THU HỒ * VƯỢT BIÊN
Bút ký của chuyến vượt biên
Thu Hồ
02-81- Cuối tháng hai, sau tết, má có xuống Bến Lức để thăm nhà và mua thêm đồ đặc để bán. Xót xa cho má và Bạch cực khổ thức khuya dậy sớm tảo tần, mua bán; tôi không giúp được gì cho gia đình, ngoài lương hàng tháng cùng với nhu yếu phẩm lảnh ở trường đem về phụ với Quế.
Tôi có nói chuyện với má một vài lần, khi hai mẹ con ngồi bên ngoài nhà bác sĩ Thăng trong lúc chờ đợi, tôi cho má hay là, tôi sẽ đi xuống Lý, có thể có chuyến đi sắp tới. Hai mẹ con nói chuyện bịn rịn, má nhắn nhủ tự lo lấy thân.
Sau khi dạy xong ngay buổi trưa ngày thứ bảy, nhờ cô học trò chở về nhà, tôi rủ Nhân đi Cần Thơ, cô bé không muốn đi, đành đi một mình. Đến Cần Thơ, gặp Phong tại nhà Lý, cháu trai, con chị Sáu của Lý, từ Biên Hòa xuống để ngày mai đi, sao mà xuống đúng lúc quá, bây giờ chợt nhớ, thật là đến đúng lúc! May mắn! Cả hai đi Cà Mau sáng ngày sau.
Tôi đợi ở quán nước, Phong đi báo cho cậu là LTN biết tôi đã đến. Anh ra và sắp xếp chổ ở cho tôi, anh dẫn tôi đến P. người con gái anh quen giới thiệu tôi là em gái.
Ở với P. vài ngày rồi N dẫn tôi đến nhà khác, Dì Hai, ở vài ngày nữa, anh bảo trong lúc chờ Q. trở về nên không ở một nơi hoài người ta để ý. Căn nhà anh luôn lui tới lại ở phía trước mặt của đồn công an, gần chợ Cà Mau. “Chổ nào nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất”. Mỗi lần ra ngoài tôi đi với trạng thái e dè; phải đi chợ mua một cái quần đen, về may, cắt lấy bằng tay vì khi xuống Cần Thơ, không ở tư thế vượt biên, chẳng mang theo, hoặc chuẩn bị cho chuyện vượt biên, nên chỉ mang thêm bộ đồ mặc ở trong nhà và bộ đồ tây màu đen đang mặc trên mình cùng một số tiền, tôi mang theo một nửa sau khi bán đi chiếc xe đạp, do chị C. gởi về. Nghèo mà đòi vượt biên! Sẽ bàn là trả vàng hay tiền sau khi đến nơi!
Gặp Q. bạn của N, kỹ sư Thủy Lâm, đã đóng tàu cùng với bạn bè đang hợp đồng chở thủy sản cho nhà nước, người thấp, với cặp mắt láo liên có vẽ lém lĩnh, mánh munh, N thường chọc ghẹo là có cặp mắt của Bác…Tối đó, Q, N và tôi đi ăn để bàn cho chuyến đi, tôi phải tiếp tục đợi chờ, gần đến rồi, lòng tôi nóng như lửa vì bỏ trường đi không có xin phép đã mấy ngày rồi, ở nhà chắc cũng nóng ruột!
Sáng hôm sau đến tìm Q, hắn muốn lấy “cái tôi có” hơn là lấy tiền hay vàng! Tôi không cần phải đưa trước. Tiến thoái lưỡng nan! Tôi đành phải nhắm mắt đưa chân, để đánh đổi một chổ đi trên tàu, mà không biết chuyến đi sẽ như thế nào, có đến nơi hay không. Cầu xin, lạy trời giúp con, thật sự con muốn đi, muốn rời khỏi đất nước này! Tôi thật sự không hối tiếc vì chuyện phải làm, tôi đã làm rồi. Cái muốn cho, tôi đã cho người tôi thương rồi; không còn gì phải nuối tiếc. Một trao đổi, mua bán không hơn không kém!
Lúc chiều, N đến thăm, còn gì buồn tủi hơn, tôi dàn dụa rơi nước mắt, N xót xa đau lòng vì anh không thể giúp gì hơn, vì mọi quyết định do Q.
Trước ngày đi, Q dẫn đến con bé tên Thu, cùng tên với tôi, con của bà K. sẽ đi vào ngày mai. Buổi trưa thấy Q. đi ngang nhà Dì Hai, tay xách hai can dầu, tôi hồi hộp nghĩ là chuyến đi sắp bắt đầu. Buổi chiều Q. đến, hắn dẫn tôi đến gặp vợ hắn cùng đứa con nhỏ, sẽ đi vào sáng ngày mai và chỉ dẫn bến đò, phải ra đó sớm mai.
Sáng sớm ngày sau đó, tôi cùng bé Thu, rời nhà dì Hai trong lúc cả nhà còn ngủ, không một lời giã từ, lẵng lặng dọn dẹp đồ đạc, rời nhà, không một lời cám ơn, thật đáng trách! Đến bến tàu, thấy H. vợ của Q., tôi yên lòng. H ôm con trong lòng ngồi ở đầu mũi đò, tôi và bé T. ngồi ở đằng sau. Ngồi được một lúc, có người đàn bà ngồi kế bên hỏi chuyện, thấy tôi lạ mặt, bà ấy bảo : “ở bến đò, có tụi công an chìm lẩn quẩn, nếu là người lạ mặt, nó sẽ hỏi và chụp bắt đó”. N dạy tôi nói là “đi thăm anh đang làm ở lâm trường”. Tôi thật sự lo sợ trong lòng, không biết Q và N có đón chúng tôi đúng lúc hay không? Thật là ngây thơ, lúc đó cũng đã 24 tuổi rồi, không biết chuẩn bị cho mình thức ăn, nước uống nên đói lả cả ngày, có lẽ nhớ lời dặn là xách đồ ít càng tốt. Một ngày ròng rã trên chuyến đò hẹp nhỏ, xa xôi! Chuyến đi bắt đầu!
Một ngày dài, chuyến đò đã cặp bến Cả Nải (?), tôi thấy Q. trên bờ, lòng mừng không kể xiết, tôi lặng lẽ đi theo Q và vợ hắn, cùng xuống một chiếc ghe ba lá, N cũng có ở trên ghe, tôi thật sự yên lòng.
N lái ghe chở cả bọn trong nhiều giờ, xuôi theo dòng sông Ông Đốc, chạy qua Năm Căn, hai bên đầy những cây mắm, cây đước, vẹt...vắng vẻ, chạy qua những đồn công an, cả bọn phập phòng lo sợ bị gọi vào – Sau này, nghe nói lại họ biết lúc đó Q. chạy ghe qua- cả bọn còn phải chờ đợi thêm ba người đàn ông nữa từ trong lâm trường ra, chúng tôi hồi hộp đợi chờ, thời gian thật chậm chạp trôi qua. Sau cùng, cũng thấy họ xuất hiện, đang lái xuồng ra để đi cùng, (Q lo cho họ vào làm công nhân trong ty kiểm lâm). Trong khi neo ghe ở bải đất bùn đầy cỏ năng mọc, một lớp đất bồi mới cho sau này, những gì mình học và đọc trong sách giờ đây mới biết và thấy tận mắt, được đến tận cùng mũi Cà Mau của đất nước VN, trước khi ra đi. Lòng thật lo âu, bồi hồi cho một chuyến đi “năm ăn, năm thua, xí mạng cùi” sẵn sàng đi tù, sẵn sàng mất việc, có gì về đi buôn với má, miễn đừng chết thôi!
Tất cả đã đầy đủ, N lái ghe trực chỉ ra cửa biển. Trời cũng đã sụp tối và tối dần, loay hoay một lúc lâu mà chưa có dấu hiệu nào của tàu lớn cả; đầy lo âu, hồi hộp lo sợ vô cùng, không thể trở vô, vì có thể bị bắt, đành phải chờ vậy! Cả bọn ai cũng đồng lòng chờ! Rồi nó cũng đến, “một ánh đèn ba chớp, ba tắt” hiện lên, đúng như “mật mã” đã dặn nhau, đành nhắm mắt đáp trả, ai cũng sợ không biết đó có phải là dấu hiệu của đồng bọn mình hay là của công an gài bẩy để bắt những người vượt biên! Thế là cả hai tàu lớn, nhỏ gặp nhau. Ôi! Đúng là người của mình! Ai nấy hân hoan leo qua tàu lớn, tôi tìm một chổ an vị ở ngoài khoan tàu, ngồi một mình lặng lẽ, chưa một lần nói chuyện với ai.
Trời tối đen, trên trời đầy sao, gió mát lạnh, lòng vẫn hồi hộp mong đừng gặp tàu hải quan hay tàu đánh cá quốc doanh. Chẳng lâu, tài công cho biết không xa có một tàu thật lớn, có nhiều ánh đèn sáng trưng, Q và N nghĩ là tàu đánh cá quốc doanh, nên bảo tài công tắt máy để không có tiếng động và khỏi bị rượt bắt…
Trời dần dần sáng, thức giấc, tôi thấy mình trên một chiếc tàu dài 12 mét, rộng khoảng 2.5 mét, chứa được 18 người lớn nhỏ, chơi vơi giữa biển khơi, mênh mông nước xanh đen ngòm. Trên tàu tôi thấy có mía, vài bao củ sắn, sò huyết, tôm khô, hình như đó là do của vợ người tài công dùng để mua bán và có hai cái lu mái vú chứa đựng nước ngọt. Được kể lại là trước khi đi, họ lên tiếng là đi đổi nước ngọt, ai ở gần đó có muốn đổi, sẽ đổi giùm cho. Thế là chiếc tàu ra đi luôn với hai lu nước của người ta! Sau đó, phải dồn nước lại, quăng đi hai cái lu để tàu được nhẹ hơn, mặc dầu tàu đã nổi rất cao trên mặt nước.
Phải hơn mười mấy giờ, con tàu đã ra đến hải phận quốc tế và máy tàu đã bị hư. Tài công và N phải thay bằng máy đuôi tôm –lấy qua từ chiếc ghe trước khi rời VN- chạy bằng dầu, tôi thấy không ổn vì không đúng nhiên liệu. Bọn đàn ông đã căng những chiếc mền, chiếc mùng, làm buồm, nhờ gió thổi con tàu trôi đi!
Trời sáng hẳn, tôi cảm thấy mệt, suốt cả ngày trước và một đêm không có ăn và uống. Tôi ăn vội một củ sắn cho đở đói, thức ăn vào bụng chưa được bao lâu những cơn nôn mữa dồn dập tới, người đầu tiên trên tàu say sóng và sau đó là những người đà bà khác đều bị cả. Trong ba ngày trời, tôi nằm liệt trong cabin tàu ói đến mật xanh không còn gì có thể cho ra nữa. Chỉ có vợ của Q. là không sao cả! Có lẽ, có chuẩn bị thuốc say sóng, nên không bị vật vã, như tôi!
N thỉnh thoảng xuống thăm, an ủi cho tôi phần nào, tôi nhận ra một người quen mặt, đó là K. cùng học Nông Lâm Súc Long An với Sang cả hai học dưới tôi một lớp; quả đất tròn! Trên chiếc tàu nhỏ xíu mà vẫn còn gặp lại người quen! K. đi với một người đàn bà có 3 đứa con nhỏ. Sau này được biết bà ấy là vợ của một thiếu tá, chồng còn đang học cải tạo!
Đến giửa trưa ngày thứ nhất, cả bọn thấy ở chân trời xa tít mù có một điểm đen, di động, Q. quan sát qua ống dòm, cho hay đó là một chiếc tàu! Trong vòng mươi, mười lăm phút tàu đó hiện rõ ra, cả bọn nhốn nháo lên, chết rồi! Đó là tàu đánh cá Thailand, Q. bảo “ bà K. và người vợ của tài công hãy vào trong cabin, kéo cửa lại”. Có 4 người đàn bà trên tàu, luôn cả tôi. Q. và N. bàn tính là làm sao để tàu của Thái ở bên trái của tàu mình, vì K. đang nhắm mũi súng M16 ở hướng ấy. Tôi nhìn qua khe gổ, thấy tàu đánh cá đang chạy song song, bên trái. Bên tàu của họ, có 3 người đàn ông; một tên mặc áo sơ mi quần jean đàng hoàng, đứng ở đầu mũi tàu, 2 tên khác trong cabin, họ mặc chỉ có một quần lót trên người; tôi cảm thấy rụng rời, run sợ, tim đập thình thịch! Tên đứng ở đầu mũi hỏi sang bên tàu chúng tôi “Có cần giúp đỡ gì không?” bằng tiếng Thái, N. vội trả lời “không cần, đi đi”. Thế mà họ bỏ đi! Có lẽ, họ thấy bên tàu này chỉ toàn là đàn ông, tất cả là 8 người, đang đứng ở khoan tàu. Trời ơi! Cảm tạ ơn trời phật đã cho chúng tôi bình yên! Tôi không biết mọi người nghĩ gì, riêng tôi vui mừng khôn xiết.
Đêm lại đến, trời tối đen như mực, chơi vơi giửa biển khơi mênh mông nước, thỉnh thoảng P. cho tôi uống chút nước, ăn chút cháo, nhưng tất cả đều đi tháo ra cả. Chỉ có N và P để mắt lo đến tôi, có lẽ nhưng người kia đều có chuẩn bị thuốc say sóng nên họ không bị vật vã như tôi. N xuống nằm với tôi trong cabin, bên ngoài thỉnh thoảng vang lên lời bậy bạ của ai đó. Một đêm nữa đi qua trong bình yên!
Mãi đến sáng thứ ba, tôi tỉnh táo dần ăn được chút xíu cháo sò huyết do P. nấu, chẳng có gì mà sao vị ngọt ngào, có lẽ quá đói sau những ngày nằm dài trong cabin. Tôi ra ngoài giúp P, nấu cháo cho mọi người, múc nước ở trong khoan đổ ra không nhiều lắm, tàu làm thật tốt còn mới tinh thơm mùi dầu chai nổi trên mặt nước thật cao. Ở đầu lòng khoan tàu, vợ chồng K. trấn thủ ở đó với cây súng M16 mà Q. và N. đã giấu được khi học quân sự để dành cho chuyến vượt biên! Còn vợ tài công, quấn quít với hắn trên mái cabin, rên rỉ khóc tỉ tê trong niềm ấm ức vì ra đi bất chợt không báo cho gia đình biết.
Trong ngày này, chiếc máy đuôi tôm chạy bằng dầu đã không còn cầm cự được nữa, chỉ còn biết nhờ vào sức gió thổi đưa con tàu đi theo hướng của la bàn mà định hướng để vào Mã Lai như dự tính. Vì chúng tôi ra đi vào tháng ba, “bà già đi biển” biển lặng, sóng yên, tôi có cảm tưởng như mình đi picnic ngoài khơi. Thỉnh thoảng còn thấy những bầy cá bơi lội, nhảy bay lên theo con tàu, sao mà êm ắng thế!
Đêm thứ ba, trời vẫn còn tối đen như mực, gió biển thổi mạnh, con tàu chòng chành lắc lư, sóng đánh dồn dập nước tràn vào khoan tàu nhiều hơn những ngày trước. Trong một khoảng xa xăm nào đó, có những đóm lửa, tài công có vẽ hoảng hốt trước những đợt sóng lớn, hắn bảo N đốt lửa lên cầu cứu, N bảo “không được, vì nếu cầu cứu, sợ rằng sẽ có tàu đánh cá của Thái đến, những việc cướp bóc hảm hiếp phần nhiều là vì nhờ vào sự giúp đỡ của họ, họ sẽ qua tàu của mình mà uy hiếp”… Tài công không ghe lời giải thích khuyên can của N, Q và đám đàn ông lại làm thinh, hắn cứ thúc giục lớn tiếng với N, hắn sợ quá rồi! N đành phải nghe theo, tôi nhìn N đốt lửa lò từ cái lò nấu ăn hằng ngày mà lòng hoãng loạn, sợ tàu Thái sẽ đến, chuyện gì sẽ xảy ra cho bọn đàn bà, cho cả nhóm người trên tàu. Chỉ biết cầu nguyện, sao những ngày này tôi cầu nguyện nhiều thế, cầu xin trời phật ở trên cao vời vợi kia nhìn xuống giữa biển khơi mênh mông cần sự cứu giúp, tôi cầu nguyện trong những ngày này nhiều hơn cả hai mươi bốn năm hiện hữu trên cỏi đời, những lần cầu xin tha thiết nhất trong đời!
Thế là trong khoảnh khắc, một chiếc tàu đánh cá chạy đến, bọn đàn bà và trẻ con rút hết vào trong cabin, chỉ còn lại đàn ông; chúng rọi đèn pha qua tàu của chúng tôi và bỏ đi! Cảm tạ ơn trời phật một lần nữa, đã giúp chúng tôi qua khỏi một hiểm họa có thể xảy đến!
Trời sáng dần, sóng biển lắc lư con tàu, đã đánh rơi làm bể cái lò nấu ăn lúc khuya khi đốt lửa cầu cứu, chúng tôi không đói vì chợt nôn nao, nhốn nháo, khi nhìn thấy dấu hiệu của đất liền ở xa xa, không biết đây là đâu, cứ chạy thẳng tới, sóng vẫn đánh dồn dập lên con tàu, có lẽ gần bờ nên sóng nhiều hơn. Cả bọn nhốn nháo lên, niềm hân hoan vô tư khi thấy bờ biển rõ dần. Ai nấy vui vẽ mừng rỡ, bàn bạc với nhau là đem cây súng giao cho cảnh sát, trên tàu còn thức ăn, chúng ta sẽ nấu ăn xong rồi hãy tìm cảnh sát…Ôi! Sao mà vô tư thế! Vậy mà phải vài giờ trôi qua, đáy con tàu đụng bải cát nhưng vẫn còn xa bờ, những người dân trong làng họ đứng đông nghẹt trên bải biển; chúng tôi vui mừng khi thấy những người đàn ông bơi ra ngoài, bọn tôi tưởng họ đón chúng tôi. Tôi và N nhảy ra khỏi tàu, tôi hụt hẫng hoảng sợ vì mực nước biển ngập đến ngực, N vội nắm tay tôi. Tôi chợt nói với N “mình bị cướp cạn rồi, anh ơi!” vì bọn đàn ông của Thái bơi lại gần chúng tôi, họ rút trong mình ra nào là dao, nào là búa. Một tên đến gần, chụp vào túi áo trên ngực tôi, hết hồn! Tôi vội móc ra, chỉ là chai dầu xanh! Lên đến bải, tôi nhìn lại chiếc tàu của nhóm, bây giờ chỉ còn lại cái sườn trơ vơ trống lốc, họ đã nạy lấy những mảnh ván của con tàu một cách thật nhanh chóng không ngờ được. Có lẽ họ tìm vàng! Không biết vợ chồng K. có mất mát gì không? Tôi chỉ tiếc cái túi xách của tôi, có hình của LNT trong bóp tay, tôi mang theo mình. Tôi nghĩ thầm, tôi thật sự đã rời xa VN, thật sự xa mất anh rồi, xa anh nghìn trùng, từ nay!
Tôi và N đến sau cùng, bọn người Thái đứng vây quanh chúng tôi thành một vòng tròn. Họ nói xí xô, xí xào chỉ trỏ con bé của Q. chưa đầy một tuổi gầy gò, èo uột. Q. và N. nói với họ gọi cảnh sát giùm chúng tôi. Bấy giờ, tỉnh táo lại sau khi được những người già, những người đàn bà giúp đở, mang cơm và nước đến cho chúng tôi dùng. Tôi hỏi N đưa tôi đi restroom, trở ra, tôi chợt cười ngất; N hỏi việc gì mà cười vui vậy, mắc cở quá! Tôi bảo rằng cái quần đen đang mặc, may bằng tay ở Cà Mau, xuống nước biển khi lội vào bờ đã rách lủng đáy rồi. Tôi chẳng hay biết gì cả, vậy mà đã ngồi thoải mái, hèn chi cảm thấy mát mẻ quá trời!
02-03-81- Đoàn người chúng tôi phải chờ đợi hơn 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy cảnh sát đến. Dân làng ở đây cho biết, nơi đây là một làng đánh cá tên là Huasai, ở phía nam của Tháiland, cách xa Mã Lai đến 500km, theo dự tính là nơi phải đến Thế mà nhờ gió thổi con tàu hư máy tấp vào đất Thái. Họ bắt đầu hỏi chúng tôi có vàng không họ muốn mua!
Cuối cùng cảnh sát cũng đến, đầu tiên tên đại úy người Thái, bảo chúng tôi đứng thành một hàng, hỏi có mang vàng không, hắn muốn mua lại; không ai trả lời, hắn đi xét từng lai áo, từng cổ áo của từng người. Thế là cũng lòi ra những tên cướp cạn không hơn không kém!
Sau cùng, cảnh sát chở chúng tôi về trại, nơi đây là một cái nhà, chung quanh trống trải, không có vách, nền ciment. Làm giấy tờ xong, họ phát cho thức ăn, gạo để nấu ăn trong khi chờ đợi Hồng Thập Tự đến.
Ở đó, đã có 38 người của hai chiếc tàu riêng biệt. Mỗi chiếc đều bị hải tặc tấn công 6 và 9 lần. Trong nhóm đó có gia đình của bà Sáu, vợ một trung tá, đẹp, chồng còn đang học tập, dẫn 4 cô con gái và một cháu trai ra đi; cả nhà đều bị hải tặc hảm hiếp, tội nhất là cô bé mới 14 tuổi nhỏ nhất nhà đã gần ba tuần qua mà vẫn còn đi khấp khểnh đau đớn!
Họ bảo ghe của chúng tôi rất may mắn, chỉ bị cướp cạn, coi chừng tên đại úy cảnh sát,trại trưởng, hắn để ý ai xinh trong đám, nằm ở chổ nào; đêm đến, hắn đi “mò” đó. Đàn bà ngủ một mình coi chừng hắn đó! Tôi nghe mà phát hoảng!
Đêm ấy, tôi kiếm một chổ ở giữa đám để nằm, N đến cùng với tôi! Còn những ai nữa để tôi có thể nương tựa vào lúc này ngoài N và cháu của anh; chung quanh tôi, Q , K và tài công có vợ ở kế bên, còn lại 4 tên đàn ông độc thân tại chổ!
Đêm đầu tiên ngủ ở trên nền đất Thái, tôi có cảm giác nổi trôi bềnh bồng của những ngày trên biển, tôi nằm mơ thấy mình vượt biên cùng với LNT, không là LTN, mặc dầu N đã chăm sóc, lo lắng những ngày qua, mơ thấy đám học trò ở khu nội trú…Tôi đang mơ màng với giấc mộng, chợt nghe tiếng động, tiếng chân của ai đi đến. Lắng nghe, bước chân đến gần, gần hơn, đi qua nơi tôi nằm, ngồi xuống chiếc mùng kế bên. Đó là chổ của vợ chồng bà K. may mắn, có K nằm trong đó, phía bên ngoài! Hắn đứng dậy bỏ đi! Tôi đánh thức N và nhận dạng được hắn nhờ ánh đèn chiếu bên ngoài, à! thì ra là tên đại úy, lúc chiều đã được nói đến.
Những ngày sau đó là những ngày thật an nhàn, chỉ biết đợi chờ HTT đến và Cao Ủy đón về trại tị nạn, từ đó mới có thể đi sớm được. Bọn tôi chia nhau nấu cơm, ăn rồi ngủ và viết thư báo cho gia đình biết là đã đến nơi. Nhóm 38 người đã được đưa về Trại Tị Nạn Songkhla. Chúng tôi, người ở lại được bàn giao công việc của những người ở xung quanh trại nhờ chúng tôi làm. Tôi và bà K có công việc giặt giũ áo quần của một gia đình, một thau quần áo to lớn, nhìn thấy mà rụng rời tay chân, thế mới biết kiếm được đồng tiền quí giá như thế nào, nước mắt và mồ hôi!
Được một tuần, tôi và P. kiếm được một ít tiền bèn rủ N đi chợ. Sau năm 75, nhiều năm chúng tôi không có những thứ tiêu khiển hưởng thụ xa xỉ, thời gian đó không có gạo trắng để ăn, nói gì đến uống Coca Cola. Được chai nước ngọt lạnh ngắt, tôi hút một hơi mạnh, dài, hơi gas xông lên đến tận hốc mũi, tôi có cảm giác muốn nín thở cay cay khó chịu. Bài học đầu tiên tôi tởn đến già! Bây giờ chỉ uống từng ngụm nhỏ thôi. Sợ rồi!
Chúng tôi mua sắm thêm những đồ cần dùng, khi trở về, đi ngang qua đám thanh niên Thái, họ gọi chúng tôi “Yuồn! Yuồn!” trong tiếng gọi đầy giọng miệt thị, khinh khi! Chúng tôi lẳng lặng nhanh chân trở về trại. Đó là lí do chúng tôi không dám ra khỏi trại cảnh sát một mình.
Hôm sau, được rảnh rổi N dẫn tôi đi cùng với Q đến bệnh viện, lấy nước tiểu, tôi không hiểu để làm gì? Trở về tôi hỏi N, anh nói “thấy T có vẽ tròn tròn, anh sợ T có thai, nên dẫn đi check?!!” Ngày sau, tôi cho N biết “đừng lo, T đã có rồi..” N thở phào nhẹ nhỏm vì anh sợ, nếu có gì sẽ rắc rối cho cả hai(?), cho việc đi định cư!
Tuần lễ thứ hai, chúng tôi được hội từ thiện CARE của Mỹ đến ủy lạo; họ nhận gởi thư từ của chúng tôi và cho mọi người một túi xách với áo quần và những đồ cá nhân cần dùng.
Sang tuần lễ thứ ba, chúng tôi được đưa đi Songkhla, sẽ không còn thoải mái bằng những ngày ở tại đây. Giả từ Huasai! Nhóm chúng tôi đến trại, được ban an ninh giử bên ngoài cổng trại; được tiếp đón bằng một màn phỏng vấn lý lịch sơ khởi, trước khi cho vào bên trong. Bước qua cổng, nhìn thấy rừng người đứng đón chào để nhận diện người quen. Tôi nghe có người gọi tên, à gia đình của cô Hai Bé ở cùng phố; đã có người quen. Thời gian này trại thật đông người, không còn chổ cho ghe (không gọi là tàu) của chúng tôi ở trong barrack, phải ngủ tạm ngoài bải biển cho đến khi nào barrack trống.
Buổi trưa ở trại, trời nóng, nắng gay gắt chói chan, phản chiếu ánh cát vàng của bải biển đông, đầy người. Nước biển trong xanh, người lớn bơi lội, trẻ con chơi đùa tung tăng trên cát tận hưởng giây phút yên bình thoải mái với những làn sóng nước ấm mát. Chúng tôi được phát chiếu mùng mền và được giới thiệu về sinh hoạt, điều lệ của trại yêu cầu mọi người phải tuân theo và thay phiên nhau làm vệ sinh để giữ trại được sạch sẽ.
Trại được điều hành bởi ban đại diện trại có trại trưởng, có tất cả ban ngành như trật tự, an ninh, thông tin, thư tín, thông dịch, phân phối thức ăn…có cả chùa và nhà thờ, có trung tâm phụ nữ dành cho phụ nữ đi một mình ở nơi đó. Trung tâm sinh hoạt dành cho thiếu nhi mà những người phục vụ là các anh chị tị nạn của trại.
Ánh nắng chiều nhạt dần, mặt trời xuống tận chân trời, nhường cho bóng đêm chúng tôi sẽ ngủ trên bải biển như mọi người đến trước, vẫn chưa có và còn đợi chổ.
Buổi tối lúc 7pm, giờ phát thanh của ban thông tin, đọc tin tức, thơ, văn nghệ, nhắn tin. Mọi người đem chiếu mền ra bải sửa soạn chổ ngủ. Đến 9pm, tắt đèn, giờ đi ngủ. Ở trại có ban an ninh, nên cảnh sát Thái không vào bên trong trại, nhưng đừng để xảy ra chuyện, nếu có lộn xộn chúng nó ở ngoài cổng vào can thiệp rất phiền, chúng đánh người rất dã man!
Bầu trời tối đen đầy sao, gió mát lành lạnh, tôi thích ngắm nhìn những vì sao, trong những đêm tối trời, hay ngắm ánh trăng vàng vào những đêm trăng tròn. Nhìn mọi người nằm sấp lớp trên bải biển giống như cá mòi trong hộp! May là thời gian này vào mùa khô ráo, không bị mưa nếu có mọi người sẽ khổ sở đến dường nào.
Tôi nằm ngủ trên bải cùng với N nói về những ngày sắp tới, chưa biết sẽ ở trại bao lâu; ngày mai sẽ đi thăm gia đình cô Hai để hỏi thăm tình hình của trại. Ngước nhìn mọi người chìm đắm vào giấc ngủ, có người đã rơi vào giấc mơ ú ớ vang vọng lại, chắc không ít người đã để hồn mình trở về chốn cũ, quê nhà!
Gia đình cô Hai ra đi vào lúc Tết, ở chợ lúc ấy có nhiều người ra đi như Nhuẫn với Trang, tôi nhớ khi nghe các em cho biết tôi thật sốt ruột, nóng lòng muốn đi gặp Lý. Cô Hai cho biết phái đoàn Mỹ trong đó có một người với hổn danh “ông Gà Đá” rất khó vì hầu hết nhiều người bị bác đơn đi Mỹ, thiên hạ kêu rêu vì vậy! Cùng lúc, cho biết pháí đoàn Úc rất chuộng những người trí thức, độc thân được nhận một cách dễ dàng và cấp thêm đất đai cho canh tác (?). Không biết thực hư như thế nào, tôi liền viết thư cho chị C. nói cho chị biết như vậy; được thư chị cho biết là “người ta đã bảo rằng không nơi nào trên thế giới này hơn Mỹ(?)!”
Hai ngày sau, chúng tôi là Q, N và tôi được gọi tên và được đưa ra Songkhla. Tôi thắc mắc không biết việc gì. Tuần tự chúng tôi được gọi tên, được nói chuyện với một người Việt, sau này biết tên là CvH làm cho ban an ninh trại hợp tác với an ninh Thái phỏng vấn, điều tra những ai còn là công nhân viên nhà nước làm việc sau năm 75.
Tôi được H hỏi những câu hỏi về nơi làm việc, ai là ban lảnh đạo, nói thật chi tiết về họ, tên tuổi, sinh hoạt, tính tình, hình dáng…viết ra tất cả, giống như làm bảng tự kiểm, bảng lý lịch vậy! Tôi nghĩ thầm, ra khỏi VN rồi mà vẫn còn làm tự kiểm. Ối gizời ơi! tưởng tra tấn gì thì sợ, chứ bắt viết thì tôi viết cho mà xem. Thế là, chúng tôi mỗi người một phòng riêng vắng vẽ, yên tịnh, tha hồ viết “tự kiểm lý lịch nghề nghiệp bản thân”, từ nơi ăn chốn ở những sinh hoạt nơi làm việc. Bánh, nước uống được đưa vào, có cần đi restroom thì tự nhiên. Sau màn huấn thị, H rời phòng, tôi lấy lại tinh thần rồi đặt bút xuống viết không ngơi nghỉ, những dòng chữ tuôn tràn trên mặt giấy như có dịp được bày tỏ ý nghĩ, cảm tưởng của mình sau 5 năm ở lại trong nước .
Vừa hoàn tất cũng vừa đến giờ ăn trưa, nghỉ đến 2pm chúng tôi được gọi vào làm việc tiếp. Đầu tiên, H chào và cất tiếng khen ngợi bài viết “ chị viết hay lắm đó” để rồi chất vấn lại những gì tôi đã viết. Tra hỏi việc tôi được kết nạp đoàn, tôi bảo với anh ta “Trong lý lịch của tôi ở trường, tôi được xếp vào diện gia đình có người đi Mỹ, ba tôi là giáo viên dạy học suốt cuộc đời của ông, bị mất việc sau đó, tôi không phải là thành phần nồng cốt của họ, nhưng gần ra trường mình không có làm gì xấu, họ phải kết nạp thôi. Sống ở đâu thì theo đó!” CvH không có ý kiến gì cả. Tôi được ra về, Q và N bị đi thêm ngày thứ hai.
Những ngày ở trại sau đó tôi có gặp anh Trí, khoa Nông nghiệp cùng lớp với TTHạnh đến được nhiều tháng, đang điều chỉnh hồ sơ và đợi hôn thê ở Mã Lai sang nhập hộ, cho biết có tin anh Khang cùng khóa Nông Nghiệp , anh Cường. khoa Công Nghiệp đang ở Mã Lai. Một hôm, chúng tôi biết sẽ có ghe mới đến, tôi cũng ra đứng đón để tìm người quen. Họ đến, từng người đi qua tôi nhận ra một người học khoa Công nghiệp, khóa 74, cùng trong đội đá banh với LNT tôi không biết tên. Tôi mong ước được gặp chị T.của tôi ở đây! Chị đã đi cả tháng, ở nhà trông tin.
Thời gian chậm chạp trôi qua, tôi nhận được thư chị C kèm tiền và hình của gia đình chị có cả T. em anh Đ. đã qua được một năm. Chị thật vui mừng khi biết tôi đã qua đến trại, đang xúc tiến hồ sơ bảo lảnh, tôi hơi thất vọng vì chị không đề cập bảo lảnh cậu cháu của N. N đành phải đi theo diện nhà thờ vậy.
Ở trại lâu ngày, tôi biết có rất nhiều chuyện, nhiều hoàn cảnh đau thương, khốn khổ ở trần gian đều có thể xảy ra ở đây. Gia đình tan nát, mất mát vợ chồng con cái với ghe không số một người, không chỉ cho đàn bà con gái mà với đàn ông cũng xảy ra rất nhiều. Có một hôm buổi trưa, tôi ngồi thơ thẩn trên bải biển, thấy có một cô gái từ xa đi lại hỏi thăm về trại. Tôi chỉ dẫn cô, đến chiều tôi biết cô ta bị bắt cóc bởi người đánh cá Thái, cô ta trốn khỏi và tìm đến trại. Mừng cho cô ta!
Được hơn hai tháng ghe chúng tôi được gọi tên lên là bổ túc hồ sơ, tôi không có tên. Tôi bật khóc vì tủi thân hoảng sợ, N sẽ đi và tôi sẽ ở lại một mình khi đứng trốn vào một góc vắng người, tôi buồn quá! Sau khi phỏng vấn xong, N ra tìm gặp tôi với cặp mắt đỏ hoe, anh an ủi rồi sẽ đi mà! Hai tháng sau, tôi cũng có tên chuyển trại cùng với N và P. ôi! Tôi vui mừng không kể xiết.
Chuyến đi dài cả ngày đến trại Panatnikhom, tôi ở một lô khác với N và P và những người đi cùng ghe. Tôi có đến chổ ở và thấy đám đàn ông con trai đầy trong lô, tôi sợ quá, liền nói với lô trưởng tôi sẽ ở với bạn tôi nơi khác. Những ngày ở đây chúng tôi được học một lớp về văn hóa mới khi đến quốc gia thứ ba, những lớp Anh văn do các người ngoại quốc thiện nguyện dạy…
Chuyến đi cho N và P cũng đến, tôi và N thức trắng cả đêm bên nhau, đến sáng cả hai đi nhà thờ nhắm mắt cầu nguyện mà muốn ngủ luôn, hai mí muốn nhíp lại, đầu gật lên xuống, thật mắc cở! Tôi tiển hai cậu cháu, nhìn anh ổn định trong hàng, tôi quay trở về vì không mở mắt nổi; sau này nhận thư anh trách tìm hoài không thấy tôi đâu.
Lúc này, tôi về nhập bọn với nhóm Tin Lành với Sơn, với Khoa, với Thê, chị Cần chị Hương, tôi quen K. và H. cũng vui, đỡ lo buồn. Q. có đến tìm tôi vài lần, hắn muốn tiền và không biết có còn gì nữa không? Tôi làm lơ, anh đã lấy phần đặt cọc rồi, đừng hòng đòi thêm, thỉnh thoảng tôi thấy vợ hắn đi qua chổ tôi ở, có lẽ tìm hắn…Tôi nhớ một hôm, buổi chiều 5pm có lễ chào cờ, S đứng ở cửa sổ liền bỏ vào ngồi xuống vỏng; vừa chấm dứt bài hát quốc ca Thái, tôi thấy tên cảnh sát Thái đi sồng sộc vào lô tôi đang ở. Hắn bắt S. quì xuống tán cho S một bạt tai và xí xô xí xào, người thông dịch cho biết S không chào cờ. Tôi không ngờ hắn thấy. May mắn cho S. hắn tha, hên! nếu gặp thằng hung dữ chúng đấm đá mất dạy lắm.
Trong lô, có cặp vơ chồng trẻ có hai con, đi Úc bạn của Sang, khi biết tôi học Nông lâm súc Long An. Ra trường, Sang về Rạch Giá, từ đó tôi biết tin về LNT đang sống với một người đàn bà ở RG, đó là lý do tôi không trả lời thư anh khi nhận được, lúc ở trại TháiLand.
Lần lượt K đi San Jose, H đi Utah, một tuần lễ sau ngày 30-09-81 tôi cũng có tên đi. Mừng rỡ vô cùng! nếu bị lọt sổ đợt này, tôi sẽ đi qua Galang, Indonesia như Sơn, mặc dầu còn độc thân. Chính sách tị nạn bắt đầu thay đổi, các trại tị nạn ở Thái sẽ đóng cửa vào cuối năm 81.
Giả biệt TháiLand!
Thu Hồ
BS. ĐẶNG NGỌC THUẬN * TÔI NẰM BỆNH VIỆN
TÔI NẰM BỆNH VIỆN
BS. ĐẶNG NGỌC THUẬN
Uống bậy 2 viên thuốc, phải nhập viện. Uống đúng 2 viên thuốc, được xuất viện. Bệnh nhẹ hóa ra bệnh nặng, nguy hiểm chết người. Nguyên do chỉ vì ỷ mình cũng biết thuốc men nên chủ quan tự chữa trị. Câu chuyện của tôi thật ra chỉ giản dị có thế, song muốn nhân dịp này kể lại quý vị nghe những gì tôi đã trải nghiệm khi nằm trong bệnh viện như một bệnh nhân, chứ không phải trên cương vị một bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân nằm tại viện.
Kể ra cũng là một điều lạ vì đã 82 tuổi đầu tôi chưa phải nằm bệnh viện bao giờ. Rồi mãi sau gần 10 năm hưu trí tôi phải nhập viện cấp cứu. Một lần cách đây gần 25 năm tôi có bị một cơn bệnh“gút” (do tiếng Pháp goutte và tiếng Anh gout) khá đau ở ngón chân cái song uống thuốc giảm đau, đi khập khiễng mấy ngày thì khỏi ngay và không bao giờ bị lại nữa, mặc dầu tôi không uống thuốc ngừa Allopurinol vì thuốc này rất hại thận mà tôi vốn bị suy thận kinh niên không biết lý do (idiopathique) từ rất lâu, nhiều năm rồi.
Xin lưu ý suy thận (insuffisance rénale) chứ không phải yếu thận vì theo y học cổ truyền âm dương hụ hợ thì có nghĩa là bất lực (impuissance)
Đầu tháng 03/2016, tôi thấy đau ở đầu gối bên trái và thầm nghĩ là tuổi già cũng bị mòn khớp như ai, cứ năng đi bơi mỗi sáng ở YMCA chắc rồi cũng bớt thôi. Nhưng khác với dự đoán, đầu gối ngày một đau thêm, đau như cắt da cắt thịt (hèn chi tiếng Việt gọi bệnh này là thống phong) và nhất là cứ sưng vù lên, cho dù uống bao nhiêu Tylenol cũng vậy. Đến ngày chủ nhật 13 tháng 03 thì quá đau phát khóc, tôi lục lạo trong tủ thuốc thấy 2 viên Codéine, bèn lấy ra nuốt chửng luôn 2 viên một lúc. Nào ngờ tuổi đã cao, thận lại yếu đâu còn sức chịu đựng loại thuốc ma túy giảm thống khá mạnh này. Tôi hết đau song lăn ra ngủ ly bì suốt hai đêm một ngày, không ăn không uống.
Nhà tôi mới đầu cũng mừng vì thấy tôi hết đau lại ngủ ngon hơn bao giờ hết, nhưng sang ngày thứ ba 15 tháng 03 thì bà ấy phát hoảng phải nhấc điện thoại cầu cứu cháu lớn làm nghề bác sĩ chuyên ngành cấp cứu. Cháu ở xa chúng tôi đến hơn một giờ lái xe nhưng vội chạy lại ngay vì như cháu nói trong điện thoại :
- Bố vốn yếu thận mà 2 ngày không ăn còn được chứ không uống thì nguy hiểm lắm đấy ! Con sẽ đến ngay xem tình trạng bố ra sao.
Khi thấy tôi nằm ngay đơ say sưa ngủ, gọi cũng chỉ trả lời nhát gừng thì cháu nói ngay, chẳng cần khám xét hỏi han gì thêm :
- Không xong rồi, bố bị khô nước phải đưa đi bệnh viện tiếp nước biển ngay mới được. Để lâu bố sẽ bị hôn mê, không phải vì bệnh “gút” mà vì tắc thận (renal failure). Mẹ chỉ cần xem môi bố khô như muốn tróc ra thì biết bố thiếu nước đến độ nào!
Cháu bàn với nhà tôi :
- Đưa bố vào bệnh viện ở Montreal, con e sẽ phải chờ đợi lâu lắc lắm. Chi bằng mẹ để con chở bố vô bệnh viện con làm, tuy xa song con nói các bạn đồng nghiệp của con và nhân viên điều dưỡng của bệnh viện sẽ lo ngay cho bố tức thời và kỹ lưỡng. Mẹ sẽ thấy ở tỉnh nhỏ dân tình rất hiền hòa tử tế, chứ không hỗn tạp lôi thôi như ở thành phố đâu !
Quả thật đến bệnh viện, tôi được đưa ngay vào phòng hồi sinh và chuyền nước biển vô tĩnh mạch, sau khi cô điều dưỡng viên đã rút đến 5-6 ống máu để mang đi thử nghiệm tức khắc. Bà Anne M. bác sĩ phụ trách hồi sinh vừa khám bệnh tôi vừa gắng hỏi chuyện, tôi thều thào nói câu được câu không, song khi tôi tiết lộ tiền căn có bệnh “gút” thì bà ấy quả quyết là tôi bị cơn “gút” tái hành, rất phù hợp với thử nghiệm lượng acide urique trong máu quá cao. Thế nhưng cơ nguy là vấn đề thiếu nuớc làm “khô thận” và đó là hậu quả của 2 viên Codéine tôi đã uống tẩm bậy tầm bạ trong cơn bĩ cực lại không muốn phiền đến con cái !
Bà Anne M. đon đả trấn an tôi :
- Tôi sẽ cho ông nhập viện lên phòng nằm vì phải tiếp nước cho đủ mới cho ông uống Colchicine bài trừ acide urique được. Tạm thời ông chỉ được uống Tylenol liều cực mạnh giảm đau mà không hại thận. Lên trại sẽ có bác sĩ Bernard B. là bác sĩ điều trị trực tiếp của ông. Tôi cũng sẽ hội ý với bác sĩ Sylvie F. chuyên môn về thận góp ý về trường hợp của ông. Sylvie biết ông nhiều vì từng theo dõi chứng suy thận của ông.
Sở dĩ bà ta biết được hồ sơ bệnh lý của tôi là nhờ hệ thống điện tử DSQ (Dossier-Santé, Québec) nối liền các cơ sở y tế toàn tỉnh bang để các nhân viên có phận sự có thể tham khảo bất cứ ngày giờ nào. Tôi lại thều thào :
- Sao bà không cho chụp hình cái đầu gối khốn khổ này của tôi ?
Bà Anne thẳng thắn trả lời :
- Vì tôi không thấy có chỉ định y học (indication médicale). Bệnh ông đã được chẩn đoán chính xác, không cần chụp tia phóng xạ, song ông đã muốn thì tôi chiều ý. Chụp hình rồi có khả năng ông bị chọc kim vô khớp xưong lấy nước (ponction articulaire) và bị nhiễm trùng thì phiển phức lắm .Tuy nhiên lên trại các bác sĩ sẽ họp bàn lại. Có thể bác sĩ Isabelle D. chuyên môn về phong thấp sẽ được tham khảo.
Do đó tôi được đưa đi chụp hình trước khi chuyển lên trại gặp bác sĩ Bernard B. một con người rất điềm đạm song cởi mở và thân thiện. Tôi lại nhắc đến nỗi thắc mắc đầu gối sưng to và đau quá, uống Tylenol chẳng ăn nhằm gì. Ông ta ôn tồn trấn an :
- Vấn đề này, tôi sẽ mời bà bác sĩ Isabelle D. chuyên khoa phong thấp lên tham vấn giải quyết cho ông. Duy có điều theo lời dặn của bạn tôi là François con trai ông, tôi khuyên ông hãy tạm quên “cái y học của ông” đi và để chúng tôi làm “cái job” của chúng tôi là săn sóc ông thật kỹ càng, có lý luận phân tích, theo đúng sách vở.
Ôi nghĩ mà buồn một phút cho thân phận người y sĩ già nua đã về vườn mà còn cố bám lấy cái nghiệp vào thân. Song thật tình tôi không giận họ vì thấy rõ họ tay nghề thật giỏi, ngay thẳng và có thiện tâm giúp đỡ mình. Kể cả khi bà Sylvie F. là bác sĩ chuyên khoa thận từng theo dõi và biết rõ chứng suy thận của tôi, đến thăm tôi bên giường bệnh, thẳng thừng chỉnh tôi:
- Tôi nghe François nói ông ăn uống bê bối lắm (grand amateur de la malbouffe) nhất là mỗi ngày uống cả lít Coca-Cola. Đã thế tôi gửi ông đi tham vấn dinh dưỡng viên, ông cũng chẳng thèm nghe lời. Để tôi nói cô dinh dưỡng viên đến gặp ông ngay đây, cấm chỉ mọi thức ăn bậy (junk foods). Còn cái đầu gối sưng thì để Isabelle toàn quyền vì bề nào hiện nay chuyện thiếu nước của ông không cho phép ông uống Colchicine ngay được. Thuốc này gây tháo dạ, ỉa chẩy ghê gớm lắm, làm ông càng thiếu nước thêm.
Chiều tối hôm ấy, bác sĩ Isabelle D. đến thăm bệnh tôi hết ngắm nghía mấy tấm phim lại nắn bóp cái đầu gối của tôi. Lúc sau bà ấy mới tuyên bố, vẻ mặt đắn đo suy nghĩ :
- Ông đau là phải vì trong khớp xương của ông tràn đầy nước. Tôi nghĩ phải chọc kim rút nước ra cho ông đỡ đau và chính tôi mang nước ấy đi soi kính hiển vi xem có tinh thể urate (cristaux d’urate) không vì đó là bằng chứng cụ thể nhất của bệnh “gút”. Sau đó tôi sẽ cho cấy trong 48 tiếng đồng hồ nước ấy xem có vi trùng nào mọc không. Nếu không tôi mới dám chích Dépo-Medrol chống viêm dài hạn. Sở dĩ phải vậy vì nếu đầu gối ông đã nhiễm trùng thì Dépo-Medrol sẽ càng làm nhiễm trùng hơn, có thể đưa đến “choáng” vì nhiễm trùng máu (choc septicémique), nguy hiểm lắm. Tôi nghĩ sáng mai Sylvie và Bernard có thể bắt đầu cho ông uống Colchicine và ông sẽ được xuất viện, hoàn toàn bình phục trước cuối tuần này.
Tôi hiểu ý bà ấy là không muốn nối dáo cho giặc, gà què chữa thành gà toi.
Thật đáng cảm phục thiện chí của người thầy thuốc, tận tâm giải thích cho bệnh nhân nghe, hành động dám lãnh trách nhiệm, với tinh thần hợp tác cùng équipe trị bệnh. Bà ấy còn trấn an tôi :
- Tôi sẽ chích thuốc tê rồi mới dùng kim lớn chọc vô đầu gối để lấy nước ra. Ông sẽ không cảm thấy gì cả, mà ông có sợ đau không ?
Tôi ra mặt dũng cảm :
- Kim chích của bà thì nhằm nhò gì với cái đau của bệnh “gút”. Người Việt chúng tôi gọi bệnh đó là “thống phong” mà ! Hơn nữa bà phải biết là tôi ở tù CS 4 năm, vượt biên lênh đênh trên biển đói khát cả mấy tuần lễ mới được cứu sống. Đời tôi đau khổ đã nhiều, bà ạ !
Bà ta mỉm cười khẽ nói :
- Ôi mà thời bĩ cực đã qua rồi (le pire est fait) vì giờ này ông đang ở Canada, ông không biết hay sao ?
Rồi bà thong thả đi kiếm đồ nghề rút nước trong đầu gối tôi ra, rất nhẹ nhàng chính xác song được đến mấy chục cc đầy 2 ống xét nghiệm bằng thủy tinh. Đầu gối tôi xẹp trông rõ và tôi tức khắc thấy nhẹ hẳn người, co chân lên đến phân nửa mà không đau đớn gì. Tôi cám ơn rối rít và tôi cảm nhận bà ta cũng tự tin, khoan khoái vì thấy công việc mình làm có hiệu nghiệm cho con bệnh. Trước khi ra khỏi phòng, bà nói :
- Tôi sẽ tự tay xét nghiệm ống nước này xem có tinh thể urate không. Còn ống nước kia thì để nhân viên phòng xét nghiệm cấy lên môi trường cho vi trùng mọc, nếu có.
Nửa giờ sau bác sĩ Isabelle D. trở lại, vui vẻ báo tin mừng là chính mắt bà đã thấy cả đống tinh thể urate bao quanh bởi cả chục sư đoàn bạch cầu đang tìm cách tiêu diệt giặc urates bằng cách ‘‘ăn sống nuốt tươi chúng”. Và bà hẹn 2 ngày sau sẽ trở lại tiêm Dépo-Medrol cho tôi, nếu kết quả thử nghiệm cấy trên môi trường không phát hiện ra vi trùng.
Quả thật sáng hôm sau bác sĩ điều trị Bernard B. đến thăm bệnh tôi và báo tin cho tôi biết là sau khi hội ý với bác sĩ Sylvie F. họ đồng ý bắt đầu cho tôi uống Colchicine, song cũng vì tình trạng suy thận của tôi, chỉ cho uống 2 viên chia làm 2 buổi sáng mà thôi.
Chứng nào tật nấy, tôi lại lên tiếng hỏi:
- Xin lỗi ông cảm phiền cho tôi hỏi một câu, một câu mà thôi.
Ông ta vội trả lời :
- Không, ông cứ hỏi chứ ! Đó là quyền của ông và bổn phận chúng tôi ở đây, cái job chính là phải làm sáng tỏ mọi thắc mắc của bệnh nhân.
- Hôm qua ông khuyên tôi hãy quên cái y học của tôi đi, song thật tình tôi không biết hay đã quên Colchicine thuộc loại thuốc gì và cơ chế tác động của nó thế nào ?
Bernard nở một nụ cười thật tươi và giảng cho ông bác sĩ già‘‘gần đất xa trời’’ hay Colchicine là một loại thuốc chống viêm rất xưa, đặc biệt hữu hiệu cho viêm khớp do tinh thể urate bị bạch cầu nuốt trọn (phagocytose) và đóng tụ tại chỗ. Song tác dụng của Colchicine khá chậm, nhiều khi phải cả tuần khớp xương mới bớt sưng. Ấy là chưa kể Colchicine còn khá độc cho cả gan lẫn thận, nhất là đại trường vì thường gây ỉa chảy rất dữ dội
- Chính những lý do ấy làm chúng tôi rất ngần ngại kê toa Colchicine song ông buộc phải uống thì đầu gối mới thật sạch tinh thể urate. Nay tình trạng tổng quát của ông đã khá nhiều do dung dịch Normal Saline truyền vô tĩnh mạch và do Isabelle đã rút bớt nước trong khớp ra. Vậy hôm nay ông hãy chuẩn bị ‘‘Tào Tháo sắp đuổi ông đấy’’ ! Tạm dịch tự do : ‘‘Vous allez avoir Mr Choléra courant après vous’’
Ôi thật là khủng khiếp cái nhà ông Tào Tháo Canađiên này ! Thoạt đầu tôi mắc đi cầu lắm lắm mà sao rặn mãi không ra, sau tôi mới sực nhớ ra (nhờ cái y học vừa lỗi thời vừa cổ lỗ sĩ của tôi) là Codéine gây táo bón không thua gì Colchicine gây tháo dạ. Quả nhiên tôi phải lấy 2 ngón tay moi ra một cục phân cứng ngắc như đá sỏi, đóng chốt ngay cửa hậu môn. Cửa vừa được mở ra thì ôi thôi sâm banh tuôn ra như suối Lồ Ồ.
May thay viên Colchicine thứ 2 bớt hành tôi nhiều và chiều hôm ấy đúng như lời hứa, bác sĩ Isabelle D. trở lại tươi tỉnh loan tin kết quả cấy vi trùng âm tính và bà ta sẵn sàng tiến hành việc tiêm nhiễm (infiltration) đầu gối tôi thuốc chống viêm dài hạn Dépo-Medrol, nếu tôi đồng thuận. Dĩ nhiên tôi gật đầu lia lịa vì chịu hết nổi Colchicine rồi mà đầu gối còn đau khôn xiết.
Vẫn bằng động tác nhẹ nhàng hôm trước, bà bơm vào đầu gối tôi một lọ Dépo-Medrol rồi thản nhiên đứng bên giường chờ phản ứng của tôi. Chừng 5-10 phút sau, bà nói tôi thử co chân lại xem sao. Thật như phép lạ nhờ thuốc tiên, tôi gập hẳn đầu gối lại không chút đau đớn !
- Vậy thì sáng mai tôi nói Bernard thử máu kiểm soát rồi nếu bình thường trở lại thì ông có thể yên tâm xuất viện ngay chiều mai được.
Đuợc lời như cởi tấm lòng vì nằm bệnh viện dù được săn sóc tử tế kỹ lưỡng thế nào, tôi vẫn có cảm giác như tù giam lỏng. Đấy là còn nhờ có nhà tôi sáng lái xe đi tối lái về, luôn luôn ở bên tôi, lo lắng nâng đỡ ông chồng bị cơn ‘‘gút’’ nó hành hạ. Vậy mà con tôi kể rằng có nhiều bệnh nhân bản xứ hẳn hòi khỏi bệnh rồi mà đuổi cũng không chịu về. Quả thật nếu chẳng may mình phải ăn xã hội, thì nằm viện no cơm ấm cật, có người chăm sóc tắm rửa lại chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào thì tội gì mà không kéo dài ngày nào hay ngày đó.
Thế mà sáng hôm sau nóng ruột hết đứng lại nằm chờ mãi cũng không thấy ông thầy Bernard đến cho tin tức. Nhà tôi phải an ủi, theo cách của bà ấy :
- Anh phải hiểu là người ta còn trăm công nghìn việc khác nữa chứ bộ cả cái bệnh viện này chỉ có anh là bệnh nhân hay sao ? !
Nhưng rồi xế trưa thì chàng cũng đến, mặt không mấy vui :
- Máu của ông tốt rồi đấy. Duy có chất potassium thì còn hơi cao, những 5.8 mmol. Tôi đoán là bà Sylvie F. cho ông uống thuốc lợi tiểu ở nhà nhưng vô đây ông bị khô nước, bà ấy đã cắt bỏ nên chất điện ly K (électrolyte K) mới tăng như vậy. Tôi sẽ cho thử lại stat (tiếng nhà nghề là có kết quả ngay), nếu chất K đã giảm so với hồi sáng thì tôi mới dám cho ông về, song ông phải uống lại thuốc lợi tiểu ngay sáng mai.
Một giờ sau, Bernard trở lại mặt tươi như hoa :
- Đây này, potassium xuống còn 5.3. Dấy thật là một dấu hiệu tốt. Tôi yên tâm để ông xuất viện ngay bây giờ với toa thuốc ra viện, thuốc cũ căn cứ vào DSQ và thuốc mới cho hợp với tình trạng mới của ông. Và ông nhớ 2 tuần nữa đi thử máu lại rồi lấy hẹn với bác sĩ Sylvie F. vả bác sĩ Isabelle D. để họ theo rõi bệnh ông. À mà chút quên, boss François của tôi nhắn ông phải đi khám lại bà Marie-Chantale M. về mặt tâm thần đấy nhé !
Cái ông con trưởng nam của tôi này dường như cho tôi già rồi phát khùng, Alzheimer hay sao mà cứ có dịp là nhắn nhe hết người này đến người kia nhắc tôi phải đi khám psychologist với chẳng psychiatrist. Riêng tôi thấy điên khùng gì đâu, chỉ thấy mình có quên quên nhớ nhớ, hơi gàn một chút, hay phát ngôn bừa bãi, không giống ai nhất là về tư duy. Song việc gì tôi cũng muốn khôi hài hóa, để khỏi nằm dài trên giường thẫn thờ nhớ chuyện ngày xưa mà khóc thầm. Nói có bà xã tôi làm nhân chứng !
Nếu tôi chấm dứt bài viết của tôi ở đây thì tôi mắc lỗi rất lớn với những nhân viên bệnh viện tôi nằm. Chỉ đáng tiếc là tôi không nhớ hết tên họ mọi người vì cách sắp xếp nhân viên của bệnh viện dựa trên équipes chứ không theo trại bệnh. Thành thử nay họ làm trại này, mai lại đi trại khác. Ngoại trừ bà điều dưỡng trưởng (thường là một infirmière bachelière nghĩa là có trình độ đại học) thì phụ trách điều khiển thường trực một trại. Dẫu sao xin ghi lại đây vài kỷ niệm vui vui đáng nhớ trong 4 ngày tôi được điều dưỡng tại trại 6 Ouest. Cũng phải kể những điều rất hay và lý thú tôi đã học được nơi họ
Ở khu Cấp Cứu tôi nằm trên băng ca và khi chuyển trại, một người y công đã đứng tuổi song vóc dáng khá lực lưỡng, đẩy tôi vô thang máy đưa lên trại ở lầu thứ 6. Đến cửa phòng ông ta hỏi tôi có vô phòng một mình được không
Tôi nghĩ mình có mang theo cây gậy nên nghĩ là chống mà đi cũng xong. Nhưng khi thấy tôi quá loạng choạng thì chẳng nói chẳng rằng ông ta bế xốc tôi lên, bồng tôi đặt lên giường và hết lời xin lỗi trước khi bỏ đi.
Bà trưởng trại đến gặp tôi mang theo một cái marchette và nói tôi khoan dùng cây gậy đồng thời hứa sẽ can thiệp để khu vật lý trị liệu cử nhân viên (physiothérapeute) lên chỉ dẫn tôi cách đi đứng. Cô trưởng toán điều dưỡng cũng đến, vui vẻ đo áp huyết, bắt mạch và lấy thủy. Tôi hỏi xin cô ấy một hộp Kleenex thì cô ấy lớn tiếng gọi :
- Yvonne, mang cho ông Đặng một họp mùi xoa (mouchoirs). Lẹ lên đấy!
Tôi khen cô ấy nói đúng tiếng Pháp thì cô ấy mỉm cười mà nói :
- Yvonne gốc Pháp nên tôi không nói tiếng Québécois (Kleenex) mà dùng chữ mouchoirs để trêu chọc nó.
Học đi đứng tôi phải thú thực có được chỉ dẫn mới biết cách xử dụng canne và marchette đúng phương pháp, khoa học. Cô sinh viên physiothérapeute nhò bé và nhỏ nhẹ, lễ phép chẳng kém gì một cô gái VN. Dưới sự trông chừng của huấn luyện viên, cô chỉ tôi cách cầm canne : Nếu đau bên mặt, phải cầm canne bên trái và nghịch lại. Lên thang phải bước từng bậc : Khi lên, chân lành bước trước, chân đau theo sau. Khi xuống, chân đau xuống trước, chân lành xuống sau. Như thế chân lành phải chịu đựng nhiều sức nặng của thân thể và người bệnh đỡ đau. Cô mách cho cách nhớ thật ngộ nghĩnh khiến tôi phải bật cười :
- Vì người tốt (chân lành) lên thiên đàng, còn kẻ xấu (chân đau) xuống địa ngục ! Nhớ thế thì ông không bao giờ lầm lẫn cả.
Các học viên phục vụ bệnh nhân bao giờ cũng có huấn luyện viên đứng cạnh chỉ dẫn và giám sát. Thí dụ như trước bữa ăn nào cũng lấy máu ở đầu ngón tay để thử lượng đường. Đây là công việc của người y tá, song nếu là một học viên thì đương nhiên có huấn luyện viên đứng cạnh trông chừng. Sau bữa ăn, lại có nhân viên khu dinh dưỡng đến quan sát khay đồ ăn, ghi nhận mình ăn được bao nhiêu. Một lần thấy khay ăn của tôi sạch trơn, anh ta ngạc nhiên hỏi tôi ăn hết khay sao. Thấy tôi gật đầu, anh ta khẽ liếc nhìn nhà tôi nhưng rồi lặng lẽ bỏ đi. Chắc là anh chàng nghi nhà tôi ‘‘ăn chạc’’mà quả có thế thật.
Câu chuyện sau cùng và cũng là điều hay nhất cho tôi là cô dinh dưỡng viên ngồi đàm luận với tôi suốt cả tiếng đồng hồ. Cô nói là bà bác sĩ Sylvie F. căn dặn cô ấy phải nói cặn kẽ cho tôi ăn uống phải đàng hoàng, đúng cách, đúng bệnh. Tóm tắt gần như tôi phải ăn chay trường !
- Lý do chính ông phải nhập viện không phải vì bệnh ‘‘gút’’ mà vì suy thận. Vậy trước hết là ông phải tránh ăn chất đạm, nhất là thịt đỏ và phải uống ít nhất 3 lít nước một ngày, nước suối tốt nhất rồi đến nước trái cây vắt chứ như Coca-Cola thì tuyệt đối cấm. Trừ phi ông mong được lọc thận hay ghép thận ! Mà tuổi ông , người ta không ghép cho đâu. Ưu tiên dành cho người trẻ, còn làm việc, còn đóng thuế cho nhà nước.
Bệnh ‘‘gút’’ nguyên do tại lượng acide urique trong máu quá cao vì thận phế thải không kịp. Thế nhưng acide urique ở đâu mà ra ? Do chất purines trong thực phẩm ta ăn vào biến hóa thành sản phẩm cuối cùng (end product) là acide urique. Purines có trong cả động vật lẫn thực vật, song điều lạ là acide urique từ purines động vật mới gây nhiều cơn ‘‘gút’’ hơn là từ thực vật. Cho nên măng tây, bắp cải rất nhiều purines nhưng ta không cần tránh nhiều. Trái lại thịt rừng, phá lấu, tôm cua, đồ biển rất là độc địa cần kiêng tối đa. Nói về đồ uống thì bia là cấm kỵ chứ rượu mạnh, rượu chát không đến nỗi nào. Đặc biệt ít ai biết là nước trà độc hơn cà phê và tốt nhất là tisane.
Cô ta chỉ nói về suy thận và thống phong song tôi còn bị biết bao nhiêu chuyện ‘‘cao’’ nữa : Nào là áp huyết, nào là cholestérol, nào là glucose … khiến tôi phải kiêng đủ mọi thứ (thịt, muối, mỡ, đuờng, đồ biển) còn gì mà sống … cho ra sống nữa ! Cho nên trước khi ngã bệnh tôi chủ trương ăn cho sướng rồi chết nhưng chết đâu phải dễ. Chỉ một cơn ‘‘gút’’ cũng đủ làm mình ngất ngư mà đâu có chết được.
Ra viện tôi đổi hẳn cách sống, kiêng cữ rất kỹ như nhà tu ăn chay trường và tuyệt đối một giọt Coca cũng không uống ! Để rồi xem sao?
BS Đặng Ngọc Thuận
MIỀN NAM NGÀY XƯA
Đệ nhất mỹ nhân đầu tiên của Sài Gòn và cái kết bi thảm
(Nguồn VN Express)
Chủ nhật, 7/8/2016 | 00:00 GMT+7
|
"Cô Ba xà bông" là người đầu tiên đăng quang hoa hậu của Sài Gòn 150 năm trước, được in hình lên tem và là đại diện thương hiệu cho một hãng mỹ phẩm.
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, có tên gọi Miss Sài Gòn. Không giới hạn trong phạm vi "Hòn ngọc Viễn Đông", cuộc thi còn cho phép những mỹ nhân từ các vùng phụ cận tham dự.
Cuối cùng, vượt qua gần 100 cô gái, vương miện Hoa hậu thuộc về cô Ba Thiệu, còn được biết với tên "cô Ba xà bông", con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh.
(Nguồn VN Express)
Chủ nhật, 7/8/2016 | 00:00 GMT+7
|
"Cô Ba xà bông" là người đầu tiên đăng quang hoa hậu của Sài Gòn 150 năm trước, được in hình lên tem và là đại diện thương hiệu cho một hãng mỹ phẩm.
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, có tên gọi Miss Sài Gòn. Không giới hạn trong phạm vi "Hòn ngọc Viễn Đông", cuộc thi còn cho phép những mỹ nhân từ các vùng phụ cận tham dự.
Cuối cùng, vượt qua gần 100 cô gái, vương miện Hoa hậu thuộc về cô Ba Thiệu, còn được biết với tên "cô Ba xà bông", con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh.
Người được cho là cô Ba Thiệu, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. Ảnh: Poujade de Ladevèze
Trước vẻ mỹ miều của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ rất muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng cô không đồng ý. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem.
Trong cuốn Sài Gòn năm xưa học giả Vương Hồng Sển cho rằng trong giới huê khôi mà ông được kể lại vào thời Pháp mới đến thì cô Ba Thiệu đẹp không ai bì. "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện", học giả viết.
Là hoa hậu nhưng cô Ba sống bình dị, chân chất của một gái quê. Sau khi đoạt vương miện, cô bỏ lại ánh hào quang phù phiếm, không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai. Một thời gian sau, Ba Thiệu lấy chồng.
Sau Ba Thiệu, Sài Gòn cũng nổi lên nhiều mỹ nhân tiếng tăm như Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương… làm si mê bao công tử, đại gia không chỉ Sài Gòn mà cả Nam Bộ xưa. Các cô này được cho là ăn chơi phóng khoáng, cặp kè hết người này đến người khác. Họ ăn mặc sang trọng, ngày rong chơi, đêm đi nhảy đầm, đánh bạc bằng tiền những người tình đại gia cung phụng. Nhiều người tán gia bạn sản vì theo các cô, trong đó nổi tiếng nhất là Hắc, Bạch công tử của miền Tây.
Với Ba Thiệu, nếp sống này không phù hợp. Do xuất thân từ một gia đình gia giáo nên cô được dạy dỗ từ tấm bé, biết giữ ý tứ, truyền thống và văn hóa bản địa.
Hình cô Ba được in lên con tem ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu
|
Tuy nhiên, cuộc đời hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn không được yên bình. Mẹ cô dù lớn tuổi nhưng nhan sắc mặn mòi, bị tên biện lý người Pháp Jaboin ỷ thế làm càn, thường xuyên theo đuổi rồi đưa ra những lời tán tỉnh, trêu ghẹo. Thầy Thông Chánh, cha cô Ba, không chịu được cảnh đó nên một lần đã rút súng bắn chết Jaboin.
Trong Truyện thơ Thầy Thông Chánh do một tác giả khuyết danh ở Trà Vinh sáng tác rồi truyền miệng rộng rãi ở miền Tây, cha cô Ba bắn tên biện lý vào ngày quốc khánh nước Pháp. Thầy Thông Chánh sau đó bị chính quyền Pháp xử tử. Cô Ba Thiệu bị bắt giam rồi tự tử chết.
Nhưng cuốn Hỏi đáp về Sài Gòn – TP HCM của nhiều tác giả xuất bản năm 2006 lại cho rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh. Người đẹp lừng lẫy của Sài Gòn xưa dù theo tài liệu nào cũng có một cái kết buồn thảm.
Trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển nói hình ảnh của cô Ba sau này được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm người mẫu trên các sản phẩm bán ra thị trường. Hàng bán rất chạy và được hầu hết người Việt mua sử dụng. Cô Ba thành "người mẫu" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt. Loại xà bông trong nước này đã đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp thời đó.
Thương hiệu xà bông, nước hoa... của ông Trương Văn Bền được cho lấy cô Ba Thiệu làm đại diện hình ảnh. Ảnh: Tư liệu
|
Cũng có một số tài liệu khác cho rằng hình người phụ nữ trên miếng xà bông không phải là cô Ba Thiệu mà là cô Ba có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền. Nhưng với nhiều người Sài Gòn xưa, nhắc đến "xà bông cô Ba" là họ nghĩ ngay đến cô Ba con thầy Thông Chánh - người phụ nữ đầu tiên của Sài Gòn đăng quang hoa hậu.
Sơn Hòa
Những kiến trúc Pháp nổi tiếng ...
Đà Lạt là đô thị đầu tiên duy nhất ở Việt Nam mà ngay từ đầu hình thành đã được thiết kế quy hoạch bài bản từ năm 1923). Đà Lạt có nhiều công trình xây dựng đặc sắc, phần nhiều mang đặc trưng của kiến trúc kiểu Pháp. Phần lớn ảnh từ trang
Belleindochine.free.fr
l' Indochine Coloniale Bienvenue ! Faire partager au plus grand nombre,
passionnés ou simples curieux, tout type de documents sur la période ...
|
l' Indochine Coloniale Bienvenue ! Faire partager au plus grand nombre, passionnés ou simples curieux, tout type de documents sur la période ... |
Dinh I nguyên đây là biệt thự của nhà triệu phú người Pháp - Robert Clément Bourgery, chủ nhà máy điện ở Thượng Hải. Sau được dùng làm Tổng hành dinh của Bảo Đại
Dinh II: Dinh thự mùa hè của Toàn quyền Decoux, hay còn gọi là dinh Toàn quyền
Dinh III: Biệt thự nghỉ hè của Bảo Đại
Biệt thự Long Mỹ quận công Nguyễn Hữu Hào (cha mẹ Nam Phương Hoàng hậu)
Biệt thự Phi Ánh xây dựng vào năm 1928, mô phỏng kiến trúc vùng Basques, Tây Ban Nha. Năm 1940, Bảo Đại mua lại biệt thự này để tặng cho thứ phi Phi Ánh. Đọc thêm Phát
lộ những bí ẩn trong biệt thự đá ở Đà Lạt
Trường Đức Bà Lâm Viên được xây dựng từ năm 1934 đến 1936
Đây là trường nữ sinh nội trú do các tu sĩ dòng Đức Bà thành lập. Hoàng hậu Nam Phương từng theo học trường này
Nay là trường dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng
Tu viện Đức Bà Lâm Viên trong khuôn viên trường
Nhà thờ chánh tòa Đà Lạt thường được gọi là Nhà thờ Con gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn biểu tượng cho thánh Phê-rô
Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1931, đến năm 1942 hoàn thành
Nhà thờ Domaine de Marie
Mặt tiền
Phía bên trong nhà thờ có một vườn hoa tuyệt đẹp
với hai cây tùng trên 75 năm tuổi
Nhà thờ Tin Lành Đà Lạt
Trường học đầu tiên ở Đà Lạt là trường dạy cho con em người Pháp, khai giảng vào ngày 20-12-1919, mang tên École française, sau đó đổi tên lại thành trường Nazareth. Lúc đầu qui mô trường còn nhỏ, chỉ nhận trẻ em từ 4-6 tuổi, dạy mẫu giáo và lớp đồng ấu (Cours
enfantin). Đến năm 1930, trường được mở rộng đến lớp dự bị (Cours préparatoire) và lớp sơ đẳng (Cours élémentaire)
Toàn cảnh Grand Lycée Yersin (trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt ngày nay)
Grand Lycee được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Dãy lớp học được xây hình vòng cung, với điểm nhấn là tháp chuông. Phía bên ngoài tháp chuông trước đây có 1 đồng hồ nhưng đã
bị tháo dỡ, chỉ còn lại vết tích in trên nền gạch. Bên trên tháp chuông cũng không còn chuông.
Trường được thành lập năm 1927 dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có.
Các khối nhà phòng học bao quanh khuôn viên sân trường được kết nối bằng các dãy nhà hành lang.
Tháng 6/1936 Grand Lycée hợp nhất cùng Petit Lycée thành trường Grand Lycee Yersin, để ghi nhớ công ơn của BS Yersin.
Ga Đà Lạt là ga duy nhất của Việt Nam được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia
Ga được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1936 thì hoàn thành. Các kiến trúc sư đã thể hiện hình tượng dãy núi Langbian qua 3 vòm mái của nhà ga.
Tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Sau 1975 hệ thống răng cưa này đã bị tháo dỡ bán sắt vụn gần hết. Ga Đà Lạt hiện nay chỉ còn một chiếc đầu máy xe hỏa hơi nước chạy bằng than củi,
2 chiếc khác đã được Bảo tàng Xe lửa Thụy Sĩ mua lại.
Bưu điện
Khách sạn Lang Bian Palace xây dựng năm 1922
Ngày nay là khách sạn Dalat Palce sau khi có thời đổi thành Sofitel Dalat Palace
Viện Paster xây dựng năm 1935
Nhà Hải quan hiện nay là nhà trẻ bán công
Toà nhà CLB golf Palace
Sở địa dư Đông Dương nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà lạt
No comments:
Post a Comment