Saturday, May 28, 2016
DIỄN VĂN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA
Video phụ đề Việt ngữ: Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama trước người dân Việt Nam
Danlambao - Ngày 24/5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có bài phát biểu biểu đầy xúc động trước người dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Dù vậy, báo chí nhà nước khi dịch bài diễn văn này sang tiếng Việt đã cố tình làm mờ nhạt, hoặc lờ đi những thông điệp về tự do, nhân quyền mà Obama muốn gửi gắm đến nhân dân Việt Nam.
Thậm chí, nhiều tờ báo đảng còn giở trò “phiên dịch” theo phong cách của ban tuyên giáo, khiến cho nội dung bài phát biểu trở nên hoàn toàn sai lạc so với bản gốc tiếng Anh.
Dường như nhận ra sự bất ổn như trên, chiều ngày 26/5/2016, website Đại Sứ quán Hoa Kỳ đã cho phổ biến toàn văn bản dịch tiếng Việt rất chính xác và đầy đủ.
Nếu mang ra so sánh, bạn đọc có thể dễ dàng nhận ra sự lố bịch và trơ trẽn của báo đảng khi cố tình dùng thủ đoạn nhét chữ vào miệng Obama.
Dựa trên bản dịch chính thức của đại sứ quán Hoa Kỳ, Danlambao đã làm phụ đề Việt ngữ cho video bài phát biểu trên.
Hy vọng rằng, những thông điệp trong diễn văn kiệt xuất của Tổng thống Obama sẽ giúp các bạn trẻ Việt Nam có thêm động lực để hướng đến sự thay đổi cho đất nước.
“Vì một quốc gia cường thịnh, phải thay đổi!”
Xem thêm bản dịch của Thục Quyên: http://danlambaovn.blogspot.com/2016/05/loi-phat-bieu-cua-tong-thong-obama-voi.html
Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
Posted by sontrung at 11:26 PM No comments:
Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 418
BÙI THƯỢNG PHONG * NHỮNG MẢNH HỒN PHIÊU BẠT
NHỮNG MẢNH HỒN PHIÊU BẠT
BÙI THƯỢNG PHONG
Tôi gặp và quen với chị Trâm trong một tiệm phở hiếm hoi của thành phố Columbus thuộc tiểu-bang Ohio, vào một ngày hè năm 2010.
Thấy tôi có vẻ giống một người Việt, chị tự ý đến bàn tôi trước để làm quen. Chị than là ở cái tỉnh bơ vơ giữa lòng nước Mỹ này, thật không phải là dễ khi kiếm được một người đồng-hương để nói chuyện! Tôi đồng ý với chị, mời chị ngồi và ngỏ lời khen, vì chị đã biết tìm đúng chỗ: một tiệm phở !
Quả thật tình đồng-hương đã gắn kết chúng tôi thân mật với nhau thật dễ dàng. Qua những câu chuyện và lời tự giới thiệu, tôi biết chị sinh trưởng trong một gia đình "có-công-với-cách-mạng". Năm 1977, khi chị mới 2 tuổi, cha chị đã hy-sinh tại mặt trận Tây-Nam (Campuchia). Mẹ chị là đảng-viên, có chức, có quyền tại tỉnh nhà. Ngay từ những ngày còn rất trẻ, chị đã được gửi đi du học tại Úc . Và khi trưởng thành, chị nhanh chóng trở thành một giáo-sư ngoại-ngữ, căn-bản là Anh-Văn, môn học mà chị có năng khiếu nhiều nhất.
Bình thường, tôi không thấy hào hứng lắm khi phải nói chuyện với một người có một lý-lịch như của chị Trâm. Nhưng với vẻ hồn-nhiên của chị ngày hôm đó, nhất là sự thành-thực, cởi mở, và vô-tư của một người sinh ra sau chiến-tranh - một cuộc chiến mà chị không biết gì nhiều - đã làm thay đổi cảm nghĩ của tôi, và tôi đã phải nhìn chị như là một, trong những người trẻ tương lai của đất nước .
Là một giáo-sư xuất-sắc trong thành phố, chị còn góp phần không nhỏ trong việc truy tìm hài-cốt các liệt-sĩ. Nhờ vậy, cộng thêm sự vận-động của bà mẹ, một lần nữa chị lại nhận được một học-bổng du học, lần này tại Hoa-Kỳ. Chị rất phấn khởi, để hết tâm theo học và cho đến hôm nay, chị đã qua được gần hết 2 năm đầu cho chặng đường tiến đến một psychology degree.
Tôi có hỏi đùa tại sao chị lại chọn một môn học "bí-hiểm" tại một tiểu-bang xa xôi này ? Chị cho biết phải chọn Ohio University là vì ở đây, học phí tương đối thấp so với các tiểu-bang khác. Chị lại tình cờ có một người bà con ở ngay đây, không xa khu học-xá của chị là bao. Còn chị chọn psychology, vì nó có liên hệ đến cái công việc tay trái của chị. Tại Việt Nam, người ta qúi mến chị không phải chỉ vì chị là một giáo-sư Anh-ngữ, mà chị còn là một "nhà ngoại-cảm".
"Nhà-ngoại-cảm" ! Chà ! Tôi phải thú thực với chị Trâm là tôi không hề biết cái "nhà" này nó là cái gì, và mong chị giải-thích. Chị Trâm vui vẻ cắt nghĩa cho tôi, một cách rất khái-quát: Vũ-trụ như ta thấy, là tổng hợp bởi những eidos, tạm gọi là những thực-thể. Thực- thể có hai loại: thực-thể-tinh-tế hay còn gọi là linh-hồn, không nhìn thấy được và có trước thực-thể-vật-lý, còn được gọi là thể-xác, có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Con người là kết hợp bởi hai thực-thể nói trên.
Khi chết đi, linh hồn rời bỏ thể xác, nhưng vẫn tiếp tục sống trong một thế giới không nhìn thấy, tồn tại song song với thế giới chúng ta. Tuy sang thế giới khác, linh-hồn vẫn còn ít nhiều liên hệ với con người trên thế gian, và chỉ có một số rất ... rất ít người có khả năng tiếp xúc được với những linh-hồn. Những người này, hoặc là vì có "duyên-nợ", hoặc là được trao một "sứ-mệnh" nào đó, có thể trò chuyện, giao-tiếp được với những linh hồn, thường là trong giấc ngủ ... Người ta gọi những người như vậy là "nhà ngoại-cảm" . Ở Việt Nam sau năm 1975, nhu cầu tìm kiếm hài cốt của các thân nhân có con em bị hy sinh trong chiến tranh lên rất cao, nhất là tại miền Bắc. Công việc truy tìm này thường liên quan đến những vụ lên đồng lên bóng, gọi hồn, cầu cơ ... và từ đó, phát sinh ra những nhà ngoại-cảm giả mạo; lợi dụng lòng khao khát và sự mê tín của những thân nhân nhẹ dạ, họ đã dùng đủ mọi mánh khóe để làm giầu một cách rất vô lương tâm !
Chị Trâm tự-hào chị là một nhà ngoại-cảm, một nhà "ngoại-cảm chân-chính", vì tất cả những công việc chị làm, đều thực sự có sự giao-tiếp và giúp đỡ của những linh-hồn, hiệu-qủa chính-xác và đều là bất-vị-lợi . Chị chỉ làm để giúp người, không hề nhận của ai một đồng một cắc nào. Chị đã tìm được cho vợ chồng một ông xã-đội-trưởng ở Đức-Hòa hài-cốt người con du-kích của họ, đã hy-sinh hồi Tết Mậu-Thân. Chị đã tìm được một mồ chôn tập thể 17 liệt-sĩ tại Nam Lào. Và gần đây nhất, trước khi sang Mỹ du học, chị đã tìm được cho hai vợ chồng người chủ căn nhà trọ của chị, hài-cốt người con trai đã hy-sinh tại chiến trường Quảng-Trị năm 1972.
Cơ duyên nào đã khiến chị trở thành một nhà ngoại-cảm là một chuyện khá dài dòng - chị nói - Riêng về chuyện tìm kiếm hài-cốt người bộ-đội đã hy-sinh trong trận Quảng-Trị, biết tôi là một cựu quân nhân của quân đội VNCH, chị muốn kể lại cho tôi nghe, vì chị nghĩ nó có thể có ý-nghĩa hơn, là kể lại cho những người xung quanh chị, ở trong nước. Chị hẹn tôi Thứ Bẩy tuần sau, chị được nghỉ cả ngày, có nhiều thì giờ hơn.
Tôi đến thành phố Columbus lạ hoắc này để thăm một bà chị họ bị đau nặng. Bà đã hồi phục, mạnh khỏe trở lại và tôi có thể ra về, nhưng tôi đã quyết-định ở lại thêm một tuần nữa, chỉ để nghe câu chuyện của chị Trâm, vì không hiểu sao, nó đã khích thích sự tò mò của tôi rất nhiều!
Đó là một buổi sáng Thứ Bẩy thật đẹp! Tôi đến chỗ hẹn đúng giờ, chị Trâm cũng đến rất đúng giờ. Sau những trao đổi xã giao thường tình, chúng tôi ngồi nhâm nhi hai ly cà-phê, và câu chuyện của chị bắt đầu ...
o o o
Sau một vài thành công về việc tìm kiếm và thâu hồi hài-cốt liệt-sĩ, các báo chí trong nước đua nhau tường thuật, nhiều đài truyền hình xin được phỏng vấn ... Tôi bỗng dưng nổi tiếng! Có rất nhiều người tìm đến nhà cậy cục, nhờ vả ... Tuy vậy, tôi không dám nhận lời giúp bất cứ một ai, nếu như tôi không nhận được những tín hiệu, hoặc là sự giúp đỡ của linh hồn những người quá cố. Trong số những người nhờ vả, gần nhất có Dì An. An là tên vợ chồng người chủ căn nhà tôi đã mướn tại quận 12, để tiện việc dậy học. Hai vợ chồng Dì An - tôi thân mật gọi là Dì - đều đã lớn tuổi, người miền Bắc. Ông chồng làm công-an, thuyên chuyển vào Sàigòn sau năm 75 và trở nên rất giầu có, làm chủ một dẫy nhà trọ. Dì An tâm sự với tôi, là đứa con đầu của vợ chồng dì phải gia nhập bộ-đội năm 16 tuổi, tham gia chiến trường Quảng-Trị năm 1972. Tháng 9 năm 72, vợ chồng dì nhận được giấy báo là đứa con đã hy-sinh, nhưng không nhận được xác ! Cho đến ngày gia-đình dì vào Nam, dì vẫn không nhận được thêm một tin tức nào! Dì còn cho tôi xem rất nhiều hình ảnh, và các vật dụng hàng ngày của đứa con bạc mệnh ... Mặc dù trong lòng tha thiết muốn giúp, nhưng tôi không dám hứa hẹn gì nhiều, mà chỉ mượn dì vài hình ảnh và vật dụng của người qúa cố, hy vọng với sự cầu nguyện chân-thành của tôi, sẽ có một sự đáp-ứng nào đó ...
Và mãi cho đến khoảng hai tháng trước khi đi du-học, tôi bỗng nhận được sự đáp-ứng huyền-diệu mà tôi hằng mong đợi!
Dì An và tôi đến thị-xã Quảng-Trị thì đã tối hẳn. Trời lại mưa dai dẳng suốt mấy ngày liền...Chúng tôi phải tìm nhà trọ nghỉ ngơi, để ngày hôm sau sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm sớm. Sáng hôm sau, từ nhà trọ gần khu nhà thờ làng Trí-Bưu, Dì An đã phải mượn cuốc xẻng của nhà thờ, mua một vài vật dụng cần thiết, và thuê hai anh xe ôm nguyên ngày để chuyên chở và phụ giúp chúng tôi trong những việc cần đến bắp thịt ! Chúng tôi phải đi trên những con đường làng quê nhỏ hẹp, rồi băng qua một cánh đồng lớn, theo hướng tây bắc để tìm đến một làng tên là Triệu-Thành, nằm ngay sát bờ Nam sông Thạch-Hãn. Hai anh xe ôm cho biết làng này xưa kia nghèo lắm, cả làng lèo tèo chỉ có độ vài mươi căn nhà lá. Sau trận chiến kinh hoàng năm 1972, người ta đồn là các làng quanh khu Thành Cổ này đều có rất nhiều ma! Ngày nay, nhiều nhà gạch, mái ngói đỏ đã được dựng lên, làm đẹp cho làng, nhưng chủ nhân những ngôi nhà gạch này, hầu hết đã phải lên phường, xã để khai báo là trong khi đào móng xây nền nhà, họ đã gặp rất nhiều bộ xương người ...
Theo lối đường mòn nhỏ và rất trơn trượt, chúng tôi phải đi một quãng khá xa đến cuối làng về hướng cực bắc. Khu này không có người ở, và con đường mòn bị chắn bởi một con lạch nhỏ, có lẽ chảy vào từ sông Thạch-Hãn. Nhìn quanh quất, tôi đã tìm thấy bụi chuối dại và cây trứng cá. Tất cả cảnh vật đều đúng y như những gì tôi đã thấy trong giấc mơ! Thật là huyền diệu ...
Chúng tôi căng một tấm bạt che mưa gió, lập một hương án nhỏ để thắp mấy nén nhang cầu nguyện ... Sau đó chúng tôi bốn người, hì hục đào, xới, xúc đất ... Được cái đất ở đây cũng mềm, dễ đào, như là đã có người dọn dẹp và xới lên từ trước, có lẽ bởi trời mưa mấy ngày nay. Khi đã đào được khá sâu, hai anh xe ôm bỗng reo lên mừng rỡ ... Những ống xương người bắt đầu hiện ra, xương chân, tay, xương chậu, rồi thì hộp sọ ... Dì An đã bắt đầu mếu máo, rồi khóc lên thành tiếng, trông thật tội ! Chúng tôi làm việc như những nhà khảo cổ, nưng niu từng lóng xương, vuốt ve, chải chuốt cho sạch sẽ trước khi đặt nhẹ vào một chậu lớn bằng nhựa.
Trong lúc mọi người đang phấn khởi thì bỗng nhiên, tôi có một cảm giác thật lạ, có lẽ giác-quan-thứ-sáu đã cho tôi biết, có một cái gì không ổn! Tôi bắt đầu nhìn thấy dấu vết của một đôi bottes-de-saut bên cạnh những lóng xương chân. Chỉ mềm nhũn như bùn, nhưng cái đế giày bằng loại cao-xu thật tốt, thân giày bằng da và vải nylon còn nhận ra được ... có một cái ví cũng bằng da, nhưng không một hình ảnh, giấy tờ nào còn tồn tại, tất cả đều nát ra như bùn, đất ... Ngang bộ xương chậu, là dấu tích của một ceinturon, một hộp quẹt zippo đã nham nhở rỉ sét, có cả một vài qủa lựu đạn đã hoen rỉ mà chúng tôi phải tránh xa . Ngang phía xương cổ, một miếng kim loại nhỏ hình chữ nhật, bằng hai ngón tay, ố rỉ mầu nâu xậm, đụng vào là gẫy nát ra từng miếng nhỏ rớt lả tả xuống mặt đất. Xa hơn một chút là một cái nón sắt, cũng đã hoen rỉ, một nửa vẫn còn ngập trong lòng đất, không ai muốn đào tiếp ... Dì An đã ngừng mếu máo, dì cũng đã nhìn thấy những gì tôi thấy ... Ngoài một bộ xương ra, không một dấu vết gì chứng tỏ đây là đứa con thân yêu của bà ! Chúng tôi hoàn toàn thất-vọng ... Không lẽ tôi đã được chỉ dẫn ... sai ?!
Trước những chứng cớ khá rõ rệt, Dì An và tôi đành phải chấp nhận là mình đã tìm lầm phải hài-cốt của một người lính phía bên kia ! Nhưng phải làm gì với bộ hài-cốt này đây ? Hai anh xe ôm cho chúng tôi biết là gần đây có một ngôi chùa, phía sau chùa là một khu đất hoang, đã có đâu chừng gần chục ngôi mộ vô-danh đã được hòa-thượng trụ trì cho phép chôn ở đó. Thật là một giải pháp tuyệt hảo, và đã làm thì làm cho chót. Chúng tôi cho tất cả bộ hài-cốt vào một cái tiểu-sành mà Dì An đã mang theo và tìm đến ngôi chùa. Cúng dường cho nhà chùa một số tiền, sau đó tôi và Dì An ra sức đắp lên một nấm mộ nhỏ ... Xong suôi, chúng tôi thắp ba nén nhang, khấn vái ... Và sau cùng là một tấm bia nhỏ, cắt ra từ một miếng tole do hai anh xe ôm làm giúp, trên đề: "Người lính Vô Danh - VNCH" ...
Đêm hôm ấy tại nhà trọ, qúa mệt mỏi sau một ngày quanh co tìm kiếm, đào xới, đắp mộ ... vừa nằm xuống là tôi mơ màng vào giấc ngủ ngay. Trong lúc còn nửa mê nửa tỉnh, tôi chợt thấy thấp thoáng có một bóng người đang bước tới gần chỗ tôi nằm. Trong phòng chỉ có Dì An và tôi, tôi cất tiếng hỏi:
-- Dì An chưa ngủ được sao ?
Bóng đen đứng dừng lại, một giọng đàn ông còn trẻ, hơi bối rối :
-- Dạ ... không, là ... tôi đây ... xin chị đừng sợ ! Tôi không thể làm hại được ai, chị cứ an tâm. Tôi ... tôi chỉ muốn đến để cám ơn hai chị đã cho tôi một mái nhà. Một mái nhà tuy sơ xài, tạm bợ, nhưng vẫn còn hơn là ... cứ mãi mãi nằm sâu dưới lòng đất lạnh !
Tôi ngồi bật dậy, tối qúa, không thể nhìn rõ mặt người lạ ! Hơi sợ sợ, nhưng tôi vẫn giữ được bình tĩnh:
-- Vậy anh là ... là ...
-- Vâng, tôi chính là người ... lính vô-danh mà hôm nay đã được hai chị đắp cho một ngôi mộ !
Đến đây thì tôi hiểu ra rồi. Chỉ chiếc ghế gần đó, tôi mời anh:
-- Anh ngồi đi, và ... anh có thể cho tôi biết một chút về anh được không ?
Anh ta không ngồi lên chiếc ghế, mà ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay ôm đầu gối, dựa lưng vào tường:
-- Dạ ! ... Mà ... phải bắt đầu từ đâu nhỉ ? ... À, tôi nhớ ra rồi ... chắc chị đã biết tôi là một người lính miền Nam, lính gì thì tôi cũng không nhớ nữa, Nhẩy Dù hoặc Thủy-Quân-Lục- Chiến gì đó ... Chỉ nhớ là khi vẫn còn đang trong tuổi đi học, thì một hôm tôi bỗng nổi khùng, tự động đăng vào lính, một thứ lính mặc quần áo mầu hoa rừng ... Thế rồi được huấn luyện và ra mặt trận ! Mấy trận đầu, cũng khủng khiếp lắm, nhưng không sao, còn được thăng dần đến chức Hạ-sĩ nữa, nhưng từ khi được chuyển lên đến vùng Quảng-Trị này thì căng thẳng thấy rõ, ngày đêm chỉ toàn bom và đạn, máu với lửa ...
-- Thế còn gia-đình anh thì sao, anh tên chi ?
-- Tên hả ? Nói ra chị đừng cười nhé, tôi quên cả ... tên của chính mình rồi ! Sáng nay, các chị đã đề trên nấm mộ của tôi là "Vô Danh" thật quá đúng ! Tôi còn độc thân, và vẫn nhớ là tôi còn một bà mẹ và hai đứa em. Nhà gia đình chúng tôi ở đâu đó trong Sàigòn, không nhớ rõ chính xác là ở đâu, hoàn toàn không nhớ nổi ... Đến mặt mũi của mẹ và hai em của tôi, tôi cũng còn không nhớ là như thế nào ... Chỉ hình dung là một khuôn mặt thật đẹp, thật dịu hiền ... Nếu như có một phép lạ nào đó, cho mẹ và em tôi xuất hiện ngay tại đây, thì lập tức tôi sẽ nhận ra ngay ! ... Nhưng bảo tả lại hình dáng của bà thì tôi đành chịu, không thể ...
-- Anh bị mất trí nhớ từ hồi nào ?
-- Từ hồi tôi bị ... chết chị ạ ! Ngay khi vừa chết, tôi hoàn toàn không nhớ, không biết gì hết, trí óc như một tờ giấy trắng ... Thời gian qua đi, ký ức dần dần phục hồi lại, từng mảnh, từng mảnh ... không theo một thứ tự nào ! Tôi đã phải bận rộn suốt ngày, để sắp xếp nó lại theo đúng với qúa trình của đời mình ... nhưng việc này coi vậy mà thật không dễ dàng chút nào ! ... Mà sao lạ quá, có những cái thật quan-trọng, thật riêng tư thì vẫn ... quên, mà những gì không cần thiết, thật ... vớ vẩn thì lại hiện lên, rõ mồn một ! Tôi có thể đọc lại những bài " học-thuộc-lòng" từ hồi còn nhỏ, không sai một chữ! ...
Ngừng một phút, anh buồn rầu nói tiếp:
-- Chị coi, hồn phách nào mà chịu nổi, bom đạn từ bốn phương tám hướng cứ dồn dập đổ xuống như mưa, ngày này qua ngày khác. Hết pháo từ Cao-Hy, từ Tân-Vĩnh, Ái-Tử ... của Bắc-Việt dập xuống, rồi pháo của TQLC, của SĐDù, SĐ1BB, của Hạm Đội 7 Hoa-Kỳ ngoài khơi câu vào ... B-52 thì trải thảm bất cứ lúc nào, dữ dội nhất là ở hành-lang Nhan Biều - Ái tử, mặt đất cứ rung lên như động đất ! Ngày này qua ngày khác chị ạ, cả ngày lẫn đêm, toàn những loại bom đạn giết người tối tân nhất, hiệu lực nhất ... Lại còn phi pháo, bom xăng đặc, bom lửa lân-tinh từ những phản-lực-cơ nữa chứ ! Thật tình là ngay cả những linh hồn như chúng tôi, cũng không thể nào kham nổi ...
-- Các anh chịu đựng như vậy, trong bao lâu ?
-- Cho đến khi tàn cuộc chiến ... riêng tôi thì khoảng hơn hai tháng ! Hơn hai tháng với trên một triệu viên hải pháo, phi pháo, sơn pháo ... hơn 328 ngàn tấn bom đạn đủ loại ... một khối lượng bằng 7 lần qủa bom nguyên-tử thả xuống Hiroshima đã dội xuống trong và ngoài khu Cổ-Thành này, nó chỉ rộng khoảng hơn 3 cây số vuông thôi !... Vâng, trận tái chiếm Quảng-Trị này là trận chiến ác-liệt nhất trong lịch-sử chiến tranh của cả vùng Đông- Nam-Á đấy chị ạ !
-- Làm sao các anh biết được những điều này ?
-- Chị tưởng chúng tôi không biết những việc gì đang xẩy ra trên thế gian ư ? Chúng tôi biết hết chị ạ ! Nhưng chỉ biết để đấy thôi, không được phép làm bất cứ điều gì xâm-phạm đến dương thế ... À, mà đáng lẽ tôi phải nói ngay với hai chị, là khu đất mà các chị khai quật sáng nay là đúng chỗ rồi đấy ! Anh ấy là lính thông-tin, thuộc Trung-Đoàn Triệu-Hải, E27 SĐ 320B. Chẳng hiểu đi nối dây điện thoại thế nào, lại lò mò lạc vào đúng tổ kích của tụi tui, bị bắt ! Lúc đó bom đạn rơi xuống như mưa, tôi và anh ấy cùng núp chung một hầm. Xui là đúng lúc đó, một qủa pháo không biết của bên nào, đã đổ xập xuống ngay cửa hầm, và chỉ nội sức ép công phá của nó thôi, cũng đủ kết liễu cuộc đời của cả hai đứa! ... Chưa hết, rồi bom, pháo cứ tiếp tục cầy lên, cầy lên mãi ... cuối cùng là hai đứa nằm dưới mặt đất đến vài ba thước! ...
Ngừng lại một vài giây, anh tiếp:
-- Rồi cuộc chiến cũng qua đi ... trên mặt đất chỗ chúng tôi nằm, cỏ hoang lan cùng khắp, các bụi cây dại mọc lên chằng chịt, thêm vào là mấy ụ mối ... Thế gian lại chìm vào sự thinh lặng dễ sợ ! Chỉ riêng trong đầu óc chúng tôi, những tiếng rít của đầu đạn xé không gian, những tiếng bom nổ long trời lở đất ... vẫn không bao giờ ngừng nghỉ ! ...
-- ... Anh làm tôi cảm động qúa ! ... À, anh nói cả hai anh cùng núp chung một chỗ, mà sao sáng nay chúng tôi lại chỉ tìm thấy có một mình anh ?
-- Dạ đúng vậy ! Trước các chị gần một tuần, có một nhóm chừng 8, 9 người đã đến khu chúng tôi ở . Đó là một đội quy-tập của nhà nước, họ khai quang, đào xới một khoảng chừng 50 mét vuông. Là những người khá chuyên-nghiệp, với đầy đủ dụng-cụ, máy dò ... Chỉ cần quan sát thật kỹ thôi, là họ biết phải thâu gom những gì, và để lại những gì ... Cuối cùng, 4 bộ hài cốt liệt-sĩ trong đó có anh ấy, đã được tìm thấy và mang đi ... Chỉ còn mình tôi thì nằm ở lại ...
-- Có phải họ biết anh là người lính miền Nam, nên để lại ?
-- Dạ, hai bộ xương nằm gần nhau, xương cốt người Việt thì cũng sàn sàn một cỡ, giống nhau cả, nhưng những vật dụng cá nhân nằm kề hai bộ cốt thì lại hoàn toàn khác hẳn. Dưới những lóng xương bàn chân anh ấy là tàn tích của một đôi dép râu, ngang chỗ xương chậu là dấu vết của một võng bộ-đội bằng nylon ... Ngoài ra, có những vật dụng mà thời-gian chưa tiêu-hủy được, như là một nanh heo rừng mà anh ấy đã đeo làm bùa-hộ-mệnh, một lọ thủy-tinh nhỏ đựng thuốc trị thương (?) mà các bộ-đội thường có ... Và thuyết-phục nhất là một bi-đông nước, tuy cũng đã hoen rỉ nhiều, nhưng trên đó vẫn nhận ra được dấu khắc tên và nơi sinh quán của anh ấy tại Hà-Tây, miền Bắc ... Còn những hình ảnh hoặc giấy tờ cá nhân, nếu có thì cũng đều biến thành tro bụi hết ...
-- Sao họ lại đang tâm để anh ở lại một mình như thế nhỉ !? Anh có buồn không ?
-- Cũng phải thông cảm cho họ thôi, họ cũng đã qúa bận rộn với mấy trăm ngàn bộ hài cốt trên toàn quốc. Hơn nữa, công việc chính của họ không phải là lo cho chúng tôi, mà là lo cho các liệt-sĩ của họ ! Còn có vì thế mà buồn không ư ? Không chị ạ, có cả hàng ngàn những linh hồn khác, vẫn còn đang chập chờn, phiêu bạt khắp quanh đây ...
-- Vậy chứ dưới đó, có sự ... phân biệt, kỳ thị gì giữa các anh với nhau không ?
Nhìn về phía xa xôi, hình như anh ta hơi mỉm cười :
-- Chị làm tôi nhớ lại hai câu thơ cổ của thi hào Hoàng-đình-Kiên đời nhà Tống: Hiền ngu thiên tải tri thùy thị, Mãn nhãn bồng cao cộng nhất khâu! ... Hoàn toàn không chị ạ ! Đã là người chết, cùng chung một gò hoang đầy cỏ bồng dại, còn phân biệt ai hiền ai ngu, ai sai ai đúng làm gì nữa ? Vâng, chỉ có những người trên dương thế, còn phải lệ thuộc nhiều vào vật chất nên mới tranh giành, phân biệt nhau thôi. Dưới này, chúng tôi đều coi nhau như anh em, bình đẳng, không hận thù ... Và tất cả chúng tôi đều có chung một nuối tiếc, đó là: chỉ vì áp lực của những siêu cường trên thế giới, mà Việt Nam mình đã trở thành một con cờ thí, đất nước phải trải qua một cuộc chinh-chiến tương-tàn, nồi da xáo thịt, để biết bao nhiêu triệu người phải hy-sinh một cách rất oan uổng! ...
-- Vậy là ở dưới đó, anh có rất nhiều bạn ?
-- Rất nhiều chị ạ ! Hồi trước thì ... thật là nhiều ! Ngoài đám thường dân vô tội, chết vì bom rơi đạn lạc, còn thì đều là lính tráng thuộc cả hai phía: Nhẩy Dù có, Thủy-Quân Lục-Chiến có, rồi Biệt-động-Quân, Sư-Đoàn1BB, SĐ3BB, Liên-Đoàn 81 Biệt-kích Dù, Kỵ-Binh Thiết-Giáp ... Bộ đội Bắc-Việt thì đông hơn nhiều, chủ lực có Sư-Đoàn 304, SĐ 308, 312, 320, 324, 325, K3-Tam-Đảo, một vài Trung-đoàn địa-phương và tiểu-đoàn đặc-công ... Có đến cả chục ngàn đứa chúng tôi, vẫn còn ngơ ngẩn vì bom đạn, cứ lang thang vật vờ trên những ngọn cỏ bụi cây, rừng hoang đồi trọc vài cây số vuông xung quanh khu Thành Cổ, hoặc hai bên bờ sông Thạch-Hãn này ... Đứa nào cũng mong ước một ngày nào đó, được về lại với gia-đình, với cố hương ! ... Sau này thì cứ bớt dần, bớt dần ...
-- Sao lại như vậy, họ đi về đâu ?
-- Nhà nước bây giờ là "bên thắng cuộc", đầy quyền lực, tiền bạc và phương tiện. Họ muốn tri-ân những người đã chết, để cho họ có được cuộc sống trên nhung lụa ngày hôm nay, nên tổ chức rất nhiều đội quy-tập, chuyên đi khai quật những nơi đã từng là chiến địa đẫm máu ngày xưa, để thâu gom hài-cốt liệt-sĩ ... Và cũng nhờ những nhà ngoại-cảm chân chính như chị, đã có biết bao nhiêu nấm mồ hoang, mồ chôn tập-thể đã được khám phá. Một số hài cốt có lẫn hình ảnh, giấy tờ hoặc những vật dụng cá nhân mà thân nhân nhận diện được, thì về đoàn tụ với gia-đình; nếu không, phải về nằm tạm trong các lô đã được xắp xếp trước theo quê quán, đơn-vị ... tại những nghĩa trang liệt-sĩ địa-phương, chờ ! ...
-- Chắc là nhiều lắm ?
-- Nghe nói có đến hơn 300 ngàn bộ hài cốt thuộc tất cả các mặt trận trên toàn quốc, đang trong tình trạng chờ đợi như vậy, vì chưa tìm ra lý lịch. Rồi tự nhiên phát sinh ra một lô những nhà ngoại-cảm "dổm", mọi việc từ đó cứ loạn cả lên, giờ thì chẳng còn phân biệt được ai là thực, ai là giả nữa !
-- Giờ này họ có còn tìm kiếm nữa không anh ?
-- Vẫn tiếp tục chị ạ ! Họ ước tính là phải còn hơn 200 ngàn bộ nữa ! Đây là chỉ riêng liệt-sĩ của họ thôi nhé, còn lính miền Nam hoặc là dân đen thì chị biết đấy: tự lo ! ...
Ngừng một giây, anh tiếp:
-- Chị tính đi, nguyên cái tỉnh Quảng-Trị này cũng có đến 72 nghĩa-trang liệt-sĩ ! Trên toàn quốc, tỉnh nào cũng có lớn nhỏ vài ba cái. Đáng kể nhất, là cái nghĩa-trang vĩ-đại, "hoành-tráng" nhất nước, là nghĩa-trang liệt-sĩ Trường-Sơn. Nghe đâu nó rộng đến hơn 140 ngàn mét vuông, nằm trên ba ngọn đồi lớn cạnh thượng nguồn sông Bến-Hải. Cho đến bây giờ, đã là nơi an nghỉ của những 10,333 liệt-sĩ của họ ... Biết bao nhiêu là linh hồn đã tìm được về nhà, hoặc một nơi ổn định, để rồi sẽ được giải-thoát ? ... Chỉ riêng chúng tôi, những người lính miền Nam ...
Câu cuối cùng anh nói nhỏ qúa, như lẫn với tiếng khóc, cố gắng lắm tôi mới nghe được ! Biết anh đang qúa xúc động, tôi giữ im lặng ... Phải mấy phút sau, anh mới lấy lại được một giọng nói bình thường:
-- Mà nói thực ra, nhiều anh em như chúng tôi, cũng chẳng biết là nếu về được, thì về đâu ? Gia-đình ly tán hết sau chiến tranh, người thì buộc phải rời bỏ nơi tổ ấm từ bao đời, để đi vào chốn rừng thiêng nước độc "kinh-tế-mới", người thì vào tù cải-tạo, nhà cửa bị chiếm đoạt, vợ con nheo nhóc sống nơi đầu đường xó chợ ... Lại còn một số không ít, dắt díu nhau đi vượt biên, vượt biển ... Ruột thịt chia lìa, ngàn trùng xa cách ... Về đâu bây giờ ? Ngay cả cái nghĩa-trang cũ của miền Nam ở Biên-Hòa đó, bây giờ chỉ còn là một bãi đất đầy cỏ hoang với nhấp nhô những nấm mồ vô chủ, chẳng còn ai được phép ngó ngàng tới ! ... Nói chung là chỉ vì những người trên dương thế vẫn còn đắm chìm trong thù hận, phân biệt, nên chúng tôi vẫn còn bị lạc lõng, bơ vơ ...
Lúc này, tôi chẳng còn biết nói gì hơn là một câu an ủi thật ... vô duyên:
-- Thời nào cũng thế anh nhỉ, đầy những bất công !
Anh ta mỉm cười, rồi nhìn xa vời về phía trước:
-- Cũng đúng thôi chị ạ, vì chẳng nơi nào tự nhiên mà có sự công bình hết. Để trái đất này và loài người tồn tại được, Thượng-đế chỉ cho chúng ta sự quân-bình thôi, còn công-bình thì không ! Con người phải tranh đấu dành sự công-bình cho chính mình, tùy theo trình độ văn minh của họ ! Những câu như "ở hiền gặp lành" hoặc "ác giả ác báo" chỉ có giá trị cho việc răn dậy con trẻ mà thôi ...
-- À này, vậy chứ ở dưới đó, anh có thấy thiên-đàng hay địa-ngục gì không ?
-- Thiên-đàng, địa-ngục hả, tôi không thấy gì chị ạ! Những danh từ ấy, nó thật là trừu-tượng ! Theo tôi nghĩ: thiên-đàng, địa-ngục, thánh-thần hay ác-qủi gì, thì cũng đều ở cả trên mặt đất mà thôi. Nơi nào người ta sống thật sự tự do, hạnh-phúc ... thì nơi đó là thiên-đường, mà trái lại thì là địa-ngục! Cũng ngay trên mặt đất, thiếu gì người cả một đời hiến thân làm việc từ-thiện, cứu nhân độ thế, họ đều là tiên là thánh cả. Lại có nhiều người khác, buôn dân bán nước, sống trên xương máu của lương dân ... không gọi họ là ác-qủy thì phải gọi là cái gì ?
-- Vâng, anh nghĩ như vậy cũng không có gì là sai lắm đâu ! ... Nhưng thôi, trở về thực tại ... Hôm nay, đắp cho anh được một nấm mộ nhỏ, hai đứa chúng tôi cứ thắc mắc, không hiểu là như vậy có giúp được gì cho anh hay không ?
-- Tốt lắm chị ạ ! Chị quên là tôi đang phải lần mò đến đây để cám ơn hai chị rồi sao ?... Nấm mồ tuy nhỏ, nhưng nó cũng đủ để làm một dấu hiệu cho những người trên dương thế biết rằng, ở dưới đó có tàn tích của một con người, dù chỉ là một người ... "vô-danh" !
-- Vâng ... nhưng ý tôi muốn nói là: nó có giúp gì cho anh trong cái gọi là ... là "siêu-thoát" hay không ?
-- Đáng tiếc là không chị ạ ! Sớm muộn gì thì tất cả mọi linh hồn cũng đều được giải-thoát thôi. Sớm, hoặc muộn. Cũng như trên dương gian, tuổi thọ của con người không ai giống ai, có người thọ, đại thọ... Ngược lại, có người lại bị chết yểu, chết non ... Đều là số mệnh cả, vẫn còn nằm trong sự huyền-bí của Thượng-Đế mà chúng ta không thể biết được. Ngay cả ở dưới này, lâu lâu chúng tôi lại thấy có một số anh em ... biến mất ! ... Chúng tôi ngờ rằng họ đã được siêu-thoát, giải-thoát, hoặc là "đầu thai" gì đó, không ai biết ! ... Chắc là phải ... chết thêm một lần nữa mới biết được chị ạ ?! ...
Suy nghĩ một lúc, anh tiếp:
-- Vấn đề là phải kiên nhẫn chờ, chờ đến ngày mình được giải-thoát ! ... Mà trong khi chờ đợi như vậy, còn gì đẹp hơn là được nằm trong một nghĩa-trang gia-đình, nghĩa-trang làng mình, hoặc thành-phố mình ... Được nhìn thấy những người thân yêu đi lại ở xung quanh, được nhìn thấy những hàng cau, lũy tre làng, những cánh diều của tuổi thơ ... Lại còn mùi nhang, mùi khói nữa chứ, những câu kinh, tiếng mõ, tiếng chuông chùa ... Tất cả đã tạo thành một chất xúc-tác rất mơ-hồ, rất huyền-ảo, làm cho âm và dương gần gũi nhau hơn ... Người công-giáo thì họ ao ước được nghe lại những tiếng kinh cầu, những bản thánh ca, hồi chuông giáo-đường ... đều là những gì rất cần thiết để làm ấm lại, những linh hồn giá lạnh ... Vâng! chúng tôi sợ lắm, sợ phải lang thang vất vưởng ở những nơi đồng không mông quạnh, núi non bạt ngàn như chỗ chúng tôi đã bị gục ngã ...
Đến đây, anh từ từ đứng dậy, cố gắng đứng thẳng người, làm như đang sửa soạn để chào một vị thượng cấp:
-- Biết là hai chị vừa trải qua một ngày thật mệt nhọc, nhưng tôi không thể không đến đây, để nói một lời cảm tạ chân-thành tự đáy hồn của tôi. Không tìm được người thân, hai chị có thể lặng lẽ bước đi, như bao người khác ... Nhưng hai chị đã không làm thế, ngay cả với một người ... vô-danh như tôi đây ! ... Và bây giờ ... chị có thể tiếp tục giấc ngủ của chị, tôi xin phép ...
Nói xong, anh ta lặng lẽ quay lưng bước ra cửa, đầu như hơi cúi xuống ...
Một làn gió lạnh tràn vào, tôi giật mình bừng tỉnh dậy ! Biết là mình vừa mới qua một giấc mơ, một giấc mơ mà tôi còn nhớ rất rõ, từng chi tiết ... Nhìn vội ra phía cửa, hình như tôi còn thấy thấp thoáng cái bóng của anh, đang nhạt nhòa lẫn vào một màn sương càng lúc càng dầy đặc ...
o o o
Đầu năm 2011, tôi nhận được một lá thư của chị Trâm từ Việt Nam . Lá thư khá dài, ngoài một vài thông tin, còn có cả những lời như "tâm-sự" của chị nữa. Chị cho biết là gia-đình Dì An đã chính thức nhận được đầy đủ bộ hài cốt của người con, có DNA xác nhận và đã được mai táng tại nghĩa-trang của dòng họ tại Hà-Tây, Bắc Việt. Còn về phần chị, chị đã có được mảnh bằng mà chị mơ ước, tuy nó chỉ là một associate degree, nhưng ở Việt Nam, nó là qúi lắm ! Chị dự định sẽ chỉ dùng sự hiểu biết của mình cho việc giáo-dục thôi, vì chị đã tạm ngưng công việc của một "nhà ngoại-cảm" rồi. Nhiều lúc chị bâng khuâng tự hỏi: không biết là vì có "duyên-nợ", hay là vì được trao một "sứ-mệnh", mà bỗng dưng chị lại có khả năng của một nhà ngoại-cảm, sau một trận ốm liệt giường? ... Cho dù vì bất cứ một lý do gì, chị cũng nghĩ là mình phải dùng năng-khiếu thiên-phú này để giúp người. Mà người đây có nghĩa là tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng cho một nhóm cùng chung một phe, một đảng ! Những người "ngã ngựa" thì đã nhận lãnh đầy đủ các kiểu đòn-thù rồi, có cần phải tiếp tục với những bộ hài-cốt nữa hay không ? Thực tế đã khiến chị phải tạm dừng lại, để chờ ! Chờ và hy-vọng ... Đã từng du học ở những nước tiền tiến, chị thất vọng khi thấy những người lãnh-đạo trong nước, hầu hết đều đã cạn kiệt lòng nhân-bản, mà tiến-trình văn-minh của họ thì lại đi qúa chậm ! Tệ hơn nữa, nhiều khi họ còn đi cả ... giật lùi ! Ngược dòng lịch-sử, chúng ta đã từng chê trách hành động qúa đáng, không quân-tử của vua Gia-Long, là trả thù cả với hài-cốt của vị anh-hùng áo vải Quang-Trung. Thế mà ở thế-kỷ thứ 21 này, chuyện tương tự xấu xa đó cũng đã đang được tái diễn, trên toàn thể nước Việt ! ...
Tôi nhớ câu cuối cùng, chị viết là : Để tránh khỏi phải đau lòng, nhiều khi thà không làm gì hết, còn hơn là chỉ được làm có phân nửa công việc !
Virginia, ngày lễ Thanh-Minh 2015
Bùi Thượng Phong
Posted by sontrung at 10:22 PM No comments:
Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 418
CHU TẤT TIẾN * MẸ TÔI
MẸ TÔI
Chu Tất Tiến.
Viết trong mùa Hiền Mẫu, 2016.
Mẹ tôi mất năm bà vừa đúng 86 tuổi. Chiều hôm ấy, bà gọi tôi, giọng rất bình tĩnh:
-Con sang xem me bị làm sao ấy. Tự dưng me đau bụng quá.
Tôi vội lái xe chạy qua nơi mẹ tôi ở, một căn phòng “share” của người ta, cách nhà tôi chừng 10 phút, gần sát nhà thờ Westminster. Mẹ tôi chọn nơi này vì bà thích được đi bộ đến nhà thờ mỗi buổi sáng mà không phải nhờ đến ai. Một phần nữa, bà muốn ở riêng, không chung đụng với bất cứ đứa con nào. Thật ra, nếu bà muốn, cũng chẳng có đứa con nào có thể ở chung với bà mà không xích mích, ngay cả tôi, thằng con út trong gia đình có 6 anh chị em, là người thương bà và lo lắng cho bà nhiều nhất. Các anh, chị tôi đều dạt ra cả, không ai dám ở chung với bà, chỉ trừ có tôi. Sau khi tôi sang Mỹ theo diện H.O., anh ba tôi, ở miền Bắc California, bảo tôi lên ở với anh, trông coi cửa hàng cho anh và ở nhà anh miễn phí, nhưng tôi từ chối cơ hội tốt đẹp đó vì muốn ở gần mẹ. Sau này, tôi cứ tiếc mãi cơ hội đó vì một người cựu tù mới tới Mỹ, lạng quạng chân ướt chân ráo, mà có việc làm ngay, một việc làm nhàn nhã, chỉ quản lý một cửa hàng bán đồ ăn “fast food”, mà lại ở nhà không mất tiền thuê hàng tháng, thì đúng là tiên, cả nhà tha hồ đi học lại, nhất định tương lai sẽ sáng lạn. Nhưng suy nghĩ mãi, tôi chọn ở chung với mẹ tôi, dù biết trước là hai mẹ con sẽ đụng nhau tơi bời, nhất là vợ tôi, tính hiền lành, nhẫn nhục, nhưng cũng đôi lần phải khóc thầm vì bà mẹ chồng cứ “nghĩ sao, nói vậy, người ơi!” nên thỉnh thoảng độp cho con dâu những câu ác liệt không tưởng tượng được.
Với tính thương mẹ, tôi gạt qua tất cả những căng thẳng mẹ chồng, con dâu, và ngay cả giữa mẹ và con út nữa, và chấp nhận những “bất trắc” rình rập trong cuộc sống chung. Thật thế, mẹ tôi là người mà một thầy bói đã nói: “bà là một người đàn ông trong thân thể đàn bà”, bà rất cứng rắn, thực tế, và nghiêm khắc đến nỗi cả 6 đứa con đều né bà, sợ bà như sợ cọp. Anh ba tôi nói: “Tao mà ở với me chỉ ba ngày là cãi nhau như điên.” Chị kế tôi “bán cái” cho tôi, chẳng bao giờ có ý kiến là ở hay không ở với mẹ. Anh cả tôi thì mất ở trong tù Cộng Sản từ lâu rồi, nhưng trước khi anh mất, hai mẹ con lục đục với nhau hoài.
Hồi đó, mẹ tôi ở một mình ở Long Khánh với cái trại nhỏ của bà, và bị ốm nặng, xuất huyết dữ dội. Tôi ở Saigon lên thăm bà về rồi dục ông anh cả tôi lên thăm bà. Anh cả tôi lừng khừng không chịu đi, vì mới có một trận xung khắc kịch liệt với bà, ngại lên gặp bà thì rồi hai mẹ con lại cãi nhau. Tôi điên tiết lên, chỉ mặt anh, gào to:
-Đ. M. Tôi và anh có liên hệ vì chung một mẹ. Nếu anh không lên thăm mẹ, tôi từ anh ra.
Rồi quay sang mấy đứa cháu đang mở to mắt nhìn ông chú chửi thề tục tĩu, tôi quát:
-Từ nay, đứa nào mà còn gọi tao bằng chú, tao đập chết.
Anh tôi thấy thằng út du đãng quá, nên vội lái xe lên thăm mẹ. Tới nơi, anh lại nói ngay với mẹ tôi:
-Con lên thăm me là vì thằng Tiến nó bảo con!
Chủ nhật sau, tôi lên thăm mẹ, bà kể lại cho tôi nghe hết. Tôi tức cười quá, nhưng cũng “tha tào” cho ông anh.
Mẹ tôi là người đàn bà độc đáo, tính tình rất đặc biệt, không giống ai. Sở dĩ như vậy, là vì bà đã trải qua một cuộc đời đầy cay đắng, khắc nghiệt. Mới mười mấy tuổi đã bị cha mẹ ép gả cho một ông Tiên Chỉ, vốn là một Thầy Đồ dậy học, góa vợ, hơn bà gần ba chục tuổi, người con cả của ông là chị lớn của tôi cũng gần bằng tuổi mẹ tôi. Bà nội tôi, một người giầu có vô địch trong làng, lại là người nổi tiếng là không hiền, coi con dâu như một cái đích để thử tính kiên nhẫn của mẹ. Mẹ tôi kể, khi anh ba tôi, lúc ấy chừng 3 tuổi bị một cái nhọt to bằng trái ổi ở trên đầu, cứ khóc lèo nhèo đòi đi theo bố tôi, bà nội tôi dùng cái vạt áo bông thật dầy cứ đập vào đầu anh tôi và mắng ầm ĩ. Cái nhọt trên đầu anh tôi bung ra, mủ máu tùm lum. Anh tôi xỉu thẳng cẳng. Bố tôi sợ con chết, giận bà nội tôi quá, nằm ngửa ra đất, đập ót xuống sàn gạch và khóc lớn:
-Mẹ giết con của con mất rồi!
Môt người lực điền trong nhà vội lấy bàn chân đỡ đầu bố tôi cho khỏi va vào gạch, mà vì bố tôi đập mạnh quá, ngón chân anh bị dập luôn. Mẹ tôi vội bế con, kêu anh xe kéo một mạch ra Hà Nội, tìm thầy thuốc. Đến một ông Lang nổi tiếng ở Hàng Buồm, ông cho một chai thuốc nhỏ, bảo cho thằng nhỏ uống một muỗng cà phê, ngày hai lần. Mẹ tôi rất tinh tế, nên nói với bố tôi là cho thử nếm một cái tăm tre xem sao đã rồi hãy uống. Bố tôi vừa cho cái tăm thấm thuốc vào miệng anh tôi chừng vài phút, anh tôi đã dẫy nẩy cả người lên, nôn ọe tùm lum. Mẹ tôi vội bế anh đi bác sĩ Tây, may mà mẹ tôi lanh trí, nếu không thì anh tôi đã ra người thiên cổ từ bé.
Với bà mẹ chồng như thế, mẹ tôi đã chịu bao cay đắng, vất vả. Nhưng với bản tính thông minh, mẹ tôi đã sống qua thời trẻ mà thành công rất lớn, làm cho gia đình tôi trở nên cực kỳ giầu có. Khi bà nội tôi muốn chia những thửa ruộng của bà cho các con, mẹ tôi chọn miếng ruộng khô khan nhất mà lại ở triền núi. Mẹ tôi kể:
-Me chọn miếng đất ấy, ở tuốt trên miền Hòa Bình sơn cước, chả ai thèm lên, vì biết là nếu mà chọn miếng tốt hơn thì các chú các thím cũng ganh, và thế nào cũng bì tị, cho rằng con cả thì cái gì cũng tốt. Rồi lại sinh chuyện!
Không ngờ miếng ruộng ấy lại là ruộng vàng! Vàng thật, không phải nói bóng. Vàng nằm đầy trên triền núi Hòa Bình ấy, nằm ngay dưới mặt đất, chẳng phải đào xới gì sâu. Thầy tôi mừng lắm, định rào dậu lại rồi thuê người gác, nhưng mẹ tôi gạt đi:
-Thầy nó cứ để tôi, tôi biết lo liệu.
Thay vì thuê người gác, mẹ tôi mở toang thửa ruộng, báo cho dân miền ấy biết là “bất cứ ai cũng có thể vào đấy đào vàng, nhưng đào xong thì bán lại cho bà” Thế là người Mường, Mán ùn ùn vào đào liên miên, nhưng cứ đến cuối ngày, thì mẹ tôi đứng chờ ở ngoài với một bị tiền, mua tất, và dĩ nhiên với một giá rẻ. Tôi hỏi mẹ tại sao mẹ lại làm vậy. Mẹ tôi cười:
-Me làm thế là có lợi hơn là thuê người làm, người gác. Này nhé, người Mán, Mường trên ấy chuyên mặc quần áo, váy, khăn đầy người, nếu thuê họ đào, thì nhất định họ sẽ dấu vàng vào khăn, vào váy, mỗi ngày một tí, rồi không lẽ cuối ngày, mình bắt họ ở truồng ra mà khám à? Còn những người gác, tội gì lại không ăn cắp? Mỗi ngày nó nuốt một miếng, thì mình hết vốn rồi! Me cho họ tự nhiên đào vàng, thì họ sẽ chẳng cần ăn cắp, sẽ không có trộm cướp rình mình mà giết, mà vì người miền núi không thích vàng, mà chỉ thích bạc, họ đeo vòng bạc đầy người, chứ không đeo vàng, me trả họ tiền, họ thích lắm, đi mua bạc. Mình lại bán bạc cho họ! Thế là cả hai bên đều có lợi!
Mẹ tôi thật là thông minh. Mỗi ngày bà chỉ mang một bị tiền, bị bạc, chất lên con ngựa của bà, rồi cầm cái gậy dài để đập rắn rết, mẹ cỡi ngựa lên núi, lấy tiền đổi vàng, bán bạc lấy tiền, chả sợ cướp bóc gì, cả làng người sơn cước còn quý mến mẹ, cho dù mẹ còn trẻ, dưới 30 tuổi, nhưng tất cả đều gọi mẹ bằng tiếng “mẹ”, và đi đâu cũng được đón tiếp nồng hậu.
Mẹ tôi rất can đảm, chẳng biết sợ là cái gì. Bà ghét mê tín, thần linh vớ vẩn. Một hôm bà rẽ vào môt nhà người Mán, ngủ qua đêm. Bà nằm trên phản, mà chân lại hướng về phía bàn thờ của người sơn cước tỉnh bơ. Bà chủ nhà cứ chắp tay vái mẹ lia lịa:
-Mẹ ơi! Nếu mẹ không thờ, thì mẹ cũng để con thờ chứ! Mẹ để chân về phía bàn thờ như vậy, ma nó về vật con chết!
Mẹ tôi “ối dào, ma với quỷ!” và mãi mới chịu rút chân về! Cỡi ngựa đi ngang qua mấy miếu thờ của họ, mẹ tôi cũng chẳng xuống ngựa, làm dân làng hãi quá, vái lấy vái để.
Tính mẹ tôi như thế đó, thẳng thắn, cương quyết, hiểu biết nhiều điều lạ và áp dụng ngay trong đời sống. Thầy tôi có mua một thửa vườn lớn để trồng mít. Vườn ở xa nhà lắm, nếu muốn lên thăm vườn, thì phải đi thuyền ngược, rồi leo núi bằng chân. Để tránh tình trạng ăn trộm mít, mẹ tôi thuê một bà Mán là phù thủy trong làng, coi sóc vườn cho bà. Bà Mán này có phù phép ma quái, thờ một ông “ma xó” ngay cửa vườn. Ông “ma xó” là một cái đầu lâu người chết vì sét đánh, bà phù thủy này đem để trong môt cái lu, rồi yểm bùa gì đó, khiến con ma này trông coi vườn cho bà. Nếu có kẻ trộm đến hái mít, thì lập tức con ma xó này đếm: “một.. hai…ba”. Nếu đếm đến 3 mà kẻ trộm không chạy, thì ma vật hộc máu ra chết liền!
Một ngày kia, khi được tin báo là mít đã chín, thầy mẹ tôi kêu mấy người làm cùng chèo thuyền lên rừng hái mít. Cả toán đến nơi, thì chưng hửng, vì bà phù thủy kia không cho hái. Bà chắp tay vái thầy tôi và nói:
-Thầy ơi! Thầy đợi con trăng ngày mai rồi hãy hái. Con còn phải cúng trăng đã.
Đâu có được! Cả toán kéo lên đây đây phải dễ mà đi về rồi lại lộn lên nữa! Thầy tôi cứ cương quyết bảo anh Mười, một người lực điền khỏe nhất đám với bắp múi nổi gồng lên ở tay chân, leo lên hái mít. “Mày cứ lên hái cho tao!”
Vừa leo lên tới chỗ quả mít to nhất, và mới chạm tay vào trái mít, bỗng anh Mười vụt tay ra, rồi té nhào xuống đất. Mọi người đổ xô đến, sợ hết hồn hết vía vì thấy anh Mười mặt mũi đỏ gay, cứ thè lưỡi ra định cắn lưỡi mình, tay chân co rút, đập tán loạn trên đất để tự tử. Mấy người lực điền phải đè anh xuống, giữ tay giữ chân anh, mà sao anh mạnh quá trời, giữ đè vậy mà anh cũng vùng lên được và chạy ào ra, phóng xuống sông! Mọi người nhào theo, vật lộn với anh làm nước tung tóe.
Bà Mán thủng thỉnh nói:
-Con đã nói rồi mà! Con đã nói rồi mà! Chưa cúng trăng, làm sao hái được?
Thầy tôi, cũng là người không biết sợ ma quỷ, quay lại, vung tay tát cho bà Mán kia một cái và quát lớn:
-Mày có giải bùa cho nó không thì bảo? Tao báo quan bắt bỏ tù mày!
Bà Mán lẳng lặng chùi má và thấy tình hình cũng găng quá, nên đòi thầy tôi phải đưa cho bà một đồng bạc thật, để bà cúng ma! Bực quá mà thầy tôi cũng phải móc túi đưa cho bà phù thủy kia một đồng bạc bằng bạc thật. Hồi đó, người Mán, Mường chỉ thích bạc để đeo toòng teng trên người, làm xà-tích bạc, dây bạc, vòng bạc cổ chân, cổ tay, và trên cổ.. Đồng bạc thật hồi đó quý lắm, dầy cui và khắc hoa văn. Được đồng bạc trên tay, bà Mán kia thắp nhang, nến và quỳ xuống vái cái lu đựng “ông ma xó”, rồi lẩm bẩm đọc thần chú gì đó…Chỉ vài giây sau, đột nhiên, anh Mười tỉnh táo lại, coi như không có chuyện gì xẩy ra….
Vậy mà mẹ tôi chẳng biết sợ là cái gì. Rồi chúng tôi về Hà Nội với căn nhà mênh mông ngay trên phố Khâm Thiên, với một cái cầu thang bằng đồng có hai cái tay nắm tròn bằng đồng sáng chói, nơi mà tôi lẫm chẫm đứng đó và chỉ tay ra ngoài cửa: “Ph…ở…ph…ở…” để chị vú chạy ra gọi ông phở gánh ngừng lại và bán cho tôi một tô phở. Một ngày kia, mẹ tôi đang ngồi trên phản gụ, một người làng cũ đến, đưa cho mẹ tôi một chai mật ong đặc và nói là quà của thầy tôi, không biết lúc đó đang ở đâu. Sau khi bị đấu tố ở làng, thầy mẹ tôi trốn được, nhưng không biết sao mà Thầy tôi không về Hà nội cùng với chúng tôi. Nghe người đưa tin xong, mẹ tôi cầm ngay chai mật ong, đập cái “chát” vào tường. Mật bắn tung tóe cả nhà, rồi mẹ tôi lẳng lặng thu xếp cho cả nhà kéo về Bùi Chu, không ở Hà Nội nữa.
Tôi nhớ, hồi đó, một buổi sớm lạnh, cả nhà tôi kéo nhau ra bến sông. Giữa những đốm sáng của các cây đèn bão lung linh, với tiếng nước va mạn thuyền róc rách, tiếng người gọi nhau ơi ới, mẹ tôi dẫn tay tôi đi trên tấm ván gỗ rung rinh dưới chân, bước vào khoang con thuyền đinh, một thứ thuyền có mui lớn và những cánh buồm to rộng. Sau khi đồ đạc chất lên rồi, thuyền nhổ neo ra khơi. Chiếc đèn bão treo trong khoang cứ lắc đi lắc lại, làm những vầng sáng thật lãng mạn chập chờn trên vách tre. Tâm tư của đứa trẻ 5,6 tuổi như tôi cứ lâng lâng theo tiếng sóng vỗ lẹt đẹt vào mạn thuyền và những vầng sáng nhòa nhạt trong khoang. Khi mặt trời lên cao, tôi leo lên nóc khoang, ngồi nhìn những đàn chim tung cánh trong nắng sớm hướng về phía mặt trời rực rỡ xa xa. Bỗng dưng, tim tôi như ngừng đập khi nhìn thấy bên bờ sông có dẫy cát vàng trải dài, một đàn ngựa đang tung tăng chạy nhẩy. Một con ngựa bỗng cất cao hai vó trước lên và hí một tiếng dài.. Tiếng hí trong sương sớm thấm vào hồn tôi, hòa vào máu tôi, và ở lại mãi cho đến hôm nay, khiến tôi muốn bật ra các câu thơ..
Về đến Bùi Chu, mẹ tôi cho dọn vào căn nhà đầu tiên của Đại Lộ Phạm Ngọc Chi, ngay sát một nghĩa địa nhỏ, rồi tới sân nhà thờ. Mẹ tôi thuê nhà ở đây làm nơi trung chuyển thuốc lào Vĩnh Bảo. Bỏ hết giang sơn lại ở Hà Nội, mẹ tôi quay sang làm đại lý thuốc lào và đi giao hàng khắp các tỉnh, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên. Mẹ tôi hồi trẻ gan dạ lắm. Bà buôn đủ thứ. Lên miền ngược mua gỗ cây, cho thả xuôi theo dòng. Về tới bình nguyên, thì chặn lại, bà bán cho chủ gỗ. Có khi bà liều mạng vào vùng Việt Minh, bán đá lửa, thuốc Aspirin là những món hàng quý. Bà cho đục mái chèo ra, nhét đá lữa hay thuốc vào đó, rồi khằn lại, làm cái nghề này mất mạng như chơi.
Điều đáng kể là cũng tại Bùi Chu, tôi đã gặp ma lần đầu tiên. Hôm ấy, các anh chị tôi kéo đi xem phim chiếu ở sân nhà thờ, còn có hai mẹ con ngồi ở ngoài sân, nhìn ra bờ hồ tối thui. Đang ngồi yên lặng, chợt nghe thấy tiếng người gọi ở trong nhà: “Bán cho tôi đồng thuốc lào”. Mẹ tôi cười:
-Lại thằng nào phá đây!
Rồi mẹ tôi kéo tôi đi vào trong nhà. Cầm lấy cây đèn Hoa Kỳ vàng nhỏ, mẹ tôi đi khắp trước sau, cũng không thấy ai. Mẹ lẩm bẩm: “Quái! Thằng nào vừa nói mà đâu mất rồi?” Mẹ tôi lại đi thêm môt vòng nữa, cũng không thấy ai. Chợt, từ cây đàn ghi ta treo trên vách, bỗng bật lên mấy tiếng “từng, tưng, tưng”… Nhìn lại thấy cây đàn vẫn treo đó, mà không có người gẩy, bất chợt tôi rung người. Mẹ tôi thấy tôi sợ, liền nắm chặt bàn tay tôi, nói:
-Để me tìm ra thằng nào, me tát cho nó một cái.
Hai mẹ con đi từ nhà trên xuống nhà bếp, tới cái cầu tiêu cao.. cũng không thấy bóng người nào. Mẹ nói:
-Lạ nhỉ?
Rồi mẹ kéo tay tôi, lúc đó đã run bần bật, ra phía vườn sau có bức tường sát với nghĩa địa, có một cây cao giữa vườn, nghe nói có người treo cổ ở đó.. tới phòng tắm xây ở góc vườn.. Tại cửa phòng tắm, mẹ tôi giơ cao cây đèn vào trong và nói:
-Đây rồi! Thằng nào núp trong này thì biết tay me!
Vừa đưa cây đèn vào phía trong cửa, bất ngờ một cơn gió từ bên trong thổi ra rất mạnh. “Phù…” Cây đèn tắt phụt!
Tôi giật bắn mình, quấn ngay vào chân mẹ. Mẹ tôi lẳng lặng không nói gì, nhưng tôi cũng biết đó là.. ma, vì trong phòng tắm chẳng có bóng người nào cả! Chân tôi như ríu lại, tôi bước không nổi nữa, làm mẹ tôi phải bế tôi lên ra ngoài. Tới cửa bên ngoài rồi, mẹ nói nhó:
-Con đừng nói với đứa nào nhé! Đêm nay chúng nó lại vãi cả ra giường!
Lúc đó, miệng tôi như bị ai nhét giẻ vào nên không nói được lời nào. Đến khuya, các anh chị tôi lục tục về nhà. Tuy bị mẹ cấm, nhưng làm sao mà tôi nhịn mà không kể được. Thế là sáng hôm sau, giường chiếu nào cũng đen xì, ẩm ướt, không có đứa nào có gan mà đi tiểu ở cầu tiêu đằng sau..
Mãi đến sau khi anh cả tôi quất cho mỗi đứa một trận thê thảm thì mới hết tiểu ra giường bởi chúng tôi sợ đòn hơn sợ ma. Anh cả tôi mà đánh thì oằn người.
Trở lại chuyện mẹ khi thầy tôi mất. Một sáng lạnh, có một chiếc xe Traction đen phóng về Bùi Chu. Sau khi nói chuyện với mẹ tôi xong, thì chiếc xe lại vù đi. Mẹ tôi không nói gì, chỉ gọi anh cả tôi thu xếp lên đường về Hà Nội. Chúng tôi ở lại, ngơ ngác. Mấy ngày sau, mẹ và anh trở lại, đưa cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc khăn đen đeo vào vòng tay, cho biết Thầy tôi, sau vụ đấu tố, đã mang bệnh nặng và chết rồi.
Từ đó, chúng tôi sống với sự bươn chải của mẹ, một tay nuôi sáu đứa con. Có những hôm, trời mưa làm bùn ngập cả đường tới trên mắt cá, mẹ tôi một tay chống gậy, một tay đỡ bao gạo trên đầu, bì bọp bước về nhà. Mùa đông lạnh quá, mẹ tôi bện một ổ rơm thật lớn cho cả nhà nằm ngủ dưới đất. Sáng dậy, đánh răng bằng muối hay bằng than đen. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải ăn cám thay cơm. Mỗi đứa một đĩa cám, lấy thìa đẩy vào mồm và phải bịt mũi vì nếu thở mạnh, cám bay tùm lum.
Thời gian ấy, để mưu sinh, mẹ tôi làm đủ nghề. Mới hơn 30 tuổi, mà mẹ tôi trông già như bà lão. Mẹ tôi hay cho tôi đi theo những chuyến buôn hàng thật xa, có khi đi tầu thủy, có khi đi xe “ca”, loại xe ghế gỗ, đường xóc, bụi bay mù mịt. Có khi đi thuyền, hay lội bộ cả ngày luôn. Tôi còn nhớ mẹ hay làm cơm nắm, cho ăn với tôm. Ăn xong, thì dù ở trong thuyền, tầu thủy, hay xe ca, mẹ vẫn bảo tôi đọc truyện của Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam.. Đọc xong, mẹ cho kẹo hay cho tiền. Và như thế, văn chương, thơ phú đã thấm vào hồn tôi từ lúc nhỏ. Tôi mê nhân vật Dũng, sáng mờ sương, cầm cây đàn bước xuống thuyền trong tiếng sóng vỗ bờ. Tôi mến cô hàng sách, thích cô hàng hoa, thương cô Loan bị đầy đọa.. Từ mẹ tôi và những cuốn truyện ấy, tôi lớn lên trong văn chương và tình thương của mẹ… Cũng vì thế, mà tôi yêu mẹ nhất nhà. Tôi không thể nào quên được những buổi sáng lạnh, hai mẹ con bước đi trong sương mờ, ghé vào một cổng làng, cổng chợ nào đấy, ăn một đĩa bánh cuốn nóng hổi dưới ánh đèn leo lét. Những chuyến tầu thủy chật người, người này nằm gác đầu lên chân người kia, mẹ tôi mở gói cơm nắm ra, trong đó có kẹp một con tôm đỏ, hoặc chút ruốc.. thât tuyệt vời. Cho nên, khi lớn lên, dù mẹ tôi đánh tôi tàn bạo, đánh lần nào lần ấy phải cõng đi nhà thương, hay gọi bác sĩ khẩn cấp đến nhà chích thuốc cho tôi, lúc ấy tay đã “bắt chuồn chuồn”, nghĩa là sắp sang bên kia thế giới, tôi vẫn yêu mẹ. Có lần mẹ tôi rút ngay cái cọc sắt của chiếc giường sắt, vẫn làm nơi mắc mùng, mà cầm cả hai tay quật cây sắt nặng ấy vào người tôi làm tôi té ngửa. Có lần mẹ cầm cây gỗ 1 phân vuông, đánh tôi đến gẫy cây, mẹ chập cả hai cây làm một, đánh tiếp cho tới khi tôi bất tỉnh. Tôi vẫn yêu mẹ. Lý do những lần bị đánh ấy cũng chả có gì là ghê gớm. Hoặc tôi ham chơi về trễ, sau khi cả nhà đã đi ngủ. Hoặc tôi gian, lấy chìa khóa tủ của mẹ tôi, “chôm” tiền của mẹ, đi xem xine. Hoặc tôi đánh lộn với mấy đứa hàng xóm, bắn tên vào mắt nó, suýt mù… Lần tôi không chịu nghe lời mẹ mà đưa võng cho cô cháu cứ lè nhè đòi “chú Tiến đưa võng cơ”, mẹ tôi đánh tôi suýt chết vì nói tôi không nghe lời mà đưa võng cho cháu, mẹ rút cây kẹp sắt vẫn dùng để gắp than trong bếp, đánh tôi đến khi cây sắt đôi kia cong veo…
Đến khi tôi đã học đệ nhị rồi, mẹ vẫn đánh kinh khủng. Có gì đâu? Tôi mê học vẽ, mà học vẽ thì phải vẽ đàn bà trần truồng. Mẹ hét lên: “Đồ ma quỷ! Mày vẽ cái gì mà ma quỷ thế?”. Mẹ xé toạc bức tranh của tôi, rồi đánh túi bụi lên đầu lên cổ tôi. Tôi cũng ham học võ, tuần nào cũng học 6 buổi sáng sớm, 6 buổi tối, học một lúc bốn môn võ: Judo, Aikido, Jujitsu, và Karate. Học võ thì gẫy tay, gẫy chân là chuyện thường. Sút khớp vai, long đầu gối, rớt ngón tay, ngón chân lủng lẳng.. tôi chẳng biết sợ, vì giống tính mẹ, nhưng mẹ không chịu, mẹ xé võ phục của tôi, thấy tôi què, mẹ còn đánh tợn. Một hôm, biết tôi vẫn lén xin tiền chị Hai để đi học vẽ “cái đồ ma quỷ”, mẹ hăm tôi là sẽ đánh vào sáng hôm sau. Sáng sớm, tôi thức dậy sớm, chờ mẹ tôi đi lễ về, tôi kéo chiếc ghế đẩu, không có tựa, ra giữa nhà, và cởi áo may ô ra, ngồi đó và nói:
-Đấy, me đánh đi!
Mẹ tôi thấy tôi thách thức thì điên lên, cầm gậy phang tôi. Mẹ quất một cái, tôi đếm: “Một”, mẹ quất hai cái, tôi đếm “hai”… làm những cây gậy sau càng lúc càng nhanh, càng mạnh, lúc đầu thì quật ngang lưng, sau thì leo lên cổ, đầu.. Đến đầu, thì tôi lăn ra bất tỉnh, xùi bọt mép!
Mẹ đâu biết là tôi giống tính Mẹ mà! Tôi không biết chữ “sợ” là gì. Đêm leo rào vào nghĩa địa, cầu cơ. Ngày chui vào hầm xương người, nhặt đầu lâu ra chơi. Lúc đi học thi Tú Tài thì vào nghĩa trang Bắc Việt, kiếm ngôi mộ xây nào là của thiếu nữ, thì leo lên ngồi, học bài. Học xong, thì ôm mộ ngủ. Nếu thấy cô gái đẹp, thì làm thơ rồi đốt tặng cho hồn ma oan khuất, thương “em chết trẻ quá”… Chờ người ta tảo mộ, thì nhặt ván hòm về đẽo thành hình trái tim và cầu hồn ma lên nói chuyện chơi, có khi nói “yêu” cả ma nữa.
Học võ thì để đánh lộn tưng bừng. Mấy trận đánh lộn ở Xóm Mới, Gò Vấp, Lăng Cha Cả, một mình xông vào giữa đám dao, gậy, mã tấu mà đấm, đá, vật, quật tưng bừng để thân người bị chém ít nhất là 5 vết sẹo, có vết dao nguy hiểm vì bị đâm ngay tìm, nhưng chỉ đến lớp da ngoài thì ngừng lại.
Thế mà không bị đòn sao được! Tôi chịu đòn của mẹ tôi mà không bao giờ nói lời xin lỗi. Chứng nào tật đó. Bị đánh xong lại tái phạm. Nhưng cho đến khi tôi đỗ Tú Một, thì bỏ nhà đi bụi đời hơn một năm. Giao du với du đãng, khi không có tiền ăn, thì đi cướp giật ngoài đường. Thấy cậu ấm nào đi lạng quạng, đeo dây chuyền, hoặc gắn bút máy Pilot ở túi, là tôi xông ra, tay trái nắm lấy dây chuyền hoặc bút, tay phải dọng một cú đấm vào mặt và chửi tục: “Đ.M mày, du đãng hả?” Cậu ấm còn ngơ ngác, chưa hiểu gì đã bị tôi đạp giúi xuống đất, rồi tôi bỏ chạy thục mạng vào mấy con hẻm ngoằn ngoèo Đa Kao, có thánh cũng không rượt kịp. Cầm “chiến lợi phẩm”, tôi đi vào tiệm cầm đồ quen ở Hai bà Trưng, đổi lấy tiền đi mua bánh mì, có “may dô ne”, và ngồi ăn ở góc đường nào đó. Đêm ngủ vỉa hè, hay dưới gầm xe đò, có khi leo lên xích lô của ai để ngoài đường… Cuộc đời du đãng của tôi đầy tội lỗi, gái giếc, cờ bạc, chỉ không hút xì ke mà thôi.
Rồi cũng có ngày thay đổi. Tôi được người anh họ cho đi dậy học ngoài tỉnh, được một niên học.. Mẹ tôi nghe tin, tìm đến, khóc lóc buộc tôi về. Nhưng chỉ được vài ngày, tôi lại lẳng lặng xách túi ra đi, vừa đi, vừa nhìn lại nhà Mẹ mà khóc…Vừa nhớ mẹ, vừa thương mẹ, cũng vừa ghét mẹ vô cùng.
Và cứ thế, tình mẹ con lên lên, xuống xuống như thủy triều, nhưng khi tôi trở thành thầy giáo, rồi đi lính, biệt phái về hành chánh, rồi làm Giám Đốc một hãng tư, tôi vẫn là đứa con duy nhất lo cho mẹ. Còn các anh chị tôi chạy tản bốn phương. Ai cũng sợ các câu nói “chết cây, gẫy ngành” của mẹ.
Cuối cùng, sau khi sang Mỹ, tôi cố ở với Mẹ môt thời gian vài tháng, rồi “chứng nào tật nấy”, mẹ con lại cãi nhau, và mẹ tôi đi “share” phòng ở môt mình. Hôm đó, nghe mẹ nói đau bụng, tôi vội chở mẹ đi khám bệnh, và đau đớn khi nghe bác sĩ nói: “Cụ chỉ còn sống được 6 tháng nữa là cùng. Cụ bị ung thư dạ dầy đến giai đoạn chót”.
Tôi đưa mẹ vào bệnh viện Fountain Valley, ở đây, tôi chỉ có thể thăm mẹ vào buổi chiều sau khi đi làm về. Mấy đứa cháu con ông anh tôi cũng thay phiền vào thăm bà nội. Nhưng vì cô đơn suốt ngày, mẹ tôi muốn về Việt Nam để có người thân chăm sóc trước khi chết. Nhà tôi còn hai bà chị ở lại Việt Nam và nhiều đứa cháu họ.
Tôi tiễn mẹ ra phi trường và kiếm người đi cùng, nhờ vả họ coi chừng giùm mẹ tôi khi bay. Trong khi chờ bay, Mẹ tôi không đổi sắc, vẫn nói chuyện bình thường với con cháu. Đến khi người ta đưa mẹ vào phòng cách ly, tôi chỉ còn biết gào lên hai tiếng: “Me ơi!” cuối cùng khi bóng mẹ khuất sau cánh cửa.
Mẹ tôi mất đi, nhưng những kỷ niệm hạnh phúc của tuổi thơ bên mẹ không bao giờ tàn trong tôi. Me ơi! Con yêu me nhiều lắm, Me biết không?
Chu Tất Tiến.
Mẹ tôi kém Thầy tôi 30 tuổi. Thầy tôi sinh năm 1890, Mẹ tôi sinh năm 1910. Thầy tôi cưới mẹ tôi sau khi Mẹ Cả, vợ trước của Thầy tôi mất, cho nên người chị Cả cùng Cha khác Mẹ với tôi chỉ kém Mẹ tôi có vài tuổi. Mẹ tôi là người phụ nữ tuyệt vời, suốt cuộc đời làm Vợ và làm Mẹ, Mẹ tôi cư xử rất đúng mực với gia đình chồng và hay nhường nhịn các chú, thím tôi về mọi phương diện. Khi Bà Nội tôi chia ruộng vườn, nhà cửa cho Thầy tôi và các Cô, Chú tôi, mẹ tôi luôn chọn phần nào kém nhất, mặc dù Thầy tôi là anh Cả trong gia đình.
Khi tôi hỏi “tại sao Me lại chọn cái gì kém nhất?”, Mẹ tôi bảo: “Me là chị Cả nhưng lại kém tuổi hơn hết, các chú, các cô coi thường, nên Me hay nhường, kẻo họ lại nói này nói nọ!”
Vì đức tính chịu đựng và nhường nhịn như thế, Thầy tôi nể Mẹ tôi lắm, và để bà sắp xếp mọi việc trong ngoài, cai quản một dinh cơ bề thế, có thể nói là một trong những nhà giầu nhất tỉnh Hà Đông hồi đó, với hàng trăm trâu bò, một đàn gà, vịt nhiều đếm không xuể và môt chuồng ngựa, trong đó có một con dành cho môt anh lực điền chuyên ôm chúng tôi trên yên ngựa, phóng đi chơi. Nhà tôi hồi đó có nuôi một anh phu xe kéo, để kéo Thầy tôi đi đánh tổ tôm nữa. Vì nhà tôi giầu thế, nên dân làng nể mà bầu Thầy tôi làm Tiên Chỉ, tương đương với chủ tịch hội đồng làng, chẳng làm gì cả, chỉ ngồi trên trước mỗi khi có tiệc tùng, ăn nhậu. Do đó, người ta quen gọi Thầy tôi bằng “Ông Chỉ”, và Mẹ tôi là “Bà Chỉ!” Tên này được gọi mãi cho đến khi Mẹ tôi mấ
Mẹ tôi hồi xưa đó rất phục tùng gia đình chồng, nhất là chịu đựng bà Nội tôi, người mà tôi chưa hề biết mặt, chỉ nghe nói là tính nóng như lửa. Nghe kể là nhà bà tôi hồi đó có nuôi nhiều người làm lắm, mỗi khi có người làm nào kiếu ốm để nghỉ bệnh thì bà tôi mang ngay một cái bát lớn đến đầu giường người bệnh, và vén váy ngồi xuống để tè ra bát, đưa cho người bệnh uống, và bảo:
“Mày uống hết bát này là khỏi!”
Thế là người bệnh kinh hãi quá, vội chồm dậy, chạy bán sống bán chết, vừa chạy vừa gào lên:
“Thôi, con khỏi rồi, bà ơi!”.
Bà tôi dữ tính như vậy, mà mẹ tôi chịu được, thế mới tài. Sau đó, vì Việt Minh đến, đấu tố Thầy Mẹ tôi, chút nữa thì giết cả Thầy Mẹ tôi, nhưng nhờ mấy người làm trung thành giúp cho nhà tôi trốn được, chạy về Hà Nội, mua một căn nhà lớn ở phố Khâm Thiên, hai tầng, có cầu thang bọc tay bằng đồng ở giữa nhà, tỏa ra hai bên hành lang trên lầu, đầu cầu thang bên dưới có một cục đồng to vàng bằng quả bưởi, nơi cậu ấm Út là tôi, vẫn đứng vịn vào đó, bập bẹ: “Ph..ơ.. phơ.. phở!” để chị Vú vội chạy đi kiếm cho cậu Út một chén phở ngay.
Tưởng là mọi chuyện êm đẹp, giầu sang mãi, nhưng chỉ vì tính cương quyết của Mẹ tôi, mà một hôm, gia đình ly tán, đang giầu thành nghèo rớt mùng tơi. Tôi nhớ một hôm Mẹ tôi đang ngồi sập gụ, hút thuốc lào, thì một người làng từ xa đến, nói cái gì với Mẹ tôi đó, và đưa cho Mẹ tôi một chai mật ong rất quý, Mẹ tôi không nói gì, cầm cái chai mật ong ném vào tường “chát” một cái, mật đổ tung tóe ra nhà. Sau đó một thời gian ngắn, Mẹ tôi thu xếp đồ đạc, kéo cả nhà về Bùi Chu! Khi lớn lên tôi mới biết đó là tin ngắn không tốt về Thầy tôi, hình như là về người con trai của Thầy tôi với một bà Mán ngày xưa ấy... Giai đoạn này, thì tôi lờ mờ, lẫn lộn, vì hồi đó còn nhỏ quá, lẫn lộn giữa thời gian Thầy Mẹ tôi bị đấu tố, bị treo bản án “Nợ Máu với Nhân Dân” ở Hà Đông, rồi trốn được, chạy loạn, tản cư, rồi về Hà Nội như thế nào thì tôi không rõ, chỉ nhớ một điều là khi chạy trốn Việt Minh, Mẹ tôi địu tôi đằng sau, cột thật chặt, rồi chạy lúp xúp dưới ruộng.
Thỉnh thoảng Mẹ lại với tay ra sau, kéo đầu tôi xuống kẻo bị trúng đạn mất đầu! Còn hai chị tôi, được môt người lực điền khỏe mạnh gánh hai bên quang gánh, chạy theo. Anh Tư tôi chống cái gậy nhỏ, chạy trước cùng với Anh Hai, Chị Ba của tôi. Thầy tôi chạy sau cùng. Mẹ tôi đôi lúc phải gào lên kêu Thầy tôi và anh Tư tôi đi xuống ruộng, an toàn hơn, vì Thầy tôi và anh Tư tôi cứ leo lên trên mặt đường mà đi lúc đó súng đạn hai bên tùm lum, súng Tây, súng Viêt Minh bắn nhau loạn cào cào… Trốn được Việt Minh và thoát cảnh bị đưa ra sân nhà để bị bắn hoặc bị chôn dưới đất cho trâu kéo cầy qua đầu, nhưng Thầy tôi lâm bệnh nặng, gần như lãng trí, đi đâu đó rồi chết ở Hà Nội. Tôi nhớ hôm đó ở Bùi Chu, chợt có một chiếc xe Traction đen tuyền lái về đậu ngay trước cửa nhà tôi, người tài xế gặp Mẹ tôi nói nhỏ gì đó làm Mẹ tôi biến sắc, gọi anh Hai tôi lại, thầm thì cái gì đó, rồi hai người vơ vội ít quần áo, lên xe đi với người kia. Mẹ tôi chỉ kịp dặn lại:
“Mấy đứa ở nhà, Me đi ít hôm rồi về!”.
Vài ngày sau hay bao lâu thì tôi không nhớ rõ, chỉ biết Mẹ tôi và anh tôi về nhà, mặt buồn bã. Mẹ tôi bảo:
“Thầy mất rồi!”
Anh Hai tôi đưa cho mỗi đứa một cái băng tang đen đeo vào tay. Còn Mẹ tôi tự tay vòng một vòng vải đen vào cái mũ đội đầu của tôi. Tự bấy giờ, không khí gia đình nặng hẳn đi, chẳng ai nói với ai một lời. Năm 1950, Mẹ tôi dẫn cả nhà ra Hải Phòng, vì khu Bùi Chu – Phát Diệm đã bắt đầu có chiến tranh với Viêt Minh, không còn an toàn nữa. Tôi nhớ có hôm Việt Minh tấn công vào Bùi Chu, súng đạn mù trời, tôi nằm bẹp bên núi đá Đức Mẹ, ngó mấy người cầm súng chạy tới chạy lui, khiêng thương binh, khiêng xác chết giữa tiếng “cắc bọp” của mấy cây súng thời chiến tranh thứ nhất. Thỉnh thoảng có tiếng đại bác của đồn Tây gần đó vút qua đầu “vèo..èo.. ầm”. Đôi khi tôi nhìn thấy xa xa lửa nháng lên, vàng khè…
Tới Hải Phòng, Mẹ tôi thuê nhà ngay ngang hông nhà thờ lớn, muốn đi lễ chỉ cần chui qua một cái khung nhỏ đục qua tường nhà thờ là bước vào sân nhà thờ liền. Nhà tôi có một cái cổng gỗ, có khóa xích xộc xệch. Một hôm đi học về thấy cổng khóa, mà phía bên dưới có một khoảng trống nhỏ, tôi chui vào, nhưng không ngờ chỉ lọt cái đầu còn mình thì kẹt phía ngoài, tôi hoảng quá, vừa mếu máo vừa gọi người ra mở cổng. Mẹ tôi ra mở cổng, còn cốc vào đầu tôi một cái rõ đau. Ở đây môt thời gian, Mẹ tôi lại đổi nhà, thuê môt phòng phía sau môt nhà ngay mặt đường lớn. Nhà có cái cầu tiêu nổi, có mấy bậc bước lên. Phía sau tường và bên dưới là một lỗ trống cho người đến lấy phân đi tưới ruộng.
Vì hệ thống cống rãnh ở Hải Phòng hồi đó không có nên mỗi lần mưa lớn, nước ngập ngoài đường cả nửa thước tây, vào cả trong nhà dù nhà đã xây nền cao hơn mặt đường. Lũ trẻ chúng tôi cứ chờ mưa ra nhào ra đường bơi lổn nhổn giữa những rác rưởi lềnh bềnh và .. phân người cùng những con giòi trắng muốt trôi từ thùng phân phía sau nhà ra trước. Dơ bẩn như vậy mà chúng tôi vẫn khoái cho đến khi Mẹ tôi lôi tôi về, cho mấy cái tát đỏ cả má, tôi mới ngừng bơi trên con sông đường phố.
Rồi Mẹ tôi vào trong Nam, đi buôn gì thì tôi không rõ. Chỉ biết là khi về, Mẹ tôi mang về mấy món lạ nhưng ngon tuyệt: xoài cát, xoài tượng, măng cụt, mãng cầu và một trái sầu riêng! Tôi nhớ trái sầu riêng đã được Mẹ tôi cất trong tủ, nhưng mùi của nó bay qua cả nhà bên cạnh, qua cái sân trống giữa hai nhà với nhau làm mấy người hàng xóm đi qua, ngửi ngửi:
“Nhà này đi ỉa trong phòng hay sao mà thối quá vậy?”
Chúng tôi ở Hải Phòng hai năm thì di cư. Khi đến Saigon, Mẹ tôi không đi theo mấy ông cha để về Hố Nai, hay Gia Kiệm mà dọn ngay về Bình Đông, rồi Vườn Lài, rồi Khánh Hội, vì Mẹ tôi đã từng vào Nam trước rồi, nên quen đường xá. Sau cùng, Mẹ tôi mua một căn nhà ở Trương Minh Giảng, khu Vườn Xoài. Gọi là khu Vườn Xoài nhưng có lẽ chí có mình nhà tôi mới có một cây xoài to khổng lồ trước sân, mỗi mùa có trái, xoài treo tòng teng trông vô cùng đẹp, tôi lấy dàn thung bắn xoài, bị Mẹ tôi tát cho sưng mặt lên, nên bỏ bắn thung, mà đợi Mẹ đi vắng, thì trèo lên cây ngồi ..đớp! Với tính quán xuyến, Mẹ tôi không để đất trước nhà bỏ không, Mẹ tôi trồng hoa huệ đế bán. Hoa không lên mạnh, Mẹ tôi bỏ, trồng hoa dong, có lá đo đỏ, nụ hoa vừa hồng vừa vàng, mà trong ruột hoa có sương đọng rất ngọt, tôi cứ dí miệng vào hoa, húp lấy những giọt sương đọng mà suýt xoa: “Ngọt đã đời”!
Nghề trồng hoa không khá, Mẹ lại bỏ, chuyển sang xay bột sắn, rồi làm bánh quế…Chúng tôi phải xúm vào phụ Mẹ làm đủ thứ nhưng chẳng đi đến đâu. Rồi đến lúc gia đình gặp họa. Mẹ tôi làm nghề vay mướn, nghĩa là lấy hết tiền nhà cho vay, không đủ, thì đi bảo lãnh cho người vay. Không dè, bị một gia đình thân thiết kia bịp lừa hết tiền, Mẹ tôi tá hỏa tam tinh, phải bán nhà đi trả nợ đậy, rồi từ Vườn Xoài, chạy lên Tân Sa Châu, gần Lăng Cha Cả, rồi sau lại về Xóm Mới, nghĩa là đi xuống từ từ… Vì bị thiếu hụt, nợ nần chồng chất, mà con cái lại bỏ đi hết, chỉ còn mình tôi, nên Mẹ tôi giáng xuống đầu tôi những cơn giận qua những trận đòn thừa sống thiếu chết.
Tôi chán nản, bỏ đi bụi đời, làm thằng du đãng, cướp giật qua ngày để sống. Đôi khi đói cả 3 ngày liền, hoa mắt, xỉu giữa đường. Một lần xỉu tại khu chợ Bàn Cờ, gần nhà anh Hai tôi. Một lần xỉu ngay mặt đường Thoại Ngọc Hầu gần ngã ba Ông Tạ. Có người tốt bụng dựng tôi lên xoa dầu cù là cho tôi tỉnh dậy để lại lang thang giữa chợ đời với đôi giầy gần bung gót. Đói và khát như thế, nhưng tôi nhất định không về với Mẹ hay anh chị vì tự ái, nhưng lại lết đến chỗ các ông anh bạn của anh Hai tôi. Biết tôi đói, các anh B., anh T., anh Th… đưa tôi đi ăn, đi xem xi nê, rồi dúi cho tôi vài trăm. Môt ông bạn anh Hai tôi là họa sĩ làm ở USIS, thấy cái mặt dài ngoằng của tôi đến, thì cười:
“Tiến đấy à! Chờ anh chút nghe! Anh vẽ xong cái này, anh em mình đi uống cà phê!”rồi anh đưa tôi vào Câu Lạc Bộ của Mỹ, kêu cà phê cho tôi xong, thì dúi cho tôi môt nắm tiền vào túi quần. Các bạn của anh tôi rất tốt, đã giúp tôi sống qua ngày. Trên hết, hai ông anh họ của tôi, anh T. và anh Kh. đã giúp tôi vượt qua cơn khó khăn bằng những đồng tiền hiếm hoi của họ. Hai ông anh này, là thầy giáo, lương ba cọc ba đồng, nhưng có đồng nào lại dúi cho tôi, hoặc đưa tôi đi ăn bánh mì, khi nào cạn tiền, thì cho tôi ăn cháo trắng với muối ở chợ! Anh T. có cái đồng hồ vàng, dúi vào tay tôi:
“Mày đem cái này đi mà cầm tại tiệm cầm đồ. Lấy tiền ăn bánh mì!”
Anh có một cái áo vét duy nhất, cũng nhường cho tôi và bảo tôi đi cầm luôn. Tôi cầm áo của anh mà nước mắt tuôn trào… Điều cảm động nhất là các anh khuyên nhủ tôi:
“Mày phải biết trả thù đời, nghe chưa! Mà trả thù hay hơn hết là học. Mày phải có bằng đại học thì mới sống được ở đời! Lúc đó mày tha hồ trả thù những đứa độc ác, những ai hãm hại mày..”
Tôi nghe lời các anh, và cố học. Không có tiền mua sách, tôi đến nhà bạn mượn sách và chờ đến tối, tôi ra ngoài đường, ngồi dưới đèn đường mà học như điên, kệ mẹ kiến cắn sưng mông, kệ mẹ dế cạp, giun bò vào ống quần. Tôi cứ đọc bài trong những giọt nước mắt rơi xuống ướt nhòe nhoẹt cả trang giấy. Rồi nộp đơn xin thi Thí Sinh Tự Do, không có trường cấp nào cả. Rồi đậu đạt từ từ, và đi dậy Trung Học đệ nhất cấp (lúc chưa xong bằng Đại Học), từ Saigon ra Sa Đéc… vừa làm vừa học, đời tàn tàn đi lên…
Trong khi ấy, Mẹ tôi vì nhớ tôi quá, hỏi thăm khắp nơi, và khi biết tôi dậy ở Sa Đéc, bà mò ra tới nơi, khóc lóc kêu tôi về.
Chịu không nổi với sự khóc kể của Mẹ, tôi theo bà về, nhưng chỉ được vài ngày, là Mẹ con lại hục hặc với nhau, môt buổi sớm mai, khi Mẹ còn đang ngủ, tôi lẳng lặng xách gói ra đi, vừa đi vừa ngoái lại nhìn vào căn nhà Mẹ mà khóc nức nở!
Cuộc đời vô định của tôi cũng từ từ ổn định, làm nhiều việc, từ lương thấp đến lương cao, cho đến khi cứ nghe tin Việt Cộng giật mìn thường dân, Việt Cộng pháo kích thường dân.. tôi nổi điên lên, tình nguyện nhập ngũ, nhưng không nói cho Mẹ biết. Mãi cho đến khi tôi ở Trường Sĩ Quan Thủ Đức một thời gian rồi, tôi mới báo cho Mẹ hay. Mẹ tôi lên, lại khóc lặng lẽ. Tôi ôm vai Mẹ, cũng nghẹn ngào:
“Me đừng lo! Chả có gì đâu! Con đi lính vài năm rồi về thôi.”
Lời hứa này chả có giá trị gì, vì tôi đi biệt luôn. Lại tình nguyện thi tuyển sang Mỹ thụ huấn quân trường Hoa Kỳ, tốt nghiệp Thiếu Úy Lục Quân Mỹ, rồi về làm Sĩ Quan cán bộ. Được hơn 2 năm, với tính ba gai, du đãng, tôi đi tù vì tội chửi ông Thiếu Tá Sĩ Quan Tiểu Đoàn Trưởng cứ cúc cung nịnh Mỹ:
“Ông ăn c. Mỹ rồi khen nó thơm hả?”
Ông Tiểu Đoàn Trưởng nổi điên, cho hai ông Quân Cảnh lái xe díp đến bắt, tôi cũng điên tiết, rút súng ra, lên đạn, chĩa vào ông Quân Cảnh, hét lớn:
“Đ.M. đứa nào tiến gần lại, tao nổ súng, thì vợ con mày khóc hết nước mắt!”
Hai ông kia thấy súng lên đạn thiệt liền de xe cái vù, bỏ đi luôn. Tôi vác balô, súng colt lên gặp Trung Tá Liên đoàn Trưởng, trả súng, và xin ra mặt trận trong vòng 24 giờ. Ông Liên Đoàn Trưởng tốt bụng, khuyên nhủ tôi rất dịu dàng, tôi đành tuân lệnh, chui vô tù nằm chung với lính, lãnh bản án 8 ngày tù trọng cấm. Trở lại làm Sĩ Quan Cán bộ, nhưng tôi chán, nên tình nguyện xin đi học Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Làm bài thế nào lại đỗ Thủ Khoa khóa 12 Sĩ Quan Căn Bản CTCT! Trường cho nghỉ lè phè 8 ngày chờ làm lễ, nhưng vì nhớ vợ quá, nên một buổi sáng sớm tinh mơ, tôi vén rào, chui lỗ chó của Trường, (lúc đó đã mang lon Trung Úy!). chạy lẹ ra bến xe đò, dọt về Saigon thăm vợ, bất chấp Việt Cộng vẫn ra chặn đường ở đèo Blao vào buổi sáng Bẩy ngày sau, khi lên trình diện thì thấy bảng danh sách tốt nghiệp thay đổi. Tên tôi đang đứng đầu, bị giáng xuống hạng 3. Nhà văn Thiếu úy Dương Hùng Cường tức Dê Húc Càn học chung lớp với tôi, nhìn tôi lắc đầu:
“Chịu cậu thiệt! Lìều quá mạng!”
Về lại trường Thủ Đức, vì điểm tốt nghiệp khá cao, nên tôi được bổ làm Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị kiêm Trưởng ban An Ninh, kiêm Quản Lý Hội Quán Sinh Viên. Làm được 3 năm thì chán luôn đời lính quân trường, không có cơ hội lao vào mặt trận, nên lại xin thi về trường Quốc Gia Hành Chánh vừa lúc có giấy thăng thưởng lên Đại Úy. Sau khi biết chắc là đã đậu vào trường, tôi từ chối không nhận lon mới để được biệt phái. Khi tôi thực tập tại Tỉnh Gia Định xong, thì cũng là lúc Saigon đứt phim vào năm 1975.
Đi tù gần 6 năm. Mẹ tôi lên thăm có 1 lần trong trại tù. Bà không nói gì, chỉ đưa cho tôi mấy gói khoai khô, và lại khóc.
Lúc đó, bà đã dọn về Bảo Lộc, trồng trà. Một hôm, có hai tên công an đến nhà, hoạnh họe:
“Nhà bà này có lính ngụy phải không?”
Mẹ tôi tỉnh bơ:
“Nhà tôi chả có lính ngụy nào cả!”
Hai tên công an trừng mắt:
“Tôi nghe nói bà có mấy đứa con làm lính ngụy mà!”
Mẹ tôi chỉ nhún vai:
“Tôi nói là không có lính là không có lính! Tôi chỉ đẻ ra 3 thằng con trai, đều làm Sĩ Quan Cộng Hòa cả! Nhà tôi không có mả lính ngụy!’
Mấy tên kia thấy gặp phải bà già trầu, khó nuốt, liền bỏ đi.
Một lần, bà lên phường xin giấy phép về Saigon thăm tôi lúc bấy giờ đã được trả tự do, ngồi chờ mãi mà mấy tên công an cứ đú đởn với nhau, không thèm tiếp ai hết. Bà tưng tửng nói lớn:
“Tôi chán ông Trời quá, không cho tôi trẻ lại vài chục tuổi, để tôi đẹp như mấy cô kia, thì được tiếp liền. Tôi bây giờ già rồi, nên ngồi chờ mãi mà chả có ma nào thèm để ý!”
Tên công an làm giấy tờ, nghe bà cụ nói to quá giữa đám đông, bèn sửa quần áo lại, và mời Mẹ tôi vào ngay.
Về Saigon gặp tôi, nghe nói tôi sắp vượt biên, Mẹ tôi bảo:
“Con đưa quần áo, đồ ăn khô cho me giữ, me mang đi, không đứa nào hỏi. Con đi tay không thôi.”
Tôi nghe lời, đưa Me tôi giữ hết đồ đạc, còn vợ chồng tôi và hai đứa con đi tay không, ra Vũng Tầu. Vượt biên không thành, phải lội nước, ướt như chuột lột, vợ chồng và con cái đang lúng túng không biết làm sao mà mua vé về Saigon được, với hàng người dài ngoằng. Mẹ tôi bảo: “Để Me!”
Rồi bà tàn tàn xông lên trước hàng người rồng rắn. Một tên bộ đội thấy bà ngang ngược, liền giơ tay chặn lại:
“Này! Bà kìa! Bà quay trở lại, xếp hàng!”
Mẹ tôi trợn mắt, mắng ngay:
“Mày câm cái mồm mày đi! Biết mẹ mày là ai không?”
Tên bộ đội thấy bà mắng to quá, thì sợ, tưởng bà là một bà mẹ Bắc Kỳ 75, vội đứng im. Bà tiến thẳng tới quầy vé. Một tên cán bộ đang đứng xoát vé, thấy bà đi tới, cũng giơ tay cản và quát lớn:
“Bà này! Ra sau!”
Mẹ tôi trừng mắt nhìn thẳng vào nó, cũng quát lớn:
“Mày biết cái thân cái phận của mày đi! Câm mồm! Bà lại vả cho một cái vào mặt bây giờ!”
Tên kia nghe nói bị “vả vào mồm”, hãi quá, vội đứng nép sang một bên. Bà tỉnh bơ, chìa tiền ra cho người bán vé: “Cô bán cho tôi 5 cái vé!”
Cô bán vé cũng nghĩ là gặp tay dữ từ Bắc vào nên lập cập xé ngay 5 cái vé đưa cho bà! Thế là chúng tôi về Saigon thoải mái, nếu không có bà, chắc chúng tôi đã kẹt lại Vũng Tầu không biết đến bao giờ.
Về nhà chị tôi ở mặt tiền, ngay gần chợ Tân Bình, gặp lúc có người em họ xa bên họ hàng của Mẹ tôi, làm Đại Tá Việt Cộng và một chú em con bà Dì, làm Bác Sĩ từ Hải phòng vào chơi. Suốt bữa ăn, Mẹ tôi ngồi nghe thằng cháu Việt Cộng kể chuyện Hải phòng ưu việt như thế nào, Mẹ tôi chỉ nghe, nhưng bất ngờ, bà đứng dậy chỉ tay ra đường, về phía đối diện có những căn nhà hai tầng bề thế, mà hỏi:
“Mày có thấy Bác Hồ của mày xây được mấy căn nhà như thế kia cho dân không? Bao nhiêu năm “phỏng giái” ở ngoài Bắc, bác Hồ của mày chỉ dựng được mấy cái lều rách! Chỉ nói láo như Vẹm!”
Thằng em họ Đại Tá Việt Cộng của tôi đỏ mặt, đứng dậy và đi luôn một mạch, không bao giờ trở lại. Sau này, tôi cũng không nghe ai nhắc gì về tên này nữa.
Mẹ tôi vốn thù Việt Minh từ khi chúng nó cướp tài sản của Bà, còn mang bà ra đấu tố chỉ vì bà giầu có. Sau 75, bất đắc dĩ, bà phải nhìn mặt chúng nó, cho nên suốt cuộc đời sau này của Bà, Mẹ tôi không bao giờ về thăm quê nhà ở Bắc. Họ hàng ở Bắc có vào thăm bà thì thăm chứ bà không hề có ý định trở lại thăm họ cho đến khi bà mất.
Ngày hôm đó, tôi đang đi làm, đột nhiên tôi thấy khó chịu quá, lòng bồn chồn như lửa đốt. Chịu không nổi, như có thần giao cách cảm, tôi nhấc điện thoại lên, gọi về Việt Nam, và hỏi ngay bà chị tôi:
“Me mất rồi phải không?”
Chị tôi nghẹn ngào:
“Me mất rồi. Hôm nay, cách đây mấy tiếng!”
Đó cũng là lúc mà tôi thấy tim tôi đập loạn, đầu óc lùng bùng. Tình mẹ con trong tôi đã mách cho tôi biết lúc bà ra đi. Đêm hôm đó, ở Westminster, đang ngủ, đột nhiên tôi thấy lạnh toát toàn thân. Tôi vùng dậy, nói lớn:
“Me về!”
Nhìn chung quanh, bóng tối vẫn đen thẫm, nhưng tôi có cảm giác là Mẹ tôi đang nhìn tôi, đứa con út ba gai khó dậy, nhưng thương Mẹ nhất nhà.. Me ơi!
Chu Tất Tiến.
Posted by sontrung at 8:40 PM No comments:
Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 418
BÙI MỸ DƯƠNG * ÂN NGHĨA
ÂN NGHĨA
BÙI MỸDƯƠNG
Được sinh ra và sống trên cõi đời này là đã hưởng ân huệ của Trời đất, của biết bao nhiêu người và cơ hội.
Ơn cha, nghĩa Mẹ, công Thầy.
Ba công đức ấy, sánh tày biển đông.
Câu thơ trên diễn tả công ơn cao dầy của Cha Mẹ và Thầy Cô giáo: Cha Mẹ tạo ra hình hài, nuôi dưỡng và dẫn dắt vào cuộc đời và Thầy Cô giáo ươm xanh vườn trí thức. Câu ca dao có từ ngàn đời ca ngợi công sinh thành, dưỡng dục bao la như Trời biển, như núi cao, như suối nguồn . Công Cha như núi Thái-Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra. Mẹ là máu là xương thịt, đùm bọc chăm bẵm, thương yêu không thể rứt bỏ. Cha sẵn sàng chịu mọi gian khổ, nuôi dậy lo cho con vào đời. Bổn phận làm con nhớ công sinh thành, nuôi dưỡng của Cha Mẹ. Ơn dưỡng dục một đời con ghi tạc,Nghĩa sinh-thành trọn kiếp mãi không quên. Sống ở đời biết ơn sinh thành, dưỡng dục, công ơn Cha Mẹ bao la dù hiếu thảo cách mấy cũng khó đền đáp. Nói về công ơn của Thầy Cô giáo, người khai tâm mở trí để thành người hữu dụng.
Không Thầy đố mày làm nên. Thầy Cô giúp đào luyện trí thức làm người, muốn thành công trên đường đời phải cần sự dậy bảo: Phấn trắng cho em kiến thức vào đời, Bảng đen giúp em nhớ cội nguồn cuộc sống. Chúng ta đã được giáo dục trong xã hội nhân bản luôn trọng nghĩa tình và không bao giờ quên những người ban ơn là Cha Mẹ và Thầy Cô giáo. Chúng ta thành công và có cuộc sống ngày nay đã phải trải qua những chặng đường học hỏi từ trường học và trường đời. Thầy cô luôn là điểm tựa, Để chúng em, vững bước mai sau.
Nhớ lại những ngày đã qua, Cha Mẹ nuôi dưỡng từ lúc thành bào thai trong bụng, rồi được mang kiếp người, tiếng khóc đầu đời và bước chân đầu tiên. Lớn lên bằng sự yêu thương của gia-đình, nhưng tiến vào đời thì trường học là nơi đào luyện trí dục, đức dục để thành người ích dụng và lương hảo. Trường tiểu học Trình-Phố nơi khai tâm mở trí. Buổi học đầu tiên được Mẹ âu yếm dắt con đến trường, lo lắng khi phải chia tay Mẹ, để cùng các bạn vào một xã hội thu nhỏ. Tâm trạng, cảm giác bồi hồi, ngày khai trường đầu tiên của một cô bé, cậu bé mà nhà văn Thanh-Tịnh đã diễn tả. Thầy Ngô duy Châu hướng dẫn lớp năm ( lớp 1 ngày nay) đón chúng tôi từ tay các bà mẹ, ôi bao khó khăn dậy dỗ để biết đọc, biết viết, làm toán.
Cảm giác kỳ diệu từ đó bắt đầu một quãng đời học-sinh tuyệt vời, kỷ niệm đẹp không thể quên của thời thơ ấu. Thầy cầm tay viết i, tờ.. Dạy con đạo lý, sống cho ra người. Cha Mẹ cho vóc dáng làm người, còn học vấn công Thầy Cô dậy dỗ. Bà giáo Huyến, cô giáo Vỵ và thầy Truật tiếp tục khai mở tâm trí nào tập viết từng câu văn, kể chuyện, đọc những bài lịch sử, địa lý, khoa học, công dân giáo-dục, lũ học sinh nhỏ bé chúng tôi biết nguồn gốc dân Việt. Biết hãnh diện về những anh thư, anh hùng của dân tộc. Địa lý đất nước tôi hình thể đẹp, bờ biển, con sông, rặng núi, đồng bằng bát ngát đã sống cùng dân tộc. Khoa học, vệ sinh cho khái niệm về sự tiến triển, khai phá, làm uộc sống lành mạnh.
Rời làng quê lên Hà-Nội tiếp tục học trường Lý thường Kiệt, cô Nguyễn Liên Dung, bà Nguyễn thị Thơm đã cho tôi hoàn tất với bằng Tiểu học (certificate of primary education).
Bước đầu tiên trong tuổi thơ bỡ-ngỡ,
Từ mái trường, bè bạn với Thầy Cô.
Lớp nhất (5) trường tiểu học Lý thường Kiệt ( Sinh Từ), bà giáo Nguyễn thị Thơm
Nhờ công ơn các Thầy Cô giúp tôi bước vào trường trung học một cách dễ dàng. Trường trung học Trưng-Vương ngôi trường nữ duy nhất mang tên hai bà, hai vị Anh Thư của dân tộc Việt. Vì thời cuộc ngôi trường nổi tiếng đã di cư vào miền Nam tiếp tục lo cho đàn con cháu, căn bản học vấn và đạo đức. Bẩy năm trung học, ôi ! bao công ơn của các Thầy Cô. Phần lớn các Thầy Cô tốt nghiệp tại các trường Đại học, Sài-Gòn, Huế và Đà-Lạt. Bộ giáo dục phân phối Thầy Cô giáo theo nhu cầu của mỗi trường sở. Triết lý và mục đích của giáo dục là đào tạo một lớp người có học vấn, có khả năng, chuyên môn làm nền tảng cho mọi hoạt động, tạo con người cho xã hội. Thầy cô giáo đã đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và sự nghiệp vững chắc. Sau khi nhận được sự giáo dục, người học trò sẽ phát triển toàn diện cá nhân theo bản tính tự nhiên, năng khiếu, tinh thần quốc gia, hoàn cảnh xã hội. Tôi nhớ mãi những ngày còn đi học, Nhớ Thầy Cô và nhớ mái trường xưa ...
Công ơn kia biết nói mấy cho vừa. Trường Trưng Vương, đứng đầu ban giám đốc là bà hiệu trưởng Nguyễn thị Hợp mà chúng tôi quen gọi là bà Tăng xuân An, bà giám học Nguyễn thị Phú, bà tổng giám thị Vũ thị Nguyệt Minh. Ban giám đốc một trường nữ trung-học, trọng trách thật nặng, ngoài điều hành truyền bá học vấn còn phải lo trật tự và đạo đức. Các nữ sinh mai này sẽ là những công dân có học vấn, là các bà mẹ tháo vát và đức hạnh. Ơn các Thầy Cô đã hết lòng chăm chút cho lũ chúng tôi ra đời thành người hữu dụng . · Pháp văn: cô Nguyễn thị Hồng, Nguyễn thị An, Phạm kỳ Thu, Nguyễn xuân Đào, thầy Đàm sĩ Hiến.
Anh ngữ: cô Nguyễn thị Lan, Nguyễn thúy-Lan, Lâm thị Phúc.... Các thầy cô dậy Pháp và Anh văn để chúng tôi biết và thưởng thức vài bài thơ tình lãng mạn của LaMartin, Chateaubriand. Victor Hugo, tiểu thuyết gia của công chúng với cuốn Les misérable. Earnest Hemingway, nhà văn Mỹ với tác phẩm " The old man of the sea" ca ngợi niềm tin, sức lao động và khát vọng của con người, Charles Dickens, nhà văn hiện thực lớn nhất của nước Anh. Biết thêm một ngôn ngữ là thêm một con người. Thầy Nguyễn viết An, Nguyễn hữu Tài, Đào đức Vĩnh, Nguyễn Tá, Nguyễn tuấn Anh, Nguyễn Xuân Nghiên, Nguyễn văn Phú.. các cô Lê thị Vượng, Mai thị Từ, Tôn nữ phương Tần, Nguyễn thị Hạnh, Hà Dương thị Uyên, Nguyễn thị Hòa, Nguyễn chi Thuần, Hoàng thị Doãn, Nguyễn thị Nở...
Các môn toán, lý hoá, vạn vật, tất cả tưởng hư vô dụng nhưng thật sự quan trọng trong bất cứ việc làm và suy nghĩ. Mục đích các môn khoa học là huấn luyện đầu óc trở nên sắc bén, hiểu biết nhanh. Rèn luyện não bộ, suy nghĩ giải quyết vấn đề, ghi nhớ, phân tích các sự kiện, việc giải một bài toán đã rèn luyện cho đầu óc trở nên khôn lanh. Thầy Toán lý, Vạn vật, đầy nhiệt huyết. Dậy em thông bí mật ở trần gian, ( NTT) Luyện văn chương có cô Nguyễn tuyết Mai, Đinh thị Nại, cô Phạm Bội-Hoàn, Đào thị Lý, Nguyễn thị Tỉnh. thầy Nguyễn sĩ Tế...chúng ta biết được cái hay, cái đẹp của văn chương. Thưởng thức những tác phẩm để đời mà ông cha có công gây dựng với nền văn học trên 4 ngàn năm. Thầy Trần bích Lan (nhà thơ Nguyên sa) dậy khai luận về Triết học. Ôn về Tổ Tiên từ việc dựng nước và giữ nước, mở rộng thêm sử thế giới và các nước lân bang là cô Hà thị Tiến, Vũ thị Ninh, thầy Lê Ân, Tăng xuân An...
Cô văn chương, sử địa, có ai quên, àm sáng tỏ những sĩ hiền, đất Việt. ( NTT) Thầy Nguyễn văn Bốn dạy cách vẽ và ngắm nhìn, nét đẹp của hội hoạ. Nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân ...biết nghe, đọc, hát từng nốt nhạc, thưởng thức âm điệu của tiếng đàn, tiếng sáo, làm cho đời vui tươi, thoải mái. Những tiếp thu, nay mới biết đá vàng, Dọn đường đưa em vào cuộc sống. (NTT) Thầy Cô đã cho lũ nữ sinh chúng tôi qua được các kỳ thi: trung học phổ-thông, tú tài I và tú tài II mà số đậu thời ấy rất khiêm nhường ( 30%. hoặc 40%). Riêng niên khoá (53-60) đã có đủ thành phần phục xã hội: Bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, luật sư, giáo sư, chuyên viên kỹ huật, đủ ngành nghề. Các bà mẹ trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh hay biến động đều áng khen thưởng, vì lòng chung thủy, tài ba lo cho gia đình, con cái nên người.
Thi sĩ Hồ Dzếnh ca ngợi; Cô gái Việt Nam ơi ! Nếu chữ hy-sinh có ở đời, Tôi muốn, nạm vàng muôn khổ cực Cho lòng cô gái Việt-Nam tươi. Thầy Cô uốn nắn để chúng tôi có sự hiểu biết tổng quát và bổn phận đối với nhà, với nước, vững bước trên đường đời. Xưa có câu :" Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thời gian dẫu bạc mái đầu, Tim trò vẫn tạc, đậm sâu ơn Thầy. Lời Thầy Cô là những hành trang cho chúng ta tiếp tục con đường học vấn, đi xây dựng cuộc đời. Chúng ta không thể thành người nếu không được Thầy Cô soi sáng chỉ bảo. Thầy Cô chắp cánh ước mơ, giúp thực hiện hoài bão của mình. Mai đây trên bước đường dài, Công thành, danh toại, nhớ hoài ơn Cô. Thật vậy trường học như một mái ấm gia đình, thầy cô thay mặt cha mẹ mở mang trí tuệ hướng dẫn đàn con. Nhớ mãi về Thầy Cô đã từng dậy dỗ, dìu dắt, mái trường đã gắn bó trong năm tháng nhiều kỷ-niệm. Mái trường xưa, một thời em đã sống, Nơi đưa em lên tầng cao ước vọng. Bây giờ nhớ lại những thành quả cuả cuộc đời, ân nghĩa đầy vơi không sao kể xiết. Chính vì trọng trách của việc giáo dục quan trọng cho quốc gia, cho sự phát triển của con người nên Unesco vinh danh các nhà giáo quốc tế là ngày 5 tháng 10.
Tại nước Mỹ là thứ ba đầu tiên của tháng 5. Nước ta cũng đặt chỗ đứng của Thầy ngang với Vua và Cha Mẹ. Quân, sư, phụ. Chúng tôi đã rời mái trường Trưng Vương gần 60 năm nhưng vẫn giữ liên lạc với thầy cô và các bạn trong và ngoài nước như một lời tri ân những gì đã nhận được từ ngôi trường thân yêu. Khẳng định : muôn vàn cảm tạ các thầy cô và ngôi trường đã cho tôi niềm hãnh diện là học sinh của trường nữ trung học Trưng-Vương. "Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên" huống chi suốt thời gian 12 năm làm học trò . Cám ơn với niềm hãnh diện. Bùi mỹ Dương mùa thu nam California ( 10/ 2014)
Lớp đệ ngũ ( 8) trường Trưng Vương : Cô Hà dương thị Uyên,cô Nguyễn thị Hồng, Cô Ngô thị Ngà và các bạn.
TẠP CHÍ BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG
SẼ CÙNG HIỆN HỮU TẠI
DIÊN HỒNG (dien-hong.blogspot.com
và
Vanhoavn's Blog (Văn Hóa Việt Nam)
Posted by sontrung at 5:00 PM No comments:
Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 418
No comments:
Post a Comment