NGUYỄN ĐÌNH LONG * MỘT CÁI TẾT TRONG TRẠI TÙ BINH CỘNG SẢN
MỘT CÁI TẾT TRONG TRẠI TÙ BINH CỘNG SẢN
Lời
giới thiệu: Bài này được viết hồi năm 1977, vào thời điểm mà có một số
lớn sĩ quan QLVNCH bị đưa vào các trại tù, gọi nôm na, dịu dàng là “trại
cải tạo” ở ngoài Bắc, đã được một vài tờ nội san đăng rồi, nay sẵn dịp
Tết, tác giả và ĐS PB xin đăng lại.
Tác
giả bị động viên Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tham gia trận Nà Sản
(Bắc Việt), bị bắt làm tù binh từ 1952 đến 1955. Được trả về Nam theo
sự can thiệp của UHKSĐC Quốc Tế cùng lúc với 100 sĩ quan quân đội QGVN
bị cầm tù thời bấy giờ. Giải ngũ năm 1958 để thi vào trường QGHC, đã
phục vụ ở Bộ Nội Vụ, Bộ Ngoại Giao cho đến tháng 4 năm 1975.
Nà
Sản là một cái lòng chảo, gần Điện Biên Phủ, nơi tác giả đồn trú khi bị
Việt Minh đánh chiếm đêm 30/11/1952 (cho đến ngày 18/7/1955 mới được
trả tự do tại Bến Hải, cầu Hiền Lương).
Ban Biên Tập
Cảm
thông với những nỗi thống khổ về tinh thần lẫn vật chất của hàng chục
ngàn sĩ quan QLVNCH đã bị Cộng Sản giam cầm trong các trại “cải tạo”
(sic) ở Bắc Việt, tôi xin ghi lại hình ảnh một cái Tết trong trại tù
binh tại Thái Nguyên trước ngày ngưng bắn 1954 để đồng bào tị nạn cùng
chia sẻ.
Tết
Nguyên Đán sắp đến rồi, đồng bào ta đang tị nạn tại các quốc gia trong
khối tự do không làm sao quên được các thân nhân, bạn bè nguyên là những
chiến sĩ dũng cảm của QLVNCH đang thoi thóp trong các trại cải tạo của
Cộng Sản tại quê nhà. Tâm trạng của họ giờ đây cũng như tâm trạng của
các sĩ quan và binh sĩ quốc gia bị bắt làm tù binh và giam cầm tại miền
Thượng Du Bắc Việt trong những năm 1952, 1953, 1954, và năm 1955. Tôi
nhấn mạnh năm 1955 là vì mặc dù Hiệp Định Genève quy định hai bên ngưng
bắn ngày 20-7-1954, phải trao trả tù binh trong vòng 2 tháng nhưng Việt
Minh còn cầm giữ các sĩ quan Quốc Gia, đến tháng 7-1955 mới tuyên bố
giải tán trại tù binh C.100 tại Thái Nguyên.
Để mở đầu, tôi xin chép lại bài thơ được truyền tụng trong hàng ngũ anh em tù binh hồi đó tạm đề tựa là:
CẢM TÁC
Buồn quá đi thôi núi vây quanh,
Suốt ngày trân tráo một màu xanh.
Lưng trời ghép chặt trên rừng rậm,
Thung lũng nằm trơ chói nắng hanh.
Đợi chờ* khó chịu quá đi thôi,
Đêm đến ngày đi biết mấy rồi.
Nhìn áng mây mờ trôi lủng lẳng,
Ta nghe trong thịt máu bừng sôi.
Chiều nay núi vẫn trơ màu biếc,
Khe vẫn ngân nga một giọng đều.
Rừng vẫn buồn buồn như luyến tiếc,
Trời ơi ấm ức biết bao nhiêu !
*
Đợi chờ: Tức chờ ngày được phóng thích mà bọn cán bộ thường nói tới khi
đề cập đến “lượng khoan hồng” của Hồ Chủ Tịch, đảng và chính phủ (sic).
Đây là cái Tết thứ ba mà tôi đang chuẩn bị đón chào theo chỉ thị của Ban Chỉ Huy trại.
Quý
vị cứ hình dung một khu nhà tranh vách nứa nằm giữa rừng sâu, không có
kẽm gai bao quanh (không phải vì Cộng Sản nhẹ tay đối xử với tù binh, mà
vì chúng không có kẽm gai mà rào), bốn bề rào bằng tre nứa đan mắt cáo,
bên cạnh là khe suối nước chảy róc rách tối ngày (không phải thơ mộng
như trong bản nhạc “Suối Mơ” của Văn Cao mà suối này ai lội qua có thể
rụng lông chân vì lòng suối dầm lá han nên nước trở nên độc địa), còn
một bên hông là núi đồi trùng điệp, đằng xa là đỉnh Tam Đảo, còn gần đây
là muỗi và vắt khủng khiếp (tôi nói khủng khiếp là vì ai có biết con
vắt mới thấy cái kinh tởm của nó, mình vừa đặt chân tới bìa rừng là hàng
trăm ngàn con vật li ti, nhỏ như cọng nhang, khi nó đói và to bằng mút
đũa khi nó hút máu người no nê, giương mình búng đi tìm da thịt mình như
con đĩa đói).
Nói tới rừng, tôi cũng có cảm hứng làm một bài thơ:
RỪNG VIỆT BẮC
Rừng Việt Bắc bao la hùng vĩ (1),
Rừng Việt Bắc huyền bí thiêng liêng.
Đây, nơi ẩn thân người chí sĩ,
Đây, nơi nghiêm trị kẻ tù đày.
Ta bảo mi là bạn
Nơi căn cứ cách mạng (2)
Nung đúc chí anh hùng
Cờ khởi nghĩa phất tung
Giữa mùa thu lịch sử
Ta bảo mi là thù
Nơi rừng núi âm u
Giam cầm người tù tội
Và trong giờ sám hối (sic)
Hàng trăm bịnh giày vò.
1.
Việt Bắc là danh từ của Cộng Sản gọi miền Thượng Du (xứ Thái và dân
thiểu số) gồm các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang coi như là
chiến khu trong thời đánh Pháp.
2. Cách mạng đây ám chỉ ngày 19 tháng 8 năm 1945 (Việt Minh cướp chính quyền).
Tôi
sẽ trở lại nói chuyện về rừng Việt Bắc sau này, bây giờ đề cập vào việc
Tết giải phóng cái đã. Nhưng trước hết phải nói qua về thành phần tù
binh trong trại C.100 này. Các vị có thể hình dung đó là những chàng
trai tuổi 20, vừa tốt nghiệp Khóa 1, Khóa 2 Sĩ Quan Trù Bị Nam Định và
Thủ Đức, các sĩ quan thâm niên hơn xuất thân từ Khóa 1 tới Khóa 6 trường
Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, lại có cả một bác sĩ quân y và cũng phải kể các
Trung Đội Trưởng được đào tạo cấp tốc tại Bắc Việt cho các đơn vị Địa
Phương Quân. Họ đến từ khắp các chiến trường, có bạn từ Kontum, Ban Mê
Thuộc (lặn lội 2 tháng qua dãy Trường Sơn để tập trung về đây hoặc từ
Mặt Trận Tây Bắc - Nghĩa Lộ, Lai Châu, Mộc Châu, Nà Sản, hoặc từ các
trận công đồn ở đồng bằng, từ các trại ở Thanh Hóa chuyển ra, hoặc sốt
dẻo hơn là trận Điện Biên Phủ đưa về. Không biết đây là “thượng sách”
hay “hạ sách” của Việt Minh khi tập trung tất cả các sĩ quan về ở chung
một trại, vì trước kia họ giam sĩ quan chung với hạ sĩ quan và binh sĩ ở
rải rác khắp nơi: một trăm người tất cả. Một sự tình cờ ngộ nghĩnh là
bọn Việt Minh đặt tên trại là C.100 (theo VM thì A là Tiểu Đội, B là
Trung Đội và C là Đại Đội). Khi gặp nhau trong hoàn cảnh sa cơ thất thế
này, họ cảm thấy thương yêu nhau hơn bao giờ hết, thật đúng nghĩa bốn
chữ “huynh đệ chi binh”.
Còn
3 tháng nữa mới đến Tết, thế mà cán bộ đã phát động THI ĐUA, thi đua
mọi mặt để lập thành tích dâng lên cho Hồ Chủ Tịch, Đảng và chính phủ
gọi là để chào mừng Xuân Mới. Các khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”,
“Hồ Chủ Tịch muôn năm”, “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm” v.v... được kẻ
bằng mực đỏ hay sơn đỏ tươi như máu và treo la liệt khắp nơi. Ở đâu và
lúc nào các khẩu hiệu đó cũng dán vào mắt tù binh. Và kể từ ngày đó, mỗi
người phải làm việc gấp hai, có khi gấp 3 ngày thường, làm ban ngày
chưa đủ còn phải tranh thủ làm đêm, làm luôn cả ngày Chủ Nhật nữa. Chắc
quý vị sẽ hỏi: “Ở tù mà làm cái gì?”. Phải biết tù binh trong tay V.M.
không giống như tù binh mà QLVNCH giam giữ ở Phú Quốc (tức được ăn no,
ngủ kỹ, mặc ấm lại chẳng phải làm gì động móng tay) mà phải làm lao động
tận lực trong lúc trời Đông giá rét, ăn chẳng được no, áo quần rách tả,
rách tơi, làm việc cho tới khi kiệt quệ ngã xuống mới thôi. Tùy theo
khả năng chuyên môn của từng người, cán bộ phân tù binh ra từng tổ: nào
là tổ dệt chiếu, tổ đan rổ, đan thúng, tổ làm canh nông phá rẫy trồng
sắn, trồng ngô, vừng hay lúa, sau hết các tay cầm viết không có nghề
ngỗng gì thì bổ sung vào tổ đi làm thuê cho dân làng hoặc làm cỏ lúa,
bắt cua hay gánh thóc thuế nông nghiệp đi nộp vào kho nhà nước. Sau phần
công tác lao động là học tập và kiểm thảo. Ôi thôi, không biết bao
nhiêu đề tài để học, đêm nào cũng tập trung lên hội trường để nghe cán
bộ nhồi sọ, nào là “Chủ trương đường lối của Đảng”, nào “Lượng khoan hồng của Hồ Chủ Tịch”, nào “Căm thù thực dân đế quốc”, nào “Chính sách cải cách ruộng đất”, nào “Vô cùng thương tiếc đại đồng chí Sít-ta-lin”
v.v... và hội trường vừa giải tán xong là trở về lán (chỗ ngủ) để họp
tổ thảo luận để tổ trưởng biên chép mang nộp cho ban Chỉ Huy trại xong
xuôi thì tù binh mới được quyền ngã lưng. Lúc bấy giờ ít nhất đã là nửa
đêm, gà đã gáy canh hai rồi, anh em mệt quá ngủ thiếp đi không còn sức
đâu nghĩ tới gia đình và cũng quên đi cái lạnh cắt da, cắt thịt ở vùng
núi Việt Bắc. Ngủ chưa đã giấc thì một hồi kẻng vang lên, anh em phải
chỗi dậy chạy ra sân sắp hàng tập thể dục và bắt đầu một ngày lao động
mới. Học tập không chưa đủ dằn vặt đầu óc tù binh, cán bộ còn bày trò
kiểm thảo, hay nói đúng ra là bắt tù binh làm tờ thú tội vì khẩu hiệu đã
được vẽ trong vách “người nói không có tội, người nghe sửa mình”, tờ
thú tội đó sẽ được chính mình đọc lớn trước tổ để được anh em nghe và
phê bình, nếu lời khai còn thiếu sót chỗ nào mà có người biết và bổ túc
cho thì cán bộ sẽ đánh giá mình là chưa thấm nhuần chính sách, chưa
thành khẩn bộc lộ sai lầm, hay nói cách khác là mình bị ghép vào thành
phần ngoan cố chưa xứng đáng được hưởng lượng khoan hồng và như vậy ngày
phóng thích mà mình hằng chờ đợi lại càng lùi xa hơn nữa. Đến đây tôi
xin mở ngoặc, nếu không có thỏa ước Genève và ngưng bắn năm 1954 thì 100
anh em chúng tôi đã rục xương trong tù.
Tưởng
cũng nên biết qua, trong gần 3 năm bị giam cầm, Ban Chỉ Huy trại đã bắt
chúng tôi khai lý lịch trên 10 lần, có lẽ họ muốn coi mình khai có
thành thật không, trước sau có giống không, hoặc để họ căn cứ vào đó mà
quy định thành phần mình thuộc loại nào, trí thức, tiểu tư sản, địa chủ
hay bần cố nông để tùy theo loại mà trừng trị. Còn thi đua với kiểm thảo
thì không biết cơ man nào mà kể. Mỗi lần thi đua là có kiểm thảo để gọi
là lấy thành tích chào mừng các Ngày Kỷ Niệm hay Lễ Lớn như “Kỷ niệm
ngày thành lập Đảng Lao Động”, “Ngày Quốc Tế Lao Động”, “Ngày Sinh Nhật
Hồ Chủ Tịch”, “Cách Mạng Tháng Tám”, “Lễ Độc Lập” và “Tết Nguyên Đán”.
Sau
hết phải nói tới phần ẩm thực vì nó là động cơ thúc đẩy mọi hoạt động:
suốt năm ăn đói, thiếu chất mỡ, chất ngọt và cả chất mặn nữa. Ngày
thường tù binh ăn uống rất thiếu thốn, thường là cơm độn với sắn (khoai
mì) hay ngô (bắp) nhưng gạo rút từ 500g mỗi ngày xuống còn 300g (tức một
chén cơm) nên ai cũng thèm lạt vì thức ăn chỉ có rau muống chấm tương
hay bí rợ nấu muối hay cà chua nấu loãng làm canh, thịt cá thì đừng nghĩ
tới, chỉ có bộ đội hay cán bộ được hưởng theo từng tiêu chuẩn “Tiểu
táo”, “Trung táo” hay “Đại táo” mới có thứ đó mà xơi.
Vì
vậy tù binh chỉ mong mau tới Tết để ăn thịt một lần (cho có chớ không
phải cho đã), mà đó là thịt trâu. Kho cũng thịt trâu, xào cũng thịt
trâu, canh cũng thịt trâu. Ngày Mồng Một được no nê một bữa, nhưng từ
Mồng Hai đến Mồng Mười chỉ ăn cơm với muối vừng (mè) vì tiền chợ mười
ngày dồn vào con trâu hết rồi. Tuy nhiên không phải có tiền mà được ăn
thịt, vì muốn ăn thịt phải có phép của Thượng Cấp, tù binh không có
quyền thụ hưởng như bộ đội hay cán bộ, cho treo mỏ là một hình thức trả
thù, vì Cộng Sản cho tù binh sĩ quan là thành phần “ngồi mát ăn bát
vàng” hoặc “chỉ tay năm ngón” ngày xưa. Nhưng muốn ăn ngon miệng một
bữa, thì trước hết tù binh phải ca tụng chế độ bằng mọi hình thức văn
nghệ. Ai cũng làm một câu vè, một bài thơ hay viết một vở kịch có nội
dung căm thù giai cấp, mạt sát Quốc Gia, đề cao Cộng Sản, thậm chí có
câu vè như thế này của cán bộ mớm lời được hò lơ cả chục lần trong một
buổi học tập:
Câu vè là:
Bảo Đại mày dại làm sao,
Nửa đêm dắt mẹ xuống ao ăn bèo.
Cán bộ văn công dạy tù binh hát những bài hát lai căng, nhưng tù binh cũng phải hát cho làu mà trong bụng thì chẳng ưa gì:
Đông phương Hồng, mặt trời lên
Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông
Với muôn dân, người là cứu tinh
Tang tính tang tình. Dân ấm no. Người mưu Hòa Bình.
Bài
Quốc Tế Ca (Internationale) được phổ bằng tiếng Việt, bài ca ngợi
Xít-ta-lin và ca ngợi Kim Nhật Thành cũng được phổ biến sâu rộng.
Riêng
tù binh cũng sáng tác, lời lẽ không thể làm vừa lòng cán bộ được, nên
chỉ lén lút truyền khẩu giữa anh em với nhau. Đây là một bản nhạc do
Trung Úy Thụ sáng tác trong dịp Tết cuối cùng (1955) hy vọng ngày phóng
thích gần kề:
Rời rừng xanh sâu
ta tiến về nơi Thủ Đô
Cuộc đời âm u,
giờ phút phân ly không vương sầu,
Một trời màu xanh, cây bao la rừng hoang tối tăm.
Chúng ta vui đi về, cố đô, nơi quê hương nhà...
Từ lâu, ta nuốt bao nhiêu hận căm thù,
Cuộc đời thanh niên ta tối tăm vì đâu.
Đời vui sao có bao nhiêu biệt ly
Đã qua bao nhiêu ngày rừng hoang
Ồ ô!
Tức cảnh thành thi.
Mặc
dù là cảnh buồn, nhiều nhà thơ bất đắc dĩ xuất hiện chuyền nhau đọc
cũng thấy an ủi phần nào, như bài dưới đây do tôi sáng tác:
RỜI RỪNG
Chắc ta sắp lìa mi rừng ạ,
Về xóm làng thị xã miền xuôi.
Ba năm chia ngọt xẻ bùi,
Ra đi lòng những ngậm ngùi nhớ thương.
Rừng với ta ngày nào quen biết,
Buổi công đồn quyết liệt: tù binh.
Bước đầu trong cuộc phiêu linh,
Nhìn nhau sợ hãi, lặng thinh đi vào.
Rừng khẽ bảo, cớ sao mà sợ,
Rằng đôi ta như vợ với chồng.
Suối trong ngụm nước mát lòng,
Củi đây người đốt, đêm đông sưởi cùng.
Nào những buổi, lên rừng chém nứa,
Đẵn gỗ về cất lán, làm sàn.
Làm phênh, đập nứa ta đan,
Cắt tranh về lợp trang hoàng nhà ta.
Rời rừng Việt Bắc hôm nay,
Về xuôi ôn lại những ngày tối tăm.
Những ngày đau khổ âm thầm,
Lê đời tù tội ba năm vừa tròn.
TỰ THÁN
Ất Mùi Năm Mới đến nơi rồi,
Tết nhất làm chi khổ thân tôi.
Ra đi đất Bắc tôi lầm tưởng,
Cảnh đẹp người xinh đón rước tôi.
Nào hay sau, trước vừa ba tháng,
V.M đánh “bốt” bắt tù rồi.
Cuộc đời chìm nổi đâu cứ mãi,
Quả đất tròn kia cũng có ngày.
Và
ngày ấy là ngày tôi còn sống, tôi ngồi ghi lại mấy dòng này để các bạn
đồng hương đọc mà thương những người đã, hoặc đang ngậm hờn nuốt tủi
trong ngục tù Cộng Sản.
Paris, Giáng Sinh 1977
Nguyễn Đình Lang
exDL0 (5eGAVN)
Nguyễn Đình Lang
exDL0 (5eGAVN)
TONY DƯƠNG * NHỮNG CÁNH CHIM KHÔNG MỎI
NHỮNG CÁNH CHIM KHÔNG MỎI-Tony Dương-
Đây là lần thất bại thứ mấy rồi, tôi không còn nhớ được – nhưng thất bại bị ở tù thì đây là lần thứ hai.
– Lần thứ
nhất: Cùng ông anh rể, xuống tuốt mãi Trà Vinh: Họ dụ khị để bán vé, rồi
bắt bỏ tù 10 tháng, đòi đem tiền chuộc mạng, mới tha!!! (có đáng nổi
loạn chưa?)
– Lần thứ hai: Tham gia cướp tàu có vũ khí (đã nổi loạn thật rồi!!!); tù 15 tháng!…
Các cụ bảo:
“Cùng tắc biến, biến tắc thông” xem ra chẳng đúng một ly ông cụ nào
trong trường hợp của tôi cả!…Cái cảnh “cùng đường” của tôi đã được bọn
chúng tôi “khuấy lên thành BIẾN “!…Thế nhưng cái “tắc biến” đó lại dẫn
tôi đến nơi “tắc tị”… Tôi vừa suy ngẫm như thế, vừa thất thểu trên đường
chẳng biết đi về đâu. Với nước da bạc thếch lốm đốm những nốt ghẻ ruồi
và muỗi đốt, nhất là cái đầu trọc lốc dễ gây chú ý cho những người qua
lại, và không dấu được hành tung của một tên tù, hay ít ra là của một
tên tù vừa được thả, thì bỗng nghe có tiếng gọi tên tôi…Một cô gái cũng
khá tiều tụy, từ bên kia đường đang hăm hở lách dòng xe cộ băng qua. Hóa
ra là Ngọc Bảo, một sinh viên trước năm 1975 và cũng là vị hôn thê của
tôi. Chúng tôi đưa nhau vào một quán cóc ven đường. Ngọc Bảo cho biết
nàng cũng vừa được thả từ huyện Duyên Hải về tuần trước. Về chuyện của
tôi cả hai bên cha mẹ đều đã biết. Các vị buồn chứ không lo lắng lắm.
Riêng Ông Già Vợ của tôi thì “phán” thêm một câu: “Ngựa non háu
đá!” và nói với Bảo rằng ông muốn gặp tôi chừng nào tôi được
tha về.
Ông già vợ
tôi là người có khuynh hướng thực dụng, làm việc cần cù và
rất thận trọng. Phân tích những lần thất bại của tôi và của
các ông – ông thường dựa vào 3 yếu tố Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân
Hòa… nhưng luôn nhấn mạnh “chính mình phải luôn luôn nắm lấy
lấy thế chủ động “. Việc gì cũng vậy, nếu chưa chuẩn bị chu
đáo thì hãy chờ thời.
Từ đó tôi
ở hẳn nhà bố mẹ vợ tôi. Tứ thân phụ mẫu đã cùng lo tổ chức
hôn lễ cho chúng tôi. Sau đó nhờ sự quen biết rộng rãi ông xin
nhập hộ khẩu cho tôi. Dịp này chị tôi từ Mỹ gởi về mừng
chúng tôi một số vốn kha khá. Vợ tôi sang được một sạp bán
đường, đậu, bột tại chợ Hòa Bình. Còn tôi học được một lớp
máy nổ tại Trường Kỹ Thuật Cơ Khí trên đường Vườn Chuối Sài
Gòn.
Năm 1984 chúng tôi có một cháu trai, ba năm sau nữa vợ tôi sinh thêm một cháu gái. Vợ chồng tôi tâm sự với ông:
“Chúng con
thấy trách nhiệm ngày càng thêm nặng…Chúng con không thể để
các cháu lớn lên trong cái xã hội mỗi ngày thêm một thoái hóa
này được được…”
Ông nhìn tôi thích thú: “Tôi tưởng những cánh chim bằng đã mỏi rồi chứ!” – Rồi ông cười ha hả…
Có lần ông
kể cho tôi nghe như một lời gợi ý: một lần ông đến liên hệ
công tác với công ty Hải Sản quận 6, Giám đốc công ty này thấy
ông nói tiếng Bắc, lại than sắp về hưu, ngỡ ông là cán bộ, nên
vồ́n vã: “Lo gì đồng chí cứ xuống đây“…
Chúng tôi
bèn nhờ ông mở hồ sơ tại đó và lấy những tài liệu cần thiết.
Sau đó chúng tôi chính thức đến phường xin thị thực chữ ký và
đem đơn đến Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố nạp ở Sở Thủy sản để
xin phép đóng thuyền đánh cá ven biển. Được giấy phép, chúng
tôi đến Hợp Tác Xã Sao Vàng tại quận 8 ký hợp đồng đóng
thuyền. Ngày thuyền đóng xong, khánh thành hạ thủy, chúng tôi
cũng mời thầy cúng Tổ Nghiệp. Tiệc khánh thành chúng tôi mời
công nhân hợp tác xã và hai anh công an địa phương tham dự. Rượu
nửa chừng, anh công an trưởng nửa đùa nửa thật:
“Này, chừng nào cậu vượt biên nhớ rủ tớ với nhé!”
Vợ tôi tái
mặt, tôi vội bỏ đũa đùa lại: “Dạ, nếu anh chịu thì nhất
định em sẽ đến tận nhà mời cả chị và các cháu nữa!”
Anh công an
khu vực cũng thêm vào: “Các cậu cứ ngồi lai rai, tớ phải đi
rồi, chiều nay tớ sẽ tóm một lũ vượt biên cho coi!”
Lúc đó đã
quá 3 giờ 30 chiều. Tiệc tan, chúng tôi cũng dọn dẹp xong, sau
đó tôi đi tìm được anh công nhân để nhờ giới thiệu một người
thợ máy. Chuyện vãn một lúc lâu, tôi chở vợ tôi trên chiếc xe
Lambretta sport cổ điển rời khỏi bến sông. Đi vào trong xóm, còn
xa mới ra đến đường Phạm Thế Hiển, đã thấy phía trước môt đoàn
người bị trói thành một giây đang bị dẫn đi. Thấy tôi, anh công
an khu vực khi nãy hất hàm kênh kiệu:
– Thấy chưa?
Tôi đùa lại:
– Anh phát tài rồi!
Vỏ thuyền
có rồi, bây giờ đến giai đoạn làm máy. Công đoạn này, và trong giai
đoạn 1987 này mới thật vất vả. Tôi còn nhớ hồi đầu phong trào vượt biên,
người ta tìm kiếm vỏ tàu phải là dài hơn 20m, 19 là bị chê rồi. Máy thì
chọn Yanmar 8 lốc đầu bạc, hèn cũng phải 6 lốc, 4 lốc là bị chê, đầu
xanh cũng chê… Còn bây giờ thì bói cũng không mua nổi một máy hai lốc
được cho là tạm ổn. Cuối cùng chúng tôi chọn mua trong đống phế liệu một
thân máy hai lốc thật cũ xì hiệu Kiloska sản xuất tại Ấn Độ – anh thợ
máy, người tôi nhờ đi mua giải thích:
– Cái thân máy này có thể cải tiến được:
1 – Thân máy rất dầy, các máy dẫn nước giải nhiệt còn nguyên chưa bị nước biển bào mòn gây rò rỉ
2 – Trục máy rất lớn có thể mài mà không sợ yếu.
3 – Phần thân đặt cylinder rất dầy tha hồ xoáy, để thay cặp cylinder to nhất.
4 – Các bộ phận khác ta còn có thể kiếm ra…
Khi đem về
tái tạo, chúng tôi thay vào bằng một cặp cylinder Yanmar và một cặp
Piston Kubota mới toanh, chỉ còn thiếu một cây lap cốt cam. Anh thợ máy
lại một phen vất vả mất mấy ngày mới vác về một cây lap, hình như được
tháo ra từ một cái máy điện nào đó, sau khi anh hì hục chế biến, rồi
cũng lắp vào được.
Tiện, xoáy,
đục, đẽo, cắt, mài thôi thì đủ cả…Các công đoạn giờ đã hoàn thành. Chúng
tôi cho nổ máy thử, tiếng nổ âm vang, từ dòn tan như bắp khi ga thấp,
cho đến rền êm khi tăng ga lên tối đa. Chiếc thủy động cơ của chúng tôi
giờ đây như mới, tôi bảo đảm ngay đến ông chủ hãng Kiloska Ấn Độ có thấy
cũng không dám nghĩ đó lại là từ sản phẩm của mình.
Máy được lắp
đặt vào vỏ thuyền xong xuôi, chúng tôi chuẩn bị cho bữa tiệc khao quân
trên sông nước. Thức ăn đã được bầy ra ở khoang trên, rượu, thuốc lá đã
sẵn sàng. Tôi mường tượng chút nữa đây, vừa cầm lái cho thuyền vun vút
trên sông, vừa nâng ly chúc tụng nhau cho bõ những ngày mồ hôi chảy…
Đến giờ
hoàng đạo, anh thợ máy lệnh cho tài công quay máy. Tôi đứng cạnh anh,
chờ sai bảo khi cần. Máy nổ rộn ràng tựa tiếng vỗ tay chào mừng của một
đám đông. Anh thợ máy ra lệnh tiếp cho tài công gài số tới và kéo ga…rời
bến. Thuyền giật lên chuyển mình. Tất cả mọi người hoảng hốt! Thay vì
thuyền tiến lên rời bến, thì nó lại thụt lui thật mạnh…suýt gây tai nạn
phía sau…Anh thợ máy hoang mang suy tính…Tôi trấn an;
– Thôi thì…ta vừa bàn vừa nhậu…Thịt rượu sẵn sàng rồi…
Kiểm tra
thật kỹ từng động cơ qua hộp số đến chân vịt…không có gì sai sót. Vậy
nguyên nhân từ đâu? Máy vẫn nổ nhẹ nhàng khi khởi động…Tắt máy để kiểm
tra thật kỹ vẫn không thấy gì bể gẫy…Thôi đây rồi…Tôi chợt hiểu; Tất cả
chỉ tại cây cốt cam…Một thứ: “Râu ông nọ cắm cằm bà kia “
Từ những
kiểm tra thực tế đó, tôi đi mua ngay một cái chân vịt trái chiều. Cuối
cùng thuyền của chúng tôi: lui tới ngon lành như bao thuyền khác. Nhưng
khi kiểm tra về tốc độ…mới thật là số Dách!…Máy mạnh thuyền chạy nhanh
là chuyện rất bình thường. Trong trường hợp thuyền của tôi chỉ có chúng
tôi mới biết: nó mạnh nhờ cặp cylinder và piston quá khổ!…
Chúng tôi
đăng ký vào Hợp Tác Xã Đánh Cá Nhà Bè. Từ một người mất chỗ đứng trong
xã hội “xhcnvn” giờ đây tôi đã trở thành Thuyền Trưởng kiêm Thợ Máy và
“chỗ đứng của tôi nhất định là trên con thuyền “ này rồi!!… Vợ tôi là
chủ phương tiện đánh cá này, hay nói cho oai là Chủ Tầu đánh cá! Lương,
em trai vợ tôi là tài công, cô vợ tôi, chị gái tôi, em gái vợ tôi là
thuyền viên!…Thành lập một danh sách như thế để đi đăng ký hành nghề
đánh cá, tôi mới thấy một khoảng trống không thể nào chấp nhận được! Bạn
đi đánh cá ven biển thì có thể là đàn ông, đàn bà, già trẻ gì đều được
ráo…Nhưng chỉ có hai mống đàn ông là không thể được!!! Khi ra khơi lỡ
một người ốm đau thì sao? Cuối cùng chúng tôi phải rủ thêm anh Bình, một
bạn hàng xóm tham gia, với điều kiện anh phải góp vào năm chỉ vàng. Đây
chỉ là điều kiện chúng tôi cầm chân anh mà thôi. Cho đến lúc đó, thông
thường vượt biên vẫn phải là 3 “cây” trở lên, điều kiện chúng tôi đưa ra
làm anh ngỡ ngàng…Dĩ nhiên là anh mừng húm, bắt ngay.
Kể từ lúc đó
chúng tôi chăm chỉ hành nghề! Nếu ai tinh ý sẽ thấy chúng tôi xuất bến
ra khơi kể cả các ngày giông gió lớn. Đi đi về về đến độ sạp đường, đậu,
bột của vợ tôi tại chợ Hòa Bình cứ mỗi ngày một teo lại. Thực ra những
ngày ra khơi là tập cho quen để không say sóng, tập nhảy sóng ra sao,
tập đoán thời thiết bằng cách nhìn ráng trời, mây, nước, và cũng là quan
sát địa hình cũng như thực trạng hoạt động của biên phòng và của các
tàu đánh cá quốc doanh. Buổi tối, tôi thường neo thuyền và đăng ký tạm
trú tại bến công an biên phòng cửa sông Rinh. Mỗi lần được phép đi đánh
cá là phải mua cá để khi về có cá bán cho Hợp Tác Xã, hay ít nhất cũng
phải có chút đỉnh làm quà cho biên phòng và công an dọc bờ sông. Năm
1986, Tường Vân em gái của vợ tôi được người anh họ đưa đi đã đến bến tự
do. Từ đảo Galang cô gửi thư về, ngầm chỉ đường cho tôi tìm gặp người
taxi chở cô.
Nắm rõ tình
hình, tôi ra bến xe mua vé đi Bà Rịa, đem theo xe đạp. Còn cách Bà Rịa
18 cây số, tôi xuống xe, đạp khoảng hai cây số, tôi thấy một xe nước mía
bên đường, ghé vào nghỉ chân, kêu một ly nhâm nhi giải khát, nhìn sang
bên kia đường…Tôi tìm thấy một căn nhà tranh vách đất, trên vách gần cửa
có trổ một cửa sổ tròn, nhìn qua bên phải có một trạm sửa xe màu xanh
dương. Băng qua đường tôi đi thẳng đến căn nhà tranh. Từ sân nhìn xuyên
qua nhà vào tận bếp, tôi thấy một người đàn bà và một đứa nhỏ, tôi mạnh
dạn lên tiếng như một người quen:
– Chị Cang ơi! Anh Cang có nhà không?
Người đàn bà bế con ra ngó tôi lom lom:
– Anh…mà xin lỗi..Anh là ai?
– Tôi là anh của cô Vân
– Cô Vân nào cà?…Mà anh tìm anh Cang có chuyện gì không?
Tôi nghĩ người đàn bà này thật khôn ngoan, kín đáo, biết rõ việc của chồng mà chị ta vẫn vờ như không biết.
– Cũng có chút việc muốn nói với anh ấy, chị có biết bao giờ anh ấy về không?
– Mọi khi giờ này về rồi, còn hôm nay thì tôi không biết.
– Thôi được! Tôi ra ngoài một lát, chút nữa tôi quay lại vậy!
Tôi vừa quay ra thì chị vợ reo lên;
– Kìa, anh ấy về rồi.
Tôi thấy một
anh chàng thanh niên khoảng gần 30 tuổi từ ngõ bước vào sân, dáng đi
vững vàng chắc nịch, khổ người cao to cân đối, nước da nâu bóng nhẫy, rõ
ra một người suốt ngày sống với sóng gió thiên nhiên. Nét phong trần
phóng khoáng của anh khiến tôi có tình cảm ngay khi gặp mặt.
Thấy tôi, đôi lông mày Cang hơi nhíu lại, thì chị vợ lên tiếng:
– Anh đây là anh của cô Vân
– Làm sao anh biết mà ra đây?
– Em tôi viết về giới thiệu cho tôi, mấy tháng trước cô ấy đã ở đây vài ngày, nên tôi ra đây để cám ơn anh chị.
Hình như Cang còn do dự, chưa đủ tin, tôi tung thêm đòn tối hậu:
– Lúc mới
đến đây nhìn thấy chị Cang, tôi đã hoàn toàn tin là tôi đã đến đúng nhà
và tìm đúng người, vì chiếc áo sơ mi mà chị đang mặc, chính là chiếc áo
quen thuộc mà ở nhà em Vân thường mặc.
Đến lúc ấy Cang mới chịu đưa tay ra bắt tay tôi và vui vẻ mời tôi ngồi uống nước.
Lúc đó đã
quá trưa, chị Cang nhanh nhẩu dọn cơm và mời tôi cùng ăn với anh chị.
Xong bữa thì chúng tôi đã thực sự thân tình. Anh pha hai ly cà phê rồi
kéo tôi ra sau nhà ngồi dưới gốc điều (đào lộn hột ) xum xuê rợp bóng.
Tôi hỏi anh:
– Bữa trước cá lớn của anh Diệm nằm có xa không?
– Khoảng một giờ taxi thôi.
– Từ đấy ra biển bao xa?
– Gặp lúc nước ròng cũng chỉ khoảng một giờ đồng hồ
– Có thể tìm được bến khác tốt như thế không
– Ăn thua là cá lớn, lớn hay nhỏ thôi, nếu chỉ bằng của anh Diệm thì vùng này thiếu gì vũng có thể làm bến.
Tôi đề nghị
anh Cang cho tôi đi chơi một vòng, nhân tiện thăm cho biết bến của anh
Diệm ra sao. Cang lấy đưa tôi một bộ quần áo của anh để tôi “giả dạng
thường dân”, mặc dù bộ quần áo của tôi đang mặc trên người chẳng đáng
giá gì.
Trên chiếc
tam bản, tôi ngồi đằng mũi, cũng hờ hững cầm theo một mái chèo. Cang
ngồi lái, con thuyền uốn lượn đưa tôi đi như đi trong một mê hồn trận.
Thật là một vùng trời nước mênh mông luồn lách dọc ngang chằng chịt, nếu
không phải là người địa phương, đã vào đây cầm chắc sẽ lạc lối, khó tìm
được đường về. Ấy thế mà Cang luôn miệng giải thích chỗ này là gò ếch,
chỗ kia là vũng cua…
Lúc này nước đang dâng lên và bóng tồi bắt đầu phủ xuống. Chúng tôi ra về, đêm đó tôi nghỉ lại nhà Cang.
Sáng sớm hôm
sau, theo đề nghị của tôi, Cang đưa tôi ra biển. Cũng may lúc đó nước
vẫn còn ròng, nên khoảng hai tiếng sau thì tôi đã nghe tiếng sóng biển
rì rào. Cửa rạch mỗi lúc thêm mở rộng…Trước hình như có một cái đảo chặn
ngang tầm mắt. Cang bảo chúng tôi đã ra đến biển – Vì lúc này nước đã
hết ròng, mép nước biển cũng đã rút ra xa, nên mới thấy được trọn vẹn cả
bãi bùn lẫn cồn đất đang bồi. Lúc nước lớn mặt cồn hoàn toàn chìm dưới
mặt nước sâu khoảng ngang thắt lưng – Tuy nhiên các lùm cây vẫn xanh um.
Chúng tôi bơi xuồng vòng ra phía ngoài mặt cồn cạn. Quả thật chúng tôi
đã hoàn toàn ra khơi, nhấp nhô đây đó những con thuyền đánh cá. Xa xa về
bên trái là một dốc đá, trên đó thấp thoáng có một ngôi chùa, Cang cho
biết ngôi chùa bỏ hoang từ lâu, bây giờ chỉ là chỗ nghỉ trưa, ăn cơm của
những người mò cua bắt ốc. Ngay bên dưới chỉ là vũng bùn, nên tất cả
những ghe cào cũng lánh xa. Xa hơn nữa là cửa sông Rinh, mà bên
kia là đồn công an biên phòng nằm gần như dựa vào chân núi lớn
Vũng Tàu. Về bên mặt chúng tôi, lác đác những hàng cột đáy,
càng xa về huyện Duyên Hải và Vàm Láng cột đáy càng thêm dày
đặc.
Lúc trở
về, vì là nước dừng và cạn nên chúng tôi phải chèo thuyền
rất vất vả, phải mất một thời gian dài gấp hai lần chuyến đi,
mới về đến nhà. Tuy vậy có một cái lợi là tôi quan sát được
độ nông sâu của con rạch, căn cứ vào các thân cây để lại vết
bùn rêu bám vào khi nước lớn. Trước khi rời nhà Cang, tôi hỏi;
– Sao anh không tự lực làm một mình mà phải dựa vào người khác? Tôi thấy anh cũng tháo vát lắm mà!
– Chúng tôi chỉ mới đến đây đây được vài năm thôi nên không quen biết nhiều.
Về lại
Sài Gòn tôi tìm mua được một bản photocopy bản đồ hải hành
thuộc vùng cửa sông Rinh để nhận định được rõ vị trí mà tôi
và Cang đã đi suốt một ngày rưỡi trên thực địa. Tôi thấy có
thể chọn vùng này làm nơi xuất phát. Tôi đem dự kiến của tôi
bàn lại với ông già vợ và trình bầy khái quát; Buổi đi biển
chót, không về bến, đợi đến tối khuya khi nước lên, dẫn thuyền
vào lạch mất một giờ, bốc dầu, bốc lương thực, bốc người tối
đa một giờ, quay thuyền trở ra biển thêm độ một giờ nữa, là
khoảng độ 3 tiếng đồng hồ tất cả. Như vậy khoảng 3 giờ 30
sáng thuyền sẽ thong thả ra khơi, như bất kỳ một thuyền đánh
cá nào khác. Nghe xong ông già vợ tôi phản bác ngay:
– Vẫn hoàn
toàn bị động! Này nhé, từ lúc bắt đầu vào lạch là lúc
thuyền trở nên bất hợp pháp, ba giờ là tối thiểu, lúc nào
thuyền cũng bị lệ thuộc vào con nước, ba giờ đầy bất trắc cho
thuyền không phải là ngắn ngủi. Nếu thuyền không gặp rủi ro,
nhưng nhóm taxi gặp phải thì thuyền vẫn bị vạ lây, không có
cách nào gỡ ra được! Tại sao ta không đem điểm xuất phát ra
tuốt bên ngoài?
Tôi chợt hiểu:
– Như vậy con có thể chọn điểm ở gần cồn cạn?
– Tại sao không chính là cồn cạn?
– Lúc nước lên cồn cạn bị ngập nước.
– Càng tốt, nhóm taxi càng không thể lên đổ người lên đó rồi rút trước, mà sẽ ẩn kỹ trong các lùm cây trên đó.
Tôi hiểu ý
ông già vợ, lúc nào cũng muốn bảo vệ thuyền, và còn muốn
nhóm taxi tham dự vào công việc để bảo đảm sự thành công. Tôi
kể cho ông nghe về chuyện gặp gỡ của tôi với Cang – và ý muốn
của tôi sẽ nhờ Cang…Sau khi hỏi tôi về tính tình, gia cảnh của
anh, ông đồng ý với tôi nên nhờ Cang là phải.
Tôi bèn
nhờ ông hôm sau đi gặp Cang để bàn chi tiết, kể cả tiền bạc.
Kết quả ông mang về thật hợp lý và tốt đẹp.
Nhằm làm
cho Cang lên tinh thần bằng cách tạo cho anh ta một hy vọng “Bắt
được cái mối lâu dài”, khi gặp Cang ông đóng vai Người Chuyên Tổ
Chức. Ông hỏi Cang có dám đưa nguyên một nhóm taxi ra hẳn ngoài biển
không? Cang nhận và nói đến số đầu không quá 20, bởi lẽ chỉ riêng anh
chị em ruột của anh ta có tới 5, thêm vào là ông bố vợ với hai người em
vợ. Về phần giá cả Cang chỉ xin 2 chỉ mỗi đầu. Ông đồng ý với điều kiện
là không được đổ khách xuống bãi. Ông còn tố thêm là sẽ thưởng thêm 1
chỉ cho mỗi đầu khách nếu “ráp nối” thành công. Ngoài ra nếu chẳng may
không ráp nối được, taxi phải cố gắng đưa khách về an toàn sẽ được hưởng
2 chỉ tiền công lần về. Công lần đi thanh toán ngay khởi sự.
Chúng tôi
cũng thỏa thuận nhờ Cang mang dầu ra dấu ngoài biển, mỗi can 30 lít với
giá 1 chỉ. Trong khi giá bình thường trong đất liền một chỉ mua được gần
ba chục can.
Nước ngọt để
uống cũng vậy: 1 chỉ cho mỗi can 30 lít. Cang lý luận: Gánh dầu hay
nước ngọt ra biển bị bắt cũng tù như tội tổ chức vượt biên…Để tiết kiệm
tiền về vụ nước, tôi lập tức ngăn phần mũi nhọn của thuyền thành một hầm
nhỏ chứa nước. Ốp hai lần gỗ, ở giữa chèn trấu khô cho nước không thấm,
vách ngăn với khoang thuyền tôi đặt một vòi nước cho tiện. Phía trên
bên ngoài tôi cũng mở ra một nắp như các hầm thuyền khác. Trong hầm này
từ đó lưu trữ thường xuyên 5 cây nước đá 50 ký (5×50=250 lít). Đó là
tiêu chuẩn nước đá được đem theo cho các thuyền đánh cá. Thể tích của
hầm trên 400 lít, ngày khởi sự chúng tôi sẽ đổ thêm nước cho đầy. Như
vậy cộng với một phuy 200 lít được phép có trên thuyền, chúng tôi có
trên 600 lít nước ngọt, dư cho cả 20 người trong cuộc hành trình.
Nhờ sự quen
biết của gia đình, chúng tôi mời được một trung úy hải quân xưa kia phục
vụ trong đơn vị tuần duyên VNCH dạy cho chúng tôi cách đi biển. Tất cả
thân nhân trong gia đình chúng tôi, dù trai hay gái đều quây quần ngồi
nghe ông chỉ. Từ cách đo toa độ trên bản đồ, cách bố trí vật dụng trước
mặt tài công, và lái thuyền theo hải bàn – cho đến cách lái thuyền khi
không có hải bàn hay hải bàn bị hư bể… Nếu trời trong, học cách nhận
định đi theo hướng trăng sao. Nếu trời tối mây mù, ta có thể lái theo
hướng gió. Ông nhắc chúng tôi: “Vùng biển Việt Nam có gió mùa, gió nồm
thổi từ tây nam qua đông bắc, gió bấc thổi từ đông bắc xuống tây nam”.
Tìm phương
hướng bằng cách nghe tiếng gió: Quay mặt về hướng gió thổi tới, nhẹ
nghiêng mặt qua phải, rồi qua trái để nghe tiếng gió thổi ù ù vào tai
bên này hay bên kia, nhẹ nhàng điều chỉnh sao cho tiếng ù ù ở hai bên
tai cân bằng. Lúc đó, hướng mặt ta đang đi chính là hướng tây nam hay
đông bắc. Từ vị trí hướng vừa tìm được, điều chỉnh mũi thuyền lên hay
xuống bao nhiêu độ cho đúng với hướng đi là chuyện quá dễ dàng. Dĩ
nhiên theo cách này còn cần đến một dụng cụ chia góc số theo hải bàn
được phóng lớn cho dễ nhìn và dễ lái. Chúng tôi bèn lấy cái mâm nhôm cũ
đang dùng trên thuyền, lật úp xuống khắc vào đáy, đoạn bôi đen nham nhở
để ngụy trang, khi cần chỉ một miếng giấy nhám chà sạch, đáy mâm sẽ hiện
rõ ràng nét khắc mầu đen. Khi xử dụng, nó sẽ được đặt úp dưới một sợi
dây căng thẳng dọc theo chiều từ mũi xuống đuôi thuyền.
Khi nói về
bão, ông cho chúng tôi biết đa số các trận bão thổi vào bờ biển Việt Nam
thường xuất phát từ Thái Bình Dương thổi qua đảo Midanao – Phi Luật
Tân. Vì nước ta ở bắc bán cầu nêu chiều xoáy của chúng theo kim đồng hồ,
vì vậy hướng chúng lúc đầu như sẽ chạy thẳng vào Sài Gòn Vũng Tàu nhưng
rồi thường chệch hướng dần dần thổi vào miền Trung, có khi vào miền
Bắc, và có khi sang hẳn tới miền miền Nam Trung Hoa. Tránh bão tốt nhất
là càng ra xa bờ càng tốt, vì gần bờ, bị sóng dội ngược rất cao. Xa bờ
sóng dù cao nhưng khoảng cách từng đợt này đến đợt khác rất xa, nên độ
dốc của nó trở thành thoải hơn, không đáng sợ…
Chúng tôi được đặt câu hỏi;
– Khi gặp bão nên lái thế nào .
– Bình
thường ta có thể cưỡi sóng đi, đi ngược sóng, nhưng gặp bão sóng quá lớn
thì không thể đi được, đành phải xuôi theo sóng gió. Có điều cấm kỵ cần
nhớ để giữ cho thuyền không bị lật úp chớ bao giờ đưa sườn thuyền ra
hứng một đợt sóng lớn.
– Đó là trường hợp máy thuyền còn chạy, còn xử dụng được bánh lái. Trướng hợp máy thuyền chết thì sao?
– Phải thả
dù thôi…Vài trường hợp máy bay phản lực phải tung dù ra sau đưôi khi đáp
xuống một phi trường có phi đạo ngắn, để giảm bớt tốc độ của máy bay.
Vậy ta cũng phải áp dụng một động tác tương tự. Trên thuyền có vài cần
xé đựng hải sản là chuyện bình thường, ta nên mua sẵn ba cái mới cho
chắc ăn. Dùng ba hay bốn đoạn dây thừng bằng nhau, buộc vào miệng cần
xé, những đầu kia cột chung lại, thế là ta có được một cái dù rồi. Khi
hữu sự kết chung ba cái lại thành từng một chùm, cột thật chắc những đầu
dây dù kia vào đuôi thuyền, rồi thả cả chùm dù xuống nước. Dù cần xé
bằng tre tươi nhưng bao giờ cũng nổi mà chỉ nổi lập lờ dưới mặt nước.
Bây giờ thuyền của ta là vật nổi trên mặt nước, hứng gió như những cánh
buồm, bị sóng gió đẩy trôi đi nhưng đuôi thuyền phải kéo ba cái cần xé
nên sức trôi của thuyền bị giảm đáng kể. Cái lợi quan trọng ở đây là mũi
thuyền luôn đi trước, đuôi thuyền đi sau, và không bao giờ có trường
hợp thuyền đưa sườn ra hứng sóng.
Một câu hỏi về vấn đề khác;
– Thuyền đang chạy trên đại dương, chung quanh có những tàu thuyền khác, làm sao để biết cái nào đang đuổi bắt mình?
– Ta đổi hướng một góc độ nào đó, thuyền đuổi bắt tất cũng đổi hướng theo.
– Gặp trường hợp bị đuổi bắt, phải làm sao
– Tất nhiên
phải tăng tốc tối đa, lúc này tốc độ là điều ăn thua nhất. Ở ngoài biển
ta có nhiều ưu điểm hơn họ, thuyền ta càng chạy nhanh ta càng bỏ xa bờ,
hiểm họa bị bắt càng giảm đi. Ngược lại phía đuổi càng lâu càng bất lợi,
bởi lẽ lượng dầu chạy máy của họ rất ít không thể so với ta. Mặt khác
100 toán đi tuần thì đủ 100% toán bớt dầu để ăn nhậu hay chia chác…Nên
lúc nào họ cũng sợ không đủ dầu để trở về, thế nên họ không dám đuổi xa
đâu!
– Nếu bị đuổi trong khi thuyền còn đang trong sông rạch?
– Ta phải
bắt chước lối chạy của kẻ cướp giựt. Đang chạy nó bỗng quay ngoắt vào
một con hẻm, đợi cho cảnh sát đuổi quá trớn nó quay ra chạy ngược lại
hướng cũ. Ở đây nếu bị biên phòng đuổi ta phải cố chạy ra biển, lỡ bị
đuổi rát, nhắm một con lạch nhỏ, một lùm cây rậm rạp, tắt máy ngay rồi
lao vào ẩn kín. Khi biên phòng vượt qua cho máy nổ lại tìm đường khác cố
chạy ra biển…
Ngoài ra ông
nhắc chúng tôi: Tại Đông Nam Á, các trại tiếp nhận thuyền nhân đều đã
tuyên bố đóng cửa, nhiều thuyền đến sau ngày đóng cửa đang gặp khó khăn –
Tuy nhiên vẫn còn hai nơi; Một là Nhật Bản từng tuyên bố cho 10,000
thuyền nhân đến định cư tại Nhật, nhưng mới có 3,500 người nên chắc họ
sẽ tiếp đón dễ dãi. Hai là tại PhiLippine, tuy cũng đã tuyên bố đóng
cửa, nhưng vẫn còn căn cứ Không Quân Mỹ Clack và căn cứ Hải Quân Mỹ tại
Vịnh Subic, đó là những ngọn hải đăng!
Chúng tôi muốn tới Mỹ nên chọn Philipine khi chấm tọa độ ông trung úy nhắc:
– Cứ nhắm
thẳng theo cánh tay tượng Đức Chúa Giê-Su đang dang tại núi hải đăng
Vũng Tàu cho thuyền ra khơi, ta sẽ đụng Côn Đảo. Để tránh vùng hành nghề
của các vùng đánh cá quốc doanh dù muốn đến mục đích nào cũng nên đi
ngược lên phía bắc Côn Đảo, ra đến đường hàng hải quốc tế rồi hãy bẻ góc
đi về hướng muốn tới. Ví dụ bẻ góc Tây Nam để Singapore, Malaysia, v
v…Muốn đi Philippine cũng vậy, từ phía bắc Côn Đảo đến Philippine theo
đường gần nhất phải chui qua hai nhóm đảo của Trường Sa. Giữa hai nhóm
đảo này có một hành lang rộng rãi. Lúc này bộ đội Việt Nam đã chiếm đóng
một đảo tại phía bắc hành lang này. Đối diện, về phía Nam hành lang
cũng có một đảo bị Quân đội Trung Cộng chiếm đóng. Hai bên này vẫn hằm
hè nhau nhưng không bên nào muốn nổ súng trước. Muốn đến Philippine qua
ngả này phải canh cho thuyền đi ngang qua hành lang vào ban ngày để cả
hai bên đều nhìn thấy rõ “đây chỉ là thuyền vượt biên”. Tuy nhiên cứ
theo đường hàng hải quốc tế về phía tây nam, sẽ gặp nhiều dàn khoan dầu
của các nước dọc theo lối đi. Hơn nữa đi lối này trên một chặng đường
dài như thế, sẽ gặp rất nhiều tàu thuyền qua lại, có nhiều hy vọng được
tiếp cứu và tương đối an toàn. Ông trung úy còn nhắc chúng tôi nên đem
theo một cái Radio chạy pin, chủ yếu để nghe tin tức thời tiết.
Dĩ nhiên còn
rất nhiều điều hữu ích cho những người đi biển mà ông trung úy đã dạy
cho chúng tôi suốt hai ngày. Trên đây tôi chỉ kể một số vấn đề thật đặc
biệt cần thiết cho cuộc vượt thoát thành công, và cho cả sự an nguy của
chính mạng sống bản thân chúng tôi.
Cho đến lúc
đó tôi mới kịp nhìn lại bao lần thất bại trước đây của tôi, của vợ tôi
và của tất các người tôi quen biết mới thấy. Quả thật chúng tôi đã nhắm
mắt làm liều một cách thật ngây thơ, khờ khạo…
Cuối tháng 8
năm 1988 tôi dự định giã biệt quê hương, nên xin xuất bến vào ngày 27 –
Nhưng không được nhà cầm quyền địa phương cho phép, họ bảo: nghỉ ăn lễ
độc lập xong hẳn đi. Ai cũng nhắm vào dịp lễ tết, các cơ quan, cán bộ
say sưa, lơ là để thừa cơ trốn chạy. Thực ra tôi cũng nhắm vào dịp 2
tháng 9. Cuối cùng đành chọn vào đêm 7 rạng ngày 8 thàng 9, một đêm tối
trời…
Cuộc “Hành
Quân Đêm” của chúng tôi xuất phát vô cùng thuận lợi – diễn ra từng bước
đúng như tính toán trước. Thuyền của tôi chiều ngày 7 tháng 9 vẫn về cửa
bến sông Rinh như thường lệ, vẫn vui đùa ăn nhậu như mọi ngày, nhưng
mọi thứ cần thiết cho chuyến đi vẫn được kín đáo, sắp xếp, kiểm
soát…Sáng hôm sau, thuyền của tôi vẫn ra khơi ngay từ đợt đầu tiên trong
lúc trời còn chưa sáng rõ. Từ ngoài xa, ngồi trong khoang tôi dùng ống
nhòm kín đáo quan sát “Những hoạt động tại điểm” trong khi thuyền thả
cào chầm chậm di chuyển vào cồn cạn…Khi nhận được tín hiệu của nhóm taxi
đã đầy đủ và sẵn sàng, thuyền liền gác cào, nhanh chóng áp sát và quay
ngang để án ngữ tầm nhìn từ biển vào. Chỉ trong vòng 15 phút vội vàng,
căng thẳng, nhưng rất trật tự…Tất cả số lượng dầu, lương thực, và 18
người lớn nhỏ đã nằm gọn ghẽ trong khoang thuyền, và nhóm taxi cũng lần
lượt phân tán khuất sâu trong các con lạch.
Tôi thở ra một hơi thật dài nhẹ nhỏm…trong lúc con thuyền tiến ra xa…xa..xa mãi.
Vào lúc 7
giờ sáng hôm đó trong một bãi kios tại bãi Vũng Tàu, gần đồn biên phòng,
mũi hải đăng với tờ giấy vừa xuất viện (nằm bệnh viện ) trong túi, và
cuốn “Bố Già” mới phát hành tại Sài Gòn trên tay, ông già vợ tôi ung
dung ngồi trước một cái phin cà phê thong thả nhỏ giọt. Người ta tưởng
ông đang say sưa với cuốn truyện, thỉnh thoảng lật từng trang… Nhưng
thực ra ông đang để hết tinh thần vào thính giác và thị giác quan sát
ngoài biển, và nhất là những động tĩnh của đồn biên phòng…
Mười giờ ông
vui vẻ ra về…Tìm gặp Cang để bác cháu hàn huyên. Sau này Cang còn có
dịp tìm ông vài lần để cám ơn ông đã giới thiệu cho anh vài người bạn
của tôi tại bãi sông quận 8.
Chúng tôi đã
vượt qua Côn Đảo an toàn, đã gặp đường Hàng Hải Quốc Tế và vẫn đang
theo con đường đã chấm tọa độ đi tới Philippine thì khoảng 11 giờ sáng
hôm sau , trong bản tin thời tiết loan báo một trận bão xuất phát từ
ngoài biển Trung Hoa Lục Địa tiến về hướng tây nam. Nếu ít giờ sau bão
tràn tới mà thuyền của tôi vẫn còn giữ hướng đang đi, thì sóng gió gần
như đập thẳng vào hông thuyền “Gặp điều cấm kỵ đây rồi!!!”…Tối quyết
định tức khắc phải đổi hướng: bẻ góc cho thuyền đi xéo dần dần về gặp
lại (và đi theo) đường hàng hải quốc tế để hy vọng:
a ) – Lúc đó gió bão sẽ đẩy thuyền đi nhanh hơn
b ) – Tránh tình trạng sóng đập vào hông thuyền (nếu theo hải trình cũ )
c ) – Trên đường hàng hải quốc tế có hy vọng nhận được sự tiếp cứu của các tầu lớn.
Chiều hôm ấy
quả nhiên bão đã tràn tới sau lưng, đẩy thuyền chúng tôi chạy như tên
bắn…Tiếp theo tức thì, sóng biển dềnh lên cuồn cuộn…Thuyền bị nâng lên
thật cao…cao ngất….rồi từ độ cao chót vót ấy…lao ào….xuống thung lũng
đen ngòm phía dưới khoang…Riêng tôi, lúc này chỉ mong sao cho máy thuyền
đứng chết…Bóng tối cũng mau chóng trùm kín, sấm chớp giăng giăng ngang
dọc…chúng tôi đã thấy thấp thoáng ánh sáng lửa bập bùng xa xa, hình như
từ một dàn khoan nào đó. Khoảng nửa đêm, sóng gió quay cuồng, mưa đổ như
trút…sấm chớp liên hồi…Dĩ nhiên thuyền của chúng tôi phải đổi
hướng xoay chiều theo sóng gió…Suốt ba ngày đêm bị vùi dập,
thuyền của chúng tôi trôi tới trôi lui, hình như vẫn đứng nguyên
tại vị trí cũ, đốm lửa dàn khoan vẫn lúc thấy lúc không. Có
vài lần chúng tôi đã toan tính thử cho thuyền sáp gần về phía
ánh lửa dàn khoan…nhưng không thể được…12 giờ trưa ngày thứ 55
kể từ khi chúng tôi rời bỏ quê hương, và là ngày thứ 3 khi gặp
bão gió, gió mới dịu lại! Từ́ lúc ra đến đường Hàng Hải Quốc
Tế, chúng tôi đã gặp không dưới 10 chiếc tầu dân sự to lớn,
mang cờ hiệu của nhiều quốc gia ngược xuôi, chúng tôi đều ra
dấu cứu vớt, nhưng họ cố ý làm ngơ. Khoảng 4 giờ chiều, đột
nhiên tôi nghe Lương La lên;
– Cái tàu đằng sau hình như đã dừng lại!
Tôi nhìn lại, quả thật một ngọn núi sắt sừng sững hiện ra trước mặt tôi:
– Chúng ta được cứu rồi!!!
Suốt ba
ngày đêm bị bão táp vúi rập, trừ những đứa trẻ vẫn ăn ngủ,
bú sữa bình thường, còn hầu hết hành khách của tôi đều mệt
mỏi, say sóng, không ăn và nằm bẹp dí…Bây giờ mới chỉ nghe
được tiếng “Có tầu cứu” là tất cả đều nhỏm dậy và leo lên boong. Các
chị, các cô bế ngay mấy đứa trẻ, nâng cao để những người trên tàu trông
thấy. Tôi thấy thủy thủ trên tầu ra dấu cho thuyền tôi tới gần đống thời
họ thả thang sắt xuống…
Sóng lúc đó
vẫn còn khá lớn, con thuyền dềnh lên thụt xuống, khi vừa áp sát đã đụng
nhẹ vào thành tầu kêu lên răng rắc như muốn bể toang. Cho thuyền lui
giật ra tôi cố ghìm giữ cho thuyền chỉ tiếp xúc với tàu bằng mũi. Trước
đó chúng tôi đã căng sẵn một dây thừng lớn từ khoang ra đến cọc mũi làm
chỗ vin và móc dây an toàn. Nhờ đó sự di chuyển bây giờ tương đối an
toàn. Theo lệnh từ trên tàu đưa xuống: Người ít tuổi sẽ ưu tiên lên tàu
trước. Do đó, con gái tôi mới 7 tháng tuổi được cậu Lương và chú Bình,
người bế kẻ dìu, thận trọng từ khoang thuyền ra mũi, đợi đúng lúc thuyền
dềnh lên mới chuyền cháu cho hai thủy thủ, đứng sẵn ở bậc cuối thang
sắt, cùng đưa tay đỡ lấy cháu…Tôi nghe một loạt pháo tay rộ lên…của
những người trên tàu đón mừng cháu…mà chảy nước mắt dài…Tôi khóc..Quả
thật cho đến lúc ấy tôi mới khóc…khóc, vì…mừng vui!!! Đến lượt thằng con
trai của tôi gần 4 tuổi, vùng vằng không chịu lên tàu, khóc lóc la
hoảng đòi về nhà bà ngoại. Người thứ ba là một cháu gái tên Thúy (hiện
là sinh viên của đại học UCL). Lương và Bình cố móc dây an toàn lần lượt
dẫn từng người từ khoang ra mũi để rời thuyền. Người khách cuối cùng là
bà Chín, cũng là người lớn tuổi nhất trong chuyến đi, run rẩy sợ hãi vì
thuyền dềnh lên thụt xuống, ra đến mũi sắp được kéo lên thang…loạng
quạng sao đó, té lăn xuống biển…Nhanh như vượn Lương phóng xuống theo
túm được, Bình cũng lao đến tiếp cứu, vớt lên được. Lên tầu bà Chín phải
nằm bệnh viện săn sóc 5 ngày mới khỏi (Ông bà Chín hiện định cư tại
Massachussets). Lệnh thuyền trưởng yêu cầu chúng tôi đem lên boong tất
cả các dụng cụ hải hành, cũng như tất cả các loại lương thực có trên
thuyền.
Sau Lương và
Bình, tôi là người cuối cùng, tắt máy, rời thuyền với một tâm trạng
bâng khuâng, dào dạt. Đặt chân lên boong tầu, lúc đó là 5 giờ 30 chiều
ngày 12 tháng 9 năm 1988. Tôi nhìn xuốt lượt 21 người “cùng hội cùng
thuyền” với tôi, Bà Chín, cô Lan và cháu gái 5 tuổi tên Thúy, Tôi chỉ
gặp từ lúc lên thuyền (vì là người của Cang đưa taxi, anh đã năn nỉ vợ
tôi cho đi để anh có thêm sở hụi ), Anh Bình là bạn hàng xóm, còn lại
đều là thân thuộc trong gia đình chúng tôi (Sau này lúc Lương lập gia
đình, ông bà Chín nhân dịp này tặng Lương một kỷ vật trân quí. Cô Lan đã
nhận bố mẹ vợ tôi làm bố mẹ nuôi và cô đã kết hôn với anh Bình. Chúng
tôi đều được định cư tại Mỹ, và hầu hết ở Cali. Chúng tôi thướng đi lại
gặp nhau như một nhóm gọi là “Nhóm Golar Freeze”, lấy tên của con tàu đã
cứu vớt chúng tôi trên Biển Đông.
Khi tôi đến
chào và trình diện ông thuyền trưởng, ông tỏ ra rất lịch sự và ân cần,
ông cho tôi biết ông là người Tây Đức, ông rất thông cảm chẳng những với
thuyền nhân, mà còn với tất cả mọi người ở Miền Nam Việt Nam nữa. Ông
nói ông đã nhìn thấy thuyền của chúng tôi từ xa 9 – 10 cây số. Từ đằng
sau ông quan sát thuyền của chúng tôi rất lâu. Vừa rồi ông đã xem xét
cái Mâm Nhôm, một dụng cụ thô sơ nhất của người đi biển, rồi đến cái hải
bàn cổ quái “không có kim” (nó đã bị bão vùi dập lăn lóc, nên kim đã
gẫy và tấm bản đố Hải Hành vẽ bằng tay (Thực ra là can bằng tay theo
kiểu học trò ), ông hoàn toàn kinh ngạc và hỏi tôi làm cách nào dẫn
thuyền đi đúng hướng, đúng đường và an toàn qua cơn bão vừa rồi. Tôi đã
trình bày cho ông rõ là: “Chúng tôi đã được một Trung Úy Hải Quân Việt
Nam Cộng Hòa huấn luyện trong một khóa đặc biệt…thật kỹ…và lâu đến
cả…hai ngày lận!!!”
Lúc đó tất
cả chúng tôi đã được an toàn trên con tầu Golar–Freeze, một tầu chở dầu,
trọng tải 80 ngàn tấn của một đại công ty hỗn hợp Nhật Bản – Phần Lan –
Anh Quốc. Chúng tôi được từ cõi chết trở về!
Anh chị em
chúng tôi, từ trên boong, nhìn xuống con thuyền bé bỏng, thân thương,
hiện không còn người lái đang quay cuồng trên sóng đại dương, va đập vào
hông tàu bể vỡ…và từ từ chìm xuống. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng im
lặng bùi ngùi, cúi đầu như mặc niệm.
Sóng nước đã hoàn toan phủ kín nó…Như phủ kín cả một thời trai trẻ, thanh xuân của thế hệ chúng tôi!
Lake Forest,
Ngày trọng đông năm Nhâm Ngọ
Tony Dương
Ngày trọng đông năm Nhâm Ngọ
Tony Dương
No comments:
Post a Comment