PHONG ĐĂNG * GIÁO DỤC MIỀN NAM
Những hình ảnh về giáo dục miền Nam trước 1975
Cập nhật: 02:22 | 03/12/2013
– Hình
ảnh và những tư liệu về giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975 đang được
chia sẻ trên các trang mạng. Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác
định là: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần quốc gia
ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Mô hình giáo dục này trong những năm 1970 có khuynh hướng chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.
Hệ thống giáo
dục gồm tiểu học, trung học và ĐH, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo
dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức
quản trị từ trung ương cho tới địa phương.
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyện học, chuyện dạy ở thời kỳ này:
Sách giáo khoa cho học sinh. |
Triết lý giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”.
Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác
định là: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần Quốc
gia ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Bậc tiểu học bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Theo quy định, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập (bắt buộc). |
Thẻ căn cước học sinh Trường Võ Trường Toản |
Hệ thống giáo dục trung học gồm: trung học đệ nhất cấp- Trong ảnh: Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 năm 1972- 1973 |
Trường trung học Đệ nhị. Trong ảnh: Các nam sinh Trường Võ Trường Toàn |
Trong ảnh: Trường Quốc-Gia Nông-Lâm-Mục B’Lao. |
Học sinh đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong các viện ĐH, trường ĐH, và học viện trong nước. Vì số chỗ trong một số trường có giới hạn nên học sinh phải dự kỳ thi tuyển có tính chọn lọc rất cao. |
Viện đại học Đà Lạt. |
Viện Pasteur Nha Trang. |
Trường Kỹ Sư Công Nghệ, Trường Hàng Hải thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật. |
Các giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ đồng tấu: Trần Thanh Tâm (đờn kìm), Phan Văn Nghị (đờn cò), Trương Văn Đệ (đờn tam), Vũ Văn Hòa (sáo) và Nguyễn Vĩnh Bảo (đờn tranh) |
Buổi học hình họa tại lớp dự bị của trường Quốc gia Mỹ thuật Sài Gòn đầu thập niên 60 |
Thời điểm này,
một số sinh viên bậc ĐH được cấp giấy phép đi du học ở nước ngoài. Hai
quốc gia thu nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào năm 1964 là Pháp (1.522)
và Hoa Kỳ (399), đa số theo học các ngành khoa học xã hội và kỹ sư.
Chương trình hai năm (còn gọi là chương trình sư phạm cấp tốc) nhận những ai đã đậu được bằng Trung học Đệ nhất cấp. Hằng năm chương trình này đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học. Giáo viên trung học thì phải theo học chương trình của trường đại học sư phạm (2 hoặc 4 năm).Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho nhà nước ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp. |
Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà. Sau đó, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm. |
Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965-1966. Đến năm 1974, toàn bộ các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu trắc nghiệm. Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều phải đi dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1.800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời của học sinh để tính độ khó của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu hỏi trắc nghiệm cho thích hợp. |
Đầu những năm 1970, Nha Khảo thí đã ký hợp đồng với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển… đến các con số thống kê cần thiết. Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. |
- Phong Đăng(tổng hợp từ internet
- http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/151893/nhung-hinh-anh-ve-giao-duc-mien-nam-truoc-1975.html#
Tuesday, December 3, 2013
TIỂU THU * XÓM NHỎ
XÓM NHỎ
Dec 3, 2013 at 8:13 am
Tiểu Thu
Khi gia đình dọn về Ngã Tư Bình Hòa thì Mai vừa lên tám.
Anh Tú hai mươi và chị Thơ mười tám, đang mang bầu thằng Phương.
Trước đó hai năm, chỉ có một mình ba lên Sài Gòn ở tạm nhà
chú Sáu Tuấn bên Thị nghè. Ba giữ chân kế toán trưởng cho một viện bào
chế thuốc tây vào hạng lớn nhứt Sàigòn thuở đó. Ông chủ người Pháp quanh
năm ở tuốt bên Kinh đô ánh sáng. Năm thì mười họa mới giá lâm một lần
để xem nhân viên mần ăn ra sao? Mọi việc đều giao cho một quản lý người
Việt nên cái màn “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” cũng có lúc xảy ra.
Trong đám phụ tá của ba Mai có chú Thạnh, nhỏ hơn ba năm, sáu tuổi nhưng
số nhi đồng lại đông gấp đôi, nên nhà chú thường xuyên thiếu trước hụt
sau. Có lần thiếm Thạnh vô nhà thương mổ ruột dư, túng quá chú đành vô
văn phòng của ba, gãi đầu gãi tai một hồi mới ấp úng :
– Anh Thăng, vợ em nằm nhà thương… (thở dài !), em cũng
biết là làm phiền anh lắm, nhưng mà… (chắc lưỡi…), em hết biết tính sao!
Ba Mai không nói không rằng, rút đại một cái hoá đơn của một nhà thuốc nào đó còn thiếu tiền, đưa cho chú Thạnh:
– Nè, đi đòi đi. Rồi tháng sau ráng trả lại cho đàng hoàng nghe không.
Chú Thạnh hớn hở cầm cái hóa đơn cứu mạng, miệng cám ơn rối rít.
Ba thích giúp đỡ mọi người nên được các đồng nghiệp yêu
mến. Thỉnh thoảng mấy chú kéo đến nhà Mai nhậu nhẹt, cả anh chàng dược
sĩ trẻ người Pháp từ Paris qua. Má Mai làm đồ nhậu là số một.
Sau này, thấy mỗi lần má dẫn Mai lên Saìgòn thăm ba cực khổ
quá, vì phải đi tàu từ Cao Lãnh qua Sađéc. Không muốn phiền người quen
nên má và Mai phải ngủ qua đêm trên mui tàu, sáng hôm sau mới lấy xe đò
lên Sàigòn. Nội qua cái bắc Mỹ Thuận cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Thành
thử quãng đường chỉ dài độ 140 cây số mà phải đi cả ngày mới tới. Má còn
cụ bị lủ khủ nào gạo, khô, gà vịt, trái cây… Lần nào cũng bị lơ xe cằn
nhằn. Đó là chưa kể tình hình dưới quê rất lộn xộn. Lính Quốc gia. Lính
Hòa Hảo. Việt Minh. Người dân ở giữa giống như trái độn. Nạn cướp tới
thăm có khi một tháng đôi lần.
Mai nhớ lần nọ má và chị Thơ chở một ghe xoài qua bán bên
tỉnh Bến Tre, Mai phải qua ở với ông bà nội. Đêm đó ngày rằm nên trăng
sáng vằng vặc. Mai ngủ chung với bà nội ở gian nhà giữa. Chị Yến con cô
Hai ngủ trên bộ ván gỏ cạnh cửa sổ ngó ra vườn. Không hiểu cao hứng gì
mà đêm đó chị gác một chân lên thành cửa sổ. Nửa đêm giựt mình, có cảm
tưởng như hai cánh cửa nhúc nhích. Chị ngồi bật dậy ngó qua khe cửa thấy
một người mặc đồ đen, vai đeo súng đang cố sức kéo cho cánh cửa bật ra.
Chị la :
– Cướp ! Cướp ! Cậu bảy ơi, ăn cướp !
Cả nhà tỉnh ngủ tức thì. Bà nội kéo Mai chun xuống gầm
giường, con nhỏ run như cầy sấy. Bà mò xuống bếp lấy cái mâm thau hay
nồi đồng gì đó Mai cũng quên mất, chun trở vô gầm giường, tay vừa gỏ
xèng xèng, miệng niệm Phật lia lịa. Ông nội có chổ bí mật để ngủ mỗi
đêm, nên không khi nào lên tiếng. Nghe tiếng báo động của bà nội, cả xóm
kẻ gõ nồi, người gõ mâm, người khác gõ mõ vang rân cả xóm. Chị Yến gan
lì hết sức, vừa chạy vòng vòng vừa ngó qua khe cửa. Trong nhà tối, bên
ngoài trăng sáng như ban ngày, mỗi lần thấy bóng một tên cướp, khoảng 3
đứa, đi xung quanh nhà, gặp cửa nào cũng giựt thử là chị lại thét lên
-chắc đế cướp tinh thần địch:
– Nó nè cậu bảy ơi. Chỉa đâu đưa đây con đâm nó (!??)
Chú Bảy cũng phụ họa:
– Đâu đâu. Để đó cho tao !
Lính ở đồn Mỹ An bên kia sông, xéo xéo nhà ông nội nghe
tiếng báo động bên Tân An liền bắn qua mấy tràng súng thị uy. Bọn cướp
thấy không xong bèn rút lui có trật tự…
Mờ sáng hôm sau, vị hôn phu của chị Yến, ở tuốt luốt bên
xã Mỹ Ngãi, lật đật qua vấn an người yêu. Chị cười lỏn lẻn hỏi sao biết,
thì anh Dương cũng rất thiệt thà thổ lộ rằng, tối hôm qua, lẫn trong
tiếng xèng xèng, cóc cóc, anh còn nghe tiếng cướp cướp được phát ra từ
cái giọng Soprano “vượt bức tường âm thanh” của chị, bay qua tận bên nhà
anh. Tuy rằng hai nhà cách nhau một cánh đồng xa cả cây số.
Vì vậy anh
thấp thỏm đợi hừng sáng là qua “thăm dân cho biết sự tình “. Thấy chị
bình an vô sự anh rất mừng. Mai không biết khi khám phá ra cô vợ tương
lai có cái giọng “cao hơn người” này – chị Yến vốn cao chưa tới thước
rưỡi – anh Dương có lo sợ cho hai cái màng nhỉ của anh không nữa ?!. Cứ
vậy, không thành công lần này chúng tiếp tục trở lại hỏi thăm sức khỏe
lần khác. Tuy không tổn thất vật chất, nhưng tinh thần lại thiệt hại
trầm trọng. Ba thấy vậy kêu cả nhà lên Sàigòn ở luôn.
Ba má mua lại một căn nhà nho nhỏ trên đường Lê Quang Định.
Sau này buôn bán khá, căn nhà được nới rộng thêm ra. Nhà cách ngả tư
độ trăm thước đi về hướng chợ Bà Chiểu. Cũng nhờ bác Ba Đại của Mai an
cư lạc nghiệp tại xóm này hơn hai mươi năm rồi. Bác có tám người con –
năm trai, ba gái. Lớn nhứt là anh Hai Jean. Nhưng bị mọi người “nhất
trí” kêu là Răng. Lúc ông Diệm lên chấp chánh bắt phải đổi lại quốc tịch
Việt. Không hiểu do óc khôi hài cao độ hay vì lý do nào khác, anh lấy
tên là Nguyễn Văn Vàng.
Từ đó tên anh trở thành Hai Răng Vàng, tuy cả
hai hàm, kiếm bảy ngày cũng không ra cái răng vàng nào hết. Anh giống
bác Ba trai, đẹp như tài tử Mỹ, cái miệng lại trơn như thoa mỡ. Mỗi lần
anh ghé thăm là cả nhà cười nghiêng cười ngửa. Ông bà già vợ quý anh như
vàng. Hai ông bà chỉ có hai cô con gái rượu. Chị Tâm và chị Nguyệt. Anh
lấy cô em là chị Nguyệt. Tin tưởng tuyệt đối nơi chàng rể quý, nên năm
ba bữa bà má vợ lại nhờ:
– Răng à, chở dùm chị hai con vô Chợ Lớn khui hụi cho má. Bữa nay má ể mình đi hổng đựơc !
– Răng à, chở chị hai con vô nhà bà Tôn đòi tiền dùm má.
Trời Phật ngó xuống mà coi. Thiếu có năm ngàn mà đi mòn đường cũng hổng
chịu trả. Ứ hự !!
Cho tới một hôm chị Tâm khăn gói ra đi không một lời từ
biệt cha mẹ già. Tra khảo riết, cuối cùng anh Răng cũng phải thú thiệt
là đã đem chị Tâm dấu một chỗ chờ ngày đập bầu. Vì ngoài những chuyện bà
má vợ nhờ làm, anh còn thày lay làm luôn những chuyện bả không hề nhờ
tới mới là khổ !!
Nghe tin động thiên đình bà già lăn ra sàn gạch khóc lóc
thảm thiết, nhưng cuối cùng cũng đành chấp nhận thương đau! Nhưng từ đó
hai chị em không thèm nhìn mặt nhau nữa. Riêng cái mục sản xuất nhi
đồng thì không bà nào chịu thua bà nào. Cứ chị Tâm một đứa thì chị
Nguyệt một đứa cho bỏ ghét!
Nhà bác ba Đại ở ngay mặt đường cái. Kế đó là quán cà phê,
hủ tiếu của vợ chồng chú ba Lâm. Mỗi buổi sáng quán này đông nghẹt khách
tới ăn điểm tâm. Phần lớn là dân thợ thuyền hoặc phu xích lô. Hai ông
bà không con, nuôi một con chó vàng khôn hết sức. Không hiểu sao một
bữa cao hứng, chú cẩu ta chạy băng qua đường (chắc thấy một bóng hồng
nào đó đang nhởn nhơ bên kia chăng ? Vì chỉ có tình yêu mới khiến cho
muôn loài đâm ra mù quáng, không còn sợ trời sợ đất gì hết!) bị xe xích
lô máy cán chết tươi. Thiếm ba khóc quá chừng vì thương chú cẩu này như
con. Nhà Mai kế bên nhưng thụt sâu vô trong.
Khoảng sân trước giáp với
quán cà phê. Mỗi buổi sáng, Mai chỉ cầm cái ly bước vô sau bếp chú ba
Lâm là có cà phê sữa nóng hổi và khi thì cái bánh tiêu, khi cái giò chéo
quảy, dĩa xíu mại đem về cho ba ăn sáng trước khi đi làm. Gần đường,
sát vách quán má Mai chất đống củi khô bán cùng xóm. Vì thời đó nhà nào
cũng chụm củi hoặc chụm than. Mỗi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần ở
chiếc bàn tròn trước sân.
Nói chuyện tầm phào hoặc nghe ké mấy tuồng
hát bội từ cái ra dô bên quán cà phê. Vì vậy ngay từ nhỏ, Mai đã thuộc
lòng chuyện Bà Chung Vô Diệm với lão vua dê xồm Tề Tuyên Vương. Mỗi lần
nghe cái giọng khẩn cầu thảm thiết của lão khi giặc tràn tới biên cương:
– Hậu ơi Hậu. Hậu ráng cứu trẫm chuyến này. Trẫm thề
sẽ…v..v..và v..v… để rồi sau đó, khi bà dẹp xong giặc trở về, lão ta
lại nghe lời mấy con Thứ phi xí xọn dèm xiểm, kiếm mọi cách tống bà vô
lãnh cung là Mai lại tức cành hông. Có lần nhỏ hỏi má:
– Má à, sao bà Chung Vô Diệm giỏi võ như vậy, mà lúc bị đày
vô lãnh cung, bả hổng chém cho ông vua một nhát để ổng chết phứt cho
rồi ?
Chị Thơ háy một cái lạnh lùng luôn:
– Vậy cũng nói ! giết “thằng chả” chết rồi là hết chuyện, lấy đâu cho mày nghe mỗi buổi tối ?
Má cũng nói ối chuyện người ta đặt ra mà, hơi đâu thắc mắc!
Vậy chớ Mai cũng cứ ấm ức! Cái bà Chung Vô Diệm ngoài chiến trường thì
oai phong lẫm liệt, trước mặt lão vua già lại yểu xìu như cái bánh tráng
ướt! Lão chỉ cần “thở” ra vài lời đường mật là bà ta lại hồ hởi đem
thân xông pha ra chiến trường dẹp giặc. Có lần vác cái bầu gần ngày sanh
ra trận. Bị kẹt trong vòng vây, bèn đẻ rớt luôn một hoàng tử giữa trận
tiền. Trong khi đó lão vua già phây phây ở nhà ôm ấp mấy con Thứ phi cà
chớn! Bà Chung Vô Diệm hiền chớ Mai là chém đầu ráo trọi. Từ lão dâm
tặc cho tới mấy mụ thứ phi cà chua. Chị Thơ nói con nhỏ này mới nứt mắt
mà đã dữ như bà chằn. Mai mốt chắc ở giá hổng ai dám rước!
Sát vách nhà Mai là nhà cô Bảy Huệ. Lúc gia đình Mai tới
định cư thì họ đã ở đó rồi. Bà mẹ lúc đó độ ngoài năm mươi, tóc hoa râm,
rất đẹp người. Cô bảy độ chừng hăm lăm, hăm sáu tuổi và thằng Bảo là
con người anh ruột của cô. Nghe bác Ba gái nói ông này theo lính Bình
Xuyên đóng bên kia cầu chữ Y. Nó bằng tuổi Mai mà sáng nào cũng ngồi
trước hàng ba khóc nhèo nhẹo cho tới khi bà Hai Cần, bà nội nó xì tiền
ra cu cậu mới chịu nín.
Ba cấm không cho Mai chơi với nó. Ông nói ba nó
là giặc Bình Xuyên. Mai thấy thiệt là vô lý. Ba nó theo Bình Xuyên có
phải tại nó xúi đâu mà bắt lỗi nó? Vì vậy sau giờ học, Mai hay lén qua
sân nhà cô Bảy Huệ chơi nhảy lò cò với thằng Bảo. Trường Mai học ở gần
nhà trong khi ba đi làm tuốt ngoài đường Catinat. Nhưng phải canh chừng,
hể thấy bóng chiếc Alcion trờ tới trứơc cửa nhà nhỏ Kim Châu, cách nhà
Mai hai căn, là phải lẹ lẹ nhảy phóc qua cái lan can mà về tức thì, nếu
bị bắt tại trận tối đó sẽ bị phạt quỳ…
Thật ra cho tới bây giờ, nghĩ lại tình cảnh cô Bảy Huệ lúc bấy giờ, Mai không biết nên thương hay nên trách ?
Cô Bảy người tầm thước, nước da bánh mật, miệng hơi móm
duyên, cười khoe hai hàm răng nhỏ rức. Không phải sắc nước hương trời,
nhưng là một nhan sắc hiền diệu, ưa nhìn. Cô nói năng rất nhỏ nhẹ, chừng
mực. Sáng nào Mai cũng thấy cô mặc bộ đồ nữ quân nhân, đúng giờ một
chiếc xe nhà binh tới ngừng trước ngõ, rước cô đi làm. Chiều cũng chiếc
xe nhà binh đó đưa cô về. Ngoài giờ làm việc Mai chưa thấy cô đi chơi
với bạn trai bao giờ, tuy rằng thời đó, ở tuổi cô, có thể nói là đã lỡ
thời! Mai không biết lương hướng của cô ra sao, chỉ biết ngoài mẹ cô là
bà Hai Cần (mắc bịnh ghiền đánh tứ sắc) cô phải cưu mang thêm thằng Bảo.
Mất mẹ sớm, ba nó lại đi lính Bình Xuyên giao đứt nó luôn cho má con cô
nuôi.
Thấy nó côi cút tội nghiệp, đôi khi bà Hai cưng chiều quá đáng.
Sau này, khi quân chính phủ dẹp tan đám Bình Xuyên, ba thằng Bảo bị bắt ở
tù. Vì vậy ngoài má con cô Bảy Huệ và thằng Bảo, nhà không bao giờ có
bóng đàn ông… Vậy mà một bữa đi học về, mới tới đầu ngõ Mai thấy một
người đàn ông trọng tuổi từ trong nhà cô Bảy đi ra. Dáng người hơi thấp,
mập mạp, trắng trẻo, tóc hoa râm. Nhìn ông, người ta đoán ngay được là
dân có tiền. Tò mò Mai đứng lại nhìn. Ra tới cổng, ông ta còn dòm bên
trái, bên phải như kiếm ai rồi mới đeo cặp kiến đen, bước hối hả ra
đường, đi về hướng ngã Tư Bình Hòa. Mai vô nhà gặp chị Thơ đang nấu cơm
chiều, nhỏ kể luôn:
– Em mới thấy có một “ông già” từ nhà cô Bảy Huệ đi ra.
Chị Thơ thì thầm, vì bếp nhà Mai sát vách nhà cô Bảy:
– Ổng là “mèo” của cô Bảy đó.
Mai nhảy dựng như bị phỏng lửa:
– Cái gì ? Mèo của cô Bảy ?
Chị Thơ cú lên đầu Mai một cái đau điếng:
– Nhỏ họng chút coi. Mày la om sòm bên kia “họ” nghe được làm sao ?
Mai vừa vò đầu vừa nhăn nhó:
– Chị có lộn hông đó. Chắc ổng là “mèo” của bà Hai…
Chị Thơ xì một cái:
– Mày biết gì mà nói. Hôm kia bà Hai qua đây “tâm sự”, khóc
lóc một trận quá trời với má đây nè. Bả nói tại nghèo, lại cần tiền lo
cho ba thằng Bảo ra khỏi tù, nên có người bà con làm mai cho cô Bảy làm
bé ông này, cổ đành ưng thuận. Ổng có vợ mà gần hai mươi năm nay bả cứ
trơ trơ, chẳng chịu chửa đẻ cho ổng đứa con nào hết trơn. Mà ổng thì
giàu quá trời. Chủ một hãng xe đò, tới cả chục chiếc lận. Ổng ham con
lắm nên chịu bảo bọc hết gia đình cô Bảy. Hổm nay tao thấy ổng vô đây
mấy lần rồi đó. Nghe đâu ổng gần năm mươi tuổi, nhưng nhờ giàu có tẩm bổ
nhiều thành thử còn “chiến” lắm. Mày hổng để ý lúc này cô Bảy đâu còn
đi làm nữa.
Ờ há, cả tháng nay Mai không thấy chiếc xe nhà binh mỗi
sáng tới rước cô Bảy như thường lệ. Nhưng ai đâu để ý “chiện” người lớn?
Bữa nay chị Thơ nhắc Mai mới nhớ ra. Rồi sau những lần gặp gỡ lén lút
tại nhà cô Bảy, kết quả là cái bụng cô mỗi ngày một lớn thêm ra. Ông
Kiện mừng hết sức luôn. Bình thường ông ta đến và đi đều trong giờ làm
việc, chắc để bà vợ khỏi nghi, đậu xe xa xa rồi mới tà tà đi bộ đến cái
“tổ oan ương”. Mỗi lần người khách quý này tới là bà Hai Cần phải kiếm
cớ, khi thì xách giỏ đi tuốt xuống chợ Bà Chiểu, lúc lại dọt qua nhà Mai
ngồi tán dóc với má ít lâu cho “đôi trẻ” mần việc –
Mà họ làm việc này
rất nghiêm chỉnh, vì đối với ông Kiện, thì giờ thật sự là tiền bạc! Có
lẽ sung sướng quá nên ông đâm ra bất cẩn, không coi chừng cẩn thận như
trước. Một ngày đẹp trời đi học về, Mai thấy một bà đứng tuổi – cở má –
phốp pháp, mặt mày đầy son phấn đứng trứơc cổng nhà cô Bảy (đương nhiên
là được cài móc phía trong rất kỹ để phòng hờ…). Bàn tay có những móng
sơn đỏ chót, đang xỉa xói vô nhà, miệng chửi dòn tan. Lối xóm bu lại coi
đông nghẹt. Bả phân bua :
– Từ mấy tháng nay tui biết là thằng chả có mèo. Theo dõi
riết bây giờ mới bắt được tại trận. Tui biết chắc là tụi nó đương hú hí
với nhau ở trỏng. Rồi bả nghiến răng trèo trẹo rít lên:
– Trời ơi thằng già dịch. Đầu hai thứ tóc rồi mà còn ngu
(?) đem tiền cho “con ngựa” đáng tuổi con nó ăn. Trời ơi là trời ! Tui
có lầm lỗi gì đâu mà bị đối xử tàn nhẫn như vầy? Đồ ác nhơn thất đức!
Tội nghiệp, bả quên là trong xã hội Việt Nam, vợ chồng lấy nhau không
con cũng là một vấn đề trọng đại. Có được bao nhiêu người đàn ông rộng
lượng? Phần nhiều là các ông hay chụp ngay cái cớ đó để lập phòng nhì,
phòng ba.
Réo đôi gian phu dâm phụ ra chửi tơi bời hoa lá mà thấy trong
nhà vẫn áng binh bất động, bả đâm mất hứng đành lui binh, sau khi ném
lại một câu đe dọa xanh dờn :
– Rồi tụi bây sẽ biết tay tao !
Nghe nói chiếc Peugeot 203 của ổng đậu tuốt ngoài ngả tư,
gần rạp Cao Đồng Hưng bị bà Hoạn Thư đập tan tành hết mấy cái kiếng.
Thôi thì không bị đốt như chồng cô Hườn là may rồi, nhằm nhò gì ba cái
kiếng xe !
Sau đó, không biết ổng về điều đình với bà vợ ra sao mà
không thấy bả trở lại đánh ghen cô Bảy Huệ nữa. Thằng Toàn ra đời trong
sự vui mừng tột cùng của ông Kiện. Đầy tháng của nó, cô Bảy cúng nguyên
một con heo quay to tướng. Bà Hai đem biếu hàng xóm mỗi nhà một phần ăn
lấy thảo. Mai còn nhớ lúc nó được đâu năm, sáu tháng gì đó, ông Kiện bị
tai nạn gẫy một chân phải nằm nhà thương. Vậy mà ngày nào ổng cũng bắt
tài xế chở tới đậu trước cổng nhà, cô Bảy Huệ ẳm thằng Toàn ra cho ổng
nựng nịu, hôn hít một hồi rồi mới chịu trở vô nhà thương. Thấy đống đồ
chơi của nó mà bắt thèm.
Chị Thơ sanh thằng Phương trước nó năm tháng,
mà tội nghiệp quanh đi quẩn lại chỉ có hai ba món đồ chơi quèn. Bù lại
nó là đứa cháu đầu nên được cả nhà cưng như cưng trứng. Nó lại đẹp quá
trời nên ba lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng móc…. hình thằng cháu
ngoại ra khoe !…
Ngay phía sau hè nhà cô Bảy là gia đình bác Hân, người Bắc,
mới di cư vào Nam được gần năm nay. Bác trai độ bốn mươi tuổi nhưng gầy
còm, mặt mũi nhăn nheo như trái táo khô. Con trai lớn nhứt mới mười sáu
và đứa út bảy tuổi. Cả nhà từ lớn tới nhỏ cộng thêm hai người thợ suốt
ngày đánh vẹc ni đàn. Đủ thứ : guitar, mandoline, violon. Chỉ đánh vẹc
ni thôi, xong rồi đem giao chỗ khác. Vì vậy hể mở cửa sau là nghe “nồng
nàn” mùi vẹc ni, bắt nhức cái đầu !
Mai không hiểu sao cả nhà bác Hân có
thể hít thở cái mùi khó ngửi này quanh năm ngày tháng? Chị Thơ nói thì
quen lỗ mũi chớ sao. Giống như bác ba gái nhà mình ghiền dầu cù là, lúc
nào cũng thủ một chai trong túi áo. Bác Hân trai mắc bịnh suyển. Đôi khi
đang làm, bác ngưng tay, vói lấy cái điếu cầy rít thuốc lào ròng rọc,
sau đó lại nổi cơn ho sù sụ, cái lưng cong như con tôm luộc! Bác Hân
gái hiền, cũng ốm o, hàm răng trên hô, chìa ra khỏi cặp môi dày lúc nào
cũng sẵn sàng toét ra cười. Tội nghiệp bác, tối ngày chúi đầu trong bếp
nấu ăn cho chồng con và đám thợ.
Cạnh bác Hân, tức ngay sau hè nhà Mai, chỉ cách cái sân
rộng độ ba thước là nhà bà cụ Hiền. Cụ cũng khoảng sáu mươi, người nhỏ
bé (bây giờ gọi những người sáu mươi bằng cụ dám bị vác chiếu ra tòa vì
tội… phỉ báng!). Tóc còn đen mượt, được vấn trong chiếc khăn nhung đen.
Lần đầu, Mai giựt mình khi thấy cụ cười khoe hai hàm răng đen thủi đen
thui.
Mai tưởng cụ bị sâu răng, nhưng sau mới biết tại cụ nhuộm. Theo
phong tục ngoài Bắc, đàn bà phải răng đen mới đẹp. Hổng giống “người
Việt” mình, răng trắng chừng nào đẹp chừng nấy, má nói. Cụ có một người
con duy nhứt là cô Lành, trắng trẻo, mảnh khảnh, trái với ông chồng tên
Thịnh, mang lon trung sĩ, nghe đâu lớn hơn cô cả một con giáp. Chú Thịnh
to lớn, mặc đồ nhà binh đầy vẻ oai vệ.
Có lần cụ than với má :
– Khổ lắm bà ơi. Thân tôi góa bụa, lại chỉ có một mụn con
gái, không ở với nó thì ở với ai? Ông rể thì suốt ngày lầm lầm, lì lì
không nói một lời, nên mình cũng chẳng biết nó thương hay nó ghét. Thôi
thì cứ cắn răng mà chịu!
Nói xong cụ rơm rớm nứơc mắt. Đều đều, sáng sớm cụ bưng một thúng xôi
bắp nóng hổi, đi một vòng vô xóm trong độ hai tiếng đồng hồ là hết
nhẵn. Thú thật cho tới bây giờ Mai cũng chưa hiểu tại sao người Bắc kêu
xôi bắp là xôi lúa? Có lần Mai ngây thơ hỏi cụ ơi, lúa làm sao mà nấu
thành xôi được hả cụ?
Cụ cười khoe hàm răng đen nhánh :
– À, thì từ xưa người ta vẫn gọi thế!
Nhà cụ còn một nhân vật mà Mai rất thích là chú Phong, em
họ chú Thịnh. Chú Phong thuộc loại bạch diện thư sinh, tuổi chỉ độ ba
mươi, ăn nói duyên dáng. Đôi khi chú qua nhà Mai chơi, gặp bữa cơm, má
mời:
– Mời chú Phong dùng ba hột cơm với gia đình tui cho vui.
Chú giả bộ sửng sốt:
– Trời, bà chị chỉ mời em đúng có ba hột cơm thôi à? Chưa đủ cho em nhét kẽ răng nữa là!!
Cả nhà ai cũng cười má, vì tuy ở Saigòn mấy năm rồi mà vẫn
không bỏ được cái câu “ăn ba hột cơm cho chắc bụng”.
Ba nói ba hột cơm
của má bây chắc là ba hột cơm Thạch Sanh! Cụ Hiền kể cho má nghe hồi còn
ngoài Bắc, gia đình chú Phong ở dưới quê giàu lắm. Chú bị tảo hôn nên
mới lên mười đã bị bố mẹ cưới cho một cô vợ tới hai mươi cái xuân xanh.
Hết tiểu học, chú phải lên Hà Nội ở trọ để học tiếp. Mỗi lần về quê chơi
trở lên, cô vợ có phận sự phải theo hộ tống ông chồng hỉ mũi chưa sạch
này. Có điều rất mất mặt bầu cua là chú đi vé trẻ con và cô vợ thì phải
mua vé người lớn. Khỏi nói, với làn sóng di cư năm năm tư, chú rất hồ
hởi đơn ca bản: Tung cánh chim tìm về tổ…khác. Chú âm thầm theo gia đình
chú Thịnh xuống Hải Phòng lên tầu há mồm đi một lèo vô Nam.
Khít vách nhà cô Bảy Huệ là gia đình cô Tư Kim Anh, em bà
con của thiếm Ba Lâm, chủ tiệm cà phê kế nhà Mai. Cô Tư ốm yếu xanh
xao, lúc nào cũng buồn rười rượi ! Chớ vui sao đựơc mà vui? Mới ba mươi
hai cái xuân xanh mà cô đã phải “quản lý” một đàn con bảy đứa! Con Mỹ
Lan lớn nhứt lên mười và thằng cu út mới biết bò.
Ông chồng lính kín của
cô tối ngày nồng nực mùi rượu, lại mắc chứng bịnh ghen kinh niên. Đi
làm thì thôi, về nhà là ổng kiếm chuyện gây gỗ, đánh đập cô rất tàn
nhẫn. Tiếng chưởi bới, la hét, khóc lóc từ nhà cô vọng ra thường lắm.
Mới đầu chú thiếm ba Ba Lâm còn nóng ruột em, chạy qua can gián, nhưng
bị ông em rể trời đánh này “xực” luôn:
– Bộ anh chị là đồng lõa của con vợ tui hay sao mà binh nó? Muốn ở tù rục xương hả ?
Chú thiếm đành phó mặc cô em với định mệnh đau thương ! Mai
có gặp cái thằng cha ác ôn đó vài lần, mà lần nào cũng thấy cặp mắt,
chắc là đỏ ngầu, của chả dấu kỹ sau cặp kiến đen, mặt mũi sần sùi coi
rất dữ dằn, sặc mùi… lính kín !
Giữa tiệm cà phê chú Ba Lâm và nhà bác ba Đại là con hẽm
chạy ngoằn ngoèo vô rất sâu trong xóm. Sở dĩ nó ngoằn ngoèo là vì bà con
trong hẻm khi cất nhà không thèm theo một nguyên tắc nào cả mà tùy
hứng, lồi ra thụt vô một cách rất “tự ro”. Vì vậy mà tất cả các con hẽm ở
cái đất Sàigòn đều ngoằn ngoèo như những cái ruột gà! Phía mặt đường,
ngay góc tiệm cà phê là giang sơn của bà Năm Hậu. Đối với Mai lúc đó thì
bà đã già lắm rồi. Chiếc khăn rằn đỏ quanh năm trùm mái tóc bạc trắng.
Khuôn mặt và hai bàn tay nhăn nheo, đen sạm vì suốt ngày dãi nắng, dầm
mưa. Không chồng cũng chẳng có con, bà thui thủi một mình trong căn nhà
lá ngay phía sau nhà bác Ba Đại và sống nhờ vào cái sạp hàng nhỏ xíu
trước quán cô Ba Lâm.
Cái sạp gỗ cao hơn mặt đường độ hai tấc. Trên đó
bày đủ thứ, mà trăm phần dầu là nhằm vào các bà, các cô và các đấng…nhi
đồng: cóc được gọt vỏ, tỉa ra từng cánh để xơi cho lẹ, ổi, mận, chùm
ruột, me, soài sống… bên cạnh tô muối ớt giã đỏ tươi và tô mấm ruốt để
chấm những thứ kể trên. Vài hũ kẹo bột, thèo lèo cứt chuột, bánh in,
bánh tai heo… và cái món mà bà moi tiền tụi nhóc nhiều nhứt là món khô
mực nướng. Từng miếng khô cắt vuông vức độ bốn ngón tay, được nướng trên
lửa than. Than cháy đỏ đựng trong cái soong nhôm cũ móp méo thảm hại.
Lúc chín tới, bà để lên trên cái thớt me dày cộm, rồi dùng cái búa nhỏ
đặp nhẹ cho tới khi miếng khô mực tơi ra, sau đó mới phết lên trên một
lớp tương ớt mỏng.
Chèn đét, mới hồi tưởng lại đã chảy nước miếng! Tội
nghiệp bà, bữa nào nắng ráo thì khá, mhững hôm mưa dầm, chẳng có ma nào
mua, lại còn bị nước mưa tạt vô ướt nhẹp, phải dọn hàng về sớm. Phần lớn
số tiền má cho Mai đều chạy tuốt vô túi bà năm Hậu qua những trái cóc,
ổi, khô mực nướng. Phần còn lại nộp mạng cho cái xe nước đá nhận trước
nhà con Bích Thủy. À, má cấm không cho Mai chơi với nhân vật này vì
trên đầu nó có nuôi khoảng … một triệu con chí !
Chỉ cần vén một nhánh
tóc lên thôi, là cả một sư đoàn chí đực, chí cái, chí mén rơi xuống ào
ào như sao sa lá rụng ! Về sau nó phải cạo trọc đầu mới thanh toán nổi
cái đám chí khổng lồ đó. Vậy mà ở trường, thầy nào, cô nào cũng cố gắng
nhét cho bằng đựơc vô đầu đám học trò vô tội cái câu : ở đời có… chí thì
nên ! Hay có lẽ tại má chưa từng nghe câu này nên mới cấm Mai không
được có chí? Hỡi ơi bà đâu có biết cái hậu quả tai hại Mai phải gánh
chịu là cho tới bây giờ, Mai chẳng có một ly ông cụ ý chí nào hết. Làm
cái gì cũng bỏ dỡ nửa chừng! Phải chi hồi nhỏ…
Buổi tối, khi đèn đường bắt đầu bật sáng, không biết từ đâu
một chiếc xe mì được đẩy tới trấn thủ ngay phía trước nhà bác Ba Đại,
dưới tàn cây trứng cá. Bao giờ cái tiếng tắc xịt, tắc xịt của hai thanh
gỗ cũng vang lên từ xa, trước khi bóng dáng chiếc xe mì xuất hiện. Mùi
thơm từ mấy thùng nước lèo xông lên điếc mũi. Chiếc xe đẹp hết ý. Bên
trên những thùng nước lèo và dưới cái mái nho nhỏ che mưa nắng là một
giàng kiếng có bốn mặt.
Một mặt được vẽ sự tích Tề Thiên Đại Thánh – Một
mặt vẽ sự tích Tiết Đinh San cầu Phàn lê Huê và hai mặt nhỏ hai bên chỉ
vẻ chim chóc, hoa lá, tất cả đều tô mầu sắc rực rỡ. Chủ nhân là chú
Woòng, người dong dỏng cao, trạc độ ba mươi ngoài, trên môi lúc nào cũng
có sẵn nụ cười cầu tài, tay thì xóc mì lẹ như người ta múa kiếm. Mỗi
lần anh Hai Răng vô thăm bác Ba đều đựơc đám em út “queo – cơm” hết
mình, vì mười lần hết chín anh cho phép “xực” mì thả cửa.
Tới trể hơn xe mì một chút là gánh cháo huyết của một ông
Tàu già. Mai không biết tuổi, nhưng thấy ông già lắm, lại ốm yếu hom
hem. Tuy vậy tiếng rao cháo… huy…ết… ết… của ổng còn vang rất xa. Cho
tới bây giờ, Mai chưa được ăn lại một tô cháo huyết nào ngon như những
tô cháo huyết của Ông Tàu già ngày xửa ngày xưa. Những hạt gạo trắng
ngần, nở bung, đặc sánh lại với nhau. Những miếng huyết màu đỏ sậm không
bao giờ vỡ vụn khi cháo bị khuấy lên, mềm dịu trên đầu lưỡi. Cái kéo
trong tay ông cắt xầm xập những miếng dầu cháo quẩy vàng rợm, dòn tan lẹ
thoăn thoắt. Rắt chút tiêu, thêm chút hành lá đã có một tô cháo huyết
thơm ngon, béo ngậy dù chẳng có một miếng thịt nào…
Sau này nghĩ lại Mai thấy thiệt hú vía. Vì ngoài hai cái
địa danh rất ư là bất lợi: ngã Ba Chú Ía và ngã Năm Chuồng Chó, ba má
lại chọn đúng cái ngã Tư Bình Hòa để cư ngụ. Giống y như tên, cái xóm
nhỏ của Mai thiệt là hiền lành, dễ thương. Ngoài cái ông lính kín say
sưa và hay ghen ẩu kia, mọi người đối xử với nhau rất thân tình. Ngay cả
cô Bảy Huệ, tuy mang tiếng làm bé ông Kiện mà cả xóm cũng không ai nhìn
cô bằng cặp mắt khinh khi rẻ rúng.
Mai cũng không hề thấy chuyện trộm
cướp xảy ra lần nào. Chỉ có một lần cả xóm náo loạn vì cô Loan con bà
Ba Trà Huế ở ngay phía sau nhà bác Đại bị đáng ghen. Cô có một đời chồng
nhưng người này bỏ vô bưng theo Việt Minh. May mắn chưa có mụn con nào
nên cô về ở với mẹ. Bà ba có sạp bán nước trà huế dưới chợ Bà Chiểu,
nhưng cô Loan lại theo người quen đi buôn hàng chuyến miệt Ban Mê Thuột.
Đi buôn lâu ngày cô cặp với một anh tài xế xe hàng. Mấy ông này phần
lớn thuộc giống đa tình. Mấy bà lại muốn lợi dụng chở hàng vừa nhiều vừa
rẻ, nên hai bên đều sẵn sàng kẻ cho người nhận. Vui vẻ cả làng!
Trung bình một tháng cô Loan đi buôn chừng hai ba chuyến.
Mỗi chuyến độ năm ngày. Thời gian còn lại cô ở nhà hoặc ra quán phụ mẹ
chút đỉnh. Khi nào ông bồ cô tới hú hí thì hai người đóng cửa ở lì trong
nhà suốt ngày. Cả xóm ai cũng biết vì ông ta tới bằng chiếc xe mô tô,
máy nổ bành bạch rùm trời đất. Một bữa nọ ông ta vừa tới độ nửa giờ thì
một đám ba bà trên dưới ba mươi tuổi, mặt mày hầm hầm đi vô hẻm. Tới
trước cửa nhà cô Loan, nhìn thấy chiếc xe mô tô thì một bà nói đúng chỗ
này rồi.
Chắc chắn thằng khốn nạn đó đang hú hí với con ngựa bà ở trỏng.
Chị em, tụi mình tiến vô. Vừa nói bà này vừa đạp cửa rầm rầm, miệng réo
tên chồng và tình địch chưởi um sùm. Nhà bà ba Trà Huế vách bổ kho, mái
lá. Cánh cửa bằng cây thô sơ coi bộ chống không được mấy lăm hơi. Cả
xóm nghe ồn ào bu lại coi đông nghẹt.
Bỗng cánh cửa mở bất thình lình,
một người đàn ông đi chân đất, mặc trần sì cái quần xà lỏn, tay ôm áo
sơ mi và cái quần tây chạy ào ra, vẹt mấy người đang bu trước cửa, phóng
lên chiếc mô tô giông mất. Mấy bà đánh ghen bất ngờ phản ứng không kịp
đành để tên gian phu cao bay xa chạy. Bắt tên này không được họ bèn trút
giận lên đầu con dâm phụ. Vậy là a lê hấp ba bà Hoạn Thư xông vô nhà
đè cô Loan xuống đánh một trận tơi bời. Mái tóc dài đẹp đẽ bị xởn nham
nhở như người bị đau ban mới dậy! Lối xóm còn xầm xì với nhau là cô Loan
bị mấy bà chằng lột trần truồng, xát muối ớt vô …
Vì họ nghe bà vợ bị
cắm sừng la lớn sặc mùi thù hận: tưởng cái của mày dát vàng dát ngọc gì
mà thằng chồng tao mê đắm mê đuối. Trận này bà cho mày tởn tới già, hết
dám quyến rũ đàn ông. Và tiếng thét đầy sự đau đớn của cô Loan khiến mọi
người nổi da gà, nhưng không ai dám vô can. Khi bà Ba hay tin tất tả
chạy về thì chỉ gặp cô con gái nằm trên giường, thân thể bèo nhèo như
chiếc mền rách. Sau trận bị đánh ghen tơi bời này, cô Loan mắc cỡ bỏ xóm
đi luôn.
Khi cô út của Mai dọn nhà ra Nha Trang buôn bán, cô nhường
cái tiệm tạp hóa của cô lại cho má trông coi. Ba má Mai bán căn nhà ở
Bình Hòa dọn về Bến Chương Dương, gần nhà đèn Chợ Quán. Mai không thích
lắm, vì cái tiếng u u từ nhà đèn phát ra rất là khó chịu. Má nói riết
rồi cũng quen. Tụi bây thử tưởng tượng những người không nhà cửa ở dưới
gầm cầu chữ Y, sát bên nhà đèn, họ còn chịu được huống chi mình ở xa
gần hai cây số.
Thỉnh thoảng cả nhà trở về xóm cũ thăm bác Ba Đại. Bác gái
ráp bo : ông Kiện đã ly dị bà vợ, chia đôi số xe đò và bây giờ chánh
thức ở luôn với cô Bảy Huệ. Để đền đáp cái tình sâu nghĩa nặng này, cô
sanh thêm cho ổng hai đứa con gái nữa. Hèn chi đi ngang nhà cũ thấy đã
lên thêm một từng lầu. Thôi cũng mừng cho cổ. Bà cụ Hiền theo con rể đổi
về miệt Hậu giang, mất liên lạc luôn. Chú Phong nhứt định ở lại Sàigòn,
tiếp tục cuộc đời độc thân vui tính. Gia đình bác Hân làm ăn khấm khá,
đổi ra căn nhà ngoài mặt tiền đường, có trương bản hiệu đàng hoàng và
hai ông bà cũng phát tướng, mập mạp hơn xưa.
Cô Tư Ánh sau lần sẩy thai vì bị ông chồng lính kín “âu yếm” hơi nặng
tay, đợi thằng chả đi làm, cô dẫn bầy con bảy đứa trốn luôn về nhà cha
mẹ cổ ở tuốt dưới Trà Vinh. Ông ta tìm xuống, năn nỉ cách mấy cổ cũng
nhứt định hát bài “Kiếp nào có yêu nhau” của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó
có những câu rất hợp với cô như : Đừng nhìn nhau nữa anh ơi – Xa nhau đã
xa rồi, quên nhau đã quên rồi – Đừng “tìm” chi, đừng tìm chi nữa anh
ơi….! Ông ta đành trở về Sàigòn tiếp tục tìm vui trong men rượu đắng và
trút mối hận lòng bằng cách “hỏi han sức khỏe” một cách tận tình mấy
người bị lính kín bắt…
Phần bà Năm Hậu sau một trận sưng phổi nặng vì trúng mưa, tuổi già
sức yếu chịu không nổi cũng đã từ trần. Hàng xóm láng giềng kẻ ít người
nhiều, đóng góp lại, làm cho bà một cái đám tang nho nhỏ. Vậy cũng xong
một đời cô quạnh! Chỉ có xe mì chú Woòng và gánh cháo huyết của ông Tàu
già vẫn bền theo năm tháng…
Ôi cái xóm nhỏ thân thương. Với muôn vàn nhớ nhung, nhưng
Mai không thích sống lại cái cảnh ngỡ ngàng của Từ Thức, khi giã biệt
chốn Thiên Thai để trở lại làng xưa… Biết bao vật đổi sao dời. Mai muốn
cái Xóm Bình Hòa nhỏ xíu muôn đời là một kỷ niệm long lanh trong tâm
tưởng của mình mà thôi !.
Tiểu Thu.
NGUYỄN QUANG LẬP * BA LẦN LẤY CHỒNG
Tháng 5
1
2013
Ba lần lấy chồng
Khi bỏ chồng đầu con Tím mới ba
hai tuổi, còn giòn lắm. Có một kinh nghiệm xưa nay, đàn ông đàn bà đều
vậy, vừa ly dị phải lo kiếm vợ lấy chồng ngay, để lâu mất hết nhuệ khí,
cái duyên cũng mất đi, càng để lâu càng khó bước thêm bước nữa. Biết vậy
nên bạn bè gặp nó ở đâu cũng hỏi nó léo nhéo, nói chồng chưa.. chồng
chưa. Con Tím nhăn răng cười, nói chưa. Lập tức cả bọn xúm lại rối rít
bày cách kiếm chồng cho nó. Con Tím đá cho mỗi đứa một phát, nói cút cả
đi, tao ớn chồng con đến tận cổ rồi, cấm tụi bay nói chuyện đó.
Nó ớn chồng thật, bất kì đâu vào ra cũng
chỉ dắt díu lấy hai đứa con, tuyệt không ăn diện trang điểm gì. Khốn
nỗi gái xinh có mặc áo tơi đội nón rách vẫn xinh. Đàn ông vẫn đeo lấy nó
cả đàn, bám như đỉa đói. Đối phó với đám này lắm khi mệt bở hơi tai,
con Tím nhiều lần phải cầu cứu đến mình. Chẳng phải mình tài giỏi gì,
chẳng qua mình diễn kịch được và hay có mẹo cứt gà.
Một hôm mình vừa cơ quan ra cổng,
bỗng nhiên con Tím lao xe đạp đâm thẳng tới mình, nói anh đi mô em tìm
không ra? Chồng con chi lạ, bỏ người ta đi một mình. Nhác thấy sau nó
một thằng trai lơ mình hiểu ngay vấn đề. Mình tiến về phía thằng đó giữ
chặt ghi- đông xe đạp của nó, nói tao là Lập, Lập sẹo chợ Đông Ba đây.
Thằng kia mặt mày tái mét, mình hất hàm về phía con Tím, nói cô kia là
vợ tao, nhớ lấy mặt tao…tránh xa con vợ tao nhé. Thằng kia lí nhí dạ dạ
rồi chuồn thẳng.
Hôm khác vào nửa đêm nó gọi điện
về nhà, nói mi sang nhà tau ngay. Mình hỏi sao. Nó nói có một thằng cứ ở
lì không chịu về, mi sang đuổi hắn về cho tau với. Mình cười, nói đuổi
được thằng đó về thì tau ở lại nha. Nó cười, nói ông cố nội mi, sang mau
lên. Mình sang, ngó qua cửa thấy thằng bạn nhậu của mình. Thằng này
chết vợ, nó mê con Tím thật chứ không phải dân Đông Gioăng nhưng con Tím
ghét nó cực kì.
Mấy lần con Tím tìm mình, lạy lục phúc bái mình giải
tán thằng này giùm nó. Mình nói thằng này công an khôn như cáo không lừa
được, muốn giải tán mi phải cho tau nói xấu mi. Nó gật đầu cái rụp, nói
thoái mái đi, kể cả việc nói tau không bướm.
Mình giả đò say gõ cửa nhà con
Tím, thằng kia mở cửa, mình một hai nằng nặc rủ nó ra quán. Uống được
một hai chén mình hỏi thằng này, nói mày mê con Tím thật à. Nó nói thật,
tao muốn lấy nó làm vợ. Mình hỏi mày biết con Tím mấy chồng không. Nó
bảo thì nó vừa bỏ thằng Lam đẹp trai, có đâu mà mấy chồng. Mình kéo đầu
nó rỉ tai, nói chuyện bí mật ông đừng cho ai biết nhé. Nó bảo sao. Mình
nói trước đây nó yêu ba thằng chết cả ba, toàn chết trên bụng nó. Đến
lượt thằng Lam lấy nhau được ba năm mới bị, lần này nó rút kinh nghiệm
cứ để yên vậy kêu hàng xóm tới khiêng cả cặp tới bệnh viện, nhờ thế
thằng Lam mới thoát chết.
Sau vụ đó thằng Lam mới biết trước đó đã có ba
thằng chết vì vợ nó rồi, thằng Lam hãi quá bỏ của chạy lấy người. Thằng
này mắt trợn mồm há, mình càng kể cái miệng nó càng há dần ra, hi hi.
Hết chuyện nó ngồi chậc lưỡi ba bốn tiếng, nói rứa à rứa à… nguy hiểm
quá nguy hiểm quá. Từ đó thằng này lặn một hơi không sủi tăm, he he.
Sau vụ đó bẵng đi một thời gian
dài mình không gặp con Tím, rồi chia tỉnh chia teo lạc nhau cả mấy năm
trời. Cuối năm 1992 mình từ Quảng Trị vào Huế, đang nhậu với thằng Ngọc
Bình ca kịch Huế thì con Tím trờ tới, nói vô khi mô không báo tau thằng
tê. Mình kéo nó vào mâm nhậu, nó nói chờ tí rồi chạy ra lôi một thằng cu
con vào, nói đây là con trai chị Điểm. Mình à và cười, nhắc lại chuyện
anh Đoàn chị Điểm ngày xưa. Lôi cả chuyện con Tím cầm cu anh Đoàn, con
Tím lườm mình hai ba lần, nói thằng ni vô duyên chưa, nhắc chi ba chuyện
đó hè.
Vì thằng cu là con chị Điểm nên
mình gọi nó là cháu xưng chú. Thằng cu chừng hai lăm hai sáu tuổi cười
cười nhìn mình không nói gì. Gần cuối bữa nhậu mình đã ngà ngà say, con
Tím chắc cũng thế. Nghe mình cháu cháu chú chú với thằng cu nhiều quá nó
chỉ thằng cu con, nói đây là chồng tau đó, mi đừng có lộn xộn. Mình
ngạc nhiên quá trời.
Sáng sau con Tím rủ mình đi cà
phê để nó trần tình vụ ông chồng hỉ chưa sạch mũi của nó. Té ra chị Điểm
có đứa con học trường âm nhạc Huế 5 năm rồi mà mình không biết, chị gửi
thằng cu cho con Tím cho nó ăn ở cùng. Suốt 5 năm không có việc gì xảy
ra, vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng, cho đến ngày nó tốt nghiệp ra
trường vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng. Chẳng may thằng cu không xin
được việc làm, nó chạy hai ba chỗ không nơi nào nhận, suốt năm trời nó
vẫn ăn ở nhà con Tím. Rồi đụng nhau ở cầu thang, ở bếp, ở buồng tắm… rồi
dính vào nhau từ lúc nào không biết nữa.
Con Tím tỉnh hơn, nó nói với
thằng cu, nói ông không lấy tôi được mô, tôi hơn ông một giáp lấy răng
được mà lấy. Bây giờ nếu ông thích cứ lặng lẽ ăn ở với tôi, khi nào chán
tôi ông cứ thoải mái đi lấy vợ, thế là tiện nhất. Nhưng thằng cu không
chịu. Không chấp nhận kiểu chơi ngoài mặt cô cô cháu cháu, đóng cửa
buồng mới được anh anh em, nó dứt khoát đòi cưới con Tím cho bằng được.
Mình hỏi con Tím, nói thằng cu yêu mi thiệt à, con Tím nói thiệt. Mình
hỏi mi có yêu nó không, con Tím nói yêu. Mình hỏi thiệt không, con Tím
nói thiệt. Rồi bưng mặt khóc.
Mình biết con Tím “ đau” không
phải việc nó lấy một thằng cu con, cu nào cũng là cu, tình yêu đâu có
phân biệt cu con cu lớn, hi hi. “ Đau” nhất, cũng điều con Tím nghĩ nó
không thể vượt qua được, chính là thằng cu là con trai của bạn nó, công
nhận “đau” cực, hu hu. Đành rằng chị Điểm bậc chị nhưng dù sao cũng là
bạn học thiếu thời, nó với chị Điểm thân nhau con chấy cắn đôi, xảy ra
chuyện này làm sao nhìn được mặt nhau, còn bảo nó với chị Điểm gọi nhau
là mẹ con thì thật quá đắng.
Con Tím kể nó đã mấy lần đuổi
thằng cu ra khỏi nhà nhưng không được, mấy lần nó xách con bỏ nhà đi
khỏi Huế cũng không được. Té ra xưa nay con Tím chưa bao giờ yêu, nó
cũng chẳng ngờ tình yêu lại khủng khiếp như vậy. Nhưng với bản tính lì
lợm nó vẫn hy vọng có ngày tình sẽ vơi đi, thằng cu sẽ nghĩ lại, nó sẽ
cắt được khối tình đắng ngắt này. Con Tím cố tránh không có con với
thằng cu, hai ba lần dính thai nó đều bí mật vào viện xổ ra hết. Lần
cuối cùng thằng cu phát hiện ra, nó chặn lại và tuyên bố cưới nhau, bất
kể con Tím có chịu làm giấy kết hôn hay không nó cũng làm lễ cưới để
tuyên bố với thiên hạ con Tím là vợ nó.
Giây phút thằng cu gọi điện về
nhà mới rùng rợn. Chị Điểm cầm máy, bao giờ thằng cu gọi điện về chị
cũng mừng rỡ, nói mạ đây mạ đây…. Nghe nó bảo sẽ cưới vợ chị mừng rú
lên, hét vang vang, nói cưới ai con… cưới ai con? Nó bảo vợ con là cô
Tím đó mạ, chị vẫn hồ hởi phấn khởi, nói Tím à Tím à, khi mô đem về cho
mạ coi mặt. Thằng cu nhắc lại mấy lần chị mới hiểu vợ con trai mình
chính là bạn học của mình, khủng khiếp hơn nữa đó là người đàn bà 37
tuổi đã có hai con. Chị đứng cứng ngắc mặt tái dại. Mấy phút sau chị rú
lên một tiếng kinh hoàng, nói ôi con ôi!… Và ngã lăn ra bất tỉnh.
Mấy hôm sau thằng cu nhận được điện tín: Về nhà với mạ ngay, từ nay mạ con mình no đói có nhau. Mấy hôm sau thằng cu nhận thêm một điện tín nữa: Nếu con không về mạ sẽ tự tử. Thế cùng con Tím phải theo thằng cu về nhà chị Điểm.
Chị Điểm cấm cửa không cho con
Tím vào nhà, con Tím lặng lẽ nhìn chị Điểm rồi quì sụp xuống, nó cứ quì
trước cửa nhà chị Điểm, quì từ trưa ngày hôm trước cho đến sáng ngày hôm
sau thì ngã vật ra trước ngõ. Chị Điểm chạy ra ôm lấy con Tím, họ ôm
nhau khóc, vừa khóc vừa gọi nhau mạ ơi con ơi nghẹn ngào cay đắng, như
kiếp trước họ đã từng nghẹn ngào cay đắng gọi nhau như thế.
Sau bữa cà phê với con Tím, tết
mình đem vợ con về quê. Nghe tin mình về quê chị Điểm nhắn hai ba nhắn,
nói cu Lập tranh thủ lên nhà chị chơi, có việc. Không lên chị giận đó
nghe. Mình lên.
Mình hỏi chị Điểm, nói tụi nó
răng rồi chị? Chị thở hắt, nói răng nữa. Lấy nhau chơ răng. Nhưng tao
nghi kiểu đó không được ba bảy hăm mốt ngày mô. Mình hỏi sao, chị chép
miệng nói tính con Tím tau biết, thích thì
chết cũng đeo lấy, hết thích ba vạn cũng bỏ. Tính thằng cu nhà tau cũng
rứa. Bây giờ chúng nó đang hạnh phúc nhưng ngó bộ éo le lắm em ơi. Mình
nói chị đừng lo xa quá, chuyện hạnh phúc gia đình không ai biết trước
được, chị cứ để vậy, đến đâu hay đó chị ạ. Chị lắc đầu thở dài, nói để
răng được mà để, tau gọi mi lên để tính giùm cho chị đây.
Chị Điểm ngước lên nhìn mình đầy
van lơn. Mình nói em chẳng có cách chi mô, thấy có một cách cổ điển
thiên hạ vẫn hay dùng. Chị hỏi cách chi, mình nói nên để thằng cu đi
xuất khẩu lao động chừng dăm năm…Sang đó trước sau nó cũng quên con Tím,
nếu không quên được sẽ có cô gái trẻ đẹp khác giúp nó quên. Mắt chị
Điểm sáng lên, nói ừ, e phải đó hè. Em giúp chị nghe. Mình ok liền, nói
việc này em lo được, đang có đợt công nhân xuất khẩu sang Đức. Hai tay
chị Điểm chụp lấy tay mình nói rối rít giúp chị nghe em, giúp chị nghe
em.
Ra tết mình vô Huế gặp con Tím
bàn chuyện cho thằng cu đi xuất khẩu, chị Điểm cũng đã gọi điện bàn với
nó rồi. Nhưng thằng cu không chịu đi, dứt khoát không. Con Tím nhìn mình
buồn buồn, nói hay là mi xin cho tau đi. Mình nói cũng được nhưng nếu
thằng cu cũng không chịu thì răng. Con Tím dướn mắt lên cười nhạt, nói
quyền chi hắn? Mình nói mi đã cho hắn được cái quyền làm chồng thì hắn
phải có cái quyền đó chớ. Con Tím ngồi trơ thở hắt, nói ừ hè. Tự nhiên
con Tím bật cười, nói cái số tau vô duyên chi lạ. Dứt lời nước mắt nó
chảy ròng ròng.
Bây giờ mình mới nhìn thấy vệt
thâm tím dưới mang tai con Tím. Vệt thâm tím chỗ đó không thể nói dối
vấp ngã được. Mình nói thằng cu đánh mi à, hắn ghen quá phải không? Con
Tím khẽ gật đầu. Mình nói lần nào đánh xong hắn cũng quì lạy xin lỗi mi
phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói mi tính bỏ hắn nhưng không
được phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói mi sợ bỏ hắn thì hắn sẽ
đâm đầu vào tàu hỏa tự tử phải không? Con Tím giật mình trợn mắt, nói ủa
chớ răng chuyện chi mi cũng biết.
Mình chả biết gì hết nhưng trò
đời là vậy. Chuyện này mình gặp nhiều rồi. Xưa có chị H. yêu thằng cu
con, nó ghen đánh chị ghê quá. Mình bảo chị bỏ quách đi, chị nói chị
cũng muốn bỏ lắm nhưng nó đã dọa rồi, nếu chị bỏ nó thì nó đâm đầu vào
đầu tàu hỏa chết ngay lập tức. Mình nói chị cứ bỏ đi xem nó có chết
không nào. Chị H. bỏ thằng cu, chẳng thấy nó đâm vào đầu tàu hỏa mà đâm
đầu vào một cô ả khác. Lại còn viết thư cho chị than thở nó phải yêu một
người khác để “quên đi một nỗi đau”. Mẹ sư bố thằng cu con, hi hi.
Chuyện xuất khẩu lao động cho con
Tím dừng ở đó, phần vì mình phải lo chuyển cả nhà ra Hà Nội, phần vì
chị Điểm có gọi điện cho mình, nói thằng cu có việc làm khá tốt ở Sài
Gòn rồi. Ừ thôi, đi Sài Gòn cũng như đi nước ngoài vậy, miễn là con Tím
tách được thằng cu. Mãi đến cuối năm 2002, mình vào Sài Gòn tìm nấm Linh
Chi cổ, nghe nói nấm này chữa được bệnh của mình. Mình ở khách sạn gì
quên rồi, phố nào đường nào cũng quên nốt.
Chỉ nhớ Hồng Ánh thuê khách sạn này vì nó sát ngay công viên để cho mình sáng sáng ra công viên tập tểnh đi bộ. Hai tuần ở sài Gòn, sáng nào mình cũng đi bộ trong công viên từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Một hôm mình đang chấm chấm phẩy phẩy trong công viên, một người chạy qua mình bỗng quay ngoắt lại nhìn mình trân trố rồi vỗ tay đánh bốp kêu to, nói oa chà Nguyễn Quang Lập! Mình định thần mất gần một phút mới nhận ra đó là anh Đoàn.
Chỉ nhớ Hồng Ánh thuê khách sạn này vì nó sát ngay công viên để cho mình sáng sáng ra công viên tập tểnh đi bộ. Hai tuần ở sài Gòn, sáng nào mình cũng đi bộ trong công viên từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Một hôm mình đang chấm chấm phẩy phẩy trong công viên, một người chạy qua mình bỗng quay ngoắt lại nhìn mình trân trố rồi vỗ tay đánh bốp kêu to, nói oa chà Nguyễn Quang Lập! Mình định thần mất gần một phút mới nhận ra đó là anh Đoàn.
Anh Đoàn ôm lấy mình cười hể hả,
nói tưởng đến chết không gặp được nhau nữa, té ra quả đất tròn thiệt bay
ơi! Anh lại nhấc bổng mình lên nhún mấy nhún, nói mi vô đây con Tím
mừng lắm đây. Mình ngạc nhiên nhìn anh Đoàn, nói anh cũng còn nhớ con
Tím à. Anh cười cái hậc, nói thằng ni nói chi lạ, làm răng quên được đứa
con gái cầm cu mình từ hồi lớp 5. Hi hi.
Anh Đoàn đưa mình đi ăn sáng uống
cà phê. Anh làm nghề sửa xe máy. Hiệu sửa xe của anh ở gần đây, sáng
nào anh cũng ra công viên chạy mấy vòng, đi ăn sáng uống cà phê xong thì
mở hiệu làm đến chín mười giờ đêm. Anh nói nhưng bữa ni tau đóng cửa
hiệu chơi với mi cả ngày. Mình nói anh cứ đi làm đi, chỉ cần anh báo con
Tím giùm em là được. Anh nói tất nhiên rồi, biết mi vô mà không cho con
vợ tau gặp thì có mà chết với hắn. Mình sửng sốt nhìn anh Đoàn, nói con
Tím là vợ anh à? Anh Đoàn nhăn răng cười, nói tất nhiên. Nó không vợ
tao thì vợ ai.
Thấy mình cứ đứng trơ nhìn, anh
Đoàn kéo mình ngồi xuống ghế, nói ngồi xuống đi để tau kể cho nghe. Oa
chà, nhiều chuyện hay tàn bạo mi ơi. Anh kể sau vụ bị con Tím cầm cu ,
anh bỏ học đi lái máy cày. Sau bỏ máy cày đi lái xe tải. Được ít vốn
liếng anh bỏ lái xe tải đi buôn trầm, phất lên rất nhanh và cũng sụp
xuống rất nhanh vì cờ bạc. Trắng tay, năm 1995 anh bỏ vô Sài Gòn mở hiệu
sửa xe máy vỉa hè, đêm ngủ nhờ dưới gầm cầu thang khu tập thể gần đó.
Cuối năm 2000 một hôm con Tím dắt xe máy vào hiệu, vừa trông thấy anh nó
đã rú lên vội vàng dắt xe đi ra.
Con Tím sợ, nó nghĩ vì nó mà anh Đoàn bỏ học, chắc anh thù nó lắm. Anh Đoàn đuổi theo giữ nó lại, mắng nó te tua, nói anh em lâu ngày mới gặp nhau, chi mà sợ tau như sợ cọp rứa mi.
Con Tím sợ, nó nghĩ vì nó mà anh Đoàn bỏ học, chắc anh thù nó lắm. Anh Đoàn đuổi theo giữ nó lại, mắng nó te tua, nói anh em lâu ngày mới gặp nhau, chi mà sợ tau như sợ cọp rứa mi.
Từ đó anh em thân nhau, con Tím
tháo khoán cái xe máy cho anh Đoàn. Bất kì xe hỏng ở đâu, hễ nó gọi là
anh Đoàn xách đồ đến liền. Được hơn một năm anh Đoàn mới biết chồng con
Tím là con chị Điểm.
Thằng cu vào Sài Gòn làm việc, ép con Tím phải bán nhà vào theo. Dạo này vợ chồng nó đã hục hặc lắm rồi, thằng cu đánh con Tím như cơm bữa. Nó ghen tứ tung, ghen cả với anh Đoàn. Nhiều lần con Tím phải chạy đến cầu cứu anh Đoàn. Anh Đoàn xách dao phay đến tận nhà chỉ mặt thằng cu dọa nó. Thằng cu không sợ, nó biết anh Đoàn là bạn học của chị Điểm, chắc chắn không dám làm gì nó.
Thằng cu vào Sài Gòn làm việc, ép con Tím phải bán nhà vào theo. Dạo này vợ chồng nó đã hục hặc lắm rồi, thằng cu đánh con Tím như cơm bữa. Nó ghen tứ tung, ghen cả với anh Đoàn. Nhiều lần con Tím phải chạy đến cầu cứu anh Đoàn. Anh Đoàn xách dao phay đến tận nhà chỉ mặt thằng cu dọa nó. Thằng cu không sợ, nó biết anh Đoàn là bạn học của chị Điểm, chắc chắn không dám làm gì nó.
Thấy con Tím bị đánh đòn mà mình
không làm gì được, anh Đoàn tức lắm chửi um lên, nói con ni ngu chi ngu
tàn bạo, lấy ai lại đi lấy cái thằng mất dạy đó, thà lấy tao còn hơn.
Con Tím cười, nó nhắc đến chuyện xưa, nói bộ anh không mất dạy à. Anh
cười khì, nói tao có thể mất dạy cả thế giới, riêng vợ thì không. Con
Tím lại cười, nói được rồi, khi mô tui gặp chị hỏi xem anh có mất dạy
với vợ không. Anh Đoàn hỏi chị mô. Con Tím nói chị vợ anh đó. Anh Đoàn
cười cái hậc, nói vợ con mô rứa hè.
Con Tím tròn xoe mắt, nói anh
không có vợ thiệt à. Anh nói thiệt chớ răng không thiệt. Tại mi đó. Con
Tím nói tại tui cái chi. Anh Đoàn trợn mắt lên, nói tại mi cầm cu tao,
từ đó không có đứa mô dám cầm cu tao nữa. Con Tím cười rũ, đấm anh huỳnh
huỵch.
Con Tím cứ tưởng anh Đoàn nói
đùa, người như anh Đoàn không có vợ thật khó tin. Nó nghĩ chắc anh có vợ
con rồi, nếu không thì cũng do bỏ nhau chứ không thể không có, té ra
anh Đoàn chưa hề lấy ai thật. Mấy lần con Tím đòi đến nhà anh chơi, anh
nói tao không có nhà. Con Tím cứ tưởng anh đùa, đến khi mục sở thị anh
ngủ tại gầm cầu thang nó mới tin anh Đoàn nói thật, từ nhà cửa đến vợ
con anh Đoàn đều không có.
Chuyện gì đến rồi phải đến. Một
hôm con Tím gọi điện cầu cứu, anh Đoàn bỏ việc chạy đến. Thằng cu cài
chặt cửa, anh Đoàn khỏe như trâu đạp mấy đạp là cửa bung ra. Con Tím
đang nằm trên vũng máu, nó bị thằng cu lột truồng ra đánh cho tơi tả .
Anh Đoàn hét to một tiếng, nói cha tổ mi thằng mất dạy!… Anh lao vào
đánh thằng cu túi bụi. Anh bóp cổ thằng cu, nói mi cút ngay.
Mi lấy con Tím không hôn thú, nhà này là của con Tím, con Tím đuổi mi mấy lần mi không chịu đi. Giờ chính thức tao đến để đuổi cổ mi ra khỏi nhà. Cút ngay không oong- đơ chi hết. Thằng cu nói quyền gì ở chú mà đuổi tui, anh Đoàn nói quyền chớ răng không. Từ giây phút này tao là chồng con Tím, nghe rõ không thằng chó!
Mi lấy con Tím không hôn thú, nhà này là của con Tím, con Tím đuổi mi mấy lần mi không chịu đi. Giờ chính thức tao đến để đuổi cổ mi ra khỏi nhà. Cút ngay không oong- đơ chi hết. Thằng cu nói quyền gì ở chú mà đuổi tui, anh Đoàn nói quyền chớ răng không. Từ giây phút này tao là chồng con Tím, nghe rõ không thằng chó!
Thằng cu bị tóng cổ ra khỏi nhà.
Anh Đoàn quyết định ở lại canh cửa nhà con Tím mười ngày. Anh bỏ hết
việc ngồi canh cửa. Đêm đến anh cũng ngồi canh cửa từ đầu hôm cho đến
sáng. Đến ngày thứ mười không thấy thằng cu lai vãng gì nữa anh Đoàn mới
chào con Tím ra về. Con Tím kéo áo anh níu lại, nói anh về mô nữa, đây
là nhà của anh rồi mà. Thế là họ thành vợ chồng.
Mình hỏi anh Đoàn, nói lấy nhau
kiểu rứa con Tím có hạnh phúc không. Anh Đoàn trợn mắt lên, nói răng
không, thằng ni hỏi chi lạ rứa hè! Con vợ tao nói trong ba thằng chồng,
tau là thằng làm nó hạnh phúc nhất đó. Anh Đoàn ngửa cổ cười kha kha
kha, nói đàn ông không bần tiện, không ngoại tình, không đánh đập vợ
con, chim cò lại không suy thoái thì không một con vợ nào trên đời lại
không hạnh phúc. Tau nói rứa có đúng không nhà văn?
He he.
NQL (QUÊ CHOA)
SÔNG SAI GÒN & SÔNG ĐỒNG NAI
Luke Hunt
Sông Sài Gòn đang chết dần
Diên Vỹ chuyển ngữ
Trong trận chiến về vai vế, dòng Mekong luôn giữ vị thế là một con sông lớn nhất ở Đông nam Á. Các tiểu thuyết gia từng lãng mạn hoá nó, các nhà khoa học nâng niu nó và giới du khách biến nó thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới.
Quan trọng hơn, nó còn là vựa lúa cho khoảng 70 triệu người dân đang
trông cậy vào nó. Vì thế khi những chính phủ thiếu suy xét toa rập với
giới doanh nghiệp để xây đập và nạo vét dòng Mekong để trục lợi, sự phản
ứng cũng mạnh mẽ như bản thân dòng sông này.
Việc này đã xảy ra với hai con đập Xayaburi và Don Sahong.
Điều đáng buồn là việc tập trung chú ý vào dòng Mekong khiến mọi
người bỏ quên tầm quan trọng của những con sông khác cũng như những vấn
đề mà chúng đang phải đối diện. Sông Sài Gòn sẽ không bao giờ sánh bằng
sông Mekong về tính hùng vĩ nhưng vị trí của nó trong lịch sử, môi
trường thiên nhiên hoang dã cũng như tầm quan trọng chiến lược của nó
đối với thành phố Hồ Chí Minh khiến nó trở thành tuyến sông cực kỳ quan
trọng.
Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam nói rằng con sông này đang chết
dần, họ tuyên bố trên truyền thông nhà nước rằng “niềm kiêu hãnh và
nguồn sống của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm trầm trọng vì nước
thải và cần phải có những biện pháp cấp bách để cứu nó.”
Các thử nghiệm đã được tiến hành giữa mùa mưa 2011 và mùa khô của năm
sau đấy và Nguyễn Văn Phước, giám đốc Viện Tài nguyên Môi trường tại
Đại học Quốc gia Việt Nam nói rằng dòng sông này đã không đạt được chuẩn
quốc gia.
Không gì ngạc nhiên khi khu vực hạ lưu thì còn tồi tệ hơn vì ảnh
hưởng nặng hơn từ nguồn nước thải công nghiệp và dân cư ở Thành phố Hồ
Chí Minh và tỉnh Bình Dương kế cận. Những con số thật là kinh khủng.
Kết quả cho thấy nước thải dân cư là nguyên nhân ô nhiễm nghiêm trọng
nhất, chiếm đến 62,2% tổng số chất thải chảy vào sông. Khoảng 50 khu
công nghiệp tập trung dọc theo dòng sông đã xả hơn 100 nghìn mét khối
nước thải mỗi ngày. Mặc dù đa số đã qua các hệ thống xử lý, nhiều nơi đã
bơm chất thải thô trực tiếp vào sông. Các trại nuôi gia súc cũng đã xả
hơn 2.600 mét khối chất thải chứa vi khuẩn độc hại vào sông.
Căn cứ theo báo chí nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một cơ sở
xử lý với công suất 140 nghìn mét khối mỗi ngày trong khi đó riêng các
hộ dân đã bơm hơn 1,2 triệu mét khối chất thải chưa qua xử lý vào dòng
sông mỗi ngày.
Con sông Sài Gòn dài 256 km này là một nhánh của sông Đồng Nai, cấp
nước cho khoảng 20 triệu người, cung cấp đường ra biển Đông cũng như bến
cảng và khu nghỉ ngơi Vũng Tàu, nơi vui chơi trước đây của những người
thực dân Pháp và giới thượng lưu địa phương.
Các bộ chính phủ, các viện nghiên cứu nông nghiệp và các trường đại
học đều nói rằng việc cấp bách nâng cấp các cơ sở xử lý chất thải cùng
với việc tăng cường theo dõi, tăng cường cách thải nước để loại bỏ nước ô
nhiễm và di dời các nhà máy thì cần được tiến hành để bảo vệ những gì
còn lại trong hệ thống sinh thái của dòng sông. Nếu không thực hiện được
những việc này thì sông Sài Gòn có thể trở thành một điểm chuẩn ngoài ý
muốn của hàng trăm cộng đồng đang nương tựa vào những dòng sông kế cạnh
vốn đang nằm trong tình trạng đe doạ tương tự. Và nhiều con sông này
cũng đổ nước vào dòng Mekong.
Để cải thiện chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, một trong những điều cốt yếu là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều tỉnh, thành dọc lưu vực sông. Trong đó phải tìm được tiếng nói chung, sự cân bằng lợi ích phát triển kinh tế và môi trường giữa các tỉnh, thành.
MINH XUÂN - MINH HẢI
Nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Đồng Nai đã xấp xỉ ngưỡng loại B. Ảnh: KIM NGÂN
|
Các
tỉnh trong lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai đã liên kết thành lập Ủy ban
Bảo vệ hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Các địa phương về cơ
bản đã xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện
các mục tiêu của toàn lưu vực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, ban chỉ
đạo mới được thành lập nên chưa tiến hành họp hoặc ra văn bản chỉ đạo,
điều hành việc triển khai đề án sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, sự tham gia
của các bộ, ngành vào hoạt động của Ủy ban Bảo vệ hệ thống lưu vực sông
Sài Gòn - Đồng Nai chưa chặt chẽ, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí
để thực hiện các nhiệm vụ.
Bên
cạnh đó, các thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên việc chấp
hành quy chế làm việc chưa đảm bảo; cơ chế giám sát, đánh giá của ủy ban
còn hạn chế, bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ
thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh,
thành làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và
Môi trường đang trình Chính phủ sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa các
tỉnh, thành phố trong lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục
bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất
chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực.
Không
dừng lại ở đó, các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương
trên lưu vực trong quá trình triển khai đề án. Đồng thời, tiếp tục đẩy
mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao
nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân
cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Ông Francois Donier, Tổng Giám đốc Cơ quan Quốc tế về nước của Pháp: Tranh thủ hợp tác quốc tế
Nước
tự nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá đối với con người. Với các
quốc gia phát triển, tài nguyên nước được đánh giá có vai trò vô cùng
quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong việc khai thác, sử dụng và quản
lý với quy mô lớn. Ngược lại, đối với những quốc gia chậm phát triển
hoặc các nước đang phát triển, vai trò của nước vẫn chưa được nhận thức
rõ ràng, song song với điều đó là việc sử dụng lãng phí và ít có động
thái để bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản quý báu này. Là một
quốc gia nằm ở hạ lưu của nhiều con sông quốc tế, tài nguyên nước của
Việt Nam bị đe dọa rất nghiêm trọng từ bên ngoài lãnh thổ.
Vì
vậy, Việt Nam cần phải mở rộng, tăng cường hợp tác với các nước trong
khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan… để cùng chia sẻ nguồn nước; tham
dự các diễn đàn thế giới về nước để có thể chia sẻ cách quản lý nước của
quốc gia mình. Việc hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia sẽ hỗ trợ
và thúc đẩy các cải cách cần thiết cho công tác kiện toàn tổ chức quản
lý lưu vực sông của Việt Nam. Về phía Pháp, sẽ hợp tác hỗ trợ Việt Nam ở
một số lĩnh vực như tăng cường thể chế quản lý tổng hợp tài nguyên
nước; chuyển giao công nghệ phát triển tài nguyên nước và phòng chống ô
nhiễm nguồn nước; tăng cường năng lực trong lĩnh vực thông tin và nhận
thức về bảo vệ tài nguyên nước. Trước mắt, Pháp hỗ trợ Việt Nam đào tạo
nhân sự cho lĩnh vực này.
Cụ
thể, Pháp sẽ nhận 6 cán bộ của Việt Nam sang học tập tại Pháp. Các cán
bộ Việt Nam sẽ có dịp làm việc và tương tác trực tiếp với các cán bộ
chuyên môn tại các cơ quan của Pháp để thấy rõ hơn cách thức tổ chức bộ
máy và công cụ pháp lý để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông. Tuy nhiên,
theo chúng tôi, điều quan trọng là Việt Nam cần sớm thống nhất chủ thể
quản lý lưu vực sông. Tránh tình trạng có quá nhiều chủ thể cùng tham
gia như hiện nay vì sẽ rất khó để triển khai bất kỳ chiến lược phát
triển cũng như bảo vệ lưu vực sông.
Ở
Pháp, các giải pháp về quản lý tài nguyên nước đã được tìm kiếm trong
suốt 50 năm. Cuối cùng, chúng tôi chỉ có thể đạt được hiệu quả như mong
muốn khi xây dựng mô hình quản lý chất lượng nguồn nước theo thể thống
nhất của sông. Cụ thể, mô hình cơ quan quản lý lưu vực sông tại Pháp
được triển khai như sau: Ở cấp quốc gia, Ủy ban Nước quốc gia do một
thành viên của nghị viện chủ trì. Các thành viên còn lại bao gồm đại
diện của Quốc hội và nghị viện cùng sự tham gia của các cơ quan liên
quan và liên minh châu Âu. Ủy ban được các bên tham vấn về các chính
sách quốc gia và khu vực liên quan đến lưu vực sông.
Ở
cấp lưu vực chia theo 6 lưu vực sông. Ủy ban lưu vực sông do một quan
chức địa phương được bầu chủ trì, giữ vai trò quan trọng liên quan đến
các hoạt động định hướng sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Ủy ban xây dựng
và thông qua kế hoạch tổng thể cho việc phát triển và quản lý nguồn nước
cho mỗi lưu vực hoặc nhóm các lưu vực; xác định các phương hướng cơ bản
cho việc quản lý nguồn nước một cách cân bằng, đảm bảo chất lượng và
khối lượng được các bên tham vấn về giá cả, cơ sở của thu tiền thuế nước
tiêu thụ và nước thải. Ủy ban cũng được các bên tham vấn về những ưu
tiên cho các chương trình hành động của Cục Nước về lưu vực sông. Cuối
cùng là ở cấp chi nhánh và phụ lưu, cấp này sẽ thực hiện kế hoạch quản
lý và phát triển nước của các cấp nêu trên.
Ông Michel Stein, chuyên gia về tài nguyên nước của Pháp: Cần có nguồn tài chính vững mạnh
Để
có thể triển khai các dự án bảo vệ nguồn nước, mỗi quốc gia cần phải
tạo được cho mình một nguồn tài chính độc lập, vững mạnh dựa trên nguyên
tắc những người gây ô nhiễm và những người sử dụng nước phải trả tiền.
Nguồn tài chính này có thể dựa trên sự trợ giúp của nhà nước, các tổ
chức quốc tế hoặc đóng góp tài chính của các tỉnh, các hộ dùng nước được
hưởng lợi trên lưu vực sông. Trong thực tế, phần lớn các tổ chức lưu
vực sông trên thế giới được trích một phần nguồn thu từ thuế tài nguyên
nước và phí ô nhiễm nước cho các hoạt động quản lý của mình.
Tài
chính là yếu tố quan trọng để vạch ra được mục tiêu xa hơn. Xác định
được nguồn tài chính chúng ta mới biết được dự án nào cần làm trước, dự
án nào thực hiện sau. Ở một số khu vực kinh tế tạo ra nhiều lợi nhuận để
phục vụ cho quản lý nguồn nước như thủy điện, khai thác dầu mỏ… phải có
chính sách phù hợp để vận động họ tham gia. Cân đối tài chính phải
thông qua các bước: dự chi, nguồn tài trợ ở đâu, ưu tiên điểm nào. Các
yếu tố này không thực hiện riêng lẻ mà phải kết hợp với các kế hoạch ở
từng địa phương. Để đạt được sự cân đối về tài chính phải mất 10-20 năm,
vì thế tôi nghĩ nên bắt đầu ngay từ bây giờ.
MINH XUÂN - MINH HẢI ĐẶNG CHÍ HÙNG * PHAN VĂN KHẢI
Những sự thật cần phải biết - (Phần 23) - Phan Văn Khải - Từ bàn tay nhuốm máu đến bán nước
Đặng Chí Hùng (Danlambao)
- Phan Văn Khải là một trong những tội đồ của dân tộc, trong suốt thời
gian làm thủ tướng và cả trước đây đã có nhiều tội ác với nhân dân. Đem
những tội ác đó ra trước ánh sáng cũng là một điều cần thiết cho công
cuộc đem lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Xin sơ qua để thấy lý lịch của
Phan Văn Khải từ phần văn kiện và tài liệu của báo đảng (1):
I. Con người Phan Văn Khải:
Bí danh: Sáu Khải
Ngày sinh: 25-12-1933
Quê quán: Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
Ngày tham cách mạng: 1947
Ngày vào Đảng: 15-7-1959
Ngày chính thức: 15-7-1960
Trình độ học vấn: Chuyên môn: Đại học
kinh tế quốc dân Liên Xô; Lý luận chính trị: Trường Đảng cao cấp Nguyễn
Ái Quốc; Ngoại ngữ: Nga văn
Tóm tắt quá trình công tác
Từ 1947 đến 1954: Tham gia Đội thiếu
nhi xã, Ủy viên Ban Chấp hành thiếu nhi huyện Hóc Môn, Công tác văn thư
Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định.
Từ 10/1954: Tập kết ra Bắc.
Từ 1955 đến 1965: tham gia công tác
giảm tô, cải cách ruộng đất, học văn hóa ở trường bổ túc công nông Trung
ương và học Đại học kinh tế quốc dân Matxcơva Liên Xô.
Từ 6/1965 đến 1971: Phó phòng, Trưởng phòng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Từ 1972 đến 1975: Cán bộ nghiên cứu
kinh tế miền Nam, 1973 vào chiến trường B2, 1974 ra Hà Nội làm Vụ phó Vụ
Kế hoạch chi viện, Ủy ban Thống nhất.
Từ 1976 đến 1980: Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Kế hoạch thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên, Ủy viên thường vụ Thành
ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ
Chí Minh
Từ 1981 đến 1984: Phó Bí thư Thành ủy,
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại
hội V (3/1982) của Đảng được bầu làm Ủy viên dự khuyết và tại Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (1984) được bầu làm Ủy viên chính
thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ 1985 đến 3/1989: Phó Bí thư Thành
ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội VI
(12/1986) được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Từ 4/1989 đến 8/1991: Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Từ 1991: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội VII (6/1991) và Đại hội
VIII (6/1996) được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp
hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ 9/1997 đến 7/2006: Được Quốc hội
khóa X và khóa XI bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội IX (4/2001)
của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành
Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.”
Đọc qua tiểu sử của Phan Văn Khải chúng ta thấy điều gì? Đó là một cán
bộ cộng sản từ nhỏ đến lớn đều rất trung thành với chủ nghĩa cướp và
bán. Chức vụ cao nhất mà Khải làm chính là thủ tướng nhà cầm quyền cộng
sản Việt Nam.
Con trai Khải là Phan Tấn Hoàn, tự là Hoàn Ty, cũng là trùm Mafia
ở Việt Nam. Hắn nhập cảng lậu nhiều tàu, chứa đầy xe ô tô cũ vào nước
ta, rồi bán sang Trung Cộng. Hoàn Ty làm chủ khách sạn Hoàng Gia và
Planet ở Sài Gòn và Hà Nội. Ăn chơi sa đọa, cờ bạc, buôn lậu, cầm đầu
một băng đảng gồm con ông cháu cha. Năm 1995, vì tranh giành địa bàn
buôn lậu, nên Hoàn Ty bắn chết Phạm Văn Hưng, là công an, con của Phạm Thế Duyệt. Nội vụ được cho chìm xuồng. Ngoài ra Khải nổi tiếng là người thích chửi tục “Đỗ Mười” ngay ở đầu câu nói.
Phan Văn Khải (giũa) vận dụng nghị quyết 36 của Võ Văn Kiệt chia rẽ
đồng bào Việt Nam thông qua vụ chiêu dụ tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ (trái).
II. Bán nước:
Ngày 25/12/200, Trần Đức Lương đến Bắc Kinh cùng Giang Trạch Dân
ký Hiệp Ước cắt 11.362 km2 trên vịnh Bắc bộ cho Trung cộng, là hành
động cắt biển bán cho Trung cộng để lấy 2.000.000.000 Usd, để về chia
chác cho Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải... để đổi lấy những cái gật của Khải, Kiệt v.v...
Sau vụ bán nước cho Trung Cộng, theo lời ông Hoàng Minh Chính cho
biết thì không ai biết được ai trong Bộ chính trị đã ký tên trong vụ
bán nước này, Bộ chính trị cộng sản đã dấu nhẹm chuyện này và BÍ MẬT ĐÃ
được BẬT MÍ và sau đây là những diễn biến về cuộc BÁN NƯỚC NHƯ SAU:
1) Lê Khả Phiêu bị Trung cộng gài Mỹ Nhân Kế lấy cô Trương Mỹ Vân
(Cheng Mei Wang) lúc Lê Khả Phiêu sang thăm Trung Quốc năm 1988 và sinh
được một bé gái. Phiêu không đem con về vì sợ tai tiếng đưa đến nhiều
lần Trung Cộng gửi văn thư đòi lấn vùng biển vào tháng 1 năm 1999. Đồng
thời đòi đưa ra ánh sáng vụ nầy nếu Phiêu không hợp tác. Và buộc Lê Khả
Phiêu phải hạ bút ký bản hiến biển ngày 30 tháng 12 năm 1999.
2) Ngày 31 tháng 12 năm 1999 phái đoàn Trung Quốc cầm đầu do Tang
Jiaxuan và tình báo Trung cộng sang Việt Nam, họ gặp kín Lê Khả Phiêu
bàn thêm về vấn đề hiến đất.
3) Ngày 25 tháng 2 năm 2000, Lê Khả Phiêu phái Nguyễn Duy Niên
sang Trung cộng và Nguyễn Duy Niên cho biết Lê Khả Phiêu đã đồng ý việc
hiến thêm đất. Trung cộng nghe tin rất hoan hỉ mở tiệc chiêu đãi Nguyễn
Duy Niên một cách nồng nhiệt với nhiều mỹ nữ ở nhà khách Diao-yu-tai ăn
nhậu cùng Ngoại Trưởng Tang Jiaxuan.
4) Bộ Trưởng Trung cộng Tang Jiaxuan gửi thư kín nhắn tin muốn
gặp Bộ Trưởng cộng sản VN tại Thailand khi Tang Jiaxuan viếng thăm nước
này. Ngày 26 tháng 7 năm 2000. Nguyễn Duy Niên đáp chiếc Air Bus bay từ
phi trường Nội Bài vào lúc 6 giờ 47 sáng sang Thailand gặp Bộ Trưởng
Ngoại giao TC tại khách sạn Shangri-La Hotel Bangkok phía sau phòng
Ballroom 2. Cuộc gặp rất ngắn ngủi. Tang giao cho Niên một chồng hồ sơ
đòi cộng sản Việt Nam hiến thêm đất, biển trong hồ sơ ghi rõ TQ đòi luôn
50/50 lãnh hải vùng Vịnh Bắc Việt, đòi Việt Nam cắt 24, 000 sq Km vùng
biển cho TQ. Ngày 28 tháng 7 bộ chính trị nhóm chóp bu họp kín.
5) Sau hai tháng họp kín và bàn bạc. Bộ chính trị cộng sản VN cử Phan Văn Khải qua gặp mặt Lý Bằng.
Phan Văn Khải bay chuyến máy bay sớm nhất rời Việt Nam ngày 26 tháng 9
năm 2000 qua Bắc Kinh và được xe Limo chở từ phi trường Bắc Kinh về
Quảng Trường Nhân Dân vào trưa hôm đó. Lý Bằng cho Khải biết là hai tay
Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân đã gặp nhau 2 lần cho vụ hiến đất rồi.
Lý Bằng cho biết Nông Đức Mạnh phải được cử làm Tổng Bí Thư sau
khi Lê Khả Phiêu xuống, nếu không thì sẽ bị Trung cộng “đòi nợ cũ”, Khải
trước khi về vẫn khước từ vụ hiến vùng biển VN và nói với Lý Bằng là sẽ
xem lại sự việc. Sau đó Lý Bằng bắt Khải ngồi chờ, nói là Chủ Tịch Giang Trạch Dân muốn gặp Khải tại Zhong-nai-hai và sau đó Khải được đưa đi gặp Giang Trạch Dân và cho Zhu Rongji hù dọa Khải nói: “Trung
Quốc đã nắm trong tay Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nếu không nghe lời
TQ Khải sẽ bị tẩy chay và coi chừng bị “chích thuốc”. Khải cúi đầu và
run sợ, sau đó đòi về. Trước khi Khải về, một lần nữa Giang Trạch Dân
nhắn Khải gửi lời thăm Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh chứ không nhắc tới
tên người khác trong Quốc Hội cộng sản VN. Khải không được khoản đãi như
một vị quốc khách vì tính tình bướng bỉnh không nghe lời đàn anh...”.
6) Vào ngày 24 tháng 12 năm 2000, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao cộng sản Lê Công Phụng được Trần Đức Lương âm thầm phái đến Trung Quốc gặp quan chức tình báo của Trung cộng là Hoàng Di
- cánh tay phải của Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng. Di nói tiếng Việt
rất rành. Hai bên đã gặp nhau ở một địa điểm X gần biên giới Việt (tỉnh
Móng Cái Việt Nam). Theo bản báo cáo cho Bộ chính trị cộng sản VN, Lê
Công Phụng cho biết lúc đầu Hoàng Di vẫn khăng khăng đòi chia 50/50 với
Việt Nam về vùng biển Vịnh Bắc Việt “Beibu Bay” đòi lấy luôn đảo Bạch
Long Vĩ sau đó Phụng, được Bộ chính trị dặn trước là xin lại 6% của Vùng
biển gần khu vực Bạch Long Vĩ vì đã được lâu đời là của Việt Nam. Kết
quả cuộc đi đêm Việt Nam còn lại 56% Vịnh Bắc Việt và mất đi 16, 000 Km2
vùng vịnh cho Trung cộng.
7) Ngày 25 tháng 12 năm 2000, Trần Đức Lương từ Hà Nội qua Bắc
Kinh gặp Giang Trạch Dân và được đưa về Thành Bắc của Quảng Trường Nhân
Dân, theo tài liệu lấy được của tình báo Trung cộng. Trần Đức Lương và
Lê Khả Phiêu chính thức quyết định thông qua bản hiệp ước hiến đất bất
chấp lời phản đối của Khải và nhiều người trong quốc hội. Bản hiến
chương hiến đất cho Trung Quốc được chính Giang Trạch Dân và đảng cs
Trung Cộng trả cho số tiền là 2 tỉ USD được chuyển cho các quan chức
cộng sản chi nhau.
8) Ngày 26 tháng 12 năm 2000 vào lúc 2 giờ trưa, Lý Bằng được cận
vệ đưa tới gặp Trần Đức Lương ở Quảng Trường Nhân Dân. Lý Bằng cho
Lương biết là số tiền 2 tỉ dollar để mua 16, 000 km2 vùng vịnh Beibu của
Việt Nam là hợp lý. Trần Đức Lương cám ơn Trung cộng về số tiền này...
Sau cuộc gặp này thì Khải, Kiệt v.v... đã đồng ý với quyết định bán đất
cho Trung cộng vì có phần chia chác trong số tiền này. Lý Bằng nhắc lại
chuyện Trung cộng đã bán vũ khí và hỗ trợ cho cộng sản VN trong thời
gian chiến tranh và số nợ trên Trung cộng dùng để trao đổi mua lại vùng
đất Bắc Sapa của Việt Nam, Ải Nam Quan, Bản Dốc, Cao Bằng... Sau đó
Lương được mời lên xe Limo và đưa về Zhong-nan-hai để gặp Zhu Rongji,
Zhu Rongji không nói gì khác hơn là nhắc lại số tiền 2 tỉ USD sẽ được
giao cho Việt Nam sau khi Lương trở về nước.
9) Ngày 26 tháng 2 năm 2001 Nguyễn Mạnh Cầm bay sang Trung Quốc để gặp Qian Qichen tại đảo Hải Nam. Nguyễn Mạnh Cầm cám ơn Trung Quốc đã mua vùng Vịnh Bắc bộ của Việt Nam (Beibu Bay) với giá 2 tỉ USD.
Ký kết bán nước của cộng sản
Điểm qua các mốc này cho thấy Khải cũng là một tên hèn khi không chịu
phản đối khi qua Trung cộng. Đồng thời khi về nước và biết có tiền chia
chác nên đã ngậm miệng ăn tiền. Nói cách khác cũng là bán nước. Nhưng để
nhìn rõ những sự kiện này hơn xin mời bạn đọc chú ý những sự kiện sau
đây liên quan đến Khải.
Thứ nhất, Khải còn là một thủ tướng hèn và bán nước khi không dám lên tiếng với Phó chủ tịch QH Trung Cộng là Cố Tú Liên
khi sang Việt Nam, về vấn đề tàu chiến Trung Cộng xả súng giết hại 8
ngư dân Việt Nam, rồi còn vu cáo ngư dân Việt Nam là ăn cướp.
Tiếp theo đó đài BBC, phóng viên của AP ở Hà Nội đề nghị Bộ Ngoại Giao
cộng sản khẳng định thông tin nói rằng, tàu Sea Bee bị tàu hải quân
Trung Quốc đang tập trận bắn, làm 23 thủy thủ trên tàu mất tích. Nhưng
phía cộng sản đã lặng im và cho rằng chỉ là một tai nạn thông thường.
Chúng ta nên nhớ tàu Sea Bee được xem như tàu lớn, có trọng tải 6500
tấn, không thể dễ dàng chìm được nhanh chóng mà không có bất cứ một cuộc
điện đàm kêu cứu nào, ngoài tín hiệu cấp cứu tự động. Điều này chứng
minh cho việc Sea Bee đã bị trúng pháo hoặc ngư lôi của hải quân Trung
Cộng, tuy nhiên, với vai trò thủ tướng thì Khải đã chỉ đạo cho vụ việc
này rơi vào quên lãng.
Thông tin về vụ tàu Sea Bee xem tại bản tin của BBC (2).
Thậm chí khi gặp Cổ Tú Liên thì Khải vẫn còn nịnh bợ Trung cộng: “Ngày
13/1, trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Cố Tú Liên,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc sang Việt Nam tham dự APPF, thủ
tướng cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác, trên cơ sở
phương châm 16 chữ và 4 tốt mà các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã
đề ra...” (3)
Thứ hai, khi Ôn Gia Bảo đến Việt Nam, Khải vẫn xun xoe bợ đỡ được báo chí lề đảng loan tin:
“Ngày 7-10, tại Văn phòng Chính phủ,
Thủ tướng Phan Văn Khải đã hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trong không
khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, hai bên đã điểm lại tình hình mọi
mặt của quan hệ hai nước trong thời gian qua, nhất là từ sau chuyến thăm
chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 5-2004; trao
đổi về các biện pháp thực hiện có hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo
cấp cao hai nước nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển theo
phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt….
Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định Việt
Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện
với Trung Quốc, coi đây là chính sách nhất quán, cơ bản và lâu dài…
Hai bên nhất trí cho rằng kể từ cuộc
gặp tháng 5-2004 đến nay, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước duy trì đà
phát triển mạnh mẽ và ổn định. Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung
quan trọng, tạo điều kiện cho quan hệ hai nước có bước phát triển mới
tích cực; nhấn mạnh duy trì truyền thống gặp gỡ cấp cao là nhân tố đặc
biệt quan trọng đối với việc xây dựng và củng cố sự tin cậy, tạo cơ sở
cho quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lâu dài theo phương
châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài,
hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt,
đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Hai bên đánh giá cao ý nghĩa việc ký
được các Hiệp định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ,
khẳng định cùng phối hợp và hợp tác chặt chẽ để thực hiện tốt các Hiệp
định nói trên cũng như Biên bản cuộc gặp đặc biệt giữa Thứ trưởng Ngoại
giao hai nước ngày 8-8-2004 và các thỏa thuận hữu quan khác nhằm xây
dựng biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn
định lâu dài, cùng phát triển. Hai bên khẳng định triệt để tuân thủ
Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa các nước
thành viên ASEAN và Trung Quốc...” (4)
Đây cũng là một trong những bằng chứng cho thấy sự bán nước và hèn kém của Phan Văn Khải trước giặc Tàu.
Chủ tịch Trung cộng Giang Trạch Dân và Phan Văn Khải trong thời gian
Đoàn Đại biểu Việt Nam do TBT Đảng CSVN Đỗ Mười đang thăm
Trung cộng ngày 20-10-1998 tại Điếu Ngư Đài (Bắc Kinh).
Trước đó, theo thông tin của đảng thì “Từ
ngày 19 đến ngày 23-10-1998: Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm
chính thức Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã hội đàm với
Thủ tướng Phan Văn Khải. Hai bên đã ký Hiệp ước tương trợ tư pháp về dân
sự và hình sự, Hiệp định mậu dịch biên giới và Điều ước lãnh sự giữa
hai nước.” (5)
Thứ ba, nhóm Mạnh, Lương, An và Khải cũng từng bỏ qua ý
kiến của ngay cả các vị cộng sản kỳ cựu trong việc ký hiệp định bán đất
cho Trung cộng. Nhưng vì có tiền bỏ túi thì Khải cũng đồng ý cũng như
các tên bán nước khác. Đây là bức thư của một người cộng sản kỳ cựu đến
từ Hải Phòng để thấy bộ mặt bán nước của Khải (6):
“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đề nghị Quốc Hội không thông qua hiệp định biên giới Việt Trung
Kính gửi:
- Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh,
- Chủ tịch Nước Trần Đức Lương,
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An,
- Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải,
Tháng 2 năm 2001, trong bản góp ý với
Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội IX, tôi đã có kiến nghị lên Đại
hội Đảng, Chính phủ, Quốc hội không thông qua Hiệp định biên giới Việt
Trung, vì đây là một Hiệp định mà phía Việt Nam nhượng bộ quá nhiều.
Theo tôi, đó là một sai lầm lớn của Đảng và Chính phủ mà dân tộc ta chưa
triều đại nào chịu nhượng bộ nhiều như thế. Cuối năm nay, Quốc hội sẽ
họp, sau khi suy nghĩ và trao đổi với một số các vị lão thành cách mạng
trong Câu lạc bộ Bạch Đằng, tôi trân trọng đề nghị ông Nguyễn Văn An -
Chủ tịch Quốc hội mới được bầu - đưa vấn đề này ra trước Quốc hội, yêu
cầu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao điều trần nói rõ nội dung số cây số vuông đã
nhượng cho Trung Quốc so với Hiệp định Pháp - Thanh và nguyên nhân đi
tới ký kết.
Suốt 4000 năm lịch sử kể cả thời Bắc
thuộc cho đến hơn 1000 năm độc lập tự chủ, nhiều triều đại phong kiến
lúc yếu cũng chưa bao giờ nhượng cho phong kiến Phương Bắc một tấc đất,
một hòn đảo, cùng lắm chỉ cống nạp thiên triều ít ngà voi châu báu; lúc
mạnh như thời Lý Nhân Tông đã đòi vua Tống phải hoàn trả ta 2 động, 8
huyện ở biên giới do bọn đầu mục thổ dân dâng cho nhà Tống. Vua Tống đã
phải trả lại. Thế mà ngày nay, theo Hiệp định biên giới Việt Trung mới
đây ta đã nhượng bộ cho Trung Quốc hàng trăm cây số vuông đất liền và
hàng ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ (so với Hiệp định Pháp - Thanh đã
ký cuối thế kỷ XIX).
Qua lời thông báo của một vị lãnh đạo
của thành phố Hải Phòng tại CLB Bạch Đằng tháng 2/2001 thì Vịnh Bắc Bộ
chia đôi ta được 53%, Trung Quốc 47%. Sao kỳ lạ thế? Vịnh Bắc Bộ (Golfe
du Tonkin) là của Việt Nam cơ mà! Tôi không rõ sứ thần Trung Quốc đã
khôn khéo thế nào, dùng lời ngon ngọt ra sao mà đã làm mềm lòng sứ thần
Việt Nam, thò tay vào ký Hiệp định trước tháng 12/2000. Có điều kỳ lạ là
Trung Quốc đề ra kế sách ký Hiệp định biên giới Việt - Trung và sát
nhập Đài Loan vào Trung Quốc trước thiên niên kỷ mới. Ta là một nước độc
lập có chủ quyền, có cơ sở pháp lý đầy đủ lại vui vẻ làm theo, còn Đài
Loan là đất đai của Trung Quốc họ lại không tuân theo ý đồ đó. Có người
giải thích rằng: ta không ký không được. Phải chăng ta sợ Trung Quốc
mang quân sang đánh ta? Trung Quốc là nước lớn nhưng không phải dễ dàng
uy hiếp được ta. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh trong 10 thế kỷ vừa qua,
Phương Bắc đã 10 lần mang quân sang xâm lược nước ta, nhưng cả 10 lần
phong kiến Phương Bắc đều thất bại thảm hại. Kể cả trận mới đây nhất,
tháng 2/1979, cộng sản Trung Quốc đã mang quân đánh nước ta, định dạy
cho Việt Nam một bài học, trái lại họ đã học được bài thất bại cay đắng.
Thực ra lúc này Trung Quốc rất cần ổn định để phát triển kinh tế, họ
chỉ dọa được những người nhát gan yếu bóng vía, chứ làm sao dọa được dân
tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. Nếu ta không ký mà họ đem quân đánh
ta, cả thế giới sẽ ủng hộ ta và nhân dân ta triệu người như một đoàn kết
sẽ đứng lên cầm vũ khí quét sạch quân thù. Nói thế thôi, chứ Trung Quốc
không dại gì đem quân gây chiến với Việt Nam. Tiếc thay, cả người cho ý
kiến lẫn người đi ký đã không nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Họ quên mất
rằng biết bao sứ thần Đại Việt qua nhiều triều đại đã làm cho phong kiến
Phương Bắc phải kính nể, khâm phục. Thậm chí có sứ thần không chịu
khuất phục đã bị phong kiến Phương Bắc chém đầu, gây một vết nhơ cho
lịch sử đối ngoại của Bắc Triều, càng làm rạng danh đất nước Việt Nam.
Nghe nói trong hội đàm, Trung Quốc đã
nêu lên: trước đây nhà Thanh yếu, Pháp mạnh nên mới có Hiệp định như
vậy; tại sao đoàn ta không có ai biết nói: mạnh yếu trước kia chưa rõ,
bây giờ Trung Quốc là nước lớn, Việt Nam là nước nhỏ, có phải vì thế mà
Trung Quốc ép buộc Việt Nam phải nhân nhượng? Đã là anh em, là đồng chí
"như môi với răng", sao lại nỡ lấn đất chiếm đảo của Việt Nam? Lẽ ra:
Nghĩa tình hữu nghị từng xây dựng Tôn trọng biên thùy nước mới an. Không
phải tự nhiên ông Giang Trạch Dân gợi ý Đại hội Đảng ta nên tiếp tục để
đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư. Dân tộc ta có một nền văn hiến
sáng ngời, trung dũng tuyệt vời. Đảng ta, dân tộc ta đã làm cuộc Cách
mạng Tháng 8-1945 vĩ đại, sau đó đã đánh thắng 2 đế quốc hung bạo nhất
của thời đại, mà lại chịu để cho Trung Quốc ép ký một hiệp định bất bình
đẳng như vậy sao?
Tôi đề nghị ông Nguyễn Văn An với chức
danh Chủ tịch Quốc hội thay mặt Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất
của đất nước - kiên quyết không thông qua Hiệp định biên giới Việt -
Trung, cả trên đất liền và trên biển, đảm bảo quyền lợi cho Tổ quốc và
danh dự cho dân tộc. Các ông biết rõ hơn ai hết: chỉ có một Hiệp định
thương mại Việt - Mỹ ký đã hơn một năm nay, Hạ viện Mỹ đã thông qua,
Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua, thế mà hai viện còn phải ngồi chờ Tổng
thống duyệt Hiệp định mới có hiệu lực. Hiệp định biên giới Việt - Trung
còn quan trọng hơn nhiều, sao không đưa ra Quốc hội bàn mà đã vội ký
kết? Bây giờ tuy có muộn nhưng Quốc hội nghe điều trần rồi kiên quyết
không thông qua và báo cho Trung Quốc biết, thì sự không thông qua ấy
vẫn có giá trị. Trong khi chờ đợi hai bên gặp lại, yêu cầu Trung Quốc cứ
coi Hiệp định Pháp - Thanh còn nguyên giá trị. Đất này công sức của cha
ông Khai phá ngàn năm giống Lạc Hồng Xương máu bao đời mới có được. Xin
đừng để thẹn với non sông.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị với Quốc hội
và Chính phủ: từ nay về sau tất cả các Hiệp định quan trọng có liên
quan đến lợi ích Tổ quốc đều phải theo nguyên tắc: được Quốc hội bàn và
thông qua mới có giá trị. Ví dụ: Hiệp định chiến tranh và hòa bình, Hiệp
định biên giới và trên biển đa phương và song phương, Hiệp định kinh tế
quan trọng giữa hai Chính phủ v.v...
Tôi tin tưởng Quốc hội Chính phủ sẽ làm
được việc này. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng đoàn kết xung quanh Quốc hội,
Chính phủ và Đảng để đòi Trung Quốc phải công nhận Hiệp định Pháp -
Thanh đồng thời trả lại cho Việt Nam các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Xin gửi lời chào kính trọng.
Đỗ Việt Sơn, 78 tuổi đời, 54 tuổi đảng.
Hội viên CLB Bạch Đằng.
D-C: 26/14-125 Tô Hiệu Hải Phòng D-T: 031.739039”
Thứ tư, theo Phan Văn Khải kể lại việc đàm phán với Trung cộng: “Thác
Bản Giốc mình không thể nào lấy hết... Bãi Tục Lãm họ có ý đồ lấn thật.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Cố vấn Đỗ Mười cũng phải đấu với Trung Quốc
trên tình hữu hảo mới được như vậy. Tôi, ông Vũ Khoan và ông Lê Khả
Phiêu đã đấu tranh rất căng thẳng nhưng đôi bên cũng phải có nhân
nhượng, chẳng thà mình có một phân định sau này còn có cơ sở để đấu
tranh”. Qua đây cho thấy chính Khải và Phiêu đã xác nhận hành
động bán nước của mình. Tại sao lãnh thổ của Việt Nam lại phải nhân
nhượng? Và việc để mất thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm mà Khải kể chính là
hành động bán nước không thể chối cãi.
Thứ năm, ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực
lượng lớn tấn công, Trung cộng đã chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm
dọc biên giới Việt Nam, trong đó có điểm cao 1509. Hàng ngàn người lính
Việt Nam đã hy sinh trong các đợt phản công lấy lại hai mươi cao điểm ở
Thanh Thủy, Vị Xuyên bị Trung cộng chiếm đóng từ năm 1984. Nghĩa trang
Vị Xuyên, Hà Giang, có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt
sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới, đa số hy sinh trong giai
đoạn 1984 - 1985, có người hy sinh năm 1988 khi tái chiếm điểm cao 1509.
Giai đoạn 1984 - 1985, theo ông Nguyễn Thanh Loan, người trông coi nghĩa trang: “Cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau”. Theo Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất: “Từ
khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một
pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên
tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên
thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc
xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung
Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin
được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh
đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy
chỉ có 0, 77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo
đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”.
Tuy không bình luận trực tiếp trường hợp điểm cao 1509, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm giải thích:
“Tôi nghĩ, các anh ấy cũng biết (ý ám chỉ Đỗ Mười, Khải và Phiêu),
nhượng một tấc đất là có tội, nhưng với một nước lớn như Trung Quốc thì
tranh chấp phải được giải quyết để có được một biên giới hòa bình. Trước
đó không ngày nào là không có khiêu khích”. Qua đây cho thấy rõ ràng Cầm thừa nhận Khải, Phiêu... đã nhượng đất cho Trung cộng.
III. Bàn tay nhuốm máu:
Từ năm 1997, Phan Văn Khải nắm chức thủ tướng cộng sản thì ông ta chưa
làm được gì cho quê hương chúng ta. Việt Nam vẫn chưa vẫn chưa có sinh
hoạt chính trị tự do, vẫn chưa có tự do tôn giáo, vẫn chưa có tự do báo
chí, và vẫn còn giữ chính sách hộ khẩu... Ngược lại quá khứ chúng ta sẽ
thấy bàn tay của Khải nhuốm máu đồng bào từ khá lâu.
Thứ nhất, bạn đọc chú ý đến tiểu sử của Phan Văn Khải.
Phan Văn Khải sinh ngày 25 tháng 12 năm 1933 tại Quận Củ Chi, ngoại ô
Sài Gòn. Mới 14 tuổi Khải đã tham gia "Cách Mạng", 22 tuổi thì gia nhập
Phong Trào Cải Cách Ruộng Đất. Đôi bàn tay của Khải đã nhuốm máu của rất
nhiều đồng bào vô tội trong cuộc đấu tố dã man nhất lịch sử Việt Nam.
Mời bạn đọc coi lại “Những sự thật không thể chối bỏ - Phần 5 và 6”
để thấy những con số kinh hoàng trong đó có Phan Văn Khải gây ra. Chính
vì thánh tích ác ôn nhuốm máu đồng bào trong CCRĐ mà Khải được đi học
Liên Xô. Đánh giá việc này một tài liệu của Nga khi Khải lên làm thủ
tướng có viết “Trong cải cách ruộng đất
và chấn chỉnh hàng ngũ sau khi cách mạng vô sản ở Việt Nam thành công
thì ông (ám chỉ Khải) có công rất lớn mặc dù sau này cuộc cải cách bị
đánh giá là đẫm máu”. (7)
Thứ hai, trong suốt thời kỳ nắm chức thủ tướng thì Phan
Văn Khải cũng cho bắt giam các nhà đấu tranh trong nước như BS Phạm Hồng
Sơn, LS Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, mục sư Nguyễn Hồng Quang, BS
Nguyễn Đan Quế, GS Trần Khuê, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng
Thích Quảng Độ v.v... Như vậy việc Khải tàn ác và chống lại dân chủ là
không thể chối cãi trong vai trò đứng đầu chính phủ của mình. Như vậy
Khải, vi phạm vào Điều 19 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà cộng sản đã ký với Liên Hiệp Quốc.
Phan Văn Khải và đồng chí X
Thứ ba, bạn của tác giả Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ, cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể
rằng ông nội của anh là cụ Phan bị quy lên thành phần địa chủ, quan lại
phong kiến nên nhà cửa của Phan Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở
di cảo của cụ bị đảng cộng sản phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ
Phan một anh hùng dân tộc vĩ đại nhất thế kỷ XX đã bị Hồ Chí Minh bán
đứng cho Pháp (Xem “Những sự thật không thể chối bỏ - Phần 8”).
Khi cụ chết rồi vẫn bị đội cải cách ruộng đất sai làm hình nộm giống y
người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình nộm cụ
Phan. Và tác giả Lê Nhân là người bạn học của Khải đã viết bức thư chửi
tội ác và sự ngu dốt của Khải với đại ý: “Thủ tướng Phan Văn Khải cũng
không phân biệt được đâu là chuyện chăn gối, đâu là chuyện quốc gia
chính phủ trị dân, nên sỗ sàng đưa vấn đề con cu ra ví với dân.”
Nguyên văn của nó như sau: (8)
“Kính gửi Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thưa anh Khải
Lê Nhân viết lá thư ngỏ này gửi anh vì
tôi chẳng sợ ai cười chê bảo cái thằng Lê Nhân cóc nhái, thứ cua cáy,
rơm rạ xó bếp ở đâu chui ra, thấy người sang bắt quàng làm họ, thật
chẳng còn ra làm sao! Một người dân ngu khu đen như Nhân tôi, đôi khi
ngồi vắt tay lên trán, nhớ lời Bác Hồ dạy:- "Cán bộ là đầy tớ của nhân
dân", mà bật cười khanh khách vì sự hài hước trong chế độ ta không biết
đến đâu là giới hạn, tự nhiên thấy mình oai ngất trời:- hóa ra mình là
ông chủ của chúng nó, ông chủ của cái đám đảng cộng sản, nhà nước và
chính phủ cộng sản đang cầm quyền kia, mà sao mình cứ nơm nớp sợ đám đầy
tớ bắt nạt, thậm chí sợ bọn đầy tớ đến bắt ông chủ nhốt vào tù cho mục
xương luôn? Còn các anh, từ anh tổng bí thư, anh chủ tịch nước, anh thủ
tướng chế độ hiện hành, thảy đều là nô bộc, là ô-sin cho Lê Nhân, ô sin
của 80 triệu đồng bào ngoài đảng hihihi!
Với tinh thần ấy của Bác Hồ, Lê Nhân viết thư cho anh Khải với 3 tư cách:
- ông công dân viết thư cho nguyên thủ quốc gia
- ông chủ viết thư sai đầy tớ
- ông bạn cũ viết thư cho ông bạn cũ ngày xưa…
Thưa anh Phan Văn Khải, tôi cũng chẳng
dám trách rằng anh đã quên cái thằng Lê Nhân cùng tuổi với anh, cùng học
một lớp chính trị Mác-xít do thầy chúng ta là giáo sư tiến sĩ viện
trưởng Viện Mác-Lênin Hoàng Minh Chính từng dạy dỗ chúng ta hết lòng, để
rồi sau đó, tôi với nghề gõ đầu trẻ môn triết học Mác-xít, lại dạy các
anh Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Phú Trọng (sẽ có thư ngỏ gửi hai anh học
trò hàm thượng thư đương triều đang ngấp nghé thế tử này sau).
Người (tức GS.TS triết học Hoàng Minh
Chính) mà cách đây ngót 50 năm trước, đã cứu anh Khải thoát khỏi vụ khai
trừ đảng, nên anh thề sẽ suốt đời mang ơn ông Chính, người mà anh cho
là có công ngang với ơn sinh thành của cha mẹ, thề trong đời sẽ tìm cơ
hội để báo ân, đền đáp công ơn trời bể của GS.TS Hoàng Minh Chính đối
với anh.
Bây giờ, là một nguyên thủ quốc gia,
chắc anh Khải bận vô cùng, hơi đâu nhớ tới ân nghĩa cũ; anh quên là quên
cả nước chứ cứ gì quên cái thằng Lê Nhân, quên cái ông thầy cũ Hoàng
Minh Chính hiện đang bị lính của anh bốc cứt ném vào mặt hôm 1-12-2005
ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội huy hoàng của đế chế cộng sản?
Tôi xin nhắc để anh nhớ, tôi là Lê
Nhân, biệt hiệu trong lớp anh em gọi là " Nhân ngôn luận” (có ý chửi tôi
ăn nói nham hiểm, lời nói ác như vị thuốc độc nhân ngôn giết người).
Còn anh Phan Văn Khải có biệt danh cả lớp đặt cho là “Khải đờ mờ” (vì
anh có tật khi nói hay chêm tiếng đệm hai chữ viết tắt của tên ông Đỗ
Mười: Đ.M. mà những anh em người gốc nông dân Nam Bộ tập kết thường mắc
phải). Năm ấy, anh Khải được nhà trường cấp bằng khen vì thành tích rất
lớn là bỏ được hai tiếng “đù má " chêm vào trước bất cứ câu gì khi anh
nói; nên hôm anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) đến dự lễ khai mạc khóa chính trị
Mác-Lê cao cấp do thầy Hoàng Minh Chính giảng, anh được vinh dự đảng ủy
nhà trường phân công lên hô chào cờ. Có lẽ vì anh Phan Văn Khải xúc động
quá, khi lần đầu được gặp anh Sáu Thọ, thần hồn nát thần tính, giữa
không khí cực thịnh, cực nghiêm trang của tôn giáo Mác-Lê, trên có đảng
kỳ, kèm chân dung 5 lãnh tụ vĩ đại: Mác, Lê Nin, Stalin ở giữa, hai bên
là Bác Hồ và Bác Mao, dưới nữa là cờ đỏ sao vàng, dưới nữa là anh Sáu
Thọ. Thế mà giữa ba quân ngất trời thiêng liêng ấy, anh Phan Văn Khải
đứng cực nghiêm, hô chào cờ bằng giọng Củ Chi Nam Bộ, hệt như Trương Phi
hét trước cầu Trường Bản; anh Khải hô (hét) cực vang, cực to, cực
nhanh, rằng:
“Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!"
Cả hàng quân ngót trăm người tí nữa ngã
đùng ra đất, vội đưa tay bụm miệng, vừa bịt mồm vừa hát quốc ca, nên âm
vang hùng tráng của bài "Tiến quân ca" nghe như tiếng ếch nhái ho, như
thể chó vừa ăn vụng bột vừa hát (sủa), khiến có vài tên ngã lăn đùng ra
như trúng gió vì sặc cười, phải khiêng đi cấp cứu ngay. Tuy vậy, buổi
chào cờ vẫn hoàn tất một cách ngượng chín mặt, ai cũng ước đất nứt ra lỗ
nẻ để chui tọt vào cho đỡ xấu hổ. Sau buổi chào cờ có một không hai ấy,
anh Sáu Thọ vẫn bình tĩnh huấn thị chừng 5 phút, thay vì theo thông lệ,
anh phải dạy dỗ cả tiếng đồng hồ; vị lãnh tụ này mặt vẫn tỉnh bơ, làm
như không hề có chuyện cái thằng phá thối Phan Văn Khải vừa hô chào cờ
bằng câu chửi thề đù má kinh thiên động địa; đây có lẽ là lần bất ngờ và
bực mình nhất trong cuộc đời làm cách mạng vô cùng vẻ vang của anh Sáu.
Sau này, anh Phan Văn Khải tâm sự với
Lê Nhân rằng: "Hô chào cờ mà vẫn chêm tiếng đù má vào theo thói quen,
chắc tao sẽ phải tử hình mất!". Nhưng GS.TS Hoàng Minh Chính đã chạy lên
chạy xuống cứu anh Phan Văn Khải thoát khỏi tội đi tù vì xúc phạm đảng
thì ít mà xúc phạm anh Sáu Thọ là linh hồn của đảng thì nhiều. Thầy
Chính còn cứu anh thoát khỏi cái án khai trừ đảng. Nếu không có thầy
Hoàng Minh Chính xả thân cứu giúp, liệu đến nay anh Khải có lên được
đỉnh của quyền lực là chức Thủ tướng chính phủ hay không?
Thế mà, lạ lùng thay, thủ tướng Phan
Văn Khải đã lấy oán báo ân, đã cùng với Bộ Chánh trị đảng sai lâu la,
lưu manh đến đánh đập cụ Chính, mang cà chua, trứng thối cùng cứt trộn
mắm tôm ném vào người cụ già 86 tuổi Hoàng Minh Chính và vợ con, nhà cửa
của cụ Chính trưa ngày 1-12-2005, xúc phạm vô cùng tận người thầy ngày
xưa mà anh cho là đã có công lớn cứu anh, ngang công ơn sinh thành ba
má, thì hỏi còn trời đất gì nữa hay không?
Chuyện tày trời làm ơn cứu Phan Văn
Khải ngày xưa thoát khỏi vụ án "đù má" chào cờ Lê Nhân vừa thuật lại
trên, dù ai có cậy miệng thầy Hoàng Minh Chính, thầy cũng không nói ra
đâu; vì nói ra, khoe ra lối ứng xử trả ơn thầy học cũ bằng cách sai
thuộc hạ ném cứt vào mặt thầy mình kiểu này của anh Phan Văn Khải, thầy
Chính sẽ cho là đại sỉ nhục; rằng anh dạy dỗ thế đếch nào mà học trò của
anh khi làm đến chức Thủ tướng, nó lại thành ra cái thằng bất nhơn, đểu
giả, tiểu nhân, đại phản nghịch như thế? Giờ đây, nhận mình có một anh
học trò như anh Phan Văn Khải, thầy Hoàng Minh Chính thà chết còn hơn.
Thoắt mấy chục năm sau, Lê Nhân thấy
anh Khải xuất hiện trên tivi: khởi đầu là phó chủ tịch, rồi chủ tịch
TP.HCM, leo dần lên chức vụ phó thủ tướng, rồi thủ tướng chính phủ nhà
nước cộng sản. Mỗi lần nhìn thấy anh trên màn hình, tôi có ý hơi lo lo: -
lỡ mà khi anh đang huấn thị đồng bào, sơ ý, nổi hứng dân Củ Chi ăn tục
nói phét lên, theo vô thức tuôn ào ào ra miệng cái tiếng đệm Đ.M., cứ
như cái thuở chào cờ ngày xưa mà vô tư đù má đồng bào, đù má các đồng
chí, đù má quốc dân, thì sẽ gây họa lớn, đồng bào chắc sẽ vỡ tim mà chết
cỡ vài ba chục triệu vì cú sốc văn hóa quá sức bất ngờ này chăng?
Có lẽ, chính vì lường trước khả năng
tình cảm vô bờ của ông thủ tướng chánh phủ đương nhiệm, một người nông
dân thuần phác Nam Bộ quen chăn trâu, câu cá, đơm lờ, đánh giậm hơn là
việc làm vương, làm tướng, mà khi anh qua Mỹ gặp tổng thống Mỹ W.Bush
vừa qua, Bộ Chánh trị đảng sợ anh nổi hứng chào cờ, lại chả tuôn ra từ
vô thức, tuôn từ trong gan ruột cái tiếng đệm bình dân thân thương quê
kiểng kia; rằng: - đù má ngài W.Bush, rằng tôi thay mặt đù má đảng nhà
nước chính phủ Việt Nam, đù má gởi lời thăm hỏi tới ngài và gia quyến,
có mà Mỹ nó điên lên, chơi bom hạt nhân xuống lăng Bác vỡ cha cái "mặt
trời chân lý", tiêu mẹ nó cái "mặt trời trong lăng rất đỏ” thì lấy gì
làm vật linh, làm tô-tem mà lễ bái, lừa đảo nhân dân? Cho nên, Bộ chánh
trị đã soạn sẵn cho anh bài diễn văn đáp từ tổng thống W.Bush, gồm chỉ
mấy từ đơn giản xã giao, chào hỏi, chúc mừng, cảm kích mà một trẻ chăn
trâu cũng biết nói vo, không cần phải soạn trước như đảng sợ anh văng đù
má bất tử mà soạn sẵn lời đáp từ ngài W.Bush cho anh.
Cả thế giới qua truyền hình, đã thấy
ngài W.Bush oai phong, tươi tắn, đường bệ, sang trọng, lịch lãm, quý
phái thơm như mít trước một ngài Phan Văn Khải dúm dó, mặt đâm lê, co
ro, hèn kém, quê mùa, mặc cảm tự ti, ngồi tội nghiệp hai tay run quá
nhét đại vào háng. Đến độ ngài W.Bush phải thò hết cỡ cánh tay phải sang
tận đùi ngài Khải theo kiểu thò tay vào hang sâu bắt rắn, mới lôi được
bàn tay của thủ tướng Việt Nam như con chim trốn tuyết ra mà bắt cái
rụp, thương thay!
Cả thế giới đã nhìn thấy ngài Khải thò
tay vào túi áo, lấy ra miếng giấy bé bằng cái lá đa, hai tay bê miếng
giấy như bê hòn đá nặng, đưa sát lên mắt ấp a ấp úng đọc lời đáp từ tổng
thống Mỹ, trông thê thảm và âm lịch không sao chịu được. Suốt chuyến đi
thăm Mỹ, qua ống kính truyền hình, nhiếp ảnh, thủ tướng Việt Nam hiện
lên chân dung toàn diện của đảng cộng sản là một kẻ nhà quê ra tỉnh, một
gã ăn mày đi xin tiền, lúc thì văng: - “đù má đuổi nó ra ngay!" khi có
hai vị ký giả một nam một nữ của người Việt di tản lọt vào nơi họp báo
chất vấn và tố cáo tội ác
cộng sản, lúc thì với bàn tay vuốt lên mu bàn chân mang giày của bức
tượng ngài Havard, như có ý xin được đánh giày cho quý ngài từng lập ra
trường đại học danh giá nhất thế giới tọa lạc ở Boston... khiến nhân dân
cả nước ngượng chết đi được.
Chỉ nhìn vào chuyến đi Mỹ của anh,
người ta có thể nhận ra chân dung văn hóa của đảng cộng sản Việt Nam là
thứ văn hóa diệt trí thức, văn hóa bần cố nông con cái tố cha, vợ tố
chồng, học trò trả ơn thầy bắt cách bốc cứt ném vào mặt thầy, thứ văn
hóa lừa đảo, lấy việc lừa dân từ A đến Z làm sự nghiệp, làm cần câu
cơm...
Anh Phan Văn Khải ơi, giờ đây, cả nước
cứ nhìn vào thằng con trai của anh, thằng Hoàn Ty từng bắn chết con trai
ông Phạm Thế Duyệt khi hai đứa giành gái khi cùng đánh bạc, mà nó vẫn
nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không ai dám động vào cái lông chân của
nó, thì thiên hạ có thể biết người cha làm thủ tướng của hắn là quân tử
hay tiểu nhân, bản chất là loại người nào. Khổng Tử xưa dạy người quân
tử phải:- "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", lấy nhân, nghĩa,
lễ, trí tín làm đầu. Phật dạy dân ta từ bi hỷ xả cả mấy ngàn năm. Đạo
Công giáo dạy kính Chúa yêu người. Thế mà Bác Hồ của anh và các anh sau
khi dùng bạo lực cướp được đất nước, bèn coi tam giáo đồng nguyên Phật
Khổng Lão (cả Chúa sau này) là phản động, nên sai đập nát đình chùa miếu
mạo, đập nát các nhà thờ Thiên Chúa giáo thời cải cách ruộng đất.
Bạn của Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ,
cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể rằng ông nội của anh là cụ Phan bị
quy lên thành phần địa chủ, quan lại phong kiến nên nhà cửa của Phan
Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở di cảo của cụ bị đảng cộng sản
phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ Phan một anh hùng dân tộc vĩ
đại nhất thế kỷ XX chết rồi vẫn bị đội cải cách ruộng đất sai làm hình
nộm giống y người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình
nộm cụ Phan. Chính vì chuyện này, giúp Lê Nhân tin vào việc ngày xưa ở
Trung Quốc (thời Quốc Dân đảng), Hồ Chí Minh đã bán đứng Phan Bội Châu
cho mật thám Pháp để lấy tiền, trong khi ngoài mặt, Hồ luôn coi cụ Phan
như cha, làm ai cũng khen là ông Hồ hiếu đễ. Chao ôi, cái văn hóa lấy
cứt ném vào, trát vào mặt cha chú, đã có từ độ Bác Hồ, chứ đâu phải
chuyện anh Điềm và anh Khải mới sáng tạo ra lối hại cụ Hoàng Minh Chính
bằng cách lấy cứt trộn mắm tôm ném vào mặt cụ như trưa ngày 1-12-2005
vừa qua đảng cộng sản đã làm?
Giết oan hàng vạn người trong cải cách
ruộng đất, đẩy hàng triệu người vào chỗ chết suốt 30 năm nồi da xáo
thịt, làm hơn mười lăm triệu người Việt Nam chết oan, ngoài Hồ Chí Minh
vĩ đại ra, ai, những ai là người phải chịu trách nhiệm đây?.............
Viết đến đây, Lê Nhân chợt thấy rùng
mình mà ghê thay luật nhân quả ở đời, làm ác thì sẽ bị quả báo, lưới
trời lồng lộng, từ con tép đến Bác Hồ cũng không thể ăn gian, không thể
thoát khỏi thiên la địa võng của luật vay trả đã từng ứng nghiệm vào cái
xác không hồn của Bác Hồ đang bị đứa con đại bất hiếu là ĐCSVN hành hạ
bằng trò lừa hiếu hỉ làm ngược hoàn toàn di chúc Bác! Xin các ông Lê Đức
Anh, Đỗ Mười và giàn thế tử Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Phú
Trọng… hãy nhìn gương nhỡn tiền của Hồ Chí Minh đang treo trước mắt các
vị mà bơn bớt gian ác, mà nghĩ lại xem có nên đi cùng đường với dân tộc,
với nhân dân, với trào lưu đa nguyên đa đảng là nhu cầu thời đại, kẻo
các vị chết rồi xác lại có thể bị treo ngoài cửa thành cho dân đến xem,
cho quạ diều đến mổ thì động mồ động mả di hại cả ngàn năn sau con cháu
đấy!.........
Xin quý vị xá cho cách nói tục tĩu của
anh Khải, vì anh ít học (anh Khải và Lê Nhân đều ít học, lớp chống Pháp
ta và lớp các anh đàn em như Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn
An… đều là dân học bổ túc, học chuyên tu tại chức... nên dân gian mới
bảo:- "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" toàn là dân học giả bằng
thật!). Anh Khải chắc không biết rằng cái câu:- "Trên bảo dưới không
nghe!" dùng để chỉ việc phòng the, chuyện bất lực của đàn ông, rằng rất
muốn làm tình với con mẹ đĩ mà con cu bảo mãi vẫn cứ không nghe, vẫn chỉ
sáu giờ, quyết không bao giờ lên được 9 giờ chứ đừng nói gì chuyện nhất
dương chỉ 12 giờ. Vả lại, nhiều khi thủ tướng Phan Văn Khải cũng không
phân biệt được đâu là chuyện chăn gối, đâu là chuyện quốc gia chính phủ
trị dân, nên sỗ sàng đưa vấn đề con cu ra ví với dân, ví với thuộc cấp
thì quả tình cũng không lấy gì làm lạ!
Thưa anh Phan Văn Khải, người xưa đã
dạy: - “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; kẻ cầm quyền trong chế độ cộng
sản theo Bác Hồ luôn làm gương xấu, làm toàn việc gian ác, lừa đảo thì
làm sao các vị BẢO mà DÂN nó thèm nghe! Chẳng qua, do quý vị ĐCSVN tàn
ác quá, mấy chục năm làm dân nhược, quên mất bản tính phản ứng của con
giun:- “Xéo mãi cũng quằn!”.
Dân sợ quá, sống như con cá dưới ao tù thiếu dưỡng khí, lúc nào cũng
trồi lên mặt nước cho công an hộ khẩu dễ kiểm kê mà ngáp ngáp cầm hơi!
Hà Nội 5-12-2005
Kính thư,
Le Nhân”.
Qua bức thư chúng ta thấy điều gì? Đó là bức thư tố cáo bàn tay vấy máu
của Khải với nhân dân trong CCRĐ. Ngoài ra là nêu lên vụ án và tội ác
con trai Khải. Và đặc biệt nói đến việc Khải để đàn em đàn áp ông Hoàng
Minh Chính- một người đấu tranh dân chủ ôn Hòa. Qua đây có thể thấy được
bàn tay của Khải cũng không kém phần bạo tàn với nhân dân.
IV. Bất tài:
Phan Văn Khải trong kỳ họp Trung Ương Đảng cộng sản Việt Nam từ 6-13/1/04 đã thú nhận trước cử tọa: “... VN cần 20 năm nữa mới theo theo kịp Thái Lan...”.
Tuy nói như vậy nhưng cái mà Khải làm trong suốt thời kỳ của mình là
gì? Đó chính là tham nhũng tràn lan không kém gì thời kỳ của đồng chí X
hiện nay. Để chứng minh điều này chúng ta hãy để ý những tài liệu sau
đây.
Thứ nhất, ngày 25-7-2001, thủ tướng Phan Văn Khải có quyết
định phê duyệt "Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn
2001-2005" (đề án 112). Tính đến ngày 30-12-2005, vốn đầu tư từ ngân
sách trung ương cấp cho đề án là 685 tỉ đồng, trong đó Ban Đề án 112 đã
chi hơn 277.97 tỉ đồng (hơn 18 triệu Mỹ kim, theo tỉ giá hối đoái vào
thời gian đó.)
Theo báo Người Lao Động ngày 20/1/2009, sau 16 tháng điều tra vụ tham
nhũng trong ban điều hành đề án "tin học hóa quản lý hành chính nhà
nước”, cơ quan điều tra Bộ Công an cộng sản đã đề nghị truy tố 20 bị
can, trong đó có 1 viên chức hàng thứ trưởng tên là Vũ Đình Thuần, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ CSVN (thời kỳ Phan Văn Khải làm thủ tướng), trưởng ban điều hành đề án 112 (tin học hóa quản lý hành chính nhà nước 2001-2005), và Lương Cao Sơn,
thư ký ban điều hành Đề án 112, cùng bị truy tố về 2 tội danh "tham ô
tài sản" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vũ Đình Thuần |
Theo điều tra của công an cộng sản, Lương Cao Sơn với tư cách là thư ký
"đề án 112" đã "tư vấn" cho các doanh nghiệp đường đi nước bước và trình
Vũ Đình Thuần ký duyệt các quyết định để kiếm tiền hoa hồng. Cụ thể,
Lương Cao Sơn đã trực tiếp thiết kế tới 7 đường dây cho các vụ làm ăn
này. Vụ đầu tiên là mua sắm nhu liệu bản quyền với Công ty Phần mềm ISA
do Nguyễn Thúy Hà làm tổng giám đốc. Bỏ qua hết các thủ tục mời thầu
theo quy định, ngày 11-10-2004, Sơn đề nghị Vũ Đình Thuần quyết định
công nhận Công ty ISA trúng thầu với giá trị nhu liệu bản quyền của hãng
Microsoft và IBM trị giá hơn 9.1 tỉ đồng (hơn 600, 000 Mỹ kim). Trong
vụ này, Hà đã đưa cho Sơn 360 triệu đồng để chia cho Vũ Đình Thuần 200
triệu đồng, bà Phạm Thị Ngọc, kế toán trưởng Ban Đề án
112, 80 triệu đồng, còn lại là phần Sơn. Kết quả điều tra thật bất ngờ,
nguồn gốc nhu liệu ISA giao cho ban "đề án 112 "lại chính là bà Hà mua
của chồng mình là Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn hệ thống thông tin, với giá chỉ có 5.8 tỉ đồng.
Báo Người Lao Động ghi nhận rằng cơ quan điều tra đã khám phá nhiều
"mánh" làm ăn của Lương Cao Sơn với một ban giám đốc nhà xuất bản Tư
pháp do Nguyễn Đức Giao làm giám đốc. Thông qua sự môi giới của Hoàng Đăng Bảo, thư ký của Vũ Đình Thuần, trong thời gian từ tháng 3-2004 đến tháng 6-2006, Nguyễn Đức Giao
đã ký với Vũ Đình Thuần 28 hợp đồng in ấn giáo trình, tài liệu với giá
trị hơn 3, 8 tỉ đồng. Do nhà xuất bản Tư pháp không có chức năng in,
không có nhà in, để có giáo trình, tài liệu giao cho bên A, nên Nguyễn
Đức Giao ký hợp đồng giao cho 7 công ty in khác để rút ra 667 triệu đồng
tiền chênh lệch. Số tiền này Giao đã chuyển lại cho Hoàng Đăng Bảo 409
triệu đồng.
Trong số can phạm có Lương Cao Phong, giám đốc Trung tâm Thẩm định và Tư vấn thông tin thuộc Công ty Tin học xây dựng và là em ruột Lương Cao Sơn, đã môi giới cho Phạm Văn Hạc, giám đốc Công ty Tin học xây dựng,
thực hiện tổng cộng 15 hợp đồng kinh tế và một giao dịch trực tiếp,
tổng giá trị hơn 1.68 tỉ đồng. Trong đó có 7 hợp đồng đào tạo tin học
trị giá 817 triệu đồng và 8 hợp đồng dịch vụ trị giá hơn 864 triệu đồng.
Cơ quan điều tra làm rõ, bằng uy của anh trai, Lương Cao Phong nhận của
Công ty Tin học xây dựng tới hơn 316 triệu đồng, trong đó tiền môi giới
là 113 triệu đồng.
Cũng theo báo NLĐ, qua nhiều thủ đoạn khác nhau, Nguyễn Thị Phương Hoa
đã rút được hơn 1 tỉ đồng. Sau khi chi lại cho Ban Đề án 112 hơn 717
triệu đồng, còn hơn 277, 8 triệu đồng, ngoài việc chia cho các phòng
ban, bị can Trần Tấn Ngô và Nguyễn Thị Minh Thiệu, tổng giám đốc và phó
tổng giám đốc công ty được chia 17 triệu đồng/người...
Theo báo chí cộng sản thì còn nhiều bị can cùng Vũ Đình Thuần trong vụ này đó là: “Cùng
bị khởi tố điều tra trong vụ việc liên quan đến nguyên Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần còn có 7 bị can khác bao gồm: ông
Lương Cao Sơn, cán bộ Văn phòng Chính phủ, Thư ký Ban chỉ đạo điều hành
Đề án 112; ông Hoàng Đăng Bảo, chuyên viên Vụ Hành chính của Văn phòng
Chính phủ; ông Nguyễn Đức Giao, Giám đốc NXB Tư pháp (Bộ Tư pháp); ông
Bùi Duy Hồng, Phó phòng Kế hoạch NXB Tư pháp; bà Nguyễn Thị Phương Hoa,
Phó Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thị Minh Thiệu, Phó Tổng giám đốc và bà Ngô
Thị Nhâm, Phó phòng Kinh doanh Tổng công ty Phát hành sách.” (8)
Vai trò của Phan Văn Khải ở đây thế nào? Khải là Thủ tướng và trong thời gian Khải còn đương nhiệm đã là người ký duyệt dự án
này. Đồng thời Khải đã để yên cho dự án cấp quốc gia này có thể ung
dung tham nhũng ngay trước mũi Khải là điều không tưởng. Có chăng Khải
vì tham nhũng và bất tài nên để cho đàn em mặc sức tham nhũng.
Bình luận về vấn đề này RFA có bài viết: “Vụ án Vũ Đình Thuần ảnh hưởng đến T.T. Phan Văn Khải?”. Bài viết là cuộc phỏng vấn L.s - T.s Cù Huy Hà Vũ có đoạn như sau: (9)
“Mặc Lâm: Đó là những người liên quan
trực tiếp đến vụ án. Riêng những người không được nêu tên nhưng có liên
quan gián tiếp như nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải là thủ trưởng của ông
Thuần và cũng là người theo dõi dự án 112 thì vai trò của ông như thế
nào, thưa Luật Sư?
TS Cù Huy Hà Vũ: Những người có trách
nhiệm gián tiếp, chẳng hạn như nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải thì tôi
cho rằng là ông Phan Văn Khải cũng phải chịu trách nhiệm.
Mặc Lâm: Thưa, Luật Sư vừa nói là ông
Khải cũng phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên thực tế thì từ xưa đến nay
chưa có một lãnh đạo cao cấp nào chịu liên đới trách nhiệm về những việc
làm sai trái của nhân viên thuộc cấp, như vậy thì lần này có sự đột phá
mới mẻ và là một trường hợp cá biệt hay không?
TS Cù Huy Hà Vũ: Nhà nước Việt Nam từ
lâu nay và ngay cả dưới thời ông Phan Văn Khải cũng kêu gọi và quy định
là cơ quan nhà nước nào mà để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải
chịu trách nhiệm.
Vậy trong trường hợp này là vụ án tham
nhũng xảy ra ngay tại Văn Phòng Chính Phủ, tức là dưới sự điều hành trực
tiếp của ông Phan Văn Khải thì rõ ràng nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải
phải chịu trách nhiệm về vụ án tham nhũng này. Không thể nói là không có
trách nhiệm một chút gì!
Nhưng cái chuyện tòa án Việt Nam cho
tới bây giờ vẫn chưa có thông lệ là đối với thủ tướng hay là những nhân
vật cao cấp cỡ Bộ Chính Trị có liên quan thì mời ra tòa với tư cách hoặc
là nhân chứng, hoặc là có quyền lợi, hoặc là có nghĩa vụ liên quan, thì
trong trường hợp này, theo tôi, Thủ Tướng Phan Văn Khải cần được tòa
mời vớí tư cách hoặc là nhân chứng, hoặc là người có quyền lợi và nghĩa
vụ liên quan bởi vì trong trường hợp này có liên quan tới trách nhiệm
của Thủ Tướng Phan Văn Khải.”
Cũng liên quan đến vai trò của Phan Văn Khải, xin chú ý điểm này. Đầu
tiên Khải ký quyết định cho Vũ Đình Thuần làm chủ nhiệm đề án 112 (9). Sau này trong bản kết luận điều tra sơ khởi ngày 10/9/2008 của công an cộng sản có đoạn tại mục 3/ khoản 4 như sau: “Cần
xét đến trách nhiệm trong việc đề bạt cán bộ cũng như quản lý dự án 112
của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Chuyển Viện KSNDTC xem xét trách
nhiệm liên đới”. Nhưng cho đến khi bản kết luận điều tra ngày 20/1/2009 thì lại mất hẳn đoạn này.
Chỉ cần nói đến trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ và việc mập mờ
trong kết luận vụ án có thể thấy Phan Văn Khải có vai trò rất lớn trong
vụ Vũ Đình Thuần tham nhũng. Việc quan chức cộng sản bao che cho nhau
cũng là chuyện thường. Tuy nhiên qua đó có thể thấy được bộ mặt thật của
Phan Văn Khải.
Sáu Khải đi thăm Lào Cai
Thứ hai, sau đây là bức thư của một cán bộ cộng sản kỳ cựu
tố cáo sự bất tài và tham nhũng của thời kỳ Phan Văn Khải. Đó là minh
chứng rõ nét cho một nhân vật vô dụng và có bàn tay nhúng chàm tham
nhũng như Khải (10):
“KHỞI KIỆN ông Phan Văn Khải, đứng đầu
Hành pháp hai nhiệm kỳ liên tục đến nay, 2006, ông phải nghỉ mà để lại
một guồng máy cầm quyền vận hành bởi những “người công chức” thương dân
thì ít mà hành dân thì nhiều.
Kính gởi: - Tòa án Lương Tri Tối cao.
Đồng kính gởi:
- Những ai quan tâm, xây dựng chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Các chiến sĩ trên Mặt trận Thông tin Đại chúng
- Tòa án Nhân dân Tối cao
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao
- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 11
- Bộ chính trị và Ban Bí thư Đảng CSVN khóa 10
Tôi tên Thiều Thị Tạo, SN 1950,
CMND 020.162.003, cấp ngày 18/06/1997 tại Tp. HCM, đảng viên từ 1968,
lúc 18 tuổi, là Đội Vũ trang Tuyên truyền F.100 Ban Binh vận Trung ương
cục hoạt đông Khu Sài Gòn – Gia Định, sau GP 1975, công tác khoa học về
tội ác chiến tranh rồi chuyên nghiên cứu di truyền học, rồi đa dạng sinh
học, rồi cân bằng sinh thái, nghiên cứu viên 10/10, hưu trí từ tháng
8/2005, thường trú số 44, đường 11, Khu phố 4, phường An PHú, Quận 2,
[số nhà cũ 513C, ấp An Bình, xã An Phú, huyện Thủ Đức] – Sài Gòn.
Liên lạc ĐT: 7444220 – Email: taomado@hcm.vnn.vn
Để góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích và quyền hợp pháp của công dân.
Căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Tôi khởi kiện ông Phạm Văn Khải, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam nội dung:
Ông Phạm Văn Khải sắp nghỉ làm Thủ
tướng, cho nên, buộc lòng tôi phải cấp tốc khởi kiện Thủ tướng Phan Văn
Khải vì bộ máy cầm quyền của ông được vận hành bởi những “người công
chức”, mà nếu, “vì Dân” thì khó làm việc được, thì bị vô hiệu hóa, khó
bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân lao động, mà nhiều công chức vô
cảm, vô tư (*), thiếu tầm, thu vén cá nhân thì lại dễ dàng kéo bè, kéo
đảng, dễ dàng lên lương, lên chức, tham ô, hủ hóa, hại Dân, hại Nước.
Trong điều kiện “Tam quyền phân lập
thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN”, bộ máy hành pháp của Thủ
tướng là mạnh nhất vì nắm tiền, tiền do Dân làm ra, không phải tiền của
Nhà Cầm quyền làm ra, tại sao Quý vị Cầm quyền tùy tiện xài tiền, tùy
tiện mượn nợ trong nước, ngoài nước khỏi công khai cho Dân biết, Dân
bàn, Dân kiểm tra? Ai trả nợ? Thủ tướng và gia đình có làm nghề nghiệp
gì đóng góp cho kinh tế nước nhà không? cụ thể là làm được gì. Thủ tướng
có kiểm kê tài sản nhà mình trước khi nhận nhiệm vụ và sắp tới, ông
Phan Văn Khải hết làm thủ tướng, theo nguyên tắc dân chủ, có kiểm kê
công khai trước toàn dân hay không? Tại Thủ tướng duy trì bọn công chứ
tham ô từ khi đương chức đến khi về hưu, mỗi người được cấp 5 nhà, 7
đất? Xe lớn? Xe con? Cổ phần, tài sản công biến thành của tư nhân: Trải
qua hai nhiệm kỳ làm Nguyên thủ Quốc gia, Thủ tướng Phan Văn Khải để lại
gia tài khổng lồ cho xã hội Việt Nam, đó là hiện thực: Cướp ngày là
quan. Có bao nhiêu phần trăm công chức của Thủ tướng là Quan cướp ngày?
Và có bao nhiêu công chức đang lãnh lương Nhà nước mà tự do hủ hóa như
cá độ, đá gà, đánh bạc, buôn lậu, hút chích, bồ nhí, điếm già, v.v…
hưởng thụ gấp triệu triệu, tỷ tỷ tiền lương. Thủ tướng có biết đám Quan
công chức đó xài tiền của Ai không? Nhà Cầm Quyền cần làm rõ công Ai
nuôi Ai? Công chức phải ghi rõ chữ to và phát thanh liên tục ở nơi công
sở cho Dân ngu cu đen phải giác ngộ Quyền lợi và Nghĩa vụ công dân. Đã
thành thói quen cái gì dân làm được từ hột gạo, con cá đến bãi phân. Dân
cứ phải đầu môi chót lưỡi câu thiều: “Nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ”.
Nay đến thời tiền gia nhập WTO, Nhà cầm quyền còn phải chứng minh có ai
rửa tiền cho ai không?. Một khi những khẩu hiệu mang tính hù doạ dân
lành như: “Có dịch! Có vi-rút! Phải cấm nuôi con này, phải chuyễn nuôi
con khác! Phải giết con này để cứu con kia! Phải chống dịch! Phải
vắc-xin! Phải phun! Phải xịt! Phải khẩu trang! Phải v.v…” phát ra từ cấp
cầm quyền, thì dân lành khốn đốn mất tiền, mất vốn, mất sinh kế, có khi
mất cả mạng, còn giới tài phiệt kinh doanh vắc xin, thuốc men, thiết
bị, con giống v.v… thì tha hồ hốt bạc. Vấn đề này tôi có đóng góp xây
dựng Đại hội Đảng CSVN khóa 10 vì dư luận về ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch
Tp HCM là thiếu đức và thiếu cả tài, ngoài thiếu hiểu biết dịch, đại
dịch, còn vướng vào Đất đai, lãnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, còn
cấu kết với bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Du lịch VN, vay tiền nước
ngoài, phá rừng ngập mặn Cần Giờ, mở rộng con đường Rừng Sác, từ 2 làn
xe lên 6 làn xe, hình thành một xa lộ thênh thang, không biết phục vụ
cho ai? giữa Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, dân cư thưa thớt?! Khu Dự
trữ Sinh quyển này được MAB và UNESCO công nhận lần đầu tiên ở Việt Nam
từ năm 2000. Bất chấp dư luận chê trách Quản lý nhà nước ở Tp. HCM, ông
chủ tịch Lê Thanh Hải được vào Bộ Chính trị. Thủ tướng Phan Văn Khải há
chẳng có trách nhiệm gì trong việc đề bạt cán bộ cầm quyền cao cấp mà bị
tố cáo, thưa kiện quá nhiều?
Cứ mỗi lần, có một vụ thưa kiện nát
nước ở các cấp không xong, Thủ tướng lập Tổ Công tác Chính phủ để thanh
tra, Tổ thanh tra quậy cặn cáo nổi lên, ai là người gạn đục khơi trong –
không có - xử đập dập theo kiểu cứt trâu để lâu hóa bùn – Ai chịu? –
Dân không bằng lòng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Từ khi Đất đai
(vấn đề cốt từ của cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ) trở thành hàng hóa
thì bộ máy cầm quyền của Thủ Tướng đã không làm gì được ngoài việc thao
túng cho lớp cường hào ác bá mới áp bức, bóc lột nhân dân, đẩy nhân dân
vào con đường cùng.
Không biết rồi sẽ xảy ra đổ máu và bạo loạn ngày nào!!?
Bởi Thủ tướng Phan Văn Khải sắp rời ghế
Nguyên thủ Quốc gia mà không có trách nhiệm gì về lòng tin của Dân đối
với Nhà cầm quyền do ĐCSVN lãnh đạo, đau đớn thay, đang bị lung lay tận
gốc rễ, (mà Thủ tướng và bộ máy vẫn cứ điềm nhiên tọa thị, không chút
xót xa cho bao máu xương, bao tuổi trẻ lớp lớp trải đường cho vị trí cầm
quyền của Đảng], trên nguyên tắc: “công chức chỉ được làm những gì luật
pháp cho phép còn dân thì được làm tất cả những gì luật pháp không
cấm”, tôi phải khởi kiện ông Phan Văn Khải, Thủ tướng nước CHXH CNVN
trước Tòa án Lương Tri Tối cao thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày
bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng Quận 4, Sài Gòn.
Hôm nay, ngày 5 tháng 6 năm 2006, (ngày
Tp làm lễ sự kiện bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng) với
tư cách công nhân của nước CHXH tôi xin gởi Đơn KHỞI KIỆN ông Phan Văn
Khải, đứng đầu Hành pháp hai nhiệm kỳ liên tục đến nay, 2006, ông phải
nghỉ mà để lại một guồng máy cầm quyền vận hành bởi những “ người công
chức” thương dân thì ít mà hành dân thì nhiều. (Người dân cay đắng lắm
thay!).
Rất mong được sự quan tâm giải quyết
của quý vị nhận đơn. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Luật pháp
về tính trung thực của lòng tôi về sự Khởi kiện và tôi sẵn sang cung cấp
nhân chứng khi có yêu cầu.
Nguyên đơn
(Đã Ký)
Thiều Thị Tạo
513C (Số Mới 44 - đường 11)
Khu Phố 4 - Phường An Phú - Quận 2 – Sài Gòn
Tel: 84 – 08 – 7444220”.
Thứ ba, nhắc đến sự bất tài của Phan Văn Khải còn phải nhắc vụ PMU 18.
Đây là một trong số các vấn để nổi bật nhất trong thời kỳ Khải làm thủ
tướng chính là vụ PMU-18, là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng
trong Bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận
tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển
chính thức (ODA) cho Việt Nam, đã khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Đào Đình Bình phải từ chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị
bắt giam… vai trò của Khải trong vụ án này là không thể tránh khỏi vì
khi làm thủ tướng thì ông ta đã ở đâu để cho bê bối ngay trong cơ quan
bộ? Có lẽ chỉ có Khải là biết rõ nhất.
V. Kết luận:
Với bản chất xuất phát từ một kẻ dính máu nhân dân từ trong CCRĐ thì
Phan Văn Khải đã đi trọn con đường quan lộ cộng sản của mình kèm với độc
tài, tham nhũng, bán nước và bất tài. Chính vì vậy chúng ta cần phải
xem xét tội trạng của Khải để sau này khi Việt Nam có độc lập và dân chủ
thực sự sẽ xét hỏi đến những tên như Khải. Chúng ta không hề mong đợi
sự trả thù đẫm máu như cộng sản. Nhưng công lý phải được thực thi nghiêm
minh với những kẻ bán nước hại dân như Phan Văn Khải.
28/09/2013
http://danlambaovn.blogspot.com
___________________________________________
___________________________________________
Chú thích:
(7) (Trích báo cáo về thủ tướng Phan Văn Khải của cơ quan an ninh đối ngoại Liên Bang Nga ngày 13/10/1997)
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 0290
GIÁO DỤC CỘNG SẢN & CỘNG HÒA
KAMI * GIÁO DỤC VIỆT NAM & THÁI LAN
Vì sao giáo dục Thái Lan và Việt Nam xếp cuối bảng trong khu vực?
Tin này đã khiến cho không ít người hoài nghi tính trung thực của báo cáo nói trên, vì điều trớ trêu là xếp hạng của giáo dục Việt nam đứng trên Thái lan một quốc gia được người Việt khá kiêng nể nhưng lại xếp dưới cả Campuchia, một quốc gia mà hầu như tất cả người Việt Nam có ý xem thường. Vậy thấy cũng cần phải nói rõ hơn về WEF và Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu để mọi người được biết rõ hơn về nó.
The World Economic Forum - Diễn đàn Kinh tế Thế giới có tên viết tắt WEF là một tổ chức quốc tế độc lập và trung lập, hoạt động phi lợi nhuận, và không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá nhân đơn lẻ. WEF có trụ sở chính tại Davos - Thụy Sỹ, đây là một tổ chức quốc tế độc lập cam kết cải thiện tình trạng của thế giới bằng cách tham gia kinh doanh, chính trị, khoa học và các nhà lãnh đạo của xã hội để định hình chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực và ngành công nghiệp. Hàng năm ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác mà khách tham dự là các chuyên gia kinh tế, tài chính, nhà đầu tư, kinh doanh có thứ hạng của thế giới tham gia. Diễn đàn Kinh tế thế giới có vai trò quan trọng như một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết những người đứng đầu các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu (các xu thế vận động của kinh tế thế giới, mô thức tăng trưởng, các vấn đề quản trị nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp, các vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Và Báo cáo cạnh tranh toàn cầu là một bản thông báo hàng năm có mức độ tin tưởng cao được Diễn đàn kinh tế thế giới phát hành.
Báo cáo này “nhằm đánh giá khả năng cung cấp mức độ thịnh vượng cao hay thấp đối với dân chúng ở mỗi quốc gia, trong đó có công bố “chỉ số cạnh tranh quốc gia” nhằm đo lường khuynh hướng của các thế chế, chính sách, những nhân tố tạo thành trạng thái hiện thời & những mức giới hạn về trạng thái thịnh vượng kinh tế”. Lần này theo Báo cáo năng lực cạnh tranh tòan cầu 2013 – 2014, theo đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp hạng 70/148 (toàn cầu) và thứ 7/10 trong số các quốc gia trong khu vực Asean. Các quốc gia trong khu vực Asean được xếp thứ hạng (toàn cầu) lần lượt, cụ thể Singapore thứ 2, Malayxia thứ 24, Brunei Darussalam thứ 26, Thái lan thứ 37, Indonexia thứ 38, Philipin thứ 59, Lào thứ 81, Campuchia thứ 88 và Myanmar thứ 139.
Như trên đã nói, trong phần báo cáo "Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục" cho biết Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được tiến hành khảo sát xếp hạng, kết quả của báo cáo cho thấy thứ hạng của Việt nam đứng trên Thái lan và xếp dưới Campuchia. Một điểm đáng lưu ý là báo cáo của WEF khẳng định rằng tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp thì sự hoài nghi đó phần nào được lý giải. Điều này là hoàn toàn đúng đối với nền giáo dục của Thái lan trong giai đoạn hiện nay. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến cho chất lượng giáo dục của Thái lan thấp kém hơn so với các nước trong khu vực là do thu nhập của đội ngũ thầy cô giáo thấp do mức lương bình quân của ngành giáo dục thấp hơn các ngành khác. Và chính quyền Thái lan trong vòng 10 năm đã điều chỉnh ngân sách ưu tiên cho giáo dục từ 100.000 triệu baht năm 2004 lên hơn 300.000 triệu baht chủ yếu là dành cho việc tăng lương của giáo viên.
Trong vòng 10 năm nhà nước đã có 6 lần điều chỉnh tăng mức lương cho giáo viên trong ngành giáo dục với tổng số 26%,việc này đã làm cho hiện nay lương trung bình của giáo viên có thâm niên khoảng 15 năm cao hơn so với các ngành nghề khác. Nhưng đến lúc này người ta mới nhận thấy thu nhập của giáo viên không phải là vấn đề quyết định. Mà gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái lan khi trả lời phỏng vấn của kênh TV3 cho biết trong đề thi của các kỳ thi vào đại học hoàn toàn đã không đề cập tới nội dung đã dạy cho học trò. Mà là các nội dung đặc biệt mà học sinh lớp 12 ở nông thôn - không có điều kiện học thêm hoàn toàn không biết.
Nền giáo dục có hiệu quả không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách đầu tư cho giáo dục cuả các quốc gia nhiều hay ít. Mà có lẽ nó phụ thuộc vào phương châm và chiến lược phát triển giáo dục của từng quốc gia, đây là vấn đề quan trọng và mang tính quyết định. Vấn đề này một phần chịu ảnh hưởng của tư duy của các nhà lãnh đạo ngành giáo dục, đó là sự lựa chọn giữa một hệ thống giáo dục mang tính hình thức và một hệ thống giáo dục mang tính thực chất. Một hệ thống giáo dục mang tính hình thức và đối phó, đây có lẽ là điểm tương đồng giữa ngành giáo dục Việt nam và Thái lan. Ngân sách hàng năm dành cho giáo dục ở hai quốc gia này không hề nhỏ, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi ngân sách nhà nước. Song cũng vì quá chú trọng về mặt hình thức, như cơ sở vật chất trường sở trang bị đồng phục của học sinh, hay thiết bị phục vụ công tác giáo dục quá mức cần thiết...
Ví dụ ở Thái lan để thu hút phiếu bầu đảng cầm quyền đã đưa ra chính sách và nhà nước đã tiến hành trang bị cho học sinh lớp 1 mỗi học sinh một máy máy tính bảng (tablet), xin hỏi việc trang bị một thiết bị như vậy cho một đứa trẻ 6-7 tuổi có phù hợp, đạt hiệu quả và cần thiết hay không? Cũng như giáo dục ở Việt nam tính hình thức của giáo dục đã chịu ảnh hưởng của nền chính trị độc đảng, đảng lãnh đạo thì cái gì cũng tốt kể cả giáo dục. Như việc lấy chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học làm cơ sở đánh giá chất lượng của ngành giáo dục nói chung và chất lượng dạy và học của các trường nói riêng là điều hoàn toàn sai lầm. Vấn đề căn bản và quan trọng nhất là ở chỗ cần phải có một tầm nhìn chiến lược cũng như triết lý và chính sách giáo dục đúng đắn và phù hợp. Điều này thì ở Việt nam các nhà quản lý giáo dục đã ít nhiều nhìn thấy, nhưng chưa họ làm được vì nhiều năm nay họ còn quá lúng túng với công việc tiến hành cải cách giáo dục và không biết khởi đầu tầm nhìn chiến lược cũng như triết lý và chính sách giáo dục của Việt nam bắt đầu từ đâu và khi nào?
Khác với Thái lan là các nhà quản lý giáo dục đã không tư duy được vấn đề này, mà bằng chứng gần đây nhất trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ 4 năm của nội các của bà thủ tướng Yingluck Shinawatra, họ đã thay tới 4 đời Bộ trưởng Giáo dục. Thực trạng đó đã khiến tình trạng học sinh lớp 3 lớp 4 của Thái lan đọc không thông, viết không thạo chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Một điều thấy rằng cũng phải cần nói, đó là tính thực dụng của người Thái lan vấn đề này cũng có hai mặt của nó, trong giáo dục cũng vậy. Người Thái lan khác người Việt ở điểm này. Người Thái sẵn sàng sao chép lại các mọi thứ thành tựu của con người đã đưa vào sử dụng trong cuộc sống mà họ cho là tốt để áp dụng ở quốc gia của họ, kể cả chính trị. Trong giáo dục cũng vậy, hệ thống giáo dục của Thái lan là sự pha trộn của giáo dục phương tây và phương đông nhưng tất cả đều dừng lại ở mức nửa vời không đến nơi đến chốn. Họ cũng theo đuổi phương châm “dạy ít, học nhiều” của phương tây, nhưng chỉ áp dụng một nửa là dạy ít. Còn việc làm thế nào để trò học nhiều thì hoàn toàn còn bị bỏ ngỏ và phó mặc cho học sinh. Cũng như, trong giáo dục ở bậc tiểu học và phổ thông trung học cũng vậy, do các hoạt động khác ngoài các môn học cũng được tính điểm và dùng để tính điểm trung bình, nên một số giáo viên đã giúp học sinh lấy điểm số thông qua các hoạt động này để bù cho phần điểm thi không đạt. Đây cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích khá phổ biến, học sinh đủ điểm trung bình nhưng kiến thức thì hoàn toàn không có. Kết quả là trong 4 năm trở lại đây kết quả thi ONET của học sinh cuối cấp ở Thái lan với các môn học như Toán, Khoa học tự nhiên và Anh ngữ đều đạt dưới mức trung bình.
Kinh nghiệm của sự thành công nền giáo dục ở Singapore là một bài học tốt cho các nước khác. Ở Sinhgapore tiêu chí “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” không chỉ là khẩu hiệu, ở đó mọi chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục được thực hiện một cách nghiêm túc trong mọi chính sách cụ thể của Singapore. Đây có lẽ là vấn đề mấu chốt mà hai quốc gia Việt nam và Thái lan phải coi đây là bài học cho mình. Hàng năm, trong kế họach đầu tư của mình, nhà nước Singapore luôn quan tâm và ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Bắt đầu từ năm 1997, khi “Thinking Schools, Learning Nation – TSLN” (Nhà trường tư duy, quốc gia học tập) được coi là Tầm nhìn chiến lược với vai trò định hướng đổi mới cho giáo dục Singapore. Trong đó “Nhà trường tư duy” là mô hình trường học – nơi tư duy sáng tạo, niềm say mê học tập suốt đời và tinh thần phụng sự tổ quốc của học sinh được kích thích ngay từ tuổi nhỏ. Còn theo mô hình “Quốc gia học tập”, học tập được coi là văn hóa quốc gia, trong đó mọi tầng lớp xã hội đều dồi dào tính sáng tạo và đổi mới.
Những cái đó cộng với phương châm giáo dục “dạy ít, học nhiều” đã giúp cho người họ (học sinh, sinh viên) nâng cao năng lực tư học, bám sát thực tiễn. Đồng thời phương châm này cũng giúp cho giáo viên và cán bộ quản lý để mỗi người luôn soi lại mình để cải tiến phương pháp giảng dạy sao cho đơn giản và hiệu quả nhất, giúp HS-SV thực sự làm chủ lớp học. Một điều không thể nhắc đến, là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định trong sự thành công của giáo dục Singapore đó là chính sách giáo viên, ở Singapore giáo viên phải là những người giỏi nhất và yêu nghề. với đầu vào của các giáo viên được chọn lọc hết sức kỹ càng. Đặc biệt số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành giáo dục. Do vậy, khi được tuyển chọn, sinh viên gần như chắc chắn được sẽ được Bộ giáo dục tiếp nhận và bảo đảm có việc làm cho họ. Điều đó khiến cho giáo viên ở Singapore luôn có sự tâm huyết với nghề nghiệp cũng như học của mình.
Vấn đề giáo dục là một vấn đề lớn, mang tính quyết định trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, nó cần phải được coi là trung tâm của vấn đề cải cách. Đầu tư cho giáo dục một cách đúng đắn sẽ thu được những hiệu quả vô cùng lớn và nó là một trong những việc cần được chú trọng giải quyết. Tuy nhiên trong giáo dục thì có rất nhiều vấn đề có liên quan cần phải bàn bạc để xem xét giải quyết , nhưng cũng cần lưu ý đối với giáo dục không thể tháo gỡ các tồn tại ở khúc giữa.
Ngày Nhà giáo VN, 20 tháng 11 năm 2013
© Kami
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
TƯỞNG NĂNG TIẾN * BÊN BẠI CUỘC
Điều Rất May Của Bên Bại Cuộc
Thu, 12/05/2013 - 17:39 — tuongnangtien
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Đôi dép lốp của Bác, rõ ràng, không chỉ đã đi vào trái
tim toàn thể nhân loại mà còn đi vào vũ trụ và (sẵn trớn) đi
luôn vào lịch sử văn học nghệ thuật, và danh nhân của dân tộc
Việt.
Tôi bỏ ra nhiều thập niên để nghiên cứu về Vũ Trụ Học,
Thiên Văn Học, Đại Dương Học, Địa Chất Học, và Nhân Chủng Học.
Sau khi đã hoàn toàn thông thiên văn/ đạt địa lý, và hiểu thấu
(hết trơn hết trọi) mọi lẽ cơ trời huyền diệu – cuối đời –
thấy mình vẫn còn rảnh rỗi quá xá nên bèn tìm hiểu thêm
(chút đỉnh) về tiểu sử của những vị lãnh tụ được sùng bái
(nhất) trong khối cộng: Stalin, Lenin, Kim Nhật Thành, Kim Chính
Nhật, Hồ Chí Minh.
Cả năm đều có một điểm này chung: khi họ chuyển qua từ
trần thì dân chúng đều khóc lóc quả trời, quá đất – đến nỗi
có nơi bị lụt lội, thiệt hại đến mùa màng vì dư ... nước
mắt!
Họ còn có một điểm chung nữa: không ai mang dép khi tiếp
xúc với quần chúng, trừ ông Hồ Chí Minh. Cuộc đời của nhân
vật huyền thoại này gắn liền với đôi dép như hình với bóng,
ông lê la dép khắp mọi nơi – kể cả khi đi công du ở nước ngoài:
Khi Bác tới thăm 1 ngôi đền lớn và cổ kính của Ấn Độ thì có một
chuyện lạ xảy ra. Lúc Bác bước vào trong đền, để lại đôi dép bên ngoài
thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến
vây kín đôi dép cao su của Bác.
Họ như phục sẵn từ rất lâu rồi, một số phóng viên còn cúi xuống
dùng tay sờ, nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng. Sau đó họ vội
vàng ghi chép lại những gì mình vừa thấy. Từ những góc độ, cự ly khác
nhau, các phóng viên thi nhau bấm máy, họ chen nhau để có được những vị
trí thuận lợi.
Rồi tiếp theo đó là cảnh đám đông dân chúng kéo đến từ các ngả, ùa vào để được ngắm nghía đôi dép.Đó chỉ là một cảnh tượng tự hào và cảm động mà bạn bè quốc tế đã dành cho đôi dép của Bác trong rất nhiều nơi Bác tới thăm. (“Trăm phóng viên nước ngoài vây kín đôi dép của Bác” – Tin Ngắn, 19/05/2013).
Cảnh tượng “tự hào và cảm độngmà bạn bè quốc tế đã dành cho
đôi dép của Bác” ở New Delhi, thực ra, chả là cái (đinh) gì nếu
so với lòng sùng kính của đồng bào trong nước – nhất là đối
với những người ở vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng:
“Không dối lòng đâu, mỗi lần đi “dép Bác Hồ” là thấy bụng không
nghĩ điều trái, chân không đi hai đường. Chẳng riêng mình, cả làng này
ai cũng vậy. Chiến tranh khỏi nói, hòa bình rồi có biết bao chuyện khó…
Bông Rẫy hồi chiến tranh chỉ có 50 hộ, bây giờ đã lớn lên gần
120 hộ mà không còn ai đói, chỉ còn 10 hộ nghèo. Ai cũng có xe máy, hơn
một nửa đã làm được nhà xây. Không ai nghe lời kẻ xấu vượt biên trái
phép… Không nhờ phép lạ “dép Bác Hồ” sao được thế? Có “dép Bác Hồ” là
thắng tất!
Đinh Ngút cất lên một tràng cười sảng khoái. Ông nâng niu đôi dép mòn vẹt trên tay nói tiếp:
- Bông Rẫy bây giờ hãy còn gần hai chục người giữ
được “dép Bác Hồ” năm sáu chín như mình. Năm ngoái huyện đội vào xin mấy
đôi, nói để làm bảo tàng, dân làng mới cho. Phải để giáo dục bọn trẻ
chứ. Mất “dép Bác Hồ” là giẫm phải vết chân kẻ xấu đấy. Mừng là lũ thanh
niên bây giờ rất biết nghe lời người già. Chúng nó cũng học theo đi
“dép Bác Hồ”. Nhất trí với nhau: Ngày thường không nói, có ngày lễ là
phải đi “dép Bác Hồ”. Hôm học tập đạo đức, tư tưởng Bác mới đây, già trẻ
ai cũng lấy “dép Bác Hồ” ra mang, y như là chuẩn bị lên đường hồi chiến
tranh vậy…
(Lê Quang Hồi. “Làng Bông Rẫy Mang Dép Bác Hồ.” Quân đội Nhân dân 1-6-2009).
Đôi dép lốp của Bác, rõ ràng, không chỉ đã đi vào trái
tim toàn thể nhân loại mà còn đi vào vũ trụ và (sẵn trớn) đi
luôn vào lịch sử văn học nghệ thuật, và danh nhân của dân tộc
Việt:
“... vào năm 1970, một năm sau ngày Bác đi xa, nhà thơ
Nam Yên đã viết một bài thơ lời lẽ dung dị nhưng rất mực thắm thiết, gợi
lên cảm xúc thương mến Bác vô bờ. Bài thơ được nhạc sĩ Vân An phổ nhạc:
"Dép Bác, đôi dép cao su
Bác đi từ ở chiến khu Bác về
Phố phường trận địa
Nhà máy đồng quê
Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi,
Dép này, Bác trải đường dài
Dép này, Bác mở tương lai nước nhà
Đường đi chiến đấu gần xa
Dấu dép cha già dẫn lối con đi."
Bác Hồ là biểu trưng của tất cả những gì dung dị, mang một bản
sắc dân tộc Việt Nam nhuần nhị, sâu xa nhất. Ngay cả quần áo, đồ dùng
tiện nghi của Bác cũng đơn sơ, mộc mạc trong đó đôi dép của Bác trở
thành một hình tượng thân quen, thắm thiết đối với chúng ta... (Trung Đức. “Đôi Dép Bác Hồ Đôi Dép Cao Su.” vietnamngayve 23-03-2013).
Hai chữ “chúng ta” trong câu văn thượng dẫn, tiếc thay, không
bao gồm cái đám dân miền Nam – nơi vùng địch tạm chiếm. Ở đây,
trong suốt chiều dài của cuộc chiến vừa qua không ai được mang
dép như Bác, và người dân cũng thiếu vắng hình ảnh của của
lãnh tụ kính yêu (cỡ Bác) để tôn thờ. Và có lẽ vì thế nên
có người đã sinh ra lòng đố kỵ, ghanh tị, rồi thốt ra những
lời lẽ xúc phạm đến Bác một cách rất nặng nề:
Nhưng người Hà Nội đến lạ! Họ biết Xã Hội
Chủ Nghĩa là cái bánh vẽ cực kỳ thối tha mà cứ hớn hở
ngồi vào lột lá bóc ăn và xơn xớt khen ngon khen ngọt đến nỗi
người ngoài nhìn vào phát thèm. Họ biết Hồ Chí Minh gian manh
xảo trá mà cứ ngoác miệng ngợi ca lúc ông ta còn sống và
khóc khô nước mắt khi ông chết. (Vũ Biện Điền. Phiên Bản Tình Yêu, Volume II. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2012).
Nói thư thế là “vơ đũa cả nắm.” Ở đâu mà không có kẻ
này, kẻ nọ. Ở Hà Nội, cũng có người ngắm đôi dép bác Hồ
với đôi mắt ráo hoảnh:
“Một lần tôi quay cảnh ông thăm đồng bào nông dân ở Hải
Dương, mùa hè năm 1957. Sáng sớm hôm ấy trời mưa to, trên đường còn lại
những vũng nước lớn. Ðến một đoạn đường lầy lội ông tụt dép, cúi xuống
xách lên. Trong ống ngắm của máy quay phim tôi nhìn rõ hai bên vệ cỏ
không bị ngập. Tôi chợt hiểu: ông không đi men vệ đường bởi vì ông muốn
chưng đôi dép.” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, 2nded. Fall Church, Virginia: Tiếng Quê Hương, 2008).
Ồ thì ra Bác dùng dép để chưng! Thảo nào mà đôi
dép râu đã được toàn ban Tuyên Giáo Trung Ương cầy cục, bằng
mọi cách, để đặt nó lên ...bàn thờ tổ quốc cho bằng được mới
thôi!
Và thế mới biết là cái khái niệm “chính chủ” của (đương
kim) Bộ Trưởng Đinh La Thăng không phải là hoàn toàn vô lý hay vô
cớ. Cùng là đôi dép cao xu, sản xuất hàng loạt, nhìn thô kệch
y hệt như nhau mà Bác thì xử dụng nó như là vật trang sức
cho cuộc đời hoạt động chính trị của mình, và cũng phần nào
nhờ nó mà sự nghiệp cách mạng của Bác có lúc đã lên đến
“đỉnh cao chói lọi,” còn đám thường dân (dấm dớ) mà buộc phải
xỏ chân vào là đời kể như khốn nạn – nếu không bỏ mạng thì
cũng bỏ mẹ như chơi. Coi nè:
12/8/1967- Bù Đốp, miền Nam Việt Nam
Tù binh Việt Cộng 15 tuổi… Ảnh và chú thích:chauxuannguyen.org
Tù binh Việt Cộng 15 tuổi… Ảnh và chú thích:chauxuannguyen.org
Hình ảnh này nếu dùng để minh hoạ cho bài thơ “Vay Tuổi” của Phùng Cung là (kể như) hết xẩy:
Con vừa mười sáu tuổi đời
Nửa đêm vay tuổi lấy người chiến tranh
Đèn con tiễn đến cổng đình
Quay về hụt bước ngỡ mình chiêm bao
Khe Sanh – Dốc miếu là đâu
Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn
Máu chiều gội đỏ hoàng hôn
Nghĩa trang mồ giả, nắm xương không mồ...
Dù cũng sinh ra trong thời chinh chiến nhưng vì sống bên này
vỹ tuyến nên tôi may mắn hơn những người cùng tuổi với mình.
Trong khi họ chân đi dép râu, vai đeo ba lô, tay ôm súng đạn vượt
Trường Sơn thì tôi vẫn được ngồi yên lành ở trường trung học
công lập Trần Hưng Đạo – Đà Lạt.
Dù vậy, rất ít khi tôi chịu ngồi yên trong lớp. Một tuần,
ít nhất cũng có đến hai ba hôm tôi bỏ học. Tôi ra ngồi cà phê
Tùng (Đà Lạt) để tập uống cà phê đen, hút thuốc lá Basto Xanh,
nghe nhạc Beatles hay đọc Im Lặng Hố Thẳm và Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thịện – nếu vào buổi sáng.
Chiều, tôi đi lang thang quanh đồi Cù rồi ngồi dựa gốc thông hát nhạc vàng (Thu Vàng, Chiều Vàng) nho nhỏ chỉ đủ chính mình nghe:
-Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương
-Trên đồi xanh chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng.
Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời
Lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn
Mãi cho đến sau Mùa Hè Đỏ Lửa, khi đã hai mươi tuổi, tôi
mới nhận được giấy mời của Nha Động Viên đi trình diện nhập
ngũ “để sát cánh cùng quân dân cán chính chống cộng sản xâm
lược.”
-Ý Trời, cộng sản xâm lược hồi nào vậy cà?
- Sao hồi giờ không nghe ai nói gì hết trơn hết trọi về cái vụ này há?
- Mà họ xâm lược làm chi mới được chớ? Why and for what?
Đến khi tôi tìm ra được giải đáp cho những câu hỏi trên thì
mọi sự đã trở nên quá muộn, tôi đã trở thành một kẻ thuộc
bên thua cuộc. Dù sao (nói có thánh thần làm chứng) tôi vẫn
cảm ơn Trời là đã may mắn không sinh ra và lớn lên ... ở Bên Thắng Cuộc, cái bên mà vô số thiếu niên hay thiếu nữ phải đi dép râu để cùng với Bác hành quân rồi trở thành “những đoá hoa bất tử nơi ngã ba Đồng Lộc”
hay tù binh trên đường Trường Sơn. Hiếm hoạ mới có người vào
đến được Sài Gòn để rồi trở về với con búp bê, hay cái khung
xe đạp trên vai!
Nguồn ảnh: sacei07.org
Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh. Bên nào thắng thì nhân dân cũng bại. Nhưng ở bên bại cuộc (chắc) đỡ bại hơn, chút xíu!
NGUYỄN NGỌC GIÀ * CỘNG SẢN ĐÁNH NHAU
Cộng sản đánh nhau và hành động của chúng ta
Mượn ý của người cộng sản, cách đây gần 70 năm - để đặt tựa cho bài
viết này. Khi Nhật - Pháp đánh nhau, người cộng sản đã xúi giục dân
chớp thời cơ, theo họ cướp chính quyền và khi thành công, họ đã phản bội
hoàn toàn lợi ích dân tộc Việt Nam từ dạo ấy.
Người cộng sản đang đánh nhau
Trong bài "Nhà ngoại cảm và người cộng sản" [1], người viết đã trình ra trước công luận một số biểu hiện người cộng sản đang tranh giành quyền bính và triệt hạ lẫn nhau, dù chính thể này đang trên đường tiêu vong.Những trang thông tin mang tên: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Tô Huy Rứa, Tô Lâm, Đinh Thế Huynh v.v... làm người dân không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao chúng ngang nhiên tồn tại và những ai, những tổ chức nào đã cấp kinh phí cho chúng [2] duy trì hoạt động sau những "cái đuôi": ".org", ".com", ".net" v.v...?
Bất kể những người ủng hộ chế độ độc tài toàn trị, một khi "ngã ngựa", các trang web nói trên cũng không buông tha, bằng cách xúm vào đánh hội đồng, dù đó là Trương Duy Nhất [3], Phạm Viết Đào [4], hoặc mới đây, qua vụ "nhà ngoại cảm", chúng cũng không bỏ qua những cái tên do bà Nguyễn Thị Kim Ngân hay ông Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen. Nói cách khác, thông qua "nhà ngoại cảm", chúng đang sử dụng chiêu thức "đục nước béo cò", khi bà Phó Chủ tịch Quốc hội và ông Thủ tướng tỏ ra sơ hở, thông qua việc tặng bằng khen cho những tay lừa đảo dùng những mảnh bằng này để "hành nghề" tìm "hài cốt liệt sĩ".
Các trang này cũng "đeo bám" chặt nhiều người đấu tranh dân chủ, mới đây blogger Nguyễn Lân Thắng tiếp tục trở thành nạn nhân từ trang nguyentandung.org và được các trang "đồng liêu" dẫn về, như truongtansang.net [5]. Trước đây có trang "Tư Sang Nham Hiểm" tập trung đánh vào ông Trương Tấn Sang [6], nhưng dạo gần đây đã biến mất trên "chiến trường" không để lại dấu vết (!).
Dù các trang "mượn danh" nói trên tỏ ra "trung dung" khi đưa tin, nhưng không tài nào ngụy biện được, vì không một vị chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch quốc hội v.v... rảnh rỗi và dư tiền đến nỗi "mướn người" đôi co, hạ nhục công dân của mình. Bởi khi làm những việc hèn mọn đó, chính các vị cấp cao tự hạ thấp uy tín và tầm thường hóa vị trí quyền lực của họ trong mắt người dân và cả dư luận quốc tế.
Thật nhục nhã! Chưa có một quốc gia nào lại để những kẻ "khuất mặt khuất mày" tự tung tự tác biến thủ tướng, bộ trưởng v.v... thành những kẻ chua ngoa, vô học khi lấy tên riêng của họ để bôi nhọ thông qua việc "ăn thua đủ" với công dân như tại "xứ sở thiên đường XHCN". Tại sao những kẻ này ngang nhiên sử dụng rất nhiều tên cá nhân của những ông (bà) cấp cao, nhưng vẫn nhởn nhơ tồn tại mà không một cơ quan công quyền nào, không một tờ báo "lề đảng" nào dám hó hé đặt câu hỏi chính thức với Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin - Truyền thông?
Một thời gian dài hoạt động công khai và táo tợn "mượn đại" tên tuổi lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam, nhưng chưa bao giờ thấy Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông kết hợp với công an, viện kiểm sát, tòa án điều tra, bắt giữ, khởi tố những kẻ nào đứng phía sau các trang mạng mạo danh và ngụy danh, dù ai cũng biết Vũ Hải Triều đã từng huênh hoang thông báo phá sập 300 trang báo và blog, y gọi là "xấu". Chẳng lẽ bộ máy công quyền bất lực? Hay một sự dung dưỡng từ nhiều phía nào đó xuất hiện từ lâu mà ngay nội bộ người cộng sản biết rõ nhưng không dám động tới?
Một dạo, trang nguyentandung.org giễu cợt ngay chính ông Thủ tướng trong một bài viết về bà Trần Ngọc Sương, bằng cách đăng hình một bộ phim cổ trang Hàn Quốc minh họa cho bài viết này [7] (xem ảnh), lúc đó Dân Luận đã chụp lại để làm bằng chứng. Hiện nay, bài viết này vẫn còn, nhưng phần hình đã sửa lại, lấy đúng ảnh bà Trần Ngọc Sương [7A]. Đó thêm một chi tiết nhỏ nhưng đắt giá, để rộng đường dư luận, suy nghĩ xem những kẻ núp sau các trang này thuộc thế lực nào?
Cần nhắc lại công văn 7169/VPCP - NC [8] do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 12/9/2012. Trong đó, yêu cầu phải nghiêm trị bất kỳ trang nào có bất kỳ bài viết nào nhằm bôi nhọ tên tuổi lãnh đạo cấp cao nói riêng và chống chế độ nói chung, không chỉ riêng danlambao, quanlambao, biendong.
Thay vì Nguyễn Bắc Son nói [9]: “Nếu ta có nhiều tin tốt thì sẽ có điều kiện đẩy lùi tin xấu chưa được kiểm chứng trên các trang mạng, trang báo, như người ta đã nói “khi lúa tốt thì không còn cỏ dại nữa”, thì điều ông ta và các ông (bà) cộng sản khác nên ngẫm nghĩ về tục ngữ: "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà". Hôm nay có thể lũ "khỉ đột" cắn, bầy "vò vẽ" đốt "kẻ thù" theo lệnh ta, nhưng ngày mai nó sẵn sàng quay lại "làm thịt" ta, một khi nó tìm thấy mối lợi lớn hơn và vững chắc hơn. Đó là phương châm sống của những hạng phản phé, tráo trở và bất lương. Có thể nói, chúng chính là "những con người XHCN" do chế độ cộng sản hoài thai và sinh sản.
Báo Người Lao Động cho hay [10] "Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đơn vụ án Hàn Đức Long", trong có đoạn: "Bà Bùi Thị Keng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, vừa ký văn bản thông báo việc đã chuyển đơn của Trung tâm Tư vấn pháp luật - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét lại vụ án Hàn Đức Long..." có thể bị oan sai về việc "giết người" và "hiếp dâm trẻ em".
Cùng bài báo, phóng viên cho biết: "ông Thân Văn Khoa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang - cho biết đã nắm được vụ việc qua báo chí và khẳng định: “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có thư tay đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành tòa án xem xét lại vụ án, như vậy chứng tỏ vụ này có vấn đề...". Sau này, bất cứ ai bị oan ức, hãy đồng loạt rủ nhau kéo đến nhà riêng của ông Lê Khả Phiêu để đảm bảo vụ án của mình được "đèn trời soi xét" (!).
Ông Lê Khả Phiêu, người đã từng gọi "đồng chí" của mình một cách "trìu mến" - "thằng y tá" [11], có nhà riêng tại số 7/36C1 Lý Nam Đế quận Ba Đình - Hà Nội [12], với cuốn sách "Mênh mông tình dân", nay gây "xúc động" mãnh liệt, khi tỏ ra quan tâm sâu sắc đến Hàn Đức Long. Đó là địa chỉ đáng tin cậy, một cơ hội quá lớn mà không một người dân oan nào nên bỏ lỡ.
"Liên đoàn Luật sư Việt Nam", tiền thân do chính tay Thủ tướng ký Quyết định số 76/QĐ-TTg, ngày 16/01/2008, phê duyệt Đề án "Thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc", sau này cài cắm Lê Thúc Anh vào [13], người đã bị Luật sư Nguyễn Đăng Trừng phản đối kịch liệt, nay chính "Liên đoàn" này cũng hăng hái và nhiệt tình giúp dân oan như thế, quả thật đáng khích lệ và gây cảm động lớn trong dân chúng.
Hành động của chúng ta
Mạng lưới blogger Việt Nam vừa ra thông báo [14] với 5 yêu cầu và 5 hành động thiết thực cho tự do dân chủ tại Việt Nam.Trong khi đó, "Ở Trung Quốc, giới lãnh đạo đang lo sợ lặp lại số phận của Liên Xô" [15] đồng thời "Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế Giang Trạch Dân và Lý Bằng" [16] vì tội "diệt chủng" đối với người Tây Tạng trong thập niên 80-90. Điều kiện để Tòa án Tây Ban Nha phát lệnh truy nã, vì có một người Tây Tạng lưu vong, mang quốc tịch Tây Ban Nha khởi kiện. Nhà nước Tây Ban Nha cũng mở rộng điều tra đến cả Hồ Cẩm Đào, vì không còn được quyền đặc miễn, từ khi thôi chức Chủ tịch nước vào tháng 11/2012.
Gần đây, tại Trung Quốc, một đảng chính trị mới xuất hiện có tên "Chí Hiến" [17]. Bối cảnh ra đời trong sự suy tàn của ĐCSTQ và mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng với án tù dành cho Bạc Hy Lai đã kích thích chính đảng này ra đời để ủng hộ Bạc.
Trước đó, 10/09/2013, Tòa hình sự Quốc tế La Haye (Hà Lan) khai mạc phiên tòa [18] xét xử Phó Tổng thống Kenya William Ruto về cáo buộc phạm « tội ác chống nhân loại », liên quan đến các bạo lực đẫm máu sau cuộc bầu cử tổng thống 2007. Tháng 11/2013, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng phải ra tòa vì cáo buộc tương tự. Căn cứ để đưa cả Tổng thống và Phó Tổng thống nước này ra tòa, do quốc gia Kenya đã tham gia "Quy chế Rome 1998" - Tòa Hình sự Quốc tế (ICC - International Criminal Court).
Lưu ý, Tòa ICC là một tòa án thường trực [18A] để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược. Riêng tội ác xâm lược, tòa bắt đầu thụ lý từ năm 2017. Tòa này ra đời vào ngày 01 tháng 7 năm 2002 - ngày hiệp ước thành lập, Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế, hiệu lực, và nó chỉ có thể truy tố tội phạm vào ngày hoặc sau ngày đó. Trụ sở chính thức của tòa án là ở Den Haag, Hà Lan, nhưng các tố tụng hình sự của tòa có thể diễn ra bất cứ nơi nào .
Có lẽ đó là lý do cốt tử mà cộng sản Việt Nam biết rõ, nên không muốn tham gia "Quy chế Rome 1998", minh chứng từ viện dẫn cách đây 5 năm của Bộ Tư Pháp [19]: "...chưa phải là vấn đề cấp bách vì Việt Nam đang có một nền hoà bình và ổn định, hơn nữa ICC không liên quan đến những lợi ích kinh tế trước mắt dễ nhận thấy nên chưa cần thiết phải nghiên cứu, gia nhập Quy chế Rome" . Viện dẫn này trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vào năm 2008 vẫn còn đầy hào nhoáng với các chỉ số kinh tế luôn tốt đẹp. Giờ đây, bộ mặt kinh tế đã phơi bày thê thảm. Chính tính thực dụng không cần che giấu qua trích dẫn trên, cho thấy tâm địa đen tối và tham lam của người cộng sản rõ hơn bao giờ hết.
Do đó, chỉ có thể buộc cộng sản Việt Nam thỏa hiệp và chấp nhận tham gia vào "Quy chế Rome 1998" khi nền kinh tế Việt Nam hiện nay chực chờ vỡ tung vào bất kỳ thời điểm nào. Đây là cơ hội quá tốt cho tất cả các lực lượng, cá nhân uy tín đang đấu tranh dân chủ trong ngoài nước tận dụng.
Việc trúng cử vào UNHRC hay ký kết "Công ước chống tra tấn" (viết tắt CAT), người cộng sản Việt Nam mạnh dạn tham gia và hoan hỉ vui mừng, vì điều quan trọng nhất là những cam kết này không kèm theo bất kỳ chế tài nào đi cùng. Những cam kết này hoàn toàn mang tính tự nguyện, tự giác, đúng nghĩa hòa nhập thế giới để đỡ mang tiếng hoang dã, rừng rú. Nói tóm lại, nó chỉ là những cam kết mang tính trang trí, vô thưởng vô phạt. Do đó, không có gì vui mừng, cũng không có gì đáng phẫn nộ với những "chú khỉ hát xiệc", có lúc vụng về một chút, đôi khi lại tỏ ra đủ khéo léo, để làm vừa lòng "khán giả" năm châu.
Dựa vào các căn cứ nói trên, có lẽ điều các chuyên gia kinh tế, luật sư, luật gia v.v... và mọi người đấu tranh dân chủ trong, ngoài nước nên suy nghĩ, hợp lực để biến thành hiện thực:
- Làm sao để "quốc tế vận" và "quốc nội vận" sao cho "Nhà nước CHXHCNVN" buộc phải tham gia vào "Quy chế Rome 1998"? Chính việc tham gia vào "Quy chế Rome" để mọi tội lỗi giới chóp bu được quốc tế xét xử công khai, công bằng, ôn hòa, mới mở ra con đường dân chủ hóa trong hòa bình tại Việt Nam. Bằng ngược lại, khó tránh biến cố bạo loạn, ám sát, khủng bố mang tính du kích hay liều chết v.v... chực chờ bùng nổ, xuất phát từ tính chây ì, ương bướng, bạo ngược và tàn ác của người cộng sản, khiến người dân không còn tiếp tục chịu đựng thêm nữa. Đặc biệt, khi gắn với nền kinh tế đã quá tả tơi. Từ nay đến 2014 - 2015, không thấy bất kỳ một tia sáng nào cho ĐCSVN với sự bảo thủ cùng cực, không chịu thay đổi hiến pháp. Điều cần lưu ý, khi tham gia "Quy chế Rome", những thành phần cấp trung cao, trung và thấp hầu như không thuộc phạm vi tòa triệu tập trong tư cách bị cáo. Đó là điều mà lực lượng tay sai hiện nay nên suy nghĩ kỹ về việc thoát tội, bởi tòa ICC chỉ xét xử những kẻ cầm quyền cấp cao nhất và trực tiếp ra chủ trương. Đây cũng là mấu chốt để những ai còn đang phân vân và tiếp tay cho cộng sản Việt Nam chống lại nhân dân suy nghĩ kỹ về một con đường dân chủ ôn hòa nhất. Không có gì là không phải trả giá. Nợ nhiều trả nhiều, nợ ít trả ít. Chẳng ai đi bắt tội "thiên lôi".
- Phải chăng tất cả tù nhân lương tâm đã ra khỏi nhà tù nhỏ dù ở trong nước hay đã ra nước ngoài, đang bị quản chế hay bị giam lỏng, hoặc các nhà bất đồng chính kiến đã đi tị nạn chính trị, đã đến lúc liên kết và hình thành một hình thức tựa như "Mạng lưới blogger Việt Nam" để cùng ra tuyên bố: Chúng tôi hoàn toàn vô tội và phản đối án tù phi pháp? Lời tuyên bố trực tiếp như thế này, có vẻ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với "Mạng lưới blogger Việt Nam" lên tiếng thay?
- Phải chăng tất cả thân nhân của những tù nhân lương tâm còn đang ở tù cùng kết hợp những người ở mục 2, để thay mặt người thân đang ở tù, cùng ký vào tuyên bố như trên? Song hành với nó, đồng loạt gởi đơn yêu cầu "giám đốc thẩm" hoặc "tái thẩm" cho thân nhân mình trong tình hình mới (Việt Nam vừa tham gia UNHRC, CAT)?
- Phải chăng cần một phái đoàn do UNHRC cử tới với thời gian sớm nhất? Đã đến lúc cần lập một ủy ban giám sát độc lập, gồm nhiều thành phần khả tín và uy tín, trong đó có các cựu tù nhân lương tâm và thân nhân của tù nhân lương tâm đang thụ án, mà những người này đủ khả năng và kiến thức chuyên môn, nhằm thay mặt toàn bộ các tù nhân lương tâm và thân nhân của họ để kết hợp với phái đoàn do Liên Hiệp Quốc cử tới, nhằm đạt tính khách quan khi điều tra những tố giác vi phạm nhân quyền?
- Tất cả dân oan, dù bất kỳ hình thức oan sai nào, từ thân nhân bị công an đánh chết, bản thân bị xử oan, mất đất, bị đàn áp, gây thương tích v.v... trên mọi miền đất nước, có lẽ đã đến lúc cùng nhau đồng loạt trực tiếp đến gởi đơn kêu oan cùng các chứng cứ cho: ông Lê Khả Phiêu, ông Trương Tấn Sang, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư của từng địa phương?
- Không lẽ trong hơn 2 triệu người gốc Việt sống ở nước ngoài không có một người nào có đủ điều kiện để tiến hành khởi kiện Việt Cộng tại Tòa án Tây Ban Nha như người Tây Tạng đang kiện Trung Cộng?
- Đã là thời điểm chín muồi để thành lập một chính đảng trong nước như lời kêu gọi của ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận với sự đồng thuận từ nhiều ý kiến khác?
Kết
Kinh tế Việt Nam đang tơi tả. Chính trị Việt Nam đang bế tắc. Quốc phòng Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dân tình Việt Nam tựa những đập thủy điện nứt nẻ, chuẩn bị vỡ tung. Thế giới đang dành cho lực lượng dân chủ một thiện cảm sâu sắc cùng sự quan tâm nhân quyền Việt Nam rõ rệt. Lúc này hay bao giờ để người Việt trong và ngoài nước cùng xắn tay áo thực hiện một cuộc chuyển đổi hòa bình cho một chính phủ hậu cộng sản?Nguyễn Ngọc Già, Việt Nam 21-11-2013
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
________________
[1] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nguyen-ngoc-gia-11062013-11062013091939.html
[2] http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/11/gia-dang-lanh-ao.html
[3] http://nguyentandung.org/vu-truong-duy-nhat-bai-hoc-cho-nhung-ke-ngong-cuong-vong-tuong.html
[4] http://nguyentandung.org/pham-viet-bua.html
[5] http://truongtansang.net/nguyen-lan-thang-la-dua-chau-dua-con-bat-hieu.html
[6] https://danluan.org/tin-tuc/20130420/truong-duy-nhat-hau-quan-lam-bao
[7] https://danluan.org/tin-tuc/20120119/nguyen-ngoc-gia-ba-tran-ngoc-suong-ong-doan-van-vuon-cuoc-thu-hung-sap-toi
[7A] http://nguyentandung.org/nguyen-tan-dung-thong-tin-thi-cu-dua-nhieu-chieu-nhung-an-tai-ho-so.html
[8] http://thuvienphapluat.vn/archive/Cong-van-7169-VPCP-NC-xu-ly-thong-tin-co-noi-dung-chong-Dang-va-Nha-nuoc-vb147534.aspx
[9] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/150224/-anh-sang-toa-khap-noi-thi-bong-toi-khong-con-.html
[10] http://nld.com.vn/phap-luat/van-phong-chu-tich-nuoc-chuyen-don-vu-an-han-duc-long-20131116065626740.htm
[11] https://danluan.org/tin-tuc/20120523/tro-chuyen-voi-tuong-dang-quoc-bao-va-cuu-tbt-le-kha-phieu
[12] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/inpictures/story/2009/01/090126_leaders_house.shtml
[13] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/11142013-thoisu-nngia-11142013113214.html
[14] http://danlambaovn.blogspot.com/2013/11/thong-bao-cua-mang-luoi-blogger-viet.html
[15] http://danlambaovn.blogspot.com/2013/11/o-trung-quoc-gioi-lanh-ao-ang-lo-so-lap.html#.Uo3-GVusqW4
[16] http://danlambaovn.blogspot.com/2013/11/toa-tay-ban-nha-ra-lenh-truy-na-quoc-te.html#.Uo3-Q1usqW4
[17] http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131111/xuat-hien-dang-chinh-tri-moi-o-trung-quoc.aspx
[18] http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130910-toa-hinh-su-lahaye-lan-dau-tien-xu-mot-pho-tong-thong-tai-vi
[18A]http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B2a_%C3%A1n_H%C3%ACnh_s%E1%BB%B1_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
[19] http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=3605
Wednesday, December 4, 2013
HUỲNH LONG AN * GIÁO DỤC VNCH
Nhìn lại nền Giáo dục VNCH : Sự tiếc nuối vô bờ bến
Huỳnh Long An
Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng “nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí”, “nền giáo dục đại học được tự trị”, và “những người có khả năngmà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”.
Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa gồm tiểu học, trung học, và đại
học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư
thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới
địa phương.
Tổng quan
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp
ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam,
Trung, Bắc, và cả Lào cùng Campuchia. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc
có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương
trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở
Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn
ngữ phụ. Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình
học của Việt Nam – còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc. Riêng ở miền Nam,
vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục
cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa thì chương trình
Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng
từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò
lãnh đạo thực sự của mình.
Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ Nhất Cộng Hòa,
những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã xây dựng được nền móng
quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn
đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu
giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập,
vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh
giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị. Nhìn chung, người ta thấy mô
hình giáo dục ở Miền Nam Việt Nam
trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú
trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng
thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách
đại chúng và thực tiễn. Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa có một phần
năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở
giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trunghọc, và 101.454 sinh viên đại học;
số người biết đọc biết viết ước tính khoảng 70% dân số. Đến năm 1975,
tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Hành Chính Quốc Gia và ở các trường đại học cộng đồng).
Mặc dù tồn tại chỉ
trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến
tranh vànhững bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp
do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên
40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ
khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền
giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu
gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học
vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo
được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển.
Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo cóý thức rõ ràng về sứ mạng
giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc
sống khiêm nhường để đóng góp trọn vẹn cho nghề nghiệp, nhờ nhiều bậc
phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia,
và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ
lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở Miền Nam Việt Nam.
Triết lý giáo dục
Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hựu Thế,
Việt Nam Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài
Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học
giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại
diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu họcđến đại học, từ phổ
thông đến kỹ thuật… Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng”
được chính thức hóa ởhội nghị này. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng
cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, được ghi cụ thể trong tài
liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967).
1. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục nhân bản.
Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy
cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người
như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ
cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết
lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa cáccá nhân, nhưng không chấp
nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá conngười, và không chấp
nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôngiáo, chủng tộc…
Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
2. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục dân tộc.
Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh
hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo
tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thốngtốt đẹp của
văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thếhệ biết
đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong
nhữngnền văn hóa khác.
3. Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục khai phóng.
Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết
phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếpnhận những kiến
thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinhthần dân
chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào
việchiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với
văn minhthế giới.
Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đề
ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục
tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự
giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá
nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại.
Mục tiêu giáo dục thời VNCH:
1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân.
Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh,
giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính
tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về
thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý
đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh
phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những
thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định
sẵn nào.
2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh.
Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã
hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết
lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn
kết,tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc;
giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả;
giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên
phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp
học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của
quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm
việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ýthức tập thể;
giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệmvà kỷ
luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có
khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.
Giáo dục tiểu học:
Bậc tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 (thời Đệ Nhất Cộng Hòa gọi là lớp Năm đến lớp Nhất).
Theo quy định của hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập
(bắt buộc). Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có luật quy định trẻ em phải đi
học ít nhất ba năm tiểu học. Mỗi năm học sinh phải thi để lên lớp. Ai
thi trượt phải học “đúp”, tức học lại lớp đó. Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.
Số liệu giáo dục bậc tiểu học[8] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh | Số lớp học |
1955 | 400.865 | 8.191 |
1957 | 717.198[9] | |
1960 | 1.230.000[9] | |
1963 | 1.450.679 | 30.123 |
1964 | 1.554.063[10] | |
1970 | 2.556.000 | 44.104 |
Học sinh tiểu học chỉ học một buổi, sáu ngày mỗi tuần. Theo quy định, một ngày được chia ra 2 ca học; ca học buổi sáng và ca học buổi chiều.
Vào đầu thập niên 1970, Việt Nam Cộng Hòa có 2,5 triệu học sinh tiểu
học, chiếm hơn 80% tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi; 5.208 trường
tiểu học(chưa kể các cơ sở ở Phú Bổn, Vĩnh Long và Sa Đéc).
Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp Một để bắt đầu bậc tiểu
học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho hết bậc
tiểu học trong các trường công lậphay tốn học phí (tùy trường) tại các
trường tiểu học tư thục. Lớp 1 (trước năm 1967 gọi là lớp Năm) cấp tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn quốc văn; 2 giờ bổn phận công dân và đức dục (còn gọi là lớp Công dân giáo dục). Lớp 2 (trước năm 1967 gọi là lớp Tư),
quốc văn giảm còn 8 tiếng nhưng thêm 2 giờ sử ký và địa lý. Lớp 3 trở
lên thì ba môn quốc văn, công dân và sử địa chiếm 12-13 tiếng mỗi tuần.
Một năm học kéo dài chín tháng, nghỉ ba tháng hè. Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ (thông thường vào những ngày áp Tết).
Giáo dục trung học:
Tính đến đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng Hòa có hơn 550.000 học
sinh trung học, tức hơn 20% tổngsố thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến
18; có 534 trường trung học (chưa kể các cơ sở ở Vĩnh Long và Sa Đéc).
Đến năm 1975 thì có khoảng 900.000 học sinh ởcác trường trung học công
lập. Các trường trung học công lập nổi tiếng thời đó có Petrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long,
Lê Quý Đôn (Sài Gòn) tiền thân là Trường Chasseloup Laubat, Quốc Học
(Huế), Trường Trung học Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ
Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ)… Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.
Tên gọi năm lớp bậc tiểu học | |
---|---|
trước 1971 | sau 1971 |
lớp năm | lớp một |
lớp tư | lớp hai |
lớp ba | lớp ba |
lớp nhì | lớp tư |
lớp nhất | lớp năm |
Tên các lớp bậc trung học đệ nhất cấp | |
lớp đệ thất | lớp sáu |
lớp đệ lục | lớp bảy |
lớp đệ ngũ | lớp tám |
lớp đệ tứ | lớp chín |
Tên các lớp trung học đệ nhị cấp | |
lớp đệ tam | lớp mười |
lớp đệ nhị | lớp 11 |
lớp đệ nhất | lớp 12 |
Trung học đệ nhất cấp:
Trung học đệ nhất cấp bao gồm từ lớp 6 đến lớp 9 (trước năm 1971 gọi là lớp đệ thất đến đệ tứ), tương đương trung học cơ sở
hiện nay. Từ tiểu học phải thi vào trung học đệ nhất cấp. Đậu vào
trường trung học công lập không dễ . Các trường trung học công lập
hàngnăm đều tổ chức tuyển sinh vào lớp Đệ thất (từ năm 1971 gọi là lớp
6), kỳ thi có tính chọn lọc khá cao (tỷ số chung toàn quốc vào trường
công khoảng 62%); tại một số trường danh tiếng tỷ lệ trúng tuyển thấp
hơn 10%. Những học sinhkhông vào được trường công thì có thể nhập học
trường tư thục nhưng phải trảhọc phí. Một năm học được chia thành hai “lục cá nguyệt”
(hay “học kỳ”). Kể từ lớp 6, học sinh bắt đầu phải học ngoại ngữ,
thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp, môn Công dân giáo dục tiếp tục với
lượng 2 giờ mỗi tuần. Từ năm 1966 trở đi, môn võ Vovinam (tức Việt Võ đạo) cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường. Học xong năm lớp 9 thì thi bằng Trung học đệ nhất cấp.
Kỳ thi này thoạt tiên có hai phần: viết và vấn đáp. Năm 1959 bỏ phần
vấn đáp rồi đến niên học 1966-67 thì Bộ Quốc gia Giáo dục bãi bỏ hẳn kỳ
thi Trung học đệ nhất cấp.
Trung học đệ nhị cấp:
Trung học đệ nhị cấp là các lớp 10, 11 và 12, trước
1971 gọi là đệ tam, đệ nhị và đệ nhất; tương đương trung học phổ thông
hiện nay. Muốn vào thì phải đậu được bằng Trung học đệ nhất cấp, tức
bằng Trung học cơ sở. Vào đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một
trong bốn ban như dự bị vào đại học. Bốn ban thường gọi A, B, C, D theo
thứ tự là Khoa học thực nghiệm hay còn gọi là ban vạn vật; ban toán; ban
văn chường và ban văn chương cổ ngữ, thường là Hán văn. Ngoài ra học
sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai. Vào năm lớp 11 thì học
sinh phải thi Tú tài I rồi thi Tú tài II năm
lớp 12. Thể lệ này đến năm học 1972-1973 thì bỏ, chỉ thi một đợt tú tài
phổ thông. Thí sinh phải thi tất cả các môn học được giảng dạy (trừ môn
Thể dục), đề thi gồm các nội dung đã học, không có giới hạn hoặc bỏ
bớt. Hình thức thi kể từ năm 1974 cũng bỏ lối viết bài luận (essay) mà theo lối thi trắc nghiệm có tính cách khách quan hơn.
Số liệu giáo dục bậc trung học[8] | ||
---|---|---|
Niên học | Số học sinh | Số lớp học |
1955 | 51.465 | 890 |
1960 | 160.500[9] | |
1963 | 264.866 | 4.831 |
1964 | 291.965[10] | |
1970 | 623.000 | 9.069 |
Mỗi năm có hai đợt thi
Tú tài tổ chức vào khoảng tháng 6 và tháng 8. Tỷ lệ đậu Tú tài I
(15-30%) và Tú tài II (30-45%), tại các trường công lập nhìn chung tỷ lệ
đậu cao hơn trường tư thục do phần lớn học sinh đã được sàng lọc qua kỳ
thi vào lớp 6 rồi. Do tỷ lệ đậu kỳ thi Tú tài khá thấp nên vào được đại
học là một chuyện khó. Thí sinh đậu được xếp thành: Hạng “tối ưu” hay
“ưu ban khen” (18/20 điểm trở lên), thí sinhđậu Tú tài II hạng tối ưu
thường hiếm, mỗi năm toàn Việt Nam Cộng Hòa chỉ một vài em đậu hạng này,
có năm không có; hạng “ưu” (16/20 điểm trở lên); “bình”(14/20); “bình
thứ” (12/20), và “thứ” (10/20).
Một số trường trung học chia theo phái tính như ở Sài Gòn thì có
trường Petrús Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trường Hồ Ngọc Cẩn (Gia
Định) và các trường Quốc học (Huế), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Võ Tánh
(Nha Trang), Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) dành cho
nam sinh và các trường Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn
Duyệt, Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Huế), Trường Nữ Trung học Bùi Thị
Xuân (Đà Lạt), Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Trường Nữ
Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) chỉ dành cho nữ sinh.
Học sinh trung học lúc bấy giờ phải mặc đồng phục: nữ sinh thì áo dài
trắng, quần trắng hay đen; còn nam sinh thì mặc áo sơ mi trắng, quần màu
xanh dương.
Trung học tổng hợp:
Chương trình giáo dục trung học tổng hợp (tiếng Anh: comprehensive high school) là mộtchương trình giáo dục thực tiễn phát sinh từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewey,sau
này được nhà giáo dục người Mỹ là James B. Connant hệ thống hóa và
đemáp dụng cho các trường trung học Hoa Kỳ Giáo dục trung học tổng hợp
chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp, đặt nặng vào các môn
tư vấn,kinh tế gia đình, kinh doanh, công-kỹ nghệ, v.v… nhằm trang bị
cho học sinhnhững kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi
rời trường trunghọc. Ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà
giáo có thể đề nghị nhữngmôn học đặc thù khả dĩ có thể đem ra ứng dụng ở
nơi mình sinh sống. Thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa chính phủ cho thử
nghiệm chương trình trung học tổng hợp,nhập đệ nhất và đệ nhị cấp lại
với nhau. Học trình này được áp dụng đầu tiên tại Trường Trung học Kiểu
mẫu Thủ Đức, sau đó mở rộng cho một số trường như Nguyễn An Ninh (cho
nam sinh; 93 đường Trần Nhân Tông, Quận 10) và SươngNguyệt Ánh (cho nữ
sinh; góc đường Bà Hạt và Vĩnh Viễn, gần chùa Ấn Quang) ở Sài Gòn, và
Chưởng Binh Lễ ở Long Xuyên.
Trung học kỹ thuật:
Các trường trung học kỹ
thuật nằm trong hệ thống giáo dục kỹ thuật, kết hợp việc dạy nghề với
giáodục phổ thông. Các học sinh trúng tuyển vào trung học kỹ thuật
thường được cấphọc bổng toàn phần hay bán phần. Mỗi tuần học 42 giờ; hai
môn ngoại ngữ bắtbuộc là tiếng Anh và tiếng Pháp. Các trường trung học
kỹ thuật có mặt hầuhết ở các tỉnh, thành phố; ví dụ, công lập thì có
Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1956; tiền thân là
Trường Cơ khí Á châu thành lập năm 1906 ở Sài Gòn; nay là Trường Cao
Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng), Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Trường
Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; tư thục thì có Trường Trung học Kỹ
thuật Don Bosco (do các tu sĩ Dòng Don Bosco thành lập năm 1956 ở Gia Định; nay là Trường Đại Học Công Nghiệp TPHCM).
Các trường tư thục và Quốc Gia Nghĩa Tử
Các trường tư thục và Bồ đề:
Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ là hệ thống trường tư
thục. Vào năm 1964 các trường tưthục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và 62%
học sinh trung học. Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm nhiệm
17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học. Con số này tính
đến năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học.
Các trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh;
Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình), và Regina Mundi
(Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh. Bốn trường này nằm dưới sự điều
hành của Giáo Hội Công Giáo.
Trường Bác ái (Collège Fraternité) ở Chợ Quán với đa số học sinh là người Việt gốc Hoa cũng là một tư thục có tiếng do các thương hội người Hoa bảo trợ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có
hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ Đề ở nhiều tỉnh thành,
tính đến năm 1970trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65
trường trung học với tổng sốhọc sinh là 58.466. Ngoài ra còn có một số
trường do chính phủ Pháp tài trợ như Marie Curie, Colette, và
Saint-Exupéry. Kể từ năm 1956, tất cả cáctrường học tại Việt Nam, bất kể
trường tư hay trường do ngoại quốc tài trợ, đều phải dạy một số giờ
nhấtđịnh cho các môn quốc văn và lịch sử Việt Nam. Chương trình học
chính trongcác trường tư vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục
đã đề ra, dù có thể thêm một số giờ hoặc môn kiến thức thêm. Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Viêt Nam tổng cộng có 1.087 trường tư thục ở miền Nam Việt Nam bị giải thể và trở thành trường công (hầu hết mang tên mới).
Các trường Quốc Gia Nghĩa Tử:
Ngoài hệ thống các trường công lập và tư thục kể trên, Việt Nam Cộng
Hòa còn có hệ thống thứ ba là các trường Quốc gia nghĩa tử. Tuy đây là
trường công lập nhưng không đón nhậnhọc sinh bình thường mà chỉ dành
riêng cho các con em của tử sĩ hoặc thương phế binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như
là một đặc ân của chính phủ giúpđỡ không chỉ phương tiện học hành mà cả
việc nuôi dưỡng. Hệ thống này bắt đầuhoạt động từ năm 1963 ở Sài Gòn,
sau khai triển thêm ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế,và Biên Hòa. Tổng cộng có 7
cơ sở với hơn 10.000 học sinh. Loại trường này do Bộ Cựu Chiến binh quản
lý chứ không phải Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng vẫn dùng giáo trình của
Bộ Quốc gia Giáo dục. Chủ đích của các trường Quốc gianghĩa tử là giáo
dục phổ thông và hướng nghiệp cho các học sinh chứ không đượchuấn luyện
quân sự. Vì vậy trường Quốc gia nghĩa tử khác trường Thiếu sinhquân. Sau
năm 1975, các trường quốc gia nghĩa tử cũng bị giải thể.
Giáo dục đại học:
Học sinh đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong
các viện Đại Học, trường Đại Học, và học viện trong nước. Tuy nhiên vì
số chỗ trong một số trường rất có giới hạn nên học sinh phải dự một kỳ
thi tuyển có tính chọn lọc rất cao; các trường này thường là Y, Dược,
Nha, Kỹ Thuật, Quốc gia hành chánh và Sư Phạm. Việc tuyển chọn dựa trên khả năng của thí sinh,hoàn toàn không xét đến lý lịch gia đình. Sinh
viên học trong các cơ sở giáo dục công lập thì không phải đóng tiền.
Chỉ ở một vài trường hay phân khoa đại học thì sinh viên mới đóng lệ phí
thi vào cuối năm học. Ngoài ra, chính phủ còn có những chương trình học
bổng cho sinh viên.
Số liệu giáo dục bậc đại học | |
---|---|
Niên học | Số sinh viên |
1960-61 | 11.708[45] |
1962 | 16.835[10] |
1964 | 20.834[10] |
1974-75 | 166.475[46] |
Chương trình học trong các cơ sở giáo dục đại học được chia làm ba
cấp. Cấp 1 (học 4 năm): Nếu theo hướng các ngành nhân văn, khoa học,
v.v.. thì lấy bằng cử nhân (ví dụ: cử nhân Triết, cử nhân Toán…); nếu theo hướng các ngành chuyên nghiệp thì lấy bằng tốt nghiệp (ví dụ: bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, bằng tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh…) hay bằng kỹ sư (ví dụ: kỹ sư Điện, kỹ sư Canh nông…). Cấp 2: học thêm 1-2 năm và thi lấy bằng cao học hay tiến sĩ đệ tam cấp (tiếng Pháp: docteurde troisième cycle; tương đương thạc sĩ ngày nay). Cấp 3: học thêm 2-3 năm và làm luận án thì lấy bằng tiến sĩ (tương
đương với bằng Ph.D. của Hoa Kỳ). Riêng ngành y, vì phải có thời gian
thực tập ở bệnh viện nên sau khi học xong chương trình dự bị y khoa phải
học thêm 6 năm hay lâu hơn mới xong chương trình đại học.
Mô hình các cơ sở giáo dục đại học:
Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức theo mô hình viện đại học (theo Việt-Nam Tự-Điển của Hội khai trí Đức Tiến: Viện = Nơi, sở). Đây là mô hình tương tự như university của Hoa Kỳ và Tây Âu, cùng với nó là hệ thống đào tạo theo tín chỉ (tiếng Anh: credit). Mỗi viện đại học bao gồm nhiều phân khoa đại học (tiếng Anh: faculty; thường gọi tắt là phân khoa, ví dụ: Phân khoa Y, Phân khoa Sư phạm, Phân khoa Khoa học, v.v…) hoặc trường hay trường đại học (tiếng Anh: school hay college; ví dụ: Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật, v.v…). Trong mỗi phân khoa đại học hay trường đại học có các ngành (ví dụ: ngành Điện tử, ngành Công chánh, v.v…); về mặt tổ chức, mỗi ngành tương ứngvới một ban (tiếng Anh: department; tương đương với đơn vị khoa hiện nay).
Về mặt tổ chức, viện đại học của Việt Nam Cộng Hòa duy trì đường lối
phi chính trị của các đại học Tây Phương. Các khoa trưởng của các trường
phân khoa không do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của
Hội đồng Khoa bầu lên.
Trong hai thập niên 1960 và 1970, lúc hội nghị Hòa Bình đang diễn ra ở
Paris, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ráo riết lên kế hoạch tái thiết sau
chiến tranh, với viễn cảnh là hòa bình sẽ lập lại ở Việt Nam, một chính
phủ liên hiệp sẽ được thành lập, người lính từ các bên trở về cần được
đào tạo để tái hòa nhập vào xã hội. Trong khuôn khổ kế hoạch đó, có hai
mô hình cơ sở giáo dục đại học mới và mang tính thực tiễn được hình
thành, đó là trường đại học cộng đồng và viện đại học bách khoa.
Trường đại học cộng đồng là một cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa
ngành; sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học
lớn, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc. Các trường
đại học cộng đồng được thành lập với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và
quản trị của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương
trong các mặt văn hóa, xã hội, và kinh tế. Khởi điểm của mô hình giáo
dục này là một nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào một luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Southern California vào năm 1970 với tựa đề The Community College Concept: A Study of its Relevance to Postwar Reconstruction in Vietnam (Khái
niệm trường đại học cộng đồng:Nghiên cứu sự phù hợp của nó với công
cuộc tái thiết hậu chiến ở Việt Nam). Cơ sở đầu tiên được hình thành là
Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang, thành lập vào năm 1971 ở Định
Tường sau khi mô hình giáo dục mới này được mang đi trình bày sâu rộng
trong dân chúng.
Vào năm 1973, Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức (tên tiếng Anh: Thủ Đức Polytechnic University, gọi tắt là Thủ Đức Poly)
được thành lập. Đây là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh
vực, và chú trọng đến các ngành thực tiễn. Trong thời gian đầu, Viện Đại
học Bách khoa Thủ Đức có các trường đại học chuyên về Nông Nghiệp, Kỹ
Thuật, Giáo Dục, Khoa Học và Nhân Văn, Kinh tế và Quản trị, và Thiết kế
đô thị; ngoài ra còn có trường đào tạo sau đại học. Theo kế hoạch, các
cơ sở giáo dục đều được gom chung lại trong một khuôn viên rộng lớn, tạo
một môi trường gợi hứng cho trí thức suy luận, với một cảnh trí được
thiết kế nhằm nâng cao óc sáng tạo; quản lý hành chính tập trung để tăng
hiệu năng và giảm chi phí.
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng Hoà xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, toàn
bộ các cơ sở giáo dục đại học thời Việt Nam Cộng hòa bị đổi tên và bị
phân tán theo khuôn mẫu giáo dục của Liên Xô nên không còn mô hình theo
đó các trường hay phân khoa đại học cấu thành viện đại học, mà mỗi
trường trở nên biệt lập. Giáo dục đại học Việt Nam dưới các chính thể
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo mô
hình phân tán ngànhhọc. Các “trường đại học bách khoa” được thành lập
dưới hai chính thể này( Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học
Bách Khoa TPHCM, vàTrường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng) không giống như mô
hình viện đại học bách khoa vì chỉ tập trung vào các ngành kỹ
thuật Tương tự, mô hình “trường đại học tổng hợp” (Trường Đại Học Tổng
Hợp Hà Nội, Trường Đại Học Tổng Hợp TPHCM và Trường Đại Học Tổng Hợp
Huế) cũng chỉ tập trung vào các ngành khoa học cơ bản, chứ không mang
tính chất toàn diện. Đến đầu thập niên 1990, chính phủ Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam mới thành lập 2 “đại học”cấp quốc gia và 3 “đại học”
cấp vùng theo mô hình gần giống như mô hình việnđại học. Vào
tháng 10 năm 2009, một số đại biểu của QuốcHội nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam đưa ra đề nghị gọi tên các“đại học” cấp quốc gia và cấp
vùng là “viện đại học”.
Các viện đại học công lập:
Viện Đại Học Sài Gòn: Tiền thân là Viện Đại Học Đông Dương (1906),
rồi Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam (1955)– còn có tên là Viện Đại học
Quốc gia Sài Gòn. Năm 1957, Viện Đại học Quốc Gia Việt Namđổi tên thành
Viện Đại học Sài Gòn. Đây là viện đại học lớn nhất nước. Trướcnăm 1964,
tiếng Việt lẫn tiếng Pháp được dùng để giảng dạy ở bậc đại học, nhưngsau
đó thì chỉ dùng tiếng Việt mà thôi theo chính sách ngôn ngữ theo đuổi
từnăm 1955. Riêng Trường Đại Học Y Khoa dùng cả tiếng Anh. Vào thời điểm
năm1970, hơn 70% sinh viên đại học trên toàn quốc ghi danh học ở Viện
Đại học Sài Gòn.
Viện Đại Học Huế: Thành lập vào tháng 3 năm 1957 với 5 phân khoa đại học: Khoa học, Luật, Sư phạm, Văn khoa, vàY khoa.
Viện Đại Học Cần Thơ: Thành lập năm 1966với 4 phân khoa đại học: Khoa
học, Luật khoa & Khoa học Xã hội, Sư phạm, và Văn khoa.
Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức:Thành lập năm 1974. Tiền thân là Trung
tâm Quốc gia Kỹ thuật (1957), Học viện Quốc gia Kỹ thuật (1972).
Các viện đại học tư thục
Viện Đại Học Đà Lạt: Thành lập ngày 8tháng 8 năm 1957. Một phần cơ sở của Viện Đại học Đà Lạt nguyên là một chủng viện của Giáo hội Công Giáo. Viện đại học này có 4 phân khoa đại học: Chính trị Kinh doanh, Khoa học, Sư phạm, Thần học và Văn khoa. Theo ước tính, từ năm1957 đến 1975 viện đại học này đã giáo dục 26.551 người.
Viện Đại Học Vạn Hạnh: Thuộc khối Ấn Quang của
Giáo hội phật giáo hội Việt Nam Thống Nhất; thành lập ngày 17 tháng 10
năm 1964 ở số 222 đường Trương Minh Giảng (sau 1975 là đường Lê Văn Sỹ),
Quận 3, Sài Gòn-Gia Định với 5 phân khoađại học: Giáo dục, Phật Học,
Khoa Học Xã hội, Khoa học ứng dụng, và Văn học& Khoa học nhân văn.
Vào đầu thập niên 1970, Vạn Hạnh có hơn 3.000 sinhviên.
Viện Đại Học Phương Nam: Được cấp giấy phép năm 1967 tọa lạc ở số 16
đường Trần Quốc Toản (sau năm 1975 là đường 3Tháng Hai), Quận 10, Sài
Gòn. Viện đại học này thuộc khối Việt Nam QuốcTự của Hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất, Giáo sư Lê Kim Ngân làm việntrưởng. Viện Đại học Phương
Namcó 3 phân khoa đại học: Kinh tế-Thương mại, Ngoại ngữ, và Văn khoa.
Vào thậpniên 1970, viện đại học này có khoảng 750 sinh viên ghi danh.
Viện Đại Học An Giang (Hòa Hảo): Thành lập năm 1970 ở Long Xuyên với 5
phânkhoa đại học: Văn khoa, Thương mại-Ngân hàng, Bang giao Quốc tế,
Khoa học Quảntrị và Sư phạm. Viện Đại học này trực thuộc Giáo hội Phật
Giáo Hòa Hảo.
Viện Đại Học Cao Đài: Thành lập năm 1971 trên đường Ca Bảo Đạo ở Tây
Ninh với 3 phân khoa đại học: Thần học Cao Đài, Nông lâm mục, và Sư
phạm. Viện Đại học này trực thuộc Giáo hội Cao Đài
Viện Đại Học Minh Đức: Được cấp giấy phép năm 1972, trụ sở ở Sài Gòn
với 5 phân khoa đại học: Kỹ thuật Canh nông, Khoahọc Kỹ thuật, Kinh tế
Thương mại, Nhân văn Nghệ thuật, và Y Khoa. Viện Đại họcnày do Giáo hội
Công Giáo điều hành.
Các học viện và viện nghiên cứu
Học Viện Quốc Gia Hành Chính:Cơ sở này được thành lập từ thời Quốc
Gia Việt Nam với văn bản ký ngày 29tháng 5 năm 1950 nhằm đào tạo nhân sự
chuyên môn trong lãnh vực công quyền nhưthuế vụ và ngoại giao. Trường
sở đặt ở Đà Lạt; năm 1956 thì dời về Sài Gòn đặt ở đường Alexandre de
Rhodes; năm 1958 thì chuyển về số 100 đường Trần Quốc Toản (gần góc
đường Cao Thắng, sau năm 1975 là đường 3/2), Quận10, Sài Gòn. Học viện
này trực thuộc Phủ Thủ tướng hay Phủ Tổng thống, đến năm1973 thì thuộc
Phủ Tổng ủy Công vụ. Học viện có chương trình hai năm cao học, chia
thành ba ban cao học, đốc sự, và tham sự.
Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp (1972-1974): tiền thân là Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1962-1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp (1968-1972) rồi nhập vào Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức năm 1974.
Ngoài những học viện trên, Việt Nam Cộng hòa còn duy trì một số cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Pasteur Sài Gòn, Viện Pasteur Đà Lạt, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nguyên tử lực Đà Lạt, Viện Khảo cổ v.v. với những chuyên môn đặc biệt.
Các trường đại học cộng đồng:
Bắt đầu từ năm 1971 chính phủ mở một số trường đại học cộng đồng (theo mô hình community college của
Hoa Kỳ) như Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang ở Mỹ Tho, Duyên Hải ở
Nha Trang, Quảng Đà ở ĐàNẵng (1974), và Long Hồ ở Vĩnh Long.
Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang đặt trọng tâm vào nông nghiệp;
Trường Đại học Cộng đồng Duyên Hải hướng về ngư nghiệp. Riêng Trường
Long Hồ còn đang dang dở chưa hoàn tất thì chính thể Việt Nam Cộng hòa
bị giải tán. Ở Sài Gòn thì có Trường Đại học Regina Pacis (khai giảng
vào năm 1973) dành riêng cho nữ sinh do Công Giáo thành lập, và theo
triết lý đại học cộng đồng.
Các trường kỹ thuật và huấn nghệ:
Ngoài những trường đại học còn có hệ thống trường cao đẳng như Trường
Bách khoa Phú Thọ và Trường Nông lâm súc. Một số những trường này sang
thập niên 1970 được nâng lên tươngđương với cấp đại học.
Trường quốc gia Nông Lâm mục: Thoạt tiên là Nha Khảo cứu Đông Dương
thành lập năm 1930 ở B’lao, cơ sở này đến năm 1955 thì nâng lên thành
Trường Quốc gia Nông lâm mục với chương trình học bốn năm. Diện tích
vườn thực nghiệm rộng 200 ha chia thành những khu chăn nuôi gia súc,vườn
cây công nghiệp, lúa thóc.[74] Qua từng giai đoạn Trường đổi tên thành
Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1962-1968), Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp
(1968-1972), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (1972-1974). Cuối cùng
Trường Quốc gia Nông lâm mục được sáp nhập vào Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức ( có trụ sở ở số 45 đường Cường Để, Quận 1, Sài Gòn). Trường còn có chi nhánh ở Huế, Cần Thơ, và Bình Dương.
Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ: Thành lập năm 1957 thời Đệ nhất Cộng Hoà
gồm bốn trường: Trường Cao đẳng Công chánh, Trường Cao đẳng Điện học,
Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, và Trường Việt Nam Hàng hải. Năm 1968
lập thêm Trường Cao đẳng Hóa học. Năm 1972, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật
đổi thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật và đến năm1974 thì nhập với Trường
Đại học Nông nghiệp để tạo nên Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức
Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia:Thành lập năm 1966 để đào tạo nhân viên giữ an ninh và thi hành luật pháp.
Các trường nghệ thuật:
Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ: Thành lập ngày 12 tháng 4 năm
1956 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Chương trình học sau được bổ túc để bao
gồm các bộ môn âm nhạc cổ điễn TâyPhương và truyền thống Việt Nam cùng
kịch nghệ.
Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế:Thành lập năm 1962 ở cố đô Huế chủ yếu dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam,dùng nhà hát Duyệt Thị Đường trong Kinh Thành Huế làm nơi giảng dạy.
Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật:thành lập năm 1971, trên cơ sở
nâng cấp Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (tiền thân là
Trường Mỹ nghệ Gia Định, thành lập năm 1940).
Trường Quốc Gia Cao
Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn: thành lập sau năm 1954; chuyên đào tạo về nghệ
thuật tạo hìnhvới các chương trình học 3 và 7 năm. Vị giám đốc đầu tiên
là họa sĩ Lê Văn Đệ (1954-1966).
Sinh viên du học ngoại quốc:
Một số sinh viên bậc đại học được cấp giấy phép đi du học ở nước
ngoài. Hai quốc gia thu nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào năm 1964 là
Pháp (1.522) và Hoa Kỳ (399), đa số theo học các ngành khoa học xã hội
và kỹ sư.
TÀI LIỆU VÀ DỤNG CỤ GIÁO KHOA
Truyện Kiều bản chữ Nôm của Chiêm Vân Thị do Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa xuất bản năm 1967
Năm 1958, chính phủ Đệ nhất Cộng hòa cho
lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để soạn, dịch, và in sách
giáo khoa cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Tính đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ấn hành xong 39 đầu sách tiểu học, 83 sách trung học, và 9 sách đại học.[82]
Các giáo chức và họa sĩ làm việc trong Ban Tu thư đã soạn thảo trọn
bộ sách cho bậc tiểu học. Bộ sách này được đánh giá cao cả về nội dung
lẫn hình thức. Có nhiều sách đã được viết, dịch, và phát hành để học
sinh và sinh viên có tài liệu tham khảo. Phần lớn sách giáo khoa và
trang thiết bị dụng cụ học tập do Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục sản
xuất và cung cấp với sự giúp đỡ của một số cơ quan nước ngoài. Trung
tâm này còn hợp tác với UNESCO để
viết và dịch sách dành cho thiếu nhi để giúp các em hiểu biết về các
nền văn hóa khác nhau và tạo sự đoàn kết giữa các nhi đồng trên thế
giới. Bộ Giáo dục cũng dành riêng ngân quỹ để in sách giáo khoa bậc tiểu
học cho gần 30 sắc tộc thiểu số khác nhau ở Việt Nam.
Ngoài ra, để có sự thống nhất trong việc sử dụng các danh từ chuyên môn, Bộ Giáo dục cũng đã thiết lập Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ Chuyên môn bao gồm nhiều giáo sư đại học. Ủy ban đã soạn thảo và, thông qua Trung tâm Học liệu, ấn hành những tập đầu tiên trong lĩnh vực văn học và khoa học.[83] Trong những dự án đó Bộ cho in lại nguyên bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm.
NHÀ GIÁO
Đào tạo giáo chức:
Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn (thành lập vào năm 1957) là cơ sở sư phạm đầu tiên, bắt đầu khai giảng năm 1958.[84] Sau có thêm các trường cao đẳng sư phạm ở Ban Mê Thuột, Huế, Vĩnh Long, Long An, và Quy Nhơn[85] Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên.[86] Ngoài ra còn có Trường Đại học Sư phạm Huế thuộc Viện Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Đà Lạt thuộc Viện Đại học Đà Lạt.[87] Vào
thời điểm năm 1974, cả nước có 16 cơ sở đào tạo giáo viên tiểu học với
chương trình hai năm còn gọi là chương trình sư phạm cấp tốc. Chương
trình này nhận những ai đã đậu được bằng Trung học Đệ nhất cấp.[88] Hằng năm chương trình này đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học.[89] Giáo viên trung học thì phải theo học chương trình của trường đại học sư phạm (2 hoặc 4 năm).[90] Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho nhà nước ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp.[91]
Nha Sư phạm (thuộc Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên) và các trường
sư phạm thường xuyên tổ chức các chương trình tu nghiệp và các buổi hội
thảo giáo dục để giáo chức có dịp học hỏi và phát triển nghề nghiệp. Bộ
Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cũng gởi gởi nhiều giáo chức đi tu
nghiệp ở các nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Đức, v.v…[87]
Đối với giáo sư đại học thì đa số xuất thân từ Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội từ trước năm 1954. Số khác được đào tạo ở Pháp, Đức và Mỹ. Vào năm 1970 tổng cộng có 941 giáo sư giảng dạy ở các trường đại học của Việt Nam Cộng hòa.[56]
Đối với giáo sư đại học thì đa số xuất thân từ Viện Đại học Đông Dương ở Hà Nội từ trước năm 1954. Số khác được đào tạo ở Pháp, Đức và Mỹ. Vào năm 1970 tổng cộng có 941 giáo sư giảng dạy ở các trường đại học của Việt Nam Cộng hòa.[56]
Đời sống và tinh thần giáo chức:
Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ
túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư
trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn
bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất Cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng.
Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của
nhà mô phạm (người mẫu mực, người đóng vai trò hình mẫu), từ cách ăn mặc
thật đứng đắn đến cách ăn nói, giao tiếp với phụ huynh và học sinh, và
với cả giới chức chính quyền địa phương.[87]
THI CỬ VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965-1966. Đến năm 1974,
toàn bộ các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu trắc nghiệm.
Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều phải đi dự lớp huấn luyện về
cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1.800 học sinh ở
nhiều nơi, phân tích câu trả lời của học sinh để tính độ khó của câu
hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu hỏi trắc nghiệm cho thích
hợp.[27]
Đầu những năm 1970, Nha Khảo thí của Bộ Quốc gia Giáo dục đã ký hợp đồng với công ty IBM để
điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo
danh, chứng chỉ trúng tuyển… đến các con số thống kê cần thiết. Bảng trả
lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. Điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy IBM 534 để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ này được đưa vào máy IBM 360 để
đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn,
chuyển điểm thô ra điểm tiêu chuẩn, tính thứ hạng trúng tuyển v.v… Nhóm
mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp của khoa học thống kê để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn.[27]
Một số nhà lãnh đạo giáo dục tiêu biểu
Trong suốt thời gian 20 năm tồn tại, các vị tổng trưởng (tức bộ trưởng) và thứ trưởng giáo dục của Việt Nam Cộng hòa đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam. Sau đây là vài nhà lãnh đạo tiêu biểu:[96]
- Phan Huy Quát: sinh năm 1911, mất năm 1979; Tổng trưởng Giáo dục Quốc gia Việt Nam 1949. Ông mất trong tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Nguyễn Thành Giung: sinh năm 1894 tại Sa Đéc; tiến sĩ vạn vật học (Viện Đại học Khoa học Marseille); Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục 1952-53 thời Quốc gia Việt Nam, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đại học Hà Nội.[97]
- Trần Hữu Thế: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 1995 tại Pháp; tiến sĩ khoa học (1952), từng dạy học ở Lyon (Pháp) và làm giáo sư ở Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn; từ 1958 đến 1960làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục; từng làm Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Philippines. Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, số lượng học sinh, sinh viên gia tăng nhanh chóng, và nhiều cải tiến trong giáo dục đã được thực hiện. Cùng thời kỳ này, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
- Nguyễn Văn Trường: sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966.
- Trần Ngọc Ninh: sinh năm 1923 tại Hà Nội; bác sĩ giải phẫu và giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, giáo sư Văn minh Đại cương và Văn hóa Việt Nam tại Viện Đại học Vạn Hạnh; Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa.[98]
- Lê Minh Trí: bác sĩ y khoa tai-mũi-họng, giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn,[99] làm Tổng trưởng Giáo dục bị ám sát bằng lựu đạn năm 1969.[100]
- Nguyễn Lưu Viên: sinh năm 1919; bác sĩ, từng làm việc tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Viện Pasteur Sài Gòn; từ 1969 đến 1971 làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục rồi Phó thủ tướng kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ở Hội nghị La Celle Saint Cloud trong chính phủTrần Thiện Khiêm.
- Ngô Khắc Tĩnh: sinh năm 1922 tại Phan Rang, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; dược sĩ (tốt nghiệp ở Pháp); từ năm 1971 đến 1975 làm Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên; từ năm 1975 đến 1988 bị tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Đỗ Bá Khê: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Southern California); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa. Ông là người đã thiết lập hệ thống các trường đại học cộng đồng ở miền Nam Việt Nam và được xem là “cha đẻ của các trường đại học cộng đồng Việt Nam”. Ông còn thiết lập Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức vào năm 1974 dựa theo mô hình của các viện đại học bách khoa ở California (Hoa Kỳ) và làm việc với vai trò viện trưởng sáng lập của viện đại học này.
- Nguyễn Thanh Liêm: sinh năm 1934 tại Mỹ Tho; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Iowa State, Hoa Kỳ); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa.
- Các Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục: Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Quang Trình
ĐÁNH GIÁ
Về học bạ trên, Giáo sư Dương Thiệu Tống, trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đánh giá như sau:
“Điểm nhận xét đầu tiên của tôi
là điểm số các môn học ngày xưa sao lại thấp đến thế, ngay cả đối với
học sinh đứng nhất lớp như các thí dụ trên đây.
…
Vậy phải chăng các thầy giáo chúng tôi ngày xưa không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có thể cho điểm trung thực hơn? Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm giải đáp.” ( Trích từ nguồn Blog Lý Toét )
…
Vậy phải chăng các thầy giáo chúng tôi ngày xưa không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có thể cho điểm trung thực hơn? Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm giải đáp.” ( Trích từ nguồn Blog Lý Toét )
Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 ( tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam. Theo tạp chí Science thì “Việc
thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó
khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong
nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các
nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc
điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những
đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận
sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra.” Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) vàPhạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam (nguyên văn tiếng Anh: “the widespread educational emphasis on engineering and electronics and the system of two-year, community colleges”).[104]
Lời chứng và đánh giá của ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt,[105] nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: “Tôi là con của một cán bộ Việt Minh– tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc
đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi
vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục
cũ của miền Nam là
điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành
giáo dục “xã hội chủ nghĩa” (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ
nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền
giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó
của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ
chịu nô lệ về tư tưởng…“[106]
Đánh giá của nhà phê bình văn học Thụy Khuê: “Có
thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn
của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo
dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn
học đều được giảng dậy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học
sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú
tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh
viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng
Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch
thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong
hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các
giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính
quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép miền Nam xây dựng được
một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc
giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và
cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại
chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật
giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng
Thần) thời ông Thiệu.“[107]
(Nguồn: Wikipedia, FB Tuyen Nguyen)
Huỳnh Minh Tú (biên tập và thêm hình ảnh sưu tầm từ Intern
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 290
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 0290
DƯƠNG THU HƯƠNG = LẤY CHỒNG HÀN = TRÁI CÂY MIỀN TÂY = MỸ HOA
Friday, December 6, 2013
DƯƠNG THU HƯƠNG * NHỮNG CƠ CHẾ
Những cơ chế của sự nhầm lẫn
Giải ảo là thứ quả chín muộn
Dương thu Hương
Sự thất vọng của con người thường được biểu đạt bằng hai danh từ: Giải ảo và Vỡ mộng.
Các dịch giả Việt Nam dùng hai danh từ này tuỳ theo ngữ cảnh của nhóm từ Pháp: désillusionné, désenchanté, désabusé, déçu.
Tôi chọn hai từ désenchanté và désabusé để làm bệ đỡ cho sự Giải ảo và Vỡ mộng của người Việt Nam sau cuộc chiến.
Xét trên phương diện tâm lý, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ có thể ví như một cơn nhập đồng tập thể. Một cá nhân, trong trạng thái nhập đồng, có thể làm được những điều mà bình thường họ không thể nào làm nổi. Khi trạng thái nhập đồng chấm dứt, con người cũng đánh mất khả năng ấy.
Ngô Thị Tuyển, nữ dân quân tham gia
chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (1965) –
Nguồn ảnh: Phạm Kỉnh
Đó là sự siêu tuyệt thuần tuý (Une pure transcendance).
“Ta đang đứng trên đỉnh cao thời đại”
“Lương tâm nhân loại kí thác vào ta”
“Sứ mệnh của ta là thức tỉnh lương tâm nhân loại”…
Vừa nhìn đám đồng bào khốn khổ của mình, tôi vừa tự nhủ:
“Con mụ này, người ta đi Liên xô thì cười tươi như hoa, mụ thì khóc như bị đi đầy ở Nghệ Tĩnh. Đúng là rồ.”
“Chúng ta đổ máu để cho ai?”
“Vậy ta chiến đấu để làm gì?”
Để cho chủ nghĩa cộng sản chiến thắng và cụ thể hơn, để mấy ông lớn cộng sản cầm quyền, đó là điều hiển nhiên ai cũng thấy.
“Biết thế hồi đó thủ một nắm cho vào túi thì giờ đây đỡ khổ!”
Năm 1991, những vụ hoá giá biệt thự xảy ra và khá nhiều người biết đám quan lại như Lê Hãn (con trai trưởng Lê Duẩn), Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông… cùng nhiều ông lớn khác bán mỗi biệt thự trên hai ngàn cây vàng bỏ túi. Lúc đó, bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội đã kêu lên:
“Thành phố tham nhũng tập thể, cướp công trình của cả dân tộc, chia chác xương máu của cả nước”.
Nhưng bà Ngô Bá Thành cũng như đa phần dân chúng còn không biết đến những nguồn vàng to lớn hơn, quan trọng hơn, mà kẻ cầm quyền đã chia chác trong bóng đêm.
Từ xưa đã có câu: “Tình đời thay trắng đổi đen.”
Không có gì cũ hơn và cũng chẳng có gì mới hơn là sự bội phản của người với người.
“Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn.
Núi mòn mà đôi gót không mòn…”
Nguyễn Minh Châu, Vũ Trọng Hối không phải bị cưỡng chế mà viết, họ viết với tất cả sự chân thành và niềm cảm hứng. Cũng như những người lính khác bước vào chiến đấu, họ sáng tác trong trạng thái Nhập đồng, hoặc nói văn vẻ hơn, trạng thái Siêu tuyệt (Transcendance). Lúc đó, chưa ai có đủ từng trải lẫn thông tin để hiểu sự thật.
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1985, Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1930) hẳn đã vỡ mộng nên đã nói với tôi trên trại sáng tác Đại Lải của Hội nhà văn:
“Mình xui con người ta đi vào chỗ chết. Biết đâu sự thể nó lại ra thế này?…”
Rồi anh thở dài và im lặng. Nguyễn Minh Châu vốn là người kín đáo, thường tự nhận một cách công khai trước đồng nghiệp:
“Tôi nhát lắm, tôi sợ chết lắm. Vua chúa châu Á vốn coi nhà văn ngang với bọn ăn mày. Chúng ta phải biết thân biết phận.”
Đó là sự kiện xẩy ra cuối thập kỷ 80, gần như cùng lúc với vụ Thiên An Môn ở Trung quốc.
Tôi tạm gọi là Thiên An Môn Việt Nam.
Vì sao lại là Thiên An Môn?
Vì bản chất sự việc cũng là một cuộc tàn sát dân chúng để bảo vệ nền chuyên chính và số lượng người thiệt mạng cũng ngang ngửa với vụ Thiên An Môn xẩy ra ở Tầu.
Thời đại của chúng ta là thời đại truyền thông.
Tôi xin kể vắn tắt:
Thời gian ấy, tôi vẫn thường gặp gỡ các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang. Một bữa, ông Độ bảo:
- Mấy hôm nay họ tăng cường số công an gác cửa nhà tôi. Họ nghi cô với tôi chỉ đạo cuộc nổi dậy của các cựu chiến binh ở Thái Bình.
- Vì sao? Tôi hỏi.
Ông Trần Độ trả lời:
- Nhưng cô cũng bị theo rõi mà.
Tôi đáp:
Vỡ mộng. Nguồn: Orangeya’s photostream
Trong nhóm đấu tranh của tôi có một người cũng là cựu chiến binh, trong chiến tranh Việt-Mỹ đã hai lần được đề bạt là anh hùng và cả hai lần đều trượt vì mắc tội chửi cấp trên là: “Lũ chó, chúng mày ham thành tích, chúng mày giết lính”.
“Những viên đạn của tôi bay lạc. Đáng lẽ chúng phải găm vào đầu những thằng khác.”
Đáng lẽ!…
Đây là sự vỡ mộng của một người lính bị phản bội. Sự vỡ mộng ấy kèm theo ước muốn trả thù, nó bạo liệt hơn hơn tất thảy các trạng thái vỡ mộng thông thường, chỉ bộc lộ bằng những tiếng thở dài ảo não.
Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là cuộc chiến tranh mà truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng ở mức tối đa.
Xương máu của lính và dân đổ xuống đã xây nên bức tường thành theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa thực.
Bức tường thành đồ sộ ấy có thể là khải hoàn môn cho người này và là cổng vào địa ngục cho người kia, tuỳ theo cách nhìn của họ.
Đối với tôi, đó là bằng chứng kinh khủng nhất cho sự nhầm lẫn của con người.
Paris ngày 11 tháng 2 năm 2013.
--
Phan Cao Tri
Visit Thần Phong TaeKwonDo Australia
http://thanphongaustralia.com/
Dương thu Hương
Giải ảo là thứ quả chín muộn
Dương thu Hương
Sự thất vọng của con người thường được biểu đạt bằng hai danh từ: Giải ảo và Vỡ mộng.
Các dịch giả Việt Nam dùng hai danh từ này tuỳ theo ngữ cảnh của nhóm từ Pháp: désillusionné, désenchanté, désabusé, déçu.
Tôi chọn hai từ désenchanté và désabusé để làm bệ đỡ cho sự Giải ảo và Vỡ mộng của người Việt Nam sau cuộc chiến.
Xét trên phương diện tâm lý, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ có thể ví như một cơn nhập đồng tập thể. Một cá nhân, trong trạng thái nhập đồng, có thể làm được những điều mà bình thường họ không thể nào làm nổi. Khi trạng thái nhập đồng chấm dứt, con người cũng đánh mất khả năng ấy.
Ngô Thị Tuyển, nữ dân quân tham gia
chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (1965) –
Nguồn ảnh: Phạm Kỉnh
Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp anh hùng Ngô thị Tuyển.Trong một cuộc
máy bay Mỹ oanh tạc, để tiếp đạn cho các pháo thủ, Ngô thị Tuyển đã vác
những hòm đạn nặng hơn trọng lượng thân thể của chị nhiều. Bởi vì cuộc
chiến đấu kéo dài, hành động anh hùng của Ngô thị Tuyển diễn ra trước
mắt tất cả mọi người, từ dân chúng, đồng đội đến các chiến sỹ pháo binh.
Thế nhưng, khi các nhà báo Hà Nội yêu cầu chị diễn lại để quay phim,
chị Tuyển không làm được nữa. Trước hết, cần phải nói rằng các nhà báo
lúc ấy hoặc ấu trĩ hoặc hồ đồ vì không hiểu điều này:
Cốt lõi hành động của Ngô thị Tuyển là lòng yêu nước cộng với bản năng
tồn sinh. Vào lúc bom đạn tơi bời như thế, máy bay giặc quần thảo trên
trời, tiếng rú rít của máy bay, tiếng nổ của đạn pháo, tiếng kêu thét
của những người chết và bị thương tạo thành một bối cảnh tột độ căng
thẳng, tình thế ấy đòi hỏi con người phải có những nỗ lực bất thường để
vượt qua những nguy hiểm bất thường. Khi phải đối mặt với cái chết,
không những của bản thân mà của đồng bào, đồng đội, mà phía sau những
cái chết cụ thể ấy, là một cái chết vô hình hơn, cái chết của tổ quốc,
những người dân yêu nước đều có khả năng làm một điều gì đó: lớn hơn bản
thân họ, mạnh hơn sức lực của họ, vượt lên trên những toan tính thông
thường của đời họ. Đó chính là những giây phút tạo ra các anh hùng.
Đó là sự siêu tuyệt thuần tuý (Une pure transcendance).
Khi trạng thái hưng phấn cao độ, sự siêu tuyệt qua đi, con người trở lại
với chính bản thân họ, với các khả năng hữu hạn của họ mà yêu cầu họ
“diễn lại như thật” các hành vi lúc nhập đồng thì hoàn toàn là điều ngu
ngốc, thậm chí điên rồ. Thử hỏi các đạo diễn điện ảnh xem, nếu các diễn
viên của họ phải vác một cái chuỳ thật sự nặng ba chục cân chứ không
phải chuỳ bằng nhựa, liệu họ còn sức diễn nữa hay không? Những nhà báo
này cũng thiếu kiến thức và sự từng trải để hiểu con người: Phàm đã là
người đứng đắn, không ai đủ trơ trẽn để “diễn một màn tự khoe mình”; chỉ
có những kẻ vô liêm sỉ và cơ hội mới làm điều đó.
Nhìn ảnh thì biết Ngô thị Tuyển là một thôn nữ thật thà, chất phác, chị
ấy từ chối diễn cũng không có gì là lạ. Lúc đó, để biểu diễn những màn
“chiến thắng” nhằm tuyên truyền với báo chí trong và ngoài nước đã sẵn
có cô Nguyễn Thị Hằng, người nhờ nhan sắc, nhờ ôm ấp kỹ ông Quang, chỉ
huy quân khu tả ngạn, được đưa lên thủ đô. Ở thủ đô, sau khi trở thành
bồ non của ông Lê Đức Thọ, cô lại được ông Lê khả Phiêu tổng bí thư đảng
bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng bộ thương binh xã hội. Dân Thanh hoá có
câu: “Cô Tuyển vác đạn, con đĩ Hằng lên ngôi ”
Trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, có vô số Ngô thị Tuyển. Cả dân tộc sống
trong trạng thái Nhập đồng. Làm sao có thể khác được khi phải đối mặt
với một địch thủ mạnh hơn mình cả ngàn lần? Hoặc là chết một cách bị
động, hoặc phải chịu đựng sự thách thức của lịch sử bằng những nỗ lực
vượt lên bản thân và phải biết chấp nhận cái chết một cách chủ động. Có
lẽ, nghịch lý này cũng có tính phổ biến nếu ta đọc lại các cuộc chiến
tranh từ thời thượng cổ đến ngày nay. Dân tộc Việt Nam không phải dân
tộc duy nhất có khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh không cân sức,
và lòng yêu nước cũng không phải đặc tính riêng biệt của những người
cộng sản Việt Nam như ông Tố Hữu tự nhận. Thói tự khoe khoang là biểu
hiện của sự vô văn hoá hoặc tính mù quáng. Đáng tiếc thay, trong một
thời gian dài, cả xã hội Việt Nam đã tiêm nhiễm thói tự ngạo mù quáng
này. Đóng góp đáng kể nhất để tạo nên cái tâm lý ấy là những bài viết
của lớp “nhà báo tinh hoa của Đảng” kiểu như ông Thép Mới, và đặc biệt
là các câu thơ đầy tính hào nhoáng của ông Tố Hữu:
“Ta đang đứng trên đỉnh cao thời đại”
“Lương tâm nhân loại kí thác vào ta”
“Sứ mệnh của ta là thức tỉnh lương tâm nhân loại”…
Những câu thơ kêu như cả đội kèn nhà binh thổi to hết cỡ, đầy ngập
những tính từ như hùng tráng, chói lọi, cao cả… Tôi vốn không thích thơ
Tố Hữu nhưng ít nhất, tôi cũng ngỡ những điều ông ta nói có đôi ba phần
sự thật. Ai có thể ngờ được khả năng phét lác của “nhà thơ Lớn”, một
trong số các rường cột quốc gia? Cuối hè năm 1984, tôi đến Mạc Tư Khoa,
thủ đô Liên bang Xô viết, trong phái đoàn gọi là điện ảnh trẻ nhưng trên
thực tế toàn những người xấp xỉ sáu mươi, tôi được coi như trẻ nhất
cũng sắp 40 rồi. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một xứ sở khác.
Đứng trong khách sạn, nhìn xuống đường, gặp đúng lúc một đoàn Việt Nam
khoảng ba, bốn chục người đi thành hàng ba bên vỉa hè đối diện.
Chắc chắn đó là một đoàn cán bộ được đảng và nhà nước cho phép đi tham
quan. Lần đầu tiên tôi bắt gặp hình ảnh thật của đồng bào mình: đó là
những con người nhếch nhác, gầy guộc, ngơ ngác, rúm ró trong những bộ
complet đen của bộ tài chính cho mượn. Vì phải mặc những thứ quần áo
không phải của chính mình, trông họ khổ sở và ngượng nghịu. Vì bước tới
một nơi xa lạ, lại không biết tiếng, họ có bộ mặt hoảng hốt, thất thần.
Người đi sau phải níu vạt áo người đi trước vì sợ lạc, những người ở
hàng trên cùng thì bám sát gót một người Nga, hẳn là người hướng dẫn và
cũng là phiên dịch.
Vừa nhìn đám đồng bào khốn khổ của mình, tôi vừa tự nhủ:
“Đây là những người ở rừng ra, những người bị rút kiệt máu sau một cuộc
chiến tranh lâu dài và cam khổ. Những người không biết đến sự sống mà
chỉ quen đối mặt với cái chết. Giờ đây, giữa ban ngày, giữa đô thị, ở
một phương trời khác, họ hiện hình như các bóng ma đi ra từ những miền u
tối. Họ là sự cụ thể hoá bộ mặt tàn bạo của chiến tranh. Hình ảnh của
họ là hình ảnh tượng trưng cho dân tộc chúng ta, một dân tộc chưa bao
giờ được sống thực sự. Một dân tộc sống sót. Một dân tộc kiên trì mơ ước
sống, chuẩn bị sống, nhưng cuộc sống với đúng nghĩa của nó chưa đi tới.
”
Và tôi nhớ lại những câu thơ của ông Tố Hữu. Lúc này, những câu thơ ấy
vang trong óc tôi như tiếng rít ghê tai của bánh xe lửa nghiến trên
đường ray. Lẽ ra, thay vì khoe khoang hão, nhà nước Việt Nam phải chú ý
đến đời sống các chiến binh của họ, ít ra lo cho họ được đôi giầy vừa
cỡ, được tấm áo vừa lưng, trước khi đưa họ lên tầu. Như thế, không chỉ
riêng ông Lê Duẩn mà ông Tố Hữu và rất nhiều lãnh tụ cộng sản Việt Nam
khác cũng mắc bệnh vĩ cuồng, họ ngửa mặt nhìn lên mặt trăng, tưởng mình
đang đứng trên mặt trăng trong khi công dân của họ diễu hành trên các hè
phố Mạc Tư Khoa như một đám ăn mày. Tôi ngồi chết dí trong khách sạn,
khóc. Ông Tô Hoàng, một sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường điện
ảnh VGIC đến thăm, liền bảo:
“Con mụ này, người ta đi Liên xô thì cười tươi như hoa, mụ thì khóc như bị đi đầy ở Nghệ Tĩnh. Đúng là rồ.”
Tôi không trả lời. Ông Tô Hoàng cũng đã từng đi lính nhưng rất nhanh đã
được quay về hậu phương và được chọn ra nước ngoài học. So với thân phận
hàng triệu thanh niên thời ấy, ông là kẻ may mắn. Ông chưa từng chứng
kiến cảnh những bầy kiền kiền no nê xác lính đến mức không bay lên nổi.
Ông cũng không chứng kiến cảnh dân thường chết dưới bom B52 Mỹ. Ông cảm
thấy sung sướng khi ở nước Nga là dễ hiểu. Nước mắt của tôi là điều bất
khả tri đối với ông.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thuộc số những người vỡ mộng sớm nhất.
Nhưng chỉ vài năm sau, con số những kẻ vỡ mộng tăng lên một cách không
ngừng. Đầu những năm 80 sự đói khổ về vật chất là con quỷ hiện hình cả
ngày lẫn đêm trên toàn cõi. Đói khổ là món quà chia đều cho toàn dân,
trừ một số người nắm quyền. Sự giàu có và xa hoa của một thiểu số cộng
sản giống như vòi nước lạnh hắt vào mặt dân chúng. Hiển nhiên là trong
dân chúng, có vô số kẻ từ chiến trường cởi áo lính trở về. Như cuốn “Bên
thắng cuộc” của ông Huy Đức đã nêu, những người anh hùng lái xe tăng
390 “cắm lá cờ lên dinh độc lập” sau khi giải ngũ, một anh đánh giậm,
một anh cắt tóc, một anh lái xe lam, một anh gác đầm cá, sống trong cảnh
lam lũ. Tuy nhiên, họ còn cơ may được nhà báo và nhiếp ảnh Pháp
Françoise De Mulder trả lại lẽ công bằng vào năm 2003. Nhưng họ chỉ là
bốn người, một tuyệt đại thiểu số. Còn hàng triệu người lính khác, khi
trở về cuộc sống của dân thường, đối mặt với nỗi đói khổ và sự áp bức
của hệ thống cường hào địa phương, lúc đó họ nghĩ gì?
“Chúng ta đổ máu để cho ai?”
Khi ra đi, ai cũng nghĩ là chiến đấu cho độc lập dân tộc nhưng dần dà,
mọi người đều ngờ ngợ rằng mình lầm. Người Mỹ không đến chiếm đất đai,
không thu hải sản, không bắt dân mò ngọc trai, nộp đá quý. Tóm lại, hoàn
toàn không giống cái sơ đồ quen thuộc mà họ đã hình dung về quân Minh,
quân Nguyên và quân Thanh. Khi ra trận, ai cũng có ý định ngầm ẩn là
thích vào trán hai từ “Sát Thát”. Bây giờ nghĩ lại, cảm thấy có gì đó
bất ổn và danh từ “quân xâm lược Envahisseurs” có vẻ như không thích hợp
trong trường hợp này.
“Vậy ta chiến đấu để làm gì?”
Để cho chủ nghĩa cộng sản chiến thắng và cụ thể hơn, để mấy ông lớn cộng sản cầm quyền, đó là điều hiển nhiên ai cũng thấy.
Các ông lớn cộng sản giờ nắm trong tay tất thảy chiến lợi phẩm mà xương
máu hàng chục triệu người đổi lấy: Trước hết họ nắm trong tay mười sáu
tấn vàng của kho Long Thành. Họ nắm trong tay toàn bộ số vàng, kim cương
cũng như ngoại tệ của dân miền Nam kẹt trong các nhà băng. Nhưng sau
rốt, nguồn tài sản sau đây mới là quan trọng: Họ biển thủ toàn bộ số
vàng mà lính áp tải về sau cuộc giải phóng Căm-pu-chia, số lính này quá
đông nên họ không thể xử lý biện pháp quen thuộc của vua chúa xưa kia là
chôn sống. Những người lính này sau khi giải ngũ đã cất tiếng thở dài:
“Biết thế hồi đó thủ một nắm cho vào túi thì giờ đây đỡ khổ!”
“Bây giờ mới biết mình ngu. Lẽ ra hồi ấy…”
Biết thế! Lẽ ra! Nếu như … Toàn những lời than thở muộn màng.
Tiếng Pháp có một thành ngữ khá hay: Après coup! Người ta chỉ hiểu được sự thật khi mọi sự đã lỡ làng.
Biết thế! Lẽ ra! Nếu như … Toàn những lời than thở muộn màng.
Tiếng Pháp có một thành ngữ khá hay: Après coup! Người ta chỉ hiểu được sự thật khi mọi sự đã lỡ làng.
Năm 1991, những vụ hoá giá biệt thự xảy ra và khá nhiều người biết đám quan lại như Lê Hãn (con trai trưởng Lê Duẩn), Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông… cùng nhiều ông lớn khác bán mỗi biệt thự trên hai ngàn cây vàng bỏ túi. Lúc đó, bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội đã kêu lên:
“Thành phố tham nhũng tập thể, cướp công trình của cả dân tộc, chia chác xương máu của cả nước”.
Nhưng bà Ngô Bá Thành cũng như đa phần dân chúng còn không biết đến những nguồn vàng to lớn hơn, quan trọng hơn, mà kẻ cầm quyền đã chia chác trong bóng đêm.
Nỗi đau khổ chiến tranh, toàn dân phải gánh chịu, nhưng bộ phận chịu
đựng sự mất mát lớn nhất vẫn là những người cầm súng và gia đình họ. Vào
khoảng 2004, 2005, một tờ báo công nhận con số mất tích trong chiến
tranh là trên 900.000, có nghĩa là ngót nghét một triệu. Nhà cầm quyền
có thể công bố con số giả về sự tử vong nhưng con số mất tích thì khó
bôi xoá vì sau chiến tranh hai, ba chục năm, những gia đình có con em
mất tích vẫn tiếp tục khiếu kiện và đi tìm thân nhân của họ. Trong lúc
đó, khoảng cách giữa các ông lớn cầm quyền với dân chúng càng ngày càng
xa, giống như bờ đất lở.
Từ xưa đã có câu: “Tình đời thay trắng đổi đen.”
Không có gì cũ hơn và cũng chẳng có gì mới hơn là sự bội phản của người với người.
Lúc cần làm cuộc chiến tranh, ban tuyên huấn trung ương đảng tìm được cả
một đội quân tuyên truyền để ngợi ca người lính. Thêm vào đó, không kể
những người ăn lương để làm “tâm lý chiến” còn vô số người sáng tác theo
chính cảm hứng và nhận thức của mình. Ý chí chống ngoại xâm vốn là
nguồn cảm hứng cỗi rễ của một dân tộc không ngừng tranh đấu để giành
quyền tự chủ như dân Việt Nam. Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu viết cuốn
“Dấu chân người lính”, cuốn sách thuộc loại best-seller đầu bảng lúc ra
lò. Nhạc sĩ Vũ trọng Hối viết ca khúc tuyệt đẹp:
“Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn.
Núi mòn mà đôi gót không mòn…”
Nguyễn Minh Châu, Vũ Trọng Hối không phải bị cưỡng chế mà viết, họ viết với tất cả sự chân thành và niềm cảm hứng. Cũng như những người lính khác bước vào chiến đấu, họ sáng tác trong trạng thái Nhập đồng, hoặc nói văn vẻ hơn, trạng thái Siêu tuyệt (Transcendance). Lúc đó, chưa ai có đủ từng trải lẫn thông tin để hiểu sự thật.
Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1985, Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1930) hẳn đã vỡ mộng nên đã nói với tôi trên trại sáng tác Đại Lải của Hội nhà văn:
“Mình xui con người ta đi vào chỗ chết. Biết đâu sự thể nó lại ra thế này?…”
Rồi anh thở dài và im lặng. Nguyễn Minh Châu vốn là người kín đáo, thường tự nhận một cách công khai trước đồng nghiệp:
“Tôi nhát lắm, tôi sợ chết lắm. Vua chúa châu Á vốn coi nhà văn ngang với bọn ăn mày. Chúng ta phải biết thân biết phận.”
Tuy sợ chết, anh vẫn không tránh được cái chết. Chừng vài năm sau ngày
gặp tôi trên trại viết văn Đại Lải, anh chết vì ung thư máu, do nhiễm
chất độc màu da cam trong chiến trường Quảng trị. Đó là một nhà văn quân
đội, đã từng sống khá lâu với lính Trường sơn. Tuy nhiên, anh chết sớm
còn là may, nếu sống thêm một vài năm nữa, anh sẽ phải chứng kiến sự
phản bội tàn độc của những kẻ cầm quyền đối với binh lính, và con tim
nhút nhát của anh sẽ phải dày vò quằn quại một cách dữ dội hơn nếu anh
thấy những người anh hùng năm xưa “Xẻ dọc trường sơn đi đánh Mỹ” đã biến
thành “Những thằng tù không số, bị giết dần trong các nhà giam”.
Đó là sự kiện xẩy ra cuối thập kỷ 80, gần như cùng lúc với vụ Thiên An Môn ở Trung quốc.
Tôi tạm gọi là Thiên An Môn Việt Nam.
Vì sao lại là Thiên An Môn?
Vì bản chất sự việc cũng là một cuộc tàn sát dân chúng để bảo vệ nền chuyên chính và số lượng người thiệt mạng cũng ngang ngửa với vụ Thiên An Môn xẩy ra ở Tầu.
Thời đại của chúng ta là thời đại truyền thông.
Thiên An Môn Trung quốc có cơ may được biết đến vì nó xảy ra giữa ban
ngày, tại Bắc kinh, nơi báo chí thế giới làm việc. Nhà cầm quyền Trung
quốc vốn cứng rắn, không thèm đếm xỉa tới dư luận nước ngoài nên họ
không che giấu hoặc nguỵ trang cuộc tàn sát dân chúng. Như thế, nhân
loại biết được sự kiện này nhờ thói ngạo mạn của ông vua Đặng tiểu Bình.
Ngược lại trăm phần trăm, Thiên An Môn Việt Nam xẩy ra trong bóng đêm,
tại các tỉnh, trước hết là Thái Bình, nơi các phóng viên báo chí thế
giới bị ngăn cấm đi tới. Nhà cầm quyền Việt Nam không dám ngỗ ngược
thách thức dư luận thế giới như các bậc đàn anh Trung Hoa, họ chọn con
đường mềm dẻo hơn, khôn ngoan hơn và hiệu quả hơn. Số người bị chết
trong cuộc tàn sát này là khoảng giữa một ngàn với hai ngàn, có nghĩa là
bằng số người bị bắn chết trên quảng trường Thiên An Môn nhưng sự giết
chóc diễn ra từ từ, lặng lẽ, trong các trại giam khác nhau, không một
tiếng kêu nào lọt được ra ngoài, không một ống kính thu hình nào ghi lại
được. Nhà cầm quyền Việt Nam, hành động theo truyền thống du kích, có
nghĩa là ẩn mình trong bóng tối, nói cách khác, họ thực thi các biện
pháp độc ác một cách uyển chuyển của loài rắn rết (à la façon
reptilienne). Họ thành công tuyệt đối. An toàn tuyệt đối. Tuy nhiên,
cũng vì không thể giết hết gia đình của các cựu chiến binh nên những
người như chúng tôi mới có thể điều tra về cuộc tàn sát này.
Tôi xin kể vắn tắt:
Thời gian ấy, tôi vẫn thường gặp gỡ các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang. Một bữa, ông Độ bảo:
- Mấy hôm nay họ tăng cường số công an gác cửa nhà tôi. Họ nghi cô với tôi chỉ đạo cuộc nổi dậy của các cựu chiến binh ở Thái Bình.
- Vì sao? Tôi hỏi.
Ông Trần Độ trả lời:
- Tại vì cô là dân Duyên hà còn tôi là dân Tiền hải. Chúng ta đều có gốc
ở tỉnh Thái lọ. Thêm nữa, tôi là tướng còn cô cũng là dân từ Quảng bình
khói lửa trở về. Họ cho rằng chúng ta xúi giục cựu chiến binh.
Tôi nói:
- Tôi có biết gì đâu. Đã gần một tháng nay tôi ngồi viết, không tiếp xúc với ai, không rời khỏi nhà quá một trăm mét. Hành trình của tôi chỉ bao gồm từ tầng ba khu chung cư xuống mặt đường rồi lại leo lên. Vài ngày một lần tôi xuống đường mua thực phẩm. Tuy nhiên, nếu họ đã ngờ vực tôi xúi giục cuộc khởi dậy này, tôi sẽ điều tra sự thật về nó, như thế, để khỏi phụ lòng bộ nội vụ Việt Nam.
Ông Độ bảo:Tôi nói:
- Tôi có biết gì đâu. Đã gần một tháng nay tôi ngồi viết, không tiếp xúc với ai, không rời khỏi nhà quá một trăm mét. Hành trình của tôi chỉ bao gồm từ tầng ba khu chung cư xuống mặt đường rồi lại leo lên. Vài ngày một lần tôi xuống đường mua thực phẩm. Tuy nhiên, nếu họ đã ngờ vực tôi xúi giục cuộc khởi dậy này, tôi sẽ điều tra sự thật về nó, như thế, để khỏi phụ lòng bộ nội vụ Việt Nam.
- Nhưng cô cũng bị theo rõi mà.
Tôi đáp:
- Đương nhiên. Nhưng bọn công an không thể theo rõi tôi 24 trên 24, buổi
tối chúng nó phải về chăm con và ngủ với vợ. Vả chăng, trước kia Việt
minh hoạt động du kích ra sao thì bây giờ tôi cũng hoạt động du kích
đúng như vậy. Thêm nữa, tôi không phải một mình cho dù các nhà báo Pháp
đặt cho tôi biệt danh “Con sói cái đơn độc”. Không ai có thể chiến đấu
một mình trừ các vị thánh. Tôi không phải là thánh, tôi là người.
Phong trào đấu tranh của các cựu chiến binh tỉnh Thái Bình khởi dậy ở
Quỳnh Lưu, một trong các xã nghèo nhất tỉnh. Ở đây, chính các cựu chiến
binh là những người đầu tiên phát hiện ra các vụ “thu thuế đểu” của bọn
hào lý. Họ phát động dân chúng lên thành phố biểu tình, yêu cầu tỉnh uỷ
trả lại dân các món tiền thu khống. Dường như ở tất cả các xã, cựu chiến
binh đều là lực lượng đầu tầu hướng dẫn dân chúng đấu tranh. Phong trào
nhanh chóng lan sang các huyện khác. Rồi từ tỉnh Thái Bình, cuộc biến
động lan sang Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định và một phần Quảng Ninh. Lúc
đó, có khá nhiều nhà báo nước ngoài đòi xuống các tỉnh để xem xét tình
hình. Công an Hà Nội trả lời một cách mềm mỏng:
“Xin các vị chờ một vài ngày để chúng tôi sắp xếp phương tiện đi lại. Nếu các vị đi bây giờ e rằng mất an toàn.”
Họ khất lần như vậy. Ngày nọ qua ngày kia, đám nhà báo mất kiên nhẫn. Việt Nam đã bị lãng quên, chẳng có gì đáng làm một cuộc đầu tư lớn, kể cả thời gian lẫn tiền bạc. Các điểm nóng của hành tinh đã chuyển sang vùng đất khác. Vậy là, các phóng viên nước ngoài, sau một hồi chờ đợi mỏi mệt, người nọ theo người kia lần lượt leo lên thang máy bay. Một khi, không còn ống kính báo chí nào ở Hà Nội, chính quyền lập tức tổ chức một cuộc bắt bớ rầm rộ ở khắp các địa phương. Đương nhiên, số lượng người bị bắt nhiều nhất vẫn là ở Thái Bình. Nửa đêm, xe hòm thép của công an ập vào từng làng, dưới sự dẫn đường của cán bộ xã, lôi những “kẻ đầu sỏ” các cuộc biểu tình lên xe, trước tiếng kêu la gào thét của thân nhân lẫn láng giềng.
Họ khất lần như vậy. Ngày nọ qua ngày kia, đám nhà báo mất kiên nhẫn. Việt Nam đã bị lãng quên, chẳng có gì đáng làm một cuộc đầu tư lớn, kể cả thời gian lẫn tiền bạc. Các điểm nóng của hành tinh đã chuyển sang vùng đất khác. Vậy là, các phóng viên nước ngoài, sau một hồi chờ đợi mỏi mệt, người nọ theo người kia lần lượt leo lên thang máy bay. Một khi, không còn ống kính báo chí nào ở Hà Nội, chính quyền lập tức tổ chức một cuộc bắt bớ rầm rộ ở khắp các địa phương. Đương nhiên, số lượng người bị bắt nhiều nhất vẫn là ở Thái Bình. Nửa đêm, xe hòm thép của công an ập vào từng làng, dưới sự dẫn đường của cán bộ xã, lôi những “kẻ đầu sỏ” các cuộc biểu tình lên xe, trước tiếng kêu la gào thét của thân nhân lẫn láng giềng.
Không cần tuyên bố, cũng chẳng có cáo trạng, các cuộc bắt bớ này diễn ra
giống hệt các cuộc vây ráp, khủng bố của thực dân Pháp trước đây nếu
không muốn nói là còn tàn bạo hơn. Sau đêm ấy, gia đình các cựu chiến
binh không có cách nào liên lạc được với thân nhân của họ. Những ông bố,
bà mẹ, những người vợ hội họp nhau để đi kêu cứu. Nếu ai sống ở Hà Nội
vào thời gian đó, sẽ nhớ rằng có những ngày đột nhiên con phố Trần Bình
Trọng bị bít kín hai đầu, ngăn xe qua lại. Ấy là vì thân nhân các cựu
chiến binh biểu tình ở cổng bộ nội vụ (số 15 Trần bình Trọng), đòi trả
lời về những người bị bắt. Không ai đánh đập họ nhưng cũng không ai tiếp
họ.
Đám dân khốn khổ ngồi giãi nắng qua trưa, được các quan lớn phát một
chiếc bánh mì rồi tống lên xe tải chở về Thái Bình. Nhưng đến nửa đường,
lái xe dừng lại (đương nhiên là theo lệnh bề trên), đuổi đám dân quê
xuống, bắt buộc họ phải đi bộ bốn năm chục cây số mới về đến làng. Tình
trạng giao thông ở Việt Nam thời ấy vô cùng tồi tệ và khoảng cách là một
trở ngại mà con người, trước hết là các nông dân, không đủ phương tiện,
không có tiền nong, khó có thể vượt qua. Như thế, qua vài lượt, những
người dân quê cạn kiệt hơi sức, cũng chẳng còn tiền mua vé xe lên Hà Nội
tranh đấu nữa. Họ đành phải câm lặng chịu đựng. Chịu đựng, vốn là thói
quen cố hữu của dân Việt Nam.
Trong lúc ấy, số phận những cựu chiến binh ra sao?
Họ bị phân bố vào các nhà tù khác nhau nằm rải rác trên toàn quốc, người
nọ không còn liên lạc được với người kia. Sau vài tuần, họ bị chuyển
đến sống trong các trại giam dành cho bọn tội phạm đặc biệt, những kẻ
mang án chung thân hoặc ít nhất hai mươi lăm năm tù, những kẻ hung hãn,
giết người không ghê tay. Ở đó, họ được thanh toán một cách dần dà bởi
chính đám tù này. Giết một cựu chiến binh, án được giảm hai năm. Giết
hai, án được giảm bốn năm. Tỷ lệ cứ theo thế mà nhân lên, càng giết được
nhiều, càng nhanh được giải phóng. Vì thế, cuộc tàn sát trở thành một
“sự nghiệp quan trọng” một cuộc “đua tranh” của bọn tội đồ.
Chúng giết họ theo nhiều kiểu khác nhau. Nhưng cách được xử dụng nhiều
nhất là “cắm đũa”. Vì trong trại giam, những vật được coi là vũ khí đều
bị cấm nên đám quản giáo chỉ thị ngầm cho bọn phạm là chỉ sử dụng các vũ
khí đặc biệt “tiện lợi, nhẹ gọn”. Phương tiện hữu hiệu nhất là đũa
tre.
Những chiếc đũa được vót bằng tre đực già, cứng như sắt, một đầu được
mài nhọn như kim, đầu kia để tù kiểu như đầu một que đan. Khi đã có được
thứ “kiếm tre” này, bọn tội phạm rình lúc các cựu chiến binh ngủ say,
ấn đầu đũa nhọn vào lỗ tai họ đồng thời dùng mu bàn tay hoặc một hòn đá
quả xoài thay cho chiếc búa, đóng thật mạnh vào đầu tù của chiếc đũa cho
nó xuyên từ tai nọ sang tai kia.
Người bị hại chết ngay tức khắc, chết không một tiếng kêu. Kiểu chết này
là thứ sáng tạo vô cùng độc đáo của công an Việt Nam đáng được ghi vào
sử sách. Những người cựu chiến binh, đám anh hùng Trường Sơn năm xưa,
những chàng trai “vừa ca hát vừa đi vào chiến trường” đã được Đảng thân
yêu của họ xử lý theo cách đó.
Trong nhóm đấu tranh của tôi có một người cũng là cựu chiến binh, trong chiến tranh Việt-Mỹ đã hai lần được đề bạt là anh hùng và cả hai lần đều trượt vì mắc tội chửi cấp trên là: “Lũ chó, chúng mày ham thành tích, chúng mày giết lính”.
Lúc xảy ra vụ Thiên An Môn Việt Nam, anh rất lo cho số phận một người
đồng đội cũ nên đến Quảng Ninh tìm. Anh bạn Quảng Ninh nổi tiếng là một
tay thiện xạ trong chiến tranh, ngực treo đầy huân chương, may mắn không
bị bắt vì suốt thời gian xảy ra cuộc biến động phải ở trong bệnh viện
nuôi đứa con bị bệnh nặng. Nhưng hai người bạn thân nhất của anh đã chết
trong tù. Người cựu chiến binh này đã để nước mắt rơi lã chã và nghiến
răng nói:
“Những viên đạn của tôi bay lạc. Đáng lẽ chúng phải găm vào đầu những thằng khác.”
Đáng lẽ!…
Đây là sự vỡ mộng của một người lính bị phản bội. Sự vỡ mộng ấy kèm theo ước muốn trả thù, nó bạo liệt hơn hơn tất thảy các trạng thái vỡ mộng thông thường, chỉ bộc lộ bằng những tiếng thở dài ảo não.
*****
Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là cuộc chiến tranh mà truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng ở mức tối đa.
Xương máu của lính và dân đổ xuống đã xây nên bức tường thành theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa thực.
Bức tường thành đồ sộ ấy có thể là khải hoàn môn cho người này và là cổng vào địa ngục cho người kia, tuỳ theo cách nhìn của họ.
Đối với tôi, đó là bằng chứng kinh khủng nhất cho sự nhầm lẫn của con người.
Paris ngày 11 tháng 2 năm 2013.
--
Phan Cao Tri
Visit Thần Phong TaeKwonDo Australia
http://thanphongaustralia.com/
HÔN NHÂN & MUA BÁN GÁI VIỆT
Những "công chúa" Việt ở Hàn vỡ mộng hôn nhân
Nguyễn Huệ - theo Trí Thức Trẻ | 29/09/2013 08:30 Chia sẻ:
(Soha.vn) - Ngày 26/9, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa và tuyên chấp nhận ly hôn với năm trường hợp lấy chồng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc.
Trước đó, tòa án tỉnh này cũng xử nhiều vụ ly hôn tương tự. Nguyên nhân
các cô gái đưa ra là do bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau
dẫn đến mâu thuẫn, bị nhà chồng ngược đãi, có trường hợp vì không sinh
được con nên thường xuyên bị chồng đánh đập. Tại tất cả phiên tòa đều
không có mặt các ông chồng người nước ngoài.
Nhiều vùng quê Việt Nam “trắng gái xuân thì”, còn con trai thì khó lấy vợ vì vấn nạn lấy chồng Hàn Quốc,
Đài Loan. Và cái kết của nhiều cô gái nhận về là sự đổ vỡ trong hôn
nhân. Việc ly hôn giữa cô dâu Việt và những chàng rể nước ngoài còn tạo
nên một thế hệ con lai bất hạnh. Các bé dù ở với bố hay về Việt Nam cùng
ông bà ngoại thì tiếng cười tuổi thơ của các em cũng không được trọn
vẹn.
Trước thực trạng ấy chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Kim Young Shin, Giám đốc dự án Gia đình đa văn hóa (Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn).
Bà Kim Young Shin, Giám đốc dự án Gia đình Đa Văn hóa (Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn).
PV: Theo bà nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng ly hôn của nhiều cặp vợ chồng Việt – Hàn?
Bà Kim Young Shin: Các cô dâu Việt Nam biết
tới đất nước Hàn Quốc chủ yếu qua phim ảnh. Xứ sở Kim Chi với họ rất
trừu tượng. Và họ luôn nghĩ mình sẽ trở thành “công chúa” khi sang đây.
Nhưng thực tế không phải như vậy, cuộc sống ở đất nước Hàn Quốc cũng rất vất vả.
Xã hội Hàn Quốc trước đây là gia trưởng. Người đàn ông đi làm có trách nhiệm kiếm tiền chăm sóc gia đình mình. Còn vợ chăm sóc gia đình và con cái. Đó là vai trò của phụ nữ Hàn Quốc.
Hiện nay, quan niệm sống đó đã thay đổi nhiều. Nhưng đàn ông Hàn Quốc
lấy vợ Việt Nam chủ yếu là từ 40 tuổi trở lên. Chính vì vậy, tư duy của
họ vẫn là tư duy của người Hàn Quốc
truyền thống. Với họ, nụ cười của người vợ mỗi sáng trước khi đi làm có
ấn tượng rất mạnh, họ coi đó là điều may mắn cho cả ngày. Nhưng gương
mặt cau có của vợ mỗi sáng khiến họ thấy xui xẻo.
Thêm nữa là sự khác biệt về văn hóa, cách sống. Các cô dâu Việt Nam
không hiểu được văn hóa Hàn Quốc. Họ vẫn làm theo thói quen của mình là
mỗi sáng cả gia đình ăn sáng ở ngoài thay vì lo bữa ăn sáng tại nhà.
Chính vì thế nhiều người chồng và gia đình nhà chồng rất ngạc nhiên.
Thêm ví dụ nữa là khi chồng đi làm vợ vẫn nằm ngủ trông rất mất lịch sự.
Mặc dù vậy, không hiểu văn hóa nhưng hai bên sống chân thành, nỗ lực
xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ khắc phục được những xung đột phát sinh.
Cận cảnh các cô gái Việt Nam tham gia buổi tuyển rể Hàn Quốc tại Hải Phòng.
PV: Cô dâu Việt Nam sang Hàn Quốc luôn nghĩ mình là “công chúa”, vậy đã có trường hợp nào cô dâu Việt thấy thất vọng chưa, thưa bà?
Bà Kim Young Shin: Tôi xin được lấy ví dụ về
một trường hợp có thật tại lớp học “Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành
cho phụ nữ Việt Nam theo diện kết hôn”. Trong tiết học ẩm thực, một cô
dâu người Việt không học. Giáo viên hỏi lý do vì sao không học nấu món
Hàn Quốc thì cô gái này trả lời lương của chồng em là 2.000 USD. Lúc
này, giáo viên là người Hàn Quốc giải thích: Lương của chồng tôi là
4.000 USD nhưng tôi không thể thuê người giúp việc được. Vì thuê người
giúp việc phải trả là 2.000 USD, nên em phải học tập cách nấu ăn của
người Hàn Quốc thì em mới có thể tồn tại được. Các em không biết giá trị
của tiền Hàn Quốc như thế nào nên lương 2.000 USD không phải là mức
giàu có.
Các cô dâu Việt Nam tham dự buổi khai mạc lớp học “Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc dành cho phụ nữ Việt Nam theo diện kết hôn”.
PV: Điều gì ở các cuộc hôn nhân Việt – Hàn khiến bà thấy buồn?
Bà Kim Young Shin: Tôi tới Việt Nam vào năm
1993. Lúc đó, tôi không bao giờ tưởng tượng được người Hàn Quốc lại lấy
vợ Việt Nam nhiều như vậy. Đầu năm 2000, tôi nghe thông tin người Hàn
lấy vợ Việt Nam chỉ trong vòng 3 ngày. Thông tin ấy khiến tôi rất buồn
và đau khổ. Tôi tự đặt ra câu hỏi: làm sao trong 3 ngày không biết về
đối tượng mà có thể kết hôn được? Chính vì thế, tôi tìm hiểu về hôn nhân
quốc tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong quá trình tìm hiểu, khoảng năm 2004, tôi phát hiện thêm thông tin
khiến tôi hết sức ngạc nhiên là có một làng quê Việt Nam, tất cả con
gái độ tuổi xuân thì đều đi lấy chồng Hàn. Con trai làng này thì khó lập
gia đình.
PV: Thời gian gần đây có thông tin cô dâu
Việt lấy chồng Hàn bị bạo lực, bạo hành. Đây là những thông tin không
tốt khi mà con gái Việt sang Hàn Quốc làm dâu. Bà đánh giá như thế nào
về thông tin này?
Bà Kim Young Shin: Hiện nay, bạo lực gia đình
với những gia đình Việt – Hàn tại Hàn Quốc theo thống kê là ít hơn so
với phát sinh giữa người Hàn với người Hàn. Thống kê đưa ra, cứ ba cặp
vợ chồng người Hàn với nhau thì có một cặp mâu thuẫn, đánh nhau hoặc ly
hôn. Trong khi đó thì gia đình đa văn hóa họ sống hạnh phúc hơn nhiều.
Nhưng vì đây là kết hôn đa văn hóa, hôn nhân quốc tế giữa hai nước Việt
– Hàn nên có bất kì sự việc xấu gì đều được các phương tiện thông tin
đại chúng đăng tải. Còn thông tin về những gia đình đa văn hóa sống hạnh
phúc thì ít được báo chí quan tâm đưa lên.
PV: Bà có “hiến kế” nào cho cô dâu Việt Nam muốn kết hôn với người Hàn Quốc lựa chọn được con đường đi đúng đắn nhất?
Bà Kim Young Shin: Chế độ hôn nhân quốc tế
của Hàn Quốc phải thay đổi. Các chú rể khi muốn đăng kí kết hôn quốc tế
phải làm bộ hồ sơ có tất cả thông tin về mình. Không chỉ thông tin trên
giấy tờ mà cả những thông tin về hình ảnh, video. Ví dụ, nhà đang ở như
thế nào, kinh tế ra sao, thậm chí chụp cả ảnh người thân trong gia đình… để cô dâu Việt biết rõ đối tượng mình sắp kết hôn.
Có thể lập ra website để những người muốn kết hôn quốc tế có thể đăng
tải hình ảnh, thông tin của mình và tự làm quen trước khi đi tới quyết
định về cuộc hôn nhân.
Tuy nhiên, nhiều cô dâu Việt Nam thông qua công ty môi giới kết hôn với
người Hàn Quốc nhưng mục đích không phải kết hôn. Mà kết hôn, sang đó
rồi họ bỏ trốn đi lao động bất hợp pháp kiếm tiền. Ở Việt Nam cũng cần
có biện pháp để có thể loại trừ những người kết hôn với mục đích như
thế.
Ở Việt Nam chưa cho phép công ty môi giới hoạt động. Họ muốn tìm cô dâu
Việt nhưng không quảng cáo được nên phải qua một trung gian. Các trung
gian này thường tìm các cô gái ở các vùng quê. Họ nhận tiền, tìm rể Hàn,
dâu Việt một cách thiếu minh bạch.
Nếu Việt Nam cho phép các công ty môi giới hoạt động theo luật định và
cấp giấy phép cho họ thì vấn đề này có thể giải quyết được. Việc giới
thiệu phụ nữ Việt Nam sang làm dâu Hàn Quốc sẽ không phải qua đầu mối và
minh bạch hơn. Theo tôi, như thế, những trường hợp đáng tiếc xảy ra như
chồng giết vợ, li hôn, bạo lực gia đình… sẽ được hạn chế tới mức thấp
nhất.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Đường dây 'tuyển vợ' cho người Trung Quốc
Ngày 11/1, Công an tỉnh Tây Ninh bắt tạm giam 9 nghi phạm liên quan đến đường dây buôn bán phụ nữ do Từ Thị Em (53 tuổi, ngụ Tây Ninh) cầm đầu.
Trước
đó, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảnh sát hình sự phối
hợp với Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) bắt quả tang
Nguyễn Thị Châm (41 tuổi) cùng chồng Nguyễn Văn Hùng (42 tuổi, cùng quê
Bắc Giang) đang làm thủ tục cho 3 phụ nữ Việt Nam và 3 người đàn ông
ngoại quốc bay ra Hà Nội rồi xuất cảnh sang Trung Quốc.
Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt giữ Từ Thị Em và Nguyễn
Thị Hiếu (53 tuổi), Nguyễn Bảo Chung (31 tuổi, con của Em), Nguyễn Thị
Yêm (29 tuổi) và Nguyễn Trọng Nhân (28 tuổi, cùng ngụ Tây Ninh)... 3
người Trung Quốc và những cô gái đang chờ "xét tuyển" lấy chồng nước
ngoài đã bị tạm giữ hành chính.
Theo nhà chức trách, đường dây của Em hoạt động hơn
một năm. Vợ chồng Hùng - Châm thường xuyên "đặt hàng" của bà này rồi tìm
cách dụ dỗ, bán các cô gái sang Trung Quốc với giá 33 triệu đồng một
người.
Đến nay, nhóm này đã bán được 10 phụ nữ Việt Nam cho đàn ông Trung Quốc. Vụ việc đang được Công an Tây Ninh điều tra mở rộng.
Nguyệt Triều
Gia cảnh nghèo khó
Bà Trương Thị L., 79 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An rất đông con, nhưng chỉ còn cô út là chưa lập gia đình. Cuộc sống của những đứa con đã lập gia đình đều rơi vào hoành cảnh khó khăn. Cô con gái út, tên là N.T.M (SN 1975), bị dị tật hở hàm ếch. Với bản tính hiền lành, chậm chạp nên đã 37 tuổi mà chị M. vẫn chưa có mối tình vắt vai, nói chi đến chuyện lập gia đình. Hai mẹ con ở trong căn nhà nhỏ, trên đất xóm giềng cho mượn tạm cùng lòng từ thiện của xóm giềng và tiền trợ cấp xã hội của chính quyền địa phương.
Bức ảnh cưới duy nhất để làm bằng chứng chị M. lấy chồng "ngoại quốc".
Vì khù khờ, chị M. bị kẻ xấu lợi dụng cưỡng hiếp đến mang thai và sinh được con trai. Khi con trai lớn, biết mình sinh ra trong hoàn cảnh nghiệt ngã đã bỏ đi biệt tích cho đến nay. Vì quá nghèo nên bà L. chưa có cơ hội đi tìm cháu ngoại.
Bà L có 2 đứa cháu ngoại (con riêng của chồng) là N.T.T và N.T.C. lấy chồng Trung Quốc. Tháng 4/2012, T. và C. về thăm cha mẹ ở ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong chuyến "hồi hương" này, T. và C. dẫn theo 2 người đàn ông Trung Quốc. Ở một vùng quê nghèo, con gái được lấy chồng ngoại quốc thì cả gia đình, dòng họ hãnh diện, vì "made in.....ngoại quốc". T. và C. khoe đời sống sung sướng của các cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc một cách thái quá, rồi tỏ ra tốt bụng cho biết, mong muốn các cô gái quê nhà nhanh chóng đổi đời bằng cách lấy chồng Trung Quốc.
Lừa cả người nhà
C. nhanh chóng "môi giới" được vợ cho người đàn ông Trung Quốc, rồi họ nhanh chóng sang xứ người. T. ở lại kiếm vợ cho Xie Nanhe (SN 1972), ngụ ở thị trấn Thích Trung, TP. Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Lý do cơ bản nhất khiến Xie Nanhe "ế" là trong một trận thư hùng kiểu giang hồ, bị chém mất 1 mảng sọ đầu. Hiện tại, Xie Nanhe rất "vui vẻ", có thể cười 24/24 giờ kể cả trời nắng hoặc mưa.
Thấy gia đình bà L. nghèo, T. liền tìm đến gợi ý. Bà L. gả cô M. cho Xie Nanhe, sẽ nhận được 25 triệu đồng. Nghĩ con gái mình vô duyên bất hạnh, bây giờ có cơ hội lấy chồng, mà lại là chồng nước ngoài nên bà L. gật đầu đồng ý liền. Anh chị của M. ngăn cản quyết liệt nhưng không được. T. nhờ thợ chụp ảnh cưới cho Xie Nanhe và chị M. để làm bằng chứng. Ngay hôm sau (22/5/2012), T. thuê ô tô đến nhà đưa chị M ra sân bay Tân Sơn Nhất. Linh tính cho biết mình sẽ nguy hiểm, chị M. trốn, về quê. Chị đi bộ suốt 3 ngày mới đến Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Một người chạy xe ôm tốt bụng, thương tình hỏi số điện thoại của người nhà chị M. rồi gọi điện báo tin.
Mấy anh chị của M. lập tức đi Củ Chi đón em gái về. Nhưng khi vừa về đến nhà thì T. xuất hiện tiếp tục dọa dẫm, ép lên xe ô tô. M. khóc lóc van xin ở lại. Trang đe dọa, muốn hủy bỏ "hôn nhân", bà L. phải trả lại 120 triệu đồng. Sợ quá, M. đành theo T. đi "làm vợ".
Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Huyền Thoại
Bà Trương Thị L., 79 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An rất đông con, nhưng chỉ còn cô út là chưa lập gia đình. Cuộc sống của những đứa con đã lập gia đình đều rơi vào hoành cảnh khó khăn. Cô con gái út, tên là N.T.M (SN 1975), bị dị tật hở hàm ếch. Với bản tính hiền lành, chậm chạp nên đã 37 tuổi mà chị M. vẫn chưa có mối tình vắt vai, nói chi đến chuyện lập gia đình. Hai mẹ con ở trong căn nhà nhỏ, trên đất xóm giềng cho mượn tạm cùng lòng từ thiện của xóm giềng và tiền trợ cấp xã hội của chính quyền địa phương.
Bức ảnh cưới duy nhất để làm bằng chứng chị M. lấy chồng "ngoại quốc".
Vì khù khờ, chị M. bị kẻ xấu lợi dụng cưỡng hiếp đến mang thai và sinh được con trai. Khi con trai lớn, biết mình sinh ra trong hoàn cảnh nghiệt ngã đã bỏ đi biệt tích cho đến nay. Vì quá nghèo nên bà L. chưa có cơ hội đi tìm cháu ngoại.
Bà L có 2 đứa cháu ngoại (con riêng của chồng) là N.T.T và N.T.C. lấy chồng Trung Quốc. Tháng 4/2012, T. và C. về thăm cha mẹ ở ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong chuyến "hồi hương" này, T. và C. dẫn theo 2 người đàn ông Trung Quốc. Ở một vùng quê nghèo, con gái được lấy chồng ngoại quốc thì cả gia đình, dòng họ hãnh diện, vì "made in.....ngoại quốc". T. và C. khoe đời sống sung sướng của các cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc một cách thái quá, rồi tỏ ra tốt bụng cho biết, mong muốn các cô gái quê nhà nhanh chóng đổi đời bằng cách lấy chồng Trung Quốc.
Lừa cả người nhà
C. nhanh chóng "môi giới" được vợ cho người đàn ông Trung Quốc, rồi họ nhanh chóng sang xứ người. T. ở lại kiếm vợ cho Xie Nanhe (SN 1972), ngụ ở thị trấn Thích Trung, TP. Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Lý do cơ bản nhất khiến Xie Nanhe "ế" là trong một trận thư hùng kiểu giang hồ, bị chém mất 1 mảng sọ đầu. Hiện tại, Xie Nanhe rất "vui vẻ", có thể cười 24/24 giờ kể cả trời nắng hoặc mưa.
Thấy gia đình bà L. nghèo, T. liền tìm đến gợi ý. Bà L. gả cô M. cho Xie Nanhe, sẽ nhận được 25 triệu đồng. Nghĩ con gái mình vô duyên bất hạnh, bây giờ có cơ hội lấy chồng, mà lại là chồng nước ngoài nên bà L. gật đầu đồng ý liền. Anh chị của M. ngăn cản quyết liệt nhưng không được. T. nhờ thợ chụp ảnh cưới cho Xie Nanhe và chị M. để làm bằng chứng. Ngay hôm sau (22/5/2012), T. thuê ô tô đến nhà đưa chị M ra sân bay Tân Sơn Nhất. Linh tính cho biết mình sẽ nguy hiểm, chị M. trốn, về quê. Chị đi bộ suốt 3 ngày mới đến Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Một người chạy xe ôm tốt bụng, thương tình hỏi số điện thoại của người nhà chị M. rồi gọi điện báo tin.
Mấy anh chị của M. lập tức đi Củ Chi đón em gái về. Nhưng khi vừa về đến nhà thì T. xuất hiện tiếp tục dọa dẫm, ép lên xe ô tô. M. khóc lóc van xin ở lại. Trang đe dọa, muốn hủy bỏ "hôn nhân", bà L. phải trả lại 120 triệu đồng. Sợ quá, M. đành theo T. đi "làm vợ".
Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Từ lời kêu cứu khẩn thiết của gia đình bà L., sau vài cú điện thoại, tôi đã liên lạc được với chị M. ở Trung Quốc. Qua điện thoại, tiếng khóc của chị thảm thiết: "Má ơi cứu con! Nó trói, bỏ đói, đánh, bắt uống nước tiểu... Đau quá má ơi! Con phải giấu điện thoại trong quần lót..". |
NGỌC TRINH * CHUẨN BỊ TẾT
Trái cây miền Tây chuẩn bị ra chợ Tết
Còn 2 tháng nữa mới đến Tết, nhưng tại vựa
trái cây miền Tây, thương lái và nhà vườn đã chốt đơn hàng. Các loại
trái cây chủ lực của chợ Tết đang được nhà vườn tất bật chăm bón, có
loại đang chuẩn bị thu hoạch.
Vùng bưởi Năm roi ở Phú Hữu - Hậu Giang, nhiều nhà vườnđã cho thu hoạch bán cho thương lái. |
Bưởi được chuyển từ trong vườn ra bờ kênh bằng xuồng. Nhà vườn bán bưởi sớm kỳ vọng giá tốt hơn so với giá bán cận tết. |
Ngoài mặt hàng bưởi Năm roi truyền thống ở Hậu Giang, nhiều năm nay, các nhà vườn còn đưa ra thị trường khoảng bưởi hồ lô rất được ưa chuộng, với giá bán từ 700.000 -1,5 triệu đồng/cặp |
Quýt hồng cũng là loại trái cây của miền Tây không thể thiếu của chợ Tết. |
Vùng quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp đang hứa hẹn một mùa Tết bội thu. |
Chôm chôm Chợ Lách - Bến Tre, |
...nhãn xuồng cơm vàng ở Vĩnh Long cũng bắt đầu được cho thu hoạch bán trước tết. |
Ở vùng cù lao Tân Lộc - TP. Cần Thơ, nhà vườn cũng tất bật thu hoạch mận An Phước. |
Mãng cầu là loại trái không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày tết. |
Xoài cát Hòa Lộc ở Đồng Tháp những ngày này thương lái đến tận vườn thu mua, với giá 28.000-30.000 đồng/kg. |
Nhiều nhà vườn tranh thủ thu hoạch dưa hấu sớm, để có thể trồng thêm 1 vụ nữa bán vào dịp qua tết. |
Dưa hấu xuống ghe để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. |
Vùng trồng thanh long ở Tiền Giang cũng đang tất bật chăm sóc để bán vào dịp tết. |
Cam soàn và cam sành hai mặt hàng cam được dự đoán hút hàng mạnh dịp tết này, song nhà vườn ở Hậu Giang vẫn lo dội chợ rớt giá, nhiều vườn tranh thủ bán sớm. |
Ngoài các loại cây ăn trái, chanh cũng là loại không thể thiếu. |
Đu đủ kiểng cho trái vàng ở Sa Đéc là loại quả độc đáo được săn mua mạnh ở chợ Tết. |
Ổi ruột hồng, giống mới phát triển ở ĐBSCL. Năm nay, mặt hàng này cũng góp mặt ở chợ Tết. |
Ở làng khóm Cầu Đúc - Hậu Giang, thời điểm này hàng đã được thương lái chốt xong giá, chỉ còn chờ thu hoạch đưa ra chợ. Trong mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam, khóm (thơm) là loại không thể thiếu. |
Thursday, December 5, 2013
TIN THẾ GIỚI
Mỹ 'không công nhận vùng phòng không'
08:58 GMT - thứ năm, 5 tháng 12, 2013
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington yêu cầu Bắc Kinh không thực hiện vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới thiết lập.Bà Marie Harf có họp báo với giới phóng viên nước ngoài hôm thứ Tư 4/12 tại Washington DC sau khi Phó Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc.
Bà Harf lặp lại lập trường của Hoa Kỳ, rằng nước này "không công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới thông báo thiết lập".
Nữ phát ngôn viên này nói danh sách yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra đối với các máy bay nước ngoài khi vào khu vực ADIZ là "không phù hợp với thực tế hàng không quốc tế".
Bà Harf cũng tuyên bố hành động của Trung Quốc "là hành động có tính khiêu khích cao" và có khả năng góp phần gây ra những tính toán sai lầm và sự cố trong khu vực.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc hủy các yêu cầu thủ tục cũng như các đòi hỏi đã đưa ra.
Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã đề cập 'thẳng thắn' tới chủ đề ADIZ.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Biden nói vùng phòng không của Trung Quốc đã gây quan ngại ở châu Á.
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc khi tường thuật về phát biểu của Phó phát ngôn viên Mỹ cho rằng Mỹ đã "giảm giọng điệu".
Tờ China Daily nói thay vì đòi hỏi hủy ADIZ như trước, bà Harf chỉ nói Mỹ yêu cầu không thực hiện nó. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/12/131205_us_china_adiz.shtml nó.
Ông Biden: Xung đột với Trung Quốc không phải không thể tránh được
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Nguyên Triều tại Bắc Kinh, ngày 5/12/2013.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói rằng tuy mối quan hệ của
Washington với Bắc Kinh là phức tạp và hai nước có những bất đồng thật
sự, xung đột không phải là không thể tránh được. Ông Biden tuyên bố như
thế ngày hôm nay trong ngày cuối của chuyến đi thăm Bắc Kinh trong
chuyến công du 3 nước Á châu. Từ thủ đô Trung Quốc, thông tín viên Bill
Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Chuyến công du Á châu trong tuần này của Phó Tổng thống Biden đã bị bao
phủ bởi những mối quan tâm về việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng
phòng không ở Biển Đông Trung Hoa, bao trùm quần đảo mà Nhật Bản tuyên
bố có chủ quyền.
Trung Quốc nói rằng vùng này được thiết lập để bảo vệ an ninh quốc gia
và sẽ không ảnh hưởng tới tự do phi hành trong khu vực. Cho đến nay,
Trung Quốc chưa can thiệp vào những chuyến bay trong vùng phòng không
thường được gọi tắt là ADIZ mà họ tuyên bố thiết lập hồi tháng trước.
Mặc dù vậy họ đã phái máy bay chiến đấu bay vào vùng này, làm tăng mối
lo ngại về những vụ tính toán sai lầm trong không trung.
Cả ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên đều đã phái máy bay quân sự bay vào vùng này mà không lý gì tới những đòi hỏi của Trung Quốc là phải thông báo trước cho Bắc Kinh.
Vùng ADIZ là một trong những vấn đề chính mà ngày hôm qua ông Biden đã thảo luận tại cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Loan báo đột ngột của Trung Quốc mới đây về việc thiết lập một vùng
nhận dạng phòng không mới rõ ràng là đã tạo ra một sự bất bình đáng kể
trong khu vực. Và trong cuộc nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi
đã rất thẳng thắn khi trình bày lập trường kiên quyết của chúng tôi và
những sự trông đợi của chúng tôi."
Tuy trước cuộc họp ông Biden đã không công khai nói tới vấn đề này,
nhưng ngày hôm nay ông đã phát biểu như sau với một nhóm các nhà lãnh
đạo doanh nghiệp ở Bắc Kinh.
Ông Biden cũng cho biết những sự bất đồng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc không chỉ giới hạn trong phạm vi các vấn đề an ninh.
"Chúng tôi có rất nhiều sự bất đồng, và một số những sự bất đồng sâu sắc
đối với một số những vấn đề đó vào thời điểm này là sự đối xử với các
nhà báo. Nhưng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ mạnh hơn và ổn định hơn và có
sức sáng tạo nhiều hơn nếu họ tôn trọng các quyền phổ quát của con
người."
Vị phó tổng thống của Mỹ nói thêm rằng mặc dù mối quan hệ là phức tạp và
những sự bất đồng là có thực, nhưng xung đột với Trung Quốc không phải
là không thể tránh được. Ông nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ra sức
hình thành một mối quan hệ mới giữa các cường quốc và sắc thái chính của
quan hệ đó là hợp tác và xây dựng.
"Cạnh tranh mọi mặt và cạnh tranh kịch liệt khác với xung đột về bản
chất. Thật ra, chúng tôi nhận thấy có sự quan tâm chung đáng kể về mặt
an ninh. Một Á châu Thái bình dương an ninh và hòa bình tạo điều kiện
cho tăng trưởng kinh tế của toàn thể khu vực."
Sau khi rời Trung Quốc, ông Biden sẽ đến thăm Nam Triều Tiên, là nước
cũng đã mạnh mẽ chỉ trích vùng phòng không mới của Trung Quốc. Seoul là
chặng dừng chân chót trong chuyến công du Á châu của ông Biden.
http://www.voatiengviet.com/content/xung-dot-voi-trung-quoc-khong-phai-khong-the-tranh-duoc/1804060.html
Philippines: Sẽ phản đối nếu TQ lập vùng phòng không ở Biển Đông
CỠ CHỮ
05.12.2013
Chính phủ Philippines ngày 4/12 loan báo sẽ phản đối thông qua các
kênh ngoại giao bất kỳ vùng nhận dạng phòng nào mà Bắc Kinh lập ra ở khu
vực Biển Đông.
Nhật báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời người phụ trách truyền thông của Văn phòng Tổng thống, ông Herminio Coloma, nhấn mạnh Manila quyết theo đuổi quyền tự do hàng hải tại vùng biển có tranh chấp cho dù đó là vận chuyển đường không hay đường biển, và không phận trên Biển Đông.
Phát biểu của ông Coloma đáp lại tuyên bố của đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Thanh hôm 2/12 nói rằng Bắc Kinh có quyền quyết định thời gian và địa điểm thành lập thêm một vùng nhận dạng phòng không mới sau tuyên bố về vùng phòng không ở Biển Hoa Đông hôm 23/11.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng có nguy cơ Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận ở Biển Đông.
Nhật báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời người phụ trách truyền thông của Văn phòng Tổng thống, ông Herminio Coloma, nhấn mạnh Manila quyết theo đuổi quyền tự do hàng hải tại vùng biển có tranh chấp cho dù đó là vận chuyển đường không hay đường biển, và không phận trên Biển Đông.
Phát biểu của ông Coloma đáp lại tuyên bố của đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Thanh hôm 2/12 nói rằng Bắc Kinh có quyền quyết định thời gian và địa điểm thành lập thêm một vùng nhận dạng phòng không mới sau tuyên bố về vùng phòng không ở Biển Hoa Đông hôm 23/11.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng có nguy cơ Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận ở Biển Đông.
Việt Nam quan tâm về việc TQ lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông
Tin liên hệ
- Đại sứ Trung Quốc: Bắc Kinh ‘có quyền’ thiết lập vùng phòng không ở Biển Ðông
- Vùng phòng không của Trung Quốc: Phép thử cho biển Đông?
- Ông Biden gặp Chủ tịch TQ, không công khai nói tới vùng phòng không
- Phó Tổng thống Mỹ thảo luận về vùng phòng không với Trung Quốc
- Mỹ 'quan ngại sâu sắc' về khu vực phòng không Trung Quốc
- Đài Loan muốn hòa đàm về vùng phòng không Trung Quốc
- Ðài Loan: Trung Quốc có thể lập vùng phòng không ở Biển Ðông
- Ông Biden: Xung đột với Trung Quốc không phải không thể tránh được
- Dùng vn1975.info, vn3000.com, hoặc vn510.com để vào VOA hoặc Facebook nếu bị chặn
CỠ CHỮ
05.12.2013
Việt Nam bày tỏ ‘quan tâm sâu sắc’ về các căng thẳng ở Biển Hoa Đông
sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)
tại đây.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/12, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam ‘theo dõi với sự quan tâm sâu sắc các diễn biến tại khu vực Biển Hoa Đông’ và mong ‘các bên liên quan kiềm chế’, giải quyết bất đồng theo luật quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình để ‘đảm bảo an ninh, an toàn cho các đường bay quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực.’
Vùng phòng không mới thiết lập của Trung Quốc hôm 23/11 ở Biển Hoa Ðông, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo nhỏ với Nhật, đã khơi lên phản ứng giận dữ từ các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ.
Khi được hỏi bình luận về khả năng Bắc Kinh thiết lập vùng ADIZ trên Biển Đông, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, Phó phát ngôn Lê Hải Bình đã không trả lời trực tiếp mà chỉ lập lại tuyên bố chung của Hà Nội lâu nay rằng: ‘Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, không gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình.’
Ông Bình cho biết vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông không ảnh hưởng tới các chuyến bay của Việt Nam qua khu vực vì ‘các chuyến bay đều được thông báo cho nhà chức trách của các quốc gia liên quan theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.’
Trước những lo ngại rằng Trung Quốc có thể lập một vùng phòng không ở Biển Ðông, đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Thanh hôm 2/12 tuyên bố Bắc Kinh có quyền chủ quyền để thiết lập một vùng phòng không trên biển ở một khu vực khác giống như đã làm ở Biển Hoa Ðông nhưng không nêu rõ hiện Trung Quốc có kế hoạch như vậy hay không.
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, không thể loại trừ khả năng này.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/12, Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam ‘theo dõi với sự quan tâm sâu sắc các diễn biến tại khu vực Biển Hoa Đông’ và mong ‘các bên liên quan kiềm chế’, giải quyết bất đồng theo luật quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình để ‘đảm bảo an ninh, an toàn cho các đường bay quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực.’
Vùng phòng không mới thiết lập của Trung Quốc hôm 23/11 ở Biển Hoa Ðông, nơi Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo nhỏ với Nhật, đã khơi lên phản ứng giận dữ từ các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ.
Khi được hỏi bình luận về khả năng Bắc Kinh thiết lập vùng ADIZ trên Biển Đông, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, Phó phát ngôn Lê Hải Bình đã không trả lời trực tiếp mà chỉ lập lại tuyên bố chung của Hà Nội lâu nay rằng: ‘Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, không gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình.’
Ông Bình cho biết vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông không ảnh hưởng tới các chuyến bay của Việt Nam qua khu vực vì ‘các chuyến bay đều được thông báo cho nhà chức trách của các quốc gia liên quan theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.’
Trước những lo ngại rằng Trung Quốc có thể lập một vùng phòng không ở Biển Ðông, đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Thanh hôm 2/12 tuyên bố Bắc Kinh có quyền chủ quyền để thiết lập một vùng phòng không trên biển ở một khu vực khác giống như đã làm ở Biển Hoa Ðông nhưng không nêu rõ hiện Trung Quốc có kế hoạch như vậy hay không.
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, không thể loại trừ khả năng này.
Vén màn chính trị Bắc Hàn
Cập nhật: 16:30 GMT - thứ tư, 4 tháng 12, 2013
Báo cáo từ Nam Hàn ẩn ý rằng
Chang Song-taek, nhân vật cao cấp lâu năm và đầy ảnh hưởng thân cận với
các lãnh đạo Bắc Hàn, có thể đã bị tước bỏ vị trí phó chủ tịch Ủy ban
Quân sự.
Nếu tin này là đúng, bước phát triển này có thể
cho thấy rằng Kim Jong-un, bị coi là lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, sau gần
hai năm lên cầm quyền có lẽ đã trở nên tự tin hơn và bắt đầu chứng tỏ
quyền năng cá nhân cũng như chính trị bằng cách ít bị lệ thuộc hơn vào
các cố vấn lão làng thân cận với cha ông, Kim Jong-il.Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Theo tìm hiểu của NIS, mặc dù được cho là dựa trên “nhiều nguồn tin”, rất nhiều trong số đó vẫn dựa trên phép loại suy từ các báo cáo về hai cố vấn thân cận của ông Chang bị hành quyết trước dân chúng vào tháng 11 do các tội liên quan tới tham nhũng.
Đối lập với sự thay đổi các lãnh đạo cấp cao trước kia, chẳng hạn như lần bãi chức ông Ri Yong-ho, nhân vật cao cấp nhất của quân đội vào năm 2012, việc thay đổi vị trí của ông Chang vẫn chưa được xác nhận từ các nguồn quan chức Bắc Hàn, và cũng chưa có các báo cáo chứng thực từ truyền thông Trung Quốc.
Kiểm soát tập trung
Nếu báo cáo của NIS là đáng tin (được khẳng định bởi ít nhất một phân tích gia cao cấp của ROK và là người từng đào tẩu từ Bắc Hàn), thì nó cho thấy một vài cách hiểu khác nhau.
Ảnh hưởng của Kim Kyung-hee có thể đã giảm, một phần là do sức khỏe yếu, thế nên khả năng bà bảo vệ cho vị trí của chồng cũng bị giảm bớt.
Chỉ mới mùa thu năm 2010 có ý kiến cho rằng bà Kim và chồng sẽ đóng vai trò người hướng dẫn cho Kim Jong-un, là người đương nhiên kế vị cha. Nhưng kiểu chế độ nhiếp chính này giờ đây có thể được thay thế bởi một hệ thống kiểm soát tập trung cụ thể hơn nhiều mà lãnh đạo mới đang tìm cách nhấn mạnh quyền lực độc tôn của mình.
Ông Chang từng không được ưa chuộng trong quá khứ. Ông từng tạm thời biến mất trước công chúng giữa năm 2004 và năm 2006 do bị cáo buộc là khoe khoang của cải quá nhiều, và lần biến mất này có vẻ sẽ lâu dài.
Cơ sở quyền lực
Ông Chang thường được coi là nhân vật cải cách kinh tế và có thể việc ông mất chức báo trước sự đảo ngược trong cải cách kinh tế.Tuy nhiên, Kim Jong-un đã đưa ra một loạt tuyên bố hùng hồn trước đại chúng, nổi trội nhất là vào tháng 4/2012, nhấn mạnh cam kết riêng nhằm cải thiện tình hình kinh tế, và khó có khả năng ông rời bỏ lập trường này.
Ông Chang cũng có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, từng có chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 8/2012.
Việc ông bị mất chức cũng có thể khiến Bắc Kinh khó chịu.
Tại Bắc Hàn, sự trung thành là chìa khóa của ảnh hưởng cá nhân và sự sống còn. Nên khó cho rằng ông Chang đánh liều vị trí của mình trong quá khứ bằng cách tỏ vẻ ủng hộ Trung Quốc quá đà.
Sự ra đi của ông lúc này này có thể phản ánh lo ngại từ phía Kim Jong-un (và những người gần gũi với ông) về sự đáng tin của ông Chang hay lo ngại rằng việc ông ta chiếm lấy tầm ảnh hưởng trong giới ưu tú cũng ngang như thiết lập một cơ sở quyền lực đối lập, thách thức quyền năng của ông Kim.
TƯỞNG NĂNG TIẾN * CỘNG SẢN NÓI VÀ LÀM
Nói vậy nhưng không phải vậy
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
2013-11-15
Trong cuốn Hồi Ký Vi Đức Hồi, tác giả đã nhắc đi nhắc lại gần đến cỡ chục lần rằng đảng luôn luôn nói một đằng, làm một nẻo:
Chẳng hạn đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột”thì chính những đảng viên của đảng lại là những người trực tiếp bóc lột người ;đảng nói “một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản”thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng;đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất” nhưng thực tế thì đảng đầ̀y rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ lười lao động, ăn bám, đục khoét tiền bạc của nhân dân;đảng nói “học thuyết Mác-Lê Nin và xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là đỉnh cao của nhân loại”, vậy tại sao lại sụp đổ ?Tại sao nước ta ngày nay lại trở lại thể chế của xã hội tư bản?
Trong tháng này, trang blog của RFA, vừa có thêm hai cây viết mới: Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Lân Thắng. Cả hai đều là những khuôn mặt khả ái và quen thuộc với cư dân mạng. Người sau (xem hình) trông trẻ trung hơn và (xem chừng) cũng vui vẻ hơn kẻ trước:
Trở về nhà trên xe của bộ Công an sau 18 tiếng "làm việc" cùng cơ quan an ninh, tôi đã có một cuộc tranh luận nho nhỏ ngoài biên bản với các chiến sỹ an ninh về tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, chuyện trao Tuyên bố 258... Chuyện thì cũng vui vui thôi, nhưng đến cuối cùng chị T cục A67 nhắc nhẹ: "...Anh lưu ý, nói là một chuyện, làm là một chuyện khác nhé..."
Lời dặn dò cuối cùng cứ văng vẳng trong đầu làm tôi suy nghĩ mãi, không biết lời dặn này có phải là có ý cho phép tôi cứ nói đi, còn làm nên dè chừng...??! Có một câu chuyện vui thế này: "Cả thế giới đều phải kiêng nể người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói. Người Nhật lại sợ Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm. Nhưng rồi tất cả chúng nó sợ ai??? Xin thưa, sợ nhất Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo…"
Tôi thực lòng không dám dở trò láu cá, mới (giả lả) khen Nguyễn Lân Thắng là “trẻ trung, vui vẻ” rồi lại liền buông lời than phiền hay chỉ trích (này nọ) nhưng “câu chuyện vui” mà ông bạn đồng nghiệp vừa kể – nói nào ngay – cái kết luận nghe không vui gì lắm: Việt Nam nói một đằng làm một nẻo…"
-Ủa, chớ người Việt nào mà kỳ cục dữ vậy cha nội? Phải chỉ rõ: ai, đứa nào, con nào, thằng ào, lũ khốn nạn nào chuyên môn “nói một đằng làm một nẻo” mới được, chớ nói năng lạng quạng – ba chớp ba nháng – như vậy (nghe) sao dễ mích lòng quá hà!
Tui cũng (làm bộ) hỏi cho vui vậy thôi, chớ câu hỏi dễ ẹc này, đã có người đã trả lời (xong xả) lâu rồi. Trong cuốn Hồi Ký Vi Đức Hồi, tác giả đã nhắc đi nhắc lại gần đến cỡ chục lần rằng đảng luôn luôn nói một đằng, làm một nẻo:
Chẳng hạn đảng nói “xây dựng xã hội không có bóc lột”thì chính những đảng viên của đảng lại là những người trực tiếp bóc lột người ;đảng nói “một xã hội có nền dân chủ gấp triệu lần xã hội tư bản”thì chính xã hội ta đang mất dân chủ trầm trọng;đảng nói “đảng bao gồm những người tiên phong nhất, tiên tiến nhất” nhưng thực tế thì đảng đầy rẫy những người xấu xa nhất, đó là những kẻ lười lao động, ăn bám,đục khoét tiền bạc của nhân dân;đảng nói “học thuyết Mác-Lê Nin và xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là đỉnh cao của nhân loại”, vậy tại sao lại sụp đổ ?Tại sao nước ta ngày nay lại trở lại thể chế của xã hội tư bản?
Sau đó, tất nhiên, ông Vi Đức Hồi phải đi tù (nghe đâu) gần cả chục năm vì tội “ tuyên truyền chống nhà nước.” Tù là phải. Đương sự không chỉ đụng tới Đảng (quang vinh) mà còn chạm tới Bác (anh minh) của toàn thể đồng bào:
Năm 1946 khi đến thăm lớp cán bộ bình dân học vụ đầu tiên do nhóm ông Nguyễn Hữu Ðang tổ chức, ông Hồ chỉ trích những người viết sách vỡ lòng trong đó có câu mẫu "Nó ở tù" để dạy ghép vần có nguyên âm u:"Các đồng chí không còn thí dụ nào hay hơn sao mà dùng cái thí dụ ác thế ? Làm hại đầu óc trẻ con. Xin tìm câu khác".
Mẹ tôi đi dự lớp huấn luyện này. Bà thường kể câu chuyện trên cho mọi người nghe như một thí dụ về lòng nhân ái cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hồ gặp một tù binh co ro trong cái rét cắt da của rừng Việt Bắc. Ông cởi tấm áo trấn thủ của ông cho anh ta, và câu chuyện lan truyền trong tù binh như một huyền thoại. (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, 2nded. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2008).
Và cái huyền thoại này, vẫn theo nhà văn Vũ Thư Hiên, đã chết trong lòng thân mẫu của ông – không lâu– sau đó:
Trong những ngày này, mẹ tôi kể, bà nghĩ đến thần tượng của bà rất nhiều. Ðêm đêm bà ngồi một mình trong căn nhà vắng lặng. Bà đã tin ông Hồ Chí Minh. Bà đã tin ông lắm lắm. Còn hơn tin, bà sùng kính ông, người anh cả của cách mạng, lãnh tụ của bà. Bức chân dung cỡ 18x24 ông Hồ Chí Minh tặng bà với dòng chữ "Thân ái tặng thím Huỳnh" trước ngày ông lên đường dự hội nghị Fontainebleau năm 1946 được bà gìn giữ như của gia bảo...
Nhiều người khuyên bà hãy cầu cứu ông Hồ. Dù muốn dù không Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ vẫn còn phải nể ông, họ nói. Mọi người tin chắc ông không biết việc xảy ra. Nếu ông biết, ông không bao giờ để xảy ra chuyện nồi da nấu thịt thế này. Vài năm nay, do sức khỏe kém, ông Hồ không còn trực tiếp điều khiển công việc đất nước.
Mẹ tôi không tin. Bà cho rằng để khởi lên một vụ lớn như thế này, Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ không thể không hỏi ý kiến ông Hồ, ông không thể không biết. Vụ bắt bớ chỉ được tiến hành một khi có sự đồng ý của chủ tịch nước... Chính do những suy nghĩ như vậy mà mẹ tôi không nghe theo lời khuyên của bè bạn. Bà không xin gặp, không thèm viết một dòng nào cho ông Hồ Chí Minh(V.T.H. Sđd, 22 -24).
Với nhiều người khác thì huyền thoại về lòng nhân ái của Bác được trực nhận dễ dàng hơn, dù họ bao giờ chưa được tiếp cận với ông, và sinh sống cách ông cả hàng ngàn cây số:
Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt. Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.
Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, thì kẻ ấy mặt dầy mày dạn, tán tận lương tâm. Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến. [(Võ Phiến. “Bắt Trẻ Đồng Xanh”. (Trích Tuyển Tập Võ Phiến, 2nded. Westminsre, CA: Người Việt, 2006)].
Anh Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy of tranhuynhduythucofficial
Sự “tán tận lương tâm” của Bác cũng có thể được nhận ra khi nhìn vào những “huyền thoại” khác. Ông Tôn Thất Tần (người mà “Jean Valjean gọi bằng cụ,”) là một trong những huyền thoại loại này – theo nhà văn Phạm Đình Trọng:
Hai mươi bảy tuổi, anh thanh niên Tôn Thất Tần đã trở thành người tù Cộng sản chỉ vì anh bộc lộ chính kiến phản đối Hiệp định 6.3.1946 do Hồ Chí Minh kí với Pháp thỏa thuận cho quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tàu Tưởng giải giáp quân Nhật. Năm mươi chín tuổi, ông già Tôn Thất Tần mới bước ra khỏi nhà tù Cộng sản.
Cuộc đời người tù của cụ Tôn Thất Tần kéo dài qua đời ba đảng Mác xít: Đảng Cộng sản Đông Dương, đảng Lao động Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam. 96 năm có mặt trên cõi đời thì một phần ba cuộc đời cụ Tôn Thất Tần, 32 năm (1946 - 1977), để lại trong nhà tù Cộng sản.
Hồ Chí Minh là chủ tịch nước VNDCCH từ năm 1945 cho đến năm 1969. Trong suốt thời gian này Tôn Thất Tần bị giam giữ không một phiên toà xét xử. Trong hai mươi bốn năm đó Bác cất “lòng nhân ái cách mạng” của mình ở đâu?
Có thể ông Hồ Chí Minh không biết ông Tôn Thất Tần là ai nhưng chắc chắn ông phải biết ông Nguyễn Hữu Đang, ông Hoàng Minh Chính, ông Đặng Kim Giang, ông Vũ Đình Huỳnh.. chớ? Lòng nhân ái của Bác ở đâu trước bản án 15 tù và 15 năm quản chế mà chế độ của ông dành cho “chú” Đang với cái tội danh (gián điệp) mà đứa trẻ lên ba ở miền Bắc VN cũng biết là ngụy tạo!
Lòng nhân ái cách mạng của Bác để đâu khi các đồng chí của mình: chú Chính, chú Giang, chú Huỳnh ... đang nằm sống dở chết dở hàng chục năm trong trại giam Hoả Lò vì “đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài” ?
Trước khi người cộng sản xuất hiện, ngôn ngữ Việt đã có sẵn thành ngữ “nói một đằng làm một nẻo” nhưng phải đợi cho đến khi Hồ Chí Minh đặt cho nền móng thì nó mới có thể dần trở thành truyền thống (cho cả đảng) và kéo dài cho mãi đến hôm nay – theo như lời chị T. cục A67 nhắc nhẹ: "...Anh lưu ý, nói là một chuyện, làm là một chuyện khác nhé..."
Chính cái “khác” này mà chế độ dân chủ (hơn vạn lần tư bản) ở VN đã tạo ra những bản án 32 năm dành cho Tôn Thất Tần, 33 năm dành cho người tù Trương Văn Sương, 37 năm cho người tù Nguyễn Hữu Cầu, và hơn chục năm cho người tù Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần ...với những tội danh hoàn toàn bịa đặt!
Và để biết thêm về hệ thống trại giam hiện nay, ở Việt Nam, xin đọc qua vài đoạn bài trong bài viết mới nhất (“Có hay không việc Trần Hùynh Duy Thức bị tra tấn?") của ông Trần Văn Huỳnh, sau chuyến đi thăm tù vào hôm 8 tháng 11 vừa qua:
... tôi cùng mấy đứa con, cháu lên đường đi Xuyên Mộc mà lòng đầy bất an sau khi nhận được tin Thức bị ép cung bằng roi điện. Trong tâm trạng lo lắng, tôi nghĩ đến những tình huống xấu nhất. Tôi cố trấn an mình bằng những suy nghĩ tích cực, nhưng sau đó nỗi lo vẫn quay trở lại vì tôi nhận ra trong điều kiện thiếu thốn, khan hiếm thông tin thì mọi khả năng đều có thể xảy đến…
Chia tay Thức ra về, nhìn dáng Thức bước đi lầm lũi vào sâu bên trong trại mà không quay lại vẫy tay chào gia đình như mọi khi, tôi chợt thấy không yên trong lòng. Xâu chuỗi lại những sự việc khác lạ của buổi thăm gặp lần này, có cơ sở để nghi ngờ rằng đang có một sự việc bất thường diễn ra đối với Thức. Đằng sau sự việc này dường như có uẩn khúc mà hiện giờ tôi chưa khẳng định được. Thông tin gia đình nhận được hôm trước liệu có là đúng, và Thức đang chịu một áp lực nên không thể báo cho gia đình?
Tôi chỉ mong câu trả lời của Thức là sự thật để tôi biết con mình được bình yên. Việc Thức bị biệt giam đã là sự trấn áp về mặt tinh thần rất lớn. Nay nếu Thức tiếp tục bị tra tấn về thể xác thì người cha già này không thể chịu đựng nổi.
Tôi không muốn nuôi trong lòng những mối nghi ngờ. Nhưng khi mà sự minh bạch trong thông tin là không có, trong khi có quá nhiều những việc không thể hiểu được đã xảy ra với con tôi, thật tôi không biết phải tin vào điều gì nữa.
Thay mặt gia đình, xin chân thành cám ơn sự nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ của mọi người với Thức và gia đình tôi. Có mọi người tôi cảm thấy không cô đơn và có thêm sức mạnh để tiếp tục con đường đòi tự do cho Thức.
Tháng 11/2013
Trần Văn Huỳnh
Nội dung không phản ảnh quan điểm của RFA
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 290
CHUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN = THỤY AN
THIÊN TRANG * NHỮNG CHUYỆN HÃI HÙNG
NHỮNG CHUYỆN HÃI
HÙNG
CỦA THUYỀN NHÂN GẶP
HẢI TẶC THÁI LAN
Khi quân đội Hoa Kỳ thất trận tháo lui, không ai muốn ở lại Việt Nam nữa. Những người thuộc giới cha chú đã được các bạn Mỹ chở đi trước, sót lại những kẻ bất hạnh thì chỉ còn bám víu vào những con thuyền mong manh hướng vịnh Thái Lan. Trên những chuyến vượt biên này họ đã ghi lại những mẩu chuyện có thật về hải tặc thuộc thế kỷ 20.
Hoàn
cảnh vào thời đó rất thuận lợi cho bọn cướp của giết người trên biển cả,
còn hơn
những chuyện hải tặc trong lịch sử thế giới. Dân chài xứ Thái rất nghèo túng,
luôn luôn tìm cơ may kiếm thêm chút tiền còm. Trong khi chính quyền cộng sản
Việt Nam làm ngơ trước cơ sự, thì chính phủ Thái lại không muốn đón nhận những
đợt tàu chở thuyền nhân ngày càng đông thêm. Không mấy ai quan tâm đến những lời
tường thuật về vụ hải tặc. Chỉ đến khi những vụ cướp bóc giết người quá tàn nhẫn
dã man xảy ra, và lại còn phải chịu áp lực quốc tế và
hải quân Hoa kỳ thì chính
phủ Thái mới cho mở vài vụ điều tra. Đến lúc đó hàng ngàn thuyền nhân
đã bị
cướp, hãm hiếp, giết chết trên biển cả. Sau đây là một vài vụ cướp bể đã được
điều tra:
Vào đầu thập niên Tám mươi, ông Ted Schweitzer là người Mỹ đầu tiên
đã cập bến
vào một đảo sào huyệt hải tặc và mục kích chuyện 238 thuyền nhân Việt Nam bị đắm
ghe, dạt vào đấy. Có 80 người bị giết, tất cả các phụ nữ đều bị
hãm hiếp và buộc
khiêu vũ khỏa thân cho chúng xem. Ông Schweitzer can thiệp yêu cầu họ chấm dứt
tấn tuồng vô nhân đạo này thì bị bọn cướp xúm lại đánh đập đến như gần chết.
Thật may mắn mà ông còn sống sót để thuật lại. Khi lai tỉnh, ông thấy trước mắt
những cánh tay, đùi chân còn rải rác đây đó. Đấy, bằng chứng có vụ ăn thịt
người.
Cô Nguyễn Phan Thúy cùng với mẹ,
dì và người em gái đã bỏ tiền ra mua chổ trên
tàu để vượt trốn. Sau mười ngày lênh đênh trên biển cả, tàu bị mắccạn, hết
nước, hết thức ăn. Hải tặc đến bắn chết người
dì. Một ông già có răng vàng bị
chúng lấy kìm vặn khỏi miệng. Một người đàn bà đang có bầu bị chúng ném xuống
biển. Các người sống sót bị chúng lột hết quần áo, xua cả lên bờ, và tầu bị nhận
chìm. Chúng bắt các phụ nữ xếp hàng. Cô Thúy cùng một cô gái khác tên Liên bị
chúng lựa ra rồi đưa sang chiếc thuyền đánh cá của chúng. Suốt ba tuần lễ sau
đó, hai cô liên tiếp bị hãm hiếp. Cô Liên chịu không nổi, bị chúng chán rồi vứt
cô xuống biển; còn cô Thúy chúng đem bán cho một động mãi dâm trong làng
mang tên là "Phùng đấm bóp nơi thiên đường". Ở đây cô mang thai và vị người ta
lấy một que tre trục bào thai ra. Cuối cùng cô thoát được và được cơ quan Cứu
Trợ Liên Hiệp Quốc tiếp nhận.
Năm
1989, một chiếc ghe chở 84 thuyền nhân bị hải tặc đến cướp. Tất cả đàn bà và trẻ
con bị chuyển qua thuyền hải tặc và từ đó không
còn nghe một tin gì về số phận
họ nữa. Những người đàn ông thì bị nhốt dưới khoang tầu rồi, từng người một,
chúng lôi lên đập cho đến chết. Sau cùng, những người
còn lại liều mình sấn vào
bọn cướp thì tầu hải tặc nhào đến đâm vào tầu thuyền nhận
xuống
cho chìm đi. Một số
người cố thoát liền bị chúng dùng cây sào nhận chìm xuống nước.
Còn lại 13 người
thoát chết nhờ bơi ra xa và được bóng đêm che phủ.
Vào tháng 4 năm 1989, có bảy tên hải tặc trang bị súng ống, đao búa đến tấn công
một chiếc tầu nhỏ chở 129 thuyền nhân. Tất cả đàn bà đều bị
hãm hiếp, đàn ông bị
sát hại, trừ một thiếu niên tên là Phạm ngọc Nam Hung . Anh này sống sót nhờ bám được vào một chiếc bè
kết thành bởi ba xác chết.
Cuối cùng chính phủ Thái bị Cơ quan Cứu Trợ Quốc Tế cưởng bách
tìm biện pháp đối
phó. Các tầu đánh cá phải ghi tên bằng chữ lớn ngay
mũi tầu. Các tầu đều phải được chụp
hình lúc ra khơi và lúc về cảng. Biện pháp
này đã khiến nhiều hải tặc lo sợ, nhưng những bọn
còn lại bèn trở nên
tàn nhẫn, hung dữ hơn trước! Chúng thủ tiêu hết mọi nhân chứng để không
còn một
ai nhận diện được chúng nữa.
Vào cuối thập niên tám mươi các vụ hải tặc dần dần chấm dứt do con số người
tỵ nạn giảm đi.
Những
câu chuyện được kể lại gần đây chắc chắn không phải chuyện được thêu dệt quá
đáng, và như thế các vụ hải tặc trước kia chắc phải đúng như vậy.
Biệt Hải chuyển ngữ từ bài:
---------------------
Thiên Trang's report / VPS.org
'Từ nghìn trùng xa, ai vẫn hát vang lời Việt Nam
Nhìn về đại dương , ta nhớ hướng quê nhà ở đó
Còn nhiều lầm than, sau phút súng gươm buồn lặng im
Là tiếng khóc thương đời biệt ly, bên tiếng hát ru gọi người về . . . .'
'Chân đến Mỹ khi vừa được 12 tuổi . . . . . .' ,
'Việt lớn lên ở Việt Nam, và đến Mỹ năm 1994 . . . . ', 'Vinh sinh ra ở Pháp . .
. ,', 'Bác đi du học sang Canada vào năm 1962 . . .' . . . . Đây là những lời
giới thiệu về bản thân của những tham dự viên đến từ 2 phân hội , Dallas &
Houston, trong đêm sinh hoạt chủ đề 'Bạn nghĩ gì khi nhắc đến 2 chữ Việt Nam'
(What do you think about VN?) . Đây là một trong những sinh hoạt của lần họp mặt
tại Freeport giữa VPS Dallas & VPS Houston.
Đến Mỹ trong những hoàn cảnh khác nhau, vào
những số tuổi khác nhau, sống và làm việc ở những nơi khác nhau . . . . nhưng
những tham dự viên đều có một điều chung là cùng là người Việt Nam, và không ít
thì nhiều mọi người đều có những nổi trăn trở về quê hương . . . .
Nếu ai có hỏi Trang 'buổi sinh hoạt nào mà Trang
thích nhất trong lần retreat vừa qua?' thì câu trả lời sẽ là ... đêm sinh hoạt
chủ đề Việt Nam . Sau đây là một vài lời
chia xẻ của các tham dự viên mà Trang ghi lại theo trí nhớ và bản chép tay của
mình . . . .
'Khi
vượt biên sang đảo, Hiếu có gặp lại cô bạn hồi hàng xóm lúc còn thơ ấu . Hiếu
rất mừng khi gặp lại cô bạn cũ này . Thấy tay cô bị băng, Hiếu hỏi thì mới biết
rằng cô bị hải tặc Thái Lan chặt đứt mấy ngón tay . Khi thấy tầu Thái Lan cặp
vào tầu vượt biên của mình , cô quyết định nhảy xuống biển tự tử chứ không để bị
hãm hiếp. Vì sinh ra và lớn lên ở vùng biển , nên cô biết bơi rất rành, không
thể chìm được . Bơi một lúc bị đuối sức , cô bám vào thuyền thì bị tên hải tặc
dùng dao chém xuống, chặt đứt mấy ngón tay, rồi chúng lôi cô lên thuyền hãm hiếp
. . . . Hiếu không có dịp gặp lại cô từ khi đi định cư'.
'Khi gia đình An còn ở Việt Nam . Một lần sinh
nhật của người anh , các bạn học của ông anh đã chở đến một nồi chè trên chiếc
xe đạp để ăn mừng sinh nhật anh của An. Ở bên này tình thân đơn sơ như vậy rất
khó kiếm . . . . Hiện nay tệ nạn nghiện ma túy đang lan rộng trong giới sinh
viên VN . Tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu khi nếu sinh viên, học sinh lại trở
nên nghiện ngập hút sách như vậy ?'
'Hiệp đang đi dạy học và nhận thấy rằng học trò
Việt Nam học rất giỏi . Hiệp không biết nhiều về Việt Nam nhưng cảm thấy mình
rất Việt Nam'
'Hồi Tuấn còn là sinh viên , vào năm 77-78, mỗi
tuần trong ký túc xá mới được ăn cơm một lần . Cơm lẫn rất nhiều sạn , cho nên
phải đem cơm này nấu thành cháo để sạn lắng xuống đáy hết mới ăn được . Sang Mỹ
thì cảm thấy mình đầy tự ái vì dân tộc mình thấp bé, thua kém hơn những sắc dân
khác mà trước 1975 mình không thua gì họ , như Tàu chẳng hạn . Vì tự ái dân tộc
, và vì mong muốn một ngày mai tươi sáng của đất nước , Tuấn vẫn cố gắng tiếp
tục làm những việc mà đôi lúc thấy thật quá sức của mình, và mong muốn là sẽ có
được người tiếp nối cùng chung chí hướng'
'Nhắc đến Việt Nam là Mai Hương chỉ có 2 chữ Tủi
và Hận. Tủi cho thân phận Việt Nam, và Hận chính quyền cộng sản tại Việt Nam'.
'Hiếu chỉ có 2 câu hỏi, mà hoài chưa có câu trả
lời: What is the difference between VN war and Korean war? Why did the South
Việt Nam lose the war?'
'Nga rất
hãnh diện về tổ tiên hiển hách của mình như : Bà Trưng, Bà Triệu , Đức Trần Hưng
Đạo, vua Lê Lợi , vua Quang Trung .. . . Nga mong muốn là mình có thể duy trì
được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình cho thế hệ mai sau noi theo'
'I have a dream . . . Những bất công xảy ra từng
ngày ở Việt Nam . Chiếc giường Bình ngủ ở Việt Nam nhìn ra một cái cây, mỗi ngày
trước khi đi ngủ Bình đều nhìn ra cái cây đó để mà mơ mộng về những ước mơ cho
tương lai, và cho một xã hội công bình tại VN . . . .'
'War has negative impact, but we need to move
on. Things need time to change ...'
'Tại sao chúng ta luôn muốn đi tìm một cuộc sống
tốt hơn ở nơi khác, nhưng không ai nghĩ sẽ làm gì để thay đổi nơi mình sống . .
.'
Và còn nhiều chia xẻ nữa nhưng Trang không nhớ
được hết , và không thể ghi lại trọn lời những nổi trăn trở về quê hương, những
ước mong đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự đổi mới của Việt Nam, và tấm
lòng tận tụy của một số tham dự viên đã từng về Việt Nam phục vụ trong những
đoàn y tế thiện nguyện .
Trang xin dùng những câu ca cuối trong bài nhạc
Một Ngày Việt Nam của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng để kết thúc cho phần ghi lại buổi
hội thảo.
'Dù nhục dù vinh, xin hãy hát vang lời Việt Nam
Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu
Gọi người gọi ta . Gọi số kiếp lưu đày gần xa
Gọi bóng tối ngưng bài cuồng ca . Cho tiếng hát mơ ngày Việt Nam . . .'
Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu
Gọi người gọi ta . Gọi số kiếp lưu đày gần xa
Gọi bóng tối ngưng bài cuồng ca . Cho tiếng hát mơ ngày Việt Nam . . .'
Thiên Trang ghi lại
PHẠM GIA ĐẠI * NHỮNG MẢNH ÁO MÀU HOA RỪNG
Những Màu Áo Hoa Rừng
Phạm Gia Đại CVA 65
Mặt Trời đã lặn từ lâu rồi mà cái oi bức của mùa Hè như vẫn còn trong không khí và tỏa ra từ dưới lòng đất và từ những đám cỏ dại hắt lên làm anh cảm thấy như người mình hâm hấp sốt. Thỉnh thoảng có một cơn gió nhẹ thổi qua cũng chỉ đem lại cái hơi nóng của một vùng gần đó hoán đổi cho nhau mà thôi. Anh đứng đó đã lâu rồi trên con đê vắng bóng người, gầy gò và cô đơn lên nền trời còn hừng sáng chiếc áo rằn ri và chiếc quần tù mầu xanh. Anh phải đứng gác ở đây cho máy điện chạy cho đến đêm thì mới được vào trại sau phiên trực. Anh là một trong ba anh em đều cấp bực Trung Tá được điều về tổ điện của trại, để thay phiên nhau trực đêm cái máy điện trong căn chòi lá cạnh một nhánh nhỏ thuộc sông Hồng. Anh đứng xa ra ngoài này cho được thoáng một chút vì cái máy thì cũ kỹ và kêu đinh tai nhức óc.
Tiếng kẻng thu quân đã lâu, và những đội tù nhân lần lượt sắp hàng điểm số để vào trại giam sau một ngày lao động. Rồi tiếng kẻng báo hiệu đóng cửa những buồng giam vang lên theo gió đưa đi thật xa và những đội tù nhân lại sắp hàng điểm danh trước khi vào buồng giam. Sân trại giờ đây vắng ngắt và cả con đường chạy vòng quanh khu trai giam ban nãy còn tấp nập những áo vàng cán bộ Công an canh tù lớp đi bộ, lớp chạy xe đạp về khu bếp của trại hay về khu gia bình để lo bữa cơm chiều thì bây giờ cũng vắng tanh.
Anh đứng trên con đê và vừa nhìn nó chạy thẳng tắp tới mút tầm mắt và mất hút sau lũy tre xanh của một ngôi làng nhỏ ven bên kia con sông. Từ xa anh thấy một bà lão tay chống gậy chậm chạp bước về phía anh có lẽ để thăm con cháu trong ngôi làng bên kia sông. Anh nhìn về phía trại giam và thầm nghĩ giờ này chắc các bạn mình đã "thanh toán" xong cái bánh bột hấp là khẩu phần cho bữa ăn chiều và đang "chiến đấu" chống lại cái nóng đến nung người của mùa Hè xứ Bắc, mồ hôi thì cứ nhỏ từng giọt một xuống cho đến khi mệt lả người và thiếp đi trong từng giấc ngủ. Chợt anh thoáng giật mình vì bà cụ đã đến bên cạnh anh từ lúc nào và nhìn vào chiếc áo Biệt Động Quân anh đang mặc trên người rồi hỏi giọng đầy dịu dàng :
- "Chắc anh là tù chính trị ở trong trại kia phải không ?"
- "Đã thưa cụ đúng vậy ạ !"
- "Anh trước kia cấp bậc gì ?"
- "Thưa cụ cháu cấp Tá"
- "Đẹp mặt nhỉ ! Chúng tôi cứ tưởng các anh ra đây như thế nào chứ ai ngờ ra nông nỗi này."
Anh nhìn chung quanh, bóng chiều đã xuống sẫm từ lúc nào và chỉ còn anh và bà cụ trên con đê vắng bóng người. Đã năm năm tập trung, lưu đầy qua bao nhiêu là trại giam và khổ ải nhưng lần đầu tiên anh thấy choáng váng như bị đánh trúng vào tim và không hiểu sao đột nhiên anh quì xuống, hai giọt nước mắt từ lâu tưởng đã khô cằn từ từ lăn xuống đôi gò má sạm nắng :
- "Thưa cụ, cháu xin chịu tội trước cụ, cháu đã bất tài không giữ được nước." Và cứ thế những giọt nước mắt cứ tuôn ra không thể cầm được nữa như những uất nghẹn từ lâu dồn nén bây giờ bất chợt được khai thông...
- "Thôi ! Già nói vậy thôi anh đứng lên đi, âu cũng là số Trời. Đây, già chẳng có gì ngoài mấy cái bánh và nãi chuối này thôi, anh cầm lấy vào trại mà ăn với bạn bè."
- "Thưa cụ, cháu rất cảm ơn lòng hảo tâm của cụ, đây là những thứ hiếm quí giá mà chúng cháu không bao giờ dám mơ ước tới trong trại giam nhưng xin phép cụ cháu không thể nhận được."
Anh vội bỏ nãi chuối và mấy cái bánh vào trong tay nải cho cụ và đỡ bà lão bước lên con đê và nhìn theo bóng bà cụ mất hút sau lũy tre xanh của ngôi làng.
Tối hôm đó vào trại, bên cạnh ly nước trà, anh kể lại cho các bạn bè thân nghe và thấy bạn mình ai mắt cũng đỏ hoe.
Chợt anh nhớ tới hai năm trước khi anh ở trong một trại giam tại Hoàng Liên Sơn, mỗi ngày vào rừng đốn cây để xây dựng trại, có khi phải vào rất sâu trong rừng mới tìm được những thân cây đúng kích thước. Một hôm, anh và một anh bạn bị lạc đường và không tìm được lối ra thì may sao lại gặp một dân địa phương đưa về nhà và cho ăn một bữa khoai sắn no nê là một bữa tiệc thịnh soạn trong đời mà anh không bao giờ quên được. Anh rất ngạc nhiên nghe họ nói giọng người Hà Nội rất là thanh tao, hỏi ra mới biết năm 1954 khi Cộng Sản vào miền Bắc thì người Hà Nội cũ bị đuổi ra khỏi thành phố về vùng kinh tế mới trong rừng sâu, và nhà nước tịch thu hết nhà cửa và tài sản của họ. Bà chủ nhà khi biết anh và người bạn là Sĩ quan chế độ cũ Sàigòn thì niềm nở hẳn ra rồi chỉ vào ngôi nhà lá đơn sơ của mình và chỉ lên bàn thờ :
- "Hai anh biết không ? Ông nhà tôi sau tháng 4 năm 1975 vẫn nhất định không tin là mất miền Nam và cho rằng đó là thủ đoạn tuyên truyền của Cộng Sản mà thôi cho nên năm sau tìm mọi cách để vào miền Nam xem tận mắt sự thực ra sao. Khi trở lại ngôi nhà này, ước mơ một ngày đẹp trời nào đó mình sẽ rời bỏ vùng núi rừng này để có thể trở về căn nhà thân yêu tại phố hàng Buồm năm xưa tan ra mây khói. Ông nhà tôi buồn bực quá và phát bệnh rồi mất đi năm ngoái."
Năm 1976, hàng trăm ngàn tù nhân chính trị chế độ cũ là những Quân Dân Cán Chính đã được đưa ra miền Bắc bằng mọi phương tiện, xe tải, xe lửa, tàu Sông Hương, và cả máy bay vận tải C-130. Sau vài năm, họ được cấp phát ngoài quần áo tù, là những bộ Trellis rằn ri của những Binh chủng Nhảy Dù, Biệt Động Quân, TQLC, v.v... còn tồn động trong kho. Một phần dụng ý của kẻ chiến thắng là tiết kiệm vải vóc, một phần là muốn hạ nhục cho mặc Quân phục mà trong trại giam.
Mục đích của chúng là đầy ải những màu áo hoa rừng đó nhưng có điều không một ai ngờ đến là kể từ đó những màu áo rằn ri này xuất hiện khắp nơi trong trại giam, khu gia binh, các vùng núi rừng chung quanh trại và người dân bắt đầu phân biệt được những tù chính trị và tù hình sự. Màu áo đó đi tới đâu cũng dần dần chiếm được cảm tình không những của người dân địa phương quanh vùng mà ngay trong khu Gia binh của họ nữa. Dân chúng miền xuôi hay mạn ngược ngay cả đồng bào Tày, Nùng, Thái từ đó thường gọi những anh em tù chính trị là những "Người Tù Áo Hoa" để chỉ màu áo hoa rừng ngụy trang mà họ đang mặc. Có dịp tiếp xúc, thì họ rất là ngạc nhiên vì những người tù áo hoa này rất là hòa nhã và không có vẻ gì là ăn gan uống mật như Cộng Sản tuyên truyền và nảy sinh lòng cảm mến.
Vào khoảng cuối năm 1977 thì vùng núi Hoàng Liên Sơn và một số đồng bằng lưu vực sông Hồng bị ngập lụt trong giông bão và lũ lụt. Nước tràn vào ngập cả trại giam, cuốn trôi đi nhà cửa, gia súc, hoa màu của đồng bào, nương rẫy trắng xóa.
Nhiều gia đình người Tày và Thái mất sách tài sản nhỏ bé của họ và chỉ còn độc một bộ quần áo trên người. Cán bộ địa phương thì cũng chỉ "động viên" tinh thần đồng bào chứ không có được phẩm vật thuốc men gì để cứu trợ thời.
Vì thế, mỗi khi đi lao động ngang qua khu vực của đồng bào, anh em đều bảo nhau cố gắng gom góp từ cái áo cái quần, đôi dép, cái lon Guigoz đựng nước, cái nón lá, v.v... và thừa lúc cán binh không để ý thì quăng vào trong bụi cây ra dấu cho họ đến lấy.
Những đồng bào thiểu số này sau đó đều rất cảm động vì những nghĩa cử này của anh em tù nhân chính trị và sau đợt thiên tai đó, họ đã trả ơn lại bằng cách đem cho anh em tù nhân con gà, nắm xôi, v.v... nhưng anh em đều bảo nhau không nhận.
Có những lần đi ngang qua bản làng thì thấy dân làng đứng từ xa ôm con và cúi người xá anh em tù nhân như xá những vị thần đã cứu giúp họ trong cơn bĩ cực.
Thế rồi, đầu năm 1979, để trả đũa lại việc Bắc Việt cho quân sang đánh Campuchia, Trung Cộng đã xua quân đánh sáu tỉnh miền Bắc. Sợ các tù nhân trốn thoát cho nên các trại do bộ đội quản lý đều được lệnh chuyển về miền đồng bằng và giao cho Công an và màu áo hoa rừng lại thêm tung bay khắp nơi. Nhiều câu chuyện tình đã nảy nở từ những có thôn nữ với các anh chàng hào hoa mặc áo Trellis. nhiều dân làng xin vào trại thăm nuôi các anh nhưng bị từ chối vì tù nhân không được phép tiếp xúc với dân chúng. Báo hại, nhiều anh bị kêu lên kiểm điểm và bị kỷ luật.
Mụ vợ của tay Thiếu Tá trưởng trại giam thì bất kể nội quy tìm cách buôn bán với những tù nhân trong trại để kiếm lời. Có nhiều lần thì mang hàng qua cửa trại trót lọt nhưng cũng có lần thì bị bắt và tịch thu. Anh em mới nói với Mụ và Mụ liền tìm cách liên lạc với trực trại để lấy lại món hàng. Khi gặp anh em tù nhân mụ nói một câu tỉnh bơ : "Các anh là Tù Quốc Tế, việc gì mà phải sợ chúng nó cứ mua hàng vào mà ăn, còn ông ấy í à, nếu tôi không mua bán móc ngoặc thi lấy đâu ra rượu Mai Quế Lộ với thịt thà mà ăn nhậu ?".
Thằng cháu nội của tay trại trưởng mới lên 7 tuổi thì rất là thích các chú tù nhân vì kể chuyện hay lắm và mơ ước khi lớn lên thì làm tù chính trị vì mặc áo hoa trông oai lắm, và mỗi lần thăm nuôi có nhiều quà lắm từ miền Nam đem ra. Bởi thế, mỗi lần lát sân xi măng hay sửa sang nhà cửa cho tên trưởng trại thì thằng cháu nội này khuôn ra hết nào rượu Mai Quế Lộ, thuốc lào ba số 8, trà ngon ra cho các chú uống và hút thoải mái.
Sau này, có vài cán bộ khi đi về quê ăn Tết hay về phép, lại vào trại xin bộ đồ rằn ri về làm quà cho gia đình vì mặc vào lao động rất là bền và đẹp nữa.
Phạm Gia Đại CVA65
THỤY AN
Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến (1916-1989), là một nhà văn và là người phụ nữ duy nhất bị kết án tù, rồi tự chọc mù một mắt của mình, do bị tố cáo là gián điệp, phản động trong vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm tại Việt Nam.[1].
Thụy An sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở làng Hòa Xá, quận Vân Đình, tỉnh Hà Đông, là con ông Lưu Tiến Ích và bà Phùng Thị Tôn.
Có khiếu thơ văn từ nhỏ nên năm 13 tuổi, bà đã có thơ đăng trên báo Nam Phong (1929) và 3 năm sau, lại nhận được giải thưởng văn chương của Triều đình nhà Nguyễn.
Chồng Lưu Thị Yến là nhà văn, nhà giáo Bùi Nhung[2] bút hiệu là Băng Dương, em ruột học giả Bùi Kỷ. Nhưng sau khi bà sinh được 6 người con[3], thì ly thân với chồng từ 1949.[4] Người tình của Lưu Thị Yến là ông Đỗ Đình Đạo, một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau ông Đỗ Đình Đạo chết vì một nguyên do còn nhiều nghi vấn[5].
Trong thời kỳ Nhân Văn–Giai Phẩm, nhà văn Phan Khôi nhận Lưu Thị Yến là con nuôi. sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958 và trong phiên tòa ngày 21 tháng 1 năm 1960 xét xử bà tại Hà Nội, nhiều nhân chứng đều cho rằng bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với một số văn nghệ sĩ tham gia phong trào này. Tuy nhiên, những người trong cuộc như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt [6] phủ nhận sự tham gia của bà trong nhóm.[7]
Năm 1973, Lưu Thị Yến cùng với Nguyễn Hữu Đang, cũng bị tù vì vụ Nhân Văn–Giai Phẩm, được thả trong diện "Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris". Vào thành phố Hồ Chí Minh, bà quy y ở Chùa Quảng Hương Già Lam năm 1987 và mất năm 1989, tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ[8].
Thụy An đã từng làm chủ nhiệm những tờ Đàn Bà Mới (Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn), Đàn Bà (Hà Nội), đã từng là quyền giám đốc Việt Tấn Xã và phóng viên chiến trường.
Về mặt sáng tác, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho biết:
- Tác giả Thụy An vốn là một nhà thơ. Tôi đã đọc thơ của Thụy An trong Phụ Nữ Tân Văn, trong Đàn bà mới và trong tuần báo Đàn bà.[9]
Đánh giá về tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An, Vũ Ngọc Phan viết:
Một linh hồn chính là một tiểu thuyết tình cảm, tả những tính tình rất ngây thơ, rất trong sáng của Vân, một cô gái giàu lòng tín ngưỡng và giống như một bông sen, tuy “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”…
Nhưng đọc Một linh hồn, người ta nhận thấy điều này không được thiết thực: Hà Nội chưa có cái trình độ có một gái giang hồ sang trọng như Bảy Thanh, có lẽ tác giả đã đem cái khung cảnh Nam Kỳ, là nơi tác giả đã từng ở lâu năm, ra đất Bắc. Điều thứ hai nữa là đọc Một linh hồn, người ta vẫn chưa có cảm tưởng mình sống trong truyện cùng các nhân vật. Có lẽ Thụy an đã tả Bảy Thanh bằng những nét bút thô bạo quá và tả Vân bằng những nét mềm yếu quá chăng?
Tuy vậy, Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn.[10]
Thụy An và vụ Nhân văn-Giai Phẩm
Về vai trò của Lưu Thị Yến trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Bàng Sĩ Nguyên cho biết:
Thụy An là người phụ nữ duy nhất - ở trong hay ở ngoài phong trào - bị kết án là "gián điệp". Bà là một trường hợp đặc biệt, theo Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang, bà không ở trong Nhân Văn Giai Phẩm, vậy mà tên bà được nêu lên hàng đầu trong "hàng ngũ phản động" với nhãn hiệu "Con phù thuỷ xảo quyệt" và những lời lẽ độc địa nhất dành cho bà: "Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân"
- Vậy, vụ án Thụy An có phải là một vụ án chính trị? Hay là một sự quy kết oan uổng?[11]
Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn cả. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ cả. Không, không hề có, tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng có gặp nhau, cũng nói chuyện.[12]
Nhà thơ Lê Đạt cũng có khẳng định:
Tôi nhắc lại một lần nữa là chị Thụy An chưa bao giờ ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi. Người ta buộc tội chị Thụy An, người ta cứ buộc tội mập mờ thế thôi, nhưng tội chính của chị Thụy An là thế này: Là gián điệp cài lại để lũng đoạn nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng cho đến khi tôi biết thì tôi cũng chẳng thấy chị ấy viết bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế mà chị ấy đối với tôi thì lại rất quý, chị ấy luôn luôn mua đồ đạc cho tôi, cho vợ con tôi, và tôi cũng chẳng thấy chị ấy bàn với tôi về việc viết một bài nào cho Nhân Văn Giai Phẩm cả. Thế cho nên việc ấy tôi cho cũng là một cái oan rất lớn.
Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được. Chưa có chứng cớ thì làm sao có thể kết luận người ta là gián điệp được. Thì cứ cho tôi là người mù mờ đi, tôi bị chị mua chuộc đi. Tôi nhớ lại tất cả cuộc đời của tôi, thì chị ấy chưa mua chuộc tôi lần nào cả. Và chị ấy chỉ giúp đỡ tôi rất nhiều. Cho nên đến bây giờ tôi thấy là: Riêng về trường hợp chị Thụy An, tôi vẫn rất ân hận. Tại vì chúng tôi đã được phục hồi nhưng chị Thụy An chưa được phục hồi gì cả. Mà một trong những tội lớn nhất của chị ấy là mua chuộc tôi. Thì như các bạn đã biết, tôi chưa từng cảm thấy bị mua chuộc mà chắc cũng chưa ai mua chuộc được tôi. Cho nên tôi thấy riêng tôi bây giờ nói những dòng này, tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, tôi đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. Còn về chị Thụy An, tôi phải nói thế này: Chị Thụy An là một người rất giỏi. Chị ấy là một trong những cây bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Mà theo tôi, chị Thụy An nói kín hở cho tôi biết, thì chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được. Bây giờ cũng đã lâu rồi, đã gần 50 năm rồi. Tôi thấy chúng ta có thể mở những kho tài liệu ra để buộc tội hoặc minh oan cho một người cho rõ ràng và khi mình đặt rõ ràng về phận vị rồi thì mình phải trả lại danh dự cho người ta. Và lúc đó chúng ta hãy bàn đến vấn đề chị Thụy An đóng góp gì trong cái phong trào thời ấy. Lúc đó chúng ta có đủ bình tĩnh hơn để bàn về vấn đề này. Riêng tôi thì không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả.[13]
Thụy An
Chuyện bố, mẹ, bé và con búp bê
Bố chải tóc cho Bé xong, liền lấy cái gương giơ trước mặt Bé: “Con gái của bố soi xem này, có xỉnh xình xinh không nào!” Bé nhìn vào gương, lắc đầu bên phải, lắc đầu bên trái, ngoe nguẩy hai cái đuôi sam tí tẹo, ngọn thót như đuôi chuột, có buộc hai chiếc nơ đỏ, giống như hai cánh hoa rất to, đóng khuôn lấy mặt Bé. Bé nhoẻn miệng cười, vẻ bằng lòng lắm.
Bố vẫn chịu khó lồng ngón tay vào cái móc sau chiếc gương, giữ cho Bé soi. Bé nghĩ: “Phải vẽ con bé trong gương này. Một khoanh tròn to là mặt, hai chấm tròn nhỏ là mắt, một vạch dài xuống là mũi, một khoanh tròn vừa nữa là miệng. Con Bé nó lại cười, mình phải vẽ cả mấy chiếc răng. Còn hai cái nơ đỏ nữa, lấy gì mà tô màu?” Thò hộp bút chì nào mẹ mua cho, Bé cũng làm cùn cụt. Bé nhớ ra rồi. Bé bỏ gương chạy tót lên bàn, vớ cái bút chì đỏ to gộc của bố, thủ luôn vào nách rồi mới ra hỏi bố: “Cho Bé mượn chiếc bút chì đỏ bố nhé”. Bố ngần ngừ: “Ừ, nhưng mà để đấy, con đi chơi với bố kia mà”.
Lập tức Bé bỏ rơi cả cái bút chì và con bé trong gương định vẽ. Bé nhẩy cẫng lên bố: “Rồi bố mua kem cho Bé, bố nhớ.” Miệng Bé tắc lẻm, đánh choẹt một cái: Kem thì còn phải kể. Cắn khấc một cục, buốt lanh lưỡi, rụt cả đầu cả cổ, cục kem tan dần ngọt lự... Thật không gì bằng kem, vừa được ăn lại vừa được chơi với nó. Bố cũng thích kem lắm nhớ! Hai bố con, hai que kem ngồi ở ghế bờ Hồ, nhẩn nha... Chao, những lúc ấy sao mà Bé yêu bố thế. Bé không cần mẹ, mẹ cứ việc đi công tác, xa nhà bao nhiêu đêm, Bé cũng không cần, kem và bố là đủ rồi...
Mẹ thì ghét kem lắm. Mẹ bảo: “Bé ăn kem, chỉ tổ té re”. Nghĩ thế, mặt Bé đỏ đỏ. Thôi, thèm vào, chả nhớ chuyện xấu hổ ấy. Bé níu chặt bàn tay bố, thỏ thẻ: “Hôm nay bố mua kem xanh bố nhé!” Bố trả lời: “Bố mua cho bé một thứ còn thích hơn kem cơ. Đố bé biết là cái gì nào?” Trí khôn ngắn ngủn của Bé đoán làm sao được. Bé bảo: “Con chỉ thích kem thôi”. Bố quệt má Bé: “Con nhà khờ dại quá”.
Hai bố con lại ngồi trên ghế trông ra hồ. Bố cũng mua kem cho Bé như mọi khi, chiếc kem xanh mà Bé đang ao ước. Nhưng khác mọi khi, hôm nay bố không ăn. Bé nghĩ: hay tại Bé chọn kem xanh, bố không biết ăn chăng? Lập tức, Bé thẩy que kem giả chú bán kem: “Bé ăn kem “tắng” cơ, cho bố ăn mấy”. Bố hiểu lòng thảo của Bé, bố ấn lại que kem xanh vào tay bé, hôn chụt má Bé, hít hà: “Con gái tôi, con gái tôi, khôn láu quá!” Bé chẳng hiểu ra sao nữa. Hồi nãy bố vừa chê Bé dại khờ xong.
Bố ngồi bên cạnh Bé, không ngớt ngắm Bé, bố tư lự lắm. Bé có vẻ rất bằng lòng, rất sung sướng với chiếc kem. Bé không còn một đòi hỏi nào, một mơ ước nào khác! Vậy thì bố có nên cứ mua cho Bé cái mà bố bảo là còn “hơn cả kem không?” Bố bỗng thấy những nét phả phê hớn hở trên mặt Bé mờ dần, nhường chỗ cho nhũng nét phụng phịu thèm muốn hôm nào bố và mẹ dắt Bé đi xem búp bê Tiệp-khắc ở cửa hàng Mậu dịch Tràng–Tiền.
Lần thứ nhất Bé nhìn thấy những búp bê to và đẹp đến thế, biết thức biết ngủ. Bé thích nhất cái con bê có hai đuôi sam vắt vẻo như Bé. Nó cũng có áo mới bằng vải hoa như Bé. Bé bảo mẹ mở tủ lấy bê cho Bé mang về. Mẹ sùy: “Phải có tiền mua chứ”. Bé trỏ vào túi tay của mẹ: “Tiền trong ấy đấy thôi.” Bố bảo: “Ngần ấy không đủ, phải có nhiều hơn thế.” Bé đứng ngẩn người, gọi thầm bê: “Bê ơi! Bê ra đây với tôi... tôi cho ăn kem”. Bê bị nhốt trong tủ kính, không nhúc nhích. Bé thương bê quá, thèm bê hơn thèm kem. Nhưng phải nhiều tiền mới mua được bê thì… chịu thôi.
Những việc, những lời xẩy ra quanh Bé, lọt vào tai Bé đã làm cho Bé biết được rằng: những cái gì nhiều tiền thì bố, mẹ chưa mua được, còn đợi để chính phủ giàu đã, nhân dân giàu đã. Đến Bé muốn ăn hai chiếc kem, bố cũng bảo: “Hạn quà cho con chỉ có một trăm thôi, đợi chính phủ giàu, nhân dân giàu, con tha hồ ăn.” Bé quay lại hỏi bố: “Bố ơi! Thế bao giờ chính phủ giàu, nhân dân giàu hả bố?” Bố thuận miệng đáp: “Ít nữa thôi.”
Ít nữa thôi với Bé là lâu lắm. Bé thì muốn có bê ngay bây giờ. Bé cứ đứng thần ra ngắm. Bố mẹ giục không đi. Mẹ sốt ruột doạ: “Này người ta sắp đóng cửa hàng đấy. Hay Bé ở đây một mình với búp bê.” Bé yêu bê thật, nhưng ở đây một mình với bao nhiêu cái lạ này, lỡ bị nhốt vào cái tủ như bê thì Bé chịu thôi, sợ lắm. Bé đành thủi thủi theo bố mẹ đi. Chỗ lông mày giao nhau lửng đỏ, triệu chứng Bé chỉ chờ cơ hội là khóc.
Về nhà, Bé cũng còn ngơ ngẩn nhớ Búp-bê, ôm cái gối dài của Bé nựng nịu. Tối đi ngủ Bé không rời con búp bê tưởng tượng. Bố mẹ suy nghĩ lắm. Mẹ chép miệng: “Tội nghiệp, nó thèm con búp bê quá, chắc ngủ mê cũng thấy.” Vì chuyện con búp bê, bố, mẹ mới nhận ra một điều là lấy nhau chín năm rồi, đã có mụn con là bé đấy, lên bảy tuổi, đã biết về nhau tất cả mọi nỗi khổ cực vất vả, nhất là từ trong cuộc phát động quần chúng hồi đầu năm ngoái ở quê nhà, cả bố cũng được về phối hợp đấu tranh, thế mà vẫn còn một cái khổ mẹ chưa nói với bố.
Mẹ kể: “Chả phải bây giờ ra Hà Nội công tác, em mới được ngắm búp bê to như thế này đâu. Em nhìn thấy từ ngày xưa, em chỉ nhỉnh hơn cái Bé nhà ta một hai tuổi. Nhìn con búp bê của con lão chủ đồn điền ấy mà. Bố con nó về chơi đồn điền, búp bê để ngoài ô tô hòm, cửa kính đóng kín. Em trèo lên bệ xe nhìn vào. Con búp bê to như đứa bé mới đẻ. Em nghĩ giá được bế một cái, nhịn ăn cả tháng cũng được. Bất đồ, mải ngắm thì bố con thằng chủ điền ra, mở cửa xe đằng trước, leo lên. Em chỉ còn kịp ngồi thụp xuống bệ, chưa nhảy được ra thì thằng chủ mở máy cho xe chạy, hất em ngã sóng xoài xuống đường, đầu va vào đá toạc mảng to, còn cái sẹo đây này.”
Mẹ nhấc bàn tay bố, luồn qua tóc sau ót, sờ chiếc sẹo, tóc không bao giờ mọc nữa. Mẹ nghe tiếng ực ực, không biết có phải tiếng bố khóc hay tiếng Bé thổn thức trong mơ. Kết quả câu chuyện là gần về sáng, bố mẹ bảo nhau: “Thôi kỳ truy lĩnh này, hai vợ chồng thế nào cũng có hai phiếu mua hàng mậu dịch, sẽ nhịn một phần mua cho Bé con búp bê. Con đã có áo hoa, giày da, nơ buộc tóc. Con còn phải có búp bê chơi.”
Bố mẹ quyết định thì bên gối Bé thiêm thiếp giấc nồng. Nhưng càng gần ngày được nhận truy lĩnh, bố thấy mẹ hình như có vẻ giãn quyết định ra. Không hẳn là mẹ bảo không mua búp bê cho bé nữa, mẹ chỉ dáo lên nhũng thứ cần phải mua với hai phiếu mua hàng, đại để như vải, ấm nhôm, thau chậu. Mẹ bảo: “Rồi sắp một cái thau cũ không đủ đâu.” Tính nhũng thứ mẹ muốn mua thì đến bốn phiếu mua hàng cũng hết. Bố vốn tính tẩm ngẩm, cứ để cho mẹ toan tính. Bố cũng không nhắc gì chuyện con búp bê hai người đã ước hẹn thầm với Bé.
Cho đến chiều nay, bố về nhà với tấm phiếu mua hàng trong túi. Bố chải đầu làm dáng cho con gái, dắt con gái đi, lén mẹ. Thế nào bố cũng mua cho con gái bố con búp bê. Bố không sợ người khác mua mất. Chị bán hàng đã bảo bố: “Mậu dịch biết thế nào cũng có nhiều người bố mua búp bê cho con nên mậu dịch đặt mua bên Tiệp Khắc về nhiều lắm. Bố chợt mỉm cười: “Một nông dân Việt Nam mua búp bê của Tiệp Khắc cho con chơi. Du thật. Chuyện ấy ngày xưa có ai dám nghĩ đến không?” Bố bảo Bé: “Đi con!” Bé lơn tơn cạnh bố. Ăn hết que kem rồi, nghe chân đi kém dẻo dai. Bố nhấc bổng bé lên, như nhấc bổng chiếc ba-lô. Hai bố con vào Mậu dịch.
Bé nhẩy cẫng, trụt khỏi tay bố. Con búp bê của Bé vẫn ở trong tủ. Khác cái, lần này bê đứng mãi chắc mỏi chân, đã ngồi xuống rồi, chân duỗi dài ra như đang dở chơi nu na nu nống. Bé dán mũi vào cửa kính, tìm chuyện nói với búp bê. Chợt một bàn tay lạ kéo Bé lùi xa cửa kính, thò tay vào trong tủ, nhấc đúng bê của Bé ra và đặt vào tay Bé. Bé ôm lấy không chút ngỡ ngàng. Bé nhìn bố khoe: “Bố ơi! Cô này cho con búp bê”. Cô bán hàng cười: “Bố em mua cho em đấy!” Bé cuống quít dục bố: “Về bố, về bố, về khoe mẹ!”
Hai tay Bé khư khư ôm búp bê vào ngực. Có lúc Bé quên cả bố đi bên cạnh. Bé còn mải nói chuyện với bê. Rằng: “Bê về nhà phải ngoan nhé, đừng quấy mẹ, mẹ hay mắng lắm. Khi nào mẹ mắng thì túm lấy quần bố. Mẹ đi công tác đã có bố ở nhà, bố đi công tác đã có mẹ, cả mẹ cả bố cùng đi thì đã có các cô, các chú, nhiều cô nhiều chú lắm.”
Bé mới nói chuyện đến đấy thì đã lại đến Bờ Hồ rồi. Bố nói: “Nghỉ một tý, Bé ạ”. Bé đồng ý ngay, được dịp cho bê xem bờ hồ. Bê ở lâu trong tủ kính chắc nóng lắm. Bé đưa bê ra bờ cỏ sát hồ. Hai chị em ngồi giãi thẻ, ngảnh mặt ra hồ ngắm cảnh.
Bố ngồi xuống thì lấy tay vỗ đùi, một cử chỉ đã thành thói quen từ khi thương tích ở đùi của bố bị trong một cuộc xung kích đồn Tây được mổ ra lấy đạn đã lành. Vết thương cũng đồng thời đổi bố từ một chiến sĩ chiến đấu thành một thương binh chuyển ngành và làm cho bố đi một quãng đường là thấy mỏi mỏi. Nhưng bây giờ bố ngồi nghỉ, còn vì bỗng thấy ngại gặp mẹ, ngại nghe mẹ phê bình. Phê bình đúng hẳn chứ. Thực tế bố mẹ đã đến mức mua đồ chơi đắt tiền hàng vạn bạc cho con đâu. Kế hoạch 56 chưa xong, mọi người còn thắt lưng buộc bụng, nhà còn thiếu đồ thiết dụng... một vạn bạc là... hai yến rưỡi gạo. Bố nhìn Bé đang cười rúc rích với búp bê. Bố bèn nhẩm lại nhũng lý lẽ đanh thép để tự bào chữa: cái sẹo trên đầu mẹ, vết thương ở đầu gối bố, tất cả để cho Bé được sung sướng. Bố không ngại gặp mẹ nữa.
Bố vừa toan gọi Bé đi về, thì mẹ từ đâu ùa tới, đặt phịch một gói lên lòng bố, tíu tít:
“Về đến nhà không thấy bố con đâu, biết ngay lại chỉ ra đây. Anh mở xem..."
Chưa hết câu, lại gọi Bé:
"Bé ơi! Lại đây! Lại đây!"
Bé ôm con búp bê khệ nệ bước lại. Mẹ nhìn con búp bê trong tay Bé, đờ người, thốt tiếng: “Ơ hay!...” Bố mở gói ra thấy con búp bê cũng: “Ơ hay!” Duy chỉ có Bé không ngạc nhiên gì cả, reo một tràng dài: “A! Cả mẹ cũng mua búp bê cho Bé nữa!” Bé điềm nhiên dang tay ôm nốt con búp bê mẹ vừa mang lại, đi về chỗ cũ, đặt song song xuống cỏ. Con bố bên này, con mẹ bên này. Sao hai con giống nhau thế. Bé lầm rồi đây này. Bé thích con bê của bố hơn. Nó đã thân với Bé trước. Bé phải làm thế nào để khỏi lẫn với con của mẹ? Bé nghĩ nhạy lắm. Bé sẽ tháo nơ đỏ của Bé buộc sau lưng cho bê bố làm khăn quàng đỏ. Bé bảo con bê mẹ mua: “Còn mày đến sau phải quàng khăn đỏ sau nghe chưa?”
Bé liếc nhìn mẹ. Mẹ mà biết thì mẹ giận đấy. Mà mẹ đang giận thật, có điều là mẹ đang giận bố chứ không phải đang giận Bé. Mẹ nói lầm bầm. Bố cũng nói lầm bầm. Bé nghe loáng thoáng những lời gắt gưởi: lãng phí, đem giả đi, đừng trẻ con, mua rồi còn đem giả, trẻ con lắm vào.
Nghe đến câu chiều con thì Bé chán quá, không nghe nữa. Vì Bé nghe mãi rồi. Có lúc thì là bố cự mẹ thế, lúc thì mẹ cự bố thế, nguy hiểm là có lúc cả hai cùng nhận lỗi với nhau là đã chiều Bé. Thật làm Bé nghĩ phen này có dễ cả bố lẫn mẹ cùng sẽ ghét mình. Nhưng chỉ một lát, phi bố tất mẹ lại ôm bé nựng nịu, quà quà bánh bánh cho Bé. Người lớn, chịu, không hiểu họ ra sao cả.
Bố mẹ thôi không lầm bầm nữa nhưng lại thừ ra, mặt bố cau lại, mặt mẹ đỏ phừng phừng. Hai bê của bé mà cũng giống thế kia thì xấu quá. Bé không thích đâu. Bé nhìn hai bê thần người nghĩ ngợi: nếu hai bê mà cãi nhau thì Bé làm thế nào nhỉ?
Bé nghĩ một lát đứng phắt dậy ôm một con – bây giờ thì con của bố hay con của mẹ cũng chẳng hề gì. Bé phăng phăng chạy lại trước mặt mẹ, đặt vào lòng mẹ, nói một hơi:
Hai con bê này nó cứ cãi nhau con không dỗ được, con giả mẹ con này để mẹ cho em bé trong bụng.
Bố mẹ nhin nhau một giây rồi cùng phá lên cười.
Tiếng cười của bố mẹ làm sao gợn cả sóng Hồ Gươm... Mấy con chim trên cành vội cất cánh bay, đánh rơi lộp độp trên đầu Bé những đốm trắng trắng... Khách qua lại lây cái cười của bố mẹ cũng nhoẻn miệng cười theo.
Nguồn: Trăm Hoa, ngày 25 tháng 11 năm 1956.
Thụy An & Võ
Nguyên Giáp
Bùi Thụy
Băng
Tình
Thầy Trò, Tình lỡ ban đầu.
Tình
Đất Nước, Cách Mạng: mỗi người mỗi ngả
Ai
là Thủ Phạm giết một hài nhi? Võ Nguyên Giáp hay Tố Hữu?
Bùi Thụy Băng có vài lời cùng độc giả:
Là
con lại viết về Mẹ mình, thì chẳng khác gì là
“Mẹ hát con khen”. Song ở đời này sao tránh khỏi những ngộ nhận. Thành thử một
khi đã đặt bút viết, hay đã mở miệng nói, thì tác giả hay diễn giả phải chịu
trách nhiệm đối với sự phê phán của khán thính giả từ mọi phía.
Năm
1958, biết rằng mình bị theo rõi, bị hàm oan, biết rằng mình bị tù đầy dã man,
bị cùm chân nằm trong xà lim Hỏa Lò, bị chuột bò trên người, mà không biết vì
tội gì, Thụy An vẫn đủ khôn ngoan đưa một mẩu giấy bẩn thỉu lớn bằng bao thuốc
lá có mấy giòng chữ bé li ti đến tay các con đang sinh sống ở Sàigòn.
Thụy
An viết: “Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông, đàn bà quả cảm. Thực
hành quả cảm đó là những người biết tin vào chân lý, biết diễn đạt chân lý trong
cuộc sống. Những người không run sợ cái chết. Hơn nữa còn chào mừng cái chết...”
Năm
1945, cả triệu đồng bào chết đói, Thụy-An xung phong cứu đói sáng, tối, ngày,
đêm. Đau lòng nhìn xác người trên vỉa hè, xác người đầy trên xe bò, khắp thành
phố Hànội. Bà hoảng lên khi nghĩ đến dân làng Hòa Xá. Bà tất tả về quê quán.
Thấy cảnh tang thương tương tự Bà bật khóc làm bài thơ tựa đề:
“Trận đói 45, chuyện một nhà Sư bán tượng cứu đói.”:
Cửa son rượu thịt bốc hơi
Dưới quê người xẻo thịt người mà ăn. (thơ Đỗ Phủ)
Sư đi khất thực trầm ngâm
Về chùa đem tượng, bán phăng chợ trời
Tượng thì quan một quan hai cũng là
Dân chết đói giảm đôi ba,
Sư bình bát rỗng về chùa quạnh hoang
Bệ thờ tam thế trống chơn
Mình ông Di Lặc béo tròn ngồi chơ
Miệng cười khoái cái bụng to
Rõ đang trong cảnh dư thừa phả phê
Bất bình chú tiểu sân si
Sao thầy không bán nốt đi cho rồi.
Thầy rằng: Bán quá khứ, bán đương thời
Tượng thì bán được vàng mười
Dại gì đem bán tương lai bao giờ
Tương lai để phụng để thờ
Mõ chuông còn dóng ước mơ còn dài.
***
Bài viết “Thụy An và Võ Nguyên Giáp” chia làm ba phần:
I.
Tình Thầy Trò – Tình lỡ ban đầu.
II. Tình Đất Nước,
Cách Mạng: Mỗi người Mỗi ngả.
III. Ai là thủ phạm
giết một hài nhi? Võ Nguyên Giáp hay Tố Hữu
I. Tình Thầy Trò – Tình lỡ ban đầu
A. - Tiểu sử và sự nghiệp văn chương, chữ nghĩa của Nữ Sĩ Thụy An qua lời tường
thuật của nữ sĩ Trinh Tiên (Trinh Tiên là phu nhân của
Ông Bửu Đáo. Ông Bà Bửu Đáo là bạn rất thân của gia đình vợ chồng Thụy An – Băng
Dương).
- THỤY AN LÀ AI?
Tên thật: Lưu Thị Yến
Bút hiệu: Thụy AnPháp danh: Nguyên Quy
Ngày và nơi sinh: 24 tháng 8, 1916 tại Hànội
Quê gốc: Làng Hòa Xá, Hà Đông
Tác phẩm:
Một Linh Hồn: Tiểu thuyết (đã xuất bản)
Bốn Mớ Tóc : Tiểu thuyết (đã xuất bản)Vợ Chồng: 25 câu chuyện về hạnh-phúc gia đình. (đã xuất bản)
Thơ không gom thành tập.
Sách chưa xuất bản:
Nhà Lãnh Tụ (Tiểu thuyết chưa in)Phiên chợ trời Đanh Xuyên (Tiểu thuyết chưa in
Bùi Thị Xuân (khảo cứu chưa in)
Vợ Chàng Trương (khảo cứu chưa in)
Năm
1929, cô Yến mới mới 13 tuổi đã có thơ đăng trên tờ Nam Phong, do nhà học giả
Phạm Quỳnh chủ trương.
Hè
1932 cô Yến được cha mẹ cho học tư thêm. Thầy giáo là một hàn sĩ, người Quảng
Bình, dáng dấp mảnh khảnh đầy vẻ cương nghị. Tuy anh ta còn rất trẻ, lại có diện
mạo khôi ngô, tuấn tú nhưng khuôn mặt luôn rõ nét nghiêmkhắc của một nhà mô phạm.
Thời
nào cũng thế: Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Ông thầy giáo trẻ ấy đã bị trò
Yến cùng các bạn trêu chọc gọi là “Anh đồ Nghệ”. Hơn thế, Yến còn làm thơ nhạo
báng dí dỏm:
-“...Khéo ghét anh đồ Xứ Nghệ
Hơn mình mấy tí tuổi đầu...”
(Trích “Sao Lại Mùa Thu” của Thụy An)
Thế
rồi có bận Yến không thuộc bài bị thầy giáo quở phạt. Cô liền cùng các bạn vạch
ra một chương trình trả đũa. Ở giờ trả bài tiếp theo, các cô bé thay nhau đọc
liền miệng suốt buổi học, khiến thầy giáo ngỡ ngàng đến chóng mặt, bưng đầu tức
giận.
-“...Phút ngạc nhiên rồi anh hiểu
Run run anh giận tái môi...”
...Lớp học tan trong tẻ lạnh
Học trò lầm lũi bước ra
Mắt anh tối sầm tức tủi
Thương anh, có kẻ trở vô
Đã có lời gì qua lại
Giữa đôi thầy giáo, học trò...”
(Trích: “Sao lại Mùa Thu” của Thụy An)
Một
tình cảm hồn nhiên chớm nở. Một e ấp chợt hiển, chợt ẩn...Từ đó cô Yến sáng tác
hàng loạt thơ ngụ ý đầy thơ mộng hồn nhiên, ký hiệu là Thụy An hay Thụy An Hoàng
Dân.
Nhưng người trai trẻ xứ Quảng này không chỉ là một hàn sĩ hay một nhà mô phạm
đơn thuần, mà còn là một người yêu nước thiết tha, một nhà cách mạng chân chính.
Cho nên trong những bài giảng đã gieo ảnh hưởng không ít đến lớp học trò. Nhất
là với tâm hồn nhậy cảm của Thụy An, khi nghe thầy giáo tả về xứ Quảng thì như
đã vẽ ra trước mắt cô:
-“...Ngắm nhìn Hồng Lĩnh cao cao
Hùng vĩ chín mươi chín ngọn
Khí thiêng sản xuất anh hào...”
(Trích: “Sao lại Mùa Thu” của Thụy An)
Hơn thế nữa, chính người thầy
giáo trẻ ấy lại là một chiến sĩ hoạt động trong bóng tối.
Chúng ta hãy lắng nghe lời giới thiệu của Thụy An về người anh hùng đó:
-“...Hung hãn vọng vào tiếng bể
Hờn căm ríu ngọn gió Lào
Anh mang trùng dương giận giữ
Anh mang hoang dại khô khan.
(Trích: “Sao lại Mùa Thu” của Thụy An)
và
như:
“Mắt anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn
dân tộc
Tóc xòa vương hận núi sông
Môi bặm tai nghe rên xiết
Áo cơm đọa dười cùm gông!...”
(Trích: “Sao lại Mùa Thu” của Thụy An)
Thật
sự, Thụy An đã hấp thụ tư tưởng cách mạng qua Thầy đồ Nghệ:
-“Rồi anh bắt đầu dẫn dắt
Dạy em khui lửa bất bình
Oán hận réo sôi lòng đất
...Công lý tù đầy uất uất
Miếng cơm nghẹn họng nhân sinh...”
(Trích: “Sao lại Mùa Thu” của Thụy An)
Khoảng chốc, lớp hè vài tháng trôi qua. Thầy trò bịn rịn chia tay. Riêng thiếu
nữ Thụy An còn nghe lòng mình vương chút bâng khuâng, diệu vợi...Nhưng lại là
chút bâng khuâng rất nhẹ nhàng lờ lững... nó đã thoảng qua ngay trong lứa tuổi
16 ngây thơ ấy. Và cũng bởi rằng: -...”Làm
thinh...anh vẫn thản nhiên...”
Còn
chăng chút lưu luyến ở tâm hồn Thụy An là niềm cảm phục trang thanh niên chí khí,
cô đã kết ý thơ thành chuỗi nguyện cầu:
...”Nguyện mình hóa vải hóa bông
Thấm lau giòng máu anh hùng thơm tho
Máu anh đã rửa quốc thù
Máu anh viết trước bài ca khải hoàn...”
(Thơ Thụy An)
Theo
định luật ...”Gái lớn ai không phải lấy chồng..”
(thơ Nguyễn Bính).
Năm
18 tuổi, bà tự lấy chồng, thân bước lên xe hoa. Chồng bà là một nhà giáo kiêm
nhà văn, chuyên viết báo với bút danh Băng Dương, tên thật là Bùi Nhung. Ông là
một trong những người em của học giả Bùi Kỷ, hiệu Ưu Thiên (1887- 1960), quê
Châu Cầu, tỉnh Hà Nam.
Sau
đó giáo sư Bùi Nhung đổi vào Nam (1933), thời gian ở Sàigòn, Thụy An làm chủ
nhiệm tuần báo Đàn Bà Mới và Phụ Nữ Tân Văn (từ tháng 3, 1934 đến tháng 3,
1937).
Vì
Thụy An mang bầu (đứa con trai thứ hai) lại yếu phổi, vợ chồng Thụy An – Băng
Dương phải chuyển ra Bắc. Tháng 5, 1939, Thụy An được mời cộng tác đứng quản lý
báo Đàn Bà. Thời đó chủ bút tờ báo này là Bà Nguyễn Thị Dị Thảo, người nổi tiếng
say mê văn chương và là một thiếu phụ có nhan sắc, rất bặt thiệp. (1)
Phần
Thụy An, bà vốn là một nhà văn, nhà báo rất năng động. Là một cây bút nữ có tài
viết được nhiều môn: Tiểu thuyết, nghị luận, đoản văn, khảo cứu, phiếm luận. Có
thời gian Thụy An còn làm Redacteur – en –Chef (Chủ bút) cho tờ Thông Tấn Xã (đài
Pháp Á của Pháp.
Năm
1943 nữ sĩ Thụy An cho xuất bản truyện dài đầu tay nhan đề “một
Linh Hồn” mô tả tình cảm một thiếu nữ ngây
thơ, rất ngoan đạo. Nhân vật chính ấy là cô Vân, biểu tượng cho một bông sen gần
bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tác phẩm “Một
Linh Hồn” của Thụy An là cuốn tiểu thuyết
đặc trưng tình cảm, mang nhiều dấu ấn thời đại, đậm đặc màu sắc tôn giáo.
Tiếp
đến tác phẩm thứ hai tựa đề “Bốn Mớ Tóc”
(1952). Đây là một truyện gồm nhiều đoản tác: Một Thương; Bà Mẹ; Cô Con; Mớ Tóc...
Tác giả cốt ý nêu cuộc sống của dân tộc trong buổi giao thời, mọi sinh hoạt đan
chen nhau giữa mới và cũ. Điển hình như môt mái tóc phụ nữ: cũ thì để (tóc) dài
vấn trần hoặc vấn khăn búi tóc; mới thì cắt ngắn hoặc uốn quăn...
Nói
về kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết thời ấy, tác giả Thụy An đã được nhà phê bình
Vũ Ngọc Phan nhận định như sau:
-“...Một
Linh Hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ
trước đến giờ (giai đoạn tiền chiến). Trí tưởng tượng của tác giả rất phong phú,
truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn...Bà đã thành công về văn xuôi
hơn là thơ...” Và như nhà văn Yên Thao cũng đã nói: “Sự hiện diện của hai tác
phẩm (Một Linh Hồn và Bốn Mớ Tóc) của Thụy An chứng tỏ rằng ở khoảng thời gian
trên, nữ giới Việt Nam đã có một cây bút khá sắc bén và thông minh...”
-
“...Có thể nói Thụy AnHoàng Dân là nhà văn nữ đi tiên phong về lối tả chân tâm
lý. Khéo áp dụng hướng cứu vớt của Chúa vào đời sống nhân sinh nhật dụng (Thế
Phong)
Đến
đây soạn giả cần phải nói thêm về sự nghiệp văn chương của nữ sĩ Thụy An. Từ lâu
nay, qua vài nhà nghiên cứu văn học đã nhận xét về nữ sĩ,thì như trên đã nói.
Nhưng còn về thơ, lại qua sưu tầm, chúng tôi được biết Thụy An sáng tác thơ cũng
rất nhiều phần đăng rải rác trên các báo, phần vẫn còn trong tập bản thảo, và
chưa hề gom lại thành tập bao giờ. Dù vậy, bài thơ trường thiên của tác giả có
tựa đề “Sao Lại Mùa Thu” (coi toàn bài ở phần dưới) , rồi như bài “Ân Thiên Nhất
Đẳng” tặng Thái Bằng có giọng ca thiên phú độc đáo...và một số bài thơ khác (xem
phần sau). Chừng đó đủ cho ta thấy tài làm thơ của nữ sĩ Thụy An cũng thuộc hàng
xuất sắc. Với lời thơ chân thật gọn gàng, ý thơ trong sáng, từ ngữ bình dị cùng
những nhận xét nhanh nhậy, tinh tế..., đủ khiến thi phẩm của Thụy An tăng phần
hứng khởi cho độc giả.
-“...Mai sau em thác anh ơi!
Trên bờ biển lấp di hài cho em
Một mình hồn được lặng yên
Lắng nghe sóng nhạc triền miên...(1)
(Thơ Thụy An)
Chú thích: (1) Ý tác giả để thiếu hai chữ cuối. Bài thơ này đã
đăng trên báo Đàn Bà Mới năm 1937.
Dưới đây là chứng tích Tình Thầy Trò và Tình lỡ ban đầu giữa Thụy An và Võ :
SAO LẠI MÙA THU
của Nguyên Quy
Năm ấy xuân vừa mười sáuMộng trinh bừng nở má tơ
Môi đào cười rung mắt biếc
Xôn xao lắm gã học trò
Tay mềm ngoan ngoan cắp sách
Nghỉ hè theo học lớp riêng
Anh giáo trẻ mà mô phạm
“Các cô phải học cho siêng”
Ra về khúc khích bảo nhau
“Khéo gét anh Đồ Xứ Nghệ
Hơn mình mấy tí tuổi đầu
Đã thế...” Một chương - trình nghịch
Phăng phăng được thảo ra liền
Mấy cô dẩu mồm, đanh đá
“Muốn siêng anh sẽ được siêng”.
Bài học cho chừng trang rưỡi
Mà hôm anh gọi đọc bài
Lập tức thao thao bất tuyệt
Liến mồm đọc mãi không thôi.
Liên tiếp cô nầy cô khác
Đọc không dứt đoạn cầm hơi
Phút ngạc nhiên rồi, anh hiểu
Run run anh giận tái môi
Lớp học tan trong tẻ lạnh
Học trò lầm lũi bước ra,
Mắt anh tối sầm tức, tủi
Thương anh có kẻ trở vô
Đã có lời gì qua lại?
Giữa đôi thầy giáo học trò
Thầy vốn mang thân hàn sĩ
Trò nhiều tình cảm vẩn vơ
Chỉ biết kể từ buổi ấy
Lớp riêng ghi một ý riêng.
Trò gái chanh chua đáo để
Làm thinh, anh vẫn thản nhiên
Lặng lẽ nhìn vào góc khuất
Long lanh đôi mắt to đen
Đôi mắt vuốt ve an ủi:
“Binh anh có tấm lòng em”
Hai tháng, chao! đi chóng quá
Qua rồi lớp học nghỉ hè
Những người kia thôi chẳng tiếc
Nhìn em mắt chẳng nỡ lìa
Quê anh xa trong Xứ Nghệ
Núi cao, sông thật là sâu
Hung hãn vọng vào tiếng bể
Hờn căm rít ngọn gió Lào
Anh mang trùng dương giận dữ
Anh mang hoang-dại khô- khan
Dìu dịu mùa Thu xứ Bắc
Dạy anh biết thú mơ màng.
Đẹp là mắt người em gái
Nhìn vai áo rách rưng rưng
Đẹp là bàn tay mềm mại
Đôi khi vuốt trán nóng bừng
Em thương cảnh anh hàn sĩ
E rằng trọ học không lương
Em về kèo nài Thầy, Mẹ
Để cho anh giảng bài trường
Hận quá lòng em mười sáu
Dịu sao thương những là thương
Ngây thơ em đâu có biết
Mắt anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn dân tộc
Tóc xòa vương hận non sông
Môi bặm tai nghe rên xiết
Áo cơm đọa dưới cùm gông
Máu anh chẩy giòng uất hận
Anh là thù của chữ thương
Rạt về mùa Thu Hà-Nội
Sao lòng anh bỗng vương vương
Sao bỗng vui niềm trưởng giả
Ánh đèn sáng mái đầu tơ
Khô khan chàng trai Xứ Nghệ
Có chiều lại biết làm thơ.
Có chiều nhìn bàn tay trắng
Bút cầm trên giấy nhẹ đưa
Ám tả anh ngừng, quên đọc
Rằng: Em có nghĩ bao giờ
Về thăm quê anh trong đó
Ngắm nhìn Hồng Lĩnh cao cao
Hùng vĩ chín mươi chín ngọn
Khí thiêng sản xuất anh hào.
Em cười ròn tan buồng học:
“Em yêu Hà-nội mà thôi”
Lơ đãng ảo huyền cất bước
Thời gian bóng đổ u hoài
Nhưng anh vẫn chăm rèn cặp
Và em vẫn cố học hành
Rồi anh bắt đầu dẫn dắt
Dạy em khui lửa bất bình
Oán hận réo sôi lòng đất
Đời chưa vẽ nét đan thanh
Công lý tù đầy uất uất
Miếng cơm ngẹn họng nhân sinh
Anh mơ buổi mai nhân loại
Anh mơ cháy rực mắt sâu
Anh mơ lõm đôi gò má
Anh mơ tóc chĩu mái đầu
Ngoan ngoãn là người em gái
Cùng anh chung một mối mơ
Cùng anh chia niềm uất hận
Tương lai nhân lọai hẹn hò
Đổi thay cũng người em ấy
Mấy chiều chẳng đến học anh
Bóng vẽ lê mình gác xép
Tiếp phong thư nhỏ giật mình”
“Em sắp lấy chồng, anh ạ
Mừng em anh có gì không?”
Cười gằn, phong thư xé nhỏ
Xé tơi những ngón tay hồng.
Ghê cái mùa thu Hà-nội
Hững hờ mấy lá vàng bay
Ru nỗi buồn câm phố vắng
Lê chân vẹt mấy gót giầy.
Anh những âu vui duyên mới
Lâu lâu chợt nhớ tới anh
Môi đào nhoẻn cười hóm hỉnh:
“Hẳn là anh ấy giận mình”
Nhẩm tính thăm anh một buổi
Chần chừ nay hẹn đến mai
Riêng những tấm lòng phơi phới
Thời gian thâu vắn chẳng dài
Vun vút thoi bay cửa sổ
Mùa thu qua mấy mùa thu
Em đã con bồng con bế
Vô tình quên hết bạn xưa.
Để có hôm kia một buổi
Trời cuồng trút hết gió mưa
Kẻ lớn trong nhà xa vắng
Mình em nghe đổ phong ba
Anh bỗng hiện ngoài khung cửa
Xé trời tiếng sét nổ theo
Mắt cháy hừng hừng cuồng nhiệt,
Nhếch môi nửa hận nửa kiêu
(Run rẩy thương lòng thiếu phụ
Phút giây bừng hiểu muộn rồi
Cúi mặt lắng nghe ân hận
Tràn dâng khóe mắt đầu môi.)
Anh đã nói gì anh hỡi!
Em nghe loáng thoáng mơ hồ
Tình lỡ sầu theo nửa mộng
Hẹn về toàn thắng mùa Thu
Mùa Thu mùa Thu về đây
Có người ghìm mộng trong tay
Có người mang hia chiến thắng
Đi tìm em của những ngày.
Em đã khác rồi, em đã...
Biển dâu này lại biển dâu
Vừa mới rụng tàn thế hệ
Ai còn “Hải thị thấn lân”?
Thôi nhe, ừ em về bên ấy
Mỏi rồi, chơi cuộc hú tim
Đã rẽ đôi giòng lý tưởng
Hương xưa: ngọc đắm châu chìm
Em còn hẹn hò Hậu Kiếp
Anh không tin chuyện luân hồi
Lai sinh em chờ người đó
Kiếp này anh mộng cùng ai?
*
Mưa gió nấc câu tương biệtAi nhìn theo hút Tiêu Lang?
Ai đếm bước chân lưu lạc
Ai chờ nghe khúc khải hoàn.
Nguyên Quy (cũng là Thụy An)
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 290