Wednesday, November 2, 2016
NGƯỜI BUÔN GIÓ * ĐI TÙ VÀ ĐI CẢI TẠO
ĐI TÙ VÀ ĐI CẢI TẠO
Ngày 11.12.2011Lời dẫn: Đảng cộng sản VN là vua chơi chữ trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực giam nhốt người dân. Vì thế mới có chữ "đi tù" và "đi cải tạo". Hai cụm từ này khác nhau như thế nào? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Người Buôn Gió, trả lời câu hỏi đó, qua sự trình bày của chị Dian.
Đi cải tạo là đi gì? Nhiều người vẫn nghĩ là đi cải tạo thì nhẹ hơn
đi tù, đi cải tạo là ngồi trong lớp học về đạo lýđược các cán bộ tận
tâm, có tấm lòng, tức là những thầy giáo trong bộ quần áo công an.
Giảng và cư xử với học trò với những tấm lòng yêu mến, cảm hóa học
trò bằng tình nghĩa để sau này các học trò trở thành người tốt. Những
câu chuyện thường có trên mặt báo, nhất là những số báo Tết cuối năm, về
ơn nghĩa của người thầy, người quản giáo trong trại giam. Rồi thêm hình
ảnh người học trò giờ đã có cuộc sống thành đạt, có ích cho xã hội.
Thật ra thì những người tù trở về sống đời lương thiện là rất ít, so với
con số tái đi tù.
Làm người lương thiện ở Việt Nam khó hơn làm tiến sĩ cả vạn lần. 100
người bảo vệ luận án tiến sĩ hầu như đạt cả 100. Nhưng 100 thằng tù mà
trở về xã hội thì may lắm chỉ có 1 hay 2 thằng trở thành người tử tế,
nghĩa là tìm được công việc tử tế sống cuộc đời lương thiện cho đến cuối
đời. Nếu bạn không tin, hãy nhìn quanh nhà bạn xem những thành phần đi
tù, đi cai nghiện, có bao nhiêu người trở thành người tử tế. Sau đó bạn
hãy phản bác lại tôi cũng chưa muộn.
Trại cải tạo và nhà tù là một. Nhà tù thì có hai loại, nhà tù giam
cứu và nhà tù cải tạo. Nhà tù giam cứu là giam phạm nhân còn đang trong
giai đoạn điều tra củng cố hồ sơ, cáo trạng, hay phạm nhân đã kết thúc
hồ sơ chờ tòa xử. Sau khi có án phạt của tòa, phạm nhân từ trại giam cứu
sẽ chờ chuyển đến trại tù cải tạo.
Còn phạm nhân đi thẳng theo diện cải tạo là do chính quyền địa phương
xét thấy hư hỏng nhiều lần, nhưng chưa có lần nào đủ để đưa ra tòa kết
án tù thì đề nghị cho đi cải tạo. Hư hỏng theo kiểu chính quyền đánh giá
thì vô cùng. Nhiều khi chỉ là ngồi hàng nước tán láo, thấy cán bộ không
chào, tóc tai quần áo nhìn ngứa mắt, tụ tập đàn đúm ôm đàn ca hát cũng
đủ yếu tố đi cải tạo. Đi cải tạo thì thời hạn tính theo từng lệnh, trước
kia lệnh cải tạo thường là 5 năm, giờ thì xuống còn 2 năm. Nếu trong
trại cải tạo mà không được cán bộ hài lòng, thì chuyện giữ thêm một lệnh
tiếp theo hay tiếp theo nữa là chuyện thường tình. Bởi vậy nhiều tù cải
tạo mòn mỏi quá, tiếc nuối than rằng thà cứ phạm tội còn có hạn tù, còn
có ngày về, chứ đi cải tạo thì mịt mù ngày về quê mẹ luôn.
Ở trại cải tạo thì chuyện học viên ngồi trên bàn ghế, thầy giáo giảng
bài, là chỉ có trong phim tuyên truyền. Chứ con người mới xã hội chủ
nghĩa là phải lao động, lao động, lao động... mới cải tạo được thành
người lương thiện. Cho nên ở nhà tù cải tạo chỉ có công việc duy nhất là
lao động đủ mức khoán là thước đo duy nhất đánh giá sự tiến bộ của phạm
nhân.
Thời bao cấp trại cải tạo chỉ chú trọng đến việc giam giữ tù nhân,
lao động không nặng nề lắm, bởi thời cuộc lúc đó thì cũng chả có việc gì
mà làm. Ngoài xã hội công nhân đi làm cũng vật vờ, có máy móc, có phát
triển nhiều đâu mà có việc để làm. Sau này thời mở cửa từ năm 90 trở đi,
xã hội mở mang tạo ra nhiều công việc, cần đến nhiều nguồn nhân lực xã
hội. Người ta nhận thấy các tù nhân (gồm tù có án lẫn tù cải tạo) là một
nguồn lao động khổng lồ đầy tiện lợi. Việc tái đầu tư vào lực lượng lao
động này rất rẻ mạt, một năm chỉ 2 bộ quần áo, mỗi tháng mươi cân gạo,
mươi cân rau và vài lạng thịt.
Ở trung tâm trại cải tạo người ta chỉ giữ lại một vài đội tù như đội
bếp, đội vệ sinh, đội rau xanh, đội đan lát, mộc để làm cảnh cho các
đoàn tham quan đến chiêm ngưỡng. Thường thì những tù cải tạo ở các đội
rau xanh, đội vệ sinh là tù nhân mà gia đình đã lo lót hay có quan hệ.
Những tù nhân này có điều kiện gia đình khá giả, lao động nhàn hạ, lại
có đố tiếp tế nên họ sạch sẽ và có da có thịt hơn. Khách tham quan hay
các đoàn công tác đến nhìn đều tấm tắc khen trại cải tạo chăm lo đời
sống phạm nhân tốt....
Nhưng cuộc sống thật của trại cải tạo thì ở đằng xa hơn, cách đó vài
cây số hoặc vài chục cây. Đó là những khu hay những đội lẻ. Nơi mà trại
cải tạo nhận hợp đồng với những công ty, cá nhân bên ngoài để lấy việc
cho tù nhân làm. Nếu những việc có thể gia công tại trại, thì nhận vật
liệu về rồi làm xong thì chuyển lại cho cơ sở kinh doanh ở gần trại. Còn
những viêc mà đối tác đòi hỏi phải làm tại nơi của họ thì trại cải tạo
lập ra những đội tù lẻ, có quản giáo, lính gác đi kèm đến hiện trường
làm việc. Trường hợp này thường là các lò gạch, bến phà, mỏ đá. Làm ở
những nơi này thì tù nhân khổ nhất, vì lao đông nặng nhọc, mọi quyền hạn
đều tất ở trong tay quản giáo và đám lính vũ trang. Quản giáo lại được
doanh nghiệp thưởng thêm nếu đốc thúc tù làm đủ hay vượt năng suất. Quản
giáo là người trực tiếp ký hợp đồng nhận việc với doanh nghiệp, với
phía trại cải tạo thì quản giáo cũng nhận mức khoán trên đầu phạm nhân.
Ví dụ quản giáo nhận 50 phạm nhân thì mỗi tháng nộp về trại 50 đồng. Còn
chuyện quản giáo ký với doanh nghiệp về số lượng sản phẩm hoàn thành
thu lại bao nhiêu , chênh lệch thế nào... thì là chuyện quản giáo với
doanh nghiệp thuê lao động.
Tù có án và tù cải tạo ở chung với nhau, có mức sống và lao động như
nhau. Tất cả đều ở trong hoàn cảnh cải tạo như vậy, cho nên nhiều tù cải
tạo vẫn chửi một câu cửa miệng rằng:
- Đời có lắm thằng ngu, bố nó đi tù mà nó bảo là đi cải tạo!
Người Buôn Gió
NGUYỄN HỮU BA * VƯỢT BIÊN BẰNG BÈ
Chuyện vượt biên:
VƯỢT BIÊN BẰNG BÈ (Nguyễn Hữu Ba)
Quê
tôi thuộc xã Bình Phú – Huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là Huyện
Tây Sơn, nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn – Nguyễn Huệ). Mẹ tôi họ Bùi
thuộc dòng dõi Bùi Đắc Tuyên, Bùi Thị Xuân. Trong khoảng từ 1945 – 1954
gia đình tôi sống trong vùng Việt Minh, bị chúng ghép vào thành phần
địa chủ. Cha mẹ tôi bị chúng đấu tố rất khổ nhục, cho nên trước năm 1975
thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, mẹ tôi thường dặn “nếu VC mà vào thì
con ở đâu được cứ ở, đừng về đây. Nếu con về đây thấy tụi nó làm nhiều
điều chướng tai gai mắt, con nhịn không được, cãi lại nó thì nó sẽ giết
con chết”.
Cho
nên sau 30-4 bằng mọi giá tôi phải bám trụ lại Sài Gòn, không về quê và
khi ra phường xin giấy tạm trú tôi khai sụt cấp bậc. Vì vậy tôi chỉ
“học tập” ở rạp Đại Lợi (gần chợ Ông Tạ) 3 ngày. Sau đó tôi buôn bán qua
quít sống qua ngày. Cực khổ thì đã đành, nhưng ngày nào cũng phải nhìn
những khẩu hiệu chướng mắt, không thật và tai thì phải nghe mấy cái loa
tuyên truyền láo khoét tôi không chịu được. Tôi thường nói với những
người thân “giả sử VC cho tôi một tòa biệt thự, xe cộ tiền bạc xài thả cửa suốt đời, tôi cũng không thèm sống với VC”
vì nó nói láo qúa. Chẳng hạn, nhà máy hay ruộng đất của người ta nó bắt
ép người ta phải “hiến” cho nó mà nó cứ nói là người ta tự nguyện hiến
cho Nhà nước. Trên đời này có ai mà tự nguyện đưa hết của cải mình cho
nó bao giờ. Cho nên tôi tìm mọi cách để vượt biên. Từ 1976 đến cuối năm
1978, tôi tổ chức rất nhiều lần đều thất bại. Lý do là tôi không tin
tưởng mấy ông chủ ghe. Thứ hai, tôi là Hải Quân nên rất khó lân la tới
các xóm chài lưới để móc nối. Đến đầu năm 1979, có người biết tôi là Sĩ
quan Hải Quân và giới thiệu tôi về Qui Nhơn để lái chiếc tàu đăng ký bán
chính thức. Tôi về ở đó 3 tháng để coi sửa chữa 2 chiếc tàu. Tôi lái
một chiếc và một ông Trung Úy ở Sài Gòn ra lái một chiếc. Tất cả mọi
việc chuẩn bị đã xong thì thình lình ngày 20-7-1979, sáu mươi nước trên
thế giới họp ở Geneve về vấn đề người tỵ nạn Việt Nam ra đi qúa nhiều
làm cho các nước Đông Nam Á khốn đốn. VC đi dự họp, chúng hứa là từ nay
sẽ không cho một người Việt Nam nào rời khỏi nước, thế là từ đó VC ngưng
chương trình bán chính thức. Ngày 5-9-1979 tôi phải dẫn các con trở vào
Sài Gòn để đi học lại.
Hàng
ngày, sau khi sắp nhỏ đi học tôi nằm nhà một mình như muốn điên. Tôi
chịu không nổi nữa. Một hôm tôi bàn với vợ tôi là tôi sẽ đi tìm mua 1
chiếc xuồng cao su mà trước đây người nhái thường dùng để đi phục kích
(loại này ở Úc cũng thường thấy). Thế là tôi đi dạo các chợ trời để tìm
mua, nhưng không có ai bán. Về nhà tôi suy nghĩ “nếu người ta có, người
ta cũng không bán cho mình. Và nếu họ bán tôi cũng không đủ tiền mua”,
(vì lúc đó tôi chỉ còn vỏn vẹn 1 cây vàng). Thế là từ hình ảnh chiếc
xuồng cao su, tôi mới phác họa ra chiếc bè. Mình không có xuồng thì tại
sao mình không lấy nhiều cái ruột xe ráp lại thành cái bè? Tôi đem ý
nghĩ này bàn với vợ tôi và trấn an vợ tôi rằng “nếu mình đi bằng ghe, thì có thể bị chìm và chết, còn cái bè, tuy lạnh lẽo khổ cực nhưng không bao giờ chìm”. Vợ tôi cũng tin tưởng vào tôi, nói “vậy được đó, làm đi”.
Đó
chỉ là cái ý đại cương vậy thôi. Tôi bảo để tôi tính chi tiết lại đã.
Ngày hôm sau, tôi ra chỗ vá xe đạp ở lề đường, tôi đo đường kính trong
và ngoài của cái ruột xe tải 900-20. Tính ra, một cái ruột xe tải bơm
cứng có thể chở được 150kg. Tất cả gia đình tôi, 2 vợ chồng 4 đứa con, 2
đứa em và 1 đứa cháu + lương thực + nước uống + khung sườn, tất cả độ
750kg (tôi cần 2 đứa em và đứa cháu để phụ tôi bơm ruột xe và để bơi ra
khỏi bờ, vì sóng ở gần bờ cứ dập vào rất khó bơi ra). Như vậy nếu tôi
ráp được 9 cái ruột xe (1350kg) thì tốt hơn. Nhưng nếu ráp 9 cái ruột xe
thì khung sườn bằng gỗ dài qúa (5,3m) dễ bị gẫy. Nên cuối cùng tôi
quyết định ráp 7 cái (1050kg). Khi bỏ bè xuống nước phần nổi độ 10cm.
Thế là tôi lấy giấy bút ra vẽ chi tiết cái bè (tôi đậu tú tài Kỹ Thuật,
nên biết vẽ Kỹ Nghệ Họa). Xong tôi ghi ra 2 tờ giấy, vợ tôi giữ 1 tờ và
đạp xe đi mua cốm dẹp, đường, dây nylon, can nhựa, poncho v.v… Còn tôi
đi mua gỗ và tìm thợ mộc để làm cái khung sườn + ruột xe. Tôi nhớ hoài
nét mặt của ông thợ mộc khi tôi đưa tấm sơ đồ, ổng cứ nhìn ngang nhìn
dọc, ổng không hiểu cái đó là cái gì?
Riêng
4 cái mái chèo tôi chỉ nhờ ổng làm phần A. Còn phần B tôi mua một tấm
ván mỏng dày 1 phân rồi lấy dao tự đẽo. Khi ra tới bãi tôi chỉ việc lấy
phần A và B ráp với nhau rồi đóng 2 cây đinh là xong. Chứ nếu để cho ông
thợ mộc làm cả phần A và B thì ổng sẽ biết đó là cái mái chèo. Riêng
hai cái khung sườn tôi đánh số bằng sơn trắng từ A1, A2 đến A11 và B1,
B2 đến B11 và bó lại thành 2 bó. Công an lên xét xe, tụi nó chẳng biết
đó là cái gì?
Trước
khi đi, tôi dự kiến là bè có thể bị lật, nên ngoài tôi và 3 đứa em (14,
16 và 19 tuổi) biết bơi, vợ và 4 con tôi phải mang phao và tất cả đều
có dây dù cột dính vào bè (dây dài 2m để di chuyển trên bè). Nhưng làm
sao có phao để mang? Tôi phải dùng can nhựa, 4 đứa nhỏ thì một cái 5 lít
ngay trước ngực và một cái 5 lít ngay sau ót, còn vợ tôi thì can 10
lít. Đó là dự kiến như vậy, nhưng thực tế tôi đi trong cơn bão 2 ngày 2
đêm không lật một lần nào. Lý do là bè rất thấp (1 tấc) cho nên trọng
tâm của bè không thể lọt ra ngoài chân đế, nên không bị lật.
Tất
cả những sự chuẩn bị này, đối với tôi không có gì là khó khăn cả. Chỉ
có một điều khó khăn nhất cho tôi là làm sao di chuyển số đồ đạc này ra
bãi biển Cà Ná (gần Phan Rang). Chỉ riêng điều này không thôi cũng làm
tôi tính toán nát óc. Chuyện là như thế này:
Đúng
ra tôi phải chọn bãi Bạc Liêu, Cà Mau hay Vũng Tàu là tốt nhất vì tháng
10 là mùa gió Bấc, bè sẽ trôi vào hướng Nam, cho nên nếu chọn bãi càng
vào phía Nam càng tốt. Nhưng ngặt nỗi những nơi vừa kể tôi không quen ai
gần bờ biển cả. Cho nên cuối cùng tôi phải chọn bãi Cà Ná, vì bãi Cà Ná
có đường Quốc Lộ 1 chạy sát mé biển. Nhưng cái khó khăn là tại bãi biển
này không có nhà dân, không có suối, nghĩa là không có nước ngọt, mà
nước ngọt thì không thể chở từ Sài Gòn ra được. Hồi đó, công an lên xét
xe, thấy nước ngọt là chắc chắn mình sẽ bị “tó” đầu. Bây giờ chỉ còn một
cách là đi xe từ Sài Gòn ra, mang theo can không, tới Phan Rí (cách Cà
Ná độ 50 cây số) hoặc Long Hương (cách Cà Ná độ 30 cây số) hoặc Vĩnh Hảo
(cách Cà Ná độ 14 cây số) dừng xe lại lấy nước. Rồi tới Cà Ná xuống xe.
Nói thì nghe dễ vậy, nhưng chủ xe nào chịu dừng xe lấy nước ngọt cho
mình, rồi bỏ xuống Cà Ná. Bởi nếu rủi ro bị bắt thì tài sản xe cộ của họ
cũng mất luôn. Ai dám giúp cho mình chuyện này, ngoại trừ mình có thật
nhiều tiền, nhưng tôi thì không. Trước khi đóng bè tôi chỉ còn 1 cây
vàng độ 2,200 đồng tiền VC. Sau khi làm xong bè tôi còn lại 800 đồng.
Chủ xe nào lại chịu lấy số tiền này cho một kế hoạch vượt biên. Cuối
cùng tôi vạch kế hoạch “liều” gồm 2 bước như sau:
Tôi
ra bến xe Điện Biên (ở đường Phan Thanh Giản, gần ngã tư Hàng Xanh) xe
vận tải Qui Nhơn thường đậu ở đây. Mục đích là gợi chút tình đồng hương
để dể năn nỉ. Tôi không đi xe đò, vì xe đò đông khách, bãi Cà Ná lại
vắng vẻ, không có nhà ở, khi mình xuống xe ở đó thì hành khách trên xe
(có thể có cán bộ VC) họ sẽ nghi mình vượt biên. Nên tôi chọn xe tải chỉ
có 1 tài xế và 1 lơ xe.
Khi
trả giá xong xuôi như một hành khách bình thường đi từ Sài Gòn đến Phan
Rang độ 300 đồng. Tôi sẽ là người ngồi đằng trước với tài xế và cố gắng
lấy cảm tình của ông ta. Khi xe tới Phan Thiết (200 cây số). Đãi ông ta
và lơ xe bữa cơm trưa để gây cảm tình. Sau khi ăn cơm xong, xe bắt đầu
chạy tôi sẽ thố lộ cho tài xế biết là mình đi vượt biên và nhờ ổng giúp
giùm, bằng cách tới Phan Rí (cách Phan Thiết 70km) dừng lại lấy nước cho
mình. Trong túi mình còn lại 500 đồng đưa hết cho ổng. Tuy nhiên, đối
với giới xe tải 500đ này rất nhỏ, không có tác dụng gì mấy, chỉ hy vọng
vào tấm lòng nhân đạo của ổng giúp mình mà thôi. Nhưng đây là một điều
nguy hiểm, rủi ro có thể mất hết tài sản dễ gì ổng giúp mình. Cho nên
trước khi thuê xe phải xem xét kỹ lưỡng ông tài xế để “chọn mặt gởi
vàng”
- Thứ nhất ông này phải là người chống cộng (có chống cộng mới giúp mình vượt biên chứ)
- Thứ hai là có lòng nhân hậu. Không coi trọng vật chất mấy, nghĩa là không ham tiền quá.
- Thứ hai là có lòng nhân hậu. Không coi trọng vật chất mấy, nghĩa là không ham tiền quá.
Cả
hai tiêu chuẩn này đều do trực giác của mình phán xét vì ông ta với
mình có quen nhau trước đâu mà biết được. Vậy mà may mắn sao tôi lại
chọn đúng người.
Bước
thứ hai, nếu tới Phan Rí mà ông tài xế vẫn khăng khăng không dám giúp
mình thì sao? Tới đây bắt buộc cả gia đình tôi phải xuống xe và phân tán
mỏng. Gia đình tôi giữ 2 cái can, 2 đứa em và cháu tôi mỗi đứa hai cái
(tất cả 8 cái) trà trộn vào mấy quán cơm dọc hai bên đường ăn cơm và tìm
cách lấy nước. Độ 1 giờ 30 phút sau, tôi thuê một chiếc xe lam từ Phan
Rí đi Phan Rang (độ 70km), lần lượt đón hết mấy đứa em lên xe. Khi lên
xe, tôi ngồi băng ghế trước với tài xế, thủ một con dao. Đứa em 19 tuổi
cũng ngồi phái bên kia thủ một con dao. Khi xe đến Cà Ná, đợi đến khúc
đường vắng vẻ, hai anh em tôi sẽ chĩa hai mũi dao vào hông ông tài xế
bắt phải lái xe vào bụi rậm. Xong đem tài xế ra băng sau trói chặt vào
đó. Còn bao nhiêu tiền nhét hết vô túi ổng. Sau khi mình đi khỏi, ngày
hôm sau đám trẻ chăn bò sẽ mở trói cho ổng. Kế hoạch thì như vậy, nhưng
rất may chúng tôi chưa phải xài đến giải pháp này.
Ông
tài xế xe tải, sau khi nghe tôi thố lộ đã “hồn phi phách tán”, chỉ lái
xe theo phản xạ như không hồn. Nhưng vì thương gia đình tôi, ổng đã giúp
chúng tôi đến nơi đến chốn và hiện giờ ổng nhận tôi là con nuôi của ổng
(tôi chỉ kể vắn tắt vậy thôi, chứ nếu kể hết những gì tôi thuyết phục
bác tài xế thì dài dòng lắm).
Theo
kế hoạch tôi muốn xuống Cà Ná vào lúc sẩm tối để tránh lũ trẻ chăn bò.
Nhưng vì Bác Tư nói xe ổng phải về sớm không thể chần chừ lâu được cuối
cùng tôi phải xuống Cà Ná lúc 2 giờ chiều. Rất may là không có ai thấy.
Chúng tôi vào bụi rậm và bắt đầu bơm hơi vào ruột xe. Công tác này thật
nặng nhọc. Chúng tôi mang theo 9 cái ruột xe tải, 7 cái ráp vào bè và 2
cái xơ-cua. Mỗi cái chúng tôi phải bơm 4 lần mới đầy. Nghĩa là cứ bơm
cho đuối sức rồi nghỉ độ 5, 10 phút rồi bơm lại, 4 lần như vậy. Đến 7
giờ tối chúng tôi mang tất cả xuống mé biển và ráp bè. Ráp xong ngồi chờ
đến 9 giờ tối, gió đất bắt đầu thổi ra, chúng tôi thả bè xuống nước và
khởi hành.
Tôi
xin giải thích thêm về hiện tượng gió ở các vùng ven biển. Ở các vùng
gần bờ biển, ban ngày đất liền nóng hơn mặt biển, không khí bốc lên nên
gió ở ngoài thổi vào. Khi mặt trời lặn, mặt đất toả nhiệt nhanh hơn nên
lạnh trước, trong khi nước tỏa nhiệt chậm hơn nên mặt biển vẫn còn ấm.
Cho nên khoảng 8:30 – 9 giờ (giờ VN), gió từ bờ thổi ra, chúng tôi lợi
dụng cơn gió này để căng buồm ra khơi (vì không đủ tiền để mua máy đuôi
tôm).
Tôi
thả bè xuống nước lúc 9 giờ đêm, đi được 6 tiếng đồng hồ. Đến 3 giờ
sáng thì bão bắt đầu nổi lên. Gió đổi hướng liên tục, tôi phải hạ buồm
xuống chỉ để bè trôi theo dòng nước. Thấy sóng thật lớn, nhưng bè vẫn an
toàn không lật. Chúng tôi yên tâm tiếp tục đi 2 ngày và 2 đêm trong bão
(tôi thả bè xuống nước ngày 21-10-1979 đến chiều 23-10-1979 tôi đã đến
ngoài khơi Vũng Tàu cách bờ độ 60km. Như vậy tôi đã đi được khoảng 200
cây số đường dài). Buổi trưa ngày 22-10, tôi đi ngang qua Phan Thiết,
chỉ cách bờ độ 12-15km, nhìn vào bờ thấy thành phố rất rõ. Nếu trời êm
gió lặng, có lẽ tụi nó đã phát giác bè của tôi tại đây. Nhưng vì bão lớn
quá, nên mặt biển vắng teo không có một chiếc thuyền nào qua lại. Đến
chiều ngày 23-10, khoảng 4 giờ, tất cả chúng tôi đều quá mệt nên trùm
poncho để ngủ, không ai lái cả. Tuy nhiên bè vẫn trôi về hướng Nam và
càng ngày càng ra xa bờ (xin nói thêm là bè không lật nhưng mỗi khi bè
lên đến đỉnh sóng thì thường bị cái ngọn sóng bạc đầu phủ lên bè, không
nguy hiểm, nhưng ướt và lạnh suốt ngày đêm). Bốn đứa con tôi lúc đó chỉ
có 4, 5, 7 và 9 tuổi). Lúc 4 giờ tôi đang ngủ chợt nghe có tiếng gọi
“trên bè có ai còn sống không?” Tôi giật mình thức giấc thì thấy một
chiếc ghe khá lớn, trên đó có độ 10 ngư phủ. Họ tưởng chúng tôi vượt
biển bằng ghe, ghe bị chìm mới lên chiếc bè cấp cứu này và thấy nằm im,
sắp lớp, nên họ tưởng chúng tôi đã chết hết rồi. Họ cho biết là mấy ngày
trước, họ đánh cá ở đảo Trường Sa, gặp gió lớn qúa họ núp bão ở các đảo
ngoài đó. Hôm nay gió dịu bớt họ trở về, đi ngang qua đây gặp chúng tôi
và họ khuyên chúng tôi nên trở vào. Nếu cứ tiếp tục đi không sống nổi
đâu. Chúng tôi hội ý bàn bạc với nhau, thằng em họ lớn nhất (19 tuổi)
bàn: “anh Ba à, trật keo này mình bày keo khác, nếu mình tiếp tục đi, em
sợ mấy đứa nhỏ không sống nổi”.
Trước
lúc ra đi tôi đã quyết tâm, nhưng khi đứng trước cảnh này, nhìn các con
tôi không đành lòng để chúng chết trên biển, nên đồng ý quay về. Chủ
ghe bắt thanh niên chúng tôi bơi qua tàu họ (vì họ sợ chúng tôi có súng,
cướp ghe của họ nên không dám lại gần). Tôi còn lại 800 đồng (vì ông
chủ xe tải không lấy tiền), một sợi giây chuyền và chiếc nhẫn độ vài chỉ
vàng 18. Tôi đưa hết cho chủ ghe và nhờ ổng chở vào bờ, bỏ tôi ở một
bãi biển vắng để về Sài Gòn, nhưng ổng không chịu, mặc dù rất thông cảm
và thương chúng tôi. Nhưng vì trên ghe có rất nhiều ngư phủ, khi về họ
sẽ xầm xì, bàn tán. Thế nào công an cũng nghe được và nguy hiểm đến tài
sản và gia đình ông ta. Ông chỉ có thể chở chúng tôi đến đồn công an.
Anh em chúng tôi bàn tán thêm một lúc và thằng em cũng chỉ khuyên tôi
trở về chấp nhận vào tù, khi hết tù sẽ làm chuyến khác. Vì lúc đó bè
chúng tôi không thể tự trở về bờ được vì gió bấc thổi về Nam và nước
cũng chảy về Nam. Thôi thì chịu cảnh tù tội từ đây.
Ghe
đánh cá chở chúng tôi về đến đồn 36 Công An Biên Phòng thuộc xã Hưng
Long – Phan Thiết khoảng nửa đêm 23 rạng 24 tháng 10. Chúng tôi bị nhốt ở
đây một ngày, đến chiều 24 chúng chở về trại I Phan Thiết và tống tôi
vào phòng biệt giam. Vợ con tôi ở nhà nữ, còn mấy đứa em thì nhốt ở các
nhà tập thể khác. Sáng ngày 26-10-1979 chúng vào bảo tôi đem hết đồ đạc
ra chỗ văn phòng. Tới nơi tôi thấy vợ con và mấy đứa em đầy đủ. Tôi phân
vân tự nghĩ “không lẽ chúng thả mình về sớm vậy?” Nhìn vợ con, tôi
không cầm được nước mắt. Chỉ qua hai đêm mà mặt mày vợ con tôi như miếng
gừng xâm kim để làm mứt. Muỗi cắn nát không có khoảng hở nào cách nhau
được 5 ly. Chờ một lát, có tên công an ra bảo “chúng tôi cần một số
hình ảnh về chiếc bè của anh. Hôm nay chúng tôi sẽ chở anh trở lại đồn
36. Trên đường đi nếu anh có hành động gì chúng tôi sẽ không chịu trách
nhiệm”. Ý nó nói, nếu tôi chạy trốn nó sẽ bắn bỏ. Khi xuống tới đồn,
chúng bắt chúng tôi đem tất cả đồ đạc ra gần mé nước ráp bè và thả
xuống nước (vì chúng đã tháo ra hết). Nghĩa là diễn lại y như lúc tôi đi
để chúng quay phim, chụp hình làm tài liệu. Xong, chúng chở tôi về trại
I vào phòng biệt giam và bắt đầu cuộc đời tù tội từ đây.
Chúng
nhốt vợ con tôi 13 ngày, mấy đứa em 3 tháng và tôi 39 tháng. Khi vợ con
tôi từ nhà tù ra bến xe, dân chúng hai bên đuờng đều biết mặt, vì họ có
đi xem “đóng phim”. Họ thăm hỏi và giúp đỡ rất tận tình. Khi đến bến
xe, chủ quán mời vào cho ăn cơm không lấy tiền. Khi lên xe, chủ xe không
lấy tiền xe mà còn bao cho ăn trưa. Và khi đến Sài Gòn chủ xe gọi hai
chiếc xích-lô chở vợ con tôi về nhà và họ trả tiền trước.
Vợ
tôi dẫn 4 đứa con về được Sài Gòn mặc dù trong túi không có xu nào. Vì
tôi đã dặn vợ tôi bằng mọi giá phải bám lại Sài Gòn. Sau khi mượn tiền
của bạn bè và bà con mua một ít gạo muối để lại cho 2 đứa con, lớn nhất
(Vi) và nhỏ nhất (Luân) ở lại Sài Gòn. Vợ tôi dẫn đứa thứ ba (Thủy) ra
Nha Trang ở với dì, và Thảo (đứa thứ hai) về Bình Định ở với ngoại. Cha
mẹ và các chị em hai bên góp vốn để giúp vợ tôi buôn bán nuôi con.
Những
người đàn ông khác thì sao tôi không biết. Chứ tôi có một cái tật xấu
là đối với người ngoài, khi ai giúp cho tôi một điều gì, tôi cũng thường
nói thank you hay cảm ơn xoèn xoẹt y như… Tây, nghĩa là cũng biết
galant, cũng …lịch sự như mọi người. Nhưng đối với vợ con trong nhà thì
hình như tôi mang cái ý nghĩ là… “của riêng mình ta, ván đã đóng hòm,
không ai thèm vào đây rước ba cái của nợ này”. Nên không bao giờ tôi nói
được hai tiếng cảm ơn, ngoại trừ trường hợp nói cảm ơn để …móc họng,
trong những lần vợ chồng gấu ó nhau.
Nhân
đây tôi xin nói vài hàng về vợ tôi , để nếu “chẳng may” vợ tôi đọc được
thì những dòng này sẽ thay tôi nói lời tạ tội và cảm ơn công lao của
“Bà”, đã nuôi nấng cha con tôi. Con cá sống nhờ nước, cha con tôi sống
cũng nhờ vợ tôi.
Lúc
đó vợ tôi là một phụ nữ tương đối coi cũng được, không đến nỗi “ma chê,
quỷ hờn”. Nên cũng có những kẻ muốn “xắn tay bẻ nụ… hoa tàn”. Vốn liếng
lại không có bao nhiêu, nếu là một người đàn bà yếu lòng, không đủ
trung kiên, chung thủy với chồng thì cũng dễ tìm một nơi nương tựa lắm.
Sau
khi tôi ở tù về, nghe mấy đứa con kể lại cuộc sống đã qua mà ứa nước
mắt. Trong năm đầu tiên, vợ con tôi không dám ăn nước mắm, chỉ mua mắm
ruốc kho lỏng thành nước để chấm rau lang và rau muống. Có dư ra đồng
nào vợ tôi đều để dành, lúc thì mua 1kg đường, lúc thì mua 1kg chuối
khô, để trên đầu tủ, các con tôi thèm nhỏ dãi, nhưng vợ tôi bảo “để dành
đi thăm Ba”. Cứ hai tháng vợ tôi đi thăm nuôi tôi một lần, còn tháng ở
giữa hai lần thăm thì gởi 5 kg bưu phẩm, đều đặn như thế suốt 3 năm 3
tháng. Sau khi ở tù về, tôi rất đau lòng khi biết rằng suốt thời gian ở
tù tôi ăn uống còn đầy đủ hơn vợ con tôi ở nhà. Lý do là vợ tôi sợ tôi ở
tù phải lao động cực nhọc. Bắt đầu từ năm thứ hai trở đi, vợ tôi buôn
bán thuốc tây có thu nhập khá hơn nên gia đình đỡ khổ hơn năm đầu. Thật
tội nghiệp cho vợ con tôi. Lòng trung trinh, chung thủy của vợ tôi, có
thể ví như… chì đã được thử lửa.
Có
một điều đáng nói là cộng sản kêu án tôi 3 năm tập trung cải tạo, nhưng
đến 39 tháng họ mới thả tôi ra. Khi họ thả, nhìn vào lệnh tha, tôi thấy
họ đã ký thả trước đó một tháng rưỡi. Nghĩa là ký thả đã trễ mà khi đã
ký rồi còn nhốt thêm một tháng rưỡi nữa vì công việc đồng án đang cần
tù. Đúng là luật pháp của CS.
Sau
khi tôi về được hai tháng, được người bạn cùng khóa giới thiệu tôi lái
một chiếc tàu dài 12.5m, chở theo 83 người. (Trong chuyến vượt biển
thành công này, có một cái chết thật lạ lùng của một thanh niên, tôi sẽ
thuật lại trong một bài khác). Tôi trực chỉ đảo Natuna – Indonesia. Sau
77 giờ vượt biển, tôi cập vào bờ Natuna (ngày 12-4-1983) để xin nước và
bản đồ để tiếp tục đi Úc. Nhưng chính quyền ở đây không cho đi. Họ đưa
tôi qua đảo Kuku rồi trại tỵ nạn Galang. Gần 6 tháng sau (13-10-1983),
gia đình tôi đến Úc, bỏ lại Việt Nam một đứa con, vì khi đi gấp quá tôi
không về kịp Qui nhơn để mang theo được.
Gia
đình tôi tới Adelaide ngày 13-10-1983. Sau hai tháng ở Pennington
Hostel, tôi thuê được một căn flat ở Woodville, và vợ tôi làm ở hãng
may, còn tôi thì đi làm farm. Đầu năm 1985, tôi thuê được một farm nhà
kiếng ở Virginia. Vợ tôi vẫn tiếp tục làm ở hãng may để sinh sống, vì
thời gian đầu làm farm chưa có thu hoạch. Dần dần công việc làm farm bề
bộn hơn, vợ tôi đành phải nghỉ hãng may để phụ tôi. Nhiều đêm, vợ chồng
tôi và 3 đứa con (một đứa còn kẹt ở VN) phải chong đèn làm ngoài nhà
kiếng đến 11-12 giờ đêm. Hai năm đầu làm farm cũng may mắn được mùa, nên
cuối năm 1986 tôi mua được một trại nuôi heo. Tôi tiếp tục làm cả hai
farm, nhà kiếng và trại chăn nuôi. Thêm gần được 3 năm nữa thì tôi trả
lại nhà kiếng và chỉ giữ lại trại chăn nuôi heo. Đến năm 1990, tôi mở
thêm một tiệm Take-Away và làm được 6 năm.
Các
con tôi nay đã trưởng thành. Tất cả 4 đứa đều đã tốt nghiệp đại học.
Chúng tôi rất mừng có được gia đình hạnh phúc. Tôi xin cảm ơn vợ tôi, Và
biết ơn nước Úc đã đón nhận chúng tôi định cư tại Úc, một xã hội tự do,
dân chủ, công bằng và bác ái.
Nguyễn Hữu Ba
VIÊN LINH * VĂN HỌC
20 Năm Văn Học Hải Ngoại
VIÊN LINH
Bài trả lời phỏng vấn sau đây đã đăng trên tạp chí Văn Học số 101, tháng
9.1994, từ trang 11 tới trang 20. Những phát biểu ngày đó đối với tôi hiện nay
cũng thấy đúng hơn. Có một điều cần nhấn mạnh: khi nhắc tới nhà văn Dương
Thu Hương, tôi chỉ dùng như một biểu tượng điển hình, không hề có ác ý; trái lại,
trước những phát biểu dũng cảm của cô hồi gần đây, nhất là sau vụ Thái Bình,
như khi cô nói Hà Nội bóp cổ người chống đối trong bóng tối, lòng tôi rất cảm
kích. Những phát biểu trong bài, khi được cô Nguyễn Tà Cúc trích dẫn, trở nên
phổ biến hơn, do đó một số văn hữu, thân hữu ngỏ ý muốn đọc toàn bài, nên
Khởi Hành cho đăng lại dưới đây, cùng với nhận định: những phát biểu này vẫn
còn cần thiết.
Văn Học: Trước 1975 tại Sài gòn, anh từng viết văn, làm thơ, làm báo, am tường mọi sinh hoạt liên quan tới chữ nghĩa của miền Nam. Từ kinh nghiệm quí giá đó, anh có thấy văn học hải ngoại tà dòng nối dài của văn học miền Nam hay không?
Viên Linh: Những "sinh hoạt liên quan tới chữ nghĩa" là những sinh hoạt của "viết, đọc, và phê bình". Tôi thu hẹp câu trả lời trước hết vào việc đọc, thứ nhất trên quan điểm thu hoạch được của một độc giả, sau đó mới là quan điểm của một người viết. Phần phê bình sẽ không nhiều. Trong câu hỏi đầu của anh, có mấy chữ "văn học hải ngoại" và "văn học miền Nam". Câu hỏi của anh là văn học hải ngoại có phải là dòng "nối dài" của văn học miền Nam không? Tôi sẽ trả lời song song với một câu hỏi suy diễn để so sánh do tôi đặt ra: Văn học trong nước có phải là dòng "nối dài" của văn học miền Bắc hay không?
Trong trí nhớ chủ quan, mấy chữ "Văn học miền Nam" chỉ được dùng khoảng mười, mười lăm năm sau thời điểm chia cắt đất nước 1954. Trong khoảng 1968-1972, khi điều khiển tuần báo Khởi Hành của Hội Văn nghệ sĩ Quân đội, tôi khởi thảo loạt bài "Sơ thảo 15 năm văn xuôi Miền Nam" với các anh Cao Huy Khanh (biên niên sử), Nguyễn Nhật Duật, Lê Huy Oanh, Huỳnh Phan Anh, và tôi (từng tác giả). Khi rời Khởi Hành để dựng bán nguyệt san Thời Tập (1973-1975), chúng tôi đổi thành "Hai mươi năm văn học miền Nam Việt Nam", cũng vẫn từng ấy người viết. Loạt bài này đã dược nhiều người dùng, đặc biệt là anh Doãn Quốc Sỹ lấy để giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài gòn.
Cùng trải qua hai thời điểm ấy, tôi thấy những năm đầu tiên sau 1954 và những năm đầu tiên sau 1975, người cầm bút ở miền Nam và người cầm bút ở hải ngoại có một tâm trạng chung: mất quê hương, lạc loài, lưu vong. Sau 1954, chính những người này đã khiến văn học miền Nam tương phản rõ rệt với văn học miền Bắc (dù miền Nam lúc đó vẫn đang có những Bình Nguyên Lộc, Tam ích, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Thanh Nam, Kiên Giang...). Sau 1975, cũng chính tâm trạng này đã khiến văn học hải ngoại tương phản rõ rệt với văn học quốc nội (dù ở hải ngoại từ trước đã có những Thi Vũ, Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Đặng Tiến, Võ Đình, Linh Bảo...(1).
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (cả giai đoạn ở miền Nam lẫn giai đoạn đã rời miền Nam) các tác giả tiêu biểu của miền Nam vẫn là các tác giả tiêu biểu ở hải ngoại, cộng thêm một vài người mới nổi ở ngoài như Nguyễn Ngọc Ngạn, nhưng những Nguyễn Ngọc Ngạn ở hải ngoại cũng vẫn có tâm trạng chung nói trên. Các tác giả của miền Nam nếu bị kẹt lại, phần lớn bị tù đày. Ra khỏi nước sau đó, họ nhập chung vào dòng văn học hải ngoại, không một chút xa lạ. Vậy thì theo tôi, văn học hải ngoại thời chiến tranh lạnh chính là văn học miền Nam. Nói một cách khác, dòng văn học hải ngoại chính là dòng văn học miền Nam nhưng thiếu những người bị miền Bắc cầm tù và những người tự nguyện gia nhập dòng văn học miền Bắc. Mà trong khi văn học miền Nam trở thành văn học hải ngoại thì văn học miền Bắc trở thành văn học quốc nội. Cùng một phút, cùng một giờ. Chỉ có một thay đổi: biên giới. Thành ra chữ "Miền Nam', "Hải ngoại", "Miền Bắc", "Quốc nội" chỉ có một ý nghĩa là ý nghĩa địa lý, lại là địa lý chính trị: miền Nam hay Hải ngoại là văn học Việt Nam Quốc gia; miền Bắc hay Quốc nội là văn học Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Cho tới phút tôi đang viết câu trả lời này, Việt Nam vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa. Chưa ai thấy một nhà văn nào, một tạp chí văn học nào hay một nhóm nhà văn nào ở trong nước thuộc dòng văn học miền Bắc phủ nhận chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thể chế xã hội. Cho nên tôi không thể nghĩ khác được rằng văn học của một nước xã hội chủ nghĩa lại không phải là văn học xã hội chủ nghĩa. Ở đây xin không nói tới những nhà văn hiện ở trong nước nhưng thuộc dòng văn học miền Nam, những người mới đây in Mười hai tác giả Sài gòn, mười hai truyện ngắn 1993 (2).
Mấy chục năm nay, chúng ta hay dùng chữ "nối dài" một cách giễu cợt. Chữ ấy sở dĩ có là để bài bác các tờ Văn hóa Ngày nay (1958), Tân Phong (1959) trong cố gắng muốn khôi phục ảnh hưởng của Tự lực văn đoàn ở miền Nam. Nhất Linh là một ngôi sao bắc đẩu trong vận động sinh hoạt văn học báo chí thời tiền chiến, nhưng vận động ấy hồi giữa thập niên 50 không thể khôi phục vai trò của Tự lực văn đoàn như vai trò họ có thời tiền chiến. Các tác giả do Nhất Linh đề bạt vào TLVĐ sau 1958 (khi Văn hóa Ngày nay ra đời) không có cái vóc dáng của thời Đệ nhất TLVĐ, giống như cái khúc đường Lê văn Duyệt từ Hòa Hưng xuống Ngã Tư Bảy Hiền không phải là cái khúc đường Lê văn Duyệt nguyên thủy - gọi là Verdun - từ Hòa Hưng lên tới Ngã Sáu Sài gòn. Cho nên tôi không muốn dùng chữ này, dù chỉ thêm một lần nữa.
Ở một đoạn trên, tôi có dùng mấy chữ "trong chiến tranh lạnh". Những nhận định trên của tôi cũng chỉ nói đến các nền văn học Việt Nam trong thời kỳ ấy. Khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, các nền văn học ấy khởi sự thay đổi: Hải ngoại trước chỉ có Bắc Mỹ và Tây Âu, nay thêm Đông Âu. Trong nước trước chỉ có Xã hội chủ nghĩa, nay thêm Cởi trói. Chính do biến cố chính trị ấy mà chúng ta mới có chuyện để nói. Không có biến cố chính trị ấy thì không có đổi mới hay cởi trói, cái cày văn và cái bừa thơ vẫn buộc vào vai trâu, và con trâu được vất ngang ruộng đất thì cày ngang ruộng đất, được vất dọc cải cách thì bừa dọc cải cách; con trâu vẫn là con trâu dù ruộng đất có cải cách hay không cải cách.
Văn Học: Theo ý anh, nên lấy tiêu chuẩn nào để xác định một tác phẩm là thuộc về dòng văn học hải ngoại? Địa lý (tác giả ở trong nước hay ngoài nước), chính trị (Cộng sản, Quốc gia), ngôn ngữ (trường hợp các tác giả viết bằng ngoại ngữ), nơi xuất bản sách (tác phẩm từ trong nước gửi ra in ở hải ngoại)?
Viên Linh: Như câu trước, tôi cũng sẽ trả lời song song với những câu hỏi suy diễn, bởi mục đích chính của cuộc phỏng vấn này là gì? Sơ thảo văn học sử một giai đoạn, hay xem xét những điều kiện giao lưu? ở đây tôi không thấy có mục đích văn chương. Câu hỏi thứ ba các anh gửi cho tôi: "dựa trên những tiêu chuẩn nào để thưởng thức hay phê phán một tác phẩm xuất bản trong nước", tôi thấy nó lạc lõng. Nhưng tôi xin dùng cái chỗ lạc lõng này để từ đó nói về các tiêu chuẩn Văn Học đã chỉ danh: nơi tác giả sống, nơi cuốn sách xuất bản, ý thức hệ và ngôn ngữ (viết bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ).
Tôi bắt đầu bằng cuốn Những thiên đường mù của Dương Thu Hương. Chọn nói về cuốn này không phải vì nó hay nhất, mà bởi vì cô là tác giả có liên hệ đến người Việt hải ngoại, người Việt miền Nam và các thứ khác, nhiều nhất. Những thiên đường mù là một phó sản của văn học miền Nam. Không có biến cố 1975, không "ngấu nghiến đọc văn chương miền Nam trong khi các bạn gái khác đi mua sắm son phấn, đồ lót" như cô từng xác nhận (tôi không nhớ nguyên văn), Dương Thu hương không viết được cuốn sách đó. Và nếu không được cởi trói, cô cũng không có đủ tự do để viết cuốn sách đó. Nhờ biến cố 1975, các nhà văn miền Bắc mới được thở không khí của thế giới tự do, qua cửa ngõ Sài gòn, và luồng không khí này thổi một sinh khí hồi sinh cho những người cầm bút miền Bắc. Mỗi tháng trước 1975, miền Nam in khoảng 2000 tựa sách mới, kể cả sáng tác dịch thuật đủ loại. Hai mươi năm ở miền Nam, bao nhiêu cuốn sách ra đời! Những cuốn sách ấy mở cửa thế giới cho những người vào từ trên vĩ tuyến 17. Sau 20 năm, những công trình sáng tác dịch thuật của miền Nam là một Đại Thư viện Văn học (không kể các ngành khác) cho các "tân sinh viên" miền Bắc. Ở đây, họ đọc được tất cả các danh phẩm quốc tế, không phải chỉ có sách của Liên xô, Đông Âu và Trung quốc. Lần đầu họ thấy được tâm hồn và đất nước người, cũng như tâm hồn và đất nước miền Nam. Lần đầu họ thấy sản phẩm của nền văn học tự do. Từ sự mở mang này mà có Những thiên đường mù, có Dương Thu Hương và các thứ. Nền móng của văn học phản kháng chính là văn học miền_Nam (đương nhiên cũng chỉ xảy đến cho những người cầm bút ý thức).
Không nhằm phê bình cuốn sách này, tôi chỉ lấy nó để đưa ra một nhận định. Có thể có hơn một cuốn như thế. Câu hỏi vẫn còn đó là : "Lấy những tiêu chuẩn nào để xác định một cuốn sách thuộc dòng văn học này hay dòng văn học kia". Có thể dùng tạm chữ "tiêu chuẩn thời thế". Theo tiêu chuẩn thời thế, một tác phẩm có thể được xếp vào bên này hay bên kia, dù tác giả sống ở đâu, hay viết bằng thứ ngôn ngữ nào. Mà khi thời thế đổi thay, tức là có "giao lưu", có chính có tà, còn có ngụy. Có chính qua tà, tà qua chính, có cả chính lẫn tà, tà qua ngụy, còn có cả ngụy chính và ngụy tà.
Tiêu chuẩn thời thế cũng sẽ giải quyết được vấn đề thời điểm. Hoàng Xuân Hãn ở hải ngoại 3, 40 năm, được kể như thân miền Bắc, cụ thuộc dòng văn học nào? Hoàng văn Chí ở hải ngoại 3, 40 năm, được kể như thân miền Nam, cụ thuộc dòng văn học nào? Nhất Hạnh cũng vậy. Cũng vậy với Đặng Tiến, Thi Vũ, Trần Thanh Hiệp, Thụy Khuê, Võ Đình ... những người ra hải ngoại trước 1975.
Thời Lê, Trần Ích Tắc chạy qua Tầu ngồi viết An Nam chí lược. An Nam chí lược thuộc dòng văn học hải ngoại hay văn học Tầu? Rồi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh ở Thượng hải, ở Đông kinh, viết hồi ký, làm thơ. Sau 1956, Nguyễn Chí Thiện ở miền Bắc viết Tiếng vọng từ đáy vực (nhan đề này do tôi đặt), tác phẩm do Thời Tập xuất bản ở Washington D.C. năm 1980, Tiếng vọng từ đáy vực thuộc dòng văn học nào? Miền Bắc? Hải ngoại? Trong nước? Bùi Giáng đang sống ở Sài gòn, Thơ Bùi Giáng do anh em Việt Thường ở Canada xuất bản, Thơ Bùi Giáng thuộc dòng vàn học nào? Miền Nam, Hải ngoại, Trong nước? Thân thị Ngọc Quế đang sống ở Pháp, thơ bà in trong nước, tác phẩm của bà thuộc dòng văn học nào? Trong nước hay Hải ngoại? Phạm thị Hoài đang ở Đức, in truyện ở Bolsa, tác phẩm của Phạm thị Hoài thuộc "dòng văn học Bolsa" (chữ của Đặng Tiến qua bài phỏng vấn của Thụy Khuê đăng trên Diễn Đàn) chăng?...
Thế thì theo thiển ý, ranh giới địa lý là ranh giới hành chánh, chính trị, không phải ranh giới văn học. Văn học vốn chẳng là vượt thời gian và không gian ư? Chữ "Hải ngoại" cũng là một chữ địa lý chính trị, không được hoàn loàn chính xác. Đặng Tiến viết cho Đoàn Kết, Diễn Dàn, anh ở hải ngoại nhưng là hải ngoại Việt kiều, không phải hải ngoại lưu vong. Hai tờ báo anh viết phổ biến ở quận 13 Paris, dù thế ai dám bảo văn chương đó là văn chương quận 13? Bùi Giáng ở miền Nam nhưng không thuộc văn học quốc nội hiểu theo dòng miền Bắc - quốc nội, mà thuộc dòng miền Nam - hải ngoại, là dòng văn học chống văn học xã hội chủ nghĩa. Thành ra dùng tiêu chuẩn thời thế, ta có văn học Nam Bắc triều chẳng hạn, đúng hơn là văn học Đàng Trong, văn học Đàng Ngoài...
Tới đây, cần nói sơ tới thời điểm chiến tranh lạnh kết thúc. Chính từ lúc đó mà sinh hoạt văn học miền Bắc - quốc nội (Văn chương minh họa) chuyển hướng, để mở ra một hướng văn học mới: tìm về dân tộc. Nhưng cũng từ căn bản cá nhân lẻ tẻ, tùy tài năng, ý thức từng người (những Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp...). Cho nên nếu không thể nói văn học hải ngoại là văn học miền Nam nối dài thì cũng không thể nói văn học trong nước là văn học miền Bắc nối dài, vì văn học miền Bắc đã được khơi mở khi tiếp xúc với miền Nam, được đẩy tới khi bức tường Bá linh bị phá sụp. Những rúng động ấy được nhìn thấy trong văn phong các tác phẩm sau này. Đó là văn phong miền Nam nơi một số tác giả miền Bắc ở lớp tuổi còn có thể "đổi mới" khi vào Sài gòn năm 1975, lúc họ khoảng trên dưới 30 tuổi, ở hai nhà văn nữ nổi tiếng miền Bắc, tôi nhìn thấy ảnh hưởng lóng lánh của Trần thị NgH., của Nguyễn thị Ngọc Minh, ở hai nhà văn nam khác, tôi nhìn thấy tiểu thuyết phóng sự của báo chí Sài gòn trước 1975. Không phải họ không có tài. Họ có tài. Tài năng đó chỉ phát triển khi văn học miền Nam mở cho họ những cánh cửa nhìn vào văn chương thế giới.
Văn chương hải ngoại bây giờ cũng khác văn chương miền Nam, vì ra nước ngoài , những cánh cửa hai mươi năm trước vừa mở ra cho những nhà văn miền Bắc thì cũng đóng lại với họ; họ mở ra những cánh cửa khác trực tiếp hơn, bao la hơn, thô bạo hơn. Thơ Nguyệt Động của Nguyễn Đức Sơn 20 năm trước bạo tợn thế, nay thật là thơ mộng, vì Nữ thần Thi ca của Sơn đến từ thiên cổ, không phải những Nữ thần da latex đến từ Hongkong hay Cựu Kim Sơn.
"... ranh giới địa lý là ranh giới hành chánh, thể chế chính trị không phải ranh giới văn học ... Cụ Hoàng Xuân Hãn ở hải ngoại 3, 40 năm, cụ Hoàng Văn Chí ở hải ngoại 3, 40 năm các cụ ở dòng văn học nào? Thời Lê, Trần Ích Tắc chạy qua Tàu ngồi viết An Nam Chí Lược, An Nam Chí Lược thuộc dòng văn học hải ngoại hay văn học Tàu? Rồi Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh viết ở Thượng Hải, ờ Đông Kinh? Các cụ ở dòng văn học nào?"
Văn Học: Nếu có giao lưu giữa văn học hải ngoại và văn học quốc nội, sự giao lưu ấy phải xảy ra trong điều kiện nào? Theo anh, khi đọc một tác phẩm xuất bản trong nước, nên dựa theo những tiêu chuẩn nào để thưởng thức hay phê phán?
Viên Linh: Tôi đã ba lần lên tiếng về giao lưu văn hóa, giao lưu văn học, lần đầu tháng 9.1992 trên đài RFI qua cuộc phỏng vấn của Thụy Khuê lúc tôi qua Pháp. Cung Trầm Tưởng lúc ấy ở Sài gòn, anh có nghe, và đồng ý với tôi. Lần thứ hai qua cuộc phỏng vấn cho chương trình cửa anh Nguyễn Hữu Trí trên đài V.O.A. tháng 12.1993, và lần vừa rồi lúc Thụy Khuê qua Mỹ, mang về phát trên đài RFI vào tháng trước. Xin tóm tắt:
Hãy giao lưu với bằng hữu của chúng tôi hiện còn ở trong nước trước. Đó là những người đông chí hướng và từng thuộc vào một dòng văn học với chúng tôi. Khi những Doãn Quốc Sỹ, Tuệ Sỹ, Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh, Hoàng Hải Thủy, Cao Huy Khanh, Bùi Giáng chưa in được tác phẩm ở trong nước, chưa viết được trên báo chí xuất bản ở trong nước, thì thế nào là giao lưu? Cho tới giờ phút này tôi vẫn chỉ thấy họ muốn giao lưu với những người họ chưa bỏ tù được, còn với những người họ bỏ tù được, thì vấn đề tự nhiên triệt tiêu, đối tượng đã không còn thì làm gì còn vấn đề mà đặt ra nữa. May thay, cách đây 6 tháng, (trên tạp chí Văn Học Hà nội, tháng 2. 1994), ông Nguyễn Huệ Chi, phó viện trưởng Viện Văn học, đã can đảm viết ra điều này: "Điều cần yếu...trong xu thế hòa hợp, giao lưu hôm nay, giữa những người Việt trong nước với trong nước...". Chỉ vài chữ thôi, ít ra ông Nguyễn Huệ Chi cũng có cái gan của một kẻ sĩ. Ngay ở trong nước mà không hòa hợp giao lưu được, thì giao lưu với hải ngoại nghĩa là gì? Chỉ là một khía cạnh kiều vận, kiều vận trên mặt trận văn hóa. May hơn nữa là Đặng Tiến khi trả lời báo Diễn Đàn (tháng 5.1994) cũng đã ở cái lúc nói ra được điều này: "Tôi chỉ sợ rằng...sẽ rơi vào kế hoạch kiều vận của chính quyền nhà nước V.N. đang ve vãn Việt kiều..."
Theo tôi, không bao giờ có giao lưu văn học giữa văn học Việt Nam hải ngoại và văn học xã hội chủ nghĩa V.N.. Khi những người cầm bút trong nước được tự do, tự do viết và tự do xuất bản, tự do đi lại, thì lúc ấy làm gì còn cần đến giao lưu nữa. Không vì lý do gì để người cầm bút tự do, lại có đến "hai lần tự do", lo nghĩ giao lưu hòa hợp. Mấy năm nay tôi cứ thấy buồn cười và bực mình. Nếu có vài cánh chim ca hát ngoài lồng đến gần những con chim trong lồng, là để an ủi, giúp đỡ, khích lệ, mở cửa cho những con chim chẳng may ở trong lồng, không lẽ lại muốn chui vào lồng như những con chim kia (3).
Phần hai của câu hỏi này, tôi thấy lạc lõng. Tuy nhiên ta cũng nên trở lại với văn chương thôi. Nên dựa trên những tiêu chuẩn nào để thưởng thức hay phê phán những tác phẩm xuất bản trong nước? Theo tôi, ta cứ dựa trên tiêu chuẩn chung. Đã là một tác phẩm thì phải hay cái đã, dù trong nước hay ngoài nước. Nhưng trong nước, thiếu tự do, người viết đi vào ẩn dụ, ẩn dụ là đặc thù của tất cả mọi nền văn chương bị trói buộc. Ngay cả khi được cởi trói, nhà văn trong nước vẫn viết với tâm trạng bị trói, sẽ bị trói, hay tạm thời không bị trói. Họ không thể quên cái gương Nhân văn Giai phẩm. Cũng vẫn còn nhớ tai nạn xe hơi xảy ra cho Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. (Về chính trị thì cũng không nên quên những tai nạn chết người xảy ra cho mấy ông tướng, cho Đinh Bá Thi). Cho nên từ văn phong của cô Dương Thu Hương lúc viết bài tham luận đọc ở một buổi họp Đảng đến văn phong của cô khi viết cho ông lang Tây sau vụ đi chơi sông Đà, ta thấy rõ sự biến chuyển nơi một tác giả trong nước khi ta đọc hay phê phán bài viết của họ. Nếu người đọc là ông bác sĩ, có thể người đọc tự giận mình đã cư xử ra sao, có thi hành bổn phận đúng mức của một chàng trai hành hiệp bốn phương lão luyện giang hồ chăng, để cớ sự xảy ra eo xèo như thế. Nếu người đọc là người đã viết trên một nhật báo ở đây, hãnh diện nhận mình cùng quê Thái Bình với cô Hương, viết rằng "Tôi uống từng lời của chị", thì trước sau phải thấy rằng đọc thơ văn trong nước - của dòng văn học miền Bắc - là cần "giải hoặc" trong khi đọc. Giải hoặc ẩn dụ, giải hoặc văn phong, giải hoặc chiến dịch và giai đoạn.
Văn Học: Anh qua Mỹ từ 1975, chứng kiến sự thành hình của văn học hải ngoại ngay từ thuở ban đầu. Anh nghĩ thế nào về tiến trình của nền văn học ấy, từ đó đến bây giờ?
Viên Linh: Anh Nguyễn Mộng Giác có lần đã tìm hiểu ảnh hưởng của phong trào vượt biển lên biến chuyển của văn học hải ngoại. Anh bảo lớp người vượt biển qua từ cuối 1978 trở đi đã mang cho lớp di tản đi trước một lý do để sống: chúng ta có chính nghĩa để ra đi, thay cho tâm trạng lưu vong lưu đày trước đó. (Đó là lúc Võ Phiến, Lê Tất Điều làm tờ Văn Học Nghệ Thuật, Nguyễn Hữu Hiệu và tôi đăng bài "Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa", Phạm Duy phổ thơ Vũ Hoàng Chương trên tờ Thời Tập ở D.C., 1978). Tới 1980 với tập Tiếng vọng từ đáy vực do Nguyễn Hữu Hiệu xuất bản, với cuộc ra đi ồ ạt, với sự bắt bớ giam cầm văn nghệ sĩ trí thức miền Nam của chính quyền Hà nội được loan truyền sâu rộng, khí hậu văn học lại đổi khác nữa.
Tại hải ngoại, thời kỳ "xét lại" ban đầu thực đau đớn: Thời kỳ kể xấu, ném đá, lỗi tại tôi lỗi tại tôi mọi đàng. Lớp tướng lãnh bị ném đá. Lớp công chức cao cấp bị kể xấu. Lớp trí thức dằn vặt, tủi nhục vì sự thất bại của mình. (Nhà văn Mặc Đỗ, cột trụ của nhóm Tự Do và Quan Điểm, người tôi còn may mắn thư từ, là kẻ sĩ điển hình của lớp này. Anh vẫn không muốn gặp ai, không muốn phổ biến chữ nghĩa, vì lòng tự trọng này). Cuối cùng, những gì tương đối nhất mà người Việt di tản còn chấp nhận được, chính là văn chương báo chí, văn học miền Nam. Có thể chỉ vì người ta đã tới lúc so sánh được hai nền báo chí, hai nền văn chương, hai nền văn học. Có thể vì gương tù đày chết chóc của các cây bút miền Nam trong các nhà tù của Hà nội. Có thể vì nhạc vàng và văn chương Sài gòn là những bảo vật trân quí người miền Bắc vồ vập tìm kiếm. Báo chí văn học hải ngoại, may thay, là kẻ nối dõi chính thống, do đó được yêu mến, dù đó chỉ là lòng yêu mến một thái tử con quí phi, không phài lòng yêu mến một hoàng tử con hoàng hậu. dù đứa con đó, tự nó, sau khi miếu đường đổ vỡ, đã lăn lộn truân chuyện với ngoại đạo tà phái.
Cũng được thôi. Nó vẫn là kẻ nối dõi của chính phái. Tuy vậy, phải hiểu rằng ngày mai nó trở về, triều đại phải thay đổi. Có những người đã nửa thế kỷ (1945-1995 chẳng hạn), những người ra đời trong vùng kháng chiến bên kia vĩ tuyến 17 trước 1954 và sau 1954, bị hạn chế bởi vĩ tưyến 17, chưa bao giờ vào Sài gòn đọc tiểu thuyết thơ nhạc miền Nam sau 1975. Những người ấy cho tới giờ này chưa biết tí gì về Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, guyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Cao Tần, những người ấy phải qua một lớp nhập môn. Có thể gọi lớp học này là "50 năm Văn học Quốc gia", để so sánh với 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa.
Văn Học: Năm 1975, một đợt các nhà văn nhà thơ di tản sang định cư ở Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Canada... Phần lớn những nhà văn nhà thơ nói trên ít tham gia trực tiếp vào sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại, sáng tác cũng ít hơn so với lớp vượt biển sang sau. Theo anh, đâu là nguyên nhân tạo ra tình trạng ấy?
Viên Linh: Tôi được sống qua nhiều lớp sóng phế hưng. Lớp Sáng Tạo đánh vào bãi Tự Lực Văn đoàn, lớp Hiện sinh đánh vào bờ Lãng mạn. Tôi đã thấy lớp Hiện tượng, lớp Cơ cấu. Cuộc tung hoành của Nguyễn văn Trung, Lê Tôn Nghiêm và Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Ngô Trọng Anh trên các tờ Đại học, Đất nước và Tư tưởng, Vạn Hạnh. Cái trung dung của Bách khoa, Văn, cái xông xáo của Khởi Hành... Lớp ra đi năm 1975, chúng tôi cùng một con tàu, nghĩa bóng cũng như nghĩa đen, là con tàu American Challenger, rời Phú quốc đêm 29.4.75. Có Võ Phiến, Thanh Nam, Lê Tất Điều và tôi. Thanh Nam đã ra đi, Lê Tất Điều im lặng, Võ Phiến vẫn giơ cao ngọn cờ. Thế thì cái tâm trạng chung (ít tham gia trực tiếp, ít sáng tác) chỉ là những hoàn cảnh riêng: người nhiều tuổi nhất trong đám (Võ Phiến) vẫn viết hăng, kẻ ít tuổi nhất (Lê Tất Điều) thì ... ở ẩn. Thanh Nam đã chết, anh được yên phần. Riêng tôi được anh hỏi, phải trả lời ra sao?
"... trước sau phải thấy rằng đọc thơ văn trong nước - của dòng văn học Miền Bắc - là cần "giải hoặc" trong khi đọc . Giải hoặc ẩn dụ, giải hoặc văn phong, giải hoặc chiến dịch và giai đoạn".
Nền văn học nào cũng có lúc lên lúc xuống, lúc ra khơi, lúc bế tắc; song sự bế tắc ấy, nếu có, là thảm kịch của nhà văn, chứ không phải là tội lỗi của nhà văn. Có khi chỉ vì anh ta tự trọng. Có người cả đời cầm bút, sống nhờ ngòi bút, không thể trở thành tác giả của loại báo chợ, là thứ báo không trả nhuận bút; hay báo nửa chợ nửa quê, tức là không những không có nhuận bút mà còn phải bỏ tiền ra giúp in tờ báo đó. (chính tôi đã làm một tờ báo nửa chợ nửa quê như thế). Và giữa thủ đô tị nạn, các tiệm sách không nhận thi phẩm của các thi sĩ gửi bán, nhưng hẳn vẫn hãnh diện với người nước ngoài: dân tộc chúng tôi là một dân tộc thi sĩ! Tôi cũng không may mắn rảnh rang như Mai Thảo, để viết cho tờ báo của mình và rong chơi đây đó (hãy tưởng tượng Mai Thảo 40, 50 tuổi và có vợ con). Cho nên điều Đặng Tiến nhận xét trên tờ Diễn Đàn không đúng (người viết văn hải ngoại được hai lần tự do, muốn viết gì thì viết và viết không vì cơm áo địa vị). Không phải kiếm sống bằng ngòi bút là tự do à? Ngược lại, người cầm bút hải ngoại bị tha hóa chính vì mưu sinh không do ngòi bút. Đó là nguyên nhân chính tạo ra tình trạng ít sáng tác, ít tham gia. Ngày nào chính ngòi bút có thể cho mình phương tiện để viết, tôi sẽ trở lại tham gia trực tiếp hơn, sáng tác nhiều hơn.
Viên Linh
(trích từ Khởi Hành số 33, tháng 7.1999)
Chú Thích:
(l). Đặng Tiến: "Tôi là một trong những người ưu
tiên sử dụng nó (cụm từ Văn học Việt Nam Hải ngoại)... Mãi đến 1985, nhà
xuất bản Sông Thu ở Mỹ mới xuất bản cuốn Truyện ngắn Hải ngoại...".
Đặng Tiến không biết đến Tuyển tập Thơ Văn 90 Tác giả Việt Nam Hải ngoại
(1975-1981)do Văn Hữu của Hoàng Ngọc Ẩn in năm 1981-1982.
(2). 12 Tác giả Sài gòn, 12 Truyện ngắn (Sài gòn, 1993),
Truyện của Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Ngọc Linh, Choé (Nguyễn Hải Chí),
Nguyễn thị Minh Ngọc, Lê văn Duy, Võ Phi Hùng, Bùi Chí Vinh, Trần Hữu
Dũng, Lưu thị Lương, Lý Lan, Lê Đỗ Quỳnh Hương.
(3). Cuối thập niên 80 (khoảng 1987, 88 trở đi), nhiều
phái đoàn văn nghệ cũng như văn nghệ phẩm trong nước xuất hiện ở hải
ngoại. Tại hải ngoại, nhiều "nhà xuất bản", nhiều tạp chí tự động chối
bỏ vai trò chủ bút của mình khi ghi ở cuối sách hay đầu tạp chí nhũng
chữ này: "Chịu trách nhiệm xuất bản", "Tổng biên tập". Chịu trách nhiệm
xuất bản, tổng biên tập là những chữ phải có trên sách báo dòng văn học
miền Bắc - Quốc nội, Xã hội chủ nghĩa, chỉ định một vài cá nhân nào đó
chịu trách nhiệm đường lối về một ấn phẩm. Họ không có tư cách một chủ
bút toàn quyền quyết định ấn phẩm theo truyền thống báo chí xuất bản V.
N. từ thời tiền chiến, qua thời văn học miền Nam và văn học hải ngoại
thời kỳ 15 năm đầu.
BÙI VĂN PHÚ * CHÀO DÌ LẦN CUỐI
Chào dì lần cuối
Bùi Văn PhúTôi quen biết ông bà Vũ Bình Nghi, mà tôi gọi là chú dì, từ năm 1988.
Khi đó chú dì và gia đình từ trại tị nạn Galang tới Mỹ định cư được
đôi ba năm và còn đi học tiếng Anh tại Hội Ngư phủ là một cơ quan xã hội
giúp người tị nạn ở Oakland, còn tôi cũng mới về lại Hoa Kỳ sau thời
gian công tác ở Đông nam Á và làm việc trong văn phòng hội.
Gặp nhau, biết chú lúc đó làm cho tờ Việt Nam ở San Jose nên chúng tôi thân với nhau vì tôi cũng thường viết báo.
Sau thời gian cộng tác ở các báo Việt Nam, báo Đông Nam Á chú Nghi ra tờ tuần báo riêng lấy tên Rao Vặt, rồi đổi tên thành Thời Báo
như ngày nay, lúc đó tôi mới biết dì nhiều hơn. Hỏi chuyện thì ra dì
cũng gốc Ngã ba Ông Tạ, Nghĩa Hoà. Chính gốc bắc kỳ di cư như bố mẹ tôi
và dì thuộc lớp người lớn tuổi hơn tôi nhiều.
Khoảng thời gian chú bắt đầu làm cho tờ Đông Nam Á, sáng sớm
trên đường đi làm tôi thường ghé vào căn hộ của chú dì ở Oakland, đưa
bài mới viết xong tối trước để chú đem xuống toà báo trong ngày, cho
đánh máy, tối đem báo đi in. Sáng hôm sau phát hành. Tôi hay gặp dì vào
những buổi sáng đó vì nhiều khi chú chưa thức giấc vì tối thức khuya ở
toà soạn. Một phụ nữ bé nhỏ, trên khuôn mặt luôn có nụ cười. “Chào dì.
Phú gửi bài cho chú.”, “Cám ơn Phú”. Chào hỏi, nói với nhau chỉ có thế
vì tôi phải vội đến trường.
Khi làm tờ Rao Vặt, toà soạn trên đường Santa Clara ở San
Jose, gần công viên Roosevelt, là lúc gia đình chú cũng dọn về Milpitas
cho tiện việc di chuyển, làm ăn.
Không thể sáng sớm ghé nhà đưa bài cho chú nữa, toà soạn mua cho tôi
một máy fax để gửi bài. Từ đó, cuối tuần có dịp đi San Jose tôi thường
ghé toà soạn, gặp chú dì nói chuyện lâu. Chuyện thời sự, chuyện cộng
đồng, chuyện báo bổ với chú. Chú kể chuyện về những ngày viết báo Xây Dựng
của cha Nguyễn Quang Lãm, toà báo ở cạnh quán cà-phê Thăng Long nổi
tiếng nhất khu Ngã Ba Ông Tạ. Dì nhắc lại những ngày sống ở Việt Nam đi
lễ chiều Chúa Nhật tại Đền Thánh Vinh Sơn do cha Lãm chủ sự. Hỏi ra mới
biết nhà dì và nhà tôi ở trên cùng một con đường trong khu 9 và khu 10
của xứ Nghĩa Hoà, cách nhau chỉ dăm phút đi bộ.
Dì kể ngày còn bé đi hát nhà thờ, tham gia hội Con Đức Mẹ, dâng hoa,
dâng hạt, rước kiệu. Chúng tôi ôn lại nhiều kỉ niệm về sinh hoạt họ đạo
quê nhà, về các cha, các ông quản nhà thờ.
Dì lập gia đình, giã từ xóm ngõ theo chồng. Sinh được chín người con.
Gần một thập niên sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, chú dì đưa
gia đình vượt biển đến Mỹ tìm tự do, lập nghiệp như nhiều người khác.
Tờ Thời Báo là tiêu biểu của công việc làm báo kiểu gia đình
của người Việt ở Mỹ. Khi toà soạn dọn về góc đường số 10 và E. Santa
Clara ở ngay phố chính của San Jose thì cũng là lúc làng báo Việt ở đây
nở rộ với cả chục tờ báo. Thời Báo cũng phát triển từ tuần báo
lên thành báo phát hành 5 số mỗi tuần, từ thứ Ba đến thứ Bảy, nay đã
được 5857 số. Chú lo nội dung bài vở, dì coi như vừa làm thư kí toà soạn
kiêm luôn giám đốc thương vụ quảng cáo, tiếp thị, kế toán.
Mỗi lần đến toà soạn, gặp dì tôi chào hỏi: “Chào dì. Dì khoẻ không?”
và luôn nhận được nụ cười, cùng lời đáp: “Cũng khoẻ. Còn Phú, Hương và
hai cháu thì sao?”. Thỉnh thoảng trông nét mặt dì xanh yếu, hỏi thăm thì
vẫn một nụ cười và lời đáp nhỏ nhẹ: “Hôm nay không được khoẻ.”
Khi nhà tôi và các cháu cùng ghé toà soạn, chú dì luôn ân cần đón
tiếp. Gia đình tôi từ ngày cưới nhau, đến những dịp rửa tội, thôi nôi
các cháu, hay có tang cũng đều có chú dì ghé chơi, thăm hỏi. Cộng tác
thường xuyên với Thời Báo, thân thiết với chú dì nên nhiều người tưởng
chúng tôi là bà con thân thuộc. Không phải thế, chỉ là người cùng xóm
ngõ ở quê nhà nhưng chẳng quen biết nhau trước cho đến khi có cơ duyên
gặp nhau ở Oakland. Hơn hết, giữa chúng tôi là đam mê sinh hoạt báo chí
với những thông tin sốt dẻo, trung thực để Thời Báo phát triển, có lúc số cuối tuần dày đến 50, 60 trang.
Từ những ngày chưa có Internet, chưa có phông chữ Việt trên bàn máy
tính, chưa liên lạc bằng email, dì đã đánh máy rất nhiều bài của tôi gửi
đến toà soạn qua bưu điện, máy fax để đăng trên những trang báo này.
Căng thẳng nhất là loạt bài phỏng vấn “Việt Nam nhìn từ hai phiá” tôi thực hiện cho Thời Báo Xuân Mậu Dần
1998. Việc biên tập các bài phỏng vấn Tổng Lãnh sự Nguyễn Xuân Phong và
Thẩm phán Phan Quang Tuệ có nhiều sửa chữa cho đến trước khi đưa báo đi
in. Chính dì là người đã phải thức khuya đánh máy những sửa chữa đến
phút chót để hoàn chỉnh loạt bài.
Loạt bài phỏng vấn đăng lên và gặp phản ứng sôi nổi trong cộng đồng.
Biểu tình, la hét trước toà soạn. Gọi điện thoại hăm doạ, sỉ vả, chửi
bới. Thời gian đó tôi thấy dì xuống tinh thần, vì là người nhắc điện
thoại của toà báo để phải nghe chửi nhiều nhất. Quyết định về nội dung
tờ báo là chú. Nhưng qua những lần nói chuyện, tôi biết trong công việc
hàng ngày của toà soạn dì đã nghe nhiều điều nói phải, nói trái về những
bài viết đăng trên Thời Báo. Phỏng vấn đăng trong Thời Báo Xuân Mậu Dần
cũng có những điện thoại khen chê, nhưng lần này ngoài tiếng chê còn là
những lời chửi bới thô tục nhất của một số người. Dì buồn. Tôi an ủi
dì, nói rằng cứ coi những lời chửi bới là vô nghĩa và chỉ những ai không
còn lí luận được nữa thì họ mới văng tục, chửi thề.
Dăm năm qua chú dì không còn trực tiếp lo tờ Thời Báo mà đã
chuyển công việc qua cho vợ chồng người con trai cả để chú dì có thời
gian du lịch hưởng nhàn, đi hành hương cầu xin ơn phước.
Cách đây mấy năm, vợ chồng tôi đi Rome. Chẳng hẹn mà tình cờ lại gặp
chú dì theo đoàn hành hương đến Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đón
Giáo hoàng Bênidictô XVI. Sau đó chú dì đã đi thăm Đất Thánh, viếng Đức
Mẹ ở Lộ Đức, ở La Vang và nhiều nơi khác.
Những năm qua chú dì thường trở về nguyên quán ở Bùi Chu, Phát Diệm.
Nơi đó chú dì đã xây nhà họ từ đường, cất nhà riêng chuẩn bị về dưỡng
già, cùng lúc dành thời gian, công sức làm việc bác ái, vận động bà con
xa gần, bạn bè trong ngoài nước giúp trẻ em mồ côi, yểm trợ các chương
trình giáo dục, từ thiện của giáo phận.
Năm rồi gặp lại, thấy dì không khoẻ, tóc thưa đi. Biết dì gặp căn
bệnh nguy nan nhưng vẫn nụ cười với mọi người. Dì vui vẻ chấp nhận Thánh
Giá cuộc đời.
HÀ ĐÌNH HUY * ĐỜI VIẾT BÁO
Vui Buồn Đời Viết Báo Hải Ngoại
Có một đồng nghiệp cho rằng: Nhà báo mà không "lang thang" không thể có nguồn liệu để có những bài viết xác thực làm được báo! H cũng nhận ra điều này khá hữu lý.
Một hôm H phỏng vấn một cây viết phóng sự khá nổi tiếng của một Tuần Báo ở San Jose, Ký giả V nói: "Mình chỉ đi và viết ,đi và viết mãi , đi nhiều viết nhiều.. viết cho đã đời thôi. Viết là một thú vui của người cầm bút".
H có vẻ khâm phục cái tay ký giả có số tuổi đời không còn ở dạng trung niên này, mà vẫn còn có máu lang thang. Đôi chân của ký giả V đã có mặt trên vạn nẻo đường vùng Bắc Cali, đôi khi còn vượt biên ra khỏi tiểu bang Cali để có những bài phóng sự nóng bỏng thích ứng thời cuộc và đời sống hàng ngày của tập thể người Việt trên đất Hoa Kỳ.
Từ những bài phóng sự phản ảnh mặt trái cuộc sống của con người sống trên đất nước Mỹ đến việc sinh hoạt tranh đấu cho cộng đồng người thiểu số, với ký giả V còn có những bài viết dí dỏm đem lại nụ cười phong phú cho cuộc đời, tạo cho vườn phóng sự thêm nhiều màu sắc làm mọi người có thể hình dung được sự lao động miệt mài và đầy trách nhiệm của V.
Nhưng Ký giả V cũng thường than, tiền nhuận bút cho một bài viết phóng sự không đủ chi phí công tác đi thu thập tư liệu viết bài. ( Đơn cử để thực hiện bài phóng sự "Đồng tình luyến ái"cho Báo Đời Mới ký giả Duy Văn phải bỏ nhiều thời giờ để thu thập tư liệu sống, tác giả phải lên xuống nhiều lần SF và vào những quán rượu Gay điều nghiên thực tế để thực hiện bài phóng sự của mình, tiền chi phí cho công việc như thế lên đến cả trăm mà có ông chủ báo hay tòa soạn nào nghĩ tới. Dĩ nhiên là ký giả Duy Văn phải bỏ tiền túi cho những chi phí công tác bởi chính mình.)
Than thì vẫn than, nhưng phần lớn ký giả viết phóng sự hoặc làm tin cộng đồng vẫn cứ đi, vẫn cứ viết , tốn xăng, tổn sức ….rồi lại tự nhủ "Đã mang cái nghiệp viết vào thân, Cũng đừng trách cứ tiền người tiền ta" ( nhái theo thơ Nguyễn Du)
Ký giả D tâm sự với H: "Tôi viết từ trước đến nay có chủ báo hay tòa báo nào trả tiền đâu! Phụ trách tin sinh hoạt cộng đồng cho một tờ nhật báo ở San Jose, trong hai năm liền, chủ báo hứa sẽ trả tiền nhuận bút cho mỗi bài tường thuật, nhưng tôi chưa có may mắn nhận tiền nhuận bút về bài viết của tôi bao giờ, mãi cho đến khi tôi rời khỏi tòa báo thì đã hơn 3 năm làm việc "chùa" theo kiểu "lường thưng tráo đấu "của chủ báo.
Tôi không thể nào quên có một lần tôi đi thu thập tin tức buổi ra mắt cộng đồng San Jose, xe tôi bị cảnh sát "thô" ( towing) mất. Sau khi đóng phạt 120 đô nhận xe và báo cáo với chủ báo. Họ vẫn "phớt tỉnh ăng lê" coi như không có chuyện gì xảy ra mặc dù họ bảo tôi đi làm công tác này.
Một lần khác, chủ báo yêu cầu tôi đến tận SF thu hình ảnh của một cuộc biểu tình do đồng bào tự phát chống việc phái đoàn thương mại CSViệt Nam về làm phóng sự cho số báo đầu tuần. Trên đường công tác chẳng may xe tôi bị hỏng máy. Tiền "thô" xe và các cái mất toi 2 bốp ( 200 đôla). Công việc xong tôi báo cáo lại với chủ báo kèm với những hóa đơn chứng minh, bà chủ báo hứa sẽ trả lại số tiền cho tôi. Nhưng than ôi! "Thăm thẳm chiều trôi, sự việc đã qua rồi bà cần gì để ý tới. Lời hứa hôm nao giờ tan theo mây khói." Tôi có nhắc một vài lần, nhưng sau đó vì tự trọng tôi không nói đến nữa. Thế là để lâu "cứt trâu hóa bùn". Cho tới một ngày, tôi không còn cộng tác với tòa báo, thì mọi việc cũng đã an bài.
Thú thật tôi rất yêu nghề làm báo và rất thích viết lách, tôi sẵn sàng nhiệt tình với đồng nghiệp trong những tình huống cần thiết cho nghề nghiệp, nhưng không được vui lắm với những tay chủ báo không có tình người. "
Ký giả L được xem là loại lang thang có cở, không một nơi nào có "chuyện" mà ông ta không có mặt. Có hơn 13 năm trong nghề chạy "sô" (show) tin tức , tường thuật cho hầu hết các báo ở vùng vịnh, trong một buổi phỏng vấn của H với ông về "tính cách trung thực của một bài viết", ông nói: s Theo ông muốn có những dữ kiện xác thực, người ký giả cần phải "lang thang" nhiều hơn , phải đến tận nơi xẩy ra sự việc để nắm bắt tường tận, mắt phải được mục kích, tai phải được nghe và ghi lại. Nghe và thấy là hai yếu tố căn bản và cần thiết nhất cho một nhà báo và những người viết tường thuật.
Ở hải ngoại, ký giả không có những khó khăn về phương tiện di chuyển cũng như những máy móc kỹ thuật thu thập nguồn tin như các ký giả trong nước, chỉ có một điều bức xúc là tiền thù lao cho chi phí công tác và tiền nhuận bút cho một bài viết thì ít khi được chủ báo quan tâm đến! Ngược lại với những người ký giả trong nước, phương tiện đi lấy tin của họ phần lớn là dùng xe gắn máy, đôi khi những vùng xa họ đi xe đò nên họ mất nhiều thì giờ và công sức. Và có phải chính vì thế công tác phí hoặc tiền nhuận bút của họ được đảm bảo cho cuộc sống cầm bút của họ?
Ký giả L cho biết: Ông đã được đọc một bài viết với tựa đề "tâm sự nghề nghiệp" của Khắc Dũng cho thấy những ký giả trong nước mỗi khi lấy tin tức cũng nhiều vất vả lắm, nhất là khi thu thập nguồn tin ở miền thượng du. Ngoài những đường xá hiểm trở, núi non, còn phải đối phó vấn đề lạc đường , ngủ đêm trong rừng.
"Tôi không thể nào quên một chuyến đi cùng với nhà báo nữ ĐTN cách đây hơn 3 năm. Chiều hôm ấy các cơ quan báo Lâm Đồng đang họp. Điện thoại phòng hành chính reo vang: "Ngày mai, khoảng 4 giờ sáng , lãnh đạo huyện Lâm Hà cùng các già làng tổ chức lễ đâm trâu ăn thề để dời làng từ Đầm Voi về suối Đạ Knàng để định canh định cư. Bà con mổ trâu ăn thề không lên rừng làm rẫy nữa. Chiều tối hôm nay tất cả lãnh đạo huyện phải vào Đầm Voi cách trung tâm huyện 70 km. Nếu nhà báo nhanh chân xuống huyện kịp thì cùng đi!" Nhận được cú điện thoại quá muộn nên tôi nhẩm tính: Đi xe máy từ Đà Lạt xuống huyện trung tâm Lâm Hà mất chừng hai tiếng rưỡi. Từ trung tâm huyện Lâm Hà vào đó mất ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Với dân báo chí mất 3 hay 7 tiếng đi đường không ngán mà ngán nhất là lạc đường.
Đường vào Đầm Voi chỉ toàn là rừng , không hề có buôn làng, mặc dầu trời đã tối, nhưng tôi và chị ĐTN vẫn quyết định trên đường. Xuống đến trung tâm huyện Lâm Hà đã gần 8 giờ tối. Xe của huyện đã đi hết vào đó từ lúc chiều. Do vậy chúng tôi không còn cách nào khác là phải đi bằng xe máy. Nhưng cả hai đều không biết đường( Đầm Voi của Lâm Hà giáp với Đắk Lắk). Hỏi thăm người đi thạo đường như K’keo ( ở Đạ Đờn) ,K’Keo bảo: "Vào trung tâm thị xã Phi Liêng rồi rẽ trái. Nhưng trời tối như thế này thì nguy hiểm lắm. Lạc đường thì có mà khóc!" Nhà báo nữ ĐTN" gạ gẫm":
"Hay là anh đi cùng chúng em, vào đó ăn trâu chắc là vui lắm". Thế là tôi và ĐTN đành phải hai người một ngựa lên đường. Và chúng tôi đã lạc đường thật: Chỗ rẽ vào Đầm Voi ở khoảng trung tâm thị xã Phi Liêng thì được hướng dẫn kỹ, nhưng chúng tôi cứ đi, đi mãi chẳng thấy nó đâu.
Lại đi giữa đêm nên chẳng biết hỏi thăm ai trên đường. Đến gần Rô Men mới nhận ra chúng tôi đã đi quá chỗ rẽ ít nhất 40km. Đành phải quay lại. Mệt phờ nhưng chẳng biết làm sao được. Đến khi tìm được chỗ rẽ thì trời đã gần sáng. Nhưng đây là con đường kinh nhủng nhất: quạnh vắng, âm u, núi cao, vực sâu!" Không còn dịp tháo lui" tôi nói với nữ đồng nghiệp. Chị bảo: "Đã lỡ , "chơi luôn!" Chiếc xe tiếp tục nổ máy. Tội nghiệp cho nó! Nó phải mang trên mình gần một tạ thịt sống để vượt rừng. Lúc chúng tôi đến nới thì trời đã rõ mặt người. Mọi người nhìn hai chúng tôi phải ….lắc đầu thán phục.
Trâu vừa giết xong đang chuẩn bị xẻ thịt. Hai chúng tôi quăng xe máy lao vào ghi ghi chép chép.
Chiếc máy ảnh trong tay tôi hoạt động hết công suất. Hôm sau về, những người có mặt trong chuyến đi kể với mấy người ở nhà có hai nhà báo vào Đầm Voi bằng xe máy và đi trong đêm chẳng mấy ai tin được!
Còn đồng nghiệp chúng tôi hay chuyện thì bảo: "Lang thang đến thế là cùng!" Vậy ai dám bảo chuyện lang thang của nhà báo là chuyện chẳng hay ho?"
"Hành nghề ký giả ở hải ngoại dù có đầy đủ phương tiện nhưng nhiều nhiêu khê lắm".Đó là lời phát biểu của một nhà báo lão thành trong một buổi gặp gỡ thân hữu tổ chức tại nhà ông ở Milpitas Tết năm Nhâm Ngọ.
"Cứ nhìn thực tế cuộc sống trong giới làm báo sẽ nhận ra sự nhiêu khê của những người ký giả ( ký giả chuyên nghiệp, đi làm mướn cho chủ báo).
Phần lớn báo Việt Ngữ phát hành nơi hải ngoại dựa vào số lượng quảng cáo để nuôi sống tờ báo, nhờ vào quảng cáo để trang trải những chi phí trong việc làm báo, nên người làm báo ở hải ngoại (chủ báo) bị lệ thuộc hẳn hoi vào khách hàng quảng cáo. Đó là một thế yếu của giới làm báo hải ngoại nên suy gẫm. Một tờ báo có quảng cáo nhiều thì từ ông chủ báo cho đến nhân viên đều có sự ổn định về đời sống. Ngược lại nếu một tờ báo có quảng cáo ít thì sinh mệnh tờ báo chưa chắc thọ, nói chi đến lương bổng của nhân viên.
Trong vùng Bắc Cali có mấy chục tờ báo, nhưng đa phần đời sống của người làm báo (chủ báo) vẫn bấp bênh, huống hồ chi nói đến những tay ký giả làm công cho chủ. Người ký giả( chuyên nghiệp) sống nhờ vào nhuận bút nhưng thành thật mà nói từ trước đến nay có bao nhiêu ông chủ báo đã làm tròn nghĩa cử cao cả này? Và nếu có chỉ là chiếu lệ. Người ký giả vì yêu nghề , thích viết lách hoặc vì sự lịch sự nên ít khi nhắc nhở với chủ báo những "khía cạnh tế nhị" này.
Ký giả NVK nhận xét: “ Nếu so sánh thì giờ bỏ ra để viết bài và số tiền được trả, có lẽ nghề viết báo Việt Ngữ ở Hoa Kỳ là nghề “ rẻ” nhất. Cả trăm tờ báo được phát hành khắp nơi mỗi tuần, cả chục ngàn ấn bản gửi đến tay người đọc mỗi ngày nhưng theo tôi biết hầu như chưa có một người nào có thể nuôi được gia đình bằng tiền lương viết báo cả. Đại đa số những người chấp nhận viết báo đều phải làm một việc khác để nuôi thân, vì thế dù hơn 20 năm trôi qua nhưng nếu anh bạn trẻ Trần Thái Văn có dịp xem lại danh sách mới nhất liệt kê do Tòa Bạch Ốc phổ biến, có lẽ số người mang họ Đinh , Lê , Lý Trần…cũng vẫn đếm được trên đầu ngón tay, và những người gốc Việt Nam này đang săn tin và viết tin cho báo chí Hoa Kỳ , chứ không phải là báo Việt Ngữ. Nếu gần 30 trước tôi chứng kiến được nỗi buồn của anh Du Tử Lê vì không có tiền mua cái máy IBM để làm báo thì 30 năm sau, tôi thấy nỗi buồn của những bậc đàn anh trong nghề vì vẫn chưa dựng được một dàn ký giả cho ngon lành. Tôi biết các anh chưa thành công không phải vì các anh không có tài mà chính vì các anh không có đủ khả năng để trả cho họ đồng lương cần có để nuôi thân.
Không nuôi được gia đình, những người viết báo như chúng tôi còn lấy mất quá nhiều thời giờ đáng lý ra phải dành cho gia đình.
Điều đó có thể nói là Trời thương nên bên cạnh ông lỡ dại mê mẩn với nghề báo bao giờ cũng có một người phụ nữ hiền từ , vui với cái vui “ nghề nghiệp” của chồng, chấp nhận gánh vác hết mọi khó khăn mà ông chồng viết báo nhờ gánh vác. Ông Như Phong Lê Văn Tiến, người được kính trọng và ca ngợi là “ bậc thày trong nghề báo“ có lần nói với tôi là chỉ có những người phụ nữ Việt Nam “ dở hơi” mới lấy chồng làm báo, vì vừa phải gánh vác giang sơn nhà chồng lại phải gánh vác cả nghề nghiệp cho chồng.
Tôi biết “ Thày Như Phong “ nói đùa, nhưng điều” Thày” nói chứa đựng tất cả sự thật. Tôi không bao giờ quên những người vợ ngày này qua ngày khác, tuần này sang tuần khác , cắm cúi mổ cò, sửa chữa , trình bày các quảng cáo lẫn bài vở cho tờ báo mà chồng đứng làm chủ; các Chị…căm cúi làm việc ngày đêm kiếm tiền nuôi con để cho chồng mình có cơ hội sống với “ chữ nghĩa” và “ báo bổ”. Tôi cũng biết ngay những tờ báo có tầm vóc tại hải ngoại như tờ Người Việt, Việt Báo , Viễn Đông v.v. trước khi được ca ngợi là những tờ báo lớn , cũng từng có sự đóng góp không nhỏ của các chị Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Chị Nguyễn Đức Quang, Chị Trần Dạ Từ v.v…
Làm báo ở xứ người thật là khó khăn và nhất là trong giai đoạn nghiệt ngã của nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay. Có người vừa dí dõm vừa cường điệu nói với nhà văn Thanh Thương Hoàng “Nếu bắt buộc phải chọn giữa ở tù và làm báo thì tôi xin chọn ở tù. Anh mới sang đây mấy năm chưa có dịp bơi lội trong “ vũng nước báo bổ” nơi hải ngoại này, nên chưa biết cái nỗi “đoạn trường” khổ lắm và đôi khi nhục lắm”.
Ký giả Kiến Nâu nhớ không lầm trong ngày ra mắt Tuần Báo Đời có một quan khách phát biểu: “ Tôi đến đây không phải để cầu chúc cho tờ báo mà là để cầu nguyện cho tờ báo được trường tồn”
Theo Kiến Nâu thì đây là lời phát biểu xem qua có vẻ trào phúng nhưng thực tế. Trước viễn ảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang đi xuống thê thảm, đã cuốn theo nền chính trị Mỹ vào tình trạng lao đao, người làm báo Việt trên xứ người ít nhiều phải chịu ảnh hưởng. Do vậy sinh mệnh của mỗi tờ báo đều có số thọ nhất định, mặc dù có những tờ báo đã được quý độc giả mến mộ và khen ngợi rất nhiều về nội dung lẫn hình thức.
Để kết thúc chuyện vui buồn của đời viết báo hải ngoại người viết mượn câu nói của Prevet nói về nghề dạy học để kết thúc câu chuyện: “ trên tấm bảng đen khốn khó, người ta vẫn cố vẽ nên những vòng hạnh phúc”.
“Với những người đang sống với nghề viết báo Việt Ngữ, giữa những hàng mực lem nhem , chúng tôi cũng đã cố gắng vẽ nên những vòng hạnh phúc.”( trích lời nói ký giả NVK )
"Nhà
báo là kẻ lang thang" không rõ là ai độc mồm định nghĩa như thế từ bao
giờ. Và không biết có ai đó trong làng báo chí chúng ta khi nghe người
khác nêu định nghĩa này sẽ nổi máu tự ái? Nếu có tôi tin chắc là không
nhiều. Vì nói gì thì nói, nhìn ở một góc độ nào đó thì định nghĩa "nhà
báo là kẻ lang thang" có thể là chính xác hoặc đúng ít nhất là 50 phần
trăm.
(Khắc Dũng)
Nói đến nhà báo ( ký giả) người ta có thể nghĩ ngay đến những người viết bài đăng báo và sống về nghề viết báo. Định nghĩa này, không biết có rộng rải để đủ bao gồm ý nghĩa cho những người là cộng tác viên ( không thường xuyên) cho một tờ báo (nào đó), nhưng mỗi khi có bài viết lên khuôn thì có tiền nhuận bút.?
Theo một ký giả lão thành trong làng báo Sàigon cũ hiện đang sống ở Hoa Kỳ, thì: "Nhà báo hay ký giả phải là những người chuyên nghiệp, và kiếm sống bằng nghề viết lách, họ có thể viết cho nhiều tờ báo chứ không riêng một tờ.Họ phải là đoàn viên trong một tổ chức Báo chí được luật pháp công nhận……., và ký giả là một nghề mang một thiên chức cao quý trên phương diện hướng dẫn dư luận và truyền đạt những nhu cầu về thông tin đến với độc giả. Ký giả có nhiều loại: Ký giả chiến trường ( ký giả theo các cuộc hành quân để viết bài và săn tin gởi về tòa báo), Ký giả kịch trường ( ký giả chuyên trách các phụ trương kịch trường với mục đích nâng cao và mở rộng nghề ca kịch ), ký giả tự do ( ký giả viết báo ăn tiền bài), ký giả tăng cường ( ký giả có nghề làm ăn khác, chỉ ở nhà viết bài khảo cứu cho các trương trong một tờ báo ( có ăn tiền), ký giả làm tin và ký giả dịch tin…"
Nhưng đối với nhà báo Khắc Dũng thì định nghĩa "nhà báo là kẻ lang thang" đúng với ông 50 phần trăm. "Nhà báo là kẻ lang thang" không rõ là ai độc mồm định nghĩa như thế từ bao giờ. Và không biết có ai đó trong làng báo chí chúng ta khi nghe người khác nêu định nghĩa này sẽ nổi máu tự ái? Nếu có tôi tin chắc là không nhiều. Vì nói gì thì nói, nhìn ở một góc độ nào đó thì định nghĩa "nhà báo kẻ lang thang" có thể là chính xác hoặc đúng ít nhất là 50 phần trăm."
Là một nhà giáo, một cựu sinh viên Luật , một quân nhân, H không nghĩ mình còn có trở thành một nhà báo,với một công việc mất quá nhiều thời giờ và luôn có mặt trên từng cây số để thu thập tin tức, phóng sự đem nguồn thông tin đến mọi người.
Sau khi định cư tại Mỹ, và một thời gian dài học ngành báo chí (College of Newspaper) ở trường đại học San Francisco. H bắt đầu vào nghề, và cũng từ đó H "lang thang" ( xin hiểu từ lang thang theo nghĩa tích cực) đi đến mọi nơi để săn tin ,viết bài gởi về tòa báo.
Cứ mỗi cuối tuần thì H tất bật với công việc, không còn có thời
gian dành cho gia đình. Nào là: biểu tình đòi nhân quyền cho Việt Nam,
ra mắt văn thơ, nhạc,hội luận chính trị, tiệc gây quỹ ….đã chiếm mất hết
số thời gian của H.
(Khắc Dũng)
Nói đến nhà báo ( ký giả) người ta có thể nghĩ ngay đến những người viết bài đăng báo và sống về nghề viết báo. Định nghĩa này, không biết có rộng rải để đủ bao gồm ý nghĩa cho những người là cộng tác viên ( không thường xuyên) cho một tờ báo (nào đó), nhưng mỗi khi có bài viết lên khuôn thì có tiền nhuận bút.?
Theo một ký giả lão thành trong làng báo Sàigon cũ hiện đang sống ở Hoa Kỳ, thì: "Nhà báo hay ký giả phải là những người chuyên nghiệp, và kiếm sống bằng nghề viết lách, họ có thể viết cho nhiều tờ báo chứ không riêng một tờ.Họ phải là đoàn viên trong một tổ chức Báo chí được luật pháp công nhận……., và ký giả là một nghề mang một thiên chức cao quý trên phương diện hướng dẫn dư luận và truyền đạt những nhu cầu về thông tin đến với độc giả. Ký giả có nhiều loại: Ký giả chiến trường ( ký giả theo các cuộc hành quân để viết bài và săn tin gởi về tòa báo), Ký giả kịch trường ( ký giả chuyên trách các phụ trương kịch trường với mục đích nâng cao và mở rộng nghề ca kịch ), ký giả tự do ( ký giả viết báo ăn tiền bài), ký giả tăng cường ( ký giả có nghề làm ăn khác, chỉ ở nhà viết bài khảo cứu cho các trương trong một tờ báo ( có ăn tiền), ký giả làm tin và ký giả dịch tin…"
Nhưng đối với nhà báo Khắc Dũng thì định nghĩa "nhà báo là kẻ lang thang" đúng với ông 50 phần trăm. "Nhà báo là kẻ lang thang" không rõ là ai độc mồm định nghĩa như thế từ bao giờ. Và không biết có ai đó trong làng báo chí chúng ta khi nghe người khác nêu định nghĩa này sẽ nổi máu tự ái? Nếu có tôi tin chắc là không nhiều. Vì nói gì thì nói, nhìn ở một góc độ nào đó thì định nghĩa "nhà báo kẻ lang thang" có thể là chính xác hoặc đúng ít nhất là 50 phần trăm."
Là một nhà giáo, một cựu sinh viên Luật , một quân nhân, H không nghĩ mình còn có trở thành một nhà báo,với một công việc mất quá nhiều thời giờ và luôn có mặt trên từng cây số để thu thập tin tức, phóng sự đem nguồn thông tin đến mọi người.
Sau khi định cư tại Mỹ, và một thời gian dài học ngành báo chí (College of Newspaper) ở trường đại học San Francisco. H bắt đầu vào nghề, và cũng từ đó H "lang thang" ( xin hiểu từ lang thang theo nghĩa tích cực) đi đến mọi nơi để săn tin ,viết bài gởi về tòa báo.
Có một đồng nghiệp cho rằng: Nhà báo mà không "lang thang" không thể có nguồn liệu để có những bài viết xác thực làm được báo! H cũng nhận ra điều này khá hữu lý.
Một hôm H phỏng vấn một cây viết phóng sự khá nổi tiếng của một Tuần Báo ở San Jose, Ký giả V nói: "Mình chỉ đi và viết ,đi và viết mãi , đi nhiều viết nhiều.. viết cho đã đời thôi. Viết là một thú vui của người cầm bút".
H có vẻ khâm phục cái tay ký giả có số tuổi đời không còn ở dạng trung niên này, mà vẫn còn có máu lang thang. Đôi chân của ký giả V đã có mặt trên vạn nẻo đường vùng Bắc Cali, đôi khi còn vượt biên ra khỏi tiểu bang Cali để có những bài phóng sự nóng bỏng thích ứng thời cuộc và đời sống hàng ngày của tập thể người Việt trên đất Hoa Kỳ.
Từ những bài phóng sự phản ảnh mặt trái cuộc sống của con người sống trên đất nước Mỹ đến việc sinh hoạt tranh đấu cho cộng đồng người thiểu số, với ký giả V còn có những bài viết dí dỏm đem lại nụ cười phong phú cho cuộc đời, tạo cho vườn phóng sự thêm nhiều màu sắc làm mọi người có thể hình dung được sự lao động miệt mài và đầy trách nhiệm của V.
Nhưng Ký giả V cũng thường than, tiền nhuận bút cho một bài viết phóng sự không đủ chi phí công tác đi thu thập tư liệu viết bài. ( Đơn cử để thực hiện bài phóng sự "Đồng tình luyến ái"cho Báo Đời Mới ký giả Duy Văn phải bỏ nhiều thời giờ để thu thập tư liệu sống, tác giả phải lên xuống nhiều lần SF và vào những quán rượu Gay điều nghiên thực tế để thực hiện bài phóng sự của mình, tiền chi phí cho công việc như thế lên đến cả trăm mà có ông chủ báo hay tòa soạn nào nghĩ tới. Dĩ nhiên là ký giả Duy Văn phải bỏ tiền túi cho những chi phí công tác bởi chính mình.)
Than thì vẫn than, nhưng phần lớn ký giả viết phóng sự hoặc làm tin cộng đồng vẫn cứ đi, vẫn cứ viết , tốn xăng, tổn sức ….rồi lại tự nhủ "Đã mang cái nghiệp viết vào thân, Cũng đừng trách cứ tiền người tiền ta" ( nhái theo thơ Nguyễn Du)
Ký giả D tâm sự với H: "Tôi viết từ trước đến nay có chủ báo hay tòa báo nào trả tiền đâu! Phụ trách tin sinh hoạt cộng đồng cho một tờ nhật báo ở San Jose, trong hai năm liền, chủ báo hứa sẽ trả tiền nhuận bút cho mỗi bài tường thuật, nhưng tôi chưa có may mắn nhận tiền nhuận bút về bài viết của tôi bao giờ, mãi cho đến khi tôi rời khỏi tòa báo thì đã hơn 3 năm làm việc "chùa" theo kiểu "lường thưng tráo đấu "của chủ báo.
Tôi không thể nào quên có một lần tôi đi thu thập tin tức buổi ra mắt cộng đồng San Jose, xe tôi bị cảnh sát "thô" ( towing) mất. Sau khi đóng phạt 120 đô nhận xe và báo cáo với chủ báo. Họ vẫn "phớt tỉnh ăng lê" coi như không có chuyện gì xảy ra mặc dù họ bảo tôi đi làm công tác này.
Một lần khác, chủ báo yêu cầu tôi đến tận SF thu hình ảnh của một cuộc biểu tình do đồng bào tự phát chống việc phái đoàn thương mại CSViệt Nam về làm phóng sự cho số báo đầu tuần. Trên đường công tác chẳng may xe tôi bị hỏng máy. Tiền "thô" xe và các cái mất toi 2 bốp ( 200 đôla). Công việc xong tôi báo cáo lại với chủ báo kèm với những hóa đơn chứng minh, bà chủ báo hứa sẽ trả lại số tiền cho tôi. Nhưng than ôi! "Thăm thẳm chiều trôi, sự việc đã qua rồi bà cần gì để ý tới. Lời hứa hôm nao giờ tan theo mây khói." Tôi có nhắc một vài lần, nhưng sau đó vì tự trọng tôi không nói đến nữa. Thế là để lâu "cứt trâu hóa bùn". Cho tới một ngày, tôi không còn cộng tác với tòa báo, thì mọi việc cũng đã an bài.
Thú thật tôi rất yêu nghề làm báo và rất thích viết lách, tôi sẵn sàng nhiệt tình với đồng nghiệp trong những tình huống cần thiết cho nghề nghiệp, nhưng không được vui lắm với những tay chủ báo không có tình người. "
Ký giả L được xem là loại lang thang có cở, không một nơi nào có "chuyện" mà ông ta không có mặt. Có hơn 13 năm trong nghề chạy "sô" (show) tin tức , tường thuật cho hầu hết các báo ở vùng vịnh, trong một buổi phỏng vấn của H với ông về "tính cách trung thực của một bài viết", ông nói: s Theo ông muốn có những dữ kiện xác thực, người ký giả cần phải "lang thang" nhiều hơn , phải đến tận nơi xẩy ra sự việc để nắm bắt tường tận, mắt phải được mục kích, tai phải được nghe và ghi lại. Nghe và thấy là hai yếu tố căn bản và cần thiết nhất cho một nhà báo và những người viết tường thuật.
Ở hải ngoại, ký giả không có những khó khăn về phương tiện di chuyển cũng như những máy móc kỹ thuật thu thập nguồn tin như các ký giả trong nước, chỉ có một điều bức xúc là tiền thù lao cho chi phí công tác và tiền nhuận bút cho một bài viết thì ít khi được chủ báo quan tâm đến! Ngược lại với những người ký giả trong nước, phương tiện đi lấy tin của họ phần lớn là dùng xe gắn máy, đôi khi những vùng xa họ đi xe đò nên họ mất nhiều thì giờ và công sức. Và có phải chính vì thế công tác phí hoặc tiền nhuận bút của họ được đảm bảo cho cuộc sống cầm bút của họ?
Ký giả L cho biết: Ông đã được đọc một bài viết với tựa đề "tâm sự nghề nghiệp" của Khắc Dũng cho thấy những ký giả trong nước mỗi khi lấy tin tức cũng nhiều vất vả lắm, nhất là khi thu thập nguồn tin ở miền thượng du. Ngoài những đường xá hiểm trở, núi non, còn phải đối phó vấn đề lạc đường , ngủ đêm trong rừng.
"Tôi không thể nào quên một chuyến đi cùng với nhà báo nữ ĐTN cách đây hơn 3 năm. Chiều hôm ấy các cơ quan báo Lâm Đồng đang họp. Điện thoại phòng hành chính reo vang: "Ngày mai, khoảng 4 giờ sáng , lãnh đạo huyện Lâm Hà cùng các già làng tổ chức lễ đâm trâu ăn thề để dời làng từ Đầm Voi về suối Đạ Knàng để định canh định cư. Bà con mổ trâu ăn thề không lên rừng làm rẫy nữa. Chiều tối hôm nay tất cả lãnh đạo huyện phải vào Đầm Voi cách trung tâm huyện 70 km. Nếu nhà báo nhanh chân xuống huyện kịp thì cùng đi!" Nhận được cú điện thoại quá muộn nên tôi nhẩm tính: Đi xe máy từ Đà Lạt xuống huyện trung tâm Lâm Hà mất chừng hai tiếng rưỡi. Từ trung tâm huyện Lâm Hà vào đó mất ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Với dân báo chí mất 3 hay 7 tiếng đi đường không ngán mà ngán nhất là lạc đường.
Đường vào Đầm Voi chỉ toàn là rừng , không hề có buôn làng, mặc dầu trời đã tối, nhưng tôi và chị ĐTN vẫn quyết định trên đường. Xuống đến trung tâm huyện Lâm Hà đã gần 8 giờ tối. Xe của huyện đã đi hết vào đó từ lúc chiều. Do vậy chúng tôi không còn cách nào khác là phải đi bằng xe máy. Nhưng cả hai đều không biết đường( Đầm Voi của Lâm Hà giáp với Đắk Lắk). Hỏi thăm người đi thạo đường như K’keo ( ở Đạ Đờn) ,K’Keo bảo: "Vào trung tâm thị xã Phi Liêng rồi rẽ trái. Nhưng trời tối như thế này thì nguy hiểm lắm. Lạc đường thì có mà khóc!" Nhà báo nữ ĐTN" gạ gẫm":
"Hay là anh đi cùng chúng em, vào đó ăn trâu chắc là vui lắm". Thế là tôi và ĐTN đành phải hai người một ngựa lên đường. Và chúng tôi đã lạc đường thật: Chỗ rẽ vào Đầm Voi ở khoảng trung tâm thị xã Phi Liêng thì được hướng dẫn kỹ, nhưng chúng tôi cứ đi, đi mãi chẳng thấy nó đâu.
Lại đi giữa đêm nên chẳng biết hỏi thăm ai trên đường. Đến gần Rô Men mới nhận ra chúng tôi đã đi quá chỗ rẽ ít nhất 40km. Đành phải quay lại. Mệt phờ nhưng chẳng biết làm sao được. Đến khi tìm được chỗ rẽ thì trời đã gần sáng. Nhưng đây là con đường kinh nhủng nhất: quạnh vắng, âm u, núi cao, vực sâu!" Không còn dịp tháo lui" tôi nói với nữ đồng nghiệp. Chị bảo: "Đã lỡ , "chơi luôn!" Chiếc xe tiếp tục nổ máy. Tội nghiệp cho nó! Nó phải mang trên mình gần một tạ thịt sống để vượt rừng. Lúc chúng tôi đến nới thì trời đã rõ mặt người. Mọi người nhìn hai chúng tôi phải ….lắc đầu thán phục.
Trâu vừa giết xong đang chuẩn bị xẻ thịt. Hai chúng tôi quăng xe máy lao vào ghi ghi chép chép.
Chiếc máy ảnh trong tay tôi hoạt động hết công suất. Hôm sau về, những người có mặt trong chuyến đi kể với mấy người ở nhà có hai nhà báo vào Đầm Voi bằng xe máy và đi trong đêm chẳng mấy ai tin được!
Còn đồng nghiệp chúng tôi hay chuyện thì bảo: "Lang thang đến thế là cùng!" Vậy ai dám bảo chuyện lang thang của nhà báo là chuyện chẳng hay ho?"
"Hành nghề ký giả ở hải ngoại dù có đầy đủ phương tiện nhưng nhiều nhiêu khê lắm".Đó là lời phát biểu của một nhà báo lão thành trong một buổi gặp gỡ thân hữu tổ chức tại nhà ông ở Milpitas Tết năm Nhâm Ngọ.
"Cứ nhìn thực tế cuộc sống trong giới làm báo sẽ nhận ra sự nhiêu khê của những người ký giả ( ký giả chuyên nghiệp, đi làm mướn cho chủ báo).
Phần lớn báo Việt Ngữ phát hành nơi hải ngoại dựa vào số lượng quảng cáo để nuôi sống tờ báo, nhờ vào quảng cáo để trang trải những chi phí trong việc làm báo, nên người làm báo ở hải ngoại (chủ báo) bị lệ thuộc hẳn hoi vào khách hàng quảng cáo. Đó là một thế yếu của giới làm báo hải ngoại nên suy gẫm. Một tờ báo có quảng cáo nhiều thì từ ông chủ báo cho đến nhân viên đều có sự ổn định về đời sống. Ngược lại nếu một tờ báo có quảng cáo ít thì sinh mệnh tờ báo chưa chắc thọ, nói chi đến lương bổng của nhân viên.
Trong vùng Bắc Cali có mấy chục tờ báo, nhưng đa phần đời sống của người làm báo (chủ báo) vẫn bấp bênh, huống hồ chi nói đến những tay ký giả làm công cho chủ. Người ký giả( chuyên nghiệp) sống nhờ vào nhuận bút nhưng thành thật mà nói từ trước đến nay có bao nhiêu ông chủ báo đã làm tròn nghĩa cử cao cả này? Và nếu có chỉ là chiếu lệ. Người ký giả vì yêu nghề , thích viết lách hoặc vì sự lịch sự nên ít khi nhắc nhở với chủ báo những "khía cạnh tế nhị" này.
Cũng có những chủ báo thông cảm được những nỗi khó khăn của
người ký giả, nên rất ân cần với người cộng tác của mình trên vai trò
một chủ báo có trách nhiệm.( mặc dù tờ báo của họ trong giai đoạn chưa
phát triển và còn có nguy cơ đình bản)
Chủ báo loại này là chủ báo có lý tưởng. Họ xem nhẹ việc làm báo là vì sinh kế để nuôi sống mình , nuôi sống gia đình. Gặp những chủ báo như thế này có lẽ người ký giả chuyên nghiệp chỉ còn có việc viết và viết phục vụ cho độc giả mà không còn bận tâm đến những nhu cầu khác của đời sống.
Ký giả P tự ví mình như là một "tay tổ" trong nghề làm báo, một hôm nói với bạn bè đồng nghiệp: "Tôi suýt bị đuổi nhà vì tháng rồi con vợ tôi nó bệnh không đi làm được nên trông vào lương làm báo của tôi để trang trải vào món nợ triền miên nhà mướn, nhưng cho tới cuối tháng vẫn biệt vô âm tính, không thấy chủ báo đá động gì đến tiền lương. Chủ nhà là người Mỹ họ không thể khoan nhượng nên đã thẳng thừng mời ra. Tôi buộc phải chạy vắt giò lên cổ mượn bè bạn vừa năn nĩ vừa nộp cho họ mới yên thân".
Theo lời P, thì ông ta đã vào làng báo hải ngoại kể đến nay cũng thuộc loại "lão làng" và kinh nghiệm trong đời ký giả cũng thuộc bậc "sư", nên không ông chủ báo nào mà không mời ông cộng tác. Ông đi khắp các tiểu bang của nước Mỹ và một phần Au Châu, nhưng hiện nay H vẫn thấy ông vẫn "đói". Đói cả việc làm lẫn phương tiện di chuyển, đôi khi đói cả vợ. Có một lần H thấy ông đang ì ạch đẩy chiếc Ford đời 88 của ông vào lề để tránh cản trở lưu thông trên đường Story giữa trưa nắng hè. Hỏi chuyện mới biết ông đang nhận lệnh của chủ báo đến nhà hàng Phú Lâm tham dự ngày kỷ niệm thành lập Lực Lượng Biệt Kích Nhảy Dù và làm phóng sự, nhưng xe của ông bị hư máy giữa đường.
Đưa tay quệt mồ hôi rịn ra trên trán ông nói với H: "Làm đời ký giả chán lắm anh ơi! Anh có thấy không, có "cái thằng" ký giả nào mà giàu đâu. Hơn hai mươi mấy năm lăn lộn trong nghề, tôi nay, vẫn là con số không. Không có một chiếc xe đàng hoàng để đi. Mỗi lần đi dự hội hè "rê" chiếc xe này đi tôi mắc cỡ lắm, nhưng không phải biết mần sao, vì không có xe nào khác. Thỉnh thoảng lấy tin xa thì đi chung với bạn bè hoặc mượn xe chủ báo, mà việc này cũng họa hoằn lắm chủ mới đưa xe cho đi. Nhiều lúc tinh thần tôi bị chao đảo, nhưng rồi cũng tự an ủi và cho rằng đây là "cái nghiệp chướng" mà kiếp này tôi phải trả."
Còn H đã kể lại sự vui buồn của mình sau nhiều năm làm nghề viết báo: "Tờ báo đầu tiên tôi cộng tác là một tuần báo. Tôi viết những đoản văn ngắn nói về cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ và một số chuyện kỳ lạ của người Việt. Những bài viết của tôi độc giả có khen và cũng có phê bình. Có lần ông chủ nhiệm nhắn đến tòa soạn nhận ít tiền nhuận bút. Tôi gặp một người đàn bà trung niên trên xe buýt đang đọc bài báo của tôi. Khi đọc xong bà quay sang người đàn bà ngồi bên nói bằng giọng miền Trung Việt Nam: "Cái thèn che nèo nó viết cái bè này đọc được ghê à nghen. Chị biết không thèn chả viết về "Một Người Có Khả Năng Kỳ Lạ Tự Phát Sáng" đúng ghê nghen. (Cái thằng cha nào nó viết cái bài này đọc được ghê à nghen, Chị biết không thằng chả viết về "Một người có khả năng kỳ lạ tự phát sáng" đúng ghê nghen.)
Trong bài viết thằng chẻ nói là thằng chẻ nghe lại chuyện kể của báo chí trong nước, nhưng việc này tôi biết thằng chẻ bỏ sức lang thang thu thập nên mới đúc kết được một bài như vậy. Chuyện này xẩy ra ở quê tôi mà, năm rồi về quê tôi có nghe kể lóm thóm, không hiểu hết, nay mới được đọc trên báo. Câu chuyện được viết như sau:
"Thời gian gần đây , bà con ở thôn Bình An , thị trấn Tiên Kỳ , huyện Tiên Phước (Quảng Nam Đà Nẵng ) xầm xì với nhau về cô giáo Trần Thị Lộc có điện trong người nên tự phát sáng! Nhiều đồng nghiệp của cô Trần Thị Lộc ở trường trung học Lý Tự Trọng thị trấn Tiên Kỳ cũng đồn như vậy. Đây là một hiện tượng lạ hay
là những lời đồn đại nhảm nhí của những "thông tấn mồm" thích đơm đặt dựng chuyện giật gân? Để xác minh sự việc một nhóm phóng viên truyền thanh QNĐN đã đến gặp cô Trần Thị Lộc và cô cho biết: "Vào một buổi tối đầu năm 19…. Dọn dẹp bếp núc xong, tôi lau tay và thấy cánh tay mình phát ra ánh sáng xanh màu lân tinh. Ngỡ bị hoa mắt, "trông gà hóa cuốc", tôi lặp lại động tác cũ, ánh sáng màu xanh lân tinh vẫn xuất hiện với cường độ mạnh hơn. Hoảng quá, tôi gọi chồng cùng các con tới coi. Và mọi người đều trông thấy rõ hiện tượng này".
Do không biết được vì sao lại có hiện tượng lạ lùng này nên gia đình tôi giấu kín, không cho ai biết.
Nhưng rồi vào dịp tết năm 19… vừa qua, tôi cùng các đồng nghiệp đi thăm bạn bè và trong quá trình đi lại , cơ thể tôi lại phát sáng nên mọi người đều biết. Nhóm phóng viên đề nghị cho họ "mục sở thị". Cô vui vẻ nhận lời. Đứng vào chổ khuất ánh đèn, cô đưa tay chà mạnh lên thân thể mình , lập tức nơi đó phát ra thứ ánh sáng xanh màu lân tinh và kèm theo tiếng nổ lép bép nghe giống như tiếng nổ của hạt mè khi rang trên chảo nóng. Cô lập lại nhiều lần. Ánh sáng cùng với tiếng nổ đi kèm càng lúc càng có cường độ mạnh hơn.
Cô giáo Trần Thị Lộc cho nhóm phóng viên biết: Hiện tượng lạ trên cơ thể cô không xuất hiện khi mặc áo quần bằng vải sợi bông và áo len dày. Những ngày hành kinh hoặc khi cơ thể mệt mỏi cũng không xuất hiện.
Năm nay, cô giáo Trần Thị Lộc đã hơn 40 tuổi. Cô quê Hải Hưng. Cô có 3 con, hai gái, một trai, tất cả đều đã lớn.
Từ khi phát hiện ra hiện tượng lạ, cô vẫn khoẻ mạnh bình thường. Cùng lứa tuổi của cô nhiều người phải dùng kính cận, nhưng cô vẫn soạn bài, đọc sách đến một, hai giờ sáng cũng không thấy mệt mỏi hay nhoà mắt. Chỉ có điều, thỉnh thoảng cô cảm thấy hơi nhức đầu…" Cô giáo Trần Thị Lộc tâm sự với nhóm phóng viên:
Hiện tượng lạ bị mọi người biết được đồn đại theo kiểu "thêm mắm thêm muối" khiến nhiều người mê tín dị đoan, gán ghép đủ điều huyền bí, duy tâm nên cô rất buồn. Nhất là những nguời "ganh ăn ghét ở "lợi dụng điều đó để tung tin thất thiệt nhằm làm cho mọi người xa lánh cô. Chồng cô đã viết thư gửi "Báo Khoa Học Đời Sống "đề nghị giải thích hiện tượng này. "Báo Khoa Học Đời Sống" khẳng định đây là một hiện tượng khoa học, không dính dáng gì đến những yếu tố mê tín dị đoan. Tuy nhiên muốn giải thích rõ về hiện tượng này cần phải quan sát thực tế, cần phải có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc.
Để xua tan những lời đàm tiếu, dị nghị không hay và để giúp cô giáo Trần Thị Lộc không mặc cảm, lo lắng, chúng tôi viết bài báo này nhằm cung cấp tư liệu với mong muốn các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu hiện tượng này. Và đó là mong muốn thiết tha của gia đình cô giáo Lộc. ( trích KTNN 25)
Người đàn bà (nói giọng miền Trung) , kể hết câu chuyện "cô giáo Lộc tự phát sáng" cho bà khách ngồi bên nghe. Bà khách im lặng hồi lâu rồi nói: "Ôi có cái gì đâu mà mấy ông nhà báo phải đề nghị lên cơ quan khoa học này nọ xin giải thích. Cái hiện tượng phát sáng ở con người cũng đâu có gì phải ngạc nhiên vì con người cũng là một sinh vật, nhưng là một sinh vật thượng đẳng nên cũng có những yếu tố cơ bản của một loài sinh vật. Chị có biết con đom đóm không? Hồi còn ở bậc trung học môn "Vạn Vật" tôi được nghe giáo sư P.K.N giải thích về hiện tượng phát sáng trên thân của con đom đóm. Tôi nghĩ sự phát sáng trên thân thể của người cũng không khác những yếu tố mà con đom đóm đã có.
Trong bài giảng giáo sư P.K.N nói: “ Không phải đom đóm là một con vật phát được ra ánh sáng. Nhiều sinh vật khác cũng có khả năng này. Trên các cánh đồng ở Châu Mỹ cũng có những sinh vật , cùng họ với đom đóm phát ra những tia sáng lập lòe theo những nhịp nhất định thay đổi tùy loài. Ở Nam Mỹ lại có những loài sinh vật trên lưng phát ra những ánh sáng có màu sắc khác nhau ( giống Pyrophora hay Cucujos). Có khi ánh sáng của chúng phát ra đủ mạnh để chỉ cần một con Pyrophora cũng đủ đọc được một tờ báo. Anh sáng của chúng phát ra có thể là trắng, xanh lá cây, vàng hoặc đỏ tùy theo từng loài. Thổ dân ở đó thường bắt chúng về làm đèn, và những người phụ nữ thường dùng chúng để trang sức vào mái tóc cho đẹp. Ở Chili lại có loài thuộc giống Pyrophora có ánh sáng ở trước thân và hai hàng ánh sáng xanh ở hai bên sườn. Không những thế các ấu trùng của chúng cũng có ánh sáng. Có con có hai đốm lửa vàng trên đầu., một dãy ánh sáng xanh ở hai bên sườn, lại thêm một cái “ đèn đỏ” ở đuôi, trông chẳng khác gì một đoàn tàu hỏa. Chính vì thế mà người dân địa phương gọi chúng là “ con sâu của đường sắt”.
Nhưng không phải chỉ có sâu bọ mới có khả năng phát sáng, dưới nước cũng có nhiều loại khả năng phát sáng. Trên mặt biển thường có trùng roi ( (Noctiluca miliaris) có khả năng phát sáng, nhất là khi có nhiều oxy. Do đó khi chúng ta bơi thuyền, có những vệt sáng như lân tinh bám vào mái chèo, hoặc ném hòn đá xuống nước , chúng ta cũng thấy được nước sáng bùng lên rồi lại tắt. Dưới đáy biển tối , lại có những loài cá có một ngọn đèn ở phía trước để soi đường. Nhiều loại thân mềm, giáp xác khác cũng có khả năng phát sáng.
Khả năng phát sáng này của những con vật có liên quan chặt chẽ với chất phốt pho trong nước biển. Những con vật đó tích lũy được nhiều phốt pho trong cơ thể và trong quá trình đặc biệt bị oxy hóa nên phát sáng. Anh sáng sinh vật là một thứ ánh sáng đặc biệt: nó không nóng như ánh sáng nhân tạo.Đứng về phương diện lý học, điều đó có nghĩa là năng lượng được biến đổi hầu hết quang năng chứ không phải biến phần lớn sang nhiệt năng như những nguồn sáng nhân tạo. Bạn hãy lấy một con đom đóm vứt xuống đất rồi dí chân lên. Bạn sẽ thấy một vệt sáng được bôi ra trên mặt đất. Vệt sáng đó còn sáng một thời gian sau mới mờ dần đi rồi mất hẳn. Điều đó nghĩa là ánh sáng phát ra là một hóa trình hóa học chứ không phải là một quá trình sinh học. Có những chất nào đó phản ứng với nhau sinh ra ánh sáng, vì chỉ có như vậy thì sau khi con vật đã chết rồi ánh sáng đó vẫn còn và cơ thể con vật chỉ có nhiệm vụ liên tục sinh ra các chất đó mà thôi.
Nghiên cứu một số con vật phát sáng, người ta đã tách ra được hai chất từ cơ thể chúng: Luxipherin và Luxiphera. Hai chất đó rời nhau là hai chất hóa học thường. Nhưng khi trộn lẫn với nhau trong tối thì người ta thấy chúng phát ra ánh sáng. Nghiên cứu kỹ, người ta thấy Luxiphera là chất men, chất men đó thúc đẩy quá trình oxy hóa chất Luxipherin. Quá trình oxy hóa đó đã phát ra quang năng.
Nghiên cứu kỹ hơn một số sinh vật phát sáng ở biển người ta thấy không phải tự chúng phát sáng mà chính nhờ những loại vi khuẩn phát sáng đặc biệt ký sinh trên cơ thể chúng. Có loài hoạt động khi vật chủ của chúng đã chết. Vì thế chúng ta thường thấy những xác tôm cua ngoài biển phát sáng ra khi trời tối. Và người ta đã có thể nuôi những vi khuẩn đó trong một bình cầu thủy tinh khiến cho bình cầu sáng lên như một ngọn đèn trong căn buồng.
Cũng từ lâu, các nhà khoa học muốn tìm hiểu ý nghĩa của những quá trình phát sáng ở loài vật. Đã có những ý kiến ngây thơ cho rằng chúng phát ra ánh sáng để soi đường (!). Nhưng những con vi khuẩn soi đường để làm gì khi chúng không cần trông. Nhiều con vật phát sáng khác cũng không có mắt. Những loài vật như vậy, ánh sáng chỉ có một đặc tính biến đổi nào đó vô hình trung được duy trì lại. Có những loài nhờ thứ ánh sáng đó mà con vật khác sợ hãi khiến chúng không dám ăn thịt nên dễ tồn tại. Có loài vật vì nhờ có ánh sáng mà con mồi tập trung đến nhiều hơn dễ kiếm thức ăn hơn.
Nhưng cũng có trường hợp ánh sáng sinh vật có ý nghĩa hơn. Đó là trường hợp các sinh vật phát sáng. Những con đom đóm mà chúng ta thường thấy thật ra phải gọi là đom đóm cái, còn những con đom đóm đực thì không phát sáng. Chính nhờ ánh sáng lập lòe đó mà đom đóm đực biết đường tìm đến đom đóm cái”.
Sau khi nói hết sự hiểu biết của mình qua học hỏi từ ông thầy dạy môn “ Vạn Vật “ ở bậc trung học cho bà bạn (nói giọng miền Trung) nghe, bà khách nói tiếp: “ từ những ý niệm trên bài giảng cho phép chúng ta thấy sự phát sáng ở loài sinh vật là do hai chất hóa học: Luxipheri và Luxiphera có trong cơ thể của sinh vật và khi hai chất này trộn lẫn với nhau trong tối thì người ta thấy chúng phát ra ánh sáng. Đặc biệt con vật cái có hiện tượng này nhiều hơn còn con vật đực hiện tượng phát sáng rất hiếm xảy ra.” Và những trùng hợp cơ bản này tôi có thể nói với chị ( quay sang hướng bà nói giọng miền Trung) cô giáo Trần Thị Lộc là một điển hình tiêu biểu một động vật có phát sáng.
Các ông nhà báo viết lên một bài báo rất công phu, tuy nhiên thường vẫn phải phản ánh sự kiện chứ không có tính cách giải quyết rốt ráo sự việc. Như cái bài viết về cô giáo Lộc tự phát sáng mà chị đã kể cho tôi nghe ấy. Ông ký giả nào đó đã quá lười không muốn tự dùng kiến thức của mình để giải thích câu chuyện mà đùn đẩy cho bộ phận khoa học.
H nghe qua câu chuyện của hai người đàn bà đối thoại nhau trên xe buýt khen chê về bài viết của mình mà nhớ đến chuyện “khen chê” của nhà văn Thanh Thương Hoàng trong tập truyện “Những Nỗi Đau Đời” do nhà Nhà Xuất bản Thằng Mõ ấn hành.
“ Xe hơi đụng Honda bỏ chạy. Người đi Honda nằm bất tỉnh trên đường. Thiên hạ xúm lại ngó và bàn tán sôi nổi về lỗi của xe hơi hay xe Honda. Không ai nghĩ tới việc đưa nạn nhân đi cấp cứu. Chợt có hai thanh niên dạt mọi người ra nói: “ Xin các ông các bà dẹp lối cho chúng tôi đưa ảnh đi cấp cứu”. Dứt lời một gã nâng nạn nhân, một gã dựng Honda của nạn nhân nổ máy. Rồi đặt nạn nhân lên xe , gã cầm lái, gã ngồi sau ôm nạn nhân. Xe phóng đi. Ai cũng khen hai thanh niên tốt bụng. Tới một quãng vắng, họ vứt nạn nhân xuống bên đường , phóng Honda mất hút. Một người xe đạp tới thấy nạn nhân vội gọi xích lô chở đi bệnh viện. Sợ nạn nhân té, người này cũng lên xe ngồi trên xích lô và để xe đạp phía trước. Tới bệnh viện , người đi xe đạp bồng nạn nhân vào phòng cấp cứu. Khi trở ra tìm mãi không thấy anh xich lô và chiếc xe đạp của mình đâu, kêu ầm lên. Thiên hạ xúm lại hiểu chuyện, chê: “ Rõ đồ ngu!” ( tr 248)
H nghĩ: “ Việc khen chê của độc giả về hành động người viết báo đó là việc hiển nhiên. Độc giả có thể lên án một bài báo viết quá khích gây tác hại cho tập thể, độc giả cũng có thể phê phán hành động của người ký giả trên một phương diện nào đó…như là sự nhiệt tình của một ký giả X ở San Jose cách đây khoảng một năm đã cứu lấy sự sụp đổ của một tờ báo để rồi sau đó được các bạn tặng cho danh hiệu là “kẻ ngu đần”.
Nhưng H nhủ thầm người làm báo cũng giống như người buôn bán phải làm vừa lòng tất cả khách hàng ( độc giả) và vì thế khó tránh bị khen chê mai mỉa, nên cần phải lắng nghe. Lắng nghe để sửa đổi cho hoàn hảo.”
Một nhà báo nữ khi được hỏi về, những kỷ niệm vui buồn trong đời làm báo của ký giả Kiến Nâu Tuần báo Đời Mới San Jose, bà A vui vẻ trả lời:
“ Tôi đã vào làng báo hải ngoại này cũng đã khá lâu, vui thì không thấy bao nhiêu , nhưng buồn thì hầu như đã tràn ngập trong tâm hồn. Ông ký giả cứ coi chuyện như thế này có vui được không?
Vào năm 1995, tôi làm cho báo B ở San Jose. Được biết tờ báo này là một tờ báo khá lớn phát hành cả Nam lẫn Bắc California và một số các tiểu bang khác. Chủ nhiệm - chủ bút là một cặp vợ chồng nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng trước năm 1975. Mọi người được biết bà C nhiều nhất trong những tác phẩm viết về những nỗi đau do chiến tranh gây ra cho dân lành ở miền Trung Việt Nam. Sau 1975, cả hai đã định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục làm báo. Tờ báo này cũng đã được giới nghệ sĩ minh tinh màn bạc ủng hộ.
Đó là về phương diện hình thức, và tổ chức, nhưng thực tế việc điều hành và nuôi dưỡng tờ báo là một vấn đề cần lưu tâm. Bộ phận báo B ở San Jose giao cho nhóm chúng tôi gồm vài người, và tôi đảm nhận vai trò Trị sự Tòa soạn. Với nhiệm vụ này, tôi rất tất bật với những công việc có tính cách ngoại giao, hành chánh và kể cả những sổ sách kế toán (mặc dù có nhân viên kế toán phụ giúp. ) Một thời gian hoạt động tờ báo có khởi sắc về phương diện thông tin, được độc giả gần xa quan tâm, nhưng về kinh tế sinh hoạt của báo dần dần bị sa sút. Những nhân viên lấy quảng cáo cho báo (saleman & salewoman) cũng đã không còn nhiệt tình như lúc ban đầu, nên tình trạng thu nhập của bộ phận báo B San Jose đã rơi vào bế tắc. Người phụ trách tổng quát không còn có thể quản lý nên đã phải cầu cứu đến bộ phận chính của báo ở miền Nam giải quyết vấn đề hầu cứu vãn tình trạng bế tắc.Bà chủ nhiệm bèn phải đích thân khăn gói lên đường kinh lý để tỏ tường cớ sự. Qua 8 tiếng đồng hồ giam hãm trên chiếc xe vốn đã không quá già theo năm tháng, nhưng cũng không được sang trọng như Lincoln hay Mercedes, bà chủ nhiệm C đã đến cái nôi văn hóa của người Việt ở miền Bắc.
Tại tòa soạn báo B ở đường AV, bà chủ nhiệm nghe nhà báo S phụ trách tổng quát báo cáo về tình hình bế tắc của tờ báo, bà thở dài và nói:
“ Xin mọi người hãy thanh thản, đừng quá bi quan. Tôi có “chiếc đũa thần” và “ vị nữ thần hộ mạng” chiếc đũa này sẽ gắp bỏ đi tất cả những khó khăn mà quí vị đang lo lắng và vị thần nữ sẽ là niềm tin cho mọi người để cùng nhau đưa tờ báo “ ngóc dậy.”
Nói xong, bà lấy trong xách tay ra một chi phiếu 20 ngàn đô trao cho nhà báo S dặn dò trả tiền công cho nhân viên đoạn bà giới thiệu bà A với mọi thành viên có mặt như là một “ nữ thần hộ mạng” sẽ làm cho tờ báo vững và phát triển. Bà C yêu cầu bà A rời khỏi nhiệm vụ của một trị sự viên và tăng cường cho bộ phận đi xin quảng cáo. Dĩ nhiên bà chủ nhiệm C có quyền yêu cầu và nhà báo nữ, bà A cũng có quyền có những lý do riêng để từ chối.
Bà A thẳng thắn từ chối lời yêu cầu của bà chủ nhiệm C. Thế thì cuộc họp trở nên căng thẳng vì bà C quá hy vọng vào bà A là một người đàn bà hoạt bác có thể giúp cho tờ báo tránh khỏi sự sụp đổ, nhưng lời yêu cầu của bà đã bị bà A từ chối thẳng thừng. Bà chủ nhiệm tuyệt vọng chỉ còn căm ghét.
Qua câu chuyện Kiến Nâu chợt nhớ đến câu danh ngôn của Luận Ngữ: “ Yêu người ta mà yêu vô lý, thành ra làm hại người ta. Ghét người ta mà ghét vô lý , thành ra làm hại cho thân mình”.
Nên chi theo Kiến nâu bà chủ nhiệm đừng nên có thái độ ghen ghét nhất là sự ghen ghét vì từ chối một công việc.
Cũng nhân cái ghét của bà chủ nhiệm C đối với nhân viên, Kiến Nâu nhớ đến chuyện cái ghét “ con không giống mình” của Khổng Tùng Tử.
“ Doãn Văn Tử sinh được một đứa con , không thấy giống mình, lấy làm giận lắm, thường đánh đập luôn. Một hôm đang cầm gậy đánh, thấy Tử Tư đến chơi bèn nói rằng: “ Nó không giống tôi, không phải là con tôi. Tôi lại ngờ mẹ nó có ngoại tình mà đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ…
Tử Tư hỏi: Cứ như ông nói, thì vợ Vua Nghiêu Thuấn cũng chẳng đáng ngờ ư? Hai ông là bậc Thánh đế mà sao đẻ ra Đan Chu và Thường Quân thực không bằng kẻ thất phu. Như thế là con cứ gì mà phải giống cha? Cái đạo thường, thì phần nhiều cha mẹ làm sao đẻ con ra như vậy. Nhưng cha hiền mà đẻ con ra ngu, thì cũng là thế thường tự nhiên như thế, chứ nào có phải tội tự người vợ đâu?
Doãn Văn Tử nghe hiểu, nói rằng: “ Thôi, xin ông đừng nói nữa”. Rồi về sau Doãn Văn Tử không bỏ vợ.
Có cha ấy, tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng cũng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng thế. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ con ra rất dở. Hổ phụ khuyển tử cũng nhiều , chớ ghét đứa con vì nó không giống mình, cầm gậy đánh nó, rồi lại rắp tăm đuổi mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá ra si ư? Cha mẹ sinh con , trời sinh tính , cố nhiên là thế. Nhưng đẻ con phải dạy, dạy con là việc rất cần. Nếu đẻ con chẳng dạy, để vậy mà nuôi, rồi cứ trách con dở, giận con hư đó là lỗi nặng của người làm cha mẹ vậy. Bà chủ nhiệm C ghét bà A vì không làm giống theo ý muốn của mình và đưa đến việc bà A không còn tiếp tục công việc, giống như Doãn Văn Tử cứ thấy con khác mình là lòng không ưng định hại con là một cái lỗi to mà làm người thường mắc phải.
Kiến Nâu cũng là một ký giả chuyên làm mướn nhiều đời cho nhiều chủ báo có lời đề nghị với bà chủ nhiệm C nên đứng trên tinh thần dân chủ mà đối xử bình đẳng lẫn nhau với người cộng tác của mình.
Ký giả K vào nghề viết báo trước năm 1975, không được bao lâu nghề viết báo của ông cũng tàn theo vận nước. Mang ước mộng làm sao để viết báo. Khi di tản ra hải ngoại nghe được nguồn tin là đại học MS dự tính xin tiền của chính phủ Liên Bang Mỹ để huấn luyện cho những người đã từng làm báo ở Việt Nam, để cho họ có cơ hội trở lại nghề cũ và sinh sống. Ông vất vả lắm mới được nộp được hồ sơ vào trường với hy vọng được nhà trường nhận vào huấn luyện. Nhưng ước mộng làm báo, viết báo không bao giờ có dịp đến với ông, vì chính phủ Liên Bang Hoa kỳ đã hủy bỏ dự án này.
Mang trong lòng nỗi thất vọng, nhưng chưa quá chán nản để bỏ mơ ước của mình, ông tìm gặp lại nhiều bè bạn trước để bộc bạch ý định làm báo, viết báo may ra có những ai còn có thể giúp đỡ ông thực hiện mộng ước. Trong chuyến đi đến California tìm một người bạn là một nhà thơ nổi tiếng, và trong chuyến đi thăm thân hữu này ông cũng đã thực hiện được mơ ước. Được viết tin cho tờ QH lòng ông mừng khấp khởi như mới vừa trúng số độc đắc. Nhưng nói viết tin là cộng tác cho “le” chơi chứ thật sự ông chỉ là người bị ông chủ báo sai vặt. Cứ hễ mỗi buổi sáng ông phải lái xe đưa ông chủ nhiệm đi qua nhà một người bạn của ông chủ nhiệm ở một thành phố khác đánh máy bài vở cho tới đến khuya mới được về ( vì thời điểm làm báo lúc này nhất là chữ Việt chưa có phổ biến trên computer và không có máy đánh chữ Việt) sau đó còn lại phải cắm cúi bỏ dấu và sửa chữa lỗi chính tả. Làm được vài số tờ QH đình bản vì không đủ trả tiền in và báo thì không bán được bởi thời điểm này tiệm sách báo hãy còn thưa thớt.
Ông rời tờ QH, bỏ làm báo, đi học và không nghĩ sẽ có ngày trở lại với nghề viết báo nữa. Ông biết rằng ông chủ nhiệm của ông rất đau buồn khi thấy tờ báo từ từ chết, chết trong cảnh nghèo nàn mà một con người nặng với chữ nghĩa không bao giờ muốn thế. Đầu thập niên 80, các dịch vụ quảng cáo hãy còn chưa có một ai khai thác, dùng tiền quảng cáo để nuôi tờ báo, phần lớn chỉ bỏ tiền túi ra trang trải khâu in ấn nên không thể tồn tại lâu dài. Mặc dù vậy, nhưng vẫn có khối người làm báo. Nhiều nhà thức giả cho rằng làm báo, viết báo là một “nghiệp dĩ “, nhưng với ông Lâm Lễ Trinh cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa thì đây là một “nghiệp chướng” mà người làm báo phải trả.
Chủ báo loại này là chủ báo có lý tưởng. Họ xem nhẹ việc làm báo là vì sinh kế để nuôi sống mình , nuôi sống gia đình. Gặp những chủ báo như thế này có lẽ người ký giả chuyên nghiệp chỉ còn có việc viết và viết phục vụ cho độc giả mà không còn bận tâm đến những nhu cầu khác của đời sống.
Ký giả P tự ví mình như là một "tay tổ" trong nghề làm báo, một hôm nói với bạn bè đồng nghiệp: "Tôi suýt bị đuổi nhà vì tháng rồi con vợ tôi nó bệnh không đi làm được nên trông vào lương làm báo của tôi để trang trải vào món nợ triền miên nhà mướn, nhưng cho tới cuối tháng vẫn biệt vô âm tính, không thấy chủ báo đá động gì đến tiền lương. Chủ nhà là người Mỹ họ không thể khoan nhượng nên đã thẳng thừng mời ra. Tôi buộc phải chạy vắt giò lên cổ mượn bè bạn vừa năn nĩ vừa nộp cho họ mới yên thân".
Theo lời P, thì ông ta đã vào làng báo hải ngoại kể đến nay cũng thuộc loại "lão làng" và kinh nghiệm trong đời ký giả cũng thuộc bậc "sư", nên không ông chủ báo nào mà không mời ông cộng tác. Ông đi khắp các tiểu bang của nước Mỹ và một phần Au Châu, nhưng hiện nay H vẫn thấy ông vẫn "đói". Đói cả việc làm lẫn phương tiện di chuyển, đôi khi đói cả vợ. Có một lần H thấy ông đang ì ạch đẩy chiếc Ford đời 88 của ông vào lề để tránh cản trở lưu thông trên đường Story giữa trưa nắng hè. Hỏi chuyện mới biết ông đang nhận lệnh của chủ báo đến nhà hàng Phú Lâm tham dự ngày kỷ niệm thành lập Lực Lượng Biệt Kích Nhảy Dù và làm phóng sự, nhưng xe của ông bị hư máy giữa đường.
Đưa tay quệt mồ hôi rịn ra trên trán ông nói với H: "Làm đời ký giả chán lắm anh ơi! Anh có thấy không, có "cái thằng" ký giả nào mà giàu đâu. Hơn hai mươi mấy năm lăn lộn trong nghề, tôi nay, vẫn là con số không. Không có một chiếc xe đàng hoàng để đi. Mỗi lần đi dự hội hè "rê" chiếc xe này đi tôi mắc cỡ lắm, nhưng không phải biết mần sao, vì không có xe nào khác. Thỉnh thoảng lấy tin xa thì đi chung với bạn bè hoặc mượn xe chủ báo, mà việc này cũng họa hoằn lắm chủ mới đưa xe cho đi. Nhiều lúc tinh thần tôi bị chao đảo, nhưng rồi cũng tự an ủi và cho rằng đây là "cái nghiệp chướng" mà kiếp này tôi phải trả."
Còn H đã kể lại sự vui buồn của mình sau nhiều năm làm nghề viết báo: "Tờ báo đầu tiên tôi cộng tác là một tuần báo. Tôi viết những đoản văn ngắn nói về cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ và một số chuyện kỳ lạ của người Việt. Những bài viết của tôi độc giả có khen và cũng có phê bình. Có lần ông chủ nhiệm nhắn đến tòa soạn nhận ít tiền nhuận bút. Tôi gặp một người đàn bà trung niên trên xe buýt đang đọc bài báo của tôi. Khi đọc xong bà quay sang người đàn bà ngồi bên nói bằng giọng miền Trung Việt Nam: "Cái thèn che nèo nó viết cái bè này đọc được ghê à nghen. Chị biết không thèn chả viết về "Một Người Có Khả Năng Kỳ Lạ Tự Phát Sáng" đúng ghê nghen. (Cái thằng cha nào nó viết cái bài này đọc được ghê à nghen, Chị biết không thằng chả viết về "Một người có khả năng kỳ lạ tự phát sáng" đúng ghê nghen.)
Trong bài viết thằng chẻ nói là thằng chẻ nghe lại chuyện kể của báo chí trong nước, nhưng việc này tôi biết thằng chẻ bỏ sức lang thang thu thập nên mới đúc kết được một bài như vậy. Chuyện này xẩy ra ở quê tôi mà, năm rồi về quê tôi có nghe kể lóm thóm, không hiểu hết, nay mới được đọc trên báo. Câu chuyện được viết như sau:
"Thời gian gần đây , bà con ở thôn Bình An , thị trấn Tiên Kỳ , huyện Tiên Phước (Quảng Nam Đà Nẵng ) xầm xì với nhau về cô giáo Trần Thị Lộc có điện trong người nên tự phát sáng! Nhiều đồng nghiệp của cô Trần Thị Lộc ở trường trung học Lý Tự Trọng thị trấn Tiên Kỳ cũng đồn như vậy. Đây là một hiện tượng lạ hay
là những lời đồn đại nhảm nhí của những "thông tấn mồm" thích đơm đặt dựng chuyện giật gân? Để xác minh sự việc một nhóm phóng viên truyền thanh QNĐN đã đến gặp cô Trần Thị Lộc và cô cho biết: "Vào một buổi tối đầu năm 19…. Dọn dẹp bếp núc xong, tôi lau tay và thấy cánh tay mình phát ra ánh sáng xanh màu lân tinh. Ngỡ bị hoa mắt, "trông gà hóa cuốc", tôi lặp lại động tác cũ, ánh sáng màu xanh lân tinh vẫn xuất hiện với cường độ mạnh hơn. Hoảng quá, tôi gọi chồng cùng các con tới coi. Và mọi người đều trông thấy rõ hiện tượng này".
Do không biết được vì sao lại có hiện tượng lạ lùng này nên gia đình tôi giấu kín, không cho ai biết.
Nhưng rồi vào dịp tết năm 19… vừa qua, tôi cùng các đồng nghiệp đi thăm bạn bè và trong quá trình đi lại , cơ thể tôi lại phát sáng nên mọi người đều biết. Nhóm phóng viên đề nghị cho họ "mục sở thị". Cô vui vẻ nhận lời. Đứng vào chổ khuất ánh đèn, cô đưa tay chà mạnh lên thân thể mình , lập tức nơi đó phát ra thứ ánh sáng xanh màu lân tinh và kèm theo tiếng nổ lép bép nghe giống như tiếng nổ của hạt mè khi rang trên chảo nóng. Cô lập lại nhiều lần. Ánh sáng cùng với tiếng nổ đi kèm càng lúc càng có cường độ mạnh hơn.
Cô giáo Trần Thị Lộc cho nhóm phóng viên biết: Hiện tượng lạ trên cơ thể cô không xuất hiện khi mặc áo quần bằng vải sợi bông và áo len dày. Những ngày hành kinh hoặc khi cơ thể mệt mỏi cũng không xuất hiện.
Năm nay, cô giáo Trần Thị Lộc đã hơn 40 tuổi. Cô quê Hải Hưng. Cô có 3 con, hai gái, một trai, tất cả đều đã lớn.
Từ khi phát hiện ra hiện tượng lạ, cô vẫn khoẻ mạnh bình thường. Cùng lứa tuổi của cô nhiều người phải dùng kính cận, nhưng cô vẫn soạn bài, đọc sách đến một, hai giờ sáng cũng không thấy mệt mỏi hay nhoà mắt. Chỉ có điều, thỉnh thoảng cô cảm thấy hơi nhức đầu…" Cô giáo Trần Thị Lộc tâm sự với nhóm phóng viên:
Hiện tượng lạ bị mọi người biết được đồn đại theo kiểu "thêm mắm thêm muối" khiến nhiều người mê tín dị đoan, gán ghép đủ điều huyền bí, duy tâm nên cô rất buồn. Nhất là những nguời "ganh ăn ghét ở "lợi dụng điều đó để tung tin thất thiệt nhằm làm cho mọi người xa lánh cô. Chồng cô đã viết thư gửi "Báo Khoa Học Đời Sống "đề nghị giải thích hiện tượng này. "Báo Khoa Học Đời Sống" khẳng định đây là một hiện tượng khoa học, không dính dáng gì đến những yếu tố mê tín dị đoan. Tuy nhiên muốn giải thích rõ về hiện tượng này cần phải quan sát thực tế, cần phải có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc.
Để xua tan những lời đàm tiếu, dị nghị không hay và để giúp cô giáo Trần Thị Lộc không mặc cảm, lo lắng, chúng tôi viết bài báo này nhằm cung cấp tư liệu với mong muốn các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu hiện tượng này. Và đó là mong muốn thiết tha của gia đình cô giáo Lộc. ( trích KTNN 25)
Người đàn bà (nói giọng miền Trung) , kể hết câu chuyện "cô giáo Lộc tự phát sáng" cho bà khách ngồi bên nghe. Bà khách im lặng hồi lâu rồi nói: "Ôi có cái gì đâu mà mấy ông nhà báo phải đề nghị lên cơ quan khoa học này nọ xin giải thích. Cái hiện tượng phát sáng ở con người cũng đâu có gì phải ngạc nhiên vì con người cũng là một sinh vật, nhưng là một sinh vật thượng đẳng nên cũng có những yếu tố cơ bản của một loài sinh vật. Chị có biết con đom đóm không? Hồi còn ở bậc trung học môn "Vạn Vật" tôi được nghe giáo sư P.K.N giải thích về hiện tượng phát sáng trên thân của con đom đóm. Tôi nghĩ sự phát sáng trên thân thể của người cũng không khác những yếu tố mà con đom đóm đã có.
Trong bài giảng giáo sư P.K.N nói: “ Không phải đom đóm là một con vật phát được ra ánh sáng. Nhiều sinh vật khác cũng có khả năng này. Trên các cánh đồng ở Châu Mỹ cũng có những sinh vật , cùng họ với đom đóm phát ra những tia sáng lập lòe theo những nhịp nhất định thay đổi tùy loài. Ở Nam Mỹ lại có những loài sinh vật trên lưng phát ra những ánh sáng có màu sắc khác nhau ( giống Pyrophora hay Cucujos). Có khi ánh sáng của chúng phát ra đủ mạnh để chỉ cần một con Pyrophora cũng đủ đọc được một tờ báo. Anh sáng của chúng phát ra có thể là trắng, xanh lá cây, vàng hoặc đỏ tùy theo từng loài. Thổ dân ở đó thường bắt chúng về làm đèn, và những người phụ nữ thường dùng chúng để trang sức vào mái tóc cho đẹp. Ở Chili lại có loài thuộc giống Pyrophora có ánh sáng ở trước thân và hai hàng ánh sáng xanh ở hai bên sườn. Không những thế các ấu trùng của chúng cũng có ánh sáng. Có con có hai đốm lửa vàng trên đầu., một dãy ánh sáng xanh ở hai bên sườn, lại thêm một cái “ đèn đỏ” ở đuôi, trông chẳng khác gì một đoàn tàu hỏa. Chính vì thế mà người dân địa phương gọi chúng là “ con sâu của đường sắt”.
Nhưng không phải chỉ có sâu bọ mới có khả năng phát sáng, dưới nước cũng có nhiều loại khả năng phát sáng. Trên mặt biển thường có trùng roi ( (Noctiluca miliaris) có khả năng phát sáng, nhất là khi có nhiều oxy. Do đó khi chúng ta bơi thuyền, có những vệt sáng như lân tinh bám vào mái chèo, hoặc ném hòn đá xuống nước , chúng ta cũng thấy được nước sáng bùng lên rồi lại tắt. Dưới đáy biển tối , lại có những loài cá có một ngọn đèn ở phía trước để soi đường. Nhiều loại thân mềm, giáp xác khác cũng có khả năng phát sáng.
Khả năng phát sáng này của những con vật có liên quan chặt chẽ với chất phốt pho trong nước biển. Những con vật đó tích lũy được nhiều phốt pho trong cơ thể và trong quá trình đặc biệt bị oxy hóa nên phát sáng. Anh sáng sinh vật là một thứ ánh sáng đặc biệt: nó không nóng như ánh sáng nhân tạo.Đứng về phương diện lý học, điều đó có nghĩa là năng lượng được biến đổi hầu hết quang năng chứ không phải biến phần lớn sang nhiệt năng như những nguồn sáng nhân tạo. Bạn hãy lấy một con đom đóm vứt xuống đất rồi dí chân lên. Bạn sẽ thấy một vệt sáng được bôi ra trên mặt đất. Vệt sáng đó còn sáng một thời gian sau mới mờ dần đi rồi mất hẳn. Điều đó nghĩa là ánh sáng phát ra là một hóa trình hóa học chứ không phải là một quá trình sinh học. Có những chất nào đó phản ứng với nhau sinh ra ánh sáng, vì chỉ có như vậy thì sau khi con vật đã chết rồi ánh sáng đó vẫn còn và cơ thể con vật chỉ có nhiệm vụ liên tục sinh ra các chất đó mà thôi.
Nghiên cứu một số con vật phát sáng, người ta đã tách ra được hai chất từ cơ thể chúng: Luxipherin và Luxiphera. Hai chất đó rời nhau là hai chất hóa học thường. Nhưng khi trộn lẫn với nhau trong tối thì người ta thấy chúng phát ra ánh sáng. Nghiên cứu kỹ, người ta thấy Luxiphera là chất men, chất men đó thúc đẩy quá trình oxy hóa chất Luxipherin. Quá trình oxy hóa đó đã phát ra quang năng.
Nghiên cứu kỹ hơn một số sinh vật phát sáng ở biển người ta thấy không phải tự chúng phát sáng mà chính nhờ những loại vi khuẩn phát sáng đặc biệt ký sinh trên cơ thể chúng. Có loài hoạt động khi vật chủ của chúng đã chết. Vì thế chúng ta thường thấy những xác tôm cua ngoài biển phát sáng ra khi trời tối. Và người ta đã có thể nuôi những vi khuẩn đó trong một bình cầu thủy tinh khiến cho bình cầu sáng lên như một ngọn đèn trong căn buồng.
Cũng từ lâu, các nhà khoa học muốn tìm hiểu ý nghĩa của những quá trình phát sáng ở loài vật. Đã có những ý kiến ngây thơ cho rằng chúng phát ra ánh sáng để soi đường (!). Nhưng những con vi khuẩn soi đường để làm gì khi chúng không cần trông. Nhiều con vật phát sáng khác cũng không có mắt. Những loài vật như vậy, ánh sáng chỉ có một đặc tính biến đổi nào đó vô hình trung được duy trì lại. Có những loài nhờ thứ ánh sáng đó mà con vật khác sợ hãi khiến chúng không dám ăn thịt nên dễ tồn tại. Có loài vật vì nhờ có ánh sáng mà con mồi tập trung đến nhiều hơn dễ kiếm thức ăn hơn.
Nhưng cũng có trường hợp ánh sáng sinh vật có ý nghĩa hơn. Đó là trường hợp các sinh vật phát sáng. Những con đom đóm mà chúng ta thường thấy thật ra phải gọi là đom đóm cái, còn những con đom đóm đực thì không phát sáng. Chính nhờ ánh sáng lập lòe đó mà đom đóm đực biết đường tìm đến đom đóm cái”.
Sau khi nói hết sự hiểu biết của mình qua học hỏi từ ông thầy dạy môn “ Vạn Vật “ ở bậc trung học cho bà bạn (nói giọng miền Trung) nghe, bà khách nói tiếp: “ từ những ý niệm trên bài giảng cho phép chúng ta thấy sự phát sáng ở loài sinh vật là do hai chất hóa học: Luxipheri và Luxiphera có trong cơ thể của sinh vật và khi hai chất này trộn lẫn với nhau trong tối thì người ta thấy chúng phát ra ánh sáng. Đặc biệt con vật cái có hiện tượng này nhiều hơn còn con vật đực hiện tượng phát sáng rất hiếm xảy ra.” Và những trùng hợp cơ bản này tôi có thể nói với chị ( quay sang hướng bà nói giọng miền Trung) cô giáo Trần Thị Lộc là một điển hình tiêu biểu một động vật có phát sáng.
Các ông nhà báo viết lên một bài báo rất công phu, tuy nhiên thường vẫn phải phản ánh sự kiện chứ không có tính cách giải quyết rốt ráo sự việc. Như cái bài viết về cô giáo Lộc tự phát sáng mà chị đã kể cho tôi nghe ấy. Ông ký giả nào đó đã quá lười không muốn tự dùng kiến thức của mình để giải thích câu chuyện mà đùn đẩy cho bộ phận khoa học.
H nghe qua câu chuyện của hai người đàn bà đối thoại nhau trên xe buýt khen chê về bài viết của mình mà nhớ đến chuyện “khen chê” của nhà văn Thanh Thương Hoàng trong tập truyện “Những Nỗi Đau Đời” do nhà Nhà Xuất bản Thằng Mõ ấn hành.
“ Xe hơi đụng Honda bỏ chạy. Người đi Honda nằm bất tỉnh trên đường. Thiên hạ xúm lại ngó và bàn tán sôi nổi về lỗi của xe hơi hay xe Honda. Không ai nghĩ tới việc đưa nạn nhân đi cấp cứu. Chợt có hai thanh niên dạt mọi người ra nói: “ Xin các ông các bà dẹp lối cho chúng tôi đưa ảnh đi cấp cứu”. Dứt lời một gã nâng nạn nhân, một gã dựng Honda của nạn nhân nổ máy. Rồi đặt nạn nhân lên xe , gã cầm lái, gã ngồi sau ôm nạn nhân. Xe phóng đi. Ai cũng khen hai thanh niên tốt bụng. Tới một quãng vắng, họ vứt nạn nhân xuống bên đường , phóng Honda mất hút. Một người xe đạp tới thấy nạn nhân vội gọi xích lô chở đi bệnh viện. Sợ nạn nhân té, người này cũng lên xe ngồi trên xích lô và để xe đạp phía trước. Tới bệnh viện , người đi xe đạp bồng nạn nhân vào phòng cấp cứu. Khi trở ra tìm mãi không thấy anh xich lô và chiếc xe đạp của mình đâu, kêu ầm lên. Thiên hạ xúm lại hiểu chuyện, chê: “ Rõ đồ ngu!” ( tr 248)
H nghĩ: “ Việc khen chê của độc giả về hành động người viết báo đó là việc hiển nhiên. Độc giả có thể lên án một bài báo viết quá khích gây tác hại cho tập thể, độc giả cũng có thể phê phán hành động của người ký giả trên một phương diện nào đó…như là sự nhiệt tình của một ký giả X ở San Jose cách đây khoảng một năm đã cứu lấy sự sụp đổ của một tờ báo để rồi sau đó được các bạn tặng cho danh hiệu là “kẻ ngu đần”.
Nhưng H nhủ thầm người làm báo cũng giống như người buôn bán phải làm vừa lòng tất cả khách hàng ( độc giả) và vì thế khó tránh bị khen chê mai mỉa, nên cần phải lắng nghe. Lắng nghe để sửa đổi cho hoàn hảo.”
Một nhà báo nữ khi được hỏi về, những kỷ niệm vui buồn trong đời làm báo của ký giả Kiến Nâu Tuần báo Đời Mới San Jose, bà A vui vẻ trả lời:
“ Tôi đã vào làng báo hải ngoại này cũng đã khá lâu, vui thì không thấy bao nhiêu , nhưng buồn thì hầu như đã tràn ngập trong tâm hồn. Ông ký giả cứ coi chuyện như thế này có vui được không?
Vào năm 1995, tôi làm cho báo B ở San Jose. Được biết tờ báo này là một tờ báo khá lớn phát hành cả Nam lẫn Bắc California và một số các tiểu bang khác. Chủ nhiệm - chủ bút là một cặp vợ chồng nhà văn, nhà thơ khá nổi tiếng trước năm 1975. Mọi người được biết bà C nhiều nhất trong những tác phẩm viết về những nỗi đau do chiến tranh gây ra cho dân lành ở miền Trung Việt Nam. Sau 1975, cả hai đã định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục làm báo. Tờ báo này cũng đã được giới nghệ sĩ minh tinh màn bạc ủng hộ.
Đó là về phương diện hình thức, và tổ chức, nhưng thực tế việc điều hành và nuôi dưỡng tờ báo là một vấn đề cần lưu tâm. Bộ phận báo B ở San Jose giao cho nhóm chúng tôi gồm vài người, và tôi đảm nhận vai trò Trị sự Tòa soạn. Với nhiệm vụ này, tôi rất tất bật với những công việc có tính cách ngoại giao, hành chánh và kể cả những sổ sách kế toán (mặc dù có nhân viên kế toán phụ giúp. ) Một thời gian hoạt động tờ báo có khởi sắc về phương diện thông tin, được độc giả gần xa quan tâm, nhưng về kinh tế sinh hoạt của báo dần dần bị sa sút. Những nhân viên lấy quảng cáo cho báo (saleman & salewoman) cũng đã không còn nhiệt tình như lúc ban đầu, nên tình trạng thu nhập của bộ phận báo B San Jose đã rơi vào bế tắc. Người phụ trách tổng quát không còn có thể quản lý nên đã phải cầu cứu đến bộ phận chính của báo ở miền Nam giải quyết vấn đề hầu cứu vãn tình trạng bế tắc.Bà chủ nhiệm bèn phải đích thân khăn gói lên đường kinh lý để tỏ tường cớ sự. Qua 8 tiếng đồng hồ giam hãm trên chiếc xe vốn đã không quá già theo năm tháng, nhưng cũng không được sang trọng như Lincoln hay Mercedes, bà chủ nhiệm C đã đến cái nôi văn hóa của người Việt ở miền Bắc.
Tại tòa soạn báo B ở đường AV, bà chủ nhiệm nghe nhà báo S phụ trách tổng quát báo cáo về tình hình bế tắc của tờ báo, bà thở dài và nói:
“ Xin mọi người hãy thanh thản, đừng quá bi quan. Tôi có “chiếc đũa thần” và “ vị nữ thần hộ mạng” chiếc đũa này sẽ gắp bỏ đi tất cả những khó khăn mà quí vị đang lo lắng và vị thần nữ sẽ là niềm tin cho mọi người để cùng nhau đưa tờ báo “ ngóc dậy.”
Nói xong, bà lấy trong xách tay ra một chi phiếu 20 ngàn đô trao cho nhà báo S dặn dò trả tiền công cho nhân viên đoạn bà giới thiệu bà A với mọi thành viên có mặt như là một “ nữ thần hộ mạng” sẽ làm cho tờ báo vững và phát triển. Bà C yêu cầu bà A rời khỏi nhiệm vụ của một trị sự viên và tăng cường cho bộ phận đi xin quảng cáo. Dĩ nhiên bà chủ nhiệm C có quyền yêu cầu và nhà báo nữ, bà A cũng có quyền có những lý do riêng để từ chối.
Bà A thẳng thắn từ chối lời yêu cầu của bà chủ nhiệm C. Thế thì cuộc họp trở nên căng thẳng vì bà C quá hy vọng vào bà A là một người đàn bà hoạt bác có thể giúp cho tờ báo tránh khỏi sự sụp đổ, nhưng lời yêu cầu của bà đã bị bà A từ chối thẳng thừng. Bà chủ nhiệm tuyệt vọng chỉ còn căm ghét.
Qua câu chuyện Kiến Nâu chợt nhớ đến câu danh ngôn của Luận Ngữ: “ Yêu người ta mà yêu vô lý, thành ra làm hại người ta. Ghét người ta mà ghét vô lý , thành ra làm hại cho thân mình”.
Nên chi theo Kiến nâu bà chủ nhiệm đừng nên có thái độ ghen ghét nhất là sự ghen ghét vì từ chối một công việc.
Cũng nhân cái ghét của bà chủ nhiệm C đối với nhân viên, Kiến Nâu nhớ đến chuyện cái ghét “ con không giống mình” của Khổng Tùng Tử.
“ Doãn Văn Tử sinh được một đứa con , không thấy giống mình, lấy làm giận lắm, thường đánh đập luôn. Một hôm đang cầm gậy đánh, thấy Tử Tư đến chơi bèn nói rằng: “ Nó không giống tôi, không phải là con tôi. Tôi lại ngờ mẹ nó có ngoại tình mà đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ…
Tử Tư hỏi: Cứ như ông nói, thì vợ Vua Nghiêu Thuấn cũng chẳng đáng ngờ ư? Hai ông là bậc Thánh đế mà sao đẻ ra Đan Chu và Thường Quân thực không bằng kẻ thất phu. Như thế là con cứ gì mà phải giống cha? Cái đạo thường, thì phần nhiều cha mẹ làm sao đẻ con ra như vậy. Nhưng cha hiền mà đẻ con ra ngu, thì cũng là thế thường tự nhiên như thế, chứ nào có phải tội tự người vợ đâu?
Doãn Văn Tử nghe hiểu, nói rằng: “ Thôi, xin ông đừng nói nữa”. Rồi về sau Doãn Văn Tử không bỏ vợ.
Có cha ấy, tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng cũng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng thế. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ con ra rất dở. Hổ phụ khuyển tử cũng nhiều , chớ ghét đứa con vì nó không giống mình, cầm gậy đánh nó, rồi lại rắp tăm đuổi mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá ra si ư? Cha mẹ sinh con , trời sinh tính , cố nhiên là thế. Nhưng đẻ con phải dạy, dạy con là việc rất cần. Nếu đẻ con chẳng dạy, để vậy mà nuôi, rồi cứ trách con dở, giận con hư đó là lỗi nặng của người làm cha mẹ vậy. Bà chủ nhiệm C ghét bà A vì không làm giống theo ý muốn của mình và đưa đến việc bà A không còn tiếp tục công việc, giống như Doãn Văn Tử cứ thấy con khác mình là lòng không ưng định hại con là một cái lỗi to mà làm người thường mắc phải.
Kiến Nâu cũng là một ký giả chuyên làm mướn nhiều đời cho nhiều chủ báo có lời đề nghị với bà chủ nhiệm C nên đứng trên tinh thần dân chủ mà đối xử bình đẳng lẫn nhau với người cộng tác của mình.
Ký giả K vào nghề viết báo trước năm 1975, không được bao lâu nghề viết báo của ông cũng tàn theo vận nước. Mang ước mộng làm sao để viết báo. Khi di tản ra hải ngoại nghe được nguồn tin là đại học MS dự tính xin tiền của chính phủ Liên Bang Mỹ để huấn luyện cho những người đã từng làm báo ở Việt Nam, để cho họ có cơ hội trở lại nghề cũ và sinh sống. Ông vất vả lắm mới được nộp được hồ sơ vào trường với hy vọng được nhà trường nhận vào huấn luyện. Nhưng ước mộng làm báo, viết báo không bao giờ có dịp đến với ông, vì chính phủ Liên Bang Hoa kỳ đã hủy bỏ dự án này.
Mang trong lòng nỗi thất vọng, nhưng chưa quá chán nản để bỏ mơ ước của mình, ông tìm gặp lại nhiều bè bạn trước để bộc bạch ý định làm báo, viết báo may ra có những ai còn có thể giúp đỡ ông thực hiện mộng ước. Trong chuyến đi đến California tìm một người bạn là một nhà thơ nổi tiếng, và trong chuyến đi thăm thân hữu này ông cũng đã thực hiện được mơ ước. Được viết tin cho tờ QH lòng ông mừng khấp khởi như mới vừa trúng số độc đắc. Nhưng nói viết tin là cộng tác cho “le” chơi chứ thật sự ông chỉ là người bị ông chủ báo sai vặt. Cứ hễ mỗi buổi sáng ông phải lái xe đưa ông chủ nhiệm đi qua nhà một người bạn của ông chủ nhiệm ở một thành phố khác đánh máy bài vở cho tới đến khuya mới được về ( vì thời điểm làm báo lúc này nhất là chữ Việt chưa có phổ biến trên computer và không có máy đánh chữ Việt) sau đó còn lại phải cắm cúi bỏ dấu và sửa chữa lỗi chính tả. Làm được vài số tờ QH đình bản vì không đủ trả tiền in và báo thì không bán được bởi thời điểm này tiệm sách báo hãy còn thưa thớt.
Ông rời tờ QH, bỏ làm báo, đi học và không nghĩ sẽ có ngày trở lại với nghề viết báo nữa. Ông biết rằng ông chủ nhiệm của ông rất đau buồn khi thấy tờ báo từ từ chết, chết trong cảnh nghèo nàn mà một con người nặng với chữ nghĩa không bao giờ muốn thế. Đầu thập niên 80, các dịch vụ quảng cáo hãy còn chưa có một ai khai thác, dùng tiền quảng cáo để nuôi tờ báo, phần lớn chỉ bỏ tiền túi ra trang trải khâu in ấn nên không thể tồn tại lâu dài. Mặc dù vậy, nhưng vẫn có khối người làm báo. Nhiều nhà thức giả cho rằng làm báo, viết báo là một “nghiệp dĩ “, nhưng với ông Lâm Lễ Trinh cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Việt Nam Cộng Hòa thì đây là một “nghiệp chướng” mà người làm báo phải trả.
Ký giả K trở lại với báo chí sau một thời gian “mai danh ẩn
tích” trong một vai trò ký giả dịch tin cho tờ VB. Theo ông trong xuất
hiện vào làng báo lần này của ông thì kỹ thuật làm báo của người Việt
hải ngoại đã có sự chuyển mình hơn. Đa số các tòa báo đã có máy
Verytyper nên không còn phải bỏ dấu ( vì trước đó dùng máy đánh chữ của
Mỹ đánh xong phải bỏ dấu tiếng Việt) , nhưng tin tức vẫn chịu ảnh hưởng
bởi các nguồn tin nước ngoài nhất là tin Việt Nam nên cần có ký giả dịch
tin như ông. Thế thì ông lại lao vào nghề làm báo như một định số và
với tất cả nhiệt tình và một thời gian ngắn ông và người bạn của ông nhà
báo T đã cho ra mắt đồng hương tờ Báo đầu tiên mà theo nhận xét của
những người yêu chữ nghĩa thì đây là một bước tiến lớn trong lãnh vực
truyền thông của người Việt hải ngoại.
“ Tôi đã thực sự vào vũng bùn báo bổ”. Đó là lời nói của ký giả K khi ông tiếp xúc với một số bạn đồng nghiệp. Với tờ Báo (ông và người bạn cùng quản lý) ông phải làm nhiều công việc cùng một lúc để trám chỗ cho tờ báo, từ việc viết tin sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại đến những tin quốc nội, quốc tế và những bài có tính cách bình luận thời sự , những bài viết phiếm v.v.
Mỗi anh em trong tòa soạn báo ai nấy đều bù đầu bù cổ với công việc, để cốt cho tờ báo phát hành đúng thời gian. Ký giả K ngoài những bài viết cơ bản ông còn đi lấy quảng cáo. Anh bạn của ông nói “ lấy quảng cáo cũng là một nghề , nhưng với ký giả đó là một nghề bất đắc dĩ”. Nhưng riêng ký giả K thì nghĩ: “ nghề làm báo ở hải ngoại này vô hình trung đã là một nghề bất đắc dĩ rồi, chứ đừng nói chi đến việc đi lấy quảng cáo”. Người viết báo ở hải ngoại đã không được tôn trọng như tinh thần là một “chiến sĩ văn hóa” mà lại còn bị nhìn bởi một góc nhìn không được “ thoáng” của lớp người thương mại. Có một lần ông và người bạn ký giả A đến một cơ sở lấy quảng cáo ( mặc dù đã có hẹn ) khi đến nơi cả hai phải ngồi đợi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Xong việc ông chủ cơ sở gọi cả hai vào văn phòng, và nói: “ Tôi nghe tiếng tăm tờ báo của hai vị, nhưng hãy để số điện thoại lại bà xã tôi sẽ liên lạc cùng quí vị vì công việc quảng cáo trên báo là do bà quản lý, riêng tôi không phụ trách công việc này". Rồi dứng dậy bước khỏi văn phòng với sắc mặt lạnh như tiền.
Lần sau ký giả K đi một mình đến gặp một phụ nữ trạc tuổi 30, ông chào bà theo thói quen lịch sự bà ngước nhìn ông mà không chào , chợt lạnh lùng hỏi:
- Ông đến dây có chuyện chi?
- Thưa cô tôi muốn gặp bà chủ để trao đổi về quảng cáo cho báo.
- Chủ là tôi đây, ông xin quảng cáo cho báo nào?
- Dạ báo D.
- Báo D hả! Chồng tôi nói hay lắm ! Nhưng thưa ông tôi không thể quảng cáo.
- Bà đã có hẹn với chúng tôi đến lấy mẫu để đăng báo.
- Vâng lúc trước tôi có ý định đó nên gọi ông, nhưng nay tôi…..,xin ông thông cảm.
Ký giả K ra về lòng buồn cho sự đời.
Còn ký giả lão thành T H đến Hoa Kỳ trong thời điểm hoàng kim của nền báo chí hải ngoại. ( Nói thời điểm hoàng kim là vì thời điểm này báo Việt Ngữ hải ngoại đã chuyển mình về kỹ thuật cũng như về số lượng phát hành. Có những tờ báo đã vị thế vững vàng trên đường kinh doanh mặc dù sự lệ thuộc quảng cáo cũng chưa dứt hẳn, số độc giả cũng một ngày một đông hơn ) Nhưng theo kinh nghiệm hơn 40 năm làm báo trong nước nhìn về mặt kinh tế ông cho rằng đời sống của người ký giả vẫn chưa được cải thiện.
“ Tôi đã thực sự vào vũng bùn báo bổ”. Đó là lời nói của ký giả K khi ông tiếp xúc với một số bạn đồng nghiệp. Với tờ Báo (ông và người bạn cùng quản lý) ông phải làm nhiều công việc cùng một lúc để trám chỗ cho tờ báo, từ việc viết tin sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại đến những tin quốc nội, quốc tế và những bài có tính cách bình luận thời sự , những bài viết phiếm v.v.
Mỗi anh em trong tòa soạn báo ai nấy đều bù đầu bù cổ với công việc, để cốt cho tờ báo phát hành đúng thời gian. Ký giả K ngoài những bài viết cơ bản ông còn đi lấy quảng cáo. Anh bạn của ông nói “ lấy quảng cáo cũng là một nghề , nhưng với ký giả đó là một nghề bất đắc dĩ”. Nhưng riêng ký giả K thì nghĩ: “ nghề làm báo ở hải ngoại này vô hình trung đã là một nghề bất đắc dĩ rồi, chứ đừng nói chi đến việc đi lấy quảng cáo”. Người viết báo ở hải ngoại đã không được tôn trọng như tinh thần là một “chiến sĩ văn hóa” mà lại còn bị nhìn bởi một góc nhìn không được “ thoáng” của lớp người thương mại. Có một lần ông và người bạn ký giả A đến một cơ sở lấy quảng cáo ( mặc dù đã có hẹn ) khi đến nơi cả hai phải ngồi đợi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Xong việc ông chủ cơ sở gọi cả hai vào văn phòng, và nói: “ Tôi nghe tiếng tăm tờ báo của hai vị, nhưng hãy để số điện thoại lại bà xã tôi sẽ liên lạc cùng quí vị vì công việc quảng cáo trên báo là do bà quản lý, riêng tôi không phụ trách công việc này". Rồi dứng dậy bước khỏi văn phòng với sắc mặt lạnh như tiền.
Lần sau ký giả K đi một mình đến gặp một phụ nữ trạc tuổi 30, ông chào bà theo thói quen lịch sự bà ngước nhìn ông mà không chào , chợt lạnh lùng hỏi:
- Ông đến dây có chuyện chi?
- Thưa cô tôi muốn gặp bà chủ để trao đổi về quảng cáo cho báo.
- Chủ là tôi đây, ông xin quảng cáo cho báo nào?
- Dạ báo D.
- Báo D hả! Chồng tôi nói hay lắm ! Nhưng thưa ông tôi không thể quảng cáo.
- Bà đã có hẹn với chúng tôi đến lấy mẫu để đăng báo.
- Vâng lúc trước tôi có ý định đó nên gọi ông, nhưng nay tôi…..,xin ông thông cảm.
Ký giả K ra về lòng buồn cho sự đời.
Còn ký giả lão thành T H đến Hoa Kỳ trong thời điểm hoàng kim của nền báo chí hải ngoại. ( Nói thời điểm hoàng kim là vì thời điểm này báo Việt Ngữ hải ngoại đã chuyển mình về kỹ thuật cũng như về số lượng phát hành. Có những tờ báo đã vị thế vững vàng trên đường kinh doanh mặc dù sự lệ thuộc quảng cáo cũng chưa dứt hẳn, số độc giả cũng một ngày một đông hơn ) Nhưng theo kinh nghiệm hơn 40 năm làm báo trong nước nhìn về mặt kinh tế ông cho rằng đời sống của người ký giả vẫn chưa được cải thiện.
Ký giả NVK nhận xét: “ Nếu so sánh thì giờ bỏ ra để viết bài và số tiền được trả, có lẽ nghề viết báo Việt Ngữ ở Hoa Kỳ là nghề “ rẻ” nhất. Cả trăm tờ báo được phát hành khắp nơi mỗi tuần, cả chục ngàn ấn bản gửi đến tay người đọc mỗi ngày nhưng theo tôi biết hầu như chưa có một người nào có thể nuôi được gia đình bằng tiền lương viết báo cả. Đại đa số những người chấp nhận viết báo đều phải làm một việc khác để nuôi thân, vì thế dù hơn 20 năm trôi qua nhưng nếu anh bạn trẻ Trần Thái Văn có dịp xem lại danh sách mới nhất liệt kê do Tòa Bạch Ốc phổ biến, có lẽ số người mang họ Đinh , Lê , Lý Trần…cũng vẫn đếm được trên đầu ngón tay, và những người gốc Việt Nam này đang săn tin và viết tin cho báo chí Hoa Kỳ , chứ không phải là báo Việt Ngữ. Nếu gần 30 trước tôi chứng kiến được nỗi buồn của anh Du Tử Lê vì không có tiền mua cái máy IBM để làm báo thì 30 năm sau, tôi thấy nỗi buồn của những bậc đàn anh trong nghề vì vẫn chưa dựng được một dàn ký giả cho ngon lành. Tôi biết các anh chưa thành công không phải vì các anh không có tài mà chính vì các anh không có đủ khả năng để trả cho họ đồng lương cần có để nuôi thân.
Không nuôi được gia đình, những người viết báo như chúng tôi còn lấy mất quá nhiều thời giờ đáng lý ra phải dành cho gia đình.
Điều đó có thể nói là Trời thương nên bên cạnh ông lỡ dại mê mẩn với nghề báo bao giờ cũng có một người phụ nữ hiền từ , vui với cái vui “ nghề nghiệp” của chồng, chấp nhận gánh vác hết mọi khó khăn mà ông chồng viết báo nhờ gánh vác. Ông Như Phong Lê Văn Tiến, người được kính trọng và ca ngợi là “ bậc thày trong nghề báo“ có lần nói với tôi là chỉ có những người phụ nữ Việt Nam “ dở hơi” mới lấy chồng làm báo, vì vừa phải gánh vác giang sơn nhà chồng lại phải gánh vác cả nghề nghiệp cho chồng.
Tôi biết “ Thày Như Phong “ nói đùa, nhưng điều” Thày” nói chứa đựng tất cả sự thật. Tôi không bao giờ quên những người vợ ngày này qua ngày khác, tuần này sang tuần khác , cắm cúi mổ cò, sửa chữa , trình bày các quảng cáo lẫn bài vở cho tờ báo mà chồng đứng làm chủ; các Chị…căm cúi làm việc ngày đêm kiếm tiền nuôi con để cho chồng mình có cơ hội sống với “ chữ nghĩa” và “ báo bổ”. Tôi cũng biết ngay những tờ báo có tầm vóc tại hải ngoại như tờ Người Việt, Việt Báo , Viễn Đông v.v. trước khi được ca ngợi là những tờ báo lớn , cũng từng có sự đóng góp không nhỏ của các chị Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Chị Nguyễn Đức Quang, Chị Trần Dạ Từ v.v…
Mỗi lần nghĩ đến các Chị, tôi nhớ lại bài học thuộc lòng
mở đầu bằng câu “họ là những anh hùng không tên tuổi”. Với tôi và với
rất nhiều người, các chị đúng là những anhhùng không tên tuổi, góp phần
thật lớn nuôi đứa con tinh thần mang tên “ Báo Chí Việt Nam Hải Ngoại”.
Đứa con đó ngày hôm nay đã đi vững bằng hai chân phần lớn là nhờ công
lao của các chị, chứ chưa hẳn đã là công lao của chúng tôi, dù ở ngoài
xã hội chúng tôi đi đâu cũng được mọi người yêu mến gọi là ông nhà báo.”
( Chuyện Làng báo Việt tr 81)
Làm báo ở xứ người thật là khó khăn và nhất là trong giai đoạn nghiệt ngã của nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay. Có người vừa dí dõm vừa cường điệu nói với nhà văn Thanh Thương Hoàng “Nếu bắt buộc phải chọn giữa ở tù và làm báo thì tôi xin chọn ở tù. Anh mới sang đây mấy năm chưa có dịp bơi lội trong “ vũng nước báo bổ” nơi hải ngoại này, nên chưa biết cái nỗi “đoạn trường” khổ lắm và đôi khi nhục lắm”.
Ký giả Kiến Nâu nhớ không lầm trong ngày ra mắt Tuần Báo Đời có một quan khách phát biểu: “ Tôi đến đây không phải để cầu chúc cho tờ báo mà là để cầu nguyện cho tờ báo được trường tồn”
Theo Kiến Nâu thì đây là lời phát biểu xem qua có vẻ trào phúng nhưng thực tế. Trước viễn ảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đang đi xuống thê thảm, đã cuốn theo nền chính trị Mỹ vào tình trạng lao đao, người làm báo Việt trên xứ người ít nhiều phải chịu ảnh hưởng. Do vậy sinh mệnh của mỗi tờ báo đều có số thọ nhất định, mặc dù có những tờ báo đã được quý độc giả mến mộ và khen ngợi rất nhiều về nội dung lẫn hình thức.
Để kết thúc chuyện vui buồn của đời viết báo hải ngoại người viết mượn câu nói của Prevet nói về nghề dạy học để kết thúc câu chuyện: “ trên tấm bảng đen khốn khó, người ta vẫn cố vẽ nên những vòng hạnh phúc”.
“Với những người đang sống với nghề viết báo Việt Ngữ, giữa những hàng mực lem nhem , chúng tôi cũng đã cố gắng vẽ nên những vòng hạnh phúc.”( trích lời nói ký giả NVK )
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 299
No comments:
Post a Comment