Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 29 November 2016

TRẦN VĂN TUYÊN=MAI THANH TRUYẾT - KINH TẾ - TIN PHẬT GIÁO=

TRẦN QUỐC KHẢI * TIỂU SỬ LS TRẦN VĂN TUYÊN


LGT - Nhân dịp ngày giỗ lần thứ 29 của cố Luật sư Trần Văn Tuyên, từng là phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, trưởng khối dân biểu đối lập ở Hạ Viện VHCH, một nhà cách mạng, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, một nhà văn, nhà báo, một nhà giáo, một huynh trưởng Hướng Đạo. LS Tuyên là một người bền bỉ tranh đấu cho tự do, dân chủ của đất nước và nhân quyền cho mọi người Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Quốc Khải trong ban biên tập Ngày Nay và Vietnam Review hiện cư ngụ tại vùng Hoa Thịnh Đốn viết về cuộc đời của ông Tuyên trong bài dưới đây. 

  • LS Trần Văn Tuyên: Người Suốt Đời Tranh Đấu Cho Tự Do, Dân Chủ Việt-Nam.
  • LS Trần Văn Tuyên, Một Con Người Đa Dạng, Nổi Tiếng Trong Nhiều Địa Hạt Từ 
  • Văn Nghệ, Giáo Dục, Thanh Niên Sang Đến Chính TrỊ
  • Sự Liên Hệ Giữa Ông Tuyên Và Tướng Võ Nguyên Giáp Ra Sao?
  • Giai Thoại Giữa Ông Tuyên Và Các Bạn Cũ Phía Bên Kia Ở Hội NghỊ Genève 1954
  • Ông Tuyên Đã Chết Trong Lao Tù Cộng Sản Ra Sao?

  Trước ngày 30-4-1975, LS Tuyên dù có nhiều phương tiện để xuất ngoại đã chọn ở lại và ông đã chết trong trại tù Hà Tây (Bắc Việt) hôm 26-10-1976. Luật sư Trần Văn Tuyên có 7 người con hiện tất cả đều ở hải ngoại. Người con trưởng là LS Trần Tử Huyền, cũng là nhà báo Linh Chi hiện ở vùng Bắc California. Trưởng nữ là bà Trần Đạm Phương, được biết nhiều trong các cuộc tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam cũng như cho sự tự do của thân phụ lúc ông bị giam giữ tại Việt Nam. Ba người con trai cuối, các ông Trần Tử Thanh, Trần Vọng Quốc (trên vùng Hoa Thịnh Đốn) và Trần Tử Miễn (ở Pháp) đang theo hướng đi của thân phụ, hoạt động chính trị và tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Nhà báo Trọng Kim, chủ nhiệm, chủ bút Ngày Nay cũng là người trong gia đình LS Tuyên, từng giúp ông Tuyên trong việc liên lạc với báo chí ngoại quốc từ đầu thập niên 60 tới lúc mất miền Nam.
Trong quá trình tranh đấu của dân tộc Việt-Nam chống ngoại xâm, chống độc tài, phong kiến và bất công trong thời kỳ cận đại, có một nhà cách mạng trong hàng ngũ quốc gia mà ít sách báo nói đến một cách đầy đủ đó là cố LS Trần Văn Tuyên mà cách đây hơn một phần tư thế kỷ đã vĩnh viễn ra đi. Nhân ngày giỗ lần thứ 29 sắp tới, chúng ta nhắc lại thân thế và sự nghiệp của ông để tưởng nhớ đến một người đã một đời tranh đấu cho dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đau thương đầy máu và nước mắt của đất nước mà các thế lực ngoại bang từ thực dân, quân phiệt, đến cộng sản quốc tế đã không ngừng xâu xé. Các cường quyền này đã lợi dụng sự dại dột, nông cạn và chia rẽ của chúng ta để giết hại chính chúng ta, cả ở hai miền Nam Bắc.
Hoạt Động Thanh Niên và Văn Hóa
LS Trần-Văn-Tuyên sanh ngày 1.9.1913 tại Tuyên Quang, tốt nghiệp trường Bưởi tại Hà-nội vào khoảng 1930.
 DB Trần Văn Tuyên (giữa) phát biểu trong một cuộc biểu tình trước Quốc Hội VNCH.   Ông là một học sinh xuất sắc thi đậu hai bằng trung học và tú-tài cùng một năm. Trong thời gian học tại trường Bưởi, LS Tuyên đã đoạt giải nhất về cuộc thi hùng biện tiếng Pháp dành cho các học sinh trên toàn quốc.
Lúc đầu LS Tuyên dự định học ngành Y-Khoa. Sau đó vì ngành này quá tốn kém, ông chuyển qua học trường Đại-Học Luật Khoa tại Hà-Nội và tốt nghiệp cử nhân Luật vào năm 1943. LS Tuyên tham gia phong-trào Hướng Đạo (H.Đ.) từ năm 1931. Ba năm sau ông thành lập thiếu đoàn Đại La tại Hà-Nội. Ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ của Việt-Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Hoa-Kỳ, đã gia nhập đơn vị này. LS Tuyên và ô. Diễm từ đó đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Cuộc đời của hai người tiếp tục gắn bó với nhau qua bao nhiêu biến-cố của đất nước trong năm thập niên kế tiếp. Vào năm 1945, LS Tuyên cùng với các ông Mai-Liệu, Phan Xuân Thiện, BS Nguyễn Tường Bách [1] thành lập Quốc-Gia Thanh-Niên Đoàn để chống lại thực dân Pháp và chủ nghĩa Cộng Sản. Ngoại trừ BS Nguyễn-Tường-Bách, những người lãnh đạo Quốc Gia Thanh Niên Đoàn đều là các cựu huynh trưởng H.Đ. Vào ngày 12.6.1945, LS Tuyên giữ chức giám-đốc trường Huấn-Luyện Đoàn Trưởng Thanh-Niên Xã-Hội Miền Bắc [2].

LS Trần-Văn-Tuyên là một trong những sáng lập viên của phong trào truyền bá quốc ngữ và Hội Bình Dân Giáo-Dục vào thập niên 30 để giảm thiểu nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa, ý thức dân chủ, hiểu biết về quyền công dân của một nước độc lập, chống lại một nền giáo dục nô lệ mà "chế độ thực dân muốn giới hạn tối đa cho một vài thành phần ân sủng" [3]. LS Tuyên là giáo-sư dậy về Việt Văn, Pháp văn và toán tại trường trung học tư-thục Văn-Lang và Thăng-Long tại Hà-Nội cùng với một số đồng nghiệp như các ông Võ-Nguyên-Giáp, Hoàng-Minh-Giám, Phan-Anh, Phan-Mỹ và Đặng-Thai-Mai. LS Trần-Văn-Tuyên mở văn phòng luật sư tại Saigon cùng với hai đồng nghiệp Vũ-Văn-Huyền và Nguyễn-Văn-Huệ vào năm 1957. Ông là một trong những sáng lập viên vào năm 1958 của hội Bách-Khoa Tự-Điển cùng với các ông Đào-Văn-Tập và Đào-Đăng-Vỹ. Nhóm này được mệnh danh là Nhóm Bách-Khoa Tự-Điển Nguyễn Du. Ngoài việc hành nghề luật sư, LS Tuyên còn giảng dậy tại các trường đại-học Đà-Lạt, Huế, Vạn-Hạnh, Chiến-Tranh Chính Trị và Cao Đẳng Quốc Phòng từ năm 1965 trở về sau.

Tác phẩm văn chương đầu tay của LS Tuyên là cuốn tiểu thuyết "Hiu Quạnh" xuất bản năm 1944. Sau đó là cuốn tiểu luận "Đế Quốc Đỏ" (1957), tùy bút "Tỉnh Mộng" (1957), Hồi Ký Hội-Nghị Genève (1954, 1964), tiểu luận "Chánh Đảng" (1967), tập truyện ngắn "Người Khách Lạ" (1968) [4]. Bản thảo "Khổng-Tử " dịch từ tiếng Trung-Hoa bị chính quyền của Tổng Thống Ngô-Đình-Diệm tịch thâu vào năm 1960 rồi mất tích luôn. Ngoài ra LS Tuyên còn xuất bản hai cuốn sách "Lịch-Sử Việt-Nam" (1964) và "Cách-Mạng Đi Về Đâu" (1967) nhưng không thấy ghi trong tạp khảo văn hóa "Việt-Nam Gấm Hoa" của ô. Thái-Văn-Kiểm. Trong các năm 1967-1968, ông đã cho đăng trên nhật báo Quyết-Tiến xuất bản tại Saigon nhiều bài nghiên-cứu về tình-hình kinh-tế và chính-trị của hai miền Bắc và Nam rút từ tập khảo-luận nhan đề "Vận-Mệnh Việt-Nam". Rất tiếc là trong số sách đã xuất bản, gia đình của LS Tuyên chỉ tìm lại được cuốn "Hồi-Ký Hiệp-Định Genève 1954" và tập truyện ngắn "Người Khách Lạ". Lối hành văn của LS Tuyên trong các truyện ngắn này rất giản dị, nội dung mộc mạc, nhưng luôn luôn bao hàm một triết lý về lòng người và tình đời. Nếu tin rằng văn tức là người, thì khó mà hiểu được rằng qua bộ mặt nghiêm nghị của LS Tuyên, chúng ta có thể tìm thấy được hai con người vừa đơn giản vừa phức tạp. Đơn giản ở chỗ không đòi hỏi một đời sống vật chất xa hoa, nhưng quí trọng sự hồn-nhiên trong sáng, tôn thờ di sản của tiền nhân, thiết tha yêu quê hương dân tộc, phức tạp ở chỗ muốn có một cái gì tuyệt đối về tinh thần.
"Và ngày ngày, mỗi buổi chiều, tôi tới vườn Diên Hồng ngồi đợi khách.
Nhưng Cách Mạng! Anh còn đây hay đã đi đâu?".
Đây là hai câu cuối cùng của truyện ngắn "Người Khách Lạ" [5], viết xong vào ngày 30.10.1965, mở đầu cho tuyển tập mang cùng một nhan đề. LS Tuyên đi tìm một người khách lạ mang tên là Cách-Mạng vào giữa thập niên 60. Người đó chỉ thấy hiện lên trong giấc mơ, mà không đến với mình trong thực tại.

LS. Trần-Văn-Tuyên bắt đầu sự nghiệp bằng nghề ký giả. Cùng với ô. Võ-Nguyên-Gíáp, LS Tuyên xuất bản tờ báo chui và in truyền đơn để chống lại chế độ thực dân. Bà vợ đầu tiên của ông là bà Trần Thị Phúc [6] giúp chồng phát hành tờ báo và đi giải truyền đơn trong thành phố Hà-Nội [7]. LS Tuyên là người chủ xướng tờ báo Sao Trắng của Việt-Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) vào năm 1942. Sau này ông còn là một ký giả cộng tác với nhiều tờ báo trong nước như Thời-Luận, Chính-Luận, Quyết-Tiến, Đại Dân-Tộc, Tin Sáng, v.v. trong khoảng 1958-1975 dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Chính Nghiã, XYZ, Trần Côn, v.v. Trong thập niên 40, LS Tuyên còn dùng bút hiệu Trần-Vĩnh-Phúc. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn rất thông thạo một số ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng-Đông và tiếng Quan Thoại. Ngoài các báo Việt ngữ, LS Tuyên còn viết bài cho một số báo Pháp là Le Monde, l'Express, France - Asie, v.v.

Hoạt Động Chính Trị

Ô. Thái Văn Kiểm trong cuốn Việt-Nam Gấm Hoa đã viết trong bài Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trần-Văn-Tuyên như sau:
"LS Trần-Văn-Tuyên đã hiên ngang đi vào lịch sử bằng cửa lớn. Người đã nêu cao tinh thần bất khuất của Nguyễn-Thái-Học. Người đã viết lịch sử với máu đỏ lòng son". "Với kinh nghiệm bản thân, ông thấu hiểu thế nào là nghèo khổ, đói khát, thế nào là bất công xã hội, thế nào là áp bức, ngục tù. Vì những lý do đó mà ông đã hy sinh cả cuộc đời để tranh đấu cho Tự-Do, Dân-Chủ, Công Bằng Xã-Hội và An Sinh cho dân tộc Việt-Nam" [8].

Giai Đoạn Chống Pháp

LS Tuyên bắt đầu sự nghiệp chính trị với sự gia nhập Việt-Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) vào năm 1929 lúc 16 tuổi, một năm trước khi xẩy ra vụ khởi nghĩa Yên-Bái. Ông tham gia cuộc tranh đấu dành độc lập cho đất nước cùng với những nhà cách mạng như Nguyễn-Hải-Thần, Nguyễn-Tường-Tam, bị mật vụ Pháp bắt bỏ tù vào năm 1943 vì tội phá rối trị an, hoạt động chính trị chống sự đô hộ của người Pháp. LS Tuyên tham chính lần đầu tiên với chức vụ Tri Huyện Hải-Dương, Bắc Việt vào năm 1944. Khi có vụ tổng khởi nghĩa vào năm 1945, chính cán bộ thuộc Việt-Nam Độc-Lập Đồng-Minh Hội (Việt-Minh) đã mật báo cho ông biết trước để thoát khỏi một vụ mưu sát do Việt-Minh chủ-trương vì dân chúng trong huyện Thanh-Miên, tỉnh Hải-Dương và những người cán-bộ này kính phục tài đức của ông. Đến năm 1946, LS Tuyên tham gia chính-phủ liên hiệp do ô. Hồ-Chí-Minh làm Thủ Tướng, với chức vụ Đổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao do ô. Nguyễn-Tường-Tam làm Tổng-Trưởng. Một năm sau ông cùng với các lãnh tụ VNQDĐ khác như Nguyễn-Tường Tam, Nguyễn Hải-Thần, Vũ Hồng Khanh,v.v. trốn qua Trung-Hoa vì Việt-Minh chủ-trương liên kết với chính quyền thực dân Pháp để diệt trừ các phần tử quốc-gia. Ô. Jean Sainteny, Cao-Ủy Lâm-Thời của chính-quyền thực dân Pháp thời đó đã tiết lộ: "Hồ-Chí-Minh cần dựa vào sự giúp đỡ của nước Pháp một cách hiển nhiên để củng cố địa vị và diệt trừ các đảng đối lập" [9]. Sau khi Việt-Minh rút ra khỏi Hà-Nội, LS Tuyên trở về Việt-Nam năm 1948, tiếp tục tranh đấu dành độc lập cho đất nước, tìm một giải pháp không cộng-sản cho một quốc-gia Việt-Nam. Tiếp theo cuộc hội đàm giữa chính quyền thực dân Pháp và vua Bảo-Đại tại Vịnh Hạ Long vào ngày 6.12.1947, LS Tuyên và ô. Lưu-Đức-Trung được vua Bảo-Đại lúc đó đang lưu trú ở Hồng-Kông cử đi tiếp xúc với các nhân sĩ trong nước để thành lập một chính-phủ quốc-gia. LS Tuyên giữ chức vụ Tổng-Trưởng Thông-Tin vào năm 1949 trong nội-các của Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, sau đó tham gia vào nội các Trần-Văn-Hữu (1949-1951) với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ-Tướng. Khi tham gia hội-nghị Pau để thương lượng với chính quyền Pháp trao trả chủ quyền cho Việt-Nam, LS Tuyên đã quyết liệt phản đối sự vi phạm trắng trợn các thỏa ước Pháp đã ký kết. LS Tuyên đã thẳng thắn nói với Cao-Ủy Pháp là Tướng De Lattre de Tassigny rằng ông ta không có quyền can thiệp vào nội bộ Việt-Nam và yêu cầu ông này rời khỏi phòng họp nội-các của chính-phủ Việt-Nam. Tướng De Lattre de Tassigny tức giận ra lệnh trục xuất LS Tuyên ra khỏi Việt-Nam. LS Tuyên đã tuyên bố:

"Không một người Pháp nào có quyền trục xuất một người Việt-Nam ra khỏi nước Việt-Nam" [10].

Sau đó LS Tuyên rút ra khỏi nội các Trần-Văn-Hữu. Khi biết tin mật vụ Pháp đang đi lùng bắt để trục xuất ra khỏi nước và lưu đầy đi qua Mã đảo (Madagascar), ông trốn vào khu bưng biền Tây-Ninh, liên kết với các giáo phái Cao-Đài và các đảng phái quốc-gia như Đại-Việt, VNQDĐ, Việt-Nam Phục-Quốc Hội, Dân-Xã Đảng và một số các nhà trí-thức để lập một mặt trận liên kết chống lại cả Pháp lẫn Cộng-Sản. Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia ra đời vào năm 1953. Năm sau, Mặt-Trận Liên-Minh Tổ-Quốc, bao gồm cả hai lực lượng Hòa-Hảo và Bình-Xuyên, được thành-lập.

Bên Lề Hội Nghị Geneva

Năm 1954, sau khi Pháp thua trận Điện-Biên-Phủ, LS Trần-Văn-Tuyên được cử làm Ủy Viên trong phái đoàn Quốc-Gia Việt-Nam (QGVN) tại hội Nghị Genève. Lúc đầu phái đoàn QGVN do Ngoại Trưởng Nguyễn-Quốc-Định cầm đầu, sau đó là BS Trần-Văn-Đỗ. Trong phái đoàn QGVN có hai cựu huynh trưởng H.Đ. là Trần-Văn-Tuyên và Cung-Giũ-Nguyên. Ở bên trong phòng họp phái đoàn QGVN đã phản đối việc chia đôi đất nước dù chỉ là tạm thời để chờ một cuộc tổng tuyển cử ở cả hai miền vào năm 1956. Ở bên ngoài, ô. Võ-Thành-Minh thổi sáo bên bờ hồ Leman kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Việt-Nam [11]. Ô. Võ-Thành-Minh đã một lần bị Việt-Minh bắt vì bị nghi là gián-điệp khi ô. Võ-Thành-Minh đi xe đạp từ bắc vào nam để kêu gọi hoà-bình. Nhờ sự can thiệp của hai bạn Hướng Đạo cũ là các ông Hoàng-Đạo-Thúy và Tạ-Quang-Bửu, ô. Võ-Thành-Minh đã được thả ra. Chán Việt-Minh, ô. Võ-Thành-Minh vượt tuyến qua sống trong vùng quốc-gia. Năm 1949 thất vọng với phe quốc-gia, ô. Võ-Thành-Minh bỏ ra ngoại-quốc. Người ta được biết rằng các ông Tạ-Quang-Bửu, Trần-Văn-Tuyên và Võ-Thành-Minh đã từng sinh-hoạt trong cùng Tráng-Đoàn Lam-Sơn tại Hà-Nội. Ô. Võ-Thành-Minh tuyệt thực đòi hai phe Việt-Nam phải đến gặp mình để hòa-giải. LS Tuyên đã đến thăm ô. Võ-Thành-Minh bên hồ Leman, nhưng ô. Võ-Thành-Minh từ chối tiếp chuyện vì không có sự hiện diện của phái đoàn Dân-Chủ Cộng-Hòa Việt-Nam (DCCHVN). Khi được tin đất nước Việt-Nam sắp bị chia cắt, ô. Võ-Thành-Minh vào Trụ sở Vạn-Quốc định tự vẫn nhưng được cứu thoát. Sau đó ô. Võ-Thành-Minh bị trục xuất ra khỏi Thụy Sĩ [12].

Hội Nghị Genève cũng là nơi chứng kiến một cuộc hội ngộ của hai cựu huynh trưởng H.Đ. Việt-Nam một lần cuối cùng trong đời là LS Trần-Văn-Tuyên và KS Tạ-Quang-Bửu. Thông thường, nhân-viên của hai phái đoàn Việt-Nam không muốn nhìn mặt nhau. Tuy nhiên trong các phiên họp thâu hẹp của các Ủy-Ban Quân-Sự, các đại biểu QGVN và DCCHVN đã lịch sự chào nhau. Riêng các ông Tuyên, Bửu và Hoàng-Nguyên" [13]. có lẽ vì tình anh em Hướng Đạo cũ đã dám bắt tay nhau và chào hỏi nhau dù rằng chỉ nói có một hai lời " [14]. Ngồi đối diện nhau trong bàn hội nghị vì chính-kiến khác biệt, tuy nhiên trong những phút riêng tư họ vẫn trao đổi một vài câu chuyện với nhau. Ô. Bửu lúc đó là Thứ Trưởng Quốc-

Phòng của Chính-Phủ Cộng-Sản nói với LS Tuyên rằng "Anh Giáp (Tướng Võ Nguyên Giáp) thường tâm sự với tôi là đời anh có một hối hận rất lớn đó là đã để cho anh Tuyên vào Nam..." [15]. KS Bửu [16] lớn hơn LS Tuyên có ba tuổi. Một người sinh ở Nghệ An. Người kia sinh ở Tuyên-Quang. Cả hai đều xuất thân từ hai hai gia đình nho-giáo. Cả hai đều là học sinh xuất sắc, thông minh vượt bực. Cả hai là huynh trưởng H.Đ. tham gia vào việc khai sinh và phát triển phong-trào giáo dục thanh thiếu niên này từ thời kỳ phôi thai. Cả hai đã trở thành các vị đại trí thức thời đó, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Cả hai cùng có một đời sống thanh bạch dù cả hai dư phương tiện để sống xa hoa. Về phương diện nghề nghiệp, ô. Bửu là một kỹ-sư điện, Ô. Tuyên trở thành luật-sư. Cả hai cùng giữ những chức vụ quan-trọng trong guồng máy chính-quyền [17]. Cả hai cùng liêm chính và cương trực, cùng yêu nước thương nòi, cùng làm cách mạng, nhưng mỗi người làm cách mạng một cách khác nhau. Một người chọn con đường cách-mạng vô-sản chuyên-chính. Người kia chọn con đuờng cách-mạng tư-sản với chủ trương "Dân-Tộc Độc-Lập, Dân-Quyền Tự Do, Dân-Sinh Hạnh-Phúc". Cả hai cùng tin rằng con đường của mình đi sẽ mang lại cho đất nước một nền độc-lập, dân-chủ, tự-do và no ấm.

Hơn 20 năm sau Hội-Nghị Genève, LS Trần-Văn-Tuyên chết đột ngột vào ngày 26.10.1976 trong khi bị giam cầm bởi những người làm cách-mạng vô-sản. Một thập niên về sau, KS Tạ-Quang-Bửu mất ngày 21.8.1986 trong hoàn cảnh nghèo khổ và bạc đãi của chế độ vô-sản [18]. Chỉ bốn tháng sau đó, vào cuối năm 1986, ô. Nguyễn-Văn-Linh Tổng-Bí-Thư của Đảng Cộng-Sản Việt-Nam (CSVN) phát động chương-trình cải tổ kinh-tế "Đổi Mới", mặc nhiên chấm dứt cuộc Cách-Mạng Vô-Sản, nhằm ngăn chặn nạn đói đang làn tràn tại Việt-Nam và trở thành trầm-trọng vào năm 1985, do sự thất bại của chính sách Nông-Trường Tập-Thể. Đất nước độc-lập, Nam Bắc thống-nhất, nhưng đa số người dân Việt-Nam còn thiếu tự-do và hạnh-phúc.

Thời Đệ Nhất Cộng-Hòa

Hội nghị Genève chấm dứt. Trở về nước LS Tuyên thành lập Mặt Trận Quốc-Gia Liên-Hiệp vào năm 1955 để vận động xây dựng một chế độ dân chủ thực sự cho miền Nam. Ông là người đầu tiên vào năm 1958 kêu gọi Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm dân chủ hóa chính quyền, chống bất công xã-hội, thiết lập các quyền tự do căn bản (ngôn luận, báo chí, lập hội,...). Trong những năm đầu sau khi về nước chấp chánh, ô. Ngô-Đình-Diệm đã được lòng dân vì những tiến bộ đạt được trong các lãnh vực kinh tế và xã hội. Trong những năm kế tiếp, chính sách thiếu sáng suốt của ông, sản phẩm của một chế độ độc-tài và phong-kiến, đã đưa miền Nam Việt-Nam dần dần đến chỗ suy sụp về mặt xã-hội, kinh-tế và xáo trộn về chính-trị. Được Tổng-Thống Diệm mời vào làm Bộ Ngoại Giao sau khi BS Trần-Văn-Đỗ từ chức, nhưng LS Tuyên đã khước từ vì quan niệm rằng mình không thể hợp tác với một quan lại của triều-đình Huế mà lại truất phế vua. Ô. Diệm đã một lần được Vua Bảo-Đại định mời lập chính-phủ vào thời 1945. Sau khi lực lượng viễn chinh Nhật vào ngày 9.3.1945 đảo chính Pháp, tấn công vào các nơi trú quân của Pháp, bắt nhốt các binh-lính và các viên chức Pháp, Nhật buộc vua Bảo-Đại ly-khai chế-độ bảo-hộ của Pháp và tuyên bố nước Việt-Nam độc-lập trong Khối Đại-Đông Á của Nhật. Ô. Ngô-Đình- Diệm, một người thân Nhật, được chọn làm Thủ-Tướng. Nhưng vào phút chót, Nhật đổi ý và chỉ định ô.Trần-Trọng-Kim, một sử gia, không biết về chính trị, ra lập nội-các vì ô. Trần-Trọng-Kim ôn-hòa và dễ bảo hơn ô. Diệm [19]. Vào năm 1954, được sự ủng-hộ của Hoa-Kỳ, ô. Diệm đã được Vua Bảo-Đại mời về nước chấp chánh. Ngày 23.10.1955, qua một cuộc trưng cầu dân ý, ô. Diệm truất-phế vua Bảo-Đại và lên làm Tổng-Thống.

Trong những năm 1955-58, tình trạng tài chánh của gia-đình rất eo hẹp, LS Tuyên phải đi dậy học ở một số trường tư ở Saigon để mưu sinh như trường Hoàng-Việt, Thăng-Long và Phước Truyền. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông bị công-an bắt cóc đôi ba lần ngay ngoài đường phố. Có lần xe hơi của ông do tài xế lái, đang trên đường đi đến trường học của các con, thì bị hai xe khác đi kèm ép sát hai bên để bắt ngưng lại. Ông chỉ kịp nhắn lại với các con vài lời trước khi bị lôi đi. Trong giữa thập niên 50 cho đến cuối năm 1963 tại "miền Nam Tự-Do" đã xẩy ra những cảnh bắt cóc người giữa thanh thiên bạch nhật như vậy. Ô. Nguyễn-Hữu-Chung, cựu Dân-Biểu trong khối Đối-Lập châm biếm : "Thời ô. Diệm, ô. Nhu, con thằn lằn ban đêm không dám tắc lưỡi" [20]. Mặc dầu vậy, tháng 4.1959, LS Tuyên cùng với 17 nhà chính trị độc-lập nổi tiếng của miền Nam như các ông Lê-Ngọc-Chân, Trần-Văn-Đỗ, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Phan Khắc-Sửu, Nguyễn-Bảo-Toàn, Trần-Văn-Văn, Nguyễn Lưu Viên họp tại khách sạn Caravelle, Saigon thành lập nhóm Tự-Do Tiến-Bộ [21] và thảo ra một văn thư gửi cho Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm để kêu gọi ông dân-chủ hóa guồng máy chính-trị của miền Nam, thừa nhận đối lập, tôn-trọng dân quyền. Văn thư phản đối chính-sách độc-tài đàn áp các đảng phái quốc gia đối lập của chính-phủ đương thời [22]. Vì lý do đó, sau vụ đảo chánh hụt của Đại-Tá Nhẩy Dù Nguyễn-Chánh-Thi vào ngày 11.11.1960, LS Trần-Văn-Tuyên và nhóm Tự-Do Tiến-Bộ bị nghi ngờ dính líu vào vụ đảo chánh và bị bắt giam. Một số bị đưa ra Côn Đảo, trong đó có cụ Phan-Khắc-Sửu, một số bị giam tại Trại Võ-Tánh của Tổng-Nha Cảnh-Sát Quốc-Gia, trong đó có LS Tuyên [23].

Thời Đệ Nhị Cộng-Hòa

Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, chính phủ của Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm bị lật đổ, Chế-độ Đệ Nhất Cộng-Hòa chấm dứt. LS Tuyên được thả về. Trong những năm đầu của nền Đệ Nhị Cộng-Hòa, với chức vụ Tổng-Thư-Ký, LS Tuyên tổ chức lại xứ bộ VNQDĐ Miền Nam. Cùng trong năm đó LS Tuyên được bầu làm Chủ-Tịch Hội-Đồng Dân-Chính (1963) và là một đại biểu trong Hội-Đồng Soạn Thảo Hiến-Pháp (1964). LS Tuyên tham gia vào chính phủ dân sự cuối cùng của Miền Nam (1965) với chức vụ Phó Thủ Tướng Đặc Trách về Kế Hoạch trong nội các của BS Phan-Huy-Quát với Tướng Nguyễn-Văn-Thiệu làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Đây là chính-phủ dân-sự duy nhất của miền Nam sau khi Tổng-Thống Diệm bị lật đổ. Chính-phủ của BS Quát được thành lập trùng hợp với việc các toán quân Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bờ biển Đa -Nẵng vào ngày 8.3.1965 mà không có sự thỏa thuận trước của chính-phủ Quát. LS Tuyên và Thủ-Tướng Phan Huy Quát chủ trương chống lại việc mang quân Mỹ vào Việt-Nam nên chỉ sau 4 tháng cầm quyền, nội các Phan-Huy-Quát bị phe quân nhân của Tướng Nguyễn-Văn-Thiệu, với hậu thuẫn của Hoa-Kỳ, lật đổ vào tháng 6.1965 [24].

Trong thời gian ngắn ngủi làm Phó Thủ Tướng trong nội các Phan Huy Quát, LS Tuyên đã công du qua 10 nước Phi Châu và Toà Thánh La-Mã. Phái đoàn Việt-Nam do LS Tuyên lãnh đạo đã được đón tiếp trọng thể ở mọi nơi. Đức Giáo Hoàng Joan Paul VI đã không hạn chế giờ giấc để tiếp chuyện riêng với LS Tuyên. Tổng Thống Houary Boumedienne của Algeria đã tuyên bố: "Tôi đang tiếp một chiến sĩ cách mạng cùng chí hướng chống thực dân Pháp với tôi trước đây chứ không phải tiếp một Phó Thủ-Tướng của một nước. Do đó sẽ không có vấn đề giới hạn giờ giấc và nghi lễ." Quốc Vương Haile Selassie của Ethiopia đã tiếp kiến LS Tuyên ba giờ liền thay vì chỉ có 30 phút như đã dự tính trước. Sau chuyến công du trở về, Phái đoàn Việt-Nam đã hoàn trả lại cho công quỹ gần 50 ngàn đô la [25].

Trong 11 năm cuối cùng của cuộc đời, LS Tuyên tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền. Ông sáng lập và làm chủ-tịch Hội Quốc-Tế Bảo Vệ Nhân Quyền, chi Nhánh Việt-Nam (1967). Cùng năm đó LS Tuyên tham gia vào Hội Luật-Gia Quốc-Tế có trụ sở tại Genève. Ông còn làm Luật Sư Cố Vấn cho Tổng-Liên Đoàn Lao-Công Việt-Nam. Năm 1971, LS Tuyên ra tranh cử chức Dân-Biểu quận 3, Saigon. Cuộc tranh cử vào Hạ-Viện của ông trong thời Đệ-Nhị Cộng-Hòa cũng có nhiều điều đáng nhớ. Dấu hiệu tranh cử của LS Tuyên là cây thông, một biểu tượng cho tính cương trực và lòng yêu chuộng tự do. Bích-chương và truyền đơn tranh cử của LS Tuyên chỉ vọn vẹn có dăm ba chữ. Ông tuyệt đối không chấp thuận bất cứ hình thức mua phiếu nào. Việc vận động tranh cử cũng được hạn chế thí dụ như không được phép phát truyền đơn lẻ tẻ từng nhà. Tuy nhiên LS Tuyên đã được sự đắc cử và giữ chức Dân Biểu Quận Ba từ năm 1971 cho đến 30.4.1975 và được bầu làm trưởng khối Dân-Tộc Xã-Hội trong Hạ-Viện, đối lập với các chính phủ quân-sự. Các Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn-Văn-Thiệu đã từng mời LS Tuyên giữ chức Đại-Sứ tại Anh quốc, nhưng vì tình hình quốc nội thời đó sôi bỏng ông quyết định ở lại trong nước dù đã được chính-phủ Anh chấp thuận. Vào ngày 26.4.1975, trong khi lưỡng viện quốc-hội còn đang bỏ phiếu trao quyền hành-pháp cho Tướng Dương-Văn-Minh để thành lập chính-phủ lâm-thời thì LS Tuyên đã được Tướng Minh mời giữ chức vụ Đại-Diện Việt-Nam tại Liên-Hiệp-Quốc, nhưng trong hoàn cảnh dầu sâu lửa bỏng trong nước, ông cũng đã khước từ lời mời đó.

Từ Hiệp Định Paris 1972/1973 Tới Chiến Dịch Hồ Chí Minh 1975

LS Trần-Văn-Tuyên đã từng giữ nhiều chức vụ trong các tổ-chức hành-pháp quan trọng hơn chức-cụ dân-biểu. Khi được hỏi, LS Tuyên giải thích rằng quyết định tranh cử vào quốc-hội nhằm mục đích để tạo một cái thế đối-lập hợp-hiến hợp-pháp với chính-phủ quân-nhân và để chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh chính-trị công khai với Mặt-Trận Giải-Phóng Miền-Nam (MTGPMN) mà ông tiên đoán rằng dù muốn hay không tình hình đất nước đòi hỏi một giải pháp chính trị mà phe quốc-gia bị áp lực phải công nhận vai trò của MTGPMN trong chính trường của miền Nam. Nhận định rằng chính sách của các chính-phủ quân-nhân trong thời-gian 1965-1975 đưa đất nước đến chỗ bất ổn và tình trạng này của Miền-Nam trong năm năm cuối càng trở nên trầm-trọng hơn. Trong khi đó tại Hoa-Kỳ, phong-trào phản-chiến càng ngày càng lan rộng với con số thương vong của binh-sĩ Mỹ càng ngày càng cao. Bốn năm sau khi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà-Nẵng, chính sách của Hoa-Kỳ đã hoàn toàn thay đổi với quyết định rút quân ra khỏi Việt-Nam bằng mọi giá. Vào năm 1969, lần đầu tiên số binh sĩ Hoa-Kỳ không tăng lên mà còn giảm đi 60,000 người, xuống còn còn 480,000 người [26]. Sau đó việc giảm quân số tiếp tục. LS Tuyên tin-tưởng rằng giải pháp trung lập hóa miền Nam là một giải-pháp thực tiễn, khôn ngoan và khả thi ở thời điểm đó để cứu vớt tình thế, mở đường cho quân Mỹ rút khỏi miền Nam, tránh sự tàn phá thêm của chiến tranh, tái lập hòa-bình cho Việt-Nam.

Ngày 28.1.1973 Hiệp-Định Paris được ký-kết đòi hỏi thành lập tại miền Nam Việt-Nam một chính phủ liên-hiệp gồm ba thành phần: chính-phủ VNCH, chính phủ Cách-Mạng Lâm Thời của Mặt Trận GPMN và lực lượng thứ ba [27]. Hai năm sau (1975) giải pháp trung-lập của Pháp mang ra thử nhưng đã quá trễ. Ngày 28.4.1975, sau khi đi dự lễ nhậm chức Tổng-Thống của Tướng Dương-Văn-Minh tại Dinh Độc-Lập trở về với tư cách Trưởng Khối Đối Lập của Hạ Viện, LS Tuyên đã nói với một người đồng chí của mình như sau: "Lá bài trung-lập của Trần-Văn-Hữu không thành, Pháp đã thất bại. Con cờ Dương-Văn-Minh chỉ là ngày giờ! Chuyện lỡ rồi, bàn cờ đã bị xóa. Chúng ta đã thua trận! Chúng ta là nạn nhân của các siêu cường vì chúng ta ngu dại! Thật đáng tiếc" [28]. Đây không phải là lần đầu tiên LS Tuyên chứng tỏ sự hiểu biết về chính trị và thời cuộc. Vào năm 1970, Tướng Nguyễn-Cao-Kỳ ngỏ ý muốn được giới thiệu ra tranh cử chức tổng-thống, LS Tuyên đã tuyên bố: "Đây là một trò chơi dân chủ. Mỹ sẽ đưa Nguyễn-Văn-Thiệu lên làm tổng-thống" [29].

Trong mùa xuân 1972, ba sư-đoàn CSBV đã thử lửa trong cuộc tấn công vào Kontum từ tháng 4.1972 đến tháng 7.1972 [30] cùng một lượt với cuộc tấn công đại quy mô vào Quảng-Trị và An-Lộc với tổng-cộng thêm chín sư-đoàn ở hai mặt trận này, một cuộc trắc nghiệm đầu tiên về kế-hoạch Việt-Nam hóa chiến-tranh, trong khi cuộc hoà-đàm ở Paris đang tiếp diễn [31]. Năm 1974, nhắc lại chiến-lược của Tướng Võ-Nguyên-Giáp là ưu-tiên dành quyền kiểm-soát Cao-Nguyên, LS Tuyên báo-động các giới chức quân-sự là Cộng-Sản Bắc-Việt (CSBV) có thể sẽ đánh Ban-Mê-Thuột. Quả thật, trận chiến then chốt này thực tế xẩy ra vào 4.3.1975 – 3.4.1975 trong chiến dịch Tây-Nguyên [32] mở đầu cho sự suy sụp toàn bộ của miền Nam Việt-Nam vào ngày 30.4.1975. Vào những năm 1952-1954, LS Tuyên đã làm cố vấn về cả hai phương diện chính-trị và quân-sự cho Đức Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc và tướng Trình Minh Thế với chức Đại Tá Quân Hàm. LS Tuyên được cử vào trong Ủy-Ban Quân-Sự của phái-đoàn QGVN tại Hội-Nghị Genève 1954 cũng vì sự hiểu biết quân-sự của mình. Cuốn sách "Hồi-Ký Hội-Nghị Genève 1954" của LS Tuyên đã trình bầy rất đầy đủ về thế trận, vị trí đóng quân và tiến quân của các phe liên hệ.

Tình Bạn Với Tướng Võ Nguyên Giáp

Ô. Võ Nguyên Giáp, xấp xỉ tuổi của LS Tuyên, sinh vào năm 1912 tại làng An Xã, tỉnh Quảng-Bình, một vùng nghèo nhất nước dưới thời Pháp đô-hộ. Ô. Giáp bắt đầu học tại trường Quốc-Học Huế vào năm 1924, cùng trường với các ông Hồ-Chí-Minh và Ngô-Đình-Diệm. Sau khi đậu tú-tài ở Huế, ô. Giáp ra Hà-Nội, học một năm tại trường Trung-Học Albert Sarraut, rồi sau đó theo học trường Đại-Học Luật Khoa Hà-Nội và tốt nghiệp cử nhân vào năm 1937. Sau đó Tướng Giáp tiếp tục học thêm một năm cao-học [33]. Trong khoảng đầu thập niên 40, ô. Võ-Nguyên-Giáp và người bạn đồng nghiệp Trần-Văn-Tuyên cùng dậy học tại trường Tư-Thục Thăng-Long. Ô. Giáp chuyên dậy về sử-ký và địa-dư, nhưng lại ham mê đọc sách về quân-sự. Hai người rất thân nhau vì cùng theo học ngành luật khoa, cùng lý-tưởng chống thực-dân Pháp. Gia-đình của hai người cũng rất thân nhau, nhưng ô. Giáp không bao giờ mê hoặc được LS Tuyên về chủ-thuyết vô-sản của Karl Marx. Có một lần ô. Bùi-Diễm đưa cho LS Tuyên coi cuốn sách Tư-Bản Luận do ô. Giáp cho mượn, LS Tuyên có nói với ô. Bùi Diễm: "Khó nghe lắm đấy. Chú đọc thì cứ đọc. Cần gì thì anh giảng cho chú nghe" [34]. Trong lần cuối cùng gập gỡ nhau nhân hội-nghị sơ bộ với Pháp khai mạc vào ngày 19.4.1946 tại trường Yersin, Đà-Lạt để chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau, Tướng Giáp thuộc phái đoàn Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa (Việt-Minh) còn kêu gọi LS Tuyên trở về hợp-tác với ô. Hồ-Chí-Minh. Sau khi bị từ khước Tướng Giáp còn nói với LS Tuyên một câu bằng Pháp ngữ nguyên văn như sau : "Alors, tu restes toujours mon ami ". (Dù sao anh cũng sẽ mãi mãi là bạn của tôi). LS Tuyên và Tướng Giáp vẫn kính mến nhau mặc dù hai người ở hai chiến tuyến khác nhau. LS Tuyên đã nhắc lại kỷ-niệm đó với một ký giả của tờ báo the Korea Herald trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9.1972 [35].

LS Tuyên hi-vọng một ngày nào đó sẽ được tiếp Tướng Giáp tại căn biệt-thự trắng thuê tại 198 đường Hồng-Thập-Tự, trước vườn hoa Tao-Đàn, Saigon. Ước mong đó không bao-giờ thành. Tướng Giáp không bao giờ bước chân tới căn nhà trắng của LS Tuyên. Nhưng ông đã nhờ người tới địa chỉ đó để liên-lạc với LS Tuyên. Trong những năm 1954-1956, sau khi Việt-Nam bị chia cắt ra làm hai miền, Tướng Giáp vẫn liên-lạc với LS Tuyên qua một vài sĩ-quan trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Đình-Chiến. Có lần LS Tuyên nhận được cành đào của Tướng Giáp gửi từ Hà-Nội vào tặng gia-đình ông nhân một dịp tết. Sau khi Miền Nam thất thủ, Tướng Giáp cử một sĩ-quan cao cấp vào Saigon đưa thư đề nghị LS Tuyên viết thư cho Bộ Chính-Trị tại Hà-Nội để khỏi đi học tập cải tạo. LS Tuyên đã cám ơn Tướng Giáp nhưng không chấp thuận đề nghị của ông. Ít lâu sau, theo lệnh của nhà nước LS Tuyên đi trình diện để học tập cải tạo và không bao giờ trở lại căn nhà 198 đường Hồng-Thập-Tự nữa.

Sinh ở Đây Thì Chết Cũng ở Đây

Vào năm chót của nền Đệ-Nhị Cộng-Hòa, LS Tuyên được bầu làm Thủ-Lãnh Luật-Sư Đoàn của Tòa Thượng-Thẩm Saigon (1975). Trong những giờ phút cuối cùng các luật sư đến xin giấy giới thiệu để di tản ra ngoại quốc, LS Tuyên sẵn sàng ký cho họ, nhưng cũng nói với các đồng nghiệp là mình quyết định ở lại. Bà Trần-Đạm-Phương theo chồng sống tại Mỹ đã được ít lâu, vào ngày 29.4.1975 điện thoại về để thuyết phục cha dời Viêt-Nam. LS Tuyên đã trả lời: "Thà chết vì bàn tay của kẻ thù còn hơn sống yên thân trong sự khinh thường của đồng bào, của bạn bè, của đồng chí và đồng minh". Khi ô. Bùi Ngọc Lâm, một đồng chí, cùng hai người con trai của LS Tuyên là Trần Tử Thanh và Trần-Vọng Quốc đến trao công điện của bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ xác nhận đã dành đủ chỗ cho cả gia-đình di tản, LS Tuyên đã khẳng định rằng mình "...không phải là người đi làm bồi cho Mỹ. Sinh ở đây thì chết cũng ở đây..." Tuy nhiên LS Tuyên cho phép các con được tự do quyết định theo ý muốn của mỗi người.

Ngày17.6.1975, nhà cầm quyền Hà-Nội đã bắt LS Tuyên vào "trại cải-tạo" tại Long-Thành. Khi bị bắt buộc viết bản tự kiểm thảo, LS Tuyên vỏn vẹn chỉ viết có mấy hàng chữ dưới đây:

"Tôi không có tội gì với tổ quốc và đồng bào của tôi cả. Nếu có tội thì đó chỉ là tội chống cộng sản, chống thực dân, chống độc tài và bất công"

Khi những hàng chữ này lọt ra ngoài lãnh thổ VN và xuất hiện trên các báo chí ngoại quốc, Ký giả Theodore Jacqueney trên trang nhất của tờ báo New York Times ra ngày 17.9.1976 đã gọi LS Tuyên là "Solzhenitsyn của Quần Đảo Ngục Tù Việt Nam" (Solzhenitsyn of Vietnam's Gulag Archipelago). Đến ngày 5.10.1975, nhà cầm quyền Hà-Nội đã đưa LS Tuyên về một trại giam ở Thủ Đức. Đến tháng 4.1976 LS Tuyên được di chuyển bằng máy bay ra miền bắc và bị giam trong trại Hà Tây sau này đổi tên là Hà Sơn Bình. LS Tuyên chết đột ngột trong trại giam này vào ngày 26.10.1976. Khi qua Pháp vào tháng 6.1977 để xin viện trợ, Thủ Tướng Phạm-Văn-Đồng tuyên bố là ô. Trần-Văn-Tuyên vẫn sống và khoẻ mạnh vì sợ công luận thế giới. Năm 1977, Hội Ân Xá Quốc Tế tuyên xưng LS Tuyên là một tù nhân lương tâm. Đến ngày 19.5.1978, tòa Đại Sứ Hà-Nội tại Hòa-Lan chính thức trả lời các tổ chức nhân quyền quốc tế là ô. Trần-Văn-Tuyên đã chết vì băng huyết ở trong não bộ. Trong số những người chứng kiến và đã mô tả cái chết đột ngột của LS Tuyên đã di tản khỏi Việt-Nam và đã sống ở hải ngoại là các ông Phan Vỹ, Thái-Văn-Kiểm [36], BS Trần Vỹ [37] và BS Nguyễn-Văn-Ái [38].

Kết-Luận

LS Trần-Văn-Tuyên đã dành cả cuộc đời của mình để tranh-đấu cho nền độc-lập của đất nước và quyền tự do và hạnh-phúc của dân-tộc. Một cuộc tranh-đấu bền bỉ, mãnh-liệt, nhưng lại ôn hòa dựa trên căn bản dân quyền và nhân quyền, lấy ngòi bút, tiếng nói, diễn đàn quốc-hội và luật-pháp làm công cụ để đấu-tranh. Chỉ tiếc rằng khi chết đi, ước mộng của ông chưa thành. Sự ra đi của LS Tuyên là một mất mát to lớn cho tổ quốc Việt-Nam. Ông đã để lại trong lòng mọi người, cả bạn lẫn thù, một niềm tôn-kính sâu sa. Ông đã đi vào lòng đất mẹ do sự chọn lựa của chính mình, đã đi theo Nguyễn-Thái-Học và để lại tấm gương oai hùng muôn đời cho các thế-hệ mai sau. Tác giả xin mượn lời nhắn-nhủ của chính LS Trần Văn-Tuyên viết trong Hồi-Ký Hội-Nghị Genève 1954 để kết thúc bài tiểu-sử này:

"Nhắc lại quãng lịch-sử quá khứ ... tôi mong các bạn nhớ bài học lịch-sử để hiểu sự việc ngày nay và chuẩn bị công-việc ngày mai, để sẵn sàng ứng phó với những biến cố lịch-sử ".


Chú thích:
[1] Nguyễn Tường Bách là em của nhà văn Nguyễn Tường Tam, bút hiệu là Nhất Linh trong nhóm Tự-Lực Văn-Đoàn.
[2] Chính-Đạo Vũ Ngự Chiêu, "Việt Nam Niên-Biểu 1939-1975", Văn-Hóa, 1996. Cũng theo tài liệu này, vua Bảo Đại vào ngày 15.6.1945 xuống dụ thành lập Hội-Đồng Thanh-Niên, chỉ định ô. Hoàng-Đạo-Thúy làm chủ-Tịch, ô. Trần-Duy-Hưng và ô. Tạ-Quang-Bửu làm Phó Chủ-Tịch.
[3] Nguyễn-Ngọc-Bích, "Trần-Văn-Tuyên và Lý Tưởng Nhân Quyền ở Việt-Nam", diễn văn đọc trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm cố LS Tuyên tại George Mason University, Law School, Virginia, 1996.
[4] Hương-Giang Thái-Văn-Kiểm, "Việt-Nam Gấm Hoa", Làng Văn, Canada, 1997.
[5] Trần-Văn-Tuyên, "Người Khách La", Sáng Tạo, Saigon, 1968.
[6] Bà Trần-Thị-Phúc mất năm 1959 tại Saigon. Bà Phạm-Thị-Côn là người vợ thứ hai của LS Tuyên.
[7] Paul Hendrickson, "The Living and the Dead - Robert McNamara and Five Lives of a Lost War", Alfred A. Knopf Publisher, New York, 1996.
[8] Viện Vận-Động Dân-Chủ Cho Việt-Nam, "Tiểu-Sử Trần-Văn-Tuyên", Washington D.C., Mùa Đông 1988.
[9] Jean Sainteny, "Histoire d'une Paix Manquée", Amiot-Dumont, Paris 1954 (t. 171).
[10] Theodore Jacqueney, "They Are Us, Were We Vietnamese", WorldView April 1977.
[11] Ô. Võ-Thành-Minh bị mất tích trong biến cố Tết Mậu Thân, 1968 tại miền Trung.
[12] Trần-Văn-Tuyên, "Hồi Ký Hội-Nghị Genève 1954", Nhà Xuất Bản Chim Đàn, Saigon, 1954.
[13] Ô. Hoàng-Nguyên làm thông-dịch-viên cho phái-đoàn Dân-Chủ Cộng-Hòa Việt-Nam.
[14] Xin xem xuất xứ ở chú-thích 10.
[15] Bùi-Ngọc-Lâm, Bút Ký "30 Năm Với Lãnh-Tụ Cách-Mạng Trần-Văn-Tuyên", Đặc San Vận-Động Dân Chủ Cho Việt-Nam, Washington, D.C., 1988.
[16] Tôn Thất Thiện, "Anh Tạ Quang Bửu ", Bạch Mã, Cypress - California, 1996.
[17] Ô. Ta Quang Bửu (1910-1986) từng giữ chức vụ Thiếu tướng Quân đäi Nhân Dân, Thứ trưởng Quốc Phòng và Bộ-Trưởng Bộ Đại-Học.
[18] Thành Tín Bùi Tín, "Hoa Xuyên Tuyết", Nhà Xuất Bản Nhân Quyền, Saigon Press, Irvine, California 1991.
[19] Stanley Karnow, "Vietnam : A History" , Penguin Books, New York 1997.
[20] Nguyễn-Hữu-Chung, "Nhớ Anh Trần-Văn-Tuyên", Báo Tiếng-Chuông, Montreal, Canada 5.1997.
[21] Báo chí gọi là nhóm Caravelle.
[22] Ô. Bùi-Diễm có mặt trong buổi họp ở khách-sạn Caravelle, tham dự vào việc soạn thảo nhưng không ký vào lá-thư gửi Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm.
[23] Trái với một số tài liệu đã viết sai rằng LS Tuyên bị đầy ra Côn-Đảo.
[24] Bui Diem with David Chanoff, "In the Jaw of History", Houghton Mifflin Company, Boston 1987.
[25] Xin xem xuất xứ liệt kê ở chú-thích số 15.
[26] Xin xem xuất xứ ở chú thích 19.
[27] Tiziano Terzani, "Giai-Phong - The Fall and Liberation of Saigon", St. Martin's Press, New York 1976.
[28] Xin xem xuất xứ liệt kê ở chú-thích số 15.
[29] Trích trong diễn-văn của ô. Tạ-Quang-Trung đọc trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm cố LS Tuyên Tuyên được tổ chức tại George Mason University Law School, Virginia, 1996.
[30] Lý-Tòng-Bá, "Hồi-Ký 25 Năm Khói Lửa, của Một Tướng Cầm Quân Tại Mặt Trận", 1996.
[31] Xin xem xuất xứ ở chú thích 24.
[32] Văn-Tiến-Dũng, "Our Great Spring Victory - An Account of the Liberation of South Vietnam", Monthly Review Press, New York 1977.
[33] Vo-Nguyen-Giap, "The Military Art of People War, Selected Writings of General Vo-Nguyen-Giap", edited by Russell Stetler, Monthly Review Press, New York 1970.
[34] Trích trong diễn văn của ô.Bùi-Diễm đọc trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm cố LS Tuyên được tổ chức tại George Mason University, Law School, Virginia, 1996.
[35] Korea Herald, September 27, 1972.
[36] Xin coi chú-thích số 9.
[37] P.V. Tran, "Prisonner Politique Au Viet-Nam,1975-1979" , Editions L'Harmattan, Paris, 1990.
[38] Văn-Uyên (Nguyễn-Văn-Ái), "Luật Sư Trần-Văn-Tuyên - Tấm Gương Bất Khuất", trong Thư Mục Y Giới.
http://www.tinparis.net/chanhtri/vnqd_lsTuyen.html

TRÍ THỨC VIỆT * TIỂU SỬ LS TRẦN VĂN TUYÊN

Trần Văn Tuyên
Tên
Trần Văn Tuyên
Quê quán
huyện Thanh Trì - thành phố Hà Nội (huyện Thanh Trì - tỉnh Hà Đông)
Năm sinh
Quý Sửu - 1913
Năm mất
Bính Thìn - 1976
Mục lục
  [Ẩn]

Tiểu sử
Luật sư Trần Văn Tuyên là một trong các sáng lập viên Hướng đạo Việt Nam, nhà hoạt động, sinh ngày 1-9 năm Quý Sửu (1913) tại tỉnh Tuyên Quang, nguyên quán huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội).
Thuở nhỏ học ở Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân Đại học Luật Hà Nội.
Từ năm 1931, ông tham gia giảng dạy tại Trường Trung học Thăng Long, tham gia hoạt động chống Pháp từ những năm 1930-1931.
Năm 1934, ông cùng Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... thành lập Liên minh Dân chủ và Phong trào Đông Dương Đại hội.
Năm 1942, ông bị Pháp bắt giam một thời gian vì “tội thành lập Đảng Thanh niên Hưng quốc”. Sau khi được tự do và trắng án, ông thi đỗ ngạch tri huyện tư pháp, được bổ làm tri huyện huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương đến năm 1944 thì từ chức.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, ông tham chính, giữ chức Đổng lí văn phòng Bộ Ngoại giao Chính phủ “liên hiệp kháng chiến”.
Năm 1946, ông tham gia Hội nghị Trù bị Đà Lạt phụ trách Lễ nghi của phái đoàn Việt Nam cùng với các ông: Nguyễn Tường Tam, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn...
Đầu năm 1947, ông lưu vong sang Trung Hoa, năm 1950 về Sài Gòn có lúc làm Bộ trưởng Bộ Thông tin, năm 1950-1951 giữ chức Bộ trưởng Phủ thủ tướng trong chính phủ Trần Văn Hữu.
Năm 1954, ông làm cố vấn đặc biệt phái đoàn Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) tại Hội nghị Genève nhằm chấm dứt chiến tranh Đông Dương.
Năm 1959-1960, ông cùng 17 nhân vật khác (báo chí nước ngoài gọi là Nhóm 18 Caravelle) tuyên cáo đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thay đổi chính sách. Thế cho nên, sau đảo chính hụt ngày 11-11-1960, ông bị mật vụ Ngô Đình Nhu bắt giam, đến sau ngày 1-11-1963 mới được giải thoát.
Năm 1965, ông giữ chức Phó thủ tướng đặc trách kế hoạch.
Năm 1971, ông là Dân biểu Quốc hội, Trưởng Khối Dân tộc - Xã hội tại Hạ Nghị viện Sài Gòn, Cố vấn phong trào đấu tranh cải thiện chế độ lao tù, Thủ lãnh Luật sư đoàn Sài Gòn.
Ngày 26-10-1976, ông mất tại Hoà Bình, thọ 63 tuổi.

Tác phẩm
  • Hiu quạnh (1944)
  • Tỉnh mộng (1953)
  • Hội nghị Genève (1954)
  • Chính đảng (1968)
  • Người khách lạ (1969)
  • Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1958)
  • Con đường Cách mạng Việt Nam (1969)


WIKIPEDIA * TIỂU SỬ LS TRẦN VĂN TUYÊN

Trần Văn Tuyên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Luật sư Trần Văn Tuyên (1 tháng 9, 1913 - 28 tháng 10, 1976) là một trong các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, cựu dân biểu Hạ viện, sau làm Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là một trong các trưởng thuộc thế hệ sáng lập Hướng đạo Việt Nam. Ông đã bị chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam bắt ngay sau khi Sài Gòn thất thủ và đã chết trong trại tù.

Tiểu sử

Tác phẩm

  • Hiu quạnh 1943
  • Đế quốc đỏ 1957
  • Tỉnh Mộng 1957
  • Hồi Ký Hội-Nghị Genève 1954, 1964
  • Chánh Đảng 1967
  • Người Khách Lạ 1968

Tham khảo

  1. ^ a b c Trần Văn Ngô và ctv. Who's Who in Vietnam. Sài Gòn: Vietnam Press, 1974. tr 889
  2. ^ Nhà cách mạng Trần Văn Tuyên
  3. ^ Luật sư Trần Văn Tuyên, Cựu Dân biểu Hạ viện VNCH, cựu Phó Thủ tướng và là một trong số những lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị bắt sau khi Sài Gòn thất thủ
  4. ^ Nguyễn An Tiêm. "Sổ luân lưu". Khởi Hành Năm XV, số 169. Tháng 11, 2010. tr 7

LUẬT SƯ TRẦN VĂN TUYÊN

Wednesday, July 3, 2013


SƠN TRUNG * LUẬT SƯ TRẦN VĂN TUYÊN

|LUẬT SƯ TRẦN VĂN TUYÊN
(1913-1976)
Sơn Trung


 I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LS TRẦN VĂN TUYÊN

Luật sư Trần Văn Tuyên là một trí thức,  một luật sư, môt nhà văn, một nhà chính trị yêu nước, chống cộng sản và chống các chính phủ phi dân chủ tại miền Nam.. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ ông. .Hôm nay, tôi viết bài này để nhìn lại một danh nhân nước Việt, và một trang lịch sử của Việt Nam từ 1954 đến 1975.
LS Trần Văn Tuyên là một trong những chiến sĩ tranh đấu chống Pháp để mưu cầu dộc lập cho Việt Nam.LS Trần Văn Tuyên  bắt đầu sự nghiệp chính trị với sự gia nhập Việt-Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) vào năm 1929 lúc 16 tuổi, một năm trước khi xẩy ra vụ khởi nghĩa Yên-Bái. Sau ông  cộng tác cùng các nhà cách mạng như Nguyễn-Hải-Thần, Nguyễn-Tường-Tam hoạt động chống Pháp, bị mật vụ Pháp bắt bỏ tù vào năm 1943 Năm 1946, LS Tuyên tham gia chính-phủ liên hiệp do ô. Hồ-Chí-Minh làm Thủ Tướng, với chức vụ Đổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao do ô. Nguyễn-Tường-Tam làm Tổng-Trưởng. Một năm sau ông cùng với các lãnh tụ VNQDĐ khác như Nguyễn-Tường Tam, Nguyễn Hải-Thần, Vũ Hồng Khanh,v.v. bỏ qua Trung-Hoavì cộng sản ra tay sát hại các đảng phái quốc gia cụ thể là vụ Ôn Như hầu, và việc giết hại Huỳnh giáo chủ và các nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu...
Vua Bảo Đại hội đàm với Pháp tại vịnh Hạ Long vào ngày 6.12.1947,  và thành lập chính phủ quốc gia, LS Tuyên được mời  giữ chức vụ Tổng-Trưởng Thông-Tin vào năm 1949 trong nội-các của Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, sau đó tham gia vào nội các Trần-Văn-Hữu (1949-1951) với chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ-Tướng. Trong  hội-nghị Pau để thương lượng với chính quyền Pháp trao trả chủ quyền cho Việt-Nam, LS Tuyên đã quyết liệt phản đối sự vi phạm trắng trợn các thỏa ước Pháp đã ký kết.  Tướng De Lattre de Tassigny tức giận ra lệnh trục xuất LS Tuyên ra khỏi Việt-Nam.
Ông trốn vào khu bưng biền Tây-Ninh, liên kết với các giáo phái Cao-Đài và các đảng phái quốc-gia như Đại-Việt, VNQDĐ, Việt-Nam Phục-Quốc Hội, Dân-Xã Đảng và một số các nhà trí-thức để lập một mặt trận liên kết chống lại cả Pháp lẫn Cộng-Sản. Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia ra đời vào năm 1953. Năm sau, Mặt-Trận Liên-Minh Tổ-Quốc, bao gồm cả hai lực lượng Hòa-Hảo và Bình-Xuyên, được thành-lập.
Hội nghị Genève chấm dứt. Trở về nước LS Tuyên thành lập Mặt Trận Quốc-Gia Liên-Hiệp vào năm 1955 . Tổ chức này  năm 1958 kêu gọi Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm dân chủ hóa chính quyền, chống bất công xã-hội, thiết lập các quyền tự do căn bản (ngôn luận, báo chí, lập hội,...).  Được Tổng-Thống Diệm mời vào làm Bộ Ngoại Giao sau khi BS Trần-Văn-Đỗ từ chức, nhưng LS Tuyên đã khước từ vì quan niệm rằng mình không thể hợp tác với một quan lại của triều-đình Huế mà lại truất phế vua. 
Trong những năm 1955-58, , ông bị công-an bắt cóc đôi ba lần.
Tháng 4.1959, LS Tuyên cùng với 17 nhà chính trị độc-lập nổi tiếng của miền Nam như các ông Lê-Ngọc-Chân, Trần-Văn-Đỗ, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Phan Khắc-Sửu, Nguyễn-Bảo-Toàn, Trần-Văn-Văn, Nguyễn Lưu Viên họp tại khách sạn Caravelle, Saigon thành lập nhóm Tự-Do Tiến-Bộ  và thảo ra một văn thư gửi cho Tổng-Thống Ngô-Đình-Diệm để kêu gọi ông dân-chủ hóa guồng máy chính-trị của miền Nam, thừa nhận đối lập, tôn-trọng dân quyền Vì lý do đó, sau vụ đảo chánh hụt của Đại-Tá Nhẩy Dù Nguyễn-Chánh-Thi vào ngày 11.11.1960, LS Trần-Văn-Tuyên và nhóm Tự-Do Tiến-Bộ bị nghi ngờ dính líu vào vụ đảo chánh và bị bắt giam. Một số bị đưa ra Côn Đảo, trong đó có cụ Phan-Khắc-Sửu,  LS Tuyên
Sau 1975, ông bị cộng sản bắt giam. Trong ngục, ông vẫn bình thản giữ vững khí cao cả không chịu khuất phục trước bạo lực cộng sản.. Hơn một năm sau khi ở tù cộng sản,  chính trị gia quốc gia, nhà văn hóa,Luật sư Trần Văn Tuyên ngã gục trong trại tù tập trung Hà Sơn Bình, hai ngày sau thì từ trần., thọ 63 tuổi.
Trong đời ông từ các hoạt động chống Pháp, chống Ngô Đình Diệm đã cho thấy ông là một người quốc gia chân chính. Cái chết của ông cũng cho thấy ông là một người bất khuất, không đầu hàng cộng sản.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ CỦA LS, TRẦN VĂN TUYÊN

1.PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN VĂN TUYÊN  VÀ VIỆC MỸ ĐEM QUÂN VÀO VIỆT NAM

  Năm 1965, LS Trần Văn Tuyên ra nhận chức Phó Thủ tướng cũng là lúc tình trạng chính trị và quân sự Việt Nam lâm vào hỗn loạn. Lúc ông lên nhận vai nặng chính trị cũng là lúc quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẳng mà không hề xin phép chính phủ.  LS Tuyên và Thủ-Tướng Phan Huy Quát chủ trương chống lại việc mang quân Mỹ vào Việt-Nam nên chỉ sau 4 tháng cầm quyền, nội các Phan-Huy-Quát bị phe quân nhân của Tướng Nguyễn-Văn-Thiệu, với hậu thuẫn của Hoa-Kỳ, lật đổ vào tháng 6.1965 (1)

Đây là một tình trạng vô cùng tế nhị.. Bác sĩ Phan Huy Quát và LS Trần Văn Tuyên đứng trước tình trạng khó xử, Có phải hai ông chủ trương chống lại việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam,? Phải chăng vì thế  mà Mỹ tìm cách lật đổ chính phủ Phan  Huy Quát để đưa Nguyễn Văn Thiệu lên.? Dù ông không chống Mỹ, các phe phái trong quân đội và các tôn giáo Việt Nam cũng muốn loại trừ ông.  Có thể bọn gian điệp bên cạnh Thiên chúa giáo muốn đưa Thiệu lên để dễ khuynh loát. Việc rõ rệt là sau đó Nguyễn Van Thiệu lên, bên cạnh Thiệu lại có rất đông cụm tình A 22 trong dinh Độc lập.

Chúng tôi có những nhận xét sau:
+1. Trước tình hình khó khăn như vậy, mà hai ông Phan Huy Quát và Trần Văn Tuyên hành động quá thật thà thẳng thắn chứ không mánh  lới khôn lanh như cộng sản . Hai ông chống đối chứng tỏ hai ông yêu nước chứ không cúi đầu bán nước như cộng sản, Tuy nhiên, yêu nước cũng cần sự khôn ngoan của nhà chính trị. Cổ nhân đã nói:" răng cứng thì gãy, lưỡi mềm thì còn"

+2.  Quân Mỹ đổ bộ ngày 8-3-1965. Ngày 16.2.1965 Hội Đồng Quân Lực sau hai lần đổi tên là Hội Đồng Quân Nhân và Hội Đồng Quân Đội, ra tuyên cáo lãnh trọng trách tuyên nhiệm  chỉ định thủ tướng, thành lập Hội Đồng Quân Dân và triệu tập Quốc Dân Đại Hội ngày 27.6.1965. Hội Đồng Quân Lực đã bổ nhiệm chính trị gia Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng và chính trị gia Bác Sĩ Phan Huy Quát làm thủ tướng. Như vậy, quân Mỹ đổ bộ trước khi chính phủ Phan Huy Quát thành lập.  Trong trường hợp này, chính phủ Phan Huy Quát không chịu trách nhiệm, nên im lặng hoặc xử sự khôn khéo, mềm dẽo. Nếu Mỹ đổ quân sau khi hai ông lập chính phủ, và nếu hai ông bất bình thì hai ông có thể từ chức. Trong trường hợp này chính là hai ông đã đầu hàng, đã bỏ cuộc , và chứng tỏ là những nhà chính trị bất tài.

+3. Quân Mỹ đổ bộ trước khi Bác sĩ Phan Huy Quát lập chính phủ, hai ông  phải biết việc này. Nếu thấy bất lợi cho tổ quốc và bản thân thì BS Quát và LS Tuyên không nên ra lập chính phủ.  Các ông chỉ có ba đường, Một là im lặng  mà tìm kế sách. Hai là theo cộng sản chống Mỹ cứu nước, ba là hai ông nên làm những ẩn sĩ thời loạn. Các ông có tinh thần quốc gia, không theo cộng sản mà thấy bất lực trước thời cuộc, tốt nhất là nên ẩn dật.
+4. Có thể việc Mỹ đổ bộ đã được hội đồng quân lực đồng ý, nếu không công khai thì cũng được sự thỏa thuận ngầm của ai đó trong hội đồng quân lực. Trên thực tế, Người Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam . Sau 1954, người Mỹ đã thay thế Pháp, đã  đưa ông Diệm về,  lập ông Diệm làm  Tổng Thống,  ông Diệm chắc cũng ký kết gì với Mỹ để nhận viện  trợ Mỹ, nhận hàng ngàn cố vấn Mỹ vào Việt Nam. Chính sau 1954, Cộng sản đã lớn tiếng tố cáo Mỹ xâm lược Việt Nam, và cũng từ lâu, cộng sản đã kết tội Bảo Đại, Diệm và các ông chính trị gia  miền Nam là tay sai Pháp , Mỹ...Thực tế, VNCH đã là đồng minh của Mỹ, đã nhận sự viện trợ quân sự của Mỹ. Sau, ông Diệm từ chối việc Mỹ đổ quân   (?)---có thật vậy không hay chỉ là sự khoa trương bịa đặt  của bọn bộ hạ ông?---- nếu quả thực thì đó là vì ông đã thay lòng đổi dạ.
+5. .Mỹ khác  Trung Cộng.  Từ trước đấy nay chưa từng thấy Mỹ thực dân, chiếm đất. Trung Cộng có mục đích xâm lăng thế giới., là một loại đế quốc thực dân, đã xâm lăng Tây Tạng, Mông Cổ, chiếm hải đảo và đất Việt Nam, đồng thời muốn chiến toàn biển Đông khi họ vẽ bản đồ lưỡi bò. Mỹ hành quân ở đâu cũng chỉ ngắn hạn. Đồng minh của Mỹ thì trở thành con rồng, còn nô lệ Trung Cộng thì thành dun dế. Hai đường đó, lúc đó chúng ta phải chọn một.
(6). Việc Mỹ đổ quân là cần thiết.  Người Mỹ đã lầm lẫn khi chọn Ngô Đình Diệm vì họ nghĩ rằng Thiên Chúa giáo chống cộng,  CIA và bộ tham mưu của toà Bạch Ốc rất đông nhân tài nhưng họ tỏ ra kém cỏi  khi  họ không biết rằng Vatican đã bắt tay với cộng sản. Gia đình ông Diệm và các cha như Hoàng Quỳnh , giám mục Ngô Đình Thục từ đầu đã chủ trương diệt chính phủ miền Nam. Mỹ phải ra tay vì sợ  Miền Nam rơi vào tay cộng sản bởi vì một thế lực hùng hậu nhất đang áp đảo miền Nam và lực lượng Mỹ. Đó là thế lực Vatican  .Lê Xuân Nhuận viết:

Trên bàn cờ thời-sự Miền Nam Việt-Nam, vào giai-đoạn cuối-cùng của lịch-sử Việt-Nam Cộng-Hòa, chỉ còn có một ván cờ mới―chung-kết và chung-quyết:
Đối-thủ chính bên phía đối-lập với Chính-Quyền là các Nhóm “Giáo-Dân Tranh Đấu”, do đại-khối hơn 300 linh-mục trong “Phong Trào Chống Tham Nhũng” và cả đám linh-mục cộng-sản nằm vùng, tay sai và thân-Cộng, “lãnh-đạo tinh-thần” Kitô-Giáo Việt-Nam, đứng ra thao-túng tình-hình.
Ở trên đầu và sau lưng họ là Tòa Thánh La-Mã với đích-thân Giáo-Hoàng Phaolô VI cùng với hàng chục quốc-gia chư-hầu của Vương-Quốc Vatican.
Thế đánh cạn-tàu ráo-máng của nội-thù đã chiếu bí Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu, trực-tiếp mở đường cho ngoại-địch hạ gục đối-thủ trong nước cờ kết-thúc giữa Bắc-Việt Xâm-Lược với Việt-Nam Cộng-Hòa.
(2)

Việc họ Ngô cùng bọn thủ hạ và các giám mục, linh mục Thiên chúa giáo mang danh nghĩa chống cộng nhưng bên trong bắt tay với cộng sản từ lâu, it nhất là từ 1956. Nhiều báo chí và sử sách đã đề cập việc này:

+1. Việc Ngô Đình Cẩn bán gạo cho cộng sản năm 1956 (3) (4) (5)
+2.Việc Ngô Đình Thục đưa người vào dinh Độc Lập. Việc tướng Nguyễn Chính Thi khám phá đường dây cộng sản với triều đình họ Ngô, việc họ Ngô tiếp tế thuốc men, lương thực cho cộng sản  như hàng đống thuốc tây của các dược phòng bộ hạ Ngô Đình như bọn Trang Hai, La Thành... .(6)
+3. Cụm A 22 trong Dinh Độc Lập .Nhiều tài liệu cho biết Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nha, Phạm Ngọc Thảo và các điệp viện cộng sản đều ở dưới trướng của Giám mục Lê Hữu Từ, được Hoàng Quỳnh can thiệp và được các linh mục nuôi dưỡng, che giấu. Riêng Vũ Ngọc Nhạ được tòa thánh Vatican biểu dương (7) (8) (9)(10)(11)(12).


Như các chú thích trên đây chứng tỏ việc này nhiều người biết chứ không phải một ai tung tin vịt để làm mất uy tín Vatican và nhà Ngô. Việc biểu dương này chứng tỏ  Vatican không hề che đậy. Việc khen thưởng này  chứng tỏ Nhu Diệm và các hàng  giáo phẩm Việt Nam  đã vâng lệnh Giáo hòang mà phản bội tổ quốc Việt Nam và đồng minh Mỹ  mà bắt tay với cộng sản. Đó là một bằng chứng hiển nhiên không thể bảo ràng người ta vu cho Diêm Nhu bắt tay với cộng sản, và cũng không thể bảo người ta vu vạ cho đức Thánh Cha yêu quý Satan! Ôi! Đức Thánh Cha, các giám mục, linh mục Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bán linh hồn cho quỷ. Chúng ta biết trách ai? Than van với ai? Đổ tội cho ai?

+4. Diệm Nhu đã thả các yếu nhân cộng sản đã bị An Ninh hoặc Quân Đội ta bắt đuợc. Đó là vụ Nguyễn Trân bày cuộc đấu lý để thả Trần Bạch Đằng (13), và Diệm Nhu thả Lê Duẩn.(14)(15)
 An Ninh và Quân đội ta hành quân bắt được nhiều cán bộ cộng sản cao cấp nhưng NGô Đình Diệm ra lệnh thả.  Ngô Đình Diệm bày ra vụ Nguyễn Trân đấu lý với cộng sản rồi thả ra.Trong số này có Trần Bạch Đằng. Ai đời ông Tỉnh trưởng lại đấu lý với tù nhân rồi tự tiện thả ra? Làm quận trưởng, tỉnh trưởng phải biết đó  tội chết. Nguyễn Trân làm việc này là do lệnh Nhu Diệm. Hai ông Diệm Nhu muốn bắt tay với Việt Cộng nên thả Việt Cộng gộc ra nên bày ra trò đấu lý. Người ta bảo rằng ông Nhu và bà Nhu kiêu căng xem thiên hạ dưới gót chân, chỉ có hai ông bà là đỉnh cao trí tuệ của Việt Nam Cộng Hòa. Phải rồi, xung quanh hai ông toàn là bọn tôi tớ nhà Ngô, bọn hầu hạ cha cố vâng dạ quen nết, thành thử có ai dám có ý kiến khác đâu!

 Người ta cũng bảo ông Nhu muốn trí tuệ lên đỉnh cao nên đã dùng vị nồng của ả phù dung. Trong cơn say, ông mới nảy sinh ra diệu kế, nhưng than ôi, cái trò này che mắt đưọc ai! Ông Cao Thế Dung nhận xét  về Ngô Đình Diệm như sau : Ông  Diệm khắt khe tàn ác với người quốc gia nhưng rộng lượng với kẻ thù.
Không phải thế đâu!Ông Diệm không khoan dung  , hai ông Diệm Nhu muốn tỏ lòng trung thành với Hồ Chí Minh, nhất tâm theo ngọn cờ đỏ sao vàng!Hành động này cũng là hành động của Nguyễn Văn Thiệu nuôi con Trương Như Tảng.
+5.Diệm Nhu và bọn cộng sản đã tiết lộ bí mật quân sự, hoặc thay đổi các kế hoạch hành quân để cứu cộng sản. Tài liệu Đỗ Trọng ghi lại Hồi Ký Huỳnh văn Cao:
 Tướng Huỳnh Văn Cao còn cho biết cả Đại tướng Harkins cũng nghi ngờ TT Diệm. Bởi vì cuộc hành quân nào của QLVNCH sắp mở ra mà báo cho Tổng Thống phủ thì VC đều biết trước! Cho thấy người Mỹ, CIA đã biết và theo dõi bám sát ông Ngô Đình Nhu từ lâu. Và người Mỹ nhiều lần đòi Tổng Thống Diệm loại trừ ông Nhu. Các tướng lãnh cũng đòi loại trừ ông Nhu nhưng ông Diệm cương quyết giữ ông Nhu!  (16).
Huỳnh Văn Cao cũng nói đến kế hoạch hành quân của ông bị thay đổi : "Sau khi tôi rời Bộ Tổng Tham Mưu thì kế hoạch laị hoàn toàn đổi mới. Bộ Tổng Tham Mưu cho một lực lượng nhảy Dù gồm 2 đại đội, có một bộ phận chỉ huy, sắp xếp như vậy thì ĐÚNG sách vở, mà KHÔNG ĐÚNG với thực tế chiến trường. Chờ cho máy bay chuẩn bị đầy đủ để chở một lực lượng Nhảy Dù thì gần hết ngày, thả quân Dù xuống mặt trận thì trời sắp tối, và khi máy bay thả Dù xong thì trời tối om. Có số nhảy xuống đúng DZ, nhưng chỉ để nằm tại chỗ qua đêm, có số mắc tòn ten trên cây (Một kiếp người 19) (17).

+6.Việc rõ rệt là sau 1963, các giám mục, linh mục, trí thức Thiên chúa giáo nổi lên chống Thiệu tham nhũng, đòi hòa bình, chống Mỹ xâm lược cụ thể như linh mục Trần Hữu Thanh, bà Nguyễn Thị Thanh dấy lên việc chống Thiệu tham nhũng, các báo chí như Đại Dân Tộc, Tin Sáng, Điện Tín,  nhà xuất bản Trình Bày. Như vậy, trong lúc này, Do Thái, Mỹ phản chiến , Mỹ diều hâu, Cộng sản,  một số Thiên Chúa giáo, một số Phật giáo muốn  chấm dứt chiến tranh, muốn kết thúc VNCH. Trong một lúc, nhiều kẻ muốn giết VNCH, nào phải riêng ai! Chính phủ và nhân dân Miền Nam phải lâm vào cảnh "tứ diện thụ địch", dù Khổng Minh tái thế cũng phải bó tay!
+7. Từ khi Ngô Đình Diệm băt tay với cộng sản, họ đã đâm sau lưng quân dân ta, nuôi cộng sản trong dinh Độc lập, phá hoại các cuộc hành quân của quân ta, cho nên quân sự ta suy yếu. Việc này cũng làm cho tinh thần quân sĩ xuống thấp. Việc Ngô Đình Diệm điều đình với cộng sản cũng giống như việc Từ Hải đầu hàng làm cho quân tình bê trễ:
Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,
Hẹn kỳ thúc giáp quyết đường giải binh.
Tin lời thành hạ yêu minh,
Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng.
2505. Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,
Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.
Hồ công quyết kế thừa cơ,
Lễ tiên binh hậu khắc cờ tập công. 
+8.Tình hình chính trị và quân sự miền nam  rất thê thảm. Trong ba năm sau 1963  có sáu cuộc đảo chánh. Cộng quân  nhân lúc này tấn công khắp nơi, sự tồn tại của  Miền Nam tự do như treo sợi chỉ mành!
Vì những lý do trên, Mỹ phải vào Việt Nam gấp.Ngoài ra, đã đến lúc Mỹ tiến hành hòa đàm. Từ 1950, Tổng Thống Mỹ đã muốn hòa bình nhưng phía Liên Xô, Trung Cộng thấy thế thì làm cao. Cho đến khi Khrushchev tố cáo tội ác Stalin, đưa ra chủ trương xét lại, mở ra lý thuyết hòa bình, tư bản cộng sản cộng tác, Mỹ mới đẩy mạnh việc sống chung. Người Mỹ cũng hiểu tư tưởng Lão Tử:" Muốn tiến phải lùi, muốn lùi phải tiến." Người Mỹ cũng áp dụng chính sách "đả đả đàm đàm". Muốn hòa bình, người Mỹ phải tiến hành chiến tranh, phải đem quân vào Việt Nam. Người Mỹ chỉ gây áp lực, và đây là một cuộc chiến không cần thắng lợi là như thế.

 Mục đich này là  tấn công hòa bình không phải xâm lược như Trung Cộng. Đây là một kế hoạch toàn cầu, sửa soạn cho không thành kế. Họ không bỏ rơi Việt Nam một mình xoay xở, muốn ra sao thì ra mà muốn Việt Nam cũng thực hiện không thành kế, nghĩa là  để cho cộng sản chiếm thành, toàn quân rút lui.không một ai  ở lại hoạt động, không một ai có thể  chống đối cộng sản bằng vũ lực. Phải để cho Việt cộng và Trung cộng say men chiến thắng, an hưởng hòa bình và làm giàu .Trung Cộng, Việt Cộng càng tự cao, tự đại, càng phách lối, càng hung hãn thì Mỹ càng mừng vui. Muốn hạ Quan Vũ, Lục Tốn phải làm cho Quan Vũ kiêu căng, khinh thường.

 Không phải các tướng lãnh VNCH không biết kế hoạch này, họ biết Mỹ sẽ rút lui. Họ đau đớn lắm và cố gắng tìm phương giải cứu Miền Nam và số phận họ. . Vì vậy mà các tướng Đôn ,Đính, Kim, Xuân đã lập nên Ngân Hàng Quân Đội để có sức chống cộng sau khi Mỹ rút lui. Nhưng Mỹ đã phá kế hoạch này, đã đập tan Ngân Hàng Quân Đội. Mỹ cũng ra lệnh cho ông Thiệu tịch thu vũ khí Hòa Hảo. Mỹ đã  đich thân đến các nơi ra lệnh binh sĩ ta phải bắn hết đạn và hứa sẽ có đạn mới (18). Nhưng đạn mới đó là đạn AK Tiệp Khắc từ Bắc vào Nam.  Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Mai Văn Hạnh... cũng phải tiêu tùng trong kế không thành này.  Ai vi phạm  lệnh không thành là  bị diệt vong.


Vì những lý do trên mà quân Mỹ phải nhảy vào Việt Nam nếu không thì quân Cộng sản đã chiếm Miền Nam do hai anh em Diệm Nhu  và cha cố dâng cho Bắc Việt . Mỹ can thiệp chính trị vào miền Nam  từ 1954, Mỹ  đem quân vào miền Nam năm 1965, đến 1975 thì rút lui. Tổng cộng 20 năm họ đã cứu Miền Nam sống thêm 20 năm, nếu không sau 1954, dân dân Miền Nam đã nếm mùi Cộng sản chứ không phải đợi 1975.
Cuộc cờ như thế, tình hình quân sự, chính trị từ 1962 cho đến  1965  như thế mà Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên không biết sao? Một khi cán bộ cộng sản đã vào Dinh Độc Lập, quân tốt đã nhập cung trung thì ván bài coi như thualà chuyện tất yếu. Lẽ nào LS Trần Văn Tuyên không nghĩ đến việc này?
1. Một số người cho rằng nếu ông Diêm còn sống thì Miền Nam không mất vào tay cộng sản.
Điều này sai lầm vì khi ông Diệm bắt tay cộng sản  nghĩa là đầu hàng cộng sản. Bắt tay với kẻ mạnh thì chỉ là một cách đầu hàng.

2.Một số ca ngợi đường lối hòa bình của ông Diệm là tuyệt vời khi chủ trương nhận tiền Pháp, Trung Quốc lại nhận viện trợ Mỹ! Sao mà ý kiến trẻ con thế? Mỹ ngu dại gì  mà chi tiền cho bọn phản bội ư? Họ làm việc này mà qua mặt  được Mỹ hay sao? Cái trò này chỉ là trò của các ả bán phấn buôn hương" đưa người cửa trước rước người cửa sau" hai ông Diệm Nhu và Đức Giáo hoàng tối cao lại chấp nhận  giải pháp này? Người bênh vực họ Ngô chỉ làm xấu danh họ Ngô mà thôi! Những ý kiến đó cho biết tác giả là người ngu trung, nông cạn và vô đạo đừc vì chuyên nghĩ việc lường gạt, dối trá!

3.  Có người cho rằng ông Nhu không theo cộng sản đâu, ông yêu nước, ông chỉ dùng chút thuật mọn để làm Mỹ quy phục. Ôi! Cái kế này rất nguy hiểm. Một phụ nữ giả đò âu yếm với người khác để kích động người yêu. Có thể đối phương quay trở lại, có thể đối phương bỏ đi luôn, có thể cô nhận được mũi dao nhọn. Cái trò ngoại tình có kết quả tai hại. Nhẹ thì ly dị, nặng thì có thể ăn dao, ăn đạn banh xác!

4. Những ai mơ tưởng hòa bình, mong hòa hợp hòa giải dân tộc có lẽ đã sáng mắt sau 1975. Vatican,   Ngô Đình Diệm đã bắt tay với cộng sản, mà Mỹ cũng đã ký kết hiệp định Paris 1973 với cộng sản, Hành động giống nhau, không lẽ Vatican ký kết với cộng sản thì tốt hơn là Mỹ? Nếu hòa bình 1975 là một đau khổ cho Việt Nam thì hòa bình do Vatican và Diệm Nhu ký kết có sáng sủa hơn chăng? Ai tin rằng Vatican và Diệm Nhu giỏi hơn Mỹ, và Việt Cộng sẽ tuân thủ những ký kết với Diêm Nhu và Vatican?

Nếu Diệm Nhu và Vatican mà ký kết với cộng sản thì cũng một kết quả.  Chỉ có mục đich Mỹ và mục đich Vatican khác nhau. Khác nhau như thế nào? Không mấy ai biết rõ! Có thể Mỹ có mục đich chiến lược, còn Vatican có thể là lợi.  Lợi gì?  Sau 1975, hòa bình trở lại, họ có lơi gì? Có được cái lợi như họ mong muốn không? Thực tế 1975 cho thấy hòa bình đã đến nhưng nhân dân thêm đau khổ vì đói khổ, tù đày, chết chóc, vì bọn cộng sản cướp nhà cướp đất và bán nước cho Trung Cộng. Sau 1975, Thiên Chúa giáo có khá hơn Phật giáo, Tin Lành hay Cao Đài chăng?

Thực tế trước mắt, người cộng sản đã hạ thủ Ngô Đình Diệm, đã giết con gà con khi chưa nở trứng. Cộng sản đã sống và tôi luyện trong ý thức giai cấp và đẳng cấp. Trong Về R, Kim Nhật cho biết khi bọn cộng sản cao cấp đưa Nguyễn Hữu Thọ lên làm chủ tịch MTGPMN, bọn binh sĩ và cần vụ hết sức tức giận vì họ là những chiến sĩ vô sản, giai cấp lãnh đạo, giai cấp tiên phong lại bưng cơm rót nước cho một tên ngụy, một tên trí thức, một tên phản động. Bọn cán bộ cao cấp khuyên giải bọn đó là các đồng chí phải tuân lệnh đảng vì lợi ich của đảng,  đảng đang lợi dụng những tên này một thời gian. Sau này , để vỗ về lòng đảng viên, bọn lãnh đạo đem Nguyễn Hữu Thọ vào đảng.

Trương Như Tảng thuật lại trong Hồi Ký của y rằng y ra Hà Nội tham dự một buổi lễ, Trường Chinh hỏi:" Ông là ai mà tôi không được biết?" .Câu hỏi đơn giản và bình thường nhưng chứa đựng bao ý nghĩa. Trường Chinh muốn nói cho Trương Như Tảng biết rằng "Đây là chỗ vinh dự cho các đảng viên cộng sản có thành tích. Mày là thằng chó chết nào mà dám ngồi vào chỗ này?"

Trương Như Tảng nghe lạnh mình:"Liệu mà cao chạy xa bay,/ Ái ân với cộng chỉ ngần này mà  thôi!" 
Thế là Trương Như Tảng chuồn gấp! Dù Ngô Đình Diệm muốn đàu hàng, bọn cộng sản không thể chấp nhận. Họ  vào sinh ra tử bao nhiêu năm mà chẳng được ân huệ bao nhiêu. Còn Ngô Đình Diệm  thuộc diện quan lại phong kiến, tay sai thực dân đế quốc,  kẻ thù có nợ máu với nhân dân, nay bỗng chốc trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Phó chủ tịch Quốc Hội hay Cố vấn tối cao ? Làm sao giai cấp vô sản  có thể chấp nhận được một tên đại phản động lại có thể ngồi cạnh Hồ Chủ tịch kính yêu?

5. Một số cho rằng ông Diệm chống cộng, yêu nước  nhưng thực tế ông Diệm và bè lũ phản dân tộc Việt Nam, phản bạn đồng minh.  Trên kia đã nói việc Giáo hoàng Phao Lồ VI trao giải thưởng Hòa Bình cho Vũ Ngọc Nhạ là một minh chứng cho biết từ giáo hoàng xuống hàng giáo phẩm và NGô Đình Điệm đã theo đuổi việc bắt tay với cộng sản. Nay xin dẫn chứng thêm về sự kiện này. Nhiều tài liệu cho biết việc này:
+1. "Không phải tự-nhiên mà tờ tuần-báo Newsweek nổi tiếng của Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 12 năm 2001 bỗng đăng một bài tổng-kết tình-hình hoạt-động cuả CIA ở Đông Nam Á, và chú lên trên bức ảnh cuả cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm một câu như sau:
“1963: The Kennedy administration begins to see South Vietnamese President Ngo Dinh Diem as a communist tool and decides that “Diem must go.” The CIA engineers coup attempts that eventually lead to his assassination in November.” (1963: Chính-quyền Kennedy bắt đầu thấy rõ Tổng Thống Ngô Đình Diệm cuả Nam Việt-Nam là một công-cụ cuả cộng-sản và quyết định rằng “Diệm phải ra đi.” Cơ-quan CIA thiết kế các mưu toan đảo chánh rốt cuộc đưa đến việc ám sát ông ta trong tháng 11.”
+2.   Theo tiến-sĩ Lâm Lễ Trinh, cựu Bộ-Trưởng Bộ Nội-Vụ dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa, trong bài “Mạn Đàm với cựu Đổng-Lý (Văn-Phòng Tổng-Thống Ngô Đình Diệm) Quách Tòng Đức” thì:

“Ông Ngô Ðình Nhu đã tìm cách thương-lượng với Bắc Việt để loại ảnh-hưởng của Hoa Kỳ. Ông Nhu đã mời Manelli, Trưởng Phái-Đoàn Ba Lan trong Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Đình-Chiến để nhờ liên-lạc với Hà Nội qua Ðại-Sứ Pháp là Roger Lalouette đưa đề-nghị mở cuộc tiếp-xúc giữa 2 bên. Bắc Việt chấp-nhận ngay. Ông Nhu giả vờ đi săn với ông Cao Xuân Vĩ ở Cao Nguyên rồi nửa đường rẻ xuống vùng Tánh Linh ở Phước Tuy để gặp đại-diện của Bắc Việt. Cụ Cao Xuân Vĩ đã xác-nhận điều này. Trong cuộc gặp-gỡ, 2 bên đồng ý tái-lập trước tiên về liên-lạc bưu-điện và sau đó về giao-thương để tiến tới thống-nhất đất nước trong hòa-bình. Sau cuộc tiếp-xúc đó, ông Nhu cố ý tiết-lộ nội-dung cuộc tiếp-xúc cho báo-chí biết để ngầm thông-báo cho Washington.
Ông Quách Tòng Đức xác-nhận là “chính ông Nhu có đề-cập đến chuyện này trong vài phiên nhóm với tướng-lãnh tại Bộ Quốc-phòng và ngày 23.7.1963 tại suối Lồ Ồ khi nóí chuyện với các cán-bộ xây-dựng Ấp Chiến lược khoá 13.”
Một nguồn tin khác cho biết ông Nhu xử dụng trung gian cuả bốn đại sứ: Roger Lalouette (Pháp), d’Orlandi (Ý), Goburdhun (Ấn Độ) và Manelli (Ba Lan), (hai ông sau là thành viên của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến) cũng như Tổng lãnh sự Pháp ở Bắc Việt Jacques de Buzon, để liên lạc với Hànội. Ông QTĐ nói có nghe dư luận này nhưng không biết rỏ chi tiết.
Ông cũng có nghe xầm xì rằng ông Nhu đã gặp một đại diện Văn phòng Chính trị CS (Phạm Hùng?) trong lần đi săn tại Quận Tánh Linh, Bình Tuy.
Song song với sự tiết-lộ của ông Nhu, Tổng-Thống Pháp De Gaulle lên tiếng kêu gọi loại bỏ “ảnh-hưởng ngoại-quốc” ra khỏi VN, còn Hồ Chí Minh lên tiếng nói rằng “một cuộc ngưng bắn có thể được 2 bên thỏa-thuận.”
Ông Nhu đã hội kiến với Maneli lần đầu vào ngày 25/8/63 tại Bộ Ngoại giao VNCH và kế đó là vào ngày 2/9/63 tại phòng đọc sách của ông (“War of the Vanquished”, Mieczyslaw Maneli).
Ông Quách Tòng Đức xác-nhận: một Tết Nguyên-Đán trước 1963, một cành đào đỏ lộng-lẫy được trưng-bày nơi phòng khánh-tiết Dinh Độc-lập với tấm thiệp in tặng của “Chủ tịch Nhà nước Cọng hoà Xã hội Miền Bắc”. Ông Đức kết-luận: “hành-động độc-lập (không cho Mỹ biết) của ông Nhu đã làm Washington tức-giận hơn. TT Kennedy bật đèn xanh cho Lodge tiến-hành cuộc đảo-chánh nhanh chóng hơn.”(19).
Nhiều người thương tiếc Ngô Đình Diệm nên kết tội nhiều người.Nhưng những lời kết tội đó chỉ là phiến diện. Người giết gia đình ông Diệm chính là ông Diệm và gia đình ông. Ông Diệm giết hại nhiều dân, bắt buộc dân bỏ đạo là  trái với đức bác ái cùa chúa, và trái quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, ông giết hại nhiều người tài giỏi, yêu nước, gia đình ông Diệm giết người cuớp của, liên lạc với cộng sản, tiết lộ bí mật quân sư, nuôi dưỡng, che giấu kẻ thù, đó là những tội đáng xử tử.(20)  Ông Diệm đã đặt tay lên Thánh giá mà thề trước mặt vua Bảo Đại năm 1954, ông Diệm đã nói và mắc lời thề vào ngày 1-11-1963.
:"Tôi tiến, hãy theo tôi;
tôi lùi, hãy bắn tôi

 Chính các lời thề của ông đã giết ông. Đa số người Việt Nam sợ mắc lời thề, sợ phạm điều ác, sợ quả báo. Chính hai ông tư giết mình khi công khai mở cành đào tại Dinh Độc Lập trước mắt Đại sứ Mỹ. Đó là sự kiêu hãnh, lòng tự tìn thành công đã đến nơi. Nhưng đó là đầu óc ấu trĩ, dại dột của anh em nhà Ngô.
Làm sao chơi với cộng sản có sức mạnh nửa thế giới lại yêu ma quỷ quái? Ai tặng cành đào? Tên ghi là Hồ Chí Minh nhưng có thực là Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh hay  các quan Liên Xô, Trung Quốc? Người gửi cành đào là  người muốn nhờ  tay Mỹ giết Ngô Đình Diệm, để cho Trung Quốc, Pháp không thể đô hộ miền Nam. Cũng có thể người này cũng như Hồ Tôn Hiến giết Từ Hải, Ngô Đình Diệm giết Ba Cụt là muốn chém cho sướng tay,  muốn chiến thắng chứ không muốn kẻ thù đầu hàng!
Ngoài ra, chinh Giáo hoàng Phao lồ VI đã đẩy gia đình ông Diệm vào cửa tử.Và luật chơi không tha thứ kẻ phản bội.Chính trường là chiến trường, mắc lỗi lầm,  phạm  trọng tội là chết!

2. LS TRẦN VĂN TUYÊN,  KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY

Năm 1972 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho áp dụng Sắc luật 007 với quy định số tiền phải ký quỹ rất lớn làm nhiều báo không có tiền ký đành đóng cửa. Theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Điều này được xem như dùng "bàn tay sắt" đối với giới báo chí. Nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù. nhiều người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình đó, các nghiệp đoàn kí giả ở Sài Gòn đã tập hợp lại để phản kháng chính phủ.


 Dân biểu Trần Văn Tuyên, người bận com-lê đứng trước hàng dây thép gai, trong cuộc biểu tình “Ký giả đi Ăn Mày,” Sài Gòn năm 1974.



Trong cuộc  phản kháng luật báo chí, một số nhà văn, nhà báo, đã tổ chức đi ăn mày trong đó có LM Thanh Lãng, LS Trần Văn Tuyên,  soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà . Cuộc đi ăn mày là do đạo diễn ở đàng sau, có thể là cộng sản, là phản chiến Mỹ. Tại sao ông cũng cầm biểu ngữ đi ăn mày với bọn này? Chính trị là tương đối. Trong trường hợp chiến tranh, cộng sản phá hoại, một luật báo chí chặt chẽ là cần thiết. Dẫu sao miền Nam dù khắc nghiệt, tư nhân một số cũng được ra báo, còn trong chế độ cộng sản, tuyệt đối là không.

Sau 1975, cộng sản chiếm miền Nam, dẹp bỏ các báo chí, các chủ bút, nhà báo, các ký giả đều trở thành thất nghiệp, sao chẳng thấy các ông báo chí kéo nhau đi ăn mày? Các ông không đau khổ vì thất nghiệp mà còn dâng nhà cửa, tài sản cho cộng sản. Thế là ở đời "mềm nắn rắn buông", không ai ngay thẳng, chân thực. Ở với người hiền thì lấn lướt, còn gặp người dữ thì quỳ lụy!Than ôi các ông trí thức, chính trị gia miền Nam là thế!

Bùi Diễm dắt Bùi Tín vào quốc hội Mỹ, Bùi Tìn quảng cáo cho cái tự do ngôn luận của cộng sản khi ông nêu lên  tại VN có 8 ngàn tờ báo. nhưng ông Bùi Tín không nói rõ 8 ngàn tờ báo như Thanh Niên, Phụ Nữ, Quân Đội, Nhân Dân, Thể Thao, Công An Hà Nội, Công An Sai Gòn, Tuổi Trẻ,Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ chủ nhật... đều là cơ quan ngôn luận của Cộng sản, tư nhân không có quyển ra báo. Đó là cái hơn của Miền Nam, Không nên  đòi hỏi tuyệt đối. Nước ta đang có chiến tranh , cộng sản hoành hành khắp nơi, một nhà chính trị phải biết tiến thoái, cương nhu, không thể áp dụng tự do của Âu Mỹ vào Việt Nam chiến tranh. Hạnh phúc là tương đối, tự do, dân chủ cũng tương đối. Chỉ có chút tự do, dân chủ hơn  cộng sản là  đã được.hạnh phúc rồi!

 Thực ra người ta làm quá đi mà thôi. LM Thanh Lãng, Nam Đình, Trần Tấn Quốc là những chủ báo, những tư sản không phải là ký giả thuần túy, dù thiên hạ chết đói đầy dường phố, các ông này vàng vẫn đầy rương, bạc triệu, bạc tỷ vẫn còn trong ngân hàng dễ gì chết đói.  Dù là ký giả thuần túy, dù là chủ bút có bị tù cũng có hạn định chứ không ngồi tù vô hạn như trong chế độ cộng sản. Dù là ký giả nghèo, thất nghiệp  cũng có thể sống hiên ngang ở Saigon, không làm việc này thì việc khác,  không bị cắt hộ khẩu, bị tuyệt thông như Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán Phùng Cung, Hữu Loan...

 Không lẽ người như LS Trần Văn Tuyên lại không biết cái thủ thuật của cộng sản và phản chiến Mỹ hay sao? Nếu ông biết thì làm sao ông có thể đứng cùng hàng với Thanh Lãng, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Thị Thanh là những kẻ hoạt đầu ? Ngay cả LS cũng không phải là ký giả. LS nghe lời chúng, đi theo chúng để che chắn cho chúng mà thôi! LS là nhà chính trị lão thành, đã sống ở đất Bắc, lẽ nào không rõ thủ đoạn của cộng sản mà còn trịnh trọng mặc áo vest, thắt cà vạt đi ăn mày? Sao các ông không mang bị gậy? Buồn cười quá! Bọn cộng sản gộc lúc đó ở Hà Nội chắc cũng không nhín được cười cho đám trí thức và chính trị gia miền Nam. Bởi vậy mà rất nhiều tay công sản  cực kỳ khinh miệt miền Nam: Bảo Đại ngu si, Nhu Diệm ngu si, Thiệu Kỳ ngốc nghếch,  Phạm Cộng Tắc ngờ nghệch, Huỳnh Giáo chủ u mê....Cái đám Thanh Lãng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Văn Sơn, Doãn Quốc Sỹ , Nguyễn Văn Trung, Võ Phiến chỉ là hạng dun dế, tôm tép hèn mạt...

3.  LS TRẦN VĂN TUYÊN DÂN BIỂU QUỐC HỘI

Trong thời kỳ từ 1971, LS ra tranh cử ra tranh cử chức Dân-Biểu quận 3, Saigon, và  LS Tuyên đã  được bầu làm trưởng khối đối lập  Dân tộc Xã Hội. Ôi! Ông sao lại dễ  bị người ta lợi dụng danh nghĩa yêu nước của ông để che đậy hành vỉ phản quốc của  họ là bọn tay sai cộng sản?  Chung quanh ông toàn là lũ tay sai cộng sản mà ông không biết ư? Như thế là ông không sáng suốt, làm chính trị như ông kết quả là làm tay sai cho người , và bị người lợi dụng! Chúng tôi nghĩ rằng LS Trần Văn Tuyện là một cây đại thụ của cách mạng Việt Nam. Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương thì già cả lại bất tài. Nguyễn Tường Tam đã chết,  Hà Thúc Ký, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy không hoạt động hữu hiệu. Còn ông thì nhảy ra ứng cử dân biểu quốc hội làm bung xung cho cộng sản! Không biết nên cười hay nên khóc?  Ông là một trí thức, một luật sư, cũng là một chính trị gia từng trải chính trường, lẽ nào ông không biết cuộc thế của Việt Nam và thế giới lúc này? Người tráng sĩ nên biết xuất xử, không phải lúc nào cũng vung gươm mà phải biết có lúc phải nhẫn nhục, âm thầm dưới nguyệt mài gươm! Nếu vung gươm giết ruồi hay vác gươm đi hầu kẻ ác thì đâu phải là tráng sĩ?

Ông ra ứng cử để làm gì? Ông không biết người Mỹ muốn dựng ra một quốc hội dân chủ để rồi nhờ tay quốc hội này mà lấy cớ rút lui khỏi Việt Nam. Đáng lẽ trước tình thế như sóng vỡ bờ, chiếc thuyền lan nên tìm chỗ ẩn lánh, và những tráng sĩ, những đại thần toán như Khổng Minh cũng nên ẩn dật. Người như ông mà còn xuống đường làm ký giả ăn mày sao? Ông làm trưởng khối đối lập Hạ Viện cũng chỉ là quân cờ của cộng sản và Mỹ. Tại sao khối của ông lấy tên là Khối Xã Hội, đó cũng là một tín hiệu "Yêu XHCN" mà ông không hiểu sao? Trong khối Đối Lập của ông có nhiều sĩ quan, nhiều bác sĩ, nhiều nhà báo Việt Nam Cộng Hòa nhưng đa số là tay sai Việt Cộng lên tiếng đả kích Thiệu Kỳ để lập công.Một LS thông minh, một người quốc gia yêu nước, một chính trị gia từng trải, tạo sao ông lại chen vai thích cánh với bọn tay sai cộng sản?

 Hồi đó dân chúng nghe tên Ngô Công Đức, Kiều Mộng Thu,  Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung.....đều ghê tởm, căm ghét,  thế mà LS Trần Văn Tuyên có thể ngày đêm ngồi với chúng, quanh năm cười nói với chúng, đứng chung với bọn đó trong chiến tuyến Đối lập ư?  Diệm, Nhu, Thiệu Kỳ chẳng là gì cả nhưng đập chuột phải tránh làm bể đồ. Cái đáng trân quý và cần bảo vệ là miền Nam tự do, là chính thể Quốc gia của chúng ta. LS là nhà chính trị lão thành, là  nhân viên hành chánh cấp cao lẽ nào không hiểu cái tai họa của việc làm suy sụp chính trị, quân sự quốc gia?Đáng tiếc! Đáng hận!

 GS Trần ĐÌnh Ngọc cho biết:"Khối đối lập này gồm rất đông, tôi chỉ nhớ tên một số như Phan xuân Huy, Kiều mộng Thu, Nguyễn ngọc Nghĩa, Hồ văn Minh, Hồ ngọc Nhuận, Đinh văn Đệ (không vào Khối này nhưng bỏ phiếu y như Khối này), Hồ văn Kỳ Trân, Võ long Triều (chủ nhiệm báo Đại Dân tộc của Việt Gian CS), Lý trường Trân, Trần văn Thung, Nguyễn công Hoan, Hồ ngọc Cứ, (Dương văn Ba, Ngô công Đức đều CS nằm vùng, từ khóa I, thất cử khóa II, Ngô công Đức, chủ nhiệm báo CS Tin Sáng), Nguyễn văn Phước (2 người trùng tên), Lý quý Chung (chủ trương báo CS Điện Tín) , Nguyễn hữu Chung, Đoàn Mại, Nguyễn hữu Thời, Phan Thiệp, Nguyễn công Hoan, Trần văn Sơn v.v…


Đứng bên cạnh, bỏ phiếu hầu hết giống như Khối Đối lập này là Nhóm Dân biểu Quốc Gia Hạ Viện (DBQGHNV), đứng đầu là đại Việt gian CS (người Công Giáo, anh rể Ngô công Đức) Nguyễn văn Binh, cựu Quận trưởng Gò Vấp (đi đâu y cũng tự xưng là cháu Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, ông TGM này bây giờ lòi đuôi chồn ra là CS chính gốc nằm vùng! tôi không ngờ, hay là ông bị CS dùng ma thuật khống chế bởi đã vào tròng?)

Trưởng Nhóm Nguyễn văn Binh có các thành viên: Đỗ sinh Tứ (quá cố), Nguyễn văn Kim (Quảng Trị, quá cố), Nguyễn đức Cung, Nguyễn trọng Nho, Dương minh Kính, Trần văn Ân, Nguyễn minh Đăng, Đặng văn Tiếp (quá cố), Nguyễn văn Cử (phi công đã bỏ bom dinh Độc lập vì tư thù), Nguyễn tuấn Anh (bác sĩ). 
(21)


 
 Bọn họ chỉ là bọn phản bội, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản mà sau 1975 họ  không ở lại với cộng sản , lại sang Pháp, sang Mỹ. Đã không biết tội,  nay họ còn lên tiếng hòa hợp hòa giải, khen ngợi Nguyễn Chí Vịnh, khen ngợi 36 con giáp can đảm gửi thư lạy lục Cộng sản Việt Nam. Một số lên tiếng chống Thiệu Kỳ tham nhũng như linh mục Trần Hữu Thanh, bà Nguyễn Thị Thanh, LM Nguyễn NGọc Lan, Chân Tín , Lý Chánh Trung cũng chỉ là vì họ đã chạy theo thực dân Pháp, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu nay họ phải lên tiếng chống Thiệu để rửa tay, để nói rằng họ trong sạch, họ cũng theo cộng sản chống Thiệu Kỳ, xin cộng sản tha tội cho họ...

Trần Đình Ngọc nhận xét về ông :
 " Ngay từ đầu, tôi lấy làm lạ rằng ông Trần văn Tuyên, một người Quốc gia chân chính, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) tại sao lại chịu làm bung xung cho bọn Dân biểu Cộng sản (DBCS) nằm vùng (như đã kể trên) để đánh phá QLVNCH (22)

Ông có cơ hội đi ra ngoài mà cam tâm ở lại. Thành mất, tướng phải chết theo thành, Thuyền chìm, thuyền trưởng phải chết theo tàu. . Các tướng Việt Nam Cộng hòa như  Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 (1927-1975); Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 4 (19??-1975 ); Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh (1933-1975); Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh (1925-1975); Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2 (1928-1975); Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn (1940-1975); Ðại Tá Ðặng Sĩ Vinh... là những cái chết oai hùng và trung liệt của tướng giữ thành, của thuyền trưởng khi thuyền đắm. Còn ông , tuy không làm tướng nhưng  là tổng thư ký VNQD đảng vị trí cũng cao, ông ở lại với các đồng chí của ông cũng là một con người can đảm và trung liệt. Tiếc thay! Thương thay!



CHÚ THÍCH
_______
(1).  Trần Quốc Khải-  Nhân ngày giỗ lần thứ 29, nhắc lại thân thế và sự nghiệp của nhà cách mạng Trần Văn Tuyên (1913 – 1976)   http://www.tinparis.net/chanhtri/vnqd_lsTuyen.html
(2). Lê Xuân Nhuận.Biến Loạn Miền Trung.  Xây Dựng CA, 2012, 483.
(3).Lê Xuân Nhuận, sđd, 236- 238
(4). Nguyễn Việt Nữ. LÃNH CHÚA NGÔ ĐÌNH CẨN ĐẦU CƠ GẠO ĐỂ TIẾP-TẾ CHO CỘNG-SẢN BẮC VIỆT LÚC NÀO?
http://anhthudatviet.blogspot.ca/2013/06/lanh-chua-ngo-inh-can-au-co-gao-e-tiep.html
Trong bài này, Nguyễn Việt Nữ viện dẫn:
+Liên Thành cũng “tưởng nhớ” Linh Mục Trần Hữu Thanh như vầy:

“Khắp nước Việt Nam từ Hà Nội dến Sài Gòn, nhiều người dã từng gặp gỡ, quen biết và làm việc chung với Linh Mục Trần Hữu Thanh qua nhiều giai doạn lịch sử của dất nước, nhất là từ 1945 dến 1975. Ngài là tiếng nói ngay thẳng trước những bất công của mọi chế dộ, là Tuyên úy Thanh niên Liên doàn Công Giáo Miền Trung (1945- 1946 dưới thời Việt Minh), chống tham nhũng (vụ gạo miền Trung) dưới thời TT Ngô Ðình Diệm, và Chủ Tịch Phong Trào Chống Tham Nhũng (1974 - 1975) dưới thời TT Nguyễn Văn Thiệu,-là tù nhân lương tâm dưới chế dộ Cộng Sản sau 30/4/1975, bị lưu dày ở miền Bắc...cho dến ngoài 90 tuổi, ngài vẫn sống trong tinh thần phục vụ...Từ năm 1979 dến 2001, bà con bạn bè của ngài khắp thế giới dã nghe tin ngài qua dời. Nhưng ngài vẫn còn sống cho dến ngày 24/10/2007 mới vĩnh viễn ra di về nước Chúa.”(Hết trích)

+Nguyễn Lý Tưởng - “Tưởng Nhớ LM GiuSe Trần Hữu Thanh” – 26/10/2007)
“... Thời ông Diệm, LM Trần Hữu Thanh là người chống ông Ngô Đình Cẩn ra mặt... vụ gạo Miền Trung là do LM Trần Hữu Thanh tố cáo... (Trích từ vi-thư gửi Lê Xuân Nhuận:)  Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng viết : Ông Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn còn dính líu đến “vụ gạo Miền Trung” (đầu-cơ tích-trữ gạo, không phải chỉ để bán giá chợ đen, mà còn để tiếp-tế cho cộng-sản ngoài Bắc.
 (5).Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi. Văn Nghệ, CA, 1993,.406.
 (6).  Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam Một Trời Tâm Sự, Xuân Thu, CA, 1987, 47-51
(7).  Nguyễn Văn Thiệu đã thể theo ý kiến LM. Hoàng Quỳnh giao cho Vũ Ngọc Nhạ việc liên lạc giữa Thiệu và giáo dân....Tháng 6-1971, trong khi Vũ Ngọc Nhạ bi giam ở Côn Đảo, tòa thánbh Vatican và Phao lồ VI ban tặng bằng khen và huy chương "Vì Hòa Bình". Lê Xuân Nhuận, sđd, tr.44-45.
(8). Vũ Ngọc Nhạ len lỏi vào Công Giáo phía Linh Mục Hoàng Quỳnh; Nguyễn văn Lương, giáo viên tư thục ở Nam Ðịnh là kẻ đã móc nối Vũ Hạnh ( 1964 ) cùng Vũ Hạnh xuất bản tạp chí Tin Văn và sau bí mật cộng tác với Thế Nguyên, tạp chí Trình Bày. Cao Dao nối kết với Phạm Xuân Ẩn … Cao Thế Dung. “Việt Nam Ba Mươi Năm Máu Lửa.” . Hoa Kỳ năm 1991.
(9). Châu Xuân Nguyên. Cụm Tình Báo VC A.22 Trong Dinh Độc Lập.
https://chauxuannguyen.wordpress.com/2012/04/21/c%E1%BB%A5m-tinh-bao-vc-a-22-trong-dinh-d%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp/
 (10). Trúc Giang. Cụm tình báo chiến lược A.22 của VC ở Dinh Độc lập. Chuyển Luân.  -http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=6107:cum-tinh-bao-vc-o-dinh-doc-lap&catid=15:gopnhatcatda
. (11). NGUYỄN ĐỨC VINH - Vũ Ngọc Nhạ. -Báo An ninh thế giới- WIKIPEDIA
(12) Cả 4 người chủ chốt gồm: Nhạ, Trọng, Thúy, Hòe đều bị kêu án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Ngoạn mục hơn nữa, ngày 23-6-1971, tại Roma có một đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của Giáo hoàng, Phêrô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận "người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của Giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Paul VI", được Đức Thánh Cha ban ơn chết lành, tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng. Hai ngày sau, 25-6, một linh mục khâm sai của Vatican đã vào tận khám Chí Hòa trao tặng các phần thưởng cho Vũ Ngọc Nhạ.
Sự tưởng lệ của Giáo hoàng Paul VI đã giúp Vũ Ngọc Nhạ dù đang ngồi tù, uy tín vẫn tăng vùn vụt.
  Công tử Hà Đông-Ký giả Saigon.--http://hoanghaithuy.wordpress.com/2012/12/19/ky-gia-sai-gon/  )
 (13). Công tử Hà Đông, tài liệu trên.
 (14) Lý Tòng Bá. (Tạp chí Đông Phương, phát hành miền Đông Hoa Kỳ tháng 8 năm 2001, từ trang 36 đến trang 40)  là  người chỉ huy Sư Đoàn 7 của trận Ấp Bắc.Hành quân bắt được LÊ DUẨN nhưng cuối cùng được Diệm Nhu thả. (Đỗ Trọng trich trong Nhìn lại sự thật lịch sử 50 năm qua.Anh Em Diệm, Nhu Thỏa Hiệp Với CSBV.
(15). Huỳnh Văn Cao. Một Kiếp Người . tr.18-19.   Tác giả cũng nói đến việc Diệm Nhu thả Lê Duẩn. Đỗ Trọng trích lại. Nhìn lại sự thật lịch sử 50 năm qua.Anh Em Diệm, Nhu Thỏa Hiệp Với CSBV..http://daovang.free.fr/NhinLaiLichSu50NamQuaTTDiemVaCVNhuThoaHiepVoiCongSanBacViet.html
(16). Đỗ Trọng. tài liệu trên.
(17). Đỗ Trọng. Tài liệu trên.

(18).Phan Lạc Tiếp tố cáo người Mỹ đã sửa soạn sẵn, làm kiệt quệ khả năng tự vệ của miền Nam bởi vì trước đó, các cố vấn Mỹ đã bắt các đơn vị quân đội bắn hết đạn mà sau đó không tiếp đạn mới.
( Nỗi Nhớ, Mõ Làng . Hoa Kỳ 1995 137)
(19).Lê Xuân Nhuận.PHẢN-BỘI ĐỒNG-MINH.http://lexuannhuan.tripod.com/PhanDoMi.html
(20). Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cng Hòa Toàn Thư 1954-1963. tác giả xuất bản,
WA, 1998, 191-192.
(21). Trần Đình Ngọc.Người chiến sĩ Quốc Gia: Luật sưTrần văn Tuyên http://huongduongtxd.com/tranvantuyen3.pdf;
Trần Đình Ngọc. . SAU BỨC MÀN NHUNG HẠ NGHỊ VIỆN VIỆT NAM CỘNG HÒA .
http://saohomsaomai.wordpress.com/2013/04/22/but-xuan-tran-dinh-ngoc-sau-buc-man-nhung/
(22). Trần Đình Ngọc. tài liệu trên.
______
 Đề tài liên hệ
 SƠN TRUNG * DÂN TỘC VIỆT NAM HAI LẦN BỊ LƯỜNG GẠ...

TRẦN ĐÌNH NGỌC * NGƯỜI CHIẾN SĨ QUỐC GIA LS TRẦN VĂN TUYÊN

 

 NGƯỜI CHIẾN SĨ QUỐC GIA

Luật Sư Trần Văn Tuyên

Tôi không biết nhiều về LS Trần văn Tuyên, tôi giao du với ông cũng không nhiều vì ở trong Hạ Nghị Viện (HNV), chúng tôi phải họp hành tối ngày, thảo luận và biểu quyết các Dự luật do Hành pháp đệ qua hoặc làm các Luật mới theo nhu cầu của thời cuộc.
LS Trần văn Tuyên khi xưa đã là Thủ lãnh Luật sư đoàn, một lãnh tụ của Việt quốc (VNQDĐ), tính tình ông cởi mở, dễ chịu và là một khuôn mặt trí thức miền Nam lúc đó.
Khởi đầu, khi thành lập các Khối, ông Tuyên được bầu làm Trưởng Khối Dân tộc Xã Hội (Đối lập với Hành pháp, tức TT Nguyễn văn Thiệu, ngay cái tên đã ló mòi Cộng sản).
Sau này khi sinh hoạt, chúng tôi mới biết ra những người đứng đàng sau giật giây Khối Đối lập là một Nhóm Dân biểu Cộng sản nằm vùng (một số do Ấn Quang đưa vào bằng bầu cử) hoặc chưa phải là CS nhưng là thân Cộng, hoặc một đôi người không thích CS nhưng cũng không ưa ông Thiệu, không bỏ phiếu ủng hộ ông ta trong những Dự luật.
Khối đối lập này gồm rất đông, tôi chỉ nhớ tên một số như Phan xuân Huy, Kiều mộng Thu, Nguyễn ngọc Nghĩa, Hồ văn Minh, Hồ ngọc Nhuận, Đinh văn Đệ (không vào Khối này nhưng bỏ phiếu y như Khối này), Hồ văn Kỳ Trân, Võ long Triều (chủ nhiệm báo Đại Dân tộc của Việt Gian CS), Lý trường Trân, Trần văn Thung, Nguyễn công Hoan, Hồ ngọc Cứ, (Dương văn Ba, Ngô công Đức đều CS nằm vùng, từ khóa I, thất cử khóa II, Ngô công Đức, chủ nhiệm báo CS Tin Sáng), Nguyễn văn Phước (2 người trùng tên), Lý quý Chung (chủ trương báo CS Điện Tín) , Nguyễn hữu Chung, Đoàn Mại, Nguyễn hữu Thời, Phan Thiệp, Nguyễn công Hoan, Trần văn Sơn v.v…
Đứng bên cạnh, bỏ phiếu hầu hết giống như Khối Đối lập này là Nhóm Dân biểu Quốc Gia Hạ Viện (DBQGHNV), đứng đầu là đại Việt gian CS (người Công Giáo, anh rể Ngô công Đức) Nguyễn văn Binh, cựu Quận trưởng Gò Vấp (đi đâu y cũng tự xưng là cháu Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, ông TGM này bây giờ lòi đuôi chồn ra là CS chính gốc nằm vùng! tôi không ngờ, hay là ông bị CS dùng ma thuật khống chế bởi đã vào tròng?)

Trưởng Nhóm Nguyễn văn Binh có các thành viên: Đỗ sinh Tứ (quá cố), Nguyễn văn Kim (Quảng Trị, quá cố), Nguyễn đức Cung, Nguyễn trọng Nho, Dương minh Kính, Trần văn Ân, Nguyễn minh Đăng, Đặng văn Tiếp (quá cố), Nguyễn văn Cử (phi công đã bỏ bom dinh Độc lập vì tư thù), Nguyễn tuấn Anh (bác sĩ).

Ba Khối khác là Khối Cộng Hòa, đặc biệt chống Cộng yểm trợ Hành pháp.
Khối Dân Quyền, Trưởng Khối cựu Đại Tá Nhan minh Trang (mới qua đời cuối tháng 6-2010), đứng lưng chừng ở giữa, lửng lơ con cá vàng, một thái độ khó chấp nhận với người QG, một thái độ chỉ chờ sung rụng.

Khối Độc lập, cá nhân người viết ở trong Khối này, khi Hành pháp đúng thì ủng hộ, khi Hành Pháp sai thì chống thí dụ Sắc luật từ ông Thiệu đưa qua HNV về sửa Luật để ông ta ra nhiệm kì 3. Tuy nhiên, Khối này có tự do bỏ phiếu, Khối viên không nhất thiết phải bỏ phiếu theo Khối.
Còn một số DB khác tuy không vào Khối Đối lập vì muốn giữ bí mật hành tung là chính CS nằm vùng, giết người như ngoé, thí dụ như DB cựu Trung tá tỉnh trưởng Bình Thuận rồi Thị trưởng Đà lạt Đinh văn Đệ. Xảo thuật của y quá giỏi, y qua mặt tình báo của ông Thiệu cái vù đến nỗi khi y được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng HNV, vào lúc dầu sôi lửa bỏng tháng 3-1975, y được Chủ tịch HNV Nguyễn bá Cẩn và Dinh Độc lập cử làm Trưởng phái đoàn sang Hoa kỳ xin cấp viện trợ quân sự 300 triệu đô la để cứu nguy miền Nam. Giao trứng cho ác, ác đớp mất trứng là lẽ đương nhiên!
Một tay Đinh văn Đệ sát hại chiến sĩ QG và dân lành quá nhiều, nguyên một trận y lừa để giết Nghĩa quân và Địa phương quân đi cứu đồn đã hơn 40 người. Sau 30-4-75, cái mặt chuột cống dã man của y mới lòi ra. Nhưng rồi y và tất cả những bọn “ăn cơm QG thờ ma CS” ngay cả Trí Quang, Dương quỳnh Hoa, Nguyễn hữu Thọ, Huỳnh tấn Phát và Mặt trận GP miền Nam VN; những tên trí thức mù Vũ văn Mẫu, Ngô công Đức, Nguyễn văn Binh, Trịnh công Sơn, Huỳnh tấn Mẫm, Đoàn văn Toại, Lê văn Nuôi, Ngô bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, Hoàng phủ Ngọc Phan, Hoàng phủ Ngọc Tường, Nguyễn đắc Xuân, Lý quý Chung, Nguyễn công Hoan, Trần văn Thung, Nguyễn ngọc Nghĩa (hỗn danh là DB tượng Chàm vì có lần y ăn cắp tượng Chàm), Hồ văn Minh v.v… đều chung số phận với Nguyễn Hộ, Nguyễn đình Thi, Nguyễn văn Trấn, Nguyễn hữu Đang, Nguyễn mạnh Tường, Hồ ngọc Nhuận, Ngô công Đức, Kiều mộng Thu v.v…..nghĩa là hầu hết trí thức miền Bắc và một số miền Nam bị Hồ cho vào xiếc, Hồ lừa gạt trắng trợn.
Vắt chanh bỏ vỏ, CS muôn đời chỉ xài rồi giết, không bao giờ dùng. Phải nhớ rất rõ điều đó. Nông thị Xuân đầu ấp tay gối thế nào với Hồ, được Hồ yêu quí vì có nhan sắc từ khi còn là con bé Tày 13 tuổi bưng cơm ở hang Pắc Bó cho Hồ, Hồ đã mò mẫm Nông thị Xuân từ hồi đó, rồi làm vợ Hồ từ 1955 (lúc thị Xuân đang là cán bộ hộ lý, khoảng 20 tuổi, Hồ đã 65) đẻ con cho Hồ (Nguyễn tất Trung (1956), xin đừng lộn với Nông thị Ngác, cũng vợ Hồ, đẻ ra Nông đức Mạnh năm 1940) mà Hồ còn giết thảm thì còn ai y nương tay? Những tên như Đinh văn Đệ, Lý quý Chung, Hồ ngọc Nhuận, Kiều mộng Thu, ni sư Huỳnh Liên, con điếm Ngô bá Thành (do báo chí đặt), Huỳnh tấn Mẫm, Lê văn Nuôi, Ngô công Đức, Trịnh công Sơn, Dương văn Ba v.v… và nhiều tên khác đã mất trắng cả cuộc đời vì Hồ!
Trước khi chết, DBCS Nằm Vùng Lý quý Chung có viết cuốn “Hồi Ký Không Tên” nói rõ việc y theo Việt Cộng và ân hận ra sao, cha y (Lý quý Phát) khuyên y thế nào (Đến giờ này mà mày còn mù hay sao mà đi theo VC?) đã nói lên sự ân hận một đời. Nguyễn văn Trấn, Xứ bộ Nam Kỳ khi xưa, một đảng viên cao cấp CS, đi sát với Hồ nhiều trường hợp, và cả tướng Trần Độ, phải than thở những lời sau đây:
“Đảng Cộng sản Việt Nam còn tàn ác hơn Tần thủy Hoàng và dã man hơn Hitler.”
LS Nguyễn hữu Thọ, trên giường bệnh sắp chết, dặn con rằng:
“Hãy coi gương cha, chớ đi theo bọn Việt Cộng mà mất cả cuộc đời!”
Ấy là những người được Việt gian CS đặc biệt ưu đãi, trong đó có bác sĩ Dương quỳnh Hoa, bộ trưởng Y tế của Mặt trận GP miền Nam VN, gia nhập đảng CS Pháp từ 1956 ở Paris, trước khi đậu bác sĩ.

Ngay từ đầu, tôi lấy làm lạ rằng ông Trần văn Tuyên, một người Quốc gia chân chính, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) tại sao lại chịu làm bung xung cho bọn Dân biểu Cộng sản (DBCS) nằm vùng (như đã kể trên) để đánh phá QLVNCH và chính phủ của TT Nguyễn văn Thiệu, dù sao đang là một chính phủ hợp hiến, hợp pháp và (tạm) hợp lòng dân để chiến đấu một mất một còn với CS?
Có một lần rất hãn hữu, một lần duy nhất trong 4 năm làm việc tại Hạ Nghị Viện (HNV) với nhau, bữa đó Dân biểu Ngô trọng Hiếu (Biên Hoà) và tôi (lúc đó là Chủ tịch Ủy Ban Phát triển Nông thôn HNV) cùng ngồi đàm đạo với LS Trần văn Tuyên. Sau vài câu thăm hỏi, tôi đi ngay vào đề. Tôi nói:
“Thưa anh Tuyên, tôi và anh Hiếu đây và một số anh em khác biết rằng cá nhân anh là một người QG chân chính đã hoạt động chính trị nhiều năm, những chỉ trích Hành pháp và Quân đội về trường hợp một số tướng tá, tỉnh, quận trưởng tham nhũng, lạm quyền là đúng, là giúp ích cho Hành pháp sửa đổi, chấn chỉnh, thay thế, nhưng tôi e rằng đang lúc Cộng quân ngày càng tăng cường sức ép, bồ câu Mỹ đòi rút hết quân Mỹ, chính phủ Mỹ đe rút hết quân viện, trăm phần nguy khốn mà Quốc hội, do những tay sai CS nằm vùng chúng ta nhìn rõ thấy họ hàng ngày, với ba tờ nhật báo tay sai của CS là các tờ Đại dân tộc, Điện Tín và Tin Sáng làm công cụ tuyên truyền cho CS, lại ra sức đánh phá Hành pháp và Quân đội, người QG mù quáng cũng hùa theo ( như các LM Trần hữu Thanh, Đinh bình Định, Chân Tín, ông Nguyễn ngọc Lan và một số DB Nhóm QGHNV, và mấy NS theo đuôi CS) thế thì Hành pháp và QĐ còn tinh thần đâu mà chống chõi với Việt cộng, bảo vệ dân chúng? “
LS Tuyên hỏi anh Hiếu:
“Thế anh Hiếu có câu hỏi gì dành cho tôi không?”
DB Hiếu trả lời:
“Câu hỏi của tôi cũng tương tự như câu hỏi của anh Trần đình Ngọc. Chỉ thêm một chút là trước khi nhận chức Trưởng Khối Dân tộc Xã hội (tức Đối lập), anh có tiên liệu được những gì anh phải làm vừa lòng những anh em trong Khối đó đòi hỏi? Và anh có biết một số trong bọn họ là CS nằm vùng không? Có lẽ anh không biết và anh cũng không ngờ?”


Thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, LS Tuyên, mặt rầu rầu, đáp:
“Làm thế nào để các anh hiểu tâm tư của tôi với chỉ vài phút ngắn ngủi gặp nhau ở đây? Tôi đã suy nghĩ nhiều nhưng chẳng tìm ra một giải pháp để gỡ rối cái vị thế dầu sôi lửa bỏng của tôi hiện tại. Để có dịp thuận tiện, tôi sẽ nói với các anh nhiều hơn”.
Nói xong anh đứng lên bắt tay tôi, anh Hiếu và ra xe. Tôi nghĩ anh tránh né câu hỏi, một câu hỏi đi thẳng vào những gì anh đang trăn trở vì một người làm chính trị lâu năm, một LS kinh nghiệm như anh sao không nhận ra những gì một chiến sĩ QG không thể và không nên làm tay sai (dù là lầm lẫn lúc đầu) cho giặc. 
Nhưng có lẽ anh đã đi quá xa và lúc đó anh không còn kiểm soát được Khối viên (là những con cáo già CS) nữa! Ba tờ báo Đại dân tộc (của DB Võ long Triều), Tin Sáng (của Ngô công Đức) và Điện Tín do Lý quý Chung đã rất hữu hiệu yểm trợ Khối Đối lập và Nhóm Dân biểu QG HNV trong việc cho những DB này đi tầu bay giấy và tìm cách mạt sát các DB có lập trường QG là tay sai cho Nguyễn văn Thiệu. Anh Trần văn Tuyên có lẽ cũng đã “rét” với những tờ báo này!(Ngày nay ở hải ngoại cũng có bọn ăn cơm QG thờ ma CS y như vậy. Những Nhà thơ nào chỉ viết Thơ tình, không đả động gì đến VGCS thì chúng đưa lên mây xanh dù không có tài. Những Nhà Thơ nào có thực tài nhưng chỉ trích những cái xấu, cái dã man, tàn bạo, giết dân của VGCS thì chúng lờ như không có hoặc tìm cách chỉ trích, phê bình sai lạc. Thực là một bọn phê bình láo lếu và vô liêm sỉ!)
Dân trí quá thấp, những người bình dân đâu có hiểu gì CS cho đến sau 30-4-1975, rất nhiều người miền Nam mới bật ngửa thì sự đã rồi. Những người này trước kia chứa chấp cán binh CS, nuôi ăn, tiếp tế, nhận làm mẹ nuôi, chị nuôi chiến sĩ v.v…Cũng chính những người này, sau khi CS đổi tiền hai lần, đánh tư sản mại bản công thương nghiệp tư bản tư doanh, đuổi đi vùng kinh tế mới để chiếm nhà, chiếm đất, chiếm xe cộ, tài sản, trương mục ngân hàng, chính họ là những người chửi rủa CS nhiều nhất, căm thù CS hơn ai hết vì họ quá thất vọng.
Người dân miền Nam quả thực quá ít kinh nghiệm với CS nên dễ bị lừa. Nói gì bình dân, những trí thức như Dương quỳnh Hoa, Lâm văn Tết, Nguyễn văn Trấn, Xuân Vũ Bùi quang Triết (tác giả Đường đi không đến), Nguyễn thị Bình, LS Nguyễn hữu Thọ, Nguyễn ngọc Lan, Chân Tín, Lý chánh Trung, Nguyễn văn Trung, Lý quý Chung, cả sư hổ mang Trí Quang và ông Thích Nhất Hạnh, cả Dương thu Hương, Nguyễn mạnh Tường, Hoàng xuân Hãn, Trần đức Thảo, Nguyễn đình Thi và hàng đống trí thức miền Bắc đó, hằng hà sa số bị lừa đau đớn, thế thì người dân miền Nam chữ nghĩa ít, học hỏi nông, xưa nay chân chất thật thà thì bị lừa đến táng gia bại sản, đến mất mạng cũng là phải thôi! Hãy cứ hỏi nhà văn Dương thu Hương, ngày 30-4-1975 ngồi khóc ở vệ đường Sàigòn vì nhận ra được là cả thế hệ của chị đã bị lừa, cái dã man mọi rợ (ý chỉ chế độ CS miền Bắc) lại thắng cái văn minh (ý chỉ miền Nam) là đủ thấy sự đau đớn và sự thật.
Tôi xin mở một dấu ngoặc với chị Dương Thu Hương. Không phải chị chỉ khóc có một lần ngày 30-4 đâu mà có lẽ chị còn khóc dài dài, chị Thu Hương ạ. Cái gian dối, lừa gạt, hung ác, vô văn hóa từ Hồ tặc truyền vào dân VN y như bệnh Aids, tệ hơn bệnh Aids như dân Ba Lan nói, nó sẽ còn kéo dài hàng thế kỉ, vài thế kỉ là ít sau khi CS giẫy chết chứ thuốc trụ sinh Dân Chủ dù mạnh mấy không đủ làm cho cái ung bướu quái ác CS đó biến đi ngay trong con người VN được đâu. (Năm 2008, chị Dương Thu Hương lại viết cuốn sách “Đỉnh cao chói lọi” để ca ngợi giặc Hồ. Lập trường của chị bất nhất, chao đảo như đứa con nít. Có lẽ sống với CS gian dối nhiều năm, chị đã nhiễm phải cái HIV+ tai hại tuỳ tiện và gian dối đó, hết thuốc chữa! Tôi đã có 8 bài dài thảo luận với chị DTH về vấn đề này đăng trên vietnamexodus.org và cả Bacaytruc.com )
Trở lại với anh Trần văn Tuyên, một thời gian sau, anh từ nhiệm chức vị Trưởng Khối Dân tộc Xã hội tức Đối lập HNV, người thay anh là DB Lê đình Duyên, một DBCS nằm vùng.

ĐI TÙ CẢI TẠO

Sau 30-4-1975, cũng như nhiều anh em DB/HNV khác, LS Trần văn Tuyên đi trình diện và vào tù cải tạo.
Câu chuyện sau đây về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của anh Tuyên do chính anh tâm sự với một bạn tù cùng buồng với anh, anh này kể lại cho Bút Xuân nghe nhưng xin giữ kín danh tánh, câu chuyện “có thế nào nói lại vậy” không thêm, không bớt như sau:
Sau ngày 19-8-1945, do một mối giây liên hệ nào đó như bạn học, bạn đồng chí v.v… anh Trần văn Tuyên lúc đó được tướng Võ nguyên Giáp (CS miền Bắc) cử làm Chánh văn phòng cho ông ta. Giáp bảo với anh Tuyên là để rồi Giáp sẽ thưa với cụ (Hồ) chấp thuận để anh Tuyên có chức vụ và làm việc với Giáp.
Có một bữa, ông Hồ, Giáp và một số đông đồng chí, có cả anh Tuyên được mời đi dự một bữa cơm với nông dân, anh Tuyên kể lại như thế ở trong tù. Cơm dọn ra toàn là dưa cà mắm mặn, rau muống luộc, một bữa cơm hoàn toàn đạm bạc của nông dân. Trong lúc chộn rộn người ngồi kẻ đứng, ông Hồ ghé tai Giáp nói nhỏ:
“Cỗ bàn ngon lành ở phía sau, các chú xuống đó mà ăn chứ cơm này ăn gì được.”
Giáp bảo anh Tuyên loan báo cho anh em.
Thành ra, ngồi ăn cơm với nông dân chỉ là ngồi lấy lệ, biểu diễn, ăn qua quýt, xong lỉnh ra đàng sau để hưởng sơn hào hải vị đã làm sẵn để phục vụ.
Sau ngày Việt Cộng tự động giải tán CP Liên hiệp và Quốc Hội số 1, dân quân du kích Việt Cộng, theo lệnh từ ông Hồ và ban tham mưu VC, từ 1946, đã giết hại các người QG, các đảng phái phi CS, và cả người Công Giáo hay bất cứ ai bị nghi ngờ là không đồng chính kiến. Những người này bị ghép vào một tội chung: “Việt gian phản động làm tay sai cho Pháp” . Chỉ chín chữ đó đủ để ăn vài viên đạn vào đầu hoặc như nhà văn Khái Hưng và nhà văn Lan Khai, bỏ vào bao bố trôi sông (Khái Hưng và Lan Khai bị giết ở sông Ninh Cơ).
Báo cáo từ các nơi gửi tới tấp về cho Chính Phủ Viêt cộng để giải quyết các khiếu oan cho dân. Anh Trần Văn Tuyên, với chức vụ Chánh Văn phòng, các công văn đều qua tay anh, anh phân loại rồi mới trình lên cho tướng Giáp để giải quyết. Anh Tuyên đã trình lên tướng Giáp nhiều lần xin tướng Giáp trình “Cụ Hồ” giải quyết ngăn chặn những sự giết chóc bừa bãi ở các xã nhưng anh Tuyên trình đã nhiều lần hồ sơ chất đầy bàn mà không được tướng Giáp lý tới. Lần trình sau cùng, tướng Giáp gọi anh Tuyên vào văn phòng, bảo:
“ Mang tiếng làm chính trị mà sao chú mày còn chậm hiểu quá. Việc gì mà phải giải quyết những vụ việc ấy. Đó là chính sách của trên, chú mày hiểu chưa?”
Từ đó, ông Tuyên đâm ra sợ và kị Việt Cộng, càng ngày ông càng rõ tâm địa thâm độc gian ác của ông Hồ chí Minh và bọn thủ hạ. Ông ghê tởm những hành động sát nhân mà những người bị giết chỉ là những người QG yêu nước, yêu đồng bào, những người dân hiền lành bị nghi ngờ đối nghịch với chủ nghĩa CS của ông Hồ và đồng bọn.
Và cũng chính vì vậy, ông Tuyên đã vượt thoát vào Nam tìm Tự Do sau tháng 7-1954, bỏ lại hai đứa con trai, một anh sau này đậu Kĩ sư canh nông chế độ Việt Cộng.
Sau 30-4-1975, như các DB và NS khác kẹt lại, LS Trần văn Tuyên vào trại tù cải tạo. Khi ông còn ở trong tù, hai anh con trai ngoài Bắc vào, đã lặn lội đi thăm bố, mang theo quà của tướng Giáp là một cân đường và một cân mứt hạt sen.
(còn tiếp)


GS Bút Xuân TRẦN ĐÌNH NGỌC
Cựu Dân Biểu HNV/VNCH
Cựu Sĩ Quan QLVNCH (Khóa 13 Thủ đức)
From: But Xuan
Sent: Sunday, 21 April 2013 4:47 PM
Subject: Xin anh Bình post tiếp. Cám ơn anh Bình. TĐN
Sau Bức Màn Nhung Hạ Nghị Viện/VNCH (2)

TRẦN TỬ THANH * THƯ NGỎ

Thư Ngỏ Của Gia Đình Cố Luật Sư Trần Văn Tuyên


Ông Trần Tử Thanh - thứ nam  cố LS Trần Văn Tuyên



Chúng tôi nhận được lá thư gởi các cơ quan báo chì của gia đinh cố LS Trần Văn Tuyên lên tiếng về vụ phỏng vấn giữa Tường Thắng và ông Vũ Trọng Khanh. Trong thư, gia đình cố luật sư Trần Văn Tuyên phủ nhận có các liên hệ họ hàng với ông Vũ Trọng Khanh. Ngoài ra chúng tôi cũng đồng ý có một cuộc phỏng vấn với ông Trần Tử Thanh - thứ nam của cố LS Trần Văn Tuyên để phản biện những gì mà ông Vũ Trọng Khanh đã nói. Khi nào thực hiện xong cuộc phỏng vấn, chúng tôi sẽ mời quý bạn đọc theo dõi. Chúng tôi đăng nguyên văn lá thư của cố gia đình LS Trần Văn Tuyên để quý bạn đọc tham khảo.


 Thư Ngỏ Của Gia đình Cố Phó Thủ tướng, Luật sư Trần Văn Tuyên

Đồng kính gửi:

- Các cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, các mạng internet.

- Qúy vị :

Lãnh đạo tinh thần các tôn giáo
Chủ tịch các Đảng pháiquốc gia
Chủ tịch Cộng Đồng

- CácTổ chức, Hội đoàn người Việt quốc gia tại hải ngoại.

- Bà con Thân Thuộc và Bằng Hữu của Gia Dình Cố Luật Sư Trần
Văn Tuyên trong và ngoài nước

Mới đây trong một cuộc phỏng vấn kéo dài 4 phần trên đài truyền hình
SBTN ở quận Cam và được báo Việt Nam Exodus đưa lên mạng, có một
người xưng là Vũ Trọng Khanh, tự Vũ Lăng, cựu Đại Tá QLVNCH tốt
nghiệp khóa 4 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (?) , con của nhà văn Vũ
Trọng Phụng (?) - không hiểu vì ly do gì, đã mạo nhận là cháu của Luật
Sư Trần Văn Tuyên.

Vì sự việc có liên quan đến thân phụ và giòng tộc chúng tôi, chúng tôi xin
minh xác:

1. Họ và tên người này nêu ra trong cuộc phỏng vấn để chứng minh
liên hệ với gia đình Luật Sư Trần Văn Tuyên là hoàn toàn xa lạ đối
với gia đình chúng tôi và không có trong gia phả của giòng họ
Trần.

2. Những sự kiện liên quan đến thân phụ chúng tôi là những sự kiện
hoàn toàn bịa đặt một cách trắng trợn.

Tất nhiên khi tạo dựng những sự kiện nêu trên, người được phỏng vấn
hẳn đã có mưu đồ đen tối nào đó.

Vì vậy chúng tôi xin gởi bức thư ngỏ này thông báo tới toàn thể bà con
trong gia tộc, các bằng hữu quen biết gia đình chúng tôi, cùng mọi giới,
để cảnh giác đề phòng và tránh mọi ngộ nhận trong tương lai.

Thay mặt gia đình cố Luật Sư Trần Văn Tuyên

Luật Sư Trần Tử Huyền, Trưởng Nam
California, ngày 17 tháng Hai năm 2008



VIÊN LINH * NHÀ TÙ CHÓT CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN VĂN TUYÊN

NHÀ TÙ CHÓT CHÓT

 PHÓ THỦ TƯỚNG TRẦN VĂN TUYÊN


Nhà tù chót của Trần Văn Tuyên
VIÊN LINH sao lục
Wednesday, October 27, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=122321&z=257

Hơn một năm sau khi ở tù cộng sản, nhà văn hóa, người lo việc nước Trần Văn Tuyên (sinh ngày 1 tháng 9, 1913), gục ngã trên mặt bàn trong trại tù tập trung Hà Sơn Bình, hai ngày sau thì từ trần.
Cố luật sư, Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên, chụp trước Quốc Hội VNCH. (Hình do Tạp chí Khởi Hành cung cấp.)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/122321-TRVTUYEN-1-300.jpg

Theo tin tức do Việt Cộng đưa ra, đó là ngày 28 tháng 10, 1976. Như thế cho tới hôm nay, nhà lãnh tụ tên tuổi nhất của Việt Nam Quốc Dân Ðảng của miền Nam đã khuất bóng vừa đúng 34 năm; và ở đời được 63 năm. Cuộc đời ông vào tù ra khám nhiều lần, song cứ theo một bài thơ ông để lại, hình như ông không “lấy đó làm điều:”
Thân già tuổi tác trời cho sống
Ta vẫn yêu đời thỏa chí trai
Cùm xích nung sôi hồn cách mạng
Giao thừa chóng đến đợi sao mai.
(Trần Văn Tuyên, Giao Thừa Trong Ngục, Khởi Hành 10, 1998)

Thế hệ ’40, ’50 (những người trưởng thành vào những năm 1940, những năm 1950) lưu tâm tới tình hình đất nước của một Việt Nam tranh đấu, hầu như không ai là không nghe nói đến Trần Văn Tuyên. Nhưng sau đó, và nhất là sau khi đất nước thu vào một mối (“một mối u sầu một mối tang thương” như thơ Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực), ít người còn biết rõ con người ấy là ai. Cho nên bài viết này chỉ là một ghi chép thu gọn, nhằm giúp trí nhớ bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ, về chân-thân người yêu nước Trần Văn Tuyên qua mô tả của nhiều nhân vật chứng nhân của một thời kỳ quốc cộng phân tranh.
1. “Trong số những người thân thuộc này, tôi nghĩ tới chiến sĩ Trần Văn Tuyên, mà trong 40 năm qua tôi vẫn xem là một huynh trưởng, một người bạn vong niên, một nhà văn hóa, một nhà văn học, một nhà ái quốc, một nhà cách mạng chân chính đã nêu cao truyền thống dân tộc và giữ vững tinh thần bất khuất của giống nòi Lạc Việt.
Ngày 6 tháng 12, 1947: Hội đàm Bollaert-Bảo Ðại tại Vịnh Hạ Long.
Sau cuộc hội đàm Vịnh Hạ Long, cựu hoàng Bảo Ðại cử hai vị cộng sự viên thân tín từ HongKong về nước tiếp xúc với các nhân sĩ quốc nội, nhằm thành lập chính phủ quốc gia đầu tiên. Hai cộng sự viên than tín đó là ông Lưu Ðức Trung và ông Trần Văn Tuyên. Năm 1951 Thủ Tướng Trần Văn Hữu ký nghị định cử ông Trần Văn Tuyên và chúng tôi (Thái Văn Kiểm) đi Pháp tham dự lễ kỷ niệm 2000 năm thành lập Paris (Paris tên cũ là Lutetie-Lutece được thành lập năm 51 trước C.N.).
Trong các hoạt động hiệp hội, đoàn thể, LS Tuyên là sáng lập viên phong trào Hướng Ðạo Việt Nam, phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Công Quyền, cố vấn Tổng Công Ðoàn Tự Do. Ông có dạy học ở trường Thăng Long Hà Nội.”
(Thái Văn Kiểm, Liệt sĩ Trần Văn Tuyên)
2. “Sau hơn nửa thế kỷ qua, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh người huynh trưởng Trần Văn Tuyên bên đống lửa trại Chùa Láng (gần Hà Nội) năm xưa. Anh cũng mặc đồng phục Hướng Ðạo như chúng tôi. Cũng quần soọc tím, áo sơ mi nâu bạc màu, cũng thắt khăn quàng nơi cổ như mọi HÐ khác. Lúc ấy hướng đạo sinh của các đoàn đã ngồi thành vòng tròn khá lớn quanh đống lửa trại. Anh Tuyên vừa bước qua vòng tròn, mọi tiếng rì rào nổi lên khắp dẫy, như một dòng điện truyền lan: ‘Anh Tuyên! Anh Tuyên đấy!’ Anh là hình ảnh một trong những thần tượng Hướng Ðạo của chúng tôi.”
(Mặc Thu, Nhớ về Trần Văn Tuyên)
3. “Tầm thước, nhanh nhẹn, tóc húi cao, mắt sáng tinh anh sau cặp kính cận dầy cộm, luôn tươi cười cởi mở, anh Trần Văn Tuyên là mẫu người trí thức thông minh, rõ rệt là một hiền nhân. Rất uyên bác, đọc nhiều sách khảo cứu, có cả một thư viện trong nhà, anh thông thạo Pháp, Anh và Hán tự Anh viết báo, làm luật sư, lưu vong sang Tầu, ở tù nhiều lần, làm bộ trưởng Thông Tin, làm phó thủ tướng Ðặc Trách Kế Hoạch, dân biểu, trưởng khối đối lập, thủ lãnh luật sư đoàn.”
(Nguyễn Tường Bá, vài kỷ niệm về anh Trần Văn Tuyên. Vẫn theo LS Nguyễn Tường Bá, báo New York Times gọi Trần Văn Tuyên trong tù là “một Solzhenitsyn của nhà tù Gulag Việt Nam)
4. Khởi Hành phỏng vấn ông Trần Tử Miễn, con trai út của LS Tuyên. Lời ông Miễn:
“Ông theo gương chí sĩ Nguyễn Thái Học, gia nhập Quốc Dân Ðảng năm 16 tuổi. Ông cảm phục Abraham Lincoln, Thomas Jefferson (người nói báo chí là Ðệ Tứ Quyền), và Tôn Dật Tiên, cha đẻ của thuyết Tam Dân của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng: Dân tộc độc lập – Dân quyền tự do – Dân sinh hạnh phúc. Ba tiêu đề này, Việt Cộng trộm mấy chữ sau: Ðộc lập Tự do Hạnh phúc để lừa phỉnh. Cũng chính vì ba chữ này mà một số anh em Việt quốc đi theo hàng ngũ Việt Cộng (trước cuộc di cư 1954). Về tình bằng hữu, cha tôi thân thiết với cố Dân Biểu Trần Văn Văn (thân phụ anh Trần Văn Bá) cả hai cha con đều bị Việt Cộng sát hại trước và sau 1975.
Cha tôi không bao giờ chấp nhận chính phủ ba thành phần. Trước 30 tháng 4 độ hai tháng, Tòa Ðại Sứ Mỹ có liên lạc nói họ dành 50 chỗ cho gia đình cha tôi và thân hũu trên máy bay để di tản. Nhưng ông không có ý định ra đi. Vì các lý do: Mình sinh ra ở đây, thà chết ở đây. Tất cả anh em VNQDÐ đều quyết định ở lại, vậy mình càng không bỏ rơi anh em.”
(Thụy Khanh phỏng vấn, Saint Germain les Corbeit, 21 tháng 9, 1998)
5. Lời Trần Văn Tuyên: “Xét quá trình hoạt động, tôi không thấy có tội gì với nhân dân Việt Nam. Nếu tôi có tội thì đó là cái nhìn của đảng Cộng Sản Việt Nam.” (Trần Văn Tuyên, Bản khai lý lịch tại trại tù Long Thành, 16 tháng 5, 1975)
“Một ánh sáng chói lòa. Tôi giật mình ngẩng đầu nhìn, tưởng lựu đạn hay plát-tích nổ. Bên cạnh tôi, một đám khói trắng bùng lên. Tôi nhìn khách, không thấy khách. Cũng không phải là lựu đạn hay plát-tích. Cũng không phải là pháo bông ăn mừng cách mạng thành công. Ngẩn ngơ, tôi thủng thẳng bước đi. Mình cảm thấy lòng mình cũng bơ vơ, cơ khổ: không còn nơi dung thân, không có nơi gieo ý, không có nơi xây dựng!
Như khách, tôi cũng nhận thấy con người mới chỉ thấy hoang tàn, tang tóc của cách mạng mà chưa thấy phần xây dựng của cách mạng. Và ngày ngày, mỗi buổi chiều, tôi tới vườn Diên Hồng ngồi đợi khách. Nhưng cách mạng! Anh còn đây hay đã đi đâu?”
(Trần Văn Tuyên, Người Khách Lạ, tập truyện ngắn, 30 tháng 10, 1965)
Chú thích: Các trích dẫn trên đây chỉ là phần ngắn gọn cho hợp khuôn khổ Trang Thời Sự Nhân Văn, từ những bài dài in trong Khởi Hành chủ đề Trần Văn Tuyên, số 24, xuất bản tháng 10, 1998.
.
.

HOÀNG HẢI THỦY * NGƯỜI TÙ KHỔ SAI

Người Tù Khổ Sai Trần Văn Tuyên

Quốc Gia VNCH có hai ông Thủ Tướng Chính Phủ bị bọn Cộng Sản Việt Nam giam chết trong tù: Ông Thủ Tướng Phan Huy Quát và ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên.
Thủ Tướng Phan Huy Quát đi Tù và Chết trong Nhà Tù Chí Hoà, Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên trước khi đi Tù và Chết trong Trại Tù Khổ Sai ở miến Bắc, còn có lần Ði dự Hoà Ðàm với Pháp ở Ðà-lạt và cùng với một số ký giả làm cuộc “Ký Giả đi Ăn Mày” ở Sài Gòn.
Ðây là bài về ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên.
TỪ ÐIỂN TÁC GIẢ VIỆT NAM. Nguyễn Quang Thắng. Nhà Xuất Bản Văn Hóa, ấn hành ở Việt Nam Tháng Chín 1999.
TRẦN VĂN TUYÊN
Quí Sửu 1913 – Bính Thìn 1976.
Luật sư, một trong những người sáng lập Hội Hướng Ðạo Việt Nam, sinh ngày 1-9-1913 tại tỉnh Tuyên Quang, nguyên quán huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông.
Học ở Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân Luật Ðại Học Luật Khoa Hà Nội, dạy học tại Trường Trung Học Thăng Long, tham gia hoạt động chống Pháp từ những năm 1930-1931. Năm 1934, ông cùng Ðặng thái Mai, Võ nguyên Giáp… thành lập Liên Minh Dân Chủ và Phong Trào Ðông Dương Ðại Hội. Năm 1942 ông bị Pháp bắt giam một thời gian vì “tội thành lập Ðảng Thanh Niên Hưng Quốc”. Sau khi được xử trắng án và tự do, ông thi đỗ ngạch Tri Huyện Tư Pháp, được bổ làm Tri Huyện huyện Thanh Miện, Hải Dương, đến năm 1944 thì từ chức.
Sau Tổng Khởi Nghiã Tháng 8 năm 1945, ông tham chính, giữ chức Ðổng Lý Văn Phòng Bộ Ngoại Giao Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Năm 1946 ông tham gia Hội Nghị Trù Bị Ðà Lạt, phụ trách Ban Lễ Nghi của phái đoàn Việt Nam, cùng với các ông Nguyễn Tường Tam, Võ nguyên Giáp, Hoàng xuân Hãn.
Ðầu năm 1946 ông lưu vong sang Trung Hoa, năm 1950 ông về Sài Gòn, có thời làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, năm 1950-1951 ông giữ chức Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng trong chính phủ Trần văn Hữu. Năm 1954 ông là Cố Vấn Ðặc Biệt trong Phái Ðoàøn Việt Nam (chính quyền Bảo Ðại) dự Hội Nghị Genève nhằm chấm dứt Chiến tranh Ðông Dương. Năm 1959-1960, ông cùng 17 nhân sĩ ( Báo chí nước ngoài gọi là Nhóm 18 Caravelle) ra tuyên cáo đòi chính quyền Ngô Ðình Diệm thay đổi chính sách. Sau cuộc đảo chính hụt ngày 11 Tháng 11 năm 1960, ông bị Mật Vụ Ngô Ðình Nhu bắt giam, đến sau ngày 1 Tháng 11 năm 1963 mới được giải thoát. Năm 1965 ông giữ chức Phó Thủ Tướng Ðặc Trách Kế Hoạch, năm 1967 ông là Dân Biểu Quốc Hội, Trưởng Khối Dân Tộc-Xã Hội tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn, Cố Vấn Phong Trào Ðấu Tranh Cải Thiện chế độ Lao Tù, Thủ Lãnh Luật Sư Ðoàn Sài Gòn.
Ngày 26 Tháng 10, 1976 ông mất tại Hòa Bình.
Các tác phẩm của ông: Hiu quạnh (1944), Tình mộng (1953), Hội Nghị Genève ( 1954), Việt Nam dưới thời thuộc Pháp (1958), Chính đảng (1968), Người khách lạ ( 1969), Con đường Cách Mạng Việt Nam (1969)
Ngưng trích.
Ðây là bài “Ít dòng Nhật Ký về Hội Nghị Trù Bị Ðà Lạt 1946ông Trần Văn Tuyên viết ở Sài Gòn.
Trần Văn Tuyên. Trích:
Ngày đi. 16-4-1946. Khởi hành ở phi trường Gia Lâm, 7 giờ 30 sáng. Pháp cho mượn 2 chiếc máy bay Junker cũ kỹ. Hai anh Trưởng và Phó Phái Ðoàn (Nguyễn Tường Tam, Võ nguyên Giáp) cùng đáp một chiếc cất cánh sau. Bọn tôi đi chuyến đầu gồm Tạ quang Bửu, Dương bạch Mai, Kiều công Cung, tất cả 12 người.
Gần tới Paksé, gặp bão, nhưng trời nắng đều. Tới Paksé lúc 11 giờ 20. Không ra thăm thành phố. Máy bay chở hai anh Tam, Giáp đến sau 20 phút.
12 giờ 30 máy bay chúng tôi bay đi Ðà Lạt trước. Tới trường bay Liên Khàng lúc 3 giờ chiều. Có các ông Pignon, Davec, Brisson và Lê văn Kim, ông Kim lúc đó là tùy viên báo chí của Ðô Ðốc D’Argenlieu, Cao Ủy Pháp, ra đón. Thêm nột nhà nhiếp ảnh Tiệp Khắc, một phóng viên Bỉ, cô Anna Lê Trung Cang, chủ nhiệm nhật báo Ðiện Tín ở Sài Gòn.
Ðói, khát, không có gì để ăn uống. Ông Davec kiếm được 10 quả “thanh lí” và một ấm nước nhỏ.
Chờ chuyến bay thứ hai đến để cùng về Ðà Lạt nhưng mãi không thấy đến. Nhiều người lo ngại đã xẩy ra chuyện bất trắc. Không liên lạc được với Paksé, cũng không liên lạc được với Sài Gòn. Lo ngại càng tăng. Ðã có người lo sợ một “thủ đoạn” ác độc của người Pháp. Trời về chiều, chờ không được, sợ tối nguy hiểm, đành phải về Ðà Lạt trước.
30 cây số đường rừng, giữa đồi núi và rừng thông trùng điệp. Xe hỏng máy cách Ðà Lạt 5 cây số. Trăng mọc trên ngàn thông, bao phủ bởi sương trắng. Cảnh vật thật tuyệt diệu.
6 giờ tối mới về đến Ðà Lạt. Thành phố vắng tanh, tối đen và yên lặng. Mọi người về Hotel Du Parc, riêng hai anh Trịnh văn Bính, Dương bạch Mai sang Hotel Lang Biang.
Cơm dọn sẵn cho 30 người ăn. Nhưng mọi người chỉ ăn qua loa. Mệt! Hoang mang… Băn khoăn về số phận của toán thứ hai, những người chính của phái đoàn. Ăn cơm xong, anh em họp lại trong buồng tôi. Ða số tỏ ý lo ngại. Một số cho rằng Pháp chơi xấu, có thể hi sinh một chiếc máy bay và hai phi công, đâm máy bay vào núi. Thế là hết chuyện đàm phán. Vì họ đã thủ tiêu được những người lãnh đạo mà họ lo sợ nhất: Nguyễn Tường Tam, Ngoại Trưởng Chính Phủ Liên Hiệp, Lãnh Tụ Cách Mạng chống Pháp cực đoan (VNQDÐ) và Võ nguyên Giáp, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Giải Phóng, Chủ Tịch Quân Ủy Hội Kháng Chiến chống Pháp.
Có anh lo sợ cho số phận những người trong phái đoàn đã đến Ðà Lạt. E ngại người Pháp bắt luôn tất cả đem đi cầm tù. Anh Kiều Công Cung đề nghị với tôi đưa cho mỗi người 100$, xuống chợ mua mỗi người một  chiếc xe máy, ngay đêm hôm ấy, băng về Phan Rang.
Một giờ sáng mới được tin chiếc máy bay thứ hai bị hỏng máy quạt, phải ở lại Paksé, chờ hôm sau Sài Gòn đem máy quạt lên thay mới bay tới được.
Hỏng máy thật hay là đòn tâm lý!
Ngưng trích.

Ông Trần Văn Tuyên, ảnh chụp năm 1974, khi ông là Dân biểu Quốc Hội VNCH, ông dự Cuộc Biểu Tình có tên là “Ký Giả đi Ăn Mày” tại Sài Gòn.
Quí vị vừa đọc một đoạn trích trong hồi ký của ông Trần Văn Tuyên kể lại chuyện ông và ông Nguyễn Tường Tam, trong phái đoàn Chính Phủ Liên Hiệp – (Việt Minh,) Tháng 4 năm 1946, từ Hà Nội bay đến Ðà Lạt để dự hoà đàm với Pháp. Lúc này ông Nguyễn Tường Tam là Ngoại Trưởng Chính phủ Liên Hiệp do Hồ chí Minh làm Chủ Tịch. Ông Nguyễn Tường Tam là Trưởng Ðoàn, Võ Nguyên Giáp  là Phó Truởng Ðoàn.
Tháng 4 năm 1946 khi các ông Trần Văn Tuyên, ông Nguyễn Tường Tam đi dự hoà đàm với Pháp ở Ðà Lạt, tôi 14 tuổi, tôi mù tịt về chuyện Việt Pháp hòa đàm. Bẩy mươi năm sau ở Kỳ Hoa Ðất Tríchõ, đọc chuyện ông Trần Văn Tuyên kể, tôi thấy thương các ông Việt Nam quá là thương. Ai đời đi đàm phán tranh quyền độc lập với Pháp xâm lược chiếm nước mà phải đi nhờ máy bay của Pháp, đi nhờ ô-tô của Pháp, ăn ở do Pháp cung cấp. Ông TV Tuyên viết “Pháp cho mượn hai chiếc Junker..” tôi thấy không đúng, Pháp nó không cho phái đoàn VM mượn máy bay, nó chỉ dùng máy bay của nó chở phái đoàn từ Hà Nội đến Ðà Lạt.
Phái đoàn ta chịu đủ mọi thứ bất lợi và kém vế. Họp trong thành phố Ðà Lạt là nơi bọn Pháp nắm quyền, làm chủ, ở thành phố này Pháp có quân đội, có cảnh sát. Pháp nó muốn bắt nhân viên nào trong phái đoàn VN Hà Nội là nó bắt. ÔngTV Tuyên kể:
Bài đã dẫn. Trích: 24-4-46. Anh Phạm ngọc Thạch, một nhân viên của phái đoàn, bị Pháp bắt ngày hôm qua. Ngay trước trụ sở phái đoàn Việt Nam. Lúc 1 giờ trưa. Pháp nói là họ đã báo trước cho chính phủ Hà Nội là họ không chấp nhận Thạch trong phái đoàn Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Sâm và Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng bị trục xuất về Sài Gòn. Pháp lấy cớ hai người ấy dùng máy vô tuyến riêng để liên lạc với Hà Nội. Ngưng trích.
Không biết ông Nguyễn Văn Sâm đây có phải là ông Nguyễn Văn Sâm bị Việt Minh bắn chết trên xe buýt ở Sài Gòn và đường Nguyễn Văn Sâm ở Sài Gòn có phải là đường mang tên ông này không. Tôi chắc là phải. Trong đoạn hồi ký trên còn có nhân vật « Lê Văn Kim , tùy viên báo chí của Ðô đốc D’Argenlieu. » Tôi chắc ông « Tùy viên báo chí » này những năm 1960-1970 là « Thiếu Tướng Lê Văn Kim.»
Chuyện làm tôi vừa thương các ông vưà tức cười – tức cười là vưà cười vừa tức: cười mà tức anh ách – là chuyện nửa đêm, các ông chính khách Việt Nam ta bàn nhau mỗi ông thủ túi 100 đồng – đồng bạc Ðông Dương, tức tiền của Pháp – ra tiệm bán xe đạp ở chợ Ðà Lạt, mỗi ông mua một cái xe đạp rồi nhẩy phốc lên yên, các ông phây phây cho xe thả dốc từ thành phố Ðà Lạt sương mù bon bon ve ve veo veo rẹt rẹt xuống tỉnh Phan Rang! Mèn ơi..! Các ông tưởng nửa đêm đi xe đạp xuống đèo là dzễ ợt, là ngon ăn lắm sao? Các ông lạc quan quá đi mất. Mười ông xe đạp tuột dốc xuống Ðèo Ngoạn Mục, tức Ðèo Bellevue, bảo đảm 8 ông, cùng với xe, bay tuốt xuống vực, 2 ông nằm chèo queo bên vệ đường.  Bảo đảm năm chăm phần chăm! Ban đêm đi xe đạp xuống đèo các ông bay xuống vực nhanh hơn ban ngày nhiều!
Rất may là Tháng Tư năm 1946, ở Ðà Lạt, ông TV Tuyên không nghe theo lời đề nghị làm cuộc “Thiết mã bán dạ hạ san”, nôm na là “Nửa đêm ngựa sắt xuống núi.” Nếu buổi tối lịch sử 55 năm xưa ấy ông Trưởng Ban Nghi Lễ Trần Văn Tuyên mở cặp da lấy tiền, phát cho mỗi ông trong phái đoàn 100 đồng bạc Ðông Pháp Ngân Hàng – Banque de L’Indochine Francaise – và các ông này, cho là 10 ông còn gân tự cho mình có thể đi xe đạp cả trăm cây số, nửa đêm kéo đến đập cửa tiệm bán xe đạp ở chợ Ðà Lạt…, lịch sử sẽ ghi tội ác tày trời của bọn D’Argenlieu, Pignon: tội thủ tiêu các ông chính khách Việt Nam trong phái đoàn hoà đàm và liệng xác những ông này xuống vực!
Theo lời kể của ông TV Tuyên, tôi thấy trong cuộc hoà đàm năm xưa ở Ðà Lạt có các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường:
Trích: Những ngày cuối cùng.
3-5-1946. 3 giờ chiều họp đại hội công đồng, 2 phái đoàn Việt Pháp.
Anh Hồ Hữu Tường ngao ngán ghé tai tôi, nói: “Khổ lắm!” Ngưng trích.
Sau năm 1954 ông Hoàng Xuân Hãn sang sống ở Pháp, ông sống bình an, chết trong bình an, ông Nguyễn Mạnh Tường bị bọn Hồ Chí Minh, Lê Duẩn đầy ải, chết trong tức tưởi ở Hà Nội, ông Hồ Hữu Tường sống ở Sài Gòn, bị bọn Bắc Cộng bắt đi tù năm 1977, ông chết trong Trại Tù Khổ Sai Hàm Tân.
Và đây là vài chuyện xẩy ra trong cuộc gọi là « Hoà đàm Việt Pháp » ở Ðà Lạt Tháng 4, Tháng 5 năm 1946:
Sách đã dẫn. Trích:
Tại bữa cơm, Ðô đốc D’Argenlieu tiếp đãi tử tế. Ăn xong, ông móc túi lấy bản diễn văn ra đọc. Ông nói rất nhiều về chủ trương Liên Bang Ðông Dương của Pháp.
Theo quyết định của anh em, anh Nguyễn Tường Tam trả lời bằng tiếng Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Huyên làm thông ngôn.
Vụ nói bằng tiếng Việt này làm cho Pháp hết sức ngạc nhiên. Sau này, trong một buổi họp, Ðô đốc D’Argenlieu đã mỉa mai những người Việt Nam vô ơn, bạc nghĩa, ăn bánh mì mòn cả răng ở Paris, nay lại làm bộ không biết nói tiếng Pháp.
Thực ra, chúng tôi đã quyết định như vậy vì nhiều lí do thực tế:
1 – Tinh thần dân tộc.
2 – Ðể người nói có thì giờ suy nghĩ.
3 – Và nếu cần, để người thông dịch sửa chữa những sơ hở của người nói.
Ngưng trích.
Ðây là chuyện ông Trưởng Ðoàn Nguyễn Tường Tam nằm mộng theo lời kể của ông Trần Văn Tuyên:
Anh Tam kể chuyện nằm mộng thấy một con thiêu thân và một giọt nước đường.
Con thiêu thân muốn hút nước đường nhưng ngập ngừng không dám. Một con nhện sa xuống nuốt con thiêu thân.
Không thấy một con chim sa xuống nuốt con nhện và người cầm súng bắn con chim.
Giấc mộng oái oăm thay.
Ngưng trích.
Cứ như lời kể thì “giấc mộng : nước đường, thiêu thân, nhện” của ông Trưởng Ðoàn Nguyễn Tường Tam năm xưa đó “oái oăm” thật.
Ông Trần Văn Tuyên kể chuyện ông và Võ Nguyên Giáp:
Buổi trưa, anh Võ nguyên Giáp mời ăn cơm.{CTHР: VN Giáp mời một mình ông Trần Văn Tuyên.} Ðã từ lâu chúng tôi không gặp riêng nhau để nói chuyện. Kể chuyện cũ, nhắc đến những người bạn chung còn hay đã mất, nhắc lại những kỷ niệm về chị Minh Thái (Vợ anh Giáp, chết trong tù của Pháp, trong khi anh sống ở Trung Hoa.)
Anh thực thà nhận có phần lỗi vì không thường gặp tôi để biết rõ tình thế, để đến nỗi có những chuyện “hồ nghi”. Anh khuyên tôi hãy trở về hàng ngũ anh em tranh đấu, và biết tôi thích đọc sách, anh hứa sẽ cho mượn mấy quyển sách vừa mới nhận được.
Câu cuối cùng của anh là câu tiếng Pháp “Alors, tu restes mon ami?”
Chúng tôi siết tay nhau lần chót. Từ đó, mỗi kẻ một đường.
Dòng thời gian nhẹ một ánh bay…! Những ngày như lá, tháng như mây…! Ông Trần Văn Tuyên dự Hoà Ðàm Việt Pháp ở Ðà Lạt Tháng Tư năm 1946, ông viết về cuộc hòa đàm ấy khi ông ở Sài Gòn chắc là vào những năm 1960-1965, năm 2000 ở Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi đọc những lời ông kể trong quyển Từ Ðiển Tác Giả Việt Nam, sách xuất bản năm 1999 ở Sài Gòn.
Năm 2005 tôi đọc lời kể về những ngày cuối cùng của ông Trần Văn Tuyên trong trại tù khổ sai cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Người viết, người kể chuyện là ông Hoàng Minh Lê Hồng Tuấn, một người tù chứng kiến những ngày sống cuối cùng của ông Trần Văn Tuyên. Ông Hoàng Minh Lê Hồng Tuấn đi HO sang Kỳ Hoa Ðất Trích, đã từ trần, ông để lại tập Hồi Ký mà các bạn ông đặt tên là Di Bút của một Người Tù.
Mời quí vị đọc một số trang
DI BÚT CỦA MỘT NGƯỜI TÙ. Hồi ký của Hoàng Minh Lê Hồng Tuấn
Ðăng trên Tạp Chí CON ONG-Houston, Texas.  Số 164165, Tháng 3, Tháng Tư 2005.
Tù chưa bao lâu mà sức đề kháng của anh em đã sút giảm thấy rõ, kéo theo sự bạc nhược về tinh thần. Mỗi lần nhìn Niên trưởng Dương Ðức Thụy tôi lại thấy đau xót như nhìn sự tàn tạ của chính tôi, của chế độ nay đã bị diệt vong. Niên trưởng thường hay ngậm ngùi nhắc lại cái ngày xưa của mình, rồi buông thõng một câu .. Si les vieux pouvaient..” Anh Trần Văn Tuyên thì tỏ rõ thái độ của người quân tử bị mắc bẫy tiểu nhân. Thái độ nhẫn nhục bên ngoài không che được cái cuồng nộ bên trong. Những buổi trưa vắng người, tôi thường ra góc sân vắng ngồi cho thảnh thơi tâm trí, tôi hay gặp anh Tuyên ở đó. Anh hay ngẩng đầu nhìn lên ngọn cau. Tôi hỏi anh tại sao anh kẹt lại? Anh nói nếu anh muốn đi thì anh đã đi từ lâu, nhưng anh không làm thế được. Nhục lắm. Hỏi anh liệu Miền Nam còn trung lập được bao lâu nữa, cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” liệu còn tồn tại được bao lâu nữa, và số phận của đám Mặt Trận này sẽ ra sao? Anh nói: “Nếu chúng nó thông ra thì chúng nó đừng làm cái trò đấu tố khốn nạn chúng đã làm ở miền Bắc năm 1954, 1956. Cái tàn ác nhất của bọn cộng sản là chính sách đấu tranh giai cấp. Thằng Trường Chinh còn đó, nó lại đang nắm nhiều quyền hành. Thằng đó ác lắm. Số phận bọn Mặt Trận Giải Phóng rồi cũng chẳng khác gì anh em mình bây giờ.”
Anh luôn luôn nghĩ đến tình trạng đáng thương của đồng bào miền Nam nay bị xâu xé, bóc lột, đầy ải không khác cảnh ngộ đồng bào miền Bắc hồi năm 1954, 1956. Anh bảo đó là một đại họa cho đất nước. Anh bảo những người Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không cộng sản rồi sẽ bị thanh trừng. Cộng sản luôn luôn làm như vậy để trừ hậu hoạn.
Anh Tuyên rất dị ứng với những “danh từ mới”. Mấy anh buồng trưởng thì lại xử dụng những danh từ mới ấy rất trơn tru. Anh Nhâm, buồng trưởng của anh Tuyên, cũng không tránh khỏi cái “nghiệp” đó nên tôi thường nghe anh Tuyên than phiền về tình trạng “hội nhập” quá nhanh của các vị ấy với cái gọi là “chế độ mới”. Phạm Thành Ngọc thì rất tếu, anh nhái tiếng Bắc kỳ mới” một cách diễu cợt rất tức cười. Anh Nhâm biết nhưng cứ tảng lờ như không biết, cứ tuôn ra những “từ” như “thành khẩn, khẩn trương, khắc phục, đăng ký, điển hình, tiên tiến, bảo quản, tích cực, tiêu cực, làm tốt, lên lớp..vv…” 
Vũ Văn Quý thì chỉ có hai đề tài: Những chuyện linh tinh, vui vui, buồn buồn trong Quốc Hội của ta và chửi cộng sản. Bất cứ cái gì của cộng sản anh cũng nhìn ngay ra mặt xấu và tìm ra ngay được những lời tàn tệ nhất để diễn tả. Những lần lên hội trường xem TiVi, anh thường kéo tôi ngồi vào một góc với anh để trong suốt buổi xem, rỉ rả rót vào tai tôi những lời phê bình vừa cay nghiệt vừa tức cười về những hình ảnh trên TiVi.
Ngày 23 tháng 11 năm 1976 trời mưa tầm tã. Chúng tôi đang ngồi nghe đọc báo thì cán bộ Thoại đội mưa vào gọi buồng trưởng ra ngoài hành lang. Một lát sau, Phạm Thái vào thông báo sẽ có một buổi sinh hoạt buồng vào ngày mốt, nội dung sẽ cho biết sau.
Sau bữa ăn trưa, tôi đang ngồi một mình thì Phạm Duy Tuệ và Ðặng Văn Tiếp tới, nói rằng sẽ có một buổi sinh hoạt để anh em phát biểu ý kiến, nói lên nhận thức của mình trong quá trình học tập cải tạo.
Mưa đã tạnh nhưng trời đất sũng nước. Chúng tôi gặp nhau ngoài sân bàn về buổi sinh hoạt sắp tới. Anh Ðỗ Sinh Tứ đến đứng với các anh Trần Văn Tuyên, Phạm Duy Tuệ, Trần Cảnh Chung, Ðặng Văn Tiếp và tôi ở góc sân, một lúc thì có Nguyễn Xuân Phong ghé vào. Chúng tôi đứng nói chuyện mãi cho đến lúc kẻng đánh báo giờ điểm danh, vào chuồng.
Khi xếp hàng vào chuồng, anh TV Tuyên bảo tôi: “Chúng nó giở trò cho anh em mình tự chửi bới với xâu xé nhau đấy.”
Vào buồng, lần đầu tiên tôi thấy các anh trong Việt Quốc nói chuyện một cách “nghiêm túc”. Các anh Phan Minh Thám, Phan Vỹ, Trần Thích nói nho nhỏ với nhau. Có lẽ các anh cũng nghĩ như anh TV Tuyên. Buồng trưởng Phạm Thái vẫn bộ mặt bì bì vô cảm, ngồi một mình, quay mặt nhìn ra cửa sổ. Thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Mân nằm cạnh tôi, anh ngồi tưạ lưng vào tường, khoanh tay, nhắm mắt. Anh người nhỏ bé, đi lại nhẹ nhàng, ăn nói nhỏ nhẹ, giọng miền Trung ấm áp. Anh sống như một cái bóng.
Buổi sáng như thường lệ anh Tuyên ra hồ tắm sáng, anh vẫn tắm buổi sáng như vậy từ khi ra đây, mặc dầu bây giờ trời đã chớm đông.
Buổi sinh hoạt được tổ chức trong buồng. Cái bàn gỗ tạp vẫn để sát tường hôm nay được lau chùi kê ra giữa buồng. Một cái ghế được đem vào. Chúng tôi tề tựu đông đủ. Anh Tuyên ngồi sau anh Ðồng Tuy, tôi ngồi sau lưng anh Tuyên, bên cạnh anh Tuyên là anh Triệu Huỳnh Võ và anh Vũ Văn Vỵ.
Cán bộ kéo đến, đứng lố nhố bên ngoài. Khi cán bộ Thoại mới nói mấy câu mở đầu, tôi thấy anh Tuyên một tay ôm đầu, một tay chống xuống sạp. Hai anh ngồi kế chưa kịp ôm anh thì anh ngã ra sau, anh ngã vào ngực tôi. Tôi đỡ gọn anh vào lòng. Chỉ nghe anh nói được ba tiếng: “Không sao đâu!” Rồi anh thiếp đi. Tôi bồng anh, cùng với anh Vỵ, đặt anh nằm vào chỗ nằm của anh Ðồng Tuy ở góc buồng, gần cửa sổ lớn, lấy mền đắp cho anh, anh Vỵ xoa dầu nóng cho anh. Anh nằêm thiêm thiếp, nhắm mắt.
Buổi họp tiếp tục, bây giờ có mấy anh thành phần đảng phái quốc gia tự nhận đảng của mấy anh là đảng phản động. Mấy anh này kể ra “quá trình chống phá cách mạng của Ðảng anh và bản thân anh” rồi nói lên những suy nghĩ bây giờ nhờ được cải tạo. Hầu hết các anh nói những lời chung chung và hưá sẽ cải tạo tốt. Chỉ có hai anh Phạm Thái và Ðoàøn Thái là tích cực nhận tội, tự sỉ vả mình, nên được cán bộ ghi nhận là “có nhiều trăn trở.” Một số anh em khác cũng phải phát biểu, như anh Nguyễn Văn Thành, nghị viên Ðàlạt, các anh Ðoàn Quang Tuyên, Phan Vỹ, Trần Thích. Theo nhận xét của Niên trưởng Vũ Văn Vỵ lời nói của hai anh Phan Vỹ, Trần Thích là khôn ngoan và khéo nhất.
Trong suốt buổi họp, anh Vỵ mấy lần xin phép rời chỗ đến xem anh Tuyên. Anh Tuyên vẫn nằm thiêm thiếp, dấu hiệu duy nhất của sự sống nơi anh là ngực anh phập phồng nhẹ nhẹ.
Buổi sinh hoạt chấm dứt. Chúng tôi xúm lại chỗ anh Tuyên nằm. Anh Vỵ chạy ra nói với cán bộ Thoại. Cán bộ Thoại vào buồng nhìn anh Tuyên nằm rồi đi ra. Nhiều anh em buồng 1 họp xong chạy sang thăm hỏi anh Tuyên, trong số có Trần Cảnh Chung. Chung tỏ ra rất lo âu, anh là bạn của con anh Tuyên, Trần Tử Huyền.
Nửa giờ sau cán bộ Thoại trở lại với một cán bộ y tá. Cán bộ này nghe tim, bắt mạch, chích cho anh Tuyên một mũi thuốc.
Anh Tuyên nằm lại tại chỗ của anh Tuy. Anh cứ nằm bất động, không một lần tỉnh lại hay cựa quậy. Anh Vỵ cứ quanh quẩn bên chỗ anh Tuyên. Tôi cảm động vì mối giao tình của hai anh. Anh Vỵ khóc, những giọt nước mắt cứ lăn trên gò má răn reo của người tù già. Anh Vỵ và tôi hai lần thay quần cho anh Tuyên. Không có dấu hiệu nào cho thấy anh Tuyên biết được những việc xảy ra quanh anh. Anh Vỵ chốc chốc lại ghé tai gần mũi anh Tuyên xem anh còn thở hay không.
Sáng hôm sau, cán bộ Thoại vào phòng với cán bộ y tế. Rồi xe ô tô của trại đến cổng khu, cán bộ Thoại ra lệnh mang anh Tuyên ra xe.
Tôi cuộn anh Tuyên trong cái mền anh đang đắp, bồng anh ra xe. Trần Cảnh Chung nhẩy lên chiếc xe tải chở vật liệu xây cất, dẹp một chỗ để anh Tuyên nằm. Anh Tuyên vẫn thiêm thiếp.
Xe chạy. Anh em bị lùa vào khu. Cửa cổng khoá lại. Hôm ấy không ai làm gì được. Tất cả lóng ngóng chờ tin anh Tuyên. Mãi đến chiều cán bộ Thoại mới vào cho biết anh Tuyên được đưa ra bệnh viện tỉnh.
Chúng tôi đã quen với bộ bà ba trắng, mái đầu bạc, cái chân sưng tấy của anh Tuyên. Bây giờ vắng anh, tôi thấy tôi vừa mất đi một cái gì rất thân thiết. Anh Ðặng Văn Tiếp nói anh Tuyên khó qua khỏi vì như thế là anh Tuyên bị đứt gân máu, xuất huyết não. Tôi ngậm ngùi nói tội thay, ở sông, ở biển không chết, chết trong vũng trâu đằm..
Từng đi bốn bể, chín chu
Trở về xó bếp chuột chù gặm chân.
Vào buồng, Buồng trưởng Phạm Thái long trọng” cho chúng tôi biết anh Tuyên “được ban quản đốc Trại chiếu cố đưa về bệnh viện tỉnh cứu chữa.”
Ðầu chỗ nằm của anh Tuyên có vài quyển sách, một số giấy tờ. Anh Tuyên có quyển “Communism and how to fight it?” Anh Vỵ lấy đem về chỗ anh.
Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, cán bộ Thoại vào, nói tuy được tận tình cứu chữa, nhưng bệnh quá nặng, anh Tuyên đã mất lúc 2 giờ sáng (ngày 29 tháng 11, 1976). Chúng tôi lặng người đi.
Cán bộ Thoại đi rồi, anh em Buồng 1 sang bàn chuyện nay cử ai đại diện anh em đi đưa anh Tuyên đến nơi an nghỉ. Anh Ðặng Văn Tiếp đưa ra ý kiến nên có đại diện dân cử, đảng phái, tôn giáo.
Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau, Trại trưởng Dũng vào buồng 1, ra lệnh tập họp anh em hai buồng lại nghe y nói chuyện. Lố nhố bên ngoài là Trại Phó, An ninh, Trựïc trại, Giáo dục. Trại trưởng Dũng nói anh Tuyên chết vì bệnh, tuổi già. Việc cử đai diện này nọ đi đưa đám là không được. Y hỏi: “Các anh còn đoàn thể, đảng phái gì nữa? Các anh đại diện ai, đại diện cái gì? Ðã vào đây mà các anh còn chưa bỏ tư tưởng phản động! ” Rồi Y gằn giọng: “Các anh vi phạm kỷ luật của Trại..!” Y nói nhiều câu đe doạ trừng phạt rồi đi ra.
Nhưng rồi trại cũng cho vài người trong 2 buồng đi đưa đám anh TV Tuyên. Buồng 2 có hai người đi là Phạm Thái với tư cách Buồng trưởng, anh Vũ Văn Vỵ là bạn thân của người quá cố.
Tôi nhờ anh Vỵ lậy anh Tuyên dùm tôi ba lậy, nhiều anh em khác cũng nhờ anh Vỵ lậy dùm như thế. Ðồ của anh Tuyên được đem ra cho cán bộ kiểm kê, lập biên bản, cất vào kho tang vật. May mà anh Vỵ đã lấy được mấy quyển sách và số giấy tờ của anh Tuyên.
Chiều hôm ấy trời mưa rất lớn. Mãi đến khoảng 9 giờ tối anh em đi đưa đám anh Tuyên mới trở về buồng. Sau khi thay đồ, Buồng truởng Phạm Thái yêu cầu anh em ngồi lên nghe anh tường trình về đám ma. Anh mở đầu bằng những câu ca tụng sự khoan hồng và nhân đạo cuả Ðảng và Nhà nước, thể hiện trong việc tận tình cứu chữa anh Tuyên và việc chôn cất anh rất đàng hoàng, có cả lễ nghi tôn giáo, mộ có bia ghi tên người quá cố…
Phạm Thái nhắc đi, nhắc lại sự khoan hồng, lòng nhân đạo của Ðảng và Nhà Nước, sự tống tiễn chu đáo của Trại, giọng nói của anh đều đều, vô cảm, hoà nhịp với tiếng mưa rơi làm cho cảnh buồng giam đã ảm đạm đêm nay trở thành vô cùng thê thảm. Chúng tôi ủ rũ ngồi nghe, thương người vưà nằm xuống, giận tình đời đen bạc, khinh bỉ bọn thò lò sáu mặt, rồi thương thân mình. Những lời ca tụng lòng nhân nghĩa của “Cách mạng” như dao cưá, muối xát vào tim chúng tôi.
Cái chết của anh Trần Văn Tuyên gây xúc động sâu xa trong lòng chúng tôi. Với nhiều anh em chúng tôi, anh TV Tuyên là người bạn quí, là người anh gương mẫu, là người cha hiền. Thái độ khinh thị và những lời đe doạ của Trại trưởng Dũng làm chúng tôi tủi nhục, uất ức. Nhưng chúng tôi như những con cua gẫy càng, bị nhốt trong giỏ, còn chống cự gì được nữa!
Anh Vỵ bảo tôi rất có thể chúng nó chẳng đưa anh Tuyên đi cứu cấp, chữa trị gì cả, chúng nó chỉ cho xe chở anh đến chỗ nào đó, quăng anh nằm đấy. Anh chết rồi chúng nó đem về cho chôn. Anh Trần Cảnh Chung cũng cho là anh Tuyên chẳng được mang đi cứu cấp gì cả, chúng nó đem đi để nằm đâu đó cho chết. Anh Vỵ kể khi quàn xác anh Tuyên, chúng có chụp ảnh trước và sau khi quàn. Anh chỉ thấy có giấy chứng anh Trần Văn Tuyên đã chết của Trại, không thấy có giấy tờ gì của bệnh viện.
Ngưng trích

Dân biểu Trần Văn Tuyên, người bận com-lê đứng trước hàng dây thép gai, trong cuộc biểu tình “Ký giả đi Ăn Mày,” Sài Gòn năm 1974.
Tôi, Công Tử Hà Ðông, cũng nghĩ như các ông bạn tù của ông Trần Văn Tuyên: Bọn Cai Tù không đưa ông Tuyên đi cứu cấp. Sợ phản ứng của những tù nhân, chúng đã nói dối, chúng đã làm giả. Tôi thán phục sự nhận biết sắc bén của những ông tù VNCH: mới chỉ có một ông tù chết, các ông đã thấy ngay sự dối trá, hèn và tàn ác của bọn Cai Tù Cộng sản. Bọn chúng coi mạng sống của người bị chúng bỏ tù không ra cái gì cả. Ðây là chuyện chúng đối xử với người tù Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận khi ông bị ngất trong phiên toà xử “tội chống Cộng” của Tổ chức Già Lam. Tôi biết rõ chuyện này.
Năm 1982 một tổ chức chống Cộng bị bọn Công An Thành Hồ phá và bắt. Tổ chức tương đối lớn, đông người, có võ trang, tức có súng, dự định mở chiến khu đánh lại bọn cộng sản. Nhiều người của tổ chức bị bắt ở Sài Gòn, Hố Nai, Huế, Nha Trang. Trong số những người bị bắt có nhiều tu sĩ Phật Giáo và những người tín đồ Thiên Chuá Giáo. Những người bị bắt năm 1982 không chịu khai ra những lãnh tụ của họ. Cuộc điều tra kéo dài mãi cho đến năm 1984. Một người trong tổ chức bị bọn điều tra giam trong sà-lim ở Nhà Tù Chí Hoà đến ba năm. Chúng giam người này trong sà-lim với lời nói thẳng: “Khai nhóm lãnh đạo thì cho ra khỏi sà-lim, không khai thì cứ nằm trong đó.” Ba năm qua, chịu đựng khổ cực hết nổi, người bị giam phải cung khai. Trong một ngày bọn Công An Thành Hồ đi bắt ba người: Sư Nữ Thích Trí Hải, Sư Ông Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Sư Ông Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương. Một tháng sau chúng bắt thêm Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận.
Tổ chức chống Cộng ấy xuất phát từ Chùa Già Lam, Phú Nhuận, nên được anh em tù gọi là Nhóm Già Lam. Ðây là tổ chức chống Cộng có võ trang đông người, nhiều người nổi tiếng, bị giam lâu nhất ở Nhà Tù Chí Hoà. Bị bắt từ năm 1982, rồi có người bị bắt thêm năm 1984, bị giam mãi đến năm 1988 bọn Công An Thành Hồ mới đưa Tổ chức Già Lam ra toà xử.
Phiên toà kéo dài hai ngày. Buổi chiều ngày xử thứù hai, Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận, bị ngất, ngã trong phòng xử. Bọn Công An áp giải tù vào khiêng Thượng Toạ ra ngoài. Chiều hôm ấy chúng tuyên án: Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương tử hình, TT. Thích Ðức Nhuận tù 10 năm, nhiều người tù 20 năm, 18 năm, 15 năm. Người tù nhẹ án nhất trong tổ chức là 4 năm: Sư Nữ Thích Trí Hải.
Tối xuống, những người tù Già Lam từ toà án trở về nhà tù Chí Hoà mà không có TT. Ðức Nhuận cùng về. Mọi người đều nghĩ Thượng Tọa được đưa đi bệnh viện cứu cấp, nếu không được đưa đi BệnhViện Chợ Rẫy thì ít nhất ông cũng được đưa về nằm trong cái gọi là trạm xá y tế của nhà tù Chí Hoà. Hai tử tù Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương bị đưa ngay sang khu Tử Hình.
Tất cả mọi người trong phòng tù đều cho là Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận được đưa đi cứu cấp. Hôm sau khoảng 11 giờ trưa chúng tôi thấy Thượng Tọa được đưa vào phòng. Trông ông xanh xao, vàng ủng, yếu đến dễ sợ. Vào phòng ông kể chuyện, anh em chúng tôi mới biết…
Thượng Tọa không được cứu cấp chi cả. Chiều qua khi ông ngã ngất ở toà án, hai tên công an khiêng ông ra, cho ông vào xe chở tù. Xe này do Liên Xô chi viện, là xe chở nhóm tù Già Lam ra toà. Trong xe có một ngăn kín dùng để nhốt những tù nhân nguy hiểm, hung dữ. Chúng bỏ Thượng Toạ vào ngăn đó, đóng cửa lại và bỏ mặc ông trong đó. Khi những người Tù Già Lam lên xe trở về Chí Hoà, không ai biết có TT. Ðức Nhuận ở trong ngăn tù kín trong xe. Trong ngăn, TT có kêu người bên ngoài cũng không nghe tiếng. Xe về đến Nhà Tù Chí Hoà, bọn áp giải tù quên mất có một người tù bị chúng nhốt trong ngăn cách ly. Chúng bỏ quên TT. Ðức Nhuận trong xe.
Nhờ không bị còng tay, còng chân, không bị xiềng vào cái ghế sắt nên TT. Ðức Nhuận chỉ khổ mà không chết. Sáng hôm sau thấy trên mui xe có một lỗ hổng thông hơi, ông đứng lên ghế, thò tay qua lỗ thông hơi ra ngoài, vẫy vẫy. Ông gầy ốm, bàn tay và cổ tay ông nhỏ síu nên mới thò qua được lỗ thông hơi. Một tên công an đi qua bãi đậu xe, trông thấy có bàn tay người trên nóc xe vẫy vẫy, bèn đi lấy chìa khoá mở cửa xe, đưa ông vào phòng tù. Nếu Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận không thò được bàn tay ra trên nóc xe tù, ông đã chết khô trong xe.
o O o
Những ngày như lá, tháng như mây…
Bấy giờ là Tháng mấy, năm bao nhiêu? Em nhớ không Em? Hôm nay anh nhớ: Vào khoảng 11 giờ trưa một ngày Tháng 10, hay Tháng 11 năm 1988, anh ở trần, quần sà lỏn, ngồi giữa đám anh em người nào cũng quần sà lỏn, ở trần. Phòng tù đông tù, láo nháo những người, lao xao tiếng người, qua hàng chấn song sắt anh nhìn thấy thằng Cai Tù áo vàng đưa Thuợng Tọa Thích Ðức Nhuận về phòng. Ðến lúc ấy tất cả mọi người vẫn tưởng  Thượng Toạ về phòng từ cái gọi là trạm xá y tế của Nhà Tù. Năm phút sau khi ông vào phòng, anh em tù được biết suốt đêm qua ông bị chúng nó bỏ quên trong xe chở tù.
Tháng 10, tháng 11 năm 1988, ở Sài Gòn, thành phố thủ đô thân thương của chúng ta, thành phố đôi ta gặp nhau, yêu nhau và đôi ta thành vợ chồng, anh mới 50 tuổi, em mới 40 xuân xanh. Thực ra thì năm ấy anh 54, 55, em 52, 53 chi đó, nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy: 55 tuổi anh mới 50, 50 tuổi em mới 40: năm ấy đôi ta còn trẻ lắm. Qua bao nhiêu đau thương, bao nhiêu vỡ tim, bao nhiêu dâu biển, bánh xe tị nạn đưa đôi ta đến Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, anh đọc những trang người tù kể chuyện xưa và trong 543 sát-na anh thấy anh ốm nhách, anh ở trần, anh quần sà lỏn, anh râu ria, anh ngồi giữa đám anh em lao nhao, lao xao trong Phòng Tù Số 20 Khu FG Nhà Tù Chí Hoà, anh nhìn thấy Thượng Toạ Thích Ðức Nhuận xanh xao đứng ngoài hàng lang chờ thằng cai tù Việt Cộng nó lạch cạch khoá sắt mở cửa phòng tù cho ông vào. Suốt đêm qua bọn cai tù cộng sản ác ôn bỏ quên ông trong xe tù của chúng. Từ lúc 3 giờ chiều hôm qua khi ở phòng xử toà án, ông ngã ngất đến lúc này là 11 giờ trưa ông không được uống một miếng nước. Nếu trong mười mấy giờ vưà qua ông có chết, bọn cai tù sẽ nói chúng có đưa ông đi cấp cứu đàng hoàng, nhưng ông chết..
Như chúng đã nói như thế về  Người Tù Trần Văn Tuyên!
Và 30 năm sau những ngày sống u ám, tuyệt vọng của đôi ta ở Sài Gòn, hôm nay anh ngồi bình an trên đất Mỹ đọc chuyện xưa, nhớ chuyện xưa, anh viết những dòng này. Em yêu ơi.. Bọn cộng sản ác ôn chúng nó bỏ tù, chúng nó giết ông Thủ Tướng Phan Huy Quát của chúng ta ở Nhà Tù Chí Hoà, chúng nó bỏ tù, chúng nó giết ông Phó Thủ Tướng Trần Văn Tuyên của chúng ta ở một trại tù khổ sai miền Bắc. Không phải chúng chỉ bỏ tù, chúng chỉ giết có hai ông ấy, chúng bỏ tù 5,546,834 nhân vật quốc gia của chúng ta, chúng giết 3,765, 832 người trong số đó. Anh không thù, anh không hận chúng nó sao được!
Dzậy mà em thấy đấy, ở Mỹ này có những thằng dám mở mồm bảo, khuyên anh “Quên hận thù bọn cộng sản đi. Ðừng kể chuyện Tù Ðầy nữa!” Những thằng khốn nạn ấy không bằng loài chó!
Anh sẽ còn tính chuyện phải quấy với những thằng khốn kiếp đó dài dài!
 http://hoanghaithuy.wordpress.com/2011/10/21/nguoi-tu-kho-sai-tran-van-tuyen/

Saturday, October 22, 2016


MAI THANH TRUYẾT * NGÀY MÔI TRƯỜNG




Ngày Môi Trường Thế Giới - Sự Hâm Nóng Tòan Cầu
ENVIRONMENTAL EDUCATION AND AWARENESS-RAISING
Ngày 5 tháng 6 tới đây là Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day). Năm nay, thế giới nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường bằng “Giao dục Môi trường và Nhận thức” (Environmental Education & Awareness), trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trên thế giới.
Những đề nghị sau đây cho các nhà giáo trên thế giới là:
·         Trong ngày nầy, cần nên nhấn mạnh cho học sinh hiểu thêm về tầm quan trong trong việc bảo vệ môi trường chung của thế giới;
·         Chuẩn bị những câu hỏi cho học sinh về một vấn nạn lớn của thế giới; đó là việc phế thải thực phẩm dư thừa và hệ lụy của việc nầy đối với môi trường chung;
·         Khơi dậy ý thức về “ngôi vườn thực phẩm” nơi trường học và thành lập các nhóm bảo vệ môi sinh (bio-club);
·         Đặc biệt, nhấn mạnh sự lưu tâm về vấn đề thoái hóa môi trường do con người tạo ra, cùng các phương cách giải quyết vấn đề…
Về vấn đề thực phẩm dư thừa, chúng ta có thể hình dung được rằng, theo ước tính của một số nhà môi trường Hoa Kỳ, chỉ riêng phần thực phẩm dư thừa trong buổi ăn trưa ở các trường học trung tiểu học Mỹ có thể cung cấp cho 30 triệu người thiếu ăn trên toàn cầu!
Đối với quốc gia Kuwait, vần đề nầy cũng trầm trọng không kém. Để đáp ứng ngày hành động cụ thể cho Ngày Môi Trường, Chính phủ Kuwait đưa ra khẩu hiệu năm nay cho đất nước nầy là “Think-Eat-Save”. Tất cả vì vấn nạn phế thải thức ăn dư thừa cũng quá trầm trọng ở đất nước nầy. Ước tính trên 50% tổng số lượng phế thải rắn (solid waste) toàn quốc là thức ăn dư thừa hàng ngày với 38 tấn/ngày.
Do đó, nhân ngày môi trường thế giới, chánh phủ Kuwait khuyến cáo là “…cần nên lưu tâm về những vấn nạn mội trường do thức ăn phế thải…”
Còn Việt Nam thì ứng xử như thế nào trước Ngày Môi trường Thế giới nầy?
Việt Nam công bố sẽ “thả cá xuống Kinh NHiêu Lộc và Kinh Tàu Hủ để tái tạo (?) nguồn cá hầu phát triển nguồn lợi kinh tế trên kinh” ngày 29/5/2013 tại Tp HCM (Sàigòn cũ). Kể từ ngày 1 tháng 5 năm nay, và cũng để chào mừng Ngày môi trường, thành phố cũng ra quyết định:”tuyệt đối không hút thuốc lá trong ngày làm việc”. Cũng cần nhắc lại, kinh Nhiêu Lộc đã được “cải tạo” với số đầu tư trên 200 triệu Mỹ kim từ cuối năm 2000. Dòng kinh chỉ sạch được vài tháng ở đoạn từ cầu Công Lý cũ đến cầu Kiệu, đường Hai Bà Trưng với hai con đường mới được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kinh.
Chỉ hơn một năm sau đó, Việt Nam lại nhận được tài trợ và vốn cho vay không có lãi trên hơn 200 triệu Mỹ kim nữa để “tái” tái tạo” thêm một lần nữa. Và lần nầy do các công ty Tàu thầu. Công việc chấm dứt nửa chừng mà người Việt quốc nội thường gọi là “dự án treo”. Không biết số cá sẽ được thả ngày 29/5 tới đây sẽ tồn tại được bao lâu? Hay là sẽ được đi vào quên lãng ngay sau đó như hai quần đão Hoàng Sa và Trường của quê hương?
Để đóng góp cho Ngày Môi trường Thế giới năm nay, người viết xin nêu vấn đề về sự Hâm Nóng Toàn Cầu để cùng chia sẻ trước sự nóng dần lên với nhịp độ nhanh hơn các nhà làm khoa học tính toán. Năm 2012, số lượng khí carbonic (thán khí) CO2 thải hồi vào không khí tăng lên đến trên 390 mg cho mỗi lít (mg/l) không khí. Và cũng theo mô hình toán của các chuyên gia, nếu mức thán khí lên tới mức báo động (threshold limit) là 400 mg/l, thế giới sẽ xảy ra một cơn khủng hoảng về mội trường không thể tiên liệu được.
Tin giờ chót: Ngày 4 tháng 5/2013 phòng thí nghiệm Mauna Loa, Hawaii đã đo được nồng độ than khí lên đến 400 mg/L. Đây là lần đầu tiên thán khí lên cao đến mức nầy cách đây 34 triệu năm. Die62i nầy trái với dự phóng của các nhà khoa học là định mức trên sẽ xảy ra vào cuối năm 2014 hay 2015. Chuyện gì sẽ xảy ra cho trái đết trong những ngày sắp đến?
Sự hâm nóng toàn cầu (Global Warming)

Các lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu phát sinh từ cuối thế kỷ 19 do những nhà khoa học Thụy Điển trong khi quan sát sự thay đổi nhiệt độ của không khí bị ô nhiễm để rồi từ đó kết luận rằng trái đất nóng dần do con người phóng thích các khí ô nhiễm vào không khí. Lý thuyết nầy là nguyên nhân khởi đầu cho bao cuộc thảo luận sau đó giữa các nhà khoa học. Họ đã võ đoán là từ năm 1896, thán khí (CO2) thải vào không khí do việc đốt than đá để tạo ra năng lượng là nguyên nhân chính gây ra “hiệu ứng nhà kiếng”  (greenhouse effect). Theo ước tính, thán khí trong không khí đã tăng 30% từ năm 1750 đến nay.

Mãi đến năm 1949, sau khi khảo sát hiện tượng tăng nhiệt độ trong không khí ở Âu Châu và Bắc Mỹ từ năm 1850 đến 1940 so với các nơi khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Anh đã đi đến kết luận là sự phát triển ở các quốc gia kỹ nghệ đã làm tăng lượng ô nhiễm thán khí trong không khí, do đó làm cho mặt đất ở hai vùng nầy nóng mau hơn so với các vùng chưa phát triển.

Đến năm 1958, các cuộc nghiên cứu ở Mauna Loa Observatory (Hawai) đặt ở cao độ 3.345m mới chứng minh được khí CO2 là nguyên nhân chính yếu của sự gia tăng nhiệt độ nầy. Đến năm 1976, các chất khí methane, chlorofluorocarbon (CFC), nitrogen oxide (NOx) cũng được xác nhận là nguyên nhân của hiệu ứng nhà kiếng.

Từ năm 1979 đến 1983, nhiều báo cáo của Hàn Lâm Viện Quốc gia về Khoa học Hoa Kỳ đã chứng minh và cảnh báo rằng nơi nào có ô nhiễm không khí trầm trọng là nguy cơ có nhiệt độ không khí tăng càng lớn.

Năm 1990, 49 nhà bác học đã có giải Nobel đã ra thông cáo kêu gọi mọi quốc gia trên thế giới phải có biện pháp tức thời để hạn chế ô nhiễm không khí hầu bảo vệ quả địa cầu.

Các cuộc nghiên cứu mới nhất do hai khoa học gia Karl và Trenberth trên tạp chí Sciences số tháng 12/2003 nói lên tính cách khẩn thiết của vấn đề nầy. Theo ước tính của hai ông thì từ 1990 đến 2100, nhiệt độ trên mặt địa cầu sẽ tăng từ 3,1 đến 8,9oF (1,6 đến 4,2oC). Và sự tăng nhiệt độ nầy sẽ làm nóng chảy hai tảng băng ở Greenland và Antartica và có thể làm ngập lụt các bờ biển. Điều sau nầy sẽ làm thu hẹp diện tích sống của con người trên quả địa cầu
. Để rồi từ đó sinh sản ra nhiều hệ lụy đang dồn dập xảy ra như sau.

·          Trái đất sẽ chịu đựng những luồng khí nóng bất thường;
·          Hạn hán sẽ thường xuyên hơn và xảy ra ở nhiều nơi;
·          Mưa to, bão tố xảy ra bất thường cũng như không thể tiên liệu trước như hiện nay;
·          Hệ thực vật, sinh vật bị thay đổi;
·          Và sau cùng mực nước biển sẽ dâng cao ở nhiều nơi ước tính khoảng 75cm vào năm 2100.
Và hiệu ứng nhà kiếng đã được giải thích một cách khoa học hơn như sau: Các khí kể trên di chuyển trong bầu khí quyển, “nhốt” (trap) khí nóng thải hồi từ mặt địa cầu, do đó khí nóng nầy không thể thoát ra ngoài không gian được. Ngược lại, các khí trên cũng đã hành xử như một nhà kiếng để lọc các tia sáng mặt trời trước khi vào trái đất. Tháng 4, 2004, Trung tâm Nghiên cứu Mauna trên lại vừa công bố một báo cáo khoa học mới nhất trong đó ghi nhận nồng độ của thán khí (CO2) trong năm 2002 là 376 mg/L và năm 2003 là 379mg/L. Và trong vòng 10 năm trở lại đây, mức thán khí tăng hàng năm là 1,8mg/L; trong lúc đó mức tăng trung bình là 1mg/L ở 5 thập niên về trước. Lý do chính là do sự phát triển gần đây của Trung Cộng và Ấn Độ.

Nghị Định Thư Kyoto

Nghị định thư Kyoto, một dự thảo hiệp ước do Liên Hiệp Quốc bảo trợ và đã được 166 nguyên thủ quốc gia trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc, quy định rằng: Cho đến năm 2012, các quốc gia trên thế giới phải giảm thiểu các khí phóng thích kể trên 5,2% so với định mức của năm 1990. Dự thảo Nghị định thư (NĐT) nầy gồm 26 Điều khoản và 2 Phụ lục sẽ trở thành một quyết định chung cho toàn cầu nếu có trên 55% tổng số các quốc gia tính theo tỷ lệ năng lượng cần thiết trong các quá trình sản xuất kỹ nghệ của từng quốc gia một.

Hoa Kỳ, vào năm 1990, đã sản xuất 36,1% sản phẩm của toàn thế giới, do đó có trách nhiệm trên 36,1% lượng khí phóng thích vào bầu khí quyển tạo ra sự hâm nóng toàn cầu. Trong lúc đó Nga Sô chịu trách nhiệm 17,4%.

Tính đến ngày 16/2/2006, NĐT Kyoto đã biến thành luật vì Liên Bang Nga đã chuẩn y Dự thảo vào tháng 11, 2005. Hoa Kỳ cho đến hôm nay (2013) vẫn chưa chịu chuẩn y vì không đồng ý với con số % về trách nhiệm góp vào hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Úc Châu đã chuẩn y vào năm 2008.

Cho đến năm 2011, Trung Cộng đã qua mặt Hoa Kỳ trong việc phát thải thán khí với 6,8 tỷ tấn so với 6,2 tỷ tấn của Hoa Kỳ. Thế mà TC vẫn “tự nhận” là “quốc gia đang phát triển” để nhận được một số ưu đải và miễn nhiễm trong lãnh vực ô nhiễm môi trường thế giới; trong lúc trên bình diện khác đất nước nầy trở thành con hổ hung hăng đang đe dọa chiếm lĩnh toàn thế giới thể hiện qua những hành xử côn đồ trong vùng biển Đông là một, đặc biệt công cuộc Hán hóa tiệm tiến Việt Nam trong tiến trình Bắc thuộc lần thứ 5 với sự tiếp tay của đảng Cộng sản Bắc Việt.

Việt Nam đã phê chuẩn NĐT ngày 25/9/2002. Tuy nhiên, qua thông tin và báo chí bên nhà đăng tải nhiều tin tức về tình trạng bịnh về đường hô hấp của cư dân ở các thành phố lớn tăng cao gần đây dựa theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam. Cũng như phẩm chất không khí ở những nơi nầy cũng được báo cáo là bụi bặm, các khí thải độc hại cao hơn định mức gấp nhiều lần, và dân chúng khi di chuyển đều phải mang “khẩu trang”.

Những điều trên đây chứng tỏ rằng Việt Nam chưa lưu tâm đến NĐT Kyoto mặc dù đã chuẩn y NĐT trên. Thêm nữa, sự hiện diện của trên 40.000 cơ sở sản xuất trong Sài Gòn hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải đã nói lên sự góp phần của Việt Nam vào hiện tượng hâm nóng toàn cầu rồi. Dù vậy, nhân ngày ban hành NĐT Kyoto 16/2 vừa qua, Ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục bảo vệ Môi trường đã tuyên bố rằng:” Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia vào quá trình ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu toàn cầu mà không phải xử dụng đến những biện pháp mạnh có thể tác động đến quá trình phát triển kinh tế.” Và Ông còn nói thêm là:” Việt Nam có thể tính trước định mức phát thải khí nhà kiếng để chủ động nhập những công nghệ sản xuất thích hợp, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát hiệu quả lượng khí thải nhà kiếng.”

Theo lời Ông Hà, cơ hội để Việt Nam tham gia vào sự hâm nóng toàn cầu là gì? Và làm cách nào để Việt Nam có thể tính trước được lượng khí thải nhà kiếng? Thiết nghĩ hai câu hỏi trên phải còn mất nhiều năm trước khi Việt Nam có thể trả lời xuyên suốt được.


Cảnh báo khẩn cấp

Vào cuối tháng 2, 2004, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có cho công bố một báo cáo khoa học quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng về việc thay đổi thời tiết đột ngột do hai khoa học gia về tương lai học (futurist) nghiên cứu. Báo cáo cảnh báo rằng, nhiệt độ sẽ giảm 5oF ở Á Châu, Bắc Mỹ, và Bắc Âu Châu; và sẽ tăng 4oF ở Úc, Nam Phi, và Nam Mỹ kéo theo hạn hán, giông tố vào mùa đông, và gió mạnh ở những vùng kể trên. Báo cáo còn ghi nhận thêm sự thay đổi nhiệt độ sẽ có một tiến trình nhanh chóng chứ không thay đổi tiệm tiến như dự liệu. Có thể xảy ra trong vài thập niên tới đây. Các cuộc nghiên cứu ở lòng biển sâu có chỉ dấu cho thấy dòng chảy của luồng nước ấm chảy chậm lại. Và điều nầy có thể làm cho thời tiết không còn thay đổi theo như sự vận chuyển định kỳ và được tiên liệu như trước đây.

Những sự kiện kể trên có thể xảy ra ở những vùng khác nhau, tuy nhiên việc ảnh hưởng lên toàn cầu sẽ làm xáo trộn tình hình an ninh xã hội của thế giới. Vì vậy, các quốc gia giàu cần phải chuẩn bị để tránh tình trạng bi thảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hoa Kỳ với kỹ thuật tiên tiến có thể chịu đựng và chế ngự được những thay đổi trên do nước nầy có một hệ thống nông nghiệp đa dạng thích ứng với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Điều nầy không thể có được đối với các quốc gia khác ở Á và Âu châu. Tình trạng thiếu lương thực, nước uống và năng lượng có thể xảy ra và từ đó sẽ phát sinh ra một hiện tượng di cư vĩ đại đến từ Á Châu và các quốc gia Trung và Nam Mỹ.

Sau cùng, báo cáo tiên đoán rằng Âu Châu sẽ phải chiến đấu gay go với tình trạng kể trên. Á Châu đối mặt với những khủng hoảng lương thực và nước sinh hoạt. Tất cả sẽ làm xáo trộn xã hội hoàn toàn và tạo ra thêm nhiều tranh chấp liên quốc gia không thể tiên liệu được.

Theo nhận định của GS Phil Jones, Đại họx East Anglia, Anh Quốc, năm 2007 sẽ là năm khí hậu toàn cầu nóng kỷ lục so với năm nóng 1998. Mức nóng có thể vượt qua cơn nóng năm 2006 tại Hoa Kỳ. TS Jim Hansen, Hoa Kỳ cũng tiên đoán sự hâm nóng toàn cầu sẽ dẫn đến những thay đổi không lường trước trên trái đất trong những năm sắp đến. Hạn hán và lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn nữa, các tảng băng ỏ Bắc Cực và Nam Cực bị tách rời và tan dần trong biển cả làm cho mực nước biển sẽ tăng nhanh hơn…

Một cách nhìn khác về sự hâm nóng toàn cầu

Qua cách nhìn của các nhà khoa học trên, chúng ta thấy rằng trái đất đang nóng dần và có nguy cơ gây khủng hoảng cho nhân loại. Tuy nhiên, tại Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, TS Khabibullo Abdusamatov mới vùa chứng minh là trái đất sẽ bắt đầu trở lạnh vào năm 2012. Lý do ông đưa ra là trái đất nóng lên hay lạnh đi hoàn toàn là do mặt trời.

Ông đã tính rằng trong suốt thế kỷ 20 mặt trời luôn luôn chiếu sáng rực rỡ, vì vậy trái đất trong vòng 100 năm nay đã nóng lên 0,60C. Nhưng kể từ thập niên 1990 trở đi, mặt trời không còn chiếu sáng rực rỡ nữa. Qua mô hình toán, ông đã chứng minh rằng nhiệt độ của trái đất sẽ giảm xuống cho đến năm 2050 là đạt đến mức tối thiểu. Trung bình sẽ lạnh đi 1,2 – 1,50C so với bây giờ.

Kết luận trên là do sự ước đoán căn cứ vào giai đoạn lạnh lẽo của trái đất từ năm 1645 đến năm 1715. Cũng theo TS Abdusamatov, Hỏa tinh nóng lên và lạnh đi theo chu kỳ giống như ở trái đất, và đây cũng là kết quả nghiên cứu của NASA Hoa Kỳ. Nhưng trên Hỏa tinh, không có dấu hiệu mầm sống như trên trái đất. Điều đó nói lên một khái niệm khác về sự hâm nóng toàn cầu hiện đang còn trong vòng tranh cãi.

Kết Luận

Nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kiếng là do thán khí và một số khí thải kỹ nghệ thải hồi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, cũng còn có nhiều giả thuyết khác nhau đến từ nhiều trường phái khoa học về cách lý giải cho hiệu ứng nhà kiếng. Một số khoa học gia trong khi nghiên cứu về hành tinh Hỏa tinh (Mars) đã đưa ra một giả thuyết về sự thành hình của mặt địa cầu như sau: “Chu kỳ nóng lạnh của trái đất là một hiện tượng tuần hoàn. Trong hiện tại, quả địa cầu đang đi vào một cuộc vận hành “nóng” để rồi sau đó…sau một vài thiên niên kỷ sẽ chuyển trở qua chu kỳ “lạnh”.

Lý do căn bản để làm điểm tựa cho lập luận nầy là vin vào thời đại của người Viking ở Bắc Cực thời gian trước khi di cư vào phía Nam. Ở vào thời điểm nầy, những vùng có người Viking sinh sống, vẫn có nhiều đồng cỏ do đó họ có điều kiện để chăn nuôi và trồng trọt, chứ không là một tảng băng vĩ đại như hiện tại. Nếu giả thuyết nầy là một sự thật thì thuyết Âm Dương cũng có thể là một giải đáp cho bài toán nóng lạnh của trái đất.

Theo sự suy diễn của thuyết Âm Dương, sự vận hành của trái đất tùy thuộc vào chu kỳ tuần hoàn của từng giai đoạn. Khi đến chu kỳ Âm, liên hệ đến mặt trăng, do đó mực nước có thể bị dâng cao. Và khi trái đất chuyển qua chu kỳ Dương, liên hệ đến mặt trời, thời tiết nóng dần lên.

Tuy nhiên, dù lý giải như thế nào đi nữa, chúng ta cũng đã nhận rõ là trái đất hiện đang nóng dần, nghĩa là hiện tượng hâm nóng tòan cầu đã là một hiện thực. Ngoài những nguyên nhân được nêu ra qua sự phát triển công kỹ nghệ trên thế giới, con người còn tận dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên làm đảo lộn hệ sinh thái nhiều vùng trên trái đất. Từ đó, tạo ra những ảnh hưởng dây chuyền mà con người không thể kiểm soát hay tiên liệu được như hiện nay.

Còn một nguyên nhân cho đến ngày nay không được các nhà khoa học lưu tâm đến là vào thời điểm năm 1750, dân số trên toàn thế giới chỉ chiếm khoảng vài trăm triệu. Hiện nay, quả địa cầu là nơi cư trú của trên 6,6 tỷ nhân mạng, phóng thích mỗi ngày, theo ước tính, hàng triệu tấn khí carbonic nhiều hơn so với thời điểm 1750. Điều nầy cũng có thể nào là một phần lý giải cho sự hâm nóng toàn cầu?


Mai Thanh Truyết

Này Môi trường Thế giới, June 5, 2013


ĐẶNG TẤN HẬU * KINH TẾ TÀI CHÁNH


Kinh Tế Tài Chánh Dưới Nhãn Quan Phật Giáo

Giới Nghiêm Đặng Tấn Hậu

 
 
PHOTO Xem attachment  (Trang 1, ba`i 3, D-L 145)

 
Hình của Cư sĩ Phật Tử Giới Nghiêm
ĐẶNG TẤN HẬU tại Đại Hội Mở Rộng
Toronto 29/11/2009 thành lập phong trào
kết hợp do Phong Trào HC 2000 tổ chức

Giới thiệu của Diễn Đàn Quốc Tế Của Các Phong Trào Dân Chủ VN: Nhân Mùa Phật Đản PL 2557 (2013), Cư Sĩ Phật tử Giới Nghiêm ĐẶNG TẤN HẬU (cũng là một chuyên gia ngành quản trị về điện toán) đã chuyển cho Diễn Đàn Quốc Tế một bài viết khá công phu: "Kinh tế tài chánh dưới nhãn quan Phật Giáo". Bài viết có nhiều điểm lạ đối với phần đông độc giả không chuyên về Phật Giáo và chuyên môn kinh tế, nhưng là những suy nghiệm của một Phật tử và cư sĩ học Phật cả đời và có hoạt động chuyên môn về quản trị và kinh tế tài chánh lâu dài, cũng như đã viết nhiều bài nghiên cứu và xuất bản sách về lãnh vực quản trị điện toán và kinh tế.
Mong độc giả trong ngoài nước rút ra được nhiều điều bổ ích từ kết quả học Phật phối hợp với chuyên môn khá vững của tác giả Giới Nghiêm ĐẶNG TẤN HẬU, một nhà tranh đấu và hoạt động cộng đồng cộng tác chặt chẻ với Diễn Đàn Quốc Tế Của Các Phong Trào Dân Chủ VN.

Hải ngoại ngày 11 tháng 6 năm 2013
T/M Diễn Đàn Quốc Tế Của Các Phong Trào Dân Chủ VN

 
TS NGUYỄN BÁ LONG
Chủ Nhiệm
(vietmarketing2@eol.ca)
* * *
Mục đích của bài viết là thử tìm hiểu kinh tế tài chánh dưới nhãn quan Phật giáo. Bài chia ra làm 3 phần: phần đầu đưa ra vài điểm tương quan giữa kinh tế học và Phật giáo, phần hai phân tích các nền kinh tế dưới nhãn quan Phật giáo, phần ba thử đưa ra khuôn mẫu cho nền kinh tế Phật giáo dựa trên ưu điểm của các nền kinh tế và lời dạy trong bài "kinh hạnh phúc" (mangala sutta).

TƯƠNG QUAN
Thoạt nhìn, chúng ta thấy Phật giáo và kinh tế học có nhiều điểm khác biệt, là hai đường thẳng đi ngược chiều với nhau. Thí dụ, kinh tế học nghiên cứu về sản xuất, tiền lời, đời sống vật chất; còn Phật giáo dạy về tinh thần, tri túc và giải thoát. Thực ra, kinh tế học và Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng về mục đích, tự do, thời gian (ảo tưởng), nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần v.v. Thí dụ,
Mục Đích
Nếu kinh tế học là làm cho dân giàu nước mạnh, làm cho con người thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần thì mục đích của Phật giáo là giúp cho con người diệt trừ sự khổ đau và mang lại an vui hạnh phúc cho con người từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt là hạnh phúc tối thượng có tên là "Niết Bàn cực lạc", chấm dứt sanh tử luân hồi.
Tự Do
Con người kinh tế (economic man) là người có tự do "chọn lựa" các thứ nhằm thoả mãn nhu cầu của chính mình; kể cả dưới chế độ độc tài cộng sản. Thí dụ, nhà cầm quyền cộng sản cho hai vợ chồng 1 chiếc quần để mặc, hai vợ chồng có thể "tự do" quyết định để cho người vợ hay người chồng mặc tùy theo nhu cầu đi ra ngoài làm việc đồng áng.
Phật giáo chỉ dạy bá nhân bá tánh. Con người có 84,000 căn bệnh thì Phật giáo có 84,000 pháp môn nên con người có toàn quyền tự do chọn lựa pháp môn nào thích hợp để tu tập, kể cả tu theo tà đạo. Sự tấn hóa tâm linh mau hay chậm tùy theo căn cơ của chúng sanh. Do đó, đặc điểm của Phật giáo là tính khoan dung, độ lượng và tôn trọng tự do tín ngưỡng của con người.
Trung Đạo
Kinh tế học đề cập đến ba điểm "tối đa" (maximum), "tối thiểu" (minimum) và trung bình. Thí dụ, quốc gia có người thật giàu, nhưng lại có người thật nghèo; nhưng, nếu tổng số lợi tức chia đều cho tổng số người dân thì có con số tiền trung bình cho mỗi người. Thí dụ, tổng sản lượng quốc nội trên mỗi đầu người (GDP/người). Phật giáo thường tránh hai cực đoan vì cái gì thái quá thì không tốt nên đưa ra con đường trung đạo, không tu khổ hạnh và cũng không sống đời lợi dưỡng. Thí dụ, tri túc, ăn vừa phải v.v.
Ảo Tưởng
Kinh tế học chỉ dạy đồng tiền là "ảo tưởng" nên có danh từ "ảo tưởng tiền tệ" (monetary illusion). Thí dụ, tiền lương của một người là $100, người này có thể mua 100 ổ bánh mì; người chủ tăng lương cho người thợ từ $100 lên $180, nhưng người thợ chỉ mua được 90 ổ bánh mì vì giá một ổ bánh mì đã tăng lên từ $1 đến $2. Do đó, mặc dù lương bị cắt giảm, nhưng người thợ vẫn có cảm tưởng được tăng lương chỉ vì ảo tưởng tiền tệ.
Con người tin linh hồn là thường còn, bất biến nên chấp vào "cái tôi" và "của tôi". Thực ra, "cái tôi" và "của tôi" không thật, chỉ là ảo tưởng vì đứng về thời gian, thể xác và tinh thần luôn luôn thay đổi; đứng về không gian, con người chỉ là tổng hợp của 5 uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Người giác ngộ về "ảo tưởng" của sự vật gọi là nhận biết đúng thực tướng "như thị" (as it is) nên được xưng tán là "như lai".
Hạnh Phúc
Tất cả con người đều mưu cầu hạnh phúc. Vậy, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc chỉ có khi nào ta có thọ cảm vui hay thọ cảm xả (không vui, không buồn); đau khổ chỉ xảy ra khi có thọ cảm buồn. Thọ cảm xảy ra có thể do vật chất gây ra (thí dụ, thức ăn ngon) hay do tinh thần (thí dụ, có người khen chê) hay do công phu thiền định phát sinh thọ xả (xin đừng hiểu "xả" là buông bỏ mà chính là tâm quân bình).
Dù thọ phát sanh do vật chất gây ra, thọ cảm thuộc về tinh thần; đó là tâm sở thường đi chung với tâm vương (lời dạy trong kinh vi diệu pháp). Do đó, bất cứ ai, dù theo bất cứ tôn giáo nào, cũng đều có cảm thọ "hạnh phúc" (thọ vui); nhưng thọ vui buồn bị định luật vô thường chi phối nên con người có khi vui, khi buồn. Tâm xả chỉ phát sinh khi có công phu thiền định thì hành giả mới có 2 loại tâm sở là tâm xả (equanimity) và "nhất tâm" (one pointedness) đi chung với tâm vương.
Nhân Quả
Kinh tế học dựa trên định luật nhân quả để giải thích hiện tượng kinh tế và đưa ra giải pháp. Cùng thế đó, Đức Phật áp dụng định luật nhân quả để chỉ dạy phương pháp diệt trừ nhân "đau khổ" đưa tới quả an vui Niết Bàn cực lạc. Thí dụ, bát chánh đạo là nhân, Niết Bàn là quả; tham ái là nhân, đau khổ là quả (theo lời dạy trong kinh Tứ Diệu Đế).
Điều cần biết, có sự khác biệt giữa khoa học nhân văn và khoa học thực nghiệm. Khoa học thực nghiệm có thể thí nghiệm hiện tượng trước khi áp dụng, thông thường ít có sự khác biệt giữa kết quả thí nghiệm với sự ứng dụng vào thực tế . Còn khoa học nhân văn dựa trên sự suy luận, nhưng khi áp dụng thì gặp khó khăn vì có thể thiếu yếu tố cần thiết. Thí dụ,
Kinh tế cộng sản không thể thực hiện vì tính "không tưởng" nên khi áp dụng gặp nhiều bài toán nan giải đi ngược lại tính "không tưởng" của chủ thuyết. Mặc dù Phật giáo là tôn giáo như các tôn giáo khác dựa trên đức tin.Thí dụ, thuyết tái sanh; nhưng sự chứng đắc đã được kiểm chứng bởi chính Đức Phật nên Phật giáo là con đường của các bậc thánh nhân. Vì thế Phật giáo còn có tên là đạo Phật tức là "con đường" tu tập "giác ngộ".
Nhu Cầu
Con người có hai phần: vật chất và tinh thần nên kinh tế học giảng dạy về thuyết Maslow đề cập đến nhu cầu từ vật chất đến tinh thần như nhu cầu ăn uống, nhu cầu an ninh, nhu cầu tình thương (gia đình), nhu cầu kính nể (khen thưởng), v.v. và chỉ dạy về kinh tế cá nhân như chi tiêu, đầu tư và kinh tế quốc gia như tiền tệ, tài chánh, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, mức tăng trưởng, tổng sản lượng quốc nội (GDP) v.v.
Cùng thế đó, bồ tát Cồ Đàm từ bỏ lối tu khổ hạnh, ngài uống sữa do cô Sujata dâng cúng nên ngài lấy lại sức và giác ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng. Do đó, Đức Phật là bậc có kinh nghiệm về câu "có thực mới vực được đạo". Mặc dù Đức Phật xuất gia, từ bỏ đời sống thế tục, nhưng ngài vẫn lưu tâm đến đời sống hạnh phúc của cá nhân và xã hội, từ việc chi tiêu đến hạnh phúc tối thượng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.
Tóm lại, Phật giáo và kinh tế học có rất nhiều điểm tương đồng từ mục đích đến phương pháp nghiên cứu; chỉ khác là kinh tế học không có đề cập đến sự chứng đắc Niết Bàn an vui hạnh phúc cực lạc (hay đại cực lạc) vì kinh tế học không có sở trường trong lãnh vực tâm linh mà phải cầu cứu đến sự chỉ dẫn của Phật giáo làm cố vấn trong lãnh vực này.

CÁC NỀN KINH TẾ
Kinh Tế Tự Do
Kinh tế tự do có hai đặc điểm là "tự do buôn bán" và "tự do kiếm lời" dựa trên sự ảo tưởng của đồng tiền. Người đầu tư muốn tăng cổ tức (dividend) sau khi đầu tư. Hãng xưởng cần có mức lời trong khi buôn bán. Thợ thuyền cần có lương cao để chi tiêu. Vì thế, kinh tế tự do thường đề cập đến tiền lời "tối đa" và sự chi tiêu "tối thiểu".
Nơi đây, tự do được hiểu là nhà cầm quyền không can thiệp vào thị trường nên kinh tế tự do còn gọi là kinh tế thị trường vì sự mua bán dựa trên mức cung cầu của thị trường. Thí dụ, ít người làm việc thì lương trả cho thợ cao; nhiều người làm việc thì lương thợ thấp; điển hình là nhân công rẻ tại TC đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của dân chúng HK đưa tới kết quả lương thấp xuống hay thất nghiệp tại HK.
Kinh tế thị trường có nhiều ưu điểm và khuyết điểm như:
• - ưu điểm vì tự do cạnh tranh đưa tới giá giảm, sáng kiến, tôn trọng tự do của con người.
• - khuyết điểm vì cạnh tranh đưa tới "cá lớn nuốt cá bé", đầu cơ, bóc lột, có sự ngăn cách lớn giữa giàu nghèo.
Từ đó, kinh tế tự do hay kinh tế thị trường đưa tới sự đình công, bãi thị của thợ thuyền hay cách mạng đổ máu của cộng sản tại Âu Châu. Nghiệp đoàn (hay công đoàn) là tổ chức thợ thuyền (công hay tư) thành hình từ nền kinh tế tự do nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi thợ thuyền; đặc biệt là cần đến sự cố vấn của các nhà kinh tế tài chánh trong lãnh vực "tiền tệ", biết giá trị đích thật của sự tăng hay giảm tiền lương.
Cộng sản đã lợi dụng sự tranh đấu của nghiệp đoàn để tiêu diệt kinh tế tự do, nhưng chính người cộng sản lại tiêu diệt nghiệp đoàn vì họ sợ thợ thuyền đòi hỏi quyền lợi mà cộng sản đã cướp đoạt. Do đó, công đoàn hay nghiệp đoàn dưới chế độ cộng sản chỉ là công cụ, bình phong của đảng cộng sản và không có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho thợ thuyền và nông dân.
Kinh Tế Cộng Sản
Cộng sản được hiểu "tài sản là của chung" của những người cùng sống trong xã hội nên còn có tên gọi là "xã hội chủ nghĩa". Khái niệm "cộng sản" phát sinh từ Thiên Chúa giáo ở Âu Châu sau khi các vị linh mục liên tưởng đến cõi thiên đàng trong kinh thánh. Thí dụ,
• - vào thế kỷ thứ tư, giám mục St. Ambrose chỉ dạy "thiên nhiên là của chung nên thực phẩm là của chung của con người".
• - vào thế kỷ 14, nhà thần giáo John Wycliffe nói "không thể nào chấp nhận tài sản và quyền lực nằm trong tay những người không làm gì hết "; tức là nằm trong tay những nhà tư bản đầu tư kiếm lời.
• - vào năm 1381, linh mục John Ball tuyên bố "nước Anh sẽ không yên cho đến khi nào của cải là của chung, khi nào con người được bình đẳng và khi nào xã hội không còn có giai cấp nô lệ và quý tộc".
Karl Marx và Engels chỉ là những người cốp lại tư tưởng của các nhà thần học Thiên chúa giáo và đưa ra "tư bản luận" để chỉ trích sự bóc lột của các nhà tư bản. Marx đã đưa ra chủ thuyết "không tưởng" không bao giờ có thể thực hiện được trong xã hội loài người vì tư tưởng này chưa bao giờ được kiểm chứng trong thực tế.
Lénin và Stalin chụp lấy tư tưởng "cộng sản" để chống lại chế độ nô lệ, vương quyền ở Nga Sô và các quốc gia tư bản trên thế giới nên đưa tới cách mạng đổ máu cướp lấy chính quyền, chiếm đoạt tự do và cướp tài sản của người dân qua sự thanh trừng, khủng bố đen và trắng nên hàng 100 triệu người đã bị chế độ cộng sản giết chết.
Kinh tế "cộng sản" (hay xã hội chủ nghĩa) chỉ có khuyết điểm và hoàn toàn không có bất cứ một ưu điểm nào hết; ngoại trừ hứa hẹn loại thiên đàng "không tưởng" của chế độ cộng sản để dân đen hy sinh đời sống của họ nhằm phục vụ cho sự giàu có, ăn trên ngồi trước của các đảng viên cộng sản. Thí dụ,
• tạo ra thiểu số đảng viên dốt nát và tàn ác để cầm quyền, bóc lột, tham nhũng, cướp của đại đa số người dân nên người dân trở thành vô sản, nghèo đói, bệnh tật (y như nhau theo tinh thần cộng sản).
• cướp đoạt tất cả quyền tự do của con người như làm việc, đi lại (nhằm kiểm soát thông tin), tiêu thụ (nên không một ai muốn làm việc hay có sáng kiến làm việc để phát triển kinh tế).
• áp dụng độc đảng, độc tài đưa tới việc làm mờ ám (không trong sáng), báo cáo láo (sổ sách lem nhem), thụt két, biển thủ, kinh tế không phát triển v.v.
Kết quả, kinh tế xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ tại các quốc gia cộng sản, nhất là tại thành trì cộng sản ở Liên Sô. Hiện nay, Bắc Hàn là quốc gia duy nhất còn lại trên thế giới đã và đang áp dụng kinh tế cộng sản nên nạn đói thường xuyên xảy ra tại quốc gia này. CSVN bắt buộc từ bỏ kinh tế "xã hội chủ nghĩa" vào giữa thập niên 80 vì nạn đói xảy ra tại VN sau khi CSVN cưỡng chiếm miền nam tự do và áp đặt kinh tế cộng sản, bao cấp tại VN.
Kinh Tế Đổi Mới
Kinh tế đổi mới có tên đầy đủ là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; nói nôm na là "kinh tế tự do định hướng cộng sản". Đây là nền kinh tế rất khó hiểu đang áp dụng tại VN. Các nhà tư bản như HK ủng hộ kinh tế "đổi mới" vì họ có thể bóc lột thợ thuyền VN qua sự cai trị độc tài CSVN. Các quốc gia CS ủng hộ kinh tế "đổi mới" vì đảng viên CS được "tự do" độc quyền buôn bán, cướp đất, làm giàu hay tham nhũng với sự tiếp tay đầu tư của tư bản, nhất là nhóm Việt Gian Việt Kiều đầu tư về VN.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nơi tập trung tất cả các khuyết điểm của cả hai nền kinh tế tự do và cộng sản nên đưa tới tham nhũng, cướp nhà cửa của dân, chính quyền làm ma cô, tú bà, xuất cảng gái và trai ra nước ngoài làm nô lệ tình dục và nô lệ lao động hay bán nước cho ngoại bang v.v.; điển hình là TC khai thác bauxite ởTây Nguyên, chiếm Hoàng Sa/Trường Sa và độc quyền thương mại tại VN dưới sự tiếp tay bán nước của nhà cầm quyền CSVN.
Tóm lại, mặc dù kinh tế tự do đề cao sự tự do, nhưng không phục vụ cho con người là điều trái ngược với quan điểm Phật giáo vì Phật giáo dạy con đường trung đạo, chỉ dạy tự do, nhưng tự do phải phục vụ con người. Kinh tế cộng sản biện minh cho sự công bằng, nhưng lại cướp mất tự do và tài sản của con người là điều đi ngược lại lòng từ bi, bố thí, phục vụ chúng sanh của Phật giáo. Kinh tế "đổi mới" vừa cướp mất tự do của con người, vừa độc quyền bóc lột thợ thuyền lại càng đi ngược lại giáo lý nhà Phật.
Kinh Tế Hạnh Phúc
Bhutan là quốc gia đầu tiên và duy nhất áp dụng kinh tế hạnh phúc, thay vì lấy chỉ số tổng sản lượng quốc nội (GDP=gross domestic product) để đo lường sự tăng trưởng kinh tế thì kinh tế hạnh phúc lấy chỉ số tổng số hạnh phúc quốc gia (GNH=gross national happiness) làm kim chỉ nam.
Bhutan là quốc gia Phật giáo áp dụng kinh tế hạnh phúc dựa trên 4 yếu tố chánh là kinh tế, văn hóa, môi trường và sự cai trị tốt đẹp. Bốn yếu tố được phân chia thành 8 (có thể dựa trên Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo chăng?):
• - cân bằng thể xác và tinh thần như tạo công ăn việc làm, thành lập nhà thương tâm thần.
• - cân bằng giữa thời giờ làm việc kiếm tiền và thời giờ lo cho gia đình, cha mẹ và vợ con.
• - liên hệ với cộng đồng và xã hội như hội hè, đình đám và làm công tác xã hội.
• - bảo vệ văn hóa, tập tục cổ truyền, tôn giáo, nhất là Phật giáo.
• - nâng cao giáo dục như nghề nghiệp chuyên môn và đời sống đạo đức.
• - nâng cao đời sống vật chất của con người, làm tăng trưởng sản xuất.
• - cai trị tốt như không tham nhũng, việc làm trong sáng.
• - bảo vệ môi trường không bị ô nhiểm và không giết thú rừng.
Bhutan là quốc gia nhỏ có diện tích tương đương với Thụy Sĩ. Cả hai quốc gia đều nằm trên núi, chỉ khác là Thụy Sĩ ở Âu Châu và Bhutan nằm ở giữa Ấn Độ và TC nên Bhutan thường bị áp lực của hai quốc gia đông dân số nhất trên thế giới. Dân số Thụy Sĩ đông hơn Bhutan gấp 7, 8 lần, có nghĩa là Bhutan có đất rộng người thưa hơn Thụy Sĩ và trên lý thuyết, Bhutan phải giàu có hơn Thụy Sĩ.
Thụy Sĩ không có tài nguyên so với Bhutan có rừng, đất đai khai khẩn, thú rừng và đập nước để sản xuất điện bán cho Ấn Độ, nhưng Bhutan nghèo hơn Thụy Sĩ gấp 35 lần nếu dựa trên tổng sản lượng quốc nội trên mỗi đầu người (GDP/người). Nếu luận về hạnh phúc và nếu có sự lựa chọn "nơi để ở", chúng ta sẽ chọn ở nước nào? làm cách nào đo lường "hạnh phúc" của người dân? vì hạnh phúc thuộc về "phẩm", chứ không về "lượng".
Bài học căn bản của kinh tế học là nhu cầu không giới hạn, tư bản, tài nguyên rất hạn chế; do đó, kinh tế gia phải có sự chọn lựa hợp lý để làm cho dân giàu nước mạnh. Thí dụ, Thụy Sĩ không có tài nguyên, nhưng biết xử dụng chất xám, tạo dựng hệ thống ngân hàng hay sản xuất đồng hồ có tiếng trên thế giới; trong khi Bhutan hạn chế người ngoại quốc đầu tư vào trong nước vì sợ ảnh hưởng đến văn hóa bản địa, vì tinh thần "bế quan tỏa cảng?".
Bhutan là quốc gia quân chủ đang có khuynh hướng "dân chủ hóa" như tổ chức bầu cử và chấp nhận đa đảng. Bhutan đưa ra chính sách "cai trị tốt" như việc làm minh bạch, nhưng quan chức Bhutan vẫn còn trong tình trạng tham nhũng vì không có người thi hành chăng? Vì hệ thống đa đảng không được tôn trọng? Y tế của xứ Bhutan rất yếu kém và phôi thai. Bảo vệ môi trường không có nghĩa là cấm đốn cây rừng mà chính là có kế hoạch trồng trọt cây rừng trong tương lai; đó là điều mà chính phủ Bhutan không nghĩ đến.

KINH TẾ PHẬT GIÁO
Mặc dù Đức Phật từ bỏ ngai vàng điện ngọc để trở thành tu sĩ sống đời không nhà, nhưng ngài vẫn hằng lưu tâm đến đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại. Hai đặc tính chính của Phật giáo là "từ bi" và "trí tuệ" còn biết dưới danh từ "tự giác, giác tha", tự giác ngộ và cứu độ chúng sanh ví như con chim cần có 2 cánh, không thế thiếu một.
Mục đích của từ bi là cứu độ chúng sanh thoát khổ và mục đích của trí tuệ là diệt trừ ảo tưởng, không tham ái và an nhiên tự tại trước lợi thua, khen chê, vinh nhục, khoái lạc và đau khổ. Do đó, kinh tế Phật giáo (nếu có) chỉ là khuôn mẫu, kim chỉ nam cho các kinh tế gia thành lập nền kinh tế mang lại lạc phúc cho người dân.
Sau đây là kim chỉ nam cho nền kinh tế Phật giáo dựa trên ưu điểm của các nền kinh tế kể trên và lời dạy trong kinh hạnh phúc "mangala sutta" (đọc thêm chi tiết ở phần phụ lục):
• - Ưu điểm của kinh tế tự do là tôn trọng tự do của con người; ngược lại, khuyết điểm là kẻ có nhiều phương tiện sẽ áp đảo, cá lớn nuốt cá bé. Sự tự do là điều kiện cần có trong Phật giáo, nhưng Phật giáo không chấp nhận "độc quyền". Vì thế, luật chống độc quyền và nghiệp đoàn là phần bổ sung cho nền kinh tế tự do; cộng thêm tôn trọng nhu cầu dân chúng nên chấp nhận "tổ chức xã hội dân sự" độc lập với chính quyền.
• - Ưu điểm của kinh tế cộng sản là biện minh quyền lợi thợ thuyền, nhưng thực chất là độc tài, cướp mất tự do và tài sản của người dân, tạo ra sự cách biệt lớn lao giữa thiểu số đảng viên giàu có và đại đa số người dân bị trị nghèo rớt mồng tơi. Do đó, đa nguyên, đa đảng, làm việc trong sáng, sổ sách phân minh là điều kiện cần thiết cho các nền kinh tế Phật giáo.
• - Ưu điểm của kinh tế "hạnh phúc" là chú trọng đến tâm linh như đạo đức, sự cân bằng giữa thời giờ làm việc với thời giờ lo cho gia đình, giữa sự phá rừng và bảo vệ môi trường v.v. Khuyết điểm là kinh tế sản xuất yếu kém vì hạn chế đầu tư ngoại quốc để bảo vệ tập tục cổ truyền nên điều kiện tiên quyết của kinh tế "hạnh phúc" là gia tăng sản xuất để người dân có lương thực sinh sống và khoẻ mạnh.
Tóm lại, kinh tế Phật giáo (nếu có) cần có 4 yếu tố căn bản như cái bàn cần có 4 chân gồm có: - kinh tế thị trường phục vụ con người – giáo dục, y tế, bảo hiểm - khoảng cách giàu nghèo thấp - đề cao tôn giáo và đạo đức.
Phục Vụ Con Người
• Con người chỉ tìm đến "nước để ở" khi nào nước đó tôn trọng tự do của con người, phù hợp hiến chương nhân quyền Liên Hiệp Quốc như tự do tư tưởng (báo chí), tự do tôn giáo, tự do làm việc, tự do an ninh (không bị công an xâm phạm), bão vệ môi trường (không khí và nước không bị ô nhiểm).
• Mặc dù có tự do buôn bán dựa trên cung cầu, nhưng nền kinh tế không chấp nhận tình trạng cá lớn nuốt cá bé, đầu cơ tích trữ; do đó, nền kinh tế phải có đạo luật chống nạn độc quyền, độc tài và khuyến khích thợ thuyền thành lập nghiệp đoàn (công đoàn) độc lập để bảo vệ quyền lợi của thợ thuyền và nông dân.
• Để thành lập các kế hoạch cho nền kinh tế có hiệu quả, việc làm của các quan chức và xí nghiệp phải trong sáng, không che dấu và sổ sách chi tiêu phải rõ ràng, có cơ quan kiểm soát để tránh tình trạng lạm quyền, báo cáo láo, tham nhũng, trốn thuế hay làm ăn bất chánh.
• Muốn cho các điểm trên được tôn trọng, điều kiện cần và đủ là có nền cai trị qua ba quyền phân lập (hành pháp, tư pháp và lập pháp) và có ít nhất là hai đảng đối lập để tránh tình trạng độc quyền và lợi dụng quyền thế.
Giáo Dục, Y Tế, Bảo Hiểm
• Con người cần có giáo dục tổng quát để biết phải trái, ghê sợ và tránh xa tội lỗi ngoài ra, họ cần có giáo dục chuyên môn để sản xuất, cung cấp dịch vụ cần thiết trong đời sống "nhân duyên" giữa con người.
• Có sức khoẻ thì mới có thể làm việc nên y tế là điều cần thiết trong kinh tế học như nhà thương, thuốc men, lương y; điều quan trọng không nhất thiết là thuốc tây, miễn là thuốc ta có sự đào tạo quy củ để tránh tình trạng lang băm.
• Khi trẻ thì có thể có việc làm hay khi có việc làm thì tiêu xài xa xỉ nên lúc thất nghiệp hay già cả thì con người không biết nương tựa vào ai? Do đó, quốc gia cần có chương trình bảo hiểm để dự trù cho nhu cầu cần thiết của người dân trong khi hữu sự.
Khoảng Cách Giàu Nghèo Thấp
• Hệ thống tiền tệ và tài chánh thuế má phải hợp lý để làm giảm khoảng cách giàu nghèo. Mục tiêu của nền kinh tế là quốc gia phải có rất ít người thật giàu hay thật nghèo và đại đa số người dân phải thuộc vào hàng trung lưu, tức là những người có của để ăn và có thể dành dụm tiền để đầu tư hay tiêu xài trong khi cần thiết.
• Khuyến khích người dân trong nước và ngoại quốc đầu tư vào quốc gia để tạo công ăn việc làm, gia tăng sản xuất và hỗ trợ các chương trình xã hội dân sự (vì chính phủ không thể nào bao thầu tất cả nhu cầu của người dân).
Môi Trường Đạo Đức, Tôn Giáo
• Tạo môi trường tôn giáo tốt đẹp để người dân biết "sai trái", không mê tín dị đoan, có đời sống đạo đức, biết cúng dường (đến các bậc đáng cùng dường) và lập hạnh bố thí để sinh hoạt lợi ích cho cộng đồng.
• Bảo vệ tập tục cổ truyền, văn hóa của xã hội qua các chương trình bảo trợ, nhưng phải theo đà phát triển khoa học và văn minh thế giới như các chương trình TV chọn lọc và Internet, nhất là hợp tác và chia xẻ các chương trình giáo dục tân tiến trên thế giới cho người dân trong nước.
• Khuyến khích và kiểm soát các tu sĩ về kiến thức (tổ chức thi cử), tạo cơ hội biện luận tôn giáo trước đại chúng để người dân thu thập phần tinh hoa của các tôn giáo và tạo cơ hội cho các bậc chân tu có nơi tu tập, sống đời phẩm hạnh để làm gương cho xã hội, nhất là cố vấn cho người dân hướng về chân, thiện, mỹ.

KẾT LUẬN
Tóm lại, kinh tế Phật giáo (nếu có) đặt trọng tâm trên sự tự do và phục vụ con người vì con người không phải là vật vô tri vô giác. Mục đích chính của Phật giáo là hạnh phúc của con người từ vật chất đến tinh thần, từ cá nhân đến xã hội, đặc biệt là tạo nơi chốn để các bậc chân tu có cơ hội hành đạo, giảng dạy chân lý để hướng dẫn con người tiến đến chân, thiện, mỹ và an vui hạnh phúc.
Kết quả là đời sống vật chất và tinh thần của con người được đề cao, luật pháp bảo vệ đời sống tự do và vật chất của con người. Người dân không bị mê tín dị đoan vì có giáo dục, biết phân biệt phải trái, biết chánh pháp, biết bố thí và cúng dường. Đời sống xã hội có sự công bằng, giảm thiểu tối đa sự cách biệt giữa giàu nghèo, giảm tệ nạn tham nhũng qua chính sách tiền tệ tài chánh hợp lý và tam quyền phân lập.
22.5.2013

Phụ Lục
Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta)
Ta (là ngài Ananda) có nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá của trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ (Vesali). Khi ấy, có vị trời, chiếu hào quang xinh đẹp, làm trọn cả Kỳ Viên sáng ngời rực rở. Vị trời ấy đến nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, đứng nơi phải lẽ.
Khi đã đứng yên, vị trời ấy bèn bạch với Đức Thế Tôn, bằng lời kệ rằng: Tất cả chư thiên cùng nhân loại đều cầu xin được hạnh phúc và có tìm xét những điều hạnh phúc. Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài mở lòng bác ái, giảng giải về những hạnh phúc cao thượng.
Đức Thế Tôn tùy lời hỏi mà giảng rằng:
1. Một, tư cách không xu hướng theo kẻ dữ,
2. Hai, tư cách thân cận các bậc trí tuệ,
3. Ba, tư cách cúng dường các bậc đáng cúng dường.
Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng
4. Một, tư cách ở trong nước nên ở,
5. Hai, tư cách của người đã làm được việc lành để dành khi trước,
6. Ba, nết hạnh giữ mình theo lẽ chánh.
Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
7. Một, nết hạnh của người được nghe nhiều học rộng,
8. Hai, sự suốt thông phận sự của người xuất gia và tại gia,
9. Ba, điều học mà người đã thọ trì được chín chắn,
10. Bốn, lời mà người nói ra được ngay thật.
Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng
11. Một, nết hạnh phụng sự mẹ,
12. Hai, nết hạnh phụng sự cha,
13. Ba, sự tiếp độ vợ con,
14. Bốn, những nghề chẳng lẫn lộn nghiệp dữ.
Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
15. Một, nết hạnh bố thí,
16. Hai, nết hạnh ở theo Phật Pháp,
17. Ba, sự tiếp độ quyến thuộc,
18. Bốn, những nghề vô tội.
Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
19. Một, nết hạnh ghê sợ và tránh xa tội lỗi,
20. Hai, sự thu thúc để tránh khỏi sự uống rượu,
21. Ba, sự không dễ duôi Phật Pháp.
Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
22. Một, sự tôn kính bậc nên tôn kính,
23. Hai, nết hạnh khiêm nhượng,
24. Ba, tri túc là vui thích đến của đã có,
25. Bốn, nết hạnh biết ơn người,
26. Năm, nết hạnh tùy thời nghe pháp.
Cả năm điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
27. Một, sự nhịn nhục,
28. Hai, nết hạnh người dễ dạy, (nhu hòa)
29. Ba, nết hạnh được thấy các bậc sa môn,
30. Bốn, nết hạnh biện luận (đàm luận) về Phật Pháp.
Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
31. Một, sự cố gắng thiêu đốt điều ác, (tự chủ)
32. Hai, sự hành theo pháp cao thượng, (phẩm hạnh)
33. Ba, được thấy các pháp diệu đế,
34. Bốn, nết hạnh làm cho thấu rõ (giác ngộ) Niết Bàn.
Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
35. Một, tâm không xao động vì pháp thế gian,
36. Hai, không có sự than tiếc,
37. Ba, dứt khỏi dục tình, (vô nhiễm)
38. Bốn, lòng yên tỉnh (tự tại).
Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.
Tất cả chư thiên và nhân loại nếu được thực hành theo những điều hạnh phúc như thế, là người thắng qua trong mọi nơi, thì hằng được hạnh phúc trong mọi nơi. Chư thiên nầy! Các ngươi nên rằng, cả ba mươi tám điều kiện hạnh phúc ấy là hạnh phúc cao thượng.

Lời bình vắn tắt (của Đặng Tấn Hậu):
Bài kinh "Hạnh Phúc" chỉ dạy gồm có 38 điểm. Mỗi điểm là một bài pháp dài mà người học Phật tinh luyện mới có thể thấu lý; do đó, phật tử phải thường xuyên tụng đọc bài kinh "Hạnh Phúc"mỗi ngày và suy ngẫm lời Phật dạy thì mới chứng nghiệm được sự huyền diệu của lời kinh.
Bài kinh chỉ dạy về hạnh phúc cá nhân, nhưng không quên nhấn mạnh đến sự liên hệ với tha nhân, xã hội. Thí dụ, kinh đề cập đến kiến thức tổng quát và chuyên môn (câu #7, #8, #9) để có việc làm chân chánh (câu #18), nhưng nhắc nhở bổn phận đối với cha mẹ, vợ con, quyến thuộc (câu #11, #12, #13, #17) và bố thí (câu #15) hay biết ơn chúng sanh (câu #25).
Kinh chỉ dạy về đời sống đạo đức như lời nói chân thật (câu #10), không rượu chè cờ bạc (câu #20, #21), hành nghề chân chánh (câu #14), nhưng không mê tín dị đoan (câu #30), biết cúng dường đến các bậc đáng cúng dường (câu #3), nhất là thân cận người hiền, tránh xa kẻ dử. Dử là gì?, hiền là gì? người học Phật cần phải biết phân biệt.
Lời dạy hạnh phúc cao cả nhất vẫn là sự giác ngộ chân lý từ câu #31 đến câu #38 vì chính sự giác ngộ giúp cho hành giả có tâm xả, bước vào bậc thánh nhân vượt ra ngoài tam giới, hay ít nhất cũng đắc vào các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới. Điều cần biết, vũ trụ quan của Phật giáo gồm có dục giới, sắc giới, vô sắc giới và Niết Bàn vượt ra ngoài tam giới chấm dứt sanh tử luân hồi.


PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO



PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
BP 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France)
Tel.: Paris (1) 45 98 30 85<br>
Fax : Paris (1) 45 98 32 61
E-mail : pttpgqt@gmail.comPHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
E-mail : pttpgqt@gmail.com


THÔNG CÁO BÁO CHÍ NGÀY 4.6.2013

Huynh trưởng Trần Đình Minh tiến hành thủ tục pháplý truy tố ông Liên Thành trước Tòa án Hoa Kỳ về tội vu cáo vô bằng & Tường trình Đại lễ Phật Đản tại Thừa thiên - Huế



2013-06-04 | | PTTPGQT

PARIS, ngày 4.6.2013 (PTTPGQT) - Thời gian qua, chúng tôi nhận được thư của nhiều Huynh trưởng Gia Đình Phật tử tại Việt Nam cũng như trên khắp năm châu hỏi thăm vụ Huynh trưởng Trần Đình Minh, Gia trưởng Gia Đình Phật tử chùa Điều Ngự, bị ông Liên Thành vu cáo là gián điệp Cộng sản và đã bị chính ông Liên Thành, cựu Thiếu tá Cảnh sát Thừa thiên – Huế, bắt giam tại Huế năm 1972.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế không nắm vững sự kiện nói trên, vì vậy đã không thể hồi âm nhanh chóng trước đây. Nay đã liên lạc được Huynh trưởng Trần Đình Minh hỏi thăm sự vụ và được Huynh trưởng giải thích diễn tiến của vụ vu cáo vô bằng. Chúng tôi xin được trả lời chung như sau :

Bằng nhiều phương tiện truyền thông trên Mạng, trên các Paltalk hoặc thông qua Đài Truyền hình Vietnam Network 57.10 tại thành phố Garden Grove, tiểu bang Nam California, Hoa Kỳ, ông Liên Thành đã không ngừng vu cáo chùa Điều Ngự của Hòa thượng Thích Viên Lý là ổ Cộng sản, vu cáo Huynh trưởng Trần Đình Minh là Cộng sản :

- Rằng trong tư cách Thiếu tá Cảnh sát Thừa thiên – Huế, ông Liên Thành đã bắt giam ông Trần Đình Minh năm 1972 vì tội làm gián điệp cho Cộng sản ;

- Rằng trong tư cách Thiếu tá Cảnh sát Thừa thiên – Huế, ông Liên Thành đã chỉ thị cho ông Phan Văn Ngữ bắt giam ông Trần Đình Minh vì tội làm gián điệp cho Cộng sản.
Mấy năm qua, ông Liên Thành dụng công vu cáo và mạ lỵ các nhà lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, từ Đức cố Đệ Tam Tăng Thống trở đi cho đến nay đều là Cộng sản. Vì vậy, sau nhiều lần thư từ qua lại hay có khi lên Đài giải thích, Huynh trưởng Trần Đình Minh không tìm ra được sự thông cảm hay đối thoại chân thành của ông Liên Thành. Nên Huynh trưởng Minh đã nhờ Tổ hợp Luật sư Harrison & Rodriguez tiến hành thủ tục pháp lý để truy tố sự vu cáo vô bằng của ông Liên Thành.

Ngày 15.1.2013 Tổ hợp Luật sư nói trên đã viết văn thư gửi hai ông Liên Thành và Dương Đại Hải, yêu cầu chấm dứt mọi cuộc phỉ báng Huynh trưởng Minh trên Đài Truyền hình Vietnam Network 57.10. Đài Truyền hình Vietnam Netwok 57.10 của ông Dương Đại Hải đã ngưng những cáo buộc vô bằng đối với Huynh trưởng Trần Đình Minh.

Tổ Luật sư viết cho ông Liên Thành rằng :

“Những tuyên bố trên đây đối với ông Trần Đình Minh hoàn toàn sai sự thật và không có cơ sở, tự nó đã phỉ báng khi miêu tả thân chủ của chúng tôi tham dự các hoạt động phá hoại và xâm phạm các điều luật dân sự và hình sự đối với quê hương yêu quý của ông Minh là Việt Nam Cộng hòa Nam Việt trước kia.

“Cộng thêm vào đó, các hành động của ông còn khuyến khích và khẩn khoản sự phỉ báng của khách mời hay người vào đài của ông. Chiếu theo quyết định gần đây của Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ cho Địa hạt thứ 9 [LLC 489 F. 3d 921 (9th Cir.2007)] ông sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng về tái chính đối với ông Minh Trần ngay cho mỗi lần phỉ báng, kể cả những khách mời hay người vào đài của ông phát biểu những lời phỉ báng.

“Việc ông lan truyền những lời vu khống, phỉ báng, và tuyên bố về thân chủ chúng tôi đã gây sự tổn hại nghiêm trọng và không thể hồi phục cho phẩm giá và nghề nghiệp của ông Minh Trần. Thân chủ của chúng tôi không thể khoanh tay đứng ngó để cho hành vi sai trái tiếp diễn :

“Theo cách này chúng tôi yêu cầu ông [Liên Thành] :
1. “Chấm dứt tức khắc và ngưng ngay những lời nói hay phát thanh phỉ báng thân chủ chúng tôi, dù các lời nói này do ông phát biểu hay do các khách mời của ông hoặc một đệ tam nhân nào khác ;

2. “Cung cấp cho chúng tôi với bảo đảm nhanh chóng rằng ông đã cải chính trên đài sự hủy bỏ các lời phỉ bang theo điều (1) trên đây ;

3. “Bồi thường cho thân chủ chúng tôi tất cả mọi phí tổn luật sư.
“Xin ông nhớ cho rằng nếu ông không thi hành các yêu cầu cải chính trên đây của chúng tôi trên đài cho tới ngày 31.1.2013, hay trong thời gian được bộ luật dân sự tiểu bang California § 48 và các điều tiếp theo, thì chúng tôi sẽ khuyến thỉnh thân chủ chúng tôi tiếp tục tiến hành thủ tục pháp lý, kể cả việc tố tụng để bảo vệ quyền lợi thân chủ chúng tôi”.

Thư của Tổ Luật sư gửi 2 ông Liên Thành và Dương Đại Hải, xem bản dịch trong Thông cáo báo chí - Hình PTTPGQT  
Thư của Tổ Luật sư gửi 2 ông Liên Thành và Dương Đại Hải, xem bản dịch trong Thông cáo báo chí - Hình PTTPGQT
 

Cho đến nay, ông Liên Thành đã không đáp ứng các đòi hỏi trên đây của tổ hợp luật sư. Huynh trưởng Trần Đình Minh đã chỉ thị cho luật sư tiến hành vụ án.

Điều cần nói thêm ở đây, lần đầu tiên khi ông Liên Thành vu khống Huynh trưởng Trần Đình Minh là Cộng sản với bằng chứng là ông ta chỉ thị cho Đại úy Phan Văn Ngữ bắt giam Huynh trưởng Minh năm 1972.

Thế nhưng cựu Đại úy Phan Văn Ngữ hiện cư ngụ tại thành phố Lincoln liền công bố bức thư viết tay ngày 18.7.2011 cho biết trước năm 1975 ông là Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Quận Hương Điền. Nhưng năm 1972 ông chưa công tác tại quận Hương Điền. Trái lại, ông viết :

“Đến năm 1973 tôi mới giữ chức Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Quận Hương Điền, tôi mới biết anh Minh làm việc tại Quận Hương Điền với ông Lê Châu, Chỉ huy trưởng. Suốt trong thời giam làm việc tại Quận Hương Điền tôi không bắt anh Trần Đình Minh với bất cứ tội danh gì cả”.

Sau xác nhận trên đây, ông Liên Thành liền tuyên bố trái ngược, rằng chính ông Liên Thành đi bắt ông Trần Đình Minh !

Liền đó, một bức thư khác của ông Nguyễn Xuân Tư viết ngày 18.6.2012 xuất hiện và viết như sau :

Thư viết tay của cựu Phụ tá Cảnh sát Đặc biệt Nguyễn Xuân Tư xác nhận từ 1967 đến 1975 ông Trần Đình Minh không hề bi bắt - Hình PTTPGQT  
Thư viết tay của cựu Phụ tá Cảnh sát Đặc biệt Nguyễn Xuân Tư xác nhận từ 1967 đến 1975 ông Trần Đình Minh không hề bi bắt - Hình PTTPGQT
 

“Tôi Nguyễn Xuân Tư, sinh năm 1936 hiện cư trú tại thành phố Gardena thuộc Quận Los Angeles, California, Hoa Kỳ.

“Nguyên trước năm 1975 tôi được Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia tỉnh Thừa thiên cử giữ chức vụ Phụ tá Cảnh sát Đặc biệt Quận Hương Điền từ tháng 6 năm 1967 đến tháng 5 năm 1973. Trong suốt thời gian giữ chức vụ nói trên. Đặc biệt là trong chiến dịch Bình Minh năm 1972. Được lệnh của Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thừa thiên lập danh sách bắt giữ một số cựu cán bộ đưa ra giam giữ ở Côn Đảo. Riêng tại Quận Hương Điền có 9 xã đã bắt trên 20 tên, trong đó có xã Hải Nhuận có bắt 4 tên. Số bị bắt này được di chuyển về Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Tỉnh và được đưa ra Côn Đảo giam giữ, sau khoảng 5 tháng, tất cả đều được phóng thích trở về trình diện địa phương.

“Tôi xác nhận ông Trần Đình Minh, sinh năm 1945, quê quán tại Hải Nhuận, được tuyển làm cán bộ với chức vụ Phụ tá Phòng Lục sự Quận Hương Điền (ông Lê Châu làm Trưởng Phòng, [ông Châu] hiện cư ngụ tại San Jose, Bắc California. Từ năm 1967 cho đến năm 1975, đương sự không có bị bắt trong Chiến dịch Bình Minh mùa Hè năm 1972”.

Hai lá thư trên đây đã nằm trong hồ sơ của Tổ hợp Luật sư về các tài liệu minh chứng Huynh trưởng Trần Đình Minh chưa hề bị bắt và chẳng có bất cứ liên hệ gì với Cộng sản như ông Liên Thành vu cáo.

Vậy xin các Huynh trưởng GĐPT tại Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới hãy yên tâm về một sự thật không thể chối cãi của Huynh trưởng Trần Đình Minh. Thủ tục pháp lý tại Hoa Kỳ thường kéo dài nhiều năm cho những vụ kiện như thế. Nhưng lưới trời lồng lộng, sự thật sẽ phơi bày trong một ngày gần đây trước tòa án để cảnh cáo những kẻ vì lý do này hay lý do khác vu khống, mạ lỵ người hiền lương.


BẢN TƯỜNG TRÌNH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN P.L 2557
TẠI THỪA THIÊN – HUẾ

Viện Hóa Đạo vừa chuyển qua Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế để phổ biến bản Tường trình Đại lễ Phật Đản tại Huế.

Sau đây là toàn văn Tường trình của Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tỉnh Thừa thiên – Huế :


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
BAN ĐẠI DIỆN THỪA THIÊN HUÊ
V/P : Chùa Phước Thành - Số 360 Phan Chu Trinh - thành phố


Phật lịch 2557
Số : 004/BĐD/TTH/TT


BẢN TƯỜNG TRÌNH
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2557 (2013)


Kính Đệ Trình :
- Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN
- Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
- Chư Tôn Giáo Phẩm Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN
(Kính qua Hòa Thượng Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN)


Kính bạch quý Ngài !

Truyền thống Phật giáo từ ngàn xưa, cứ mỗi độ mùa Hoa Ưu Đàm nở, là mùa Phật đản lại về. Người con Phật trên khắp năm châu, dù ở trong hoàn cảnh nào, dù nơi rừng sâu núi thẩm, dù nơi thành thị hay chốn thôn quê, dù miền tự do hay nơi bị quản chế, nơi chốn lao tù thì chúng ta cũng đón mừng ngày đức Thế Tôn giáng trần.

Cổng tam quan vào Tổ đình Quốc Ân nơi đặt Lễ đài chính Đại lễ Phật Đản P.l. 2557 – Hình PTTPGQT  
Cổng tam quan vào Tổ đình Quốc Ân nơi đặt Lễ đài chính Đại lễ Phật Đản P.l. 2557 – Hình PTTPGQT
 

Dù còn nhiều khó khăn và chịu sự đánh phá của nhà cầm quyền địa phương. Ban Đại Diện Thừa Thiên Huế chúng con cũng quyết tâm tổ chức Đại Lễ Phật đản PL 2557, theo tinh thần Thông tư của Hòa Thượng Viện Trưởng, đơn giản, trang nghiêm và tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mình. Với các buổi họp để bàn việc tổ chức Phật đản Phật lịch 2557 của Ban Đại Diện tại chùa Kim Quang, ngày 19/3/2013 (08/02/Quý Tỵ), tại chùa Phước Thành ngày 11/4/2013 (02/3/Quý Tỵ) và tại Tổ đình Quốc Ân ngày 16/4/2013 (10/3/Quý Tỵ). Trong phiên họp cuối cùng tại Tổ Đình Quốc Ân, đã thành lập một Ban Tổ Chức Phật Đản PL 2557, và địa điểm thiết trí lễ đài chính của Ban Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, tại Tổ Đình Quốc Ân, Số 143 Đặng Huy Trừ, Tp – Huế.

Tuân hành Thông tư Phật Đản PL : 2557 của Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Ban Đại Diện Thừa Thiên Huế đã ban hành Thông Bạch Phật đản PL : 2557, gửi đến Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà. Nội dụng gồm có 8 điểm, là những hướng dẫn cụ thể cho Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà cách thức tổ chức Phật đản năm nay một cách cụ thể. Bên cạnh đó Ban Đại Diện một lần nữa nhắc lại tinh thần yêu nước của người Phật tử trong thời đại ngày nay mà đức cố Tăng Thống Đệ Tứ đã nhắn nhủ trong Thông điệp Phật Đản PL : 2552, “Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống thoát ly nô lệ”.

Như mọi năm, để chuẩn bị tốt cho công tác kiến thiết Lễ đài chính, ngay từ ngày 06 tháng 04 năm Quý Tỵ (15/5/2013) Ban Đại Diện đã cho khởi công thiết trí lễ đài, với sự tham gia của toàn Ban Tổ Chức, nói lên được tinh thần của người con Phật trong mùa Phật đản đối với đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Lễ Đài được hoàn thành đúng vào ngày 08 tháng 04 năm Quý Tỵ (17/5/2013) với mô hình, Lễ Đài hai tầng, tượng đản sanh đứng trên quả cầu mang dòng chữ “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”, mục đích nhấn mạnh rằng, dù nhà cầm quyền cộng sản có cố tâm đàn áp GHPGVNTN thì Giáo hội vẫn ngang nhiên tồn tại, và phát triển mạnh mẽ trên khắp mọi nơi.

Đại lễ Phật đản tại Tổ đình Quốc Ân - Hình PTTPGQT  
Đại lễ Phật đản tại Tổ đình Quốc Ân - Hình PTTPGQT
 

Lễ đài Phật Đản Chùa Long Quang - Hình PTTPGQT  
Lễ đài Phật Đản Chùa Long Quang - Hình PTTPGQT
 

Lễ đài Phật Đản Chùa Bảo Quang - Hình PTTPGQT  
Lễ đài Phật Đản Chùa Bảo Quang - Hình PTTPGQT
 

Lễ đài Phật Đản Chùa Phước Thành - Hình PTTPGQT  
Lễ đài Phật Đản Chùa Phước Thành - Hình PTTPGQT
 

Lễ đài Phật Đản Chùa Thọ Đức - Hình PTTPGQT  
Lễ đài Phật Đản Chùa Thọ Đức - Hình PTTPGQT
 

Nói đến mô hình quả cầu mang dòng chữ GHPGVNTN, năm nay, các Chùa Long Quang, Phước Thành, Phước Hải, Bảo Quang, Thọ Đức, Kim Quang cũng duy trì mô hình ấy, nhưng lạ một nổi nhà cầm quyền tiếp tục chính sách ngăn chặn, đe dọa các chùa, không cho treo dòng chữ GHPGVNTN. Mà những người tự cho mình là chính quyền này, lại không biết được rằng, GHPGVNTN đã tồn tại trước khi chế độ cộng sản có mặt trên toàn đất nước Việt Nam. Nhà cầm quyền còn biện những lý do hết sức phi lý để đe dọa các chùa thuộc GHPGVNTN rằng : “Làm lễ đài phải xin phép UBND phường, tổ chức cho các em Phật tử cắm trại phải báo cáo số lượng”. Lạ lùng thay, truyền thống Phật giáo từ ngàn đời nay, không có một chế độ nào lại phi lý đến độ trơ trẽn như thế. Một lễ hội Phật giáo thuần túy mà phải báo cáo chi ly, phải làm đơn xin phép thì đúng là không còn chỗ để chê ?! Điển hình Chùa Phước Hải vào ngày 12/4/Quý Tỵ, chính quyền các cấp ban ngành, đến Chùa lập biên bản tháo gở dòng chữ GHPGVNTN trên quả địa cầu, họ lập biên bản buộc chủ Chùa ký vào, Chùa không ký biên bản, sau đó họ cùng nhau lủi thủi ra về. Chùa Kim Quang cũng vậy, sáng ngày 14/4/Quý Tỵ, phường An Cựu , TP Huế. Các ban ngành cùng nhau đến Chùa Kim Quang, buộc Chùa trình Công an phường biết số các em GĐPT sinh hoạt cắm trại Phật Đản PL :2557. Chùa trả lời không biết số lượng là bao nhiêu mà trình báo, họ ngồi lâu, không ai tiếp nên cùng nhau ra về.

Lễ thọ cấp cho các Htr Gia Đình Phật tử dưới sự chứng minh
của HT Thích Thiện Hạnh - Hình PTTPGQT  
Lễ thọ cấp cho các Htr Gia Đình Phật tử dưới sự chứng minh của HT Thích Thiện Hạnh - Hình PTTPGQT
 

Cũng trong ngày 08 tháng 04 năm Quý Tỵ (17/5/2013), Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật tử (GĐPT) Thừa Thiên đã tổ chức thọ cấp cho gần 30 Huynh trưởng được tấn phong cấp Tấn, cấp Tín và cấp Tập, nói lên tính truyền thừa và phát triển và tổ chức GĐPT. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và trọng thể dưới sự chứng minh của Hòa thượng Chánh Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế. Và trong buổi chiều cùng ngày, buổi lễ khai kinh Pháp Hoa và tụng kinh, tại chánh điện Tổ Đình Quốc Ân, với sự tham dự của đông đảo chư tăng và Phật tử, buổi khai kinh cầu nguyện đạo pháp trường tồn, tổ quốc vẹn toàn, GHPGVNTN sớm phục hoạt, và cầu nguyện đức Tăng Thống đệ ngũ sớm được trả tự do sinh hoạt. Và tụng kinh trong suốt tuần lễ Phật đản từ ngày 08 đến ngày 14 tháng 04 năm Quý Tỵ.

Chiều ngày 13 tháng 04 năm Quý Tỵ, sau thời tụng kinh Pháp Hoa cuốn 6, chư Tăng và Phật tử vân tập về đài Thánh tử đạo, đường Lê Lợi - Huế, để đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm chư Thánh tử đạo đã vị pháp vong thân, vị pháp thiêu thân. Năm nay cũng vừa trọn 50 ngày ngọn lửa của Bồ Tát Thích Quảng Đức bừng cháy, ngày các Phật tử đã nằm xuống vì sự trường tồn của Đạo Phật. Đúng lý Ban Đại Diện sẽ tổ chức lễ tưởng niệm, để truy niệm công ơn sự hy sinh cao cả của chư vị Bồ Tát và chư anh linh thánh tử đạo. Nhưng dưới chế độ độc tài toàn trị, vô thần cộng sản, đàn áp và ngăn chặn mọi sinh hoạt của GHPGVNTN, Ban đại diện chỉ nói lên được tinh thần của mình bằng việc đặt vòng hoa tưởng niệm và dâng hương nơi chư vị anh linh đã vị pháp mà nằm xuống. Buổi lễ có hàng trăm Công an, máy ảnh, máy quay phim, họ canh gác hết sức đông đúc và nghiêm ngặt.

Chư Tăng và Phật tử đến đặt vòng hoa tưởng niệm chư Thánh tử đạo tại Đài Tưởng niệm đầu đường Lê Lợi gần cầu Trường tiền Huế - Hình PTTPGQT  
Chư Tăng và Phật tử đến đặt vòng hoa tưởng niệm chư Thánh tử đạo tại Đài Tưởng niệm đầu đường Lê Lợi gần cầu Trường tiền Huế - Hình PTTPGQT
 

Sáng ngày 14 tháng 04 năm Quý Tỵ, chư Tăng trú xứ Bố Tát Linh Quang, (địa điểm Bố tát truyền thống từ xưa của Phật Giáo xứ Huế, nay là Ban Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế sinh hoạt), vân tập họp tăng để thọ an cư. Tại đây, chư tăng cung thỉnh Hòa Thượng Thích Như Đạt, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Vụ Tăng Sự làm Luật sư Y chỉ của chư Tăng trong ba tháng hạ ; cung thỉnh Hòa Thượng Thích Diệu Tánh, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Viện Tăng Thống làm Chủ Sự cho buổi thọ an cư. Danh sách an cư gồm có, 21 chùa, 105 Tỷ kheo và 57 Sa Di. Mặc dù dưới chính sách đàn áp, hăm dọa, dụ dỗ của nhà cầm quyền Thừa Thiên Huế, nhằm suy giảm dần nhân sự của Ban Đại Diện, nhưng qua buổi lễ thọ an cư và danh sách đăng ký an cư tại Thừa Thiên Huế, mới thấy được rằng GHPGVNTN vẫn ngang nhiên tồn tại, như một điều tất yếu của tự nhiên.

Sau thời tụng kinh Pháp Hoa cuốn 7, hết thúc tuần lễ tụng kinh tại Tổ Đình Quốc Ân vào chiều ngày 14 tháng 04 năm Quý Tỵ. Lễ Hoàn kinh và Tiến Thí Âm Linh Cô Hồn cũng được tổ chức trong chiều hôm ấy, nhằm cầu nguyện Nhân quyền cho người sống và Linh quyền cho người chết, cầu nguyện cho GHPGVNTN sớm phục hoạt.

Đến đây, thì mọi công tác chuẩn bị cho buổi Đại Lễ Phật đản vào sáng ngày Rằm tháng 04 năm Quý tỵ, PL : 2557 đã hoàn tất, trên Lễ Đài tượng đản sanh đang ngự trên quả cầu, với vầng hào quang rực rỡ uy nghiêm, phía dưới lễ đài là rừng cờ hoa, lồng đèn và những câu thư pháp được trang trí khắp nơi. Theo tinh thần Thông tư Phật đản PL : 2557 của Hòa Thượng Viện Trưởng, Ban Đại Diện thiết trí mô hình lễ đài đơn giản, nhưng đủ vẻ trang nghiêm để cúng dường Phật đản, chứ không phô trương lòe loẹt như Phật giáo nhà nước. Dưới chỉ thị của Cộng sản Việt Nam, nhân mùa Phật đản, cho tổ chức Phật đản một cách rầm rộ, để phô bày cái gọi là “tự do tôn giáo” ở Việt Nam, một sự tự do trong cơ chế “xin cho”. Trong mùa Phật đản ấy, cờ đỏ sao vàng lại rực rỡ hơn cả giáo kỳ Phật giáo. Phật giáo nhà nước thì được tự do tổ chức, được sự hỗ trợ tuyệt đối từ phía nhà cầm quyền. Còn GHPGVNTN thì ngăn cấm đủ điều, thiết lập một cái lễ đài nho nhỏ khiêm nhường ở trong chùa để tưởng niệm ngày đản sanh, thì nhà cầm quyền lập biên bản, cho rằng chùa chưa xin phép, tổ chức cắm trại cho các em GĐPT thì phải báo cáo số lượng, nhưng than ôi, cửa chùa rộng mở, Phật tử thì cứ đến sinh hoạt, biết số lượng thế nào mà báo cáo, khá lẽ báo cáo rồi, ai không có trong danh sách thì nhà cầm quyền đuổi ra không cho vào chùa hay sao ?! Còn muốn tổ chức lễ Phật đản tại lễ đài thì phải hát quốc ca, than ơi ! Truyền thống Phật giáo Việt Nam mấy ngàn năm, có thời nào mà trong buổi lễ Phật đản lại hát quốc ca đâu ? Trong ngày đức Phật ra đời, tinh thần từ bi cứu khổ được đặt lên hàng đầu, thì từ bi thể hiện ở chỗ nào trong lời ca “Đường vinh quang xây xác quân thù”, chưa nói quân thù ở đây là ai ? Là con dân miền nam Việt Nam của chúng ta chăng !

Đoàn sinh Gia Đình Phật tử Việt Nam cung nghinh chư Tăng vào Lễ đài Phật Đản – Hình PTTPGQT  
Đoàn sinh Gia Đình Phật tử Việt Nam cung nghinh chư Tăng vào Lễ đài Phật Đản – Hình PTTPGQT
 

Phật tử Huế cung nghinh chư Tăng vào Lễ đài Phật Đản - Hình PTTPGQT  
Phật tử Huế cung nghinh chư Tăng vào Lễ đài Phật Đản - Hình PTTPGQT
 

Rạng sáng ngày Rằm tháng 04 năm Quý Tỵ, chư Tăng và Phật tử vân tập về Lễ Đài Chính ở Tổ Đình Quốc Ân để tham dự buổi Đại Lễ Phật Đản PL : 2557. Chư tăng thuộc các chùa GHPGVNTN, đạo hữu Phật tử các đạo tràng trực thuộc GHPGVNTN và GĐPT Thừa Thiên.

Đúng 06 giờ, Buổi Đại Lễ chính thức diễn ra, dưới sự chứng minh của ba vị Trưởng Lão Hòa Thượng : Hòa thượng Thích Như Đạt, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự GHPGVNTN, Hòa Thượng Thích Diệu Tánh, Thành Viên Hội Đồng Giáo Phẩm Viện Tăng Thống, trú trì Tổ Đình Quốc Ân – Huế ; Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, Chánh Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thuê Huế. Buổi lễ do sự hướng dẫn chương trình của Đại Đức Thích Minh Tuệ, Đặc Ủy Hoằng Pháp của Ban Đại Diện Thừa Thiên Huế.

Bắt đầu buổi lễ là Đạo Ca “Phật Giáo Việt Nam” được vang lên, cả rừng người im lặng, để đón nhận từng lời ca oai hùng trầm lắng. Sau đạo ca, là phần cung tuyên Thông điệp Phật đản PL : 2557 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ do Hòa Thượng Thích Như Đạt cung tuyên. Lúc này hàng chục máy quay phim và máy ghi hình do nhà cầm quyền phái đến đều hướng về phía của Hòa Thượng, không biết với mục đích gì, những hành động phi văn hóa trong ngày Phật đản, của những con người làm văn hóa, thì chúng ta có thể thấy được rằng nó sẽ dẫn Việt Nam chúng ta đi về đâu ?!

Hòa thượng Thích Diệu Tánh (trái) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (phải) tại Lễ đài - Hình PTTPGQT  
Hòa thượng Thích Diệu Tánh (trái) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (phải) tại Lễ đài - Hình PTTPGQT
 

Bức thông điệp được tuyên lên, ai cũng như cảm nhận có sự hiện diện của Đức đệ Ngũ Tăng Thống trong buổi lễ hôm ấy. Những lời dạy của Ngài được vang vọng trong không trung trầm lắng, như một sự linh thiêng màu nhiệm hiếm hoi, giữa đất nước lắm nỗi oan khiên khổ lụy !

Buổi Lễ tiếp tục diễn ra với sự diễn dẫn phần nghi lễ của Đại Đức Thích Minh Tuệ, và xướng lễ của Thượng Tọa Thích Khế Viên.

Kết thúc buổi lễ Hòa Thượng Thích Chí Thắng, Phó Ban Tổ Chức đọc Lời cảm tạ, của Ban Tổ Chức gửi đến Tăng Ni Phật tử. Ba hồi chuông trống bát nhã cất lên, cung thỉnh chư tôn thiền đức hồi quy phương trượng và các hàng Phật tử tùy nghi chiêm bái.

Hòa thượng Thích Diệu Tánh (trái) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (phải) tại Lễ đài - Hình PTTPGQT  
Hòa thượng Thích Diệu Tánh (trái) và Hòa thượng Thích Thiện Hạnh (phải) tại Lễ đài - Hình PTTPGQT
 

Ngưỡng bạch đức Tăng Thống
Kính bạch Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo.

Mùa Phật đản năm nay, Ban Đại Diện Thừa Thiên Huế đã tiến hành viên mãn, như chương trình đã dự kiến.

Trân trọng kính trình để đức Tăng Thống, Hòa Thượng Viện Trưởng và Ban Chỉ Đạo VHĐ để thẩm tường.

Ngưỡng vọng đức Tăng Thống pháp thể khinh an.

Cầu chúc Hòa Thượng Viện Trưởng và toàn Ban Chỉ Đạo VHĐ cát tường như ý, Phật sự hanh thông viên mãn.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Huế, ngày 31 tháng 5 năm 2013
TM Ban Đại Diện
GHPGVNTN Thừa Thiên Huế
Chánh Thư Ký

(đã ấn, ký)
Tỳ kheo Thích Thiện Tánh



 
 
 
 

Quê Mẹ • B.P. 60063 • 94472 Boissy Saint Léger cedex • France • E-mail : queme.democra

Friday, October 21, 2016

NELSON MANDELA - TRẠI TÙ Z30A XUÂN LỘC - GÁNH HÁT PHỤNG HẢO

BBC * TÔNG THỐNG MỸ VINH DANH NELSON MANDELA

Tổng thống Mỹ vinh danh Nelson Mandela

Cập nhật: 03:27 GMT - thứ bảy, 29 tháng 6, 2013
Tổng thống Barack Obama gọi ông Nelson Mandela là 'người anh hùng của thế giới'
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự định sẽ gặp Tổng thống Nam Phi, ông Jacob Juma, trong bối cảnh đất nước này vẫn đang cầu nguyện cho vị cựu lãnh đạo Nelson Mandela.
Chiếc Air Force One của Tổng thống Obama đã hạ cánh xuống thành phố Pretoria vào tối thứ Sáu, 28/6, chính thức bắt đầu chuyến công du ba nước châu Phi của ông.
Vị tổng thống Mỹ đã gọi ông Mandela là "người anh hùng của thế giới".
Tuy nhiên trước chuyến thăm của mình, ông Obama cũng nói ông không dự tính sẽ thăm vị cựu lãnh đạo, vốn vẫn đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Ông Mandela, 94 tuổi, được đưa vào bệnh viện vào ngày 8/6 do tái phát nhiễm trùng phổi.
Vợ cũ của ông, bà Winnie Madikizela-Mandela, nói vào thứ Sáu rằng bà nghĩ việc Tổng thống Obama thăm ông Mandela khi ông đang ở trong tình trạng nguy kịch là không thích hợp.
"Tôi không phải là một bác sỹ nhưng nếu so sánh với tình trạng của ông vài ngày trước, hiện nay đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên nhìn về mặt y khoa thì ông ấy vẫn không khỏe," bà nói.

'Di sản trường tồn'

Ông Obama đã bay đến Nam Phi từ Cộng hòa Senegal. Trong chuyến thăm diễn ra vào cuối tuần của mình, vị tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến thăm Đảo Robben, nơi ông Mandela bị cầm tù suốt 18 năm.
Ông cũng dự định sẽ thăm Tổng Giám mục Desmond Tutu và có một bài diễn văn tại Đại học Cape Town vào Chủ nhật, 30/6.
Vào thứ Sáu, ông Obama đã nói ít có khả năng ông sẽ gặp ông Mandela.
"Tôi không cần cơ hội để chụp hình," ông nói trên chiếc Air Force One sau khi rời khỏi Senegal. "Điều cuối cùng mà tôi muốn, đó là trở thành chướng ngại vật vào thời điểm mà gia đình đang lo lắng vì tình trạng sức khỏe của ông Nelson Mandela."
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ là thông điệp chính của chúng tôi, vốn không phải để gửi trực tiếp đến ông, mà là đến gia đình của ông - là lòng cảm kích sâu sắc đối với sự lãnh đạo của ông suốt những năm qua, và rằng người Mỹ đang dành những suy nghĩ và lời cầu nguyện cho ông, gia đình và đất nước của ông."
Ông Obama gặp ông Mandela vào năm 2005 khi vẫn còn là một thượng nghị sỹ. Cả hai người đều trở thành tổng thống da mầu đầu tiên tại nước mình và được nhận giải Nobel Hòa bình.
Tổng thống Hoa Kỳ đã gọi ông Mandela là "người anh hùng của thế giới," và "di sản của ông sẽ trường tồn qua thời gian," đồng thời nói ông Mandela đã là nguồn cảm hứng cho mình thời còn là sinh viên.
Ông Obama sẽ kết thúc chuyến công du châu Phi tại Tanzania. Đây là chuyến thăm dài ngày đầu tiên của ông đến lục địa này kể từ khi nhậm chức tổng thống hồi năm 2009.
k/vietnamese/world/2013/06/130629_barack_obama_africa_visit.shtml

Sunday, June 30, 2013

TRẦN TRUNG ĐẠO * NELSON MANDELA

“Bước đường dài đến tự do” của Nelson Mandela


Trần Trung Đạo (Danlambao) - Theo kết quả thăm dò của công ty tư vấn Reputation Institute được công bố vào tháng Chính năm 2011, Nelson Mandela được chọn là lãnh tụ được yêu mến nhất, kính trọng nhất, thán phục nhất và tin tưởng nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đứng hạng thứ 14, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đứng hạng thứ 27, Thủ tướng Anh David Cameron đứng hạng thứ 34.
Nhân loại yêu chuộng tự do, dân chủ và hòa bình kính phục Nelson Mandela không phải chỉ vì ông yêu nước, yêu tự do, can đảm ở tù suốt 27 năm dài lao động khổ sai nhưng quan trọng hơn ông không dùng sự khổ đau chịu đựng của riêng mình làm thước đo cho chiều dài tương lai của đất nước Nam Phi và không đặt đôi gánh nặng quá khứ hận thù lên trên đôi vai của các thế hệ Nam Phi mai sau. Thay vào đó, Nelson Mandela đã dùng đức tính bao dung, kiên nhẫn, khôn ngoan, biết nhìn ra thấy rộng để vực dậy một đất nước bi phân hóa bởi màu da, chủng tộc, xã hội giáo dục, kinh tế chính trị và cả văn hóa lịch sử kéo dài hơn 300 năm từ thời nô lệ, thuộc địa cho đến thời kỳ Nam Phi độc lập.
Con người cũng như đất nước, giá trị được thẩm định không phải ở sự chịu đựng nhưng ở chỗ biết vượt qua. Một con người bình thường phải vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt để tiến thân, một dân tộc chỉ có thể đuổi kịp đà tiến của nhân loại nếu dân tộc đó vượt qua được những bất hạnh của chính mình và vận động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Một câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela về hòa giải “Hòa giải thật sự không đơn giản chỉ là việc quên đi quá khứ”. Nelson Mandela được kính trọng không phải vì ông quên đi quá khứ nhưng nhờ ông đã sống rất trọn vẹn trong quá khứ, đã chiêm nghiệm và chuyển hóa những hào quang và chịu đựng, thành công và thất bại, hy vọng và tuyệt vọng của quá khứ thành nhựa nguyên, nhựa luyện cho những hàng cây xanh tốt tươi và hy vọng của tương lai Cộng Hòa Nam Phi.
Hãy tưởng tượng, Nelson Mandela, người bị tù hơn 27 năm và đã có thời gian chọn lựa phương pháp đấu tranh bằng võ lực, không chủ trương hòa giải mà nhất định trả thù cho bằng được thiểu số da trắng một thời đã áp đặt những chính sách bất công, phân biệt chủng tộc lên trên số phận của đa số người da đen rồi nước Cộng hòa Nam Phi ngày nay liệu có thể là quốc gia ổn định và phát triển hay không?
Chắc chắn là không.
Hãy tưởng tượng, công việc đầu tiên của tổng thống Nelson Mandela không phải là việc thành lập Ủy Ban Hòa Giải và Sự Thật mà là lập một danh sách mấy trăm ngàn viên chức chính quyền Nam Phi đã có liên hệ ít nhiều đến việc đàn áp các phong trào chống phân biệt chủng tộc để rồi sau đó tống giam họ trong các trại tù tận vùng núi rừng KwaZulu-Natal xa xôi hiểm trở, bắt thiểu số da trắng phải giao nộp nhà cửa, tài sản, đày sang các vùng kinh tế mới ở miền Northern Cape hoang vu để trả thù cho những cực hình đày đọa mà dân da đen đã từng chịu đựng dưới ách phân biệt chủng tộc của chính quyền da trắng Nam Phi thì liệu hòa giải dân tộc có thật sự đến cho quốc gia này hay không?
Chắc chắn là không.
Rất nhiều tác phẩm viết về Nelson Mandela và một số tác phẩm khác trích từ các cuộc phỏng vấn ông, nhưng Bước đường dài đến tự do (Long walk to freedom) là tác phẩm cho chính ông chấp bút từ những năm 1970 khi còn bị tù ở đảo Robben, ngoài Cape Town, Nam Phi. Phần lớn các chi tiết trong bài viết này cũng được trích dẫn từ hồi ký dày hơn sáu trăm trang Bước đường dài đến tự do của Nelson Mandela.
Nelson Mandela ra đời ngày 18 tháng 7 năm 1918 tại Mvezo, một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Mbashe thuộc quận Umtata, thủ phủ của Transkei, một trong những khu vực lớn nhất của Nam Phi. Ông được đặt tên là Rolihlahla. Theo ngôn ngữ Xhosa, Rolihlahla có nghĩa “kéo một cành cây xuống” nhưng chính xác hơn có nghĩa là “kẻ gây rối”. Cha của ông, Gadla Henry Mphakanyiswa, cai quản khu vực Mvezo và cũng là một cố vấn của vua bộ lạc Thembu. Mandela kế thừa không những cá tính mà cả vóc dáng cao và thẳng của cha ông ta. Cha của Mandela có bốn vợ, và bà Nosekeni Fanny, mẹ của Mandela là vợ thứ ba. Theo cách gọi trong gia đình, vợ thứ nhất được gọi là Vợ Cả, Vợ Phía Tay Phải (mẹ của Mandela), Vợ Phía Tay Trái, và Vợ Chăm Sóc Gia Đình. Mandela là con lớn của mẹ ông nhưng lại là con trai nhỏ nhất trong số bốn anh em cùng cha khác mẹ.
Khi còn nhỏ Mandela chịu phép rửa tội theo đạo Tin Lành phái Methodist Church. Khi đi học, cô giáo Mdinggane thêm tên Nelson vào tên gia đình đặt. Từ đó, ông được gọi là Nelson Rolihlahla Dalibhunga Mandela. Năm Mandela lên 9 tuổi, cha ông qua đời vì bịnh phổi. Nelson Mandela được Jongintaba Dalindyebo, người kế tục chức vụ của cha ông, nhận làm con nuôi. Sau lễ cắt bao quy đầu vào năm ông 16 tuổi, Nelson Mandela được đưa vào trường trung học nội trú Clarkebury.
Năm 1937 khi vào tuổi 19, Nelson Mandela theo học đại học Healdtown, Fort Beaufort. Giống như Clarkebury, Healdtown là một trường đạo Tin Lành thuộc phái Methodist Church và là trường đại học nội trú duy nhất dành cho người da đen. Sinh viên da đen ưu tú từ khắp Nam Phi theo học tại đây. Một biến cố tinh thần đã xảy ra cho Nelson Mandela vào năm cuối tại Healdtown là buổi viếng thăm trường của nhà thơ lớn Krune Mqhayi, người dân tộc Xhosa. Lần đầu tiên trong đời Nelson Mandela xúc động lắng nghe một nhà thơ lên tiếng phê bình chính sách phân biệt chủng tộc của chính quyền da trắng một cách công khai với sự hiện diện của viện trưởng và toàn ban giảng huấn trường, rất đông trong số họ là da trắng.
Năm 1960, Nelson Mandela theo học tại đại học University College of Fort Hare. Đây là trường đại học nội trú da đen lớn nhất ở Nam Phi. Mandela hy vọng sẽ tốt nghiệp Cử Nhân tại trường này. Ông được bầu vào Hội Đồng Sinh Viên và tức khắc trở thành một lãnh tụ sinh viên tranh đấu cho các quyền lợi sinh viên. Trong một lần xung đột với ban lãnh đạo trường về tiêu chuẩn thực phẩm dành cho sinh viên, Nelson Mandela từ chức khỏi hội đồng sinh viên. Viện trưởng viện đại học tức giận trục xuất ông khỏi trường cho đến cuối niên khóa.
Mandela trở lại nhà nhưng chỉ để biết tin cha nuôi đang chuẩn bị cưới vợ cho mình. Mandela không muốn và cùng người anh nuôi bỏ trốn sang Johannesburg. Tại đây, Mandela tiếp tục học hàm thụ các lớp còn lại của hệ cử nhân và chính thức tốt nghiệp tại Fort Hare vào năm 1942. Năm 1943, Nelson Mandela theo học cử nhân luật tại trường đại học Witwatersrand với ý định trở thành một luật sư.
Chàng thanh niên Nelson Mandela là một người đàn ông cứng rắn nhưng cũng rất đa cảm. Mandela yêu nhiều người. Trong thời gian trú trại khu Alexandra thuộc thành phố Johannesburg, Mandela gặp Ellen Nkabinde, cô bạn luôn có nụ cười tươi, làm nghề dạy học mà Mandela quen biết khi cả hai còn ở Healdtown. Họ yêu nhau. Khu Alexandra đông đúc và chật hẹp, cặp tình nhân đang yêu không biết đi đâu ngoài việc ngồi ngắm những vì sao trên nền trời vào ban đêm. Dù sao, Ellen mang đến cho Mandela tình yêu, sự ủng hộ, niềm tin và hy vọng trong lúc anh ta đang lạc lõng giữa thành phố Alexandra còn xa lạ. Rất tiếc chỉ vài tháng sau Ellen rời thành phố mang theo mối tình đầu của Mandela.
Sau khi Ellen đi, Mandela lại yêu một người con gái khác. Nàng tên là Didi, xinh nhất trong năm người con gái của gia đình Xhosa mà Mandela đang trọ. Cuộc tình rồi cũng không đi đến đâu vì Didi không thật sự để mắt xanh đến anh chàng Mandela đa cảm đang trọ trong nhà mình. Nhưng lần thứ ba thì khác. Trái tim Mandela hướng về phía người con gái trẻ đẹp đang theo học nghề y tá tại Johannesburg tên là Evelyn Mase. Cha mẹ Evelyn chết sớm và cô sống với người anh. Vài tháng sau khi yêu nhau, Mandela hỏi cưới. Evelyn là vợ đầu của Nelson Mandela cho đến năm 1958.
Nelson Mandela bắt đầu tham gia các hoạt động của tổ chức Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC vào năm 1942 và cuộc đời hoạt động của ông từ đó được chính trị hóa. Như ông ta giải thích trong Bước đường dài đến tự do: “Thật khó để xác định thời điểm nào tôi bị chính trị hóa khi tôi biết mình đã dành cả cuộc đời trong cuộc đấu tranh giải phóng. Làm một người Phi trong xã hội Nam Phi có nghĩa là bạn được chính trị hóa từ lúc mới ra đời, dù bạn có thừa nhận điều đó hay không. Một hài nhi ra đời trong bịnh viên chỉ dành cho da đen. Đưa về nhà trên xe bus chỉ dành cho da đen. Nếu may mắn được đi học cũng chỉ học trường dành cho da đen. Khi cô hay cậu đó lớn lên cũng chỉ làm những công việc người da đen phải làm và mướn một căn nhà để ở cũng chỉ được ở trong khu da đen”.
Nhắc lại, ANC được thành lập vào ngày 8 tháng Giêng năm 1912 tại Bloemfontein để đấu tranh cho quyền của người da đen Nam Phi do nhà biên khảo John Dube và nhà thơ Sol Plaatje sáng lập. Chủ tịch đầu tiên của tổ chức là John Dube. Trong suốt hơn 70 năm tranh đấu, ANC đã trở thành đảng chính trị chiếm đa số trong cuộc bầu cử năm 1994 và trong cuộc bầu cử năm 2009, ANC chiếm đến gần 66 phần trăm trong tổng số cử tri đi bầu. Nhiều người ảnh hưởng đến quan điểm chính trị của Nelson Mandela đối với tổ chức ANC nhưng như chính Mandela thừa nhận, ảnh hưởng nhất phải là Walter Sisulu vì đức tính cương quyết, có lý có tình, thực tế và tận tụy của ông ta. Walter tin tưởng ANC là phương tiện cần thiết để thay đổi Nam Phi, là nơi gìn giữ của khát vọng của tầng lớp da đen bị trị tại Nam Phi. Mandela cũng tin tưởng sâu xa điều đó.
Sau khi gia nhập, Mandela trở thành một thành viên tích cực của phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Năm 1943, Nelson Mandela là một trong những thành viên sáng lập của Liên Đoàn Thanh Niên ANC nhằm đưa cuộc đấu tranh vào quần chúng, tổng hợp sức mạnh của giới nông dân ở nông thôn và tầng lớp công nhân tại các thành phố. Nelson Mandela cho rằng các hình thức thư thỉnh nguyện, cầu xin giới lãnh đạo da trắng không phải là hình thức đấu tranh thích hợp nhưng phải đánh trực tiếp vào quyền lợi của chúng qua các hình thức tẩy chay, đình công bãi thị, bất hợp tác với giới cầm quyền. Mặc dù ban đầu gặp trở lực từ các thế hệ lãnh đạo già, các hoạt động của Liên Đoàn Thanh Niên ANC dần dần đã được trung ương ANC chấp nhận. Vai trò lãnh đạo của Nelson Mandela được chính thức hóa qua các hoạt động cương quyết của ông. Năm 1947, Mandela được bầu vào ban chấp hành ANC vùng Transvaal. Người lãnh đạo trực tiếp của ông là C.S. Ramohane, một người yêu nước và kế hoạch xuất sắc. Bản thân Ramohane không có cảm tình với Cộng Sản nhưng làm việc với họ vì ông cho rằng ông ta nên đón nhận sự ủng hộ từ mọi phía. Mandela cũng là tác giả của đề án Mandela làm tiêu chuẩn hoạt động cho cả tổ chức ANC trong đó đặt nặng vai trò chỉ đạo từ trung ương khi nhà cầm quyền da trắng đặt ANC ra ngoài vòng pháp luật.
Chiến Dịch Thách Thức Những Luật Bất Công (Defiance Campaign of Unjust Laws) là chiến dịch có quy mô lớn của ANC đòi hủy bỏ sáu đạo luật bất công trước ngày 29 tháng Hai năm 1952 và nếu không ANC sẽ có những hoạt động ngoài hiến pháp chống chính phủ da trắng. Dĩ nhiên, chính phủ da trắng không nhượng bộ mà còn đàn áp quyết liệt. Ngày 6 tháng Tư năm 1952, hàng loạt cuộc đình công đã được thực hiện tại các thành phố lớn như Johannesburg, Pretoria, Port Alizabeth, Durban và Cape Town. Ngày 30 tháng Bảy năm 1952, Nelson Madela bị bắt cùng với hai mươi lãnh đạo ANC khác. Nelson Mandela bị kết án chín tháng tù ở nhưng sau đó được chuyển thành hai năm tù treo.
Năm 1952 cũng là năm có nhiều thay đổi trong nội bộ ANC. Albert Luthuli, một lãnh tụ có khuynh hướng đẫy mạnh các hoạt động của ANC được bầu vào chủ tịch. Mandela, trong cương vị chủ tịch khu Transvaal, là một trong bốn phụ tá của của Albert Luthuli. Nelson Mandela tiếp tục cuốn hút vào các hoạt động cho ANC cho đến ngày tháng 12 năm 1956, Nelson Mandela bị bắt lần nữa. Lần này bị truy tố với một tội nặng hơn nhiều: mưu phản. Nelson Mandela đóng tiền tại ngoại hầu tra. Phiên tòa mưu phản kéo dài hai năm đã làm Nelson Mandela kiệt quệ về mọi mặt, tình cảm gia đình tan nát và điều kiện tài chánh suy sụp. Cũng trong thời gian khó khăn này, sự khác biệt về cách sống, lý tưởng đã làm hai vợ chồng Mandela và Evelyn vốn khác biệt đã khác biệt sâu sắc hơn. Cuối cùng cả hai đã đồng ý chia tay nhau.
Một lần trên đường từ tòa về qua một ngã tư đường, Nelson Mandela chợt lưu ý một cô gái đang đứng chờ xe bus. Nét đẹp của nàng cuốn hút Mandela nhưng ông ta biết khó mà có dịp gặp lại nàng. Như mối duyên tiền định, một hôm, khi đang ngồi làm việc trong văn phòng luật sư vừa mới lo tái trang bị, Mandela gặp lại cô lần nữa. Cô gái tên là Nomzamo Winifred Madikizela, và thường được gọi tắt là Winnie. Từ đó, họ gặp nhau bất cứ khi nào có thể. Họ ăn trưa với nhau và cùng nhau đi dạo trên cánh đồng cỏ xanh giống như cánh đồng cỏ ở quê hương Transkei. Mandela chia sẻ với Winnie những hy vọng và khó khăn. Như Mandela thuật trong hồi ký “Tôi không hứa hẹn với nàng vàng bạc hay kim cương, tôi sẽ không bao giờ có khả năng tặng nàng những món quà như thế”. Winnie hiểu và chấp nhận mọi khó khăn. Vì Mandela vẫn còn trong thời gian bị truy tố, lễ cưới phải được tòa án chấp nhận. Đám cưới của Mandela và Nomzamo Winifred Madikizela được tổ chức vào ngày 14 tháng Sáu năm 1958 tại một nhà thờ nhỏ. Toàn bộ ban chấp hành trung ương ANC đã được mời nhưng một số đông, giống như Mandela đang bị truy tố nên không tham dự được. Vì không có tiền và thời gian để đưa nhau đi tuần trăng mật, đám cưới xong, chú rễ Mandela lại tiếp tục ra tòa.
Sáng 29 tháng Ba năm 1961, sau hơn bốn năm dài từ khi bị bắt, hỏi cung, ra tòa với hàng ngàn tài liệu và hàng trăm nhân chứng, chính quyền da trắng vẫn không đủ bằng chứng tin cậy để kết án ANC là tổ chức Cộng Sản. Chánh án Rumpff, một thẩm phán có lương tâm công lý, tuyên bố các bị can vô tội và được thả tức khắc.
Mandela biết việc trắng án chỉ có giá trị tạm thời, nhà cầm quyền da trắng sau nhiều năm với biết bao nhiêu tốn kém để truy tố ông chắc chắn thế nào cũng tìm bắt lại. Thay vì về nhà, Mandela quyết định lui vào hoạt động bí mật. Hầu hết các hoạt động của Nelson Mandela trong giai đoạn này được giữ kín với hành tung bất thường. Ông ẩn mình vào ban ngày và thường hoạt động vào ban đêm. Các lực lượng công an cảnh sát tung nhiều đợt lục soát để tìm bắt ông. Không những công an mà cả báo chí cũng tung phóng viên để thăm dò tung tích của Mandela. Nhiều báo phóng đại việc Mandela tránh thoát hệ thống công an trong đường tơ kẽ tóc.
Thật ra không ai biết thật sự “đường tơ kẽ tóc” đó như thế nào nếu không do chính Mandela viết trong hồi ký. Một lần khi Mandela lái xe và nhìn qua người khách đang ngồi trong xe bên trái không ai khác hơn là Đại tá Spengler, giám đốc sở an ninh Witwatersrand. Tuy Mandela hóa trang nhưng khó mà qua được đôi mắt chuyên nghiệp của Spengler. Cũng may viên đại tá có trách nhiệm lùng bắt Mandela đã không nhìn sang hướng của ông. Rất nhiều lần khác, các cảnh sát yêu nước đã tìm cách báo cho bà Winnie biết trước khi có cuộc hành quân lục soát xảy ra trong vùng Mandela đang trốn. Mandela là người tổ chức từ bóng tối cuộc tổng đình công 29 tháng Năm năm 1961 tại Nam Phi. Nhiều trăm ngàn công nhân Nam Phi chấp nhận rủi ro mất việc đã ở nhà để ủng hộ lời kêu gọi của Mandela và ANC. Tuy nhiên, sau khi đánh gía kết quả ngày đình công, Mandela cho rằng nếu phía chính phủ da trắng đàn áp thẳng tay, cuộc đình công sẽ thất bại.
Trong thời điểm khó khăn và quyết liệt đó, Mandela và nhiều lãnh đạo ANC nghĩ không có một chọn lựa nào khác hơn là con đường võ trang. Tháng Sáu năm 1961, cánh quân sự của ANC, Umkhonto we Sizwe gọi tắt là MK, được thành lập nhằm mục đích lật đổ chính quyền phân biệt chủng tộc da trắng bằng các biện pháp quân sự. ANC giao trách nhiệm thành lập, tổ chức và chỉ huy cánh quân sự cho Nelson Mandela. Như chính ông ta thú nhận “Tôi, chưa bao giờ là một người lính, chưa từng chiến đấu trong mặt trận nào, thậm chí chưa bắn một viên đạn, lại được giao trọng trách thành lập một quân đội”. Nhưng cũng từ đó, Mandela bắt đầu đọc các sách về chiến tranh du kích, sách chiến lược và chiến thuật quân sự và học rất nhanh.
Ngày 26 tháng Sáu năm 1961, Nelson Mandela, từ một địa điểm bí mật công bố qua báo chí lá thư công khai với nội dung sau:
“Tôi được báo một trát tòa bắt giữ tôi đã được phát ra, đồng thời công an cảnh sát đang lùng bắt tôi. Hội Đồng Hành Động Quốc Gia thuộc ANC đã nhận xét kỹ lưỡng và khuyến cáo tôi không nên đầu hàng. Tôi đồng ý với lời khuyên và sẽ không nộp mình cho một chính quyền mà tôi không công nhận. Bất cứ nhà chính trị chín chắn nào cũng hiểu rằng trong tình trạng hiện nay của đất nước, tìm cách làm một thánh tử đạo rẻ tiền qua việc giao nộp sinh mạng cho cảnh sát là một hành động ngây thơ và là một trọng tội. Tôi đã chọn con đường này, một con đường khó khăn và đòi hỏi nhiều rủi ro, gian khổ hơn là ngồi trong nhà tù. Tôi đã phải tự tách rời khỏi vợ con thân yêu, xa mẹ già và các chị em tôi để sống như một kẻ sống ngoài vòng pháp luật trên chính đất nước của mình. Tôi đã phải đóng cửa cơ sở làm việc, từ bỏ ngành nghề chuyên môn và sống trong đói khát như nhiều triệu đồng bào tôi… Tôi sẽ chiến đấu chống chính quyền phân biệt chủng tộc sát cánh bên các bạn trong từng phân, từng dặm cho đến chiến thắng cuối cùng. Các bạn sẽ làm gì? Đến để cùng chiến đấu với chúng tôi hay hợp tác với chính quyền để trấn áp các đòi hỏi và khát vọng của nhân dân Nam Phi? Các bạn sẽ im lặng và bàng quan mặc trước những vấn đề sống và chết của nhân dân tôi và nhân dân chúng ta? Phần tôi, tôi đã có một chọn lựa cho riêng mình. Tôi sẽ không rời Nam Phi và cũng chẳng đầu hàng. Chỉ thông qua gian khổ, hy sinh và hành động quân sự, mục đích tự do mới đạt được. Đấu tranh là cuộc đời tôi. Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu vì tự do cho đến những ngày cuối của đời mình.”
Sau khi công khai phát động cuộc đấu tranh võ trang, tháng 10 năm 1961, Nelson Mandela di chuyển vào nông trại Liliesleaf ở Rivonia, vùng ngoại ô phía bắc Johannesburg. Nông trại được xem là tổng hành dinh của MK. Nelson Mandela mang tên mới là David Motsamayi, một người giữ nhà do chủ phái đến chăm sóc nhà cửa đất đai. Sau Mandela, các chỉ huy vùng của MK lần lượt đến nông trại. MK cũng xoay xở khéo léo để Winnie và các con đến thăm Mandela vào vài cuối tuần. Cấu trúc tổ chức của MK cũng tương tự như ANC, gồm bộ chỉ huy trung ương và các địa phương. Hàng ngàn truyền đơn được rải khắp các thành phố lớn để công bố ngày ra đời của MK.
Tháng Hai năm 1962, Nelson Mandela bí mật xuất ngoại đại diện cho cả ANC lẫn MK tại hội nghị của Phong Trào Tự Do Liên Phi cho Đông, Trung và Nam Phi Châu, gọi tắt là PAFMECSA được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa thuộc Ethiopia. Tổ chức này là tiền thân của Tổ Chức Đoàn Kết Châu Phi hiện nay. Đây là một hội nghị vô cùng quan trọng vì là lần đầu tiên ANC có cơ hội kêu gọi sự yểm trợ trực tiếp của các quốc gia Phi Châu trong cuộc đấu tranh võ trang chống chính phủ da trắng Nam Phi. Trong dịp này, Mandela thăm viếng và kêu gọi viện trợ từ các quốc gia Phi Châu như Egypt, Lybia, Tunisia, Ghana, Algeria, Morocco, Mali, Guinea, Sierra Leone, Liberia, Senegal. Tuy cùng một Phi Châu nhưng không phải quốc gia nào cũng nhiệt tình ủng hộ. Một số lãnh đạo quốc gia viện trợ năm ngàn bảng Anh và cũng có một số quốc gia không tặng đồng nào. Trước khi lên đường trở lại Nam Phi, Nelson Mandela tham dự khóa huấn luyện quân sự tám tuần lễ tại Ethiopia. Trong thời gian Mandela ra nước ngoài, các cuộc đánh phá do MK chủ trương diễn ra tại nhiều nơi ở Nam Phi. ANC yêu cầu Mandela thu ngắn thời gian thụ huấn quân sự để về nước.
Tuy nhiên vài hôm sau khi trở lại Nam Phi, Nelson Mandela bị bắt vào ngày 5 tháng Tám năm 1962. Lần này, Nelson Mandela bị kết án 5 năm vì hai tội sách động công nhân đình công và xuất ngoại bất hợp pháp. Mendela bị đưa đến nhà tù Pretoria Local.
Thời gian ngắn sau đó, tổng hành dinh của MK tại nông trại ở Rivonia bị khám phá, lục soát và nhiều tài liệu quan trọng bị tịch thu. Phần lớn các cấp chỉ huy trung ương của MK cũng lần lượt bị bắt. Một số ít may mắn thoát được nhưng đã phải lưu vong sang các quốc gia Phi Châu. Trong lúc đang bị tù, Nelson Mandela lại bị truy tố với một tội nặng hơn trong phiên tòa được báo chí gọi “Chính phủ chống lại Bộ Chỉ Huy Quốc Gia Tối Cao và những người khác”. Mandela là bị cáo đầu tiên trong danh sách nên phiên tòa còn được gọi là “chính phủ chống lại Nelson Mandela và những người khác”. Phiên tòa kéo dài gần hai năm. Khắp thế giới bùng lên phong trào ủng hộ Mandela. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Nam Phi ân xá. Sinh viên đại học London bầu Nelson Mandela làm chủ tịch sinh viên dù vắng mặt bởi vì Mandela vẫn còn là sinh viên hàm thụ khoa Luật của đại học London và vừa hoàn tất kỳ thi cuối khóa hai ngày trước ngày tuyên án.
Đêm trước đó, Mandela và các bạn đã quyết định dù bản án nặng đến đâu hay thậm chí có tử hình đi nữa, cũng không kháng án. Theo lời Mandela giải thích với các luật sư bào chữa, kháng án chỉ làm giảm giá trị đạo đức của lý tưởng mà họ đã và đang đeo đuổi, kháng án cũng có nghĩa là phải giải thích khác hơn và từ chối những hành động chính nghĩa mình đã làm. Mandela tin nếu bản án do tòa quyết định là tử hình, chắc chắn sẽ có một phong trào quần chúng mạnh mẽ đứng lên phản đối, ông không muốn làm nhẹ tinh thần của cuộc đấu tranh đó. Như Mandela viết, “không có sự hy sinh nào có thể gọi là quá to lớn trong cuộc đấu tranh vì tự do”. Mandela còn chuẩn bị cả câu nói cuối cùng trường hợp chánh án De Wet hỏi ông sau khi nghe tuyên đọc án tử hình: “Tôi chuẩn bị chết trong niềm tin vững chắc rằng cái chết của tôi sẽ là niềm khát vọng cho lý tưởng mà tôi đang dâng hiến cuộc đời mình”.
Ngày 12 tháng Sáu năm 1964, ngoại trừ hai người, một được miễn tố và một nhẹ tội, Nelson Mandela và các bạn còn lại bị kết án chung thân. Kết án xong, nửa đêm ngày hôm sau, Mandela và 6 thành viên lãnh đạo của MK bị đưa đến nhà tù Robben Island, tương tự như đảo Alcatraz ngoài vịnh San Francisco của Mỹ, trong một máy bay quân sự bí mật với các lực lượng công an cảnh sát vây kín từ nơi tạm giam đến phi trường. Xà lim của Mandela rộng khoảng 1.8 mét. Mỗi phòng có một tấm bảng giấy ghi tên và số tù. Bảng của Mandela ghi là “N Mandela 466/64”. Năm đó Mandela 46 tuổi. Mandela dành hơn 100 trang trong hồi ký để mô tả đời sống vô cùng khắc nghiệt trong suốt 17 năm dài tại nhà tù Robben Island, nơi đó mỗi ngày ông phải đập đá dưới cơn nắng cháy da và ban đêm ngủ trong xà lim mới dựng còn rất ẩm thấp. Đó cũng là thời gian Mandela bị nhiễm vi trùng lao.
Sau 21 năm qua hai trại tù, từ Robben đến Pollsmoor với tất cả gian lao và chịu đựng, trong một lần khám bịnh thường lệ, bác sĩ khám phá tiền tuyến liệt của Mandela bị sưng to và cần phải được giải phẫu. Nhưng sau khi giải phẫu xong, viên điều hành trại tù, Thiếu tướng Munro, đưa Mandela đến một phòng giam khang trang nhiều so với phòng giam mà ông ta sống trước đó. Tuy không nói ra, Mandela biết chính quyền da trắng đã có ý thăm dò phản ứng của ông về cách đối xử mới của chính quyền.
Trong suốt cuộc đời tranh đấu từ khi gia nhập ANC, Nelson Mandela đã chọn nhiều phương pháp đấu tranh, trong đó có bất bạo động và cả bạo động. Tuy nhiên, sau nhiều năm suy tư về con đường đất nước đã trải qua và hy vọng nào còn đang chờ trước mặt, Mandela đã thay đổi phương pháp đấu tranh. Ông kết luận “Sự thay đổi, tôi quyết định, không phải chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội… Tôi đắn đo từ lâu về việc bắt đầu nói chuyện với phía chính phủ. Tôi kết luận thời gian đã đến khi cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn nếu được đẫy mạnh qua phương cách đàm phán. Nếu chúng ta không bắt đầu đàm phán sớm, cả hai bên phải lao vào đêm tối của áp bức, bạo động và chiến tranh.”
Nelson Mandela viết trong hồi ký “Sự thay đổi, tôi quyết định, không phải chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội… Tôi đắn đo từ lâu về việc bắt đầu nói chuyện với phía chính phủ. Tôi kết luận thời gian đã đến và cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn khi cần được đẫy mạnh qua đàm phán. Nếu chúng ta không bắt đầu đàm phán sớm, cả hai bên phải lao vào đêm tối của áp bức, bạo động và chiến tranh.”
Mandela nhìn lại cuộc đấu tranh của ANC trong suốt 70 năm, rất nhiều thường dân vô tội đã bị giết nhưng chính quyền phân biệt chủng tộc da trắng vẫn nhất định không nhường bước. Thật là vô nghĩa nếu cuộc đấu tranh võ trang tiếp tục và mỗi ngày nhiều mạng sống bị cướp mất đi. Không ít các hoạt động của MMK là hành động khủng bố. Tuy nhiên, một bên nào muốn dừng lại cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nhà cầm quyền da trắng đã nhiều lần khẳng định ANC và MK là những tổ chức khủng bố Cộng Sản trong lúc ANC cũng không kém phần quyết liệt khi cho rằng chính phủ Nam Phi là chỉ là một chính quyền phát-xít, phân biệt chủng tộc và do đó sẽ không có gì để đàm phán với họ cho đến khi nào họ công nhận ANC. Về phần nội bộ ANC, việc thông tin giữa Mandela và các lãnh đạo trung ương của ANC cũng rất khó khăn vì một số đang bị tù, một số khác đang lưu vong và số còn lại hoạt động bí mật rải rác khắp nơi.
Nelson Mandela cuối cùng chọn một giải pháp, đó là tự quyết định cách giải quyết vấn đề một mình và tuyệt đối không cho ai, kể cả các thành viên ANC đang bị tù chung biết. Nếu thành công sẽ có lợi cho đất nước và nếu thất bại chỉ một mình ông ta chịu trách nhiệm. ANC có thể cho rằng vì Mandela không tiếp cận với thực tế và đầy đủ thông tin nên đã có những quyết định không đúng với đường lối của ANC.
Vài tuần sau khi về phòng giam mới, Mandela viết thư cho bộ trưởng tư pháp Nam Phi Kobie Coetsee và đề nghị thảo luận về những vấn đề cần thảo luận. Đầu năm 1986, Mandela tiếp đón một phái đoàn bảy thành viên đại diện nhiều quốc gia thăm viếng Nam Phi để tìm hiểu sự thật. Phái đoàn do Tướng Olusegun Obasanjo, cựu tổng thống Nigeria và cựu ngoại trưởng Úc Malcolm Fraser cầm đầu. Tại buổi gặp gỡ, Nelson Mandela lần nữa đưa ra chủ trương đối thoại nhưng nhấn mạnh đó là việc đối thoại giữa ANC và chính phủ chứ không phải riêng ông ta và chính phủ. Mandela khẳng định với phái đoàn quốc tế rằng ông là một người Quốc Gia Nam Phi chứ không phải là Cộng Sản. Mặc dù có làm việc với nhiều đảng viên Cộng Sản, Mandela từ lâu đã quan niệm rằng cuộc đấu tranh của ANC chống chính quyền da trắng là cuộc đấu chống kỳ thị chủng tộc chứ không phải là cuộc đấu tranh giai cấp hay đấu tranh vì lý do kinh tế như đảng Cộng Sản Nam Phi lý luận. Tuy chưa tuyên bố công khai từ bỏ phương tiện võ trang, Mandela thừa nhận rằng bạo động không bao giờ có thể là giải pháp cuối cùng cho vấn đề Nam Phi. Trong buổi hội kiến với phái đoàn quốc tế, Mandela cũng đòi hỏi phía nhà cầm quyền da trắng phải bày tỏ thiện chí trước bằng cách giải tỏa vòng vây công an cảnh sát khỏi các thôn ấp da đen. Nếu làm được như vậy, ông tin phía ANC cũng sẽ đáp ứng bằng cách hạn chế các cuộc tấn công để làm tiền đề cho đàm phán. Mandela cho phái đoàn biết việc trao trả tự do cho bản thân ông trước áp lực quốc tế đang phát động không giải quyết được vấn đề tranh chấp tại Nam Phi.
Trong năm 1987, Tổng thống Nam Phi Botha thành lập một ủy ban bí mật trong đó có bộ trưởng tư pháp Kobie Coetsee có trách nhiệm đàm phán riêng với Nelson Mandela. Các buổi thảo luận bí mật diễn ra nhiều lần giữa Mandela và ủy ban tổng thống. Vào thời điểm quan trọng này, Nelson Mandela xét thấy cần phải hội ý với các lãnh đạo MK đang bị tù với ông và hiện đang bị giam giữ ở tầng trên. Ông gặp riêng từng người và tất cả đều không chống đối phương pháp đàm phán nhưng đồng thời cũng không tin tưởng hoàn toàn nơi thiện chí của nhà cầm quyền da trắng. Ngoài ra, Oliver Tambo, lãnh tụ của ANC đang hoạt động bên ngoài đã biết về sự đối thoại đang diễn ra giữa Mandela và chính quyền, và đã đặt ra cho Mandela nhiều câu hỏi. Để các lãnh đạo ANC bên ngoài an tâm, trong một tin nhắn bí mật cho Oliver Tambo, Mandela xác định việc đàm phán thật sự chỉ diễn ra giữa ANC và chính quyền da trắng chứ không phải giữa ông ta và chính quyền da trắng.
Ngày 4 tháng Bảy năm 1989, Nelson Mandela bí mật được đưa đi gặp tổng thống Nam Phi P. W. Botha tại dinh tổng thống vào lúc 5:30 sáng. Trong buổi hội kiến ngắn chưa đầy 30 phút, Nelson Mandela yêu cầu tổng thống Botha trả tự do cho tất cả tù chính trị Nam Phi trong đó có cả ông. Tổng thống Botha từ chối. Tuy nhiên, không đầy một tháng sau, Botha từ chức tổng thống Cộng Hòa Nam Phi và quyền lãnh đạo quốc gia được trao qua de Klerk. Tháng mười cùng năm, de Klerk tuyên bố trao trả tự do cho bảy lãnh tụ cao cấp của ANC.
Tháng Chạp cùng năm, tổng thống de Klerk mời Mandela hội kiến. Trong dịp này, Nelson Mandela nhắc lại các đòi hỏi tiên quyết trong đó bao gồm việc hủy bỏ luật ngăn cấm ANC hoạt động, trả tự do cho tất cả tù chính trị còn lại, hủy bỏ luật tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép các lãnh tụ đảng phái chính trị đang lưu vong trở về nước. Mandela lưu ý tổng thống de Klerk, nếu chính phủ Nam Phi không làm được những điều đó, một mai khi được trả tự do, Nelson Mandela tại tiếp tục tranh đấu như trước và chẳng lẽ chính phủ da trắng lại bắt giam, kết án và tù đày ông như hai mươi bảy năm trước đó hay sao.
Ngày 2 tháng Giêng năm 1990, Tổng thống F. W. de Klert trong diễn văn lịch sử đọc trước quốc hội Nam Phi tuyên bố hủy bỏ chính sách phân biệt chủng tộc và đặt nền tảng cho cải cách dân chủ tại Nam Phi. Nói chung, tổng thống de Klerk đã thực hiện hầu hết các điều khoản do Mandela yêu cầu trong lần gặp gỡ trước đó. Lần đầu tiên trong 30 năm, hình ảnh và các lời tuyên bố của Nelson Mandela được công khai trưng bày trong dân chúng.
Ngày 10 tháng Giêng sau đó, de Klerk mời Nelson Mandela gặp lần nữa và thông báo chính phủ sẽ đưa ông về lại Johannesburg và trao trả tự do cho ông tại đó vào ngày hôm sau. Nelson Mandela từ chối việc được trả tự do tại Johannesburg và cũng không muốn được trả sớm như vậy. Trong suốt 27 năm tranh đấu để được tự do, không bên nào nghĩ cuối cùng việc trả tự do ở đâu lại trở thành vấn đề tranh cãi. Cả Mandela lẫn nhà cầm quyền cũng không ngờ có một ngày bên chính phủ muốn thả tự do cho tù nhân Mandela nhưng chính tù nhân Mandela lại muốn ở thêm một tuần lễ nữa. Cuối phiên họp, mỗi bên nhượng bộ một phần. Nelson Mandela sẽ ra khỏi cổng nhà tù ông đang ở nhưng không thể ở lại thêm ngày nào khác.
Lúc 3:30 chiều ngày 11 tháng Giêng năm 1990, Nelson Mandela bước ra khỏi cổng nhà tù cuối cùng Victor Verster giữa rừng người đang hân hoan chờ đợi.

TRẦN KỲ TRUNG * NELSON MANDELA

Nelson Madela - Chữ "Nhân" lớn nhất thời đại

Trần Kỳ Trung 
Một con người bị kẻ thù của mình giam hãm hơn hai mươi bảy năm trời. Hai mươi bảy năm trời bị tù đày, vẫn không rời bỏ lý tưởng của mình: “ Những người da đen phải được bình đẳng với người da trắng”. Bây giờ đó là một điều quá ư là bình thường, thế mà biết bao thế hệ của người da đen phải đánh đổi bằng nước mắt và máu. Như Nelson Madela, đã hy sinh hết cả sự nghiệp, hạnh phúc riêng tư… để quyết giành lại cho người da đen ở Nam Phi nói riêng, cả châu Phi nói chung điều “ bình thường” đó.

 Khi được tự do, trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước Cộng Hòa Nam Phi, Nelson Madela có quyền trả thù “thiểu số” da trắng đã từng đày đọa ông, có quyền “ban phát”  lợi lộc cho những  những người da đen là đồng hương của ông, rồi ông có thể giành cho gia đình những “đặc ân” mà ông cảm thấy mình rất xứng đáng được hưởng!!!
       Không đúng sao, chúng ta hãy nhìn lại một số cuộc đấu tranh võ trang  được nhân danh “của những lực lượng tiến bộ nhất thời đại” lãnh đạo  có “ lý luận khoa học” soi sáng chỉ đường. Khi cuộc đấu tranh giành chính quyền đó thành công thì như thế nào? Không nói đâu xa, tháng 4 / 1975 khi Khơ me đỏ giành được chính quyền ở Căm Phu Chia, một cuộc trả thù vô cùng tàn bạo của một “ lực lượng cách mạng tiến bộ” dìm cả một dân tộc vào biển máu. Rồi như Trung Quốc khi đảng cộng sản giành được chính quyền ở đại lục năm 1949, nhiều cuộc “ đấu tố địa chủ” dã man đã diễn ra,  mà thực chất đây là sự trả thù hèn mạt của một tầng lớp trí thức mang tư tưởng nông dân với tầng lớp trí thức, tư sản có đầu óc, có địa  vị, biết làm ăn kinh tế… Nhiều cuộc cách mạng không phải riêng Căm Phu Chia hay Trung Quốc, mà ở một số nước khác!!! cũng có hiện tượng tương tự, khác chăng chỉ về thời gian, hậu quả, nhưng bản chất là một, để lại những di hại cho đời sau, không biết bao giờ mới hết. Rồi những kẻ đứng đầu, ví như Mao Trạch Đông của đảng cộng sản Trung Quốc, hay như Pôn Pốt của đảng nhân dân cách mạng Căm Phu Chia gần như là một “ thiên tử” làm tình, làm tội nhân dân mà không sợ luật pháp, không ai ở trong nước dám lên án !!!
       Nhưng với Nelson Madela hoàn toàn ngược lại, khi được trả tự do, với sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ trong và ngoài nước, thông qua một cuộc phổ thông đầu phiếu thực sự dân chủ, ông trở thành tổng thống. Với đường lối tiến bộ, ông đưa nước Cộng hòa Nam Phi thành một nước cộng hòa dân chủ. Trong những năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống, chúng ta thấy ở nước cộng hòa Nam Phi,  không hề có những cuộc trả thù như cho đi “ cải tạo” hay như có sự phân biệt đối xử đối với những người đã từng có vị trí lãnh đạo trong chính quyền cũ của người da trắng. Dưới sự lãnh đạo Nelson Madela,  tổng thống da đen đầu tiên của nước Cộng hòa Nam Phi, mọi người, mọi giai cấp đều bình đẳng như nhau trong cuộc bầu cử không phân biệt màu da, giàu, nghèo… Mọi người, cùng tất cả các đảng phái được bày tỏ chính kiến không có sự trả thù, bài xích… Nelson Madela đặc biệt quan tâm đến đời sống của người nghèo khổ, bất kể người đó là da đen hay da trắng bằng những chính sách hợp lòng dân. Ông ủng hộ hòa bình, hòa giải không riêng cho cộng hòa Nam Phi, rộng ra cả châu Phi. Nelson Madela vĩ đại ở một chữ “tâm” rất lớn là không tham quyền cố vị, không nhân danh bằng những lời “ ngoa ngôn” để giữ bằng được quyền lực của mình. Nelson Madela chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ ( 1994 -1999) rồi nhường chức đó cho một người khác, do nhân dân lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử tự do, dân chủ. Nelson Madela trở về với cuộc sống bình dị,  dành tất cả thời gian còn lại, vơi uy tín của mình để làm từ thiện, lãnh đạo phong trào không liên kết, chống áp bức, bất công, hòa giải những cuộc xung đột đẫm máu… Cả châu Phi biết ơn ông. Đặc biệt, Nelson Madela không phép bất cứ kẻ nào, dù đó là người thân thiết ruột thịt lợi dụng uy tín, vị trí của ông để làm bậy, thu vén cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến đảng cầm quyền. Nên thế, người vợ đã từng “đồng cam cộng khổ” khi ông bị tù đầy, sau này đã có những việc làm xấu, nhân dân, đảng viên của đảng cầm quyền lên án, Nelson Madela cương quyết li dị, thông báo rõ cho toàn dân biết… 
        Thế giới không nhiều lãnh tụ như Nelson Madela.
         Nelson Madela không cần xưng tụng là “lãnh tụ thiên tài”, “ người cha của dân tộc”, cũng không bắt nhân dân hàng ngày phải giơ khẩu hiệu “ muôn năm”…Nhưng với đức độ, tài năng , nghị lực lớn, bất chấp tuổi cao, bệnh tật Nelson Madela quyết thực hiện bằng được một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, bạo lực,  các dân tộc sống trong tình nhân ái. Ông cũng không lên án chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cộng sản mà hết lòng ủng hộ bất cứ một nhà nước, hay chế độ nào lo được cho dân, xóa được bất công,  đói nghèo, có một chế độ dân chủ thực sự bảo đảm quyền sống của người dân…
           Nên thế, Nelson Madela, là là biểu tượng của hòa bình, tên của ông được cả thế giới, không còn phân biệt chủng tộc, chính kiến, tôn giáo… đều ca ngợi. Ngày sinh của ông ( 18/7/1918) được Liên Hợp Quốc chọn là ngày Nelson Madela.
         Một con người đã nhận được tất cả những danh hiệu, giải thưởng cao quý nhất của các tổ chức lớn trên thế giới trao tặng.
        Một con người được cả một châu Phi gọi là “ Cha” với tất cả sự biết ơn và ngưỡng mộ.
        Một con người, trong những ngày này, làm nhòa đi chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Nam Phi, chỉ vì một nguyên nhân rất đơn giản: nhân dân cả nước Cộng hòa Nam Phi nói riêng, thế giới nói chung đang lo bệnh tình của Nelson Madela.
        Nelson Madela, tên ông không thuộc về nhân dân của nước Cộng hòa Nam Phi, mà thuộc về thời đại, thuộc về thế giới.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
       

DÂN LÀM BÁO * TÙ NHÂN Z30 NỔI LOẠN

Tù nhân Z30A nổi dậy, bắt giám thị làm 'con tin'

Thượng tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam Xuân Lộc đang bị các tù nhân nổi dậy giữ làm 'con tin'
Danlambao - Nguồn tin thân cận vừa gửi đến Danlambao cho biết: Khoảng 8 giờ sáng nay, 30/06/2013, các tù nhân tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đồng loạt nổi dậy để phản đối chế độ lao tù CS khắc nghiệt. Cuộc phản kháng bùng phát tại phân trại số 1 (K1) với sự tham gia của 1000 tù nhân. Sau khi làm chủ hoàn toàn phân trại, các tù nhân đã phá cửa và bắt giữ một viên thượng tá - giám thị làm 'con tin'.
Trại giam Xuân Lộc còn được gọi là trại Z30A, đây là nơi hiện đang giam giữ nhiều tù nhân lương tâm tại Việt Nam như anh Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Việt Khang... Trước đó, anh Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải từng bị đày ải tại đây trong suốt thời gian dài.
Được biết, cuộc nổi dậy bắt đầu bùng phát tại phân trại số 1 thuộc trại giam Xuân Lộc. Nguyên nhân cuộc nổi dậy bắt nguồn từ việc anh em tù nhân thường xuyên bị cán bộ đánh đập, chế độ ăn uống bị cắt xén, trong khi bị bắt lao động cực nhọc...
Hiện nay, một viên thượng tá CA tên Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam Xuân Lộc đã bị tù nhân giữ lại làm 'con tin' phía bên trong. 
Cho đến thời điểm này, các tù nhân vẫn đang làm chủ tình hình phía bên trong trại, lực lượng công an đã được huy động mỗi lúc một đông nhưng vẫn chưa thể xâm nhập vào.
Các tù nhân kêu gọi sự lên tiếng kịp thời của truyền thông cũng như dư luận, nhằm tránh xảy ra cuộc đàn áp khốc liệt của CA như các vụ nổi dậy trước.
Ông Nguyễn Bắc Truyển, một cựu tù nhân lương tâm từng bị giam giữ tại Xuân Lộc cho biết thêm: Phân trại số 1 - Trại giam Xuân Lộc là nơi tù nhân nổi dậy. Toàn bộ trại giam Xuân Lộc có 6 phân trại. Phân trại số 1 gọi là phân trại trung tâm. Mỗi phân trại khoảng 1.000 tù nhân. Phân trại 1, có khoảng 10 tù nhân lương tâm. Đây là phân trại có chế độ giam giữ hà khắc nhất trong các phân trại.
Thông tin tiếp theo vụ việc sẽ được cập nhật trên Danlambao

TIN TỨC GẦN XA



Tù nhân nổi dậy ở trại giam Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Các phạm nhân xếp hàng nhập trại, sau giờ lao động tại trại giam Xuân Lộc
Các phạm nhân xếp hàng nhập trại, sau giờ lao động tại trại giam Xuân Lộc (2007, ảnh minh họa)
Courtesy Vietnamnet
Nghe bài này
Một vụ nổi dậy của tù nhân chính trị tại phân trại 1, trại tù Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai diễn ra sáng ngày hôm nay 30 tháng 6 năm 2013.
Nổi dậy cướp điện thoại báo ra ngoài
Thông tin từ cuộc gọi của điện thoại mang số 962467908 được chuyển ra ngoài cho biết một số tù nhân chính trị đang thụ án tại phân trại 1 của trại Z30A Xuân Lộc bắt giám thị có tên Hồ Phi Thắng làm con tin. Mục đích được nói nhằm phản đối việc đánh đập tù nhân và phần ăn bị cắt xén…
Chúng tôi nhiều lần gọi điện vào số điện thoại vừa nói từ lúc 11:30 sáng đến lúc 1 giờ chiều, nội dung cuộc gọi như sau:
Gia Minh: Có phải ông Hồ Phi Thắng không?
Trả lời: đang bận ăn cơm, chốc nữa gọi lại sẽ nói; 30 phút nữa gọi lại.
Theo như hẹn đúng 30 phút sau chúng tôi gọi lại nhưng máy đã bị cắt không thể liên lạc được.
Trong số những người tù chính trị đang bị giam tại phân trại 1, trại tù Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai, có ông Nguyễn Ngọc Cường bị kết án về tội rải truyền đơn chống Nhà Nước.
Người con của ông là Nguyễn Ngọc Trường Thi cũng từng bị giam tại đó ba tháng, cho biết nay ông bố là Nguyễn Ngọc Cường cũng ở đó với sáu tù chính trị khác trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang…
Tháng vừa rồi gia đình có đi thăm và biết bố đang bị nhốt chung với các anh em tù chính trị, gồm 6 người, trong một khu khoảng 100 mét vuông. Trong đó có những người là Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang…
Cựu tù nhân chính trị Lê Thăng Long, người từng bị đưa ra xét xử trong cùng vụ án với ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung cho biết bản thân ông nhận được thông tin từ máy điện thoại mang số 962467908 về cuộc nổi dậy vào sáng ngày 30 tháng 6 vừa như sau:
Khoảng 11 giờ 30 tôi nhận được một cuộc điện thoại từ phân trại 1, trại giam Xuân Lộc gọi ra. Anh em trong đó thông báo cho tôi biết tình hình của trại giam: lúc khoảng 7-8 giờ sáng nay, anh em tù nhân đã nổi dậy và bắt giữ ông giám thị của Z30A, Hồ Phi Thắng. Nguyên nhân là việc đối đãi trong tù không được tốt; đặc biệt là đánh đập tù nhân, cắt xén khẩu phần ăn của tù nhân, cũng như không đáp ứng những yêu cầu chính đáng của anh em tù nhân.
Khoảng 11 giờ 30 tôi nhận được một cuộc điện thoại từ phân trại 1, trại giam Xuân Lộc gọi ra. Anh em trong đó thông báo cho tôi biết tình hình của trại giam: lúc khoảng 7-8 giờ sáng nay, anh em tù nhân đã nổi dậy và bắt giữ ông giám thị của Z30A, Hồ Phi Thắng
Ông Lê Thăng Long
Phân trại 1, tức K1 của trại giam Z30A trại giam Xuân Lộc là nơi có một số tù nhân lương tâm đặc biệt như ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng…
Cho đến lúc 11:30 và sau đó anh em trong đó vẫn làm chủ tình hình và giữ ông Hồ Phi Thắng.
Khu trại có mấy lớp tường và hàng rào xung quanh, biệt lập.
Theo kinh nghiệm ở những cuộc nổi dậy tương tự ở những trại khác, nếu lực lượng bên ngoài không dùng bạo lực thường họ đàm phán để trao đổi về các yêu sách của anh em tù nhân và sau đó diễn ra các bước tiếp theo để hai bên có những thỏa thuận, đáp ứng yêu cầu anh em tù nhân.
Khắc nghiệt với tù chính trị
Ông này cũng trình bày lại tình hình điều kiện nhà tù khi ông bị giam:
Khi tôi ở trại tạm giam điều kiện tương đối khắc nghiệt hơn. Đặc biệt trong thời gian đầu tôi không được tiếp xúc gì với gia đình hết. yêu cầu gặp luật sư cũng không được. Đó là những quyền căn bản nhưng không được đáp ứng; người ta lấy lý do vì an ninh quốc gia. Nhưng theo tôi đây là việc sử dụng những điều luật về an ninh quốc gia mơ hồ để hạn chế quyền của công dân. Những tù nhân chính trị khác cũng bị trường hợp này. Trong thời gian này còn bị gây sức ép rất nhiều như mớn cung, ép cung. Như trường hợp anh Thức họ nhốt vào xà lim kín khiến anh ngộp thở và sắp nguy hiểm đến tính mạng.
Khi vào tù thì cũng có những khắc nghiệt như yêu cầu phải nhận tội thì mới được điều kiện thăm nuôi của gia đình, hay giảm án…
Ông Lê Thăng Long cũng nhắc lại một trường hợp các tù nhân nổi dậy ở Trại giam A2 của Bộ Công An tại Khánh Hòa hồi ngày 28 tháng tư năm ngoái. Một số tù nhân sau vụ nổi dậy đó bị chuyển về trại Z30 A Xuân Lộc và kể lại cho ông này.
Xin được nhắc lại tại trại giam Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai là nơi từng giam giữ những tên tuổi như blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hài, Tạ Phong Tần trước khi bị chuyển ra bắc.
Ý kiến (0)

Khai quật một ngôi mộ cổ tại Peru

CỠ CHỮ
Các nhà khảo cổ Peru đã khai quật một ngôi mộ cổ với những báu vật và xác ướp phụ nữ cách đây khoảng 1.200 năm.

Việc khám phá tại phía bắc Lima có thể soi sáng về đế quốc Wari, đã cai trị vùng Andes trước khi nền văn minh Inca tốt hơn nổi lên.

Hàng chục bộ xương được tìm thấy trong mộ, gồm cả 57 xác ướp phụ nữ.

Những xác ướp này được tìm thấy trong tư thế ngồi và được biết là vợ hay tùy thiếp của một thành viên ưu tú trong đế quốc Wari.

Các phụ nữ được chôn với nữ trang, đồ sứ đẹp và những vật khác, như là chén bát và kim.

Bộ Văn hóa Peru cho biết công việc khai quật tại địa điểm này sẽ vẫn tiếp tục, và trong một vài tháng sẽ loan báo kết quả của việc khai quật.
 http://www.voatiengviet.com/content/khai-quat-mo-co-peru/1692014.html

NGÀNH MAI * GÁNH HÁT PHỤNG HẢO


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/traditional-music-062913-nm-06282013171724.html

MẶC LÂM * NHỮNG BÀI THƠ YÊU NƯỚC

Những bài thơ yêu nước được sáng tác trong tù

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-06-29
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
le-quoc-quan-305
 
 
Luật sư Lê Quốc Quân tham gia biểu tình chống Trung Quốc hôm 8 tháng 7 năm 2012 tại Hà Nội.
AFP


Việt Nam có lẽ là đất nước có những bài thơ yêu nước được sáng tác trong tù nhiều nhất so với nền văn học thế giới. Nhà tù thời đại nào cũng là nơi giúp người hoạt động cách mạng có cơ hội suy nghĩ, gợi nhớ và nuôi duỡng ngọn lửa yêu nước bên trong bốn bức tường câm nín của trại giam. Bóng tối nhà tù kỳ diệu thay lại làm bùng vỡ ánh sáng trên dòng thơ của những con tim chói chang niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn cho đất nước, xã hội. Nguyễn Chí Thiện là một điển hình như thế.
Nếu thơ của Nguyễn Chí Thiện bay ra ngoài Việt Nam một cách khó khăn với nhiều câu hỏi về tính xác thực của tác giả thì những bài thơ yêu nước trong nhà tù hôm nay lại tiếp cận được với người đọc, người nghe nhanh chóng và căn cước của tác giả không ai có thể nghi ngờ, ngay cả khi tác giả những bài thơ ấy còn ngồi trong bốn bức tường tăm tối của nhà tù chờ ngày ra tòa xét xử.
Trường hợp thứ hai rơi vào luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, đang bị giam giữ tại nhà giam Hỏa Lò Hà Nội.
Nằm trong trại giam người luật sư ấy làm nên những câu thơ bén và âm ỉ cháy trong lòng người được đọc nó. Lê Quốc Quân làm thơ không để nổi tiếng vì với ông sự nổi tiếng từ thơ có lẽ là điều khôi hài vì con đường dẫn tới công lý, sự thật mà ông đang đi còn lắm chông gai. Thơ không thể thay thế chiếc giày êm ái mà chỉ bằng niềm tin vào tổ quốc mới có thể giúp ông vượt qua con đường khổ nạn.
Cảm hứng đến với thơ của ông không bằng cái lay động của gió, của cỏ cây hay tình tự của những yêu đương thường thấy. Thơ của ông quằn quại với sóng nước Biển Đông cùng những giòng máu đỏ mà quê hương đang chảy. Những giòng máu bất kể từ ngư dân hay người chiến sĩ, đối với tác giả, đều mặn như nhau và từ cái mặn nồng tươi rói ấy Lê Quốc Quân sáng bừng ra tình yêu nước tự nhiên của một công dân đối với non sông của mình.
Ngồi trong tù, Quân nghe rất rõ tiếng vỗ uất ức của những ngọn sóng Việt Nam. Cái âm thanh ấy làm thành thơ, thành hơi thở nặng nhọc của người tù Hỏa Lò vào ngày 25 tháng 3 năm 2013, cùng lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Tập Cận Bình và chiếc tàu của ngư dân Việt bị Trung Quốc bắn cháy cabin!

Hỏa lò vọng sóng Biển Đông

Đọc vội trên ngay báo Nhân Dân của Đảng đủ làm dậy sóng lòng tôi.
Đêm nay!
Sóng biển đông uất ức vỗ vào nghềnh đá
Tha thiết gọi tên anh tên tôi.
Đêm nay!
Có đôi tay bất lực ghì vào song sắt
Da diết gọi Hoàng Sa-Trường Sa
Âm vang mãi của sóng giọng của người tù
Rơi vào khoảng không vô vọng!
Lũ giặc cướp tung hoành trên biển đông
Chúng lập tam sa xây nhà tù trên đảo.
Bắn giết hải quân cầm tù ngư phủ
Chúng cắt thông tin xua bình minh trên biển
Xô đổ cả hoàng hôn duyên hải
Đem đêm tối kinh hồn cho vợ con xóm nhỏ.
Biển đảo ta đây!
Tổ quốc ta đây, bao đời ông cha gìn giữ sao chỉ phản đối nước đôi?
Bởi lãnh đạo bị bao vây tứ phía
Chúng lấy học thuyết Tam vô làm vòng kim cô cầm tù não bộ.
Chúng lấy đại cục, phân mảnh lòng người.
Chia chác tài nguyên cướp con cá biển trong bữa cơm chiều con trẻ việt.
Chúng lấy tình môi-răng, căng mình giữ ghế tham quyền cố vị, vơ vét tài nguyên, bỏ đói cả tương lai dân tộc.
Ôi! Tây nguyên, biên giới, cà mau, thanh hóa
Vũng áng, thái bình nhan nhản dấu chân tàu
Hoa quả, gia cầm đồ dùng thức uống
Văn hóa phi trường, tràn ngập tiếng hoa.
Quê hương tôi đã mất thật rồi ư?
Không?
Sóng đã nổi từ trong ngục tối
Nơi anh em nhắm mắt biểu tình
Và lắng nghe tiếng đồng bào cùng bước
Hào khí đông A ngập tràn khóe mắt
Tiếng hô vạng dội một góc trời
Đứng lên đi như ông cha từng đã quét sạch bóng thù nước Việt vững ngàn thu!

 
Hoả Lò ngày 25 tháng 3 năm 2013

 
Trong cái nhà tù nổi tiếng ấy, người cha Lê Quốc Quân không thể không chạnh thương đối với những đứa con bé bỏng của mình. An,Thái, và Việt là tên gọi thương yêu, là nìêm tin của người cha vào tương lai của gia đình cũng như những ước mơ thầm kín thể hiện qua cái tên của từng mái đầu nhỏ bé, trong bài An Thái Việt ông nhắn nhủ:

Có tên khắc khoải trong tim óc
Dẫu rất bình yên An-Thái-Việt
Có đêm thao thức lòng đau tức
Ai nghĩ về ai nước mắt nhòa

An Hà năm nay lên lớp 6
Cha chưa về được để dạy thêm
Nghe lời bà dặn ngoan con nhé
Học giỏi chơi vui giúp mẹ Hiền

Thái Hà con ơi Cha nhớ lắm
Không biết bây giờ ai đón đưa
Nhớ khi cha con cùng đến lớp
Hay chốn vườn quê mãi sức đùa

Việt Hà con ơi cha vẫn thấy
Đôi chân công chính đang tập bước
Dẫu sớm đau thương có sá gì
Trên đường thiên lí bóng con đi

Cuộc đời vẫn thế đầy giông bão
Các con gắng sức trước gian lao
Giờ hãy ngủ đi bình an nhé !
Mai sớm cùng cha đón bình minh

Hỏa lò, xuân Q T


Người tù sống nhờ vào bạn tù. Họ chia sẻ cho nhau từng hạt cơm, miếng giẻ cũng như các mẩu chuyện vui buồn. Lê Quốc Quân chia sẻ cái nhìn, niềm trăn trở của nhà thơ về một vấn đề lớn hơn mà khó một người tù hình sự nào để ý tới: Vấn đề tự do dân chủ. Trong bài Tặng người bạn tù ông viết:

Bài thơ này tôi viết tặng anh
Người bạn tù chung manh chiếu rách
Sau song sắt đêm chúng mình tâm sự
Anh có nghe quá khứ vinh quang
Của nước Việt ngàn năm trung dũng
Khi giặc già lăm le bờ cõi
Hội nghị Diên hồng ông cha quyết đánh
Bến Bình than tướng trẻ bóp nát cam
Đại cáo bình Ngô vang dội trời nam
Bỗng tiền nhân như ngọc sáng dọi về

Tôi kể anh nghe hiện tại đau thương
Thời một đảng úp trùm toàn dân tộc
Nhân dân lầm than đói khổ đủ đường
Độc lập đó còn tự do không có
Tham nhũng thành quốc nạn tràn lan
Quyền tự do dân chủ không còn
Người tranh đấu bị giam vào ngục tối

Ta kể nhau nghe về tương lai tươi đẹp
Của Việt Nam trong hòa nhập toàn cầu
Dân chủ có mà nhân quyền cũng có
Và tự do cho tất cả mọi người
Đến lúc đó nước Việt của chúng ta
Không thua kém láng giềng xung quanh
Mà từ hôm nay đến đó còn xa
Còn nhiều việc chúng ta cần làm nốt
Chúng mình cùng gánh vác nghe anh!



Le-quoc-quan-anhbasam-250.jpg
Luật sư Lê Quốc Quân, anh Paulus Lê Sơn cùng một số người khác bị bắt giam khi đang đứng bên ngoài Tòa án Hà Nội hôm xử TS luật Cù Huy Hà Vũ 04-04-2011. Courtesy Anhbasam.

Là một luật sư, Lê Quốc Quân hiểu rõ thế nào là luật pháp. Hiểu rõ và tin tưởng vào những gì mình được học, được bồi dưỡng kiến thức tại nước ngoài. Người luật sư ấy tiếc thay lại không chịu bẻ mình uốn theo những gì mà tòa án Việt Nam muốn với những bản án bỏ túi xử theo chỉ thị chứ không theo pháp luật. Là một luật sư trẻ và mang nhiều hoài bão, Lê Quốc Quân dùng kíên thức luật pháp của mình để lên tiếng chống lại những sai trái của hệ thống tư pháp Việt Nam, hệ quả là cả hệ thống quay ngược lại tấn công ông và cuối cùng thì ông bị tước đi mảnh bằng mà bao nhiêu năm từng theo đuổi.
Những gai góc bất công trong chế độ không thể làm cho người tù Lê Quốc Quân khuất phục mà ngược lại chúng làm ông lớn lên, cứng cáp hơn trứơc những thử thách mà hệ thống tư pháp cộng sản muốn ông nhận lãnh.

Chí người ngục sỹ

Lúc lặng lẽ ngồi trong ngục tối
Là khi ta mưu sự cơ đồ
Đôi mắt nhắm mà lòng cuộn sóng
Chí bừng lên vang dội trăm miền
Ý chí ta vực thẳm núi cao
Trải rộng khắp bình nguyên đại mạc
Chí là hướng lung linh tâm bão
Bão lòng người thổi giữa nhân gian
Chí là hoa nở trong máu đỏ
Máu anh hùng chảy mãi thiên thu
Chí đã chín lòng ta đã quyết
Quyết đứng lên tranh đấu một phen
Vì nhân dân cơ cực bần hàn
Ý chí đó ngàn đời không đổi

Hỏa lò 4/2013


Không ít người cho rằng luật sư Lê Quốc Quân bị bắt vì chống Trung Quốc. Nếu nghĩ thật cặn kẽ, có người Việt Nam hiểu biết lịch sử nào mà lại không chống Trung Quốc, hay nói đúng hơn là chống tư tưởng Đại hán, bá quyền. Lê Quốc Quân có chống Trung Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. Trước khi bị bắt ông đã có những bài thơ hùng tráng như bài Tổ Quốc Gọi Tên do chính ông tự đọc sau đây:

Đêm qua tôi nghe tổ quốc gọi tên mình.
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa vang dội vào ghềnh đá
Tiếng tổ quốc vọng về từ biển cả
Nên bão tố dập dồn chăng lưới bủa vây
Tổ quốc của tôi. Tổ quốc của tôi
Bốn ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, thắp lên ngọn đuốc hòa bình
Bao người đã ngã, máu của người nhuộm mặn sóng biển đông
Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình, chúng ngang nhiên chia cắt tôi và tổ quốc
Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước
Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau
Sóng chập vào bình yên dẫn lối những con tàu
Sóng cuộn đỏ máu những người đã mất
Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc
Chín muơi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam
Chín muơi triệu người lấy thân mình che tổ quốc linh thiêng
Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố
Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa
Tôi lắng nghe tổ quốc gọi tên mình.


Người tù trẻ tuổi và đầy chí khí ấy sẽ ra tòa vào ngày 9 tháng Bảy này. Hầu như những người biết chuyện đều nhìn vào cái ngày xử án ấy với tâm lý chờ đợi một diễn biến khác với vụ xử của blogger nổi tiếng Điếu Cày với cùng tội danh trốn thuế. Lê Quốc Quân rất kinh nghiệm đối với chính quyền Việt Nam khi đã chuẩn bị sẵn cho mình tư thế trước tòa và tư thế trước công luận. Ông gửi một thư ngỏ ghi âm tiếng nói của mình để tránh trước những đòn thù dưới thắt lưng mà chính quyền có thể dành cho ông nếu không thể kết án ông một cách hợp pháp.

Thư ngỏ

Là một công dân Việt Nam luôn tha thiết với sự lớn mạnh của đất nước và dân tộc mình, tôi tin rằng chỉ có tự do dân chủ mới giải phóng con người đem lại sức mạnh Việt Nam phát triển.
Là một luật sư bất đồng chính kiến tôi có thể gặp những khó khăn hoặc bị tù đày. Bởi vậy tôi viết thư ngỏ này trình bày những điều phòng sau khi mình không được tự do thì sẽ có nhiều thông tin không chính xác.
Thứ nhất, với sự hiểu biết về pháp luật của mình tôi khẳng định rằng những hoạt động tranh đấu, những bài viết, những lời nói của mình là tốt đẹp và hoàn toàn vô tội theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Thứ hai, tôi không hoạt động vì quyền lợi của quốc gia nào khác ngoài tổ quốc Việt Nam. Tôi hoạt động để góp phần xây dựng xã hội dân sự. Tạo phong trào dân sự rộng rãi nhằm thực hiện nguyện vọng của nhân dân, thông qua cơ chế dân chủ và bằng phương pháp bất bạo động.
Thứ ba, tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm và lập trường của mình về những vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền. Tôi nỗ lực tối đa để bảo vệ nó trong mọi hoàn cảnh, tuy nhiên, nếu khi tôi không còn được tự do mà có những thông tin đi ngược lại với lý tuởng đấu tranh của mình thì cần được coi là không phản ảnh đúng với ý chí và lý trí của tôi. Những chứng cứ đó là hoàn toàn vô giá trị.
Thứ , tôi xin đón nhận mọi khó khăn như những món quà mà tổ quốc đã trao tặng cho mình. Tôi chịu trách nhiệm cá nhân về những hành vi của mình. Tôi sẵn sàng xin lỗi về những thiếu sót, nếu có, đối với anh em bạn bè. Nhưng việc sử dụng các hành vi của tôi để buộc tội, hoặc làm bằng chứng chống lại bất cứ ai đều là vô hiệu. Tôi phủ nhận hoàn toàn mọi bằng chứng liên quan làm phương hại đến các anh em khác đang tranh dấu vì một Việt Nam đổi mới, dân chủ, phát triển và giàu mạnh.
Cá nhân tôi luôn tin vào khát vọng và nỗ lực của chính nhân dân Việt Nam. Tôi tin rằng một ngày không xa chúng ta sẽ có được tự do dân chủ thực sự. Mọi người dân Việt Nam đều có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai. Có quyền mưu cầu hạnh phúc và thành công ngay trên chính quê hương Việt Nam yêu dấu này.
Trân trọng kính thư.
Tôi, luật sư Lê Quốc Quân xin cám ơn.
Những ngày gần đây Luật sư Quân đã gặp khá nhiều sách nhiễu trong nhà tù nhưng với ông có lẽ những sách nhiễu ấy không thề sánh bằng tình cảm người thương yêu ông dành cho một con người ái quốc. Vợ ông kể lại những diễn tiến mới nhất khi luật sư của ông kể lại cho bà biết ông sẽ tịch cốc một tuần lễ để tỏ lòng biết ơn những người thương yêu ủng hộ ông, bà nói:
Hiện tại anh Quân vẫn trong điều kiện khắc nghiệt trong tù vì bị phân biệt đối xử. Tin mới nhất hôm nay do luật sư cho biết anh Quân quyết định sẽ tịnh cốc từ ngày 23 tới ngày 30 tháng 6, anh sẽ chỉ uống nước và không phải là tuyệt thực, anh tịnh cốc thì chỉ uống nước lọc. Anh muốn chia sẻ với những người đang gặp khó khăn và muốn thực sự bày tỏ lòng cám ơn với mọi người đã ủng hộ, lên tiếng cho anh và cho gia đình.
Người tù nhân dũng cảm ấy đã chọn cho mình một hướng đi trung thực, không phản lại với công lý, với lương tâm và nhất là lòng ái quốc của một kẻ sĩ. Thơ của ông diễn tả tâm trạng khắc khoải của một người đi làm cách mạng, cuộc cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh như những người dân Nghệ An quê hương ông từng làm.

No comments:

Post a Comment