Y PHỤC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Y PHỤC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
TÀI LIỆU TỔNG HỢP
A. Y PHỤC HOÀNG CUNG
Trang phục Cổn Miện thời Lý, Trần được phục dựng theo phù điêu cổ Ngô thị gia bi
Từ trên xuống: Long bào triều Lê Trung Hưng, Long bào triều Nguyễn và Mãng bào của chúa Nguyễn (thời Trịnh Nguyễn phân tranh)
Trang phục của các vương công triều Nguyễn
Lính Giao chỉ vẽ năm 1960 (một tác giả nước ngoài) và lính cầm cờ dắt
ngựa thời Lê (một tác phẩm được lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).
Áo cổ tròn bốn vạt và dép quai ngang, được sử dụng trong tầng lớp trung lưu thời Nguyễn (ảnh phục dựng lại)
Mệnh phụ Việt Nam thời Lê với áo trực lĩnh màu lục, và áo cổ tròn có váy quây bên ngoài
Theo nghiên cứu của Trần Quang Đức, trong thời gian Trịnh Nguyễn phân
tranh, mốt "quấn khăn" đã ra đời tại Đàng Trong và trở thành tiền thân
cho việc đội khăn xếp sau này. Trong ảnh là Lính Đàng Trong năm 1793
(một tác giả nước ngoài). Khăn quấn trên đầu một cách rất "tự phát"
và chân dung một viên quan nhỏ tại vịnh Đà Nẵng thời Đàng Trong (tranh của một tác giả nước ngoài)
Trang phục của người Việt xứ Đàng Trong (tranh của một tác giả nước ngoài)
Trang phục của vua Trần Anh Tông trong tranh cổ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
Mũ của tụng quan thời Trần, thể hiện trong tranh cổ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ
Nguyễn Thượng Hiền
Nguyễn Công Trứ
Dương Khuê
Nam Phương hoàng hậu
Một hoàng phi trong áo tấc nữ
Xiêm
Ba dạng lễ phục truyền thống Việt Nam
Lễ phục truyền thống Việt Nam khá đa dạng. Các loại trang phục này được phân loại theo hình dáng. Nhưng cách phổ biến hơn là gọi tên theo cách cắt của cổ áo. Theo cách này thì ngày xưa nước ta có ba dạng lễ phục: giao lĩnh, trực lĩnh và bàn lĩnh.
Giao lĩnh có cổ cắt vạt chéo cài sang bên phải. Đây là lễ phục trang trọng nhất trong các lễ phục cổ truyền, được mặc trong các lễ tế. Cao cấp hơn cả của loại này là áo cổn ở trong cung, may bằng đoạn thất thể rất quý hiếm, thường được vua, quan mặc trong lễ tế giao. Trong triều còn loại giao lĩnh gọi là phổ (bổ) phục, may bằng vải thanh cát để mặc trong các lễ thường, những buổi tập dượt cho các kỳ đại tế.
Khi mặc giao lĩnh thì trên đầu phải đội mũ, miện. Áo may rất rộng, xẻ
bên hông. Tay áo cắt thụng, khi buông xuống dài bằng gấu áo. Các nước
Đồng văn trọng Khổng giáo ở Á châu như Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam
đều có áo này. Dưới thời Nguyễn ở Việt Nam phụ nữ không mặc giao lĩnh.
Hiện nay trong nhiều lễ tế đình ở các làng, xã, người mình vẫn mặc áo
giao lĩnh.
Trực lĩnh có vạt xẻ dọc ở giữa thân trước. Lễ phục trực lĩnh trong cung
thời Nguyễn dành riêng cho các bà và gọi là áo mệnh phụ. Trong khi đó
các nam đạo sĩ Lão giáo bên Trung Quốc lại có mặc áo được cắt y hệt như
áo mệnh phụ của phụ nữ Việt. Áo nhật bình của các sư sãi trong nước cũng
thuộc dạng trực lĩnh. Lễ phục trực lĩnh may rộng, xẻ bên, và có tay cắt
thụng dài bằng gấu. Áo được xẻ vạt bên hông. Áo trực lĩnh phổ thông
nhất ngoài dân gian là áo dài tứ thân của phụ nữ miền quê Bắc Bộ, nhưng
không thuộc chủng loại lễ phục.
Bàn lĩnh tức áo cắt cổ tròn, có hoặc không cổ, vạt cài sang phải, là
loại lễ phục phổ thông nhất ở nước ta trước đây. Ở trong cung áo này
được cả nam lẫn nữ sử dụng dưới dạng long, phượng, và mãng bào; cho vua,
hậu phi, và các vương công, quan lại mặc trong đại lễ. Áo được may bằng
gấm thất thể quý hiếm, có cổ tròn. Áo rất rộng, xẻ bên, tay cắt thụng
dài bằng gấu áo. Áo được mặc trong các lễ đại triều, triều yến.
Giao lĩnh, bàn lĩnh, bàn cổ đứng, trực lĩnh
Lễ phục bàn lĩnh phổ thông nhất ngày xưa của người Việt có cổ đứng, gọi
là áo tấc. Áo cũng cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài
khuy phải như áo dài, đi đôi với khăn vấn cho cả nam lẫn nữ, và sau này
là khăn xếp cho đàn ông. Áo này được mặc trong các lễ yết miếu, từ
đường, việc hỷ như cưới xin, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.
Áo dài 5 thân cổ đứng cũng thuộc dạng bàn lĩnh. Gọi là 5 thân, hay 5 tà,
vì áo được ghép bằng 5 mảnh vải. Mỗi thân trước, sau gồm 2 mảnh nối lại
với nhau dọc giữa thân, thêm tà phụ bên phải trong vạt trước cho kín
đáo. Phải cắt như thế vì khổ vải ngày xưa rất hẹp. Sau này từ thời vải
Tây phương nhập vào với khổ rộng, hai tà trước không phải nối, áo dài
trở thành 3 thân như ngày nay. Cũng vì khổ vải xưa hẹp cho nên tay áo
dài 5 thân phải nối ở gần khuỷu. Cổ áo năm thân phụ nữ xưa thấp khoảng 2
đến 2,5 cm. Cổ áo nam cao khoảng 3,5 cm. Áo dài nam có gấu ngắn đến
dưới đầu gối, trong khi áo phụ nữ dài đến dưới bắp chân. Gấu áo rộng
trên 70 cm để ôm tà, gấu áo trước được cắt võng.
Áo dài 5 thân được mặc vào trong tất cả các loại áo bào kể trên khi làm
lễ. Thường trong các buổi lễ người ta mặc áo dài, và chỉ khoác áo bào
vào khi hành lễ. Hành lễ xong lại chỉ mặc áo dài. Vào các dịp tiếp tân
trọng đại trong triều đình thời cuối Nguyễn, người ta đeo thêm các huân,
huy chương, hay bội tinh với dải đeo (sash), lên áo dài. Ở ngoài phố,
khi có khách đến thăm bất ngờ thì chủ nhà cũng chỉ khoác vội lên người
cái áo dài là xong.
Các áo lễ mùa Thu, Đông được may bằng các loại vải dày như gấm, đoạn.
Xuân, Hạ, thì may bằng vải mỏng như sa, the. Ngoài ra còn một chi tiết
rất quan trọng trong quy định về lễ, triều phục ngày xưa, là khi mặc áo
lễ không được để lộ cho thấy quần.
Áo tấc (bàn lĩnh) với cổ đứng và áo dài là 2 loại lễ phục đặc trưng
Việt. Tự cổ chí kim không nước nào khác trên thế giới có hai loại trang
phục này ngoài nước ta. Tiếc rằng ngày nay cả áo dài lẫn khăn xếp nam
phái ở nước ta thường bị nữ hóa để trở nên lòe loẹt, thõng thượt, mất
hết sự trang trọng và vẻ nam tính.
B. Y PHỤC DÂN GIAN
Học giả Phan Kế Bính đã mô tả y phục phụ nữ miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20 rằng:
"Đàn
bà vấn khăn thâm, hoặc lượt hoặc nhiễu, hay vải nâu. Giời rét thì bịt
thêm cái khăn vuông bằng vải nâu hoặc bằng xuyên thâm. Yếm cổ xây hay
viền, dùng màu trắng nhiều hơn cả. Áo cũng dùng màu thâm, hoặc màu nâu,
duy người ăn chơi hoặc con hát mới mặc các màu xanh đỏ. Quần phần nhiều
mặc vải sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc nhiễu đỏ".
Trước
tiên ta thấy Nguyễn Bính nêu lên cái yếm, rồi đến cái dây lưng, cái áo
tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần đen. Đủ lệ bộ phải kể thêm nón quai
thao (đi với tóc đuôi gà) như hình ảnh cô gái trong bài Chùa Hương của
thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp:
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
Ta
sẽ lần lượt đi vào từng phần đã tạo nên sự hoàn chỉnh của bộ y phục phụ
nữ Việt Nam vùng châu thổ miền Bắc ngày trước, được xã hội "quy định và
công nhận" gồm: Khăn, nón, yếm, áo dài, thắt lưng, quần, guốc dép…
* Khăn mỏ quạ:
Người
đàn bà Việt Nam để tóc dài, cho nên khi làm việc phải vấn (quấn) tóc
lại cho gọn gàng. Trước tiên, họ quấn tóc trong một cái khăn vấn tóc, là
một miếng vải đen cuộn thành ống quấn trọn mái tóc (khăn vấn tóc có thể
bằng nhiễu hay nhung, nhưng nhung thì dễ tuột hơn nhiễu).
Cái vành khăn em vấn đã tròn
Câu cười, tiếng nói đã giòn, em lại ngoan
Đuôi
tóc dài mà quấn được vào khăn vấn vài vòng thì rất chắc, rồi để chừa ra
chừng một gang tay là tóc đuôi gà. Tóc đuôi gà vắt vẻo trên đầu, lại
đong đưa theo bước đi của người con gái (Nếu tóc không đủ dài thì phải
nối bằng một cái độn tóc)
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Phủ
bên ngoài khăn vấn tóc là khăn mỏ quạ vào mùa lạnh, hay khăn đồng tiền
vào mùa nóng (khăn này hai đầu cũng buộc ra sau gáy, mà người ta gọi là
bỏ giọt như khăn mỏ quạ, nhưng chít lại thành khăn vấn ngang ).
Thương ai mặc áo nâu sồng
Chít khăn mỏ quạ lạnh lùng sớm trưa
Khăn
mỏ quạ phải chít sao cho vừa và hợp với khuôn mặt: Nếu chít cái mỏ quạ
cao quá thì trông có vẻ điêu ngoa, còn để cái mỏ quạ thấp quá làm khuôn
mặt tối tăm. Chít khăn mỏ quạ sao cho khum khum, ôm lấy khuôn mặt người
con gái, làm cho khuôn mặt trắng hồng nổi lên trên nền đen của khuôn
khăn, giống như một búp sen hồng:
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Muốn
chít khăn mỏ quạ cho đẹp phải vòng khăn vấn tóc tròn lại và đặt ngay
ngắn trên đầu, hơi xệ và làm thành hình bầu dục về phía gáy, rồi ghim
lại. Khăn vuông, chừng bốn tấc, đem gấp chéo thành hình tam giác cho cân
đối, đặt lên vòng khăn tóc đã vấn, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường rẽ
ngôi của tóc, bắt hai góc khăn về phía hai tai, rồi thắt múi lại. Đội
khăn mỏ quạ là một trong những cách làm đẹp rất quan trọng của phụ nữ
Việt Nam một thời.
Nhìn em khăn vuông mỏ quạ
Để anh trong dạ tơ vương
Ngày lễ cưới, họa hoằn lắm mới có cô dâu quấn khăn vành dây: quấn nhiều vòng thật đều bằng khăn nhiễu điều (đỏ).
* Nón quai thao:
Nón
thì đội trên khăn - Nón quai thao là một loại nón mắc tiền, đẹp và sang
trọng. Thường các bà, các cô chỉ đội hay mang theo nón này trong những
dịp lễ tết, đình đám. Bởi đây chính là loại nón hội hè. Những chiếc nón
đã mãi mãi đi vào lòng người qua những câu ca dao:
Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh
Nón quai thao gồm hai phần: nón và quai thao.
-
Nón ở đây là loại nón không có chóp, vành tròn và phẳng như một cái
mâm, kích thước khá lớn, đường kính mặt nón chừng 70- 80 cm, vành nón
cao độ 10- 12 cm. Nón này được gọi là nón dẹt, nón thúng, nón chủng, nón
Nghệ. Đời nhà Trần, triều đình cho cải tiến nón này để các cung nữ đội
và gọi là nón thượng - "Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng".
Thứ
nón này chia làm ba loại: nón Đấu là loại nhỏ nhất, sườn thành thấp
nhất; Nón Nhỡ, còn gọi là nón Ngang, lớn hơn nón Đấu, giản dị hơn nón
Mười và nón Mười, còn gọi là nón ba tầm, có vành rộng, sườn nón cao hơn
hết.
Nón này em sắm đáng trăm
Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa
Nón này che nắng, che mưa
Nón này để đội cho vừa đôi ta
Nón
thường được làm ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh
Hà Đông. Mặt phẳng trên nón làm bằng lá gồi hay lá cọ. Phải lựa lá cọ
mỏng, sống nhỏ, không già, không non để có màu vàng sáng, vì lá già màu
vàng đậm (chỉ dùng làm nón chóp che nắng, che mưa để làm việc), còn lá
non thì có màu trắng vàng (giống như màu nón bài thơ xứ Huế). Giữa nón
gắn một vành tròn như nắp tráp, vừa để đội đầu, cao khoảng 8 cm, đan
bằng giang, gọi là khua. Nón nặng nên khua phải cứng.
Khuôn
nón gồm những sợi tre nhỏ chuốt bóng, được may kỹ lại với nhau bằng chỉ
móc trắng và săn như dây cước. Mặt trong nón còn được trang trí bằng
giấy vàng hay bạc, ghép thành những hình hoa lá, hình chim bướm đẹp mắt
gọi là hoa nón. Ở những chiếc nón đặc biệt, lòng nón trên đỉnh còn được
đính gương soi, và dùng chỉ màu giăng mắc, đan qua đan lại
Nón này chính ở làng Chuông.
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khuôn
Hà Nội thì kết quai tua
Có hai con bướm đậu vừa chung quanh
-
Quai để giữ nón này là một loại quai đặc biệt, gọi là quai thao. Làng
Triều Khúc, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, tên nôm na là làng Đơ Thao,
nằm trên con đường Hà Nội - Hà Đông, cách trung tâm thành phố chừng 8
km, chuyên sản xuất loại quai này, nên quai gắn liền với tên làng thành
quai thao.
Làng tôi công nghệ đâu bằng
Là làng Triều Khúc ở gần Thanh Xuân
Quai thao dệt khéo vô ngần
Là nghề của Vũ sứ thần truyền cho
Người
làng Triều Khúc phải đi thu mua các loại mốt cục ở các làng canh cửi,
về gỡ rối từng mối, xếp thành loại để dệt quai thao. Mốt cục là những
sợi tơ rối, có sần, có cục bị thải ra; Còn mốt son là những sợi tơ tốt,
thường có màu son hồng dễ dệt làm biên (hai tấm rìa) lụa, lĩnh...
Mốt son đem dệt đầu hàng
Mốt cục đem bán cho làng Đơ Thao
Sợi
thao gồm nhiều sợi tơ, ngoài bọc tơ dệt liên tục, giống như bấc (tim)
đèn. Sợi thao sau khi dệt xong, được tết nút, nhiều đoạn được thắt lại
thành những trang trí nghệ thuật vừa đẹp mắt, vừa làm cho dây thêm chắc.
Một
bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao, dài từ 1.5 - 2 m, bện lại với
nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ
quai ở trước ngực, nón sẽ không bị đong đưa, lại tiện điều chỉnh khi đội
thẳng hay lúc cần nghiêng nghiêng che nắng.
Túa óng tơ vàng tha thướt gió
Vàng vàng lá lụa nắng tươi xinh
Khuôn hoa e lệ trong khuôn nón
Say mắt chàng trai liếc gửi tình - Anh Thơ
Có
hai trái cù (quả găng), to bằng ngón tay cái, được đan thắt công phu ở
hai đầu quai thao. Quai rủ xuống bờ vai thành tua dài từ 20 - 25 cm và
có chừng chục túm tua nho nhỏ, tạo sự mềm mại, vui mắt. Khi đội nón này,
nếu đi nhanh quá, quai thao sẽ quất vào mặt, cho nên các bà các cô phải
từ từ, chậm bước tạo nên vẻ chậm rãi, dịu dàng.
Thông
thường các cô gái thích dùng quai thao màu gốc của tơ tằm là màu trắng,
còn màu đậm như màu đen dành cho các bà đã có gia đình:
Chưa chồng nón thúng quai thao
Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai.
Đặc biệt phụ nữ ở phố phường còn dùng thêm chiên, thẻ cho vào nón quai thao
Chiên là một miếng bạc vuông, trong đó có vòng tròn, chạm hai con rồng chầu mặt trăng, đặt vào đáy khua nón.
Thẻ
cũng bằng bạc, to bằng con bài tam cúc, chạm hoa lá ở giữa, có vòng để
buộc quai thao nên người ta dùng hai thẻ cắm vào bên trong nón.
* Yếm:
Trong
y phục của phụ nữ Việt Nam ngày xưa, yếm mặc không bó chặt, là một loại
đồ lót để che ngực, mang tính chất thuần túy dân tộc, thường do người
dùng tự cắt may lấy. Khi ở nhà, nữ giới mặc yếm hở lưng, hở hai cánh tay
và đôi vai do khí hậu nóng bức:
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.
Cái
yếm xuất hiện từ lâu trong đời sống người dân, nhưng tới đời nhà Lý,
cái yếm mới có kiểu cách căn bản không thay đổi cho đến thế kỷ 19.
Yếm
là một vuông vải nhỏ, vắt chéo, vừa vặn che ngực; Góc trên khoét lỗ để
làm cổ, hai đầu đính hai sợi dây nhỏ để cột ra sau gáy; Ở phần trên của
hai cạnh yếm may hai đoạn vải dài để quấn ra đằng sau, đó là dải yếm,
rồi thắt lại ở đằng trước cho chắc ngực và ôm gọn lưng mà không cứng đờ,
thắt rồi bỏ lững ở trước mặt gọi là " thắt lưng con én ".
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi
Nếu
cổ tròn gọi là yếm cổ viền, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, cổ
có đít chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn. Các cô gái trẻ
thích mặc yếm cổ xây: Là một vòng vải may thật tròn vào cổ cái yếm, ủi
cứng. Một loại yếm cũng hay được các cô sử dụng là "yếm đeo bùa" - "Năm thương cổ yếm đeo bùa" - Người mặc thường để xạ hương vào trong một túi vải nhỏ đeo cạnh yếm, đó là một thứ "vũ khí lợi hại" của phái yếu ngày trước:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu.
Thuở
xưa, khi hẹn hò với người yêu, các cô gái thường cất một miếng trầu
trong cái yếm của mình, rồi mang ra mời, gọi là "khẩu trầu dải yếm". Có
lẽ không loại trầu nào có thể sánh bằng:
Trầu em têm tối hôm qua
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.
Màu
sắc của yếm còn được lựa chọn tùy theo trường hợp: Đi làm việc, đi chợ,
ra ruộng cấy gặt thì mặc yếm màu nâu non. Ngày thường ở nhà, mặc yếm
trắng:
Yếm trắng vã nước Văn Hồ
Vã đi, vã lại anh đồ yêu thương
(Khu
di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày xưa bao gồm một cái hồ lớn gọi là
Thái Hồ hay Văn Hồ. Phía đông Văn Hồ có Nho sinh quán - quán anh đồ - do
Phủ Hào, một người yêu thơ lập ra cho học trò các tỉnh về thi cử có chỗ
trú ngụ)
Ngày làng vào đám, ngày tết, ngày
cưới thì mặc yếm điều: yếm đỏ, còn gọi là yếm hồng, yếm đào, yếm thắm...
Màu đỏ là màu sắc chính trong lễ hội cổ truyền người Việt, tượng trưng
cho sự sống, sự may mắn, sự tốt lành và hạnh phúc. Do đó hình ảnh cái
yếm đỏ này được thấy thật nhiều trong thi ca Việt Nam, chẳng những ở ca
dao bình dân như : "Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi không?" hay "Hỡi cô yếm thắm bao xanh", mà còn đi vào tâm hồn của các thi sỹ một thời:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh - Hoàng Cầm
Yếm
thắm này được may bằng hàng vải chuội trắng, nhuộm với các sắc độ khác
nhau của màu đỏ: hoa đào, dâm bụt, cánh sen, xác pháo, mận chín, đỏ đậm,
đỏ tươi, đỏ cam... Còn loại hàng vải để may yếm thì tùy theo điều kiện
gia đình, tuổi tác:
Hỡi cô yếm trắng lòa xòa
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là chúc bâu
Hay là lụa bạch bên Tàu
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài
Cái
yếm là một thứ trang phục vừa kín đáo, vừa ỡm ờ độc đáo của phụ nữ
Việt, là một biểu tượng của nữ tính, trở thành ngôn ngữ trao đổi tình
yêu như bài huyền sử Hội yếm bay của thi sỹ Hoàng Cầm:
Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi
Em không buộc thắt lưng thon nữa
Thả búp căng tròn nuột ấy … ơi !
* Bao:
Bao có hai loại: bao ngoài và bao trong.
-
Bao ngoài: Ruột tượng, may bằng sồi se, màu đen, có tua bện hai đầu
bao, khổ rộng. Có thể đựng tiền trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn
qua lưng áo dài, bó chặt lấy các thân áo trước, rồi thắt múi to để che
trước bụng.
- Bao trong: Thắt lưng, là một
loại bao nhỏ, bằng chừng 1/3 bao ngoài, dùng để thắt chặt cạp váy vào
eo. Thắt lưng cùng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao ngoài, múi
dải yếm tạo thành những múi hoa nhiều màu sắc.
Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
Áo Đồng Lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh - Đoàn Văn Cừ
Thắt
(buộc) múi bao cũng là một nghệ thuật làm đẹp, góp phần làm nổi rõ cái
lưng ong nhỏ nhắn của các cô gái thời đó. Để làm duyên cho mình, phụ nữ
dùng những thắt lưng nhiều màu sắc, chít ở eo, để chúng bay phất phơ
trong gió, gồm những màu tươi sáng, được nhuộm lúc gần Tết, sang xuân để
mặc đi lễ, hội như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu cánh sen, màu hoa hiên
(vàng tươi), màu hồ thủy (xanh nhạt), màu thiên thanh, màu xanh cốm,
màu xanh lá mạ, màu nõn (đọt) chuối...
Hỡi cô thắt bao lưng xanh
Có về kẻ Bưởi với anh thì về
Làng anh có ruộng tứ bề
Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ
(Chữ
kẻ ở đây có nghĩa là một tập hợp, một cụm dân cư sống trong một địa bàn
cụ thể ở vùng đồng bằng Bắc bộ, danh từ này được dùng trước thời Bắc
thuộc. Từ thời Hùng Vương: Kẻ, chạ, chiềng là làng, xã, thôn ở vùng châu
thổ, còn bản, mường ở vùng cao).
Những
người nhà giàu miền quê, những nhà buôn thành thị còn đeo vào thắt lưng
một bộ xà tích bằng bạc (một bộ dây nhỏ có nhiều vòng móc), chạm trổ
tinh vi với ống vôi, quả đào đựng trầu thuốc, chìa vôi. Lúc bước đi, bộ
xà tích kêu xủng xoẻng, nghe vui tai.
Khen ai nhuộm nhiễu tam giang
Đánh dây xà tích cho nàng chơi xuân - Nguyễn Bính
* Quần / Váy:
"Cái
quần nái đen"- Cô thôn nữ trong bài thơ Chân Quê này đã mặc quần, không
còn mặc váy nữa!!! Từ thời Hùng Vương, phụ nữ Việt Nam đã mặc váy. Sau
bao lần đô hộ, người Trung Hoa muốn đồng hóa dân ta, đã bắt phụ nữ Việt
Nam mặc quần như người của họ. Vào năm 1655, vua Lê Huyền Tôn ra chiếu
chỉ cấm mặc quần, bắt buộc phụ nữ mặc váy để bảo tồn quốc phục. Đến năm
1744, chúa Nguyễn Võ Vương ở Đàng Trong đã ra lệnh cho dân chúng mặc
quần áo theo lối Tàu để đối lập với Đàng Ngoài: Cái quần phổ biến ở miền
Nam sớm hơn miền Bắc. Rồi năm 1828, vua Minh Mạng đã đi xa thêm: Bắt
đàn bà mặc quần, cấm triệt để mặc váy, gây ra phản ứng mạnh mẽ ở miền
Bắc.
Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Mà đi thì lột quần chồng sao đang
Có quần ra đứng bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.
Dù luật lệ là vậy, nhưng "phép vua thua lệ làng", các phụ nữ thôn quê miền Bắc vẫn giữ lấy cái váy. Có câu ca dao:
Trúc xinh trúc mọc ngoài sân
Em xinh thì váy hay quần cũng xinh
Từ
lúc bị người Pháp cai trị, phụ nữ thành thị đã dần dần mặc quần hai ống
màu trắng, trong khi phụ nữ thôn quê miền Bắc phải mất rất nhiều năm
mới bỏ được những cái váy cạp điều, váy cửa võng, váy đùm, váy kép... để
thay bằng những cái quần màu đen hay nâu đậm.
- Váy kép: Váy may hai lớp, bên ngoài là vải mỏng và nhẹ, lớp trong thì vải thô, dày.
- Váy đùm: Váy buộc túm lưng lại để cho tiện việc đồng áng.
- Váy cạp điều: Lưng váy may bằng hàng vải màu đỏ.
-
Váy cửa võng: Phía trước váy chùng xuống những mép gấp cong cong như
cửa võng. Người mặc váy khéo không để hụt phía trước, không để váy quay
tròn lấy người, mà phải thu xếp sao cho phía sau rủ xuống gần tới gót
bàn chân, còn phía trước hơi hếch lên, chạm mu bàn chân.
(Cửa
võng là tên gọi chung của những trang trí nằm ở phía trước khu vực thờ
chánh của đình làng. Mỗi thời kỳ, mỗi địa phương có những phong cách
trang trí cửa võng riêng: Từ những chạm, khắc đơn giản trên các gác lửng
để thờ (sạp thờ), qua những trang trí hết sức lộng lẫy, cầu kỳ cho đến
cuối cùng là hình thức y môn, cửa võng là một lớp riêng tách ra khỏi gác
lửng. Tiêu biểu nhất là trang trí cửa võng làng Đình Bảng - Bắc Ninh,
nên thi sỹ Hoàng Cầm trong bài thơ Lá Diêu Bông đã mở đầu bằng: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng")
Trong
khi nam giới thì mặc quần ống sớ với áo dài (quần may bằng vải cứng như
chúc bâu, cát bá... giống như cái ống bằng giấy đựng sớ khi cúng) và
quần lá tọa khi đi làm ruộng (quần ống rộng và thẳng, đáy sâu, lưng quần
to bản. Nhờ có đáy sâu, có thể làm cho ống quần lên cao bằng cách kéo
lưng quần lên cao. Phần lưng quần dư phía trên rũ xuống, lòa xòa ra
ngoài thắt lưng, gọi là lá tọa), thì không thấy nói nhiều về kiểu quần
mà phụ nữ mặc với áo dài đầu thế kỷ 20 này.
Trong
hai bài viết: "Áo dài Việt Nam" của Trần Thị Lai Hồng và "Phụ nữ Hà
Nội" của Băng Sơn, ta thấy cả hai tác giả có đề cập đến một loại quần
gọi là quần chân què như sau:
"Chiếc quần
cũng thay đổi từ kiểu chân què qua đáy giữa, lưng từ to bản luồn giải
rút đổi sang lưng nhỏ luồn dây thun, rồi đổi qua gài nút, và sau cùng là
khóa kéo kiểu Tây phương..."
"Quần áo là
cái lồ lộ ra trước mắt mọi người trước tiên. Các thứ váy cửa võng, quần
chân què phải mất đi là đáng. Cái thắt lưng mớ ba mớ bảy một thời kín
đáo, gió bay cái này còn có cái khác che kín phía dưới bụng. Mất đi là
đương nhiên"
Quần chân què là quần dài, ống
rộng, trông cũng như quần bà ba ngày nay. Vì khổ vải ngày xưa không đủ
để gấp đôi lại thành ống quần, nên người ta phải xếp miếng vải xéo để
cắt, do đó ống quần không được liền một mảnh, mà phải ráp thêm một miếng
vải rẻo từ khúc vải khác vào. Có lẽ vì phải nối ống quần như vậy nên có
cái tên là "quần chân què". Đũng (đáy) quần thì cũng phải ghép một
miếng vải hình thoi ởgiữa.
* Guốc / Dép:
Khi
có hội hè, đình đám, phụ nữ thôn quê thường đi guốc tự đẽo làm bằng gộc
(gốc) tre. Phía trước đẽo mũi cong lên như đòn gánh để bảo vệ ngón
chân, có xỏ dây để lồng ngón chân giữa và có quai buộc bằng mây ở giữa
để giữ bàn chân. Guốc này có lẽ đi cả chục năm mới mòn hết, hễ cứ đi một
bước là kêu lộp cộp, được gọi là guốc Nghệ (Nghệ An). Ngoài ra, còn có
guốc kinh, xuất xứ ở Huế, dáng vẻ rất kinh đô: Làm bằng gỗ lồng mực sơn
trắng, mũi vóc hồng, quai nhung thêu kim tuyến, dành riêng cho con nhà
giàu sang, quyền quý ít đi lại, vì chỉ cần vài bước là guốc bong mũi.
Dân thành thị hay người buôn bán thì mang dép làm bằng da, dừa, cói... Có hai loại dép: dép một và dép cong.
-
Dép một: Rất thông dụng vì tiện và vững, làm bằng một lần da trâu thuộc
theo lối thủ công (nên gọi là dép một), không có đế, có quai ngang đằng
sau, đằng trước có khuyết (lỗ) để cho ngón chân giữa vào. Khi đi dép bị
kéo lê quèn quẹt. Ở thành thị, người ta đi dép một quai chữ nhân bọc
nhung.
Chân em đi dép quai ngang
Tay đeo nhẫn bạc, trông càng say mê.
-
Dép cong: Làm bằng 4, 5 lần da trâu thuộc, đóng lại với nhau bằng những
đanh tre, mũi uốn cong vòng lên để che đầu ngón chân. Quai bằng nhung
có một vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai, giúp cho
đi lại dép không bị rơi. Dép cong rất nặng, khi mang không đi nhanh
được:
Me cười: "Thầy nó trông
Chân đi đôi dép cong
Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng" - Nguyễn Nhược Pháp
* Áo tứ thân:
Ngày
xưa, do kỹ thuật thô sơ nên hàng vải dệt ra có khổ hẹp, chừng 40 cm,
muốn may thành một cái áo phải ráp bốn mảnh thân lại với nhau. Áo dài
xưa nhất là áo giao lãnh, khi mặc thì thì hai thân trước để giao nhau mà
không buộc lại. Vì phải làm việc đồng áng, buôn bán... nên áo giao lãnh
dần dà trở thành áo tứ thân cho tiện.
Áo tứ
thân gồm hai mảnh phía sau may lại giữa sống lưng, mép nơi hai thân áo
được dấu vào phía trong; Hai thân trước được buộc lại với nhau để thõng
xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không cần cài khuy khi mặc.
Khen ai tròn áo tứ thân
Mịn quần lĩnh tía, chùng khăn lụa sồi - Nguyễn Bính
Áo
mặc thường ngày màu nâu non, nâu già hay đen, may bằng vải chúc bâu,
diềm bâu, sồi, vải rồng Nam Định (Một loại vải mỏng, sản phẩm xứ Sơn Nam
- Nam Định, được nhuộm nâu ở phường Đồng Lầm - Thăng Long, nay là làng
Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Còn trong dịp lễ, tết thì áo được may
bằng the, lụa, nhiễu …
Áo nâu ai mặc nên xinh
Cho duyên em lịch, cho tình anh say.
Áo
tứ thân đứng vững trên đất nước Việt Nam cả mấy ngàn năm. Về ý nghĩa
thì bốn thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, hai tà trước buộc lại
với nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, khăng khít bên
nhau.
"Cái áo tứ thân buông tà hay thắt vạt;
Cái áo mớ ba, mớ bảy đổi vai hoặc không đổi vai đi cùng với váy sồi
hoặc quần lĩnh tía… đã vào ca dao, thành câu ví, nên hình ảnh của nét
ăn, dáng mặc thanh nhã, hào hoa, nền nã". Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu
về các từ ngữ mà nhà văn Băng Sơn nêu lên ở đoạn trên.
-
Áo tứ thân buông tà hay thắt vạt: Áo buông tà (buông chùng) có nghĩa là
khi thong thả thì hai thân trước thắt lại để thõng (chùng) ở phía
trước; Còn khi vội vàng, hối hả thì thắt (cột) hai vạt trước ra sau lưng
để đi cho nhanh hay chạy cho tiện .
- Áo mớ
ba, mớ bảy: Vào dịp hội hè, đình đám, phụ nữ Việt Nam xưa mặc nhiều lớp
áo, áo nọ phủ lên áo kia, lớp này chồng lên lớp kia, có thể từ ba lớp
đến bảy lớp vào mùa đông, gọi là áo mớ ba, mớ bảy. Đây cũng là một hình
thức phô trương quần áo của các bà, các cô nhà giàu:
Người thì mớ bảy mớ ba
Người thì áo rách như là áo tơi
(Áo
tơi: Làm bằng lá gồi nối tròn, cổ có sợi dây thừng để thắt cho khỏi
tuột, mặc trùm ra ngoài của nông dân Việt Nam để che mưa, che gió, chống
lạnh. Khi rách bươm, nó thành bù nhìn đuổi chim trên ruộng dưa)
Thường
cái áo dài nhất ở ngoài cùng là màu nâu hay đen, may bằng hàng mỏng,
thưa để nổi những lớp áo càng vào bên trong càng ngắn hơn, may bằng
nhiều màu tươi sáng như vàng chanh, hồng cánh sen, xanh hồ thủy …
- Áo đổi vai: Còn gọi là áo thay vai, áo nối vai, áo vá vai hay áo vá quàng.
Tơ lụa gấm nhiễu không màng
Thương cô áo chẹt vá quàng nửa vai
Vì
phải gồng gánh, làm việc nhiều nên vai áo mau sờn, rách. Để khỏi bỏ
uổng cả cái áo, người ta giữ lại phần lành lặn, thay nửa thân áo trên bị
rách bằng loại vải mới khác.
Áo may từ thuở anh mới thương nàng
Đến nay áo rách lại vá quàng thay vai
Một
phần vì áo rách, vai sờn mà phải đổi vai; Một phần để khoe sự khéo léo
về đường kim, mũi chỉ tăm tắp trên những miếng vá vuông vức, phẳng phiu
cũng như về cách chọn lựa màu sắc vải:
Hỡi cô áo vá quàng xanh
Lại đây anh hỏi có đành hay không?
Áo
vá quàng thêm màu sắc lại có duyên, cộng thêm cái tài hoa, sáng tạo:
Nối vai nhưng so le, gấp khúc, tạo thành những mảnh hình không cân đối
nhưng ưa nhìn, và trở thành một kiểu làm đẹp của các bà, các cô. Áo thay
vai này đúng là 100% Việt Nam, không lẫn lộn đi đâu được.
Có chồng bớt áo thay vai
Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm
* Áo ngũ thân
Áo
ngũ thân (năm thân, năm tà) cũng giống như áo tứ thân, nhưng kín thân
trước vì hai vạt trước được may liền thành một vạt lớn, như vạt sau. Vạt
nằm phía bên trái gọi là vạt cả, rộng gấp đôi vạt để bên trong phía bên
phải, gọi là vạt con. Hai vạt nối nhau nhờ bâu (cổ) áo, cao cỡ 2 - 3cm,
cài kín lại bằng năm cái khuy. Khi mặc, các cô thường chỉ gài bốn khuy,
để hở khuy cổ, khoe cái cổ cao "ba ngấn" của mình.
Áo đen năm nút viền bâu
Bạn về xứ bạn biết đâu mà tìm
Tay
áo ngũ thân may nối phía dưới khuỷu tay, do khổ vải hẹp, chỉ là 40cm.
Cổ, tay, thân trên áo ôm sát người, trong khi tà áo may rộng ra từ sườn
đến gấu, không chít eo. Vạt áo may võng, rất rộng, trung bình là 80 cm.
Về
ý nghĩa, ngoài bốn thân chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu như áo tứ
thân, thân thứ năm (vạt con) tượng trưng cho người mặc. Năm cái khuy
tượng trưng cho ngũ thường (năm đạo làm người của Nho giáo) là nhân,
nghĩa, lễ, trí, tín.
Áo dài năm nút hở bâu
Để xem người nghĩa làm dâu thế nào?
Áo
ngũ thân khi mặc che kín thân hình, không để hở áo bên trong, cho nên
nhiều cô gái không muốn cái yếm hay cái áo cánh (áo ngắn) của mình bị
che kín hoàn toàn, nên đã "lật viền": thân áo phía trước kéo chéo từ cổ
trái sang nách phải, rồi gài nút bên hông che các lớp phía trong.
Nhất thương là cái hoa lài
Nhì thương ai đó áo dài năm thân
Áo
ngũ thân có thể mặc lồng nhiều lớp như kiểu mớ bảy, mớ ba của áo tứ
thân hay may nhiều lần vải bằng hàng mỏng như the, phổ biến ở hàng phố.
Nếu may bằng nhiều lần vải mỏng thì người ta có tên gọi riêng: Áo may
một lần vải là áo đơn; Áo may hai lần vải là áo kép, Áo may ba lần,
trong có một lần dựng là áo mền, Áo may bốn lần vải là áo đụp.
Khen ai áo kép, quần hồ
Hội làng mê mải sớm trưa đi về - Nguyễn Bính
Khi
mặc nhiều lớp áo bên trong với áo dài năm tà bằng the mỏng bên ngoài,
các bà các cô đã tạo nên một phối hợp hài hòa và độc đáo về màu sắc.
Trước hết vạt cả đè lên vạt con làm thành hai mảng đậm, nhạt khác nhau.
Màu đen nếu mặc riêng là một màu tối, nhưng khi mặc một lớp áo mỏng,
thưa màu đen bên ngoài chồng lên những lớp áo màu rực rỡ bên trong, thì
các màu chói gắt, sặc sỡ trở thành êm dịu hơn. Như màu đỏ chóibiến thành
màu đỏ bầm, màu vàng rực biến thành màu hổ phách, màu trắng xóa biến
thành màu xám sáng …
* Khuy:
Bây
giờ ta sưu tầm về phần khuy (nút, cúc), để coi làm sao mà thi sỹ Nguyễn
Bính rên rỉ: "Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi". Lối áo dài cài khuy bắt
đầu xuất hiện dưới thời Minh Mạng, lúc triều đình bãi bỏ Bắc thành, bổ
nhiệm chức tổng đốc cho tỉnh mới có tên là Hà Nội. Khuy cũng đóng một
vai trò, được thay đổi và biến dạng dần theo kiểu của áo. Thường khuy áo
phụ nữ nhỏ hơn khuy áo nam giới
Trăm năm lòng gắn dạ ghi
Dù ai thay nút đổi khuy cũng đừng
Trên
áo năm thân, khuy làm bằng vải tết (thắt) lại. Vải là vải may áo hay
vải cùng màu với áo. Nút thắt bằng vải rất khó mở. Trong khi khuy bấm
(nút bóp) rất dễ tuột do đó ta thấy áo dài ngày nay đơm khuy bấm phải
dùng thêm vài cái khuy thép móc ở nơi eo.
Khuy
được đính (đơm)vào áo bằng chân khuy - Bộ khuy chia làm hai phần: một
phần có hạt khuy áo, phần kia là vòng nút để lồng (tròng) hạt khuy áo
vào. Chân khuy của hai phần giống nhau từ kích thước đến hình dạng, được
may lộn nhỏ như cây tăm, xếp nằm song song với nhau.
Áo đen tra nút cũng đen
Hò với người lạ, người quen khó hò
Ở
thành thị, hạt khuy áo còn là những hạt thủy tinh tròn, màu giống như
màu áo hay những màu phổ biến như hổ phách, tráng vàng, tráng thủy để
giống như những viên ngọc trai. Ở nông thôn, dù áo có khuy, các cô cũng
cứ ấp tà áo vào ngực, rồi thắt lưng ra ngoài, chứ không gài (cài) khuy.
Nút vàng tra áo cổ y
Chàng xa, thiếp cách, áo ni giữ hoài.
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 290
NGUYỄN THIÊN THỤ * MỘT THÚY KIỀU, BA TÌNH YÊU
NGUYỄN THIÊN THỤ * MỘT THÚY KIỀU, BA TÌNH YÊU
MỘT THÚY KIỀU, BA TÌNH YÊU
NGUYỄN THIÊN THỤ
Tình yêu là một hiện tượng tâm lý, tùy
thuộc vào vào từng cá nhân, và từng thời gian. Trên đường đời, Thuý Kiều đã gặp
nhiều đàn ông, và tỏ vẻ hờ hững với họ:
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm
đó mận mà với ai.
Chỉ có ba người là được
nàng yêu thật tình là Kim Trọng, Thúc sinh và Từ Hải.
I. KIM
TRỌNG
Kim Trọng là người yêu đầu
tiên của Thúy Kiều, và Thúy Kiều cũng là người yêu đầu tiên của Kim Trọng Đây
là mối tình thơ ngây trong trắng của đôi thanh niên nam nữ mới lên. Kim Trọng
thuộc hàng người yêu cuồng nhiệt, chưa gặp mặt, mới nghe danh Thúy Kiều xinh đẹp
mà đã say đắm:
Vẫn nghe thơm nức
hương lân,
Một nền đồng
tước khóa xuân hai Kiều.
Nước non
cách mấy buồng thêu,
Những là
trộm nhớ, thầm yêu chốc mòng.
(
K.155-158)
Sau buổi gặp đầu tiên,
Kim Trọng đã tương tư Kiều:
Tuần trăng khuyết,
đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng
mặt, lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn
hơi lạnh như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phiếm loan.(251-254)
Về phần Thúy Kiều, nàng
cũng suy nghĩ rất nhiều về Kim Trọng sau buổi gặp gỡ đầu tiên:
Người đâu gặp gỡ mà
chi.
Trăm năm biết có duyên gì hay không ! (181-182)
Tình yêu của Kim Trọng và
Thúy Kìều khởi đầu là chiêm ngưỡng, chớp nhoáng ( coup de foudre Foudre> )
và thầm lặng:
Người quốc sắc, kẻ
thiên tài,
Tình trong
như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn,
cơn tỉnh, cơn mê,
Dốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn. (163-166 )
Cái
nguyên nhân chính là tài sắc, là phong tư, tài mạo, là dung nhan diễm lệ đã quấn
hút hai người vào nhau. Kim Trọng có một mãnh lực hấp dẫn nữ giới:
-Nền phú hậu, bậc tài
danh,
Văn chương
nếp đất, thông minh tính trời.
Phong tư
tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.(149-152)
Thúy Kiều là một giai
nhân tuyệt sắc, nổi danh tài nghệ:
-Làn thu thủy, nét
xuân sơn,
Hoa ghen
thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành họa một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm. (25-30)
Kim Trọng
là kẽ đa tình và cũng là người quyết chí vì tình. Chàng đã chủ động trong tình
yêu. Mượn cớ du học, chàng thuê nhà ở cạnh nhà Thúy Kiều, và ngày đêm trông
ngóng bóng hồng. Cuộc gặp gỡ của hai bên vừa do nhân định vừa do ngẫu nhiên.
Nhân định là vì Kim Trọng có ý theo dõi Kiều, trông ngóng Kiều để có dịp gặp mặt
trao lời. Còn Thuý Kiều là vô tình, là ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên mà vướng cây kim
thoa. Ngẫu nhiên mà Kim thoa vào tay Kim Trọng chớ không ai khác. Kiều có được bản tính e lệ của gái đoan
trinh, và đây là điểm rất đáng yêu khác với người Aâu, Mỹ:
-Nặng lòng xót liễu
vì hao,
Trẻ
thơ đã biết đâu mà dám thưa. (335-36 )
-Đã lòng
quân tử đa mang,
Một lời
vâng tạc đá vàng thủy chung .(351-52 )
Thúy Kiều là gái đam mê,
vắng nhà trong đêm đã sang nhà Kim Trọng ba lần. Nàng lãng mạn nhưng vẫn còn lý
trí:
Vẻ chi một đóa yêu
đào,
Vườn hồng
chi dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào
bậc bố kinh,
Đạo tòng
phu lấy chữ trinh làm đầu,
Ra tuồng
trên bộc, trong dâu,
Thì con
ngườinấy, ai cầu làm chi.(503-08)
Đứng về phương diện luân
lý, sư Tam Hợp đã nhận định về Thúy Kiều
rất đúng:
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm. (2682 )
Đứng về phương diện tâm
lý và nghệ thuật, truyện Kiều vừa có tính lãng mạn vừa có tính nhân bản. Thúy
Kiều và Kim Trọng rất người nghĩa là có lý trí và tìm cảm. Và truyện Kiều rất hấp
dẫn vì không khô khan, giáo điều cũng không khiêu dâm.
Nói tóm lại tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là tình đầu,
là tình trong trắng, ngây thơ và chân thành.
II.
THÚC SINH
Giữa
đám người gian manh, thô bỉ như Mã Giám sinh, Sở Khanh, Thúc sinh nổi bật như một
ngôi sao nhỏ giữa trời đen tối. Vị trí của
Thúy Kiều là vị trí một kỹ nữ trong lầu xanh, còn Thúc sinh là một công tử ăn
chơi ở lầu xanh. Chàng cũng như bao ngườikhác tới lầu xanh để mua vui. Chàng
cũng như bao người khác đã dùng vàng bạc để gần gũi Kiều. Cái tính của chàng là
hào sảng, coi khinh đồng tiền có lẽ đã làm Kiều rung cảm:
Thúc sinh quen thói bốc
rời,
Trăm nghìn đổ một
trận cười như không. (1303-04)
Lại nữa, bề ngoài của
chàng có dáng dấp thư sinh
( cũng nói thư hương) cho
nên hơi giống cái nho nhã của Kim Trọng. Có lẽ hai lý do này đã khiến Kiều chú
ý đến Thúc sinh. Về Thúc sinh, gặp Thúy Kiều là chàng đã say mê, cũng bị tiếng
sét ái tình làm cho tâm hồn điên đảo:
Trướng tô giáp mặt
hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa.
Hải đường
mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân
càng gió, càng mưa, càng nồng.
Nguyệt
hoa, hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng? (281-86)
Tình yêu Kim Trọng và Thúy Kiều là tình yêu chớp nhoáng,
còn tình yêu giữa Thúc sinh với Thúy Kiều, nhất là về Thúy Kiều, là do quá trình gần gũi như tục ngữ ta nói «
lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén »:
Sớm đào, tối mận lân
la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng. (1389-90)
Thực ra tình yêu giữa Thúc sinh và Thúy Kiều là một mối
tình có tính toán. Biết chàng là con mồi ngon, nhà giàu lại đam mê, Kiều đem kỹ
thuật giăng lưới săn nai ra áp dụng. Nàng đã đem thân thể phô bày một cách kín
đáo để quyến rũ Thúc sinh. Lấy cớ trời
nóng nực, nàng đi tắm. Nàng tắm trong phòng của nàng, cách bên ngoài một tấm màn mỏng. Lẽ dĩ
nhiên, Thúc sinh ngồi ở phòng ngoài,vẫn đưọc chiêm ngưỡng những đường nét tuyệt
diệu và hấp dẫn của Thúy Kiều:
Buồng the phải buổi thong
dong,
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.
Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà,
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên
nhiên.(1309-12)
Tại
sao không chờ Thúc sinh về rồi hãy tắm? Là vì Kiều muốn triển lãm trước mắt
Thúc sinh. Tại sao không tắm chỗ khác lại tắm trong phòng? Vì ngày xưa không có
phòng tắm, người ta thường tắm ngoài trời. Phụ nữ cũng tắm ngoài trời vào ban
đêm, hay tắm trong phòng mà kéo màn lại. Tại sao không dùng màn màu trắng, màu
đen mà dùng màu hồng? Vì màu hồng điệp với màu da thịt, làm tăng thêm vẻ đẹp của
một thân thể hồng hào. Xúc cảnh sinh tình, Thúc sinh đã làm một bài thơ tả cảnh
Kiều tắm. Chắc Kiều mừng lắm vì nàng biết Thúc sinh làm thơ, dù là thơ con cóc,
cũng chứng tỏ chàng đã si mê thật tình. Cá đã cắn câu. Kiều là một tay nghề
trong xuớng họa thế mà nàng từ chối hoạ bài thơ của chàng. Nàng lấy cớ lòng buồn
vì nhớ quê hương và cha mẹ:
Hay
hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gửi áng mây vàng,
Họa vần xin
hãy chịu chàng hôm nay.(1317-20 )
Đây là thủ đoạn thứ hai Kiều dùng để đánh vào
lòng từ bi, nhân ái của Thúc sinh. Những kẻ gian manh thường dùng chiêu này để
lừa đảo thiên hạ, mà nhiều kẻ mắc phải vì họ tự cho họ là nhân ái.
Kiều dụ Thúc sinh hỏi nguồn gốc lai lịch,
để rồi Kiều sẽ kể cho chàng thân thế bi thương của nàng:
Nàng
càng ủ dột thu ba,
Đoạn trường lúc ấy nghị mà buồn tênh.
Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con
bưóm liệng vành mà chơi.(1323-26)
Sự
kể lể này sẽ làm cho chàng cảm thương nàng, xuất tiền túi chuộc nàng ra, mua
nhà cho nàng, cùng nàng chung sống: Chiêu thức này đa số gái giang hồ sau này đều
thực hiện đúng phóc. Em là con gái quê, vì cha mẹ em nghèo, bệnh nặng hay mắc nợ
nần phải bán mình vì chữ hiếu. Hoặc em là con nhà đàng hoàng, tử tế, vì thằng
lưu manh, thằng Sở Khanh, vì thằng chồng thô bạo mà dấn bước giang hồ.
Khi Thúc sinh mắc lưới, tính việc chuộc
nàng ra cùng nàng chung sống, Kiều làm bộ từ chối, lấy cớ sợ lòng chàng thay đổi,
và vì sợ vợ cả ở nhà ngăn cản, ghen tuông:
Nàng
rằng muôn đội ơn lòng,
Chút e bên thù, bên tòng dễ đâu.
Bình Khang nấn ná bấy lâu,
Yêu hoa, yêu được một màu điểm trang.
Rồi ra lỡ phấn phai hương,
Lòng kia giữa được thường thường mãi
chăng?
Vả trong thềm quế cung trăng,
Chủ trương đã có chị Hằng ở
trong.(1333-40 )
Nàng
thực hiện kế hoạch thoái một bước, tiến hai bước. Ban đầu nàng đóng cửa nhưng gần
cuối nàng mở cửa để Thúc sinh thực hiện ý định của chàng;
Thương
sao cho vẹn thì thương,
Tính sao cho
vẹn mọi đường xin vâng. (1359-60 )
Tóm lại, tình của Thúy Kiều là mối
tình ở chốn lầu xanh. Mội mối tình có toan tính, có kế hoạch, và vụ lợi, khác với
mối tình đầu với Kim Trọng.
III. TỪ HẢI
Không gian hội ngộ giữa Từ Hải và Thúy
Kiều cũng giống không gian gặp gỡ giữa Thúc sinh và Thúy Kiều. Đó là chốn lầu
xanh. Từ Hải nổi bật giữa các khánh tầm thường khác bởi cái khí phách của
chàng, cái uy dũng hiện ra ngoài:
Râu
hầm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn
sức, lược thao gồm tài. (2167-70 )
Tình
yêu giữa Từ Hải và Thúy Kiều cũng là tình yêu chớp nhoáng. Cả hai đều bị tiếng
sét ái tình ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Từ Hải tìm đến Thúy Kiều vì chàng đã nghe
danh Thúy Kiều. Cũng như Kim Trọng, Từ Hải yêu Thúy Kiều từ khi chưa gặp mặt.
Kh gặp nhau, cả hai đều say mê nhau:
Qua
chơi nghe tiếng nàng Kiều,
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng
ưa.(2175-78)
Tình
yêu của hai người là tình yêu của trai tứ chiếng, gái giang hồ. Đặc biệt, tâm
tính Từ Hải là tâm tính của nhà binh, gặp Kiều là đi ngay vào vấn đề không cần
đợi chờ ngày tháng như Thúc sinh:
Từ
rằng tâm phúc tương cờ,
Phải rằng trăng gió vật vờ hay sao?
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Một đời được mấy anh hùng,
Bỏ chi cá chậu, chim lồng mà chơi.
(2179-84 )
Từ
Hải có thái độ kiêu căng, tự cho mình là bậc anh hùng. Trước những người tự đắc,
tự kiêu như thế, Thúy Kiều lại càng nhún nhường, lễ phép, và đó là Thúy Kiều đã
từng trải, đã hiểu tâm lý từng loại khách, và đó cũng là nghệ thuật đắc nhân tâm của Thúy Kiều:
-Thưa
rằng : người dạy quá lời,
Thân này còn dám coi ai là thường! (
2185-86)
-Thưa rằng: lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo
bọt, dám phiền mai sau (2195-98)
Nhìn qua cung cách của Từ Hải,ngay
trong buổi đầu, Thúy Kiều đã biết sau này chàng sẽ thành một đại vương như đám Lương Sơn Bạc! Từ Hải là một
võ tướng, một hải khấu, một người hữu dũng vô mưu, nghe lời nịnh hót của một kỹ
nữ đã khoái trá, bộc lộ rõ chí hướng của
mình, không cần che đậy hành tung của một khách giang hồ chưa gặp vận:
Nghe
lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: tri kỷ trước sau mấy người!
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung
nghìn tứ ắt là có nhau. (2199-2204 )
Thúc
sinh phải mất một thời gian dài mới chinh phục được Thúy Kiều, còn Từ Hải ngay
trong buổi đầu đã tâm đầu ý hợp, bỏ tiền chuộc Thúy Kiều ra khỏi thanh lâu:
Ngỏ
lời nói với băng nhân,
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát
hoàn.
Buồng riêng sửa soạn thanh nhàn,
Đặt giường thất
bảo, vây màn bát tiên.(2207-10)
Từ
Hải là người nông nổi, thiếu suy nghĩ. Chàng thích được người vuốt ve, nịnh bợ
cho thỏa mãn cái tự ái, tự tôn của chàng. Chàng là người không sâu sắc, không
khôn ngoan, chỉ là một kẻ ồn ào, ưa nịnh hót và ưa khoe khoang cho thỏa mãn cái
anh hùng cá nhân của chàng. Bởi vậy sau này, nghe lời Kiều, chàng đầu hàng triều
đình và bị chết thảm thương! Và tình của Thúy Kiều với Từ Hải cũng là một việc
tính toán lợi hại cho bản thân nàng, cho nên Thúy Kiều đã mắc mưu Hồ Tôn Hiến.
Nịnh và tham đưa đến kết quả thảm thương:
Nàng
thời thật dạ tin người,
Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.
Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,
Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gain
truân.
Bằng nay chịu tiếng vương thần,
Thênh thang đường cái, thanh vân hẹp
gì.
Công tư vẹn cả đôi bề,
Dần
dà rồi phải liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha (
2471- 80)
Trong ba mối tình của Thúy Kiều, mối
tình với Kim Trọng là sâu sắc, đậïm đà nhất. Khi phải bỏ gia đình theo Mã giám
sinh, Kiều đã kêu tên chàng một cách thảm thiết:
Ối Kim Lang, hỡi Kim Lang,
Thôi thôi,
thiếp đã phụ chàng từ đây!(755-56)
Ở lầu Ngưng Bích cô đơn,
Thúy Kiều đã tưởng nhớ đến Kim Trọng:
Tưởng người duới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mài chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. (1039-42)
Khi ở lầu xanh, nàng
cũng nhắc đến Kim Trọng và lời thề xưa:
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai? (1259-60 )
Khi lấy Từ Hải, Từ Hải ra
đi theo tiếng gọi bốn phương trời, trong lòng Thúy Kiều cũng hiện lên hình ảnh
Kim Trọng:
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng. ( 2239-40)
Và nàng ân hận đã không
trao cho chàng tấm băng trinh của nàng trước khi lăn lóc bụi trần:
Biết thân đến nước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.( 791-92)
Trong
ba mối tình, tình giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là tình yêu chiêm ngưỡng, còn
tình với Thúc sinh, Từ Hải là tì nh yêu có tính toán, và vị lợi. Nàng con người
lý tưởng, nàng là gái giang hồ nhưng lại sống trong mộng tưởng, theo đuổi ái
tình lý tưởng. Nàng không muốn tái hợp với Kim Trọng, mà chỉ giữ tình bạn, vì
nhiều lý do. Yêu nhau là cho nhau, là dâng hiến. Nàng còn gì ngoài tấm thân ô uế
đã nằm trong tay bao người đàn ông khác? Nếu Kim Trọng còn yêu nàng chẳng qua
là chàng yêu một Thúy Kiều của quá khứ. Ngày sau, đối diện với nhau,với dư luận,
với sự thực, sẽ còn những gì đẹp? Bản thân nàng đã hoen ố, nàng không muốn nàng
và Kim Trọng phải đối diện với thực tế phũ phàng. Lại nữa, sau mười lăm năm lưu
lạc, Kiều đã trên ba mươi, không còn son trẻ như thuở trước. Ngày xưa, người ta
quan niệm phụ nữ ba mươi không còn nghĩ đến đường tình duyên nữa:
Trai ba mươi tuổi đang xoan,
Gái ba mươi tuổi lo toàn về già (ca dao )
Ngày
xưa Lý phu nhân lúc gần mất, nhất định không cho Hán Vũ Đế gập mặt vì bà còn gì
nữa đâu ngoài cái dung nhan tàn tạ của con người sắp lìa cõi thế! Thúy Kiều
cũng vậy. Nàng muốn giữ mãi mối tình tươi thắm ngày xưa.Nhan sắc , danh tiết
không còn nữa thì còn gì để yêu. Hoa đã quá mùa là hoa héo. Điều này chứng tỏ
Thúy Kiều có ý chí, có lý trí và có lý tưởng:
Nàng rằng phận thiếp đã đành,
Có làm chi nữa, cái mình bỏ đi.
. . .
. . . .
Cũng nhơ dở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi!
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau. (3145-58)
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 290
SƠN TRUNG = MA TRẬN ĐIỆN TOÁN
SƠN TRUNG * TRƯỜNG PHÁI BA GIAI TÚ XUẤT
SƠN TRUNG
Ba Giai, Tú Xuất là hai nhân vật tiêu biểu cho hạng lưu manh trong xã hội ngày xưa ở đất Hà Thành..
Ngoài ra còn có Trạng Quỳnh là một nhân vật tuy không lưu manh những
cũng thuộc hạng gian trá, nổi danh về tài xạo . Trạng không phải là
trạng nguyên, mà là tay nói trạng nghĩa là nói dối, nói khoác. Trạng
Quỳnh là tên nói khoác tên Quỳnh. Xem những hành động của ông như lỡm
bà chúa thì y thuộc vào thời vua Lê chúa Trịnh. Ở thôn quê có nhiều
người hay nói trạng.Như ở Quảng Bình, người ta thuật chuyện một anh giỏi
nói trạng. Anh ta nghèo, găp lúc mất mùa đói kém, anh ta phải vào đạo
để kiếm hạt cơm nhưng anh không bao giờ đi lễ nhà thờ.
Ông cha hỏi anh:
-Tại sao con không đi lễ nhà thờ?
Anh ta đáp:"Cha dạy rằng chúa ở mọi nơi, con ở nhà cầu nguyện cũng được cần gì phải đến nhà thờ!"
Quan huyện nghe đồn anh ta nói trạng giỏi, kêu anh ta đến hỏi:" Tại sao anh nói trạng giỏi thế?"
-Anh đáp:" Ở nhà con đời đời truyền lại sách nói trạng cho nên con theo đó mà nói thì nổi tiếng."
Quan nói:"Anh về mang sách lại đây cho ta xem".
Anh về rồi bỏ quên lời hứa với quan. Quan chờ lâu không thấy anh tới, bèn sai lính gọi anh ta lên. Quan hỏi: -Sách ở đâu, sao anh không mang cho ta xem?
Anh cười nói: -Làm gì có sách. Đó là con nói trạng cho quan nghe mà thôi!
Quan chịu thua, cho anh ta ra về.
Sách Nam Thi Hợp Tuyển của Nguyễn Văn Ngọc , Bốn Phương xuất bản năm 1952, bài thơ số 30 nhan đề Anh nói khoác như sau:
Tớ con ông trạng cháu ông nghè,
Nói khoác trên trời dưới đất nghe.
Sức khoẻ Hạng vương cho một báng,
Cờ cao Đế Thích chấp hai xe.
Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại,
Tốc thẳng lên non cõng cọp về.
Độ nọ vào chơi trong nội phủ,
Ba ngàn công chúa phải lòng mê!
Theo Wikipedia, Tú Xuất là tên kép chứ không phải là ông đỗ tú tài. Tú Xuất là con một đốc học Hà Nội, gốc ở Thanh Hóa hoặc Nghệ An thường trú ở xã Phương Trung huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông xưa, nay là Hà Tây,
đến Tú Xuất là đời thứ tư. Tú Xuất cũng thuộc dòng họ Nguyễn Đình ông
là con trai trưởng của Nguyễn Đình Lập người đỗ cử nhân năm Gia Long thứ 12 (1812),
là đốc học Hà Nội, có thời gian ông đã làm đốc học lục tỉnh, là giám
khảo khoa thi hương ở Nghệ An. Họ Nguyễn Đình có ba chi, Tú Xuất thuộc
chi thứ ba.
Ông nội Tú Xuất là Nguyễn Đình Linh. Đối với Tú Xuất, ông có học hành
lăn lộn nhiều năm với khoa cử. Thông minh, tri thức hơn người, nhưng năm
lần qua trường thi hương, ông vẫn không vượt qua được vũ môn để thành
ông nghè, ông cống. Cuối
đời không ai rõ về ông, có người nói Tú Xuất vì tham gia trong đội quân
Tam Đường chống Pháp nhưng thất bại nên ông lánh nạn và mất tích từ đó.
Nhiều người cho rằng Ba Giai là Nguyễn Văn Giai, tác giả Hà Thành chính
khí ca, 140 câu thơ lục bát, được cho là sáng tác ngay sau khi Hà Nội bị
quân Pháp xâm chiếm ngày 25 tháng 4 năm1882.
Tuy nhiên những lời đồn đó có lẽ không đúng vì có thể đó là truyện dân
gian, không phải là chuyện thật. Ba Giai và Nguyễn Văn Giai, tác giả Hà
Thành chính khi ca có lẽ trùng tên. Lại nữa, Nguyễn Văn Giai là tay danh
sĩ, con nhà gia giáo, lẽ nào lại có những hành vi lưu manh, bỉ ổi như
thế dù rằng trong thực tế nhiều kẻ con nhà gia giáo mà lưu manh triệt để
như Hồ đại tiên.
Kẻ sĩ không gian dối, lừa đảo, lưu manh như thế mà những người bình dân
cũng không hành động như trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất, ngoại trừ những
kẻ lưu manh, côn đồ.
Thơ Hồ Xuân Hương cũng có thể do người đời sau bịa ra một số thì chuyện
trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất cũng có thể người đời bịa ra để cười đùa
trong lao động hay trong lúc trà dư tửu hậu . Không những người ta bịa
chuyện bình dân bá tánh như trong các truyện tiếu lâm, mà có thể người
ta đã bịa chuyện chốn triều đình ra để vui cười.
Theo Wikipedia thì Nguyễn Quỳnh (1677–1748 ) là một danh sĩ thời Lê–Trịnh (vua Lê Hiển Tông),
từng thi đỗ Hương Cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự
trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn
thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.
Ông còn có tên Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh ông là ông Nguyễn Bổng và bà Nguyễn Thị Hương.
Thuở nhỏ, ông học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử Giám). Năm 1696, Quỳnh thi đỗ Giải nguyên, nhưng đi thi Hội nhiều lần bị hỏng.
Về sau, triều đình bổ nhậm ông làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), tiếp đến làm huấn đạo phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long. Năm 1718, đỗ khoa Sỹ vọng được bổ làm tri phủ Thái Bình,
rồi về làm Viên ngoại lang ở Bộ Lễ; sau bị giáng xuống chức Tu soạn ở
Viện Hàn lâm. Tuy không đỗ cao, Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành
xuất sắc.
Đương thời đã có câu: "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam"
(nghĩa là thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông).
Sách "Nam Thiên lịch đại tư lược sử" đã nhận xét về ông: "... Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước...".
Tác phẩm còn lại của Nguyễn Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn
khóc em (vốn tài hoa, nhưng chết yều ở tuổi 14) và hai bài phú chép
trong tập: "Lịch triều danh phú". Lịch triều danh phú là tuyển tập của
các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có hai người đỗ
Hương cống là Nguyễn Quỳnh và Đặng Trần Côn. Tương truyền ông là bạn thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.
Theo tôi, có thể Nguyễn Quỳnh và trạng Quỳnh hai người khác nhau. Một
nho sĩ, nhất là một giáo thụ mà ngôn ngữ và hành động như thế thì hiếm
lắm.
Về trạng Quỳnh thì có những chuyện ông vào cung chúa Trịnh . Quỳnh không
làm quan nội phủ, cũng không làm hoạn quan, làm sao có thể vào cung mà
gần gũi chúa Trịnh. Một người dù ngu dại cũng không thể nào nói "đá bèo"
với bà chúa nếu không muốn đứt đầu?. Hơn nữa, Quỳnh chỉ là một thường
dân, khi một bà chúa ngự qua nơi nào thì bọn lính hầu đã đuổi mọi người
đi xa, làm sao Quỳnh có thể giáp mặt bà chúa?
Lại nữa, thời quân chủ, không ai dám kêu hiệu của vua mà chửi bới như
truyện Quỳnh bảo hàng thịt chửi thằng " bảo thái" (Bảo Thái là niện hiệu
vua Lê Dụ Tông (1720- 1726). Đây là tội khi quân phải chém.
Chuyện các quan ép Quỳnh thi Hội cũng là một chuyện đùa.Có ai lại ép ai
đi thi? Đi thi đâu phải là chuyện chơi mà đổ phân vào ống quyển. Sĩ tử
vào trường thi phải ngồi yên vị trong lều, không thể đi lang thang, nhất
là bỏ lều mà ra đường thập đạo dạo quanh. Hơn nữa, bài thi phải viết
nghiêm túc; phạm trường quy có thể bị tù, bị chém đầu. Vô tình viết
sai một chữ còn bị tù huống hồ viết cả một bài thơ nhảm nhí, thô tục:
Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm gỉ chẳng vẻ voi,
Tớ có một điều xin nói thật,
Ai mà cười tớ nó ăn bòi!
Không ai lại đem tính mạng của mình để đùa như vậy. Chẳng qua là thiên hạ bày ra cho vui trong câu chuyện mà thôi. Chỉ những người không học, không đi thì thì mới đặt truyện ngông cuồng như thế!
Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm gỉ chẳng vẻ voi,
Tớ có một điều xin nói thật,
Ai mà cười tớ nó ăn bòi!
Không ai lại đem tính mạng của mình để đùa như vậy. Chẳng qua là thiên hạ bày ra cho vui trong câu chuyện mà thôi. Chỉ những người không học, không đi thì thì mới đặt truyện ngông cuồng như thế!
Có một số truyện khác không thuộc trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất mà là
truyện những bậc đại khoa, những sứ thần, hay những bậc danh sĩ được vua
bí mật cử ra gặp các sứ thần. Tất cả những truyện đó đều muốn nói lên
tinh thần đại thắng, đại trí tuệ của ta. Đó chẳng qua là một cái mặc
cảm tự ty mình thua kém cho nên đặt ra những "thành tích vĩ đại " như
thế để tự thỏa mãn tính tự hào dân tộc."Như việc Mạc Đỉnh Chi đi sứ
Trung Quốc, đối đáp thơ rất hay. Mạc Đỉnh Chi đánh cờ với các quan Trung
quốc cũng đại thắng, và đối đáp với vua Trung Quốc cũng trót lọt, tài
giỏi quá, đáng cho ta tự hào!
Chuyện đáng kể được nhiều sách Việt Nam chép theo là chuyện Mạc Đỉnh Chi
đối đáp với quan Trung Quốc khi qua ải. Mạc Đỉnh Chi qua ải muộn, quan
đóng cửa thành. Mặc Đỉnh Chi năn nỉ, họ thả xuống một vế đối:Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan 過關遲, 關關閉, 願過客過關
( Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua)
Một vế đối hóc búa đến 4 chữ quan và 3 chữ quá? Mạc Đĩnh Chi thấy khó, nhưng ông đã nhanh trí dùng mẹo để đối như sau:
Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối 先對易, 對對難, 請先生先對
(nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước).
Có hai điều đáng nói. Truyện trên phi lý vì cửa thành đã đóng thì không
ai dám mở vì việc đó phạm luật, phạm pháp. Mất chức vụ và tù đày là cái
chắc! Sách Trung Quốc cũng nói đến chuyện này coi như là chuyện vui
trong dân gian. Đó là chuyện giữa một nhóm thầy trò Trung Quốc sáu người
khi qua cửa ải đối đáp với nhau ( 1) chứ không phải là truyện Mạc Đỉnh
Chi. Một tài liệu khác cũng nói đó là chuyện các thầy trò đi vào Triết
giang và đối đáp cùng nhau (2). Trong vế thứ hai có chữ " tiên sinh"
như vậy là chuyện thầy trò ra câu đối. Không biết cái ông nào vơ vào cho
Mạc Đỉnh Chi để làm tăng danh giá cho người Việt Nam! Đó là một hành vi
man trá dù chỉ là để vui cười.
Tiếp theo cũng là chuyện Mặc Đỉnh Chi . Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu (thô bỉ, quê mùa ). Bất thình lình, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng, tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của Tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, Tể tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông".
Tiếp theo cũng là chuyện Mặc Đỉnh Chi . Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu (thô bỉ, quê mùa ). Bất thình lình, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng, tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của Tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, Tể tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông".
Tôi nghĩ rằng ra nước người, đến chốn kinh đô, vào nơi điện các, đi
đứng, nói năng, hành động không ai dám khinh suất, nhất là khi mình mang
trọng trách của một sứ thần. Có thể là Mạc Đỉnh Chi thấy con chim trên
trướng mà tưởng là chim thật. Nếu đúng như vậy thì ông tâm không định,
và tính tình trẻ con và hành động của kẻ quê mùa. Nếu ông dám xé bức
trướng của tể tướng là ông quá càn rỡ. Dù ta đến nhà bá tánh, ta cũng
không nên phá hoại như vậy huống là nơi quan quyền sang cả. Lý luận
của Mạc Đỉnh Chi chỉ là lý luận khiên cưỡng, kiểu nói lấy được để che
đậy cái ngu, cái kém của mình. Tôi nghĩ rằng Mạc Đỉnh Chi không làm như
vậy, chỉ là chuyện đâu đó cột vào cho Mạc Đĩnh Chi để biện minh cho cái
trí tuệ đỉnh cao!
Người ta còn kể truyện trạng Quỳnh thi vẽ nhanh với sứ Trung Quốc. Ông
lấy mười ngón tay cho vào nghiên mực rồi kéo thành mười con dun và rằng
trạng Quỳnh đại thắng. Đó cũng chỉ là chuyện đuà vì khi thi, người ta
phải ra đề, ví dụ vẽ con ngựa, con rồng. Mười ngón tay dù nhanh cũng
không thể là một bức họa. Hơn nữa, nếu là một cuộc thi vẽ, triều đình
phải chon một bậc danh họa, nhưng không nghe nói ông có tài vẽ. Dù
truyện này là truyện bịa cũng phản ánh tinh thần dân ta bất tài cho nên
thích dùng mánh lới, bịp bợm.
Thập niên đại hạn phùng cam vũ,
Vạn lý tha hương ngộ cố tri.
Phú quý động phòng hoa chúc dạ,
Thiếu niên kim bảng quải danh thì
(Mười năm đại hạn, gặp mưa, vui thay!
Ngàn dặn xa quê gặp bạn sướng nào tày!
Phú quý đêm tân hôn, ôi quá đả!
Tuổi trẻ đậu cao, lòng ngất ngây! )
Bài thơ này xuất sắc hơn bài của quan Trung Quốc. Đại hạn mười năm gặp mưa mới quý chứ đại hạn vài tháng gặp mưa thì ăn thua gì! Gặp bạn ở Nga hay Mỹ thì vui hơn là gặp bạn ở Cambodia hay Lào! Nghèo mà cưới vợ thì có gì mà vui! Già 70 mà thi đỗ thì còn gì mà mừng!
Cũng tương tự truyện trên, truyện kể rằng sứ nước ta sang Trung Quốc
được vua Trung Quốc ra làm một đề thơ cho sứ các nước và thi sĩ Trung
Hoa . Sứ nước ta bí, nhìn sang một vị quan lại Trung Quốc thấy ông ta hí
hoáy viết một mạch. Nhìn theo cây bút của quan Trung Quốc, sứ ta thấy
bài thơ viết như sau mà đề tài có lẽ là "tứ khoái":
Đại hạn phùng cam vũ.
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ.
Kim bảng quải danh thì.
(Nắng lâu gặp trận mưa rào,
Quê người gặp bạn xiết bao vui mừng.
Sướng nhất là đêm động phòng
Mừng nhất là thấy tên trong bảng vàng.)
Quan sứ ta liền thêm vào mỗi câu hai chữ:
Đại hạn phùng cam vũ.
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ.
Kim bảng quải danh thì.
(Nắng lâu gặp trận mưa rào,
Quê người gặp bạn xiết bao vui mừng.
Sướng nhất là đêm động phòng
Mừng nhất là thấy tên trong bảng vàng.)
Quan sứ ta liền thêm vào mỗi câu hai chữ:
Thập niên đại hạn phùng cam vũ,
Vạn lý tha hương ngộ cố tri.
Phú quý động phòng hoa chúc dạ,
Thiếu niên kim bảng quải danh thì
(Mười năm đại hạn, gặp mưa, vui thay!
Ngàn dặn xa quê gặp bạn sướng nào tày!
Phú quý đêm tân hôn, ôi quá đả!
Tuổi trẻ đậu cao, lòng ngất ngây! )
Bài thơ này xuất sắc hơn bài của quan Trung Quốc. Đại hạn mười năm gặp mưa mới quý chứ đại hạn vài tháng gặp mưa thì ăn thua gì! Gặp bạn ở Nga hay Mỹ thì vui hơn là gặp bạn ở Cambodia hay Lào! Nghèo mà cưới vợ thì có gì mà vui! Già 70 mà thi đỗ thì còn gì mà mừng!
Vua xem, khen ngợi sứ ta tài giỏi hơn quan Trung Quốc. Đây cũng là biểu
lộ cái tâm lý biết mình thua kém nên chủ trương dối trá, trộm cắp, lường
gạt! Điều này cũng là ba xạo . Kẻ tiểu học thì khi viết động toàn cây
bút, còn bậc lão học chỉ di chuyển ở đầu ngọn bút mà thôi! Nhưng mấy ai
có thể nhìn bút mà đọc chữ?
Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Điểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn có buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
"Nam bang nhất thốn thổ bất tri nhân canh"
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
"Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất"
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Điểm. Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên đường lại có sức học kinh người đến thế !
Khách ra đi, xuống đò của Quỳnh. Khi đò đến giữa sông, một tên trong nhóm sứ Tàu nhột bụng, vãi rắm nghe một tiếng "bủm". Không thấy xấu hổ thì thôi, hắn còn đọc một câu chữa thẹn xấc xược:
Lôi động Nam bang (Sấm động nước Nam)
Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng cậy vạch quần đái vòng cầu qua đầu sứ, vừa đái vừa đọc:
Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc)
Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:
"Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ "
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )
Theo đài BBC, trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam về ‘ Trận Điện Biên Phủ trên không‘ hôm 14/02/2004 viết: "Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972) quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52. "..Nhưng trong một bài đăng năm 2012, báo Bấm Quân đội Nhân dân đã giảm con số B-52 xuống so với trước: "Trong 12 ngày đêm từ 18-12-1972 đến 29-12-1972, quân dân Hà Nội đã lập một kỳ tích lịch sử: bắn rơi 23 máy bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ."
Việt cộng còn khoe khoang là máy bay của họ ẩn trong mây chờ máy bay Mỹ đến là tấn công bất ngờ y như truyện Phong Thần! Việt Cộng còn khoe khoang bao nhiêu anh hùng chống Pháp, chống Mỹ. Nổi danh nhất là La Văn Cầu. Anh ôm bộc phá đánh lô cốt nhưng quả đầu thất bại, bị thương. Anh chặt một cánh tay, còn một cánh tay (không chảy máu, không sưng , không đau nhức?), anh ôm bộc phá 24 k phá đồn giặc.
Trong bài "Sợ sự thật", Nguyễn Quang Lập ( Quê Choa) đăng lại bài của Cô Gái Đồ Long như sau:
LỜI BÌNH: Một số lời bình tiêu biểu ngay dưới bài báo của các độc giả:
+ Câu chuyện thần thoại vô chứng cứ với những chi tiết lố bịch đến mức con nít tiểu học nước ngoài cũng phải thốt lên là “bốc phét thì cũng vừa vừa thôi, còn để dành chỗ cho chữ ký!” thế mà báo nhà nước vẫn đăng mới nản!
+ UH-1F sử dụng động cơ mới General Electric T-58-GE-3 với công suất 1,325 hp. UH-1H sử dụng đông cơ Lycoming T53-L13 với công suất 1400hp. Điều đó có nghĩa là động cơ của nó mạnh từ 1,325 đến 1,400 mã lực. Muốn kéo nó đứng lại phải cần một đối lực bằng ít nhất là 1,300 con ngựa. Bác Kiểm có đi học không nhỉ?
+ Hay chỉ là trực thăng bằng giấy cúng cô hồn Rằm tháng Bảy mà bác Kiểm nhà ta thần hồn nát thần tính nhìn lộn vậy ta... hihi...
+ Thật hãi quá các cụ ơi. Nghe nói hồi xưa có vụ chiến sĩ ta cầm K54 bắn rơi B52 nữa đấy!
+ Cụ Bùi Minh Kiểm đúng là Hercule của Việt Nam! Vãi thật siêu nhân à!
+ Superman có họ hàng người Việt mà bây giờ mình mới biết!
+ Xin các bác nhà báo có bơm thì cũng bơm vừa phải thôi chứ; bơm quá đối tượng bay như bong bóng mất.
+Nhảm thật!Sau trận pháo kích dữ dội mà đơn vị ông Kiểm vẫn còn sống và bám gần đó và vẫn còn bất ngờ khi quân Mỹ đổ bộ xuống ngay đó thì ông ổng là Rambo và chẳng biết gì về kỹ thuật quân sự cả.
+ Theo câu chuyện kể thì lúc đang đứng dưới hào chiến đấu, ông này đã nhảy lên nắm càng máy bay lôi nó xuống đất. Xin hỏi máy bay này nếu nó biết bên dưới là địch, thì khoảng cách nó giữ với mặt đất không lẽ chỉ 1, 2 mét? Hơn nữa ông này còn đứng dưới hào, là ít ra phải ngang hông, coi như ông muốn với tới máy bay phải nhảy như người nhện. Chưa kể ổng nặng bao nhiêu? Cho hết quân trang quân dụng ổng nặng cỡ 100kg thì nhằm nhò gì với cái trực thăng này?
+Ghét nhấtlà đọc mấy đoạn kể lại của bố Kiểm. Toàn suy diễn vàbịa chuyện, chẳng thể tin nổi.
+ Chắc tay phóng viên xem phim “siêu nhân” hơi bị nhiều!
+ Trực thăng Mỹ nó bắn rocket mà hạ thấp đến mức cho bác bám vào à? Mức đó thì nó bắn xong nó nổ luôn chắc.
+ Học ngữ văn của Việt Nam là biết khả năng chém gió khủng đến cỡ nào!Nói khoác một mình dùng súng AK47 bắn hạ cả đống máy bay chưa đã sao lại còn bảo kéo cả UH-1 xuống bằng tay không. Ngày đó thân xác bác Kiểm đặc công nhà mình nặng giỏi lắm khoảng 50kg. Sao bác tài thế! Tại hạ khâm phục! Khâm phục!
+ Vẫn biết tiền bối có công rất lớn nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Tiền bối viết bí kíp võ công như thế thì hậu bối chỉ có tẩu hỏa nhập ma...
+ Thế hóa ra cái trực thăng nó bay tới mức đủ thấp để ông này chạy chạy chạy lại bám càng, mà cả thằng phi công lẫn thằng xạ thủ ở trong không làm được gì hả? Nhẽ bọn Mỹ nó ngu quá thiểu năng vậy hả? Hay ông này còn có cả khả năng chạy siêu nhanh như của Flash?
+ Có phải khi xưa bác cư ngụ gần kho đạn Long Bình chăng mà nổ đinh tai vậy?
+ Bác nổ còn hơn bom tấn. Bác coi trời bằng vung, coi trí tuệ của bàn dân thiên hạ như dân Bắc Hàn
+ Kỷ lục nâng vật nặng thế giới là 458 kg. Vậy vị anh hùng Bùi Minh Kiểm của chúng ta mạnh hơ
+ Thì đã bảo “Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm” mà lị. Với cách nói ngông này, ông kéo trực thăng một phát là xuống ngay.
+ Cái loa tuyên truyền phát ra đều có cơ sở, ngay cả người có thể đi trên ngọn lúa. Một anh nói phét có thể chưa được ai tin nhưng ngàn anh nói phét là nhìn lên trời thấy râu Lê Nin thì chục anh còn lại cũng hô lên “Ừ nhỉ... đúng là râu cụ Lê Nin đã hiện ở trên trời!” Quên mất, không biết cái đó gọi là gì. Thôi tạm gọi nó là... hiệu ứng nói phét!
+ Ngày xưa từng có những phi công quân đội nhân dân ta “rình trong mây, đợi máy bay của địch bay ngang qua rồi nhảy từ máy bay của ta sang máy bay của chúng, nạy cửa bắt sống phi công địch“à theo lời của các cụ Tuyên Huấn thì đây cũng là câu chuyện và nhân vật có thật, nhưng tạm thời chưa xác định rõ danh tính, tuổi tác, cũng như là tên của hành tinh nơi sự việc ly kỳ ấy xảy ra. Hahaha...
Bạn đã đọc toàn văn bài báo “kinh khủng” này, nếu chưa tin hẳn, bạn có thể link theo đường này:
http://phunutoday.vn/ blog-nguoi-noi-tieng/ nguoi-noi-tieng/ 201203/Huyen-thoai-tay-không-quat-nga-truc-thang-uH1-cua-My-2136590/
(Chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (phunutoday.vn) của báo điện tử nguoiduatin.vn)
Nền lịch sử hiện đại theo trường phái Ba Giai, Tú Xuất ở nước ta khởi đầu có lẽ là Trần Huy Liệu. Ông đã bịa ra Lê Văn Tám, đuốc sống. Ai đời một người bị cháy toàn thân mà có thể chạy một quảng dài được ư? Cũng như các ông Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Võ Nguyên Giáp gần chết mới khai khẩu, Trần Huy Liệu gần chết cũng trối trăng với Phan Huy Lê về việc ông xạo. Những khởi đầu nền chính trị và văn học Ba Giai Tú Xuất ở nước ta chính là bác của các ngài đỉnh cao trí tuệ.
Aleksandr Solzhenitsyn nói :" Khi một người cộng sản nói láo, ta hay đứng dậy mà bảo nó rang mày là đồ nói láo. Nếu không muốn nói như thế, thì hãy đứng dậy mà đi nơi khác.
Người Miền Nam đã bỏ nước mà đi vì không muốn nghe cộng sản nói láo. Nay đã đến lúc toàn dân đứng dậy đuổi cộng sản đi nơi khác để xây dựng một quốc gia dân chủ và tự do.
____
CHÚTHÍCH
(1).徒對師.http://www.b111.net/qingsong/qs-zgxl/005.htm
(2). http://www.open-lit.com/listbook.php?cid=5&gbid=450
(5).http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121228_hanoi_ban_roi_bao_nhieu_b52.shtml
Một chuyện khác kể như sau: Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang
nước ta. Chúa bèn kêu Quỳnh vào, giao cho giữ việc nghênh tiếp. Quỳnh
phụng mạng vua, đồng thời xin triệu thêm bà Đoàn Thị Điểm giả làm người
bán hàng nước cho khách qua đường, còn mình giả trang làm anh lái đò đưa
sứ bộ qua sông.
Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Điểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn có buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
"Nam bang nhất thốn thổ bất tri nhân canh"
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
"Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất"
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Điểm. Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên đường lại có sức học kinh người đến thế !
Khách ra đi, xuống đò của Quỳnh. Khi đò đến giữa sông, một tên trong nhóm sứ Tàu nhột bụng, vãi rắm nghe một tiếng "bủm". Không thấy xấu hổ thì thôi, hắn còn đọc một câu chữa thẹn xấc xược:
Lôi động Nam bang (Sấm động nước Nam)
Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng cậy vạch quần đái vòng cầu qua đầu sứ, vừa đái vừa đọc:
Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc)
Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:
"Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ "
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )
Tôi nghĩ rằng chuyện đó có lẽ cũng biạ vì dân ta học chữ Trung Quốc
nhưng đọc khác Trung Quốc. . Sứ thần nước ta hay các quan lại ta phải
cần thông dịch khi tiếp xúc với Trung Quốc. Bình thường thì ta có thể
bút đàm với họ. Không biết bà Đoàn thị Điểm và trạng Quỳnh có nghe và
nói được tiếng Hoa không?
Ngoài ra trong triều, trong phủ chúa thiếu gì người tài, nhiều quan lại phụ trách ngoại giao, đầu cần đến trạng Quỳnh, một anh chàng nói láo và có tính ngông cuồng, nhiều khi bỉ ổi! Lại nữa, dù trong dân chúng, không ai lại đái trước mặt khách, nhất là dám đái qua đầu sứ thần. Tội chết đấy vì trong phái đoàn ăt có quân hộ vệ Trung Quốc, chúng sẽ vung gươm chém chết kẻ xấc xược, hỗn láo. Hơn nữa, từ Nam quan cho đến Thăng Long, các quan ta phải đi theo tiếp đón sứ Trung Quốc, không thể nào để cho những việc vô văn hóa xảy ra trong cuộc bang giao giữa hai nước.
Ngoài ra trong triều, trong phủ chúa thiếu gì người tài, nhiều quan lại phụ trách ngoại giao, đầu cần đến trạng Quỳnh, một anh chàng nói láo và có tính ngông cuồng, nhiều khi bỉ ổi! Lại nữa, dù trong dân chúng, không ai lại đái trước mặt khách, nhất là dám đái qua đầu sứ thần. Tội chết đấy vì trong phái đoàn ăt có quân hộ vệ Trung Quốc, chúng sẽ vung gươm chém chết kẻ xấc xược, hỗn láo. Hơn nữa, từ Nam quan cho đến Thăng Long, các quan ta phải đi theo tiếp đón sứ Trung Quốc, không thể nào để cho những việc vô văn hóa xảy ra trong cuộc bang giao giữa hai nước.
Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất chỉ là chuyện trào phúng trong dân gian,
không phải chuyện thật. Đó là những chuyện gian dối, lừa đảo, lưu manh,
hạ cấp, ấy thế mà các bậc trí thức cho đến dân chúng đều thích thú. Tôi
nghĩ rằng đó là cái cười vô ý thức, vô tình khuyến khich con người làm
gian, làm ác, trái với luân lý Nho, Lão, Phật.
Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất đại biểu cho trường phái văn học và chính
trị gian ác, lưu manh, mà văn từ văn hoa gọi là chính sách bá đạo, trái
với Vương đạo là chính sách theo nhân nghĩa. Một danh từ khác gọi là
chính sách Machiavelli. Machiavelli là người Ý, nổi danh với tác phẩm
Le Prince, luận về các thủ đoạn gian manh, tàn ác để cướp quyền và giữ
quyền bính. Đảng Cộng sản từ Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot đều theo
chủ thuyết gian manh, tàn độc của Machiavelli.
Tại Việt Nam, cộng sản đã áp dụng đường lối trạng Quỳnh, Ba Giai,Tú Xuất
trong mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, nhất là về văn hóa là
mũi nhọn tuyên truyền gian dối của cộng sản.
Về quân sự cộng sản đã tuyên truyền gian dối. Điện Biện Phủ dù lính Việt
Nam đã đổ máu nhưng phần lớn là do kế hoạch, lãnh đạo, của các tướng
Trung Quốc Như Trần Canh, La Quý Ba và các binh sĩ Trung Quốc nữa,. Cho
đến nay Trung Cộng và Việt Cộng vẫn giấu kín việc này, và họ cho rằng do
Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Sự thật trong chính trị, và quân sự, Việt
Cộng đều có Trung Quốc đứng sau yểm trợ. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chỉ
là những ông cha hờ.
Từ trước, cộng sản vẫn cho rằng họ tự lực chống Mỹ mà chê bai miền Nam phải cậy cục Mỹ. Nhưng tài liệu của Trung Cộng cho biết trong khi Mỹ yểm trợ cho miền Nam thì Trung Cộng cũng yểm trợ tương tự:
Từ tháng giêng 1965 đến tháng 3/1968, TH đã gởi qua VN trên 320.000 binh lính vào những đơn vị phòng không, công binh, hỏa xa và tiếp liệu, có lúc đến 175.000 người trong một năm. Hòa hợp với nhân dân VN, các binh sĩ TH tại VN, đã đem xương máu và sinh mạng của mình ra để bảo vệ không phận Bắc Việt, bảo đảm sự thông trên các trục lộ Bắc Việt. Điều đó đã cho phép quân đội nhân dân VN gởi một số quan trọng bộ đội để chiến đấu tại miền Nam. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quốc tế, binh lính TH đã rút toàn bộ về nước vào tháng 7/1970. Hàng ngàn liệt sĩ TH đã được mai táng trên đất Việt....( 3 )
Nếu Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, người Miêu Lật, Đài Loan thì rõ ràng là tất cả mọi tấn tuồng ở Việt Nam đều giả dối, một sự lừa đảo vĩ đại.
Từ trước, cộng sản vẫn cho rằng họ tự lực chống Mỹ mà chê bai miền Nam phải cậy cục Mỹ. Nhưng tài liệu của Trung Cộng cho biết trong khi Mỹ yểm trợ cho miền Nam thì Trung Cộng cũng yểm trợ tương tự:
Từ tháng giêng 1965 đến tháng 3/1968, TH đã gởi qua VN trên 320.000 binh lính vào những đơn vị phòng không, công binh, hỏa xa và tiếp liệu, có lúc đến 175.000 người trong một năm. Hòa hợp với nhân dân VN, các binh sĩ TH tại VN, đã đem xương máu và sinh mạng của mình ra để bảo vệ không phận Bắc Việt, bảo đảm sự thông trên các trục lộ Bắc Việt. Điều đó đã cho phép quân đội nhân dân VN gởi một số quan trọng bộ đội để chiến đấu tại miền Nam. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quốc tế, binh lính TH đã rút toàn bộ về nước vào tháng 7/1970. Hàng ngàn liệt sĩ TH đã được mai táng trên đất Việt....( 3 )
Nếu Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, người Miêu Lật, Đài Loan thì rõ ràng là tất cả mọi tấn tuồng ở Việt Nam đều giả dối, một sự lừa đảo vĩ đại.
Trận mậu thân là một thất bại về quân sự. Vì thất bại mà cộng sản điên
cuồng giết dân để trả thù, vì bại trận mà Hồ Chí Minh uất mà chết. Cộng
sản khoe khoang rằng hỏa tiễn Liên Xô chế tạo không bắn được B52 của
Mỹ, sau nhờ khoa học gia Trần Đại Nghĩa sửa đổi mà bắn hạ B52 của Mỹ.
Trần Đại Nghĩa giỏi thế a? Giỏi hơn Liên Xô hả?
Con hơn cha là nhà có phúc, trò hơn thầy là niềm tự hào của đảng ta?
Việt Cộng còn khoe khoang ngoài Bắc chỗ nào cũng có dầu hỏa, cứ đặt ống
đủ đủ xuống đất thì dầu trào lên mà tha hồ nấu bánh chưng. Và quân ta
chế được xăng bột, lúc cần thì chế nước vào khuấy lên đổ vào thùng thì
xe tăng, máy bay chạy ầm ầm! Dân ta nay tại Việt Nam bán xăng pha nước
chắc là do bí truyền xăng bột này chăng ?Việt cộng khoe đã tiêu diệt được tất thảy khoảng 2000 máy bay, trong đó có 60 máy bay B-52 của Mỹ trong suốt cuộc chiến ở miền bắc Việt Nam.(4)
Theo đài BBC, trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam về ‘ Trận Điện Biên Phủ trên không‘ hôm 14/02/2004 viết: "Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972) quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52. "..Nhưng trong một bài đăng năm 2012, báo Bấm Quân đội Nhân dân đã giảm con số B-52 xuống so với trước: "Trong 12 ngày đêm từ 18-12-1972 đến 29-12-1972, quân dân Hà Nội đã lập một kỳ tích lịch sử: bắn rơi 23 máy bay B-52, bắt sống nhiều phi công Mỹ."
Một trong số bài viết gần đây nhất, của Rebecca Grant trên trang Bấm Airforce Magazine
tháng 12/2012 mô tả: "Các đội bay của B-52 xuất kích cả thảy
729 lần trong đêm...Cho đến khi chiến dịch kết thúc, Bắc Việt
Nam đã quỳ gối, nói như lời của Cố vấn an ninh quốc gia Henry
A. Kissinger. Họ đã sẵn sàng ký vào văn bản hòa đàm gồm cả
phần trao trả tù binh Mỹ"
Bà Rebecca Grant cũng trích sử gia không quân Walter J. Boyne nói
có tám phi công Mỹ "bị giế́t khi tham chiến hoặc chết vì vết
thương, 25 mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh, và chỉ
có 26 được cứu thoát trước khi rơi bị bắt sống". Con số B-52
bị bắn hạ, theo nguồn tin này là 15 (5)
Việt cộng còn khoe khoang là máy bay của họ ẩn trong mây chờ máy bay Mỹ đến là tấn công bất ngờ y như truyện Phong Thần! Việt Cộng còn khoe khoang bao nhiêu anh hùng chống Pháp, chống Mỹ. Nổi danh nhất là La Văn Cầu. Anh ôm bộc phá đánh lô cốt nhưng quả đầu thất bại, bị thương. Anh chặt một cánh tay, còn một cánh tay (không chảy máu, không sưng , không đau nhức?), anh ôm bộc phá 24 k phá đồn giặc.
Còn anh hùng Trần Cừ lấy thân mình bịt lỗ châu mai. Địch không biết
bắn vào xác anh cho tan xác ra hay lấy súng đẩy thi hài anh ra hay
sao?
Trong nền văn chương Việt cộng, những mẹ Suốt, bà mẹ Hậu giang, anh hùng
Núp. thì không thiếu! Ngày nay các báo chí Việt Cộng cũng nhắc đi nhắc
lại thành tích các dũng sĩ diệt Mỹ nhiều không kể xiết phần lớn là dũng
sĩ nam nữ 13, 15 tuổi. Khoảng 1976, tội tham dự cuộc học tập chính trị
tại Sai gon và đi tham quan Bến Tre. Tôi ra ngoài hỏi một nông dân:" Hồi
đó ở đây có đội quân tóc dài hở ông"? Ông đáp gọn lỏn:Làm gì có!
Tôi hiểu. Hồi đó Việt Cộng tụ tập một số dân chúng mang súng giả, hỏa tiễn giả, bộc lôi giả đi quanh làng xóm, rồi tuyên truyền đó là đội quân tóc dài của Nguyễn Thị Định.
Cộng sản tuyên truyền Nguyễn Văn Bé là một tấm gương anh hùng trong chiến đấu.. Năm 1996, sau khi bị bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí, theo yêu cầu của các binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Bé phải giải thích công dụng của các loại vũ khí này. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Văn Bé cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng, làm chết 69 binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, cùng nhiều xe tăng; hy sinh tan xác tại chỗ. Nguồn tin của Mỹ , Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng chiến tranh và từ trần ngày 24 tháng 3 năm 2002 .
Tôi hiểu. Hồi đó Việt Cộng tụ tập một số dân chúng mang súng giả, hỏa tiễn giả, bộc lôi giả đi quanh làng xóm, rồi tuyên truyền đó là đội quân tóc dài của Nguyễn Thị Định.
Cộng sản tuyên truyền Nguyễn Văn Bé là một tấm gương anh hùng trong chiến đấu.. Năm 1996, sau khi bị bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí, theo yêu cầu của các binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Bé phải giải thích công dụng của các loại vũ khí này. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Văn Bé cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng, làm chết 69 binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, cùng nhiều xe tăng; hy sinh tan xác tại chỗ. Nguồn tin của Mỹ , Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng chiến tranh và từ trần ngày 24 tháng 3 năm 2002 .
Trong bài "Sợ sự thật", Nguyễn Quang Lập ( Quê Choa) đăng lại bài của Cô Gái Đồ Long như sau:
Blog FB của Cô Gái Đồ Long ( tại đây!)
cho hay: “Huyện Xuân Lộc bây giờ đã là Thị xã Long Khánh nên đường
Nguyễn Văn Bé cũng được mở rộng hoành tráng, chạy dọc suốt chiều ngang
thị trấn như con đường huyết mạch. Nhưng, tự dưng gần đây mấy bác lãnh
đạo địa phương bất ngờ cho đổi tên đường Nguyễn Văn Bé thành Hồ Thị
Hương”.
Thế là câu chuyện Nguyễn Văn Bé
đã lộ sáng. Hoặc anh ta là nhân vật anh hùng không có thực, anh hùng
tuyên huấn như kiểu anh hùng Lê Văn Tám; hoặc đó là kẻ chiêu hồi, anh ta
không hy sinh năm 1966 mà chết vì bệnh năm 2002 tại Mỹ. (6)
Tiếc cho Cộng sản tuyên truyền dối trá . Mìn Claymore chỉ phát nổ
khi được kích bằng điện và cho dù có đập, rớt, quăng, liệng nó xuống thì
vẫn… không phát nổ! Như vậy đã rõ, anh hùng Nguyễn Văn Bé không phải
là anh hùng mà là một kẻ hàng giặc. Sau khi xác nhận cái chết của
Nguyễn Văn Bé, con đường mang tên anh ở thị xã Long Khánh nay không còn
nữa.
Tinh thấn Ba Giai, Tú Xuất đó ngày nay vẫn tiếp tực lên đường.Văn Quang viết trong bài
HIỆU ỨNG NÓI PHÉT, kể lại hồi ký "Huyền thoại tay không “quật ngã” trực thăng UH-1 của Mỹ.” (Báo Phụ Nữ Today, tác giả: nhà báo Hạ Nguyên) kể theo lời một anh hùng cộng sản. Người anh hùng đó kể như sau:
Hơn 15 năm cầm súng chinh chiến dọc một dải chiến trường miền trung,
ông đã lập nên những kỳ tích huyền thoại khi “một mình hạ hơn 8 chiếc
máy bay UH - 1 và hàng chục xe tăng, thiết giáp của Mỹ ngụy.”.. Khi
chiếc UH - 1 rà tới chuẩn bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao
người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống. Đôi bàn tay thép như
chiếc nam châm hút chiếc UH - 1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất
ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao từ bên dưới bắn thốc
lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao
xuống, nổ tan xác.(Trong khi d/c Kiểm níu máy bay trực thăng, d/c Thao
bắn máy bay nổ tan thế mà d/c Kiểm vẫn sống nhăn ra kìa!)
Ông cười tự hào, “Gần 10 năm (1966-1975), Đoàn pháo binh 575 đã đánh
hơn 500 trận, tiêu diệt 6.000 tên địch với hàng ngàn sĩ quan, phá hủy
780 máy bay, 1.000 xe quân sự, 200 khẩu pháo các loại, thiêu cháy 50
triệu lít xăng dầu và rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ.
LỜI BÌNH: Một số lời bình tiêu biểu ngay dưới bài báo của các độc giả:
+ Câu chuyện thần thoại vô chứng cứ với những chi tiết lố bịch đến mức con nít tiểu học nước ngoài cũng phải thốt lên là “bốc phét thì cũng vừa vừa thôi, còn để dành chỗ cho chữ ký!” thế mà báo nhà nước vẫn đăng mới nản!
+ UH-1F sử dụng động cơ mới General Electric T-58-GE-3 với công suất 1,325 hp. UH-1H sử dụng đông cơ Lycoming T53-L13 với công suất 1400hp. Điều đó có nghĩa là động cơ của nó mạnh từ 1,325 đến 1,400 mã lực. Muốn kéo nó đứng lại phải cần một đối lực bằng ít nhất là 1,300 con ngựa. Bác Kiểm có đi học không nhỉ?
+ Hay chỉ là trực thăng bằng giấy cúng cô hồn Rằm tháng Bảy mà bác Kiểm nhà ta thần hồn nát thần tính nhìn lộn vậy ta... hihi...
+ Thật hãi quá các cụ ơi. Nghe nói hồi xưa có vụ chiến sĩ ta cầm K54 bắn rơi B52 nữa đấy!
+ Cụ Bùi Minh Kiểm đúng là Hercule của Việt Nam! Vãi thật siêu nhân à!
+ Superman có họ hàng người Việt mà bây giờ mình mới biết!
+ Xin các bác nhà báo có bơm thì cũng bơm vừa phải thôi chứ; bơm quá đối tượng bay như bong bóng mất.
+Nhảm thật!Sau trận pháo kích dữ dội mà đơn vị ông Kiểm vẫn còn sống và bám gần đó và vẫn còn bất ngờ khi quân Mỹ đổ bộ xuống ngay đó thì ông ổng là Rambo và chẳng biết gì về kỹ thuật quân sự cả.
+ Theo câu chuyện kể thì lúc đang đứng dưới hào chiến đấu, ông này đã nhảy lên nắm càng máy bay lôi nó xuống đất. Xin hỏi máy bay này nếu nó biết bên dưới là địch, thì khoảng cách nó giữ với mặt đất không lẽ chỉ 1, 2 mét? Hơn nữa ông này còn đứng dưới hào, là ít ra phải ngang hông, coi như ông muốn với tới máy bay phải nhảy như người nhện. Chưa kể ổng nặng bao nhiêu? Cho hết quân trang quân dụng ổng nặng cỡ 100kg thì nhằm nhò gì với cái trực thăng này?
+Ghét nhấtlà đọc mấy đoạn kể lại của bố Kiểm. Toàn suy diễn vàbịa chuyện, chẳng thể tin nổi.
+ Chắc tay phóng viên xem phim “siêu nhân” hơi bị nhiều!
+ Trực thăng Mỹ nó bắn rocket mà hạ thấp đến mức cho bác bám vào à? Mức đó thì nó bắn xong nó nổ luôn chắc.
+ Học ngữ văn của Việt Nam là biết khả năng chém gió khủng đến cỡ nào!Nói khoác một mình dùng súng AK47 bắn hạ cả đống máy bay chưa đã sao lại còn bảo kéo cả UH-1 xuống bằng tay không. Ngày đó thân xác bác Kiểm đặc công nhà mình nặng giỏi lắm khoảng 50kg. Sao bác tài thế! Tại hạ khâm phục! Khâm phục!
+ Vẫn biết tiền bối có công rất lớn nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Tiền bối viết bí kíp võ công như thế thì hậu bối chỉ có tẩu hỏa nhập ma...
+ Thế hóa ra cái trực thăng nó bay tới mức đủ thấp để ông này chạy chạy chạy lại bám càng, mà cả thằng phi công lẫn thằng xạ thủ ở trong không làm được gì hả? Nhẽ bọn Mỹ nó ngu quá thiểu năng vậy hả? Hay ông này còn có cả khả năng chạy siêu nhanh như của Flash?
+ Bác nổ còn hơn bom tấn. Bác coi trời bằng vung, coi trí tuệ của bàn dân thiên hạ như dân Bắc Hàn
+ Kỷ lục nâng vật nặng thế giới là 458 kg. Vậy vị anh hùng Bùi Minh Kiểm của chúng ta mạnh hơ
+ Thì đã bảo “Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm” mà lị. Với cách nói ngông này, ông kéo trực thăng một phát là xuống ngay.
+ Cái loa tuyên truyền phát ra đều có cơ sở, ngay cả người có thể đi trên ngọn lúa. Một anh nói phét có thể chưa được ai tin nhưng ngàn anh nói phét là nhìn lên trời thấy râu Lê Nin thì chục anh còn lại cũng hô lên “Ừ nhỉ... đúng là râu cụ Lê Nin đã hiện ở trên trời!” Quên mất, không biết cái đó gọi là gì. Thôi tạm gọi nó là... hiệu ứng nói phét!
+ Ngày xưa từng có những phi công quân đội nhân dân ta “rình trong mây, đợi máy bay của địch bay ngang qua rồi nhảy từ máy bay của ta sang máy bay của chúng, nạy cửa bắt sống phi công địch“à theo lời của các cụ Tuyên Huấn thì đây cũng là câu chuyện và nhân vật có thật, nhưng tạm thời chưa xác định rõ danh tính, tuổi tác, cũng như là tên của hành tinh nơi sự việc ly kỳ ấy xảy ra. Hahaha...
Bạn đã đọc toàn văn bài báo “kinh khủng” này, nếu chưa tin hẳn, bạn có thể link theo đường này:
http://phunutoday.vn/ blog-nguoi-noi-tieng/ nguoi-noi-tieng/ 201203/Huyen-thoai-tay-không-quat-nga-truc-thang-uH1-cua-My-2136590/
(Chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (phunutoday.vn) của báo điện tử nguoiduatin.vn)
Nền lịch sử hiện đại theo trường phái Ba Giai, Tú Xuất ở nước ta khởi đầu có lẽ là Trần Huy Liệu. Ông đã bịa ra Lê Văn Tám, đuốc sống. Ai đời một người bị cháy toàn thân mà có thể chạy một quảng dài được ư? Cũng như các ông Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Võ Nguyên Giáp gần chết mới khai khẩu, Trần Huy Liệu gần chết cũng trối trăng với Phan Huy Lê về việc ông xạo. Những khởi đầu nền chính trị và văn học Ba Giai Tú Xuất ở nước ta chính là bác của các ngài đỉnh cao trí tuệ.
Bác chỉ học lớp ba trường làng, nói tiếng bồi , thế mà văn chương lại
là văn chương cử nhân tiến sĩ cỡ Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh,
Nguyễn Thế Truyèn. Theo Sophie Quinn-Judge, bác
không học trường Đông Phương của Nga , thế mà đi đâu bác cũng khai là
học trường đai học Đông Phương như là Trần Văn Giàu, Trần Phú, Lê Hồng
Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên.Oai thiệt là oai ! Nhưng theo bà
Sophie Quinn Judge, trường Đông Phương không phải là trung học, cao đẳng
,đại học chỉ là trung tâm đào tạo cán bộ cộng sản dạy đủ thứ, ngay cả
Nguyễn Thị Minh Khai cũng như câu Ba chưa học xong tiểu học mà được thâu
nhận, còn câu Ba tệ hơn nên theo lớp đặc biệt vài tháng rồi xong. Các
bậc cộng sản xuất sắc hơn bác thì lần lượt đi theo Marx cho nên chẳng ai
còn sống mà tranh chức đảng trưởng với bác! Trần Văn Giàu còn sống
nhưng đã bị bác lột răng, lột móng cho nên con cọp đã thành con cún.
Bác bán Phan Bội Châu nhưng bác và bọn thủ hạ cứ nói là bác giúp đỡ gia
đình Phan Bội Châu, và bọn họ tuyên truyền rằng Phan Bội Châu luôn nói
bác là anh hùng gánh trách nhiệm lãnh đạo tương lai nước Việt. Gia đình
câu Ba khoảng 1905 nghèo lắm, danh là ông Bảng mà để cho con khát sữa,
câu Ba phải bế em đi xin sữa, nào có dư dã gì mà giúp đỡ gia đình cụ
Phan. Cụ Phan biết tong câu Ba làm tay sai cho Nga nên cụ không theo
Nga, theo cậu Ba. Cụ ghét Nga thì sao mà ca tụng kẻ theo Nga , làm tay
sai cho Nga. Vì cụ không theo Nga nên bị cậu Ba hạ độc thủ! Ngay
trong vu đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm, những lời tố cáo mang tên nọ tên
kia, viết thế nọ thế kia cũng có thể do Việt Cộng đã tung ra, thêm
thắt, sửa chữa theo ý chúng. Ai dám phản đối, nếu dám phản đối cũng
không có phương tiện để trình bày sự thật . Thôi đành "một sự nhịn, chin
sự lành", ai chết mặc ai!.Vụ CCRD chúng vu hãm cho dân ...Đó là thói
gian xảo, dối trá của cộng sản.
Bọn Việt cộng gian manh chuyên làm hàng giả, tung tin giả. Chúng thêm vài hàng vào sách Đào Duy Anh thì Đào Duy Anh cũng không thể cải chính.Cộng sản cũng có thể ra lệnh cho bọn tay sai viết rằng cụ Phan khen ngợi cậu Ba như ta đã thấy. Bọn cộng sản biết ông Hồ ganh tài với cụ Phan, căm thù cả gia đình cụ cho nên từ đó chúng ra sức kìm kẹp gia đình cụ Phan.Tình trạng này được bộc lộ rõ rệt trong CCRD. Nếu ông Hồ và bọn cộng sản Nghệ An kính trọng bậc cách mạng tiền bối thì đã không có đoạn thư của Đặng Thai Mai gửi Trường Chinh:
Bọn Việt cộng gian manh chuyên làm hàng giả, tung tin giả. Chúng thêm vài hàng vào sách Đào Duy Anh thì Đào Duy Anh cũng không thể cải chính.Cộng sản cũng có thể ra lệnh cho bọn tay sai viết rằng cụ Phan khen ngợi cậu Ba như ta đã thấy. Bọn cộng sản biết ông Hồ ganh tài với cụ Phan, căm thù cả gia đình cụ cho nên từ đó chúng ra sức kìm kẹp gia đình cụ Phan.Tình trạng này được bộc lộ rõ rệt trong CCRD. Nếu ông Hồ và bọn cộng sản Nghệ An kính trọng bậc cách mạng tiền bối thì đã không có đoạn thư của Đặng Thai Mai gửi Trường Chinh:
Việc cuối cùng có tính cách cá nhân đặc
biệt là tình hình con cháu cụ Phan Bội Châu hiện nay. Hai người con cụ
chết cả rồi. Một đứa cháu hiện làm trung đội trưởng ở V.B (Việt Bắc). Nhưng người vợ anh ta (lâu nay làm LHPN(Liên Hiệp phụ nữ)
xã) bị liệt vào địa chủ (với một mẫu ruộng phát canh) vì chồng đi vắng
cho nên vụ chiêm vừa rồi, ruộng gặt được 10 gánh lúa thì về phần chị ta
chỉ được 5 lượm, mỗi gánh là 8 lượm (địa chủ phải giảm tô có chỗ 85 %,
như cas ruộng xa) .
Thành thử gia đình sống rất vất vả. Cụ Phan lại còn mấy đứa cháu nữa
hiện còn bé, chỉ còn 3 sào đất cho 3 mẹ con. Chúng nó mới một đứa lên 9,
một đứa lên 12, học lớp 4, lớp 5, ăn bữa no, bữa đói. Tôi không nệ tính
cách cá nhân và dám đề nghị cùng anh xin cho hai đứa cháu đi qua bên
Trung Hoa. Lý do không phải là quan niệm đối với gia đình công thần cách
mạng. Mà chính là vì ở Nghệ Tĩnh, cụ Phan cũng còn ít nhiều người nhớ
đến. Nếu để gia đình đó sống trong cảnh khốn đốn thì cũng là một dịp cho
bọn bất mãn nói vào nói ra. Nếu anh đồng ý thì xin anh điện vào cho
L.K.U.K4 giúp đỡ cho hai đứa bé Phan Việt Hồ và Phan Việt Liên qua Trung
Hoa. Việc thiệt nhỏ nhen, mà cũng viết thư cho anh, xin anh đừng trách
tôi nhiều lời.http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5452&rb=0401
Ôi! Cả nước bị chiến tranh, riêng Thanh Nghệ là đất an bình. Đây lại là quê hương của bác, nhân dân tất phải tự do, hạnh phúc, cớ sao Đặng Thai Mai lại phải kêu xin cho con cháu cụ Phan sang Tàu?
Cụ Phan không có thân nhân hay cơ sở bên Tàu. Cụ Phan nào có phải người của Trung Cộng như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan mà xin đi Trung Quốc?
Đặng Chí Hùng cho biết ": bạn của tác giả Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ, cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể rằng ông nội của anh là cụ Phan bị quy lên thành phần địa chủ, quan lại phong kiến nên nhà cửa của Phan Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở di cảo của cụ bị đảng cộng sản phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ Phan một anh hùng dân tộc vĩ đại nhất thế kỷ XX đã bị Hồ Chí Minh bán đứng cho Pháp (Khi cụ chết rồi vẫn bị đội cải cách ruộng đất sai làm hình nộm giống y người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình nộm cụ Phan. (Phan Văn Khải- http://danlambaovn.blogspot.ca/2013/09/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-23.html#.Up4hXOI_Vp4 )
Nào phải riêng gia đình cụ Phan. Bọn cộng sản bắt chước Liên Xô ca ngợi Nguyễn Du và truyện Kiều nhưng gia đình Nguyễn Du, cụ nghè Nguyễn Mại cũng như Phan Bội Châu trong CCRD đã mang thảm họa!
Còn về văn học thì Bác ta nổi nhất với tên Trần Dân Tiên với truyện bác Hồ. Bác lúc đó là cậu Ba làm phụ bếp. Bếp thì ở tầng dưới ấy mà cậu lại kéo rỗ rau lên sàn tàu làm gì nhĩ? Cậu có thể kéo rỗ rau nặng mấy chục ký qua các bậc thang được ư? Cậu nói cậu làm nhà hàng mà cậu lại muốn đem đổ trong thùng rác ra bán, vậy là cậu không biết luật lệ nhà hàng trước tiên là giữ vệ sinh ư? Cậu nói trời lạnh, buổi sáng cậu phải lấy gạch bỏ vào lò, chiều về cậu lấy gạch bọc trong giấy đem về để dưới đệm nằm ư? Gạch nung đỏ nóng lắm, có thể mấy trăm độ hay ngàn độ, cậu lấy gì mà gắp gạch trong lò ra ngoài, và lấy ra mà cậu bọc trong báo mà báo không cháy sao? Nếu gạch nóng, cậu bỏ dưới nệm mà nệm cứ "tự nhiên như người Hà Lội" ư?
Ôi! Cả nước bị chiến tranh, riêng Thanh Nghệ là đất an bình. Đây lại là quê hương của bác, nhân dân tất phải tự do, hạnh phúc, cớ sao Đặng Thai Mai lại phải kêu xin cho con cháu cụ Phan sang Tàu?
Cụ Phan không có thân nhân hay cơ sở bên Tàu. Cụ Phan nào có phải người của Trung Cộng như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan mà xin đi Trung Quốc?
Đặng Chí Hùng cho biết ": bạn của tác giả Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ, cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể rằng ông nội của anh là cụ Phan bị quy lên thành phần địa chủ, quan lại phong kiến nên nhà cửa của Phan Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở di cảo của cụ bị đảng cộng sản phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ Phan một anh hùng dân tộc vĩ đại nhất thế kỷ XX đã bị Hồ Chí Minh bán đứng cho Pháp (Khi cụ chết rồi vẫn bị đội cải cách ruộng đất sai làm hình nộm giống y người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình nộm cụ Phan. (Phan Văn Khải- http://danlambaovn.blogspot.ca/2013/09/nhung-su-that-can-phai-biet-phan-23.html#.Up4hXOI_Vp4 )
Nào phải riêng gia đình cụ Phan. Bọn cộng sản bắt chước Liên Xô ca ngợi Nguyễn Du và truyện Kiều nhưng gia đình Nguyễn Du, cụ nghè Nguyễn Mại cũng như Phan Bội Châu trong CCRD đã mang thảm họa!
Còn về văn học thì Bác ta nổi nhất với tên Trần Dân Tiên với truyện bác Hồ. Bác lúc đó là cậu Ba làm phụ bếp. Bếp thì ở tầng dưới ấy mà cậu lại kéo rỗ rau lên sàn tàu làm gì nhĩ? Cậu có thể kéo rỗ rau nặng mấy chục ký qua các bậc thang được ư? Cậu nói cậu làm nhà hàng mà cậu lại muốn đem đổ trong thùng rác ra bán, vậy là cậu không biết luật lệ nhà hàng trước tiên là giữ vệ sinh ư? Cậu nói trời lạnh, buổi sáng cậu phải lấy gạch bỏ vào lò, chiều về cậu lấy gạch bọc trong giấy đem về để dưới đệm nằm ư? Gạch nung đỏ nóng lắm, có thể mấy trăm độ hay ngàn độ, cậu lấy gì mà gắp gạch trong lò ra ngoài, và lấy ra mà cậu bọc trong báo mà báo không cháy sao? Nếu gạch nóng, cậu bỏ dưới nệm mà nệm cứ "tự nhiên như người Hà Lội" ư?
Như vậy là bác không làm phụ bếp, không làm nhà hàng, và cũng không ở
khách sạn. Bác đi chui rồi nắm trong góc, không xuất đầu lộ diện nên
chẳng biết gì cả. Sang Pháp, bác tìm các nhà Việt Nam rồi xin làm tôi
tớ, vì trước đó, câu Ba có hỏi ông Diệp văn Cường về địa chỉ những người
Việt ở Pháp.
Có thề Hồ Chí Minh năm 1945 là người khác, là Hồ Tập Chương, gốc Đài
Loan chứ không phải Nguyễn Tất Thành đã làm bồi tàu, bồi nhà hàng nên
viết chẳng khớp với nhau. Nhật Ký Trong Tù cũng là của ai đó, không phải
của cậu Ba Tất Thành cũng không phải của Hồ Tập Chương cho nên sửa
chữa lung tung. Trong khi các cha, các sư đòi lấy vợ thì sao cậu Ba lại
muốn làm nhà tu khổ hạnh, không vợ không con trong khi thực tế cậu có cả
tá vợ, tá con?
Bác tuân lệnh Nga Tàu thi hành CCRD giết hại dân lành, bác bán Việt Nam
cho Trung Cộng, gây chiến tranh cho Việt Nam chết hết, nhường tổ quốc
cho con cháu Mao Trạch Đông sang ở. Ông gian manh như thế nhưng ông vẫn
tươi cười ca hát:
Mối tình thắm thiết Việt Hoa,
Vừa là đồng chí, vừa là anh em.
Nay thì người Việt Nam đã thấy rõ mối tình thắm thiết Việt Hoa, và tai
họa của chủ nghĩa cộng sản đối với giai cấp vô sản và nhân dân Việt Nam.
Những người đã lãnh đạo đảng cộng sản, những người đã sống với cộng sản
đã phát biểu chính xác về trường phái Ba Giai Tú Xuất của cộng sản:
Mikhail Gorbachev nói" Tôi
đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà
thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.
Angela Merkel nói :" cộng sản làm cho nhân dân dối trá."Aleksandr Solzhenitsyn nói :" Khi một người cộng sản nói láo, ta hay đứng dậy mà bảo nó rang mày là đồ nói láo. Nếu không muốn nói như thế, thì hãy đứng dậy mà đi nơi khác.
Người Miền Nam đã bỏ nước mà đi vì không muốn nghe cộng sản nói láo. Nay đã đến lúc toàn dân đứng dậy đuổi cộng sản đi nơi khác để xây dựng một quốc gia dân chủ và tự do.
____
CHÚTHÍCH
(1).徒對師.http://www.b111.net/qingsong/qs-zgxl/005.htm
(2). http://www.open-lit.com/listbook.php?cid=5&gbid=450
(5).http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121228_hanoi_ban_roi_bao_nhieu_b52.shtml
Monday, December 2, 2013
TỬ GIANG * MA TRẬN ĐIỆN TOÁN TOÀN CẦU
MA TRẬN ĐIỆN TOÁN TOÀN CẦU
TÍCH CHỨA THÔNG TIN CỦA 3 TRIỆU ĐẢNG VIÊN CỘNG SẢN & SỰ HÌNH THÀNH “ĐỐI LỰC”
ĐÁNH SẬP CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM
Tử
Giang(Sài Gòn,
VN)
Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) tồn tại đã
83 năm (1930-2013). Nó dùng các phương cách lừa bịp và giết người để không còn
sự cạnh tranh trên trường chính trị. Nó đại loại cũng giống như một quân ăn
cướp, nhưng tệ hơn Lương Sơn Bạc là một nhóm có lúc còn biết ø đạo nghiã là gì;
còn ĐCSVN triệt để theo đúng phương châm: “cứu cánh biện minh cho phương tiện”,
“thà giết lầm hơn bỏ sót”, cho nên đã tạo ra cảnh “núi xương sông máu!”, để bây
giờ vẫn cứ tiếp tục theo đường lối “ăn cướp” và đàn áp người dân, trên con đường
làm nô lệ cho Bắc Kinh, để tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ Dân Tộc VN, với một ý
nghĩ là “muôn năm trường trị!”. CS Hà Nội đã tuyên bố là VN không cần đa đảng,
tiếp tục giữ Điều 4 Hiến Pháp, công khai thách thức 90 triệu người
dân phải chấp nhận Đảng CSVN cai trị đến muôn đời, bằng phương cách là
thần phục và thi hành chính sách của Đảng CS Trung Hoa.
Trước khi trả lời câu hỏi là Dân Tộc VN có
chấp nhận chuyện này hay không?: chấp nhận ĐCSVN cai trị muôn đời dưới ách Bắc
Thuộc kiểu mới là VN sẽ sáp nhập vào Tàu dưới hình thái tự trị hoặc liên bang
hoặc cái gì đó (nhưng cuối cùng là không còn tên VN trên bản đồ thế giới!,
theo như Thái Thú Bắc Kinh Nguyễn Phú Trọng -- Tổng Bí Thư ĐCSVN --
mới đây đã mớm lời là sao ta không tính tới việc hội nhập vào Liên Bang Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa (nghiã là VN bị xóa sổ!), đúng như tinh thần Hội Nghị
Thành Đô và các mật ước giữa hai Đảng CS với nhau mà lâu nay đã bị lộ dần trên
Internet. Trước khi trả lời câu hỏi này và đề xuất giải pháp là ta phải làm như
thế nào, thiết tưởng cần khảo sát vào nguyên ủy về sự ra đời của ĐCSVN; từ đó
mới nghĩ ra các phương lược và cách thức khắc chế đích đáng được.
I. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐCSVN VÀ CÁCH NÓ
TIẾN HÀNH CÁCH MẠNG CHO TỚI GẦN ĐÂY
Xã hội VN vào đầu thế kỷ 20 bị thực dân
Pháp cai trị. Cách cai trị của chúng là dựa vào thế lực phong kiến của triều
đình Huế đã có từ xưa, chứ không lập nên một xã hội hiện đại cho VN theo kiểu
của Pháp, ngay dù tại Nam Kỳ là Đất Thuộc Địa. Triều đình Huế dựa vào giai cấp
tư sản - địa chủ để lập ra bộ máy cai trị địa phương: xã trưởng, hương thân,
hương hào, lý trưởng... Những kẻ giàu có này đất đai bát ngát, ruộng lúa phì
nhiêu. Nhà nào cũng có vài chục đến hàng trăm con trâu và nhiều tiểu đồng để
chăm sóc, chưa kể các gia súc khác như bò, lợn, gà v.v., Họ lại còn chia đất cho
tá điền để thu tô. Tư sản thì có nhà máy, xí nghiệp (đa số ở quy môø nhỏ), thuê
mướn công nhân hoặc người làm trong gia đình. Dĩ nhiên mâu thuẫn giữa tá điền và
bọn chăn trâu với địa chủ; và công nhân, người ở với gia chủ và các nhà tư sản
là khắc nghiệt, có khi đến độ một mất một còn. Các nhà trí thức CS nhìn thấy
được điều này và ra sức khai thác. Mỗi địa chủ đều phát sinh ra một số “đối lực”
là bọn chăn trâu và tá điền. Mỗi chủ hãng đều có “đối lực” là công nhân. Mỗi chủ
nhà là người ở. Liên kết tất cả bọn này lại, đã làm thành ĐCSVN, ngoại trừ những
kẻ khởi xướng.
Sau khi thành công, CSVN rút kinh nghiệm
quá khứ từ chính mình, xóa sạch mọi khả năng nhen nhúm “đối lực”. Điển hình là
sau tháng 4/1975, mọi tổ chức chính trị vừa thành hình đã bị tóm sạch ném vào
tù. Khi đó các nhóm như Việt Nam Phục Quốc, Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, Mặt Trận
Liên Tôn... đã chết như thế nào? Chỉ có kẻ ngồi trong tù mới nhìn thấy được điều
này. Thoạt tiên là một thủ lãnh ra lời kêu gọi nổi lên, và tổ chức bộ máy của
mình, từ trung ương đến các tỉnh thành và quận huyện (nhưng phần lớn các tổ chức
còn chưa làm được gì nhiều trước khi bị tóm). Mỗi người được phong một chức và
cố tìm cách lôi kéo anh em, bạn bè thân quyến của mình. Người này rủ rê người
kia như một vết dầu loang. Nhưng, do cuộc chiến tranh VN kéo dài quá lâu, cảm
tình viên Cộng Sản phát sinh trong quần chúng rất nhiều. Vì thế, những vụ lôi
kéo này sớm hay muộn cũng gặp phải cảm tình viên hoặc người tai mắt (chưa kể lực
lượng an ninh khu vực, tình báo của CS trên khắp các khóm phường, khu
phố). Họ báo cho công an, và công an vốn có chủ trương sẵn từ đầu: nghe được tin
là phăng tới ngay, hoặc gài một kế hoạch quy mô để tóm trọn ổ. Thế là tổ chức
nào cũng bị tóm. Dù chưa làm được gì cả, mới chỉ phong chức cho nhau thôi, cũng
phải ở tù rất nặng; như có vị cựu sĩ quan QLVNCH vừa được phong đại tá tỉnh
trưởng đã bị bắt ngay. Có người bị tử hình (như Liệt Sĩ Trần Văn Bá từ
Pháp về). Nói chung, tòa án VC căn cứ vào các chức vụ được phong mà xác
định mức án..., từ 10 năm tù giam trở lên là rất thường! Kẻ nào tỏ ra “ăn năn
hối hận và chịu làm hoặc tuyên bố theo những điều CS muốn” sẽ nhận án dưới 10
năm, có khi năm ba năm. Cương quyết không hối hận: 10 năm trở lên đến chung
thân, tử hình! Rất nhiều người tù bất khuất đã chết rủ ở trong tù vì không khuất
phục CS, có người chết vì bị kiên giam.
Sau nhiều kinh nghiệm đau thương, các tổ
chức chống CS không theo mô hình cũ nữa.
Đến khi có chương trình HO, hầu hết các sĩ
quan QLVNCH đều đã đi ra nước ngoài. ĐCSVN không còn đối thủ tiềm tàng. Nhưng ở
đời, có áp bức tất có đấu tranh. Lần này, kẻ chống đối lại nằm ngay trong lòng
ĐCS: những Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính...là điển hình. Kế đến là thế hệ
Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Xuân Diện, Cù Huy Hà Vũ... Trong thời kỳ này, thế giới
cũng thay đổi: Internet ra đời, tạo cho kẻ thù của ĐCSVN một thời cơ tuyệt vời
và đầy sức sống để hoạt động lại theo đường lối mới. Các trang web và blog mọc
lên như nấm và mặc tình chửi ĐCSVN. Bạo quyền CS làm mọi cách để khống chế, kể
cả ra luật lệ như Nghị Định 72, nhưng không thể nào kiểm soát hoặc bắt bớ
được người chống đối như trước đây, vì nhiều trang web đặt ở nước ngoài, nhưng
hoạt động chủ yếu cho quốc nội và nội dung tranh đấu là quốc nội. CSVN muốn
khùng luôn, khi chính nội bộ đảng và bạo quyền chia ra thành phe phái chống nhau
kịch liệt: nào Quan Làm Báo, rồi Dân Làm Báo, rồi tusangnhamhiem.Blogspot.com,
và nhiều trang web khác. Thực là không còn một thể thống nào hết! Hiện bây giờ
số trang web và blog của những người hoạt động cho dân chủ tại VN nhiều lắm, có
trang web máy chủ đặt ở VN, có trang ở nước ngoài. Chính nội bộ của VC cũng chia
thành nhiều phe phái và lập trang web mà chính công an cũng chia thành phe
(của Dũng và của Sang, Trọng); ngay trong nội bộ cũng không biết đâu mà rờ, làm
sao hàng ngàn hàng vạn blog của người dân mà có thể kiểm soát hết được. Cho nên
đối với mặt trận Internet và blog; VC cuối cùng cũng phải chịu thua, vì nó biến
hóa và tăng trưởng quá sức. Với số lượng công an và 3 triệu đảng viên CS không
thể nào khống chế được mấy chục triệu thành viên Internet và Blog, mọc lên như
nấm gặp mưa, và Nghị Định 72 cũng sẽ thúc thủ mà thôi. Đây là hiện tượng chỉ mới
nổi bật trong mấy năm gần đây, đặc biệt là sau Cách Mạng Hoa Lài 2011 ở Trung
Đông và Bắc Phi. Mùa Xuân Ả Rập và TRUYỀN THÔNG ĐIỆN TOÁN quả thật có một ảnh
hưởng chính trị, xã hội và truyền thông rất lớn, đặc biệt tại Miến Điện, và nay
tới VN.
Đường lối thành lập một lực lượng hoặc tổ
chức hành động cách mạng để lật đổ bạo quyền CS như trong giai đoạn 1975-1990
nay tỏ ra không còn hiệu lực nữa, và hầu như mọi tổ chức đã từ bỏ đường lối đó.
Đồng thời sự phòng thủ của CS cũng chặt chẻ và dữ dội hơn trước. Cảnh sát cơ
động hoặc cảnh sát chống bạo động sẵn sàng ra tay đối với bất cứ sự tụ tập đám
đông nào, ngay dù là biểu tình chống TC xâm lược hoặc bảo vệ ngư dân, hoặc khiếu
kiện đòi bồi thường đất đai của Dân Oan, hoặc ngay cả tín đồ tôn giáo bảo vệ các
cơ sở của Giáo Hội, như Tòa Khâm Sứ, Giáo Xứ Thái Hà v.v. Lực lượng CS còn được
bổ sung bởi dân phòng, thực chất là bọn xã hội đen sau khi ra khỏi tù, được công
an khu vực sử dụng để làm vây cánh cho mình. VC gọi là “quần chúng tự phát”. VC
sử dụng đám này khi cần giải tỏa Dân Oan hoặc bắt họ đẩy lên xe một cách tàn
nhẫn, không cho tiếp tục biểu tình. Nhiều Dân Oan bị đám “quần chúng tự phát”
đánh cho bị thương hoặc tàn tật (dân đen ốm o gầy mòn vì thiếu ăn và không có
chổ ngủ làm sao chịu đời nổi đòn sát thủ của bọn côn đồ du đảng do công an
mướn?). Đám “quần chúng tự phát” của công an cũng sẵn sàng đấu tố mọi đối tượng
được đặt hàng, như đối với trường hợp tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang chẳng hạn,
chúng từng dùng “quần chúng tự phát dưới danh nghiã cựu chiến binh” trực tiếp
đến nhà TS Nguyễn Thanh Giang gây sự và tạo áp lực dữ dội đối với gia đình
ông.
Cùng lúc đó, ĐCSVN liên tục làm nhiều trò quyến dụ và thu hút, như trao bằng khen, tuyên dương, quà tặng, vật chất v.v., đối với nhiều người, để đấm mõm những người quan trọng, như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Ngô Bảo Châu (tặng một cái nhà ở khu có giá trị cao), Rồi CS lại chơi trò phá bỉnh các cuộc biểu tình hoặc tranh đấu, như trình diễn nhạc với ăn mặc sexy, trong khu vực tập trung biểu tình chống Tàu Cộng. Đe dọa hoặc gửi giấy mời đến công an họp trong ngày nhà tranh đấu được phái đoàn quốc tế hoặc Tòa Đại Sứ Mỹ cho hẹn đi họp mặt, trao đổi v.v. Thực là thiên hình vạn trạng các hình thức chống lại cuộc đấu tranh dân chủ của dân tộc VN.
Vấn đề đặt ra là làm sao cho “Đối Lực” xuất hiện trong một môi trường chính trị và xã hội như hiện nay tại VN mà chúng ta đã thấy sau phần khảo sát ở trên?
Cùng lúc đó, ĐCSVN liên tục làm nhiều trò quyến dụ và thu hút, như trao bằng khen, tuyên dương, quà tặng, vật chất v.v., đối với nhiều người, để đấm mõm những người quan trọng, như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Ngô Bảo Châu (tặng một cái nhà ở khu có giá trị cao), Rồi CS lại chơi trò phá bỉnh các cuộc biểu tình hoặc tranh đấu, như trình diễn nhạc với ăn mặc sexy, trong khu vực tập trung biểu tình chống Tàu Cộng. Đe dọa hoặc gửi giấy mời đến công an họp trong ngày nhà tranh đấu được phái đoàn quốc tế hoặc Tòa Đại Sứ Mỹ cho hẹn đi họp mặt, trao đổi v.v. Thực là thiên hình vạn trạng các hình thức chống lại cuộc đấu tranh dân chủ của dân tộc VN.
Vấn đề đặt ra là làm sao cho “Đối Lực” xuất hiện trong một môi trường chính trị và xã hội như hiện nay tại VN mà chúng ta đã thấy sau phần khảo sát ở trên?
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ “ĐỐI LỰC” XUẤT
HIỆN TẠI VN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI?
Đảng CSVN ngày nay như một cây cổ thụ, tạo
được một lớp da rất dày, đao thương, dao, búa, cưa đều khó xuyên thủng được! Vậy
phải làm sao? GIẢI PHÁP TỐI HẬU ĐỂ TIÊU DIỆT CỘNG
SẢN LÀ PHẢI “BỨNG GỐC!” Bứng gốc có nghiã là TÁCH RỄ RA KHỎI
ĐẤT!. Rễ là những chi nhánh chằng chịt khắp nước của ĐCS, đất chính là dân
chúng. Dân chúng dù chán ghét ĐCS, một chủ nghiã và chế độ lạc hậu, đầy tham
nhũng, độc đoán, thối tha..., nhưng vẫn bị rễ bám chặt vào, nên cây cổ thụ CS
vẫn còn đứng đó chưa ngã. Làm sao có thể tách rễ ra khỏi đất? Những bài viết
xuất sắc trên Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, và các trang mạng xã hội khác, cũng chỉ
giống như một dũng sĩ võ nghệ cao cường đấm đá túi bụi vào thân cây cổ thụ,
không có tác dụng bao nhiêu. Với bộ rễ bám chặt non một trăm năm vào lòng
đất, nó vẫn xem thường những bài báo tấn công mình. Lãnh tụ ĐCSVN dù bị chửi
nhục như chó trên mạng Internet, chúng vẫn cứ lì mặt. Sau lưng chúng là 3 triệu
đảng viên, nhất hô bá ứng. Họ chỉ lo sợ khi hô lên, chẳng còn ai đáp lại. Cũng
giống như tướng Dương Văn Minh khi lên làm tổng thống mà hô: Bây đâu!, chẳng
thấy ai trả lời, tất yếu phải đầu hàng VC thôi. Vấn đề là phải làm cho 3 triệu
đảng viên bất an và rối loạn hàng ngũ, tiến đến tan rã. Sau đây là sách lược đề
nghị:
- Làm sao cho đảng viên CS bất an khi còn nằm trong Đảng? Chuyện này chưa từng xảy ra kể từ sau năm 1975. Tại sao? Bởi vì trước đó, tất cả họ đều bị Phòng 2, Ban 2 (tình báo) của QLVNCH lập danh sách theo dõi và truy nã. Tuyệt đối bất an! Sau khi QLVNCH tan rã, không còn ai làm nhiệm vụ này nữa. Thế là đảng viên CS cảm thấy “phây phây” an tâm tiến hành mọi chính sách xã hội do Đảng đề ra. Dưới hậu thuẩn của 3 triệu đảng viên này, thủ lĩnh CS tha hồ bốc phét: lùa dân đi kinh tế mới để cướp tài sản, cấm điều này, bắt điều nọ, thu thuế vô tội vạ, làm mưa làm gió, xem 90 triệu dân VN như đầy tớ của mình, mặc sức bóc lột... Chỉ khi nào mỗi đảng viên CS cảm thấy nhà mình sắp bị đốt, con mình sắp bị bắt cóc, đi đường có kẻ rình đụng xe cho chết, thì họ mới hoảng sợ tìm đường thoát. Đó là khi nào?
Nên nhớ, sau 40 năm cầm quyền mỗi đảng viên CS đều trở thành địa chủ, chủ nhân ông, hoặc tư sản đỏ. Ngày nay bọn CS có máu mặt ai ai cũng giàu. Đã giàu có tất phải thuê người bảo vệ tài sản của mình. Đó là những tên chăn trâu và tá điền thời hiện tại. Mâu thuẫn giữa họ vớiø đảng viên CS cũng sâu sắc như bần cố nông vớiø địa chủ ngày xưa. Nếu bị kích động, mâu thuẩn này sẽ được “nâng cấp” lên thành MỘT MẤT MỘT CÒN. Đó là điều mà ĐCSVN đã thành công trong thế kỷ trước, nay được áp dụng lại cho chính họ mà thôi. Ngoài ra, mỗi đảng viên CS còn là kẻ thù của nhiều người khác, những kẻ mà hắn đã cướp nhà, cướp đất, cướp vợ con, hiếp đáp, đánh đập... nhân danh XHCN. Xem ra, đảng viên CS có nhiều kẻ thù hơn là giai cấp địa chủ, tư sản trước đây. Và về mặt tàn ác, bất nhân, thì đảng viên CS tàn ác, bất nhân hơn những người địa chủ, tư sản trước đây nhiều lắm. Còn về mặt giàu có thì địa chủ, tư sản trước kia không bằng một góc bọn cường hào ác bá và tư bản đỏ hiện giờ, với nguồn lợi tức từ tham nhũng là vô giới hạn. Trước kia chỉ có vấn đề khai thác sức lao động của bần có nông, tá điền, công nhân mà thôi; còn bây giờ đối với đảng viên CS, cường hào ác bá và tư bản đỏ, ngoài việc bóc lột sức lao động của tầng lớp ngoài đảng viên, lại còn THAM NHŨNG KHỦNG KHIẾP nữa, khiến THAM NHŨNG đã trở thành QUỐC NẠN hết thuốc chữa!
Như vậy, từ tế bào vi mô, mỗi đảng viên CS đều có một số kẻ thù. Giống như mỗi địa chủ trước kia đều phải có một số tá điền và tiểu đồng chăn trâu. Nếu có ánh sáng Marx - Lenin chiếu vào, chúng lập tức biến thành những... chi bộ ĐCS! Như vậy hiện nay, từ mỗi đảng viên CS, đã là hạt nhân đẻ ra một tiểu tổ chống cộng! Tập họp các tiểu tổ này trên cả nước, nếu có một phương thức để tập họp lại, sẽ là một ĐỐI LỰC với ĐCS. Như đã nói, ĐCSVN ra đời không phải từ nhu cầu chính là đánh đuổi thực dân Pháp; mà nhu cầu chính là để đối phó với địa chủ của tá điền, chăn trâu, và công nhân với chủ hãng. Tập họp lực lượng này trên cả nước mới có sức mạnh chống thực dân Pháp. Vì thế sinh hoạt của đảng viên CS gồm hai mặt trận: bài phong, đả thực -- đánh phong kiến, diệt thực dân (đối nội: chống cường hào địa chủ, đối ngoại: chống thực dân).
- Bây giờ là thế kỷ 21, nguyên lý vận động này cũng không thay đổi. Có khác là bối cảnh. Địa chủ hiện nay là từng đảng viên CS. Chúng là “cường hào ác bá đỏ “û sau 40 năm cai trị đất nước VN. Vì thế ĐỐI LỰC với ĐCSVN là tập họp của vô số ĐỐI LỰC với từng đảng viên. Nói khác đi, với 3 triệu đảng viên CS hiện nay sẽ có trung bình khoảng 10 triệu kẻ thù. Bình quân 1 chọi 3, nếu không nói là 30, tức 3 triệu đảng viên là kẻ thù của 87 triệu người VN!
Sự khác biệt giữa cách chống Pháp của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học với Hồ Chí Minh là ở chổ này. Nhóm người trước chỉ lăm lăm chỉa mũi nhọn vào quân Pháp, vốn có đại bác, chiến hạm và máy bay; trong khi bản thân mình chỉ có tầm vong vạt nhọn, dao, búa, ngựa và xuồng ba lá, thảng hoặc mới có vài cái súng hỏa mai. Hồ Chí Minh thì hoạt động theo kiểu khác. Trước tiên, Hồ dùng cách “vận động quần chúng” (tức là cách sở trường của CS trước đây dùng để nắm quần chúng) để tạo thành một khối người thống nhất một ý chí. Cái khối người này đang sống len lõi chung chạ với quân Pháp. Khi mọi người cùng đồng lòng, thì hò hụi... cướp súng của Pháp bắn Pháp! Khi đó phe chống Pháp 100 người mà thực dân Pháp chỉ có 1! Vì thế, Đế Quốc Pháp mạnh bạo bao nhiêu cũng không sợ. Càng mạnh thì càng tốt. Chỉ cần nhân dân VN đồng lòng đánh đuổi chúng thôi. Thời kỳ đó nhân dân VN chưa biết tên đại bịp Hồ Chí Minh và ĐẢNG BỊP CSVN nên ai cũng tin và làm theo sự lôi cuốn của CS (nhưng nếu giờ này thì khác xa rồi, vì ĐẢNG BỊP và Hồ có sống lại nói cũng không ai nghe, người ta còn chửi vào mặt! Hiện giờ tiếng chửi Đảng CS và HCM đầy trời! Người ta chửi ngay ngoài chợ, ngoài phố, hay các quán cà phê, chổ ăn uống, nhậu nhẹt. Dân quá chán CS nên không hề sợ nữa! Năm bảy chục năm về trước tình hình khác hẳn, người ta tưởng HCM yêu nước, không ngờ nó BÁN NƯỚC cho Tàu, gần đây thì Hồ Tặc và ĐCS đã lòi cái mặt mẹt ra, dân chỉ muốn phỉ nhổ vào mặt; và một người con yêu của Tổ Quốc, một nữ sinh trong sáng và đầy lòng yêu nước, mới 19, 20 tuổi, tên NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN, đã dõng dạc nói lên: “ĐẢNG CSVN ĐI CHẾT ĐI!, và không biết bao nhiêu người đã lập lại câu này: Đảng CSVN đi chết đi! Thiệt là ô nhục cho Đảng này. Nhưng mà Đảng đã phải thả Em ra, vì Em đã làm rúng động lương tâm thế giới và quá được lòng mọi người! Nếu mà tiếp tục bỏ tù Em và giam Em thì hậu quả sẽ không biết đâu mà lường! Đây là lần đầu tiên mà ĐCS đã phải nhượng bộ một cô bé, thậät là một chuyện hy hữu. Tin Em được thả trong phiên tòa phúc thẩm làm ai cũng ngẫn ngơ không tin là sự thật. Nhưng mà nó đã là sự thật! Từ nay trở đi sẽ còn nhiều bất ngờ nữa đối với ĐCS và người dân VN, do chính người dân tạo ra, cho đến khi CS hoàn toàn sụp đổ.
- Làm sao cho đảng viên CS bất an khi còn nằm trong Đảng? Chuyện này chưa từng xảy ra kể từ sau năm 1975. Tại sao? Bởi vì trước đó, tất cả họ đều bị Phòng 2, Ban 2 (tình báo) của QLVNCH lập danh sách theo dõi và truy nã. Tuyệt đối bất an! Sau khi QLVNCH tan rã, không còn ai làm nhiệm vụ này nữa. Thế là đảng viên CS cảm thấy “phây phây” an tâm tiến hành mọi chính sách xã hội do Đảng đề ra. Dưới hậu thuẩn của 3 triệu đảng viên này, thủ lĩnh CS tha hồ bốc phét: lùa dân đi kinh tế mới để cướp tài sản, cấm điều này, bắt điều nọ, thu thuế vô tội vạ, làm mưa làm gió, xem 90 triệu dân VN như đầy tớ của mình, mặc sức bóc lột... Chỉ khi nào mỗi đảng viên CS cảm thấy nhà mình sắp bị đốt, con mình sắp bị bắt cóc, đi đường có kẻ rình đụng xe cho chết, thì họ mới hoảng sợ tìm đường thoát. Đó là khi nào?
Nên nhớ, sau 40 năm cầm quyền mỗi đảng viên CS đều trở thành địa chủ, chủ nhân ông, hoặc tư sản đỏ. Ngày nay bọn CS có máu mặt ai ai cũng giàu. Đã giàu có tất phải thuê người bảo vệ tài sản của mình. Đó là những tên chăn trâu và tá điền thời hiện tại. Mâu thuẫn giữa họ vớiø đảng viên CS cũng sâu sắc như bần cố nông vớiø địa chủ ngày xưa. Nếu bị kích động, mâu thuẩn này sẽ được “nâng cấp” lên thành MỘT MẤT MỘT CÒN. Đó là điều mà ĐCSVN đã thành công trong thế kỷ trước, nay được áp dụng lại cho chính họ mà thôi. Ngoài ra, mỗi đảng viên CS còn là kẻ thù của nhiều người khác, những kẻ mà hắn đã cướp nhà, cướp đất, cướp vợ con, hiếp đáp, đánh đập... nhân danh XHCN. Xem ra, đảng viên CS có nhiều kẻ thù hơn là giai cấp địa chủ, tư sản trước đây. Và về mặt tàn ác, bất nhân, thì đảng viên CS tàn ác, bất nhân hơn những người địa chủ, tư sản trước đây nhiều lắm. Còn về mặt giàu có thì địa chủ, tư sản trước kia không bằng một góc bọn cường hào ác bá và tư bản đỏ hiện giờ, với nguồn lợi tức từ tham nhũng là vô giới hạn. Trước kia chỉ có vấn đề khai thác sức lao động của bần có nông, tá điền, công nhân mà thôi; còn bây giờ đối với đảng viên CS, cường hào ác bá và tư bản đỏ, ngoài việc bóc lột sức lao động của tầng lớp ngoài đảng viên, lại còn THAM NHŨNG KHỦNG KHIẾP nữa, khiến THAM NHŨNG đã trở thành QUỐC NẠN hết thuốc chữa!
Như vậy, từ tế bào vi mô, mỗi đảng viên CS đều có một số kẻ thù. Giống như mỗi địa chủ trước kia đều phải có một số tá điền và tiểu đồng chăn trâu. Nếu có ánh sáng Marx - Lenin chiếu vào, chúng lập tức biến thành những... chi bộ ĐCS! Như vậy hiện nay, từ mỗi đảng viên CS, đã là hạt nhân đẻ ra một tiểu tổ chống cộng! Tập họp các tiểu tổ này trên cả nước, nếu có một phương thức để tập họp lại, sẽ là một ĐỐI LỰC với ĐCS. Như đã nói, ĐCSVN ra đời không phải từ nhu cầu chính là đánh đuổi thực dân Pháp; mà nhu cầu chính là để đối phó với địa chủ của tá điền, chăn trâu, và công nhân với chủ hãng. Tập họp lực lượng này trên cả nước mới có sức mạnh chống thực dân Pháp. Vì thế sinh hoạt của đảng viên CS gồm hai mặt trận: bài phong, đả thực -- đánh phong kiến, diệt thực dân (đối nội: chống cường hào địa chủ, đối ngoại: chống thực dân).
- Bây giờ là thế kỷ 21, nguyên lý vận động này cũng không thay đổi. Có khác là bối cảnh. Địa chủ hiện nay là từng đảng viên CS. Chúng là “cường hào ác bá đỏ “û sau 40 năm cai trị đất nước VN. Vì thế ĐỐI LỰC với ĐCSVN là tập họp của vô số ĐỐI LỰC với từng đảng viên. Nói khác đi, với 3 triệu đảng viên CS hiện nay sẽ có trung bình khoảng 10 triệu kẻ thù. Bình quân 1 chọi 3, nếu không nói là 30, tức 3 triệu đảng viên là kẻ thù của 87 triệu người VN!
Sự khác biệt giữa cách chống Pháp của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học với Hồ Chí Minh là ở chổ này. Nhóm người trước chỉ lăm lăm chỉa mũi nhọn vào quân Pháp, vốn có đại bác, chiến hạm và máy bay; trong khi bản thân mình chỉ có tầm vong vạt nhọn, dao, búa, ngựa và xuồng ba lá, thảng hoặc mới có vài cái súng hỏa mai. Hồ Chí Minh thì hoạt động theo kiểu khác. Trước tiên, Hồ dùng cách “vận động quần chúng” (tức là cách sở trường của CS trước đây dùng để nắm quần chúng) để tạo thành một khối người thống nhất một ý chí. Cái khối người này đang sống len lõi chung chạ với quân Pháp. Khi mọi người cùng đồng lòng, thì hò hụi... cướp súng của Pháp bắn Pháp! Khi đó phe chống Pháp 100 người mà thực dân Pháp chỉ có 1! Vì thế, Đế Quốc Pháp mạnh bạo bao nhiêu cũng không sợ. Càng mạnh thì càng tốt. Chỉ cần nhân dân VN đồng lòng đánh đuổi chúng thôi. Thời kỳ đó nhân dân VN chưa biết tên đại bịp Hồ Chí Minh và ĐẢNG BỊP CSVN nên ai cũng tin và làm theo sự lôi cuốn của CS (nhưng nếu giờ này thì khác xa rồi, vì ĐẢNG BỊP và Hồ có sống lại nói cũng không ai nghe, người ta còn chửi vào mặt! Hiện giờ tiếng chửi Đảng CS và HCM đầy trời! Người ta chửi ngay ngoài chợ, ngoài phố, hay các quán cà phê, chổ ăn uống, nhậu nhẹt. Dân quá chán CS nên không hề sợ nữa! Năm bảy chục năm về trước tình hình khác hẳn, người ta tưởng HCM yêu nước, không ngờ nó BÁN NƯỚC cho Tàu, gần đây thì Hồ Tặc và ĐCS đã lòi cái mặt mẹt ra, dân chỉ muốn phỉ nhổ vào mặt; và một người con yêu của Tổ Quốc, một nữ sinh trong sáng và đầy lòng yêu nước, mới 19, 20 tuổi, tên NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN, đã dõng dạc nói lên: “ĐẢNG CSVN ĐI CHẾT ĐI!, và không biết bao nhiêu người đã lập lại câu này: Đảng CSVN đi chết đi! Thiệt là ô nhục cho Đảng này. Nhưng mà Đảng đã phải thả Em ra, vì Em đã làm rúng động lương tâm thế giới và quá được lòng mọi người! Nếu mà tiếp tục bỏ tù Em và giam Em thì hậu quả sẽ không biết đâu mà lường! Đây là lần đầu tiên mà ĐCS đã phải nhượng bộ một cô bé, thậät là một chuyện hy hữu. Tin Em được thả trong phiên tòa phúc thẩm làm ai cũng ngẫn ngơ không tin là sự thật. Nhưng mà nó đã là sự thật! Từ nay trở đi sẽ còn nhiều bất ngờ nữa đối với ĐCS và người dân VN, do chính người dân tạo ra, cho đến khi CS hoàn toàn sụp đổ.
III. PHƯƠNG CÁCH NÀO ĐỂ HÌNH THÀNH “ĐỐI LỰC” VÀ LÀM SỤP ĐẢNG CSVN TRONG TÌNH THẾ HIỆN NAY?
Áp dụng cho ngày nay phải làm thế nào? Như
đã nói, mọi tổ chức do ta thành hình đều đã bị CS tiêu diệt từ trong trứng nước.
Danh sách chiến hữu vừa lập nên, đã nằm trên bàn của giám đốc Sở Công An! Vậy
thì PHẢI LẤY DANH SÁCH ĐỊCH ĐỂ LÀM DANH SÁCH MÌNH, DÙNG ĐÁNH ĐỊCH! Bằng cách
nào? Khi nêu tên một đảng viên CS trên bản “phong thần”, có nghiã là đàng sau đó
có rất nhiều nạn nhân của nó. Chẳng hạn, tên Nguyễn Văn X tại số nhà 30 đường
Nam Kỳ Khởi Nghiã, Q.1, TP Sài Gòn, có 1 vợ 3 con, kèm theo hình ảnh của chúng
và ngôi biệt thự, phiá trước đậu 3 xe hơi. Vậy thì sau bản tin này là gì? Đó
nguyên là nhà của ông Lê Văn Y, trước kia bị đánh tư sản, tên X vào chiếm lấy.
Nó còn là bí thư quân ủy quận 1, đã từng xua quân cướp nhiều nhà khác vào năm
1979, gồm có các nạn nhân A, B, C, D... Nó ném vào tù nhiều sĩ quan QLVNCH như
X, Y, Z, W... Khi nêu tên nó trên mạng Internet, thì sau đó ai từng là nạn nhân
của nó, hãy tiếp tục tố cáo tội ác của nó. Nó là kẻ thù của hàng chục, thậm chí
hàng trăm người khác. Bảo đảm, chỉ cần như vậy thôi, tên X và gia đình nó đã
phải trốn khỏi 30 Nam Kỳ Khởi Nghiã, vì e sợ có người sẽ đến trả thù. Sở dĩ đến
ngày hôm nay, nó vẫn tiếp tục làm mưa làm gió, bởi vì chẳng có ai dám động chạm
đến nó, kể cả ông Y, các sĩ quan X, Y, Z, hay các ông A, B, C..., tất cả đều
lặng lẽ bỏ đi. Nếu cả 3 triệu đảng viên CS đều bị nạn nhân của chúng vùng lên
đòi lại công lý, chúng sẽ hoang mang tìm con đường tách khỏi Đảng, không
dám đem hết sức lo cho Đảng nữa. Một khi 3 triệu đảng viên đã bị phân liệt vì
dân chúng theo sát và đòi công lý; thì các lãnh tụ CS chẳng còn 3 triệu đảng
viên một lòng phục vụ, chúng sẽ tiến tới tình trạng như Dương Văn Minh hồi tháng
4/1975, hô lên không ai nghe; lúc đó lãnh tụ CS cũng phải lo tìm đường!
Ngày xưa, trước 4/1975, việc lập danh sách VC do Phòng 2 tiểu khu hay Ban 2 tiểu đoàn đảm trách. Khi Phòng 2 có danh sách trình lên, tiểu khu trưởng hay tiểu đoàn trưởng sẽ tập họp các phòng ban lại. Phòng 3 lập kế hoạch truy quét. Phòng 4 chuẩn bị súng đạn, xe hơi, máy bay, tàu chiến, xăng dầu. Phòng 5 chuẩn bị tinh thần tác chiến cho binh sĩ. Phòng 6 chuẩn bị thông tin, liên lạc. Phòng 1 điều động nhân sự. Và xuất phát! VC chạy tơi tả, chạy có cờ, bất kể vợ con, bồ nhí v.v., miễn sao còn giữ được cái mạng cùi!
Chuyện đó không còn nữa kể từ ngày 30-4-1975.
Bây giờ muốn bứng gốc ĐCS, nhân dân VN phải bắt đầu làm lại. Trước tiên phải lập danh sách VC cái đã. Danh sách này gọi là danh sách CƯỜNG HÀO ÁC BÁ ĐỎ. Không thể chống CS khơi khơi mà phải chỉ rõ từng đối tượng. Vì là chúng ta áp dụng khảo hướng DÂN CHÚNG DIỆT CS, nên chống CS cũng đơn giản và rẻ tiền hơn QLVNCH rất nhiều. Ngày xưa muốn truy bắt chúng, cần phải có máy bay, tàu chiến, súng đạn, tiền bạc, binh sĩ..., vì chúng sống trong bóng tối, với những tổn phí khổng lồ mà chỉ Đế Quốc Mỹ mới lo được. Ngày nay dễ dàng hơn nhiều. Biết rõ mục tiêu nằm ở đâu, chỉ cần nửa đêm, lén ném vào nhà nó một can xăng 5 lít là xong đời thằng ác ôn. Hay canh me đụng xe nó giữa đường... Thật là muôn hình vạn trạng. Khi con người đã căm thù nhau tột độ, có rất nhiều cách để hại nhau, chẳng cần đến súng đạn. 3 triệu đảng viên CS bây giờ sống phây phây, nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng, con học trường điểm... Nhân dân rất dễ nhận diện chúng và đưa tên tuổi lên mạng Internet, theo từng địa phương, từng khu phố. Tên nào cũng ác ôn, cũng hà hiếp dân, mới giàu có lên được như ngày hôm nay. Tách chúng ra khỏi cộng đồng xã hội là chuyện dễ dàng. Khi nào danh sách 3 triệu đảng viên CS được thành lập xong, đó cũng là lúc ĐCS cáo chung. Bởi vì khi nêu được 3 triệu tên này lên bảng “phong thần”, là ta đã tập họp được hơn 3 triệu người (có khi cả chục triệu người) muốn tống cổ chúng đi. Khi đó, ta ở trong tối, còn chúng ở ngoài sáng. Tháo chạy là cách an toàn nhất cho chúng. Khi 3 triệu đảng viên đã tháo chạy, Bộ Chính Trị hay Trung Ương Đảng gì cũng không còn giá trị.
Ngày xưa, trước 4/1975, việc lập danh sách VC do Phòng 2 tiểu khu hay Ban 2 tiểu đoàn đảm trách. Khi Phòng 2 có danh sách trình lên, tiểu khu trưởng hay tiểu đoàn trưởng sẽ tập họp các phòng ban lại. Phòng 3 lập kế hoạch truy quét. Phòng 4 chuẩn bị súng đạn, xe hơi, máy bay, tàu chiến, xăng dầu. Phòng 5 chuẩn bị tinh thần tác chiến cho binh sĩ. Phòng 6 chuẩn bị thông tin, liên lạc. Phòng 1 điều động nhân sự. Và xuất phát! VC chạy tơi tả, chạy có cờ, bất kể vợ con, bồ nhí v.v., miễn sao còn giữ được cái mạng cùi!
Chuyện đó không còn nữa kể từ ngày 30-4-1975.
Bây giờ muốn bứng gốc ĐCS, nhân dân VN phải bắt đầu làm lại. Trước tiên phải lập danh sách VC cái đã. Danh sách này gọi là danh sách CƯỜNG HÀO ÁC BÁ ĐỎ. Không thể chống CS khơi khơi mà phải chỉ rõ từng đối tượng. Vì là chúng ta áp dụng khảo hướng DÂN CHÚNG DIỆT CS, nên chống CS cũng đơn giản và rẻ tiền hơn QLVNCH rất nhiều. Ngày xưa muốn truy bắt chúng, cần phải có máy bay, tàu chiến, súng đạn, tiền bạc, binh sĩ..., vì chúng sống trong bóng tối, với những tổn phí khổng lồ mà chỉ Đế Quốc Mỹ mới lo được. Ngày nay dễ dàng hơn nhiều. Biết rõ mục tiêu nằm ở đâu, chỉ cần nửa đêm, lén ném vào nhà nó một can xăng 5 lít là xong đời thằng ác ôn. Hay canh me đụng xe nó giữa đường... Thật là muôn hình vạn trạng. Khi con người đã căm thù nhau tột độ, có rất nhiều cách để hại nhau, chẳng cần đến súng đạn. 3 triệu đảng viên CS bây giờ sống phây phây, nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng, con học trường điểm... Nhân dân rất dễ nhận diện chúng và đưa tên tuổi lên mạng Internet, theo từng địa phương, từng khu phố. Tên nào cũng ác ôn, cũng hà hiếp dân, mới giàu có lên được như ngày hôm nay. Tách chúng ra khỏi cộng đồng xã hội là chuyện dễ dàng. Khi nào danh sách 3 triệu đảng viên CS được thành lập xong, đó cũng là lúc ĐCS cáo chung. Bởi vì khi nêu được 3 triệu tên này lên bảng “phong thần”, là ta đã tập họp được hơn 3 triệu người (có khi cả chục triệu người) muốn tống cổ chúng đi. Khi đó, ta ở trong tối, còn chúng ở ngoài sáng. Tháo chạy là cách an toàn nhất cho chúng. Khi 3 triệu đảng viên đã tháo chạy, Bộ Chính Trị hay Trung Ương Đảng gì cũng không còn giá trị.
IV. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ LẬP BẢNG “PHONG
THẦN” ĐẢNG VIÊN CS MỘT CÁCH AN TOÀN?
Trước tiên phải là một máy chủ đặt ở nước
ngoài. Nếu không chúng sẽ tóm cổ ngay tức khắc như Điếu Cày, và phải đi ăn mày
thôi! Mặc dù thế, vẫn phải có người canh giữ nghiêm ngặt và phải có chuyên gia
về an ninh điện toán (Internet security), đề phòng chúng sai người đánh lén.
Người phụ trách hồ sơ là tối quan trọng, vì đây là bí mật quốc gia. Danh sách VC
tuy cần thiết, nhưng người cung cấp thông tin tố cáo chúng mới là quan trọng bậc
nhất, vì đây chính là sức mạnh của Đối Lực. Bởi vì từ đây, máy chủ có thể điều
động tất cả các nguồn tài nguyên nhân lực của mình.
Tên của danh sách là CƯỜNG HÀO ÁC BÁ ĐỎ, để phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Sẽ có người trong phe CS hỗ trợ cho ta trong nỗ lực chống tham nhũng. Ta phải hết mình đón nhận. Danh sách này được tất cả các nạn nhân từ quốc nội cung cấp. Rất an toàn cho bản thân họ. Bởi vì chỉ cần một địa chỉ email là xong ngay, không để lại dấu vết, trừ khi bị tiết lộ từ máy chủ. Địa chỉ này phải tuyệt đối bảo mật. Sẽ có rất nhiều người cung cấp thông tin về một tên ác ôn, bởi có nhiều kẻ chính là nạn nhân của nó.
Danh sách ác ôn được phân chia theo từng địa phương. Chẳng hạn, tỉnh Cần Thơ, huyện Châu Thành, xã Long Tuyền có những tên cường hào ác bá đỏ như sau: X, Y, Z..., nhà số..., gia cảnh..., tội ác... (càng nhiều chi tiết, kể cả hình ảnh, video clip, bản đồ Google..., càng tốt). Muốn chứng minh ĐCSVN là tội ác chống loài người, phải chứng minh được từng đảng viên của nó là tội phạm, bằng cách nghe lời kể của từng nhân chứng; và phải có nơi chứa đựng những chứng cớ này. Đó là một trang web được lưu trữ vĩnh viễn trên mạng lưới toàn cầu, để mọi người trên thế giới và con cháu ngàn đời sau có thể tham khảo vào bất cứ lúc nào. Bằng cách đó, con cháu của bọn tội phạm này cũng sẽ khó làm gì được để tiếp nối con đường tội ác của cha ông chúng, và mọi người luôn cảnh giác một khi chúng động tiûnh làm cái gì đó chống lại nhân dân, tiếp nối các hành động BÁN NƯỚC mà bọn Thái Thú Bắc Kinh và ĐCSVN là cha ông chúng hiện nay đã phạm phải. Một khi chúng lại đi con đường Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đương nhiên sẽ bị dân chúng tiêu diệt. Như số phận của Trọng Lú và đám Thái Thú Bắc Kinh hiện nay sẽ không được nhân dân tha tội, và chúng sẽ phải ra tòa LUẬN ÁN QUỐC DÂN một ngày gần đây khi ĐCSVN sụp đổ.
Trang web này dung lượng phải lớn, đủ sức chứa hồ sơ của 3 triệu đảng viên. Những tên ác ôn nhất được đưa lên danh sách sớm nhất. Chẳng hạn tên “Minh đạp” đã từng đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức... trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng năm trước đây. Hay tên Trung Tá Hiến, nói với vợ Điếu Cày: “Tự do là con c...” Danh sách này cực kỳ lợi hại. Chỉ cần lập xong sẽ có vô số ứng dụng; mà trước tiên là thanh tra VC! Chúng sẽ dùng nó mà thanh toán lẫn nhau. Kế đến là các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Họ sẽ dùng nó để rà soát những tên VC nằm vùng được lén lút đưa vào nước Mỹ. Người Việt ở hải ngoại cũng có thể dùng nó để xử lý bọn đội lốt, chui vào hàng ngũ cộng đồng. Kẻ nào biết mình có tên trong danh sách, xin được ra khỏi Đảng cũng có thể khoan hồng. Nhưng phải công khai tên tuổi rõ ràng và lập công chuộc tội bằng cách tố giác những tên ác ôn khác... Sẽ có nhiều anh hùng hảo hớn trong nước dựa vào danh sách này mà ra tay nghiã hiệp, trừ họa cho dân. Khi động tác chỉ đơn giản là ném một can xăng vào nhà nó, hay tông xe nó giữa đường v.v., thì khá nhiều người uất hận CS có thể làm được. Khi đó mọi đảng viên CS sẽ cảm thấy hoàn toàn bất an; không còn có thể sống trong cộng đồng dân tộc Việt được nữa.
Tên của danh sách là CƯỜNG HÀO ÁC BÁ ĐỎ, để phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Sẽ có người trong phe CS hỗ trợ cho ta trong nỗ lực chống tham nhũng. Ta phải hết mình đón nhận. Danh sách này được tất cả các nạn nhân từ quốc nội cung cấp. Rất an toàn cho bản thân họ. Bởi vì chỉ cần một địa chỉ email là xong ngay, không để lại dấu vết, trừ khi bị tiết lộ từ máy chủ. Địa chỉ này phải tuyệt đối bảo mật. Sẽ có rất nhiều người cung cấp thông tin về một tên ác ôn, bởi có nhiều kẻ chính là nạn nhân của nó.
Danh sách ác ôn được phân chia theo từng địa phương. Chẳng hạn, tỉnh Cần Thơ, huyện Châu Thành, xã Long Tuyền có những tên cường hào ác bá đỏ như sau: X, Y, Z..., nhà số..., gia cảnh..., tội ác... (càng nhiều chi tiết, kể cả hình ảnh, video clip, bản đồ Google..., càng tốt). Muốn chứng minh ĐCSVN là tội ác chống loài người, phải chứng minh được từng đảng viên của nó là tội phạm, bằng cách nghe lời kể của từng nhân chứng; và phải có nơi chứa đựng những chứng cớ này. Đó là một trang web được lưu trữ vĩnh viễn trên mạng lưới toàn cầu, để mọi người trên thế giới và con cháu ngàn đời sau có thể tham khảo vào bất cứ lúc nào. Bằng cách đó, con cháu của bọn tội phạm này cũng sẽ khó làm gì được để tiếp nối con đường tội ác của cha ông chúng, và mọi người luôn cảnh giác một khi chúng động tiûnh làm cái gì đó chống lại nhân dân, tiếp nối các hành động BÁN NƯỚC mà bọn Thái Thú Bắc Kinh và ĐCSVN là cha ông chúng hiện nay đã phạm phải. Một khi chúng lại đi con đường Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống đương nhiên sẽ bị dân chúng tiêu diệt. Như số phận của Trọng Lú và đám Thái Thú Bắc Kinh hiện nay sẽ không được nhân dân tha tội, và chúng sẽ phải ra tòa LUẬN ÁN QUỐC DÂN một ngày gần đây khi ĐCSVN sụp đổ.
Trang web này dung lượng phải lớn, đủ sức chứa hồ sơ của 3 triệu đảng viên. Những tên ác ôn nhất được đưa lên danh sách sớm nhất. Chẳng hạn tên “Minh đạp” đã từng đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức... trong cuộc biểu tình chống Trung Cộng năm trước đây. Hay tên Trung Tá Hiến, nói với vợ Điếu Cày: “Tự do là con c...” Danh sách này cực kỳ lợi hại. Chỉ cần lập xong sẽ có vô số ứng dụng; mà trước tiên là thanh tra VC! Chúng sẽ dùng nó mà thanh toán lẫn nhau. Kế đến là các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Họ sẽ dùng nó để rà soát những tên VC nằm vùng được lén lút đưa vào nước Mỹ. Người Việt ở hải ngoại cũng có thể dùng nó để xử lý bọn đội lốt, chui vào hàng ngũ cộng đồng. Kẻ nào biết mình có tên trong danh sách, xin được ra khỏi Đảng cũng có thể khoan hồng. Nhưng phải công khai tên tuổi rõ ràng và lập công chuộc tội bằng cách tố giác những tên ác ôn khác... Sẽ có nhiều anh hùng hảo hớn trong nước dựa vào danh sách này mà ra tay nghiã hiệp, trừ họa cho dân. Khi động tác chỉ đơn giản là ném một can xăng vào nhà nó, hay tông xe nó giữa đường v.v., thì khá nhiều người uất hận CS có thể làm được. Khi đó mọi đảng viên CS sẽ cảm thấy hoàn toàn bất an; không còn có thể sống trong cộng đồng dân tộc Việt được nữa.
Sẽ có một số tiêu chuẩn để bảo đảm rằng
trang web này chính xác, nhằm định lượng và có thái độ đối với tội ác của 3
triệu đảng viên CS, chứ không nhằm hãm hại những người không gây ra tội ác; cho
nên một cơ cấu điều nghiên và xác minh sẽ được lập song hành với Ban Tổ Chức
trang web này hầu tránh những trường hợp trả thù trả oán không đúng với ý nghiã
của đại cuộc là TRIỆT TIÊU ĐẢNG CỘNG SẢN VN. Chỉ những trường hợp hiển nhiên như
“Minh đạp” mà ai cũng biết sẽ được xử lý ngay, còn những trường hợp chưa xác
minh được sẽ có thời gian để được xác minh trước khi hành động.
Cần phải huy động toàn bộ cộng đồng mạng để sao chép lại danh sách này, đề phòng hacker VC đánh úp. Càng nhiều bản sao càng tốt. Phải vận động một phong trào quần chúng vĩ đại, tố cáo tội ác CS, cũng như chúng đã từng đấu tố địa chủ trong Cải Cách Ruộng Đất; nhưng ta cần làm khoa học hơn và tránh chuyện tạo thành một trang web trả thù, mà cần nhắm vào đại cuộc dân tộc là TRIỆT TIÊU ĐẢNG CS, trên cơ sở tội ác của chúng (cao trào dứt điểm các tay gây tội ác nghiêm trọng có thể chấp nhận được trong lúc ban đầu, trước khi TÒA LUẬN ÁN QUỐC DÂN có thể được thiết lập để xử tội những tên BÁN NƯỚC cho Tàu, đặc biệt là Trọng Lú, ngay sau khi ĐCS sụp đổù).
Cần phải huy động toàn bộ cộng đồng mạng để sao chép lại danh sách này, đề phòng hacker VC đánh úp. Càng nhiều bản sao càng tốt. Phải vận động một phong trào quần chúng vĩ đại, tố cáo tội ác CS, cũng như chúng đã từng đấu tố địa chủ trong Cải Cách Ruộng Đất; nhưng ta cần làm khoa học hơn và tránh chuyện tạo thành một trang web trả thù, mà cần nhắm vào đại cuộc dân tộc là TRIỆT TIÊU ĐẢNG CS, trên cơ sở tội ác của chúng (cao trào dứt điểm các tay gây tội ác nghiêm trọng có thể chấp nhận được trong lúc ban đầu, trước khi TÒA LUẬN ÁN QUỐC DÂN có thể được thiết lập để xử tội những tên BÁN NƯỚC cho Tàu, đặc biệt là Trọng Lú, ngay sau khi ĐCS sụp đổù).
Ma trận điện toán toàn cầu tích chứa tội ác của từng thành viên trong số 3 triệu đảng viên CS và các hành động tương ứng của quần chúng sẽ khiến ĐCS phải tan rã hàng ngũ. Ta có thể đặt tên tiếng Anh của trang Web này là VCFO LEAKS (VCFO là chữ viết tắt của VCInfo.). Đối lực mới chính là khối quần chúng nạn nhân của CS đã có các hành động hiện thực hóa ma trận này, như là Dân Oan, như là nạn nhân của con ông cháu cha bị thất nghiệp hay mất việc, như là tín đồ các tôn giáo bị đàn áp, những kẻ bị cướp đất cướp nhà dưới danh nghiã “thu hồi” hay “cưỡng chế” v.v.
Cái khó là ở giai đoạn đầu lập trang web. Cần phải có một nhóm người tự nguyện (cần biết rõ không bịù VC xâm nhập) phân công truy tìm trên mạng Internet, ở các cơ quan thanh tra của nhà nước CS, các tổ chức chống tham nhũng, từ những lá đơn kêu cứu của người dân, phỏng vấn những người khiếu kiện v.v. Khi đã được nhiều người biết tiếng, tự nhiên người ta sẽ gửi hồ sơ tố giác tới tấp. Nắm được thông tin trong tay, ta có thể tùy nghi xử lý.
Đừng hy vọng nhân dân sẽ nổi lên chiếm các
cơ quan công quyền khi ĐCS còn chưa tan rã. Rút kinh nghiệm Liên Xô và các nước
Ả Rập, VC phòng thủ rất chặt chẻ. Chúng sẽ phản công quyết liệt điên cuồng và
máu sẽ chảy thành sông như tại Syria. Dân VN đã từng trải qua 30 năm chiến tranh
quá đau thương, họ sẽ không muốn đổ máu. Phải làm cho VC bấn loạn tâm can, tan
rã hàng ngũ mà không cần phải đánh đấm gì. Các lực lượng tranh đấu cần phải
chuẩn bị để đáp ứng tình thế khi lập trang web này.
Việt Nam, Mùa Hạ Năm Qúy Tỵ,
8/2013
TỬ
GIANGSài
Gòn
TRẺ RANH LUẬN CHÍNH
CHUYỆN NƯƠC NON
Truyện dài
đấu đá trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng CSVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi đưa ông Vũ Đức Đam lên làm phó
thủ tướng thay phó thủ tương
Nguyễn Thiện Nhân là một bước
chuẩn bị cho ông Đam thay ông làm
thủ tướng trong nhiệm kỳ đai hội 12 của Đảng CSVN.Ai cũng biết ông Đam từng là thư ký riêng
của cố thủ tương Võ Văn Kiệt và
được bà Cầm quả phụ cố thủ tương Kiệt
rất tin tưởng.Thay ông Đam làm
bộ trương chủ nhiệm văn phòng
chánh phủ là ông Nguyên Văn Nên
xuất thân ngành công an và trước khi làm bộ trương là
phó trưởng ban tuyên giáo
trung ương.Ai cũng biết chức bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính
phủ là siêu bộ trưởng thế mà
lại trao cho một nhân vật công an chỉ làm tới trưởng côngan huyện còn học hành thì
chỉ học trong nước tới cử nhân luật tại chức không hơn không kém.Thủ tướng Dũng đã sắp xếp xong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không có Nguyễn Tấn Dũng nhưngvai trò của ông sau đai hội 12 có thể là
Tổng bí thư có thể là
chủ tịch nước.Tuy nhiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn thế tử là ông
Phạm Quang Nghị bí thư Hà
nội dù trươc đó ông đãtừng nói chủ tịch quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng sẽ kế nhiệm ông
Thiên hạ nói ở VN có
hai nhà nươc một nhà nươc của chính
phủ một nhà nươc của Đảng và
nói nhà nươc của chính
phủ giống như nhà nước vua Lê thời chúa Trịnh và
cố thủ tướng VCVõ Văn Kiệt trươc khi qua
đời tưng nói nếu không
xóa đươc chuyện hai nhà
nước trong một nước thì chế độ sẽ
tiêu vong tuy nhiên nay chuyện hai nhà nươc uýnh nhau coi bộ càng ngày càng
căng và nhà nươc củaĐảng cũng như nhà nước của
chính phủ uýnh nhau còn dài dài
Hiến pháphay
Đảng pháp
Thế là ngày 28 tháng 11 quốc hội nước CHXHCNVN đã thông qua bản hiến
pháp sửa đổi với đa số
tuyệt đối [không có phiếu chống]giữ
điều 4 Đảng Công Sản VN toàn trị rồi tiếp theo là những điều quân đội phải trung thành với Đảng, kinh tế nhà nươc là
chủ đao ,đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà
nước quản lý.Tóm lai bản hiến
pháp 1992 chỉ sửađổi kiểu hoa lá cành.Phó
chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu nói
trước diễn đàn quốc hội rằng
bản hiến pháp sửa đổi kỳ
này thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng CSVN.Đài phat thanh BBC bình
luận'Nhànước là Ta.Hiến Pháp
là Ta.Pháp luật cũng chính
là Ta.Và cái
Ta đó là Đảng CSVN.Nếu thế thì đâu còn gọi là hiến pháp
mà phải là
gọi là Đảng pháp""
Nhà văn Võ thị
Hảo goi cái ngày quốc hội nước CHXHCNVN thông qua bản sửa đổi hiến
pháp 1992 là ngày
tang khốc cho dân tộc VN còn
nhàbáo Nguyễn Gia Kiểng chủ nhiệm tạp chí Thông Luận xuất bản ở Paris thi viết bài kết án Đảng CSVN
tuyên chiến với
dân tộc nhục mạ trí thưc khi
đưa ra bản hiến pháp 1992 mới sửa đổi
Nhà báo Điếu cày đươc giải Tự Do Báo Chí
Quốc tế
Ngày 26 tháng 11 Uỷ ban bảo vệ nhà báo quốc tế đã tổ chức phát giải Tự Do báo
chí quốc tế cho 4 nhà
báo quốc tế trong đó có nhà
báo Điều Cày Nguyễn Văn Hải của VN.Được biết nhà báo Điều Cày
Nguyễn Văn Hải đang thụ án tù tại trại giam số 6 ở Nghệ An
vì viết những bài báo
trên mạng internet tỏ thái độ bất đồng chánh kiến với Đảng CSVN
Tội nghiệpnhà
thơ Du Tử Lê
Trần Thị Bông Giấy và
Trần Nghi Hoàng bỗng dưngđem chuyện""U""Lê Uyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Du Tử Lê về chuyện trả bài ấm ớ hội tề
sao đó đem lên mạng bêu rếu.Nhà
văn Thế Phong người từng viết tựa cho thơ Du Tử Lê không hiểu bưc bội gì màđem
chuyện Du Tử Lê bị vợ sau
oánh tơi tả lên trang nhà của Thế Phong.Thế là Du Tử Lê
đem đầu máu về VN chỉ còn nước lấy rổ mà
che mặt thôi thật tội nghiệp cho Du Tử Lê
hết còn dám nhi nhô
Họa sĩ Duy Thanh ung thư cột sống
Họa sĩ Duy Thanh là
một trong bốn họa sĩ chủ lưc của tạp chi Sáng
Tạo đó là Duy Thanh Ngọc Dũng Thái Tuấn Nguyễn Trung.Duy Thanh sang Mỹ trước năm 1975
làm việc tại đài
phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ [VOA ]đinh cư tại San
Francisco sau đó đón vợ là nữ sĩ Trúc
Liên cùng ba cô con gái
sang định cư tại đây.ỞMỹ Duy Thanh vẽ tranh nhiều nhưng bán chẳng đươc bao nhiêu 83 tuổi Duy Thanh bị ung thư cột sống hai tờ báo Ngươi Việt
và Việt báo tổ chưc triển lãm tranh Duy Thanh rồi tiệc trà
gây quĩ giúp Duy Thanh
lúc bệnh hiểm nghèo hồi đầu năm 2013 Duy Thanh cứ
tành tành sống với bệnh ung thư cột sống nhờ sư chăm sóc tận tình của vợ.Tuổi trên
tám bó hi vọng Duy Thanh sống thêm đươc vài
năm nữa để về lại VN trước khi rời cõi thế này
Kỷ niệm 100 năm ngày
sinh nhà văn Trương Tửu
Ngày 18 tháng 11 năm 2013 Hội Nhà văn VN và Hội LHVHNTVN đã tổ chức 100 năm ngày sinh nhà
văn giáo sư Trương Tửu,ngươi bị cấm
viết cấm dạy học từ năm 1956 cho tới khi qua đời ngày 16 tháng
11 năm 1999 nghĩa là bị cấm viết
cấm dạy học 43 năm chỉ vì dính líu tới Phong trào
Nhân Văn Giải Phẩm.Nhà văn nhà
giáo Trương Tửu chết nhiều năm mới
được đưa vào từ điển văn học
rồi đươc đanh giá lại và đươckỷ niệm 100 năm ngày sinh
Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên
chê bằng tiến sĩ
Nhà văn Phạm Xuân
Nguyên trong bài trao đổi với nhà
thơ Hông Thanh Quang ông đã nói thẳng ra rằng ông làm việc ở Viện Văn Học mấy chục
năm nhưng ông nhất định không làm
luận án tiến sĩ vìchê giảng dạy sau đai học ở VN có vấn đề hầu hết tiến sĩ liên
quan tới ngành văn học mù ngoại ngữ.Trong khi Phạm xuân
Nguyên chỉ có bằng cử nhân nhưng đọc thông viết thạo tiếng Nga tiếng
Anh tiếng Pháp nhưng ông
thú thật ông học ngoại ngự bằng
phương pháp tự học nên viết dịch đọc thì
khá nói nghe thì ú ớ.Ông Nguyên
nói Hội Nhà Văn Hà
nội không hề dính líu với Hội Nhà Văn VN bản thân ông cũng không hề là hội viên Hội Nhà
Văn VN
Chia buồn cùng
nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Đươc tin cụ Tôn thất Tần [
là thân phụ Tôn nữ Giang Tiên phu nhân nhà thơ Trần Mạnh Hảo] người tù cộng sản tới hơn
30 năm nhân vật đươc nhà
văn Vũ Thư Hiên tác giả cuốnĐêm
giữa ban ngày tôn vinh là""cụ"" của
nhân vật Jean Valjean của nhà
văn Victor Hugo trong tiểu thuyết Những kẻ khốn khổ vì tù
cộng sản tới 30 năm từ 1946 tới 1977 vừa qua đời tại Saigòn thọ 96 tuổi.Đươc biết cụ Tôn thất Tần là con ông Tôn Thất Hoàn tri huyện
Nghi Lộc bi dân Xô Viết Nghệ Tĩnh chém
chết vì không cho lệnh chống dân biểu
tình ra nói chuyện với dân biểu tình lúc
đóTôn Thất Tần 13 tuổi,sau đó
năm 1946 vì phản đối Hồ
chí Minh ký hiệp định 6 tháng 3 rươc quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng
bị bỏ tù từ năm 1946 tới 1977 mới thả.Trẻ
Ranh xin có lời chia buồn
cùng vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo và cầu chúc hương linh cụ Tôn Thất Tần sớm phiêu diêu nơi cõi niết
bàn
Sau Vinashin
,Vinalines là Vina airlines và Vinarailways
Theo báo mạng thì sau hai cái tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin, Vinalines sụp đổ khiến nhà nước CHXHCNVN thâm thủng nhiều trăm ngàn tỷ đồng sắp tới hai tập đoàn Vina
Airlines và Vinarailways cũng sẽ nối
bước khủng hoảng và sẽ còn tệ hơn hai tập đoàn kinh tế nhà nước trước..Bởi vì theo báo mạng thì Vinaairlines có 63 sân bay trị giá 70 tỷ
usd, ba mươi ngàn lao động.Trong 63 sân
bay của Vinaairlines có 10 sân
bay quốc tế[gấp 3 lần Nhật bản]và 26 sân
bay tầm cở quốc tế,tiềm năng vận tải tới200 triệu hành khách nhưng chỉ đạt có 12 triệu hành khách năm lãng phí tới 94 phần trăm.Vinarailways có 3200km đường sắt trị giá 30 tỷ usd và 42000 nhân viên vận chuyển đươc có 16 triệu hành khách chỉ bằng 1 phần 20 đường sôngSau 10 năm
tân trang đường sắt cổ khổ 1m tốn 2 tỷ usd tầu chạy từ Hà nội tới Saigon vẫn 32 giờ
thế mà tháng 2012 quốc hội lại chi thêm tới 1800 tỷ đồng để Vinarailways tiếp tục tân trang đường sắt
cổ để cho tầu hỏa chạy Saigon Hà nội còn 25 giờ
ĐàiANTV tôn vinh nhà văn Hoàng Hải Thủy
Đái ANTV là đài truyền hình của bộ công an trong buổi phát hình lúc 18 giờ chiều ngày 11
tháng 11 năm 2013 mục những trang vàng truyền thống đã chiếu nhiều hình nhà văn Hoàng Hải Thủy và cho
biết ngày này năm 1977 công an đã bắt nhà văn Hoàng Hải Thủy vìông viết nhiều bài nhất là ca dao bôi bác Việt Cộng gửi sang Mỹ phổ biến.Theo đài ANTV thì bắt đươc nhà văn Hoàng Hải Thủy là một chiến công lớn của ngành công an Viêt công
Trong khi đài ANTV xưng tụng chiến công ""vồ""
đươc Hoàng Hải Thủy thì nhà văn Hoàng Hải Thủy đã đươc chính phủ Mỹ lãnh sang Mỹ từ thế kỷ trước Hoàng Hải
Thủy đang ngồi rung đùi viết
tại Washington và cười ngất
Câu văn tuyệt cú của báo Văn Nghệ
Trẻ Ranh vừa đọc
trên báo Văn Nghệ số ra ngày 9 tháng
11cơ quan ngôn luận của HộiNhà văn cầm
các VN câu văn bất hủ sau đây""Mày đúng là bọn Kinh.nói thì thơm làm thì thối""[câu này trích trong truyện ngắn của Nguyễn Đưc Lơi] Trẻ Ranh xin chú thích thêm dân tộc Kinh là một trong 54 dân tộc hình thành cái gọi là dân tộc VN và là dân tộc đông nhất và thế lưc nhất xin miễn có lời bàn
Chân dung quốc hội
nước CHXHCNVN
Một đài phát thanh nước ngoài đã phỏng vấn một số nhân vật làm chánh trị danh tiếng ở VN về
chân dung đích thực của quốc hội nước
CHXHCNVN
Người thứ nhất được
nêu ý kiến là ông tiến sĩ Bùi Kiến Thành người từng nhiều năm làm cố vấn tài chánh cho nhiều đời thủ tướng
ở nước CHXHCNVN đã nói thẳng
ra rằng''Ở VN mấy người vào Quốc
Hội như mấy ông sư hay tướng tá là việc hết sức khác so với các nước.Họ không bắt buộc phải hiểu
biết về chánh trị hay lập pháp, luật lệ.Nó độc đáo ở chỗ phần lớn là nghiệp dư,cứ mỗi năm tới gặp nhau chờ chính phủ đưa ra những dự án luật này kia rồi nhóm họp rồi cho ý kiến và cuối cùng bấm nút thế là xong
Tiếptheo là ý kiến ông Lê Hiếu Đằng người từng
theo Măt Trận Dân Tộc Gỉai Phóng Miền
Nam người từng giảng dạy trường chánh trị
Nguyễn Aí Quốc người từng là phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quôc VN
''Tôi nghĩ Quốc Hội
VN có một nhươc điểm là không phải toàn đai biểu chuyên nghiệp.Đai biểu Quôc Hội ở VN không phải
là những người chuyên trách những nhà hoạt động chánh trị thật sự.Trong đó đai bộ
phận là đảng viên đại bộ phận là các đai diện của cơ quan
quản lý nhà nước""
Kỹ sư Nguyễn văn
Thạnh thì nói huỵch toẹt ra rằng""Quốc Hội
VN đươc đao diễn bới Đảng CSVN theo cơ chế Đảng cử Dân bầu.Điều đó làm cho Quốc Hội phụ thuộc.Đó là lý do vì sao mà Quốc Hội VN chưa làm tốt được vai trò theo theo sự hiến định của Hiến Pháp""
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ
Dũng phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội thì nói mạnh hơn""Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay
đổi.Sống theo cách cũ sẽ không có tương lai""
Ý kiến của tiến
sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đươc giáo sư
Cao Huy Thuần cho là một
cao kiến
nhà bình luận chánh trị có bằng tiến sĩ và từng là trợ lý của chủ tich
nươc Trương tấn Sang ông Phạm chí Dũng
đã nói thẳng ra rằng quôc hội
không còn của dân vì dân nữa
mà đang vì nhóm lợi ích
Một vụ sù nợ tuyệt vời
Sau khi Tập đoàn
Vinashin bị bể chính phủ cơ cấu lại nợ cả
mấy trăm ngàn tỷ[trong đó có nhiều món nợ ngân hàng nươc ngoài].Đùng một cái bộ Giao Thông Vận Tải ra quyết định đổi tên tập đoàn Vnashin thành tập
đoàn Sbic,thế là Vinashin thay tên đổi họ và bao nhiêu nợ nần chỉ còn cách nhờ tòa án đòi hộ.Chuyện Vinashin đổi tên thiên hạ bàn rầm lên là đó là một hành động sù nợ tuyệt vời
Nhà thơ Lê Văn Ngăn ung thư bàng
quang
Nhà thơ Lê Văn Ngăn sấp sỉ 70 tuổi vừa vào bệnh
viện Bình Dân ở Saigon điều trị bệnh ung thư bàng quang.Nhà thơ Lê Văn Ngăn từ Bình Đinh vào Saigon trị ung thư bàng
quang đang gặp nhiều khó khăn
Nhà văn nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa được
giải thưởng Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu BaCan Đảm viết 2013
Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt thuộc trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ [Pháp thoại] ngày 18 tháng 11 vừa loan tinTrung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập ngày 15
tháng 11 đã quyết định trao tặng giải thưởng mang tên""Gỉai Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba can đảm viết
2013"" cho hai nhân vật là nhà văn Trung Hoa Tan Zuoren và nhà văn nhà thơ Nguyễn Xuân Nghĩa cả
hai đều đang bị tù vì tội làm thơ viết văn
Được biếtGỉai
Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba đươc Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập thành lập từ năm 2006 với tên Gỉai Thưởng Cho Những Nhà Văn bị cầm tù và lúc
đó Trung Tâm này do nhà văn Lưu Hiểu Ba làm chủ
tịch và năm nhà văn Lưu Hiểu Ba bị bắt giam rồi ông được
giải thưởng Nbel Hòa Bình giải này đổi tên là"" Gỉai Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba can đảm viết""
Nhà văn nhà thơ nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa là Hội viên Hội Nhà Văn Hải Phòng
tham gia viết bài cho
nguyệt san Tổ Quốc tờ báo đối
lập ở VN bị bắt từ tháng 9
năm 2008 đến nay và bị giam cách nhà hơn 400km và ông bị công an dùng tù hình sư đánh đập vì tội thông tin ra ngoài
chuyện nhà báo Điếu Cầy tuyệt thưc
Đai Học học đai tốt nghiệp thất nghiệp lia chia
Theo báo Tuổi Trẻ thì ở VN có gần 500 trường Đai Học
và Cao Đẳng đào tạo lung tung beng có nhiều
sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp
có người phải đi bán nước mía kiếm sống có`` thạc sĩ"" phải đi làm""gia
sư"" độ nhật .Ôi nền giáo dục
VN thê thảm quá đi thôi
Nợ công của VN lên tới 95 phần trăm GDP
Theo báo Saigon tiếp thị thì nợ công ở VN hiện đã lên tới 95 phần trăm GDP,nghĩa là vượt quá mưc nguy hiểm tới 35 phần trăm, vỡ nợ lúc nào không biết.TheoSaigon
tiếp thị thì chính phủ VNnói nợ công ở VN có
55,4phần trăm tuy nhiên nếu
tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực
doanh nghiệp chủ yếu là doanh
nghiệp nhà nước không được chánh phủ
bảo lãnh nợ bằng trái phiếu
trong nước không được chánh phủ
bảo lãnh khác của doanh nghiệp nhà nước thì số nợ công của VN lên đến
khoảng 95 phần trăm GDP vượt xa ngưỡng an toàn là 60phần trăm GDP.Trong khi đó tiến
sĩ Phạm Chí Dũng nói
trên đài phátthanh RFI lại nói rằng
có chuyên gia quốc tế quả quyết nợ công ở VN là 106 phần trăm GDP.Ông Bùi
Quang Vinh bộ trưởng bộ kế hoach đầu tư nói trước quốc hội là năm
2013 nợ công tăng 170.000 tỷ tương đương
8 tỷ usd và mánh của VN là cứ phát hành trái phiếu
thay vì in thêm
tiền nên không hề có lạm phat.Theo con số do chính phủ gửi quôc hội thi 127 tập đ0àn,va tổng công ty nhà nước nợ hon 1,3 triêu tỷ đồng và nợ nhiều nhất là tập đoàn dầu khí 124 ngàn tỷ rồi tới Tập đoàn Điện
lưc 103 ngàn tỷ đồng, khiếp quá
Gíao sư Nguyễn Huy Diễm chia tay Phật Gíáo Hòa Hảo Quôc Doanh
Theo tin từ Văn
Phòng Ban Trị Sự Phật Gíao HòaHảo Thuần Túy thì giáo sư Nguyễn Huy Diễm phó ban trị sư Phật Gíao Hòa Hảo Quốc Doanh,con
trai cố giáo sư nhà văn Nguyễn Văn Hầu vừa tới gặp cụ Lê QuangLiêm cho biết ông đã giả từ Ban Trị Sự Phật Gíao Hòa Hảo Quốc Doanh và xin trở về với Phật Gíao Hòa Hảo Thuần Túy.Cụ Lê Quang Liêm trưởng ban trị sư Phật Gíao Hòa Hảo Thuần Túy đã hoan hỉ tiếp giáo sư Nguyễn Huy Diễm và chào đón sự trở về của giáo sư
như một tin vui cho Phật Gíao Hòa Hảo
Thuần Túy
Chủ tịch tỉnh B ình Dương sao giầu quá vậy
Báo Kinh Doanh và Pháp luật vừa công bố hình ảnh và tài liệu liên quan tới ông Lê Thanh Cung chủ tịch tỉnh Bình
Dương có biệt thư trị giá 20 tỷ và đồn điền cao su rộng 130 hécta trị
giá 150 tỷ.TTXVA dẫn lại hình ảnh và tài liệu của báo Kinh Doanh và Pháp luật rồi đặt câu hỏi với lương chủ tịch Tỉnh ông Cung lấy tiến ở đâu mà giầu vậy
Thơ Lê Thị CôngNhân
Luật sư Lê Thị CôngNhân vừa đươc trang Liên Hội Nhân Quyền của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt phổ biên bài thơ Tôi có một giấc mơ bản tiếng Việt tiếng Anh dotác giả tự chuyễn ngữ[bài thơ
này sáng tác từ năm 2010 nhưng rất
hay] và bản tiếng Pháp của
Lê Kim.Để rộng đường dư luận
Trẻ Ranh xin đăng lại toàn văn tác phẩm thi ca của người nữ luật sư nổi tiếng
bất khuất này
Tôi có một giấc mơ
Riêng tặng cha Vũ Khởi Phụng và giáo xứ Thái Hà Hànội VN
Tôi có một giấc mơ
đến một ngàytrên thế gian
sẽ không còn
Cộng Sản
Khi ấy người nông
dân quê tôi
sẽ không còn lam lũ ngoài đồng nắngchang chang
ướt đẫm áo giọt mồ hôi
bão tố gió mưa
đơn côi
trên đồng quạnh vắng
cho lúa đươc vàng bông
trĩu hạt
Nhưng
phải cống nạp nuôi
chính quyền độc tài cộng sảnhơn một nửa mất rồi
còn đâu
Khi ấy người trí thưc nước tôi,
sẽ tự nhiên cất lời chân thật
vì chiếc còng số 8
và điều luật 88
đã bị đánh bật
ra khỏi tư tưởng
cùng với nó là điều luật 79,87
và 258
quái dị đến thiên tài
là đặc sản cuảnước chúng tôi
và những nước anh em xã hội chủ nghĩa khác
hỡi ơi
anh em ơi
liên minh ma quỉ thì đúng hơn
sánh bước cùng nhau
chiếm đoạt âm ti
cho xiềng sích
mãi mãi
khi ấy văn nhân và nghệ sĩ nước tôi
sẽ tuôn trào cảm xúc nghĩ suy
mà không phải
tụt nó xuống[người ta vẫn thường nói""tụt cảm xúc""
dấu nó đi
treo nó lên
túm nó lai
hoặc đơn giản hơn
là
lờ nó đi
Coi như mình
chẳng có cảm súc nghĩ suy gì
chân thật cả và khi ấy
nền thi ca nghệ thuật
ở xứ sở tôi
sẽ trỗi dậy
dẫu phải làm lại từ đầu
Nhưng
một bước chân thôitrên con đương chân thật[nếu bạn cả gan dám bước vào]
cũng đủ ngất ngây rồi
Thật đây
thử mà coi
Khi cộng sản không còn bóng dáng
Trên quê hương tôi
thì người luật sư
sẽ thật sự
tranh luận bào chữa
mà không sợ
bị tống vào tù
chỉ vì không chịu
xuẫn ngu
ca ngợi băng đảng Cộng Sản quang vinh muôn năm?!?!
và cái sác ướp điêu toa[làm bằng composit]
là vĩ đại
là chân lý duy nhất
cuả trần gian
Khi ấy
sẽ không còn
những gian nancủa người công nhân lao động lầm than
với đồng lương rẻ mạt
như không thể nào rẻ hơn đươc nữa
Và sẽ không còn những khổ nạn mà giới tu sĩ chân chính phải gánh chịu
vì thường xuyên mắc phái
cái tật
trót dại?!?!
cứ đòi tư do tôn giáo và tín ngưỡng
lại còn tơ tưởng!?!?
đòi thêm
những tài sản bị chiếm đoat bất công
để thờ phượng
Đức Chúa Trời là ông Trời là Thượng Đế
là Đấng Tạo Hóa
của chúng ta
và hỡi ơi
cũng là của người Cộng Sản nữa
vì người là Đấng ban sự sống
của muôn loài
Vậy thì những người Cộng Sản hỡi
nếu các ngươi vẫ còn sống
thì chắc chắn điều đóphải có ý nghĩa rồi[tôi vẫn biết thế mà]
đó là
để cho những người có lương tri
và chút quả cảm còn sót lại
chút danh dự
bỗng dưng được tìm thấy
sau một thời gian bị thất lạc [khá lâu]'
""lên án mạnh mẽ""
và
""kịch liệt phản đối""
chế độ độc tài cộng sản
tàn ác dã man
thêm tội man rỡ
ngu dốt vượt trội
xa xỉ bậc nhất
hoang tưởng cực độ
NÓI DỐI THÀNH THẦN
Vân vân và
vân vân
Khi ấy mọi ngươi sẽ lại tìm
thấyÝ nghĩa của đời mình
D o Đấng Tạo Hóa
hằng ban Yêu Thương
Tôi có một giấc mơ
Chưa chắc đã thành
sư thậtTrong đời mình
và tôi dám nói ra/tiết lộ/chia xẻ/tâm sự
kêu gàothảm thiết
một cách mạnh mẽ và công khai
cho mọi người cùng biết
rằng
Tôi không câm
Có tai không điếc
có mắt khôngmù
và một trái tim[chẳng may] vẫn còn rung cảm
một lương tâm không bị sún
và chưa gẫy hết răng
[nó cắn rứt tôi mỗi ngày
có chúa chứng dám cho tôi điều ấy]
Cái đầu vẫn còn biết suy nghĩ
và mơ mộngvề những điều cao siêu
nhưng thật ra thì đơn gian
là
tính trung thưc và lòng dũng cảm
nền tảng đao đưc
của con người
Nhưng
Ai
sẽ tái lập và gìn giữ
Điều này
Tôi
[oắt con tép riu Lê Thị Công Nhân]
Xin góp
một bàn tay
vậy phần còn lại
sẽ chờ
Ai đây
Lê Thị Công Nhân
Hà nội 12 tháng 6 năm 2010
Cựu chuẩn tướng Nguyễn Duy Hinh xuất chiêu tranh đâu mới
Cựu chuẩn tướng Nguyễn Duy Hinh là dân thiết giáp
xuât thân khóa 1 Thủ Đưc
học ở Nam Đinh thời VNCH có
lúc làm thị trưởng Đa Nẵng lưu vong sang Mỹ từ 30 tháng 4 năm 1975 cũng tranh đấu
khá hăng mới đây đã ra tuyên cáo
xuất một chiêu tranh đấu
mới.Tướng Hinh kêu gọi Việt
kiếu ngưng gửi kiếu hồi về nước hai thang dịp tết Gíap ngọ cho Việt
Cộng biết thế nào là lễ độ.Tướng thiết giáp mà chơi đòn
kinh tế coi bộ hơi yếu một chút đấy nhưng vẫn còn chịu chơi là thiên
hạ cũng đủ thích thú rồi chưa biết bà con Việt kiều sẽ hưởng ứng bao nhiêu phần trăm để tỏ khí thế đây riêng
Trẻ Ranh đã lệnh cho con cháu
không gửi tiền về cho bà con thân thuộc
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 290