Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 17 October 2016

PHAN LẠC PHÚC - BÙI XUÂN CẢNH - TƯ NGHÈO

Friday, August 26, 2016

PHAN LẠC PHÚC * KỶ NIỆM XƯA




Một kỷ niệm xưa
Phan Lạc Phúc
(Trích trong “Bạn Bè Quanh Ta” của Cố Ký Giả Lô Răng Phan Lạc Phúc)


Trời Sydney năm nay lạnh hơn mọi năm. Ðêm Ðông buốt giá, phải trở dậy kiếm cái heater. Mở đèn lên, nhìn ra ngoài vườn, sương đêm đã đọng thành một màn băng mỏng. Nhìn màn băng mỏng trên sân, ký ức tôi bỗng trở về cái lạnh buốt xương năm 1976, khi tù cải tạo miền Nam năm đầu tiên ra Bắc. Tụi tôi được “chiếu cố” cho ở Sơn La, địa danh nổi tiếng “nước Sơn La, ma Vạn Bú.” “Sơn La âm u, núi khuất trong sương mù.” Tù cải tạo thuộc trại 1, liên trại 2 được phân ra ở trong trại tù Sơn La thời Pháp thuộc. Sau nhiều cuộc biến thiên, nhất là sau vụ ném bom miền Bắc, các trại tù này đã đổ nát, chỉ còn lại cái nền xi măng. Nhà tù đã đổ bây giờ được che tạm bằng ni lông, hoặc lợp bằng tranh mỏng. Sơn La là miền cao nên lạnh sớm. Mới tháng 11 gió bấc đã lồng lộng thổi về. Ðến cuối tháng 12, lạnh vào cao điểm... Chậu nước để ngoài sân, qua đêm đã đọng thành băng mỏng bên trên.

Tù thì nóng cũng khổ, lạnh cũng khổ. Nhưng nóng thì đôi khi còn trốn được. Tạt vào một lùm cây hoặc là tạm ngâm mình xuống ao, xuống suối. Còn lạnh thì không trốn vào đâu được, nó theo mình suốt ngày, suốt đêm. Nhất là anh em trong Nam ra cứ yên trí là “học tập một tháng,” nên quần áo đem đi làm gì nhiều cho nặng. Ra ngoài Bắc đụng cái buốt giá của mùa Ðông thượng du miền Bắc, thêm mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh lại càng thấm thía. Ban đêm cái nền xi măng trong nhà tù nó lạnh như nước đá, mặc đủ thứ áo quần hiện có mà vẫn lạnh, mặc cả áo mưa đi ngủ, có anh chui vào một cái bao tải vừa kiếm được mà vẫn cứ run. Hóa ra cái lạnh ở ngoài vào thì ít mà cái lạnh ở trong ra thì nhiều. Cái lạnh vì đói cơm nhiều hơn cái lạnh vì thiếu áo.

Hồi đó nằm cạnh bên tôi là hai người bạn tù cùng trong đội rau... Một ông nguyên là dân Thiết Giáp, một ông nguyên là Thượng Tọa (giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo). Ông Thiết Giáp trước đây vốn là một tay hào hoa rất mực. Ông thuộc loại “Tây con,” học trường danh tiếng Saumur, đánh giặc rất chì, ăn chơi rất bảnh... Ðôi lần tâm sự vụn, ổng rút trong ngực áo ra có tấm ví có hình một bà rất đẹp, rất mignonne mà khẽ nói “bà xã moi.” Ðôi mắt đục và nhăn vì đói lạnh của ông chợt sáng lên khi nhìn lại hình ảnh vợ.

Mới đây ổng vừa nhận được một gói quà 1kg đầu tiên từ trong Nam gửi ra. Ông hy vọng lắm vì có người nhận được ít thịt khô, ít ruốc chà bông. Gói quà của ông, xem đi xem lại mãi chỉ có một cái áo lạnh và đặc biệt có hai cái quần slip màu hồng nhạt, chắc là của phái nữ. Tôi không tiện tò mò, hỏi han về việc riêng của bạn nhưng tôi chắc bà xã của bạn phải yêu thương lắm, phải lãng mạn lắm mới gửi món quà để “tưởng nhớ một mùi hương” như vậy. Ðôi khi rảnh rỗi, ông bạn tù hàng xóm của tôi lại khẽ giở món quà đặc biệt ra hồi tưởng...

Trước đây ông bạn tôi thường hút Lucky. Ði cải tạo ông mang theo một cái pipe Dunhill và vài hộp thuốc Half and Half. Nhưng đã lâu rồi hết thuốc hút pipe, ổng cũng như mọi người khác hút thuốc lào. Quá nửa đời người rồi mới biết cái hấp dẫn của thuốc lào. Nhất là mùa rét, sáng sớm tinh mơ ngồi dậy, hút một điếu đầu tiên trong ngày, cho nó say lơ mơ quên trời, quên đất, quên cảnh lên voi xuống chó, quên luôn cảnh lưu đày tù tội. Ôi phút tuyệt vời... Thuốc lào hấp dẫn như vậy nên trong tù đã có thành ngữ “Có thuốc lào là có tất cả.” Nhưng ở miền Bắc cái cần thiết nhất là gạo, ăn còn không đủ thì lấy đâu ra thuốc lào cho tù. Ðành trông chờ vào quà của gia đình gửi tới. Nhưng trong những chuyến gửi quà đầu tiên, có mấy ai được nhận thuốc lào. Thuốc lào thành của hiếm... Ở trong tù cái gì thiếu cũng chấp nhận được, nhưng thiếu thuốc lào là một thiếu thốn rất lớn lao. Thuốc lào không những làm quên hiện tại mà thuốc lào còn là dấu móc để người tù cải tạo thêm kiên nhẫn đi tiếp cuộc đời tù dằng dặc. Trong trại không có ai có quyền đeo đồng hồ. Phải gửi đồng hồ cũng như những đồ tùy thân có giá ở trại. Ngày ngày đi làm, cuộc sống khổ sai nhọc nhằn, đời tù hun hút, thời gian mịt mờ.

Trong khi đó quy định của trại giam cứ một tiếng rưỡi đồng hồ lao động là có “kẻng” nghỉ 10 phút “hút thuốc, uống nước”. Ðiếu thuốc lào ở trên một cái đích gần gũi để người tù vươn tới, một đoạn đường dù ngắn nhưng sắp đến nơi. Nó cũng là một an ủi nhỏ sau hơn một giờ cực nhọc. Vì vậy nên dù khó kiếm, dù đắt đỏ, cũng không ai muốn bỏ thuốc lào. Những tay có thuốc lào thấy vậy nên càng ngày càng lên giá. Một phần ăn sáng (một phần tư chiếc bánh mì luộc) trước đổi được 5 điếu thuốc lào, sau xuống giá còn 3, rồi còn 2 điếu... Người ta sẵn sàng quên đi cái đói để đổi lấy một vài phút say quên.

Anh bạn tù hàng xóm của tôi, nghiền thuốc lào quá nặng, rét đến nơi mà không thuốc hút. Anh liền lấy cái pipe Dunhill nổi tiếng của Ăng lê ra đổi thuốc lào. Ðược chừng 10 hôm là hết thuốc. Có người mách lấy lá ngải cứu phơi khô thái nhỏ hút vô nghe được lắm. Anh bạn tôi nghe lời, phơi đi phơi lại lá ngải cứu trộn thêm với nước điếu và một chút nước mắm, một chút đường. Hôm hoàn thành thuốc lào ngải cứu, anh có mời tôi hút thử, cũng thấy say say nhưng không êm bằng thuốc lào, mà rát cổ họng. Ông bạn tù Thượng Tọa mới bảo rằng không nên hút cái giống ấy, hao người, hao phổi. Nhưng anh bạn tôi thèm thuốc quá cứ hút thuốc ngải cứu cho đỡ thèm. Một hôm, vừa hút xong, chưa kịp đặt cái điếu cày xuống, máu mũi anh đã chảy ròng ròng.,..

Mùa Ðông đầu tiên ngoài Bắc, anh bạn tù hào hoa một thuở của tôi vừa đói, vừa lạnh, vừa thèm thuốc. Theo anh thì mùa lạnh ở VN khó chịu hơn bên Tây nhiều mà lạnh nhất là hai cái tai. “Nhiều khi tôi cứ tưởng hai cái tai lạnh cóng của tôi nó rụng mất rồi”. Anh vừa nói, vừa run lập cập. Một buổi tối trời vừa lạnh, vừa mưa, lán lợp giấy nilong, nước mưa dột tí tách, anh bạn tù của tôi chợt có sáng kiến mới. Anh lấy chiếc quần slip của vợ gửi cho chụp lên đầu, kéo sụp xuống tận mí mắt, che kín hai tai. Trong cái chập choạng của một ngọn đèn dầu hỏa, tôi thấy anh “không giống ai,” mà trên thế giới này chắc không thể có một cái mũ, cái nón nào ly kỳ đến vậy. Anh nhếch một nụ cười, vừa hài lòng vừa ngượng ngập và khẽ nói: “Cho nó ấm hai cái tai mà đỡ nhớ thương vợ con, ông ạ...”

Dạo ấy, tù cải tạo còn thuộc quyền quân quản, thuộc Bộ Quốc Phòng, chưa thuộc Bộ Nội Vụ. Quân đội trông nom tù, chưa phải công an. Anh em chưa phải vào các trại tù mà ở trong các lán, có dây thép gai bao quanh và bộ đội canh gác ở ngoài. Buổi tối chưa có lệ vào phòng giam, xích cửa lại, gióng sắt đưa lên giam tù trong đó suốt đêm, sáng mai mới tháo xích, mở cửa, ăn uống, ỉa đái trong đó luôn như các trại tù công an sau này. Nhưng mỗi tuần vài ba lần thế nào quân đội Vi Xi cũng có kiểm tra đột xuất, mà kiểm tra thường vào ban đêm. Nghe tiếng còi gắt gỏng rít lên là anh em phải vội vàng trở dậy, mắt nhắm mắt mở chạy ra sân đứng xếp hàng 2 để cho cán bộ kiểm soát. Anh “lán trưởng” sau khi kiểm lại số người trong lán, đứng nghiêm báo cáo.

- Báo cáo cán bộ, lán 4 trại 1, 30 người đủ.

Tên thượng úy chính trị viên cầm đèn pin, đứng cạnh một anh lính mang AK tùy tùng, hất đầu ra lệnh:

- Ðược, cho vào.

Tù hàng hai lần lượt kéo nhau vô lán. Anh bạn tù Thiết Giáp của tôi đang giở thức giở ngủ nên lật đật cứ đội nguyên cái “mũ” không giống ai ra xếp hàng. Khi anh vừa đi qua tên Thượng úy, chợt có tiếng giật giọng:

- Anh kia đứng nại.

Tất cả anh em vô lán hết, chỉ còn NVP Thiết giáp đứng co ro ngoài cửa. Anh em lắng nghe cuộc đối thoại bên ngoài:

- Cái này là cái gì?

- Dạ... cái quần...

- Ở đâu ra?

- Vợ tôi gửi cho tôi.

- Tại sao mà anh nại đội cái quần của vợ anh...

- Tại trời lạnh quá... mà không có mũ...

- À, anh này bôi bác chế độ. Anh tên gì? Mai nên nàm việc...

Tên thượng úy Vi Xi này anh em trong trại đặt tên là “thượng úy Không No.” Tuần nào sáng Thứ Hai, y cũng lên lớp anh em về mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Nói thì ngọng líu, ngọng lo, “l” đánh ra “n” nhưng lúc nào cũng thở ra giọng “đỉnh cao trí tuệ.” Một hôm trong đề tài “an tâm học tập, cải tạo” y ta lên tiếng: “Các anh không no, gia đình các anh không no, nhân dân không no, đã có đảng và nhà nước no.” Mọi khi, y ta nói trời trăng mây nước gì, tù cũng cứ ậm ừ, coi như gác bỏ ngoài tai. Bữa ấy, khi vừa nghe y nói tới đó, đám bạn tù cải tạo bỗng phát lên một trận cười rầm rĩ cũng với tiếng vỗ tay vang dậy. Y ta tưởng bở, lại càng đỏ mặt tía tai lên mà nói tiếp...

Nhưng sau này không biết có tên “thối mồm” nào đó mới lý giải cái cười rôm rả và tiếng vỗ tay không ngớt của tù cải tạo cho y. Y ta giận lắm. Giận lắm nên y hành hạ anh em tù sát ván. Một anh bạn tù đói quá, nhổ trộm khoai mì (sắn) mọc trên sườn non. Trước đây, cái tội như thế này chỉ bị cảnh cáo trước đội, rồi viết kiểm điểm “rút kinh nghiệm” là xong. Kỳ này, chính trị viên “Không No” liền nhốt anh bạn nhổ trộm sắn 1 tuần vào trong cái cũi dây thép gai, một kỳ công của đỉnh cao trí tuệ. Ðây là một túp lều, nhưng một túp lều quây bằng dây kẽm gai. Không có tường mái, chỉ có một tấm bạt được coi như mái lều. Ở trong dây thép gai quấn ngang dọc, chằng chịt cao thấp. Người vô ở trong đó phải cẩn thận lắm không thì bị gai cào rách lưng, rách mặt, đặc biệt là ngồi không được vì thấp quá, nằm cũng không được vì không đủ chỗ. Lúc nào cũng phải nửa nằm, nửa ngồi cứ lom khom, lom khom...

Chính trong thời điểm này anh bạn tù Thiết Giáp của tôi lên gặp “y ta làm việc.” Khi về NVT mặt mũi chảy dài. Anh cho hay là cán bộ “Không No” tuyên bố không cho anh đội cái mũ “thiếu văn hóa” ấy nữa. Anh phải làm kiểm điểm “hứa trước đảng và nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh của cán bộ.” Buổi tối, bên ngọn đèn dầu tuôn khói mịt mù, anh bạn thiết giáp của tôi thở phào phào ngồi viết kiểm điểm, vừa viết vừa run vì đói lạnh, vì không có cái mũ che tai... Chợt ông bạn hàng xóm bên phải của tôi là Thượng Tọa Thích Thanh Long (nguyên giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo) từ từ lên tiếng:

- Ðừng có lo, rồi đâu có đó...

Nói xong, ông khẽ lục trong đám quần áo của ông lấy ra một tấm áo nâu dài, tấm áo “thượng tọa” của ông mà đưa cho ông Thiết Giáp.

- Hãy cứ quấn cái áo này lên đầu cho ấm... Rồi ta tính...

Chúng tôi, ông Thượng Tọa, ông Thiết Giáp, và tôi, là 3 người trong số 1 tổ “tam tam” trong đội rau. Ba người chúng tôi phụ trách một khu rau ở bên bờ suối, cạnh bệnh xá và khu B dưới gốc cây lim già... Chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm... nên hiểu nhau nhiều lắm. Ðược làm với ông già này là một điều may mắn lớn. Vì ông Thiết Giáp với tôi, từ xưa đến giờ đâu có biết cày cuốc, trồng rau trồng củ ra làm sao đâu. Ông già Thượng Tọa chỉ vẽ cho chúng tôi hết thảy. Từ cách cầm cái cuốc, cái thế đứng khi cuốc phải như thế nào? Cuốc hùng hục “như trâu đánh mả” như tôi là không được. Cuốc như thế là “cuốc lật” dành cho việc cuốc ruộng, cuốc vườn. Ở đây trồng rau thì cuốc phải “đầm,” nhẹ nhàng, từ tốn như mưa dầm, mưa lâu thấm đất. Cuốc hùng hục như tôi thì sức đâu mà cuốc cả ngày cả buổi. Ông cụ còn chỉ cách sử dụng các loại cuốc thật nhỏ, chỉ lớn hơn cái bay thợ nề một chút thôi. Rồi còn ủ phân, pha nước tiểu, tưới bón, trồng trọt... Mỗi loại rau, mỗi thời kỳ đều tưới bón khác nhau, lúc nhỏ tưới bón khác, lúc lớn phải bón thúc lại khác. Bây giờ chúng tôi đang trồng rau cải ngồn ngộn, những trái su hào no tròn... Ði tưới nước giữa hai hàng cây cải tốt tươi, tiếng vòi nước hoa sen dội vào lá cải nghe rào rào, ông cụ ung dung làm việc, thần thái an nhiên. Ngoại cảnh hình như không ảnh hưởng được đến ông cụ. Ông giống như một ông già nhà quê thuần hậu, quanh quẩn bên cây lá trong vườn. Ông hình như không lo, không sợ cái gì. Ông nói ít, cái câu thường thấy ở ông cụ là: “Ðừng có lo, rồi đâu có đó”...

Ðể cho cái việc của ông bạn Thiết Giáp “đâu có đó” đối phó với anh thượng úy “Không No,” ông cụ Thanh Long một ngày Chủ Nhật sau đó liền cắt cái vạt áo dài nâu “Thượng Tọa” của ông lấy vải may cho ông bạn Thiết Giáp một cái mũ đội đầu. Bàn tay già nua run rẩy (năm ấy 1976 ông cụ đã 63 tuổi) đường kim mũi chỉ cũng thô sơ vụng về nhưng ông bạn Thiết Giáp đón nhận cái mũ mà rưng rưng xúc động. Ông cụ đã cắt chiếc đạo y ra may mũ. Ai cũng tiếc chiếc áo dài theo ông cụ đã lâu, chắc mang nhiều kỷ niệm tu hành của một vị cao tăng, nhưng ông cụ chỉ cười xòa mà nói: “Thì nó cũng chỉ là cái áo...”

Ðã lâu lắm rồi, người địa phương ở Sơn La nói vậy, mới có năm quá lạnh như năm nay. Ðúng là “giậu đổ bìm leo,” vào cái lúc mà tù cải tạo ra Bắc, lại đụng ngay một trận rét kinh hồn... Mà xưa nay cái lạnh và cái đói có nó có liên hệ “hữu cơ” với nhau. Càng đói thì càng rét - mà càng rét thì càng đói. Anh em ta đã có người “nằm xuống” vì đói lạnh. Vũ Văn Sâm (viết văn, làm nhạc) chết đêm 16 rạng 17 tháng 11 năm 1976 bên bịnh xá, sau cơn gió mùa Ðông Bắc đầu tiên. Ðến đầu tháng 1, 1977 (không rõ là ngày 3 hay 13 tháng 1, tôi nhớ không được kỹ lắm) Ngô Quý Thuyết tòa án quân sự vùng 4 cũng đi luôn, đi rất êm đềm, rất lặng lẽ. Sáng ra không thấy anh ta dậy nữa, lay chân gọi dậy thì người đã lạnh cứng từ lúc nào rồi. Trong tờ khai của đội trưởng đội của anh NQ Thuyết, có nói rằng “Anh NQ Thuyết được đội cử nuôi heo, anh đói quá nên thường ăn vụng cám heo. Chắc là bị ngộ độc nên đã chết.”

Ở xứ thượng du này có cái rất sẵn là đá và cỏ. Những bữa trời quang mây tạnh, trèo lên núi kiếm lá về ủ phân, thấy bát ngát toàn núi là núi. Những chỏm núi gần xa, chập chùng ngút mắt trông giống y như một màng lưới bao la mà mỗi ngọn núi là một mắt lưới. Sơn La: lưới núi. Hay thật, đúng y như thế thật. Tù mà ở trong cái lưới núi này thì chạy đi đâu cho thoát. Vì nhiều núi nên có nhiều loại đá. Một bạn tù trẻ tuổi ở khu B bên cạnh, Vũ Xuân Th. tay biệt kích dù mũ xanh kiệt hiệt có khá nhiều tài: đóng ciné, điêu khắc, vẽ, đánh bóng chuyền có hạng, mưu sinh kỳ tài... Bây giờ Vũ Xuân Th. kiếm ăn lần hồi những khi rảnh rỗi bằng cách chọn đá marble về gọt thành nõ điếu hút thuốc lào. Nõ điếu made in Vũ Xuân Th. thì khỏi nói, vừa đẹp vừa có khắc hoa, khắc chữ (theo yêu cầu) vừa kêu ròn rã không thể tả. Giá rẻ thôi: một ký sắn hay 2 cục đường tán 1 cái. Tôi và Vũ Xuân Th. là chỗ “bồ tèo” nên Vũ Xuân Th. có tặng một cái nõ điếu tuyệt vời: rất kêu (cái này là dĩ nhiên rồi) mặt trước có khắc nổi hình một con diều hâu đậu trên cành thông, một bên là một đóa hoa hồng, một bên nữa là khắc năm tháng... Khi đem tặng cái nõ điếu, Vũ Xuân Th. mới “bốc láo” rằng: “Một đóa hồng cho đại bàng cô đơn đây.” “Ðại bàng đại biếc gì nữa ông ơi, đáng lẽ ông phải khắc một con quạ già mắc bẫy.”

Trong khi đó ông bạn già Thượng Tọa của tôi cũng đi kiếm đâu được mấy mảnh đá dài dài. Lúc nào rỗi rãi lại thấy ông cụ ra bờ suối mài mài, đục đục.... Một hôm tôi thấy trong lều dụng cụ của tổ rau tụi tôi, hình dạng hai tấm bia đá thô sơ có khắc tên Vũ Văn Sâm, mất ngày..., Ngô Quý Thuyết mất ngày... Tôi nhấc tấm mộ bia lên, nhìn ông cụ. Ông cụ ngó mông ra khoảng rừng núi chập chùng mà nói: “Thì cũng mong đánh dấu được vài nắm xương tàn.”

Một sáng mùa Ðông vào khoảng nửa buổi, tôi đang lặc lè 2 thùng “ô doa” (arrosoir) tưới nốt cho khoảng vườn rau trước mặt, gần nhà bếp khu B thì bỗng có tiếng gọi khe khẽ, khẩn trương:

- Này, này.

- Ai đấy?

- Vũ Xuân Th. đây.

- Làm gì đấy?

- Bữa này làm “chảo trưởng.” Thổi cơm nhà bếp. Ăn cháy không?

Tại sao mà bạn ta hôm nay lại hỏi một câu “thừa thãi” như thế nhỉ. Tôi và Vũ Xuân Th. đều là dân “volley.” Tôi thì già rồi còn Th. thì đang sức. Trong làng “bóng chuyền” tụi tôi, mỗi khi mà cây nêu lỡ tay nêu sang lưới bên kia thì dân bóng chuyền kêu bằng “cơm nắm cho tù,” nghĩa là đối phương được biếu không một trái banh ngon lắm, bổ lắm, chắc ăn lắm, ít khi có lắm. Bây giờ chúng ta là tù “chính cống bà lang trọc” rồi, đói lòi xương, vàng mắt mà lại còn hỏi “có ăn cháy không?” Chừng như nhận ra sự vô duyên của mình, Vũ Xuân Th. vội nói:

- Chạy ra góc vườn lấy mảnh lá chuối lại đây.

- Có ngay.

Sau đó từ cái lỗ mắt cáo của hàng rào nhà bếp khu B, qua đám lá duối và dây leo bìm bìm, tôi nhận được từ bạn ta Vũ Xuân Th. một cái gói lá chuối âm ấm, nóng nóng. Ðể ngay cái gói này áp sát vào bụng, mà đi về dưới gốc lim già bên bờ suối, nơi cái lều nhỏ của tiểu tổ chúng tôi.. Ôi chao, cái làn da bụng lép kẹp của tôi đang được sưởi ấm, đang được phỉnh nịnh. Cái may mắn này ít khi có lắm. Tôi phi về như bay. “Tây con” Thiết Giáp thấy tôi mặt mày tươi rói liền ngẩng đầu lên hỏi:

- Cái gì mà hí hửng thế?

Tôi bước vô lều, nhìn trước nhìn sau, rút từ trong bụng ra gói lá chuối còn tươm khói. Mở ra, miếng cháy vàng rộm, nóng hổi, đang bốc hơi.

“Tây con” sáng mắt ra, vội hỏi:

- Ở đâu ra thế?

Tôi chỉ sang khu B mà khẽ nói:

- Bạn vừa cho...

Tôi để phần ông cụ một miếng, ông cụ đang bận tay ngoài chỗ “cây giống.” “Tây con” và tôi chia nhau miếng cháy nóng, vừa ăn rau ráu vừa hít hà. Từ sáng đến giờ, mỗi đứa chúng tôi xách ít ra cũng hàng trăm đôi nước, chân tay, mình mẩy rã rời, bởi vì buổi sáng có cái gì vào bụng đâu. Dạo này hết bột mì cứu trợ rồi. Cái gọi là “bữa sáng” chỉ là một chén cháo bột khoai mì loãng đầy mùi hôi mốc. Không ra đâu vào đâu. Mùa lạnh nước suối cạn, phải lần xuống dưới lòng suối mới múc được nước. Leo lên bao bậc đá trơn, tay xách đôi thùng tưới, miệng thở dốc, sức cứ oải dần, tay chân càng lúc càng nặng trĩu, nhấc không muốn nổi. Trời thì lạnh và ẩm. Cái rét thượng du miền Bắc rất thấm, rất sâu. Người Bắc kêu bằng rét ngọt. “Cái ngọt nó lọt tận xương,” lại thêm xách nước nên áo quần thấm nước suối. Cái lạnh bên ngoài cái đói bên trong nó hành mình tơi tả. Ðang khi sức cùng lực kiệt, đầu váng mắt hoa như thế thì có miếng cháy nóng này... “Ôi món quà từ trên trời rơi xuống.” Chưa có món bánh mì nào trên thế giới có thể sánh được với miếng cháy.

Ông cụ ăn từ tốn, không có ào ào như tụi tôi. Ông cụ làm còn nhiều, còn mạnh hơn tụi tôi nữa mà hình như ông già không thấy mệt mỏi. Lúc nào cũng nhẩn nha, lững thững mà việc gì cũng xong. Ông cụ vẫn nói “từ lúc nhỏ đi tu ở nhà chùa.... thì tôi vẫn làm lụng như thế này, cũng dưa cà như thế này... chỉ tội nghiệp các ông...” Ông cụ chỉ vẽ cho chúng tôi cách làm vườn, trồng cây, bón tưới... Những công việc gì khó khăn, vất vả ông cụ giành lấy mà làm. Như cái món lấy phân bắc (phân người) về ủ, ông cụ cũng tự tay làm lấy. Hôm nay, sau khi ăn miếng cháy xong, ông cụ khẽ nheo mắt, tay giơ một nhúm thuốc lào mà nói “hút đi.” Thuốc lào thật, dẻo quánh, thơm nồng, đâu phải thuốc lào “ngải cứu” hay thuốc lào “lá cải khô.”

- Hút luôn hở cụ. Hay là xái nhì, xái ba?

- Hút luôn đi.

Trong cái lúc thuốc lào khan hiếm như lúc này, nếu có thuốc lào thật, đâu có dám hút luôn cả điếu. Phải hút xái nhì, có khi xái ba, tức là một điếu thuốc mà hút 2 hay 3 người. Người thứ nhất châm lửa, rít một hơi, người thứ 2 rít một hơi, rồi người thứ 3 hơi cuối cùng. Người nào mà được hút cuối cùng là “đặc biệt,” vì được hưởng cái hậu, được rít kêu lóc cóc... Hôm nay, trúng số rồi. Vừa được ăn “bữa lỡ,” lại có thuốc lào thật rít thẳng tay. Tôi hút xong điếu thuốc lào mà say lừ đừ. Từ mấy bữa nay, hôm nay mới có thuốc lào thật. Còn toàn hút thuốc lào “lá cải già tẩm nước điếu phơi khô.” Ăn xong, hút xong thấy đời sáng láng, phơi phới. Tôi liền tà tà đi ra gần chỗ nhà bếp, đằng hắng lấy giọng mà thưa với bạn ta rằng:

“Tương phùng được buổi hôm nay... Trùng phùng lại nhớ giờ này hôm sau.”

Tôi nghe thấy tiếng cười rinh rích rồi Vũ Xuân Th. vừa cười, vừa nói vọng ra:

- Ðược rồi, hiểu rồi.. ông nội... Cứ khoảng giờ này ngày mai ông lại tới đây... Nhưng mà khéo léo đấy nhá.

Thế là cứ vào khoảng nửa buổi, 9 giờ rưỡi mười giờ sáng những ngày sau đó, mỗi khi thấy bạn tôi “chảo trưởng” ra cơm, tiếng xẻng khua xuống chảo gang kêu xoèn xoẹt, là tôi lại lững thững giả vờ bắt sâu bọ, bên bụi duối.. rồi lĩnh từ tay bạn ta một gói cháy vừa chín tới mang về...

Nhưng cái thời gian “bồi dưỡng” này không được bao lâu. Chừng hơn nửa tháng sau, bạn tôi Vũ Xuân Th. đã rời khỏi nhà bếp, ra làm công việc khác. Nguồn tiếp tế của tụi tôi bị cắt. “Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí,” bạn Thiết Giáp NVP của tụi tôi cũng điều sang đội chăn nuôi. Cái khu rau này, thượng úy “Không No” tuyên bố: “Chỉ cần 2 người cũng đủ. Các anh khắc phục.” Công việc 3 người làm trước đây đã “bá thở” bây giờ còn lại có 2 người. Ông cụ gần như bao giàn hết công việc cũ của NVP nhưng tôi vẫn phải làm thêm. Nhưng điều đáng phàn nàn là trong thời gian bồi dưỡng vừa qua cái bao tử của tôi nó bắt đầu quen ăn “bữa lỡ” hồi 9, 10 giờ sáng rồi. Bây giờ “ăn quen nhịn không quen” cứ nửa buổi là tôi phờ phạc, đói mịt mờ, cất chân, cất không muốn nổi. Thấy tôi rũ rượi như “gà chết” ông cụ một bữa nhìn tôi rồi chắt lưỡi: “Ðừng có lo...” Ông cụ cầm con dao, xách cái bị cói phăng phăng, chừng nửa giờ sau ông cụ về, đặt phịch cái bị vào trong bếp. Trong cái lều nhỏ của tụi tôi, lúc nào bếp cũng cháy lim dim, vừa để đun nước, hút thuốc vừa để sưởi những lúc nghỉ tay... Bây giờ ông cụ quạt lửa lên, lấy mấy củ sắn ở trong bị ra bỏ vào bếp nướng. Ông cụ bảo tôi ra ngoài coi “động tĩnh.” Tôi lại bắt đầu mừng vì có đồ ăn, nhưng lại ghê vì tôi biết ông cụ vừa lên trên đồi lấy sắn của trại. Ở các trại tù hoặc các nơi đóng quân của Vi Xi, ở chung quanh thế nào cũng có một số đất đai thống thuộc. Ở vùng đồng bằng hoặc trung du thì trồng lúa, trồng ngô khoai trồng trà, trên thượng du như Sơn La này thì trồng sắn, trồng ngô, trồng mía. Thứ sắn lưu niên để từ năm này sang năm khác, coi như là nguồn lương thực dự trữ.
Ðây là thứ cây lương thực dễ trồng nhất trong thiên hạ. Nhổ cây sắn lên lấy một chùm củ. Xong rồi cứ cây sắn ấy, lấy dao chặt một gang tay, phải có ít nhất là 3 mắt. Cuốc một nhát cuốc hay lấy dao đào lên, nhét một cái hom lên trên mặt đất. Cứ thế là chừng năm sau, mỗi cái hom lại thành một cây sắn, lại cho một chùm củ. Ðất tốt thì củ lớn, đất xấu thì củ nhỏ. Trong những thứ lương thực ở trại tù miền Bắc, sắn được xếp vào hạng bét. Chỉ tiêu, cân đo, đong, đếm của lương thực là 1 gạo ăn 2 ngô, hay là 3 khoai, hay là 4 sắn. Dù là hạng bét nhưng đối với tù đói nhăn răng, nó vẫn là rất quý. Tù mà động đến sắn, ngôi, khoai của trại... là xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.” Nhất là trong khi thượng úy “Không No” cứ như cái bóng ma, lúc ẩn lúc hiện, chuyên môn rình rập theo dõi anh em. Ðó là nghề của hắn.

Tôi có một anh bạn cùng khóa, NKB xưa nay tính tình “nhà binh” cho đến tận kẽ răng. “Reglo” số 1, việc làm răng rắc quần áo là ủi thẳng tắp, giầy botte de saut bóng láng, huy chương đeo một dề, xe díp bóng ngời nệm trắng tinh tươm. Ði cải tạo ra Bắc bây giờ bạn tôi, không biết vì không hợp thủy thổ hoặc đói khát ra sao mà răng rụng hết, thành một ông già móm xọm. Nhưng bạn tôi lại thèm đường thèm mật quá. Ở gần khu trại mộc của đội anh có một khu trồng mía. Mía cứ bị bẻ trộm hoài, thượng úy “Không No” rình rập mãi mà không bắt được ai. Một bữa, thượng úy thấy thấp thoáng bóng người trong ruộng mía liền nhảy ra bắt giữ. Gặp ông bạn móm xọm của tôi.

- Anh vào đây nàm gì? Ăn trộm mía phải không?

- Tôi đi kiếm rau “tàu bay,” tôi đâu có ăn trộm mía.

- Không ăn trộm mía vào đây để làm gì?

Anh bạn tôi liền há mồm ra, chỉ vào hai hàng lợi không răng mà phều phào
nói:

- Tôi đâu còn răng mà ăn mía.

Thượng úy “Không No” thấy vậy, không còn bắt bẻ vào đâu được nữa nên vùng vằng bỏ đi. Nhưng y ta nhất quyết bắt cho bằng được người ăn cắp mía. Một bữa không biết y ta đến từ bao giờ, cải trang ẩn dạng ra sao mà ông bạn móm của tôi vào chặt một cây mía là bị y ta bắt được ngay tại trận. Y rất bằng lòng về chiến công “bắt trộm” của mình. Bạn tôi quá thiếu chất đường (cũng như hầu hết các tù cải tạo thèm chất ngọt và thèm mỡ) nên thường lén vô ruộng mía, đem dao chặt vội một vài đẫn, nhét vào người mang về. Lấy dao dóc mía, chẻ mía ra từng miếng nhỏ đưa vào miệng không răng mà nhần, mà ngậm. Nó cũng khỏe lên được phần nào. Còn vỏ mía thì phải chôn xuống đất ngoài vườn.

Ngay bữa bắt được kẻ trộm mía, thượng úy “Không No” liền biểu diễn quyền uy của mình bằng cách khác; không có giam tội nhân vào cái cũi dây kẽm gai mà y bắt ông bạn không răng của tôi cầm nguyên một cây mía đứng riêng ở ngoài cổng trại. Y ta nói: “Hãy nhìn cho kỹ đi, thượng cấp của các anh đấy.” Anh em đi làm về đều thấy ông bạn tù gì, cầm cây mía đứng lom khom, cúi mặt không dám nhìn ai. Ai cũng thương anh.... đồng cảm với anh vì đi tù cải tạo trăm người như một đều phải “cải thiện” cách này, cách khác. Con người “một động vật xã hội,” nên “đói là đầu gối phải bò.” Thế thôi, chả ai coi thường, chả ai bỉ thử anh đâu. Nhưng tôi biết, bạn tôi vốn trọng phép tắc lễ nghi nên bạn tôi đau lắm.

Do vậy nên bây giờ thấy ông bạn già Thượng Tọa đi lấy trộm sắn về cho tôi ăn vì tôi thèm quá, đói quá, tôi vẫn cứ ghê ghê trong bụng. Thượng úy “Không No” mà bắt được, không biết y ta sẽ hành hạ mình cách nào đây? Nhưng sợ bị bắt là cái lo xa. Còn đói cồn cào ruột gan là cái lo gần. Thế thì ta hãy cứ ăn cái đã. Ðang đói bụng mà lại có sắn lùi bếp than thì nhất thế giới rồi. Tôi cứ chạp thẳng cánh. Ông cụ đi lấy sắn, nướng sắn mà ông cụ có ăn bao nhiêu đâu. Tôi ăn phần lớn. Và sau đó cứ vào khoảng 9, 10 giờ sáng, tưới bón xong là ông cụ xách cái bị đi ra. Lúc thì sắn lúc thì khoai, lúc thì củ giong... Tôi cứ có ăn đều đặn.

Bạn “Tây con” Thiết Giáp NVP phải đổi sang đội chăn nuôi, trong cái rủi lại có cái may. Bên ấy có công tác lên rừng đẵn cây chuối hột về cho heo ăn. Ðược ra ngoài thuộc “diện rộng” đi xa xa, gặp được đồng bào nên mới có cơ hội kiếm ăn, đổi chác. Vắng mặt tên quản giáo, len lén đem được một cái quần tây, một cái ao pull, một cái kính, một cái bật lửa... đem “quy ra thóc” lấy xôi, lấy cơm mắm... hoặc “quy ra thuốc” lấy thuốc lào... đều được cả, thành ra tụi tôi dạo này có vẻ “phong lưu” hơn trước.

Một bữa lấy sắn về ông cụ đang ngồi trong lều, quạt đang đều tay, sắn đã bắt đầu chín bốc mùi thơm ngậy, tôi đã chực sẵn đến giờ ăn, thì bỗng có tiếng động nhẹ đằng sau. Tôi quay lại thì thấy đôi ủng màu đen đã đứng sau lưng tự lúc nào rồi. Tôi chết sững. Thượng úy “Không No” đã tới.

- Biết ngay mà, cứ vào khoảng 10 giờ nà cái nều này có khói. - Thượng úy “Không No” đắc chí.

Tôi cứng họng không biết nói năng gì, tâm thần hoảng hốt. Ông già thượng tọa của tôi, khẽ ngước lên, nhìn thượng úy “Không No” rồi điềm đạm nói:

- Cán bộ thứ cho. Anh em chúng tôi... đói quá...

Giọng nói ông bình tĩnh, người ông vẫn ngồi vững vàng, cái tay quạt sắn vẫn đều đặn không thay đổi, không cuống quýt, mà cũng không ngừng nghỉ.

- Như thế này là nâu rồi đấy nhá. Không phải chỉ một hôm nay mà thôi đâu?

Thượng úy “Không No” vừa nói vừa quay ra xem xét, kiểm soát căn lều. Chợt y thấy hai cái mộ bia mà ông già Thượng Tọa của tôi mới đục xong còn để đó. “Vũ Văn Sâm mất ngày...,” “Ngô Quý Thuyết mất ngày...” Y đọc mộ bia xong nhìn chúng tôi, một anh tù già tóc bạc phơ, một anh tù trung niên xác xơ ốm đói. Hình như có một suy nghĩ gì đó thoáng qua, nên nét mặt y có vẻ đắn đo, xong rồi y lững thững đi ra mà nói:

- Sau không được thế nữa nhá. Ninh tinh.

...Cho đến bây giờ không biết vì lý do nào mà tên thượng úy hầm hừ ấy đã bỏ qua cho chúng tôi. Có thể vì những tấm mộ bia, nghĩ đến những người anh em xấu số của chúng tôi đã chết vì đói lạnh... hoặc là phong thái “đại hùng, đại lực, đại từ bi” của con nhà Phật trong phút giây nào đó đã khơi dậy được “chút tính người còn sót lại” trong y?

BÙI XUÂN CẢNH * ĐỢI BÌNH MINH




 
Đợi bình minh
Bùi Xuân Cản
Đã ba ngày nay, chiếc xà lan to dềnh dàng này vẫn lang thang quanh quẩn trong những sông rạch vùng Bến Tre, cửa Tiểu, cửa Đại. Nếu có ai bỏ công theo dõi, sẽ thấy chiếc thuyền này như không có nơi để đi tới, không có một bến cảng để hẹn hò. Khi nước lớn, nó suôi dòng từ phía biển đi vô, khi nước ròng, nó lại lừ đừ trôi về phía biển! Ban đêm, khi bóng tối đầy đe dọa đã phủ trùm cảnh vật và con sông đã trở thành một giải mực đen ngòm, nó táp vào những lùm cây vắng ven bờ, buổi tối náu mình bên tả ngạn, nửa đêm đã thấy núp dưới bóng lá bên hữu ngạn.

Dưới hầm xà lan, nơi thường chất đầy các bao lúa, lúc này rộng rinh. Một nhóm người gồm đủ đàn ông, thanh niên, phụ nữ, con nít trong những bộ quần áo lôi thôi, nhem nhuốc, ẩn mình trong các xó kẹt. Cha con tôi cũng lẫn lộn trong đám người đang lo âu, hồi hộp đó. Mới có ba ngày trôi qua mà tôi đã thấy lâu như đã mấy năm! Nhớ lại, mới hôm kia, tôi và bé Giang vẫn còn nằm trong chăn ấm, dưới mái nhà ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa.Trời cuối năm Saigon hơi se lạnh. Giang vẫn còn đang ôm lưng mẹ, và tôi cũng ngán ngẩm, chưa bắt đầu một ngày vô định, chờ đợi sự sách nhiễu của tên Lĩnh, Công an khu vực. Chợt có tiếng xe gắn máy ngừng trước cửa nhà, rồi tiếng Hòa lọt qua khe cửa:” Chú Cảnh thức chưa ?” Hòa là cháu, con bà chị họ của tôi, đang tổ chức vượt biên.

Saigon năm 1979, dưới móng vuốt của quân cướp nước, dường như ai cũng chỉ còn có một chuyện để lo toan: vượt biên ! Vượt biên với bất cứ giá nào.! Đối với tôi và đám bạn hữu quân nhân công chức mới thoát ra từ các trại tập trung kinh hoàng và còn đang bị cộng sản quản chế, vượt biên là con đường duy nhất, là lẽ sống. Sau ngày giặc cộng chiếm đóng Saigon, bàn tay nham hiểm của chúng đã gieo rắc bao tang thương đau đớn cho người dân miền Nam, đến mức không ai chịu nổi. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, những tin kinh hoàng, tin thực và tin đồn, đã như những nhát búa giáng vào thần kinh căng thẳng của đám dân đen vừa bị mất nước và mất tự do: Đánh tư sản, tịch thu nhà đất, bắt bớ văn nghệ sĩ, truy lùng sĩ quan, công chức, đổi tiền, gạo thóc biến mất, đói khổ, trại tập trung như Đúc Quốc Xã, khu “ kinh tế mới” lưu đầy nơi ma thiêng nước độc dành cho Ngụy… toàn những tin có sức quất xụm sự chịu đựng cuối cùng của cái bản năng sinh tồn nơi một sinh vật.

Thà liều thân tranh đấu với thủy thần nơi đại dương sóng gió,hay với hải tặc dã man, còn hơn sống với bọn người đồng bào đồng chủng, nhưng say men chủ nghĩa, mê man trong chém giết, nên đã hết là người. Sự hành hạ, khủng bố về tinh thần, sự thiếu thốn những nhu cầu vật chất tối thiểu, đã xô người dân đến đường cùng. Không khí thê lương ảm đạm bao trùm khắp nơi, khiến không ai biết được ngày mai.

Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương
Đìu hiu cuối ngõ, cùng đường
Bên anh tuyệt vọng, đoạn trường bên em
Ngày lại ngày, đêm lại đêm
Ngày rơi tàn tạ, đêm chìm phôi pha
Buồn từ trong cửa buồn ra
Buồn từ ngã bảy, ngã ba buồn về.
( Hoàng Hải Thủy )

Không có hộ khẩu, đã hết hạn tạm trú, tôi bị tên công an khu vực săn đuổi như thú dữ tìm mồi. Cái sự ngược ngạo : chủ nhà phải xin phép để được tạm trú trong nhà mình, chỉ là một trong ngàn thảm cảnh mà dân ta phải chịu dưới bàn tay “ giải phóng ” của lũ ăn cướp! Ban ngày, tôi lang thang ngoài đường phố bụi bặm, áo quần nhầu nát, dưới cái nắng thiêu người, trong đói khát, vật vã. Đêm đến, tôi hồi hộp trà trộn trong đám người qua lại, len lén vượt qua cổng cư xá có bộ đội canh gác, để lẩn về nhà, mê mệt thiếp đi trong giấc ngủ đầy mộng mị hãi hùng. Có đêm vừa mới chợp mắt, tôi đã nghe tiếng công an đập cửa ầm ầm, khám hộ khẩu. Biết không có chỗ ẩn mình trong nhà, tôi trườn mình qua cửa sau, thoát ra mảnh vướn nhỏ sau nhà. Nhưng tên công an khu vực giống như một loài chó săn thính mũi, nó còn biết mọi xó kẹt trong nhà, ngoài vườn, hơn cả chủ nhà. Đừng có làm trò diễu dở, núp mình như con nít trong bụi chuối, gốc cây,chơi trốn, tìm.

Không nơi ẩn mình, tôi đành nằm vùi mình bên rãnh nước cống hôi thối, kéo một tấm tôn sét rỉ che trên mình. Vậy mà thoát ! Bọn công an sau khi lục soát mọi ngõ ngách trong nhà, liền ra vườn soi đèn pin hết các gốc cây, bụi chuối. Tôi nghe tiếng thằng công an khu vực người Bắc kỳ hậm hực nói :“ Thằng này lẩn như chạch ! Rõ ràng cái áo nó còn treo trong nhà mà nó đã biến mất rồi! ”. Trong tình cảnh trên đe dưới búa như thế, con người nào còn có thể sống ở nơì mà ta gọi một cách trìu mến là đất nước, quê hương. Rõ ràng quê hương, tổ quốc đã bị cướp đoạt và giầy xéo, chẳng còn là chốn dung thân, dù là chỉ để sống cúi mặt, lầm lũi một đời như con thú !

Hôm nay, Hòa tới như đã hẹn trước để dẫn cha con tôi tới một nơi bí mật. Biết giờ ly biệt đã tới, vợ tôi vội vã buông bé Hồng Vân lúc ấy mới hơn ba tuổi, để lo cho tôi và Giang. Cũng như bao gia đình sĩ quan khác trong Cư Xá, chúng tôi lâm cảnh khốn cùng khi giặc Bắc tới. Hai vợ chồng , năm đứa con nhỏ dại, đứa lớn nhất mới tám tuổi và đứa nhỏ nhất còn ẵm trên tay và một mẹ già trên bảy mươi, đột nhiên bị cắt hết nguồn sống, bị “ chém treo ngành ”, chờ giờ chui vào tù tội. Chồng quân nhân, vợ công chức, chúng tôi không dành dụm được chút vốn liếng nào để phòng ngừa trong cơn hoạn nạn này. Hai vợ chồng bàn nhau cho đứa con trai lớn và lanh lợi nhất vượt biên theo bố. “ May ra đi được, thì nó thoát cái cảnh phải sống đời của một con vật, và nhà cũng bớt một miệng ăn ! ” Niềm “ mơ ước” mới tội nghiệp làm sao ! Nhưng khi con người ở đáy sâu địa ngục, ước mơ được làm người và được có đồ ăn mỗi bữa, rõ ràng cũng là một mơ ước gần như viễn vông.

Thương ôi ! chính niềm khao khát cho con được làm người, và có cơm ăn , đã đẩy vợ chồng tôi đưa ra một quyết định thảm khốc , đã bao năm qua , và sẽ suốt đời vò xé nát tim tôi, làm chảy bao nhiêu nước mắt trong gia đình tôi. Giờ đây , khi viết những dòng chữ này, nước mắt tôi cũng rơi ướt bàn phím đánh chữ. Bịn rịn nhìn người vợ trẻ mắt đẫm lệ và đàn con thơ dại đang ngủ yên lành trong giờ ly biệt, trí óc tôi như tê dại, chân tôi như bị chôn chặt trong đất.Trong một ánh chớp của linh tính, tôi cảm nhận được có cái gì đó, vô cùng đau thương, vô cùng thảm khốc, đang rình rập theo bước chân cha con tôi.Tôi đã muốn buông trôi tất cả, ôm lấy vợ con, để cùng nhau chịu khổ nạn dước ách bọn thực dân bản xứ, mà sự tàn độc còn gấp nhiều lần kẻ ngoại xâm. Nhìn thấy chúng tôi bịn rịn, và vợ tôi mắt đẫm nước, Hòa dục dã : “ Thôi ! thím để cho chú và em Giang đi cho may mắn ! Cháu cũng đang vội vì còn nhiều việc phải lo. ”. Như một cố gắng cuối cùng để bảo vệ con, vợ tôi vồ lấy Giang trong vòng tay với dáng dấp của con gà mẹ che chở cho con trước bóng đen của lũ diều, quạ. Và tôi cũng xô tới ôm chặt cả hai mẹ con. Khi chúng tôi buông tay nhau, tâm trí tôi rã rời. Tôi có cảm giác rất rõ rệt : mình đang bị một bọn lưu manh vô lại chận đường, ăn cướp và hãm hiếp vợ con, mà tôi đành phải khoanh tay bất lực.

Tôi quay ra cửa, vật vờ như kẻ mộng du, và Hòa dắt tay Giang theo sau. Trời chưa sáng rõ. Những ngọn cây như còn mờ mịt trong sương đêm. Cư Xá Sĩ Quan im lìm, câm nín, như đang bị bóp nghẹt bằng một bàn tay vô hình nhưng vô cùng tàn bạo. Trong cái buổi sáng hôm đó, khi bóng đêm đen còn lấn áp bình minh, khi “đêm như vô tận, ngày chưa hết ngày” ( Huy Lực ), tôi nghĩ tới và khắc khoải chia sẻ tâm hồn đòi đoạn của những người bị cướp đánh giết, phải rời bỏ mái ấm của vợ con để lao mình vào nơi vô định, đầy chông gai nguy hiểm. Có ai đo lường nổi sự đau thương, bi phẫn đắng cay của những người dân Việt miền Bắc như tôi, đã một thời kinh tởm đến tột độ cái xã hội sắt máu của bọn quỷ đỏ không tim óc, đến phải bỏ cả những thứ mình thương yêu nhất, chỉ để được cách ly, xa lìa một sự cuồng tín thú vật, mà giờ đây định mệnh lại cho nó chụp xuống đầu mình !

Chiếc xe gắn máy chở ba người phải mất gần một giờ mới tới một bến sông vắng. Một chiếc thuyền gắn máy đuôi tôm nhô ra từ đám lau sậy ven sông. Hòa ra dấu với người lái đò và vội vã dắt cha con tôi xuống thuyền. Khi chiếc thuyền rời bến, Hoà cũng cùng với chiếc xe gắn máy biến mất trong màn sương sớm. Tôi ôm chặt Giang khi chiếc thuyến nhỏ chòng chành như muốn lật. Gió lạnh từ mặt sông thổi lên cùng với sự giá lạnh trong lòng, làm cho cha con tôi cùng cảm nhận rõ ràng sự rình rập của tử thần như gần gũi đâu đây. Người lái thuyền câm nín, mắt dáo giác nhìn tứ phía, nét mặt luôn có vẻ hốt hoảng. Trên đường đi, thỉnh thoảng anh ta lại thình lình lủi thuyền vào một đám lau sậy ven bờ, ngồi sụp xuống, lặng lẽ quan sát tứ phía.Thái độ và hành động của anh ta làm cho hai hành khách trên thuyền vốn đang hồi hộp và lo sợ, trở nên hoảng loạn. Giang níu chặt lấy tôi, mặt trắng nhợt vì sợ hãi, nói nhỏ vào tai tôi: “ Bố ơi ! con sợ quá, mình đi về nhà đi !” Tôi chưa kịp đáp lời con thì anh lái đò đã trợn mắt, ra dấu phải giữ im lặng và lấy tay đè đầu chúng tôi sát xuống sàn suồng.

Giây lát sau, một chiếc suồng tuần tiễu xé nước trên sông, tạo ra những lớp sóng làm cho con thuyền nhỏ của chúng tôi cơ hồ muốn lật úp. Cuộc hành trình hồi hộp kéo dài trong những sông lạch quanh co, tới khoảng chiều tối thì chúng tôi cặp vào một chiếc sà lan lớn dềnh dàng đang đỗ ở một khúc sông vắng vẻ. Hai cha con tôi hối hả leo lên sà lan và được đưa ngay xuống hầm tầu. Hầm rộng rinh, nhưng tối om và vắng lặng như tờ. Khi mắt đã quen với bóng tối, chúng tôi nhận ra ít nhất cũng có cả chục người đang núp mình trong các xó kẹt . Họ như những con gián, thấy ánh sáng và tiếng động là vội vã chui vào khe, lỗ ẩn mình. Chừng như đã quan sát rất kỹ, và nhận biết chúng tôi chỉ là những người như họ, đang tìm cách trốn đi, một vài người ra khỏi chỗ núp và lân la làm quen, hỏi thăm tin tức. Nhưng chúng tôi vẫn còn qúa dè dặt, nghi ngờ nhau, nên không ai biết thêm được tin tức gì ngoài cái tin mình cùng là người đang tìm cách vượt biên và đang nằm chờ đợi chưa biết đến bao giờ. Vả lại, chúng tôi cũng đâu có biết tin gì khác !

Sà lan vẫn lờ lững trên giòng sông mênh mông, nước trôi cuồn cuộn. Mỗi ngày, vào chiều tối, lại có thêm người từ các thuyền nhỏ chở tới. Họ xuất hiện bất ngờ, nhưng ai cũng giống nhau ở nét mặt hốt hoảng, đôi mắt dáo giác, đầy lo âu, sợ sệt. Vào ngày thư hai, khi ruột gan tôi đang nóng như lửa đốt, thì chiều tối, một toán người được đưa xuống sà lan. Có ba người là anh em cuả Hòa trong đám mới tới. Vì tôi là anh em họ và cùng có nhà trong cư xá sĩ quan, Hòa lại là người trong tổ chức vượt biên, chúng tôi vồ lấy nhau, mừng rỡ, tưởng như đã qua mười kiếp đầu thai mới gặp lại . Nhờ mấy người em của Hòa, chúng tôi đuợc biết đêm mai, đúng đêm Chúa Giáng sinh, mọi người sẽ ra “ cá lớn ” và sẽ thoát, vì đã mua hết các trạm công an biên phòng !

Mấy đứa em Hòa cũng mang tới nhiều đồ ăn và lương khô. Chúng tôi chia nhau ăn, và cùng cảm thấy bớt lo âu. Giang cũng vui, vì có thằng Hiệp cùng trạc tuổi nó và là bạn học cùng truờng Trần Phú trong cư xá. Hai đứa nhỏ rù rì kể chuyện với nhau. Tôi lóng tai nghe trộm, mới biết trong thời gian tôi trần mình trả nợ đòn thù trong trại tù cải tạo, thằng con trai chưa đầy mười tuổi của tôi đã phong sương và dầy dạn như thế nào. Giang kể cho Hiệp rằng nó đã từng trốn mẹ, ra tới bến Nhà Rồng, nơi cô giáo của nó khi giảng bài, đã phải uốn lưỡi và méo miệng mới đọc nổi tên con tàu “ La tút Trê Vi Ê ” chở bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Nó cũng đã tập bơi trên sông Saigon, và hợp sức với bạn làm phu khuân vác, kiếm chút tiền, để làm dịu bớt cơn đòi hỏi dữ dội của dạ dày! Câu chuyện kiếm ăn độ nhật của Giang như mũi dao nhọn xoáy vào tim tôi. Thằng Hiệp đáp lời Giang bằng cách nêu những câu hỏi rất khó cho Giang trả lời: “ Sao bác đi tìm cách đánh Tây mà bác lại được Tây cho xuống tàu của nó, cho bác làm bồi, rồi chở bác sang Tây ! Đi tàu của Tây chắc khoái lắm. Sao mày không nói với ba mày tới bến Nhà Rồng xem có tàu nào thuê gọt vỏ khoai, rồi mày đi theo, khỏi phải đi tàu bé tí tẹo của anh Hòa. Mà sao bác Hồ phải sang Tây để đánh Tây. Chắc ở bên Tây có nhiều Tây, nên bác dễ tìm nó để đánh hơn là ở bên ta ? ” Câu chuyên thơ ngây của hai đứa trẻ khiến tôi nghĩ tới một tên đại gian, đại ác khoác áo “ kách mệnh ”. Đúng ! dưới biện chứng phét của nhà cộng, “bác” của chúng nó, một thằng lưu manh trôi sông, lạc chợ, đi lang thang kiếm ăn, đã được đảng cướp của cộng phù phép cho là đi “ kíu ” nước, song vẫn không dấu được cái việc xin làm bồi dưới tàu Tây, lãnh lương Tây, ngồi gọt vỏ khoai để kiếm bánh mì và sang tới Tây, ngồi rị mọ chia véc bờ, viết đơn xin học trường thuộc địa, nuôi mộng được Tây cho nhập hàng khuyển mã. Nhưng thôi, nó gọt vỏ khoai để kiếm ăn , thì mặc mẹ nó, nhưng điều đáng nói là cái thằng bất nhân đó, dưới thời thống trị của thực dân mà chúng ta vẫn cho là tàn bạo, nó đã có thừa tự do, dư an toàn, để xuất ngoại học nghề làm loạn và ăn cướp, nhưng bây giờ đồ đảng của nó đang rình rập, hờm súng bắn giết những kẻ vì bàn tay tàn bạo của nó mà phải bỏ xứ ra đi . Ngày nay, dưới ánh sáng chói lọi của lịch sử, “ bác ” của chúng nó đã hiện nguyên hình là một con quỷ, giết vợ, bỏ con, chặt đầu ân nhân đã che chở nó lúc nó khốn cùng. Nó trơ trẽn say mê danh vọng, đến nỗi phải dùng mưu con trẻ, dấu mặt, viết sách để tự ca tụng “ công đức” tưởng tượng của nó.Tôi ước ao được có ngày nhổ vào mặt nó, hay hơn nữa, như “cháu ngoan ” Dương Thu Hương của nó hằng ước mơ, được ị lên mặt nó.

Vào ngày thứ ba dưới sà lan, cũng là ngày cuối cùng, một nhóm đông đảo được mấy chiếc suồng nhỏ chở tới.Tôi chú ý tới một gia đình có bốn người. Người chồng là một thanh niên đẹp trai. Bà vợ là môt thiếu phụ rất trẻ và duyên dáng. Họ có một con nhỏ khoảng bốn năm tuồi, mà họ gọi là thằng Bo. Một người nữa trong gia đình đó là một thanh niên, tôi đoán là em bà vợ, vì nét mặt đẹp trai của cậu rất giống chị. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, phải núp lén và chờ đợi trong lo âu, căng thẳng, họ vẫn giữ được vẻ hồn nhiên, tươi mát. Người vợ dỗ con bằng giọng ngọt ngào : “ Bo ơi ! con ăn miếng bánh nhé ? hay uống cho mẹ chút sữa này !” Rồi quay qua chồng, bà âu yếm nói : “ Trông anh hơi mệt ! Để em lấy cho anh vài lát sâm, anh ngậm nhé ? ”. Đó là gia đình của trung úy không quân Khúc Ngọc Bảo. Tôi chẳng ngại viết tên anh ra đây, vì tôi biết ở nơi an bình vĩnh cửu, anh đang là chứng nhân tố cáo tội ác ghê khiếp của việt cộng và Hồ tặc, trước sự phán xét của Chúa, Phật, qủy thần. Còn tại nơi trần thế đầy khổ đau và nước mắt này, bọn cộng sản bỉ ổi dù có khát máu xương cách nào cũng không rớ tới lông chân của những kẻ đã về bên Chúa, Phật. Tôi còn hy vọng những dòng chữ muộn màng này có may mắn lọt vào mắt bạn hữu và thân nhân của anh chị. Dù là một tin đau thương đứt ruột, tôi nghĩ mọi người thân của anh chị sẽ chấm dứt được nỗi khắc khoải đợi chờ quá lâu tin tức của anh. Gia đình anh Bảo và tôi nhanh chóng thân nhau. Bảo kể lại câu chuyện khi anh di tản trong sân bay Nha Trang vào cuối tháng tư đen, anh nhặt được một bé gái, còn đang quấn trong tã, bị mẹ nó đánh rơi trong khi chen lấn lên tàu bay. Khi máy bay về tới Tân Sơn Nhất, đứa nhỏ khát sữa, khóc khan cả tiếng, anh bươn chải đi tìm sữa cho nó bú, thì gặp ngay… bà mẹ của con bé ! Nỗi mừng biết lấy chi cân ! Bà mẹ vồ lấy con, rồi lại cuống quýt ôm chặt lấy ân nhân đã cứu con mình. Nước mắt lưng tròng, họ vội vã trao đổi tin tức về gia cảnh của nhau. Bà mẹ trẻ nghẹn ngào, đoan chắc rằng : “ Nếu sau này con bé thành người, nó phải là con ông ! Nó sẽ là vợ của cháu Bo ”. Cháu bé gái nay chắc đã “ thành người ”, nhưng nó chẳng bao giờ được trả nghĩa ân nhân, được là vợ của Bo. “À, mà cái tên Bo nghe có vẻ lạ tai. Có phải khi chị sanh cháu thì cả nước cùng được ăn bo bo, nên anh chị muốn… kỷ niệm cái thời của bác Hồ chó đẻ đó chăng ? ” Tôi hỏi Bảo. Anh lắc đầu, phì cười: “ Không phải thế đâu anh ! Ai lại dùng những kỷ niệm đen tối để đặt tên cho đứa con thương yêu của mình. Tôi ngưỡng mộ tài năng và tư cách một nhà bác học, hy vọng con mình sau nạy tới bờ bến tự do, sẽ học hành giỏi và trở thành một ông Bo khác ” “À ! có thế chứ. Hy vọng lắm. Ai biết đươc tương lai. Niels Bohr, nhà vật lý nguyên tử lừng lẫy của Đan mạch . ” Tôi đáp lời Bảo, rồi cả hai chúng tôi đều im lặng, mơ màng.Tôi nghĩ một người đã làm phúc lớn như anh Bảo, thì thằng Bo con anh có thể sẽ là một Niels Bohr người Mỹ gốc Việt. Rồi tôi hy vọng : được đi chung chuyến tàu với một con người nhân hậu như thế, tôi sẽ thoát.Ôi, những giấc mơ vỡ vụn, đã sớm chìm vào lòng đại dương ngay sáng hôm sau ! Suốt cả buổi chiều ngày thứ ba, nhiều suồng, thuyền nhỏ tới tấp cặp vào sà lan. Người ta leo lên sà lan như kiến. Lòng sà lan rộng rinh lúc ban sáng, giờ đây chật cứng. Chúng tôi bi xô dạt vào một khe nhỏ, giữa những cây cột bên vách . Tin tức lan truyền nhanh chóng cho biết: tối nay sẽ “đánh ”. Ai nấy hối hả kiểm lại hành lý, dặn dò nhau, nét mặt căng thẳng. Đêm xuống thật mau. Các trưởng toán đếm đầu người và hướng dẫn người trong toán. Tôi nghe có tiếng cãi cọ , tiếng đe dọa rút súng bắn, tiếng van lơn, khuyên can nhau. Chưa xuống được tàu mà sự tranh sống đã bắt đầu quyết liệt. Tôi linh cảm một sự bất tường. Vưà kiểm lại cái bình năm lít đựng nước ngọt và túi bánh bich quy, tôi vừa dặn Giang phải nhớ cái địa chỉ của người em tôi ở Texas, phòng khi “ bị lạc bố, thì con biết đường báo tin cho chú ”. Giang làm tôi yên lòng bằng cách đọc ngay cái địa chỉ : “ con nhớ kỹ rồi ! …Houston, Tx 77089.! ”. Cẩn thận hơn, tôi dùng viết bic mực đen, viết địa chỉ vào áo Giang. Linh tính báo cho tôi biết, chúng tôi sẽ lạc mất nhau. Sự lo âu, đau đớn làm tôi rã rời, miệng đắng chát, mắt hoa lên và tôi lảo đảo như người say rượu. Giang lo lắng ôm lấy tôi, và nói : “ Hay mình đi về , bố ạ !”. Nhưng làm gì còn có thể về được nữa! Toán của tôi đã bi xô lên boong sà lan. Trong bóng tối lờ mờ, tôi nhìn thấy một chiếc ghe nhỏ đang cặp sát sà lan, và một dòng người như kiến đang leo xuống ghe. Chiếc ghe nhỏ tới nỗi so với sà lan, nó như một chiếc xe hơi đậu cạnh tòa bin đinh ! Giang thất vọng nói: “ Mình xuống tàu nhỏ chứ không lên tàu lớn bố ạ ! ” Chúng tôi cùng kinh ngạc về sự nhỏ bé của chiếc ghe sẽ chở chúng tôi ra biển. Anh Bảo an ủi tôi rằng có lẽ đây chỉ là chiếc “ taxi ” dùng chở khách ra ghe lớn ở ngoài xa. Nhưng kinh hãi thay! Đó chính là chiếc ghe định mệnh đã “ giải phóng ” hơn trăm con người khỏi cái tai ương Cộng sản mà dân ta còn đang phải sống quằn quại với nó chưa biết tới bao giờ !

Khi cha con tôi bị đẩy xuống hầm ghe, thì nơi đó đã chật cứng. Vậy mà người ta vẫn tiếp tục ấn người xuống tiếp. Một người đàn bà đã ngồi ngay trên… đầu tôi ! Khi Giang lên tiếng gọi, tôi không thể trả lời nó, vì cái mông to lớn của người đó áp chặt vào mặt tôi. Giang sờ soạng trong bóng tối, và khi biết rõ tại sao tôi không thể lên tiếng, nó dùng hết sức đẩy cái mông nguời đàn bà ra xa mặt tôi. Bà ta tức giận, nói lớn: “ Gớm! Cái thằng bé này sao đành hanh quá! Ghe chật mà nó xô đẩy mới khiếp chứ ! ”. Giang cãi lại : “ Bà không được ngồi lên mặt người ta ! ”. Có tiếng người can ngăn: “ Thôi! ráng chút đi. Lát nữa ra khơi, lên boong tàu, tha hồ ngồi rộng rãi! ” . Đúng ! lát nữa ra khơi…! Nhưng bây giờ còn phải ngồi lên đầu nhau và nín thở để qua ba trạm biên phòng nữa. Mỗi khi chiếc ghe nhỏ phải ghé vào bờ, lại nghe tiếng quát nạt lẫn tiếng van xin và ánh đèn pin loang loáng quét xuống hầm tầu, nơi cả trăm sinh vật khốn khổ xanh mặt, cảm thấy mạng mình nhỏ như con sâu, cái kiến. Kết quả của những sự dọa nạt và van xin đó là ghe phải nhận thêm năm bẩy nhân mạng tình nguyện hy sinh, để vàng thêm đầy túi quân ăn cướp ! Tới trạm thứ ba, và cũng là trạm cuối cùng, tiếng van xin nghe thống thiết hơn và tiếng quát nạt cũng dữ dội hơn. Xin các anh tha cho ! Ghe đã quá tải, không còn nhét người vào đâu được nữa! À! bọn mày định trở mặt, nưốt lời không chở người của chúng ông hả ? Muốn đi tù cả đám phải không? Tưởng chúng ông không dám bắn vỡ sọ bọn vượt biên sao! - !!!

Đến tình cảnh ấy thì kết quả vẫn như đã sảy ra nơi các trạm biên phòng trước. Một số người lại được lục tục cho xuống ghe. Nhưng may mắn (!) cho những người đang ngồi chồng chất lên nhau dưới hầm ghe, bọn mới xuống không còn bị ấn xuống hầm. Họ ôm nhau ngồi trên boong. Chiếc ghe nhỏ thoát tay quỷ dữ, ì ạch lết đi trong đêm đen… Nó chỉ có sứ mạng chở 30 hay 40 người, đã phải ôm một trăm hai mươi sáu nhân mạng ! Sự lo âu, hồi hộp kéo dài đã làm tê liệt nhận thức con người… Không ai biết được thời gian đã trôi qua bao lâu. Chợt có tiếng sóng biến ầm ầm như sấm, đập vào mạn ghe. Ai nấy có cảm giác như chiếc ghe bị nâng lên tới mây xanh rồi lại chúi đầu xuống đất. Đã có người nôn oẹ và môt mùi chua, tanh nồng bay vào mũi, làm tôi thấy ruột gan như muốn trào lên cuống họng. Chợt Giang kêu lên: “ Nước lên ướt hết quần Giang rồi bố à ! ” Có tiếng một người khác la lớn: “Cho chạy máy bơm nước đi Hòa ơi ! Nước vô nhiều quá rồi ! ” Máy bơm nước trong ghe được khởi động. Sau những tiếng nổ phành phạch, một làn khói khét lẹt tràn đầy trong hầm tầu, gây nên những trận ho sặc sụa và cơn uạ mửa tập thể.

Nhưng sao nước không rút xuống mà lại dâng lên quá nhanh. Chiếc ghe hình như chìm xuống thấp hơn. Một lượn sóng tung bọt nước trắng xóa tràn lên boong tàu, trút một trận mưa xuống tầng dưới. Ai nấy ướt như chuột lột… Tôi nhìn chiếc mặt đồng hồ xanh lè trên cổ tay anh Bảo : 12g15 ! Đã quá nửa đêm. Chúa đã giáng sinh đem an bình cho người dưới thế. Nhưng một đám con cái bất hạnh của Chúa đêm nay đã sa vào tay quỷ dữ và sẽ chẳng còn dịp thấy ánh sáng mặt trời của ngày mai, để hát bài thánh ca tạ ơn Chúa. Phút chốc nước đã tới ngực, mọi người dưới hầm chen nhau ùa lên boong tàu. Khi cha con tôi lập cập leo lên tới nơi, một cành tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt. Từng gia đình xúm quanh nhau, kêu khóc, cầu Chúa, khấn Phật. Vài thanh niên còn đang cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu chiếc ghe, bằng cách dùng thùng hối hả múc nước trong ghe đổ ra ngoài.

Gia đình anh Bảo bốn người cũng đang bíu lấy nhau. Một tay anh ẵm thằng Bo, tay kia nắm lấy tay vợ. Họ không cầu nguyện, nhưng hai vợ chồng liên tiếp rền rĩ những tiếng kêu thương đứt ruột: “Ôi! Bo ôi ! Bo ôi…Bo ôi…!” . Trong giờ lâm tử, họ đã quên nghĩ đến thân mình, nhưng nỗi đau xé ruột của họ chính là sự tiêu diệt cái mầm sống tươi non mà họ hết lòng yêu thương và chứa chan hy vọng. Tâm trạng tôi nào có khác gì vợ chồng anh Bảo. Tôi nghĩ tới Giang, nghĩ tới mẹ nó, các em nó và tôi muốn kêu lên một tiếng xé trời cho bớt nỗi bi ai thống khổ của một kiếp người chẳng may bị nghiền trong hàm răng máu me của một loài qủy dữ. “Ôi ! Bo ôi , Bo ôi ! ”. Tiếng kêu than vỡ tim, xé óc từ bên ngưỡng cửa tử sinh vẫn còn mãi mãi âm vang bên tai tôi, vì nó chỉ là tiếng dội từ chính trái tim tan nát của riêng tôi. “Ôi ! Giang ơi ! Giang ơi ! ” Giang theo lời tôi, cúi xuống mở nắp cái bình 5 lít mà nó mang theo. Nó trút nưóc trong bình xuồng sàn tàu nhưng giữ lại một it nước, và đưa bình cho tôi: “ Bố uống đi ! có khi bố sẽ khát !” Tôi vội vã làm theo ý Giang, rồi đóng nắp bình, tôi nói với nó: “ Con ôm lấy cái bình này…” Tôi chưa nói hết câu thì chiếc ghe như bị một bàn tay khổng lồ đẩy cho lật sấp. Từng chùm người rơi nhanh xuống biển. Dưới ánh sao đêm, tôi thoáng nhìn thấy những bóng đen tung theo từng đợt sóng trắng xóa . Vừa rớt xuống nước, tôi bị cả chục bàn tay bíu lấy cổ, lấy đầu. Tôi theo chùm người, chìm sâu mãi xuống. Càng xuống sâu, các vòng tay càng nới lỏng, và sau cùng, không còn ai bám vào tôi nữa. Tôi hụt hơi, uống nhiều nước biển, trước khi trồi lên mặt nước. Nghĩ tới Giang, tôi sải cánh tay bơi qua bơi lại rất vội vã, miệng rền rĩ gọi tên Giang, hy vọng tìm thấy con. Sự gắng sức bừa bãi làm tôi kiệt lực rất mau.

Những ngày dở sống dở chết trong tù cải tạo, sức khỏe tôi đã tiêu mòn, lại thêm ba ngày bó rọ, lo âu dưới sà lan, tôi đâu còn bao sức lực. Sóng rất lớn. Tôi ráng giữ cho cái mũi trồi lên trên mặt nước mà không được. Tôi sặc sụa và …chìm dần.! Chợt một cái bọc ni lông trắng trôi qua trước mặt.. Tôi vội bám lấy nó, và tôi đặt cằm lên cái phao đó, há miệng gấp gáp thở, thỉnh thoảng lại bị nuốt những ngụm nước lớn do sóng biển đẩy vào miệng. Tựa cằm vào cái bọc ni lông đó, tôi nghỉ ngơi, và có lúc đã sỉu đi. Mỗi lần mê đi như thế, tôi đều vuột tay khỏi cái phao. Chẳng bao lâu, tôi nhận ra cái phao đang chìm dần. Thì ra đó chỉ là một bọc quần áo. Bị ngấm nước, nó sẽ chìm.

Khi nhận biết điều đó, tôi bỏ bọc quần áo và cố sức bơi lại một vật đen thù lù có vẻ như đứng yên một chỗ trên mặt biển. Bơi đã kiệt sức mới tới gần cái vật lạ đó: đấy là một chùm người đang tuyệt vọng bám vào cái mũi ghe. Ghe chìm, nhưng cái mũi nó còn lưu luyến thêm chốc lát trên lớp sóng bạc đầu. Không còn chỗ cho tôi bám, tôi đành bơi loanh quanh. Chợt một cái bọc ni lông khác tấp vào mặt tôi. Đây là một cái bọc trái cây, trong có những trái cam hay bưởi. Sức nổi của cái bọc này rất yếu, nhưng nó cũng giúp tôi đỡ phải vùng vẫy để giữ cho cái đầu khỏi chìm. Nhưng do tôi quơ cào nhiều lần, cái bọc rách toang, và những trái cam trái chanh gì đó, thoát ra, nổi lều bều kháp nơi, mang theo chút hy vọng sống còn của tôi.

Một lần nữa, tôi sắp bị biển khơi nuốt sống, thì tôi chợt nhìn thấy có hai bóng đen đang vật vã cạnh một vật nổi. Ráng chút sức tàn, tôi bơi lại chỗ hai người. Đó là một phụ nữ trẻ và một đứa bé trai khoảng trên mười tuổi. Một phi dầu, nằm ngang, nổi bập bềnh trước mặt họ. Thằng bé kiệt lực, buông tay và kêu cứu mẹ nó. Người mẹ khuyến khích: “ Con ráng bám vào đây. ”. Nhưng làm sao mà bám được vào cái thùng phuy tròn, nổi bập bềnh, không một chỗ để nắm. Mỗi khi bám vào, nó liền xoay tròn theo sức nặng người bám. Chỉ còn cách duy nhất là … bám lại. Hai tay luôn luôn quơ cào để ráng bấu một cách tuyệt vọng vào cái vật vừa cứng vừa tròn, vừa quay như con vụ.! Sức voi cũng phải cạn kiệt rất mau. Một đứa trẻ làm sao chịu thấu.

Khi tôi bơi tới nơi, nhận thấy đây là một cái phao chắc chắn, tôi cố bám vào, và tôi kéo tay thằng bé đặt trên thùng phuy, nhưng tay nó mềm nhũn. Nó úp mặt xuống nước, nổi bập bềnh theo chúng tôi.. Tôi cố sức bám vào cái thùng phuy tới nỗi mười đầu móng tay bị mài cụt tới thịt, rướm máu, đau nhức, không còn chịu nổi. Tôi nói với người phụ nữ, để chúng tôi nắm lấy tay nhau, choàng qua cái thùng phuy, kèm nó vào giữa ngực hai người. Nhưng sóng đánh mạnh quá, chiếc thùng tung lên, hụp xuống, làm cho tay chúng tôi cơ hồ muốn gãy, Nó cũng đập vào mặt làm tôi bị dập môi và bà ta bi chảy máu mũi. Chúng tôi đành buông tay nhau ra, và lại dùng phương pháp “ chuột bạch đánh vòng ”, nghĩa là cào cấu, để bám vào cái thùng sắt. đang quay tròn.. Nhưng chúng tôi cùng kiệt sức quá rồi. Tôi đã mấy lần buông tay, và người thiếu phụ cũng rã rời. Tôi chợt nghĩ: nếu có một sợi giây thừng, đem quàng qua cái thùng, rồi mỗi người nắm môt đầu giây, thì có thể chịu đựng được khá lâu. Làm sao có cái thừng? làm sao có cái thừng ??

Đầu óc tôi rộn lên một ý muốn mãnh liệt, để cố tìm được một sợi giây thừng. Tôi nhìn trừng trừng vào mái tóc dài của người thiếu phụ trôi lòa xoà trong sóng, và nghĩ tới cách cắt tóc đó bện làm sợi giây thừng. Ý muốn mãnh liệt tới nỗi tôi tưởng như có thể thực hiện nổi trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh này. Nhưng đó vẫn chỉ là ý nghĩ. Sao không xé áo quần để làm sợi giây ? Ý đó lóe lên trong óc tôi như tia chớp. Nhưng tôi thất vọng ngay. Trên người tôi chỉ còn chiếc quần cụt.! Nhưng kià, người phụ nữ đang cùng tôi chống chọi với thủy thần vẫn còn đủ áo quần. Tôi suy nghĩ và đề nghi với chị một điều mà tôi chắc chưa một người đàn ông nào có tâm trí bình thường dám nói : tôi xin chị cởi chiếc quần đang mặc, quàng nó qua cái thùng phuy, và mỗi người sẽ nắm lấy một ống quần, như một điểm tựa để sống còn.

Tôi không phải giải thich đến lần thứ hai, người thiếu phụ lập tức làm theo lời tôi nói. Sóng đã dịu bớt. Chúng tôi mỗi người nắm một ống quần, ngủ thiếp đi trên mặt biển mênh mang, cuồn cuộn sóng bạc đầu, rải rác vẫn còn những xác người bập bềnh trôi theo! Chúng tôi vật vờ trong sóng nước không biết đã bao lâu. Khi tôi ngẩng lên trời cao và cầu nguyện, tôi thấy những ngôi sao như ít đi. Một thứ ánh sáng màu xám nhạt như đang lan tỏa trong không gian, đẩy lùi bóng tối. Trên mặt biển vắng lặng, một làn hơi nhẹ như sương như khói bốc lên từ mặt nước.Trời đã sắp sáng ! Đột nhiên tôi cảm thấy lạnh cóng.Trong mấy giờ qua, lo vật lộn với sóng nước, lo tìm kiếm và bám víu vào các vật nổi, tôi quên đi cái lạnh cắt da của buổi sớm mùa đông giữa biển khơi lộng gió. Khi tôi nhớ ra mình đang bị lạnh,cơn lạnh như ào ào kéo tới. Nó làm tôi run bắn, hàm răng va vào nhau lộp cộp.

Tay tôi như cứng đơ và tôi không còn cảm giác đang cầm nắm vật gì. Trông sang người phụ nữ, tôi thấy môi chị tím lại, da mặt trắng bệch như xác chết; một bên tóc rủ xuống che lấp mắt mà chị cũng không còn sức hất nó lên.. Nghĩ tới Giang, một cơn tuyệt vọng não nề làm tôi rã rời. Tôi nói với người thiếu phụ : “ Chị ơi! tôi mệt quá rồi! Không có ai cứu, chắc mình sẽ chìm mất thôi. Tôi chỉ còn đợi bình minh lên để nhìn thấy mặt trời một lần cuối cùng thôi, rồi tôi sẽ buông tay! ” Người phụ nữ hốt hoảng kêu lên : “Xin đừng buông tay! anh buông tay là tôi cũng chết theo!” Điều ấy đã hiển nhiển. Không có tôi nắm một ống quần, sẽ chẳng còn đối trọng, cái ống quần chị đang nắm sẽ hụt hẫng, không còn quấn vào cái thùng phuy. Lúc ấy, chị chỉ còn cách tái diễn việc dùng tay bám vào cái thùng quay tròn trong sóng. Chị biết rõ là không còn sức lực để làm việc ấy. Tôi an ủi chị bằng cách hứa trước khi kiệt lực chết, tôi sẽ ráng cột chặt cái ống quần vào cổ tôi, điều ấy tôi biết mình không làm nổi.

Rồi bình minh cũng tới. Mặt trời thổ ra một vũng máu hồng trên biển. Nền trời vẩn đầy những đám mây đen viền vàng, hình thù quái dị đầy đe dọa. Tôi vẫn nắm chặt cái ống quần, nhưng không còn đủ sức cất đầu khỏi mặt nước. Khi đầu tôi chìm trong nước, tôi cảm nhận mơ hồ thấy âm thanh của môt cái máy tàu đang chạy. Đó là cái tiếng ùng ục của chân vịt máy quậy trong nước. Tôi ngửng đầu nói với người thiếu phụ: “ Hình như có cái tàu đang tới! ” Mặt người phụ nữ sáng lên niềm hy vọng. Chị dồn dập hỏi tôi : “ Sao anh biết ? sao anh biết?? ”. Khi tôi đáp : “ Tôi nghe thấy nó ! ”, chị thất vọng, tưởng tôi nói trong cơn mê sảng. Tôi mệt quá, lại gục đầu xuống nước. Lần này âm thanh tôi nghe được lớn hơn và rõ hơn. Tôi lại ngẩng đầu lên nói: “Đúng ! có cái tàu đang tới ! ”. Chúng tôi cùng quay nhìn khắp bốn phương. Trong khi mắt tôi bị chói ánh mặt trời, chỉ thấy một vầng sáng lòa trước mắt, chị reo lên mừng rỡ: “ Có một cái chấm đen phía sau lưng anh kìa ! Đúng rồi, một cái tàu đang tới ! ”.

Chúng tôi như hồi sinh, mạnh mẽ hẳn lên với niềm hy vọng thoát tay tử thần. Giây lát, một chiếc ghe đánh cá nhỏ lướt sóng tới nơi. Nó chạy vòng quanh chúng tôi, với vòng tròn ngày càng thu hẹp lại. Một người đàn ông trên ghe chìa ra môt cây sào. Người phụ nữ buông cái thùng phuy, nắm lấy cây sào và nhanh chóng được kéo lên tàu. Không còn người giữ cái ống quần bên kia thùng phuy làm vật đối trọng, tôi hụt hẫng, dùng tay cố bám cái thùng, nhưng đành chịu thua . May mắn, chiếc ghe cứu người đã quay lại, và cây sào lại chìa ra.

Tôi không còn đủ sức nắm lấy nó Các ngón tay tôi co quắp, cứng đơ. Người trên tàu lùa cây sào vào nách tôi, quậy mạnh và thét lớn “Kẹp lấy ! kẹp chặt lấy !” Nhưng khi cây sào đươc kéo lên, không có tôi đi theo. Tôi đã quá yếu, không đủ sức kẹp cây sào vào nách. Người ta phải lượn chiếc ghe vào sát bên tôi, và nhanh chóng túm lấy tóc tôi, kéo lên. Tôi được lôi lên tàu như một con cá chết. Tôi nằm vật ra sàn ghe, thân thể nhăn nheo, trắng bợt. Thấy tôi rét run, một người đánh cá quơ đống lưới trên sàn tàu phủ lên người tôi, rồi thản nhiên bỏ đi. Đối với đám dân chài cộng sản, sự cấp cứu một người gần chết, chỉ tới mức đó. Lòng nhân đạo của con người dưới thời cộng sản cũng it oỉ và sơ sài như cái tem phiếu phân phối nhu yếu phẩm của Đảng. Dù đang mệt xiủ, tôi cũng ngửi thấy cái lưới cá vô cùng tanh tưởi. Tôi ụa mửa. liên hồi. Nước biển mặn chát tuôn ồng ộc qua miệng. Tôi cũng liên tục tiêu chảy ra nước biển. Mắt hoa lên, tôi ngất đi. Thời gian không biết đã trôi qua bao lâu.

Tôi tỉnh dậy thấy thân mình ấm, nóng, nhưng mệt rã rời và cổ khô như cháy. Chao ơi! Tôi khát nước ! Nhưng vì quá yếu, tôi không thể lên tiếng, cũng không đủ sức đẩy cái lưới cá phủ trên mình. Đúng lúc đó, tôi nghe tiếng một người đàn ông nói : “ Anh kia chắc chết rồi ! Không thấy động đậy chi cả. Phải chồng chị không ? Không phải ! Vậy để tôi coi. Nên quăng xác anh ta xuống biển để khỏi phiền nhiễu khi về tới bến .” Khi cái lưới cá được dở lên, tôi trông thấy một người đàn ông mình trần, da đen bóng, đứng bên môt phụ nữ xinh đẹp, nhưng lại mặc bộ bà ba của đàn ông , trông hơi quen. Không nói được, tôi lấy tay chỉ vô miêng. Chị ta reo lên : “Ông ấy còn sống ! ông ấy khát nước. Tội nghiệp ! Để tôi cho ông hớp nước .” Rồi chị tất tả chạy vào cabin, bưng ra một bát nước. Chị nhẹ nhàng nâng dầu tôi lên và kê bát nước vô miệng. Nước ngọt như cam lồ của Phật bà Quan Thế Âm.

Sau khi uống bát nước, tôi nằm xuống ngủ li bì như chết. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã về chiều, người tôi đang lắc lư theo nhịp di chuyển của chiếc xe vận tải có công an cầm súng. Tay tôi bị xich chung với tay một người thanh niên lạ. Tám người chúng tôi sống sót trong chuyến ghe định mệnh. Sự đau đớn xót xa vì mất người thân khiến ai nấy ngậm ngùi câm nín, không một biểu lộ vui mừng vì mình thoát chết.. Ôi, nếu những kẻ được trời cho sống qua cơn đại nạn này, mà lại biết trước rằng : trại giam chấp pháp Bến Tre và các trại lao động khổ sai Bến Tranh, Châu Bình đang chờ đón họ, tôi chắc họ cũng đã vui vẻ buông tay theo người thân về lòng biển cả, nơi không có loài thú cộng sản và cũng chẳng có hận thù. Tôi tự hỏi : phải chăng lời cầu nguyện của tôi trong lúc sắp tan biến vào lòng Đai dương, đã cho tôi thấy lại một bình minh.

Tôi không biết. Nhưng tôi linh cảm thấy từ nay, bình minh sẽ mãi mãi rực rỡ trên đầu tôi, dù bọn cộng giết người có đầy đọa, chà sát tôi đến cỡ nào. Đạo bùa linh mà loài ác quỷ ăn cắp ở đâu đó, để xử dụng làm toàn điều ác kinh khiếp cho chúng ta, nay đã hết thiêng và không còn hiệu lực nào đối với tôi. Tôi còn niềm tin sắt đá rằng : dù nước Việt ta trải qua trăm cay ngàn đắng trong đêm dài cộng sản, một bình mình tươi sáng sẽ theo ánh dương về soi rõ mặt kẻ thù, và quét sạch đêm đen. Không thể khác được, vì có ai ngăn được mặt trời xuất hiện sau đêm dài tăm tối ! Ngày nay, mỗi đêm ngồi lặng lẽ thiền định trong bóng tối, theo dõi hơi thở, để chú tâm sống những giây phút nhiệm màu của hiện tại, tôi vẫn phải thỉnh thoảng vật lộn với những hình ảnh và cảm giác khủng khiếp của con thuyền định mệnh năm nào. Tôi thấy Giang khom mình đổ nước xuống sàn tàu, tôi thấy gia đinh anh Khúc Ngọc Bảo đang xúm vào nhau kêu thương rền rĩ “ Bo ơi! Bo ơí ! ”,,; ;tôi thấy xác đứa nhỏ bập bềnh trong sóng nước trôi theo mẹ nó đang quay tròn bên cái thùng phuy lập lờ trong sóng…Tôi ngừng theo dõi hơi thở , để quán chiếu những hình ảnh bi thương đó cho đến khi nó tàn úa trong tâm tưởng, và biến mất,trả lại cho tôi phút giây hiện tai. Nhưng nhiều lần tôi thất bại, không làm cho nó biến đi được. Tôi càng quán chiếu, những hình ảnh ghê rợn và cảm giác hãi hùng càng hiện ra rõ rệt như thực. Tôi đành bỏ phí một buổi thiền tập, ra bàn thờ thắp hương và niệm Phật.

Nhiều đêm trong mơ, tôi thâý người phụ nữ mặc áo bà ba đàn ông, đứng bên đống lưới cá, nâng đầu cho tôi uống nước. Người phụ nữ mà tôi có dịp chia sẻ sự sống còn trong đêm giáng sinh năm 1979 chính là hiền thê của anh Ngô Cảnh H., một bạn đồng môn của chúng ta. Tôi ngậm ngùi tưởng nhớ hàng trăm ngàn đồng bào, như Giang, như gia đình anh Khúc Ngọc Bảo đã bỏ mình vì sự tàn độc của một lũ cuồng tín, hung bạo và dốt nát. Thân xác họ đã yên nghỉ trong lòng đại dương, nhưng anh linh của họ sẽ kết tụ thành mây bão, thổi sập cái chế độ bất nhân đang xiết cổ dân ta.

Biển xanh yên giấc ngàn thu
Thuyền nhân yên nghỉ trong mồ trùng dương
Hồn thiêng nêu chí quật cường
Ngày tan giặc cộng bốn phương tìm về !


Virginia, August 2008, 

Monday, August 22, 2016

TƯ NGHÈO * KHÓC VÀ MỪNG

Cá chết tui khóc, chó chết tui mừng!


Tư  nghèo (Danlambao) - Xin khẳng định liền tù tì: chó ở đây không phải là con Bi Bi, con Kisa thân yêu của em lựu đạn nhà tui. Chó ở đây là loài sản 2 chân, mang nhiều tên gọi theo từng thời kỳ kắt mạng: chó phúc kiến, chó pắc pó, chó ba đình, và bây giờ là chó hoang ma dzê in bắc kinh.
Trong mấy ngày qua chuyện cá chết đang bị đẻng ta từng bước cho thành cá chìm, Phọt mô sa vẫn tà tà phọt ra thải lỏng, thải đặc trong sự biết rồi khổ lắm nói mãi của các ông bà cậu mợ Nguyễn Trần Văn Thị Thờ Ơ, thì một em đồng chấy thiệt là hiền bỗng hết lành, xực đẹp 2 anh đồng rận ngay tại sào huyệt của bang hội Yên Bái. Sự cố K59 không bắn chỉ thiên như ngài thủ tướng tóc gió thôi bay từng càm ràm, mà bắn vào nhau bởi các đồng chí đồng rận đảng ta đã làm cho cư dân cụng ly um sùm trên mạng.
Nhân dân ta đã hi hi mà không chịu hu hu trước cái mất mát to đùng và là "sự cố có tính đặc biệt nghiêm trọng" đến nỗi chú Phúc đầu niễng phải thân chinh đi bộ (hết dám đi xe) đến tận bệnh viện, nghiêng nghiêng cái đầu "còn hai con mắt khóc người một con" trước xác chết được đảng cho sống thêm vài giờ để ngài tưởng thú chụp hình PR tiếp thị cho tình đồng chí mặn mà thắm thiết như Trọng lú yêu Ba Ếch, Ba Ếch yêu Bá Thanh...
Trước tình hình nhân dân không thèm thương thương tiếc tiếc cho cán bộ đảng ta đó, một cái lưng còng cầm bút của đảng trên VTC-News đã giở giọng Trần Dân Tiên dạy đời rằng:"Điều khiến người có lương tri nhói đau là quá nhiều kẻ vô lương đang đùa cợt, thậm chí hả hê với nỗi đau tột cùng vụ thảm án xảy ra ở Yên Bái."
Thiệt là cái nước cộng huề sở lụi, sao mà có "quá nhiều kẻ vô lương", nỡ nào lại hi hi hi cái vụ hung thủ tréo cẳng ngỗng khẩu K59 ra tuốt đằng sau gáy, đoành một phát mà phải đến mấy giờ sau mới hello béc Hồ. Lại còn ha ha ha khi thấy đồng chí thủ tướng buồn là buồn không tên như bị vợ bỏ, đào chê, ghế mất, đứng nhìn các bác sĩ tài ba nhất thế giới của đẻng ta đang diễn tuồng cấp cứu cho cái xác cũng đã hello béc Hồ, how is hell? từ mấy giờ trước.
Mà cũng hay, sao cái cha lưng còng nào đó trong VCT News lại biết đứa nào "có lương tri" đang nhói cái lòng lợn cà. Riêng Tư nghèo tui thì dứt khoát không thèm lương tri lương triết gì với loài sản. Có chục con mắt thì tui cũng không bỏ ra nữa con để khóc cho "loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời" như đức Dalai Lama từng tuyên bố.
Với cộng sản, tên nào chết thì tui mừng... cho nó! Lý do: Chỉ khi nhắm mắt lìa trần thì loài sản này mới hết còn là loài xấu. Chí ít nó cũng là một cái xác không hồn, rủ mục với côn trùng và thôi làm phiền thiên hạ (trừ cái tên chệt đang nằm miết trong lăng, chết rồi mà vẫn còn di họa).
Do đó, Tư tui xin thành thật chúc mừng các đồng chấy, đồng rận Đỗ Cường Minh, Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn, lần đầu tiên trong đời thật sự từ loài sản trở lại thành loài người. Và là người tử tế (theo nghĩa không còn khả năng tham ô, hủ lậu, hèn với giặc, ác với dân) cho dù Tư tui biết rằng các đồng chấy chẳng muốn tử tế chút nào nhưng mà lỡ... chết rồi.
Tạm thời xong chuyện ha ha ha mà hổng chịu hu hu hu đối với chó phúc kiến, chó pắc pó, chó ba đình, chó hoang ma dzê in bắc kinh. Bây giờ Tư tui xin phép bà con cô bác trở lại làm người có lương tri (thật sự) và tiếp tục khóc cho hàng trăm ngàn con cá chết. Vì trong những xác cá ương sình đó in đậm nét số phận bi thảm của dân tui.
20.08.2016

BÁC SĨ NGUYỄN XUÂN NAM

Nguyễn Xuân Nam, một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ


Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam chuyên khoa về giải phẫu trẻ em vừa được trường đại học Harvard bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ. Mời quý vị theo dõi câu chuyện về bác sĩ tài danh này qua phần trình bày của Hà Vũ.

Sinh trưởng tại thôn Bá Hà nằm gần vịnh Hòn Khói thuộc tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình làm nghề chài lưới, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam có một thời niên thiếu sống trong thiếu thốn, cực nhọc. Mẹ mất sớm khi ông vừa mới lên 4 tuổi, sống với cha và người mẹ kế, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam phải vừa đi bán bánh vừa đi học để giúp cha và mẹ kế nuôi dạy 8 anh chị em ruột và anh em cùng cha khác mẹ với mình.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam nhớ lại thời niên thiếu của ông.

“Tôi mới vừa lên 10 tuổi, lúc đó vừa đi học, sáng dậy sớm phải lo chăm sóc mấy em bé để cho bà kế mẫu tôi làm những món ăn để đi bán kiếm tiền về nuôi sống gia đình. Bà làm xong rồi tôi đi học, trước khi vào lớp độ một tiếng đồng hồ tôi đến trạm xe lam bán những thức ăn như xôi, bánh. Bán xong đến lúc đi học nhờ người láng giềng mang nồi niêu đem về nhà.”

Dù rằng cho con đi học là mong muốn của cha mẹ nhưng vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên học đến hết bậc tiểu học ông phải bỏ học để đi biển đánh cá trợ giúp gia đình. Hơn nữa cha ông bị thương trong chiến tranh, sau đó lại bị tai nạn phải nằm bệnh viện trong nhiều tháng nên miếng cơm manh áo là mối ưu tư lớn nhất của gia đình ông. Bác sĩ Nam kể lại.

“Đi làm nghề biển rất khó khăn, tương lai không có cho nên lúc nào cũng cố gắng để cho con đi học. Vào lúc tôi học hết lớp 5 thì Ba tôi bị Việt Cộng bắn trọng thương nằm trong nhà thương một thời gian rất là lâu. Lúc đó tôi mới vừa lên 10 tuổi. Bố tôi mới vừa xuất viện lại bị tai nạn một lần thứ hai nữa phải nằm lại nhà thương hơi lâu.

Lúc đó gia đình rất là khổ sở nên tôi nói với Bố tôi là ông muốn tôi đi học nhưng trường hợp này tôi không thể đi học được cho nên lúc đó tôi bỏ học đi làm nghề biển sinh sống và giúp gia đình. Không bao nhiêu lâu nữa thì Việt Nam mất nước. Bố tôi là thôn trưởng làng Bá Hạ nên về sau khi Cộng Sản về thì ông cũng bị bắt giam giữ và đi cải tạo gần cả năm trời nên vấn đề học hành của tôi xa vời quá. Tôi vẫn tiếp tục đi làm nghề biển để nuôi sống bản thân và gia đình.”


Đến tháng 4 năm 1978, lúc 19 tuổi, bác sĩ Nam vượt biên sang đến trại tị nạn Palawan, Philippines, sau đó được chuyển sang trại tị nạn tại Manila và khai tuổi nhỏ lại để có thể tiếp tục học Trung học tại Mỹ sau này.

Tháng 11 năm 1978, bác sĩ Nam được bảo trợ định cư tại thành phố Lincohn, bang Nebraska. Tại đây bác sĩ Nam theo học trung học tại trường Norris. Đối với một học sinh chỉ biết được chút ít tiếng Anh trong thời gian ở trại tị nạn Philippines thì học trung học tại Mỹ là một điều thật khó khăn nếu không có quyết tâm thì không thể nào vượt qua nổi. Bác sĩ Nam cho biết.

“Hai năm đầu tiên rất là khó, nhiều khi tôi muốn bỏ học đi làm để giúp gia đình nhưng nghĩ lại thấy mình nghỉ học sớm quá thì về sau thấy ân hận. Do đó tôi vừa đi học, vừa đi làm để kiếm tiền thêm nuôi sống gia đình. Sau đó thì bắt đầu thông thạo Anh ngữ và phần nào có thể nói cho họ hiểu được. Lúc đầu tiên cũng khó khăn nhưng sau rồi tiến bộ rất là đẹp bởi vì nó cũng gợi thêm tia hy vọng của mình.”
Theo lời kể lại của Cha và những người láng giềng thân thuộc thì Mẹ và chị của bác sĩ Nam mất sớm vì những căn bệnh rất tầm thường nhưng lúc đó gia đình không có khả năng và phương tiện để chữa trị nên bác sĩ Nam có ước nguyện trở thành bác sĩ để giúp người. Do đó trong thời gian học trung học, ông đã tiếp xúc với các cố vấn của nhà trường để nhờ hướng dẫn làm thế nào để trở thành bác sĩ.

“Tôi cũng lên nói với những counselor của trường trung học là hồi xưa nhà tôi có nhiều người chết bởi vì không được may mắn, không có y tế, không có thuốc men để cứu sống họ được. Bởi vậy tôi có ước nguyện là nếu có thể đi học ngành y ra bác sĩ để trong tương lai có thể về lại giúp những người trong xóm của tôi. Do đó tôi được hướng dẫn nên làm những việc gì đó. Sau đó tôi xin vào học trường đại học rồi từ đó xin đơn vào trường y khoa. Dần dần mình cũng cố gắng, nỗ lực trong học hành, không đam mê chuyện này chuyện kia. Cũng may mắn tôi mới được như ngày hôm nay.”

Do đó sau khi tốt nghiệp trung học, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam, sau hai năm học chuyển tiếp tại trường đại học Nebraska thuộc thành phố Lincohn đã ghi danh học môn toán và hóa trường đại học Creighton, thành phố Omaha, bang Nebraska.

Tốt nghiệp cử nhân toán học và hóa học năm 1987, bác sĩ Nguyễn Xuân Quang là một trong 105 sinh viên được nhận vào ngành y trường Y khoa thuộc đại học Creighton, Nebraska trong hàng ngàn sinh viên nộp đơn.

Sau khi tốt nghiệp y khoa bác sĩ vào năm 1991, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam học thêm về phẫu thuật tổng quát và phẫu thuật nội soi cũng tại trường đại học Creighton từ năm 1991 đến 1994.

Trong thời gian từ 1994 đến 1997, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam tiếp tục trau dồi về phẫu thuật tổng quát tại trường đại học New Mexico tại Albuquerque, bang New Mexico. Tiếp đến trong hai năm 1997-1999, bác sĩ Nam theo học chương trình chuyên ngành phẫu thuật nội soi trẻ em tại bệnh viện trẻ em thuộc trường đại học Pittsburgh, bang Pensylvania.

Bác sĩ Nam giải thích về nguyên nhân khiến ông đi theo chuyên ngành giải phẫu trẻ em.

“Hoàn cảnh của tôi chứng kiến chị và em qua đời. Tôi chỉ ao ước có được dịp nào giúp trẻ em lớn lên. Nghĩ lại tôi thích chữa bệnh những đứa trẻ tại vì những chứng bị của nó không phải là những bệnh tự nó gây nên mà là những bệnh bẩm sinh. Hơn nữa tôi rất ưa thích những đứa bé. Tôi muốn đi học thẩm mỹ viện để chữa cho những em bị sứt môi, bị sứt hàm ếch. Nhưng nghĩ cho cùng lại thì mình phải làm thẩm mỹ viện mới đi qua những khía cạnh đó được. Còn những đòi hỏi để điều trị tổng quát những đứa bé không phải qua những việc đó nên tôi mới đeo đuổi theo ngành này.”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam đã giữ nhiều chức vụ quan trọng tại trung tâm y khoa trường đại học Irvine, California như là trưởng khoa giải phẫu trẻ em, đồng Chủ tịch Khoa Ung bứơu Nhi, Giám đốc Khoa phẫu hạn chế can thiệp… Hiện nay ông làm việc tại bệnh viện Nhi đồng Los Angeles và một số bệnh viện khác thuộc miền Nam California. Ông cũng có nhiều bài viết có giá trị được đang trên các tạp chí về y học Hoa Kỳ và được các chuyên viên y tế trường Y khoa thuộc Đại học Harvard bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ.

Được hỏi nguyên nhân nào khiến ông thành công, bác sĩ Nam cho biết:

“Nguyên bản thân tôi tôi biết, tôi không giỏi, không thông minh nhưng có sự cố gắng rất nhiệt tình. Tôi có ngày hôm nay vì tôi rất chăm chú, rất cố gắng. Nếu ngày hôm nay tiếng nói tôi có thể giúp được, có thể kích động các trẻ em nên người. Tôi nghĩ là giới trẻ, một là phải nên cố gắng. Cho dù có lúc mình thấy bất lực và không có hy vọng, mình vẫn cố gắng để vượt qua. Tại vì mình không cố gắng thì về sau mình không biết khả năng của mình đến đâu. Điều quan trọng nhất là mình nên nghe lời khuyên nhủ của những người lớn, những người trải qua nhiều kinh nghiệm thì những lời dạy dỗ đó lúc nào cũng mang sự tốt đẹp.”

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam nói thêm là trong thời gian học y khoa ông phải làm việc bán thời gian mỗi tuần 20 tiếng đồng hồ để có tiền trang trải chi phí ăn học cũng như giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên điều quan trọng giúp ông thành công là Cha ông không đòi hỏi ông phải gởi tiền về nhiều, mà chỉ khuyến khích ông cố gắng học hành để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.
 http://www.voatiengviet.com/a/a-19-2009-10-15-voa13-81467082/481123.html

TRUNG CỘNG GIAN LẬN VÀ TÀN ÁC




GIAN LẬN THẾ VẬN HỘI C ŨNG MANG TÍNH ĐẢNG

TRẦN TRUNG ĐẠO·




FRIDAY, AUGUST 12, 2016

Giới thiệu:

CNN và hầu hết các hãng tin quốc tế vừa loan, Chen Xinyi, một trong số những nữ lực sĩ bơi lội hàng đầu của Trung Quốc đã bị khám phá đã sử dụng thuốc hydrochlorothiazide. Loại thuốc này nằm trong danh sách thuốc bị Ủy Ban Quốc Tế Olympics ngăn cấm. Mặc dù chỉ mới 18 tuổi, Chen Xinyi tỏ ra xuất sắc trong các cuộc tranh tài với huy chương vàng tại Asian Games khi mới 16 tuổi. Với tuổi tác còn tương đối ngây thơ và thể lực đang phát triển không ai có thể cho rằng chính Chen Xinyi đã chọn cách dùng thuốc để đoạt huy chương. Chiến thắng bằng mọi cách là một chủ trương của lãnh đạo Trung Quốc. Dưới chế độ CS, gian lận cũng có tính đảng. Giới lãnh đạo CS Trung Quốc xem Olympics như là một mặt trận, giống như các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, trong đó đảng trực tiếp chủ trương, tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu và phải chiến thắng bằng mọi phương tiện và bất chấp sự khinh thường của nhân loại. Nhân sự kiện Chen Xinyi bị khám phá dùng thuốc, xin giới thiệu với vài hiệu đính bài “ Lý do Trung Quốc đoạt nhiều huy chương Olympics” được viết nhân dịp Thế Vận Hội 2012 tại London, Anh Quốc. 

Lý do Trung Quốc đoạt nhiều huy chương Olympics

Hiến chương của tổ chức Thế Vận (Olympics) đề ra bảy nguyên tắc căn bản chi phối mọi hoạt động của tổ chức thể dục thể thao quốc tế này, trong đó điều thứ hai khẳng định “sử dụng thể thao như một phương tiện phát triển tình hòa ái giữa con người, với ý định để xiển dương một xã hội hòa bình quan tâm đến việc bảo tồn phẩm cách của con người.” Sự kiện Trung Quốc không những đoạt nhiều huy chương mà còn đoạt rất dễ dàng như trường hợp cô gái Ye Shiwen 16 tuổi bơi nhanh hơn cả Ryan Lochte trong 50 mét cuối của cuộc đua 400 mét tại Thế Vận Hội London, đã làm các nhà phân tích thể thao đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu cô ta thật sự có tài năng hay bị chích thuốc mà tổ chức Olympics chưa khám phá ra? Lời tố cáo của báo chí và các nhà phân tích gây ra nhiều tranh luận nhưng không phải là không căn cứ. Trung Quốc thắng nhiều huy chương chỉ vì Trung Quốc chủ trương thắng bằng mọi giá, gian lận và dùng cực hình để huấn luyện trẻ em trở thành những người đem giải về cho chế độ bất chấp các nguyên tắc đạo đức và luật pháp quốc tế.


Chủ trương thắng bằng mọi giá là một chủ trương truyền thống của các chế độ độc tài CS . Giới lãnh đạo CS Trung Quốc xem Olympics như là một mặt trận, giống như các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, trong đó đảng trực tiếp chủ trương, tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu và phải chiến thắng bằng mọi phương tiện và bất chấp sự khinh thường của nhân loại. Đọc lại lịch sử các chế độ Cộng Sản, từ Đông Đức dưới thời Erich Honecker, Rumani dưới thời Nicolae Ceausescu trước đây cho đến Cộng Sản Trung Quốc ngày nay, Olympics là môi trường để tuyên truyền, đánh bóng cho chế độ. Sự thành công của các đoàn lực sĩ Cộng Sản tạo cơ hội cho đảng giới thiệu đến thế giới một khuôn mặt trẻ trung, mạnh khỏe của đất nước nhưng thực chất là để che giấu bên trong một chế độ lạc hậu, thối nát và đang rã mục. John Leonard, chủ tịch Hội các bầu bơi lội Mỹ, là một trong những người công khai đặt vấn đề về tính hợp pháp của Ye Shiwen khi ông phát biểu “Ye Shiwen đã gợi lại hình ảnh của những lực sĩ bơi lội Đông Đức trước đây.”
 Ý của John Leonard muốn nhắc đến nữ lực sĩ Đông Đức Petra Schneider, 5 lần vô địch thế giới, cuối cùng đã thừa nhận cô bị chế độ CS Đông Đức tiêm thuốc và chính cô năm 2005 đã yêu cầu Ủy Ban Thế Vận xóa bỏ kỷ lục thế vận do cô lập nên trước đó. Trung Quốc là ông tổ gian lận quốc tế Ye Shiwen đã thẳng thắn từ chối lời tố cáo của nhiều người rằng cô ta đã dùng thuốc. Phái đoàn lực sĩ Trung Quốc tham gia Thế Vận đã phản ứng mạnh mẽ trước những tố cáo và cho đó là lời kết án không bằng chứng. Tại lục địa, làn sóng công phẫn đang dâng cao trong giới trẻ vì họ cho Anh, Mỹ lần nữa đang hạ nhục Trung Quốc. Bài ai điếu “100 năm sỉ nhục” đang lần nữa được cất lên.


Trong những năm qua, cả bầu lẫn lực sĩ bơi lội Trung Quốc bị bắt gian lận nhiều lần, nhiều đến nỗi không ai nhớ hết. Tại Á Vận Hội Hiroshia 1994, mười một lực sĩ Trung Quốc bị loại vì sử dụng thuốc và chín huy chương vàng bị thu hồi. Trong dịp đó, giới lãnh đạo CS Trung Quốc mặt dày chẳng những không biết nhục, không nhận lỗi mà đã tố cáo ngược chính phủ Nhật đã phân biệt chủng tộc trong việc thử nghiệm máu. Năm 1997, hàng loạt lực sĩ trong đó có cả ông bầu Trung Quốc đã bị đuổi ra khỏi giải Vô Địch Bơi Lội Thế Giới tổ chức tại Perth, Úc.

Thậm chí trong đoàn lực sĩ Trung Quốc còn có một tên bị hải quan bắt khi trong xách hành lý của y chứa nhiều loại thuốc đủ cho cả đoàn dùng trong suốt thời gian tranh giải. Trong thập niên 1990, số lực sĩ Trung Quốc bị khám phá dùng thuốc gần bằng một nửa tổng số vi phạm trong tất cả các loại thể thao toàn thế giới. Như trường hợp của Petra Schneider tại CS Đông Đức trước đây, việc sử dụng thuốc kích thích cơ năng trong thân thể là một phần quan trọng trong chủ trương “thắng bằng mọi giá” của đảng CS. Trước Thế Vận Hội London 2012, thói quen huấn luyện của các lực sĩ bơi lội Trung Quốc vài tháng tại Úc và vài tháng tại lục địa cũng gây nhiều thắc mắc.
Một số nhà quan sát nghi ngờ các lực sĩ Trung Quốc huấn luyện kỹ thuật tại Úc nhưng sau đó về lại lục địa để dùng thuốc. Sau khi thuốc thấm, họ trở lại Úc để luyện tập kỹ thuật. Một hình thức vi phạm luật chơi trơ trẻn nhất là trường hợp “đánh để được thua” trong trận vòng xếp hạng giải cầu lông giữa Trung Quốc và Nam Hàn tại Thế Vận Hội London. Trong trận này, hai cầu thủ Trung Quốc Wang Xiaoli và Yu Yang chẳng những nhiều lần cố tình đánh cầu ra ngoài mà còn thậm chí tự đánh vào lưới để “được thua”. Lý do, Wang Xiaoli và Yu Yang không muốn đụng phải các cầu thủ Trung Quốc khác vừa là “đồng chí” và vừa khó thắng so với các cầu thủ các nước khác yếu hơn trong vòng tứ kết. Nhiều nhà báo còn khinh bỉ Trung Quốc khi viết “đánh cho thua như các cầu thủ Trung Quốc cũng là một kỹ thuật và cũng không kém phần hồi hộp”. Ký giả Simon Jenkins của báo Guardian viết “Thế vận hội thời này là việc nhái lại trò của Hitler trong Thế Vận 1936” và nhà báo này viết tiếp “Cầu thủ Trung Quốc nên được chúc mừng vì sự khéo léo” trong trò “đánh để thua” của họ. Trung Quốc dùng cực hình để huấn luyện trẻ em trở thành vô địch




Tại Trung Quốc không có một môi trường thể dục thể thao đúng với tinh thần do hiến chương của Tổ Chức Thế Vận đề ra mà chỉ có những chương trình tra tấn thiếu nhi để đem huy chương vàng về cho đảng CS. Lực sĩ các bộ môn thể thao tại Trung Quốc là một đội quân được trang bị và huấn luyện kỹ thuật từ khi còn tấm bé. Câu chuyện về gia đình của nữ lực sĩ môn nhảy nước Wu Minxia là một ví dụ. Gia đình của Wu Minxia đã phải giấu chuyện ông bà của cô ta qua đời để không ảnh hưởng đến việc tập luyện của con. Tại hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, một lực sĩ bao giờ cũng là phần không thể tách rời của gia đình.
Cha mẹ, dù khó khăn bao nhiêu, cũng tìm mọi cách bám theo từng bước chân của con, cùng chia sẻ niềm vui khi thành công và đau buồn khi thất bại với con. Tại Trung Quốc thì khác. Cha cô, ông Wu Yuming than thở với báo Shanghai Morning Post “Tôi chấp nhận sự kiện từ lâu rồi con gái tôi không hoàn toàn thuộc về gia đình chúng tôi nữa. Tôi cũng không dám nghĩ đến việc sống như một gia đình hạnh phúc”. Sáng ngày 1 tháng Tám 2012, nhân dịp Thế Vận Hội London, ký giả Matt Blake của tờ Daily Mail trong loạt phóng sự có kèm theo những hình ảnh đau lòng, tố cáo sự tra tấn thô bạo của giới lãnh đạo thể dục thể thao Trung Quốc đối với trẻ em chỉ để đạt được mục đích chiếm càng nhiều huy chương càng tốt tại các giải thưởng thể thao quốc tế, nhất là tại các Thế Vận Hội.




Ban giám hiệu các trường mẫu giáo và tiểu học Trung Quốc được chỉ thị phải lưu ý đến năng khiếu học sinh. Khi một học sinh thể hiện dấu hiệu có năng khiếu về một bộ môn thể thao nào đó, em tức khắc bị tách rời ra khỏi gia đình và trường học để được đưa đến một trung tâm huấn luyện. Cha mẹ không có quyền từ chối. Trung Quốc có khoảng ba ngàn trung tâm, và tại mỗi trung tâm có hàng ngàn lực sĩ tí hon đang được quan sát và huấn luyện.


Trong trường hợp Ye Shiwen, cô bé được chọn vì cô có vóc dáng con trai rất bất bình thường thích hợp cho các môn điền kinh. Sau khi bị tách rời khỏi căn nhà hai phòng ngủ của gia đình ở Hàng Châu, Ye Shiwen được đưa vào trường thể thao Chen Jingluin, tuy nhiên, để được huấn luyện bơi lội. Khái niệm quyền và sở thích cá nhân không tồn tại trong ngành thể dục thể thao Trung Quốc. Các chương trình tập luyện sức khỏe dành cho cô bé Ye Shiwen dù chỉ mới bảy tuổi đã vượt qua mức độ dành cho người lớn. Ye Shiwen bơi liên tục mỗi ngày từ sáng đến tối và chỉ nghỉ ngơi khi công nhân dọn dẹp, lau chùi hồ bơi. Mẹ của Ye Shiwen vừa trả lời với báo chí rằng “kết quả không quan trọng, nhưng Ye Shiwen nên cảm thấy vui mừng khi được tham gia thế vận”. Câu nói nặng mùi tuyên truyền này chỉ để trả lời báo chí.


Chính sách tẩy não là một phần quan trọng của chương trình huấn luyện. Các cầu thủ Trung Quốc được dạy phải hạ các cầu thủ Mỹ và bất cứ quốc gia nào để đoạt cho được huy chương vàng. Trên tường của các trung tâm huấn luyện sơn một chữ duy nhất: GOLD. Họ cũng được dạy cách cười, cách nhìn thiện cảm dành cho giám khảo, cách thể hiện trên khuôn mặt và tuyệt đối không được tỏ ra đau đớn hay yếu kém. Niềm vui duy nhất của Ye Shiwen là thức ăn của cô bé đầy đủ hơn bữa ăn của nhiều cô bé Trung Quốc khác cùng lứa tuổi.
Chế độ huấn luyện dành cho các bộ môn thể thao khắc nghiệt đến nỗi các nhà điều tra Tây phương tìm cách xâm nhập vào để quan sát và đã kết luận đó là những nhà tù của thế kỷ 19. Sir Matthew Pinsent, quan sát viên của tổ chức Thế Vận và cũng là một huy chương vàng Olympics, sau khi quan sát cách các lực sĩ Trung Quốc được huấn luyện môn thể dục dụng cụ đã nhận xét “thật là một kinh nghiệm bối rối” khi thấy những cảnh đó. Nhiều trẻ em khóc và kể lại các em bị các ông bà bầu đánh đập. Ủy ban Thế Vận hứa điều tra những lời tố cáo của Sir Matthew Pinsent nhưng đến nay chưa có biện pháp nào cụ thể.

Sau 1978, chủ nghĩa bá quyền nước lớn của CS Trung Quốc không chỉ thể hiện trong lãnh vực quân sự, kinh tế, chính trị mà cả trong lãnh vực thể thao. Trung Quốc đang trên đường trở thành một đế quốc thực dân đỏ tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Với một dân số 1.3 tỉ do một đảng CS độc tài và bất nhân lãnh đạo, thảm họa do chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc gây ra hiện nay có khả năng vượt qua thảm họa do Stalin, Mao Trạch Đông và Hitler cộng lại.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang biến Trung Quốc thành một chảo dầu khổng lồ và khi phát cháy không chỉ cháy riêng Trung Quốc mà lan rộng sang nhiều quốc gia trong vùng và cả thế giới. Do đó, sự chậm trễ trong việc ngăn chận đế quốc tàn bạo này chỉ làm tăng thêm sự chịu đựng khổ đau cho nhân loại về sau.


Trần Trung Đạo


Vận động viên nhí Trung Quốc đổi máu và nước mắt lấy 'vàng'
·         ·          
·         22



Nhằm duy trì vị thế top đầu trong các kỳ thế vận hội, Trung Quốc tuyển chọn và đào tạo những vận động viên nhí với cường độ cao ngay từ khi còn nhỏ.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 1

Một vận động viên môn thể dục dụng cụ tập luyện tại trung tâm đào tạo tỉnh Hồ Nam. Tập luyện từ nhỏ giúp những đứa trẻ có thể thực hiện các động tác khó khi trưởng thành.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 2

Huấn luyện viên hướng dẫn một cô bé chừng 5 đến 6 tuổi thực hiện động tác khó. Ngoài giờ học văn hóa, các bài tập chiếm phần lớn thời gian của những đứa trẻ.

Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 3

Trường thể dục dụng cụ ở Hồ Nam do Ủy ban Olympic quốc gia Trung Quốc trực tiếp quản lý. Nơi đây đào tạo ra những ngôi sao lớn của nền thể thao Trung Quốc. Tuy nhiên, những đứa trẻ phải tập luyện từ rất sớm vì tham vọng vàng nhưng chỉ một số ít đạt được thành công.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 4

Những đứa trẻ phải tập luyện theo thời gian biểu vô cùng nghiêm ngặt.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 5

Suốt 40 năm qua, trường năng khiếu ở Hồ Nam đã đào tạo rất nhiều vận động viên cho nền thể thao Trung Quốc. Sản phẩm của ngôi trường được coi là “những chiếc máy tạo huy chương vàng” trong các giải đấu quốc tế.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 6

Tuy nhiên, những vận động viên nhí phải trải qua quá trình tập luyện vô cùng khó nhọc mà những người bình thường khó có thể hình dung.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 7

Chúng thường xuyên bật khóc vì đau đớn do những bài tập gây ra. Những đứa trẻ trong các ngôi trường thể thao ở Trung Quốc phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn tình cảm của gia đình.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 8

Tình cảm mà các huấn luyện viên dành cho các tuyển thủ nhí cũng rất khác biệt so với tình cảm của thầy, cô giáo với học sinh ở những trường học văn hóa.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 9

Các huấn luyện viên có quyền lực tối thượng và những vận động viên nhí buộc phải tuân theo.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 10

Họ có quyền quyết định tương lai của những đứa trẻ dày công khổ luyện thông qua bản đánh giá hoàn toàn mang ý kiến chủ quan. Ranh giới giữa “hạt giống” và không có năng khiếu rất mong manh.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 11

Tuy nhiên, bất công chưa phải điều tồi tệ nhất mà những vận động viên nhí phải đối mặt. Những bài tập cường độ cao có thể gây ra chấn thương bất kể lúc nào.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 12

Những tai nạn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của những đứa trẻ.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 13

Một vận động viên nhí bị thương nặng được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 14

Bên cạnh đó, nền thể thao Trung Quốc từng chấn động vì những vụ án huấn luyện viên lạm dụng tình dục vận động viên. Phần lớn nạn nhân đều cam chịu vì cuộc sống xa gia đình và xã hội khiến họ không thể cầu cứu.
Van dong vien nhi Trung Quoc doi mau va nuoc mat lay 'vang' hinh anh 15
 

Thành công nào cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt nhưng nhiều người đặt câu hỏi về cái giá mà những vận động viên nhí phải trả khi quyết cống hiến cho “giấc mộng vàng” của chính phủ Trung Quốc.



No comments:

Post a Comment