CHẾT TẬP THỂ TRONG TRẠI TÙ CẢI TẠO CHS/PCT/ ĐN54-60, Cựu tù nhân cải tạo Chế Văn Thức
Lời nói đầu: Khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) non trẻ
của Miền Nam Việt Nam bị sụp đổ bởi sự phản bội của nước bạn đồng minh.
Quân cộng miền Bắc tiến chiếm Miền Nam, trên thế giới đã có một nhận
định cho rằng: sẽ có cuộc tắm máu xảy ra.
Nhưng không, rút kinh
nghiệm của các nước cộng sản anh em và của chính Cộng Sản Việt Nam
(CSVN) qua những lần tắm máu, sau khi cướp được chính quyền, bị thế giới
lên án nặng nề. Lần này, sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, CSVN không áp
dụng thủ đoạn tắm máu mà thi hành chính sách KHÔ MÁU! Đối với Quân Dân
Cán Chính VNCH.
Bài viết sau đây, tôi kể lại một chuyện thật,
không hư cấu, một trong trăm ngàn sự thật về chính sách đối xử tàn độc
của chế độ CSVN với nhân dân Miền Nam Việt Nam! Đề tài khô khan, mong
người đọc thông cảm.
TRẠI TÙ SUỐI MÁU, Biên Hòa.
Phản Kháng Của Tù Cải Tạo Trong Đêm Noel 1978.
Sau ba năm lao động khổ sai trên vùng rừng núi cao nguyên Lambiang (Lâm
Viên) cuối dãy Trường Sơn. Những sĩ quan QLVNCH, người tù chính trị
không án, được ngụy trang dưới mỹ từ “cải tạo”, do các đơn vị bộ đội
quản lý từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nay vì nhu cầu cuộc chiến xâm
chiếm nước láng giềng Cambodia vào cuối năm 1978, bộ đội đã chuyễn chúng
tôi trở về trại Suối Máu, Biên Hòa, giao qua ngành công an quản lý.
Tùy tình thân giữa bạn tù với nhau, trong các ngày lễ lớn của bất cứ
tôn giáo nào, hay những ngày lễ Quốc Gia, ngày tết Dương Lịch, tết
Nguyên Đán, chúng tôi từng nhóm tụ năm tụ bảy hàn huyên tâm sự. Chiều
hôm 24 tháng 12 năm 1978, từng nhóm bạn gom góp mỗi người một ít đường,
gạo nếp, đốt lửa đó đây dọc theo hè nhà, nấu chè lạc để có bửa ăn chung
đón mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Trên vọng gác, công an trông thấy dấu
hiệu lạ trong các khu giam tù từ K1, đên các khu K2, K3. Khoảng 7 giờ
tối, từng toán công an võ trang vào bên trong tuần tra, hỏi chúng tôi
chuyện gì mà tụ tập, chúng tôi giải thích. Toán tuần tra rão quanh một
vòng rồi trở ra ngoài.
Đến 8 giờ tối, hầu hết các K vang lên
tiếng cười cùng tiếng vỗ tay. Khu K1 nơi giam tù sĩ quan cấp Thiếu và
Trung úy, tuổi chừng 20 đến 30 rất trẻ, còn tràn đầy sinh khí, ồn ào náo
động nhất, họ hát Thánh ca, tình ca với những chiếc đàn guitar tự chế.
Các toán công an võ trang trở vào, ra lệnh “cải tạo viên “ giải tán vào
bên trong láng (nhà). Chưa đến 10 giờ đêm, giờ ngủ theo quy định của
trại, họ cưỡng lệnh không chịu vào. Có tiếng súng nổ, công an võ trang
bắt đi ba người tù đem ra ngoài khu giam.
Lập tức, toàn thể tù
nhân khu K1 gọi nhau tập trung ở sân trước đối diện với cửa ra vào Ban
giám thị trại. Họ dùng tay làm loa che miệng, đồng thanh kêu gọi Giám
thị trại thả người trở vào, cũng hướng về các khu K2 giam tù cấp Tá, khu
K3 cấp Đại úy để thông báo tình hình và xin tiếp tay yểm trợ, bằng cách
tất cả tù nhân ra khỏi láng, làm theo những gì bạn tù K1 yêu cầu với
Giám thị trại.
Bên ngoài, Giám thị trại vẫn im lìm, bên trong âm
thanh hò reo của tù nhân vang dội toàn khu trại tù Suối Máu. Ngay lúc
này, tại K2 các bạn tù cấp Tá, nhanh chóng thành lập Ủy Ban Hành Động
(UBHĐ). Thiếu tá Không Quân Lê Thanh Hồng Vân vóc người to cao, làm
Trưởng UBHĐ (hiện nay anh đang định cư tại Florida). Thiếu tá Pháo binh
Lê Văn Sanh làm Phó Trưởng Ban (nay anh định cư tại Texas) và nhiều
thành viên cho từng bộ phận, như bộ phận Hành Động, bộ phận An Ninh, bộ
phận Kế Hoạch. Một số thành viên trong UBHĐ chui hàng rào kẻm gai, sang
K1 hổ trợ và bàn kế hoạch. Hàng rào kẽm gai ngăn giữa các K trước đấy
rất kiên cố, nhưng sau ba năm do bộ đội quản lý, cán binh bộ đội nhổ bớt
cọc sắt ấp chiến lược và tháo lấy kẽm gai để làm việc riêng tư, nên nay
hàng rào thưa trống, người chui qua lại rất dễ dàng.
Đã giữa khuya, Giám thị trại vẫn không động tỉnh. Bước đầu UBHĐ kêu gọi nhau hát các bản Thánh ca, trong đó bản HANG BELEM :
Ðêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa.
Trong hang bê-lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng . . .
là bản nhạc dễ hát nhất, hầu như ai cũng hát được, không phân biệt tôn
giáo, các bạn tù Ki Tô Hữu hát lớn mọi người cùng hát theo, lặp đi lặp
lại liên hồi, chen lẫn với tiếng vổ tay, tiếng kêu gọi thả tù. Trời về
khuya tỉnh mịch, âm thanh vang dội đến tận vùng dân cư nhà thờ Hố Nai,
Biên Hòa.
Có tiếng động cộc cạch từ những loa phóng thanh đặt
sẳn trong các K giam tù, để Giám thị trại thông báo chỉ thị, mở đài
(radio) phát thanh Hà Nội, đài Saigòn giải phóng cho tù nhân nghe tin
tức vào mỗi sáng sớm và chiều tối. Giám thị trại lên tiếng:
"Yêu cầu tất cả “trại viên cải tạo” trong các K giải tán trở vào láng để ngủ, sau đó Ban giám thị sẽ cho ba trại viên trở vào."
Không ai bảo ai mọi người đồng loạt trả lời:
“ Phải thả người vào trước đã”.
Hai bên, lời qua tiếng lại giằng co mãi, lồng trong tiếng hát Thánh ca
mỗi lúc một vang dội hơn, mặc dù đêm đông giá lạnh nhưng mọi người vẫn
kiên trì ngồi dưới sương khuya.
Từ xa vọng lại tiếng động cơ nổ
rầm rì, rồi dần dần nghe rõ tiếng xích sắt của xe tăng nghiền trên mặt
đường nhựa, từ hướng nhà thờ Hố Nai tiến về trại tù Suối Máu. Bọn cai tù
lượng định tình thế, kéo dài thời gian xin chỉ thị cấp trên, điều động
xe tăng đến mặt trước của trại tù để thị oai. Không nao núng, UBHĐ đưa
ra quyết định, gọi lớn ra bên ngoài:
” Nếu ban giám thị trại không thả người vào, đêm nay tất cả trại viên cải tạo sẽ không vào ngủ”.
Tiếng gầm gừ của máy nổ, tiếng xích sắt của tăng nghiền trên mặt đường
mỗi lúc nghe ác liệt hơn, rồi từng loạt đại liên trên tăng thay nhau nổ
dòn, đạn hú xé không gian, xẹt ánh lửa vèo vèo ngang qua các nóc nhà
trại giam.
Trước tình huống đã cởi lưng cọp không thể lùi, UBHĐ họp bàn quyết định, thông báo cho Giám thị trại:
”Ngày mai toàn thể trại viên cải tạo sẽ TUYỆT THỰC nếu trại không thả người vào”.
Đồng thời loan báo đến các K:
“Yêu cầu tất cả các toán anh nuôi, sáng ngày mai KHÔNG ĐƯỢC RA BỘ CHỈ
HUY LÃNH GẠO VÀ THỰC PHÂM, cho đến khi Ban giám thị trại thả người vào.”
Tiếng hát Thánh ca tiếng vỗ tay, tiếng gọi thả tù vẫn tiếp tục vang
vang trong đêm khuya. UBHĐ kêu gọi các bạn tù lớn tuổi vào láng để nghỉ
trước, nhưng không một ai chịu rời chỗ. Biện pháp TUYỆT THỰC của tù nhân
là sự việc bất ngờ đối với Giám thị trại. Phần chủ động của quyết định
này thuộc về phía tù nhân. Không một toán anh nuôi nào có thể cưởng lại,
không chấp hành, nếu họ muốn sống còn.
Thấy tình thế không thuyết phục được đám tù nhân nếu không thả tù.
Giám thị trại Bằng lên tiếng yêu cầu toàn thể trại viên cải tạo giải
tán vào ngủ. Ba trại viên sẽ trở vào khi làm xong kiểm điểm trong một
thời gian ngắn.
Cùng lúc ấy tiếng máy nổ của xe tăng xa dần khu trại tù Suối Máu.
Khuya lắm rôi, tù nhân vẫn ngồi hát Thánh ca. Bổng có tiếng dây xích
sắt lỏn cỏn va chạm vào trụ cổng K1, của mở ba bạn tù bước vào bên
trong. Tiêng hoan hô, reo hò gọi tên ba bạn tù. UBHĐ thông báo đến mọi
người trở vào láng và bỏ lệnh tuyệt thực, để ngày mai các toán anh nuôi
tiếp tục làm nhiệm vụ cơm nước.
ĐƯỜNG VÀO ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
Noel, 24 tháng 12 năm 1978, đã là ngày 25 tháng 11 năm Mậu Ngọ, chỉ còn
đúng một tháng đến tết Kỷ Mùi 1979. Thời gian này, nước lớn đàn anh
Trung Cộng dạy cho bọn đàn em CSVN một bài học ở địa đầu giới tuyến.
Không khí trong trại tù sôi sục về thời sự nghe được qua loa phóng thanh
của trại.
Sau đêm tù cải tạo phản kháng, chúng tôi nghĩ sẽ có
sự trừng phạt đến với một số người. Nhưng không, Giám thị trại, những
con cáo già không biểu lộ một thái độ hằn học nào. Ngược lại cục trại
giam đưa cán bộ tuyên huấn đến trại nói chuyện về tình hình biên giới
Việt Trung, tuyên truyền, đề cao bộ đội cộng sản ở tuyến đầu chống trả
quân bành trướng Trung Quốc v.v…
Giám thị trưởng trại tỏ ra thân
thiện vui vẽ, liên tiếp vào trại tập họp “trại viên cải tạo” nói chuyện
về chánh sách cải tạo khoan hồng của đảng, nhà nước và nhân dân . . .
Ngoài ra, giám thị trại bàn đến ngày tết truyền thống, tết Kỷ Mùi, đề ra
kế hoạch thi đua, mừng đón Xuân. Mục đích đánh lạc hướng kế hoạch đòn
thù mà chúng sẽ áp dụng.
Sau những ngày tết Kỷ Mùi, đầu tháng
2-1979, bửa cơm chiều vừa xong, tù nhân cấp Tá ở K2 chúng tôi, có lệnh
tập trung lên hội trường làm việc. Lệnh tập họp bất thường vào chiều
tối, mọi người đã đoán có điều bất thường sẽ đến. Quanh hội trường công
an võ trang canh gác. Trên bục, giám thị trưởng đọc “lệnh chuyễn trại”.
Trong đời người tù cải tạo, chuyễn trại là cả một cực hình, một nỗi
kinh hoàng không kể xiết. Danh sách đen, hơn 350 tù cấp Thiếu, Trung và
Đại tá chúng tôi, lần lược được gọi tên, tách riêng, ra sân xếp thành
từng đội 30 người. Lệnh cho chúng tôi trở về láng thu xếp tù trang rồi
đi ngủ.
Khi có lệnh tất cả tập họp lên sân trại. Chúng tôi được
phát một khúc bánh mì bột bo bo kẹp chút thịt heo mỡ. Đúng 4 giờ sáng
tiếng ì ầm của đoàn xe Molotova tiến vào trước cổng trại.
Đoàn
xe tù lên đường còn trong đếm tối, mãi đến lúc bình minh ló dạng, chúng
tôi mới biết đoàn xe đang chạy trên Quốc lộ I, đi về hướng Bắc. Mỗi xe
tù có một công an võ trang đi theo, nhưng họ ngôi cùng tài xế ở trước
xe, do vậy ở phía sau chúng tôi bàn tán với nhau, đoán già đoán non đủ
thứ. Đến trưa đoàn xe tù vào thành phố Phan Rang, đoàn xe ngừng lại ở
đầu thành phố. Tài xế vào phố ăn trưa, mỗi chúng tôi cầm khúc bánh mì bo
bo ngao ngán.
Người bán hàng rong trong phố, thấy có đoàn xe
vừa dừng ở bên ngoài, họ kéo nhau chạy ra, phụ nữ già trẻ có, các cháu
nam nữ tuổi rất nhỏ, quần áo bạc màu, rạn rách. Trên tay mỗi người một
cái mẹt, một chiếc rổ rá đựng ít củ khoai lan, củ mì (sắn) luộc, mớ trái
cây, các loại bánh gói lá chuối. Ra đến nơi, ban đầu họ không biết xe
chở khách gì, họ chạy ùa đến rao bán mớ hàng trên tay. Có sự đồng ý của
công an võ trang, một số anh em tù chúng tôi đứng lên trong xe, chìa
tiền mua thức ăn. Bất chợt một phụ nữ lớn tuổi trong nhóm, nhìn thấy chữ
CẢI TẠO thật to, dấu đóng trên lưng áo, trên quần tù nhân. Bà ta la lớn
lên gần như gào thét:
“Các chú CẢI TẠO tụi bay ơi, các chú cải tạo tụi bay ơi, đưa lên cho các chú đi đừng lấy tiền của các chú, đưa lẹ lên ”.
Cả nhóm nghe theo lời bà. Chúng tôi cầm tiền, cúi gập người xuống năn
nĩ các cháu nhỏ lấy tiền, nhưng chúng lắt đầu lia lịa, chúng chia nhau
chạy khắp đoàn xe tù, ném đồ ăn lên xe. Một vài cháu lớn tuổi khỏe hơn,
chạy thật nhanh vào trong phố gọi thêm các bạn mang hàng ra cho, ra đến
nơi đoàn xe tù đã nổ máy chuyễn đi, họ ném theo lên xe tù những gì họ có
trên rổ rá và đứng nhìn theo cho đến khi đoàn xe khuất xa – Mắt tôi cay
cay nhỏ lệ, không phải chỉ lúc đó mà chính lúc này, tôi đang kể lại ký
ức khó quên trong đời tù cải tạo, sau 30 tháng Tư-1975 – Xin nói rõ,
trong giai đoạn đầu vào trại tù, bộ đội quản lý, không thu giữ tiền bạc
và đồng hồ, nhẩn vàng.
Đoàn xe tù tiếp tục lăn bánh về hướng bắc
Quốc lộ I, chúng tôi không đoán được sẽ đi về đâu. Khoảng 4 giờ chiều
đoàn xe qua cầu đập Đồng Cam, rồi qua khỏi thị xã Tuy Hòa, Phú Yên đến
quận Tuy An, đoàn xe rẽ trái, băng qua thiết lộ hỏa xa, dẫn vào quận
Đồng Xuân. Lúc này tôi nhận ra địa danh vì tôi đã từng hành quân trên
Khu 22 Chiến Thuật này gồm ba tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Phú Bổn.
Trồi lên hụp xuống trên một độc đạo tung bụi đỏ mịt mù, đoàn xe mang
chúng tôi vào một thung lũng rọ heo xa hun hút, dưới khí trời vàng vàng
mờ ảo trong ánh nắng chiều. Đoàn xe dừng lại trước cổng một trại giam,
tứ bề vòng rào lưới B40 và kẽm gai kiên cố. Trại cải tạo XUÂN PHƯỚC quận
Đồng Xuân tỉnh Phú Yên, trại tù mang bí số A20. Những trại tù có mang
bí số, trực thuộc Cục Quản Lý Trại Giam Trung Ương điều hành, là những
trại tù nổi tiếng khắc nghiệt đối với tù nhân
CẢNH ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
Trước khi vào đến trại giam A20, đoàn xe vượt qua một đoạn đường, bên
phải là sườn đồi đất đỏ sỏi đá, bên trái là một cánh đông đất sét với
những thửa rộng lúa cháy vàng bởi nắng hạn. Một cảnh tượng hải hung,
thoạt đầu chúng tôi không ai hiểu nổi là hình ảnh gì, mặc dù chúng tôi
cũng trong thân phận người tù!
Trên những thửa ruộng khô, đất
đai nứt nẻ, lố nhố những toán người không áo không mũ nón, vỏn vẹn chỉ
chiếc quần cụt, để lộ đôi ống xương chân khẳng khiu, thân hình da bọc
xương với chiếc đầu lâu sậm màu! Hình ảnh ma quái này, ngày nay nếu sống
ở Mỹ chúng ta có thể tưởng tượng được. Vào dịp lễ Halloween 31 tháng 10
mỗi năm, trong các của tiệm bán đồ trang trí lễ ma, chưng bày những bộ
xương người, đầu lâu trắng hếu, trông ghê rợn, thì cảnh tượng trên cánh
đồng khô, người tù đang lao động giống y chang như vậy. Ở đây những bộ
xương ma quái kia biết cử động, đôi tay xương xẩu, nặng nề mệt nhọc nâng
cây cuốc đưa lên thả xuống, đang đào xới thửa ruộng đất khô cằn chai
cứng!
Trước cổng trại, chúng tôi được lùa xuống sắp hàng trên
một sân gạch rộng lớn. Trời đã chiều, từ nhiều hướng các đội tù lao động
lần lượt kéo về, sắp hàng chờ khám xét nhập trại. Chúng tôi sửng sờ,
tận mắt nhìn rõ những bộ áo quần tù, xám tro bạc màu, rách tả tơi, bay
phất phơ trên những bộ xương với có chiếc đầu lâu mà chúng tôi đã nhìn
thấy trên cánh đồng trước đó. Những người tù đã cởi bỏ áo quần để không
cho thấm ướt mồ hôi, hầu giữ ấm được thân thể khi về trại.
Thành
phần tù gì? Họ là ai? Họ là tù hình sự. Phần lớn là con cháu của quân
nhân, công chức VNCH. Tuổi chừng 15 đến 30, vào tù cải tạo vì không chịu
thi hành nghĩa vụ quân sự, không muốn đem thân bỏ mạng nơi chiến trường
Cambodia. Không thi hành nghĩa vụ lao động, theo chính sách cưỡng bức
lao động cá nhân, hay buộc phải đi lao động thay thế cho thân nhân già
yếu trong gia đình. Công tác lao động thường là công trình thủy lợi, đào
kênh dẫn nước, vào núi chẻ đá, khuân vác đất đá, đốn gỗ, xây đập ngăn
nước. Một thành phần nữa, là con cháu các gia đình “ngụy quân, ngụy
quyền và ngụy dân” bị chính quyền địa phương đẩy đi vùng “kinh tế mới”,
cuộc sống thiếu thốn quá khổ, bỏ trốn về các thành phố, mua lén bán
chui, kiếm sống, giúp đở mẹ, anh em, trong khi ông, cha đang trong tù
cải tạo! Chỉ có dưới chế độ cộng sản, mới có chuyện ba thế hệ gặp nhau
trong nhà TÙ!
Chúng tôi tù chính trị, được nhốt chung với tù
hình sự trong trại giam Xuân Phước, nhưng ở riêng một khu, cách nhau một
sân rộng và nhà hội trường. Trại cấm chúng tôi “liên hệ” với tù hình
sự, nhưng rồi đó đây chúng tôi cũng tiếp xúc được.
Dãy nhà tôi ở
mang số 8, gọi là láng 8, dài chừng 50 met, nơi tôi ở, sát cạnh một
“trạm xá”, ngôi nhà nhỏ diện tích độ 10 x 5 mét, mái tranh vách đất, chỉ
một cửa nhỏ ra vào . Nói là trạm xá nhưng nhiều ngày, chẳng thấy y tá
hay y sĩ vãng lai, cũng không thấy khám bệnh. Thì ra nơi đó, các cháu bị
bệnh lao phổi đến thời kỳ quá nặng, cán bộ trại đưa vào cách ly, nằm
chờ chết. Tiếng ho sùng sục bên trong liên hồi vọng ra.
Những
cháu còn chút sức, lê thân ra ngoài hóng nắng, mở nút áo để lộ thân hình
da bọc xương, đầu trọc không còn chút tóc, người co quắp, thở hỗn hễn,
đứt đoạn từng hơi! Dãy nhà 8 nằm cuối cùng, sát hàng rào trại, nên họ
ngăn một đoạn ngay đầu nhà, chừng 5 met làm thành một phòng nhỏ, phòng
xác! Do vậy, bọn tù ở láng 8 chúng tôi, nhìn qua khe cửa, mỗi ngày chứng
kiến ít nhất có từ 2 đến 3 xác chết, quấn bằng manh chiếu hay mền. Trên
đầu chiếc giường tre, ngọn đèn dầu leo lắc, một chén cơm có cắm đôi
đủa. Họ đưa xác vào đó ban đêm sau 7 giờ tối, khi chúng tôi đã vào bên
trong láng ngủ và cửa khóa chặt. Ngày hôm sau, lúc chúng tôi xuất trại
đi lao động bên ngoài, cán bộ trại cho đội tù hình sự, có tên Đội Tự
Giác, dùng xe cải tiến, loại xe thùng có 2 bánh sắt, chở xác chết ra
chôn ở một ven rừng đất đỏ, nghĩa địa của trại.
Những lần đi lao động ngang qua đây, chúng tôi đã thấy nhiều nấm mộ lắm rồi.
Tù cải tạo thuộc diện tù chính trị như chúng tôi, thời kỳ do bộ đội
quản lý, mặc dù lao động khổ sai trong vùng rừng núi Trường Sơn, nhưng
khi làm lao động có thể đi lại đó đây, tìm kiếm rau lá, bẩy chuột, bắt
rắn cóc nhái . . . cải thiện bửa ăn, phụ thêm mớ thực phẫm, do vợ con
thân nhân, cực khổ gồng gánh, vượt vạn dặm thăm nuôi. Thân xác chúng tôi
cũng đã kiệt quệ, nhưng chưa đến nổi nào.
Đến lúc vào tay ngành
công an quản lý, tại trại tù A20 này, quy chế đời sống chúng tôi không
khác gì so với các cháu tù hình sự. Phần ăn mỗi bửa đều giống nhau. Nấu
bếp làm cơm do tù hình sự phụ trách. Bửa ăn sáng trước giờ đi đồng lao
động, mỗi phần ăn độ 4, 5 lát “sâm”. gọi là sâm cho vui, cũng để đánh
lừa cái miệng, thực ra nó là những lát mì (củ sắn).
Mì do tù
nhân trồng trọt, đến mùa thu hoach (bới lấy củ), cán bộ trại bắt tù nhân
ngồi giữa đồi trọc, mỗi người một khúc gỗ, một con dao lớn, chặt củ sắn
thành nhiều lát, có bề dày bằng nữa đầu lóng tay, những lát mì tung ra
phơi nắng ngay tại chỗ, trên nền đất cát đỏ, qua nhiều ngày đêm, bất kể
nắng mưa sương gió, cát bụi bám đầy. Đến lúc lát mì khô đã đổi sang màu
sậm, được đưa vào các kho chứa, bao bọc bởi những mành tre thưa mỏng,
không đủ sức che mưa gió. Những lát mì đóng lại thành cục, lên men
trắng, men vàng rồi men đỏ, lát mì không còn lên men được nữa, trở thành
những lát Sâm Cao Ly màu đen lánh!
Phần cơm trưa và cơm chiều
giống nhau. Chén cơm chỉ là một chén sâm, cỏng lưa thưa một vài hạt cơm!
Thức ăn là tô canh rau xanh, rau do tù trồng, được bón loại phân XANH,
tức phân người trộn với lá cây xanh, phân lấy từ cầu tiêu nổi có thùng
chứa. Những lúc trời nắng hạn, không sản xuất đủ rau xanh, thay canh
bằng lưng nửa chén mắm thối!. Cai tù thầu mua tất cả các loại cá do ngư
dân đánh bắt, không đủ phương tiện ướp lạnh, không đủ muối ướp mặn, đã
ươn sình, thối rữa. Lâu lâu, xe tải chở cá vào trại, đã nghe mùi hôi
tanh. Chúng đổ cá vào hồ làm mắm, hồ xây bằng xi măng rất lớn, tường cao
2 mét, chia thành bốn ngăn khoản 3x2 mét, mặt trên bịt kín, chừa một
nắp đậy vuông.
Cá không ăn muối cá ươn, ở đây cá đã ươn sình,
đưa vào hồ làm mắn, đổ thêm nước lã, lại không bỏ đủ muối, cá lên men
mục nát rất nhanh, trở thành nước mắn. Màu nước mắm đen ngồm, tựa nước
ống cống chợ cầu ông Lãnh, Saigon! Những khi toán anh nuôi mở nắp hầm
lấy mắm, mùi thối xông lên nồng nặc, tỏa đi khắp khu trại giam, đến nín
thở. Cầm chén mắm, không cách nào tôi đưa chén mắm lên miệng được, cho
dù dùng mấy ngón tay cố bóp kín lỗ mũi. Tôi không ăn được mắm thối,
nhưng cũng không đổ bỏ đi. Đại tá bác sĩ Nguyễn Văn Khái cựu Chỉ huy
trưởng Tổng Y Viện Cộng Hòa Saigon, khuyên tôi:
“Anh không ăn được anh cho người khác, tuy mắm thối nhưng nó có chất đạm, rất cần cho cơ thể hiện nay”.
Tôi đã đưa mắm cho người bạn, Đại tá Nguyễn Văn Luật, cùng đội lao động với tôi.
Người tù chính trị trong ngục tù cải tạo, có được sự sống còn, phải
nhắc đến công lao vô bờ bến của những người vợ. Mãi mãi tôi ghi nhớ công
ơn vợ tôi. Nhờ vợ, hơn một năm tôi thoát khỏi cảnh ăn mắm thối. Trước
tết Kỹ Mùi-1979, từ Đà Nẵng vợ tôi lặn lội vào trại tù Suối Máu, Biên
Hòa thăm nuôi. Khi ngang qua vùng Nha Trang, vợ tôi mua được 12 con mực
khô lớn, loại xuất khẩu, họ đem bán chui.
Ngày đầu mới chuyễn
đến trại tù A20 này, công an cán bộ khám xét tù trang, tất cả thức ăn do
gia đình tiếp tế đều bị tịch thu, tiền bạc đồng hồ, nhẫn vàng bị thu
giữ. May mắn cho tôi, tên công an cán bộ lo xốc xáo quần áo, chăm chú
lục tìm những thứ mà chúng có thể bỏ túi luôn được.
Chiếc bao
cát tôi đựng mấy con mực và gói muối bột, rơi ra một bên nằm cạnh chân
tôi. Lẹ chân tôi hất nhẹ vào đống đồ đã khám xong, nhờ vậy tôi giữ được
bao thức ăn vợ tôi vừa tiếp tế. Hàng tuần, trại cho tù xuống bếp hâm đồ
ăn một lần vào buổi trưa. Tôi cắt một đoạn mực, chừng một lóng tay, xé
thật nhỏ cho vào lon ghi-gô thêm chút muối bột, đun sôi làm thành nước
mắm, ăn tằn tiện thoát nổi khổ húp mắn thối mỗi bửa!
CHẾT TẬP THỂ TRONG TRẠI TÙ CẢI TẠO.
Từ môi trường sống đó, ngoài bệnh lao như đã kể trên, hầu hết là ở các
cháu tù hình sự. Nhiều thứ bệnh khác thi nhau hoành hành trên thân xác
người tù, nhất là bệnh kiết lỵ, loại bệnh dễ lây lan, nguy hiễm, tử vong
cao.
Người bệnh, bụng đau nhói ruột co thắt, hậu môn luôn bị
thúc dục đi tiêu liên tục, nhưng rất khó khăn, chỉ tiêu ra chút ít đờm
giãi lẫn lộn máu tươi. Không thuốc men chửa trị, nhiều bệnh nhân kiệt
sức không lê ra được khỏi nơi nằm, tiểu tiện tại chỗ, mùi hôi tanh xông
lên, từng đàn ruồi nhặng vù vù bay lượn, trông phát khiếp!
Địa
ngục trần gian, đại học máu, những ngôn từ dành để chỉ “ Trại Cải Tạo”
dưới chế độ cộng sản, không sai chút nào! Cộng sản Bắc Việt cưởng chiếm
được Miền Nam, chia người dân Miền Nam ra ba thành phần: Ngụy quân, ngụy
quyền và ngụy dân, điều tôi không bịa đặt, mà lời nói ra từ cửa miệng
bọn cán bộ tuyên huấn, trong những lần tiếp xúc với tù nhân.
Một
trong những đòn phép tàn độc cộng sản Hà Nội dùng để trả thù nhân dân
Miền Nam là: chính sách Bao Tử. Dùng bao tử để hành hạ thân xác con
người, bỏ ĐÓI con người, làm cho con người mất hết lý trí, tiêu tan ý
chí kháng cự. Nhưng chúng đã lầm!
Nói đến đói trong trại tù cải
tạo, thú thật, tôi viết lên điều này, xin người đọc đừng cho tôi chê
trách ai đó. Nếu ai chưa chịu đựng qua cái đói trong ngục tù cải tạo,
khi nghe nói đến đói, không thể có cảm nhận như người tù cải tạo đã ĐÓI!
họ đơn thuần thấy cái bao tử thiếu thiếu vì lỡ một bửa cơm, hay một vài
ngày phải nhịn ăn để trị bệnh. Đói trong trại cải tạo là một đòn thù ác
nghiệt, có tính toán của cộng sản.
Bao tử người tù cải tạo, lúc
nào cũng trống trơn, cơ trắng bao tử chà xát vào nhau, một cảm giác đau
đớn không biết diễn tả thế nào cho đúng. Ăn rồi cũng như chưa ăn!, khổ
cho cái bao tử cứ bị đánh lừa triền miên. Sau bửa cơm, tôi buồn tình
dùng đũa, gõ vào miệng chén, ngâm nga:
Mình ngỡ những chưa ăn
ai ngờ đã ăn rồi.
Mình ngỡ những chưa ăn,
ai ngời đã ăn xong!
Ôi tấm thân tù tội ...
Khi viết bài này tôi mới biết, vô tình tôi đã đổi lời một đoạn ngắn
trong bản nhạc của một nhạc sĩ ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản, nhạc sĩ
Trịnh CS, bài “ Tình Nhớ “ (Tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh
lùng...). Lời tôi đổi, nói lên được tính dã man của con người cộng sản,
mà Trịnh CS là một.
Các cháu tù hình sự, không còn lối thoát với
cơn đói hoành hành thân xác. Trong những giờ làm lao động bên ngoài,
các cháu vớ được bất cứ con trùng gì, như dế, châu chấu, cào cào, bọ
ngựa hay cả con trùn, các cháu chỉ cần ngắt chân, lặt cánh, phủi phủi
rồi đưa vào miệng ăn sống ngon lành! Gặp bửa, có cháu bắt được nhiều mồi
hơn ăn tại chỗ không hết, dấu cán bộ, nhắt vào lai ống quần, tay áo,
đem về trại đến đêm lén lút ăn tiếp. Ăn để mà sống qua ngày, đa số ngả
bịnh, chết lai rai mỗi ngày.
Trại có một đội lao động gọi là Đội
tự giác, nhân số khoảng 40, tất cả đều là các cháu tù hình sự. Được
tuyển chọn từ những cháu học tập cải tạo “có tiến bộ”, sinh hoạt “có
thành tích”!
Đội tự giác xử dụng khoảng 20 chiếc xe cải tiến, xe
thùng có hai bánh niềng sắt. Nhận công việc làm từ cán bộ trại và được
tự do ra vào trại để thi hành công tác, có công an Quản giáo giám thị,
nhưng không có công an võ trang theo canh giữ. Sức khỏe các cháu Đội tự
giác có phần khá hơn, nhờ những lúc chuyên chở thực phẩm từ Bộ chỉ huy
trại vào khu giam tù, các cháu có cơ hội bòn tỉa được vài chút thức ăn,
tuy vậy cũng không thấm đủ vào đâu, đói vẫn hoàn đói!
Những ngày
không có công tác chuyên chở, đội tự giác cũng phải lao động cuốc đất
trên các ruộng rẫy, nhưng các cháu Đội tự giác được đi lại dễ dãi hơn.
Từ đó các cháu cử hai người đi tìm các loại rau cỏ có thể ăn được, dùng
chiếc thùng lớn nấu nước để uống trong lúc làm lao động. Gần cuối giờ,
cho rau vào thùng nấu chín, mang về trại chia nhau ăn, phụ thêm cho bửa
cơm tù chẳng đủ vào đâu!
Mùa hè, miền rừng núi nắng cháy, rau cỏ
dại không còn. Lâu lâu, gặp một vài cơn mưa giông, các vườn trồng cây
mì (sắn) được bón phân xanh, gặp mưa rào đâm chồi nhanh hơn loại cây cỏ
khác. Các cháu Đội tự giác vào vườn mì, hái đọt mì cho vào thùng nấu làm
canh. Khoảng giữa tháng 5 năm 1981, đêm khuya đang ngủ, cửa nhà giam số
8 của chúng tôi có tiếng động mở khóa, cán bộ trực trại rọi đèn pin,
bước vào gọi lớn: “Anh Khái, anh Nhu, mau theo tôi “ (tức đại tá bác sĩ
Nguyễn Văn Khái và đại tá bác sĩ Phạm Văn Nhu )
Cán bộ trực trại
dẫn 2 bác sĩ qua khu tù hình sự. Chừng 15 phút sau, hai vị bác sĩ quay
trở về nhà giam số 8, vào trong cửa nói lớn:
"Các cháu Đội tự
giác ăn canh đọt mì, trúng độc tình trạng rất nguy kịch, xin các bạn ai
còn đường, còn đậu xanh, vui lòng nhín cho một ít để chúng tôi cấp tốc
cứu các cháu"
Gom góp được một ít đường đậu, hai bác sĩ vội vã
quay nhanh trở lại khu giam tù hình sự. Hơn một tiếng đồng hồ sau, hai
bác sĩ trở về láng, trầm buồn nói nho nhỏ:
“Cả đội tự giác chết
hết rồi ! cháu Sơn ( đội trưởng) to khỏe như vậy cũng đã chết ngay, may
ra còn sống được hai em, nhờ đương bị bịnh, ăn ít hơn!”
Đây đó có tiếng sụt sùi vì qúa xúc động, cảm thương cho các cháu! Tôi thực sự lại khóc khi viết đến đây.
Thật vô nhân, tàn ác, giam tù bỏ đói, bệnh hoạn không thuốc men. Gặp
lúc nguy ngập như vầy, không phương tiện cứu chữa. Bác sĩ “ngụy quân”
đem giam tù đã 6 năm, hai bàn tay trắng, tài nào cứu được mạng người sắp
chết. Vậy mà bọn chúng cũng trơ mặt, há mồm lên tiếng kêu, cứu người.
Xế chiều ngày hôm sau, đội tù chúng tôi đang cuốc đất trên thửa ruộng
cạnh ven rừng. Xa xa về hướng trại giam, chúng tôi thấy một đoàn xe cải
tiến chừng hơn 15 chiếc, các cháu tù hình sự, một đứa kéo, hai đứa đẩy
phía sau xe, hì hục kéo qua con đường đất đỏ dưới chân đồi. Chúng tôi
đoán biết đó là đoàn xe chở thi hài 37 cháu trong Đội tự giác đã chết
tối hôm qua,
Khi đoàn xe gần đến sau lưng chúng tôi, không ai
bảo ai, chúng tôi tự động quay mặt về đoàn xe chở xác, bỏ cuốc xẽm xuống
đất, tay dở nón mũ áp vào ngực, đứng cúi đầu. Hai công an võ trang canh
gác, đứng trên bờ ruộng, ngạc nhiên hét lớn:
- Các anh làm gì vậy, làm gì vậy, tất cả làm việc đi, làm việc đi.
Mặc cho tên công an võ trang quát tháo, chúng tôi cứ tiếp tục đứng im,
chờ cho đoàn xe đưa ma qua hết, chúng tôi mới trở lại làm việc. Không có
lấy một chiếc quan tài, thi hài của các cháu được bó trong những chiếc
chiếu, chăn mền mà các cháu đã dùng để ngủ! Hai ba thi hài chất lên một
xe, đưa ra chôn ở một triền đồi, nơi đã có nhiều mộ của các cháu tù hình
sự chết lai rai trước đó, tù nhân chính trị chúng tôi cũng đã có người
vĩnh viễn nằm đó.
Đến nay, nghĩa địa này đã nằm sâu dưới đáy đập nước thủy điện Xuân Phước, Phú Yên!
Viết để Tưởng Niệm các bạn tù chính trị, các cháu tù hình sự đã bỏ mình
trong ngục tù Xuân Phước. Chắc các bạn, các cháu đã siêu thoát về một
thế giới Vĩnh Hằng. Cầu xin các bạn, các cháu hộ trì lại cho Đất Nước
Việt, Dân Tộc Việt sớm thoát khỏi chế độ cộng sản tàn bạo, vô nhân!
California, Tháng Tư Đen 2012
CHS/PCT/ĐN5460
Cựu TNCT Chế Văn Thức
Tác giả Huyên Chương Quí, tên thật là Khải
Huy, giải thưởng Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2009, vừa báo tin vui: đã
hoàn tất việc xuất bản tác phẩm đầu tay.Tập Truyện “Khát Vọng Tự Do”.
Sách hiện đã sẵn sàng gửi tới bạn đọc, và sẽ chính thức ra mắt trong
tháng 10 sắp tới.
Là một sinh viên Saigon, sau tháng Tư
1975, tác giả từng bị chế độ cộng sản xua đi làm “nghĩa vụ quân sự” tại
chiến trường Kam Pu Chia. Cuối năm 1980, Quí một mình vượt biên đường
bộ, qua biên giới Thái Lan, hai lần vượt ngục khi bị quân của Khờ Me Đỏ
và sau đó là Khờ Me Tự Do bắt giam, định cư tại Mỹ từ 1982. Hồi ký sau
đây trích từ sách Khát Vọng Tự Do, kể lại những gian nan của người vượt
biên đường bộ, từng chứng kiến thảm cảnh người vượt biên bị quân Khờ Me
Đỏ cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát.
***
Vượt Biên Giới
Nước Thái ở hướng Tây Campuchia. Khi
mới vào rừng, tôi cứ nhắm hướng Tây đi tới, gần gần con đường mòn, để
tránh bị lạc hướng. Lần lần, có nhiều cây rừng rậm rạp che khuất, hoặc
nhiều vũng bùn lầy rộng chắn lối, tôi phải đi vòng đến những nơi thưa
cây nên xa dần đường mòn, bị lạc luôn trong rừng.
Trời không trăng. Trong đêm tối, tôi phải vẹt cây gai, cây dại dầy đặc
nên tốc độ đi rất chậm. Thời khắc trôi qua theo từng bước chân, tôi
chẳng biết đi được bao xa rồi. Nếu muốn quay về cũng không biết đi theo
hướng nào. Thôi, cứ bước tới. Tối nay tìm chỗ ngủ sớm, đợi ngày mai xem
mặt trời, sẽ dễ định ra hướng Tây.
Rán đi tiếng nữa, bụng cồn cào. Tôi chợt nhớ từ xế chiều đến giờ chưa
ăn gì. Nhịn đói thôi. Mai tìm trái cây rừng để ăn. Đến một vũng nước,
tôi vốc nước uống đầy bụng rồi đi tiếp. Hai năm trước theo đơn vị hành
quân, vài lần đóng quân trong rừng, nhưng có đồng đội chung quanh, nên
không có gì sợ hay buồn. Bây giờ, một mình trơ trọi, chung quanh là màn
đêm thăm thẳm, tôi thấy sợ sợ. Thêm cái cảm giác thật cô đơn, buồn bã
khi nhìn lại mình như một bóng ma trơi trong rừng đêm. Thấm mệt rồi,
nhịn đói ngủ thôi.
Tôi bứng nhiều bụi cỏ đem đến lót nơi
một lùm cây rậm rạp. Tiết trời mùa đông ban đêm, lúc đi không thấy lạnh,
nhưng khi nằm xuống cỏ, thấy lạnh kinh khủng. Chỉ mặc cái quần sọt và
áo thun ngắn tay mỏng manh, nên cả người tôi run lên cầm cập. Tôi nằm co
quắp người lại cố dỗ giấc ngủ. Cái lạnh, cái đói hành hạ, lại có nhiều
tiếng ù u, ù u vang vang ở xa xa, và tiếng sột soạt của thú rừng đi ăn
đêm, tôi không thể nhắm mắt. Thao
thức đến trời tờ mờ sáng, tôi ngủ luôn một giấc say sưa. Thức dậy, đã
12 giờ trưa. Nắng chang chang chói hai con mắt. Tội tìm vũng nước rửa
mặt và vốc nước uống. Mặt trời ngay trên đỉnh đầu. Thế này, biết hướng
nào là hướng Tây?
Giải quyết cái đói trước đã. Tôi đi
vòng vòng tìm trái cây rừng. Tìm cả tiếng vẫn không thấy một loại cây
nào có trái. Mặt trời đã hơi nghiêng về phía Tây. Nhịn đói đi vậy. Tôi
phải luồn lách qua nhiều khu cỏ gai, tránh những đám cây rậm, vòng qua
những đầm nước rộng, nên có lúc phải rẽ sang Nam, lúc quẹo qua Bắc, rồi
mới tiếp tục đi theo hướng Tây. Mệt thì ngồi nghỉ chút, thấy đói thì
uống nước vũng cầm hơi. Đi sáu tiếng rồi vẫn không thấy biên giới Thái
đâu. Mặt trời dần tắt nắng. Bóng
tối dần phủ xuống cả khu rừng. Tôi lại phải dò dẫm đi từng bước. Gai cào
sước khắp tay, chân, đau buốt. Bao tử, ruột, gan muốn nát vụn vì sự cào
cấu của cơn đói. Hai ngày rồi không ăn gì. Lần đầu tiên tôi mới thấm
thía cái đói thật sự như thế nào. Thèm cho vào bụng bất cứ cái gì, dù là
vỏ cây, lá cây hay cỏ dại để có thể qua được cơn đói. Tôi còn đủ lý trí
không làm như vậy vì sợ bị trúng độc, sẽ ngã bệnh. Bệnh nặng trong cảnh
một thân, một mình nơi rừng sâu lạnh lẽo thế này đồng nghĩa với cái
chết. Sẽ bỏ xác trong rừng sâu không ai biết đến. Chỉ còn biết uống nước
vũng dằn bụng. Rán đi thêm hai tiếng nữa, tôi lại bứng cỏ lót chổ nằm
trong lùm cây rậm. Vừa chợp mắt ngủ được một chút thì mưa gió trùm
phủ khu rừng. Tôi ngồi dậy, co rúm người vì lạnh. Nước mưa tạt xối xả
lên người. Tôi chui vào một bụi cây rậm nhất, vẫn không tránh được nước
mưa. Người tôi run lên từng hồi như bị mắc kinh phong. Mưa càng lúc càng
to. Gió rít liên hồi, cây rừng nghiêng ngả. Đến sáng, mưa bớt dần,
không dứt hẳn.
Suốt đêm không ngủ, phải chịu đựng mưa
gió, tôi mệt quá, nhưng cũng cố gắng lên đường. Đi loanh quanh suốt buổi
trong trời mưa rỉ rả. Lại xui, đôi dép bị đứt quai. Đành đi chân không.
Rừng thẳm âm u trong cảnh trời tù mù không thấy mặt trời kéo dài năm
ngày liền. Tôi không phân biệt được phương hướng, cứ đi lòng vòng mãi.
Chỉ thấy rừng tiếp nối rừng. Đi chân không trong rừng là cả một cực
hình. Hai chân chảy máu, bắt đầu sưng lên. Tôi đi cà nhắc từng bước một.
Nhịn ăn bảy ngày rồi. Bao tử đã tê liệt nên tôi không còn cảm giác biết
đói nữa. Nước vũng kéo dài sinh mạng tôi. Thân xác rã rời, nhiều khi
ngất xỉu, không biết bao lâu, tỉnh dậy lại loang choạng bước đi. Tôi
không còn ý thức ngày và đêm nữa, có lúc cảm thấy tuyệt vọng lắm. Quý ơi
! Mày không thể chết lặng lẽ trong rừng sâu thế này. Phải sống, phải
tiến tới để tìm được bến bờ tự do. Tôi quỳ xuống khấn nguyện Ơn Trên
thiêng liêng phù hộ cho tôi vượt thoát khu rừng. Với ý chí sinh tồn mạnh
mẽ, cùng với niềm tin có Ơn Trên cứu độ, tôi cứ cà nhắc từng bước đi
tới. Mưa đã dứt hẳn. Tôi có được một đêm ngủ thật say đến 2 giờ trưa
hôm sau. Có sức lực, thêm trời nắng tốt và mặt trời chỉ hướng Tây, tôi
lần ra được dấu vết xe bò hằn trên cỏ. Đi theo đường xe bò bốn tiếng,
rừng thưa dần, và trước mặt tôi là một khu vườn chuối. Đã ra khỏi rừng. Tính
ra, tôi bị lạc trong rừng tám ngày, đêm. “Được sống rồi…Được sống rồi
!” Tiếng reo to của tôi đem đến sự hiểm nguy. Hai tên lính Polpot không
biết từ đâu lù lù hiện ra. Tôi bị chúng chỉa súng đưa đến một căn lều
tranh lụp xụp trong vườn chuối. Lúc đó, có sáu người vượt biên khác cũng
đang bị một toán lính Polpot dẫn tới. Chúng tôi bảy người, bốn đàn ông
và ba phụ nữ trẻ đẹp bị chúng bắt cởi hết quần áo. Hai tên đứng chĩa
súng, bốn tên lục các quần áo tìm vàng, bạc. Còn ba tên lần lượt khám
xét từng người chúng tôi để lấy nữ trang, đồng hồ. Tôi chỉ có cái đồng
hồ đeo tay bị chúng lột ngay. Ba người phụ nữ bị hai tên lính vừa khám
xét lấy nữ trang vừa mò mẫm khắp chổ kín. Lục xét xong, chúng cho bốn
đàn ông được mặc đồ lại và ngồi xuống một góc nhà, còn ba phụ nữ vẫn bị
bắt đứng trần truồng như nhộng trước mắt mọi người.
Trời chạng vạng, bọn lính Polpot tụm lại ăn cơm. Họ không cho chúng tôi
ăn uống gì. Cơm nước xong, ba tên cầm súng ra đứng canh trước cửa, sáu
tên còn lại trong nhà kéo ba cô gái nằm xuống đất để thỏa mãn dục vọng.
Các cô dẫy dụa, la hét, van xin. Nghe tiếng nói, tôi nhận ra hai cô
người Việt, một cô người Tàu. Mặc cho các cô kêu gào, khóc lóc thảm
thiết, chúng vẫn tiếp tục hành vi cầm thú. Một anh trong nhóm ba đàn ông
bị bắt chung bổng hét lên “Đ.M… Tao liều chết với tụi mày” rồi nhảy vào
kéo bật hai tên lính Miên ra khỏi thân thể trần truồng của hai cô gái
Việt. Một người đàn ông Việt khác cũng nhảy ào tới giúp sức cho anh. Có
lẽ hai anh là người thân của hai cô gái. Cả ba, bốn tên lính Miên cùng
nhào vào đấm, đá túi bụi hai anh. Sự uất ức biến thành sức mạnh, hai anh
can đảm chống đỡ và đánh trả lại. Thấy cảnh hổn chiến kéo dài, một tên
lính Miên cầm súng gác ở cửa chạy vào dùng báng súng nện liên tục lên
đầu một anh. Máu trên đầu anh tuôn xối xả; anh ngã lăn kềnh ra mặt đất,
nằm bất động. Tiếp theo là hai, ba tiếng súng nổ. Anh thứ hai bị trúng
đạn cũng đổ nhào cả thân người xuống đất. Tên lính Miên còn điên cuồng
dí họng súng gần mặt xác chết bắn thêm vài phát nữa. Bấy giờ, tôi đã
ngồi thụp xuống ở xó lều. Thừa lúc lộn xộn đó, trong màn đêm bao phủ,
tôi từ từ bò ra vườn chuối. Khi bò khá xa căn lều tranh, tôi đứng dậy đi
cà nhắc theo đường xe bò. Nhiều tiếng súng nổ sau lưng. Với lòng cầu
sống, dù chân bị sưng, tôi vẫn chạy thục mạng, nhanh như gió. Không biết
bao lâu, đuối sức, tôi nằm ngã ra trên một bãi cỏ. Máu chảy dầm dề ở
hai bàn chân, nhức nhối không tả xiết.
Trời
tối đen. Chung quanh yên tĩnh. Giờ này cũng khuya. Tôi cố gắng vẹt cỏ
tranh bò tới. Đường xe bò được tiếp nối bằng một con đường đất khá rộng.
Tiếp tục bò theo con đường đất, khoảng tiếng sau, trước mắt tôi hiện ra
một bờ hào cao, dài tít tắp, có bóng người lính cầm súng đứng trên một
vọng gác. Tôi đoán đây là biên giới Thái. Lòng mừng rỡ như được thấy
cha mẹ sống lại, tôi chậm chạp bò đến gần bờ hào. Nhờ trời tối, lính
Thái không nhìn thấy, tôi vượt qua biên giới Thái dễ dàng. Con đường dẫn
đến bến bờ tự do đang thênh thang phía trước. Tôi không ngờ… vẫn còn
nhiều hiểm nguy đang chờ đón tôi !
Vướng Cảnh Lao Tù
Qua khỏi biên giới, trước mắt tôi là đường lộ nhựa. Quên hẳn cơn đau
của hai bàn chân, tôi đứng dậy đi tới. Khoảng 30 phút sau, thấy có nhiều
ánh đèn leo lét trong những ngôi nhà ở xa xa hai bên đường, tôi đoán là
nhà dân nên quẹo vô một lối mòn, đi đến khu nhà bên trái. Tôi vào trúng
một căn nhà bếp, có sẵn cơm, thức ăn trong vài cái nồi trên bếp. Đã
nhịn đói suốt tám ngày, nên quên chuyện phải xin phép chủ nhà, tôi vội
lấy dĩa, muỗng bới cơm, lấy thức ăn. Trong lúc vội vàng, tôi làm rớt cái
nắp nồi gây nên tiếng động lớn trong đêm. Có tiếng người chạy đến. Tôi
nhảy ngay xuống đường mương sau bếp. Vài phút sau, một họng súng M16
chỉa xuống đầu tôi. Thì ra đây là trại lính Thái. Tôi bị bắt, đưa vào
một ngôi nhà rộng. Tôi nói bằng tiếng Anh là tôi đói bụng lắm, họ lấy
cho tôi dĩa cơm với trứng chiên. Tôi ăn ngấu nghiến thoáng cái đã sạch
dĩa. Vừa ăn xong, tôi bị một anh lính Thái chỉa súng lục vào đầu, tra
khảo : – Are you vi xi ? ( VC ) Hiểu họ đoán tôi là bộ đội Việt cộng, tôi vội trả lời : – No vi xi. I am student from Saigon. – Why you coming here? – I’m looking for freedom. I just want to go to America Anh lính Thái gằn giọng: – I don t believe. You are vi xi. Ngay sau câu nói là anh đấm vào mặt tôi, và hét lớn: – You, vi xi., vi xi. Tôi cũng hét lên : – No ! I am not a vi xi.
Người lính Thái càng tức giận, đấm, đá tôi liên tục, còn lấy súng lục
nện vào đầu tôi. Vừa khi thấy máu đầu chảy xuống lênh láng trên mặt,
trên áo thì tôi ngất xỉu. Sáng tỉnh dậy, đã thấy một người lính Thái già
đứng trước mặt. Ông nói tiếng Việt : – Tôi là trung tá, tư lệnh ở đây. Sao em bị đánh như vầy? Tôi mếu máo : – Dạ. Họ nói em là Việt cộng nên đánh em. Em là sinh viên ở Sài Gòn đi tìm tự do. Vừa nói, tôi vừa lấy ra bọc ni long có vài hình ảnh người thân và thẻ sinh viên đưa cho ông, nói tiếp: – Ông xem giùm, em là sinh viên trường đại học Văn khoa. Em vượt biên qua đây để xin đi Mỹ. Ông trung tá Thái xem qua giấy tờ, gật đầu : –
Được rồi. Em chờ đây, chút có xe đến chở em vào trại tị nạn. Hồi trước
tôi có tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Tôi có vợ Việt ở Gia Định. Em
an tâm nhé. Mừng quá, tôi yên trí ngồi chờ. Khoảng nửa tiếng sau, xe
đến chở tôi đi, nhưng không chở đi trại tị nạn mà chở đến Ty công an A
Ran. Công an Thái tịch thu hết giấy tờ, hình ảnh trong bọc ni long của
tôi và tống tôi vào nhà tù. Sau ba ngày giam giữ, họ chở tôi vào
trại lính Khmer Tự do ở trên phần đất Campuchia sát biên giới Thái. Tôi
cứ đinh ninh đây là thủ tục phải như vậy trước khi được cho vào trại tị
nạn. Ngờ đâu, lính Khmer Tự do đem nhốt tôi vào một cái chuồng gỗ thấp
lè tè, phải khom khom người khi xê dịch. Trong chuồng gỗ đã có hai thanh
niên người Việt gốc Hoa. Một người có vẻ lớn tuổi hơn cho biết họ là
anh em ruột, ở Chợ Lớn, bị bắt nhốt vào đây nửa tháng rồi. Hàng
ngày, chúng tôi bị lính Khmer Tự do bắt đi lao động, đào hầm, hố, đốn
cây, chẻ củi. Họ cho chúng tôi ăn ngày hai bửa cơm trắng với muối. Mỗi
cuối tuần được ăn một bửa cơm với cá hộp. Tôi lo lắng, không biết phải
chịu đựng kiếp lao tù này đến lúc nào?!. Một buổi trưa, sau khi đào xong cái mương, được cho ngồi nghỉ, tôi hỏi một anh lính Khmer Tự do biết tiếng Việt : – Anh có biết chúng tôi chừng nào được cho vào trại tị nạn không ? – Không biết nữa. Khi nào “ông lớn” thấy vui thì thả các anh. Tôi than thở : – Tôi bị nhốt ở đây gần tháng rồi. Biết chừng nào “ông lớn” vui đây? Anh có thể thả tôi đi không ? – Đâu được. Anh muốn tôi bị nhốt như anh hở? Ông lớn nghiêm lắm. Tôi hỏi dò : – Hình như trại tị nạn ở gần đây phải không anh? – Ừa. Có trại tị nạn NW9 cách đây hai cây số. Tôi chỉ ra hướng con đường ở xa xa ngoài trại lính, hỏi : – Thỉnh thoảng tôi thấy có xe Jeep cắm cờ thập tự đỏ chạy ngang. Họ là ai vậy? –
Là Hồng thập tự Quốc tế. Họ lo cho dân tị nạn trại NW9, và cũng thường
cung cấp gạo cho trại lính chúng tôi để đổi lấy người tị nạn bị “ông
lớn” bắt giữ. – Vậy sao “ông lớn” các anh không trao đổi chúng tôi ? – Thì vừa rồi tôi có nói, khi nào ông lớn” vui sẽ trao đổi các anh để lấy gạo. Được anh nói chuyện cởi mở, tôi hỏi thêm : – Các anh có phải lính của chế độ Lonnol không ? – Phải, nhưng bây giờ là lực lương Khmer Tự do của tướng Sonsann. – Tôi cũng có người anh rễ phục vụ trong chế độ Lonnol từ năm 1970. Anh rễ tôi tên Thạch Vọng, cấp bực sau cùng là thiếu tá. Anh lính Miên ngạc nhiên : – Hả? Thiếu tá Thạch Vọng hả? Phải ổng có vợ người Việt không? Bả tên Mùi, có hai con trai. Tôi muốn hét lên, nhưng kịp ngăn lại, nói trong xúc động: – Đúng rồi. Đúng rồi… Anh chị của tôi đó. Rồi tôi hỏi dồn dập : – Anh quen với ảnh chỉ hở? Bây giờ ảnh chỉ ở đâu ? Có ở đây không ? Người lính Miên lắc đầu: –
Chết hết rồi. Khi Polpot vào Nam Vang, đơn vị do ông Vọng chỉ huy rút
vào rừng kháng chiến, đóng trại gần biên giới Thái. Được một thời gian,
lính Polpot tấn công vào trại, tiêu diệt tất cả. Ông bà thiếu tá Vọng và
hai con trai đều bị chúng giết. ôi sững sờ trước cái tin buồn bất
ngờ này. Niềm hy vọng có ngày anh chị em được trùng phùng đã tan thành
mây khói! Tôi bật khóc nức nở. Tối hôm đó, tôi không ngủ được. Hình
ảnh chị Mùi, anh Vọng và hai cháu cứ chập chờn trong đầu tôi. Vậy là
hết, anh Phùng, anh Thiện, em Hỷ đã mất vì đất nước, bây giờ thêm tin
chị Mùi chết thảm cùng với gia đình, tôi thật sự không còn người thân
ruột thịt nào nữa ở trên đời! Biết được ngoài trại có xe Hồng thập
tự thường chạy ngang qua, tôi lập kế hoạch trốn thoát. Sau hơn một tháng
bị nhốt, lao động khổ sai, tôi không thể chờ đợi thêm cái ngày được
“ông lớn” của trại Khmer Tự do này vui vẻ tha cho. Một buổi chiều,
sau giờ lao động gần con đường lớn ngoài trại, tôi giả vờ đau bụng và
xin phép người lính Miên cho tôi đi giải quyết. Người lính Miên đứng
chờ. Tôi chui vào một lùm cây rậm. Khi thấy người lính Miên châm thuốc
hút và lơ đãng nhìn đi nơi khác, tôi vụt chạy ào ào một quãng xa rồi
phóng ra khỏi hàng rào trại. Vài tiếng súng nổ ở phía sau, nhưng tôi đã
chạy tới đường lớn cách trại khoảng trăm mét. May mắn thay, từ xa có xe
Jeep cắm cờ Hồng thập tự chạy tới. Tôi đứng giữa đường, giơ hai tay lên.
Xe ngừng lại trước mặt tôi. Hai người Mỹ xuống xe hỏi: – Are you Vietnamese? Tôi mau mắn trả lời: – Yes! I am Vietnamese. I came from Saigon. I looking for freedom. Please help me. – OK! We help you.
Tôi mừng rỡ như chết đi sống lại, nhảy lên xe Jeep. Nghe tôi khai bị
đói, lạnh trong rừng suốt tám ngày đêm, Hồng thập tự chở tôi vào một
bệnh viện dã chiến trong vùng Khmer Tự do, nằm dưỡng bệnh ba ngày. Tôi
được cho uống thuốc, ăn cháo và các trái cây bổ dưỡng. Đươc sự che chở
và chăm sóc của Hồng thập tự, tôi đã thật sự hồi sinh, nhìn thấy trước
mắt một tương lai tươi sáng. Tôi thầm cảm tạ Trời cao thiêng liêng và
Ông Bà, Cha Mẹ, Anh Chị Em linh hiển đã phù hộ cho tôi được chuyển nguy
thành an. Sau khi khỏe mạnh, tôi được Hồng thập tự chở vào trại tị
nạn NW9. Bấy giờ là giữa tháng 1/1980. Tôi mừng rơi nước mắt. Cảm ơn
Hồng thập tự Quốc tế. Cảm ơn những tấm lòng nhân ái của nhân viên Hồng
thập tự và Cao ủy Liên hiệp quốc.
Trại Tị Nạn Trại NW9 là trại tị nạn dành cho người vượt
biên đường bộ. Trại nằm trên lãnh thổ Campuchia nhưng ở sát bờ hào biên
giới Thái. Một cây cầu nhỏ bắc ngang từ bờ hào biên giới qua đến cổng
trại. Hàng ngày, nhân viên Hồng thập tự từ bên đất Thái chỉ bước vài
bước trên cầu nhỏ này là vào trại để làm việc. Ngày đầu được vào trại,
lòng rộn ràng vui sướng, tôi hớn hở nhìn những người tị nạn khác đang
tập trung ở gần văn phòng trại xem bảng niêm yết tin tức hay thư từ.
Đồng bào Việt Nam tôi đây. Tôi có cảm giác thân thiết với tất cả mọi
người, luôn miệng cười với người này, người nọ. Tôi được xếp cho một chổ
ngủ trong một dãy lều dài thuộc khu dân sự. Vài hôm sau, được vài thanh
niên cho biết, nếu là bộ đội Việt cộng tị nạn chính trị sẽ được cứu xét
cho đi Mỹ nhanh hơn. Tôi lên văn phòng khai mình đã từng là bộ đội,
được chuyển ngay qua một dãy lều trong khu bộ đội. Tất cả bộ đội nơi đây
đều từ các đơn vị Việt cộng ở gần biên giới đào ngũ chạy qua Thái.
Dân tị nạn trong trại sinh hoạt rất vui vẻ. Dù việc ăn uống có hơi thiếu
thốn, nhất là nước, mỗi người chỉ được bốn lít mỗi ngày để uống và tắm
rửa, nhưng ai ai trong trại cũng được yên ổn sống qua ngày. Vài ba tối
thì có nhiều người tụ tập liên hoan đưa tiễn người được xuất trại. Chỉ
với nước trà và bánh, kẹo đơn sơ, họ mời nhau và đàn ca, nhảy nhót với
nhau thật vô tư. Họ an tâm từ nay không còn phải sống với cộng sản nữa.
Qua những buổi liên hoan đó, tôi quen thân với một người bạn tên Khúc
duy Viễn, cũng là bộ đội tị nạn chính trị. Tôi viết thư thăm anh chị
Hải Vân và các bạn thân ở thương xá Rex như Phuợng, Đức, Minh… Một tháng
sau, nhận được thư anh Vân và các bạn, tôi nhảy tưng tưng. Ở trại tị
nạn, người ta rất khát khao thư từ người thân. Nhận được thư là người ta
vui lắm. Vui nhất là những người có thân nhân ở các nước tự do gửi cho
tiền. Nhờ đọc báo Văn nghệ tiền phong, tôi liên lạc được một hội thiện
nguyện ở bang Kansas, xin hội làm hồ sơ bảo lãnh. Tháng rưởi sau, tôi
nhận được giấy tờ bảo lãnh của bà hội trưởng Mai Liên. Nhờ có hồ sơ bảo
lãnh này, sau bốn tháng ở trại NW9, tôi được chuyển đến trại Sikiu, cũng
là trại tị nạn đường bộ nhưng ở sâu trong đất Thái. Trại Sikiu
được chia thành hai khu. Khu gia đình và phụ nữ ở chung. Khu khác dành
cho thanh niên độc thân, có hai building giống như nhà tù, bị cách biệt
với khu gia đình bằng một vòng rào kẻm gai cao lút đầu. Building 1 gồm
nhiều thanh niên ở trại trên một năm vì không có thân nhân bảo lãnh, là
building nhà giàu, có bàn đánh ping pong và ai cũng có máy hát nghe
nhạc, tiền bạc tiêu xài rủng rỉnh. Đời sống họ sung túc trong hoàn cảnh
tị nạn nhờ họ, ai cũng giả tên con gái đăng báo Văn nghệ tiền phong, mục
tìm bạn bốn phương, dụ dỗ đàn ông độc thân ở Mỹ gửi tiền, quà cho họ.
Tên cô “đực rựa” nào cũng đẹp: Hồng Ngọc, Thu Thảo v.v… Rồi họ gửi hình
của thiếu nữ xinh đẹp nào đó mà họ có được, làm cánh đàn ông ở Mỹ chết
mê, chết mệt. Thời đó, đàn ông độc thân bên Mỹ chịu cảnh khan hiếm đàn
bà, khao khát tình cảm lắm, nên dốc túi gửi tiền và quà lia chia cho
các cô bạn “đực rựa” này, hy vọng sẽ bảo lãnh được một cô vợ đẹp như
tiên. Building 2 là building nhà nghèo gồm những bộ đội tị nạn chính
trị mới đến như tôi. Đa số là dân bộ đội có gốc rễ ở Sài Gòn hay miền
Tây, trong hoàn cảnh tị nạn nghèo rớt mùng tơi vẫn còn tánh ăn chơi.
Hàng đêm các chàng ta tụ tập thành từng nhóm ca hát, ôm nhau nhảy đầm,
rồi kết bè, kết đảng quánh lộn, thường bị an ninh trại kéo ra ngoài
building đánh cho một trận. Tôi cứ an phận sống qua ngày tháng. Ban ngày
thì lặng lẽ đi vòng vòng trong khu độc thân, nhìn cảnh sinh hoạt mua
bán nơi cổng trại, hoặc trò chuyện với Viễn. Mỗi tối, tôi thui thủi một
mình trên cái chiếu trải trên sàn nhà ở một góc building. Đi tìm đời
sống tự do, không phải là tự do kết bè đảng để đánh người hay bị người
đánh !. Hai tháng sau, tôi được phái đoàn Mỹ vào trại làm hồ sơ
phỏng vấn, chụp hình. Thêm ba tháng rưởi nữa, tôi được chuyển đến trại
Phanatnikhom. Được rời trại Sikiu, tôi mừng như người vừa ở tù ra.
Trại Phanatnikhom là trung tâm tị nạn lớn nhất ở Thái Lan, gồm người
vượt biên từ các trại đường bộ và đường biển đã có hồ sơ bảo lãnh của
thân nhân hay hội đoàn. Họ được chuyển đến đây để chờ được phái đoàn các
nước thứ ba phỏng vấn chính thức, quyết định cho đi định cư hay không. Ở
trung tâm này có đủ các sắc dân tị nạn: Việt, Miên, Lào. Vì quá đông
nên trại không tổ chức phát cơm canh nấu sẵn cho người tị nạn, mà mỗi
tuần phát thực phẩm cho từng tổ độc thân hay từng gia đình để tự nấu ăn.
Tổ độc thân tôi có năm thanh niên. Cả tổ lãnh thực phẩm về rồi chia
nhau ai muốn nấu ăn sao thì tùy. Sinh hoạt ở trung tâm vui nhộn như
trong một thị trấn. Có chợ bán đủ loại hàng hóa và nhiều hàng quán bán
thức ăn, thức uống như cơm dĩa, hủ tíu, cà phê, bánh mì, nước sinh tố…
Dân tị nạn có thân nhân gửi tiền thì tha hồ vui chơi, tiêu xài ở chợ và
các hàng quán này. Phượng, Đức ở thương xá Rex giới thiệu tôi với người
bạn của hai cô ở bang California tên Nguyễn ngọc Lưu. Tôi được Lưu gửi
cho 50 dollars. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi cũng vào quán phong lưu chút
đỉnh sau gần một năm gian truân khổ ải trong hành trình viễn xứ. Giữa
tháng 11 / 1980, tôi được phái đoàn INS Mỹ chính thức phỏng vấn và chấp
thuận cho tôi đi Mỹ. Nhìn hai chữ OK của nhân viên INS phê vào hồ sơ,
tôi mừng quá cỡ, cả người nhẹ hẫng như muốn bay lên trời.
Tình Đầu Đời Tị Nạn
Nỗi mừng được phái đoàn Mỹ chấp thuận chưa tiêu hóa xong thì qua hôm
sau tôi lại có thêm một niềm vui khác không thể nào ngờ trước được. Tôi
từ cửa phòng thư tín chen ra khỏi đám đông, vừa đi vài bước thì gặp một
thiếu nữ đang đi tới. Cô mặc áo thun trắng ngắn tay bó sát thân mình và
cái quần Jean xanh. Nhìn phục sức trẻ trung và khuôn mặt kiều diễm của
cô, trông quen quá. Tôi ngẩn người nhìn cô một thoáng và bật reo lên : – Trời ơi…Diệu ! Cô gái ngỡ ngàng nhìn tôi rồi cũng reo lên : – Anh Quý ! Sau tiếng reo là Diệu nhào tới quàng hai cánh tay qua hai vai tôi, ôm chặc lấy tôi và nói trong xúc động : – Anh Quý. Em không ngờ được gặp anh ở đây.
Tôi cũng ôm chặc cô, lòng bồi hồi, vui sướng. Trong hoàn cảnh tị nạn xa
xứ này lại được gặp cố nhân. Người con gái xinh đẹp ở Thị Nghè ngày nào
có với tôi tình thân thiết, và một thời gian tôi đã nhớ nhung cô muốn
phát điên vì ám ảnh nụ hôn đầu đời do cô chủ động ban cho. Buông nhau
ra, tôi mời Diệu vào quán. Chúng tôi ngồi sát bên nhau, vừa ăn uống vừa
chuyện trò vui vẻ. Tôi nói : – Từ sau tháng 4 / 1975, không còn gặp Diệu, anh nhớ quá chừng. – Sao anh không đến gặp em? –
Ngay ngày 1 tháng 5 anh có đến tìm Diệu mà cả nhà Diệu đi vắng. Sau đó,
phải lo toan đời sống mới nhiều khó khăn, anh không có dịp đến thăm em.
Khoảng tháng 11 / 1975, anh nhớ em quá nên đến nhà em ở xóm chợ Thị
Nghè thì em đã dọn nhà đi đâu rồi. Thấm thoát đã năm năm rưởi rồi hở
Diệu. – Đời sống mới trong chế độ Việt cộng khó khăn thiệt. Bố em bị
đi tù “cải tạo”. Mẹ bán nhà để lấy tiền nuôi Bố, nên dọn đến căn nhà
nhỏ khác. Em sống đời con gái nhà nghèo, hết vui chơi phóng túng như
trước. Tôi nhìn Diệu mỉm cười : – Đời sống con gái nhà nghèo mà Diệu vẫn đẹp. Bây giờ Diệu đẹp hơn xưa nhiều lắm. Diệu cũng mỉm cười, không phủ nhận sắc đẹp của mình : – Có đẹp hơn mà tình thì thiếu vắng !… Sau
câu nói, Diệu nhìn tôi với ánh mắt long lanh. Tôi muốn chìm sâu vào đôi
mắt đẹp của Diệu. Sự rung động của cái tình nam nữ mà từ lâu tôi đã
quên đối với Diệu bây giờ lại nổi lên mạnh mẽ trong tim tôi… Ăn uống xong, Diệu nói : – Thôi, mình đi anh. Về chổ em chơi nhé. Gặp mẹ em luôn. Mẹ em cũng hay nhắc đến anh. Ra tới đường, Diệu nhoẻn miệng cười nhìn tôi : – Anh nắm tay em đi. Như hồi ở Thị Nghè vậy.
Tôi nắm lấy bàn tay mềm dịu, mịn màng của Diệu, lòng lâng lâng vui
sướng. Trời buổi chiều mùa Đông se se lạnh. Diệu đi nép vào tôi như
người tình bé bỏng. Diệu hỏi : – Anh Quý đã có vợ chưa? – Đã ai yêu anh đâu mà có vợ. – Vậy anh đi Úc với em nhé. – Hôm qua, anh mới được INS phỏng vấn cho đi Mỹ. –
Tiếc quá! Em cũng thích đi Mỹ lắm. Nhưng em có người chị ruột ở Úc, nên
mẹ muốn đi Úc. Vài ngày nữa mẹ và em sẽ được phái đoàn Úc phỏng vấn.
Về tới chổ Diệu ở, dì Sáu, mẹ Diệu, cũng vui mừng khi bất ngờ gặp lại
tôi. Nói chuyện một hồi, dì Sáu nói : “Hai con cứ nói chuyện đi, mẹ qua
thăm bà bạn mới đến trại”. Khi dì Sáu đi rồi, Diệu kéo tấm màn che chổ
ngủ của cô. Hai đứa tôi có khoảng không gian riêng tư để tâm tình. Tôi
hỏi : - – Còn bố đâu Diệu ? Diệu buồn rầu trả lời: – Bố em mất rồi. Bố chết rất thảm trên biển… Diệu
lấy tay dụi đôi mắt vì xúc động rồi kể cho tôi nghe hành trình vượt
biển của cô : “Bố em đi tù cải tạo về vài tháng thì cùng mẹ và em vượt
biên. Thuyền em có 43 người, gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Đi được sáu
ngày, tàu chết máy, lênh đênh trên biển. Rồi một tàu hải tặc Thái áp
sát. Chúng 13 tên trang bị nhiều vũ khí nhảy sang tàu em. Chúng lục soát
tất cả mọi người, cướp hết mọi thứ vàng, bạc, nữ trang. Sau đó, chúng
lôi các cô trẻ đẹp ra để thỏa mãn thú tính. Em cũng…” Diệu ngập ngừng
không nói tiếp, rồi gục vào vai tôi. Tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra cho
Diệu. Tôi xúc động nắm chặt bàn tay Diệu, im lặng. Vài phút trôi qua,
Diệu kể tiếp “Bố thấy em bị làm nhục thì nhào tới chống cự, bị hai tên
hải tặc túm đánh, lấy súng nện liên tục lên đầu bố rồi ném xác bố xuống
biển. Sau khi thỏa mãn, chúng về lại tàu rồi cho tàu húc lủng thuyền em.
Nước tràn vào và thuyền lật. Em và mẹ mỗi người may mắn bám được một
mảnh gỗ trôi vào bờ, được người Thái đưa vào trại Songkhla. Vào trại rồi
em mới được gặp lại mẹ. Nghe mẹ nói, số người trên thuyền bị chết hết
23 người”. Kể xong chuyện buồn, Diệu im lặng, mắt có ngấn lệ. Tôi
không biết nói gì để an ủi Diệu, chỉ biết bóp nhẹ bàn tay Diệu, im lặng
cảm thông. Một lát sau, bổng Diệu ôm ghì lấy tôi, đôi mắt lá răm tuyệt
đẹp nhìn sâu vào mắt tôi như hớp hồn tôi, rồi hôn tôi say đắm. Lần thứ
hai tôi được Diệu chủ động hôn. Nụ hôn lần này kéo dài càng ngọt lịm bờ
môi, truyền dẫn vào người tôi cảm giác đê mê, ngây ngất. Không tự chủ
được trước hương sắc và sự nồng nàn của Diệu, tôi cũng ôm chặt cô, say
sưa hôn lại. Diệu thỏ thẻ ngọt ngào bên tai tôi: – Anh Quý. Em đã yêu anh từ hồi còn ở Thị Nghè. Tôi cảm động : – Sao em không nói cho anh biết ?
– Tại em thấy anh có vẻ không yêu em. Anh chỉ coi em như bạn.
Anh có hỏi em, người em thật sự yêu là ai. Em không nói vì… chính là anh
đó. Lòng xao xuyến, tôi nói với giọng run run : – Anh cũng yêu em… Chẳng qua hồi đó… anh có nhiều mặc cảm… – Vậy bây giờ…anh yêu em đi…
Diệu vừa nói với giọng nhiều cảm xúc vừa quàng hai cánh tay trắng nõn
nà quanh cổ tôi, kéo tôi cùng nằm xuống…Từ hôm đó, tôi luôn khăng khít
bên Diệu. Một tuần sau, tôi có tên trong danh sách xuất trại đi đảo
Galang, Indonesia. Ngày cuối ở bên nhau, Diệu tha thiết nói: – Chúng
mình đã có với nhau kỷ niệm đẹp tuyệt vời. Mai đây mỗi người một phương
trời, chúng mình sẽ vẫn luôn nhớ đến nhau. Nha anh. Tôi xúc động : – Anh cảm ơn em…Anh sẽ nhớ mãi về tình yêu em dành cho anh.
Hôm sau, Diệu tiễn tôi lên đường. Phút biệt ly giữa hai người yêu nhau
buồn não nuột. Diêu rươm rướm nước mắt. Chúng tôi ôm nhau thật lâu lần
cuối. Tôi hôn lên hai má Diệu rồi lặng lẽ đi theo đoàn người chuyển qua
Transit Center, đối diện với Trung tâm Phanatnikhom.
Ngoái nhìn lại, thấy Diệu vẫn còn đứng nhìn theo với đôi mắt buồn vời
vợi, tôi giơ tay vẫy vẫy. Diệu vẫy tay lại. Chào biệt Diệu. Chào biệt
cuộc tình đầu đời tị nạn !…
Tự Do Ơi…Tự Do ! Sau bốn ngày ở Transit Center, tôi và nhiều người được xe Bus chở đến một trạm chuyển tiếp gần thủ đô Bangkok, nằm chờ ba ngày.
Khi có chuyến bay, chúng tôi được phát mỗi người một túi thức ăn và lên
xe Bus đến phi trường Bangkok. Cảnh đêm thủ đô Bangkok thật đẹp với
muôn ánh đèn màu. Ngồi chờ ở phi trường hai tiếng thì đoàn người tị nạn
lần lượt lên máy bay. Nửa tiếng sau, máy bay cất cánh. Lòng tôi phơi
phới, vui như ngày lễ hội. Khoảng ba tiếng sau, máy bay đáp xuống phi
trường Singapore. Hôm sau, chúng tôi được chuyển đến đảo Galang,
Indonesia bằng thuyền lớn. Tại đảo, tôi gặp lại Viễn, đến trước tôi một
tháng. Chúng tôi càng thân với nhau hơn. Rồi Viễn cũng lên đường đi Mỹ
trước tôi. Nghe theo lời Viễn, tôi chuyển hồ sơ đi theo bảo lãnh của
người anh bà con Viễn là anh Dương Minh Hiệp ở bang South Dakota.
Sau bốn tháng rưỡi ở Galang 2, học văn hóa Mỹ và thêm chút tiếng Anh,
tôi được rời đảo ngày 21/4/1982. Ở thêm ba ngày trong trạm chuyển tiếp
Singapore, tôi chính thức được lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ ngày
24/4/1982. Hành trình viễn xứ của
tôi đã tới đích. Khát Vọng Tự Do của tôi giờ đây được toại nguyện. Tôi
đã thật sự đặt bước chân lên miền đất Tự Do mà tôi hằng mong ước từ bao
năm qua. Xin chào UNITED STATES OF AMERICA – Đất nước tự do, dân chủ,
văn minh, nhân bản và giàu mạnh nhất thế giới. Một lần nữa, tôi thầm cảm
tạ Trời cao thiêng liêng, Ông Bà, Cha Mẹ, Anh Chị Em linh hiển đã phù
hộ cho tôi, trong hành trình nhiều gian truân, trắc trở, được may mắn
chuyển nguy thành an. Tự Do ơi…Tự Do ! Tôi đã có được Người ! ….Xin cảm ơn Chính phủ Mỹ, Nhân dân Mỹ đã nhân ái dang rộng vòng tay đón nhận tôi và cưu mang tôi 28 năm qua.
Trưa nay, trời cuối thu se se lạnh, tôi đến
viếng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam trong khuôn viên nghĩa trang
Westminster, tọa lạc trên đại lộ Bolsa góc đường Hoover, quận Cam. Tôi
cúi đầu thật lâu trước Tượng Đài để tưởng niệm tất cả vong linh Đồng bào
Việt Nam đã bỏ mình trong Hành Trình Tìm Tự Do.
Đã có khoảng 200 ngàn người Việt tử nạn trên
biển cả trùng khơi hay nơi rừng sâu, nước độc bởi đói khát, bão tố,
biển động, hay hải tặc hãm hiếp, giết chết. Trước Tượng Đài có tấm bảng
đồng ghi:
“Tưởng
niệm đến hàng trăm ngàn Thuyền Nhân, Bộ Nhân Việt Nam đã chết trên
đường tìm Tự Do, Nhân Phẩm, Nhân Quyền. Gợi nhớ về cuộc hành trình đầy
đau thương và khổ nạn của hàng triệu người Việt rời bỏ Quê Hương sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975 vì không chấp nhận chế độ Cộng sản. Lưu truyền
chứng tích đến các thế hệ mai sau về nguyên nhân sự hiện hữu của người
Việt tại Hoa Kỳ và các quốc gia Dân Chủ, Tự Do trên thế giới”.
Tôi lại cúi đầu thật lâu trước Tượng Đài.
Những Thuyền Nhân, Bộ Nhân đã chết trên đường vượt biển hay đường bộ để
cho nhiều người thân ruột thịt được sống, được đến bến bờ Tự Do an toàn.
Nhờ đó, ngày nay đã có hơn ba triệu người Việt được sống đời an bình,
thăng tiến tại hải ngoại. Và mai đây, sẽ có biết bao nhiêu người con ưu
tú của Tổ quốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba trở về quê hương Việt
không cộng sản, đem tài năng, kiến thức học được nơi xứ người để xây
dựng nước Viêt nhanh chóng trở thành cường quốc.
Cá nhân tôi ngày rời xa quê hương, hành
trang lên đường là ý chí của Tống Biệt Hành : “Ly khách! Ly khách! con
đường nhỏ. Chí lớn không về, bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở
lại…”. Nên tôi cũng đang âm thầm hoạt động trong một tổ chức chính trị,
với hoài bão được đóng góp tất cả tâm trí, tài sức vào công cuộc đấu
tranh chung của toàn dân Việt trong và ngoài nước, nhằm xoá tan bóng tối
đêm đen trên quê hương Việt Nam. Cho những đau thương, thù hận của một
thời nô lệ ngoại bang sẽ bị nhạt nhòa, tiêu tán vào dĩ vãng của lịch sử
đã sang trang. Cho những xiềng xích, chuyên chế, hung tàn, bạo ác của
cộng nô phải bị sụp đổ, tiêu vong. Cho viết lên trang sử mới của bình
minh nước Việt ngày xanh tươi rạng rỡ, huy hoàng, kiến tạo nên một xã
hội mới thật sự dân chủ, tự do, văn minh, nhân bản, công bình, bác ái để
toàn dân Việt mãi mãi được sống an hòa, vui sướng, hạnh phúc.
Kính nguyện cầu Đấng Thiên Thựợng Đế tối cao
và Hồn thiêng sông núi phù hộ cho toàn dân Việt sớm có ngày “đắc lộ
thanh vân”, đưa nước Việt lên đỉnh đài vinh quang thịnh trị ngàn đời.
Tôi viết truyện này vào ngày sinh nhật thứ 72 ( Đúng 6 vòng của 12 con
giáp ). Sở dĩ tôi gọi là tình cuối vì tôi biết sau khi người yêu tôi
chết, tôi sẽ không thể (còn) yêu ai hoặc được ai yêu nữa.
Thường, người ta hay viết truyện về những mối tình đầu. Vì mối tình đầu
là mối tình khó quên nhất. Đúng vậy! Ở vào tuổi mới lớn, khi con tim lần
đầu biết rung động vì một ánh mắt, một nụ cười, môt tà áo…làm sao chúng
ta có thể quên được những ngày tháng mộng mơ với một người đẹp.
-Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên ( Thế Lữ )
Nhưng tôi là cái thằng thích ( nói nôm na ) trật đường rầy. Không thích giống ai nên mới (ti toe) viết về mối tình cuối.
Đó là mối tình của tôi với Thúy Hằng, bắt đầu cách đây hơn 15 năm. Thúy
Hằng thua tôi 7 tuổi, tôi li dị vợ, nàng rẽ gánh chia tay chồng. Người
đời thường gọi những mối tình như thế là..Rổ rá cặp lại.
Mà đúng thiệt. Tôi với nàng là hai cuộc đời bị bể, bể tanh banh, bể tan
tành thành nhiều mảnh vụn. Cố gắng lắm, cố gắng mệt nghỉ, cố gắng tối đa
mới ráp lại được với nhau thành một cặp. Không gọi là rổ rá cặp lai thì
gọi bằng cái chi nữa cha ( nội )?
Sở dĩ tôi viết là cố gắng lắm, cố gắng tối đa, mệt nghỉ vì cuôc tình của chúng tôi ban đầu cũng không suôn sẻ gì cho cam.
Tôi li dị vợ thì xong rồi. Trước khi gặp lại Thúy Hằng thì tôi cũng có (
lai rai ) vài mối tình với những người đàn bà ( hoặc ) chồng chết, (
hoặc ) li dị. Những mối tình đó đã đưa đẩy tôi lang thang qua nhiều tiểu
bang của Mỹ.
Thúy Hằng ngược lại, sau khi chia tay với chồng thì có người yêu cũ tìm đến.
Người yêu cũ của nàng vốn là một anh Tàu lai tên Triết, có giấy tờ chứng
minh (gốc Tầu) đàng hoàng. Nhờ có giấy tờ nên anh ta được nhà nước cộng
sản Việt Nam „ưu ái“ cho về nước sau khi chiến tranh Trung Việt ở biên
giới phía Bắc nổ ra. Dùng chữ Cho Về Nước là chính quyền cộng sản Việt
Nam hí lộng ngôn từ, chứng tỏ tính ưu việt của đảng ta thôi. Thật ra đây
là âm mưu nhằm ăn cướp tài sản, nhà cửa, tiền bạc… của người Tàu và
tống xuất họ ra khỏi Việt Nam một cách hợp lý, hợp tình và ( cũng ) hợp
pháp luôn, đi đâu thì đi.
Để được „ ưu ái „ Triết phải đóng đủ 12 lượng vàng, – loại vàng Kim
Thành 24 cara, ngôn ngữ bình dân gọi là cây, mặc dù nó chỉ có hình chữ
nhật 4×8 cm, mỏng tanh, nặng chừng 37,5 gram, – trước khi bước chân lên
những con thuyền nhỏ, mong manh, nhét người chật cứng như cá hộp Sạc Đin
Nờ, được đẩy ra khỏi hải phân Việt Nam rồi…muốn trôi đi đâu thì đi, nhà
nước cộng sản VN hổng chịu trách nhiệm ( à nghen! ).
Nhờ hai gia đình ở gần nhau trong Chợ Lón, Thúy Hằng và Triết quen biết
nhau từ lúc còn nhỏ, từ khi…xưa đôi ta bé ta ngu, đem dây thung ta quấn
con cu…, con cu sưng ta khóc hu hu… Triết hơn Thúy Hằng 4 tuổi.
Cuối năm 1978, khi nghe phong thanh chương trình vượt biên bán chính
thức của người Tàu do Triết tiết lộ, gia đình Thúy Hằng tìm cách „gửi
gấm“ nàng theo Triết.
Trong thời gian chuẩn bị, Triết tìm được đường dây làm giấy tờ giả cho
Thúy Hằng. Trong lúc chờ đợi, nàng cũng nhờ Triết dạy cấp tốc một số
tiếng Tàu cần thiết để lúc ra đi có bị hạch hỏi cũng dễ dàng lọt thoát
phần nào.
Triết nhà giàu, khá bảnh trai, ăn nói nhỏ nhẹ. Thấy nhà Triết có piano,
sau những giờ học tiếng Tàu, Hằng thường chơi piano cho Triết nghe. Nhờ
học đàn piano từ lúc 5 tuổi đến khi cộng sản chiếm miền Nam nên Thúy
Hằng đánh đàn piano, tài nghệ dù chưa đạt được ( đỉnh cao chói lọi ) như
Đặng Thái Sơn nhưng nghe cũng lọt lỗ nhĩ và nếu gặp may ( không chừng )
có thể trình diễn ở Carnegie Hall, New York City.
Nhưng rồi cuộc gửi gấm Thúy Hằng không thành vì chờ đợi lâu quá. Gia
đình Thúy Hằng bèn quyết định tự đóng ghe, mua bến, lo lót công an, và
đi thoát trước khi Triết ra đi. Mối tình hai người tan vỡ vì không còn
tin tức, liên lạc được với nhau. Đó là chuyện khi xưa đôi ta bé…
Trở lại chuyện nay, hai cái rổ rá rách teng beng Triết, Thúy Hằng cặp
lại, không khớp với nhau nên bị bung ra chỉ sau một thời gian ngắn chưa
tới 2 tháng.
Theo lời một người quen ( dĩ nhiên là quen, lạ làm sao biết? ) của Thúy
Hằng kể lại, Triết biết Thúy Hằng sau khi chia tay với chồng có được một
món tiền, đâu khoảng hơn 100.000 Du Ét Đi nhờ bán căn nhà hai vợ chồng
mua 15 năm trước, cưa đôi, nên rù quến Thúy Hằng về VN làm ăn, buôn bán
chi đó.
Chắc vì sợ rủi ro, bất trắc, mất tiền, hơn nữa qua đọc báo, biết được
những vụ người Việt gốc Ngu ở hải ngoại đem tiền về Việt Nam làm ăn như
vua chả giò Trịnh Vĩnh Bình hoặc Trần Trường bỏ về VN làm ăn sau khi
chơi bạo lấy tiếng ngu, treo hình Hồ Chí Minh trong tiệm cho thuê Video
bị khoảng 50.000 người Việt ở O-Ren-Giờ-Cao-Ti biểu tình chống đối, nên
Thúy Hằng từ chối kế hoạch làm giàu do Triết vẽ ra. Thế là Triết bất
mãn, không mặn mà chuyện cặp lại rổ với nàng nữa. Thúy Hằng buồn bã vì
vừa đá vỏ dưa văng xa hơn 300 thước thì lại đạp ( nhằm ) vỏ dừa.
Đúng vào lúc đó thì tôi gặp lại Thúy Hằng trong một bữa ăn tối ở nhà một
người bạn. Trước đây, tôi và nàng chỉ quen biết nhau nhưng ít khi liên
lạc với nhau, vì không thân và ở cách xa nhau.
Sau bữa ăn tối định mệnh ( đã an bài ) đó, tôi và nàng liên lạc gọi
phôn, chát trên sờ-kai-pê càng ngày càng lâu, thường xuyên hơn. Nàng coi
tôi như một cái thùng Rì-sai-cồ, có nơi ( đổ rác ) kể lể những chuyện
đau buồn, khổ sở, không hạnh phúc.. với người chồng cũ.
Tôi hiểu tâm trạng Thúy Hằng nên an ủi nàng, rồi chẳng hiểu ma đưa lối,
quỉ dẫn đường, tôi yêu nàng lúc nào không hay. Sau hơn 4 tháng tâm sự (
loài cua biển ) chán chê, chúng tôi hẹn gặp nhau đi ăn tối ( lại ăn tối )
rồi đi coi phim, tức là là đi coi hát bóng.
Bữa đó nhằm tối chủ nhật, ăn xong tụi tôi vào rạp AMC ở Eastridge, San
Hố Dề. Chắc nhằm ngày lành, tháng tốt nên rạp vắng vẻ, có đâu chừng 7-8
cặp ngồi rải rác. Tụi tôi chọn hàng ghế trên cùng, không có ai. Ở hàng
ghế đó ta có thể thấy địch mà địch sẽ không thấy ta ( nếu không quay đầu
lại ).
Hai đứa tôi ngồi sát bên nhau. Chẳng hiểu có phải do 2 ly bồ đào tửu (
Red Wine ) uống trong bữa ăn với nàng hay do mùi nước bông thơm ngọt như
đường mía lau của Thúy Hằng mà khi đèn vừa tắt chừng 10 phút, màn ảnh
còn đang chiếu quảng cáo, tôi bạo dạn choàng tay qua ôm vai nàng, ghé
sát tai nàng thì thầm:
-Anh thích mùi nước bông em dùng ghê!.
Thúy Hằng chẳng những không phản đối mà còn quay mặt qua phía tôi cười nhẹ:
-Vậy mai mốt đi với anh, em sẽ xài loại này.
Mèng ơi! Nghe câu nói ngọt như đường cát, mát như đường phèn của nàng mà
tôi sướng đến run rẩy cả người. Hai khuôn mặt kề sát nhau khiến tôi cầm
lòng không đặng, thế là chúng tôi mi nhau.
Sau bữa đi coi phinh mùi mẫn đó, Thúy Hằng đề nghị tôi dọn về ở chung
với nàng để… chia tiền nhà, tiền điện nước, tiền rác… Tôi xin nàng một
tuần lễ để… „ động não“ suy tính hơn thiệt.
Sau mấy ngày suy nghĩ đến mất ngủ ( đêm năm canh chỉ ngủ có canh đầu,
bốn canh sau buồn rầu nên ngủ quên ), tôi đồng ý dọn về ở chung với
nàng. Sở dĩ tôi nói suy nghĩ vì ( bản tính ) tôi là một thằng thích tự
do, phải so sánh cái được ( lợi ), cái mất ( hại ) khi ở chung với nhau.
Cuối cùng thấy cái được nhỉnh hơn cái mất chút đỉnh nên tôi Ô kê Sa
Lem.
Nhưng cuộc đời không hề đơn giản như đang giỡn mà vô cùng phức tạp, rắc
rối, rắc rối to, rắc rối lớn là khác. Nói rắc rối và phức tạp vì chưa ở
chung thì không thấy, ở chung rồi thì mới có những cái pra-bờ-lầm mà cho
dù là có tài tiên đoán như Khổng Minh, có tái thế cũng không có cách
chi thấy trước đặng.
Như vừa nói ở trên, tôi là thằng thích tự do. Bởi thích tự do nên khi
sống mình ên, tôi không sắm sửa nhiều đồ đạc làm chi, tôi lại luôn có
phương châm sống, học được sau hơn 6 năm sống dưới chế độ cộng sản VN:
-Tăng thu, giảm chi, tích cực cầm nhầm.
Bởi vậy, bữa sáng tôi dọn đồ đạc về ở với Thúy Hằng, nàng đã ngạc nhiên
tột cùng khi tôi đến bấm chuông cửa nhà, chỉ xách theo có một cái va li.
Nàng nhìn tôi, ngơ ngác:
-Anh không có đồ đạc gì sao?
Tôi chỉ cái va li:
-Đây nè! Em không thấy sao?
Thúy Hằng ngập ngừng:
-Ý em nói là…bàn ghế, đồ trang trí…“nội thất“…giường, tủ, sách, báo…
Tôi lắc đầu:
-Không! Anh hay di chuyển, đổi chổ ở nên không sắm gì cả. Còn đồ „nội thất“ toàn của chủ nhà cho thuê.
Đến đây cần phải nói rõ thêm. Thời gian đó tôi đang „se phòng„, chủ nhà
có giao hẹn không được dẫn bạn gái về nên tôi chưa bao giờ hẹn nàng chỗ
mình ở. Chúng tôi chỉ hẹn hò, gặp gỡ nhau ở nhà nàng. Sau khi li dị,
Thúy Hắng thuê được một áp-pạc-tơ-măng 2 phòng ngủ khang trang ở khu
Willow Glen với giá (tình cảm) khá rẻ, chỉ bằng nửa giá thị trường, của
người chị là Bờ rốc cờ, có nhiều apartment cho thuê.
Thúy Hằng có vẻ suy nghĩ nhưng không nói gì thêm, lẳng lặng dẫn tôi lên
phòng ngủ, xếp quần áo của tôi trong cái va li vào chung tủ của nàng.
Buổi chiều hôm đó, ăn cơm xong, Thúy Hằng rủ tôi ra quán cà phê Gót Hồng
ở đường Tully uống nước, tâm sự. Gọi là tâm sư cho văn vẻ chứ thật ra
tôi biết ý nàng muốn nói đến chuyện…Tiền là tiền nhiều khi không …mà có,
tiền là tiền nhiều lúc có… như không… Đúng như tôi đoán, sau khi „xử
lý, dứt điểm“ một ly sâm bổ lượng Thúy Hằng nói: -Anh về ở với em, mỗi
tháng anh nên phụ em (chút đỉnh) chuyện tài chính. Tôi mỉm cười, không
biết cái chút đỉnh của nàng định nói là bao nhiêu: -Đương nhiên rồi!
Trước đây anh „se phòng“ bao nhiêu thì bây giờ anh đưa em bấy nhiêu,
cộng thêm tiền chơ nữa..
Thúy Hằng cầm tay tôi: -Tiền chợ anh không cần đưa. Anh đi làm trễ, em
nhờ anh đưa con gái em đến trường, thay vì thuê người chở cũng tốn kém.
Anh giữ tiền đó đổ xăng, đưa đón con gái em đi học. Mọi chi tiêu khác
như đi coi phim, ăn nhà hàng, du lịch …mình chai hia. Thúy Hằng tính
toán quá ư hơp lý, hợp tình, hợp đạo nghĩa (góp gạo thổi cơm chung). Tôi
đồng ý cái rụp.
Vấn đề gai góc nhất đã được đôi bên „chủ động“ thỏa thuận êm đẹp, thoải
mái, thân thiện, thắm đượm tình đồng chí, đồng sàng. Tuy nhiên chỉ ít
ngày sau, vài sự cố „nổi cộm“ khác mới bị „phát hiện“ mà phải động não
cực mới „phát kiến“ giải quyết được ván đè. Cái sự cố „ nổi cộm“ đầu
tiên là do tôi „sở hữu„ một tật ngáy ít người có. Thật ra công tâm mà
nói, tôi ngáy không lớn lắm, chỉ như là…gọi đò sang sông thôi. Thời gian
đầu còn vui vì lửa mới bén, củi, rơm còn đang cháy đỏ… kêu lách tách,
Thúy Hằng không nghe tôi ngáy, nhưng chỉ ít lâu sau nàng trở nên mất ngủ
vì tiếng ngáy của tôi. Nhiều đêm khoảng 2-3 giờ sáng, bị đánh thức bởi
tiếng gọi đò của tôi, không ngủ lại được, nàng đành ôm mền gối ra sa
lông ngủ, tôi không biết. Sáng nàng dậy trước, đi làm trước nên tôi
không „phát hiện“ được vấn đề.
Cho đến một hôm, có lẽ „bức xúc“ quá chịu không nổi, Thúy Hằng đem
chuyện ngáy của tôi ra đấu tố, bắt tôi phải đấu tranh tư tưởng với thế
lực phản động chủ tâm phá hoại giấc ngủ (hòa bình) của nàng. Sau khi
trình bày, lật tới, lật lui, lật xuôi, lật ngược…, dùng ánh sáng Mác-Lê
soi rọi vào tất cả các vùng kín, vùng sâu, vùng xa của vấn đề, tôi thành
khẩn nhận khuyết điểm, cam kết sẽ không phá rối giấc ngủ của Thúy Hằng
bằng cách…sẽ ra ngủ riêng ở sa lông trừ khi…nàng cho vời.
Vấn đề thứ hai là chuyện đưa đón con gái của Thúy Hằng đi học. Con bé
tên Mimi, 15 tuổi, xinh đẹp, thông minh, học giỏi nhưng có tật ngủ dậy
trễ. Thường 8:15g sáng vào học, từ nhà đến trường mất khoảng 15-20´ nếu
không bị „ùn tắc“ giao thông. Tôi thường chở nó ra khỏi nhà vào lúc
7:45g. Thúy Hằng dặn đánh thức con bé vào lúc 7:15, cho nó 30´ sửa soạn
vệ sinh cá nhân, làm thức ăn sáng mang theo. Mấy ngày đầu Mimi còn, đúng
giờ, nhưng không hiểu sao chỉ được chừng hơn tuần lễ con bé trở chứng,
gọi dậy lúc 7:15g thì phải 20´ sau nó mới ra khỏi phòng, thành ra bữa
nào tời trường nó cũng vội vã để rồi quên mang thức ăn sáng theo.
Tôi không phải bố nó nên không biết giải quyết làm sao. Đem chuyện nói
với Thúy Hằng, nàng nói tôi làm sẵn thức ăn sáng cho nó. Khổ một điều là
buổi tối hỏi nó ăn gì để tôi biết mà chuẩn bị, nhưng nhiều lúc tôi cũng
quên, nên nhiều khi tôi cứ làm bánh mì kẹp thịt, chả lụa …theo ý mình.
Cho đến môt hôm tôi được nghỉ làm, đi đón Mimi, về đến nhà nó quăng cái
backpack lên ghế salon rồi đi vào phòng riêng. Tôi ngồi xuống bên cạnh,
chợt ngửi thấy mùi thum thủm, chua chua…, nhìn quanh không thấy gì lạ
tôi bèn ghé mũi vào cái cặp đeo lưng của Mimi mới „phát hiện“ cái mùi
khó ngửi phát ra từ đó.
Tôi gọi Mimi ra, nói nó mở ra để xem cái gì bên trong mà bốc mùi như
vậy. Hóa ra đó là mấy phần ăn sáng mà nó không ăn nhưng không vứt đi, để
lâu quá, lại có cà rốt ngâm dấm nên bốc mùi dữ.
Làm sạch, khử mùi cái backpack cho Mimi xong, tôi nói với nó là sẽ không làm thức ăn sáng cho nó nữa, con bé đồng ý.
Cái „nổi cộm“ thứ ba cũng ác liệt không kém, nhưng không nằm nơi tôi mà ở
Thúy Hằng, đó là bệnh hay quên. Bệnh hay quên của Thúy Hằng không dính
dáng gì đến bệnh Đề-men-ti-a hay An-dờ-hai-mơ hết, bởi nàng chỉ quên
những lúc…cần nhớ nhất như… trả tiền khi đi chợ, sóp-ping, biu điện
thoại…
Tiền nhà, điện nước (cũng may) nàng để cho nhà băng chạc thẳng vào ờ-cao
nên tôi không thắc mắc chi cho lắm. Cái nổi cộm này làm cho tôi khá
nhức đầu, mỗi lần đi chợ mua thức ăn, đẩy xe ra tính tiền, khi vừa đến
lúc trả tiền là thế nào nàng cũng nói quên một hai thứ để chạy vào trong
lấy. Không thể chờ được nên tôi đành phải móc thẻ nhà băng ra cà. Lúc
trở ra, thấy tôi đã đẩy xe ra ngoài, Thúy Hằng cười hồn nhiên: -Ủa? Anh
trả tiền rồi hả? Lát về nhà em đưa lại. Nhưng cái „lát về“ đó chưa bao
giờ xẩy ra. Nghĩ tiền chợ không bao nhiêu, nhiều lắm chừng 300 Du Ét Đi
mỗi tháng nên tôi cũng ( ráng nhịn ) không kêu ca gì, coi như… cúng (cô
hồn) rằm tháng bẩy thôi. Hơn nữa thỉnh thoảng Thúy Hằng cũng dành trà
tiền tụi tôi đi coi phinh, ăn kem, ăn nhà hàng hay đi chơi xa mà không
đòi chai hia…
Tôi cứ để như thế hơn 2 năm, 7 tháng không nói gì. Cho đến một ngày kia
thấy Thúy Hằng làm quá, chịu hết nổi tôi đành phải đem chuyện „lát về“
ra nói. Thúy Hằng tròn mắt: -Ủa? Em cứ tưởng có trả anh lại rồi chứ!
Nhìn cặp mắt bồ câu, con đậu con bay, ngây thơ vô (số) tội của Thúy
Hằng, tôi cười: -Em mới 50 tuổi chứ có phải 80 đâu mà dễ tưởng vậy?
Thúy Hằng không nói gì, yên lặng nhìn tôi cả phút đồng hồ rồi bất chợt
đứng lên, vào trong phòng ngủ lấy ra một cái hộp hình chữ nhật cỡ khoảng
3 bao thuốc 555 gói giấy vàng, cột nơ thật đẹp và một cái bao thơ lớn,
dầy cộm, màu vàng, loại dùng để gửi những bưu kiện nhỏ, đặt xuống trước
mặt tôi. Thấy tôi đưa mắt dò hỏi, Thúy Hằng mỉm cười, trút trong bao thơ
ra mấy xấp biu đi chợ, mua hàng được bấm dính với nhau bằng Tắc-cơ. Tôi
ngạc nhiên nhìn: -Biu gì vậy? -Biu anh trả tiền chơ, điện thoại,
sóp-ping… chứ biu gì? Em giữ lại hết ở đây, cộng lại, tất cả gần 4 ngàn
đô la. Em dùng số tiền đó, mua cho anh cái đồng hồ Omega Speedmaster
Professional Moonwatch làm quà sinh nhật cho anh ngày mai. Anh có thể mở
ra coi bây giờ.
Tôi cảm động nhìn Thúy Hằng ngẩn ngơ, không biết nói gì. Hóa ra nàng cố ý không trả lại tiền chợ cho tôi cũng có mục đích.
Từ ngày về chung sống với nhau, thông thường tới sinh nhật của nàng hay
tôi, chúng tôi rất ít khi tổ chức, chỉ rủ vài người bạn đi ăn tối cho
vui tại một nhà hàng nào đó, cũng không nói trước lý do, sợ họ mua quà
tặng thì lại phiền. Chúng tôi chỉ tặng nhau những món quà như sợi dây
chuyền nhỏ, cái vòng cẩm thạch, cái cà vạt, chiếc áo pull-over…, những
món quà chưa bao giờ có giá trị tới 100 Du Ét Đi.
Hai đứa tôi ngồi yên lặng nhìn nhau đến mấy phút, tôi nắm tay nàng kéo
qua ngồi cạnh rồi mới mở chiếc hộp ra. Cầm chiếc đống hồ luxury đẹp và
sang đeo vào tay, thật vừa vặn, vừa như hai cái rổ rách được cặp lại
thật khít khao như rổ mới.
Tụi tôi ở với nhau tới giờ đã được 15 năm. Con gái nàng đã ra trường, đi
làm ở riêng, tụi tôi mỗi đứa một phòng, tối ngủ đóng cửa nên tôi có
ngáy cỡ nào Thúy Hằng cũng chẳng nghe.
Tụi tôi đã dùng chung Ờ Cao, in-côm hai đứa đổ chung vào một mối, không
còn so đo, thắc mắc chia hai, hay chai hia nữa, bởi tôi và nàng đều nhận
thấy tiền bạc lúc về già cũng chẳng còn ý nghĩa gì nhiều, không có đủ
để sống thì cũng khổ nhưng tình cảm quan trọng hơn nhiều.
Tuổi già, người ta cần sự thương yêu, chăm sóc cho nhau đến khi xuôi sáu
tấm nhiều hơn là tiền bạc, nếu không thiếu thốn thì đừng quan tâm đến
nó, cũng đừng nghĩ đến chuyện để dành cho con cái. Chúng nó có đời sống
riêng và cũng không cần đến tiền bạc của cha mẹ để lại.
Do đó tôi mới gọi mối tình của tôi và Thúy Hằng là tình cuối. Nếu một
trong hai người ra đi trước, người còn lại chắc cũng khó mà kiếm được
cái rổ nào có thể cặp lại với mình bởi vì nó đã tả tơi quá cỡ thợ mộc
rồi, khó lòng mà cặp lại được.
Các bệnh viện tư ở Việt Nam đang trên đà ngắc ngoải
Saigon (tin tổng hợp):Hàng loạt những
bệnh viện tư ở Việt Nam đang phải đối mặt với việc phá sản hay phải bán
rẻ cho người khác.
Một loạt những bệnh viện tư như bệnh viện đa khoa Phú Thọ, với 500
giường bệnh đã phải ngưng hoạt động với số nợ lên đến 120 tỷ đồng. Nhiều
bệnh viện khác phải sống khắc khoải vì không có bệnh nhân như bệnh
viện Vũ Anh với số 200 giường theo tiêu chuẩn khách sạn năm sao.
Bệnh viện Hoàn Mỹ nổi tiếng một thời, hiện nay cũng phải chuyển nhượng cho những nhà đầu tư nước ngoài.
Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng với 700 giường và các thiết bị đầu tư hiện
đạo, nhưng chỉ có vài chục bệnh nhân, trong khi bệnh viện công Ung Bướu
Saigon và bệnh viện K ở Hà Nội thì lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam của bệnh viện Minh Anh ở Saigon cho biết số lượng
bệnh nhân đến khám ở các bệnh viện tư chỉ ở mức từ 25 cho đến 30 phần
trăm công xuất, nên việc đầu tư xây cất các bệnh viện đã không có lợi
nhuận.
Theo nhận định của báo chí trong nước thì “
“Hiện nay, bệnh viện tư “chết” nhiều vì thiếu chính sách hỗ trợ. Ví như
một bệnh viện tư muốn xin khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế
(BHYT) cũng không dễ, mệnh giá bảo hiểm người bệnh được hưởng thấp nên
bệnh viện không thể cạnh tranh với bệnh viện công.” Các bệnh nhân
Việt cũng không tin vào khả năng chữa bệnh của các bác sĩ ở các bệnh
viện tư, và thay vào đó là ra nước ngoài chữa bệnh. Bác sĩ Nguyễn
Hoài Nam cũng cho biết là 4 phần 5 những bệnh viện tư nhân ở Việt Nam
hiện đang ở trong tình trạng lỗ hay phải hoạt động cầm chừng.
Joshua
Kurlantzick là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Hội đồng về các Quan
hệ Đối ngoại [the Council on Foreign Relations], một viện nghiên cứu
chính sách tại Mỹ. Trong một bài bình luận trước đây, đã được dịch đăng
lên BauxiteVN, Kurlantzick
tranh luận rằng chiến lược xoay trục hướng về Châu Á của Mỹ có thể đẩy
lùi tiến trình dân chủ hóa trong vùng này. Theo ông, sở dĩ tình hình sẽ
diễn ra như vậy là vì Mỹ cần đến quan hệ đối tác với một số nước độc tài
tại Đông Nam Á trong nỗ lực tái quân bình lực lượng chống lại một Trung
Quốc đang trỗi dậy và có tham vọng bành trướng. Thật ra, việc này không
có gì mới lạ trong chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ. Trong
Chiến tranh lạnh trước đây, chẳng hạn, Mỹ không hề ngần ngại làm đồng
minh với một chuỗi thủ lĩnh độc tài Châu Á, từ Lý Thừa Vãn, Phác Chính
Hy tại Nam Triều Tiên, đến Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan, Ferdinand
Marcos tại Philippines, Suharto tại Indonesia, Ngô Đình Diệm và các ban
lãnh đạo quân nhân (military juntas) tại Việt Nam và tại Thái Lan. Kết
quả tốt đẹp của phần lớn các chế độ độc tài thân Mỹ nói trên là cuối
cùng đất nước họ đã được dân chủ hóa theo mô hình phương Tây. (Dịch
giả.)
Tuần
trước, tiếp theo sau quyết định của Chính quyền Obama bắt đầu bán cho
Việt Nam một số vũ khí sát thương hạn chế, một thay đổi trong chính sách
vốn được áp dụng từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi đã nhìn nhận
trong một bài đăng trên blog rằng chính quyền này đã có một động thái
đúng đắn, bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng -- và ngày càng
tồi tệ của Việt Nam. Các quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng các thương
vụ vũ khí sát thương tiếp theo và các quan hệ gần gũi hơn nữa với Việt
Nam và với quân đội Việt Nam sẽ tùy thuộc vào điều kiện Việt Nam đạt
được tiến bộ trong việc chấp nhận bất đồng chính dưới mọi hình thức.
Thật vậy, theo một bản tin về các thương vụ vũ khí sát thương được đăng
trên New York Times:
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh
rằng việc thay đổi chính sách cấm vận chỉ áp dụng cho lãnh vực hải giám
và các hệ thống “liên hệ đến an ninh” và quả quyết rằng quyết định này
phản ánh những cải thiện khiêm nhượng trong hồ sơ nhân quyền của Việt
Nam.
Tôi thật sự không tin có bất cứ bằng chứng
nào cho thấy Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình trong những
năm gần đây; đấy chỉ là một hư cấu tùy tiện của Bộ Ngoai giao để xoa dịu
những nhà lập pháp trong Quốc Hội Mỹ đang chống lại việc bán vũ khí sát
thương vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội. Thật vậy, bản báo cáo
tình hình nhân quyền hàng năm tại các nước của Bộ Ngoại Mỹ khi nói đến
Việt Nam đã nhận xét rằng không có cải thiện cụ thể nào về nhân quyền
trong năm qua, và đã tóm tắt tình hình nhân quyền tại Việt Nam như sau:
“những vấn đề nhân quyền đáng kể nhất tại nước này vẫn là các hạn chế
gay gắt của chính phủ đối với các quyền chính trị của công dân, đặc biệt
là quyền thay đổi chính phủ của mình; những biện pháp giới hạn các tự
do dân sự của công dân ngày một gia tăng; và nạn tham nhũng trong hệ
thống tòa án và công an.”
Tuy nhiên, mặc dù tôi
nghĩ rằng nói chung Chính quyền Obama đã không đếm xỉa đến việc cổ vũ
dân chủ và nhân quyền trong chiến lược tái hợp tác với Đông Nam Á của
mình, nhưng tôi cũng nghĩ rằng Washington cần phải xây dựng những quan
hệ gần gũi hơn nữa với Việt Nam bất chấp cả hồ sơ nhân quyền của nước
này. Tôi không phải là một người theo chủ nghĩa thực tế, nhưng đây là
một cơ hội mà chính trị thực tiễn [realpolitik] phải giữ thế thượng
phong. Một lý do quan trọng là, việc gia tăng các thương vụ vũ khí sát
thương có thể tạo thế đứng cho phe thân Mỹ trong giới lãnh đạo Việt Nam
có thêm sức mạnh trước phe thân Trung Quốc hơn [the more pro-China
faction] trong giới lãnh đạo này. Một số học giả và quan chức Việt Nam
cho biết rằng phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Việt Nam đã lùi về
phía sau, do cuộc xung đột Việt-Trung ngày càng gia tăng trên các vùng
tranh chấp tại Biển Đông.
Cụ thể hơn nữa, Mỹ
phải xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và phải vận
động cho việc thành lập một liên minh có hiệp ước chính thức với Hà Nội.
Ngoài việc chấm dứt cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Mỹ phải
vận động nhắm tới mở rộng khả năng tiếp cận cho các tàu hải quân Mỹ tại
Vịnh Cam Ranh, mở rộng các chương trình huấn luyện cho sĩ quan cao cấp
Việt Nam và cơ chế hóa cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Việt ở một cấp cao
hơn, đảm bảo rằng bộ trưởng quốc phòng Mỹ và người đồng nhiệm Việt Nam
sẽ tham gia cuộc đối thoại chiến lược hàng năm này.
Hoạt
động nhắm tới một liên minh có hiệp ước với Việt Nam sẽ là một nỗ lực
trung tâm cho việc duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Đông Á, bảo vệ tự do
hàng hải trên Biển Đông, và tìm kiếm các hải cảng mới và các căn cứ hoạt
động tiền phương tương lai cho quân đội Mỹ trong khi các vấn đề chính
trị nội bộ của Nhật Bản và Thái Lan đang đe dọa các quan hệ quân sự của
Mỹ với những quốc gia này. Về phía Việt Nam, các quan hệ gần gũi hơn với
Mỹ sẽ cho phép quân đội Việt Nam nâng cấp trang bị của mình, sẽ đảm bảo
các quan hệ thương mại với Washington, và cung ứng một dạng thức an
ninh để Việt Nam chọi lại một Trung Quốc quyết đoán, một loại an ninh mà
hình như khối ASEAN không bao giờ có thể cung ứng cho Việt Nam.
Chúng
ta hãy từ bỏ luận cứ giả tạo về một hồ sơ nhân quyền đang được cải
thiện tại Việt Nam và hãy gọi mối quan hệ này bằng cái tên đích thực của
nó: một đối tác chiến lược có thể là rất thiết yếu cho lợi ích của cả
hai nước tại Châu Á.
13- Câu chuyện thứ 13: Thứ lý luận xa rời thực tiễn, né tránh thực
tiễn, xuyên tạc thực tiễn là thứ lý luận gì?
(trao đổi đôi điều với tác giả Nhị Lê)
Trên Tạp chí Cộng sản số 862 (8-2014), tác giả Nhị Lê (NL) có một bài viết khá dài về chủ đề Đổi mới lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, qua thực tiễn 30 năm đổi mới.
Anh em chúng tôi dù đã được học qua chương trình Lý luận chính trị cao
cấp, và đều đã có trình độ ĐH và SĐH rồi, nhưng đọc mãi mà vẫn chưa hiểu
hết các ý tứ của ông nêu trong đó, và lại còn nảy sinh rất nhiều băn
khoăn về tính khoa học của bài viết ! Tác giả NL là một cây viết có uy
tín, ở tầm cao, của các báo và tạp chí lý luận chính trị thuộc “lề
phải”, tức là của Đảng. Đi kèm bút danh Nhị Lê, bạn đọc chưa hề thấy ghi
học hàm, học vị gì cả, nhưng xem ra cũng có vẻ ngang ngửa, có thể sánh
với các GS Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Đức Bình... Chả thế mà hiện nay ông
đang được đảm nhiệm chức Phó tổng biên tập của Tạp chí Cộng sản! Chúng
tôi đã được đọc một số bài viết của NL, nhưng không để lại cho chúng tôi
một ấn tượng gì về mặt học thuật cả!
Không có phát kiến mới về mặt tri
thức, cũng không có sáng tạo về mặt phương pháp nghiên cứu. Hầu như tất
cả các bài viết của ông và đồng sự trong chuyên mục Nghiên cứu lý luận
đều chỉ đáng ở dạng minh họa đường lối, chính sách, chứ không có tác
dụng định hướng cho sự phát triển của thực tiễn, vì nó luôn đi sau thực
tiễn. “Văn phong” của ông thường là thiên về lý luận ròng, hơn là mổ xẻ
thực tiễn, thích “tầm chương trích cú”, dựa vào các tác phẩm kinh điển,
các ý kiến của lãnh đạo, nội dung Nghị quyết của Đảng,... hơn là liên hệ
với thực tiễn, thích dài dòng lê thê đến mức rối rắm, trùng lặp, hơn là
súc tích ngắn gọn... Các ông cũng thường dùng thủ pháp “hàn lâm hóa”
nội dung lý luận để trốn sự phù hợp bắt buộc giữa lý luận và thực tiễn.
Các chiêu thức ấy dễ làm cho người đọc thấy khó hiểu hơn, dễ lạc hướng,
mất tỉnh táo, dẫn đến ngộ nhận để chấp nhận theo cùng ý tưởng chủ định
của tác giả. Bọn “thù địch” luôn âm mưu“diễn biến hòa bình” tuy không
ghét ông, vẫn hay đọc bài của ông và bình luận, đều xếp ông và các đồng
sự của ông vào loại “học giả chuyên ăn theo nói leo”, thậm chí có người
còn gọi các ông là “bồi bút”, của chế độ độc Đảng hiện tại!
Sau đây là tóm tắt ý kiến trao đổi của anh em chúng tôi về bài viết nói trên của tác giả NL :
- Theo tôi và nhiều bạn đọc thì có lẽ nội dung chủ yếu của bài viết là tác giả muốn chứng minh cho đượcCon đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay là một sự phát triển biện chứng,
đổi mới nhận thức, do Đảng tìm tòi, sáng tạo. Con đường ấy là hoàn toàn
đúng đắn vì nó phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với
đặc thù Việt Nam, và trên hết là đáp ứng được lợi ích của đất nước, tâm
nguyện của toàn dân. Con đường ấy đang được thực thi có hiệu quả, nhất
là trong gần 30 năm đổi mới, dẫn đất nước ngày càng tiến đến gần mục
tiêu hơn của CNXH (ý của tác giả).
- Nhưng sự
thể hiện của tác giả lại không đáp ứng được yêu cầu trên, càng viết dài
càng lúng túng, càng bộc lộ sự vênh váo giữa lý luận và thực tiễn. Rất
nhiều bất cập trong bài viết đã phản bác lại chính những kết luận mà tác
giả đã rút ra về lý luận, tức là người đọc ngay lập tức thấy chúng
không có giá trị gì đáng để nghiên cứu !
- Trước hết, người đọc không được thấy sự phát triển biện chứng
của thực tiễn đổi mới, để dẫn đến sự phát triển biện chứng của lý luận
về đổi mới. Chỉ thấy tác giả nêu cái kết quả được gọi là phát triển biện
chứng của lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua từng chặng
đường, thể hiện ra ở những thay đổi câu chữ, trong các văn kiện
của các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, xét trên từng bình diện: mục tiêu tổng
quát, mô hình đặc trưng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... (Ví
dụ: từ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thành
Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; từ Hành chính tập
trung thành Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; từ Cơ chế kinh tế tập
trung, quan liêu, bao cấp, khép kín,... sang Nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN, hội nhập quốc tế,...).
- Mà điều
quan trọng nhất để chứng minh sự phát triển biện chứng lại không thấy
xuất hiện, đó là: không thấy tác giả chỉ ra những quy luật khách quan nào
đã thúc đẩy sự phát triển biện chứng đó của thực tiễn kinh tế - xã hội,
đã khiến Đảng phải đổi mới về lý luận tương ứng? Không chỉ ra được quy
luật thì hoạt động thực tiễn chỉ là mò mẫm, sự phát triển của thực tiễn
nếu có được chỉ là ngẫu nhiên, ăn may, chứ không thể gọi là phát triển
biện chứng, và lý luận tương ứng rút ra chỉ là sản phẩm của duy ý chí !
-
Tác giả đã nêu lên nét khái quát nhất về sự phát triển biện chứng của
Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, trước hết là sự nâng cấp của “3 cái
định”: từ định hướng nâng lên định tính và bây giờ đã đến định hình.
Người đọc không thấy có gì mới trong ý kiến này cả, vì với bất kỳ sự
phát triển của sự vật hiện tượng nào trong thực tiễn mà chả như vậy !
-
Ý kiến của tôi ở điểm này có hơi khác : không phải từ sự đổi mới nhận
thức về CNXH mà Đảng đã có sự điều chỉnh, bổ sung đường lối và các chính
sách, như tác giả lý giải, mà là chính các thất bại liên tiếp trong
thực tiễn do làm sai quy luật đã buộc Đảng phải sửa sai. Những thay đổi
câu chữ trong các văn kiện như đã nêu ở trên chính là dấu tích của sự
sửa sai đó. Đây là một việc làm hoàn toàn bị động, luôn đi sau thực tiễn
!
- Chúng ta đọc kỹ lại thì thấy tác giả cũng đã chỉ ra những cái gọi là phát triển biện chứng của Con đường đi lên CNXH, như phủ định biện chứng, bỏ qua biện chứng, rút ngắn biện chứng...
Những khái niệm này chỉ được giải thích sơ lược như: phủ định những cái
phản tiến bộ của chủ nghĩa tư bản (CNTB), bỏ qua những cái lạc hậu của
CNTB, không cần thiết cho CNXH, rút ngắn những bước đi quá dài mà xưa
kia CNTB đã phải trải qua hàng trăm năm... Thật ra những khái niệm này
ai cũng biết, nếu được học qua chương trình Triết học cao cấp hay trung
cấp. Điều quan trọng là phải chỉ ra được những thể nghiệm ấy trong thực
tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam, thì tác giả lại không đáp ứng! Do vậy mà
khi đọc đến đây, người đọc đã ngay lập tức phải tự liên hệ đến những
điều tai nghe mắt thấy trong cái hiện thực được gọi là CNXH, thì đều
toàn thấy một màu xám xịt u tối, từ kinh tế cho đến chính trị, rồi văn
hóa, xã hội,... Tất cả đều là những cái rác rưởi, thậm chí là phản động,
của cái CNTB hoang dã, mông muội, man rợ thời khởi đầu, mà ngay các xã
hội TBCN sau đó đã phải vứt bỏ, và xã hội TBCN hiện đại cũng đã và đang
tìm cách điều chỉnh mạnh mẽ, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu
cực, phản tiến bộ.
- Tôi có chú ý tới ý kiến của
tác giả nói về cái lô gích phủ định biện chứng. Tác giả lý giải sự phủ
định biện chứng của Đảng ta khi tìm tòi Con đường đi lên CNXH là rất
sáng tạo, không phải là phủ định sạch trơn đối với những thành tựu của
CNTB. Trước sau, dù ở giai đoạn lịch sử nào, Đảng ta cũng chỉ kiên quyết
phủ định, kiên quyết bỏ qua cái chế độ chính trị TBCN.
Chỉ vậy thôi, còn tất cả đều tiếp nhận để sử dụng cho CNXH, nhưng phải
phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Quả là người đọc không hiểu tác giả
định nói gì ở đây? Cái chế độ chính trị TBCN mà Đảng ta kiên quyết phủ
định là cái gì thì không thấy tác giả lý giải! Mỗi người hiểu một cách,
tôi thì đoán là tác giả muốn nói đến: sự đa nguyên chính trị, không đi
theo con đường XHCN, không có sự lãnh đạo của ĐCS ? Tôi cho đó là một
nhận thức mơ hồ, không biện chứng, và rất cũ rồi! Một nền KT thị trường,
tức là đa thành phần KT, đa sở hữu KT... thì nhất thiết phải tương
thích với một nền chính trị đa nguyên, một nhà nước pháp quyền, một xã
hội dân sự. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều quốc gia có đi theo
con đường XHCN và có ĐCS lãnh đạo đâu mà họ vẫn phát triển ngoạn mục,
vẫn là các quốc gia giàu có, dân chủ, tiên tiến, mà chính Việt Nam đang
phải chạy theo để học tập. Trên thế giới hiện nay có quốc gia nào mà
chính trị một đàng và KT một nẻo (tức đổi mới KT nhưng không chịu đổi
mới chính trị) lại ổn định thật sự và phát triển bền vững được đâu, nên
phải (nếu không) áp đặt bạo lực ?
- Trong bài viết, tác giả đã nhấn mạnh nhiều lần đến sự đổi mới về mô hình
của xã hội XHCN, đi từ sự xác định 6 đặc trưng (năm 1991) thành 8 đặc
trưng (năm 2006)*. Có lẽ tác giả cho đây là kết quả sáng tạo tổng hợp
của những phát triển biện chứng đã nêu ở trên. Tác giả cũng đã nói nhiều
về những nét đặc thù của Việt Nam để cốt làm bật lên cái sự sáng tạo
của Đảng trong sự xác định này. Nhưng tôi và nhiều bạn đọc lại thấy Cái
mới đó là bước thụt lùi so với cái cũ (6 đặc trưng), vì nó vi phạm tính
lô gích, gây nhiễu cho tư duy khi vận dụng (trùng lặp, thừa, mâu
thuẫn).Và điều quan trọng hơn là tính mục đích của việc xác định các đặc
trưng này vẫn bị treo lơ lửng. Khi đã có các đặc trưng đó thì người ta
phải làm theo chúng để cho hình hài, vóc dáng của CNXH ngày càng rõ hơn,
mục tiêu của CNXH ngày càng đến gần hơn. Và cũng phải dựa vào các đặc
trưng đó để sự đánh giá về thành tựu xây dựng CNXH được cụ thể và chuẩn
xác hơn, mọi người dân đều có thể vận dụng. Cả hai mục đích này không
thấy tác giả vận dụng để xem thực tiễn CNXH ở nước ta đã chuyển biến như
thế nào, hiện đang ở trình độ nào sau gần 30 năm đổi mới? Thực tiễn đang hiện hữu sờ sờ ra đấy, ai mà chẳng thấy, thế mà tác giả lại né tránh, lại xuyên tạc.
Đáng nhẽ sự thể hiện các đặc trưng trên phải càng ngày càng rõ hơn,
nhưng thực tế đều ngược lại! Tất cả các đặc trưng đều ngày càng lu mờ,
thậm chí có biểu hiện trái ngược!
- Đành rằng
nước ta đang quá độ đi lên CNXH, như tác giả vẫn nói, cho nên các nhân
tố XHCN và các nhân tố phi XHCN (tức TBCN) vẫn luôn đan xen nhau. Và
theo lô gích của sự phát triển biện chứng thì điều tất yếu phải đến là:
những nhân tố XHCN phải ngày càng đậm đặc hơn và chiếm vai trò chủ đạo.
Thế nhưng hiện thực xây dựng XHCN ở nước ta thì đang phát triển ngược
lại: những nhân tố phi XHCN (tức TBCN) lại ngày càng dày đặc và áp đảo
đối với các nhân tố XHCN ngày càng thưa thớt và yếu thế. Nói cách khác
nghĩa là các đặc trưng của xã hội XHCN mà Đảng nêu ra ngày càng lu mờ
đi, và luôn xuất hiện những biểu hiện trái ngược. Và đánh giá một cách
khách quan thì phải thẳng thắn mà nói : thực trạng xã hội ta hiện nay về
thực chất là một xã hội TBCN đích thực, mà là ở trình độ rất thấp, xã
hội TBCN hoang dã !
- Những lý giải của tác giả
về sự phát triển biện chứng của con đường đi lên CNXH thể hiện ra ở các
nấc thang đổi mới lý luận, như đã được nêu trong bài viết, thực sự là không thuyết phục,
vì chính thực tiễn lại không ủng hộ ông, nó lại biến đổi hoàn toàn trái
ngược! Thử nhìn lại xem, nền kinh tế hiện nay về thực chất là nền kinh
tế gì, tính chất XHCN ở chỗ nào, đã có cơ chế kinh tế thị trường đích
thực và lành mạnh chưa, sự tăng trưởng kinh tế là thật hay giả, có đi
theo hướng phát triển bền vững không, theo mục tiêu vì lợi nhuận cho
thiểu số người giàu hay vì Con Người, vì hạnh phúc của nhân dân ?...Thử
nhìn lại xem, nền chính trị hiện nay là nền chính trị kiểu gì, đâu có
phải là cộng hòa, dân đâu có được làm chủ, làm gì có Nhà nước pháp quyền
XHCN của dân, do dân, vì dân?... Thử nhìn lại xem, cái mục tiêu tổng
quát “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh” đang
ngày càng đến gần hay đang còn xa lắc, như chính Tổng bí thư vẫn còn
chưa lường được đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã có !?... Vậy nên đã có ý
kiến phán rằng: một công việc, một sự nghiệp mà thời gian để đi tới
đích là một ẩn số, thậm chí là vô hạn, thì sự nghiệpấy, công việc ấy
hoàn toàn vô nghĩa đối với con người! Không ai dại gì mà theo đuổi, dù
chỉ một phần việc, chứ chưa nói là theo đuổi đến cùng, trừ khi người đó
bị bệnh tâm thần ! Không có quốc gia nào cần đến loại sự nghiệp ấy, công
việc ấy!
- Đúng là một thực trạng rất đáng xấu
hổ của thực tiễn Con đường đi lên CNXH, kéo theo đó là một nguy cơ rất
đáng lo cho vận mệnh đất nước. Thế mà tác giả vẫn hùng hồn kêu to lên
rằng chúng ta ngày càng nhìn thấy rõ hình hài, vóc dáng của CNXH, con đường đi lên CNXH ngày càng rõ nét dẫn đến gần mục tiêu hơn,
thông qua hàng loạt quá trình phủ định biện chứng...! Chắc là tác giả
không coi bạn đọc là “cái thá gì” cả, không còn biết sợ ai, kể cả bề
trên, nên mới dám mạnh mồm “nói lấy được” như vậy! Xin hỏi tác giả: Thứ
lý luận mà ông đang tạo ra, bất chấp thực tiễn, lảng tránh thực tiễn, đi
ngược lại sự phát triển của thực tiễn... là thứ lý luận gì? Nó có cần
cho sự phát triển đích thực không, hay chỉ để lòe bịp, để lừa dối nhân
dân?...Vai trò của lý luận trong quá trình phát triển đất nước chả nhẽ
chỉ là chạy theo để minh họa cho thực tiễn sai lầm hay sao? Chức năng
phản biện, định hướng thực tiễn của lý luận là ở chỗ nào ?
-
Khi đọc các bài viết của tác giả NL và các học giả của Đảng, tôi vẫn cứ
nghi ngờ cái điều khẳng định như "đinh đóng cột" của các vị: xu thế
phát triển tất yếu của thời đại ngày nay là quá độ từ CNTB lên CNXH, hay
nói cụ thể hơn là mọi quốc gia sớm hay muộn đều phải đi đến CNXH! Có
thật như vậy không, có phải đó là quy luật phổ biến và vĩnh hằng không?
Sự chứng minh của các vị về mặt lý luận là rất yếu ớt, không có luận cứ
khoa học chuẩn xác, không có sức thuyết phục. Còn về mặt thực tiễn thì
đã hoàn toàn chống lại các vị từ lâu rồi! Trong bối cảnh ấy, tôi thấy
không cần và không nên đặt thành vấn đề đấu tranh ý thức hệ như ngày
trước nữa đâu. Vấn đề quan trọng hơn mà cả thế giới đang quan tâm là :
xác định cho được một mô hình phát triển chuẩn, tiến bộ, khả thi, theo
tiêu chí của sự phát triển bền vững (PTBV) mà Liên hiệp
quốc đã đề xướng năm 1992 (trong chương trình nghị sự toàn cầu cho thế
kỷ XXI). Theo tinh thần đó, rất nhiều quốc gia đã và đang làm theo LHQ,
và chính các quốc gia XHCN (CS) cũng đã hưởng ứng và đang cố đồng hành
với thế giới, mà chưa chắc đã theo kịp. Mô hình PTBV của LHQ đã được
chính báo chí Việt Nam giới thiệu rộng rãi (Tạp chí Cộng sản đã dành hẳn
một kỳ để đăng tải các bài viết quan trọng này).
Tôi đã đọc những tiêu
chí của mô hình PTBV của LHQ, và đối chiếu với các đặc trưng của mô hình
xã hội XHCN mà Đảng ta nêu ra thì thấy về cơ bản là tương đồng, không
có sự đối nghịch. Mô hình PTBV của LHQ xác định 3 trụ cột là: BV về KT (nhanh, an toàn, chất lượng), BV về XH (công bằng XH, phát triển Con Người), và BV về sinh thái, môi trường (khai thác và sử dụng hợp lý, bảo vệ và cải thiện). Trong đó đáng chú ý nhất là ở mục tiêu cao nhất: Vì Con Người !
(bạn đọc có thể tham khảo lại từ bài viết "Nói thật cho nhau nghe" - kỳ
1, trong câu chuyện thứ 5). Mà LHQ thì đâu có phải là Quốc tế Cộng sản,
họ đâu có phải đi theo ý thức hệ và lý luận CS của mấy ông XHCN,...! Lý
luận của LHQ chính là sự khái quát xu thế phát triển tất yếu chung của
thế giới ngày nay, trên cơ sở các luận cứ khoa học rất khách quan, và
phản ánh đúng nguyện vọng chung của nhân loại ngày nay, chứ đâu có còn
phân biệt XHCN hay TBCN nữa. Xu thế phát triển tất yếu của thế giới ngày
nay là phải phát triển bền vững, với khẩu hiệu: "Phát triển bền vững hay là chết ?".
Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đâu có chọn và đâu có cần cái xã
hội XHCN như các vị đang nặn ra, nhưng các vị lại nói một đàng mà làm
một nẻo! Trước hết, chúng ta đang rất cần có tự do, dân chủ, công bằng thật sự, đúng như tuyên ngôn của Đảng về mục tiêu tổng quát của Đổi mới ! Chúng ta đang cần một sự phát triển bền vững, cho cả trước mắt và lâu dài !
-
Đã đến lúc phải từ bỏ dần những lý thuyết giáo điều, bảo thủ về CNXH,
về đấu tranh giai cấp, về vai trò lãnh đạo của ĐCS,... để chuyển sang
nghiên cúu và phát triển lý luận về sự PTBV. Các nhà lý luận Việt Nam
hãy đi tiên phong trong nhiệm vụ này thì chắc là có lợi cho đất nước
hơn, có lợi cho nhân loại hơn đấy! Nhưng dù theo đuổi mảng lý luận nào
(hoặc cả hai) thì điều quan trọng cần nhớ là phải biết kết hợp lý luận
với thực tiễn, không được trốn thực tiễn, và càng không được xuyên tạc
thực tiễn, như nhiều bài viết đã bàn ở trên! Bởi mục đích của lý luận là cải biến thực tiễn, và ngược lại thì thực tiễn lại luôn là tiêu chuẩn của chân lý. Những thứ lý luận xa rời thực tiễn đều vô duyên và vô bổ, thậm chí có hại cho sự phát triển, không ai cần đến chúng cả!
Chúng
tôi chân thành gửi những ý kiến bàn thảo nói trên tới tác giả NL, và
mong ông (và các đồng sự) nghiên cứu để cải tiến các bài viết sau này
sao cho có ích thật sự cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi cũng
rất mong bạn đọc hãy nhiệt tình tham gia trao đổi những nội dung trên để
có thể đóng góp thêm nhiều tiếng nói phản biện tâm huyết hơn cho sự
phát triển của đất nước
Tháng 10 năm 2014
M.T
Tác giả gửiBVN
* Về 8 đặc trưng của xã hội XHCN mà ĐCSVN đã nêu ra từ 2006, và được khẳng định lại trong Đại hội XI - 2011 :
- Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Do nhân dân làm chủ.
- Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.
- Có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
- Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có sức khỏe, phát triển toàn diện.
- Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
- Có nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân thế giới.
Tám người được cho là đã thiệt mạng
trong một vụ xung đột giữa các công nhân xây dựng và người dân ở tỉnh
Vân Nam thuộc Tây Nam Trung Quốc, chính quyền và truyền thông nước này
thông báo hôm thứ Tư ngày 15/10.
Chính quyền huyện Tấn Ninh nằm cách Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam
không xa, thông báo trên tài khoản mạng xã hội chính thức của họ rằng
đã xảy ra đánh nhau giữa các công nhân đang xây dựng một trung tâm
thương mại và hậu cần và người dân địa phương.
‘Chính quyền cướp đất’
Hình ảnh trên mạng xã hội Weibo cho thấy các thi thể nằm trên đường
và các công nhân xây dựng bị trói cùng với đông đảo cảnh sát chống bạo
động. Tuy nhiên, những hình ảnh này không thể được kiểm chứng độc
lập.
Chính quyền nói rằng cảnh sát sẽ tiến hành điều tra một cách ‘đúng
luật, khách quan và công bằng’ và sẽ trừng phạt những kẻ phạm pháp.
Tờ tạp chí Tài Tân cho biết hồi tháng Sáu cũng xảy ra va chạm. Khi đó
người dân đã tố cáo chính quyền ‘cướp đất của họ’ để làm dự án.
Tạp chí này cho biết một số dân làng đã nói với họ rằng có những
người ‘mặc đồng phục đen’, một số người đeo tấm chắn có huy hiệu công
an đã ‘tấn công’ họ và họ đã đánh trả.
Tranh chấp đất đai là một trong những nguyên nhân chính của hàng
chục ngàn cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc mỗi năm. Đa số đều không
được truyền thông Trung Quốc đưa tin mặc dù trong một số trường hợp
như cuộc nổi dậy của nông dân ở làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, hồi năm
2011 đã thu hút sự chú ý của quốc tế và khiến chính quyền Bắc Kinh hứa
hẹn hành động.
Cuộc bạo loạn ở Vân Nam diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc
sắp họp hội nghị trung ương 4 với các chủ đề chính như nền pháp trị để
chống lại tình trạng bất ổn mà Đảng đang rất sợ.
Tại tỉnh Quý Châu sát với Vân Nam hôm 13/10 cũng xảy ra các vụ đụng
độ của hàng nghìn dân với lực lượng công an tại huyện Tam Tuệ, làm
hai người chết, theo tờ Minh Báo ở Hong Kong.
Lý do cuộc biểu tình được cho là do một quyết định của tỉnh ngưng không nâng cấp thị trấn Tam Tuệ lên thành thành phố.
Hàng nghìn người đã tụ tập ngoài trường tiểu học địa phương ủng hộ
học sinh bãi khóa sau khi ban giám hiệu cấm học sinh nghỉ học.
Sau hai ngày diễn biến vụ việc trở nên nghiêm trọng khiến 1.000 cảnh
sát cơ động Trung Quốc có hỗ trợ của trực thăng vào cuộc.
Nguồn tin từ Hong Kong cũng nói có sau vụ ẩu đả làm nhiều người bị
thương và hai bên công an và người biểu tình đã đánh nhau giành xác hai
học sinh bị chết.
Hình ảnh cảnh sát Hồng Kông tấn công sinh viên biểu tình ngày 15 tháng 10 năm 2014.
AFP PHOTO / ALEX OGLE
Cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên học sinh Hồng Kông đã bước
sang một bước ngoặc mới khi cảnh sát tiến hành các cuộc đàn áp bằng sức
mạnh bất kể người biểu tình vẫn kiên cường không tỏ thái độ chống lại
hay bỏ cuộc. Liệu sức chịu đựng của họ kéo dài được bao lâu và thử thách
này phải nên chấp nhận trong thái độ nào?
Gây khó khăn cho chính quyền?
Bất bạo động là cụm từ đang được các nhà tranh đấu cho dân chủ chú ý
nếu muốn áp dụng nó vào hoàn cảnh của một tập thể yếu sức chống lại với
một chính quyền trang bị tận răng. Một đám đông sử dụng chiến thuật bất
bạo động dễ gây khó khăn cho chính quyền hơn là bắt đầu sự chống đối
bằng hành vi bạo lực.
Khi họ gặp tình huống những người phản đối
biểu tình gây hấn trong đám đông thì mọi người có hình thức rất ôn hòa
là hát những bài hát như bài Happy Birth Day để phát hiện và mời người
đó ra khỏi đám đông.
-Nguyễn Thị Phương Uyên
Khó khăn mà bất cứ nhà độc tài nào cũng gặp là sự chùn bước trước sự
im lặng dữ dội của đám đông. Vũ khí sẽ tỏ ra bất lợi khi dùng nó đối phó
với quần chúng bất kể mục đích của họ là gì. Trong nhiều trường hợp,
chính phủ sẽ kéo dài sự im lặng hay phản ứng rất nhẹ nhàng chờ đợi sự
mỏi mệt và phân hóa ngay trong nội bộ của đầu não tổ chức ấy. Trường hợp
của “cách mạng cây dù” đã diễn ra theo kịch bản này và phần tiếp theo
mới là sự đối mặt gay gắt của cả hai phía.
Phía nhà nước Hong Kong nếu im lặng kéo dài sẽ kéo theo sự suy sụp
kinh tế và thị trường tài chánh vốn là nguồn lợi chính thức của đảo
quốc. Phía Bắc Kinh nếu người biểu tình tiếp tục chiếm lĩnh khu Trung
Hoàn thêm vài tuần nữa thì người dân đại lục sẽ lấy đó làm niềm hứng
khởi cho các cuộc biều tình chống chính phủ như các vụ biểu tình mới
nhất tại Vân Nam. Sự chờ đợi sinh viên Hong Kong mỏi mệt đã tỏ ra thất
bại và giải pháp đàn áp đã được mang ra áp dụng.
Về phía sinh viên, bắt đầu từ tối 26 tháng 9 tới nay đã gần ba tuần
lễ dù sao thì họ cần phải luân chuyển nhau nếu muốn giữ lửa mặc dù vẫn
đoàn kết và giữ vững lập trường bất bạo động nhưng trong nhiều trường
hợp sự mỏi mệt đã lộ ra và lập tức chính quyền Hong Kong áp dụng ngay
biện pháp phủ đầu bằng cách thẳng tay đàn áp, đánh đập thậm chí tấn công
không khoan nhượng.
46 người bị bắt, hàng trăm căn lều bị xé rách, mọi chướng ngại đều bị
giải tỏa và nhất là đã có máu đổ. Xét về bề ngoài thì sự đàn áp chưa
đến nỗi thô bạo nếu so với các cuộc cách mạng khác tại Trung Đông hay
Bắc Phi tuy nhiên đối với Hong Kong, xứ sở có truyền thống dân chủ từ
hơn trăm năm qua thì việc cảnh sát đánh đập sinh viên, học sinh là hành
động khó tha thứ.
Bỏ cuộc hay chống lại?
Cảnh sát Hồng Kông bắt người biểu tình hôm 15 tháng 10 năm 2014. AFP PHOTO / Philippe Lopez.
Sinh viên phải lựa chọn quyết định ngay vào lúc này nếu không muốn
phong trào tan biến vào quên lãng. Câu hỏi đặt ra họ là có cần thiết
phải giữ chủ trương bất bạo hay không và nếu giữ thì sự chịu đựng được
bao lâu. Câu hỏi này là cũng là mối quan tâm của chính quyền đang chăm
chú nhìn vào động thái của họ để điều chỉnh cách đối phó.
Nếu sinh viên tiếp tục chịu đựng những đòn tấn công bạo lực của cảnh
sát họ sẽ thu được cảm tình của thế giới, sẽ được các nước lớn quan tâm
và chính người dân bản xứ cũng sẽ có phản ứng trước việc con em họ bị
đánh đập, đàn áp.
Tuy nhiên sức người có hạn, những thân hình mảnh dẻ còn ngồi trong
ghế nhà trường ấy không phải sinh ra để bị đánh đập. Môi trường sống
được bảo vệ từ nhỏ dễ làm họ bị tổn thương hơn khi đụng chạm với bạo lực
nhất là bạo lực đến từ người cộng sản. Khi thân thể bị chấn thương cũng
chính là lúc dễ bỏ cuộc nhất vì vậy một lần nữa câu hỏi lại đặt ra: bỏ
cuộc hay phản ứng lại bằng biện pháp bạo động?
Hong Kong nhờ vào sự trưởng thành của người trẻ, sự ủng hộ phía sau
của trí thức và những đồng tình nhất định từ cha mẹ khiến sinh viên cảm
thấy tự tin hơn trong khi thực hiện quyền dân chủ mình. Đối với Việt Nam
tình trạng biểu tình lớn và đồng bộ như Hong Kong chưa có cơ hội xảy ra
và kinh nghiệm này thật có ích cho các phong trào đòi dân chủ trong
nước.
Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên, một khuôn mặt tranh đấu từng bị
cầm tù đến hôm nay vẫn bị quản chế cho biết suy nghĩ của cô về câu hỏi
này:
Họ ý thức được rằng cuộc đấu tranh này
không phải chỉ kéo dài một ngày hay một tuần mà nó là cuộc đấu tranh rất
lâu dài và họ biết rất rõ những gì có thể xảy ra, những gì có thể gặp
phải.
-Nguyễn Hoàng Thanh Tâm
“Uyên rất đồng ý về cách đối phó của người biểu tình ở Hong Kong.
Khi họ gặp tình huống những người phản đối biểu tình gây hấn trong đám
đông thì mọi người có hình thức rất ôn hòa là hát những bài hát như bài
Happy Birth Day để phát hiện và mời người đó ra khỏi đám đông. Những
cách này rất là thông minh không gây sự tranh cãi. Một điều quan trọng
nữa là các cuộc biểu tình luôn luôn bị đối lập cài người vào để biến
những cuộc biểu tình ôn hòa thành biểu tình bạo động vì vậy cách này đối
với Uyên thì khá tốt rồi.
Khi “cuộc cách mạng dù” xảy ra thì Uyên nhận được rất nhiều tin
nhắn của các bạn trên Facebook cũng như qua e-mail có tâm sự với Uyên là
mong muốn Việt Nam có một cuộc biểu tình như Hong Kong bây giờ. Tuy
nhiên lịch sử của mình thì nó khác rất nhiều so với Hong Kong vì thế
công cuộc đấu tranh của mình sẽ lâu hơn. Sự mong chờ thì cũng đúng nhưng
hành động thì vẫn thiết thực hơn.”
Anh Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, một người trẻ khác đang sống tại Úc vừa
có chuyến đi thực tế ngay tại Hong Kong trong những ngày vừa qua cho
biết nhận xét của mình về sức trẻ và suy tư của thanh niên trong nước:
“Đối với môi trường Việt Nam và những diễn tiến đang xảy ra trong
những năm gần đây nó cho phép chúng ta có niềm hy vọng rằng trong một
tương lai gần khi sự việc xảy ra thì những người trẻ Việt Nam đeo đuổi
cuộc đấu tranh bất bạo động sẽ có những hành xử tương tự với các bạn trẻ
tại Hong Kong. Một khi giới trẻ Việt Nam quán triệt được tinh thần đó,
hiểu rõ được mục tiêu là chúng ta đang đấu tranh cho cái gì và công cụ,
đường hướng mà chúng ta đấu tranh trong tinh thần bất bạo động với chế
độ thì tôi tin chắc tuổi trẻ Việt Nam sẽ có cách đối phó tương tự.”
Câu hỏi được đặt ra: tiếp tục im lặng chịu đựng có phải là một thái độ hợp lý hay không? Anh Tâm cho biết:
“Nó rất là hợp lý bởi vì đứng trước sự bạo động của giới cầm quyền
mà đoàn biểu tình đáp trả lại bằng hành động bạo động thì mình đã xử
dụng sở đoản của mình để đối phó với sở trường của chính quyền thành ra
anh em ở Hong Kong đã quán triệt được tinh thần đó một cách triệt để và
rõ ràng. Họ ý thức được rằng cuộc đấu tranh này không phải chỉ kéo dài
một ngày hay một tuần mà nó là cuộc đấu tranh rất lâu dài và họ biết rất
rõ những gì có thể xảy ra, những gì có thể gặp phải.”
Khó khăn của Hong Kong sẽ là kinh nghiệm của Việt Nam sau này vì xu
thế thời cuộc không cho phép bất cứ cuộc biểu tình bạo động nào xảy ra
nếu muốn tránh đổ máu cho người vô tội. Kết quả của Hong Kong cũng là
phép thử cho biện pháp bất bạo động mà rất nhiều tổ chức chính trị đang
theo đuổi trong xu thế toàn cầu hiện nay.
Một phụ nữ làm việc tại một xưởng may nhỏ ở Hà Nội vào ngày 02 tháng 5 năm 2013.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Dệt may Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu giá rẻ của Trung
Quốc, vấn đề đa dạng hóa nguồn cung cấp trở nên khẩn thiết sau biến cố
giàn khoan Hải Dương 981. Hiện nay Ấn Độ nổi lên như một chọn lựa mới
cùng lúc Hà Nội mở rộng quan hệ với New Delhi một cách đáng chú ý.
Lựa chọn thứ hai?
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam hiện đứng hàng thứ 5
trên thế giới, trị giá xuất khẩu năm 2013 khoảng 20 tỷ USD. Tuy vậy
trong cùng năm các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 14 tỷ USD nguyên
liệu dệt may đầu vào như vải, sợi, bông, xơ và phụ liệu. Điều quan trọng
là phần lớn nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may có xuất xứ Trung
Quốc, đặc biệt các loại vải chiếm tỷ trọng 50%. Có thể nói ngoại trừ
bông được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và một vài nước khác, về xơ sợi
Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Đài Loan và Trung Quốc, một
phần nhỏ từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính
phủ, Việt Nam cần giảm dần tình trạng phụ thuộc nguyên liệu sản xuất
dệt may từ một số quá ít thị trường cung cấp.
Sản phẩm của Ấn Độ có phần hơi kém cạnh
tranh hơn, thứ nhất về giá của Ấn Độ có phần cao hơn. Thứ hai mặt hàng
của Ấn Độ không phong phú bằng Trung Quốc.
-Ông Diệp Thành Kiệt
“Lâu nay hàng dệt của Việt Nam nhập chủ yếu từ Trung Quốc, kể cả
có một số trường hợp Việt Nam nhập sợi, nhập xơ từ Mỹ nhưng rồi lại đưa
sang Trung Quốc để kéo sợi để dệt vải. Việt Nam vào giai đoạn này rất
cần tự mình phát triển ngành dệt của mình và có thể tìm kiếm những con
đường hợp tác với các đối tác khác nữa chứ không nhất thiết chỉ có Trung
Quốc… ”
Báo chí Ấn Độ giật tít Việt Nam mong muốn Ấn Độ giúp đỡ để giảm lệ
thuộc Trung Quốc. Tờ New Indian Express ngày 11/10/ 2014 mô tả chuyến
viếng thăm Ấn Độ dự kiến vào cuối tháng 10/2014 của Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Tấn Dũng chú trọng thiết lập mối liên kết với Ấn Độ, cũng như với
nguồn cung cấp nguyên liệu dệt may và giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Được biết Ấn Độ là nhà sản xuất dệt may lớn trên thế giới, Ấn Độ có
thế mạnh về bông sợi và dệt, cung ứng cho thế giới trên 25% mặt hàng vải
cotton và nguyên phụ liệu. Tuy vậy đối với thị trường Việt Nam khát
nguyên liệu dệt may nhưng Ấn Độ lại mới chỉ cung cấp khoảng 3% nguyên
liệu đầu vào cho Việt Nam.
Công nhân ngành dệt may Việt Nam, ảnh minh họa chụp trước đây.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM,
ngành dệt Ấn Độ đã thâm nhập ngành dệt may Việt Nam từ khoảng 10 năm nay
rồi, hàng năm họ đều tổ chức những đoàn doanh nhân Ấn Độ qua Việt Nam
giới thiệu nguyên liệu dệt may nhưng sự tiêu thụ không đáng kể. Ông Diệp
Thành Kiệt phát biểu:
“Sản phẩm của Ấn Độ có phần hơi kém cạnh tranh hơn, thứ nhất về
giá của Ấn Độ có phần cao hơn. Thứ hai mặt hàng của Ấn Độ không phong
phú bằng Trung Quốc và điểm thứ ba là nó có bất tiện trong xuất khẩu,
chúng tôi cũng có một số kinh nghiệm về vấn đề này. Nếu xét ở thủ tục
bình thường, hàng cùng xuống cảng một lượt thì rõ ràng hàng từ Trung
Quốc như Quảng Châu, Thượng Hải về Việt Nam nhanh hơn từ Ấn Độ. Ngoài ra
thủ tục hải quan của Ấn Độ thì thường chậm hơn so với Trung Quốc. Đó là
những nhược điểm trước đây so sánh vải Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên
trong bối cảnh hiện nay khi mà sự lệ thuộc ngành vải Việt Nam vào Trung
Quốc nhiều quá thì đây là lựa chọn thứ hai. Trong thời gian vừa qua phía
Ấn Độ cũng có cải tiến về chủng loại hàng.”
Cần nghiên cứu hàng hóa Ấn Độ
Trong bối cảnh như thế ông Diệp Thành Kiệt vừa với tư cách Hiệp hội
vừa là chủ nhân doanh nghiệp vẫn muốn tìm cách tháo gỡ những khó khăn để
đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu dệt may, đặc biệt từ Ấn Độ. Theo
lời ông Kiệt, để làm được với Ấn Độ, phía doanh nghiệp cần có nghiên
cứu những mặt hàng mà Ấn Độ có ưu thế. Ở Ấn Độ có những mặt hàng Trung
Quốc không làm được, thí dụ mặt hàng vải len, Ấn Độ có vùng chăn nuôi
cừu và dê cashmere rất lớn ở miền Bắc, họ dệt được các loại vải pha len
chất lượng rất tốt và tất nhiên giá cũng rất cao. Ông Diệp Thành Kiệt
nhấn mạnh:
Làm sao các doanh nghiệp Việt Nam có được
thông tin về những nhà sản xuất vải ở Thái Lan, Indonesia, kể cả ở Ấn Độ
để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm sự lựa chọn tốt hơn.
-Ông Diệp Thành Kiệt
“Nếu doanh nghiệp nào sản xuất từ nguyên liệu này hoặc điều chỉnh
để sản xuất thì tôi nghĩ đó là lợi thế. Hiện nay một số doanh nghiệp
Việt Nam đã nhập một số mặt hàng vải mà Trung Quốc không sản xuất được.
Tôi nghĩ đó là cách chúng ta tận dụng được lợi thế mà Ấn Độ có sẵn đồng
thời nâng được sản phẩm lên, bởi vì Ấn Độ không cạnh tranh nổi với Trung
Quốc trong những dòng sản phẩm cấp thấp như vải thường, cotton
polyester, cotton tissue… Nhưng đối với những loại vải may áo veston cái
đó có thể là nguồn vật tư hiếm có Trung Quốc không cạnh tranh được với
Ấn Độ. Nhưng để làm được chuyện này phải có nhiều thông tin để so sánh
không chỉ với Trung Quốc mà cả với những nước khác, để từ đó khai thác
được thế mạnh của Ấn Độ.”
Ông Diệp Thành Kiệt trình bày một số giải pháp từng bước để ngành dệt
may bớt lệ thuộc một thị trường cung cấp nguyên liệu duy nhất. Ông nói:
“Chúng tôi có trách nhiệm để làm sao các doanh nghiệp Việt Nam có
được thông tin về những nhà sản xuất vải ở Thái Lan, Indonesia, kể cả ở
Ấn Độ để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm sự lựa chọn tốt hơn để có
thể chủ động bớt dần sự lệ thuộc vào một nguồn duy nhất là Trung Quốc.
Đấy là giải pháp thứ nhất, giải pháp trong ngắn hạn. Giải pháp thứ hai
trong dài hạn, hiện nay Chính phủ và Vinatex Hội dệt may Việt Nam cũng
đang có những giải pháp tích cực đầu tư vào một số mặt hàng mà chúng ta
thường có nhu cầu sử dụng để xuất khẩu như vải cotton hoặc phải
polyester-cotton hoặc vải dệt kim.”
Theo lời ông Diệp Thành Kiệt, bên cạnh giải pháp tích cực và lâu dài
như vừa nêu, Doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận trở thành một thành
viên của một chuỗi sản xuất, trong đó những thương hiệu lớn là người đưa
ra thiết kế. Sau đó họ chỉ định những nhà sản xuất vật tư, chỉ định
những nhà sản xuất thành phẩm, may quần áo và cả ba bên này liên quan
mật thiết với nhau. Thông thường đối với những sản phẩm cấp cao, vật tư
được chỉ định tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trong trường hợp này thì doanh
nghiệp vẫn phải làm theo kiểu cao hơn gia công một chút, nhưng doanh
nghiệp dệt may sẽ không bị lệ thuộc Trung Quốc. Đó là làm những sản phẩm
có chuỗi chất lượng cao hơn. Còn nếu tiếp tục sản xuất những sản phẩm
cấp trung và cấp thấp thì lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu Ấn Độ, Thái
Lan, Indonesia và một phần từ Việt Nam. Còn nếu làm sản phẩm cao hơn thì
có thể trực tiếp nhập vải từ châu Âu, Hàn Quốc hoặc Đài Loan.
Với thông tin từ phía Ấn Độ cho rằng Việt Nam muốn Ấn Độ hỗ trợ để
giảm lệ thuộc nguyên liệu dệt may của Trung Quốc, ông Diệp Thành Kiệt
lại có nhận xét ngược lại. Theo đó nếu Ấn Độ muốn trở thành nhà cung cấp
nguyên liệu dệt may lớn cho Việt Nam chia bớt miếng bánh lớn 14 tỷ USD
mà Việt Nam phải chi cho nhập khẩu nguyên liệu dệt may mỗi năm, thì phía
Ấn Độ phải làm thế nào để cho sản phẩm của mình hấp dẫn hơn với doanh
nghiệp Việt Nam.
Ảnh
đảo Ba Bình chụp từ Trạm không gian Quốc tế. Ba Bình là hòn đảo lớn
nhất thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách Cao Hùng phía Nam Đài Loan chừng
1600 cây số về hướng Tây Nam.
Đài Loan đang xem xét tới việc cho các tàu võ trang đóng thường trực tại một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông.
Đảo Ba Bình mà Đài Loan gọi là Thái Bình là đảo duy nhất trên quần
đảo Trường Sa đủ diện tích để xây dựng một hải cảng và Đài Loan đang
tiến hành thi công dự án này.
Đài Loan nói hải cảng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015 này sẽ cho
phép chiến hạm và tàu tuần tra biển có trọng tải 3.000 tấn ra vào.
Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức lực lượng tuần duyên Đài Loan quản
lý đảo Ba Bình và giới chức hải quân cho biết Đài Loan đang thảo luận
về khả năng biến hải cảng này thành căn cứ thường trực của các tàu
chiến.
Các giới chức Đài Loan nói mục đích nhằm khẳng định chủ quyền và khả năng bảo vệ lãnh thổ của Đài Loan tại đây.
Việt Nam, Đài Loan, Philipines, và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền
tại đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất Trường Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.
Nguồn: Reuters/AFP http://www.voatiengviet.com/content/dai-loan-muon-cho-tau-chien-dong-o-dao-ba-binh/2487219.html
Doanh nghiệp Việt tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng
Một quan chức thương mại ở Việt Nam mới lên tiếng cho rằng giờ là
thời điểm tốt để đẩy mạnh cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam', đẩy lùi hàng Trung Quốc kém chất lượng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là lúc phát huy chiến dịch kêu gọi người
Việt tăng cường sử dụng hàng sản xuất ở trong nước khi tinh thần dân tộc
của người dân dâng lên sau sự cố giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung
Quốc.
Tuy nhiên, ông Lộc cho biết ông không phát động một phong trào tẩy chay tất cả hàng hóa Trung Quốc. “Chúng tôi cũng không phát động phong trào không dùng hàng hóa
Trung Quốc mà chúng tôi chỉ phát động phong trào dùng hàng hóa Việt Nam
với chất lượng, giá cả có sức cạnh tranh. Còn hàng hóa của Trung Quốc
đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, không phải là kết quả của hiện tượng
buôn lậu qua biên giới thì người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn hàng
Trung Quốc. Chúng tôi chỉ hướng người tiêu dùng không mua hàng hóa Trung
Quốc có chất lượng thấp, với vệ sinh an toàn không đảm bảo và giá cả
bất hợp lý thôi. Có thể ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng không phải dùng
hàng Việt Nam bằng mọi giá”.
Chúng tôi không phát động phong trào
không dùng hàng hóa Trung Quốc mà chúng tôi chỉ phát động phong trào
dùng hàng hóa Việt Nam với chất lượng, giá cả có sức cạnh tranh. Chúng
tôi chỉ hướng người tiêu dùng không mua hàng hóa Trung Quốc có chất
lượng thấp, với vệ sinh an toàn không đảm bảo và giá cả bất hợp lý thôi.
Mới đây, trong một cuộc tổng kết cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu
tiên dùng hàng Việt Nam', giới hữu trách nói đã có 63% người dân trên cả
nước ưu tiên dùng hàng Việt.
Thời gian qua, tại Việt Nam dấy lên phong trào tìm cách thoát Trung,
tránh phụ thuộc quá nhiều quốc gia láng giềng phương bắc về mặt kinh tế.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả
năng cạnh tranh với các mặt hàng đa dạng và giá rẻ của Trung Quốc.
Về điều này, ông Lộc nhận xét:
“Nếu mà hàng Trung Quốc khi vào Việt Nam đều thực hiện đúng pháp
luật của nhà nước, không gian lận trong thương mại, không có trốn lậu
thuế, không sử dụng chất độc hại, thì hàng hóa của một số doanh nghiệp
Việt Nam hoàn toàn có thể có sức cạnh tranh. Nhưng nếu mà hàng hóa của
các doanh nghiệp đứng đắn của Việt Nam mà phải cạnh tranh với hàng hóa
gian lận thương mại, sử dụng chất độc hại thì các doanh nghiệp đàng
hoàng, đứng đắn và có trách nhiệm của Việt Nam sẽ không có sự bình đẳng
trong cạnh tranh và họ sẽ thất bại”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng “lòng yêu
nước của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là phải làm
ra hàng Made in Vietnam có sức cạnh tranh”.
Báo chí trong nước dẫn nguồn từ chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu
năm nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài ra, theo đánh giá, tính đến nay, quan hệ thương mại với thị
trường Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi diễn biến tình hình biển Đông,
trái với lo ngại trước đó của giới quan sát.
Đoàn
đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, dẫn đầu là Đại tướng Phùng Quang
Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thăm Trung Quốc từ 16/10-18/10.
Báo
Quân đội Nhân dân đưa tin chuyến thăm này "nhằm tăng cường quan hệ hữu
nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên và bàn các biện pháp thúc
đẩy quan hệ quốc phòng song phương để duy trì môi trường hòa bình, ổn
định, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân và Quân đội hai nước".
Theo
kế hoạch, khi ở Bắc Kinh đoàn của ông Phùng Quang Thanh và phía Trung
Quốc sẽ ký tắt bản Ghi nhớ kỹ thuật về thiết lập đường dây liên lạc trực
tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng.
Chuyến thăm được nói sẽ "khẳng định
hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ
giữa hai Đảng và hai Nhà nước".
Hai bên mong muốn "tạo nhận thức chung" về các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực và mỗi nước.
Nhận
xét về chuyến đi, chuyên gia Việt Nam - Giáo sư Carl Thayer từ
Canberra, Úc châu, nói: "Tôi cho rằng hai bên nay đang tập trung vào
các chuyện quan trọng cụ thể nhằm giải đáp cho quan ngại an ninh của
mỗi nước".
"Hai bên cùng sẽ tìm cách trấn an nhau về việc làm sao để quân đội đứng bên ngoài tranh chấp biển đảo."
Ông cũng cho rằng trước kỳ họp thượng đỉnh Apec sắp tới tại Bắc Kinh, Trung Quốc có thể muốn tỏ ra hòa hoãn hơn.
Giảm căng thẳng
Thành
phần đoàn của ông Phùng Quang Thanh bao gồm nhiều tướng lĩnh hàng đầu
Việt Nam, như Phó Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Bế Xuân Trường; Phó
chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trung tướng Lương Cường; tư lệnh các
quân chủng Phòng không-Không quân, hải quân, Quân khu 2, Quân khu 3...
Không thấy sự có mặt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người được cho là đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng.
Chuyến đi của Đại tướng Phùng Quang Thanh
và đoàn quân sự cấp cao tiếp sau chuyến thăm Bắc Kinh của Ủy viên Bộ
Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.
Theo GS Carl
Thayer, quân đội hai nước có thể đang tập trung bàn những dàn xếp cụ
thể để giảm thiểu căng thẳng giữa hai bên, nhất là tại Biển Đông.
Tướng
Thanh, trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Shangri-La hồi cuối
tháng Năm nói quân đội Việt Nam và Trung Quốc cần "kiềm chế", "tăng
cường hợp tác" và "kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động" để tránh có "hành
động ngoài tầm kiểm soát".
Tuy nhiên, ông cho rằng quan hệ
Việt-Trung vẫn "phát triển tốt đẹp" và so sánh xung đột hiện nay trên
Biển Đông với 'mâu thuẫn gia đình'.
Ông nói: "Trên thực tế, ngay ở
trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng,
huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên
giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi."
"Quan hệ
giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt
đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền
trên biển Đông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng".
Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành - “thằng em kế” của Đường sắt Cao tốc?
Thế là dự án Sân Bay Long Thành (SBLT) đã qua hai vòng phê duyệt “cấp
quốc gia”: Chính phủ và Bộ Chính trị. Tất nhiên, cả hai nơi kết quả đều
mỹ mãn - nhất trí 100%, chưa kể đến 99,9% “người dân bị ảnh hưởng” và vô
số các “chuyên gia, cố vấn độc lập” đều hết lời cổ vũ dự án “phải làm
ngay không thì trả giá” này… Chỉ còn một “cửa ải” cuối cùng: trình Quốc
hội XIII phê duyệt chính thức vào phiên họp tháng 12/2014 tới. Và dường
như không có gì cản trở điều đó nữa cả, chỉ là thêm một vở phải diễn với
500 tên hề gật QH-XIII…?
Điều đó làm chúng ta nhớ đến dự án Đường sắt Cao tốc (ĐSCT) để “cho trẻ
em đi học, bà mẹ đi chợ” mà CP của 3X muốn làm vài năm trước, nhưng đã
bị Quốc hội XII (của Trọng lú) gật theo chiều ngược lại... Có vẻ như lần
này Bộ GTVT và Chính phủ của 3X đã học được bài học “cao tốc” nên họ đã
chuẩn bị dự án “thằng em kế” là Sân bay Long Thành “bài bản” hơn? Và có
vẻ thế và lực của 3X hiện nay mạnh hơn trước nhiều, còn Lú thì đang
xin: “đừng đập chết ‘bình’ tôi!”?
Nhưng còn các “lý do lý chấu” chính thức – tại sao VN cần làm SBLT bây
giờ: vì “chỉ số IQ của VN đã cao và SBLT cần cho trẻ em đi học, bà mẹ đi
chợ”… thì dường như vẫn thế! Lần này, chỉ thay vì “IQ cao, bà mẹ đi
chợ, trẻ em đi học…” của “thằng anh” ĐSCT, CSVN có những lý do khác
“thuyết phục hơn” (TSN quá tải, ô nhiễm môi trường, an toàn hàng
không…), nhưng vẫn chỉ để che đậy các lý do thực của “thằng em” SBLT -
cũng y như của “thằng anh” ĐSCT đã chết yểu, đó là…
Những lý do thực sự - hay những sự bịp bợm của bè lũ 3X trong dự án SBLT
Đó là Tiền. Rất rất nhiều tiền của Dân của Nước, để chúng có thể xâu xé
chia nhau, cú chót. Lần này “thằng em” sẽ còn cho chúng nhiều tiền và
ngon ăn hơn “thằng anh”, mặc dù con số của “thằng em” được đưa ra chỉ là
8 tỷ đôla trong khi hồi đó “thằng anh” hét đòi những trên 50 tỷ đôla.
Số tiền “khiêm tốn”, đó chính là sự lừa bịp thứ nhất của
3X với vụ SBLT, để dễ dàng qua các cửa dư luận và ngân sách. Đưa ra mục
tiêu 100 triệu hành khách mỗi năm cho dự án SBLT nhưng đó là đích của
Giai đoạn III, không có thời điểm khi nào cho nó cả (2040 hay 2050?),
nhưng bên cạnh nó luôn là con số tổng dự toán là 7,873 tỷ đô (hay 165
ngàn tỷ vnđ) – chỉ cho Giai đoạn I, đến 2025 (lúc đó mục tiêu chỉ là 25
triệu hành khách năm). Điều này làm đa số người nhầm lẫn là gần 8 tỷ đô
là tổng đầu tư cho SBLT có lưu lượng khách đến 100 triệu người/năm! Thậm
chí, Giai đoạn II (2030) với mục tiêu 50 triệu khách/năm, bè lũ 3X cũng
không thèm tính ra xem mức đầu tư sẽ lên đến bao nhiêu – 20 hay 30 tỷ
đôla? Và Giai đoạn III chắc chắn sẽ là trên “thằng anh” ĐSCT rồi, trên
50 tỷ, có thể là 100 tỷ đô, tính làm gì?! Đừng làm dân đen nó lo, nó
sốc…
Sự lừa bịp thứ hai của 3X trong dự án “thằng em”- SBLT là
cách huy động vốn cho dự án. 3X và đàn em nói rằng sẽ đi vay ODA cho 50%
dự án và huy động các nhà đầu tư ngoại 50%. Trong khí đó, “Thằng em”
SBLT khác “thằng anh” ĐSCT một điều cơ bản là nó đẻ ra đất và đẻ ra tiền
cùng lúc và ngồn ngộn, rất nhiều - trong khi “thằng anh” chỉ ngốn tiền,
ngốn đất…
Dự án SBLT đẻ ra 1,170ha đất nội thành của thành phố đông đảo hơn 10
triệu cư dân- vốn là diện tích mà sân bay Tân Sơn Nhất đang sử dụng,
biến nó thành đất dân cư và thương mại. Giá đất dân cư thương mại khu
vực sau sân bay TSN (tính từ trung tâm Tp) là từ 20-30 triệu vnđ/m2
trong hẻm nhỏ đến 50-70 tr.vnđ/m2 mặt đường, trước sb TSN là 40-60
tr.vnđ trong hẻm và 100-150 tr.vnđ/m2 mặt phố. Vậy, giá đất trung bình
của sân bay TSN khi nó được đưa ra thị trường (chuyển chủ mới và mục
đích sử dụng) sẽ là khoảng 30-50 tr.vnđ/m2 là rất khiêm tốn, không tính
giá trị các công trình xây dựng có thể khai thác cho mục đích mới. Như
thế, “thằng em”SBLT sẽ đẻ ra:
Phương án Minimum: 1,170ha*10,000m2/ha*30tr.vnđ= 351,000 tỷ vnđ (Ba trăm năm mốt ngàn tỷ vnđ) = 16.7 tỷ đôla Mỹ.
Phương án Maximum: 1,170ha*10,000m2/ha*50tr.vnđ= 585,000 tỷ vnđ (Năm trăm tám lăm ngàn tỷ vnđ) = 27.8 tỷ đôla Mỹ.
So với dự toán 165,000 tỷ vnđ cần cho Giai đoạn I đến 2025, Phương án
Min dùng tiền bán đất (đấu thầu công khai chả hạn) cũng dư hơn một nửa:
351,000-165,000 = 186,000 tỷ vnđ (8,9 tỷ đôla Mỹ), có thể đủ cho cả Giai
đoạn II. Còn Phương án Max dùng tiền bán đất (đấu thầu công khai) càng
dư hơn hai phần ba: 585,000-165,000 = 420,000 tỷ vnđ (20 tỷ đôla Mỹ), có
thể đủ cho cả Giai đoạn III?
Đó là con bài bịp quan trọng nhất mà 3X và bè lũ CSVN đang giấu nhẹm đi,
giả vờ là vẫn sẽ dùng sân bay TSN cho bay nội địa, để chúng cắt xẻo
đất bán dần chia nhau, còn SBLT thì phải đi vay ODA và mời các “nhà đầu
tư ngoại”. Tôi phải cho các “nhà đầu tư ngoại” vào ngoặc kép ở đây, vì
phần lớn chúng sẽ chính là bọn tư bản đỏ đang đổi màu mà thôi…
Lẽ ra, với đặc thù của “thằng em” là đẻ ra đất vàng tức đẻ ra hàng chục
tỷ đôla từ đất sân bay TSN trong thành phố, dự án SBLT phải được làm
theo cách bán đất sb TSN để lấy tiền xây sb Long Thành thì dân nước còn
dư ra hàng chục tỷ đôla nữa… Nhưng đất sb TSN (dù máy bay vẫn đang bay)
đã được chia xong, có chủ hết rồi (đã dán sổ đỏ cho chủ đỏ hết kín). Chủ
của nó là đầy tớ nhân dân…
Sự lừa bịp thứ ba của 3X trong dự án “thằng em”- SBLT là về con số tiền
20,000 tỷ vnđ (một tỷ đôla) và cách giải phóng mặt bằng 5,000ha cho sân
bay LT mới. Con số này từ đâu ra? Và chúng sẽ giải tỏa thế nào?
Đó là con số (1 tỷ đôla) chúng muốn đút túi ngay khi QH XIII duyệt dự án
trong tháng 12/2014 này (để ăn Tết?), vì 4 tỷ vnđ/ha không phải cái giá
chúng sẽ trả cho chủ đất, vì ba lý do sau: Thứ nhất, đa số (có lẽ trên
4,500ha) trong số 5,000ha đất kia chúng đã cướp không/mua rẻ (khoảng vài
chục triệu vnđ/ha) của dân từ và trong suốt hơn 10 năm “chuẩn bị dự án”
vừa qua rồi, và đang bỏ hoang chờ dự án; Thứ hai, chúng sẽ cho thiết kế
“thằng em”- SBLT hoàn toàn trên đất chúng đã chiếm được, đâu cần phải
giải tỏa gì thêm, vì làm gì có sân bay nào cần 5,000ha – không có sân
bay nào trên thế giới xài hết 4,000 ha cả; và Thứ ba, chúng sẽ dựng nên
“các chủ đất bị thiệt hại” là người của chúng đi “đấu tranh” đòi quyền
lợi khi chúng giải tỏa đất (của chúng), để chúng có lý do trả đền bù
“cho dân” thật cao, vào túi chúng. Vì ba lý do trên, tôi nghĩ chúng sẽ
xài hết vèo 20,000 tỷ vnđ và còn đòi đi vay thêm “để giải tỏa đất cho
dân” cho “công trình trọng điểm quốc gia”, đút túi ngon ơ trên 1 tỷ đôla
của dân ngu ngay trong 2015 khi… chưa phải làm bất cứ việc gì cả!
Với sự lừa bịp thứ tư, chúng ta quay lại các lý do “sân bay TSN quá tải”, “ô nhiễm” và “an toàn bay”… của bè lũ 3X.
Với lý do “ô nhiễm”, chỉ cần xem ví dụ sân bay Narita của Nhật ngay
trong thành phố Tokyo để thấy người Nhật tại sao vẫn dung sân bay Narita
lớn nhất của họ, và lý do tránh ô nhiễm của dự án SBLT là giả dối.
Với lý do “an toàn bay”, quân 3X đưa Trung tướng Võ Văn Tuấn Phó tổng
Tham mưu trưởng QĐND VN ra để nói sân bay TSN cách sân bay quân sự Biên
Hòa 30 kms và có thể “sau này sẽ xung đột giao thông trên không”? Thật
nực cười khi 3X phải cử cả tướng vào cãi cho SBLT, mà quên ở Hà Nội sân
bay quân sự Gia Lâm chỉ cách sân bay Nội Bài có vẻn vẹn 20 kms, thì sao?
Sao không thấy dự án chuyển sân bay Nội Bài đi để an toàn cho máy bay
quân sự Thủ đô? Đấy là chưa kể, SBLT mới cũng sẽ cách sân bay quân sự
Biên Hòa đúng 30 kms?!
Bọn chúng so sánh TSN với các sân bay chính của các nước trong khu vực
như Malaysia, Thái land, Philipines… bằng các con số: dân số, số sân
bay… để chứng minh TSN sẽ quá tải (hiện mới đạt 50% công suất)– và đó là
sự bịp bợm rất thô thiển.
Thực chất, lượng khách quốc tế đến một nước không tỷ lệ thuận với dân số
nước đó (ví dụ như Singapore, Hong Kông…), mà tỷ lệ thuận với GDP/PPP
và giá trị/uy tín du lịch của các nước. Thay vì dân số, nếu so sánh theo
GDP/PPP và dịch vụ du lịch thì VN đến “cuối thế kỷ này… chưa chắc”… cần
thêm sân bay quốc tế nữa ở bất kỳ đâu- tỉnh thành nào, kể cả Long
Thành.
Mặt khác, các nước như Thailand, Malaysia… có chính sách đặc biệt là họ
chỉ có một sân bay duy nhất được làm cảng- cửa khẩu hàng không quốc tế
thôi. Ví dụ, khách đến Thái lan đều bắt buộc phải bay đến Bangkok, rồi
tứ đó mới bay đi các nơi khác được như Phukhet, Chieng Mai… Vì thế, sân
bay ở Bangkok (và cả Kuala Lumpur) phải là siêu sân bay, nhưng họ cũng
chưa đạt 40 triệu khách/năm. Thế mà 3X vẽ ra cái bánh Long Thành 100
triệu khách/năm (trên thế giới chưa có sân bay nào đạt lưu lượng đó –
maiximum là 93 triệu khách/năm, ở Mỹ), thì chắc chắn 100 năm nữa cũng
chưa có (đơn giản vì CSVN đã kéo nước Việt ta giật lùi với Thế giới
khoảng 150-200 năm về kinh tế và văn hóa rồi…)! Có lẽ vì biết thế, mắc
dù vè ra 100 triệu khách cho Giai đoạn III, đám lính tráng của 3X cúng
không dám nói đó là khi náo – chả lẽ nói dự kiến đến 2099 hay 2115, hay
sau 2200?! Đấy là chưa kể CSVN có “phong trào” chia nhỏ các tỉnh thành
đến con số 64 để có nhiều “ghế” cho quan chức (Pháp xưa chỉ chia VN
thành trên 30 tỉnh thành, nước Balan có diện tích bằng VN cũng chỉ có 32
tỉnh thành…), và ở VNCS tỉnh thành nào cũng muốn có sân bay quốc tế cả…
Sự lừa bịptiếp theo, tạm là cuối cùng,thứ năm,
là cái bánh vẽ Cảng Hàng không Trung chuyển Quốc tế Long Thành vào năm
2015 với 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng trung chuyển hàng năm. Đây
là một cuộc “đếm vịt giời - trung chuyển quốc tế” tầm cỡ quốc gia của
3X. Tất nhiên, 3X là vua nổ suốt hai nhiệm kỳ Thủ tướng rồi, nổ thêm một
cuộc nữa (do đàn em bộ GTVT đốt pháo cho) cũng chả sao, vấn đề là bắt
đầu dự án SBLT mà “nổ to thế” thì dẫn đến điều gì…?
Theo kinh nghiệm bản thân - 3X chắc chưa quên, đầu tiên cũng là chính bộ
GTVT, Vinalines với Dương Chí Dũng “đếm vịt giời” cho Cảng hàng hải
trung chuyển Quốc tế Vân Phong trị giá 30 tỷ đôla và trung chuyển
100-120 triệu tấn hàng hóa của các nước qua Vân Phong, Dũng 3X và đệ tử
Dũng “chàm” sẽ chỉ ngồi đếm tiền “bọn quốc tế ngu” đem đến nộp… Thế mà
sau khi đốt mấy chục ngàn tỷ đồng (chừng 2 tỷ đô), Dũng “chàm” ngồi đếm…
lịch, chờ dựa cột.
Tiếp theo là vụ “đếm vịt giời” của Bộ Công thương của 3X, với dự án xây
Kho xăng dầu Trung chuyển Quốc tế của Petrolimex cũng ở Vân Phong (trên
đảo Mỹ Giang), dự kiến đến 6 triệu tấn dầu lưu kho và hàng trăm triệu
tấn dầu trung chuyển hàng năm cho “quốc tế”. Nhưng mới vay mấy trăm
triệu đôla và xây mãi (5 năm) mới được Kho xăng dâu Trung chuyển Vân
Phong hơn nửa triệu tấn dung tích mà chưa kịp “trung chuyển” được tấn
xăng dầu nào cho “quốc tế’ thì Petrolimex đã lỗ chỏng gọng, phải vội cho
thuê kho giá rẻ cho quốc tế họ xài không mất công đầu tư… Về vụ “trung
chuyển xăng dầu quốc tế” này của Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam)
sắp tới có khả năng có kẻ sẽ theo gót Dũng “chàm” Vinalines vì ham
“trung chuyển quốc tế”…
Vì thế, tôi có linh cảm xấu khi thấy 3X và bè lũ vẽ Cảng hàng không
Trung chuyển quốc tế Long Thành… Chả lẽ chúng không biết tại sao sân bay
Bangkok và KL phải là sân bay trung chuyển (nội bộ) lớn? Còn đòi chia
phần “trung chuyển 25 triệu khách năm 2025” với Hong Kong và Singapore
ư? Có mà Long… “Thành” rắn, thành run, chứ trung chuyển khách sao được?
25 triệu khách ở lại Long Thành mỗi năm để ngửi… sầu riêng Long Thành?!.
Cố gắng kết có hậu
Dù chỉ ra tạm năm sự lừa bịp thô thiển của 3X và đồng bọn trong dự án
SBLT như trên, tôi vẫn biết chúng sẽ cùng nhau nhất trí quyết liệt thông
qua “thằng em” của ĐSCT đó trong tháng 12/2014 tới. Bởi vì, “thằng em”
mang lại quá nhiều tiền, quá dễ dàng, nhanh gọn và “sạch sẽ”. Bởi vì,
đây là cú chót lớn của cả đảng CSVN và bè lũ 3X rồi nên chúng không thể
chịu thua “ai” như với “thằng anh” ĐSCT. Và bởi vì, tình hình kinh tế VN
cuối 2014 này đang rất rất nguy cấp với nợ xấu, nợ quốc gia, phá sản
ngân hàng… rồi, nên 3X phải đi vay quốc tế gấp – vay cho thằng con “sẽ
sinh ra”– SBLT, nhưng tiền vay về sẽ là để nuôi bố mẹ nó đang khốn đốn
là đảng CSVN và chính phủ VN này (SBLT chỉ là cái cớ để đi vay và chúng
đi vay để choàng thêm nợ vào cỏ dân Việt/các thế hệ tương lai…). Nhất là
bởi vì, năm tới, 2015, chúng sẽ chỉ tập trung lo đấu đã nội bộ quyết
liệt trước ĐH 12, cần rất nhiều tiền mà không làm ra tiền được vì “chỉ
lo kình nhau chiếm ghế”…
Vì thế, chúng đã, đang và sẽ làm tất cả để dự án SBLT được QH XIII thông
qua, không gì có thể ngăn cản được. Rồi sau đó là sự đã rồi. Mọi lừa
bịp sẽ được ngang nhiên công khai ra (qua hành động bất nhất). Mọi con
số, bức tranh, kế hoạch, tiến độ, mục tiêu… của SBLT đều sẽ bị thay đổi
hết, vì phần thực thi đâu phải đóng kịch hề nữa – chỉ cần nhà tù và họng
súng trong tay đảng CSVN vốn là những thứ duy nhất thừa thãi trên đất
nước này từ 69 năm nay…
Chỉ có dân Việt ta là cứ phải và chịu ăn hết trái đắng này đến trái đấm
khác mang gen CSVN mãi vậy sao? Tôi không tin điều đó kéo dài lâu nữa.
Chắc chắn CSVN không bao giờ kịp khánh thành SBLT, đã ngỏm.
Về dự án sân bay Long Thành, tôi tin là nước Việt sẽ cần, nhưng có lẽ
sau năm 2050. Điều kiện tiên quyết của nó (để nó hữu ích cho đất nước)
là một việc còn cần hơn nhiều: Chế độ Dân chủ thay thế CS trên đất nước
Việt Nam.
Từ Nguyễn Văn Trỗi đến Nguyễn Văn Bé, kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” dưới chế độ CS
Trần Trung Đạo (Danlambao)
- Sau loạt bài về tẩy não, một số độc giả nêu thắc mắc chế độ độc tài
nào độc ác nhất trong lịch sử loài người, Đức Quốc Xã hay Cộng Sản. Câu
trả lời tùy thuộc vào người được hỏi là ai. Với người Do Thái câu trả
lời sẽ là Hitler, lý do chỉ vì họ không muốn nhân loại lãng quên
Holocaust, nhưng với phần lớn nhân loại, nhất là sau khi khối Liên Xô
sụp đổ và nhiều tài liệu được công khai hóa, sẽ trả lời là Cộng Sản.
Trước khi bàn đến kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”, người
viết sẽ so sánh giữa tuyên truyền Đức Quốc Xã và chính sách tẩy não của
CS.
Mặc dầu nhiều tài liệu chưa được bạch hóa hết vì vẫn còn năm quốc gia CS
đang tồn tại, số lượng nạn nhân bị giết dưới các chế độ CS, 94 triệu
theo ước lượng của Stéphane Courtois trong The Black Book of Communism
hay 110 triệu theo kết toán của R.J. Rummel. Cả hai ước tính đều cao
hơn The Holocaust nhiều lần. Cách giết người qua việc bỏ đói hàng triệu
trẻ em tại Trung Cộng, Gulag tại Nga, bằng cuốc xẻng tại Campuchia, cải
cách ruộng đất tại Việt Nam cũng tàn nhẫn và vô nhân không thua kém gì
phương pháp lò thiêu sống của Hitler ở Auschwitz.
Lenin ít được đem ra so sánh với Hitler, Stalin hay Mao không phải y là
người nhân đức nhưng chỉ vì chết sớm khi kế hoạch toàn trị Liên Xô chỉ
mới bắt đầu. Nếu y sống lâu như Stalin rồi cũng không khác gì mà có thể
còn độc ác hơn. Khi mới nắm quyền hành chính Lenin đã thiết lập ngay hai
cơ quan phụ trách hai chức năng khủng bố và tẩy não.
Tên hung thần đầu tiên trong hệ thống khủng bố CS quốc tế là Felix
Dzerzhinsky. Tên đồ tể khát máu này gốc Ba Lan nhưng là người thành lập
cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp nhất tại Nga ngay sau khi cách mạng CS
1917. Sau khi một lãnh đạo tổ chức Cheka bị ám sát hụt tại St.
Petersburg, Dzerzhinsky ra lệnh bắt 800 người và tất cả đều bị xử bắn
không qua một phiên tòa nào. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến
tháng Mười 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị giết. Danh
từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.
Dzerzhinsky kiêm nhiệm hàng loạt chức vụ cấp bộ trưởng ngoài việc điều
hành ngành an ninh Sô Viết. Y có năng khiếu về ngoại ngữ mặc dù học hành
bị dang dở vì tham gia hoạt động CS. Dzerzhinsky bị tù nhiều lần trong
đó có lần bị lưu đày tận vùng băng tuyết Siberia. Sau khi vượt thoát
khỏi Siberia, Dzerzhinsky hoạt động cho đảng CS Đức. Là nhân vật nổi
tiếng trong phong trào CS Đông Âu, sau 1917, Felix Dzerzhinsky thay vì
hồi cư về Ba Lan đã quyết định ở lại Nga và được bầu vào đảng ủy CS thủ
đô Moscow. Felix Dzerzhinsky chia sẻ quan điểm của Lenin về vai trò toàn
trị của Soviet và là người đầu tiên nhận trọng trách thành lập cơ quan
an ninh CS.
Thế nhưng, cánh tay khủng bố dù tàn bạo, sắc máu bao nhiêu cũng không
thể giữ được chế độ tồn tại lâu dài. Tim óc của chế độ toàn trị chính là
bộ phận tuyên truyền tẩy não. Tẩy não là một tiến trình xóa bỏ tận gốc
rễ bằng nhiều cách các nhận thức cũ và trên đó xây dựng một hệ thống
nhận thức mới. Cơ quan tuyên truyền Agitprop được Lenin thành lập và sau
đó đổi tên thành Ban Tư Tưởng Trung Ương. Chỉ trong vòng hai năm, 1917
đến 1918, Agitprop đã phát hành 3600 mẫu bích chương tuyên truyền. Tại
mọi cửa hàng, cửa sổ, đường phố, cơ quan, đâu cũng dán truyền đơn, bích
chương, biểu ngữ tuyên truyền đập vào mắt, xoáy vào nhận thức người đọc.
Nhiều đoàn xe lửa tuyên truyền chạy từ thành phố này sang thành phố
khác phân phối truyền đơn, tổ chức những đêm văn nghệ tại những nơi xe
lửa dừng.
Kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả”
Trong xã hội CS, vô số “anh hùng” được dàn dựng, khác nhau về bố cục,
tình tiết nhưng đều tuân theo một nguyên tắc: người thật chuyện giả. Một
vài ví dụ điễn hình là Hướng Lôi Phong, Huang Jiguang, Wang Jinxi, Shi
Chuanxiang của Trung Cộng, Pavlik Morozov, Alexey Stakhanov của Liên Xô
và vô số người thật chuyện giả ở Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Văn Trỗi
là một ví dụ quen thuộc của kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện
giả”.
Tố Hữu viết về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi:
Anh thét to: "Ta có tội gì đây ?"
Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: "Chính Mỹ kia là giặc!"
Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!
….
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!
Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: "Việt Nam muôn năm!"
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!
Một người bị trói cả hai tay vào “cọc mấy vòng dây” mà còn tay nào để “giật phắt mảnh băng đen”?
Ngay cả khi bị “Mười viên đạn” “gục xuống” làm sao còn "đứng thẳng dậy" để hô?
Những câu chuyện hoang đường chỉ có trong đầu cuồng tín bịnh hoạn của Tố
Hữu mà trong tuổi về già đã thú nhận với Trần Đăng Khoa trong Chân Dung
và đối thoại rằng chính y đã nhét vào mồm Nguyễn Văn Trỗi: “Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia”.
Bài thơ Hãy nhớ lấy lời tôi đầy nghịch lý, khinh thường hiểu biết
của người đọc, phạm những lỗi lầm sơ đẳng, thế nhưng đã được đưa vào
mọi sách giáo khoa. Những trò tuyên truyền bỉ ổi đó không phải chỉ trong
thời chiến mà nửa thế kỷ sau khi nhân loại sống trong thời đại toàn cầu
hóa 2014 này vẫn còn có những văn nô, bồi bút đem ra ca ngợi. Mấy tuần
qua, nhan nhản trên các báo đảng, bài thơ buồn cười đó cũng được đem ra
học tập giống như trong thập niên 1960 ở miền Bắc.
Một ví dụ khác về kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả” là “anh
hùng Nguyễn Văn Bé”. “Anh hùng” này đã làm cả hệ thống tuyên truyền của
đảng hố to và có lẽ “liệt sĩ Nguyễn Văn Bé” là trường hợp duy nhất sau
1975 đảng gián tiếp thừa nhận chỉ là sản phẩm tuyên truyền.
Nguyễn Văn Bé là ai ?
Theo cả hai nguồn tài liệu, Việt Nam Cộng Hòa và CSVN, Nguyễn Văn Bé
sinh năm 1946 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình nghèo. Y
tham gia các hoạt động CS tại địa phương và chính thức trở thành đoàn
viên Đoàn Thanh Niên Nhân Dân Cách Mạng trực thuộc đảng Nhân Dân Cách
Mạng (tên gọi của đảng CS khi hoạt động tại miền Nam Việt Nam). Nguyễn
Văn Bé gia nhập bộ đội CS ở tuổi 19 và được giao trách nhiệm tải súng
đạn. Vào năm 1966, trận đụng độ giữa quân đội CS và quân Mỹ, Bé bị bắt
cùng với số vũ khi mà y đang tải vào ngày 30 tháng 5, 1966 tại kinh Cả
Bèo, xã Mỹ Quý, tỉnh Kiến Phong.
Đến điểm này hai bên, VNCH và CSVN, đều tường thuật gần giống nhau. Theo
bộ máy tuyên truyền CS phát ra từ Hà Nội, “anh hùng Nguyễn Văn Bé” dù
bị tra tấn chẳng những không khai một lời mà còn phát biểu những câu nói
bất hủ “Tất cả hành động của Mỹ rồi cũng chẳng khác gì bong bóng của xà phòng sẽ bị nước sông cuốn đi”.
Cuối cùng, Nguyễn Văn Bé bị đưa đến một trung tâm gần xã Mỹ An. Tại
đây, Nguyễn Văn Bé, sau khi nháy mắt ra dấu cho người thợ cày đứng gần
để chạy ra xa, đã nâng 10 kí lô mìn Claymore khỏi đầu, miệng hô lớn “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam muôn năm, đả đảo đế quốc Mỹ”
trước khi đập mạnh khối mìn vào thành một chiếc tăng M118. Khối mìn nỗ
lớn và cả kho đạn bị nỗ lây. Cũng theo bản tin của đài phát thanh Hà
Nội, “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” chết ngay tại chỗ, ngoài ra
nhiều thương vong do đạn lạc gây ra sau đó. Tuy nhiên, một anh hùng như
thế mà chỉ giết được “16 lính Mỹ và 10 lính ngụy” thì quá ít nên trong
những bản tin sau đó con số lính Mỹ chết được tăng lên 96.
Tức khắc khi câu chuyện được đăng trên báo Nhân Dân ở miền Bắc và các
báo bí mật ở miền Nam, các cơ quan tuyên truyền bắt đầu chỉ thị học tập
noi gương “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” của “Liệt sĩ Nguyễn Văn Bé”. “Sự
hy sinh của anh không những được cả thế hệ thanh niên Việt Nam kính
phục mà còn nhận được sự thán phục bởi tuổi trẻ toàn thế giới”.
Bàn tay Nguyễn Văn Bé dùng để đập khối bom được báo đảng gọi là “bàn tay
thiên tài”. Nhiều vở kịch được dựng ngay để diễn lại “hành động anh
hùng” của Nguyễn Văn Bé. Một bài báo đảng cho biết sức mạnh của bàn tay
Nguyễn Văn Bé chắc chắn được thúc đẩy bởi một lực huyền bí vì “chẳng
những giết ngay gần hàng trăm kẻ thù mà còn tạo nên một ảnh hưởng dây
chuyền dẫn đến một phong trào làm theo anh hùng Nguyễn Văn Bé khắp cả
nước”. Nói chung, hình ảnh Nguyễn Văn Bé như ngôi sao mầu nhiệm làm
cả nước đều tin. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thôi thúc con người miền
Bắc. Nhiều thanh niên đã gác hết chuyện học hành, gia đình để tình
nguyện vào Nam chiến đấu theo gương “anh hùng Nguyễn Văn Bé”
Các cơ quan tuyên truyền địa phương tin chắc rằng Nguyễn Văn Bé đã chết.
Thật không may cho đảng, Nguyễn Văn Bé không chết. Anh đã đầu hàng, tình
nguyện chiêu hồi và còn sống bình an. Các hình ảnh anh chụp với gia
đình được báo chí phổ biến rộng rãi. Trên đài phát thanh, đoạn băng "Tôi là Nguyễn văn Bé, hãy còn sống đây..."
được phát mỗi ngày khi bắt đầu chương trình. Nguyễn Văn Bé thật có đụng
độ nhưng trận chiến chỉ kéo dài không đến 30 phút. Theo báo Time, anh
ta chưa bao giờ bắn một viên đạn, thay vì trốn trong con kinh đào và bị
nắm tóc kéo lên.
Để phản công trong trận chiến tuyên truyền, phía Việt-Mỹ đã in hơn 20
triệu truyền đơn, bảy triệu minh họa, 465 ngàn bích chương, 167 ngàn tấm
hình Nguyễn Văn Bé, 10 ngàn bài hát và rất nhiều chương trình truyền
thanh truyền hình nói về sự thật Nguyễn Văn Bé đã đầu hàng, hồi chánh và
hiện sống bình an. Các cơ quan tâm lý chiến Việt Mỹ còn phỏng vấn cha
mẹ Nguyễn Văn Bé và giúp đưa gia đình họ đến khu vực an toàn. Các cơ
quan tuyên truyền của đảng CS phản ứng bằng cách tổ chức rầm rộ ngày kỷ
niệm một năm “anh hùng Nguyễn Văn Bé hy sinh”. Các đài phát thanh, báo
chí và cả báo chí Liên Xô cũng đăng bài thương tiếc “liệt sĩ Nguyễn Văn
Bé”. Nhân dân miền Bắc lại tiếp tục tin rằng anh đã thật sự hy sinh.
Sau 1975, quả thật với một chiến công to lớn như vậy, Nguyễn Văn Bé
không những chỉ có tên đường mà phải một tên phố, một công viên mang tên
anh. Nhưng không, bởi vì sự giả dối như thế quả quá trâng tráo và trắng
trợn. Câu chuyện ngụy tao Lê Văn Tám còn có thể im lặng vì thời gian
quá xa nhưng Nguyễn Văn Bé vẫn còn mang tính thời sự, nhiều người trong
thời đó còn sống, nhiều tác giả nhạc, văn, thơ còn chưa hết sượng sùng.
Tội ác của bồi bút và văn nô
Hiện nay hầu hết các “anh hùng xã hội chủ nghĩa” ở 15 nước cựu Liên Xô
và các nước Đông Âu, một số bị chôn vùi trong tro bụi thời gian, một số
chỉ còn xuất hiện trong các truyện tranh vui giải trí (comic book),
riêng tại Việt Nam, không chỉ các thế hệ măng non mà cả thanh niên, sinh
viên còn phải học, phải tin vào những mẩu chuyện hoang đường một cách
đáng thương và tội nghiệp. Dĩ nhiên không phải tại các em những nạn nhân
bất hạnh đã sinh ra và lớn lên trong xã hội lọc lừa. Ngoài chính phạm
là đảng CS, tội ác này còn có sự a tòng của đám văn nô, bồi bút, những
kẻ chỉ vì chút bổng lộc đảng ban cho mà chịu cúi đầu làm tôi mọi, tiếp
tay với đảng làm băng hoại mọi giá trị đạo đức và tương lai dân tộc.
Người viết xin trích một số đoạn trong bài thơ Tản mạn về thơ và đồng nghiệp của nhà thơ Thái Bá Tân để kết luận cho bài viết này:
1. Stéhane Courtois, Nicolas Werth, Jean-Louis Panné, Andrzej
Paczkowski, Karel Bartosek, Jean-Louis Margolin The Black Book of
Communism, Crimes, Terror, Reppression, Harvard University Press, 1999.
2. Mihai C. Bocarnea and Bramwell Osula: Edifying the New Man: Romanian
Communist Leadership’s Mythopoeia. Regent University, International
Journal of Leadership Studies. Vol. 3 Iss. 2, 2008, pp. 198-211.
3. Margaret Peacock. Broadcasting Benevolence: Images of the Child in
American, Soviet and NLF Propaganda in Vietnam, 1964–1973. Project MUSE,
2010.
4. The Strange Case of the Vietnamese “Late Hero” Nguyen Van Be
Hội nghị Thành Đô họp ngày 3-4/9/1990 tại Trung Quốc.
Việc công bố các văn bản như mật
ước Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc gần một phần
tư thế kỷ về trước là điều Việt Nam nên làm hiện nay, theo một sử gia về
lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, sự kiện cuộc
gặp cấp cao đó đã diễn ra 'quá lâu' và nay giới nghiên cứu 'không còn
quan tâm' nữa, theo một chuyên gia khác về lịch sử Đảng từ Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Song nếu cần tìm hiểu về hội nghị
này, thì những ai quan tâm nên tiếp cận với Văn phòng Trung ương của
Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn theo chuyên gia này.
Trong khi đó, Hội
nghị Thành đô là một sự kiện vẫn còn tác động tới đường lối và cán bộ
của bộ máy lãnh đạo của Việt Nam ngày nay, điều được gọi là 'Hội chứng
Nguyễn Cơ Thạch', theo một cựu lãnh đạo cấp Vụ ngành ngoại giao Việt
Nam.
Trước hết, trao đổi với BBC hôm 17/10/2014, nguyên Viện
trưởng Viện Lịch sử Đảng, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh, nêu quan điểm về mức độ quan tâm của giới nghiên cứu tới cuộc gặp
cấp cao từng xảy ra từ năm 1990 vốn đang được dư luận Việt Nam 'quan
tâm' trở lại gần đây:
"Quan tâm là quan tâm từ cái thời ấy thôi, chứ bây giờ giới nghiên
cứu cũng không quan tâm nhiều lắm, chủ yếu là bên chính trị thôi," Phó
Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nói.
" Hỏi văn phòng TƯ Đảng"
Khi
được hỏi Hội nghị được cho là có vai trò mở ra bình thường hóa quan hệ
giữa Việt - Trung sau nhiều năm xung đột, chiến tranh căng thẳng, tại
sao lại không được giới nghiên cứu quan tâm, giáo sư Phúc đáp:
"Bởi
vì đấy là thuộc về lĩnh vực quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước, còn
chúng tôi về lịch sử không được am tường những vấn đề đó.
"Cứ liên lạc với chỗ Văn phòng Trung ương Đảng thì may ra người ta biết."
Hôm
thứ Sáu, khi được hỏi về việc có nên giải mật để công bố hay bạch hóa
trước công luận và tại Quốc hội các văn kiện liên quan 'mật nghị', hay
'mật ước Thành Đô 1990 hay không, kể cả các văn bản, văn kiện chỉ đạo
đường lối, sách lược, chính sách liên quan 'chịu tác động' từ Hội nghị
này, một sử gia khác về lịch sử Đảng nói:
"Tôi nghĩ rằng văn bản nào chăng nữa thì độ mật, độ bí mật gì đó, nếu có, thì nó chỉ có giá trị trong thời hạn nhất định.
"Và
nếu có những văn bản như thế, thì tôi nghĩ cũng nên hoàn toàn công
khai. Hoàn toàn nên công khai, chứ không có gì phải giữ bí mật quá lâu,"
Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
"Nhưng chỉ có điều Việt Nam cầm văn bản đó, thì Việt Nam công khai đến đâu, đến cấp nào, đấy là một câu chuyện.
"Phía
Trung Quốc thì nói thật là có những tài liệu đến nay đã hơn nửa thế kỷ
rồi, bây giờ người ta cũng chẳng công khai. Phía Trung Quốc thì rõ ràng
rất khó lấy được tài liệu chính thức từ phía họ.
"Còn phía Việt
Nam, các tài liệu đã công khai rất nhiều, nhưng tôi nghĩ không phải là
đã hết. Mà chắc chắn là vẫn còn những điều gì đó mà chưa công khai, thì
văn bản đó tôi nghĩ, nếu có, thì nên công khai.
"Để cho nhân dân,
để cho cán bộ, để cho tất cả mọi người có thể hiểu được thực sự, thực hư
lúc bấy giờ, trong bối cảnh như vậy, với tư cách là những cá nhân,
không phải với tư cách là một tập thể, đương nhiên những cá nhân có
trọng trách và trách nhiệm, thì đã có những thỏa hiệp như thế nào với
phía Trung Quốc về câu chuyện này. Đấy tôi nghĩ là điều nên làm."
" Thất thố ngoại giao?"
Hôm 15/10/2014, một cựu cán bộ ngoại giao của Việt Nam, nguyên Tổng
Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói với BBC một số nguyên
tắc về ngoại giao và thể thức (protocol) ngoại giao có thể đã bị Trung
Quốc vượt qua và đem lại lợi thế cho mình trong cuộc mật đàm.
Ông
Dương Danh Dy nói: "Phê phán tại sao Hội nghị đó có những kết quả như
thế này, như thế kia, nói thế thì nó đụng nhiều người."
"Tôi biết
chuyện này khá rõ nhưng chưa tiện nói bây giờ, bởi vì Trung Quốc rõ ràng
có ý định trong chuyện đưa một số nhà lãnh đạo Việt Nam vào bẫy, mắc
bẫy của họ.
"Chẳng hạn như chuyện phía Trung Quốc họ bảo rằng để
rất kính trọng ba đồng chí lão thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì họ
để ba ông ở ba biệt thự khác nhau, thế thì những ông đã già bảy mươi,
tám mưới như ông Phạm Văn Đồng, ông Đỗ Mười, ông Nguyễn Văn Linh lúc đó
thì làm sao mà hội ý được với nhau...?"
Cũng hôm thứ Tư, một cựu quan chức khác ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, người không muốn tiết lộ danh tính, nói với BBC:
"Một số cán bộ ngoại giao cấp cao có thể đã tiếp cận được văn bản và
các tài liệu, nhưng việc được phép phổ biến, công bố tới đâu, có những
nguyên tắc hạn chế."
Theo cựu nhân viên ngoại giao này, phía Trung
Quốc đã chuẩn bị rất kỹ các nội dung đàm phán, ký kết, kể cả những điều
được cho là 'phụ lục' nhưng lại có vai trò như những nguyên tắc chỉ đạo
cho bình thường hóa và cả 'hậu bình thường hóa' lẫn 'tái cấu trúc' quan
hệ và chiến lược 'quan hệ, hợp tác' giữa hai nước dài hạn, điều mà Việt
Nam lâu nay vẫn gọi là 'các thỏa thuận cấp cao' và 'sự kế tục'.
Trong
đó cụ thể có các nguyên tắc 'chỉ đạo' đàm phán không chỉ liên quan tình
hình chính trị và điều kiện tái lập quan hệ nhất thời mà còn các phương
châm 'chỉ đạo chiến lược và lâu dài' về giải quyết tranh chấp, xung đột
trong quá khứ và thực tế khi đó để lại và một số ràng buộc chính trị
dưới danh nghĩa 'quan hệ về ý thức hệ' liên Đảng v.v...
" Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch"
Hôm
17/10, một cựu lãnh đạo cấp Vụ phó ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC
rằng hậu quả của Hội nghị Thành Đô vẫn còn 'đang tác động' tới tâm lý
của lãnh đạo, cán bộ và đường lối của Việt Nam hiện nay trong quan hệ
liên quan Trung Quốc.
Theo ý kiến này, việc ông Nguyễn Cơ Thạch,
khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ
trưởng Ngoại giao, bị Trung Quốc 'gây áp lực' với Việt Nam và đặt điều
kiện phải 'loại bỏ' để bình thường hóa quan hệ, đã gây ra một 'nỗi sợ'
với giới chức không chỉ trong ngạch ngoại giao của Việt Nam, suốt từ đó
đến nay, trong các quan hệ, công việc của nhà nước liên quan Trung Quốc.
"Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ
lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc
đối với Việt Nam," cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Vụ Phó Bộ
Ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng nói.
"Trong đó không chế về mặt
đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của
Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc."
Theo cựu quan chức ngoại giao nay đang tị nạn chính trị ở Thụy Sỹ, việc này tạo thành một hội chứng đáng kể mà theo ông:
"Bất
cứ nhân vật nào lên đều không dám đụng tới Trung Quốc và không dám nói
nhiều, không dám đứng ra như dạng ông Nguyễn Cơ Thạch đã đứng ra công
khai chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (đặt dưới các
điều kiện bất lợi cho Việt Nam) thì sẽ bị 'xử lý'.
"Nhiều nhân
vật sau này, khi đụng chạm đến vấn đề Trung Quốc, khi đụng chạm giải
quyết vấn đề biên giới cũng như vấn đề biên giới, cũng như những vấn đề
về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thế, đều có những dấu
hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.
"Tức là rất sợ những ý kiến cả
nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc... rất sợ Trung Quốc sẽ
xử lý qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và làm ảnh hưởng
đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ
cấu nhà nước."
" Can thiệp nhân sự"?
Cũng hôm 17/10, khi được hỏi có thể có một khả năng tác động sâu và
cao như vậy từ phía Trung Quốc vào nhân sự lãnh đạo của Việt Nam hay
không, thông qua trường hợp được cho là đã xảy ra với cố Ngoại trưởng
Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, PGS Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội
bình luận thêm:
"Cách gây sức ép của Trung Quốc trên tất cả các
mặt, kể cả về mặt nhân sự nếu như Trung Quốc có thủ đoạn như vậy, tôi
nghĩ là hoàn toàn có thể có.
"Nhưng vấn đề đặt ra là ví dụ nhân sự
như ông Nguyễn Cơ Thạch mà Trung Quốc không thích bởi vì sao? Nguyễn Cơ
Thạch có thể có quan niệm đối ngoại khác, nó rộng mở hơn, nó thoáng
hơn, mà người Trung Quốc không muốn Việt Nam có một nhân vật như vậy ở
trong giới lãnh đạo cao cấp.
"Có thể họ gây sức ép đòi hỏi không
nên như vậy, không nên thế nọ, không nên thế kia, cái điều đó người
Trung Quốc có thể làm lắm, tôi cũng tin là người Trung Quốc có thể làm
các điều này.
"Tức là về mặt nào đấy có thể nói là họ muốn can thiệp vào vấn đề nhân sự của riêng Việt Nam.
"Nhưng
về phía Việt Nam, ai là người thay ông Nguyễn Cơ Thạch, và người đó có
làm theo ý đồ của Trung Quốc hay không, đấy lại là một việc khác và
người Trung Quốc không thể lãnh đạo, không thể chỉ đạo việc đó được," sử
gia chuyên về lịch sử Đảng từ Đại học Quốc gia nêu quan điểm.
Hôm
15/10, một quan chức Vụ phó, thuộc Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam, nói đang có yêu cầu công khai ra Quốc hội Việt Nam về Hội
nghị Thành Đô, ngay cả trước khi có một tài liệu được cho là của Ban
tuyên huấn Trung ương của Đảng về Hội nghị được loan truyền trên mạng
Internet.
"Văn bản của Ban Tuyên giáo... thì nó có thật đấy. Họ đưa ra để giải thích vấn đề Thành Đô.
"Nhưng
chúng tôi hoài nghi sự giải thích đấy ở chỗ không biết là có đến nơi,
đến chốn không, và chúng tôi đang muốn là Quốc hội phải thành lập một Ủy
ban nghiên cứu và bạch hóa vấn đề này," ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC
từ Hà Nội.
Danlambao -
Sáng ngày 15/10/2014, an ninh 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn đã huy động tối
đa lực lượng nhằm ngăn chặn, sách nhiễu những người dự kiến sẽ đến trụ
sở Quốc hội để trao "Yêu cầu Quốc hội bạch hoá Hội nghị Thành Đô".
Đúng như đã dự đoán, bóng ma mật ước Thành Đô 1990 đã khiến đảng cộng
sản hoảng loạn. Nhiều thủ đoạn đã được lực lượng công an tung ra nhằm
trấn áp, triệt hạ quyền được biết của người dân yêu nước.
Trịnh Kim Tiến giữa vòng vây công an
Tại Hà Nội, từ tối ngày 14/10/2014, đã có 3 nhân viên an ninh và 1
công an khu vực ngồi canh ngay trước cửa nhà của Trịnh Kim Tiến. Sáng
hôm sau, dù không đi được nhưng Kim Tiến đã phản đối bằng cách đứng
trước các an ninh và chụp hình với tấm bảng "I want to know".
Rất nhiều người khác cũng bị lâm vào trường hợp bị ngăn chận tương tự.
Dù vậy, đã có một số người vượt thoát vòng canh, chặn của an ninh để đến
địa điểm tập trung - gồm có: Nữ nghệ sĩ Kim Chi, Nguyễn Văn Viên,
Nguyễn Văn Lịch, Lê Hồng Phong, Nguyễn Tường Thụy, Trương Văn Dũng, Ngô
Duy Quyền, Vũ Quốc Ngữ, Nguyễn Thanh Thuỷ, Lê Hùng, Hà Thanh... và một
số bà con dân oan.
Lực lượng lớn gồm cảnh sát 113, dân phòng, an ninh mật vụ và các Dư luận
viên, hồng vệ binh được huy động đông đảo để ngăn cản quyền chính đáng
của công dân: Quyền được biết và quyền thể hiện trách nhiệm với Đất
nước.
Thậm chí, lực lượng dư luận viên đã “gây sự” bằng cách chửi bới, xúc
phạm những người đi trao bản yêu cầu bạch hoá Thành Đô. Một số kẻ xông
vào định đánh Blogger Nguyễn Tường Thụy. Thay vì nổi nóng hay phản ứng
với những kẻ kích động, những người bạn của ông đã đứng thành vòng tròn
để bảo vệ ông một cách rất ôn hoà nhưng cương quyết không để quần chúng
tự phát khiêu khích để an ninh lấy cớ gây rối trật tự công cộng và bắt
giữ.
Các dư luận viên còn in ra những tờ rơi có nội dung chửi bới, mạ lỵ xúc phạm Blogger Trương Văn Dũng.
Khi đoàn người vào đến trụ sở Văn phòng Quốc Hội số 22 Hùng Vương thì bị
Khi đoàn người vào đến trụ sở Văn phòng Quốc Hội số 22 Hùng Vương thì bị người bảo vệ ngăn cản với câu trả lời là: “Ở đây không tiếp nhận đơn thư, yêu cầu” và nói đến số 1 Ngô Thì Nhậm là trụ sở tiếp dân của Trung Uơng đảng và Nhà nuớc.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, là nơi đại diện cho
tiếng nói và nguyện vọng của người dân nhưng khi người dân đến thực thi
quyền công dân thì liên tục bị ngăn cản, bị xúc phạm, bị hành hung, bị
xe cảnh sát mang theo loa phóng thanh liên tục bám sát và xua đuổi.
Tại Sài Gòn, tình trạng ngăn chặn cũng đã diễn ra gắt gao từ đêm
trước. Sáng sớm thứ Tư, công an đã tập trung dày đặc quanh khu vực đường
Hoàng Văn Thụ. Trụ sở văn phòng quốc hội đã được rào chắn, cổng đóng
kín và không hề có dấu hiệu hoạt động. Bên ngoài, xuất hiện lực lượng
công an và quần chúng tự phát "đông như quân nguyên".
Tại Sài Gòn, trụ sở quốc hội hoàn toàn đóng kín cổng
Vào lúc 9 giờ sáng, hưởng ứng lời kêu gọi tham gia, Phong trào Liên đới
dân oan với 30 thành viên từ nhiều tỉnh miền Tây cũng đã kéo về Sài Gòn
ủng hộ và đồng hành trao bản yêu cầu đến Quốc hội. Hàng trăm công an, an
ninh nam nữ đã xông tới đàn áp thô bạo, đánh đập, giật điện thoại, bắt
chị Trần Thị Hoàng và 11 người khác chở về các tỉnh.
Theo các bạn thực hiện Chúng Tôi Muốn Biết thì từ những kinh nghiệm quá
khứ, họ hoàn toàn không ngạc nhiên gì về hành vi của an ninh. Tuy nhiên,
việc trao yêu cầu cho quốc hội vẫn được thông báo và kêu gọi nhiều
người tham gia và xem đây chỉ là bước khởi đầu cho một tiến trình vừa
tranh đấu lâu dài để đòi hỏi quyền được biết, vừa chứng minh cho nhân
dân và thế giới thấy những sai trái của các cơ quan chức năng bằng chính
hành động của họ:
- An ninh tìm mọi cách để ngăn chận người dân Việt Nam thực hiện quyền
căn bản nhất của công dân là trao yêu cầu, nguyện vọng của cử tri đến
những người được xem là đại biểu của họ.
- Những đại biểu Quốc hội đã đóng kín cửa và trốn trong những bức tường kín không dám tiếp nhận những yêu cầu của công dân.
Rõ ràng là Hội nghị Thành Đô có những khuất tất và đang được tìm mọi
cách để che giấu, ngày cả việc yêu cầu công bố nội dung một cách đúng
luật của công dân cũng bị ngăn chặn.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Việt Nam tụt hậu 1-2 thế kỷ"
Ngọc Quang/ GDVN
Ảnh bên: Gs Hồ Ngọc Đại: "Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng,
nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư
phạm." Ảnh: Ngọc Quang
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người đã từng từ chối làm Thứ trưởng để dạy
tiểu học đã bình luận như vậy khi nói về vai trò của người thầy - yếu tố
thiên cốt tạo nên sức sống của nền giáo dục.
"Ai cũng dạy được, thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được"
GS Hồ Ngọc Đại nhận định: "Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi
chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng,
Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về tôi cuộc cải cách giáo dục như thế nào?
Tôi trả lời ngay: "Sẽ thất bại, vì chiến lược về nền giáo dục hiện đại
dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn
về mặt triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất là đang tụt lùi
1-2 thế kỷ”.
Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục,
chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc
cải cách? Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi
của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người
thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp
lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học
sinh. Nhưng dường như ngành giáo dục chưa có một kế hoạch đủ mạnh để
thay đổi vai trò của người thầy. Do đó, GS Hồ Ngọc Đại đánh giá rằng,
trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng,
nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả
nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm.
“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho
trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu
không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc
cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là
xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có
tính chuyên nghiệp gì cả.
Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai
cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do
đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo
mới làm được, ngoài ra không ai làm được”, GS Đại chia sẻ.
Đào tạo giáo viên dư thừa quá lớn
Song song với yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người thầy thì
công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng phải siết thật chặt, không nên
để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Nói cách khác, những ai không
xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy.
PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Tôi
thống kê hiện nay có 43 trường sư phạm, hoặc các trường không sư phạm
nhưng lại có khoa sư phạm đào tạo giáo viên, thậm chí có những trường
không có khoa sư phạm cũng đào tạo giáo viên. Năm trước, chỉ tiêu đào
tạo giáo viên của Bộ Giáo dục là 16 nghìn có ngân sách nhưng các trường ở
địa phương thì tăng lên 25.500 chỉ tiêu. Dù chủ trương của Bộ Giáo dục
là giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhưng năm nay vẫn có tới 25.250 chỉ
tiêu đào tạo ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy là quá dư thừa".
PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đề nghị ngăn chặn sự phát triển ồ ạt đào tạo giáo viên. Ảnh: Ngọc Quang.
Trước thực trạng trên, PGS Nguyễn Thám đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo
dục cần phải ngăn chặn được sự phát triển ồ ạt vượt quá hệ thống các
trường đào tạo giáo viên.
"Nếu không kiên quyết điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo giáo
viên, không kiên quyết giảm chỉ tiêu của các trường đào tạo giáo viên
thì đừng nói đến chuyện. Tôi biết rằng chuyện này khó, nhưng phải kiên
quyết làm cho được, đây là câu chuyện mang tầm quốc gia và nếu chỉ có
riêng Bộ Giáo dục thì không thể làm được", PGS Thám nói.
Chia sẻ về những lo lắng này với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn
Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng nhận định rằng "đào tạo vẫn rất nhiều và tuyển
dễ dãi dẫn tới vàng thau lẫn lộn".
GS Thuyết đánh giá, chương trình - SGK hay trang thiết bị dạy học rất
quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì
vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi
dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải
song song với đổi mới chương trình - SGK.
"Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn
học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp
dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng
học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy
học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu
cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải
“chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn
người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương
đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo
công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn
toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra
mỗi năm…
Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các
trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên
dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở
trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo
viên mới giỏi được", GS Thuyết chia sẻ.
“Chúng ta đang sống trong một hoàn
cảnh thật khốn nạn. Sau hàng thế kỉ ngoại thuộc, sau ba chục năm trời
nhiễu nhương, nay nước nhà được thanh bình, dân tộc bắt tay xây dựng đất
nước, thì chúng ta lại bỏ xứ ra đi, chúng ta lại vắng mặt, lại đứng
ngoài vòng.”
“Không về được, chúng ta tự thấy
sống một đời vô duyên, lãng xẹt. Cần thì chưa chắc tổ quốc đã cần đến
mình; chưa chắc mình sẽ có một đóng góp nào đáng kể. Những kẻ có ý thức
cao nhất về mình cũng không bao giờ dám tự nhận mình là cả một cần thiết
cho quốc gia. Tuy nhiên, nghĩ rằng ở cái xứ nghèo khó nhỏ bé của mình
đồng bào đang rầm rập xây dựng mà mình không được dự phần vào, tự dưng
có một cảm tưởng tưng hửng, dần dần ngấm thành một đau đớn.”
“Lòng chúng ta lúc nào cũng tha thiết với quê hương, nhưng quê hương lại không còn như xưa. Cho nên chúng ta lâm cảnh bẽ bàng.”
“Về ư? Dẫu có về được, ta đâu còn về
để tiếp tục đời sống như trước, mà chỉ để tăng cường hàng ngũ nô lệ.
Đành rằng sống chết không cần, nhưng đã sống ta lại cam chịu sống như
vậy sao? Sống để răm rắp vâng lời, để suốt đời ca ngợi lãnh đạo sáng
suốt, để đem thân trâu ngựa củng cố một chế độ độc tài, vun bồi quyền
lợi của một tầng lớp thống trị?”
“Bị kẹt dưới chế độ độc tài là đáng
thương; còn như quyết định tự nguyện nhảy vào cúi đầu phục vụ độc tài
lại đáng nguyền rủa. Kẹt cứng! Đồng bào ta, có lớp bị kẹt lại trong
nước, có lớp lại bị kẹt… ở ngoài nước!”
Những dòng trên đây là của một nhà văn miền Nam nổi tiếng, trong tùy bút “Ngày về” in năm 1987 tại California [1].
Hai mươi lăm năm sau những tâm sự khắc khoải này và ba mươi bảy năm sau
khi rời quê hương, một phần nhỏ tác phẩm của ông đã trở về. Hai đầu
sách, Quê hương tôi và Tạp văn
được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam. Chỉ có điều bút danh nổi tiếng của
ông, Võ Phiến, được thay bằng Tràng Thiên, một bút danh ít người biết
đến.
Tất nhiên điều đó không bình thường. Nó
để lại một dư vị không dễ chịu. Dư vị của ngụy trang. Nhưng ngụy trang
là hành vi gắn liền với toàn bộ sự tồn tại Việt Nam, với tất cả những
mặt khuất và điểm sáng của nó. Ở đây tôi thiên vị các điểm sáng. Chúng
ta thử nhìn câu chuyện Võ Phiến cải tên này qua một sự cố khác, sự cố Chuyện ở nông trại,
tác phẩm lừng danh về những con lợn làm cách mạng để rồi thiết lập
chính cái nguyên trạng mà chúng lật đổ, cũng do Nhã Nam xuất bản không
lâu sau Lolita [2] và Võ Phiến.
*
Trong vụ tác phẩm chống
toàn trị cộng sản kinh điển của George Orwell lọt lưới kiểm duyệt ở
Việt Nam, công đầu chắc chắn thuộc về những người làm sách. Tuy không
thể cho Chuyện ở nông trại một sự hiện diện rầm rộ trên truyền thông như với tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng của Nabokov [3],
nhưng chỉ riêng việc nó được cấp phép xuất bản và bản dịch không bị cắt
xén đã đủ ngoạn mục. Song trong trường hợp tác phẩm đặc biệt này, ngoài
bản lĩnh và sự dấn thân khéo léo của những người làm sách, phải có
những may mắn khác.
May mắn đáng kê ra đầu tiên là sự dốt
nát của bộ máy kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam. Ai từng làm việc với nó
đều vẫn phải sửng sốt dù đã được nhiều lần báo trước. Trình độ của đại
đa số các cán bộ kiểm duyệt có một quyền quyết định nào đó thường thấp
đến mức “hạn chế” còn là một mĩ từ quá rộng lượng để chỉ. Guồng máy công
quyền ở mọi nơi đều là chốn nương thân lí tưởng cho sự tầm thường,
nhưng ở đất nước này guồng máy ấy do một bàn tay vô hình ưa mỉa mai sắp
đặt: hệt như ở các lĩnh vực khác, tiêu chuẩn của người quản lí văn hóa
dường như trước hết phải là không biết gì về văn hóa. Nghe họ mở miệng –
đúng ra phải gọi là mở băng – bạn sẽ chỉ có một cảm giác duy nhất là
tuyệt vọng. Tuyệt vọng khi nghe họ giải thích, chẳng hạn vì sao Kafka là
một “trường hợp có vấn đề”, và càng tuyệt vọng hơn khi một lúc nào đó,
khoảng hai thập niên sau, trái đất vẫn quay dù chúng ta đứng im, lại
nghe họ giải thích vì sao trường hợp ấy không có vấn đề nữa. Trước một
thành trì u mê được dán kín tem quyền lực như vậy bạn không có cơ hội
nào hết. Hoặc là bạn phát điên. Hoặc là bạn trở thành một nhà hiền
triết. Ngoài hai khả năng khá gần nhau này, bạn còn có thể tê liệt như
một lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi từng liệt toàn thân khi lịch sự ngồi nghe
một cán bộ tuyên huấn cỡ kha khá kể chuyện ông ấy đã liều bảo vệ một tác
phẩm đang bị “đánh” của tôi như thế nào. Tư duy của ông ấy – nếu có thể
gọi đó là tư duy – không hề bị xúc phạm trước một chân lý đại loại như:
một nhà văn rửa tay trước khi viết là một nhà văn trong sạch, nhân đạo
và tiến bộ. Còn sự đổi mới tư duy táo bạo của ông ấy nằm ở nhận thức
rằng tôi tuy không rửa tay nhưng vẫn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ, vì
tay tôi có bẩn đâu mà phải rửa. Mạng lưới kiểm duyệt thỉnh thoảng thủng
ra một hai lỗ, có khi cho cả một tác phẩm lớn chui vừa, từ sự dốt nát
đó. Thuyết phục kẻ giáo điều thường vô ích. Nhưng một kẻ giáo điều mù
tịt đôi khi lại bất ngờ có một quyết định sáng sủa, vì hắn thậm chí
không đủ hiểu biết để ý thức về quyết định đó của mình.
Những phẩm chất trứ danh khác của bộ máy
nói trên là quan liêu, lười nhác và tắc trách. Tôi đảm bảo rằng nếu
thay tên George Orwell bằng Eric Athur Blair, tên thật của ông, hay H.
Lewis Always, một bút danh khác của ông, và đổi 1984 thành Tấm lòng của người Anh Cả; hoặc nếu thay Arthur Koestler bằng Kösztler Artúr và lấy tên bản gốc tiếng Đức Sonnenfinsternis dịch thành Một vầng nhật thực thay vì dịch theo những nhan đề đã quá nổi tiếng của bản tiếng Anh Darkness at Noon hay bản tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini, thì cả hai tác phẩm thuộc hàng chống toàn trị và chống cộng đầu bảng này đều được duyệt êm ru tại Việt Nam và báo Nhân dân sẽ nhiệt tình quảng cáo. Trong trường hợp Animal Farm, rất có thể vụ vỡ đê kiểm duyệt xảy ra vì bản thảo được mang một cái tên đồng quê hiền lành, Chuyện ở nông trại.
*
Vì thế tôi mừng cho một
phần Võ Phiến đã chui lọt một trong những cái lỗ tất yếu ngày càng to
ra trong bức tường kiểm duyệt ngày càng kém chất lượng ở Việt Nam. Một
ngày không xa, Đêm giã từ Hà Nội có thể được xuất bản với tên tác giả là Nguyễn Đăng, một bút danh của Mai Thảo. Nếu phải đổi thành Hà Nội đêm tiễn biệt, Giọt nước mắt đêm chia tay Hà Thành, Thăng Long đêm biệt li…
để Mai Thảo được trở về cố hương, tôi sẽ lựa chọn sự ngụy trang ấy. Bản
thân tôi, không được thông báo trước, cũng có lần xuất hiện trên một
tạp chí ít người đọc ở trong nước, với cái tên chỉ dùng trong gia đình
và một nhóm nhỏ bạn bè.
Trong số những nhà văn miền Nam được
mệnh danh là „những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt
trận văn hóa-tư tưởng“ thì Duyên Anh ngồi tù 5 năm rưỡi, mất tại Pháp;
Hồ Hữu Tường ngồi tù 5 năm, ra tù thì qua đời tại Việt Nam; Nguyễn Mạnh
Côn chết trong tù; Vũ Khắc Khoan di tản, mất tại Hoa Kỳ; Mai Thảo vượt
biên, mất tại Hoa Kỳ; Doãn Quốc Sỹ ngồi tù 14 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ;
Nhã Ca đi tù 2 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Võ Phiến di tản, hiện sống tại
Hoa Kỳ; Nhất Hạnh đã ra nước ngoài từ 1967; Dương Nghiễm Mậu ngồi tù 2
năm, hiện sống tại Việt Nam… Năm 2007, 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vừa được in lại ở trong nước thì biến mất, rất nhanh, sau khi những pháo đài à la Vũ Hạnh
khạc đạn, loại đạn tồn kho quân khí tư tưởng từ vài chục năm trước, thô
sơ cổ lỗ nhưng vẫn đủ sức sát thương. Nhưng từ khi Võ Phiến alias
Tràng Thiên tái xuất, không thấy ông Vũ Hạnh, người đích thân phụ trách
phần viết về Võ Phiến trong tác phẩm chống „biệt kích văn hóa“ khét
tiếng nói trên, đem súng ra lau. Một dấu hiệu tích cực. Như thể dù phải
len lén đi đêm, văn học miền Nam và văn học hải ngoại cuối cùng cũng gửi
được một đại diện đáng kể của mình đến dự cuộc tọa đàm không chính thức
và đã rất trễ giờ về hòa giải dân tộc.
*
Song ngày vui ngắn
chẳng tày gang. Bây giờ chúng ta được biết cái giá phải trả cho tấm vé
ngày về của Võ Phiến. Hóa ra việc cải tên chỉ là một động tác rất phụ.
Con trai ông, cũng một nhà văn, bút danh Thu Tứ, người đã „chọn lựa và
biên tập“ hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp văn nói trên, tuyên bố rõ trong bài „Trường hợp Võ Phiến“: „Chúng
tôi cố chọn những tác phẩm vừa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc
chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập
chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những
thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc
mà không gây hại cho nước.“ Trong phần còn lại của bài viết khá dài
này, ông Thu Tứ phê phán toàn bộ hành trình tư tưởng chống cộng của cha
mình để đi đến kết luận về giá trị của Võ Phiến: „Văn nghiệp Võ
Phiến vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực, đáng lưu truyền, là phần văn
học. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị“ cũng như điều kiện để Võ Phiến có thể trở về: „Sai
lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Đất nước
đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá
trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội
dung chính trị.“
Tuyên bố của ông Thu Tứ xuất hiện trên trang Góc nhìn vào tháng 8/2014, song đến khi được Tuần báo Văn nghệ TP HCM đăng lại cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014 nó mới thực sự được chú ý. Như có thể đoán trước, nó cũng vừa được báo Nhân dân và báo Tuyên giáo đăng lại. Còn thiếu báo Thanh tra, báo Quân đội và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là thành trì tư tưởng chính thống điểm danh xong. Năm ngoái, cái liên minh già nua ấy đã khoe cơ bắp
trước tác giả trẻ Nhã Thuyên. Tương lai thuộc về ai, điều ấy không cần
bàn cãi. Nhã Thuyên có rất nhiều tài năng, rất nhiều lao động cả học
thuật và nghệ thuật. Cái liên minh ấy có những chiếc răng kiểm duyệt
cuối cùng. Ông Thu Tứ chỉ góp thêm một chiếc lá vàng vào mùa thu của các
vị trưởng lão.
Tôi không coi việc làm của con trai nhà
văn Võ Phiến là hành động „đấu tố cha“ hay „bất hiếu“, như phần lớn phía
dư luận đang phẫn nộ, đặc biệt ở hải ngoại. Máu mủ không phải là tiêu
chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ
Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với
cha ông? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu
chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay
trong một con người. Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung
phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử
chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần
khai quốc? Chúng ta lấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm
ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy
cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những
trường hợp như thế? „Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung
đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình
diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.
Nếu ông Thu Tứ chỉ đoạn tuyệt với cha
mình về quan điểm chính trị, tôi không chia sẻ, nhưng đó là quyền tự do
của ông, như của bất kì ai, mà tôi thấy tranh luận là vô ích. Song điều
khiến tôi sởn gai ốc là ông biến cái quyền tự do tư tưởng ấy của bản
thân thành quyền tự do thanh trừng tư tưởng của người khác, và người đó
là thân phụ ông, nhà văn Võ Phiến, với tất cả lòng tin cậy ruột thịt đã
cấp cho ông tấm giấy ủy quyền. Giấy phép gọt Võ Phiến cho vừa khuôn Thu
Tứ. Không thể trớ trêu hơn. Đội quân đấu tranh tư tưởng của chính quyền
Việt Nam có thể cả cười: nó sẽ tế nhị rút lui, khi gia đình đã đủ là
trận tuyến.
Quả thật có những nghệ sĩ lớn đã nhỏ hẳn đi khi làm chiến sĩ tư tưởng
và ngược lại. Người ngưỡng mộ nhà thơ Pablo Neruda ước gì bài tụng ca Stalin của đồng chí đảng viên cộng sản Pablo Neruda chỉ là một cơn ác mộng lạc đường. Người yêu thơ Lê Đạt muốn tống khứ 626 dòng Trường ca Bác năm 1970, viết ngày giỗ đầu Hồ Chủ tịch (Mây
trắng đền Hùng/Râu Bác ung dung. Suối Lê Nin/ Núi Mác… Ôi/ Đến cả hình
hài/ Bác/ cũng chẳng mang đi… Bác để lại/ cho ta/bốn biển/ sâu xa/ tình
đồng chí. Bác để lại/ cho ta/ tất cả/ Bác Hồ), sau tất cả những sỉ
nhục dành cho Nhân văn-Giai phẩm. Biết đâu một ngày nào hậu duệ của Tố
Hữu sẽ đòi đốt sạch di sản của cha, một nhà thơ không phải là không có
năng khiếu, chỉ giữ lại bài thơ „Khi con tu hú“, với tên tác giả là Lê
Tư Lành, để giữ gìn nghệ thuật chân chính. Như ông Thu Tứ tin rằng phải
cắt phăng khối nọc độc, phần tác phẩm chứa tư tưởng chống chế độ cộng
sản của Võ Phiến, thì mới bảo toàn được giá trị sự nghiệp văn học của
cha mình.
Những quan niệm lang băm trung cổ như
thế vẫn sống sót trong thời hiện đại, nơi văn chương đã lặng lẽ rút lui
khỏi ý thức xã hội. Ngày về âm thầm của một tác giả lớn có dấy lên được
một chút dư luận cũng chỉ vì tiếng động của dao kéo kiểm duyệt. Trong
„trường hợp Võ Phiến”, kiểm duyệt tại gia đã đi trước kiểm duyệt quốc
gia.
[1] Võ Phiến, Tùy bút, quyển 2, Văn Nghệ, California 1987, tr. 317-318, 323-324
[2] Bất chấp sự tranh cãi về dịch thuật, việc Lolita chính thức xuất hiện trong tiếng Việt là một bước tiến đáng ghi nhận của đời sống văn học tại Việt Nam.
[3] Cả Nhã Nam lẫn NXB Hội Nhà văn đều không đưa thông tin về cuốn sách lên mạng. Lời đồn cuốn sách đã bị thu hồi cũng không được phía nào xác nhận hay bác bỏ.
Sau
hơn hai tuần biểu tình, cuộc vận động dân chủ ở Hong Kong đã thoái
trào nhưng các ý kiến về phong trào bất tuân dân sự này vẫn chưa hết.
Nhân
dịp này ta cũng cần đánh giá lại một số nét về làn sóng sinh viên học
sinh đòi dân chủ ở Hong Kong và hóa giải một số hiểu lầm.
1. Không phải Thiên An Môn
Dù
nhiều báo chí quốc tế nhắc đến vụ Thiên An Môn, họ chủ yếu cho rằng
biểu tình tại Hong Kong là thách thức chính trị lớn nhất từ 1989 cho Bắc
Kinh, chứ không nói về các diễn biến của hai sự kiện.
Vì dù cùng được coi là đòi dân chủ, hai phong trào có định hướng, yêu sách khác nhau khá lớn.
Hồi
tháng 5 và 6 năm 1989, sinh viên Trung Quốc còn dâng thỉnh nguyện thư
lên lãnh đạo để muốn họ cải tổ nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa qua
cách tăng cường dân chủ, chống tham nhũng, cửa quyền.
Một số lãnh
đạo cao cấp như Triệu Tử Dương đã lắng nghe họ, cùng khóc với họ ở
Thiên An Môn (có trợ lý Ôn Gia Bảo đứng cạnh), làm tăng thêm cảm xúc
rằng Đảng và dân vẫn cùng chia sẻ nhiều nguyện ước.
Howard Zhang, phóng viên BBC, người từng tham gia biểu tình ở Thiên An Môn nói với tôi:
"Hồi
năm 1989, cuộc đấu tranh khởi đầu cũng không phải là đấu tranh dân chủ
mà sinh viên và hàng triệu người dân bình thường chủ yếu bày tỏ bực
bội vì tham nhũng tràn lan, vì sự phân biệt giàu nghèo bắt đầu tăng."
"Những lời kêu gọi dân chủ và thay đổi chế độ chỉ đến vào những phút kết cục của đối đầu chính trị."
Trái lại, thanh niên, sinh viên Hong Kong ngay từ đầu không còn chút ảo tưởng nào về lòng thương của lãnh đạo.
Họ
cũng không ảo tưởng rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ về chính trị vì chủ
quyền Hong Kong đã thuộc về Bắc Kinh nhưng muốn mở ra cuộc đấu tranh
về mặt pháp lý, căn cứ vào thỏa ước Anh – Trung năm 1984, và nhấn mạnh
vào quyền đầu phiếu.
Đây là cuộc vận động pháp
quyền rất cụ thể, không đòi lật đổ chế độ nào cả và vì thế có sự hưởng
ứng rộng mà Bắc Kinh không thể cho quân đội bước ra khỏi doanh trại
đã đóng ở Hong Kong để đàn áp.
Về sách lược và tiếng vang, nó có
nhiều điểm tương đồng với Phong trào Ngũ tứ năm 1919 khi sinh viên Trung
Quốc ồ ạt xuống đường đòi chính phủ Dân quốc hủy Hiệp ước 21 điều,
nhượng bộ quá nhiều với Phương Tây.
Trong những lần sang Hong
Kong, cảm nhận của tôi là đặc khu này dù 'thuộc về Trung Quốc' vẫn là
nơi tự do học thuật, báo chí được tôn trọng khá tốt.
Từ môi
trường đó, điều không lạ là tính văn minh, lịch sự của cuộc đấu tranh,
và như nhiều bạn trẻ từ Trung Quốc nói với tôi, dù kết cục chưa thành,
đây là cuộc biểu tình cần thiết cho thể nghiệm tương lai về dân chủ ở
Đại lục.
2. Không dân tộc chủ nghĩa
Khác
hẳn với các cuộc xuống đường biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc, tuần
hành phản đối Trung Quốc ở Việt Nam, biểu tình phản đối Việt Nam ở
Campuchia, bạo động chống Hồi giáo ở Myanmar...thanh thiếu niên Hong
Kong đấu tranh đòi đảm bảo dân chủ – một khái niệm phổ quát hơn các
khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa - như họ đã được hứa.
Các biểu tượng
của họ như nơ vàng (đã có trong cuộc đấu tranh dân chủ Philippines
1986 và rất phổ biến trong các phong trào dân sự Anh, Mỹ, Úc) không hề
dính gì đến cờ Hong Kong hay Trung Quốc, điều khiến sức lan tỏa quốc tế
của câu chuyện Hong Kong rất mạnh.
Ngoài ra, nhóm Chiếm Trung Tâm
ở Hong Kong rõ ràng đã học chiến thuật của các nhóm Occupy Central
tương tự từng tổ chức bao vây khu tài chính London, New York.
Thông
điệp ngầm của họ là đòi công bằng xã hội, và phần nào chống toàn cầu
hóa, theo cách hiểu toàn cầu hóa có lợi cho giới có quyền và có tiền.
Nhưng cũng có điểm giống giữa phong trào này và một số cuộc xuống đường gần đây ở châu Á.
Đó là sự lo ngại trước sức ép đến từ một Trung Quốc ngày càng to, ngày càng áp đảo.
Frank Ip, nhà báo của BBC Tiếng Trung và là người Hong Kong nói với tôi rằng:
“Hong
Kong đúng là là một trong những khu vực thịnh vượng nhất về kinh tế
trên thế giới nhưng ta không nên quên rằng khoảng cách giàu nghèo cũng
rất lớn như chỉ số GINI gần nhất cho thấy. Và thế hệ trẻ đang chịu
nhiều áp lực.”
Tại khu vực hành chính đặc biệt hơn 7 triệu dân, căng thẳng với người từ đại lục tới đã diễn ra từ lâu nay:
“Áp
lực từ Trung Quốc, từ những người lục địa đến, sang mua từ sữa, đồ dùng
sang trọng đến các thứ khác. Đó là một trong số những điều khiến người
trẻ tuổi ở Hong Kong cảm thấy bị đe dọa”, theo Frank Ip.
ue.
null
Ngoài ra trên thị trường địa ốc, thị trường lao động và cơ hội việc làm, thanh thiếu niên Hong Kong cũng chịu nhiều sức ép.
Ngay
ở học đường, số sinh viên từ Trung Quốc ngày càng đông, và ở một những
trường đại học hàng đầu ở Hong Kong, số liệu mới nhất, theo Frank Ip,
nói số sinh viên bậc sau đại học từ Trung Quốc lục địa có khi chiếm tới
30%.
Dù mức sống cao, thanh thiếu niên Hong Kong vẫn cất lên tiếng nói chung như giới trẻ Phương Tây.
Vì
chỉ một chủ nghĩ̉a tăng trưởng được nhiều chính phủ tôn thờ nay không
đủ để trả lời rất nhiều câu hỏi cuộc sống nêu ra cho nhân loại.
3. Không chỉ có chính trị
Các báo Anh đã giải thích nhiều vì sao các lãnh đạo quốc tế yên lặng lạ thường khi xảy ra các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Trang
Sunday Times từng trích lời một trong số quan chức Anh tham gia đàm
phán trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc trong thập niên 1980 cho rằng
khi đó, London “đặt cược là Trung Quốc sẽ tự do hóa”.
Nay thì cú đặt cược đó bị coi là “thất bại”.
Nhưng
một phần chính giới Anh cũng coi ngay cả trước khi Hong Kong thuộc về
chủ quyền Trung Quốc, vùng đất này cũng chỉ là nơi để làm ăn kinh tế
hơn là một địa bàn mang tính chính trị.
Hiện nay, các mối làm ăn
với Trung Quốc cũng khiến lãnh đạo Pháp, Đức không phát biểu cá nhân
ủng hộ cuộc vận động dân chủ ở Hong Kong.
Hoa Kỳ cùng Nhật Bản thì còn đang chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh đạo nước họ tới APEC ở Bắc Kinh tháng 11 này.
Vì
dù các chính phủ lên tiếng ủng hộ dân chủ và đối thoại trên nguyên
tắc, các nhà lãnh đạo quốc tế đều có vẻ tránh làm mất lòng chủ nhà Trung
Quốc.
Mặt khác, nhìn từ Trung Quốc, vai trò của Hong Kong tuy vẫn quan trọng nhưng không còn như xưa.
Trang
The Guardian ở Anh nói khi về với Hoa lục năm 1997, Hong Kong đóng góp
tới 18% lượng xuất khẩu của cả nước, nhưng nay khi kinh tế Trung Quốc đã
lên như vũ bão, tỷ lệ đó chỉ còn 3%.
Hong Kong từng hưởng lợi ở
vị thế đặc thù – là khu vực tự do và vận hành theo luật Anh – nhưng
nay, với quá trình mở cửa ngày càng mạnh của chính Trung Quốc, lợi thế
này cũng bị sút giảm.
Thâm Quyến ngay cạnh Hong Kong đã có thể
giành lấy nhiều dịch vụ làm ăn và Thượng Hải cũng có tham vọng trở thành
trung tâm tài chính của châu Á.
Và điều các quốc gia Phương Tây không muốn vì Hong Kong mà bỏ mất cơ hội vào thị trường lục địa rộng lớn.
4. Không kiên nhẫn chờ đợi
Một
số nhà báo ở London nói đùa với tôi là yêu sách ‘One man, one vote’,
mỗi người một lá phiếu, mà giới đấu tranh Hong Kong đòi hỏi hóa ra lại
là ‘Một người – ông Tập Cận Bình – quyết định bằng một lá phiếu tối
hậu’.
Quả vậy, các yếu tố kể trên dù có tác động mạnh đến đâu cũng không vượt quá được quyết định của ông Tập.
Vấn
đề là gần nhau, các đánh giá quốc tế cho rằng quyền lực của ông lên đến
đỉnh cao nên cách nhìn của Chủ tịch Tập về khu vực gần Trung Quốc lại
trở nên cứng rắn lạ thường.
Theo một bài trên trang
The Diplomat, ông Tập Cận Bình sau khi xử lý nội bộ với các nhóm
Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và cả một số tướng lĩnh quân đội, đã mạnh
tay ra bên ngoài với các quốc gia nhỏ hơn ở Biển Đông, và mất dần cả sự
kiên nhẫn với Đài Loan và Tổng thống Mã Anh Cửu.
Lần đầu tiên công
khai chào đón một số đảng phái từ Đài Loan thuộc nhóm thần phục Bắc
Kinh, ông Tập nhấn mạnh lại nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” cho
Đài Loan.
Theo tác giả Michael Cole đây cũng có thể là ông Tập
đang cảm thấy "mất dần sự kiểm soát" với vùng ngoại vi, từ Tân Cương,
Đài Loan cho tới Hong Kong.
Chính vì thế, Hong Kong đang là
phép thử với ông Tập Cận Bình và cũng là nơi người Đài Loan quan sát
ngày đêm để xem Bắc Kinh quyết định thế nào.
Phản ứng mới nhất là
phát biểu của Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu hôm 10/10 công khai nói
chính Trung Quốc cần "cải tổ dân chủ" theo hệ thống nghị viện, và Bắc
Kinh cần đối thoại với phe dân chủ Hong Kong.
Vấn đề là dù ai thay
thế ông, kể cả sau cuộc đầu phiếu năm 2017, dư luận vẫn tin rằng ông
Tập Cận Bình vẫn là người quyết định cuối cùng cho mọi vấn đề Hong
Kong.
Vì thế, câu hỏi với ông Tập là ông sẽ kiên nhẫn theo lời
Đặng Tiểu Bình và tuyệt đối tôn trọng cam kết ‘Một quốc gia hai chế
độ’ hay đang biến Hong Kong thành xứ ‘một quốc gia một chế độ’.
5. Không giống cả Trung Quốc và Hong Kong
Sự khác biệt đầu tiên đến từ cách báo chí hai nước Trung Quốc và Việt Nam đưa tin về Hong Kong.
Trong một blog trên trang
Washington Post 06/10, cây bút Ishaan Tharoor ghi nhận rằng tại
Việt Nam, nhiều tờ báo “do Đảng Cộng sản kiểm soát” đã đưa tin nhiều
và khá thoải mái về tình hình Hong Kong, kể cả chuyện giới thiệu những
gương mặt nổi bật trong phong trào sinh viên học sinh như Joshua
Wong, 17 tuổi.
Báo chí và truyền thông ở Việt Nam có cách đưa tin khác nhau về các cuộc xuống đường tại Hong Kong từ hơn 10 ngày đầu.
Trong
những ngày đầu, dù VTV, các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân không đưa
tin gì, các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Người Lao
Động...đã chạy tin, bài, phân tích, bình luận khá rộng rãi về chuyện
Hong Kong.
Điều này cho thấy một mặt thì môi trường truyền
thông Việt Nam thoáng hơn hẳn so với Trung Quốc, mặt khác, các báo đài
ở Việt Nam đều phải ‘giành khách’ với các mạng xã hội, nhất là
Facebook.
Vì giả sử không báo chính thống hay bán chính thống nào
đưa tin, người dân đọc tin trên mạng ở Việt Nam cũng không thiếu tin về
chuyện Hong Kong.
Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội cũng
rộng rãi và không thiếu chiều sâu, và gồm cả thái độ cảm phục ‘văn hóa
biểu tình’ sạch sẽ, hòa bình của thanh thiếu niên Hong Kong.
Các vụ ‘xã hội đen’ tấn công sinh viên học sinh ở Mong Kok cũng nhanh chóng bị dân mạng Việt Nam phê phán.
Nhưng khác biệt nữa còn đến khi ta nhìn vào các phong trào dân sự ở Việt Nam.
Giới
trẻ Hong Kong, từ lứa tuổi 17-20 đã thành công trong việc buộc cả thế
giới lắng nghe quan điểm của họ nhờ tạo ra được một phong trào đấu
tranh mang tính pháp lý, được tổ chức hòa bình, văn minh và hiện đại về
thông tin.
Rộng hơn, cuộc đấu tranh ở Hong Kong này còn đang
tạo ra một hình ảnh "người Trung Hoa mới", hiện đạ̣i, giàu nhiệt
huyết và dấn thân dân sự, không nặng đầu óc dân tộc Đại Hán, như nhận
đị́nh của James Palmer trang The Spectator gần đây.
So với chúng
thì các cuộc biểu tình ở Việt Nam không chỉ thường đề cao biểu tượng
quốc gia mà còn đông người cao tuổi đi đầu hơn là thanh thiếu niên.
Không
chỉ có nhiều nghị trình khác nhau và dàn trải, các đợt vận động ở
Việt Nam cũng chưa tạo ra được những hình ảnh, gương mặt khiến thế
giới phải chú tâm.
Cũng không lạ vì so với Hong Kong, các cuộc
vận động dân chủ hóa ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn 'tích lũy' để trở
thành 'vốn xã hội' (social capital) cho các chuyển đổi tương lai. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/10/141007_hongkong_impression
Trong
những năm gần đây, căng thẳng ngày càng leo thang xung quanh các tranh
chấp trên Biển Đông, nổi bật nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và
Philippines.
Đỉnh điểm là sự kiện Trung Quốc đưa giàn
khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam cho rằng nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 2/5/2014.
Trước
khi Bắc Kinh rút giàn khoan ra khỏi khu vực tranh chấp vào ngày 16/7,
đã có hàng loạt cuộc đụng độ trên biển giữa các tàu chấp pháp hai nước.
Mới đây nhất, ngày 9/10, Trung Quốc tuyên bố hoàn tất đường băng quân sự
trên đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng theo tên gọi của Trung Quốc).
Nếu
tranh chấp tiếp tục leo thang, có nguy cơ một cuộc chiến tranh trên biển
giữa Trung Quốc và Việt Nam nếu một trong hai bên không tự kiềm chế các
hành động của mình.
Lợi thế của Việt Nam
Giáo
sư người Úc Carl Thayer gần đây trích dẫn Gary Li, đang là chuyên gia
an ninh hàng hải của IHS Maritime, cho rằng Việt Nam có lợi thế về vị
trí địa lý so với Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Theo
ông, Việt Nam có số lượng đảo lớn nhất và nhiều nhất trong quần đảo
Trường Sa. Và so với Hà Nội, Bắc Kinh cần phải di chuyển rất xa để tới
được những hòn đảo mà nước này tuyên bố yêu sách của mình.
Điều
này có thể tạo ra lợi thế ‘sân nhà’ cho Việt Nam khi có chiến tranh xảy
ra trên Biển Đông – khu vực cách xa các sân bay trong đất liền của Trung
Quốc. Việt Nam có thể tận dụng điều này khi mà Trung Quốc không mạnh về
năng lực tiếp vận trên không, theo một nhận định khác của Lyle J.
Goldstein, từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, với việc
Trung Quốc vừa tuyên bố hoàn thành đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm
thuộc quần đảo Hoàng Sa, lợi thế này của Việt Nam dường như đã giảm đáng
kể.
Trên tờ South China Morning Post hôm 8/10, chuyên gia quân sự
Nghê Lạc Hùng tại Thượng Hải đã so sánh đường băng này như một ‘‘hàng
không mẫu hạm không thể bị đánh chìm’’ và ‘‘nó sẽ trở thành nơi cất cánh
- hạ cánh lý tưởng cho các máy bay hải quân của Quân Giải phóng Nhân
dân’’.
Không loại trừ khả năng Trung
Quốc sẽ tiếp tục xây dựng đường băng quân sự tại các đảo khác nhằm củng
cố yêu sách chủ quyền cũng như khả năng tuần tra trên biển. Điều này sẽ
thách thức lợi thế hiện có của Việt Nam.
Vũ khí quân sự
Năm
2009, hợp đồng Nga – Việt về chế tạo và cung cấp 6 tàu ngầm phi hạt
nhân lớp Kilo thuộc đề án 636 dành cho Hải quân Việt Nam trị giá gần 2
tỷ đôla Mỹ được ký kết. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 2 chiếc đầu tiên
là tàu ngầm Hà Nội, số hiệu HQ-182 và tàu ngầm TP Hồ Chí Minh, số hiệu
HQ-183. Chiếc thứ ba đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển, chiếc
thứ tư được hạ thủy hồi cuối tháng 3. Tàu ngầm cuối cùng cũng đã được
khởi động đóng vào giữa năm nay.
Theo bình luận của Giáo sư Lyle
J. Goldstein trên New York Times ngày 05/07/2014, các tàu ngầm lớp Kilo
của Việt Nam có thể tạo ra các cuộc tập kích đáng sợ cho đối phương.
Cùng chung nhận định, chuyên gia an ninh tại Đại học Lingnan ở Hong
Kong, Zhang Bahui, cho rằng tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam là mối quan
ngại thực sự cho các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc.
Trong bài
viết ‘Nếu Việt Nam và Trung Quốc nổ ra chiến tranh: Năm loại vũ khí Bắc
Kinh phải e sợ’ đăng trên The National Interest ngày 12/07/2014, Robert
Farly đã nêu ra 5 hệ thống vũ khí mà Việt Nam có thể sử dụng để đối phó
hiệu quả với quân đội Trung Quốc, bao gồm: Máy bay Su-27, tàu ngầm lớp
Kilo, tên lửa hành trình P-800 Onyx, tên lửa phòng không S-300 SAM, và
lợi thế địa hình.
Tuy nhiên, Goldstein lại nhấn mạnh rằng năng lực
không chiến và hải chiến của quân đội Việt Nam vẫn còn hạn chế, ít nhất
là đến thời điểm hiện nay. Ông bình luận, các nhà phân tích Trung Quốc
cho rằng Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm để điều khiển các hệ thống vũ
khí phức tạp này, đặc biệt là tàu ngầm lớp Kilo, và Việt Nam cũng thiếu
kinh nghiệm trong “giám sát, nhắm mục tiêu và quản lý chiến đấu”.
Việt Nam cần làm gì?
Hà
Nội cần tiếp tục tăng cường hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Bắc
Kinh không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự trong những thập niên qua.
Trong
năm 2014, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 12,2% - lên đến 800 tỷ
Nhân dân tệ (hơn 130 tỷ đôla Mỹ). Đây thậm chí không phải là con số
chính xác khi mà Bắc Kinh luôn bị các nước như Mỹ và Nhật chỉ trích là
không minh bạch về ngân sách quốc phòng.
Kyle Mizokami, trong bài
viết ‘Năm vũ khí Việt Nam cần nhất để đối phó với Trung Quốc đang trỗi
dậy’ trên Real Clear Defense, đăng ngày 29/09/2014, chỉ ra 5 loại vũ khí
này bao gồm: máy bay tuần tra biển P-3C Orion, tàu tuần tra mang tên
lửa lớp Hsun Hai hoặc Yoon Youngha, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50,
tàu đổ bộ Makassar , và pháo phản lực phóng loạt BM-30. Những vũ khí
này sẽ giúp tăng cường năng lực không chiến và hải chiến, điều mà quân
đội Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế.
Hơn
nữa, tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ gần
đây vào ngày 2/10 là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể mua
những vũ khí kể trên, như là máy bay tuần tra biển P-3C Orion mà Mỹ đang
có. Thậm chí Việt Nam có thể mua những vũ khí mà Trung Quốc không có,
theo Paul J. Leaf, một nhà bình luận về chính sách đối ngoại và quốc
phòng, bình luận trên The Diplomat ngày 18/9.
Mặt khác, Việt Nam
cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình
Dương như Mỹ, Ấn Độ và Nga, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác an ninh
quốc phòng. Điều này cũng sẽ giúp Hà Nội đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội
trong những năm tới. Đây sẽ vẫn là những thị trường nhập khẩu vũ khí
quân sự chủ yếu của quân đội Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Việc
thắt chặt quan hệ với các cường quốc trong khu vực cũng sẽ phần nào
khiến Trung Quốc phải e ngại khi tiến hành một cuộc chiến tranh với Việt
Nam. Trong bối cảnh Mỹ đang thực thi chính sách “xoay trục” ở châu
Á-Thái Bình Dương thì mối quan hệ gần gũi với Washington có thể sẽ mang
lại lợi ích cho cả hai bên.
Chiến tranh là điều cả hai bên đều
không mong muốn, đặc biệt là Việt Nam trong thực tế chênh lệch tương
quan lực lượng so với Trung Quốc, dù có một số lợi thế về địa lý và vũ
khí.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần chủ động chuẩn bị năng lực đối
phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sẽ là khôn ngoan nếu
Việt Nam biết tận dụng các lợi thế sẵn có của mình và nắm bắt các mối
quan hệ với các cường quốc khác.
Bài viết thể hiện quan điểm và
cách hành văn của tác giả Lê Thành Lâm, giảng viên tại Khoa Quan hệ
Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia
TP.HCM, và hiện đang theo học tại City University London.
Những người “muốn biết” đã nhận được “câu trả lời”
Thu, 10/16/2014 - 02:19 — nguyentuongthuy
Câu trả lời thể hiện ở sự việc những người đến gặp Ban Dân nguyện của Quốc hội để trao bản Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô đã
được “đón tiếp” như thế nào. Đó là một rừng máy quay của an ninh, một
lực lượng thanh niên mặc áo đỏ sao vàng đến gây rối và lực lượng bảo vệ
xua đuổi.
Việc những người hưởng ứng phong trào “Tôi muốn biết” do mạng
lưới Blogger Việt Nam phát động đến trao cho Quốc hội bản yêu cầu nói
trên đã được thông báo rộng rãi trên mạng từ những ngày trước.
“Để tiếp tục thực hiện điều "Chúng Tôi Muốn Biết", một văn
bản "Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô" sẽ được trao cho Quốc
hội vào ngày:
Thứ Tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014, tại:
Ban Dân Nguyện - 22 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội
Văn phòng Quốc hội - 56-58 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.
Cho đến thời điểm này, tại Hà Nội và Sài Gòn đã lựa chọn ra
một số đại diện để trực tiếp đi trao bản yêu cầu cho Ban Dân Nguyện và
Văn Phòng Quốc Hội vào ngày 15/10 sắp tới.
Quyền Được Biết là một quyền phổ quát của mọi công dân và
Hội nghị Thành Đô có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của dân
tộc. Do đó, chúng tôi xin kính mời mọi người hưởng ứng tham gia vào việc
trao yêu cầu này.
Thời gian tập trung tại 2 địa điểm nêu trên là vào lúc 9 giờ sáng”
Khi yêu cầu Quốc hội bạch hóa một vấn đề, những người “muốn
biết” cũng bạch hóa luôn kế hoạch của mình. Và chính vì thế, vô hình
trung tạo điều kiện cho nhà cầm quyền chuẩn bị đón tiếp họ một cách khá
“chu đáo”.
Từ tối hôm qua đến sáng nay, nhiều người bị canh, chặn không thể ra khỏi nhà.
Sự việc hôm nay tưởng chừng rất bình thường: một nhóm người đến
Ban Dân nguyện của Quốc hội – cơ quan được coi là đại diện cho quyền
lực của nhân dân gửi một bản yêu cầu. Nghĩ rằng việc xử lý cũng hết sức
đơn giản: mời họ vào nghe nguyện vọng (Ban Dân nguyện cơ mà). Không có
nhiều thời gian thì nhận văn bản, hứa sẽ xem và trả lời.
Hoặc là nói rằng ở đây chỉ làm việc, không tiếp cử tri, đơn từ này nọ thì mang đến chỗ nọ chỗ kia nộp thì cũng đã sao.
Đằng này, bố trí sẵn không biết bao nhiêu là máy quay (để khủng
bố tinh thần chăng?), lại bố trí một lũ thanh niên mặc áo đỏ sao vàng
(tạm gọi là hồng vệ binh – HVB) quấy nhiễu, nói năng hỗn láo với cả
những người bậc cha, chú, bác chúng, cuối cùng thì xua đuổi một cách
quyết liệt.
Xin kể vài chi tiết:
Khi một đứa HVB ném một tập biểu ngữ về phía tôi (chứ không
đưa) nên nó rơi xuống vỉa hè, một tên bảo vệ sừng sộ với tôi rằng tôi
vứt biểu ngữ xuống. Tôi cự lại: “Anh xác định được tôi ném thì hãy hay”.
Tôi chỉ một thằng HVB nói chính thằng này ném, nó mới thôi, chứ nó
không sừng sộ với thằng HVB kia. Mà rơi một vài tờ giấy xuống vỉa hè thì
đã sao.
Khi bị cự tuyệt, xua đuổi, chúng tôi đi về nhưng những tên HVB
vẫn lẵng nhẵng bám theo. Ít nhất có 3 tiếng liên tục kêu: “Ông Nguyễn
Tường Thụy đâu?”. Một thằng dí cả tập biểu ngữ vào mặt tôi. Tôi đập tay
vào tập biểu ngữ (tránh động vào người nó phòng nó ăn vạ) lấy lối đi,
tập biểu ngữ rơi xuống đất. Chỉ chờ có thế, một thằng xông vào đánh tôi.
Tất nhiên, tôi được mọi người bảo vệ nên nó không làm gì được.
Đứng giữ vòng vây của an ninh, HVB, bảo vệ, tôi bảo Lê Hồng
Phong trông chừng tôi phía sau và hai bên để tôi quay phòng chúng cướp
điện thoại. Tôi quay hai vòng 360 độ rồi nhét điện thoại vào túi laptop,
kẹp chặt vào người vì sợ mất đi những tư liệu.
Nhưng đến lượt Lê Hồng Phong giơ máy lên thì anh bị chúng bắt.
Chúng bảo Lê Hồng Phong: “Ai cho anh chụp ảnh?” rồi lôi anh đi. Ơ hay,
Quốc Hội mà sợ chụp ảnh. Đại biểu Quốc hội nói gì, làm gì, tiếp dân ra
sao không cho chụp ảnh thì còn bảo rằng họ sợ. Nhưng chụp cái cổng cũng
sợ nốt là sao?
Chúng tôi đến Ban dân nguyện của Quốc hội với hy vọng được biết điều mà chúng tôi quan tâm. Nhưng sự việc xảy ra là như thế.
Hôm nay là lần đầu tiên, tôi bước chân đến tòa nhà VP Quốc Hội.
Tưởng Quốc hội thế nào chứ những việc xảy ra sáng nay trước cổng có
khác gì một cái chợ lắm kẻ lưu manh.
Nếu quả thật Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, quả thật
500 đại biểu quốc hội khóa 13 đại diện cho lợi ích của cử tri thì chắc
chắn họ sẽ phải điều tra những kẻ nào làm xấu mặt Quốc hội sáng nay.
Hay là Quốc hội quá bí trước yêu cầu của những công dân đòi
bạch hóa Hội nghị Thành Đô nên đã thống nhất với đảng, nhà cầm quyền (và
cả mặt trận nữa?) cách đối phó như trên?
Trên mạng facebook có ý kiến cho rằng: Phong trào "Chúng tôi
muốn biết" đang gặp phải sự ngăn cản quyết liệt của phong trào "Chúng
tao muốn giấu". Tôi cho rằng đó là một nhận xét xác đáng
Clip chúng tôi được an ninh “đón tiếp” tại ngã tư Trần Phú – Hùng Vương, mời theo đường dẫn sau:
Từ ngày 3 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10 (ngày
đại hội đảng của Bắc Tiều Tiên) dư luận đồn đoán theo nhiều hướng về sự
vắng mặt của Kim Ủn – Chủ tịch Bắc Triều Tiên. Đùng một cái, ngày 14
tháng 10 Kim Ủn xuất hiện với một chân đi cà nhắc, có thêm cây gậy, như
thể củng cố thêm quyền lực và tạo sự đường bệ nào đó về hình ảnh. Và các
đài, báo loan tin là Kim Ủn đi chữa bệnh, vừa phục hồi.
Trên thực tế, chẳng có ai chứng minh được là
Kim Ủn bị bệnh gì và có đi chữa bệnh hay không. Trong khi đó, chuyện đấu
đá nội bộ và thanh trừng đối thủ chính trị của Kim Ủn thì tương đối rõ
nét, Ủn đã giết chú dượng của mình bằng cái chết đau đớn (và có thể là
nhục nhã nhất nếu như video ông Jang Song - Thaek bị chó xé xác là
thật?!), Ủn cũng đã thể hiện rõ cá tính của dòng tộc vốn vừa độc tài,
lại vừa độc đoán và lấy gia đình trị làm chủ trương lãnh đạo đất nước.
Chính vì thế, chuyện Ủn có nhiều kẻ thù là chuyện đương nhiên.
Hơn nữa, với lối hành xử vừa rất oắt con lại
vừa rất trịch thượng, đi đâu, làm gì, nói gì cũng bắt người khác lấy sổ
ra ghi lại lời “chỉ thị vàng ngọc” của mình mặc dù những quan chức cầm
sổ có khi tuổi xấp ông nội của Ủn hoặc cha Ủn. Thử hỏi, Ủn lấy được cảm
tình bao nhiêu quan chức? Và Ủn gây ra sợ hãi cho bao nhiêu người?
Chuyện Ủn bị ám sát hoặc bị đảo chính là chuyện rất có thể và xác suất
rất cao.
Và sự vắng mặt của Ủn vừa đủ để người ta make
up một Kim Ủn mới với bộ dạng giống hệt Ủn, cây gậy là cái cớ để biện
minh cho thời gian vắng mặt của Ủn và cũng là cách đánh lạc hướng về
tướng mạo, những ai từng thần tượng Ủn ở Bắc Triều Tiên sẽ rất khó khăn,
thậm chí không thể nhận ra nếu Kim Ủn giả xuất hiện với chiếc gậy trên
tay. Người ta có thể giả được mọi thứ, trừ dáng đi cũng như thần thái
con người. Một cậy gậy khiến cho dáng đi lệch lạc là cách tốt nhất để
đánh lạc hướng những người “chuyên nhìn nhân tướng”.
Hơn nữa, chuyện dựng một kịch bản đối với
những tay đầu sỏ trong đảng Cộng sản là chuyện quá đơn giản. Vấn đề là
tạo ra một Kim Ủn giả để làm gì?
Câu trả lời cũng rất đơn giản: Kim Ủn thật là
một Kim Ủn Chủ tịch, mọi quyết sách do chính Kim Chủ tịch đưa ra và
đương nhiên ai không tuân phục thì sẽ bị chết, khó mà sống yên ổn. Trong
khi đó, Kim Ủn giả sẽ đưa ra những quyết sách do bộ sậu đảo chính đề
ra. Và một khi có Kim Ủn giả, nhân dân Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục bị ru
ngủ, bị cho ăn cháo lú để tôn thờ thần tượng một cách dễ dàng. Điều này
không nằm ngoài kinh nghiệm thần tượng hóa các lãnh tụ và buôn xác lãnh
tụ của chủ nghĩa Cộng sản khắp thế giới, kể cả Việt Nam.
Nếu như giả thiết về một Kim Ủn giả xuất hiện
với cây gậy trên tay cùng dáng đi khập khiễng luôn tươi cười với dân
chúng và là con rối để nhóm đảo chính giật dây thì cục diện chính trị
Bắc Triều tiên hoàn toàn thay đổi, vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ
đến tình hình chính trị khu vực trong vài tháng tới và lâu dài.
Trường hợp ngược lại?
Trong trường hợp Kim Ủn không bị tước mất
quyền lực và không hề có cuộc đảo chính nào, e rằng tình hình chính trị
khu vực vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể nếu không muốn nói là nguy cấp
hơn so với trước bởi càng ngày, Kim Ủn càng già đòn hơn và càng nghĩ ra
nhiều chiêu trò để uy hiếp thế giới tiến bộ nhằm củng cố quyền lực. Mặc
dù chuyện hù dọa, hay uy hiếp các nước tiến bộ chẳng ăn thua gì nhưng
với tính cách điên khùng, gàn rỡ của một lãnh tụ vừa có chất nít ranh
lại vừa đầy vẻ máu lạnh và được hun đúc, trưởng thành trong cái khuôn
thủ đoạn và độc tài. E rằng khó mà đoán Ủn sẽ chơi trò gì, làm gì!
Và nếu như Ủn không bị khống chế, rất có thể
đã có nhiều người nằm trong danh sách thanh trừng của Ủn và điều này đã
thành hiện thực, chỉ chưa được công bố vì chưa tìm ra lý do thuyết phục
trước các đối thủ cũng như bàn dân thiên hạ. Nhưng có vẻ như điều này
rất khó tồn tại, giả thiết về một cuộc khống chế lãnh tụ, đảo chính và
tráo người nghe ra khả năng diễn ra rất cao. Bởi nếu thật sự Ủn bị bệnh,
đi điều trị, có lẽ nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên đã nhân đó mà tiếp tục
đánh vào lòng thương cảm của nhân dân với một lãnh tụ mà đã không ít
người chấp nhận nhận bỏ con mình chết trôi để cứu tấm hình của y!
Và vì lẽ, mọi quan chức Cộng sản Bắc Triều có
chấp nhận làm trâu ngựa tuân phục chỉ thị của cha con nhà họ Kim cũng
chỉ vì miếng ăn và những thứ quyền lợi có gắng với lý tưởng cũng như
thành tích “cách mạng”. Nhưng qua cách đối xử cũng như phong cách lãnh
đạo đầy vẻ ăn chơi, công tử bột của Ủn, những đảng viên Cộng sản Bắc
Triều lão thành sẽ dễ dàng nhận ra họ không còn giá trị trong chính thể
của Ủn nữa. Và họ cũng đủ thính để ngửi thấy mùi thần chết đang rình rập
họ. Chính vì thế, việc đảo chính Ủn để làm thay đổi số phận của chính
họ cũng như số phận nhân dân Bắc Triều Tiên là việc cần thiết lúc này.
Không
cần phải chờ tới ngày Vu Lan mới tưởng nhớ về Mẹ, mà hình ảnh mẹ đối
với tôi thật thiêng liêng, linh động, luôn đậm nét trong hồn tôi bất cứ
lúc nào tôi cũng nghĩ tới người.
Có một câu chuyện về bà
mà xưa nay tôi chưa có dịp kể. Số là, lần đó mẹ về quê để
góp-lúa-ruộng. Tại sao gọi là về dưới quê để góp lúa ruộng? Ngày xưa còn
bé tôi nghe mẹ nói thế thì hiểu như
thế, đại khái là ông bà Nội tôi khi xưa có rất nhiều ruộng, mà ba mẹ tôi
thì sinh sống ở thị xã, không thể trực tiếp canh tác ruộng đồng, đến
khi luật Người Cày Có Ruộng được ban hành, thế là tá điền được canh tác
thửa ruộng đó, coi như thuê mảnh ruộng, nhưng họ không trả mình bằng
tiền, mà trả góp bằng lúa.
Mỗi
lần về góp lúa ruộng, tá điền tiếp đãi mẹ nồng hậu, vì nhờ có ruộng,
bán thóc lúa mà gia đình tá điền trở nên giàu có Ba mẹ tôi lại hiền lành
không hà hiếp bốc lột ai...Họ mang ơn gia đình tôi.
Lần
đó mẹ về quê một mình, thường thì luôn có con cái đi theo hộ tống mẹ,
đàng này đứa nào cũng bận đi học, thế là bà xách nón ra đi mình ên.
Qua
bao chặng đường di chuyển bằng xe lôi, xe đò và ghe, bỗng...đang ngồi
trên ghe chạy bằng máy đuôi tôm trên sông Trúc Giang, giòng sông nước
đục màu phù sa, lác đác vài chiếc ghe lưới cá chạy ngược chiều. Để ý mẹ
tôi thấy mấy người đàn ông đi cùng ghe mặt họ đằng đằng sát khí, cả
người chủ ghe cũng có nét mặt khác thường. Ghe bỏ thị xã lại một đỗi khá
xa, một người đàn ông ăn mặc dân sự ra dấu, thế là chủ ghe cho ghe rẽ
chậm vào con kênh nhỏ. Hai bên là hàng dừa nước xanh um, ghe chạy càng
lúc càng sâu vào vùng xôi đậu. Nhà dân thưa thớt. Mẹ bắt đầu run. Bà
biết ngay là " mấy ổng giả dạng thường dân ", nhưng tại sao lại bắt bà?
Mẹ nghĩ ngay đến đàn con là lính trong quân đội VNCH. Mẹ tái mặt ! Chúng
muốn bắt bà để trừng phạt đàn con trai đi lính !! Hay là muốn tống tiền
mình đây !!
Không khí thật căng thẳng, một người đàn ông lạ mặt bây giờ mới lên tiếng:
-"Bà Ba" về đây để làm gì ?
Sao họ biết mình là " Bà ba !". Ngạc nhiên, nhưng mẹ tôi trả lời chân thật:
- Dạ, nhà tôi con đông quá nên năm nào cũng về tìm họ hàng xin một ít lúa về nuôi con.
-
Chứ bà không có ý định về đây dẫn lối chỉ đường cho quân ngụy bắt chúng
tôi sao? Con của bà làm đại úy An Ninh Quân Đội trên tỉnh. Chúng tôi đã
theo dõi bà từ lúc bà bước xuống ghe này. Bà khai thiệt đi. Nếu không, bắt
buộc chúng tôi phải giữ bà không cho về thị xã trở lại nữa.
Nghe vậy mẹ điếng hồn. Lấp bấp van xin:
-
Tôi xin các ông. Tôi lạy các ông. Các con tôi đến tuổi là bị bắt thi
hành quân dịch, làm mẹ tôi lo cho các con mình tử trận, thương lắm các
ông ơi. Chúng tôi có tội tình chi mà ông đòi bắt tôi. Đàn con nheo nhóc ở
nhà thiếu mẹ, tôi không biết ai lo cho chúng nó. Xin tha cho tôi về
nuôi con...
Những người lạ mặt tụm lại bàn tán, lát sau một ông gằn giọng, ra lệnh:
- Bà bước xuống khỏi ghe ngay.
Mẹ
riu ríu nghe lời. Đám người VC nằm vùng ấy cũng lõm bõm bơi len lách
theo con rạch nhỏ. Đi càng vào sâu nông thôn, mẹ nhìn đâu cũng thấy toàn
là dừa nước, lá cây đủng đỉnh, lau sậy, bà không biết mình đang ở đâu,
và tại sao dẫn mình vào trong vùng sâu thế này để làm gì. Lội bì bõm
dưới nước một hồi mẹ lạnh run, bỗng một ông lên tiếng:
- Bây giờ chúng tôi thả bà đó, bà được quyền đi đi...
Nghe
thế mẹ tôi chới với. Đi. Nhưng biết đi đâu. Vùng sâu xa thế này toàn
sông rạch không một bóng người, bà biết tìm đường nào ra ! Mẹ tôi bướng
bỉnh không ít, bà biết mấy ông Việt Cộng nằm vùng đang tính tam thập lục
kế để dọ ý mình. Khôn ngoan bà cự nự:
- Mấy ông làm ăn vậy đâu
có được. Mấy ông bắt giữ tôi, đưa tôi vào tận rừng sâu thế này, giờ đòi
thả, biểu tôi đi. Thì tôi biết đi đâu chứ ! Không ! Nhất định là các ông
đi đâu tôi sẽ đi theo đó.
Nghe xong, họ gật gù ra chìu
tin tưởng là bà này không phải đang chỉ đường dắt lối cho lính VNCH
xuống tận sào quyệt của quân đội giải phóng MN. Trên ghe ai nấy giữ thái
độ yên lặng, cho đến khi bến đò hiện ra trước mặt, họ ra lệnh cho mẹ
bước xuống, gọi đò về lại tỉnh. Còn họ cho ghe ngược lại thả mũi ghe
phóng thật nhanh. Mất hút.
Từ đó về sau mẹ chưa lần nào
gặp lại những người cộng sản nằm vùng ấy. Còn tôi lúc đó dường như mới
8, 9, 10 tuổi chi đó. Hai chữ cộng sản tuy nghe nhưng mập mờ không hiểu
nó là cái gì mà sao người dân ai nghe tới cũng sợ !
Nhà hát Esplanade trên vịnh Marina là niềm tự hào
của người dân đảo quốc sư tử Singapore. Họ gọi nhà hát với cái tên
thân mật "Quả sầu riêng" vì thiết kế độc đáo. Tên gọi này cũng tự nhiên
trở thành "ngôn ngữ quốc tế".
Nhà hát Esplanadeđược thiết kế như Trái Sầu Riêng
"Nhà hát sầu riêng" là một trung tâm biểu diễn nghệ thuật "hoành tráng"
nhất của đảo quốc Singapore, tọa lạc trên diện tích rộng 6 ha. Nhà hát
chính có sức chứa 2.000 chỗ. Ngoài ra còn có một phòng hòa nhạc 1.600
khách. Esplanade có cả studio, thư viện, trung tâm nghệ thuật ngoài trời
dành cho những buổi biểu diễn cuối tuần (chứa được khoảng 1.000 người
trong đó có 200 chỗ ngồi), bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại, ẩm
thực, khách sạn và trung tâm hội nghị quốc tế...
Nhà hát với diện tích 6 hecta nằm ở trung tâm vịnh Marina
Công trình được thực hiện bởi hai công ty kiến trúc là Michael Wilford
& Partners (có trụ sở chính tại London) và DP Architects
(Singapore). Trong bản thiết kế đầu tiên được giới thiệu trước công
chúng năm 1994, tòa nhà có những lớp kính trang trí xung quanh. Thiết kế
này đã bị chê bai vì dễ gây hiệu ứng nhà kính, nhất là trong điều kiện
khí hậu nhiệt đới tại Singapore. Chính vì vậy, Giám đốc DP Architects đã
áp dụng một vài thay đổi. Giải pháp tạo "bóng mát" đã được sử dụng, đó
là dùng vật liệu nhôm có sơn phủ, cách điệu thành những hệ mái nhỏ. Nhờ
thế, nhà hát có dáng vẻ tương tự như quả sầu riêng. Và cái tên "Nhà hát
sầu riêng" bắt nguồn từ đó.
Nhà hát 4 tầng nhưng dù ngồi ở đâu cũng không bị che tầm nhìn.
Phòng hòa nhạc với 1.600 chỗ ngồi.
"Nhà hát sầu riêng" mở cửa ngày 12/10/2002. Kinh phí đầu tư xây dựng ước
tính khoảng 1 tỷ đô la Singapore. Nhà hát chính có sân khấu lớn nhất
Singapore với kích thước 39 x 23 m. Với 4 tầng, gần 2.000 chỗ ngồi,
nhưng tầm nhìn của khán giả sẽ không bị ảnh hưởng bởi hàng ghế xa nhất
chỉ cách sân khấu khoảng 40 m. Phòng hòa nhạc có thể chứa được chừng 120
nhạc công một lúc. Nơi đây thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn
mang tầm cỡ quốc tế. 84 máy tính được huy động để điều khiển hệ thống
cửa ra vào. Mỗi cánh cửa có trọng lượng từ 3 đến 11 tấn, cánh lớn nhất
có chiều cao 10,5 m, cánh nhỏ nhất là 2,2 m. Để phục vụ cho hoạt động,
nhà hát có 4.470 ống kỹ thuật, với 610 điểm nối khác nhau.
Một studio nhỏ có thể chứa được 250 người là không gian lý tưởng cho
những màn trình diễn phạm vi nhỏ, cũng như các buổi thuyết trình và gặp
gỡ thân mật. Ngoài ra, còn có một sân khấu nhỏ khác, dành cho hơn 200
người, thích hợp cho các buổi tập của những nghệ sĩ sẽ biểu diễn trong
sân khấu chính.
Khách du lịch đến Singapore hầu như đều không bỏ qua cơ hội thăm
Esplanade vào tất cả các ngày trong tuần. Mỗi tour kéo dài 45 phút sẽ
đem đến cho du khách tham quan nhiều bất ngờ và thú vị.
- Với diện tích 72.000 mét vuông, Dubai Miracle Garden được coi là vườn
hoa tự nhiên lớn nhất thế giới và hiện vườn hoa này đã có hơn 45 triệu
loại hoa. Dubai Miracle Garden được mở cửa bắt đầu từ ngày 14/2/2013.
Một số loại hoa đặc trưng trong Dubai Miracle Garden bao gồm cúc kim
tiền, cúc vạn thọ, và cây dã yên thảo... Nhiều người trong số những bông
hoa trong vườn Dubai Miracle được trồng lần đầu tiên tại khu vực vùng
Vịnh.
Dubai Miracle Garden được mở nhằm mục đích để phá vỡ các kỷ lục Guinness
cho bức tường hoa dài nhất, kim tự tháp lớn nhất của hoa và đồng hồ hoa
lớn nhất.
Mái che giúp khách du lịch tránh ánh nắng mặt trời gay gắt ở Dubai Miracle Garden.
Theo thông báo, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và vườn ươm cây cũng sẽ được bổ sung trong giai đoạn phát triển thứ hai.
Dubai Miracle Garden sẽ được đóng lại trong những tháng hè nóng Dubai.
Những sinh vật lạ của Biển
mpd
We are
land creatures: We breathe air, walk only on solid ground, and rarely
move up and down unless we're at an elevator. We're used to this world,
and we know the shapes of animals we might run into on land (although we
still get surprised sometimes).
But
even now, at this modern age, the titanic ocean that surrounds us still
hides many fantastic secrets within it that astound us. Most of these
surprises are biological in nature, turning out the most incredible,
alien-looking and bizarre life forms, so different from our own, yet
fascinating to see.
1. Barreleye Fish
With
its transparent head with its big, tennis ball eyes looking out of it,
this fish is one of the most extraordinary creatures I've ever seen.
2. Comb Jellies
The
rainbow colors decorating this jellyfish are a result of bioluminence, a
natural process of creating lights biologically. It swims with the
helps of a group of comb-like eyelash hairs, from which it gets its
name.
3. Salp
The
salp plays an important role in the ocean, as it turns its own bodily
waste into carbon packages that sink to the bottom of the ocean and
effciently removes carbon from the water's surface.
4. Goblin Shark
With
its nail-like teeth, its unhinging jaw and its overall appearance, this
is one being I'm actually happy is rarely seen by men and usually stays
unseen in the depths of the ocean.
5. Sea Spiders
If
you thought the ocean is the one place where you won't run into
spiders, think again! However, although they look a lot like our land
spiders, there is no genetic correlation between them and they are
completely different creatures.
6. Blobfish
This
fish was voted the ugliest fish in the world, but looks like a normal
fish when it's in its natural environment - 1200 meters below the sea.
7. Bobbit Worm
This vicious 'worm' can grow as big as 3 meters long and attack with such power that they can cut a fish in two.
8. Flower Hat Jellyfish
This
jellyfish feeds on fish (and sometimes other jellyfish) and can grow or
shrink according to the food supply available to it. Imagine making
yourselves bigger or smaller according to how hungry you were!
9. Leafy Seadragon
This slow fish comes from the same family as sea horses, and they rely on their alga-looking body for camouflage from predators.
10. Marrus orthocanna
This
is actually a colony of creatures, containing several jellyfish and
polips that have gone through changes and are now functioning as the
organs of a shared body.
11. Atolla Jellyfish
This
jellyfish definitely looks like a UFO, and like most jellyfish, it too
has no digestive, breathing, blood or nervous systems.
12. Sarcastic Fringehead
These
territorial fish are usually found hidden on the bottom of the sea.
When they open their wide mouths they cause other fish to mistake them
for a predator fish and keep their distance.
13. Glass Squid
There
are about 60 sub-species of the glass squid, which makes them the
largest family of squids, while also the prettiest, perhaps?
14. Pink See-Through Fantasia
Like the name of this deep-sea cucumber suggests, it is so see-through you can actually see its digestive system.
15. Squidworm
This
creature has 10 arms coming out of its head, which are actually longer
than its entire body. The squidworm uses them to collect food from
around the ocean as it passes near it.
16. Terrible Claw Lobster
This
creature, who seems to have just come out of worst nightmares, was
discovered in 2007 by marine biologists, who quickly classified a whole
new gene family, just for it.
17. Venus Flytrap Sea Anemone
This sea anemone is named after the Venus Flytrap plant because of the similarity in the way it catches food in its 'mouth'.
18. Mola Mola Fish / Sunfish
The mola mola fish is the largest bony fish and have been known to achieve a weight of up to 5,000 pounds.
19. Water Bear
This
is no bear, it's actually almost microscopic, getting to a length of
less than 1 mm. However, these little creatures are TOUGH. They can
survive temperatures that range from absolute zero (-457℉) up to 357℉,
withstand radiation 1000 times more powerful than other animals can
take, and even come back to life after being dried out for 10 years.
They are the first animals known to be able to survive the vacuum of
space.
20. Flamingo Tongue Snail
This colorful little fella had its dots not on the shell, but on its actual flesh, that envelops around the shell.
21. Nudibranch
Also known as sea slugs, there are over 3000 types of nudibranchs and they include some of the craziest looking ocean creatures.
22. Dumbo Octopus
The
species is named after the ears of Dumbo, the famous cartoon elephant.
This octopus lives about 4 km below the sea surface, deeper than any
other octopus.
23. Ribbon Eel
The
ribbon eel may look pretty ordinary, but its one of the only species of
the planet to be able to change sexes. They start out males, all of
them, but as soon as they mature, many will start developing female
parts.
TIN CHẤN ĐỘNG TỪ TRUNG QUỐC - SIÊU BÃO DÂN CHỦ TỈNH QUÝ CHÂU
Ngày 11/10/2014,
hơn 100.000 người dân tỉnh Quý Châu gồm sinh viên, học sinh, công nhân,
thương nhân, tài xế taxi, nông dân, trí thức,... tất cả mọi tầng lớp
nhân dân đồng loạt đình công, xuống đường giương cao băng rôn, biểu ngữ
biểu tình phản đối Đảng CS, Chính quyền CS thối nát, tham nhũng, cướp
đất, cướp tiền - vàng, ác ôn với nhân dân. Ngay lập tức Phong trào chiếm
Trung tâm Hành chính đã được phát huy một cách hiệu
quả nhất đến sáng nay vẫn còn rầm rộ, người dân đã chặn các tuyến đường
chính, tập trung tại quảng trường trước trụ sở Chính quyền CS để phản
đối, hô vang khẩu hiệu "Đả đảo Đảng Cộng sản", "Đả đảo Quan chức CS tham
nhũng, ác ôn", "Yêu cầu Bí thư, Chủ tịch tỉnh
phải từ chức",... Hàng nghìn Cảnh sát CS, Quân đội CS đã được huy động
để đàn áp, đánh đập nhân dân nhưng trước sức ép mãnh liệt của hàng trăm
nghìn người dân thì bọn man rợ Đảng Cộng sản bước đầu đã không dám manh
động. Còn rất nhiều hình ảnh tại đường dẫn bài viết:http://wickedonna2.tumblr.com/post/99771518738/2014
Hành quyền hưởng lợi được ngày nào hay
ngày đó !!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số
205 (15-10-2014)
Cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn
trí thức, sinh viên, học sinh và nhân dân tại Hồng Kông mấy tuần nay cũng như
cuộc biểu tình từ hôm 11-10-2014 cũng của từng ấy người dân các tỉnh Quý Châu,
Hà Bắc, Triết Giang, Quảng Đông (Trung Hoa đại lục) gồm giới chữ nghĩa và giới
lao động… không những làm Bắc Kinh rúng động mà cả Hà Nội cũng hoảng hồn. Tầng
lớp lãnh đạo Cộng sản tàn ác, dối trá và bóc lột ở Trung Nam Hải lẫn Ba Đình
hiện thấy cái ghế của mình lung lay trước cơn chấn động dân chủ và ngọn triều tự
do đang dâng lên từ hàng tỷ trái tim con người muốn thoát kiếp đời nô lệ dưới
ách chủ nghĩa và chế độ Cộng sản.
Trước hoàn cảnh đó, thay vì mở mắt
như một số lãnh tụ cộng sản Đông Âu trước đây để trả lại quyền cho nhân dân ngõ
hầu bản thân được khoan thứ lỗi lầm, đồng bào được an bình vui sống và đất nước
được hồi sinh phát triển, đám chóp bu Ba Đình -với tâm trí mù quáng hết thuốc
chữa- lại đang tìm mọi cách để hành quyền và hưởng lợi được ngày nào hay ngày
đó.
1- Giữ chắc ngai vàng.
Phong trào và chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết của đông
đảo dân chúng Việt Nam (phát động từ đầu tháng 9-2014) đang đặt vấn đề về hội
nghị Thành Đô. Phải chăng đó là lúc mà đảng Việt cộng, run sợ trước việc các
quốc gia Đông Âu cộng lần lượt sụp đổ, đã cuống cuồng và ô nhục chạy sang đại
đồng chí cuối cùng (mà mình đã gọi là kẻ thù ngay trong Lời nói đầu Hiến pháp
1980) khấu đầu tạ tội đồng thời xin được làm chư hầu để ngai vàng thống trị của
mình trên dân Việt được bàn tay Đại Hán giữ chắc? Bị hạch hỏi quá, mới đây Việt
cộng vừa ra một tập tài liệu về Hội nghị Thành Đô do ban Tuyên giáo Trung ương
biên soạn và phân phát đến các đảng viên, cán bộ trong các cơ sở đảng (thay vì
đến với quốc dân trong tư cách Chính phủ). Các thông tin trong tập tài liệu này
chẳng có gì mới, chủ yếu lặp lại các luận điệu cũ nhằm tuyên truyền cho chế độ.
Bất chấp chứng từ của nhiều nhân vật cốt cán thời ấy (như ngoại trưởng Nguyễn Cơ
Thạch, người bị loại khỏi Hội nghị) cũng như sự kiện đa phần bộ Chính trị và
Trung ương đảng hiện có khuynh hướng lụy Tàu, tài liệu ban Tuyên giáo viết:
“Trong
hội đàm, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung Quốc gây sức ép với ta về nhân
sự”.
Bất chấp việc nhà cầm quyền Tàu cộng đang ngày càng thực hiện được giấc mộng
thôn tính VN trên mọi phương diện, lãnh vực, đang cho dân Tàu tràn ngập đất Việt
và biển Việt như đi vào chỗ không người, từ từ đồng hóa, tài liệu vẫn nói:
“Việc ổn định và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc là một
trong những chủ trương đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong giai
đoạn hiện nay”. Sau cùng, ban Tuyên giáo lặp lại khẩu hiệu “một lòng kiên quyết… giữ vững ổn định chính
trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ an ninh quốc gia” và
“kiên trì quan hệ hợp tác hữu nghị với
nhân dân Trung Quốc”.
Mới đây, Tàu cộng xây xong đường
băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (tin báo
Tuổi Trẻ ngày 7-10) cũng như đang ồ ạt xây dựng những đảo đá nhân tạo, những cơ
sở quân sự khác trong quần đảo Trường Sa, nhằm đặt bàn đạp hầu thôn tính khoảng
90% diện tích biển Đông theo mục tiêu “Đường chín đoạn”, “Vạn lý trường thành
trên biển”, (dư luận cho rằng đó là hoàn thành trước thời hạn “lộ trình của Hội
nghị Thành Đô”). Thế nhưng, tại cuộc gặp cử tri Hà Nội ngày 6-10, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng lại khẳng định: “...Trong giải quyết căng thẳng trên biển Đông
thời gian qua, chúng ta đã giành được thắng lợi... Dư luận quốc tế đánh giá cao
và rất hoan nghênh chúng ta trong ứng xử về vấn đề này. Ngay ở trong nước, tôi
nghĩ bà con và tất cả các cấp, các ngành rất tán thành chủ trương của chúng ta
về xử lý vấn đề biển Đông thời gian qua. Kiên quyết nhưng rất mềm mỏng và đạt
được hiệu quả cao”. Đây đúng là động thái tiếp tục lừa gạt nhân dân cách vô
liêm sỉ để củng cố đảng quyền, cái đảng quyền mà Việt cộng hy vọng giữ được lâu
dài dù với cái giá trở thành thái thú cho Tàu cộng.
2- Tích cóp của cải:
Theo RFA hôm 17-09, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam vừa
được Thanh tra Chính phủ báo cáo là trong số gần 1 triệu cán bộ, công chức, đảng
viên kê khai tài sản chỉ có 1 trường hợp bị kỷ luật vì không trung thực. Toàn
dân đã được một trận cười ra nước mắt. Ai cũng biết mặc dù Việt Nam có gần một
thập niên thực thi Luật phòng chống tham nhũng, nhưng năm 2013 vẫn bị Tổ chức
Minh bạch Quốc tế xếp hạng thứ 116 trên 177 quốc gia về tham nhũng khu vực công.
Tính từ năm 2005 đến nay là một khoảng thời gian đủ dài để cơ quan chức năng có
thể phát hiện tài sản của cán bộ công chức đảng viên đã phình to như thế nào.
Thế nhưng theo lời ông Phí Ngọc Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng
nói với báo chí hồi đầu năm 2014 thì chưa phát hiện được trường hợp nào cả !?!
Một điều khôi hài nữa là việc kê
khai hiện nay chỉ dựa vào ý thức tự giác (mà người CS hầu như không bao giờ có)
của kẻ phải kê khai, trong khi những kẻ trực tiếp đi xác minh tài sản lại chủ
yếu là người cùng đơn vị. Việc công khai tài sản cũng không hề được minh bạch
trên báo chí theo bất cứ chủ trương nào. Một số cơ quan nhà nước còn cho rằng
việc công khai trên báo chí như vậy là vi phạm quyền tự do cá nhân được quy định
trong hiến pháp! Thế thì cán bộ đảng viên cứ tha hồ tích góp tài sản mà chẳng lo
sợ nhân dân tra hỏi hay pháp luật trừng phạt. Noi gương cựu Tổng thanh tra Nhà
nước với biệt thự khủng, các chủ tịch tỉnh (như Bình Dương giàu sụ với 100 ha
rừng cao-su), các “đầy tớ nhân dân” đang gấp rút vơ vét tài sản quốc gia, bóc
lột tài sản đồng bào cách điên loạn, rồi còn gởi con cái ra ngoại quốc chuẩn bị
cơ ngơi phòng khi nhân dân vùng dậy hay khi Tàu cộng xâm lược chiến thắng giở
trò “hết mùa săn chủ giết chó”!
3- Ăn chơi thoải mái:
Báo chí trong nước vừa đưa tin Hà Nội long trọng kỷ niệm
60 năm cái gọi là “Ngày Giải phóng Thủ đô” 10/10/1954-10/10/2014. Một lễ kỷ niệm
hoành tráng đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với hơn 3500 quan
chức đại biểu tham dự. Ngoài ra còn nhiều hoạt động văn hóa xã hội, ca nhạc chào
mừng, cờ xí biểu ngữ trang trí khắp các tuyến đường và đêm bắn pháo hoa tưng
bừng tại 30 điểm. Một bài báo trên VTC News cho biết kinh phí bỏ ra cho cuộc lễ
này là 800 tỷ đồng Việt Nam (gần 38 triệu đô Mỹ). Riêng việc bắn pháo hoa khoảng
30 tỷ (gần triệu rưỡi đô Mỹ). Lấp lánh rực rỡ chừng mươi, mười lăm phút mà bay
vèo lên trời 30 tỷ tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân! Bất chấp nhiều lời
chỉ trích, thậm chí kêu gọi xuống đường phản đối việc lãng phí này, đám lãnh đạo
CS nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn tiến hành, vì đây cũng là cơ hội bỏ túi cho
họ. Hồi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thì còn khủng khiếp hơn: phóng tay
đến 94 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4,7 tỷ đô Mỹ theo thời giá. Bất chấp sự chất vấn
của công luận và một số đại biểu quốc hội đối với Nguyễn Sinh Hùng, trưởng ban
tổ chức và Bộ trưởng Bộ Tài chính, vụ việc dần dần chìm xuồng. Đó là chưa kể
nhiều công trình được gấp rút xây dựng chào mừng dịp 1000 năm đó bây giờ đã
xuống cấp trầm trọng do rút ruột và làm ẩu.
Nhưng đã hết đâu, cứ mỗi khi có dịp
là đảng ta lại tổ chức thật to tát, thật hoành tráng, vẽ ra đủ thứ để có cớ chi
tiền ngân sách và có cớ chia nhau bỏ túi. Hết kỷ niệm mấy chục năm ngày Quốc
khánh 2 tháng 9 lại mấy chục năm ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4, rồi kỷ
niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi trận Điện Biên Phủ trên trời... Đang khi đó
thì dân thường không đủ cơm áo, học sinh không đủ trường học, dân vùng sâu vùng
xa không có cầu xây, người nghèo phải chết trong bệnh viện, công nhân phải bán
máu nuôi con, thiếu nữ phải gá thân cho ngoại kiều….
4- Bắt dân trả nợ: Mọi chi tiêu xài phí
vô ích và vô độ trên kia (mà CS không bao giờ xin phép và trình báo với quốc
dân) đều đánh vào tiền thuế mồ hôi và xương máu của đồng bào, nhất là đồng bào
lao động, cũng như vào tài nguyên của đất nước mà dưới triều đại CS này, ngày
càng cạn kiệt theo cấp số nhân. Đó đã là món nợ khổng lồ mà người dân và đất
nước phải nai lưng trả từ hơn nửa thế kỷ. Ngoài ra, còn món nợ công khủng khiếp
tính theo đầu người gần 1000 đô Mỹ mà mỗi con dân Việt từ sinh ra đến sắp chết
đều đang phải gánh. Một món nợ phát xuất và ngày càng gia tăng do sự quản lý ngu
dốt của bộ máy cầm quyền, sự điều hành bất tài của các xí nghiệp quốc doanh, sự
tham nhũng vô độ của từ giám đốc đến nhân viên các công ty, tập đoàn nhà nước.
Chưa hết! Theo RFA ngày 3-10, thì
hai hôm trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý (một
trong những tên chủ chốt trong trò lừa đảo biến Đảng pháp thành Hiến pháp cuối
năm rồi) cho rằng nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu
cho nhà nước. Theo báo cáo Triển vọng Hệ thống Ngân hàng năm 2014 của hãng đánh
giá xếp hạng tín nhiệm Moody’s thì nợ xấu của NH Việt Nam ở mức 15%, tương đương
350.000 tỷ đồng. Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-10-2014, khi
nói về phương hướng giải quyết nợ xấu, tay đảng biểu chủ nhiệm trâng tráo phát
biểu: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu
gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được
không?”. Lạ lùng và trơ trẽn thật
! Nợ xấu là do lỗi của nhà cầm quyền cùng các doanh nghiệp gây ra thì họ
phải chịu trách nhiệm tự giải quyết, liên quan gì đến dân? Quả là một đề nghị hết sức vô liêm sỉ và
trắng trợn. Đúng là dân chúng Hàn Quốc từng giúp chính quyền của họ giải
quyết nợ xấu, nhưng đó là một xã hội minh bạch, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế tài
chính, ngân hàng. Họ có thể cũng tham nhũng nhưng đâu có những vụ thất thoát lên
đến nghìn tỉ đồng như ở VN và đâu có những “nhóm lợi ích” cá mập!…
Dưới chế độ dân chủ ấy, nợ xấu là do một nguyên nhân khách
quan nào đó, chứ không hẳn do họ quản lý yếu kém hay tham nhũng táo tợn. Nay dân
Việt góp tiền, vàng giúp nhà nước giải quyết nợ xấu không khéo được trả ơn như
số phận bà Nguyễn Thị Năm!
Dân Hồng Kông, chỉ vì chống lại dự
án giáo dục nhồi sọ và phản đối toan tính “đảng cử dân bầu” mà đã xuống đường
hàng mấy chục vạn. Tại VN, hơn nửa thế kỷ qua cho thấy đảng và nhà cầm quyền CS
chỉ là một tập đoàn tội ác, gây cái chết cho hàng triệu đồng bào và đầy đọa đất
nước trong nghèo đói, ô nhục và sắp tới là nô lệ Tàu cộng. Vậy tại sao toàn dân
chưa đứng lên để xóa sổ cái chế độ tham tàn này?
Tháng 7/75, khi mọi người vẫn còn đang ngơ ngác, chưa kịp hoàn hồn
trước bao thù hận, mất mát chia lìa, thì ở khu làng biển nghèo Bá Hà,
một cậu bé 15 tuổi lại ngỡ ngàng trước một tin vui - có mẹ. Khi bà ngoại
dắt Hưng vào nhà và chỉ một người đàn bà xa lạ, bảo đó là mẹ mình. Hưng
bất ngờ đến sững sờ, cứ ngỡ như bà mẹ này vừa mới từ trên trời rơi
xuống.
Từ khi sinh ra, rồi cả một thời tuổi thơ
Hưng chỉ sống với bà ngoại. Ngoại nghèo khổ, một thân một mình vất vả
làm thuê, gánh mướn, chắt chiu nuôi đứa cháu duy nhất của mình. Hưng lớn
lên bằng tấm lòng bao la của ngoại và sóng gió của biển khơi mênh mông.
Trò chơi chỉ là rượt theo các chú dã tràng trên bờ biển vắng hoặc nhặt
những chiếc vỏ ốc, vỏ sò sau mỗi lần thủy triều lên xuống. Càng lớn Hưng
càng khôi ngô, khỏe mạnh. Có lẽ nhờ tiếng hát ru hời của ngoại cùng âm
thanh rạt rào của biển luôn an ủi vỗ về mà Hưng gần như quên hẳn nỗi bất
hạnh mồ côi và hun đúc Hưng thành một đứa bé khôn ngoan, thánh thiện,
sớm biết nhìn bầu trời xanh bao la mà khát khao bao điều ước vọng.
Năm
mới lên tám tuổi, vừa hết lớp ba, dù rất say mê học hành nhưng không
đành nhìn ngoại ngày một còng lưng, Hưng phải xin nghỉ học để đi làm phụ
ngoại. Theo ghe lưới cá của mấy người hàng xóm. Thời gian nghỉ ngơi, ở
nhà tự học, đọc sách vở mà Hưng mượn được hoặc mua lại từ những bạn bè
hay các anh chị học sinh lớn tuổi trong làng. Hưng ít khi hỏi ngoại về
cha mẹ mình, vì Hưng không hề biết mặt họ, và trong ký ức non nớt cũng
như trong cả những giấc mơ của Hưng cũng không bao giờ có hình ảnh cha
mẹ. Chỉ nghe bà ngoại kể là cả hai người đều bị bạo bệnh qua đời lúc
Hưng mới sinh ra. Có lẽ thấy tội nghiệp đứa cháu côi cút của mình, bà
không muốn Hưng phải suy nghĩ hay nhớ đến chuyện buồn này, nên chỉ kể
vội một đôi lần, lúc Hưng mới lớn lên và bắt đầu nhận hiểu đôi điều ở
quanh mình. Rồi không bao giờ bà nhắc lại nữa.
Hưng có hai
ông cậu, em của mẹ, nhưng ít khi gặp mặt. Ông cậu nhỏ đi làm xa ở đâu
đó, còn ông cậu lớn thì đi lính quân dịch, một năm chỉ về phép đôi ba
lần. Ông có vợ, nhưng gởi vợ lại cho ngoại. Bà mợ thì hiền lành, nhưng
ông cậu lần nào về cũng ghen tương, gây gổ với mợ, với ngoại, mặc dù ông
rất thương và lo lắng cho ngoại. Có lần ngoại buồn, hờn cậu, dắt Hưng
theo ra tận vùng quê Xuân Tự, ngoài Vạn Giã ở với gia đình người em của
ngoại. Sau hơn nửa tháng, nguôi ngoai và nhớ nhà, nhớ biển, nhớ cả đôi
gánh tần tảo của mình, bà cháu lại dắt díu trở về làng cũ. Đó là kỷ niệm
một lần đi xa độc nhất trong tuổi thơ của Hưng.
Mười lăm năm
sống bên cạnh ngoại, trừ chuyến đi xa duy nhất ấy, Hưng chỉ quanh quẩn ở
làng quê Bá Hà hay trong khu vực Hòn Khói. Một khu làng nghèo thuộc
huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm bên bờ một cái vịnh nhỏ xa xôi, cách
biệt thị tứ. Thời Pháp thuộc, chưa có nhiều phương tiện giao thông, nơi
này chẳng khác nào một ốc đảo. Muốn đến nơi khác phải di chuyển bằng
ghe thuyền. Dân chúng đa số sống bằng nghề đánh cá, làm muối, một ít làm
ruộng. Nghèo, nhưng để bù lại, ông trời đã ban cho họ sự kiên nhẫn, trí
thông minh, lòng hiếu học, cùng những cô con gái mặn mà nhan sắc.
Đầu
thập niên 60, Bá Hà, Hòn Khói có khá nhiều người trẻ vươn lên, thành
đạt bằng con đường chữ nghĩa, tốt nghiệp bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, đã tạo
một làn sóng đưa con cái vào các thành phố lớn Nha Trang, Sài Gòn theo
học. Nhà nào cũng hy vọng con cháu mình sẽ bước ra khỏi cái nghiệp nghèo
khổ, ít học, quanh năm chỉ soi mặt dưới biển, trên đồng từ mấy đời của
dòng họ, cha ông. Điều đáng buồn là cùng với cái đà vươn lên ấy cũng là
lúc xảy ra nhiều biến động đau thương của đất nước. Bá Hà, Hòn Khói lại
là nơi có nhiều anh em ruột thịt và bạn bè thân thiết, kẻ đứng bên này,
người đứng bên kia, trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chủ nghĩa
Mác-Lê một thời đã hấp dẫn một số người trí thức trẻ, vươn lên từ những
tầng lớp nghèo khổ, khi “đấu tranh giai cấp” trở thành mục tiêu và lý
tưởng của họ. Họ không hiểu là người ta đã lợi dụng điều này, dẫn dắt họ
vào con đường lầm lạc để cuối cùng chỉ phục vụ cho một nhóm người ác
độc, chẳng hề có lý tưởng mà chỉ khát khao quyền lực, bạc tiền.
Hương
là một trong số những người đi theo con đường cam go đầy bất trắc ấy.
Có điều không nổi đình, nổi đám như mấy người họ Đỗ cùng xóm. Một anh
giáo sư có vợ bác sĩ và mấy người cháu ruột đều có bằng cấp cao, kẻ vào
bưng, người hoạt động nội thành, sau 75 làm nhiều chức rất lớn trong
đảng. (Nhưng cũng chỉ vài năm sau thì giật mình thấy “lạc đường” nên
quay lại chống đảng để bị tù tội và mất hết bổng lộc) (*). Việc ra đi
của cô gái tên Hương này kín đáo, thầm lặng và từ một lý do đặc biệt
hơn, không ai biết được.
Hưởng ứng phong trào cho con cái
tiến thân theo con đường sách vở, cha mẹ Hương chắt chiu tiền bạc cho cô
con gái của mình vào Sài gòn học. Thương cha mẹ nghèo mà phải vất vả lo
lắng cho mình, sau khi vào Sài Gòn một thời gian, Hương kiếm việc làm
thêm; vừa làm vừa học. Công việc chỉ là phụ giúp trong một nhà máy dệt,
nhưng sau một tháng, ông chủ thấy Hương vừa hiền lành thật thà, vừa có
chí học hành nên cho Hương làm sổ sách, kế toán. Biết Hương thuê phòng
trọ trong khu lao động nghèo, sống một mình giữa Sài Gòn ồn ào đầy bất
trắc, ông chủ tốt bụng động lòng thương cho về ở chung với đám con cái
trong ngôi nhà rộng lớn của mình. Vừa làm cho xưởng dệt vừa phụ giúp
những chuyện lặt vặt trong nhà.
Ông Bùi Văn Trụ, chủ xưởng
dệt Bắc Hà là một kiến trúc sư tài ba, từng thiết kế nhiều khu đô thị và
nhận lãnh công trình xây cất khu chợ Hòa Bình Đà Lạt. Gia đình trước ở
Hà Nội và đã mấy đời làm chủ nhiều xưởng dệt. Năm 1954, cả nhà di cư vào
Nam, sống ở khu Phùng Hưng, Chợ Lớn. Sau khi tạm ổn định đời sống và
việc học hành cho con cái, ông gầy dựng lại Xưởng dệt Bắc Hà này. Được
sự giúp đỡ của chính quyền trong bước đầu, nhưng chính yếu là nhờ vốn
liếng và nhiều kinh nghiệm của ông, xưởng dệt ngày càng phát triển,
không bị thất thế giữa những xưởng dệt lớn khác ở chung quanh mà hầu hết
do Hoa kiều làm chủ.
Biết ông Trụ là người có khả năng và tâm
huyết, chính phủ Ngô Đình Diệm đã yêu cầu ông cộng tác trong chương
trình tái định cư và kiếm công ăn việc làm cho hơn một triệu người đồng
cảnh với ông. Xưởng dệt Bắc Hà cũng là nơi quy tụ nhiều người di cư có
kinh nghiệm trong nghề dệt.
Vợ mất, để lại cho ông bốn người
con, ba trai một gái. Ông tục huyền với bà vợ mới, là bạn thân của vợ
ông và cũng chính là người quản lý mấy xưởng dệt của ông ngoài Hà Nội.
Khi di cư vào Nam, gia đình ông, ngoài vợ chồng và cậu con trai nhỏ của
bà vợ sau, còn có cả bốn đứa con của bà vợ trước. Vào Sài Gòn ông bà có
thêm một cô con gái út. Các con đều theo học các trường Tây: Jean
Jacques Rousseau hay Marie Curie. Ông Trụ rất cưng con, nhưng thường bận
đi xa trong nghề kiến trúc, hay giúp việc định cư cho những bà con
khác, nên giao cho vợ chăm sóc, dạy dỗ đàn con, ngoài việc quản lý xưởng
dệt Bắc Hà. Có lẽ một phần do ảnh hưởng nghề nghiệp, nhiều năm với
cương vị quản lý mấy xưởng dệt lớn, nhân viên lên đến mấy trăm người,
nên bà khá nghiêm khắc với con cái.
Trong mấy cậu con trai có
Hoành, con út của đời vợ trước, rất giống bố, khá đẹp trai, hiền lành,
học hành chăm chỉ và luôn vâng lời cha mẹ. Hoành không những giống bố về
khuôn mặt, dáng đi mà còn ở đức tính rộng lượng, thương người. Thấy
Hương con nhà nghèo, nhưng xinh xắn, nhu mì và hiếu học, Hoành rất quí
mến, thương yêu lo lắng cho Hương như cô em gái. Hoành thường dạy kèm
thêm cho Hương. Những ngày nghỉ, khi đưa các em gái đi chơi, Hoành luôn
rủ Hương cùng đi. Thường chỉ đi dạo trong Sở Thú, ăn kem hoặc xem ciné.
Sự gần gũi, thân tình và hợp tính nhau dần dần đã làm tình yêu nẩy nở.
Cuộc
tình đẹp nhưng thầm lặng kéo dài gần hai năm, càng lúc càng say đắm,
nồng nàn với kết quả là Hương mang thai. Hoành đem sự việc thưa cùng cha
mẹ và xin được cưới Hương làm vợ. Lúc ấy Hoành đang học năm cuối trường
Jean Jacques Rousseau và chuẩn bị thi BAC II. Cha của Hoành, sau khi la
rầy rồi cũng đồng ý. Ông bảo Hương là đứa con gái hiền hậu dễ thương,
lỗi là ở con trai mình. Cha mẹ phải có trách nhiệm, nhất là trong bụng
Hương đang có giọt máu của họ Bùi. Nhưng bà kế mẫu của Hoành thì vừa
nghiêm khắc, vừa bảo vệ nếp nhà “môn đăng hộ đối”, quyết liệt khước từ.
Sau nhiều lần bàn cãi, cha của Hoành phải tạm thời nhượng bộ để giữ hòa
khí gia đình. Cuối cùng ông bà đi tới quyết định: Thuê chỗ ở khác cho
Hương sống để chờ sinh đẻ. Sau khi sinh xong, ông bà sẽ bắt đứa con và
chu cấp tiền bạc như một đền bù để Hương về quê sinh sống, cắt đứt mọi
liên lạc với gia đình cũng như với Hoành. Thực ra, trong thâm tâm ông
Trụ, cha Hoành, đây chỉ là kế hoãn binh với bà vợ kế, chờ sau này, mọi
việc lắng xuống, ông sẽ mua nhà riêng cho Hoành và tìm cách đưa Hương
trở về sống với Hoành và con. Tiếc là ông không nói sớm điều ấy với
Hoành. Hoành quá thật thà đem hết mọi việc kể cho Hương nghe, và khuyên
Hương cứ ở lại sinh đẻ rồi sau này sẽ tính. Vừa bất bình trước sự khinh
miệt giai cấp của gia đình Hoành, vừa giận thái độ khiếp nhược của
Hoành, và nhất là sợ bị mất đứa con, hôm sau Hương viết để lại cho Hoành
một lá thư từ biệt, trút bao đớn đau trách móc, rồi lặng lẽ ra đi. Để
đánh lạc hướng gia đình Hoành, ngừa việc sau này họ đi tìm để bắt đứa
con, Hương bảo sẽ về quê ở Diên Khánh (Thành) thay vì về Hòn Khói. Vì
xưa nay, mọi người chỉ biết Hương là người từ Nha Trang vào học, thế
thôi.
***
Mười lăm năm chưa biết mặt mẹ, chưa hề biết cảm giác của một đứa
con có mẹ. Bây giờ bỗng dưng gặp một người bảo là mẹ mình, Hưng không
có cảm xúc. Ngồi nghe mẹ kể lại cuộc đời bà và nguyên nhân sự có mặt của
mình trên thế gian này, Hưng ngậm ngùi nhưng vẫn không hiểu hết được
những điều đã xảy ra. Sao giống chuyện trong mấy cuốn tiểu thuyết mà
mình đã đọc. Hưng thầm nghĩ như thế rồi hỏi mẹ:
- Vậy tại sao mẹ lại bỏ con lại cho bà ngoại khi con chỉ mới lên ba?
-
Đó là điều đau xót và ân hận nhất của mẹ, đã dằn vặt mẹ bao nhiêu năm
nay. Nhưng xin con hãy hiểu và tha thứ cho mẹ. Lúc ấy mẹ không có con
đường nào khác. Phụ lòng bà ngoại, xấu hổ với bà con láng giềng vốn còn
rất đậm nề nếp cũ, con gái không chồng mà có con là cái tội xấu xa, cái
án vô hình nhưng nặng nề lắm, con ạ.
- Đã bao nhiêu năm, sao
mẹ không tìm cách liên lạc với bà ngoại và với con, để bà ngoại vừa một
mình khốn khổ nuôi con vừa buồn vì tưởng mẹ đã chết thật rồi.
-
Thực ra thì lúc ấy mẹ cũng muốn chết lắm. Viết lá thư để lại cho ngoại,
bảo là mẹ xuống biển tự tử. Khuya hôm ấy mẹ có ra biển, nhưng khi lội
xuống biển, nhìn thấy biển mênh mông, đen sẫm, nghe tiếng sóng thét gào,
mẹ bỗng giật mình sợ hãi, không còn một chút can đảm. Mẹ bước lên bờ
với ý nghĩ bỏ đi, nhưng chưa biết đi đâu, mẹ ra trốn ngoài ghềnh đá bên
động cát, thì bất ngờ gặp mấy người du kích trong xã, trong đó có cô
Tám, bạn học của mẹ lúc nhỏ, rủ vào bưng theo kháng chiến. Mẹ đi theo cô
ấy.
- Sao mẹ không ở trong đội du kích cho gần nhà mà lại đi ra tận ngoài Bắc?
-
Mẹ được cô Tám dắt lên núi để học tập. Nghe nói cách mạng là thực hiện
triệt để cuộc đấu tranh giai cấp, mẹ thấy rất hợp với ước nguyện của mẹ
nên đã xin tình nguyện để được kết nạp vào đảng. Hơn nữa, mẹ cũng muốn
rời xa quê hương, để không ai còn biết đến mình. Mẹ được đưa ra Liên Khu
5, ba năm sau chuyển ra Bắc. Và cũng ở tại Liên Khu 5 này mẹ đã gặp cha
của con bây giờ.
Đưa tay chỉ người đàn ông cao lớn, mặc bộ
áo quần bằng vải kaki Nam Định, vai mang xắc-cốt, nãy giờ ngồi yên lặng
trên bộ phản, bên cạnh bà ngoại, và hai đứa trẻ lạ, mẹ Hưng tiếp tục:
-
Chú Ba đây là chồng của mẹ. Và con Hồng, thằng Hà đây là em của con.
Trước khi vào Nam, chú Ba nhất quyết bảo mẹ phải nói với con, chính chú
ấy là cha ruột để cho con vui, nhưng mẹ không chịu. Mẹ muốn con biết rõ
sự thật, vì chuyện cha con là chuyện máu mủ thiêng liêng. Con có nghĩ về
mẹ thế nào cũng được, nhưng mẹ muốn con biết rõ lai lịch của mình.
Ông Ba đứng dậy, bước lại ôm vai Hưng thân mật :
-
Mặc dù trước đây chưa được gặp con, nhưng mẹ con đã kể cho chú nghe về
con từ khi mẹ và chú mới quen nhau. Chú rất thương con, và mong là con
luôn xem chú như là ba của con. Nếu được, xin con cho chú cái vinh dự
làm cha của con trong giấy khai sinh. Chú thực lòng không muốn trong
khai sanh của con đề cha là vô danh, như mẹ đã kể cho chú nghe.
Nói
xong ông Ba gọi hai đứa con lại, bảo anh Hưng đây là anh hai của hai
đứa con. Từ nay phải gọi là anh hai và thương yêu, vâng lời anh ấy. Hai
đứa nhỏ bước đến vòng tay, bẽn lẽn chào Hưng.
Cái giọng Bình
Định lai Bắc kỳ của ông Ba hơi khó nghe. Nhưng Hưng hiểu được những điều
ông muốn nói và tin những tình cảm ấy là chân thật. Mặc dù sau tháng
4/75, Hưng nghe người trong làng kháo nhau: Đừng nghe những gì Cộng Sản
nói.
Sum họp được hai ngày, thời gian chưa đủ để Hưng cảm
giác có mẹ, có em, thì mẹ Hưng cùng chồng và hai con phải vào Cam Ranh
để nhận nhiệm sở mới. Nghe nói ông Ba làm ở Phòng Địa Chính còn mẹ Hưng
thì làm hiệu trưởng một trường phổ thông cấp 1. Trước khi đi ông bà để
lại cho bà cháu Hưng mấy bao gạo, một số tiền và ít áo quần.
Sự
thay đổi qua bất ngờ và khá lớn lao đó vẫn chưa đủ làm cho Hưng mất đi
cái cảm giác mồ côi. Mười lăm năm, đã quen và yêu cuộc sống tuy vất vả
nhưng rất yên ả với ngoại, với biển cùng đám bạn bè ở cái làng nghèo Bá
Hà này nên Hưng không muốn có một sự đổi thay nào nữa. Từ ngày người mẹ
xuất hiện, với một lai lịch khá mơ hồ về cha, cùng với sự xáo trộn từ
đầu tháng Tư, kéo theo bao âu lo của bà con trong xóm, đầu óc Hưng lúc
nào cũng căng thẳng, chẳng khác nào những đêm biển lặng, theo thuyền đi
lưới cá ngoải khơi, đột nhiên bị dông tố bất ngờ. Bao nhiêu năm sống với
ngoại, Hưng ví ngoại như cây cổ thụ đầu làng, quanh năm phủ bóng che
mưa, che nắng cho mình. Hưng không muốn có ngày bị người ta kéo ra khỏi
cái bóng thần tiên ấy, cho dù người ấy là ai. Bỗng dưng Hưng thấy thương
ngoại hơn. Tối tối, Hưng chui vào nằm bên ngoại, ôm ngoại thật chặt như
sợ bà sắp tuột mất khỏi vòng tay bé nhỏ của mình. Còn ngoại thì khác,
bà tỏ ra phấn chấn, vui mừng, thường nắm tay Hưng bảo nhỏ:
-
Hãy vui lên nghe con, bây giờ thì con đã có mẹ. Trước đây ngoại rất lo
sợ, vì ngoại đã già rồi, nếu có bề gì biết có ai lo lắng cho con. Bây
giờ con có mẹ, ngoại yên lòng.
Ngoại nói là ngoại mừng, nhưng nhìn vào mắt ngoại, Hưng thấy ngoại đang khóc.
Hơn
một tháng sau, mẹ và chú Ba đưa xe con về đón ngoại và Hưng vào Cam
Ranh. Gia đình ông bà được cấp ngôi nhà khá rộng trong khu cư xá, nghe
nói của một công chức VNCH bị tịch thu. Mới làm việc chỉ hơn một tháng,
nhưng ông bà tỏ ra chán ngán. Ông bảo làm trong ngành địa chính nên biết
rõ nhiều điều bất công, khuất tất. Từ việc tịch thu tài sản của nhiều
người dân vô tội đến việc giành giật chia chác từ chức tước đến nhà cửa,
đất đai giữa những cán bộ trong các ban quân quản và guồng máy chính
quyền mới vừa “biên chế”. Mẹ Hưng thì dễ dàng nhận ra hệ thống giáo dục
và trình độ của các giáo chức miền Nam, hơn hẳn bây giờ và cả ngoài Bắc.
Tuy phải chấp hành cấp trên, nhưng với chức vụ hiệu trưởng, bà cảm thấy
e thẹn, nhất là những khi phải họp hành “giao ban” với các giáo chức
cũ. Hưng nghe mẹ thường buồn bã tâm sự với ngoại :
- Điều buồn
nhất sau bao nhiêu năm trở lại quê nhà là con cảm thấy thật cô đơn. Láng
giềng, bạn bè cùng lớp cùng trường ngày xưa dường như đều muốn xa lánh
con. Có ai bất ngờ gặp con giữa đường, họ giả vờ vồn vã nhưng con nhìn
thấy rõ sự dè dặt trong mắt họ.
Ông bà luôn chăm sóc ngoại, vỗ về
an ủi Hưng. Nhiều đêm bà ngủ cùng phòng với Hưng để mẹ con tâm sự. Nước
mắt của mẹ dần dà đã thấm đẫm trong lòng Hưng, làm Hưng xúc động. Nằm
trong vòng tay, với những cái nhìn âu yếm, cùng những giọt nước mắt ấy
của mẹ đã làm Hưng thấy gần gũi, thấu hiểu được nỗi lòng và ước mơ của
mẹ. Nhiều lúc, thấy mẹ ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm, Hưng biết là cả một
quá khứ đau buồn đang trở về với mẹ, nhưng không hiểu là hình bóng của
cha Hưng đã hiện lên như thế nào trước mắt mẹ. Mẹ có còn thương cha, có
dành một ngăn nhỏ nào trong trái tim của bà cho người tình xưa, hay chỉ
có oán trách, hận thù? Còn chú Ba, chồng của mẹ bây giờ, thực ra cũng là
một người tốt, chân chất hiền lành, thường tâm tình khuyên bảo, năn nỉ
Hưng ở lại với ông bà và hai em. Ông sẽ lo cho Hưng đi học trở lại, có
mẹ kèm thêm để Hưng học nhanh hơn. Ông cũng tỏ ý muốn thay mặt cho cha
Hưng để bù đắp những gì mà hơn 15 năm qua Hưng bị mất mát quá nhiều. Ông
tha thiết mong được Hưng gọi mình là ba như hai đứa em của Hưng.
Hai
tuần ở đây, tình cảm trong Hưng có nhiều biến chuyển. Hưng bắt đầu gọi
ông Ba bằng cha, và cũng là lần đầu tiên Hưng cảm giác mình có mẹ. Hưng
thấy hạnh phúc và cũng có chút hãnh diện về mẹ, một người đàn bà lớn
tuổi nhưng còn nhan sắc và hiểu biết. Có một điều Hưng vẫn mơ hồ, không
biết con đường gai góc mà mẹ đã đi trong gần mười lăm năm, bỏ Hưng côi
cút với ngoại, có phải mẹ đã thực sự tìm đúng lý tưởng của mẹ ? Hưng
thấy cái làng Bá Hà này vốn cũng đã nghèo, giờ lại càng nghèo khổ xơ xác
hơn. Các chủ ghe mà Hưng đã từng đi theo phụ lưới, giờ phải đem ghe
thuyền giao nộp hết cho hợp tác xã. Các anh chị từng vươn lên trong học
hành, có cả ông thầy trẻ từng dạy Hưng, một thời làm hãnh diện cho Bá
Hà, giờ một số bị tù đày, số còn lại thì quay về nghiệp cũ; đánh cá, làm
muối, làm ruộng. Chẳng lẽ học hành, giỏi giang chữ nghĩa lại có tội ?
Mọi người ai cũng ngờ vực, sợ sệt lo âu.
***
Tháng 5/78, một chiếc thuyền nhỏ vượt biển tắp vào một hoang đảo ở
Nam Dương. Trên thuyền gồm có 18 người, đa số là thanh, thiếu niên. Tất
cả được Cơ Quan Cao Ủy Tị Nạn LHQ đón nhận đưa về tạm trú tại trại tị
nạn Tandungpinang. Trong số 18 người này có Hưng, cậu bé đánh cá vùng
biển Hòn Khói năm nào, bây giờ đã 18 tuổi. Được phái đoàn Mỹ nhận, Hưng
đến định cư tại Tiểu bang Florida vào đầu tháng 10/79 với sự bảo trợ của
một gia đình người Mỹ tốt bụng.
Nhờ có sẵn đức tính cần cù chăm
chỉ, từng trải qua cả một thời tuổi thơ cơ cực, và cũng nhờ vào trí
thông minh của ông trời ban cho người dân nghèo Hòn Khói, Hưng vừa đi
làm giúp đỡ gia đình, nhất là bà ngoại ở Việt Nam, vừa theo học tại một
trường Cộng Đồng dành cho người lớn tuổi. Hưng học rất nhanh và luôn đạt
điểm cao, được khích lệ của các thầy cô giáo. Hưng theo gương Nguyễn
Xuân Nam, một người bạn nghèo cùng làng Bá Hà, sang Mỹ trước Hưng một
năm, nổi danh hiếu học (**). Trong chuyến đi của Hưng có cậu em ruột của
Nguyễn Xuân Nam.
Khi được Cao Ủy Tị Nạn và Phái Đoàn Mỹ
phỏng vấn, hỏi do động cơ nào mà Hưng vượt biển ra đi. Hưng trả lời là
chính bà ngoại đã khuyên và giúp Hưng tìm mọi cách, bà bảo :
-
Chỉ mới sau mấy năm “giải phóng” mà coi bộ dân chúng khốn khổ quá
chừng. Ai cũng lo sợ, oán than cách mạng. Ngoại già rồi, nhưng con còn
trẻ phải tìm mọi cách ra đi. Ở lại coi bộ khó sống lắm con ạ.
Đó
là lời khai hoàn toàn thành thật, vì xưa nay Hưng không hề biết nói dối.
Có điều Hưng hơi ngạc nhiên khi nghe ngoại bất ngờ nói ra điều này, mà
trước đó Hưng chưa bao giờ nghe bà nói tới. Sau này, Hưng mới biết đó là
quyết định của mẹ và ông cha kế. Cả số tiền để Hưng trả cho chủ ghe
cũng do ông bà đưa cho ngoại.
Lá thư đầu tiên nhận được của
mẹ, có cả ông Ba, người cha kế viết chung trong đó, Ông bà chúc mừng
Hưng đã đến xứ tự do, nơi bảo đảm tìm thấy tương lai, nếu ở lại, giờ này
Hưng đã bị đi nghĩa vụ quân sự và có thể bỏ xác oan uổng ở chiến trường
Campuchia trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những người Cộng Sản.
Hai năm sau, tháng 12/81, Hưng được tin ông xin phục viên, viện cớ chứng
đau nhức đến buốt óc do một mảnh đạn còn nằm trong đầu, bị thương trong
trận tấn công Quảng Trị 1972, không thể giải phẫu lấy ra được. Mẹ Hưng
còn dạy học thêm vài năm nữa, sau này xin nghỉ vào Bình Dương làm nghề
trồng cây ăn trái.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học và đã
có công việc làm ổn định, được tin ngoại ốm nặng, Hưng vội vã về Việt
nam thăm ngoại. Xin bảo lãnh ngoại sang Mỹ để chữa bệnh và sống với
Hưng, nhưng ngoại nhất quyết chối từ, bảo là bà đã sống ở làng quê Bá Hà
cả một đời người, như cây đa mọc rễ không dễ gì mà bứt ra được. Không
ngờ đó là lần cuối cùng Hưng gặp ngoại. Bà qua đời vào năm 1998. Được
tin ngoại mất, Hưng có cảm giác như cả bầu trời sập xuống. Hưng tưởng
tượng cái cây cổ thụ xum xuê to lớn ở đầu làng Bá Hà vừa bị bật gốc. Dù
bây giờ Hưng đã thực sự trưởng thành, có một gia đình hạnh phúc với vợ
con, công ăn việc làm ổn định, nhưng Hưng vẫn cảm thấy như vừa mất đi
cái bóng mát vĩ đại để tâm hồn mình trú ẩn. Bởi mỗi khi buồn, cảm thấy
cô đơn lạc lõng trên xứ lạ quê người, nghĩ tới ngoại là tinh thần Hưng
phấn chấn. Nhớ những ngày mình còn bé, ngoại thường dắt lên chùa lễ
Phật. Hưng chấp tay trước ngực, đứng nép bên ngoại trước tượng Phật,
nghe ngoại chỉ cầu xin bao điều may mắn tốt đẹp cho đứa cháu côi cút của
mình. Có lẽ nhớ những lời cầu xin này của ngoại mà cuộc đời mình mới
được như hôm nay. Bây giờ trang sách cuộc đời như vừa bị ai đó xé đi mất
nửa trang đầu, để nửa sau không còn ý nghĩa gì nữa. Hưng khóc hết nước
mắt và hụt hẫng đến suy sụp cả tinh thần.
Ông Ba, người chồng
sau của mẹ cũng qua đời mấy năm sau đó. Hưng dắt vợ con về Việt Nam để
chịu tang ông như người cha ruột của mình. Hưng xin xây mộ phần cho ông,
an ủi mẹ và hai em. Trước khi rời Việt Nam, Hưng gởi lại cho mẹ một số
tiền và hứa mỗi tháng sẽ gởi thêm về để phụ cho hai em ăn học đến nơi
đến chốn.
Trong lần về Việt Nam lo đám tang cho ngoại, Hưng
có dịp tâm tình riêng với mẹ. Mấy ngày hai mẹ con nằm trong khách sạn
Hải Yến ở Nha Trang, khi ngoài trời gió mưa tầm tã, mẹ đã kể lại tỉ mỉ
hơn về cha ruột của Hưng, về cuộc tình thật đẹp, thật lãng mạn nhưng kết
cục quá đau đớn của ông bà. Mẹ cũng không còn trách cha. Bảo ông ấy là
người tốt, hiểu biết, thương người, nhưng lúc ấy còn đang đi học, lệ
thuộc nhiều vào gia đình, hơn nữa lại là đứa con luôn vâng lời cha mẹ.
Hôm ấy, lần đầu tiên mẹ ngỏ ý muốn Hưng đi tìm cha, dù điều ấy bây giờ
rất nhiêu khê, nhất là sau tháng 4/75, những người giàu có đã phải bỏ
nhà cửa, bỏ Sài gòn ra nước ngoài hay đến một vùng quê xa xôi nào đó để
mong còn giữ được cái thân.
Nghe lời mẹ, trước khi trở lại
Mỹ, Hưng thuê xe đến khu Phùng Hưng trong Chợ Lớn. Đúng như lời mẹ nói,
tất cả đã đổi thay, không ai biết gì về gia đình ông chủ xưởng dệt Bắc
Hà ngày trước. Vừa thất vọng, vừa nghĩ là nếu có tìm được ai đó trong
gia đình cha, chắc gì họ đã đón nhận mình. Bởi trong mười lăm năm Hưng
sống côi cút khổ cực, cũng không hề thấy có ai đi tìm đứa con, đứa cháu
lạc loài bất hạnh. Hưng quyết định bỏ hết, cố quên đi cái quá khứ đau
buồn và phiền muộn ấy để cho lòng thanh thản. Hưng nhủ thầm “không ai
thay đổi được quá khứ, mình nên dồn hết trí óc và thời gian còn lại để
xây dựng tương lai”. Hôm ấy, khi máy bay lấy cao độ để rời khỏi không
phận Sài gòn, Hưng nhìn xuống, qua khung cửa kiến nhỏ, nhận ra khu vực
Chợ Lớn nằm xa xa phía dưới, bất giác Hưng đưa tay lên chào. Hưng nghĩ
đó không chỉ là cái vẫy tay từ biệt khu phố Phùng Hưng, mà còn từ biệt
luôn một quá khứ mơ hồ. bất hạnh với một người cha chỉ nghe như huyền
thoại.
***
Cách đây hai tuần, khi đang say ngủ Hưng giật mình bởi chuông điện
thoại reo. Xem đồng hồ, đã hơn hai giờ sáng. Giờ này mà ai gọi chắc là
có điều khẩn cấp lắm. Hưng bốc ống nghe. Bên kia đầu dây là Hà, đứa em
trai cùng mẹ khác cha đang gọi từ Sài gòn. Hà gọi từ một trạm internet,
nên hiện lên trên khung điện thoại của Hưng một dãy số lạ hoắc. Hà báo
tin đã tìm được một người biết gia đình ông bà Bùi văn Trụ, chủ xưởng
dệt Bắc Hà. Việc đi tìm tin tức về người cha ruột của Hưng hy vọng có
nhiều manh mối. Cái tin bất ngờ đó làm cho Hưng lo lắng hơn là vui mừng.
Không biết khi tìm được rồi họ có nhận mình không?
Cái vẫy tay
từ biệt hôm nào trên máy bay, Hưng tưởng đã bỏ lại cho khu phố Phùng
Hưng tất cả quá khứ buồn thảm. Hưng muốn xoá sạch hết tất cả, như cái
xưởng dệt Bắc Hà giờ cũng chẳng còn một dấu tích nào. Nhưng rồi một giấc
mơ đã làm Hưng thay đổi. Một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, có tiếng
điện thoại reo, Hưng bốc máy lên nghe. Giọng một người đàn ông :
-
Có phải Hưng đó không con ? Ba là Hoành, cha của con đây. Bao nhiêu năm
đi tìm con khắp nơi mà không gặp. Ba rất thương nhớ con. Hãy tha thứ
cho ba nghe Hưng!
Hưng giật mình tỉnh giấc, trong tai vẫn còn
văng vẳng tiếng người vừa nhận là cha mình. Giọng nói trầm ấm, hiền
lành, xúc động. Giấc mơ đã làm Hưng nhớ lại câu nói “cha con là máu mủ
thiêng liêng” của mẹ trong ngày đầu tiên khi hai mẹ con gặp nhau tại căn
nhà tranh của ngoại ở làng quê Bá Hà hơn 36 năm trước. Chính giấc mơ đã
thôi thúc Hưng đi tìm lại cha mình
Hưng nghĩ ngay tới Hà, đứa em
trai một mẹ khác cha, nhưng rất giống Hưng và luôn kính trọng, thương
yêu, giữ tình nghĩa với Hưng chẳng khác nào anh em ruột. Từ hơn mười năm
nay, Hà làm việc cho một công ty xuất nhập cảng lớn tại Sài Gòn, chắc
chắn quen biết nhiều người. Hưng liền gọi điện thoại về Việt Nam, bảo Hà
hỏi mẹ rõ ràng chi tiết về gia đình ông bà chủ xưởng dệt Bắc Hà để tìm
ra tông tích của cha Hưng. Hà hết lòng ủng hộ mẹ và Hưng về việc này.
Ngày nào, sau khi đi làm về, Hà cũng chạy ngay xuống khu phố Phùng Hưng.
Qua
bao biến cố, thăng trầm, Sài Gòn - Chợ Lớn bây giờ đổi thay nhiều quá.
Cả khu xưởng dệt Bắc Hà không còn lại một dấu tích gì. Người ta đã phá
hết để xây khu chung cư mới. Hầu hết dân chúng ở khu vực này từ ngoài
Bắc mới vào sau 75. Dường như chẳng còn ai biết có một xưởng dệt tên Bắc
Hà từng hiện diện ở nơi này. Hơn nữa, mọi người đang tất bật rượt đuổi
theo thời gian để tìm cơ may trong cơn sốt đổi đời, thì còn đầu óc và
thời giờ đâu mà nhớ tới ngày xưa, ngay cả cái thời đẹp đẽ hạnh phúc mà
họ đã mất. Sau mấy ngày, Hà may mắn gặp được một ông già tốt bụng. Ông
thuê lại căn nhà của một người Bắc 54 đã ở đây hơn 30 năm kể từ ngày di
cư vào Nam. Hy vọng ông ấy biết nhiều về gia đình chủ nhân xưởng dệt Bắc
Hà. Ông tìm địa chỉ đưa cho Hà. Hà chạy ngay lên tận Biên Hòa và gặp
được người chủ nhà gốc Bắc 54 ấy. Ông cụ đã trên 85 tuổi, nhưng trí nhớ
còn rất tốt. Ông biết rất rõ về gia đình ông bà kiến trúc sư Bùi văn Trụ
và xưởng dệt Bắc Hà nhưng ông bảo sau 75, cả nhà cửa và xưởng dệt đều
bị tịch thu. Có lẽ tất cả đã ra nước ngoài. Vì từ ngày ấy ông không còn
gặp và cũng chẳng nghe ai nói tới gia đình ấy nữa. Tuy nhiên, ông có
biết một bà bác sĩ hiện ở bên Pháp, là bà con với gia đình ông bà chủ
Bắc Hà. Bà có về Việt nam thăm thân nhân và bạn bè một đôi lần. Ông hứa
sẽ tìm một người quen, là bạn thân của bà bác sĩ ấy, để hỏi giùm tin
tức. Hà mừng quá, xin số điện thoại của ông cụ rồi chạy ngay đến một
trạm internet ở gần đó để gọi cho Hưng, mặc dù biết ông anh của mình giờ
này đang ngủ say. Hà bảo :
- Em báo tin để cho anh “phấn
khởi” và tốt nhất là em cho anh số phôn của ông cụ, để anh gọi về trực
tiếp nói chuyện. Sẽ hấp dẫn, hồi hộp và chính xác hơn là em.
Sáng
hôm sau, Hưng gọi về và gặp được ông già Bắc Kỳ 54 khả kính. Nhưng ông
bảo phải chờ ông hỏi thăm, vì chưa gặp được người ấy. Ông hẹn Hưng tuần
sau gọi lại. Trong một tuần ấy, lòng Hưng rối như tơ vò. Không biết
người cha ấy như thế nào, vợ con ra sao. Nhà giàu và học hành như thế
đối với mẹ con Hưng họ là giai cấp thượng lưu. Hơn nữa còn bà vợ. Liệu
bà có cho chồng nhận Hưng là con, khi sợ bị chia mất một phần gia tài,
và nhất là tình cảm của mẹ con bà? Hưng tâm tình với vợ. Là một người
hiểu rõ tính tình, suy nghĩ và cả một quá khứ bất hạnh buồn thảm của
chồng, vợ Hưng luôn an ủi, khích lệ và chia sẻ cùng chồng mọi tâm sự,
nỗi niềm:
- Em nghĩ anh nên vui và nắm lấy cơ hội này để tìm gặp
lại cha. Vì hoàn cảnh của anh, của chúng mình hiện nay, em không sợ gia
đình cha sẽ hiểu lầm. Mình không cần bất cứ tài sản gì nữa, còn tình
cảm, đó là sự thiêng liêng như mẹ đã nói, không ai có thể nhẫn tâm chia
cách được. Hơn nữa nếu còn sống, cha cũng đã già rồi. Em tin là dù trước
kia có thế nào, bây giờ bất ngờ gặp được anh, chắc là cha sẽ vui mừng
ghê lắm. Hơn nữa, đó chính là điều ước mong của mẹ.
Những lời
nói của vợ làm cho Hưng bớt căng thẳng và vui vẻ hơn, nhưng chưa hết
hẳn lo âu. Sau một tuần lễ dài nhất trong đời, Hưng gọi điện thoại về
Biên Hòa gặp ông cụ Bắc Kỳ 54. Rất may mắn ông đã có số điện thoại của
bà bác sĩ ở bên Pháp. Đó là bà bác sĩ Tuyết, trước kia là học trò của
ông bác sĩ Bùi Huy Lâm hiện ở bên Mỹ. Hưng rụt rè gọi cho bà Tuyết. Một
người đàn ông bốc phôn. Nhưng mới nói vài câu, Hưng nghe bên kia đầu dây
im lặng, rồi cúp máy. Hưng đoán có lẽ ông là chồng của bác sĩ Tuyết,
tưởng ai gọi nhầm số. Cũng có thể ông không muốn nghe, ngại dính vào câu
chuyện phiền toái của Hưng. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Hưng hỏi vài người
quen ở Cali, xin số phôn của bác sĩ Bùi Huy Lâm. Ông này khá nổi tiếng ở
đây. Ông Lâm thật nhân từ, tốt bụng, vui vẻ và chịu khó nghe Hưng trình
bày một câu chuyện khá dài. Ông tỏ ra xúc động. Khi đang khóc trong
điện thoại, Hưng nghe bên kia đầu dây có tiếng sụt sùi. Ông hứa sẽ liên
lạc ngay với bà Tuyết để kể lại đầy đủ sự việc và bảo đảm bà sẽ sốt sắng
trong việc này. Ông còn an ủi Hưng:
- Cháu yên tâm. Bây giờ không phải chỉ có cháu, mà còn có cả bác nữa, chúng ta nhất định sẽ tìm ra bố của con.
Tấm
lòng của bác sĩ Lâm làm Hưng thực sự cảm kích. Hưng nghĩ mình đã may
mắn gặp một người nhân từ, nên hy vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.
Cuối
cùng thì Hưng cũng gặp được bà bác sĩ Tuyết. Lần này bà lắng tai, thăm
hỏi an ủi và cho Hưng số điện thoại của người cô út, em cùng cha khác mẹ
với cha Hưng. Bà sống ở Thụy Sĩ.
Hôm nói chuyện với cô, tự
dưng Hưng xúc động đến nghẹn ngào. Bà chỉ lớn hơn Hưng có bốn tuổi. Tuy
hoàn toàn không biết gì về Hưng, không hề được nghe người anh tên Bùi
văn Hoành của bà đã từng có một đứa con như thế, nhưng bà rất vui vẻ,
thân thiện và dành cho Hưng những lời thương yêu, quí mến. Chính tấm
lòng và giọng nói của bà đã làm cho Hưng có cảm giác người này thực sự
có liên hệ máu thịt với mình.
Hưng gởi ngay cho bà vài tấm ảnh
của Hưng qua email và ngược lại bà cũng gởi cho Hưng tấm ảnh của người
anh, mà Hưng bảo là cha. Xem ảnh xong, bà bảo là Hưng giống cha Hoành
như đúc. Còn Hưng, khi nhận tấm ảnh của cha, tấm ảnh lúc ông còn trẻ,
nên cả vợ chồng Hưng đều giật mình tưởng người trong ảnh chính là Hưng
bây giờ. Bà cũng báo tin cho người chị cả của bố, bác Hương, hiện định
cư ở Canada gọi sang Mỹ thăm và vui mừng đón nhận Hưng. Tối hôm ấy, Hưng
rất xúc động nhận được một email ngắn của cô út :
- Hưng đã
quậy trời, quậy đất đi tìm bố, từ bác sĩ Lâm ở Cali, đến cô Tuyết, bác
Túc ở Pháp. Tất cả đã biết và cùng chia sẻ niềm hạnh phúc. Cô ở Suisse
và bác Hương ở Toronto đã mở rộng vòng tay đón Hưng vào gia đình họ Bùi.
Cô rất vui vì Hưng tìm được dòng suối trong, và Hưng sẽ như dòng thác
đổ, như sông Cửu Long chẩy về ôm hết những người Hưng muốn thương yêu
Có
một điều không phải như Hưng nghe mẹ và ông cụ Bắc Kỳ 54 ở Phùng Hưng
ước đoán trước đây, cha của Hưng không định cư ở Pháp sau 75, mà vẫn còn
ở Sài Gòn. Điều ngạc nhiên hơn ông từng là đại úy phi công VNCH. Bị tù 7
năm sau tháng 4/75. Ông đủ điều kiện đi Mỹ theo diện HO, nhưng bà vợ,
nhờ chôn giấu được một số vàng của cha mẹ để lại sau 75, nên còn vốn để
buôn bán làm ăn, điều quan trọng hơn là cả cha mẹ bà đều bị bệnh nặng
nằm một chỗ cần đến sự săn sóc của bà, nên bà không thể bỏ đi. Cuối cùng
bố Hưng phải đành ở lại. Bà cô út rất tế nhị, vừa muốn tránh việc phiền
muộn có thể ảnh hưởng tới cuộc kỳ ngộ, và cũng muốn dành trọn cảm giác
ngạc nhiên cho ông anh, nên bà bảo sẽ không trực tiếp cho cha Hưng biết,
mà chỉ cho Hưng số điện thoại và địa chỉ của ông, đề nghị Hưng nhờ đứa
em ở Sài gòn tìm cách hẹn ông ra ngoài, kể chuyện về Hưng, rồi sau đó
gọi điện thoại để hai cha con nói chuyện.
Hưng nghe theo lời
cô, nhờ Hà giúp mình mọi việc. Chiều hôm sau, từ một quán cà phê trong
giờ vắng khách, ông Hoành lần đầu tiên nghe tiếng nói của đứa con hơn 51
năm chưa hề biết mặt.
Giọng nói đôn hậu pha lẫn chút đùa
cợt, có lúc lại nghẹn ngào đứt đoạn của ông đã gây cho Hưng cảm giác gần
gũi, thân thiết ngay từ phút ban đầu. Ông kể chuyện về bố ông và ông,
đau buồn thế nào khi biết mẹ Hưng bỏ đi, vã đã vất vả kiên nhẫn đi khắp
nơi tìm mẹ con Hưng mà không gặp. Khi nghĩ là mẹ Hưng đã tự tử mang theo
dòng máu của mình, cha con ông đã ân hận đau đớn như thế nào. Trong
phòng riêng ông có để tấm ảnh nhỏ của mẹ Hưng trên kệ thờ. Thấy ông đau
buồn tiều tụy, bố ông xin giấy tờ cho ông sang Pháp du học. Nhưng khi
ông chuẩn bị lên đường thì bố ông đột ngột qua đời do một tai nạn ở Lâm
Đồng. Ông phải ở lại, phụ bà kế mẫu lo cho xưởng dệt và mấy đứa em. Khi
đến tuổi động viên, xin vào trường Không Quân ở Nha Trang và làm phi
công quan sát (L19) cho đến ngày mất nước. Thời gian biệt phái công tác ở
Trà Nóc, ông quen cô con gái của một thương gia ở thành phố Cần Thơ.
Sau này trở thành vợ của ông. Bây giờ ông bà có bốn người con, hai trai
hai gái. Tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Những điều ông
kể, nhiều lần bị gián đoạn. Không phải ông quên, hay ái ngại, mà vì
phải dừng lại để lau nước mắt. Bên kia đầu dây, Hưng cũng sụt sùi.
Ông
nhờ Hà về thưa lại với mẹ xin cho ông được đến thăm mẹ. Được bà đồng ý,
sáng hôm sau ông lái xe lên Bình Dương. Vợ chồng Hà giúp trang điểm,
thay áo quần mới cho mẹ. Vừa vui mừng, vừa xúc động khi nép vào cánh cửa
nhà sau, nhìn lén cuộc trùng phùng kỳ diệu của mẹ mình với người tình
xưa, Cả hai đều bạc tóc. Ông nắm tay bà :
- Bà còn giận tôi không ?
Mẹ
Hưng không trả lời mà bật khóc. Đôi mắt của bà đã bị mờ từ hơn bốn năm
nay, bây giờ càng mờ hơn qua làn nước mắt. Nhưng dường như bà đã nhận ra
ông, nhìn thấy ông rất rõ qua ký ức và cả tâm hồn bà. Ông ôm lưng, dìu
bà ngồi vào chiếc ghế bành bên cửa sổ. Khi thấy bà ngồi bỏ hai chân trên
ghế, ông đùa :
- Bà ngồi cái kiểu này, hèn gì Thái Lan đang bị một trận lụt kinh hoàng bên ấy.
Bà
hiểu ý, vội bỏ thòng hai chân xuống, đưa tay lau nước mắt rồi nhoẻn
miệng cười. Vợ Hà véo nhẹ tay chồng khi thấy mẹ đã trên 70 nhưng vẫn còn
giữ chút thẹn thùng của thời con gái.
Ông nói tiếp :
- Chắc bà thương tôi lắm hay sao mà đặt tên cho mấy đứa con sau này cũng bằng vần H, và cháu Hà trông cũng giống tôi lắm?
Bà lảng sang chuyện khác:
- Nghe nói ông là sĩ quan Cộng Hòa, khi biết tôi theo Việt Cộng ông có thù ghét tôi không?
Ông cười thật to :
-
Nhiều lần bay trên trời, tôi phát hiện mấy cô du kích tắm truồng dưới
suối. Tôi sà xuống thật thấp định phóng mấy trái hỏa tiễn, nhưng bỗng
nhận ra có bà dưới đó, nên tôi vội vã bay đi. Chứ hồi đó tôi bắn một
phát thì làm sao bây giờ hai đứa còn gặp nhau đây.
Không biết vì
giọng bông đùa rất tự nhiên hay vì chữ “hai đứa” của ông vừa nói, bà
bỗng im lặng, đưa đôi mắt đục mờ nhìn xa xăm. Trong ký ức của bà, hình
ảnh anh học trò Hoành 19, 20 tuổi tuấn tú ngày xưa vừa sống dậy, tạo cảm
giác trẻ trung, cùng một chút lãng mạn trong lòng bà.
Dường như ông đã đoán trước và chờ đợi thời điểm kỳ diệu này, bước ra xe lấy bó hoa vào trao cho bà:
-
Xin bà nhận cho tôi vui. Đây là bó hoa đáng lẽ tôi trao cho bà trong
ngày đám cưới, giờ lại trở thành bó hoa xin tạ tội, dù rất muộn màng.
Cái lỗi lớn nhất của tôi là đã đẩy bà đi lạc vào một con đường, để đến
cuối đời bà vẫn mãi ăn năn.
Khi thấy bà ôm chặt bó hoa vào lòng, rưng rưng nước mắt, ông bỗng trầm xuống:
-
Tôi xin cám ơn bà. Dù bà không nói ra, nhưng tôi biết là bà đã tha thứ
cho tôi. Thằng Hưng, đứa con bất hạnh của chúng ta, dù ở thật xa, nhưng
tôi đang nhìn thấy nó mỉm cười. Tôi đang chờ để đón vợ chồng nó và hai
đứa cháu nội của mình. Nay mai tụi nó sẽ về đây để cùng với bà và tôi ôm
nhau mừng cho cuộc trùng phùng kỳ diệu này.
Trước khi chia tay, ông xin phép bà được thắp một nén hương trên bàn thờ ông Ba, chồng của bà.
Khi
tôi ngồi viết lại câu chuyện này theo lời kể của Hưng, thì Hưng cùng vợ
và hai cô con gái đang có mặt tai phi trường Tampa, bắt đầu cuộc hành
trình về Việt Nam để tìm lại nguồn cội và quá khứ của mình. Cầu mong
cuộc trùng phùng sẽ làm lành được những vết thương trong lòng mỗi người,
trải qua bao đổi thay, tan thương dâu bể.
Đồi Hacienda Heights, Mùa Thanksgiving 2011
Phạm Tín An Ninh
(*)
Gs Đỗ Trung Hiếu, sau 75 làm Ủy Viên Liên Lạc Các Tôn Giáo của Trung
Ương Đảng CSVN, vợ là bác sĩ Văn và cháu là Đỗ Hữu Ưng đều là đảng viên
CS. Hiếu gia nhập đảng CS (1956) trước khi hoạt động trong phong trào
sinh viên Phật Tử Sài gòn. Sau này(1986) phản tỉnh, cùng với Nguyễn Hộ
và các đảng viên kỳ cựu trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Cũ, chống lại đảng
nên (1992) đã bị tù và tước hết đảng tịch cùng các chức vụ.
(**)
Nguyễn Xuân Nam, vượt biên trước Hưng một năm, lúc 19 tuổi. Ở Việt nam,
Nam mồ côi mẹ, cha bị thương tật, chỉ học đến lớp ba, rồi nghỉ, theo
cha làm nghề đánh cá. Vậy mà sau hơn mười năm sang Mỹ đã trở thành một
bác sĩ nổi danh, được Hội Đồng Giáo dục Y Khoa trường đại học Harvard
bình chọn là một trong những bác sĩ giỏi nhất nước Mỹ, hiện đảm trách
Trưởng Khoa Nhi Đồng bệnh viện Los Angeles, California và cũng là giáo
sư tại một số trường Đại Học của Hoa Kỳ.
Với những vẻ đẹp
vừa hùng vỹ vừa tráng lệ và không gian huyền ảo, động Thiên Đường là một
điểm đến thu hút khách du lịch suốt bốn mùa của tỉnh Quảng Bình.
Theo kết quả khảo sát năm 2010, toàn bộ hệ thống hang động Thiên Đường
có tổng chiều dài là 31,4 km, chiều rộng khoảng 30 - 100 m, nơi rộng
nhất lên đến 150 m; chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60-80
m. Hiện tuyến tham quan được đầu tư hạ tầng mới chỉ dài 1,1 km, du
khách theo hệ thồng cầu thang gỗ và chiếu sáng để vào tham quan động.
Bước vào cửa động, không khí mát rượi mở ra cùng không gian huyền ảo bắt đầu một chuyến đi đầy thú vị.
Động Thiên Đường là động khô, không có dòng chảy trong lòng. Phần lớn
nền động là đất dẻo, rộng và khá bằng phẳng, duy trì độ ẩm cao.
Đây đúng là Thiên Đường, mang vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá, với những vòm
động cao vút, những khối nhũ đá, măng đá muôn hình vạn trạng và gợi mở
trí tưởng tượng phong phú của mỗi người đặt chân đến.
Nhiệt độ trong hang ở mức 20 - 21 độ C, khiến không gian trở nên mát
lạnh, xoa dịu sự oi bức và mệt mỏi của hành trình 60 km từ thành phố
Đồng Hới đến đây.
Người ta nói rằng, động Thiên Đường có sự đặc biệt bởi các cột nhũ mồ
côi, nằm riêng lẻ nhưng lại tạo nên một cấu trúc chung phong phú, đẹp
mắt.
Khối đá có tên là “Thỏ Ngọc”, đúng với không gian thần tiên của đoạn hang này.
“
Nhà rông Tây Nguyên”- lớp thạch nhũ tạo hình dáng nhà rông càng hoàn hảo hơn khi có ché rượu cần đặt bên.
So với động Phong Nha thì thạch nhũ ở động Thiên Ðường có nhiều hình
thù hơn. Vẫn còn một số triền nhũ đá dốc như mới hình thành, còn ẩm ướt
hơi nước. Có mảng khi rọi đèn vào sẽ ánh lên như kim tuyến, nhấp nháy
như muôn vàn ánh sao đêm.
Chỉ hơn 1 km nhưng chuyến du ngoạn “hoàng cung dưới lòng đất” mang vẻ
đẹp tráng lệ, huyền ảo sẽ khiến bất kỳ ai đã đến đây đều có ấn tượng khó
phai.
Ẩn mình sâu trong lòng di sản thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong
Nha Kẻ Bàng, Động Thiên Đường nằm ở Km 6 cách rìa nhánh Tây đường Hồ Chí
Minh gần 4 km, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng
Bình.
Sau khi di chuyển bằng xe điện từ cổng khu du lịch tới chân núi, du khách phải đi theo dốc để lên cửa động.
Thăm Viếng
Vịnh Hạ Long
Nguyễn
Thị Ngọc Hạnh
Từ
Hong Kong du thuyền đến vinh Hạ Long lúc bình minh nhưng 9 giờ mới được lên bờ.
Khi tàu còn làm thủ tục, chúng tôi đứng trên boong lầu 11 thấy những hòn núi nhỏ
đầy cây xanh nhô lên khỏi mặt nước, cái to cái bé, nhiều lắm. Không biết nên gọi
là đảo hay núi? Xa xa bóng người thấp thoáng trên bãi cát dưới chân núi và tàu
thuyền nhỏ ở cầu tàu. ” Chị em chúng tôi người nào cũng đi các nước, nhìn núi
thấy biển đã nhiều nhưng đến Hạ Long vẫn bôi hồi háo hức,vui vui trong lòng. Phải
chăng đó là tình quê hương? Sáng hôm ấy trời trong, nắng ấm, không khí trong
lành và ngọt ngào. như tình cảm người đi xa trở về quê cũ. Du khách có máy ảnh
tốt, bấm lia chia,chúng tôi chỉ nhìn vì máy nhỏ xíu không thu hình xa được Nước
xanh và trong, gần như phẳng lặng, không sóng lớn như đại dương.
Trước
một ngày đến Hạ long các du khách đều phải điền giấy tờ làm thủ tục lên bờ. Ai
ngủ qua đêm như đi Hànội hay Hải phòng phải chụp hình và đóng tiền làm visa. Chụp
hình 10 mỹ kim, visa 60 mỹ kim. Ai lên bờ viếng cảnh và trở về du thuyền cùng ngày
chỉ đóng 20$. Không lên bờ thì khỏi tốn đồng nào. Phần lớn khách ngoại quốc mua
tua du thuyền đi Hànội hay Hải phòng, giá từ 150$-250$, gồm khách sạn, viếng cảnh,
ăn uống và xem trình diễn văn nghệ. Xem hang đông trong các núi đá vôi chỉ mất
chừng 4 giờ đến 6 giờ. Họ tập họp ở rạp hát và theo hướng dẫn viên lên bờ hay
xuống tàu nhỏ đi thăm các nơi. Ai đi tự túc thong thả hơn, muốn đi lúc nào cũng
được. Du thuyền đậu vịnh Hạ Long 2 ngày. Tàu bỏ neo ngoài khơi phải dùng tàu nhỏ
(tender) đưa vào bờ, mỗi chiếc chở chừng 30 người. Lúc ở tàu nhỏ trên đường vào
bờ huớng dẫn viên chỉ những chiếc bè to,ở trên có cái nhà nho nhỏ sơn màu xanh,
màu hồng, cho biết đó là những chiếc bè nuôi tôm, nuôi cá. Họ sống trên bè
quanh năm. Tôi quên hỏi xem gia đình có cùng sống với họ ở đó chăng.
Chị
em chúng tôi đi tự túc. Vừa lên khỏi cầu tàu thấy có nhiều nguời cầm bảng hiệu
to của các công ty du lịch mời viếng thăm thắng cảnh trong vùng. Họ giới thiệu
phong cảnh, phố phường thật hấp dẫn, trôi chảy và chuyên nghiệp. Chúng
tôi 4 người muốn đi một vòng thành phố, thuê chiếc taxi 100$ trong 5 giờ.Thỏa
thuận giá cả xong cậu điên thoại gọi tài xế đem xe đến đưa khách du ngoạn. Tài
xế cũng là người thuyết minh. Được bạn bè nhắc nhở trước nên tôi ghi tên, điên
thoại công ty du lịch, tên tài xế.vào sổ tay, bảo phòng khi cần liên lạc với
công ty. Cậu tài xế Tâm, nhanh nhẹn, hoạt bát, còn trẻ nhưng lái xe công ty du
lịch đã 5 năm. Em bảo làm công nhân viên nhà nước lương không tốt bằng lái xe cho
hãng du lịch nhưng phải biết chút ít ngoạI ngữ.
ĐẠI CƯƠNG:
Theo
tài liệu du thuyền, vinh Hạ Long là quần đảo gồm 1969 đảo lớn nhỏ, có nhiều núi
đá vôi, thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách Ha Nôi 165 cây số về hướng Bắc. Tuy có cả
ngàn đảo nhưng chỉ 40 đảo có người cư ngụ. Khoảng200 loại chim,230 loại san hô,
120 loại cá, hải sản, tôm, bào ngư, cua biển trong vịnh. Người ta đóng bè nuôi
tôm, nuôi ngọc trai…
Vinh
Hạ Long gồm hơn 1500 người, có 2 mùa rõ rệt: mùa hè nóng nực và ẩm ướt, mùa
đông khô ráo nhưng lạnh. Phần lớn các đảo ở Hạ Long có núi đá vôi, cây, bãi cát,
nước trong và ấm.Có khoảng 200 người sống bằng nghề đánh cá, 300 khách san từ 3
sao đến 5 sao. Nhiều nhà hàng đồ biển rải rác trong vùng. Mỗi năm có 5, 6 triệu
du khách viếng thăm Halong và phần lớn là người nước ngoài...
DU NGOẠN:
Ngành du
lịch mang lợi tức đáng kể cho thành phố. Nhiều tàu lớn, nhỏ ghé Ha long thăm viếng
kỳ quan thế giới mới. Xe đưa chúng tôi qua cầu treo Bãi Cháy, chạy chậm chậm ngang
các phố buôn bán vào chợ HẠ long. Cầu đẹp, rộng và dài là niềm tự hào của dân địa
phương. Cầu có 4 làn xe qua lại, dài 903 mét, xây năm 2006, nối liền Hòn Gai và
Bãi Cháy.
Các
phố gần chợ Hạ Long 2, 3 tầng lầu, cũ. Tầng trên ở, tầng dưới buôn bán sầm uất,
tiệm ăn, tiệm xe đạp, tiêm may… giống như các khu phố ở Dakao, Saigon trước
1975. Chợ Ha Long to, 3 tầng lầu, bãi đậu xe rộng rãi gồm các xe gắn máy và xe
hơi. Trong chợ bán hàng hóa đủ loại: quần áo, giày dép, tơ lụa, vải, đồ điện tử,
nữ trang, ngọc trai loại khá và loại bình dân, các cửa hàng giải khát, mỗi tầng
mổi loại hàng hóa khác nhau...Chúng tôi vào chợ xem cho biết, và mua ít quà kỷ
niệm. Tâm bảo “các cô thong thả, em chờ“ Tuy thế chị em cũng nhanh nhanh để còn
đi xem nơi khác. Cô Lan đi chung nhất định không mua, chỉ xem và chụp ảnh phố
phường phong cảnh thôi.
Chùa LONG TIÊN
Xe đậu gần
chợ, chúng tôi đi bộ vào chùa Long Tiên. Dọc theo vỉa hè các khu phố có những
bà bán bắp nướng thoa dầu hành thơm lừng, khoai lang luộc nõn nà bắt mắt.Tuy là
món ăn bình thường nhưng trông hấp dẫn,chi em muốn mua để thưởng thức hương vị quê
nhà nhưng nhớ lại du thuyền khuyên không nên uống nước hay ăn thức ăn hè phố,
cũng không được mang về tàu nên chúng tôi chỉ nhìn và tiếc lắm.
Cổng
chùa Long Tiên cao, to, sơn son thếp vàng. Sân chùa tráng xi măng nóc chùa mái
ngói đỏ trang trí 2 con rồng bằng sứ màu xanh và quả châu ở giữa. Tâm gọi là
“lưỡng long tranh châu”nhưng bạn tôi cho là “ lưỡng long chầu nguyệt “ không biết
ai đúng ai sai. Ngoài sân chậu mai còn nhiều hoa dù ngày Xuân qua đã lâu. Chậu
quất trái chi chít vàng ửng trông rất đẹp đặt trước sân chùa. Thùng “Phước
Sương “ nằm 2 bên cầu thang lên chánh điên Bên trong chùa tường, cột chạm khắc
khéo léo, câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng rực rỡ.
Các
tượng Phật từ bi đứng hay ngồi trên tòa sen, bàn thờ đầy hoa quả, khói hương
nghi ngút, trông thật trang nghiêm. Khách thập phương ra vào thấp hương lễ Phật.
Khách ngoai quốc đứng quanh hướng dẫn viên của họ, nghe thuyết trình,ngắm nhìn
cảnh chùa và chụp ảnh. Sân chùa khách ồn ào nhưng vào chánh điện thật yên lặng
dù có nhiều khách thập phương. ”Nhà trai” sát bên chánh điên rộng rãi để khách
thập phương thọ lộc, dùng trà hay chuyện trò lúc viếng chùa sau khi lễ Phật..
Viên Bảo Tàng Quảng Ninh
Tâm đưa chúng tôi đi xem viện bảo tàng Quảng Ninh. To lắm,mặt trước bằng đá mài
màu đen, bề thế, tráng lệ. Những hàng chữ trắng to nổi bậc trên tường Chung
quanh viện cây cảnh còn nhỏ, có băng gỗ, ghế đá đặt rải rác. Chúng tôi đến vào
giờ nghỉ trưa nên viện đóng cửa Cũng được thôi, chúng tôi đi loanh quanh bên
ngoài chụp ảnh, ngồi nghỉ ngơi trên các băng dài nhìn ngắm chung quanh. Đối diện
viện bảo tàng có mấy nhà lầu 4,5 tầng đang xây cất dở dang. Tâm cho biết suốt
con đường đi đến viện bảo tàng trước kia nhà nhỏ lụp xụp của những người đánh
cá. Sau này họ bán lại cho các nhà kinh doanh hay người có tiền mua xây cất lại
nên trông tươm tất xinh đẹp hơn xưa. Người chủ cũ có ít vốn xoay nghề khác và ở
xa khu thị tứ.
Chúng
tôi trở về du thuyền nghỉ ngơi để ngày còn mai thăm viếng nơi khác. Nắng lên
nhưng không nóng, nhờ gió mát trong vịnh.Nguời xưa nói “đi một quảng học một
sàng khôn“ Nếu ngồi nhà chúng tôi sẽ không biết sinh hoạt người địa phương và cảnh
đẹp Hạ Long .
Tôi
biết có vị xa quê hương từ lúc nhỏ nay đã 60 năm chưa một lần trở lại Việt nam.
Dĩ nhiên các vị ấy biết tin tức hình ảnh nước nhà qua sách vở hay truyền thông,
truyền hình nhưng cảnh đẹp quê hương không được “tai nghe mắt thấy” cũng uổng.Vã lại chúng tôi đâu có giỏi
điện toán để ngồi một chỗ mà biết 5 châu 4 biển,trên trời dưới đất.Đi tận nơi vừa
chiêm ngưỡng kỳ quan mới của thế giới, vừa thăm viếng gia đình và ghi chép chút
ít cho đọc giả xem giải trí. Ước mong là vậy nhưng ở 1, 2 ngày cũng như người”
cởi ngựa xem hoa “ đâu có xem được bao nhiêu.
Trên
bến người đi lại xôn xao nhộn nhịp, dưới nước những chiếc thuyền buồm và tàu nhỏ
di chuyễn nhẹ nhàng, xa xa nhiều hòn núi nhỏ nhô lên lên khỏi mặt nước với hình
dáng khác nhau và trên trời cao, đàn chim nhởn nhơ bay lượn…
Ngày
20 tháng 3 năm 2014
Ngọc
Hạnh
Đứng
trước sân chùa nhìn về phía sau thấy núi rất cao,vách đá thẳng đứng, cây lá
xanh um.Được biết trước kia núi có tên
“Truyền Đăng”. Từ khi có bài thơ chữ Hán của vua Lê thánh Tông viết vào năm
1468 khi tuần du Hạ Long, dân gọi núi‘” BÀI THƠ ” Vài trăm năm sau (1729 ) chúa
Trịnh Cương họa bài thơ vua, khắc vào đá khi thăm viếng HaLong, Núi “:BÀI THƠ”
còn có thơ ông Nguyễn khắc Cẩn và vài nhà thơ khác
Tiệm Ngọc Trai Đại Hàn:
Tâm
chở mấy chị em qua mấy con đường vào ngôi biệt thư cách biệt, không có hàng
quán chung quanh. Một nữ nhân viện Đại hàn xinh đẹp mặc đồng phục tươm tất ra bãi
đậu đón chúng tôi. Vào nhà máy lạnh mát rượi, tranh ảnh trang trí, nhân viên
tươi cười niềm nở làm chúng tôi thấy thoải mái dễ chịu. Sau khi mời trà nước,
chúng tôi được xem chiếu phim ngắn về cách thức nuôi ngọc trai, vớt chúng lên
và làm thành nữ trang. Xem phim xong, ông chủ Đại Hàn đến chào và cô bán hàng xứ
kim chi da trắng hồng vui vẻ mời chúng tôi thăm viếng các gian hàng,nơi xâu hạt,
phòng trưng bày nữ trang bằng ngọc trai, từ rẻ đến mắc. Cô khéo nói đến nổi bán
đượccho cô Lan một xâu chuổi, người it mua sắm khi du lịch. Các chị khác mua một
hay hai, 3 món hàng sau khi rời tiệm
Nếp sống xưa của gia đình trung lưu Hà Nội
3 thế hệ gồm ông bà, vợ chồng con trai và cháu nhỏ sống trong ngôi nhà 2
tầng ở phố cổ Hà Nội với bộ điếu bát, chiếc quạt Calor, được tái hiện
tại 87 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô.
Ban quản lý phố cổ Hà Nội vừa khai trương "Phòng trưng bày lịch
sử" tại 87 Mã Mây, tái hiện cuộc sống một gia đình trung lưu Hà Nội có
ba thế hệ vào thế kỷ 19.
Gia đình gồm ông bà, các con và cháu quây quần tại phòng khách - cảnh sinh hoạt đặc trưng các gia đình ở Hà Nội thời kỳ ấy.
Phía sau phòng khách và giếng trời là phòng ngủ của ông bà. Gia
đình được tái hiện gồm có ông và con trai làm nghề giáo học, con dâu là
tiểu thương buôn bán ở mặt tiền phố cổ.
Bàn làm việc của ông trong phòng ngủ. Căn phòng có hai mặt thoáng, ban ngày tràn ngập ánh sáng trời khi mở hết các cửa gỗ.
Phòng ngủ của vợ chồng anh con trai trên tầng hai cũng có nhiều cửa thoáng, đầy ắp ánh sáng tự nhiên vào ban ngày.
Phòng thờ trên tầng hai với hoành phi, câu đối, sập gụ... tách biệt với các gian sinh hoạt khác.
Chiếc quạt điện hiệu Calor là một trong những vật dụng hiện đại khi ấy do Pháp sản xuất, có giá trị rất lớn thời kỳ đó.
Ngôi nhà 87 Mã Mây được xây dựng từ năm 1890, là một ngôi nhà ống hai
tầng điển hình ở khu phố cổ với khoảng không mở ở giữa để lấy ánh sáng
và khí trời. Năm 2004, ngôi nhà được xếp hạng là di tích quốc gia.
Bộ điếu bát, ấm chén uống trà trên bàn tiếp khách riêng của ông.
Trước năm 1945, căn nhà 87 Mã Mây ban đầu là nơi sinh hoạt và bán gạo
của một gia đình, sau đó một gia đình người Hoa làm nghề bán thuốc Bắc
mua lại. Năm 1954, gia đình người Hoa di cư vào Nam và ngôi nhà được nhà
nước quản lý từ đó. Sở Nhà đất Hà Nội đã bố trí cho 5 gia đình đến sinh
sống.
Ngôi nhà đã được cải tạo năm 1999 với sự hợp tác giữa thành phố
Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) trong dự án “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ
Hà Nội” và được coi là ngôi nhà mẫu truyền thống trong khu phố cổ Hà
Nội.
Đèn dầu, giá nến - những vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia
đình Hà Nội thời kỳ điện còn khan hiếm. Trải qua thăng trầm, những ngôi
nhà truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội đã bị biến đổi nên số lượng còn
lại không nhiều, tuy nhiên kết cấu mặt bằng và công năng các nếp nhà
vẫn cơ bản được gìn giữ.
No comments:
Post a Comment