Monday, September 7, 2015
THẾ PHONG * NHÀ VĂN HẬU CHIẾN
nhà văn hậu chiến 1950- 1956 / thế phong - 19
nhà văn hậu chiến 1950 - 1956 / 19
thế phong
------------------------------------------------------------
PHẦN THỨ BA
MIỀN NAM : 1954 - 1956
(VIỆTNAM CỘNG HÒA )
-------
KHÁI QUÁT VỀ BÌNH DIỆN
VĂN NGHỆ MIỀN NAM HỢP NHẤT : 1950 -1956
( VIỆTNAM CỘNG HÒA )
------------------------------------------------------------
Hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 ra đời ở Paris, Việtnam có 2 ranh tuyến rõ rệt. Từ vĩ tuyến 17 trở vào nam là Chính phủ Quốc gia ( lùc đó gọi là Quốc gia Việtnam ), vĩ tuyến 16 trở ra bắc thuộc Chính phủ Việtnam Dân chủ Cộng hòa.
Phong trào di cư vào nam khoảng trên dưới 1 triệu người ( Chúa đã vào Nam ) đưa đông đảo di cư miền bắc ( QGVN) cặp bến Bạch Đằng, thủ đô Saigon. Thủ tướng
Ngô đình Diệm lập chính phủ, gồm đủ đại diện đảng hái quốc gia: Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Thời gian liên hiệp này chỉ kéo dài không đầy 1 năm , năm 1955, truất phế cựu hoàng Bảo Đại, ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống. Các đảng phái bị loại dần, tướng tá bị tiệt tiêu, viên tướng cuối cùng là thiếu tướng Liên minh Cao đài: Trình minh Thế. Ông Trần chánh Thành được bổ nhiệm tổng trưởng thông tin tuyện truyền thay thế Phạm xuân Thái ( Cao Đài ) , văn hoa, báo chí thuộc vào bộ này . Tờ nhật báo Cách mạng quốc gia , cơ quan Phong trào cách mạng quốc gia ( Trần chánh Thành chủ tịch) dùng
Lê văn Siêu chủ bút, cùng một số nhà văn, báo đẩy mạnh tinh thần chống cộng, xây dựng chế độ nhà Ngô. mặt khác, kiến trúc sư Võ đức Diên, chủ nhiệm tờ Sáng dội miền Nam, gom một số nhà văn, báo di cư, nhạc sĩ làm công tác văn hóa chống cộng, xây dựng chế độ đệ I Cộng hòa , theo đường lối vạch sẵn của Ngô đình nhu, được coi như cố vấn tổng thống. Kiến trúc sư Diên thành lập Quán ăn Anh Vũ ( 45 Bùi Viện, Saigon 1 ) , bề ngoài tương trợ sinh viên, nhưng, trong 4 bức tường phòng ăn đều được gắn thiết bị thâu âm nghe lén dò xét. Nhật báo Thời đại ( phe Cao Đài Nguyễn thành Phương), tuần báo
Việt chính ( Cn : Hồ hán Sơn ) , sau bị tướng Nguyễn thành Phương ra lệnh thủ tiêu, ném xác xuống một giếng sâu ở trại quân Cao Đài ở Bến Kéo ( tỉnh Tây Ninh ) vào năm 1955. Nhật báo Quốc gia , cơ quan Liên minh Cao Đài Trình minh Thế ( Cn: Nhị Lang ) . Tuần báo Tổ quốc ( Cn: Thành Nam, đại diện phe Hòa Hảo ) , tuần báo Đời mới ( vẫn là chủ nhiệm Trần văn Ân, chủ bút thực thụ Hà Việt Phương, không có tên ngoài manchette ) ủng hộ phe Bình Xuyên, tướng Lê văn Viễn . Ngoài ra, còn tờ báo Phương đông ( tuần báo Hòa đồng sau này ) đề xướng trung lập chế do Hồ hữu Tường chủ xướng.
Các nhà xuất sách văn học, tiểu thuyết có Nxb Phạm văn Tươi ( chủ nhiệm tuần báo 'Mới', kiêm chủ hiệu may ' Jan ', và dịch loại sách hoặc làm người của Philippe Giradet , ký Pham cao Tùng ) cuối 1954, liên kết với Nxb Thế giới ( giám đốc Nguyễn văn Hợi ở Hànội di cư vào nam ) , đổi tên Tổ hợp xuất bản Hợp lực , trụ sở đặt tại 15 Sabourain
/ Tạ thuThâu Saigon 1 ) . Các nhà xuất bản khác ở miền nam : Khai Trí, Yiễm Yiễm thư trang , Nam Cường , Sống Mới... tiếp tục in sách. Nhà Nam Cường phát hành độc
quyền sách Phượng Giang ( 'Đời na' tiền chiến, nay do' Nhất Linh ' chủ trương ) , các nhà sách khác in ấn, phát hành loại tiểu thuyết bình dân, ăn khách của các tác giả : Dương Hà ( Bên dòng sông Trẹm ), Nguyễn ngọc Mẫn ( Tiếng suối Sau Leng ) , tiểu thuyết Nghiêm lệ Quân, bà Tùng Long, Lan Phương ( nữ ) v.v. ... báo Quân đội, Tiền phong , cơ quan Nha tác động tinh thần ( tiền thân Cục tâm lý chiến ) , tạp chí Chỉ đạo ( quân đội) do
Nguyễn mạnh Côn * làm chủ bút , tờ tạp chí ít giá trị văn học, tuyên truyền chính trị, chống cộng sản là chính. Tuy nhiên , báo này cho đăng truyện Con sáo của em tôi / Duyên Anh, tạo bước đầu sự nghiệp văn chương lừng lẫy D.A. sau này. Tuần báo Ban mai / Phan văn Chẩn chủ nhiệm kiêm chủ nhà xuất bản Ban mai, 1 Vassoigne /Trần văn Thạch Nguyễn hữu Cầu / Tân Định , đăng truyên Bách Thảo Sương ( Lý văn Sâm ) , Bình Nguyên Lộc * * , Nguyễn bảo Hóa ( ký Tiêu Kim Thủy ) , Thiếu Sơn ( Lê sĩ Quý) phê bình sách... Nhà văn Lý văn Sâm sau này bị bắt đưa lên trại chỉnh huấn, đào thoát ra bưng biền , riêng nhà văn Dương tử Giang bị bắn chết .
-------
*
Nhóm đệ tứ miền nam : Tam Ích, Thiên Giang , Thê Húc lập nhóm Chân trời mới in sách biên khảo chính trị, phê bình văn học. ( riêng ' Thê Húc' dùng tên thật' Phạm văn Hạnh', sau 1954 làm biên tập viên ( pháp ngữ) tại Việtnam Thông tấn xã ( VIÊTNAM PRESS) - thời tiền chiến ' Thê Húc ' đứng trong nhóm 'Xuân thu nhã tập / Đoàn phú Tứ + Nguyễn xuân Sanh + Phạm văn Hạnh ' ).
Trở lại bàn về Cao Đài Liên minh (CĐLM) Trình minh Thế ra tờ nhật báo Quốc gia đặt tòa soạn tại 55 A Hồ xuân Hương ( Saigon 3 )- chủ bút, nhà văn Nhị Lang ( thiếu tá CĐLM) sau tham gia trong Hội đồng nhân dân cách mạng cùng Hồ hán Sơn + một số phe phái khác trong việc truất phế cựu hoàng Bảo Đại, ủng hộ thủ tướng Ngô đình Diệm lên ngôi tổng thống Việtnam Cộng hòa. Năm 1955, tướng Nguyễn thành Phương nghi ngờ Hồ hán Sơn làm nội tuyến cho gia đình họ Ngô, thủ tiêu Hồ hán Sơn.
Và thư ký tòa soạn nhật báo Quốc gia ( CĐLM) Đinh Thạch Bích ( 1932 - , tác giả vở kịch' Ái tình Bôn-xê vích' , ẵm giải thưởng Văn chương Quốc gia, sau, được bổ nhiệm thứ trưởng bộ Chiêu hồi ) . Tờ nhật báo quy tụ một số cây viết di cư, trong đó, họa sĩ Thái Tuấn ( 1918 - 2007) trình bày báo, Uyên Thao, Thế Phong ... làm phóng viên.
Tờ nhật báo Tự do, được Mỹ tài trợ, ban đầu nhà văn Tam Lang + số nhà báo di cư: Thượng Sỹ, Hoàng Lan -Nguyễn xuân Huy, Đinh Hùng ( ký Thần Đăng ) , Mặc Thu, Phạm việt Tuyền , Như Phong ( Lê văn Tiến ) . Mặc Đỗ, Vũ khắc Khoan v.v... Tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi, chia phe phái. loại nhau khỏi cơ sở. Tứ 1956, chủ nhiệm mới nhật báo Tự do , Phạm việt Tuyền , quản lý Kiều văn Lân , ngoài báo ra, còn lập nhà xuất bản lấy tên Cơ sở Tụ do , in tác phẩm đầu tay Vương hồng Sển, Nguyễn Đình Toàn ( 1961) , Lê Hoàng Long, Trần đình Khải, Hoàng Đạo ( tái bản ) , Đỗ thúc Vịnh *...
--------
* ĐỖ THÚC VỊNH , từng được' Giải Gia Lon ' năm 1943 với tác phẩm' Bóng tre xanh' và 2 tác giả khác : Nguyễn văn Tài với cuốn ' Tinh thần khoa học' và Nguyễn đổng Chi là cuốn 'Đào duy Từ '. Sau 1950, Bóng tre xanh tái bản, Saigon 1957), Mùa ảo ảnh, Saigon 1962 ) ...
--------
truyện ngắn Tháng giêng cỏ non ( 1955 ) , được Nguyễn đức Quỳnh sai con trai Duy Sinh viết bài điểm sách đăng trên tuần báo Đời mới công kênh tài năng . Có 2 mục đích : một là ' tác giả bỏ tiền in, bán chạy, lấy lại vốn ' , hai, truyện ngắn nhà văn di cư vào nam có khí thế đề cao phong trào di cư.
Nhóm Sáng tạo gồm: Trần thanh Hiệp ( tập sự luật sư ) , Nguyên Sa - Trần bích Lan , Doãn quốc Sỹ , Thanh tâm Tuyền ... cùng các văn nhân vệ tinh khác vây quanh . Mai Thảo từng huênh hoang, dao to búa lớn, cầm cờ súy , dùng văn hóa làm phương tiện chống CS mới hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài :
'... đem ngọn lửa văn hoá vượt vĩ tuyến sáng lên ở đây hôm nay ... Sài Gòn là thủ đô văn hóa ...' ( Sáng tạo số 1, tháng 10- 1956) .
Quả thực, mãnh lực đồng Mỹ kim có giá trị siêu đẳng, từ đó, khiến kẻ bao thầu văn chương ' không còn ngứa cổ hót chơi như con chim thi ca Xuân Diệu hót hoài, hót mãi cùng một âm điệu, chẳng đoái hoài đồng bạc tanh tởm .
'... Năm 1954, còn ghi lại chói lòa cái đẹp của mùa mới, cái đẹp của lên đường (...) khởi đầu của từng hoạt động văn học, từng phát động nghệ thuật , nói chung, của ta , tuyệt đúng, tuyệt hay ...! '
Một số trí thức khác từ miền bắc di cư vào Nam, như : Mặc Đỗ, Vũ khắc Khoan,
luật sư Nghiêm xuân Hồng , kỹ sư canh nông Tạ văn Nho ... thành lập nhóm Quan điểm, đặt trụ sở tại 35 đường Phạm ngũ Lão ( Saigon 1 ) , lập nhà xuất bản, in sách , ra mắt tập thơ văn Đất đứng ( 1956) và in sách Tạ văn Nho, Vương văn Quảng, Vũ khắc Khoan, Nghiêm xuân Hồng, Nguyễn đức Quỳnh . Có sự cố vấn văn chương Nguyễn đức Quỳnh. Quản lý nhà in, tiền bạc do Nghiêm xuân Hồng bỏ vốn.
Các hiệp hội văn hóa như ' Văn bút Việtnam ', ' Măt trận bảo vệ tự do văn hóa' ra đời, với mục đích hỗ trợ văn hóa chống Cộng. Bác sĩ Lý trung Dung bỏ vốn cho
Phạm xuân Thái ( cựu tổng trưởng thông tin) mở Câu lạc bộ văn hóa tại 142 đường Tự do ( Saigon 1) , Mạc Đình ( bút danh Hoàng văn Chí) thầu in tiểu thuyết chính trị
' Bác sĩ Jivago / Boris Pasternak, ' Giai cấp mới' / Milovan Dijlas ...
Những năm về sau, Nhất Linh rời Dalat về Saigon lao vào làm báo văn chương. Không còn đứng xa chỉ huy tái bản sách Tự lực văn đoàn ( Tủ sách Phượng Giang + Đời nay ) do nhà phát hành Nam Cường độc quyền . Nguyễn tường Tam đứng tên xin phép ra báo văn chương Văn hóa ngày nay , không được chính quyền Ngô đình Diệm cấp phép chính thức, chỉ được xuất bản như một giai phẩm', xuất bản định kỳ . ( giai phẩm, loại báo phải kiểm duyệt từng kỳ, như sách, xuất bản không số giấy phép đăng trong ' Công báo ', dưới hình thức bị kiềm duyệt gắt gao hơn báo có giấy phép). Giai đoạn này, Nhất Linh viết truyện dài ' Giòng sông Thanh Thủy' - lúc đầu đăng từng kỳ, sau xuất bản thành sách ( 3 tập),' Viết và đọc tiểu thuyết' ... Và một tờ báo văn nghệ khác, tờ Tân phong do Nguyễn thị Vinh chủ trương, cũng có thể gọi là nhà văn nữ nối dài Tự lực văn đoàn hậu chiến. Những tác giả khác, cháu nội, ngoại : Tường Hùng, Duy Lam ... xuất hiện vào chu kỳ Nhất Linh xuống núi, ông đưa họ vào văn đàn chính thức.
Khi chính phủ Ngô đình Diệm cầm quyền, báo chí, văn chương được coi như ưu đãi với tín hữu Công giáo , ấy là không kể nhà thờ, nhà nguyện mọc lên như nấm sau trận mưa rào ân sủng, tăng giáo dân ' theo đạo lấy gạo mà ăn '. Giám mục Ngô đình Thục mon men , dòm ngó chức Hồng y ở Rome - cho thuộc hạ rao cùng đường, hẻm phố ở Dalat: ' ai theo đạo, mỗi đầu người trong gia đình được cấp 1 tạ gạo '.
Còn báo chí, hiệp hóa văn nghệ đạo Thiên chúa giáo rong đấu trường chữ nghĩa lại không mấy khuếch trương, phát triển mạnh, tại sao ? Vài cơ quan báo chí dạo Công giáo ( tên thường gọi, tạo sự hiểu lầm ngay trong nước và ngoài nước, có lẽ Việtnam-nam là một nước đa số là tín hữu Thiên chúa giáo La Mã). Nhật báo Tự do , do cựu chủng sinh Phạm việt Tuyền làm chủ nhiệm, tạp chí Đại học ( Viên Đại học Huế- LM Cao văn Luận chủ nhiệm, Nguyễn văn trung chủ bút ). Tờ báo này dung dưỡng một tay viết , tên Nguyễn nam Châu , tay nhỏ, viết ít, lại vung tay quá trán , tự công kênh đưa lên cao, bài đăng nghiên cứu văn học, sách dịch thuật hầu hết sao chép, cóp nhặt tác giả ngoại quốc. Vụ đạo văn này, Phạm công Thiện lên án trên Bách khoa .
Và các tờ báo khác, được trợ cấp, chủ nhiệm, chủ bút là tín hữu Công giáo , chẳng hạn, tuần báo Văn đàn , tạp chí Bách khoa, Mai vv... chủ nhiệm Huỳnh văn Lang ( thời kỳ đầu, 1957 ), Nha Chiến tranh tâm lý , báo Tiếng dân ( 1962 ) do trung tá Nguyễn văn Châu chủ nhiệm v.v ...
Trở lại vấn đề Mỹ tài trợ để văn hoá Việtnam phát triển, ở Saigon, còn rất nhiều hiệp hội : Asia Foundation tài trợ Hội Nghiên cứu liên lạc văn hóa Á châu / giáo sư
Nguyễn đăng Thục chủ tịch hội kiêm nhiệm chủ nhiệm báo Văn hóa Á châu ( xuất bản song ngữ việt+ anh ) , Trịnh hoài Đức quản lý. Tờ báo trải qua nhiều chủ bút , ban đầu Lê xuân Khoa, tiếp đến Lê thành Trị được giao với ý đồ đưa tờ báo vào ' quỹ đạo chính trị' , bớt bài bài vở văn chương thuần nhất . Nhà xuất bản Văn hóa Á châu in được một tựa sách dịch giá trị ' Việt sử tiêu án ' .
Ở miền Trung, một cơ quan văn háo khác, báo Mùa lúa mới xuất bản nắm 1955 tại Huế. Chủ nhiệm Võ thu Tịnh ( bút hiệu Thu Tâm ) , cơ quan ngôn luận chống cộng Nha Thông tin Trung phấn. Thơ, văn báo không là văn học, mục đích để phục vụ chính tri, các cây viết phần nhiều là những việt minh ( cũ ) bỏ kháng chiến về thành cộng tác viết bài, hoặc được tuyển dụng làm công chức , như Đỗ tấn Xuân ( bút hiệu Đỗ Tấn ), Đoàn thế Nhơn ( bút hiệu Võ Phiến ) , kẻ góp công, người tạo sức Mùa lúa mới đơm bông kết trái chính trị chống mác- xít ( mặt ngoài), thâu lợi nhuận riêng ( bề trong ).
Phần sau, chúng tôi có tiết, điển hình bàn tới ' nhà thơ Đỗ Tấn ' .
Đây chỉ nói tổng quan về một số hiệp hội văn hóa, các nhóm, các tờ báo quy tụ lại thành nhóm; nhưng còn một đàm trường rất đặc thù , một hội không là hiệp hội, một salon văn chương không có vừa ăn, vừa uống vừa đàm luận trong một căn nhà gổ một trệt, mái tôn thấp, tuềnh toàng , nằm ở hẻm đường Phan thanh Giản ( Saigon 3) cạnh chùa Từ Quang- đó là Nguyễn đức Quỳnh ( chủ soái nhóm Hàn Thuyên tiền chiến ).
Gọi là chủ soái đàm trường , vì ông, người điều hợp tọa đàm văn chương + chính trị siêu việt, trung hòa mọi ý kiến đối nghịch, mà sau này, đã tạo ra nhiều nhà văn có địa vị ở miền nam Việtnam. Cùng thời điểm này, lớp trí thức văn nghệ sĩ trong nhóm Quan điểm mới : Nghiêm xuân Hồng, Vũ khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tạ văn Nho, Vương văn Quảng ...
- nhóm Sáng tạo : Mai Thảo, Doãn quốc Sỹ, Thanh tâm Tuyền, Quách Thoại, Thạch Chương * ... các họa sĩ Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng ...
-------
* THẠCH CHƯƠNG , bút danh nhạc sĩ Cung Tiến ( Cung thúc Tiến ) ký dưới bài văn ( dịch) đăng trên sáng tạo ( chủ nhiệm: Mai Thảo ).
- nhóm báo chí sân khấu báo Tin Bắc : Lê Văn-Vũ bắc Tiến, Thiếu Lang , Dương Nghiễm Mậu ...... Chính ở đàm trường này, Nguyễn đức Quỳnh hỏi ' đàn em Lê văn- Búc bắc Tiến về bài viết ký Phí Ích Nghiễm là ai , cậu đưa lại gặp tôi nhé '. Sau này, chính là nhà văn nổi tiếng Dương Nghiễm Mậu .
- những Bùi Khải Nguyên, Phạm xuân Ninh, Uyên Thao, Hồ hán Sơn, Phạm Duy, Cung trầm Tưởng, Lử Hồ, Thanh Thương Hoàng, Lý đại Nguyên, Trung Hưng, Thế Nguyên, Thanh Hữu, Đinh Hữu , Hoài Nam ( Trần dạ Từ sau này ) ... mỗi người bước vào nhà đều tới chiếc bàn nhỏ có cuốn VƯỢT ( khổ lớn, gáy da, mạ chữ vàng ) , loay hoay viết đôi dòng, ký tên, đề ngày, tháng năm . Có thể viết cảm nghĩ, thông báo sáng tác mới làm, kinh nghiệm nghề cầm bút . Cuốn này rất có giá trị làm tư liệu văn học miển Nam ở khoảng thời gian 1954 1963. Cuối 1963, Nguyễn đức Quỳnh bị bắt, tập VƯỢT bị tịch thâu.
Động lực của Đàm trường Viễn kiến tạo được không khí kích thích sáng tác, đánh giá văn chương; nói khác đi; cái nôi văn chương được bà vú tốt bụng, giỏ giang, khối óc
' bách khoa' kích thích, nuôi dưỡng .
Lại bàn qua về thơ phổ nhạc , thơ hay sẽ càng hay hơn, càng xúc cảm hơn; khi được những bàn tay phù thủy âm nhạc phổ; sẽ càng phổ biến cái hay của thơ trong tiếng nhạc giới thiệu đến công chúng thưởng thức. Lấy một thí dụ, nhạc sĩ Phạm đình Chương đưa bài thơ Mộng dưới hoa / Đinh Hùng lên cao vút trời xanh, với tiết tấu, nhạc điệu êm đềm, buồn day dứt thật tha thiết. Hoặc , Nguyễn đức Quỳnh cảm được đôi ba bài thơ nào đó của Phạm thiên Thư, như Động hoa vàng, chủ soái đàm trường ' ới ' ngay
' đàn em Phạm Duy' , một tay phù thủy âm thanh, sẽ biến ngay thành ca khúc đầy âm thanh dìu dặt, nấng đỉnh cao, sức đầy bài thơ càng bay xa. Riêng nhạc sĩ Phạm Duy còn
' đánh bóng' thơ Cung trầm Tưởng * lên cung bậc thượng thừa . Giả thiết, không có Pham Duy, hẳn những ' bản tình ca thường thường bậc trung ' kia chưa dễ được mấy người biết tới !
--------
* CUNG TRẦM TƯỞNG , tên thật Cung thúc Cần, gọi tuần phủ Cung đình
Vận ' chú ruột' vai anh vợ của văn sĩ phi công Toàn Phong ( Nguyễn
xuân Vinh ), tác giả ' Đời phi công ' (Saigon 1961) . Sinh 1932 ở
Hànội. Tác phẩm ' Tình ca' ( thơ, Saigon 1959) , theo học trường
Chasseloup Laubat ( Saigon ) , sau theo học Khóa sĩ quan cơ khí Salon (
France ) . Ngoài thơ, còn dịch sách ' Những điều chúng ta tin nhận ' (
Sở Tu thư Báp tít, Saigon 1973) , còn là tác giả truyện ' Dãy phố buồn
thiu' . ( Tuyển tập thơ , truyện Không quân thời chiến ', Saigon, 1974)
.
------- Trong văn chương nghệ thuật, rất cần những người đánh giá tốt - thì, Nguyễn đức Quỳnh : một ' commissaire-priseur ' thượng thừa ! Theo sự hiểu biết riêng tôi, sau, còn 1 người nữa, Lê ngộ Châu , một người không là tác giả một bài báo, một tác phẩm, nhờ đánh giá tốt khi đọc, đăng truyện, hoặc tác phẩm đầu tay trên Bách khoa , sau , những tác giả trở thành nhà văn nổi tiếng . Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng ( nữ) chẳng hạn. Một người dám sửa bài tác giả nổi tiếng trước khi đăng báo, mà tác giả không hề bày tỏ tiếng bấc, tiếng chì phiền trách .( Nguyễn hiến Lê chẳng hạn ) Bán nguyệt san Bách Khoa số đầu tiên ra mắt vào 1957, tòa soạn đặt trong 1 phòng trong chung cư trện đường Đoàn thị Điểm ( Saigon 3 ) . Những chủ nhiệm tờ báo này không phài người trong nghề văn, nghề báo , kể cả người đánh giá tốt có mắt tinh đời văn chương nghệ thuật là
Lê ngộ Châu - và, tạp chí này còn là cái nôi đẻ ra một số nhà văn nổi đình đám . Lê ngộ Châu xuất thân, theo học trường Bưởi, sinh 1923 ở miền bắc, ông điều khiển tạp chí Bách khoa, ban đầu báo chỉ là tiếng nói của ngành ngân hàng, dựa trên uy tín thống đốc ngân hàng, nhận đăng rất nhiều quảng cáo, sau , trở thành 1 tạp chí có giá trị văn học nghệ thuật, với gần 200 số báo, kéo dài từ 1957 đến 1975 .
- tờ Bách khoa dung nạp các cây viết theo khuynh hướng đối lập nhau, cây bút Vũ Hạnh ( thân cộng sản) , Võ Phiến ( chống cộng sản) Nguiễn ngu Í ( khuynh hướng đệ tứ ) ... Chính Võ Phiến gây được sự nghiệp văn chương, nhờ bàn đạp đấu tiên trên tạp chí Bách khoa. Nhà văn đã coi nơi này là mảnh đất tốt cầy, xới nên sự nghiệp cho riêng mình .
- một nhà thơ khác ( đôi khi rất điên, bệnh thật sự ) , bút danh Nguiễn Ngu Í ( tên thật Nguyễn hữu Ngư, chủ trương viết ' I ngắn ' ) từ báo Phương đông ( chủ nhiệm: Hồ hữu Tường) , Mới ( cn: Phạm văn Tươi) chuyến sang tạp chí Bách khoa từ 1957, viết 1 loạt bài phỏng vấn các nhà văn, họa sĩ về văn chương, hội họa, tạo được một không khí sôi nổi, kích thích nền văn nghệ nam Việtnam khởi sắc.
- cũng cần kể thêm những cây bút khác cộng tác với Bách khoa : Nguyễn hiến Lê, Xuân Hiến , Phan văn Tạo ( tạp chí Bách khoa đăng truyện ngắn đầu tay ) Đoàn Thêm, Bùi hữu Sủng, Nguyễn văn Trung, Phạm công Thiện, Nguyễn Mộng Giác, Lê tất Điều, Trùng Dương ( nữ), Nguyễn thị Thụy Vũ, Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng ( nữ) ... ngoài những tác giả trên, còn đăng bài viết đầu tiên một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế từ Pháp về Saigon ( 1965) , đó là tác giả Nguyễn Ngọc Lan * , được tạp chí Bách khoa trả nhuận bút
500 Vnđ. , đối với ttc giả món tiền nhuận bút đầu tiên thật quí giá ( tinh thần ). Nguyễn ngọc Lan sau đó trở thành nhà hoạt động chính trị, cởi áo dòng tu, về với nhân gian làm người bình thường, và ông là tác giả một số tác phẩm giá trị, có vị thế riêng biệt.
-----
* NGUYỄN NGỌC LAN (1930- 2007 tp. HCM), sinh 1930 ở Huế. Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế . Ở Pháp về nước 1965, đầu tiên, viết cho tạp chí Bách khoa ( cn: Lê ngộ Châu ) , Trình bày ( cn : Thế Nguyên ) ... Trước 1975, chủ nhiệm tạp chí' Đối diện' . Tác phẩm : ' Chứng từ năm năm' ( 1967 ) , ' Đường hay pháo đài' ( 1969) v.v.... Sau 1975, ở Saigon, lập gia đình với Huỳnh Thanh Vân, tác giả một tập truyện ngắn thiếu nhi...
Ông cho xuất bản bộ' Nhật Ký' ( 3 tập , Nxb Tin Paris 1992, 1993- trong tập 2 Nhật ký, đăng thư viết bằng pháp ngữ) gửi Đức Giáo hoàng xin được cởi áo dòng.)
Luận án tiến sĩ đệ tam cấp ( Thèse de Doctorat de 3e cycle, trình ở đại học Sorbonne ( Paris) ngày 21. 11. 1964, tựa đề Histoire des Sciences et Théories du Progrès. ( Nxb Tin Paris in lại 1999). Qua đời ờ Saigon ( quân 10) 27 tháng 2 năm 2007.
( Chú thích sau )
( còn tiếp )
thế phong
THỤY KHUÊ * VĂN HỌC MIỀN NAM (II)
VĂN HỌC MIỀN NAM (II)
Văn học Miền Nam từ 1954 đến 1975Thụy Khê
Sau 1954, ở Miền Nam có thể phân biệt hai lớp trí thức văn nghệ sĩ:
Thế hệ đầu, gồm những người đã từng hoạt
động và nổi danh từ tiền chiến hoặc trước như: Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh,
Lê Văn Trương, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Phùng Tất
Đắc, Vũ Bằng, Tchya Đái Đức Tuấn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Đào
Đăng Vỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Tạ Tỵ, Lý Văn Sâm, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc,
Lê Văn Siêu, Thẩm Thệ Hà, Phi Vân, Phú Đức, … các nhà thơ như Tương
Phố, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Quách
Tấn, … các nhạc sỹ như Lê Thương, Hùng Lân, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Dương
Thiệu Tước, v.v. Trừ các nhạc sĩ như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước… vẫn còn
hoạt động mạnh, các nhà văn nhà thơ trong thế hệ này không còn sức thu
hút như trước mặc dù họ vẫn có mặt trên văn đàn; Nhất Linh với tờ Văn hoá ngày nay và hai tác phẩm giá trị Xóm Cầu Mới và Dòng sông Thanh Thuỷ,
Vũ Hoàng Chương vẫn làm thơ, vẫn được mọi người xưng tụng, nhưng dường
như các ông đã bị thời đại và lớp trẻ đẩy lùi vào quá khứ. Đinh Hùng là
trường hợp đặc biệt sự nghiệp thi ca bắc cầu giữa thời tiền chiến và
chia đôi Nam Bắc, nhưng thơ Đinh Hùng mang dấu vết của thời lãng mạn,
trở thành một giá trị “cổ điển”.
Sự hình thành nền văn học Miền Nam nằm
trong tay thế hệ thứ nhì, là những người bắt đầu vào nghiệp giảng dạy,
viết biên khảo, sáng tác, ít lâu trước và phần lớn sau 1954. Chính họ là
những người đã góp phần xây dựng một nền văn học, khác hẳn tiền chiến,
nhiều người đã cập nhật hoặc phổ biến tư tưởng hiện đại của thế giới bên
ngoài vào Việt Nam.
Phía nhà giáo, triết Tây, như Lê Tôn
Nghiêm, Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Bích Lan,
v.v., triết Đông như Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Duy Cần,
Nguyễn Khắc Kham, Nghiêm Toản, Kim Định, Nhất Hạnh, v.v. Phần biên khảo
với: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Lê Văn Lý,
Trương Văn Chình, Đào Văn Tập, Phạm Thế Ngũ, Vương Hồng Sển, Thanh Lãng,
Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Văn Xuân, Lê Tuyên, Đoàn Thêm, Hoàng Văn Chí,
Nguyễn Bạt Tụy, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc
Ngữ, Nguyễn Văn Sâm, v.v.
Về thơ với Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh
Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Viên Linh, Hoàng
Trúc Ly, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê,
v.v..
Về văn, như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai
Thảo, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu,
Duy Thanh, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thanh Nam, Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị
Vinh, Phan Du, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Sơn Nam, Võ Hồng, Minh Đức Hoài
Trinh, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy
Vũ, Nguyễn Đình Toàn, Chu Tử, Viên Linh, Duyên Anh, Phan Nhật Nam,
Nguyên Vũ, Vũ Hạnh, Y Uyên, Cung Tích Biền, Duy Lam, Thế Uyên, Lê Tất
Điều, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Phan Lạc Tiếp, Thế
Nguyên, Thế Phong, Diễm Châu, Thảo Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn
Mộng Giác, Ngô Thế Vinh, Trần Thị Ngh, v.v.
Về phê bình văn học như Tam Ích, Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Uyên Thao, Huỳnh Phan Anh, v.v.
Một trong những tác phẩm có tính cách giao thời và chuyển hướng văn học, ở trong Nam là cuốn Nhốt gió
của Bình Nguyên Lộc, xuất hiện năm 1950, dưới thời kháng chiến, nhưng
không có màu sắc đấu tranh mà lại mang tính cách đổi mới văn học, mở đầu
một lối viết truyện, Bình Nguyên Lộc không gọi là truyện ngắn mà gọi là
tân truyện (dịch chữ nouvelle của Pháp) và ông có một quan niệm, một định nghiã rõ ràng về tân truyện. Có thể coi Nhốt gió đánh dấu sự cách tân truyện ngắn, trong Nam, thập niên 50; và Giao thừa của Vũ Khắc Khoan (1949), ở ngoài Bắc, là bản kịch phi lý đầu tiên trong văn chương Việt Nam.
Báo chí và văn học
Hoạt động văn học và báo chí ở trong Nam
hầu như không bị gián đoạn trong thời kháng Pháp, cho nên có thể nói,
Miền Nam giữ được một sinh hoạt báo chí và văn học liên tục và tương đối
tự do từ cuối thế kỷ XIX cho đến 1975, ngay cả dưới thời Pháp thuộc.
Trong địa hạt báo chí, Sàigòn xưa nay vẫn
là trung tâm của báo chí, ngoài những nhật báo lớn đã xuất hiện từ
trước, như tờ Thần Chung, sau đổi thành Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai,
Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, v.v. khi người Bắc di cư vào Nam có thêm tờ
Tự Do, tiếp đến Ngôn Luận. Đó là những nhật báo lớn có ảnh hưởng sâu
rộng trong quần chúng. Hoạt động báo chí ở Sài Gòn càng ngày càng phát
triển, theo Vũ Bằng, đến tháng 12 năm 1963, ở Sài Gòn có tới 44 tờ báo
ra hàng ngày.
Tự Do là nhật báo đầu tiên của
người di cư, quy tụ những tên tuổi như: Tam Lang (Vũ Đình Chí), Mặc Thu
(Lưu Đức Sinh), Mặc Đỗ (Đỗ Quang Bình), Vũ Khắc Khoan, Như Phong (Lê Văn
Tiến); Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Đinh Hùng (Hoài Điệp Thứ Lang, Thần
Đăng), Phạm Tăng…
Theo lời nhà văn Mặc Đỗ: “Nghị định cho phép Tự Do xuất bản do chính tôi ký [lúc ấy ông làm việc ở Bộ Thông tin cùng với Vũ Khắc Khoan], tôi tập hợp ban chủ trương […] Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. May sao có tổ chức quốc tế International Rescue Committee (IRC) sẵn sàng tài trợ cho tờ báo […]
Từ phút đầu tôi nghĩ ra và bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng
của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối
và hoạt động của tờ Tự Do […] Ban chủ trương (in rõ mỗi ngày trên măng-xét) chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi. […]
Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ
Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với J. Buttinger của IRC, tôi
không dự. Sau một lượt tài trợ ban đầu, Tự Do tự nó đứng vững (lập
trường hợp với độc giả di cư, tài tổ chức bán báo lo trị sự) còn có lời
là khác. Tuy ở trong ban chủ trương Vũ Khắc Khoan rất ít đến toà báo và
không hề viết một bài. Tôi lo cho Tự Do chạy rồi thì để anh em làm” (trích bài “Văn học Miền Nam, tờ Tự Do, nhóm Quan Điểm và Văn học hải ngoại, Mặc Đỗ trả lời Nguyễn Tà Cúc”, Khởi Hành số 98, tháng 12/2004).
Theo lời họa sĩ Phạm Tăng: Như Phong Lê Văn Tiến là linh hồn của tờ báo. Tháng giêng năm 1956, Tự Do
bị đưa ra toà vì hai bài xã luận của Nguyễn Hoạt đả phá khiá cạnh tiêu
cực của chính quyền và những tranh biếm họa của Phạm Tăng chế giễu bà
Nhu và chế độ. Phạm Tăng được trắng án, nhưng Nguyễn Hoạt và Mặc Thu bị
tù ba tháng. Ít lâu sau Tự Do đình bản. Có thể nói, Tự Do là cơ sở báo chí đầu tiên quy tụ những khuôn mặt trí thức di cư, và nó đã làm đúng vai trò của một tờ báo tự nhận là “tiếng nói của người Việt tự do” lúc bấy giờ.
-Về mặt văn học, nhóm Quan Điểm do Vũ
Khắc Khoan thành lập với Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, từ Hà Nội. Vũ Khắc
Khoan đã in kịch trên báo Phổ Thông từ 1948: Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Giao Thừa (1949), tùy bút Mơ Hương Cảng (1953),
và đạo diễn kịch tại nhà Hát Lớn. Nhóm Giao Điểm (tên nhà xuất bản do
Mặc Đỗ điều hành) được người đương thời gọi là nhóm “trí thức tiểu tư
sản”, bởi tác phẩm của họ, trong những ngày đầu chia cắt đất nước,
thường có những nhân vật mang nỗi hoang mang, trăn trở của người trí
thức tiểu tư sản trước ngã ba đường: theo bên này, bên kia, hay đứng
ngoài thời cuộc? Nghiêm Xuân Hồng nghiên cứu triết học. Vũ Khắc Khoan,
kịch tác gia, nổi tiếng từ tập truyện ngắn Thần Tháp Rùa (1957) và Mặc Đỗ, nhà văn mà cũng là dịch giả nổi tiếng.
-Nhóm Sáng Tạo, theo Trần Thanh Hiệp,
trước tiên, là một nhóm sinh viên hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà
Nội, trước 1954, gồm bốn người: Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm
Tuyền và Trần Thanh Hiệp, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau 1954, vào
Sài Gòn, tiếp tục hoạt động văn nghệ, làm tuần báo Dân Chủ (Trần Thanh
Hiệp và Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần văn nghệ), rồi tờ Người Việt
(tiền thân của tờ Sáng Tạo). Lúc ấy Mai Thảo gửi đến truyện ngắn Đêm giã từ Hà Nội, Thanh Tâm Tuyền đọc, thích và đăng ngay (Xem Trong đất trời nhau…,
Thanh Tâm Tuyền, Tạp chí thơ, Cali, số mùa Xuân 1998). Nhóm có thêm Mai
Thảo. Sau mở rộng với Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Trên
Sáng Tạo, ngoài những tên tuổi kể trên còn thường xuyên thấy: Nguyên Sa,
Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ Thái
Tuấn.
Sáng Tạo số đầu ra tháng 10 năm 1956. Sáng
Tạo bộ cũ ngừng ở số 27 (tháng 12/58), và bộ mới tiếp tục đến số 7
(tháng 3/62) thì ngừng hẳn. (tài liệu của Viên Linh trong bài Mai Thảo riêng tây, Khởi Hành số 16, tháng 8/1997).
Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương và kiếm
nguồn tài trợ. Trong câu chuyện riêng tư với chúng tôi, tháng 7/97 tại
Cali, khi hỏi ông: “Thưa anh, Sáng Tạo thành lập bằng tiền của ai?” Mai Thảo trả lời: “Bằng
cái hợp đồng tôi ký với với một thằng Mỹ ở Virginia, không biết bây giờ
sống chết thế nào, đó là cái hợp đồng bán báo, không có điều gì cần
giấu diếm hết, đại khái nếu mình in 5000 tờ, thì nó mua đứt cho mình
2000, vừa đủ tiền in, tiền giấy, không có cái nghiã gì khác hết, và cũng
không có điều kiện gì khác hết”. Hỏi: “Hình như có lúc anh nhiều tiền lắm, anh tiêu vung lên, bao bè bạn?” Trả lời: “Những
bạn văn khác, thường thường họ phải đi dạy học để đưa tiền cho vợ con.
Tôi chỉ đi chơi với Phạm Đình Chương, Vũ Khắc Khoan. Thường thường tụi
nó không có tiền, không có phương tiện để đi chơi đêm, tôi thì lúc đó
nhiều tiền lắm. Tôi best sellers mà”.
– Bình Nguyên Lộc: chủ trương tờ Nhân Loại từ 1956 đến 1958, rồi từ 1959, tờ Vui sống.
– Bách Khoa ra đời tháng 1/ 1957 và
sống đến 1975. Bách Khoa là nguyệt san văn học nghệ thuật sống lâu
nhất, ra được tất cả 426 số. Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang, một công chức
cao cấp trong Viện hối đoái sáng lập, điều hành và tài trợ trong những
năm đầu, Lê Ngộ Châu làm thư ký toà soạn. Đến 1963, khi ông Diệm đổ,
Huỳnh Văn Lang bị bắt, bị tù, mới trao hẳn cho Lê Ngộ Châu. Bách Khoa
quy tụ được nhiều tầng lớp nhà văn khác nhau trong mọi lứa tuổi. Những
cây bút nổi tiếng cộng tác thường xuyên với Bách Khoa là Nguyễn Hiến Lê,
Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Vũ Hạnh, Võ Hồng, Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Xuân,
Bình Nguyên Lộc…. Theo Võ Phiến, trong thời kỳ cực thịnh, tức là khoảng
1959-1963, mỗi số Bách Khoa bán được 4500 đến 5000, nhưng báo Văn (ra
sau) còn bán chạy hơn.
– Tạp chí Văn hoá ngày nay của Nhất Linh ra đời ngày 17/6/1958, được 11 số thì đình bản. Nguyễn Thị Vinh chủ trương tiếp các tờ Tân Phong, Đông Phương, theo chiều hướng Văn hoá ngày nay.
– Tạp chí Đại học, tờ báo của Viện
Dại học Huế do Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng, làm chủ nhiệm, ra đời
năm 1958 ở Huế, và sống đến năm 1964. Trên Đại học, xuất hiện những bài đầu tiên của Nguyễn Văn Trung, người sau này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sinh viên và trí thức.
–Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong (1959) và Dương Nghiễm Mậu.
– Thế kỷ XX của Nguyễn Khắc Hoạch (do Thế Nguyên điều hành) (1960).
–Văn học của Phan Kim Thịnh, từ 1962 đến 1975.
v.v.
Đó là những tờ báo xuất hiện dưới thời ông
Diệm, thời kỳ mà sự kiểm duyệt còn tương đối khắt khe. Sau khi ông Diệm
đổ, báo chí được tự do hơn. Từ năm 1963, bắt đầu một giai đoạn mới,
xuất hiện những tờ báo khác.
-Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng, ra đời ngày 1/1964 và sống đến 1975. Văn do Trần Phong Giao trông nom trong 10 năm, đến 1974 chuyển lại cho Mai Thảo. Văn
cũng quy tụ được nhiều lớp nhà văn ở nhiều lớp tuổi, khắp các khuynh
hướng từ Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền đến Thế Uyên, Nguyễn Mạnh
Côn, Bình Nguyên Lộc… Văn đặc biệt ưu tư đến việc dịch thuật và
giới thiệu văn học nước ngoài. Trần Phong Giao cũng là một dịch giả nổi
tiếng, thêm Trần Thiện Đạo, sống ở Paris, dịch và viết về những phong
trào văn học đang thịnh hành ở Pháp.
– Nguyễn Văn Trung, Thế Nguyên, chủ trương những tờ như Hành Trình (1964-1966, 10 số), Đất Nước (1967-1969, 18 số), Trình Bày (42 số), quy tụ những ngòi bút trẻ, nói lên những vấn đề nóng bỏng của thời đại.
– Nghệ thuật, Mai Thảo, chủ nhiệm, Viên Linh, thư ký toà soạn, số 1 tháng 10/65. Ra được 56 số.
– Giữ thơm quê mẹ của Nhất Hạnh (1965).
– Nghiên cứu văn học, Thanh Lãng
chủ nhiệm, Thế Nguyên, thư ký toà soạn, ra được 10 số từ 11/67 đến
11/68. Tục bản tháng 3/1970 đến số 16 (15/6/1972) thì đình bản.
– Tin Văn của nhóm Lữ Phương, Vũ Hạnh.
– Gió mới, Hiện đại của Nguyên Sa.
– Vấn đề và Ý thức của Vũ Khắc Khoan,
– Khởi Hành (1969-1972) báo của quân đội, do Viên Linh làm Thư ký toàn soạn.
– Thời Tập (1972-1975) của Viên Linh.
– Đối diện của Nguyễn Ngọc Lan,
– Thái độ của Thế Uyên
– Đời của Chu Tử, v.v.
(những ngày, tháng, xuất hiện của các báo, chúng tôi ghi theo tài liệu của Võ Phiến, Viên Linh, và Nguyễn Văn Trung).
Các nhóm, các khuynh hướng
Về các nhóm, Viên Linh trong cuốn Chiêu niệm văn chương về Vũ Hoàng Chương, viết:
“Các nhà văn xuất hiện thường xuyên, trên nhật báo, qua các nhà xuất
bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn
chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm tạp
chí trên đó họ góp mặt. Đa số các nhà văn Miền Nam qui tụ trên các tờ
tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới
(Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiên Giang, Lưu Nghi, Thẩm Thệ
Hà, Trang Thế Hy…). Các nhà văn gốc Miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới,
Bách Khoa (Võ Thu Tịnh, Nguyễn Văn Xuân, Võ Phiến, Đỗ Tấn, Vũ Hạnh, Bùi
Giáng, Võ Hồng, Nguyễn Thị Hoàng); các nhà văn “di cư” xuất hiện trên
các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Đỗ
Thúc Vịnh, Nguyễn Hoạt, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn
Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Lý Hoàng Phong, Dương
Nghiễm Mậu, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ,
Nhã Ca). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến quy tụ các nhà văn quân đội
hay quân nhân đồng hoá như Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Thu, Thanh Nam, Phan
Nhật Nam, Thảo Trường…” (Trích Chiêu Niệm Văn Chương, Khởi Hành, Cali, 2000, trang 16-17).
Về các khuynh hướng khác nhau, Viên Linh viết: “Khuynh
hướng Phật giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng,
Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu; khuynh hướng Thiên chúa giáo La Mã có
Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Diễm Châu,
Thế Nguyên. Mặc dù đảng Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song
các nhà văn theo Cộng Sản như Nguyễn Ngọc Lương, Minh Quân, Vũ Hạnh vẫn
tạo được diễn đàn riêng (Tin Văn ) hay hiện diện trong tổ chức Văn Bút
dưới thời linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch. Những tờ như Văn, Phổ Thông,
Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ
rệt, mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ,
Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn
Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng; những tờ về nghệ thuật trình
diễn hay về phụ nữ quy tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên,
Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Văn Quang…” (Viên Linh, sđd, trang 17-18).
Về giới cầm bút sau 1963, Nguyễn Văn Trung viết: “Giới
cầm bút sau 1963, họ là những người hồi 1954 trên dưới mười tuổi theo
gia đình vào Nam hoặc sinh trưởng lớn lên ở Miền Nam hầu hết có tú tài
và tốt nghiệp đại học. Số lượng giới trẻ cầm bút này càng ngày càng đông
đảo theo đà thành lập các đại học ở các tỉnh Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha
Trang, Cần Thơ, Long Xuyên, Tây Ninh và các đại học tư ở Sài Gòn như Vạn
Hạnh, Minh Đức… Họ trưởng thành về tuổi đời và nhận thức sau 1963,
trong hoàn cảnh nhiều xáo trộn chính trị, xã hội chiến tranh mở rộng với
sự can thiệp ồ ạt của quân đội nước ngoài. Thời cuộc và chính trị là
thiết thân đối với họ vì bị động viên, đi quân dịch.[…] Do đó, họ
có lối nhìn thời cuộc đất nước và nghệ thuật văn học khác hẳn với lối
nhìn của đàn anh họ viết từ trước 1963.(…) Thơ văn giới trẻ viết sau
1963 thường theo một xu hướng chung, phản ánh vũ trụ Kafka, như tên đặt
cho một số đặc biệt về thơ văn của Hành Trình, hoặc phản ánh thân phận
những nhân vật Việt Nam tương tự những nhân vật trong tiểu thuyết Giờ
thứ hai mươi lăm của Gheorghiu”. (Hướng về Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Trung, Khởi Hành số 92, tháng 6/2004).
Về việc kiểm duyệt ở Miền Nam, Nguyễn Văn Trung viết: “Báo
thì không phải kiểm duyệt nhưng có thể bị tịch thu đưa ra toà. Trong
khuôn khổ chính sách hạn chế tự do chính trị như vậy, nếu không xuất bản
công khai, hợp pháp, vẫn có thể in ronéo, phổ biến, bày bán ngay cả
trên các sạp báo và có thể bị tịch thu… Người cầm bút viết những điều
cấm kỵ, phê phán chính sách này, chính sách kia của nhà nước, thậm chí
họp nhau viết kháng thư phản đối, đăng trên báo mà không lo ngại về an
ninh chính trị của bản thân gia đình bạn bè. Nói cách khác, viết phê
phán mà không sợ nhà nước.
Thời Việt Nam Cộng hoà (1955-1975),
những gì tôi viết thành sách đưa kiểm duyệt, cuốn được phép xuất bản,
cuốn không, hoặc những bài báo sau gom lại thành sách đưa kiểm duyệt
thường được phép, nhưng bỏ một số bài và có thể nói rõ những bài đó bị
kiểm duyệt. Đây là tình trạng chung, do đó người thời sau muốn tìm hiểu
những người cầm bút thời kỳ 1955-1975 cần lưu ý tìm đọc không phải chỉ
sách được xuất bản công khai hợp pháp mà cả những sách không xuất bản
được, nhưng vẫn có và còn đó trong các tạp chí và chính những bài đăng
trong các tạp chí không được xuất bản thành sách, mới phản ánh trung
thực tâm tư người viết về thời kỳ họ sống”. (Nguyễn Văn Trung, bài đã dẫn).
*
Tóm lại, sau 1954: tờ báo đẩy mạnh việc
đổi mới văn học là tờ Sáng Tạo, ra đời cùng với hai tác phẩm chủ chốt
của Thanh Tâm Tuyền: tập thơ Tôi không còn cô độc (1956) và tiểu thuyết Bếp lửa (1957). Tờ báo chú trọng đến việc giới thiệu văn chương nước ngoài là tờ Văn
của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao. Bách Khoa là tạp chí văn học
sống lâu nhất và quy tụ những khuynh hướng chính trị đối chọi nhất.
Nguyễn Hiến Lê ghi lại trong hồi ký: “Tư tưởng chính trị của những
cây viết nòng cốt của Bách Khoa có khi trái ngược nhau: Vũ Hạnh thiên
cộng, sau theo cộng. Võ Phiến chống cộng. Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo, không
ưa cộng nhưng cũng không đả; không thích Mỹ nhưng cũng không nói ra […] Tôi, có lẽ cả Nguyễn Ngu Ý và Lê Ngộ Châu có cảm tình với kháng chiến […]
Mặc dầu vậy, các anh em trong toà soạn vẫn giữ tình hoà hảo với nhau.
Xu hướng phản nhau như Vũ Hạnh và Võ Phiến mà vẫn trọng tư tưởng của
nhau, ít nhất trong 10 năm đầu. Đó là điểm tôi quý nhất. (Trích Đời viết văn của tôi, của Nguyễn Hiến Lê, nxb Văn Nghệ, Cali 1986, trang 143).
Nhờ hệ thống báo chí phát triển, quần
chúng độc giả đông đảo đủ mọi thành phần, các nhà văn nổi tiếng như Mai
Thảo, Bình Nguyên Lộc, Túy Hồng, Nhã Ca, Duyên Anh, Chu Tử, Thanh Nam,
v.v. đều sống bằng ngòi bút một cách dư giả. Họ là những người viết
chuyên nghiệp. Nhiều nhà văn có nhà xuất bản riêng. Nguyễn Hiến Lê trong
30 năm biên khảo và dịch thuật đã viết được 100 quyển sách trước 75, và
20 cuốn sau 75. Nguyễn Văn Trung, ngoài lượng sách về triết học, văn
học, in trước 75, trong những công trình sau 75, có bộ Lục Châu Học,
nghiên cứu về văn học Miền Lục tỉnh Nam Kỳ, hiện nay chưa in, nhưng
những người nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn thường sử dụng mà không
nói xuất xứ.
Những nhà văn như Hồ Hữu Tường, Bình
Nguyên Lộc, Mai Thảo… cũng đều có những số lượng tiểu thuyết trên dưới
30 cuốn. Về sáng tác, lượng nhiều thì phẩm có giảm, nhưng đó là cái giá
mà nhà văn phải trả.
Một thành phần độc giả đa dạng, nhiều từng lớp khác nhau. Trong giai đoạn đầu từ 56 đến 63: độc giả có học đọc Bách Khoa, Văn Hoá Ngày Nay… lớp trẻ cấp tiến đọc Sáng Tạo, lớp trí thức đọc nhóm Quan Điểm.
Từ 1963 trở đi, báo chí trở nên đa dạng, tờ Văn
có một chỗ đứng riêng biệt trong sự tiếp cận với văn học nước ngoài, và
cũng là tạp chí văn học bán chạy nhất thời ấy. Và những tờ như Đất Nước, Hành Trình, Trình Bày… nói đến những vấn đề thiết thân của con người trước chính trị và chiến tranh. Những tờ như Đối Diện của Nguyễn Ngọc Lan chống lại chính quyền…
Về sự lựa chọn tác giả, có thể nói: Lớp
trẻ bụi đời thích đọc Duyên Anh. Lớp sống vũ bão thích Chu Tử. Túy Hồng,
Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, phản ảnh lớp
phụ nữ tân tiến, nhận thức chính mình qua thân xác. Lớp trí thức thích
cách đặt vấn đề của Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng. Lớp trẻ
lãng mạn giao thời thích đọc Mai Thảo. Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu
là những tác giả khó, đòi hỏi người đọc một trình độ trí thức cao. Quần
chúng bình dân thích Lê Xuyên, Tùng Long… Học sinh trường Tây đọc văn
chương ngoại quốc qua tiếng Pháp, tiếng Anh. Học sinh trường Việt đọc
các tác phẩm ngoại quốc qua bản dịch hoặc phóng tác.
Đặc điểm
Đặc điểm chính của nền văn học Miền Nam từ
1954 đến 1975, là đã thoát khỏi văn học thế kỷ XIX, giã từ lãng mạn
tiền chiến. Nhiều nhà văn tìm cách xây dựng tư tưởng trên nền triết học
hiện đại, đưa con người về hướng tìm hiểu chính mình. Triết học hiện
sinh xuất hiện dưới nhiều hình thức: phòng trà tửu quán, ăn chơi, bụi
đời, là tầng thấp nhất; ở mức cao hơn, nó hậu thuẫn cho tác phẩm: con
người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình, với những nhân
vật của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu… Cách mô tả của
Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, nhiều chỗ, cho thấy các ông đã dùng
hiện tượng luận trong sự mổ xẻ và phân tích. Để áp dụng tư tưởng triết
học vào thực tế văn học một cách vừa phải, dễ hiểu, đã có các ngòi bút
như Nguyên Sa, vừa là giáo sư triết vừa là nhà thơ, như Nguyễn Văn Trung
vừa là giáo sư đại học vừa viết sách triết học và phê bình văn học.
Quan niệm dấn thân của Sartre, qua Nguyễn Văn Trung, thâm nhập vào đời
sống giới trẻ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Phương, Nguyễn Đắc Xuân, là học
trò của Nguyễn Văn Trung, do ảnh hưởng quan niệm dấn thân của Sartre mà
vào bưng hồi 1968. Cuốn Ca tụng thân xác của Nguyễn Văn Trung cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà văn phụ nữ trong lối viết mạnh bạo về thân xác của họ.
Tóm lại, triết học hiện sinh, chủ nghiã
siêu thực và phân tâm học, giúp một số tác giả đào sâu thêm nhiều vấn đề
trọng yếu của con người, của đất nước, đặt lại vấn đề chiến tranh. Kịch
của Vũ Khắc Khoan phát triển khía cạnh phi lý trong đời sống. Thanh Tâm
Tuyền trong thơ tự do, khai phá vùng tiềm thức con người bằng những
cách tạo hình mới lạ. Truyện của Dương Nghiễm Mậu đào sâu cái trống rỗng
ghê ghớm trong hiện sinh con người, bị tha hoá trong chiến tranh và
nhược tiểu. Mai Thảo vẽ lại một thời kháng chiến đầy ảo tưởng, và tạc
những bộ mặt hư vô, chán chường, sống vật vờ trong say sưa, nơi vũ
trường thành thị. Võ Phiến đào sâu xuống những mất mát của con người khi
phải bứt khỏi nguồn cội, tra khảo vùng bản năng sâu kín của tính dục.
Phan Nhật Nam trình bày những bi đát của đời lính, những kẻ cầm súng bắn
vào quê hương mình. Bình Nguyên Lộc tìm về nguồn cội của dân tộc di dân
từ Bắc vào Nam, chiếm hữu đất đai của người Chàm, người Chân Lạp, tìm
sống trong rừng đước, rừng mắm, vươn lên từ hai yếu tố cơ bản: đất và
nước. Nguyễn thị Hoàng, Túy Hồng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Nhã Ca, Trần Thị
Ngh… thể hiện tâm linh táo bạo của người phụ nữ thời đại, chao đảo
trước một thứ nữ quyền vừa thành hình qua sự nhận diện thân xác, và bị
dằn vặt trong một xã hội vẫn còn chưa hẳn thoát khỏi đạo lý Khổng Mạnh,
v.v.
Mỗi nhà văn có một vùng khai phá riêng.
Tính chất đa dạng ấy khiến cho văn học Miền Nam, qua các ngòi bút khác
nhau, đã phản ánh được thân phận con người trong xã hội chiến tranh,
bằng những hình thức sáng tạo mới, khác hẳn tiền chiến, tạo cho văn học
Việt Nam một bộ mặt trưởng thành trong tâm thức nhà văn và tâm thức độc
giả.
Thụy Khuê
Paris, tháng 10/2007
Bản Văn Việt, đọc lại và sửa chữa ngày 4/7/2014
THƯƠNG TIẾC NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN
THƯƠNG TIẾC
NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN
2001-12-21
Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến mất vào ngày thứ Ba vừa qua, 18 tháng 12, lúc 9g30 tối tại bệnh-viện Fairfax ở bang Virginia, Hoa-kỳ. Ông ra đi để lại nhiều thương tiếc nơi các bạn bè và nhất là các đồng-nghiệp mà không ít người tự xem là đàn em của ông trong ngành báo tự do... Sinh ngày 1 tháng Hai năm 1923 tại Hà-nội, ông Lê Văn Tiến đã đi vào làng báo từ rất sớm khi còn làm sinh-viên ở Đại-học Hà-nội.
Những ngày sôi động dẫn đến Cách mạng năm 45 mà ở trong nước quen gọi là Cách mạng mùa Thu hay Cách mạng tháng Tám đã sớm làm cho anh sinh-viên Lê Văn Tiến say sưa đi vào ngành viết báo, một sự-nghiệp rất mới mẻ đối với thanh-niên thời bấy giờ, và lấy bút-hiệu là Như Phong. Ta không nên nhầm lẫn nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến này với một nhà lý-luận văn-học ở miền Bắc cũng có tên là Như Phong mà tên thật là Nguyễn Đình Thạc, một người lớn tuổi hơn, cũng có hồi làm báo nhưng chủ-yếu là viết truyện ngắn và phê-bình văn-học. Bắt đầu viết cho những báo như Việt Nam Thời Báo và Tuần-báo Ngày Nay, ông chả mấy lúc trở nên một cây viết chuyên-nghiệp và có uy-tín về các đảng phái Việt Nam, nhất là trong thời tranh tối tranh sáng đấu tranh chống Pháp, chống Nhật và sau đó bị Việt-minh sát hại.
Những kinh-nghiệm này của ông, do ông biết quá nhiều, đã đưa ông vào nhà tù cộng-sản ở Hỏa Lò từ năm 1946 cùng với nhiều phần-tử Quốc gia mà sau đó đã bị thủ tiêu, song cũng nhờ những kinh-nghiệm đó mà về sau, vào thập niên 60 ông đã viết nên bộ tiểu-thuyết Khói Sóng được rất nhiều người say sưa hâm mộ. Nhưng cũng kinh-nghiệm này đưa ông đến quyết-định không làm chính-trị, nhất là chính-trị đảng phái, mà chỉ chú tâm vào ngành báo để giúp cho người dân hiểu biết hơn về đất nước và thế-giới, ngõ hầu nâng cao dân-trí trong một thời-đại mà có rất nhiều biến-cố xảy ra trên thế-giới cũng như ở nước nhà.
Một ý-hướng tưởng đơn giản mà lại vẫn đem nhiều nguy nan sóng gió đến cho cá-nhân ông. Sau khi di cư vào Nam năm 1954, ông cùng một số bạn sáng-lập tờ Tự Do mà có lúc được coi là uy-tín rất lớn ở miền Nam, một tờ báo độc-lập trong một nền dân-chủ hãy còn non yếu là nền Đệ nhất Cộng-hòa dưới thời Tổng-thống Ngô Đình Diệm, vào một thời mà luật báo chí còn rất khắt khe với cái kéo kiểm duyệt đôi khi cắt trắng từng mảng một trong tờ báo. Mặc dầu vậy, lập-trường đứng đắn của tờ Tự Do đã thu hút được nhiều tài-năng nổi danh một thời như giáo-sư kinh-tế-học ở Thụy-sĩ về, viết dưới bút-hiệu Từ Chung. Chính những bài sắc bén của Từ Chung đã dẫn ông đến cái chết do đặc-công của Cộng-sản bắn ở ngay cửa tòa soạn tờ báo.
Mặc dầu vậy, ông Như Phong Lê Văn Tiến cũng không sờn lòng. Ông vẫn mạnh dạn tiến tới và những bài độc-lập của tờ Tự Do, phản-đối chính-sách của nhà Ngô đối với Phật-giáo miền Trung, lại đưa ông chủ-nhiệm vào tù một thời-gian ngắn ngủi nữa. Người ta phải thả ông ra vì đến giai-đoạn này, nghĩa là đầu thập niên 60, thì ông Như Phong Lê Văn Tiến đã trở thành một tên tuổi lớn trên diễn-đàn báo chí thế-giới. Những bài ông viết về giai-cấp trí-thức ở miền Bắc và phong trào Nhân-văn Giai-phẩm đã được đăng ở những báo nghiên cứu hàng đầu như The China Quarterly ở Anh hay The Forum World Features.
Viết những bài nghiên cứu này, ông đã được sự tiếp tay tận tình của G.S. Patrick J. Honey, một chuyên-viên thượng-thặng của người Anh về Việt Nam, giám-đốc ban Việt-ngữ ở BBC và cũng là người dịch cho một số bài của ông. Tình bạn của ông P.J. Honey mà thường được gọi thân mật là ỘPaddy HoneyỢ sẽ là một tình bạn lâu bền mà ông Như Phong Lê Văn Tiến giữ được đến cuối đời. Sự trung hậu của ông Như Phong với bạn bè cũng là một đặc-tính của con người thật nho nhã dù như rất sắc bén nơi ông. Ông có những tình yêu lớn song ông cũng rất phân minh trong sự yêu ghét.
Là một nhà báo trung thực, ông không bao giờ chấp nhận được sự giả dối và ông dành cho những người bẻ cong ngòi bút của mình để nịnh bợ hay phục-vụ một đảng phái hay người khác một sự khinh bỉ không che giấu. Nhưng cũng vì thế mà ông lại được sự kính nể mà người đời gần như chỉ dành cho một con người thánh thiện. Sau ngày 30-4 năm 1975, ông bị chính-quyền CS bắt vì cho là gián-điệp. Dù như bạn bè quốc-tế lên tiếng và nhiều tổ-chức quốc-tế về nhân-quyền can thiệp cho ông, ông vẫn bị giam giữ 12 năm từ 1976 đến 1988. Thời-gian này, ông dùng yoga để luyện cho thân-thể vẫn giữ được sự cường tráng và thỉnh thoảng lại nhịn ăn, lần lâu nhất tới 47 ngày, làm cho những người cai tù Cộng-sản rất lo lắng.
Thả ra được 2 năm, ông lại bị bắt lại vì bị nghi ngờ là có chân trong tổ-chức Diễn Đàn Tự Do của G.S. Đoàn Viết Hoạt. Cộng-sản giữ ông thêm hai năm nữa để tổng-cộng, ông bị 14 năm tù mà không hề bao giờ được đưa ra xét xử. Cuối cùng, chính-quyền ở quê nhà cũng đành phải thả ông ra dưới áp-lực bền bỉ của nhiều quốc gia và những tổ-chức như Amnesty International, Hội Ân-xá Quốc-tế, và Human Rights Watch Asia, tức Tổ-chức theo dõi về Nhân-quyền ở Á-châu. Chính tổ-chức sau này vào năm 1993 đã tặng ông giải thưởng về Tự do phát biểu tư tưởng, một giải thưởng cao quý không riêng gì đối với quá-trình đấu tranh cá-nhân của ông mà còn vì ông tiếp-tục tranh đấu cho những tù-nhân của lương-tâm khác ở Việt Nam. Về mặt nhân-quyền, ông không ngừng tranh đấu cho bạn bè ông và những thành-phần dân-chủ ở trong nước ngay cả sau khi được rời Việt Nam để sang định cư ở Hoa-kỳ. Đặt chân đến Mỹ, ông được mời cộng-tác ngay tức khắc với những tờ như Asian Wall Street Journal, tức Tờ Phố Uôn ấn-bản châu Á, và International Herald Tribune ấn-bản ở Paris.
Ông đã có nhiều bài đặc-sắc tiên-đoán hay phân-tích nhiều biến chuyển quan trọng ở trong nước. Từ năm 1997, ông cũng đã nhận lời cộng-tác với Đài Á-châu Tự do cho đến ngày ông nằm xuống. Trong thời-gian này, ông đã có nhiều bài nhận-định hay phân-tích sâu sắc về tình-hình trong nước, cũng như phối-hợp một số chương-trình đặc-biệt về lịch-sử Việt Nam hiện-đại, như loạt bài về khởi nghĩa Yên-báy và cái gọi là Xô-viết Nghệ-tĩnh năm 1930-31, hoặc loạt bài về Cách mạng Việt Nam năm 1945 nhìn từ mọi khía cạnh, quốc gia cũng như Cộng-sản, trong Nam cũng như ngoài Bắc. Sự hiểu biết của ông về phong trào Cộng-sản Việt Nam đã giúp cho Đài có những nhận-định mà thính-giả cho là vô cùng chính-xác. Sở dĩ vậy là vì, sau năm 1975, ông đã có dịp ra Hà-nội gặp nhiều người có công lao với phong trào CSVN như các ông Lê Giản, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, v.v... để bổ túc thêm sự hiểu biết do nghiên cứu lâu năm đem lại.
Trong đời tư, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến thích rất nhiều thứ, đặc-biệt hoa lan và nước trà. Song về đường tình-cảm, ông chọn ở độc-thân để khỏi liên-lụy đến người. Ngược lại, là bạn của nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, sau khi Hoàng Đạo sang Trung-quốc, ông đã ở lại săn sóc chu đáo cho những người con của bạn cũng như một lòng tiếp đỡ bà Long sau khi Hoàng Đạo mất. Những năm cuối đời, ông lại được cái may mắn là có sự trông nom của một người nghĩa-nữ để khi ra đi được an ủi là có sự thương mến của mọi người. Ông nằm xuống, ở tuổi 78, để lại nhiều tác-phẩm dở dang chứng tỏ là ở quá tuổi Ộthất thập cổ lai hyỢ ông vẫn đầy lạc-quan và tin rằng ông sẽ có đủ thời giờ hoàn-tất. Tâm Việt
© 2004 Radio Free Asia
http://www.rfa.org/vietnamese/features/72455-20011221.html/
PHOTO: Nhà báo Ngô Vương Toại nói về Như Phong Lê Văn Tiến (Photo by VTN)
Nhà báo kỳ cựu Như Phong sinh ngày mùng 1 tháng Hai năm 1923 tại Bắc
Việt, mất ngày 18 tháng 12 năm 2001 tại Virginia Hoa Kỳ. Tên thật là
Nguyễn Tân Tiến, nhưng vì thời cuộc chính trị tại Việt Nam nên ông có
tên trên giấy tờ là Lê Văn Tiến. Và Như Phong Lê Văn Tiến được nhiều
người biết đến và ít có mấy ai biết tên thật của ông là Nguyễn Tân Tiến.
Năm 1993, Tổ Chức Human Rights Watch chọn ông để trao giải thưởng Tự Do
Phát Biểu Tư Tưởng, và ca ngợi ông là người can đảm đã dùng ngòi bút để
bênh vực quyền làm người. Ông đã từng làm cố vấn cho Cựu Thủ Tướng Phan
Huy Quát và Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ. Như
Phong còn được danh tặng là người am tường và thông hiểu về lịch sử
chính trị của đảng CSVN, "He is known as an expert on the political
history of the Vietnam Communist Party" (Trích từ trang 13 của News From
Asia Watch số March, 4, 1991).Từ năm 1962, Như Phong được thế giới biết
đến tên tuổi của ông qua những loạt bài viết cho các tạp chí nghiên cứu
ở Luân Đơn trên tờ The China Quarterly hay The Forum World Features.
Vào năm 1994, những ngày tháng Như Phong mới đến Hoa Kỳ định cư, đã có
nhiều khuynh hướng sinh hoạt chính trị và và truyền thông đã đặt vấn đề
với Như Phong. Họ cho rằng ông có những quan điểm chính trị tự nó đã tạo
nên những xung đột với nhừng người cùng chiến tuyến với ông. Có nguồn
dư luận khác thì cho rằng có thể vì gia đình ông có mối liên hệ với nhóm
chống Pháp của Trịnh Văn Yên, Nguyên Giám Đốc nhà máy Hóa Chất Tân
Việt, nên có một số người nghi ngờ lập trường chính trị của ông. Sau khi
nhà máy bị Pháp đánh phá xập, chính Trịnh Văn Yên đã đưa thân sinh ông
và ông về Hà Nội. Được biết Trịnh Văn Yên Nguyên Giám Đốc Công Binh
Xưỡng của Liên Khu Ba thuộc quân đội của CSVN. Cho đến nay thì không mấy
ai còn nhớ hay biết rõ về nghề nghiệp của thân sinh ông, và gỉa thuyết
cho rằng "rất có thể thân phụ của Như Phong làm việc tại nhà máy Hóa
Chất Tân Việt trong thời kỳ kháng Pháp".
Gia đình Như Phong đã tị nạn từ miền quê lên Hà Nội vào khoảng đầu thập
niên 40. Thân sinh của ông đã gởi ông cho gia đình của Hoàng Đạo Nguyễn
Tường Long. Bà mẹ của Nguyễn Tường Ánh nuôi dưỡng ông từ lúc bấy giờ,
chính vì vậy nên ông có những liên hệ với Tự Lực Văn Đoàn (Tài liệu Asia
Watch cho rằng bà Hoàng Đạo là chị của ông điều này hoàn toàn không
đúng, gia đình ông chỉ toàn là anh em trai). Sau tai nạn tại Tờ Báo Quan
Thánh ông và cả Nguyễn Tường Ánh bị CS bắt vào năm 1945. Được biết thời
bấy giờ Nguyễn Tường Ánh mới 11 tuổi.
Nguyễn Tân Tiến có 3 anh ruột. Anh lớn của ông là Nguyễn Hữu Chỉnh bị
Việt Minh treo cổ chết năm 1945. Một anh khác là Nguyễn Bạch Tuyết, tay
viết rất giỏi và là chủ bút tờ Thiết Thực. Thiết Thực là một báo chống
cộng tại Hà Nội do Nguyễn Bạch Tuyết đã bị CS ám sát chết cũng vào năm
1945. Khi các phe quốc gia rút sang Trung hoa thì người anh cuối của Như
Phong là Nguyễn Quỳnh Giao, gia nhập Lục Quân Yên Bái, bị CS vây đánh,
chết mất xác trên đường di tản lên Trung Hoa.
Mẹ ông mất sớm, nên sau này thân sinh của ông đã lập gia đình thêm một
lần nữa. Cho nên ông có thêm ba người em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Tấn
Bình đã mất, Nguyễn Ngọc Ấn đang sinh sống tại California và Anh của
Ngọc Ấn đang sống tại Việt Nam. Nguyễn Ngọc Ấn là người lo lễ tang cho
Như Phong tại Arlington Funeral Home, Virginia hôm thứ Bảy 22 tháng 12
vừa qua.
Theo tài liệu của Asia Watch số ra ngày 4 tháng 3 năm 1991, thì "Như
Phong Lê Văn Tiến đã vì tham gia các tổ chức chống lại CSVN nên bị bắt
giam", được biết tất cả những nhà văn nhà báo tại Việt Nam bị CSVN bị
bắt giam điều mang chung một tội là chống phá chánh quyền. Vào thời bấy
giờ còn có nguồn tin cho rằng ông đã bị giết. Nhưng thực tế ông đã bị
giam và bị bịnh rất nặng tại trại "cải tạo". Cùng thời bị giam cầm với
Như Phong còn có Tô Thuỳ Yên và Phạm Thái Thuỵ. Như Phong vì bị bịnh
nặng nên được CSVN thả vào năm 1998 trong một thời gian ngắn thì lại bị
bắt đưa đi tù vào tháng 12 năm 1990, cùng lúc ông được họ cấp thông hành
rời Việt Nam. Theo Asia Watch, trước khi bị bắt một tuần lễ Như Phong
đã bị nhà cầm quyền CSVN câu lưu 3 ngày để hạch hỏi về các mối liên hệ
của ông ở hải ngoại và quy tội làm gián điệp cho Hoa Kỳ. Trong tài liệu
Vietnam: Repression of Dissent, có ghi sơ lược các hoạt động báo chí của
ông qua việc cộng tác và làm chủ bút tờ Sài Gòn, Tự Do, BBC ... nhưng
theo các báo tại hải ngoại thì vào năm 1945, Như Phong là ký giả Việt
Nam Thời Báo và Tuần báo Ngày Nay tại Hà Nội.
Từ năm 1949-1951, Ông là biên tập viên sở Thông tin Bắc Việt của chính
quyền Quốc gia Việt Nam. Năm 1954, ông là biên tập viên Việt Tấn Xã và
là 1 trong những sáng lập viên nhật báo Tự Do. Từ năm 1955 đến 1963 ông
là Tổng thư ký nhật báo Tự Do. Sau đó vào năm 1962, Ông là cộng tác viên
của The China Quarterly, London. Từ 1964-1972, phóng viên hành nghề tự
do. 1994-1996, Ông là cộng tác viên của The Asian Wall Street Journal,
Hong Kong. Từ 1997 đến 18/12/2001, Ông là cố vấn ban biên tập Đài Châu Á
Tự Do.
Nhân dịp tham dự tang lễ của Nhà Báo Như Phong, chúng tôi đã được cơ hội
tiếp xúc với Nhà báo Ngô Vương Toại. Sau đây là một số chia sẻ của ông
Ngô Vương Toại cùng Vietnamese American News Networks TV.
"Như Phong Lê Văn Tiến là một nhà báo kỳ cựu và nổi tiếng, ông đã vào
ngành báo rất sớm. Ông là người được kính trọng trong giới báo chí Việt
Nam. Rất nhiều thế hệ đã được biết đến ông không chỉ vì nghề báo mà còn
về nhân cách của người làm báo. Ông là một người thẳng thắn và luôn luôn
quan niệm nghề nghiệp phải có một số đạo đức, trong đó đối với người
làm báo là tin tưởng ở sự trung thực, cho nên cũng vì điều này cuộc đời
của ông tuy không làm chính trị theo nghĩa là một nhà chính trị gia,
nhưng những quan điểm về viết báo bài vở của ông đã làm cho ông bị nhiều
sóng gió. Trong cuộc đời ông đã có nhiều giai đoạn bị tù tội, tổng cộng
tất cả những thời kỳ ông bị bắt giam từ thời Việt Minh, Đệ Nhất Cộng
Hòa và sau năm 1975 dưới chế độ CS là 14 năm. Thời gian lâu nhất là khi
CS chiếm được Miền Nam VN.
Nhà báo Lê Văn Tiến là một người rất có lòng với nghề nghiệp, rất có
lòng với tất cả mọi người. Ông luôn luôn là tấm gương cho tất cả những
thế hệ làm báo, đặc biệt là thế hệ làm báo ở tuổi của chúng tôi. Là
những người nhìn vào cái nhân cách mà có thể tự hào cho cái ngành truyền
thông là nhìn vào nhà báo Như Phong Lê văn Tiến. Bởi vì ông luôn luôn
làm việc hăng say tôn trọng tất cả những nguồn thông tin và ông không
những được người Việt Nam trong giới làm báo, truyềng thông kính nể mà
còn được cả thế giới những người làm báo hay là những nhà nghiên cứu về
Việt Nam, họ đánh gía rất cao về tư cách và sự chuyên nghiệp của nhà báo
Như Phong. Ông đã tạo được sự mến phục nhờ tấm lòng với nghề nghiệp.
Nhất là trên phương diện cá nhân ông là người bao giờ cũng hóm hỉnh,
cũng biết có nụ cười và sống với anh em rất thật tình. Khi ông ra khỏi
VN sau những năm tù tội nhờ sự can thiệp và vận động của những tổ chức
nhân quyền quốc tế. Chính vì cái khả năng nghề nghiệp của ông cũng như
tư cách của ông các tổ chức Nhân Quyền đã cho ông những giải thưởng và
các báo ngoại quốc đã mời ông cộng tác trên một số những diễn đàn lớn."
"Ông làm công việc rất cẩn trọng, gần đây ông đã sưu tập và nghiên cứu
rất nhiều tài liệu để có được những quyển sách có gía trị mà ông đang cố
gắng để cho nó ra đời. Nhưng đau đớn là những công trình đó có thể sẽ
không được biết đến là bởi vì công việc dang dở. Như Phong là một con
người lạc quan, một con người hăng say, làm việc đến những giây phút
cuối đời của ông. Độ ba bốn tuần trước khi ông đi vào bịnh viện ông vẫn
còn tiếp tục viết những bài phân tích có gía trị cho đài Á Châu về những
vấn đề hiện đang sơi nổi ở trong nước. Những vấn đề quan yếu, nếu không
có biện pháp để giải quyết vấn đề Việt Nam trong một tương lai gần thì
những điểm nóng ở trong nước sẽ có thể nổi lên và khó dập tắt. Những báo
động này đã được các đài phát thanh ở hải ngoại phóng về trong nước. Hy
vọng tất cả những lời cảnh tỉnh đã đến được các giới lãnh đạo trong
nước, để rồi có được nhừng sự thay đổi tốt đẹp. Một người làm báo như
vậy là một người rất hiếm."
"Nhà báo đã được các giới chính trị gia trước 1975 tham khảo nhiều lần
bởi vì sự am tường của ông đối với những sinh hoạt trong nội bộ CSVN.
Trong giới làm báo Việt Nam ở hải ngoại hiện nay sự ra đi của Nhà Báo
Như Phong là một sự mất mát hết sức lớn. Vì số người làm báo mà có tâm
hồn có sự cương trực biết bảo vệ sự đứng đắn của nghề nghiệp càng ngày
càng hiếm cho nên sự ra đi của Như Phong làm cho chúng tôi, những thế hệ
đang làm báo làm truyền thông hiện nay cảm thấy là một mất mát to lớn,
và tôi nghĩ những người đọc về những bài Như Phong viết cũng cảm thấy
tương tự. Không những thế ông còn một chuyên gia trong những chuyên gia
hiếm hoi của Việt Nam biết rất rõ về hệ thống tổ chức của CS Việt Nam,
biết rất rõ một số thành phần lãnh đạo và sinh hoạt của đảng CS. Cho nên
trong những phân tích của ông về thời thế và nhất là vào những năm sau
này đã cống hiến một số tin tức hết sức đặc biệt và hết sức chính xác về
nhừng biến đổi ở trong nước."
Võ Thành Nhân
TẠ QUANG KHÔI * NHẬT BÁO TỰ DO
Tôi làm báo
Nhật báo Tự Do
Cuối
tháng 8 năm 1954, tôi theo gia đình bà chị ruột di cư vào Nam, trong
khi bố mẹ tôi còn ở lại Nam Ðịnh. Vào đến Saigon, tôi phải tìm cách sống
tự lập ngay. Một số bạn học cũ ở Chu Văn An Hà Nội rủ tôi xuống Tây
Ninh dạy học cho một trường trung học của Cao Ðài. Tôi đang phân vân vì
không muốn xa Saigon thì một nhóm nhà văn miền Bắc cũng mới di cư họp
nhau xuất bản tờ nhật báo Tự Do. Ðể việc in báo được độc lập, họ mua một
máy in riêng đặt ngay trong tòa báo.
Nhóm chủ trương tờ Tự Do mới đầu
gồm có : Tam Lang, Mặc Ðỗ, Mặc Thu, Như Phong, Ðinh Hùng và Vũ Khắc
Khoan. Ông Tam Lang đứng tên chủ nhiệm, ông Mặc Thu làm quản lý và ông
Như Phong làm thư ký tòa soạn. Khi bắt đầu có nhà in, họ cần một thư ký
và tôi được mướn. Lương tháng là 1,500 đồng. Có việc làm ở ngay Saigon
là tôi mừng rồi, bất chấp lương cao thấp. Ngoài công việc nhà in, tôi
vẫn giúp thầy cò (correcteur) sửa bản vỗ của thợ xếp chữ. Nhờ thế, tôi
liên lạc thân mật với các nhân viên tòa soạn.
Báo được dân Bắc di cư ủng hộ nhiệt
liệt nên số phát hành tăng nhanh mỗi ngày. Thế là nhóm chủ trương quyết
định ra thêm một tờ tuần báo lấy tên là Văn Nghệ Tự Do.
Tạ Quang Khôi-Đằng Giao vẽ
Khi nhóm chủ trương mở rộng, có
thêm ba người : Nguyễn Họat, Bùi Xuân Uyên và họa sĩ Phạm Tăng. Ông
Nguyễn Hoạt, ngoài việc giúp ông Như Phong về tòa soạn, còn viết một
truyện dài hàng ngày, tên là “Trăng Nước Ðồng Nai”. Vì làm việc quá hăng
say, ông Như Phong bị lao phổi. Ông phải nghỉ nhà để chữa bệnh. Việc
tòa soạn do ông Nguyễn Hoạt tạm thay thế. Ðáng lẽ khi ông Như Phong
nghỉ, truyện dài “Một Triệu Ðồng” cũng phải tạm ngưng, nhưng tòa soạn
lại quyết định tiếp tục. Ông Nguyễn Họat yêu cầu mỗi người viết một đoạn
để chờ ông Như Phong đi làm lại. Ông Ðinh Hùng là người đang viết nhiều
bài nhất cũng phải viêt giúp. Nhưng rồi vẫn không thấy ông Như Phong
trở lại làm việc, những người viết thay không chịu viết tiếp nữa. Bỗng
một hôm ông Nguyễn Hoạt nói với tôi :
”Anh viết giúp cho một vài kỳ đi, Như Phong cũng sắp đi làm rồi,”
Tôi rất ngạc nhiên về đề nghị ấy vì
chưa bao giờ tôi dám mơ tưởng đến việc viết truyện dài đăng báo. Thỉnh
thoảng tôi chỉ làm một bài thơ loại cóc chết hoặc viết một truyện ngắn
vớ vẩn. Bây giờ viết truyện dài, dù chỉ vài kỳ, tôi cũng nghĩ rằng tôi
không đủ khả năng. Không những thế, tôi đâu có phải là nhân viên tòa
báo, chỉ là một thư ký quèn của nhà in thôi. Tôi tìm lời từ chối khéo,
viện cớ không hề đọc truyện “Một Triệu Ðồng” nên có biết gì đâu mà viết
tiếp. Suy nghĩ một chút, ông Họat nói :
”Vậy thì hôm nay tôi viết, anh cố đọc lại từ đầu truyện, rồi mai anh viết giúp vài kỳ.”
Tuy
trong lòng rất ngại ngùng, nhưng lại không muốn làm ông buồn, tôi đành
nhận lời. Thế là đêm hôm đó tôi phải thức khuya để đọc truyện “Một Triệu
Ðồng” của Như Phong. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu hì hoáy viết. Ðược trang
nào tôi đều đưa ngay cho ông Nguyễn Hoạt xem trước. Ông gật gù tỏ vẻ
đắc ý. Tôi viết được ba ngày thì ông Như Phong trở lại làm việc. Tôi
mừng húm. Ông Như Phong viết thêm vài kỳ nữa thì chấm dứt.
Vì ông chấm dứt bất ngờ nên tòa
soạn không kịp tìm truyện khác thay thế. Ông Nguyễn Hoạt đề nghị với ban
chủ trương mời tôi viết trám chỗ trống đó. Ông nói với mọi người :
”Mấy kỳ anh Khôi viết thay anh Như Phong thấy cũng được lắm.”
Tòa soạn đồng ý và bảo tôi thử viết
một đoạn xem sao. Ðêm hôm đó tôi thức trắng để cố gắng viết một chương
cho truyện dài đầu tay. Ðó là truyện “Vực Thẳm”. Tôi lấy bút hiệu là Tạ
Quang Diễm, vì đó là bút hiệu của tôi khi làm thơ. Ông Nguyễn Hoạt đọc
xong truyền cho mấy ông trong ban chủ trương. Mọi người đêu đồng ý cho
đăng truyện “Vực Thẳm”. Ông Vũ Khắc Khoan nói với tôi :
”Mày việc đ…gì phải lấy bút hiệu, cứ tên thật mà chơi cũng được.”
Ông Khoan là bạn học của mấy ông anh họ tôi ở Bưởi nên vẫn coi tôi như em. Thế là tôi trở thành một nhà văn viết feuilleton.
Nhưng tờ Tự Do không sông lâu, nội bộ lủng củng rồi…dẹp tiệm.
Tôi không hiểu truyện “Vực Thẳm”
của tôi có ăn khách không, nhưng khi Tự Do đóng cửa, tôi được ông Hồ
Anh, chủ nhiệm báo Ngôn Luận, mời viết truyện dài cho báo này. Sau này,
khi ông xuất bản tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong tôi cũng viêt một
truyện dài.
Trở lại chuyện nhật báo Tự Do bị
đóng cửa. Việc thứ nhất : Một hôm ông Tam Lang sai tôi đến một building ở
đường Bà Huyện Thanh Quan để gặp một đại diện của nhóm Ngân hàng. Nhóm
này có ý định lấy tên báo Tự Do để ra một tờ báo riêng cho nhóm họ. Ðiều
kiên duy nhất của ông Tam Lang là nhóm Ngân Hàng dùng lại cả tòa soạn
của Tự Do cũ. Nhưng nhóm này từ chối. Thế là việc cộng tác không thành.
Sau đó, nhóm Ngân Hàng xuất bản tờ nguyệt san Bách Khoa. Tờ báo này có rất nhiều uy tín trong giới văn học.
\
\
Việc thứ hai : Năm 1996, ông Như
Phong sang Mỹ theo diện HO, lên Virginia chơi và ghé thăm tôi. Trong dịp
này, tôi hỏi ông về chuyện lủng củng nội bộ của báo Tự Do. Ông cho biết
thực sự không có lủng củng nội bộ. Sở dĩ tờ Tự Do bị đình bản vì lý do
chính trị. Phủ Tổng thống thấy báo Tự do được dân Bắc di cư ủng hộ thì
không vui, vì nhóm chủ trương và nhân viên tòa soạn không ai có đạo
Thiên chúa, lại không có ai là người Trung.
Thế rồi báo đình bản được ít lâu lại tái xuất hiện với chủ nhiệm và quản lý mới. Ðó là hai ông Phạm Việt Tuyền và Kiều Văn Lân. Hai ông này không những theo đạo Thiên chúa mà còn là nhân viên phủ Tổng thống. Ông Như Phong vẫn làm thư ký tòa soạn, ông Nguyễn Hoạt vẫn là một nhân viên tòa soạn. Ông còn viết thêm mục “Chuyện Hàng Ngày” với bút hiệu Hiếu Chân. Mục này được đổi tên là “Nói Hay Ðừng”. Ngoài Hiếu Chân còn hai người nữa cũng viết trong mục này, là nhà văn đường rừng Tchya Ðái Ðức Tuấn. Bút hiệu của ông trong “Nói Hay Ðừng” là Mai Nguyệt. Người thứ ba là Phạm Xuân Ninh, tức Hà Thượng Nhân, với bút hiệu Tiểu Nhã. Ông nói lái “Nói Hay Ðừng” thành “Nứng Hay Ðòi”. Mục này được độc giả rất hâm mộ vì lối viết sắc bén và châm biếm của các tác giả.
Thế rồi báo đình bản được ít lâu lại tái xuất hiện với chủ nhiệm và quản lý mới. Ðó là hai ông Phạm Việt Tuyền và Kiều Văn Lân. Hai ông này không những theo đạo Thiên chúa mà còn là nhân viên phủ Tổng thống. Ông Như Phong vẫn làm thư ký tòa soạn, ông Nguyễn Hoạt vẫn là một nhân viên tòa soạn. Ông còn viết thêm mục “Chuyện Hàng Ngày” với bút hiệu Hiếu Chân. Mục này được đổi tên là “Nói Hay Ðừng”. Ngoài Hiếu Chân còn hai người nữa cũng viết trong mục này, là nhà văn đường rừng Tchya Ðái Ðức Tuấn. Bút hiệu của ông trong “Nói Hay Ðừng” là Mai Nguyệt. Người thứ ba là Phạm Xuân Ninh, tức Hà Thượng Nhân, với bút hiệu Tiểu Nhã. Ông nói lái “Nói Hay Ðừng” thành “Nứng Hay Ðòi”. Mục này được độc giả rất hâm mộ vì lối viết sắc bén và châm biếm của các tác giả.
Một lần, Mai Nguyệt viết một bài
đụng chạm tới ông Cao Văn Tường, chủ tịch quốc hội thời đó. Ông Tường
đòi trừng phạt báo Tự Do. Mai Nguyệt đã không sợ, còn viết thêm một bài,
gọi ông Cao Văn Tường là “Cao Tặc” (đọc lái là Cặc Tao). Câu chuyện
tưởng sẽ nổ lớn, nhưng nhờ có sự dàn xếp khéo léo của bác sĩ Trần Kim
Tuyến mà được êm thắm.
Cuối năm 1969, không nhớ chắc vào
tháng nào (8 hay 9 ?) tôi vào nhà thương Saint Paul thăm nhà văn Thanh
Nam. Ông bị thổ huyết vì lao phổi. Vừa thấy tôi, Thanh Nam nói ngay :
” Ðêm qua tao sợ quá !”
Tôi liền nghĩ tới ma quỷ vì tôi vẫn
nghe đồn phòng nhà thương nào cũng có ma. Bệnh nhân chết trong các
phòng nhà thương không phải ít. Nhiều linh hồn không siêu thoát được, cứ
luẩn quẩn nơi mình chết. Nhưng Thanh Nam nói ngay :
” Ðêm qua, ông Tchya Ðái Ðức Tuấn chết trong nhà thương này. Tao tưởng tao cũng đi theo ổng ngay.”
Tôi phì cười trấn an ông :
”Mày làm sao mà chết được. Bệnh mày
chỉ là bệnh ghẻ phổi, chích hết một série Streptomycine là khỏi ngay,
lại tha hồ đi tán gái.”
Quả nhiên, chỉ ít lâu sau Thanh Nam được xuất viện, rồi sống cho đến ngày mất vì ung thư cuống họng ở Mỹ vào cuối năm 1984.
Trở lại báo Tự do. Bà vợ kế của ông
Phạm Việt Tuyền là con gái Cụ Ðốc Giác, trước kia ở Hải Phòng. Cụ Ðốc
Giác quê ở phủ Xuân Trường, Nam Ðịnh, có họ vói Trường Chinh Ðặng Xuân
Khu. Vì thế, sau khi miền Nam bị cộng sản chiếm, gia đình ông Phạm Việt
Tuyền đươc đi Pháp, định cư ở Strasbourg. Sau đó ông Tuyền bị tai biến
mạch máu não, nằm liệt nhiều năm.
Nhắc đến báo Tụ Do, cả thời Bắc Kỳ
di cư lẫn thời phủ tổng thống, ngươi ta không thể quên cái công rất lớn
của ông Như Phong Lê Văn Tiến. Phải nói là “tuần chay nào ông cũng có
nước mắt”. Ông luôn luôn hết lòng lo cho tờ báo. Trong cả hai giai đoạn
ông đêu làm thư ký tòa soạn và viết truyện dài hàng ngày. Giai đoạn đàu
ông viết “Một Triệu Ðồng”, sang giai đoạn sau, ông có truyện “Khói
Sóng”. Trong truyện này ông kể lại hồi còn trẻ đi theo các bậc đàn anh
Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam…làm cách mạng,
chống cộng sản ở chién khu Vĩnh Yên, Việt Trì.
Vào những ngày cuối cùng của cuộc
đời, đã phải đeo dây oxy để thở vì bị ung thư phổi, ông vẫn nhờ tôi tìm
lại truyện “Khói Sóng”. Một nhân viên trong thư viên Quốc Hội Mỹ cho
biết một thư viện của Hạ Uy Di có đầy đủ báo Tụ Do, tức là truyện “Khói
Sóng” không sót một kỳ. Ông mừng lắm, nhưng chưa kịp làm gì thì ông đã
ra đi vĩnh viễn.
Tạ Quang Khôi
No comments:
Post a Comment