Bức thư hai mươi năm trước
Một số báo xuất bản tại Việt nam cho đăng tải bức thư của cố Thủ tướng
Võ Văn Kiệt gửi Bộ chính trị đảng cộng sản Việt nam 20 năm trước đây.
Trong bức thư này ông Kiệt đề nghị đảng cộng sản nên nhìn nhận tình hình
thế giới lúc ấy khác đi với thời chiến tranh lạnh, tức là không theo
quan điểm cổ điển của những người cộng sản rằng thế giới này chia thành
hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa.
Một nội dung quan trọng khác mà ông Kiệt gửi đến các đồng chí của ông
đang nắm giữ quyền lực là không nên duy trì sự ưu đãi cho nền kinh tế
phi thị trường.
Tuy nhiên tờ báo không viết thêm về số phận chính trị của ông Kiệt sau khi gửi bức thư này.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh viết trên trang Diễn Đàn của nhóm trí thức tại
Pháp về bước ngoặt của cuộc đời ông Kiệt sau bức thư đó. Ông Kiệt đã bị
các đồng chí phê phán kịch liệt, đã phải từ chức Thủ tướng. Ngoài ra một
số người liên quan đến bức thư, trong đó có nhà bất đồng chính kiến Hà
Sĩ Phu bị bắt và kết án trong cái mà ông Lê Đăng Doanh gọi là một làn
sóng đàn áp và khủng bố.
Trong bức thư được viết cách nay gần một thế hệ, ông Kiệt còn kêu gọi
việc thực thi dân chủ trong đảng của ông cũng như trong xã hội.
Blogger Trần Minh Khôi nhận định về bức thư này:
Nếu những điều ông Kiệt đề nghị trong lá thư gởi Bộ Chính trị Đảng
Cộng sản Việt Nam hai mươi năm trước được thực hiện thì đất nước Việt
Nam ngày nay đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Và điều tốt đẹp nhất là Đảng Cộng
sản đã không còn giữ độc quyền cai trị. Đối với những lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, tương lai đất nước chưa bao giờ quan trọng bằng sự
tồn vong của Đảng. Điều này đúng hai mươi năm trước và vẫn đúng lúc này.
Nhận xét của Trần Minh Khôi không biết có giống với ý muốn của ông cố
Thủ tướng gửi gắm trong bức thư hay không, vì ngoài những điều ông Kiệt
đề nghị về sự kỷ luật, về việc dân chủ hóa đảng của ông, người ta không
thấy đề cập đến sự thay đổi thể chế chính trị, mà chỉ có chuyện cải cách
kinh tế, người ta cũng không thấy ông đề cập đến ý thức hệ Mác Lê nin,
mà trong đó vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản là điều không
thể bàn cãi.
Nếu những điều ông Kiệt đề nghị trong lá thư gởi Bộ Chính trị Đảng Cộng
sản Việt Nam hai mươi năm trước được thực hiện thì đất nước Việt Nam
ngày nay đã tốt đẹp hơn rất nhiều. Và điều tốt đẹp nhất là Đảng Cộng sản
đã không còn giữ độc quyền cai trị
Blogger Trần Minh Khôi
20 năm sau bức thư của ông Kiệt, giới trí thức Việt nam công khai lên
tiếng chỉ trích chủ nghĩa Mác Lê Nin. Một trong những người đó là Giáo
sư Nguyễn Đình Cống, ông cho rằng bản chất của chủ nghĩa này là một sự
ngụy biện, và nếu đeo đuổi nó, người ta sẽ chịu những hậu quả tai hại:
Một con người sống bằng dối trá và lừa đảo sẽ đến lúc bị mọi người
thấy rõ và xa lánh. Một học thuyết dựa chủ yếu vào ngụy biện sớm muộn
cũng bị phát hiện và tẩy chay. Một chính quyền phải dùng đến ngụy biện
trong hành xử sẽ mất lòng tin của dân, mất lòng tin của các nước. Dù cho
người ta có đón tiếp đại diện của bạn một cách trọng thị, có ký kết với
bạn hiệp ước về quan hệ đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược thì
ngoài những cái bắt tay chào hỏi xã giao, trong lòng họ vẫn canh cánh
một tinh thần cảnh giác là đang quan hệ với một người dối trá đáng khinh
bỉ.
Ông Nguyễn Đình Cống có ý muốn nói đến những mối quan hệ ngoại giao nồng
ấm lên trong thời gian gần đây giữa nước Việt nam cộng sản và các quốc
gia phương Tây, về nguyên tắc là những kẻ đối đầu ý thức hệ với đảng
cộng sản Việt nam.
Tác giả Vũ Ngọc Yên viết trên trang blog Bauxite Việt nam:
Trong thời gian qua dư luận rất kinh ngạc khi thấy giới lãnh đạo Đảng
và nhà nước cộng sản Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác với Mỹ và Âu
châu trên mọi bình diện. Dư luận đánh giá các hoạt động này chỉ là những
tính toán chiến lược tìm ngõ thoát cho chế độ độc đảng trước những áp
lực nội và ngoại hầu có thể tiếp tục trụ được.
Một người bán hàng rong trên phố đầy cờ đảng ở TPHCM
Nói chung, Đảng Cộng sản hy vọng qua các Hiệp định thương mại, sẽ tạo
được niềm tin ở quốc tế và tính chính danh cầm quyền vốn đã không tồn
tại từ nhiều thập niên qua.
Còn trang Bauxite Việt nam bình luận về việc bầu cử trong chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo từ trước đến nay như sau:
Đảng nói rất hay về dân chủ. Nhưng đồng thời Đảng bao giờ cũng cố
gắng tối đa để siết chặt “dân chủ” trong bàn tay sắt của mình. “Đảng cử
dân bầu” là một trong những biện pháp để làm điều đó. Nói cho cùng, có
chế độ toàn trị nào mà không sợ dân chủ thực chất? Xóa “Đảng cử dân bầu”
là đặt Đảng vào sự thử thách thực sự, buộc Đảng phải lo lắng đến phản
ứng của người dân. Duy trì “Đảng cử dân bầu” thì yên chí lớn: tất cả
những vị trí lãnh đạo đều một tay Đảng sắp xếp. Quyền lực ở đấy mà quyền
lợi cũng ở đấy.
Lời bình của BauxiteViệt nam có ý nói rằng cũng có chuyện bầu cử ở Việt nam nhưng chỉ do đảng cộng sản dàn dựng mà thôi, qua câu nói đảng cử dân bầu đầy mỉa mai.
Bản chất của chế độ và mô hình không muốn phát triển
Blogger Nguyễn Vũ Bình viết bài Bản chất và Hiện tượng.
Trong bài này ông cho rằng có những ý kiến biện minh cho những điều
không tốt trong xã hội Việt nam hiện nay chỉ là hiện tượng chứ không
phải là bản chất. Những ý kiến này nói rằng bản chất của chế độ cộng sản
hiện nay ở Việt nam vẫn là tốt đẹp.
Nguyễn Vũ Bình phản bác điều này. Ông cho rằng nếu liên tục có những
điều tệ hại xảy ra thì không thể nói là bản chất của chế độ là tốt đẹp
được. Ông dẫn chứng là từ lúc đảng cộng sản Việt nam thống trị nền chính
trị Việt nam cho đến nay, liên tục có những điều tệ hại xảy ra, đó là: Cải cách ruộng đất, Đàn áp nhân văn giai phẩm, Thảm sát Mậu thân, Cải tạo tư sản tại miền Nam.
Hãy nghe cây bút Nguyễn Đình Ấm mô tả cảnh tượng tàn phá văn hóa ở quê ông:
Từ sau cải cách ruộng đất chính quyền phát động phong trào phá đình
chùa. Vào các buổi tối, thanh thiếu niên đốt đuốc tuần hành rầm rập hô
đả đảo địa chủ rồi ban ngay đi phá đình, chùa, miếu. Những pho tượng cổ
sơn son thiếp vàng cớ lớn tượng quan âm nghìn mắt, nghìn tay bị xà beng
bật lên khênh vứt xuống sông Lô, các tượng gỗ mít nhẹ hơn bị mang về bổ
củi đun, mùi sơn khét lẹt.
Đảng nói rất hay về dân chủ. Nhưng đồng thời Đảng bao giờ cũng cố gắng
tối đa để siết chặt “dân chủ” trong bàn tay sắt của mình. “Đảng cử dân
bầu” là một trong những biện pháp để làm điều đó. Nói cho cùng, có chế
độ toàn trị nào mà không sợ dân chủ thực chất?
Lời bình của Bauxite VN
Một điều quan trọng mà các blogger nhận xét về những hành động của đảng
cộng sản từ khi lên cầm quyền đến nay là tất cả những sai lầm đó đều
được thực hiện nhân danh danh Nhân dân. Điều mà Giáo sư Nguyễn
Văn Tuấn cho là một sự ngụy biện nhân danh số đông. Ngoài ra ông còn cho
rằng để thực hiện các chính sách của mình từ trước đến nay đảng cộng
sản thường đưa ra những hy vọng, và ông gọi họ là những người buôn bán hy vọng. Và điều mà ông ngạc nhiên là vẫn có người tin vào những món hàng hy vọng đó.
Điều Giáo sư Tuấn ngạc nhiên cũng là điều một tác giả trên trang blog
Triết học đường phố đặt ra là sau bao nhiêu tệ hại của sự độc tài, tại
sao đảng cộng sản vẫn nắm quyền? Tác giả tự trả lời rằng đảng cộng sản
cầm quyền đã nắm hai lĩnh vực cần thiết để cho người ta không thắc mắc
về quyền lực của họ, đó là giáo dục và báo chí. Ngoài ra tác giả này còn
đưa ra một điều quan trọng nữa mà theo đó những người cộng sản đặt nền
móng chế độ của mình, đó là gieo rắc sợ hãi trong toàn xã hội.
Trong một tinh thần xã hội như vậy, mô hình kinh tế Việt nam vẫn tiếp
tục được khẳng định là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, với các đại công ty quốc doanh làm động lực, một mô hình được
Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm gọi là của những người cộng sản thực thi chủ nghĩa
tư bản.
Nói về mô hình này, bà Phạm Chi Lan trích dẫn lời nhận định của một nhà
quan sát từ Ngân hàng thế giới, rằng mô hình hiện tại của Việt nam không
phải là của một quốc gia kém phát triển, cũng không phải của một quốc
gia đang phát triển, càng không phải đã phát triển, mà đó là một mô hình
Không chịu phát triển.
Tác giả Võ Xuân Sơn nói rằng ông và nhiều người Việt nam khác không muốn mô hình đó:
Chúng tôi, người dân Việt nam, đâu có ai muốn cái mô hình “đặc biệt
nhất thế giới”, mô hình không chịu phát triển. Nhưng họ, những kẻ không
muốn đất nước này phát triển, những kẻ chỉ muốn trục lợi cá nhân, làm
giàu cho cá nhân mình, cho gia đình mình bằng cách ăn cắp tiền của dân,
đục khoét ngân sách, vắt cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm mất khả
năng phát triển của cả nền kinh tế nước nhà, chỉ có những kẻ đó là muốn
duy trì cái mô hình quái gở như vậy mà thôi.
Và trong những ngày tháng tám có nhiều kỷ niệm lịch sử không chỉ của
Việt nam mà của cả thế giới, người Việt nam không khỏi chạnh lòng so
sánh đất nước mình với các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Văn Đực Phó giám đốc một công ty địa ốc nhìn sang Singapore,
đảo quốc nhỏ bé vừa kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, xuất ý làm một bài thơ
ngắn đầy mỉa mai:
Năm mưoi Quốc Khánh nước Sing Từ hòn đảo nhỏ mà : lên đỉnh Rồng Bảy mưoi Quốc Khánh nước RỒNG Từ đất nước lớn mà : không có gì .... Quý hơn độc lập tự do
Người khác thì nhìn sang Nhật bản, đất nước chịu thảm họa nguyên tử cách đây 75 năm:
Hơn 40 năm qua từ ngày đất nước thống nhất, thế hệ ông cha làm được
gì vẻ vang cho đất nước? Chỉ có thể kể ra nhiều việc làm xấu, làm nhục,
làm cạn kiệt nguồn lực đất nước. Nước Nhật bại chiến bị tàn phá bởi bom
nguyên tử, sau 40 năm trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Nước
ta chiến thắng oanh liệt nhưng sau hơn 40 năm vẫn là nước nghèo, ngửa
tay xin vay tiền giá rẻ của thế giới. Kết quả ấy, thế hệ nào phải gánh
chịu trách nhiệm?
Le lói ánh sáng cuối đường hầm?
Có phải tất cả đều là một màu đen?
Dự án 1400 tỉ đồng xây dựng quảng trường cùng tượng ông Hồ Chí Minh tại
tỉnh Sơn La bị nhiều chỉ trích đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu
phải báo cáo.
Người ta cho rằng nhà cầm quyền đã phải để ý đến dư luận xã hội, đến một
quyền lực mà nhà văn Bùi Minh Quốc gọi là quyền lực thứ hai, quyền lực
truyền thông.
Ông Quốc đặt tên quyền tự do ngôn luận trong xã hội hiện tại của Việt
nam là quyền lực thứ hai với lý do là xã hội này hiện nay vẫn chưa có
tam quyền phân lập như các quốc gia phát triển bình thường, trong đó tự
do ngôn luận là đệ tứ quyền. Ông nhận xét về cộng đồng những người Việt
nam sử dụng mạng xã hội để thực hiện quyền lực thứ hai đó là từ chổ chỉ
phát triển tự phát, những người Việt nam đã dùng mạng xã hội ngày càng
có trách nhiệm hơn.
Quyền lực từ mạng xã hội đã góp phần làm cho nhà cầm quyền xem xét lại quyết định 1400 tỉ đồng mất lòng dân.
Từ đó, blogger Kami nhận định rằng đã có một xu hướng đa nguyên đáng
mừng trong xã hội Việt nam. Điều làm le lói tia hy vọng bên cạnh thảm
trạng mô hình Không muốn phát triển mà nhiều blogger nói đến trong tháng tám này.
Ngày 9 tháng Tám năm 2015 đánh dấu tròn 20 năm Thủ Tướng Võ Văn Kiệt gửi thư đến Bộ Chính trị.
Bức thư này hiện đang được chia sẻ lại trên mạng xã hội và một số nhà
bình luận cho rằng bức thư vẫn "còn nguyên giá trị" cho ngày hôm nay.
Dưới đây BBC giới thiệu toàn văn bức thư. Hà Nội, ngày 9 tháng 8 năm 1995
Kính gửi BỘ CHÍNH TRỊ
Sau đợt thảo luận tháng 6 vừa qua trong Bộ Chính trị xây dựng các văn
kiện chuẩn bị Đại hội VIII, đồng chí Tổng bí thư đã kết luận còn một số
vấn đề và quan điểm lớn cần tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu hơn nữa.
Tôi tán thành kết luận này và xin trình bày một số ý kiến về 4 vấn đề :
1. Đánh giá tình hình cục diện thế giới ngày nay 2. Vấn đề chệch hướng
hay không chệch hướng ? 3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước 4. Xây
dựng Đảng
1. Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay
Nhận thức của chúng ta về tình hình, cục diện thế giới này nay quyết định đánh giá của chúng ta về thời cơ và thách thức.
Đặc điểm cần nhấn mạnh là : Trong thế giới ngày nay, không phải mâu
thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết
là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối
những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia
trên thế giới.
Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực,
những lợi ích toàn cầu khác (ví dụ hoà bình, vấn đề môi trường, vấn đề
phát triển, tính chất toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc của sự phát triển
lực lượng sản xuất...) đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc
phát triển những mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực
lượng mới ngày nay trên thế giới. Nhiều mâu thuẫn khác đã từng tồn tại
trong thời kỳ thế giới còn chia thành hai phe – kể cả mâu thuẫn giữa chủ
nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội – có thể tiếp tục còn tồn tại, song
chịu sự chi phối ngày càng lớn hơn bởi những mâu thuẫn khác và do đó
không còn có thể giữ vai trò như cũ.
Không thấy hết đặc điểm quan trọng nói trên, không thể cắt nghĩa được
việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, ký kết hiệp định khung với EU
(Liên hiệp châu Âu, chú thích của DĐ), tạo lập ra được quan hệ quốc tế
ngày càng rộng rãi và giành lấy vị trí quốc tế ngày càng thuận lợi hơn
trước giữa lúc hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại được
nữa.
Cần nhấn mạnh đây là chiến công có ý nghĩa chiến lược và xoay chuyển hẳn
tình thế của đường lối đối ngoại Đại hội VII – xuất phát từ những nhận
thức mới và chính xác về cục diện thế giới ngày nay. Bây giờ, lợi ích
của Việt Nam là phát huy hơn nữa đường lối ấy. Đồng thời cũng phải tỉnh
táo đánh giá những thách thức và sức ép mới do ta gia nhập ASEAN, hợp
tác với EU, bình thường hoá quan hệ với Mỹ...
Ngày nay, Mỹ và các thế lực phản động khác không thể giương ngọn cờ
chống cộng để tranh thủ dư luận và tập hợp lực lượng chống lại nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như trước được nữa. Vì ngọn cờ này đã hết
phép mê hoặc, chúng phải chuyển sang ngọn cờ dân chủ và nhân quyền.
Song ngay cả ý đồ muốn thủ tiêu nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam của các thế lực đế quốc và phản động cũng phải được đánh giá dưới
ánh sáng của cục diện quốc tế mới – đặc biệt là trong mối tương quan
giữa các nước lớn, các “ trung tâm ”, các “ cực ” đang hình thành ngày
càng rõ nét.
Để có cơ sở phân tích mối tương quan vừa nói tới bên trên, chúng ta có
hàng loạt những sự kiện quan trọng kể từ khi cục diện quốc tế bắt đầu
chuyển sang thời kỳ mới, đó là : chiến tranh Irak, sự tập hợp lực lượng
và thái độ các nước lớn chung quanh việc chống Việt Nam trong vấn đề
Campuchia, giải pháp hoà bình giữa Palestine và Israel, hoà giải ở Nam
Phi, nội chiến ở Nam Tư cũ (Bosnia, Herzegovina), sự tranh chấp ở Trường
Sa và thái độ các loại nước khác nhau chung quanh vấn đề này, sự phát
triển các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam trong 10 năm qua, triển vọng
bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, vai trò ngày càng quan trọng của
ASEAN, tiếng nói của các nước nhỏ ngày càng có nhiều trọng lượng hơn
trước, xu thế tập hợp các tổ chức kinh tế khu vực, vai trò ngày càng
tăng của Liên hiệp quốc song song với hiện tượng những siêu cường ngày
càng khó thao túng Liên hiệp quốc như thời kỳ chiến tranh lạnh, vân
vân...
Chúng ta cũng cần phân tích sâu những mâu thuẫn mới và sự tập hợp lực
lượng mới đang diễn ra trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới,
tạo ra cho mỗi nước những cơ hội và thách thức mới khó lường hết được.
Trước hết đó là những mâu thuẫn và lợi ích của các quốc gia – bao gồm cả
sự cạnh tranh gay gắt, xung đột lợi ích quốc gia, yêu cầu hợp tác,
những thách thức tác động vào mọi quốc gia do sự phát triển của lực
lượng sản xuất và những biến động trong kinh tế thế giới, sự hình thành
những liên kết kinh tế khu vực, những thách thức mới trên các lĩnh vực
chính trị, văn hoá, xã hội do quá trình hoà nhập và giao lưu kinh tế
ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia, những chính sách và thủ đoạn của
các quốc gia và các thế lực thù nghịch nhau sử dụng những yếu tố mới này
để chi phối, đối phó hoặc loại bỏ nhau... Không xử lý được tình hình
mới này, không một quốc gia nào có thể đứng vững được.
Cũng cần đánh giá thực chất quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa còn
lại. Sự thật hiện nay là 4 nước xã hội chủ nghĩa tuy có những mối quan
hệ với nhau ở mức độ nhất định, song không thể hành động và không có giá
trị trên trường quốc tế như một lực lượng kinh tế và chính trị thống
nhất. Nói riêng về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cộng hoà
dân chủ nhân dân Triều Tiên thì tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn
nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa trong những mối quan hệ giữa
những nước này. Thậm chí trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tồn tại
không ít điểm nóng. Thuần tuý nói về chủ nghĩa xã hội thì cả 4 nước xã
hội chủ nghĩa còn lại đều nói còn đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi
con đường riêng phù hợp của từng nước.
Cũng không thể xem xét sự phục hồi ở mức độ nào đấy của phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế – kể cả ở những nước Liên Xô Đông Âu cũ, có
cùng một chất lượng và cũng một giá trị cộng sản chủ nghĩa như trước
kia. Chủ nghĩa xã hội dân chủ và nhiều quan điểm pha trộn khác đang tác
động mạnh mẽ vào trào lưu này. Nghĩa là sự phục hồi này chưa mang lại
cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế sức nặng chính trị vốn có
trước đây. Song có một thực tế khách quan khác rất quan trọng cần được
mổ xẻ nghiên cứu. Đó là, bất chấp những biến động nghiêm trọng của hệ
thống thế giới xã hội chủ nghĩa, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ngày càng được củng cố và đứng trước
những triển vọng to lớn. Cục diện quốc tế ngày nay có những đặc điểm
gì, cho phép vận dụng đường lối nào và có thể khai thác những yếu tố gì
đã giúp cho Đảng ta xoay chuyển được tình hình ; tìm ra được hướng đi
mới và tạo khả năng giành thời cơ để đi lên như vậy ?
Điều hiển nhiên là trên thế giới tiếng nói ủng hộ hay đồng tình với yêu
cầu ổn định chính trị của Việt Nam ngày càng mạnh, sự chấp nhận trên thế
giới đối với chế độ chính trị một đảng của Việt Nam cũng đang tăng lên –
mặc dầu lúc này lúc khác vấn đề dân chủ và nhân quyền được sử dụng như
một phương tiện chính trị đối phó với chúng ta. Hơn thế nữa, đang có một
xu thế ngày càng mạnh trên thế giới hoan nghênh, cổ vũ sự phát triển
năng động và vai trò tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nếu như trong tương lai gần đây, chúng ta thực hiện được dân giàu nước
mạnh, xã hội công bằng và văn minh, nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo sẽ lại một lần nữa giành được trái tim của các lực lượng
tiến bộ trên toàn thế giới – một sự tập hợp lực lượng mới, như Đảng ta
và nhân dân ta đã từng thực hiện được trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Bởi vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh là
khát vọng của nhân dân ta, đồng thời cũng là mong muốn của nhiều nước
đang phát triển và các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Những lý
luận hoặc mô hình này mô hình khác về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa
vừa qua có thể thất bại, nhưng xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa chân
chính vẫn là khát vọng của nhân dân lao động toàn thế giới. Xem xét thế
giới như vậy, mặt trận của Việt Nam tập hợp lực lượng trên thế giới
ngày nay vẫn có triển vọng ngày càng mở rộng. Điều này hoàn toàn phụ
thuộc vào đường lối của Đảng ta và phẩm chất cách mạng của chúng ta.
Tất cả phải đưa lên bàn cân, để có thể nhận định, phán đoán tình hình
một cách đúng đắn, xác định chính xác nhiệm vụ phải thực hiện, để lo thu
xếp huy động thực lực bên trong, tập hợp lực lượng bên ngoài và bài
binh bố trận như thế nào để thắng bằng được trong keo vật mới này?
Với đánh giá tình hình theo cách nhìn mới, có thể nói, sau một nửa thế
kỷ phấn đấu đầy hy sinh gian khổ kể từ Cách mạng tháng Tám, bây giờ
chúng ta mới cùng một lúc có được điều kiện bên trong tốt nhất và bối
cảnh quốc tế bên ngoài thuận lợi nhất cho phép đặt ra được và thực hiện
được dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, đáp ứng được đòi
hỏi phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, để lấy lại
thời gian đã mất và đuổi kịp các nước chung quanh. Có thể nói, đất nước
đang đứng trước cơ hội chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta!
Đảng ta lãnh sứ mệnh lịch sử trước dân tộc là không được bỏ lỡ cơ hội
này. Đây chính là nhiệm vụ của Đại hội VIII. Cũng có thể nói rằng, rụt
rè bỏ lỡ cơ hội này, sẽ là thảm hoạ cho đất nước, Đảng ta sẽ đứng trước
nguy cơ bị tước quyền lãnh đạo – chỉ vì không đáp ứng được đòi hỏi phát
triển của đất nước. Xin nhấn mạnh rằng sau gần 200 năm kể từ khi kinh tế
thế giới đi vào thời đại công nghiệp hoá, dân tộc Việt Nam ta bây giờ
mới có lại một cơ hội như vậy. Chúng ta không được và không có quyền để
bất kỳ một vướng mắc nào ngăn cản nhân dân ta nắm lấy cơ hội này. Sự tồn
vong của đất nước phải được xem xét trên tất cả.
2. Vấn đề 'chệch hướng' hay không 'chệch hướng' ?
Đề tài này đang được thảo luận rất sôi nổi trong Đảng và trong cả nước,
chắc chắn còn phải mất nhiều công sức để đi tới những kết luận có sức
thuyết phục hơn.
Về lý luận sẽ bàn sau.
Về thực tiễn, phải chăng có thể căn cứ vào những tiêu chí cơ bản nhất
sau đây để làm rõ định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là : – Dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng và văn minh, – Phát triển gắn liền với giữ gìn
độc lập, chủ quyền và bản sắc văn hoá của dân tộc, – Phát triển gắn liền
với phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường, – Xây dựng nhà nước của dân,
do dân và vì dân có hiệu lực, – Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn bộ
quá trình phát triển nói trên của đất nước.
Một vấn đề rất khó ở đây là sự tách bạch đúng đắn giữa mục tiêu và
phương tiện thực hiện mục tiêu. Có làm tốt được việc này, mới xác định
rõ được chệch hướng hay không chệch hướng.
Ví dụ, nếu chúng ta cho rằng kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là
một tiêu chí của định hướng xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh rằng đó là mục
tiêu phấn đấu của chúng ta, của dân tộc ta, thì điều này hoàn toàn không
đúng. Thực ra vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh chỉ là một trong
nhiều điều kiện quan trọng, đồng thời cũng là một trong nhiều phương
tiện quan trọng cần phải có để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghệ thuật lãnh đạo đất nước ở đây là phải xử lý hài hoà mối quan hệ
giữa việc phát huy vai trò kinh tế quốc doanh và việc thúc đẩy các thành
phần kinh tế khác phát triển, với đích cuối cùng là bảo đảm thực hiện
được 5 tiêu chí nói trên.
Chúng ta nhất trí rằng con đường xây dựng xã hội đi theo định hướng xã
hội chủ nghĩa ở nước ta chưa có tiền lệ chính vì lẽ này: phải luôn tránh
công thức hoá, phải bám lấy kết quả tổng thể trong việc thực hiện những
tiêu chí lớn để soi rọi lại xem có chệch hướng hay không chệch hướng.
Ví dụ có đồng chí nói biểu hiện của chệch hướng là quốc doanh không làm
chủ được lưu thông phân phối, tư thương hầu như chi phối thương nghiệp.
Một biểu hiện khác của chệch hướng – cũng theo cách nhìn nhận như vậy –
là trong giao thông vận tải, tỷ lệ xe tư nhân chiếm quá cao... Cũng
những sự việc nói trên đúng ra phải được đánh giá hoàn toàn ngược lại.
Sự thật là đường lối đổi mới đã tạo ta được một cơ chế kinh tế cho phép
huy động mọi tiềm năng trong xã hội nhờ đó đã xử lý có thể nói khá thành
công vấn đề lưu thông hàng hoá và giao thông vận tải. Về phương diện
này, chúng ta đã thành công rất xa so với thời kỳ còn cơ chế kinh tế bao
cấp. Bây giờ hàng hoá đi và về hầu như mọi miền đất nước, nhân dân
trong cả nước đi lại dễ dàng hơn trước nhiều lần. Cũng nhờ đó, đời sống
được cải thiện rõ rệt, nền sản xuất hàng hoá tăng trưởng nhanh. Chúng ta
thử hình dung sự phát triển này đã huy động được biết bao nguồn lực
nhàn rỗi trong xã hội, đã tạo ra biết bao công ăn việc làm mới cho người
dân trong cả nước mà khu vực kinh tế nhà nước không thể lo xuể. Những
năm trước khi thực hiện đổi mới, chúng ta đã có kinh nghiệm nếu không có
sự phát triển này thì kinh tế tiêu điều và ách tắc như thế nào ! Nếu
coi sự phát triển này là chệch hướng, có nghĩa là chúng ta phải đem kinh
tế quốc doanh ra đối lập lại với sự phát triển này, đối lập với tất cả
những người lao động đang bỏ của và công sức để tạo ra sự phát triển như
hiện nay.
Đương nhiên tình hình lưu thông phân phối và giao thông vận tải hiện nay
chưa phải thật hoàn hảo. Song, không thể giải quyết những vấn đề ta gọi
là “ tranh mua tranh bán ”, vấn đề đầu cơ, tai nạn giao thông... bằng
cách mở rộng mạng lưới quốc doanh trong những lãnh vực này. Đấy không
phải là giải pháp. Trong những năm của cơ chế kinh tế cũ, quốc doanh đã
hầu như nắm toàn bộ các lãnh vực này và chúng ta đã biết kết quả. Ngày
nay không ít xí nghiệp, đơn vị quốc doanh làm ăn trái với pháp luật, số
lượng phương tiện giao thông vận tải của quốc doanh – trong đó có xe của
đơn vị quân đội – tham gia buôn lậu khá lớn... Vì vậy, giải pháp cho
những vấn đề này là phải tiếp tục hoàn thiện thị trường, tăng cường chất
lượng bộ máy nhà nước trong quản lý kinh tế, kiện toàn và tiếp tục phát
triển các hệ thống tài chính, luật pháp, những chính sách ưu đãi, hỗ
trợ đúng hướng..., chứ không phải giao cho quốc doanh “ nắm ” tất cả.
Cũng có ý kiến nói chệch hướng trong vấn đề hợp tác xã.
Cần phải nói thẳng thắn mô hình hợp tác xã cũ không còn thích ứng với sự
phát triển của kinh tế hộ và những đòi hỏi trong quá trình phát triển
kinh tế hiện nay của đất nước. Kết thúc sự tồn tại của mô hình này trong
lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là tất yếu. Thật ra kinh
tế hộ trong nông lâm nghiệp, thuỷ sản, những người sản xuất tiểu thủ
công nghiệp và không ít những người buôn bán nhỏ, sản xuất nhỏ đang rất
cần một loại hình hợp tác xã mới có thể hỗ trợ thiết thực cho họ. Khuyết
điểm của chúng ta là chưa đáp ứng được đòi hỏi mới này. Trong khi đó,
các hộ kinh tế này đang tự phải tổ chức với nhau những hình thức hợp tác
thiên hình vạn trạng và ở những mức độ rất khác nhau, nơi thành công,
nơi thất bại và không ít những kinh nghiệm đáng được nghiên cứu cho việc
xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới thích hợp. Khư khư giữ mô hình hợp
tác xã cũ sẽ lại thất bại. (Vừa qua, tôi đến thăm nông trường Sông Hậu.
Thực chất đó không còn là một nông trường theo nghĩa xưa nay chúng ta
vẫn hiểu. Đó chính là một mô hình hợp tác xã kiểu mới như chúng ta vẫn
thường thấy ở các nước công nghiệp. Đây chính là mô hình cần được nghiên
cứu).
Song nguy cơ chệch hướng đang ẩn náu trong nhiều hiện tượng kinh tế xã
hội khác cần được chú ý xử lý thoả đáng. Đó là tình trạng làm ăn trái
pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang trở thành “ quốc nạn ”, bao gồm cả
những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, tính vô chính phủ, cát cứ, tiêu
xài lãng phí và ăn cắp của công... Những hiện tượng này đang làm giảm
hiệu lực pháp luật và các hệ thống quản lý kinh tế (vĩ mô và vi mô) của
nhà nước, gây nhiều thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, kể cả trong liên
doanh với nước ngoài ; kích thích kinh tế ngầm và các mafia, tăng thêm
những căng thẳng trên các vấn đề như khoảng cách thu nhập, sự phân hoá
và tệ nạn xã hội (đặc biệt là những tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, mãi dâm),
vấn đề công bằng và công lý, v.v... Sẽ là sai lầm, nếu đem tất cả những
phát triển không lành mạnh này đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Kết luận
như vậy sẽ chỉ còn có cách là xoá bỏ cơ chế kinh tế thị trường, một điều
ai cũng thấy là vô lý, và những hiện tượng xấu ấy sẽ không vì thế tự
nhiên biến mất (đành rằng cơ chế thị trường và nền kinh tế nhiều thành
phần tự nó cũng đặt ra nhiều vấn đề mới phải xử lý).
Để những hiện tượng xấu này tiếp tục phát triển, sẽ có nghĩa nhà nước
mất dần khả năng kiểm soát, sự trong sạch và vững mạnh của chế độ chính
trị giảm sút, lòng dân phân tán, định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ còn
là khẩu hiệu trống rỗng. Chệch hướng và diễn biến hoà bình sẽ có thêm
mảnh đất màu mỡ để bung ra. Trên phương diện này, rõ ràng hậu quả của
những yếu kém trong năng lực quản lý nhà nước chưa được đánh giá đúng
mức. Chỗ nào chúng ta cũng có đảng viên, cán bộ, song tình trạng tiêu
cực vẫn có xu hướng phát triển. Đảng và các tổ chức cơ sở Đảng, chính
quyền các cấp, các đoàn thể, các ngành phải làm gì ?
Một vấn đề không thể tránh né là chúng ta thừa nhận sự phát triển của
thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đến mức độ nào để khỏi chệch hướng ?
Đề nghị cần trao đổi kỹ vấn đề này.
Chúng ta đang đứng trước đòi hỏi khách quan là nước ta phải giàu lên
càng nhanh càng tốt, để có sức cạnh tranh và có lực thu hút mọi nguồn
vào từ bên ngoài để giữ được độc lập tự chủ trong mở rộng, hợp tác và
phát triển. Chúng ta phải ráo riết tăng mạnh cường độ tích tụ vốn để có
thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã từng kéo dài
hàng trăm năm trong lịch sử các nước công nghiệp xuống còn vài ba thập
kỷ như một số “ con rồng ” ở châu Á đã thực hiện. Không làm được như vậy
sẽ mất thời cơ và mất tất cả. Chính đấy là những đòi hỏi ràng buộc
chúng ta trong khi xử lý vấn đề phát triển các thành phần kinh tế.
Hơn thế nữa, chúng ta còn phải đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, sao cho trong vòng mươi, mười lăm năm tới chỉ còn trên 1/3 lao
động cả nước làm nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP phải giảm
xuống mức thấp trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Không đạt được yêu
cầu này, sẽ tăng thêm nguy cơ bần cùng hoá (bởi vì trong lĩnh vực nông
lâm ngư nghiệp, tài nguyên đất đai, rừng núi và ven biển đã được khai
thác hầu như ở mức độ quá tải bằng công nghệ thủ công và lạc hậu), hoàn
toàn không thể nói tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện
đại hoá. Trong mở rộng liên doanh với nước ngoài, phần góp vốn của phía
ta hiện nay thường chỉ đạt 20 - 30 % giá trị công trình, vì làm chưa
tốt việc huy động các nguồn lực trong nước, phía ta rất thiệt thòi
v.v...
Như vậy phải chăng câu trả lời sẽ là : Để đáp ứng những đòi hỏi vô cùng
bức xúc của phát triển, chúng ta chủ trương trong khi đối xử bình đẳng
với tất cả các thành phần kinh tế, chúng ta chấp nhận không đặt ra cho
các thành phần kinh tế bất kỳ giới hạn phát triển nào, miễn là sự phát
triển ấy cân đối hài hoà, ổn định, nằm trong khuôn khổ của luật pháp,
nhà nước.. kiểm soát được và đáp ứng tối đa những tiêu chí lớn chúng ta
đã xác định cho định hướng xã hội chủ nghĩa ?
Nếu chấp nhận đạo lý vừa trình bày trên, sẽ có nhiều vấn đề hệ trọng
phải xem xét lại trong việc hoạch định đường lối và chính sách. Có thể
chính đạo lý này sẽ thống nhất ý chí toàn dân tộc trước vận mệnh mới của
đất nước, tạo ra động lực không gì khuất phục được cho một nước Việt
Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, độc lập và bất khả
xâm phạm với bất kỳ sức ép bên ngoài nào. Song nhằm đạt được mục tiêu
này, năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội trở thành một
trong những tiền đề quyết định – và đây lại chính là điều chúng ta thiếu
nhất. Xử lý thành công yêu cầu này là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng
của Đảng ta hiện nay.
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có phải ưu tiên phát triển thành phần kinh tế quốc doanh hay không ?
Như đã trình bày, Đảng ta lựa chọn quan điểm đối xử bình đẳng các thành
phần kinh tế. Lợi ích lâu dài của đất nước đòi hỏi phải quán triệt và
kiên trì quan điểm này. Trừ một số lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc
phòng và phát triển cơ sở hạ tầng (bao gồm cả về mặt xã hội), không nên
và không thể đặt vấn đề “ ưu tiên ” KTQD, hay giao cho KTQD nhiệm vụ “
nắm ” một thứ gì đó như chúng ta thường làm trong cơ chế quản lý cũ.
Nhưng kinh tế quốc doanh thật sự đang có nhiều vấn đề quan trọng khác
chưa được quan tâm đúng mức.
Điều đáng lưu ý nhất là kinh tế quốc doanh nhìn chung chưa đem lại hiệu
quả mong muốn lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân xứng đáng với vai trò,
vị trí và vốn liếng nó nắm trong tay. Đối với chế độ chính trị của nước
ta, kinh tế quốc doanh là lực lượng kinh tế quan trọng nhất trong việc
thực hiện đường lối, chủ trương kinh tế và phát triển đất nước của Đảng.
Chúng ta còn phải làm nhiều việc để cho KTQD trở thành đội quân chủ lực
mở đường cho kinh tế nước ta đi lên, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế
khác phát triển, làm chỗ dựa và có khả năng hạn chế bớt rủi ro cho kinh
tế cả nước, tạo ra những tập đoàn mạnh trong cạnh tranh với bên ngoài.
Cũng phải từ quan điểm vừa trình bày mà xem xét, bố trí KTQD vào đâu,
làm việc gì, với phương thức nào là có lợi nhất. Ngoài ra cần làm cho
KTQD trở thành yếu tố năng động trong hệ thống điều hành kinh tế vĩ mô
của nhà nước.
Sự thực là năng suất lao động và hiệu quả của từng đồng vốn trong KTQD
(ở đây không kể những đơn vị kinh tế phải làm công ích xã hội hoặc phát
triển cơ sở hạ tầng) nhìn chung còn thấp so với vốn của các thành phần
kinh tế khác trong xã hội. Tình trạng thất thoát và lợi dụng vốn quốc
doanh còn ở mức nghiêm trọng. Hơn nữa, việc sắp xếp và cơ cấu lại KTQD,
cổ phần hoá, xây dựng các liên kết liên doanh còn rất chật vật, có nhiều
sức tiêu cực chống lại. Ngoài ra chúng ta hiện nay mới chỉ quan tâm đến
xử lý tính hiệu quả của các xí nghiệp, song chưa có sự quan tâm thoả
đáng đến vấn đề chuyển đổi các xí nghiệp để huy động vốn quốc doanh tập
trung vào những ngành nghề có thể chi phối sự phát triển kinh tế của cả
nước, việc sắp xếp lại và giải thể những xí nghiệp không có hiệu quả
kinh tế đáng kể, thực hiện chưa tốt nên chưa tạo ra chuyển biến mới.
Tóm lại, để góp phần giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức
xúc là phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho
nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là
giành cho nó quyền “ nắm ” thứ này thứ khác.
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
Đã có nhiều cuộc trao đổi về nhà nước pháp quyền. Tôi không đi vào lý
luận của vấn đề này, mà muốn nhấn mạnh yêu cầu bức xúc phải nâng cao
năng lực quản lý nhà nước, với nhận thức cho rằng yếu kém hiện nay của
chúng ta trong nhiệm vụ quản lý nhà nước đang thách thức rất nghiêm
trọng khả năng vươn lên của nước ta.
Trước hết, sống và làm việc theo pháp luật trở thành đòi hỏi ngày càng
bức thiết của cuộc sống và sự nghiệp phát triển đất nước ta. Đòi hỏi tất
yếu và không thể tranh cãi được này đang làm cho chúng ta lo lắng. Bởi
vì một mặt, sự phát triển luật pháp và năng lực thi hành luật pháp chưa
theo kịp đà phát triển của đất nước và xã hội ta hiện nay. Mặt khác,
tình trạng sống và làm ăn trái phép với pháp luật chưa có xu thế giảm.
Có thể nói chúng ta đã làm rất nhiều việc để tiếp tục phát triển hệ
thống luật pháp, kết hợp với tăng cường các tổ chức thi hành luật pháp,
nhưng kết quả chưa như mong đợi. Ngay bây giờ, tình trạng bất cập của bộ
máy nhà nước và những vấn đề nóng bỏng trong đời sống kinh tế xã hội đã
ở mức báo động.
An ninh kinh tế, an ninh chính trị và an ninh xã hội đều có nhiều vấn đề
đáng lo ngại do buông lỏng quản lý nhà nước. Chưa có thể nói chúng ta
đã tạo ra được một môi trường kinh tế xã hội thông suốt, minh bạch rõ
ràng cho từng người dân có thể an tâm làm ăn và được bảo hộ chu toàn
trong làm ăn. Chúng ta chưa có một môi trường như vậy cho sự quản lý có
hiệu quả của nhà nước. Giới đầu tư và kinh doanh nước ngoài, mặc dù đánh
giá rất cao sự ổn định chính trị và tiềm năng kinh tế của nước ta,
nhưng còn e ngại rất nhiều về môi trường làm ăn ở nước ta. Không thay
đổi căn bản tình hình này, ngay sự kiểm soát của nhà nước ta đối với mọi
quá trình diễn biến trong xã hội nước ta sẽ ngày càng có nhiều hiện
tượng “ tuột tay ”, “ chệch hướng ”. Hãy thử mổ xẻ tình trạng tham
nhũng, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, tình trạng móc ngoặc ở trong
nước, hoặc với nước ngoài trong kinh tế, tình trạng chồng chéo ách tắc
trong điều hành và quản lý đất nước, rừng núi tài nguyên bị tàn phá
trong thời bình, môi trường tự nhiên đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cơ
sở hạ tầng nhiều nơi không được gìn giữ, tình trạng dân kêu oan khiếu
nại..., chúng ta sẽ có được những thước đo khá chính xác về mức độ báo
động này. Một trong những nguyên nhân chính là những yếu kém trong nhiệm
vụ quản lý nhà nước.
Phải chăng cho đến nay mọi cố gắng của chúng ta trên mặt trận này còn
rất chắp vá, thiếu đồng bộ và chưa đụng chạm vào những khâu cơ bản nhất –
nghĩa là chưa trúng vào những “ nút ” cần bấm để thay đổi hẳn tình thế ?
Xin nhắc lại rằng trong những năm trước Đại hội VI và sau đó một ít,
chúng ta loay hoay mãi trong việc ổn định giá cả và chống lạm phát nhưng
không kết quả, phải chờ cho đến khi thiết lập được cơ chế kinh tế trên
cơ sở thừa nhận giá thị trường, chúng ta mới xoay chuyển được tình hình
và đạt kết quả. Như vậy có việc phải đi tìm những cái “ nút ” để xử lý ?
Nói một cách khái quát, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, chúng
ta phải làm cùng một lúc và trong cùng một tổng thể những chủ trương
chính sách hài hoà cả 3 việc lớn : kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn
hệ thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô, hoàn thiện và phát triển
thị trường. Nghĩa là việc tăng cường cơ sở quyền lực của luật pháp phải
gắn liền với việc nâng cao khả năng điều hành và việc tạo môi trường
kinh tế xã hội thuận lợi cho sự hoạt động hữu hiệu của bộ máy nhà nước.
Về kiện toàn bộ máy nhà nước
Có thể nói rằng hệ thống luật pháp và bộ máy nhà nước của chúng ta được
chú ý củng cố và phát triển, song hiệu lực của hệ thống bộ máy nhà nước
và năng lực của cán bộ viên chức còn nhiều mặt không đáp ứng đòi hỏi của
nhiệm vụ. Một hiện tượng rất nghiêm trọng khác là nhiều cơ quan thuộc
bộ máy quản lý nhà nước sa đà vào các công việc kinh doanh và những sự
vụ của cơ chế “ chủ quản ”, sao nhãng chức năng chủ yếu là quản lý nhà
nước trong lĩnh vực của mình.
Nói về hệ thống, điều quan trọng nhất là phải làm cho bộ máy nhà nước
vận hành hoàn toàn trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật với những chức năng
và kỹ năng ngày càng hoàn thiện, có quyền lực thực chất và hiệu lực
mạnh trong toàn bộ lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Đi vào thời
bình xây dựng đất nước và khuyến khích sự năng động của các thành phần
kinh tế cũng như của từng thành viên trong xã hội, càng đòi hỏi phải có
một hệ thống nhà nước như vậy, với yêu cầu phát huy được mọi tiềm năng
nhưng nhà nước vẫn kiểm soát đầy đủ. Đã đến lúc bộ máy quản lý nhà nước
các ngành các cấp phải đoạn tuyệt với cơ chế “ chủ quản ” và với bất kỳ
hoạt động kinh doanh nào, phải được cải cách để làm đúng chức năng quản
lý nhà nước. Phải xem đó là nội dung chủ yếu của nhiệm vụ cải cách hành
chính.
Chúng ta cần sớm khắc phục những ảnh hưởng còn lại của phương thức điều
hành đất nước trong thời chiến với những đặc điểm như : cơ chế chính uỷ,
quyền lực quyết định tại chỗ, tính chất địa phương, cơ cấu bộ máy sắp
xếp cán bộ theo yêu cầu chính trị, bộ máy của Đảng song trùng và trên
thực tế là có những việc đứng trên hoặc làm thay bộ máy chính quyền, cơ
chế trách nhiệm không rõ ràng và sự yếu kém về nghiệp vụ do vận dụng
nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách v.v...
Cũng có thể nói một cách khái quát : phải đẩy mạnh xây dựng nhà nước
pháp quyền với mục đích nâng cao hơn nữa năng lực quản lý nhà nước của
toàn bộ hệ thống bộ máy quyền lực, đồng thời tạo mọi điều kiện cần thiết
cho việc bảo đảm thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các chủ trương chính
sách của Đảng. Yêu cầu này đòi hỏi phải nâng cao khả năng nghiệp vụ và
phẩm chất chính trị của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ viên chức
trong bộ máy quyền lực nhà nước ở trong tất cả các lĩnh vực lập pháp,
hành pháp và tư pháp. Hơn bao giờ hết phải nâng cao hơn nữa chất lượng
thể chế hoá, chính quy hoá đối với bộ máy chính quyền, cơ chế làm việc
và đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước. Đây là đòi hỏi tất yếu bảo đảm
thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng trong quá trình phát triển
ngày càng cao của đất nước. Tình trạng hiện nay là không ít những chủ
trương chính sách đúng đắn của Đảng và luật lệ của nhà nước không thi
hành được, nguyên nhân chính là thiếu yếu tố quyết định vừa nói trên.
Một hướng khác trong đẩy mạnh cải cách hành chính là nên sớm từng bước
thực hiện chế độ đào tạo, bổ nhiệm, bãi chức đối với cán bộ viên chức
trong hệ thống hành pháp bao gồm cả những chức vụ chủ tịch uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường xã. Đồng thời cần tăng cường
quyền lực và khả năng hoạt động hữu hiệu của các cơ quan dân cử bao gồm
Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp với nội dung : chú trọng tăng cường
khả năng và quyền lực lập pháp của Quốc hội ; tăng cường quyền lực và
khả năng giám sát của hội đồng nhân dân. Không nên nhầm lẫn coi hội đồng
nhân dân là những cấp “ lập pháp ” địa phương dưới Quốc hội. Cả nước
chỉ có một cơ quan duy nhất có tính năng và quyền lực lập pháp là quốc
hội. Nêu lên một sơ đồ về tổ chức của Đảng hiện nay đan xen vào hệ thống
bộ máy nhà nước, chúng ta sẽ thấy nhiều tầng, nhiều cấp chồng chéo –
trên thực tế là làm giảm bớt sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực của bộ máy
nhà nước.
Cần xác định rõ các tổ chức cơ sở Đảng trong các bộ máy nhà nước nói
trên (Quốc hội, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp) có nhiệm vụ
chính trị hàng đầu là làm cho cơ quan của Đảng bộ mình làm tròn chức
năng quyền hạn Nhà nước được giao. Các tổ chức cơ sở Đảng không làm
thay, không quyết định thay. Các tổ chức cơ sở Đảng vì vậy cần được đổi
mới và tổ chức lại một cách khoa học, cần được kiện toàn phù hợp với
nhiệm vụ chính trị mới này. Công tác Đảng cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ
giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ viên chức để đưa vào những cương vị
thích hợp qua quy chế đào tạo, tuyển chọn, bổ nhiệm, bãi miễn và sa thải
rất nghiêm ngặt của hệ thống chính quyền. Quan điểm cần thông suốt là
hệ thống bộ máy quản lý nhà nước mạnh, chủ trương chính sách của Đảng
mới được thực thi đầy đủ, và như vậy Đảng mới mạnh. Đây còn là phương
thức khắc phục tình trạng lộng quyền, coi thường pháp luật, mất dân chủ,
mất đoàn kết, bản vị, cục bộ... khá phổ biến ở một số đảng bộ cơ sở
hoặc một số cấp uỷ.
Về kiện toàn hệ thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô
Điểm mới ở đây là coi nhiệm vụ này là một vế không thể thiếu được trong
nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Bởi vì quyền lực của nhà nước chúng
ta sẽ không còn hiệu lực nếu như nhà nước đó không có trong tay hệ thống
điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô có hiệu quả. Có lẽ vì thiếu điều
kiện này, việc quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều sơ hở, vừa tăng
thêm tính quan liêu, đồng thời vừa kém hiệu quả.
Trong tình hình phải vận dụng cơ chế kinh tế thị trường, phát huy mọi
thành phần kinh tế trong xã hội và mở rộng kinh tế đối ngoại, luật pháp
và các quy chế thường không đủ linh hoạt, không phát triển kịp hoặc
không bao trùm hết được mọi vấn đề, lại càng đòi hỏi phải kiện toàn hệ
thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô.
Yêu cầu nói trên đòi hỏi : – Phải tích cực phát triển hệ thống các luật
pháp trong đó gấp rút nhất là Luật dân sự (đang soạn thảo) và Luật
thương mại. – Phát triển và hoàn thiện hệ thống tài chính tiền tệ – bao
gồm cải tổ lại hệ thống thuế và các sắc thuế, hệ thống kiểm toán, kế
toán, mở mang thị trường tài chính tiền tệ (hệ thống ngân hàng thương
mại, các thị trường cổ phần, tín phiếu, chứng khoán...). – Hoàn thiện
thị trường để tăng thêm khả năng làm chủ cơ chế thị trường.
Điều đáng lưu ý ở đây là Đảng ta ít nhiều còn coi những nhiệm vụ nói
trên như một loại công tác sự nghiệp đơn thuần, nghĩa là chưa coi đó là
một nhiệm vụ chính trị phải quyết tâm thực hiện. Thậm chí còn có ý kiến
coi đó là những vấn đề thuộc về kinh tế tư bản chủ nghĩa ! Đồng thời
cũng phải thẳng thắn nhận xét rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng
viên trong các ngành luật pháp, tài chính, tiền tệ và trong hàng ngũ
quản lý kinh tế, quản lý xí nghiệp có những nhận thức và hành động không
đúng trong cơ chế thị trường do nhà nước ta quản lý. Cần nhấn mạnh rằng
muốn thực hiện phát triển kinh tế có định hướng, bắt buộc phải có hệ
thống điều hành và kiểm soát này, nền kinh tế phát triển theo định hướng
xã hội chủ nghĩa càng đòi hỏi như vậy ! Nếu không, tính chất tự phát,
vô chính phủ và những hệ quả xấu khác của kinh tế thị trường là không
thể kiểm soát được.
Về hoàn thiện và phát triển thị trường
Đây
cũng là một vấn đề cần nhấn mạnh và cần được thực hiện gắn liền với quá
trình tăng cường quản lý nhà nước, nhằm tạo thêm một tiền đề kinh tế có
ý nghĩa hết sức quan trọng để thực thi mọi luật pháp và thể chế của nhà
nước.
Yêu cầu tối thượng của vấn đề này là cuối cùng, mọi hoạt động kinh tế
của bất kỳ ai trong xã hội nước ta đều chịu sự cọ xát, sàng lọc của một
thị trường rõ ràng, lành mạnh, được nhà nước kiểm soát, dẫn dắt bằng
luật pháp, bằng các chế tài và bằng các biện pháp khuyến khích.
Một nền kinh tế mạnh đòi hỏi phải có một thị trường hạn chế được xuống
mức thấp nhất các hiện tượng đầu cơ, cửa quyền, độc quyền, kinh tế ngầm,
các mafia, sàng lọc các hoạt động kinh tế kém hiệu quả, cung cấp những
tín nhiệm hữu ích cho mọi quyết định của từng thành viên kinh tế trong
xã hội, có khả năng huy động mạnh mẽ nguồn lực cho quá trình chuyển dịch
cơ cấu kinh tế. Với ý nghĩa nói trên, càng kiên trì định hướng xã hội
chủ nghĩa càng phải hoàn thiện và phát triển thị trường, càng phải đẩy
mọi hoạt động kinh tế của toàn xã hội ra thị trường, không thể có bất kỳ
sự phân biệt đối xử nào (trừ một số hoạt động kinh tế phục vụ sự
nghiệp, hạ tầng cơ sở, an ninh quốc phòng). Cũng vì lẽ này cần sớm xoá
bỏ sự phân biệt hoặc sự hình thành các loại hình như : kinh tế dân sự,
kinh tế đoàn thể, kinh tế Đảng, kinh tế các lực lượng vũ trang v.v...
Không có một thị trường và một chính sách về thị trường như vậy, sự kiểm
soát của nhà nước sẽ kém hiệu quả, nguy cơ chệch hướng sẽ tăng lên, và
kinh tế sẽ sớm đi vào trì trệ, ách tắc.
Đương nhiên yêu cầu về thị trường nêu trên đòi hỏi phải có bộ máy hành
chính có năng lực, hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện và hệ thống
các chính sách điều hoà điều tiết đủ sức duy trì sự phát triển cân bằng
ổn định, bảo đảm phát triển phúc lợi xã hội. Mang danh là nhà nước xã
hội chủ nghĩa, nhà nước ta càng phải thực hiện tốt những đòi hỏi này.
Với tinh thần và nội dung vừa trình bày, chúng ta nên coi ba khâu công
tác nói trên (kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn cơ chế điều hành vĩ
mô, phát triển thị trường) là một tổng thể hữu cơ của nhiệm vụ tăng
cường năng lực quản lý nhà nước.
4. Xây dựng Đảng
Có thể nói dự thảo báo cáo đánh giá khá đầy đủ những ưu điểm lớn trong
nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng là xây dựng Đảng. Cần nhấn mạnh bản lĩnh của
Đảng ta trước hết thể hiện qua sự vững vàng trước những biến động sâu
sắc trên thế giới trong hai thập kỷ vừa qua và những thành tựu giành
được trong sự nghiệp đổi mới. Cần khẳng định điều này để tự tin, để nâng
cao hơn nữa ý chí cách mạng và tinh thần đổi mới.
Song chúng ta đang đứng trước thực tế là tính tiền phong chiến đấu của
đảng viên và của các tổ chức cơ sở của Đảng có nhiều mặt giảm sút, thậm
chí yếu kém. Nhiều đảng viên không còn vai trò gương mẫu, nhiều tổ chức
cơ sở Đảng chỉ hoạt động hình thức, hoặc tê liệt, thoái hoá. Quan hệ
giữa Đảng và dân ngày càng có nhiều vấn đề. Chỗ nào cũng có đảng viên,
song tình trạng bê bối, tiêu cực ở các ngành, các địa phương khá phổ
biến. Những hiện tượng này đang thách thức trực tiếp vai trò lãnh đạo
của Đảng.
Đại hội VIII cần đem lại một động lực mới thực sự thúc đẩy sự chỉnh đốn
và khả năng tự đổi mới của Đảng. Bên cạnh việc rèn luyện ý chí cách
mạng, cần đặc biệt phát huy dân chủ trong Đảng, để đẩy mạnh đấu tranh
chống những thoái hoá, để phát huy sức sống mới và trí tuệ mới của toàn
Đảng, đặc biệt là để có cơ sở vững chắc cho sự thống nhất ý chí và hành
động trong toàn Đảng và trong mọi cấp uỷ.
Dưới đây xin nêu lên một số vấn đề đáng lưu ý nhất trong nhiệm vụ xây
dựng Đảng : a) Xây dựng Đảng về đường lối Có thể nói đây là nhiệm vụ
hàng đầu. Có đường lối đúng sẽ có tất cả. Không nên tiếp tục cách suy
nghĩ chỉ đơn thuần quy mọi nhiệm vụ, mọi mục tiêu không thực hiện được
hoặc thực hiện không tốt cho việc thực hiện đường lối chưa tốt. Hơn thế
nữa, cách mạng Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, diễn ra
trong một bối cảnh quốc tế hoàn toàn thay đổi so với thời kỳ còn tồn tại
hệ thống xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng ta bắt buộc phải đề ra đường
lối mới thích hợp. Trước hết là dựa trên cơ sở nhận định tình hình mới,
Đảng ta cần xác định chính xác những nhiệm vụ phải thực hiện, tính toán
việc huy động lực lượng và tổ chức thực hiện, xác định những thách thức
phải vượt qua.
Thực ra chúng ta đã bắt đầu công việc này và đề ra đường lối đổi mới.
Sắp tới chúng ta phải tập trung nhiều công sức cho việc tạo ra động lực
phát triển từ bên trong của đất nước.
Vì lẽ đó, đổi mới chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng một đường lối
mới phù hợp. Trước mắt, có thể nói khái quát : mục tiêu chiến lược của
chúng ta là thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng
và văn minh.
Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ chiến lược ấy trong bối cảnh quốc tế
không có sự tồn tại của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa, nước ta phải
cọ xát, đương đầu, cạnh tranh với cả thế giới, nhưng đồng thời cũng có
cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế với cả thế giới, có điều kiện tạo ra tập
hợp lực lượng mới. Bên cạnh thách thức kinh tế rất gay gắt, nước ta phải
đương đầu với những thách thức quân sự và chính trị có lúc rất nhạy cảm
và tế nhị. Có thể nói, đặc điểm nổi bật là nước ta hiện nay phải một
mình đương đầu với tất cả, đồng thời cũng có khả năng tạo ra tập hợp lực
lượng bên ngoài hoàn toàn mới.
Để giành được thắng lợi, chúng ta phải huy động ở mức độ cao nhất sức
mạnh của toàn thể dân tộc ta và phải tập hợp được lực lượng rộng rãi
nhất trên trường quốc tế. Chỉ có như vậy nước ta mới tự bảo vệ được
mình, tranh thủ được thời gian và khả năng sớm vươn lên thành quốc gia
giàu mạnh. Chỉ có như vậy mới giữ được độc lập tự chủ, bảo vệ được toàn
vẹn lãnh thổ, thoát khỏi hiểm hoạ tụt hậu, bảo vệ được thành quả cách
mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vì những lẽ trên, động lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này là hun
đúc tinh thần quật khởi dân tộc và thực hiện mạnh mẽ dân chủ. Điều này
chẳng những không trái, mà còn là tiền đề không thể thiếu được cho thực
hiện định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó chính là thực tiễn cách
mạng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới.
Bây giờ nói độc lập gắn với chủ nghĩa xã hội là nói với nội dung như
vậy. Bởi vì, không tạo ra được thực lực này, sẽ không còn độc lập tự chủ
và cũng không có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết là đảng cầm
quyền, Đảng ta cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Đảng ta là lực
lượng chính trị có đủ tư cách nhất và uy tín cao nhất để làm tròn trọng
trách này, nhất thiết không để ai nắm lấy. Đảng ta chẳng những phải
phấn đấu vươn lên làm đội tiên phong của giai cấp, mà còn phải trở thành
bộ phận tinh hoa nhất, tiêu biểu cho trí tuệ, nghị lực và phẩm chất cao
quý của toàn thể dân tộc Việt Nam ta, bao gồm cả toàn thể cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài đang hướng về Tổ quốc. Phải chăng đấy chính
là một tư tưởng lớn, là nội dung cốt lõi của nhiệm vụ xây dựng Đảng mà
Đại hội VIII cần làm rõ, là kim chỉ nam xây dựng đường lối và mọi chủ
trương chính sách mới của Đảng.
b) Xây dựng Đảng về tổ chức
Có thể nói nhiệm vụ cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển
mới, với những đặc điểm mới như đã được trình bày trong những phân tích
nêu trên. Song tổ chức của Đảng về cơ bản vẫn giữ như thời chiến ! Đã
đến lúc cần xét xem những gì có thể duy trì và nâng cao thêm, những gì
cần cải tiến hay loại bỏ trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức cho phù
hợp với những nhiệm vụ và đòi hỏi mới.
– Ưu điểm cần phát huy là Đảng ta có một hệ thống tổ chức cách mạng,
chẳng những đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh, mà còn
đủ năng lực đưa đất nước vào thời kỳ đổi mới. Trên phương diện tổ chức,
chúng ta cần nghiên cứu sâu, tìm hiểu những nguyên nhân và yêu tố gì đã
giúp cho Đảng ta chuyển mình được, đổi mới tư duy, đổi mới phương thức
hoạt động đem lại những thành quả chẳng những tránh cho đất nước khỏi
sụp đổ trong cuộc khủng hoảng ác liệt vừa qua của hệ thống thế giới xã
hội chủ nghĩa, mà còn mở ra triển vọng chưa từng có của sự nghiệp phát
triển nước ta. Có thể nói, chúng ta chưa nghiêm túc làm tốt công việc
nghiên cứu, đúc kết những kinh nghiệm của vấn đề có ý nghĩa sống còn
này.
– Một vấn đề bức xúc khác đang đặt ra là : trong tình hình đòi hỏi phải
tăng cường nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, mở rộng dân
chủ để phát huy tối đa sự năng động của các thành phần kinh tế trong cơ
chế thị trường. Đảng ta cần được đổi mới và tăng cường về mặt tổ chức
như thế nào ? Chúng ta chưa nghiên cứu sâu vấn đề này. Có lẽ không thể
đơn thuần tiếp tục duy trì tổ chức và phương thức sinh hoạt các tổ chức
cơ sở Đảng như hiện nay, bởi vì đã xuất hiện tình trạng Đảng hầu như
không có mặt hoặc không thâm nhập sâu được vào nhiều hoạt động kinh tế
xã hội mới phát triển ; hoặc tác dụng kiểm tra nắm bắt của Đảng đối với
những hoạt động này rất yếu, chưa thoả đáng. Hiện nay, trong nông nghiệp
kinh tế hộ giữ vai trò chủ yếu, lực lượng kinh tế các thành phần ngoài
quốc doanh chiếm tới 60 % GDP, cơ chế thị trường còn nhiều mảng nằm
ngoài pháp luật, các hoạt động xã hội, văn hoá lành mạnh và không lành
mạnh, các hoạt động giao lưu với bên ngoài đang nở rộ. Vai trò và tác
dụng thực chất của Đảng đối với những phát triển này như thế nào ?
– Chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng
sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi một mặt phải tăng cường khả năng lãnh đạo
của Đảng, mặt khác phải tạo ra được cơ chế chính trị và mô trường xã
hội đủ sức ngăn chặn xu thế quan liêu, độc đoán, mất dân chủ, xu thế xem
thường và đứng trên pháp luật. Hơn thế nữa, vai trò lãnh đạo của Đảng
cần được tăng cường trên cơ sở mở rộng dân chủ trong đời sống kinh tế,
chính trị, văn hoá của toàn xã hội. Như vậy tổ chức và phương thức sinh
hoạt Đảng cần được cải tiến như thế nào cho phù hợp ? Mối quan hệ giữa
Đảng và nhà nước, giữa Đảng các đoàn thể nhân dân cần được thiết kế lại
như thế nào ?
Đảng ta là đảng cầm quyền với nghĩa lãnh đạo đất nước dựa trên quan điểm
cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, song nhất thiết không làm thay.
Một đòi hỏi rất khó phải thực hiện là : đảng viên và các tổ chức cơ sở
Đảng phải đi đầu trong việc giữ gìn trật tự kỷ cương, nhưng lại phải
biết phát huy sự năng động và khả năng sáng tạo của nhân dân theo định
hướng của Đảng. Đảng cần đặc biệt quan tâm nâng cao dân trí, giáo dục,
phát huy và bảo vệ quyền công dân để phát huy sức mạnh của cả nước. Đó
là sức mạnh của chính Đảng ta, là con đường tiếp tục duy trì và tăng
thêm ra sự chấp thuận tự nguyện với nhận thức sâu sắc nhất của toàn dân
đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta mà tình hình nhiệm vụ mới đòi hỏi,
đồng thời là một trong những yếu tố quan trọng bảo vệ Đảng.
Chúng ta thảo luận nhiều về nguyên tắc “ dân chủ tập trung ”, hoặc “ tập
trung dân chủ ”. Tôi đề nghị bỏ cách suy nghĩ rất công thức như vậy.
Nên chăng khẳng định lại một cách không thể hiểu lầm như sau : Để huy
động trí tuệ của toàn Đảng và bảo vệ sự trong sáng trong Đảng, cần phải
triệt để dân chủ, đồng thời để bảo đảm sức chiến đấu của Đảng, mọi đảng
viên phải tuyệt đối tuân theo điều lệ và phục tùng các nghị quyết của
Đảng. Tổ chức và phương thức sinh hoạt Đảng cần được đổi mới nhằm đáp
ứng tốt yêu cầu này. Trong thực tiễn hiện nay, Đảng ta đứng trước yêu
cầu phải đẩy mạnh đấu tranh chống các hiện tượng vô tổ chức, vô chính
phủ, cục bộ bản vị (đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế), đồng thời phải
nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc dân chủ trong Đảng.
Có thể nói công tác nghiên cứu đường lối chính sách, nghiên cứu tình
hình và con đường phát triển của đất nước, công tác bồi dưỡng đảng viên,
công tác tuyển chọn, bố trí cán bộ... của chúng ta hiện nay chưa đáp
ứng yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, nếu nhìn vào
lịch sử quá trình hình thành sự nghiệp đổi mới, chưa thể nói Đảng ta
thực sự đi tiên phong về mặt tư duy, đang đào tạo ra đủ và bố trí được
lực lượng cán bộ xuất sắc theo kịp đòi hỏi của đất nước ; cũng chưa thể
nói trình độ tư tưởng lý luận của tuyệt đại đa số đảng viên phù hợp với
những đòi hỏi mới của nhiệm vụ cách mạng. Tiếp tục công tác đào tạo và
bố trí cán bộ như hiện nay còn tăng thêm nguy cơ cục bộ, địa phương chủ
nghĩa và cát cứ, tăng thêm tính cơ hội, dựa dẫm hoặc nguy cơ bè phái
trong Đảng, khó làm bộc lộ và đào tạo nhân tài, khó tạo ra sinh lực mới
cho những đảng bộ hoặc tổ chức cơ sở đang yếu kém... Chúng ta phải nhìn
thẳng vào những mặt còn thiếu sót để tự chỉnh đốn, tự vươn lên.
Có thể kết luận, trên con đường đi lên đầy gian khổ và thử thách của đất
nước, phải chăng cái khó khăn nhất hiện nay là tình trạng trình độ,
phẩm chất cán bộ đảng viên chưa theo kịp sự phát triển của đất nước ?
Tình trạng bất cập với đòi hỏi của nhiệm vụ là nguy cơ lớn đối với Đảng.
Cần gấp rút sắp xếp, cải thiện lại các ban, viện của Đảng, đổi mới lại
tổ chức và phương thức sinh hoạt Đảng. Đặc biệt cần đẩy mạnh giáo dục
cho đảng viên chủ nghĩa yêu nước với nội dung sớm làm cho đất nước giàu
mạnh, cần nâng cao ý chí của đảng viên, phấn đấu thực hiện các mục tiêu
của Đảng, trau dồi những tri thức mới mà nhiệm vụ mới của Đảng đòi hỏi.
Hơn bao giờ hết, nâng cao năng lực lãnh đạo và phẩm chất cách mạng của
Đảng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chúng ta là hai nhân tố
quyết định nhất để nắm lấy thời cơ đang đến với đất nước.
Ngày 09/8/1995, cố Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã gửi một bức
thư cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khuyến nghị, cảnh báo và nêu
quan điểm về một số vấn đề được cho là có tầm chiến lược đối với Việt
Nam vào thời điểm đó.
Tròn 20 năm sau sự kiện này, trao đổi với BBC từ Hà Nội, bà Phạm Chi
Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời
các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhìn lại bối cảnh, ý nghĩa
của bức thư này và cho rằng tư tưởng trong bức thư 'Gửi Bộ chính trị"
của ông Võ Văn Kiệt vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.
Bà nói với BBC hôm 08/8/2015: "Tôi nghĩ cả bốn điểm cốt lõi trong thư
của ông Võ Văn Kiệt đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tế của nó.
"Mặc dù Việt Nam cũng đã phát triển nền kinh tế của mình theo
hướng thị trường, cũng theo đổi khá nhiều, nhưng Việt Nam cũng vẫn định
hướng cho mình là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa.
"Và do quan niệm theo xã hội chủ nghĩa đó cho nên trên thực tế nó đưa
Việt Nam tới tình trạng là 20 năm sau bức thư của ông Võ Văn Kiệt, 20
năm sau những cột mốc có thể tạo thay đổi cho Việt Nam thì Việt Nam cũng
vẫn có một nền kinh tế nửa thị trường, nửa nhà nước chỉ huy.
Do lý do này, theo bà Phạm Chi Lan, người cũng từng là Tổng Thư ký, Phó
Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, thì Việt Nam đã ở
một tình thế 'rất khó phát triển'.
Nhà quan sát và phân tích kinh tế, chính trị Việt Nam nói tiếp:
"Thậm chí trong thời gian gần đây lại còn có những động thái cho thấy
trên thực tế là Việt Nam lại quay trở lại theo hướng kinh tế nhà nước
nhiều hơn.
"Ví dụ như với việc phát triển một loạt tập đoàn kinh tế nhà nước, được
coi như những quả đấm thép, dồn rất nhiều nguồn lực nhà nước vào đó.
"Hoặc là vài năm gần đây trong khó khăn về kinh tế, thì lại quay trở lại
đầu tư công chiếm vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam,
thì nó không hoàn toàn theo định hướng đó, theo định hướng đúng đắn của
kinh tế thị trường, mà đáng lẽ Việt Nam cần phải hướng tới phát triển.
'Hướng đi không trúng'
Bức thư gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt 20 năm trước gây sự chú ý
như một sự kiện nổi bật, đánh động nhiều giới trong nước, trong đó có
nội bộ của Đảng Cộng sản, khi ông đặt ra một loạt vấn đề quan trọng như
thách thức và cơ hội trong bối cảnh cục diện thế giới 'ngày nay' vào
thời điểm đó.
Hay ông đã nêu vấn đề về năng lực quản lý nhà nước của Việt Nam khi đó
thế nào, các vấn đề về xây dựng, vị thế, vai trò của đảng và gợi mở cải
tổ đổi mới ra sao.
Đặc biệt ông cũng đặt vấn đề về quan điểm của ban lãnh đạo đảng cộng sản
Việt Nam, đặc biệt là Bộ Chính trị nên ra sao trước vấn đề có tính quan
điểm, đường lối được đặt ra khi đó là 'chệch hướng hay không chệch
hướng' sau gần mười năm Việt Nam tiến hành mở cửa tính từ cột mốc đại
hội đảng lần thứ VI (1986), cải cách kinh tế, nhưng có vẻ vẫn còn chậm
trễ, thu hẹp trong cải tổ thể chế, đổi mới chính trị, quan điểm, đường
lối, nhất là trong mở cửa và hội nhập quốc tế, khu vực.
Bà Phạm Chi Lan bình luận tiếp về ý nghĩa, giá trị và tính thời sự của bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
"Hay trong quan hệ hợp tác quốc tế cũng vậy, Việt Nam lẽ ra trong bối
cảnh đã là thành viên của Asean, đã thiết lập quan hệ với các đối tác
quan trọng ở các nước phương Tây trên thế giới như vậy, thì lẽ ra Việt
Nam đẩy tới theo hướng đó thì sẽ có thể có lợi hơn cho mình rất nhiều
trong phát triển.
"Thay vào đó trong những năm sau này Việt Nam lại trở thành càng ngày
càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những hướng đi đó, tôi nghĩ không
thật là trúng."
Về vấn đề 'xây dựng Đảng' mà ông Kiệt đã đề cập trong bức thư, nhà quan sát phân tích tiếp:
"Hay là việc xây dựng Đảng thì cũng vô cùng cần thiết. Bởi vì chính Đảng
Cộng sản Việt Nam là lực lượng đã lãnh đạo Việt Nam trong bao nhiêu
năm, trong thời gian chiến tranh, thì tất cả những công lao đóng góp của
Đảng Cộng sản thì cũng đều được ghi nhận.
"Hay là khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất
nước Việt Nam vào cuối năm 1986, thì cũng được tất cả người dân Việt Nam
đánh giá cao, cũng như cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ quá
trình đó.
"Thì đáng lẽ
ra nếu mà có thể theo tiếp hướng đó để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo
công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì sẽ hơn rất
nhiều, nhưng sau này cũng có những cái về vai trò của đảng thì tôi nghĩ
cũng vẫn phải hoạch định lại, để làm sao cho nó thực sự đóng vai trò
tiên phong hơn nữa trong công cuộc đổi mới của chính Việt Nam để vượt
lên."
'Phải thay đổi rất mạnh'
Đề cập tình hình, bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nhìn lại bức thư của
chính khách cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam hai thập niên về
trước, bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm:
"Chính lúc này là lúc mà Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức của
một giai đoạn phát triển mới khi mà Việt Nam đã tham ra được rất nhiều
các hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do) với các đối tác khác
nhau, tới đây còn được tham gia vào TPP (Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái
Bình Dương), khi mà TPP hoàn thiện.
"Thì với bước phát triển như vậy, nó đòi hỏi nhà nước Việt Nam,
Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi rất mạnh cách thức đối với Đảng là
lãnh đạo, đối với nhà nước là cách thức quản lý đất nước của mình thì
Việt Nam mới vượt lên được.
"Và trong những thách thức tới đây của Việt Nam thì thành thật mà nói,
khi tôi vẫn hay đi chia sẻ với các doanh nghiệp ở các nơi về thách thức
hội nhập hoặc thách thức cạnh tranh của Việt Nam, thì tôi lo nhất là
thách thức về cạnh tranh về mặt thể chế phát triển của Việt Nam, môi
trường kinh doanh của Việt Nam.
"Mà cái đó nằm trong tay nhà nước, nằm trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam," bà Chi Lan bình luận về bức thư của cố Thủ tướng Việt
Nam.
Ông Võ Văn Kiệt sinh năm 1922, qua đời năm 2008, là một trong các chính
khách hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới kinh tế của Đảng và
nhà nước Việt Nam, thường được nhắc đến là giai đoạn "Mở cửa".
Ông từng là Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8/1991 tới tháng 9/1997.
Trước đó, trong thời kỳ hậu cuộc chiến Việt Nam, ông còn nắm các chức vụ
như Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí
Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1982-1989).
Cho tới nay, ông vẫn được đánh giá là một trong các chính khách lãnh đạo
có đầu óc, tầm tư tưởng 'đổi mới và cấp tiến' hàng đầu trong số thành
viên của Ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam qua các thế hệ lãnh đạo,
chấp chính.
Trong bọn Việt cộng gộc, Võ Văn Kiệt mặt mũi
tương đối hiền lành nhất và có chút văn hóa học đường. Nhưng ông là một
quan cao đầu triều, tại sao phải đề nghị? Ông không phải là hạng dân
ngu cu đen, than thở sinh bất phùng thời, có tài mà không có đất dụng
võ! Ông có tất cả may mắn trong đời , quyền cao chức trọng, cờ đến tay
sao không phất? Ông nắm quyền Thủ tướng, sao không làm theo ý nguyện tốt
lành của ông, đợi đến khi gần xuống lỗ mới phê bình đảng, xin xỏ, đề
nghị? Ông muốn tỏ ra ông thông minh hơn bọn kia ư? Nếu ông nắm quyền mà
không làm được thì bọn kia cũng thế thôi, rằng thi mà là đủ lý do cao
cả! Cái chủ thuyết cộng sản chỉ làm hại dân, hại nước. Muốn xây dựng
đất nước, phải diệt cộng sản. Như một cái nhà bị mối mọt ruồng đục, phải
phá đi xây lại nhà khác. Lấy nylon che mưa, lấy thau chậu hứng nước,
chẳng ích gì. Nay mai, một cơn gió thổi đến, ngôi nhà sụp xuống sẽ gây
kẻ chết, người bị thương, chăn màn, bàn ghế bị hư hại. Gorbachev, Đàng
Tiểu Bình đã phá hủy tòan bộ hoặc một phần chủ nghĩa Marx, ông không
biết sao? Như vậy, đề nghị, kêu van là vô ich! Đã bất tài, đã ăn xôi
chùa ngọng miệng thì im miệng đi, còn múa may chi nữa cho thêm xấu hổ
cho ông vá cái đảng bất tài và sâu bọ của ông?
Trong Cộng đảng cũng có lắm anh hùng như
Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Phùng Cung, Trần Độ, Trần
Xuân Bách, Nguyễn Kiến Giang, Vi Đức Hồi ...can đảm lên tiếng đòi dân
chủ. Một số thận trọng và muộn màng như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải,
Nguyễn Đình Thi, Võ Nguyên Giáp ...chờ gần chết mới mở miệng!. Cũng
đáng tội vì nói sớm thì bị tu đày, trù dập, nhất là mất sổ gạo! Gần
chết rồi thì đất trời giải phóng mặc sức tung hê!
Một số con người
giống nhau. Thời VNCH, Vũ Quốc Thúc làm bộ trưởng Kinh tế, được người
Mỹ giao cho kế hoach nọ kế hoạch kia, nhưng tất cả chỉ là số không,
chẳng ich lợi gì cho dân Miền Nam. Đến khi bị về vườn, người khác lên
thay, ông lại lên tiếng phê bình nọ kia, dề nghị thế này, thế khác. Tại
sao lúc cầm quyền thì ông không làm? Mất chức rồi thì làm tài hay?
Có phải lão hóa là sự xuống dốc không tránh khỏi, hay là còn có những
lợi thế không ngờ khi ta già đi? Tác giả David Robson cho biết thêm.
Đã bao giờ bạn lo rằng đỉnh điểm của cuộc sống của bạn đã qua rồi không?
và nó cũng chẳng buồn báo cho bạn biết khi nó vụt qua không?
Người ta nói rằng cuộc sống bắt đầu vào tuổi 40, hoặc nói rằng 60 là
tuổi 50 mới, nhưng sự thật là như thế nào? Tuổi phong độ nhất là bao
nhiêu?
Để hiểu được, BBC Future đã rà soát các tài liệu y học xem xét mọi thứ,
từ trí nhớ đến khuynh hướng dục tính đã thay đổi như thế nào trong suốt
cuộc đời. Và chúng tôi ngạc nhiên một cách thích thú với kết quả tìm
được.
Hãy xem xét về mặt thể lực.
Đối
với những hoạt động yêu cầu một sự bùng phát năng lượng ngắn hạn và đột
ngột, thí dụ như chạy đua 100m, ném tạ, hoặc ném lao, thì tuổi để nổ
phát súng tranh tài là khoảng tuổi 25 của bạn, bởi vì sau đó sức sẽ
xuống nhanh. Các cầu thủ bóng đá đạt đỉnh cao thậm chí khi còn trẻ hơn
thế.
Một số môn thể thao lại thích ứng với tuổi cao hơn.
Những vận động viên nhiều tuổi hơn lại giỏi trong các môn cần sức “siêu
bền” như môn đua xe 100 Km hoặc 1000 Km, marathon. Ngay cả sau tuổi 30
và 40 thì độ bền bỉ cũng chỉ giảm chậm.
Thí dụ Sunny McKee mừng sinh nhật lần thứ 61 bằng cách tham gia thi Ba
Môn Phối Hợp có tên gọi Ironman, bao gồm đạp xe 180 Km (112 dặm) kết hợp
với marathon và bơi 4 Km (2,5 dặm). Quả thực nhiều vận động viên lại mê
các môn thể thao mang tính hành hạ này đến mức họ chơi ngay cả khi đã
trên 70.
Thoạt đầu nhiều người cho rằng khó có triển vọng.
Khi
bạn qua tuổi “đầu 2” thì khả năng ghi nhớ những sự kiện mới của bạn đã
qua thời hoàng kim. Thực tế khả năng này không còn tốt ngay cả ở thời
gian bạn rời ghế nhà trường.
Khả năng lưu giữ thông tin trong bộ nhớ “tạm”, giống như một tuần rượu ở
quán, còn duy trì được một thời gian nữa nhưng rồi cũng giảm đều đặn
vào tuổi 40-50.
Bạn đạt đỉnh cao của sáng tạo khi còn trẻ
Thậm chí đáng buồn hơn là có thể bạn đã qua điểm tột đỉnh của khả năng
sáng tạo (phần lớn những phát minh được giải Nobel được nghĩ ra khi ở
tuổi khoảng 40) và chất xám, là mối liên kết dài vô cùng tạo nên siêu lộ
thông tin trong não, cũng có xu thế bắt đầu suy thoái dần. Điều này có
thể làm cho não chậm hơn cho mọi thứ.
Tuy nhiên vẫn còn một cơ may.
Các khả năng trí óc của ta tăng và giảm theo làn sóng
Mặc
dù thực tế có thể cần nhiều thời gian hơn để bộc lộ ra, các kỹ năng
khác vẫn tiếp tục phát triển, thí dụ như về đọc hiểu và toán tiếp tục
hoàn thiện ở tuổi trung niên.
Lập luận xã hội, tức khả năng chèo chống tìm đường qua sự phức tạp của quan hệ con người, đạt tới đỉnh cao thậm chí mãi sau này.
Nói một cách khác, khả năng trí óc của ta tăng và giảm theo làn sóng,
khi một đỉnh sóng vừa đi qua thì một đỉnh sóng khác sắp tới.
“Không có một tuổi nào mà chúng ta lại giỏi về mọi thứ, hoặc về hầu hết
mọi thứ,” Josh Hartshorne nói vậy tại Đại Học Harvard. Ông là người thực
hiện đa phần nghiên cứu này.
Thậm chí có thể có mặt lợi thế của việc giảm thích thú tình dục.
30% những người khỏe mạnh từ 65 đến 74 quan hệ tình dục một tuần một lần.
Nếu tin ở chương trình TV khôi hài hàng tuần và các phim ảnh thì lớp người trên 20 và trên 30 đang độ ăn chơi trác táng.
Thực tế nhu cầu tình dục cũng như hoạt động tình dục đều không giảm
nhanh cho mãi tới độ tuổi từ 50 tới 60. Và ngay cả khi đó, sự giảm sút
cũng còn lâu mới xảy ra nhanh.
Theo một nghiên cứu về “tuổi hoạt động tình dục tích cực” thì đàn ông 55
tuổi còn có thể hoạt động tình dục tương đối thường xuyên khoảng 15 năm
nữa; đàn bà vào tuổi đó còn khoảng hơn 10 năm một chút.
Sự giao hợp có thể không hoàn toàn đều đặn và mạnh mẽ như ngày xưa, song
theo nghiên cứu này thì 30% người khỏe mạnh tuổi từ 65 đến 74 vẫn còn
thích quan hệ tình dục ít nhất một tuần một lần.
Cần nói hơn nữa là việc giảm nhu cầu tình dục có thể lại có các bù trừ
khác, ngay sau khi thú tình dục giảm sút thì sự say mê cuộc sống lại
tăng lên.
Điều này như là một nghịch lý do sự than phiền về sưc khỏe đến cùng với
tuổi già, nhưng nó lại được dịu bớt phần nào do ta cuối cùng biết được
cách cân đối tình cảm trải nghiệm qua những xáo trộn của những thập niên
trước đó.
Thần dược để trẻ lâu là gì?
Vậy chúng ta có được cái gì từ những phát hiện đó?
Nói trắng ra, ta có thể kết luận là ta ở đỉnh cao của tình dục ở tuổi
20-30, ở đỉnh cao của sức khỏe ở tuổi 30-40, ở đỉnh cao của trí tuệ ở
tuổi 40-60 và ở đỉnh cao của sự sung sướng nhất ở tuổi 60-70. Thế nhưng
đó chỉ là tuổi trung bình, do vậy quỹ đạo đời riêng bạn có thể khác.
Có lẽ quan trọng hơn là sự thừa nhận chung rằng từng tuổi được chia
những phần bằng nhau về cái thịnh và suy; tức là không có tuổi đỉnh cao
của cuộc đời.
Bí quyết của việc đạt tột đỉnh muộn? Rất tiếc là phải cố gắng
Điều lạc quan hơn là một số cạm bẫy ít đáng ngại nhất lại không đến mức không tránh khỏi như ta tưởng.
Thể dục, đặc biệt, không những chỉ bảo đảm sức khỏe lâu dài hơn và chống
được một số bệnh của tuổi già như tiểu đường hay ung thư, mà nó cũng
tăng cường trí nhớ.
Những người khỏe mạnh cũng hưởng thêm khoảng 5 năm hoạt động tình dục
vào thời gian cuối đời. Nó thực sự là thứ thuốc gần nhất với thuốc tiên
để trẻ lâu.
Các nhà tâm lý học thấy rằng tình trạng tinh thần có thể đóng vai trò lớn hơn ta tưởng.
Một số người cho biết họ cảm thấy trẻ hơn tuổi, một quan điểm trẻ trung
làm cho họ năng động hơn và vì vậy sống lâu hơn. Nói khác đi, một số hạn
chế có thể do tự mình đặt ra hơn là một sản phẩm không tránh khỏi của
cơ thể do lão hóa.
Không gì có thể giúp ta đảo ngược quá trình già dần. Nhưng nếu định vị
được quá trình tiến triển của nó và chấp nhận những điểm mạnh điểm yếu
thì chúng ta ít nhất cũng trải nghiệm nó như một hành trình kỳ thú. Một
đỉnh cao nữa có thể đang chờ ta đó.
No comments:
Post a Comment