Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 27 September 2018

BS.NGUYỄN Ý ĐỨC* SỰ TIÊU HÓA THỨC ĂN


BS.NGUYỄN Ý ĐỨC* SỰ TIÊU HÓA THỨC ĂN



Thực phẩm mà con người tiêu thụ đều là những hợp chất phức tạp. Chúng cần được cơ thể phân hóa thành những chất đơn giản hơn để ruột có thể hấp thụ rồi đưa vào máu chuyển tới các tế bào. Ở tế bào, chúng sẽ cung cấp năng lượng và vật liệu thích hợp để duy trì sự sống.

Tiến trình này bao gồm sự tiêu hóa, sự hấp thụ và sự chuyển hóa thực phẩm.
Sự tiêu hóa là quá trình phân hóa thực phẩm thành dạng mà tế bào có thể hấp thụ và đồng hóa được.
Sự hấp thụ là quá trình đưa chất dinh dưỡng từ bộ máy tiêu hóa sang hệ tuần hoàn, để rồi từ đó được phân phối tới các tế bào hoặc dự trữ trong cơ thể.
Sự chuyển hóa là quá trình chuyển các chất dinh dưỡng đã được tiêu hóa thành năng lượng và vật liệu để cấu tạo tế bào.
Sự tiêu hóa thức ăn chấm dứt khi những chất bã của thực phẩm sau tiến trình tiêu hóa được đưa ra khỏi cơ thể.
Bộ máy tiêu hóa 
Nói một cách tổng quát, bộ máy tiêu hóa có nhiệm vụ tiếp nhận thực phẩm và làm thay đổi cấu trúc thực phẩm về cả hai mặt vật lý và hóa học, sao cho thực phẩm trở thành những dạng mà cơ thể sử dụng được.
Sự thay đổi cấu trúc vật lý được thực hiện chủ yếu ở miệng nhờ vào hoạt động phối hợp của răng, miệng và lưỡi. Trong khi đó, sự thay đổi cấu trúc hóa học được thực hiện nhờ vào tác dụng của các diếu tố (enzym), môi trường acid, mật và nhiều chất hóa hoc khác.
Diếu tố là những hợp chất đạm có khả năng làm thay đổi tính chất hóa học của một chất khác trong khi bản thân nó không thay đổi. Có nhiều loại diếu tố, mỗi loại có tác dụng với một chất dinh dưỡng nhất định. Chẳng hạn, loại diếu tố chuyển hóa chất đạm thì không có tác dụng gì với tinh bột, đường. Diếu tố được tiết ra từ bốn cơ quan chủ yếu là các tuyến nước miếng trong miệng, dạ dày, tụy tạng và ruột non.
Bộ máy tiêu hóa là một ống chạy dài từ miệng xuống hậu môn, dài khoảng 8 mét. Khởi đầu từ miệng, tiếp đến là thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Dọc theo ống là các bộ phận hỗ trợ tiết ra dịch tiêu hóa như tuyến nước bọt, túi mật, gan, tụy tạng.
Như vậy, lần lượt, thực phẩm sẽ đi qua các bộ phận sau đây:
1-Miệng: Có ba chức năng chính là tiếp nhận thực phẩm, nhai thực phẩm cho nhuyễn nhỏ và khởi sự việc tiêu hóa tinh bột.
Nước miếng giữ vai trò quan trọng trong các chức năng của miệng. Nước miếng được tiết ra từ ba đôi tuyến nước miếng trong miệng, tổng cộng mỗi ngày khoảng 1.5 lít.
Trong nước miếng có diếu tố amylase có tác dụng phân hóa carbohydrat. Nước miếng còn chứa mucin tạo thành độ nhớt của nước miếng, làm các phần tử thực phẩm sau khi nhai sẽ quyện lại với nhau thành cục và trơn, dễ nuốt. Ngoài ra nước miếng còn có khả năng bảo vệ niêm mạc miệng và tiêu diệt một số vi khuẩn có thể gây nhiễm độc cho răng, miệng.
Răng và lưỡi có vai trò rất quan trọng ở giai đoạn này. Răng giúp nhai nghiền thực phẩm. Lưỡi đưa đẩy, nhào trộn thức ăn để giúp răng nhai nghiền tốt. Các nụ vị giác của lưỡi giúp phân biệt vị thức ăn và góp phần tạo ra sự kích thích quá trình tiêu hóa. Chuyển động của lưỡi cũng tạo thành phản xạ nuốt thức ăn xuống thực quản sau khi đã được nhai nhuyễn.
2-Thực quản: Là một ống có chức năng chuyển thực phẩm và nước uống xuống bao tử mà không tham dự vào sự tiêu hóa. Trong thực quản, thực phẩm được di chuyển nhờ các sóng nhu động (peristalsis) tạo ra bởi sự co bóp luân phiên nhịp nhàng của các cơ thành thực quản từ trên xuống dưới. Thực quản có chiều dài khoảng 25 cm.
3-Bao tử: Là nơi tiêu hóa thức ăn nhưng cũng là nơi dự trữ thức ăn tạm thời. Nhờ có vai trò dự trữ này nên chúng ta chỉ cần ăn mỗi ngày ba lần, cho dù cơ thể liên tục cần được cung cấp dinh dưỡng.
Các tế bào riêng biệt trong bao tử tiết ra nhiều hóa chất khác nhau nhưng hòa lẫn với nhau gọi là dịch vị bao tử. Thành phần chính của dịch vị bao tử là:
-Acid hydrochloric, một acid rất mạnh có thể làm mềm các mô liên kết của thức ăn và để tiêu diệt vi sinh vật có hại.
-Diếu tố pepsin, một loại men có tác dụng phân hóa chất đạm.
-Yếu tố nội tại glycoprotein cần thiết cho sự hấp thụ sinh tố B12.
-Ngoài ra còn có lipase giúp phân hóa chất béo thành acid béo và glycerol; gastrin giúp nhồi thức ăn thành khối chất nhão; chất nhờn mucous để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nếu không có chất nhờn, acid sẽ ăn mòn niêm mạc, đưa đến loét bao tử.
Mỗi ngày có chừng 2,000 tới 2,500 phân khối dịch vị bao tử được tiết ra.
 Thời gian lưu lại trong bao tử của mỗi loại thực phẩm không giống nhau, thường là từ 1 đến 4 giờ. Các thực phẩm thuộc nhóm carbohydrates (tinh bột, đường) có thời gian lưu lại bao tử ngắn nhất, tiếp đến là nhóm các protein (chất đạm) và lâu nhất là nhóm lipid (chất béo). Ngoài ra, thức ăn lỏng cũng tiêu hóa mau hơn thức ăn đặc. Nước uống hầu như chỉ lướt qua bao tử để xuống ruột.
Ở đoạn nối thực quản với bao tử có cơ vòng tâm vị để ngăn thực phẩm đã vào bao tử không đi ngược lên thực quản. Ở đoạn nối giữa bao tử với tá tràng có cơ vòng môn vị để ngăn thực phẩm đã chuyển vào tá tràng (duodenum) không đi ngược vào bao tử.
4-Ruột non: Có chiều dài kéo thẳng ra đến khoảng 6 mét, là bộ phận dài nhất của bộ máy tiêu hóa. Tuy nhiên, do các nếp gấp của ruột nên ruột một người còn sống chỉ đo được khoảng 3 mét. Đoạn đầu của ruột non là tá tràng, dài 25 cm, là nơi mà từ 90% đến 95% thực phẩm được hấp thụ.
Ruột non tiếp nhận thực phẩm ở dạng đang được chuyển biến. Tế bào ruột non tiết ra nhiều diếu tố để phân hóa chất đạm và tinh bột. Riêng các chất béo được chuyển hóa nhờ có mật từ gan đưa vào. Các diếu tố khác như trypsin, chymotrypsin, lipase, amylase, nuclease từ tụy tạng cũng được đưa vào ruột non để hỗ trợ sự chuyển hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Trung bình, quá trình sự tiêu hóa ở ruột non kéo dài khoảng từ 3 tới 10 giờ.
5- Ruột già: Dài khoảng 1.5 mét, là nơi hấp thụ nước, muối khoáng và một số sinh tố. Các sinh tố được vi sinh vật sản xuất tại ruột già gồm có sinh tố K, sinh tố B12, sinh tố B1 (thiamine), sinh tố B2 (riboflavine).
Ruột già và trực tràng không tiết ra diếu tố, không tham dự trực tiếp vào việc phân hóa thực phẩm mà chỉ hút giữ nước và các chất điện phân. Đây cũng là nơi lưu giữ chất bã trước khi thải ra khỏi cơ thể.
Thành phần của phân có khoảng 75% nước, 25% chất đặc. Trong chất đặc có khoảng 35% là xác của vi sinh vật, 20% tới 40% là chất vô cơ và mỡ, 2% đến 3% là chất đạm. Phần còn lại là chất xơ, tế bào chết, mật….
6-Gan: Là cơ quan hỗ trợ cho sự tiêu hóa thức ăn và có nhiều vai trò rất quan trọng.
Gan chuyển hóa các chất dinh dưỡng, làm thay đổi cấu trúc hóa học của chúng thành những chất thích hợp hơn để tế bào có thể sử dụng. Một số chất dinh dưỡng sau khi được chuyển hóa được chính gan sử dụng, một số khác được dự trữ ở gan để chuyển sang máu khi cơ thể có nhu cầu.
Một cách cụ thể, gan có các nhiệm vụ sau đây:
a) Dự trữ đường đơn glucose dưới dạng glycogen. Khi mức độ đường trong máu xuống thấp hơn mức bình thường thì tế bào gan chuyển glycogen trở lại thành glucose và đưa vào máu.
b) Tổng hợp lượng đạm thừa mà cơ thể không hấp thụ được thành dạng ure. Ure sẽ được chuyển sang máu và thận sẽ bài tiết ra ngoài theo nước tiểu.
c) Tổng hợp các protein huyết tương như albumin, globulin và các yếu tố làm đông máu.
d) Chuyển hóa chất đạm, carbohydrates và chất béo, khiến chúng được các tế bào sử dụng hữu hiệu hơn.
e) Sản xuất mật, rất cần thiết cho sự chuyển hóa chất béo. Mật được chứa trong túi mật và được chuyển sang ruột tá khi cần, như để tiêu hóa chất béo.
f) Tham gia quá trình tạo hồng cầu mới qua việc sản xuất globin, một trong hai yếu tố tạo thành huyết cầu tố (hemoglobin).
g) Hủy hoại các hồng huyết cầu già nua, chuyển hòa hemoglobin thành bilirubin rồi thải ra trong phân.
h) Giải độc cho cơ thể bằng cách phân hủy, vô hiệu hóa một số chất có hại, chẳng hạn như lượng cồn trong máu (alcohol) và một số chất độc có trong các loại thuốc trị bệnh.
i) Dự trữ một số sinh tố và khoáng chất (sắt…).
7-Tụy tạng: Tiết ra một số diêu tố như lipase để tiêu hóa chất béo; amylase để chuyển hóa tinh bột thành đường; trypsin để phân hóa protein thành những phần tử amino acid có cấu trúc đơn giản hơn.
Trong điều kiện bình thường thì từ 92% tới 97% thực phẩm ăn vào được tiêu hóa và hấp thụ. Nước, sinh tố, khoáng đường đơn (monosaccharides), rượu được hấp thụ trong tình trạng nguyên thủy. Đường đa, chất béo, đạm đều được chuyển sang dạng giản dị hơn để dễ hấp thụ.
Diễn tiến sự tiêu hóa các chất dinh dưỡng 
1-Carbohydrates: Sự tiêu hóa bắt đầu từ miệng, với diếu tố amylase của nước miếng. Tinh bột được chuyển hóa thành dextrine và maltose.
Ở bao tử, diếu tố amylase tiếp tục chuyển tinh bột thành phân tử đơn giản hơn, nhưng sự tiêu hóa ở trong ruột non mới đáng kể.
Ở tá tràng, dưới tác dụng của amylase từ tụy tạng, tinh bột chuyển thành dextrin, maltose, rồi diếu tố maltase ở ruột chuyển maltose ra glucose.
Glucose và các đường fructose, lactose theo các mạch máu nhỏ ở ruột vào động mạch rồi được đưa đến gan. Một số glucose từ gan được chuyển tới tế bào, một số được dự trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Các đường fructose và lactose cuối cùng cũng chuyển hóa thành đường glucose.
Một số carbohydrates như chất xơ, cellulose không được tiêu hóa và được thải ra theo phân. Động vật nhai lại có thể tiêu hóa cellulose, chất xơ nhờ tác dụng của vi khuẩn trong bộ máy tiêu hóa của chúng.
2-Chất đạm: Bao tử là chặng đầu tiên tiêu hóa chất đạm, nhưng chỉ tiêu hóa được một phần rất ít. Đa số chất đạm được tiêu hóa ở tá tràng. Dưới tác dụng của diếu tố trypsin từ tụy tạng, chất đạm được biến đổi thành các phân tử amino acid rồi theo đường máu đến gan và được dự trữ trong gan. Hầu hết chất đạm tiêu thụ đều được hấp thụ ở ruột non, chỉ có khoảng 1% thất thoát ra ngoài trong phân.
3-Chất béo: Cũng như chất đạm, hầu hết chất béo đều được tiêu hóa ở ruột non, nhất là trực tràng dưới tác dụng của diêu tố lipase từ bao tử và tụy tạng. Sau khi tiêu hóa, chất béo được chuyển sang máu dưới dạng acid béo và cholesterol. Dịch mật từ gan cũng góp phần quan trọng trong quá trình tiêu hóa chất béo.
4-Các chất dinh dưỡng khác: Sinh tố, khoáng và nước được hấp thụ ở ruột. Mỗi ngày có khoảng 8 lít nước được thẩm thấu qua lại từ ruột để giữ cho chất dinh dưỡng ở trong tình trạng dung dịch loãng. Sinh tố cũng được hấp thụ nguyên dạng từ ruột. Sự hấp thụ của khoáng phức tạp hơn qua sự chuyên chở chọn lọc của các protein và albumin.
Sự hấp thụ 
Sự hấp thụ là quá trình trong đó các chất dinh dưỡng đã tiêu hóa được ruột non hấp thụ và chuyển sang máu để đưa vào tế bào. Chất dinh dưỡng gồm có glucose từ carbohydrates, amino acid từ chất đạm, acid béo và glycerols từ chất béo.
Sự chuyển hóa 
Chuyển hóa là quá trình hóa học trong đó chất dinh dưỡng được biến đổi sang các vật liệu để cấu tạo, nuôi dưỡng tế bào và sản xuất năng lượng cho các nhu cầu của cơ thể.
Thành phần dinh dưỡng chủ yếu trong thức ăn gồm có các nhóm chất đạm, chất béo và carbohydrat. Mỗi nhóm có chức năng khác nhau trong việc nuôi dưỡng cơ thể nhưng tất cả đều cho năng lượng. Sinh tố, muối khoáng và nước không cho năng lượng nhưng lại cần thiết cho sự chuyển hóa.
Ngoài năng lượng, sự chuyển hóa cũng tạo những cặn bã không tốt cho cơ thể và cần được thải ra ngoài.
Sự chuyển hóa diễn ra cùng một lúc dưới hai hình thức:
a) Dị hóa (catabolism): Chất dinh dưỡng hữu cơ được đốt cháy để cho năng lượng.
b) Đồng hóa (anabolism): Các phản ứng hóa học chuyển đổi chất dinh dưỡng thành các vật liệu nuôi dưỡng, cấu tạo tế bào và các chất hóa học khác như kích thích tố, diếu tố, máu…
Những yếu tố ảnh hưởng tới sự tiêu hóa 
1-Yếu tố tâm lý: Chỉ với sự nhìn thấy món ăn, ngửi thấy mùi thơm hoặc nghĩ tới một món ăn hấp dẫn cũng đủ làm cho dịch vị bao tử và nước miếng tiết ra rất nhiều để sẵn sàng cho sự tiêu hóa. Đồng thời các cơ ở bao tử và ruột cũng co bóp liên hồi để sẵn sàng nhào bóp nhuyễn nát thực phẩm.
Ngược lại những cảm giác lo sợ, buồn rầu lại khiến hypothalamus trên não bộ bị kích thích và làm giảm tiết dịch vị tiêu hóa cũng như giảm sự co bóp ruột, bao tử. Khả năng tiêu hóa do đó bị giảm sút.
2-Ảnh hưởng của hệ thần kinh: Khi kích thần kinh giao cảm, thì sự tiêu hóa chậm lại vì giãn mạch ngoại vi làm cho lượng máu được đưa đến nhiều hơn. Thí dụ như sau khi ăn mà lao động cơ thể ngay thì máu sẽ được chuyển ra cơ bắp nhiều hơn là cho bao tử. Ngược lại, khi kích thích thần kinh phó giao cảm thì hoạt động tiêu hóa gia tăng.
3-Ảnh hưởng của kích thích tố: Ngoài các hóa chất do hệ tiêu hóa, một số hóa chất khác cũng ảnh hưởng tới việc biến hóa thực phẩm thành năng lượng. Kích thích tố từ tuyến giáp tăng sự chuyển động của ruột; glucocorticoid của tuyến thượng thận làm tăng dịch vị bao tử, trong khi epinephrine của tuyến này lại làm giảm dịch vị bao tử.
4-Tác dụng của vi sinh vật: Trong bộ máy tiêu hóa, nhất là ở ruột non và ruột già, có cả trăm loại vi sinh vật khác nhau. Ở trẻ sơ sinh, các vi sinh vật này chưa có, nhưng khi lớn lên, trong quá trình ăn uống, vi sinh vật bắt đầu xuất hiện. Nhiều nhất là loại Lactobaccillus, rồi dến Escherichia coli, Bacteroides. Bao tử ít có vi sinh vật vì nơi đây có nhiều acid hydrochloric.
Các vi sinh vật ở ruột có ảnh hưởng tới sự tiêu hóa và tạo ra một số chất khí như hydrogen, oxygen, carbon dioxide, amonium, methane và một số chất có hại như indole, phenol và làm cho phân có mùi hôi.
5-Tác dụng của nấu nướng, chế biến thực phẩm: Nói chung, thực phẩm được nấu kỹ thì dễ được tiêu hóa hơn thực phẩm sống hay chưa chín. Vì khi nấu, độ nóng làm cho các mô liên kết của thực phẩm tách rời nhau, khiến việc nhai thực phẩm dễ dàng và các dịch vị cũng dễ tác dụng.
6-Các yếu tố khác: Thực phẩm nhiều chất béo và đạm cần thời gian lâu hơn để tiêu hóa. Thức ăn lỏng cũng dễ tiêu hóa hơn đặc. Ăn làm nhiều bữa nhỏ cũng dễ tiêu hơn là cùng lúc ăn một bữa quá đầy bụng. (Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức)

Saturday, December 2, 2017

OBOR K Ế HOẠCH BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUÔC



OBOR, KẾ HOẠCH BÀNH TRƯỚNG  CỦA TRUNG QUÔC



Chủ Tịch Tập Cận Bình gặp thủ tướng Hungary trước ngày nhóm họp hội nghị “Một vành đai, một con đường.” (Hình minh họa: Jason Lee - Pool/Getty Images)


Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch đại quy mô để chinh phục thế giới nhằm thay thế vai trò cường quốc số một của Hoa Kỳ và giải quyết những khó khăn nội bộ. Kế hoạch gọi là “Cuộc chạy đua 100 năm” (The Hundred-Years Marathon) chính giới Tây Phương đều biết, nhưng không ai đề cập tới vì sợ dư luận lo sợ...


“One Belt, One Road”
Tuần báo Pháp, trong số đặc biệt về tham vọng đế quốc của Trung Quốc (1), nói về những chương trình vĩ đại của quốc gia này.. Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên, vì kẹt giữa hai lộ trình của Trung Quốc, mệnh danh là kế hoạch Obor, “One Belt, One Road (Một Vành Ðai, Một Ðại Lộ). Ðại lộ: “con đường tơ lụa” (route de la soie), chạy từ Trung Quốc, qua Lào, sát nách Việt Nam, Pakistan tới tận Âu Châu. Vành đai: con đường hàng hải từ Biển Ðông qua Ấn Ðộ Dương, dẫn tới các hải cảng Á Châu và Phi Châu.

Kế hoạch Obor sẽ củng cố thế lực chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Biển Ðông kiểm soát 1/3 giao thương thế giới, cũng là nguồn tài nguyên vô giá về dầu lửa, dầu khí, hải sản. Con đường tơ lụa bảo đảm việc chuyên chở hang hóa tới các thị trường Á, Âu và Phi Châu.

Chỉ riêng việc thực hiện con đường tơ lụa (xẻ núi, đốn rừng, làm đường và hệ thống xe lửa), ông Tập Cận Bình quyết định dành một ngân khoản… $124 tỷ, kể cả ngân khoản để mua chuộc chính quyền địa phương. Một phần lãnh thổ Lào đã bị chính quyền thối nát Vientiane, trong tay đảng duy nhất, đảng Cộng Sản nổi tiếng tham nhũng Pathet Lào, bán cho Trung Quốc.


Boten, Trung Quốc trên xứ Lào
Ký giả Sébastien Faletti của Le Point mô tả hành động xâm lấn ngang ngược của người Hoa ở Boten, một thị trấn nghèo của Lào, nằm giữa Hứa Nam (Yunnan) và Vientiane, đã cho Trung Quốc thuê 99 năm (nghĩa là bán đứng cho Trung Quốc).


Boten ngày nay người ta nói tiếng Hoa, sống kiểu người Hoa, 85% trên 3,000 dân đến từ Trung Quốc. Duan Yenping nói: “Chúng tôi đã đuổi người Lào. Họ quá chậm chạp, và không có khả năng.. Trong vòng ba năm nữa, sẽ có 30,000 người Trung Quốc tới cư ngụ, và sau đó là 100,000.” Duan Yenping là nữ giám đốc tiếp thị của công ty địa ốc Heifeng Group. Heifeng được trao nhiệm vụ biến Boten thành một đô thị tân tiến của Trung Quốc. Một dự án vĩ đại trên 34 km2. “Chúng tôi sẽ san bằng bảy ngọn đồi để có thêm 10,000 héc ta đất. Sẽ có một trung tâm thương mại, với những cửa hàng miễn thuế, một trường sinh ngữ, khách sạn 10,000 phòng ngủ để đón khách Trung Quốc.” Chưa kể một trường đua ngựa 500 héc ta, lớn nhất Á Châu.


Boten sẽ là chặng đầu tiên trên con đường lụa, gồm hai hệ thống lưu thông. Thứ nhất là đường xe lửa từ Bắc Kinh tới Bangkok, sau đó, từ 2025, tới Singapore. Thứ hai là đại lộ từ Trung Quốc xuyên qua Lào, tới thủ đô Bangkok của Thái Lan. Mục tiêu của con đường tơ lụa, theo Jean Pierre Cabestan, giáo sư đại học tại Hồng Kông, là biến kinh tế thương mại Trung Quốc thành trung tâm vũ trụ. Duan Wenping giải thích: “Obor là dự án tối cần, không có Obor, vấn đề thặng dư sản xuất của Trung Quốc sẽ cực kỳ nan giải.”

Trung Quốc đang ngày đêm xẻ núi, phá rừng làm đường xe lửa trên đất Lào, qua những thỏa ước chỉ dành cho Lào một chút cơm thừa, canh cặn: Trung Quốc sẽ nhận 70% lợi tức của hệ thống xe lửa, công nhân và kỹ thuật hoàn toàn đến từ Trung Quốc, được quyền định cư dọc đường sắt. Những điều kiện quá đáng như dưới chế độ thuộc địa khiến Thủ Tướng Ấn Ðộ Narenda Modi lo ngại chủ quyền của các quốc gia liên hệ bị đe dọa.


Trump: Cái may của ông Tập
Lịch sử cận đại Trung Quốc có ba nhân vật chủ yếu. Mao Trạch Ðông giành độc lập, cướp chính quyền, áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản. Ðặng Tiểu Bình đã giải phóng kinh tế.. Và Tập Cận Bình, với tham vọng đế quốc càng ngày càng lộ liễu.

Le Point viết: Donald Trump, với chính sách bế quan tỏa cảng đã giúp ông Tập thực hiên mưu đồ của Trung Quốc. Zhang Lifan, một sử gia độc lập, sống tại Bắc Kinh nói: “Trump, với chính sách Amerique d’abord (America first) là một cái may lớn cho ông Tập.

Ông tóm ngay cơ hội, đóng vai trò lãnh đạo phong trào thế giới hóa.” Tại Davos, Thụy Sĩ, ông Tập đóng vai người hùng của kinh tế thị trường. Thế giới ngây thơ rơi vào bẫy. Tại Paris, ông Trump ca ngợi ông Tập là nhà lãnh đạo lớn, báo chí ca tụng ông Tập tích cực ủng hộ thỏa ước Paris về môi trường trong khi ông Trump rút lui. Bên cạnh Tổng Thống Vladimir Putin của Nga hùng hổ, thế giới thấy ông Tập có vẻ hiền hòa. “Quên việc ông Tập đã xây những đảo nhân tạo ở Biển Ðông để xác định chủ quyền của Trung Quốc, bất chấp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đàn áp đối lập còn tàn bạo hơn ông Putin.”

Ông Tập, với chính trách bành trướng thế lực Trung Quốc, được sự ủng hộ của dân Trung Quốc và đảng Cộng Sản, có hy vọng kéo dài thời gian nắm quyền quá 10 năm như đã quy định. Ông hy vọng lợi dụng sự lúng túng của Tây Phương để lấn tới, thắng ván cờ quyết định. Liu Mingfu, lý thuyết gia, cố vấn được tin cẩn của ông Tập, nói: Trung Quốc không thể chỉ đóng vai thứ nhì.. “Trận đấu chung kết đã bắt đầu. Tập Cận Bình sẽ dẫn chúng tôi tới ngôi vị vô địch thế giới.”


Cuộc chạy đua 100 năm
Trả lời một cuộc phỏng vấn của Le Point, Michael Pillsbury, giám đốc Trung Tâm Chiến Lược Trung Quốc của Hudson Institute, nói: kế hoạch “Chạy đua 100 năm” của Trung Quốc nhằm thay thế Hoa kỳ trong vai trò cường quốc số 1 trước 2049, kỷ niệm 100 năm ngày Mao nắm quyền.
Pillsbury, được coi như chuyên gia hàng đầu của Tây Phương về Trung Quốc, tác giả cuốn sách nên đọc “The Hundred-Years Marathon” (2), nói: từ 50 năm nay, Hoa Kỳ theo một chính sách ngây thơ, “hợp tác xây dựng” với Trung Quốc.


Người ta nghĩ Trung Quốc đang trên đường dân chủ hóa, có cùng một hoài bão như Mỹ. Người ta nghĩ sự trợ giúp của Mỹ cho một Trung Quốc còn yếu, với giới lãnh đạo suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc dân chủ, yêu hòa bình, không có tham vọng bành trướng địa phương cũng như toàn cầu. Thực tế đã chứng minh ngược lại.

Trong nhiều năm, khi còn yếu, Trung Quốc đóng vai trò hiền lành đó. Nhưng kể từ 2007, Michael Pillsbury nói, Trung Quốc thay đổi thái độ, nhất là từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, lợi dụng thế yếu của Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế.. Khởi đầu là Biển Ðông. “Trước đó, người Trung Quốc nói với tôi, họ không phải là một cường quốc lãnh đạo, bởi vì họ không có hàng không mẫu hạm và căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Ngày nay, họ có cả hai. Việc xây dựng một căn cứ trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa có mục tiêu chiến lược chống các nước láng giềng, bảo vệ quyền lợi kinh tế Trung Quốc. Tôi đã dự một hội nghị ở Bắc Kinh, trong đó người ta giải thích rằng kinh tế quốc gia phát triển nhanh nhất là nhờ các tài nguyên ngoài biển, từ dầu lửa, dầu khí, tới hải sản.”


Mua, dễ và rẻ hơn là đánh chiếm
Pillsbury nói có thể có đụng độ ở Biển Ðông, vì Trung Quốc có thói quen hành động như vậy, để dằn mặt đối phương. Nhưng thực ra, người Hoa rất thực tiễn. Họ không cần chiến tranh. “Họ có thể chiếm than đá, dầu lửa qua những công ty quốc doanh đặt cơ sở ở nước ngoài. Cựu Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Ðào từng nói mua Ðài Loan dễ và rẻ hơn là đánh chiếm Ðài Loan.”


Pillbury nói cái hiểm họa là năm 2049, PIB của Trung Quốc sẽ gấp đôi PIB của Hoa Kỳ. Hãy tưởng tượng những tai họa (nếu Trung Quốc trở thành cường quốc số 1) : nạn ô nhiễm, tệ trạng ăn cắp kỹ thuật, và sự ưu ái của Trung Quốc đối với những nhà độc tài như Syria hay Zimbabwe. Nhưng nếu mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đạt tới 4%, và mức tăng trưởng của Trung Quốc thụt lùi hay chậm lại, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1.


Ðể kết luận, Pillsbury tỏ ra bi quan. Ông nói muốn đương đầu với Trung Quốc, Hoa Kỳ phải hay đổi hoàn toàn chính sách, coi Trung Quốc là một nước cạnh tranh, không phải là một quốc gia phải giúp đỡ. Phải kiếm ra những lãnh vực có thể làm áp lực. Khuyến khích các quốc gia trong vùng liên kết thành một khối để Trung Quốc bớt hung hăng. Bảo vệ những người chống chế độ, ủng hộ những người muốn cải cách. “Hoa Kỳ mới bắt đầu thức dậy. Hy vọng chưa quá trễ.”


Những người đáng lo ngại hơn một ngàn lần là người Việt Nam. Nhìn những gì xảy ra ở Lào, đang diễn ra ở Boten, nghe lại câu nói của Hồ Cẩm Ðào, chúng ta không khỏi ớn lạnh. Mua Ðài Loan dễ và rẻ hơn là đánh chiếm Ðài Loan. Ðối với Ðài Loan, đó là lý thuyết, vì Ðài Loan là một nước dân chủ, không có lãnh tụ bán nước, và nhân dân Ðài Loan sẽ không để cho ai bán một tấc đất. Ở Việt Nam, trái lại, đó là một thực tế.. Lãnh thổ đã dần dần bán cho Trung Quốc. Mua Việt Nam dễ và rẻ hơn đánh chiếm Việt Nam.
(1) Les nouvelles ambitions de la Chine. Le Point. N° 2343 . 3 Oct 2017. France
(2) The Hundred-Years Marathon. Michael Pillsbury.

Tuesday, August 1, 2017

NGUYỄN TRÃI * MỘT CHUYẾN VỀ NAM VỚI CÁI CÒNG SỐ 8

 

MỘT CHUYẾN VỀ NAM VỚI CÁI CÒNG SỐ 8
NGUYỄN TRÃI

Tôi được chuyển từ Trại Mễ Phủ Lý vô trại A Hà Nam Ninh, Trại này được gọi là trại mẩu của Bộ Nội Vụ gồm có nhiều trại nhỏ hơn nằm xung quanh.
Cũng là thành phần “sứt càng gãy gọng“, là thành phần bị bệnh khoảng gần một trăm người, nên chi được dồn hết vào buồng 8, một buồng sáng ra được mở cửa cho tù ra ngoài sân buồng, đến chiều thì nhốt lại vào trong, không phải đi lao động.

Ở đây tôi được nhốt chung với nhiều Đại Tá, Trung tá, đặc biệt có cựu Trung Tá Thiết Giáp Bùi Thế Dung là Thứ Trưởng Quốc Phòng trong Chính Phủ ba ngày của Dương Văn Minh. Tôi nằm sát cạnh ông trong cùng chiếc giường hai tầng.

Chúng tôi nằm tầng dưới chỉ có hai chiếc mùng (người Miền Bắc gọi là cái màn) ngăn đôi nằm sát bên nhau nên ông nói nhỏ vào tai tôi “Tôi nói cái này, mai kia nếu anh có về, anh nhớ nói lại cho đồng bào mình biết một sự kiện bí mật trong Dinh Độc Lập của những ngày cuối cùng“.
Tiếng nói của ông thì thào rất nhỏ làm như sợ người khác nghe được, càng tăng thêm mức độ bí mật của câu chuyện. Tôi cũng tự thấy mình như có nhiệm vụ truyền tải lại mọi người.
 Ông ta nói về lý lịch và nguyên nhân ông đi du học Hoa Kỳ khoá Cao Đãng Quốc Phòng, năm 1974 về nước rồi ngồi chơi xơi nước. Ông ta bắt đầu vào chuyện Đại Sứ Pháp chuyển tin từ Trung Quốc muốn VNCH lên tiếng chính thức trên truyền thông quốc Tế yêu cầu Trung Quốc đưa quân vào đánh bật quân đội CS Bắc Việt đang tràn ngập Miền Nam. Ông Bùi Thế Dung nói về suốt một đêm thức trắng cùng ông Đại Sứ chọn vùng vẽ phóng đồ cho quân Trung Quốc đổ bộ.
Tôi không ngờ có một sự kiện lạ lùng ấy tưởng như là trong tiểu thuyết mà không có thực. Thế rồi ngày tháng đi qua với bao nhiêu sự kiện dồn dập xảy ra trong trại A Hà Nam Ninh, cho đến một này bọn cai tù thông báo “Các anh chuẩn bị hành quân“ .
Thực ra khi biết được tin chính thức thì trước đó cả buồng chúng tôi cũng đã nghe tin hành lang rằng mấy đợt trước họ đã chuyển vào Nam bằng xe lửa.

Lần này “Hành quân“ như một niềm vui, vì ít ra cũng trở lại Quốc gia của mình, nếu có phải còn trong tù nữa thì cũng thấy gần gũi người của mình hơn.
Bản thân tôi nghe tin hành lang liền chuẩn bị may một cái túi bằng vải chiều dài 40 centimet, chiều rộng 20 centimet, vừa đủ để bỏ một cái mền làm đủ nặng để khi xe lửa chạy ngang sau lưng nhà tôi tại Nhatrang, tôi sẽ ném xuống.
Cái mền chỉ có công dụng làm nặng vật ném xuống, còn cái gì được ném báo tin cho gia đình thì sẽ viết sau khi lên tàu lửa.

Nghề của tôi trong tù ở trại Phủ Lý là chuyên viết thư trên vải, may vào áo rồi gởi ra khi thăm nuôi mục đích cho gia đình biết sự thực trong tù. Tôi đã gởi nhiều lần đều trót lọt, nhưng cũng có một lần “suýt chết“.
Khi tập họp trước sân trại, Ban Chỉ Huy Trại chính thức công bố “Các anh sẽ chuyển vào Nam“, và nghiêm cấm những hành động vi phạm được ban hành, nào là tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cán bộ trên tàu trong lúc di chuyển. Cấm tuyệt đối không mang theo viết giấy, họ đã lục soát rất kỹ “quân tư trang“ từng người.

Tôi đã hiểu họ muốn gì và tôi cần làm gì, nên cái mền thì đã có sẵn, vải để viết cũng đã xé sẵn, cái túi vải thì làm như là vật dụng đựng đồ dùng cá nhân khi di chuyển, mấy miếng vải trắng trống trơn xem như khăn lau.

Họ xem chừng chú trọng đến bút viết, và nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng như khám rất kỷ để tìm cho ra giấu bút viết ở đâu. Tôi có một cái túi xách tay ngày nhập trại Trường Đại Học Phú Thọ đã mang theo, cái túi có một đường viền chạy dọc theo đáy túi. Tôi lợi dụng đường viền này, rút ruột cây bút nguyên tử và lận vào đường viền ấy. Ruột viết nguyên tử bằng nhựa cũng mềm mềm như đường viền đáy tuí. Bọn khám xét không tài nào tìm ra.

Rời trại Nam Hà bằng xe molotova, chở đến ga xe lửa lúc ba bốn giờ chiều. Trên một bãi đất trống họ lại chưa yên lòng, cuộc khám xét diễn ra một lần nữa, đặc biệt cũng chỉ chú trọng đến giấy bút viết.
Tôi thật bất ngờ khi bọn Công An dùng cái khoá tay bằng sắt tự chế thô sơ, khoá hai người vào một khóa. Tôi biết phải dùng tay phải để viết thư trên tàu, nên đề nghị người bạn khoá tay phải của họ vào tay trái của tôi.

Thì ra, những chuyến về Nam trước đây, bọn cai tù sơ ý chuyện khám xét này nên khi đoàn tàu vào các sân ga từ trong vĩ tuyến 17 trở vô , tức là vào lãnh địa của VNCH, các nguời tù tha hồ gởi thư tay viết vội cho các đồng bào tại các ga ào lên thăm hỏi, cho tiền, khóc, trao đồ ăn; một cảnh tượng bất ngờ làm các Công An áp tải tù không phản ứng kip.

Cũng từ các thư rơi nhờ đồng bào chuyển bằng bưu điện hay tự tay mang đến tận nhà này mà gia đình các người tù biết được rất nhanh thân nhân của mình đang về Nam.
Rút kinh nghiệm những lần truớc, họ khám xét bút giấy rất gắt gao, khi tàu đến sân ga nào phải dừng lại tránh tàu chạy ngược chiều, các cán bộ Công An hò hét từ đầu toa đến cuối toa bắt đóng cửa sổ toa xe.

Chuyến tàu của tôi xuôi Nam thật may mắn, khi chạy trên sông Bến Hải, con sông ngăn đôi nước Việt trước 1975 đúng vào giờ giao thừa, Lòng tôi xúc động ngậm ngùi và như tin vào một điều may mắn cho Năm Mới. Đúng vào giờ phút thiêng liêng ấy, các bánh xe dắt con tàu lăn trên vùng đất Quê Hương của mình.

Tôi bị xui xẽo là người bạn khoá tay với tôi bị tiêu chảy quá cỡ, thế là mỗi khi anh ấy đi toilet thì bắt buộc tôi phải đi theo. Mà toilet trên tàu lửa quá chật, tôi cũng phải đành đứng chịu trận ngửi mùi suốt mấy ngày mỗi khi anh ấy cần đi toilet. Bị tiêu chảy thì đi hoài đi hoài tôi cũng phát cáu. Khổ cái thân tôi là phải chống nạng mỗi khi di chuyển.

Khi xe ngừng lại tại Ga Quãng Ngãi , người dân đã biết trước tự bao giờ nên ùn ùn kéo ra đón, họ đón bằng những giọt nước mắt tràn lòng thương mến, họ như tìm kiếm thân nhân của họ có trên xe này không, họ như muốn nhìn tận mắt bao con người, bao đồng bào ruột thịt của họ đã bị giặc thù đày ải mấy năm nay.

Tất cả gần như ai cũng muốn khóc hay đã khóc từ trên tàu cho đến người dân đứng dưới đất. Họ lắm lét nhìn ngang nhìn dọc chạy vội tới khi cánh cửa sổ bổng kéo lên. Họ nhét vào tay mớ tiền, mấy cái bánh chưng. hay bịch cơm nắm nấu vắt lại.
Ôi tình thương của đồng bào dành cho người tù cao cả quá, vĩ đại quá. Bao nhiêu năm khổ ải trong tù, chúng tôi được đền đáp bằng những tình cảm như thế này làm quên hết đắng cay khổ lụy.

Những lần chuyển vào Nam trước họ không nghĩ ra đồng bào thương đến như vậy nân không có lệnh đóng cửa sổ và khoá các cửa lên xuống. Tình cảm của đồng bào dành cho như thế này, chúng tôi sung sướng đến ứa nước mắt và đó chính là chất kích thích tố tạo thêm nhiều nghị lực cho những tháng năm sắp tới trong tù.

Không biết mình phải diễn tả những cảm xúc nghèn nghẹn nơi cổ họng như thế nào khi nhìn tận mắt sự thương yêu lo lắng hiện rõ lên từng nét mặt, từng cử chỉ hành dộng của người dân đứng đầy nghẹt hai bên con tàu khi từ từ tiến vào sân ga.

Lòng thương của đồng bào mình vẫn chan chứa không như bọ đã tuyên truyền láo khoét rằng dân sẽ ném đá vào các anh y như họ đã dàn dựng khi bắt đầu tiến ra Bắc.
Tôi xúc động thật mạnh, nó như liều thuốc bổ ngấm dần vào cơ thể đối với cuộc sống cùng cực của thân phận người tù hiện tại.

Vì bọn áp tải tù không đủ nhân lực nên không thể nào kiểm soát nổi hết các cửa sổ toa tàu. Bọn nó đến đầu toa thì cuối toa được kéo cửa lên, và đồng bào được dịp áp sát con tàu.
Tôi đã có định sẵn ném túi xách xuống sau lưng nhà cha mẹ ruột khi con tàu rời sân Ga Nha Trang vài phút, nên tôi không gởi thư tay cho người dân tại đây. Chuyến tàu của chúng tôi ngừng tại Ga Quãng Ngãi lâu quá, đâu chừng hơn cả giờ, có lẽ chờ tàu ngược chiều đến. Dó là thời gian rất thuận tiện cho các bạn tù gởi thư nhắn về gia đình qua bưu điện.

Khi đoàn tàu bắt đầy rời sân ga Quãng Ngãi cũng là lúc tôi bắt đầu viết thư báo tin cho gia đình tôi biết: tôi đang chuyển vào Nam. Thư viết trong khi xe lửa chạy rất là khó vì sự lắc lư của con tàu và đặc biệt là sự kiểm soát của các công an liên tục đi tuần qua lại trên tàu.
Chúng tôi được ngồi trên một băng ghế hai chỗ và đối diện với hai người tù trước mặt; phải viết từ bây giờ cho đến khi đến Ga Nha Trang thì phải chấm dứt , vì từ Ga Nha Trang chạy vô Sài Gòn, nhà tôi chỉ cách ba cây số rưởi từ sân ga.

Màn đêm buông xuống khi còn tại Quãng Ngãi, xe chạy mãi tới 4 giờ sáng hôm sau mới đến Nha Trang, vậy là tôi có suốt một đêm để viết lá thư cho Ba Má tôi. Thư viết trên vải trắng của cái áo gối mang theo từ hồi mới trình diện Trường Đại Học Phú Thọ.
Trong tù hay trên xe lửa, cũng không tin đưọc ai vì sợ họ báo cáo lập công để trở thành “người học tập tốt“ được Cách Mạng Nhà Nước khoan hồng cho về sớm; cho nên tôi phải giữ ý và viết thư trong một tình trạng lén lút. Chẳng những sợ mấy tên Công An đi tuần thì chớ, mà còn sợ bạn tù biết được.

Dùng một cái mền đắp lên người và cả lên tấm vải, cây bút nguyên tử chỉ có ruột mà vỏ đã bỏ đi từ khi còn trong trại Nam Hà A. Cái mền kéo khỏi tay ra khi người Công An vừa đi qua, viết được vài chữ lại phải ngưng lại và phủ kín bàn tay. Cứ như thế mà mãi gần đến Ga Nha Trang mới xong cái thư ngắn.

Nội dung thư cũng không thể nói điều gì “phản động“ vì còn ngại lọt ra tay công an, mà chỉ thông báo cho gia đình biết tình trạng sức khỏe bê bết của mình cùng với ý chính đang trên đường chuyển vô Nam, mà không biết dừng ở đâu. Tôi tin tưởng Ba Má và gia đình tôi mừng lắm khi bắt được tin này.

Xe ngừng tại ga Nha Trang khá lâu, khoảng hai giờ đồng hồ thì lăn bánh vô Nam. Đây là thời gian đủ cho tôi bỏ cái thư bằng vải vô trong chiếc tuí xách cũng mới may bằng vải đã có cái mền làm cho dễ ném xuống đất khi xe đang chạy.

Bên ngoài cái tuí xách vải ấy đã may sẵn một miếng vải màu trắng để viết tên người nhận. Phải cẩn thận chưa viết gì hết, mà chỉ chắc chắn sắp ném xuống mới viết lên: “Ai nhận được túi này xin vui lòng mang đến nhà anh Nguyễn Lợt “

Có một con đưòng cái quan lớn, con đường chính của làng tôi nằm cạnh nhà, nhà thì quay lưng ra đường rầy xe lửa nên không thể ném vào hướng ấy; Tôi phải canh chừng xe chạy đúng đến con đường cái quan thì ném nó xuống về phía dối diện nhà tôi bên kia đường. Đó là nhà một người hàng xóm mà cái sân nhà sát đường rầy.

Phải công nhận tài của mình tính toán khá chính xác, Phải ném làm sao cho vật rơi xuống bị cuốn hút theo với tốc độ của xe lăn đi một đoạn khá dài. Tôi nhìn thấy rõ cái túi chui hẳn vô sân người hàng xóm ấy, mà lát nữa đây người quét sân nhà sẽ nhặt được.
Gia đình tôi vui biết dường nào khi hay tin tôi đã vào Nam, dù rằng chưa được thả ra, cũng yên lòng con mình, chồng mình đang “thiệt gần“ với mình, tiện cho việc đi thăm nuôi nếu có.

Gần chiều thì đoàn xe dừng lại ga Dầu Giây, và bị lùa xuống để lên xe molotova chở về trại Hàm Tân Z30 C. Phải hơn một tháng sau mới cho viết thư báo tin và cho gia đình thăm nuội.
Ba Má tôi nóng lòng lâu không gặp nên “thương lượng“ với vợ tôi để Ba tôi và người chị dâu từ Nha Trang vô Hàm Tân thăm lần đầu. Vợ tôi từ Sài Gòn phải chờ sau một tháng nữa mới tới phiên.

Cũng giống như ngoài Bắc, sau khi bị tai nạn lao động chấn thương thần kinh toạ cốt, bị liệt chân phải té từ trên núi cao khi đi chặt cây ở núi Hoàng LIên sơn; tôi không còn đi lao động nữa, mà phải chống nạng khi di chuyển. Vậy là về trại Z 30 C cũng chỉ trùm mềm ngủ mỗi khi đến giờ anh em đi lao động.

Mỗi người bạn khi đi ngang qua chỗ tôi nằm đều nói: “Nguyễn Trãi không còn nữa“… ; “Nguyễn Trãi không có trên cõi đời này“.. người khác có câu khác: “Nguyễn Trãi đã tiêu diêu miền cực lạc…“ Nói xong thì cười khoái chí và đó là niềm vui của họ mỗi ngày cho quên đời sống lao tù khổ ải.

Cũng vào một buổi trưa, sau khi các anh bạn tù đã vừa ra khỏi cổng trại để đi lao động, tôi vẫn còn một thói quen nằm trên “cái sạp bằng xi măng“ dài từ cửa vào cho tới cuối “lán“, “cái sạp“ thấp chừng năm tấ , làm chỗ ngủ và cũng là chỗ ăn cơm cho mọi người. Cái sạp có một đường luồn chính giữa làm đường đi.

Sau khi các anh em đã đi ra khỏi phòng, tôi đắp chiếc mền phủ kín đầu như muốn tách rời ánh sáng chói mắt và muốn ngủ tiếp. Tôi không bị đi lao động vì thương tật đã gần sáu năm từ khi còn ngoài Bắc.

Một giọng nói gắt gỏng the thé thốt lên, một loại ngôn từ nạt nộ áp đảo người nghe mà tôi vẫn nghe quen tai từ khi chui vào cái gọi là “Trại Cải Tạo“
- Ai đây, sao không đi lao động?
Tôi biết ngay là một tên cán bộ quản giáo nào đó đang đứng dưới chân chỗ tôi đang nằm. Tôi lật tấm mền ra khỏi mặt một cách từ từ và trả lời
- Tôi đây cán bộ, tôi bị bệnh không đi lao động được.
Giọng nói của tên quản giáo cố ý tăng âm vực lên them như cố tình uy hiếp tinh thần tôi. Hắn quát lớn: Bệnh gì?

Vì biết mình có “bệnh án“ thực sự đã được ghi trong hồ sơ từ khi được các Bác Sĩ dân sự tại bệnh viện Quảng Ninh vào trong trại giam khám bệnh cho các tù nhân bị bệnh từ Yên Bái chở về giam tại trại tù Quảng Ninh, cho nên tôi không phải là loại tù yếu bóng vía khai bệnh để tránh đi lao động. Tôi cũng nhát gừng trả lời chậm chạp: “Thì cán bộ coi trong hồ sơ của tôi thì biết“.

Rõ ràng tay này đã nghiên cứu hồ sơ của tôi từ ngoài Bắc chuyển vào đây, đã biết tôi bị bệnh như thế nào cho nên hắn không còn lên giọng uy hiếp tinh thần nữa.
Thì ra tên này tôi chưa gặp bao giờ kể từ ngày đám tù chúng tôi cứ hai người một còng chung với nhau khi được chuyển từ Hà Nam Ninh vào trại Z30 C Hàm Tân. Hắn như bị khựng lại, và chưa biết nói gì thêm, tôi liền đánh phủ đầu bằng một câu hỏi cắt cớ: “Vậy tôi chừng nào được về hả cán bộ?“

Như là dịp đưọc xổ những lời thuộc lòng mà từ tên “thủ trưởng“ cho đến những tay vệ binh quèn chuyên vác Ak dẫn tù đi lao động đều có một luận điệu y chang như nhau: "Thì khi nào anh đạt được bốn tiêu chuẩn cải tạo tốt….. "
Chưa để cho tên này nói dứt câu tôi ngắt lời ngay: “Thôi, thôi tôi biết rồi cán bộ ơi… “
Hắn gắt to tiếng sừng sỏ: Anh biết gì biết gì..?

Tôi đã có bằng chứng rõ ràng từng trường hợp bạn tôi đã từng trốn trại mà vẫn về sớm, tôi mạnh dạn nói: “ Này cán bộ nhé, bạn tôi ở ngoài Bắc, tháng nào cũng được bình bầu cải tạo tốt mà họ là đội trưởng, tổ trưởng nữa đó, nhưng họ vẫn tiếp tục đi theo tôi vào đây đây này. Còn có những người đã từng trốn trại bốn lần vẫn được thả về sớm. Vậy là sao hả cán bộ. Đừng nói với chúng tôi bốn tiêu chuẩn cải tạo nữa".

Bất ngờ bị phản ứng rất là đúng sự thật mà tay này nghĩ rằng không bao giờ có “cải tạo viên“ nào dám nói ra. Hắn ú ớ giống như bị ngọng: “thì… thì đó là những trường hợp cá biệt.. “ . Nói xong thấy như sự lừa dối của mình bị vạch trần, hắn lặng lẽ bỏ đi không một lời nào thêm nữa.

Gần một năm sau, trong một buổi tập họp lên hội trường cả thảy hơn năm trăm người tù ngồi xõm dưới đất mà họ thường xài từ ngữ “lên lớp“. Họ thông báo danh sách các cải tạo viên được Đảng và Nhà Nước khoan hồng cho về. Trong số 76 anh em được đọc tên, gần đến chót nghe đọc tên tôi: Nguyễn Trãi. Lòng tôi cũng thấy mừng nhưng lại được nghe tiếp ngay: “Đó như cái anh này này, về tư tưởng cũng có mặt này mặt khác, nhưng Đảng và Nhà Nước cũng xét và khoan hồng cho anh ta về".

Tôi ngẫng đầu lên cố nhận ra người đang đọc danh sách chính là tên đã chất vấn tôi khi tôi đang ngủ trưa. Thì ra hắn là cán bộ tư tưởng của Trại Hàm Tân Z 30 C.
Bảy mươi sáu người được thả lại bị dồn vào một lán riêng mà họ gọi là “cách ly“ với những bạn tù khác và còn phải đi “Lao động Xã Hội Chủ Nghĩa 10 ngày“ trước khi chính thức được về.

Ngày được thả, họ gọi chúng tôi lên bộ chỉ huy trại gọi là “khung“ nhận lại “quân tư trang cũ của chúng tôi mang theo từ bảy năm trước, và mỗi người lảnh 25 đồng tiền “cụ Hồ“ để đi đường.

Tôi, một tay chống nạng, một tay mang cái đàn guitar tôi tự làm ngoài Hoàng liên Sơn, vai mang cái túi xách đựng ba thứ cũ mèm kéo lê đôi chân có cây nạng gỗ phụ giúp từ trong trại Hàm Tân Z 30 C ra tới quốc lộ số 1.

Một chiếc xe than, xe đò chở khách được cải biến chạy bằng than chạy ì ạch, khi lên dốc Ông Đồn, mọi người trên xe phải xuống đẩy phụ. Sau bảy năm trở lại xã hội Miền Nam tôi mới nhìn được hình ảnh tụt hậu như thế này.

Hai chục đồng trại phát cho tiền đi đường chỉ vừa tới Dầy Giây thì đã hết, tuy nhiên người lơ xe nói “tôi không lấy tiền thêm nữa của anh đâu“. Tôi hiểu lòng người dân miền Nam còn rất thương những người tù cải tạo như chúng tôi.


Nguyễn Trãi

AMY PHƯƠNG LÊ * NGƯỜI CON GÁI KHÔNG NỊT NGỰC

 


Người Con Gái Không Nịt Ngực

Amy Phương Lê
Sau khi được tàu Mỹ vớt, chúng tôi nằm la liệt trên sàn tàu. Mười sáu ngày vùi dập bởi sóng biển, đói khát, rét lạnh làm mọi người tơi tả. Một em bé sanh ra trên tàu được cấp tốc đưa vô phòng cấp cứu. Chiếc tàu nhỏ loại đánh cá chở chúng tôi đi buộc dây kéo theo sau, nhỏ bé như con kiến đi cạnh con voi. Chỉ một thời gian ngắn sau, các miếng gỗ của tàu cũng sút ra từng mảnh, trôi lênh đênh...

Ôi! Chiếc tầu nhỏ, quá nhỏ, chỉ ba mươi ba người mà đã chật không còn chỗ ngồi hay đứng. Chỉ mới qua đêm thôi, khi ngồi bó gối trong thân tầu, bị sóng biển nhận chìm, đưa lên rồi lại bị nhận chìm sâu hơn nữa vào trong lòng biển lạnh, rồi nghe tiếng kêu răng rắc của những mạnh gỗ bắt đầu bị lồi ra những cây đinh thì chúng tôi hiểu rằng chiếc tầu thân yêu không còn có thể gánh vác mạng sống của chúng tôi xa hơn được nữa. Tôi đưa mắt nhìn những thủy thủ trên tầu Mỹ, lòng tràn ngập niềm vui và niềm biết ơn khó diễn tả. Và lon Cola mà tôi được phát, chao ôi sao mà nó ngon! Trôi tuột vào cổ họng khô khát... Có lẽ đó là lon coca ngon nhất trên đời tôi được uống.

Chỉ mới hôm qua thôi, ngày thứ mười lăm, khi một em nhỏ trên tàu thoi thóp khóc vì quá khát thì mẹ em đã gieo cho em chút hy vọng: "Ráng đi con, khi nào có tầu vớt thì con sẽ được uống nhiều nước. Có khi lại có Coca!". Lúc ấy chúng tôi mới chỉ nghĩ đó như một giấc mơ. Hai đứa em tôi nằm bên cạnh, rên lên khi nghe nói tới nước...Từ cả hơn mười mấy ngày trước, khi đói và khát quá thì thằng nhỏ nhất bắt đầu mơ tưởng đến đồ ăn thức uống: " Chị ơi! Em đói quá! Em thèm một tô phở. Và một ly trà đá thật bự! Hay cái gì cũng được! Một tô mì, bánh xèo, hay bún bò..."

 Một bà trên tầu gắt lên: "Trời ơi! Đói khát thế này mà cứ kể ra mấy món ấy có chết không cơ chứ?". Rồi bà lâm râm đọc kinh, cả tầu cũng đọc kinh...Em tôi không dám nói lớn nữa, nhưng ráng thì thào bên tai tôi: "Chị ơi! Hay chị cho em một chén cơm nguội cũng được!" Tội nghiệp!

Nó quá nhỏ để hiểu cuộc hành trình này không có quyền chọn lựa. Rồi nó không thì thào được nữa, mà bắt đầu khóc, và chỉ vào hạ bộ của nó đang sưng đỏ vù. Tầu nhỏ, không có chỗ ngồi huống chi chỗ đi tiểu, đi cầu...Lúc đầu mọi người còn ráng ra ngoài để tìm chỗ đi, nhưng khi say sóng và đuối sức thì ai ngồi chỗ nào đi chỗ nấy. Sau những ngày không được chùi rửa vệ sinh, hạ bộ đỏ u lên.

Em tôi không hiểu tại sao hạ bộ nó sưng phồng, đỏ lòm và to gấp hai, ba lần bình thường. Mỗi lần nước biển tạt vào, nước muối mặn sát vào da thịt rát quá làm mọi người kêu la, oằn oại như thấu trời xanh. Rồi cộng thêm với những đêm bão lạnh kinh hoàng mà mỗi giọt nước rót vào người là như mũi dao xẻ thịt xẻ da, thì em tôi cảm giác như có những mũi dao cắt đứt đi cái phần cơ thể riêng tư quý báu đang bị sưng vù nên vểnh lên cao nơi hạ bộ của nó.

 Cho tới bây giờ tôi vẫn còn hình dung thấy hình ảnh những em trai nhỏ và những người con trai cúi cong người che hai chân lại rên xiết mỗi lần những cơn và sóng biển ập xuống. Trên tầu Mỹ, vì không đủ phòng tắm cho mọi người cùng vào, chúng tôi được chia làm hai hàng nam và nữ. Hai thủy thủ cầm hai ống nước gấp rút xịt nước tắm cho mọi người, tất cả quần áo được cởi ra để đem khử trùng giặt sấy. Các thủy thủ gom góp áo quần của mình phân phát cho mọi người mặc tạm.

Những bộ quần áo Mỹ rộng lớn bao che thân thể Việt gầy nhỏ, chúng tôi bơi lội trong đó như bơi lội trong niềm hạnh phúc và lòng tri ân được vượt thoát bình an. Ngày hôm sau quần áo giặt sấy xong được trả về cho mọi người. Vì ở rải rác trên boong tầu không có mặt lúc phát lại quần áo, hoặc có những người nhận lộn đồ, chúng tôi đa số người lạc áo kể lạc quần, giầy dép không còn.

Tôi còn lạc mất chiếc nịt ngực. Ngày đặt chân lên trại tị nạn, đôi chân trần bước trên đất nóng, tôi vẫn không thấy ngại bằng cảm thấy bộ ngực vô cùng trống trải. Thủa ấy tôi mới vừa mười tám tuổi, sinh ra và lớn lên trên cao nguyên Đà Lạt. Ở thành phố nhỏ hoa anh đào đó, đời sống là áo trắng hiền ngoan, má đỏ môi hồng, thẹn thùng e ấp.

Vậy mà bỗng chốc lăn vào đời, chân không giầy dép, người không nịt ngực. Cái nịt ngực đối với tôi, nhất là ở xứ lạnh, là một vật dụng thân thiết ít khi rời. Nó vừa giữ ấm cho người, vừa che đậy nâng đỡ một phần cơ thể kín đáo. Ở phần dưới nịt ngực thường có một viền sắt mỏng hay viền vải chắn ngang, và một lớp vải dầy với miếng mút ôm gọn hai bầu vú để giữ cho phần ngực không rung rinh di chuyển theo mỗi bước đi và không lộ rõ núm vú.

Khi sinh hoạt, dù trong nhà, cũng nên mang. Thế mà bây giờ, ở chốn đông người, giữa ban ngày ban mặt, tôi đi đứng chạy nhảy mà chẳng mang nịt ngực. Cái cảm giác trống trải không kín đáo này đối với tôi, một người con gái Á Đông lần đầu bước vào đời là cái cảm giác không an toàn, hở hang, bất an... Tôi lên trại xin cấp nhưng chưa có. Trại chuyển tiếp có những nhu cầu cần thiết hơn phải được giải quyết trước. Miếng ăn, nước uống, thuốc men, nhà vệ sinh, tất cả còn thiếu mà người tị nạn đổ về mỗi lúc một đông. Lúc bấy giờ ở Việt Nam mà đa số là đàn ông thanh niên bị kêu gọi tham gia "thanh niên xung phong" hoặc bị gởi qua chiến trường Cam Bốt khốc liệt.

 Mọi người vội vã tìm đường vượt biên, trại rất đông đàn ông con trai. Và đủ mọi hạng người. Mỗi lần sáng chiều đi lãnh cơm, đi tắm, đi hứng nước hay có loa gọi gấp lên làm giấy tờ, tôi đi giữa những hàng chòi lá và dãy nhà tập thể, cảm nhận có những cặp mắt nhìn theo bộ ngực vô tình nhấp nhô theo từng bước chân chạy... Tôi vừa mất cha nên có miếng tang đeo trước ngực, không biết người ta nhìn miếng tang cảm thông với tôi hay nhìn vào ngực và biết tôi thiếu cái nịt ngực..

.Có những cái nhìn rất soi mói, như lột trần mình ra. Con gái mới lớn, bộ ngực nở nang không làm tôi hãnh diện mà chỉ làm tôi thêm ngại ngùng khổ sở. Ở lứa tuổi học trò ngây thơ thủa đó, cảm giác nhận được là nhột nhạt, khó chịu, bất an. Tôi bỏ luôn thói quen mỗi sáng tập thể dục ngoài trời, vì khi không có nịt ngực thì những động tác nhún nhẩy có thể tạo sự chú ý. Ngay cả những ngày hè nóng nực ở trại tị nạn cũng không thoải mái thả mình theo sóng biển, bởi quần áo càng dính chặt vào người, núm vú càng hiện rõ, lộ liễu. Ở cái tuổi con gái tươi trẻ tung tăng mà tôi không hề dám tung tăng. Có hôm đang đi, nghe tiếng huýt sáo trêu ghẹo đuổi theo, tôi ngại và mắc cỡ quá lính quýnh đi như chạy, vấp té làm áo bị sút khuy nút.

Hai tay vội vã cố gài khuy áo, tôi đi tiếp trong những tiếng cười tinh nghịch nham nhở. Có lần vừa sắp hàng đi hứng nước tắm về, thì nhạc quốc ca của trại trỗi lên, mọi người đang đi đường đứng nghiêm lại hát chào quốc kỳ. Tôi đang đứng nghiêm chỉnh bỗng nghe tiếng cười chỉ trỏ về phía mình, Một vài thanh niên đang ngồi trên tầng trên của chòi lá thò đấu ra nhìn tôi rồi một người chợt nói: "Chắc tắm về để quên cái nịt ngực!" Rồi họ cười hô hố. Một người khác tiếp theo: "Tên gì thế em! Tối nay đi chơi trọn đêm với anh nhá?" Một người lớn tuổi đang đứng chào cờ không xa, tỏ vẻ khó chịu. Ông ta nói vừa đủ tôi nghe: "Lần sau có ra đường hay chào quốc kỳ thì nhớ mặc nịt ngực! Con gái lớn ra đường ăn mặc đàng hoàng một chút!"

Tôi còn đang ngơ ngác thì tiếng quốc ca và mặc niệm chấm dứt, mọi người tiếp tục đi. Tôi cúi xuống cầm xô nước, ngỡ ngàng. Trời ơi! Thì ra có người tưởng tôi cố tình không mặc đồ đàng hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi biết điều này. Tôi cảm thấy nghẹn không thể nói thành lời, muốn chạy đến người đàn ông khi nãy để nói rằng là tôi không phải cố ý như thế, mà hai chân tôi cứ bước như người không hồn, xô nước sóng sánh đổ ra mà không biết. Dường như có giọt lệ nào, không chảy xuống mà chảy ngược vào tim tôi, lăn mãi, và lăn mãi... Chiều chiều trong chòi lá nghe từ loa vọng lại bài hát "Người Di Tản Buồn", tôi thấy như bóng dáng mình trong đó..."

 Chiều nay có một người đôi mắt buồn, ngày ra đi lặng câm trong đau đớn..." Tôi ngồi bên xong cửa, thấy chiều rơi rất chậm, rồi "rưng rưng lệ vương mắt lệ nhòa "... Rồi tôi cũng được chuyển sang một trại tị nạn chính thức khá hơn một chút, và xin được cái nịt ngực cũ. Cái cảm giác đầu tiên khi được mang lại vật dụng thân thiết ấy của người nữ làm tôi thật an toàn, yên ổn. Dù không vừa vặn nhưng thế là quá đủ! Rồi tôi liên lạc được với người chị từ một trại khác vừa sang Mỹ. Ngày được bảo lãnh, khi chị đón ở phi trường, tôi nhìn chị, rồi như bị ám ảnh bởi hình ảnh của chính mình trong những ngày đầu tị nạn, tôi len lén nhìn vào ngực chị, trong phút chốc chợt mủi lòng, nhớ cha nhớ mẹ, nước mắt âm thầm lăn dài trên má.

Chị cũng khóc, nhưng có lẽ lúc ấy chị không hiểu đích xác cái tủi buồn thầm kín của em mình. Ngày hôm sau, vì trúng ngày thi cuối khóa nên chị nhờ người bạn trai là hôn phu chở chúng tôi đi làm giấy tờ và mua ít vật dụng cần thiết. Tôi đi trong thương xá rộng lớn, rồi bỗng sáng mắt khi nhìn thấy quầy bán nịt ngực, Chao ơi nhiều! đủ mầu đủ số. Tôi mân mê vuốt nhẹ lên từng phiến vải mềm, như muốn cảm nhận được tất cả sự dịu êm của từng miếng ren vải lụa, thấy lòng hạnh phúc reo vui như thể được cái gì quí giá lắm. Tôi chọn lấy một cái vừa vặn và một quần lót nhỏ cùng màu.

Thế nhưng đến lúc ra quầy tính tiền, nhìn thấy người bạn trai của chị đang đứng chờ, tôi chợt thấy ngại. Tưởng tượng phải thả cái nịt ngực và cái quần lót nhỏ xuống trước mặt anh, tôi đã thấy ngượng. Tôi len lén bỏ lại, mơ hồ một cảm giác luyến tiếc sâu kín... Hai em tôi đã chọn được cặp táp, vở học, và một ít quần áo. Còn tôi, tôi đã dành trọn thời giờ bên quầy nịt ngực... Bây giờ tôi đã có nhiều chiếc nịt ngực, khác mầu, khác kiểu. Nhưng trong một góc ngăn kéo, tôi vẫn còn giữ lại cái chiếc chật cũ của những ngày tị nạn. Và trong một góc ngăn kéo rất sau thẳm của ký ức vẫn như còn đọng lại hình dáng một chiếc nịt ngực ao ước mãi của ngày xưa...

Sau này, khi các con tôi khôn lớn, sẽ có một lúc nào đó tôi dẫn vào thương xá, rồi như vô tình, đi ngang quầy bán nịt ngực, tôi sẽ kể các con nghe về chút kỷ niệm của thời mới lớn. Đơn giản thôi các con! Chỉ là một chiếc nịt ngực, mà đã từng là niềm mơ ước, nỗi ám ảnh của mẹ trong một khoảng đời con gái. Giờ đây, tuổi trẻ các con lớn lên trong mệm ấm chăn êm. Thấy những gì đang có sẵn là tự nhiên, là bình thường. Đôi khi còn than thở, so sánh...Có biết đâu có những không gian và thời gian mà ở đó, ngay cả những cái nhỏ bé bình thường nhất cũng có thể là nỗi tủi nhục, niềm ao ước cháy bỏng. Đừng nói chi đến cái bầu trời tự do để thở như ở đây thì đã là quá tuyệt diệu và đã từng đánh đổi bằng biết bao là đau khổ chồng chất.

Có một thời gian, những câu chuyện vượt biên thống khổ như những vết thương mà người ta muốn quên đi để bớt nhức nhối trong một cuộc sống mới xa lạ và tất bật. Thế nhưng khi có dịp ôn lại và tìm về những kỷ vật cũ ấy, tôi chợt nhận ra rằng những đề tài cũ và đấy dấu tích đau khổ ấy, lại là những bài học tiêu biểu vô cùng cho những thế hệ sau... Và tôi hiểu ra rằng đó còn chính là bài học cho chính tôi... Ôi thảm nạn của những cuộc hành trình vượt chết vô tiền khoáng hậu! Ôi những chiếc tầu nhỏ bé một bloc chỉ có thể chạy trên sông mà đã băng biển vượt sóng rồi giông tố biển khơi, hải tặc tàn bạo, và nhục nhằn của bao người trong cuộc hành trình vượt chết...Thế mà bây giờ, tôi ngồi đây, trong cuộc sống có thể gọi là đầy đủ, nhiều lúc lại cho rằng đời sống sao mà khổ! Nào con cái, việc làm, nhà cửa, sao mà bận bịu!

Nào "bill", nào "Job", nào chứng khoán trồi sụt...nhưng nghĩ cho cùng, thì có phải là những ngày đêm dài thăm thẳm trôi dạt trên thân tầu sắp vỡ, lúc gần chôn thây trong biển lạnh, lúc cận kề cái chết trong gang tấc, tôi chỉ ước mơ đứng trên đất liền, được sống...Có phải là khi ra đi tôi chỉ mong một bầu trời tự do hơn để thở, có phải là tôi đã ngủ quên cái hạnh phúc lớn lao mà biết bao người không may mắn có được... và, nhìn lại tủ áo, có phải là một lúc nào đó trong đời tôi chỉ ao ước một cái nịt ngực... Có nghe, có đọc, có nhớ, có hình dung lại những cuộc hành trình biển đông năm xưa thì dường như ta mới cảm nhận được thấm thía hơn tất cả cái may mắn và hạnh phúc mình đang có. Những thống kê về di dân đã cho thấy thế hệ di dân đầu tiên, như chúng ta, là thế hệ làm cầu nối cho các thế hệ kế tiếp vốn không có chút kỷ niệm và ấn tượng gì về quê hương mà cha mẹ đã phải bỏ lại.

Đó là những thế hệ rất dễ ngày càng xa nguồn gốc nếu không được học hỏi giả thích. Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhất thiết phải đi làm cho thật nhiều để các con có cuộc sống dư thừa, rồi để lại cho các con gia tài tiền của. Nhưng, đại dương sóng sau dồn sóng trước, tôi sẽ góp phần làm gạch nối giữa các con với những giá trị muôn đời của cội nguồn dân tộc. Các con sẽ được chia xẻ, rút tỉa những kinh nghiệm quí báu của cha ông đồng thời học hỏi những cái hay cái lạ của xứ người. Cái đó mới là cái đẹp riêng, là gia tài hành trang của các con, khi một lúc nào đó nhìn màu da khác người bản xứ, sẽ tự hỏi: " Tôi là ai? từ đâu đến, vì sao tôi ở chốn này?" Các con sẽ được giải thích để hiểu rõ, để tự tin, hãnh diện, và sẽ có lúc giải thích cho các con của mình hiểu.

Những lúc yếu mềm, không nghị lực, không lối thoát, hãy lăn bành một chút về dĩ vãng, học ở đó những bài học xương máu. Khi tìm hiểu về những chiến trận anh hùng, những hành trình thống khổ đầy gương can đảm, các con sẽ thấy rằng ở đời có muôn ngàn cái khổ, nhưng có những cái khổ và cái can đảm làm rung chuyển lương tâm nhân loại. Máu, mồ hôi, nước mắt nhiều khi liên tiếp đổ ra mà chưa chắc đánh đổi được những gì chúng ta đang có. Rồi hãy hít thở đi cho ngập tràn khí quản cái tự do hạnh phúc quí báu vô vàn, rồi can đảm tiếp bước đi trên đường đời ngang dọc. Đừng quên rằng chung quanh chúng ta, có những không gian và thời gian mà ở đó có những điều cần thiết, tuy nhỏ bé và bình thường, nhưng chỉ một chiếc nịt ngực thôi, cũng có thể là nỗi ước ao triền miên của những khoảng đời cơ cực... :::Amy Phương Lê:::

Họ Tên: Amy Phương Lê Nghề Nghiệp: Computer Programmer/Real Estate Broker Hiện đang nghỉ làm để học xong Teacher Credential/Master of Science of Education. Suy nghĩ về cuộc thi viết "Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông ":Xin hoan hô và ủng hộ hết mình! This is for a great cause! Khi các con mình đi học ở trường, các thầy cô thường bảo các cháu kể và viết essay về "How your Dad and Mom came to America". Và các cháu cần làm thuyết trình, research...Các cháu và bạn bè thường thắc mắc hỏi về về những đề tài như thế. Có thêm những tài liệu và chuyện kể về cuộc hành trình này thì thế hệ mai sau và những người ngoại quốc sẽ càng hiểu được nguyên do chúng ta phải ra đi, ra đi bi thảm như thế nào, cùng với biết bao hoàn cảnh nghiệt ngã, oan khiên khác. Người American Indians năm 1838 có cuộc hành trình thống khổ, out of their ancestral homeland to over 1000 miles away to Indian Territory. They called it "Trail of Tears" (Trail Where They Cried). To me, our stories have no less tears...Even more..not only trails of tear but also rivers of bloods. Our journeys were thousands, thousands of miles away, and we crossed no just land but also seas - overseas.. And thus we cried... And now we speak So that you know...

TÂN ĐẠI SỨ MỸ TẠI VIỆT NAM

Nhận định về Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-07-28
Ông Daniel Kritenbrink nói về chuyến đi của Tổng thống Obama tới Việt Nam và Nhật Bản tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Washington vào ngày 18 tháng 5 năm 2016.
Ông Daniel Kritenbrink nói về chuyến đi của Tổng thống Obama tới Việt Nam và Nhật Bản tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Washington vào ngày 18 tháng 5 năm 2016.
Screen capture of U.S. Department of State's video
Nguồn tin từ Nhà Trắng hôm 26 tháng Bảy xác nhận tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm một tân đại sứ cho Việt Nam là nhà ngoại giao kỳ cựu Daniel Kritenbrink.

Daniel Kritenbrink

Ông Daniel Kritenbrink được đánh giá là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có bề dày kinh nghiệm về các vấn đề Á Châu, là cố vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia trong chính sách đối với Bắc Hàn,
Tốt nghiệp ngành Khoa Học Chính Trị từ đại học Nebraska, thông thạo tiếng Hoa và tiếng Nhật, ông Daniel Kritenbrink bước vào lãnh vực ngoại giao năm 1994, từng đảm nhiệm chức vụ phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh trước đây.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, ông Daniel Kritenbrink là giám đốc chuyên trách các vấn đề Châu Á, cố vấn cấp cao về Châu Á thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. Năm 2016, ông là một trong những nhân vật chủ chốt sắp xếp chuyến công du Việt Nam cho tổng thống Barack Obama.

Nhận xét

Bổ nhiệm một nhà ngoại giao kinh nghiệm về Châu Á làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam là điều tốt nhưng xem ra có cái gì đó không đúng với phong cách Donald Trump lắm, là nhận xét đầu tiên của ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp Tác Trí Tuệ Việt Nam, tác giả cuốn sách Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào:
“Bởi vì Donald Trump thích và muốn lựa chọn người theo kiểu Donald Trump, có nghĩa là đối với một số vị trí quan trọng như ở Trung Quốc hay vài nơi khác thì Donald Trump sẽ chọn những người gọi là những chính trị gia. Tuy nhiên tôi có cảm tưởng như vì thời gian không cho phép và vì APEC sắp tới ở Đà Nẵng chỉ còn vài tháng nữa, cũng như chưa tìm được người nào thích hợp theo phong cách Donald Trump cho nên họ đã chọn một người có kinh nghiệm về ngoại giao và thông thạo vùng này hơn là một người theo phong cách Donald Trump.”
Dù tân đại sứ có thể nỗ lực về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam nhưng tôi cho rằng khác biệt vẫn tồn tại, không có gì gọi là đột biến hay khác biệt gì lắm.
- Nguyễn Cảnh Bình
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam VIDS, trình bày suy nghĩ đầu tiên của ông về tân đại sứ Daniel Kritenbrink:
“Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã đến Việt Nam mỗi người một vẻ nhưng có mười phân vẹn mười hay không phải do phía Mỹ đánh giá, Việt Nam đánh giá cũng chỉ mới được 50% thôi. Đối với trường hợp ông Kritenbrink này tôi có trực giác ông là một nhà ngoại giao không chỉ kỳ cựu mà có lẽ còn thuộc vào hạng số má nhất của Hoa Kỳ ở Việt Nam từ trước đến nay. Ta biết các đại sứ Hoa Kỳ từ trước đến nay thường là phó đại sứ ở những nước mà cao nhất như ông Osius ở Indonesia, nhưng riêng ông Kritenbrink này là phó đại sứ Trung Quốc, một chuyên gia thượng thặng về Bắc Triều Tiên, lại giỏi tiếng Nhật và tiếng Tàu. Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh thì rõ ràng không phải là một nhà ngoại giao tay mơ, chắc chắn phải có chất lượng như thế nào đó mới được ông Trump chọn.”
Ông Daniel Kritenbrink được chỉ định đến Việt Nam ngay thời điểm rất đáng chú ý, là nhận định tiếp theo của tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng:
“Rất đáng để ý, có thể nói là khúc quanh mới trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội trong địa chính trị khu vực. Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung được. Ví dụ chuyện tập trận, chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh... Hai lý do tôi vừa nói là những biến động, những thay đổi có thể nói là về chất trong quan hệ Việt Mỹ. Trong bối cảnh đó tôi thấy việc thay đại sứ là rất có ý nghĩa, còn sẽ như thế nào thì chúng ta phải chờ, nói trước thì sớm quá.”

Kỳ vọng

Với câu hỏi là người ta có thể kỳ vọng điều gì nơi ông Daniel Kritenbrink một khi ông được quốc hội Mỹ chuẩn thuận chức vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam trong thời gian tới, nhà quan sát Nguyễn Cảnh Bình của Trung Tâm Hợp Tác Trí Tuệ Việt Nam nói rằng ông không chờ đợi gì nhiều lắm, nghĩa là thời gian đầu sẽ không có gì thay đổi trong các chính sách của Mỹ về Việt Nam.
DanielKritenbrink1.jpg
Ông Daniel Kritenbrink và ông Daniel R. Russel trong buổi họp báo nói về chuyến đi của Tổng thống Obama tới Việt Nam và Nhật Bản tại Trung tâm Báo chí nước ngoài Washington vào ngày 18 tháng 5 năm 2016. Screen capture of U.S. Department of State's video
"Ông ấy cũng sẽ giống những nhà ngoại giao chuyên nghiệp trong những năm qua, sẽ duy trì, xây dựng và giúp những mối quan hệ với Việt Nam tốt lên. Ông ta sẽ đảm bảo được lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực này. Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp thì ông ta sẽ thực hiện đúng những việc như vậy.
Ít nhất là từ nay cho đến cuối năm thì chúng ta cũng chỉ có vài tháng để chuẩn bị cho APEC, thì chắc không có gì khác ngoài việc thu xếp những nghi lễ, những hoạt động thông thường về quan hệ giữa 2 nước trong khu vực.
Về vấn đề Biển Đông tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn chính là công việc của người Việt Nam. Những đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, nếu nhìn nhận vấn đề Biển Đông thì đa phần nhìn nhận dưới góc độ lợi ích của Hoa Kỳ nhiều hơn là nhìn dưới góc độ của người Việt Nam. Dù muốn hay không muốn thì họ cũng không thể nào hiểu hết được những suy nghĩ những dự định của người Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ vấn đề Biển Đông sẽ là vấn đề của Việt Nam chứ vai trò của đại sứ Hoa Kỳ trong vấn đề này không lớn.”
Cùng câu hỏi này, nguyên Đại sứ Hà Lan Đinh Hoàng Thắng nhận định rằng với Việt Nam ông Kritenbrink sẽ có chỗ để thi thố tài năng:
“Tuy là đặc mệnh toàn quyền nhưng đại sứ Mỹ cũng thế, đại sứ Việt Nam cũng thế, các đại sứ cũng là những người thừa hành đường lối của tổng thống, thừa hành những chỉ thị của bộ trưởng ngoại giao. Ông Kritenbrink có gốc gác về vấn đề an ninh quốc gia thì cái này là cái rất quan trọng. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ở Mỹ có vai trò rất lớn trong hoạch định chính sách. Nếu đã có background như thế, cộng với đã từng làm phó đại sứ ở Trung Quốc, tôi nghĩ ông có hiểu biết rất sâu về mối tương tác quan hệ nhiều chiều. Không phải chỉ có giữa Việt Nam với Hoa Kỳ mà giữa Việt Nam - Hoa Kỳ - Trung Quốc, thậm chí ông lại là chuyên gia về Bắc Triều Tiên tức vấn đề Đông Á, Nhật, thì trong bối cảnh mới một chuyên gia thượng thặng như thế nó rất cần thiết cho tình hình Việt Nam. Tôi nghĩ ông Ktritenbrink sẽ có đất để thi thố tài năng. Còn thi thố thế nào bây giờ nói trước thì sớm quá. Các đại sứ đến rồi đi nhưng mối quan hệ hai nước thì còn đấy và nó cần được ở trong tay những chuyên gia rất giỏi."
Dù tân đại sứ có thể nỗ lực về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam nhưng tôi cho rằng khác biệt vẫn tồn tại, không có gì gọi là đột biến hay khác biệt gì lắm.
- Nguyễn Cảnh Bình

Đánh giá

Theo đánh giá của trang mạng World Herald Bureau, ông Daniel Kritenbrink là một nhà ngoại giao tận tụy với công việc. Tháng Năm năm 2016, trước chuyến viếng thăm được coi là lịch sử của tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, trong tư cách cố vấn cao cấp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ tại DC ông Daniel Kritenbrink từng tuyên bố rằng nhân quyền luôn là một nhân tố quan trọng, nếu không muốn nói là trung tâm, trong việc đưa quan hệ song phương Mỹ Việt thăng tiến hơn lên.
Dưới mắt ông Nguyễn Cảnh Bình, tân đại sứ Daniel Kritenbrink sẽ không tạo thay đổi về nhân quyền cho Việt Nam vì nhân quyền chỉ là một trong những vấn đề nhưng không quan trọng bậc nhất để có thể quyết định toàn bộ mối bang giao Mỹ - Việt:
“Có lẽ cả hai nước vẫn tiếp tục những quan điểm khác biệt về chủ đề này giống như trong những năm qua, dù tân đại sứ có thể nỗ lực về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam nhưng tôi cho rằng khác biệt vẫn tồn tại, không có gì gọi là đột biến hay khác biệt gì lắm.”
Trong mắt cựu Đại sứ Hà Lan Đinh Hoàng Thắng, ông Daniel Kritenbrink vốn xuất thân là cố vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ nên khi làm đại sứ ở Việt Nam thì ông sẽ xử lý mọi vấn đề trong mức độ ngoại giao nhuần nhuyễn và chuyên biệt hơn, đặc biệt là trong khi chính sách của hành pháp Trump được giới phân tích cho là không rõ ràng và có tính cách bất chợt, tùy hứng mà không ai có thể dự kiến được.

CHIẾN TRANH VÀ MẬU DỊCH

Chiến Tranh và Mậu Dịch

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2017-07-26
Email
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G20 ở Đức hôm 8/7/2017
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G20 ở Đức hôm 8/7/2017
AFP

Dư luận quốc tế theo dõi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì e sợ mâu thuẫn ngoại thương có thể dẫn tới trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới với hậu quả sẽ lan rộng tới các thị trường khác. Hôm Thứ Tư 19 vừa qua tại thủ đô Hoa Kỳ, hội nghị kinh tế cấp cao giữa hai nước lâm vào bế tắc nên người ta càng lo ngại kịch bản đó. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ nhìn sâu xa hơn để tìm hiểu vì sao…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.Trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế tuần này, t hưa quý thính giả, vào đầu Tháng Tư  tại thượng đỉnh ở Mar-a-Lago giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, đôi bên đưa ra kỳ hạn 100 ngày để giải tỏa mâu thuẫn về mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương. Kỳ hạn ấy đã hết vào giữa tháng này mà không đạt kết quả đáng kể ngoài việc Trung Quốc cho nhập khẩu thịt bò của Mỹ và bán gà của Tầu vào Hoa Kỳ. 

Sau đó, người ta theo dõi kỳ họp kinh tế đầu tiên trong khuôn khổ gọi là Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Tuần qua, từ Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Uông Dương đã qua họp với hai Tổng trưởng Ngân khố và Thương mại của Hoa Kỳ mà không có tới một thông cáo chung. Giới quan sát cho rằng mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa hai quốc gia đang thành trầm trọng hơn và thậm chí có thể dẫn tới xung đột mậu dịch với hậu quả bất lợi cho các thị trường khác trên thế giới. Thưa ông, ông nhận định ra sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Là Ủy viên Bộ Chính Trị, ông Uông Dương nổi tiếng là có tinh thần cởi mở từ khi còn làm Bí thư Trùng Khánh rồi Bí thư Quảng Đông, vậy mà ông thất bại trong kỳ họp vừa qua, tới độ tránh tiếp xúc với truyền thông báo chí và đôi bên cũng chẳng có một tuyên bố chung như cô vừa trình bày. Ngược lại, Tổng trưởng Ngân Khố là Steve Mnuchin và Tổng trưởng Thương Mại là Wilbur Ross đều có những phát biểu khá gay gắt trước khi hủy bỏ cuộc họp báo. Quả nhiên là quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tới hồi căng thẳng.



Nguyên Lam: Ông giải thích thế nào về tình trạng ấy khi nhiều người cho là Nội các và Ban tham mưu của Tổng thống Hoa Kỳ có nhiều doanh gia như chính ông Donald Trump nên sẽ dễ thỏa hiệp với Trung Quốc trong tinh thần của các con buôn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ là truyền thông báo chí nhận định sai. Về mối quan hệ với Trung Cộng, lý luận sai là Donald Trump chỉ là con buôn nên sẽ vì quyền lợi kinh tế mà thỏa hiệp với Bắc Kinh. Sự thật là Chính quyền Trump không nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế nên phiên họp tuần qua mới tan vỡ, sau khi phía Hoa Kỳ đưa ra nhiều đòi hỏi cụ thể, như về ngành thép mà chúng ta nên thấy rằng chỉ là tiểu tiết của một màn nói thách. Thứ hai, ít ai chú ý là từ Tháng Tư cho đến gần đây ông Trump nhiều lần giàng vấn đề an ninh vào quan hệ mậu dịch với các nước. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ có động thái toàn diện y hệt lãnh đạo Bắc Kinh, tức là coi kinh tế chỉ là một phần của quan hệ chiến lược bao gồm cả an ninh.
- Thứ ba, người ta cũng nhận định sai khi tưởng Chính quyền Trump đang lui về chủ trương tự cô lập để bảo vệ quyền lợi của Mỹ mà không còn lý gì đến các mâu thuẫn quốc tế. Thật ra, Hoa Kỳ đang can thiệp vào nhiều nơi, từ Trung Đông, Trung Á, đến Đông Âu. Riêng tại Châu Á, thì Hoa Kỳ đòi bảo vệ quyền tự do hàng hải trên vùng biển Đông Nam Á và kín đáo yểm trợ Philippines, Malaysia và Indonesia trong việc giải trừ khủng bố nên làm Bắc Kinh khó chịu. Sau cùng, người ta sở dĩ lầm vì cứ tưởng kế hoạch võ khí hạch tâm của Bắc Hàn khiến Chính quyền Trump cần tới sự can thiệp hay can gián của Trung Quốc mà bỏ qua mâu thuẫn kinh tế và an ninh với Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á. Có lẽ chúng ta nên nhìn lại toàn bộ vấn đề.
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta nên nhìn lại như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết là về tình hình căng thẳng do sự khiêu khích của Bắc Hàn và thái độ Bắc Kinh. Người ta không thấy Bắc Kinh can gián Bắc Hàn mà còn cùng Liên bang Nga kín đáo giải vây kinh tế cho chế độ hung đồ tại Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ khác. Họ e ngại sự sụp đổ của chế độ Bắc Hàn nên đang lặng lẽ tăng cường hiện diện về quân sự tại vùng biên giới giữa hai nước, nhưng lại cũng muốn giăng bẫy Hoa Kỳ.
 Nếu Mỹ không phản ứng mạnh với Bắc Hàn vì sợ nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á thì sẽ mang tiếng khiếp nhược trước sự cứng rắn của Bắc Kinh. Nếu Hoa Kỳ có thái độ dữ dội với Bình Nhưỡng thì lại gây rủi ro chiến tranh và lãnh tội hung hăng trong khi Bắc Kinh tỏ ra là đang cố mưu tìm giải pháp ngoại giao trong khu vực.

Khi lâm vào cảnh ngộ khó xử như vậy thì Chính quyền Hoa Kỳ không thể nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế mà còn dùng đòn bẩy mậu dịch để gây sức ép. Thành thử kinh tế cũng là một phần của bài toán an ninh thôi. Nhìn như vậy thì các nước Đông Nam Á cũng rơi vào thế kẹt nếu cứ muốn làm ăn với Bắc Kinh mà lại cần đến sự yểm trợ quân sự và sức bảo vệ của Hoa Kỳ.
Nguyên Lam: Trở lại hồ sơ kinh tế đơn thuần thì thưa ông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gồm có những gì?
Khi lâm vào cảnh ngộ khó xử như vậy thì Chính quyền Hoa Kỳ không thể nhượng bộ Bắc Kinh về kinh tế mà còn dùng đòn bẩy mậu dịch để gây sức ép. - Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, quan hệ kinh tế giữa các nước với nhau mới chỉ thật sự theo quy luật tự do với tổi thiểu hạn chế từ mấy chục năm thôi, chứ nó không hoàn toàn lý tưởng như người ta thường nghĩ. Thứ hai, trong mấy chục năm đó, cụ thể là từ sau Thế Chiến II và trong 40 năm chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã dùng quyền lợi kinh tế để có thêm đồng minh, nên yểm trợ các nước với cái giá phải trả là bị nhập siêu ngày một nặng hơn.

Trong khi đó thì nước nào cũng có biện pháp bảo hộ mậu dịch chứ không hoàn toàn giải phóng ngoại thương như họ vẫn nói, kể cả trường hợp Nhật Bản hay Đức và lộ liễu nhất chính là trường hợp của Trung Quốc với các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được đảng chặt chẽ bảo vệ. Không phải là ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường như Bắc Kinh yêu cầu. Thế rồi sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991 thì nhu cầu tìm kiếm đồng minh hết là ưu tiên của Hoa Kỳ nên nhiều nước kiếm lời nhờ làm ăn với Mỹ đã gặp khó khăn, điển hình là Nhật.
- Trong khi đó, tự do mậu dịch hay toàn cầu hóa như giải pháp lý tưởng thật ra cũng có mặt trái bên trong từng nước, là nếu nhiều thành phần có lợi thì nhiều thành phần khác lại vất vả vì bị cạnh tranh kịch liệt hơn, hoặc bị đào thải, công nhân mất việc, lợi tức sa sút. Tình trạng ấy xảy ra cho nước Mỹ từ lâu và kết tụ thành một vấn đề lớn khiến ông Donald Trump đắc cử Tổng thống vào năm ngoái. Ông thắng cử nhờ huy động thành phần bị thiệt hại vì tự do mậu dịch và đưa ra lập luận có vẻ bảo hộ mậu dịch nhưng sự thật lại chẳng đơn giản như vậy.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu sự thật lại không đơn giản như vậy thì đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên bề mặt, Chính quyền Donald Trump đòi thương thuyết lại những điều khoán bất lợi trong các hiệp ước thương mại đã ký kết, như Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ là NAFTA, hay Hiệp ước Song phương với Hàn Quốc. Trong thực tế thì vì quan hệ gắn bó đã phát triển từ lâu, một số tiểu bang hay thành phần có lợi nhờ các hiệp ước có khi lại bị thiệt khi Hoa Kỳ đòi xét lại, như tiểu bang Texas trong hồ sơ NAFTA với xứ Mexico, hay các tiểu bang Kentucky, Wisconsin và Florida trong luồng giao dịch với Âu Châu.
- Vì các tiểu bang trên đều ủng hộ ông Trump nên khối dân biểu nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa cũng có thể gây trở ngại cho việc Hành pháp tái thương thuyết các hiệp ước. Một trường hợp cụ thể khác là Hoa Kỳ đả kích chiến lược sản xuất thừa rồi xuất khẩu thép của Trung Quốc làm ngành thép Mỹ bị thiệt hại mà vì thép là một sản phẩm chiến lược cho an ninh nên lý do an ninh thật ra có động lực chính trị là bảo vệ công nhân hay doanh nghiệp thép của Mỹ.
- Tuy nhiên, ngoài bản thân ông Trump thì Nội các và Ban tham mưu về kinh tế và thương mại của Chính quyền Trump lại dày kinh nghiệm trên doanh trường và biết rõ hai mặt lợi hại của tự do thương mại nên sẽ chẳng đơn giản đòi hỏi giải pháp bảo hộ mậu như nhiều người lo ngại. Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng luật lệ Hoa Kỳ còn cho Hành pháp nhiều quyền hạn về thương mại nếu an ninh quốc gia bị đe dọa, kể cả quyền áp đặt hạn ngạch xuất nhập khẩu hoặc dựng hàng rào quan thuế, nên Chính quyền Trump còn có thể kéo dài việc đàm phán với nhiều đòn phép mà chưa chắc Quốc hội đã có thể ngăn được.
Nguyên Lam: Ông vừa phân tích một khía cạnh rắc rối trong hệ thống luật lệ Hoa Kỳ, như các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa thấy tiểu bang của mình bị thiệt hại vì Hành pháp Cộng Hòa đòi xét lại các hiệp ước thương mại, nhưng chưa chắc là họ đã có thể ngăn được. Một cách cụ thể thì thưa ông chuyện ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi lại phải nhắc lại rằng chính Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng cho các nước thành viên được viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đòi hỏi ngoại lệ trong hiệp ước tự do thương mại. Hoa Kỳ lại còn có đạo luật thương mại từ năm 1962 cho Hành pháp sử dụng quyền trả đũa. Vì vậy, Chính quyền Trump sẽ tận dụng những quyền hạn ấy không chỉ với Trung Quốc mà với mọi đối tác kinh tế khác.

Nếu Quốc hội Mỹ muốn ngăn cản động thái ấy thì phải ban hành luật mới với đa số đủ cao để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. Với tâm lý quần chúng hiện nay tại Hoa Kỳ, chưa chắc là Quốc hội Mỹ đã thành công trong nỗ lực cản trở vì ta đừng quên rằng ngay từ năm ngoái đa số Dân Chủ lẫn nhiều giới chức dân cử bên Cộng Hòa đều chống Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi là TPP, trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống rồi rút khỏi Hiệp ước này. Vì vậy, đòn phép chống thép Tầu của Chính quyền Trump để bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ thu hẹp vào Trung Quốc mà thôi.
Nguyên Lam: Như vậy, có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao Hoa Kỳ nhất quyết không nhượng bộ Trung Quốc khiến hội nghị vừa qua giữa hai nước đã gặp bế tắc. Thưa ông, kết luận sau cùng ở đây là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là Hoa Kỳ không lui về chủ trương tự cô lập mà còn ưu tiên quan tâm đến an ninh và lồng chuyện an ninh vào kinh tế. Vì Trung Quốc đang gây ra nhiều vấn đề về an ninh cho Hoa Kỳ, từ Đông Bắc Á xuống tới Đông Nam Á, nên sẽ được tận tình chiếu cố và mâu thuẫn mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Mà vì kinh tế cũng là an ninh, các nước khác nên tự chuẩn bị cho nhiều đòn phép sắp tới về mậu dịch của Hoa Kỳ.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

DƯƠNG THU HƯƠNG *SỨC MẠNH CỦA CHỦ NGHĨA NGU DÂN.



Nhân ngày 27/7: Ngày thương binh liệt sĩ CSVN. SỨC MẠNH CỦA CHỦ NGHĨA NGU DÂN.

Mỗi năm có hàng trăm cuộc đánh bom cảm tử tại Pakistan cũng đồng nghĩa với hàng trăm người tử vì đạo và hàng nghìn người vô tội khác thiệt mạng. Cộng đồng thế giới phẫn uất, lên án, nhưng đồng thời cũng băn khoăn và muốn thấu hiểu những sự thật nằm sau các hành động ấy. Nhà làm phim Sharmeen Obaid Chinoy đã hé mở một bí mật đáng sợ và kinh ngạc về cách mà Taliban thuyết phục trẻ em trở thành những kẻ đánh bom cảm tử.

Vốn thích nhạc không lời nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ về một câu hát cũ, “Anh ở đầu sông, em cuối sông. Chung nhau dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Lãng mạn sao, những cặp tình nhân cùng uống chung một dòng nước. Và hạnh phúc thay những kẻ có thể sống cả đời bên một con sông êm đềm, qua những mùa lúa chín không tiếng súng, những trưa hè có thể nép mình dưới bóng các rặng cây. Nhưng đó là chuyện cổ tích.

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới… Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu.

Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”

Đây là kinh nghiệm của chính tôi.

Năm 1994, tôi sang Pháp lần đầu, được một nhóm “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Có lẽ tên ấy được đặt ra khi nhóm này tham gia vào phong trào chống chiến tranh và người cầm đầu nhóm ấy đã từng là phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ trong các hội nghị đàm phán hưu chiến ở Paris. Khoảng năm 1990, cũng nhóm này đứng lên lấy chữ ký của Việt kiều trí thức ở Mỹ, Đức, Úc và Pháp trong bản kiến nghị yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ. Sau bản kiến nghị ấy, họ bị cấm về nước một thời gian khá dài, thậm chí còn bị gọi là “các phần tử phản động”.

Như thế, phải hiểu là giữa nhóm Việt kiều này với tôi có chung mục đích tranh đấu cho quyền sống của người dân Việt Nam. Có lẽ cũng vì lý do ấy, họ đón tôi, ít nhất đấy là điều tôi nghĩ. Cuộc đón tiếp diễn ra nồng nhiệt, dường như mang mầu sắc bạn hữu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận thấy giữa họ với tôi có rất nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Tôi tự nhủ, “Người ta sống trên đời, thường tụ thành bè, còn bạn là thứ quý hiếm, nó còn quý hiếm hơn tình yêu vì không có bệ đỡ tình dục. Tình bạn đòi hỏi một sự cảm thông sâu sắc, những phẩm chất tương đồng, và cơ duyên để có thể cùng nhìn về một hướng, cùng đi theo một ngả. Vì lẽ đó, tình bạn không thể có được một cách dễ dãi. Không có thứ tình cảm nào không cần thử thách, cho dù là tình yêu, tình bạn hay tình đồng đội, tất thảy đều cần phải nung qua lửa mới biết vàng thau”.

Nghĩ thế, tôi chọn thái độ im lặng, lảng tránh các cuộc tranh cãi, vì nếu không là bạn, hà tất phí nước bọt để đôi co?

Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ở phía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh. Trong suốt một thập kỷ, nước Việt Nam đã thực sự biến thành cái cối xay thịt khổng lồ nhất trong lịch sử của toàn thể loài người. Vì lẽ ấy, theo tôi, cả người thắng lẫn người thua phải biết sám hối, và nếu muốn lật trang cho lịch sử đất nước, trước hết kẻ thắng phải biết câm mồm lại đừng huyênh hoang nữa; còn kẻ thua cũng phải biết câm mồm lại, thôi chửi rủa, cả hai phía không nên tiếp tục đào bới cái thây ma lên mà ngửi. Nếu không đủ can đảm nhìn nhận vấn đề như nó vốn thế, họ chỉ còn là đám thú rừng bị lọt xuống một cái bẫy của lịch sử và không bao giờ có thể nhẩy lên khỏi hố sâu.

Năm 2005, tôi trở lại Pháp.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” chủ động mời tôi đến ăn cơm tối với họ để trao đổi tình hình. Tôi nhận lời. Bữa cơm ấy diễn ra ở một quán ăn thuộc quận 13. Trước khi đến Paris, tôi đã ở Turin (Ý) một tuần. Trong tuần lễ đó, khá nhiều báo Ý đã phỏng vấn tôi và đã đăng bài tức khắc. Một trong số các bài báo ấy, có đề tựa “Mười triệu người chết trong cuộc chiến Việt Nam”.

Trong các cuộc phỏng vấn tại Turin, tôi đã kể lại hai điều:

- Thứ nhất, khi làm người viết thuê cho các ông tướng, tôi được nghe họ nói với nhau: Chúng ta chỉ công bố con số thật sự khi người Mỹ bồi thường chiến tranh. Như thế, con số phía Mỹ đưa ra (khoảng 5 triệu tử vong) lẫn con số chính quyền Việt Nam đưa ra (hai triệu rưỡi) đều là số sai sự thật.

- Thứ hai, chỉ khi đến Turin tôi mới biết lính các nước chết ra sao và nhờ có sự so sánh ấy, tôi mới biết thân phận người lính và người dân Việt Nam đau khổ đến mức nào. Năm 2005, cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Iraq. Báo mỗi ngày đều đăng tin bao nhiêu lính Mỹ, bao nhiêu lính Iraq tử vong. Nếu con số đó chạm tới năm chục đã khiến các nhà báo làm rộn lên, chất vấn tổng thống. Khi số tử vong chạm đến số 100 thì sự căng thẳng trong chính trường đã khiến Nhà Trắng điên đầu. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người nhưng không có một dòng trên báo, không một câu trên đài phát thanh. Không ai hay biết, kể cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Tôi nói với các nhà báo Ý:

“Tới tận năm nay, gần sáu mươi tuổi tôi mới thấm thía sự khác biệt giữa kiếp người. Nhờ đọc báo phương Tây, tôi mới biết là người Mỹ và người Iraq chết như người, chết theo kiểu người. Chúng tôi, những người Việt Nam, chúng tôi chết như kiến, chúng tôi chết như ruồi, chúng tôi chết như lá khô rụng, cái chết của chúng tôi hoà lẫn bùn đen, và tan trong câm lặng.”

Vì ở Turin có những Việt kiều liên hệ chặt chẽ với nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris và gửi báo cho họ nên trong bữa cơm tối hôm ấy, tôi bắt buộc phải bàn cãi với họ về chủ đề chiến tranh Việt-Mỹ. Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công. May mắn là còn có những vị tướng biết thương dân, thương lính, khóc đỏ mắt, quyết định rút quân và làm báo cáo giả để gỡ tội.

Hồi ấy, tổng tư lệnh của cuộc chiến là Lê Duẩn, đã đưa ra khẩu hiệu:

“Dân tộc chúng ta là dân tộc anh hùng, chỉ có thắng không có thua.

Quân đội chúng ta là quân đội anh hùng, chỉ có tiến không có lùi.”

Điều đó có nghĩa: Chỉ tiến công, không phòng thủ!

Xưa nay, trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc, bao giờ chúng ta cũng lùi về rừng núi để chờ thời gian mài mòn lòng kiêu ngạo lẫn ý chí quân địch, cũng là để khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt quật ngã chúng, cũng là để củng cố quân đội rồi chờ thời cơ thuận lợi mới huy động binh lính và dân chúng tổng tấn công. Khẩu hiệu của ông Lê Duẩn đưa ra là một sự sáng tạo thuần tuý, một ý thơ bay bổng, xuất phát từ tham vọng và lòng kiêu mạn cộng sản. Nhưng thơ phú là thứ chỉ để ngâm ngợi khi gió mát trăng thanh, thơ mà trà trộn với chiến tranh nó biến thành núi xương sông máu.

Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris nghe tôi nói xong thì hai nhân vật chủ chốt phản ứng dữ dội. Ông X bảo:

- Mục tiêu biện minh cho phương pháp. Muốn thắng cuộc trong chiến tranh thì phải chấp nhận tất cả.

Ông Y phản ứng với con số Mười triệu:

- Con số đó không thật. Ở nước Pháp chúng tôi có các biện pháp khoa học về dân số để chứng mình là con số ấy sai. Làm sao chị có thể nghe theo mấy thằng tướng ngu ấy được?

Tôi im lặng không đáp. Nhưng hôm sau, tôi có nhờ ông Phan Huy Đường, lúc đó còn dịch sách của tôi, nói lại với ông Y:

- Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.

Đấy là phản ứng duy nhất của tôi. Trong thâm tâm, tôi quyết định chia tay.

Tôi nghĩ, đám người này cần cuộc chiến tranh chống Mỹ như người đàn bà cần son phấn. Giữa họ với ta chẳng còn điều gì đáng nói. Một cuộc chia tay vĩnh viễn là điều hợp lý hơn cả. Không cần kiệt xuất thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ngay rằng cộng đồng người Việt ở nước Pháp là một cộng đồng không bản sắc, sống co cụm, một bầy thỏ ngoan ngoãn đối với chính quyền. Họ không gây ra các vụ lộn xộn như người da đen và người Arab theo đạo Hồi, nhưng họ cũng chẳng có tiếng nói, chẳng có một gương mặt nào trên các diễn đàn quyền lực. Vì bản chất nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó nên họ thành công ở mức trung bình, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên đã là giấc mơ tột đỉnh. Hội nhập vào xã hội Pháp chưa lâu, sự tự tin vào bản thân chưa đủ, họ lại bị ám ảnh bởi thân phận lớp người Việt Nam nhập cư trước họ, những người lính thợ bị thực dân cưỡng bức rời quê hương sang Pháp phục vụ tại một số nhà máy làm thuốc súng để thay thế cho các công nhân Pháp ra chiến trường.

Năm 1937, để dự phòng chiến tranh, bộ trưởng Bộ Thuộc Địa và Quân Đội (ministre de la Colonie et de la Défense) Georges Mandel dự tính tuyển 80.000 người Đông Dương. Tháng 6 năm 1940 đám thanh niên Việt Nam được dẫn đến hải cảng Pháp gồm: 10.750 người trung kỳ, 7.000 người miền Bắc, 2.000 người miền nam. Đám lính thợ này đã bị đối xử như những con vật, bị dồn vào sống trong những khu nhà tồi tàn, không điện và thiếu nước, không nơi vệ sinh, không lò sưởi và thức ăn không đủ nửa khẩu phần. Mùa đông, những kẻ khốn khổ ngủ trên sàn, đại tiểu tiện ngay bên ngoài cửa, người nọ dẫm vào phân người kia. Đói khát, họ phải đào rễ củ và hái rau dại về ăn. Cái sự thật tàn nhẫn này bị vùi trong câm lặng. Cho đến đầu thế kỷ XXI, mới có vài nhà báo Pháp lên tiếng. Sau đó, Bernard Kouchner, vốn là một ngôi sao cánh tả nhưng sau thất bại của Ségolen Royal trong cuộc tranh cử 2007, đã nhận lời làm bộ trưởng bộ ngoại giao cho chính phủ Sarkozy mới chính thức lên tiếng xin lỗi vì: “Nước Pháp đã đối xử với những người lính thợ Việt Nam như đối với súc vật.”

Trong thực tiễn, nước Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam còn tệ hơn súc vật bởi khi cưỡng chế thanh niên Việt Nam sang Pháp, họ dồn đám người này xuống hầm tầu còn tầng trên, thoáng mát hơn thì để dành cho… những con bò. Cái kinh nghiệm tồi tệ ấy được cấy trong tim như một quá khứ sầu thảm, cộng đồng người Việt không thể tránh khỏi mặc cảm của những kẻ vừa là dân nhập cư, vừa mang nhãn hiệu “Được lôi ra từ vùng đất thuộc địa”. Thế nên, cuộc sống tinh thần của họ dường như đột ngột khởi sắc, bừng bừng ánh sáng khi cuộc chiến tranh Việt-Mỹ xẩy ra. Tại sao?

Dễ hiểu thôi, tinh thần "Bài Mỹ" là chất xi-măng gắn kết một số đông quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa nhưng ngay cả các nước phương Tây. Hành vi của nước Mỹ không chỉ gợi lên lòng căm thù nhưng kèm theo đó cả sự sợ hãi. Nếu có tiền lệ một nước nhược tiểu bị Mỹ chà nát thì sẽ đến lượt các nước khác theo thành ngữ, “Không bao giờ có lần thứ nhất, lần thứ hai mà lại không có lần thứ ba”.

Vả chăng, về mặt lý, cuộc chiến này không thể biện minh, “Không một người Việt Nam nào mang bom sang giết người Mỹ.”

Dù cộng sản hay không cộng sản thì sự thực là không có một người Việt Nam nào cầm dao hoặc cầm súng sang tận nước Mỹ để giết một người Mỹ, hoặc ngay đến một con bò trong trang trại Mỹ cũng không.

Vì thế, lương tâm nước Mỹ phải thức tỉnh. Các vụ biểu tình phản đối chiến tranh trước toà Nhà Trắng của Mỹ điệp với các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại các nước khác. Tiếng hát và ngọn lửa tự thiêu của trí thức Mỹ đốt nóng cả châu Mỹ La-tinh và châu Âu.

Vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhập cư chống chiến tranh được hưởng một sự ưu đãi vô tiền khoáng hậu. Đi đến đâu họ cũng được thăm hỏi, giúp đỡ, được coi là người của “một dân tộc anh hùng”. Và, trên các diễn đàn chống chiến tranh, đại diện của “tổ chức Việt kiều yêu nước” được xuất hiện


bên cạnh những nhân vật quan trọng bản xứ mà nếu không nhờ ân sủng của cuộc chiến này, không bao giờ họ có cơ hội và có tư thế tiếp xúc. Để ví von, có thể nói rằng: Những con chim vốn nép mình trong bóng tối nhờ ánh đạn lửa mà được nhô đầu ra và há mỏ cất tiếng kêu.

Thế nên, họ cần cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Lòng ích kỷ, cái kiêu ngã của con người quả là vô giới hạn. Những kẻ sống ở một phương trời, cần máu đồng bào phải đổ ở một phương trời khác để tô điểm cho cuộc sống tinh thần của chính mình.

Chiến tranh thật đẹp khi nó được tạo bằng máu xương kẻ khác!

Từ đây, tôi nghi ngờ hai từ “yêu nước”. Phía sau danh từ này có vô vàn tâm trạng, có vô số động cơ, hoặc xác thực, hoặc ngầm ẩn, hoặc có ý thức, hoặc vô thức.

Danh từ nào cũng lập lờ và cũng có khả năng phản lại nghĩa chính thống.

Như thế, giữa người Việt với người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông vô hình. Chắc chắn cũng còn khá lâu mới bắc được cầu qua những con sông ấy.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối.

Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp. Sự đời vốn đổi thay như các lớp tuồng. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là dường như họ chỉ được biết đến trong các tình huống đau khổ. Kể từ khi làn sóng “Thuyền nhân” dịu đi, Việt Nam gần như chẳng còn gì để nhớ. Cứ nghe đài phương Tây thì biết, người ta chỉ nhắc tới hai từ Việt Nam khi nhắc tới cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, bởi rất nhiều trí thức phương Tây, đặc biệt là các văn nghệ sĩ đã tham gia vào phong trào chống chiến tranh và tuổi trẻ của họ gắn bó với những kỷ niệm của một thời sôi động. Tuy nhiên, ngay cả những người kiên nhẫn nhất và hiểu biết Việt Nam nhiều nhất cũng chưa dám quả quyết rằng họ nắm được sự thực về cuộc chiến tranh này. Điều đó, quá khó khăn.

Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi:

- Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?

Tôi đáp:

- Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.

Anh bạn chưng hửng:

- Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.

Tôi cười:

- Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.

Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.

Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết. Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho…

Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm.

Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… Tóm lại, Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.

Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.

Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.

Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”.

Dương Thu Hương

4/7/2014





Trong hình  £nh có th à có: 2 ng ° Ýi, m Íi ng ° Ýi   ang    éng, m Íi ng ° Ýi   ang   i b Ù và ngoài tr Ýi

Trong hình  £nh có th à có: m Ùt ho ·c nhi Áu ng ° Ýi, ngoài tr Ýi và thiên nhiên



Bình luận
https://www.facebook.com/linh.duong.1884?fref=ufi&rc=p
Dương Hoài Linh Bài này bà Dương Thu Hương vẫn còn nhiều hạn chế về tư tưởng, chưa hiểu lắm về thể chế chính trị dân chủ đặt "tổ quốc trên hết" của người lính miền Nam cho nên bả nói miền Nam bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh lạnh và cũng hy sinh vô nghĩa như miền Bắc. Nhưng thôi, đối với một người miền Bắc đi lính, đi thanh niên xung phong mà hiểu được như vậy là tốt rồi. Không thể đòi hỏi cao quá. Bởi đòi
hỏi cao quá những người miền Bắc như bà sẽ không bao giờ chấp nhận.


https://www.facebook.com/ha.lu.90?fref=ufi&rc=p
Hà Lu Chị ấy thao thao bất tuyệt. Chị ấy phân tích về tâm lý đám trí thức Việt Nam ớ Pháp hay lắm, phân tích về người lính bắc Việt khá. Riêng phần phía quân đội cộng hòa lại bảo đánh thuê cho Mỹ là vớ vẩn chả biết gì? Đành rằng Mỹ sợ làn sóng đỏ, quân cờ đôminô gì đó tựa vào nhau, một quân đổ tất cả xụp xuống nên muốn tham chiến ở Miền Nam. Còn người lính cộng hòa là những người bảo vệ tổ quốc. Chị ấy hoàn toàn không hiễu nỗi lòng tổng thống Ngô Đình Diệm không bao giờ muốn người lính Mỹ đến Việt Nam mà muốn ký hiệp ước song phương an ninh tương trợ nhưng Mỹ không chịu, họ cứ ngang nhiên mang quân vào đánh cộng sản. Thôi đó là định mệnh nghiệp chướng vậy. Phân tích về chính sách ngu dân mỵ dân của cộng sản rất chính xác.

No comments:

Post a Comment