Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 September 2018

SAI GON



SAI GON
Là thành phố lớn nhất của Việt Nam, ở phần phía nam của đất nước gần biển Nam Trung Hoa. Một khu định cư người Khmer cổ đại, được biết đến như là Sài Gòn trong suốt lịch sử của nó, phục vụ như là trung tâm hành chính của Đông Dương thuộc Pháp và, sau năm 1954, là thủ đô của miền Nam Việt Nam. Thành phố được đổi tên sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975.Từ điển tiếng Hoa của American Heritage®, ấn bản thứ năm. Bản quyền © 2016 bởi Houghton Mifflin Harcourt Publishing Company. Xuất bản bởi Công ty xuất bản Houghton Mifflin Harcourt. Đã đăng ký Bản quyền.Thành phố Hồ Chí Minhn(PlaceName) một cổng trong S Việt Nam, 97 km (60 dặm) từ Biển Đông, trên sông Sài Gòn: bắt bởi người Pháp vào năm 1859; sáp nhập với Cholon liền kề vào năm 1932; thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) từ năm 1954 đến năm 1976; đại học (1917); Trụ sở Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam. Pop: 5 030 000 (ước tính năm 2005). Tên cũ (đến năm 1976): Sài GònCollins English Dictionary - Hoàn chỉnh và không bị rút gọn, ấn bản lần thứ 12 năm 2014 © HarperCollins Publishers 1991, 1994, 1998, 2000, 2003, 2006, 2007, 2009, 2011, 2014

 
 SAI GON
The largest city of Vietnam, in the southern part of the country near the South China Sea. An ancient Khmer settlement, it was known as Saigon throughout most of its history, serving as the administrative center of French Indochina and, after 1954, as the capital of South Vietnam. The city was renamed after the end of the Vietnam War in 1975.
American Heritage® Dictionary of the English Language, Fifth Edition. Copyright © 2016 by Houghton Mifflin Harcourt Publishing Company. Published by Houghton Mifflin Harcourt Publishing Company. All rights reserved.










Ho Chi Minh City

n
(Placename) a port in S Vietnam, 97 km (60 miles) from the South China Sea, on the Saigon River: captured by the French in 1859; merged with adjoining Cholon in 1932; capital of the former Republic of Vietnam (South Vietnam) from 1954 to 1976; university (1917); US headquarters during the Vietnam War. Pop: 5 030 000 (2005 est). Former name (until 1976): Saigon
Collins English Dictionary – Complete and Unabridged, 12th Edition 2014 © HarperCollins Publishers 1991, 1994, 1998, 2000, 2003, 2006, 2007, 2009, 2011, 2014

















</ifra <br /> <br /> <iframe width="854" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/_Svs2RIJ4Pw" frameborder="0" allow="autoplay; encrypted-media" allowfullscreen>





 














TRẦN VIỆT LONG * LÁ DIÊU BÔNG, MỘT TÌNH YÊU THÁNH HÓA



LÁ DIÊU BÔNG, MỘT TÌNH YÊU THÁNH HÓA


TRẦN VIỆT LONG






Lá Diêu Bông không hiện hữu trên trái đất này thì làm sao ai mà tìm thấy được và như thế thì chẳng khác nào người đẹp gieo cầu trong gió lớn, làm lỡ duyên người con gái thơ ngây! Tôi viết vài dòng về Lá Diêu Bông vì thấy lyric và nhạc của Trần Tiến mang tính mẫn cảm thật đẹp về tình yêu hơn lyrics và nhạc của Phạm Duy về cùng một bài thơ, Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm.
Thật vậy, câu chuyện tình Lá Diêu Bông là có thật cho dầu Lá Diêu Bông là một loại cỏ cây huyền thoại mang tính platonic. Năm 8 tuổi, cậu bé học trò Bùi Tằng Việt (sinh năm 1921) từ nơi trọ học trở về nhà ở Bắc Ninh thì tình cờ cậu gặp một thiếu nữ hàng xóm 16 tuổi tên Vinh, cậu fell in love immediately. Rung cảm trước tình cảm thiết tha thật dễ thương đó nơi một cậu em thật bé, tâm hồn người thiếu nữ đã khởi lên một tình yêu thăng hoa đầy thánh hóa. Nhưng rồi mùa Xuân có giới hạn thời gian, người thanh nữ phải xuất giá ở tuổi 20 khi nhà thơ tương lai Hoàng Cầm của chúng ta mới tròn 12 tuổi. Chôn chặt hình ảnh lãng mạn đầu đời đó mãi đến năm 1959 thì bài thơ "Lá Diêu Bông" mới ra đời. Cần phân biệt ở đây bài thơ của Hoàng Cầm với bản nhạc cùng tên do Phạm Duy sáng tác trong thập niên 1980s. Bài thơ nguyên tác như sau:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo:
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày: Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãng bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt, chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời … ới Diêu Bông !
Qua kinh nghiệm cuộc đời, chúng ta biết cả hai, cô Vinh và cậu bé Việt, đã tha thiết yêu nhau trong ý nghĩa thánh thiện nhất của tình yêu. Ở đây tình thơ và tình yêu đã quyện lẫn vào nhau nhưng vẫn ở ngoài tình ái. Biết tình cảm lãng mạn của mình không có lối thoát nên cô Vinh đã đưa ra một thách đố không thể thực hiện được cho cậu bé Việt. Cô Vinh biết rằng làm gì có Lá Diêu Bông trên thực tế nhưng cậu bé Việt thì quyết tâm đi tìm trong cả cuộc đời mình như là một sự đi tìm cái "bản lai diện mục" của Tình Yêu viết hoa vậy. Đấy là "the Soul of World" và "when you want something with all your heart, that's when you are closest to the Soul of World . It's always a positive force." [The Alchemist, p. 78]. Khi một người tha thiết yêu ai đó thì tình yêu đó là một nguồn cảm hứng dạt dào thúc đẩy người ấy sáng tác những vần thơ tuyệt diệu mà sức tuôn trào của lời thơ như một dòng thác chảy vô bờ.
Tôi rất ngưỡng mộ khả năng diễn đạt ngôn ngữ qua lời nhạc của Phạm Duy nhưng lyric Lá Diêu Bông của ông thì dường như ông chưa nhận ra được tình yêu chân thành của cô Vinh dành trọn vẹn cho cậu bé Việt khi ông đem chữ"tao" gắn vào ngôn ngữ trữ tình của cô Vinh thay cho chữ "ta" nguyên khởi của chính cô, "Đứa nào tìm được lá diêu bông / Từ nay tao sẽ gọi là chồng." "Ta / ngươi" là ngôn ngữ tình yêu được xử dụng bình đẳng giữa nam và nữ khi tình cảm của họ đã "tế ngộ" mà quan hệ xã hội chưa đủ chín mùi để chuyển sang "anh / em." Và cuộc hành trình đi tìm Lá Diêu Bông vẫn tiếp tục nơi Hoàng Cầm cho dầu đang tìm ở cõi vĩnh hằng chứ không phải nói như Phạm Duy,"Em đi trăm núi nghìn sông / Nào tìm thấy lá Diêu Bông bao giờ ...".
Nhạc của Phạm Duy hay hơn nhưng tương đối khó hát trong khi nhạc của Trần Tiến rất gần gũi dân ca và dễ hát hơn, và lyric của Trần Tiến thì trung thành với cảm quan của cô Vinh và cậu bé Việt hơn; ngoài ra Trần Tiến lại thêm vào vài lời thật dễ thương mà có người con gái đã trả lời tôi khi tôi hỏi về chồng con của nàng sau nhiều năm mới gặp lại,"Lấy chồng sớm làm gì /để lời ru thêm buồn !" Thật ra cô em này cũng "ăn gian" tôi khi cô chỉ trích ra một dòng để trả lời câu hỏi của tôi, trong khi lyric của Trần Tiến là lời than của Hoàng Cầm đối với cô Vinh khi cô Vinh đi lấy chồng:
Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn
Ru em thời thiếu nữ xa xôi
Còn đâu bao đêm trăng thanh
Tát gàu sòng, vui bên anh.

Để hiểu bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm thì không thể không nói phớt qua về ý nghĩa của các chữ “váy Đình Bảng” và “buông chùng cửa võng” được.


Váy: Từ trước khi quân nhà Minh chiếm đóng Việt Nam thì đàn bà người Việt mặc váy. Váy giống như skirt của Mỹ và jupe của Pháp:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

Đến đầu thế kỷ thứ 15 khoảng sau năm 1415 thì nhà Minh bắt buộc đàn bà Việt phải mặc áo ngắn và quần dài như người Tàu. Hơn 250 năm sau thì Nhà Lê cấm đàn bà mặc quần áo như Tàu mà phải mặc váy theo truyền thống văn hóa dân tộc. Đến khoảng năm 1750 thì Chúa Nguyễn thấy người Chiêm ăn mặc kín đáo hơn nên bắt buộc đàn bà người Việt phải mặc quần như người Tàu. Đến đời Vua Minh Mạng thì nhà vua buộc đàn bà cả nước phải mặc quần như đàn bà Đàng Trong nhưng lệnh này không được thi hành triệt để ở Đàng Ngoài, nhất là vùng thôn quê.

Tháng chín có chiếu vua ra:
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Đình Bảng: Làng Đình Bảng nguyên là đất cố đô Hoa Lư, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đình Bảng là nơi nổi tiếng về con gái đẹp, vãi lĩnh và lụa tốt, và có nhiều thợ may khéo, nhất là may váy phụ nữ. Về con gái đẹp thì Đình Bảng cũng như Nha Mân của Miền Nam hay Kim Long của Huế.

Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân?



Kim Long con gái mỹ miều
Trẫm yêu trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi
Nhưng xin các cô gái Miền Nam và Miền Trung đừng giận tôi nhe vì tôi phải thành thật nói rằng cả Nha Mân và Kim Long đều không thể nào sánh được nét thướt tha duyên dáng của người con gái Đình Bảng trong chiếc váy lĩnh, váy lụa thật mượt mà và sang quý khi họ làm như vô tình "buông chùng" đến mắt cá chân với các nếp gấp phía trước (phụ nữ) hay hai bên (thiếu nữ) lượn hình lưỡi trai (con trai, con hến) như những gợn sóng nhấp nhô nho nhỏ để tha hồ cho các chàng trai giàu tưởng tượng mến yêu.



Cửa võng: hay còn gọi là “bao lam” là hình ảnh của “rèm vắn lên hai bên” như chúng ta cột màn cửa sổ sát hai bên thành đố cửa sổ. Vải rèm hay màn dồn lại và rũ xuống hai bên. Trên một bức hoành phi thì cửa võng là phần trang trí sơn son thếp vàng làm khung phía trên của bức hoành phi mà phía dưới thì “để trống” không trang trí.



Câu thơ này là câu thơ nói lên đại ý của cả bài thơ. Một cậu bé 8-9 tuổi lững thửng theo sau một cô gái 16-17 tuổi đang thẩn thơ (chứ không phải thẩn thờ) đi tìm trên đồng ruộng vừa gặt lúa xong chỉ còn trơ cuống rạ trong một buổi chiều để đi tìm cái chân nguyên thơ mộng mà trong tâm tư thầm kín nhất, sâu thẳm nhất của nàng là cái mộng mơ đầu đời không diễn đạt thành lời. 
Đấy là cái tinh hoa của tình yêu nam nữ mơ hồ được thăng hoa từ sự phát triển thể chất tròn đầy một cách tự nhiên và không gợn một tí gì về dục tính. Và đấy là cái mà nàng đi tìm suốt cuộc đời một khi nàng đã trưởng thành và biết tên gọi rõ ràng cái tinh hoa đó là Hạnh Phúc ! Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất về cô gái đối với cậu bé là chiếc váy của nàng (cậu bé thấp quá so với cô gái !). Cái váy của người phụ nữ lớn tuổi và vất vã thì rất đơn giản, chỉ là một cuộn vải may khép kín, tròng vào qua hai chân, và có giây thắt lưng ở phần trên, nhưng chiếc váy của các phụ nữ giàu sang hay các cô gái mới lớn thì ngoài “cái thúng mà thủng hai đầu” đó thì vạt vải còn rộng dung hơn sự cần thiết dùng để tạo dáng thướt tha bằng cách làm nên những nếp gấp cân đối ở hai bên như hình ảnh cửa võng hay bao lam vậy.



Điều bi thảm của con người là cô gái mãi đi tìm trong suốt cuộc đời nàng nhưng cái tinh hoa của tình yêu mang tên là Hạnh Phúc đó vẫn xa xôi biền biệt vì rằng,

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày : Đâu phải Lá Diêu Bông.



Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu ,
Trông nắng vãng bên sông.

rồi

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ cắm trôn kim.

cuối cùng

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt, chị không nhìn.

Tâm trạng người con gái đi từ “chau mày, lắc đầu, cười” lơ đãng đến nỗi buồn vô vọng “xòe tay phủ mặt, chị không nhìn” vì không thể nào tìm được Hạnh Phúc của Tình Yêu.

Trần Việt Long.



DƯ THỊ DIỄM BUỒN * XUÂN NÀO TÔI ĐƯA EM VỀ

XUÂN NÀO TÔI ĐƯA EM VỀ



Tết tha phương trắng khung trời hoa tuyết
Chiều nghiêng nắng úa trải khắp nẻo đường
Biết bao giờ đón xuân trên đất Việt?
Để tình nồng sưởi ấm áp quê hương...

Kể từ khi quê ta tràn bóng giặc
Anh thân trai thời loạn biệt kinh kỳ
Đêm trừ tịch một mình trên vọng gác
Buồn đón xuân về, buồn tiễn xuân đi


Đồn vắng, trời khuya tay ghì báng súng
Sương gió lạnh lùng thấm áo chinh nhân
Đây tuyến lửa lọt giữa lòng thung lũng
Đêm sáng hỏa châu, pháo rít xa gần

Còn tôi đó, dừng quân nơi cuối bãi
Ngồi nhớ xuân nào, rất mộng rất thơ
Áo tím, dù hoa thanh xuân em gái
Thoáng lạc hồn tôi rung cảm dại khờ


Rồi một sáng ánh hồng lên rực rỡ
Rừng cờ vàng phấp phới rợp trời xanh
Người em nhỏ thẹn thùng và bỡ ngỡ
Tiễn bước tôi theo nhịp khúc quân hành

Chiều tiền đồn mây giăng mờ đỉnh núi
Những cánh thư từ em gái hậu phương
Dòng thư mát êm đềm như mạch suối
Nhen nhúm hồn tôi ước mộng bình thường


Ba Mươi Tháng Tư, miền Nam ta mất!
Giặc bắt tôi giam cầm tận Hà Đông
Em dầu dãi, đêm ngủ không tròn giấc
Phải nuôi con bé dại, phải nuôi chồng...

Bao năm tháng tôi bị đày điên đảo
Trời mờ sương, lao dịch chốn rừng sâu
Thủ đoạn giết mòn bởi trò tẩy não
Chỉ mấy hôm, sương trắng nhuộm mái đầu!


Thân tù tội, ôi đau thương nghiệt ngã!
Khi tôi về, em tóc bạc phơ phơ...
Mười mấy năm rồi ngược xuôi vật vã
Lòng kiên trinh buổi đoàn tụ em chờ

Tết viễn phương, giữa đông phong lạnh lắm
Tuyết chập chùng, hồ nước đóng thành băng
Đón xuân về, lòng riêng sầu thăm thẳm
Nhớ cố hương hiu quạnh mấy mùa trăng...


Xuân nơi đây không gian choàng áo tuyết
Gió lạnh lùng và nắng chiếu lung linh
Khi nào cờ vàng rợp trời nước Việt
Tôi đưa em về rũ bụi đăng trình.



Dư Thị Diễm Buồn

Sunday, February 4, 2018


ĐẶNG XUÂN XUYẾN .*BÙI CAO THẾ

Chuyện về Thầy xem tướng BÙI CAO THẾ
*
Anh, nhà thơ, nhà tướng thuật, nhà phong thủy học... Ái Nhân BÙI CAO THẾ là đồng hương xã với tôi. Cha anh là người thôn Gia Cốc (làng Cốc), mẹ anh là người thôn Đỗ Thượng (làng Đọ), chị cùng mẹ khác cha với anh là người thôn Đỗ Hạ (làng Đá), thôn tôi. Anh hơn tôi cũng kha khá tuổi nên thủa nhỏ, tôi chỉ biết anh qua lời khen của làng xóm: hiền lành, chăm chỉ và học giỏi.
Lớn lên, tôi đi lính, học Đại học, rồi lập nghiệp ở Hà Nội, về quê chỉ chớp nhoáng. Anh cũng thoát ly, xa quê từ rất sớm. Thế nên, tôi chỉ bập bõm biết về anh. Nghe làng xã kể thì đời anh cũng nhiều lao đao, lận đận. Tốt nghiệp Học Viện Chính trị Bắc Ninh năm 1987, anh vào làm giảng viên một trường Đại học Quân sự trong Nha Trang thì cuối năm đó anh bị tai nạn giao thông, rồi một năm sau (1988) anh bị thần kinh, phát điên.

Người ta đồn, không phải anh điên vì tình mà có lẽ vì học nhiều, đọc nhiều nên bị ngộ chữ. Nghe kể, lúc điên, anh cứ trần như nhộng, chạy lăng quăng khắp nơi, nghêu ngao mấy câu “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” rồi ré lên cười, rồi nức nở khóc.

 Có lúc, anh vỗ ngực, nhận mình là “thần tiên giáng thế”, là “Ngọc Nữ cô nương” đầu thai xuống nhân gian để cứu độ chúng sinh, rồi múa may quay cuồng, rồi trèo vắt vẻo lên ngọn cây, ngồi líu lo những lời ca chỉ mình anh “hiểu”. Mẹ anh, cạn khô nước mắt vì xót con. Chị anh, rộc người, héo rũ vì thương thằng em hóa dại. Anh cứ điên điên khùng khùng, cứ chợt ré lên khanh khách cười, rồi lại thổn thức từng chặp, từng chặp, cứ thế, gần mười năm dở điên dở dại. Hết dặt dẹo Hưng Yên, lại dật dờ ra Quảng Ninh, rồi lang bạt lên tận Lào Cai, Yên Bái để anh tự cười, tự khóc với bóng của chính mình.

Rồi anh gặp chị, vợ anh bây giờ, khi những cơn điên mà dân gian xót xa gọi là “Trời đày” chợt lắng xuống. Bìu díu, đưa nhau về ngõ 399 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội cùng góp sức nhóm bếp dựng nhà. Anh hết điên từ đấy và tự dưng biết xem bói, rồi nổi danh là thầy phong thủy, là tướng thuật gia, là thầy cúng trừ tà, bốc bát nhang mát tay, nhiều phép thuật...

 Anh làm thơ, nghe kể, từ trước lúc anh bị điên. Giờ tỉnh, không bị điên, anh vẫn làm thơ, nhưng hăng hơn, say hơn, say lắm, còn tự phong cho mình là Vua Mộng của Cõi Trời, trót say rượu đánh rơi chén ngọc nên đáp xuống Cõi Người đi tìm chén ngọc mà phiêu bồng cùng thơ phú. Anh đã ra 8 tập thơ và dõng dạc tuyên bố, sẽ ra 10 tập thơ hoặc hơn nữa, hơn nữa...

Tiền thì có lúc anh đủ tiêu, có lúc thiếu khi mua đồ nhưng thơ thì anh nhiều lắm, dồi dào như mạch ngầm tuôn chảy... Mến anh, người quê tôi gọi anh bằng cái tên “Thế điên” trìu mến. Cư dân trên facebook quý anh, rúc rích gọi anh là “ Vua Mộng” như lúc hứng lên anh tự ban tự nhận. Bạn bè thì tếu táo bông đùa kêu anh là “Thế hâm”, “Thế dở”. Còn tôi, vẫn quen gọi anh là “Anh Thế”, như ngày còn bé tẹo, ở quê.
Tiếng là đồng hương xã, cùng ở Hà Nội, cách nhau chừng 45 phút đi xe máy nhưng bao năm nay, phải quyết tâm lắm tôi mới đến thăm anh được 2 lần:
Lần thứ nhất: sau nhiều lần hò hẹn, sáng 12 tháng 08 năm 2014, tôi mới sang thăm anh.
Lần ấy, khi đến, anh đang xem bói cho mấy khách ở Thanh Hóa. Nghe anh tư vấn cho khách: - “Hạn năm 49 tuổi là hạn về sức khỏe, về tính mạng nên em phải thật cẩn trọng mấy vấn đề đó nhưng nếu vợ chồng em khởi công làm nhà hoặc sửa nhà năm 49 tuổi này thì không ngại, lại rất tốt.”.

Tôi thầm nghĩ, năm 49 tuổi, Hạn có sao Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn tiền bạc, ốm đau, tang chế… nên dân gian mới tránh làm nhà, sửa nhà vì lo lắng do vất vả mà suy kiệt sức khỏe dẫn đến đổ bệnh, nguy hại đến tính mạng. Và trong quá trình thi công sẽ có nhiều rủi ro, bất trắc nên người ta nghĩ cần đề phòng ốm đau bệnh tật, nguy hại đến tính mạng vẫn là hơn, vì thế mới kiêng.

Nhưng nếu nhà có điều kiện kinh tế, không phải lo lắng chuyện tiền bạc, thợ thuyền, không phải trực tiếp trông coi, đốc thúc việc thi công thì có thể “mượn tuổi 49” làm nhà, cho “hao tốn tiền bạc”, để “của đi thay người” mà tránh họa. Đấy là cách chọn lựa đáp án của số phận đã được thiên định để thuận theo số, không nhất thiết phải làm thầy mới biết. Nghĩ vậy, nên tôi không đề cao vị trí làm “thầy” của anh lắm.
Ngồi chừng hai mươi phút, khách về, anh tiếp chuyện tôi. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp, hoặc biết tôi không thích đàm đạo chuyện thơ văn nên anh nhìn tôi, phán: - “Cung Nô của chú xấu lắm. Là người sống tình cảm nên chú hết lòng với bạn bè chiến hữu nhưng lại hay bị bạn bè phản bội, chơi đểu lắm. Đểu ở chỗ là toàn những thằng mà chú hết lòng vì nó, coi nó như ruột thịt, thậm chí cưu mang còn hơn ruột thịt...”. Năm này, năm nọ... chuyện nọ, chuyện kia....

Anh nói cứ như là tôi đã kể cho anh nghe. Tôi ngớ người vì anh đoán quá chuẩn, nhưng rồi tôi nghĩ, người cùng xã, nghe chuyện từ người làng xã nên anh biết, nói đúng cũng phải thôi. Rót rượu, rồi giục tôi nâng chén, anh thủng thẳng: - “Cưới vợ đi chú. Gà trống nuôi con cực lắm.”. Tôi cười, thoáng chút ngạc nhiên: - “Bác làm thầy xem tướng, biết cung Thê của em nát bét như thế mà lại khuyên em cưới vợ nữa? Người không biết về tướng thuật khuyên em đã đành, bác là người sành tướng thuật sao lại khuyên em như thế?.”.

Anh tủm tỉm: - “Ừ. Biết là cung Thê của chú xấu lắm, xấu tai xấu hại, xấu hơn cả cung Nô nhưng chú làm sao cải số được. Tuổi còn trẻ, sự nghiệp đang phát triển, còn rất nhiều những tham-sân-si với đời, chú ạ.”. Tôi trầm ngâm: - “Em đã giải tán Công ty từ đầu năm ngoái, chỉ giữ lại Nhà sách Bảo Thắng, chắc vài năm nữa sẽ giải nghệ xong.”. Anh nhếch miệng: “Chú chỉ giỏi xạo. Nghe mọi người nói Công ty của chú cũng lớn lắm, có thị phần toàn quốc mà nói giải tán công ty như kiểu buôn thúng bán mẹt... Chú nói chuyện cũng hài nhỉ...”.

Tôi khẽ cười, lặng im, không trả lời. Chừng mười phút, khi đã nhìn kỹ mặt tôi, anh gật gù: - “Như thế là chú chọn lựa hoàn cảnh để thuận theo Số Mệnh chứ không phải chú cải số, không phải chú cãi Mệnh. Chú chọn tự hành xác, tự cầm tù bản thân để không tù mà như tù, không tu mà như tu, vẫn thuận theo số mà tránh được những rắc rối với pháp luật ở hậu vận, hạn chế những đổ vỡ thêm về tinh thần. Tất cả vì cậu ấm.

Chấp nhận những thua thiệt của bản thân để con cái được yên ổn nhất, an toàn nhất. Ừ. Cách đó cũng được nhưng phải thật kiên trì và chịu khổ nhiều lắm. Cung Di, cung Nô như thế, chú phải quyết tâm nhiều lắm mới làm được. Khó lắm chú ạ. Sợ chú không làm được, rồi thêm khổ. Luật Trời, khó lái lắm, dù là lái theo số Mệnh. Sơ sẩy một chút, là rách việc lắm, nhục lắm....”. Đến đây, thì tôi thực tin anh là người am hiểu về tướng thuật, làm thầy “giúp thiên hạ” cũng phải.
Tiễn tôi lên đầu ngõ, thấy tôi có vẻ còn băn khoăn, anh hỏi: - “Chắc chú lấn cấn về thế đất nhà anh?.”. Tôi thật lòng: - “Em thấy khí âm vẫn nhiều lắm dù anh đã thiết kế phòng ốc, bài trí cây cảnh để khắc phục.”. Anh chậm rãi: -“Lúc mua đất, làm gì có tiền mà anh được quyền lựa chọn. Thế đất xấu nhưng tiền không có, đành nhắm mắt mua để giải quyết chỗ ăn chỗ ở. May là chỗ quen biết nên người ta chịu bán nợ cho đấy. Biết khắc phục bằng thiết kế phòng ốc, bài trí cây cảnh cũng không thể giải quyết triệt để được thế đất “ao tù” này, nên anh khắc phục thêm bằng 2 chữ Thiện Tâm, hy vọng “ao tù” sẽ thành “huyệt tụ”.

Ơn trời. Về đây hơn mười năm, anh đã trả hết nợ mua đất, xây được ngôi nhà mấy tầng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng anh cũng đã lo cho chị và 2 cháu có cuộc sống tạm ổn”. Về nhà, tôi ngẫm nghĩ mãi những điều anh nói. Trang Đặng Xuân Xuyến cũng đã đăng mấy bài anh chấp bút về phong thủy nhưng các bài viết (của nhiều tác giả, không riêng tác giả Ái Nhân - Bùi Cao Thế) thường nặng tính lý thuyết, “phô trương học thuật” để đề cao cái “tôi” của tác giả, nên nếu không được “mục sở thị” thực tiễn ứng dụng lý thuyết phong thủy vào cuộc sống thì khó đánh giá được “tay nghề” của tác giả.

Tôi yêu thích văn hóa tín ngưỡng nên tự thu lượm kiến thức từ sách vở, từ học hỏi, anh làm thầy, là người kiếm tiền của thiên hạ từ những kiến thức phong thủy ứng dụng vào cuộc sống thì đương nhiên kiên thức về phong thủy anh hơn tôi hẳn “cái đầu”, nhưng những gì tôi kiểm chứng ở lần gặp này, dù chưa nhiều nhưng quả thật anh là người thực tài về xem tướng, còn phong thủy vẫn lợn gợn vài ba dấu hỏi.
Lần thứ hai tôi sang thăm anh là ngày 14 tháng 07 năm 2017, cũng để tặng anh tập thơ Cưỡng Xuân vừa ra.Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã “soi” tôi, rồi túc tắc: -“Cung Tài của chú đang vượng, sáng lắm, dạo này được khen nhiều cũng phải. Nhưng vượng chỉ được một thời gian ngắn nữa sẽ bị ám khí lấn vào, cẩn thận kẻo bị kẻ tiểu nhân phá bĩnh. Cung Tài của chú lạ lắm, sáng mà lại hãm, luôn bị tiểu nhân chọc phá. Phần do chú thẳng quá, thật quá, sống không khôn khéo. Phần do thiên hạ hiểu sai, suy diễn không đúng nên ghen ghét. Mà nếu có gọi cung Tài của chú là cung Chiêu Thị Phi cũng chẳng ngoa...”.

 Tôi không hoài nghi lời anh “phán” dù không tự xem tướng (mặt) được vì bị bệnh mù màu (không xem được họa - phúc qua ám tướng), nhưng tôi “linh cảm” được điều đó từ những chiêm nghiệm của bản thân. Rồi anh “khoe” chuẩn bị ra tập thơ thứ 8, tôi thật lòng: - “Sao anh không gộp làm 1, 2 hoặc 3 tập thật đầy đặn làm kỷ niệm, chứ thơ ai mua mà in lắm thế, tốn tiền.”. Anh bần thần, nhát gừng: - “Cũng là trời đày cả thôi. Vì đam mê mà chú. Cũng như chú, cũng in hàng bao nhiêu đầu sách đấy thôi.”.

Tôi cười, nửa đùa nửa thật: - “Thơ thẩn vừa vừa thôi anh, suốt ngày lướt mây lướt gió như thế, rồi khổ chị, khổ các cháu.”. Anh nhìn xa xăm, uể oải: - “Với lại, phải ra nhiều tập thơ, phải tạo được “hiệu ứng” thì mới được xét kết nạp vào Hội Nh à Văn. Hôm nọ, có người nói với anh là họ phải mất hàng trăm triệu mới được xét kết nạp vào Hội đấy.”. Tôi tròn mắt nhìn anh, không ghìm được chua xót: - “Sao phải khổ thế anh? Người ta cố chen vào Hội để hưởng quyền lợi, bổng lộc của chế độ chứ anh vào chỉ để giải quyết chuyện “con gà”, chuyện “một miếng giữa đàng” thì vào làm gì.”.

Nhấp chén rượu, vẻ không ưng, anh chuyển đề tài về xem tướng, luận số nhưng chắc vẫn còn nhiều lợn cợn về chuyện thơ văn nên chưa được mươi phút, anh đã quay lại đề tài cũ: - “Chú làm thơ, viết văn chỉ để giải khuây khác với anh viết thơ, làm văn vì đam mê nên không thể áp đặt quan niệm về Hội của chú vào anh được.


Chú có thể dị ứng với từ Hội này, Hội kia, người này, người nọ, nhưng cũng không nên áp đặt với anh, với mọi người như thế. Với lại, chú mới làm thơ có mấy năm nay, chứ anh làm thơ từ thời chú còn cởi truồng...”. Định phân trần với anh vài câu để anh không hiểu lầm, không giận thì 3,4 khách xem của anh vào, nhìn tôi, anh nhẹ nhàng: -“Anh bận rồi, chú lên tầng hoặc kiếm chỗ khác ngồi chơi nhé.”.
Tôi chào anh về. Ra đầu ngõ, gặp mấy thanh niên quãng mười tám đôi mươi, tưởng tôi là khách đến xem, dừng xe hỏi: -“Chú ơi, thầy Thế xem có chuẩn không ạ?”. Tôi thật thà: -“Chú không phải là khách xem bói nhưng chú thấy nhà thầy Thế có nhiều khách đến xem lắm.”.
Về nhà rồi mà tôi mãi vẩn vơ: Sao anh không tranh thủ lúc còn trẻ, lúc đương được Trời cho nhiều lộc lá mà chuyên tâm vào việc “ăn mày lộc Thánh” để tạo tích lũy, phòng lúc ốm đau bệnh tật, ham mấy chuyện thơ phú hão làm gì?

Vài năm nữa, khi tuổi cao, sức yếu, lộc Trời cho đến lúc phải cạn, phải kiệt mà nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như bước dồn vó ngựa thì sao? Nhưng rồi, tôi nghĩ: Đời mà! Mấy ai dễ vất bỏ được những Tham - Sân - Si ngồn ngộn trước mắt ra ngoài vòng danh lợi để an nhiên tự tại với cuộc sống thanh bần? Dù anh có là thầy tướng số đang được nhiều lộc lá Trời cho, thì dao sắc vẫn không gọt được chuôi, anh vẫn chỉ là một trong những con thiêu thân đang luẩn quẩn chạy vòng quanh bánh quay định sẵn của số phận.
Anh, tôi và bao người khác, chỉ là những con thiêu thân nhốn nháo chạy vòng quanh chiếc đèn cù số phận. Biết đấy nhưng giãy không ra. Muốn thoát nhưng càng vẫy vùng thì sợi dây “nghiệp chướng” càng thêm xiết chặt. Không biết thì sao cũng được nhưng biết rồi thì thôi đành lựa cách để thuận số mà sống. Bất chợt, tôi nhớ tới câu đám trai làng thường tếu táo: “Vui nhưng đừng vui quá!”. Vâng! Có lẽ nên vậy chăng với số phận của mình?!
.
*.
Hà Nội, 28 tháng 01 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.

PHẠM VĂN TUẤN * LOẠN THÁI BÌNH THIÊN QUÔC TẠI TRUNG HOA



LOẠN THÁI BÌNH THIÊN QUÔC TẠI TRUNG HOA
PHẠM VĂN TUẤN 

1/ Nguyên nhân thành lập Thái Bình Thiên Quốc.
Vào mùa xuân của năm 1836, một thầy giáo 22 tuổi tên là Hồng Tú Toàn (Hong Xiuquan) từ nơi làng quê của mình là Hoa Huyện, đi tới thành phố Quảng Đông cách làng vào khoảng 22 dặm để tham dự kỳ thi địa phương. Tám năm về trước, 1828, Hồng Tú Toàn, sinh năm 1814 và là người con thứ tư trong gia đình, đã bị thi trượt nhưng sau các năm học hành, được gia đình thuộc về giai cấp nông dân giàu có giúp đỡ, Hồng Tú Toàn lần này cố gắng đi thi nhưng tiếc thay, ông ta vẫn không đậu.

Vài ngày sau đó, khi đi bộ trên đường phố đông người của thành phố Quảng Đông, Hồng Tú Toàn đã gặp hai nhà truyền giáo thuộc đạo Tin Lành, một người Mỹ lớn tuổi tên là Edwin Stevens và người thứ hai, có lẽ là người Trung Hoa đã cải theo đạo mới, tên là Lương A Pháp (Liang A-fa), ông này là người phụ tá cho Tiến Sĩ Robert Morrison thuộc Hội Truyền Giáo Luân Đôn (the London Missionary Society) tới Quảng Đông để dịch Thánh Kinh (the Bible) sang tiếng Hoa.

Vào ngày gặp gỡ đó, ông Stevens là người có bộ râu dài lại mặc một áo dài đen. Người thứ hai thuộc tuổi trung niên, đã đưa cho Hồng Tú Toàn một bộ 9 tờ giấy quảng cáo, trong đó có phần dịch thuật Thánh Kinh do Lương A Pháp, nói về Sách Sáng Thế Ký (the Book of Genesis), các nhà tiên tri của Kinh Cựu Ước (Old Testament Prophets)... Tập giấy quảng cáo này trình bày các tín điều cơ bản của đạo Thiên Chúa, nhấn mạnh về Mười Điều Răn, quyền hành tuyệt đối của Thượng Đế, sự ghê sợ khi mắc tội và cách chọn lựa không thể thỏa hiệp giữa cứu rỗi và bị đầy đọa, giữa thiên đường và địa ngục...

Hồng Tú Toàn trở về nhà, buồn phiền vì bị thi hỏng nên không hề quan tâm tới các tờ giấy giảng đạo kể trên. Ông ta cố công học tập trong một năm nữa rồi qua năm 1837, lại đi thi kỳ thứ ba. Vào kỳ thi này, Hồng Tú Toàn lại bị thi trượt, bị mê hoảng tinh thần, phải nhờ người dùng cáng đưa về nhà.
Một hôm, một người bà con của Hồng Tú Toàn tên là Hồng Nhân Can (Hong Rengan) đã kiếm ra trên kệ sách các tờ giấy quảng cáo giảng đạo Thiên Chúa, đã đọc tài liệu này và đã đưa cho Hồng Tú Toàn coi. Hồng Tú Toàn sau đó đã suy nghĩ và tưởng tượng về các lời rao giảng, về lúc gặp mặt hai nhà truyền giáo, người già hơn với bộ râu dài mang hình ảnh của Thượng Đế và người trẻ là biểu tượng của Chúa Jesus. Hồng Tú Toàn đã diễn tả các ảo giác của mình và cho rằng mình được dẫn lên Thiên Đường và rồi chính mình là con trai của Thượng Đế và là em trai của Chúa Jesus, vào lúc này có nhiệm vụ phải tiêu trừ hết ma quỷ trên thế gian và khiến cho mọi người biết tôn thờ Thượng Đế. Ở nhà, ông ta nói lớn và nói lảm nhảm, đã kể cho người chị rằng mình là “Hoàng Đế của Thiên Quốc Thái Bình” với mặt trời nằm ở trong bàn tay phải và mặt trăng nằm ở trong bàn tay trái. Từ nay, dân làng cho rằng ông thầy giáo này bị mất trí.
40 ngày sau, Hồng Tú Toàn trở thành một con người bình thường nhưng nhắc lại cho vài người biết rằng mình đã được một phụ nữ già tử tế, là Bà Mẹ trên Nước Thiên Đường (the Heavenly Mother) tới thăm. Bà cụ này nói với Hồng Tú Toàn: “Con trai của ta ơi, con đã bị dơ bẩn khi xuống trần gian. Hãy để ta rửa sạch con trước khi con được giáp mặt với Cha của con”. Hồng Tú Toàn kể rằng mình đã được dẫn đi gặp Cha, một nhân vật đáng kính, có bộ râu dài, mặc áo đen, khi đó có người anh của Hồng Tú Toàn tham dự. Vị Cha trên Trời này đã cho Hồng Tú Toàn một thanh gươm và ra lệnh phải đi tiêu diệt hết các quỷ dữ.
Hồng Tú Toàn thuộc giống người Khách Gia (Hakka), còn được gọi là “người khách” (the Guest People) từ miền bắc nước Trung Hoa di cư xuống miền trung do bị các giống dân khác đánh đuổi vào thế kỷ thứ 13. Giống người Khách Gia này có gốc Hán tộc nhưng lại dùng các y phục, tập quán, thổ ngữ riêng, họ biết cách sinh sống hợp tác với nhau để bảo vệ lẫn nhau khỏi bị các chủng tộc khác đàn áp.
Vào thời gian đầu, Hồng Tú Toàn được Hồng Nhân Can giúp đỡ cùng với gia đình và vài người bạn khác. Ông ta đi giảng đạo tại các miền quê có đông người Khách Gia cư ngụ, vừa phổ biến Thánh Kinh, vừa cổ động tinh thần chống thuốc phiện và cờ bạc, chống uống rượu và đĩ điếm, chủ trương nam nữ bình đẳng, chống Nhà Thanh để khiến cho đất nước Trung Hoa không còn bị các nước ngoài chèn ép. Hồng Tú Toàn đã giảng dạy cho người dân trong vùng rằng “mỗi năm, người Mãn Châu đã đem hàng chục triệu đồng bạc và vàng để đổi lấy thuốc phiện, đã rút ra hàng triệu tiền bạc từ xương tủy của người dân Trung Hoa”. Ông ta kêu gọi mọi người phải diệt trừ Diêm La Yêu, ám chỉ bọn quý tộc Mãn Thanh, phải tiêu diệt “con chó Hàm Phong”, tức là Vua Nhà Thanh đương thời, bởi vì Hồng Tú Toàn đã mô tả ông vua này đã tàn phá phụ nữ Trung Hoa và áp đặt các tục lệ Mãn Thanh tầm thường.
Hồng Tú Toàn đã chuyển Mười Điều Răn thành bài thơ, biến các tín đồ thành “anh chị em”, kêu gọi họ sinh sống trong tiết dục cho tới khi nào trật tự của Thiên Đường được thiết lập. Các người đi rao giảng thứ đạo mới này của Hồng Tú Toàn đã không cần đến giáo đường để làm lễ, họ chỉ cần viết tên của Đức Jehovah lên trên một tấm giấy lớn, quỳ xuống đất và cầu nguyện.
Phong trào rao giảng mới này của Hồng Tú Toàn vừa có tính chất tôn giáo, vừa mang tinh thần ái quốc, lại được tổ chức theo quân đội nên đã phát triển rất nhanh, lan ra khắp miền nam của nước Trung Hoa. Vào năm 1850, Hồng Tú Toàn đã tuyển mộ được hơn 20 ngàn người, đủ đông để thành lập một đạo quân, chế tạo vũ khí và tổ chức thành một lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền Nhà Thanh.
Hồng Tú Toàn cùng với Phùng Vân Sơn (Feng Yunshang), Dương Tú Thanh (Yang Xiuqing), Vi Xương Huy (Wei Changhui), Tiêu Triều Quý (Xiao Chaogui) và Thạch Đạt Khai (Shi Dakai) tổ chức thành bộ chỉ huy khởi nghĩa tại thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Đông.
Dương Tú Thanh trước kia là một người bán củi trong tỉnh Quảng Tây nhưng về sau trở nên một nhà chiến lược có tài, và Thạch Đạt Khai, thời đó 19 tuổi, thuộc một gia đình địa chủ giàu có, đã khuyên gia đình của mình giúp cho Hồng Tú Toàn một số tiền lớn, vào khoảng 100 ngàn đồng taels. Những người ủng hộ khác thuộc phong trào khởi nghĩa gồm các thợ mỏ địa phương, họ rất giỏi về cách đặt chất nổ và phá đường hầm nên về sau họ được sử dụng trong việc công phá các thành trì. Ngoài ra còn có các hạng người khác như các chủ tiệm cầm đồ, các thư lại, các cựu binh lính Nhà Thanh cùng các tên tướng cướp địa phương, rất giỏi khi cần đánh cướp trên bộ cũng như trên sông hồ.
Hồng Tú Toàn đã ra các mệnh lệnh nghiêm ngặt chống tham nhũng, hút thuốc phiện, khuyên mọi người phải tiết dục... Khi Vua Đạo Quang (Daoguang) qua đời vào năm 1850, Vua Hàm Phong (Xianfeng) lên nối ngôi, đã chỉ định Lâm Tắc Từ (Lin Zexu) đi đánh dẹp quân nổi loạn của Hồng Tú Toàn nhưng Lâm Tắc Từ đã qua đời trước khi chuyển quân tới gần tỉnh Quảng Đông. Vào tháng 12 năm 1850, quân lính Nhà Thanh khi tiến tới đánh dẹp, đã bị thua trận nặng nề, viên tướng chỉ huy bị giết.
Hồng Tú Toàn
Vào tháng 1/1851, Hồng Tú Toàn tự xưng là Thiên Vương, lập ra đế hiệu gọi là Thái Bình Thiên Quốc (the Taiping Heavenly Kingdom). Các thành viên của thiên quốc này là những người lính gương mẫu, đã chiến đấu với lòng dũng cảm rất cao. Các trận chiến đã diễn ra rất tàn nhẫn và đẫm máu, với quân lính dùng nhiều vũ khí nhỏ.  Cũng có các đạo quân gồm toàn phụ nữ với quân số hàng trăm ngàn người, đóng trong các doanh trại riêng biệt với nam giới. Các quân nhân của Thái Bình Thiên Quốc đã cắt bỏ chiếc đuôi sam bởi vì đây là điều bắt buộc của chính quyền Nhà Thanh, họ để tóc mọc tự do giống như kiểu tóc hippie thời sau này.
Đạo quân Thái Bình Thiên Quốc bắt đầu tiến về phía đông, theo hướng biên giới hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông rồi sang mùa thu năm 1851, đổi hướng, chiếm được tỉnh Vĩnh An (Yongan) là nơi chứa đựng rất nhiều tiền bạc, thực phẩm và lại có thêm nhiều lính mới khiến cho quân số lên tới trên 60 ngàn người.
2/ Các cải cách của Thái Bình Thiên Quốc.
Vào ngày 11/1/1851, Hồng Tú Toàn khi đó 37 tuổi, tự xưng là Thiên Vương (the King of Heaven) và phong chức cho các tướng lãnh, thân thuộc như sau: Nam Vương là Phùng Vân Sơn, Đông Vương là Dương Tú Thanh, Tây Vương là Tiêu Triều Quý, Bắc Vương là Vi Xương Huy và Dực Vương là Thạch Đạt Khai. Các lãnh tụ khác cũng được phong tước vị vương hầu như: Lý Tự Thành (Li Xiucheng) là Trung Vương, Trần Ngọc Thành (Chen Yucheng) là Anh Vương, Hồng Nhân Can là Can Vương, Hồng Nhân Đạt (Hong Renda) là Phúc Vương, Hồng Nhân Phát (Hong Renfa, người anh lớn nhất) là An Vương, Hồng Nhân Quý (Hong Rengui) là Dũng Vương, Hồng Nhân Phú (Hong Renfu) là Phúc Vương... Vào thời gian này, quân Thái Bình Thiên Quốc khoe rằng đã chiếm đoạt được các kho tàng lớn gấp 6 lần số vàng bạc của Nhà Thanh tại Bắc Kinh, và họ có từ 2 tới 4 triệu người ủng hộ, với đạo quân rất kỷ luật, từ 1 triệu tới 3 triệu lính.
Quân Thái Bình Thiên Quốc lại tiến đánh tỉnh Quế Lâm (Guilin) vào mùa xuân năm 1852 rồi qua mùa hè năm đó, chiếm được tỉnh Hồ Nam (Hunan). Qua đầu tháng 12 năm 1852, hầu như không gặp sức chống cự nào, quân Thái Bình Thiên Quốc tiến vào Việt Châu (Yuezhou), phía đông của Hồ Động Đình (Dongting Lake), tại nơi đây họ đã đoạt được rất nhiều chiến lợi phẩm, hơn 5,000 tầu thuyền cùng các kho súng ống và đạn dược. Tiếp theo, thành Hán Khẩu (Hankou) sụp đổ vào tháng 12/1852 rồi tới lượt thành Vũ Xương (Wuchang) vào tháng 1/1853, nhờ vậy Hồng Tú Toàn đã có thêm 1.6 triệu đồng taels trong ngân khố địa phương và một số lớn tầu thuyền. Sau đó thành An Thanh (Anqing) đầu hàng vào tháng 2/1853, mang lại cho quân Thái Bình Thiên Quốc hơn 300 ngàn đồng taels, 100 khẩu đại bác lớn và các kho thực phẩm. Vào tháng 3 năm đó, tới lượt thành phố Nam Kinh sụp đổ.
Vào thời gian đó, dân số người Mãn Châu tại Nam Kinh là 40 ngàn người trong đó có gần 5 ngàn quân lính, họ rút lui vào trong nội thành nhưng đã bị quân Thái Bình Thiên Quốc tràn đánh. Tất cả các người gốc Mãn Châu, kể cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, đều bị tập trung lại một nơi, bị đâm chém hay đốt cháy chết hết.
Vào cuối tháng 3/1853, Hồng Tú Toàn mặc áo hoàng bào, đội vương niệm, được 16 người khênh trên kiệu và rước vào cung điện của Nhà Minh.
Trong vùng kiểm soát, Thái Bình Thiên Quốc đã thiết lập một chế độ vừa mang tinh thần tôn giáo, vừa mang tính cách quân sự, với các cải tổ như sau:
  1. trong các kỳ thi tuyển dụng nhân tài, các bài thi chuyển từ môn Khổng học cổ điển qua Thánh Kinh, 
  2. quyền tư hữu đất đai bị xóa bỏ, quốc gia hay nhà nước phân phối lại mọi đất đai, họ chủ trương chia xẻ ruộng đất bởi vì họ tin rằng đất đai thuộc về Thượng Đế, 
  3. âm lịch bị loại bỏ, thay bằng dương lịch, 
  4. tục lệ bó chân (foot binding) bị cấm chỉ, 
  5. xã hội được coi như không có giai cấp (classless) và hai giới nam nữ được coi như bình đẳng, phụ nữ được chấp nhận vào các kỳ thi tuyển, 
  6. hai giới nam nữ phải sống xa cách nhau và có các đơn vị quân lính gồm toàn phụ nữ, 
  7. tục lệ mang đuôi sam (queue hairstyle) bị bãi bỏ, mọi người được để tóc dài tự do, 
  8. cấm các thói xấu như hút thuốc phiện, cờ bạc, thuốc lá, đa thê, nô lệ và đĩ điếm...  
  9. Tuy nhiên, các quy luật này đã được áp dụng tùy tiện, cách trừng phạt đều là bất thường và tàn nhẫn, nền quản trị hành chánh không có, các luật lệ được áp dụng tại các thành phố lớn hơn là tại miền quê và mặc dù nghiêm cấm tục lệ đa thê, Hồng Tú Toàn vẫn có nhiều cung nữ và các nhân viên cao cấp đã có nhiều vợ nhỏ và sinh sống giống như các ông hoàng thời phong kiến.
Vùng kiểm soát của Thái Bình Thiên Quốc (màu đỏ)
Vào thời điểm cao nhất, quân Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm được miền nam và miền trung của nước Trung Hoa, đã hạ được hơn 600 thành trì, tàn phá 16 tỉnh của nước Trung Hoa, kiểm soát được vùng thung lũng sông Dương Tử (Yangtze). Sau đó, hai đạo quân được phái đi đánh kinh đô Bắc Kinh nhưng chiến dịch sau này đã không thành công. Tổn thất nhân mạng trong suốt thời kỳ này được ước tính lên đến hơn 20 triệu người.

Từ năm 1853, Hồng Tú Toàn trị vì Thái Bình Thiên Quốc trong 11 năm, tới năm 1864, sau đó quyền lực của Hồng Tú Toàn bị suy giảm do Đông Vương Dương Tú Thanh. Đông Vương này đã tuyên bố trước quân lính rằng chính mình mới là “tiếng nói của Thượng Đế”, nên có nhiều uy tín hơn Hồng Tú Toàn, tức là người em của Chúa Jesus. Hồng Tú Toàn đã không nắm được quyền kiểm soát các chính sách và cách quản trị vương quốc, ông ta lui về hậu cung và ban bố các tuyên cáo có nội dung tôn giáo, đồng thời các nhà lãnh đạo Thái Bình Thiên Quốc bắt đầu hưởng thụ, lập ra nhiều cung cấm và sinh sống trong cảnh sa hoa.

Thiên Vương Hồng Tú Toàn lại bất đồng ý kiến với Đông Vương Dương Tú Thanh về các chính sách, nghi ngờ các tham vọng của Đông Vương này cùng các người nội gián. Vào ngày 1 và 2 tháng 9 năm 1856, theo lệnh của Hồng Tú Toàn, Bắc Vương Vi Xương Huy và Dực Vương Thạch Đạt Khai đã kéo quân trở về Nam Kinh. Vi Xương Huy đã ám sát Dương Tú Thanh đồng thời giết chết 20 ngàn người của Đông Vương này rồi sau đó, Hồng Tú Toàn đã giết Vi Xương Huy cùng với hơn 200 bộ hạ.

Trước tình thế nội loạn của nước Trung Hoa, các người châu Âu đã đứng giữa, không ủng hộ hẳn phe Nhà Thanh hay phe Thái Bình Thiên Quốc, trong khi đó phe nổi dậy này đã gặp phải sự chống đối của giới trung lưu cổ điển, của giới chủ đất giầu có, bởi vì quân lính Thái Bình Thiên Quốc đã phá hủy các truyền thống Khổng học, phân cách nam và nữ...

Vào năm 1859, Hồng Nhân Can, một người bà con của Hồng Tú Toàn đã tham gia vào đạo quân Thái Bình Thiên Quốc, được Hồng Tú Toàn giao phó chức vụ lớn. Hồng Nhân Can đã lập ra chương trình bành trướng các miền chiếm đóng. Vào tháng 8 năm 1860, quân Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm được Hàng Châu (Hangzhou) và Thọ Châu (Suzhou) nhưng khi đánh chiếm Thượng Hải (Shanghai) thì bị thất bại, bởi quân lính Nhà Thanh và đạo quân đánh thuê ngoại quốc do Frederick T. Ward chỉ huy và đây là khởi đầu của thời kỳ suy thoái.

Frederick T. Ward là một kẻ mạo hiểm người Mỹ, quê ở Salem thuộc tiểu bang Massachusetts, đã tổ chức được một đạo quân gồm vài người Âu, 200 lính Phi Luật Tân và 500 hay 600 lính Trung Hoa. Mặc dù đạo quân này không hẳn hoàn toàn thắng lợi trong mọi trận chiến nhưng vẫn được Hoàng Đế Trung Hoa phong cho danh hiệu Vạn Thắng (the Ever Victorious Army). Khi F. T. Ward tử trận, một kẻ mạo hiểm khác người Anh đã lên thay thế, tên là Thiếu Tá Charles George Gordon, sau này được gọi là “Gordon người Hoa” (Chinese Gordon). Lực lượng đánh thuê ngoại quốc này cũng là một trong các thành phần đánh bại quân Thái Bình Thiên Quốc.
3/ Thái Bình Thiên Quốc gặp thất bại.
Quân lính Nhà Thanh sau đó đã được tổ chức lại, dưới quyền chỉ huy của Tăng Quốc Phiên (Zeng Guofan) và Lý Hồng Chương (Li Hongzhang). Vào đầu năm 1864, quân lính Nhà Thanh đã chiếm lại được phần lớn các vùng đất đã mất trước kia và đang tiến về Nam Kinh. Ngày 1 tháng 7 năm 1864, Hồng Tú Toàn chết sau 20 ngày nằm bệnh, có lẽ vì uống thuốc tự sát. Thân xác của Hồng Tú Toàn bị khai quật lên từ ngôi mộ chôn trong lâu đài của Nhà Minh để xác nghiệm rồi sau đó, đốt thành tro và cho vào súng đại bác bắn đi, tướng Nhà Thanh coi đây là một cách trừng phạt vĩnh viễn.
Lực lượng quân sự của Nhà Thanh vào thời điểm này gồm có từ 2 triệu đến 5 triệu lính chính quy, hàng trăm ngàn lính địa phương và được yểm trợ bởi đạo quân đánh thuê người ngoại quốc. Phương pháp chỉ huy cũng được cải tiến nhờ các viên chức cao cấp người Trung Hoa đã tỏ rõ lòng trung thành, lòng cam đảm và táo bạo trong việc chống lại quân Thái Bình Thiên Quốc. Các nhà trí thức Khổng học này đã tức giận vì quân nổi loạn đã đe dọa các căn nhà của tổ tiên họ và đã dùng đạo Thiên Chúa để tấn công toàn thể cấu trúc của các giá trị cổ truyền. Nhà lãnh đạo danh tiếng nhất trong công cuộc dẹp tan Thái Bình Thiên Quốc là Tăng Quốc Phiên, người thuộc tỉnh Hồ Nam. Tăng Quốc Phiên đã tuyển mộ đạo quân địa phương để bảo vệ phần đất của gia đình mình rồi phối hợp với các dân quân địa phương khác để thành lập ra “đạo quân Sông Tương” (the Xiang Army), đặt tên theo con sông cắt ngang qua tỉnh Hồ Nam. Đạo quân này đã trở thành lực lượng xung kích chính, chiếm lại kinh thành Nam Kinh.
Tướng Tăng Quốc Phiên đã tâu lên Vua Nhà Thanh như sau: “Hiện nay, khi nghe nói tới loạn quân Thái Bình Thiên Quốc, người dân cảm thấy đau đớn trong trái tim, đàn ông cũng như đàn bà đã bỏ chạy, bếp lửa không còn cháy nữa. Người dân cày không còn một hạt lúa, người nọ theo người kia đã bỏ chạy. Khi loạn quân đi qua một vùng đất không có người, họ giống như các con cá bơi tại một chỗ mà không có nước”.
Bốn tháng trước khi thành Nam Kinh sụp đổ, Hồng Tú Toàn đã thoái vị, nhường ngôi cho người con trai lớn 15 tuổi tên là Hồng Thiên Quý Phú (Hong Tienguifu) nhưng người con này đã không thể phục hồi được vương quốc, vì vậy thành trì Nam Kinh dễ dàng bị quân lính Mãn Thanh đánh chiếm vào tháng 7 năm 1864. Phần lớn các vương hầu của Thái Bình Thiên Quốc bị quân Nhà Thanh hành quyết tại thành Kim Lăng (Jinling town) thuộc Nam Kinh.
Khi kinh thành Nam Kinh bị chiếm, cảnh chém giết đã diễn ra trong suốt ba ngày và con sông Tần Hoài đã tràn ngập xác người. Tướng Tăng Quốc Phiên đã báo cáo về triều đình như sau: “Ngọn lửa đã tàn phá kinh thành trong 3 ngày đêm. Không một ai trong 100 ngàn quân nổi loạn chịu đầu hàng khi kinh thành bị chiếm và trong một số trường hợp, các loạn quân tụ họp lại với nhau và tự thiêu mà không hối hận. Những kẻ nổi loạn đáng sợ này chưa được thấy từ thời cổ xưa cho tới ngày nay”.
Thành trì Nam Kinh sụp đổ, đánh dấu lúc suy tàn của Thái Bình Thiên Quốc nhưng còn nhiều trăm ngàn loạn quân tiếp tục chiến đấu tại các miền biên giới của các tỉnh Giang Tây (Jiangxi) và Phúc Kiến (Fujian) và quân lính Nhà Thanh phải mất thêm 5 năm nữa để quét sạch tàn dư của tướng Lý Phúc Trung (Li Fuzhong), tư lệnh của Dực Vương Thạch Đạt Khai, tại các tỉnh Hồ Nam, Quý Châu (Guizhou) và Quảng Tây (Guangxi).
Các đạo quân rất lớn của Thái Bình Thiên Quốc đã không lật đổ được Nhà Thanh mà về sau còn bị tiêu diệt tàn bạo. Lý do chính của sự thất bại này là cách lãnh đạo tập thể không hữu hiệu. Hồng Tú Toàn đã phong vương cho các tướng lãnh theo mình và cai trị đất đai với sự giám sát chính của Hồng Tú Toàn, nhưng hai trong số các nhà lãnh đạo tài giỏi nhất đã tử trận trong các chiến dịch năm 1852, còn Dương Tú Thanh và Thạch Đạt Khai trở nên không tin tưởng vào Thiên Vương Hồng Tú Toàn. Vì thiếu các người có tài giúp việc, Hồng Tú Toàn trở nên nản lòng, đã bỏ lỡ cơ hội tiến quân đánh chiếm Bắc Kinh, thay vào đó, ông ta lại lui về sống trong hậu cung với các cung tần và tìm đọc sách Thánh Kinh.
Sự thất bại của Thái Bình Thiên Quốc cũng do Hồng Tú Toàn đã không liên tục kêu gọi dân chúng nổi lên chống lại người Mãn Châu trong khi đó dân chúng Trung Hoa uất hận vì chính quyền Thái Bình Thiên Quốc đã thay đổi đời sống kinh tế, đã muốn thiết lập một thứ ngân quỹ chung, đã cách biệt nam nữ và bắt người dân vào các kỷ luật mới. Ngoài ra, các chính sách của Thái Bình Thiên Quốc cũng thất bại tại các miền nông thôn.
Thái Bình Thiên Quốc cũng thất bại do đã không phối hợp với các cuộc nổi loạn khác: Niệm Quân (the Nian Jun) ở phương bắc và loạn quân “khăn đỏ” (the Red Turbans) ở phương nam. Lối sống khắc khổ và đường hướng tôn giáo đã làm cho các địa phương nổi loạn khác khó lòng hợp tác với nhau.

Thái Bình Thiên Quốc đã không biết gây cảm tình với các người phương Tây. Các người ngoại quốc, nhất là các nhà truyền giáo, lúc đầu cũng hy vọng rằng thế lực mới này sẽ cải tiến xã hội Trung Hoa và đánh bại Nhà Thanh hủ lậu. Nhưng các hành động thái quá về tôn giáo của Hồng Tú Toàn đã khiến cho họ lo ngại, nhất là những nhà buôn thuốc phiện. Vì vậy cuối cùng, các người phương Tây đã ủng hộ Nhà Thanh để tránh cho quân lính Thái Bình Thiên Quốc không đánh chiếm được thành phố Thượng Hải, gây nguy hại tới các hòa ước đã được ký kết.

Thái Bình Thiên Quốc đã dùng bạo lực để thay đổi nền văn hóa cổ kính, truyền thống của dân tộc Trung Hoa, điều này chứng tỏ các nhà lãnh đạo của Thái Bình Thiên Quốc không hiểu biết chính trị. Thành phố Nam Kinh ở dưới quyền lực của họ trong hơn 10 năm mà họ không biết cách thiết lập một định chế chính quyền (any governmental institution). Họ là những người ít học vấn, tư tưởng còn nông cạn và ấu trĩ, không biết cách quản trị một đất nước mới.
Cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc đã bị dẹp tan. Ngai vàng của Triều Đình Nhà Thanh đã được cứu vãn, các người ngoại quốc buôn bán tại Trung Hoa đã nhận ra rằng quyền lợi của họ được phục vụ tốt đẹp hơn bởi một chính quyền yếu hèn. Từ nay, nước Trung Hoa lại đi vào một thời kỳ có các hiệp ước bất bình đẳng, với các nhượng bộ và thuê mướn đất đai không đếm xỉa gì tới quyền lợi quốc gia. Nước Trung Hoa và chính quyền Mãn Thanh lại lún sâu vào thế kỷ tủi nhục.
Thái Bình Thiên Quốc là một biến cố chính trị quan trọng, ảnh hưởng lớn tới các người cai trị và các kẻ bị trị, với cách sử dụng tài sản công cộng, cách bình đẳng giữa hai giới nam và nữ, báo trước bối cảnh kết thúc của nước Trung Hoa theo Khổng Học, cũng như sẽ đưa nước Trung Hoa tới các thay đổi mới để thích hợp với nền văn hóa và kỹ thuật của Phương Tây.
Phạm Văn Tuấn
Đọc thêm:

Taiping Rebellion

TRƯƠNG DUY NHẤT * TÔI VÀ ĐẢNG

 TÔI VÀ ĐẢNG
 TRƯƠNG DUY NHẤT


Cũng may. Ít nhất, không dưới 3 lần tôi từ chối đảng. Nếu gật đầu, chui vào đảng rồi, giờ không biết ăn nói sao.
Nhớ hồi ông Lân (Mai Thúc Lân), khi ấy là Bí thư Quảng Nam- Đà Nẵng ký công văn búa liềm đòi "trục xuất" Trương Duy Nhất, căng thẳng lắm. Tội, ông Lê Quang Cảnh (Tổng Biên tập) lại quá hiền, mấy lần thủ thỉ "hay là chú vào đảng quách đi cho chúng nó khỏi ý kiến ý cò".
Giật mình. Hóa ra, nhiều khi người ta chọn đường vào đảng chỉ bởi một lẽ rất tào lao.
Cũng suýt thành thầy dạy ở cái trường đảng (Học viện Nguyễn Ái Quốc 3). Hồi đó mà chui vào đấy, khéo giờ thành giáo sư tiến sĩ Mác Lê rồi.
Không biết đảng tuổi gì, có… chó chuột chi không? Mình tuổi Mão, con mèo. Có chi với nhau mà khắc thế không biết.
Cái số mình, không chơi với đảng được.
(TDN, 3/2/2018)






No comments:

Post a Comment