Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 September 2018

PHẠM TIẾN NAM * TỰ DO HÀNH TRÌNH GIAN NAN

TỰ DO HÀNH TRÌNH GIAN NAN 

 PHẠM TIẾN NAM


hanhtrinh_tua 
TỰ DO HÀNH TRÌNH GIAN NAN-Phạm Tiến Nam-


Tác giả tự bạch:

Tôi tên Phạm Hùng, bút hiệu Phạm Tiến Nam (-trở về nước Nam-, hoài bão lớn nhất trong đời tôi ). Sinh quán Bắc Ninh, vào Nam khi đất nước bị chia cắt, bỏ nước ra đi đến bến bờ tự do năm 1980, sau nhiều lần bị tù tội. Đến năm 12 tuổi tôi vẫn còn bị mù chữ (sinh năm 1941, đến tuổi đi học thì quê hương chinh chiến! Theo gia đình chạy giặc đến gần biên giới Hoa Việt.

Trước năm 1975 tôi là giám đốc ngân hàng, giảng sư đại học. Định cư tại quận Cam từ năm 1981 đến nay, làm nghề tự do, tự học lấy bằng Master Of Business Administration, và sau đó hoàn tất học vị tiến sĩ Quản Trị Hành Chánh (Doctor Of Business Administration).

Suốt tuổi trẻ, mò cua bắt ốc, mù chữ, những kinh nghiệm tránh pháo rất già dặn, hai lần bỏ xứ ra đi, tôi nhấn mạnh trong vài dòng tiểu sử này như một thông điệp đến những người trẻ sau tôi.

– Đến hải phận rồi, anh “nái” đi.

Người tài công, cũng là chủ tàu – một thuyền đánh cá chưa đầy 12m chiều dài, chòng chành, ọp ẹp – niềm hãnh diện của hắn: Ghe ba “đầu bạc” (máy mạnh, có khả năng đi xa). Hắn lui ra sau, tôi ra hiệu bảo hắn tiếp tục lái, “lấy 23 độ tây nam”, tôi nói. Tôi rùng mình nghe rờn rợn luồn vào sau gáy, chạy dọc sống lưng ! Lần đầu tiên trong đời điều khiển con thuyền, gần trăm sinh mạng nương tựa vào tôi .

Từ Phước Tỉnh, hắn vào Sài Gòn cưới vợ thành thị. Do người bạn tù vượt biên môi giới, tôi quen được hắn, tôi loè hắn nói không ngượng mồm, rằng tôi học giỏi, nói tiếng Anh giỏi, giỏi nghề đi biển, hắn chỉ lái tới hải phận, sau đó mình tôi “bao dàn”, tới Mã ngay chóc. Tôi cố thuyết phục hắn cho chuyến đi này, vì đã nhiều lần tanh bành tù tội, hắn tin tôi lắm, còn cho bớt nửa cây vàng nữa, mỗi đầu người hắn lấy 3 cây. Hắn mười mấy năm “đi chã” (đánh cá ngoài khơi), kinh nghiệm dầy dạn, còn tôi vừa mới học lóm được vài điều sơ đẳng từ đứa cháu học trường Hàng Hải Thương Thuyền, cháu dặn: “ Cậu lấy 23 độ tây nam khi tới hải phận quốc tế để đến Mã nếu đi từ Vũng Tầu, biển mình sâu chừng 60 fathom, tháng tư tây có gió Monsoon (gió nồm), trời tháng ba bà già đi biển mà cậu!”

Hành trang mang theo của tôi còn cuộn dây dài gần 60 sải, có một cục sắt nhỏ ở đầu dây để dò nông sâu đáy biển, một ít lương khô, sắm cái ống nhòm và hai viên hỏa pháo.

Đi hơn một ngày đường, người tài công reo lên: “Đến rồi, đến rồi”. Sao mà mau thế, tôi không tin hỏi hắn: “ tàu em chạy mấy hải lý một giờ?”. Hắn nhăn nhó lắc đầu cười hềnh hệch. Tôi móc trong túi ra cuộn dây, thả xuống biển, hết cả cuộn dây mà có cột cục sắt vẫn chưa đụng đáy. Tôi la lên thuyền quay lại hướng cũ.

Vài tiếng đồng hồ sau, cũng chính hắn hớt ha hớt hải la to, bảo rằng thuyền đang đi ngang qua Côn Đảo, mọi người nằm rạp xuống. Mấy thanh niên vội giăng lưới lên, giả làm thuyền đi đánh cá . Phải vài tiếng sau, núi đồi Côn Đảo mới mờ dần trong tầm mắt. Giã từ quê hương yêu dấu !

Lúc ở nhà tôi vò đầu suy tính, đi Thái Lan thì gần, nhưng sợ hải tặc, bọn chúng tàn ác, qua Phi hay Nam Dương, phải vượt đại dương, đi Mã, chọn lựa sau cùng. Bốn ngày đêm đã qua, mịt mờ bờ bến, chỉ toàn nước trời mênh mông. Dầu đã cạn cùng với lương khô và nước uống. Đàn bà, trẻ con, người già yếu, rũ rượi la liệt ngổn ngang nằm trên mạn thuyền, vài ngày nữa mà không đến là chết cả thuyền. Vì công an theo dõi ngặt ngèo, sơ hở một tí là bị tóm ngay, nhiều người phải mang dầu đi chôn. Riêng tôi dặn hắn lấy ruột tượng đựng lương khô, bỏ dầu vào bao nylon, quấn ngang người, tải từ từ lên ghe, ròng rã nhiều tháng trời mới mang được chừng năm ngày dầu. Biển lặng, có gió nồm thổi xuôi Nam.

Xa xa có một con tàu, lấy ống nhòm ra chỉ thấy được một khoảng cách vài thước, bèn bắn pháo báo nguy, pháo xịt cả hai viên ! Tàu lại gần hơn, mọi người vẫy tay khẩn nài. Những cánh tay rã rời buông xuống, tiếng kêu tuyệt vọng dâng lên, tàu hải tặc đụng vào mạn thuyền chúng tôi, mấy tên đen ngòm, tóc xoăn, mắt trắng dã, mặt như quỷ dữ man rợ rợn người, quấn loại sà rông sắp tụt, lâm râm van vái, có tên còn lần tràng hạt ! Sau màn cầu nguyện, chúng la hét, sấn sổ nhẩy qua ghe chúng tôi, mã tấu, súng dài bắn loạn xạ.

Chúng lùa trai tráng vào góc thuyền, phụ nữ người già lùa vào một nơi. Chung nắn, bóp, xé quần xé áo, lột cả nịt ngực quần lót ra xem ! Tháo nhẫn dựt giây chuyền, bứt bông tai, miệng hét, tay nắn, chân đạp, đồng bọn đứng gác lăm le nổ đạn. Chúng dùng dao rạch các túi hành lý, lục lọi tung toé, chọn những thứ gì có giá bỏ vào những túi lớn chúng mang theo. Sau đó quay sang đánh đập, khảo tra đám trai tráng. Không ai dám chống, trẻ nhỏ cũng im thin thít, ai nấy im lặng chờ những nhát chém lạnh như thép phậm vào sau gáy.

Bỗng có chiếc thương thuyền đang tiến lại gần, bọn hải tặc lơ láo vội rút đi. Thương thuyền lướt qua, nhiều người quỳ xuống van lậy, xì xụp kêu gào, tế như tế sao ! Chiếc thương thuyền vẫn lặng lẽ rẽ sóng, để lại sau lưng nhiều lọn sóng cao, thuyền con chúng tôi như muốn lật nhào, tiếng khóc òa lên, vật vã kêu gào, thần chết chập chờn lởn vởn !

Gần năm ngày đêm ròng rã, chỉ toàn mênh mông biển rộng, biển xanh liền với chân trời. Mây vàng đỏ ối nơi cuối chân trời, có bầy hải âu bay lượn, người tài công reo lên, nói rằng thuyền đã gần đến bờ, hắn bỏ tay lái để chỉ cho mọi người nhìn rác rến trôi lềnh bềnh trên mặt biển. Tôi lấy cuộn dây trong túi thả xuống nước, một nắm dây vẫn nằm trong lòng bàn tay, mà đầu dây đã chạm đến đáy biển . Tôi lẩm bẩm “ba mươi fathom, đến thật rồi !”

Tôi cho thuyền chạy hướng chính tây để đâm vào bờ, gần nửa đêm nhìn bằng mắt thường cũng thấy đất liền, ánh đèn lập loè, tử thần đã đi qua ! Không cặp thẳng bờ, tôi cho thuyền xuôi nam song song bờ biển, lánh xa vùng Bắc Mã có du kích Mã Cộng. Dự định vào đến bờ phải gặp ngay các cơ quan thiện nguyện và giới truyền thông, lọt vào tay bọn lính biên phòng, trước khi truyền thông biết là đại họa: Thuyền bị đục thủng, hút cạn hết dầu, cho tàu chiến kéo thuyền tị nạn ra khơi, chặt đứt dây. Nhiều thuyền đầy ắp người, bị kéo ra giữa khơi mùa biển động, rồi sau đó chẳng ai nghe gì về những con thuyền bạc mệnh ấy !

Trời đã sáng nhìn rõ mặt người, dầu cũng hết, tôi cho thuyền vào bờ, thuyền cặp bãi cát của thành phố nghỉ mát Kuantan một buổi sáng đầu tháng 6 năm 1980, bãi vắng hoe, thành phố còn thiu thiu ngủ. Mọi người chạy ùa lên bãi cát, gặp ngay anh Mỹ đen, tôi khẩn nài nhờ anh giúp. Một lát sau anh quay trở lại cười báo tin vui rằng anh đã gọi được nhiều nhà báo, báo với cả Liên Hiệp Quốc, anh còn cho một cây thuốc lá Mã Stuf, ân cần dặn dò và chúc may mắn. Tôi ngậm ngùi xiết chặt tay anh .

Chiếc thuyền cưu mang chúng tôi đã chìm hẳn, nếu không thì tôi cũng phải đục thủng nó, mọi người yên lòng: thuyền đã chìm, đã gặp được nhiều nhà báo, bọn Mã không dám đẩy chúng ta ra lại ngoài khơi. Mãi quá trưa quân đội mới tới, bốn tên lính Mã quân phục xộc xệch, đi dép nhựa, đeo súng săn, tay cầm gậy dài, hỏi chúng tôi ai là người trưởng đoàn, đập vào đầu tôi mấy hèo dằn mặt ! Không đau đòn, nhưng đau lòng, tủi phận. Sau này trên đường đi định cư Hoa Kỳ, tôi được ghé Hồng Kông để đổi máy bay, bọn chúng tôi rách rưới. Mấy tên cảnh sát phi trường dùng dùi cui xua đuổi, hăm dọa đánh đập những ai đi ra khỏi chỗ ngồi qui định . Ai đã đưa dân tộc Việt Nam đến tình cảnh khổ nhục này ?

Pulau Bidong là một hoang đảo ở giữa đại dương, rộng vài cây số vương, lởm chởm núi đá, mấy chục ngàn người chen chúc, dựng lều ven vách núi chui rúc, lúc cao điểm gần 60 ngàn người. Trước ngày tôi đến đảo vài tháng, thế giới đã phải kêu lên rằng “ có phép mầu, bệnh dịch mới không xảy ra”.

Ban ngày người ta chen nhau đi như buổi chợ phiên, bụi mù mắt, nắng cháy da, tiếng ồn ào như vỡ chợ. Có những vùng đất trống, phân người và nước tiểu lầy lội lên đến mắt cá, ruồi nhặng vù vù bay kín trời, mùi hôi thối nồng nặc, nắng trưa khắc nghiệt tăng độ nồng, cơn gió nóng thổi qua, đẩy dội ngược lại đằng sau, những ai hít phải sặc sụa cúi gập người xuống ôm ngực. Chuột từng bầy, to bằng bắp chân trẻ con, trụi lông, thân mình đỏ lòm lở lói, hai cục hạch to bằng hai viên sỏi, khệnh khạng di chuyển chậm chạp lềnh khênh, nhìn thấy lần đầu nhiều người nôn mửa ! Dọc theo con suối cạn, xác chuột nằm rải rác kín hai bên bờ, đi hứng nước tắm phải khéo lắm mới không dẫm phải xác chuột đã sưng vù. Hằng ngày nhiều thanh niên đi nhặt xác chuột bốn năm cần xế bự đầy vun tới bốn năm thanh niên lực lưỡng khiêng mới nổi.

Trong trại, những băng đảng nổi lên cướp bóc, hãm hiếp, mãi sau nhờ lính Mã tăng viện mới dẹp được. Những tranh giành lều chiếu, nơi ở tiện nghi, rồi nào tham ô, nhũng lạm với những đổi chác để mong sớm được rời đảo. Có chợ mọc lên buôn bán, hàng hóa lính Mỹ đem qua từ đất liền, tiệm ăn, quán cà phê mọc lên ven bãi cát. Những máy tàu cải chế thành máy phát điện, gạo tẻ và khí đá chế thành rượu để uống say mèm quên đời lưu vong .

Thời gian tạm trú trên đảo thường thì trên dưới một năm, một năm cũng là dài đăng đẳng ! Những cuộc tình vội vàng, chắp nối nở rộ. Lộng ngôn mới gọi đó là những cuộc tình, thật ra chỉ là những chung đụng thân xác, được vài ba tháng thì lại chia tay nhau, mỗi người đều có phận riêng. Thuốc ngừa thai được Liên Hiệp Quốc phát không rộng rãi. Thế nhưng vẫn có tiêng khóc chào đời, tiếng khóc dư thừa ngoài mong đợi. Chưa kể những thai nhi bị xóa đi dấu vết sau “những cuộc tình trên đảo”…

Ở Bidong tôi làm việc trong phòng điều tra tội ác hải tặc, tôi thường phỏng vấn đồng bào tị nạn khắp nơi dạt vào đảo, xin kể ra đây những cảnh kinh hoàng, tất cả là sự thật, vì trí tưởng tượng của loài người không thể nào có thể dựng lên, dù chỉ bằng phần nhỏ, những chuyện tôi sắp kể…

Có thuyền trôi dạt, đáp vào bờ cát Bidong, thuyền gần trăm người, chết còn mươi mạng, chết vì đói, chết vì khát, bị hải tặc chém đầu ném xác xuống biển cho cá dữ rỉa thây. Có thuyền bị cháy nám, lờ đờ trôi gần đảo, con thuyền ma không còn ai cầm lái, thanh niên Bidong chèo ghe ra kéo thuyền vào bờ cát, thuyền còn lại mươi người thoi thóp, nằm la liệt trên mạn thuyền, xác người ngổn ngang bốc mùi, có những bé thơ chết hồn nhiên nằm ôm vú mẹ. Có bà mẹ được dìu xuống bến, vẫn ôm chặt đứa bé trong tay, bỗng òa lên khóc, đứa bé đã chết từ lâu, bà vật vã gào thét không ra tiếng khóc, bà vẫn mớm con bằng chính nước dãi của mình, bà vẫn lấy nước tiểu của con, vàng khè quánh đặc, để rửa kinh trong những ngày có tháng !

Có mấy em gái khệnh khạng, áo quần tả tơi, bê bết vết máu đã khô đen, lờ đờ lảo đảo lên bờ trên cát, em chợt ngồi xuống ôm mặt thều thào gọi mẹ cha, em khóc không ra nước mắt. Lúc sau tỉnh lại, em gặp được mẹ được cha, được cả anh và cả thằng em trong đống xác người vừa mới được chuyển từ thuyền lên bãi cát, những cái xác tô hô nằm trên cát nắng thiêu người, không manh chiếc rách để liệm ! Có mấy bé trai, vùng dậy sau khi được mớm sữa, bé chạy tung tăng đi tìm cha mẹ, những người từ tâm ôm em vào lòng dỗ dành bảo rằng em sẽ được gặp lại cha mẹ !

Vài người sống sót chẳng hiểu vì sao mình hãy còn sống, nghẹn ngào kể lại chuyện đau buồn, hải tặc bắn xối xả vào thuyền, nhiều người đã bị chết ngay lúc đó, nhiếu người hốt hoảng nhảy xuống biển, mùa biển động cá dữ đói ăn, nghe mùi máu tanh kéo đến từng bầy, vẫy vùng giành nhau phanh thây xé xác, thịt xương, áo quần, ruột gan lóng thòng, nổi lềnh bềnh trong vũng nước đỏ ngầu, chỉ trong khoảng khắc bầy cá dữ tha đi hết thịt xương, để lại đại dương một vùng nước đỏ ngòm . Bắn xong chúng nhẩy qua thuyền, chém loạn cuồng, mã tấu bửa xuống đầu, chẻ lên vai, phạm ngang lưng, đâm vào bụng, ruột lòi ra lóng thòng trắng hếu ! Máu đỏ từng vòi phun tung toé.

Tay chém, miệng gầm, áp đảo xong chúng bắt đầu cướp, lùa đàn bà con gái xuống khoang thuyền, những thân gái bị quăng quật, xé nát áo quần. Bọn chúng dành nhau những thân gái yếu đuối ! Những xác thân trần truồng quì xuống van lậy, chúng vẫn cười đùa chẳng tha, nhiều cô nằm thoi thóp, chúng lấy dao chích máu, rạch đùi, cắt đầu nhũ hoa, đâm vào hạ bộ cười hô hố . Trước khi bỏ đi còn mang theo vài người nhan sắc, đem bán cho những thanh lâu, hay đem đến một cái hải đảo hoang vu nơi có sào huyệt của bọn chúng, nhốt ở đó để thỉnh thoảng ghé vào hành hạ, chán chường thì đem đi bán, hoặc bỏ trôi trên biển, khi chúng cướp thêm được gái mới.

Báo chí có loan tin, vài cô trốn được kể lại những chuyện thương tâm. Hải tặc thường đâm thủng thuyền, đốt phá, tạo kinh hoàng rồi cướp bóc, cướp tất cả giết nhiều người dù không chống cự, hiếp cả người già…Sau đó cho đánh đắm thuyền để phi tang, nhiều người may mắn dạt được vào bờ thác loạn thần kinh, ngập ngừng không trả lời câu hỏi rằng đã có ăn thịt người chết để sống không? Không chắc…vì trong cơn thoi thóp có người mớm cho ăn, cũng chả hiểu tại sao còn sống được !

Có những thiếu phụ mất tất cả chồng con, ôm trong lòng cái thai oan nghiệt. Có những ông chồng còn lại một mình lầm lủi. Những em nhỏ côi cút nước mắt chưa khô không còn được sống hồn nhiên, có những bé trai khôi ngô mắt sáng sống đời ám ảnh cảnh mẹ, cảnh chị bị dày vò, có những em gái đẹp hiền dễ thương, sớm bị đọa đày sống đời buông thả. Ít có gia đình còn được đầy đủ, dọc đường mất mát. Hay lúc ra đi không thể đi chung phải phân tán nhỏ để lỡ có bề nào còn chỗ nương tựa. Bên cạnh những buông thả cuồng loạn, cũng còn những thủy chung, mực thước, đời sống đơn sơ đạm bạc, nhìn về tương lai.

Bidong được chia ra làm nhiều nơi cư trú. Khu C có bãi cát vàng, nổi lên những quán cà phê, cuối bãi có ngọn núi trọc, nơi an nghỉ sau cùng của những người chưa tìm được tự do đã vội đi vào lòng đất, nơi đây cũng là nơi an nghỉ của những cái chết đau thương. Bidong trước ngày đóng cửa vĩnh viễn đã là nơi xẩy ra những cuộc biểu tình đẫm máu của những người bị cướp đi quyền tị nạn, có nhiều người đã tự mổ bụng mình hoặc tẩm dầu thiêu rụi xác thân cháy như ngọn đuốc tự do, quyết không trở lại quê hương ngục tù.

Có nhiều trăm ngàn người đã bỏ xác trên Biển Đông, cũng có hàng trăm ngàn người đã chịu nhục nhằn, nhưng cả triệu người không chùn bước lũ lượt ra đi, triệu người muôn đời không phủ nhận quê hương, muôn đời hãnh diện tổ quốc, tự hào dân tộc. Chúng tôi
chỉ phủ định chế độ nên chúng tôi ra đi, coi nhẹ nguy hiểm, khinh thường cái chết, lánh xa bạo quyền .

Mảnh đất tạm dung sẽ đến nếu là hoang vu cằn cỗi, nếu là sa mạc buồn tênh, liệu có triệu người bất kể sinh mạng liều chết ra đi? Tự do chất chứa cái quyền được sống là người, nhân quyền ấp ủ cuộc sống no lành.

Đường đi tới tự do gian nan, phủ đầy máu lệ, thịt xương vương vãi dọc đường. Những gi thuyền nhân Việt nam đã trải qua chưa một lần xảy ra trong nhiều nghìn năm lịch sử loài người .

Phạm Tiến Nam

THIỆN Ý * NGƯỜI THOÁT CHẾT TRỞ VỀ TỪ MỒ CHÔN TẬP THỂ

NGƯỜI THOÁT CHẾT TRỞ VỀ TỪ MỒ CHÔN TẬP THỂ

   THIỆN Ý *


Đúng 50 năm trước đây, vào Tết Mậu Thân 1968, quân đội cộng sản Bắc Việt đã đồng loạt mở cuộc tấn công vào các đô thi Miền Nam, vi phạm trắng trợn lệnh hưu chiến, phá tan bầu không khí vui xuân đón Tết thiêng liêng cổ truyền của người dân Việt, gây tàn phá, chết chóc tang thương cho toàn Miền Nam.

Một trong những tội ác tày trời không thể biện minh đối Việt cộng và không thể nào quên trong lòng người dân Miền Nam xảy ra trong cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam (1954-1975) cộng sản hóa toàn cõi đất nước. Đó là những mồ chôn tập thể ở Huế nằm rải rác ở nhiều nơi tổng cộng lên tới khoảng 6000 người mà Việt cộng đã gây ra trong cái gọi là cuộc “Tổng tiến công và nổi dạy mùa xuân 68”. Nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể này là những quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa nghỉ phép ăn Tết với gia đình, nhưng phần đông là những thanh niên, sinh viên học sinh và dân thường bị kết tội cộng tác với chính quyền quốc gia, hay không chịu hợp tác hoặc “chống lại cách mạng”. Sau khoảng 28 ngày đêm chiếm đóng, trước khi rút chạy, Việt cộng đã xử bắn hay chôn sống những nạn nhân này và chôn trong những ngôi mồ tập thể ở nhiều địa điểm khác nhau.

Câu truyện “người thoát chết trở về từ mồ chôn tập thể” mà chúng tôi viết lại ở đây là chuyện người thật, việc thật, do lời kể của em vợ một người bạn hàng xóm ở sát vách, có Mẹ ruột bị giết và chôn tại một trong 9 ngôi mồ tập thể trong khuôn viên trường Tiểu học Gia Hội ở nội thành Huế. Người kể truyện tên N. G. H. hiện cùng nhiều người thân trong gia đình định cư tại Tân Tây Lan (New Zeland) trong đó có gia đình anh bạn hàng xóm tên T. H. H, nguyên là một Thiếu tá quân lực VNCH từng bị tù nhiều năm trong cái gọi là “Trại lao động học tập cải tạo” của Việt cộng. Em H. đã kể cho tôi nghe trong một đêm cùng ngồi ở lan can chờ đón Giao thừa Tết năm nào sau 30-4-1975, ngày cộng sản Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam, vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 do họ bí mật hợp soạn với “đế quốc Mỹ” để rồi sau đó chính phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bị ép buộc phải ký vào như bản án tử hình được tuyên và thi hành án vào ngày 30-4-1975.

Theo H. kể lại, thì trước 30-4-1975 Cha Mẹ anh là một nhà buôn giàu có buôn bán trầm hương nổi tiếng ở Huế, nhà có người ăn kẻ ở. Đúng đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, Việt cộng tấn công vào thành phố Huế. Sau khi Việt cộng chiếm đóng ít ngày, mọi người trong nhà đều sửng sốt khi thấy một chị giúp việc mặc đồ đen, đội nón tai bèo mang súng AK đi cùng hai người khác đến nhà yêu cầu đưa người yêu của chị gái anh, lúc đó là một sinh viên trường võ bị quốc gia Đà Lạt về nghỉ Tết (sau là Thiếu tá T.H.H là chồng của chị anh), phải ra trình diện. Sau khi lục soát nhà không thấy anh H. (đang trốn trên trần nhà), chị người làm yêu cầu Mẹ anh đi theo làm con tin, nói là khi nào anh H. ra trình diện sẽ thả mẹ anh về.

Tất nhiên là anh sinh viên sĩ quan Đà Lạt tên H. bạn hàng xóm của tôi, không dại gì ra trình diện để bị giết và bà Mẹ bị bắt đi sau đó cũng không thấy trở về nhà, ngay cả sau khi Việt cộng đã rút hết khỏi Huế cả tuần lễ sau. Mọi người trong gia đình anh H. vô cùng lo lắng vì nghe nói nhiều gia đình có người thân cũng bị bắt đi và bị giết chôn trong những mồ chôn tập thể. Những thân nhân họ đang đi đào bới các ngôi mồ tập thể để tìm xác người thân. Mọi người chia nhau đi hỏi tin tức và thầm cầu nguyện cho người thân trốn thoát đấu đó bình an trở về. Trong khi mọi người đang hoang mang, lo lắng không biết số phận người Mẹ ra sao, thì một hôm có một anh thanh niên quen biết đến nhà báo tin cho hay người Mẹ đã bị nhốt chung với anh này tại Trường Tiểu học Gia Hội và cùng bị Việt cộng xử bắn chôn chung trong một mồ tập thể trong khuôn viên nhà trường; nhưng anh đã may mắn sống sót trở về.

Theo thuật lại của anh thanh niên thì đêm hôm đó, Việt cộng trói chung 10 người một dây, đưa ra trước các hố đã đào sẵn, rồi ria một tràng AK, xác người đổ xuống, khi dầy thì lấp đất lên một cách sơ sài, vội vã. Riêng anh thanh niên thì may mắn thoát chết vì không trúng đạn mà chỉ đổ theo những người cùng dây trói. Khi tỉnh lại, anh thanh niên nói là ngửi thấy nồng nặc mùi máu tanh ướt đẫm quần áo và mặt. Nhờ bóng đêm anh thanh niên được thần chết bỏ quên đã tìm cách thoát chạy về nhà. Anh thanh niên về đến nhà trời còn tối, gõ cửa và lên tiếng gọi. Nghe tiếng em trai gọi nhỏ thều thào người chị gái vội ra mở cửa. Nhưng vừa nhìn thấy mặt và toàn thân em trai mình đầy máu me thì sợ hãi đóng sập cửa lại khi người em chưa kịp bước bào nhà. Phải đợi người em năn nỉ, nói là mình còn sống thật, hãy mở cửa mau cho anh vào nhà. Người chị như hoàn hồn mở cửa lại cho em vào nhà. Nhưng vẫn chưa tin là sự thật, chị đưa tay sờ mặt em như để biết chắc là em mình thật chứ không phải hồn ma bóng quế về báo mộng cho biết.

Sau khi nghe anh thanh niên thoát chết trở về từ mồ chôn tập thể thuật lại, thế là cả nhà của bà Mẹ nạn nhân theo chỉ dẫn của người thanh niên này đi đào bới ngôi mồ tập thể cùng nhiều người khác đi tìm xác người thân. Nhờ quần áo, trang sức và những dấu vết đặc biệt của người chết, họ đã nhận ra xác của người vợ, người Mẹ xấu số của các con đem về mai táng.

Câu truyện vừa viết lại trên đây là một thảm cảnh tiêu biểu của hàng ngàn gia đình có nạn nhân bị Việt cộng xử bắn hay chôn sống trong các mồ chôn tập thể ở Huế trong biến cố Tết Mậu thân 1968. Riêng đối với gia đình anh H. người em vợ của người bạn hàng xóm, thì thảm cảnh còn tái diễn sau ngày 30-4-1975. Vì vẫn theo lời kể của anh H. trong đêm cùng ngồi đón Giao Thừa năm đó, thì sau ngày “Giải phóng”, Cha anh bị đánh tư sản. Vì quá uất ức đã dùng dao chém vào đầu tự sát, con cháu kịp đưa vào nhà thương nên cứu kịp. Nhưng sau khi hồi tỉnh, lợi dụng lúc anh H có bổn phận chăm sóc và canh chừng người Cha, xuống sân ngồi ghế đá hút thuốc lá, Cha anh đã nhảy lầu tự tử. Anh nói, cái chết của người Cha đã chấn động mạnh khiến anh như bị bệnh thần kinh một thời gian vì mang mặc cảm do mình lơ là để Cha tự tử chết thảm thương.

Tôi viết lại câu truyện có thật này theo lời kể của H. một trong những người con của một Bà Mẹ nạn nhân trong hàng ngàn nạn nhân bị Việt cộng sát hại hay chôn sống trong các ngôn mồ tập thể ở Huế trong biến cố Tết Mậu Thân 1968. Nếu tất cả những câu truyện thật này được phơi bày, chắc phải in thành hàng ngàn trang sách. Ðó là một tội ác tầy trời mà ngày nay thế giới văn minh gọi là “Tội ác chiến tranh” hay “Tội ác chống nhân loại”, với những thủ phạm phải bị đem ra xét xử và trừng phạt. Những phim ảnh tài liệu đã ghi lại tội ác vô tiền khoáng hậu này đã đủ bằng chứng và hội đủ yếu tố cấu thành các tội ác vừa nêu.


Thế nhưng 50 năm đã qua, cá nhân những kẻ chủ mưu, thủ ác trực tiếp hay đồng lõa gián tiếp thì hầu hết đã đi vào lòng đất. Nhưng kế thừa những kẻ chủ mưu, thủ ác đã gây ra cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 68 ở Huế nay là đảng và nhà cầm quyền công sản Việt Nam; đúng ra phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự. Hay ít ra phải có lời công khai tạ lỗi với các nạn nhân và thân nhân họ. Thế nhưng thật đáng tiếc là hàng năm đảng và nhà cầm quyền cộng sản hiện nay vẫn tổ chức ăn mừng “Tổng tiến công và nội dạy mùa xuân 68” như một thắng lợi, gây phẫn nộ cho người dân Miền Nam, nhất là những thân nhân các nạn nhân đã chết trong cuộc tắm máu này. Vì hành động ăn mừng này làm người ta liên tưởng đến các cuộc uống máu, nhảy múa bên xác quân thù của các bộ lạc xa xưa còn man rợ khi chiến thắng một bộ lạc yếu kém hơn mình.


Trên diễn đàn này, hơn một lần chúng tôi đã lên tiếng kêu gọi đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy chấm dứt ngay việc ăn mừng các biến cố quan trọng trong cuộc chiến tranh vừa qua; như biến cố Mậu Thân 1968 và 30-4-1975… Vì những biến cố ấy và tất cả các biến cố dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh “nồi da sáo thịt” vào ngày 30-4-1975, chẳng phải là thắng lợi của phe này (Việt cộng) với phe kia (Việt quốc). Tất cả đều là sự thất bại và nỗi ô nhục chung của người Việt Nam, thuộc các bên tham chiến, vì đã tri tình (Việt cộng) hay ngay tình (Việt quốc) phải làm công cụ chiến lược một thời (Chiến tranh ý thức hệ toàn cầu) cho ngoại bang.

Thiết tưởng, đúng ra đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền 43 năm qua, phải sớm nhìn ra thực chất cuộc chiến tranh “Cốt nhục tương tàn” này, để có hành động khác hơn hầu cải sửa lại những sai lầm quá khứ; khi mù quáng tin theo chủ nghĩa cộng sản không tưởng; phát động cuộc chiến tranh cộng sản hóa Miền Nam với cái giá núi xương, sống máu dân Việt; đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội thất bại, để lại hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân tộc và đất nước. Chúng tôi ước mong những người lãnh đạo đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay cần suy nghĩ lại để có hành động thức thời có lợi cho dân cho nước, cho các thế hệ Việt Nam hiện tại cũng như mai sau.

Thiện Ý

Houston, ngày 4-2-2018

NẠN BUÔN NGƯỜI

80% nạn nhân buôn bán người bị cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục

Việc buôn bán người tại Việt Nam diễn ra rất tinh vi, thông qua các hình thức như xuất khẩu lao động, du lịch, cưới chồng, đi du học. 
80% nạn nhân buôn bán người bị cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục - Ảnh 1
Quang cảnh hội thảo.
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã tổ chức hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người”.
Theo thống kê của IOM, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ buôn bán người cao nhất trên thế giới, trong đó ASEAN là một trong những khu vực xảy ra vấn nạn buôn bán người nhức nhối nhất. Trong số 2,5 triệu người bị buôn bán thì đa phần đến từ Châu Á - Thái Bình Dương.
Cuối năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Công ước ASEAN về mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP). Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước này vào cuối năm 2016.
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: Việc buôn bán người tại Việt Nam diễn ra rất tinh vi, thông qua các hình thức như xuất khẩu lao động, du lịch, cưới chồng, đi du học...
Theo tổng điều tra, rà soát năm 2016, trong 5 năm (2010-2015), Việt Nam có 2.596 trường hợp, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân. Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263). Có tới 97% người bị buôn bán là phụ nữ.
Qua phân tích thì có tới 68% nạn nhân bị buôn bán là người chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Đa phần nạn nhân không biết chữ hoặc chỉ học xong tiểu học. Có 98% nạn nhân bị mua bán người ra nước ngoài, trong đó 90% là sang Trung Quốc.
“Đa phần các trường hợp buôn bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục (chiếm 80% nạn nhân). Có tới 60% nạn nhân được giải cứu hoặc trao trả song phương, chỉ có 40% là tự tìm được cách trở về”, ông Lê Đức Hiền cho biết.
Về phía Bộ LĐTBXH đã triển khai đề án “Tiếp nhận xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Theo đó, tất cả các nạn nhân khi trở về có khai báo và được hỗ trợ ban đầu về tâm lý và hòa nhập cộng đồng; đồng thời triển khai mô hình hỗ trợ sinh vế tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An…
Theo đại diện Bộ Công An, ở Việt Nam, tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và có yếu tố nước ngoài; tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càn cao. Việc trở thành thành viên Công ước ACTIP có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN, mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Do đó, để triển khai Công ước ACTIP, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp, Chính phủ phân công trách nhiệm cho các bộ ngành, cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công ước; đồng thời xây dựng các đề án nghiên cứu về hoạt động điều tra đặc biệt, hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự, tăng cường ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, song phương trong lĩnh vực thương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ.
XC/Báo Tin Tức 


Lao động VN đi Hàn Quốc phải thế chân 100 triệu đồng

RFA 19.11.2013
 
Bắt đầu từ ngày hôm nay (20/11), lao động VN đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) sẽ phải đặt tiền ký quỹ 100 triệu đồng tại các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng chính sách XH (CSXH) ở các địa phương.
Nội dung trên được đưa ra trong thông tư của Cục quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ Thương binh và XH hôm 18/11 với mục đích nhằm giảm tỷ lệ bỏ trốn của lao động VN tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, thông tư cho hay tiền ký quĩ của người lao động được quản lý tại ngân hàng CSXH trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài sẽ được hoàn trả cả gốc lẫn lãi 10 ngày sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng về nước.

THU HỒI GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Thu hồi giấy phép gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động

RFA
2017-11-06
 
Ảnh minh họa: Công nhân Nghệ An lên đường sang Đài Loan xuất khẩu lao động năm 2009.
 
Ảnh minh họa: Công nhân Nghệ An lên đường sang Đài Loan xuất khẩu lao động năm 2009.
Courtesy: vieclamvietnam.gov.vn 
 
Có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, có trụ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 11.
\
Nguyên nhân 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép do vi phạm các quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chẳn hạn như không làm thủ tục đổi giấy phép, không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép, không trực tiếp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội đề nghị 46 doanh nghiệp này phải có báo cáo về tình hình của công ty và vẫn phải chịu trách nhiệm tiếp tục quản lý, hỗ trợ các lao động đang làm việc ở nước ngoài cũng như chuẩn bị ra nước ngoài làm việc.

Hiên có 296 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhiều công nhân lao động xuất khẩu lâu nay lên tiếng cho biết họ bị doanh nghiệp môi giới lừa đảo. Tình trạng này đến nay vẫn xảy ra.

TRƯỜNG GIANG * NƯỚC MẮT NGƯỜI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Nước mắt ở 'thiên đường' xuất khẩu lao động

Xứ sở của dầu mỏ, những tòa nhà chọc trời, siêu xe… cũng là nơi hàng nghìn người lao động Việt Nam tha hương đang hòa nước mắt vào gió cát sa mạc. 
 
Nước mắt ở 'thiên đường' xuất khẩu lao động - Ảnh 1
Lúc cao điểm, Việt Nam có khoảng 20.000 lao động làm việc tại thị trường Trung Đông trong các ngành xây dựng, giúp việc gia đình… Thời điểm hiện tại, con số này còn khoảng 10.000, trong đó riêng ngành giúp việc gia đình chiếm khoảng 6.000.
Kỳ 1: Bát nháo thị trường lao động nước ngoài
Trong khi chính cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo lao động cân nhắc đi làm việc tại Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, thì mỗi ngày, vẫn có thêm lao động ghi danh sang chốn “thiên đường” mà không hình dung hết tương lai… Có người “đi dễ khó về”, thậm chí nhiều lao động mất liên lạc với gia đình cả năm trời, không rõ sống chết ra sao.
Đi dễ khó về
Trở về từ Saudi Arabia trong thất vọng, mệt mỏi và hoảng hốt, nhiều lao động cho biết, họ không thể hình dung cuộc sống ở xứ người lại khắc nghiệt, đắng cay chừng ấy. Chấp nhận khổ sở vì khác biệt văn hóa, vật vã thích nghi với từng món ăn chỉ vì nghĩ đến tương lai mà cố gắng, tuy nhiên, sự nỗ lực của nhiều người lại thường không được đền đáp xứng đáng.
Bà Đinh Thị Thành ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất - Hà Nội) là lao động trở về từ Saudi Arabia sau bài viết: “Xuất khẩu lao động: Hết hạn vợ chưa về nước, chồng gửi đơn kêu cứu” của Báo Lao Động.
Kể lại hành trình từ người phụ nữ vốn quen bếp núc, phụ việc mộc của chồng và gần như chưa bao giờ đi khỏi “lũy tre làng” trở thành người khóc cạn nước mắt ở “trời Tây” - bà Thành không giấu được sự mệt mỏi. Quá trình từ khi môi giới tiếp cận đến khi bà Thành xuất cảnh chỉ đúng 1 tuần.
“Môi giới là người cùng xã, đến tận nhà tôi mời gọi, qua lại rất nhiều lần. Họ chỉ yêu cầu đặt cọc 3 triệu đồng, khi tôi bay thì họ mang trả số tiền đó cho chồng tôi. Cũng vì gánh nặng nuôi 3 đứa con ăn học, tôi quyết tâm đi với lời mời gọi: “Chỉ giặt giũ, lau nhà”. Ai ngờ khóc cạn nước mắt mới về được với chồng con” - bà Thành chia sẻ.
Về nước khi vẫn còn bị nợ 7 tháng lương, tương đương khoảng hơn 50 triệu đồng, bà Thành chưa hết bàng hoàng và luôn miệng nói “sợ lắm, không bao giờ đi nữa” khi được hỏi có còn ý định đi xuất khẩu lao động nữa hay không. Ở xứ thiên đường, bà Thành phải làm mặt giận dỗi hoặc khóc lóc van xin thì chủ mới nhỏ giọt gửi lương về cho chồng con bà ở quê.
Dăm lần giận dỗi may ra một lần chủ gửi tiền, thế mới nên cơ sự sau hơn 2 năm làm việc xứ người, bà vẫn còn chưa đòi được hơn 50 chục triệu đồng tiền mồ hôi, nước mắt.
Cũng vì sự khác biệt quá lớn về văn hóa, ngôn ngữ, cách sống, bà Thành càng sốc hơn khi trước lúc đi, chính bà yêu cầu được học tiếng Saudi Arabia thì môi giới nói “quá già, sang đó học”. Cũng vì không thạo ngôn ngữ, có lần bị đay nghiến do hiểu nhầm đã lấy trộm đồ của chủ nhà, bà xách tư trang ra đồn cảnh sát gần đó, trình giấy tờ cho họ để xin tá túc.
Cũng vì không thông thạo ngôn ngữ, thay vì phục vụ duy nhất chủ trả lương, bà Thành còn phải “làm thêm” cho hai gia đình khác là con trai và con gái chủ nhà… “Bao nhiêu nước mắt trong những đêm nhớ chồng con, trong khi cứ cãi nhau thì chủ lại không nạp thẻ điện thoại, càng không liên lạc được với gia đình” - bà Thành chua chát.
Về quê được ít ngày, bà Thành được chồng đưa đi khám bệnh vì người cứ ốm yếu. “Tôi phát hiện hai khối u ngực, mới siêu âm thôi thì bà con trong làng bảo uống tạm thuốc lá, cũng chưa kiểm tra kỹ lại”.
Nước mắt ở 'thiên đường' xuất khẩu lao động - Ảnh 2
Thông tin “kêu cứu” do một đồng hương của bà Phạm Thị Xoa (Cẩm Giàng - Hải Dương) đưa lên mạng. Ảnh: P.V
Bấp bênh viễn xứ
Lao động Trần Thị Tr. (Phổ Yên - Thái Nguyên) cũng vừa trở về từ Saudi Arabia, sau khi người nhà gửi đơn kêu cứu, Báo Lao Động vào cuộc. Tr. may mắn hơn bà Thành vì không bị nợ lương, nhưng cuộc trở về cũng gian nan không kém.
“Trước khi về em bị chủ nhà dọa nạt, đánh đập và cắt liên lạc hoàn toàn với gia đình cả tháng. Người ở nhà bấn loạn vì không biết em sống chết ra sao? em bên này cũng khóc không còn nước mắt vì nhớ con, nhớ nhà…” - Tr. nói.
Cũng theo lời Tr., khi còn ở Saudi Arabia, cứ mỗi lần chậm lương và hỏi chủ nhà, cô đều nhận được cơn thịnh nộ và đe dọa. “Có lần họ dọa giết, dọa vứt em ra sa mạc, trong khi ở nơi em sống, mỗi gia đình cách nhau rất xa.
Theo lời Tr., cô phải sống 1,5 tháng trong trại tị nạn trước khi được đưa về Việt Nam. Mỗi ngày, những lao động từ nhiều nước bị chủ mang ra “vứt” vào trại lại nhiều thêm. Những người sống ở đây phải trả chi phí ăn, ở khoảng 600.000 đồng/ngày; mua 1 lạng xà phòng khoảng 60.000 đồng, 1 hộp mỳ tôm giá 30.000 đồng.
“Thân đi làm giúp việc, phải cùng cực vào trại tị nạn và mua mọi thứ với giá trên trời. Ở trại, có đủ người từ nhiều nước, cứ mâu thuẫn với chủ nhà hoặc quá hạn về nước hoặc bị trì hoãn trả lương là có “nguy cơ” bị bỏ vào đây. Hồi em ở trại có gặp mấy người quê Hải Phòng, Thanh Hóa… có người đã ở trại cả năm nhưng không thể nào liên lạc về cho gia đình. Thoát được chốn địa ngục, em về quê làm chè, ai thuê gì cũng làm. Sợ lắm, không đi nữa” - Tr. chua chát.
Bi đát và cay đắng hơn là trường hợp lao động Phạm Thị Xoa (xã Cẩm Sơn, Cẩm Giàng, Hải Dương). Bà Xoa đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia quá thời hạn cả năm trời vẫn không về, trong khi gia đình không có bất cứ thông tin gì và đặc biệt không nhận được tiền công.
Khi cả gia đình lòng như lửa đốt vì không thấy người thân trở về, bà Xoa lại khốn đốn xứ người, được một người đồng hương đăng thông tin kiểu “kêu cứu” lên mạng xã hội. Khi ấy, người thân mới hay bà Xoa sang Saudi Arabia làm việc được 2 tháng thì đổi sang nhà chủ mới. Từ khi làm việc với chủ mới, bà Xoa bị nhà chủ đánh đập, hành hung dã man, không cho sử dụng điện thoại, không được trả lương, đến nay đã quá hạn hợp đồng mà không được về.
Một điểm chung của những lao động rơi cảnh khốn khổ khi làm việc xứ người là khi họ mất liên lạc, bị nợ lương hoặc đe dọa, gia đình cầu cứu doanh nghiệp phái cử thì đa số đều nhận được câu trả lời: “Chờ giải quyết”. Có những cuộc đợi chờ kéo dài cả năm trời; có trường hợp lao động về nước cũng co kéo cả năm mới đòi được hết thù lao…
Tuy nhiên, đó vẫn là những người “may mắn”, những người thoát chốn “thiên đường” trở về. Còn bao nhiêu lao động vẫn chịu đắng cay, tủi nhục mong ngóng ngày về nơi xứ người xa ngái?
TRƯỜNG GIANG

BÁO ĐỘNG VỀ NÔ LỆ NGƯỜI VIỆT TÃI ANH

Anh báo động về nạn nô lệ người Việt tại các tiệm làm móng

Nhiều người Việt nhập cư trái phép vào Anh đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng.


anh-bao-dong-ve-nan-no-le-nguoi-viet-tai-cac-tiem-lam-mong
Tiệm làm móng ở thành phố Bath, Somerset, phía tây nam nước Anh đóng cửa hồi tháng ba sau khi chủ tiệm bị cáo buộc âm mưu kiểm soát người lao động nhằm mục đích bóc lột. Ảnh: ITV.
Các tổ chức độc lập chống nạn buôn người kêu gọi chính phủ Anh siết chặt quản lý các tiệm làm móng để ngăn chặn tình trạng người lao động nhập cư trái phép, trong số đó có nhiều người Việt Nam, bị bóc lột như nô lệ, Guardian đưa tin.
Bản báo cáo vừa công bố ngày 11/9 của Kevin Hyland, một ủy viên độc lập hoạt động chống lại vấn nạn nô lệ thời hiện đại, đã vẽ nên bức tranh chi tiết về thực trạng lao động Việt Nam tìm cách nhập cư trái phép vào Anh, đồng thời nhấn mạnh ngày càng nhiều người Việt bị bóc lột tại các cửa hàng làm móng và trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh. Thậm chí, bản báo cáo còn đưa ra các bằng chứng cho thấy một số người bị bắt cóc vào Anh.
Dù chưa có con số thống kê chính xác, Việt Nam luôn là quốc gia đứng đầu hoặc đứng thứ hai về số lượng lao động nhập cư trái phép, hơn một nửa trong số đó là trẻ em chưa đến tuổi thành niên, theo cảnh sát chống nạn buôn bán người.
Trong khoảng 10 năm qua, cộng đồng người Việt ở Anh được "đặc biệt biết đến trong khu vực dịch vụ làm móng", theo ủy viên Hyland, người được Thủ tướng Theresa May bổ nhiệm là cố vấn đầu tiên của chính phủ chuyên trách các vấn đề liên quan đến nạn buôn người.
Theo ông Hyland, hầu hết các cửa tiệm làm móng chỉ chấp nhận giao dịch và thanh toán bằng tiền mặt. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.
"Đây là một loại hình tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức. Con người bị đem ra mua bán như một món hàng", ông Hyland viết trong báo cáo. "Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ nhất quán giữa các tiệm làm móng và hoạt động nhập cư trái phép. Chúng tôi biết có những kẻ đang nuôi dưỡng và bơm tiền cho tội phạm có tổ chức này".
Các nhân viên làm móng làm việc 6 ngày một tuần và ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Họ thường ở chen chúc với nhau tại một nơi do chủ sắp xếp. Hầu hết người lao động trong các tiệm làm móng là trẻ vị thành niên.
"Một nạn nhân bị ép phải làm việc đủ 7 ngày từ sáng tới 6h hoặc 7h tối với mức lương 30 bảng (gần 40 USD) mỗi tuần", cảnh sát cho biết.
Một nạn nhân khác, là trẻ mồ côi ở Việt Nam, bị các tay buôn người lừa sang Anh. Sau khi tới Anh, cậu bé bị khóa trái trong phòng để học cách sơn móng tay. Khi đã thạo nghề, cậu buộc phải làm một lúc cho hai cửa tiệm với mức lương 8 USD mỗi giờ. Tuy nhiên, "thay vì được giữ số tiền công, cậu phải nộp lại cho các tay buôn người, những kẻ hàng ngày đưa đón cậu đi làm và giam cầm cậu (sau giờ làm việc)".
Chính quyền địa phương đã đóng cửa một tiệm làm móng ở thành phố Bath, Somerset, phía tây nam nước Anh hồi tháng ba và chủ người Việt bị buộc tội có âm mưu kiểm soát người lao động nhằm mục đích bóc lột và tổ chức hoặc thúc đẩy hoạt động đưa phụ nữ trái phép vào Anh.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực đối phó với vấn nạn này vẫn chưa hiệu quả do công tác quản lý ngành kinh doanh dịch vụ làm móng ở Anh còn lỏng lẻo, báo cáo kết luận. Ngược lại, tại New York, Mỹ, thị trưởng thành phố đã áp dụng một loạt các biện pháp để đảm bảo nhân viên làm móng không bị bóc lột và được trả công không dưới mức lương tối thiểu. Các cửa tiệm đồng thời phải trình ra được "giấy chứng nhận về quyền" của người lao động bằng nhiều thứ tiếng.
Trong khi chưa có chế tài quản lý chặt chẽ, chuyên gia Hyland kêu gọi những khách hàng đi làm móng để ý tới hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
"Nhiều người cứ nghĩ rằng nếu tiệm làm móng mà họ thường ghé qua mà hoạt động bất hợp pháp thì hẳn là chính quyền phải cho đóng cửa rồi", Hyland cho rằng công chúng cảm thấy "bối rối" trước vấn nạn này.
Ủy viên Hyland liệt kê ra các dấu hiệu đáng ngờ như nhân viên trẻ, giá dịch vụ thấp, thay lao động liên tục, quản lý cửa tiệm có thái độ kiểm soát nhân viên hoặc nhân viên của tiệm hoàn toàn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
"Nếu nhận thấy một loạt những dấu hiệu như thế, hãy báo cho cảnh sát, cơ quan chức năng địa phương, hoặc gọi vào đường dây nóng ngăn chặn hoạt động tội phạm và nạn nô lệ hiện đại", ông Hyland gợi ý.
Các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn người ngày càng lưu tâm tới thực trạng vận chuyển người Việt trái phép tới Anh. Vào năm 2015, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron, trong một chuyến thăm Việt Nam đã nêu ra vấn đề này để cả hai bên cùng giải quyết. Lực lượng cảnh sát Anh cũng liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa sử dụng lao động người Việt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người Việt đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng ở Anh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tên tội phạm buôn người nào bị truy tố.
An Hồng

3000 TRẺ V ỆT NAM LÀM NÔ LỆ TÃI ANH

3.000 trẻ em Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ

(Theo trithucvn.net)Giống như nhiều trẻ em Việt Nam, Hiền đã được đưa đến Anh để sống đời nô lệ hiện đại. Em đã phải vào tù vì tội trồng cần sa. Trong bài phóng sự thực hiện năm 2015, các ký giả tờ báo Anh The Guardian đề cập đến các băng nhóm tội phạm gốc Việt sử dụng trẻ em đưa từ Việt Nam sang và những khó khăn trong việc chống nô dịch trẻ em tại Anh. 
Số lượng các vườn cần sa của người Việt tại Anh đã tăng 150% trong hai năm qua. (Ảnh: Matt Murphy for the Observer)
Số lượng các vườn cần sa của người Việt tại Anh đã tăng 150% trong hai năm qua. (Ảnh: Matt Murphy for the Observer)
Năm 10 tuổi Hiền được đưa sang Anh. Em không biết mình đang ở đâu và đã từng ở những nơi nào. Em chỉ biết rằng mình ở đây để làm việc. Kể từ khi em chui ra khỏi thùng xe tải sau khi băng qua thị trấn biên giới Calais 7 năm trước, ký ức của em toàn là những trải nghiệm khốn khổ và bị bóc lột. Em đã trở thành một nô lệ lao động, bị bán vào các vườn trồng cần sa, bị lạm dụng và đánh đập, cuối cùng lại bị truy tố và tống vào tù. Đó là một cuộc sống khủng bố, cô lập và đau đớn.
Hiền không phải là trường hợp duy nhất. Cậu là một trong khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam đang bị lao động cưỡng bức ở Anh, được sử dụng cho các lợi ích kinh tế của các băng nhóm tội phạm điều hành nhà máy sản xuất cần sa, các quán làm móng, nhà máy sản xuất quần áo, nhà thổ và nô lệ tại gia. Những đứa trẻ này bị thu phí khoảng 25.000 bảng Anh cho một chuyến đi đến Anh, tổng cộng tất cả chúng nợ những kẻ buôn người số tiền khoảng 75 triệu bảng.
Trong khi nhận thức về vấn đề buôn bán người đang gia tăng, thì các chuyên gia cảnh báo rằng chính quyền Anh không thể theo kịp tốc độ của các băng đảng người Việt tại Anh, những băng đảng này đang tuyển dụng và khai thác trẻ em trong những ngành công nghiệp tội phạm như buôn lậu súng, sản xuất ma tuý đá và các đường dây mại dâm.
Philip Ishola, cựu Giám đốc Cục Phòng chống Buôn người Vương quốc Anh cho biết: “Theo tính toán của chúng tôi thì có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam tại Anh đang bị các băng nhóm tội phạm sử dụng để kiếm lợi”.
Hiện tại, cảnh sát và các cơ quan chức năng thấy rằng những trẻ em bị buôn bán đang bị buộc phải làm việc trong các vườn cần sa, nhưng điều này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thông thường, một đứa trẻ sẽ không chỉ bị bóc lột trên một trang trại cần sa mà còn theo nhiều cách khác nhau. Điều này đang xảy ra ngay dưới mũi chúng ta và những điều đang làm không đủ để ngăn chặn vấn nạn này“.
Cảnh sát thừa nhận rằng họ đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng của các băng nhóm tội phạm người Việt được đa dạng hóa và mở rộng hoạt động trên khắp nước Anh,  Scotland và Bắc Ireland.
Thanh tra Steven Cartwright, người đứng đầu đơn vị cảnh sát Scotland phụ trách phòng chống buôn bán người cho biết: “Ngay bây giờ chúng tôi chỉ chiến đấu trong các chiến hào, chiến đấu trong các quán làm móng (nail).
Điều quan trọng là chúng tôi cần hiểu được các phương thức mới mà băng nhóm đang tiến hành, vì vậy, chúng ta cần ngăn chặn nhu cầu tại một đầu hoặc hạn chế khả năng kiếm tiền của chúng tại đầu khác”.
Hành trình của Hiền đến Vương quốc Anh bắt đầu khi em bị đưa khỏi làng lúc 5 tuổi bởi một người tự xưng là chú của em. Là trẻ mồ côi, Hiền không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm theo những gì được bảo. Em đã trải qua 5 năm di chuyển bằng đường bộ, hoàn toàn không biết những nước mà mình đã đi qua từ Việt Nam trước khi bị buôn lậu qua Đường hầm eo biển Anh Channel và bị đưa đến một căn nhà ở Luân Đôn. Tại đây, trong ba năm tiếp theo em bị ép làm nô lệ tại gia, phải nấu nướng và dọn dẹp cho nhóm những người Việt Nam ra vào nhà nơi em bị giam giữ.
Những người đàn ông trong ngôi nhà này đánh đập và ép Hiền uống rượu cho đến khi em phát bệnh. Còn những thứ khác đã xảy ra mà em vẫn không thể nói. Không bao giờ được phép ra khỏi nhà, Hiền được bảo rằng nếu cố gắng trốn thoát, cảnh sát sẽ bắt giữ và đưa em vào tù.
Hiền kể rằng trong suốt thời gian trong ngôi nhà đó, nhiều trẻ em Việt Nam khác cũng được đưa tới. Những đứa trẻ này nói với Hiền rằng chúng ở đây để làm việc và để trả nợ cho gia đình ở quê. Chúng ở lại một vài ngày và sau đó lại được đưa đi, Hiền không bao giờ nhìn thấy chúng một lần nữa. Sau đó, Hiền trở thành người vô gia cư sau khi bị ông “chú” bỏ rơi. Em phải ngủ trong công viên và bới thức ăn thừa trong thùng rác. Cuối cùng em gặp một cặp vợ chồng người Việt, họ cho em một nơi để ở nhưng yêu cầu phải làm việc trong vườn cần sa trong căn hộ ở thành phố Manchester và sau đó chuyển sang Scotland.
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói không biết những cây này là gì, mặc dù bây giờ cậu hiểu rằng chúng đáng giá rất nhiều tiền. Cậu đã chăm sóc những cây này, sử dụng thuốc trừ sâu khiến cậu bị bệnh và chỉ rời toà nhà để giúp vận chuyển lá đi sấy khô ở một nới khác. Cậu đã bị khóa kín trong phòng, đe dọa, đánh đập và hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài.
Cháu không bao giờ được trả tiền để làm việc ở đó”, Em nói. “Cháu không ở lại đó vì tiền mà vì sợ và hy vọng toàn bộ chuyện này sẽ sớm kết thúc“.
Khi cảnh sát đến, họ chỉ thấy Hiền bên cạnh những cây thuốc phiện. Em kể lại câu chuyện của mình cho cảnh sát, nhưng vẫn bị gửi đến tổ chức quản lý tội phạm vị thành niên ở Scotland, nơi em bị tạm giam 10 tháng vì tội trồng cần sa. Em chỉ được thả sau khi có sự can thiệp của một công tố viên hoàng gia, người giúp Hiền xác nhận rằng em chỉ nạn nhân của hoạt động buôn bán người.
Những đứa trẻ như Hiền là mồi ngon cho các băng nhóm buôn bán người hoạt động ngày càng tinh vi giữa Anh và Việt Nam. Trẻ em chiếm một phần tư trong số lượng ước tính 13.000 người bị buôn bán vào Anh mỗi năm, và trẻ em Việt Nam là nhóm trẻ em lớn nhất bị buôn bán tới đây. Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và Tội phạm ước tính rằng 30 trẻ em Việt Nam đã đến Anh bất hợp pháp mỗi tháng bằng các tuyến đường buôn lậu.
“Trẻ em là một tài sản ngày càng có giá trị đối với các băng nhóm tội phạm vì chúng dễ kiếm, dễ bị đe dọa và khai thác, bó lột, dễ bị giữ cô lập và không ý thức được những gì thực sự đang xảy ra xung quanh, điều này làm chúng ít có khả năng tiết lộ bất kỳ điều gì hữu dụng cho cảnh sát”, Ishola nói.
Khi nói đến trẻ em Việt Nam, ông nói, nước này vẫn còn chuộng suy nghĩ coi đứa trẻ đi nước ngoài như con gà đẻ trứng vàng, vì chúng trẻ gửi tiền về chu cấp cho gia đình. Tư duy này được các băng đảng khai thác bằng cách lừa gia đình tin rằng con của họ đang có công việc hợp pháp ở Anh quốc.
Trong suốt cuộc hành trình đến Vương quốc Anh, những kẻ buôn người liên tục đòi bọn trẻ tiền phí ngày càng nhiều và khi đến nơi, áp lực phải trả món nợ khổng lồ này là một yếu tố chính gây tổn thương cho những đứa trẻ khiến chúng mắc kẹt trong trại lao động cưỡng bức“, ông nói. “Khi đến nơi, những đứa trẻ này phải đối mặt với hoạt động tội phạm có hệ thống tổ chức chặt chẽ, với các phương pháp kiểm soát khác nhau từ bạo lực thân thể tàn nhẫn đến sự câu thúc đòi nợ. Ngay cả trước khi chúng đến, cái bẫy đã được giăng sẵn”.
Thành viên thuộc cộng đồng người Việt ở Luân Đôn nói với tờ báo The Observer rằng họ thấy một sự bùng nổ hoạt động buôn bán trẻ em được điều hành bởi băng nhóm tội phạm hoạt động trên các vùng phụ cận trong những năm gần đây. “Một số em và nạn nhân đã nói với tôi rằng họ phải mất 25.000 bảng Anh để đến Anh quốc“, một lãnh đạo cộng đồng người Việt không muốn nêu tên tại Luân Đôn nói. “Chúng đến với món nợ và chúng không được phép rời đi cho đến khi kiếm đủ tiền trả nợ. Đó là chế độ nô lệ và bóc lột”.
Giống như Hiền, nhiều trẻ em bị bán vào làm việc tại các trang trại cần sa. Mối liên hệ giữa buôn bán trẻ em và công nghiệp cần sa ở Vương quốc Anh đã và đang gia tăng, trong đó trẻ em Việt Nam vào nhóm có nguy cơ cao nhất. Theo một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Phi chính phủ Chống nô lệ quốc tế, hầu hết nạn nhân tiềm tàng của nạn buôn bán người liên quan đến cần sa là người Việt Nam và hơn 80% là trẻ em. Sau đó, nhiều trong số những đứa trẻ này bị truy tố bởi hệ thống tư pháp Anh, mặc dù nhiều người bị xác định là có thể là nạn nhân của nạn buôn bán người. Việc này khiến trẻ em Việt Nam trở thành nhóm nhân chủng lớn thứ hai bị giam giữ tại các trung tâm cải tạo thanh thiếu niên trên khắp nước Anh.
Những băng đảng người Việt đã có lịch sử thống trị công nghiệp thương mại cần sa trị giá 1 tỷ bảng của Vương quốc Anh và đóng vai trò lớn trong việc tăng tỷ lệ trồng cần sa trong nhà ở Anh từ 15% năm 2005 lên đến 90% trong năm 2015. Ngành nghề trái phép này đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, số lượng các nhà vườn cần sa tại Anh đã tăng 150% trong vòng hai năm qua, tuy sức mạnh bang đảng đã suy yếu nhờ sự can thiệp của cảnh sát cũng như sự cạnh tranh từ những bang đảng người Anh. Hiện tại, những tổ chức trồng cần sa người Việt này đang tìm kiếm những cách thức kiếm tiền mới, hiệu quả hơn.
Xét về mặt thực thi pháp luật, tôi nghĩ rằng chúng tôi đi chậm mất cả hai năm“, Daniel Silverstone, một nhà tội phạm học tại Đại học Thủ đô Luân Đôn, người đã viết nhiều về các băng đảng người Việt tại Anh nói.
Bọn buôn người đã thay đổi cách thức làm việc trong những năm gần đây để đối phó trực tiếp với sự chú ý và can thiệp của pháp luật. Một vài năm trước, các trang trại cần sa này là gần như là hình thức kinh doanh duy nhất, nhưng lợi ích kinh doanh của chúng giờ đây đã trở nên đa dạng hơn nhiều. Vì vậy, chúng ta đang thấy một sự mở rộng vào Scotland và Bắc Ireland, sử dụng các quán làm móng để thực hiện nô lệ lao động và rửa tiền, chuyển sang các loại ma tuý như ma tuý đá“. Điều này có nghĩa là trẻ em, là một phần không thể thiếu trong hoạt động của băng nhóm, cũng đang bị đưa tới những khu vực khác để bóc lột. “Khi sự kiểm soát buôn bán cần sa nội địa giảm một chút, chúng quay ra tìm cách tối đa lợi nhuận từ những trẻ em bằng bất cứ cách nào có thể“, ông nói thêm.
Cảnh sát London nói rằng hiện tại nhận thức về tính phức tạp của hoạt động buôn bán trẻ em của Anh đã gia tăng rất nhiều nhưng bản chất khép kín của cộng đồng người Việt đã làm mọi việc khó khăn hơn. “Một thách thức liên tục đối với chúng tôi là xây dựng con đường để bước vào cộng đồng này“, Phil Brewer, người đứng đầu đơn vị phòng chống buôn bán người và bắt cóc nói. “Chúng tôi thường chỉ phát hiện ra một đứa trẻ khi thực hiện đột kích và tìm thấy một người nào đó trong nhà máy cần sa hay cửa hàng làm móng, nhưng thường người này đã bị nhiều hình thức bóc lột trước khi chúng tôi tiếp cận được“.
Parosha Chandran, luật sư nhân quyền hàng đầu và chuyên gia Liên Hiệp quốc về buôn bán người, cho biết trẻ em Việt Nam bị buộc tội trồng cần sa đã trải qua nhiều cuộc buôn bán khác trước khi được di chuyển đến các trang trại cần sa.
Trẻ em Việt Nam bị đưa sang đây hiếm khi là đối tượng của chỉ một hình thức lao động cưỡng bức. Tôi đã gặp nhiều trường hợp mà những đứa trẻ này phải chịu một loạt các loại bóc lột. Ví dụ, một trong những trường hợp tôi gặp, đứa trẻ bị buộc phải trông nom nhà cửa và chăm sóc con cái cho gia chủ, trong khi cậu ta cũng chỉ là một đứa trẻ. Sau đó cậu bị đưa đến làm công việc dọn dẹp trong một quán làm móng, rồi lại bị chuyển đến một nơi khác để may nhãn trên quần áo, cuối cùng chúng đưa cậu tới vườn trồng cần sa“.
Vào tháng Ba, Vương quốc Anh lần đầu tiên thông qua Luật Nô lệ Hiện đại, Luật này nhằm tăng truy tố kẻ buôn người và bảo vệ tốt hơn nạn nhân bị bắt làm nô lệ tại Anh. Tuy nhiên, Chandran nói rằng trẻ em Việt Nam vẫn bị truy tố vì trồng thuốc phiện trong khi những kẻ buôn người thì được tự do.
Chandran nói: “Luật Nô lệ thời hiện đại tập trung vào việc truy tố là sai lầm và các quy định của nó không bảo vệ đầy đủ các quyền của trẻ em bị buôn bán. Chúng ta là một nước dân chủ, chúng ta cần tìm ra giải pháp lâu dài để bảo vệ các em tránh khỏi những hãm hại trong suốt phần đời còn lại”.
Tại một nơi ở an toàn cho nạn nhân của vấn nạn buôn bán trẻ em do tổ chức từ thiện Love146 điều hành, Lynne Chitty, Giám đốc chi nhánh tại Anh, nói rằng bà đã giúp khoảng 40 đến 50 trẻ em Việt Nam cố gắng xây dựng lại cuộc sống của chúng sau những trải nghiệm từ nạn buôn người.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trẻ em đã bị bóc lột theo nhiều cách, để tối đa hóa lợi nhuận có thể đạt được từ chúng. Gần đây, chúng tôi có một thân chủ đang sống trong tình trạng nô lệ tại gia, buộc phải làm việc trong một quán nail bar cả ngày, mỗi buổi chiều được đưa đến một nhà thổ và bị bóc lột ở đó cả đêm“.
Phương pháp sử dụng để dụ dỗ trẻ em từ Việt Nam sang Anh cũng trở nên ngày càng phức tạp, trong đó những kẻ buôn người sử dụng đến cả truyền thông xã hội.
“Trẻ em Việt Nam được đưa sang Anh, được những người Việt trưởng thành nhận và bị bắt làm việc”, Swat Pandi, thuộc Trung tâm tư vấn về vấn nạn buôn bán trẻ em của NSPCC cho biết. “Đứa trẻ cảm thấy mắc nợ người lớn vì thức ăn và nơi ở, và được bảo chúng phải trả ơn lại bằng cách chăm sóc cây cần sa. Những đứa trẻ này chịu đựng mức độ cao của sự bỏ rơi, lạm dụng tình cảm và trong trường hợp không có bất kỳ yếu tố bảo vệ nào, thì rất dễ bị lạm dụng thể chất và tình dục“.
Theo bà Chitty, mặc dù, chính phủ cam kết chấm dứt chế độ nô lệ thời hiện đại và luật chống nô lệ của Anh lần đầu tiên được thông qua, vẫn không có sự thay đổi nào về số lượng trẻ em Việt Nam tới cầu cứu tổ chức từ thiện của bà.
Bà nói: “Công việc vẫn nhiều như bình thường. Chúng tôi vẫn còn có một vấn đề trong việc bảo vệ ngay lập tức và sắp xếp việc làm thích hợp cho trẻ em bị buôn bán. Và những người trẻ này vẫn đang bị định tội bởi tòa“.
Ngay cả khi một đứa trẻ được cứu thoát khỏi đường dây buôn người và an toàn dưới sự chăm sóc của chính quyền địa phương, đứa trẻ đó vẫn có khả năng quay lại với sự kiểm soát của những kẻ buôn người. Năm 2013, một báo cáo của thinktank độc lập thuộc Trung tâm Công lý xã hội kết luận rằng 60% trẻ em nạn nhân dưới sự chăm sóc của chính quyền địa phương đã mất tích, gần một phần ba trong số chúng biến mất trong vòng một tuần đến nơi ở mới. Hầu hết không bao giờ tìm thấy lại một lần nữa. Có sự gia tăng những báo cáo về việc trẻ em bị tái buôn bán từ nhà chăm sóc hay khi chúng đã được cấp quy chế tị nạn.
“Tôi không nghĩ là chúng ta hiểu được toàn bộ tình hình khó khăn”, Thám tử Thanh tra Cartwright nói. “Mặc dù có những ý định tốt nhất nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không cung cấp được bất cứ điều gì để thuyết phục những đứa trẻ này ở lại. Nhiều đứa trẻ sẽ bị tái buôn bán bởi vì chúng ta không cho chúng một lựa chọn tốt hơn so với những kẻ buôn người“.
Hiền đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình sau khi được cấp quy chế tị nạn ở Scotland, nhưng em đang gặp khó khăn để tìm lại bình an sau những chấn thương tâm lý.
“Cháu vẫn còn lo sợ rằng những kẻ buôn người sẽ tìm đến nhà. Nhưng cháu biết rằng lần này cháu sẽ nhờ giúp đỡ. Cháu nghĩ rằng ở đây có công lý nhưng cháu ước rằng họ đã không giữ cháu trong tù lâu như vậy. Bằng câu chuyện của mình, cháu muốn mọi người hiểu được những gì cháu đã phải trải qua ở đây”.

Nô lệ hiện đại tại Anh qua những con số:

  • Văn phòng Chính phủ ước tính rằng có khoảng 10.000 đến 13.000 người là nạn nhân của chế độ nô lệ thời hiện đại tại Anh.
  • Các ước tính cho rằng có thể có khoảng 100 trẻ em bị buôn bán mỗi tuần vào Anh. Phụ nữ từ Alban và Nigeri, kể cả người lớn, là nhóm nạn nhân tiềm tàng lớn nhất, trong khi đó  nhóm người Việt Nam là nhóm nạn nhân nam lớn nhất. Trẻ em Anh là nhóm trẻ em bị buôn bán nhiều nhất, trong khi trẻ em Việt Nam là nhóm trẻ em ngoại quốc lớn nhất bị bóc lột tại Anh.
  • Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia báo cáo có sự gia tăng 34% nạn nhân buôn người vào năm 2014 so với một năm trước đó. Người lớn chủ yếu là nạn nhân của lạm dụng tình dụng, trong khi trẻ vị thành niên bị bóc lột sức lao động.
  • Hiệp hội các Quốc gia phòng chống tội ác trẻ em (NSPCC) nói rằng 51% toàn bộ những thanh thiếu niên tìm đến trung tâm tư vấn buôn bán trẻ em từ Việt Nam đã được báo cáo là mất tích cùng một thời điểm.
  • Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế nói rằng trong số các nạn nhân bị buôn bán cho hoạt động trồng cần sa, 96% là từ Việt Nam và 81% trong số đó là trẻ em.
  • Gần 25% nạn nhân của hoạt động buôn người là trẻ em.
  • Các cơ quan báo cáo rằng một nạn nhân bị bán cùng với khoản nợ với giá khoảng 30.000 bảng Anh cho một kẻ buôn người khác để sử dụng trong nhiều hoạt động bóc lột, trong đó có bao gồm nô lệ tình dục, làm nô lệ tại gia và trồng cần sa.
  • Trong số trẻ em bị buôn bán đã biến mất, NSPCC cho biết vào năm 2012 rằng khoảng 58% đang được khai thác cho hoạt động tội phạm và trồng cần sa.
Theo The Guardian

VIỆT CỘNG XUẤT KHẨU PHỤ NỮ VIỆT NAM


 VIỆT CỘNG XUẤT KHẨU PHỤ NỮ VIỆT NAM

 Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài, thường gọi tắt là Xuất khẩu lao động Việt Nam, là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước Xã hội chủ nghĩa, trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả đã đem lại nhiều thuận lợi cho đất nước. Từ khi cơ chế thay đổi năm 1991, hoạt động xuất khẩu lao động phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. 
Bước sang thế kỷ 21, có sự tăng đột biến lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài, nhiều nhất tại ba thị trường Đài Loan, Nhật Bản, MalaysiaHàn Quốc. Tính đến 2011, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động làm việc tại nước ngoài, trong đó 85.650 tại Đài Loan, giữ vị trí thứ 2 về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan.Số liệu cập nhật mới nhất năm 2017 Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 09 năm 2017 là 13.733lao động (5.411 lao động nữ), gồm các thị trường: Đài Loan: 7.393 lao động (2.574 lao động nữ), Nhật Bản: 5.025 lao động (2.418 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 219 lao động (200 lao động nữ), Hàn Quốc: 476 lao động (25 lao động nữ), Malaysia: 229 lao động (102 lao động nữ), Algeria: 106 lao động nam, Israel: 104 lao động (48 lao động nữ), Rumania: 91 lao động (48 lao động nữ) và các thị trường khác.
Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó diễn ra song song những vấn đề bất cập về cơ chế, chính sách, quản lý từ cả hai phía trong và ngoài nước, những hạn chế về trình độ và ý thức người lao động, tình trạng lưu trú bất hợp pháp. Ngoài ra, người lao động còn có thể đối mặt với việc bị lừa đảo, bóc lột và ngược đãi.

Hình thức

Có 5 hình thức xuất khẩu lao động sang nước ngoài:
  • Hiệp định chính phủ ký kết giữa hai nước
  • Hợp tác lao động và chuyên gia
  • Thông qua doanh nghiệp Việt Nam nhận thầu, khoán xây dựng công trình, liên doanh, liên kết chia sản phẩm ở nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài
  • Thông qua các doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ cung ứng lao động (chủ yếu)
  • Người lao động trực tiếp ký hợp đồng lao động với cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Đối tượng liên quan

 Cơ quan chính phủ và Cục Quản lý Lao động

Cục Quản lý lao Động Ngoài nước (có tên giao dịch quốc tế là Department of Overseas Labour, viết tắt là DOLAB) trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các nhiệm vụ chính như thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm, dự án, đề án về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nghiên cứu định hướng phát triển về khai thác thị trường lao động ngoài nước; tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động; thu, quản lý và sử dụng các nguồn thu từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...[1] Tại mỗi quốc gia có người lao động Việt Nam còn có các Ban Quản lý Lao động tại địa phương.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động

Các doanh nghiệp này ngoài những quốc gia phát triển, phần lớn là những quốc gia đang phát triển, có nhu cầu tuyển dụng lao động cao. Họ có thể tư vấn, tuyển dụng lao động trực tiếp tại địa phương, hiệp định ký kết giữa các chính phủ hoặc thông qua công ty môi giới.

Công ty xuất khẩu lao động

Tính đến cuối tháng 6 năm 2010, tại Việt Nam có 167 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng 60% doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoặc cổ phần có vốn Nhà nước chi phối.[2] Công ty làm nhiệm vụ giới thiệu, đào tạo, thủ tục đi nước ngoài, lo nơi định cư, giấy tờ, hợp đồng lao động,... cho người lao động. Đổi lại, lao động chi trả cho công ty khoản phí gọi là phí môi giới.

Người lao động xuất khẩu

Người đi lao động xuất khẩu gồm lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Người xuất khẩu theo dạng lao động phổ thông thường là những nông dân hay là người các tỉnh nghèo, người dân tộc, vì muốn tăng thêm thu nhập cho gia đình. Người đi lao động thường phải chịu chi phí cao trước khi xuất hành, có thể rơi vào điều kiện làm việc kham khổ, và đôi khi là nạn nhân của lừa đảo, bóc lột, buôn người.
Theo báo cáo của 10 tỉnh, thành phố được giám sát, tỷ lệ lao động có tay nghề khoảng 20-30%, chủ yếu làm lao động làm các công việc giản đơn, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp. 70-80% người lao động không được tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua môi giới.[2]

Quá trình phát triển

Người lao động Việt Nam tại Đức năm 1985

Giai đoạn từ 1980 đến 1990[sửa | sửa mã nguồn]


Số lượng người lao động Việt Nam đi làm ở Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Bungari từ 1980- 1990.[3]
Cuối những năm thập niên 70 và đầu 80, kinh tế Việt Nam trong tình cảm gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp trì trệ, mô hình hợp tác xã không tạo ra cạnh tranh nên không kích thích được sản xuất. Thêm vào đó là các khoản nợ sau chiến tranh cần phải trả và hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Namphía Bắc ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Do đó, chính quyền chủ trương đưa lao động ra làm việc tại các nước Xã hội chủ nghĩaLiên XôĐông Âu.[4]
Năm 1980, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với hình thức chủ yếu là hợp tác sử dụng lao động thông qua các Hiệp định Chính phủ trực tiếp ký kết. Trong giai đoạn này, gần 245.000 lao động và chuyên gia đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong nước được đưa đến 4 nước Xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp KhắcBungari).[3] 
Bên cạnh đưa người đi lao động, Việt Nam cũng đã ký kết về hợp tác chuyên gia trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp với một số quốc gia châu Phi[4] (Libya, Angeri, Angola, Mozambique, Congo, Madagascar) với con số người đưa sang là 7.200 người; Trung Đông (Iraq) khoảng 18.000 người. Bên cạnh đó, gần 24.000 thực tập sinh và học sinh học nghề tại các nước Đông Âu đã chuyển sang lao động trong những năm thập niên 80. Tổng số lao động được đưa đi trong thời kì này gần 300.000 người.[3]
Theo thống kê của cơ quan chuyên trách, từ năm 1980 đến 1989, ngân sách nhà nước đã thu được khoảng 800 tỷ đồng và hơn 300 triệu USD, một khoản tiền lớn tại thời điểm lúc đó. Ngoài giảm bớt số người thất nghiệp trong nước; người lao động được tiếp cận với công nghệ mới và gửi về nước một khối lượng hàng hóa tiêu dùng khá lớn, giúp cải thiện cuộc sống gia đình tại Việt Nam trong thời kỳ khó khăn.
Năm 1989, có nhiều biến động chính trị lớn xảy ra tại các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và khủng hoảng kinh tế, chính trị tại nhiều nước châu Phi, dẫn đến phần lớn các nước này không còn nhu cầu nhận lao động từ Việt Nam. Sau khi nước Đức tái thống nhất vào năm 1990, những công nhân chưa hết hợp đồng được đền bù để trở về nước.[4]

Giai đoạn 1991 đến 2001


Lao động Việt Nam làm ở nước ngoài từ 1992 đến 2006 theo giới tính.[5]

Lao động Việt Nam làm ở nước ngoài từ 1992 đến 2006 theo quốc gia.[5]
Tình hình và nhu cầu thực tiễn cùng với việc cơ chế quản lý kinh tế Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới dẫn đến những thay đổi về cơ chế hoạt động xuất khẩu lao động từ phía chính quyền. Ngày ngày 9 tháng 11 năm 1991, Nghị định về đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài ra đời.[4] Cụ thể, các tổ chức doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động thông qua hợp đồng ký với nước ngoài. Cơ chế này đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu. Số lao động đưa đi nước ngoài tăng đều mỗi năm. Tổng lao động xuất khẩu trong giai đoạn này gần 160.000 người.[3]

Có sự thay đổi về thị trường trong giai đoạn này. Ban đầu, Việt Nam xuất khẩu công nhân xây dựng sang một số nước Trung Đông (chủ yếu là Iraq), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhấtKuwait. Năm 1992, Việt Nam ký các hợp đồng xuất khẩu thuyền viên với Đài Loan, Hàn Quốc.[4]

Giai đoạn 2001 đến nay

Thị trường xuất khẩu năm 2011[6]
Địa điểm

Số người
Đài Loan
  
34.998
Hàn Quốc
  
15.049
Malaysia
  
9.195
Nhật Bản
  
6.373
Ả Rập Saudi
  
3.514
Lào
  
3.581
Campuchia
  
2.556
Macao
  
1.826
UAE
  
1.128
Cộng hòa Síp
  
0.792
Israel
  
0.327
Nga
  
0.301
Algérie
  
0.204
khác
  
1.631
Từ năm 2006 đến 2008, trung bình mỗi năm có hơn 83.000 lao động xuất khẩu sang nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong cả nước. Đến năm 2009 đã có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.[7] Vào thời điểm năm 2011, xét về lượng tiếp nhận thì lao động Việt Nam nhiều nhất tại Đài Loan, sau đó là Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Ả Rập Saudi, Lào, Campuchia,...[6] Trong số đó lao động nữ chiếm gần 50%, chủ yếu làm trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội và công nghiệp.[8]

Một số thị trường khác như Brunei, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang được mở rộng. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Úc, Mỹ, Canada, Phần LanÝ cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến.[7]
Năm 2008, Hàn Quốc nhận thêm 12.000 lao động Việt Nam mới và tái tuyển dụng 6.000 lao động, tăng số lao động Việt Nam tại quốc gia này lên gần 50.000 lao động.[7] Đến năm 2011, Việt Nam có khoảng 60.000 lao động tại Hàn Quốc[9] và 85.650 tại Đài Loan - giữ vị trí thứ 2 về tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan.[10]
Không giống với Đài Loan và Malaysia được xem là thị trường truyền thống ít đòi hỏi, Nhật Bản được đánh giá là thị trường có nhiều đòi hỏi cao. Tuy nhiên, theo những chính sách và chương trình hợp tác tạo nhiều thuận lợi, lượng tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật làm việc ngày càng tăng.[11] Với con số 35.000 tu nghiệp sinh theo thống kê năm 2011, Việt Nam đứng thứ 2 trong tổng số 14 nước có tu nghiệp sinh làm việc tại Nhật Bản (sau Trung Quốc). Chất lượng lao động cũng được tín nhiệm.[12]
Năm 2011, tổng số lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài theo số liệu từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước là 81.475 người.[6] Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, con số này là 88.298 người.[13] Riêng số lao động Việt Nam đang có mặt tại bốn thị trường lớn nhất là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là hơn 200.000 người (40% tổng số lao động Việt Nam tại nước ngoài).[14]
Năm 2013 con số người Việt Nam lao động ở ngoại quốc tăng lên hơn 88.000, vượt con số chỉ tiêu của nhà nước. Đài Loan tiếp tục là nơi mướn nhiều người Việt nhất, chiếm hơn 46.000 người. Nhật Bản và Malaysia là hai quốc gia kế bảng hạng hai và hạng ba.[15]

Văn bản chính phủ liên quan

Ngày ngày 9 tháng 11 năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370-HĐBT về quy chế đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho phép các tổ chức kinh tế được thành lập và cấp giấy hoạt động xuất khẩu lao động.[16]
Năm 1995, Nghị định 370 được thay thế bằng các văn bản sau:
  • Nghị định 07/CP: Về việc quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
  • Nghị định 05/CP: Về việc quy định chi tiết thi hành pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Năm 2006, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chính thức được Quốc hội Việt Nam khóa XI thông qua (Số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006), ban hành ngày 12 tháng 12 năm 2006 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2007.[17]
Năm 2007, nhiều Nghị định liên quan làm rõ và hướng dẫn điều Luật trên ra đời, bao gồm:
  • Nghị định 126/2007/NĐ-CP: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật
  • Nghị định 144/2007/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài [17]
Ngoài ra còn một số Quyết định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước;[18] ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;[19] quy định về tổ chức bộ máy chuyên trách xuất khẩu và bồi dưỡng kiến thức lao động sang nước ngoài;[20] ban hành chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.[21]
Ở cấp độ thấp hơn là các Thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều Luật và Nghị định;[22] các Thông tư liên tịch quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ;[23] quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động xuất khẩu;[23] hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý hợp đồng bảo lãnh;[24] hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật liên quan.[25]

Quyền lợi pháp lý


Tổ chức từ thiện và chính quyền thành phố Đài Bắc tổ chức kiểm tra sức khỏe lao động nước ngoài tại quảng trường Nam Khẩu năm 2011.

Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động thì phải tuân thủ theo đúng luật của nước ngoài và đúng luật trong nước.[26] Quyền lợi của người lao động Việt Nam tại nước ngoài tuỳ thuộc chủ yếu vào loại đối tượng, hình thức xuất khẩu lao động và chính sách đối đãi người lao động ở nước sở tại và sự quan tâm của chính quyền trong nước.
Lao động Việt Nam khi đi tu nghiệp tại Nhật được nhận chế độ đối xử như lao động bản địa[27] dưới dạng "tu nghiệp sinh". Đây là một hình thức sang nước ngoài để học việc, tu nghiệp trong thời gian cho phép khoảng 3 năm.[28]
Tại Đài Loan, khi suy thoái kinh tế diễn ra, nhiều nhân công nước ngoài bị cắt giảm. Theo luật lao động, dù không có việc làm, nhưng nếu công nhân vẫn tiếp tục ở công ty thì họ phải được hưởng lương căn bản hàng tháng. Nhưng hầu hết các công ty không áp dụng điều này đối với lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền vẫn tiếp tục cho lao động nước ngoài nhập cảnh, dẫn đến nhiều lao động sang chưa lâu phải sớm trở về nước.[29]
Tại Malaysia, việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động ở Malaysia còn nhiều hạn chế. Một số điều trái với luật lao động của Malaysia và trái với tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) như việc chính phủ nước này ủy quyền cho các doanh nghiệp tự kiểm soát dịch chuyển công việc của lao động nhập cư. Mặt khác, theo luật pháp Malaysia, khi người lao động gặp rủi ro, các doanh nghiệp sử dụng lao động và doanh nghiệp môi giới sẽ đền bù cho gia đình người tử nạn. Tuy nhiên, nhiều gia đình trong trường hợp này nói rằng họ chưa hề biết đến số tiền đó. [30]
Năm 2011, Malaysia tìm kiếm nguồn lao động giúp việc gia đình từ các nước, bao gồm Việt Nam trong tình trạng các chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động giúp việc gia đình còn chưa đầy đủ. Do đó, người lao động nước ngoài làm giúp việc tại Malaysia dễ gặp rủi ro và ít được bảo vệ. Phương tiện báo chí đã nêu lên một số điển hình về tình trạng giữ tiền lương, hành hạ hoặc lạm dụng người lao động giúp việc.[31]

Vay vốn

Nhiều ngân hàng tại Việt Nam có hình thức cho vay xuất khẩu lao động, bao gồm không thế chấp tài sản với một số đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cung ứng vốn. Đại diện các ngân hàng cho rằng tỉ lệ nợ xấu, quá hạn tăng cao khiến các ngân hàng lo ngại. Năm 2010, một số tỉnh có số người xuất khẩu lao động vay nợ quá hạn cao từ 10 đến 15%. Lý do chủ yếu là do lao động phải về nước trước thời hạn (50%) hoặc không chịu trả nợ (20%). Các thị trường có tỉ lệ nợ xấu lớn là Malaysia (29%), Đài Loan (7,4%), Hàn Quốc (6,45)...[32]

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong ngành, nguồn vốn để cho vay còn hạn chế, mức cho vay còn thấp, thủ tục vẫn quá phức tạp. Đại diện phía ngân hàng, phó tổng giám đốc Agribank, cho biết hiện chưa có quy chế quản lý thu nhập của người lao động đã vay vốn nên việc thu hồi khoản cho vay khi đến hạn vô cùng khó khăn.[33] Việc chỉ một số đối tượng ưu tiên mới được vay không thế chấp đồng nghĩa với những đối tượng có mức sống cao hơn chuẩn nghèo rất khó có điều kiện vay, đặc biệt là những thị trường yêu cầu chi phí cao.[34]

Lao động hồi hương


Thống kê lao động về nước năm 2008 và 2009[35]
Các lao động Việt Nam về nước đúng hạn hợp đồng chiếm tỉ lệ cao. Năm 2008, Việt Nam có gần 41.000 lao động về nước, 74% về nước đúng hạn. Năm 2009, các con số này tăng lên, có hơn 51.000 lao động về nước, trong đó hơn 80% về nước đúng hạn hợp đồng.[35]

Ngoài ra, một số lao động Việt Nam bị lừa và lao động vất vả đã tìm được cách xoay xở tiền lương để về nước trước hạn (nếu không bị giữ giấy tờ tuỳ thân).[36] Nhiều lao động tại 12 nước thuộc Liên minh châu Âu mất việc làm hoặc bị cắt hợp đồng bởi nhiều lý do, một số cố gắng ở lại tìm kiếm cơ hội mới nhưng phần lớn phải về nước tìm việc làm kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội cần giải quyết.[37]

Số khác là do lao động vi phạm nội quy khi làm việc ở nước ngoài bị trả về. Năm 2011, huyện Đak Rông có 109/197 người phải xuất cảnh về lại địa phương.[38]
Các địa phương chưa có đầy đủ giải pháp giải quyết những vấn đề rủi ro cho lao động sau khi về nước, chưa tạo được sự kết nối giới thiệu việc làm cho lao động về nước trước hạn hay hết hạn.[34]

Trợ giúp

Chính phủ Việt Nam

Nhằm giải quyết những mặt khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu lao động, tháng 9 năm 1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 41/CT-TƯ về xuất khẩu lao động và chuyên gia. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không bắt người lao động phải ký quỹ quá nhiều. Năm 2008, Chính phủ phê duyệt dự án "Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015", kết hợp các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động diện chính sách về phí đào tạo, ăn ở, đi lại, thủ tục làm việc ở nước ngoài cùng các chính sách tín dụng ưu đãi.[4]
Năm 2009, Chính phủ tiếp tục thông qua dự án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020", triển khai tại 62 huyện nghèo trong nước.[39]
Năm 2010, tổng số lao động được vay vốn xuất khẩu lao động là gần 82.000 người với tổng số vốn cho vay đạt gần 1.700 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến 2010, cơ quan chuyên ngành đã tiếp nhận, xử lý 1.184 khiếu nại của người lao động; thanh tra và xử lý vi phạm hành chính 119 lượt doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp.[2]

Chính phủ nước ngoài

Chính quyền Hoa Kỳ có một số trợ giúp đối với người lao động xuất khẩu Việt Nam bị lừa đảo.
Năm 2001, tại đảo Samoa, thuộc địa của Hoa Kỳ, dưới sự kêu gọi của số tổ chức cộng đồng người Việt hải ngoại, chính quyền Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra một công ty Hàn Quốc[40] và tuyên án chủ tịch công ty 40 năm tù về tội buôn người.[41] Số lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc cho công ty này thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi, bỏ đói và không được trả lương[42] vào khoảng 250 người, đồng thời những công nhân ở lại được giúp đỡ định cư vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Ngày 2 tháng 12 năm 2004, chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ 155.000 USD cho Tổ chức Quốc tế về Di dân (IOM) nhằm giúp công tác chống nạn buôn người và hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân Việt Nam còn ở lại.[40] Những người trở về nước được đền bù số tiền rất thấp.[43]
Năm 2011, hai công ty quốc doanh Việt Nam gồm IntersercoVinamotors, có trụ sở tại Hà Nội, cùng hai công ty Mỹ bị người lao động xuất khẩu khởi kiện lên tòa án tại Texas, Hoa Kỳ vì tội buôn người và cưỡng ép lao động. Tờ báo The Houston Chronicle cho biết, tòa án quận Harris bang Texas đã ra phán quyết yêu cầu hai bên công ty mội giới bồi thường tổng cộng là 60 triệu đôla cùng một số điều khoản đi kèm khác cho các nạn nhân.[44][45]

Tổ chức phi chính phủ

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở châu Á (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia - CAMSA) là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở châu Á và khắp nơi trên thế giới, cũng đã giúp nhiều công nhân Việt Nam tại Mã Lai.[46]
Linh mục Peter Nguyễn Văn Hùng thành lập Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan ở thành phố Đào Viên vào năm 2004 để trợ giúp người Việt sống và làm việc tại Đài Loan, ông đã là người chỉ trích sự bóc lột và nhục mạ người lao động và cô dâu nước ngoài, từ năm 2004 đến 2006 đã giúp đỡ hơn 2000 người Việt thoát lao động đày ải và lạm dụng tình dục, khiến cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Đài Loan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm về nạn buôn người, và ông được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận là "anh hùng đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại",[47] cũng nhờ thế Đài Loan đã phần nào thay đổi chinh sách đối với người nước ngoài.

Đặc trưng một số thị trường

Dưới đây là thống kê đặc trưng chi phí và loại hình tuyển dụng, lương trung bình tại một số thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2006:[5][48]
Thị trườngLoại hình tuyển dụngPhí tuyển dụng tối đaThu nhập bình quân tháng (USD)Chú thích
Đài LoanCông nhân sản xuất, xây dựng1.500/người/hợp đồng 2 năm, gia hạn 1 năm300-500
Giúp việc1.000/người/hợp đồng 2 năm
Thuỷ thủ, thuyền viên-
MalaysiaLao động nam350/người/hợp đồng 3 năm150-200Công nhân điện,
công nhân may mặc,
dịch vụ
Lao động nữ300/người/hợp đồng 3 năm
Ả Rập SaudiLao động phổ thông400/người/hợp đồng 2 năm160-300

> 1000
Công nhân xây dựng,
kĩ sư
Lao động có tay nghề500/người/hợp đồng 2 năm
Giúp việc-
Qatar, Oman,
Bahrain, UAE
Lao động phổ thông400/người/hợp đồng 2 năm400-1000Công nhân điện,
công nhân xây dựng,
dịch vụ
Lao động có tay nghề550/người/hợp đồng 2 năm
Ma CaoCông nhân xây dựng2.500/người/hợp đồng 2 năm-
Giúp việc750/người/hợp đồng 2 năm
Bảo vệ, lao công900/người/hợp đồng 2 năm
Dịch vụ nhà hàng, khách sạn1000/người/hợp đồng 2 năm
Nhật Bản-1.500/người/hợp đồng 2 năm-
Úc-5000/người/hợp đồng 4 năm-
BruneiCông nhân sản xuất, nông dân250/người/hợp đồng 3 năm

Công nhân xây dựng350/người/hợp đồng 3 năm
Cộng hoà Séc-1.500/người/hợp đồng 2 năm

Hàn Quốc

450-1000
Hoa Kỳ

1250-1600Nông dân
Anh

1300-2500Phục vụ phòng khách sạn,
giúp việc

Hiệu quả

 Giải quyết việc làm

 

Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đã phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, phần lớn người Việt Nam vẫn trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, trình độ giáo dục chưa cao. Mong muốn cải thiện đời sống là nguyên nhân chính thúc đẩy người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.[49][50]
Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có 46,7 triệu lao động, chiếm hơn 50% dân số, trong đó 90% hoạt động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi năm có thêm hơn 1 triệu người đến tuổi lao động.[7] Thêm vào đó, mức độ gia tăng của lực lượng lao động trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và tỷ lệ thời gian nhàn rỗi ở nông thôn tương đối cao đặt ra những vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, xuất khẩu lao động được xem một giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam.[51]

Nguồn thu ngoại tệ

Lao động xuất khẩu qua đào tạo ngày càng tăng. Năm 2007, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước lượng kiều hối từ 1,6 tỷ USD.[52] Trung bình mỗi năm gửi về từ 1,6 tỷ đến 2 tỷ USD. Trong đó từ Hàn Quốc trên 700 triệu USD, Nhật Bản hơn 300 triệu USD.[7][11] Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 16 trong 30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất,[53] là một trong 10 quốc gia có thu nhập lớn từ xuất khẩu lao động.[4]

Lợi ích khác

Xuất khẩu lao động cũng tạo điều kiện thay đổi đời sống của người dân. Tại một số làng xã tỉ lệ xuất khẩu lao động cao, nhiều người từ nghèo trở nên giàu có, ước tính trung bình số tiền gửi về hằng năm có thể đạt từ 40 đến 100 tỷ đồng.[39] Thêm vào đó, nhiều người trở về nước đã trở thành các nhà đầu tư, gây dựng doanh nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương.[4]
Một lợi ích khác là xuất khẩu lao động giúp một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ và tay nghề. Do đó, xuất khẩu lao động được coi là ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội.[4]
Tại những huyện nghèo vùng núi, nơi có nhiều dân tộc thiểu số, đa số thanh niên đều có nhu cầu lao động và công việc lao động ở quê nhà thường được cho là vất vả hơn so với đi xuất khẩu lao động.[39]

Hạn chế


 

Biển báo với thông điệp "Người lao động bất hợp pháp sẽ bị truy tố" viết bằng 5 thứ tiếng thông dụng tại Singapore.

Người lao động

Kỹ năng và trình độ lao động

Mặc dù tỷ lệ lao động được đào tạo tăng gần 35% nhưng trình độ và kỹ năng của nhiều lao động Việt Nam chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, dẫn đến chất lượng lao động chưa cao. Một số lao động ở nước ngoài thiếu ý thức, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không tốt đối với lao động Việt Nam tại nước ngoài.[7][37]

Bỏ trốn và lưu trú bất hợp pháp


Con đường về nước của lao động xuất khẩu, bao gồm lưu trú bất hợp pháp[54]
Một vấn đề khác là việc lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc[55] (40%), Nhật Bản (30%) và Đài Loan (10-15%). Mục đích các lao động phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm là để có thu nhập cao hơn, cư trú bất hợp pháp để có thể ở lại làm việc lâu hơn, như tu nghiệp sinh tại Nhật Bản có mức lương trung bình khoảng 500 – 700 USD/tháng, nhưng nếu trốn ra làm việc ở ngoài có thể được mức lương gấp 3 lần.[28] Tại châu Âu cũng có tình trạng nhiều lao động Việt Nam tự ý phá vỡ hợp đồng và lưu trú bất hợp pháp.[37]
Tại Hàn Quốc, Hiệp hội Nông - Ngư nghiệp, Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những đánh giá không tích cực về lao động Việt Nam trong việc chuyển đổi nơi làm việc cũng như tình trạng lưu trú bất hợp pháp. Điều này dẫn đến xu hướng tuyển dụng lao động Việt Nam có dấu hiệu giảm dần tại một số công ty. Thống kê năm 2011 của Hàn Quốc cho biết Việt Nam đứng đầu về số lượng lao động cư trú bất hợp pháp (8.780 trong hơn 60.000 lao động) và đứng đầu về yêu cầu đòi chuyển đổi nơi làm việc với các lý do không chính đáng (32%) so với các quốc gia khác.[9][56]
Bên cạnh đó còn hiện tượng người dân tự ý hoặc được môi giới đưa sang nước ngoài làm việc và lưu trú bất hợp pháp không qua hợp đồng lao động bằng những con đường như như đi du lịch, thăm người thân hoặc kết hôn giả.[57]
Ứng phó với tình trạng này, Nhật Bản tuyên bố sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát người lao động nước ngoài, nếu bỏ trốn khi bắt được sẽ trục xuất ngay về nước.[11] Về phía Hàn Quốc, chính quyền đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam, đồng thời thực hiện các giải pháp truy quét tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Kết quả con số này giảm xuống đáng kể. Nhận định từ giới chức Việt Nam cho biết, việc lao động "cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng đã tác động xấu đến ổn định xã hội và góp phần làm phát sinh tội phạm liên quan đến người nước ngoài".[9]

Quy định và công tác quản lý

Quy định và thủ tục pháp lý

Quy định và thủ tục pháp lý không rõ ràng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng lách luật để cuối cùng bắt người lao động phải chịu những chi phí cao một cách bất hợp lý.[58] Theo khuyến nghị của các nước khác, Việt Nam nên tập trung vào các đầu mối ở cấp tỉnh để đưa người lao động đi nước ngoài để quản lý chặt chẽ hơn.[26]
Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm các quy định pháp luật của một số doanh nghiệp Việt Nam với các hình thức như không thẩm định hợp đồng, không đào tạo trước khi đi, không báo cáo danh sách lao động, thu tiền quá quy định… Các tổ chức, cá nhân không có chức năng thực hiện xuất khẩu lao động lừa đảo đưa người lao động sang các quốc gia khác lao động bất hợp pháp, điển hình như tại Malaysia[31]Đài Loan.

Thông tin thân phận người lao động

Nhiều lao động Việt Nam qua đời ở nước ngoài, tuy nhiên những con số này chưa được công bố rộng rãi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội cho biết những trường hợp chết đã làm thủ tục thông báo về gia đình, còn đăng lên báo thì không có lợi trong dư luận xã hội vì nhiều vấn đề chưa được rõ ràng. Một số trường hợp do khâu kiểm tra sức khỏe không được kỹ nên ra nước ngoài gặp điều kiện lao động căng thẳng, cộng thêm có lao động không giữ mình nên đã uống rượu, dẫn đến đột tử.[26] Có thông tin về trường hợp người lao động mất do tai nạn nhưng hai tháng sau gia đình tại Việt Nam mới được báo tin.[59]
Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Việt Nam, từ tháng 4 năm 2002 đến đầu năm 2008 đã có hơn 300 trường hợp người lao động Việt Nam chết tại Malaysia.[30] Riêng năm 2007, Phóng viên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thống kê có ít nhất 100 lao động Việt Nam chết tại Malaysia. Con số này nhiều hơn hẳn các thị trường lao động khác, trong đó 1/3 thống kê do "đột tử". Có nhiều nghi vấn chưa giải đáp quanh vấn đề này vì nhiều nhân chứng tại Malaysia và gia đình các nạn nhân khẳng định những người bị chết đều khỏe mạnh, trước đó không có biểu hiện bệnh tật.[60] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết việc khám sức khỏe không cẩn thận là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động bị đột tử phổ biến tại quốc gia này.[61]
Tháng 12 năm 2011, ba lao động tại Nga thiệt mạng vì bị ngạt khí gas. Do xuất khẩu lao động theo đường dây bất hợp pháp nên khi chết, họ không được chôn cất mà chỉ được quấn vải rồi lấp đất lên.[62][63]

Đơn vị tuyển dụng và sử dụng lao động

Chi phí môi giới

Công ty môi giới có trách nhiệm giúp người lao động làm thủ tục cư trú và giấy tờ thuế đồng thời tìm công việc thích hợp, sau đó nhận được một khoản cố định từ lương hàng tháng của người lao động.[64]
Mặc dù theo luật định, mức trần tiền môi giới cho các thị trường cứ mỗi năm của hợp đồng không vượt quá một tháng lương của người lao động, tuy nhiên trong thực tế, nhiều công ty xuất khẩu đòi hỏi người lao động phải đóng phí môi giới cao hơn. Ngoài ra còn tiền dịch vụ (mức trần khoảng 10% của lương tháng, đóng trước 18 tháng) trả cho công ty xuất khẩu, chi phí đặt cọc "chống trốn", chi phí dạy nghề và ngoại ngữ trước khi xuất hành, vé máy bay lượt đi,... Nhiều lao động đã phải thế chấp đất và nhà cửa hay vay mượn để có đủ tiền lo chi phí.
Theo sự tính toán của báo Lao động: "Mức lương tối thiểu người lao động được hưởng là 15.840 Đài tệ/tháng. Bị trừ thuế tại Đài Loan: 3.168 đài tệ; phí cho công ty Việt Nam tuyển dụng lao động là 12%/tháng lương: 2.000 đài tệ; bảo hiểm tại Đài Loan: 46 đài tệ; phí môi giới 5.750 đài tệ. Mỗi tháng người lao động được ứng 2.000 đài tệ để sinh hoạt. Như vậy với mức lương 15.840 đài tệ/tháng, sau khi trừ các chi phí, người lao động chỉ tiết kiệm mỗi tháng khoảng 2.876 đài tệ. Số tiền này chỉ bằng 1/2 số tiền chi cho môi giới. Nếu với việc quy đổi khoảng 33 đài tệ = 1 USD thì họ chỉ còn giữ lại để gửi về nhà khoảng 87 USD/tháng. Như vậy có thể nói người lao động làm việc quần quật trong 1 tháng chủ yếu chỉ để trả cho các loại phí và chủ yếu là phí môi giới."[58] Cứ mỗi người lao động thì công ty môi giới có thể hưởng lợi gấp ba lần số tiền mà mỗi người làm công có thể để dư được (phí môi giới gần gấp 2, và phí dịch vụ gần bằng) và gần phân nửa số lương tháng của họ, dù không phải trực tiếp lao động.
Theo luật của Đài Loan, mức phí môi giới lao động phải trả hàng tháng là từ 47 đến 56 USD, tuỳ thuộc thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết có nhiều trường hợp bên môi giới lấy số tiền nhiều hơn mức cho phép và không quan tâm đến quyền lợi của người lao động.[64]

Lừa đảo và buôn người


Một nhà máy may Bolshevik tại Nga
Đã có nhiều hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động từ cá nhân tự phát đến có tổ chức tại Việt Nam. Điều này xuất phát một phần từ nhu cầu muốn được xuất khẩu lao động từ phía người dân trong nước. Như năm 2011, kỳ thi tiếng Hàn đạt kỷ lục về lượng thí sinh tham dự với gần 67.000 người, gấp hơn 2 lần so với năm 2010 và hơn 8 lần so với năm 2009, trong khi số lượng hồ sơ phía Hàn Quốc đăng ký lựa chọn là 15.000 và chỉ nhận tuyển khoảng 13.000 người.[65]


Theo số liệu của công an Thành phố Hà Nội, riêng khoảng thời gian từ đầu năm 2006 đến giữa 2007, tại Hà Nội có hơn 2.000 nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động sang Đài Loan và Hàn Quốc, tổng lợi nhuận chiếm đoạt là hơn 52 tỷ đồng.[66] Tại Hà Nội còn có hiện tượng giả danh cán bộ quản lý, lừa đảo xuất khẩu lao động[67] hoặc lừa đưa người đi xuất khẩu lao động bằng con đường du học.[68] Mặc dù một số công ty vi phạm Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị xử phạt hành chính với mức phạt chỉ từ 1500 USD trở xuống.[6]
Nhiều lao động Việt Nam tại Malaysia bị lừa đảo hợp đồng lao động và bị ngược đãi, đánh đập, bỏ đói, tìm kiếm sự can thiệp để về Việt Nam.[69]

Đối với việc xuất khẩu lao động sang Nga, người lao động rất dễ bị lừa và không thể kiếm được chỗ làm hợp pháp nếu không qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã được cấp phép. Có hàng nghìn người Việt Nam bị rơi vào cảnh "nô lệ lao động" tại thị trường này. Họ bị nhốt dưới khu vực ngầm cách biệt với thế giới bên ngoài và lao động vất vả tại những xí nghiệp may phi pháp, bị bóc lột thậm tệ, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính trở về Việt Nam.[70] Đầu năm 2012, một số lao động xuất khẩu bất hợp pháp tại Nga gọi điện cho báo giới Việt Nam cầu cứu về tình hình lao động mà không được trả lương cả năm, trốn ra ngoài thì bị báo cảnh sát bắt và phạt tiền.[62]

Có tình trạng nhiều đối tượng, công ty lừa đảo người lao động Việt Nam chiếm đoạt tài sản hoặc đưa người lao động sang châu Âu bất hợp pháp. Ngoài ra còn có dấu hiệu hình thành các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam sang châu Âu, bán vào các ổ mại dâm.[37]
Từ 2004 đến 2008, khoảng 5.400 người đã chấp nhận vay mượn tiền để xuất ngoại đi lao động tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Úc nhưng không đi được vì bị lừa.[71]

Vi phạm hợp đồng và bóc lột

Việc vi phạm hợp đồng có thể diễn ra từ nhiều phía: nhà môi giới, nhà tuyển dụng hoặc lao động.
Các lao động Maylaysia bị nhà mội giới xuất khẩu bỏ mặc ngay sau khi sang nước ngoài, nhận được việc làm không theo nội dung như trong hợp đồng. Một số rơi vào tình trạng việc làm lúc có lúc không, bị quỵt lương, bị chuyển nơi làm việc nặng liên tục như bốc vác, hàn xì, đổ bê tông,...[36] Đây là thị trường được xem la có thu nhập thấp, rủi ro cao. Thu nhập bình quân của các lao động này ở Malaysia là khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.[30]

Người lao động có thể phải làm việc 12 giờ mỗi ngày tại những công trường công việc nặng nhọc trong điều kiện lao động nguy hiểm mà công nhân địa phương không chịu làm và nhiều tháng liền không được trả lương đồng thời bị ngược đãi. Phản đối điều này, năm 2005, một nhóm lao động Việt Nam đã biểu tình trước tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.[72] Tương tự, tại Đài Loan, công việc chính của người lao động xuất khẩu là làm trong các ngành mà người dân địa phương không đoái hoài hoặc chê vì lương quá thấp.[64]


Tại Qatar, số lao động Việt Nam có tỷ lệ vi phạm hợp đồng cao do các yếu tố như 95% tham gia công việc xây dựng nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, thu nhập trên 200 USD/tháng, khác biệt lớn về văn hoá, các vấn đề về pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp cùng một số yếu tố kinh doanh, cờ bạc, trộm cắp phát sinh từ phía lao động Việt Nam.[73]


Tại Cộng hòa Séc, người lao động Việt Nam gặp phải tình trạng bóc lột, bỏ đói và nhiều vấn đề phức tạp khác. Giới truyền thông đại chúng Séc sử dụng rộng rãi cụm từ "nô lệ thời đại mới" để nói về những công nhân ngoại quốc.[74]
Năm 2010, 120 người lao động thời vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức biểu tình để phản đối điều kiện làm việc.[75]

Tình hình thế giới

Tình hình bất ổn chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng ảnh hưởng đến lao động xuất khẩu. Năm 2011, do cuộc khủng hoảng chính trị tại Lybia, Việt Nam đã phải sơ tán khẩn cấp hơn 10.000 lao động về nước.[13] Những lao động này khi trở về phải đối mặt với các khoản nợ không nhỏ đã vay trước khi đi xuất khẩu. Trước đó, năm 1991, Việt Nam đã sơ tán khoảng 18.000 lao động làm việc tại Iraq do chiến tranh vùng Vịnh.[76] Một số khó khăn khác có thể kể đến như: ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu và sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động như Trung Quốc, Indonesia,...[14][38]

Chú thích

  1. ^ QUYẾT ĐỊNH 159 /QĐ-LĐTBXH Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý lao động ngoài nước
  2. ^ a ă â “Số liệu xuất khẩu lao động của Việt Nam năm 2010”. CAMSA - Liên Minh Bài Trừ Nạn Nô Lệ Tân Thời Tại Á Châu. Ngày 1 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  3. ^ a ă â b “Tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam”. Cục Quản lý Lao động Nước ngoài. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2005. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2012. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |archivedate= (trợ giúp)
  4. ^ a ă â b c d đ e ê “Bài 4: Hiệu quả từ xuất khẩu lao động”. Báo Hà Nội mới Online. Ngày 15 tháng 1 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2012.
  5. ^ a ă â The Department of Overseas Labour (DOLAB), MOLISA, 2006
  6. ^ a ă â b “Gần 90 nghìn người đã xuất khẩu lao động”. Báo điện tử Dân trí. Ngày 19 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  7. ^ a ă â b c d “Việc làm và xuất khẩu lao động – những vấn đề đặt ra”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  8. ^ “Lao động nữ dễ bị ngược đãi khi xuất khẩu lao động”. Báo điện tử Dân trí. Ngày 22 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  9. ^ a ă â “Xuất khẩu lao động Hàn Quốc gặp nhiều bất lợi”. Báo điện tử Dân trí. Ngày 8 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  10. ^ “Lao động Việt Nam tại Đài Loan chiếm lượng áp đảo”. Báo điện tử Dân trí. Ngày 20 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  11. ^ a ă â “Xuất khẩu lao động Nhật Bản: Cửa mở nhưng không dễ”. Báo điện tử Dân trí. 4 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  12. ^ “Nhật Bản tín nhiệm lao động Việt Nam”. Báo điện tử Dân trí. Ngày 3 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  13. ^ a ă “Tuyên dương các doanh nghiệp hội viên đạt thành tích xuất sắc về xuất khẩu lao động 2011”. Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  14. ^ a ă “Xuất khẩu lao động năm 2012: Thách thức và cơ hội”. VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam. Ngày 28 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  15. ^ "VN gai tăng xuất khẩu lao động..."
  16. ^ Nghị định 370-HĐBT năm 1991
  17. ^ a ă “Khái quát về hệ thống Luật Việt Nam”. Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật.
  18. ^ Quyết định 144/2007/QĐ-TTg
  19. ^ Quyết định 18/2007/QĐ-BLĐTBXH
  20. ^ Quyết định 19/2007/QĐ-BLĐTBXH
  21. ^ Quyết định 20/2007/QĐ-BLĐTBXH
  22. ^ Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH
  23. ^ a ă Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT- BLĐTBXH-NHNNVN
  24. ^ Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT/BLĐTBXH-BTP
  25. ^ Thông tư liên tịch 09/2006/TTLT/BLĐTBXH - BCA – VKSNDTC – TANDTC
  26. ^ a ă â "Lao động chết ở nước ngoài: Nếu công bố, dư luận sẽ sững sờ". Báo điện tử Dân trí. 3 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  27. ^ “Xuất khẩu lao động sang Nhật Bản: Không được thu tiền đặt cọc”. Báo Lao động. Ngày 23 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  28. ^ a ă “Vì sao lao động cứ xuất khẩu được là... bỏ trốn?”. Báo điện tử Dân trí. 28 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  29. ^ “Lao động VN 'biểu tình' ở Đài Loan”. BBC tiếng Việt. Ngày 18 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  30. ^ a ă â “Một năm, hơn 100 lao động Việt Nam chết ở Malaysia: Quốc hội sẽ vào cuộc”. Báo điện tử Dân trí (Theo báo Pháp luật TP.HCM). Ngày 1 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  31. ^ a ă “Tình hình thị trường lao động Malaysia năm 2011”. Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  32. ^ “Khó cho vay xuất khẩu lao động vì tỉ lệ nợ xấu tăng cao”. Báo Lao động. Ngày 27 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  33. ^ “Vốn cho xuất khẩu lao động: Ngân hàng và lao động đều khó?”. VnEconomy (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam). Ngày 22 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  34. ^ a ă “Xuất khẩu lao động: Bức tranh muôn màu”. Báo Hậu Giang Online. Ngày 24 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  35. ^ a ă “Số liệu Tổng hợp lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước”. Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  36. ^ a ă “Bi hài chuyện xuất khẩu lao động: Sống chết mặc bay”. Báo điện tử của báo Nông thôn Ngày nay. 12 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  37. ^ a ă â b “Xuất khẩu lao động sang châu Âu: Thuận lợi và khó khăn”. Báo An ninh Thủ đô. Ngày 18 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  38. ^ a ă “Rối bời vì lao động xuất khẩu: chưa đi đã về”. Báo điện tử Dân trí. Ngày 26 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  39. ^ a ă â “Phía sau những đồng ngoại tệ xuất khẩu lao động”. Báo Hà Tĩnh Online. Ngày 22 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  40. ^ a ă “Câu chuyện của những công nhân Việt Nam trên đảo Samoa”. RFA, Đài Á châu tiếng Việt. Ngày 22 tháng 2 năm 2005. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  41. ^ “Chủ nhà máy Dệt Daewoosa bị kết án 40 năm tù”. Báo Hà Nội mới Online. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  42. ^ “Mỹ bắt giữ chủ nhà máy Daewoosa ở Samoa”. Báo Lao động (theo VTV). Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  43. ^ “Công nhân trở về từ Samoa tuyệt thực trước cổng Công ty Du lịch 12”. VnExpress. Ngày 27 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  44. ^ “Were they 'indentured servants'?”. The Houston Chronicle. Ngày 15 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  45. ^ “Hai công ty Việt Nam bị người lao động kiện ở Mỹ”. Báo Thanh niên Online. Ngày 16 tháng 4 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  46. ^ CAMSA giới thiệu
  47. ^ “III. Heroes Acting To End Modern Day Slavery”. Trafficking in Persons Report. Office to Monitor and Combat Trafficking in Persons, United States Department of State. Ngày 5 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2008.
  48. ^ Dang, Nguyen Anh (2007). Labour Export from Viet Nam: Issues of Policy and Practice (bằng tiếng Anh). paper for presentation at the 8th International Conference of Asia Pacific Migration Research Network (APMRN), Fuzhou, China, 25-ngày 29 tháng 5 năm 2007. tr. 6.
  49. ^ 500,000 Workers to go Abroad by 2005 (bằng tiếng Anh). Asia/Africa Intelligence Wire. 2002.
  50. ^ Asian Migrant Yearbook 2002-2003 Migration Facts (bằng tiếng Anh). Asian Migrant Center (AMC). 2003. tr. 286-287.
  51. ^ “Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại chỗ - hướng giải quyết việc làm quan trọng trong hội nhập”. Tạp chí Cộng sản. Ngày 13 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  52. ^ “Lao động Việt Nam ở nước ngoài đã gửi về khoảng 1,6 tỷ USD”. VnEconomy (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam). Ngày 3 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2012.
  53. ^ “Kiều hối về Việt Nam giảm”. BBC tiếng Việt. Ngày 18 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2012.
  54. ^ “International labour migration from Vietnam to asian countries, 2000-2009: Process, Experiences and Impact” (PDF). Institute for Social development studies the University of Western Ontario, Project funded by the International Development Research Center of Canada (IDRC). 2010. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  55. ^ “Hàn Quốc chưa dừng tiếp nhận lao động Việt Nam”. Báo Lao động. 2011-30-09. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  56. ^ “Việt Nam dẫn đầu về số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”. Báo Giáo dục Việt Nam. 15 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  57. ^ “Thảm hoạ xuất khẩu lao động... chui”. Báo An ninh Thủ đô. 25 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2012.
  58. ^ a ă “Lại bàn về phí môi giới đi lao động Đài Loan”. Lao động. 14 tháng 6 năm 2001.
  59. ^ “Người phụ nữ Việt chết khi giúp việc tại Malaysia”. VnExpress. 7 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  60. ^ “Đột tử - nỗi kinh hoàng của người lao động ở Malaysia”. Báo điện tử Dân trí. 24 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  61. ^ “Lao động VN chết ở Malaysia vì kém sức khỏe?”. Sức khoẻ và dinh dưỡng - Phụ trang của Báo Người Lao động Điện tử. 5 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  62. ^ a ă “Những cái chết uẩn khúc của lao động bất hợp pháp tại Nga”. Báo Giáo dục Việt Nam. 2 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  63. ^ “Bi kịch từ xuất khẩu lao động "chui". Báo Pháp luật và Xã hội. 9 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012.
  64. ^ a ă â “Lao động nước ngoài vật lộn mưu sinh ở Đài Loan”. Báo điện tử Dân trí. 2 tháng 7 năm 2006.
  65. ^ “Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Số được chọn vẫn chưa an bài”. Báo An ninh Thủ đô. 20/02/2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  66. ^ “Nhiều người vẫn bị lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Đài Loan”. Báo Tiền Phong Online. 24 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  67. ^ “Giả danh cán bộ quản lý, lừa đảo xuất khẩu lao động”. Báo Công an Nhân dân Online. 20 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  68. ^ “Lừa đưa người đi xuất khẩu lao động bằng chiêu du học”. VnExpress. 18 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  69. ^ “30 công nhân làm việc tại Malaysia kêu cứu vì bị ngược đãi”. Báo Người Lao động Điện tử. 12 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  70. ^ “Hạn chế "nô lệ lao động" Việt tại Nga: Cách nào?”. VnEconomy (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam). 30 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  71. ^ “http://vnexpress.net/gl/viec-lam/2008/12/3ba099aa/”. VnExpress. 2 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2012.
  72. ^ “Lao động Việt Nam biểu tình ở Malaysia”. BBC tiếng Việt. 13 tháng 9 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2012.
  73. ^ “Tại sao Lao động Việt Nam làm việc tại Qatar có tỷ lệ vi phạm hợp đồng cao?”. Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  74. ^ “Những vấn đề bất cập khi xuất khẩu lao động”. Báo điện tử Tầm Nhìn. 20 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  75. ^ “Lao động VN biểu tình ở Thụy Điển”. BBC tiếng Việt. 11 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2012.
  76. ^ “Lao động trở về từ Libya ngập trong nợ nần”. Báo Giáo dục Việt Nam. 2012-27-02. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2012. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam vượt Trung Quốc dẫn đầu nhóm cô dâu ngoại ở Hàn Quốc



Số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc nhiều nhất từ trước tới nay và vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu trong các nhóm phụ nữ ngoại lấy chồng Hàn.



Việt Nam vượt lên đứng đầu bảng về số lượng cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc, chiếm gần 28% tổng số 6.000 phụ nữ nước ngoài lấy chồng ở ‘xứ sở kim chi.’
Đây là lần đầu tiên Việt Nam qua mặt Trung Quốc về lượng cô dâu ở Hàn Quốc, theo số liệu của Cơ quan thống kê Hàn Quốc. Báo cáo về xu hướng dân số đa văn hóa ở Hàn Quốc năm 2016 công bố hôm 16/11, cho thấy lượng cô dâu Trung Quốc chiếm gần 27%.
Trung Quốc là quốc gia có nhiều cô dâu “xuất khẩu” sang Hàn Quốc nhất trong năm 2015, chiếm 27.9% tổng số phụ nữ ngoại lấy chồng Hàn Quốc.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng các cuộc hôn nhân đa văn hóa giữa người Trung Quốc và Hàn Quốc giảm là vì “giờ đây ngoài kết hôn, phụ nữ Trung Quốc có nhiều cách khác để định cư ở Hàn Quốc,” theo Lee Ji-yeon, người đứng đầu bộ phận nhiên cứu xu hướng dân số của cơ quan thống kê Hàn Quốc.
Báo cáo cho biết số lượng cô dâu Trung Quốc giảm liên tục từ khi Hàn Quốc ghi nhận các dữ kiện thống kê về các gia đình đa văn hóa. Cho tới cách đây 2 năm, Trung Quốc luôn đứng đầu về số lượng cô dâu lấy chồng Hàn Quốc. Nhưng năm ngoái, con số này giảm khoảng 1 phần trăm trong khi tỷ lệ cô dâu Việt tăng 4.8 điểm.
“Số lượng người Việt Nam tới Hàn Quốc làm việc và học tập đã tăng lên trong Làn sóng Hàn Quốc,” theo ông Lee Ji-yeon.
Nhóm nhạc nữ nổi danh Girls' Generation của Làn sóng Hàn Quốc. Việt Nam là một trong những nước trong khi vực du nhập văn hóa Hàn Quốc và đó là một lý do vì sao phụ nữ Việt thích lấy chồng Hàn Quốc.

Nhóm nhạc nữ nổi danh Girls' Generation của Làn sóng Hàn Quốc. Việt Nam là một trong những nước trong khi vực du nhập văn hóa Hàn Quốc và đó là một lý do vì sao phụ nữ Việt thích lấy chồng Hàn Quốc.
 
Việt Nam là một trong những nước ở châu Á nằm trong tầm ảnh hưởng của ‘Làn sóng Hàn Quốc’, bao gồm K-pop, điện ảnh, xu hướng thời trang, các chương trình trò chơi và ẩm thực.
Theo một cuộc khảo cứu do Đại học Thủ Dầu Một ở Bình Dương thực hiện vào năm 2012, gần 80% trong số 600 người được hỏi nói họ thích văn hóa Hàn Quốc.
Đó là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ Việt Nam thích kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, theo Hoàng Thị Huê, một người làm trung gian mai mối kết hôn Việt-Hàn.
Một yếu tố khác theo chị Huê, người làm dịch vụ mai mối trong 5 năm qua ở Hải Phòng, là giá trị đồng tiền Hàn Quốc cao hơn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, một quốc gia cũng thu hút nhiều cô dâu Việt Nam.
"Những cô dâu (Việt) nuôi một ước mơ lấy người nước ngoài nhiều tiền – một giấc mơ đổi đời, chị Huê cho VOA biết. "Ở Hải Phòng có huyện trong đó đa số các cô gái ở đấy đi lấy chồng Hàn Quốc. Nhiều cô dâu đi lấy chồng mang tiền về cho gia đình xây nhà để đổi mới hơn."
Một quảng cáo của “bà mai” Hoàng Thị Huê trên Facebook cá nhân tìm kiếm ứng viên “ưu tiên từ 18-30 tuổi” để kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc 44 tuổi “làm quản lý xây dựng, lương 5.500 USD, có chung cư riêng và xe ô tô.”
Theo Trung tâm nghiên cứu chính sách của Viện Brookings ở Washington, đàn ông Hàn Quốc gặp khó khăn khi tìm bạn đời ở chính quê hương họ.

Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn trong khi phụ nữ Việt Nam lại nổi tiếng là có tài chăm sóc và vun vén gia đình, theo chị Huê. Đó là một nguyên nhân tại sao đàn ông Hàn Quốc thích kết hôn với phụ nữ Việt và điều này giải thích vì sao số lượng cô dâu Việt chiếm vị trí hàng đầu trong số các phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc.


19 Tháng 12 2006 - Cập nhật 10h25 GMT Bản để in ra Đàn ông Malaysia 'xem mắt phụ nữ Việt'

Phụ nữ Việt Nam không phải là món hàng'

Sáng nay, trao đổi với VnExpress, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu đã khẳng định như vậy. Bà Thu phản đối việc các công ty môi giới hôn nhân của Hàn Quốc đã tung ra những lời quảng cáo lấy vợ Việt Nam mang tính xúc phạm, coi phụ nữ như một món hàng có thể mua bán, trao đổi.






d
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu. Ảnh: P.V.
- Là phụ nữ, bà cảm thấy thế nào trước việc nhật báo Chosun Ilbo ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc) đã mô tả việc một người đàn ông Hàn Quốc chọn vợ Việt Nam giống như món hàng?
- Năm 2005, tôi sang Hàn Quốc, nhìn thấy một số tấm băng rôn, hỏi phiên dịch thì là lời quảng cáo lấy vợ Việt Nam. Điều đó thể hiện người Hàn Quốc nhìn thấy phụ nữ Việt Nam có nhiều ưu điểm như cần cù, chăm chỉ và phù hợp với văn hóa phương Đông của người Hàn Quốc. Vì thế mới khuyến khích đàn ông Hàn lấy vợ Việt Nam. Thử đặt câu hỏi tại sao họ không khuyến khích đàn ông Hàn lấy phụ nữ nước khác? Pháp luật đâu có cấm phụ nữ lấy chồng nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu các công ty môi giới Hàn Quốc quảng cáo rằng “Hãy lấy trinh nữ Việt Nam”, “Những người nhiều tuổi, tái hôn, đã có con, tàn tật đều có thể”, thậm chí có thể đổi vợ là hoàn toàn sai. Điều này không chỉ bôi nhọ phụ nữ Việt Nam mà còn bôi nhọ quốc thể Hàn Quốc. Việc anh cưới về làm vợ, không thích thì lại bán cho người. Điều này vi phạm cả pháp luật của Hàn Quốc nữa và cần bị trừng phạt. Cả Việt Nam và Hàn Quốc cùng phải lên án việc đó.
- Là chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà nhìn nhận vấn đề môi giới kết hôn với người nước ngoài thế nào?
- Việt Nam không cấm phụ nữ lấy chồng nước ngoài, cũng như không cấm nam giới Việt lấy vợ ngoại quốc. Nhưng phải trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện và phải tuân theo luật hôn nhân gia đình của nước mình và nước sở tại.
- Việc môi giới lấy chồng nước ngoài bất hợp pháp từng xảy ra ở Đài Loan, Singapore và bây giờ là Hàn Quốc. Theo bà, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ phụ nữ Việt Nam như thế nào?
- Không thể buộc trách nhiệm một cách cứng nhắc được. Trước hết, bản thân phụ nữ phải biết bảo vệ mình. Là con người, chứ đâu phải món hàng, họ phải biết tự vệ, phản đối chuyện gia đình gả bán cho đàn ông nước ngoài. Tại sao lại không phản đối? Không thể đổ thừa cho ai hết, ngoài bản thân người phụ nữ bị môi giới đó.
Thực tế, bây giờ có một số cho rằng lấy chồng nước ngoài để đổi đời, có phải vậy không? Chính các nữ thanh niên cần trao đổi với nhau một cách cởi mở. Có thể ở trong nước một số người khó lập gia đình, do tỷ lệ nữ so với nam vẫn cao hơn. Nhưng cho dù thế thì cũng phải cân nhắc, có nhiều cách để tìm kiếm hạnh phúc, chứ sao lại cứ tự biến mình thành món hàng. Trong trường hợp này, họ đã đặt nặng vấn đề tiền, chứ không quan tâm đến hạnh phúc thực sự.
Rồi đến trách nhiệm của gia đình nữa. Thật đáng thương cho những cháu vì thương cha mến mẹ, vì thấy nhà khổ sở, đành chấp nhận bị gả bán cho người nước ngoài để có chút ít tiền gửi về cho gia đình. Đáng ra cha mẹ phải thương con, phải tự hỏi lấy chồng ngoại có tốt hay không, hay lại khổ sở. Cha mẹ sống trong cái nhà được xây nhờ con gửi tiền về liệu có hạnh phúc hay không? Tôi rất phản đối những những bậc cha mẹ có con vừa chớm lớn đã đồng ý gả bán cho chàng rể ngoại quốc.
- Nhưng những cơ quan bảo vệ quyền lợi phụ nữ, gần nhất là Hội liên hiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc giáo dục, tuyên truyền cho chị em tránh xa các cạm bẫy?
- Đúng vậy. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân phải tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi cho nữ thanh niên. Bây giờ có những câu lạc bộ phụ nữ trao đổi với nhau về vấn đề xuất khẩu lao động, đi lấy chồng nước ngoài. Nhưng ở vùng sâu, những nơi phụ nữ thiếu thông tin thì có những câu lạc bộ đó hay không? Tổ chức đoàn, hội phải thường xuyên tuyên truyền cho nữ thanh niên để họ không rơi vào các cạm bẫy.
- Việc phụ nữ nhắm mắt lấy chồng nước ngoài qua môi giới một phần vì không kiếm được việc làm, vì quá nghèo khó. Theo bà có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc này?
- Trách nhiệm thứ ba, nhưng khá quan trọng đó là chính quyền có giải quyết, tạo việc làm cho dân hay không. Nếu có việc làm, cuộc sống tạm đủ, chị em sẽ không phải đi đâu xa.
- Có ý kiến cho rằng luật pháp Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ, vô tình tạo kẽ hở cho một số công ty môi giới nước ngoài và kể cả trong nước có đất dụng võ. Là nhà làm luật, bà nghĩ sao?
- Nếu người nước ngoài đến Việt Nam xin đăng ký kết hôn, mình gây cản trở là vi phạm pháp luật. Người ta đủ điều kiện để đăng ký kết hôn thì mình phải giải quyết chứ. Còn trường hợp cô dâu Việt ra nước ngoài sinh sống, pháp luật mình không thể chạy theo để bảo vệ cho họ được.
Như Trang thực hiện
 
Báo Malaysia nói nhiều cô gái Việt Nam được đưa ra để đàn ông xứ này chọn lựa

 Một tờ báo Malaysia nói hàng chục thiếu nữ Việt Nam được đưa ra trưng bày tại các quán cà phê ở Malaysia để đàn ông nước này đến xem mắt.
Báo Star nói các cô gái này được những người môi giới Malaysia đưa sang Malaysia.
Chính khách Malaysia, Michael Chong, lên án chuyện này, và nói gia đình các cô gái, thường là nghèo, đã nhận từ 20.000 đến 30.000 ringgit (5600 đến 8500 đôla) tùy theo vẻ đẹp của con họ.
Đối tượng 'khách hàng' được nhắm đến là những người đàn ông giàu có độc thân hoặc đã ly dị.
'Không tôn trọng phụ nữ'
Theo báo Star, các nhóm hoạt động vì nữ quyền ở Malaysia tỏ ra bị sốc trước xu hướng này.
Maria Chin Abdullah, đứng đầu một nhóm hoạt động vì phụ nữ, nói với tờ báo: "Hành vi này chỉ có thể xem là hình thức nô lệ tình dục được tiến hành trong một khuôn khổ pháp lý giả tạo."
Tháng Năm năm nay, đã có tin một phiên đấu giá cô dâu Việt Nam diễn ra ở xã Rawang, Malaysia, và đã được các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, Singapore, Anh đăng lại.
Sứ quán Việt Nam ở Malaysia đã gửi thư phản đối cho Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 9-5.
Số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài ngày càng tăng. Ví dụ, tại Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách cô dâu nước ngoài, chỉ sau Trung Quốc.
Có những cuộc hôn nhân được đánh giá là thành công, nhưng cũng xảy ra nhiều trường hợp cô dâu gặp khó khăn trầm trọng khi về nhà chồng, hay thậm chí bị các nhóm buôn người lợi dụng.
Hình thức 'chọn vợ' cũng diễn ra ở một số vùng nông thôn ở Việt Nam.
Tháng Bảy năm nay, cảnh sát Việt Nam phá một đường dây môi giới hôn nhân cho Hàn Quốc được coi là lớn nhất từ trước tới nay ở đồng bằng sông Cửu Long.
Từ tháng 6-2006 tới nay, đường dây này, do người Hàn Quốc quản lý với sự hỗ trợ của môi giới Việt Nam' đã tổ chức ba cuộc 'chọn vợ tập thể' cho 16 người đàn ông Hàn Quốc trong lứa tuổi 35-50.
Những người này được 'tuyển chọn' từ khoảng 100 cô gái trẻ Việt Nam mà đường dây môi giới gom từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2006/12/061219_malaysia_brides.shtml

Người Việt trả tới hơn 30 ngàn bảng để vào Anh lậu




Bản quyền hình ảnh OTHERS aption Nhiều người Việt được đưa lậu vào Anh bị ép làm việc trong các trang trại trồng cần sa
Người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này, một báo cáo mới cho hay.
Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau, phóng viên chuyên về nội vụ của Press Association, Hayden Smith viết.
Bài viết mô tả rằng những ai chọn dịch vụ "cao cấp" sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất.
Anh quốc: Nô lệ hiện đại và buôn người 'nhan nhản'
Người Việt và nạn 'nô lệ hiện đại' tại Anh
Chủ tiệm người Việt nói về 'nô lệ hiện đại'
Còn những ai chọn dịch vụ "phổ thông" nộp từ 10 nghìn đến 20 nghìn bảng.
Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.
Văn bản này dẫn lời của một người được phỏng vấn cho biết cô ta trả 25.000 USD (khoảng 19.000 bảng) cho đường dây buôn người nhưng con đường sang Anh và kết quả "không được như lời quảng cáo".

Người phụ nữ này nói:




"Tôi được hứa hẹn là cuộc sống tương lai sẽ như một bà hoàng ở Anh (a queen in the UK), thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhẹ nhàng với mức lương cao."
"Tôi kỳ vọng sẽ có một mức sống cao. Tôi lên máy bay, sau đó lên xe hơi rồi xe tải - nhưng tôi không biết họ đã đưa tôi đi qua những nước nào."
"Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôi."



Nô lệ hiện đại: Đừng nghĩ cuộc sống ở Anh là 'màu hồng'

Kẽ hở thị thực

Báo cáo này cũng nói những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác kẽ hở trong quy trình cấp thị thực vào Anh.
Bi hài nghề làm móng tay ở Anh
Người Việt bị bắt ở trại cần sa Anh
10 người VN trốn lậu vào Ba Lan 

Đơn xin thị thực cho người Việt Nam vào Anh được xử lý ở Sứ quán Anh tại Bangkok.
"Những quyết định cấp thị thực được đưa ra dưới sức ép về thời gian. Chúng tôi cho rằng những nhóm buôn người biết điều này và sử dụng dịch vụ thị thực khẩn vì họ nghĩ những đơn xin thị thực loại này sẽ không bị xét kỹ," báo cáo viết.
Bài của Hayden Smith cũng trích lời từ bản phúc trình nói các đường dây buôn người sử dụng các đại lý xin thị thực cho sinh viên sang Anh.
Sau đó các sinh viên này biến mất và các nhóm buôn người sẽ lấy thị thực của họ dùng cho những người trông giống các sinh viên này.
Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.

Nhiều người Việt làm việc trong các tiệm nail ở Anh quốc

Quản lý chặt nghề làm nail

Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh có các biện pháp quản lý các tiệm móng tay móng chân chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa chuyện các cơ sở này trở thành các điểm lao động bất hợp pháp hay bóc lột lao động.
Một trường hợp mà báo cáo này nêu là một thiếu niên Việt Nam bị bắt làm việc ở hai tiệm nail. Em phải nộp hết thu nhập cho những kẻ buôn người và bị chúng nhốt.
Báo cáo nói những nỗ lực nhằm chống tình trạng bóc lột lao động và nô lệ hiện đại trong ngành làm nail rất "khó khăn".
"Mặc dù các tiệm nail rất được chuộng và có nhiều người làm việc trong nghề này, nghề làm móng chân móng tay vẫn là ngành ít có quy định và những quy định hiện nay dường như chỉ mang tính tự nguyện," báo cáo nói.
Báo cáo kêu gọi Bộ Nội vụ Anh xem xét phương án cấp giấy phép cho các tiệm nail.
Báo cáo cũng nói những người trồng cần sa Việt Nam giờ đã trở nên "tinh vi hơn" và tránh bị phát hiện bằng các biện pháp cản nhiệt.
Nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam dễ bị tổn thương được thuê làm những công việc cấp thấp trong các trại trồng cần sa.
"Hình thức nô lệ hiện đại này đang rất phổ biến trong những người Việt Nam," báo cáo viết.
Báo cáo này cũng nói thêm có nhiều trường hợp nạn nhân Việt Nam bị bắt ép trồng cần sa cũng chính là người người đang bị tội phạm hóa "vì những công việc mà họ bị bắt phải làm."
 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41226337

  XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG… KIẾP NÔ LỆ !!!

0-xkld
Theo báo cáo “Phúc trình thường niên về nạn buôn người”, nhiều công ty Xuất Khẩu Lao Động (XKLĐ) ở Việt Nam mà đa phần có liên hệ tới các “tập đoàn nhà nước”, cùng với các công ty trái phép đã lấy tiền môi giới đi XKLĐ ở nước ngoài với giá quá cao, khiến các công nhân vướng vào cảnh nợ nần chồng chất thuộc loại cao nhất trong các công nhân XKLĐ châu Á, nên họ buộc phải lao động khổ sai trong điều kiện rất tồi tệ để có tiền gởi về Việt Nam chỉ đủ để trả nợ.
Anh Trần Ngọc Sơn, một công nhân XKLĐ ở Nam Hàn cho biết:
don-hang-xay-dung-chuan-bi-xuat-canh 
“Có nhiều công nhân XKLĐ phải bỏ ra rất nhiều tiền, quá nhiều so với quy định nhà nước,” anh nói. “Một số người nhà có điều kiện, họ không phải vay mượn. Nhưng, đối với một số gia đình nghèo, không đủ chi phí trang trải, họ phải đi vay nặng lãi. Một số người đi theo các đường dây đưa người ra nước ngoài thì họ phải chạy chọt này nọ.”
Phúc trình còn cho biết, nhiều công ty tuyển dụng VN chỉ cho phép người công nhân XKLĐ đọc các hợp đồng ngay trước khi lên đường đi làm việc ở nước ngoài và buộc một số công nhân phải ký vào các hợp đồng viết bằng một thứ ngôn ngữ mà họ không thể hiểu được, trong đó có điều khoản chết người như: “Người công nhân hoàn toàn do chủ xử lý và sử dụng” điều nầy có nghĩa người công nhân XKLĐ thuộc quyền sinh sát của giới chủ nhân và không được một ai trợ giúp khi xảy ra các tình huống bất ngờ như vậy.
Theo báo cáo của Trafficking in Person ngày 15/7/2013, một trong những vấn đề là các công ty XKLĐ và lực lượng cò mồi trung gian thường xuyên thu phí quá cao so với quy định của pháp luật và công nhân XKLĐ của các nước khác ở châu Á, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần trong nhiều năm. Phần lớn trong số công nhân XKLĐ này muốn trở về VN sớm, thường thì 1 hoặc 2 năm và họ không có đủ tiền để trả nợ. Ngoài ra, các nạn nhân XKLĐ thường bị tịch thu hết các giấy tờ tùy thân, hộ chiếu hoặc thường xuyên bị lực lượng môi giới dọa trục xuất họ, để buộc họ làm việc trong điều kiện tồi tệ với mức lương thấp hoặc không trả lương.
download-1 
Cũng theo báo cáo nầy, rất nhiều công nhân trong số nầy trở thành nạn nhân buôn người bị hệ thống “cò mồi” vô lương tâm hay các ông chủ buộc họ phải làm công việc ngoài thỏa thuận ban đầu trong điều kiện bị bóc lột vô cùng. Nhiều công nhân buộc phải đóng tiền tuyển dụng lên tới 7.700 USD, khoản nợ nầy rất lớn đối với họ.
Itar-Tass ngày 10/7/2013, đưa tin: Cơ quan di trú Liên Bang Nga và cảnh sát đã đột kích một khu công nghiệp ở phía đông Matxcova, bắt giữ 250 người VN cư trú bất hợp pháp. Hồi đầu tháng 5, RIA Novosti cũng trích nguồn tin cảnh sát Nga, nói đã bắt giữ khoảng 500 người VN nhập cư trái phép, đang làm việc bất hợp pháp tại một xưởng may áo khoác ở làng Malakhovka, Matxcova. Trước đó không lâu, vụ 15 thiếu nữ VN bị lường gạt sang Nga với những lời hứa hẹn việc làm, nhưng thực tế bị đẩy vào ổ mại dâm của tú bà Thúy An, cũng được báo giới đưa tin. Năm 2012, có hơn 100 công nhân XKLĐ Việt Nam nghề may mặc đưa sang Nga và bị ép làm việc như nô lệ cho đến khi cơ quan di trú Nga giải cứu và đưa họ về nước.
XKLĐ là một dịch vụ kiếm ăn không cần vốn rất béo bở nên Đảng & Nhà nước CSVN và Bộ LĐ-TB-XH và 154 doanh nghiệp nhà nước của chế độ giữ chặt lấy cơ hội vàng để bóc lột tham nhũng thả giàn, ngồi mát ăn bát vàng làm giàu trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của những công nông dân nghèo lại tàn mạt thêm. Ngoài các khoản chi phí tổng nộp cho nhà nước để giành một chỗ bán thân đi làm nô lệ để cho ngoại nhân chà đạp nhân phẩm mà còn phải hối lộ cho bọn môi giới và bọn cò mồi vô lương tâm.
xuatkhaulaodong2 
Xin đồng bào trong nước sớm tỉnh táo từ bỏ ý định XKLĐ. Hãy nhìn những thảm cảnh của những người công nhân XKLĐ Việt Nam bị bọn chủ nhân nước ngoài ngược đãi, lao động khổ sai, đánh đập, bỏ đói, không trả lương hoặc trả thấp đủ sống cầm hơi để đủ sức lao động khổ sai cho chúng mà không có một ai can thiệp, bênh vực quyền lợi cho họ, vì Đảng & Nhà nước CSVN đã đem con bỏ chợ, sống chết mặc bây vì tiền thầy đã bỏ túi. Đừng trông mong gì các tòa Đại sứ hoặc Tổng Lãnh Sự hay Lãnh Sự Quán Việt Nam ở hải ngoại can thiệp vì họ đã nhận chỉ thị của ĐCSVN ngậm miệng ăn tiền.
Hãy nhìn những tấm gương của những công nhân XKLĐ sang Malaysia làm việc, họ bị lực lượng bảo vệ, tịch thu hết giấy tờ tùy thân, sống lang thang đầu đường xó chợ, không tiền mua vé máy bay hồi hương, một số người bị cảnh sát Malaysia bắt giam như một tội phạm, một số phụ nữ phải sa chân vào chốn lầu xanh rẻ tiền để sống lây lất qua ngày trên xứ người, nên có một số chị em vướng phải bệnh AIDS chết bỏ thay nơi xứ lạ quê người đã nói lên thảm cảnh địa ngục trần gian, tủi nhục và phẫn hận của người công nhân XKLĐ Việt Nam, thân phận của họ không khác gì thân phận của người Phi Châu bị bán làm nô lệ ở Tân Thế Giới vào thời xa xưa…
Danh ngôn của nhà thơ Voloshin để nhắn gởi đồng bào trong và ngoài nước: “Hãy cho đi! Hãy nhường tất cả đi! Rồi bạn sẽ giành được tủi nhục, nghèo đói và làm tên nô lệ khốn khổ nhất.”
(source from Nguyen Vinh Long Ho’s Blog) / CHRIS PHAN… thực hiện

 

Vỡ mộng xuất khẩu lao động

Vỡ mộng xuất khẩu lao động

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Trước khi đi, người lao động được hứa hẹn đủ điều, nhưng khi sang nước bạn làm việc mới ngã ngửa vì thực tế khác hẳn, khiến nhiều người không chịu được, buộc phải bỏ trốn ra ngoài. Đây cũng là lý do khiến nhiều lao động Việt Nam bỏ hợp đồng để làm lao động bất hợp pháp, đặc biệt tại Đài Loan, Hàn Quốc.

Cùng đường nên phải trốn
Phản ánh với PV Tiền Phong, anh Võ Thanh T. (20 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, ngày gia đình nhận được khoản tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh gây ra, cả nhà bàn nhau dùng số tiền đó để lo cho T. đi Đài Loan làm việc.

Việc đưa T. đi thông qua ông Hoàng Kim Long và một người tên Đức - nhân viên Cty CP Simco Sông Đà (Hà Nội). Mức phí T phải trả là 5.800 USD (cao hơn quy định 800 USD). Với lời hứa sẽ được làm việc với chủ tốt, lương 21.000 Đài tệ/tháng (tương đương 15 triệu đồng/tháng - PV). Ngày 16/2/2017, T. lên đường sang Đài Loan.

Chủ ở Đài Loan yêu cầu T. làm đủ thứ việc, từ lái xe tới lắp máy, bốc xếp hàng hóa, dọn vệ sinh… dù hợp đồng chỉ lái xe nâng. “Làm được 8 ngày, ông chủ nói em lười làm nên đuổi”, T. nói. Trước khi T. bị đuổi, công ty này cũng thải 2 lao động Việt Nam khác (đã làm được khoảng 4 tháng), cũng với lý do lười làm.
“Em liên hệ với anh Đức và anh Long, họ bảo em về nước rồi bù thêm tiền để đi theo hợp đồng khác. Gia đình em đã bỏ ra 5.800 USD để được đi, làm chưa được đồng nào đã về sao được, tiền ai trả”, T. nói.





Không việc, hết tiền, “màn trời chiếu đất”, T. được cộng đồng người Việt ở Đài Loan hỗ trợ ăn ở chờ tìm việc mới. Gần 2 tháng không tìm được việc mới, ngày 13/4, T. quyết định ra ngoài làm chui, dù biết rủi ro nhiều.
“Ở Việt Nam những người đưa em đi nói hay lắm, nhưng 2 tháng sống vật vờ, công ty chẳng hỗ trợ gì, thậm chí một câu hỏi thăm cũng chẳng có. Vì thế em phải trốn ra ngoài làm lao động chui chứ đâu còn cách nào khác”, T. tâm sự.
Tương tự, anh Bùi Văn Bình (30 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương) sang Đài Loan làm việc nhưng công việc không giống như mô tả trong hợp đồng, buộc anh phải bỏ trốn để có tiền gửi về nhà trả nợ (Tiền Phong đã phản ánh trong loạt bài “Lao động bỏ trốn, thị trường xuất khẩu lao động lung lay”, khởi đăng ngày 24/11/2015).



Với những người phụ nữ sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc cũng xót xa không kém. Bà Nguyễn Thị Lụa (49 tuổi, ở xã Hoàng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) kể, đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Chinh cùng xã tới nhà khuyên đi Ả Rập Xê Út làm giúp việc, không mất tiền đi còn được hỗ trợ thêm.


Sau 1 tuần học, ngày 10/3/2016, bà Lụa cùng 3 người khác trong xã lên đường ôm giấc mơ đổi đời. “Hợp đồng ngày làm 8 tiếng, nhưng sang đó họ bắt tôi làm từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm. Làm cho nhà chủ xong, họ bắt tôi tới nhà con họ làm tiếp. Họ nói mất tương đương gần 100 triệu đồng tiền Việt Nam để mua tôi về nên tôi phải làm theo họ yêu cầu”, bà Lụa nhớ lại.


Làm được 1 tháng, bà Lụa phản kháng, nhà chủ bán bà Lụa cho nhà thứ 2, rồi thứ 3. Để được về nước bà Lụa phải bồi thường, công ty đưa đi thì từ chối nghĩa vụ. “Người môi giới đòi nhà tôi 80 triệu đồng, sau xuống 60 triệu đồng và hứa khoảng 15 ngày sẽ được về.


Tuy nhiên, khi đưa tiền, người liên lạc phía Ả Rập Xê Út không đưa tôi về. Họ lấy hết đồ đạc, giấy tờ và bỏ tôi ở đồn công an, rồi nói tôi bỏ trốn bị công an bắt. Ở đồn công an hơn 6 tháng, nhà cũng chạy vạy khắp nơi, từ huyện tới tỉnh, qua cả Sở LĐ-TB&XH nhưng không được.
Cuối cùng nhà tôi phải nhờ tới công an tỉnh, khi đó mới thông qua Đại sứ quán Việt Nam và công an nước họ để làm giấy tờ cho tôi về ngày 5/2/2017”, bà Lụa kể lại. Cùng đợt đi với bà Lụa có 4 người cùng xã (nhưng 2 người không chịu được đã về, 1 người cũng đang xin về).


Lỗi do lao động?
Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Phó tổng giám đốc Cty Simco Sông Đà cho biết, trường hợp lao động Võ Thanh T. là đi theo hợp đồng tuyển dụng của CP Mỹ thuật Trung ương (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, công ty này nhờ Simco Sông Đà hỗ trợ.

Sau đó T. được đưa sang Đài Loan làm việc tại Cty Hâm Châu (Đài Trung, Đài Loan), làm được vài ngày chủ đánh giá T. không hợp tác nên chấm dứt hợp đồng. “T. đang trong thời gian chờ tìm chủ mới, nhưng mấy hôm nay chúng tôi không thể liên lạc với T.”, ông Mỹ nói.
Theo ông Mỹ, có thể trong khi chờ giải quyết, anh em công ty nói T. về nước tìm hợp đồng khác, nếu về phải bỏ thêm chi phí vé máy bay, thủ tục để đi lại. Tuy vậy, khi phóng viên liên hệ lại với T., cậu cho biết, nhân viên công ty đã biết cậu bỏ trốn ra ngoài, thậm chí còn nhắn cậu trốn cho kỹ.

Về việc T. chưa qua đào tạo định hướng việc làm vẫn được Simco Sông Đà đưa đi, ông Mỹ lý giải, quy định phải đào tạo, nhưng nhiều khi do yêu cầu hợp đồng, thời gian đào tạo có thể ngắn hơn.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng đã tồn tại trong nhiều năm qua. Đã có nhiều giải pháp được áp dụng, nhưng chưa thực sự hiệu quả, nên vẫn triển khai tiếp.



Lao động Việt tại Đài Loan bỏ trốn nhiều, theo ông Diệp, do có một bộ phận lao động ý thức pháp luật kém, dễ bị rủ rê ra làm chui; việc làm, thu nhập không ổn định nên muốn ra ngoài tìm việc lương cao hơn; hết hợp đồng không muốn về.



Cùng với đó, việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý, hỗ trợ của các công ty xuất khẩu lao động chưa tốt… Với những lỗi đó, hơn 3 tháng đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH đã xử phạt, tạm đình chỉ và rút giấy phép một loạt công ty xuất khẩu lao động vi phạm (động thái chưa làm mạnh trong năm 2016). Tính tới nay, cả nước đã có 46 công ty bị thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 25.900 lao động bỏ hợp đồng đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, chiếm gần 1 nửa số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại nước này. Với thị trường Ả Rập Xê Út, trong tháng 3 vừa qua đã tiếp nhận 191 lao động Việt Nam, trong đó có tới 170 lao động nữ, chủ yếu làm giúp việc gia đình.

Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong
 
 
  Việc buôn bán người tại Việt Nam, do đảng ‘’xuất cảng lao động’’càng ngày phát triển mạnh.. Thi sĩ Trần Hồng Châu - GS Nguyễn Khắc Hoạch - đã viết những dòng thơ về thân phận người phụ nữ Việt MNam dưới chế đ65b Cộng sản:

Tin AFP rao truyền khắp năm châu bốn biển
‘’Trong năm năm gần đây 5000 (hay 50,000?) con gái Việt Nam đã được bán buôn dưới nhiều hình thức’’
Những người con gái từng thấy trong ca dao
Trong thơ Nguyễn Bính chân quê
Trong thơ Hàn Mặc Tử chị ấy năm nay còn gánh
thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
50 năm trước đây, thời thực dân mấy đời
bánh đúc có xương
Họ còn được là cô dâu trinh trắng nón quai thao về
nhà những chàng trai quan họ quần chùng
áo dài nguyên nếp tình quê
5000 ngưồi con gái Việt Nam ấy, hôm nay sau cơn mê sảng ý thức hệ,
mà họ không hề tạo nên,
đã là món hàng tươi sống xuất khẩu

1. Về những phường dạ lạc Hồng Kông
2. Về những xóm yên hoa Ma Cao
3. Về đảo quốc Đài Loan xả xui bằng chữ ngàn vàng
4. Về vùng Lưỡng Quảng chiều mưa biên giới em đi về đâu?
5. Về niềm tủi nhục ngửa nghiêng Vọng Các thủ đô
ổ nhện suốt sáng thâu đêm. . . .
( Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây. Mẹ Âu Cơ hôm nay khóc hay cười?)


Nguyên do là chủ nghĩa cộng sản vô nhân đạo.Thi sxĩ đã viết:

Lằn đường, lane đường
Mù mịt tít mù
Chạy mút mùa như đời cải tạo không án lệnh
Chạy phân minh nhị nguyên
Như đường ranh tư bản dẫy chết. . . vẫn sống nhăn răng
Như đường ranh vô sản tiến nhanh tiến mạnh về thiên đường mù
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây . Buổi chiều góc cạnh)






No comments:

Post a Comment