Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 September 2018

Wednesday, February 21, 2018

NGUYỄN BÁ CHỔI * NĂM TUẤT KỂ CHUYỆN QUỶ

NĂM TUẤT KỂ CHUYỆN QUỶ
 NGUYỄN BÁ CHỔI 

 
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Nếu như Hồ Chí Minh đã thấy “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”, thì không cần phải là “người bắc có lý luận”, người nào còn chút lương tri cũng thấy, không có gì quỷ (dấu hỏi) bằng tên đao phủ đã tự phán cho mình sắp“về trời” (Sic) mà vẫn còn đổ tội mình cho người khác.
Tên đao phủ đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường, và người khác là dân Huế, đồng bào của chính y chứ không ai khác.
Hoàng Phủ Ngọc Tường đao phủ ở chỗ nào ra sao, thiết nghĩ không cần phải dẫn chứng ra đây; nếu ai chưa “ngộ”, chỉ cần vào Google oánh mấy chữ “Tên đao phủ Hoàng Phủ Ngọc Tường” là có ngay đủ thứ chứng cứ. Trong bài này, tác giả chỉ bàn về hai “khâu” Phủ “ về trời” và “khâu” Phủ đổ tội..
Đọc nguyên vặn Lá thư của Hoàng Phủ Ngọc Tường đăng trên FB Nguyễn Quang Lập, hàng thứ 5 có câu: 
“Năm nay tôi 81 tuổi, và tôi biết, còn chẳng mấy hồi nữa phải về trời.” 
Và từ hàng thứ 26 trở đi có đoạn:
“Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân.”
“Khâu” Phủ “về trời” thì không còn gì để bàn, vì đó là quyền của Phủ tự “oánh giá” cho mình... sẽ về trời, chứ không chịu mang “thành quả cắt mạng” đi chầu Diêm Vương. Ở đây chỉ cần đề cập “khâu chủ đạo” là đổ tội.
Tường viết, “... những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân.”
Nói đến “Quân nổi dậy” thì phải hiểu đó là một đám người địa phương; người địa phương ở đây là người Huế. Như mọi người đã biết, thành công của chiến dịch đánh phá Miền Nam năm Mậu Thân mang tên“ Tổng Công Kích, Tổng Khởi Nghĩa” chỉ thành công ở “Dzế” đầu là gây kinh hoàng cho nhân dân Miền Nam giữa lúc họ đang đón mừng Năm Mới, đặc biệt giết được một số khoảng 6 ngàn dân Huế, nhưng thất bại hoàn toàn ơ “Dzế” thứ hai là không có ai nổi dậy ráo. Nếu có nổi dậy chăng, thì đám đó là bọn nằm vùng hay một số kẻ vì tư thù cá nhân, rồi nhân cơ hội chỉ điểm cho đám quân chính quy từ rừng xuống và từ Bắc kéo vào “xử lý”.
Người Huế đâu có mấy ai vô nhân tính như anh em nhà họ Hoàng Phủ, Ngọc Phan, Ngọc Tường
Labels
cộng thêm Nguyễn Đắc Xuân để “nổi dậy” thành một đạo quân vũ trang đầy mình, thừa sức sục bắt, dẫn đi, đập đầu, đâm lưng chôn sống hàng mấy ngàn đồng bào Huế, gây nên “những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu “ như lời đao phủ Tường “thật thà khai báo” vậy.
Chết đến nơi, đòi về trời mà đao thủ phủ cứ đổ tội mình đã rành rành cho kẻ khác. Đúng là một kẻ coi trời bằng vung. Quỷ thật!


TƯỞNG NĂNG TIẾN * CÂU HỎI ĐẦU NĂM

CÂU HỎI ĐẦU NĂM

TƯỞNG NĂNG TIẾN 

Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Cũng vầng trán rộng thênh thang
Y như trán Bác mênh mang đất trời
Trần Đăng Khoa
Những câu vè thượng dẫn xuất hiện vào cuối thập niên 60 (của thế kỷ trước) khi tác giả còn được vinh danh là thần đồng thơ, và là “người phát ngôn cho thế hệ trẻ em thời chiến.” Thời chiến rồi qua. Thời gian, cũng như thời thế – tiếc thay – lại không đứng về phía ông Trần Đăng Khoa và ông Lê Nin nên (dần dà) từ vỉa hè Hà Nội lại phát sinh ra những câu đồng dao mới:
Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này
Ông vênh mặt, ông chỉ tay:
Tự do hạnh phúc chúng mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì!

Khi mà thành quả của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười chả “ra đếch gì” thì phần số cha đẻ của nó – tất nhiên – cũng phải rơi vào cảnh truân chuyên:
Ðang trên Quảng Trường Ðỏ ở Moscow, tôi chựng người lại khi bắt gặp một hình dáng người rất quen mà không thể nhớ liền được là ai? Người đàn ông thấp người, mặc bộ đồ đại lễ, đầu đội chiếc mũ kếp pi – tất cả cùng màu đen, đút tay vào túi quần với khuôn mặt trầm tư…

Bắt gặp cái nhìn của du khách, ông liền nở nụ cười, giơ tay vẫy vẫy mời chào: “Chụp hình kỷ niệm đi. Chỉ 100 rub thôi, hay $2 đô la Mỹ cũng được!” 

Tôi vừa lắc đầu vừa phá lên cười vì nhận ra người “quen quen” ấy: Lenin. Hiển nhiên, chính xác hơn, là người đóng vai Lenin... Trong thời gian lang thang xung quanh điện Kremlin, tôi còn gặp mấy “Lenin” nữa, cũng đang mời chào du khách chụp hình...

Tôi bỗng nhớ lại thời điểm đứng ở Quảng Trường Ðỏ, vỗ vai nói với người đóng giả Lenin:“Nếu không có Lenin thật thì anh đã không phải làm Lenin giả để kiếm sống như vầy. Nước Nga xứng đáng nhiều lần hơn thế này. (Phương Đoàn – “Nước Nga ‘Gồng Mình’ Để Tồn Tại,” Người Việt 12/23/2015).
Tác gỉa của đoạn văn thượng dẫn, xem chừng, không có mấy thiện cảm với Lê Nin (thật) và tôi e là ông hơi chủ quan khi đánh giá quá thấp về nhân vật này. Tuy Lê Nin phải lê la kiếm ăn ngay tại Moscova (và bị đập mẻ đầu, vỡ trán ở nhiều nơi khác) nhưng di sản của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười vẫn còn được giới lãnh đạo Việt Nam vô cùng tôn trọng và sùng kính – theo như tin loan của báo Nhân Dân, số ra ngày 05 tháng 11 năm 2017: 
Sáng 5-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2017)... Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười Nga đã “làm rung chuyển thế giới” phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại.… đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga...
Thế nước Nga của “kỷ nguyên mới” hiện nay ra sao? 
Xin xem tiếp tường trình của nhà báo Phương Đoàn, từ Moscova:
Một điểm đặc biệt của chợ trời Nga là bày bán rất nhiều những gì thuộc về “tàn tích, tàn dư” thời Xô Viết. Chân dung các lãnh tụ Cộng Sản như Lenin, Kark Marx… nằm la liệt giữa những đống xoong nồi lủng củng, giữa đám đất lầm bụi… khiến người xem thoáng có những suy tưởng so sánh chua xót, mỉa mai và hài hước về lý tưởng cao xa và thực tế trần trụi. Những lá cờ nhung màu đỏ thêu chỉ vàng ca ngợi về những thành quả của Chủ Nghĩa Xã Hội với những câu khẩu hiệu đanh thép, tự tin về sự bất diệt của Marx-Lenin… giờ nằm lăn lóc trên các tấm ni lông sơ sài đặt trên mặt đất. Một quá khứ đầy hoang tưởng.
Lê Nin giữa chợ trời cùng xoong chảo. Ảnh: Phương Ðoàn
Thảo nào mà giới lãnh đạo CSVN hay bị mắng mỏ là cái đám chuyên... “ăn mày dĩ vãng!” Khi mà tương lai rất mịt mờ, và hiện tại đang vô cùng rất bấp bênh thì xoay ra đi ăn mày dĩ vãng – theo thiển kiến – cũng là một cách mưu sinh có thể thông hiểu và thông cảm được.
Chỉ có điều đáng nói là họ đã đi quá xa khi giong cờ, nổi trống, linh đình kỷ niệm chiến thắng 50 năm tổng tiến công xuân Mậu Thân, vào ngày 31 tháng 1 năm 2018 vừa qua. Cái thói quen “ăn mày” khiến họ có khả năng “ăn mừng” ngay giữa lúc quốc tang.
- Hoàng Phủ Ngọc Tường: Với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.
- Mạnh Kim: Mậu Thân là chiến trường khốn nạn nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
- Chế Lan Viên: Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng/Chỉ một đêm, còn sống có 30.
- Song Chi: Việc ăn mừng sự kiện Mậu Thân chứng tỏ đảng cộng sản hoàn toàn không thay đổi từ nhận thức đến thái độ, hành động và hoàn toàn “thất nhân tâm” đối với đại đa số người dân Việt ở cả hai miền, trong và ngoài nước.
- Lê Công Định: “Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả.
- Phạm Trần: Ăn Tết bằng xương máu Mậu Thân thì hòa giải, hòa hợp với ai?
- Ngô Nhân Dụng: Tổ chức kỷ niệm Tết Mậu Thân là Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng Sản đã thách thức người dân Việt khắp nước!
Sau thách thức Mậu Thân lại đến thách thức xây nghĩa trang ngàn tỷ. Trang BBC nhận định là nhà đương cuộc Hà Nội đã khiến cho… dư luận dậy sóng:
Nguyễn Thị Hậu: Sao lo cho người sẽ chết “an nghỉ” mà lại làm người sống không thể “an cư”?
Trương Huy San: Một chính thể giành được chính quyền bởi những người theo ý tưởng “thế giới đại đồng”, không lẽ, từ tem phiếu đến “nơi an nghỉ” đều phân chia đẳng cấp. 
Trương Duy Nhất: Khốn nạn hơn vạn lần khốn nạn ở chỗ: Nó qui hoạch cho cả vợ/chồng, khi chết cũng được vào đây, bất kể vợ/chồng họ là ai làm gì. Nhiều người chưa chết, đã nghe thiên hạ đào mồ cuốc mả rồi.
Nhân Thế Hoàng: Tiền thuế của dân mà nó làm như của cha của mẹ nó để lại, muốn xài sao thì xài. 
Dư luận, trong cũng như ngoài nước, cứ tha hồ mà dậy sóng. Sóng gió trong những tách nước trà nào có ảnh hưởng chi đâu. Giới lãnh đạo CSVN (chắc chắn) sẽ còn tạo ra nhiều thách thức ngang ngược và bạo ngược khác nữa, trong những ngày tháng tới, như họ đã từng làm từ hơn hai phần ba thế kỷ qua. Câu hỏi đặt ra là dân tộc này sẽ còn cam chịu để cứ bị tiếp tục “thách thức” thêm bao lâu nữa?



PHẠM THANH PHƯƠNG * ĐÂU LÀ SỰ THẬT?

 PHẠM THANH PHƯƠNG

Những ngày tết đã qua, sự nhảy múa kỷ niệm “Mừng chiến thắng 50 năm tết Mậu Thân” của CSVN cũng từ từ phai dần. Tuy nhiên, những xúc cảm, những kinh hoàng vẫn chưa nguôi trong lòng người dân Việt, đặc biệt tại Huế khi hồi tưởng lại những hình ảnh của một cái tết kinh hoàng cách đây đúng nửa thế kỷ mà tưởng chừng như mới hôm qua. Vì vậy, sự kiện “Thảm sát Huế” vẫn được nhắc lại từng góc cạnh khác nhau, tùy theo ký ức của từng nhân chứng của cả hai bên (Quốc Gia và Cộng Sản) bằng những hồi ký, phỏng vấn, tự truyện..v..v..
Tuy tất cả những ký ức, hồi ức đều xuất phát từ những nhân chứng sống, nhưng điều đáng buồn là sự khác biệt giữa những con người của hai giới tuyến vẫn cách biệt, hầu như không thể hòa đồng trong nhất thể của sự thật, mặc dù cùng mang trong người dòng máu Việt Nam.
Mới đây, vào đầu tháng 2-2018, một cuộc phỏng vấn của đài BBC với một cựu đại tá CSVN và cũng là một nhà báo, hiện đang sống tại Paris với danh xưng một người tỵ nạn. Trả lời cuộc phỏng vấn, ông Bùi Tín cũng nhìn nhận cuộc thảm sát tết Mậu Thân là một sự kinh hoàng, khủng khiếp không thể tưởng tượng nó có thể xẩy ra trên đất nước Việt Nam, nhưng sự thật nó đã xảy ra…


Tuy vậy, dù mang danh nghĩa là một đảng viên CS “phản tỉnh”, một người tỵ nạn , một nhân chứng sống, nhưng ông Bùi Tín vẫn không dám nói thật với chính ông, nói thật bằng lương tâm của một người cầm bút, một chứng nhân của lịch sử khi ông xác định: “Lãnh đạo Hà Nội không đồng thuận về việc đánh đầu năm 1968, và không hề có chủ trương nào để gây ra ‘thảm sát ở Huế”. Đồng thời ông cũng cho biết cuộc thảm sát xẩy ra trong trường hợp bất đác dĩ của bộ đội miền Bắc khi phải rút lui.
Ông nói:“Khi vào Huế, bộ đội CS miến Bắc bắt rất nhiều tù binh, khi rút lui các đơn vị được lệnh phải mang theo, không để ai chạy thoát, sợ lộ bí mật. Trong hoàn cảnh tháo chạy và bom đạn của Mỹ truy kích qúa nặng, không thể mang theo tù binh nên đành phải giết hết”…

Rất tiếc khi trả lời phỏng vấn ông Bùi Tín đã quên hay cố quên, thảm sát thường dân là chính sách, là chủ trương của CSVN dùng khủng bố tinh thần quân dân miền Nam, mong tạo ra sự khủng hoảng trong xã hội, tạo áp lực nặng nề cho chính quyền và quân đội VNCH, dùng làm hậu thuẫn cho cuộc xâm lăng của CS bắc Việt lúc bấy giờ…
Đi tìm và đối chiếu sự thật, rất nhiều nhân chứng sống tại Huế đã xác định cuộc thảm sát tại Huế không những chỉ xẩy ra khi bộ đội rút lui, mà nó đã khởi sự ngay từ những ngày đầu khi bộ đội Bắc Việt mới tiến vào Huế, những tên nằm vùng, tập kết như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Thị Đoan Trinh và còn rất nhiều nữa… Bọn nằm vùng này đã chỉ điểm, hướng dẫn và cùng bộ đội lục soát từng nhà, giết từng người bất kể già trẻ lớn bé, nam, phụ,lão, ấu không chừa một thành phần nào của Huế. Như vậy, người dân miền Nam phải tin ai, tin vào lời của một cựu đại tá CS “phản tỉnh” như ông Bùi Tín hay tin những nhân chứng sống của Huế?
Theo hồi ký “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca, bà cũng là một nhân chứng sống có mặt tại Huế đã ghi lại:

“Một gia đình ở Gia Hội chết vì cái Ti Vi, khi bộ đội miền bắc vào nhà dân, thấy một cái TV liền hỏi:
“Máy này để liên lạc với địch?”
“Dạ thưa không, cái máy Ti Vi để coi hát múa.”
“Vặn lên nghe thử.”
Mở máy, không thấy có hình ảnh hát múa. Một băng đạn, đàn bà trẻ thơ ngã gục.

Một bản án được đắp lên: Để đồng bào noi gương. Đứa nhỏ chết không kịp nhắm mắt. Hai đứa con của một người mẹ Việt Nam lai Mỹ, người mẹ đi Vũng Tàu để hai đứa nhỏ ở nhà cho chị vú. Đám bộ đội bảo nhau, đây là con Mỹ đế quốc, để lại sau có hại cho tương lai dân tộc. Không cần phí đạn. Hai cái đầu của hai đứa nhỏ bị đập vào tường. Óc, não, máu me phun tung tóe”.

Như vậy gia đình này, những trẻ thơ này có phải là tù binh không ông Bùi Tín? Hành động này của con người hay ác quỷ?…

Qua một thí dụ nhỏ nêu trên, có lẽ ai cũng hiểu cái ngu dốt của con người CS, chẳng những ngu dốt mà còn tàn bạo dã man, khát máu hơn cả loài ác qủy nữa
Cũng theo hồi ký, nhà văn Nhã Ca đã ghi lại những nét đặc thù về người lính của hai chiến tuyến một cách rõ rệt trong biến cố tết Mậu Thân như sau:
“Khi bộ đội tràn vào Huế, trước khi tàn sát, họ vào từng nhà vơ vét của cải, cướp bóc thực phẩm với những lời lừa bịp trắng trợn: “Cách mạng tạm mượn bánh trái, gạo, muối của đồng bào, mai mốt bác Hồ vào sẽ trả lại đồng bào gấp bội, đừng lo chi hết nhé”. Họ giả vờ ghi sổ rồi mang đi”…

Khi chiếm đóng được khu vực nào, họ cũng thành lập những “Ủy Ban Nhân Dân, Toà Án Nhân Dân”, xử tử rất nhiều những người mà họ cho là có tội, xác chết ngổn ngang, bừa bãi trong nhà, ngoài sân và rải rác trên đường phố. Họ cũng lùng bắt thanh niên nam nữ đi “học tập” như những ngày đầu sau 30-4-1975, những người bị bắt đi “học tập” không bao giờ thấy trở về, sau này người ta tìm thấy họ trong những mồ chôn tập thể…
Tâm trạng người dân Huế lúc ấy rất khủng hoảng, họ chỉ mong sao tìm được quân đội VNCH để có sự che chở. Đến khi nhìn thấy những người lính VNCH xuất hiện, họ hân hoan bảo nhau: “Lính mình đến rồi, mình sống rồi bà con ơi” và chạy ùa về phiá những người lính, mặc cho súng vẫn nổ, đạn vẫn bay…
Cũng trong “Giải Khăn Sô Cho Huế” Nhà văn Nhã Ca ghi lại chỗ bà và gia đình đang ẩn núp: “Một đoàn quân đi qua có đủ sắc lính Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến của VNCH, một bà lão nhặt được một số thuốc lá từ một căn nhà đã bỏ chạy, bà đem tặng đoàn quân, nhưng những người lính không nhận, họ trả tiền, người 200 người 100, trong khi bà lão nói sao nhiều thế, mỗi bao thuốc chỉ đáng giá vài chục thôi mà…
Những người lính cười buồn và nửa đùa nửa thật nói, cụ cứ giữ lấy mà dùng, chúng con đi đánh giặc không biết còn sống không mà cần. Bà cụ cứ chạy theo đoàn quân xin trả lại, nhưng chẳng ai dừng lại, họ tiếp tục đi. Toán này đi qua, toàn kia lại đến, những người lính đến sau, thấy bà cụ tay nắm mớ tiền đi ngược về với hai hàng nước mắt, toán lính lại tường bà lão đói, xin thực phẩm cho con, cháu. Không ai bảo ai, những người lính đã tự động moi ba lô, lấy những hộp thịt và lương khô đưa cho bà lão. Bà vừa khóc vừa nói, các chú mang theo ăn đi, còn có sức mà đánh giặc, giải thoát cho đồng bào, Việt cộng ác quá, chúng nó cướp hết của rồi, còn giết người nữa, chết nhiều lắm. Nghe vậy, những người lính nói: Tụi con đi không biết còn sống không mà ăn, cụ cứ đem về chia cho con, cháu, được bữa nào hay bữa ấy”.

Toàn thể người dân Huế lúc ấy, mang tâm trạng khủng hoảng, sợ sệt, nhưng trong những đôi mắt lạc thần ấy vẫn lóe lên một tia hy vọng khi họ nhìn thấy hình bóng của những người lính VNCH xuất hiện. Họ mong chờ một ngày giải phóng, một sự giải phóng đúng nghĩa, họ tin tưởng những người lính VNCH sẽ đưa người dân Huế thoát ra khỏi cái địa ngục trần gian của CSVN đã tạo ra cho Huế mà họ đang chịu đựng.…
Với những hình ảnh trên được nhà văn Nhã Ca ghi nhận tại chỗ như thế, thử hỏi ông Bùi Tín, đâu là chính nghĩa, đâu là tình người và đâu là những con ác quỷ đội lốt người? Chắc chắn, câu trả lời ai ai cũng biết rõ.
Đi ngược dòng thời gian từ khi có phong trào “phản tỉnh” xuất hiện, mọi người đều thấy rõ: Một khi đã là đảng viên đảng CSVN, bị thất sủng hay cuối đời không còn quyền lực, sự “phản tỉnh” của họ cũng rất giới hạn. Họ không thể sống thật với lương tâm của một con người vì họ đã được huấn luyện, trau chuốt rất kỹ, từ đó những nét đặc thù của CS như gian trá, xảo quyệt, độc ác, nguỵ biện… đã thấm sâu trong tâm não và đã trở thành bản chất. Nếu đôi khi họ “tỉnh táo” được một chút trước những sự thật quá hiển nhiên không thể chối cãi, thì sau đó, họ vẫn phải luôn cố gắng luồn lách ngụy biện hầu chạy tội cho đảng đươc tí nào hay tí ấy. Điển hình như ông Bùi Tín đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của BBC nhân dịp tưởng niệm 50 năm thảm sát tết Mậu Thân vừa qua.
Phạm Thanh Phương

No comments:

Post a Comment