Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 September 2018

DIÊN HOÀNG *TRÊN TÀU CAP ANAMUR

TRÊN TÀU CAP ANAMUR

 DIÊN HOÀNG  

Vừa dắt xe đạp vô nhà, mẹ tôi nghiêm nghị hỏi:
- Mi đi mô từ chiều tới chừ?
- Dạ con đi chơi với thằng Hải.
- Rứa chừ mi có muốn ĐI nữa không? Mẹ tôi hỏi tiếp, nhấn mạnh chữ ĐI.
- Dạ đi chứ. Giọng tôi sôi nổi. Có chỗ đi rồi hả mẹ?

Từ hôm đi hụt ở Nha Trang, tôi giận ông trời ghê gớm. Bao nhiêu người đi lọt, đánh điện tín về, còn phần tôi cứ đèo đuột mãi. Tôi vung văng với mẹ tôi là số tôi chưa tới, thôi để dành cho thằng em kế lên ưu tiên một. Ra Nha Trang, nằm dài ở nhà bà cô ruột tôi chờ bà dì ruột ở Cam Ranh ra bốc đi. Ba ngày dài dẵng trôi qua, bà dì tôi ra báo ông dượng tôi và thằng em họ đã đi! Vì ăn chia không đều, ghe phải bỏ lại một nửa khi công an biên phòng rượt. Ngoài miệng vâng dạ nhưng trong bụng tôi cũng căm bà dì không chịu lo cho tôi chu đáo, họ tổ chức cho người xuống ghe ở Chụt chứ xa xôi chi lắm mà không báo cho tôi một tiếng.

Chưa đến một tháng, nhà tôi nhận được điện tín ba tôi đánh về: “Cha con Gà Rù được tàu vớt vào Singapore.”, tôi ngửa mặt than trời. Số mình lận đận quá, thi đại học thì diện 13 bị đánh rớt dù trên điểm đậu so với giới thường dân, kiếm đường lao ra biển thì bị bỏ lại, không lẽ cứ sống lây lất xách xe đạp chạy mánh hằng ngày. Hải bảo tôi cố gắng ôn bài thi lại nhưng đầu óc đâu mà ôn đạo hàm với tích phân. Sóng biển, giang hồ lãng tử ám ảnh tôi mỗi giấc ngủ. Đi, lao ra biển là chấp nhận cái chết để tìm đường sống. Nhưng với lý trí của thằng thanh niên trai trẻ, đi là một cuộc phiêu lưu không định hướng kỳ thú vô ngần. Tôi không sợ chết, tôi không sợ say sóng mửa ra mật xanh mật vàng như thư từ người đi trước về kể lại, tôi cũng không sợ hải tặc, tôi tin số tôi đi ra có quý nhân phù trợ như số tử vi mẹ tôi nhờ ông Chiếu chấm.

Sau khi đi tù về, ba tôi mang số ưu tiên một. Thật tình mà nói, vốn liếng nhà tôi đã kiệt quệ, sạp vải Tân Bình mẹ tôi ngồi bán chung với người bạn chỉ đủ nộp tiền cho thuế vụ. Rồi ba tôi trổ tài ngoại giao, tìm bạn bè đi trước trả sau, và nhờ kiến thức sử dụng la bàn, ông làm hoa tiêu cho chuyến ghe. Nhờ trời Phật độ, ông được tàu vớt vào Singapore và được định cư ở Mỹ chớp nhoáng trong vòng ba tháng. Từ đó, ông lo cày để vớt từng thằng anh em tôi ra biển.

Trong gia đình, có một người đi lọt như có một cái phao cứu rỗi, mẹ tôi mạnh dạn tìm mối đi trước trả sau dù giá cả gần gấp rưỡi, gấp đôi. Phong trào vượt biên nở rộ từ đầu thập niên 80, bây giờ đã là 86, thành phần có tiền đã đi hết nên những tổ chức vượt biên đành phải chịu bốc người đi trước trả sau như tôi. Trễ, nhưng còn hơn không.

- Thôi vô ăn cơm đi. Mẹ tôi bảo tôi. Từ rày về sau con không được đi mô quá nửa tiếng. Đi mô thì nhớ nói cho nhà biết để có chuyện chi kiếm về kịp mà đi. Đừng nói chi với thằng Hải hết.

Làm sao tôi giữ bí mật với thằng bạn đời được. Với bồ bịch bạn gái, tôi còn im lặng làm trai ôm mộng phiêu lưu ký, dãi nắng dầm sương. Chứ với thằng bạn đời, chỉ mới biết tin chuẩn bị lên giàn phóng là tôi đã ngứa cái miệng còn hơn nổi phong mề đay! Hôm sau, tôi ở nhà cả ngày, đi ra đi vô tù túng đôi chân. Đến chiều tối, tôi vác xe đi học thêm Anh Văn ở đại học Tổng Hợp, phải lo trả cuốn truyện cho Tú kẻo mắc nợ rồi số ra đi sẽ không suôn sẻ. Mẹ tôi dặn học xong là về, không café cà pháo nữa, tôi dạ nhưng vẫn cứ đi.

Ngồi quán café, hai thằng trầm ngâm với khói thuốc ngó ra cửa. Tiếng Lionel Ritchie hát Hello không còn quyến rũ tôi. Nói gì được khi đây là lần thứ ba tôi từ giã hắn. Hai lần trước bắt tay chào đi rồi lại về, mừng rỡ rằng không bị bắt ở tù nhưng cũng man mác buồn cho số phận chưa hanh thông. Tôi dặn hắn trả tiền mấy điếu thuốc 555 tôi ký sổ với cô nàng bán thuốc lá lẻ trước nhà hắn. Hắn im lặng gật đầu. Tôi dặn hắn đừng cho Bích Ngà biết, chờ khi tôi điện về rồi hãy báo tin, hắn gật đầu im lặng. Hai thằng dắt xe đạp ra về với dấu hỏi to tướng trong đầu, nếu tôi đi lọt, biết bao giờ mới gặp lại? Hắn chấp nhận làm trí thức XHCN, sau khi xong đại học sẽ phụng sự đất nước, tôi làm kẻ phản đồ ra đi. Một bờ đại dương xa thẳm chớm chia cách tình bạn bài trùng của tôi.

Tôi về nhà sớm hơn thường lệ nhưng trễ hơn giờ đi học về một tiếng, mẹ tôi bực mình gắt gỏng. Kéo tôi vào phòng bên, đóng cửa, mẹ tôi mở tủ lôi nửa chỉ vàng đưa cho tôi:

- Ngày mai họ tới đón đi, con cất 5 phân ni qua bên nớ bán đánh điện tín qua cho ba để ba báo về cho mẹ biết.

Mẹ tôi chỉ cái giỏ nhựa đi chợ có sẵn hai lon sữa ông Thọ và hũ mật ong:

- Bới theo một bộ áo quần thôi. Họ dặn đừng mang chi nhiều. Ngày mai pha nước sôi để nguội vô bi đông, khi mô hết nước trên ghe mới mang ra uống nghe con. Học thuộc địa chỉ của ba chưa? Đừng có viết vô giấy mang theo, có chuyện chi họ biết mình vượt biên.

Mẹ tôi dặn tới dặn lui nhiều lắm, tôi nghe tiếng được tiếng không, mấy lần đầu còn chăm chú nghe, sang đến lần đi thứ tư, thứ năm, tôi có cảm giác đã trưởng thành trong khói lửa. Biết đâu mai đi chơi một vòng rồi lại về như những lần trước đi hụt. Tôi đã biết lên ghe là phải lo giữ đôi dép, lỡ chạy du kích thấy còn đôi dép chứ có mấy người thành phố về quê đi chân đất. Tôi đã biết chuyện ráng đi chậm đàng sau để được ngồi phía trên, tránh xuống hầm ghe nóng nực, ói mửa. Lần chạy ở rừng đước Bà Rịa đã dạy tôi một mớ kinh nghiệm.

Thế là tôi đi. Sáng hôm sau có người đi Honda đến đón tôi xuống chợ Tân Bình nhập vào đoàn người đi thăm nông trường Duyên Hải chi đó. Ngang qua nhà Hải, mẹ hắn vẫn chưa mở cửa tiệm rượu đế, hắn đã lọc cọc đạp xe đi học từ sớm. Chỉ có những nhà văn mới vẽ vời tâm trạng của kẻ ra đi bịn rịn như thế nào với thành phố bỏ lại đằng sau, còn tôi, trong đầu lúc đó chỉ nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Dáng dấp của mình có giống kẻ đang tìm đường vượt biên hay giống người đi thăm nuôi? Những con mắt thiên hạ bên đường ngó tôi có hoài nghi tôi đang đóng kịch hay không? Đi ở đâu? Xuống bãi nào? Ghe có lớn, bao nhiêu lốc? Nếu chạy thì chạy về hướng nào? Biết bao nhiêu câu hỏi xoáy quanh trong đầu, tôi hầu như không nghĩ đến chuyện bỏ lại gia đình, bè bạn hay người yêu sau lưng. Tôi chỉ biết nghe lời người trưởng nhóm, anh ta bảo đi đái là lo nhảy xuống đường vạch tằm đái cho lẹ rồi lên xe ngồi, anh ta bảo vào quán mua cơm là vào quán mua cơm nhai cho lẹ. Miệng thèm điếu thuốc nhưng cũng ráng chờ anh ta đi khuất mới dám đốt rít vài hơi.

Đến gần bốn rưỡi chiều, xe đến nông trường. Đoàn người đóng kịch thăm nuôi được đi rửa ráy mặt mày ăn cơm tối. Tôi nhận ra vài người quen nhưng giả làm mặt lạ, không quen biết, không chào hỏi. Cơm nước xong xuôi, đến bảy giờ tối họ cho lên ghe, đoàn thăm nuôi xếp hàng thứ tự ngang nhiên lên ghe như đoàn du lịch, tôi bảo bụng tổ chức này ghê quá, không giống lần trước tôi phải núp trong những nhà tranh, đưa từng người ra bãi, mỗi lần nghe tiếng chân người là nằm rạp xuống đất trốn, sợ du kích đi tuần. Tôi nấn ná đi sau để được ngồi bên trên, người bà con quen ngoắt tay bảo tôi xuống hầm ghe, tôi lắc đầu.

Chiếc ghe xì xạch chạy đến 1 giờ đêm mới ra tới cửa biển, tôi nghe tiếng người chào nhau với ghe đi ngược. Ra tới cửa biển là coi như thành công một nửa, tôi thiếp vào giấc ngủ với tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật cứu khổ cứu nạn lúc nào không hay. Bên trên, bầu trời đêm với ngàn sao trong vắt.

Tôi thức giấc khi ánh mặt trời chiếu nhẹ vào mắt. Sáng rồi, thoát rồi, ra tới biển rồi! Bấy giờ, tôi mới định thần nhìn kỹ xung quanh. Tôi không còn nhớ chiếc ghe dài bao nhiêu thước, chỉ nhớ là nó lớn hơn gấp đôi chiếc ghe lần tôi chạy ở Bà Rịa. Nằm bên cạnh tôi là một cha con nói giọng Huế. Đêm qua, người cha bị anh tài công quát tháo nằm xuống che đầu khi ông ta ngẩng đầu nhìn chiếc ghe chạy ngược chiều. Khoang trên cùng của chiếc ghe chứa khoảng chừng mười người, nằm co chân. Tấm bạt che phần phía trước của ghe được kéo xuống, tôi thấy được người ngồi bó gối bên dưới hầm ghe. Tiếng máy ghe vẫn nổ đều, sóng rất nhẹ, bập bềnh nhưng tôi không định hướng được ghe chạy.

Tôi không cảm thấy khát nước hay đói bụng. Cũng không thèm cà phê hay khói thuốc. Gió biển thổi nhè nhẹ, trời mát. Tôi mắc đái kinh khủng! Lần cuối đi đái là lúc ăn tối xong, từ sáu giờ chiều qua. Suốt đêm qua, tôi lo sợ, quên chuyện mắc đái, bây giờ thức dậy, bọng đái căng đầy khó chịu. Phải tìm chỗ đi đái, thằng nhỏ căng cứng nhắc nhở tôi. Nhưng đái ở đâu khi người xếp sát nhau, chen chân không lọt! Tôi nhìn quanh, tính dợm lên đi về phía đuôi thì đã có tiếng quát ngồi yên kẻo lật ghe.

- Làm đại ra ngoài đi. Người cha ngồi kế bên chỉ ra biển.

alt

Tranh: Thắm Nguyễn

Tôi mắc cỡ, trên này còn có mấy người phái nữ, không lẽ nhông nhông vạch tằm thải là mất jin đời con trai trong trắng? Không lẽ cứ tiếp tục nín cho nó từ từ rỉ ra ướt quần, ướt sàn nằm ngủ? Tôi tiếp tục đấu tranh đánh trâu tư tưởng, thằng nhóc vẫn la làng vùng lên hỡi các nô lệ thế gian. Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh, thằng nhỏ bắt đầu không nghe lời thằng lớn. Tôi đành quỳ lên, kéo phẹc mơ tuya, ưỡn người chĩa nó ra ngoài thành khoang. Xả, khoan khoái xả, nhắm mắt xả, thằng nhỏ ca hát không ngừng.

- Đụ má thằng nào đái ở trển đó bây?!

Tiếng quát bên dưới khiến tôi hoảng hốt nín lại, rồi lại xả ra cho lẹ. Gió biển thổi tạt nước tiểu của tôi vào cửa sổ khoang máy bên dưới. Chưa kịp rảy rảy cho hết nước, tôi kéo vội phẹc mơ tuya rồi ngồi xuống. Tôi hết mắc cỡ, ngộ biến phải tòng quyền, biết sao chừ.

Bắt đầu ngày thứ nhất. Tôi giở gói đồ mang theo, lấy miếng cơm vắt chấm đậu phụng mẹ tôi bới theo cho ra nhai chầm chậm. Trưa nay họ cho ăn gì đây? Trong túi còn mớ tiền VN, tôi tiếc rẻ, nếu biết suôn sẻ thế này tôi đã mua một gói Tourist mang theo hút cho thơm ria, tôi chỉ còn nửa gói Đà Lạt. Tôi đã nghe lời mẹ tôi dặn đừng tiêu hoang, dành tiền về xe nếu có bể ổ. Bây giờ mớ tiền đó chỉ là giấy vụn.

Thư từ ba tôi kể chuyến vượt biên của ông năm 84 mất cả 5 ngày 5 đêm mới được tàu vớt. Đầu năm 86, ông dượng tôi và thằng em họ đi cũng mất 7 ngày 7 đêm, ghe hết nước, hết dầu mới được tàu vớt. Tôi chỉ mới bắt đầu ngày thứ nhất chạm mặt với biển cả. Trời xanh, sóng nhẹ, tháng ba bà già đi biển, bây giờ đã là tháng sáu, biển mênh mông một màu xanh đẹp quá. Biển chưa nổi cơn cuồng nộ nên tôi không dám nghĩ chuyện đen tối như chuyện bà Thanh Lương, sui gia với ngoại tôi, có người con trai duy nhất ra đi rồi bặt âm vô tín! Tôi nghĩ đến ba tôi. Ba ơi, vài ngày nữa thôi là ba nhận được điện tín của con. Chắc là ba tôi mừng lắm. Tù đày suốt 8 năm, về nhà ở với vợ con, bươn chải kiếm cơm và kiếm đường đi chỉ hơn một năm là ba tôi lại xa cách mẹ và anh em tôi. Nhờ những thùng quà của ba tôi, nhà tôi đã lên giai cấp, giai cấp nhận hàng Mỹ với những cái quần jeans, mấy cục xà phòng Coast thơm phức. Giai cấp ăn rồi đi học Anh Văn để chờ giấy bảo lãnh xuất cảnh. Từ ngày ba tôi đi, tôi đã không còn đạp xe đạp với cái thùng tổ chảng đàng sau đi bỏ bánh kẹo cho mấy bà già bán quán quanh vùng chợ Hòa Hưng, Lê Văn Duyệt. Tôi ra hàng Tân Sơn Nhất, hút thuốc 555 với mấy anh mấy chị Hải Quan. Tôi chạy mánh, đủ tiền café mỗi tối với Hải.

Từ khi xuống ghe, tôi đã cố nhớ từng chi tiết chuyến đi để mai này tới đảo, tôi sẽ viết thư tường tận kể cho mẹ tôi xem để lấy kinh nghiệm cho mấy thằng em tôi đi sau. Tôi sẽ viết thư kể cho Hải, không giấu nó một điều gì như lúc còn đi học HS. Tôi nghĩ đến chuyện gửi về cho nó hộp bút kim hiệu Steadler của Đức để nó vẽ luận án ra trường Kiến Trúc. Bây giờ mày đang đi học phải không? Đêm qua mày có lên Đỉnh Thiêng Quán ngồi nhớ tao không? Mày có kêu cho tao ly café phin rồi đốt một điếu thuốc để cháy trên gạt tàn nhớ tao như lần tao với mày gặp ông lãng tử ngồi yên đốt thuốc nhớ bạn ở quán café bên Bà Chiểu một tối mưa bay không? Tao biết bà già mày sẽ trách bà già tao rằng sao bí mật tính chuyện cho tao đi mà không giới thiệu đường dây cho bà già mày lo cho anh em mày.

Tôi lại nhớ bóng dáng Bích Ngà. Khi tới đảo viết thư về kể chuyện đi, tôi nhất quyết là tôi sẽ tỏ tình với nàng. Đối mặt, câu nói anh yêu em sao khó nói quá, tôi hy vọng cách mặt, qua thư từ, dễ viết hơn. Nhưng lại nhớ câu Nhất cự ly, nhì cường độ, tôi đã xa nàng vời vợi thì làm sao giữ nàng? Hoàng sẽ lựa xấp vải KT Mỹ đẹp nhất gửi về cho Ngà may áo Tết hay may áo đi dạy nhé. Ngà cứ may kiểu áo tròng đầu, không khuy nút đàng trước, kiểu áo đó hợp với Ngà, trông trẻ trung nhí nhảnh lắm. Hoàng sẽ kiếm băng nhạc Carpenters gốc cho Ngà. Hoàng sẽ kiếm băng gốc Lionel Richie hát Hello cho Ngà. Ngà đợi Hoàng nhé. Đừng giận Hoàng đi không từ giã chia tay. Có gì Hải sẽ ghé đưa thư Hoàng cho Ngà.

Bắt đầu ngày thứ nhất... tôi miên man nghĩ đến chuyện tương lai...

- ĐM! Sao có chiếc tàu nó ví mình nãy giờ vậy?

- Có phải tàu Hải Quân không? Cờ của nó màu gì?

- Thằng nào giữ cái ống nhòm?

Tiếng lao xao của mấy chàng tài công làm cả ghe bừng tỉnh.

- Đổi hướng đi. Tao thấy cờ màu đỏ.

- Bà con ngồi yên nghen.

Tôi co người ngồi lại, nhìn về phía xa, quả có chiếc tàu đang hướng về ghe, xa lắm, chỉ là một chấm nhỏ. Sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt mọi người xung quanh.

- Ra tới hải phận quốc tế rồi, Hải quân không bắt đâu.

Tiếng niệm Phật, niệm Chúa bắt đầu rì rầm râm ran. Nhìn đồng hồ người bên cạnh, chỉ mới 11 giờ. Ghe đã đổi hướng tìm đường chạy nhưng chiếc tàu mỗi lúc mỗi gần.

- Cờ của nó có màu Đỏ, Đen, Vàng! Vậy là cờ nước nào?

Tôi chửi thầm trong bụng, đi vượt biên mà cả đám không biết cờ nước nào, cứ thấy màu đỏ là bỏ chạy, mấy màu khác là okay. Tôi giận mình dốt địa lý khôn tả!

- Chết mẹ, coi chừng cờ Đông Đức!

- Tụi Đông Đức làm chó gì bắt người vượt biên?

- Hay là cờ Tây Đức?

- Tây Đức vớt mình thì đi Đức cũng được.

- Đứt chếnh, đứt cống thì có, nó rượt mình mà cứ mừng nó vớt.

- Mày coi lại xem nó có súng không?

Tôi bắt đầu thấy hình dáng con tàu với bệ chỉ huy, ăng ten cao vời. Chiếc tàu đã đuổi theo ghe tôi cả tiếng đồng hồ, khoảng cách càng lúc càng thu ngắn. Không lẽ được vớt, còn sớm quá, chưa hết ngày thứ nhất mà! Không lẽ lại bị bắt, đưa vào Côn Đảo ở hầm cọp là tiêu đời ma! Nam mô A Di Đà Phật cứu khổ cứu nạn!

Đến 1 giờ trưa, chiếc tàu đã sừng sững ở mạn trái của ghe. Tôi nghĩ là tàu hàng, bên mạn tàu, một băng rôn có dòng chữ CAP ANAMUR II và treo cờ Đỏ, Đen và Vàng. Ghe tôi đã tắt máy chịu thua, không dám bỏ chạy nữa, để mặc sóng bập bềnh. Chợt có tiếng nữ qua loa phóng thanh cá nhân bằng tiếng Việt:

- Đây là tàu Cap Anamur cứu người vượt biển. Xin đồng bào yên vị, đừng đứng lên làm lật ghe. Chúng tôi sẽ thả ca nô qua giúp đồng bào.

Vừa nghe câu tuyên bố nọ, cả ghe tôi ồ lên. Tiếng con nít khóc òa lên sau khi bị mẹ bụm miệng bắt im suốt nãy giờ. Chị người Việt trên tàu Cap Anamur tiếp tục nhắc lại câu nói. Tôi lặng người! Vậy là được cứu thật rồi! Lạy Trời lạy Phật, vậy là số mạng của con cuối cùng được thoát! Chiếc ca nô với ba thủy thủ cặp ghe tôi, hai người tóc vàng nhanh nhẹn nhảy lên ghe, một người đầu ghe, một người cuối ghe đứng cạnh tài công chỉ cách cặp vào mạn tàu. Chiếc thang đã được thả xuống, con tàu lớn che gió, chiếc ghe nhỏ bé của tôi từng chút nhích vào bên hông. Những sợi dây được cột cứng chiếc ghe vào thang, đàn bà con nít được lên trước. Phía trên cao, tôi thấy có ông Tây to lớn thu hình, chụp ảnh. Chị người Việt tiếp tục cầm loa phóng thanh dịch lại mệnh lệnh vị thuyền trưởng.

Đến lượt tôi ôm giỏ áo quần lên thang. Tôi vẫn còn mơ. Bảy giờ tối lên ghe, một giờ đêm ra tới cửa biển, một giờ chiều hôm sau được tàu vớt. Như chuyện thần tiên! Tôi để lại đôi dép trên ghe, đi chân không để khỏi sợ trợt. Chào mi nhé dép ơi, đời ta đã sang trang. Ta bỏ mi lại như ta bỏ lại quê hương. Ta bỏ mi lại với biển cả. Biển xanh rờn đẹp nhất trong đời tôi.

Tôi đứng mông lung trên boong tàu nhìn về phía xa của biển. Màn đêm phủ một màu đen trên biển, khoảng chân trời xa, có chút ánh sáng dội lên, tôi đoán đó là đất liền. Thành phố nào đây? Vũng Tàu, Nha Trang hay Đà Nẵng. Một tuần đã trôi qua. Khi chị Phượng, người thông dịch viên, thông báo cho mọi người biết là con tàu sẽ tiếp tục chạy dọc theo chiều dài bờ biển quê hương để đón vớt người vượt biển cả tháng mới vào đất liền, niềm háo hức của mọi người lắng xuống. Lâu quá, làm sao báo tin cho người nhà đang hồi hộp lo lắng số phận người đi?

Trước khi vớt chuyến ghe của tôi, Cap Anamur đã vớt được một chiếc ghe nhỏ khoảng 20 mạng. Nghe đâu chuyến ghe đó có một em bé thiệt mạng. Ghe xuất phát từ miền Trung, có vẻ là dân chài, nửa tiếng Anh yes no không biết. Mấy người đàn ông xúm lại hỏi chuyện mấy ma mới và xin thuốc lá. Ghe tôi đếm được tổng cộng là 96 mạng nên được đặt tên là Group 96, đa số là dân Sài Gòn.

Tôi chứng kiến cảnh đổi đời. Những anh tài công, thợ máy một đêm hoạnh họe dưới ghe bỗng trở nên hiền lành im lặng. Ngược lại, vài ông già nằm rũ rượi say sóng dưới ghe như gà mắc mưa lại trở thành ông thiếu tá này, anh trung úy kia, người xổ tiếng Pháp, kẻ liếng tiếng Anh... làm trưởng nhóm, phó nhóm lăng xăng lui tới!

Dưới khoang tàu dùng để chứa containers khi chở hàng, họ sắp dài hai hàng ván gỗ, trên đó, chiếu mền để sẵn. Sau khi được nhóm y tá người Đức khám sơ sức khỏe, tôi vác mớ áo quần vừa được phát về một tấm ván, trải chiếu ra nằm. Tôi làm quen với anh Nguyễn Xuân Lai, cựu Pilot trực thăng. Anh Lai có bộ râu như ông Kỳ, đẹp trai dáng đàn ông nhưng mặt rầu rĩ vì bỏ lại vợ và hai con gái. Khi mấy ông cựu quân nhân năng nổ làm thiện nguyện viên, anh Lai lui mình nằm dài tán chuyện với tôi, hai anh em share từng điếu thuốc còn lại. Anh có thân nhân anh em ở Mỹ nhưng muốn đi bất cứ nước nào để có thể bảo lãnh vợ con qua nhanh chóng.

Một sáng, nhóm thủy thủ đi ca nô nhảy qua ghe tôi hôm nọ đi lòng vòng thăm hỏi bà con. Nhờ võ vẽ vài ba tiếng Anh, tôi làm quen được chàng thủy thủ tóc vàng hoe người Đức, tự xưng là phó thuyền trưởng. Tôi ngờ nghệch lôi hũ mật ong ra biếu anh ta tỏ lòng biết ơn, tôi cứ nghĩ mật ong là quý lắm, anh ta lắc đầu từ chối: You need it more than I do. Tôi cứ dúi vào tay anh ta, bắt nhận cho được. Anh ta hỏi tôi có muốn làm thiện nguyện, lên đài chỉ huy cầm ống nhòm phụ tìm ghe vượt biên hay không, tôi gật đầu.


Một chiếc tàu vượt biên được tàu Cap Anamur cứu vớt. Nguồn hình: vuhuyduc.blogspot.com


Sinh hoạt trên tàu cho cả trăm người dần dần đi vào nề nếp. Mấy cụ già, phụ nữ xung phong nấu cơm ngày hai buổi trưa chiều. Buổi sáng, họ cho ăn đồ khô. Phía đầu tàu, họ để những bếp gas dã chiến làm bếp. Khác hẳn với thư từ ba tôi viết về kể là khi được tàu Mỹ vớt, đồ ăn bánh kẹo thoải mái hay thủy thủ cho thuốc lá hút bể phổi, Cap Anamur không phát thuốc lá hay bánh kẹo. Thực phẩm khô đựng trong container lớn trên boong khóa lại kỹ càng. Dãy nhà tắm bằng thép được hàn thêm bên mạn phải con tàu, tuy nhiên, hình như tàu không đủ nước ngọt nên dân tỵ nạn phải tắm bằng nước biển, rít rát. Tôi không còn nhớ đi tiêu đi tiểu ra sao, vì tôi bị bón! Món cá hộp sốt cà chua và hành tây ăn ngon miệng được vài ngày đầu, mấy ngày sau ngán tận cổ. Thèm món canh thịt bò sả mẹ tôi nấu vô ngần.

Sang đến ngày thứ hăm mốt, Cap Anamur đã vớt thêm được ba ghe, nâng tổng số người vớt lên tới 202. Vẫn còn thua chuyến mấy tháng trước, hơn ba trăm mạng. Chị Phượng và anh Đinh Quang Anh Thái vẫn thông báo tình hình cho bà con, xấu, rất xấu, tất cả các nước đều quyết định không cấp chiếu khán nhập cảnh cho người Cap Anamur vớt. Cap Anamur thuộc hội thiện nguyện của Đức và Pháp, Đức và Pháp phải chịu trách nhiệm cấp chiếu khán. Singapore không cho quá cảnh, các trại tỵ nạn khác đều lắc đầu. Những người có thân nhân ở Mỹ như tôi đầy lo lắng. Thôi, đi Đức qua ở với ông dượng và thằng em họ cũng được, tôi an ủi. Một số người than vãn một câu rất ư là vô ơn: “Biết vậy xin thêm dầu và lương thực chạy đến đảo cho rồi!!!”, tôi chỉ biết lắc đầu chịu thua.

Hai trăm mạng người Việt tỵ nạn trên tàu là một xã hội nhỏ, có người tốt, người xấu, ở lâu, chuyện gì tới phải tới. Một vài cô gái được nhóm thủy thủ mời vào phòng, đi ra tươi cười với vài đồ vật trên tay, miệng cười cười khiến tiếng xầm xì khắp nơi. Có đêm, người ta bắt gặp một cô gái trẻ ngồi tán chuyện với một chàng thủy thủ trẻ đằng trước mũi tàu, tiếng đồn không hay lại lan ra. Tôi nhớ cô ấy tên Hồng, sau này đi Úc. Cả tàu chỉ mong ngày vào đất liền!

Chị Phượng ra thông báo Cap Anamur sẽ rời biển Đông, vào cảng Singapore, mang sức sống hy vọng lại cho mọi người. Tàu sẽ neo ở cảng Singapore 3 ngày để tiếp tế lương thực, nước nôi, xăng dầu rồi sẽ chở chúng tôi qua trại tỵ nạn Palawan của Phi Luật Tân. Cao ủy tỵ nạn Palawan cho phép chúng tôi quá cảnh. Trong vòng ba ngày ở Singapore, tất cả mọi rác rưởi phải được bỏ đúng chỗ, không được búng tàn thuốc xuống nước. Mỗi mẩu tàn thuốc vất xuống nước sẽ bị phạt $500, chị dặn đi dặn lại và mong chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Một nhóm thiện nguyện khác sẽ thay thế nhóm của chị, có thể có một vài người Việt đến từ California.

Đêm tàu vào cảng Singapore, tôi nôn nao ngủ không được. Ra boong tàu đứng, từng chiếc tàu hàng sáng rực đèn xếp hàng chạy. Suốt gần một tháng, tôi chỉ thấy màn đêm phủ một màu đen trên biển. Singapore đó, nơi ba tôi và ông dượng quá cảnh ba tháng nhưng bây giờ tôi được phép đặt chân lên. Singapore, thành phố của văn minh và tự do nhưng tôi chỉ được phép ngó từ xa. Khi thuyền bỏ neo, tôi khám phá ra 3 ngày tàu đậu lại cảng là một cực hình. Trời nóng khó chịu khi tàu neo lại, dưới hầm quá ngột ngạt, lên boong lại nắng chói, nắng từ thép tàu hắc lên mặt như tra tấn. Trời lại ít gió, cứ mong sao 3 ngày chóng qua để được đưa tới Palawan.

Ký giả Dương Phục và một tay quay phim của đài truyền hình Việt Nam ở California lên tàu thăm, làm phóng sự, chúng tôi bu quanh âu lo thăm hỏi số phận. Khi ký giả Dương Phục hỏi cần gì để ông có thể giúp, cả bọn đàn ông đều xin thuốc lá! Tôi đã nhờ anh chàng phó thuyền trưởng người Đức đánh điện cho ba tôi. Một chiều, ký giả Dương Phục quay lại với đống thuốc lá, đây là $200 của anh em thiện nguyện góp lại mua thuốc lá cho đồng bào. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, sàn tàu Cap Anamur đầy rẫy mẩu đầu lọc thuốc lá khiến vị thuyền trưởng nhăn mặt, ra lệnh làm tổng vệ sinh! Nhưng ông ta không cần ra lệnh cấm hút, còn thuốc lá đâu nữa mà hút, anh Lai và tôi phải moi dế nhủi dưới ván lên quấn với giấy báo hút.

Cả tàu tôi hào hứng chuẩn bị đón Tiến Sĩ Rupert Neudeck đến thăm. Kho lương thực được mở ra để quý bà trổ tài nấu nướng, nhờ được tiếp tế đồ ăn tươi, menu có phần phong phú hơn. Quý ông trưởng nhóm, phó nhóm lo quét dọn boong tàu sạch sẽ, một gã trung sỹ thông dịch viên cũ cầm sơn khoanh một vòng để chữ VIP. Tôi chẳng biết VIP là gì, chỉ biết chỗ đó dành cho các nhân vật quan trọng, đừng dại đặt đít vô ngồi kẻo bị rủa. Trước bữa ăn, nghi lễ nho nhỏ với vài lời phát biểu tỏ lòng biết ơn ông Tiến Sĩ và vị thuyền trưởng khá cảm động. Hôm sau, tàu nhổ neo hướng về Palawan.

Palawan, phải, Palawan, không phải là Galăng, Biđông, hay Sikhiew như những thư từ kể lại. Palawan, nơi tôi sắp tới để bắt đầu khoác áo làm dân tỵ nạn. Palawan nghe sao đáng yêu quá!

Diên Hoàng

TRANG LUÂN * CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG BÁC SĨ PHẠM ĐỨC DỤ


CHO MỘT NGƯỜI NẰM XUỐNG  BÁC SĨ PHẠM ĐỨC DỤ

TRANG LUÂN

13 Tháng Bảy 20177:23 SA(Xem: 710)
Thấp thoáng mà hai mươi sáu năm trôi qua. Hai mươi sáu năm tính từ ngày ba mươi Tháng Tư năm 75 làm tiêu mốc thời gian. Hai mươi sáu năm, vào buổi sáng ngày Chủ Nhật, với những tảng mây màu chì đậu thật thấp, tôi xuống phố, tình cờ gặp lại tên anh trên trang báo Người Việt. Tên anh được in bằng khổ chữ thật lớn, thật nắn nót và được đóng khung lại một cách thật trang trọng. Chính anh! Phải! Chính anh! Đích thật tên anh được tô đậm ở trên đấy. Tôi sợ mình bị hoa mắt, hay bị lầm lẫn, hoặc đôi khi có sự trùng hợp về tên tuổi chăng!

Tôi giơ tay lên dụi mắt, cố mở to rồi đọc lại thêm một lần nữa! Dưới tên anh, còn ghi chú rõ ràng về địa danh cùng đơn vị mà anh đã từng phục vụ trước kia. Châu Đốc. Bệnh Viện Quân Dân Y Phối Hợp. Tôi có nghe anh nói rất nhiều về cái bệnh viện này. Đấy là đơn vị cuối cùng của đời anh trong quân ngũ. Thì ra là chính anh. Mà tại sao lại là chính anh! Bao nhiêu câu hỏi cứ lần lượt đổ về chất vấn nơi tâm tư tôi. Choáng váng, tôi ngẩn người, thừ ra nghe lòng mình tê điếng.

Anh đã ra đi. Thật sự ra đi khi tuổi đời vừa tròn ở con số sáu mươi. Sáu mươi năm, anh xuôi tay giã từ tất cả. Sáu mươi năm, anh bỏ lại bao nhiêu người thân yêu cùng bạn bè thương tiếc anh. Bỏ lại cái quê hương tạm bợ, trần thế, phù phiếm này, để bước sang cuộc hành trình lạ lẫm, mới mẻ khác. Cuộc hành trình đi về với thế giới huyền ảo, xa xăm. Cái thế giới của an hòa, của vĩnh phúc. Cái thế giới không bao giờ có ngục tù, xiềng xích! Cái thế giới chẳng khi nào nghe tiếng đạn réo trong đêm! Cái thế giới với đầy đủ mọi ý nghĩa thiêng liêng và nhiệm mầu về hai chữ hạnh phúc, vinh hiển ở trên đấy.

Đọc tên anh trong thoáng giây quá đột ngột, quá bất ngờ, khiến cho tôi cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt. Tôi xúc động vô ngần. Tờ báo trên tay tôi tự động rơi xuống từ lúc nào mà tôi chẳng hề hay biết. Tôi sững sờ gục đầu vào tay lái, tưởng nhớ về anh, về chuỗi ngày tháng đọa đầy, khốn cùng tại xó trời dĩ vãng. Cái dĩ vãng tủi nhục của người lính tản hàng sau thảm họa tháng tư đen. Cái dĩ vãng ấy chẳng khi nào xóa nhòa nơi tâm khảm ở trong anh, tôi, cùng mọi người khác nữa!


Thì ra, giữa tôi cùng anh chỉ cách nhau chưa đầy gang tấc. Anh sinh sống ở quận Cam. Tôi cũng nằm trong diện tích ấy. Bao nhiêu lần xuôi ngược mà vẫn chẳng có một lần gặp mặt! Phải chăng, giữa chúng ta cùng chạy trên hai đường thẳng, mà hai đường thẳng song song với nhau thì đâu có khi nào gặp nhau trong toán học. Nhưng có một điều, là cho dù ở đâu, cho dù lúc nào, tôi cũng vẫn nhớ đến anh, đến anh Kiệt, anh Khoan, anh Thao, cùng nhiều người bạn tù khác nữa! Làm sao mà tôi có thể quên được chuỗi ngày tháng lầm than, đầy ải đó! Chuỗi ngày tháng khổ sai, nhục nhằn trong khu rừng tràm U Minh tối tăm, ẩm thấp. Chuỗi ngày tháng mà chúng mình phải trầm mình dưới con kinh đục ngàu giống như màu nước vối, để kéo từng khối mạ về nông trường. Những buổi trưa nắng nhễ nhại, lem luốc mà chúng mình phải đứng thành hàng ngang, để chuyền đất, đắp nền hoặc làm đường vân vân… Không bao giờ tôi quên! Không bao giờ!

Tôi quả quyết với anh là như thế. Bao nhiêu mồ hôi nhục nhằn, cay đắng mà chúng mình đã từng nhỏ xuống mảnh đất ấy. Sau lưng, mấy họng súng AK đen ngòm đang chĩa thẳng về phía chúng ta, kéo theo những cặp mắt nẩy lửa, căm hờn của mấy tên cảnh vệ còn non choẹt. Tự dưng, tôi liên tưởng đến các buổi trưa ủ rũ, cay nghiệt. Những buổi trưa mà chúng mình phải nghỉ giải lao ở ngoài trời trong bữa cơm tẻ nhạt, ngao ngán. Trong khi đó, những sợi mưa nghiệt ngã cứ lạnh lùng, thản nhiên trút xuống, cuốn theo các dòng nước mắt đang tự động trào ra trong tâm tư của mỗi người chúng ta. Thoáng chợt, tôi bắt gặp cái nhìn của anh đang hướng về phía tôi. Qua cặp kính trắng dầy cộm, tôi thấy sao mà nặng trĩu, buồn vô hạn. Tôi hiểu cái nhìn ấy. Cái nhìn như biểu lộ nỗi chua chát, u uất đang đè nặng, chất đống, ray rứt triền miên ở trong anh.

“Bao giờ thì chúng mình mới thoát khỏi cái cảnh này hở Phúc!”

Anh vẫn thường hỏi tôi như vậy. Tôi nói với anh:

“Có thể là năm năm. Mười năm. Hai mươi năm hoặc không chừng còn kéo dài suốt cả một đời người. Điều đó cũng có thể xảy ra. Điển hình cho ta thấy, có rất nhiều người đã phải giam mình cả hằng mấy chuc năm trời trong các nhà tù ở Liên Xô, cũng như ở Trung Quốc. Chúng ta chẳng cần nói đâu xa xôi làm gì! Ngay tại Việt Nam mình cũng thế. Sau năm 1954, có biết bao nhiêu người bị ngược đãi dã man rồi chết thê thảm trong các trại tù khổ sai lao động ở miền Bắc. Nhưng có một điều mà tôi tin chắc rằng: Thể nào rồi cũng có một ngày chúng ta ra khỏi chốn này. Sinh thì ắt phải có tử. Mà vào thì tất nhiên phải có ra. Tuy nhiên, một khúc quanh lịch sử đâu có thể thu hẹp trong vòng đôi ba năm, mà còn phải kéo dài đến cả hằng mấy chục năm nữa không biết chừng!”

Anh đồng ý với tôi về điểm này. Anh gật gù:

“Phúc nói đúng! Ở đời chẳng có gì gọi là tồn tại, bất diệt. Tất cả đều phải nằm trong cái mẫu số chung của định luật đào thải.”

Tôi biết anh kể từ khi chúng tôi được tập trung về hậu cứ của Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Căn cứ này nằm sát với kho bom Trà Nóc và cách đó vào khoảng vài trăm thước là Trung Tâm 4 Hồi Lực. Ở đấy được chia ra làm bốn khu. Mỗi khu được ngăn ra bởi các hàng rào dây kẽm gai chằng chịt, kiên cố. Mọi quan hệ, giao dịch đều bị ngăn cấm tuyệt đối và còn cho đó là những quan hệ bất chánh, có tác hại đến vấn đề cải tạo của người khác.

traicaitao-300x168
Trại cải tạo (Ảnh minh họa)
Đối với Cộng Sản thì bất cứ chuyện gì cũng gọi là học tập. Tự khai lý lịch cũng là hình thức học tập, là sự khởi đầu, là bài học nhập môn để mở cửa đi vào giai đoạn học tập chính trị. Bài học này được diễn đi diễn lại nhiều lần. Cán bộ lúc nào cũng lải nhải những câu học thuộc lòng:

“Các anh phải nhìn nhận tội lỗi của các anh trong quá khứ. Tất cả mọi người trong các anh đều có tội với tổ quốc và nhân dân. Chính vì thế, các anh phải soi rọi lại bản thân và phải thành thật khai báo với cách mạng. Phải ra sức đấu tranh tư tưởng. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt và gay go. Phải đả thông tư tưởng, đồng thời hăng say, tích cực trong mọi công tác lao động, ngõ hầu sửa đổi lại bản thân để trở thành người hữu dụng cho đất nước sau này. Có như vậy, các anh mới mong sớm được trở về với cộng đồng chung của dân tộc.”
Nói thì nói như thế, nhưng thực tế thì khác hẳn.

“Chánh sách khoan hồng của đảng và nhà nước bao giờ cũng trước sau như một. Đảng nói mười ngày lại giãn ra thành mười năm. Đảng là cái thước để đo lòng người. Đảng bao giờ cũng giơ cao đánh khẽ. Đảng chủ trương giáo dục, uốn nắn các anh trở về với nẻo ngay của dân tộc. Vì vậy, công cuộc cải tạo không thể đơn giản một sớm một chiều mà gội rửa hết được mọi tội lỗi của các anh trong quá khứ, mà còn phải đòi hỏi cả một thời gian dài mới mong tẩy xóa hết được mọi lỗi lầm kể trên. Các anh phải phấn đấu. Phải đấu tranh với bản thân.”

Láo! Láo khoét! Tất cả đều rập khuôn như nhau. Tên nào cũng nói giống nhau y hệt, cùng một sách vở mà đảng đã ấn hành. Ai nấy đều bắt đầu chán nản. Năm tháng trôi qua. Rồi sáu tháng cũng thế. Chuỗi ngày tháng cứ điềm đạm, âm thầm đi qua, cuốn theo biet bao nỗi ngậm ngùi, xót xa quyện chặt ở trong đấy. Nhiều anh tụ lại sầm xì, bàn tán:

“Sao mười ngày lại giãn ra đến sáu tháng mà vẫn chưa thấy được ngày về!”

Có tiếng khác chen vào:

“Bây giờ thì họ lại đổi ý nói khác. Chẳng biết đâu mà tin mấy ông này.”

“Sao lại cứ tin vào cái điều ấy làm gì cho mệt!”

“Như vậy thì hóa ra mình bị lừa à.”

“Thì lừa chứ còn gì nữa!”

Hôm sau tất cả đều bị gọi lên làm việc. Thì ra bị báo cáo. Tất cả đều bị cách ly, nhốt trong cũi sắt. Khẩu phần ăn bị cắt xén còn phần nửa.

“Đấy là hình phạt nhẹ tay đối với các anh đó. Làm sao mà các anh có thể về sớm được. Các anh không tin tưởng vào đường lối và chánh sách của Cách Mạng. Các anh phải nỗ lực ra sức học tập.” “Đế quốc Mỹ là kẻ thù xâm lược của nhân dân ta” là bài học mở màn bước vào giai đoạn học tập chính trị. Chán ngấy. Mọi người đều thầm hiểu.

“Sự trở về còn tùy thuộc vào thái độ thành khẩn của mỗi người trong các anh.”

Bây giờ thì thấy rõ lắm rồi. Đáp số của ngày về đâu có đơn giản như mọi người từng suy nghĩ trước đây. Thất vọng! Bao nhiêu hy vọng đều tiêu tan theo mây khói. Nhiều nguồn tin bịa đặt được tung ra. Tin về lực lượng quân đội thường xuyên xuất hiện ở vùng đồi núi Thất Sơn. Tin về đơn vị nhảy dù đụng độ với bộ đội Cộng Sản tại vùng rừng già Long Khánh. Ngày nào cũng có tin. Tin chẳng biết xuất xứ từ đâu đến. Tin được rỉ tai, thì thầm, xuất phát từ ngã tư quốc tế, bên cạnh các hố rác hôi hám cùng mấy nhà vệ sinh tập thể sơ sài, nồng nặc mùi hôi thối. Chiều nào chúng tôi cũng phải ra đấy. Ra đấy là có tin. Có lần anh nói với tôi về chuyện này. Tôi nghiêm nghị:

“Anh nên thận trọng. Nhiều khi đấy là cái bẫy của mấy ông này không biết chừng!”

Anh đăm chiêu trả lời:

“Tôi cũng nghi lắm. Làm sao mà mình có thể tin vào các nguồn tin ấy được.”

“Ấy vậy mà có nhiều người tin như tin kinh tin kính. Dù sao thì đấy cũng là cứu cánh, là nguồn hy vọng để mà sống.”

Vào tù, tôi lại đâm ra thích hát. Tôi cho đó là phương pháp tốt nhất làm giảm bớt đi được phần nào sự suy nghĩ giữa những căng thẳng, tù túng nơi cuộc sống. Tôi thích hát nhạc tình. Loại nhạc mà người Cộng Sản lên án, gọi nó là nhạc vàng, nhạc ru ngủ, và đôi khi còn được gán ghép cho một cái tên là nhạc phản động. Tôi hát say mê. Hát vào những buổi chiều khi mặt trời xuống thấp. Hát với các người bạn quen thuộc với tôi. Với Cang, với Phước, với Lạc, với Phong, với Thanh cùng vài người bạn khác mà cho tới giờ này tôi không còn nhớ rõ tên. Chúng tôi hội tụ nhau lại thành một ban nhạc để hát cho bạn bè chúng tôi nghe. Mọi nhạc cụ đều do chính bàn tay chúng tôi tự làm lấy. Nó được thành hình bằng dao, bằng cưa và được đánh bóng, trau chuốt bằng các mảnh chai, hoặc khom người mài từ ngày này sang ngày khác. Tất cả đều đầy đủ chẳng khác nào như ban nhạc sống ở ngoài đời. Từ tây ban cầm, vĩ cầm, đại hồ cầm, cho đến bộ trống, chúng tôi cũng cố gắng thực hiện cho bằng được. Tôi vẫn còn nhớ cái Tết đầu tiên ở trong tù. Một cái Tết được mô tả là ảm đạm, đau buồn và xót xa nhất. Cái Tết của đau thương, của khắc khoải, của nỗi nhớ nhung chồng chất, tích lũy, thai nghén ở tâm não. Cái Tết mà hai chữ tự do bị khóa chặt, cách ngăn bởi các hàng rào dây kẽm gai lầm lì, oan nghiệt, chôn dí cuộc đời chúng tôi ở trong đó.

Năm ấy, chúng tôi được thong thả qua lại, thăm hỏi nhau trong ba ngày Tết. Chúng tôi tổ chức múa lân và lưu diễn văn nghệ cho toàn bốn khu. Dẫn đầu đoàn lưu diễn là ông bầu Phước. Anh trước kia nguyên là sĩ quan tâm lý chiến của Trung Đoàn 16 thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh, đồn trú tại ngã tư Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Anh với tôi là bạn cùng đơn vị. Anh có nhiệm vụ điều hợp và giới thiệu chương trình. Chúng tôi đi đến đâu cũng đều được đón tiếp niềm nở và được tán thưởng nhiệt liệt. Bạn bè ngồi kín mít ở chung quanh để nghe chúng tôi hát. Tôi nhớ mãi nhạc phẩm “Xuân này con không về” của tác giả Nhật Ngân. Ca khúc ấy đã thấm sâu vào huyết quản, vào tim não, vào từng thớ thịt của anh em chúng tôi lúc bấy giờ. Bằng những từ ngữ nhẹ nhàng, giản dị, ông đã lột tả hết được cái tâm trạng ray rứt, u uẩn của những đứa con sau khi tàn cuộc chiến. Những đứa con trong thân phận tủi nhục của người lính bại trận. Những người lính bị lưu đầy, biệt xứ. Những người lính trong mùa xuân tha hương, khao khát nhìn về chốn cũ, về gia đình với nỗi xót xa, chia lìa, ngăn cách. Cuộc đời bị vây hãm, bao bọc bởi những lớp kẽm gai dày đặc giăng kín ở chung quanh. Những tháp canh đứng sừng sững, uy nghi cùng chuỗi ngày tháng mù mịt, đen tối đang đến ở trước mặt. Đảo mắt nhìn sang hai bên, tôi thấy những khuôn mặt hốc hác, ảo não, buồn rũ rượi. Những khuôn mặt nhăn nhúm, đờ đẫn, cùng những giọt nước mắt đang tuần tự hiện ra, long lanh ở trên khóe. Để phá tan bầu không khí nặng nề, u ám đó, chúng tôi quên bẵng đi thân phận tù đầy, dõng dạc cất lên: “Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa lấy lại đêm qua bằng máu…” Mọi người đều nhịp nhàng vỗ tay rồi đồng thanh cất cao giọng hát. Dứt bản nhạc, ai nấy mới giật mình, trố mắt nhìn chúng tôi bằng thái độ sợ sệt, lo lắng. Có tiếng anh nói vọng lên như nhắc nhở:

“Hát nhạc tình đi.”

Tôi hướng về phía anh:

“Anh thích bản nào!”

“Em Hiền Như Ma Soeur được không?”

Tôi gật đầu. Tiếng nhạc đệm bắt đầu trỗi lên. Tôi cất cao giọng hát. Qua tiếng thơ trữ tình của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, được trau chuốt bởi kỹ thuật tài tình, điêu luyện của người nhạc sĩ tên tuổi Phạm Duy, đã đưa bản nhạc đến giá trị tuyệt vời của nó. Dứt bản. Tiếng vỗ tay nổ ran. Hứng khởi, tôi hát liên tiếp. Nghìn Trùng Xa Cách, Nha Trang Ngày Về, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Tôi hát không mệt mỏi. Tôi hát lên bằng sự rung động chình mình. Hát trong buổi đầu xuân tràn đầy nắng mới. Hát trong sự tủi nhục, căm hờn. Hát cho tất cả bạn bè tôi nghe. Những người bạn tù giống tôi. Những người bạn đang ngồi đấy. Những người bạn tù héo mòn, đương thả hồn vương vấn về khoang trời kỷ niệm xa xôi nào đó. Mọi người đều im lặng phăng phắc. Tôi cố cất cao giọng hát, rồi nhỏ dần để châm dứt bản nhạc cuối cùng. Tiếng vỗ tay lại rộn ràng vang lên. Kết thúc. Chúng tôi ngồi lại, quây quần với nhau bên chiếc ca cà phê đặc quánh, cùng đống bánh mứt được gửi vào từ gia đình. Anh ngồi sát bên tôi, kề tai nói nhỏ:

“Cậu nên cẩn thận. Sau Tết thể nào cũng có chuyện rắc rối xảy ra.”

Tôi quay sang anh:

“Cảm ơn anh! Chuyện đó thì đương nhiên. Tôi sẽ có cách xoay sở.”

Thật vậy. Y như lời anh nói. Vừa mới bước sang mồng bốn Tết, chúng tôi lần lượt bị gọi lên làm việc. Người đầu tiên là Phước. Tiếp đến là Thanh, Phong, Lạc, Cang và đến lượt tôi là người sau chót. Vừa thấy tôi bước vào, gã cán bộ đã trợn mắt tỏ vẻ giận dữ:

“Cách mạng đã mở lượng khoan hồng cho các anh vào đây để cải tạo, rèn luyện bản thân. Nào ngờ các anh lại tỏ ra ngoan cố và đồng thời có những tư tưởng chống đối lại chánh sách của đảng và nhà nước.”

Tôi điềm đạm ngồi xuống:

“Cán bộ bảo chúng tôi chống đối. Vậy chúng tôi chống đối ở chỗ nào!”

Gã cán bộ đập mạnh tay xuống mặt bàn:

“Còn không chống đối à! Nếu không chống đối thì tại sao các anh lại hát nhạc vàng trong ba ngày Tết. Còn cờ bay, cờ bay gì nữa đấy!”

Tôi nhỏ nhẹ:

“À! Thì ra cán bộ bảo chúng tôi hát nhạc vàng. Chuyện đấy thì có. Chúng tôi không chối cãi. Chúng tôi có hát loại nhạc này. Bởi vì, điều dễ hiểu, chúng tôi lớn lên ở miền Nam nên loại nhạc này đã thấm sâu vào huyết quản của chúng tôi từ lâu lắm rồi. Ngược lại, như cán bộ sinh sông ở miền Bắc thì cũng thế. Hơn nữa, nhạc cách mạng lại quá mới mẻ đối với chúng tôi. Chúng tôi cần phải có thời gian để làm quen và phải có sự hướng dẫn từ phía cách mạng. Cả như chúng tôi thì ai nấy cũng đều bỡ ngỡ như nhau thì làm sao mà lột tả hết được mọi ý nghĩa sâu xa của nó.”

Gã cán bộ khựng lại. Vài phút sau, gã mới nhìn tôi cười gằn:

“Còn anh! Tôi nghe nói rất nhiều về anh. Người ta phản ảnh với tôi, nào là anh thường hay có tư tưởng bài xích cách mạng. Nào là anh chưa có thái độ tích cực trong học tập cải tạo. Ngay trong bản tự khai, anh vẫn còn cố tình giấu giếm, chưa dứt khoát và không có sự thành khẩn ở trong đó.”

Tôi hạ thấp giọng rồi chậm rãi:

“Cán bộ bảo có người phản ảnh về tôi. Vậy! Cán bộ có thể cho tôi biết họ là ai được không? Họ nói như vậy là trái với sự thật. Lúc nào tôi cũng phấn đấu. Lúc nào tôi cũng thành thật. Lúc nào tôi cũng tin tưởng vô biên vào chánh sách khoan hồng của đảng và nhà nước đề ra. Còn cán bộ bảo tôi không thành thật khai báo, thì điều đó cán bộ nên xét lại. Cuộc đời tôi gói ghém chỉ có bằng đấy, thì thử hỏi tôi lấy đâu ra mà khai thêm được nữa? Chính cán bộ quản giáo cũng từng nói với chúng tôi rằng: Không được thêm hoặc bớt bất cứ điều gì trong bản tự khai. Điều quan trọng hơn hết là phải nói lên sự thật. Tôi nghĩ rằng: Tất cả những gì tôi đã khai ở trong đó, đều làm đúng theo yêu cầu mà cách mạng hằng mong muốn.”

Gã cán bộ ngồi lầm lì giây lát. Mãi sau, hắn ta mới mở lời hăm dọa:

“Các anh phải ráng cải tạo cho tốt rồi sau này còn phải cải tạo về mặt lao động nữa. Đừng có bắt chước theo anh Trương Văn Tến và anh Toản thì chỉ có thiệt thân.”

Tôi nhỏ nhẹ, dằn từng tiếng:

“Chúng tôi lúc nào cũng ra sức học tập. Chúng tôi biết rằng đảng lúc nào cũng trước sau như một. Đảng bao giờ cũng bao dung. Đảng là cái thước để đo lòng người. Đảng lúc nào cũng giơ cao đánh khẽ. Bao giờ đảng cũng sáng suốt. Nhờ sáng suốt nên anh Tến mới bị đưa ra tòa án nhân dân, rồi bị kết án tử hình cũng chỉ vì anh ấy dại dột trốn trại. Còn anh Toản bị nhốt trong cũi sắt cho đến chết cũng chỉ vì anh ấy có tư tưởng chống lại cách mạng. Trước hai cái chết đó, anh em chúng tôi mới sáng mắt ra, đồng thời nhận thấy rằng: Chỉ có mỗi con đường duy nhất là cải tạo thì mới thấy rõ được ngày về.”

Gã cán bộ cau mặt, bực tức chỉ tay ra ngoài:

“Thôi! Anh về dưới lán đi. Chỉ nói vớ vẩn.”

Ngay buổi chiều hôm ấy, gặp anh, tôi liền kể lại cho anh nghe. Anh ra chiều lo lắng:

“Cậu trả lời khôn khéo lắm đấy. Nhưng tôi sợ bọn nó đang để ý đến cậu. Cậu nên cẩn thận thì hay hơn.”

Tôi nói vừa đủ nghe:

“Trước sau thì tôi cũng sẽ trốn. Dù nguy hiểm đến thế nào đi chăng nữa, tôi cũng sẽ trốn khỏi nơi này. Tôi chỉ chờ cơ hội thôi anh ạ!”
Tôi kể cho anh nghe, vào một đêm tối trời, tôi cùng hai người bạn đang chuẩn bị cắt rào để bò ra, thì giữa lúc ấy toán cảnh vệ đột ngột, bất thần đi xuống, khiến cho chúng tôi đành phải hủy bỏ kế hoạch ngay trong đêm đó.

Anh trố mắt nhìn tôi khuyên:

“Cậu gan thật. Đừng dại dột. Không nên. Trốn ra thì chỉ có con đường chết. Tốt hơn hết là phải nhẫn nại chờ cho đến khi ra lao động.”

Nếu tôi nhớ không lầm, thì vào khoảng Tháng Bảy năm 76, chúng tôi được lệnh thu xếp đồ đạc cá nhân và chuẩn bị sẵn sàng tại chỗ. Lại có tiếng bàn tán, sầm xì nổi lên:

“Chắc lại di chuyển đi nơi khác chứ gì!”

“Mà di chuyển đi đâu chứ!”

“Làm sao mà biết được!”

Ai nấy đều thở dài ngao ngán. Lát sau mọi người mới chợt hiểu. Thì ra, thanh lọc lại hàng ngũ. Thành phần nguy hiểm như ban hai, tình báo, an ninh quân đội, chiến tranh chính trị được tách rời ra, tập trung vào một khu riêng biệt. Tôi đem ý nghĩ về họ. Tôi có linh cảm như họ sắp sửa bị đưa đến một nơi thật xa xôi nào đó. Tôi mường tượng ra vùng cao nguyên hẻo lánh mà tôi đã từng đồn trú trước đây. Nào ngờ, mãi cho đến sau này, khi tôi ra tù, tình cờ gặp lại anh bạn cũ, tôi mới biết, họ bị đưa ra lao động khổ sai tận vùng Hoàng Liên Sơn ngoài miền Bắc. Hắn kể cho tôi nghe về trận mưa đá đầu tiên, ngay sau khi họ vừa đặt chân xuống mảnh đất thành đồng của xã hội chủ nghĩa. Họ căm thù chế độ miền Nam. Miền Nam là ung nhọt, là quái thai, là tay sai của đế quốc. Miền Nam là biểu tượng của tội ác. Miền Nam đồi trụy. Miền Nam là cả sự giả tạo phồn vinh. Bao nhiêu căm phẫn đều trút xuống tấm lưng gầy của người tù từ miền Nam đưa ra. Họ bị xỉ vả, bị nhiếc mắng bằng đủ mọi thứ ngôn từ xấu xa, thô tục nhất. Họ ví người lính miền Nam là thứ hung tàn, bạo ngược. Họ không hiểu! Họ bị đầu độc, nhồi sọ ngay từ khi còn ngồi ở ghế học đường. Chánh sách giáo dục thâm độc của nhà nước đã khiến cho mọi người có cái nhìn sai lệch về lịch sử. Đảng muốn gieo vào tâm tư trẻ thơ bằng hạt giống oán hờn. Họ dạy trẻ thơ bằng đủ mọi hình thức. Ngay trong những bài toán đố cũng vậy. Anh bộ đội bắn được ba tên đế quốc Mỹ mỗi ngày. Hỏi, trong vòng một tuần lễ, anh ấy bắn được bao nhiêu kẻ thù? Vì thế, họ chỉ biết có căm thù. Họ chỉ biết có đảng. Đảng là tuyệt đối. Đảng là ngọn đuốc soi sáng, dẫn lối cho họ tiến bước. Mãi cho đến sau này, người miền Bắc mới hiểu được người miền Nam, mới thấy được sự chênh lệch quá xa giữa miền Nam và miền Bắc. Xã hội chủ nghĩa là cái nôi của sự nghèo đói. Hòa bình có, nhưng tự do, no ấm thì không! Xã hội càng ngày càng sa đọa, càng tối tăm đi xuống. Từ đó, họ bắt đầu thay đổi cái nhìn đối với người tù từ miền Nam đưa ra. Hắn còn kể cho tôi nghe, có rất nhiều mối tình nở ra ngay trên đất Bắc, giữa cô y tá trạm xá với một anh tù miền Nam được đưa ra nằm điều trị ở tại nơi đấy.

Thành phần còn lại, chúng tôi được biến chế thành đội ngũ để chuẩn bị đi lao động. Dịp này, tôi may mắn được ở chung với anh cùng một tổ. Anh là mẫu người biểu hiện cho hai chữ tư cách. Lúc nào anh cũng tỏ ra cởi mở, vui tính, hoa nhã với tất cả mọi người ở chung quanh. Chưa khi nào anh tỏ ra khiếp nhược trước thái độ hung hăng của mấy tên cán bộ ngổ ngáo. Với anh, lúc nào cũng nhã nhặn. Lúc nào cũng trầm tĩnh. Lúc nào cũng nụ cười điểm nhẹ ở trên môi, như để che đậy mọi suy tư thầm kín đang tiềm ẩn, tích lũy ở bên trong. Gần anh, tôi cảm thấy mến anh nhiều hơn. Ngay từ buổi đầu tiên, anh đã thầm thì với tôi về cái bản chất nhỏ mọn, xấu xa của tên đội trưởng. Gã nguyên trước kia cùng ở chung với anh một đơn vị. Gã thuộc thành phần không tốt. Gã muốn lập công để về sớm. Gã luôn luôn tỏ vẻ o bế, ve vãn cán bộ. Anh dặn tôi:

“Anh nên đề phòng tên này. Có nó thì đừng có hát.”

Tôi biết! Bao giờ tôi cũng cảnh giác. Tôi hát cho các anh nghe về dòng nhạc tiền chiến. Anh thích êm dịu. Thích Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Thích Lá Đổ Muôn Chiều. Thích Thu Quyến Rũ. Thích Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay. Thích Gợi Giấc Mơ Xưa của nhạc sĩ Lê Hoàng Long. Chuỗi âm thanh lãng đãng, quyện xoắn vào không khí hoang lạnh của buổi hoàng hôn, bên chiếc ca cà phê còn nóng hổi, đắng ngắt, tự nhiên chúng tôi cảm thấy ấm lại. Anh hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình. Tôi nói với anh:

“Tôi có hai cháu. Hiện giờ nhà tôi cùng các cháu đang sinh sống ở Sài Gòn. Còn anh?”

Anh cho tôi biết, anh vẫn còn nằm trong tình trạng độc thân. Anh còn bà mẹ già và bà vẫn thường lặn lội đi thăm nuôi anh. Tôi đem ý nghĩ về các bà mẹ Việt Nam. Những bà mẹ bao la như biển cả mông mênh. Những bà mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào của chính mình. Những bà mẹ mớm cho con từng miếng cơm, truyền cho con từng hơi ấm nồng nàn và chắt chiu, tận tụy, chăm bón cho con đến ngày khôn lớn. Công lao ấy làm sao mà có thể diễn đạt được hết thẩy mọi ý nghĩa cao quí, sâu sắc của nó. Nghĩ đến đấy, tự nhiên tôi cảm thấy dơm dớm nước mắt.

Sống gần gũi với anh chỉ trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi. Trên chuyến tàu đổ xuôi xuống vùng cực Nam của đất nước. Ghé Chương Thiện, ngồi giữa nhà lồng chợ, bên ly cà phê đen đậm như chính cuộc đời của chúng tôi lúc bấy giờ. Chung quanh, hiện ra những người đàn bà tảo tần, lam lũ. Những người đàn bà trong chiếc áo xốc xếch, nhàu nát, cũ mèm, ngả màu theo mưa nắng. Những chiếc áo phản ảnh phần nào đời sống trung thực ở bên ngoài, mà trong đó có vợ con tôi cùng người thân của anh đang bươn chải ở Sài Gòn.

Tàu cặp bến Đá Bạc. Biển động. Chúng tôi phải nghỉ lại một đêm tại xóm chài nghèo nàn, hiu quạnh, rồi hôm sau thức dạy, lầm lũi, trực chỉ tiến thẳng vào nông trường. Nông trường chưa thành hình. Nông trường còn là vùng lau sậy bạt ngàn, kín mít. Bao nhiêu sức lực cùng mồ hôi của chúng mình đổ đầy ở trên đấy. Trên từng các nền nhà. Từng con đường mà chúng ta ra sức đắp từ ngày này sang ngày khác. Từng ao cá cho đến từng ngôi nhà mà chúng mình đã tạo dựng nên. Rồi, nông trường thành hình, bắt đầu đi vào sản xuất. Anh ở lại, còn tôi chuẩn bị lên đường đi nơi khác. Đêm hôm ấy, tôi uống với các anh đến giọt cà phê giảo cuối cùng. Anh đề nghị tôi hát. Tôi hát lên nho nhỏ “Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi…” để riêng tặng các anh. Từ đó, ít khi tôi có dịp hát lại. Lâu lâu, tôi lại chợt nhớ đến anh. Đến khuôn mặt trầm tư mà tôi không thể nào quên được. Khuôn mặt ấy đã cuộn xoắn, vo tròn vào toa tàu kỷ niệm ở trong tôi.

Sáng hôm sau, tôi cùng bạn bè lại lên đường đi đến một phương trời khác. Rồi tôi trốn trại, tìm đường sang biên giới. Anh bạn đi theo tôi bị trúng đạn, bỏ xác nằm sõng soài ngay trên bờ của con kinh Vĩnh Tế. Từng bá súng giáng túi bụi xuống người tôi. Từng cú đá thô bạo thúc mạnh vào cạnh sườn, khiến cho tôi ngất lịm đi lúc nào không biết. Bao nhiêu trận đòn thê thảm, kéo dài từ tuần này sang đến tuần khác và cánh cửa nhà tù lại lần lượt mở ra, nặng nề đóng chặt lại, chôn nhốt đời tôi ở trong đó.

Tôi viết những dòng chữ này cho anh. Những dòng chữ quá muộn màng, thô thiển. Những dòng chữ mộc mạc, chất chứa, thể hiện ở trong đấy cả một chuỗi giây tình cảm chân thật mà tôi hằng ấp ủ từ lâu. Đọc tin anh, tôi bồi hồi, chua xót. Tôi chẳng có thì giờ để đến viếng xác anh! Tôi cũng chẳng có thì giờ để tiễn đưa anh về với căn nhà mới! Căn nhà tĩnh mịch, êm đềm của một đời kế tiếp, bất tận. Đêm đêm, tôi hằng nguyện với lòng mình: Thể nào rồi cũng có một ngày tôi sẽ ra thăm anh! Cuộc đời là biển dâu, là tro bụi, là phù du. Có phải đúng như vậy không anh!

Từ khi biết tin anh trên báo, tôi liền xin lễ cho anh và tối đến tôi thường cầu nguyện cho linh hồn anh sớm được về miền vĩnh phúc. Anh sẽ về. Tôi biết rằng anh sẽ về. Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy anh đang lơ lửng trên các từng mây. Các từng mây bồng bềnh đưa anh về với vùng trời quê hương mới. Quê hương của vĩnh cửu, của an bình. Quê hương với đầy đủ mọi ý nghĩa cao cả về hai chữ hạnh phúc thiêng liêng và đích thật của nó.

Hãy ngủ yên nghe anh!

Vĩnh biệt anh!

Trang Luân
Nguồn Người Việt

TỪ THỨC * PHIM ILE DE LUMIÈRE

 PHIM ILE DE LUMIÈRE

 TỪ THỨC 

Từ Thức (Danlambao) - Cuốn phim "Ile de Lumière" về chiếc tầu được đặt tên là Đảo Ánh Sáng, đã cứu vớt hàng trăm ngàn boat people Việt Nam sẽ được trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia Pháp France 2, 23H05 đêm thứ ba 20/02/2018.
Cuốn phim của điện ảnh gia Nicolas Jallot đã gây xúc động lớn khi trình chiếu trong Đại hội Quốc Tế Phim Ảnh Lịch Sử (Festival International du Film d’Histoire) tại Pessac (Pháp) tháng 11 vừa qua.
Trong 65 phút, cuốn phim đã thuật lại cuộc vượt biển hãi hùng của hàng triệu người Việt đi tìm tự do khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam VN. 
Nhiều khán giả tại đại hội đã không cầm được nước mắt, nhưng cũng đã hãnh diện vì dân tộc Pháp, trong dịp này, đã bày tỏ tinh thần quảng đại, nhân đạo đáng cảm phục. 
Nicolas Jallot nói, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Frnce Inter, có nưóc Pháp trước và sau Ile de Lumière. Trước Ile de Lumière, người Pháp thường chia rẽ, tranh cãi về mọi vấn đề. Ile de Lumière là trường hợp hy hữu tất cả xã hội Pháp đã ủng hộ hết lòng một chương trình nhân đạo. 
Trước Ile de Lumière, nước Pháp chia ra hai phe, tả và hữu. Những gì phe tả ủng hộ, phe hữu chống, và ngược lại. Với Ile de Lumière, hai lãnh tụ trí thức, hai triết gia hàng đầu của Pháp, Jean Paul SARTRE, lương tâm của tả phái, và Raymond Aron, lương tâm của hữu phái, sau 30 năm bút chiến gần như hận thù, đã bắt tay nhau, vào điện Elysée để yêu cầu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đón nhận boat people. 
Sartre trước đó đã từ chối giải Nobel văn chương, từ chối gặp gỡ bất cứ một chính trị gia nào bị ông ta cho là phản động. 
Lần đầu tiên tất cả báo chí thuộc mọi khuynh hướng đều nồng nhiệt ủng hộ một chương trình nhân đạo. Trừ một bài báo rụt rè trên tờ L’Humanité của Đảng Cộng Sản Pháp, tờ báo vốn bênh vực người anh em Cộng Sản Việt Nam một cách nhiệt thành hơn, chỉ trích các đảng phái chính trị khác đã "lợi dụng một thảm kịch để bôi nhọ cuộc chiến đấu của người Cộng Sản VN.". Nhưng đó chỉ là tiếng nói trong sa mạc
Trước một phong trào nhân dân nhất trí chưa từng có, tổng thống Pháp đã quyết định đón nhận, giúp an cư lạc nghiệp cho 130.000 boat people, mặc dù chính sách của ông lúc đó là hạn chế tối đa di dân vì nước Pháp đang gặp khó khăn kinh tế và vấn đề di dân đã bắt đầu rắc rối trong xã hội Pháp. 
Nicolas Jallot nói sau đó, nước Pháp đã đón nhận 300. 000 thuyền nhân, và họ đã hội nhập, thành công, đóng góp cho xã hội Pháp, không gây một vấn đề gì.
Nicolas Jallot là một điện ảnh gia, một tác giả chuyên về những vấn đề hậu Cộng Sản. Ông đã viết hàng chục cuốn sách và nhiều phim tài liệu về Nga, Đông Âu, nhất là giai đoạn sau khi bức tường Berlin sụp đổ. 
Ông nói lần đầu, thực tế phũ phàng về thiên đường Cộng Sản đã đập vào mắt người Pháp. Trước đó đã có những tác phẩm tố cáo, như những tác phẩm của Soljénitsyne, nhưng không có gì gây ấn tượng mạnh hơn là những hình ảnh. 
Mỗi ngày, trong mỗi gia đình, người ta theo dõi hoạt động của con tàu Ile de Lumière, không cầm được nước mắt trước địa ngục trần gian và hãnh diện thuộc một dân tộc đã đứng ra cứu vớt người tỵ nan.
Hình ảnh boat people lần đầu đến với người Pháp đầu tháng 11/ 1978 với phóng sự về tàu Hải Hồng, một con tàu chờ 2500 thuyền nhân bị chặn ở biển, không được phép vào hải phận Malaysia. 
Hai ngàn 500 người đói khát, bịnh tật giữa trùng dương. Từ đó, các phóng sự liên tiếp trên các đài truyền hình nói về thảm cảnh của hàng triệu người Việt Nam bất chấp sóng biển, hải tặc cướp bóc, hãm hiếp đã vượt biển tìm tự do, chạy trốn một xứ sở mà trước đó báo chí thiên tả nói vừa được giải phóng. 
Cả một thế hệ người Pháp, chứng kiến trực tiếp cuộc chạy trốn kinh hoàng của người Việt, đã coi như được chích ngừa vĩnh viễn giấc mộng "xã hội chủ nghĩa" kiểu Mars, Lénine.
Hình ảnh bi thảm của thuyền nhân tàu Hải Hồng đã khiến Bernard Kouchner, một "French doctor" nổi tiếng về những chương trình nhân đạo ở Phi và Á Châu, nghĩ đến việc tạo con tàu Ile de Lumière đi cứu vớt thuyền nhân lênh đênh ngoài biển cả. 
Sáng kiến của bác sĩ Kouchner được cả nưóc Pháp ủng hộ, khởi đầu là các nhà trí thức, nghệ sĩ tên tuổi như Michel Foucault, André Gluckmann, Yves Montand, Simone Signoret. 
Ile de Lumière đã tuần tiễu cả vùng biển Đông Nam Á để cứu, chăm sóc và định cư hàng trăm ngàn thuyền nhân, mở đầu cho nhiều con tàu khác, nhiều chương trình nhân đạo lớn lao khác.
Sau 1975, đã có hàng triệu người vượt biển. Ít nhất một phần ba đã bỏ mình trên biển cả.
Việc một đài truyền hình quốc gia chiếu một cuốn phim về thuyền nhân VN chứng tỏ, vói công luận thế giới, đó vẫn còn là một thảm kịch lớn nhất trong lịch sử cận đại.

https://vimeo.com/232827503

HUY PHƯƠNG * VĂN TẾ NẠN NHÂN BỊ THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN 1968

 VĂN TẾ NẠN NHÂN BỊ THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN 1968
 HUY PHƯƠNG

Huy Phương (Danlambao)

Trước anh linh liệt sĩ,
vị quốc vong thân
Trong khung cảnh trang nghiêm,
hương trầm phảng phất
Quần tụ nơi đây các chiến hữu,
cán chính, quân dân
Xin cúi đầu tưởng niệm đến người đã khuất.


Hỡi ôi!
Xưa Mậu Thân,
Nay đà Mậu Tuất.
Năm mươi năm, oan khuất dậy Trời
Sáu nghìn sinh mạng chôn vùi
Trong hầm tập thể, bên đồi dưới khe.

Nhớ một thuở làng quê phố thị,
Cảnh Xuân về Tết lễ yên vui.
Miền Nam thịnh trị một thời
Làng trên xóm dưới, người người hân hoan.
Bọn giặc Bắc tham tàn khát máu
Tiếng súng chen tiếng pháo Giao Thừa.
Vờ ngưng bắn, cướp thời cơ
Tấn công đồng loạt giữa giờ thiêng liêng.
Đạn pháo kích giữa đêm chát chúa
Nòng AK toé lửa trong khuya.
“Việt Cộng về! Việt Cộng về!”
Gọi tên đập cửa, tiếng nghe lạnh mình.

Đây là người chiến binh nghỉ phép
Anh sinh viên nhân dịp thăm nhà.
Từ công chức đến thương gia,
Đều là quân Nguỵ chẳng tha đứa nào!
Vòng điện thoại từng xâu trói chặt
Giây lạt tre cứa nát thịt da
Xẻng cuốc dùng đập đầu già
Lưỡi lê đâm suốt thịt da dân lành.
“Tổng nổi dậy,” dân tình đâu thấy
“Tổng tiến công” máu chảy đầu rơi!
Oan khuất gọi chẳng thấu Trời,
Tội ác ấy đời đời khó quên.
Bọn nằm vùng dựng lên toà án
Trả oán thù xử bắn công khai.
Vùi nông một nấm sơ sài
Gà bươi chó gậm xót người thác oan.

Hai mươi hai hầm chôn tập thể
Hai mươi bảy ngày cho Huế thương đau.
Xác nào vùi lấp Bãi Dâu
Xác nào chôn sống Nam Giao, Đá Mài
Nọ là trảng cát dài Phú Thứ,
Chùa Tường Vân món nợ oan khiên!
Đông Ba, Gia Hội hai miền
Mỗi ngày bắn giết, mỗi đêm chôn người.
Khăn tang trắng một trời tang tóc,
Tiếng kêu gào than khóc bi ai.
Mảnh sọ này thuộc về ai?
Thịt xương lẫn lộn trăm thây một hầm.
Những ống xương tay chân gẫy nát
Những hốc mắt đầy cát lẫn bùn.

Thương thay số phận khốn cùng
Khăn tang trắng cả một vùng cố đô.
Còn đâu Huế Đẹp, Huế Thơ
Trầm hương ai đốt khóc cho Huế Buồn?
Lập loè nhang khói Âm Hồn
Âm u Thành nội con đường ma trơi.
Nỗi oan khuất gọi Trời chẳng thấu
Hồn bơ vơ nương náu nơi nao.
Chẳng thà chiến địa binh đao
Tay không dân cũng vỡ đầu, nát thây.

Diệt chủng tội ác này phải nhớ
Hậu sinh xin sách sử đừng quên
Bao nhiêu người chết oan khiên
Bao nhiêu nấm mộ đầu chen với đầu
Huế bao phủ một mầu oan trái
Khăn tang liền một dãy khăn tang
Khắp nơi u uất đèn nhang
Xót xa người vợ tìm xương cốt chồng.

Cả thành phố chan dòng nước mắt
Bi thương cảnh kẻ mất người còn.
Mẹ già lên núi tìm con
Tay gầy bới xác tìm xương con mình.
Những hầm mộ mùi tanh tử khí
Kẻ sát nhân, bọn quỹ lốt người.
Oán hận này chẳng hề nguôi
Hương Giang nước đã tanh mùi máu dân.

Ngày nay mộ Ba Tầng san phẳng
Bia nạn nhân chúng quẳng xuống hồ.
Lịch sử viết lại mập mờ
Con đen đánh lận nửa ngờ, nửa nghi.
Lũ sát nhân một khi thắng trận,
Tự vinh danh thành bọn anh hùng.
Mỗi năm mở tiệc ăn mừng
Nâng ly rượu máu tiệc tùng, liên hoan.
Chúng tráo trở nói ngang nói ngược
Chẳng sợ điều nhơ nhuốc dối gian.

***

Hồn oan, cỏ nội mây ngàn
Về chung chén rượu giải oan nơi này.
Năm mươi năm đêm ngày phải nhớ
Xót xa cùng món nợ năm xưa
Thời gian không dễ xoá mờ
Hãi hùng tiếng pháo Giao Thừa Mậu Thân.

Câu chuyện cũ đã có lần cha kể
Mà con nghe giọt lệ buốt lòng
Nến ôi, nến chảy hai dòng
Như nước mắt Huế khóc trăng Đá Mài
Tường Vân mảnh đầu ai vỡ nát
Gia Hội chôn trăm xác sân trường
Bãi Dâu vất vưởng oan hồn
Xót thương Phú Thứ tóc vương chân người.

Một nén hương góp lời cầu nguyện
Ba hồi chuông chuyển kiếp trầm luân.
Cầu cho hết thảy nạn nhân
Siêu thăng tịnh độ được phần an nhiên.
Cầu đất nước ba miền thịnh trị
Không còn loài ác quỹ gian manh.
Để cho trăm họ yên lành
Lại nghe tiếng pháo thanh bình năm xưa!

(Mậu Thân Đệ Ngũ Thập Niên Kỷ Niệm)

Huy Phương cẩn bút
danlambaovn.blogspot.com



No comments:

Post a Comment