VÕ KỲ ĐIỀN * VÀI NHẬN XÉT BÚT PHÁP TRÀ LŨ
VÀI NHẬN XÉT BÚT PHÁP TRÀ LŨ
Võ Kỳ Điền
Tôi quen nhà văn Trà Lũ đâu chừng trên dưới hai mươi năm. Trong khoảng thời gian đó tôi đã nhận được từ nhà văn, tất cả là mười cuốn sách quí được gởi tặng.
Lẽ ra tôi phải gọi nhà văn Trà Lũ bằng thầy, bỡi vì tôi xuất thân từ
trường Sư Phạm mà nhà văn Trà Lũ đã từng là Giáo Sư dạy ở đó. Lần đầu tiên khi gặp nhau, tôi gọi nhà văn Trà Lũ là thầy với tất cả những gì kính trọng, quí mến.
Nhưng mà nhà văn đã không cho tôi xưng hô như vậy và chỉ muốn tôi gọi
bằng anh trong tình văn hữu -cung kính bất như tùng mạng, tôi bắt buộc
phải nghe theo, từ đó về sau tôi thường gọi nhà văn Trà Lũ bằng anh,
tiếng anh thân kính, tuy bên ngoài là anh mà bên trong vẫn là thầy.
Dầu
tôi không được may mắn học trực tiếp với thầy Trần Trung Lương ở trường
nhưng bù lại được học hỏi rất nhiều những gì thầy đã viết ra trong
sách. Hôm nay nhân ngày thầy Trà Lũ ra mắt cuốn thứ mười, tôi xin phép
được khoe với quí vị những nét tài hoa của nhà văn Trà Lũ. Mà chắc là tôi không cách gì nói hết được đâu, bỡi vì Trà Lũ viết hay lắm. Quen biết nhà văn Trà Lũ một khoản thời gian khá dài, con người, tánh tình và nếp sinh hoạt của ông, tôi biết được chút ít. Đọc văn thì biết người. Mà đã biết người rồi, thì thấy văn cũng giống y như vậy.
Có thể coi Trà Lũ như một người cực kỳ thông minh, dáng vẻ điềm đạm,
khéo giao thiệp, dễ hoà mình với mọi người, nhứt là tánh tình giản dị,
tươi vui, yêu đời đầy nét duyên dáng, hóm hỉnh. Ông đến với xứ Canada nầy như cá gặp nước vậy. Ông đối với đời đẹp quá và đời đối với ông cũng đẹp nữa.
Cứ
nhìn ông giao tiếp với bạn thì biết, cụ Chánh, cụ B.95, ông ODP, ông
H.O, ông Từ Hòe, chị ba Biên Hòa, anh John, cha Paolo,… có nam, có bắc,
có đông, có tây, có liền ông và liền bà, có già có trẻ. Người
nào cũng hiền lành tử tế, đối xử nhau tương thân, tương kính, thuận
thảo, có món ngon vật lạ cùng nhau thưởng thức chia xẻ, có chuyện gì vui
cùng kể cho nhau nghe, có chuyện gì lạ cũng báo cho nhau biết,… rồi xúm nhau cười ào ào. Đời thiệt là vui và đáng sống hết sức. Chưa bao giờ tôi thấy các nhân vật Trà Lũ cau có, quạu quọ, giận hờn, tranh chấp hơn thua, cãi vã, dèm pha, ganh tỵ, chữi rủa nhau, bơi móc nói xấu nhau…
.
Mười cuốn sách đã phát hành, nhan đề đều có chữ ‘Đất’ như vậy là tác giả có dụng ý khi đặt tên tác phẩm. Nhà văn Trà Lũ muốn gởi gấm điều gì qua các đứa con tinh thần của mình? Rõ lắm, tác giả hết lời ca tụng đất nước Canada rộng lớn vĩ đại, giàu có và thanh bình. Canada là vùng đất tác giả đã chọn lựa khi định cư, được coi như là quê hương thứ hai. Tất cả các quyển được viết theo cùng một khí văn nhất quán -hơi văn đi một mạch, mười cuốn như một, một cuốn như mười. Lối hành văn lưu loát, nhẹ nhàng, tự nhiên, lôi cuốn, ý nhị, câu chuyện thoắt biến thoắt hiện, tài tình. Tác giả viết tự nhiên như là đang kể chuyện trực tiếp cho độc giả, là chúng ta nghe. Nghe hoài nhưng không chán, trái lại còn say mê theo dõi nữa. Khó có ai cầm quyển truyện trên tay rồi, lại bỏ xuống cho được. Câu chuyện liên tục, nồng ấm, hấp dẫn... quá sức lẽ mình! Ông
thường tường thuật lại những buổi hợp mặt thân hữu vào những ngày lễ
hội, ngày Tết, ngày kỷ niệm,… cùng nhau bàn luận chuyện đông tây kim cổ,
chuyện nọ chuyện kia, những bài thơ, bài báo, sách vở, đôi khi tiếu lâm
nữa, khiến buổi họp mặt sôi nổi, hào hứng, xen vào đó vài chuyện tiếu
lâm lạt hay mặn… có khi mặn tới quéo lưỡi, khiến các bà đỏ mặt mà vui.
Nội
dung câu chuyện lúc nào nhà văn Trà Lũ cũng ca ngợi quê hương mới là
đất Canada, hăng say, nồng nhiệt, không hề rụt rè, không đắn đo so bì,
Canada là số một, Canada là thiên đường. Ban
đầu tên các tác phẩm được đặt là Miền Đất Hạnh Phúc, rồi Đất Mới, Đất
Hứa, Đất Thiên Đàng, Đất Yêu Thương, Đất Lạnh Tình Nồng, Đất Quê Ngoại,
Đất Anh Em và cho mãi tới cuốn thứ mười, cuối cùng thì Trà Lũ mới dám
gọi Canada là Đất Nhà. Tại sao phải tới cuốn thứ mười tác giả mới gọi như vậy?
Cái lý do nào mà Trà Lũ đi loanh quanh lẫn quẫn, gọi Canada là đất nầy
đất kia, đi lòng vòng mãi ở ngoại ô mà không dám tiến thẳng vào thủ đô,
không dám ôm Canada vào lòng mà hôn hít nó, gọi là đất của mình, tuy tác
giả đã có quốc tịch Canadian đã trên 30 năm rồi ?
Rất là dễ hiểu, bỡi vì trong đầu tác giả, còn đầy ắp một đất nước Việt Nam, trong trái tim
tác giả còn đập nhịp tư tuởng, tình cảm Việt Nam thiệt là lớn, làm sao
một sớm một chiều mà quên phắt cho được. Quê hương chỉ có hai chữ đơn
giản vậy thôi, sao lại khiến người ta khắc khoải. Trà Lũ đã viết :
-nếu định nghiã quê hương là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là con đò
nhỏ, thì ở hải ngoại nầy chúng ta không có quê hương sao? Cụ Chánh tiên chỉ làng đáp ngay -có quê hương chứ, có nhiều chứ. Chúng ta đi mang theo
quê hương mà. Bao lâu chúng ta và con cháu chúng ta còn nói tiếng Việt,
ngâm thơ Nguyễn Du, đọc thơ Nguyễn Công Trứ là bấy lâu chúng ta còn có
quê hương. Bao lâu chúng ta còn ăn Tết nguyên
đán, còn cúng giỗ tổ tiên, còn tri ân quốc tổ, là bấy lâu chúng ta còn
có quê hương. Bao lâu chúng ta còn nấu phở, chiên chả giò, ăn nước mắm
là bấy lâu chúng ta còn có quê hương.
Nhà
văn Trà Lũ đã bổ túc cái nhìn thiếu sót dùm cho tác giả chùm khế ngọt
Đỗ Trung Quân, quê hương không phải chỉ là dải đất hình chữ S bên bờ
Thái Bình Dương với núi non, cây cỏ, hoa thảo, sông nước, mà quê hương
còn bao gồm cả con người Việt Nam với tất cả những nét văn hóa đặc thù
từ cách sống, cách ăn, mặc, đi đứng cùng phong tục, tập quán, văn học,
nghệ thuật,… và các hình thái sinh hoạt tinh thần nữa.
Các bài viết trong tác phẩm là những chứng minh hùng hồn của Trà Lũ về lòng thương nhớ quê hương đó. Không phải tự nhiên rảnh rổi mà viết nhiều tới mười cuốn như vậy. Ông
muốn chứng minh cho chúng ta, những độc giả quen thuộc, hình ảnh của
quê hương yêu dấu khi dứt áo bỏ nước ra đi, chúng ta đã mang theo được
và suốt đời không bao giờ quên, qua các món ăn, chả giò, phở, bánh cuốn,
nem nướng, chả nướng, thịt bò, thịt heo, thịt chó,… đến chiếc áo dài
tha thướt, chiếc nón lá bài thơ, cái yếm phụ nữ thơ mộng, chiếc váy cùng
cái quần củn cởn… Đi du lịch
Alaska hai tuần, nhà văn Trà Lũ ăn uống toàn món ngon vật lạ, cuối cùng
rồi cũng nhớ tới nước mắm, thèm thuồng và ước ao, nhắc nhở cho những
người đi sau đừng quên mang theo. Ôi, nước mắm là món ăn thuần túy quê hương, nước mắm là Việt Nam, dù ở góc biển chưn trời, làm sao mà quên cho được.
Nhà
văn Trà Lũ cũng đã bổ túc cho chúng ta nhiều lắm, ngoài tình yêu quê
hương tha thiết, chúng ta còn học hỏi nhiều qua cái kiến thức rộng rãi
của ông. Ông đã có lần nhắc tới cha Đỗ Minh Vọng, khiến tôi xao xuyến. Đó là một vị giáo sư mà tôi kính mến. Tôi
đã may mắn được học với cha mấy năm tròn. Cha người Pháp tên Cras, to
lớn con, tánh tình hiền lành dễ thương, đi dạy thường mặc áo chùng thâm
và lái chiếc xe Lambretta củ. Kiến
thức của cha rất rộng, nhờ cha giảng dạy cấu trúc câu văn và tiếng Việt
Nam mình so với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà tôi hiểu thêm tiếng
Việt, qua hai môn Văn Chương Tỉ Giảo (Littérature Comparée) và Ngữ
Nguyên Học (Étymologie). Không
biết phải cần bao nhiêu năm học hỏi nữa, bao nhiêu công sức nữa, tôi,
một người Việt Nam rặt ròng, mới hiểu biết được ngôn ngữ Việt Nam như
cha đã hiểu biết !
Cha Cras giỏi tiếng Việt bao nhiêu thì nhà văn Trà Lũ cũng đâu có thua kém. Khi
bàn về cái váy của dân tộc, chúng ta thấy nhà văn cực kỳ thông minh và
bén nhạy, chúng ta cùng cười xòa khi Trà Lũ nhắc tới bài thơ Vũng Lội
Làng Ngang của Nguyễn Khuyến.
Bài thơ đó như vầy :
-Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đó vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối,
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười,
Cái gì trăng trắng như con cúi
Thời cụ Nguyễn Khuyến, đàn bà Bắc Kỳ vẫn còn mặc váy. Rõ ràng cụ bà mặc váy. Chữ vén quần trong bài thơ tôi ngờ là nhà in chép sai. Tiếng VN nói vén váy chứ không nói vén quần bao giờ.
Lại nữa, theo mạch văn, nếu mặc quần mà xắn lên thì Ông Cuội chỉ thấy
bắp đùi là cùng, không thể thấy con cúi được, do đó câu trên phải là
“đàn bà đến đó vén váy lên” Ôi chao, cái váy làm phiền Ông Cuội và cụ Nguyễn Khuyến quá..
Nhận xét trên của nhà văn Trà Lũ thật là tinh tế, sự thật là -vén váy chớ không phải vén quần. Nhưng câu thơ viết -đàn bà đến đó vén váy lên, nghe không được, vén quần lên, êm tai hơn. Tiếc
một điều, thơ văn VN mình vào cuối thế kỷ 19 chưa có trường phái ‘Bút
Tre’, trường phái nầy sanh sau đẻ muộn, mãi đến thời văn minh Xã Hội Chủ
Nghiã mới phát minh ra lận. Dù sao thì váy và quần hình thức tuy có khác nhưng nội dung giống nhau, mặc để che kín phần dưới con người. Có
điều nhà văn Trà Lũ không giải nghiã cho chúng ta hiểu chữ con cúi,
nhắc tới con cúi thì ông Cuội cười trước, chúng ta cười sau… Cứ xúm nhau
tưởng tượng rồi cười, cười mà không hiểu rõ, con cúi là con gì? Tôi tò mò lật tự điển Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ, rồi Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của, đọc rõ tự điển ghi con cúi có 4 nghiã :
1/ cá cúi : cá có nhiều mỡ như heo biển
2/ heo cúi : con heo
3/ con cúi : rơm cổ vấn dài để làm hỏa mai.
4/ bông cán bắn ra rồi, xe tròn từng con dài để mà kéo chỉ = cũng hiểu là con heo.
Như vậy dầu là rơm vấn để làm mồi lửa hay là bông vải vấn tròn để xe chỉ (cả hai đều có hình dáng con heo, cái bắp đùi giống con heo), bốn nghiã cũng là con heo. Con heo và thịt heo, tiếng Tây là cochon, là porc. Từ chữ cochon có chữ cochonner (làm bậy) cochonnerie (dơ dáy, bẩn thỉu, thô tục) Việt Nam hay Tây dù là nghiã nào thì cũng là con heo, đồ con heo với chuyện con heo… xấu thiệt là xấu, nghiã đen lẫn nghiã bóng.
Trong
quyển Người Tù Khổ Sai Papillon, bản tiếng Pháp, tôi nhớ có đoạn ông
Papillon khi bị giam ở quần đảo Guyane thuộc Pháp, có nhắc đến chuyện
mượn con heo của một người tù Bắc Kỳ (Tonkinois) mà người tù nầy gọi con
heo nhỏ của ông ta là ‘con cúi’. ‘Con cúi’ ủn ỉn đi trước, Papillon lò
dò theo sau từng bước, thì tránh được nguy hiểm, khỏi lọt xuống các bãi sình vắt võng xung quanh trại giam, trốn thoát được ra ngoài. Ông
Papillon đã dùng chữ ‘le con cui’ rõ ràng trong tác phẩm. Tôi đọc ngang
đây thì biết rõ ông Papillon viết đúng sự thật, không hề thêu dệt như
một số nhà văn ngồi nhà mà tưởng tượng… Ông không dùng chữ annamite và
cochon, mà dùng chữ ‘Tonkinois’ và ‘con cui’ trong câu chuyện. Trong Nam hồi tôi còn nhỏ, nghe mấy bà hàng xóm thường nói :
-chiều rồi phải lo cho heo cúi ăn. Như vậy ở ngoài Bắc thời Nguyễn Khuyến gọi con heo là con con cúi là đúng. Nhưng
con heo của Papillon là heo Việt Nam, loại heo mọi nhỏ và đen, còn heo
của Nguyễn Khuyến, tại sao lại trăng trắng, thiệt tình tôi không biết. (heo Việt Nam bây giờ trắng to là giống heo ngoại quốc mới nhập cảng sau nầy) Có vị nào biết được, xin được chỉ giáo, thành tâm đa tạ.
Bàn
về giọng Nam, giọng Bắc, nhà văn Trà Lũ khá công bình, ông viết không
thiên vị, mỗi miền đều có cái hay cái dỡ, tùy theo trường hợp mà dùng
giọng nầy hay giọng kia. Giọng nào ông cũng yêu hết : -Ông
bồ chữ ODP góp thêm ý. Rằng hát tân nhạc, các ca sĩ người Nam cũng phải
hát theo tiếng Bắc thì mới hay. Ví dụ lời ca ‘Anh ơi anh, chuyện chúng
mình ta tính đi thôi..'’nếu hát theo tiếng
Nam ‘ăn ơi ăn, chuyện chúng mìn ta tín đi thui’ thì không thấy hay gì
hết. Nhưng khi ngâm vọng cổ thì anh nghệ sĩ Bắc Kỳ phải theo tiếng Nam thì mới thấy muồi…
Nhà
văn Trà Lũ đã có nhận xét thật chí lý. Quả là đúng như vậy, chuyện hát
tân nhạc và vọng cổ chứng minh rõ ràng tùy theo trường hợp nào thì nên
dùng giọng Nam, khi nào nên dùng giọng Bắc. Nhưng viết ngang đây tôi xin
đóng góp vài nhận xét, đa số nhạc sĩ đặt bài hát (compositeur) là người
Bắc, nên ca sĩ phải hát theo giọng Bắc, nhạc sĩ là người Trung thì ca
sĩ phải hát theo giọng Trung, nhạc sĩ là người Nam phải hát theo giọng
Nam (như Phương Dung hát nhạc Lam Phương) Có một số nhạc sĩ người Nam khi viết nhạc bắt chước viết theo lối văn Bắc thì ca sĩ cũng phải hát theo giọng Bắc.
Hình thể đất nước ta thiếu chiều ngang mà phát triển theo
chiều dọc, thời chúa Nguyễn chế độ doanh điền tổ chức các đợt di dân
từng vùng ở đất Bắc vô đàng trong khai thác đất mới. Vùng châu thổ sông
Hồng, vùng trung du, vùng thượng du Bắc Việt, vùng biên giới, đồng bằng,
núi non cao thấp, xa gần khác nhau, giọng nói có khác nhau, khi vào
trong Nam thì định cư từng đợt một, từng tỉnh một, theo chánh sách tằm
ăn, nên giọng nói từng tỉnh, từng vùng trong Nam cũng lại biến đổi thêm
chút nữa… Huế khác, Quảng Trị khác, Quang Nam khác, Quảng Ngãi khác,
Bình Định khác, Lục Tĩnh khác… Giọng nói có biến đổi và tiếng nói cũng khác biệt đôi chút, theo thời gian. Trà Lũ đã chứng minh..
….Tiếng
Bắc xưa nay vẫn được xem như là tiếng gốc tiêu chuẫn, thực sự đã biến
thái do ảnh hưởng của tiếng Hán và sau nầy của tiếng Âu Châu. Tiếng Việt nguyên thủy đã từ miền Bắc theo chân lớp di dân vào miền Nam. Khoa ngôn ngữ học đã cho thấy: các di dân bao giờ cũng mang theo
và bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Cách đây mấy trăm năm, những người di dân vào
miền Nam này thuộc gia đình vợ con lính tráng và những tù nhân phải lưu
đày. Tiếng nói của họ là tiếng nói ban đầu, tiếng Việt tinh ròng và bình
dân. Một chứng cớ rõ ràng nhất về việc nầy là tiếng Việt miền Nam có
rất nhiều từ giống y như tiếng người Mường miền thượng du Bắc Việt. Mà người Mường được coi là nhóm người Việt cổ.
Anh John trưng dẫn một bằng chứng. Trong bài ca dao nói lên nỡi lòng của anh con trai xứ Đàng Ngoài nhớ người yêu đã vào xứ Đàng Trong, anh đã nói thế nầy :
Đường vô xứ Nghệ loanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…
Trong mấy câu thơ nầy, tiếng Vô và tiếng Thuơng là tiếng Bắc Kỳ rõ ràng chứ không phải tiếng miền Nam đẻ ra sau nầy. Lời anh Bắc Kỳ mà. Tiếng Vô và tiếng Thương nầy, cũng như trăm ngàn tiếng Bắc khác, đã theo lớp di dân từ Bắc vào Nam…
Đọc
ngang đây tôi thấy nhà văn Trà Lũ thiệt là có lý và đâm nhớ lại một
định luật căn bản của môn ngữ học (linguistique) -dân tộc nào càng đi xa
khỏi quê hương thì càng giữ lấy cái gốc của quê hương. Người
miền Nam là những người bỏ xứ ra đi vào các thế kỷ 16, 17, 18… thì họ
là những người giữ lấy tiếng nói quê hương vào thời kỳ đó. Còn ở đất Bắc quê hương gốc, thì ngôn ngữ mỗi ngày
mỗi thay đổi, phát triển… Có thể ví người miền Nam nói tiếng Việt khác
người Bắc, giống như dân Canada, dân Mỹ, Úc, nói tiếng Anh, dân
Quebecois nói tiếng Pháp, khác hẳn dân Anh và dân Pháp chánh gốc.
Viết
ngang đây thì tôi sực nhớ tới chúng ta, những người tỵ nạn xa xứ gần 30
năm nay, nếu có dịp mà trở về quê hương, đôi lúc chúng ta phải ngỡ
ngàng vì mình và người trong xứ, nói chuyện khác biệt nhau nhiều lắm. Khác biệt về giọng nói như nhà văn Trà Lũ nhận xét: -Đó
là cái giọng the thé của người Hà Nội bây giờ. Nó ngọng như người Mường
nói tiếng Kinh… Khi vợ tôi đến thăm và nghe vợ tôi nói chuyện thì cụ ôm
chầm lấy vợ tôi rồi kêu ầm lên :’Các con ơi, các cháu ơi, ra đây mà nghe tiếng Hà Nội nầy. Cô đây móùi thực là người Hà Nội và nói đúng tiếng Hà Nội thời xưa nầy.”
Bà cụ nói -tiếng Hà Nội ngày xưa, là muốn ám chỉ ngôn ngữ Hà Nội những năm trước 1954. Có một nhạc sĩ đã nhận xét về giọng Hà Nội bây giờ cao hơn ngày trước một phần tư (1/4) octave. Cũng
vậy nếu bà con trong Nam bây giờ mà gặp chúng ta từ Mỹ, Canada, Úc về
thì họ sẽ kêu lên là chúng ta nói đúng ngôn ngữ Sài Gòn trước 1975. Nếu không khác biệt về giọng nói thì cũng khác biệt nhau về tiếng nói. Có nhiều tiếng Việt bây giờ lạ lùng lắm, trong đối thoại hoặc trên sách báo, chúng ta hoàn toàn không hiểu. Hay hay dở, đúng hay sai, phát triển hay thoái hóa, thời gian sẽ gạn lọc… Duy có điều chúng ta, những người tỵ nạn xa xứ có thể tự hào -chúng ta là những người bảo tồn nguồn gốc dân tộc. (đọc Mười Ngàn Năm, thuật chuyện cô Mùi, gốc gác người Việt xa xăm ở Quảng Tây, Đất Quê Ngoại, trang 167)
*
Sau khi đọc qua tất cả các bài viết và ghi chép vài nhận xét chúng ta thấy ngay sở trường Trà Lũ là viết theo thể loại tùy bút, loại văn nầy có từ thời Lê mạt Nguyễn sơ, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Các tác phẩm buổi ấy phần nhiều ghi chép những điều tác giả mắt thấy tai nghe, tùy bút là theo ngọn bút, gặp cái gì chép cái ấy. Hai quyển Vũ Trung Tùy Bút (theo
ngọn bút viết khi mưa) và Tang Thương Ngẫu Lục (ghi nhanh các chuyện
tang thương, viết chung với Nguyễn Án) của Phạm Đình Hổ là hai tác phẩm
tiêu biểu, mẫu mực. Sau nầy thể loại tùy bút là sở trường của nhà văn Nguyễn Tuân (Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, Chùa Đàn, Vang Bóng Một Thời…
Tùy bút dễ viết mà khó hay. Tại sao vậy? Bỡi
vì khi viết một truyện ngắn, tác giả phải suy nghĩ cho có lớp lang, câu
chuyện phải đặc biệt, phải hấp dẫn, bên trong phải có một thông điệp,
phải có tình cảm đậm đà hoặc tư tưởng cao xa để gởi gấm, bố cục phải
chặt chẽ, các ý tưởng phải mạch lạc, thông suốt. Chuyện và văn không được giống những gì người đi trước đã viết. Trong
khi đó thì tùy bút không đòi hỏi bất cứ điều gì, cứ đặt bút xuống, thấy
gì viết nấy, đôi khi không cần đến mạch lạc, miễn sao tác giả và độc
giả vui thích là được. Đọc tùy bút ta có cảm tưởng như đọc một cuốn sổ tay, tác giả ghi những điều chợt xảy ra trong óc hay nhân một việc gì đó mà nhớ đến chuyện nầy chuyện kia… Vì dễ viết và viết nhanh nên muốn cho hay, cho xuất sắc là điều rất khó. Văn bản cần giản dị nhưng phải làm sao đạt được tánh chất sinh động và hấp dẫn, bộc lộ được hết nét tài hoa, nét đặc thù... Nguyễn Tuân thành công lớn được nhờ nét khinh thế ngạo vật, Võ Phiến nhờ tánh thâm trầm, quan sát tỉ mỉ, tinh tế… Hiện nay thì có Tưởng Năng Tiến ngang tàng, cười cợt, châm biếm (Sổ Tay Phó Thường Dân). Bùi
Bảo Trúc thông minh, sắc sảo, tài hoa (Thư Gởi Bạn Ta)… Ở Canada mình
cũng có hai nhà văn viết tùy bút nổi danh, được mọi người yêu mến, nhà
văn Song Thao ở Montréal và nhà văn Trà Lũ của chúng ta.
Ngòi
bút Song Thao thì kỹ lưỡng, tỉ mỉ, viết chuyện nào ra chuyện đó, mỗi đề
tài là một trọng tâm, các tài liệu được dẫn chứng đầy đủ, thượng thông
thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự. Nhà văn tài hoa vùng đất
nói tiếng Tây thiệt là giỏi, bao nhiêu chuyện của nhân gian nầy ông viết
hết không thiếu món ăn chơi nào. Ông gọi thể loại tùy bút là chuyện phiếm. Phiếm có nghiã là nói chơi, nói tào lao, nói bao đồng, nói lông bông… Tuy
là nói chơi mà nét tài hoa là thiệt, nếu không thiệt tại sao có nhiều
người mê, không tin quí vị mua các quyển Phiếm (1, 2, 3, 4, 5…) mà xem
qua cho biết.
Ngòi bút của Trà Lũ cũng tung hoành không kém Song Thao, nếu đem ra so sánh thì không biết ai cao ai thấp, thôi đành phải nhờ đến câu -xấu đẹp tùy người đối diện. Nhà văn tài hoa của vùng tiếng Anh xứ Canada cũng thiệt là giỏi, chuyện đông, chuyện tây, chuyện kim, chuyện cổ, ông đều biết hết không sót một món nào. Nhưng
khác với cách viết xoáy vào trọng tâm đề tài của nhà văn tiếng Tây kể
trên, các câu chuyện trong bài viết Trà Lũ thoắt biến thoắt hiện nối
tiếp nhau, xoay chuyển lẫn nhau, quấn quít lấy nhau… độc giả không biết
đâu mà rờ! Ta có thể ví Trà Lũ
dẫn dắt độc giả đi dạo phố Tàu, chưa kịp nhìn ngắm, ăn uống cho đã thèm
thì ông đã kéo ngay đến tháp CN Tower cao nhứt thế giới, vừa chưa kịp
leo lên tháp ngắm thành phố Toronto bát ngát dưới kia thì ông đưa chúng
ta qua thác Niagara Falls hùng vĩ, bụi nước của thác chưa kịp làm ta ướt
áo thì ông đã đẩy ta lên xe đi nếm rượu tuyết ngọt lịm ở thành phố cạnh
bên…
Ưu điểm hay là khuyết điểm, khó mà trả lời. Nhưng mà cái tài hoa Trà Lũ là ở chỗ đó. Tôi tin cách viết thoắt biến thoắt hiện đó Trà Lũ vô tình mà đạt được, tuy có mức độ. Tôi còn nhớ Kim Thánh Thán khi phê bình Tam Quốc Chí đã khen cách viết của La Quán Trung là thiên cổ kỳ văn. Gọi
kỳ văn là nhờ tánh cách -thoắt biến thoắt hiện, đương đánh nhau long
trời lỡ đất thì xoay qua nói chuyện pháp thuật trừ ma ếm quỉ, vừa nói
chuyện mưu kế thì xoay qua bàn chuyện danh nho tiết tháo, vừa bàn chuyện
mỹ nhân xong thì nói chuyện soán ngôi giết vua, vừa nói chuyện bói toán
xong thì quay qua thuốc men, mổ xẻ, vừa tả cảnh quân reo ngựa hí vang
vang thì xen vào cảnh đạp tuyết bời bời, khoanh tay đứng chờ bậc ẩn sĩ
cao tọa… Vua, quan, anh hùng, gian hùng, mỹ nhân, hòa thượng, đạo sĩ, y
nho lý số, cường hào ác bá và đám dân đen đủ mặt,… thương yêu nhau,
tranh giành nhau, chém giết nhau, không thiếu một ai, không thiếu chuyện
gì. Ai muốn tìm hiểu sinh hoạt xã hội thời đó, cứ đọc Tam Quốc Chí sẽ biết rõ ngọn nguồn. Hiện
tại chúng ta cũng có ngọn bút Trà Lũ tung hoành trên các báo, liên miên
bất tuyệt, những ai muốn tìm hiểu Canada với tất cả mọi sinh hoạt văn
học, chánh trị, kinh tế, xã hội,… thì nên tìm đọc sách của Trà Lũ.
Đọc sách của nhà văn Trà Lũ vừa vui vừa bổ ích. Vui
là vì cây viết có duyên, bất cứ bài nào, đoạn nào, dầu ai khó tánh đến
đâu cũng không thể đọc qua mà không buột cười cho được. Bổ ích vì
kiến thức được cập nhật hằng ngày, những tin tức đặc biệt trên thế giới
đều có đủ, hơn nữa sự hiểu biết của tác giả sâu rộng, những nhận xét ly
kỳ, từng chữ từng câu gợi cho ta nhớ lại chuyện xưa, giúp ta biết thêm
chuyện mới bây giờ. Những cuốn
sách có chữ Đất làm nhan đề của nhà văn Trà Lũ ích lợi như vậy, vui tươi
như vậy, tại sao các bạn lại chưa có, ngoài hội trường trưa nay, để bán
nhiều lắm với chữ ký tặng của tác giả nữa. Xin được hân hạnh kính mời !
VÕ KỲ ĐIỀN
(Trung Tâm Cộng Đồng St. Christopher Toronto, ngày 6 tháng năm 2006)
No comments:
Post a Comment