Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 1 November 2016

CHUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN =

DUNG 2 * HỒI KÝ TÙ


Hồi ký Cải Tạo (Nguyên tập)

Đôi lời người viết.
Xin để lại đây những ngày tháng nhục nhằn trong trại tù Cải tạo, tuy trong đó có những ý nghĩ, quan điểm và nhận xét riêng của cá nhân nhưng mục đích hoàn toàn không phải để tranh luận, mà chỉ muốn thuật lại những sự thật không thể quên trong đời.

Học tập mười ngày.
Tôi chở vợ đến cổng trường Pétrus-Ký lúc năm giờ chiều, và hai vợ chồng chia tay. Mặc dù cả hai chúng tôi đều sinh trưởng ở Sàigòn suốt từ thuở ấu thời, lúc đó tôi vẫn cảm thấy vợ mình thật bé nhỏ và lạc lõng, lòng chợt thương nhớ nàng vô hạn, dù chúng tôi chỉ vừa xa nhau chưa đầy một phút, và bóng nàng còn chưa khất hẳn. Nhìn nàng thật mỏng manh tội nghiệp trên chiếc xe đạp một mình quay về nhà. Chiếc xe đạp nhỏ này là kỷ niệm quí giá duy nhất còn lại của hai vợ chồng sau ngày ba mươi tháng tư 1975. Khi chúng tôi mới lấy nhau, tôi thích chở nàng bằng chiếc xe đạp này chứ không dùng xe gắn máy.
Khi bóng nàng khuất hẳn, tôi quay mình thẫn thờ đi vào khuôn viên nhà trường trình diện cải tạo. Đúng như thông báo của ủy ban quân quản thành phố Sàigòn “mang theo mười ngày lương thực. Học tập tốt sẽ được trở về với gia đình”. Lòng tôi như chùng xuống, ân hận đã không chờ thêm một lúc nữa hãy trình diện, như vậy còn được ở bên cạnh vợ thêm vài tiếng nữa. Tội cho vợ tôi mới lấy chồng hồi giữa tháng một, đầu tháng năm đã phải xa nhau. Chính tôi cũng cảm thấy mắt mình nhòa đi, hỏi nàng sao khỏi đau buồn.
Đầu óc miên man những lo nghĩ mông lung, không rõ rồi họ sẽ đối xử với mình ra sao. Người vào trình diện càng lúc càng đông, khoảng chín giờ tối đã dầy ắp các phòng học. Mười một giờ đêm, những lo nghĩ mông lung ban đầu của mọi người đã biến thành nỗi lo sợ nặng chĩu vì tiếng máy của đoàn xe vận tải Molotova vừa ngừng ngoài cổng trường. Chắc chắn chúng tôi sẽ bị di chuyển đi một nơi xa xôi nào đó, không phải chỉ học tập mười ngày ở trong phạm vi Sàigòn Gia Định như một số anh em đã bàn tán hồi chập tối.


Tháng năm trời Sàigòn dù về đêm vẫn oi ả không dịu bớt chút nào, những chiếc Molotova căng bạt bít bùng, làm sao chúng tôi chẳng lo sợ? Bắt đầu lên xe từ mười một giờ đêm, đến gần hai giờ sáng mới xong, chúng tôi bị dồn vào những chiếc Molotova tối thui. Mỗi xe nhét khoảng ba chục anh em và hai bộ đội trang bị AK47 ngồi ở hai góc cuối xe chỉa súng nhăm nhăm. Anh em ngồi chặt cứng như những bó giò, muốn xoay trở một chút thật là cả một vấn đề khó khăn. Không khí trong xe rất ngột ngạt, phần vì hai họng AK đen ngòm, phần vì xe được bao kín mít, ngay cả đằng sau chỗ hai tên bộ đội ngồi cũng có phủ bạt, không để hở. Tinh cảnh này càng làm cho sự lo sợ của mọi người tăng lên gấp bội. Đi học tập sao lại phải bịt kín mít, và di chuyển đêm, để che mắt dân chúng?

Đêm Sàigòn dạo này đường phố vắng tanh vắng ngắt. Vốn từng được mệnh danh thành phố về đêm, đèn mầu luôn rực sáng, xe cộ tấp nập, du khách dập dìu. Từ ba mươi tháng tư, Sàigòn ban đêm đã hoàn toàn đổi hẳn, không khác nào một bãi tha ma. Có phải Sàigòn vẫn còn kinh hoàng vì cái ngày đau thương ba mươi tháng tư? Hay Sàigòn đã kiệt sức qua những máu lửa ngụt trời? chán chường cho cuộc đổi thay? Và chuyến ra đi âm thầm của chúng tôi, Sàigòn không hề hay biết.



Tiếng xì xào chuyền tai nhau, bắt nguồn từ hai anh bạn ngồi ở hai góc phía đầu xe, họ đã nhận ra lộ trình chuyến đi qua khe hở nhỏ của miếng bạt phía trước. Từ Pétrus Ký, đoàn xe theo đại lộ Cộng Hòa ra đường Lê Văn Duyệt hướng thẳng về phía Tây Ninh. Họ đưa chúng tôi lên biên giới Kampuchia!
Tám giờ sáng hôm sau đoàn xe vào Trảng Lớn, căn cứ pháo binh của Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi tạm trú ở đây và được chia ra thành từng nhóm:

Nhóm một, gồm các sĩ quan từ cấp Thiếu tá trở lên.
Nhóm hai, cấp trung úy trở xuống của các binh chủng Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, Tình Báo, và Chiến Tranh Chính Trị.
Nhóm ba, từ Trung úy trở xuống của hai Quân chủng Không Quân, Hải Quân và các binh chủng Thiết Giáp, Pháo Binh.
Nhóm bốn, từ Trung úy trở xuống của các binh chủng Bộ Binh, Địa Phương Quân, và Nghĩa Quân.
Riêng cấp đại úy cũng có một số được xếp vào nhóm hai ở các trại tù trong miền nam. Tuy nhiên nếu là đại úy thuộc Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Dộng Quân và Chiến Tranh Chính Trị, đều bị đưa vào nhóm một với cấp tá. Sau này tôi được biết Việt Cộng đã liệt các vị thuộc nhóm một vào thành phần Ngụy quân cấp cao cực kỳ ác ôn, và đưa ra các trại tù cải tạo miền bắc, nhóm hai thành phần cực kỳ ác ôn có nhiều nợ máu, nhóm ba Thành phần cực kỳ ác ôn, nhóm bốn Thành phần ác ôn.

Sau thời gian tạm trú khoảng một tháng, đội ngũ đuợc chia xong. Đại đội họ gọi là đội, trung đội là B, tiểu đội là A. Chúng tôi bị đưa đi lao động khổ sai khắp các trại tù dọc biên giới Việt, Miên, Lào. Tôi thuộc tiểu đoàn đến trại Long Khánh. và cuộc đời tù binh thực sự khởi đầu từ đó.

Quê hương ta rừng vàng biển bạc.
Đến Long Khánh lúc chập choạng tối. Theo một vài bạn tù cho biết, đây vốn là trại gia binh của sư đoàn 18 bộ binh lúc trước. Một ý nghĩ khôi hài chợt hiện đến làm tôi chua xót cuời thầm. “Có ai như chúng tôi, khăn gói tự động trình diện để được vào tù, mặc dù mình chưa hề làm nên tội lỗi gì“.


Dù không tin vào bản thông cáo mười ngày học tập, khi đi trình diện, tôi vẫn ngây thơ nghĩ: mình chỉ phải xa nhà cùng lắm là khoảng một tới ba tháng, nên đã chuẩn bị hành trang thật nhẹ nhàng. Mang theo vỏn vẹn chỉ một bộ quần áo cùng hai bộ đồ lót để thay đổi, một ít đồ dùng lặt vặt như bàn chải, kem đánh răng , khăn lau mặt. Tất cả để trong một túi nylon cho nhẹ. Một buổi trưa rất nóng ở Trảng Lớn, tôi vào một lô cốt tránh nắng đã tìm được một đôi giầy vải, một chiếc ba-lô và một xấp năm bao cát. Tất cả đều còn mới. Ba-lô và đôi giày vải đã trở nên vật dụng tiện lợi và cần thiết nhất cho tôi những ngày tháng sau này.


Tuần lễ đầu chúng tôi ổn định chỗ ăn ở, thu dọn trại mà lòng lúc nào cũng băn khoăn không biết số mạng mình rồi sẽ ra sao? Long Khánh là vùng cao nguyên. Trời nắng hè, bụi đất đỏ luôn phủ đầy cây lá và mọi vật dụng nhà cửa. Khi mưa xuống, đất dính bết vào giầy dép, làm cho chân người đi càng lúc càng nặng. Ngày đầu mới đến, trời đã đổ một cơn mưa thật lớn. đôi dép cũ không còn chịu nổi nữa, quai dép sau nhiều lần tuột lên tuột xuống đã đứt mất. Tìm một miếng gỗ thông mỏng, tôi hì hục mãi, đẽo được một đôi guốc gỗ. Không hiểu vì sao guốc gỗ lại ít bị dính đất, và chuyện đi đứng đã dễ dàng hơn. Một tuần lễ sau chúng tôi được báo chuẩn bị hôm sau lên hội trường học tập. Mọi người đều mừng rỡ, nghĩ đã đến lúc học tập tất cũng sẽ có lúc học xong. Nghĩa là chúng tôi còn hy vọng có ngày về.


Do một thượng úy ủy viên chính trị từ trung đoàn xuống giảng bài đầu tiên với tựa đề thật bóng bẩy: “Quê hương ta giàu đẹp nhân dân ta anh hùng”. Anh cán bộ chính trị này thao thao bất tuyệt trên hội truờng:
“Quê hương ta rừng vàng biển bạc. Cả ba miền bắc, trung, nam, đều không thiếu gì sông biển bạc, và rừng rậm vàng tươi…. Nhân dân ta anh hùng, lại có sự lãnh đạo tài tình trong bao nhiêu năm của bác và đảng … Đảng là đỉnh cao trí tuệ của loài người đã lãnh đạo khéo léo đánh cho Mỹ cút ngụy nhào … bộ đội ta có óc sáng tạo khi đánh Mỹ, chỉ với súng lục và súng trường đã bắn rơi cả máy bay B52 của địch …”.



Tôi nghe tới đó ngẩn người tự nghĩ: “Không lẽ anh cán bộ ủy viên chính trị này coi chúng tôi là trẻ nhỏ thất học? Nhìn anh ta với vẻ thành khẩn nghiêm nghị, chắc hẳn đang say xưa với việc thuyết giảng. Không hiểu anh ta có thực sự hiểu mình đang nói gì? hay chỉ học thuộc lòng bài viết sẵn và đọc thao thao như thế. Có một điều tôi dám quả quyết: anh ta tuyệt đối tin tưởng những gì mình đang nói. Đến mục nêu câu hỏi, tôi đã liều đứng lên.


- Nhờ Cán bộ nói rõ thêm chỗ nước ta rừng vàng biển bạc một chút nữa tôi không hiểu rõ lắm.
- Thế là anh nghe giảng không được tập trung lắm rồi nhá. Trong bài tôi đã nói rõ ràng, miền bắc nước ta sông ngòi rất nhiều ngày đêm chảy ra biển không ngừng. Mà biển nước ta thì lạ lắm, mênh mông lúc nào cũng lóng lánh như bạc, đẹp không thể nào tả xiết được. Rừng thì bao phủ khắp cao nguyên bắc phần chạy dọc miền trung vào trong nam chỗ nào cũng có rừng. Rừng nước ta rất nhiều loại gỗ quí như gõ, trắc, gụ, lim vân vân. Các loại gỗ qúy này mầu sắc vàng tươi xuất cảng ra nước ngoài rất được ưa chuộng.
Anh còn hỏi gì khác nữa không?
- Máy bay B52 bay rất cao, súng lục chỉ có thể bắn được xa nhất là khoảng năm chục thước, nếu bắn ngược lên cao, tầm bắn có thể còn ngắn hơn thế nữa, vậy làm thế nào mà súng lục bắn rơi được máy bay?
- Đó là tại các anh không biết đấy thôi. Các đồng chí anh hùng lái máy bay Mig của ta đã sáng tạo ra một cách để diệt các máy bay Mỹ. Khi ra trận họ tìm một cụm mây to rồi nấp vào trong đấy tắt máy nằm chờ, như thế còn tiết kiệm cả xăng nữa đấy nhá. Bất thình lình khi chiếc máy bay B52 vừa trờ đến là đồng chí ấy mở máy rồi bay ra chẹt ngay đằng đầu mà bắn làm cho chúng nó không kịp giở tay và bị rơi rất nhiều. Về sau tụi giặc lái Mỹ hoảng vía không dám bay cao nữa, cứ khi nào vào đến vùng thả bom thì nó bay xà xà xuống thật thấp, và bị quân dân ta dùng súng trường và súng lục bắn rơi. Chính tôi cũng đã dùng khẩu súng này hạ được một chiếc hồi chiến dịch mùa hè đấy nhá. Nói đến đây anh cán bộ giảng viên chính trị đưa tay trỏ vào khẩu K54 đang đeo bên hông với vẻ mặt đầy kiêu hãnh.

Đánh tư sản.
Bỗng dưng sáng nay Long Khánh trở lạnh . Những làn gió sớm cao nguyên lùa vào trại làm mọi người đều rùng mình. Tôi lặng lẽ đi làm, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ. Đi chung toán với Tạo, Tạo nguyên là trung úy nhẩy dù, rất gan dạ, khi còn trẻ thường hay ngang tàng phá phách coi trời bằng vung. Sáng nay Tao tuy có hơi co ro nhưng vẫn tươi cười xông xáo như thường lệ, quả không hổ danh thiên thần mũ đỏ.
Nguyên cả A không ai là không nao núng sau buổi tối qua, chỉ có anh bạn dù này là không tỏ vẻ gì chán nản cả. Tôi cẩn thận đảo mắt nhìn quanh, khi chắc chắn không ai ở gần có thể nghe được đối thoại của chúng tôi mới hỏi.


“Chắc mày biết rành khu này hả Tạo?”
Tạo cũng đảo mắt vòng quanh như tôi rồi tủm tỉm
“Vùng này, trước đây tao đã dẫm nát cả rồi“.
Tôi và Tạo không những cùng chung A, chỗ ngủ còn ở ngay bên cạnh nhau nữa, vì vậy tuy mới hơn ba tháng mà tình bạn đã thân thiết lắm.


Đưa tay rờ gấu áo, thấy chiếc nhẫn cưới vẫn nằm ẩn an toàn trong đó, lòng cảm thấy ấm lại đôi chút. Chiếc nhẫn cưới này tôi quyết không nộp ra.



Hôm qua chúng tôi được lệnh phải nộp tất cả tài sản cá nhân cho tiểu đoàn cất giữ. Bao gồm mọi thứ như đồng hồ đeo tay, nhẫn cưới, dây chuyền, tiền mặt v . . v . . . Chỉ trừ quần áo và đồ ăn. Tôi nghĩ: tù nhân, mạng còn chưa biết sống nay chết mai ra sao, lo gì đến những vật ngoại thân đó, tuy vậy nhưng lòng lại ấm ức. Nộp tiền có thể cho là đúng đi, vì trong trai tù kín mít cũng không thể mua bán gì được, nhưng đồng hồ hay nhẫn cưới cũng phải nộp thì vô lý qúa. Thủ tục gom đồ nộp cũng không minh bạch, không có danh sách liệt kê các món đồ và tên người nộp. Nếu sau này học tập xong được cho về, liệu cán bộ có chịu lục tìm trong đống đồ lung tung như thế không? và nếu chịu tìm, làm sao có thể tìm ra được món đồ không có ghi tên đây? biết bao nhiêu cái đồng hồ giống hệt như nhau? Nhẫn cưới hoặc dây chuyền lại càng khó phân biệt hơn? Nếu tìm không ra rồi mới tính sao? Thêm nữa, các món này có bảo đảm còn nguyên vẹn cho đến lúc chúng tôi về hay không? Hoặc mấy ngày nữa chúng tôi lại chuyển trại thì sao đây? Cuối cùng tôi đã quyết định dấu chiếc nhẫn cưới vào gấu áo, dấu đồng hồ vào quai ba-lô và may lại như cũ.


Buổi chiều nộp đồ xong cũng đã gần tối. Đêm đó khoảng hai giờ rưỡi sáng bỗng có lệnh di chuyển. Chúng tôi được lệnh ra sân tập họp với tất cả hành trang trong vòng mười lăm phút để lên xe. Cũng may tôi không có nhiều thứ lỉnh kỉnh. Một tấm chăn tự làm bằng vải bao cát mà tôi đã nhặt được từ Trảng Lớn, một chiếu nylon nhỏ mang theo từ ngày đầu trình diện, một lon sữa Guigo dùng để nấu nước uống. Tôi nhét tất cả vào ba-lô, ra sân nhìn quanh mới có hai ba người. Lạ thật, mới vừa ổn định trại và dù đã bắt đầu học tập chính trị, nhưng mới có một bài sao đã di chuyển? và chuyển trại sao không thấy xe cộ gì cả? mấy nghi vấn này của tôi không bao lâu đã được giải đáp ngay.


Các anh mỗi người đứng cách xa nhau một khoảng nhỏ và bày hết đồ của mình ra trước mặt. Mọi thứ đều phải mở ra sẵn sàng.



Khi mọi người đã đủ, cuộc khám xét bắt đầu. Đại đội của tôi do một thiếu úy cán bộ Việt cộng làm đại đội trưởng. Anh cán bộ này bắt chúng tôi phải lộn trái hết các túi áo túi quần để xét. Một số anh em hồi chiều còn dấu tiền và dây chuyền không chịu nộp, giờ không những bị lấy hết mà hôm sau còn bị họp kiểm thảo: Nặng tư tưởng tư bản, không tin tưởng vào cách mạng. Ba-lô của tôi cũng bị lộn trái ra lục kỹ lưỡng. Té ra chúng tôi chẳng có di chuyển đi đâu cả. Đây chỉ là cách để chúng tôi phải lộ hết những đồ còn dấu chưa chịu nộp hồi sáng cho họ lột sạch, vì họ không tin chúng tôi chịu dễ dàng nộp hết mọi thứ.


Tối đó mọi người phải lên hội trường họp. Cả tiểu đoàn nghe chửi về tội không thật lòng tin tưởng vào đảng và nhà nước.


“Các anh đã dấu diếm không chịu nộp hết những đồ tiểu đoàn ra lệnh nộp. Đây là vì các anh đã không tin tưởng cán bộ, không tin tưởng đảng và chính sách của nhà nước. Như vậy làm sao các anh học tập mau tốt được? Hơn thế nữa, những của cải của các anh đang có cũng do bóc lột nhân dân mà ra, nay còn luyến tiếc, chưa dứt được đầu óc tư bản. Các anh phải kiểm điểm lại. Tối nay về họp A thảo luận cho kỹ càng. Có từ bỏ được những tư tưởng tư sản thì các anh mới học tập tiến bộ được”.

Sau này, tôi không hề nghe có người tù cải tạo nào ra về được trả lại những gì đã nộp. Qủa thật là một lối ăn cướp thật tinh vi. vừa ăn cướp vừa la làng, kết quả tội vẫn đổ lên đầu chúng tôi.

Học tập.
Thời gian ở Long Khánh, chúng tôi không đi lao động xa trại quá một cây số. Làm những việc lặt vặt trong phạm vi doanh trại, như cuốc đất làm vườn, trồng trọt, hoặc làm cỏ khai hoang. Có lẽ vì còn đang ở giai đoạn đầu. Các sư đoàn bộ đội sau cuộc chiến chiếm miền nam chưa hoàn toàn ổn định. Việc tổ chức quản trị các trại cải tạo chưa được sắp xếp hoàn tất.


Học tập cải tạo chính trị chỉ là một cách nói bóng bẩy của đảng Cộng Sản Việt Nam để trấn an người dân Sàigòn nói riêng, và dân miền nam nói chung. Thật sự chúng tôi không có bài học nào nói về thể chế chính trị, về nền hành pháp, hoặc tư pháp của chính quyền đương thời. Cũng không hề nói gì về sự thành lập của đảng cộng sản và nhà nước Việt cộng. Không nói về hiến pháp cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người dân, không hề nói về chủ thuyết cộng sản. Tất cả đều tập trung vào ba mục đích chính.



1- Bắt chúng tôi phải công nhận đảng Cộng Sản Việt Nam do Hồ chí Minh sáng lập, là đỉnh cao trí tuệ loài người, đã đánh đuổi Mỹ ngụy, lo cho dân tộc ấm no hạnh phúc. Chúng tôi phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đảng đề ra không thắc mắc, lại càng không được chỉ trích, vì chỉ trích là phản động gây rối.
2- Phải tự nhận, là những người đã làm tay sai cho Đế Quốc Mỹ, giết hại đồng bào. Nay được cách mạng khoan hồng cho đi học tập cải tạo.
3- Phải tích cực lao động đóng góp cho xã hội chủ nghĩa. Và phải tuyệt đối an tâm học tập.
Thấm thoát đã hơn năm tháng qua. Không hiểu các bạn khác ra sao? Riêng tôi những ngày tháng này thật buồn thảm. Nhớ nhà, thương cha mẹ và đàn em nhỏ, không rõ cuộc sống dưới chế độ mới cơ cực như thế nào? Và nhất là thương nhớ người vợ mới cưới. Ngày cũng như đêm, khi làm việc cũng như lúc ngồi nghỉ. Lúc nào đầu óc cũng có bóng dáng người vợ mà tôi hết lòng yêu thương. Không hiểu bây giờ nàng đang làm gì ? Ở đâu ? Có được bình an? hay đang phải vất vả vật lộn với cuộc sống kìm kẹp khó khăn mà Đảng Cộng Sản Việt Nam áp đặt lên đầu người dân miền nam? Nàng có nhớ đến tôi như tôi hiện đang nhớ nàng quay quắt.


Mỗi ngày lao động một gắt gao, nặng nhọc thêm. Lao động khiến chúng tôi không còn thì giờ rảnh rang suy nghĩ. Thời gian dường như muốn dừng hẳn lại. Phần ăn mỗi ngày một ít đi, ăn uống thiếu thốn khiến mọi người không còn sức phản kháng, dù chỉ là phản kháng bằng lời nói. Ba tháng đầu chúng tôi còn được phát gạo. Không hiểu gạo đã chôn ở đâu? từ bao lâu? hạt gạo vừa vàng vừa xốp. Khi vo gạo nấu cơm nếu chà mạnh tay một chút, hạt gạo lập tức vỡ tan ra thật dễ dàng. Những anh em phụ trách nấu ăn trong ngày thường đổ đầy nước vào chảo gạo thật lớn, quấy sơ sơ mấy vòng cho gạo lắng xuống rồi gạn nước. Một số những con sâu gạo mập mạp ngộp nước nổi lên được gạn đi. Gạn như thế khoảng hai ba lần, chảo gạo có thể nấu, vì nếu làm nhiều lần gạo sẽ hết cám. Có một số anh em nay đã bị phù thủng rất cần vitamin C trong cám. Ban đầu, ban nấu ăn còn ngồi nhặt sâu. Những con sâu không biết sống trong các bao gạo này từ bao giờ đã to gấp bốn năm lần hạt gạo, chúng nhả tơ làm tổ dính quyện những hạt gạo vào thành một cục to bằng đầu ngón tay cái.



Sau vì nhặt sâu vừa mất qúa nhiều thời gian, lại tốn mất nhiều gạo, vì số lượng sâu nhiều vô kể, nên anh em đã đồng ý không nhặt sâu nữa. Sau vài lần gạn nước cho bớt sâu, còn lại cứ để nguyên thế mà nấu. dù sao thì cũng là sâu gạo! lúc đầu ăn còn thấy sợ, sau đói qúa cũng phải nuốt tuốt. Ăn riết rồi cũng quen. Ngày hai buổi sau khi lãnh cơm, chia mỗi người được hơn một chén nhỏ. Nếu để cả sâu hy vọng chén cơm có thể đầy thêm một chút. Buổi sáng được phát nửa chén cháo toàn nước, đi làm đến giữa trưa. Thức ăn mỗi tháng một lon muối hột đen ngòm những đất, muốn dùng được phải hòa tan ra nước, lọc sạch rồi đem đun sôi. Hai tháng một lần mỗi A được phát một bó rau muống. Bắt đầu khoảng hai tháng nay, chúng tôi không còn được phát rau nữa. Gạo cũng đã hết, và thay bằng Bo-Bo. Lúc đầu ăn Bo-Bo không quen nên chúng tôi càng đói thêm. Tuy không quen nhưng nhờ bo-bo còn mới nên những anh em bị phù cũng dần dần được lành lại.



Hy vọng ba tháng học tập của tôi đã thực sự trở thành hão huyền. Vả lại lao động và họp kiểm thảo càng ngày càng gắt gao. Một chút rảnh rỗi nhớ về gia đình và người vợ mới cưới cũng không đủ, còn thời gian đâu để nghĩ về chuyện khác.


Liên tục một tuần nay, theo lệnh cán bộ. Tối nào tôi cũng bị đưa ra A để anh em phê bình kiểm thảo về tội dám chất vấn cán bộ chính trị về thời gian học tập, làm lung lạc tinh thần của anh em cải tạo. Nguyên sau buổi học tập về đề tài “Tất cả những ai trong quân đội VNCH đều là tay sai đế quốc Mỹ và đều có tội với nhân dân“. Tôi đã nêu lên câu hỏi:
- Thưa anh, khi nhà nước ra thông cáo cho toàn thể chúng tôi đem theo lương thực đủ ăn muời ngày, đi học tập trở thành công dân tốt của xã hội mới. Học tập tốt, sẽ được thả về đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi đã thi hành triệt để, trình diện đúng ngày. Nhưng nay đã hơn sáu tháng, vẫn chưa nghe nói gì cả. Vậy học tập thế nào là tốt? Và bao giờ chúng tôi mới được thả? Hay nhà nước đã quên thông cáo lúc trước?



- Anh xuyên tạc thông cáo của nhà có ý định tuyên truyền để làm xao động lòng anh em phải không nào? Nhà nước nói đem theo lương thực đủ ăn mười ngày, đâu có nói các anh sẽ đi học tập mười ngày. Anh rõ ràng là ngoan cố không chịu an tâm học tập chỉ mong ngóng ngày về. Tối nay về họp A, anh phải kiểm thảo lại lỗi lầm của mình cho thông suốt“.


Tôi nghĩ thầm, tên cán bộ này đã nói hắn có thể dùng súng K54 để hạ được máy bay B52, làm sao mình có thể lý luận lại với hắn. Hơn nữa vậy cũng coi như câu hỏi đã được trả lời, tôi đành ngồi xuống. Cũng chỉ vì câu hỏi đó tôi đã bị chú ý, và sau này bị hành hạ khổ sở.

Ngụy phá hoại làm nổ kho đạn.
Cả tuần nay trời nắng gắt, cỏ xung quanh trại vàng khô, nhất là phía bên kia hàng rào, chỗ dẫy Barrack luôn luôn đóng kín cửa, sau này tôi mới biết đó là kho đạn, cỏ khô dầy, cao ngang đầu gối. Sát vòng rào kẽm gai, tháng trước chúng tôi đã đào một giao thông hào khá rộng, lấy đất gánh về giữa trại vun luống trồng khoai lang và khoai mì. Đào giao thông hào cạnh vòng rào trại không phải chỉ để lấy đất, bởi chúng tôi có thể cuốc đất vun thành luống ngay tại chỗ, mục đích có lẽ nhằm làm nản chí những ai trong chúng tôi mang ý định vượt trại, vì sẽ phải vượt thêm một chướng ngại vật nữa, Và cũng có lẽ nhằm làm cho chúng tôi thêm mỏi mệt, không còn nghĩ đến việc chống đối, hay bạo động. Vừa phải làm việc nặng quần quật cả ngày lại thêm ăn uống thiếu thốn, dù ai to lớn khoẻ mạnh cách mấy, tất cũng phải mềm nhũn thôi.



Hôm nay tôi lãnh công tưới rau cho B. Ra phía sau trại lấy thùng và đòn gánh, thoáng thấy một bộ đội đang châm lửa đốt cỏ khô phía ngoài hàng rào. Nắng gắt mấy ngày liền, cỏ cháy rất mau. Khi tôi tưới được gần hai luống rau, bãi cỏ bên hông barrack cháy đã gần phân nửa, trong đám cháy thỉnh thoảng có tiếng đạn nổ. Lẫn trong cỏ có những viên đạn, có khi nguyên cả dây dạn đã rớt từ hôm ba mươi tháng tư trong lúc hỗn loạn, lâu lâu chúng tôi vẫn thường thấy khi làm cỏ. Do đó lửa cháy, đạn phát nổ không làm chúng tôi mấy ngạc nhiên. Chợt có tiếng nổ làm mọi người đều giật mình, vì tiếng nổ khá lớn, và chỉ vài giây sau lại có thêm những tràng nổ tiếp tục dòn dã, khiến mọi nguời đều dừng tay ngẩng nhìn. Chỗ đang cháy nguyên day đạn đại liên phòng không 50 ly đang nổ, đầu đạn bay tứ tung. Một viên bay xẹt ngang đầu làm tôi theo phản xạ tự nhiên vội cúi rạp xuống. Có mấy viên khác bay thẳng vào dẫy Barrack, và sau đó, cả dẫy Barrack cũng bắt đầu phát nổ. Tôi quăng thùng nước tại chỗ, ngồi sụp xuống giữa hai luống rau. Kho đạn chính thức bắt đầu nổ khoảng mười giờ trưa. Anh em tù ai cũng bỏ dụng cụ làm việc chạy tìm chỗ núp.


Đủ mọi loại đạn lớn nhỏ, đạn đại liên phòng không, đạn súng cối 60 và 81 ly, đạn đại pháo 105, 155 ly của Việt Nam Cộng Hòa, đạn súng cối 61 và 82 ly, đạn hỏa tiễn chống chiến xa B40, B41, hỏa tiễn 122 ly của Việt Cộng. Đạn bay tứ tung. “Phịch”, tôi đang nằm giữa hai vồng lang chợt nghe tiếng trái đạn rớt rất gần, vội ngẩng nhìn. Một viên đạn cối 81 ly rớt ngay trước mặt, chỉ cách khoảng hai thước. Lăn vội qua vồng lang bên cạnh, hai tay ôm kín đầu, chờ một phút sau viên đạn vẫn chưa nổ. Chắc số tôi chưa đến lúc chết, trái đạn không nổ. Tôi liền chồm dậy cắm đầu chạy ra phía giao thông hào. Nhẩy xuống đó thấy có sẵn một số anh em khác nhanh chân tới trước. Đạn nổ suốt ngày, mãi đến gần nửa đêm mới hết. Không hiểu đây là kho đạn cũ của Việt Nam Cộng Hòa để lại hay kho đạn mới do Việt Cộng vừa gom vào? mà đạn có đủ mọi loại của cả đôi bên.



Trong vụ nổ kho đạn, tiểu đoàn tôi có anh bạn đại úy bắc sĩ quân y chết. Trái lựu đạn rớt trúng ngay chỗ núp, nổ liền khiến anh không kịp tránh, miểng lựu đạn xuyên giữa ngực, anh đã chết liền tại chỗ. Hai tiểu đoàn bên cũng có mỗi tiểu đoàn hai người chết. Người cán bộ đốt cỏ, chết vì trúng đạn đại liên 50 ly ngay từ phút đầu. Anh em chúng tôi bị thương nặng nhẹ rất nhiều. Mấy ngày sau lên tiểu đoàn khai bệnh xin thuốc trị thương được phát mỗi người một gói muối hột. Vẫn biết, dù khai bất cứ bị bệnh gì cũng thế, từ sốt rét ngã nước, cảm cúm, tiêu chảy, đến trật gân gẫy xương, hay ói mửa trúng độc, đều chỉ được phát duy nhất một thứ thuốc đó là muối hột. Nhưng trong tù không có thuốc sát trùng, chúng tôi đành khai bệnh lấy muối pha nước rửa vết thương.



Ba ngày sau, Cán bộ tiểu đoàn tập họp chúng tôi lên hội trường để giải thích về vụ nổ như sau: Các anh đã chính mắt thấy rõ ràng đấy nhá, bọn Mỹ Ngụy thật là độc ác, đã bị đập tan từ lâu mà vẫn còn tìm đủ mọi cách để phá hoại. Chúng đã cho đặc công lén lút làm nổ kho đạn. Tuy tiểu đoàn đã bắt được hai tên phá hoại, nhưng kết quả một cán bộ đảng viên cũng đã chết. Và trong các anh cũng có mấy người chết vì vụ nổ này.


Cả tháng sau đó, chúng tôi họp A vẫn phải học tập về tội ác Mỹ Ngụy đã làm nổ kho đạn. Sau này trong một dịp thăm nuôi, vợ tôi cho biết vụ nổ đã làm xao động dân chúng ngoài trại. Nhà nước Việt Cộng loan báo cùng dân chúng Sài Gòn: có một bọn ngụy quân phá hoại làm nổ kho đạn trong trại tù, nhưng cán bộ quản trại đã bắt được bọn phá hoại và bảo vệ an toàn cho cải tạo.

Cây Cà Chớn.
Những ngày cuối năm 1975, với tôi, là những ngày lê thê nhất trong đời. Tết Mậu Thân khi Việt Cộng tràn vào Sàigòn, cướp đi mùa xuân an lành, vui tươi của người dân miền nam. Đường phố tấp nập, dập dìu muôn mầu áo bay lượn của các cô gái, chen lẫn mầu sắc của hàng ngàn đóa hoa trong chợ hoa dọc đường Nguyễn Huệ, hòa với những cánh bướm chập chờn trong nắng, như muốn đua sắc cùng những bông hoa biết nói, gợi lên nỗi rộn rã tưng bừng đầy êm ấm vào lòng người, đã thay bằng im lặng, vắng vẻ, đầy lo âu. Thỉnh thoảng một vài người vội vã trên đường về, khuôn mặt vừa lo âu vừa hốt hoảng. Những tiếng pháo nổ vang thay bằng tiếng súng AK47 và hỏa tiễn pháo kích. Cái tết máu lửa đó vĩnh viễn nằm trong tiềm thức tôi. Nhưng những ngày đó vẫn không dài lê thê ảm đạm như những ngày tết trong tù cải tạo.


Chúng tôi đều là những người đã dày dạn khói lửa. Có người từng trải qua những giây phút thập tử nhất sinh xác chết cận kề, vẫn không hề nháy mắt cau mày. Có người trọn đêm dài chong mắt trên biển vắng hải hành, đưa chiến hạm tuần tiễu bảo vệ vùng biển quê hương, và đôi mắt vẫn đầy tinh anh. Nay trong vòng rào trại tù, hình như mắt anh em ai cũng rưng rưng uất nghẹn. Anh Lạc, người lớn tuổi nhất trong tiểu đội được cử làm anh nuôi, phát cho mỗi chúng tôi một vắt cơm nếp anh đã nấu từ tờ mờ sáng. Hôm qua mỗi tiểu đội được lãnh một lít nếp, cán bộ nói đó là nhờ lòng ưu ái của đảng và nhà nước.



Tết năm trước, tuy chiến tranh đang đè nặng trên toàn quốc, SàiGòn vẫn tưng bừng đón xuân. Tôi đã chở vợ, lúc đó còn là người yêu chưa cưới, đi Lăng Ông xin xâm. Nhìn nàng tha thướt trong tà áo lụa vàng, thật vui tươi, thật hồn nhiên mà lòng tôi cũng nao nức rộn rã. Giờ đây xa nhau tôi mới nhận thức được, nàng chính là nguồn sống của đời mình. Nhớ đến nàng, miếng cơm tôi vừa bỏ vào miệng bỗng như nghẹn ở cổ, mắt tôi mờ hẳn đi. không muốn các bạn thấy mình bật khóc, và nhìn quanh ai cũng rưng rưng. Tôi bỏ nắm cơm xuống chỗ đầu nằm, chạy vội ra ngoài rủ Tạo đi coi đấu cờ tướng cho khuây khỏa. Trại được nghỉ lao động ba ngày tết, đã tổ chức các trận đấu bóng chuyền, túc cầu, cờ tướng, giữa các B với nhau cho anh em vui tết. Tôi vẫn thấy những ngày tết này thê lương và dài dằng dặc, vui sao được mà vui! Tết này gia đình tôi ngoài đó có vui vẻ như xưa? Vợ tôi đang ở đâu? Nàng có vui vẻ hồn nhiên như ngày chúng tôi còn bên nhau? Khi tôi đi nàng vừa có mang, nay đã sanh chưa? Nếu đã sanh, sức khỏe mẹ con nàng ra sao? Đứa con đầu lòng của chúng tôi là trai hay gái? Chắc dễ thương lắm? Những câu hỏi này cứ quẩn quanh trong đầu ngày đêm không thể giải đáp. Lòng nhớ nhung người vợ trẻ làm tôi cứ thẫn thờ, và tết đã trở nên vô nghĩa.

Cái tết buồn thảm ấy rồi cũng qua đi. Chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc sống nhục nhằn. Ngày ngày làm việc nặng nhọc quần quật từ sáng tới tối, còn phải nghe những lời trái tai vô lý của những người cai tù thâm hiểm, phải làm vẻ ngu khờ gật đầu đồng ý để sống cho qua kiếp tù đày. Sống với niềm hy vọng mong manh, một ngày nào đó sẽ được thoát về. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng như mình đang bị bao vây giữa một đám người tiền sử ngô nghê, không văn hóa. Với vũ khí trong tay họ cưỡng ép chúng tôi phải tin chung niềm tin với họ.


Nhưng chính họ cũng không hiểu rằng họ đã bị giới lãnh đạo đầu độc lâu ngày, nhồi vào đầu họ những hiểu biết nông cạn vô lý, hoặc có khi còn đi ngược hẳn với lý lẽ thông thường. Cán bộ chuyền radio vào loa trên cột cao hai góc trại, suốt ngày đi làm mệt mỏi, tối về phải nghe những lời dối trá bịp bợm của bọn cầm quyền Việt Cộng trên đài phát thanh tới nửa khuya, thiệt là dở khóc dở cười. Một phút trước đài loan tin: năm nay dân ta chịu nhiều thiên tai, ba tháng trước miền Trung có bão lớn dọc từ Thanh Hoá xuống Thừa Thiên. Tháng trước bão lại thổi qua miền Thanh Hóa Nghệ Tĩnh, và tuần này khắp đồng bằng miền nam đang bị lụt lớn. Một phút sau đài đã trắng trợn tuyên bố: kết quả vụ thu hoạch lúa mùa năm nay so với năm ngoái, miền bắc tăng gấp ba, miền nam tăng gấp đôi.




Một buổi chiều , tôi và Tạo vừa tưới xong mấy cây cà chua, đang định cùng nhau ra giếng lấy thêm nước. Một cán bộ đi ngang qua lên tiếng khen thưởng:
- Hai anh này giồng được mấy cây cà chua chất lượng đấy nhỉ. Các anh có bón phân nhiều không mà cây lắm quả thế?



Tôi đảo mắt nhìn quanh trước khi trả lời
- Chào cán bộ. Tôi chẳng phải tưới phân gì cả đâu, chi tưới độc có nuớc đái thôi đấy!
- Ờ, thế thì phải rồi! Trách gì cà anh cấy sai quả, nhưng quả lại không được to. Các anh phải tưới phân thì quả mới to được. Ở ngoài Bắc có nhiều người giồng cà chua, tưới phân đúng cách quả ra to gần bằng quả bóng đá vậy đấy.
Tạo nhìn tôi, nháy mắt và nói:
- Ô! Tôi biết loại cà mà cán bộ nói rồi! Nhưng loại cà này khó trồng lắm! Ở miền Nam hình như đã bị mất giống rồi. Nghe bà nội tôi nói loại cà đó tên là “cà chớn”.
Nghe Tạo nói, tôi giật mình đảo mắt nhìn quanh nghĩ bụng “cái anh chàng Nhẩy Dù này quả nhiên rất gan lì”. May mắn, vẫn chỉ có hai chúng tôi cùng anh cán bộ đang mỉm cuời khoái chí kia, nếu không, “Ang-ten“ nghe được, chắc chắn hai đứa tôi sẽ phải ốm đòn.
- Anh này nói đúng rồi đấy, đúng là cà chớn đấy.


Hú vía!!! mọi người ai nấy đều bận với công việc đang làm, không chú ý đến cuộc nói chuyện của chúng tôi.


Lon Guigo đựng cơm.
Tôi thuộc đại đội một, Hạ ở đại đội ba. Tuy là bạn cùng khóa Hải Quân nhưng chúng tôi không mấy thân, nay dù ở cùng trại tù, gặp nhau cũng chỉ chào hỏi sơ sài. Vả lại từ chỗ tôi qua chỗ Hạ, phải đi ngang trạm gác và bộ chỉ huy cán bộ coi tù, nếu không vì đi công tác lao động, hay vì chuyện cần thiết, thường ai cũng ngại đi ngang đó.


Lúc còn ở quân trường , Hạ thường trầm lặng ít nói, không phá phách đùa giỡn. Đôi khi bị các bạn chọc phá, Hạ chỉ cười bẽn lẽn. Khi ra trường, Hạ nhận đơn vị đầu tiên là giang đoàn 70, thuộc Hải Đội 5 Lực Lượng Đặc Nhiệm Thủy Bộ Hải Quân. Năm 1973, trong một dịp đơn vị tôi hộ tống tàu dầu vào tiếp tế cho căn cứ Nam Căn. Gặp Hạ lúc đó thấy anh đã thay đổi nhiều. Tuy vẫn dáng gầy gầy nhưng nước da đã sam đen, trông khoẻ mạnh hẳn ra. Anh đã hoàn toàn mất hẳn cái dáng công tử yếu đuối của ngày mới nhập ngũ ở trại tạm trú Bạch Đằng Hai. Có lẽ những tháng năm lăn lóc dày dạn chiến trường, với những trận chạm trán sống chết cùng Việt Cộng ở vùng đầm lầy nước mặn đã nung đúc anh trở nên rắn rỏi với đầy nét cương nghị.



Chiều nay đột nhiên Hạ đến thăm và ngỏ ý muốn đổi tấm chăn của anh cùng nải chuối chín lấy chiếc áo mưa. Anh nói vì không có áo mưa, mùa hè Long Khánh lại hay mưa tầm tã suốt ngày, khi đi lao động thường bị ướt. Tôi đưa tặng Hạ tấm poncho mới đã nhặt được khi còn ở trại Trảng Lớn. Hạ không chịu lấy không, nhất định ép tôi phải nhận vật trao đổi. Kết quả tôi đành nhận tấm chăn, dù sao tôi cũng đang cần chăn, và bẻ mấy quả chuối cùng ăn với Hạ cho anh ta vui. Nhìn thấy mắt Hạ sáng hẳn lên khi cầm chiếc poncho trong tay tôi cũng cảm thấy an ủi.

Ba giờ rưỡi sáng đêm đó, toàn trại bỗng có lệnh điểm danh bất thuờng. Khi các đại đội đã tập họp đầy đủ ngoài sân, cán bộ vào lục lọi trong trại rất kỹ luỡng, tuy không rõ vì sao, nhưng chúng tôi cũng đoán được đã có chuyện bất thường xẩy ra trong đêm. Sáng sớm khi chuẩn bị đi lao dộng, nghe anh bạn B trưởng nói tôi mới biết đêm trước đã có năm người trốn trại, trong số đó có Hạ. Thì ra Hạ cần áo mưa và ép tôi nhận tấm chăn là vì thế. Tôi thầm mong cho anh trốn thoát, đừng gặp trở ngại. Một tuần sau, trong số người trốn trại có ba người bị bắt lại cùng với Hạ.

Hạ bị bắt lại hai ngày sau thì tôi bị gọi lên tiểu đoàn. Trong lòng hồi hộp không biết vì chuyện gì, khi bị dẫn vào phòng kín có bốn tên bộ đội đeo AK đứng canh bốn góc, tôi biết lần này thiệt dữ nhiều lành ít.



- Cách mạng khoan hồng cho anh học tập cải tạo sao không biết hối cải còn định trốn?
- Tôi còn đang đứng đây mà, đâu có trốn trại đâu?
- - Chúng tôi biết rõ anh móc nối, trốn trại mà vẫn còn chối hả. Anh phải nên khai cho rõ ràng đi, đã móc nối được những ai nào ?
Nếu chúng biết rõ ràng sao còn phải tra hỏi mình làm gì? chứng tỏ chúng chỉ nghi ngờ và muốn tìm cách chặn đầu mình thôi.


Tôi không hề có ý trốn trại, cũng chẳng có móc nối hay tổ chức gì cả.
Chưa dứt lời bỗng như có ai đập mạnh vào lưng làm mắt tôi hoa lên. Chắc hẳn tôi đã bị tên đứng phía sau dộng một báng AK ngay lưng trong lúc đang nói. Tôi không còn nhìn rõ tên bộ đội trước mặt, mắt tôi đã mờ hẳn đi, và đầu óc choáng váng, ngã chúi về truớc. Tuy thế tôi vẫn thoáng thấy tên đứng phía trước đưa chân đá cho tôi bật ngược dậy. Theo phản ứng tự nhiên tôi vòng tay ôm ngực và co người lại bảo vệ chỗ nhược. Bị cú đá đó bật nghiêng người qua phải, tôi chưa kịp gượng lại đã bị tên bên phải đạp bồi một đạp vào vai, tôi té qụy xuống.
- Mày vẫn còn ngoan cố à? thế ai đã tiếp tế áo mưa cho thằng Hạ trốn trại nào?
Thấy tên cán bộ đã đổi giọng lỗ mãng mày tao, không biết hắn vì tức giận đã không làm được cho tôi khai theo ý muốn, hay vì muốn tỏ sự hung hãn để tôi sợ mà khai. Tôi chờ một chút, để trấn tỉnh rồi mới trả lời:



- Tại tôi có dư một cái áo mưa, anh Hạ dùng chuối để đổi, tôi thích chuối mới chịu đổi thôi, chứ đâu có biết anh ta chuẩn bị đồ dùng vượt trại đâu.
Đúng đã có “angten” mách lẻo nên tụi nó mới biết chuyện tôi đưa áo mưa cho Hạ.

Trong lúc bị đánh, tôi được biết, họ liệt tôi vào thành phần ngoan cố không chịu hối cải học tập, còn có ý nêu những câu hỏi bóp méo chính sách cải tạo của cách mạng, cố tình sách động, gây hoang mang cho anh em. Bằng chứng là trong buổi học tập chính trị đầu tiên, tôi đã chất vấn cán bộ về lệnh học tập muời ngày. Giờ đây còn thêm tội tổ chức tiếp tế cho người trốn trại.

Tôi trước sau chỉ nói: Vì mình không hiểu rõ nên mới hỏi như thế, không phải cố ý bóp méo hay sách động chi cả, và cũng không hề giúp ai vượt trại hết. Có lẽ họ chỉ nghe “angten” báo cáo thấy tôi đưa poncho cho Hạ, nên tra hỏi xem tôi có là đồng lõa muốn trốn trại với Hạ không, và cũng nhân dịp này moi luôn việc tôi đã hỏi khó tên cán bộ chính ủy Trung đoàn, để có thêm cớ đập tôi một trận nhừ tử. Sau ba ngày liên tục tra hỏi đánh đập, cuối cùng đánh chán cũng không hỏi được gì hơn, đành thả tôi về trại.


Hạ bị nhốt trong một “connect” ngoài bãi dất trống sau trại. Giờ trưa ở vùng cao nguyên nắng lửa mưa dầu này, trời nóng như nung. Connect bằng sắt vuông vức mỗi bề khoảng hai thước, dù có một anh em nào đó lén chặt đâu được hai tàu lá dừa úp lên trên nóc, tôi nghĩ nhiệt độ bên trong chắc vẫn nóng khủng khiếp lắm, rất có thể làm người bị nhốt điên lên được.
Mỗi ngày hai lần, một anh em cải tạo do bộ đội có súng hộ tống đưa cơm cho Hạ và cũng chính với lon Guigo đựng cơm này, Hạ phải dùng để đi đại tiện khi cần. Hai tháng sau, Hạ bị chuyển đi đâu không rõ, nhưng cho đến nay tôi không còn được tin gì của anh nữa.

Kàtum hết về.
Cuối năm đó tôi chuyển đi Katum. Đây là một trong những trại lao động khủng khiếp hàng đầu của tù cải tạo trong miền nam Việt Nam lúc đó. Kàtum thuộc Quận Bổ Túc tỉnh Tây Ninh, Trại nằm sâu trong khu rừng gìa, gần biên giới Việt Miên.
Đoàn xe chở chúng tôi mỗi lúc một sâu vào rừng. Khi xe ngừng, trời đã xế trưa. Có lẽ đây là một khu xóm cũ của người Thượng đã bỏ hoang vì chiến tranh. Nhìn quanh, tôi còn thấy dấu vết của mấy chòi tranh sót lại đã rách bươm.

Tuy sinh ra ở ngoại ô Hà Nội, nhưng khi mới lên năm đã theo gia đình chạy trốn Cộng Sản, di cư vào Nam năm 1954, vì thế có thể nói là tôi sinh trưởng tại SàiGòn. Cuối năm thứ nhất Luật Khoa, thi rớt phải nhập ngũ. Tôi đã tình nguyện vào Hải Quân. Đời lính toàn lênh đênh trên biển cả, nếu có thấy rừng chỉ là nhìn từ xa chứ đâu bao giờ biết đến rừng rú như thế này. Xuống Molotova, xung quanh rừng dầy bạt ngàn. Chỗ chúng tôi đứng là một khoảng trống nhỏ, có hai chòi tranh đã rách nát lâu đời. Bên phải là một trảng trống lớn, cỏ tranh cao ngang thắt lưng. Bên trái là khu rừng chồi thưa, lỗ chỗ mấy hố bom B52 từ bao giờ nay đã đầy nước. Tôi có cảm tuởng như mình đang bị đi đày với án khổ sai biệt xứ. Chúng tôi căng bạt dưới gốc cây ở tạm tuần lễ đầu, sau đó mới đốn cây, đào gốc dọn chỗ đắp nền nhà, chia nhau vào rừng chọn cây đốn làm cột, kèo, chặt le làm rui mè, cắt tranh đánh tấm lợp mái, dựng nhà.



Dụng cụ dùng trong tiểu đoàn toàn bộ chỉ có 5 con dao, 3 cuốc, và 3 xẻng. Chúng tôi tìm được ngoài bìa rừng một ít cọc sắt hàng rào kẽm gai, đập dẹp biến chế thêm dao, xẻng, cuốc. Những cây to một hai người ôm, chúng tôi đốn xuống, đào gốc, và dọn chỗ làm nền nhà, đều dùng các dụng cụ này.
Ba tháng tới trạI, tôi có cảm tuởng đã như ba năm. Ban đêm dù mệt nhoài vì phải làm việc quần quật suốt ngày, tôi vẫn thao thức khó ngủ. Tối nào cũng nằm trằn trọc nhớ mãi người vợ nhỏ yêu thương đang vất vả cô đơn, và nghe tiếng tắc kè trong bọng cây kêu từng hồi như tiếng thở dài não nề: “TTTTắắc… kèè… TTTắc...kkèè... Tắắc...kkèèèèèèè...“ Có vài bạn nói: Nghe càng lâu càng giống như “hhhhhếết… vvềề…. Hhhếết…vvềề…. Hết…vvềềềềềềềềề..“ Tít ngoài xa, vẳng tiếng vượn hú lanh lảnh, càng làm tăng cái cảm giác cô quạnh cho phận tù nhân hơn nữa. Mãi đến thật khuya tôi mới có thể thiếp đi trong mệt nhọc.
Đồng hồ không người lái.
Tôi lãnh nhiệm vụ đi cắt tranh sáng nay. Chỉ tiêu đủ mười lăm tấm nộp trong ngày. Húp vội chén nước cháo, rồi xách gậy và liềm đi ngay vào rừng. Tôi biết, bên trái khu rừng chồi trước trại, rừng rất dày, nhiều gai Mây và Song, nhưng chỉ là một giải rừng hẹp, tuy rậm rạp khó đi, nhưng nếu chịu khó len lỏi qua được phía bên kia sẽ thấy một trảng tranh lớn, vẫn còn nhiều tranh dài có thể đánh tấm. Đến đó sẽ không phải đi tìm xa và không sợ thiếu thời gian. Tuy nhiên tôi vẫn muốn vào rừng sớm một chút, hôm qua khi chặt le về phát giác cây cám to đã có qủa chín nằm khuất trong cánh rừng le bên phải khu rừng chồi. Đêm qua gió khá lớn, nhất định sẽ có trái chín rụng đầy mặt cỏ, có trái rừng ăn no, còn có thể để dư cho buổi chiều. Tù cải tạo lúc nào bụng cũng đói meo, có dịp kiếm được ít trái cây rừng nhét bụng, khi nào tôi chịu bỏ qua. Toán lao động vừa ra khỏi trại, tôi tách rời anh em, rảo bước như chạy về phía khu rừng chồi. Băng ngang giải rừng song tới gần cây cám, từ xa đã ngửi mùi thơm ngào ngạt của trái chín. Dưới gốc cây có hai anh bạn ở trại khác cũng vừa chạy tới. Chúng tôi lục tìm trong cỏ nhặt những trái chín rớt xuống đêm qua. Tôi được khoảng mười trái, ăn ba còn lại bỏ cả vào túi và đi cắt tranh, tính chiều nay về trại sẽ chia cho Điển mấy trái. Điển là bạn học cùng trường trung học, tôi đã gặp hôm mới tới đây.



Khi ra lại khu rừng chồi để băng ngang qua bên kia, tôi thấy có một bộ đội tách rời toán tù chặt cây và lẽo đẽo theo sau tôi quẹo phải. Qua rừng chồi, xuyên ngang giải rừng rậm đầy gai góc hắn ta vẫn theo sau. Tới trảng tranh hắn ngồi trên một gốc cây đổ chăm chú nhìn tôi cắt tranh. Khi tôi ngưng lại uống nước xả hơi, hắn tới gần hỏi:
- Anh này cắt tranh cũng khá chất lượng đấy nhỉ! Anh ở đội nào thế?
- Chào anh, Tôi ở đội một.
- Anh cho tôi mượn xem cái đồng hồ anh đang đeo được không?
Tôi vốn đang lo không biết hắn muốn gì mà vác súng theo tôi cả buổi, giờ hiểu ra mới biết hắn mê cái đồng hồ đeo tay. Tôi gật đầu và tháo đưa cho hắn coi. Hắn ta ngắm nghía một lúc và hỏi?
- Đồng hồ này cũng khá đẹp đấy, mười ba nến, hai cửa sổ, nhưng mà đồng hồ này của anh có người lái không?



Tôi ngẫn người không biết hắn ta nói gì. Mười ba nến hai cửa sổ là sao?
- Tôi không biết thế nào là có, hay không có người lái? Nhưng đồng hồ này của tôi chạy rất đúng giờ.
- Thế anh lúc xưa trong quân đội ngụy cấp bậc gì?
Nghe hỏi vậy, tôi lại càng không hiểu tên này muốn gì. Cấp bậc của tôi có liên quan gì đến việc này? Tôi vẫn biết trong đầu óc bộ đội, tù cải tạo chúng tôi cấp bậc càng cao tội càng lớn. Nhưng tại sao khi không lại hỏi cấp bậc của tôi?
- Xưa tôi là Trung úy.



- Trung úy ngụy các anh sao mà dốt thế! đồng hồ không người lái mà cũng không biết. Này nhá! đồng hồ không người lái là mình không phải lái gì hết cả, cứ để mặc nó cũng vẫn chạy như thường đấy.
- Ồ, vậy đồng hồ của tôi không người lái.
- Anh có bán không? tôi mua cho anh giá cao.
- Tôi không bán.
Nghĩ nếu có tiền cũng chẳng xài gì được trong tù, nên dù hắn ta nói thế nào tôi cũng không chịu bán. Thích quá, hắn giữ lại ngắm nghía mãi mới chịu trả. Sau lần đó, tôi bỏ đồng hồ trong túi và không bao giờ đeo ở tay nữa, sợ sẽ gây nhiều chú ý.

Trăn của nhân dân.
Một sáng sớm, Điển và tôi đi rừng lấy cột nhà. Tiêu chuẩn cột phải thẳng, phải tương đối đều, không thể gốc quá to ngọn quá nhỏ, vì sẽ rất khó đục mộng dặt kèo, đường kính từ hai mươi hai đến hai mươi lăm cm, dài bẩy mét và phải là gỗ tốt.


Các loại cây Dầu, Chai hay Bứa đều là những cây cao thẳng tắp, muốn tìm được cây thẳng dài trên bẩy thước thiệt không khó khăn chút nào, khi hạ xong chỉ cần róc một chút vỏ phía dưới gốc làm chỗ nắm và kéo ngược lên trên, nguyên lớp vỏ sẽ lột ra thành từng dây dễ dàng nhanh chóng, không như các loại cây khác, muốn lột vỏ, phải dùng một khúc gỗ đập vào thân cây, vỏ ở chỗ bị đập sẽ dập nát ra, đập như thế trên toàn bộ cây cột mới chặt cho hết vỏ, thường đập khoảng ¼ cây đã ê ẩm cả cánh tay. Chai, Bứa, cũng như Dầu, nhựa cây tuôn ra rất nhiều ngay lúc lột vỏ, khiến cho cây nhẹ hẳn đi, vác từ rừng về trại tuy cũng rất mệt nhưng không đến nỗi đôi vai bị tê nhức tới ngày hôm sau như vác các loại cây nặng khác. Khổ một nỗi, các loại cây đó đều không được nhận, vì gỗ của nó rất được mối ưa thích. Cây rừng tươi, gỗ tốt thường rất nặng, phải hai hay ba người mới vác nổi về trại.


Mãi gần trưa chúng tôi mới tìm được một cây trường vừa ý. Mở ngàm cho cây đổ đúng hướng và hì hục thay nhau chặt. Cây ngả, tôi đo đủ bẩy thước và chặt ngọn. Khi đo tôi thấy có con trăn lớn, dài gần ba thước bị đè chặt dưới ngọn cây đang cố tìm cách thoát ra. Có lẽ lúc nó đang trên cây, cây ngả chạy không kip nên bị đè. Chúng tôi liền đập chết trăn và tiếp tục chặt ngọn, lóc vỏ cây, sau đó cuốn trăn vào cây và dùng dây rừng cột chặt, hớn hở cùng nhau về trại. Hai chúng tôi bảo nhau: sẽ có thịt cho nguyên tuần lễ sắp tới. Về dến ngang chòi canh cổng trại, Người bộ đội gác cổng chỉa súng chặn chúng tôi lại và sừng sộ:


- Hai anh kia đứng lại ngay cho tôi coi nào, sao hai anh dám bắt trăn của nhân dân?
- Con trăn này trong rừng. Lúc chúng tôi chặt cây thấy nó kẹt chết dưới cây đổ nên lấy về, chúng tôi đâu có bắt trăn của dân đâu.
- Anh còn ngoan cố hả! trăn trong rừng là của nhân dân đó biết không?
- Anh nói thế tôi thấy không đúng! Trong khu rừng này đâu có nhà dân, mà dân đâu có ai nuôi trăn bao giờ.



- Rừng là tài sản của dân, vậy trăn trong rừng cũng là của nhân dân chứ còn gì nữa. Bọn tù các anh quen thói bóc lột của nhân dân vẫn không chừa. Mau đưa con trăn cho tôi ngay.
- Nếu vậy chúng tôi đem thả nó ở chỗ đã bắt được.
- Bộ đội chính là từ nhân dân mà ra. Các anh đã học tập chính trị bao nhiêu lâu nay còn chưa thông suốt sao. Cứ để con trăn xuống đó, tôi đem nó lên báo cáo cho cấp trên biết không?

Điển và tôi đành hậm hực tháo trăn bỏ xuống đất. Dù uất ức cũng phải chịu. Làm sao cãi được với những lý lẽ chày cối như thế, lại thêm họng AK đen ngòm nữa. Đã tưởng sẽ có một ít thịt, nhưng miếng thịt đã như đến miệng vẫn còn bị họng súng móc ra mất.
Tự túc lương thực.
Chúng tôi phá rừng làm rẫy, trồng khoai mì, khoai lang theo kế hoạch tự túc lương thực. Câu nói “quê hương ta đất đai mầu mỡ” quả nhiên rất đúng cho lúc này. Những gốc mì lên nhanh như thổi, chẳng bao lâu các dải đồi đã biến thành cánh rừng mì xanh ngát cao gấp hai người dứng, và chúng tôi đã có thêm công tác nhổ khoai mì. Nghe thật nhẹ nhàng, nhưng khi vác bao khoai len lỏi trong rừng mì ra chỗ cân nộp cho đội thật không dễ dàng như tôi tuởng. Đất tốt, mỗi gốc mì ít nhất cũng có trên bốn năm củ đâm ngang. Gò lưng nắm gốc mì kéo lên phải vận dụng toàn bộ sức lực mới keo nổi, mà sức thì đã mỏi mòn từ mấy năm nay. Nhất là khi trời vừa tạnh mưa, tay còn dính đất khi bẻ các củ khoai bỏ vào bao, gốc cây mì trở nên trơn tuột như lươn, nắm nhổ được lên càng phải tốn sức nhiều hơn nữa.



Áp dụng đúng chủ thuyết xã hội chủ nghĩa, mọi tài sản đều là của chung, các đội nộp toàn bộ số khoai thu hoạch cho tiểu đoàn, và tiểu đoàn sẽ phân phối đồng đều trở lại theo tiêu chuẩn làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Sau mỗi lần thu hoạch, tiểu đoàn cho chúng tôi một tuần khoai mì điểm tâm thay cho nước cháo. Cán bộ nói đó là lòng ưu ái của đảng đối với anh em cải tạo. Hàng bao nhiêu tấn khoai không cánh đã bay mất nhanh hơn cả ảo thuật.

Ngay từ ngày đầu cải tạo, bữa ăn luôn luôn thiếu lại không có chất dinh dưỡng, sức lực anh em càng ngày càng lụn bại. Bụng đói triền miên đó là chuyện thường, khi bị thương các vết thương phải mất thời gian lâu gấp đôi gấp ba mới có thể lành. Cóc, nhái, thằn lằn, chuột, bọ, rắn rết, hay bất cứ con vật gì có thể cung cấp chất thịt cải tạo viên đều không chừa. Đã có nhiều anh em chết vì ngộ độc cóc tía, nấm độc v.v...
Sau Khi việc dựng nhà ở, hội truờng cho trại tạm xong, chúng tôi đắp lò rèn, đúc dụng cụ mộc. Cưa, đục, bào, đủ loại. Từ đó, chuyển sang đóng đồ dùng trong nhà. Lúc đầu bàn ghế còn thô sơ bằng gỗ tròn, dùng trong hội trường và nhà ở, dần dần chúng tôi phải vào sâu trong rừng tìm hạ các loại gỗ quí, như gõ, cẩm lai, Trắc v.v… Nghề dậy nghề, kỹ thuật đóng đồ gỗ của anh em cải tạo càng ngày càng cao. Mặc dù toàn bộ dụng cụ dùng đều do tự chế, chúng tôi vẫn xẻ ván từ những cây to hai ba người ôm, đóng thành những bộ sa-long, bàn ghế, tủ dựng quần áo, hay những chiếc giường thật đẹp, không thua gì những đồ bày bán trong các tiệm đồ gỗ nổi tiếng dọc đường Hồng Thập Tự ở Sàigòn trước năm 1975. Đồ sản xuất rất nhiều, cán bộ lấy đem về nhà riêng, hoặc đem bán kiếm tiền. Tiểu đoàn nào sản xuất được nhiều cán bộ tiểu đoàn đó giầu, lâu ngày trở thành một phong trào ganh đua giữa các cán bộ. Thi nhau bắt cải tạo đóng đồ gỗ đem bán.




Lần đầu tiên chúng tôi được viết thư cho gia đình cũng từ trại KàTum. Trước khi viết thơ, cả tiểu đoòn phải học tập về điều lệ và nội dung bức thơ được chấp thuận cho gởi. Những thơ không hội đủ tinh thần sẽ bị giữ lại.

1- Nội dung không được than thở, trái lại phải động viên tinh thần thân nhân, khuyên họ luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp chính quyền địa Phương
2- Cổ võ tinh thần người thân khuyên họ phải tin tưởng vào chính sách cải tạo của đảng Cộng Sản Việt Nam.
3- Cho thân nhân biết, cai tạo viên được đối đãi tử tế, được cấp phát quần áo và lương thực rất đầy đủ.

Thăm nuôi.
Ba tháng trước, Chúng tôi được lệnh dựng một khu nhà tranh ngoài bìa rừng cách trại khoảng năm cây số. hai dẫy dài nối đuôi nhau thành hình chữ L, nằm lọt ở giữa là một căn nhà nhỏ, ba vách, vách trước để trống quay về hướng hai dẫy nhà dài, tất cả nằm trong một vòng rào kín, nay được biết đó là khu thăm nuôi. Căn nhà nhỏ nằm gần cửa hàng rào, làm chỗ cho thân nhân khi đến trại vào đăng ký. Lúc dựng căn này, tôi đã thấy hơi lạ, cán bộ muốn chúng tôi để trống bức vách nhìn ra hai dẫy nhà dài. Đến ngày có người nhà lên thăm tôi mới hiểu. Từ căn nhà nhỏ có thể dễ dàng kiểm soát mọi động tĩnh bên hai dẫy nhà ngang.



Đa số khi viết thơ về gia đình, ai cũng xin đồ ăn. Không ngoại lệ, tôi cũng xin nhà một lọ mắm ruốc, nghĩ thứ đó rẻ và có thể để được lâu không hư, một chai nước mắm, thuốc ngừa sốt rét, và một chút mật gấu nếu có. Được báo có người nhà tới thăm, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp được gặp mặt người thân, lo vì không biết vợ con tôi có đi được không? Từ bao lâu nay tôi luôn mong ước được thấy lại người vợ mà tôi ngày đêm nhung nhớ. Chuyến thăm đầu, có ba tôi và đứa em trai. Nhưng tôi vui mừng hơn cả có lẽ vì có vợ tới, nàng còn bồng cả con gái đầu lòng của chúng tôi theo nữa.



Gia đình tôi quây quần cả bên cái bàn trong một gian của dẫy nhà ngang. Trong góc gian phòng, có bộ đội đeo AK ngồi canh nên chúng tôi đặc biệt cẩn thận từng lời nói. suốt hai tiếng đồng hồ tôi không rời vợ và đứa con gái vừa được hơn ba tháng. Nàng cứ nhìn tôi mà khóc chẳng nói được gì. Ba tôi đã gìa nhiều, ngày tôi đi ông còn rất trẻ trung . nay mới năm mươi mà tóc bạc trắng như đã trên lục tuần. Ông cứ thắc mắc mãi, vì sao tôi xin mật gấu. Cuối cùng tôi hạ nhỏ giọng cho ông biết tôi bị tra tấn cần mật gấu để trị nội thương . Vợ tôi nghe được, nước mắt càng dàn dụa. Hai tiếng thăm nuôi sao ngắn qua, giống như chỉ hai phút. Lúc chia tay tôi không ngăn được cảm xúc. Ba tôi cũng bùi ngùi dặn tôi nên bảo trọng. Vợ tôi bịn rịn chẳng muốn rời. Đường từ khu thăm nuôi về trại sao dài thăm thẳm. Các bạn khác vì xin quá nhiều đồ ăn phải gồng gánh nặng nề, có người phải đi dây chuyền hai gánh nên đi thật chậm. Tôi chỉ có một bao nhỏ xách tay cũng được nên không khó nhọc lắm trên đường về.

Tôi ở Katum ba năm, được thăm nuôi hai lần , mỗi lần ba tiếng . Lần thứ nhì vợ tôi đi cùng mẹ và đứa em gái lên trại.
Canh da trâu.
Sang nay tiểu đoàn họp sớm, chúng tôi không những không phải đi rừng, còn được phát mỗi người một bộ đồ kaki mới. Tiểu đoàn ra lệnh:
1- Hôm nay không phải lao động, nhưng mọi người không đuợc mặc đồ cũ, rách rưới. Trong vòng 2 ngày, bất cứ lúc nào, sẽ có phái đoàn quốc tế gồm đại diện các nước Nga, Anh, Pháp, Hòa lan, Bungary tới thăm trại.
2- Trong trại phải hoạt động bình thường, và vui vẻ cười nói, không được nhăn nhó chán nản.
3- Cấm tuyệt đối không được tự ý tiếp xúc trò chuyện hay nêu câu hỏi với phái đoàn. Cán bộ đã chỉ định người và chuẩn bị sẵn các câu hỏi cho mấy người này.
4- Đặc biệt nếu ai dùng tiếng nước ngoài như Anh, Pháp v.v… nêu câu hỏi hay nói gì với phái đoàn sẽ bị trừng phạt nặng nề.
5- Người đã được chọn sẵn, phải nêu đúng những câu hỏi cán bộ soạn trước, không được sửa đổi lệch lạc .



Sau khi họp, về trại nghỉ nguyên ngày. Thật bất ngờ, các anh em trong tổ anh nuôi được lệnh đi lãnh đồ ăn. Mỗi đội ba ký lô da trâu và một rổ rau muống. Đã mấy năm không có thịt cá chi hết, nay bỗng có canh rau muống nấu da trâu, cộng thêm một bộ đồ kaki mới, còn được nghỉ xả hơi khỏi lao động. Đúng là đảng có lòng ưu ái cải tạo. Nhưng suốt hôm đó chẳng có ma nào tới. Gần trưa hôm sau mới thấy phái đoàn gồm ba nguời ngoại quốc được cán bộ đón đi xem hội trường. Họ đứng nói chuyện trên hội truờng một lúc, sau đó đi thăm nhà cán bộ rồi ra về. Không thắc mắc, không thăm viếng, không có câu hỏi cũng chẳng có trả lời.



Sau buổi đóng kịch hụt, ngoài việc lao động từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối, Kàtum không còn gì đáng nhớ. Tôi ở trại này khoảng trên ba năm, cuối năm thứ ba có mười mấy anh em được thả, số còn lại chuyển về Thành Ông Năm Hóc Môn. Tôi về Hóc Môn càng buồn hơn, một số bạn được đi phép năm ngày thăm nhà, tôi không có may mắn đó. Trại gần thành phố nên được canh giữ rất kỹ luỡng, không có lao động xa, chỉ làm việc trồng trọt dọn dẹp lặt vặt trong vòng rào trại. Tôi giết thời gian ở đây bằng cách học guitar với Linh, một anh bạn mới quen. Một buổi tối tôi buồn và nhớ vợ, ra sau dẫy nhà ngủ, ngồi một mình dưới gốc cây hát cho vơi sầu. Bài “chiều hành quân”, Linh nghe được dem cay dan da chiến ra dệm cho toi. Từ đó chúng tôi thường quây quần lén hát nhạc vàng cho nhau nghe. Tạ Kỳ Linh, là con trai lớn của nhà văn Tạ Tỵ, chúng tôi đổi ngược tên thật của anh lại thành “Tinh Kỳ lạ” cho hợp với cái tài chơi đàn xuất chúng, dù chỉ với cây đàn do chúng tôi tự dùng ván thông và gò nhôm làm thành. Ngoài ra tôi còn cắt nhôm làm kẹp tóc, lược, lắc đeo tay và khắc hình hay chữ trên đó. Khoảng mấy tháng ở đây vì ít phải lao động cực nhọc sức khoẻ tôi đã phần nào hồi phục.



Hơn ba năm từ ngày Cộng Sản chiếm Sàigòn, thành phố tráng lệ của miền Viễn Đông. Chúng tôi, những người con hiên ngang gánh vác trách nhiệm bảo vệ tự do cho miền Nam đã không dứt áo ra đi, đã không nỡ xa rời quê mẹ. Dù sao cũng vẫn cùng một giống nòi Hồng Lạc. Đất nước hợp nhất, không còn chiến tranh. Chiến tranh dứt thù hận cũng tiêu tan. Ở lại dù có khổ sở thế nào cũng vẫn là người dân nước Việt sống trên quê hương Việt Nam. Không lẽ Việt Cộng nay đã lấy được trọn cả nước lại đi giết tập thể hàng trăm ngàn người dân chúng tôi sao?


Vì ý nghĩ đó, chúng tôi đã tự nguyện ở lại đem thân vào chốn lao tù, làm việc khổ sai đày đọa, cách biệt hẳn với xã hội bên ngoài. Nhưng hỡi ôi! Việt cộng dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam không giết chúng tôi tập thể. Chúng chưa muốn người dân Việt Nam kinh hãi, và nhìn rõ bộ mặt thật của Cộng Sản. Đảng đã thâm hiểm hơn gấp trăm gấp ngàn lần, đã đánh lừa gom những người con ưu tú của miền Nam vào các trại tù khổng lồ, và che mắt mọi người bằng mỹ danh trại “Cải Tạo”. Xã hội sẽ không còn người chống đối phản kháng những việc làm bán nước hại dân của chúng. Trong trại tù chúng không những hành hạ bắt làm việc nặng nhọc ngoài sức chịu đựng của con người, còn cướp hết những lương thực sản phẩm do tù nhân làm ra để họ ngày một đói, không chết vì rừng thiêng nước độc, bệnh hoạn không thuốc men, cũng chết dần vì thiếu đói, vì kiệt quệ, hao mòn trong lao động khổ sai, triền miên. không còn lầm lẫn nào lớn hơn lầm lẫn này. Cái ý nghĩ cùng một giống nòi Hồng Lạc mới mỉa mai làm sao!!! Cuối năm thứ tư tôi bị chuyển đi Phước Long.


Phước Long.
Phước Long là vùng cao nguyên, Trại cải tạo nằm sâu trong rừng, về sáng sương mù và khí lạnh rất lâu tan. Những khu rừng lồ ô thường nằm dưới thung lũng, thấp và thiếu ánh sáng nên ẩm ướt càng thêm ẩm ướt, lá lồ ô rụng thành một lớp dầy, lâu ngày mục nát rất thích hợp cho vắt sinh sống. Tôi ghét cay ghét đắng công tác lấy lồ ô, không phải vì nặng nhọc, chỉ vác hai cây dài đã nặng quằn vai, trong trại tù, có công tác nào mà không nặng nhọc? cũng không phải vì rừng lồ-ô ở khá xa trại, chặt dủ bốn cây vác về đã mất hơn hẳn nửa ngày còn mệt bở hơi tai, nghỉ nguyên buổi chiều cũng không lại sức. Tôi ghét đi lấy lồ ô vì rừng lồ ô đầy vắt. Bất cứ ngừa cách nào, bó chặt tay áo, cột kín ống quần v.v.. đều không thể tránh bị vắt cắn. Mỗi lần đi lấy lồ ô ít nhất cũng bị năm ba con hút no máu to phồng, đó là chưa kể hàng chục con khác mới vừa bắt đầu hút máu đã bị phát giác và bị giết ngay tại chỗ, thật khốn khổ hơn nữa nếu không may ta bị một con chui vào tai hay hậu môn.


Có lần chặt xong hai cây, róc sơ cành lá cho khỏi vướng, tôi gò lưng, è cẳng kéo ra ngoài trống chỗ có ánh sáng mặt trời, vì biết vắt rất kỵ ánh nắng, cảm thấy trên mu bàn chân vừa ngứa vừa đau vội cởi giầy ra xem, vừa lột được chiếc vớ tôi đã rùng mình, tóc gáy dựng dứng. Một cảm giac ớn lạnh thật khó tả, suốt đời tôi không bao giờ quên, chạy doc xương sống làm trán toát mồ hôi. Thấy trên bàn chân chín, mười con vắt bu kín đang đua nhau hút máu, con nào cũng đã căng tròn. Tôi vội vàng dùng luỡi dao gạt hết xuống, bằm nát, rồi lấp đất lên để khỏi phải nhìn máu của chính mình loang đầy mặt đất.
Một lần khác, nộp lồ ô xong trời đã chiều, ra giếng tắm, cởi áo mới thấy con vắt to căng tròn máu rớt từ sau lưng xuống, vì quá no không còn hút thêm được đã căng tròn như một viên bi nên tự động rớt ra.

Chúng tôi đã gầy gò vì thiếu ăn lâu ngày, bị mất máu như thế, với tôi là một cực hình ghê sợ nhất. Cái tệ hại bị vắt cắn không những chỉ mất số lượng máu đã bị hút, chỗ vắt cắn thường rất lâu lành, máu vẫn tiếp tục chảy dù con vắt đã bị chúng ta lấy ra. Trên miệng vắt tiết ra chất chống đông máu. Khi vắt đã nhả, trung bình phải mất ít nhất từ hơn nửa tiếng đến một tiếng máu mới có thể ngừng chảy.

Từ khi đến Phước Long, Tinh Kỳ Lạ và tôi ở khác đội, ít có dip gặp nhau. Việc học đàn với anh phải tạm gác lại. Các bạn cùng đội biết tôi từng mê chuyện kiếm hiệp Kim Dung, mỗi tối đều tìm cách mời tôi kể lại, họ nấu chè hoặc bất cứ món ăn gì có thể tìm được, đặc biệt để dành cho “thầy kể chuyện”. Tối nay buổi kể chuyện cũng tạm ngưng vì tập họp điểm danh bất thường. Hồi sáng đi cuốc cỏ ruộng mì tôi có gặp Linh, tôi chỉ chào hỏi qua loa và nhận ra Linh có vẻ vội vã. Không rõ như thế nào, nhưng Linh đã âm thầm sắp xếp với vợ qua mấy lần nuôi, và hôm nay chị Linh chạy xe Honda vào tận khu rừng thưa mang quần áo civil cho anh thay, hai người giả trang dân trong vùng cùng nhau trốn thoát về SàiGòn. Sau này tôi có đến khu chung cư Minh Mạng thăm nhưng không gặp linh, lúc đó đã đi Cà Mâu dò đường vượt biên, gặp chị Linh, tôi có gởi lời hỏi thăm anh. Nghe đâu anh cũng vượt biên an toàn và nay đang định cư tại Mỹ.


Xuyên Mộc, trại cuối cùng.

Chuyển về Xuyên Mộc chúng tôi ai cũng mặt mày ủ dột. Đây là trại tù do Công an coi. Ngày đầu vào trại một cán bộ khi tập họp chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng: Các anh ngụy quân ngụy quyền chuyển về trại này đều thuộc thành phần còn ngoan cố, học tập lâu vẫn không có kết quả tốt. Đã qua nhiều lần thanh lọc còn lọt lại. Những ai học tập tốt đều đã được cho về đoàn tụ với gia đình. Còn các anh có thể phải ở đây mãi mãi.

Ở Xuyên Mộc khoảng năm tháng, người Thiếu úy cán bộ đại đội gọi tôi lên để nói chuyện rieng. Trong lòng hồi hộp không biết mình đã ăn nói sơ hở gì để ang-ten báo cáo. Kinh nghiệm mấy lần, khi bị gọi lên gặp riêng với cán bộ lần nào tôi cũng mang cái thân ốm đòn trở về. Cũng may lần này anh chàng cán bộ đại đội trưởng này cho tôi biết anh ta nghe một người bạn tù giới thiệu, tôi khéo tay, biết vẽ và xủi đồ nhôm. Anh ta muốn nhờ tôi xủi hình một cô gái và đóa hoa hồng vào mặt hộp quẹt máy cho anh. Tôi nhận lời ngay vì đây là dịp may khỏi bị đào đất khiêng cây hoặc làm những việc nặng nhọc khác. Hết quẹt máy này anh ta đưa quẹt máy khác, hết quẹt đến vòng, lắc, kẹp tóc v.v… Một thời gian mấy tháng tôi luôn được ngồi trong gốc cây mát làm đồ riêng cho anh ta. Một hôm đang cùng các bạn đào gốc cây anh ta lại đến gọi tôi ra nói chuyện riêng. Lần này vừa mở lời đã chặn đầu: Anh phải làm tốt một việc sau đây, tháng sau anh sẽ được đề nghị cho về, và nhớ phải giữ kín chuyện tôi nói với anh hôm nay, nếu không anh sẽ bị giữ lại học tập thêm. Tôi rất ngạc nhiên, hôm mới vào trại có một cán bộ đã nói tụi tôi có thể sẽ phải học tập suốt đời ở đây. Anh ta tiếp: Trong vòng một tuần anh phải viết cho tôi bài báo cáo về tất cả những hanh dộng va tu tuởng sai trai phản dộng của mọi nguời trong đội. Nếu bản báo cáo tốt anh sẽ được về. Tuyệt đối không được dấu diếm che đậy chuyện gì cả .


Đêm đó tôi trằn trọc mãi. Thi ra hắn muốn mình làm ang-ten. Thiệt là khôi hài, muốn tôi làm ăng-ten bán rẻ anh em, đừng hòng tôi làm chuyện đó! Nhưng nếu lỡ hắn ta nói thật thì sao đây? nghĩa là nếu tôi không viết báo cáo hắn có thể giữ tôi lại không? Không thể bỏ uổng dịp may hiếm có cũng không thể làm hại anh em. Vợ con tôi ở ngoài đang trông đợi tôi về, còn có gia đình tôi nữa. Thật là một đòn thâm độc. Suy nghĩ mãi tôi đã quyết định chờ tới ngày chót mới viết báo cáo. Trong báo cáo tôi viết: Tôi nhận thấy các bạn trong đội người nào cũng cố gắng hết sức lao động, học tập, chăm chỉ. Người nào cũng nôn nóng mong học tập mau về. Họ cố gắng nhiều quá nên mệt nhọc, công việc có hơi chậm lại. Ban đêm họ đều mệt, ngủ say không bàn tán xì xào gì được cả .


Một tuần sau, buổi sáng sớm khi tiểu đoàn tập họp đi lao động, 12 người được giữ lại trại cho lãnh giấy ra về trong đó có tôi. Về đến nhà gặp cha mẹ vợ con mấy tháng sau có người dắt mối nhờ lái ghe vượt biên. Tôi không ngần ngại nhận lời ngay. Cuối năm 1980 may mắn đã đưa được gia đình thoát nạn tới Indonesia và đi định cư năm 1981 . Một thời kinh hoàng tủi nhục của đời người đã qua, nay nhớ lại tôi vẫn còn kinh tởm cộng sản vô cùng.


Dung2
Trở lại đầu


TRẦN KIM BẰNG * VƯỢT BIÊN BẲNG ĐƯỜNG BỘ

 
 VƯỢT BIÊN BẲNG ĐƯỜNG BỘ
Trần Kim Bằng

Tác giả Trần Kim Bằng, cư dân vùng Little Saigon là một nhạc sĩ, đã phát hành tập nhạc và CD Duyên. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là một hồi ký về hành trình vượt biên đường bộ năm 1980.

* * *

blank
Ban nhạc tị nạn Sikew, nhân kỷ niệm sinh nhật Hoàng hậu Thailand.

Từ Khao I Đăng đến Sikew, 1980

Đầu năm 1980, nhóm người Việt vượt biên đường bộ đầu tiên đươc chuyển đến trại Sikew khoảng 600 người, một số từ các trại sát biên giới Thái Miên, số khác từ trại Arrange Pathet (trại tù lao công đào binh), đa số còn lại từ trại Khao I Đăng section 13. Tất cả được sắp xếp cho vào các Building 1,2 v à 3. Mỗi Building (B) có trưởng và phó Building do một số cựu quân nhân QL-VNCH được đồng bào bầu ra để đại diện người tị nạn tiếp xúc, liên lạc với người Thái trong mọi công việc về mặt đời sống.

Trại Sikew có lính gác, có trại trưởng và trại phó do quân nhân Thái đảm trách. Gặp 2 người này là phải đứng nghiêm, khoanh tay cúi đầu, cung kính chào: Savadi Khấp!". Đã có nhiều người bị đánh, cá nhân mình cũng suýt bị ăn gậy vì thấy tên phó trại mà làm bộ ngơ ngác, không chào. Thấy nhóm tị nạn trông đen đủi và cô hồn quá nên trưởng trại cho tập họp, cảnh cáo ngay và cho biết đây cũng là một trại tù của lính Thái, nên kỷ luật rất nghiêm nhặt, áp dụng cho dân tị nạn giống như quân đội, vi phạm kỷ luật sẽ bị cạo trọc đầu, giam vô chuồng cọp, chuồng beo... tù vô thời hạn.

Người Thái giống việt cộng ở chỗ bắt sĩ quan, quân dân cán chính VNCH đi học tập cải tạo mút mùa mà không cho biết thời hạn phải tù bao lâu. Ở trại Sikew nếu bị tù thì chua lắm bởi dù phái đoàn có đến gọi tên lên phỏng vấn hay bạn có danh sách đi định cư thì cũng miễn đi, ở tù đã...

Trại Sikew sẽ có chào cờ ngày 2 lần sáng chiều, mọi người đều phải học thuộc và ca quốc ca Thái Lan, còn nhớ lúc đó anh Trần Thịnh* sau này là danh hề nổi tiếng hải ngoại cứ ca nhại "gà dây thung ta nấu cho thành xé phai,... đi đứng lang bang, 2 tay đút vô túi quần..". làm bà con cứ bò lăn ra cười.

blank
Nhìn phía sau là Buil-ding 1 của trại Sikhiu 1980.

Sikew có 8 building lớn, ngoài 3 building đầu thì các building 4,5,6 dành riêng cho người tị nạn Lào gốc Việt, đến từ trại Nong Khai phía Đông Bắc Thái. Họ nói tiếng Thái (tiếng Lào và Thái xài chung ) và nói tiếng Việt rặt giọng Bắc nghe ngồ ngộ, nhưng dễ hiểu và hiền hòa. Nhìn chung thấy bảnh lắm, vì nước da họ trắng tuốt, quần áo tươm tất, sạch sẽ. Những cô gái Lào gốc Việt ai cũng khá đẹp, và thường quấn xà- rông cho tiện. Phe ta mới đến, nhào qua thăm hỏi tình hình thì họ cho biết người Việt ở Lào đi tị nạn dễ lắm, chỉ bơi qua một con sông là sang đất Thái, qua trại Nòng Khai, ở riết chán, thấy khổ thì lại lẻn bơi về. Nhưng sau này cao ủy chuyển về Sikew. Hỏi tới mới biết họ ở trại Sikew này, người ít nhất, sơ sơ cũng trên 1 năm, còn 3, 4 năm thì nhiều, được đi định cư thì phải là may mắn. Lý do: họ lý luận, đơn giản thôi, người Thái không cho phái đoàn các nước vào trại phỏng vấn?

Vì tị nạn ở trại càng lâu thì càng đẻ ra nhiều công ăn việc làm cho dân Thái. Tiền do cao ủy trả, điều này có lý khi nhìn vào trại Khao I Đăng, trại khá lớn mà người Thái cấm đào giếng và nước phải do họ cung cấp, bạn tính xem, nhiều trăm chuyến xe do công nhân Thái chở nước vào mỗi ngày ngày cho 5 chục ngàn người Kampuchia ròng rã trong nhiều năm...?

Trại Khao I Đăng, được biết chỉ được định nghĩa là nơi để "lánh nạn" chứ không phải là "tị nạn" nên không có phái đoàn đến trại phỏng vấn, bởi vậy khi chuyển trại, có một vài người Miên giả làm người Việt tỉnh queo, lên xe đi theo, sau này định cư thành công.

Khao I Đang có Section 13 mới xây thêm, dành riêng cho nhiều nhóm người Việt đầu tiên vượt biên bằng đường bộ. May là thời gian ở đây chỉ vài tuần ngắn ngủi. Cũng có thể do "trâu cột ghét trâu ăn" hay vì cộng sản Việt Nam đang xâm lăng Kampuchia? nên xảy ra vài đụng chạm nhỏ giữa Miên và Việt, nhờ vậy Cao ủy tị nạn phải di tản đám người Việt về trại Sikew gấp sợ có chuyện.

Nhìn chung thấy đường tương lai sao mù mịt quá! Ở Sikew khoảng vài tháng sau này mới thấy thấm thía hai chữ may mắn mà lúc mới tới không ai để ý. Khi có một gia đình người Lào Việt được đi Đức, loa phóng thanh reo:"Sau đây là danh sách những người... may mắn có tên được đi định cư ở đệ tam quốc gia". Thôi thế thì cứ yên tâm sống đời tị nạn mà xem tình hình biến chuyển thế nào? Ai siêng chịu khó cắp sách đi học thêm sinh ngữ do các thày tị nạn tự nguyện đứng ra dạy và ráng giữ gìn sức khoẻ chờ thời! Nói giữ gìn sức khoẻ là vì góc trại Sikew cũng có nghĩa trang nhỏ, nơi đó có 12 người tị nạn vĩnh viễn chọn làm nơi an nghỉ!

Thời gian 1980, những người vượt biên đường bộ khá tuyệt vọng vì chưa được thế giới biết đến nhiều bằng những người Việt vượt biên đường biển hiện rầm rộ có mặt khắp nơi tại các nước láng giềng ngoài Thái như Indonesia, Malaysia, Philippine, Hong Kong...

Sikew có Building 8 (B8), rất đặc biệt vì nằm bên kia trại, cửa ra vào đều bị khóa, kiểm soát chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, lính gác có súng. Người tị nạn là những cán binh, bộ đội, trong đó có nhiều người thuộc dân con cái "ngụy" tức phe ta chính gốc VNCH, nhà nghèo không tiền lo lót, bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, nhân cơ hội vọt luôn qua Thái xin tị nạn. Những người này trước khi tới trại đều được đưa về Bang kok khai thác chán chê rồi mới đưa về Sikew, và có tin đồn họ sẽ vĩnh viễn ở lại đất Thái, phần nữa cũng không quốc gia nào dám nhận cho phe nón cối, dép râu đi định cư? Chuyện người ta đề phòng tình báo phản gián mà. Thiệt là thê thảm!

Lúc đó mình gặp lại đứa em trong xóm thuộc diện này, nay trở thành bộ đội vượt biên hiện nằm trong B8. Mừng quá vì nhà nó chỉ được báo cáo mất tích, mọi người ai cũng nghĩ nó bị tiêu rồi! Chú em bắn tiếng qua hàng rào kẽm gai nhờ mình tìm cách báo về Sài Gòn cho má biết là còn mạnh khỏe.

blank
Galang tiễn người đi.

B8, Tìm Bạn Bốn Phương

Nói về nhân vật của B8, bạn phải nghiêng mình thán phục, nhiều chuyện khôi hài, hồi hộp hay táo tợn. Nhớ có hiện tượng mà toàn trại Sikew ai cũng biết và cười. Các cụ B8 có lạc bước nơi đây, đọc xong xin đại xá..

B8 mặc dù là những người vượt biên tìm Tự Do nhưng đối với người Thái đầy nghi kỵ nên vẫn bị hăm he về chuyện không có ngày đi định cư. Đời sống trong trại tù túng, thiếu thốn không có tương lai kể khá bi đát. Cách hay nhất là viết thư gõ cửa các hội thiện nguyện khắp nơi tìm an ủi, hổ trợ hay sponsor. Kẻ có thân nhân thì nhờ báo chí hải ngoại tiếp tay đăng tìm giúp và có lẽ vụ tìm bạn bốn phương cũng bắt đầu từ đó.

Không biết ai khởi xướng nhưng chỉ thời gian ngắn sau trăm hoa nở rộ... tức là, trự nào ở B8 cũng có một vài người yêu khắp nơi trên thế giới để mà tâm tình, trò truyện, nhưng quan trọng nhứt là có thêm thu nhập tài chánh.

Trên mục kết bạn tâm thư báo Văn Nghệ Tiền Phong và báo Hồn Việt tại hải ngoại, California lúc nào cũng đăng tin rất nhiều các em gái trong trắng, ít tuổi đời, lạc bố mất mẹ trên đường vượt biên, hay goá phụ ngây thơ, nữ sinh Gia Long, Marie Curie, Trưng Vương,... nói chung nhan sắc mặn mà, trên trung bình, con nhà gia giáo, hiện độc thân, cô đơn lắm... đang mong chờ mòn mỏi các ân nhân phương xa ra tay cứu giúp, em nguyện sẽ nâng khăn sửa túi, đáp đền khi gặp lại. Thư từ liên lạc xin gửi về em tên.... Địa chỉ trại Sikiu Camp,...Building 8... Panat Nikhon, Ratchasima- Thailand.

Sau 1975 các đấng liền ông thoát được ra hải ngoại đi tìm các cô mà lấy làm vợ, con mắt đổ ghèn tìm hỏng ra nương nào! Mấy cô tiểu thư dù nhan sắc khiêm nhường, chỉ cần hơi trắng da dài tóc là trước ngõ vương tôn công tử đầy kẻ thập thò, tha hồ mà chọn. Úi chao! sao cái B8 - Sikew này tự dưng có lắm người đẹp thế! Thế là thư từ đáp ứng cứ nườm nượp thay phiên nhau đổ về.

Tình hình lúc ấy "nóng" quá, không ra tay sớm kẻ khác cuỗm mất, người khôn là người biết ra tay cứu vớt các em từ thủa bơ vơ!

Thùy Trang, 26 tuổi, 1 con, bị chồng ruồng bỏ. Hiền, thùy mỵ, đẹp xấu tùy người đối diện, vừa may mắn cùng con thoát được đến bờ tự do, không thân thuộc bảo lãnh. Hiện rất cô đơn, muốn yên phận để nuôi con trưởng thành. Tìm nơi nương tựa, chỉ dẫn Trang bước đầu nơi xứ người. Mong gặp đối tượng thành thật để tính chuyện lâu dài. Xin đừng đùa giỡn, Trang hứa sẽ hồi âm và gửi hình dù thư đến trễ. Thư về Thùy Trang, B8 - Sikiu.

Rồi sao? Người đẹp "trai" Thùy Trang, có ngày nhận cả 2 chục lá thơ gửi tới, tuyên bố ngon lành, anh nào không thực tế, nói toàn chuyện yêu đương tha thiết, lỉnh kỉnh là dẹp, thơ nào check có mấy choạc, tức là dưới trăm đô, cũng dẹp. Thiệt tình Đời tị nạn thành đời vương giả ít ra nơi mặt vật chất!

Màn đại bịp rộ khắp trời Sikiu. Cả nước B8, các đấng nam nhi chuyển giống qua gien "nữ"!

Hình ảnh để làm tin cho các anh yêu nơi phương trời xa xôi thì như phần trên đã nói về các cô gái Lào gốc Việt ở Building 4,5,6, họ giống lai giòng nên ai cũng "đép đẹp", nói theo lối của họ. Tóm lại, duyên may đưa đẩy...Trai Sài Gòn gặp gái Viêng Chân như cá gặp nước, mê nhau như điếu đổ, dù B8 mỗi ngày chỉ có mấy trự được phép thay phiên nhau qua bên này đi chợ ở khu B4, và thời gian thì không nhiều, nhưng có cô nào mà không thích được chụp hình để các anh coi cho đỡ...nhớ! Thiệt là thiên thời địa lợi, hình các em gái Lào được các "cô" B8 dùng gởi đến quý anh giai bốn phương trời.

Dân hành nghề nhiếp ảnh thời ấy cứ là kiếm khối tiền!

Vượt biên một phút

Những người bộ đội tị nạn Việt Nam tại B8 thì mỗi người đều có một hoàn cảnh vượt thoát khac nhau. Câu chuyện có thật của Nguyễn Tấn X, cấp bậc binh nhất, diện Nghĩa Vụ Quân Sự, anh thuộc sư đoàn 5 ninh 8, trung đoàn 123, đại đội 3 (?) trực diện đêm ngày tại tuyến đầu với tàn quân Polpot trong rừng, ngay sát biên giới Thái.

Vì đóng quân án ngữ ngay bìa rừng cạnh biên giới nên ngày ngày lính biên phòng Thái và bộ đội Việt Nam đều nhìn thấy nhau. Cả hai bên đều canh chừng tàn quân Polpot ở trong rừng. Tuy không có giao tranh nhưng người Thái luôn đề phòng và bố trí lực lượng khá hùng hậu nơi này. Giữa hai đội quân khác màu áo chỉ khoảng hơn trăm thước là một bãi mìn dầy đặc như để phân ranh giới do cả hai bên thay phiên nhau thay đổi vị trí gài đặt mỗi buổi chiều.

Mỗi sáng, phía Thái có chào cờ thì bên này cũng tập họp để nghe chính trị viên đại đội cà kê huấn thị. Bữa kia có chuyện...

Như thường lệ buổi sáng thức dậy trời tờ mờ còn ngái ngủ ra tập họp, đồng chí X lợi dụng lúc mọi người còn đang uể oải, chưa vào hàng đầy đủ đã làm 1 cú lịch sử, đột ngột chạy băng qua bãi mìn trước mắt những người lính của cả 2 bên. Mọi người đều bất động, nín thở chờ mìn nổ, quên cả nằm xuống vì bất ngờ quá. Lúc chính trị viên đại đội phát giác la lên thì mọi người tỉnh hẳn và không tin chuyện xảy ra trước mắt: Hắn la lên: "Đồng chí X, trở lại ngay không tôi bắn..." Đã quá trễ, X cứ chạy, vừa chạy vừa giơ hai tay lên cao tỏ ý đầu hàng để lính Thái khỏi bắn ẩu. Lúc đó phía hàng quân Thái đang tập họp nhìn ra vấn đề ngay và họ lập tức điều động quân lính gờm súng chuẩn bị đáp ứng tình thế. Như một phép lạ, càng chạy càng nhanh.

Sau này anh cho biết cảm tưởng lúc đó chân như không còn chạm đất mà cũng không sợ đạp trúng phải mìn nữa, mọi chuyện đều phó mặc định mệnh an bày. Thời gian chưa đầy 1 phút mà rất dài, mọi người ai cũng nín thở nhìn theo chờ nghe tiếng mìn nổ, và rồi cuối cùng, mìn... không nổ. Anh đã thành công khi liều mạng chạy băng qua bãi mìn để đổi lấy sự Tự Do. Khi chạy đến phần đất Thái, viên sĩ quan Thái ra hiệu anh tiếp tục chạy xuyên qua hàng lính của họ và tự mình đứng chắn trước lối anh vừa qua...

Họ nhanh chóng khám xét anh rất nhanh và cho người áp tải đi vô sâu trong đất Thái. Phía bô đội tức tốc gởi người qua và đòi lính Thái phải giao trả về... "No way Jose!" Bạn ơi làm gì có chuyện này!

Đồng chí X được lên xe Jeep chở ra khỏi vùng hỏa tuyến và ngay chiều đó được chuyển về Bang kok. Khoảng tháng sau khi an ninh Thái điều tra với những thủ tục cần làm, họ chuyển anh về Building 8 Sikew. Như vậy, có thể nói cuộc vượt biên bằng chân vượt qua bãi mìn dầy đặc, đánh cược với tử thần đổi lấy Tự Do này thiệt vô tiền khoáng hậu. Thời gian giữa sống và chết chỉ trong khoảng chưa đầy 1 phút, quá nhanh, như vậy xứng đáng được ghi vào sách những kỷ lục lịch sử Guiness thế giới.

Anh cho biết thêm, trong vụ này thực ra có 2 người, kẻ đưa ra ý kiến vượt qua bãi mìn này lại là người bạn bộ đội gốc Bắc kỳ của đồng chí X. Họ trở thành thân nhau trong dịp anh X cứu anh Y thoát chết trong 1 trận giao tranh (đồng chí Y sau này cũng vượt thoát được khi bộ đội cộng sản đánh tràn qua đất Thái đuổi tàn quân Pôn Pốt khoảng giữa năm 1980).

Anh Y cho biết cả hai đã tính toán trước, chuẩn bị cuộc vượt biên liều mạng này lâu rồi và chỉ chờ dịp thuận tiện... Thường buổi chiều hôm trước nếu được giao nhiệm vụ gài mìn, lúc gài đặt phải lén đánh dấu và cố nhớ kỹ chỗ mình gài để biết mà tránh. Đó là bên này, chưa kể vùng mìn rác ở giữa, và mìn gài bên phía lính Thái thì sẽ tính toán theo sác xuất, quan sát, nhưng họ dĩ nhiên thường hay thay đổi... coi như đánh cuộc số mệnh.

Anh Y cho biết thêm người chính trị viên đại đội đã nhắm bắn anh X nhưng không hiểu sao cuối cùng lại không nổ súng? Anh suy đoán có lẽ hắn cũng hồi hộp không dám bắn thẳng vào anh X vì nếu trật, trúng lính Thái thì sẽ có đáp lễ và thành to chuyện ngay, có điều cả đại đội ai cũng biết tay đó bắn rất giỏi?

Anh Y cho biết đêm đó cá nhân anh nhận phiên gác khá xa, bàn giao trễ nên về tới chỉ kịp lúc thoáng thấy anh X đã chạy rồi.

Trại Sikew Được Phỏng Vấn

Quay trở lại nhóm 6 trăm người đến Sikew từ Khao I Đăng, khoảng đầu tháng hai 1980 được dồn vào các Building 1, 2 v à 3. Rất may mắn vì trong nhóm có người biết tin tức, địa điểm nơi quân nhân mất tích (M.I.A. = missing in action) nên người Mỹ hầu như tuần nào cũng ghé vào trại để làm việc vài ngày. Nhờ vậy nên người Thái cũng phần nào e dè, bớt khắt khe hơn với tị nạn?

Ngoài ra nhóm đầu tiên đa số là dân Sài Gòn, khá nhiều sĩ quan mới học tập cải tạo về, có bác sĩ, giáo sư, luật sư, nhiều cô bác từng làm việc cho sở Mỹ... Trình độ tiếng tây tiếng u như gió. Quả thực là may mắn được ở chung với nhiều người giỏi, vì vậy nhóm 6 trăm chinh phục được nhiều giới chức, các cô chú còn nhờ cao ủy đi gõ cửa các tòa đại sứ giùm, đánh động phương tây giúp can thiệp định cư.

Cho đến khoảng tháng 8, 9 có tin trại Sikew cho phép các phái đoàn vào phỏng vấn sau nhiều đánh tiếng lên tới cả nhà vua Thái. Dân con côi cũng được phái đoàn Mỹ phỏng vấn theo diện "xì bông xô hốt rác" nếu kiên quyết chờ và không có thân nhân các nước khác. Lúc ấy thì "thung thướng" lắm. Thêm chuyện vui là giấy tờ xin phỏng vấn muốn khai sao thì khai, nên một số rút kinh nghiệm ở Việt Nam sợ đến tuổi phải đi lính sớm, hiên ngang rút tuổi xuống cho trẻ, có kẻ "kéo quá hóa co" bởi cái hại sau này là lúc qua Mỹ rồi rất khó khi làm đơn bảo lãnh gia đình đi đoàn tụ. Kỳ rồi quán phở ngoài Bolsa có một cựu Sikew xưa ở chung Building, râu đã dài tới rốn, người qua tuổi lãnh hưu trí từ lâu mà vẫn cứ phải bưng tô, đi cày tiếp bởi xưa hơi quá tay, rút tới mười tuổi lận! Cụ nức nở phân trần:"đời ai biết mà ngờ".

blank
Tay kia rời trại đang vẫy tay chào từ dưới tàu, đi rồi còn dặn thợ chụp làm một "bô" kỷ niệm, chỉ khổ cho mấy thằng con bà sơ trên bờ vốn là chuyên viên vay mượn kinh niên phải trả tiền chụp hình cho him.

Rời Thailand

Nhóm 6 trăm cuối cùng cũng được "may mắn" rời Sikew làm 3 đợt, mình đi đợt 2 tháng 1 năm 1981 đến trại Panat Nikhom, ở 1 ngày rồi lên trại Lumpini Transit Center, tại thủ đô Bangkok chuẩn bị ra phi trường qua Pulau Galang RPC tức Refugee Processing Center để học Anh ngữ và bước đầu hội nhập đời sống Hoa Kỳ. Đến trại này rủi mà lại vui vì không hiểu sao hồ sơ bị trục trặc nên phải ở lại hơn hai tháng đâm ra tối ngày lông nhông trốn ra Bankok chơi... Vì là trại chuyển tiếp đến và đi, tất cả người tị nạn bắt buộc phải ghé ngang trước khi rời khỏi xứ Thái. Điều kiện sinh hoạt trại Lumpini khá tốt về ăn uống và nước tắm. Ở đây gặp và kết thân được nhiều bạn đến từ các trại đường biển như Songkhla, Leamsing. Thường người nào bị kẹt lâu lắm cũng chỉ 1,2 tuần, với thâm niên gần 2 tháng mình trở thành trưởng trại, sắp học thuộc được tiếng Thái... "Nừng xoỏng xám xì ha hộc...đếm từ một tới mười thì lên đường.

Trại Transit Center thường có những vụ trả thù giữa những người tị nạn, tay người Việt kia gây nhiều bất công, ăn chặn tiền ăn bạc, hà hiếp đồng bào lúc có tí chức quyền nơi trại cũ, khi lên tới Lumpini này bị đồng hương tị nạn vác dao rượt chạy có cờ. Một ông cựu trưởng ban an ninh từ trại đường biển, khi lên đây phải đút lót tiền cho cảnh sát Thái xin được ở chung nơi trạm gác, không dám lò dò vào bên trong để mà lấy cơm về ăn hay đi tắm rửa, cứ vậy cho tới khi lên xe buýt ra phi trường.

Từ trại chuyển tiếp Lumpini lên máy bay qua Singapore, nhân tiện xin được thay mặt tất cả những người tị nạn đã đi qua trại Lumpini thời đó và sau này đã từng nhận được sự giúp đỡ về mặt thơ từ, để nói lời cám ơn chân thành đến Madame Simon Thúy. Một người Việt sinh sống nơi Bangkok, có chồng người Anh, làm trong lãnh sự quán Anh Quốc, ông qua đời vì tai nạn xe. Chị Thúy sống luôn tại Bankok nuôi con, và đã ngày ngày tình nguyện vào trại Lumpini giúp chuyển giao và nhận, cùng gửi thư tín đi khắp nơi qua địa chỉ nhà của chị cho đồng bào được yên tâm. Âm thầm hy sinh làm liên tục trong nhiều năm. Hy vọng Chị Thúy có dịp đọc được mấy lời này.

Galang 2, 1981

Đến Singapore, được tàu nhỏ đưa vô đảo Galang. Nhóm mình là những người đầu tiên được vào ở Galang 2, lúc đó mới vừa hoàn thành. Cứ bốn thanh niên được dồn vào 1 Barack mới toanh còn thơm phức mùi cây gỗ. Y như khách sạn dành riêng cho Summer Vacation để ngắm cảnh ở Mỹ, tệ lắm cũng được 3 sao dù không căn nào có cửa. Qua thời đi tới đâu cũng cả trăm mống chung một nhà. Ăn uống có đồ hộp, cao ủy phát trước vài ngày 1 lần, tuy thiếu chất tươi nhưng sao cũng được, có tiền thì có thể ra chợ ngoài Galang 1 mua thêm rau do bà con tị nạn tới trước trồng, nhưng tụi này mà có tiền thì tối ngày lại thích ra quán ngồi đấu láo cho vui. Nhớ lúc đó cơm cao ủy khi ăn lâu lâu nhai nghe cái "cộp" 1 phát thiếu điều gãy răng, lè ra mới thấy nguyên cái ghim bấm giấy (stapler) bằng sắt, mà vụ này bị hoài à? Cũng may là nhai trúng, chớ không thì chắc phải giải phẩu thay mấy cái bao tử mới??? Phòng vệ sinh sạch sẽ, có khu tắm tập thể nước bông sen. Vấn đề nước rất quan trọng nên bà con phê quá, tị nạn lúc đó thấy như thiên đàng, bụng nghĩ giá có phải ở lâu tí cũng OK. Các đấng chuyên tán phét ngoài quán cà phê thì cho rằng đây là nơi đặc biệt, chỉ dành riêng cho những tị nạn đã có vé vô Hoa Kỳ, đến để ăn ngủ, học Anh ngữ, hướng nghiệp rồi lên đường định cư...nên họ phải lo cho thật chu đáo, đầy đủ, ưu tiên hơn những nơi khác! RPC khác với những người chưa được phái đoàn tới phỏng vấn, oai lắm đấy. Nghe sao mà ớn quá! Vấn đề nước tắm nhớ kỹ lại thì hình như chỉ được tuần đầu, tuần sau thì tắm...khô vì sau một vài ngày thỏa thê mát mẻ ấy chả hiểu vì sao không bao giờ thấy nước chảy ra từ vòi sen nữa! tịt hẳn! họ chỉ biểu diễn lúc đầu để tính tiền cao ủy? cũng may gần đó có suối, chịu khó chờ thứ tự cũng không đến đỗi nào...

Vấn đề học Anh văn phải lấy test để phân chia trình độ cao thấp, lớp phải do các thày người Indonesia dạy, thày Việt chỉ được cho làm trợ giáo, không lương. Lớp học tiếng Anh của mình, gen thô mân (gentleman) lâu lâu thày giáo Inh đô dạy phang bừa thành "giăng tơ lơ măng" làm cả lớp có đứa xém phải khiêng lên bệnh viện vì chết sặc, cười...

Môt buổi tối tụi này đang chuẩn bị ngủ thì nghe có buớc chân rầm rầm chạy lên cầu thang, rồi 2 cô cậu chạy ào vào phòng như cơn gió, tiện tay vồ luôn cái chăn nơi cửa tụi này gấp lại dùng để chùi chân, trùm vô cho kín, giả bộ...đang ngủ ngon. Người nam đưa ngón tay trỏ lên miệng suỵt suỵt, ra dấu nói bà con giữ im lặng giùm...

Khoảng nửa phút sau có tiếng xe máy hung hãn rồ ga, ánh đèn pin nhá nhá, rồi tiếng tây tếng u, tiếng Indo, tiếng... Đan Mạch la hét loạn xạ ngầu, như chửi bới cay cú lắm. Lúc này nhận ra anh mới chạy vào phòng là người quen cùng trại bên Sikew, qua Galang từ trước hiện đang ở Galang 1. Anh cho biết mò từ ngoài đó vô thăm người yêu mới sang ở Galang 2. Cô cậu đang hú hí trên đồi thì an ninh Inđo đi xe ngang rọi đèn pin thấy và rồ ga lên đồi để bắt quả tang dám... hò hẹn trong giờ giới nghiêm. Chả hiểu sao, bữa đó trời không trăng! thiệt xui cho nó mà hên cho cậu mợ, lúc rượt theo thì đất đỏ gặp giời mưa mấy bữa trước vốn trơn trợt nên cu an ninh bị té xe khá nặng, trợt từ trên đồi xuống nên hai người mới thoát được. Chuyện tình Romeo + Juliet này dính như keo nhưng bị bên họ hàng của ổng ngoài Galang 1 phát giác, họ nhao lên phản đối quá xá, sau này khi định cư ở Mỹ thì mối nhân duyên mới chấm dứt bởi... vợ ổng từ Việt Nam lò dò dắt theo mấy đứa con qua đoàn tụ! Cái này gọi là Cali tình xù chớ Galang tình...không xù, nói theo kiểu bác Liêm, người rất nhiệt thành, hiện đứng ra thực hiện đặc san, tổ chức những buổi hội ngộ cho Thuyền nhân, Bộ nhân xưa.

Galang 2, 1981 về mặt tôn giáo cũng có linh mục làm lễ mỗi Chủ Nhật. Bà con Công giáo và kể cả người không công giáo cũng đến tham dự thánh lễ, ngồi đứng đầy trên đồi Golgotha, mọi người ai cũng sốt sắng lắm, đọc kinh rõ là to, chắc cầu cho mau đi định cư? Lúc đấy mình có quen 1 anh bạn làm giúp lễ, cách đây khoảng 2 năm, anh qua Cali chơi đi thăm con chiên ngoài... Phước Lộc Thọ tình cờ gặp. Anh cho biết hiện đang là 1 linh mục tuyên úy trong quân đội Hoa Kỳ. Ngài cho ít thông tin về những người quen xưa, đặc biệt nhất là tin về ông cha thời đầu tiên ở Galang 2 thường cử hành thánh lễ mỗi Chủ Nhật. Lúc cha qua Mỹ thì đã thôi chức linh mục và trở về đời thường. Cởi áo chùng thâm, mặc tuxedo lên xe bông đám cưới, âm thầm theo tiếng gọi con tim về nhà vợ, đến nay cũng đã có nhiều con lớn...

Tóm lại Galang với mình chỉ nhớ được chút ít vì ở không lâu, đâu khoảng 2,3 tháng gì đó là đi rồi. Thời gian ở đây ngắn ngủi quá, tình còn chưa có lấy chi xù hả các bác?

Từ Galang qua Singapore rồi qua Mỹ, cuộc sống mới bắt đầu với nhiều nỗ lực hòa nhập, những người bạn cũ ở gần đôi lúc vẫn tìm đến nhau, hay phone thăm hỏi nếu ở xa. Rồi thời gian thưa thớt dần vì xứ người khá bận rộn, cánh độc thân nơi ăn chốn ở hay thay đổi...

Lâu lâu vẫn có tin về trại cũ do người đi sau may mắn được qua định cư kể lại. Thời gian những năm sau này trở nên thê thảm hơn khi các nước từ chối nhận thêm người tị nạn đến định cư, bắt đầu thanh lọc, ai rớt sẽ bị trả lại về Việt Nam. Đồng bào trong các trại tị nạn phản đối qua nhiều hình thức như biểu tình, tuyệt thực, kể cả liều thân, mổ bụng tự sát... Về B8, rất may mắn, vì trước đó, khoảng giữa năm 81, người đi tị nạn vào đất Thái bằng hai ngả đường biển và đường bộ ngày càng đông, tạo nhiều áp lực, người Thái và cao ủy tị nạn quyết định đóng cửa những trại tị nạn rải rác trên đất Thái và dồn hết về trại Sikew, nên phải giải tỏa, cứu xét cho những người ở quá lâu đi, có tin cho biết tất cả những người của B8 đều được phỏng vấn bởi các phái đoàn, riêng những bộ đội tị nạn cộng sản gốc miền Bắc nếu họ muốn đi theo diện nhân đạo sẽ được chính phủ Áo nhận tất cả. Cựu vượt biên đường bộ trại Sikew ở Mỹ báo tin cho nhau và chia xẻ sự vui mừng cho những anh em B8. Tạ ơn Trời Phật.

Tuy nhiên, trong niềm vui vẫn thấy lòng se thắt... Một số người trong B8 đã đi theo tiếng gọi non sông, lên đường trở về đất mẹ....

Phần cuối

"Old solders will never die, they just fades away... "

General Douglas MacAthur

Một buổi chiều tại thành phố Westminster - California, khoảng thời gian 1982 - 1984..? Trời u ám buồn, người bạn cũ từ trại Sikeu rủ tới Biên Thùy Quán trên đường Westminster, cho biết có sinh hoạt đặc biệt. Khi đến thấy trong quán có khoảng hơn 2 chục ngưòi đang thì thào nói chuyện, ai cũng đăm chiêu. Trên vách tường treo một lá cờ Việt Nam Cộng Hoà, dưới bàn có một chén nhỏ đựng gạo cắm những cây nhang nghi ngút khói. Không khí như lắng đọng khi được biết đây là buổi tưởng niệm cho một số chiến sĩ phục quốc bị cộng sản sát hại khi trở về lại Việt Nam chiến đấu. Người may mắn thoát được trong trận phục kích đã liên lạc báo tin sang Hoa Kỳ. Đau lòng thay, một trong số những người hy sinh có trưởng Building 8 của trại Sikew thời đó, anh Vũ Đình Khoa.

Anh Khoa dáng người tầm thước, mặt vuông, cằm bạnh, vẻ quả cảm, toát ra phong cách hào hùng nhưng lại rất yêu văn nghệ, khi nói chuyện niềm nở, thu hút. Nên biết, phải uy tín thế nào mới được bầu làm trưởng B8, một Building với những tay cựu binh sừng sỏ nam bắc, đội đá vá trời và coi lính Thái chả ra quái gì! Trưởng trại Sikew cũng biết như vậy nên cần người như anh để mà yên tâm về B8. Đặc biệt, anh đi khắp nơi trong trại mà không cần phải phép tắc gì, ai gặp cũng đều phải e dè, nể vì, kể cả trưởng và phó trại. Đó là hình ảnh cựu Trung úy Trinh sát, gốc Võ Bị Đà Lạt. Anh Khoa lâu lâu ghé qua lều gần mình thăm bạn, đốt điếu thuốc, chia sẻ dăm ba kinh nghiệm hành quân bắt sống việt cộng. Nghe ké những chuyện kể khó quên trong đời của anh rất thú vị.

Được biết, nhóm của anh bị phục kích, trận chiến không cân xứng lực lượng, hỏa lực của khoảng hơn trung đội chọi với cả tiểu đoàn có xe tăng nằm chờ sẵn. Anh Khoa bị thương ngay từ đầu, nhưng cương quyết ở lại để cầm chân cho một vị yếu nhân chỉ huy cùng người cận vệ vượt thoát... Khi kể lại câu truyện này trên Face Book thì nhận được thêm tin nhắn của một cựu B8 dấu tên, cho biết nguyên văn như sau... “Xin lỗi anh, mình đường đột lộ diện để bổ túc thêm info về anh Khoa của tụi mình B8, Vũ Đình Khoa from Đà lạt đã gãy cánh ở Hạ Lào cùng với người bạn thân đồng sanh tử là Nguyễn văn Lộc trong chiến dịch mở đường cho Võ Đại Tôn nhưng có một người cùng đi với hai người trên được định cư tại Canada tên là Trương Quang Vịnh*. Dĩ vãng thì buồn nhưng có những người can đảm như anh nhắc lại thì mình phải đối diện. Rất là cám ơn anh những chuyện bên lề về Sikew và B8, anh kể hoàn toàn chính xác vì nhóm chúng tôi là những người bộ đội vào trại đầu tiên tháng 5 - 1979 sau nhiều tháng ở Bangkok làm việc với Bộ Quốc phòng Thái và CIA - USA...”

Ai cũng nghĩ các anh yên ổn định cư ở một đệ tam quốc gia, nào ngờ! Những người trai thế hệ, được hun đúc bởi hồn thiêng sông núi, người quân nhân ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Với lý tưởng Tự Do cho đồng bào, quê hương Việt Nam, đã từ bỏ tất cả, từ chối tương lai tươi sáng trước mắt để anh dũng trở về cầm súng chiến đấu và hy sinh. Thật cảm động và hào hùng. Nhân ngày tháng Tư lại đến, chúng ta cùng nhau dành đôi chút thời gian, thắp nén hương lòng, tưởng niệm đến các anh nói riêng, và tất cả những người quân dân cán chính đã hy sinh vì hai chữ Tự Do.

*

Khoảng đời tị nạn tưởng đã quên sau bao năm, nhưng khi ngồi ôn chuyện cũ, có nhiều hình ảnh hiện lên rất rõ. Dù Sikew, Galang, hay bạn sống ở những trại tị nạn khác rải rác khắp Đông Nam Á, cũng là một thời qua với nhiều kỷ niệm. Cám ơn Face Book tạo cơ hội cùng nhau hồi tưởng về những tháng ngày long đong, lận đận. Giọt nước mắt mừng vui, đau khổ, hay tuyệt vọng. Có tên đi định cư hay rớt thanh lọc? biểu tình phản đối, tuyệt thực, bị trả về lại...

Hiện đã có đặc san Galang Một Thủa, 40 năm Thuyền Nhân Viễn Xứ,... kế hoạch tổ chức hội ngộ do một số anh chị hy sinh đứng ra làm việc để dù chân trời góc bể, cựu trại tị nạn cũ qua đó sẽ có dịp tìm đến được với nhau, chia sẻ, kể lại những chuyện vui buồn ngày xưa. Mong rằng trong sâu xa hơn, sẽ không bao giờ quên nguồn gốc mình là người tị nạn cộng sản vì hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi, và luôn nghĩ về quê hương, nơi đồng bào chúng ta vẫn chưa thực sự có Tự Do, Dân Chủ.

Ghi chú:

- Một số tên nhân vật đã được thay đổi*

- Thời gian làm phai mờ nhiều chi tiết, mong các bạn ở cùng thời bổ túc nếu có sai sót

04/ 2015 (Mùa Quốc Hận)
VƯỢT BIÊN BẲNG ĐƯỜNG BỘ
Trần Kim Bằng

Thursday, October 8, 2015

HỒ TRƯỜNG AN * ĐẶNG PHÙNG QUÂN



Hồ Trường An

Đặng Phùng Quân
với Miền Thượng Uyển Xưa
và Một Dặm Tương Thân






Khi tôi ng? ý muốn đề cập tới một số truyện ngắn trong hai tập truyện Miền Thựợng Uyển Xưa (chung với các truyện ngắn của Nguyễn văn Sâm) và Một Dặm Tương Thân (chung với các truyện ngắn của Hàn Song Tường) thì Đặng Phùng Quân có gửi thư cho tôi biết một cách khái quát hành trình và hành trạng văn chương của anh trong hai tác phẩm ấy như sau:
Miền Thượng Uyển Xưa:
Mưa núi là truyện ngắn đầu tiên viết năm 1975 - bẵng một thời gian năm năm không sáng tác vì hoàn cảnh thời thế - viết tại đảo Galang. Tôi gọi nó là văn chương thời thế - ở vào giai đoạn nhà văn không là một hiện tượng riêng lẻ nhưng là một tập thể, viết để khôi phục một khí hậu văn chương đã mất, một ngôn ngữ đang băng hoại.
Trong Tiểu thuyết khả hữu, tôi giải thích: trong những đoản thiên tiểu thuyết, tôi chuyển từ nhân vật tôi sang chàng/ nàng không phải như những nhân xưng trong tiểu thuyết quy ước, mà là sự xóa bỏ cấp độ nhân xưng, vô danh trong nghệ thuật tha hóa.
Trong nỗi nhớ của một ngày, Một dặm tương thân hành trạng của nhân vật ở cùng một lịch sử, đối nghịch với nhân vật Mưa núi, Ở một phương trời xa như hai mặt thực tại.
Đọc những đoản thiên tiểu thuyết trong Miền thượng uyển xưa theo một mạch nhất quán. Những thế giới của chàng đang chập chờn đan lẫn vào nhau... những tâm cảm rung động dạt dào của tự do mới đến... hạnh phúc khi nghĩ đến một người, có một người để nghĩ đến... đó không phải là thiên đường, mà một miền hạnh phúc nào đó trong một đời chỉ bắt gặp một lần nhưng sẽ nhọc nhằn nhớ mãi không nguôi... bao nhiêu năm, tìm kiếm một cái gì thất lạc. Nhưng không sao nhớ ra được... như một khung cảnh rất xưa trong đời. Nàng lái xe theo con lộ mới mở ngang qua cầu, trời vẫn còn mưa sớm, nàng dừng xe lại bên lề, đi xuống phía bờ sông, ngồi trên kè đá nhìn giòng nước chảy lững lờ, bất giác nàng đưa hai tay bưng lấy mặt như muốn ôm lấy cái hạnh phúc vừa bắt gặp... tiếng gọi thôi thúc trở lại chốn cũ, như tìm lại một giòng sông trong cuộc đời.
Một Dặm Tương Thân:
Một dặm tương thân khởi đầu từ: Thuở nàng còn là một thiếu nữ mới lớn, tuổi của con nàng bây giờ... xác định một thuyết thoại ở thời hiện tại, song nhân vật sống hay chết như trong truyện kể vẫn còn mơ hồ. Không thể xác định cảnh trạng ở ngôi vị nào: thật tội nghiệp nếu nàng biết cuộc gặp gỡ ấy chẳng phải tình cờ trong ba phân cảnh chính, hai phân cảnh đầu về nàng và nàng không hiện hữu ở phân cảnh cuối. Gián cách của cảnh trạng và liên tục của thuyết thoại.
Người đàn bà ở Ch. Ha là một tiểu thuyết lịch sử, nếu hiểu lịch sử là một ý thức. Hình ảnh những cánh tay giơ cao theo ngọn cờ độc lập, tự do chập chờn dưới màn khói tử thi xương trắng la liệt khắp nơi. Lịch sử như thế đó.
Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu ‘’ tiểu thuyết mới’’ và kết thúc ở Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu ‘’ tiểu thuyết mới’’ và kết thúc ở Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không. Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không.
Mạch sáng tác của Đặng Phùng Quân ngừng lại vào năm 1987. Phải đợi tới năm 1997, anh trở lại với độc giả qua cuốn Tự Truyện. Dù trải qua 10 năm, anh sáng tác ít oi, nhưng s? nghiệp văn chương của anh (thành quả sáng tác cộng với công trình biên khảo) vẫn là một tòa kiến trúc nguy nga trong văn giới.
Miền Thượng Uyển Xüa gồm có 8 truyện ngắn của Đặng Phùng Quân : Müa Núi, Thư Nhà, Trong Nỗi Nhớ Của Một Ngày, Bên Trời Lăn Đận, Ở Một Phương Trời Xa, Miền Thượng Uyển Xüa, Cơn Bão Lạ, Sau Cuộc Hội Nghị.
Một Dặm Tương Thân gồm có 6 truyện ngắn của Đặng Phùng Quân : Một Dặm Tương Thân, Người Đàn Bà Ở Ch. Ha, Dung Nhan, Tìm Kiếm Một Người Nào, Tưởng, Tưởng Nhớ và Đêm Lạ.
??c sách của Đặng Phùng Quân (biên khảo, tiểu luận, truyện ngắn, ngay cả thơ nữa) chúng ta phải vận dụng trí óc để tìm kiếm những dấu vết của thần trí sáng tạo, những sợi đan sợi dệt của tinh thần canh tân mà tác giả hằng đeo đuổi. Tác giả phủ nhận điều nầy, nhắm tới để tiền pháo hậu xung những điều kia. Hành trạng cách viết của anh rất ít nhà văn dám động tới. Tuy nhiên giọng điệu anh không hung hăng, sự tấn công của anh không rền nổ, công trình kiến trúc cái mới của anh rất bình thản. Nhưng đó là những đợt sóng ngầm dưới đáy vực sâu, những cơn đ?a chấn nằm im dưới tầng sâu vạn trượng của quả đ?a cầu.
Trong công cuộc tìm hiểu và thưởng ngoạn văn chương anh, độc giả phải vật lộn với hành trình của chữ nghĩa cùng cách diễn tả của anh. Và nhờ thiện chí lẫn kiên nhẫn, họ sẽ tìm ra nhiều điều lý thú. Công việc đó đã từng có Nguyễn Nghiệp Nhượng, Huỳnh Phan Anh làm cuộc văn chương song hành cùng anh. Anh không lẻ loi. Anh ung dung tiến bước trên lộ trình sáng tác lẫn biên khảo của mình suốt một phần ba thế kỷ.
Từ lâu, cái thói quen cố hữu c?a ng??i ?àn ông s?ng m?t mình là ?a xê d?ch, ngay c? cái ?o?n ???ng ?i v? m?i ngày c?ng thay ??i l? trình. D??ng nh? chàng không mu?n nhìn l?i nh?ng d?u hi?u ch? ???ng quen thu?c ?i?u khi?n. C?ng không n?i ? c? ??nh. Phòng tr? ??n chi?c, không tr? con, không nuôi thú.Nh?ng ng?n ?èn tù mù l?i vào hành lang c? xá th?m th?m, t?nh m?ch nh? m?t tu vi?n. Chàng ?ã giam kín c? nh?ng tình c?m sôi s?c m?t th?i. B?t ng?, c?n mê x?a th?c gi?c. t?i sao nàng. Chàng v?n ngh? ng??i ?àn bà ?y ?ã yên ph?n ? m?t khung tr?i êm ?, trên mi?n ??t xa l? này.Cu?c s?ng h?n cu?n hút con ng??i ph?i h?i nh?p, b?ng lòng v?i nh?ng t?p t?c m?i, b?n r?n, máy móc.
Có nh?ng ?êm chàng lái xe lên ??i cao, ng?i ngoài tr?i l?ng gió u?ng r??u và ngó mông xu?ng vùng không gian bao la, l?i ch?y ra bi?n, l?i ??a vào n?i ??a, ng?m hút say mê nh?ng giòng ánh sáng ngo?n ngoèo di ??ng xa xa c?a ?oàn xe ch?y xuôi ng??c, t??ng t??ng nh?ng linh h?n trong cái xã h?i l?nh l?o này c?ng nh? nh?ng ng?n ?èn ?y ?i mãi không bao gi? g?p nhau. Thu? nh?, chàng hay t? m? quan sát nh?ng ?oàn ki?n leo t??ng, châu ??u vào nhau r?i l?i ti?p t?c b? ?i không bi?t v? n?i hang ? nào. Trong cái ki?n trúc tr?t t? ??u ??n ?y, chàng c?m nh? th?y cái bu?n n?n c?a ??i ng??i. Nh?ng ngày ??u ??n ??nh c? ? thành ph? ?n ào này, chàng c?ng l?ng l? ?n thân ?? ng?m nhìn thiên h?. C?nh s?ng v? ra phía tr??c ng?n n?p, nh?ng kho?ng lên cái h?t ho?ng trong tâm h?n chàng. Li?u mình có c??ng l?i ???c gu?ng máy ?? k?p gìn gi? cái t? do quay tr? v?. Chàng nh?, m?t ng??i b?n tr? c?ng có cái ph?n ?ng t? nhiên nh? v?y. H?n mu?n di chuy?n mãi, v?i nh?ng ??ng b?c cu?i cùng ?? mua m?t cái vé xe, m?t m?u bánh k?p và (may m?n) cu?n s? ?i?n tho?i ghi nh?ng n?i vô ??nh s?p t?i. Cái mù loà ch?p cho?ng ? phía tr??c ch? ph?n ?nh l?i cái quá kh? ch?p chùng, n?ng ch?u nh?ng ?am mê, thân yêu vàng ng?c. B?i th?, ??n n?i ? m?i c?a chàng v?n nh? m?t hình ?nh yêu d?u ?y hi?n di?n nh?ng chàng v?n ??ng ng?nh nhốt kín trong kỷ niệm.
(Miền Thượng Uyển Xưa, các trang 145, 146)
Đa số độc giả đọc sơ sài các tác phẩm văn chương của Đặng Phùng Quân vội đổ hô anh làm văn chương như một ông Tây, ông Mỹ với tư tưởng ngoại lai bắt nguồn từ những trường phái triết học Tây Phương. Họ lầm! Bé cái l?m vì đều võ đoán một cách bất công. Những thắc mắc siêu hình, những thôi thúc của tri thức đã tạo cho nhân vật của anh trong truyện ngắn Một Dặm Tương Thân nầy một chiều hướng lao tới Phật giáo nói riêng, lao tới tư tưởng và triết học Đông Phương Á Châu nói chung. Cho nên trong đoạn chót của lá thư mà tác giả gửi cho tôi, tôi rất tâm đắc với anh qua những dòng như sau: Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu ‘’ tiểu thuyết mới’’ và kết thúc ở Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không. Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không.
Trong giáo lý của kinh điển Đại Thừa tất cả vạn pháp đều là Không, tất cả đều quy về Một. Không gian và thời gian chỉ là huyễn hoặc, chỉ hiện hữu do mê vọng của chúng sinh. Ở nhận định nầy, Đặng Phùng Quân chứng tỏ anh nắm bắt khá nhiều tinh thần then chốt của Phật giáo, của Lão giáo và ngay cả cái then chốt giáo của phái Soufisme (của Hồi giáo) là chối bỏ cái tinh thần nhị nguyên. Lại nữa, những giáo chủ tư tưởng Đông Phương như ông Thích Ca, ông Lão tử, ông Trang tử hay một vài đạo sư các tôn giáo, các giáo phái hay các hệ phái bên Ấn Độ rất kỵ sách vở từ chương. Đối với họ, những nét tạo hình, những hình ảnh biểu kiến, những gì năm giác quan chúng ta tiếp xúc, những ý nghĩ (ý niệm, tư tưởng) mà các học giả uyên bác đưa vào sách vở, thật ra chỉ đưa chúng ta vào một thế giới vô thường quen thuộc. Đó là cảnh giới mộng ảo của người mê vọng, đoạn lìa với cái thực tại tuyệt đối tức là cái thực tại thường hằng và bất biến. Trong khi đó, chân lý (còn cái tên sự thật tuyệt đối, sự thật cuối cùng) thì lọt ra khỏi cái thế giới quen thuộc đó. Ở đây, Đặng Phùng Quân lại cho rằng không gian và thời gian chỉ là ý niệm. Nếu là ý niệm thì không phải là sự thật tuyệt đối, một thực thể thường hằng. Chỉ bởi cái mê vọng của chúng ta nên sự thật bị cắt chia từng manh mún, cho nên thời gian cũng bị phân chia thành ba giai đoạn gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng thế, không gian cũng bị cắt rời thành chỗ này, chỗ kia, chỗ khác. Đối với nguời chứng ngộ thì bản thể của vạn pháp vốn là không (cái không tuyệt đối, chứ không phải cái không đối nghịch với cái có) thì làm gì còn vướng víu thêm ý niệm? Làm gì có sự thời gian và không gian để bị chia chẻ? Chúng ta có thể tự hỏi: Đành rằng nhà văn Đặng Phùng Quân tiêm nhiễm triết học Tây phương nhiều hơn triết học Đông phương Á Châu, nhưng vì sao anh đã đi vào một hành trình khá sâu của tư tưởng Phật giáo qua truyện Đêm Lạ? Có phải Phật pháp là cái chìa khóa passe partout đã từng mở mọi ổ khóa, luôn cả những ổ khóa rắc rối? Hay đây là trường hợp những tư tưởng lớn gặp nhau? Dù tác giả còn cho rằng thời gian và không gian chỉ là một ý niệm; nhưng anh đã đưa hai yếu tố ấy đạt tới cái gọi là một là không thì đã đến gần tư tưỏng nhà Phật rồi.
Trong truyện ngắn Đêm Lạ, Đặng Phùng Quân một mạch bằng một câu văn duy nhất làm tôi nghĩ đến các họa gia theo pháp môn Thiền bên Nhật Bản. Họ chỉ vẽ một mạch bằng một nét duy nhất để làm hiển lộ tinh thần bất nhị (le non-deux, le non-dualisme), cái cốt tủy của kinh điển Đại Thừa. Và bút giả cũng không quên bốn câu thơ thấm nhuần Thiền phong Thiền vị trong bài thơ bất hủ của Thiền Sư Chân Nguyên (1846- 1726) như sau:
Hữu thuyết giai thành báng
Vô ngôn diệc bất dung
Vị Quân thống nhất tuyến
Nhật xuất lĩnh đông hồng
Họa gia kiêm văn gia Võ Đình dịch như sau ( trong quyển Hương Thiền) :
Nói ra là bị kẹt
K hông nói cũng chẳng xong
Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng.
Chỉ một nét vạch ra mà tâm thức của Thiền sư sáng bừng trong vòng một sát-na để đi vào đốn ngộ. Một nét vạch ấy tức là một hành động quyết liệt do một trực giác thù thắng và tuyệt vời hướng dẫn để Thiền giả đưa vạn hữu và vạn pháp quy về một mối.
Truyện ngắn Đêm Lạ gồm 8 trang trong hai phân đoạn, mỗi phân đoạn chỉ có dấu phẩy (,), không có dấu chấm (.), kkông có dấu chấm hỏi (?) và cũng không có dấu chấm than (!). Cuối phân đoạn đầu lại có nhiều chấm (...) ở chữ chót. Để làm sáng tỏ lối viết theo tôn chỉ mà tác giả dã nêu ra, tôi xin trích ra một vài dòng trong phân đoạn chót:
Chàng không nhớ rõ ra khỏi khu phố chợ, đi trên con đưòng nhỏ trồng những rặng cây găng san sát như hàng dậu ngăn cách những căn nhà thấp thoáng ánh đèn phía sau, tiếng giầy chạm lên những viên đá nhỏ, mùi dạ lan quyện trong không trung đưa chàng phiêu bồng vào một cõi xa lạ, lần đầu trong đời chàng cảm thấy hơi thở của thiên nhiên chạm vào da thịt, khứu giác như mở ngỏ đón nhận huơng đêm, phân biệt mùi lá cỏ, khí trời sắc bén đến độ tế vi, chàng nhận ra thân xác cũng nhẹ nhỏm, như thể một phần nào đang mờ nhạt trong bóng tối, có thể lý trí vẫn linh hoạt, tiếng nhủ thầm của người nói chuyện một mình, hay phần não b? cựa quậy, bước chân đi mộng du vào cảnh trí mời gọi, đêm ngăn trở tầm thị giác, nhưng đêm mở rộng những chiều kích thực tại, chàng quên hẳn phương hướng, dường như một ngọn đèn lẩn khuất đâu đó, cũng là dấu mốc, tai nghe như muôn điệu âm thanh đang chìm dần mất hút vào hư vô, có lúc một điệu nhạc dìu dặt vọng ra từ căn nhà nào đó khuất trong những lùm cây kia, điệu nhạc không rõ lời chắc hẳn phát xuất từ đài bá âm thành phố, ý nghĩ lại miên man - khoảng cách của đời sống, thu gọn trong một khoảnh khắc, những ảnh tượng nơi trí nhớ có phải ký ức thực sự, chàng không rõ, bỗng dưng khuôn mặt người đàn ông cận thị vừa gặp ban chiều ở văn phòng nhà trường lại hiện ra, liệu ông ta có gia đình chưa, tại sao ông lại chỉ chàng đến một nơi tạm trú chàng không hề được giới thiệu, chàng cũng quên bẳng hỏi tên người học trò đó, khuôn mặt ông như đã quen thuộc trong cuộc đời, và lúc này chàng nghĩ, ông ta có còn nhớ đến chàng, nên quay trở lại tìm kiếm ông, hẳn ông đang đợi chàng ở một điểm hẹn, ông ta thử thách chàng, lối đi trước mặt có thể dẫn đến ngôi trường - chàng nhớ lại, ông ta nói ở đây không an ninh vì gần cơ sở đồn trú quân sự, thỉnh thoảng xảy ra những đợt pháo kích, ông ta có dọa nạt chàng, bóng đêm thị trấn thật hiền hòa, vùng đất đặt chân lên như chao xuống một thung lũng dấu kín hình thể, rồi trong màn đen một vệt sáng từ từ tiến về phía chàng, tiếng máy nổ lớn dần, những người lính ngồi thu mình trên chiếc xe tuần tiễu, ánh đèn quét một vòng qua mặt chàng nhưng không ai lên tiếng hỏi, ánh sáng lại lui dần vào phía sau lưng, dấu tích tao loạn đánh thức chàng trở lại vùng kỷ niệm thất lạc đã lâu, hình ảnh người đàn bà thoát khỏi đời chàng, cơn mộng mị triền miên rơi vào khoảng trống, nỗi mất mát đau đớn, khiến chàng ăn năn để nàng ra đi, cơn sốt toàn thân trở lại lúc này...
(Đêm Lạ, các trang 188, 189)
Tôi tạm dùng nhiều chấm (...) sau chữ này để tạm ngưng phân đoạn chót của Đêm Lạ. Cách viết tuy có luông tuồng, nhưng nhờ những dấu phẩy (,) phân câu nên đọc tới đâu chúng ta hiểu tới đó. Chúng ta không cần mằn mò để hiểu từng chi tiết nhỏ. Chúng ta chỉ biết nhân vật chàng đứng trong bóng đêm của vùng bất an ninh, đầu óc suy nghĩ lung tung, kỷ niệm từng đợt lao xao như cánh bướm đậu trên dòng suy tư triền miên của chàng. Cái thơ mộng (hương dạ lan, điệu nhạc) xen lẫn những dấu tích tao loạn qua cuộc tuần tiễu trộn vào nhau, tạo cho đoạn văn trên cái đẹp bi thương qua hình ảnh cô Trà Hoa Nữ mang bệnh lao phổi, qua hình ảnh thảm cỏ mượt nhung ngụy trang mìn bẫy, hố chông.
Không kiên nhẫn, không tìm ra thú đọc sách đặc thù, chúng ta sẽ cảm thấy văn chương Đặng Phùng Quân phiền nhiễu, rối rắm. Nắm bắt được hai đức tánh khi đọc sách như đã nói trên đây, chúng ta sẽ tìm gặp văn chương anh có một cái hậu vị ngọt đằm thắm của miếng cơm nhạt nhẽo nhai lâu trong miệng, như bắt gặp nước gỗ của bộ ván nằm lâu năm bóng ngời lên vóc lụa.
Tôi không dám bảo rằng mình hiểu khá nhiều đường lối và cái vũ trụ văn chương của Đặng Phùng Quân. Cũng thời một vận sự mà tác giả nêu ra, tôi hiểu theo chiêu cảm của tôi, người khác hiểu theo chiêu cảm của người khác. Ở đâu đó, tôi bắt gặp một câu của nhà văn Albert Camus; hình như trong cuốn Những Nhà Văn Nữ Việt Nam của Uyên Thao thì phải; tôi hoàn toàn không đồng ý với nhà văn nước Pháp đã từng đoạt giải Nobel kia. Rằng: En écoutant ces appréciations sur mon livre, un sentiment singulier me vient: ce n’est pas cela! (nghe những lời nhận định về quyển sách của tôi, một cảm giác lạ lùng đến tôi: nào phải vậy!). Bởi sao? Đọc loại văn chương sâu sắc, độc giả chỉ có thể có một vài cảm nhận tương đồng với những gì trên mặt chữ mà tác giả đã viết ra. Nhưng sau lưng mặt chữ, hay dưới tầng lớp sâu kín của mặt chữ, mỗi người có một chiêu cảm riêng, một khai phóng và óc tưởng tượng riêng. Tóm lại thế giới trong loại văn chương mới không chỉ ở những điều mà tác giả đã viết ra mà còn ở những điều do độc giả liên tưởng và mường tượng nữa. Đem vấn đề thưởng ngoạn qua câu chữ đâu nghĩa đó trong văn chương mới, tôi e rằng đọc sách như vậy không nắm bắt được gì nhiều ở vũ trụ văn chương của tác giả.
Tác giả đã cho chúng ta biết rằng: Mưa núi là truyện ngắn đầu tiên viết năm 1975 - bẵng một thời gian năm năm không sáng tác vì hoàn cảnh thời thế - viết tại đảo Galang. Tôi gọi nó là văn chương thời thế - ở vào giai đoạn nhà văn không là một hiện tượng riêng lẻ nhưng là một tập thể, viết để khôi phục một khí hậu văn chương đã mất, một ngôn ngữ đang băng hoại. Trong truyện nầy, tác giả kể chuyện chàng đã vượt biên và hiện đang ở đảo, gặp nàng (một kẻ vượt biên như chàng). Cả hai rằng buộc bởi một tình cảm mù mờ, có thể là tình yêu, có thể là đồng cảnh tương lân. Mối tình đó như một vệt sương mỏng hay một bóng mây nhẹ lướt qua thế giới tình cảm của họ nhưng cũng đủ làm say mê và thấm thía cho độc giả nào có tâm hồn lãng mạn. Tuy nhiên điểm chính câu chuyện là con người đi tìm điểm tựa cho tình cảm và điểm tựa cho tinh thần để tạm khỏi đối diện với cô đơn. Truyện thứ hai là truyện Thư Nhà kể lại chuyến vượt biên gian khổ của chàng cùng đứa con trai khi họ luồn lách theo đuờng bộ qua ngả Căm-bốt. Và xen vào đó là những đoạn bức thư của vợ chàng kể lể nỗi nhớ nhung ở quê nhà và vụ mất chiếc xe đạp, cả một tài sản của kẻ sống nhục nhằn dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Trong truyện Trong Nỗi Nhớ Của Một Ngày, độc giả bắt gặp chàng (một kẻ theo Cộng Sản và thoát ly Cộng Sản) từ trại tị nạn đi máy bay đến phi trường El Paso để gặp gỡ nàng. Và có thể để chung sống với nàng luôn hay trong một thời hạn nào đó.
Nếu sắp thứ tự thì Sau Cuộc Hội Nghị phải xuất hiện đầu tiên, kế đó là Thư Nhà, Mưa Núi, Trong Nỗi Nhớ của Một Ngày. Có thế, biến cố của lịch sử đời chàng mới xuôi một dòng luân lưu theo dòng thời gian. Các truyện ngắn của Đặng Phùng Quân trong tập truyện Miền Thượng Uyển Xưa rốt cuộc chỉ là ba chương trong một quyển tiểu thuyết. Còn những truyện ngắn như Bên Trời Lận Đận, Ở Một Phương Trời Xa, Miền Thượng Uyển Xưa, Cơn Bão Hạ, nếu chúng ta sắp kế tiếp theo 4 truyện ngắn vừa nêu trên, nhưng phải theo dấu mốc của thời gian thì sẽ làm cho truyện dài thêm dài hơn, xuôi theo một đường thẳng mạch lạc. Cái nhất quán trong văn chương của Đặng Phùng Quân là đó.
Theo tác giả: Trong Tiểu thuyết khả hữu, trong những đoản thiên tiểu thuyết, tôi chuyển từ nhân vật tôi sang chàng/ nàng không phải như những nhân xưng trong tiểu thuyết quy ước, mà là sự xóa bỏ cấp độ nhân xưng, vô danh trong nghệ thuật tha hóa.
Đây không phải là công việc làm mới mẻ. Ở vài truyện ngắn của các nhà văn thời thượng như Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, ngay cả nhà luôn văn áp dụng bút pháp cổ điển như Võ Phiến qua một vài bài tùy bút trong hai quyển Phù Thế và Ảo Ảnh cũng đã làm công việc nầy. Vâng, công việc đó xóa bỏ cấp độ danh xưng, không tôi, không anh, không chúng tôi, không các anh, không bọn họ... Nhưng lại kẹt ở ngôi thứ ba trong cấp độ nhân xưng (nàng/ chàng hoặc nó, hắn, y ta, y thị, ả, đương sự...). Nhưng đây là bước đầu của sự phủ nhận mà ngành văn nghệ mới thường chủ trương và xiểng dương, tức là xóa bỏ quy ước trong cách xưng hô mà loại văn chương cổ điển, văn chương quy ước thường áp dụng. Nhân vật trở thành vô danh, ai nghĩ sao cũng được. Và vì đó là nhân vật vô danh nên hắn có hình dáng, chân dung, thân thế, hành trạng bập bềnh trong sương khói mông lung của cõi mường tượng và cõi ấn tượng của độc giả. Nó là nhân vật đơn thuần tức là có thật trong cuộc đời (le vrai personnage) hay là nhân vật hư cấu tức là nhân vật giả tưởng (le personnage fictif), điều đó không quan hệ. Có quan hệ chăng là nó làm cho thế giới tuởng tượng của độc giả thêm mênh mông, lưu lượng ý tưởng của họ thêm dồi dào và lênh láng như con sông mùa tuyết tan băng rã. Vậy thì có phải nhờ vô danh, nhân vật có thể là người này, người nọ hay người khác trong cái mà tác giả gọi là nghệ thuật tha hóa? Và trong một bức thư Đặng Phùng Quân bảo tôi rằng nghệ thuật trong cái thế giới tha hóa là nghệ thuật trong cái thế giới điên loạn (le monde aliéné/ le monde cassé). Có thể chăng đây là một manh nha, một khởi thủy của phong trào phủ nhận nhân vật? Đúng ra, tác giả chỉ phủ nhận cái tên của nhân vật chứ chưa phủ nhận chủng loại hoặc sự hiện hữu của nhân vật. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một đoạn văn trong quyển L’Ère du Soupçon của bà Nathalie Sarraute do học giả Nguyễn văn Trung dịch ra tiếng Việt. Eo ơi, bà ta tả một sinh vật người không ra người, con bạch tuột không ra con bạch tuột, tôi không hiểu bà ta muốn xếp sinh vật ấy vào chủng loại nào? Đây là quái vật đúng hơn sinh vật. Nhưng có người bảo đó là máu, là phún xuất thạch (tức là magma) Và tôi tự hỏi bà ta có chủ ý chủ tâm làm cái gọi là phủ nhận nhân vật hay không?
Nhưng dù gì thì dù, đọc văn của Đặng Phùng Quân độc giả không chú ý lắm nhân vật chàng và nàng lắm đâu. Họ chỉ để tâm trí theo dấu chân ngôn ngữ và ý tình cùng nhân sinh quan và đôi khi tư tưởng triết học của tác giả hơn.
Trong Sau Cuộc Hội Nghị, tác gi? trình bày thân phận các nhà trí thức miền Nam sau khi bị Cộng quân miền Bắc cưỡng chiếm. Họ phải l?ng nghe và cỗ vỏ một cuốn sách của tên Viện trưởng viết theo chỉ thị của Đảng:
Không có báo cáo khoa học nào ???c ??c trong h?i ngh?.Viên th? kỶ ??a ra m?t b?n ?úc k?t theo m?t quan ?i?m nh?t ??nh, phù h?p v?i ???ng l?i và tình hình hi?n t?i. Ng??i ta tin r?ng có nh?ng ?n Ỷ trong các báo cáo, nên t?t h?n h?t là không nên ??c tr??c di?n ?àn. Vi?n tr??ng m? ??u cu?c th?o lu?n. H?n nh?n m?nh, ?ây là m?t h?i ngh? chuyên môn trong n?i b?, các ??ng chí c? m?nh d?n phát bi?u m?i suy ngh?. M?t ng??i ng?i bên c?nh, ghé tai chàng thì th?m. C?u bi?t không, cái tên ? ngoài n? v?a trình làng cu?n sách do Vi?n xu?t b?n ?ã ?i g?p m?y tên 30 ?? ?i b? nh? anh em là ??ng ?em sách c?a y ra ch? trích. Y vi?t theo yêu c?u v?n ?? chuyên môn c?a anh em mình nên bi?t tr??c là nói mò nhi?u l?m. Nh?ng làm th? nào h?n. S?c hi?u bi?t h?n ch?. Quy?n sách c?a y Ố chàng hi?u - ch? là m?t lo?i ??n ??t hàng. m?t s?n ph?m ph?i qua nh?ng giai ?o?n ki?m tra v? tính ??ng, có l?ng vào ???c trong ?ó nh?ng trích d?n c?a lãnh ??o không.
V?n ?? ?ang xoay quanh th?o lu?n v? nh?ng ?i?m tích c?c. M?t ng??i ? góc bàn bên kia ?ang bênh v?c quan ?i?m tích c?c. Y phát bi?u, ?i?u ?ó ?ã giúp y giác ng? con ???ng ??u tranh. Gi?ng nói ch?a s? b?c t?c. Chàng thoáng hi?u, có m?t giai ?o?n y ???c ch?c th? tr??ng trong cái chính ph? lâm th?i ?ã b? khai t?. Bây gi? là d?p con chim hót l?n cu?i cùng. Hót ph?n kháng v?i m?t c??ng ?i?u y?u ?t, u?t h?n. Chàng liên t??ng ??n bên kia tr?i Âu, nh?ng trí th?c khuynh t? ?ang t?nh m?ng. Trong m?t t? báo l?t v?, chàng ??c th?y cu?c v?n ??ng M?t con tàu cho Vi?t nam, d?u hi?u ??u tiên c?a s? th?c t?nh. ?i?u ?ó có liên h? gì v?i h?i ngh? hôm nay. Rà l?i ?ám trí th?c c? ? ?ây. Hay ch? ?? hoàn t?t m?t công tác ?ã ?? xu?t trong k? ho?ch, cán b? Vi?n ?ã l?nh ti?n công tác phí ra vào trong Nam. Cái vòng ?ã v? s?n, tri th?c ?ã ch?t. Không th? có tri th?c, t?t c? nh?ng gì khác ch? là ch? ngh?a xét l?i. Nh?ng khuôn m?t chìm d?n trong ánh sáng vàng v?t c?a c?n phòng h?i.
T?i nghi?p thân ph?n trí th?c. Nh?ng hình ?nh kh?n kh?. Khuôn m?t x??ng x?u c?a viên Vi?n tr??ng Ngo?i v?n nói tr??c ?ám c? t?a trí th?c khi nh?c ??n giai ?o?n ??u t?, chính ông b? c?a y c?ng b? ?em ra t? kh?. Trong thoáng giây mau ?ó, y kh?ng l?i nh? ?? nu?t trôi c?c ngh?n ? c? h?ng. Khuôn m?t ?i?m râu tóc b?c ph? c?a nhà s? h?c già nua bùi ngùi nh?c l?i quãng ??i Nhân V?n, nh? m?t k? ?ào ng? không ???c gi?ng d?y ph?i v? ng?i nghiên c?u, trong m?t h?i ngh? hôm nào. Hình ?nh k? ch?p bút vi?t ba ngàn trang b?n th?o cho lãnh t? c?ng ch? là m?t th? công c?. Khi quy?n l?c ??c chi?m c? ti?ng nói v?n hóa. V?n hóa c?ng c?n tuy?t, nh? cái ch?t t?c t??i c?a m?t ng??i ??ng nghi?p d??i l??i búa kh?o c? m?i ?ây, trả lại cái nghiệp chưa trọn.
(Sau Cuộc Hội Nghị, các trang 195, 196)
Trong Mưa Núi có tả thảm cảnh xã hội dưới chế độ Cộng Sản, có cảnh vượt biên của đàn bà trẻ con b?ng đường bộ sau khi bọn dẫn độ bằng đường thủy bỏ rơi.
Phải là người đàn bà can ??m l?m m?i ra ?i riêng mình, v?i m?y ??a nh?. Chàng ngh? ??n nh?ng ch?ng ???ng kh? ?i nàng ?i qua. Xu?ng ghe v??t biên gi?i theo con kinh ?ã có t? tr?m n?m ?i ng??c lên giòng sông l?n. B?n d?n ???ng b? r?i ? d?c ???ng. C? ?oàn ch? toàn ?àn bà và tr? con ?i b? c? tr?m cây s? ???ng, có lúc t??ng ?ã g?c ngã vì ki?t s?c. Th?m nh?t là ng??i ?àn bà có ??a con tám tháng còn nuôi b?ng s?a m?. G?p toán v? trang làm th? ph? trong r?ng. Nh?ng bàn tay thô b?o s? n?n thân th?, c?i b? áo qu?n ?? khám xét tr??c nh?ng cái c??i man dã. R?i c?ng qua ?i nh? c?n ác m?ng.
Con ng??i có ph?i ra ?i ?? ch?p nh?n ?au kh?. Chàng ngh? (và nàng c?ng ngh? th?). Nh?ng ?i?u ?au kh? l?n nh?t v?n n?m trong tình yêu. S? cô ??n m?i ?áng s?.
Ý ngh? c?a nh?ng t?i tìm ??n nhau, ?i d?o trên nh?ng con ???ng không có tàng cây t?a bóng d??i tr?ng sáng. Ch? có bóng hai ng??i ngã xu?ng theo b??c chân.
Chàng v?a tìm l?i thoáng êm ??m c?a n?m x?a tưởng chừng quên lãng.
(Mưa Núi, trang 28)
Trong Thư Nhà có cảnh hai cha con vượt biên bằng đường bộ qua đất Miên , qua những cánh rừng già Đế Thiên Đế Thích.
...Chàng đã sống những phút giây hồi hộp. thê th?m nh?t trong ??i. T??ng nh? g?n k? cái ch?t. T? lúc b??c xu?ng khoang ghe ch? ??y g?o và li?p, khoác lên ng??i chi?c áo ?en ?ính d?y nút v?i tr??c ng?c, ??u ??i chi?c nón c?i r?ng vành ?? bi?n thành m?t tên khách th??ng xuôi ng??c sông h? biên gi?i, còng l?ng ng?i thu hình trong khoang ghe có mái li?p ch? ?? che kín hai cha con, chàng ?ã th?c su?t ?êm tát n??c vào ??y trong khoang không ng?ng ngh?. Phía ngoài, nh?ng bao g?o ch?t l?p hai ??u mui. Chàng hình dung ng??i nông dân già mi?n Tân Châu d?n ???ng cho chàng ?ang ng?i ? ??u lái, co ro trong chi?c m?n d? chùm vai, th? h?n theo khói thu?c rê. Ti?ng m?y ??a nh? Miên chèo ghe th?nh tho?ng v?ng lên, tho?ng qua h?i gió. Ghe ng??c giòng, ti?ng máy n? âm vang l?n ti?ng sóng trong ?êm thâm u huy?n ho?c. R?i t?ng tr?m xét. Ch? nghe nh? nh?ng ti?ng trao ??i thì th?m. Ghe ghé l?i m?t b? l? vào n?a khuya. Chàng và ??a con ? l?i trong khoang. Ng??i d?n ???ng và m?y ??a nh? Miên lên b? ki?m ch? ng?. ?êm l?nh tanh. Bóng tr?ng h? huy?n th?p thoáng ngoài kia, trên m?t n??c. L?n ??u trong ??i, chàng nghe âm thanh c?a ?i?u tr?ng lâm thôn, d?n d?p, kh?c kho?i. Ng?i d?a l?ng vào m?n thuy?n, chàng ng?m nhìn ??a con n?m còng queo trên t?m ván g? h?p, gi?a ??ng li?p và túi qu?n áo, cá khô b?a b?n, gi?c ng? h?n nhiên với hơi thở trẻ thơ nhẹ nhàng.
(Thư Nhà, các trang 42, 43)
Tuy nhiên những đoạn trong ba truyện ngắn đó tuy sống thực và tuy rất suspens, nhưng chỉ tạo cho tác giả trở thành một nhà văn tả chân già dặn, một nhà văn thời thế tuyệt vời. Nhưng đó không phải là điều mà tác giả mong mỏi. Có lẽ đa số độc giả sẽ tâm đắc với tác giả qua câu chuyện văn hóa và thân phận văn nghệ sĩ dưới chế dộ Xã Hội Chủ Nghĩa trong truyện ngắn Sau Cuộc Hội Nghị. Vì sao? Đa số các nhà văn hải ngoại chỉ thích trình bày thảm cảnh những lớp quần chúng ở các lãnh vực gần gũi với bậc trung lưu từ cấp thấp trở xuống. Và hình như chưa có tác giả nào khai thác nỗi nhục nhằn của giới trí thức, giới làm văn hóa dưới ch? độ Cộng Sản cả.
Những nét đặc thù trong văn chương Đặng Phùng Quân là anh tạo cho văn chương thời thế của mình những nhân vật chính đều có cái thế giới ưu tư riêng l?. Ưu t? bám sát họ không rời, họ thắc mắc, họ nhìn ngoại cảnh và xã hội chung quanh, họ nhìn sâu vào nội giới của mình. Nói rõ hơn, họ suy nghĩ về cá nhân, về gia đình, về tổ quốc, về các biến động trên dòng sinh mệnh của đồng bào, trên những chặng lộ trình cam go tiếp nối của lịch sử v.v... Họ lại còn suy nghĩ về phận người, thắc mắc những vấn đề siêu hình, những trái cựa của tâm cảm và nội giới cùng những cái nghịch lý và phi lý của cuộc đời. Cho nên chẳng có nhân vật nào được hạnh phúc cả.
Những lúc ngồi với nhau ? b? gi?ng, ánh tr?ng ph?n chi?u xu?ng m?t n??c, trên cao ??i s?n ch?y dài th?m th?m trong ?êm t?i, ng?n cách v?i bên này qua nh?ng vòng rào k?m gai, nàng l?i nh?.
Nh?ng ngày công tác ? nông tr??ng. Ngh? l?i th?t bu?n c??i. Thi ?ua vun s?i cho bo bo lên cao, tr? bông. R?t cu?c c?ng hoang phí nh? tu?i tr?. Nông tr??ng thí i??m ??u tiên c?a thành ph?, d?ng lên trên ru?ng ??t c?a nông dân vùng kháng chi?n. Nh?ng k? l?n l?i trong các h?m ??a ??o, ngây ng?t v?i danh x?ng ??t thép thành ??ng và m?t gi?c m? nho nh?, ngày nào thành công s? ???c c?y trên m?nh ru?ng nh? bé c?a mình. ?? r?i ngày th?ng l?i, ch? ?n nh?ng cái bánh v? kh?u hi?u v?i ch? ngh?a, l?i ??u tranh b?ng b?o l?c. Dùng súng b?n máy c?y. T?i nghi?p cho nh?ng ??ng ??i c?a nàng, c?ng ngây ng?t tiêm nhi?m li?u ma túy ph? b?ng m? kinh k? lao ??ng ?? m? hôi s?c l?c, hóa thân làm nô l? cho m?t tr?n tuy?n chính sách, k? ho?ch mà bên trong là s? xung ??tth?m l?ng nh? b?n gi?a hai ?ám B?c, Nam.
Nàng tâm s?, ngày ??u t?i em còn mang ?o t??ng là mình ?ang ?i xây d?ngnh?ng kibbutz nh? ki?u Do Thái l?p qu?c. ??a Ỷ ngh? ?ó ra b? ki?m th?o gay g?t. R?i t? an ?i v?i nhau, ph?i h?c t?p ?? bi?n ??i cái thói quen thành th? t? s?n. Ph?i bi?n xanh thành chuyên h?ng. Xa thành ph? c? n?m tr?i, không ch?ng ki?n nh?ng c?nh ??i ??i quái ??n ?ang di?n ra trên ??t n??c. L?p c?m quy?n m?i th?ng tr? trên s?t máu b?o l?c, c?ng ?ê hèn nô l? ngo?i bang, c?ng tham nh?ng th?i nát nh? b?n c?m quy?n tr??c kia. ?i?u u?t ?c c?a tu?i tr? là s? d?i trá l?i ???c v? v?i b?ng nh?ng lỶ t??ng hoang ???ng mà chính k? ??ng trên b?c gi?ngc?ng ?ang t? bi?t nói nh?ng ?i?u l?a ng??i, l?a mình. Cho ??n khi nông tr??ng hoàn toàn th?t b?i, c? v? thu ho?ch l?n Ỷ ngh?a. Viên giám ??c b? h? t?ng công tác, bao nhiêu công lao trí v?n ngày x?a ??i l?y m?t s? hy sinh c?a m?t con c? trên m?t tr?n chính tr?. Ngày tr? v? thành ph?, em t??ng nh? m?t ng??i r?ng. Không ph?i g?p cái không khí xa hoa thành th?, nh?ng t?i tinh th?n mình l?c h?u tr??c m?t quang c?nh xã h?i ?iêu tàn ngoài trí tưởng tượng của mình...
(Bên Trời Lận Đận, các trang 91, 92)
Nói thế, không phải các nhân vật chàng luôn sống trong dằn dặt đau thương không nguôi đâu. Thỉnh thoảng họ cũng bắt gặp một mảnh vụn hay bóng dáng hạnh phúc. Nhưng theo tác giả thì: Những thế giới của chàng đang chập chờn đan lẫn vào nhau... những tâm cảm rung động dạt dào của tự do mới đến... hạnh phúc khi nghĩ đến một người, có một người để nghĩ đến... đó không phải là thiên đường, mà một miền hạnh phúc nào đó trong một đời chỉ bắt gặp một lần nhưng sẽ nhọc nhằn nhớ mãi không nguôi... bao nhiêu năm, tìm kiếm một cái gì thất lạc. Nhưng không sao nhớ ra được... như một khung cảnh rất xưa trong đời. Như thế, dù chàng nầy vượt biên thành công, dù chàng kia khi ở đảo có một mối tình, dù chàng khác nữa sớm được sang Hoa Kỳ định cư, dù chàng thứ 5 hay thứ 6, thứ 7 khác nữa tìm gặp lại vài cố nhân mà họ đã từng gắn bó tình cảm thiết tha, nhưng chưa chắc độc giả tin rằng có chàng nào được hạnh phúc. Hạnh phúc hiện lên cuộc đời họ trong một thời hạn nào đó qua bóng dáng, qua mảnh vụn. Bóng dáng thì có bao giờ mà được trường tồn hay vĩnh cửu? Còn mảnh vụn chỉ là một phần cái có thật, chứ không thể là một sự thật nguyên vẹn. Ưu tư làm các chàng thống khổ, dĩ vãng trên cố hương làm các chàng bị dằn dặt không nguôi. Làm sao họ tìm gặp một thiên đường giữa cơn xáo trộn của lịch sử, trong cái lạc lõng bơ vơ dù đã tìm gặp đất nước tự do để dung thân?
Tác giả đã cho tôi biết: Trong nỗi nhớ của một ngày, Một dặm tương thân hành trạng của nhân vật ở cùng một lịch sử, đối nghịch với nhân vật Mưa núi, Ở một phương trời xa như hai mặt thực tại.
Nhân vật chàng ở Trong Nỗi Nhớ Của Một Ngày và nhân vật chàng trong Một Dặm Tuơng Thân thuộc thành phần bên kia giới tuyến của chủ nghĩa Quốc Gia. Còn nhân vật chàng trong Mưa Núi thuộc người Quốc Gia vượt biên tìm tự do và nhân vật chàng trong Ở Một Phương Trời Xa là người Quốc Gia du học ở Hoa Kỳ rồi trở về nước và kẹt luôn sau bức màn tre khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản. Các chàng đều trưởng thành trong cuộc nội chiến, đều tham dự vào các cuộc biến động lịch sử dù ở bên này hay bên kia. Khuynh hướng chính trị, nhân sinh quan, thời điểm xuất hiện của họ trong văn chương của Đặng Phùng Quân tuy có khác, nhưng các điểm chung của họ là cùng trong một giai đoạn lịch sử, cùng là mẫu người ưa phân tích mọi vấn đề, luôn luơn quay mòng bởi những vấn nạn của thời cuộc hay những vấn đề thuộc về siêu hình (như tự do tinh thần bị tước đoạt, như sự tìm kiếm cái hạnh phúc đích thực, như sự phản kháng trước những giả trá lừa lọc của chủ nghĩa...).
Thế giới dưới mắt chàng, là một con đường hầm hun hút. B?o hành ph?c kích cùng kh?p.Trong ?êm t?i, chúng ta ?i tìm nhau. Hay ?i tìm ngõ thoát. T? cái cu?c s?ng êm ? này, con ng??i ?ang thiêm thi?p trong m?t khoang xe ??y h?i ng?t. Qu? qu?ng nh? k? m?ng du. Chuy?n tàu v?n ch?y, v?n m?i mi?t lao vào bão l?a. C?n h?ng th?y m?p mé trên nh?ng quãng ???ng chúng ta ?i qua. Hình ?nh ?y hi?n ra trong trí t??ng, t? lúc chàng tr? l?i ho?t ??ng. Có ph?i, n?i tâm th?c m?i con ng??i chúng ta, n?i b?t ?n thao th?c ?y thúc gi?c chúng ta không th? b? cu?c. Ni?m ?m áp nh? m?t thoáng gió nam mát r?i trong lòng, chàng ngh?, ? m?t n?i nào ?ó, nàng và ng??i b?n ??i c?a nàng c?ng ?ang có m?t. Trên tr?n tuy?n m?i. Nh?ng cu?c bi?u tình. Ph?n kháng. V?n ??ng. Thuy?t ph?c. Nh?ng s?i m?t xích ?ang k?t h?p thành dàn công s? s?t thép. Kh?i ??u c?a s?c m?nh. Ch? có s?c m?nh m?i ch?ng l?i ???c b?o ng??c. T? ?? ?ó, nàng không vi?t thêm gì n?a. Sinh ho?t nh? tri?u bi?n dâng ?ã t?o thành nh?ng thnôg báo thay cho cánh th?. Còn g?n g?i h?n. B?i vì, kho?ng xa c?a ngàn trùng cách bi?t ch?ng còn Ỷ ngh?a. Chúng ta ?ang th?y nhau ? tuy?n ??u. D?u ánh sáng ch?a hi?n ra ? cu?i chân tr?i mù m?t. D?u chúng ta ?ang th?p t?ng ng?n l?a nh?. D?u l?i ?i v?n là s?n ??o gian truân. D?u m?t ngày, nh? nh?ng chi?n s? ti?n phong khác trong vòng vây thù ngh?ch, c?nh d?u sôi l?a b?ng, ng??i b?n ??i c?a nàng c?ng bi?t tích n?i r?ng già gi?ng ??y cạm bẫy của kẻ thù...
(Ở Một Phương Trời Xa, trang 124)
Trước khi sang qua quyển Một Dặm Tuơng Thân, chúng ta hãy cùng đọc những gì tác giả Đặng Phùng Quân viết cho bút giả về nội dung các truyện ngắn của anh trong tác phẩm nầy:
Một dặm tương thân khởi đầu từ: Thuở nàng còn là một thiếu nữ mới lớn, tuổi của con nàng bây giờ... xác định một thuyết thoại ở thời hiện tại, song nhân vật sống hay chết như trong truyện kể vẫn còn mơ hồ. Không thể xác định cảnh trạng ở ngôi vị nào: thật tội nghiệp nếu nàng biết cuộc gặp gỡ ấy chẳng phải tình cờ trong ba phân cảnh chính, hai phân cảnh đầu về nàng và nàng không hiện hữu ở phân cảnh cuối. Gián cách của cảnh trạng và liên tục của thuyết thoại.
Người đàn bà ở Ch. Ha là một tiểu thuyết lịch sử, nếu hiểu lịch sử là một ý thức. Hình ảnh những cánh tay giơ cao theo ngọn cờ độc lập, tự do chập chờn dưới màn khói tử thi xương trắng la liệt khắp nơi. Lịch sử như thế đó.
Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu ‘’ tiểu thuyết mới’’ và kết thúc ở Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu ‘’ tiểu thuyết mới’’ và kết thúc ở Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không. Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không.
Tôi đã đề cập ít nhiều tới Đêm Lạ ở phần trên. Truyện ngắn nầy được coi như phần kết thúc của ba truyện ngắn phá thể: Dung Nhan, Tìm Kiếm Một Nguời Nào và Đêm Lạ.
Tiếp theo đây, tôi chỉ cần nói qua 5 truyện ngắn của Đặng Phùng Quân trong tác phẩm Một Dặm Tương Thân. Đó là: truyện ngắn cùng tựa với tập truyện cùng Người Đàn Bà Ở Ch. Ha, Dung Nhan, Tìm Kiếm Một Người Nào, cùng Tưởng,Tưởng Nhớ và Đêm Lạ.
Người Đàn Bà Ở Ch. Ha được tác giả xem như một tiểu thuyết lịch sử nếu hiểu lịch sử như một ý thức. Đây là câu chuyện chàng và đứa con trai vượt biên bằng đường bộ qua ngả đất Chùa Tháp. Trên lộ trình, chàng gặp nhiều người tốt như người dẫn đư?ng, người chủ nhà ở thị trấn địa đầu và người đàn bà ở Ch. Ha. Đây là người đàn bà Miên thuộc thành phần trí thức, lấy chồng Việt nhưng anh ta sống trên đất Miên từ nhỏ. Chồng du học bên Pháp, rồi tr? về Nam Vang làm công chức cao cấp bên phe Quốc Gia. Còn nàng theo Khờ-me đỏ. Sau khi Khờ-me đỏ cưỡng chiếm Cao Miên, chồng nàng bay ra ngoại quốc. Còn nàng ở lại để làm nhân chứng cuộc tàn sát diệt chủng cũa lũ Miên Cộng.
Hãy kể cho em nghe cu?c s?ng c?a anh trong su?t quãng ???ng ??i ?ã qua, hình dung m?t ng??i ??n t? mi?n xa l?, mang theo nh?ng th?ng tr?m h?n d?u trên mái tóc ?i?m s??ng, nh?ng nét nh?n c?a khuôn m?t, khóe m?t còn m?t m?i. Ánh sáng ?ã lu m? theo ng?n b?c l?i d?n không ?? soi vòng tay trong nhau, h?i ng? tình c? t? thu? nào. Chàng không k?p ngh? ??n t?i bóng t?i ??ng lõa, hay ni?m thân m?t c?a con ng??i ??ng tình trong c?nh hu?ng l?n ??n ?ã th?y n?i nhau chia s? n?i an ?i ? m?t tâ tr?ng kh?n khó bên v?c th?m th?i th?. Chàng v?n là ng??i khách l?. Không ch? trong ?êm nay. Khi chào ??i, ?ã không ???c quy?n ch?n l?a n?i sinh tr??ng, l?n lên trong c?nh ??t n??c qua phân, xu?t thân ? m?t gia ?ình nghèo nh?ng cha m? c?ng c? g?ng lo cho h?c hành t?t, h?p th? n?n giáo d?c ph??ng Tây nh? nàng, c?ng n?p s?ng, n?p ngh? l?c lõng tr??c khi th?c t?nh tìm th?y l?i nh?ng gì thân quen quên lãng. Nh?ng bi?n c? tri?n miên c?a x? s? n?i chi?n khi?n tâm th?c nghiêng ng?a tr??c nh?ng ng? ???ng ??i l?p. B?n bè, sách v? quanh ta, thôi thúc, d?n v?t, thách ??. C?ng nh? nàng, th? gi?i chung quanh th?t l? m?t v?i chàng h?n vùng tr?i xa xôi. Tr??c ngày lên ???ng, chàng còn xao xuy?n khi d?n thân vào n?i ??t ngh?ch. Lúc v??t ngang tr?m biên phòng, ghe d?ng l?i nh?ng b?n n??c ?ìu hiu, ng??c nhìn qua khe li?p th?y con d?c xoai xo?i lên phía ??i cao hoang v?ng, cây cành xum xuê, khung c?nh t? nhiên g?i l?i trong lòng quê h??ng ?ã m?t, tâm h?n bâng khuâng nh? mu?n níu kéo l?i s?i t? tr?i mong manh c?a kho?nh kh?c t? l??ng chùng chình, c? giây phút v??t qua t??ng thành nhà ga l?t vào trong khuôn viên ?? ?áp chuy?n xe l?a lên mi?n B?c, nhìn nh?ng ng??i Miên lam l? ?ang v?i vã ch?y ng??c xuôi tìm m?t ch? ??ng trong khoang, hay xô ??y nhau leo lên nóc xe, cái hình ?nh ?ám ?ông h?n ??n trong bu?i s?m chen chúc nhau ?y - gi?a nh?ng ti?ng súng b?n ch? thiên d?a n?t c?a lính canh ngoài c?ng - g?i lên trong lòng chàng n?i ?u u?t c?m hoài v? thân ph?n dân t?c b? áp b?c ??i ??i ki?p ki?p ? vùng tr?i kh?n khó này. N?i ?âu, con ng??i c?ng qu?n qu?i d??i b?o l?c. Chàng liên t??ng ??n nh?ng dinh th? r?p bóng c? và bi?u ng?, nh?ng b?c chân dung lãnh t? ?? s? di?u c?t ?ám qu?n chúng cùng kh?. Hình ?nh nh?ng cánh tay gi? cao theo ng?n c? ??c l?p, t? do ch?p ch?n d??i màn khói t? thi x??ng tr?ng la liệt khắp nơi.
(Người Đà Bà Ở Ch. Ha, các trang 91, 92)
Một chàng trí thức Việt Nam khước từ một đất nước bị khống chế tự do, một người thiếu phụ Miên cũng thuộc thành phần trí thức lại còn là mẫu người lý tưởng, nhưng bị chủ nghĩa Cộng Sản gạt gẫm; cả hai gặp nhau để cùng hàn huyên tâm sự về chủ nghĩa, về tình người. Họ nhìn về cái ánh sáng tự do chiếu lộng lẫy trên các đất nước Tây Âu để rồi thông cảm nhau, để chàng Việt Nam khi từ giã nàng và tiếp nối tiếp lộ trình vượt biên sẽ nhớ mãi tới nàng mà không cần biết tên nàng. Chàng chỉ biết nơi nàng ẩn cư là Ch. Ha để có một kỷ niệm tuyệt vời, để thỉnh thoảng gợi nó ra và để cho tâm hồn phì nhiêu tình ý.
... Sau chiến thắng, cuộc hồng thủy thanh trừng nội bộ, nh?ng k? ?iên lo?n di?n t?p chính sách cai tr? k? d? (phân bi?t dân m?i - c?, l?p công xã và nh?ng nhà tù tàn sát t?p th? ki?u Tuol Sleng...) Chàng v?n còn th?y v? kinh hoàng c?a nh?ng ng??i s?ng sót sau c?n kh?ng c? trên m?i nét m?t ng??i d?c ???ng. Chàng h?i, lúc b?y gi? nàng ? ?âu? Cha m? m?t tích trong ?ám ?ông b? l?u ?ày vào vùng công xã xa xôi nào ?ó. L?i m?t l?n n?a, nàng r?i b? thành ph? tr?n lên mi?t biên gi?i, t?n m?t th?y nh?ng ??ng x??ng tr?ng vô ??nh, thoát kh?i nh?ng cu?c lo?n dâm t?p th?, nh?ng ??ng chí ?ã cùng chia s? m?t th?i gian kh? gi? ?ây tr? thành v? binh ?? cu?ng tín. N?i ?au rã r?i c?a k? m?t trí. Nàng mong m?i cu?c ??i thay - ni?m hy v?ng m? h? c?a k? b?t l?c. ?ôi lúc, tâm th?n giao ??ng kinh hoàng vì ng? v?c ph?n b?i, nàng t? h?i, còn ai mu?n s?ng trong cuộc tự sát dân tộc này....
(Người Đàn Bà ? Ch. Ha, trang 94)
Cuộc vượt biên bằng đuờng bộ trong truyện ngắn Người Đàn Bà Ở Ch. Ha kéo dài trên 6 trang, phản ảnh rất sống thực cuộc vượt biên của tác giả. Nó nằm trong lịch sử của cuộc đời tác giả. Tác giả có thể thuyết phục độc giả tin rằng đây là câu chuyện có thật 99% một cách trơn tru, dễ dàng. Nhưng từ lúc người đàn bà Miên xuất hiện thì hiệu quả của sự thuyết phục yếu dần vì ai biết được chỗ nào hư cấu, chỗ nào có thực? Nếu trong hàng ngũ độc giả có 50% người tin tưởng cũng là quý lắm rồi. Do đó, đây là một chuyện dã sử đúng hơn nếu nói theo bản chất. Dã sử thì dựa vào những chi tiết, những biến cố, những phân đoạn của lịch sử để tác giả dựng lên một câu truyện hư cấu giả tuởng. Nhưng nếu tác giả dùng ý thức để xem Người Đàn Bà Ở Ch. Ha thành một câu truyện lịch sử thì đây là một biến cố trong lịch sử của cuộc đời Đặng Phùng Quân đúng hơn, chứ không phải là giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam hay lịch sử của 3 chủng tộc Việt Miên Lào. Nhưng mà thôi, dù lịch sử hay dã sử gì gì đi nữa thì đây là một truyện ngắn có tầm vóc nguy nga của một tòa kiến trúc bất hủ, gieo trong lòng độc giả một dư âm lưu luyến thiết tha khó nguôi ngoai khi họ đọc xong. Và dù có bịa ở đoạn người đàn bà Miên xuất hiện thì tác giả bịa rất khéo, y như là ghi chép một đoạn biến cố có xảy ra thực sự. Văn chương vốn cần bịa khéo như thật chứ không cần ghi chép sự thật một cách khô cứng và vụng về, có phải?
Dung Nhan là một truyện ngắn thật đặc thù. Nhân vật xưng tôi, trong một buổi sinh hoạt của nhóm người trẻ tuổi có gặp một cô thiếu nữ. Độc giả không hiểu cái mức độ quyến luyến họ như thế nào, nhưng nhân vật xưng tôi đặc biệt chú ý tới nàng khi ngắm nàng nằm ngủ sau khi ăn cơm trưa. Rồi cả hai cùng về thành phố. Trước khi chia tay, cô gái yêu cầu đuợc gặp lại đương sự. Nhân vật sau đó đến một khu tịch mạc gần trại cưa để tìm nàng. Tác giả không nói rõ nhân vật xưng tôi đã vào trong ngôi nhà nàng hay không, nhưng đương sự cho nguời dùng để đối thoại (gọi người ấy bằng bạn) biết nhà nàng bày biện như thế nào. Bạn sẽ bắt gặp nàng tắm xong, nhưng chưa lau khô mình mẩy mà đến bàn phấn chải tóc, soi gương và uống một ly rượu. Ở đoạn mô tả đó, nhân vật xưng tôi cố tình vắng mặt để ngôi thứ hai (bạn) xuất hiện trên trang sách và quan sát bên trong nhà nàng và dự khán cái sinh hoạt của nàng. Nhưng độc giả sẻ thắc mắc: Cái bên trong ngôi nhà và sinh hoạt của nàng có phải đúng như sự thực mà nhân vật xưng tôi mô tả cho bạn biết hay không? Hay đó chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng và vẫn còn nằm trong dự phóng, trong cõi mường tượng sa đà của đương sự? Tác giả không nói rõ. Anh muốn độc giả chúng ta nêu lên một nghi vấn. Người bạn dùng để đối thoại có phải chăng là cái tôi dự phóng của nhân vật xưng tôi, chứ chưa hẳn là người có thật để đương sự dùng làm kẻ đối thoại? Thế có nghĩa đó không phải là cái tôi đích thực mà là cái tôi dùng để chứng kiến bên trong ngôi nhà và cái sinh hoạt của nữ chủ nhân do nhân vật xưng tôi tưởng tượng ra. Đọc Dung Nhan, độc giả dễ bị chi phối bởi sự trà trộn giữa cái thực và điều tưởng tượng trong thế giới dự phóng hay trong cõi mường tượng của nhân vật xưng tôi. Và qua Dung Nhan, bút giả không hiểu đó có phải là loại văn chương phá thể hay không? Vì rằng ở truyện nầy lằn mức hư thực bị xóa mờ. Do đó cái cấu trúc của nó lạ lẫm, vượt loại văn chương quy ước bằng những nét sắc sảo.
Tìm Ki?m Một Người Nào là một câu truyện tình giữa anh chàng vừa thi hành xong nghĩa vụ quân sự và trở về định cư trong thành phố và một người đàn bà lang bạt kỳ hồ (une aventurière) từ ngoại quốc về thăm thành phố (có thể là thành phố Sài Gòn hay một thị trấn nào trên miền Nam đất nước). Còn thời điểm thì sao? Tác giả cũng không xác định giai đoạn nào trên dòng cuồng lưu của lịch sử. Dưới ngòi bút của Đ?ng Phùng Quân thì tình yêu của họ mơ hồ quá, dù tác giả có gài vào trang áp chót (trang 142) ba chữ nỗi đam mê. Nhưng ba tiếng ấy đó không gợi cho độc giả một ngọn lửa nóng bỏng trên từng phân đoạn, trên từng dòng chữ như những mối tình say đắm của văn chương thông thường. Cả hai hôn nhau trong rạp hát, cả hai đưa nhau đi ăn, đi bát phố, rồi làm tình khi cả hai về nhà chàng. Chàng còn có đi tắm theo kiểu người Thổ Nhĩ Kỳ. Tới ngày nàng phải lên đường để trở về với công viêc ở ngoại quốc thì nàng hủy bỏ chuyến bay. Rồi cả hai mướn một biệt thự để sống chung nhau. Nhưng rồi cả hai phải chia tay nhau. Cuộc chia tay cũng không được diễn tả, chỉ được nói qua quít một câu ngắn ngủn. Xin đọc:
.... Như kỳ hạn sống chung của chúng tôi đã lần lữa kéo dài. Thói quen m?i không th? thi?u, n?i thân m?t riêng t? m?i ngày nh?c l?i v?n nh? khám phá ?i?u còn ?n gi?u, nàng th??ng g? ?ôi kính c?a tôi ỡ ?? nhìn s? v?t cho b?t rõ ữ - khi hai thân xác g?n bên nhau, ?i?u thu?c lá ??t lên, ??u l?a ?? cháy soi không gian t?ch m?ch - nh?ng ng??i xa ? n?i nào, bây gi? d??ng nh? nghe nói ??n t?a h? tuy?t âm hao, hay th?ng th?t chia cách gi?a ?ôi biên gi?i không có hy v?ng nào trùng phùng tái ng?. Trong bi?t th?, mà chúng tôi t??ng ch?ng nh? xa cách v?i th? gi?i ng??i t? lâu l?m. B?n h?u ?ã b? ?i c?. Nh?ng lá th? l??i bi?ng h?i âm c?ng b?t d?n. Thành ph? ? th?t xa. N?i ?am mê ngày càng làm trí nh? quên d?n. s? thích thú t?ng d?n lên v?i lòng b?n ch?, chúng tôi càng nóng n?y. Nàng ?ã nh?n ???c nh?ng th? t?c làm xong có th? lên ???ng ?i Âu Châu nh?n vi?c m?i, ngày kh?i hành còn không bao lâu nh?ng nàng v?n ??ng ng?nh ch? ??i s? chia ly b?t ng?. D?p kia ?ã x ?y ??n khi tôi nh?n ???c l?nh g?i ?i th? hu?n. Chúng tôi ?ã lên đường cùng ngày.
(Tìm Ki?m Một Người Nào, trang 142)
Cuộc tình và diễn biến được thuyết thoại nhiều hơn là mô tả. Nhưng xen vào những dòng kể lể là những câu nổi bật những đường nét tạo hình rất sống thực, rất sắc sảo cứa mạnh vào ấn tượng độc giả. Đây là một truyện ngắn đắm chìm trong cái không khí uể oải, với động tác chậm chạp và buồn bã của nhân vật làm bút giả liên tưởng tới những séquences trong các cuốn phim Ý như Le Bel Antonio của Mauro Bologhini (1960) hay phim Huit Et Demi của Federico Fellini.
Theo tôi, Tưởng, Tuởng Nhớ không phải là một truyện ngắn mà là một tùy bút có nhiều đoạn rất thơ mộng. Đây là một bài tác giả gửi gấm tâm tình của mình vào công việc viết văn. Công việc đó theo thiển ý của tôi, gồm có hai yếu
tố chính là thần trí sáng tạo (esprit de création) và cảm hứng (les inspirations).
Từ bấy lâu nay, bút giả có cái định kiến như sau: Muốn khích động hai yếu tố
đó, mỗi nhà văn có một thái độ riêng: có kẻ cuồng nhiệt coi văn chương như
một tôn giáo, có kẻ hành xử một cách hung hăng như theo kiểu bạo dâm (le
sadisme), có kẻ khổ hạnh, có kẻ lâng lâng thống khoái như kẻ làm cuộc hành
hương tận ngôi thiền tự trên đỉnh núi v.v... Đâu đó, tôi bắt gặp hai câu tuyên
ngôn của nhà văn Huỳnh Phan Anh: Viết là đâm nổ mặt trời/ Viết là thách thức
thần linh. Những hành trạng cá biệt của kẻ cầm bút, tôi không dám phê phán.
Nhưng tôi biết chắc rằng muốn thắp sáng thần trí sáng tạo, muốn khơi dậy cảm
hứng, nhà văn thuờng lôi kéo cuộc sống nội tâm lệch lạc qua một bên để tìm
những khe trống cho ngọn lửa thần bí soi sáng và khơi dậy hai yếu tố đã kể trên
đây. Một cuộc sống nội tâm ngăn nắp quá, lành lặn quá thì làm sao nứt nẻ ra
những khe trống?
Riêng nhà văn Đặng Phùng Quân thì hiền lành quá đỗi, có thể bảo là ngoan
lành và điềm đạm một cách dễ thương trong công việc viết lách. Vậy mà thần
trí sáng tạo của anh vẫn bừng tỏa, cảm hứng của anh vẫn tràn trề lênh láng. Anh
chỉ cần tưởng và tưởng nhớ là bắt gặp hai cái nhu cầu của mọi nhà văn.
... Chưa bao giờ chàng thấy đêm diệu kỳ nh? lúc này khi hai ng??i ti?p t?c l?i câu chuy?n v?a ??t quãng, b?i m?t Ỷ t??ng v?a lén ??ng t?i lúc h? cùng nh?c l?i m?t k? ni?m, c?a vùng kỶ ?c nào ?ó miên man theo ngày tháng, nh?ng quãng s?ng dày ??c t??ng nh? gánh n?ng c?a m?t ??i, có ph?i, xe v?n ch?y, nh?ng tàng tích nào quá kh? v?a qu?t kh?i, nh?ng giai ?o?n tr?m mình trong ??n ?au th? thách c?a th?i th?, b?o hành l?ng kh?i, quy?n l?c th?p hèn, t?t c? r?i c?ng qua nh? m?t trò ?ùa, b?i vì sau cùng ng??i ch?ng ?ã thoát ra bên ngoài, nhìn l?i không th?y mình, không th?y ng??i, ch? th?y nh?ng ho?t c?nh câm nín, không l?i; có ch?ng, cái còn l?i là nh?ng ?i?u ?ã vi?t ra, vi?t d??ng nh? không th? ng?ng l?i, vi?t nh? ?i hoang vu vào cõi sa mù nào ?? tìm l?i ??ng v?ng, b?ng d?ng chàng nói v?i b?n v? nh?ng c?nh hu?ng g?p nhau, v? m?t nhà xu?t b?n mang tên 68, th?i ?i?m c?a m?t cu?c n?i d?y, v? m?t ng??i ?àn bà Zdena ; vi?t nh? m?t h?n ??c trùng phùng trên nh?ng h?i ?i?m vô hình, vi?t trong m?t luân h?i v?nh vi?n ?i trên nh?ng s?i dây ?u cao th?, vi?t ?? th?y nh?p ??p c?a tim còn co th?t tr??c nh?ng t?n áp chuyên chính, vi?t ?? g?i l?i l?i kh?n ?i trong ?êm sao b?ng tàn kh?c, vi?t nín cùng h?i th? d?n d?p c?a tình yêu chia cách, vi?t c?a m?t cái b?t tay b?ng h?u t? mi?n Trung ?ông Âu mù ám, c?ng ho?n n?n, c?ng m?t mùng, vi?t cho nhau nghe nh?ng th?ng kh? ng?c tù, nh?ng kinh nghi?m xe t?ng và ??i bác xâm l??c, vi?t lên tìm ki?m vòng quay l?ch s? tân dân ch? nhi?u nh??ng, vi?t cùng ng??i, cùng ta, cùng thù ngh?ch, cùng ??n ?ài, l?ng mi?u xác hoa và da th?t, hóa thân trong m?t cu?c truy hoan vô tính, vi?t ch?ng nh? bay lên cùng tr?i ??t. Có nh?ng ?i?u vi?t m??i m?y n?m v?n còn ám ?nh, v?n ?i tìm, nh? th? hành tr?ng m?t ??i, vi?t trong khung h?p c?a m?t th?i, vi?t ?? m? ra c?a ngõ sáng tạo.
(Tưởng, Tưởng Nhớ, các trang 163, 164)
Đặc sắc nhất trong các truyện ngắn của Đặng Phùng Quân trong tập truyện
Một Dặm Tương Thân là truyện ngắn cùng tựa.Trong truyện, nàng là một cô
thiếu nữ có nếp sống khép kín, phức tạp, dường như tiêm nhiễm cái triết lý khắc
kỷ . Nàng bám chặt một ý định, hay một lý tưởng và sống chết với nó cho tới
cùng. Cho nên trong cuộc tình phất phơ, ngô không ngô, khoai chẳng ra với
chàng, nàng vẫn xem đó là một mối tình thiên thu hiện hữu bởi một định mệnh
oan nghiệt do nghiệp lực từ thời tiền kiếp nào đưa đẩy:
... Tuổi dậy thì, bằng hữu thủ thỉ cho nhau nghe nh?ng ?i?u hi?u bi?t v? m?t th? gi?i bên ngoài, nh?ng chuy?n tình lí thú, nh?ng t??ng t??ng v? m?t ??i t??ng khác phái, thân xác ?àn ông, nh?ng n? hôn ??u v?ng d?i, nh?ng c?m xúc hi?u ??ng, th?m thú trong khung c?nh h?n hò hoang s? c?a tu?i tr?. Nàng c?ng tò mò l?ng nghe nh?ng câu chuy?n g?u c?a b?n bè. Hình ?nh ng??i ?àn ông qua hi?n thân chàng l?i tha thi?t trong cõi riêng nàng. Có l?n m?t ng??i b?n h?i nàng ?ã bi?t yêu ch?a, nàng ch? m?m c??i không tr? l?i. Nói th? nào v? ng??i yêu, nàng t??ng ch?ng nh? ?ã v?nh vi?n trao thân g?i ph?n cho chàng. ?i?u bí m?t ?y c?a riêng nàng. Ngày tháng qua, v?t th??ng lòng nh? dao c?t không lành t??ng ch?ng nh? tu?i ??i ?ã già c?i, t??ng ch?ng nh? ng??i yêu không còn trên th? gian này. Nàng th?y mình th?t l?n, nh?ng kh? d?i. Có l?n ng??i b?n gái m?i quen ? n?m cu?i cùng b?t Trung h?c nh?t ??nh ?òi nàng nghe m?t chuy?n th?m kín. Nàng yêu ng??i th?y h?c c?, cu?c tình ?p ? ?ã hai n?m. Làm th? nào ?? ng??i mình yêu hi?u tâm s?, cô b?n h?i. Nàng l?i nh? chàng, Ỷ ngh? thoáng ??n trong tâm t??ng nghi ho?c v? chuy?n c?a mình. Li?u chàng có th?t yêu nàng hay nàng ch? là m?t ng??i b?n nh? bé ch?a bao gi? ghi kh?c trong trái tim chàng. N?u chàng yêu, dù khó kh?n cách tr? chàng c?ng ph?i tìm v? nàng. Nh? giây phút thân m?t, chàng l?i vùng b? tr?n. Nàng mu?n ng? v?i b?n, nh?ng nàng ng?i nh?ng ?i?u nói ra làm th??ng t?n hình ?nh chàng, khi?n nàng ng? v?c cu?c tình c?a mình. Ng??i b?n gái qu? quy?t, nh?t ??nh s? chi?m h?u hoài v?ng c?a mình. R?i m?t ngày mình ph?i ???c yêu, d?u có th? nào. Tình yêu ch? ??n m?t l?n, nàng ch?ng bi?t ch? ??ng. Và k? ni?m nh? chìm sâu. Nh?ng gi?t n??c m?t s?u mu?n d?ng d?ng khi nàng ng?i th? th?n m?t mình tr??c nh?ng t?p sách v? trên bàn h?c. Nàng vi?t nh?ng Ỷ ngh? l?n ??u trên m?t cu?n s? nh?, t??ng ch?ng nh? ?? nói v?i chàng, ?? chinh ph?c chàng (nh?ng Ỷ ngh? ??n t? m?t vùng tr?i thân ái, th?t táo b?o, khi ng? cho chàng hi?u tâm h?n th? ?ã dào d?t nh?ng say ??m ?am mê ngày g?p g?, nh?ng Ỷ ngh? thám hi?m cõi yêu mông lung ??y ác m?tng, nh?ng gi?n d? n?i lo?n ??i, nh?ng thoáng k? ni?m trong c?n nhà c?, nh?ng nét phác h?a d? dang m?t không gian su?i hoa m?t ng?t nào c?a t??ng lai, song ?i?u chân th?t sâu kín nh?t c?a nàng là ni?m nh? mãi khi hai thân xác g?n k? v?n ám ?nh không r?i, nàng nh? chàng, n?i nh? của một người tình chăn gối...)
(Một dặm Tương Thân, các trang 22, 23)
Còn chàng thì khác, ưa thay đổi, ưa nổi loạn phản kháng, không tìm được cho
mình một chỗ đứng, một lý tưởng thích nghi. Do đó mà chàng không hạnh phúc,
chàng khổ sở vì bị dằn co với những t? tưởng phức tạp, phiền toái. Cái hệ lụy ấy do
chàng chủ trương, chàng chính là nạn nhân của cái nghịch lý của đời sống mình,
cái mâu thuẩn của nội tâm mình.
...Thế giới của chàng. Không, nàng nghĩ, cái thế giới ấy phải của hai đứa, với một biên cương ngăn cách với xã hội bên ngoài. Từ cái lối đi qua một phố chợ, những bức tượng tôn giáo cao hơn người thật bày ngổn ngang bên lề đường của mấy tiệm tạc tượng, khi mưa đầu mùa tới làm ngập lụt, nàng phải vén cao ống quần trắng, tay xách dép khi tới căn nhà của chàng. Căn nhà lá phủ một lớp tôn trên mái, cửa nhìn ra bụi chuối bên một con mương đầy lá xanh. Thế giới của chàng đó, những nét vẽ đầy khắp, trên vách, trên hai cánh cửa, trên giá gỗ ở ngoài trời. Những mẫu phác họa vội vã, còn nguyên sơ hình ảnh vừa bắt gặp, như những sợi tơ trời bay lượn trong không gian tinh khôi. Và bây giờ, thêm sự hiện diện của nàng. Con người chàng, sự nổi loạn vô trật tự. (Tại sao anh đang theo học Y khoa, lại bỏ ngang sang Văn Khoa. Rồi chưa đầy một năm, anh lại xin vào Mỹ Thuật. Tai sao anh lại bỏ học. Những th?c m?c tìm hiểu về sự hoang đàng phá phách đang diễn ra trong tâm hồn chàng)... Những kinh kệ - nói theo ngôn ngữ của chàng - như ám ảnh chàng thường trực, ru chàng vào một vòng lưới hoài nghi khôn cùng. Kiến thức đời không giữ gìn chàng yên phận. Chàng không muốn giam mình trong bốn bức tường trắng bệnh viện, khi những vết đau da thịt không trầm trọng bằng cơn nội thương xã hội - con người cá thể có nghĩa lý gì trong hạnh phúc toàn bộ đại thể đang đắm chìm trong khổ nạn. Mà xã hội, viên thày thuốc không còn đủ thiên chức, khi mảnh bằng chuyên môn được đánh giá bằng tiền bạc. Sách vở từ chương cũng chẳng tạo thêm niềm tin cho thế giới trước mặt hiện tại. Học vẽ, không gian của thẩm mỹ như đưa nhãn quan vào một cảnh giới khác, những tạo hình như đoạn lìa trước mặt. Trốn lánh thực tế trước mặt có phải? Không, chàng đang đi tìm một chân trời tự do chưa hiện nét. Nàng với trực giác linh khiếu nào đó, như thầm hiểu điều đó. Như tình yêu vừa chớm nở. Kể cả, tính bướng bỉnh vô cùng của chàng. Trong cái guồng máy xã hội nhập nhằng, những quán lệ bàn giấy giăng mắc, cuộc chiến tàn bạo đến đâu, chàng đã từ khước tuân hành, kể cả một thủ tục đơn giản như khai báo bằng cấp....
(Một Dặm Tương Thân, các trang 14, 15)
Cuộc sống ở ngoài xã hội và cuộc sống nội tâm của cả hai (chàng và nàng) không đơn giản. Cuộc sống ngoài cuộc đời của họ với những xã hội phồn tạp do một mãnh lực huyền bí lôi kéo họ vào, nhận chìm họ, đọa đày họ. Nếu hiểu theo thuyết nhà Phật tâm cảnh tương ưng thì đây là một thí dụ điển hình.
Tác giả kể mọi diễn biến ở thời hiện tại. Truyện có ba phân cảnh chính. Hai phân cảnh đầu nói về nàng. Còn phân cảnh thứ ba nói về chàng. Tuy nhiên, ở phân cảnh một vẫn có một đoạn nói cuộc gặp gỡ giữa chàng và nàng tại một quán sách: nàng nhờ chàng dịch cho nàng nghe một đoạn trong tập thơ của Saint
John Perse. Và tác giả cũng có nói qua loa về thân thế, tánh nết, cuộc sống nội tâm cũng hoài bão và nhân sinh quan của chàng, cái kỷ niệm ôm ấp yêu đương ngắn ngủi của cả hai trước khi chàng bị bắt vì tội bất phục tùng nghĩa vụ quân sự. Nhưng ở phân cảnh nầy chàng chưa xuất đầu lộ diện đâu.
Phân cảnh hai bị nàng chiếm trọn. Ở đây, độc giả biết được một vài đoạn đời của nàng. Nàng lấy chồng do mẹ nàng sắp đặt. Nàng không yêu chồng, vẫn hoài hoài tuởng nhớ tới chàng. Nỗi lòng nàng, những ý tưởng của nàng hướng về chàng được ghi trên tập nhật ký bị bại lộ. Chồng nàng ghen và mới hiểu rõ tại sao cuộc chung sống lứa đôi củavợ chồng mình không hạnh phúc. Cảnh đồng sàng dị mộng kéo dài không biết bao giờ mới hết. Nàng bồng đứa con gái trở về sống với mẹ của nàng. Chồng nàng leo cao trên chiếc thang danh vọng, càng quên vợ con. Riêng nàng, nàng vẫn tìm cách gặp chàng. Và rồi cuộc tái ngộ cũng đến, nhưng chàng bị giam trong trại kỷ luật vì tội hành hung một viên cố vấn Mỹ. Nàng chỉ biết đứng ngoài vòng rào nhìn chàng. Sau cùng, nàng trao cho chàng quyển nhật ký của mình.
Phân đoạn ba là phân cảnh dành trọn vẹn cho chàng. Ở đoạn đầu, tác giả có nhắc tới chút ít những sinh hoạt của chàng trước khi gặp nàng và yêu nàng. Chàng theo sinh viên biểu tình chống M? khi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẳng. Có thể, theo bút giả (chứ không phải tác giả) suy luận, chàng tiêm nhiễm nhận định ngây thơ về chính trị và lòng nhân đạo mù quáng của lũ trí thức Tây Âu nên thấy quân đội Mỹ có cái tinh thần kiêu căng và cái thói ưa giật dây dụi để điều khiển kẻ khác (la manipulation) nên chàng gia nhập vào nhóm sinh viên phản chiến. Khi bị cưỡng bức nhập ngũ, chàng càng thấy lính Mỹ đáng ghét hơn vì : Nơi bãi trận rộng lớn, chàng tận mắt thấy những lính Mỹ biểu hiện tinh thần Yankee đối với dân bản xứ, đùa rỡn diễu cợt trên xác chết (sic). Chàng hành hung với tên cố vấn Mỹ, rồi bị trọng cấm. Rồi chàng bỏ hàng ngũ Quốc Gia theo người giao liên vào mật khu Cộng Sản và hoạt động cho họ. Trong gian lao khổ ải, khi cận kề cái chết, chàng có quyển nhật ký của nàng bên mình. Chàng gặp một thiếu nữ từ ngoài Bắc tình nguyên vào lực lượng thanh niên xung phong để chiến đấu trong Nam. Thế là cả hai kết hôn nhau. Nhưng ở trong hàng ngũ Cộng Sản, chàng bỡ ngỡ và đi đến thất vọng khi thấy:
.... Cuộc sống đôi lứa chẳng bình thường nh? th?i hòa bình, m?i ng??i m?t ph?n v? công tác, có nh?ng lúc nàng ? h?n bên ??n v? khác, h? c?ng ch?ng có th?i gi? ?? ngh? ??n nhau, n?i nh? c?a ng??i tình ch?n g?i. Và tình th? g?p rút theo nh?ng bi?n ??ng chung trên toàn ??t n??c - t? cu?c chi?n lan r?ng nh?ng m?t khu ven gi?i, tin t?c v? nh?ng tr?n không chi?n ác hi?m, nh?ng l?c l??ng chính quy t? mi?n B?c t?ng vi?n v?i nh?ng ?oàn c? gi?i ngày ?êm di ??ng trên kh?p n?o ???ng mòn...M?t b?u không khí kh?n tr??ng dàn tr?i Ố Ỷ ngh?a cu?c chi?n toàn di?n thay ??i h?n. V? th? c?a l?c l??ng ??a ph??ng thu h?p (t? th?t b?i c?a cu?c n?i d?y mùa Xuân, hàng ng? tan tác, song các c?p ?y v?n gia s?c tuyên hu?n v? sách l??c tr??ng k? t?t th?ng, ?? cao hy sinh cho ??i cu?c). Chàng nh? b?i theo giòng l?...Chung quanh chàng d?n d?n m?t hút nh?ng b?ng h?u bám tr?, s?ng yêu th??ng t?ng hàng kinh, r?ch, ru?ng, ??ng, s?ng cho m?t lỶ t??ng ??n s? giành l?i quê h??ng kh?i áp b?c b?t công. Nh?ng ??ng ??i m?i ??n t? m?t xã h?i ?ã thi?t l?p ?n ??nh, bi?u l? m?t thái ?? bàn gi?y l? lùng. ??i s?ng không ph?i n?m trong Ỷ ngh?a chi?n ??u, mà n?m trong sách l??c nh?t ??nh c?a ??ng...L?n th? hai trong ??i, chàng l?i nhói lên trong tâm kh?m cái b?t ?n rã r?i nh? khi lìa bỏ gia đình ra đi...
(Một Dặm Tương Thân, các trang 48, 49)
Rồi cuốn nhật ký của nàng bị thất lạc. Rồi vợ chàng sang Đông Âu du học. Khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, chàng theo toán người tiếp thu về thành phố.Chàng vẫn mang sự bất mãn và tinh thần phản kháng trầm kha nên chàng bị giam giữ. Một người bạn cũ làm an ninh cho tòa Đai Sứ nhận ra chàng, giúp chàng làm thủ tục định cư ở nước thứ ba. Và rồi trên đất nước Hoa Kỳ chàng mường tượng lại khuôn mặt nàng và vẽ lại chân dung nàng với cái tựa trích trong câu thơ của Perse: Un grand poème né de rien . Thế là vào hôm triễn lãm, chàng gặp một cô thiếu nữ xưng là con gái của nàng sau khi ngắm bức tranh. Cháu biết tên bác rồi. Ngưòi trong tranh là mẹ cháu (sic). Cô gái cho biết r?ng mẹ cô trước khi lâm chung có yêu cầu ông ngoại bà ngoại cô giúp cô vượt biên. Kết cuộc câu truyện được tác giả hạ bút như sau :
... Trong những ngày sau cùng, cô bé nói, m? cháu y?u ?u?i ??n ?? suy nh??c. M? ch? mu?n ?i th?t xa, thoát kh?i cái th? gi?i ?? nát v?i nh?ng m?nh v?n tan tành c?a khung kính v?n hoa ?ã v?. M? mu?n tr?n ch?y m?t ??i s?ng gi? trá. M?t quá kh? ch?p chùng. Moôt ng??i ??i ch? trong tuy?t v?ng. L?ng nghe con gái nàng tâm s?, nh?ng hình ?nh d? vãng hi?n v? d?u tích mê l?m ?? l?i n?i k? m?ng du không tr?n v?n. Chi?u xa d?n kho?ng trùng d??ng bao la, cõi ??t ng??i thu h?p l?i t?m m?t. Chàng nh? tìm l?i b?n thân, m?t hình th? khác ?o? ?ày. Cô ??n th?ng thi?t, khi ng??i thi?u n? chia tay tr? v? campus. L?i m?t cu?c tr?n ch?y nh?ng gì thân yêu nh?t, chàng ?? l?i b?c h?a chân dung ?y cho con gái nàng, g?i l?i tâm h?n mình l?c lõngtrong chuyến lên đưòng.
(Một Dặm Tương Thân, các trang 58, 59)
Chúng ta có thể coi truyện ngắn Một Dặm Tương Thân như một truyện tình
thời chiến dựa trên một xâu chuỗi biến cố của lịch sử để dựng nên những bối
cảnh lót nền cho câu chuyện thêm màu sắc thời đại. Tác giả trong thâm tâm, anh
không cố tình viết truyện tình thời chiến như Nhã Ca trong Tình Ca Trong Lửa
Đỏ hay như Từ Tốc trong Tinh Tinh Nguyệt Lượng Thái Dương (mà Liêu Quốc
Nhĩ dịch với cái tựa Những Tinh Cầu Cô Độc). Anh muốn đi thật xa hơn cái
trạm mà các tác giả viết chuyện tình nhắm tới trên lộ trình cam go của văn
chương. Vì sau mặt chữ của câu chuyện trong Một DặmTương Thân có
những điều viễn
thâm chôn giấu khá nhiều. Đó là những xung đột của tâm cảnh, của lý tưởng.
Đó là những điều dằn co của khuynh hướng vào đời, những xâu xé nội tâm,
những thần tượng và chủ nghĩa mới bừng sáng cho người hằng chuộng lý tưởng
chẳng được bao lâu lại sụp đổ tan hoang. Và đó cũng là bạo lực được ngụy trang
bằng mặt nạ đẹp đẽ, bằng xảo ngữ điêu ngôn để rồi bị phơi bày khuôn mặt thật
ghê tởm ra.
Đặng Phùng Quân viết văn với tinh thần của một nhà thám hiểm. Anh nhìn trước nhìn sau, nhìn ngang nhìn dọc, nhìn trong nhìn ngoài đối tượng quan sát. Chưa đủ! Anh còn sục sạo tìm những cái bí ẩn mà những trào lưu, những trường phái văn chương có tinh thần cầu tiến đòi hỏi. Anh muốn xóa bỏ những quy ước, những lối cũ đường mòn đã từng làm cho văn chương hóa thạch, đã từng làm cho tinh thần sáng tạo chai cứng và đóng băng. Anh miệt mài soi tìm những hang ổ, những tụy đạo sâu kín dưới bình diện phẳng lặng của hiện hữu để tìm những cái bí nhiệm trong cuộc sống, trong nội tâm con nguời, để đưa vào văn chương. Cuộc hành hương và lộ trình của anh không có mấy ai muốn dấn thân. Cho nên anh ít có bạn đồng hành và cũng ít có ai chịu hướng mắt theo dõi.



Share on Facebook Share on Twitter Share on Google Plus

No comments:

Post a Comment