Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 1 November 2016

TUẤN KHANH =TƯỞNG NĂNG TIẾN=SƠN TRUNG

LS. NGUYỄN VĂN ĐÀI * QUỐC KHÁNH CHDC ĐỨC

Mừng Quốc khánh CHLB Đức ngày 3/10/1990 - 3/10/2015


Hà nội, ngày 2-10-2015
Luật sư Nguyễn Văn Đài.
Tối ngày 1 tháng 10 năm 2015, Đại sứ CHLB Đức tại Hà Nội đã tổ chức tiệc chiêu đãi kỷ niệm 25 năm ngày Thống nhât nước Đức.
Tới tham dự có Chủ tịch MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ ngoại giáo Bùi Xuân Hưng và nhiều quan chức các Bộ của Việt Nam. Cùng với các viên chức ngoại giao của đại sứ quán các nước tại Hà Nội.

Đại diện phong trào dân chủ và xã hội dân sự có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, anh Nguyễn Chí Tuyến, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cô Nguyễn Thị Nga.


Lần đầu tiên tôi được nghe một quan chức cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam có thể đọc hai ngoại ngữ trong một bài diễn văn.
Mở đầu bài diễn văn, ông Nguyễn Thiện Nhân đọc bằng tiếng Đức, sau đó chuyển sang đọc bằng tiếng Anh. Bài diễn văn khá dài theo phong cách của những người cộng sản làm ông Phó Đại sứ và những người tham dự rất sốt ruột. Nhưng cuối cùng thì nó cũng kết thúc để mọi người có thể cùng nâng ly.
Tôi nhớ lại cách đây 25 năm, khi đó tôi đang sống tại Đông Đức. Tôi đã có cơ hội chứng kiến người dân Đông Đức xuống đường biểu tình năm 1989 để đòi xóa bỏ chế độ cộng sản và thống nhất với Tây Đức.
Và ý nguyện của người dân Đông Đức đã được toại nguyện khi chính phủ cộng sản sụp đổ, người dân Đông Đức được bầu cử tự do, chính phủ mới đã ký thỏa thuận thống nhất hai miền Đông và Tây của nước Đức vào ngày 3-10-1990.
25 năm sau khi thống nhất, mọi tàn dư của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức đã bị xóa bỏ. Hơn 40 năm dưới chế độ cộng sản chỉ còn là một kỷ niệm buồn của những dân Đức ở độ tuổi trên 40.
Ngày nay, những thế hệ trẻ được sinh sau 1990 ở phần Đông Đức có thể không bao giờ biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã sinh ra và tồn tại ở đó. Họ chỉ biết đến một nước CHLB Đức dân chủ, tự do và thịnh vượng.
Có lẽ ước mong xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản không chỉ là ước mơ của người dân Đông Đức, Đông Âu vào thập niên 1990. Mà ngày nay còn là ước mong của người dân ở các nước đang phải chịu sự cai trị hà khắc của chủ nghĩa cộng sản.

TUẤN KHANH * TUỔI XANH

Tôi thấy hoang tàn trên tuổi xanh


Đó là một buổi chiểu của năm 1987. Một buổi chiều mà tôi cứ hay bị ký ức lôi về căn phòng tối thăm thẳm không lời đáp.
Đó là năm thứ 2 trung cấp, tôi đang theo học ở Nhạc Viện TP. Buổi chiều với giờ học Trích giảng Âm nhạc của thầy Trương Hữu Lang. Cả lớp bỗng sững lại. Gương mặt ông thấy cũng bối rối khi bà bí thư Đảng Uỷ Nguyệt Anh dẫn theo một công an viên đến lạnh lùng gọi tên một người bạn của tôi bước ra khỏi lớp. Anh Trịnh Bằng Phi học contrabass luống cuống nghe thông báo rồi quay lại bàn gom sách vở ra về. Từ đó về sau, tôi không bao giờ gặp lại anh được nữa. Anh Phi bị đuổi học bất ngờ vì người ta tìm thấy ba anh là một sĩ quan của chế độ VNCH. Khi ấy anh chưa được 25 tuổi, nhưng đã là một trong những tay chơi contrabass hiếm hoi đủ thể chất và trình độ của miền Nam, thế nhưng anh bị xô ngã một tương lai, vì lý lịch.
Trong suốt những năm theo học ở các trường đại học, tôi học khôn được một chuyện là ở quê hương mình, lý lịch có thể giúp một người đi xa đến bao nhiêu, và ngược lại, có thể tàn phá hành trình đến tương lai nhanh đến nhường nào.
Cho đến hôm nay, khi câu chuyện về anh thanh niên 30 tuổi nhận chức giám đốc Sở ở tỉnh Quảng Nam bị đưa vào các cuộc tranh cãi, tôi lại đọc thấy các phát ngôn trên các trang báo của Nhà nước bảo vệ cho vị giám đốc Sở trẻ trung ấy bằng những lời lẽ nhân ái mà tôi và thế hệ tôi chỉ có mơ mới thấy.
Trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nói rằng người tài không cần xét là con ai. Còn độc giả Vu Gia thì viết trên VietnamNet rằng "nhắc đến lý lịch làm gì?".
Tôi chúc phúc cho anh giám đốc Sở 30 tuổi ấy. Và hy vọng rằng nếu anh may mắn được bảo vệ ở đủ chiều cho chức vị ấy, hãy cố gắng chứng minh khả năng của mình với đất quê Quảng Nam nghèo khó. Anh hãy chứng minh là một người lãnh đạo minh bạch và tử tế để vượt qua mọi cái nhìn ghẻ lạnh của dân chúng lúc này.
Anh ta may mắn hơn những người bạn của tôi, của thế hệ tôi.
Những ai từng học qua ở Nhạc Viện vào cuối thập niên 90 chắc đều còn nhớ tay chơi viola tài hoa Phúc Hải. Anh được nhận học ở Nhạc Viện bởi ngay từ lúc thi tuyển, các thầy cô chuyên môn đã nhận ra đó là một tài năng hiếm có. Những năm cuối của bậc đại học, Phúc Hải được các chuyên gia âm nhạc của Nga đến nghe và lập tức chọn để cho học bổng tu nghiệp ở Moscow. Cũng như mọi câu chuyện lãng mạn về âm nhạc, như Đặng Thái Sơn, sinh viên Phúc Hải có thể thử sức mình ở một môi trường thử thách với tài năng của anh.
Thế nhưng vào buổi chiều hôm đó, Phúc Hải được tin anh không được nhận học bổng đi du học, vì ba của anh là thành phần của chế độ cũ. Thầy tôi, giáo sư Đinh Sơn, một đảng viên có hơn 30 tuổi đảng, là người ra sức bảo vệ sinh viên Phúc Hải nhưng rồi thất bại. Ông buồn bã nói với tôi rằng có lẽ ở đất nước này, chuyện lý lịch là một cái bẫy công khai nhưng ai cũng phải bị vướng một lần.
Tôi chúc cho tất cả những bạn trẻ làm quan ở tuổi thanh xuân phô phới hôm nay, sẽ không có những ngày tháng hoang tàn như bạn bè tôi. Dù bên tai tôi nghe vẫn vo ve những xảo ngữ về chuyện lý lịch không quan trọng, tôi vẫn mong đất nước này người tài có thể cống hiến, và tham vọng cha truyền con nối chức vụ chỉ hiếm hoi ở bọn đê tiện.
Buồn chán, anh sinh viên Phúc Hải tài năng mà tôi biết đã bỏ trường và bỏ hẳn đàn. Sau đó ít lâu anh đi nước ngoài theo diện H.O. Anh là một trong nhiều trường hợp không may về lý lịch. 
Lý lịch không phải là chuyện của hôm qua hay hôm nay mới trở thành chuyện bàn cãi, mà Việt Nam đã từ lâu ghi nhận câu chuyện của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với lý lịch có cha Đặng Đình Hưng, là một nghệ sĩ bị chỉ định cư trú kèm theo dõi của công an vì đã tham gia các phong trào Trăm Hoa Đua Nở, Nhân Văn Giai Phẩm. Nếu không có nghệ sĩ dương cầm người Nga Issac Katz ra sức bảo vệ và tìm đủ mọi cách để mang ra khỏi Việt Nam vào năm 1974, thì chưa chắc thế giới đã có một Khôi nguyên người Châu Á giải Chopin quốc tế tại Warsaw, Balan vào 1980.
Chúng ta không muốn nói về lý lịch. Thật vậy. Nhưng rõ ràng lý lịch đã là một hiện thực bất khả biện trên đất nước này, và đã gieo không ít hoang tàn lên tuổi trẻ của chúng ta và nhiều người khác. Vậy hãy đối diện với nó, trò chuyện với nó, chứ đừng tảng lờ và giả nhân giả nghĩa.
Tháng 9/2015, tôi gặp lại anh Nguyễn Hoàng Phương, từng là một trong những tay chơi Oboe xuất sắc của khoa kèn và dàn nhạc giao hưởng của Sài Gòn. Năm 1993, anh Phương cũng từng được cử dự tuyển đi du học ở Nga, như một trong những hạt nhân xuất sắc của dàn nhạc giao hưởng thành phố. Thế nhưng trước vài giờ vào phòng thi tuyển với chuyên gia người Nga, anh được thông báo của bên giáo vụ cho biết anh không đủ tư cách dự tuyển, cũng do có ba là sĩ quan VNCH - dù ba anh đã rời trại cải tạo và về nhà vài năm trước đó.
Còn rất nhiều người mà tôi chưa thể kể hết ở đây. Còn rất nhiều những câu chuyện mà thỉnh thoảng, khi chúng tôi ngồi lại, buồn ngơ ngác vì chỉ thấy hoang tàn trên tuổi xanh của thế hệ mình. Chẳng bao giờ chúng ta có thể thấu hiểu được mất mát nếu cứ giả vờ như những kẻ bại liệt lương tri và ý thức.
Mất mát sẽ là một bài học gần gũi và nhân ái nhất để nhận ra rằng lý lịch chỉ là chuyện vặt cần phải bước qua, nếu tuổi trẻ sớm được trao cho cơ hội để cống hiến danh dự, trách nhiệm cho tổ quốc. Nhưng tuổi trẻ sẽ mãi mãi hoang tàn, nếu chỉ biết nhìn quê hương như những phần ăn giấm giúi cho nhau dưới gầm bàn quyền lực. Tuổi trẻ đó, thời đại đó, không khác gì dành loài dã thú.
 http://www.rfavietnam.com/node/2834

SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

Nhà Thơ & Nhà Thổ

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ.

Nguyễn Khoa Điềm
Thỉnh thoảng, tôi cũng có (lén) làm một bài thơ ngăn ngắn. Những câu thơ được ghi chép nắn nót trên những trang giấy trắng tinh, rồi trân trọng gửi đến những toà soạn báo (ở khắp mọi nơi) với địa chỉ tác giả, ghi rõ ràng ở mép trái của phong bì.
Tất cả sáng tác của tôi, than ôi, đều “một đi không trở lại.” Chưa bao giờ tôi nhận được hồi âm, dù muộn.
Cứ thế, từ thập niên này sang thập niên khác, tôi sống thường trực trong tâm trạng của một kẻ đợi chờ trong buồn rầu, và ... thất vọng. Tôi thất vọng vì tài năng thi phú của mình không được người đời nhìn nhận!
Cho đến chiều 25 tháng 4 vừa qua – tình cờ, và bất ngờ – tôi đọc được vài dòng nhắn tin (ngắn ngủi nhưng rộn ràng) qua F.B:
Thái Kế Toại toTưởng Năng Tiến
April 25
Xin chào anh. Tôi đã tuyển thơ anh in trong tập Vầng trăng lưu lạc. tuyển tập thơ hải ngoại cho NXB Hội Nhà văn, Hà Nội xuất bản năm 1994. Lê Hoài Nguyên
Úy Trời/ Đất, Qủi/ Thần, Thiên/ Địa, mèn đéc, ơi! Sao thơ của con người ta được in từ hồi năm 1994 lận mà sao tới bữa nay mới chịu cho hay (“kỳ cục vậy”) cha nội? Thì tui cũng làm bộ trách “nhẹ” cho nó có vậy thôi, chớ trong bụng (nói thiệt tình) vui râm ran nguyên tháng và sướng âm ỉ gần năm! Cái ước vọng được chường mặt ra trong thơ của tôi, cuối cùng, đã trở thành hiện thực.

Cụm từ này tôi học được từ một bài viết ngắn (“Nhà Thơ Nguyễn Khoa Điềm”) trên báo Lao Động, số ra ngày 5 tháng 6 năm 2011: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ.”

Đúng là ngôn ngữ và phong cách của một nhà qúi tộc, nhà thơ và “nhà  chính trị” theo như nguyên văn của  Wikipedia – tiếng Việt:
Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943) là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Ông là ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nguyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều, thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (tỉnh Hải Dương cũ nay là Hải Phòng). Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân.
Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ... cho đến năm 1975. Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.

Tôi sinh sau đẻ muộn nên không có cái may mắn được sống cùng thời/cùng nơi với Bộ Trưởng Văn Hóa Nguyễn Khoa Điềm, chỉ được nghe (tiếng) ông chính là nhân vật đã (“lỡ”) ném vào máy nghiền cuốn Chuyện KNăm 2000 của Bùi Ngọc Tấn.

 

Tiếng dữ đồn xa, và đồn nhanh nên mãi sau này tôi mới biết thêm rằng ngoài việc làm văn hoá, ông còn làm thơ nữa, và là một tác giả quan trọng, với tác phẩm đã được đưa vào giáo trình văn học cách mạng. Chương trình lớp 9, môn văn, có bài “Phân Tích Thơ Khúc Hát Ru Những Em Bé Lớn Trên Lưng Mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Xin được trích dẫn, đôi đoạn, để mọi người cùng thưởng lãm:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để giành trận cuối
Sự lặp lại hai câu thơ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi, Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ đã tạo nên âm điệu ngân nga, thấm dần vào người đọc một cảm xúc thân thương. Con cùng mẹ băng suối, vượt ngàn, đạp rừng xông tới. Cả nhà, cả làng, cả nước cùng đánh giặc.
Nhịp thơ sôi nổi, thôi thúc như một hành khúc lên đường. Câu kết vẽ lên hình ảnh thật xúc động:
Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.
Lời thơ khẳng định ý chí chiến đấu mãnh liệt của bà mẹ Tà-ôi nói riêng và đồng bào miền tây Thừa Thiên Huế nói chung. Lúc này, mẹ và em cùng lên đường vào Trường Sơn đánh giặc, nơi có biêt bao khó khăn vất vả, nơi cái chết và sự sống chỉ cách nhau gang tấc.
Kết thúc bài thơ vẫn là lời hát ru và ước nguyện của mẹ:
Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự do…
Khi giã gạo, mẹ mong con mơ cho mẹ hại gạo trắng ngần. Khi tỉa bắp trên nương, mẹ mong con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều. Khi chiến đấu, mẹ mong con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ trong ngày đất nước sạch bóng quận thù, Bắc-Nam thông nhất. Chính tình thương, đức hi sinh, lòng vị tha và nhân hậu cao cả của những người mẹ nghèo yêu nước ấy đã góp phần làm nên chiến thắng hôm nay.
Sau khi đất nước “sạch bóng quận thù, Bắc-Nam thống nhất” thì ông Nguyễn Khoa Điềm chuyển đổi công tác từ nhà làm thơ sang nhà làm chính trị. Em cu Tai cũng chuyển đổi chỗ ngủ, từ lưng mẹ sang lưng anh hay lưng chị:
Ru em vào giấc ngủ.
Anh đứng đó ê a ...
Ba mẹ đi làm xa.
Em ơi ngon giấc nhé.
Cô gọi anh lên bảng.
Anh đọc cả lớp nghe.
Cô vội đi tìm chiếu.
Nhưng chiếu ở đâu ra?

nh: soha
Ba mẹ nơi chốn xa.
Thương con nhiều biết mấy.
Chiều nay trời đừng lạnh....
Mẹ mang gạo về rồi !!!
Ô! thằng em tỉnh giấc.
Bỗng nó nhoẻn miệng cười.
Anh ơi em hết ngủ.
Lưng anh ấm áp ghê!!!
Chân anh không cần dép
Áo anh xẻ cánh tay
Dây địu em mẹ xé...
...Áo rách mẹ hôm xưa.
Ngày mai em lớn lên
Lưng anh gù thêm chút.
Và rồi em có biết
Em lớn dậy có anh?

Ảnh: tin.vn
Ngày xưa: “từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường.” Nay trên từ lưng chị em ra thị trường để “làm kinh tế,” ngay tại lề đường, theo bản tin của trang Một Thế Giới:
 “Những em bé H'mông dù lên 9, lên 10 hay chỉ mới lên 5, lên 6 cũng có thể kiếm ra tiền với vô vàn hình thức khác nhau, từ việc bán cành đào mỗi dịp Tết, bán những móc chìa khóa lưu niệm, bán dây trang trí đeo tay hay thậm chí chụp ảnh chung với khách du lịch rồi xin tiền...”

  Ảnh: motthegioi.vn
 “Điều đáng sợ nhất đối với người H.Mong là hiện tại, đã có nhiều cô gái H.Mong chấp nhận làm gái điếm để bán mình làm giàu. Người Kinh khi nói về các cô gái điếm H.Mong thường dùng hai chữ ‘gà mọi’ hoặc ‘chơi mọi’ để giễu cợt, khinh khi” – như lời của Nhóm Phóng Viên Tường Trình Từ Việt Nam, nghe được qua RFA, vào hôm 8 tháng 5 năm 2015:
Cái ước mơ “mai sau con lớn làm người tự do” mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm dành (riêng) cho những người dân vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng năm nào – tiếc thay –  đã không trở thành hiện thực. Sự thực, rõ ràng, đã không thiếu ê chề mà còn thừa cay đắng.
Nỗi ê chề và đắng cay này, từ nay, được thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm gói gọn trong thơ  những câu thơ buồn thiu và yếu xìu hà:
Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả

Cái khí thế (Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông / Mẹ địu em đi để giành trận cuối) nay không còn nữa nên nhà thơ của chúng ta đã bị chê trách là “đổi giọng.”
Lời “chê trách” này khiến tôi nhớ đến nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn về một tác phẩm khác, viết lúc cuối đời, của một tác giả quen thuộc khác:
“Gọi là ‘Đi tìm cái Tôi đã mất’ cho sang. Ở đây tác giả không định đi tìm cái gì cả... Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết ‘Đi tìm cái Tôi đã mất’? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết ‘Di cảo thơ’, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông ‘cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình’ như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào mình đã sử dụng.”
Tình hình, rõ ràng, đã khác và khác lắm nên nếu đúng là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có đang chuẩn bị “sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới” (theo tôi) cũng là chuyện tốt thôi. Lo xa vốn là một đức tính, không có gì đáng phải phàn nàn.
Tôi chỉ hơi “tâm tư” chút xíu về sự lựa chọn thời điểm xuất hiện trong thơ của ông Nguyễn Khoa Điềm: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ.” Nhà thổ thì ai cũng có thể chường mặt vào bất cứ lúc nào, còn ở nơi được mệnh danh là cường quốc thơ mà chuyện ra/vào cũng (y) như vậy hay sao?

SƠN TRUNG * LÝ DUYÊN KHỞI


LÝ DUYÊN KHỞI VÀ CỘNG SẢN 

SƠN TRUNG

Cuộc đời nhiều bất công nhưng con người ai cũng mong ước có sự công bình mãi mãi, ở đời này và đời sau. Bởi vậy các triết gia và tôn giáo thường chủ trương thuyết nhân quả. Nhân (Nhơn )là cái nguyên do, cái cớ; Quả là cái trái, kết quả. Nhơn Quả là Nhân nào thì Quả nấy. Nhân ví như cái hột, Quả ví như cái trái. Hễ gieo hột dưa thì mọc lên cây dưa, cho ra trái dưa; gieo hột đậu thì mọc lên cây đậu, rồi cây đâu sinh hạt đậu chứ không thể khác.  Phật giáo chủ trương thuyết nhân quả. Nho giáo cũng chủ trương nhân quả. Nho giáo cho rằng Thượng Đế là quan tòa công minh:


積善逢善,積惡逢惡
種瓜得瓜,種豆得豆
天網恢恢,蔬而不漏

Tích thiện phùng thiện, Tích ác phùng ác
Chủng qua đắc qua, Chủng đậu đắc đậu
Thiên võng khôi khôi, Sơ nhi bất lậu

(Làm việc thiện thì gặp điều lành, làm ác gặp điều dữ;
Trồng được dưa, trồng đẩu được đâu.
Lưới trời thưa mà không lọt)

Luật ấy không bao giờ sai chạy, đó là Luật Nhân Quả.

Một cái nhân tạo ra cái quả, quả nầy tạo ra nhân mới, nhân mới lại tạo ra quả mới, cứ thế tiếp diễn mãi. Nếu như muốn không có quả thì đừng tạo nhân. Luật Nhân Quả thể hiện sự công bình của Trời Đất.

Đấng Thượng Đế chí công vô tư, không vì thương mà thưởng, không vì ghét mà phạt. Đấng ấy lập ra Luật Nhân Quả và cầm cây cân Công bình thiêng liêng để cho Luật Nhân Quả tác động một cách chính xác công bình.


Các tôn giáo khác cũng vậy, nếu không thì sao các tôn giáo dựng lên thiên đàng, địa ngục? Thiên chúa giáo còn nói đến ngày phán xét cuối cùng. Khoa học cũng chủ trương nhân quả. Nước trăm độ thì sôi, H +2O thành nước không thể có kết quả khác.

Đạo Phật còn chủ trương Lý Duyên khởi, nghĩa là sự vật liên hệ với nhau. Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (sa., pi. saṃsāra).
Thuyết Duyên khởi dạy:


Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.


Đức Phật cho rằng trùng trùng duyên khởi, các nọ sinh ra các kia cứ như vậy mà tiếp diễn.

Đạo Phật cũng nói nói nhân quả nhưng sự vật, vũ trụ vô thủy vô chung,  Thuyêt nhân quả và Lý duyên khởi đi với nhau mặc dầu cũng có khoảng cách. Lý Duyên khởi là Vô ngã nghĩa lả tự vật sinh ra, không do thượng đế hay ai chủ trương. Người Việt Nam nói "Sinh sự thì sự sinh" Vạn vật tư nhiên liên đới với nhau, cái nọ sinh ra cái kia cũng trong vòng nhân quả.


Chúng ta không biết khi vũ trụ mới hình thành, con người là cái giống gì. Là con sâu, con cá, hay con khỉ?

Chúng ta chỉ nói giai đoạn con người đã là con người, sống thành từng bầy, ăn chung ở chạ như bầy gà, đàn chim, đàn cá, đàn voi...Đó là thời cộng sản nguyên thủy.

Nhưng con người có người thiện kẻ ác, người yếu kẻ mạnh, người khôn kẻ ngu. Người khôn, người mạnh cướp hết thực phẩm, kẻ yếu, bệnh phải chịu lép vế, chịu đói rét. Đàn bà trở thành trò chơi tập thể cho bọn đàn ông. Xong rồi đi mặc cho đàn bà yếu đuối và con thơ bé bỏng. Lậi nữa, đàn bà con gái đẹp thì nhiều đàn ông yêu thich, đưa đến ghen tuông, tranh chấp, chém giết, thù hận. Cũng vì thế mà gái đẹp bị bắt coc, rồi bắt lao động quá sức sinh ra bệnh tật, chết chóc. Vì vậy các bậc trưởng lão phải đứng ra phân xử, từ đó có hôn nhân, giá thú, cưới hỏi mà thành vợ chồng. Cũng vậy, cái hang này, mảnh đất này thuộc bộ lạc này nhưng bộ lạc khác muốn chiếm. Do đó có sự lập quốc, bảo vệ lãnh thổ, lập ra  các quốc gia riêng biết. Muốn hòa bình thì nước nào sống yên nước đó, không được xâm chiếm nước khác.. Chế độ cộng sản nguyên thủy nay chuyển qua tư hữu với các bộ lạc sau thành phong kiến. Voi rừng, heo rừng, chim cá...vẫn giữ nguyên chế độ cộng sản còn con người sau những bất lợi đã từ bỏ nó mà chủ trương tư hữu.

 Marx muốn trở lại thời cộng sản nguyên thủy. Nhân lúc tư bản nổi lên, ông liền hô hào chống tư bản, dùng nhãn hiệu tranh đấu cho giai cấp vô sản, xóa tan bất công xã hội. Trước ông đã có nhiều nhóm tỗ chức đời sống cộng sản  . Sir Thomas More (1478 – 1535), được phong thánh (Saint Thomas) cũng là một luật sư, tác giả quyển tiểu thuyết giả tưởng  Utopia, là một tiểu thuyết vạch ra một thiên đường hạ giới, một chủ nghĩa cộng sản xanh. Nhiều người theo Thomas More. Triết gia kiêm chính trị gia Anh quốc,James Harrington, là tác giả The Commonwealth of Oceana, đã có ảnh hưởng đến ba tiẻu bang  Carolina (thành lập năm 1670), Pennsylvania (1681), và  Georgia ( 1733)  trong chiều hướng thảnh lập các cộng đồng Utopia. Tiểu bang  Georgia  đã tổ chức chế độ nông nghiệp bình đẳng, ruộng đất được chia đều., cấm mua bán và truyền tử lưu tôn.  Chủ trương này được Thomas Jefferson.
 ( 1743 – 1826)   )  của Mỹ hưởng ứng. (Wikipedia)


Nhưng những xã hội theo kiểu  Utpia  đều thất bại vì cha chung không ai khoc và không phải "bàn tay ta làm nên tất cả "!. Marx khôn lanh khi nghĩ rằng tự minh tay trắng xây dựng xã hội thì khó lắm. Phải cướp của giết người mới mau giàu và mạnh. Bởi vậy, Marx đưa ra chủ trương cướp của giết người trong Tuyên Ngôn đảng Cộng sản. Cướp của giết người, kìm kẹp, khủng bố, bóc lột nằm ở chủ trương tịch thu tài sản tư sản , bãi bỏ tư hữu, vô sản chuyên chính và cưỡng bách lao động..
Marx củng khôn ngoan khi khuyến cáo phải tiến lên cộng sản sau khi đã xây dựng xong chủ nghĩa tư bản vì lẽ cướp nhà giàu sướng hơn cướp nhà nghèo. Cướp nhà giàu thì có vàng bạc lụa là, cướp nhà nghèo chỉ có áo rách, khoai sùng. Marx khinh cái đám Á châu nghèo hèn không thể tiến lên cộng sản. Nghèo lạc hậu mà theo cộng sản chỉ là tự tử.

Nhưng Lenin không thể nhịn được. Cướp được chính quyền là tổ chức theo cộng sản. Phải làm vua ngay mới sướng, còn chờ xây dựng xong từ bản thì lâu lắm Nga và Trung Quốc mới thành Âu Mỹ tư bản. Nghèo đói lạc hậu như Nga, Trung Cộng mà theo Cộng sản và đua với Âu Mỹ thì chỉ có nước chết. Nhân nào quả nấy, hậu quả rõ ràng. Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông " tiến lên " cộng sản mà bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản cho nên thất bại trăm đường. Nhân như thế thì sinh ra quả đắng:

-Dân chúng phản kháng

-Dân chúng và cán bộ không tich cực làm việc, phá hoại trộm cắp bí mật.

-Tài sản thuôc vào tay một vài người hay một nhóm người, họ trở thành giai cấp mới, ngang nhiên chiếm các vai trò then chốt trong chính trị, kinh tế, quân sự quốc gia. Chúng đem vợ con chúng ngồi trên đấu dân chúng, ngang nhiên cướp nhà, chiếm đất và bán nước cho ngoại bang.

-Đệ tam quốc tế là một tổ chức của Stalin nhắm bắt các nước cộng sản đàn em làm nộ lệ cho Liên Xô. Sau Liên Xô yếu thế, Trung Cộng vươn lên chiếm vai trò hoàng đế trong đế quốc cộng sản.


Kết quả dân chúng nghèo khổ, cộng sản nắm trong tay hàng tỷ dollars Mỹ và gửi tiền ra ngoại quốc, ngân hàng trở thành trống rỗng, đất nước tan hoang vì đạo tặc và vô đạo đức.


Dù thế nào đi nữa, dù chờ tiến lên tư bản chủ nghĩa  như Marx, hoặc chủ trương dân chủ hoặc ôn hòa  như Martov,Trotsky, chủ nghĩa cộng sản cũng thất bại bại vì con người ai cũng thich  tư hữu, thich tự do, không thich làm nô lệ hoặc bị đàn áp. Thực tế cho thấy Marx khoa trương, dối trá khi  giương cao khẩu hieệu bênh vực vô sản và tổ chúc xã hội bình đẳng,  thịnh vượng. Thực tế là đói khổ, mất độc lập, tự do, dân chủ. Hiện tượng này là quá rõ ràng và phổ biến trên toàn thế giới cộng sản, không phải là hiện tượng riêng lẻ. Trong khi đó, chủ nghĩa Marx đã không thành công ở Âu Mỹ, chỉ thành công ở các nước nghèo đói, bi ngoại bang xâm chiếm.

Và việc này đưa đến kết quả là lòng dân căm thù, một ngày nào đó nhân dân sẽ vùng lên tiêu diệt cộng sản để xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ và giàu mạnh.


No comments:

Post a Comment