Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 3 November 2016

BUDDHA'S CHILD CỦA NGUYỄN CAO KỲ

BUDDHA'S CHILD CỦA NGUYỄN CAO KỲ



 




Buddha’s Child,
, Đứa Con Cầu Tự
 Nguyễn Cao Kỳ (1930- 2011)


Vũ Trung Hiền
Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ vừa cho trình làng "tác phẩm" thứ nhì của ông, Buddha’s Child, My Fight to Save Vietnam. Sách dày 372 trang, do nhà xuất bản St. Martin’s Press in tại New York. Bìa cứng, bao bìa in hình ông Kỳ, có lẽ chụp trong thập niên 60, thuở huy hoàng nhất của tác giả, khi ông còn nắm trọn quyền lực trên chính trường miền Nam.



Phải công nhạân nội dung cuốn sách rất lôi cuốn, gần như một thứ tự truyện, với nhiều chi tiết khá hấp dẫn qua những chặng đời ông, từ lúc thân mẫu tác giả lên chùa Hương cầu xin Phật ban cho mình một mụn con trai, thời thơ ấu, giai đoạn đi kháng chiến, năm tháng quân ngũ, những trớ trêu của lịch sử Việt Nam sau cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963 đưa đẩy một người chiến sĩ với kinh nghiệm quản trị rất giới hạn, đi vào chính trường, nắm giữ chức vụ quan trọng nhất miền Nam trong hơn hai năm đầy sóng gió và thử thách.

Đây có thể coi như đoạn đời vinh quang nhất của tác giả, khi ông đã đạt tới tột đỉnh danh vọng: trong nước thì quyền hành không ai sánh bằng; ngoài nước thì tiếp xúc ngang ngửa với các nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế.

Sau những thành tích ngoạn mục, dẹp loạn miền Trung, ổn định giá gạo (bằng cách mời bảy tay đầu nậu chuyên làm giá gạo vào văn phòng, bắt mỗi người ghi tên mình vào một mảnh giấy, bỏ vào mũ, chờ bốc thăm, và cho họ biết, trong vòng một tuần, nếu giá gạo không xuống, họ sẽ phải trở lại văn phòng ông để bốc thăm. Bốc trúng tên ai, chính ông sẽ xử bắn người đó), bài trừ tham nhũng, dẹp sòng bạc quy mô của tướng Phạm Văn Đổng, lập pháp trường cát xử tử Tạ Vinh, trực tiếp chỉ huy và điều động toàn thể quân đội trong trận Mậu Thân (khi ông Thiệu không có mặt ở Sài gòn, vì đã về Mỹ Tho ăn Tết) ..., đem lại ổn định và trật tự cho miền Nam.

Đem lại ổn định và trật tự cho miền Nam là thành tích khiến cho tác giả hãnh diện nhất.
Trong cuộc dẹp loạn miền Trung, theo tác giả kể lại, ông Kỳ nghe tướng Viên báo cáo là trung tướng tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến My,õ Lewis Walt, cố vấn trưởng quân đoàn I, đã dọa cho phi cơ F4 của Mỹ bắn hạ phi cơ Skyraiders của không quân Việt Nam nếu phi cơ Việt Nam bay lên để yểm trợ cho lực lượng trên bộ của tướng Viên.

Ông Kỳ đã ra lệnh cho tướng Viên đặt sáu khẩu bích kích pháo cỡ lớn nhất hướng vào bộ chỉ huy của tướng Walt, và nạp đạn sẵn sàng để tiêu diệt tổng hành dinh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nếu phi cơ Mỹ dám đụng đến phi cơ Việt Nam.
Sau đó, ông Kỳ mời đại sứ Mỹ Cabot Lodge đến văn phòng gặp ông gấp. Được đại sứ Mỹ xác nhận hành động của viên tướng Mỹ chỉ là quyết định cá nhân, không phải chính sách của chính phủ Mỹ, ông Kỳ yêu cầu ông Lodge bảo cho tướng TQLC Mỹ biết đây là việc nội bộ của VNCH, và không muốn người Mỹ can dự vào.

Xong xuôi, ông Kỳ leo lên khu trục cơ A-37, bay thẳng ra Đà Nẵng.
Biết ông Kỳ đến, tướng Walt gọi điện thoại mời ông Kỳ sang tổng hành dinh TQLC. Ông Kỳcho phụ tá trả lời: Bận lắm.
Tướng Walt gọi lần thứ nhì. Lần này, ông xin được sang gặp ông Kỳ. Ông Kỳ cho phụ tá trả lời y như lúc nãy: Bận lắm. Không có thì giờ.
Khi gọi lần thứ ba, tướng Walt cho biết ông ta gọi ông Kỳ theo yêu cầu của Dean Rusk (ngoại trưởng Hoa Kỳ).
Lúc ấy, ông Kỳ mới bảo phụ tá: " Được rồi, bảo hắn qua."
Sau đây là nguyên văn lời kể của ông Kỳ. Đoạn văn này có thể coi như một trong những đoạn hào hứng nhất trích từ cuốn sách:


"....Khoảng ba mươi phút sau, Walt tới. Ông ta to lớn, gân guốc, mặc đồ rằn ri TQLC. Đi theo phía sau là một người Mỹ nhỏ con nói tiếng Việt rất sõi. Tôi đã xem phim quay cảnh người này, một viên chức tại lãnh sự quán Mỹ ở Huế, tham dự những cuộc biểu tình của Phật giáo chống chính phủ.
Khi họ bước vào văn phòng tạm của tôi, tôi vẫn ngồi yên trên ghế trong lúc họ giơ tay chào theo quân cách.
"- Ngồi xuống, " tôi nói. "Này ông tướng, ông muốn gì?"
Ông ta đáp:
"-Tôi muốn biết về các cuộc hành quân. Có những cuộc chuyển quân, và tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra. "
Tôi nhìn ông ta chăm chăm một lúc lâu:
"- Ông tướng ở trong quân đội bao nhiêu năm rồi?"
Tôi có thể thấy ông ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho câu tôi vừa hỏi.
"- Hai mươi ba năm," ông ta đáp.
Tôi nhìn ông ta một lúc lâu hơn: 



"- Ông đã ở quân ngũ hơn hai mươi năm, vậy mà ông không có một chút ý niệm nào về hệ thống quân giai hết! Tại sao ông nghĩ rằng ông có quyền hỏi tôi về chuyện hành quân? Là tổng tư lệnh quân đội, có những lúc, nếu tôi muốn, tôi có thể cho thuộc cấp biết trước cả ba mươi ngày, những gì tôi sẽ làm. Mà có thể tôi sẽ đợi đến khi bắt đầu cuộc hành quân, mới cho họ biết. Hoặc có thể, cho họ biết sau. Tất cả đều do tôi thôi. Thuộc cấp không có quyền hỏi tôi. Hệ thống quân giai là thế đấy. Ông có biết ông đang nói chuyện với ai đây không?"
"-Có. Với thủ tướng."
"- Như vậy thì làm sao ông cho rằng ông có quyền hỏi tôi những chuyện đó?"
Câu hỏi của tôi treo lơ lửng nhiều giây đồng hồ trong căn phòng gắn máy lạnh của chỉ huy trưởng căn cứ. Những giọt mồ hôi rịn ra trên khuôn mặt tướng Walt.
Cuối cùng, ông ta trả lời:
"- Ồ, vì tôi cũng là cố vấn của tư lệnh quân đoàn I. Mọi sự ở đây đang yên ổn. Chẳng có vấn đề gì cả. Tại sao tự nhiên chính phủ cho chuyển quân?"
"- Này ông tướng, ông là cố vấn quân sự, lo vấn đề quân sự thôi. Còn đây là vấn đề chính trị, và việc nội bộ của Việt Nam! Ông không có quyền xía vào. Ông có hiểu điều đó không?"
Bây giờ thì khuôn mặt tướng Walt toát mồ hôi đầm đìa, ướt cả cổ áo. 

Tôi tiếp tục:
"- Này ông tướng, tôi hiểu rằng ông đã đe dọa dùng quân lực Mỹ để đánh chúng tôi. Ông biết rằng tôi có thể dùng điện thoại này gọi ông Johnson, tổng tư lệnh của ông. Tôi mà gọi, thì bảo đảm là chỉ trong vòng năm phút, ông sẽ chuẩn bị khăn gói về nước thôi. Bây giờ ông đã nghe tôi rõ rồi, ông có thể về đi."
Walt đứng dậy, giơ tay chào, và rời văn phòng. Đoàn tuỳ tùng cuả ông ta theo sau..."
Trong sách có nhiều đoạn khá cảm động cho thấy khía cạnh rất dễ thương của ông Kỳ: Sau hơn 20 năm, ông vẫn nhớ đến Takahashi, người trung sĩ Nhật ông quen biết và thân thiết hồi còn nhỏ. Tác giả đã nhờ chính phủ Nhật tìm ông này, nhưng không thành công. 
Chuyện tình đơn phương hơn năm mươi năm (và vẫn còn tiếp tục) của tác giả với Tường Vân, cô gái Hà nội; tình yêu hoàn toàn trong sạch hơn ba mươi năm của ông với Cẩm Vân, người thiếu nữ Nha Trang, cho đến khi nàng qua đời, đã được kể lại bằng giọng văn lãng mạn, chân thành, khiến người đọc xúc động. 
Tác giả cũng kể lại những thành tích ngoại giao của ông, các cuộc nói chuyện tay đôi với tổng thống Mỹ Johnson và Nixon, các thủ tướng Úc, Thái Lan, Mã Lai..., những cuộc tiếp xúc với báo chí và dân chúng tại Úc, Mỹ...nơi ông Kỳ phô diễn ngoạn mục tài hùng biện và cá tính mạnh mẽ, hấp dẫn của ông.
Nhưng kể từ cuộc bầu cử tổng thống 1967, ngôi sao lãnh đạo Nguyễn Cao Kỳ bị lu mờ, sau khi tác giả, vì quá quân tử Tầu, vì tội nghiệp tướng Thiệu "sắp oà khóc" (trang 245) lúc biết hội đồng tướng lãnh quyết định cho ông Thiệu giải ngũ, đưa ông Viên lên làm quốc trưởng, và đề cử ông Kỳ đại diện quân đội ứng cử tổng thống. 
Trong một tích tắc yếu lòng, vì thương hại đối thủ, ông Kỳ đã yêu cầu hội đồng quân lực hãy cho ông trở về không quân, và nhường cho ông Thiệu đại diện quân đội ra ứng cử tổng thống.[1]
Quyết định nông nổi đó đã khiến ông Kỳ suốt đời ân hận!

Chương cuối cùng, người ta thấy một Nguyễn Cao Kỳ già dặn, chín chắn hơn, và chắc chắn, đã khôn ngoan hơn ba bốn chục năm xưa rất nhiều. Ông đưa ra một số tiên đoán về tình hình chính trị Việt Nam và thế giới. Một số tiên đoán của ông đã trúng phóc. Một số hãy còn chờ thời gian trả lời.
Nói chung, qua Buddha's Child, My Fight to Save Vietnam, người đọc có thể thấy lòng tha thiết của tác giả Nguyễn Cao Kỳ đối với đất nước. Ông lạc quan tin tưởng nơi thế hệ lãnh đạo Việt Nam trong tương lai. Những người này, theo ông, sẽ đưa quốc gia Việt Nam hướng về mô thức phát triển kinh tế của Âu Châu và Hoa Kỳ. Ông tin rằng một khi Việt Nam đi vào con đường kinh tế tư bản, dân chủ và một nền pháp trị sẽ đi tiếp theo sau.

* * * 
Ông Kỳ viết cuốn sách này chung với Marvin J. Wolf. Nhưng qua một số chi tiết, người đọc tự hỏi phải chăng ông Kỳ đã khoán trắng cho người Mỹ này, đến nỗi những chi tiết rất tầm thường, ông cũng bỏ qua, không để ý tới, chẳng chịu kiểm soát lại, thật đáng tiếc!
Trang 18, ông Kỳ cho biết khi về lại Hà nội, ông theo học trường Trung Học Bảo Hộ, còn gọi là Trường Bưởi (tác giả ghi là Lycée du Protectorate). Tên trường học này được nhắc lại hai lần trong trang 18, và còn ghi lại trong phần phụ lục, trang 357 nữa!

Trong tiếng Pháp, khi de cộng với le = du, thì danh từ phía sau phải là giống đực. Đây là luật sơ đẳng mà một học sinh lớp đệ thất phải thuộc lòng. ông Kỳ đỗ Tú Tài phần thứ nhất, sinh ngữ chính là Pháp văn, năm 1951. Tiếng Pháp của ông phải giỏi lắm (không giỏi, làm sao cặp bồ được với gái Pháp tưng bừng, thuở đi sang Tây học lái máy bay?), lẽ nào ông lại không biết trong tiếng Tây chỉ có chữ Protectorat mà thôi? [2]


Trang 128, khi kể tên những người trong nội các, ông Kỳ cho biết ông Nguyễn Văn Trường nắm bộ giáo dục. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, một cộng sự viên cũ của ông Kỳ, nếu còn đang sống ở Orange County, hẳn là ngạc nhiên lắm, khi thấy ông Kỳ đã quên mình. Oâng Nguyễn Văn Trường không hề làm ủy viên giáo dục cho ông Kỳ. Oâng Trần Ngọc Ninh mới là Uûy viên giáo dục trong nội các chiến tranh của Nguyễn Cao Kỳ.
Phải đến chính phủ Trần Văn Hương, mới tới lượt ông Nguyễn Văn Trường nắm bộ giáo dục.
Trang 129, ông Kỳ cho biết bác sĩ Trần Văn Đôn phụ trách bộ ngọai giao!
Ở chính trường miền Nam trước 1975, không hề có một ông bác sĩ Trần Văn Đôn nào hết.
Trong ngành ngọai giao, người ta chỉ biết, và nhớ đến bác sĩ Trần Văn Đỗ, vị chính khách đã khóc năm xưa, khi hiệp định Genève được ký kết.

Trang 157, ông Kỳ nhắc đến bộ bình định và một ông ủy viên lạ hoắc tên là Lê Văn Tiến (?). Hay là ông muốn nói đến nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, một trong những "quân sư" của ông?
Cũng xin nhắc để tác giả nhớ, thời nội các Nguyễn Cao Kỳ, chưa có bộ Bình Định Phát Triển. Lúc nắm quyền, ông đặt tên bộ ấy là Xây Dựng Nông Thôn. Bộ này đặt ở tòa nhà bốn tầng nằm phía sau quốc hội và khách sạn Caravelle. Có thể ông đã quên tên người cộng sự viên thân tín đứng đầu bộ XDNT, một trong những vị tướng nổi tiếng trong sạch của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng, dù ở phần giữa cuốn sách có đăng hình ông tướng này. 
Trang 121, ông Kỳ kể lại chuyện thành lập phi đoàn Thần Phong. Rất tiếc, ông đã viết là thanh phong, hoặc đồng tác giả người Mỹ đã viết sai như thế, và ông Kỳ đã không xem lại bản thảo?[3]
Trang 239, kể tên những ông tướng thân cận nhất của mình, tác giả đã viết sai tên hai tướng Nguyễn Bảo Trị và Nguyễn Viết Thanh. Riêng tướng Thanh, thì đã bị đổi tên thành ra Nguyễn Mạnh Thanh!
Một điều đáng tiếc nữa, là ngay trang đầu, trước phần mục lục, tác giả đã để cho người Mỹ ghi tên mình là Nguan Cao Ká, mà không buồn sửa. Phải chăng vì cẩu thả, không chịu đọc lại, hoặc vì ông Kỳ đã giao khoán cho người Mỹ lo tất cả?

Đại Học Tư Đầu Tiên Ở Việt Nam?
Theo lời kể trong cuốn sách, ông Kỳ có ba người chị và một em gái. Thân phụ ông là một nhà nho không gặp thời, không ra làm việc cho Pháp, chỉ dạy chữ Hán ở "một đại học tư" (a private college, trang 13, dòng 6 ).

Như vậy, không phải chờ đến thập niên 60, 70, lúc một loạt các đại học tư như Minh Đức, Hòa Hảo...được mở ở miền Nam, ngay từ thập niên 20, 30, theo ông Kỳ viết, đại học tư đã hiện diện ở miền Bắc Việt nam, và cụ thân sinh ông Kỳ đã là một trong những vị giáo sư đầu tiên dạy đại học?
Còn nếu thực sự cụ thân sinh ông Kỳ là một vị hương sư, hay một cụ đồ nho dạy học trò ngay tại nhà, hoặc tại làng xóm ở Sơn Tây, thì cứ việc nói thật như thế đi. Có một ông bố làm nghề dạy học thanh đạm là một điều đáng hãnh diện. Cớ chi phải khoác cho ông cụ một danh vị chưa hẳn là chính xác? Nếu đồng tác giả người Mỹ, vì không am hiểu văn hóa Việt nam, đã dùng chữ không đúng, thì với khả năng Anh ngữ xuất sắc của ông, (ông Kỳ đã hơn một lần, trong cuốn sách, tự hào về tài sử dụng tiếng Anh của mình hơn hẳn các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh, và những ông tướng khác trong nhóm tướng trẻ thời ấy) lẽ nào ông lại không phân biệt được sự khác nhau giữa school và college ?

Đứa Con Cầu Tự Được Nuông Chiều Quá Mức?
Sau khi cả hai người con trai (anh của ông Kỳ) đều qua đời khi còn rất nhỏ, cụ thân sinh ông Kỳ chuẩn bị cưới vợ lẽ để có con trai nối dõi tông đường.
Trong tuyệt vọng, bà cụ thân mẫu của ông phải vội vàng đi chùa Hương, cầu xin Phật ban cho bà một mụns con trai.
Lời cầu xin của bà cụ đã được nhậm. Chín tháng sau, ông Kỳ chào đời. Có lẽ vì vậy mà trong cuốn tự truyện, ông Kỳ thường nhắc đi nhắc lại, với vẻ tự hào, rằng mình là con Phật, và luôn luôn được Phật che chở.

Là con trai duy nhất trong nhà, lại là con cầu tự, cậu bé Kỳ đã được cha mẹ và các chị nuông chiều hết sức. Cậu laø ông vua con trong nhà, muốn gì được nấy. Cậu bé được phép làm bất cứ điều gì mình ưa thích. Một sở thích rất kỳ lạ, nếu không muốn nói là quái đản, của cậu bé, ngay từ lúc mới chập chững biết đi: Đập chén đĩa. Hễ cậu đang khóc, muốn cho cậu nín, người nhà chỉ việc đem đến cho cậu cái đĩa, hay cái ly, để cậu đập xuống đất cho vỡ tan, là cậu thôi khóc, và cười ngay.
Phải chăng sự nuông chiều quá mức mà ông Kỳ được hưởng thời thơ ấu đã ảnh hưởng không ít tới cá tính, và hành động của ông lúc trưởng thành, nhất là khi đang giữ quyền cao chức trọng?

Một Vài Chuyện Tiêu Biểu
Y như cậu bé được nuông chiều thuở nhỏ, đến năm ông Kỳ 23 tuổi, lúc ông đã mang lon thiếu úy, được đi học lớp phi công ở Marrakech, ông vẫn còn can đảm ngửa tay nhận mỗi tháng 30 ngàn francs của bà cụ thân mẫu gửi sang, mặc dù chính phủ Pháp đã cấp cho các sinh viên sĩ quan không quân theo học khóa huấn luyện mỗi tháng 30 ngàn francs rồi!
Ít lâu sau, chuyển về một trường huấn luyện khác ở miền Nam nước Pháp, để dành được 200 ngàn francs, nhân dịp cuối tuần, ông Kỳ đi Paris, định tìm mua một chiếc xe hơi Citroen để lái chơi với các bạn Việt Nam đồng khóa. 
Thay vì đợi tới thứ hai, làm thủ tục mua xe, tối thứ bảy, ông Kỳ đến chỗ ăn chơi quen thuộc (ông tự hào rằng đến mấy chỗ ăn chơi La Cave và The Lucky thường xuyên, và chi tiêu hào phóng đến nỗi đám bồi bàn ở đó đã gọi ông là "Hoàng Tử"!)
Thấy một nữ ca sĩ trẻ đẹp có tiếng hát thiên thần mới xuất hiện lần đầu trên bục trình diễn, ông Kỳ chạy đi mua một vòng đeo cổ nạm kim cương, kèm theo bó hoa vĩ đại 120 đóa hồng (!) tặng nàng.
(Lúc nào rỗi, các bạn ra tiệm bán hoa, xem thử một bó hồng 12 đóa to bằng nào, và nặng bao nhiêu nhé. Ở đây, tới 120 đóa hồng lận! Có lẽ người bán hoa đã phải kết 120 bông hoa hồng này lại thành hình tròn, và chất lên xe đẩy, hoặc khiêng tới?! Xin lỗi ông tác giả Mỹ Marvin J. Wolf một chút, đại ngôn vừa vừa thôi chứ?) 
Khi nàng ca sĩ trở lại sân khấu với món quà tặng đắt giá trên cổ, ông Kỳ gọi rượu xâm banh đãi tất cả mọi người trong quán. Sau đó, ông dẫn nàng đến các nơi sang trọng, và đắt tiền hơn ở khu Montparnasse và Montmartre (hai nơi ăn chơi đàng điếm nhất Paris, chú thích của người viết).
Và lại tiếp tục mua thêm hoa, gọi xâm banh, ăn uống, đãi đằng cả những người chưa hề quen biết.
Nghĩ lại mà thương cho những bà mẹ Việt Nam làm lụng cực khổ, dành dụm, gửi tiền nuôi những thằng con đi học xa (vì lầm tưởng chúng thiếu thốn).
Các bà có ngờ đâu chúng nó ăn chơi đàng điếm, và phá của đến như vậy! 
Thông thường, những đứa con cầu tự, khi còn ở nhà với cha mẹ, được nuông chiều, không ai dám nói hay làm gì trái ý chúng, nên khi ra đời, gặp những sự không vừa ý, nếu có quyền lực hoặc vũ khí trong tay, chúng có khuynh hướng thích đe dọa kẻ khác và bắt mọi người làm theo ý mình.
Ông Kỳ kể lại một lần đưa người tình ở Nha Trang vào môt ngôi giáo đưòng tại trung tâm thành phố, không phải để xem lễ hay cầu nguyện, mà chỉ để hai người tâm sự với nhau.
Có lẽ vì thấy chướng mắt, ông linh mục quản nhiệm lên tiếng cảnh cáo:
"- Đây là nhà thờ. Không phải là chỗ làm mấy chuyện đó."
Ông Kỳ trừng mắt nhìn ông linh mục, tay đặt lên báng súng lục bên hông, thách thức:
"-Rồi sao? Chúng tôi chỉ nói chuyên thôi, đâu có làm gì sai quấy. Bộ chỗ này không cho công chúng vào à?" 
Dĩ nhiên, ông linh mục phải chịu nhượng bộ.
Chuyện ông Kỳ dọa bắn gian thương gạo, như đã kể ở trên, có thể là việc làm đúng đắn và cần thiết. Nhưng xem cách xử sự của tác giả đối với một cộng sự viên, như ông đã kể lại ở trang 214, người đọc không thể không cảm thấy bất nhẫn.
Khi cuộc nổi loạn ở miền Trung xảy ra, lúc nửa đêm, ông Kỳ sai tướng Viên và tướng Loan bay đi Đà nẵng dẹp loạn. Sau đó, khoảng một giờ sáng, ông gọi tổng ủy viên viễn thông Trương Văn Thuấn (?) lên văn phòng Tân Sơn Nhất, ra lệnh cho ông này, trong vòng một tiếng đồng hồ, phải cắt hết mọi liên lạc vô tuyến trong và ngoài nước.

Ông tổng ủy viên, có lẽ còn ngái ngủ, không biết ất giáp thế nào, vừa mở miệng hỏi, liền bị ông Kỳ nạt:
- " Hãy làm theo lệnh, kẻo tôi bắn ông bây giờ!"
Và ông Kỳ xua tay, đuổi ông cộng sự viên ra ngoài.
Chao ôi, chỉ vì chút miếng đỉnh chung mà người ta đành cam tâm chịu nhục đến thế sao! 

Ông Kỳ có vẻ rất hãnh diện về chuyện ông vốn là phi công vận tải, chưa lái khu trục cơ bao giờ, mà chỉ vì muốn lấy le với cô bồ tiếp viên hàng không, ông đã dùng quyền tư lệnh không quân, ép buộc viên sĩ quan chỉ huy phi đội Skyraider phải cho ông mượn một chiếc, và chỉ dẫn sơ qua cho ông cách sử dụng. 
Sau đó, ông Kỳ đã tống hết ga xăng, cất cánh, bay đi tìm chiếc máy bay DC-6 của Hàng Không Việt Nam, cặp sát bên cạnh ( theo ông Kỳ, hai cánh phi cơ chỉ cách nhau có vài inches!)
Ông cho biết đã bay cặp sát theo như thế khoảng mười phút, cho đến khi cô tiếp viên xinh đẹp chịu chường mặt ra khung cửa sổ phòng lái của chiếc DC-6, cho ông nhìn thấy, ông mới chịu quay trở về Tân Sơn Nhất. (Để xem nguyên văn, xin các bạn mở trang 117). 
Một lần khác, sau đó khoảng hai ba tuần, ông Kỳ bay trực thăng đi công tác ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Chiều về, sợ trễ hẹn với cô tiếp viên, ông quyết định làm một cử chỉ ngoạn mục, a grand gesture! 
Thay vì chờ đến khi về tới căn cứ, gọi điện thoại cho người đẹp, ông Kỳ quyết định cho chiếc trực thăng Huey của ông quần sát bên trên những ngọn cây quanh khu nhà nàng, đường Lê Lợi, giữa giờ tan sở, đường phố tràn ngập xe cộ đủ loại và khách bộ hành.
Chiếc chong chóng cực mạnh của trực thăng gây ra một cơn lốc cuốn tung mịt mù bụi, rác, và lá cây, khiến lưu thông tắc nghẽn! [4]

Ông Kỳ cứ cho trực thăng quần vòng vòng như thế, cho đến khi cô tiếp viên bước ra khỏi nhà, nghe ông dặn dò mấy câu xong (người đọc tự hỏi, với tiếng động cơ rầm rầm nhức óc như thế, và ông Kỳ đang ở trên cao, chắc người đẹp phải có phép thần thông mới nghe thấy những gì ông dặn?), ông mới chịu bay về căn cứ! 
Tướng Nguyễn Khánh, nhân vật số 1 thời đó, đã dùng ngôi sao chuẩn tướng, gắn cho ông Kỳ, để mua chuộc sự trung thành của ông (trong vòng không đầy sáu tháng, ông Kỳ nhảy vọt từ trung tá lên tướng!)
Do đó, tuy biết ông Kỳ có những hành động ngược ngạo (chứ không ngoạn mục, như ông tự hào đâu), vi phạm quân phong quân kỷ, và vô kỷ luật trầm trọng như thế, ông Khánh vẫn không dám nói gì. 


Mấy tháng sau, ông Kỳ làm đám cưới với cô nữ tiếp viên hàng không, ông Khánh tặng ông Kỳ 1 triệu đồng VN. Tiền lương thủ tưóng của ông Khánh lúc ấy, theo ông Kỳ, chỉ có 50 ngàn đồng một tháng.
Người đọc tự hỏi ông Khánh lấy tiền ở đâu, của ai, để tặng (hay mua sự trung thành của) ông Kỳ? Nên nhớ, ông Khánh lật đổ ông Minh tháng giêng 1964. Đám cưới ông Kỳ và cô tiếp viên diễn ra vào tháng 4 năm đó. Chỉ trong vòng không đầy 3 tháng mà ông Khánh đã thủ đắc hàng triệu đồng như thế. Nếu đó là tài sản riêng của ông Khánh, chắc chắn nó đã tích lũy một cách bất chính. Còn nếu đó là công quỹ, ai cho phép ông ta dĩ công vi tư như thế??!! 

Như đã nói ở trên, những đứa con cầu tự được nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy, khi lớn lên, thấy cái gì mình ưa thích là làm đủ mọi cách để chiếm đoạt, dù đó đang là vật sở hữu của bạn bè, hay của đàn em mình.
Một thân hữu, trước sống ở Đà Lạt, kể cho người viết nghe: cô tiếp viên, mấy tháng trước đó, còn đang là tình nhân của một viên đại úy phi công. Viên đại úy này thường lên Đà Lạt chơi với cô ta.
Ông Kỳ cho biết, một khi đã quyết chí làm điều gì, ông nhất định làm cho bằng được. Khi ngỏ lời xin cưới cô tiếp viên, bà mẹ cô không bằng lòng, vì theo bà cụ, ông Kỳ mang tai tiếng nhiều quá.
Chúng ta hãy nghe ông đối đáp với bà mẹ vợ tương lai: 
- "Tôi tử tế và lịch sự lắm, mới xin bà cho tôi cưới con gái bà, nhưng tôi có thể nói với bà rằng, dù bà bằng lòng hay không, tôi vẫn cứ cưới con bà như thường. Bà chẳng làm gì được đâu."
Một người con gái Việt Nam bình thường, nếu là con nhà có giáo dục, nghe người yêu nói với mẹ mình như thế, chắc chắn đã đoạn tuyệt, cho chàng trai đi chỗ khác chơi rồi!

Sự Trong Sạch của Nguyễn Cao Kỳ
Rất nhiều lần trong suốt cuốn sách, ông Kỳ nhắc đi nhắc lại mình là người trong sạch, không tham tiền, không tìm lợi riêng cho mình, không hề tham nhũng, không hề buôn lậu, thời gian ở không quân cũng như khi nắm quyền thủ tướng, và giữ chức phó tổng thống.
Trang 52, ông Kỳ viết: " Tướng Tỵ (Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Muu Trưởng QLVNCH thời tổng thống Diệm) biết tôi tuy nghèo, nhưng không ăn cắp của quân đôi, hay nhận tiền hối lộ để cho người dưới đặc ân và được thăng cấp, như nhiều sĩ quan đã làm."

Ở đây, có hai câu hỏi được đặt ra. Một là, căn cứ vào đâu, ông Kỳ biết tướng Tỵ nghĩ về ông như vậy. Đâu có phải việc tướng Tỵ tặng ông hai thùng sữa đặc mỗi tháng là đủ để xác nhận sự trong sạch của ông? Thuở ấy, ông thường đích thân lái máy bay, chở tướng Tỵ đi nơi này nơi kia. Cụ Tỵ có thưởng cho ông chút bổng lộc, tưởng cũng chỉ là chuyện thường tình?

Câu hỏi thứ nhì, ông tự nhận mình là người trong sạch, cũng được đi. Việc gì ông phải viết thêm rằng nhiều sĩ quan khác đã làm những chuyện đáng xấu hổ đó? Phải chăng ông viết khơi khơi như vậy để dìm người khác xuống và tự đưa mình lên? Ông có bằng chứng gì về các hành vi tham nhũng của những sĩ quan khác? Tên tuổi của họ là gì? Ông vốn được tiếng là người trực tính, dám nói, dám làm.
Thế sao lúc ấy, và ngay cả bây giờ, ông không chịu lên tiếng?

Cũng theo ông Kỳ, ông trong sạch đến nỗi trong những chuyến bay ra ngoại quốc, ông không hề mua gì cho riêng mình, dù là một xấp lụa Thái Lan. Ngay cả một điếu thuốc lá ngoại, ông cũng không hề mua.
Chỉ một lần, vào năm 1957, bay sang Singapore, ông có mua tặng thân mẫu một chiếc radio transistor nhỏ của Nhật. 
Tuy nhiên, người đọc vẫn còn thắc mắc, trong thời ông Kỳ còn ở không quân, những ngày chỉ huy phi đoàn vận tải, và rồi căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, với số lương khiêm tốn của một sĩ quan, lại đã một vợ mấy con, hoàn toàn trong sạch như thế, ông Kỳ lấy tiền ở đâu để ông và thuộc cấp đi ăn, đi nhảy thường xuyên trong các hộp đêm thượng hạng của Sài gòn (như ông đã kể lại ở trang 66)? Và tiền ở đâu để chu cấp cho những cô tình nhân, và một vài phụ nữ đã có con với ông tá hào hoa (trang 119)?

Ngôn Ngữ và Tác Phong của Đứa Con Cầu Tự
Ông Kỳ rất tự hào về tài lái máy bay của mình. Ông đã từng tranh tài với phi công Mỹ, trong lúc say rượu, tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Ông và viên phi công Mỹ, mỗi người uống 1/5 chai rượu Whiskey, trước khi mỗi người leo lên một chiếc phi cơ, và trong lúc rượu thấm dần dần, say đến nỗi không đứng nổi nữa, họ điều khiển phi cơ theo sự hướng dẫn của phi công huấn luyện viên ngồi bên cạnh.
Đáp xuống đất, phi công Mỹ và Việt đồng tài, đồng sức, lại rủ nhau đi uống rượu tiếp!

Tác giả kể lại, thuở tổng thống Ngô Đình Diệm còn sống, cụ Diệm có thói quen đi ngủ sớm lúc 9 giờ tối. Một đêm, ông Kỳ và một số thuộc cấp Việt và Mỹ, khoảng 25 người, chạy 5 hay 6 chiếc xe Jeep, lên trung tâm Sài gòn chơi. Trên đường từ hộp đêm về, khoảng 1 giờ khuya, chắc hẳn lúc đó cả nhóm đã có chút men trong bụng rồi, ông Kỳ cho đoàn xe ngừng lai ở trước Dinh Độc Lập. Ông Kỳ cho rằng cụ Diệm đi ngủ sớm như vậy thì chán chết, nên quyết định giúp vui cho cụ. Và các ông phi công bắt đầu cất giọng hát, cả nhạc Việt lẫn nhạc Mỹ, cho tổng thống nghe!

Kể cũng lạ, liên đoàn phòng vệ phủ tổng thống đi ngủ đâu hết rồi? Tại sao không một người nào dám ra, mời mấy ông say rượu đi chỗ khác chơi?
Như vậy mới biết ở nước ta, không phải chỉ hơn hai trăm năm trước, thời vua Lê chúa Trịnh, mới có loạn kiêu binh! 

Vậy mà sáng hôm sau, khi đại tá Đỗ Mậu, giám đốc nha an ninh quân đội, gọi cho ông Kỳ, hỏi có phải đúng là nhóm của ông đã đánh thức tổng thống không, ông Kỳ đã trả lời:
-"Đúng là chúng tôi. Chúng tôi vui chơi với nhau. Thì đã sao?"
Một trung tá trả lời một đại tá với giọng điệu như vậy, mà không sao cả, quả ông Kỳ có được Phật bảo vệ thật! 
Khi đã lên làm thủ tướng, một hôm ông Kỳ cùng ông Lãm, tư lệnh vùng 1, đi thị sát sư đoàn 2 do tướng Toàn chỉ huy, vì ông đọc báo thấy tin ông Toàn không cho lính đi hành quân, mà dùng họ để khai thác quế trong rừng ở Quảng Nam, và đem bán. 
Theo ông Kỳ kể lại, tướng Toàn, một người cao lớn, vạm vỡ, trông rất oai vệ, đã run lập cập khi nhìn thấy tờ báo ông Kỳ đưa ra. Ông Toàn không dám chối, phải khai thật. Ông Toàn cho ông Kỳ biết sư đoàn cần tiền để gây quỹ xã hội, và để chuẩn bị tiệc mừng Tết.
Ông Kỳ hứa cấp tiền cho quỹ của sư đoàn, và cho riêng ông Toàn nữa, nhưng đã cảnh cáo ông ta: "Nếu ông còn tiếp tục dùng lính để khai thác quế, hay làm những chuyện tương tự, ông sẽ bị xử tử."
Được biết Quế Tướng Công đang cư ngụ ở vùng Orange County. Ai quen biết ông, xin nhờ ông xác nhận chuyện này. 
Ộng Kỳ cho biết, trang 135, người Mỹ đã giúp chính phủ của ông xây dựng trường y khoa đầu tiên của Việt Nam!
Ở điểm này, thì tác giả lầm to. Trước khi ông Kỳ làm thủ tướng, đã có trường y khoa rồi. Muốn cho chính xác hơn, lẽ ra ông Kỳ nên viết rằng người Mỹ đã giúp xây một cơ sở hoàn toàn mới cho trường y khoa Việt Nam.
Có lẽ, đây là một lầm lỗi khác của đồng tác giả người Mỹ, mà ông Kỳ, vì không xem lại bản thảo, nên đã không sửa chữa. 
Trong phiên họp nội các, ông Kỳ hỏi ông tổng ủy viên giáo dục vì sao miền Nam thiếu huấn luyện y tế. Được biết trường y khoa đã xây xong, nhưng chưa mở cửa cho sinh viên vào học vì có sự bất đồng ý kiến giữa ông tổng ủy viên giáo dục và ông viện trưởng viện đại học Sài gòn: Ông viện trưởng muốn theo đường lối, và hệ thống của Pháp, còn ông tổng ủy viên giáo dục và đa số giới y khoa muốn theo hệ thống của Mỹ.

Cũng theo ông Kỳ, vì ông viện trưởng (có thể là bác sĩ Trần Đình Đệ ?) rất có uy tín, lại còn là thầy cũ của ông tổng ủy viên giáo dục, nên vấn đề cứ dùng dằng, và trường y khoa vẫn cứ tiếp tục đóng cửa.
Ông Kỳ ra lệnh cho ông bác sĩ đứng đầu ngành giáo dục:
"...-Tôi muốn trường y khoa phải mở cửa để huấn luyện các bác sĩ mới. Trong vòng ba ngày, tôi sẽ đến đó, cắt băng khánh thành, chính thức mở cửa trường để đón nhận sinh viên mới. Nếu lúc tôi đến, trường vẫn chưa mở cửa nhận sinh viên vào học, tôi sẽ bắt cả ông lẫn ông viện trưởng vào lính, và nhất định sẽ đưa các ông ra chiến đấu ngoài tiền tuyến. Ông hiểu không?"

Được biết bác sĩ Trần Ngọc Ninh, tổng ủy viên giáo dục trong nội các Nguyễn Cao Kỳ cũng đang ở tại Orange County. Ước mong ông Ninh xác nhận có phải ông đã từng là học trò của ông viện trưởng viện đại học Sài gòn, và phải chăng ông đã từng bị đe dọa bị bắt vào lính, mặc dù thời đó, ông đã bước vào tuổi 45,46 !!??

Những Trục Trặc Khi Để Người Mỹ Viết Sách Chung
Ông Kỳ có thể không biết đồng tác giả người Mỹ đã chế ra lối viết mới. Thay vì Cà mau, ông ta viết Cahmau; tên phi công Nguyễn Văn Cử, người cùng Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc Lâp, tháng 2, năm 1962, bị sửa thành Nguyễn Văn Cú ! Vịnh Cam Ranh được đổi thành Cam Rahn.
Tên tướng Nguyễn Bảo Trị đổi ra thành Nguyen Boa Tri; tướng Nguyễn Viết Thanh, tư lệnh vùng 4 chiến thuật biến thành Nguyễn Mạnh Thanh!
Ông tác giả Mỹ, có lẽ đã không tìm hiểu gì về địa lý Việt Nam, nên ở trang 55, ông ta cho biết Đà Nẵng cách Sài gòn có chừng 300 dặm (480 km)!


Trên thực tế, khoảng cách Sài gòn - Đà Nẵng là 740 km.
Chắc chắn đây là lỗi của ông Marvin J. Wolf, chứ phi công tài ba Nguyễn Cao Kỳ đâu có thể ước tính khoảng cách Sài gòn - Đà nẵng như thế được? Bởi vì nếu ông bay theo khoảng cách ước tính ấy, thì phi cơ sẽ đáp xuống gần Nha Trang, hay cùng lắm là đến trang trại Khánh Dương của ông mà thôi.
Ở đầu trang 151, một lần nữa, người đọc lại thấy hai ông Kỳ và Wolf rành địa lý Việt Nam như thế nào. 
Tây Ninh ở miền Trung hay miền Nam nước Việt, hỏi một cậu học sinh lớp đệ thất, cậu ta sẽ trả lời cho bạn biết ngay.
Nhưng tác giả viết: tỉnh Tây Ninh, nơi nhiều người theo đạo Cao Đài, thuộc miền Trung nước Việt.
Đọc đến đoạn này, chắc các vị giáo sư sử địa như Phạm Cao Dương, Võ Thành Điểm...phải giật mình té ngửa?!

Bí Ẩn Về Cái Chết Của Sáu Ông Tá
Nhận lời mời của Bộ Chỉ Huy Biệt Khu Thủ Đô đến một trường trung học Tầu (tư thục Phước Đức) xem triển lãm chiến lợi phẩm tịch thu được của Việt Cộng trong trận Mậu Thân, ông Kỳ chuẩn bị tham dự vào buổi sáng hôm sau. Trong đêm hôm ấy, ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Ông thấy mình đang bay, thì phi cơ ông nhào xuống một cái giếng khổng lồ. Đầy kinh hãi, ông cảm thấy mình không thể nào ra khỏi miệng giếng. Chắc chắn phi cơ sẽ rớt, và ông sẽ chết. Ngay lúc ấy, ông Kỳ nghe thấy, từ phía sau ghế máy bay ông ngồi, có tiếng của đại tá Lưu Kim Cương, nguyên chỉ huy trưởng căn cứ Tân Sơn Nhất.

Trong giấc mơ, ông Kỳ ngạc nhiên, vì đại tá Cương đã tử trận, một tuần sau Tết Mậu Thân, vì trúng đạn B-40. 
Ông Kỳ nghe cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương nói: "Tôi sẽ đưa thiếu tướng lên". Rồi phi cơ bay lên khỏi miệng giếng. Khi đã lên cao, ông Cương chỉ cho ông Kỳ xem một trận đánh phía bên dưới, và nói: "Thiếu tướng thấy đám khói vàng kia chứ? Xin hãy cẩn thận. Đó là nơi chúng nó sẽ tấn công."
Ông Kỳ cho ông Cương biết khói vàng đánh dấu nơi có quân bạn và thắc mắc vì sao lại tấn công quân bạn. Ông Cương công nhận ông Kỳ nói đúng, nhưng dặn ông Kỳ hãy ghi nhớ lời mình dặn.
Rồi ông Cương chỉ cho ông Kỳ xem tấm hình bảyngười nằm chết co quắp dưới đất.
Sáng hôm sau, thức dậy, mồ hôi ướt đẫm, mệt lả người, ông Kỳ quyết định ở nhà.
10 giờ sáng, tin sét đánh! Sáu sĩ quan thân cận nhất của ông Kỳ đã bị rocket từ trực thăng Mỹ bắn chết. 

Khi xem tấm hình chụp ít phút sau tai nạn thảm khốc này, ông Kỳ thấy đó chính là tấm hình cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương đã cho ông xem. Điều khác biệt duy nhất là tấm ảnh trong giấc mơ có bảy người nằm chết, còn bức hình ở trường Phước Đức chỉ có sáu.
Ông Kỳ tin chắc rằng hồn ông Cương đã cứu ông thoát chết.
Sau vụ này, ông Kỳ nghe rất nhiều lời đồn ông Thiệu đứng đằng sau vụ thảm sát sáu ông tá.
Ông cũng nghe nói đại tá Trần Văn Hai, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, người thay thế tướng Loan, có mặt trên chiếc trực thăng bắn rocket vào nhóm sĩ quan thân cận của ông Kỳ.
Rất tiếc, cả ông Thiệu lẫn ông Hai đều đã ra người thiên cổ. Biết đến bao giờ, sự thật về cái chết của sáu ông tá mới được tiết lộ?

Ông Ngô Đình Nhu Chỉ Huy 80 Ngàn Quân?
Trang 71, khi viết về những chuyện xấu xa của chế độ Ngô Đình Diệm, tác giả đã sai lầm trầm trọng khi cho biết ông Nhu chỉ huy 80,000 quân lực lượng đặc biệt phòng vệ dinh tổng thống!
Với kiến thức quân sự của một binh nhì, người viết biết chắc chắn 80,000 quân thì phải cỡ 7 hoặc 8 sư đoàn. Thời ấy, đi ngang qua đường Thống Nhất, thấy doanh trại của Liên Đoàn Phòng Vệ Dinh Tổng Thống, ngoài số binh sĩ trú đóng trong Dinh Độc Lập, có lẽ chỉ trên dưới một đại đội, chỉ vỏn vẹn có hai dãy nhà ba tầng đối diện với rạp Thống Nhất và hãng Shell (sau cuộc đảo chính 1963, doanh trại này bị cắt làm đôi để con đường Đinh Tiên Hoàng nối vào đường Cường Để, biến thành đại học dược khoa và đại học văn khoa). Với cấp số của liên đoàn, và về sau, còn gọi là lữ đoàn, lực lượng phòng vệ tổng thống phủ nhiều lắm là ba bốn ngàn người.

Vậy mà tác giả đã cho phép tới 7 hay 8 sư đoàn trú đóng trong hai dãy nhà lầu ấy để bảo vệ Dinh Độc Lập!
Nếu đúng như tác giả nói, Dinh Độc Lập mà được 80,000 quân bảo vê, thì còn khuya mấy ông tướng già, tướng trẻ thời ấy mới lật đổ được cụ Diệm!
Thôi, cứ coi như đây lại là một lỗi lầm nữa của ông đồng tác giả Marvin J. Wolf.
Chứ thiếu tướng Kỳ, một thiên tài quân sự, nguyên tổng tư lệnh quân đội, làm sao không biết một liên đoàn có bao nhiêu quân!?

Ông Kỳ Đi Kháng Chiến?
Theo tác giả kể, thân phụ của ông, sau thời gian dạy học, vì bất mãn với chính sách cai trị của thực dân Pháp, đã bỏ vợ con ở lại, vào rừng gia nhập lực lượng du kích đánh Pháp.
Cuối năm 1944, thừa hưởng lòng yêu nước của thân phụ, cậu bé 14 tuổi Nguyễn Cao Kỳ, quyết định lên đường kháng chiến chống Pháp. Cậu lấy trộm khẩu Browning của anh rể mình (trung sĩ Takahashi tặng cho anh rể ông Kỳ khẩu súng này), và cùng hai người bạn nhỏ, tìm đường lên chiến khu Việt Bắc. Vì trời mưa bão, không thể thuê thuyền đi được, ba cậu thiếu niên phải chờ đợi, và bị gia đình nhờ cảnh binh tìm bắt lại. 
Chiến tranh thứ nhì chấm dứt, gia đình ông Kỳ dọn về Hà nội. Ông theo học trường Bưởi được ít lâu, thì quân Pháp theo chân quân Anh và quân Tầu trở lại Việt Nam.
Căm phẫn, cậu thiếu niên 16 tuổi Nguyễn Cao Kỳ rời Hà nội, vào rừng gia nhập quân kháng chiến chống Pháp, giải phóng đất nước. 
Trong hai năm tham gia kháng chiến, trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn, chứng kiến tận mắt sự chèn ép của những người tự vệ, du kích Việt Minh và cán bộ chỉ huy họ đối với trí thức thành thị...Suốt thời gian ở chung với Việt Minh, tác giả không được cầm súng, chỉ lo việc tăng gia sản xuất, nấu ăn cho bộ đội, dọn dẹp; và sau đó, đi theo đoàn văn nghệ tuyên truyền.
Ở trang 21, tác giả cho biết ông đã đi hàng trăm, hàng ngàn dặm, từ vùng này sang vùng khác, thăm viếng hầu như khắp nước!? 
Ở điểm này, người đọc thấy hơi khó tin. Có lẽ tác giả Marvin J. Wolf đã phóng đại hơi nhiều. Đi bộ, đi thuyền công tác hàng trăm dặm đã là nhiều rồi. Nói chi đến chuyện hàng ngàn dặm, nghĩa là từ ngoài Bắc vào đến tận trong Nam? Mà lại còn nói đi khắp nước nữa!
Có lẽ tác giả đã đi trong lúc mơ ngủ?

Sĩ Quan Bộ Binh Nguyễn Cao Kỳ
Trang 25, tác giả cho biết năm 1950, Bảo Đại ra lệnh tổng động viên.
Thực ra, phải đến 1951, chính phủ Nguyễn Văn Tâm mới ra lệnh tổng động viên. Lúc ấy, ông Kỳ vừa đậu xong bằng tú tài 1.
Ông theo học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Trường này nằm ngay thành phố Nam Định, cách Hà nội 87 km. Cho nên, người đọc lấy làm lạ, khi thấy tác giả quên tên trường võ bị này, và lại còn mô tả trường ở gần Hà nội. 
Ra trưòng với lon thiếu úy bộ binh, ông về phục vụ tại tiểu đoàn 20 Việt Nam, đóng đồn ở Mỹ Trạch, dưới quyền viên đại úy tiểu đoàn trưởng người Pháp. Trong lúc sĩ quan Pháp chỉ lo rượu chè, chết nhát, không dám ra khỏi đồn đi hành quân, thiếu úy trẻ Nguyễn Cao Kỳ ngày đêm dẫn quân đi kích. Có lần, ông bắt được một tù binh Việt Minh sau khi đuổi theo người này vào làng, và nhảy tới tịch thu súng, dẫn tù binh về đồn, dễ dàng y như phim cao bồi bắt mọi da đỏ!\
Ở trang 30, chắc chắn đã có lầm lẫn về ngày tháng. Tác giả viết là năm 1951, ông đã đi hành quân.
Làm sao ông có thể hành quân vào năm 1951 được? Lúc ấy, ông còn đang học trong Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Phải tới 1952, ông mới ra trường. 
Ông Kỳ (hay tác giả Marvin J. Wolf ?) cho biết ông theo học trường sĩ quan Nam Định trong 10 tháng.
Ông Kỳ đã nhớ lộn rồi. Trường khai giảng tháng 10 năm 1951. Ra trường tháng 6, 1952. Học có 8 tháng thôi.

Để Kết Luận
Viết về một người như cựu thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, một nhân vật đặc biệt mà ngôn ngữ và hành động thường là đầu đề cho những tranh luận gay gắt, không phải là một chuyện đơn giản. Người ta dễ đứng về một trong hai phía, hoặc là yêu mến thì trung thành với ông hết mình, hoặc là đã ghét thì ghét và chê tất cả những gì ông nói, ông làm.

Lại càng phức tạp hơn, khi viết về một cuốn sách mang rất nhiều tính tự truyện. Nếu đứng từ phía ái mộ ông, người ta dễ dàng chỉ lọc ra những chi tiết về những thành tích ngoạn mục, những đức tính tốt, việc làm trung hậu của tác giả, để ca tụng ông. Còn nếu vốn ghét cá nhân Nguyễn Cao Kỳ, người ta cũng có thể chỉ lựa các khuyết điểm, sai sót của tác phẩm, những điều không có thực, hoặc sai sự thực trong đó, để chê bai thậm tệ.

Là một con người, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ có cả tính tốt lẫn tính xấu, nhiều ưu điểm và cũng không thiếu những khuyết điểm mà ông đã bộc lộ qua tác phẩm mới nhất này.
Trong phần cuối cuốn sách, trang 360, ông đã "thú nhận nhũng sai lầm của tuổi tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, những lầm lỗi bắt nguồn từ một tấm lòng ngây thơ, tin người..." 
Theo tác giả, lầm lỗi lớn nhất của ông là đã để cho một người bất xứng ngồi vào địa vị lãnh đạo, dẫn đến sự thua trận của miền Nam.
Ông cầu mong những người đang sống kiếp lưu vong, những người còn ở lại quê hương, và cả những người thuở ấy (thập niên 60,70) chưa ra đời, hãy tha thứ cho ông.
Năm nay, thiếu tướng Kỳ đã bước vào tuổi 73. Với những lời chân thành ông vừa bộc lộ, người ta có thể thông cảm với ông nhiều hơn.

Chúng ta hãy chờ xem kết quả những lời tiên đoán của tác giả về tình hình đất nước, và trông đợi những đóng góp của ông cho một đất nước Việt Nam mới, không còn cộng sản.
Một đề nghị sau cùng, xin gửi đến tướng Kỳ: Ở trang 349, ông cho biết đã không hài lòng với cuốn sách Twenty Years and Twenty Days vì đám nhà báo Mỹ đã bịa đặt ra những điều miệng ông không hề nói, và dựng lên những chi tiết, những biến cố chưa hề xảy ra!
Ông cho biết, chính vì thế, mà ông đã quyết định viết cuốn sách này. 
Người đọc e ngại, biết đâu, ngay cả trong cuốn sách này, người Mỹ cũng đã xen vào trong sách những điều ông không hề nói, và những biến cố chưa hề xảy ra?
Một vài chi tiết về những sai lầm (địa danh, ngày tháng, tên người, cách dùng chữ, thành phần nội các...) kể trên khiến người ta nghĩ lần này chưa hẳn đã khác lần trước đâu.
Lần sau, nếu ông định viết thêm một cuốn sách nữa, xin ông viết bằng tiếng Việt.
Được như vậy, ít nhất đồng bào của ông mới biết ông thực sự là tác giả của tác phẩm ấy.

Tháng 8, 2002
 http://giaodiemonline.com/thuvien/debate/buddhachild_vth.htm

ĐỌC BÁO DÙM CÁC BẠN
Ký Điệu phụ trách

Quyển sách của cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn cao Kỳ "Buddha’s Child" – My Fight to Save Việt Nam vừa tung ra thì có sóng gió liền. Từ Âu Châu và Hoa Kỳ. Dĩ nhiên tại Hoa Kỳ nhiều Việt kiều phản ứng nhiều nhất. Chê nhiều hơn khen.
Quyển này in ra và được viết bằng Anh Ngữ viết chung với Marvin J. Wolf dầy 376 trang do côngty in ấn St.Martin’s Press vào tháng 5 năm 2002.
Bạn cầm quyển sách này, hình Nguyễn cao Kỳ mặc đồ complet đen ghi những dòng là "Former Prime Minister of South Việt Nam " (nghĩa là Thũ tướng) chúng ta suy nghĩ điều gì? Chức vụ Thủ tướng đối với người ngoại quốc là chức vụ không quan trọng gì lắm nếu chính phủ đó còn có Tổng thống cao hơn, còn nếu ở chế độ có Vua như bên Anh thì chức vụ Thủ tướng mới là quan trọng, như Thủ tướng Churchill hay Tony Blair gần đây. Họ dịch hay để danh từ Thủ tướng như vậy không đúng lắm. Chức vụ cao nhất và cuối cùng của Nguyễn cao Kỳ là Phó Tổng thống VNCH người cao hơn là Nguyễn văn Thiệu với chức vụ Tổng thống VNCH.
Sau đây là mộït phần trích dịch từ báo Thời Luận số ra ngày July 14,2002. Người viết là Vũ thụy Hoàng.
Vũ thụy Hoàng viết 2 quyển sách "Saigon tuyết trắng: Việt Nam tháng 4,1975 và Quê hương thương ghét: Nỗi lòng người Việt hải ngoại".

Cựu Thủ tướng Nguyễn cao Kỳ, người hùng từng chế ngự sân khấu chính trị Miền Nam Việt Nam giữa thập niên 1960, tự nhận đã phạm một lỗi lầm lớn nhất trong đời "mà tới nay ngày nào cũng hối tiếc. Lỗi lầm ấy là vào năm 1967 ông đã rút lui không ứng cử Tổng thống và sau đó đứng Phó Tổng thống trong liên danh ứng cử với Trung tướng Nguyễn văn Thiệu.

Theo ông Kỳ vào năm 1965-1967 với chức vụ Thủ tướng, ông đã nắm giữ hết quyền bính trong tay, điều hành guồng máy chính phủ, quyết định các vụ bổ nhiệm và thuyên chuyển, còn ông Thiệu là nguyên thủ quốc gia mà chẳng có quyền hành gì, chỉ có hư vị mà thôi. "Quốc trưởng Thiệu, một Trung tướng đã thi hành lệnh của tôi". Thiếu tướng Kỳ viết khi kể lại vụ ông quyết định cách chức Tổng trưởng Quốc Phòng của Trung tướng Nguyễn hữu Có rồi bảo ông Thiệu làm.
Năm 1967 ông Kỳ có ý định ứng cử Tổng thống với tư cách đại diện quân đội và tin chắc ông sẽ thắng. Ông ngạc nhiên khi thấy Ông Thiệu loan báo cũng tranh cử. Thấy nguy cơ thất bại nếu quân đội có hai ứng cử viên đối địch nhau, một số tướng lãnh đã gặp riêng ông Thiệu để yêu cầu ông Thiệu đừng ra tranh cử. Trung tướng Nguyễn đức Thắng, người ủng hộ ông Kỳ đã gặp Trung tướng Thiệu để ngăn cản và hai người to tiếng “suýt đánh nhau” (theo sách viết).
Ông Kỳ và nhiều tướng lãnh trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia lúc đó họp bàn và quyết định cho tướng Thiệu giải ngũ, đưa đại tướng Cao văn Viên lên chức Quốc trưởng. Khi quyết định này sắp sửa được loan báo và thấy ông Thiệu "sắp khóc" ông Kỳ đột nhiên nói "Tôi sẽ trở về Không Quân. Các ông có thể cử Trung tướng Thiệu làm ứng cử viên Tổng thống."

Lời nói bất chợt trong khoảng "một phần mười ngàn giây đồng hồ, nhanh hơn nháy mắt" và đến nay vẫn còn là một bí hiểm đối với tôi theo lời thuật của Kỳ. Ông cũng không hiểu tại sao ông lại quyết định như vậy. Ông giải thích có lẽ thấy ông Thiệu khóc và vì lòng từ tâm của con nhà Phật mũi lòng thương hại mà ông quyết định như vậy. Ông cho rằng nếu lúc đó ông ngậm miệng thì thế giới đã đổi khác.
Sau khi ông Kỳ cho biết không ra ứng cử, một số tướng lãnh đã yêu cầu ông đứng chung liên danh với ông Thiệu. Trung tướng Hoàng xuân Lãm đã bóc lon ra, nếu ông Kỳ không chịu đứng chung liên danh với ông Thiệu. Ông Kỳ rút cục đồng ý. “Đó là lỗi lầm lớn nhất trong đời tôi. Từ năm 1975 đến nay không một ngày nào mà tôi không hối tiếc".
Vụ ông Kỳ đứng Phó cho ông Thiệu làm nhiều người lúc đó ngạc nhiên. Sách báo hồi ấy như sau này thường cho rằng Mỹ thích ông Thiệu hơn Kỳ nên đã ngầm vận động để ép hai Tuống Thiệu Kỳ đứng chung với nhau. Tướng Kỳ phủ nhận điều này.
Ông Kỳ cũng tự trách mình ngốc biết bao khi ông còn bỏ qua cơ hội khác vào lúc chót để ngăn chặn ông Thiệu làm Tổng thống. Ông kể lại khi liên danh Thiệu Kỳ đắc cử với 35% số phiếu bầu, việc hợp thức hóa cuộc bầu cử tại Quốc Hội.
Mật Ước:
Cuốn sách cũng tiết lộ rằng Ông Thiệu sau khi được ông Kỳ đứng chung liên danh, đã bị buộc phải ký một "mật ước" với nhóm tướng lãnh thuộc một Hội Đồng mà không phải Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia mà cũng không phải Hội Đồng Quân Lực. Chỉ tướng nào ký tên mới biết có mật ước và có Hội Đồng. Mật Ước định rõ hội đồng được chọn lựa úng cử viên ra tranh cử và ứng cử viên khi đắc cử rồi phải luôn luôn tuân hành đường lối của Hội đồng. Giữ chức chủ tịch của hội đồng bí mật này, ông Kỳ cho rằng ông có quyền hơn ông Thiệu.
Hẳn vì có mật ước này má quyền hành và thế mạnh của ông Kỳ vẫn tồn tại nhiều tháng sau khi ông Thiệu đắc cử Tổng thống. Nội các đầu tiên dưới thời Tổng thống Thiệu do Thủ tướng Nguyễn văn Lộc cầm đầu, cũng như những chức vụ then chốt trong guồng máy chánh quyền, đều chịu ảnh hưởng của ông Kỳ. Nhưng mật ước về sau không còn hiệu lực. Khi đắc cử rồi, ông Thiệu có Hiến Pháp hậu thuẫn, đã dần dần không đếm xỉa gì đến mặt. Ông Kỳ và nhóm tướng lãnh trong hội đồng bí mật mật ước không dám đem ra tiết lộ vì đi ngược quyền lợi Hiến Pháp, phản dân chủ làm trò cười cho thiên hạ và Mỹ bất bình. Ở đây ông Kỳ nhìn nhận thua mưu ông Thiệu.
Ông Kỳ cũng hối tiếc cả vụ ông không ra tranh cử với ông Thiệu năm 1971. Năm đó ông Kỳ bị Tối cao pháp Viện loại ở vòng niêm yết lần đầu vì không hội đủ chữ ký của các địa diện dân cử theo luật bầu cử, chỉ có hai ứng viên đối đầu là đương kim Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và Đại tướng Dương văn Minh. Nhưng ông Minh sau đó rút lui vì cho rằng ông Thiệu đã bố trí sẵn bộ máy gian lận bầu cử. Tối cao Pháp Viện được Thiệu vận động để tránh nạn độc diễn nên để lại tên ông Kỳ ứng viên Tổng thống. Nhưng ông Kỳ cũng rút lui mặc dầu được đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đề nghị góp hai triệu mỹ kim vào quỹ tranh cử. Ông Kỳ cũng nói rằng nếu ông ra tranh cử thì ông cũng có cơ may thắng cử vì ông được lòng dân chúng và ông Thiệu không dám gian lận. Ông cũng viết ông Thiệu thắng cử năm 1971 đã định đoạt số phận của Việt Nam.

Cuốn sách nhiều trang đã mô tả ông Thiệu là người xảo quyệt, một chính trị gia một tay mưu mẹo nhưng không phải là một tay chiến đấu.
Theo ông Kỳ, ông Thiệu sợ ông cũng như sợ Mỹ vì biết tôi có thể đảo chánh và bắn ông ta nếu ông ta làm nguy hại quốc gia. Ông tố ông Thiệu là tay tham nhũng và bổ nhiệm tay chân vào những chức vụ kiếm nhiều tiền.

Cuốn sách ra đời 7 tháng sau ông Thiệu từ trần, nên độc giả không có dịp nghe lời đáp của ông Thiệu.
Bay bướm:
Là tự truyện, cuốn sách đã trình bày ông Kỳ là con người can đảm, dám làm dám nói, thích đương đầu với khó khăn, giỏi đối đáp với các tay chống đối, những người viễu tình. Ông phi bác những từ gọi ông là đồ tể, giết trẻ con, hại phụ nữ. Ông nhận mình là "người không suy nghĩ nhiều, thay vì bàn luận và tham khảo tôi hành động".

Theo lời Kỳ thì nhiều lãnh tụ quốc gia như quốc vươngTháilan, thủ tướng Úc đại Lợi, Tổng thống Tưởng giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc, Tổng thống Đại hàn Phác chính Hy cho tới Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, Richard Nixon, cả nghĩ sĩ William Fullbright nổi tiếng chống đối chiến tranh Việt Nam và Ngoại trưởng Henry Kissinger người đi thương thuyết đi tới hòa ước Paris năm 1973.
Ông Kỳ kể lại vụ ông cách chức Trung tướng Nguyễn chánh Thi, Tư Lệnh Quân Khu I và vụ ông đích thân chỉ huy cuộc hành quân chớp nhoáng để dẹp lực lượng chống đối Phật Giáo ở miền Trung năm 1966. Vì một số binh sỉ Mỹ không được thông báo nên suýt xảy ra cuộc đụng độ. Quân hai bên đã hờm súng sẵn và máy bay Việt-Mỹ đã quần thảo nhau trên trời. Đại tướng Lewis Walt tư lệnh Mỹ ở quân Khu I vội vã xin gặp Kỳ ở phi trường Đà Nẵng. Tướng Kỳ đã làm bẻ mặt tướng Walt bằng lời giảng giải về hệ thống chỉ huy khiến tướng Walt đổ mồ hôi hột.

Tướng Kỳ tự coi là: "lãnh tụ Việt Nam đầu tiên không tham nhũng, không làm giàu cho bạn bè hoặc gia đình, không nhận hối lộ, không buôn lậu". Ông lập luận rằng ông được toàn quyền sử dụng quỹ đen tương đương với 46 triệu Mỹ kim, cần gì phải buôn lậu.
Ông kể các phi công Việt Nam thường mua hàng hóa như radio, đồng hồ về bán kiếm lời, nhưng có lần qua Singapore ông chỉ mua cho mẹ một chiếc radio mà thôi.
Ông cũng kể việc cách chức một Tổng Giám Đốc Hõa Xa của người anh họ vì những bê bối tại Hỏa Xa, còn việc không bổ nhiệm một người bà con làm Đại sứ vì người đó không đủ khã năng.
Qua cuốn sách người đọc được biết tướng Kỳ là một phi công ưu tú và tài ba, từng đỗ đầu khóa học tại Marakech, từng tham gia những phi vụ nguy hiểm thả biệt kích ra miền Bắc Việt Nam thời Tổng thống Diệm. Ông đã trỗ tài lái máy bay để tránh Radar của Bắc Việt bằng cách bay sà sà mặt biển khiến trùm tình báo Mỹ ở Việt Nam hồi đó là William Colby xanh mặt. Lúc phi cơ đáp xuống, Colby bảo ông Kỳ “lần sau đi với Kỳ, tôi phải mang theo cần câu”.
Trong sách này viết cho biết Kỳ là tay mê gái, một tay ăn chơi hào hoa bay bướm. Hồi đi học lái máy bay ở Avord bên Pháp, ông thường cùng bạn bè đến Paris vào cuối tuần, lai vãng các hộp đêm, ăn xài rộng rãi nên được các tiệm gọi là "Hoàng Tử".
Một lần ông dành dụm được 200 ngàn quan Pháp, định mua xe citroen. Lúc đến hộp đêm được xếp ngồi hàng đầu sát sân khấu, thấy cô ca sỉ mới và xinh đẹp, ông liền chạy ngay đến tiệm kim hoàn mua chuỗi hột xoàn về tặng cô. Nhìn cô ca sỉ lên sân khấu đeo chuỗi hột xoàn, ông liền gọi champagne đãi hết mọi người trong tiệm. Sau đó ông dẫn cô đi chơi mấy nơi khác. Đến khi ông về, bạn bè mới hỏi xe thì ông nói uống hết tiền xe rồi.
Tại Việt Nam ông rủ cô chiêu đãi viên Hàng không Việt Nam đi chơi, nhưng cô mắc bận phải làm trên chuyến bay đi Đàlạt. Ông liền lấy khu trục cơ skyraider mà ông chưa hề lái thử bao giờ để theo chuyến bay Hàng Không Việt Nam đó, để phi cơ bay sát chiếc kia, hai cánh chỉ cách nhau vài phân khoảng 10 phút cho tới khi khuôn mặt xinh đẹp của cô chiêu đãi viên hiện ra cửa sổ phi cơ thì ông mới chịu bay về.
Lần khác ông lái trực thăng xà thấp ở khu đường Lê Lợi, quạt tung bụi và lá làm giao thông tắc nghẽn chỉ cốt cho cô bồ biết là ông đến trễ hẹn. Sáng sau Thủ tướng Nguyễn Khánh gọi ông Kỳ vào la lối và bảo tìm xem tên phi công nào gây náo loạn
Trung tâm Saigon tống cổ nó ra khỏi Không Quân và nhốt tù nó. Khi nghe ông Kỳ trả lời "chính tôi mà", tướng Khánh liền đổi giọng "lại anh nữa! Anh làm gì ở đó vậy?"
Tại Mỹ, John Sununu Tham Mưu Trưởng Tòa Bạch Ốc thời Goerge W. Bush bị mất chức vì dùng phi cơ của Tòa Bạch Ốc về thăm gia đình. Tổng Giám Đốc FBI William S. Sessions bị xa thải vì dùng công xa chở vợ đi mua sắm (năm 1993).
Cuốn sách "Buddha’s Child" còn vài tiết lộ khác. Nhóm Tướng Lãnh Trẻ sau khi bị Đại Sứ Maxwell Taylor xài xể về vụ giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia vào tháng
12 năm 1964 đã định cùng tướng Khánh mở cuộc họp báo để trục xuất tướng Taylor về nước. Cuộc họp báo chừng 10 phút thì Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon liền năn nỉ Đại tướng Khánh đừng đuổi Đại sứ Taylor đi.
Vợ Ngoại trưởng Trần bửu Kiếm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị bắt giam về tội gián điệp. Colby CIA Mỹ liền đến năn nỉ Kỳ nói rằng bà ta bằng lòng làm gián điệp hàng hai.
Tướng Kỳ trong cuốn sách cho rằng ông được nhiều người yêu mến cả trong lẫn ngoài nước và ngay trong cả Cộng Đồng Việt Nam. Kỳ hy vọng "một ngày nào đó Việt Nam sẽ lại cần tôi". Ông cũng mong có một ngày được trở về nước để giúp kiến thiết quốc gia và xây dựng lại quê hương. Ông cho hay "sức khỏe rất tốt, năng lực còn cao, ăn uống vẫn như trẻ và cân nặng như hồi còn làm Tư Lệnh Không Quân." Ông hiện làm công việc tham vấn và thích chơi golf.
Vài sự sai lầm:
1.- “Tướng Nguyễn Khánh cầm quyền được 9 ngày thị bị phe Dương văn Minh đẩy đi. Khánh trốn khỏi Saigon và năm tuần sau trở lại nắm chánh quyền "Thật sự là sau khi hạ bệ Dương văn Minh, thì 9 ngày sau Nguyễn Khánh lập Nội Các, đặt Ông Minh làm Quốc Trưởng cho hư vị mà thôi. Bảy tháng sau tướng Khánh bỏ lên Đàlạt viện cớ dưỡng bệnh, sau những cuộc biểu tình xuống đường của sinh viên Phật Giáo, Công Giáo tiếp theo vụ Hiến Chương Vũng Tàu. Nguyễn xuân Oánh được cử làm Thủ tướng. Nhưng một tuần sau Tướng Khánh từ Đàlạt trở xuống Saigon nắm lại quyền, giải tán Tam Đầu Chế gồm có Dương văn Minh, Nguyễn Khánh và Trần thiện Khiêm được thành lập trước đó một tháng.

2.- Tướng Kỳ cứu tướng Khánh trong vụ đảo chánh chống tướng Khánh
Khi tướng Khánh bị xe tăng đuổi ở Tân sơn Nhứt, tướng Kỳ đã kéo tướng Khánh lên máy bay chạy thoát trong gang tất trong lúc xe tăng đậu cản ở phi đạo. Đây là sự sai lầm. Xe tăng đậu cản ở phi đạo là do tướng Lâm văn Phát và Phạm ngọc Thảo vào năm 1965 tháng 2, chớ không phải cuộc đảo chánh của tướng Dương văn Đức vào tháng 9 năm 1964.
3.- Ông Trần văn Hương làm Thủ tướng tháng 12 năm 1964. Ông Hương được Thượng Hội Đồng cử làm Thủ tướng tháng 10 năm 1964, nhưng tướng Khánh và nhóm tướng Trẻ giải tán Thượng Hội Đồng thì bị Đại sứ Taylor kêu lên hết mà khiển trách, lúc đó không tướng nào nói tiếng Anh sõi ngoại trừ Nguyễn cao Kỳ.
4.- Tướng Cảnh Sát Nguyễn ngọc Loan bị thương vài ngày sau trận Mậu Thân. Thật sự tướng Loan bị thương khi Việt Cộng tấn công đợt 2 vào Saigon vào tháng 5 năm Mậu Thân.
5.- Tướng Kỳ lập trường Y khoa đầu tiên tại Việt Nam. Thật sự nơi này Kỳ nói xạo vì ai ai cũng biết trường Y khoa lập đầu tiên tại HàNội và có từ thời Pháp.
6.- Quyển sách này nói đến bà Nhu Trần lệ Xuân mà Kỳ cho tên họ mới là Chương xuân Lệ (Trần văn Chương là cha ruột của Trần lệ Xuân)

7.- Ngoại trưởng Trần văn Đôn thật sự là Ngoại trưởng Trần văn Đỗ.
8.- Trưởng phái đoàn Việt Nam hòa đàm tại Paris là Phạm đăng Lâm chớ không phải Lâm văn Phát, Lâm văn Phát là tướng đảo chánh năm 1964.
Điều kỳ lạ là hai tháng trước khi sách của Nguyễn cao Kỳ tung ra "Buddha’s Child" thì Hà Nội tung ra sách về Nguyễn cao Kỳ với nhan đề là "Tướng Râu Kẽm" dầy 423 trang, pha trộn óc tưởng tượng vào số sự kiện có thực của bối cảnh chiến tranh. Sách này viết theo nửa hư nửa thật nên không có sự giá trị nào về tài liệu. Sách này nói Ông Kỳ là một anh hùng hão hán, ngổ ngáo, hiếu chiến, ăn nói trịch thượng và có duyên và gọi Ông Kỳ là "giặc nhà Trời."
Trong phần giới thiệu, cuốn sách này (sách Tướng Râu Kẽm) nói bao quát về tướng Kỳ có đoạn tướng Kỳ thổ lộ với bạn bè là "muốn trở về Việtnam sống những ngày cuối đời trên mãnh đất quê hương." Trong phần kết luận của cuốn sách viết "Tội phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc là tội bất lương nhất, ô nhục nhất và bị đời đời nguyền rủa”. Hà Nội cho in cuốn sách này là do trùng hợp hay chủ ý?
Như nhiều cuốn tự truyện khác hay Hồi ký khác, cuốn "Buddha’s Child" ngoài việc trình bày thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và suy nghĩ của tác giả, đã cho người đọc biết thêm nhiều về cá tính của Tướng Kỳ, đồng thời rọi thêm ánh sáng vào vài khía cạnh một số biến cố ở ViệtNam khoảng giữa thập niên 1960. (Vũ thụy Hoàng)
Sau đây là lời bình luận của Người Thứ Năm của Tuần báo Đại Chúng mà Ký Điệu ghi lại cho bạn đọc rõ:
1.- Nguyễn cao Kỳ lúc làm Thủ tướng tuổi rất trẻ nếu so với lịch sử Thế Giới thì người trẻ nhất là Alexandre the Great, người kế là Nguyễn cao Kỳ của Miền Nam ViệtNam.
Tuổi quá trẻ mà quyền nghiêng thiên hạ của Nguyễn cao Kỳ không phải là do sự tài giỏi mà do nhiều sự may mắn phi thường của lá số Nguyễn cao Kỳ hay là vận số Miền Nam cần phải như vậy mới có kết cuộc thê thảm như vậy hay chăng?
2.- Nguyễn cao Kỳ thật sự giống như Lữ Bố thời Tam quốc vậy. Lữ Bố cũng do sự phản phúc cha nuôi mà thành danh trên thiên hạ vào thời đó, Nguyễn cao Kỳ cũng không tránh khỏi chuyện này, Kỳ phản Nguyễn Khánh và rất nhiều bạn chiến đấu nhưng khác màu áo, nhưng kết cuộc Kỳ không bị rơi đầu như Lữ Bố. Tào Tháo bắt được Lữ Bố và nói với tả hữu "hắn giỏi nhưng là tên phản thần, không dung mạng được". Như trường hợp Ngụy Diên cũng vì phản mà bị chặt mất đầu bởi cận tướng.
Nguyễn văn Thiệu không đủ khả năng như Tào Tháo nên để yên Kỳ và Kỳ làm nhiều chuyện bất lường hậu quả.
3.- Nguyễn cao Kỳ có hạnh kiểm và đạo đức thấp kém mà những danh tướng không bao giờ nên bắt chước chuyện này. Lúc đắc thời thì xua đuổi bà vợ gốc nghề "Cave" mà Kỳ tường lấy tiền tiêu xài không biết sót. Hai đứa con Kỳ học tại trường Taberd Saigon, rất phách lối, hàng ngày giờ ra chơi thường lấy "walky talky" (máy vô tuyến như CB hiện giờ) mà các Thày dòng rất bất bình, nhưng sau cùng cũng bị "sortie" vì học lực quá kém, y như con cưng của Huỳnh văn Cao vậy.
4.- Bà vợ mới sau khi lên thì chồng đã có uy quyền hiển hách làm nghề chiêu đãi viên, đã có đời chồng nhưng Kỳ đoạt mất. Rồi khi qua Hoa Kỳ thì bà này ở tại Santa Ana, California và lấy một tay tài xế của Kỳ và mở cây săng Arco, tên Trung sĩ này ăn chơi nên bà chiêu đãi viên này phải bán luôn.
5.- Kỳ lấy vợ bạn thân khi làm nghề đánh cá tại Texas rồi sau đó hình như bà này mở một quán ăn tại Rosemead, California lấy tên là "Miss Saigon". Sau đó bán nốt vì Kỳ đánh bài rất dữ tại Casino Las Vegas. Rồi khai phá sản cũng vì vụ này mà ra.
6.- Kỳ khi lên ngôi Thủ tướng, quyền nghiêng thiên hạ thì Kỳ muốn sa thải tất cả những công chức mà Kỳ cho là trên 45 tuổi cần phải thay hết vì già nua, chậm chạp. Nên Kỳ không có một bộ óc lão thành mà hướng dẫn, và như vậy đám Kỳ phải thân bại danh liệt.
7.- Cùng một tuổi trẻ mà quyền nghiêng thiên hạ là Alexandre the Great và Kỳ. Alexandre the Great có tôn sùng một vị hiền triết làm Thầy chỉ hướng và tư tưởng đó là Aristote, còn Kỳ thì không có một ông Thầy nào chỉ dẫn tư tưởng của Kỳ nên Kỳ bị thân bại danh liệt.
8.- Lúc Kỳ bị Thiệu đá văng khỏi dinh Độc Lập, thì Kỳ lui về chốn hang Hùm là Căn cứ Phi Long gần phi trường Tân sơn Nhứt. Thiệu không làm hại được, nhưng Thiệu cần phải đề phòng mọi chuyện của Kỳ, nên Thiệu nhờ Phó Tổng thống Trần văn Hương vào Phi Long nằm nhờ chữa bệnh mắt, lúc đó có bệnh xá Hoa Kỳ rất nổi tiếng về mắt. Trần văn Hương vào căn cứ Phi Long của Nguyễn cao Kỳ và mật báo đến gắn dụng cụ nghe lén từ tư dinh Kỳ bằng đường điện thoại .n mọi chuyện gì Kỳ nói thì Thiệu đều nghe hết. Nhờ Nguyễn cao Kỳ chia trí thông minh của Nguyễn văn Thiệu nên Nguyễn văn Thiệu đã thiếu trí tuệ cứu nước nay bị chia thêm trí nên không còn đủ sáng suốt mà suy nghĩ mọi đường đi nước bước của Việt Cộng và CSBV HàNội. Đáng lý Hà Nội nên đề cao Kỳ với sự ăn nói ẩu tả và việc làm bất ngờ nên Thiệu không còn lý trí mà tính ván bài của Hà Nội tung ra.
9.- Nguyễn cao Kỳ nói qua Phi Châu học tại trường huấn luyện không quân và đỗ đầu thủ khoa khóa phi công. Nhưng Kỳ không cho biết khóa đó dạy lái máy bay loại gì?
Chớ Người Thứ Năm biết đời Phi Công mà dân lái máy bay rất khâm phục là "Năm Con Phượng Hoàng của VN về Phi Công". Năm con Phượng Hoàng đó là "Phan phụng Tiên, Lưu kim Cương, Lê bá Định..." mà không có tên Kỳ. Năm Phụng Hoàng này tốt nghiệp rất cao điểm về loại Skyraider (Đại tá Lê bá Định có lần đóng trên Pleiku. Phi trường Cù Hanh). Kỳ lái Skyraider lần đầu tiên để cua “hostess de l’air” suýt đụng với phi cơ Hàng Không Dân Sự Air Việt Nam và kéo theo nhiều cái chết vô tội của hành khách trên đó. Nên chắc chắn Kỳ qua Phi Châu học trường dạy lái phi cơ tại Marakech chắc chắn không phải học lái phi cơ Skyraider và bảo đảm không có loại phản lực cơ A-37 hay F-5 được. Có thể học lái loại phi cơ Cessna gọi là máy bay "Bà già" mà ta thường thấy bay rề rề trên bầu trời Miền Nam VN.
10.- Một người lính chiến đấu ngoài biên ải, áo quân chua lè so với một vị tướng Thành Đô áo quần bảnh bao, hoa hòe hoa sói, lưng đeo khẩu súng ngắn nòng rulô và cổ choàng khăn phula màu tím, bay xong một phi vụ thì vào khiêu vũ trường mà nhảy đầm canh thâu suốt sáng. Không hiểu chúng ta nên kính trọng người nào đây? Tướng Kỳ nên nhớ đất nước chiến tranh đời trai bắt buộc phải thi hành nghĩa vụ quân sự mà cứu quê hương, cho nên mầu áo binh chủng nào cũng nghĩa vụ nặng như nhau. 


Một anh lính nghĩa quân mà tuân hành nhiệm vụ canh gác hay đánh trả sự tấn công của quân địch đáng khâm phục hơn một tướng lãnh áo quân bảnh bao hay đánh quần vợt tennis trong lúc quân sĩ của mình đang đánh những trận nguy hiểm tại HạLào hay đã chận được sự chiếm đóng Kontum của địch quân mà vị tướng cẫu trệ khác đang nhảy đầm với vũ nữ từ Saigon lên ăn khao tại Vũ trường Phượng Hoàng Pleiku năm nào (xin hỏi lại tướng Lý tòng Bá thì rõ tên tướng cẫu trệ này). Tướng Kỳ thuộc loại tướng kiêu binh kiêu tướng. Như ngày xưa có một vị tướng rất trẻ tài cao như Kỳ vậy họ là Lâm, phó nguyên soái Quốc dân Đảng, vì hùng khí ngu muội của mình mà bắt giam Tướng Tưởng giới Thạch đang đánh Mao trạch Đông gần tàn hơi, nên quân Mao từ thua chuyển thành thắng. Chính tên tướng này làm thay đổi lịch sự Trung Hoa từ tốt sang xấu.

11.- Tướng Kỳ ít đọc sách nên không thấy những bức hình lịch sử Trung Hoa. Nhìn tướng Tưởng giới Thạch, áo quần bảnh bao, uy dũng hào khí ngất trời, giầy ống đen rất đẹp cưỡi con ngựa trắng và áo choàng màu nâu xám hào khí ngất trời. Còn một bên là một đám lính khố rách áo ôm, y như đám người homeless vô gia cư của Mao Trạch Đông, điều đáng buồn chính đám lính khố rách áo ôm này rượt vị tướng áo quần bảnh bao cưỡi ngựa trắng là Tưởng giới Thạch chạy gần chết đuối qua eo biển Bạch Mã Đài Loan.

 Đám lính khố rách áo ôm này họ có một lòng kỷ luật và tuân hành thượng cấp, còn tướng Kỳ thì không. Tướng Kỳ đúng là một mẫu tướng kiêu hãnh tự cao tự đại và bất tuân quân phong quân kỷ và mệnh lệnh của Thượng Cấp. Lúc đó Kỳ nắm quyền tư lệnh Không quân VNCH và Hoa Kỳ không có trang bị loại vũ khí phòng không nên Kỳ mặt sức tự cao tự đại với huynh đệ chi binh của mình và Đồng Minh, nhưng gặp bên địch với đầy đủ vũ khí phòng không và tên lửa thì khác.
12.- Lúc Kỳ còn làm Phó Tổng thống và được chia cơ ngơi tại Dinh Độc Lập nên Kỳ thường dùng trực thăng riêng của mình mà gầm rú động cơ khác thường chọc giận Bà Thiệu nên ngày kia bị Thiệu đá cho ra rìa, nếu lúc đó Kỳ suy nghĩ với cương vị của mình làm cách nào mà chống được địch thủ bên phương Bắc thì khác.
13.- Khi Nguyễn cao Kỳ được giao trách nhiệm qua Paris làm trưởng đoàn đàm phán thì vợ chồng Kỳ ăn mặc rất đắt tiền, nào là mua cho vợ một bộ áo ngự hàn bằng lông chồn trắng, thật sự Miền Nam VN khí hậu rất nóng về mùa Hè và mùa Đông cũng không đến nổi phải dùng áo lạnh da chồn trắng làm chi. 

Và báo chí Tây Phương mỉa mai là "liệu lương của Phó Tổng thống không biết bao nhiêu tháng mới đủ mua cái áo đắt tiền này cho vợ”. Lúc đó Kỳ chế ra một bộ áo một loại áo riêng cho mình gọi là "áo lãnh tụ". Loại áo bắt chước hoàn toàn loại áo của Chu ân Lai vẽ kiểu ra, là cổ ngắn, màu đen, có 4 túi. Trong khi đó nhóm Bà Bình và tên Lê đức Thọ thì ăn mặc giản dị, Bà Bình mặc áo dài, vải rất tầm thường và khi rãnh thì nhóm này đánh cờ tướng với nhau còn nhóm Kỳ thì đang trượt trên sàn nhảy Dancing Paris sang trọng. Mặc dầu biết nhóm Bà Bình và nhóm Lê đức Thọ đang giả hình. 


Nhưng những người có đầu óc thương nước thì không khỏi đau lòng Sỉ Diện Quốc Gia bị tên tướng Kỳ và bà vợ Hostess de l’air tàn phá sạch bách. Mặc dầu kế của Nguyễn văn Thiệu đẩy Nguyễn cao Kỳ sang Paris cho nhục cặp vợ chồng này, nhưng Thiệu cũng nên nghĩ đừng nên đem Quốc Thể VN mà giao cho tên này làm dơ bẩn được. Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu.
14.- Nguyễn cao Kỳ trong quyển sách tự thuật là không tham nhũng, không buôn lậu chuyện này Kỳ nói cho con nít tin mà thôi. Người Thứ Năm có một người Bác họ quen. Vị này làm trong Kiểm Hải Quan Thuế Toàn Quốc lúc đó đang làm việc tại Cảng Tân sơn Nhứt, nhóm Quan Thuế này được mật tin là có một cuộc chuyển hàng "á phiện 60 kg từ Lào về Tân sơn Nhứt". 

Vị này đón phi cơ hàng không dân sự Air ViệtNam từ Vạn tượng về, nhưng không có phi vụ ngày này. Và đúng 6 giờ chiều thì có một chuyến phi cơ từ Vạn Tượng về Tân sơn Nhứt và có đem 60 kg Á Phiện nhưng phi cơ này là phi cơ quân sự nên không đáp tại Tân sơn Nhứt mà đáp vào phi trường quân sự Phi Long kế bên. Và cũng chính vị này khui ra vụ Dân biểu VNCH đi công tác đem lịch ở truồng về VN. Tên dân biểu này là Nhữ văn Úy mà ngày xưa tướng Đỗ cao Trí đòi đấu súng bắn nhau như bên Tây Phương ngày xưa khi danh dự bị xúc phạm.
15.- Cô con gái Kỳ tốt nghiệp Đại học Hoa Kỳ chắc chắn học xong lớp Politic-Science (mà University bắt buộc phải có). Một cảnh tượng tướng Nguyễn ngọc Loan dùng súng lục rulô ngắn nòng mà bắn một tù binh Việt Cộng đang bị còng tay quặt sau lưng... sách vở có in hình này và tất cả phim Hoa Kỳ nói về chiến tranh Việt Nam đều có chạy hình ảnh này. Tướng Loan đáng lẽ phải ra Tòa Án Quân Sự hay Tòa Đại Hình Liên Hiệp Quốc về tội bắn tù binh trong tay, trái với Hiệp Ước Geneve về Tù Binh. Lúc đó chúng tôi đang học lớp này thì những người bạn học cùng lớp khác màu da hỏi như sao "Anh thấy hình ảnh này nói điều gì?"

 Cứng họng không trả lời được, Danh dự Quốc Gia và niềm hãnh diện của người lính chiến VNCH bị tên tướng Loan này chà đạp. Tướng Loan với chức vụ Cảnh Sát Quốc Gia VNCH có muôn ngàn cách thủ tiêu tên này, nhưng đừng để hình ảnh mọi rợ này in mãi mãi trên sách vỡ và Video trên toàn Thế giới. Cô con gái Kỳ nên biết tướng Loan này là cộng sự viên đắc lực nhất của tướng Kỳ. Chủ sao thì tớ vậy, làm mọi chuyện nhục quốc thể trước khi suy nghĩ cho kỹ mọi hậu sự ra sao.
16.- Quyển sách tự thuật của Tướng Kỳ mang tên là "Buddha’s Child" là sai hoàn toàn từ nghĩa bóng đến nghĩa đen. Danh từ chung “Con Cầu Tự” là dành cho gia đình khá giả giàu có theo Đạo Phật ngoài Bắc thì nhiều hơn. Gia đình khá giả hay giàu có sợ không con nối dõi mà hưởng của giàu có này, nên thường lên Chùa khấn vái Phật mà xin được có con trai nối dõi. Còn gia đình nghèo, cơm không đủ ăn, nghe nói bà vợ có thai thì hoảng hồn lo sợ hơn là vui mừng nên gia đình nghèo không có chuyện lên Chùa xin con nối dõi Nguyễn cao Kỳ không thuộc diện giàu có cần con nối dõi. Người Tây Phương họ trực tánh khi đọc chữ "Buddha’s Child" là họ nghĩ ngay là "Con của Phật". Thật sự Thích Ca Mâu Ni khi mang danh hiệu Phật thì Ngài không có con, vì Ngài đã đoạn Dục, còn trước khi đi tu Ngài là Hoàng Tử thì Ngải có đứa con độc nhất. Sau đó đứa con trai độc nhất này đi tu theo Cha và mất sớm khi vào tuổi thanh niên.  [5]


Đứa con đó tên là "La hầu La" (Lahura /sách Anh) Nhưng trong lúc tu hành Đức Phật thường gọi tên chớ không gọi là con. Như trường hợp em trai Đức Phật là Anan, Đức Phật thường nói: "Nầy! Ananta nghe người ta thường nói như vầy". Còn nghĩa thứ hai là sự hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma là từ thế kỷ 14, một vị chân tu Tây Tạng sau khi nối ngôi của Tống Cáp Ba (Tsongkhapa) tên là Gendun Drup. Vị này lập ra học thuyết: "luật tái sanh" của Đạt Lai Lạt Ma theo đó khi chết thì linh hồn vị Đạt Lai Lạt Ma sẽ nhập vào đứa bé trai sơ sanh như là một hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm (Bodhisatva Avalokitsera) nên người Tây Phương sẽ nghĩ là Đạt Lai Lạt Ma đầu thai hay là con của Phật. Thật sự tại Việt Nam người ta ít gọi cậu bé "Cầu Tự" này là con của Phật hết. Người ta thường nói "Bộ mầy là con của Trời cháu của Phật phải không?". Cụm từ Con Cầu Tự không thể ghi là "Buddha’s Child" được hết. Xem lại Tự điển Anh Việt và Việt Anh. Tướng Kỳ bảo đảm không thuộc về diện này theo nghĩa bóng hay nghĩa đen vì lý do đơn giản Kỳ không phải là người theo Đạo Phật nếu kể từ cấp trên của Kỳ. [6]
17.- Trong quyển “Buddha’s Child” tướng Kỳ mong được về quê hương VN mà giúp đỡ. Thật sự hiện nay Việtnam có chương trình TOKTEN (Transfer of Knowledge Through Expatriate Nationals) do Liên hiệp Quốc đề xướng và tại Hà Nội có văn phòng tại đường Bà Triệu, cách xa không bao nhiêu Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường do Bộ trưởng Chu tuấn Nhạ cai quản. Chương trình TOKTEN này hiện nay không cần lắm cho những kỹ sư thuộc về Công Nghệ Thông Tin vì hiện nay Công ty Microsoft và Côngty Oracle đang tranh dành ảnh hưởng tại đây và trình độ Công Nghệ Thông Tin của VN rất khá cao hơn Đài Loan nếu so về Internet/ Web Sites. Và Kỳ không thuộc diện Knowledge này. Kỳ có thể bớt đánh bài tại Las Vegas mà dành tiền giúp chương trình của nữ nghệ sĩ Kiều Chinh và cựu Đại Sứ Petersen là "Một ngôi trường cho trẻ em nghèo tại Vùng khô cằn sõi đá Miền Trung" hiện nay chương trình này đang xây xong ngôi trường thứ 61 cho em nghèo tại Miền Trung.


 Người sáng lập chương trình này là một anh lính chiến thương phế binh Hoa Kỳ, anh bị mất đôi chân tại chiến trận Miền Trung. Anh không giận nước Việt Nam, và anh mong mõi xây được một ngôi trường nhỏ cho em nghèo VN. Anh qua đời và chương trình này được Kiều Chinh tiếp nối. Hiện nay cơ quan này đặt tại Florida/USA. Nhưng người Thứ Năm quả quyết Nguyễn cao Kỳ không thuộc diện này kể cả chương trình TOKTEN và Chương Trình Một Ngôi Trường cho Trẻ Em Nghèo tại VN.
18.- Chúng tôi cũng hy vọng ngày tàn của CSVN nếu Kỳ được mời về nước giúp ý kiến. Một lời nói có thể: “Hưng Vong và Táng Quốc". Kỳ có thể về giúp Hà Nội và nói vài lời Táng Quốc thì chế độ CSVN tại Hà Nội sẽ táng theo lời nói của Kỳ và chúng ta "Tết này sẽ gặp nhau tại VN" như người Israel nói "Năm này ta sẽ gặp nhau tại Jerusalem". Chúng tôi còn nhớ lời Kỳ nói tại Hố Nai/ Saigon "Tôi không qua Mỹ vì không quen uống sữa, uống sữa sẽ đau bụng. Tôi thích ăn mắm tôm thôi.”
19.- Quyển "Buddha’s Child" nên mượn tại Thư Viện Hoa Kỳ còn nếu mua để làm của riêng và nghiên cứu thì nên mua Bộ Tam Quốc Chí có đoạn “Lữ Bố hí Điêu Thuyền" thì hay hơn.
http://www.daichung.com/104/08_doc_bao_dum.shtm



                                      Hai cuốn sách của Nguyễn Cao Kỳ April 29, 2004 
                                                                 Bùi Văn Phú



How we lost the Vietnam war. Nguyễn Cao Kỳ. 239 tr., Nxb Stein and Day. New York 1976.
Twenty Years and Twenty Days. Nguyễn Cao Kỳ. 239 tr., Nxb Stein and Day. New York 1976. Khi tái bản, tên sách đổi thành How we lost the Vietnam war.
*
Sau khi quân đội đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, miền Nam trải qua nhiều xáo trộn chính trị. Các tướng lĩnh và đảng phái chính trị tranh giành quyền hành nên miền Nam thay người lãnh đạo luôn, từ Dương Văn Minh, Nguyễn Ngọc Thơ đến Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát.
Khi quân đội được trao lại trọng trách điều hành quốc gia vào tháng 6 năm 1965, không tướng nào còn muốn đứng ra cầm quyền nữa vì không biết sẽ được bao lâu. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đại diện đám tướng trẻ – Young Turks – lên làm thủ tướng trong khung cảnh chính trị bất ổn của miền Nam lúc bấy giờ. Ông Kỳ đã nhận trách nhiệm với điều kiện phải hỏi ý kiến vợ trước đã (20 Years, chuyện này không được nhắc lại trong Buddha’s Child).
Tuy bị đe dọa lật đổ bởi các tướng Nguyễn Chánh Thi – tư lệnh quân đoàn I; tướng Nguyễn Hữu Có – Bộ trưởng Quốc phòng và phong trào tranh đấu của Phật giáo, chính phủ của tướng Kỳ đã đứng vững, đem lại sự ổn định chính trị cho Miền Nam. Ông đưa ra những kế hoạch cải tiến dân sinh, đem lại công bằng xã hội, cùng đặt nền móng xây dựng nền dân chủ pháp trị với việc ban hành hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử tự do từ xã ấp lên đến quốc hội, tổng thống.


*
Trong kỳ bầu cử tổng thống đầu tiên vào tháng 9.1967, tướng Kỳ tuyên bố ra tranh cử trước ông Nguyễn Văn Thiệu, nhưng sau ông lại nhường cho ông Thiệu làm ứng cử viên tổng thống, còn ông đứng chung liên danh và làm phó. Theo tiết lộ của ông, vì thấy tướng Thiệu sắp khóc nên trong giây phút chạnh lòng, chứ không phải vì áp lực từ bất cứ ai, ông đã đột ngột quyết định nhường cho ông Thiệu. Việc này ông luôn luôn hối tiếc và cho đó là lỗi lầm lớn nhất trong đời vì sau khi nắm quyền, ông Thiệu trở nên độc tài, thối nát và chỉ lo cho bản thân, bè phái hơn là quyền lợi quốc gia. Ông Thiệu hèn nhát, sợ bị người Mỹ hoặc ông đảo chánh vì thế ông Thiệu luôn phục tùng người Mỹ và tìm mọi cách gạt bỏ ông bằng cách không cho nắm quyền gì trong quân đội, khiến ông Kỳ phải lui về sống ở nông trại Khánh Dương.
Ông Kỳ tin rằng nếu ông cũng ra tranh cử tổng thống vào năm 1967 ông có thể thắng và cục diện chiến tranh Việt Nam đã khác vì đó là cuộc bầu cử tự do, công bằng với nhiều quan sát viên quốc tế có mặt.
Sự thực nếu ông Kỳ cũng tranh cử tổng thống thì chưa chắc phần thắng đã về ông hay ông Thiệu, mà có thể liên danh Trương Đình Dzu-Trần Văn Chiêu sẽ thắng. Theo kết quả chính thức, liên danh Thiệu-Kỳ được 1.649.561 phiếu (34%), liên danh Dzu-Chiêu về nhì với 817.120 phiếu, bằng nửa số phiếu của liên danh Thiệu-Kỳ. Nếu ông Thiệu và ông Kỳ tách ra, số phiếu bị chia hai, mỗi người 17%, còn gần một chục liên danh còn lại với 66% số phiếu, có thể liên danh Dzu-Chiêu – liên danh đối lập sáng giá nhất lúc bấy giờ – chỉ cần thêm hơn chục ngàn phiếu là thắng cử.



Tướng Kỳ tự nhận ông không thích làm chính trị và không phải là một chính trị gia. Ông lại bị ông Thiệu, và có thể cả người Mỹ, lừa vào năm 1971, trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2. Tướng Dương Văn Minh đang sống lưu vong ở Thái Lan, được cho về nước tranh cử; tướng Kỳ cũng ra tranh cử. Nhưng ông Thiệu đã tìm cách gạt ông Kỳ ra, rồi tướng Minh rút lui, sau đó liên danh Nguyễn Cao Kỳ-Trương Vĩnh Lễ lại được hợp thức hoá, nhưng ông quyết định không tham gia vì biết ông Thiệu sẽ gian lận. Nhìn lại, ông Kỳ tin rằng ông có thể thắng và lại hối tiếc là đã không tranh cử. Bầu cử tổng thống năm 1971 trở thành màn độc diễn, thiếu dân chủ.


Đại sứ Mỹ Bunker trước đó có đề nghị chi năm triệu đô la để ông Kỳ tham gia tranh cử nhưng ông từ chối vì trước giờ ông vẫn tỏ ra là một người tự chủ, không muốn lệ thuộc người Mỹ.
Tinh thần tự chủ, độc lập của ông Kỳ thể hiện qua cách ứng xử của ông với tướng Lewis W. Walt, Đại sứ Mỹ Maxwell Taylor cũng như với trưởng phái đoàn Mỹ tại hoà đàm Paris là Averell W. Harriman, hay Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara, các Thượng nghị sĩ William J. Fulbright, George Mc Govern, nhiều khi thiếu phong cách ngoại giao, tạo xì căng đan. Nhưng đó là cá tính của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tên mình, ông giải thích, mang nghĩa một tay chơi cờ cao nước, nhưng xem ra hai lần thua ông Thiệu thì ông Kỳ không phải là tay đánh cờ chính trị giỏi.

  
 Buddha's Child. Nguyễn Cao Kỳ viết chung với Marvin J. Wolf. 376 tr., Nxb St. Martin. New York 2002. Việc người Mỹ muốn chi tiền cho ông Kỳ ra tranh cử có thể đã làm ông khó xử. Cũng như nhiều lúc ông Kỳ muốn đảo chính lật đổ ông Thiệu thì lo sợ điều đó làm lợi cho Cộng sản. Năm 1969, lúc làm phó tổng thống, cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng hoà tại hoà đàm Paris, ông Kỳ đã bí mật đi gặp đại diện Việt Cộng – ông Thiệu không biết gì việc này – và họ yêu cầu ông Kỳ lật đổ ông Thiệu. Sự việc ly kỳ này có trong 20 Years, nhưng lại không được kể trong Buddha’s Child. Thay vào là cuộc gặp gỡ giữa ông và một nhân vật kỳ bí tên là Phan Thanh Van, một phi công C-47 đã thay thế ông Kỳ trong một phi vụ nhảy Bắc. Ông Kỳ đinh ninh viên sĩ quan này đã chết và rất ngạc nhiên khi gặp lại Van ở Ba Lê. Khi ông Kỳ bắt đầu có kế hoạch đảo chánh ông Thiệu vào năm 1975 thì mọi chuyện đã trễ.
Buddha’s Child được phát hành sau khi ông Thiệu qua đời, vì thế có những chỉ trích cho rằng ông Kỳ không cho ông Thiệu một cơ hội trả lời những phê phán về ông. Ông Kỳ đã viết về ông Thiệu trong 20 Years, phát hành năm 1976. Ông Thiệu có 25 năm để phản bác lại, nhưng ông đã chọn thái độ im lặng cho đến khi qua đời vào năm 2001.
Về cá tính của tướng Nguyễn Cao Kỳ, có những phê bình cho ông là hạng người cowboy và playboy. Những chuyện đó theo ông chỉ đúng một phần.
Tính bốc đồng, thẳng ruột ngựa của tướng Kỳ thì nhiều người biết. Ông hay đem súng ra hù hay dọa bắn bỏ nhiều người, dù đó là một linh mục, cai quản nhà thờ núi ở Nha Trang; là các nhà sư, 13 thượng tọa lãnh đạo phật giáo; là một tướng Mỹ, tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Đà Nẵng; những thương gia buôn gạo; hay là một bộ trưởng làm việc dưới quyền là ông Trương Văn Thuận.
Sau khi dẹp xong vụ nổi loạn miền Trung, tướng Kỳ giao Thượng tọa Thích Trí Quang – một nhà tu hành Phật giáo với nhiều tham vọng chính trị – cho bác sĩ Nguyễn Duy Tài săn sóc với lời cảnh cáo sẽ “bắn bỏ ông (bác sĩ Tài) cùng vợ con và gia đình” nếu Thích Trí Quang bỏ trốn hay trở nên bệnh nặng.
Còn dư luận về con người playboy của tướng Kỳ, sử gia Stanley Karnow coi ông như “một tay chơi kèn sắc-xô trong những hộp đêm hạng nhì.”
Ông Kỳ thừa nhận ông có nhiều nhân tình và đã có đến bốn đời vợ. Nhưng ông có vẻ hắt hủi Đặng Tuyết Mai, người vợ đã được ông hỏi ý kiến trước khi nhận chức thủ tướng. Ông không còn nhắc đến tên bà trong Buddha’s Child, trong khi ông kể những chuyện tình cũ với Cẩm Vân, Tường Vân và bà vợ mới tên Kim.
So với 20 Years, Buddha’s Child cung cấp thêm những tài liệu, công điện trao đổi giữa toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn để chứng minh tướng Kỳ được dân Việt, được những người làm chính sách Mỹ ủng hộ và ca ngợi là người tự chủ, độc lập, không lệ thuộc người Mỹ trong các quyết định về chính sách, chứ không như dư luận Mỹ thường hay đặt điều nói xấu về ông.
Trong thời chiến, vì những hình ảnh không trung thực nên Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ bị ngăn cản qua Mỹ, khi được Mục sư Carl McIntyre mời qua đọc diễn văn trong một cuộc diễn hành ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà. Tiến sĩ Henry Kissinger lo ngại sự có mặt của ông có thể gây bạo động trong dân chúng Mỹ.
Tháng 7.1971 ông Kỳ qua thăm Mỹ không chính thức và đã bị biểu tình phản đối khắp nơi. Đến một khách sạn ở Los Angeles ông phải đi vào qua cửa bếp.
Trong chuyến đi này tướng Kỳ kể ông là người đã đề nghị kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh với chính quyền Mỹ. Điều này không đúng. Kế hoạch rút quân, cùng lúc đánh phá các sào huyệt cộng sản trên đất Campuchia, Lào và Bắc Việt được Nixon chủ trương sau khi nhận chức tổng thống vào đầu năm 1969. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird đặt tên là kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh. Hơn 60 ngàn lính Mỹ rút khỏi Việt Nam trong năm 1969, 150 ngàn trong năm 1970. Đến cuối năm 1971 thì quân số lính Mỹ ở Việt Nam đã giảm từ 520 ngàn xuống còn 140 ngàn.
Một vấn đề cần nêu ra là dù không để cho người Mỹ đẩy đưa mình, nhưng trong hai năm tướng Kỳ cầm quyền – từ tháng 6, 1965 đến tháng 10, 1967 – trên 200 ngàn lính tác chiến Mỹ được đổ vào Việt Nam mà không thấy ông ghi lại những tham khảo giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn, nếu có, về việc này cũng như phản ứng và ý kiến của ông.
Điều mâu thuẫn nhất trong con người tướng Kỳ là xuyên xuốt qua những trang sách của 20 Years ông chứng tỏ là người không vì tiền bạc, danh vọng mà đánh mất tính tự chủ, tinh thần độc lập. Nhưng cũng chính 20 Years cho thấy tính mất tự chủ của ông. Ông Kỳ viết Buddha’s Child là vì đọc kỹ lại 20 Years ông Kỳ nhận ra: “những người biên tập đôi khi đặt những lời nói vào miệng tôi và tạo ra những sự việc không hề xảy ra”. Tiền bản quyền cho 20 Years và lệ phí diễn thuyết trong những năm đầu tại Mỹ đã giúp ông Kỳ mua xe hơi, mua nhà. Từng là một cựu tư lệnh không quân, thủ tướng, phó tổng thống mà ông Kỳ lại để cho nhà xuất bản Mỹ đặt điều được sao?
Chương cuối của Buddha’s Child hoàn toàn mới. Tác giả phân tích về hiện tình Việt Nam, về chính trị, chiến lược của các nước trong vùng và của Hoa Kỳ, của Trung Quốc.
Năm 1992 người viết bài này có tranh luận với tướng Kỳ trên truyền hình về quan hệ Mỹ-Việt, ông cho rằng chế độ cộng sản chỉ tồn tại năm, mười năm nữa, bang giao sớm, cộng sản sụp đổ sớm. Nay ông nhận định Việt Nam không còn chế độ cộng sản mà là một chế độ độc tài, tham nhũng, như các nước trong vùng đã từng trải qua. Ông Kỳ viết rằng Hồ Chí Minh, người đem chủ thuyết cộng sản vào Việt Nam, nếu nhìn thấy đất nước hiện tại cũng phải đội mồ mà dậy.
Ông khuyên giới lãnh đạo Hà Nội hãy chọn con đường tư bản, vì nó sẽ dẫn đến dân chủ và pháp trị. Còn duy trì độc tài, tham nhũng thì Việt Nam có nguy cơ bị Trung Quốc xâm lăng kinh tế để biến thành một tỉnh của người Tàu.
Mặc dù nhìn nhận cuộc chiến chống cộng sản trong quá khứ là đúng, ông kêu gọi người Việt hải ngoại xóa bỏ hận thù để hướng về tương lai.
Ông Kỳ năm nay đã ngoài 70 tuổi, sống sót qua nhiều cơ nguy theo ông là nhờ có Đức Phật che chở. Ngày nay giấc mơ cuối đời của ông là được về lại đất Bắc, về lại Sài Gòn và mong đóng góp phần còn lại của đời mình cho đất nước.



VẠN MỘC CƯ SĨ BÌNH CHÚ
Con người của Nguyễn Cao Kỳ và quyển sách của ông là những đề tài sôi nổi trong cộng đồng. Nay Nguyễn Cao Kỳ đã ra đi, và bài của Vũ Trung Hiền ,Ký Điệu và Bùi Văn Phú cũng đăng dã lâu, từ khi Nguyễn Cao Kỳ còn sống.Nay tình cờ tìm thấy trên các mạng, hai bài đều có những nhận xét rất xác đáng, bỉ nhân xin phép đăng lại để làm tài liệu cho văn sử. Mà cũng để mua vui  vài phút giây!
Các hồi ký phần nhiều là chủ quan, đề cao, khoe khoang là chuyện thường.


[1].  Nguyễn Cao Kỳ chẳng phải mềm lòng mà bị áp lực Mỹ ma rut lui, nếu cứmng đầu thì bị tai nạn ngay, nhất là tai nạn máy bay!
[2]. Cua gái nhất là trong quán rượu, đâu cần ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt. Lấy gái Pháp chưa chắc giỏi tiếng Pháp cũng như bác ta nói tiếng bồi mà  cũng có vợ Pháp và quen các chánh khách thế giới đó sao?
[3].Cũng như đa số người Việt nói tiếng Anh nhanh như gió, hay hơn Mỹ nhưng không đọc và viết được Anh văn. Nguyễn Cao Kỳ nhờ người viết để mua danh, còn ông không có khả năng fđọc và viết. Xin đừng trách.
[4].  Vô kỷ luqật nhiều phen như thế mà không bị kỷ luật ư? Quân kỷ chẳng ra gì hoặc y có ai đo che chắn?
 [5\ Điểm này Ký Điệu nói sai. Giàu nghèo đều muốn có con và xin con cầu tự. Ai bảo nghèo thì không muốn có con? Quan niệm này chỉ phát sinh ở Âu Mỹ ngày nay. Âu Mỹ ngày nay không con thì xin con nuôi qua các tổ chức quốc tế. Trong Cô Nhi viện cũng có việc mua bán trẻ con.
Cầu tự là cầu xin thần thánh ban cho mình một đứa con để lập tự về sau. Người ta thường cầu tự ở đình chùa hay đền miếu, chẳng hạn như đền Và ở Sơn Tây thờ thần núi Tản Viên, đền Phủ Giầy ở Nam Định thờ công chúa Liễu Hạnh…Tuy nhiên, có hai nơi được coi là “linh” hơn cả, đó là chùa Hương ở Hà Tây thờ Phật Bà Quan Âm và đền Kiếp Bạc ở Hải Dương thờ Hưng Đạo Vương.
Muốn đi cầu tự, trước hết phải giữ mình cho thanh khiết, phải ăn chay niệm Phật để lòng thành của mình động tới quỷ thần, phải tắm nước ngũ vị để tẩy xóa mọi xú uế trần tục.

Còn việc đầu thai như các Lạt Ma Tây Tạng lại là việc khác.
[6]. Ký Điệu nói Cụm từ Con Cầu Tự không thể ghi là "Buddha’s Child" được hết. .Việc viết  Buddha’s Child"do ông  Marvin J Wolf  người Mỹ viết,Chúng ta có thể chê ông Mỹ viết  chữ Viet Nam sai, lầm lẫn nhân danh, địa dang , còn mình là dân Việt sao dám bt bẻ người Mỹ! Dịch chỉ là lấy ý, không thể dịch theo kiểu "mot à mot" được. Vây theo  Ký Điệu Con cầu tự dịch là gì?Vè danh từ  ý nghĩa cũng chỉ tương đối. Danh bất khả danh.  Cùng một chữ nhung mỗi quốc gia, tôn giáo, triết phái, đảng phái quan niệm khác nhau, phải tìm hiểu mới biết rõ.




No comments:

Post a Comment