Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 3 November 2016

HÀN MẶC TỬ = THANH NAM = TÔ THÙY YÊN=

NGUYỄN ĐÌNH NIÊN * HÀN MAC TỬ

NGUYỄN ĐÌNH NIÊN
       100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Theo những tài liệu hiện có và theo sự dò hỏi của chúng tôi, từ các thân hữu còn sống của thi sĩ, những người đàn bà thi sĩ đã kinh qua cuộc đời Hàn Mạc Tử, đó là: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình và Thương Thương.

Sự thật của mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử
Hoàng Thị Kim Cúc thời trẻ - Ảnh: internet


Hoàng Cúc tức Hoàng Thị Kim Cúc là một thiếu nữ ở cùng đường - đường Khải Định, Qui Nhơn - được Hàn Mạc Tử yêu, khi thi sĩ còn là “một chàng trai khí huyết” chưa mắc bệnh nan y. Mai Đình, người đàn bà trôi nổi xấu số, chỉ chiếm được tình cảm thương, chứ không từng được yêu(1). Rốt cuộc, có thể nói trong khoảng đời bệnh hoạn của Hàn Mạc Tử, thi sĩ có hai mối tình lớn, hai mối tình gây thất vọng cho người thơ: đó là tình Mộng Cầm và tình Thương Thương. Tình ái là phạm vi bí mật nhất, u ẩn nhất của một đời người. Bởi vì, đó là Tuyệt Đối. Bởi vì trước nhan Người Yêu, cũng như trước nhan Thiên Chúa, người tình chỉ có một mình đối diện - bằng tất cả sâu thẳm của một hiện hữu im lặng và bí mật. Tình ái là một cuộc yêu dấu, trong đó chỉ có tay đôi, không có và không thể là tay ba. Cho nên, thiết tưởng ta chỉ nên xem những lời chứng của các chứng nhân - tức là những người thứ ba - đối với cuộc tình người, cuộc tình thi sĩ, như là những giai thoại, những mẩu chuyện nên thơ, những huyền thoại ở cái mặt ngoài sáng sủa nhất, rõ ràng nhất của chúng. Bởi vì, tình yêu không phải được phô bày ra bên ngoài ở mặt sáng sủa rõ ràng nhất của nó, mà tình yêu bao giờ cũng được nhìn từ nỗi niềm u ẩn bên trong, bởi tất cả những gì con tim đã âm thầm chịu đựng(2).
Thủ bút Hoàng Thị Kim Cúc trong thư đề ngày 16/10/1987 gởi Nguyễn Bá Tín - Ảnh: internet
Trong các tác phẩm đề cập đến khía cạnh tình ái của Hàn Mạc Tử, có một khuôn mặt đàn bà - một khuôn mặt thiếu nữ thì đúng hơn - được nhắc đến dưới mỹ danh là Hoàng Cúc(3) hay cô Cúc(4) hay K.C(5). Người thiếu nữ xuất hiện trong thơ Hàn Mạc Tử ấy chính là một thiếu nữ có thực ngoài đời, tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc(6) sinh trưởng ở một thôn xóm xinh đẹp vào bậc nhất của Đế Đô Huế, hiện vẫn còn sống độc thân cho đến ngày nay (1970).
Chúng tôi đã tìm đến Cô Hoàng Thị Kim Cúc, để xin được tiếp xúc hỏi chuyện với người chứng trong cuộc tình Hàn Mạc Tử. Với muôn vàn ngại ngùng, và bằng những nghi lễ trang trọng nhất được dành cho một cuộc công bố chuyện tâm tình của hơn ba mươi năm về trước, Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã trả lời chúng tôi. Trước khi vào hẳn câu chuyện, Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã trình bày ba lý do chính khiến cô im lặng, từ chối những cuộc phỏng vấn của nhiều người từ trước đến nay(7). Lý do thứ nhất, lời Cô Kim Cúc, vì đây là một chuyện tâm tình riêng tư, đương sự muốn giữ lấy cho mình, không muốn một ai được biết. Lý do thứ hai, bây giờ Hàn Mạc Tử đã khuất, Hoàng Tùng Ngâm đã xa(8), đương sự có nói sự thực cũng chẳng có ai chứng minh cho. Lý do thứ ba đương sự có ngại ngùng rằng: công bố trên mặt báo chương, nhiều người sẽ không hiểu, sẽ cho rằng mình bám víu vào cái hào quang của một thi sĩ, để tự đề cao mình. Nhưng - vẫn theo lời Cô Kim Cúc - bây giờ chính là lúc đương sự không thể im lặng, bởi vì người ta đã căn cứ vào những giòng chữ ngắn ngủi, ít ỏi, bằng chữ in, để rồi từ đó, người ta xuyên tạc, làm sai với sự thực quá nhiều(9).
Từ trước tới nay, trong các sách báo biên khảo về Hàn Mạc Tử, các tác giả gặp nhau ở một điểm là đều nhìn nhận rằng mối tình HOÀNG CÚC là mối tình đầu của thi sĩ GÁI QUÊ. Thi sĩ hầu như không còn có một mối liên lạc nào nữa đối với Hoàng Cúc sau khi gặp gỡ và thất vọng vì Mộng Cầm, trong khi bệnh phung bộc phát, rồi gặp Mai Đình, rồi say mơ hình bóng mộng Thương Thương…
Quách Tấn, trong bài Đôi nét về Hàn Mạc Tử, đã viết về Hoàng Cúc như sau:
“Chắc cũng có bạn muốn biết:
- Mối tình Mộng Cầm có phải mối tình đầu của Tử?
- Thưa không.
Khi Tử làm sở Đạc điền Quy Nhơn, Tử có yêu một thiếu nữ ở cùng một con đường - đường Khải Định - biệt hiệu là Hoàng Cúc.
Mối tình giữa một anh chàng đôi mươi và một cô nàng mười lăm mười bảy, lẽ tất nhiên là trong đẹp, nên thơ.
Nhưng thường được gần gũi người yêu, thì tâm trạng của Kim lang đêm trăng nơi vườn Thúy, không còn là tâm trạng của chàng trai đời Gia Tĩnh triều Thanh, mà là tâm trạng chung của nòi tình muôn thuở. Cho nên đối với Hoàng Cúc đã có lần Tử muốn gác lễ nghĩa một bên.
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương.
Chân tướng của Tử đã hiển hiện rõ rệt trong bài thơ này. Tình của Tử đối với Hoàng Cúc đâu phải không đượm đà, đâu phải không bồng bột. Tử chỉ giữ gìn đó thôi, dè dặt đó thôi.
Tử gìn giữ cho tình yêu trong trắng.
Tử dè dặt vì nền nếp Nho gia.
Và dè dặt gìn giữ để được thấy dưới bóng đuốc hoa cái gì cao quý nhất của người thục nữ: Tử muốn đưa tình yêu vụng lén đến cuộc hôn nhân.
Nhưng hôn sự bất thành!
Bất thành không phải vì Tử gặp cảnh rủi ro của chàng Kim Trọng. Bất thành vì vấp phải trường hợp của Tản Đà khi nhờ người giạm hỏi Đỗ thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm tham tá sở Đạc điền mà Tử là tùy thuộc - chê Tử không xứng mặt đông sàng!
Tử thôi làm việc ở sở Đạc điền Qui Nhơn để vào Sài Gòn làm báo - chính vì bị chê không có địa vị cao sang. Ghé vào Nha Trang thăm tôi, khi đi Sài Gòn, Tử nói:
- “Đi chuyến này, tôi quyết xây sự nghiệp văn chương cho thật vững vàng, thử xem người ta có còn dám khi dễ”.
Nhưng theo lời Cô Hoàng Thị Kim Cúc trình bày với chúng tôi, thì câu chuyện không có xảy ra đến như thế.
Không phải “hôn sự bất thành” bởi vì Hàn Mạc Tử gặp phải tình cảnh “của Tản Đà khi nhờ người giạm hỏi Đỗ thị. Nghĩa là thân sinh của Hoàng Cúc - lúc bấy giờ làm tham tá sở Đạc điền mà Tử là tùy thuộc - chê Tử không xứng mặt đông sàng”(10) như Quách Tấn đã viết. Mà “hôn sự bất thành” vì một lý do đơn giản hơn: mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử chỉ là một mối tình im lặng. Hàn Mạc Tử không hề ngỏ một lời nào với Kim Cúc. Thi sĩ cũng không hề nhờ băng nhân đến nhà giạm hỏi. Gia đình Kim Cúc lại là một gia đình lễ giáo: thân phụ của Kim Cúc là cụ Hoàng Phùng, đỗ Tú Tài Hán học kiêm cả Tây học, làm Thương Tá Sở Địa Chính tại Qui Nhơn (chứ không phải là tham tá sở Đc điền như thi sĩ Quách Tấn viết). Hàn Mạc Tử, lúc bấy giờ làm ở Sở Đạc Điền - và thi sĩ không phải là thuộc viên của thân sinh Kim Cúc. Tất cả mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc thủy chung xoay quanh “con chim xanh” là Hoàng Tùng Ngâm, vừa là bạn thơ vừa là bạn - chơi của Hàn Mạc Tử.
Từ 1932 - 1936, gia đình Kim Cúc ở tại Qui Nhơn. Hoàng Tùng Ngâm là em chú bác ruột với Kim Cúc và ở chung một nhà với nàng. Một dạo, nhà Kim Cúc ở đường Khải Định, chỉ cách nhà thi sĩ 3-4 căn nhà(11). Tất cả các chuyến đi chơi xa gần ngoạn cảnh, làm thơ giữa Thi Sĩ và Hoàng Tùng Ngâm - ở tận khuê phòng, cô Kim Cúc đều biết rõ, bởi vì đã có Hoàng Tùng Ngâm về tường thuật rõ ràng.
Năm 1936, khi xuất bản GÁI QUÊ, Hàn Mạc Tử có ngỏ ý với Hoàng Tùng Ngâm rằng sẽ cho in lời ĐỀ TẶNG KIM CÚC ở trang đầu tập thơ. Hoàng Tùng Ngâm thuật lại ý định ấy cho chị nghe. Kim Cúc tỏ thái độ không bằng lòng sự đề tặng lộ liễu ấy, nên thi sĩ đã hủy bỏ ý định.
Sau khi in tập GÁI QUÊ xong, tháng 10/1936, ở Huế có mở Hội Chợ - lúc bấy giờ Hàn Mạc Tử đã thôi làm Sở Đạc Điền - thi sĩ có về Huế thăm Huế cùng dự hội chợ. Thi sĩ mang theo những tập GÁI QUÊ, nhưng thi sĩ không tặng cho Kim Cúc tập thơ nào hết(12), trong khi đó các anh em ruột của Kim Cúc - vốn có biết làm thơ, vừa là bạn của thi sĩ - đều được thi sĩ tặng mỗi người một tập thơ vừa mới ráo mực nhà in. Thi sĩ có biết rõ ngôi nhà xinh xắn trong khu vườn yên tĩnh ở thôn Vĩ Dạ của Kim Cúc, nhưng thi sĩ lại giữ ý:
Anh thương em không dám vô nhà
Đi quanh cửa ngõ
như một chàng trai chất phác trong ca dao theo dõi cô “gái quê” xinh đẹp của lòng mình.
Trong lần về Huế này, thi sĩ có xin phép được diện kiến Kim Cúc, nhưng cô thiếu nữ của kinh đô Huế ấy đã từ chối, không cho thi sĩ gặp mặt. Từ sự kiện đó - vẫn theo lời Cô Hoàng Thị Kim Cúc - thi nhân đã viết những dòng thơ sau:
Trăng dầu sáng, còn thua đôi mắt ngọc
Trời tuy xa, lòng thiếu nữ xa hơn
Ái ân là hơi thở của van lơn,
Và thú thiệt cũng chưa thích bằng khóc
(13)
Sau lần ở Huế trở lại Qui Nhơn, thi sĩ mắc phải khổ hình bệnh phung. Kim Cúc không hề hay biết tai họa ấy đã giáng xuống đời một nhà thơ. Bởi vì, suốt trong đời sống, Hàn Mạc Tử không hề gởi thư, không từng viết một dòng chữ nào trực tiếp gởi cho Kim Cúc.
Tháng 7/1939, tập thơ Đường luật MỘT TẤM LÒNG của Quách Tấn ra đời. Hàn Mạc Tử đã đề BẠT cho tập này (từ trang 89 - 93). Kim Cúc (ở Huế) không từng quen biết Thi sĩ QUÁCH TẤN ở Nha Trang(14) thế mà, Hàn Mạc Tử đã yêu cầu Quách Tấn gởi ra tặng Kim Cúc một tập MỘT TẤM LÒNG, với dòng chữ “Kính tặng Cô Hoàng Thị Kim Cúc”, Quách Tấn viết và ký tặng.
Tháng 12/1939, tập TINH HUYẾT của Bích Khê ra đời, Hàn Mạc Tử đề TỰA (từ trang V - XIX). Kim Cúc cũng không hề quen biết Thi sĩ Bích Khê, lúc bấy giờ đương nằm bệnh ở Thu Xá, Quảng Ngãi, Hàn Mạc Tử đã yêu cầu Bích Khê gởi ra Huế tặng Kim Cúc một tập TINH HUYẾT với lời đề tặng đáng lưu ý hơn:
Tăng Ch Hoàng th Kim Cúc, người bn của Anh Hàn Mc Tử - Bích Khê”. Khi nhận được tập này, Kim Cúc đã nhắn Hoàng Tùng Ngâm gởi lại thi sĩ một lời phiền trách.
Cũng năm 1939 - lúc bấy giờ Kim Cúc đương làm giám thị, xem sóc học sinh nội trú ở trường Đồng Khánh Huế - Kim Cúc mới hay biết thi sĩ bị mắc bệnh phung. Mãi đến năm này, Hoàng Tùng Ngâm mới chịu cho Kim Cúc rõ điều đó. Hoàng Tùng Ngâm không quên kể lể với Kim Cúc, đại ý: “TRÍ vẫn không quên chị. Trong khi người ta bệnh hoạn, quá chừng đau khổ, chị cũng nên an ủi”(15).
Cái gì đã gợi ra trong con tim thâm nghiêm của một thiếu nữ khi đột ngột hay tin cái - người - yêu - mình trong bao năm đang bị mắc chứng phung hủi? Người ta có thể - theo ý chủ quan của chúng tôi - tha thứ với bệnh lao vốn là dấu ấn của người trí thức (!). Người ta có thể tha thứ với bệnh đau tim là thứ bệnh của một kiếp phù dung rực rỡ hồng đào trong khoảng khắc để rồi chóng vánh rủ xuống. Nhưng, có ai trên đời này chịu tha thứ cho bệnh phung, một thứ hiện hình ghê tởm gớm ghiếc lu lù ở ngay bề mặt?!
Theo lời khuyên của Hoàng Tùng Ngâm, Kim Cúc đã gởi cho thi sĩ một tấm ảnh. Ít lâu sau, Kim Cúc nhận được - do Hoàng Tùng Ngâm trao lại - bài:
Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ (16)
Chính khởi lên từ bài thơ “Ở đây thôn Vỹ dạ” này, bao nhiêu độc giả và bình giả đã say sưa đặt ra vô số giả thuyết xoay chung quanh “tấm ảnh” của một giai nhân gởi cho một thi sĩ. Nào là người trong ảnh mặc áo trắng. Nào là người trong ảnh là một “cô gái Huế” đứng thơ thẩn trong vườn trúc, đợi chờ. Nào là người đẹp thôn Vỹ mời thi nhân “ra chơi Vỹ dạ”, ra viếng núi Ngự sông Hương.
Kỳ thực, trong cảnh sống riêng chiếc, bệnh hoạn, “nằm trong xanh biếc của trời buồn” Qui Nhơn, Bình định, thi sĩ của chúng ta, có ít diễm phúc hơn nhiều.
Không có hình một thiếu nữ nào hết ở trong tấm ảnh Hàn Mạc Tử đã nhận được. Cũng không có một lời mời “ra chơi Vỹ dạ”(17). Bởi vì, theo lời Cô Hoàng Thị Kim Cúc vừa mới trình bày với chúng tôi - sau bao nhiêu năm trời im lặng, giấu kín - là tấm ảnh của Kim Cúc gởi vào Qui Nhơn cho Hàn Mạc Tử chỉ là một tấm hình phong cảnh cỡ 4 x 6. Đó là một tấm ảnh không người - hoặc nếu nhìn theo con mắt thi nhân thì là một tấm ảnh có người, nhưng người đi vắng cũng thế! “Trong tấm ảnh có một chiếc đò, với một khóm tre, và một cái bóng chiếu xuống nước không biết đó là mặt trăng hay mặt trời. Phía sau tấm ảnh là một câu thăm hỏi, chúc mau bình phục, không đề ngày, và không cả ký tên nữa”(18). Tấm ảnh ấy, Kim Cúc gởi Hoàng Tùng Ngâm, lúc bấy giờ vẫn còn làm ở sở Địa Chính Qui Nhơn, nhờ Hoàng Tùng Ngâm trao lại cho thi sĩ (1939). Sau đó Cô Kim Cúc nhận được bài “Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ” do Hoàng Tùng Ngâm chuyển lại.
Nói như Joubert “Hãy nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy”(19). Đối với người thường, phải có mắt mới nhìn thấy. Thi sĩ không thế. Thi sĩ không nhìn bằng mắt, mà nhìn bằng tim. Thi sĩ nhìn bằng cái nhìn chí tình của mình, đối với mỗi đối tượng ở trong cuộc đời. Từ cái nhìn thẳm thẳm của tình - lang, từ cái nhìn mộng mơ của thi nhân, từ tiềm lực sáng tạo của nhà nghệ sĩ, Hàn Mạc Tử đã viết cho đời một bài thơ đẹp. Chúng tôi xin được phép chép toàn bài thơ ấy ở đây, để ghi lại như một giai thoại của khách tình chủng thi nhân, để làm chứng tích cho những động cơ vốn tiềm mặc u ẩn trong cõi tâm tư thao thức của mỗi con người sáng tạo:
Ở ĐÂY THÔN VỸ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Dầu sao, chúng ta và cuộc đời, cũng nên cảm ơn cái hảo ý của giai nhân. Giai nhân từ nghìn xưa cho đến giờ vẫn là những kẻ - vô tình hay hữu ý - hằng ban tặng một chút “bóng ảnh” - và rất nhiều ảo ảnh - cho thi nhân, để gợi ý thi nhân là những kẻ cầm chiếc đũa thần kỳ diệu, vạn năng của chữ nghĩa trong giờ phút linh hiển sáng tạo.
Mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử không hẳn là mối tình đầu, như thi sĩ Quách Tấn đã bảo, cũng không hẳn là mối tình có kết thúc - Đó không phải là mối tình bị tan rã do bởi hoàn cảnh gia đình nên “hôn ước bất thành” hay bởi sự ngộ nhận giữa đôi người trong cuộc. Thi sĩ có ước hẹn gì cùng giai nhân đâu. Nhưng, đó cũng không phải là mối tình câm bởi vì, giữa giai nhân và thi sĩ vẫn có một sợi dây hồng quấn quít: Hoàng Tùng Ngâm. Theo thiển ý của chúng tôi, đó chính là một mối tình - một đóa hoa mơn mởn nở ra dưới bóng mát bao dung của sự yên lặng. Đó không phải là một mối tình câm, mà chính là mối duyên nở dần ra trong im lặng như lời thơ:
Lâu rồi không nhớ bao nhiêu năm
Từ độ trông nhau hết lạ lùng
Kín tiếng nhưng lòng riêng xôn xao
Ai thấy phong ba nơi bể hồn!
Một bên thi sĩ bên đa tình
Đôi tim dóng then mà hớ hênh
Chập chờn bến Thực hay nguồn Mơ
Hay chính bâng khuâng là ái tình
(20)
Phải chăng là một điều quá đáng, khi chúng tôi dám mạo muội mượn lời thơ Vũ Hoàng Chương để kết thúc ở đây mối tình Kim Cúc - Hàn Mạc Tử?
N.Đ.N


(Bài viết rút ra từ cuốn "Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử")


(SĐB 7/12-12)










----------------------
(1) Nói theo thói thường. Chứ thực ra, trong lòng người đàn ông, nhất là khi người đó lại là thi nhân, lấy cái gì để làm ranh giới giữa thương - thương hại, thương mến - với yêu - yêu dấu -? Con tim thi sĩ có những ngoắt nghéo, gần giống con tim đàn bà, khó mà các chứng nhân ở bên ngoài có thể hiểu thấu được.
(2) Paul Van Tieghem: “non pas l’amour dépeint de l’extérieur comme par un témoin lucide, mais l’amour vu du dedans, tel que le coeur le subit.”
(Le Romantisme Francais - P.U.F., coll. Que Sais Je?.-số 123 tr.29.
(3) Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mạc Tử, Văn số 73 và 74 tr.91.
(4) Đinh Hùng, Ngày đó có em,- Giao Điểm xuất bản, 1967 tr. 7 và tr. 64.
(5) Trần Thanh Mại, HÀN MẠC TỬ, Tân Việt, tr. 102.
(6) Cô Hoàng Thị Kim Cúc, sinh tháng 12 - 1913 (nhỏ thua Hàn Mạc Tử một tuổi), đỗ Tiểu học năm 1928, ở Qui Nhơn từ 1932 đến 1936, và ở Huế từ 1936 cho đến nay (1971). Từ 1938, Cô Hoàng Thị Kim Cúc làm giám thị trường Đồng Khánh Huế. Hiện nay (1971) Cô là giáo sư nữ công của Trường này.
(7) Trước chúng tôi, đã có nhiều giáo sư, học giả của thành phố Huế đến phỏng vấn Cô Hoàng Thị Kim Cúc.
(8) Ở ngoài Bác. Theo Cô Kim Cúc, năm 1943, Hoàng Tùng Ngâm có định viết sách về Hàn Mạc Tử.
(9) Trên vô tuyến truyền hình, trong các rạp tuồng Cải lương, người ta đã diễn trước mắt khán giả những hình ảnh lố lăng, bội bạc, không có thực, về Hoàng Cúc và song thân của Hoàng Cúc.
(10) Quách Tấn,- bài đã dẫn, tr. 92-93.
(11) Do đó, Hàn Mạc Tử mới viết:
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lâm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương
Theo lời Cô Kim Cúc, 2 - 3 lần gia đình Kim Cúc đổi chỗ ở, thi sĩ cũng đổi nhà theo. Năm 1936, Cụ Hoàng Phùng hồi hưu, Cô Kim Cúc theo song thân và gia đình về Huế, ở tại Vỹ Dạ. Hoàng Tùng Ngâm ở lại Qui Nhơn và vẫn làm sở Địa Chính.
(12) Theo lời Cô Kim Cúc, Hàn Mạc Tử muốn tặng sách, nhưng Cô không muốn, nên thi sĩ không tặng.
(13) Trong bài DẤU TÍCH, tập Mật Đắng (Thơ Điên ĐAU THƯƠNG).
(14) Cho mãi đến nay (1971) Cô Hoàng Thị Kim Cúc và Thi sĩ Quách Tấn vẫn chưa có dịp nói chuyện với nhau. Theo địa chỉ của chúng tôi cho biết, mới đây (12-1970) Cô Hoàng Thị Kim Cúc có viết thư vào Nha Trang cho thi sĩ Quách Tấn và yêu cầu Thi sĩ đính chính ít điểm trong bài “ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẠC TỬ” (Báo Văn số 73 và 74 ngày 7-1-1967. Bài này sắp sửa được Quách Tấn cho in thành sách). Chúng tôi không được rõ Thi sĩ Quách Tấn sẽ có phản ứng, thái độ nào, trước lời yêu cầu này.
(15) Thuật theo lời cô Kim Cúc nói với chúng tôi.
(16) Bài thơ Cô Kim Cúc nhận được, thi sĩ ghi là “Ở đây thôn Vỹ Dạ” chứ không phải là “Đây thôn Vỹ Dạ” như chúng ta thấy trong các sách đã xuất bản.
(17) Quách Tấn, bài đã dẫn, tr.94.
(18) Chúng tôi chép lại nguyên văn lời Cô Kim Cúc nói với chúng tôi.
(19) “Fermez les yeux, et vous verrez”.- Les Carnets de Joubert.- Gallimard. Paris, 1938.
(20) Vũ Hoàng Chương.- Yêu mà chẳng biết. Trong “Thơ Say” (1940),- Ta đợi Em từ ba mươi năm,- Tr. 11,- An Tiêm, Saigon, 1970.
Các bài mới
Các bài đã đăng
Chi bộ trí thức (08/10/2012)

TRẦN VĂN NAM * THANH NAM



Lịch Sử Như Ngừng Lại Trong Thơ Truyện Của Thanh Nam

 Trần Văn Nam

Nhà văn Thanh Nam là một trong những người đầu tiên rời khỏi đất nước Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Ông có nhiều tác phẩm văn xuôi. Văn ông hay, chừng mực, nhưng có lẽ vì không làm thành một khúc rẽ văn học, không mang một nội dung với đề tài mới, cũng không là đại diện cho một giai đoạn lịch sử nào đó, nên tác phẩm văn xuôi của ông hình như mờ nhạt với thời gian, đóng khung như một mảnh đời lặng lẽ qua truyện “Buồn Ga Nhỏ” của ông. Đó là một truyện thật đơn giản như không phải truyện theo ý nghĩa cần nhiều tình tiết, vậy chỉ là mảnh đời của một thiếu nữ tên Hảo. Hảo theo gia đình cha làm nhân viên ở một nhà ga xe lửa heo hút, lên đây từ lúc tám tuổi.

 Năm Hảo mười bốn tuổi thì mẹ qua đời, cha sau đó tục huyền với một người đàn bà bán thức ăn trên xe lửa. Gia đình còn có người anh trai làm phu khuân vác ở ga xe lửa, rồi một ngày kia thì bỏ nhà đi đâu không biết và không thấy tác giả nhắc đến nữa. Cuộc sống của Hảọ tiếp diễn như trước khi mẹ mất, với “một ông bố nghiện rượu, yêu những toa tàu và những chai rượu hơn yêu vợ con”. Năm mười bảy tuổi, Hảo lấy chồng già hơn nàng gần hai chục tuổi, lại còn “đen đủi và xấu xí như một đầu tàu xe lửa cũ kỹ”, cũng là một nhân viên trong nhà ga và cũng nghiện rượu như cha vợ. Cuộc đời của Hảo đóng khung, buồn bã với số phận bên người chồng không ra gì như kiếp sống của mẹ trước kia. Một người bạn học của anh trai từ hồi nhỏ, trước có để ý đến Hảo, nay đang làm việc khấm khá ở Sài Gòn, và trở về muốn thố lộ với Hảo một điều gì; nhưng Hảo thụ động dù cũng xao xuyến, nên đã đóng lại những biến chuyển sắp sang trang thành một truyện dài; khép lại lịch sử để chỉ còn là một mảnh đời của một truyện ngắn, “một sự tiếp nối những buồn nản thường xuyên chạy dài như những con đường sắt”.

 


So sánh với cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh, cả hai tác giả đều lấy cảm hứng từ những cuộc đời bình thường trong bối cảnh heo hút. Nhưng đời người dù cho bình dị đến đâu cũng có thể đã từng trải qua bao nhiêu đổi thay, như những người trôi giạt vì một cơn lụt đến ngụ cư nơi xóm ven một chiếc cầu. Nhà văn Nhất Linh đã viễn kiến thấy những nhân vật tầm thường đó cũng mỗi người là một cánh cửa mở của lịch sử, cũng mỗi người là một thế giới tâm lý phong phú, có thể đào sâu thành một truyện rất dài, đúng như nhà văn đã tiên liệu sẽ là “một cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường... sinh hoạt ở trong một cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khi cầu gẫy, và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc cầu gỗ”. Nhà văn Nhất Linh có khuynh hướng mở ra cho lịch sử mỗi nhân vật theo dòng đời đổi thay, trong khi nhà văn Thanh Nam khép lại lịch sử của nhân vật để chỉ thành một mảnh đời lặng lẽ không biến cố.


Về văn xuôi thì như vậy, nghĩa là Thanh Nam không mở ra một hướng nào mới như Nhất Linh đã từ bỏ khuynh hướng viết “tiểu thuyết luận đề” của mình trước đây để có một bước ngoặt khác. Nhưng về thơ thì Thanh Nam tình cờ có một bài thơ thả neo vào một thời kỳ, thời “di tản buồn” đến Hoa Kỳ vào năm 1975. Thơ của ông cảm động qua bài “Thơ Xuân Đất Khách” trong thi phẩm “Đất Khách” (xb. vào tháng tư năm 1983 tai Arkansas, Hoa Kỳ, bài thơ này đề Gửi Viên Linh). Lúc đó, người Việt thật ít ỏi, sống rải rác, không làm thành một cộng đồng đông vui mà cũng phức biệt như ngày nay. Cũng như thơ Cao Tần, thơ ông hiện thực đời sống của một giai đoạn. Nhưng trong khi thơ Cao Tần hậm hực như nguyền rủa, thơ ông chỉ ngậm ngùi buồn đau thế sự:



Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.


Trở lui thời gian vào năm 1975, ra đi như một đứt lìa vĩnh viễn với cố quốc, khó khăn cả việc thư từ liên lạc, huống chi là còn dịp trở về thăm quê hương như bây giờ, trở lui như vậy mới thông cảm với nỗi ray rứt trong thơ Thanh Nam:



Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ.



Hình ảnh cuộc thua trận, ông vẽ ra thật thê thảm nhưng có vẻ chung chung, kiểu sách vở về chiến tranh Đông Tây Kim Cổ, lời thơ như thuộc về thời “Chinh Phụ Ngâm”. Chỉ cái hiện thực đời sống là được ông nói đến một cách đặc thù, diễn ra cho người mới đến Hoa Kỳ. Vào năm 1975, nhà văn Thanh Nam đã ở vào tuổi trung niên, tất nhiên là dở dang khi hội nhập vào xứ người, khó khăn về nghề nghiệp, khó khăn về ngôn ngữ:


Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu.


Nhà văn Thanh Nam đến Hoa Kỳ lúc mới vào thời trung niên, chỉ vào khoảng từ 40 đến 45 tuổi, khoảng tuổi đó kể như đã về chiều đối với người các xứ Á Châu, nhưng đối với tuổi thọ khá dài như bây giờ ở các nước tiên tiến về môi trường sống và chăm lo sức khỏe, thì tuổi đó đang là tuổi tháo vác và sáng tạo trong việc làm. Lại còn vướng mắc vấn đề “sĩ diện”, khiến cuộc đời không thích nghi.

Vì ông vốn là nhà văn thành công khi ở trong nước, đã có trình độ Việt Ngữ hoặc Pháp Ngữ; không muốn đến trường học Anh Ngữ như lớp người mới định cư khác; không muốn đi vào môi trường dòng chính tìm việc làm mà thường là lao động dành cho người không có kinh nghiệm chuyên môn ngành nghề kỹ thuật nào. Vì vậy từ ngày đến Hoa Kỳ cho đến khi mất, nhà văn chỉ lo công việc gần gũi với chữ nghĩa Việt ngữ là làm tờ báo “Đất Mới” cho cộng đồng người Việt. Hơn nữa, cộng đồng người Việt đó lại quá ít ỏi ở một nơi xa xôi gần Canada, tiểu bang Washington. Như vậy thì làm sao đời sống có thể cải thiện khá hơn khi đang ở trong một xứ đáng lý là dễ thăng tiến, do đó ông mới chua chát thấy “Thân phận không bằng đứa mãng phu”.


Chứng nhân của thời kỳ đầu di tản sang hoa Kỳ, đại diện rõ nét về thi ca hội nhập đời sống là Cao Tần và Thanh Nam. Sau cuộc di tản 1975 là thời vượt biên, thời ra đi theo chương trình thỏa thuận giữa chính quyền Việt Nam và Hoa Kỳ, thì mỗi thời kỳ còn nhiều nhà thơ đại diện cho hội nhập buồn hoặc hội nhập vui, hoặc hội nhập tất nhiên. Như giới hạn vào thời di tản có thêm Giang Hữu Tuyên với bài thơ hội nhập buồn “Trời Mưa Đi Phát Báo”, nhưng ít người biết đến cho đến khi Giang Hữu Tuyên mất vào ngày 14 tháng 11 năm 2004 tại Hoa Thịnh Đốn. Cùng đi vào cảng mới ngay cuối cuộc Chiến Tranh Việt Nam, nhưng Cao Tần đã bỏ neo bằng một văn phong lạ, văn phong đưa văn xuôi sống sượng vào thơ như lời nhận định của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong khi đó Thanh Nam chỉ bỏ neo bằng một văn phong cổ kính vào nền văn chương hải ngoại.


Thanh Nam mất ngày 2 tháng 6 năm 1985 tại Seattle, tiểu bang Washington. Như vậy thì ông định cư tại Hoa Kỳ chỉ vào khoảng 9 năm, đó là thời gian khá ngắn để có những đổi thay cuộc sống. Vì vậy bài Thơ Xuân Đất Khách báo hiệu trước sự khép lại lịch sử, chỉ vĩnh viễn là đại diện cho thi ca hội nhập buồn. Nhưng nhà thơ Cao Tần có những biến chuyển từ bất mãn cuộc sống buổi đầu, sang giai đoạn làm những việc an nhàn đều đặn mà tác giả khiêm tốn gọi là tháng năm hèn; thơ có sử tính đi từ hậm hực sang bình thản với cuộc đời:



Râu lâu lâu cạo, lâu lâu để
Cho tháng năm hèn tí biển dâu...
Thôi thì ta để râu cho quen
Mai mốt tìm về nơi tịch mịch
Vuốt ngậm ngùi dăm sợi thần tiên
Cho những đời sau làm cổ tích.

(Trích bài thơ Gửi Thảo Trường)


Thơ Thanh Nam, trái lại, đã chấm dứt sử tính. Cái chết của ông đình chỉ mọi sự đổi thay về cuộc sống. Nếu còn sống lâu, biết đâu chừng ông có dịp thành công về mưu sinh, để thi ca lại có lịch sử từ những phản ánh lạc quan hoặc cởi bỏ bon chen để hướng về siêu thoát.


“Buồn Ga Nhỏ” của Thanh Nam khép lại lịch sử bằng lối viết có vẻ như tác giả không muốn mở rộng tình tiết để một mảnh đời thành một cuộc đời chất chứa trong truyện dài. Còn thơ của Thanh Nam mãi mãi là thơ hội nhập buồn do định mệnh đã khép lại lịch sử./.

Walnut, California, tháng 11.2007

Trần Văn Nam


NGUYỄN THIÊN THỤ *TÔ THÙY YÊN



TÔ THÙY YÊN

NGUYỄN THIÊN THỤ

Sau 1975 ông bị tù ba lần, tổng cộng 13 năm tù cộng sản, ông và gia đình đến Mỹ năm 1993, cư ngụ tại St. Paul, Minnesota, Mỹ (Bà Thụy Vũ còn ở lại Sài Gòn) .
Tác phẩm:
-Thơ Tô Thùy Yên xuất bản ở Mỹ năm 1995.
-Thắp Tạ. Houston, Texas, Hoa Kỳ, 2004.

Chúng ta có thể lấy mốc thời gian 1975 để phân định giai đoạn văn học, và giai đoạn sự nghiệp của đa số văn nghệ sĩ miền Nam . Do đó, chúng ta có thể chia thơ Tô Thùy Yên ra hai giai đoạn:



Giai đoạn I: Trước 1975
-Giai đoạn II. Sau 1975.


Trên tạp chí Sáng Tạo, Tô Thùy Yên thường làm thơ, viết truyện, nhưng thường xuyên là thơ. Ông làm thơ xuôi, thơ tự do không vần, nhưng phần lớn thơ ông lúc này rất bí hiểm như thơ Thanh Tâm Tuyền.
Anh thường tự cật vấn có phải bởi anh là quanh cảnh bãi cát biển khơi mùa rét mướt, có phải bởi anh là cánh chim lẻ bầy bị nhiễm hoàng hôn sao cuộc đời lại như triều nước con kinh, sao cuộc đời lại như ngày không hạt cơm nào?
( Nhân nói về một danh từ riêng. Sáng Tạo 24, tháng 9-1958)

Thi ca của Tô Thùy Yên sau 1975 là một bước trỗi dậy của tâm thức và của nghệ thuật. Sau 1975, ông đã nói lên tiếng nói của dân tộc, một dân tộc yêu chuộng hòa bình đang quằn quại trong gông cùm cộng sản. Tô Thùy Yên đã nói về những thăng trầm và khổ đau của đời ông trong cơn lốc thế kỷ trong nhiều bài thơ viết sau 1975. Hai chữ TA VỀ của ông mang nhiều ý nghĩa. Trước tiên là quy cố hương sau bao năm tù đày. TA VỀ cũng có ý nghĩa « sinh ký tử quy », ai rồi cũng về cõi vĩnh hẳng, nhất là lớp người thất thập lại thấy ngày về gần hơn !.


Mười năm trong trại tù, ông mới được thả về. Ông nói lên tâm trạng ông trên đường về:
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
. . . . . . . . . .

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẫn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
.( Ta về)

Ông chấp nhận thực tại đắng cay của người thua thiệt:

Hề ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô
. . . . . . . . .

Hề ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày cho hết đời ta.

(Hề ta trở lại gian nhà cỏ)

-Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt săp vô danh.
. .( Ta về)


Một đôi khi, Tô Thùy Yên cũng có chút lạc quan yêu đời vì trong địa ngục ông vẫn thấy có hoa nở, có bếp lửa ấm:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui vì nỗi lẻ loi.

. . . . . . . .

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
( Ta về )



Khi ông trở về ngôi nhà cũ, mọi sự đã là đổ vỡ. Nhà tan cửa nát, ông phải tu bổ lại, và phải xây dựng lại cuộc đời:

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa
Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào gỗ đá ơi.
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi.(
Ta về)


Nghĩ về mình, về quốc gia, dân tộc, Tô Thùy Yên không khỏi xót xa vì chúng ta đã bị lũ lang sói tàn sát:

Lâu rồi quên cả bao lâu,
Thí thân, há sá tóc râu rộ tàn.
Một lần núi đổ sông dâng
Vắt cơm, hớp nước, âm phần là đây
Đêm nằm lệ chảy mòn tay
Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều
Mịt mùng gió lửa hiu hiu
Bóng nào khóc, bóng nào kêu não nùng
Thịt rơi xương rụng trùng trùng
Một thời thế ngã với từng xác thân. (
Hái rau)


Cái hình ảnh 'thiên địa dậy binh lửa', ( cũng giống như Chinh phụ ngâm thiên địa phong trần) cái hình ảnh tan vỡ của ngày 30-4-75 luôn hiện rõ trong tâm tưởng thi nhân:

-Nhớ xưa thiên địa bày hoang hạn,
Sông cạn, đầm khô, rừng rụi tàn
Gió đuổi trùng trùng sa mạc chạy
Thú sẩy đàn, nhân loại lìa tan.. . . .
Người chết không còn người dọn cất
Bỏ mặc tình quạ mổ diều tha.
( Lão trượng )


-Nhớ xưa thiên địa dậy binh lửa
Xứ xứ rần lên người giết người
Xứ loạn rừng kêu rú nhật nguyệt
Ruộng hoang, thành trống, ai tìm ai?

. . . . . .


Nhớ xưa thiên địa làm ly tán
Anh em nhà không ngó mặt nhau
Người chạy về thành, kẻ nhảy núi
Dốc đời cho một cuộc chiêm bao. . ( Hái rau )

Tô Thùy Yên đã ghi dấu tội ác của cộng sản lên trang sử nuớc Việt:


Mòn mỏi, thành Nam, nghĩa sĩ tận
Kèn chiều mấy tiếng lạc trời quê. . .
Pháp trường úng máu, khí xung uất. .. .

( Nhớ có lần trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát)


Thơ của Tô Thùy Yên sau Sáng Tạo, nhất là sau 1975, là thơ hiện thực, là thơ tranh đấu, là thơ phản chiếu lịch sử quốc gia.

Ta nhớ dăm ba hình ảnh cũ
Lờ mờ như nhớ lại tiền thân.
Đời ta khi trước vui vầy thế
Bỗng thảm thương nghìn nỗi ngói tan
Đem thân làm gã tù lưu xứ
Xí xóa đời ta với đất trời
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi
Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo. ( Tàu đêm)


Bao năm buồn cho phận mình lưu lạc, thương cho quê hương tràn ngập trong sương khói, bây giờ khoảng 70 tuổi đời, ông cũng giống như bao người đi trước ông, nặng lòng nghĩ đến một ngày phải lên đường trở về cõi Không. Cuối cùng, mọi người đều phải đi tàu tốc hành (đi tàu suốt), và chỉ mua vé một chiều ( One way ticket)


NHỮNG THÀNH PHỐ MÀ TA KHÔNG GHÉ LẠI


Anh cũng như em đều từng trượt lỡ, trượt lỡ
Những cơ may
Thoáng vụt
Không chừng đã mở sáng cho ta
Những con đường khác hẳn
Đưa về những trạm dừng cũng khác hẳn ...
Nơi ta được chính mình
Như được bạc
Ở một nhà sòng cực cao sang.
(Nhà sòng đó cuối cùng phải đóng cửa.)


Và ta đứng lên sừng sững rỡ ràng
Giữa trăm nghìn con mắt sửng lặng
Đích đáng một lần trên trần gian.
Ôi những trượt lỡ thương tâm
Hoặc do mình hoăc chẳng phải do mình,
Thường khi không hiểu nổi
Như tính tình phản trắc của tương lai.

. . . . . . . .


Mai ta đi rồi.
Mai ta đi rồi,
Họa chăng còn một ít tàn tro
Từ bếp lửa qua đêm ngoài quãng trống.
Gió thổi bay tan
Trong một khoảng luyến thương
Nghe chừng cũng ngắn ngủi.
Ôi những thành phố mà ta chỉ băng
Mãi còn mơ ước ghé.



Sáng Tạo là giai đoạn I của Tô Thùy Yên tuổi trẻ. Thơ Tô Thùy Yên sau 1975 là một bước nhảy vọt. Và Thắp Tạ là một chuyển mình. Nhưng ba giai đoạn đều là thơ triết lý. Ta về, Lão trượng, Hái rau là những tiếng thở dài của thời loạn, của một tù binh trở về nhà cũ đổ nát. Thắp Tạ là nỗi đắng cay khi nhìn bóng xế chiều tà.


Thắp Tạ có 45 bài thơ, gồm một số bài thơ cũ đã sửa chữa như Lão trượng, Nhớ có lần trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát, Hái rau. . .. Thắp Tạ có nhiều bài thơ hay, và đó cũng là nỗi niềm u uất của một thi nhân vong quốc.



THẮP TẠ

tặng Huỳnh Diệu Bích


Một mình nàng lên núi chan chứa
Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri
Về sau, đời có ra sao nữa
Cũng đã đành tâm sẵn một bề


. . . . . . .


Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Biển Đông đã một ngày xe cát...
Đắm giạt, mơ lai kiếp dã tràng.


Trong Thắp Tạ ông bày tỏ lòng yêu thương lẫn thù hận .Cũng như Nguyễn Đính Chiểu, ông yêu kẻ hiền lương, giận quân gian ác. Hai câu này được đặt ở trang đầu :


Thắp tạ càn khôn một vô ích,
Thắp tạ nhân quần một luyến thương


và ở đoạn sau


Người nhớ người mà cũng sợ người

( Nhớ có lần trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát)



Thắp Tạ cũng như trong các thơ trước, bi quan và lạc quan nối tiếp nhau


-Nhìn cuộc sống còn nửa thức nửa ngủ
Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya.

( Đường trường đêm)


-Dưới đất ta, đất nào chẳng võng,
Đời quẫy gây chao đảo thất thần.
Thôi hãy mừng còn đứng được trên đó. . .

(Nỗi mình lần giở)


Thắp Tạ là nói về chuyến đi trong tương lai, là những chuẩn bị tư tưởng cho cuộc hành trình sau cùng của một kiếp người. Ý tưởng này đã có lần trình bày trong Thơ Tô Thùy Yên như bài Những thành phố mà ta khôn ghé lại, nhưng lần này đậm nét hơn. Tác giả viết:


-Thức cho xong bài thơ
Mai sớm ra đi
Cài lên cửa tặng. ( Tặng phẩm)

-Đi như đi lạc trong trời đất
Thủy tận sơn cùng xúy xóa ta.
Cõi chiều đứng lại khóc như liễu
Có thật là ta đi đã xa.( Đi xa)

-Hay là vẫn mỗi cơn mê,
Trùng trùng mây sóng đi về tụ tan?
Tới luôn vượt vượt ngỡ ngàng,
Mà coi sau phía hoang đàng có chi.
Đằng nào cũng một lần đi,
Thêm vui,bớt tẻ, thôi thì tự ta. ( Cơn mê)


Chúng ta thấy Tô Thùy Yên mang tâm trạng vội vàng ra đi vì thời gian đã kề cận:


-Trời rạng. Chuyến đi không hoãn được.
Bài thơ tâm phát dẫu chưa xong.
Xin vẫn cài hờ lên cửa tạ.( Thơ tạ)

Thắp Tạ cho ta thấy tâm hồn cô đơn của tác giả.


-Mặt trời mọc đã quá lâu
Bức bối nỗi trần thân cô độc.( Dừng bước)


-Đơn thân trồng giữa mênh mông.

(Gặp gỡ giữa đường)


Trước đây, tác giả đã nhiều lần nói lên cái cảm giác cô đơn của ông. Tác giả cô đơn vì bại trận, biến thân tự do thành đời tù nhân đày đọa, và khi trở về nhà cũ, cha me, anh em, bạn bè, thành phố, cảnh vật đã đổi thay theo chiều hướng xấu. Nay sang Mỹ, ông cảm thấy lạc lỏng vì ông phải sống lưu đày trên đất Huê Kỳ xa lạ:


Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn,
Anh không còn muốc tự liệu định
Tốc độ cao gài cố định mặc,
Đường trường lái băng đêm.,
Như tự nguyện thất dại .


. . . . . . . . .


Nhìn cuộc sống còn nửa thức nửa ngủ
Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya
Tìm đâu một chốn ấm hơi đời?

( Đường trường đêm)


Thắp Tạ là cái nhìn trở lại về đời mình, là những cảm tưởng về bản thân, là bản tự phê khi gần kết thúc một định kỳ. Ông cho rằng đời ông là đau khổ, là gian truân:


Mãi vận nghiệt vào ta,
Nỗi bất ổn làm người. ( Vận nghiệt)
Một đời hư bỏ liều mưa nắng.
. . . . . . . .

Bây giờ ta đã lỗi thời đặc. ( Nỗi mình lần giở)
Đa số thi sĩ thành công là nhờ những bài thơ thuở niên thiếu, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng nổi tiếng là nhờ những bản tình ca lúc bình minh cuộc đời vừa lên. Thơ trước 1975 của Tô Thùy Yên mang nhan sắc tầm thường của cô gái mười ba. Nhưng sau 1975, thơ ông như cô gái dậy thì mà nhan sắc đã làm choáng váng nhiều kẻ tình si. Có lẽ tang thương của bản thân ông và đất nước đã cho ông một cảm xúc mạnh, và thay đổi tâm tư và tài năng. Rõ là cái học của đại học Văn Khoa và những sách vở Đông phương đã ảnh hưởng nhiều đến thơ ông. Thơ ông mang ý vị cổ kính của Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Kinh Thi , Đường Thi và kinh Phật:


Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm cổ lục đã ai ghi ?( Ta về)
Than ôi! Trời đã bỏ rơi dân! ( Mùa hạn)


Rau hạnh, rau vi từ lúc có
Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi
Cửa đẩy lầm, vô lường cuộc diện
Ba ngàn thế giới đã nhà chưa? ( Thắp tạ)


-Cổ kim chung một mái trời


Kinh Thi cũng có bóng người hái rau.(Hái rau)

-Trời đất vô ngôn lại bất nhân

( Hề ta trở lại gian nhà cỏ)


Ông thiện nghệ trong việc láy đi láy lại một từ: Ta về...Ta về..

Người nhớ người mà cũng sợ người

. . . . . . . . .


Trời ơi! Những xác thây la liệt,
Con ai, chồng ai, anh em ai?

( Nhớ có lần trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát)


Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu

. . . . . . . .


Ngựa thở gào hển thở hào hển
Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau. .

( Cánh đồng con ngựa chuyến tàu)


Cách dùng chữ của Tô Thùy Yên rất tuyệt diệu, mang một tính cách mới mẽ và mạnh bạo:


Kể từ đây thế giới cư tang .

. . . . . . . . .

Ta gắng về sâu lòng quá vãng
Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên

. . . . . . . .

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

. . . . . . . .


Ta về như tứ thơ xiêu tán

Trong cõi hoang đường trắng lãng quên ( Ta về)


Nghệ thuật của ông rất cao, và ông thường dùng lối ẩn dụ:


Trên dốc thời gian hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô (Ta về)
-Đôi bàn tay vỗ những âm thanh
Loan báo trần gian buổi thượng trình..
Của các vương tôn miền trí tuệ

( Mòn gót chân sương nắng tháng năm)



Sau 1975, Tô Thùy Yên thiên về dùng trường ca. Bài Ta về, Tàu đêm, Mòn gót chân sương nắng tháng năm, Hái rau, Hề ta trở lại gian nhà cỏ. . . là những bài thơ hay vì lời hay ý đẹp và hình ảnh rất nổi bật:


-Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can


. . . . . . . . .


Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủơ trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta ( Ta về)


Thơ của Tô Thủy Yên lời đẹp, ý sâu là đỉnh cao của nghệ thuật tượng trưng.Tiếng thơ của Tô Thùy Yên là tiếng thơ quê hương, tiếng thơ ngục tù. Thơ của ông là những hạt ngọc trong kho tàng văn học lưu đày của người Việt hải ngoại. Cuối năm 2004, tác giả 70 tuổi vẫn còn làm thơ, xuất tiền in thơ, tình yêu thơ của Tô Thùy Yên rất lớn lao!

(Trich NGUYỄN THIÊN THỤ -VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ TOÀN THƯ,
 6 TẬP-  gần 5000 trang. Sẽ xuất bản nay mai)

No comments:

Post a Comment