Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 30 November 2016

TRẦN HỒNG CHÂU=SƠN TRUNG=DI TẢN=NGÔ ĐÌNH DIÊM=

Saturday, April 20, 2013


TRẦN HỒNG CHÂU * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG

 

BIỂN OAN KHIÊN 
TRẦN HỒNG CHÂU


biển vẫn biển quê hương
nối dài muôn trùng sóng
hồ khoan vẫn bắc cầu vồng nhớ nhung
lửa tiếp sức vẫn từ lòng đất mẹ...

nhưng dưới sâu
sâu nữa
vạn hồn thuyền nhân
sớm đi tối về
vẫn oan khiên
ngập tràn biển đông!

nước biển có giải oan
trắng tinh hồn nhược tiểu?
nước biển có mặn chát
vạn niềm đau ?
nước biển có rửa sạch
ý thức hệ đen
đồ thán
chất ngất trời xanh ?

sóng vật vờ
sóng thành đỉnh Hy Mã
sóng thành vực A tỳ
thuyền lá tre vút lên lời nguyện cầu
đỏ thương đau
một hạt cát trong vô cùng sa mạc
một giọt nước trong vô cùng đại dương

đoàn hải khấu
ác điểu đen
bỗng đổ sập xuống một trời bóng tối
nữ tu, thôi hết nữ đồng trinh
nghĩa phu thê, thôi lời vĩnh biệt
em gái nhỏ, thôi nhé
dẫm nát một búp hồng non!

mắt loạn thị
đầu hoang tưởng
nhãn ngư, ngư nhãn
điệu hồ khoan, ơ hờ!
ta đã đi đến tận cùng của chịu đựng
đi! cho ta nắm bàn tay tuyệt diệu
cho ta vào lòng biển sâu
vào giấc ngủ vô thường...

dưới sâu vẫn vô vàn cánh bay
dằng dặc
dây xích oan khiên
về lòng đất
ai đây tiêp dẫn
chúng sinh hồn trầm lạc ?

Trần Hồng Châu
( Nhớ Đất Thương Trời )


 MẸ ÂU CƠ HÔM NAY KHÓC HAY CƯỜI ?

Tin AFP rao truyền khắp năm châu bốn biển
‘’Trong năm năm gần đây 5000 (hay 50,000?) con gái Việt Nam đã được bán buôn dưới nhiều hình thức’’
Những người con gái từng thấy trong ca dao
Trong thơ Nguyễn Bính chân quê
Trong thơ Hàn Mặc Tử chị ấy năm nay còn gánh
thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
50 năm trước đây, thời thực dân mấy đời
bánh đúc có xương
Họ còn được là cô dâu trinh trắng nón quai thao về
nhà những chàng trai quan họ quần chùng
áo dài nguyên nếp tình quê
5000 ngưồi con gái Việt Nam ấy, hôm nay sau cơn mê sảng ý thức hệ,
mà họ không hề tạo nên,
đã là món hàng tươi sống xuất khẩu

1. Về những phường dạ lạc Hồng Kông
2. Về những xóm yên hoa Ma Cao
3. Về đảo quốc Đài Loan xả xui bằng chữ ngàn vàng
4. Về vùng Lưỡng Quảng chiều mưa biên giới em đi về đâu?
5. Về niềm tủi nhục ngửa nghiêng Vọng Các thủ đô
ổ nhện suốt sáng thâu đêm. . . .

 Người đi xa xuất khẩu hàng tươi sống

Suốt đời đánh mất mái chùa rêu phong.
Mất giọng bồng mạc mát tươi đồng quê
Mất điệu hò mái nhì và lý ngựa ô.
Mất tiêu mất tích!
Người ở lại

1. Bia ôm pha nước mắt
 Đắng đến lưỡi tê dại
Bia sóng sánh vàng
Ngàn vàng cũng mất
Mất tiệt mất trắng
Mất tích mất tiêu
Trong buồng khách sạn đen
Đêm trắng sex tours
Của tư bản cũ
Pháp: On va boire un coup?
Mỹ: OK Salam! Make love not war!
Của tư bản mới:
Đại Hàn đi tìm kim chi bản xứ
Hương cảng mê của lạ nguyên xi, nguyên chất
Mã Lai Á con dân ông hoàng tỷ phú có tên trong bản phong thần Fortune
Người Thượng không từ Pleiku tới bỗng dưng vớ được " cây quế giữa rừng

2. Sân golf nhặt banh cho chủ tư bản đủ loại
Và làm đủ việc cho anh hai chi tiền.
Trước ống kính nón bỗng che nửa mặt phong trần
Để bớt ánh nắng hè soi mói
Để nhẹ hờn tủi và ngượng chín người 
Vì khắp thế giới  không đâu có đoàn gái trẻ xách rổ đi nhặt banh golf
Cho người ngoại tộc tiêu khiển trên sân cỏ nham nhở một bầy dê râu xồm

Mẹ Âu Cơ hôm nay khóc hay cười
Trái tim mẹ chợt vỡ tung vào lịch sử
Bùn đen pha lệ đắng 
Giữa tiếng cầu tài vô duyên
Giữa tiếng cọ xát xương sống gập đôi mềm nhũn
Của những đỉnh kinh tài hối mại
Xun xoa trước những khuôn mặt tư bản ... dẫy chết
Bóng nhẫy tự mãn
Phè phỡn ngạo mạn
Mẹ Âu Cơ đã sống 5000 năm văn hiến để hôm nay thấy hơn 5000 con gái thương yêu của mẹ
Run rẫy đi ra trong nguồn lệ chảy
Về đỏ xanh phường dạ lạc Hồng Kông
Về đen đủi đêm Bangkok  thủ đô ổ nhện
Về đổ bác yên hoa Macao cầm vợ đợ con....
Mẹ Âu Cơ hôm nay khóc hay cười
Mẹ còn nước mắt hay không?

( Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây. Mẹ Âu Cơ hôm nay khóc hay cười?)


BUỔI CHIỀU GÓC CẠNH

 Một buổi chiều góc cạnh xù xì
Tôi hay ai đó
Người tiền sử trần truồng Thượng Đế
Người giả tưởng thiên niên kỷ 03
Mới ra lò kỹ nghệ gene đa sắc tố
Thằng người 5 mặt, 16 tay?

Tôi nghe lớn dần
Căng phồng từng thớ thịt biếng nhác
Cùng cánh đêm mãn khai
Hoa quỳnh đua việt dã
Mình gồng theo  thời gian tím lilas

Lớn dần hay không lớn?
Bằng tím nâu dòng suối Coca mười năm hãm tài
Bằng hamburger  Thái Sơn sỏi đá thần sầu
Chặn ngang thực quản đầu bò ngoan cố
Tôi trôi theo biển đời cười khóc
Giữa phố phường lì lợm gầm gừ
Đô thị gồ ghề
Gai góc
Nóng nung tái mặt
Lạnh đông cháy người !

Trôi hay không trôi?
Giữa lằn đường vàng trắng khó đăm đăm
 Lằn đường, lane đường
Mù mịt tít mù
Chạy mút mùa như đời cải tạo không án lệnh
Chạy phân minh nhị nguyên
Như đường ranh tư bản dẫy chết. . . vẫn sống nhăn răng
Như đường ranh vô sản tiến nhanh tiến mạnh về thiên đường mù.

Trôi  hay không trôi
Giữa đám đông quan chức miền hùng biện tam thập lục sứ quân hải ngoại
Giữa đám đông đàn bà phấn trát kim cương và hợm hĩnh đầy mình giầu xổi
Giữa sân khấu tạp lục đường phố
 Bolsa. Nhìn xa
Động. Xuyên mình thế kỷ
Bon xà
Khẩu Phật tâm xà
Tôi yêu đường phố này vô cùng
Tôi ghét đường phố này vô cùng!

Cuối thế kỷ rồi
Phất phơ dòng đời
Thân không thuộc về ai
Hồn chẳng bám vào đâu
Nỗi nhớ quằn quại cờ thất tinh miền châu thổ
Một mình
Một mình

Ngả tư Magnolia
Magnolia ?
Mộc lan? Trà mi? Em xuống mau
Từ trời xanh thẳm
Từ cánh hạc vàng

Mặc Lan? Magnolia?
Tôi cùng đường rồi
Hết trốn chạy
Em xuống mau
Cho mình theo ghé!
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây . Buổi chiều góc cạnh)




LÀM THƠ SAU CƠN HỒNG THỦY

Từng dòng thơ
 xé đôi xé ba
xé ngang xé dọc
từng mảnh tâm hồn đi ở đậu
cách xa nhau thật bất ngờ!
Bạn A một mảnh, Minh Phụng
bạn B một mảnh, Phan Đình phùng
Cái đầu trên gác xép gói bát hương
 Cái đuôi gói kín sau tủ sách
trong bìa thơ Đoạn Trường

Gia đình ly tán
bài thơ chia cắt hình hài
như hổ tướng ngoài sa trương Tam Quốc
đầu vùi cát bụi cửa Hàm Cốc
thân chôn lau sậy Động Đình Hồ
đầu vùi Tam giáp TRường Giang
thân chôn vách đá mấy hàng Ly Sơn
ngàn mắt cú vọ
nhìn mà chẳng thấy
chẳng hiểu
nhà thơ thành gian thương giấu hàng
chơi hú tim chữ nghĩa
cười nổ tung những khuôn mặt đen

ôi xót xa
thương quê hương tan tác
thương đồng bào phân ly
thương cho thơ
những mảnh hồn xé lẻ
nổi trôi
đợi ngày đoàn tụ

nhất định
sấm sét cuồng phong sẽ vùng dậy
từ những đốm lửa nhỏ
từ những di động vi ba
Tần Thủy hoàng chết khô
Trong lửa đỏ Hàm Dương
phần thư! phần thư!
nhưng bài thơ vẫn tồn tại
trọn vẹn
ung dung
trên nẻo đường khai phá
nẻo đường tự do
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây. Làm thơ sau cơn hồng thủy)









SƠN TRUNG * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG




NHẬT KÝ THÁNG TƯ
Sơn Trung

Tháng hai, tháng ba,mùa xuân buồn
Huế, Đà Nẵng,Buôn Mê Thuột...
Đã biến thành sa mạc, rừng hoang
Với bao nhiêu đạn bom và xác chết không nguyên vẹn.
Cộng quân đã tiến gần thành phố...
Tại Sàigòn, hàng ngàn người ,hàng vạn ngưòi
Bao quanh tòa đại sứ Mỹ ...
Để cầu xin ân huệ cuối cùng.
Ngày 27, 28 tháng tư,
Có những chuyến tàu ra đi
Có những người bị đạp xuống biển
Có những người bám vào trực thăng
Bị chém đứt tay
Có những nhà tu hành
Cũng tranh giành
Một chỗ ngồi trong địa ngục
Có những bà mẹ cười khóc
Ôm đứa con đã chêt bốn năm ngày.
Có những người tuyệt vọng.
Đi lang thang trên thành phố không đèn.
Đường Tự Do, Lê Lợi không còn quán cà phê
Trước rạp ci nê :" Cơn Đại Hồng Thủy" vài đứa trẻ bơ vơ.
Những Bình Khang , những Xóm Mới vắng khách giang hồ.
Những người bạn thân mến,
Đã đến giã từ...
Những cột đèn âm u
Của thế giới địa ngục
Đứng rời rã trong đêm lao tù
Đêm 29 tháng tư
Cộng quân pháo kích vào thành phố
Lửa cháy, nhà đổ!
Và sáng 30 tháng tư,
Cộng quân đã vào thành phố
Chúng đi trên những chiếc xe tăng
Mặt mũi hung hăng,
Chúng chĩa súng bắt dân hoan hô rầm rộ...
Lịch sử đã sang trang,
Những dòng chữ đen đúa, nghệch ngoạc
Những chủ nhân ông mới từ rừng sâu tiền sử
Và từ trong hang
Những quỷ dữ
Những quỷ nhập tràng
Đi cướp bóc các tư gia
Các ngân hàng
Các cơ quan, các kho tàng
Chúng chia nhau những căn nhà,những biệt thự
Những xe Suzuki, Honda
Tú Xương, Thanh Quan, Đồng Khánh, Rex
Cư xá Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Kim, Thanh Đa
Đâu đâu cũng thấy dép râu, nón cối
Những đàn bò trong thành phố hoàng hôn...
Nhân dân tôi trở thành nô lệ
Hoặc trở thành những kẻ không hồn
Một nửa ngồi tù, một nửa thất nghiệp
Đọa đày, đói rách
Tất cả chúng tôi trở thành những con chuột bạch
Cho những kẻ ngu si hống hách
Tự xưng trí tuệ và anh hùng
Làm thí nghiệm hay làm trò chơi dối trá
Anh em chúng tôi
Một số cúi đầu
Một số đứng lên quật khởi
Vinh Sơn,Lê Quốc Quân,Trần Văn Bá
Một số xuyên rừng sâu
Một số vượt biển cả
Một số người đã chết ở Trường Sơn, Tam Biên
Một số bỏ xác trong miệng cá
Một số chết trong nhà tù
Nhưng hàng vạn người đã đứng lên
Thái Bình , Xuân Lộc, chùa Thiên Mụ


Quảng Độ, Huyền Quang,
Là những con người bất khuất
Chúng tôi đã viết thành lịch sử
Và sẽ viết nên những trang oai hùng
Của Lê Lợi, Quang Trung
Đấu tranh cho tự do và dân chủ
Xây dựng Việt Nam hùng cường



TÔI SẼ TRỞ VỀ
Khi tôi trở về,
Thăm lại non sông,
Chúng ta có còn gặp lại nhau không ?
Khi tôi trở về,
Em đã lấy chồng,
Hay còn chiếc bóng phòng không?
Khi tôi trở về,
Em má đỏ môi hồng,
Hay mái tóc như bông?
Khi tôi trở về,
Em mang áo rét mùa đông,
Hay đã yên nghĩ trên đồi thông?
Tôi sẽ trở về,
Thăm lại mái nhà xưa,
E không còn gặp lại mẹ già
Tháng năm còm cõi nắng mưa.
Căn nhà quạnh quẽ,
Ngõ trước vườn sau,
Không còn ngào ngạt hương cau,
Và không còn riu rít tiếng chim sâu….. .
Tôi sẽ trở về,
Thăm lại ngôi trường xưa
Nhưng tôi mất dấu địa đàng,
Ngôi trường đã thành cổ mộ,
Chôn đi bao quá khứ yêu thương.
Làm sao tôi nghe tiếng reo vang,
Lúc ra chơi sân trường nắng ấm quê hưong.
Và tiếng trống tan trường,
Tiếng chân nhỏ đi về trong xóm vắng.
Tôi sẽ trở về,
Thăm lại giòng sông xưa
Tôi đứng bên này bờ
Nhìn sang bên kia bờ.
Sương khói mênh mông trường giang rộng
Đâu còn em áo trắng đơn sơ?
Tôi sẽ trở về,
Thăm lại thành phố cũ,
Thăm những con đường xưa ta đi,
Thăm những đêm dài đại lộ,
Nhưng đâu còn hàng me cổ thụ,
Và những hoa phượng rơi rụng chiều mưa?
Tôi sẽ trở về,
Sẽ đi tìm những căn nhà không số,
Và những nguời đã mất tên.
Tôi sẽ đi tìm lịch sử
Của một thời hoa niên.
Tôi sẽ trở về
Và sẽ không quên, không quên.

Tháng 3 - 2002

 YÊU GHÉT


Tôi mang linh hồn Nguyễn Đình Chiểu.
Lòng đầy những ghét, những yêu.
Tôi yêu những người trung hiếu,
Tôi ghét lũ quỷ ma.
Tôi yêu Vương Thúy Kiều,
Và Kiều Nguyệt Nga
Là những đóa hoa,
Ghét Trịnh Hâm, Bùi KIệm.
Là một lũ gian tà .
Tôi lấy bút làm gươm đâm kẻ ác.
Ngàn năm bút vẫn không tà.
Tôi ghét bầy gian manh.
Tôi yêu hòa bình,
Ghét quân xâm lược, gây chiến tranh.

Tôi yêu Khổng Tử
Và những trang tứ thư, ngũ kinh.
Chan chứa bao tình.
Tình yêu đất nước và tình yêu gia đình.
Tôi yêu Lão tử Đạo Đức kinh,
Vô vi thanh tĩnh
Chống cạnh tranh, yêu chuộng hòa bình.
Và Trang tử Nam Hoa kinh
Trang sinh là bướm,
Hay bướm là Trang sinh?
Tôi yêu Lý Bạch, Đỗ Phủ
Và những bài thơ Đường
Thơm ngát mùi hương
Nhưng tôi không thể yêu
Tần, Hán, Đường,
Tống, Nguyên, Minh , Thanh,
Và bọn Mao Trạch Đông
Đã gây chiến tranh
Và xâm lược đất nước tôi.

Tôi yêu nước Pháp,
Tôi yêu Lamartine,
Rimbeau
Jean Jacques Rousseau
Montesquieu
Những mối tình
Những bài thơ.
Và những tư tưởng dân chủ, tự do
Nhưng tôi không yêu
Bọn thực dân Pháp
Albert Sarraut,
Decoux,
Chúng là kẻ thù,
Đã giết dân tôi và bắt dân tôi làm nô lệ!

Tôi yêu nước Nga,
Với những văn hào lừng danh thế giới,
Leo Tolstoy, A.Fedorov, Sakharov
Boris Pasternak, K. Simonov...
Và Solzhenitsyn
Đã bất khuất chiến đấu cho hòa bình
Và cho tự do
Nhưng tôi ghét
Những Lenin, Stalin
Những đồ tể giết hàng triệu dân Nga
Và đã xuất cảng cách mạng vô sản.
Làm cho thế giới máu lệ chan hòa!

Tôi yêu đất nước Thái Lan,
Với những tháp bạc, chùa vàng
Trên tầng cao
Những tượng Phật xếp thành dãy,
thành hàng,
Sẵn sàng
đưa tay tế độ
trần gian.
Và những đoàn sư sãi mặc y vàng
Đi khất thực
bước trầm tư trong thành phố,
Nhưng tôi đau khổ
Vì bọn hải tạc giết người, cướp của
Hãm hiếp những phụ nữ nước tôi
Bao nhiêu xác người,
Đã vào miệng cá,
Và dạt trôi
trên biển cả !

Tôi yêu nước Việt tôi,
Bốn ngàn năm lịch sử trôi xuôi.
Tôi yêu Lý Thường Kiệt,
Hưng Đạo vương,
Nguyễn Trãi, Phan Thanh Giản,
Hoàng Diệu,
Nguyễn Tri Phương,
Đã lấy máu tô hồng trang lịch sử,
Đã chiến đấu bảo vệ quê hương..
Nhưng tôi không thể nào quên,
Bọn tôi tớ Nga Hoa
Nước biển đông không thể xóa nhòa
Tội ác của Hồ Chí Minh,
Trường Chinh,
Phạm Văn Đồng
Đã giết người, cướp của
Đã bán nước và nhượng biển đông

Tôi cầu mong
Một ngày gió lộng
Mặt trời rực sáng phương Đông
Thế giới hòa bình
Và đất nước tôi sớm ngày giải phóng.
8-20
08

 






HÀNH TRÌNH DÂN TỘC
Không ai gian manh bằng Các - Mác,
Ông đưa ra khẩu hiệu tự do, dân chủ, công bình.
Ông hô hào giai cấp đấu tranh,
Tiêu diệt hết gian tham bóc lột
Xã hội không còn người đói khổ
Thế giới sẽ tiến lên theo ngọn cờ đỏ quang vinh!
Xây dựng một  thế giới hoà binh
Gấp năm, gấp mười thời đại trước
Ông kêu gào người vô sản
 hãy đoàn kết sau lưng ông.
Những người khố rách đã đành,
Những trí thức,
con quan lại,
           con nhà giàu có
Cũng chưởi mẹ, mắng bố
rồi bỏ nhà theo cộng sản đấu tranh!
Không ai ghê gớm như Stalin,
 Mao Trạch Đông
            Và Hồ Chí Minh.
Giết hàng triệu người,
hoặc đày ải nhân dân  lên núi đỏ rừng xanh.
Và xúi giục thanh niên nam nữ
 xông vào lửa đạn chiến tranh
Hăng say chiến đấu quên thân mình.
Hàng triệu ngườI đã bỏ xác,
Cho bạo quyền,
 cho những lãnh tụ lưu manh!
Sau khi thành công 
Chúng thành những tên bạo chúa
Cướp tài sản nhà chùa, nhà thờ,
Và cướp đất nhân dân.
Chúng đã trở thành những kẻ bán nước cầu vinh
Hồ Chí Minh,
Đỗ Mười,  Nguyễn Văn Linh
                                    Nông Đức Mạnh
Đã thành một lủ yêu tinh!
Trong khi chúng trợn mắt nhe nanh
Khủng bố dân chúng
Chúng  quỳ mọp lạy lục Nga Hoa
như lạy  tiên tổ   ông bà!
Ngày xưa chúng hô hào chống Pháp,
Nay chúng bó giáp
Để mặc Trung Cộng tung hoành xâm lược
Cúi đầu làm nô lệ thuở Minh, Thanh
Ngày xưa chúng to tiếng  bênh vực vô sản,
            chống tư bản.
Nhưng chúng đã lập những nông trại,
những công trường,
những hợp tác xã
Bắt dân ta làm nông nô
Sống đời đói khổ
Bắt quỳ lạy già Hồ
Và tung hô lãnh tụ Liên Xô!
Nay nhân dân càng đói khổ,
Bao thanh niên nam nữ
phải làm nô l ệ
bán thân ở nước ngoài.
Chúng trở th ành tư bản đỏ
 lắm bạc nhiều tiền,
Cho con du học nước ngoài
Để chuyển ngân và thoải mái ăn chơi.
Chúng xây biệt thự,
Mua xe hơi giá hàng triệu mỹ kim

Chúng xây vũ trường
Gian xảo, hoang dâm và tàn ác vô độ
Bắt nhân dân giam trong những nhà tù
Chúng hành hạ những nhà đấu tranh dân chủ,
Khủng bố các sư, các linh mục . . .
Tại sao dân ta phải cúi đầu theo quỷ đỏ?
Tại sao phải sống đời cực khổ,
Thiếu tự do, dân chủ
                        no ấm và công bằng?
Tại sao ta đành
Để cho cộng sản lộng hành
Phản quốc, hại dân và hại nước?
Đất nước ta phải quang vinh
Nhân dân ta phải sống đời hòa bình
Bằng con đường đấu tranh
Vùng lên xé tan cờ đỏ
Đào mả Hồ Chí Minh
Lập nền tự do, dân chủ
Cho Việt Nam vững bền vạn cổ
Cho Hùng vương, Lý Thường Kiệt,
Hưng Đạo Vương, Nguyễn Huệ mãi mãi quang vinh !
                                                1-2009.




CON NGỰA THÀNH TROY
Ngày xưa Hy Lạp
Là một quốc gia văn minh
Nhất hành tinh.

Vua Hy Lạp yêu một nữ hải thần
Rồi làm lễ cưới linh đình
Bá quan văn võ, tân khách tấp nập dự tiệc,
Tiếng ca, tiếng nhạc vang rền...

Nhưng đức vua đã quên
Không mời nữ thần Đại Ác
Bà ta tức giận vô cùng.
Bà hóa phép thần thông
Gửi một trái táo đến giữa bàn tiệc,
Với giòng chữ "Tặng đệ nhất giai nhân".

Bấy giờ trong đám cưới
Có ba nữ thần,
Ai cũng muốn chiếm trái táo
Ai cũng cho mình đệ nhất giai nhân!

Hoàng tử Paris thành Troia,
Phải đứng lên phân xử
Kết quả nữ thần Aphrodite đại thắng!
Nữ thần cám ơn hoàng tử
và hứa sẽ tặng một giai nhân.. .

Ngày nọ, hoàng tử Paris
Đi thăm Menelaus
Vua nước Sparta Hy Lạp
Và đã gặp hoàng hậu Helen
Rồi khi hoàng tử ra đi
Hoàng hậu Helen trốn theo hoàng tử Paris...

Vua Menelaus bèn cử đại binh
Đánh thành Troia.
Là một thành trì rất kiên cố
Và cách trùng dương xa !

Vua kêu gọi: "Hỡi toàn dân ta
Hãy xông lên chiến đấu
Để bảo vệ nhân dân Sparta
Hãy đòi công lý
Hãy hy sinh
Cho thế giới hòa bình!"

Mười năm chiến chinh
Vẫn không có hòa bình
Vẫn không đại thắng. . .
Vì thành Troia rất kiên cố.. .
Vì Hector và em là Paris rất tài giỏi

Nhưng mười năm lửa khói
Hàng vạn vạn người bị tàn sát
Hàng vạn gia đình tan nát
Cả hai bên đều điêu linh
Hector và Achilles
Đã bỏ mình
Trong cuộc chiến.. .

Theo kế tướng Odysseus
Vua Menelaus phá thuyền lấy gỗ làm một con ngựa
Rất to
Để lại trước thành...
Rồi lui binh
Rất nhanh
Trở về trên biển cả...

Vua Sparta sai một viên sứ giả
Dâng lễ vật hòa bình
Viên sứ giả tâu trình:
"Đây là con ngựa gỗ
Xin dâng vua với tấc lòng thành...
Từ đây hai nước dứt chiến tranh!
Và chung sống hòa bình!

Vua quan thành Troia,
Mừng vui đại thắng
Quân Sparta
Mạnh nhất thế giới
Nay đã tháo chạy
Đã cút khỏi nước ta!
Từ đây đất nước Hòa Bình
Vĩnh viễn chấm dứt chiến tranh
Thế giới ca ngợi nhân dân ta anh hùng!
Triều đình ta vĩ đại!
Kẻ thù nào cũng đánh thắng!

Họ vui mừng ca hát
Xung quanh con ngựa gỗ
Đây là chiến lợi phẩm của nhân dân ta
Tịch thu của bọn Sparta...
Họ kéo ngựa gỗ vào thành
Và nhảy múa xung quanh
Vui mừng Ngày đại thắng!
Đất nước ta từ đây hòa bình
Từ đây vĩnh viễn chấm dứt chiến tranh!...
Họ say sưa quang vinh!

Đêm khuya tối tăm,
Quân Troia say men chiến thắng
Và ngủ quên
Quân Sparta
Trong ngựa gỗ nhảy ra
Đốt phá cửa nhà
Giết hết quân Troia
Mở cổng cho quân ngoài tiến nhập.
Thế mạnh như vũ bão
Thành Troia trở thành đống tro tàn
Và nấm mồ hoang.. .

Hoàng hậu Helen bị bắt
Nhưng không bị trừng phạt
Vì vua vẫn say mê sắc đẹp của nàng.
(Ôi tốn bao vạn sinh linh
Để chiếm lại tấm mền cũ rách nát!)
Con Hector bị thảm sát
Vì tội phạm chiến tranh...

Odysseus sau bao năm chiến chinh
Và sau bao năm long đong trên biển cả
Trở về Ithaca quê hương ngày hòa bình
Nhưng rồi cũng chết
Thảm thiết
Trong bàn tay người vợ ngoại tình!

Thế là kết thúc một cuộc chiến tranh
Tốn xương máu hàng vạn dân lành.
Cho thế giới hòa bình
Cho nhân loại công bình, tự do, hạnh phúc
Hay kết thúc trò chơi của các thần linh?

Sơn Trung
Ngày 24 tháng 4-2011

THE TROJAN HORSE
by Sơn Trung
For many centuries
Greece had been the most powerful country
in the world.

And it is said a famous love story
(It is also Greek history)

"Peleus, King of Greece loved Thetis
A Sea Goddess
Their marriage was celebrated splendidly
Thousand guests were invited to this wedding ceremony
Unfortunately
The King forgot inviting Eris
A Goddess of Cruelty!
She was very angry
By her magical art
She threw a golden apple to the party
with a card written " for the most beautiful lady"

At the party,
There were Hera, Athena, and Aphrodite, three goddesses,
Very proud of their beauty
They wanted to get this apple.

Who was the fairest lady?
After the judgment of Paris
A prince of Trojan city
Aphrodite won and she promised
She would give him the most beautiful lady.

One day,
Paris made a trip to Sparta
Where Menelaus, the King of Greece treated him as a royal guest
So Paris met Queen Helen

When Paris came back to his country
She followed him secretly
In Troy, Helen and Paris were married
And they were very happy...

King Menelaus was very angry
He sent his army
To attack Trojan city
And he said to his troops:
"My soldiers, you must fight bravely
for our country
for liberty
and for peace of the world!"

Ten years passed
Greeks won no victory
It was difficult to pass the big sea
Although they had many great fleets
And Achilles was a great hero

The Trojan city was a far country
beyond the big Sea
It was supported by its neighboring kingdoms,
And it had the strong forts
And Hector, Paris fought bravely
The Greeks could not break down the walls of Troy easily!

At last, two sides also lost
Achilles , Hector, and thousand soldiers died
A lot of Greek ships dissembled in the ocean
And many Trojan people died and injured
and thousand houses destroyed.
This war influenced tragically
on their national economy
and their social security
This war is very tedious ,
The Greeks grew weary, . .

How to gain entrance into Troy?
Clever Odysseus made a strange toy!
He ordered to take down some ships
In order to build a large wooden horse.
Its inside was empty
So that thirty soldiers could hide within it.

That statue stood in the front of Trojan gate
A number of the Greek warriors, along with Odysseus hid inside
When the rest of the Greek fleet sailed away.
Sinon, a Greek messenger, was left behind.

He told to the Trojans with sincerity
That Greeks were defeated by Trojan army.
Now you won victory
The world would be in peace
And no more war in your country!
He said that the wooden horse was your booty
And would bring luck to the Trojan city

The Trojans were very happy
They celebrated noisily
They thought it was their victory,
And dragged the wooden horse into the city.

The Trojan King said:
"We win victory
We defeat all the strongest enemies
in the world
We are the biggest heroes
No more war in our country
No more invaders to our country
We are the most brave and intelligent heroes in this century!

At midnight,
when the Trojans slept deeply
The Greek soldiers inside the horse went out secretly
They slaughtered the Trojan soldiers
They fired the Trojan shelters
They broke down the Trojan wall
They destroyed all.. .

After the war,
Polyxena, daughter of Priam, was sacrificed at the tomb of Achilles
and Astyanax, son of Hector, was also sacrificed by the crime of war.
Helen was captured
Menelaus, who had been determined to kill his faithless wife,
Was soon taken by Helen's beauty
That he allowed her to live.

After many year in the war combating
And many year on the sea traveling
Odysseus came back to Ithaca, his native country,
And died tragically
By his unfaithful wife...

What victory?
Ten or hundred thousand people were killed
For a faithless lady?
What are the targets of the Kings?
For Independence of their country?
For Peace of World?
For Equality?
And Liberty?
Or are there the games of Gods and Goddesses?


THƠ

Saturday, April 20, 2013


NHIỀU TÁC GIẢ * THƠ MÙA CHINH CHIẾN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  Chiều Trên Phá Tam Giang

Tác giả: Tô Thùy Yên
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.

Giờ này thương xá sắp đóng cửa.
Người lao công quét dọn hành lang.
Những tủ kính tối om.
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm.
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm.
Sài Gòn không còn buổi tối nữa.)
Giờ này có thể trời đang nắng.
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tỉnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi.

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối,
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,
Quyển sách mở sâu đêm.
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỉ.
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới.
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ.
Giờ này có thể trời đang mưa.
Em đi nép hàng hiên sướt mướt,
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút.
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp,
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ.

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nỗi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới.
Giờ này thành phố chợt bùng lên.

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi,
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya.
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi,
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng,
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại.
Anh yêu, yêu nuối tuổi hai mươi,
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ.
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân.

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại !



ANH HÙNG TẬN
Tô  Thùy Yên

Dựng súng trường, cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt
Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều
Đây ngã ba sông, làng sát nước
Xuồng ba lá đậu kế chân bàn
Trời mới tạnh mưa còn thấp ướt
Lục bình, mây mỏi chuyến lang thang
Mấy kẻ gặp nhau nào có hẹn
Nên gặp nhau không giấu nỗi mừng
Ta gạn dăm lời thơ tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chương
Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen

Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên...
Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc gì thân thế
Có vợ con mà như độc thân
Bạn hỏi thăm ta cho có lệ
Cuộc đời binh nghiệp. Ta cười bung:
Còn mươi tháng nữa lên trung úy
Có thể ngày mai chửa biết chừng...
Mặt bạn, mặt ta còn trắng cả
Như mặt trời chiều mới tạnh mưa
Tiếng hò mời dzô, dzô tở mở
Muỗi thủy triều chừng cũng giạt ra

Phía phía rừng tràm xanh mịt mịt
Sông không bờ, trời cũng không chân
Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
Đất thì không khẩn, vàng không tìm...
Bạn nhủ ta: đừng hỏi khó
Uống mất ngon vì chuyện loạn tâm
Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
Giờ cất quân, đưa tay bắt
Ước cõi âm còn gặp để say
 

Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995


 




Nghinh địch hành


Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say
Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay
Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm
Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào
Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng
Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa

  Hà Thúc Sinh


Hành quân qua bến phà Mỹ Thuận gặp bạn đánh chén, say mèm

hãy cụng ly chết bỏ
tôm cua cá lươn sò
lương ta còn nguyên vẹn
còn cả cái Seiko

Cửu long giang ra biển
sẽ chẳng trở về đây
chiến tranh hề gặp gỡ
có chắc lần thứ hai

mai mỗi thằng mỗi ngã
thằng Cà Mâu Năm Căn
thằng Bình Dương Bình Gìa
thằng địa ngục thiên đàng

nhưng ta không sợ chết
(hơi ngán què đôi chân)
còn mày sao lại khóc
cứ cười lên đi con

ta anh hùng tứ xứ
há thua những bông hồng
nơi rừng U Minh Hạ
còn dám nở dưới bom cứ cười như họng súng
bắn cuộc đời vỡ toang
ha...ha...ha..ha..ha..
như họng súng
ha...ha...ha...
đời vỡ toang
ha...ha...ha...
vỡ toang...toang...toang...

Hà thúc Sinh

  Chiến Tranh Và Tôi

Tác giả: Nguyễn Bắc Sơn






Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
rừng giáp rừng gío thổi cỏ lông măng
đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
hãy tránh xa ra ta xin xí điều
lúc này đây ta không thèm đánh giặc

Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
ăn muối đá và hăng say chiến đấu

Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc

Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
và máu xương làm phân bón rừng hoang

 

 Lần hành quân trở về

Đã thấy khác xa với lời mẹ dạy
linh hồn vàng cùng tận cõi ăn năn
đường lui quân ôi dòng dòng máu đỏ
của kiếp người chưa đủ một trăm năm

Anh ngơ ngác nhìn lên từng thi thể
đôi tay kia thô bạo tự bao giờ
người da vàng- người da vàng tuổi trẻ
đã âm thầm giấc ngủ cuối hư vô

Bởi thượng đế đã gìa nên lú lẩn
quyền tử sinh bỏ lạc xuống tay người
trên nước chúa thấy ngựa về mặt trận
trước đau thương chẳng biết khóc hay cười

Từng cái chết đồng bào trên ngực áo
với huy chương nhắc nỗi xót xa mình
anh cúi mặt xin đời thôi cổ võ
(mẹ ngủ rồi ai hát khúc sơ sinh ?)

Muốn hỏi em lời buồn không hỏi được
nên buổi chiều chiến thắng cũng sầu bi
anh bé nhỏ như một loài ngựa lạc
trái tim khô se sắt buổi quay về

Hoàng Lộc

Hậu cứ tôi giờ đã xa xôi

Hậu cứ tôi giờ đã xa xôi
Ðâu, đâu đó bềnh bồng trong ký ức
Giấc ngủ em xa xưa giật mình giữa đêm pháo kích
Thao thức Sài Gòn nhớ gì xa

Hậu cứ tôi dường tiếng gọi thiết tha
Là góc núi đầu làng nơi quê quán
Vàng điện thị thành bàn tay đưa đón
Nước ngập bước quân hành những ruộng đất bỏ hoang

Quán bên đường em sống tạm mùa sang
Tô mì gói vài con khô xị đế
Bè bạn đụng trận trở về nguyên thân thể
Vô vài ly vung vít để mừng nhau

Hậu cứ tôi đêm thành phố chìm sâu
Chiến trận ven đô Sài Gòn thức đợi
Sài Gòn của em đêm về bóng tối
Những mặt người dáo dác kiếm tìm quanh

Hậu cứ tôi, em đôi mắt ngày xanh
Anh đầu ba phân mặc quần thủng đít
Ði học nhiều lần bị quỳ sơ mít
Lớn lên vào đời học thói ba gai
Nhưng yêu nước non mình anh cũng chẳng thua ai
Hậu cứ tôi không còn để trở lại nay mai

Anh cất cái thẻ bài trong tim khóa cứng
Anh nhớ cửa Chuồng Cu của một lần thế đứng
Nhảy mẹ nó cú này may rũi cũng em thương
Hậu cứ ơi, thôi mất, giờ tha phương

Nguyễn Nam An

 
 Chào nhau nhập cuộc
Lên Phước Tuyên chào núi rừng
Chào Suối Ðá quạnh, chào vùng chia phân
Chào anh em trú tạm thân
Trên đồi cô quạnh chào xuân trở về
Chào đường đất đỏ lệ chia
Ðêm pháo gầm thét đường về mộ bia
Chào Tiên Phước buổi chia lìa
Vài thằng nhập cuộc vừa về đâu xa
Thằng sống ôm nỗi sầu già
Thằng chết hòm thiếc tiễn và ghi ơn
Chào nhau nhập cuộc, lên đường
Ðôi mắt kẻ ở ngóng buồn, ai xa

Nguyễn Nam An

Ðêm rời đất Tây Sơn

Hỏi tôi ngày ở Tam quan
Có ăn mè xửng em làm hay chưa ?
Súng ai bắn nát ngọn dừa
Thương cây thánh gía nhà thờ gãy đôi
Em dệt chiếu dưới đồi Mười
Mà buồn cháy đỏ hai mươi năm rồi
Về Bà Gi chỉ mình tôi
Bỗng yêu chết được ma Hời tháp Chiêm

Lâm Hão Dũng

Nửa Hồn Xuân Lộc

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
Bao người vợ lính sẽ buồn theọ
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.

Rút quân bỏ lại đời ta đó,
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời,
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút,
Trái tim người lính mới yêu người.

Vì bí mật quân, ta đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn,
Núm ruột miền Trung càng xa vờị

Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người .
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi

Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi .. .
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi.

Ðêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi,
Thuơng chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua xuân Lộc cuốn theo người.

Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi .

Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng,
Bầy gà mất mẹ sống mồ côị
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi .

Bao năm ta trọn tình đất đỏ,
Một phút này thôi thẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dững dưng cườị
Một phút này thôi, hừ lại ngã,
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơị

Nếu được đưa quân lên Ðịnh quán,
Cuối cùng một trận cũng là vuị
Sáng mai chân bước qua Bình Giã,
Cẩ Mỷ, nhìn lui luống ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
Một trời Gia kiệm nhớ khôn nguôị
Muôn năm em hởi trời xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với ngườị

Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi .. .
Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!

Tôi sợ một ngày mai bại trận
Ðể em côi cút lại trên đờị
Nếu phải một ngày mai bại trận
Ðêm nay sao ta lại bỏ người!

Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc,
Thét gào pháo địch mãi không thôi .
Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!!

Nguyễn Phúc Sông Hương

Người Lính Làm Thơ Trên Ðỉnh Núi

Leo lên đến đỉnh khi chiều xuống,
Ðầu vách cheo leo đá nẩy mầm.
Có phải hương đưa từ thạch thảo
Hay là bởi nhụy của bông trăng.
Người lính bỗng quên đời chiến trận
Chìm trong mênh mông một đêm rằm
Cả một tiểu đoàn đang gác súng,
Nghe hồn man mác tiếng thơ rung.
Ðêm nay ta chẳng cần căn võng,
Giường đá, ba lô kê gối nằm.
Bên kia núi, địch chắc buồn lắm
Nên đốt lửa hồng xua ánh trăng
Ai thổi tù và vang dưới lũng
Hay là địch lạc thổi tìm quân?
Mặc tiếng cọp gầm, người lính trận
Gạo sấy, muối mè, ăn dưới trăng.
Ðĩnh cao ta chẳng cần xin pháo
Ðể cho địch sống qua đêm rằm.
Sáng mai có lệnh lần qua núi,
Khuất ánh trăng, quân đi ngặm tăm.
Người lính miền Nam đi đánh giặc
Ba lô mang theo hồn thơ văn.

Nguyễn Phúc Sông Hương

Ngọn tóc sương mù

tôi từ rừng núi hoang vu
về đây ngọn tóc sương mù chưa tan
tay tôi đôi nhánh khô vàng
lòng tôi cỏ úa cổ khan giọng cười
níu đời tìm chút yên vui
lẩn trong khói bụi nụ cười chiêm bao
nhớ em tình thoáng đêm nào
đèn treo mắt đỏ lửa sầu đêm nay

tôi về ngơ ngác đôi tay
chân đi hồn rã áo bay lạ người
vẫn mình trên phố ngược xuôi
nghe trong cơn rộn tiếng đời héo hon
mai đây bỏ lại phố phường
bụi se cát mỏi trên đường tôi đi

Lâm Chương

Tâm sự người lính Dù

lòng đã nguyện với hồn thiêng sông nùi
hiến dâng đời khi đất nước lâm nguy
anh bỏ nhà năm mười chín tuổi ra đi
ôm chí lớn trong tầm tay súng nhỏ
những tháng quân trường mồ hôi tháo đổ
và sa trường là khắp nẻo biên khu
tính đến hôm nay năm tuổi lính dù
ba lần chiến công, hai lần chiến tích
một buổi xung phong vào lòng đất địch
anh ôm dù lao xuống giữa mật khu
những chiếc dù to chụp xác quân thù
tin chiến thắng bốn phương về rộn rã:
„p Bắc, Băng Lăng, Ðức Cơ, Bình Gìa...
khói súng cay nòng lấm áo chiến binh
những chuyến đi dài nuốt trọn đời anh
không kịp nhớ, kịp thương một lần lấy đẹp !
súng gác lưng đèo đêm ba mươi tết
sương rơi rơi kín lạnh nẻo rừng gìa
sờ đế giày mòn tính quảng đường xa
anh mới thấy đi đã trọn vòng đất nước
sao lòng chiều nay buồn lên côi cút ?
hay anh si tình anh lính dù ơi !
có phải một lần qua xứ dừa rồi
anh gởi trọn tình theo tà áo đó ?

ai đứng bên bờ kinh xóm lạ
nắng lưng chiều soi mái tóc nghiêng nghiêng
anh đến nơi đây bản thảo, thôn hiền
xin dừng bước, vì em thơ mộng quá !
gối chiếc ba lô nằm nhìn cây lá
nghe lũ chim rừng ríu rít gọi nhau
anh chợt buồn, chợt nhớ đâu đâu..

Trang Châu

Uống rựơu đêm chiến hào

ngồi chiến hào sâu nhìn trăng xanh
mịt mù pháo giặc nổ vòng quanh
tử sinh canh bạc đang gầy cuộc
chẵn lẻ được thua, thế cũng đành

nón sắt che đầu cho vững bụng
men cay vài ngụm nhắp đỡ buồn
gắng đóng cho oai tuồng anh dũng
vèo cánh chim qua nỗi mất còn

vài nắp bi đông cho đỏ mặt
xá gì lẻ tẻ chuyện loanh quanh
cồm cộm thịt da vài mảnh sắt
giáp dầy tên đạn vẫn mong manh

xơ xác tóc mai còn xạm khói
mắt xanh chợt mỏi giấc công hầu
bão cát bạt ngàn vang tiếng gọi
bước nào phiêu bạt nẻo xưa sau

vài năm lính trận dăm thằng bạn
xuôi ngược chia nhau vài áng mây
gặp nhau rượu đổ như mưa hạn
rót mãi chưa đầy cơn tỉnh say

ngất ngưởng cười nhau đời nắng dãi
rung đùi chuyện vãn vẫn mênh mông
sầu mây còn cuộn ngoài quan ải
còn lâu yên ngựa mới thong dong

kẽm gai thoảng giọng chim lạc loài
ngứa miệng trầm trầm điệu hót chơi
hư huyền tưởng gót chân xa lại
bay vần thơ lạc đến khôn nguôi

Nguyễn Mạnh Trinh

 
 Đêm xuống đồi
TRẦN HOÀI THƯ
 
Sáng qua đèo An Khê
Chiều trở về Tháp Bạc
Đêm kẻng khua tập họp
Lại xuống đồi làm ăn
Đoàn xe đợi ngoài sân
Tháp in nền trăng sáng
Những bầy dơi đập cánh
Đưa tiễn buổi ra quân
Đội lại chiếc mũ rừng
Đeo vào dây ba chạc
Đây là trái lựu đạn
Đây là lưỡi dao găm
Đây là khẩu súng trường
Phần oan khiên tuổi trẻ
Xe lăn, đèn mờ tỏ
Những tượng người lặng im
Đêm rất nhẹ trên không
Sao trên vai nặng trĩu
TRẦN HOÀI THƯ

 
 Tháng mười qua đèo Chu Pao
 TRẦN HOÀI THƯ

Tháng mười đang mùa mưa
Qua đèo di chuyển bộ
Chu Pao đèo Tử Thần
Mưa mù che hiểm lộ
Hai bên đèo vách dựng
Đá trọc nám bom xăng
Bìa rừng đã khai quang
Sao lạnh chân lạnh cẳng
Hỡi ông tiền sát Thượng
Ông quen núi quen rừng
Sao đôi mắt thất thần
Của loài nai mắc bẩy
Thương đứa con trận mạc
Không áo giáp che người
Súng nhẹ với mũ rừng
Làm sao mà đở đạn ?
 TRẦN HOÀI THƯ

 


TÔ THÙY YÊN * TRANG THƠ VONG QUỐC & TÙ ĐÀY


 
 HỀ TA TRỞ LẠI GIAN NHÀ CỎ

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông
Trống trải hồn ta, cơn gió rã
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông

Hừng đông hùng vĩ và thanh thản
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy
Chân mây rách đỏ vết thương dài

Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh

Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi

Ở đây, ta có dăm người bạn
Phúc tự tâm, không lý đến đời
Ở đây, ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây...

Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm...

Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Mùa hạ tàn trôi trôi đốm lửa
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ

Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa
Trận lốc cười tròn trên quá vãng
Ta làm lại cả tâm hồn ta

Buổi trưa như buổi trưa nào đó
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi
Điệu hát ầu ơ hoa cỏ lịm
Nước mây buồn bã chợt quên trôi

Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
Đời đời giương rộng lượng bao dung
Ví dù ta ngủ không còn dậy
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng

Chuyện trần thế bấy lâu thanh thỏa
Sống một ngày, ta rõ một ngày
Thôi vướng mắc dài duyên với nợ
Ân oán đời, phong kiếm rửa tay

Còn lại chăng cây đàn lở tróc
Gảy mình nghe đôi điệu xưa xưa
Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua

Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm...

Gặp buổi trời trong dàn bát ngát
Ngọn cây, ô! đã giát hoàng hôn
Cơn gió mơn man bờ bụi rậm
Kể dạo quanh vườn chuyện trống không

Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ
Gốc cây to đến mấy người ôm
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường

Nên ta phó mặc cho trời đất
Trời đất vô ngôn lại bất nhân
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian

Đêm tối êm ru lời thủ thỉ
Bên hè có tiếng dế ca ran
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn

Hình như mọi sự đều như thế
Kể cả lòng ta cũng thế thôi
Các việc vô cùng làm miết miết
Quên tiệt đời ta như nấm mai

Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
Ta thức đêm nay chơi với trăng
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi
Quanh mồ ta, trăng phải lang thang

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô

Xa nghe đợt gió lên cơn bão
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ
Quỷ ma cười khóc rợn đêm thâu

Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng
Ăn sạch quân, trừ tính được thua
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày cho hết đời ta

7-1972
  Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995



 LÃO TRƯỢNG

 Tô Thùy Yên






Lão trượng chiều quay về bản quán
Thong dong đường tre trúc hắt hiu
Nghe, nghe trời đất hát xa lộng
Những tưởng tâm mình đang hát theo
Mừng linh thụ tóc râu khang kiện
Đông đủ chim về ấm cúng đêm
Mừng cổ đình tường mái phục chế
Đời trùng tu từ thịt xương rêm
Lớp bạn cũ ơn trờ để lại
Trà vườn nhà, nước trữ mưa xưa
Giọng chùng như cất từ u ẩn
Cố sự, tro tiền thả gió đưa.

Nhớ xưa thiên địa dậy hồng thủy
Núi sụp, rừng trôi, dời sảng hoàng
May nhiều, còn đứa con vơ vội...
May ít, còn tiếng nói tùy thân...
Mưa như trời sập, mưa không tận
Bốn biển dâng thành một biển thôi
Hạt cây, mầm lửa truyền nhau giữ
Nhân loại còn đâu được mấy người...
Anh phải sống, mai này nước rút
Đất trồi lên, xuất hiển kỳ lân
Thời thánh vịnh, hiền thi kết tập
Đồng hoa thánh thót phượng cầu hoàng

Nhớ xưa thiên địa bày hoang hạn
Sông cạn, đầm khô, rừng rụi tàn
Gió đuổi trùng trùng sa mạc chạy
Thú sẩy đàn, nhân loại lìa tan...
Người chết, không còn người dọn cất
Bỏ mặc tình quạ mổ diều tha
Cát vùi cả xương trắng lưu dấu...
Mặt đất vô danh, ký ức lòa
Thôi, rán giữ gìn chút nước mắt
Mai sau nhờ đó nhận ra nhau
Sẽ mưa, trời sẽ mưa châu ngọc
Ta sẽ về, qua bãi lệ rào.

Nhớ xưa thiên địa dậy binh lửa
Xứ xứ rần lên, người giết người
Thú loạn rừng kêu rú nhật nguyệt
Ruộng hoang, thành trống, ai tìm ai?
Núi đổ lấp sông, sao chổi hiện
Nhãn tiền sống chết, chuyện như chơi
Đêm trước đại quân vừa hạ trại
chiều nay, lều cháy, xác thây phơi
Xa giá càn dân lấy lối chạy
Trẻ giữa đường đứng khóc một mình
Sau cùng, có người lính chấp kích
Ra trước Ngọ môn mà quyên sinh

Nhớ xưa thiên địa làm ly tán
Anh em nhà không ngó mặt nhau
Người chạy về thành, kẻ nhảy núi
Dốc đời cho một cuộc chiêm bao
Xuân Thu, du sĩ rao phương lược
Khiêán mấy đời sau còn váng đầu
Xe kiệu rộn ràng cửa lớn nhỏ
Về ngang thánh miếu, mặt vênh cao
Có người nghề nói thơ đầu chợ
Chạỵ sắc phong thi sĩ với đời
Có người hàng thịt sẵn dao nhọn
Cũng rắp ranh làm tráng sĩ chơi

Nhớ xưa thiên địa rộn dâu biển
Người lạc người bởi ngọn đông phong
Ngọn đông phong, càn rừng, bạt núi
Người thương người chút phận long đong
Cỏ đoạn rễ, luồng sông, luống gió...
Chim xa đàn, bãi Bắc, bờ Đông...
Sao lúc rời nhau chẳng đổi áo
Khuya lạnh lùng, còn cái đắp lòng?
Rày đã ra sao, miền cố cựu?
Bờ giếng xưa, còn ai đứng trông?
Đêm nằm nghe tóc mai già rụng
Nghĩ lại, ràn tuôn nước mắt hồng.

Nhớ xưa thiên địa bừng hưng trị
Khoác áo xuân, ra với đất trời
Dắt trẻ tắm sông, hứng gió núi
Giấc suông đêm rỗng, cửa không cài
Quạt ấm pha trà độc mộc ẩm
Nghe tan ngoài ngõ những phù vân
Toan xuống núi khoe câu thơ đắc
Trời đất không cùng, ai chí thân?
Xé rải gió tờ tờ sách nát
Đi kéo theo chuỗi chuỗi cười tan
Ta mừng trời đất cho ta mộng
Vui đồng hành qua cõi võ vàng

Cây yên, cỏ lặng, trăng thiu ngủ
Giường cũ, nằm nghe tiếng dế khuya
Mơ màng có một lần xiêu lạc
Ngoài tối tăm, nhờ chỉ nẻo về
Việc đời, biết thế nào xong trọn...
Nước cuối sông còn lẩn quẩn chi?
Đêm xuân, dầm nguyệt lên sơn tự
Hỏi vị sư già chỗ trước kia
Sinh tử hai đầu mắc lại võng
Tan rền chuông vọng vọng mê mê
Trôi chìm xa vợi đường thiên cổ
Mỏi trĩu hàng mi, khởi chuyến đi.

8-1998
Tô Thùy Yên

 

Nhớ Có Lần Trên Bến Bắc Khuya Nghe Một Ông Lão Đàn Hát

: Tô Thùy Yên






Ông lão khô quắt như thanh đước,
Đàn hát mưu sinh bến bắc đêm,
Cổ vương oan khuaất, tay u hồn,
Miết giây, xé giọng, khóc nhân thế...
Âm bóng xưa về quanh chiếu manh.
Trăng thiếp, sao mê, sông ráo gió.
Buồn như sóng nói, tản không tan.
Tiếng lân, tiếng hạc, nỗi trong đục,
Cổ bản đưa: Từ phu tướng đi...
Mòn mỏi, thành Nam, nghĩa sĩ tận.
Kèn chiều mấy tiếng lạc trời quê.
Pháp trường úng máu, khí xung uất,
Ngần ấy năm còn nghe rợn thiêng.
Biệt đảo, mùa mùa gió chướng nổi,
Bè thả về không tới đất liền.
Bao phen nước cũ thay danh hiệu,
Mưa nắng bay lần hơi hướm quen.
Trăng chết đồng xa, buổi mạt pháp,
Áo đạo chìm cây cỏ cấm sơn.
Làng đã cháy, im lìm bất trắc...
Người nhớ người mà cũng sợ người.
Trời ơi, những xác thây la liệt,
Con ai , chồng ai, anh em ai?
Mùa nước nổi qua mùa nước giựt,
Đốt tay nào Thân Dậu niên lai?

Em về giồng dưới, qua bưng gió,
Mắt có nhòa triều bông sậy dây
Người còn, trời đất còn chan chứa.
Ghe thương hồ khẳm điệu huê tình,
Sông bảy ngã, thương, còn gặp lại,
Muối mặn, gừng cay, trắng tóc xanh...
Chỉ cho con chỗ doi xưa sụp.
Cồn mới thành, con tự nhận ra.
Nước chảy, đừng chờ khi xế bóng,
Hối không làm việc nghĩa trôi qua.
Ông lão khô quắt như thanh đước,
Cổ vương oan khuất, tay u hồn...
Tình ý theo người đi một đỗi,
Một đỗi, dài hơn bốn chục năm.

11-1999
Tô Thùy Yên
 

Ta Về

: Tô Thùy Yên






Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta



 TÀU ĐÊM
 Tô Thùy Yên,

Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi

Thức dậy, những ai còn sống đó
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay

Cảnh vật mơ hồ trong bóng đêm
Dàn ra một ảo tượng im lìm
Ủ ê những ngọn đèn thưa thớt
Sáng ít làm đêm tối tối thêm

Bến cảng, nhà kho, những dạng cây...
Chưa quen mà đã giã từ ngay
Dẫu sao cũng một lần tan hợp
Chớ tiếc nhau vài cái vẫy tay

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta gọi rụng rời ta thất lạc
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

Người bạn đường kia chắc chẳng ngủ
Thành tàu sao chẳng vỗ mà ca?
Mai này xô giạt về đâu nữa?
Đất lạ ơi, đừng hắt hủi ta!

Đất lạ, người ta sống thế nào?
Trong lòng có sáng những trăng sao
Có buồn bã lúc mùa trăn trở
Có xót thương người qua biển dâu?

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau

Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật
Tiếng người e cũng đã quên ngang

Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau

Dường như ta chợt khóc đau đớn
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van

Giá ta có được một hơi thuốc
Dẫu chỉ là hơi thuốc mốc thôi
Để phả cho hồn ấm tỉnh lại
Để nghe còn sự sống trên môi

Ta nhớ dăm ba hình ảnh cũ
Lờ mờ như nhớ lại tiền thân
Đời ta khi trước vui vầy thế
Bỗng thảm thương nghìn nỗi ngói tan

Đem thân làm gã tù lưu xứ
Xí xóa đời ta với đất trời
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi

Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu

Liệu còn một bữa cơm đầm ấm
Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con
Chia xẻ chút tình cay mặn cũ
Miếng không ngon cũng lấy làm ngon

Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa
Lịch sử dường như rất vội vã
Tàu không đỗ lại các ga qua

Ô, những nhà ga rất cổ xưa
Dường như ta đã thấy bao giờ
Đến nay, người giữ ga còn đứng
Đèn bão đong đưa chút sáng mờ

Tàu qua những ruộng đồng châu thổ
Hiu hắt làng xa mấy chấm đèn
Đêm ở nơi đây buồn lặng lặng
Cái buồn trải nặng mặt bằng đen

Hỡi cô con gái trăng mười bốn
Đêm có nằm mơ những hội xuân
Đời có chăng lần cam dối mẹ
Nhớ thương nào giấu thấm vành khăn?

Có lúc tàu qua những chiếc cầu
Sầm sầm những nhịp động đều nhau
Dưới kia con nước còn thao thức
Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu

Có lúc tàu qua những thị trấn
Mà đêm đã gói lại im lìm
Tàu qua, âu cũng là thông lệ
Nên chẳng ai buồn hé cửa xem

Ôi những nỗi sầu vô dạng ấy
Gọi ta về với những đêm vui...
Ở đâu đèn sáng như châu ngọc
Đường phố người chen chúc nói cười

Ở đâu mộng ảo vườn sao tụ
Yến tiệc bày trong những khóm cây
Ta rót mừng em ly rượu đỏ...
Mà thôi, chớ nhớ nữa, lòng ơi

Mà thôi, hãy nuốt lệ còn nghẹn
Tỉnh thức, lòng ơi, nhìn tận tường
Thời đại đang đi từng mảng lớn
Rào rào những cụm khói miên man

Người bạn đường kia chắc vẫn thức
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan
Có nghe lịch sử mài thê thiết
Cho sáng lên đời đã rỉ han

Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối...
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau



1980

 Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995

HÀ HUYỀN CHI * CÙNG LỊCH SỬ THĂNG TRẦM

CÙNG LỊCH SỬ THĂNG TRẦM
HÀ HUYỀN CH
I


Tôi, 1935 vào đời, khóc dối . Gã trai Hà Nội, quán tại Hà Ðông. Nhóc Ðặng Trí Hoàn sinh nhằm thời nô lệ, thực phong. Cùng vận nước long đong từ tấm bé Lớp vỡ lòng. Tôi học tiếng Tây thay cho tiếng mẹ. Ngày, mỗi ngày, vẫn cà cưởng đồng ca: Marechal, nous voìlà!” Thưa ngài Thống chế Pétaín, chúng con đang hiện diện

Tiếng trẻ hát không át nổi tiếng bom Sa Ðiện (1924, Trung Hoa). Bom từ Phạm Hồng Thái vỡ rạ Nổi lửa thiêng hãnh tiến Qua thập niên nhục hờn, còn sôi động dư ba Thức tỉnh đồng bào ta . Mau đứng lên giành độc lập . Cùng giải phóng quê nhà . Phá gông cùm nô lệ

Năm năm sau, máu dân chủ nở hoa (1929, Yên Báy). Nguyễn Thái Học, và 12 chiếc đầu rơi máu chảy, nhưng danh thơm còn mãi . Muôn năm . “Không thành công thì cũng thành nhân” . Rồi cô Giang cũng vì nghĩa huỷ thân. Gái 18 bước lên đài tiết liệt . Anh linh: “Trai trung thì gái phải trinh”...

Dũng khí ấy muôn đời sau còn mãi đẹp Kể chi là bại hay thành . Sau Pháp thuộc đến thời Nhật chiếm Tôi học tiếng Phù Tang Học nghĩa đói no, học nghĩa cơ hàn . Ất Dậu, phá ruộng trồng đay . Ðốt lúa thay than chạy máy . Ba triệu dân tôi hồn lau, bóng sậy . Chết đói đầy đường, kín ngõ Thăng Lọng Mỗi sớm mai, nhiều chiếc xe bò chở đầy xác ốm tong. Người ngắc ngoải đem vùi cùng thây chết .

Bom nguyên tử nổ bên trời Nhật phiệt Nhật đầu hàng, mộng đế quốc tan tành . Giang sơn mình chưa thoát khỏi điêu linh . Bị gả bán cho thực dân như cũ . Bác Hồ nhảy ra làm lịch sử Tuyên ngôn độc lập, tự do Bá tánh hân hoan lòng mở như cờ . Tôi trống ếch bập bung Tôi thiếu nhi súng gỗ . Yêu làm sao hai chữ Việt Minh Ðảng bịp tuyên dương ngụy nghĩa tại Ba Ðình . Vua Bảo Ðại playboy, từ Paris về trao ấn tín . “Thề phanh thây uống máu quân thù”.

Tôi 10 tuổi, chúc Bác Hồ nghìn tuổi Tôi nhóc tỳ mơ ngựa sắt roi tre . Giang sơn này, và miền Nam yêu dấu dặm ngàn kia . Cần giải phóng khỏi tay giặc Pháp . Bác móc túi nhân dân . Lạc quyên tuần lễ vàng, lễ bạc . Vi thiềng tướng Lư Hán, cầu an . Rồi Bác rút ra biên . Mùa kháng chiến ca bài tiêu thổ ..
.
Tôi 10 tuổi, học thêm bài gian khổ Tuổi thơ đói rét trường kỳ Tôi áo vá, chân trần lặn lội khắp sơn khê . Chặng cuối là Thái Nguyên, bản rú . Tôi đói cơm và tôi đói chữ . Tuổi thơ ơi sao quá đọa đầy .Tôi mười lăm, trôi giạt xuống Sơn Tây Bương Cấn, Ba Vì, đá ong cằn cỗi . Tôi nhếch nhác chuồn lại về Hà Nội . Lại tiếng Tây xí xố trong đời . Tôi học sửa xẹ Tôi lén nhập viện mồ côi . Thằng chủ bẩn biến tôi thành đầy tớ . Viện mồ côi như nhánh sông nước lợ Bày hàng, quyên góp của bàn dân .Nói dậy nghề, dậy chữ . Láo khoét cho qua . Tôi trốn viện trở về căn nhà nát. Lũ em tôi kiếm ăn trên bãi rác . Bố tong teo gò lưng đạp xích lô . Mẹ buôn thúng bán bưng tất tưởi ven đô . Thằng con lớn là tôi, khóc thầm trong lớp học .

Ơn cha mẹ không quản gì lao nhọc Mong cho con cái nên người . Tôi làm gì với mớ chữ nghĩa đây trời ? Tôi tận sức Rồi cũng tôi thơ thẩn . Ham vui .Tôi mười sáu, trốn vào Nam lập chí 1954, cùng đoàn người di cư theo Ngô chí sĩ Tôi thành con bà phước giữa đời . Trại học sinh cho hai bữa cơm tươi . Tôi múa may, bán báo, dậy kèm, tìm học phí . Hai năm liền tôi thi trượt Tú Tài . Tôi hành xác cạo đầu . Tôi kinh sử miệt mài . Vẫn vỏ chuối . Cán mai .

Khoá 14, tôi thi vào Võ Bị Lính cà nhỏng, cao bồi, thất chí Bị lũ đàn anh hành xác triền miên . Tôi ba gai thù niên trưởng đái thiên . Coi sinh viên cán bộ như ăng ten rẻ mạt [...]May chưa bị đuổi khỏi trường . Tôi chọn Nhảy Dù, màu mũ đỏ dễ thương . Chọn gian khổ làm đầy thêm nghĩa sống . Xa trường mẹ mới thấy hồn chao động . Nhớ gì đâu từng kỷ niệm buồn vui . Gặp lại đệ huynh trong binh lửa rực trời . Thấy thân thương hết nói .


Tôi đánh giặc, làm thơ Tôi yêu cuồng sống vội . Nhảy Dù, nhảy đầm, đời khật khưỡng say . Bài thơ đầu tay: “Không Gian Vương Dấu Giầy” .Ðời rộng lượng biến tôi thành thi sĩ. Tôi, Hà Huyền Chi,viết không ngưng nghỉ Thơ ròn như súng tiểu liên . Tôi bập bỗng thơ khi bước giữa bãi mìn . Mê viết lách, tôi nhảy về báo chí . Rồi phát thanh, điện ảnh tận vui . Cũng đóng 8 phim, cũng đạo diễn một thời . Rồi ấn họa cho đủ mùi tạp lục .

Tháng Tư đen với đáy cùng đớn nhục Tôi giạt sang Mỹ quốc cầu an . Tôi đọa đầy tôi . Thiếu tá lao công . Thi sĩ bồi bàn . Rồi kế toán, công trừ mạt kiếp . Gia tài mang theo là một trời quê hương tưởng tiếc . Tám chuyện dài như chứng tích bi thương . Lệ khô rồi còn nhức nhối đường gươm . Thơ lại bắn từ trái tim nứt rạn . 17 tập thơ vẫn dư sức đạn . Từ thơ là nhạc, ngót 300 phổ bản . Hơn 40 nhạc sĩ góp phần . Kỷ vật cho đời là Lệ Ðá, phù vân . Cám ơn trời ban chút xíu hồng ân Cám ơn vợ cho nồng nàn tương cảm . Ơn Ðồng Minh cho mũi dao lút cán . Cám ơn em cho nước lớn sông dài . Cám ơn đời còn đẹp lúc chiều phai .

HÀ HUYỀN CHI
050503

TRẦN MỘNG TÚ: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

TRẦN MỘNG TÚ: 
NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

Thanh Bình cho tôi được phép trả lời những câu hỏi chung về ngày 30/4 trong một đoạn ngắn nghe.
Tôi di tản vì chiến tranh (bằng phương tiện của hãng The Associated Press) vào ngày 21/4/1975. Bây giờ là 30/4/2012. Ba mươi bảy năm rồi.
So với thời gian tôi ở quê nhà từ Bắc vào Nam(1954) rồi sang Mỹ, tôi đã sống cái phần đời ở quê người dài hơn cái phần đời ở quê nhà. Nghĩ lại, “giật mình, mình lại thương mình xót xa.”

 
Nhớ ngày hốt hoảng ra đi, hãng không cho mang theo gì cả, vào phi trường lúc đó như đi đón người thân ở xa về. Hai tay dắt cha mẹ già, trong chiếc túi nhỏ đeo trên vai có một cái áo dài của mình, hai bộ quần áo của cha mẹ, cuốn Kiều, cuốn Chinh Phụ Ngâm, và vài bài thơ viết tay của mình quơ vội trong ngăn kéo. Bao nhiêu hình ảnh thời con gái, hình gia đình, hình đám cưới, đám tang trong phút đó đã bị quên mất đến lạnh lùng, bị xuống hàng thứ yếu, không nhớ tới.
Ngày tháng quê người, đôi khi nghĩ lại, ngậm ngùi, ân hận, thấy tiếc những gì mình bỏ lại. Nhưng bây giờ lớn tuổi, lòng chùng xuống, tiếc nuối cũng phai mờ.
Với tôi chỉ có quê nhà bao giờ cũng là một ám ảnh khôn nguôi. Các con đã trưởng thành, không phải lo đời sống tất bật hàng ngày nhiều, chuyện gì cũng thấy nhẹ đi, nhưng hình như tình quê hương lại mỗi ngày một nặng hơn. Nhất là mỗi năm đến ngày Quốc Hận 30 tháng Tư.
Gửi Thanh Bình bài thơ mới viết sáng ngày thứ Hai, 30 tháng Tư.
Tháng Tư sừng sững đứng
Tôi thức dậy trong đêm
gió đập ngoài cửa sổ
đồng hồ một giờ sáng
đêm đã bước qua ngày
con số 30 gãy
Tháng tư từ từ rơi
nốt giọt thời gian cuối
Tôi căng mắt nhìn đêm
đêm như những thước phim
quay rã rời từng khúc
kín mít căn buồng nhỏ
đoàn người như con rối
chạy đâm sầm vào nhau
âm thanh của phim câm
trùng trùng cơn phẫn nộ
máu chảy trong bóng đêm
bầm một màu đen tím
lửa cháy trong bóng đêm
lan ra từng con hẻm
lửa ghé vào căn nhà
thằng bé như ngọn đuốc
Tôi căng mắt nhìn đêm
bỗng nghe tiếng súng nổ
từng tiếng một lạnh lùng
như có ai đang đếm
mỗi viên đạn bay ra
có cả mẹ cả cha
ngã chồng lên con trẻ
họ chọn chết như thế
giữa một ngày tháng tư
Tôi căng mắt nhìn đêm
đêm như cánh buồm đen
kéo người ta ra biển
biển nhận họ chìm lỉm
biển hắt họ lên bờ
họ tan như ốc vỡ
sóng như giải khăn sô
Tôi căng mắt nhìn đêm
Tháng Tư sừng sững đứng
với tất cả oan khiên.
Tôi có về thăm họ hàng, đất nước đôi ba lần. Những lần đầu về, nước mắt ướt đầm vai áo người thân, rồi những lần kế tiếp sau này, nước mắt không chảy trên mặt nữa, không phải mượn vai ai nữa.
Nhìn quê hương thay đổi rất lạ lùng, chỉ nghe một nỗi buồn khô, đến rời rã trong lòng.
Vết thương tháng Tư trên da thịt của tất cả người dân hiền lương hai miền Nam Bắc không bao giờ lành được.
Văn chương chỉ như một lớp dầu gió mỏng xoa dịu ngoài da.
Thêm một bài viết tản mạn để chia sẻ với Thanh Bình, như thể chúng ta vừa cùng nhau nhắp thêm một ngụm đắng tháng Tư.
Ngụm cà phê tháng tư
Ta ngồi một mình
ly cà phê cạn
lòng như tháng tư
đứt ra từng đoạn.
Tháng tư, tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks trên đường 20th của thành phố tôi cư trú. Tôi cúi xuống nhìn màu cà phê đen đặc, sóng sánh sót lại một ngụm trong chiếc ly giấy. Tôi cầm chiếc ly chao nhẹ đi một chút, do dự chưa muốn ngửa cổ uống nốt ngụm cuối cùng. Ngụm cà phê trông như ngụm nước mắt đen. Chao ôi nước mắt đã có một lúc nào đó, ta ngửa cổ uống được cả ngụm hay sao!

Tháng tư, tháng tư, tháng tư năm đó! Đứt ra từng đoạn: đoạn cha, đoạn mẹ, đoạn vợ, đoạn chồng, đoạn con, đoạn anh, chị, em, đoạn bạn hữu. Mỗi đoạn đứt một chỗ, rơi một nơi, đoạn mất đi ngút ngàn biệt tích, không để lại dấu vết, đoạn còn sót lại ngơ ngẩn, mù loà.
Tháng tư của ba mươi bảy năm sau, ngụm nước mắt không bao giờ cạn được.
Tôi ngồi trong quán một mình. Ngó những khuôn mặt lạ, họ không phải bạn bè, nhưng vẫn thấy thân thuộc, vì đó là những khuôn mặt của dân bản xứ tôi gặp thường ngày. Cách ăn mặc và lối cư xử của họ na ná giống nhau. Mình nhìn mấy chục năm, mình quen với cách kéo ghế, cách chụm đầu vào nhau nói khe khẽ, cách nghiêng mình xin lỗi của họ khi phải đi qua mặt ai, nên bỗng trở thành gần gũi.
Tự ngậm ngùi tưởng tượng, nếu bây giờ mình ngồi ở trong một quán cà phê ở Việt Nam, ngắm những người ngồi chung quanh, chắc chắn mình sẽ thấy thất lạc lắm, vì cách ăn mặc và cư xử rất khác mình. Họ cũng sẽ chẳng để mắt nhìn đến mình, một kẻ thường thường trên mọi phương diện. Mình thất lạc ngay chính trên quê mình.
Ngồi một mình với ly cà phê Starbucks trong một ngày của tháng tư, quê người; tôi chỉ nhìn ra mình là người lạ với chính mình. Cúi nhìn mấy ngón tay đang cầm ly, những ngón tay gầy đã bắt đầu xanh xao gân lá, biết mình ở đây lâu lắm rồi. Đôi vai bỗng trĩu nặng như có bàn tay ai vô hình ấn xuống ghế. Thôi, đã đến đây rồi, thì ngồi xuống đây, còn đi đâu được nữa. Ngồi đây mà hồn như thác đổ, tiếng nước ầm ầm vọng tới từ một ký ức xa xôi, rồi bỗng oà ra khi chạm vào tảng đá cuối cùng, tảng đá tháng tư.
Tháng tư ở đây là mùa xuân, chim chóc rủ nhau bay vào thành phố, hoa đào nở hồng trên mỗi con đường, nắng mới lách mình vào những khung cửa mở, trong vườn nhà ai hoa táo, hoa lê trắng xoá. Những người Việt di tản như tôi, tháng tư không ít thì nhiều quay đầu nhìn lại quá khứ, nhớ lại những giọt nắng quê nhà năm đó hoà vào máu và nước mắt. Hoa nắng quê người chỉ làm gợi thêm nỗi xót xa.
Anh ạ tháng tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà thăm thẳm sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương[*]

 
Chung quanh tôi, một vài bàn nhỏ có người ngồi trước tách cà phê và cái laptop.
Họ im lặng làm việc, học hay sáng tác. Có người với một tờ báo mở trước mặt, hay hai người bạn thì thào nho nhỏ. Quán tĩnh mịch, nghe được cả tiếng gõ khe khẽ của những ngón tay chạm trên bàn phím, thậm chí cả tiếng thở của người ngồi ở bàn gần mình.
Tôi ngồi với ly cà phê cạn. Tôi biết, những trang mạng của người Việt khắp nơi trên thế giới, vào mỗi tháng tư họ cũng trao đổi cho nhau trên khung hình nhỏ: những tấm hình đang bốc lửa, những khẩu súng đang nhả đạn. Tiếng người đang khóc, đang la vang, đang chạy hoảng loạn, đang giẫm lên nhau. Tiếng súng nổ, tiếng kêu thất thanh... Tất cả hiện ra trên khung hình nhỏ.
Trong một tiệm cà phê ở Mỹ. Tôi ngồi đó, ngửa mặt uống ngụm cà phê đen cuối cùng. Bỗng dưng má tôi ươn ướt. Nước mắt ứa ra từ hai con mắt, bờ mi đã bắt đầu sụp xuống như hai chiếc lá cuốn khô. Nước mắt của một người di tản vì chiến tranh lâu quá rồi, xót xa cho phận mình, phận người, phận quê hương đất nước.
Ba mươi bảy năm rồi, mà thỉnh thoảng vẫn đọc được ở trên mạng, lẫn vào những bài vở giải trí, kiến thức hay nghệ thuật, những lời nhắn với nội dung thật buồn:
Một hài cốt với tên họ, ngày sinh và số quân đầy đủ của một quân nhân VNCH, ai đó vừa tìm được bên đường. Mong có thân nhân đến nhận. Nào ai biết thân nhân của bộ xương đó còn sống hay đã chết? Tin đó đến từ Việt Nam và đã chuyển đi nhiều lần.
Tin những người ở Mỹ về bốc mộ, một hố chôn tập thể của binh sĩ VNCH trong một sân trường hay bên cạnh một con mương.
Tin cả trăm bộ xương tìm thấy ở ven biển miền Trung không biết của bên này hay bên kia.
Rồi còn cả những tin như sĩ quan H.O. qua đời ở Mỹ không có thân nhân, được những người trong cộng đồng phụ nhau mai táng.
Lời nhắn về một vị tá Hải Quân, có con ở Cali. Xác nằm trong bệnh viện Texas hai tuần rồi. Cha qua đời, con ở đâu chưa đến nhận.
Những dòng chữ như thế, thực sự là một “Tin Buồn” với ý nghĩa đúng nhất của nó.
Tháng Tư là tháng tôi sợ đọc, sợ xem hình trên mạng. Sợ nhìn lại những hình ảnh và đọc lại những bài viết kinh hoàng của những nạn nhân vượt biển; hình ảnh nghĩa trang quân đội bị đập phá trong tủi nhục; những câu chuyện thương tâm của tù nhân và nhà tù cải tạo; sợ phải xem lại những hình ảnh của một thành phố mình đã sống và lớn lên bị tàn phá bởi chiến tranh; sợ những bức hình và tên tuổi, binh nghiệp của các tướng lãnh tự sát vào ngày cuối cùng, tôi sợ mỗi khi đọc thêm một danh sách tự vận của các cấp tá, cấp uý, các hạ sĩ quan.

 Họ tự sát riêng lẻ hay có khi cùng với vợ con. Những bức hình im lìm đó là những tiếng gào thét phẫn nộ của những anh hùng VNCH. Tôi không nhớ là mình đã đọc được câu này ở đâu: “Thật đáng thương cho một đất nước nào có quá nhiều anh hùng” vì anh hùng đồng nghĩa với hy sinh và cái chết.
Đau đớn nhất là bao giờ khi xem hình, khi đọc những bài viết xong, cuối cùng mình nhận thức rất rõ rệt: đó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.Người giết và người bị giết đều mang họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần.
Ba mươi bảy năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có Tự Do cho Việt Nam. Ngư dân Việt bị tầu Trung Quốc bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm thầm mất dần từng mảnh cho Trung Quốc...

 
Tháng tư, cà phê đắng, đắng thêm khi pha vào những giọt nước mắt, vì nước mắt bao giờ cũng có muối ở trong. Nỗi đau tháng tư với một số đông người Việt ở thế hệ bạn hữu tôi là một vết thương không thành sẹo được, nó lên da non, rồi ngưng lại ở đó. Nhìn xuống vẫn thấy màu hồng, vẫn thấy như còn rơm rớm máu.
Tôi cúi xuống nhìn chiếc ly không, tự lấy tay áo lau thầm những giọt nước mắt mình. Đứng dậy, trở về một nơi tôi gọi là nhà, tiếp tục sống với trái tim di tản.
Vạt nắng tháng tư chỉ bay xiên vào trong quán này một năm một lần, nhưng khi tôi đến đây, dù bất cứ tháng nào trong năm, hồn tôi, tháng tư có thể đến bất chợt ghé xuống và rơi cùng những giọt cà phê.
Anh ạ tháng tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi nẻo về.[*]
Trần Mộng Tú
Tháng 4/2012
________________
[*]Thơ Trần Mộng Tú.
-------------
Đã đăng:
01.05.2012
Nguyễn Tôn Hiệt: ... Tôi nghĩ, để “băng bó vết thương chung của dân tộc” thì, trước hết, ta không nên nhầm lẫn nó với những chiêu bài “hoà giải hoà hợp” giả hiệu. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” bằng cách tự đánh thuốc mê, tự chích thuốc tê, tự tẩy trắng mọi ký ức đau thương, khi vết thương thật sự vẫn còn nguyên trong tâm hồn và trên thể xác của biết bao người. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” khi những kẻ gây ra vết thương ấy không hề biết nhận lỗi, không hề biết sửa đổi, mà cứ tiếp tục dối trá, cứ tiếp tục tạo ra những tội ác mới, những sai lầm mới, cứ tiếp tục ca múa, giăng cờ, cụng ly trên chính vết thương ấy... (...)
30.04.2012
Bắc Phong: Tôi vẫn muốn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc Hận vì tôi là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà bị mất vào tay Cộng Sản ngày đó năm 1975. Tôi buồn nhiều vì, giống số phận đau thương của nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam cũng phải sống khổ dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản từ đó đến nay và chưa biết còn đến bao giờ nữa... (...)
Uyên Thao: ... Thời điểm đó, tôi đã nói với bạn bè là tôi thấy cuộc chiến không hề chấm dứt mà chỉ chuyển sang một đoạn đường mới kể từ ngày nào Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Trong nhận thức của tôi, cuộc chiến đang diễn ra dù gọi tên là gì, dù được giải thích ra sao thì thực chất chỉ là cuộc chiến do yêu cầu bảo tồn sự sống của người Việt trước nguy cơ huỷ hoại sự sống của một tập đoàn mê muội cuồng dại mà thôi... (...)
29.04.2012
Liêu Thái: ... Cứ mỗi dịp tháng Tư về, vườn nhà tôi thi thoảng nghe chó sủa đêm rồi lại tru, mẹ tôi bảo đó là chó sủa ma. Và mẹ tôi cũng nói rằng còn quá nhiều oan hồn uẩn tử, âm khí quá nặng, nên tháng Tư về, song hành với tiếng reo hò chiến thắng là tiếng chó tru đêm đầy rẫy trên quê hương. Và, đâu đó trong góc khuất cuộc đời, những oan hồn đang thở dài nhìn hiện tình đất nước, nhìn những người bạn năm nào giờ đang lưu lạc… Cứ như thế, đất nước vật vờ trong nhịp buồn tháng Tư – tháng Oan Hồn... (...)
28.04.2012
Nguyễn Viện: ... Tôi vừa đọc lại cuốn Chuông gọi hồn ai của Hemingway, cũng là cuốn sách viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và tôi nhớ có đoạn Hemingway để cho nhân vật của mình nói, đại ý: Cần phải có một cuộc giải tội tập thể cho cả dân tộc, bất kể anh ở phe nào. Vâng, tôi ước ao có một ngày mọi người dân Việt dù đang sống ở bất cứ đâu, cùng dành ra một giờ để xưng tội với nhau và xin tha thứ cho nhau. Cho cả những người đã chết, đang sống và sẽ sinh ra làm người Việt... (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

NHIỀU TÁC GIẢ * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG


ANH LÍNH CỘNG HÒA ƠI
 Thuở đó tâm hồn em trắng trong
Như ánh trăng thanh trải ruộng đồng
Như lúa mạ non vờn nắng sớm
Lấp lánh sương mai rực ánh hồng
Én liệng lưng trời xanh, rất xanh
Xuân, hè hoa nắng nở long lanh
Chiếc lá vàng bay, mưa phai phái
Gió thoảng hương thu thoáng qua mành
Rồi ngày Quân Lực đến mỗi năm
Những chàng trai trẻ chốn xa xăm
Bôn ba khắp nẻo đường đất nước
Mừng đón anh về, hôi hoa đăng
Thành phố tưng bừng, nhạc trống vang
Lơ lửng Dù hoa gió mây ngàn
Hoa Rừng, hoa Biển, hoa Đồng Nội
Sắc áo màu cờ quyện giang san
Bến Hải, Cà Mau, Huế, Bình Long
Anh trai hào kiệt giống Lạc Hồng
Bụi chiến trường xa vương áo lính
Cô bé năm xưa xao xuyến lòng
Từ dạo chúng mình quen biết nhau
Anh chưa thệ ước dưới trăng sao
Chẳng đón đưa em chiều tan học
Chinh nhân ơi! Da ngựa, chiến hào
Làm sao em hờn trách được anh?
Người đi làm rạng rỡ sử xanh
Hiểm trở, giải dầu nơi chiến tuyến
Chỉ mong đất nước sớm an lành
Ba mươi tháng Tư, giặc tràn vào!
Đày anh rừng thẳm, biển, núi cao
Bao năm vật vã trong tù ngục
Thể xác héo mòn! Dạ chẳng nao
Cờ vàng trong nắng phấp phới bay
Chiến sĩ tấm lòng khó chuyển lay
Dù nay sức yếu, thân chùm gởi
Quyết tâm đào luyện những người trai
Bản Giốc, Hoàng Sa, đến Trường Sa
Việt Cộng dâng hiến cho Trung Hoa
Tội đồ thiên cổ! Ai bán nước?
Xao xác hồn em! Mắt lệ nhòa
Năm Châu đoàn kết các thanh niên
Trai Việt Nam ơi, khắp mọi miền
Tị nạn Cộng thù, hay du học
Cùng đưa đất nước khỏi xích xiềng
Hải ngoại mọi người xiết chặt tay
Trẻ già chung sức dựng tương lai
Cộng Sản tan tành trên cố quốc
Hãy vững lòng tinh, có một ngày
Đường phố hôm nay rộn nói cười
Mừng Ngày Quân Lực, nắng hồng tươi
Anh lính Cộng Hòa muôn năm đó
Sống mãi trong tim của mọi người
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
(California)
 


ĐÁM MA TÙ
Ngô Minh Hằng

 Vài tên cầm súng bước đi đầu
Tên nữa A.K tiếp phía sau
Một xác bó tròn đôi manh chiếu
Hai đầu buộc chéo bốn dây lau.
Không kèn không trống không đưa tiễn
Chẳng khói chẳng nhang chẳng nguyện cầu
Chỉ có bạn tù khiêng lặng lẽ
Vùi nông một khối hận thù sâu!


Ngô Minh Hằng
( GoiĐÀN)

 

NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI NẰM XUỐNG CHO TỔ QUỐC VIỆT NAM
(Kính dâng những linh hồn Tử Sĩ VN.)

Anh vẫn đó, oai hùng như dáng núi Ánh căm hờn trong lũng mắt đau thương Hăm mốt năm qua, trời sầu đất tủi Nơi đáy mồ anh khóc chuyện quê hương !


Anh có nhớ trong niềm đau mất nước Nhìn Hiền Lương máu ngập đến Cà Mau Vẫn anh dũng, anh kiên cường tiến bước Viên đạn thù tàn nhẫn réo thương đau ?!


Tuổi thanh xuân anh bừng bừng khí thế Trái tim hồng đỏ thắm máu Tiên Long Cổ thành xưa anh đã từng ngạo nghễ Gương hào hùng oanh liệt bốn nghìn năm


Ôm hoài bảo và tình yêu sông núi Anh hiên ngang đối diện với quân thù Dù ngã xuống, bia vàng không tên tuổi Nhưng trong lòng dân tộc đã thiên thu


Anh không chết, muôn đời anh không chết Và muôn đời Tổ Quốc mãi ghi công Hỡi các anh ! những người trai tuất kiệt Lấy máu đào anh rửa hận non sông !


Tôi nợ anh một lễ nghi quốc táng Lời tuyên dương, truy điệu bậc anh hùng Hăm mốt năm qua làm thân tỵ nạn Tôi cúi đầu nghe nước mắt rưng rưng …


Tôi nợ anh khúc quân hành rộn rã Ánh đuốc thiêng và tiếng hát khải hoàn Món nợ đó tôi rất mong được trả Trả cho anh và Tổ Quốc VIỆT NAM !


Ngô Minh Hằng





Tết Ở Phương Người

: Phan Ni Tấn






mùa xuân tuyết trắng trời trắng đất
người, xe gì thảy đều tất bật
ngọn gió cuốn hồn anh bay mau
mặt mũi se khô tái một mầu

trước mặt nhà cây phong trụi lá
trần truồng khô như cây mai giả
nhìn xuyên qua một bầu trời già
thấy đời mình giạt về phương xa

lái xe chạy một vòng thành phố
phố người rộng như bể khổ
ta thò tay ra ngoài dòng đời
níu hồn về trăm miếng tả tơi

không khí tết không mùi để ngửi
không thiêng liêng cho lòng lạnh sưởi
ngó ngoái lại thương quá vợ con
miệng tươi cười mà dạ héo hon

bao giờ gặp lại ta trên sóng
thuyền đi chẻ ngọn trùng dương động
dắt díu nhau từng chặng thiết tha
ta về với mùa xuân quê nhà





Viễn Khách Hành

 Phan Ni Tấn






1.
thay vì đóng cổng Phan gia trang
đêm hôm ta đã mở rộng đàng
đón viễn khách dọc đường gió bụi
ghé về thăm - từ Montreal
khách mày râu tay cầm vò rượu
giới thiệu qua mới biết người thơ
sớm xa quê lạc mùa rượu đế
xách tới chai courvoisier
long trọng uống từng hơi hảo tửu
thiệt lòng ta hào sảng quen rồi
phan-hiền-nội mấy phen đãi sĩ
lo nấu nướng không tiện ra ngồi
đêm bồn chồn mấy cơn gió nổi
rượu ngang xương mới dứt vòng đầu
hạ thịt con bò đem nhúng dấm
ta nghe thơ thẩn nhỏ từng câu
thất viễn khách kẻ quen người lạ
rót một vòng lạ cũng thành quen
ai thức trong hồn ta thấp thoáng
điểm mặt nhơn sinh tụ dưới đèn
2.
ơi thất khách tiếp chiêu hồng thuỷ
ly bạc màu cạn với bạn ta
góp vui lại thành ly thân mật
ly mới quen sắc cũng đậm đà
mùi rượu đỏ rót nồng con mắt
rót mền môi đã giọng lười ươi
vài giọt rớt xuống nền trầm tích
vết còn thơm đọng đỏ áo người
tiếng rượu rót tiếng nguồn róc rách
tiếng dòng sông ra biển không về
ôi chớp lửa cuộc người thoáng chốc
mười lăm năm mê mỏi lìa quê
tưởng tượng khi say hồn rã rượi
nức nở gì đây một bản tình
hát khắp cùng không ra khỏi nước
quanh quẩn lời quê run giọng mình
tưởng tượng khi say thành cuồng sĩ
đầu gục lên một mớ ngổn ngang
lè nhè gặm câu thơ nhớ nước
túy lúy vô hà tức thị phương +


3.
màu rượu rót hoài không thất sắc
rót vào da đỏ chói linh hồn
rót thành thơ giang hồ đề tặng
rót ra đời ấm bạn tình hơn
em rót giùm thêm chút nước mắm
cho mặn lòng ta miếng gió quê
miếng gió mát tay người Cần Giuộc
ru ta thơ ấu ngủ bờ đê
mai mốt về quê em Rạch Gía
xin đời mặc lại áo bà ba
chèo xuồng đi khóc ngoài cửa ải
chỗ xưa ta với đất chia xa
chỗ xưa ôi chỗ nào không nhớ
đốt đuốc soi tìm biết có ra
ta sống mà tâm còn nghe sóng
đập hoài lên dấu vết xưa qua
hãy nhúng giùm ta xấp bánh tráng
tiện tay em cuốn lại quê nhà
thêm chút rau thơm cùng ngò quế
cho ta ăn bằng nỗi thiết tha

4.
dòng hảo tửu rốt cùng chịu phép
(để hồng trần hay rượu nho tiên)
người còn vững, chai phơi bụng cạn
đúng nội công tâm pháp gia truyền
có ai nói đã ba giờ sáng
đang ngà say nghe thoáng giật mình
ta chợt nhớ chợt thèm háo hức
tiếng gà xưa gáy thuở bình minh
nài ép bạn ta e thất lễ
đêm tàn canh gió nổi trong đầu
trả thất trụ về phương nắng mới
bụi của trời giỏi cản được đâu
mời không ở thôi đành tạ lỗi
đường sương mù tiễn bước người đi
cổng vừa khép ta liền say xiển
té sấp hồn trên ngực thê nhi



LỜI TỬ SĨ
Dâng lên anh linh tử sĩ đã có lúc an nghỉ tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa

Mẹ chớ đắp cho con ngôi mộ mới
Để xương con rữa nát với thời gian
Làm phân bón cây nhân quyền sai trái
Cho ngày sau con cháu sống huy hoàng

Em chớ buồn nhìn mộ anh xiêu tán
Thấy bia anh đầy dấu đạn căm thù
Ngay cả núi sông giặc còn rao bán
thì hồn nào yên được giấc ngàn thu!

Con hãy để xác cha hòa với đất
Ba chết rồi, cải táng được gì đâu!
Đồng đội ba biết bao người bỏ xác
Dưới truông hào, trên núi thẳm, rừng sâu

Chị hãy để cho em vào phiêu lãng
cho em quên mối hận tháng Tư buồn
Hai mươi năm đất miền Nam tươi sáng
chỉ một ngày mưa thấm lệ trào tuôn

Bạn hãy để cho tôi tròn tiết tháo
Sống anh hùng thì chết cũng quang vinh
Chớ xin xỏ bọn cường quyền vô đạo
Thêm tủi lòng người đã quyết hy sinh

Nếu bạn muốn tôi ngàn thu yên giấc
xin hãy thay tôi dựng lại cờ vàng
Tôi không muốn được mồ tươm mả tất
Khi nước nhà mây vẫn trắng màu tang

Vũ Đình Trường





HÌNH ẢNH NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1975

Tháng Tư Đen 1975 và…  
Những mảnh hồn đau đứng dưới trời!
                                                                                                        
Tại Tuy Hòa , Vạn Ninh (Tỉnh Phú Yên, Tỉnh Khánh Hòa)
Ngày 23-3-1975 phần đuôi đoàn xe di tản bị mắc kẹt trên Tỉnh Lộ 7 gần quận Phú Túc, cách Thành Phố Tuy Hòa khoảng 40 km về phía tây, vì pháo cọng sản bắn vào đoàn xe ở phía trước
Bà mẹ mất con tại Tuy Hòa. Ngày 25 – 3 – 1975
 
Ngày 26 tháng 3 năm 1975 tại Vạn Ninh, Ninh Hòa.
Những người dân chỉ có vài món đồ trên lưng , tức tưởi dẫn gia đình trốn chạy cộng sản
Tại Nha Trang
Ngày 31 – 3- 1975 tại phi trường Nha Trang
Trên chuyến bay cuối cùng rời khỏi phi trường Nha Trang ngày 31 – 3- 1975
Trong cuộc hổn loạn những người Lính VNCH không chỉ lo cho riêng bản thân mình mà còn giúp đỡ bảo vệ sự sinh tồn của người dân nhất là những em bé
Phi trường Nha Trang Ngày 1 – 4- 1975
Ngày 2 – 4- 1975. Trong cảnh di tản ra khỏi Nha Trang. Một người dân đang đu trên cánh cửa máy bay
3 giờ sáng Ngày 30 – 3 – 1975. Chiếc HQ 802 cập bến cảng Cam Ranh
 đến 8 giờ tối Ngày 30 tháng 3 năm 1975, nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình, rời cảng Cam Ranh để về Vũng Tàu
Hai ngày sau, là ngày 3-4-1975. Tàu HQ 802 đang trên biển Đông
Ngày 2 tháng 4 ngăm 1975 Nha Trang thất thủ
Tại Phan Rang , Phan Rí
Tại Phan Rang . Ngày 16 tháng 4 năm 1975.

Tại Cửa Phan Rí . Ngày 18 tháng 4 năm 1975.

Tại Xuân Lộc
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, đồng bào bỏ chạy khi việt cọng tới Xuân Lộc và người thanh niên xấu số này đã gục ngã trong vòng lửa đạn trên quốc lộ 1

Ngày 13 – 4 – 1975.


Tại Xuân Lộc
Ngày 14 – 4 – 1975, em trai này di tản một mình bằng chiếc xe lăn trên đoạn đường dài từ Xuân Lộc, đang di chuyển trên quốc lộ 1


 Ngày 14-4-1975 , dân chúng Xuân Lộc chạy hỗn loạn tranh dành leo lên chiếc trực thăng.

Ngày 15 – 4 – 1975

Ngày 23 tháng 3 năm 1975 tại Xuân Lộc
Ngày 31 – 3 – 1975
Ngày 23 tháng 3 năm 1975 Xuân Lộc thất thủ
Tại Lâm Đồng , Long Khánh
Ngày 15 tháng 4 năm 1975, tại tuyến phòng ngã ba Dầu Giây

Ngày 19 – 3 – 1975, trên quốc lộ 20 từ Lâm Đồng về Dầu Tiếng

Ngày 20 – 4 – 1975, Quốc lộ 20 từ Lâm Đồng về Dầu Giây

Ngày 20 – 4 – 1975 tại Dầu Tiếng

Ngày 21 – 4 – 1975, dân chúng Long Khánh chạy tránh cọng sản

Ngày 21 – 4 – 1975, người chồng của phụ nữ này bị trúng đạn pháo kích của cộng sản

Ngày 21 – 4 – 1975, cộng sản vô tới Long Khánh

Ngày 21 tháng 4 năm 1975 Long Khánh thất thủ
Khắp nơi – Dân chạy tránh giặc cọng sản
Một chiếc tàu vận tải Vishipco chở số người tị nạn nặng trĩu từ miền trung khi cộng sản tràn vô

Một chiếc thuyền tị nạn ở miền trung
Người chạy giặc chỉ có đôi giày, vài cái túi, và một cái radio
Một gia đình dắt dìu nhau chạy giặc từ miền trung tránh đợt tấn cộng của cộng sản

Gia đình và trẻ em chạy giặc từ miền trung vào nam trong ngày cuối tháng 4 năm 1975

Hai em bé lạc loài trong dòng người di tản

Với chút hành trang còn lại người cha cõng đứa con chạy trốn cộng sản ở Trảng Bom ngày 23 – 4 -1975

Khắp nơi – Dân chạy tránh giặc cọng sản
Vũng Tàu Ngày 9 tháng 4 năm 1975

Dân chúng chen chúc tìm lối thoát tại các bến tàu

Ngày 21 – 4 – 1975, người dân Sài Gòn lũ lượt kéo nhau chạy ra Vũng Tàu tị nạn



Vòng đai thành phố Sài Gòn những ngày cuối tháng 4 năm 1975 đã bị vây chặt bởi nhiều sư đoàn của cọng sản
Tại Sài Gòn
Ngày 24 – 4 – 1975. cọng sản đã ném bom vào Sài Gòn


Lúc 3 giờ 30 Ngày 27 tháng 4 năm 1975, cộng sản pháo kích vào hành phố Sài Gòn




Ngày 28 – 4 – 1975, cộng sản tiếp tục pháo kích vào Sài Gòn



Ngày 28 – 4 – 1975, Xác T-54 trên đường Trương Minh Giảng, gần Lăng Cha Cả


Ngày 29 tháng 4 năm 1975, một chiếc trực thăng đáp trên sân thượng nhà 4 tầng của người dân trên đường Truơng Minh Ký
Tại Bến Sông Bạch Đằng
Người dân Sài Gòn tìm đường thoát trên bến phà Thủ Thiêm trên bến sông Bạch Đằng

Ngày 28 – 4 – 1975, người dân leo qua hàng rào bến cảng để trốn thoát khỏi Sài gòn


Những cửa ngõ duy nhất có thể thoát ra khỏi Sài Gòn như Tòa Đại Sứ Mỹ, khu DAO ở gần Air Vietnam và bến Bạch Đằng, thì lúc nào cũng đông nghẹt người chen chúc chờ đợi một cơ hội cuối cùng. Đa số là thành phần trong chính quyền cao cấp hoặc những người có liên hệ với Mỹ trước đây


Và những người Sài Gòn đang liều mạng trèo lên các xà lan tại bến cảng Sài Gòn họ cố gắng trốn thoát khỏi cộng sản

Ngày 29 – 4 – 1975

Một bé trai đầu đội mũ lính, trên lưng cõng một đứa bé lạc loài trong đoàn người di tản

Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975 như một cái chảo đặt trên lửa đang nóng dần lên và dân chúng như đàn kiến loi ngoi trong đó không lối thoát

 

No comments:

Post a Comment