Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 27 November 2016

TRUYỆN SƠN TRUNG = HÀ NỘI NĂM XƯA = PHAN = DU SINH VIỆT NAM

SƠN TRUNG * CHIÊM TINH GIA ĐINH SƠN


CHIÊM TINH GIA ĐINH SƠN


Đinh Sơn quê ở ngoại thành Qui Nhơn. Thân phụ ông làm lý trưởng, có một cái nhà ngói và vài mẫu ruộng. Khi Nguyễn Nhạc khởi binh, bọn Lý Tài, Tập Đình cướp phá xóm làng, thân phụ của Đinh Sơn không chịu cung ứng vàng bạc, lúa gạo cho bọn họ nên bị Lý Tài kết tội là địa chủ, phong kiến, cường hào, ác bá rồi bắt giết. Đinh Sơn sợ hãi, bỏ vợ con trốn vào Gia Định sinh sống qua ngày. Đinh Sơn không được học hành nhiều cho nên vốn liếng chữ nghĩa cũng không là bao. Ông theo một ông thầy bói ở Gia Định học nghề bói toán. Ít lâu sau, ông thầy bói chết, Đinh Sơn nối nghiệp thầy mở một cửa hàng tướng số tại hương lộ 18, sau trở thành tỉnh lộ, là con đường nối liền Gia Định và Tây Ninh, và sau này thành khu Bà Quẹo, gần khu Bình Hưng Hòa.
 
 
 
Đinh Sơn làm ăn cũng khấm khá, mua được một căn nhà ngói ở mặt tiền, và cũng đã lập một gia đình mới, gồm một vợ và ba con. Khu nhà Đinh Sơn vốn xưa là một khu rừng. Sau khi chúa Nguyễn mở mang miền Nam, lập Gia Định trấn, khu này trở thành khu tân lập, gồm những người Bắc, người Thanh Nghệ theo Nguyễn Hoàng vào từ trước, và một số bà con người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phan Rang vào sau. Những người này sinh sống bằng nghề canh nông, một số đốn cây rừng từ Tây Ninh về cưa xẻ làm bàn ghế đem về Gia Định , Đồng Nai bán. Một số chuyên buôn hàng từ biên giới Miên Lào về Gia Định và chuyển hàng từ Gia Định đi Miên, Lào.

Khi quân Tây Sơn đánh thành Gia Định quân chúa Nguyễn thua đậm. Chúa Nguyễn phải bỏ chạy ra ngoài. Nguyễn Lữ ra lệnh tịch thu tài sản của những quan lại theo chúa Nguyễn, và những thương gia giàu có tại miền Nam. Những tướng tá và binh lính chúa Nguyễn đều bị bắt giam trong rừng sâu. Những thầy tu, thầy bói cũng bị giam giữ. Thậm chí có người bị giết. Đinh Sơn cũng bị bắt giam một thời gian.


 
Bỉ nhân cư ngụ tại Gia Định . Hôm hôm cưỡi ngựa đi thăm một người bạn ở vùng này, nhân đi qua nhà nọ, thấy bảng hiệu “Đinh Sơn, chiêm tinh gia” bèn xuống ngựa vào chơi. Vốn từ lâu, nghe danh Đinh Sơn nhưng chưa có dịp gặp mặt. Nay qua đây, tôi muốn vào thăm. Đinh Sơn có nhà, ông vui vẻ tiếp tôi. Trong khi ông xin phép vào nhà thay y phục, tôi nhìn xung quanh thì thấy căn nhà cũng khá đầy đủ tiện nghi như bao gia đình bực trung tại Gia Định lúc này, mặc dầu nền nhà có những vết cạy phá, chưa kịp sửa sang.
 
 
 Đinh Sơn chuyên coi tử vi. Tại phòng khách , ông vẽ lên tường một bản tử vi to bằng cái chiếu. Khi ông ra tiếp tôi, ông bưng ra một khay trà mời khách. Chúng tôi cùng uống trà đàm đạo như hai người bạn quen thân. Ông bảo tôi viết tên tôi vào tay rồi nắm lại. Tôi che kín tay và viết tên tôi, thế mà ông nói rõ tên tôi. Tôi hỏi ông lá số của ai trên tường. Ông bảo đó là lá số của ông, rất giống lá số Nguyễn Nhạc, là lá số làm giặc, làm vua. Nhưng ông không làm vua được, mà làm giặc, làm kẻ chống đối bạo quyền, vì cung mệnh của ông có Sát, Phá tọa thủ. Ông cho biết, ông làm nhiều nghề. Khách muốn trừ tà, xin bùa ngãi, ông đều có. Ông bảo nhà ông có phủ thờ thần linh. 
 
 
Ông dẫn tôi lên xem. Trên gác, ông có cả một phủ thờ gồm khoảng một trăm bát nhang. Ngày rằm , mồng một và mỗi đêm , ông đều cúng kiếng thờ phụng nghiêm chỉnh. Ông là một thầy bói và cũng là một thầy pháp. Ông kể chuyện khi quân Tây Sơn vào, ông bị giam một năm. Nằm trong tù rất khổ sở, thân hình gầy ốm như quỷ đói. Khi ông ra tù về nhà thì nhà cửa bị cướp phá. Bọn quan quân Tây Sơn và bọn lưu manh lấy các cửa ngõ, dở gạch ngói nhà ông để xây nhà chúng, hoặc bán chợ trời. Ông nói:
-Thưa ông, vài tháng nữa, tôi và các thầy bói được lênh phải tập trung lên huyện học tập chính sách của triều đình. Tôi thà chết chứ không đi tù lần nữa. Bọn nó đến nhà tôi, thì tôi sẽ liều chết chống lại. Tôi đã chuẩn bị cả rồi.

Ông bưng chén trà uống một hơi rồi nói tiếp:
-Chúng nói chống mê tín, dị đoan, nhưng sự thực là chúng muốn độc quyền buôn thần bán thánh. chúng sợ các thầy bói cạnh tranh với chúng, cướp nghề của chúng. Nguyễn Nhạc vốn làm nghề buôn lậu, ăn cướp. Nguyễn Nhạc cho bộ hạ đốt lửa trên núi, giả làm thần linh, kêu Nguyễn Nhạc lên nhận kiếm thần. Nguyễn Nhạc ghét thầy bói vì sợ dân nghe lời thầy bói mà chống lại chúng. Ngày nay, có hai loại thầy bói. Một loại không theo chúng thì bị chúng khủng bố và bắt giam. Một số theo chúng thì trong nhà đã có người của Tây Sơn phục sẵn. Ai có ý chống triều đình, hớ hênh đến xem việc thành bại, hay chọn ngày hưng binh, hoặc tỏ ý bất mãn, phê phán triều đình thì chết với chúng. Nếu thường dân đến xem xuất hành cát hung thì thầy bói hỏi đi xa hay đi gần. Nếu đi xa thì bất lợi, mà đi sông biển tất chết.

Ông kể chuyện nhà của ông. Ông có hai đứa con trai với bà vợ trước ở ngoài Quy Nhơn. Chúng hăng hái theo Nguyễn Nhạc. Sau khi quân Tây Sơn nhập thành Gia Định, chúng tìm vào thăm ông. Chúng ở lại khoảng hai tháng thì về. Ngày chúng về quê, ông mua vải vóc, sâm nhung , và cho chúng mỗi đứa vài lượng vàng. Mấy ngày trước, chúng rất mềm mỏng, hiếu thảo, nhưng sau khi nhận vàng, chúng trở mặt. Chúng chỉ mặt ông chửi mắng.

Thằng cả nói::
-Ông không phải là bố tôi. Ông là một thằng giặc. Ông bỏ quê hương Quy Nhơn và Đại đế Nguyễn Nhạc, mà chạy vào Nam theo ngụy quyền Nguyễn Ánh. Ông bỏ chính nghĩa theo giặc bán nước. Ông là đồ phản bội dân tộc, phản bội tổ quốc.
Thằng hai tiếp theo:
Vi ông mả chúng tôi khổ. Chúng tôi không ngửng đầu lên nổi. Chúng tôi bị lý lịch xấu, bị triều đình nghi kị, hành hạ vì có thân phụ bỏ vào Nam. Chúng tôi xấu hổ vì ông. Ông vào Nam theo giặc, ông còn làm nghề bói toán là nghề mê tín dị đoan, lừa dối và bóc lột nhân dân. Người như ông phải ngồi tù suốt đời mới cải tạo được tư tưởng đồi trụy và lạc hậu!

Cuộc gặp gỡ đó cho tôi một cảm giác buồn. It lâu sau, tôi có việc phải qua vùng này. Khi đi qua nhà Đinh Sơn thì thấy quanh cảnh quạnh hiu. Ngôi nhà có vết đạn và vết cháy xém. Tôi ghé một nhà cách nhà Đinh Sơn vài căn , vào xin bát nước lã. Tôi hỏi bà cụ chủ nhà:
-Thưa bà , tại sao ngôi nhà bên cạnh trông tiêu điều lại có vết đạn và vết cháy như thế? Chủ nhân ngôi nhà là ai?

Bà chủ nhà cho biết câu chuyện như sau:
-Đó là nhà của ông thầy bói Đinh Sơn. Ông có lệnh tập trung cải tạo nhưng ông không chịu đi.. Ông cho vợ con đi ở chỗ khác. Huyện phái hai tên lính Tây Sơn đến nhà bắt ông lên huyện trình diện. Ông cầm dao đâm chết một tên. Tên thứ hai sợ hãi chạy ra ngoài. Giờ sau, lính Tây Sơn kéo đến nhà ông vây chặt. Ông đóng cửa, đứng trên gác bắn súng và cung tên sát hại vài tên. Hết tên, ông ném tạc đạn, và phóng lao. Quân Tây Sơn bắn súng, bắn tên và phóng gươm giáo vào nhà ông. Hai bên giao chiến một ngày. Thiên hạ kéo đến xem đông như ngày hội. Cuối cùng ông mở tạc đạn tự sát.

Nghe tin ông mất trong một hoàn cảnh bi hùng như vậy, tôi rất buồn. Trong khi bao nhà khoa bảng và bao nhà tu hành bỏ nhân nghĩa, cúi đầu, khom lưng trước bạo quyền, Đinh Sơn là một kẻ thất phu, dám đem tính mạng tranh đấu cho tự do và chống lại kẻ ác. Riêng đối với tôi, tôi cũng vô cùng cảm kích vì tấm thịnh tình của ông. Thời buổi loạn ly, cha con không dám tin nhau, vợ chồng tố cáo nhau, bè bạn phản trắc, xóm giềng rình rập vu khống để tâng công, thế mà gặp tôi lần đầu, ông đã thật dạ tin tôi, coi như tri kỷ, kể hết chuyện lòng. Nghe đâu sau vụ Đinh Sơn tuẫn tiết, triều đình bỏ lệnh tập trung và cải tạo các thầy bói.


TRẦN YÊN HẠ * VÌ TÔI LÀ ĐÀN BÀ

  tranyenha01


  VÌ TÔI LÀ ĐÀN BÀ
 
Trần Yên Hạ


Gửi người đàn ông đang ở bên cạnh tôi. Người mà từ bây giờ và cho đến ngày đi về bên kia thế giới sẽ không thể rời xa tôi.
- Tôi mới cắt một kiểu tóc đắc ý nhất, đi qua đi lại nhiều lần trước mặt ông. Không biết mắt ông có bị “quáng gà” và cổ họng ông có bị “tắt nghẽn lưu thông” không mà sao chẳng thấy ông có ý kiến gì cả. Tôi muốn ông nhìn và nói một câu gì đó (dĩ nhiên là khen ngợi) về mái tóc mới của tôi. Ông không nói, chiều nay tôi có kiếm chuyện gây sự với ông, đừng có thắc mắc. Vì tôi là đàn bà!
- Tuần trước, khi đi dự tiệc cưới con của người bạn, tôi mặc một chiếc áo dạ hội lộng lẫy và mang đôi giày mới toanh rất hợp thời trang, thế mà ông thản nhiên lái xe đến nhà hàng, không hề có biểu hiệu nào biết là tôi đang mặc áo mới và mang giày mới. Tức quá tôi phải lên tiếng hỏi ông, chiếc áo tôi mặc hôm nay có đẹp không, ông chỉ nhìn lướt qua và nói “thì trông cũng giống như những chiếc áo khác”. Vậy thì, ông đừng có ngạc nhiên tại sao hôm đó tôi lại cau có tại bàn tiệc. Vì tôi là đàn bà!
- Khi đi nhà thờ hoặc dự tiệc tùng, tôi rất khó chịu khi thấy những “món” trên người ông chẳng “match” với nhau. Thí dụ: áo sơ mi xanh, cà vạt màu đỏ đậm, suite màu nâu. Tôi mà không nhắc nhở ông từng ngày, chắc có lúc thiên hạ sẽ lăn bò ra cười vì cái kiểu y phục đủ màu sắc, giống mấy chú hề trong gánh xiệc của ông. Vậy mà ông cứ than phiền rằng tôi khó tính hay chú ý những điều nhỏ nhặt. Ông có biết tại sao tôi lại tỉ mỉ như thế không? Vì tôi là đàn bà!
- Ngày sinh nhật của tôi, ông hỏi muốn đãi tiệc hay thích món quà gì. Tôi trả lời “không cần thiết”, nhưng thật ra trong lòng rất vui và hồi hộp chờ đợi những bất ngờ mà ông sẽ dành cho tôi trong giờ phút chót. Vậy mà ông im re luôn. Tại sao ông lại thật thà đến thế? Nếu ngày đó chén đũa có xao động, con chó của ông có bị đá đít, la oang oảng, thì ông cũng đừng lấy làm lạ. Vì tôi là đàn bà!
- Khi ngồi xe với ông, thật sự tôi không bao giờ an tâm, lúc nào cũng phải nhắc nhở ông về tốc độ, vì không muốn ông bị lãnh giấy phạt (chắc ông chưa quên, năm vừa rồi ông đã phải đóng tiền phạt đến hai lần). Khi tìm không ra nhà của một người nào đó, tôi đề nghị ông dừng lại gọi điện thoại để hỏi đường thì ông nạt ngang “có lạc đâu mà phải hỏi”.
 Nhưng cuối cùng thì sao?… ông cũng phải gọi chủ nhà để nhờ chỉ đường. Lúc đó, ông lại đổ thừa, tại tôi nói lung tung làm ông bực mình, bị chia trí nên mới lạc. Thật ra, nếu ông chịu nghe tôi thì đã không bị trễ hẹn. Tôi nghĩ, nếu nhờ người ta chỉ đường thì cũng đâu có gì gọi là mất mặt, sao ông lại cứ thích làm “anh hùng rơm”. Tôi không muốn bị phạt và mất thì giờ vì đi lạc, nên mới góp ý với ông. Thật ra, tôi cũng có lỗi, vì không chịu “điều chỉnh âm thanh” vừa đủ nghe, nên có phần gây tổn thương cho cái lỗ nhĩ của ông. Xin ông thông cảm…Vì tôi là đàn bà!
- À, cái nầy mới lạ, ông cũng biết đọc, biết viết chứ có mù chữ đâu mà lúc nào đi mua hàng cũng trật lất. Bất cứ tiệm nào, hàng hóa cũng được để đúng nơi, đúng chỗ. Vậy mà mười lần hết tám, khi tôi nhờ ông mua món gì, nếu không sai thì cũng đắt hơn. Không đắt thì cũng gần quá hạn. Như thế… nếu tôi không cằn nhằn mới là chuyện lạ. Vì sao? Vì tôi là đàn bà!
- Tôi không bao giờ hiểu được tại sao ông cứ lặp đi lặp lại, mình là vợ chồng chứ đâu phải thời bồ bịch mà tôi cứ đòi được chiều chuộng, được khen ngợi. Tôi thật sự tức tối khi ông chê tô phở ở nhà không ngon bằng Phở Hòa, Bún bò thua nhà hàng Ngự Bình… Lúc chưa lấy nhau, tôi chỉ đãi ông một dĩa xà lách mà ông ca tụng hết lời và ly nước chanh tôi pha chua lè vì quên bỏ đường, ông cũng uống không còn một giọt lại còn gật gù bảo rằng sao nó ngọt lạ kỳ! Tôi nhắc lại để ông nhìn ra sự thật phũ phàng, thì ông gạt ngang, hỏi tôi sao cứ kiếm chuyện. Vì tôi là đàn bà!
- Mỗi lần ông la ơi ới “cái kềm đâu rồi?” hay “có thấy cái đồ khui ở đâu không?” là áp huyết tôi lại bắt đầu tăng. Tôi đã nói hàng trăm lần, lấy cái gì ở đâu thì để lại chỗ đó, lúc nào cần khỏi phải tốn công tìm kiếm. Vậy mà ông có để ý đâu. Bực bội nên tôi phải gắt gỏng “ông có thể bỏ cái tính thiếu ngăn nắp, mất trật tự của ông được không?” thì ông lại bảo tôi lắm mồm, khó tính vậy. Ông có biết vì sao không? Vì tôi là đàn bà!
- Cuối cùng ông nên nhớ điều nầy, tôi muốn trong mắt ông chỉ có tôi là đẹp nhất, dịu dàng nhất, thương yêu ông nhất cho dù ông có biết bao tính xấu. Bởi vậy, khi ra đường tôi không muốn ông nhìn và khen ngợi người phụ nữ khác. Bây giờ tôi có mập một chút hay tôi có gầy gò, hốc hác so với thời con gái, cũng vì tôi phải tận tụy chăm lo cho con, cho chồng–tức là ông đó. Nếu tôi có bực bội, giận dỗi vì cái tật liếc ngang, liếc dọc của ông, thì đừng hỏi tại sao. Không lẽ, cái lý do đơn giản như thế mà ông cũng không biết. Và cũng chính vì vậy mà bao năm qua tôi và ông đã phải “nội chiến từng ngày”. Ông đừng có giơ hai tay lên trời rồi nhăn mặt bứt tóc, bứt tai than thở “sao lúc nào bà cũng sẵn sàng gây hấn với tôi”. Vì tôi là đàn bà! 
* * *
Bạn thân mến,
Trên đây là những gì mà cô bạn của người viết muốn nhắn với ông chồng của cô. Không những thế, cô còn “xin phép đại diện cho phe phụ nữ để nói lên những điều cần phải nói với hy vọng các ông chồng sẽ nhìn ra những sai sót của mình mà tự điều chỉnh lại để các bà vợ khỏi phải cong cớn biện minh “Vì tôi là đàn bà!…”
Người viết nghĩ rằng, trong đời sống vợ chồng, không ít các ông không hiểu hoặc không muốn hiểu những điều mà theo họ rất nhỏ nhặt, chẳng đáng quan tâm, miễn là mình làm trọn nhiệm vụ người chồng, đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, không ngoại tình… là đủ. Có những điều đối với ông rất quan trọngnhư tình hình chính trị, kinh tế của Hoa Kỳ ra sao? 
Thế giới có diệt hết các phong trào khủng bố không? Những điều nầy đối với các bà nhiều khi chỉ là chuyện bao đồng. Bởi thế, hằng ngày có biết bao mâm cơm gia đình phải chịu cảnh tẻ nhạt. Chỉ cần một chút quan tâm, và vì tình yêu mà chúng ta cố gắng chấp nhận những điều không hợp ý mình một cách vô điều kiện, thì bảo đảm gia đình lúc nào cũng sẽ đầy ắp tiếng cười. Điều này có khó lắm không bạn?
Trần Yên Hạ - See more at: http://thoibao.com/2013/11/06/vi-toi-la-dan-ba/#sthash.rf2CcU4O.dpuf

TÔN KÀN * HÀ NỘI NĂM XƯA


hanoi01

À la recherche du temps passé…



 HÀ NỘI NĂM XƯA
Hồi ký của Tôn Kàn

Nhìn qua cửa sổ thấy thành phố Toronto nằm co ro dưới tia nắng sớm của một ngày đầu Thu thì lại chợt nhớ đến Hà Nội nơi tôi sinh trưởng cách đây mấy chục năm.
Tôi nhớ Hà Nội thời tôi còn bé cũng có những ngày chớm Thu nắng cũng êm dịu thời tiết cũng hanh hanh như thế này.Mùa Thu thì khô ráo , còn mùa Xuân sau Tết có những ngày mưa phùn gió bấc buồn lê thê, chỉ ở Hà Nội mới có những ngày buồn rã rượi dài người ra như vậy ! Những ngày này được húp tô cháo ám hay cháo gà nóng hổi thì thật là thần tiên ! Tối tối tản bộ bờ Hồ, sưởi ấm trong tay gói phá xa nóng thơm mùi ngũ vị hương hay xà vào lề đường húp chén lục tào xá thơm mùi vỏ quít khô (trần bì ),đây là những petits plaisirs của dân Hà thành.
Nhà tôi hồi đó ở hàng Đẫy nổi dài ,nay là đường Nguyễn thái Học ,trước bến xe Kim Mã. Ngày ngày đi học tôi băng qua chợ Ngọc Hà , qua chùa Một Cột rồi theo Avenue Brière de l’Isle —đường Hùng Vương— là tới trường Albert Sarraut.Trước cửa trường là một bãi cỏ rộng mênh mông , nay là quảng trường Ba Đình. Bãi này chiều chiều chúng tôi thường rủ nhau ra đánh lộn, phần nhiều là ẩu đả với Tây lai và Ả rập vì cho là tụi này phách lối.
\
 
hanoi36phophuong
Những ngày nghỉ có thể đi tầu điện lên bờ Hồ ,thả bộ theo Tràng Thi Tràng Tiền ,qua vườn hoa Con Cóc. Có khi qua đền Ngọc Sơn , rồi lên tận hàng Đào thăm bà cụ người quen có cửa hàng bán thuốc Bắc và tơ lụa.Lần nào bà cụ cũng gọi cho hai anh em chúng tôi mỗi đứa một mẹt bún chả chợ Đồng Xuân.
Thưc tình mà nói chỉ có ít sợi bún rối, một kẹp chả gồm vài miếng thịt ba chỉ thái mỏng nướng với vài cọng rau muống chẻ và rau thơm cùng chén nước chấm ,thế mà ối giời ơi sao nó ngon thế, ăn cứ thòm thèm tới nay nghĩ đến còn rỏ rãi !
Tuy theo học trường Phảp nhưng tôi chỉ thích ăn đồ Việt Nam , nhất là những món qùa vặt. Bún riêu bún ốc tôi đều mê.Nhớ đến tô bún riêu cua đồng nóng hổi, gạch cua trưng vàng ngậy đổ lên sợi bún trắng ngần,tôi thấy ngon bằng năm bằng mười mấy loại soupe vô duyên của Tây phương !
Trường trung học Albert Sarraut thành lập năm 1919 và giải thể năm 1965.Tôi theo học tại trường này từ năm 1952 cho tới năm 1954 thì di cư vô Nha Trang.Tôi phải thi concours mới vào được trường này ,năm đó chỉ nhận có hai chỗ, tôi dành được một.Kết qủa này là do ý chí của Mẹ tôi , một người đàn bà mảnh khảnh nhưng có một nghị lực phi thường. Khi bố tôi bỏ bà đi lấy người khác , bà ở vậy nuôi hai đứa con trai. Bà thường nói với hai anh em chúng tôi:” Mẹ không có của cải để lại cho các con ,chỉ có học vấn là đường tiến thân của các con, mẹ sẽ làm hết sức để giúp các con ăn học ,vậy các con phải chăm lo học hành , đừng phụ công lao của mẹ.”
Tôi là con trưởng, nên bao nhiêu chiều chuộng , bao nhiêu ưu đãi, bao nhiêu của ngon vật lạ đều đổ dồn vào tôi . Chú Cường em tôi cũng chấp nhận vai thứ của mình một cách thản nhiên , tôi thấy chú không hề tranh dành với tôi bất cứ điều gì vật gì. Hồi nhỏ hai anh em luôn luôn quấn quít lấy nhau,tôi bảo chú làm gì là chú làm theo không lầu bầu cãi cọ. Hai đứa đều thù
ghét bà dì ghẻ thậm tệ ,nhưng ngược lại vẫn thương hai đứa em một trai một gái cùng cha khác mẹ.
Tuy không sung túc , mẹ tôi không bao giờ để chúng tôi thiếu thốn chút gì. Nhất là tôi , bà cụ chiều như một công tử con nhà đại phú !Lúc nào trong nhà cụ cũng nuôi một chú nhỏ có nhiệm vụ vác cuốn Larousse nặng chình chịch đưa tôi đên trường.Hồi đó,chưa có cuốn Petit Larousse bỏ túi. Tôi còn nhớ tên các chú: đầu tiên là chú Nhâm,bàn tay có sáu ngón; sau đến chú Tuế,chú này bị hen nặng ,cứ tối tối là chú chui vào một xó ngồi thở rù rì như con mèo.Chót đến là chú Đơ, người to lớn lực lưỡng , mẹ tôi mua chiếc xe cyclo để chú chở tôi đi học. Mẹ tôi gây dựng gia đình cho cả ba chú , họ coi mẹ tôi như má nuôi !
Bà cụ lại còn nuôi thêm một ông thầy dậy tư—một précepteur–để kèm chúng tôi học thêm ở nhà cũng như chỉ bảo làm bài vở của nhà trường. Đây là những học sinh lớp đệ nhị đệ nhất đang sửa soạn thi Tú Tài. Mẹ tôi cho họ ở trọ nuôi ăn nuôi uống , ngược lại họ phải kèm học hai anh em chúng tôi. Tôi nhớ có anh Lý và anh Minh , mấy người này về sau đều thành công trong đời.Chú Cường và tôi mỗi người một thầy , vì chú Cường theo học chương trình Việt , còn tôi thi đỗ vào Albert Sarraut tất nhiên theo chương tình Pháp.Mẹ tôi thường cười khi kể lại:
—Mẹ dẫn hai đứa mày đi thi vào Albert Sarraut .Tao đứng chờ trước cổng trường.Chỉ năm phút sau là đã thấy thằng Cường tung tăng đi ra.Thằng Khánh thì cả giờ sau mới ló mặt. Về nhà là tao tống thằng Cường vào trường Việt liền !
Nói như vậy không phài là chê chú Cường học dốt.Chú rất giỏi Pháp văn và cả chữ Nho nữa.Chỉ cái là chú không thích Tây Tầu,chú có lối sống rất Việt Nam ,nhà tranh vách đất ăn mặc xuề xòa.Chú là Giáo sư Toán , con trai chú là thần đồng Toán, có Ph.D Toán của Đại học Harvard do học bổng của Gouverneur Général Jean Sauvé.
Chẳng may chú bị bạo bệnh mất sớm, tôi thương tiếc khôn nguôi.Chú mất khoảng 2 năm sau khi bà cụ đi ,tôi thường nghĩ có khi mẹ tôi nhớ chú gọi chú theo.
Chú Cường liên lạc mật thiết với họ hàng ,chú luôn luôn ở bên mẹ tôi , hầu hạ cụ cho đến khi cụ mất.Tôi thường nghĩ thầm:”về chữ hiếu và chữ tình ,tôi thua chú xa, không bén gót !”.
Tôi đấu hót với bạn bè thì như pháo rang, nhưng ngồi tiếp chuyện họ hàng thì lại ú ớ, vì không có tài small talk !
Hà Nội có những ngày hè oi bức ác liệt, nhiều đêm phải vác ghế bố ra vỉa đường mới ngủ nổi !Hồi đó chưa ai có máy lạnh.Thế nhưng mùa đông thì rét cóng, nằm ngủ trong chăn bông không muốn giậy , cứ tự hỏi tại sao không nghỉ vacance vào mùa đông? Mùa này thích nhất là dịp Tết,đươc diện quần áo mới , được đi thăm viếng bà con họ hàng để nhận mừng tuổi(trong Nam gọi là lì xì) và được ăn kẹo mứt thả dàn !Tôi nhớ có lần lên chúc Tết ông chú, ông vừa rót mấy ly rượu Cointreau đãi khách,khách chưa uống đã ra về, tôi nếm thử thấy ngọt lừ
thơm mùi cam , bèn nốc vội hai ba ly , thế là lăn kềnh ra ói mửa tùm lum !May vào dịp Tết nên không phải đòn.
Mùa đông và mùa thu ở Hà Nội có cái thú ăn qùa vặt vì trời lạnh. Hà Nội nổi tiếng có nhiều món qùa ngon.
Buổi sáng có đủ loại xôi ,bánh giò bánh dầy ép chả quế hoặc bánh cuốn Thanh Trì hay nhân thịt.Buổi trưa có cơm tấm giò chả và đủ loại bún, bún chả bún riêu bún ốc bún thang v…v…Tôi khoái nhất là món bún ốc lạnh chấm dấm bỗng làng Vân.
Buổi tối có phở,ngon nhất là phở gánh đầu đường.Buồn tình thì gọi tô mì hay tô cháo gà “xực tắc”—xực tắc mì gõ bằng hai mẩu gỗ, xực tắc cháo gà gõ bằng hai mẩu tre. Lại thêm món miến gà miến lươn hay cháo lòng với những miếng dồi tiết béo ngậy và những miếng gan luộc thái mỏng thơm bùi .
 
Còn món chả cá Lã Vọng, trước nổi tiếng thế giới ,nay thì lăng ba vi bộ lắm !
Ngoài ra còn một món rất Hà Nội , đó là món rươi.Đây là một loại giun thuộc họ Nereidae. Chúng sinh nở ở những vùng nước lợ nửa mặn nửa ngọt. Đến mùa lúa chiêm—gạo đỏ ,một loại
wild rice—khi nước biển theo thủy triều tràn vào đồng ruộng thì chúng xuất hiện đầy đồng , người ta lấy thúng vớt gánh về Hà Nội bán.Tôi nhìn chúng đủ mầu xanh đỏ trắng vàng bò lổm nhổm, không hiểu tại sao người ta lại ăn được thứ gớm ghiếc như vậy! Rươi có hai món chính: mắm rươi và chả rươi ,ăn với vỏ quít.
Ca dao ta có câu:”Tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng.”
Tất nhiên còn phải viết về hai đặc sản dữ dằn của Hà thành: trước tiên là tiết canh , sau đến thịt chó (thịt cầy).
Tiết canh thì có tiết canh vịt , tiết canh heo hay tiết canh chó.
Tôi chỉ dám ăn tiết canh vịt làm ở nhà.Tiết canh làm không cẩn thận ăn bị trúng độc thượng thổ hạ tả , ngỏm củ tỉ như chơi !
Còn món thịt chó thì tôi xin kiếu. Bố tôi mê món này lắm, nhưng mẹ tôi chê nên cả hai anh em tôi đều không hẩu món này , chỉ biết ăn món giả cầy là món chân giò heo nấu theo kiểu rựa mận là một trong bẩy kiểu nấu thịt chó.Đi qua mấy nhà hàng bán thịt chó thấy con chó thui nguyên con treo lủng lẳng răng nhe răng trắng nhởn, thấy vừa thương vừa gớm, chẳng còn bụng dạ nào mà ăn với uống !
Tôi nghe nói dân Đại Hàn xực thịt chó còn khiếp đảm hơn dân Việt, đến nỗi chính phủ phải ra lệnh cho dân chúng ngưng ăn thịt chó trong kỳ Thế Vận Hội để khỏi làm mích lòng du khách.
Thời đó Hà Nội còn có xe điện ,có mỗi một toa sơn hai mầu vàng trên đỏ dưới , chạy lịch cà lịch kịch ,đến gần trạm lại kéo chuông kêu leng keng , vui đáo để ! Tầu này trông cũng giống chiếc cable car ở San Francisco.
Tầu chạy qua nhà tôi trên đường từ bờ Hồ đến Ô Cầy Giấy và ngược lại .Mẹ tôi là thân chủ trung thành , cụ thường hả hê nói:
—Đi tầu điện vừa rẻ vừa tiện vừa thoải mái, tao đi chơi bằng tầu điện cả ngày được ! Tao chả cần ô tô
tầu bò gì hết
 !hohoankiem01
Uổng thay nay không còn tầu điện nữa, mất một sắc thái ngộ nghĩnh đặc biệt của thành phố.
Đi tầu điện lên chơi bờ Hồ—hồ Hoàn Kiếm—mùa Hè tất nhiên phải ăn kem (ice cream), kem ly hay kem cây. Còn nhỏ mà được mút cây kem mát rượi trong những ngày nóng nực là một hạnh phúc thần tiên, về nhà có bị đau bụng đi tháo tỏng thì cũng mặc kệ !
Đôi khi bố mẹ nổi hứng thì dẫn lên đường Cổ Ngư hay qua vườn Bách Thảo cho các con ăn bánh tôm, ôi những chiếc bánh vàng ngậy có con tôm đỏ nho nhỏ nằm trên ,cuốn vào lá xà-lách tươi xanh rờn, chấm nước mắm pha sao mà nó ngon thế , mỗi đứa chỉ được một cái , nhẩm bụng lớn lên có tiền sẽ ăn bánh tôm cả ngày thay cơm !
Thế nhưng oái oăm thay, lớn lên nhìn bánh tôm lại chán ngắt, con tôm bây giờ qúa to ,răng lợi đến tuổi lung lay ,miếng bánh lổm nhổm trong mồm khó nhai, thế là tan giấc mơ vàng !
Thưở nhỏ được theo mẹ vào chợ Đồng Xuân ăn qùa thì sướng mê tơi.Hà Nội có 12 chợ cỡ lớn: chợ cửa Đông (Đồng Xuân), cửa Nam, chợ Huyện, Đình Ngang, Bà Đá, Văn Cử, Ong Nước, chợ Mới, Đông Thành, Yên Thọ và Yên Thái(Bưởi). Chợ Đồng Xuân lớn nhất , ở ngay khu phố cổ ,được lập vào năm 1804 và được chính quuền Pháp xây cất năm 1890. Lúc đầu có 5 vòm cửa và 5 nhà cầu dài 52 m cao 19 m ,nay chỉ còn 3.Món bún chả kẹp que tre ăn với rau muống sống chẻ sợi nhỏ là món tôi ưa thích nhất.
chodongxuan
Từ chợ Đồng Xuân lang thang qua khu phố cổ thì không bao xa. Khu này ngày nào cũng lúc nhúc những người là người, các phố xá đã được cụ Nguyễn Trãi diễn tả trong Dư Địa Chí.
Phạm vi khu Phố Cổ được ấn định bởi hàng Đậu ở phía Bắc , hàng Bông hàng Gai Cầu Gỗ ở phía Nam , đường Trần quang Khải và Trần nhật Duật ở phía Đông và đường Phùng Hưng ở phía Tây.
Thật ra hồi đó chỉ đi loanh quanh mấy phố hàng Đào, hàng Bạc hàng Buồm hàng Bồ là đã bở hơi tai rồi ¡
Đi bộ mỏi chân thì tạt vào nhà Thủy Tạ phía Tây Bắc bờ Hồ, uống ly nước chanh đường .Hoặc ngồi xả hơi trên ghế công viên dưới hàng cây sấu hay cây si.
Các bạn còn nhớ bài hát:
Mình ơi có đi bờ Hồ
Cùng nhau ăn kem kẹo dừa
Phía đông bắc bờ hồ có rạp Philharmonic chiếu phim rẻ tiền , đặc biệt ghế ngồi là loại ghế fauteuil bằng tre đan , có nệm bông. Khổ nỗi nệm có rệp đốt sưng đít !
Thưở đó thường đi rạp Olympia ở hàng Da, coi các phim Tarzan, Zorro hay phim kiếm hiệp như Les Trois Mousquetaires.
Không ông nhóc nào là không đeo mặt nạ và cầm que tre làm kiếm đánh nhau túi bụi.
Rạp hát lớn nhất là rạp Đại Nam ở phố Huế. Rạp này là nơi đầu tiên chiếu phim nói tiếng Việt , một phim tình cảm Trung Hoa do nữ tài tử Lý lệ Hoa thủ vai chính. Người ta dubbing tiếng Việt, mấy ông bà đọc đối thoại như đọc bài , nghe thật buồn cười! Sau đó chiếu phim do người Việt đạo diễn, nữ tài tử là bà chị ruột của Nguyễn tiến Tài ,bạn học của tôi. Phim tên là Bến Cũ , quay bên Pháp và là phim câm, thế mà cũng làm náo loạn Hà thành !
Nhà hát lớn Hà Nội le grand Théatre xây cất trong khoảng thời gian từ 1901 đến 1911. Tọa lạc ở phố Tràng Tiền , nhà hát xây cất theo mẫu le grand Opéra de Paris.Tôi được lãnh vé đi xem kịch le Cid do phái bộ Pháp sang trình diễn và được nhận giải thưởng đồng hạng nhất trong lớp tại đây.Tuy hãnh diện được giải thưởng đi xem le Cid nhưng nghe Tây đầm xì xồ trên sân khấu , thật tình chẳng hiểu mô tê gì cả !
Anh Tài vượt biên và chết đắm ngoài biển với cả gia đình.
Hai người anh trai của Tài là Nguyễn tiến Lộc và Nguyễn tiến Đạt.
Anh Lộc cũng mê đóng xi nê lắm , không biết bây giờ lưu lạc nơi đâu?
Còn anh Đạt tự Đạt cồ thì nghe đâu ở Texas. Anh làm luật sư và cũng là cựu học sinh Albert Sarraut. Anh đô con vì tập tạ, mấy thằng nhóc chúng tôi thường đem anh ra hù mấy thằng Tây lai để chúng khỏi bắt nạt Dạo quanh bờ Hồ tất nhiên phải tạt vào đền Ngọc Sơn.Những công trình kiến trúc đặc thù của đền này gồm cầu Thê Húc , bút Tháp và đà Nghiên.Đề có tên là Ngọc Tường thời nhà Lý,để đời nhà Trần thì đổi thành đền Ngọc Sơn.
Đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương Đế Quân và đức Trần hưng Đạo cùng Quan Công.
Đối diện với đền Ngọc Sơn và chếch lên phía Bằc bên kia đường là đền Bà Kiệu. Cửa Tam quan của đền này ở bên bờ Hồ, ngăn cách với đền bởi đường Đinh tiên Hoàng ! Đền xây từ đời Lê trung Hưng để thờ ba vị nữ thần ,đó là công chúa Liễu Hạnh(còn gọi là Mẫu Phủ Giầy) và hai tì nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa.
Đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu nằm về phía Đông Bắc của Hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm. Chu vi hồ khoảng 1750m , tôi đã từng thuê xe cyclo dạo quanh hồ , đi tà tà ngắm phong cảnh thì mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Giữa hồ lùi về phía Nam là Gò Rùa và Tháp Rùa.Gò Rùa là một gò đất diện tích khoảng 350 thước vuông, trên gò xây Tháp Rùa.Hồi còn nhỏ tôi cứ tưởng Tháp này là do Vua Chúa thời xưa xây lên.Sau này mới biết đây là công trình của ông Nguyễn ngọc Kim tự Bá hộ Kim bỏ công của ra tạo dựng năm 1886, với ý đồ cải táng phần mộ của thân sinh trên gò Rùa. Việc đặt mộ không thành, nhưng Bá hộ Kim vẫn hoàn tất công trình xây Tháp Rùa .
Tháp hình vuông có 3 tầng , cao 8.8m , kết hợp phong cách kiến trúc Tây phương với quy thức kiến trúc Việt Nam. Nay Tháp đã trở thành một biểu tượng (icon) của Hà Nội.
Sinh vật nổi tiếng sống trong hồ là những con Rùa khổng lồ Rafetus leloii thuộc họ Ba Ba Trionychidae.
Hà Nội nổi tiếng là thủ đô có nhiều ao hồ. Ao đẹp nổi tiếng là ao Cầu nằm trong làng An Phú. Các hồ danh tiếng phải kể đến hồ Tây , hồ Trúc Bạch,hồ Thiền Quang hay hồ Ha Le (Halais) , hồ Ba Mẫu ,hồ Bẩy Mẫu ,hồ Linh Đàm, hồ Nghĩa đô, hồ Giảng Võ, hồ Thủ Lệ…
Cũng như Hồ Gươm, Hồ Tây là một thắng cảnh danh tiếng được nhiều du khách ưa chuộng.Hồ Tây hay Tây hồ còn nhiều tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, hồ Lãng Bạc, hồ Dâm Đàm, Đoài Hồ. Mỗi tên gọi đều dính liền với một sự tích lịch sử ngộ nghĩnh. Một cái thú ở Hà Nội là chiều chiều ngồi ngắm cảnh hoàng hôn trên Hồ Tây.Bên hồ Trúc Bạch không biết bao nhiêu kiến trúc đặc thù, nào chùa Kim Liên ,đền Quan Thánh, chùa Trấn Quốc,chùa Châu Long,đền Cầu Nhi ,làng đúc đồng Ngũ Xá…
Một số đền lập thành Thăng Long Tứ Trấn :đền Quán Thánh ở phía Bắc (thế kỷ thứ 10); đền Kim Liên ở phía Nam (thế kỷ thứ17);đền Bạch Mã ở phía Đông (thế kỷ thứ 9) và đền Voi Phục ở phía Tây (thế kỷ thứ 11) .
Còn Thăng Long Tứ Quán là nơi tu hành của những người theo Đạo Giáo. Đó là Trấn Vũ quán(chùa Quán Thánh); Huyền Thiên quán (chùa Huyền Thiên,phố hàng Khoai);Đồng Thiên quán (chùa Kim Cổ,phố Đường Thành) và Đế Thích quán (chùa Vua, phố Thịnh Yên)
Khuê văn các là biểu tượng văn học của Thăng Long, được xây cất năm 1805 dưới thời nhà Nguyễn. Đây là một lầu vuông tám mái nằm trong khu Văn Miếu, khu này được xây dựng từ năm 1070 dưới đời Vua Lý thánh Tông.Năm 1076 ,vua Lý nhân Tông cho xây trường Quốc tử Giám bên cạnh Văn Miếu.Quần thể kiến trúc này nằm tại phía Nam thành Thăng Long.
Vườn Bách Thảo Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc thành phố. Vườn được khai trương vào năm 1890 và là một công viên có nhiều loại cây cỏ qúy hiếm và những cây cổ thụ khổng lồ.
Những danh lam thắng cảnh của Hà Nội đã được trình bày trong rất nhiều tài liệu gíá trị , tôi không cần viết thêm làm chi cho nhàm. Chỉ nhắc lại một số cảnh vật mà tôi đã có dịp thăm viếng khi còn nhỏ.
Đến đây viết về một số bạn bè đã học chung với tôi từ cours Moyen—lớp Nhì. Những người mà tôi còn giữ liên lạc được cho tới bây giờ chỉ còn có Phạm gia Thuần, Lưu nguyễn Đạt và Nguyễn thượng Vũ.
Còn mấy người như Quế con nhà Hồng Khê bán thuốc Bắc (không nhớ họ) , Hoàng bá ước Doanh thì mất liên lạc từ lâu. Quế là họ sinh độc nhất đi học bằng xe ô tô có tài xế lái , thỉnh thoảng hắn cũng đưa tôi về nhà bằng xe hơi , cả xóm lác mắt! Không biết bây giờ hắn lưu lạc nơi nao?
Phạm gia Thuần làm phù rể cho tôi năm 1973.Hồi ở Saigon, Thuần và tôi cùng Nguyễn vĩnh Đức thường kéo nhau đi ăn cơm Tây uống rượu chát, bởi vậy tháng nào qua kỳ lĩnh lương cả ba thằng đều cháy túi ! Tôi thường đến nhà Thuần xoa mạt chược rồi kéo nhau đi du hí. Gặp nhau ở Paris , chúng tôi mò lên Tour d’Argent bù khú nhậu nhẹt như Tây con !Cậu Thuần nay vui thú điền viên với chị Oanh tại Laguna (Cali),cậu trẻ trung ra , lái xe Porsche Sport chạy ào ào ,thấy mà hãi !
Lưu nguyễn Đạt chơi thân với tôi như anh em. Cậu Đạt đẹp trai, lúc nào cũng ăn diện bảnh chọe.Hồi còn ở chung với nhau tại garconnière ở cư xá Đô Thành, tôi thường lấy cravate soie de luxe của cậu làm dây buộc mùng khiến cậu phát khùng lên !Đạt không những là một luật sư tài giỏi , cậu còn là một nghệ sĩ—vừa là họa sĩ lẫn thi sĩ kiêm văn sĩ danh tiếng , cậu đã chủ trương tập san Cỏ Thơm.Ngoài ra,cậu cũng đã viết một số bài bình luận chính trị được rất nhiều người huởng ứng. Đạt hiện sống hạnh phúc với vợ là chị Phùng thị Hạnh(cháu gái cụ Phạm Quỳnh) tại Washington D.C.
Nguyễn thượng Vũ cư trú tại một biệt thự chảng lồ trên một ngọn đồi nhìn xuống San Francisco Bay. Vũ học cours Moyen chung với tôi , sau đó thi đậu lên 6ème nên vượt tôi một lớp.Tôi nhớ thỉnh thoảng lên chơi nhà Vũ ở phố Huế. Hình như nhà bán vật liệu xây cất và bán sơn.Phu nhân của Vũ là con gái của Bác Sĩ Dương cẩm Chương. Bác Sĩ Chương là bạn rất thân của bố vợ tôi , kiến trúc sư Đào trọng Cương . Cả hai Cụ năm nay đã trên 103 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn. Bác Sĩ Chương là một danh họa tài ba , Cụ đã có nhiều cuộc triển lãm rất thành công trên toàn thế giới.Tôi có đến thăm Bảc Sĩ Chương năm 2008, được Cụ tặng cho một cuốn sách in những bức tranh mà Cụ ưng ý nhất. Tôi đóng khung một vài tác phẩm treo trong phòng làm việc.
Bà giáo đầm đầu tiên trong đời tôi là Mme Delbos.Bà không đánh học trò nhưng có một hình phạt hắc ám:anh nào có lỗi thì bà xé đôi tập cahier de classe, về nhà phải chép lại tất cả bài vở trong một tập vở mới , có khi thức trắng đêm để kịp ngày sau đem nộp, nếu không sẽ bị consigne thứ bẩy chủ nhật ,còn khổ hơn nữa !
Ông thầy dậy cours Supẻrieur—lớp nhất—là ông Thomas. Ông người vạm vỡ nhưng rất hiền lành. Ông viết chữ rất đẹp. Trong lớp ông sắp xếp học sinh ngồi theo thứ hạng.Bàn số một kê gần bàn thầy , học sinh giỏi nhất lớp ngồi ghế đầu bàn này ,đó là anh Lê văn Chương. Tôi ngồi cạnh anh vì đứng thứ nhì , và nực cười là suốt năm như thế không thay đổi vì hai đứa chúng tôi luôn luôn chiếm hạng nhất nhì !
Tuy ngồi cạnh anh Chương suốt năm mà tôi lại không thân với anh. Chương dáng người ỏn ẻn như con gái, tôi không hợp vì tôi nghịch như qủy sứ !
Sau khi di cư , mãi đến khi đi thi Tú Tài 2 thì tôi mới gặp lại Chương. Tôi mò đến nhà anh, gặp mẹ anh khóc sướt mướt nói rằng:
—Cháu ơi, thằng Chương nó khùng rồi !
Bà cụ cho biết Chương học gạo, thi đậu Brevet từ 4ème ,rồi lại thi đậu Bac Un từ Seconde, tối ngày chỉ uống Maxiton để tỉnh mà học nên đầu óc lung tung , bây giờ hàng ngày mặc xà lỏng cởi trần đi lang thang nói lảm nhảm ngoài đường !Tôi ra về thương tiếc cho một thanh niên xấu số. Nhìn gương của anh , sau này tôi không bao giờ khuyến khích các con tôi thành mọt sách.
Tôi không hiểu vì sao ông Thomas lại đặc biệt qúy mến tôi. Ông dậy tư Phảp văn và Toán , giá 80 piastres một giờ. Số tiền này thời đó khá to lớn. Tuy không khá giả nhưng mẹ tôi cũng bắt tôi học tư.Ông Thomas dậy tư tôi miễn phí ! Mấy đứa thối mồm xì xào rằng ông Thomas muốn bắt tôi làm rể ! Tuy chẳng hiểu mô tê gì nhưng trong bụng tôi cũng khấp khởi mừng thầm !
Sau năm 1954 , các bạn bè của tôi di cư vô Sài Gòn tiếp tục ở Chasseloup hay Yersin trên Đà Lạt. Riêng gia đình tôi thì định cư tại Nha Trang , tôi theo học trường Bénilde của các Frères Chrétiens .Tại đây tôi gặp một lô các bạn mới như Nguyễn dũng Chí , Nguyễn tiến Tài , Hoàng đức Nhã , Hà xuân Thao ,Hà xuân Trừng. Anh em Thao Trừng rất dễ thương , thỉnh thoảng mời tôi về nhà nấu chè cho ăn.
Còn ông anh lớn là Hà xuân Du thì tôi không ưa.Tôi có đụng độ với anh này một lần , hình như trong dịp đám cưới con gái Nguyễn thượng Vũ .Gặp tôi anh hỏi:
—Bộ Canada hết người sao mà nó xài mi?
Tôi quạt lại liền:
—Sao anh thở ra câu ngu vậy? Ở Việt Nam tôi là Cố Vấn Tổng Trưởng, trưởng khu Quang tuyển ba Bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Sang đây tôi là Giáo sư Đại học ,Giám đốc chương trình Hậu Đại học Quang Tuyến, tác gỉa nhiều sách giáo khoa. Còn anh chỉ là một tên FP hạng quèn, anh lấy tư cách gì mà lên lớp tôi?
Hắn câm mồm lỉnh ra chỗ khác. Hắn biết rằng nếu hắn tiếp tục ăn nói cà chớn thì sẽ bị tôi phang cho một trận. Khánh cao bồi mà, đâu có ngán thằng nào?
Ngồi nhớ lại cảnh cũ người xưa,trong lòng không khỏi bùi ngùi xúc động.
Thời gian qua mau , mới ngày nào mà nay đã cổ lai hi , đời người qủa thật như giấc chiêm bao.Càng về già tôi càng tin vào số mệnh. Mỗi người một số , Trời cho ai người nấy hưởng , hưởng nhiều thì nghiệp chướng nhiều , có vay thì có trả, cái triết lý nhà Phật thâm thúy thiệt !
Khơi lại kỷ niệm cũ để thổi sinh khí mới vào dĩ vãng. Gửi đến các người anh em bài hồi ký này , mong các bạn tiếp nhận nó trong
tinh thần hoài cổ cũng như với niềm tin vào một tình bạn bất diệt.
Tôn Kàn
Mùa Thu 2013
- See more at: http://thoibao.com/2013/11/06/ha-no%cc%a3i-nam-xua/#sthash.DttWZUG3.dpuf

PHAN * ÔNG ÂY NHÀ TÔI


gocphan05

GÓC CỦA PHAN  * ÔNG ÂY NHÀ TÔI


1.
Tại sao là “2”? Xin thứ lỗi cho tôi, tôi không lưu giữ được bài viết cũ vì cứ vài năm thì cái laptop tắc tử do xài (ẩu) quá nhiều, làm cho bao nhiêu bài báo trong đó cũng đi theo. (Có người mách bảo cho tôi: Hãy đem cái hard drive ra tiệm sửa computer của Mỹ thì họ back-up lại được các files trong đó. Nhưng tôi không thể vì họ tính tiền công quá cao. Và lời tự hứa vào lúc ấy, là mình phải để dành tiền để làm cái việc cần thiết này, thì thường bớt cần thiết về sau…)
Dù sao, tôi cũng nhớ được mình đã có viết một bài với tựa đề là: “Ông nhà tôi ấy à!…” Câu chuyện xoay quanh mấy người bạn làm việc chung hãng ngày xưa. Có đôi vợ chồng mà chú Quang rất mờ nhạt để nổi bật lên cô Nhâm (vợ chú Quang). Đó là người phụ nữ di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Nhưng cô khác cả triệu người di cư năm đó là với cô, hễ ai nói ra bất cứ điều gì… cũng không sai thì dở. Chỉ có cô Nhâm nói là đúng; là chân lý! Và bao giờ cô cũng đem chồng cô là chú Quang ra làm… bia đỡ đạn.
Giả sử một người đàn ông ta thán là sáng sớm ra xe đi làm, trời thì lạnh mà cái xe đề hoài cũng không chịu nổ máy; hay người khác nói sáng sớm ra xe mới biết một bánh xe đã bị xì hết hơi, thiệt là… khổ.
Cô Nhâm sẽ nhanh nhẩu nói ngay, “…Ông nhà tôi ấy à! Trong garage bao giờ cũng sẵn một cái bình điện để phòng khi xe hết bình – đề không nổ!” ; “… Ông nhà tôi ấy à! Chả bao giờ để cho bánh xe xì đến hết hơi. Vì trước khi đi ngủ, ông ấy đã ra garage kiểm tra xe cộ tử tế: đã khoá cửa xe chưa? (Vì đã có người mất xe ngay trong garage nhà mình, bởi lơ đễnh đến mức để cả chìa khoá xe trong xe…)
Ông nhà tôi ấy à! Cho dù xe đậu trong garage cũng phải khoá cửa xe cẩn thận, xem bánh xe có xì xẹp gì không, đâu vào đấy, rồi ông ấy mới lên giường nằm…”
Thằng quỷ con trong hãng lúc ấy, nó như khắc tinh của cô Nhâm, vì cô nói gì thì cũng mỗi nó dám lên tiếng với cô thôi – chứ chả ai tranh luận lại với cô bao giờ. Nó đáp lời cô,
“Nhưng chú Quang lái xe dở lắm phải không cô Nhâm?”
“…Ông nhà tôi ấy à! Ông ấy lái xe jeep của quân đội từ khi cậu chưa sinh ra đời cơ đấy! Có đã mấy mươi năm rồi nhỉ!” Cô Nhâm đầy tự hào trong ánh mắt xa xăm dõi về quá khứ…
“Vậy sao chú cứ than với tụi cháu là từng tuổi này rồi, mà đêm nào phải trả bài, “tao de xe vào garage cũng vẫn cứ kẹt hai cái bánh xe ở ngoài, có cách nào không – chúng mày ạ!” Làm cháu tưởng chú Quang lái xe dở ẹt… phải không cô Nhâm?”
“…”
Thế là những cái đầu ma quái được một trận cười, còn thằng nhỏ thì bị cô mắng xối xả với hàng loạt từ ngữ người di cư đã ra đi mang theo… Nhưng dù sao cũng thấy được cô Nhâm kỵ thằng quỷ con này vì “miệng nó bụm còn không kịp thì ai bụm kịp cho nó!” (Cái cụm từ đặc sệt nam bộ là do bà Sáu-cô đơn nói về nó, và được nhiều người cho là đúng nhất!)

Bất cứ chuyện gì của thiên hạ cũng đều thua… “Ông nhà tôi” của cô Nhâm. Đặc biệt là chuyện ăn uống. “…Ông nhà tôi không bia rượu, không thuốc lá, không bài bạc, không trai gái… mỗi ngày, ông ấy ăn đúng một bát cơm gạo lứt với muối mè vào buổi sáng, uống cốc nước lã, rồi đi làm. Cà phê từ Việt nam gởi qua – có gì tốt? Trà thì cũng chỉ toàn màu với hương liệu hoá chất pha chế… chỉ có nước lã đun sôi là tốt cho sức khoẻ.”
Tội nghiệp chú Quang mỗi trưa, cũng duy nhất bát cơm gạo lứt với muối mè, không được dòm ngó đến thức ăn của người khác. Thuở ấy, hãng đông người Việt nên anh chị em, cô dì chú… cứ bày phần ăn trưa của mình ra bàn, rồi ăn chung vì ai cũng hiểu như ai là thức ăn giỡ theo đi làm là món ăn chiều hôm qua ở gia đình, – nghĩa là đương sự đã ăn món ấy vào chiều hôm qua nên trưa nay không mặn mòi nữa. Vậy sao không để người khác ăn món của mình rồi mình đi ăn món của người khác – theo nguyên tắc: cũ người mới ta. Cụ thể như chiều hôm qua tôi đã ăn món thịt bò xào đậu cua-ve ở nhà; còn bao nhiêu thì vợ giỡ cơm cho đi làm hôm nay. Tôi sẽ để mọi người thưởng thức món đậu xào danh bất hư truyền của hiền thê mình – và tự nhiên xỏ đũa vào các món thịt kho trứng, sường muối sả… của người khác.

Riêng cô Nhâm, một mặt không cho chú Quang được động đến tất cả các món ăn trên bàn vì chú bị cao mỡ máu. Còn cô bị áp huyết cao nên không ăn mặn được! Cô chỉ gắp của mỗi người một tí… cho đỡ nhớ quê hương!
Nói tóm lại là cô chỉ ăn rau cỏ trồng được sau nhà cô, quanh năm rau luộc. Nhưng cũng là rau luộc đặc biệt, vì… “Ông nhà tôi ấy à! Ông ấy nhặt rau thật kỹ, rửa rau thì không ai kỹ bằng. Rồi ông ấy luộc rau cũng tinh xảo lắm, nên ngọn rau chín mềm nhưng vẫn giữ được màu xanh. Chứ rau luộc xỉn màu thì ngán mắt – làm sao ăn!”

Cái điệp khúc “ông nhà tôi ấy à!” được cô Nhâm nhai đi nhai lại cho bò trắng răng nên thằng Bò mà chúng tôi gọi là thằng quỷ con rửng mỡ, một hôm mọi người đã quá chán nghe cái điệp khúc ấy trên bàn ăn, nên nó hỏi cô Nhâm, “…Vậy, năm nay chú Quang bao nhiêu tuổi rồi hả cô Nhâm?”
Cô đáp, “…Ông nhà tôi ấy à! Ông ấy sáu nhăm (65) rồi đấy! Nhưng mọi người có thấy là ông ấy trông khoẻ mạnh, trẻ hơn tuổi thật đến chừng nào? Ấy! Cứ nhìn ông Tùng, ông Bách… xấp xỉ nhà tôi mà trông ra lão cả rồi đấy!…”

(Ông Tùng thì hiền chứ ông Bách thì chả! Dĩ nhiên là ông cũng chỉ nói sau lưng cô Nhâm, “… cái con mẹ Bắc kỳ này! Không nể anh Quang là bạn già thì tao đã rút… thằng nhỏ tao ra, quất vào mặt mẹ ấy một phát đinh tai nhức óc cho khép mỏ Bắc kỳ.”
Ai nghe thì nấy ôm bụng mà cười với sự táo tợn của ông Bách, nổi tiếng là “già lựu đạn”).
Nhưng cũng chẳng ai dại đến ra mặt đối đáp với cô Nhâm, trừ khắc tinh của cô, nó nói, “… Cháu nghĩ chú Quang chết bây giờ, hay mười năm, hai mươi năm nữa, cũng không có gì khác vì ngày nào chú cũng chỉ có 3 chén cơm gạo lứt với 3 cốc nước lã đun sôi – để nguội. Có phải chú là người đã chết mà còn thở… để bấm thẻ mua hột xoàn cho cô Nhâm.”

Cái thằng hắt cốc nước ối vào mặt cô Nhâm thì làm sao còn đất sống. Cô nguyền rủa nó đến nỗi thằng nhỏ phải bỏ việc mà đi học lại. Cuối cùng lại hoá ra nhờ cô mà nó lấy được mảnh bằng kỹ sư, một thời nó hái ra bạc khi các hãng điện tử ở Richardson và Plano ăn nên làm ra…
Bọn trẻ chúng tôi thương chú Quang vì khi làm việc thì cánh đàn ông làm riêng – việc nặng; đàn bà làm riêng – việc nhẹ hơn. Những lúc ấy, con người chú Quang không còn là “cục đất” trong phòng ăn – trước mặt cô Nhâm nữa! Chú như con sáo xổ lồng. Có hôm, đang làm việc cực nhọc, chú bảo chúng tôi, “… ngưng tay đi tụi bay ơi! Đi ăn pizza.”
Chúng tôi nhìn quanh, nhiều ánh mắt đều dừng lại chung một điểm là cái mông của bà Mỹ đen đang chỏng khu đếm đồ phụ tùng trong cái thùng các-tông. Bà ấy mặc áo đầm màu vàng nghệ, có những hoa văn tròn màu đỏ – y như những lát xúc-xích trên mặt bánh pizza. Cái mông bà Mỹ đen lại tròn vành vạch như cái pizza bốn người ăn… Thật là con cháu ối não no nê một hôm với trí tưởng và óc khôi hài của chú Quang.

Nhiều lúc, chúng tôi không ngờ chú đã hơn sáu mươi tuổi, cũng vì tánh khôi hài của chú. Lại càng khó hiểu vì sao chú như một người khác, khác hẳn trước mặt cô Nhâm. Đến hôm hãng bị cúp điện, cả đám kéo nhau ra cửa lớn của khu vực Shipping & Receiving ngồi đấu láo. Chú cũng tham gia bốc phét với đám trẻ cho vui. Nhưng bị cô Nhâm gọi vào phòng ăn ngồi thiền chứ già không được mất nết… như lão Bách!
Thế là ngoài này thằng quỷ con dựng chuyện! Nó trả lời thắc mắc cho chị em con Sếu, là: “Sao chú Quang đẹp trai, vui vẻ và hiền lành vậy. Mà lại lấy cô Nhâm…” Nói tới cô Nhâm thì Sếu chị bịt miệng Sếu em để tránh phiền phức.
Thằng quỷ nhỏ hăm hở nói, “… tui biết rõ vì chú Quang thường làm chung với tui mà. Ổng kể, hồi đó ổng đi lính, đóng quân gần khu người Bắc di cư. Lân la vào xóm dân tán gái, không ngờ gặp cô Nhâm – làm nghề nuôi heo mà trắng da dài tóc quá nên ổng mê, theo đuổi thì chú Quang nghèo hơn nhiều người khác, nên ổng chỉ đi chặt chuối hoang ngoài đồi giùm cô Nhâm để đem về nhà xắt trộn cám cho heo ăn. Hồi hai người ngồi nghỉ mệt trên đồi chuối, gặp hôm, gió đưa bụi chuối sang hè/ giỡn chơi một chút ai dè sanh đôi. Chuyện đổ bể, ổng không cưới thì bả tự tử. Ổng nghĩ chết tới ba mạng người nên ổng hy sinh…”
Nó nói như thiệt, còn hỏi lại hai chị em Sếu khờ, “Nên Sếu chị, Sếu em có thấy hai người con lớn của cô chú là anh em sanh đôi không?”
Chúng tôi được cười, còn các cô gái thì tin như sấm. Cô nào chả thích được giỡn chơi một chút với anh lính chiến đẹp trai, vui vẻ, hiền lành như cô Nhâm nên các cô đi hỏi cô Nhâm!
Thằng quỷ con chuyến ấy biệt xứ… đi Đại học.
2.
Cả một đoạn phim dài thuộc về quá khứ, nhưng tuần tự kể lể trong tôi về thời mới qua Mỹ – đi làm hãng.
Cô Nhâm có lẽ đã về đến nhà. Chỉ mình tôi đứng chơ lơ trong chợ Target – nơi hàng bán thuốc cảm cúm các loại; nơi tôi gặp cô Nhâm là thật, nhưng hãy còn như mơ…
“… người đàn bà đẹp lão, tóc trắng phau như tuyết sương ngoài kia. Làn da và mái tóc nói lên sức khoẻ của bà còn tốt lắm. Nhưng chính cái dáng đi đã làm nên phong thái quyền quý, mệnh phụ của bà.
Tôi mỏi mắt với những hàng chữ nhỏ li ti trên những chai thuốc nên thả tầm nhìn đi chơi cho đỡ mỏi mắt. Không ngờ hình ảnh bà lão đã thu hút tôi từ xa – đang đi lại phía tôi. Tôi hình dung lại nhiều bà cụ (là mẹ của các bạn bè ở địa phương); các cụ tuy có con cái thành đạt nên được chăm sóc tử tế hơn nhiều cụ bà ngủ gục, ngủ gật trong viện dưỡng lão một mình, đến cô đơn, đến động lòng, rồi mủi lòng người thấy những hình ảnh tương lai của mình khi tuổi già đến trên xứ sở này. Những bà cụ được chăm sóc tử tế, được ở nhà với con cháu, thường có sinh khí hơn, nhưng hầu hết cũng chỉ toát lên hình ảnh một “bà mẹ quê”. Sự sang cả của bà cụ đang đi đến gần tôi như đòi hỏi một gia phả quyền quý lâu đời mới có được, dù cụ rất đơn giản trong trang phục và một tí son môi phớt hờ cho đỡ tê tái mùa đông.
Nhưng khi cụ mở lời nói với cô con gái đi sau cụ, tôi liền nghĩ đến cô Nhâm – dù đã lâu không gặp. Tôi liền nghĩ đến chuyện của chính cô ngày xưa. Theo cô, người Hà nội có giọng nói như cô mới là người Hà nội. Còn người Hà nội sau này đã lai tạp nhiều từ các tỉnh thành khác, nhưng cứ nói mình là người Hà nội… không biết xấu hổ.
Có lẽ tôi đang bệnh cúm miên man nên làm chuyện hoang đường. Tôi đến chào hỏi cụ, “Xin lỗi cụ… Có phải cụ là cô Nhâm ngày xưa ở hãng Air Blower không?”
Cụ nhìn tôi như quái vật một hồi mới đáp, “Anh là ai… mà biết tôi?”
“Tôi mừng quá, “Thế thì đúng là cô Nhâm rồi! Cô còn nợ cháu một bữa ốc bươu nấu với chuối xanh và rau tía tô hay lá lốt đấy! Nhưng cô chú về Cali nên cháu chưa được ăn. Cô nhớ ra cháu chưa?”
Bà cụ cười thật tươi, “À!… Tôi nhớ ra anh rồi, anh P. Thật là thời gian làm cho người quen kẻ biết cũng chẳng nhận ra nhau. Có đến hai mươi năm rồi anh nhỉ…”
“Dạ vâng. Cháu thật mừng – được gặp lại cô. Chú Quang của bọn cháu có khoẻ không, thưa cô?”
Cô con gái tiến lên đỡ tay mẹ vì cô Nhâm xúc động khi nghe tôi hỏi đến chú Quang. Ngần ấy đã đủ cho tôi hiểu chú tôi đã ra người thiên cổ. Có lẽ không cần nói gì thêm hơn là lời xin lỗi của tôi đã hỏi một câu không nên hỏi, tôi nói: “Cháu xin lỗi… vì đã quá lâu không được gặp cô chú, và cũng chẳng có tin tức gì. Cháu chỉ được biết, sau khi cháu nghỉ hãng thì cô chú cũng nghỉ và dọn về Cali vì anh lớn của cô chú định cư bên ấy…”
“Đúng đấy anh ạ! Chúng tôi dọn về Cali, được mười năm thì ông nhà tôi mất vì cholesterol đã làm đứng tim mà chết. Tôi ân hận mãi là trước đó đã ép ông nhà tôi kiêng ăn. Rồi cũng chỉ được mười năm. Biết thế!…”
“Nhưng nếu cô không kiêng ăn cho chú thì biết đâu ngay khi cô chú còn ở Dallas, chú đã…
“Số phần mỗi người thôi cô ạ! Cô cũng đừng đau buồn mãi…”
Bà cụ như già đi thấy rõ trong khoảnh khắc hoài niệm. Hình như cụ có nói lý do xuất hiện ở Dallas là sang thăm cô con gái đã lấy chồng và định cư ở Dallas nhiều năm.
Người đàn bà trẻ không mang dáng dấp quý phái của mẹ mà có vẻ người nghịch ngầm và ngang ngạnh của chú Quang. Cô nói với tôi, “có dịp, mời anh tới chơi với gia đình…” gì gì nữa đó. Rồi họ từ từ xa dần ánh mắt nhìn theo của tôi, sau lời từ giã giữa chợ đời thì đúng hơn chợ thực phẩm và thuốc tây…
Những chén cơm gạo lứt – rắc tí muối mè của chú Quang ngày xưa hiện về trong trí não miên man tôi; cả cái bánh pizza tròn vành vạch của bà Mỹ đen ngày nọ… Không biết chú có chết vì phở tái, (cho xin chén hành trần, nước béo); nào là bê thui, lẩu dê, tiết canh vịt… mà chúng tôi đã “bù lỗ” cho chú trong những dịp cô Nhâm bay về Cali thăm con cháu.
Tôi chỉ thấy đã tan biến những ác cảm không tiện nói ra với cô Nhâm ngày nào khi giọt nước mắt lăn trên má bà cụ Nhâm hôm nay. Câu hỏi để lòng là sao chú Quang lại thế – ngày xưa, như đã giải bày mà không cần hỏi nữa; khi người vợ còn lăn giọt vắn giọt dài sau mười năm chồng mất – ở tuổi đã ngoài tám mươi. Yêu người đàn bà ấy thì ăn đất cũng cam lòng… Nhưng cái hay của chú Quang là vẫn đi “ăn chui” với đám trẻ để thấy cái chết không phải là lớn lao gì đối với chú. Sự sống sao cho hài hoà từ trong nhà ra ngõ mới lớn.
Phan
- See more at: http://thoibao.com/2013/11/16/goc-cua-phan-ong-nha-toi-ay-a-2/#sthash.llKzn25v.dpuf

DU SINH VIỆT NAM


Việc tầng lớp trung lưu đang nở rộ cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới là một trong các yếu tố thúc đẩy nhiều người Việt lựa chọn du học Mỹ.
     Số du học sinh Việt Nam tại Mỹ đứng đầu các nước Đông Nam Á

 Việc tầng lớp trung lưu đang nở rộ cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới là một trong các yếu tố thúc đẩy nhiều người Việt lựa chọn du học Mỹ.



CỠ CHỮ
Một phúc trình công bố hồi đầu tuần này cho biết số sinh viên Việt Nam hiện theo học ở Mỹ là 16.098 người trong niên khóa 2012-2013, trong khi chỉ có gần 900 sinh viên Hoa Kỳ học tập tại Việt Nam.

Con số đó cao hơn 3,4% so với một năm trước và đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ 8 trong số các quốc gia có đông sinh viên hiện du học ở Hoa Kỳ.

Phần lớn các du học sinh Việt Nam du học cấp đại học ở Mỹ, chiếm hơn 70% tổng số sinh viên Việt tại Hoa Kỳ. Hơn 17% học ở cấp sau đại học.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear cho biết ông vui mừng nhận thấy Việt Nam tiếp tục đưa một số lượng lớn sinh viên đến Hoa Kỳ để học đại học.

Ông Shear cũng cho rằng ‘các kỹ năng phân tích và tư duy phản biện mà họ phát triển được sẽ giúp Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào các hoạt động thế giới như là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập’.

Sớm hay muộn các sinh viên Việt Nam này sẽ trở về nước. Họ mang theo mình không những các kiến thức đã học được tại Mỹ mà còn mang về các trải nghiệm, các giá trị và họ cũng sẽ mang về những gì đã nghe được từ các bạn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cùng với thời gian, họ sẽ giúp hình thành nên tương lai của Việt Nam.
Trong một cuộc gặp cộng đồng người Mỹ gốc Việt hồi tháng Tám, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội nói rằng các sinh viên Việt Nam tại Mỹ ‘sẽ là một tiếng nói quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển Việt Nam trong tương lai’.

Ông Shear nói: “Sớm hay muộn các sinh viên Việt Nam này sẽ trở về nước. Họ mang theo mình không những các kiến thức đã học được tại Mỹ mà còn mang về các trải nghiệm, các giá trị và họ cũng sẽ mang về những gì đã nghe được từ các bạn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.  Cùng với thời gian, họ sẽ giúp hình thành nên tương lai của Việt Nam”.

Trong năm 2012-2013, có 819.644 du học sinh nước ngoài học tập ở Mỹ, tức là có thêm 55.000 sinh viên quốc tế so với năm 2011-2012.

Ðông nhất là sinh viên đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ và Hàn Quốc.

Số sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Mỹ đứng đầu con số sinh viên nước ngoài từ khu vực Đông Nam Á.

Cũng giống như Trung Quốc, việc tầng lớp trung lưu đang nở rộ cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới, là một trong các yếu tố thúc đẩy nhiều người Việt lựa chọn du học Mỹ.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, giáo dục và đào tạo được coi là một trong 10 dịch vụ xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tổng chi tiêu của sinh viên quốc tế ở cả 50 bang đóng góp gần 24 tỷ đôla vào nền kinh tế của nước này mỗi năm.
Theo phúc trình của Viện Giáo dục Quốc tế của Mỹ (IIE), giáo dục quốc tế tạo ra tác động kinh tế và xã hội tích cực cho các cộng đồng ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới.
Khi mà so sánh dân chủ và tự do, những quyền hạn của con người ở Việt Nam và nước Mỹ thì mình cần phải nhìn trong cái hoàn cảnh và các điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tôi thấy rằng những năm vừa qua, Việt Nam cũng có nhiều sự dân chủ hơn, tất nhiên vẫn còn có nhiều cái làm cho tôi cảm thấy rất là bức xúc và thất vọng, nhất là các vấn đề mà những nước đang phát triển gặp phải như tình trạng tham nhũng và sự thờ ơ của chính phủ, đặc biệt là về giáo dục.
Chị Ngọc Diệp, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ, cho rằng khi trở về nước, việc so sánh giữa hai quốc gia là không thể tránh khỏi, nhưng cũng phải cân nhắc các điều kiện của Việt Nam.
Chị Diệp nói: “Khi mà so sánh dân chủ và tự do, những quyền hạn của con người ở Việt Nam và nước Mỹ thì mình cần phải nhìn trong cái hoàn cảnh và các điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tôi thấy rằng những năm vừa qua, Việt Nam cũng có nhiều sự dân chủ hơn, tất nhiên vẫn còn có nhiều cái làm cho tôi cảm thấy rất là bức xúc và thất vọng, nhất là các vấn đề mà những nước đang phát triển gặp phải như tình trạng tham nhũng và sự thờ ơ của chính phủ, đặc biệt là về giáo dục”.

Tiến sĩ Lê Sĩ Long, Giám đốc Sáng kiến Quốc tế về Chương trình nghiên cứu Toàn cầu của Đại học Houston, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam dường như đang tìm cách ‘cải tạo’ các cá nhân từng đi du học và có tư tưởng ủng hộ thay đổi hệ thống chính trị.
Ông Long cho rằng, điều đó dẫn tới các hệ quả như “chảy máu chất xám và cản trở tiến trình dân chủ hóa” Việt Nam.
Theo IIE, hồi cuối những năm 90, mới chỉ có hơn 1.500 sinh viên Việt đi du học tại Mỹ và tăng trưởng đều đặn kể từ đó.
Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở Mỹ trong niên khóa 2006-2007 và lọt vào top 10 kể từ năm 2010-2011.
 http://www.voatiengviet.com/content/so-du-hoc-sinh-vietnam-tai-my-dung-dau-cac-nuoc-dong-nam-a/1789473.html

Du học sinh quốc tế ở Mỹ tăng cao kỷ lục

Du học sinh thường phải tìm sự hỗ trợ tài chính từ nhà trường, chính phủ hoặc chủ nhân của họ
Du học sinh thường phải tìm sự hỗ trợ tài chính từ nhà trường, chính phủ hoặc chủ nhân của họ
CỠ CHỮ
Viện Giáo dục Quốc tế, IIE, hôm 11/11 vừa công bố báo cáo hàng năm về số lượng du học sinh quốc tế tại các trường đại học của Mỹ, cho thấy con số này đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến giờ.

Báo cáo Open Doors về Trao đổi Giáo dục Quốc tế năm 2013 cho biết có 819.644 du học sinh ở Mỹ trong năm học 2012-2013. Ðông nhất là sinh viên đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Ả-Rập Xê-út và Canada.

Trung Quốc dẫn đầu với khoảng 235,000 du học sinh, tăng 21% so với năm ngoái. Tầng lớp trung lưu đang nở rộ, cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới, là những nhân tố thúc đẩy nhiều người Trung Quốc lựa chọn du học Mỹ.

Việt Nam xếp thứ 8 với tổng số 16.098 sinh viên du học ở Mỹ, tăng 3,4% so với năm trước, với 70% theo học bậc cử nhân.

Kể từ năm học 1998-1999, số lượng du học sinh Việt Nam tới Mỹ đã tăng trưởng đáng kể, nhiều năm ở mức 2 chữ số. Việt Nam có mặt trong  nhóm 20 nước có nhiều du học sinh ở Mỹ nhất từ năm 2006/07 và lọt vào nhóm 10 nước kể từ năm 2010/11.

Báo cáo cho biết du học sinh ở Mỹ tập trung nhiều ở những ngành như kinh doanh và khoa học. Gần phân nửa số du học sinh Trung Quốc theo học ngành kinh doanh hoặc kỹ thuật. Du học sinh Ấn Ðộ thì nghiêng mạnh về những ngành kỹ thuật, toán học, và khoa học máy tính.

Những điểm đến hàng đầu của sinh viên nước ngoài bao gồm Ðại học Nam California, Ðại học Illinois Urbana-Champaign, Ðại học Purdue, Ðại học New York, và Ðại học Columbia.

Du học sinh nước ngoài là đối tượng tuyển sinh ráo riết của các trường đại học Mỹ trong bối cảnh nguồn trợ cấp công bị thu hẹp, học phí chững lại, và số học sinh năm cuối trung học Mỹ sụt giảm. Theo IIE và Bộ Ngoại giao Mỹ, học sinh quốc tế hàng năm đóng góp 24 tỉ đôla vào nền kinh tế Mỹ và 2/3 số học sinh tự trang trải hay có gia đình giúp chi trả học phí.

Báo cáo của IIE cũng ghi nhận số học sinh Mỹ du học ở những nước khác tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên con số này ít hơn nhiều so với số du học sinh ở Mỹ, và du học sinh Mỹ ở nước ngoài thường có thời gian học tập ít hơn so với du học sinh quốc tế ở Mỹ.

Nguồn: IIE, AP, Wall Street Journal
http://www.voatiengviet.com/content/du-hoc-sinh-quoc-te-o-my-tang-cao-ky-luc/1788166.html




Địa Danh Sài Gòn được các em du sinh dùng lại trong 1 khúc phim ngắn.
http://youtu.be/mfW8UmP3qc

Bài đọc suy gẫm: Du Sinh, Lao Động, và Lấy Chồng Ngoại của tác giả Lâm Văn Bé. Hình ảnh chỉ có tính minh họa.




Vẫn biết Việt Nam hôm nay có quá nhiều chuyện kỳ dị mà nói mãi không hết, nhưng hai mẫu tin tháng bảy nầy có tầm ảnh hưởng tác hại đến uy tín các cộng đồng người Việt hải ngoại, đó là hiện tượng du học sinh và người lao động xuất khẩu Việt Nam.


Trước tiên là đoạn vidéo dài 3 phút phổ biến trên YouTube quay lại hình ảnh và đối đáp của 5 sinh viên tự nhận là du sinh tại Nhật đã dùng Iphone4 và Nokia N95 để tranh nhau đập nước đá trong một bửa tiệc. Những tiếng cười phụ họa, tiếng khích động đã phơi bày một cảnh tượng lố bịch, vô ý thức của đám sinh viên con ông cháu cha và tư bản đỏ đang du hí trên đất người với nhãn hiệu du sinh. Cái vidéo đã gây phẫn nộ trong giới truyền thông và dân chúng nước Nhật, vốn là quốc gia nổi tiếng về điện tử và là một dân tộc có tinh thần tự trọng cao, trong khi đó, trên các mạng điện tử ở Việt Nam, có người thản nhiên bình luận là «họ muốn làm gì thì làm, là việc riêng của họ, miễn là không ảnh hưởng đến ai». Đó là cái triết lý sống của chế độ cộng sản hôm nay, làm xấu mà không biết xấu hổ.


Chuyện thứ hai là bài viết của tiến sĩ Daniel Silverstone, chuyên viên về ngành tội phạm ở đại học London Metropolitan gởi cho đài BBC ngày 26/7/2011 có tựa là: Nạn cần sa và người Việt ở Anh.


Sau đây là vài trích đoạn bài viết: «… Trong 10 năm qua, có khi hàng ngàn người Việt di dân lao động bất hợp pháp đến Anh từ Đông Âu (nhiều nhất từ Tiệp khắc, Đông Đức) và cả từ Việt Nam dưới dạng du khách rồi ở lại, chủ yếu là từ Hải Phòng, nhất là từ hai quận Thủy Nguyên và Kiến Thủy. Chi phí hành trình do những tổ chức đưa người lậu từ VN sang Anh thay đổi tùy theo thời điểm, thường từ 15,000 đến 17,000 bảng Anh. Chuyến đi có thể bằng giấy tờ giả mạo, xuất ngoại bằng phi cơ đến thẳng nước Anh, hoặc đến một quốc gia Đông Âu rồi sau đó dùng đường bộ nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Anh. Những người mới đến được cộng đồng gọi là người rơm. Họ làm tất cả mọi việc bất hợp pháp, từ thợ điện câu trộm đường dây vào nhà đến việc sản xuất cần sa, kể cả việc sử dụng thiếu niên như nô lệ trẻ con có khi chỉ 13 tuổi. Những người làm vườn nầy được trả lương hàng tuần hay chia lợi nhuận sau khi thu hoạch. Mùa thu họạch đầu tiên xem như để trang trải các chi phí đầu tư, các mùa sau là tiền lời, mỗi mùa thường 8 tuần. 
Các người chủ mưu dùng lợi nhuận thu được đầu tư vào các dịch vụ khác nhau và nhiều nơi khác nhau như lập tiệm ăn, tiệm móng tay hay gởi tiền về VN qua các ngỏ chính thức và phi pháp. Trong 10 năm qua, nhiều tội phạm giàu có đã thay đổi từ kẻ làm vườn trở thành chủ xí nghiệp. Họ lại bắt đầu một quá trình nhập cư mới bằng cách đưa gia đình, bạn bè vào làm việc trong các cơ sở kinh doanh của họ… Căn cứ theo báo chí, tội phạm người Việt hiện nay đã nở rộ và họ đã gia tăng không ngừng việc trồng cần sa đến nổi Vương Quốc Anh hiện nay nổi tiếng là quốc gia sản xuất cần sa ròng …»

Từ hai bản tin trên, chúng tôi thử nhận định vài nét đặc trưng về diện mạo của du học sinh và lao động xuất khẩu Việt Nam, hai đặc sản của chế độ cộng sản mà báo chí thế giới thường xuyên đề cập đến những điều tệ hại, làm xấu hổ người Việt trong nước, nhất là các cộng đồng người Việt tỵ nạn vốn được các quốc gia định cư nể trọng.
Phần I: Du học sinh

1.1. Những quốc gia được sinh viên Việt Nam ưa thích xuất ngoại du học
Tháng 3 năm 2009, Viện Giáo Dục Quốc Tế (IIE=Institute of International Education), một cơ quan giáo dục phi lợi nhuận, đã làm một cuộc khảo sát trực tuyến trên hơn 700 học sinh, sinh viên ở VN để tìm hiểu thái độ và nhận thức của họ về các quốc gia mà họ dự định xuất ngoại du học. Số người được hỏi gồm 55% ở vùng TP Hồ Chí Minh, 37% ở vùng Hà Nội và 8% ở vùng Đà Nẵng.
Những câu hỏi về những lý do đi du học như: nâng cao kiến thức và khả năng ngôn ngữ (đặc biệt tiếng Anh), đạt được cấp bằng nước ngoài để hổ trợ cho việc tìm kiếm việc làm, học tập được kinh nghiệm kỹ thuật và văn hóa nước ngoài. Về những trở ngại dự phóng cho việc du học, những câu hỏi gồm có: chi phí, tìm kiếm thông tin chính xác nơi du học, xin visa, ngôn ngữ và văn hóa khác biệt, khoảng cách từ gia đình đến nơi du học.Từ những câu hỏi trên, kết quả tổng quát như sau (theo thứ tự)
Nước xin đi
Lựa chọn 1
Lựa chọn 2



Hoa Kỳ81.8 %10.4%
Úc7.7%30.7%
Anh5%20.8%
Canada1.1%7.4%
Singapore0.9%13.5%
Pháp0.7%2.4%
Thụy Điển0.7%1.1%
Hòa Lan0.7%0.9%
Nhật Bản0.4%3.9%
Thụy Sĩ0.4%0.6%
Trong lựa chọn 1, Hoa Kỳ là niềm mơ ước của hơn 80% học sinh, sinh viên, kế đó là Úc và Anh, tất cả đều là quốc gia Anh thoại. Nếu không đạt được ý muốn như trên, chọn lựa 2 của họ là Úc, kế đến là Anh và Singapore. Điểm lưu ý là trong chọn lựa 2, đa số sinh viên miền Bắc chọn Anh quốc và miền Nam chọn Canada.
Khi đề cập đến ấn tượng vể những quốc gia được ưa thích liên quan đến phẩm chất giáo dục cao, trình độ khoa học kỹ thuật tân tiến, kết quả theo thứ tự là Hoa Kỳ (68%), kế đến là Úc, Anh, Singapore và Pháp. Về những ấn tượng bất lợi, Hoa Kỳ bị xem là quốc gia nguy hiểm về bạo lực xã hội, trong khi Anh, Pháp là không thân thiện (ý nói kỳ thị) với nước ngoài.
Từ các yếu tố trên, bảng xếp hạng sau cùng về việc học sinh, sinh viên Việt Nam chọn nơi để du học theo thứ tự như sau: Úc, Singapore, Hoa Kỳ, Pháp, Anh. (Attitudes and perceptions of prospective international students from Vietnam , Feb. 2010).
1.2. Có bao nhiêu du học sinh Việt Nam

Thật khó mà có một con số thống kê chính xác, bởi lẽ không cơ quan thẩm quyền nào của Việt Nam công bố một thống kê giống nhau. Các thống kê VN thường dựa vào các tin tức của các cơ quan giáo dục quốc tế, các tòa lãnh sự các nước rồi vẽ vời thêm. «Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN cho biết có độ 100,000 học sinh và sinh viên du học ở hải ngoại, trong đó 90% là du học tự túc và 10% du học với học bổng của nhà cầm quyền VN và các nước. Bộ Giáo Dục chỉ quản trị số sinh viên do Bộ cấp phát học bổng độ 5,000 người. Chúng tôi ước định thống kê như trên căn cứ vào số visas do các cơ quan ngoại giao các nước cấp phát và tin tức của các cơ quan ngoại giao VN ở các nước, các hiệp hội sinh viên quốc tế, nhưng phương pháp nầy thực sự không chính xác và chúng tôi đang nghiên cứu một cơ chế tập trung tất cả thông tin về người du học… »(Nam Phương. Les études à l’étranger sont en vogue, đăng trong «Le courrier du Vietnam» ngày 14/8/2011).

- Úc. Úc là quốc gia được học sinh, sinh viên Việt Nam ưa thích hàng đầu để xuất ngoại. Giá học phí và sinh hoạt không cao so với Bắc Mỹ và Tây Âu, điều nầy thích hợp với các sinh viên tự túc, các trường học đủ loại thích hợp với các trình độ kiến thức và sinh ngữ, thường sinh viên bậc trung và kém vẫn có thể được chấp nhận sau các lớp dự bị. Úc lại là quốc gia tương đối gần Việt Nam, thích hợp cho các du sinh giàu đi về VN vào những ngày lễ, và nhất là tiện lợi cho các «đại gia», các tay tham nhũng thường xuyên chuyển tiền ăn cướp và lường gạt trong những chuyến đi thăm con em.

Là quốc gia trù phú nhưng thưa dân, chánh sách di dân rộng rãi của nhà cầm quyền Úc cho phép thân nhân những sinh viên hậu đại học có thể đi theo và làm việc trên đất Úc, đó là cửa ngỏ di cư hợp pháp cho những «tu nghiệp sinh» thuộc giai cấp lãnh đạo. Ngoài ra, trong số du học sinh đến Úc còn có rất nhiều học sinh trung học và học nghề, họ có thể xin định cư ở Úc sau khi tốt nghiệp nếu làm việc trong số 181 nghề mà nước Úc đang cần. Để thu hút sinh viên VN, nước Úc đã cấp nhiều học bổng cho du sinh VN (4,000 trong năm 2010). Đó là những lý do chính yếu khiến Úc là đất hứa cho du học sinh Việt Nam. Theo Tổ chức Giáo Dục Quốc Tế Úc (AEI =Australian Education International) trực thuộc nhà cầm quyền Úc, số du sinh Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2010, số du học sinh Việt Nam tại Úc là 25,788 người, tăng 8,8% so với năm 2009, đứng hạng 4 trong số du học sinh các nước tại Úc.

- Hoa Kỳ. Theo Viện Giáo Dục Quốc Tế IIE với sự hổ trợ của US Department of State’s Bureau of Educational Affairs, trong báo cáo Open Doors 2010 thì năm 2000, tổng số du sinh tại Hoa kỳ là 2,022 người, năm 2009/10 tăng lên đến 13,122 người. Như vậy, trong vòng 10 năm, số du sinh VN tại Hoa Kỳ đã tăng gấp 6 lần và trong số sinh viên năm 2009/10 có 18,7% là du sinh cấp cao học và tiến sĩ mà đa số được các học bổng của nhà cầm quyền Hoa Kỳ (Vietnam Education Foundation, Ford Foundation, Fulbright…) hay của nhà cầm quyền VN trong các chương trình đào tạo hậu đại học.

Việc gia tăng sinh viên VN tại Mỹ, không phải chỉ phát xuất từ sự mơ ước của người Việt mà còn từ sự toan tính của chính người Mỹ, vừa để thu hút chất xám của các phần tử ưu tú Việt Nam, vừa để thu góp tài sản tẩu tán của tập đoàn đảng viên tham những. Michael Michalak, đại sứ Mỹ tại Hànội, trong điện thư gởi về Bộ ngoại giao ngày 24/2/2010 đã viết: «… Sứ quán tích cực tìm cách áp dụng các chuẩn mực giáo dục của Hoa Kỳ trong các đại học VN để gây ảnh hưởng đến thế hệ lãnh đạo kế tiếp, gia tăng số người tốt nghiệp có kỹ năng để làm việc cho các công ty Mỹ ở VN và để hiện đại hóa Bộ Giáo Dục-Đào Tạo bị nhiều người xem là hệ thống giáo dục đổ vỡ, Quỹ Giáo Dục VN (Vietnam Education Foundation) đến năm 2010 đã đưa 306 người sang học ở 70 đại học Mỹ đa số là học tiến sĩ khoa học… » (Wikileads. Giáo Dục Mỹ ở VN,bbc.co.uk ngày 28/8/2011)

Tuy số lượng sinh viên gia tăng, nhưng vì khả năng sinh ngữ cũng như kiến thức tổng quát kém, đa số sinh viên chọn các trường đại học cộng đồng (2 năm), dễ học, nhanh chóng về nước có cấp bằng Mỹ quốc, hành trang cho việc thăng tiến dễ dàng trong một quốc gia chống Mỹ nhưng «háo» Mỹ. Hơn phân nửa số du sinh ở Mỹ tập trung tại 3 tiểu bang Texas, Washington, California. (Vietnamese market for educational and training / US Commercial Service. Vietnam , March 2010),
Điều cần ghi nhận là thống kê trên cho biết số người ghi danh nhập học chớ không cho biết số người tốt nghiệp, bởi lẽ từ năm 1995 đến năm 2010, Hoa Kỳ đã cấp gần 300,000 visas cho người Việt không định cư trong đó có khoảng 40,000 visas cấp cho thanh thiếu niên du học. Trong số visa không định cư có bao nhiêu là công nhân xuất khẩu, du khách ở lại bất hợp pháp, và trong số visa du học có bao nhiêu là du học trá hình để du hí sau khi đóng tiền ghi danh nhập học, không kể số du sinh bỏ học vì học không nổi hay bị đuổi vì hạnh kiểm.
- Pháp. Tuy số sinh viên du học tại Pháp ít hơn so với Hoa Kỳ và Úc, và tuy sự quan trọng của tiếng Pháp trong nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay chỉ còn ngang hàng với tiếng Đại Hàn, tiếng Nhật, và cấp bằng Pháp ít còn được trọng vọng trong chế độ cộng sản, du học ở Pháp vẫn là ước vọng của nhiều sinh viên có khả năng bởi lẽ học tập ở Pháp đòi hỏi nhiều thử thách, không phải chỉ sinh ngữ mà còn về kiến thức. Đa số du sinh đến Pháp thuộc bậc hậu đại học (Cao học, Tiến Sĩ) hay tu nghiệp ngắn hạn. Năm 2009/10, Pháp đã tiếp nhận 6,295 du học sinh trong đó có 5,160 (82%) ghi danh học đại học, đứng hạng 9 trong số các du học sinh các nước tại Pháp. Tổng số sinh viên VN taị Pháp như sau:
Bằng cấp
2006-07
2007-08
2008-09
2009-10





Cử Nhân (L)2,3552,2392,2672,295
Cao học (M)1,6551,6322,0832,078
Tiến sĩ (D)553627681787
Tổng số4,5634,4985,0315,160
Trong niên học 2009-10, số sinh viên các ngành học và các cấp như sau:
Bằng cấp
Luật, chính trị học
Kinh tế, xã hội học
Văn chương, nhân văn
Khoa học
Y, Nha, Dược






Cử nhân431,43630446646
Cao học121928208616205
Tiến sĩ40739855620
Tổng số2042,4376101,638271
(Nguồn : resources.campusfrance.org/ Rapports d’activités 2010).

- Anh và Canada. Vương quốc Anh đã thu nhận sinh viên VN trước khi Cộng Sản VN và Mỹ thiết lập bang giao. Số sinh viên tăng nhiều sau chánh sách mở cửa trong 2 thập niên qua nhưng từ đầu năm 2010, Anh quốc đã siết chặt hơn luật du học và di dân nên số du học sinh đến Anh giảm bớt, số du học sinh và di dân bất hợp pháp dưới dạng du học bị trục xuất càng lúc càng nhiều. Có khoảng 5,000 du học sinh VN tại Anh tập trung phần lớn ở khu Hackney, Peckham, Southward, Brixton. Trong số các quốc gia Tây Phương,

Canada là quốc gia có ít nhất du học sinh VN. Chánh sách du học khe khắc, giá sinh hoạt cao và tổ chức trường học của Canada không thuận lợi cho các du học sinh có học lực trung bình, Canada không có những giáo trình riêng biệt dành cho sinh viên ngoại quốc, du học sinh không thể đến các campus Canada để du hí hay tìm chồng, đó là những yếu tố chính yếu khiến Canada không có hấp lực với sinh viên VN. Năm 2008, Canada tiếp nhận chỉ có 586 du học sinh VN. Gần đây, nhà cầm quyền áp dụng vài biện pháp cởi mở hơn như cho phụ huynh đến thăm con em, cho sinh viên tốt nghiệp có thể ở lại làm việc một só ngành nghề để hy vọng số du học sinh đạt được 1000. Năm 2008, số du sinh VN ở các tỉnh bang của Canada như sau: Ontario: 232, Colombie-Britannique: 132, Alberta: 105, Québec: 79, Manitoba: 19, Saskatchewan: 9, Miền Đông Bắc: 10. (Le marché de l’éducation internationale du VN – Octobre 2009/ Affaires étrangères et commerce international Canada).

- Trung cộng và các quốc gia khác ở châu Á. Trung cộng là thị trường cho sinh viên muốn xuất ngoại nhưng có nguồn tài chánh giới hạn bởi lẽ học phí và chi phí chỉ rất thấp, chỉ bằng ¼ so với Anh Mỹ (khoảng 7,000$ một năm), nhưng thời gian học tập để có bằng cử nhân kéo dài 4-5 năm vì phải trải qua ít nhất một năm học tiếng Trung cộng. Đa số du học sinh đến Trung cộng học thương mại, canh nông, y học cổ truyền, và kỹ thuật chế biến. Có độ 12,500 sinh viên VN tại Trung cộng, đứng hạng 4 trong số các du sinh tại Trung cộng (sau Hàn quốc, Nhựt, Hoa Kỳ) và 500 du sinh ở Đài Loan, Singapore là nơi gần nhất VN nhưng có chương trình dạy tiếng Anh nên Singapore là thị trường tốt nhất cho du sinh nghèo vì chi phí ít, và cho du sinh giàu để đến ăn chơi, cuối tuần về VN mà vẫn có «bằng ngoại». Năm 2010, có độ 7,000 du sinh VN ở Singapore.

Chuyện du học ở VN hiện đang lên cơn sốt nên đi du học ở đâu cũng được miễn là có nhãn hiệu du học sinh để nở mặt nở mày với hàng họ và dễ làm ăn. Hàn Quốc đã có đến 1,900 sinh viên VN trong làn sóng phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc. Ấn độ, Phi luật Tân, Mả Lai Á, Thái Lan, thậm chí Miên và Lào cũng mở cửa thị trường du học VN bằng cách cấp học bổng để khai thác thị trường béo bở nầy. Duy chỉ có Nhật Bản, mặc dù là quốc gia hậu kỹ nghệ nhưng ít sinh viên VN thích đến du học vì đại học Nhật chỉ dạy bằng tiếng Nhật và kỹ luật trường học nghiêm minh. Theo Asahi, cơ quan giáo dục quốc tế Nhật, năm 2010, Nhật đón nhận 3,597 sinh viên Việt Nam.
 
- Các quốc gia khác ở Âu châu ngoài Anh và Pháp. Du học ở Liên Sô và các quốc gia Đông Âu đã sụt giảm sau khi Liên Sô sụp đổ và sau khi VN đã bình thường hóa ngoại giao với Hoa Kỳ. Tổng số sinh viên VN ở Nga, Tiệp khắc, Slovaquie, Roumanie độ 6,000.Tại các quốc gia Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hòa Lan) Thụy Sĩ, Đức số sinh viên VN vài trăm tại mỗi nước.
Tính chung, tổng số du sinh VN tại hơn 40 quốc gia trên thế giới vào năm 2009 độ 90,000 người.

1.3. Diện mạo của du sinh Việt Nam

Du học sinh Việt Nam được huấn luyên tại Đức.

Tùy theo gia cảnh, mục tiêu và cung cách, du học sinh Việt Nam có thể nhận diện qua 3 loại : du sinh du học, du sinh du hí và du sinh địch vận.
- Du sinh du học
Đó là những du học sinh có khả năng, có tư cách, muốn tìm học những kiến thức về khoa học kỹ thuật và văn hóa ở xứ người để cải thiện đời sống kinh tế cá nhân và vận mệnh đất nước. Đa số họ là sinh viên tự túc, xuất thân từ những gia đình khá giả hay trung lưu, nhưng không có quyền thế. Cha mẹ họ phải hy sinh cho họ để mong họ có một tương lai tươi sáng hơn và nếu có thể được, thoát khỏi cái xã hội mafia cộng sản.


Tại đất người, ngoài những giờ chuyên cần học tập, đôi khi họ phải đi làm lao động thêm để phụ vào số tiền cấp dưỡng của cha mẹ chắt chiu gởi nuôi họ. Sau khi tốt nghiệp, họ trở về mang theo kiến thức học tập ở xứ người để phục vụ đất nước, nhưng nếu cha mẹ họ không có liên hệ với quyền lực, số phần họ cũng chẳng mấy gì khả quan. Một số khác tìm cách ở lại trên đất nước mà họ đã du học để lập nghiệp mà theo ước đoán, số du học sinh không hồi hương nhiều hơn số du học sinh hồi hương.

- Du sinh du hí

Đó là những du sinh con ông cháu cha, mà trong nước gọi là đám 4C (con cháu các cụ) và con em các tư bản đỏ, làm giàu nhờ làm ăn với bạo quyền cộng sản. Đa số đám du sinh nầy là những học sinh dốt về kiến thức lẫn sinh ngữ, lêu lỏng, thiếu tư cách, xuất ngoại bằng văn bằng giả hay thế lực của ông cha, cốt ra nước ngoài để du hí và có chứng chỉ ghi danh nhập học tại đại học nước ngoài để ăn trên ngồi trước khi trở về nước. Tại nước ngoài, họ là những phần tử bất hảo, vung vít tiền bạc để ăn chơi, có tác phong bất xứng, tạo ác cảm cho người dân sở tại. Họ «xuất khẩu» những thói hư tật xấu của ông cha như ăn cắp trong siêu thị, lường gạt khi đi xe bus (dùng thẻ cũ), thô tục trong cung cách xã giao (không xếp hàng, không nhường chỗ ưu tiên cho người già, người phế tật, chửi thề, nới năng ồn ào trước đám đông… ), ăn mặc trang sức lố bịch, tiêu xài theo lối vung tiền qua cửa sổ để chứng tỏ giàu sang (đơn vị tiền tệ của họ là một «giấy» tức tờ giấy 100 dollars).

Thái độ xấc láo của họ nhiều khi tạo nên những cuộc xung đột đẫm máu với các băng đảng, ngay cả đối với những công dân bình thường cũng «xốn mắt» trước tác phong mất dạy của đám sinh viên nầy. Ngoài ra, đám du học sinh nầy còn là bình phong để cha mẹ họ thuộc giai cấp lãnh đạo cộng sản tẩu tán tài sản một cách hợp pháp ra nước ngoài mỗi lần đi thăm con em, mà những chuyến đi đi về về như đi chợ. Thông thường, sinh viên du học chỉ ở cấp đại học, nhưng với những tay tham nhũng và tư bản đỏ, họ đưa con ra nước ngoài ngay từ cấp trung học, có khi từ tiểu học (như ở Canada) dưới dạng du học sinh và họ mua nhà đất cho con em họ ở, chuẩn bị cho một cuộc định cư cư về sau. Bảng thống kê sau đây cho thấy tỷ lệ số du sinh học trung học, học trường dạy nghề và học Anh ngữ chiếm hơn phân nửa trong tổng số du sinh Việt Nam.
Tỷ lệ du học sinh Việt Nam theo cấp học niên khóa 2006-07 tại vài quốc gia

Quốc gia
Đại học
Trung học
Học Anh ngữ
Học nghề
Hoa Kỳ68%22%6%4%
Anh43%34%20%3%
Úc42%31%16%11%
Canada*11%60%27%2%

*Chú thích về Canada: trong 60% học sinh Trung học có 21% học CEGEP và 3% học cấp tiểu học. (nguồn: Le marché de l’éducation internationale du VN).
Ngoài việc «trồng» người dưới dạng gởi con em du học, những tư bản đỏ và bọn tham nhũng còn tìm cách làm sui với các gia đình ở ngoại quốc để rửa tiền mà họ đã cướp giựt ở VN (một trong những sui gia nổi tiếng là Thủ Tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng và «tên ngụy» Nguyễn Bang). Họ chỉ cần áp dụng phương pháp cổ điển của mafia. Gia đình họ ở nước ngoài thành lập các công ty ở VN, tiền vốn không từ nước ngoài đưa vào mà từ tiền của các tay tham nhũng trong nước bỏ ra đầu tư. Họ khai gian thương vụ, thổi phồng lợi nhuận khổng lồ để chuyển ngân hợp pháp ra các ngân hàng nước ngoài qua các thương vụ.

Khi cần ra ngoại quốc để trốn, để định cư, thì dâu rể, con cháu họ sẽ đứng ra bảo lảnh họ dưới dạng đoàn tụ gia đình hay họ di dân dưới dạng kinh doanh. Những cuộc hôn nhân nầy lại còn có tác dụng thêm bạn bớt thù trong cộng đồng người Việt di tản, tạo ấn tượng tốt đẹp cho dân chúng và nhà cầm quyền các quốc gia có người Việt di tản về chính sách đoàn kết, cởi mở của chế độ cộng sản đối với kẻ thù khi xưa. Tính lưu manh, qũy quyệt của cộng sản quả là siêu việt.
Nghĩ ra thì cộng đồng người Việt tỵ nạn đã phải trả giá bằng nửa triệu sinh linh bỏ mạng trên biển khơi để tránh bạo quyền cộng sản thì hôm nay, chính bạo quyền ấy, sau khi đã vơ vét tài sản trên một đất nước VN nghèo khổ, lại ngang nhiên mang tài sản ăn cướp ấy để đến sống vương vả trên những vùng đất mà những nạn nhân của họ trong 36 năm qua đã phải đổ mồ hôi nước mắt để tạo dựng lại lúc giữa đời người.
- Du sinh địch vận
Đó là 5,000 du sinh con ông cháu cha và những công chức, công an giả dạng là «tu nghiệp sinh» đi học với học bổng của nhà nước. Họ đi học nhưng họ phải làm công tác địch vận theo nghị quyết 36 của đảng. Họ len lỏi trong các hội đoàn, các campus đại học, sử dụng các chiến thuật địch vận thời chiến tranh để tuyên truyền, khủng bố, khuynh đảo các cộng đồng người Việt.

Trong đại học, họ khôn khéo lập các hiệp hội sinh viên, tuân hành các chỉ thị của tòa đại sứ để lôi cuốn các sinh viên con em người Việt tỵ nạn, vốn có tinh thần cởi mở nhưng lại ngây thơ trước các mưu chước thâm độc tâm lý chiến cộng sản. Đám du sinh địch vận nầy lại được sự hổ trợ của đám sinh viên du hí, bởi lẽ chúng phải bảo vệ tập đoàn cầm quyền của cha ông chúng. Chúng cũng có tác phong côn đồ ngang ngược khi cần đối phó với cộng đồng di tản chống đối chúng.Đám đông thầm lặng người Việt tỵ nạn ngao ngán trước viễn cảnh đã trốn cộng sản mà vẫn chưa được yên thân
Phần 2: Lao động xuất khẩu
 


2.1- Có bao nhiêu người lao động xuất khẩu

Chính sách xuất khẩu lao động được áp dụng từ năm 1980 khi cộng sản VN muốn giải tỏa nạn thất nghiệp trầm trọng trong nước đồng thời dùng người lao động xuất khẩu để trả nợ cho các quốc gia anh em khối cộng sản đã giúp VN trong thời chiến tranh và các quốc gia thân hữu như Irak, Arabie Séoudite, Koweit, Qatar…


 Trong thời gian từ 1980-1990, có khoảng nửa triệu người trong đó có khoảng 70,000 sinh viên, nghiên cứu sinh, và khoảng 300,000 người lao động được nhà cầm quyền gởi di Liên Sô, Đông Đức, Tiệp khắc, Bulgarie và khoảng 100,000 người đến các nước Trung cộng, Cuba, Mông Cổ, Bắc Hàn để học tập và làm việc. Tiền lương của nhân công được chia làm ba: một đóng cho nước chủ, một gởi về cho gia đình và một phát cho công nhân. Các công việc phần lớn là công việc người địa phương từ chối: đổ rác, thợ mỏ, phu khuân vác, làm cầu đường, ống dẩn dầu ở Sibérie. Các phụ nữ thường làm nghề may, giúp việc nhà (oshin). Nhưng không bao lâu sau đó, các chế độ cộng sản đã lần lượt sụp đổ, các quốc gia chủ hủy bỏ hợp đồng và cho hồi hương công nhân VN, nhưng đa số công nhân trốn ở lại. Thảm cảnh của công nhân bắt đầu từ đó với cảnh đối xử bất công của dân chúng và chánh quyền địa phương. Thất nghiệp đã đưa đến phạm pháp, tạo thêm ác cảm cho người bản xứ.
Khi bức tường Bá Linh sụp đổ tháng 11/1989, tại Đông Đức có 59,000 lao động xuất khẩu và du sinh VN tập trung tại các thành phố như Karl-Marx-Satadt, Đông Berlin và Leipzig. Sau khi nước 
Kể từ năm 1990, khi tham nhũng trở thành phổ quát, chính sách xuất khẩu lao động thay đổi theo lối ăn chia với các tổ chức tuyển dụng người xuất khẩu mà các người đứng đầu không ai khác hơn là bè đảng các lãnh đạo thế lực. nhà cầm quyền phụ trách tìm kiếm các hợp đồng với các quốc gia cần nhân công rồi giao cho các công ty tư vấn tuyển dụng nhân công.

Đó là chính sách tham nhũng vừa hàng dọc vừa hàng ngang, các công ty tuyển dụng tung hoành bóc lột, lường gạt người dân nghèo phải bán nhà bán ruộng để đóng tiền lệ phí cắt cổ cho các công ty để đi lao động nước ngoài hy vọng thoát được cảnh nghèo đói, nhưng chính sách đem con bỏ chợ của các công ty tư vấn thực chất là các tổ chức buôn bán người, làm giàu trên xương máu của người nghèo trước sự bao che của nhà nước.
 
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã hội), từ năm 2001 đến 2011, VN đã gởi 739,710 lao động VN làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới, tính trung bình mỗi năm có khoảng 70,000 người. Thu nhập của người lao động xuất khẩu thường từ 6 đến 10 lần cao hơn so với những người cùng làm một công việc trong nước và mỗi năm họ gởi về nước khoảng 1,7 đến 2 tỷ mỹ kim. (Nguyễn Cảnh Toàn. Bước đầu nghiên cứu cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tạp chí Khoa Học Xã hội VN số 1(44) 2011).
2.2- Diện mạo của người lao động xuất khẩu

Người lao động xuất khẩu ra nước ngoài có hai dạng: ra đi hợp pháp dưới sự quản lý của các công ty tuyển dụng, ra đi bất hợp pháp hay ở lại bất hợp pháp sau khi khế ước làm việc chấm dứt. Ngoài ra, những phụ nữ ra đi lấy chồng Hàn Quốc, Trung cộng, Đài Loan, thực chất cũng là một hình thức xuất khẩu lao động.

- Người lao động xuất khẩu theo hợp đồng
Từ năm 1990, chánh sách tham nhũng và vô trách nhiệm của nhà nước cộng sản đã làm nở rộ các loại công ty môi giới lao động nước ngoài, phát triển từ thành phố đến nông thôn. Đó là một sách lược tham nhũng toàn bộ, chia phần từ trung ương đến địa phương. Những người muốn đi lao động không phải là những người tứ cố vô thân mà phải có chút ít tài sản. Họ hay thân nhân họ phải bán nhà, bán đất hay thế chấp tài sản cho ngân hàng (danh từ sổ đỏ dùng để chỉ tiền nợ ngân hàng với tài sản thế chấp) để đóng tiền lệ phí cho cơ quan tuyển dụng. 
 
Theo những văn kiện của nhà cầm quyền, tiền lệ phí nầy không được hơn một tháng tiền lương, nhưng thực tế, những công ty môi giới khuynh đảo thị trường bởi người dân nghèo quá đông, mật ít ruồi nhiều, nên họ bày ra đủ thứ lệ phí, thường từ 5,000 đến 15,000 mỹ kim tùy theo nơi đến làm việc và thời gian của hợp đồng. Thử tưởng tượng tiền lương của một giáo chức, sau khi khấu trừ mọi thứ đóng góp cho nhà nước chỉ còn lại độ 30 mỹ kim mỗi tháng thì số tiền lệ phí như trên quả là một tài sản khổng lồ.

Với những hợp đồng bảo đảm tiền lương tại nước ngoài trên 1,000 mỹ kim hàng tháng, điều kiện làm việc thuận lợi, nhiều gia đình nghèo tranh nhau đi tìm số đỏ với sổ đỏ. Người lao động xuất khẩu đong đưa với vận may nếu hợp đồng được tôn trọng, hy vọng trả được hết nợ và có chút vốn khi trở về nước. Nhưng thế giới cộng sản là thế giới của lừa đão, những công ty tư vấn lường gạt dân nghèo với những viễn cảnh tốt đẹp để vơ vét lệ phí đủ loại, đưa người ra nước ngoài rồi phủi tay, hành xử theo lối đem con bỏ chợ. 
 
Những người đi lao động ở Nga, ở Trung Đông bị áp bức, làm việc trong những điều kiện tồi tệ, không được trả lương theo như hợp đồng, hay bị hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn, bơ vơ nơi xứ người không biết liên lạc với ai. Một lời thán oán trong muôn một của một người lao động xuất khẩu tại nước Nga: «Ba tháng không có lương, đấu tranh thì bị chủ dọa đuổi, gọi điện thoại về hỏi công ty xuất khẩu thì được bảo: chờ hết suy thoái chủ sẽ trả lương, muốn bỏ về thì tự túc mua vé mà về… »
Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội Việt Nam hợp tác với trường đại học Western Ontario (Canada) đã thực hiện một cuộc khảo sát về người lao động xuất khẩu VN tại 4 quốc gia ở Châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Mã Lai) trong giai đoạn 2000-2009 đã công bố kết quả ngày 15 tháng 3 năm 2010 như sau: «… chỉ có 33% người XKLĐ trả hết nợ trước khi về nước, trung bình muốn trả hết nợ vay mượn phải làm việc 18 tháng, 36% người bị tổn thương sức khỏe và tâm lý vì môi trường và điều kiện làm việc, 26% người không được trả lương như mong đợi và 8% bị hành hạ về mặt thể chất.

 Nhiều người bị hủy giao kèo hay không chịu nổi sự bốc lột phải trở về nước, gánh thêm nợ nần. Một tỷ lệ quan trọng không thấy có sự cải thiện về mặt kinh tế sau khi đi XKLĐ, thậm chí tình trạng còn tồi tệ hơn: 40,1% hài lòng vì số thu nhập tăng lên, 51,1% không thấy có sự thay đổi tích cực nào, 8,8% bị mắc nợ nhiều hơn….» (Đi xuất khẩu lao động để mưu sinh. baomoi.com, ngày 15/5/2010).
Chánh sách xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền cộng sản phơi bày bản chất vô nhân đạo và vô trách nhiệm. Những công ty môi giới là những công ty quốc doanh hay phe nhóm của cấp lãnh đạo đã lợi dụng sự nghèo đói của người dân, nhẩn tâm bốc lột người nghèo rồi vô trách nhiệm đưa đám người nầy ra nước ngoài phải tự phấn đấu với bao nhiêu cam go không chuẩn bị. Chánh sách tham nhũng bất lương nầy không giải quyết trọn vẹn được nạn thất nghiệp và nghèo đói triền miên trong nước mà còn lại tạo nên một hiểm họa ở ngoài nước bằng cách xuất cảng một khối người Việt sống bất hợp pháp và phạm pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới.

- Người xuất khẩu lao động bất hợp pháp
Đa số người XKLĐ là nông dân, công nhân ít học, vì nghèo đói phải đi lao động nước ngoài hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không am tường ngôn ngữ xứ người, không thích nghi với điều kiện sống và làm việc, không biết thông tin khi gặp bất công, bất trắc, người XKLĐ quả thực làm cuộc phiêu lưu lớn khi đặt niềm tin vào các công ty môi giới mà đa số chỉ là nhóm người bất lương được nhà nước bao che. Ngoài ra, nếu đa số người XKLĐ là nạn nhân của các công ty từ trong nước đến ngoài nước, nhưng trong nhiều trường hợp, chính họ cũng lại là tác nhân của những khốn khổ của họ. Chỉ đan kể một số trường hợp phổ quát: không tuân hành luật lệ xứ người, không tuân hành hợp đồng, tác phong bất xứng (gây gổ, trộm cắp). Tại Hàn Quốc, theo tin tức của chính Bộ Lao Động, 32% người XKLĐ Việt Nam đòi đổi nghề khi đến Đại Hàn, 8,750 người ở lại bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng (trên 60,000 XKLĐ), có người bỏ trốn ngay khi vừa đến phi trường, đến nổi Hàn Quốc phải ngưng không nhận XKLĐ Việt Nam. (các bản tin tháng 8, 2011).
Tại Mã Lai, nhà cầm quyền phải ân xá cho 13,000 người Việt XKLĐ ở lậu, tại Arabie Séoudite, tài xế XKLĐ đình công viện lẽ thời tiết quá nóng đến 45 độ mà xe vận tải không có máy điều hòa không khí (trước khi đi, họ đã biết sẽ làm việc trong vùng khí hậu sa mạc và xe vận tải ở VN có chiếc nào có máy điều hòa không khí?).
Tại Moscou, cảnh sát Nga dẹp các xưởng may «chui», bắt giữ 500 người Việt XKLĐ ở lại bất hợp pháp thì họ quay lại tố cáo chủ nhân bắt họ làm việc như người nô lệ. Thì ra, người XKLĐ Việt Nam cũng mưu chước không kém gì những công ty môi giới và công ty mướn người lao động. Một thống kê của Bộ Lao Động, Thương-Binh Xã hội ước lượng có khoảng 50,000 người XKLĐ bất hợp pháp trên thế giới, nhiều nhất tại Á Châu và các quốc gia Đông Âu.
Ngoài những người XKLĐ ở lại bất hợp pháp, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối diện với tình trạng người Việt định cư bất hợp pháp, do nhập cư lậu và người đi với visa du lịch rồi ở lại sau khi hết hạn, tổ chức các hoạt động phạm pháp như trồng cần sa, mãi dâm, tập hợp thành băng đảng chém giết nhau, gây rối loạn trật tự công cộng.
Số người di cư nầy được các tổ chức mafia VN đưa bằng đường bộ đến Nga, phần lớn qua ngả Trung cộng. Một số ở lại Nga sống bằng nghề buôn bán lẻ ở các chợ trời, may quần áo hay các nghề lao động linh tinh.
Tháng 6/2009, chính phủ Nga đóng cửa chợ Vòm (Cherkizovsky), nơi có 6,000 thương buôn người Việt tập trung các hàng lậu thuế từ Trung cộng.
Ngoài nước Nga, tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức (cũ), mỗi nơi hàng có chục ngàn người Việt sống ngoài vòng pháp luật, gồm những người XKLĐ không về nước và những người nhập cảnh lậu. Dariusz Loranty, cảnh sát trưởng ở Warsaw đã nói với Ulricht Adrian, ký giả của đài truyền hình Đức ARD như sau:

«… Dân VN không bao giờ chết, chưa hề thấy đám tang người Việt. Một ngày kia, chúng tôi thấy một xác người Việt bị mafia thủ tiêu quăng trong ven rừng ở Warsaw. Một người Việt nào đó mới đến bất hợp pháp sẽ mang tên người chết mà không ai kiểm soát được. Với chúng tôi, người Việt Nam nào cũng giống nhau không phân biệt được. Bọn mafia còn giết người đồng hương thiếu nợ lấy các bộ phận đem bán… » (Ulricht Adrian. Wo Warschau vietnamesisch ist- DCV online dịch).

Món nợ mà ông cảnh sát trưởng Warsaw nói là món nợ từ 10,000 đến 15,000 mỹ kim mà người di cư lậu phải mượn của bọn mafia VN trước khi lên đường, một món nợ quá lớn phải trả suốt đời. Cách trả nợ nhanh nhứt là tham gia vào các tổ chức trồng cần sa, buôn ma túy. Ba Lan hiện nay là trung tâm sản xuất cần sa lớn nhất ở Đông Âu mà các người cầm đầu đường dây đa số là người Việt.

Người rừng Téteghem
Để tránh sự cạnh tranh, một số di dân lậu được tổ chức đưa qua Đức, Pháp và điểm đến sau cùng là Vương Quốc Anh, bởi tại đó luật pháp liên quan đến ma túy có phần nhẹ hơn các nơi khác. Muốn đến Anh, những người nầy tập trung ở miền Bắc nước Pháp, trốn trong rừng Téteghem, Grande Synthe, từ đó họ chờ đến đêm để «nhảy bãi» qua cảng Pas de Calais để sang Anh. Có khi họ phải chờ hàng tuần, hàng tháng trong những khu rừng lạnh lẽo nầy. Họ vứt bỏ tất cả giấy tờ, hình ảnh để khi cảnh sát bắt họ không biết lý lịch, xuất xứ của họ, do đó người Anh gọi họ là «người rơm». Những người rơm nầy đang hoành hành Vương Quốc Anh. Nick Thorpe, phóng viên đài BBC trong bài EU’s biggest crackdown on Vietnamese illegal migrants ngày 26/6/2010 đã viết : «… người Việt định cư hợp pháp ở Anh khoảng 30,000 nhưng số người bất hợp pháp lên đến 35,000».
Hình từ Sunday Times, em bé bị bọn buôn người bắt trông coi cần sa, hình bên Lê Quang Nhật bị chính quyền Odessa – Ukraina bắt về tội trồng cần sa quy mô.



No comments:

Post a Comment