Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 20 November 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN =PHAN HẠNH =

Wednesday, November 2, 2016


NAMHẢI * DẠT CÙ LAO CHÀM

 

Chuyện chưa kể về những người vượt biên dạt vào Cù Lao Chàm

- Chuyên mục

Có thể bạn quan tâm
Dành cho quảng cáo
Những con tàu của những người vượt biên hồi cuối thế kỷ trước đều chọn Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) làm nơi dừng đỗ sau những tháng ngày kinh hoàng trên biển nhưng không đặt chân được đến bờ ảo vọng...

Nơi hồi sinh những người lầm lạc - Kỳ 1:

Dòng đối lưu kỳ lạ của khu vực biển miền Trung đã ban cho hòn đảo nhỏ nằm cách đất liền hơn chục km một đặc ân chẳng hay ho gì: Những con tàu trôi dạt, mất phương hướng trên toàn dải miền Trung hầu như đều được dòng biển đưa về đây. Ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp (tên gọi mới của hòn đảo này) cho biết: “Hồi đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vào mùa biển lặng hầu như tháng nào cũng có vài con tàu vượt biên trôi dạt vào đây.

ADVERTISEMENT
Con mồi của nghề “buôn sóng”
Tất cả những kẻ vượt biên dạt vào Cù Lao Chàm đều là nạn nhân của một tổ chức lớn hoạt động khắp miền Trung chuyên lừa đảo những người mơ một cuộc sống ảo tưởng bên kia đại dương. Xúi giục và vẽ lên một cuộc sống như mơ khi rời bỏ quê hương: Tàu ra khỏi hải phận Việt Nam sẽ có tàu nước ngoài đón và đưa vào các trại tị nạn.
Tại các trại tị nạn ấy thì chỉ cần khai “Ra đi vì phản đối chế độ tại Việt Nam” là sẽ được lo chỗ ăn, chỗ ở rồi sau đó tùy theo nguyện vọng sẽ được đưa đến Mỹ hoặc Canada để nhập quốc tịch và sinh sống. Tại những đất nước mới mẻ này nếu là người Việt Nam sang xin tị nạn chính trị thì sẽ được chính phủ sở tại lo công ăn việc làm ổn định có thu nhập trung bình khá trở lên (so với nền kinh tế đất nước đó)…vv và vv… Nghe thế thì ai chả mê.
Nửa đêm, những kẻ lừa đảo đưa đoàn người lên tàu với những người lạ mà họ tưởng là thủy thủ đoàn. Tàu ra khơi và khi trời sáng rõ mọi người mới tá hỏa: những con tàu chắc chắn, hiện đại như cam kết thực ra là những thuyền đánh cá mục nát được sơn sửa qua loa, và đoàn người này lại cứ nghĩ đoàn người kia là thủy thủ đoàn, thực ra chả có ai là thủy thủ cả, người cầm lái cũng là một ông “giời ơi đất hỡi” nào đó đang tìm đường vượt biên mà thôi. Nhưng khi biết sự thực thì mọi việc đã rồi và không có đường lùi cho đám người khốn khổ ấy nữa.
Nhường cơm cho những kẻ phản bội
Anh Nguyễn Văn Lợi giờ làm nghề chèo thuyền nan đưa khách đi thăm những cảnh đẹp quanh Cù Lao Chàm kể: “Hồi đó thấy con thuyền vượt biên nào dạt về đây là tụi tôi lại sợ hú hồn. Dẫu bọn họ là kẻ phản bội đất nước nhưng vẫn là con người đồng bào với mình. Vẫn phải lo cho họ cái ăn”. Hóa ra cái cơ sự của việc sợ này là vì… đói.
Hơn 20 năm trước, Cù Lao Chàm nghèo xác xơ. Mỗi con tàu vượt biên dạt vào đây kéo theo vài chục con người như lũ ma đói, không cho họ ăn thì tội nghiệp mà cho họ ăn thì lương thực dự trữ của các gia đình trên đảo nào có bao nhiêu. Nhưng rồi cùng là con người với nhau cả, vẫn phải dốc ngược thùng gạo ra để ra để cứu mạng nhau.
Những kẻ lừa đảo xúi giục người vượt biên đều nhận mình là có chân trong “hội kín”, “hội hở” gì đó có rất có thế lực tại Mỹ, Canada. Nạn nhân nào mắc mồi thì chỉ việc bán nhà, bán cửa đổi ra vàng cho gọn rồi nộp cho những kẻ “buôn sóng” để sắm tàu thuyền vượt biên.
Đoàn người vượt biên đủ cả các vùng từ Quảng Bình kéo đến tận Phú Yên nhưng câu chuyện thì chẳng khác nhau là mấy… Khi lên tàu, biết mình bị lừa nhưng không còn con đường nào khác họ vẫn hướng ra khơi. Nhưng chỉ vài ngày, máy hỏng, dầu hết, lương thực, nước uống bị cạn họ phó mặc cho con sóng đưa đẩy. May mắn đến vô cùng vì dòng đối lưu của vùng biển này luôn đẩy những con tàu khốn khổ ấy về phía đảo nhỏ Cù Lao Chàm.
“Con người lúc nguy khốn nhất thì chỉ mong vào sự giúp đỡ của người mình, của quê hương mình thôi”, anh Lợi khẳng định rồi minh chứng: “Khi tàu vượt biên dạt vào đây, dù chỉ là những người dân bình thường nhưng với truyền thống cách mạng nơi đây, chúng tôi đều biết họ là những kẻ có tội phải bắt giữ. Khi lên thuyền thấy tụi tôi cất tiếng thì rất nhiều nạn nhân nói câu làm tôi nhớ mãi. Họ nói “May quá! Là giọng người Việt mình. May quá mình vẫn đang ở Việt Nam”.
Kỳ 2: Chuyện kinh hoàng ở hang Yến

Chuyện kinh hoàng ở hang Yến


(Dân Việt) -Những chuyến tàu vượt biên đều lấy hang Yến tại Cù Lao Chàm làm nơi ẩn núp khi dạt vào đây. Tại đây, những hình ảnh ghê rợn nhất của những con người khi đối mặt với cái chết đã tạo ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí những người dân xã đảo này.

Hang cướp biển
Vách đá của bãi Yến cao dựng đứng, những con thuyền lớn có thể cập sát ngay vách đá, cạnh cái cầu tàu kinh khủng luôn ầm ầm bọt sóng ấy là một cái hang sâu thăm thẳm. Trần hang cao là nơi loài chim yến đã chọn để làm tổ. Lòng hang có thể chứa hàng trăm người.
Hang Yến nổi tiếng trên Cù lao Chàm.
Vào được hang không có cách nào khác là phải bơi (bằng thuyền nhỏ hay bằng tay). Đây chính là bãi Yến nổi tiếng, nơi trở về của các con tàu khắp miền Trung đi tìm miền đất hứa.
Thoạt đầu, những người dân Cù Lao Chàm không biết đến địa điểm này là nơi các thuyền vượt biên trở về. Họ chỉ ngỡ ngàng khi lần đầu tiên (đầu những năm 80 thế kỷ trước) thấy một đoàn người thảm hại, rách rưới, máu me bởi những vết đá cào xước kéo nhau lên đảo từ hướng hang Yến. Họ xin ăn, rồi họ quỳ lạy các ngư dân rủ lòng thương đưa thuyền ra bãi Yến đón đàn bà, trẻ con còn mắc kẹt lại đó.
Khi các đoàn thuyền giải cứu đến nơi chỉ thấy người trong hang Yến đang nằm thoi thóp như những bóng ma. Không hiểu họ đến đó bằng cách nào và để làm gì? Họ chỉ khai: Thuyền của họ bị cướp ngoài biển khi đi đánh cá, chở hàng, sau đó bọn cướp biển mang họ vứt lên hang Yến… Chỉ khi bàn giao đám người này cho bộ đội biên phòng, họ mới biết đó là những kẻ vượt biên.
Rồi dồn dập những con tàu của những kẻ ham mê ảo ảnh dạt vào đây. Với những con tàu bị cạn dầu, cạn lương dạt vào thì tình cảnh không thê lương cho lắm dù vài con tàu cũng có người chết vì kiệt sức. Những con tàu là nạn nhân của lũ cướp biển thì tình cảnh thật vô cùng điên loạn.
Mong ước được… chết.
Anh Trần Sĩ Ba giờ có một hàng cơm gà khá nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam). Nhắc về kỷ niệm với hang Yến, anh chỉ vào vết sẹo dài trên trán: “Có bà trên tàu vượt biên đòi tự tử, tui cản lại nên bị vết thẹo này”.
Tháng 3.1987, khi đánh cá đêm, anh Ba thấy con tàu nhỏ cập vào hang Yến. Dưới ánh đuốc khói mờ mịt, vài chục người đàn ông nằm la liệt trên sàn tàu. Người cầm lái là người duy nhất còn tỉnh táo nhưng bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Trong hầm tàu bỗng bật ra những tiếng gào rú như điên dại. Phân công anh em tập trung những người kiệt sức lại cho uống nước, anh Ba cùng một người nữa xuống kiểm tra hầm tàu.
Trong hầm tàu là 3 người phụ nữ bị trói chặt, áo quần tả tơi, 2 người đã xỉu, còn một người vẫn quẫy đạp như điên dại. Anh cắt dây trói cho cả 3 người rồi đưa 2 người ngất xỉu lên sàn tàu, lúc quay lại, anh đã thấy người phụ nữ còn tỉnh táo nắm chặt con dao anh vừa dùng cắt dây trói đưa lên ngang cổ. Hoảng hồn, anh Ba lao vào gạt tay, con dao trượt đi cắt một vết dài trên mặt anh, người đàn bà sức đã quá yếu, quỳ xuống van xin: “Xin ông hay để cho tôi được chết”.
Có một điều lạ kỳ là chưa bao giờ có trẻ em bị chết trên những con tàu vượt biên khi dạt vào Cù Lao Chàm. Những người dân đảo nhỏ này giải thích : “Trong đám người vượt biên từ bỏ đất mẹ kia, chỉ lũ trẻ là vô tội nên Nam Hải Bồ Tát thương mà dang tay cứu vớt”.
Người đàn ông duy nhất còn tỉnh táo cầm lái ấy tên Hướng, lên tàu từ cửa biển Thuận An (Thừa Thiên – Huế). Chuyến đi ấy gồm hai tàu với khoảng 60 người, sau ngày đi biển thứ nhất khi mọi người trên tàu nằm bệt vì say sóng, đám người trà trộn trên 2 tàu lộ nguyên hình là những tên cướp biển.
Tài sản, hành lý, tư trang bị trấn lột sạch, rồi những con người khốn khổ bị lùa sang con tàu cũ nát không có dầu, thức ăn, nước uống. 4 người phụ nữ trên tàu bị những tên cướp biển thay nhau hãm hiếp đến ngất xỉu trước mắt của tất thảy mọi người. 
Cơn hoảng loạn, ê chề, nhục nhã đã khiến những người phụ nữ khi tỉnh lại muốn chết. Sau khi một người lén nhảy xuống biển tự vẫn, mọi người buộc phải trói những người còn lại rồi đưa xuống hầm tàu.
Những cơn ác mộng như thế cứ xuất hiện liên tục ở hang Yến…

NGUYÊN NHUNG * NGƯỜI TÙ CHẾT

 
Chuyện Người Tù Chết Chiều 30 Tết
  Một bí ẩn của tâm linh



Hình như suốt đêm qua tôi không ngủ, lại lơ mơ nhớ đến một lời hứa với con của người tù đã chết chiều 30 Tết năm 1977 tại vùng Sơn La, Việt Bắc thâm u những mồ hoang mả lạc. Chuyện thật 100%, không hư cấu, cũng không phải chuyện ma, nhưng cứ như một cơ duyên bí ẩn của tâm linh, tình cờ mà đến, phải chăng vẫn có một thế giới vô hình không hiểu được.

Khoảng đầu năm nay, tôi đang lơ mơ ngồi đọc email của mấy người bạn, thì một lá thư của người bạn thân từ bên Úc gửi qua, bạn nhờ có quen ai ở Trà Vinh thì tìm giùm thân nhân của anh Chung Hữu Hạnh, một giáo sư biệt phái bị đi cải tạo và đẩy ra miền Bắc, anh đã chết trong một xó xỉnh nào đó cuả miền Việt Bắc, may là còn lại tấm bia mộ.

Anh gốc người Trà Vinh, vợ con sau khi mất tin chồng đã tìm đường vượt biển, chẳng biết bây giờ ở đâu. Tôi nhanh nhẩu ngồi liền vào máy viết thư cho nhà thơ Huỳnh tâm Hoài, một nhà thơ gốc Trà Vinh có những bài thơ được phổ nhạc rất hay trong đó có bài Lời Ru Sóng Vỗ, do nhạc sĩ Nguyễn hữu Tân phổ nhạc.


Như một bí ẩn của tâm linh, anh Huỳnh tâm Hoài vừa là bạn tù, vừa là bạn học cùng thời với anh Chung hữu Hạnh. Đọc tin anh buồn vui lẫn lộn, buồn vì nhớ bạn mình đã chết đơn độc, vùi thân nơi rừng sâu núi thẳm, vui vì đã tìm được mộ thì hy vọng sẽ có ngày bạn mình được về hưởng hương khói gia đình.


Chỉ trong năm ngày tin phóng đi, một người đã tìm ra thân nhân của anh Chung Hữu Hạnh, và tháng 6 năm nay chị Hạnh cùng các con đã tìm ra miền Bắc bốc mộ chồng đem về an táng tại Trà Vinh. Anh Chung hữu Hạnh là thầy của vợ bạn tôi, chắc thầy sống khôn thác thiêng nên tìm tới cô học trò để rồi cái đường dây loanh quanh trong cõi vô hình, cuối cùng thầy cũng tìm được về quê nhà, được sự chăm sóc khói hương của vợ hiền và các con.


Bạn tôi gửi cho tôi xem những tấm hình cảnh bốc mộ của anh Hạnh, nhìn nắm xương phù du còn lại được bươi lên từ đất cát khô cằn của miền Bắc, tôi cảm thấy ngậm ngùi, tất cả đều là vô thường, một ngày nào đó ai cũng phải tan thành tro bụi. Sẵn trớn tôi viết thư kể cho bạn tôi nghe về người tù chết chiều 30 tết, tôi cũng chả biết anh ta là ai, chỉ nghe chồng tôi kể lại, ngay cái tên cũng không nhớ. Câu chuyện từ mùa đông năm 1977 tại trại tù vùng Sơn La, nằm trên con đường đến Nghĩa Lộ.


Chiều cuối năm rét mướt, trong cảnh u ám thê lương của trại tù miền Bắc, cùng nỗi đói khát của những người tù gầy guộc và bịnh tật. Cả lán đang xôn xao ngoài sân chờ được phân phát thức ăn của ngày Tết, quanh năm đói khát vất vả vẫn hy vọng có chút thức ăn ngon, khẩu phần là hai cái bánh chưng to hơn bàn tay, và mấy miếng thịt bé bằng ngón tay cái. Trong lán, hai đầu nhà là hai đống củi lửa cháy bập bùng, sưởi chút ấm áp cho người tù vì trời vô cùng giá rét mà chăn chiếu lại thiếu. Mọi người ai cũng buồn vì nhớ gia đình, cám cảnh “gặm một mối hờn căm trong cũi sắt”. Ngay cửa ra vào ở cuối phòng có một chỗ nằm giăng mùng xùm xụp, một người bạn không thấy anh bạn tù ra lãnh món bánh chưng mà mấy ngày hôm trước anh ta thường than thở rằng chỉ thèm một miếng bánh chưng, nên đã tốc mùng xem thì thấy anh bạn tù nằm chết tự bao giờ.

Cả lán lại chìm trong nỗi buồn, giữa đêm tận cùng cuả năm mà hình ảnh người bạn tù chung nằm chết trong lán, như một ám ảnh khiến ai cũng nghĩ đến phận mình, một ngày nào sẽ bỏ xác nơi đây, gia đình thân nhân không ai hay biết. Báo cho quản giáo xong, họ xem xét thấy anh đã ngưng thở, nhưng vẫn hỏi ai có thể làm hô hấp nhân tạo cho anh ấy được không?


Mọi người lặng im, lúc ấy không hiểu sao thì chồng tôi lại xung phong làm việc ấy đối với một xác chết, nuôi một chút hy vọng nếu anh ấy thở lại được thì sao? Nhưng hoàn toàn vô vọng, bốn người tương đối trẻ và khoẻ được chọn để khiêng xác anh bỏ ra cái lò rèn, nằm đó chờ đến ngày mùng hai mới đem chôn, vì kiêng ngày mùng một tết(síc). Một vị tuyên úy Phật giáo ở cùng phòng thấy vậy đã lẻn đem phần ăn ngày Tết của anh ra nơi quàn xác để âm thầm gọi là tiễn đưa linh hồn người bạn tù được “no nê” khi về thế giới bên kia. Thảm thật!

Ngày liệm xác anh vào cái hòm gỗ thô sơ, xác anh được cuốn vào một cái bao cát, thay cho anh một bộ dồ tù mới, chồng tôi thấy tội nghiệp đã lấy chiếc áo thung xanh của người chết để anh gối đầu lên cho đỡ thảm cũng như là một kỷ vật đánh dấu để thân nhân nhận biết khi đi tìm anh sau này. Người ta còn cố tuột cho được cái nhẫn cưới trong bàn tay gầy guộc của người tù ốm đói. Sau này nghe con anh kể, chiếc nhẫn ấy đã được gửi về trả lại cho gia đình, nhưng mộ phần thì không biết thất lạc nơi đâu vì trại tù đã bị dời đi, trả lại cái nền hoang cho dân chúng địa phương canh tác ruộng bắp. Anh là người tù đầu tiên chết ở miền Bắc mùa xuân năm 1977.

Ngày mùng hai, lại bốn người tù được chọn lầm lũi đẩy chiếc xe “cải tiến” có quan tài của người tử sĩ đem đi chôn. Không có một nghĩa địa nên buộc lòng phải vùi anh một nơi nào đó dọc theo sườn núi. Tất cả suy nghĩ rồi quyết định chôn anh trong một lòng huyệt nông vì đá tai mèo cứng quá không đào nổi, bên một dòng suối, thoai thoải là sườn núi chênh vênh với cây rừng, anh nằm đó để linh hồn được thanh thản nghe tiếng suối reo, nghe cây rừng than van với bốn bề hiu quạnh. Trước khi về, họ còn ráng khiêng những tảng đá lớn chất lên mộ để đánh dấu, hy vọng một ngày nào đó thân nhân sẽ tìm được mộ của người thân ….


Đường Tìm Về Với Thân Nhân:

Tôi gõ “meo” kể câu chuyện này cho bạn tôi nghe, rồi đi ngủ, lòng không mảy may vướng bận. Sáng hôm sau, khi xong việc nhà tôi vừa mở email thì đã thấy thư của bạn, với chữ Khẩn trong Subject. Tôi đọc thư, vắn tắt bạn viết:


“Đây là chuyện thật, không phải hư cấu để nhà văn viết truyện. Làm ơn hỏi ông xã giùm hồi xưa anh bạn tù chết chiều 30 tên gì, vì con anh đi tìm mộ cha ba năm rồi mà không ai biết, chỉ mơ hồ nên không biết chính xác mộ nằm ở đâu.


Please! Hồi âm cho biết vì rất mong, con anh sắp trở về VN tìm lần nữa vào tháng 7 này.”

Tôi giật mình, lại một chuyện lạ, chẳng lẽ hồn anh Chung hữu Hạnh lại dẫn bạn tù về tìm đúng người để về với gia đình sao? Ớn lạnh, tôi là tác gỉa của một loạt truyện Cõi Mù Sương viết về thế giới bên kia, nhưng thật ra tôi toàn mượn chuyện người sống để nói về người chết, hư cấu 100%. Chờ chồng tôi đi làm về, tôi kể chuyện, sau đó liên lạc với con anh người tử sĩ, anh là Đại úy Huỳnh tự Trọng, sinh quán ở Đà Nẵng hay Quảng Nam gì đó.


Người con của anh liền xin số phone để liên lạc, cháu yêu cầu chồng tôi cố nhớ lại vị trí của trại tù ngày xưa, và nhất là vị trí cuả nơi chôn cất anh Huỳnh tự Trọng. Hơn 30 năm vật đổi sao dời, dâu hoá biển, biển hoá dâu là chuyện thường, bây giờ chẳng biết cảnh cũ thay đổi ra sao, nhưng may ra còn dãy núi, còn con suối làm chứng cho cái trại tù heo hút ngày xưa. Đầu óc một người đã từng sống trong cảnh tù đầy thiếu ăn thiếu mặc, thêm nhiều năm vất vả với cuộc đời để tìm nguồn sống cho cả gia đình, chắc chắn là không nhớ hết được, thế nhưng như một sức mạnh thiêng liêng, từ linh hồn người tử sĩ, chồng tôi đã vẽ được sơ đồ cho con anh bạn tù bạc mệnh đi tìm lại mộ cha.


So sánh với sơ đồ anh vẽ, và những hình ảnh các cháu đã chụp lại trong chuyến đi kỳ trước, khó mà tìm ra mộ vì tất cả chỉ còn một màu xanh của ruộng bắp, không thấy suối, rừng xanh đã biến thành đồi trọc khô cằn, hòn đá cao chắn ngang lối mòn năm xưa cũng không còn, lấy gì để xác định được ngôi mộ nằm ở chỗ nào!


Hành Trình Đi Tìm Mộ Cha:


Thư qua tin lại với con của tử sĩ Huỳnh tự Trọng, nhiều câu hỏi được đặt ra qua những thông tin của cháu, sự tha thiết tìm lại ngôi mộ của người cha bất hạnh vẫn nung nấu trong lòng những đứa con. Có lúc cả hai bên tưởng như tuyệt vọng, dù cháu cố nài nỉ “Chú ơi! Làm ơn nhớ giùm con, lúc ấy chú đi từ trại ra nơi chôn ba cháu ra sao? Chú chấm thử một địa điểm lần chót nữa đi, cháu hy vọng ba cháu sẽ chỉ cho chú…”Cảm động đến rơi nước mắt, chỉ còn hai hôm thôi hai đứa con anh lại lên đường đi tìm mộ cha, lần này nếu không được là thôi, hết hy vọng.


Tối hôm đó ngồi thần thừ trước tấm sơ đồ trại tù miền núi năm xưa, chồng tôi thầm cầu nguyện rồi khoanh tròn màu đỏ lên tấm ảnh mà cháu gửi qua. Anh nghĩ nó nằm ở chỗ này, làm một phép tính nhỏ (anh học ban B, vốn giỏi toán từ hồi đi học), lấy khoảng đứng từ ngoài đường vào trại tù cũ, gần một ngã ba của con đường tẽ vào Nghĩa Lộ, rặng núi đánh dấu cho địa điểm chính xác, ngôi mộ sẽ nằm ở khoảng này, khoanh một vòng tròn màu đỏ, anh đi ngủ để mai đi làm mà lòng nặng trĩu…


Theo chuyện kể của các cháu, chuyện người tử sĩ Huỳnh tự Trọng ly kỳ như một cuộn phim tâm linh khó giải thích, dọc đường đi anh đã phù hộ cho con anh ra sao, và khi đến nơi, lần trước các cháu đã biết có một ngôi miếu do một người bộ đội phục viên kể lại. Chính anh ta vì được một linh hồn khuất bóng lảng vảng nơi này cứu giúp trong cơn hoạn nạn, nên đã tự lập một ngôi miếu để thờ, mà chẳng biết là ai. Anh ta về quê làm rẫy, thường hay thấy một bóng người đi ra đi vào ruộng bắp, nhưng chỗ ấy không có nhà cửa thì lấy làm lạ, có khi cái bóng ấy còn đi vào nhà anh, nên anh tin là có một điều gì lạ lùng trong thế giới vô hình mà không diễn tả được. Trước khi đến đây làm nhà, anh ta nghe dân địa phương nói chỗ sườn núi này có một ngôi mộ nhưng bây giờ không biết nằm đâu rồi. Khi gia đình gặp chuyện không may, anh van vái người khuất mày khuất mặt phù hộ gia đình anh thoát nạn, anh sẽ cất miếu thờ, chính vì vậy mà có miếu thờ tử sĩ Huỳnh Tự Trọng (nhưng vẫn không có tên).

Trước khi các cháu lên đường tìm mộ cha, chồng tôi chỉ bảo một lần chót: “Chú không tin lắm ở trí nhớ của mình, nhưng khuyên cháu là khi về nên đến cái miếu thờ ấy van vái ba cháu cho tìm được mộ. Nếu linh hồn ông thiêng thật, nhất định các cháu sẽ tìm ra mộ cha.”

Một tin tưởng để vớt vát niềm hy vọng cho con của người bạn tù năm xưa, chúng tôi không tin rằng các cháu có thể tìm được mộ cha dưới gần 3 thước đất, vì sau khi gặp được người địa phương nổ mìn phá núi để lấy đá, ông ta nói ngày xưa nơi đây có cái suối nước nhưng bị lấp mất rồi, còn hòn đá to chặn ngang đường mà các bạn khi chôn anh đã chọn làm điểm mốc để dễ tìm sau này vì nó rất lớn, sức người không cách nào di chuyển nổi thì đã bị nổ mìn phá vỡ để lấy đá làm đường. Nhiều xe đất đã đuợc đổ lấp lên nơi chôn anh để làm đường cho xe vận tải vào lấy đá đã đẩy ngôi mộ sâu xuống nhiều thước đất nên không còn dấu vết gì có thể nhận ra đuợc.


Nghe xong những chi tiết này, con anh Huỳnh tự Trọng liền suy nghĩ và tính toán xem mộ cha sẽ nằm ở khoảng nào, đúng với cái vòng tròn màu đỏ và quyết định không bỏ cuộc. Cộng thêm giấc mơ anh Huỳnh tự Trọng báo mộng, xác anh nằm gần một mô đất cao, cháu nhìn thì thấy có một mô đất cao hơn đường đi nên nhất định đào sâu thêm nữa theo hình tam giác của sợi dây giăng làm chuẩn. Mấy người đào mộ thấy đào sâu quá bèn hỏi bộ định đào ao nuôi cá sao?


Vậy mà khi nhát xẻng chạm vào một khoảnh đất cứng hơn, mọi người mới bàng hoàng nhận ra những mảnh gỗ mục và hiện ra hình dạng một bộ xương người nằm trong cái bao cát tẩm liệm 33 năm dài trong lòng đất, loại bao này bằng ni lông cuả quân đội VNCH, được cắt ra chia cho tù dài khoảng 2 mét để làm tấm trải ngủ. Khi mở ra, cái đầu lâu khô của tử sĩ Huỳnh Tự Trọng còn gối lên chiếc áo thung xanh mà chị Trọng nhận ra được đúng là chiếc áo của anh mang theo năm xưa, chỉ bị hủy hoại khoảng 20%...


Một buổi chiều tháng bảy ở quê người, trong khi tôi đang nói chuyện qua phone với Đỗ Dung, cô bạn văn có ngòi bút trung thực và tính tình điềm đạm nhất của tôi thì chồng tôi báo tin, các con anh Trọng đã tìm được xác cha. Tôi cảm thấy lạnh cả sống lưng, và kể chuyện cho bạn tôi nghe. Chao ơi! người chết tìm về, tin hương linh người tử sĩ không quen tìm về với gia đình anh đã làm tôi xúc động, tôi cũng cảm được sự xúc động của bạn tôi qua giọng nói từ xa vọng tới…

Đây là câu chuyện về người tù chết chiều 30 tết trong một ngày cuối đông rét mướt đã ba mươi ba năm về trước, anh đã tìm về được với gia đình, trở về với mảnh đất quê nhà và hưởng hương khói gia đình. Hôm nay còn lại một vài ngày nữa để bước sang một năm mới, tôi nhớ đến lời hứa với con của người tử sĩ, nên viết một mạch cho tâm hồn thanh thản.

Xin mời những nhà thơ nhà văn có tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động như cung đàn muôn điệu cùng với gió với mây, hãy cảm tác mấy vần thơ cho ấm lòng người tử sĩ nha.

Phần tôi, quá mệt cho một đêm không ngủ để nhớ lại từng chi tiết vì câu chuyện không thể nào hư cấu được.

Viết xong buổi sáng cuối năm 2010.
Nguyên Nhung


Sau đây là một số bài thơ đã được cảm tác sau khi đọc câu chuyện này:

Nẻo  Về Tử Sĩ
Mênh mông mây bạc trôi mênh mông

Đất Bắc vùi thây những anh hùng

Không chết sa trường mang kiếm thép

Mà trong tù ngục chốn cùm gông

Thây vùi cát lạnh manh chiếu rách

Vùi nông đất núi đá chông chênh

Tử sĩ hồn mang nhiều tủi hận

Chạnh nhớ miền quê bạt gió ngàn

Quấn quýt kêu gào sườn núi lở

Cây khô mưa gió thét gào than

Đường về hồn hướng mây ứng mộng

Mong ước tương phùng đất phương Nam

Tử sĩ  oan hồn thời chiến quốc

Nương nhau về lại chốn quê hương

Nhang khói hương trầm câu khấn nguyện

Cho hồn lỉnh hiển nhớ liệt oanh.

                                                                 Huỳnh Tâm Hoài


NGƯÒI TÙ CHẾT CHIỀU 30 TẾT
Một ngày buồn theo lệnh.....

Người lính cũ Cộng hoà vác gói lên vai

Vợ con nhìn theo nén tiếng thở dài

Đâu biết được đó là  lần chia xa mãi mãi

 

Rừng núi thâm u ngút ngàn Việt bắc

Những người tù trong lạnh gía rét căm

Tấm vải gai (bao cát) dùng lót ấm chỗ nằm

Giờ phút cuối làm áo choàng liệm xác

 

Anh ra đi ngay chiều 30 Tết

Xác thân xưa giờ còm cõi ốm gầy

Bởi vì đâu anh phải đến nơi đây?

Lặng lẽ chết không người thân vuốt mắt.

 

Chiến trường xưa anh cầm quân chống giặc

Anh hiên ngang, anh kiêu dũng, oai hùng

Giặc đến đây vì chủ thuyết cuồng ngông

Anh hiện diện trong đoàn quân tự vệ.

 

Ai dám nghĩ có ngày buồn đau thế?

Những quân nhân cán chính ngày nào

Bị đoạ đày sống cực khổ thế sao

Thể xác, tinh thần ! nỗi đau nào phải kể?

 

Cái chết của Anh đã làm người ứa lệ

Giữa những người tù cùng cảnh ngộ đói cơm

Cái bánh chưn xanh được "ưu đãi" cuối năm

Nhưng anh vĩnh viễn không thể cầm chiếc bánh.

 

Khi bạn tù biết thì xác thân anh đã lạnh

Họ bàng hoàng, cố cứu sống lại anh (!)

Trong cổ áo quan gối đầu chiếc áo màu xanh

Và chiếc bánh,  cúng tiễn hồn người chết!!!!

 

 

Bao năm qua có kẻ còn người mất

Trại tù xưa cũng nay đổi, mai dời

Mộ phần anh cũng phó mặc đất trời

Bên dòng suối, nghe rừng than , đá khóc.

 

Vợ con anh với lòng tin Chúa -Phật

Van vái khẩn cầu đi tìm kiếm mộ chồng- cha

Linh hồn anh phù hộ vợ con nhà

Đã xui khiến người bạn tù chỉ lối

 

Xuân năm xưa anh là người tù nhân chết vội

Bao nhiêu năm rồi vợ con lặn lội tìm mồ.

Giờ tro cốt anh được hương khói phụng thờ

Nén nhang đốt , xin hồn linh siêu thoát

Lê thị Hoài Niệm.
ANH ĐÃ VỀ NHÀ.
       (Viết theo câu chuyện một người lính VNCH chết trong trại tù tại Sơn La năm 1977.
                                  Năm 2010 vợ con đã tìm ra mộ và cải táng hài cốt)
Anh đã chết giữa rừng núi Sơn La,

Trong một lán tù chiều Ba Mươi Tết,

Người tù ốm đau, người tù đói khát,

Ngày Tết về thèm miếng bánh chưng xanh.


Chiếc bánh chưng các bạn vẫn để dành,

Cúng cho anh trước khi về mộ huyệt,

Khẩu phần hiếm hoi trại vừa phân phát,

Hồn hãy ăn cho qua phút đói lòng.


Các bạn chôn anh rừng đang mùa Xuân,

Bên sườn núi đá tai mèo thoai thoải,

Một mai bạn ra tù, anh còn nằm lại,

Suối chảy ru anh, gío núi thở dài.


Bao năm qua, bao dâu bể đổi thay,

Một góc rừng xưa nay thành ruộng bắp,

Dòng suối nhỏ bên mộ anh đã cạn,

Người ta mở đường mất dấu quen xưa.


Ngôi mộ anh tàn lụn với nắng mưa,

Không hương khói giữa dòng đời xa lạ,

Gío bụi thời gian cuốn đi tất cả,

Nắm xương tàn anh thất lạc nơi đâu?


Hồn người chết đau, người sống cũng đau,

Vợ con anh đã tìm về nơi đó:

Rừng núi Sơn La, con đường Nghĩa Lộ,

Vách núi chôn anh như chuyện hoang đường.


Qúa khứ đã chìm trong cõi mù sương,

Hồn anh linh thiêng chỉ đường dẫn lối,

Nấm mộ năm xưa bạn anh chôn vội,

Vẫn còn đây với một chút xương tàn.


Hôm nay anh đã gặp lại vợ con,

Người tù chết từ bao nhiêu năm trước,

Với nấm mộ hoang không tên tội nghiệp,

Thanh thản đi anh. Anh đã về nhà.

Nguyễn thị Thanh Dương
(Dec.30-2010)

Nấm mộ cho Anh .

Đời binh nghiệp ngẫm sao mà cay đắng

Ngựa bọc thây thử hỏi ở đâu ra !

Nam nhi hề chí hướng mộng xông pha

Kia nhục thể gởi lại miền hoang dã !


Tấm poncho không vẹn nguyên dưới đá

Mảnh hình hài còm cõi lắm thương đau

Một đời trai dẫu mai một mai sau

Ai thương tưởng ...hay vợ con thương tưởng ?


Tấm lòng trung bây giờ Anh nào hưởng

Nghĩa chân tình dân tộc mấy người hay

Đồng đội ơi thân xác bị lưu đày

Tâm vẫn vẹn thủy chung cùng đất nước


Ngày Anh sống hẳn không nhiều mộng ước

Súng đạn bom sẽ im tiếng ...yên vui

Trả gươm đao rồi lặng lẽ ....bùi ngùi

Quay trở lại với mái nhà Hạnh Phúc


Oan nghiệt thay đời người lại có lúc

Hai tay buông mà mắt mở trân trân

Đôi chân quỳ gục ngã dạ bâng khuâng

Người thua trận khác gì thân bại liệt  !


Lòng nén chịu lửa trong Anh bất diệt

Chí nấu nung ...năm tháng sẽ qua đi

Tiếc thương Anh... mơ ước bỗng dị kỳ

Nơi huyệt lạnh , oai linh Anh hiển thánh ?


Nấm mồ sâu đợi trời quang mây tạnh

Tấm lòng con xui ước nguyện viên chu

Thân dù cho lụy ngã chốn ngục tù

Tâm thanh thản rồi cũng về miên viễn


Đời là những khổ đau đừng ái luyến

Phận con người vay trả lẫn trả vay

Mang ơn ai đừng mang tiếng mai này

Đền đáp nghĩa Anh là ANH mãi mãi !
Kính tưởng nhớ Anh CHUNG HỮU HẠNH  .
Tình thân .
Thiên Phương
(Những ngày cuối năm 2010 )

VONG HỒN LINH HIỂN
( Cảm tác theo chuyện thật 100% của nữ sĩ Nguyên Nhung ) (1)
Nhiều chiến sĩ hiền lành

Vì động viên đi lính

Không trốn tránh quẩn quanh

Bị cải tạo rừng xanh.

Bất hạnh!


Anh tù chết cuối năm

Quá đói khổ bệnh tật

Thèm ăn miếng bánh chưng

Nhớ gia đình ngày Tết.

Thảm thật!


Vị Thượng Tọa chung tù

Nhịn phần ăn buổi tối

Đem cúng hồn âm u

Đang đói khổ mịt mù...

Vụng tu!


Các bạn tù thương xót

Nghĩ lại tủi phận mình

Đọa đày đau khổ quá!

Chắc bỏ xác rừng xanh...

Cô quạnh!


Bạn tù khiêng hòm anh

Chôn cạn bên sườn núi

Hồn tử sĩ quẩn quanh

Trong cô đơn sương lạnh.

Quạnh hiu!


Hồn bay vào nhà dân

Tìm sưởi ấm bếp lửa

Độ (2) mọi người bình an

Nơi hoang vu lạnh giá.

Khổ quá!


Thương hồn anh linh hiển

Người dân lập Miếu thờ

Không biết tên kẻ mất

Chỉ hương khói đơn sơ.

Bơ vơ!


Người bạn tù năm xưa

Kể chuyện chôn người chết

Vợ con khóc như mưa

Tìm đường ra Việt Bắc(3)

Đoạn trường!


Hồn cha báo mộng con

Tìm đúng nơi chôn cất

" Mộ gần mô đất cao"

Giúp bao người khai quật...

Khóc ngất!


Moi nơi vùng đất đá

Luôn khấn vái hồn cha

Xác thân đã tan rã

Đầu lâu (4) khô hiện ra

Khóc òa!


Các con đau đớn quá

Ôm hũ cốt về Nam

Hồn cha theo phù-hộ(5)

Ba mươi ba năm rồi...

Than ôi!


Hồn muốn gần thân nhân

Được thương yêu cầu nguyện

Được tưởng nhớ ân cần

Mong đầu thai kiếp khác...

Bi ai!


Hàng vạn hồn chiến sĩ

Vất vưởng nơi núi đồi

Nơi rừng xanh - biển cả...

Cần siêu thoát nhanh thôi.

Hỡi ơi!
                                 Minh Lương
                                      Cali.ngày 30/12/2010
(1) Chuyện Người Tù Chết Chiều 30 Tết...( năm 1977 ), Tử sĩ Huỳnh Tự Trọng.
(2) Độ là phù-hộ . Cứu độ là giúp cho vong linh sớm được siêu thoát.
(3) Tỉnh Sơn La
(4) Sọ người chết.
(5) Phù hộ là vong linh trở về giúp đở ngưới sống qua khỏi tai nạn , bệnh tật , thành công...
Kính Dâng Một Nén Nhang

Chiều 30, một ngày đông rét mướt

Anh ra đi trong lặng lẽ âm thầm

Rũ nợ đời sau bao ngày cùm xích

Không oán than chỉ đơn lạnh lìa trần


Hồn bay cao giữa núi rừng sâu thẳm

Vẫn loanh quanh bên nấm mộ lấp vùi

Ba ba năm dưới huyệt sâu quạnh quẽ

Mãi mong chờ hơi ấm của gia đình


Tết lại đến năm nay anh đoàn tụ

Chút hương lòng xin kính gửi đến anh

Huỳnh tự Trọng với hồn thiêng sông núi

Hãy bình yên trong giấc ngủ thiên thu
                                                                           
                                                                       Nguyễn thị Bạch Liên

Cảm tác chuyện Người Tù Chết Chiều 30 tết


                                                            Bảo Như
Trên đất Bắc đầu xuân 77
Nơi lán tù giá rét
Các bạn tù xôn xao,
chờ lãnh mẩu bánh chưng ngày Tết
Anh nằm lặng,
Sâu trong cõi chết
Tự bao giờ ?

Miền Nam xa, anh có vợ con thơ
Chiếc nhẫn cưới trở về - kỷ vật cuối
Bạn bè chọn đặt anh bên dòng suối
Núi chênh vênh, đá tảng chắn làm bia

Đời dâu bể ...
Đêm khuya tàn, ngày sáng
Con thơ dần khôn lớn, đến tráng niên
Công biển trời, con chẳng thể quên
Canh cánh trong lòng ... đâu thân xác bố?
Thời gian mãi không là huyệt mộ

Vật đổi sao dời,
Thiên lý xa xôi ...
Cha hiền - con hiếu - Lòng Trời
Kết trọn câu chuyện khiến người lệ rơi.


(Xin kính tặng tử sĩ Huỳnh Tự Trọng, vợ và các con)




NÉN HƯƠNG LÒNG THẮP MUỘN.


Anh nằm đó, giữa núi rừng cô quạnh,

Với nắng mưa, trong huyệt lạnh tiêu điều.

Lối mòn xưa, giờ cũng đã xanh rêu,

Vắng bước chân những bạn tù “cải tạo”…

Tiếng gió reo, nghe thê lương ảo não.

Tựa hồn anh, đang u uẩn thét gào,

“…Trả lại tao, hãy trả lại cho tao,

Thời trai trẻ với bao nhiêu mộng ước…”

Thế sự đảo điên, ngả nghiêng vận nước.

Cởi chinh y, khoác chiếc áo lao tù.

Nẻo tương lai là bóng tối âm u.

Vẫn ngạo nghễ vang tiếng cười quá khứ.

Nhân sinh tự cổ thùy vô Tử.

Lưu thủ đan tâm, chiếu hãn thanh.

Nén hương lòng thắp muộn gởi đến anh,

Của một  người bạn tù còn liêm sỉ.

Còn nghĩ đến các anh hùng tử sĩ.

Còn xót xa bao đồng đội ngày xưa,

Cùng thiếu ăn, cùng giãi nắng dầm mưa,

Cùng chia sẻ những đớn đau tủi nhục.

Anh nằm đó, nhưng không hề cô độc.

Quê hương rồi, có lúc sẽ bình yên.

Và  anh rồi,  bia đá sẽ đề tên.

Sẽ sống mãi trong lòng dân tộc….


                              Mũ Nâu 11

                                     Thủy Gia Trang, cuối mùa đông lạnh giá


PHAN HẠNH * SỢI DÂY CHUYỀN

http://thoibao.com/wp-content/uploads/sites/8/2014/02/daychuyen01124.jpg
Sợi dây chuyền
Phan Hạnh
   11, 2014 at 8:50 pm   



Về đến Sài Gòn, đêm đầu tiên Quỳnh Lan và tôi dùng bữa ăn tối trong khách sạn Park Hyatt nằm nơi góc đường Hai Bà Trưng và Cao Bá Quát với một cặp bạn mới cùng chuyến đi tour là Diệu Hằng và Thiện. Thiện là một nha sĩ và Diệu Hằng trông coi việc nhà, cai quản một ngôi biệt thự đồ sộ của họ ở Houston Texas.
“Anh chị cưới nhau lâu chưa?” Diệu Hằng hỏi chúng tôi một cách tự nhiên. Tôi nhận thấy ở người phụ nữ này nét thành thật mộc mạc như một viên kim cương nguyên sơ chưa mài dũa.
“Chúng tôi sống với nhau”, Quỳnh Lan trả lời vắn tắt. Chẳng lẽ nàng lại giải thích dài dòng về mối liên hệ của chúng tôi, vốn đang sống chung với nhau trong căn condominium tầng thượng nhìn ra hồ Ontario do tôi làm chủ, nhưng cô ấy vẫn còn ngôi nhà thừa hưởng từ cuộc ly hôn với ông chồng cũ cũng là một bác sĩ. Quỳnh Lan vẫn lái xe về thăm chừng nhà ở Oakville vài lần mỗi tuần.
“Vâng, một sự xếp đặt êm đẹp, phải không chị”, Diệu Hằng nói.
“Chỉ hơn thế đôi chút thôi chị ạ”, Quỳnh Lan đáp lấy lệ rồi nàng tiếp: “Nhưng thôi chị đừng gọi em bằng chị nghe khách sáo lắm.”
Quả thực Diệu Hằng cỡ tuổi tôi, khoảng 60 trong khi Quỳnh Lan nhỏ hơn tôi đến 5 tuổi. Với sự nhận xét sâu sắc khôn ngoan của phái nữ, Diệu Hằng đã gợi nhắc cho tôi mối liên hệ giữa Quỳnh Lan và tôi, khi êm đềm khi bấp bênh, và chúng tôi không có ý định chia sẻ với người lạ trong một tour du lịch Việt Nam như thế này. Quỳnh Lan muốn tôi cam kết lâu dài, có nghĩa là chúng tôi phải kết hôn chính thức và tôi phải dọn vào cùng sống với nàng trong ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc thời Victoria đã được tân trang với lối đi lát gạch và nhà để xe đủ cho hai chiếc. Nàng tin rằng nếu chúng tôi thay đổi bàn ghế cũ và trang trí lại ngôi nhà bằng các tác phẩm nghệ thuật mà chúng tôi đã bỏ nhiều thì giờ săn lùng chọn mua, chúng tôi có thể sẽ là một cặp vợ chồng mới cưới hạnh phúc.
Nhưng mỗi khi bước vào nhà nàng, tôi không khỏi bị ám ảnh bởi bóng dáng vô hình của người chồng cũ của nàng. Tôi tưởng tượng ông ta vẫn có thể hay biết sự hiện diện của tôi bằng những con chip điện tử nhỏ xíu giấu kín trong các bức tường. Ông ta là một bác sĩ thần kinh người Canada da trắng, 64 tuổi, nổi tiếng và thành công về tài chánh. Ông thường hay đi Florida dự hội nghị chuyên khoa, lần nào cũng đi với cô thư ký 28 tuổi cũng người Canada, sắc đẹp trung bình nhưng thân hình nẩy nở và dáng dấp khỏe mạnh. Quỳnh Lan và tôi đều nghĩ rằng cô ta như vậy là đã quá hấp dẫn đối với một ông già đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi về chiều.
Tôi đã tự thuyết phục là tôi không bao giờ có thể thay thế cương vị người chủ cũ của ngôi nhà vì tôi chỉ là quản lý của một công ty ấn loát nhỏ. Quỳnh Lan khẳng định là nàng đã xóa ông chồng cũ khỏi cuộc sống của nàng rồi. Tôi nghĩ là nàng thành thật. Nhưng tôi ngờ nàng chỉ mong muốn cho nếp sống quen thuộc cũ tiếp diễn với những buổi sinh hoạt giao tiếp với đám bạn bè gốc sinh viên miền Nam du học trước 1975 của nàng. Một mặt nàng ham vui và một mặt nàng muốn được ngưỡng mộ với ngôi nhà trang hoàng toàn đồ đạc quí giá. Mặc dù nàng không bao giờ nói hẳn ý định, tôi biết nàng muốn hợp pháp hóa mối quan hệ của chúng tôi để tái tạo cuộc sống xã hội thượng lưu trước đây của nàng.
Mặc dù tôi chưa chịu cam kết đi đến hôn nhân, Quỳnh Lan vẫn vui vẻ với tình trạng chúng tôi là tình nhân của nhau. Nàng thích du lịch và được chụp ảnh. Tôi cũng thích du lịch nơi này chốn nọ và thích trổ tài chụp ảnh. Đúng là một sự dàn xếp đẹp lòng cả đôi bên. Cặp chúng tôi từng qua nhiều nước, nhưng đây là lần đầu tiên tôi với nàng về Việt Nam.
Trong bữa ăn tối tại khách sạn, Diệu Hằng khoe vợ chồng nàng đã kết hôn được ba mươi sáu năm và sống trong hạnh phúc. Quỳnh Lan nhìn tôi và khẽ nhướng mày. Khi chúng tôi đã về phòng, Quỳnh Lan bày tỏ sự nghi ngờ về cặp vợ chồng Thiện và Diệu Hằng. Quỳnh Lan nói nàng chỉ quan sát là biết ngay cặp vợ chồng nào có thật sự hạnh phúc hay không. Nàng phân tích cho tôi thấy những điểm bất tương xứng rõ ràng giữa Diệu Hằng và Thiện. Trong khi Thiện mặc trang phục sang trọng với áo sơ-mi lụa màu xanh lục, quần tây màu beige, giày da Ý láng bóng đúng thời trang và có phong cách trí thức, Diệu Hằng thì ngược lại chỉ mặc váy và áo bằng vải cô-tông in hoa, mang giày nhẹ để đi bộ, ăn nói có vẻ bình dân. Điều lạ lùng khó hiểu hơn nữa là Diệu Hằng lại mang một sợi dây chuyền bạch kim có nhận bảy viên kim cương.
Quỳnh Lan quá rành rẽ về thời trang vì nàng thường mua sắm hàng đắt tiền. Nàng vào tiệm kim hoàn Tiffany ở số 150 đường Bloor St. W. nằm trong khu phố Yorkville Toronto nhiều lần đến nỗi nhân viên bán hàng biết mặt.
“Dây chuyền hiệu McCoy thứ thiệt đấy,” nàng nói.
“Ai lại mang nữ trang đắt tiền đi du lịch Việt Nam làm gì?” – Tôi hỏi.
“Em cũng chẳng hiểu.”
Cả hai chúng tôi đều thắc mắc. Vì vậy, trong bữa ăn tối hôm sau với cặp Thiện và Diệu Hằng, tôi liều lĩnh nói:
“Chúng tôi thấy chị mang nữ trang đắt tiền ở Việt Nam, thật tôi cảm thấy lo ngại quá.”
“Đi bất cứ đâu tôi cũng mang theo vì tôi rất yêu quý nó,” Diệu Hằng nói. “Tôi yêu quý nó vì đây là món quà anh Thiện đã tặng cho tôi.”
“Thế thì chắc anh chị có mua bảo hiểm?” Tôi hỏi. Quỳnh Lan ném cho tôi cái nhìn như thể tôi nói nhiều.
“Tất nhiên là chúng tôi có bảo hiểm, nhưng sợi dây chuyền này không thể nào thay thế được,” Diệu Hằng đáp. Thiện nắm tay vợ như tỏ cử chỉ hỗ trợ và nói dứt khoát:
“Phụ nữ có nữ trang đẹp mà không mang thì để làm gì, em nhỉ.”
Quỳnh Lan nhíu mày. Cô ghét sự phân biệt giới tính và không thích lời tuyên bố thiếu tế nhị. Nhưng mặc dù nàng có sẵn trong đầu óc nhiều ý kiến muốn bày tỏ, Quỳnh Lan che giấu những suy nghĩ thực sự của mình. Nàng khẽ gật đầu như đồng ý với Thiện.
Sau khi ăn tối, khi chúng tôi ngồi riêng tại quầy bar, Quỳnh Lan quay ra cáu kỉnh:
“Em chán trông thấy sợi dây chuyền khoe của ấy quá!”
“Mấy sợi dây chuyền của em còn đẹp hơn nhiều,” Tôi nói.
“Em thấy ngứa mắt vì chị ấy diện không đúng lúc. Đây đâu phải là dạ hội trang trọng.”
“Em muốn nói như vậy là trưởng giả học làm sang, là rỡm đời?”
“Cũng không hẳn là như vậy. Đúng hơn là thiếu ý thức một cách vô lý.”
Đêm đó, khi nằm bên nhau, tôi nói đùa với Quỳnh Lan là nếu vậy thì chắc lúc đi tắm và lúc làm tình, Diệu Hằng cũng mang chiếc vòng cổ, vậy lúc chụp mammogram thì sao, bà ta có từ chối cởi nó ra không. Quỳnh Lan nhéo tôi một phát và cho rằng trí tưởng tượng của tôi đã đi quá xa.
Trong ba ngày, chúng tôi đi ba nơi là Vũng Tàu, Đà Lạt và Hội An. Giờ giấc sinh hoạt thay đổi lung tung bất thường, những trễ nải và kỳ kèo mua sắm, ăn thức ăn nhiều gia vị làm cho chúng tôi phát mệt. Khi đến Huế vào ngày thứ tư, Quỳnh Lan và tôi đã bị tiêu thoát năng lượng nên không cảm thấy thoải mái cho lắm. Mặc dù vậy, màn chụp hình không bao giờ bỏ qua. Từ Huế chúng tôi đi viếng Công Viên Quốc Gia Bạch Mã. Không khí nóng ẩm rít rát bám chặt da khi từng người chúng tôi bước xuống xe buýt. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ngay nơi xa phố thị này vẫn có người ăn xin.
“Thật đáng buồn,” Quỳnh Lan nói, nhìn một người phụ nữ gầy gò với một nụ cười không răng và đôi mắt trống rỗng. Hầu hết mọi người trong nhóm của chúng tôi đi gần với nhau trừ Diệu Hằng, với vòng cổ kim cương lấp lánh vẫn còn tụt lại phía sau để móc ví lấy những đồng tiền có mệnh giá số ngàn và trao cho một đứa trẻ. Thiện thì đang đi phía trước bên cạnh cô hướng dẫn du lịch xinh xắn để hỏi này hỏi nọ. Quỳnh Lan thì thầm với tôi:
“Em thấy sao ở Việt Nam có sự khác biệt quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Nghèo đến độ không thể tưởng tượng nổi.”
Tôi nắm chặt tay nàng: “Một đất nước độc tài tham nhũng và không có tự do dân chủ thì nó như vậy đó em ạ.”
Vừa lúc đó chúng tôi nghe tiếng hét của Diệu Hằng. Cả đám quay lại. Một người phụ nữ gầy ốm với vết loét trên tay và với làn da vàng vọt đang ôm chặt lấy đầu gối của Diệu Hằng. Diệu Hằng cố vùng ra nhưng mất đà té xuống. Diệu Hằng cố đẩy người phụ nữ ra để đứng dậy. Một người đàn ông đi chân không từ đâu phóng ra xô Diệu Hằng về phía trước khiến nàng chúi nhủi úp mặt xuống đất. Hắn nhanh chóng giật sợi dây chuyền trên cổ Diệu Hằng khi nàng chưa kịp có phản ứng gì. Hai tên trộm chạy biến mất trong các lùm cây. Tôi và mấy người khác chạy đến bên Diệu Hằng, nàng ngồi trên mặt đất khóc thút thít.
“Chị có sao không?” Có người hỏi. Diệu Hằng khóc nức nở. Quỳnh Lan rút khăn giấy trong túi xách của nàng và lau vết trầy xước chảy máu dính bụi bẩn trên cánh tay và đầu gối của Diệu Hằng. Thiện hối cô hướng dẫn: “Gọi báo công an ngay đi!”
Mươi phút sau, công an cũng chẳng thấy đâu. Nhóm chúng tôi ai cũng tỏ vẻ bồn chồn lo sợ và yêu cầu chấm dứt chuyến đi thăm công viên để trở lại khách sạn ngay nhưng cũng có người muốn chờ. Thiện cau mặt trân người vì bực tức. Thiện ngó quanh quan sát. Thiện nghĩ rằng đã nhìn thấy kẻ trộm. Một ông già nhà quê đứng cách đó hơn 10 thước với một cái gì đó lấp lánh trên cổ ông ta đang đăm chiêu theo dõi. Thiện lao về hướng ông lão. Tôi la lên: “Không phải người đó!” Thiện bất kể lời tôi. Ông già há hốc miệng và mở to mắt đứng yên. Thiện mất bình tĩnh chộp cổ ông già và hét: “Ăn cướp! Giao hắn cho công an!” Ông già chợt vùng ra và chạy thục mạng. Thiện định chạy theo nhưng Diệu Hằng nói lớn: “Thiện ơi! Không phải ông đó!” Tôi không nghe rõ tiếng gọi “anh” như mọi khi. Thiện quay lại, trên mặt còn đầy nét hằn học.
Tối hôm đó, chúng tôi thấy chỉ có một mình Thiện xuống ăn tối. Thiện nói: “Diệu Hằng không được khỏe.”
Quỳnh Lan nói: “Em xin chia buồn cùng chị Diệu Hằng.” Tôi cũng thêm vào: “Thật là một chuyện đáng tiếc xảy ra cho anh chị.”
Kể từ vụ kẻ cướp giật sợi dây chuyền cổ của Diệu Hằng, con người trí thức bặt thiệp của Thiện đã thay đổi. Thiện hằn học:
“Những người ăn xin đó là thú chứ không phải con người!”
Quỳnh Lan hơi khó chịu và đã định lên tiếng phản đối nhưng tôi đã kịp khều đùi nàng ra hiệu như chúng tôi vẫn thường làm trong lúc có đám đông.
Sau bữa ăn tối, Quỳnh Lan và tôi về phòng ngồi nghỉ trên ghế sofa. Quỳnh Lan lắc đầu nói: “Ông Thiện nóng giận rồi mắng mấy người nghèo khổ ăn xin là thú vật em thấy kỳ quá. Họ ở trong thế bần cùng sinh đạo tặc. Đám lãnh đạo ăn cướp trên đầu trên cổ người dân mới là thú vật.”
Ngồi một lúc, tôi đã buồn ngủ trong khi Quỳnh Lan vẫn còn đọc tài liệu hướng dẫn du lịch Hà Nội. Mí mắt tôi nặng nề và tôi đã cố giữ cho cái đầu của tôi khỏi gục. Bỗng tôi nghe một tiếng động sột soạt từ bên ngoài phòng của chúng tôi. Quỳnh Lan dừng đọc. Tôi giật mình và hoàn toàn tỉnh táo. Tiếng gõ cửa tuy dồn dập nhưng rất nhẹ có vẻ quá nhút nhát nên chúng tôi không nghĩ đó là người giúp việc trong khách sạn. Tôi xúc động khi Quỳnh Lan ném cho tôi một cái nhìn cầu cứu. Tôi mở cửa một cách thận trọng. Diệu Hằng xuất hiện, mặc một chiếc áo thun trắng và quần Capri, mái tóc của nàng chưa được chải gỡ gọn gàng nên vẫn còn rối bù. Quỳnh Lan lo lắng:
“Chị sao vậy? Vào ngồi đây đã.”
Nước mắt lăn dài trên má Diệu Hằng. Nàng thút thít khóc rồi tức tưởi nói trong nước mắt:
“Tôi khóc không phải vì tiếc sợi giây chuyền. Thực sự tôi không bao giờ thích đeo nó. Tôi khóc là vì Thiện cứ đổ lỗi cho tôi!”
“Lỗi của chị?”
“Anh Thiện cứ bảo là tại tôi không đi theo sát với nhóm, là chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra nếu tôi biết cẩn thận.”
Tôi nóng máu nói vào: “Chứ không phải tại anh ấy bỏ chị đi lẻo đẻo phía sau à? Chính tôi thấy anh ấy cứ lo bám theo hỏi han cô hướng dẫn.”
“Anh với Quỳnh Lan không biết chứ nhiều khi Thiện cứ xem như tôi là thứ đồ dốt nát chẳng biết gì hết. Anh ấy nghĩ rằng tôi là một phụ nữ ngớ ngẩn quá ngu ngốc để không thể làm đúng bất cứ điều gì. Nó làm cho tôi cảm thấy luôn luôn có mặc cảm bị anh ấy khinh rẻ.”
Quỳnh Lan ném cho tôi một ánh mắt ra hiệu ngầm để Diệu Hằng không nhìn thấy. Nàng nói:
“Chị có thể sắm sợi dây chuyền khác. Em có thể giúp chị khi chúng ta quay trở lại Mỹ.”
“Chiếc vòng cổ này không bao giờ có thể thay thế được cô Lan ạ vì nó là của người mẹ quá cố của Thiện để lại. Đó là lý do tại sao Thiện bắt tôi phải đeo nó bất cứ lúc nào để nhắc anh ấy nhớ đến mẹ.”
“Như vậy rõ ràng là lỗi của anh Thiện đó chị ạ.” Tôi nói. Diệu Hằng thở dài rồi nhỏ giọng thì thầm:
“Tôi có thể nằm ở sofa đây đêm nay được không?”
“Vâng, nếu chị cảm thấy cần.” Quỳnh Lan nói.
“Nhưng chị có thể nói lý do tại sao đêm nay chị lại không muốn ngủ ở phòng anh chị?” Tôi hỏi.
“Tôi sợ,” Diệu Hằng nói. “Thiện là một người đàn ông cả đoán, nóng nảy và dữ dằn nữa.”
“Chị nói như vậy nghĩa là sao, thật em không hiểu”, Quỳnh Lan nói.
“Anh ấy đã không dằn được tức giận và đã đánh tôi. Đây là lần đầu tiên anh ấy hành động như vậy.”
“Trời đất! Chị có đau không chị Hằng?”
“Không đau lắm. Cái tát của anh ấy không quá mạnh.”
Diệu Hằng đưa tay xoa xoa lên một bên mặt. Tôi nhìn thấy thái dương bên trái của chị có vết bầm mờ mờ.
Quỳnh Lan dắt tay Diệu Hằng vào giường và nói: “Chị cứ nằm đây tự nhiên. Khi nào cần gì chị cứ gọi em.” Quỳnh Lan lặng lẽ đóng cửa phòng ngủ và chúng tôi ngồi ở ghế sofa thì thầm cả giờ đồng hồ về chuyện giữa Diệu Hằng và Thiện. Tôi quên cả buồn ngủ. Quỳnh Lan vốn là người có quan niệm tự do và cổ súy bình đẳng phái tính nên phát biểu:
“Không ngờ ông Thiện lại quá quắt như thế. Ông ta xem vợ cứ như là vật sở hữu của mình. Hôn nhân chứ đâu phải là nô lệ.”
Tôi nói theo:
“Chị ấy thực sự là người tử tế. Và anh nghĩ chị ấy không ngu ngốc đâu.”
“Chắc chắn là không rồi. Chị ấy là viên ngọc thật đấy. Tiếc là ông Thiện không nhận biết điều đó.”
Quỳnh Lan nhắm mắt lại, rúc đầu vào vai tôi và thì thầm tiếp: “Ông ta có cơ hội để an ủi chị ấy nhưng ông ta đã thất bại.”
“Là sao em?” Tôi hỏi.
“Là tha thứ cho chị ấy. Ít ra là không đổ lỗi cho chị ấy. Chị hoàn toàn vô tội trong vụ này.”
Tôi đồng ý.
Sáng hôm sau, Diệu Hằng trông vẫn còn có vẻ mệt mỏi nhưng vui vẻ ra. Chị không đề cập đến Thiện hoặc chiếc vòng đeo cổ nữa. Chị từ chối dùng phòng tắm của chúng tôi. Chị trở về phòng chị và chào đón người bồi phòng mang trà buổi sáng. Khi Diệu Hằng đi rồi, Quỳnh Lan nói: “Rõ ràng là ông Thiện yêu chiếc vòng cổ nhiều hơn yêu vợ.”
Hôm ấy là ngày du khách đi tour được tự do. Quỳnh Lan ngỏ ý đi mua sắm riêng với Diệu Hằng để chị em có dịp tâm sự. Tuy rằng tôi chỉ muốn chia sẻ ý nghĩ với nàng thôi, nhưng trong tình cảnh bắt buộc này, tôi đành rủ Thiện đi viếng chùa Thiên Mụ và cầu ngói Thanh Toàn là hai địa điểm văn hóa cổ tôi chưa biết. Khi chúng tôi đi bộ dọc theo con đường đất, tôi nói với Thiện, “Nếu anh có hình ảnh của chiếc vòng cổ, tôi chắc chắn rằng Quỳnh Lan có thể đặt làm một cái khác y hệch như cũ.”
Thiện lắc đầu nói: “Tôi biết có thể đặt làm cái khác. Nhưng cái đã mất mãi mãi không bao giờ thay thế được là giá trị tình cảm của nó. Nó đã được truyền lại qua bao đời trong gia đình tôi.”
“Tôi thấy chị nhà rất buồn về sự mất mát đó.”
“Nhưng tôi đã dặn đi dặn lại bà ấy bao nhiêu lần là nên luôn luôn đi theo sát bên tôi và phải trông chừng cẩn thận mà bà ấy không nghe.”
“Tôi nghĩ nó cũng chẳng xảy ra khác hơn vì thật ra chị nhà đi rất gần bên chúng tôi.”
“Đó là trách nhiệm của bà ấy mà bà ấy không biết lo. Tôi không thể tha thứ cho lỗi lầm đó.”
Quả đúng như Quỳnh Lan nhận xét, Thiện thật là một con người cứng đầu khư khư và hẹp hòi. Mới xa nàng giây phút, tôi đã cảm thấy nhớ. Nàng thật sự là tri kỷ của đời tôi. Chúng tôi đọc hiểu ý nghĩ của nhau ngay cả khi chưa bộc lộ.
Đêm đó, Quỳnh Lan và tôi đều trằn trọc không ngủ được nhưng ngày hôm sau, chúng tôi cũng tham gia tour du lịch thăm viếng Hà Nội. Thiện nhất định duy trì một khoảng cách với Diệu Hằng và Diệu Hằng cũng thích gần gũi với Quỳnh Lan hơn. Quỳnh Lan và tôi tách ra khỏi nhóm sau khi đến quảng trường Ba Đình. Chúng tôi dạo Hồ Tây gần khách sạn Sheraton Hanoi, hai đứa ngồi trên băng ghế và hưởng làn gió mát. Dưới ánh nắng chiều, khuôn mặt của Quỳnh Lan tự nhiên đối với tôi phơi một nét đẹp thùy mị dịu dàng. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc đã có nàng bên tôi. Và thật lạ, Quỳnh Lan thốt lên ý tưởng mà tôi đang nghĩ:
“Chúng ta được như thế này là quá may mắn anh ạ. Đi nhiều em mới thấy khắp nơi còn có quá nhiều người sống thật nghèo khổ.”
Ngưng một lát, nàng tiếp: “Em nghĩ với số tiền mà chiếc vòng cổ mang lại có thể nuôi cả một gia đình cả đời. Con người sống trên thế gian này cũng nên có trách nhiệm với đồng loại.”
Tôi đoán nàng hơi bị mặc cảm tội lỗi bởi sự giàu sang của nàng và nếp sống thượng lưu với người chồng cũ. Tôi nói trấn an nàng:
“Nhưng đeo một sợi dây chuyền đắt tiền không phải là một cái tội đâu em ạ.”
Bỗng một người đàn bà ôm một đứa bé phủ khăn bước đến đứng gần bên chúng tôi. Người đàn bà thều thào: “Xin ông bà làm ơn làm phúc giúp cho con ít tiền”. Chúng tôi quay lại. Quỳnh Lan hỏi: “Con của chị hả? Em bé sao vậy?” Người đàn bà mếu máo vén tấm khăn để lộ ra mặt đứa bé và nói: “Nó chết rồi.” Xác đứa bé đã xám ngoét. Quỳnh Lan lộ nét mặt thất thần kinh ngạc: “Con của chị chết hồi nào?” Người đàn bà bật khóc lớn lên không nói.
Quỳnh Lan mở ví tay và đang móc ra mấy tờ giấy bạc. Vừa lúc đó, Diệu Hằng và Thiện trờ đến. Thiện nói lớn như ra lệnh:
“Đừng có cho! Trò lường gạt đấy! Người ta vừa cho tôi biết bà này bồng xác đứa trẻ đã tiêm phoóc-môn đi xin tiền du khách đã mấy hôm nay rồi!”
Nhưng Quỳnh Lan xem như không nghe thấy hoặc có nghe cũng mặc kệ. Nàng đưa cho người đàn bà tờ giấy bạc một trăm đô Mỹ nói: “Chị cầm lấy số tiền này lo chôn cất cho đứa bé”. Đến phiên người đàn bà há hốc kinh ngạc tột độ không tin ở mắt mình. Vài người đứng gần đấy thấy vậy cũng tiến đến gần nhao nhao, “Con cũng nghèo đói quá, xin bà cho con với!” Quỳnh Lan móc hết xấp giấy bạc tiền Việt Nam ra phân chia hết. Đám người xôn xao nháo nhào tranh nhau giật lấy. Nhiều người khác lại chạy đến bu quanh chúng tôi.
Thiện tức giận chửi đổng một tràng bằng tiếng Pháp. Bề nào Thiện cũng đã du học và tốt nghiệp nha khoa ở Pháp trước khi sang Mỹ mở phòng mạch. Có tiếng la “Công an đến!” Thế là đám đông tản ra hết. Dù sao Quỳnh Lan cũng đã trút sạch ví của nàng rồi.
Chúng tôi không gặp nhau ngày hôm sau vì Thiện và Diệu Hằng bận về thăm quê cũ ở Phủ Lý. Dường như cuộc hôn nhân của hai người là do bố mẹ Thiện xếp đặt vì họ không muốn Thiện lấy vợ đầm.
Đến ngày kết thúc chuyến du lịch Việt Nam, chúng tôi chuẩn bị hành lý để ra phi trường Nội Bài thì Thiện gọi cho chúng tôi báo tin Diệu Hằng vừa được khẩn cấp đưa vào bệnh viện. Quỳnh Lan quýnh quáng vì quá lo lắng nên hỏi ngay: “Chị đau làm sao vậy anh Thiện?”
Thiện đáp: “Tôi cũng không rõ lắm, chỉ biết bà ấy than đau cổ, nóng sốt, không buồn ăn uống và đầu óc cứ lơ mơ.”
Tôi lấy làm ái ngại nói: “Chúng tôi có thể làm gì để giúp anh chị không?”
“Không làm gì được cả. Ông bà cứ về trước bình an. Cái điệu này tôi phải thu xếp đưa bà ấy tạm sang Singapore cho chắc ăn. Khi nào ổn định chúng trôi sẽ về nhà sau. Thôi bye.”
Chúng tôi miễn cưỡng lên máy bay rời Việt Nam mà lòng buồn lo cho Diệu Hằng vô hạn. Quỳnh Lan không khỏi rưng rưng nước mắt.
Về đến Toronto, chúng tôi tìm đủ mọi cách liên lạc với Thiện để rồi bàng hoàng hay tin Diệu Hằng đã chết vì bệnh viêm màng não. Thiện cho biết vừa thu xếp xong chuyến bay đặc biệt cho Diệu Hằng đi Singapore chữa trị nhưng không kịp. Thế là Thiện lại lo chuyển thi thể vợ về chôn ở Houston.
Quỳnh Lan nói với tôi:
“Nếu chị ấy sống sót thì có lẽ anh Thiện cuối cùng sẽ nhận ra giá trị phẩm chất con người của chị.”
Tôi nói:
“Chắc anh ấy đã nghĩ lại và đã ăn năn.”
“Em hy vọng là như vậy. Nhưng quá muộn. Em cũng mong là chị Diệu Hằng biết rằng chồng chị đã thực sự yêu thương và lo lắng cho chị trong những giờ phút chót nhưng không kịp. Âu cũng là định mệnh.”
“Anh nghĩ là anh ấy có yêu vợ theo cách riêng của anh ấy. Anh hy vọng rằng anh Thiện đã có dịp nói cho chị Diệu Hằng biết điều đó trước khi chị nhắm mắt ra đi.”“
Quỳnh Lan xúc động và ôm tôi thật chặt. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh tuyệt vọng buông xuôi sau cùng của Diệu Hằng, tôi nghĩ chị ấy không muốn phấn đấu để kéo dài sự sống. Tôi không nói ra ý nghĩ đó với Quỳnh Lan. Tuy nhiên, nàng vẫn đọc được suy nghĩ của tôi. Nàng khóc trên vai tôi:
“Chị ấy là một người tốt nhưng chỉ có hơi ngây thơ và hơi vụng về. Chị trung thành, tận tụy và chu đáo.”
Tôi cảm động. Tôi thấy nàng đáng yêu hơn bao giờ hết. Tôi vụng về tìm lời. Tôi vuốt tóc nàng rồi tôi nâng cằm nàng. Tôi nói:
“Quỳnh Lan hãy nghe anh nói đây. Anh yêu em. Anh yêu em mà không xem em như một vật sở hữu. Anh tôn trọng mọi quyết định của em.”
Nàng cảm động thút thít, nước mắt đầm đìa: “Em cũng quyết định rồi. Em không muốn giữ ngôi nhà cũ nữa. Em sẽ bán nó đi và bán luôn cả mấy sợi dây chuyền. Em sẽ theo anh sống bất cứ nơi nào anh chọn. Em yêu anh.”
Phan Hạnh - See more at: http://thoibao.com/2014/02/11/soi-day-chuyen/#sthash.YCir7AYQ.dpuf


No comments:

Post a Comment