BÙI BẢO TRÚC * LY CÀ PHÊ
Ly Cà Phê Cũ - Bùi Bảo Trúc
Tôi thích cà phê ngay từ khi chưa được uống một giọt cà phê nào. Ở nhà, "cụ giáo" của tôi rất nghiêm khắc không cho con cái đụng tới nó, hình như vì một bài viết trong tờ Sélection cho là cà phê có hại. Vì thế, cà phê không được tiến vào qua cái ngưỡng cửa nhà chúng tôi. Nhưng hồi học năm đầu của trung học, mỗi lần đi học về qua một cửa tiệm trên đường Nhân Vị, Chợ Lớn (bên kia là Cơ Thể Học Viện), tôi đều ngừng lại xem một ông già người Hoa rang cà phê trước cửa nhà ông để hít lấy cái mùi kỳ diệu của những hạt cà phê nâu đen trong cái chảo trên cái bếp than của ông.
Thế rồi chuyện phải đến (?) đã đến : tôi uống lén được ly cà phê đầu tiên cùng với một điếu Bastos xanh hôm đi tập thể dục với một người bạn học lớp đệ lục (năm thứ hai trung học đệ nhất cấp), bạn tôi người tài không đợi tuổi, đã mỗi ngày hút 2 điếu Mélia vàng.
Người Sài Gòn oai hơn người Hà Nội. Ở Hà Nội hồi trước di cư, phải sang lắm mới biết uống cà phê. Nhưng ở Sài Gòn, gần như ai ai cũng uống cà phê. Ông xích lô, ông lái taxi, ông thư ký, mấy ông già, đàn ông, đàn bà đủ mọi hạng tuổi đều uống cà phê. Có một cách uống cà phê mà chỉ ở Sài Gòn mới có, đó là uống ngồi kiểu nước lụt, tức là ngồi chồm hổm, cà phê được đổ ra cái đĩa và... húp xì xụp. Cảnh uống cà phê như thế trông không quí phái lắm nhưng cách uống đó rất có lý: buổi sáng trời lạnh, ngồi co ro như vậy cho ấm. Ly cà phê nóng đổ ra đĩa sẽ nguội đi, dễ uống hơn.
Mãi đến năm học thi Tú Tài 1 thì chuyện uống cà phê (lén) của tôi mới là chuyện thường xuyên. Mỗi ly cà phê bít tất hồi ấy có 2 đồng bạc. Gần như hôm nào tôi cũng đến một quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng gần nhà thờ Tân Định để uống cà phê với Đinh Ngọc Mô (người phụ trách chương trình Đố Vui Để Học của Trung Tâm Học Liệu bộ Giáo Dục sau này) và cũng để ngắm cô hàng cà phê tên là Y. (ngó em hổng dám ngó lâu / ngó qua một chút đỡ rầu rồi thôi).
Cà phê trở thành một phần của đời sống của tôi từ đó. Sau trung học, tôi đi học xa khỏi Việt Nam và cà phê càng không rời tôi mặc dù cà phê ở ngoài Việt Nam không thể nào ngon bằng cà phê phin Việt Nam, thua xa những ly cà phê đầu đường xó chợ mà tôi uống ở Sài Gòn hồi học trung học.
Sau mấy năm, về lại Sài Gòn, tôi lại trở về với cà phê Sài Gòn nhưng chuyện cà phê của tôi có đổi khác. Không còn là học sinh... nghèo nữa. Chúng tôi thay đổi phần nào nơi uống cà phê. Chỗ chúng tôi hay ngồi là quán Cái Chùa, tên thật là La Pagode ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Đó là chỗ để ngồi đấu hót thì đúng hơn, để gặp bạn, đủ các thứ bạn, còn cà phê thì nói cho ngay, không đáng kể lắm nếu không nói là dở. Chúng tôi đến đó là vì những lý do khác. Cũng như thế, cà phê ở Givral, Brodard và Continental... đều không có gì đáng nói. Những nơi như thế chỉ để ngồi chứ không vì cà phê.
Chính những tiệm cà phê không tên tuổi, không bảng hiệu lại là những nơi có cà phê ngon nhất. Hai nơi chúng tôi hay tới đều ở trong hai con đường nhỏ, một ở khu Bàn Cờ và một ở Tân Định. Ở trong con hẻm từ đường Cao Thắng rẽ vào, là căn nhà nhỏ của gia đình cụ Phong mà chúng tôi vẫn gọi là cà phê Phong. Tiệm không có bàn, chỉ có mấy cái ghế thấp, khách khứa bao giờ cũng chỉ năm, sáu người. Cà phê phin của cụ rất ngon. Chủ tiệm bao giờ cũng ngồi trên chiếc ghế xích đu. Khi có khách gọi cà phê thì ông cụ gọi vọng vào nhà
trong, và cũng chẳng buồn đứng dậy. Ông cụ ngồi xích đu nghe lỏm đủ các thứ chuyện của khách, thỉnh thoảng góp vài câu với khách thường bằng câu "Cậu không bằng tôi..." bất kể khách nói gì, làm gì. Thỉnh thoảng có một người khách rất đặc biệt ghé vào, trong cả những buổi tối mưa ướt lướt thướt, gọi một ly cà phê đen không đường, không sữa ngồi uống một mình, uống xong lại lặng lẽ ra về trong mưa, hệt như bài Déjeuner du Matin của Jacques Prévert:
...Il s'est levé
Il a mis
Son chapeau sur sa tête
Il a mis son manteau de pluie
Parce qu'il pleuvait
Et il est parti
Sous la pluie
Sans une parole
Sans me regarder...
Đó là ông Đinh Hùng. Tôi chưa kịp làm quen để chào ông một câu thì ông qua đời. Năm ấy là năm 1967.
Tiệm cà phê kia nằm trên đường Lý Văn Phức từ đường Hiền Vương rẽ vào. Chủ nhà là một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi. Tiệm cũng không bàn ghế như những tiệm cà phê khác. Cũng chỉ vài cái ghế đẩu thấp. Chủ nhà rất tiết kiệm lời nói nhưng bù lại cà phê rất ngon. Chắc chắn còn nhiều người nhớ tên của bà: cà phê Thái Chi.
Trong khi có người uống cà phê với rất nhiều đường, thì cũng có người không uống với đường, vì vị ngọt (quá đáng) có thể làm mất đi mùi cà phê.
Tôi uống đủ các thứ cà phê từ cà phê bít tất đên cà phê bột, cà phê dở và nhạt như nước mắt ma của 7-Eleven đến cà phê Ả Rập, cà phê espresso của Ý, của Pháp, cà phê Áo, cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ... và cà phê Starbucks...
Nhưng cho tới khi đọc một tùy bút của Võ Phiến tôi mới học được cách gọi cà phê ít sữa hay cà phê nhiều sữa một cách giản dị và dễ dàng, lại không thể lầm lẫn. Chú phổ ky ở cái tiệm mì nhỏ có cách gọi rất vắn tắt: "một cà phê sữa, một sữa cà phê" là có ngay hai ly cà phê đúng ý của hai ông khách khó tính từ Sài Gòn xuống miền Tây công tác.
Cạnh tiệm phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ có một ông cụ bán cà phê bên một gốc cây to. Cà phê đá của cụ rất ngon tôi thường ghé trong những sáng chủ nhật trước khi lên ngồi cà phê cái chùa.
Bây giờ những ngày không đi làm tôi pha cà phê lấy ở nhà bằng những cái ấm cà phê tôi góp nhặt suốt nhiều năm qua. Cái của Ý, cái của Đức, Áo... thỉnh thoảng thay đổi cho đỡ chán. Nhưng hệt như người ta không bao giờ quên hẳn mối tình đầu, những ly cà phê thời tuổi trẻ vẫn trở lại hoài hoài. Tôi vẫn yêu những ly cà phê uống với những người bạn trung học. Tưởng tượng làm sao có cách nào trở lại với những ly cà phê rẻ tiền mà ngon đến thế.
Nhưng giấc mơ trở lại với những ly cà phê ấy chắc không bao giờ làm được nữa. Tuần qua một bài báo ở Sài Gòn viết về cà phê ở trong nước hiện nay, theo đó cà phê mà người dân Sài Gòn uống hiện nay được làm bằng 30% cà phê, còn 70% là đậu đỏ, đậu xanh pha cùng với một hai thứ hóa chất có nhiều phần độc hại khác cho khách.
Nhớ những ly cà phê ở mấy cái quán bình dân thời ấy biết là bao nhiêu nhưng nay làm thế nào còn tìm thấy được. Có phải lúc ấy đời sống hiền lành và giản dị hơn bây giờ như một câu trong bài Memories của Barbra Streisand không?
"...can it be that it was all so simple then..."
Bùi Bảo Trúc
BÙI MỸ DƯƠNG * CÁM ƠN ĐỜI
Ngày cám ơn và ý nghĩa các bản nhạc
Các con, các cháu trong ngày mừng thọ Mẹ
Năm năm trước các con làm một buổi ca nhạc để mừng mẹ lên lão (70
tuổi), bài hát, bài thơ và ca sĩ được tuyển chọn để nói lên niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời bẩy mươi
năm của Mẹ.
Năm nay cũng để mừng thọ Mẹ, đã được sống bình an tới tuổi 75 là một
ân phúc .
Để mở đầu cho ngày vui với chủ đề " cám ơn người, cám ơn đời"
.Cám ơn những gì đã nhận được trong cuộc sống kéo dài tới 75 năm,
tất cả ngày tháng, sự việc đều là những kỷ niệm. Dĩ vãng hay kỷ-niệm dù vui
buồn, sướng khổ đều đẹp và đáng trân quí.
Bùi Mỹ Dương
Để nhìn lại, diễn tiến của cuộc đời, chương trình sẽ mượn những
bản nhạc tượng trưng cho nhiều đoạn đường, vui buồn của tuổi thơ thôn quê, thành thị, trải cuộc sống theo
thời gian cùng biến động của đất nước.
Đầu tiên là công ơn Bố Mẹ cho vào đời, thương yêu, nuôi dưỡng để
thành người.
Bản nhạc Ơn nghĩa sinh
thành, tác giả Dương thiệu Tước, ( ca sĩ Đan-Vy) nói lên công sinh thành, dưỡng dục to lớn nặng nề biết chừng nào, ví như trời cao, như biển
rộng....
"Uống nước nhớ nguồn, làm con phải
hiếu...hãy nhớ công sinh thành, vì ai mà có ta ...."
Bụi phấn của Vũ Hoàng ( Ban
hợp ca Nguyễn thượng Hiền) nêu lên công đức của thầy cô giáo đã dậy dỗ, mầm non của thế hệ để thành người, giúp ích cho đời. Kỷ-niệm
trường xưa, thầy cô, bạn hữu:
"Em yêu phút giây này,
Thầy em tóc như bạc thêm,
bạc thêm vì bụi phấn ...
Mai sau lớn lên người, Làm
sao có thể nào quên
Ngày xưa thầy dậy dỗ, khi em tuổi còn thơ "
Cám ơn thầy cô đã mang tâm huyết của mình cho các học sinh.
Năm 1952 gia đình tôi rời quê ra Hà Nội, ôi bao kỷ niệm nhắc nhớ
về nơi tôi đã sinh sống và lớn lên trong thời thơ ấu. Giấy khai sinh ghi :" làng Trình Phố, xã An-Ninh,
quận Tiền Hải, tỉnh Thái-Bình". Như thế tôi sống ở làng từ nhỏ, nên cảnh sắc, kỷ-niệm của làng đã in đậm trong ký-ức.
Nhạc sĩ Chung Quân đã vẽ
lại quê hương trong bài " Làng tôi"
"Làng tôi có cây đa cao ngất, lũy tre bao
bọc, mái tranh, hàng cau, con sông lượn quanh"
Mộc mạc, như hơi thở của một vùng quê bình yên, dung dị, thấm đẫm
tình cảm, hình ảnh quê hương đi vào lòng người. Bây giờ quê hương đã ngàn trùng xa cách, kỷ niệm bao giờ
cũng tràn đầy ngọt ngào, đáng nhớ:
"Quê hương tôi là bao nguồn yêu thương,
Là bao nhớ nhung se buồn ...".
Từ Huy qua bài " Quê tôi tuổi thơ" ( ca sĩ Thương-Linh)
khẳng định niềm tự hào ca ngợi nguồn cội về một dân tộc có lịch sử, văn hoá.
"Tôi xa quê hương bao năm tháng qua,
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa."
Ngày đó chúng mình của Phạm Duy ( Bích-Vân) :
tình yêu trai gái, cả hai đều cần thiết có nhau, nếu không
thì đời chẳng còn ý nghĩa.
" Ngày đó có em đi nhẹ vào đời ...và se tơ kết tóc giam em
vào lòng tôi, .. Ngày đó đôi môi đã quyết trói
đời người ... cánh tay đan vòng tình ái.."
"Thương hoài ngàn năm" của nhạc sĩ Phạm mạnh Cương ( Bích-Vân)
cảm hứng từ câu ca dao của miền Nam " Tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng được thương
hoài ngàn năm"
Tình yêu không đổi thay, đá mòn nhưng tình yêu không mòn theo năm
tháng: Chung thủy:
" Suốt đời mình nguyện cầu lứa đôi ..lòng trót yêu không đổi
thay"
Tình tự nhớ thương, bóng hình chỉ một người là tình trăm năm,
trong đời sống hôn nhân người đời mong muốn: thủy chung.
Nhạc sĩ Nguyễn trung Cang với bài "Còn yêu em mãi," ( Nguyên-Khang)
là lời yêu thương nồng nàn, lời tạ lỗi chân thành nhất, gửi người bạn đời : khao khát về một ngày
tương phùng:
" Gọi tên nhau lúc cô đơn, để nghe sưởi ấm tâm hồn. ....Dù
biết cách xa với đời, Dù biết thủy chung
chẳng rời, mà vẫn sót sa tháng ngày"
Ông khẳng định với lời yêu thương : Yêu em như thuở nào, nghĩa là không thay lòng
từ khi mới yêu và mãi
mãi dù hoàn cảnh có thế nào.
Tuấn Khanh với "Chiếc lá cuối cùng",( Nguyên Khang) nhạc sĩ cũng diễn tả tình cảnh cô đơn, trống
vắng của hai người yêu nhau mà vì hoàn cảnh phải cách xa.
"Xa nhau chưa mà lòng nghe quạnh vắng,
đường thênh thang, gió lạnh một mình ta."
Đời là bể khổ, là bến mê có tan, có hợp, có chia ly .
"Thuở ấy có em" tác giả Huỳnh Anh ( Thương Linh) viết cho mối tình dang dở như để ca tụng tình
yêu
" Thuở ấy có em, anh chưa từng sầu ... mái lầu kia thiếu em,
cõi lòng anh thiếu em"\
"Rồi mai tôi đưa em" Trường Sa ( Trần thái Hoà) đã nói
lên cuộc tình lỡ, dòng nhạc lãng đãng mênh mang vì yêu nhau mà chẳng được cùng nhau. Nhạc tình diễn tả những
thương yêu, dằn vặt, nhớ nhung về kỷ niệmxưa.
" Tình yêu cho thương đau nghe buồn tênh, Rồi mai tôi đưa em
xa kỷ niệm....Đón em thu mây bay, tiễn
em xuân chưa phai ....xót ngày vàng còn gì "
Nửa hồn thương đau, nhạc sĩ Phạm đình Chương ( Bích-Vân) phỏng
theo thơ của Thanh tâm Tuyền nói lên những mất mát khi người yêu không còn.
" Nhắm mắt ôi sao nửa hồn mãi thương đau, ôi sao ngàn trùng
mãi xa nhau, hay ta còn hẹn nhau kiếp nào .... Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt...."
Đời là bể khổ, bến mê: hợp. tan , lý lẽ của cuộc đời. Đau khổ khi
vợ chồng thương yêu mà mất nhau.
" Ôi những người khóc lẻ loi một mình".
Mượn bản nhạc của Đức Huy như một mong đợi, ước hẹn sẽ có nhau :
"Xin một ngày mai có nhau " ( Thương-Linh)
" Xin cho một lần được mơ thấy anh,...Xin một ngày xuân nắng
hồng, ta cùng về chung lối"
"Dốc mơ" của Ngô thụy Miên ( Trần thái Hoà) nói lên viễn
ảnh một giấc mơ đẹp giữ tình cho nhau, sẽ bên nhau suốt đời dẫu ngàn trùng xa cách
" giữ cho nhau yêu thương rồi sẽ bên nhau muôn đờỉ".
"Có bao giờ em hỏi" Phạm Duy phổ thơ của Duyên Anh (
Trần thái Hoà) tác giả băn khoăn về
những mất
mát của người lưu vong. Người tỵ nạn như chúng ta, đã nhận nơi đây
là quê hương thứ hai để sống nhưng vẫn
nhớ về nguồn cội. Chúng ta sống hoà đồng nhưng không hoà tan, luôn
nhớ về gốc rễ mình là Việt-Nam.
" Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu ...., có bao giờ em
nói câu tình tự ca dao...hương cau, con
diều, nhạc sáo, nhịp võng mẹ ru..."
Nếu không biết về nguồn gốc thì con người như đã chết.
Người Việt Nam rất thông minh và tài giỏi đã đóng góp cho quê
hương thứ hai về mọi mặt nhưng phải luôn nhớ tới nguồn cội của mình vì nước Mỹ không bắt phải quên gốc rễ.
Tấm lòng nhân ái của các quốc gia đón nhận những người mất quê
hương: 40 năm bao nhiêu là ân phúc của Hoa-Kỳ, Đức, Pháp, Anh, Úc .... giúp dân tôi trong cuộc sống vừa
qua để có đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất.
" Tạ ơn mọi sự trên đời,
Hanh thông phúc lộc, đầy vơi mỗi ngày,
·
An cư Mỹ quốc vui thay,
Người tuy tứ xứ
nhưng đầy thân quen,
Khoáng tâm, tử-tế
chẳng quên,
Sa cơ thất bại cũng nên vững lòng.
Gia-đình, thân quyến đông vui..."
Bà Dương Nguyệt Ánh khi sang Mỹ mới 14 tuổi nay đã là một khoa học
gia, được nước Mỹ vinh danh về những đóng góp của bà. Trong cuộc phỏng vấn bà đã nhấn mạnh :
" luôn giữ tinh thần Việt Nam dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ
đâu, trang bị cho con em biết về căn bản văn hoá, giữ được bản sắc của dân tộc.".
Nhà thơ Ngô Minh Hằng đã khẳng định dân Việt bắt buộc phải bỏ nước
ra đi vì:
" Tôi ra đi vì quê hương đầy giặc, giết đồng bào, cướp của
bán quê hương...
Quê tôi đấy,
đầy đau thương quằn quại. Tôi xa quê, lòng nhớ quá đêm ngày."
Nhạc sĩ đấu tranh Nguyệt Ánh, với ước mơ của hầu hết của người
Việt hải ngoại trong bài " Em vẫn mơ một
ngày về"( Đan-Vy)
" Tôi vẫn mơ một ngày nào, quê dấu yêu không còn cộng
thù....Rồi ngày con lớn, con đi xây cuộc đời,mầu cờ Tổ-quốc con tô thêm rạng ngờị. Quê hương Thanh Bình, muôn dân yên lành, sống cuộc đời tự do muôn năm..."
Nhà thơ Phạm đức Nhì cũng đồng lòng:
" Tôi đứng lặng nhìn, lòng khoan khoái vì lá cờ còn đây thì
quê hương ơi! sẽ có một ngày..."
Bản nhạc " Việt Nam, Việt Nam" của Phạm Duy, ( ban hợp
ca Nguyễn thượng Hiền) tác giả ca ngợi con người Việt Nam.
Sông nước, đồng lúa, khóm tre, trâu cầy, bóng đa đầu làng, sống xa
quê hương nghĩ mà thương nhớ. Bản nhạc vẽ lên quê-hương, lịch sử nước nhà như một bức tranh đẹp tuyệt
vời. Quê hương với biết bao niềm nhớ: tình tự dân tộc:
" Việt Nam nghe tự vào đờị, Việt Nam hai câu nói bên vành
nôị, Việt Nam tên gọi là người , Việt Nam, hai câu nói sau cùng khi lìa đời.."
Tác dụng của âm nhạc, người viết đã mang cả tâm tư, tình cảm, diễn
tả cảm súc của con người. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ, nhạc tạo ấn tượng trong tiềm thức, sẽ là một điều
chẳng thể quên. Nhạc sĩ đã giúp chúng ta nói
lên những ước vọng mà người thường không tả nổi.
Cám ơn các ca sĩ Trần thái Hoà, Nguyên Khang, Bích-Vân,
Thương-Linh, Đan-Vy, Thanh-Vân và các học sinh hai trường trung học Pleiku, Tân Bình Nguyễn Thượng Hiền, cháu
Quỳnh-An, Anh-Thư, Trâm-Anh,
và ban nhạc Blue, đã làm cho không khí lúc vui tươi, khi hùng
tráng, cảm động, nhẹ nhàng, lãng mạn. Cám ơn các con trai gái, dâu rể đã lo cho ngày lễ của Mẹ thật ý nghĩa và
chu toàn. Cám ơn các bạn bè thân quyến đã đến đông đủ để ngày vui tràn đầy, hạnh-phúc.
Tóm lại chương trình cố gắng ghép các bản nhạc để nói lên chủ đề
Cám ơn. Công ơn Tổ Tiên, Cha Mẹ, chồng con, nơi làng quê yêu dấu của tuổi thơ Thái-Bình, Hà Nội thành phố
của ngàn năm văn vật, thanh lịch. Sài Gòn, miền Nam nắng ấm, Tự-do cho vào đời, trưởng thành, tình yêu ,
hạnh phúc gia đình.
Sau 1975 phiêu bạt rời quê, xa nước tay trắng cả về tinh thần lẫn
vật chất nhưng cùng vợ cùng chồng gây dựng lại tương lai cho các con. Một nước cho nhiều cơ hội cả gia đình
đã có cuộc sống ổn định.
Mai này trong gia phả sẽ ghi lại một nhánh họ Bùi Trình-Phố,
Thái-Bình và họ Nguyễn Mậu-Duyệt, Hưng-Yên đã là Tổ tiên đám di dân đến nước Mỹ, Hiệp chúng quốc vào thế
kỷ 20.
Vài nét ghi lại về ngày Cám ơn của gia đình Nguyễn Bùi.
ca sĩ:Thương-Linh - Bích-Vân - Đan-Vy Cẩm-Bình- Ca sĩ
Nguyên-Khang, Anh-Thư Học
sinh trung học TB Nguyễn thượng Hiền.
Học sinh Trung học Pleiku .Ca sĩ Trần thái Hòa
Kỷ niệm khắc ghi
của những người đã đóng góp cho ngày cám ơn 19/7/2015
NGUYỄN VĂN SÂM * CHÚNG TÔI MẤT NƯỚC
Chúng tôi mất nước nhưng còn tự ái.
Truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
(Vũ Hoàng Chương/ Phương xa)
1. Trời trưa nắng gắt, không trung phủ một màu sáng xanh đẹp mắt. Gió biển thổi liên hồi vô bãi vẫn chẳng bớt được khí oi bức của ngày Hè. Hóa buồn cẳng tới nằm ngửa trên cái ghế dài của một nhà hàng nào đó không cần hỏi chủ. Một vài người có trách nhiệm quản lý thản nhiên ngó chẳng nói gì. Có thể lệ ở đây là vậy, có thể họ ngại vấn đề khác biệt ngôn ngữ. Vẫn lơ đảng ngóng mông lung ra ngoài biển, đưa mắt lên đầu sóng trắng, Hóa nghĩ đến những ngày vượt biên biển động xa xưa. Đói khát và mệt lã vì say sóng đã có lúc chỉ muốn bò ra be lăn mình xuống nước cho xong đời. Quá khứ đau thương hình như bắt rễ cứng trong tâm khiến Hóa luôn luôn bị ám ảnh bi thiết khi nhìn sóng biển. Những thanh niên thiếu nữ vui vẻ lặn hụp nô đùa với nước ngoài kia đáng lẽ là hình ảnh đẹp Hóa lại nghĩ đến chuyến hải trình vượt chết của mình ngày xưa và những thân người bất động dật dờ trên nước của những người vượt Địa Trung Hải gần đây. Hóa lần đó chỉ mong cho tới bến, bến nào cũng được vì lòng nhân đạo của cả thế giới đang rộng mở, còn những người vượt biển bây giờ tương lai được chấp nhận vào một nước tạm dung thiệt mờ mịt biết bao!
Họ khác chủng tộc, khác tôn giáo và đã đến tâm trí Hóa bằng những hình ảnh ghê rợn của chuyện chặt đầu, nổ bom chỗ đông người và hành hạ phụ nữ nhưng nay nhìn thảm cảnh họ lớp lớp lang thang trên đường dài cả ngàn cây số tìm đất mới lập thân sau khi tranh đấu với Thủy thần, Hóa thấy thương họ nhiều, khi so sánh với tình trạng của mình ngày trước. Cũng bao ngày dật dờ trên biển, cũng đói khát, như mình trước khi đến được trại tỵ nạn Tanjung Unggat của xứ Hồi giáo hiền hòa Indonesia. Hóa nhắm mắt lắc đầu để kéo tâm trí về với hiện tại. Quá khứ là quá khứ, không ích lợi gì để quá khứ nhảy vô xâm chiếm hiện tại làm xấu đi cuộc đời ta.
Những người đàn bà Chăm quần áo sắc màu, rực rỡ, đầu bịt khăn mỏng, che hết ót, phủ kín phân nửa tóc phía trước khiến khuôn mặt họ đượm chút gì đó huyền bí, lũ lượt qua lại trước du khách, mỗi người xách một thùng đồ nghề, cắp theo một cái ghế nhỏ cũng màu mè xanh đỏ, trao đổi nho nhỏ với nhau bằng tiếng của một dân tộc từng là đế chế to lớn bây giờ đã không còn quốc gia. Họ chia nhau xề vô cạnh những du khách, như đã được huấn luyện từ trước của một đạo quân, mau lẹ mời mọc nhưng không gây ồn ào hay nì nèo mè nheo. Họ cũng không cười giởn hay chưởi bới gây gổ như Hóa thường chứng kiến ở những người bán hàng rong trên các bãi biển quê hương sinh trưởng của anh. Hóa mỉm cưới với mình. Cũng hay, họ vẫn còn tiếng nói, vẫn còn dân tộc tính trong trang phục, trong cách hành xử. Tốt quá, đáng ca ngợi quá đi chớ!
Một người đàn bà tuổi đâu khoảng chừng mới quá bốn mươi, đặt thùng đồ nghề xuống kế bên anh, đưa tay xoa xoa cái ghế anh đương nằm, nói bằng thứ tiếng Anh ít ỏi, giọng Kampuchia:
‘Năm đô la. Massage một giờ!’
Hóa hiểu chị ta muốn gì. Nghề đấm bóp cho du khách trên bãi biển Sihanoukville do người Chăm dẫn đầu. Hóa tò mò cố tình tìm một người địa phương làm nghề nầy nhưng không thấy. Cũng như nghề nail ở Mỹ, tìm một người thợ nail Mỹ chẳng khác nào mò kim đáy biển.
Chưa thấy hứng khởi trong việc cho một người khác phái đấm bóp mình nơi bãi biển lộ thiên, Hóa lễ phép lắc đầu. Người đàn bà hơi thất vọng, nhưng cũng mỉm cười nhấc thùng đồ nghề lên, bước qua khu bên cạnh. Hóa hơi ngạc nhiên khi thấy mình không nhận được cái nhìn đè biểu, khinh thường, sẵn sàng gây chiến như thường thấy nơi những bãi biển thân thương quê hương sanh đẻ của anh.
Thoải mái trong sự tương giao ngắn ngủi đó. Hóa nghĩ rằng mình sẽ trở lại du lịch nước nầy trong tương lai. Họ không thể nói chuyện nhiều với du khách nhưng thân thiện trong một sự chịu đựng lễ phép đáng thương. Những người đàn bà Chăm có, Kampuchia có, đầu đội một cái tràn lớn trên đặt thiệt nhiều những con tôm xú bự xộn, hấp dẫn, đỏ au, rão qua lại trước mặt du khách như một đoàn diễn viên trong một buổi trình diễn nào đó.
Thấy khách lạ lẫm ngó theo những tràng tôm ngon lành, người hướng dẫn địa phương của đoàn nói với Hóa bằng vẽ tự hào:
‘Họ buôn bán nhưng không nói thách và làm giá trên trời đâu, ông có thể mua mà không sợ bị chém chặt. Có điều là nếu mình ra chợ mua về thì có thể ngon hơn vì chắc chắn tôm sẽ tươi hơn.’
‘Chúng ta đông người có thể làm vậy, nhưng khách Tây thì chắc họ mua thoải mái?’ Một người trong đoàn tò mò hỏi.
‘Ừ ! Họ ăn hoài, có vẽ thích lắm. Trưa hơn chút nữa họ ra tắm biển nhiều hơn. Ăn trong nhà hàng mắc hơn gấp đôi nên họ thích mua từ mấy người nầy.’ Người hướng dẫn đoàn đáp sành sõi.
Người đàn bà mời Hóa phút trước bây giờ đã có một ông khách Tây đồng ý để đấm bóp. Chị đặt cái ghế xuống đất, sửa soạn chỗ ngồi bên cạnh, đối diện với khách hàng. Hóa quan sát công việc làm của chị ta qua gương mặt khắc khổ, đen đúa nhưng tỏ ra chăm chú và có trách nhiệm… , Hóa tưởng tượng đến chuyện một người chạy đua đã quá tuổi, biết rằng mình sẽ về chót trong cuộc thi nhưng vẫn cầm ngọn cờ đến cùng để chứng tỏ sự quyết tâm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từ ý tưởng đó Hóa ngộ ra nhờ đâu dân tộc nầy đã có một thời rạng danh trên hoàn vũ và đã để lại những công trình làm sững sờ mấy dân tộc đến sau. Giờ đây tuy mất danh hiệu một quốc gia nhưng họ vẫn không mất dân tộc tính dầu cho phải sống rãi rác trên nhiều nước, ở đâu cũng bị liệt vào dân thiểu số gần như bị chánh quyền bỏ quên…
2. Người con gái Chăm trẻ mời Hóa như người đàn bà hôm qua đã mời. Siêu lòng trước đôi mắt to lay láy của cô ta, Hóa nhận lời. Hai người trao đổi bằng tiếng Anh.
‘Xin lỗi, tôi phải kêu cô là gì?’
‘Xin ông cứ gọi tôi là Chanta Oungma.’
‘Chào cô Chanta, cô làm công việc nầy lâu chưa?’
‘Tôi bỏ học và bắt đầu việc nầy đã ba năm nay từ khi cha tôi bị bịnh tim nặng.’
Người bạn cùng đi trong đoàn nằm ghế bên cạnh nói chỏ sang bằng tiếng Việt:
‘Nàng ca bài con cá cố hữu của các kiều nữ. Nhưng anh không có cửa đâu. Đừng bẻ kèo với bà nhà mà mang họa.’ Ngừng một lúc lấy hơi, anh tiếp theo: ‘Coi chừng cái khăn trùm mặt đội đầu, đó là thứ bùa mê thuốc lú.’
Người con gái Chăm sửa lại thế ngồi, hình như miệng mỉm cười nhè nhẹ.
Hóa hơi bất nhẫn, ứng khẩu ngâm gián tiếp trả lời người đối thoại:
Sẽ phá hết những thành trì cách biệt,
Ta phiêu lưu,
Trong sóng mắt mỹ nhân.
Mắt cướp hết tinh thần,
Còn hồn với phách, vẫn chịu chìm trong hoan lạc…’ (NVS)
‘Thôi đi ông đừng mơ tưởng mông lung. Họ những người bùa mê tràn một bụng.’
‘Đem về Mỹ nếu tôi không bị sanh nhằm thế kỷ…..’
Người bạn xong phần đấm bóp đứng dậy trả tiền, bước đi còn đưa ra nụ cười hóm hỉnh:
‘Đừng lãng mạn mà bị bỏ đói nha ông. Đi phượt trên Sapa sờ màn hình lồi còn hơn màn hình phẳng nầy, chỉ có ngó thôi! ’
Người con gái Chăm lại đổi thế ngồi để sang bóp nắn chân kia của Hóa.
Đáng lẽ anh ta nên kềm chế những lời nói đó, không cho bay ra dầu cô gái Chăm kia có hiểu hay không. Nói như vậy là cái tâm còn trọng thị, còn khinh khi mà không dựa trên thực tế. Hóa theo dõi cử chỉ và ánh mắt của cô ta coi xem phản ứng có gì khác vì nghe nói ở tụ điểm du lịch phía Đông người dân để sinh tồn thường học thêm tiếng Việt. Vẫn như thường, hai bàn tay thoăn thoắt chà mạnh bắp chuối của Hóa vốn cứng đơ sau mấy ngày đi bộ nhiều, trèo lên dốc cao ở mấy tụ điểm tham quan. Ôi đôi tay ngọc ngà những nàng cung nữ của Chế Mân, ôi đôi mắt rớt tim người đời của nàng Mỵ Ê đáng kính, ôi dáng nữ thanh tao của những nữ binh Chế Bồng Nga oai dũng! Nàng ngồi đó thản nhiên, chăm chú vô công việc khiến Hóa nghĩ đến một số tiền hơi nhiều hơn bình thường để ‘boa’ cho người làm dịch vụ. Mây trời lãng đảng trên đầu, sóng biển rì rào ru Hóa vô giấc ngủ chập chờn, mộng mị.
Cha tôi là thương binh trong cuộc chiến thời kỳ cách mạng của ông Pol Pot. Cha nói với mẹ là đi theo cách mạng để giải thoát cảnh nghèo cho mình và tạo công bình cho người khác. Nhưng rốt cuộc cha mất một cánh tay mà dân tộc tôi nghèo vẫn nghèo. Không ai có một quyết định nào về trường hợp của cha. Chúng tôi không có tiếng nói ở đâu hết, tuy không bị ăn hiếp rõ ràng nhưng bị bỏ quên từ trên thượng từng chánh trị cho tới lớp dưới cùng của hành chánh địa phương.
Cha bị thương tật nên không hành nghề đánh cá như những người đồng bào tôi sanh sống dọc trên bờ vịnh Thái Lan của đất nước nầy. Cha đi làm rẫy… Lặn lội trong sình lầy, dầm mình trong vùng nước ngập dơ dáy để kiếm thứ gì đó về cho chúng tôi bốn đứa con còn quá nhỏ của cha. Rồi cha bị bịnh lạ: Mủi chảy máu, đau nhức nhè nhẹ nhột nhột, nhưng nghẹt mủi thường xuyên, nhảy mủi tối tăm mặt mày cả tháng chịu không nỗi, tới bịnh viện bác sĩ cho thuốc qua loa. Cuối cùng đau quá cha ở lì trong bịnh viện, lúc nầy người ta mới xét kỷ, lấy được từ sâu trong hóc mủi là một con đỉa dài hơn ngón tay.
Bây giờ cha lại bị tim, đi phải có người dìu đở và nói không rõ lời.
Một người tour guide Kamphuchia nảy giờ ngóng mỏ nghe, cao hứng xía miệng vô bằng tiếng Việt:
‘Ma bắt.’
Cái cười vui dòn tan của cô gái làm Hóa tỉnh giấc lơ mơ của buổi trưa có gió mát hiu hiu hòa với giọng nói êm dịu bên tai. Chi tiết về cha cô ta lờ mờ trong trí giữa thực và mộng. Thấy không còn hứng thú để được phục vụ nữa Hóa dúi cho cô ta tấm giấy hai mươi đô rồi chạy ùa xuống biển tắm mát.
.
3. Đoàn lữ hành lên xe gần hết, xe sắp sửa rời bánh mà nhiều người trong đoàn không vui. Anh chàng ba hoa hôm qua làm mất xấp tiền hai ngàn đô, lúc thì nghi rằng mình làm rớt trên xe khiến cho cả đoàn như thấy mình là tội phạm, lúc thì nói mơ hồ rằng chắc mình mất trong phòng ngủ… Hai người ở chung phòng coi bộ hơi giận, im lặng lầm lì. Anh chàng cũng chẳng vừa gì cứ xác minh rằng trước khi mình về phòng chiều qua kiểm lại tiền vẫn còn…
Bỗng hai mẹ con cô gái người Chăm chạy mau tới trước đầu xe của đoàn, Chanta nói chuyện bằng tiếng Miên với người tour guide rồi nói lớn bằng tiếng Việt đại ý để xác định lại người mất tiền và số tiền.
Chanta nói với tôi bằng thứ tiếng Việt rất sõi, rõ ràng:
‘Nhờ cái tờ giấy quảng cáo tour bọc ngoài gói tiền nên em tới đây. Số tiền nầy bằng tiền hai mẹ con em để dành trong cả năm.’
Tôi nheo mắt tỏ ý khen ngợi cô ta. Chanta nắm tay tôi giặt giặt, hóm hỉnh:
‘Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ.. ‘
Tôi mắc cở vì lời nhận xét của người đồng hành hôm qua và hơi bối rối về mấy câu thơ con cóc hứng chí của mình đọc lên khi tưởng nàng không hiểu. Té ra cô ta nghe hết, hiểu hết mà đã làm bộ như không.
Có người con gái trẻ hơn chạy tới, nói gì đó một tràng, Chanta móc tiền đưa, phân bua với tôi: ‘Tiền gom lại để trả cho bịnh viện, cha tôi trở bịnh mệt hơn.’
Tôi ngó thẳng vô đôi mắt đẹp:
‘Mắt đẹp mà lòng cũng đẹp.’
‘Người Chăm chúng tôi mất quốc gia nhưng không để mất lòng tự trọng, càng không thể để thất bại trong tư cách làm người.’
Từ giả có những bịn rịn đời người chưa dễ được. Xe lăn bánh, trong xe có tiếng xì xào, bàn tán, đánh giá, kẻ mừng hên người chê xui. Có tiếng thở dài cười gượng của người ngồi kế bên tôi!
Biển khổ đời mênh mông vô hạn, biết sống thì cái khổ sẽ ít hơn. Số tiền đó đối với gia đình nàng Chanta thì nhiều, Chanta biết giá trị của mình nên đã biến nó thành nhỏ, quá nhỏ nữa là đằng khác. ‘Chúng ta chưa mất quốc gia, nhưng từ lâu một số đông đã mất lòng tự trọng.’ Uể oải, bần thần… Hóa tự hỏi chẳng biết ở vào trường hợp Chanta mình có được hành động đẹp như thế không. Và anh hình như không chắc chắn rằng nàng Chanta có thật hay chỉ là tinh thần của một dân tộc đã mất nước hóa hiện ra cảnh báo người của một dân tộc trên bước đường suy vi.
Nguyễn Văn Sâm
(Sàigòn, Nguyên Tiêu Bính Thân 2016)_._,_.___
No comments:
Post a Comment