Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 30 October 2016

MẶC ĐỖ =TUẤN KHANH = THỊT CHUỘT-NHÀ THỜ HÀI CỐT=

NGÔ THẾ VINH * MẶC ĐỖ


Con đường Mặc Đỗ từ Hà Nội Sài Gòn tới Trưa trên đảo san hô

Ngô Thế Vinh
2015-06-20
mac-do-1-622.jpg
Bìa tiểu thuyết Bốn Mươi của Mặc Đỗ, Nxb Quan Điểm, Sài Gòn 1957.
Courtesy photo

Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.

Tiểu sử Mặc Đỗ

Tên Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học nhưng hấp thụ một nền văn hoá Tây phương. Học Luật nhưng không hành nghề và chọn viết văn. Tên Mặc Đỗ được thân phụ đặt cho, có nghĩa là người họ Đỗ trầm lặng. Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo. Sau Hiệp định Geneve 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm. Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Sau 1975 Mặc Đỗ tỵ nạn sang Mỹ.
Tác phẩm:
Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Đảo San Hô (2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân 2 Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.
Dịch thuật:
Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh MÔN / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).
Trong Mộng Một Đời, rất sớm từ thuở niên thiếu, Đỗ Quang Bình – chưa có bút hiệu Mặc Đỗ, đã nuôi mộng trở thành nhà văn, "Để luyện văn phong, người trai chọn phương pháp đúng nhất là dịch văn ngoại ra Việt văn. Kỹ thuật viết của những tác giả truyện đã dịch đã giúp khá nhiều cho việc hoàn thiện những cấu trúc cho truyện dài dự định sẽ viết." Lựa chọn của Mặc Đỗ có tác dụng "đôi": một viên đá bắn 2 con chim/ kill two birds with one stone, anh tạo được một văn phong rất Mặc Đỗ với ảnh hưởng nền văn học Tây phương, và thành quả tiếp theo là các tác phẩm dịch thuật của Mặc Đỗ từ hai ngôn ngữ Pháp và Anh sang tiếng Việt rất chuẩn mực và tài hoa, đã như một phần sự nghiệp thứ hai của anh bên cạnh sự nghiệp sáng tác. Các sách dịch của anh được liên tục tái bản những năm về sau này.

Hơn nửa thế kỷ

mac-do-4-400.jpg
 
Chân dung Mặc Đỗ, ảnh Trần Cao Lĩnh.


Về tuổi tác Mặc Đỗ hơn tôi hơn một thế hệ. Rất sớm đọc văn anh từ tiểu thuyết Bốn Mươi (1957), Siu Cô Nương (1959) tới Tân Truyện (1967). Tôi có mối giao tình với anh từ thập niên 1960, cho đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ. Cảm tưởng khi mới gặp, anh có phong cách của một nhà văn.
Khi tôi chọn học Y khoa, làm báo Sinh Viên Tình Thương và bắt đầu viết báo viết văn. Báo Tình Thương Y khoa có gửi biếu anh. Năm 1962, một bản thảo truyện dài được viết xong, tôi gửi tới hai anh Mai Xuyên Đỗ Thúc Vịnh Bóng Tre Xanh, và Mặc Đỗ Bốn Mươi đọc trước. Từ hai anh tôi đã nhận được những lời phê bình thẳng thắn.
Anh Đỗ Thúc Vịnh chú trọng tới sự trong sáng và văn phạm của tiếng Việt cùng với vốn sống của người viết, anh rất quan tâm tới thế hệ Những Người Đang Tới, cũng là tên một tác phẩm khác của anh sau này. Nhà văn Đỗ Thúc Vịnh thì nay đã mất [1920-1996], vậy mà cũng đã ngót 20 năm qua rồi.
Anh Mặc Đỗ có quan niệm, với người trẻ bắt đầu viết văn nên tập viết truyện ngắn trước và kỹ thuật là phần quan trọng. Tác phẩm đầu tay của tôi không phải là tập truyện ngắn mà là một cuốn tiểu thuyết. Về chọn lựa bước khởi đầu này, tôi đã không theo được lời khuyên của anh. Mây Bão xuất bản 1963 với nguyên vẹn nội dung với mẫu bìa của người bạn tấm cám hoạ sĩ Nghiêu Đề.
Do gần nửa phần đời sau ở hải ngoại, từ 1975 cuộc sống nhà văn Mặc Đỗ gần như khép kín, thật khó để để vẽ một chân dung toàn diện về anh. Chọn lựa và trích dẫn từ những bức thư anh gửi cho tôi, bớt đi những phần quá riêng tư có lẽ giúp bạn đọc biết được nhiều hơn về một nhà văn Mặc Đỗ quy ẩn.
Sang thế kỷ 21 kỷ nguyên của computer, Mai Thảo thì vẫn cứ ẩn nhẫn viết tay kể cả trên những phong thư hàng tháng gửi báo Văn tới từng độc giả dài hạn, riêng anh Mặc Đỗ vẫn thuỷ chung với chiếc máy chữ xách tay thuở nào. Các thư anh gửi cho tôi đều là thư đánh máy. Chỉ một bức thư hiếm hoi hoàn toàn viết tay của anh mà tôi có được là do một tai nạn, chiếc máy chữ yêu qu. thiết thân của nhà văn Mặc Đỗ bị rơi và hư gẫy. Ít lâu sau đó, anh được một ông bạn ở Pháp tặng cho một máy đánh chữ khác như món quà Giáng sinh, từ đó tôi lại nhận được những lá thư đánh máy, chỉ với chữ k. là thủ bút của anh.
Cher Vinh,
Tôi lọng cọng đánh rơi cái máy chữ yêu qu., nhà thương Mỹ thích thay parts hơn là chữa, trong khi chờ một bàn tay Á đông đành nắn nót viết, tập trung vào mấy ngón tay mệt óc quá, cho nên chỉ có thể ngắn gọn, trang thư qua printer mất personality.
Cám ơn Vinh đã cho tôi thấy Vinh rõ hơn nữa. Nhúm lửa trong tôi, có trước ngày tôi nghe lời bạn chôn bản thảo "Đứng ngồi không yên" dưới ba lớp giấy gói và gác lên nóc tủ, nhúm lửa đó tôi thấy thấp thoáng đôi chỗ qua những lời đối thoại của Vinh. Sau ngày đó bút của tôi không tìm thấy AN nữa - chữ AN Phật dạy. Mừng thấy bút Vinh vẫn AN.
Kết luận, thấy Vinh hơi lạc quan. Nhìn thêm cái "nửa vơi", ngắm 
con người chúng sinh. Yêu nước cũng là một thứ tham. Thân, [Mặc Đỗ, Feb 5 1996]
Từ bốn mươi Siu Cô Nương tới Tân truyện


mac-do-2-400.jpg

 
Mặc Đỗ qua nét vẽ Tạ Tỵ Courtesy Gió O.

Bốn Mươi (1957) là một tiểu thuyết, Mặc Đỗ viết về giai tầng trí thức tiểu tư sản, ở cái tuổi không còn ngờ vực "tứ thập nhi bất hoặc"; họ xuất thân từ những gia đình giàu có, đi du học rồi tốt nghiệp, trở về nước và sống trong sự xa hoa của một xã hội thượng lưu. Họ là những chính khách salon, theo cái nghĩa rất thời thượng, tự đồng hoá với giai tầng sĩ phu trước kia, rất xa lạ với đời thường nhưng có ảnh hưởng trên chính trường, họ tin vào vai trò lãnh đạo của giai cấp trí thức tiểu tư sản trong cuộc chiến Quốc-cộng.
Siu Cô Nương (1959) là tiểu thuyết thứ hai của Mặc Đỗ, viết về ba người đàn ông và hai phụ nữ trong bối cảnh một Miền Bắc 1954, sau hiệp định Geneve khi một Việt Nam sắp chia đôi. Ba người đàn ông ấy cũng thế hệ bốn mươi có l. tưởng, tin vào vai trò lãnh đạo giai tầng trí thức tiểu tư sản với chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ kiểu Tây phương – không chấp nhận cộng sản. Và họ giã từ Hà Nội, di cư vào Miền Nam -- tỵTần, chữ Mặc Đỗ dùng sau này để chỉ những cuộc lánh nạn cộng sản. Không gian sinh hoạt của các nhân vật trong Siu Cô Nương trải rộng hơn Bốn Mươi nhưng vẫn là một thứ xã hội trên cao, với mấy mối tình ngang trái, tất cả chỉ cái cớ cho những tình huống lịch sử mà viễn kiến của nhà văn là cái nhìn tiên tri. Cũng để nhận ra rằng: cái thème chính của tác phẩm Bốn Mươi, Siu Cô Nương là cuộc đấu tranh giai cấp, đưa tới cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài 20 năm sau đó. Với hậu quả là cuộc tỵTần lần hai sau 1975 với hàng triệu người Việt Nam tung ra khắp thế giới.
Hãy để chính Mặc Đỗ nói về tác phẩm Siu Cô Nương của mình: "Tôi nhớ trong đoạn kết Siu Cô Nương một nhân vật trên chuyến xe lửa ra đi ngó xuống những ruộng đồng hai bên đường với những nông dân đang cặm cụi đã thắc mắc, mai ngày những con người kia sẽ thành thù địch ư? Thắc mắc này trải dài trong 500 trang truyện tiếp SCN." [Thư Mặc Đỗ, Sept 28, 1994]
Tân Truyện I (Quan Điểm1967) và Tân Truyện II (Văn 1973) là hai tập truyện ngắn mà Mặc Đỗ gọi là tân truyện / nouvelle. Mỗi truyện như một viên ngọc của một chuỗi ngọc thể hiện quan niệm dựng truyện ngắn với nhiều vận dụng kỹ thuật của Mặc Đỗ và ngôn ngữ thì giàu hình ảnh nhưng cô đọng và chau chuốt. Mỗi tân truyện của Mặc Đỗ đều để lại cho người đọc một ấn tượng rất đặc biệt và khó quên.
Tưởng cũng nên ghi lại đây quan niệm viết của Mặc Đỗ: "Từ khi bắt đầu viết tôi đã chọn một đường lối nhất định, không bao giờ đem đời tư của riêng một ai, quen hay không quen vào truyện. Tất cả đều là những nhân vật được cấu thành do những chi tiết, hình ảnh, ngôn từ, đã ghi được qua bao nhiêu dịp quan sát, nhận định; mỗi nhân vật là một hội tụ đúng chỗ của những tài liệu chọn lọc." [Phụ lục: Truyện Không Thể Viết, Trưa Trên Đảo San Hô. Nxb Quan Điểm 2011]
Một số truyện ngắn trong Tân Truyện I & II được Mặc Đỗ chọn cho in lại trong hai tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô (2011): 13 truyện và tuyển tập Truyện Ngắn (2014); 30 truyện, gồm cả 13 truyện đã in trong tập Trưa Trên Đảo San Hô. Và không có một truyện nào được ghi thời điểm sáng tác.

Như một giã từ

mac-do-3-400.jpg
 
 
Bìa Trưa Trên Đảo San Hô (2011) tác phẩm giã từ của Mặc Đỗ. Courtesy photo.
Nói rằng nhà văn Mặc Đỗ hoàn toàn không viết gì khi ra hải ngoại thì không đúng. Anh có viết nhưng phải nói là rất ít. Anh đã góp bài cho ấn bản đầu tiên báo Lửa Việt với truyện Cái Áo Len Màu Rêu, anh cũng góp bài cho Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến gồm các bài nhận định văn học, truyện ngắn trong những số đầu tiên: số 1 (Kế hoạch chống đàn bà, truyện ngắn), số 2 (Làm văn học nghệ thuật trong hoàn cảnh tỵ nạn), số 4 (Văn Nghệ Việt Nam ở hải ngoại), số 7 (Con người Nga trong khuôn đúc cộng sản) VHNT bộ cũ (1978) [http://tapchivanhoc.org]
Trong một thư riêng anh viết: "Một hai năm đầu khi mới đến đây tôi có viết đôi chút để tiếp tay vài bạn cũ ra báo trong khi còn hiếm bút, sau này làng ta trở nên phồn thịnh thì tôi yên tâm ngồi im, trừ một số nhỏ dịp phải trả nợ nhiều số báo được tặng không (Văn, Thời Tập) thì có đóng góp một chút." [Mặc Đỗ 25/08/1991]
Và một năm sau, trong lá thư đánh dấu 17 năm tỵTần, anh viết: "Từ hôm qua tôi bắt đầu nhận được báo Xuân, sớm nhất là Văn [của nhà văn Mai Thảo, ghi chú của người viết]. Vui thấy bạn còn nhớ cho báo đều đặn, đọc báo thì chẳng mấy vui. Rất hiếm đọc những bài viết cho thấy cái công phu của người chau chuốt nghệ thuật. Luôn luôn nổi rõ sự vội vàng sản xuất và vội vàng chấp nhận... Sự đời ở biển ngoài đã biết rồi, thưởng thức hiếm có dịp, thành ra chẳng thấy vui." [Mặc Đỗ 11/01/1992]
Trong sáng tác, Mặc Đỗ có quan niệm khá nghiêm khắc, cả với chính anh. Anh luôn luôn nhắc tới kỹ thuật là quan trọng nhất trong việc viết truyện.
Anh kể lại: "đã mất khá nhiều bạn trẻ đã cho tôi đọc bản thảo hay sách đã in vì tôi rất thẳng trong . kiến đưa ra sau khi đọc, tôi cũng than chuyện đó với một vài anh bạn già (không viết) thì được trả lời ai bảo đụng tới nhược điểm của người ta! Tôi tiếp tục không nghe lời khuyên đó vì tôi thấy cần phải sòng phẳng với ai có bụng tin tôi và chính tôi nữa..." [Mặc Đỗ 5/02/1994].
Khi viết về chính anh: "Riêng phần tôi, sau từng trải và đánh giá mọi khả năng còn lại, tôi bây giờ rất sáng suốt mà bi quan và tiêu cực. Thái độ này tôi giữ từ sau khi tự tay đốt cuốn truyện 'Bong Bóng Bay' kết quả của cả chục năm hì hục." [Mặc Đỗ 01/11/1995] Cuộc "phần thư" lần này trên đất Mỹ là do chính tay anh, chứ không phải do kẻ bạo Tần của thế kỷ 21.
Rồi ở cái tuổi đã ngoài 90, anh quyết định cho in tập truyện ngắn Trưa Trên Đảo San Hô (2011), mà anh gọi là "tác phẩm cuối đời" với một bìa lưng hoàn toàn trống trải chỉ với mấy câu thơ thật thanh thoát [Hình III]:
Tự nhiên thành núi băng
Lục địa lạnh một ngày tách biệt
Lênh đênh vào có không
Trưa Trên Đảo San Hô gồm 13 truyện ngắn, được sắp xếp theo ngược dòng thời gian: 7 truyện đầu được viết thời tỵ nạn [tị-Tần chữ của Mặc Đỗ: anh ví chế độ Cộng sản Việt Nam với nhà Tần 221-297 BC được coi là triều đại tàn bạo nhất trong cổ sử Trung Hoa], 3 truyện tiếp theo được viết tại Sài Gòn trước 1975; 3 truyện cuối được viết tại Hà Nội khoảng 1946-52. Mặc Đỗ viết: "Ba truyện cuối trong toàn bộ cũng là ba truyện đầu tiên tôi viết sau nhiều năm học, tập, và đến lúc tự xét thấy có thể bắt đầu viết." Chỉ là một tập truyện ngắn nhưng đã ghi dấu ấn ba chặng đường và cũng là ba không gian sáng tác của Mặc Đỗ: Hà Nội, Sài Gòn Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong Lời cuối, anh tâm sự: "Thấy tương lai rất ngắn trước mặt (cũng như viễn tượng viết truyện ngắn/dài) tôi tự xuất bản tập truyện này sau một thời gian vắng bóng trong làng văn ở ngoài nước, coi như một giã từ."
Nhưng rồi tiếp theo đó, ba năm sau "Đứng ngồi không yên" -- tên một tác phẩm của anh bị thất lạc, anh lại cho in thêm một tuyển tập Truyện Ngắn (2014), gồm các tân truyện viết trước và sau 1975; cả hai tác phẩm tác giả tự xuất bản vẫn với tên Tủ Sách Quan Điểm.


Tác phẩm thất lạc

mac-do-5-400.jpg
 
Bìa tuyển tập Truyện Ngắn (2014) tác phẩm giã từ 2 của Mặc Đỗ. Courtesy photo.
Nhà của gia đình anh Mặc Đỗ ở Sài Gòn, không phải là ngôi biệt thự sang trọng như bối cảnh sinh hoạt của tiểu thuyết Bốn Mươi, chỉ là một căn phố lầu trên đường Trần Hưng Đạo nhưng rất ấm cúng bao năm, sau 30 tháng Tư, 1975 tôi có ghé thăm, trông thật lạnh lẽo, những chiếc ghế nệm bỏ trống, bức tranh lập thể sơn dầu của Tạ Tỵ rất đẹp cũng không còn treo trên tường nơi phòng khách, sau đó tôi mới được biết cả gia đình Mặc Đỗ đã âm thầm rời Sài Gòn đêm ngày 29 tháng Tư, chỉ một ngày trước đó. Dĩ nhiên, cũng như mọi người, anh chẳng mang được gì ngoài một chiếc túi nhỏ xách tay.
Trong một thư, sau này anh kể rõ hơn về số phận tập bản thảo "Đứng ngồi không yên" và sau đó đã thành tro than ra sao. "Sau khi hoàn tất cuốn "Đứng ngồi không yên" tôi có đưa cho ba bốn người mà tôi kính trọng, [anh có kể tên nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh] vì nhiều lẽ đọc. Tình cờ tất cả chung một nhận định: lắm động chạm đủ thứ! Nhận định đã khiến tôi suy nghĩ và gói kín trọn vẹn bản thảo và tư liệu trong chiếc hộp, cột dây và gắn si cẩn thận với mảnh giấy dán bên ngoài: Để dành cho thế hệ sau. 75 tôi đi rồi thì một thằng cháu chạy đến lục lọi, nó lấy đi cùng với những thứ khác cái hộp tưởng qu. lắm. Về nhà nó mở ra rồi vừa tức vừa sợ nó vứt tất cả trong chiếc thùng sắt đổ dầu đốt cháy sạch. Bao tâm tư đốt cháy khói khét lẹt! Mãi sau này tôi được kể lại chi tiết đã tức cười nghĩ, Thế cũng đáng! Đáng đốt! "Bên trên là nói chuyện với BS NTV, Biệt Cách Dù. Đây là nói chuyện với nhà văn NTV... Vào thu rồi, đang chuẩn bị nhận một flushot nữa và nhớ lại lũ trẻ trung học Pháp thời trước/ sau TCII gọi những ông bà già là những PPH (Passera Pas cet Hiver/ sẽ không qua khỏi mùa đông này – ghi chú của ngườiviết). Chúng tôi thì chắc chưa!" [Mặc Đỗ, 28/09/1994]

Tác phẩm lớn không thể viết

Sau Lời Cuối trong tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô còn có thêm một Phụ Lục Truyện Không Thể Viết, Mặc Đỗ tâm sự: "Với một người viết đáng buồn nhất khi thấy cần thành thật với chính mình và quyết định không thể viết tác phẩm thèm viết... Theo dòng lịch sử đất nước, tôi không thấy thời cơ nào có thể so sánh với gần tròn một thế kỷ qua, với ba biến cố đặc biệt nối đuôi nhau, cùng hết sức giàu sinh động trong muôn vẻ chi tiết. Cảnh khổ ly tán được cụ thể hoá bằng một vụ phân ly giữa hai miền Nam Bắc. Kinh nghiệm độc lập người Việt ở hai miền cùng thâu góp, chất ngất, trong nước mắt. Biến cố thứ hai hào hùng thay! Nhưng đã hiện hình chẳng bao lâu sau, và kéo dài tới nay đã hơn ba mươi năm. [những dòng chữ này có lẽ Mặc Đỗ viết khoảng 2005, ghi chú của người viết] Hai biến cố đó xô tới biến cố lạ lùng, ngót hai triệu người Việt Nam thình lình tìm được tới, và bắt đầu mọc rễ trên những bến bờ lạ. Khơi lên từ cảnh đời một cô gái lai Mỹ, thiên truyện mọc lên trong đầu tôi khả dĩ ôm trọn ba biến cố vừa kể... Trong nhiều tháng sau tôi mê mải với đề tài Truyện, ra công sắp xếp cái sườn để gài lên những tình tiết... Ai sẽ viết? Cái vốn quan sát nhận định, rung cảm, chứa sẵn trong đầu, tôi có thể dùng cho phần đầu Truyện. Nhưng từ đêm 29 tháng Tư 1975 tôi đâu còn ở trong nước để quan sát, nhận định, rung cảm nữa... Tôi đã không thể viết... Tôi mong cho tôi, cũng mong cho đông đảo độc giả Việt Nam vì hiện chưa có một tác phẩm nào ghi lại liên tục giai đoạn lịch sử độc đáo vừa bi hùng vừa đáng cười ra nước mắt...Kho tàng đó đang chờ những người Việt Nam dám lãnh vinh dự và trách nhiệm là nhà văn." [TTĐSH, lược dẫn Phụ Lục tr.219-230]
Đó là nỗi buồn và cũng là cái giá rất đắt phải trả của một nhà văn lưu đầy. Không thể viết nhưng Mộng-ngày bao năm trước về một tác phẩm lớn vẫn cứ vất vưởng như một ám ảnh khôn nguôi đối với nhà văn Mặc Đỗ.
Vào đời tràn háo hức
Tiếp theo liền dằng dặc ưu tư
Nhắm mắt còn ưu tư

Tìm chữ An trong Đạo Phật



mac-do-6-400.jpg

Nhà văn Mặc Đỗ 95 tuổi, hình chụp tháng 10/2012. Hình do anh Trần Huy Bích cung cấp.
"Ngay từ thời đọc 'Cạn Dòng' tôi đã buồn thấm thía trước viễn tượng sớm muộn sẽ thành sự thật và nông nỗi bất khả kháng trong thời thế toàn cầu hiện nay. Vinh và các bạn đang theo đuổi một cố gắng đúng, rất nhiều người khác tại các nước khác cũng theo đuổi những cố gắng khác với chung một mục đích cứu vãn đời sống trên mặt đất, khổ một nỗi loài người bây giờ quá ham tranh chấp đạp lên mọi lẽ phải. Sinh thời nhà tôi chúng tôi thường nhìn nhau, thu gọn mối sầu mênh mông vào một vòng nhỏ với cảm nghĩ: Tội nghiệp lũ con, cháu, chắt... sinh sau! Cũng như tôi, bất cứ độc giả nào đọc 'Nghẽn Mạch' không thể không xúc động trước những sự thật đã hiển hiện sớm hơn cả viễn tượng lo lắng." [Mặc Đỗ 06/04/2007]
Dưới bức thư đánh máy, anh Mặc Đỗ có thêm một dòng tái bút viết tay:
"Vinh có nghĩ tới trận chiến lớn sẽ có thể xảy ra và Việt Nam sẽ hứng chịu?"
Với một Biển Đông hiện đang ầm ầm dậy sóng hình như sắp chứng nghiệm cho lời tiên tri của anh. Mặc Đỗ luôn luôn nói tới chữ AN [viết hoa] trong đạo Phật. Cũng vẫn chữ "AN" trong một thư từ Austin, anh viết:
"Cher Vinh, Năm nay Xuân từ Đồng Bằng Cửu Long không đem 'AN' đến cho tôi. Đọc 'Tìm về' trước Tết, cái arrière-goût dai dẳng từ trước cho đến sau Tết, không dứt. Tôi còn nhớ hồi nhỏ ở nhà khi có đám giỗ lớn, họp đông họ hàng, hay có một vài vị lớn tuổi, không hiểu dòng dõi với tiền nhân như thế nào nhưng đã được nghe truyền lại, kể thành tích chiến công Nam Tiến với những chi tiết... Mỗi lần Me tôi thường khóc và nói rằng, oán thù bao giờ rũ cho sạch được! Tết năm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi nhận định bi thương đó... Bây giờ sắp tới thời không còn giấu bụi dưới thảm, càng buồn hơn. Nén buồn xuống chỉ còn mơ ước: Con người VN hồi tỉnh và biết nắm tay nhau cùng đối phó, và đối thoại." [Mặc Đỗ, 18/02/2000]
* [Tìm Về là tên một chương sách Tìm Về Phương Đông, trong Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Nxb Văn Nghệ 2000]
Ba nhà văn chủ lực trong nhóm Quan Điểm mà tôi được biết, phần cuối cuộc đời đều có khuynh hướng tìm về đạo Phật. Tuyết ngưu Vũ Khắc Khoan của Thành Cát Tư Hãn nơi xứ vạn hồ miệt mài với Đọc Kinh và nghe Kinh, để rồi "lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa pháp hội, một mình."
[1917-1986], Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng của Cách Mạng và Hành Động [1920-2000] sau 1975 tịnh tu, mang nặng suy tư từ những trang Kinh Lăng Nghiêm, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp. Vũ Khắc Khoan và Nghiêm
Xuân Hồng thì đã lần lượt ra đi trong sự thanh thoát và cả lặng lẽ tiếng kinh kệ. Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật.

Xướng Họa và Khai Bút

"Hôm cuối năm, ông bạn già, anh Đoàn Thêm [nhóm Bách Khoa, tác giả Những Ngày Tháng Không Quên, ghi chú của người viết] làm bài thơ 'Than già' gửi cho bạn già đọc. Bài thơ có năm vần rồi-trôi-nòi-thôi-hồi. Một bạn già khác hoạ lại, rồi lác đác nhiều bạn già khác cũng hoạ. Thấy anh em vui tôi cũng nhẩy vô, tuy trong đời đây là lần thứ hai tôi thử trò chơi nghĩ rằng chỉ dành cho các bậc túc nho. Nhảy vô thấy cũng thú giống như thú chơi mots croisés chẳng hạn... Tôi chép hai bài tặng Vinh đọc chơi làm quà cuối năm. Chơi trò xướng hoạ mới thấy cái thú vận dụng tiếng Việt, một vần có thể xoay chuyển qua nhiều nghĩa. Càng thú nữa là xướng hoạ không để đăng báo, thành danh. [Mặc Đỗ 11/01/1992]

Dư Sinh

Lời đẹp nghìn xưa đã dạy rồi
Đời người lãng đãng bóng mây trôi
tham đeo đẳng không đành thoát
Muôn kiếp sinh sôi vẫn một nòi
Nợ nước tình nhà và sự nghiệp
Tuyết sương rồi cũng thế mà thôi
Sống thừa mới thấy thừa chi lắm
Lão giả chen nhau kiếm chỗ ngồi

Năm Mới

Đã đến thời thôi đếm tuổi rồi
Ngồi bên bờ cỏ để buông trôi
Cúi đầu cố học ngu không hết
Nghển cổ tầm sư lạc mất nòi
Tính sổ cuộc đời nhiều mực đỏ
Bài thua úp xuống xoá đi thôi
Cười xem thời vận mong Bùi Tín
Áo gấm về quê chẳng mấy hồi
Phải nói là ngạc nhiên đến thú vị khi thấy một người theo Tây học như Mặc Đỗ, mới bước vào trường thơ xướng hoạ mà về vần và niêm luật, nhất là bài thứ hai Dư Sinh anh đã đạt được tới mức độ gần hoàn chỉnh.
"Sáng mùng một tết Tây 2003, tỉnh dậy nằm suy ngẫm chợt nhớ tới những người Việt Nam lưu lạc khắp nơi", anh Mặc Đỗ gửi tặng tôi bài thơ mới làm.

Khai bút

[Giao thừa lẻ hai vào lẻ ba]
Những khớp xương nghe đời phôi pha
Nhưng như xưa tấm lòng vẫn ấm
Tiễn đưa chào đón chén trà đậm
Cuộc tình trời đất dài thăm thẳm
Hai bàn tay khép mời nguyện ngắm
Theo nén nhang sợi khói bay cao
Những mối yêu nguyên vẹn thuở nào
Một mình bàu bạn không trăng sao
Tư bề không tiếng sóng dạt dào
Thời gian ngồi lại không chờ đợi
Buồn vui không cũ cũng không mới
Mặc Đỗ

Chuẩn bị một chuyến đi thanh thản

Sau ngày Chị Mặc Đỗ mất, là một chấn thương lớn đối với anh, cả về tinh thần và sức khoẻ. Mối quan tâm lớn của anh là chuẩn bị cho riêng mình một chuyến đi thật nhẹ nhàng và thanh thản. Anh kể: "Tôi có một ông bạn Pháp 14 năm nuôi vợ ở tình trạng living death." Năm 2006, anh đã tự tay viết một di chúc về sức khoẻ / Advance Medical
Directives of Binh DoQuang, anh chia xẻ điều đó với tôi như một witness/ nhân chứng ở xa, do tình thân và cũng có thể do nghề nghiệp y khoa của tôi. "Tôi viết directive bằng Pháp văn cho thật đúng . nghĩ trước khi dịch ta Anh văn hợp với legalese."
Anh viết về sự hiểu biết của anh đối với căn bệnh Alzheimer cùng những hậu quả do tiến trình căn bệnh trên người bệnh, gia đình và xã hội và với tất cả sáng suốt - như "một lão giả" chữ của Mặc Đỗ, anh đã thanh thản viết xuống giấy sự chọn lựa của anh:
"Si j'amais j'attraperais ce mal Alzheimer, situation bien établie par mon docteur et d'autres spécialistes consultés, je demande que toute nourriture solide et liquide soit interrompue, nourriture ou d'autre substance donnée par quel moyen que ce soit. J'implore tous les membres de ma famille, toutes les autorités judiciares, administratives, religieuses, politiques, et autres, à ne pas s'opposer à ma décision et me laisser périr comme un vieil arbre  aisiblement."
Chọn lựa của anh có thể là một tấm gương cho nhiều người, biết chấp nhận chu kỳ sinh diệt như lẽ tuần hoàn của trời đất, nó cũng cứu vãn cho một nền y tế Mỹ đang bị phá sản/ bankrupt chỉ vì vẫn muốn duy trì lâu dài những cuộc sống thực vật/ vegetative state hay living death, vẫn chữ của anh Mặc Đỗ.
Năm 2015, đã chín năm sau ngày anh viết di chúc sức khoẻ ấy, sáng nay từ nhà thương nơi tôi làm việc, rất vui mới được nói chuyện điện thoại khá lâu với anh [14/06/2015], vẫn là một nhà văn Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn. Phải chăng một phần do gene, phần kia do một cuộc sống kỷ luật từ thời còn rất trẻ, sáng dậy sớm tập thể dục tắm nước lạnh và sống điều độ suốt những năm sau đó, có thời ở Sài Gòn anh đã chọn chế độ dinh dưỡng gạo lức muối mè, có lẽ vậy mà anh dễ dàng sống tới trăm tuổi, vẫn tự sinh hoạt độc lập với nguyên vẹn phẩm chất của cuộc sống. Một ngày nào đó mong còn xa, sự ra đi của anh theo quan điểm y khoa sẽ được coi như một cái chết tự nhiên/ natural death, như một cây cổ thụ khô và tự héo dần - vẫn chữ của nhà văn Mặc Đỗ.
Ngô Thế Vinh
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/vhnt062015-06202015114633.html

TUẤN KHANH * GIÁNG SINH

 

Những mùa Giáng sinh ở ngôi nhà thờ cổ


 
Lại thêm một năm nữa, tiếng chuông đón mừng mùa Giáng sinh ngân vang trên một ngôi nhà thờ nhỏ ở Phố Hiến, Hưng Yên. Không gian cô quạnh khiêm nhường nơi này, lặng lẽ ôm trong lòng nó một ký ức lịch sử độc đáo của người Việt, mà khó nơi nào sánh được.
Nếu dựa trên sự có mặt của ngôi nhà thờ Phố Hiến (1650), có lẽ đây là nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, đến nay đã có trên 300 năm tuổi. Năm 1650, những người Hà Lan đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ này với các chất liệu chủ yếu bằng gỗ, thông qua sự cho phép của chúa Trịnh (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng / 1623-1652) để phục vụ cho những người thương buôn ngoại quốc đầu tiên Đàng Ngoài.
Lý do của việc cho phép này, bởi chúa Trịnh lúc đó đang mở rộng thương cảng ở Phố Hiến, cửa ngõ đường sông cách Hà Nội 55 cây số, nhằm đẩy mạnh việc mua bán với thương nhân nước ngoài, cũng như học hỏi các vấn đề về quân sự và vũ khí trong cuộc đối đầu với nhà Nguyễn (lúc đó là Nguyễn Phúc Tần / 1620-1687). Sự có mặt của nhiều người ngoại quốc như Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đặc biệt là người Hà Lan và đạo Công giáo, đã khiến cho chúa Trịnh mở rộng ứng xử, cho phép xây một nhà thờ của tín ngưỡng bên ngoài, ngay tại đường đê, cho các tàu nước ngoài ghé vào làm lễ, trước và sau chuyến đi biển của họ.
Tuy sách vở ghi rằng chúa Trịnh không mặn mà với thương buôn, người nước ngoài như ở Đàng Trong, nhưng thực tế ở Phố Hiến cho thấy thế kỷ 17-18, nơi này đã có một thời kỳ rực rỡ của ngoại giao, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiều đời Chúa Trịnh là người căn cơ Khổng giáo, nhưng chính thức cho phép việc xây dựng một nhà thờ ngoại giáo ở Việt Nam lúc đó, cũng có thể cho thấy một áp lực từ sự lớn mạnh của thương nhân ngoại quốc ở Phố Hiến và đạo Công giáo như thế nào. Chính vì vậy mà người miền Bắc vẫn có câu "Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến"
Như vậy, từ năm 1651, người Việt đã chứng kiến một lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, dù lúc đó giáo dân chưa phát triển. Nhà thờ Phố Hiến (hay còn gọi là Nam Hoà) này khởi đầu chỉ được dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lá... (có thể khởi đầu còn dè dặt, vì sợ chúa Trịnh cho là phô trương thanh thế ngoại giáo) nhưng sau một vài lần do hoả hoạn, mưa gió... Nên nhà thờ dần dần được mở rộng và kiên cố hơn. Đến năm 1898, một linh mục Bồ Đào Nha đã mang bản vẽ đến, cùng nhân công người Việt xây dựng hoàn chỉnh đến ngày nay. Đây cũng là ngôi nhà thờ hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có phong cách Bồ Đào Nha với vẻ đẹp vừa kiêu kỳ, vừa dịu dàng hết sức quyến rũ. 
Bên trong nhà thờ lại là một cảnh quan độc đáo khó tả, khi các kiến trúc sư ngoại quốc tác tạo nên một vẻ đẹp hoàn toàn Á Đông. Sự tinh tế từ chất liệu cho đến các chi tiết ráp nối bằng gỗ khiến người xem phải ngẩn ngơ về khả năng của người xưa - mà ngay cả việc xây dựng thời nay cũng khó mà bắt chước được. Tư duy của người đi trước mới đáng kinh ngạc làm sao. Đến năm 1898 thì giáo dân người Việt và người nước ngoài đã có số lượng khá tương đồng, nên các ghi chú trong và ngoài nhà thờ đã có tiếng Latin lẫn chữ Nho.
Cho đến trước năm 1954, nhà thờ Phố Hiến đã là một nơi quen thuộc của người Công giáo Hưng Yên. Tuy nhiên, khi hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết, nhiều gia đình Công giáo đã vào Nam chọn một cuộc sống khác, khiến không chỉ Hưng Yên mà toàn miền Bắc trở nên thưa vắng người của nhà thờ. Từ chỗ có hơn 1300 giáo dân, hôm nay, nhà Thờ Phố Hiến chỉ có lại được 187 giáo dân, sau rất nhiều năm vận động (60 năm), nhiều năm đón Giáng sinh lạnh lẽo và hiu quạnh.
Đó là một giai đoạn đầy biến động. Miền Nam đột nhiên đón Giáng Sinh ngày càng lớn do hàng trăm ngàn người Công giáo xuất hiện, mang theo nhiều lễ hội ăn mừng, treo đèn kết hoa... khiến các mùa Giáng sinh ở miền Nam ngày càng nhộn nhịp hơn, thậm chí biến thành ngày vui của cả Lương giáo. Ngược lại, do số giáo dân, linh mục... giảm thiểu mạnh, nên sinh hoạt của các nhà thờ miền Bắc cũng co lại. Theo các tài liệu của các nhà nghiên cứu Ba Lan thì lúc đó, Công giáo miền Bắc mất đi khoảng hơn 450.000 giáo dân và 375 giáo sĩ. Người theo đạo chỉ còn chiếm 2% ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì tăng vọt, chiếm đến hơn 9%.
Những năm dài chiến tranh và khó khăn trong việc lo cái ăn, việc sinh hoạt tinh thần với nhà thờ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt với những giai đoạn mà Công giáo bị chính quyền Cộng sản nghi kỵ, bị kỳ thị là thành phần không đáng tin cậy. 
Sinh hoạt Nhà thờ Phố Hiến cũng như nhiều nhà thờ ở miền Bắc yếu đi. Qua các tác phẩm của giới văn bút thân chính quyền trong thời gian này, thành phần Công giáo vẫn bị nhìn với sự gán đặt là thành phần phản động, đáng ghét - tương tự như cách nền thông tin tuyên truyền sau năm 1975 vẫn nguỵ tạo ra hình ảnh tệ hại của các quân nhân VNCH hoặc giới tư sản ở miền Nam Việt Nam.  
Vào thập niên 60, có những năm chỉ có một linh mục trong tỉnh, tổ chức sinh hoạt cho cả 16 giáo xứ, thì chính Nhà thờ Phố Hiến cũng không còn đủ sức làm nên những mùa Giáng sinh đẹp như ý muốn. Bên cạnh đó, do dư phòng ốc, lại thiếu cộng đoàn nên khuôn viên nhà thờ, kể cả nơi làm lễ cũng có rất nhiều gia đình kéo nhau vào ở, mang theo cả thỏ, gà... cùng với nơi ở của mình. Tình trạng liên tục thất thoát các cổ vật của ngôi nhà thờ độc đáo này, mục nát các sàn gỗ xưa... khiến không ít người yêu mến lịch sử của Phố Hiến, của Hưng Yên đau lòng, mà không biết làm sao để thay đổi. Những mùa Giáng sinh ở đây, đã từng khe khẽ, từng nhẫn nại để cùng chung sống hoà bình với gần 15 gia đình chia nhau sống khắp ở nhà thờ.
Cho tới hôm nay thì mọi thứ dần dần đã khá hơn. Nhà thờ đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại, vì đó không phải là của riêng một giáo xứ, mà vì đó là dấu ấn của một thời đại có một không hai, đầy ngẫu hứng cho các thế hệ sau tìm về. Nhiều gia đình ở trong nhà thờ đã nhận được tiền để tìm chỗ ở mới. Cho đến nay thì chỉ còn một gia đình bộ đội và thường dân còn ở trong khuôn viên nhà thờ. Những giáo dân ít ỏi bắt đầu cùng nhau lau quét và sơn lại ngôi nhà chung đã hơn 3 thế kỷ.
Mùa Giáng sinh năm nay, nhà thờ lại chuẩn bị đón một đêm thánh với những gì đơn sơ nhất của mình có, giữa cái lạnh làm ai ai cũng nao nao, háo hức. Với 187 giáo dân của mình, nhà thờ Phố Hiến là nơi vô cùng giàu có về ký ức, nhưng đầy khó khăn vật chất. Thậm chí tiền lắc giỏ hàng tuần (quyên tiền cho nhà thờ) cũng không đủ trả tiền điện trong tháng
Trong hàng ghế của nhà thờ, có một cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí. Mắt cụ ngời sáng, thăm thẳm những điều không nói hết về một lẽ sống mà ông đã chọn khi đã 83 năm không rời nơi chốn này để đón các mùa Giáng sinh, bất chấp khi đó tối om, bất chấp chỉ có một ngọn nến con hay được trang hoàng tươm tất như hôm nay. Khi hỏi vì sao cụ Dương Hồng Đức, tên đủ của cụ, không theo người chị gái ta đi vào năm 1954, cụ nhìn và nói trong một ánh mắt kiêu hãnh "tôi thấy nhà thờ quạnh quẽ quá, tôi muốn lại. Vì tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi". 
Khi hỏi cụ rằng ở lại có gặp nhiều khó khăn không. Cụ Đức run run nói, nhưng cao giọng hơn trong niềm kiêu hãnh ẩn giấu "vâng, tôi biết, và tôi cũng đã sống với rất nhiều điều khó khăn nhưng tôi tin rằng tôi sẽ vượt qua, vì tôi yêu thương".
"Khó khăn" - nghe chừng như đơn giản qua lời cụ Đức. Nhưng với lịch sử ghi lại bằng tài liệu của cả hai bên, cho thấy mọi thứ đã là máu và nước mắt. Từ năm 1955, lễ Giáng Sinh ở miền Bắc đã bắt đầu co cụm, và khó khăn bởi chính quyền Việt Minh bắt đầu lo ngại về số người ra đi nên tìm cách ngăn cản. Từ tháng 11/1954 đến tháng 1/1955, ở riêng tỉnh Thanh Hoá và Hà Nam đã có gần 50.000 người muốn ra đi nhưng bị lính Việt Minh nổ súng ngăn lại và giải tán. Những năm 60, người Công giáo ở miền Bắc bị coi là công dân hạng hai. Đặc biệt với khu Bùi Chu - Phát Diệm, nơi có hơn 50% giáo dân ra đi, nhà thờ và linh mục có thể bị chụp mũ là gián điệp.
Quá khứ của Phố Hiến ngồn ngộn những câu chuyện truyền kỳ. Từ những chiếc thuyền thương buôn cho đến số phận những con người vô danh đi qua nghịch cảnh, khiến cho tiếng chuông cổ của nhà thờ ngân nga bài hát về nhân thế hôm nay, lại khôn cùng hơn.
Có thể đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn tràn ngập người đi, tràn ngập ánh đèn... nhưng ở ngôi nhà thờ xưa như cổ tích Việt Nam này, tiếng chuông nho nhỏ, dăm ba ánh đèn nhấp nháy và lòng người đầy thương vọng của người giáo dân già, Giáng sinh lại một lần nữa bừng lên ý nghĩa về một mùa lễ không còn là của riêng nhà thờ, của người có đạo hay của riêng bất cứ ai, mà đó là mùa để nhắc về tình yêu và lòng thương khó trên khắp nhân gian, trên đất nước Việt Nam, đã qua muôn trùng khốn khó này.


VĂN HÓA THẾ GIỚI

 

Ở những nơi thịt chuột là 'vua'

25 tháng 12 2015 Cập nhật lúc 21:40
Chuột được coi là món ngon thượng hạng, là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, là quà năm mới cho trẻ nhỏ, thậm chí còn có lễ hội ẩm thực thịt chuột.








Tại một số nơi trên thế giới, chuột được coi là món ngon thượng hạng. Vào ngày 7/ hàng năm, tại một ngôi làng hẻo lánh nằm trên các triền đồi đông bắc Ấn Độ, bộ lạc Adi ăn mừng lễ Unying-Aran, một lễ hội lạ thường mà tâm điểm là các món ăn chế biến từ chuột. Một trong những món được đặc biệt tán thưởng là món hầm bule-bulak oying, được nấu từ dạ dày, ruột, gan, da, chuột bao tử, tất cả bỏ vào nồi nước nấu lên với đuôi và chân chuột, thêm chút muối, ớt, gừng. Người dân nơi đây ăn tất cả các loại chuột, từ chuột nhà cho tới các loại chuột hoang sống trong rừng. Đuôi và chân chuột được cho là tuyệt hảo bởi vị ngon, theo Victor Benno Meyer-Rochow từ Đại học Oulu, Phần Lan, người đã phỏng vấn một số người dân bộ lạc Adi trong một nghiên cứu gần đây về chuột và việc ăn chuột.
 



Chuột được ưa chuộng tới mức chúng không chỉ là thứ không thể thiếu trong các buổi cỗ bàn. "Quà thịt chuột, tất nhiên là chuột chết, là thứ quan trọng để làm vừa lòng nhà gái khi cô dâu xa cha mẹ về nhà chồng," ông nói. Trong buổi sáng đầu tiên của lễ hội Unying-Aran, được gọi là Aman Ro, trẻ con được cho hai con chuột chết làm quà, một phong tục giống như tặng quà cho trẻ nhỏ vào các buổi sáng Giáng Sinh. Những chú chuột này được quay nguyên con, rưới chút nước sốt cay và ăn cả con cùng với món bột khoai mỳ (củ sắn) nấu chín.





Con người đã ăn thịt chuột từ nhiều thế kỷ trước. Theo một bài viết mang tính học thuật của Đại học Nebraska-Lincoln, ở Trung Quốc người ta đã ăn thịt chuột từ thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên), và chuột được gọi là "hươu nhà". Một món đặc sản thời đó là chuột non mới đẻ nhồi mật ong, "vừa vặn một gắp đũa", các tác giả viết. Campuchia, Lào, Myanmar, một số vùng của Philippines và Indonesia, Thái Lan, Ghana, Trung Quốc và Việt Nam là những nơi ăn thịt chuột, theo Grant Singleton từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines. Singleton nói ông đã ăn thịt chuột ít nhất là sáu lần ở vùng Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.





Ở ngoại vi thành phố Yaounde của Cameroon, Stefan Gates, người dẫn chương trình truyền hình của Anh phát hiện thấy một trang trại nhỏ nuôi chuột sậy (cane rat), thứ động vật mà ông mô tả là "giống như con chó nhỏ, cáu kỉnh và dữ tợn". Dữ tợn, có thể, nhưng mà cũng rất ngon. Gates nói rằng những con chuột này là thứ đặc biệt, đắt hơn gà và rau quả các loại. "Đó là thứ thịt ngon nhất tôi từng ăn trong đời," ông nói. Gates nhớ lại là ông đã ăn món thịt chuột hầm cà chua. Ông tả, "hơi giống thịt lợn, nhưng rất mềm, giống như thịt lợn vai hầm nhừ vậy. Cực kỳ mềm, món hầm đó "rất ngon, không bị khô xác và có một lớp mỡ béo tinh tế tan chảy vị rất tuyệt".




Trang trí nhà thờ bằng 40.000 bộ hài cốt

26 tháng 12 2015 Cập nhật lúc 17:31
Ở Cộng hòa Czech có một nhà thờ kỳ lạ được trang trí bằng đầu lâu và xương từ hơn 40 ngàn bộ xương người.






Mọi ngóc ngách của khu vực Nhà để hài cốt Sedlec đều được trang trí bằng một phần nào đó từ hơn 40.000 bộ xương cốt, ‘Nhà thờ Xương’ kỳ quặc nằm ở Cộng hòa Czech này là một nhắc nhở đối với chúng ta rằng cái chết là không thể tránh khỏi. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1278, khi vị giáo sỹ đứng đầu tu viện ở Sedlec, một thị trấn nằm cách thủ đô Prague 80 km về phía đông, có một chuyến hành hương về Jerusalem. Ông đã lấy một ít đất nơi Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút, và khi trở về, ông rắc ra khắp nghĩa trang của nhà thờ địa phương. Tin về ‘đất thiêng’ lan truyền khắp nơi, khiến nghĩa trang tu viện trở thành một trong những nơi mà mọi người muốn được chôn cất nhất.


Truyền thống này tiếp tục trong suốt thế kỷ 14 khi đại dịch ‘Cái Chết Đen’ lan tràn khắp châu Âu: tổng cộng có gần 30.000 người chết bệnh ở Trung Âu được chôn cất ở đây. Những Cuộc chiến Hussite – tức là hàng loạt các cuộc Thập tự chinh của Giáo hội Công giáo La Mã trong thời gian từ 1419 cho đến 1434 chống lại những người cải cách Bohemian – đã tàn phá Sedlec và thành phố Kutná Hora gần đó. Cuộc chiến đã khiến 10.000 người chết và tất cả đều được chôn cất ở nghĩa trang Sedlec.




Vào thế kỷ 15, nhiều bộ xương được khai quật để lấy chỗ xây dựng một nhà thờ theo kiến trúc Gothic. Các bộ xương được xếp chồng lên nhau trong những khối hình kim tự tháp trong một nhà để hài cốt mới nằm dưới nhà thờ mới xây. Chúng nằm yên ở đó cho đến năm 1870, khi một thợ khắc gỗ địa phương được thuê đến để 'biến hóa' những đống xương này thành cái gì đó đẹp đẽ, có sức hấp dẫn.




Những chiếc xương được tẩy trắng, sắp xếp thành những hình thù kỳ quái ở khắp nơi trong nhà nguyện nhỏ, từ những chuỗi xương được xâu lại với nhau làm thành bức màn trước lối vào cho đến những chiếc cốc đựng nước thánh làm bằng xương hông và xương đùi, cho đến gia huy để tưởng nhớ dòng họ Schwarzenberg, gia đình Bohemian quý tộc đã thuê người thợ khắc gỗ hồi thế kỷ 19.




Ở chính giữa nhà nguyện là một cây đèn chùm tỏa ra được làm từ tất cả các bộ phận xương người với các đầu lâu nhìn ra ngoài ở ngoài cùng của bảy nhánh đèn.











Pháp : Không khí đầm ấm ngày lễ Giáng sinh


media 


Noel là lúc mà các gia đình Pháp quay quần bên bàn ăn với những món truyền thống.Reuters
Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư sang Pháp du học từ những năm 1970. Ông đã đón lễ Noel đầu tiên trên xứ người tại vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp. Không khí đầm ấm, phong tục tập quán của một gia đình ngoan đạo để lại cho nhà nghiên cứu người Việt này những kỷ niệm khó quên.
Khi có con, rồi lại có cháu, nhà nghiên cứu Nguyễn Dư luôn tạo lại bầu không khí đầm ấm trong gia đình mà ông đã được hưởng trong mùa Noel đầu tiên khi đến Pháp. Trả lời ban Việt ngữ đài RFI ông cho biết gia đình năm nay đón lễ Giáng sinh như thế nào.

DƯƠNG DANH DY * NGUYỄN SINH HÙNG

'Chuyến đi cuối khi còn cương vị'?

27 tháng 12 2015 Cập nhật lúc 20:43 ICT
Một nhà nghiên cứu và quan sát quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, bình luận về ý nghĩa thực chất của chuyến thăm Trung Quốc vừa diễn ra của ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi với BBC từ Hà Nội hôm 27/12/2015, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nói:
"Có thể giải thích là chuyến đi thăm cuối cùng khi còn cương vị thì tội gì không đi.
"Đi thì vừa tỏ lễ nghĩa, tỏ tình cảm, còn chuyện họ có ý đồ gì nữa thì chuyện đó là cái chuyện để đó xem thôi.
"Chứ còn theo tôi thì ông Nguyễn Sinh Hùng nhiều tuổi rồi, theo tôi, mà cũng không phải là nhân vật đặc biệt.
"Cho nên khó mà có thể ở lại để làm chức vụ gì mới trong ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đâu."

Bỏ một phiếu

Về ý nghĩa của việc Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 11/2015, đã bày tỏ lời mời đương kim Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, sang thăm Trung Quốc 'vào một thời điểm thích hợp' trong tương lai, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy bình luận thêm:
"Cá nhân tôi, với sự hiểu biết của tôi, thì tôi cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng 'khá chắc' rồi.
"Cho nên khi mời ông Dũng đi, thì tức là phía Trung Quốc đã bỏ phiếu Tổng bí thư cho ông Dũng đấy."
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng đưa ra đánh giá của mình về mức độ 'hiệu quả tác động' của Trung Quốc 'vào nội bộ' của Việt Nam.
Ông nói: "Tôi biết ảnh hưởng của Trung Quốc từ những đại hội trước đó, từ thời ông Lê Khả Phiếu, rồi đến ông Nguyễn Phú Trọng..., ông Nông Đức Mạnh, Trung Quốc làm sao can thiệp được Việt Nam, (can thiệp) rất nhiều, nội bộ không muốn nói ra đấy chứ.
"Họ ép anh này, ép anh kia, nhưng có ép được đâu, vấn đề là Việt Nam vẫn chọn người của mình thôi," nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói với BBC.

Monday, December 28, 2015


LÊ XUÂN NHUẬN * ĐẠO VÀ ĐỜI


Sunday, December 27, 2015


TRÍ THỨC RỞM VIỆT NAM


225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Học vì hư danh


Zing 2015/12/27


PGS Văn Như Cương nêu, cử nhân, thạc sĩ không làm được việc do đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần.


Thống kê vừa công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu, cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người).
Theo đánh giá, số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây.


Trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.
Đánh giá về con số trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ, đây là điều đáng lo ngại. Còn PGS Văn Như Cương nêu, 225.500 người là sự lãng phí về thời gian, tuổi trẻ.


"Trống" định hướng nghề nghiệp


PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, cần định nghĩa lại sự hiếu học. Nước ta đang tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh. Người người, nhà nhà đều muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ theo cách ngành nào cũng được, chủ yếu để “oai”. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.


Hiếu học đúng nghĩa không phải lấy bằng cấp mà học để nâng cao chất lượng sống của bản thân, gia đình.





PGS Văn Như Cương. Ảnh: Quyên Quyên.


Đồng tình với ý kiến trên, PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định, tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học của nước ta không đảm bảo.
Cụ thể, chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nghiêng về lý thuyết, thực hành còn hạn chế. Điều này có thể khắc phục bằng cách tăng cường trang thiết bị như kết hợp với nhiều xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp. Tăng số lượng thời gian thực tập của học sinh.


Ngoài ra, còn tồn tại một thực tế khác, nguồn nhân lực ở nước ta rất thiếu ở các tỉnh thành, trong khi con người đổ xô về các thành thị.
Tất cả những nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài. Trong khi đó “Nhất nghệ tình, nhất thân vinh”, một người đầu bếp giỏi cũng có thể đi khắp thế giới và thành đạt. Công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.


PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ ra, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện tại không đảm bảo được sự phân luồng học sinh. Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số lượng học đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.
Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phần định hướng nghề nghiệp của học sinh không được nêu rõ. Đó là nguyên nhân khiến cho nguồn nhân lực nước ta bị mất cân đối.
PGS Văn Như Cương kiến nghị, trước mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT phải công bố số lượng nguồn nhân lực của từng ngành nghề đang thừa hay thiếu trong tương lai.


Cử nhân, thạc sĩ cũng phải “học lại”
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), PGS Văn Như Cương kể, khi tuyển chọn giáo viên cho trường, ông từng gặp những bạn trẻ có tài nhưng có rất nhiều người “không ghi được điểm”.


“Có lần, khi mở túi hồ sơ xin việc, tôi thấy ngay phong bì của người nộp đơn. Đó thực sự đã trở thành tệ nạn. Một lần khác, có bạn trẻ rất tự cao khi đánh giá về bản thân, nhưng khi được hỏi về vấn đề giao dục đang được quan tâm trong xã hội lại không biết”, PGS Văn Như Cương kể.


Ông cũng cho biết thêm, giáo viên trong trường dạy cùng bộ môn và trình độ đều có mức lương giống nhau, không phân biệt học vị là Thạc sĩ hay Tiến sĩ… Nhà trường cũng không trả lương cho giáo viên theo thành tích của học sinh, vì sẽ tạo ra phong trào học vì điểm số.


Về việc hệ đại học và cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp, PGS Trần Xuân Nhĩ nêu, bản thân họ phải “học lại” để có kiến thức hữu dụng, tìm hiểu nhu cầu của xã hội, rèn luyện kỹ năng của bản thân để tự tạo cơ hội cho mình.


Chất lượng thạc sĩ hiện nay cũng đáng báo động khi có nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường, thất nghiệp, lựa chọn cách học thêm bằng thạc sĩ. PGS Trần Xuân Nhĩ đánh giá, học thạc sĩ hiện nay giống “đại học cấp 5” (vì tăng số lượng 1 năm học so với bậc đại học). Chương trình bậc thạc sĩ hiện tại chủ yếu học lý thuyết, chưa có tính thực hành và nghiên cứu sâu.


Bàn về chất lượng cử nhân, thạc sĩ, Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Gemslight Company Ltd đã thẳng thắn: “Về kiến thức thì vứt cái tư duy ông cử nhân, bà thạc sĩ đi. Học xong trường đại học chỉ đủ cho các ông bà thò được đầu lên khỏi mặt đất thôi, còn hít bụi còn chán, chưa phải đã được đứng lên mà đi hiên ngang đâu.


Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi công việc phải nhàn hạ, lương cao, tương lai, ổn định. Người ta làm kinh doanh chứ có phải mở doanh trại từ thiện đâu”.


Câu nói “Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả” kết thúc bài "chửi đã thức tỉnh nhiều người.





__._,_.___

LÊ XUÂN NHUẬN * ÐẤT VÀ HƯ-VÔ

ÐẤT VÀ HƯ-VÔ    
                                     
       Trưa ngày 25 tháng 12 năm 1974, tôi đang cùng với bạn-bè dự một bữa ăn nhân dịp Nô-En tại nhà của một thuộc-viên thì được Sĩ-Quan Trực từ Phòng Tình-Hình gọi máy đến báo-cáo một tin-tức khác thường.
       Vào khoảng 11g30 vừa rồi, có một chiếc trực-thăng đáp xuống cạnh Trường Tiểu-Học Xã Lộc-Mỹ, thuộc Quận Ðại-Lộc, Tỉnh Quảng-Nam.  Từ trên phi-cơ bước xuống một thiếu-tướng và một trung-tá Việt-Nam Cộng-Hòa, cùng với một người đàn-ông và một người đàn-bà Hoa-Kỳ.  Người đàn-ông có mang theo một cái hộp trên tay.  
        Viên trung-tá vào trường, dẫn bác Cai Trường ra, giới-thiệu với mấy người kia; rồi bác Cai Trường vào trong mang ra một cái xẻng, theo sự chỉ-dẫn của hai người Mỹ, đào một cái lỗ, ngay giữa hàng-rào phân chia khoảng sân bên hông trường ấy với con đường hương-lộ bên ngoài, chôn xuống đó cái hộp từ tay của người đàn-ông Hoa-Kỳ, lấp đất lại, rồi xóa sạch dấu đất mới, để chỗ đó trông giống bình-thường như không có việc gì xảy ra.  
        Xong, bốn người kia trở lên trực-thăng bay đi, và bác Cai Trường vào trường.
Mọi việc xảy ra mau lẹ như đã được sắp-đặt từ trước rồi.
Lúc chôn cái hộp là vào khoảng 12 giờ trưa.
                                                                                         * 
Tôi đoán là có cái gì bí-mật, mà nhà chức-trách địa-phương giấu kín, hoặc không biết rõ nên Sở Ðặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Nam chỉ báo-cáo đơn-giản thế thôi.  Cho nên, do tò-mò nghề-nghiệp, tôi về nhà sớm và bắt tay vào việc ngay.
Sau khi gọi điện-thoại hỏi Trung-Tâm Hành-Quân thuộc Sư-Ðoàn I Không-Quân và Văn-Phòng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I, tôi tổ-chức một chuyến đi vào Quảng-Nam quan-sát tại chỗ, đồng-thời tiếp-xúc với các mật-viên quanh vùng, để biết thêm chi-tiết về vụ này...  
                                                            *
        Bác Nam thanh-minh:
Tôi cứ tưởng là chỉ cần báo-cáo những gì liên-can đến cộng-sản mà thôi, còn đây là vấn-đề tình-cảm cá-nhân mà các người trong cuộc đã yêu-cầu tôi giữ kín giùm...
Thiếu-Tá Sơn đỡ lời tôi:
Không ai trách-móc bác đâu.  Bác hãy kể chuyện về người Mỹ tên Sam đi.
 
Bác Nam kể:
Ðầu năm 1971, Toán Dân-Sự-Vụ của Thủy-Quân Lục-Chiến Hoa-Kỳ hoạt-động tại Quận Ðại-Lộc thay đổi cấp chỉ-huy.
“Người mới đến là Đại-Úy Sam, một thanh-niên đẹp trai, hiền-lành, nhã-nhặn, bình-dân.  Anh rất lanh-lợi và có nhiều sáng-kiến hay.
“Công-tác nổi bật đầu tiên là anh thành-lập một Hội Việt-Mỹ cho Quận Ðại-Lộc.  Anh chịu khó đi thuyết-phục để mời vào Hội không những chỉ các viên-chức chính-quyền như Quận-Trưởng, Phó Quận-Trưởng, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực, Trưởng Chi Thông-Tin, Trưởng Phòng Văn-Hóa Giáo-Dục, Hiệu-Trưởng Trường Trung-Học, các sĩ-quan thuộc Chi-Khu, Xã-Trưởng, giáo-sư, giáo-viên, phụ-huynh học-sinh, học-sinh tiểu+trung-học, v.v... như thường-lệ, mà anh còn mời cả các thương-gia, nông-dân, tài-xa, tài-công, lâm-dân, ngư-dân, v.v... cùng với một số tu-sĩ Phật-Giáo trong vùng.
“Với Hội Việt-Mỹ của Sam, sinh-hoạt ở đây sinh-động hẳn lên.  Hội-viên gồm mọi tầng-lớp xã-hội.  Sách+ báo từ phía Hoa-Kỳ phân-phát, phổ-cập hầu như đến từng gia-đình.  Hoạt-động không chỉ thu gọn trong các kỳ họp, mà còn thể-hiện qua bất-cứ cơ-hội nào có người Mỹ xuất-hiện trong làng xóm Việt-Nam.
Sam đề-nghị, và được phía Việt-Nam đồng-ý, dùng phòng học của Lớp Năm trường tiểu-học Lộc Mỹ này làm nơi trao-đổi văn-hóa, dạy tiếng Anh vào buổi tối, vì nơi đây thuận-tiện cho sự đi lại của mọi người.
“Phòng này nằm ở đầu dãy, bên hông có một cửa sổ nhìn ra hàng-rào che khuất tầm mắt của người qua đường.  Phía bên kia đường, các ông thấy đấy, có một cây đa cành lá sum-suê, rễ ở gốc cây cao hơn mặt đất, người nào vóc cao mà đứng lên trên đám rễ, tựa vào gốc cây nhìn vào cửa-sổ thì trông thấy mặt cô giáo rõ-ràng.
“Giáo-viên Lớp Năm là cô Diệu-Hương, hoa-khôi toàn Quận, năm ấy vào khoảng hai mươi, dịu-dàng, lễ-phép, đứng-đắn, siêng-năng.
“Phòng học Lớp Năm trước kia là nơi cô đến soạn bài, chấm bài cho học-sinh, và tự học thêm chương-trình đại-học vào các ngày nghỉ và mỗi buổi tối, thì nay còn là nơi cô đến làm công-việc của Hội với tư-cách thư-ký, học tiếng Anh, dạy tiếng Việt cho ngưới Mỹ, giúp chiếu phim, điều-khiển máy ghi-âm, v.v...
“Cha mẹ cô thuộc giới trung-nông, sùng Ðạo Phật và chịu ảnh-hưởng Ðạo Nho.
“Sự giao-tiếp giữa cô với Sam, trong khung-cảnh chung của sự tiếp-xúc giữa hai bên Việt-Mỹ, có bắt tay, có vỗ vai, nhất là giữa đàn-bà con-gái Việt Nam với đàn-ông Hoa-Kỳ, bề ngoài là chuyện tự-nhiên, nhưng cha+mẹ cô rất lo, nên đã nhờ tôi theo dõi, ngăn ngừa giùm, sợ đi quá xa.
“Tôi là Cai Trường, làm liên-lạc-viên của Hội, vừa sắp dọn rồi cất dẹp mọi thứ trước và sau mỗi buổi, vừa tham-dự học tiếng Anh và dạy tiếng Việt, nên tôi có mặt hầu hết mọi lần SamDiệu-Hương gặp nhau.  Và tôi đã thấy ngay một mối tình trai+gái chớm nở giữa hai người, ngày càng sâu nặng hơn.
“Quả thật là tôi đã có đồng-lõa với hai người.
“Thứ nhất là vì tôi thấy Đại-Úy Sam thật tình yêu Diệu-Hương, muốn xây-dựng lâu dài.  Anh đi lễ chùa vào rằm, mồng một âm-lịch, tìm hiểu Ðạo Phật, học hỏi phong-tục tập-quán Việt-Nam.  Anh biếu quà và tham-gia mọi cuộc vui với trẻ em vào các dịp cuối tuần, nghỉ hè, Trung Thu.  Anh đưa Y-Tế Mỹ đi săn-sóc từng cụ già, cứu-trợ từng nạn-nhân bị Việt-Cộng pháo-kích, giật mìn.  Anh giúp lợp nhà, sửa đường, đào mương, tích-cực hơn cả cán-bộ của mình.  Dân-chúng nhờ anh rất nhiều.
“Mà điều quan-trọng là anh trân-trọng người yêu, không hề sỗ-sàng bậy-bạ như đa-số người Mỹ khác.  Sam nói riêng với tôi là anh sẽ xin chính-thức cưới Diệu-Hương.  Tôi biết là có nhiều cô-gái Việt-Nam lấy chồng Mỹ đường-hoàng, nên tôi yên tâm.
“Thứ nữa là vì tôi nghĩ: nếu cho cha+mẹ cô biết thì chắc ông+bà sẽ cấm hẳn cô tới+lui với Hội Việt-Mỹ; mà không có cô thì Hội tất-nhiên sẽ tan, vì anh sẽ dời Hội đi nơi khác, tôi mất việc làm với đồng lương cao và tiền lời bán đồ giải-khát, bánh, kẹo, cháo, chè mỗi đêm.
“Mãi đến hôm nay, giữ đúng lời hứa với hai người trong cuộc, tôi vẫn chưa kể cho cha+mẹ cô biết về mối tình giữa hai người.
“Huống chi Đại-Úy Sam thì đã về nước từ sau Nô-En năm ấy, và cô Diệu-Hương thì cũng đã bỏ đi đâu biệt-tích từ sau Nô-En năm ngoái, 1973...”
Từ khi Sam rời Việt-Nam, đến khi Diệu-Hương đi biệt, là hai năm trời, hai người có còn liên-lạc với nhau hay không?  Ðời sống tình-cảm của cô thế nào?
Anh vẫn gửi thư đều-đặn, hàng tháng, cho cô, qua tôi; tôi đều chuyển lại tận tay; nhưng cô nói là cô không trả lời.  Tôi không được biết trong thư anh nói những gì.
“Có nhiều thanh-niên Việt-Nam cũng như vài ba người M có vẻ săn đón cô hơn, nhưng cô đối xử với họ bề ngoài tự-nhiên như đối với Sam trước kia, chứ không có gì khác hơn.
“Cuối năm 1972 thì cô đổi về dạy ở Tam-Kỳ, thuộc Tỉnh Quảng-Tín; cuối tuần về nhà thường ghé thăm tôi.
“Tôi hiểu là cô rất buồn, ít nói hơn, da xanh hơn...
“Ðây là bức thư của cô đã viết cho Sam vào dịp Nô-En năm ngoái.  Cô không gửi nó qua Mỹ mà lại nhờ tôi cất giữ như một bằng-chứng hoặc một di-vật lưu lại cho Sam; tôi không mở xem.  Cô đã dặn tôi: nếu đến hết ngày Nô-En năm nay, tức là 12 giờ khuya hôm nay, mà Sam vẫn không trở lại gặp cô, thì xin tôi hãy giải giùm lời thề, bằng cách đốt nó ở gốc cây đa, là nơi anh đã đứng đó nhiều lần hướng về cửa sổ say-đắm nhìn vào...”  
                                                            *
                                                                                                                                                    Lộc-Mỹ, ngày 25/12/1973
 
Anh Sam yêu-dấu,
Ðây là bức thư đầu tiên mà cũng là bức thư cuối cùng em gửi anh, người đàn-ông đầu tiên mà cũng là người đàn-ông cuối cùng trong đời em.  Nội-dung chỉ là EM YÊU ANH.  Nhưng vấn-đề không chỉ đơn-giản như ba tiếng “em yêu anh”.
Anh là người Mỹ học-thức, giàu-có, mạnh-khỏe, trẻ-trung, can-đảm, cần-cù, nhân-ái, vị-tha, hào-phòng, tự-do.
        Những quân-nhân như anh, ngoài các cuộc hành-quân còn dành thêm tâm-trí, công-sức và thì-giờ để làm công-tác xã-hội giúp ích cho người xung quanh, thật là hiếm-hoi.  Trong cương-vị của anh, anh xứng-đáng tiêu-biểu cho một dân-tộc hùng-cường, nghĩa-hiệp, vượt vạn dặm trùng-dương đến đây hy-sinh xương máu để bảo-vệ, kiến-thiết, và phát-triển Việt-Nam nghèo-yếu khổ-nạn quê-hương em.
Anh là một thanh-niên lịch-thiệp, nói theo các bạn em là “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai”, yêu đời, yêu người, biết kính già quý trẻ, biết tôn-trọng những giá-trị tinh-thần, nhất là tôn-trọng người mình yêu.
Anh đã cho em biết thế nào là mãnh-lực ái-tình, thế nào là tình yêu không phân chia chủng-tộc, màu da.  Anh vừa lãng-mạn phác-họa một cảnh gia-đình hạnh-phúc tràn-trề, vừa thực-tế dự-trù sau khi xuất-ngũ sẽ tiếp-tục học lấy bằng Master, lấy bằng Ph.D., dọn đường cho sự-nghiệp tương-lai.  Anh đặt kế-hoạch cho tiền-đồ của cả hai chúng mình.  “Anh đã cho em Niềm Tin trong Tình Yêu”...
Nhưng vì cha+mẹ em không chấp-nhận việc một người con-gái Việt-Nam lấy chồng người nước ngoài (em biết điều đó qua nhiều lần ông+bà phê-bình người khác trước mặt em, và qua lời ông+bà nói với bác Nam mà bác ấy kể lại với em), nên em đành phải giấu-giếm mọi người, trừ bác Nam mà em đã thú thật sau này.
Yêu nhau mà phải lén-lút, còn gì bực-bội và xấu-hổ bằng!
Hy-vọng duy-nhất của em là chờ đến ngày em hai mươi mốt tuổi, là tuổi hợp-pháp tự mình quyết-định hôn-nhân của mình; nhưng không phải là để tự-do làm giấy hôn-thú với anh, mà là để dễ thuyết-phục song-thân em chấp-nhận mối tình của chúng mình, vì em không thể làm một đứa con bất-hiếu bất-hiếu vì làm trái ý cha+mẹ, bất-hiếu vì làm cha mẹ mất mặt với mọi người.
Nhưng, nếu ông+bà vẫn không đồng-ý thì sao?  Ðó là điều mà em không dám giải đáp, vì chỉ nghĩ đến là em đã thấy sợ rồi.
Ðùng một cái, anh được lệnh hồi-hương.  Một việc bình-thường mà thời-gian qua đắm chìm trong tình yêu em không nghĩ đến.  Hết hạn tùng-quân thì phải về thôi!
Tuy thế, có lý nào chấm dứt mọi sự ngang đây sao anh?
Nhưng anh đã trấn-an em.  Anh hứa là sẽ tìm đủ mọi cách trở lại Việt-Nam, dù với tư-cách quân-nhân hay nhân-viên dân-chính, thường-dân.
Qua năm 1972 thì Hội Việt-Mỹ dời đi nơi khác.
Em sống xa anh, lại không còn gần những cảnh sinh-hoạt thân quen do anh tạo nên và vẫn mang đậm dấu ấn của anh, nên em cảm thấy cuộc sống trống vắng, lạt-lẽo vô cùng, dù anh vẫn gửi thư về đều đều; nên qua Nô-En thì em đã xin thuyên-chuyển về dạy ở Tam-Kỳ.
Em về Tam-Kỳ để gần căn-cứ Chu-Lai, để được thấy các bạn anh nhiều hơn, để đỡ nhớ anh hơn, và để càng nhớ anh hơn.
Anh yêu! Cuộc đời không chiều lòng người.  Nô-En 1972 anh chưa trở lại được, nhưng vẫn còn nhiều hy-vọng, vì chiến-tranh vẫn còn.  Nô-En 1973 anh không trở lại được, thì đâu còn hy-vọng, vì chiến-tranh không còn.  Phải chăng hy-vọng chỉ còn, tình yêu của chúng ta chỉ còn, khi vẫn còn chiến-tranh, cuộc chiến khốc-liệt mà chúng mình muốn sớm kết-thúc?  Nhưng, kết-thúc như thế nào, có phải là trong chia-lìa, mất-mát, đổ-vỡ, đau-thương không anh?
Nô-En năm nay em có một quyết-định mới.  Em bỏ gia-đình, em bỏ việc làm, em thử... tìm về Hư-Vô, một cõi sắc-không không-sắc như anh đã có nghiên-cứu và nói là đã lĩnh-hội được rồi vì cuộc đời quả là bể khổ, oái-oăm phi-lý quá, phải không anh?  Cha+mẹ em ép buộc em phải kết-hôn với một người mà em không yêu.  Thế là em đã có lý-do để thoát-ly gia-đình mà không làm cho ai đổ lỗi cho anh.
Thời-hạn ba năm của lời thề xưa vẫn còn.  Anh còn một năm để giải lời thề trước cây đa làng cũ.  Anh còn một năm để thử-thách lòng anh.  Em đã cố tình không viết một dòng chữ nào cho anh từ hai năm qua, trừ lời nhắn miệng với các người bạn mà anh nhờ gặp, rằng em trọn đời yêu anh và sẽ trung-thành với anh, cốt để giúp anh trắc-nghiệm tình anh.  Nếu anh trở lại được, thì anh đi tìm em được; Tình Yêu sẽ hướng-dẫn anh.  Nếu anh không tìm ra em, mà anh vẫn muốn tìm em, thì đêm Nô-En 1974 em sẽ chờ anh ở Nhà Thờ năm xưa; chậm lắm là vào 12 giờ khuya ngày 25, phút cuối cùng của thời-gian thử-thách, em sẽ chờ anh ở gốc cây đa.
Ở gốc cây đa đó, em đã đón nhận nụ hôn đầu tiên của người khác phái, em đã trao anh nụ hôn đầu tiên của người con gái, là lần đầu tiên em ngây-ngất mê-ly, là lần đầu tiên em sẵn-sàng chết đi trong vòng tay siết chặt của người yêu.  Ôi, nụ hôn ngọt-ngào như lời thề-nguyền buổi sáng mùa xuân cuộc đời, mà cũng là nụ hôn đắng-cay mùi vị chia-ly chúng mình dành cho nhau trước ngày anh xa em.
         Anh không sợ ma, em không sợ ma, nhưng hầu hết những người dân làng ở đây đều sợ ma.  Nhờ họ sợ ma nên họ để yên cho chúng mình gặp nhau giữa khuya bên gốc cây đa nhiều đêm.  Những lần ấy, anh có biết đâu, em lo sợ vô cùng: không phải là sợ có người biết được mối tình mà chúng mình giữ kín, mà là sợ Việt-Cộng tìm cách ám-hại anh, vì chúng đã hơn một lần muốn nhờ tay em...
Bây giờ thì anh đã hiểu rồi đấy.  Nụ hôn biểu-hiện lời thề.  Ðời em chỉ hôn một người; người đó, trên đạo-lý, đã là chồng em.
Em còn nhớ mấy câu Kinh Thánh mà anh đã giảng cho em: “Không được thề dối!” và “Không được phạm tội ngoại-tình!”; và: “Hễ ai ly-dị vợ mà không phải vì cớ vợ mình gian-dâm thì tức là khiến cho nàng ngoại-tình!” (Matthew 5:33, 27, 32)...
Em không ngoại-tình, em không gian-dâm; em chỉ yêu một mình anh.  Nếu không có anh thì em sẽ là hư-vô, vì đời trở nên hư-vô.
Ðây cũng là một cuộc thử-thách tối-trọng và tối-hậu về phần em: do nơi anh, và do lời hẹn của anh, em sẽ trở về sống với hạnh-phúc trần-gian, hay sẽ tiếp-tục và vĩnh-viễn trở thành sắc-không...  
                                                                                                            
                                                                                                    D.H.  
                                                            *
Và đây là mười hai bức thư của Sam; Diệu-Hương không ghé lấy từ mười hai tháng nay...
Trời đã xế chiều.  Tôi tranh-thủ mở đọc bức thư mới nhất của người thanh-niên đã từng một thời là Đại-Úy Sam:  
                                                                                                    New York, December 1974  
        Diệu-Hương, người yêu duy-nhất của anh:
Cả ba năm nay em không viết thư cho anh.  Anh chấp-nhận, vì đó là ý muốn của em mà em đã nói cho anh biết trước rồi; nhưng trong thâm-tâm anh bao giờ cũng mong ước và ngóng chờ thư em.
Vậy mà giờ đây thì anh không còn trông đợi thư em nữa, em biết vì sao không?
Ngay khi gặp em là anh yêu em.  Ðồng-thời, sau khi đã ở Việt-Nam rồi, đã hiểu Việt-Nam rồi, là anh yêu luôn Ðất Nước và đồng-bào em.
Anh về Hoa-Kỳ không phải chỉ để vận-động trở lại Việt-Nam với em mà thôi, mà là còn để nói lên tiếng nói của lương-tri, chống lại phong-trào phản-chiến, kêu gọi tinh-thần khử-bạo phù-nguy vốn là truyền-thống cao-đẹp của dân-tộc Hoa-Kỳ.
Thế nhưng kết-quả ngược lại.
Ma-quỷ đang hồi cực mạnh; người ta không nghe tiếng nói thống-thiết của những con người chính-trực như anh, thậm-chí bác đơn thỉnh-cầu của anh xin được một lần trở lại Việt-Nam.
Và bây giờ thì nước Mỹ đã bỏ cuộc rồi.
Anh còn mặt-mũi nào sống trên đời này mà làm người thua cuộc, hả em? nhất là trong cuộc tình của chúng mình mà hạn chót của lời thề đã đến rồi.
Trong quá-khứ, nước Mỹ đã từng cứu Pháp, giúp Ðức, tiếp-trợ Âu-Tây, nâng Nhật-Bản, vớt Ðại-Hàn, che-chở Á-Ðông.
Trong tương-lai, nước Mỹ chắc-chắn sẽ còn hành-hiệp cái-thế độ-nhân.
Nhất-định mọi người sẽ phải xét lại thái-độ yếu hèn của ngày hôm nay.
Riêng đối với em, anh đã giữ tròn danh-tiết cho em.
Trong đêm cuối cùng, bên gốc cây đa, em đã lịm người trong vòng tay anh, phó mặc hoàn-toàn cho anh. Nhưng anh kính-trọng tinh-thần văn-hóa Ðông-Phương...
Anh sẽ không để cho ai biết gì về mối tình vô-vọng của chúng mình.
“Khối tình mang xuống tuyền-đài khôn tan...”
Nếu còn có thoáng chốc nào em nhớ đến anh, thì xin em hãy tin rằng, đến tận hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình, anh vẫn chỉ biết một lòng yêu em.
Tình Yêu ấy là sinh-khí cho hình-hài này, vốn là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất mà thôi.
Xin cho linh-hồn anh được thanh-thoát, làm một Romeo, một Trương Chi...  
                                                                                                    SAM  
                                                            *
Thiếu-Tá Sơn, Chánh Sở Ðặc-Cảnh Tỉnh sở-tại, nãy giờ ghé mắt cùng đọc theo tôi, phát-biểu:
Như thế là cô Diệu-Hương đã tái xuất-hiện ở Nhà Thờ đêm qua, và sẽ có mặt ở gốc cây đa đêm nay...
Tôi nghĩ:  “Ðoạn cuối câu chuyện không thuộc nhiệm-vụ của mình.  Mình chỉ tìm biết xem cô là ai, lâu nay làm gì, ở đâu; thế thôi”.
Tôi bắt tay từ-giã Sơn:
Tất cả thư-từ, và những việc gì xảy ra đêm nay, về sau, hoàn-toàn để tùy bác Nam giải-quyết.  Bây giờ thì tôi phải về; còn nhờ anh Hòa trong Quảng-Ngãi, anh Song trong Quảng-Tín, và anh Ðảm ngoài Thừa-Thiên, dĩ-nhiên là cả anh nữa, tìm xem cô đang tu ở chùa nào...  
                                                            *  
                                        Ðà Nẵng, ngày 25 tháng 12 năm 1974
                               PHIẾU TRÌNH
Kính trình...  
                                                                                                    tại SÀI-GÒN
Tiếp theo công-điện số...
Kính xác-nhận điện-trình sơ-khởi về việc...
Văn-Phòng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I xác-nhận chính Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Phó Tư-Lệnh Quân-Khu I, thừa lệnh Cấp Trên, với sự hướng-dẫn của trung-tá Quận-Trưởng Quận Đại-Lộc, đã dùng trực-thăng đưa hai người Mỹ liên-hệ đến Xã Lộc-Mỹ trưa ngày hôm nay, 25-12-1974.
Hai người Mỹ ấy là đại-diện của một văn-phòng Chưởng-Khế Mỹ, thi-hành di-chúc của một người tên Sam.
        Theo di-chúc của Ông Sam thì sau khi ông tự-tử chết đi, thi-hài được thiêu thành tro, đem đến chôn ở hàng-rào của trường tiểu-học Xã Lộc-Mỹ, thuộc Quận Ðại-Lộc, Tỉnh Quảng-Nam, Việt-Nam, ngay hướng mắt nhìn từ gốc cây đa vào khung cửa sổ Lớp Năm, giữa ngày Nô-En năm nay...
Chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu, được biết:
Nguyên...  
                                                            *

        Sáng sau, tôi đang đọc lại bản lưu Phiếu Trình nói trên thì Sĩ-Quan Trực Phòng Tình-Hình báo-cáo rằng các Chánh Sở Ðặc-Cảnh các Tỉnh đã có mặt sẵn, đang chờ lệnh tôi trên máy điện-đàm.
Thiếu-Tá Thái Văn Hòa của Tỉnh Quảng-Ngãi được tôi hỏi trước, trả lời:
Ở Tỉnh Quảng-Ngãi có chùa Thiên-Ấn và nhiều chùa khác, nhưng không có ni-cô nào giống với đối-tượng cần tìm...
Thiếu-Tá Ðặng Văn Song, Chánh-Sở của Tỉnh Quảng-Tín, báo-cáo là chưa tìm ra.
Chánh-Sở Trương Công Ðảm của Tỉnh Thừa-Thiên liền xin xác-nhận:
Ngoài này chúng tôi đã tìm ra được cô rồi.
“Cô ở ngay Chùa Sư-Nữ nổi tiếng của Miền Trung.  Tại đây, cô giấu lý-lịch; ngoại-trừ Sư-Bà trụ-trì, còn với người khác thì cô xưng một tên khác, nhưng thường chỉ dùng pháp-danh mà thôi.  Cô không bao giờ tiếp-xúc với người ngoài chùa.  Trước đây đã có nhiều người từ trong Ðại-Lộc ra tìm, nhiều lần mà không gặp được.  Riêng ngày hôm kia, cô đã xin phép đi vào Quảng-Nam thăm nhà...”
Tôi cám ơn các anh, rồi hỏi Thiếu-Tá Lâm Minh Sơn của Tỉnh Quảng-Nam tình-hình đêm qua thế nào.
Sơn đáp:
Ðêm qua, chúng tôi không thấy Diệu-Hương đến gốc cây đa.  Có lẽ cô đã nấp kín, cũng gần đâu đó mà thôi.  Nhưng không thấy Sam xuất-hiện thì cô đến đó làm gì!
“Còn bác Nam thì, vào lúc 12 giờ khuya, sau khi đốt xong bức thư của cô ở gốc cây đa, đã chôn luôn các bức thư của Sam vào chỗ đã chôn cái hộp mới được đưa đến từ nửa vòng trái đất bên kia...”  
      
                           LÊ XUÂN NHUẬN


__._,_.___

No comments:

Post a Comment