Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 3 November 2016

HỒ HỮU TƯỜNG= BIỂN ĐÔNG =

THIÊN LƯƠNG * HỒ HỮU TƯỜNG





[Lá số điển hình, Tử Vi Nghiệm Lý – Thiên Lương] Hồ Hữu Tường (Giờ Mão ngày 29 tháng 3 năm Canh Tuất)

[Lá số điển hình, Tử Vi Nghiệm Lý – Thiên Lương] Hồ Hữu Tường (Giờ Mão ngày 29 tháng 3 năm Canh Tuất)



Ho Huu Tuong

Đây là luận giải của cụ Thiên Lương:
Hồ Hữu Tường, nhà tu ép xác
Một người đã từng có những giấc mơ hoa biện thuyết, khắc phục tất cả nhân sĩ Trung Hoa, đại náo Hoa Kỳ và bỡn Nga Sô, bằng một danh hiệu quá ư khiêm nhượng, là một tên Mõ của làng Cổ Nhuế, không phải là không có tham vọng quá lớn. Ông Hồ Hữu Tường quả đã coi trời bằng vung.
Không biết ai nghĩ sao, chứ tôi đã xem được số ông gần 20 năm, vẫn cho ông là lấy sai giờ: Tuổi canh Tuất, sanh ngày 29 tháng 3 giờ Mão chứ không phải giờ Dần.
Vị trí Mệnh ông ở cung Sửu đắc Tham Vũ, Tam Hóa Liên Châu, giáp Nhật Nguyệt. Kể ra ông cậy tài, ôm ấp một hoài bão lớn lao là phải.
Coi đối phương không có đồng cân nào, nhưng khi bắt tay thực hành đều thấy thất bại, trái lại bên đối phương luôn luôn đè bẹp mình, là vì cái vị trí Thân của ông nó khốn nạn thế. Nếu Mệnh ông ở Dần (theo giờ Dần) thì ông đâu có bị cái tiếng Tào Tháo bất phùng thời, cho đến cái Thân ông ở Ngọ Tử Vi có bị Triệt đi nữa thì cũng ngàn thu sử sách ghi Hồ Hữu Tuờng, một chiến sĩ quốc gia chân chính.
Bây giờ tôi chắc rằng mỗi khi ông suy nghĩ lại bao nhiêu việc từ trước đến nay ông đều đi lầm đường hết có phải không ông Tường?


Đó là cái vị trí của Mệnh ông nó bắt ông như thế. Bây giờ ông tỉnh ngộ, ông khoác áo cà sa, cổ đeo chuỗi hạt, tôi xin phục ông là người biết phận của mình. Đó cung là cái “Thân” của ông nó sớm thức tỉnh ông cũng là tại vị trí đóng Thân.
Tôi đồng ý Tam Hóa Liên Châu chỉ là chiếc huy chương mập mờ óng ánh để ông đi đêm, cho nên nó không giúp cho ông được việc gì, kể cả sự học hành không thành công mỹ mãn. Long Phượng gíap công phù trợ cũng chẳng thấm vào đâu; nếu mệnh ông là Cơ Lương còn hay hơn là Tham Vũ. Cho đến bộ Âm Dương cũng như bó đuốc lúc cháy lúc tắt, nhưng tạo cho ông được cái tiếng là nói được nhiều người tin nghe (Khoa-Kỵ ở tí).


Đất nước chấp nhận tên tuổi ông rất sớm, vì thế có lẽ ông coi thường mọi việc. Ông phải hứng chịu hậu quả 30 năm lên thác xuống ghềnh, rồi mang án tử hình ở giai đoạn 46-55. Có người nói ông giỏi về toán học, nhâm độn ông biết cả. Giai đoạn đó sao ông không tu? Lại có người nói Mệnh ông đắc Tham-Vũ, đắc Tam hỏa liên châu thì đến hạn Sát Phá Liêm Tham, Tử Vi, Hồng Loan, Quyền Lộc Mã Khốc Khách, ông muốn mượn đầu heo nấu cháo, thử phất cờ gióng trống một phen coi thời vận. Nếu không được đế thì cũng được vương cho đời biết mặt.

Bước sang cung Ngọ đời ông thấy lên hương, đắc cử dân biểu một cách làm chơi ăn thiệt. Đời ông sắp sửa sang giai đoạn mặc áo cà sa, cổ đeo chuỗi hạt, lần lần đi tới, ông thực hành là vừa, dầu ông thực tâm hay đóng kịch không cần biết. Nhưng ông phải đóng trò như vậy. Thôi giấc mộng Phi Lạc sang Tàu, đại náo Hoa Kỳ, bỡn cợt Nga Sô nên dẹp bỏ.
Nếu ông muốn ngông chơi thì ngông như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, đời đục thì ông trong, đời ham danh lợi, ông sống ở thế giới tinh thần, thanh danh sẽ trở lại với ông.

Giai thoại

Khi bị giam ở phòng giam tập thể, một người tù hỏi Hồ Hữu Tường:
Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào bác cũng đi tù. Bác có hiểu tại sao bác cứ ở tù hoài vậy không ?
Hồ Hữu Tường nhìn anh ta, vừa cười, vừa hỏi:
Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?
Anh ta nhanh nhẩu trả lời:
Dễ quá mà! Tên bác là ” Hữu Tường” nên bác phải “hưởng tù” dài dài!
Hồ Hữu Tường cười buồn:
Có thể thằng nầy nói đúng!


TRẦN NGƯƠN PHIÊU * HỒ HỮU TƯỜNG

Trần Nguơn Phiêu - Hồ Hữu Tường
Những Bài Viết của Thân Hữu

Trần Nguơn Phiêu Hồ Hữu Tường và cái nghiệp làm báo
Trong giới những nhà viết văn, rất nhiều vị đã đi vào làng báo vì tự biết mình có thiên phú văn tài, cần phải có đất dụng võ để nuôi dưỡng tài nghệ. Lần lần về sau, việc viết lách, ngoài sự đem lại danh tiếng, thúc đẩy sự dấn thân vào nghiệp văn chương lại còn giúp họ thực sự lấy việc viết văn làm một nghề sinh sống.
Hồ Hữu Tường cũng ở vào tình trạng nói trên, nhưng ngoài ra ông lại còn là người mang nặng cái nghiệp phải viết, phải say mê nghề báo chí vì ông thấy cần phải giãi bày và tranh đấu cho việc thành tựu những ước vọng của đời mình.
Hồ Hữu Tường đã đi vào việc viết văn rất sớm, và cũng như những việc sẽ xảy ra về sau này, chuyện viết lách thường đưa ông vào nhiều tai họa.
Ngay khi mới bước chân vào trường Trung học Cần Thơ, học sinh H.H. Tường cũng như các anh em bạn trẻ khác, đã thấy lòng sôi sục khi đọc những bài tường thuật hằng ngày trên Đông Pháp Thời Báo đăng tải vụ cụ Phan Bội Châu bị đưa xử ở tòa Đề Hình Hà Nội. Việc này đã đưa đến việc thực hiện một tuần báo viết tay, với những bài nặng mùi ái quốc. Các tác giả non trẻ này về sau là những tên tuổi thành danh như Ung Văn Khiêm, Tổng trưởng Ngoại giao của chánh phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh, Trần Thiêm Thới gốc Hà Tiên dáng cao như cây tre nên lấy bút hiệu Trúc Hà, sau này cộng tác viết tạp chí với Đông Hồ. Hồ Hữu Tường, lúc này có lẽ vì bụng hơi to nên được các bạn đặt biệt hiệu là Tường Bụng, dịch ra tiếng Pháp là Ventru và nói lái lại thành Vutren. Vì thế nên trên tờ báo viết tay này, H.H. Tường vì viết bài tiếng Pháp, nên đã chọn bút hiệu là Pierre Vutren. Báo lọt vào tay ban Giám Đốc của trường và vì báo có nội dung chánh trị, các ký giả tí hon đều bị đuổi! Không hi vọng được trở lại học, Pierre Vutren (!) vận động để được sang Pháp học.
Hồ Hữu Tường phen nầy đã quyết để tâm trí vào việc học, nhưng đến dịp lễ Giáng Sinh 1927, anh sinh viên trẻ này lại có được dịp đến Marseille dự buổi diễn thuyết của hai nhà hùng biện Dương Văn Giáo và Trịnh Hưng Ngẫu. Ngẫu hẹn cho Tường đến gặp sau buổi diễn thuyết và nơi đây Tường lại có dịp gặp thêm Nguyễn Thế Truyền và Tạ Thu Thâu.
Tường khi đó chỉ vào khoảng mười tám tuổi nhưng đã có tiếng là học giỏi, nhứt là môn toán. Nguyễn Thế Truyền - một trong năm người có tiếng của nhóm “Ngũ Long” ở Paris ( Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền) -, đã khuyến khích và rủ Tường : “...làm cách mạng phải là những tay học giỏi. Chớ học trong lớp mà “ cầm cờ”, rồi ra làm cách mạng, bọn thực dân nó chê tụi mình là tụi ratés, nên giả vờ làm cách mạng để cứu thể diện”. Trịnh Hưng Ngẫu thì dạy Tường: “ ...nên noi gương Nguyễn An Ninh, muốn làm cách mạng đắc lực, phải viết báo cho hay. Không làm cách mạng mà viết báo hay, cũng có lợi. Đây là qua dạy em cái bí quyết để thành công trong đời đó
Sau Đại học Marseille, H.H. Tường ghi danh vào Đại học Lyon để nạp luận án thi Cao học Toán trong khi ở Việt Nam có tin về cuộc khởi nghĩa Yên Bái của nhóm Nguyễn Thái Học. Việc thực dân Pháp ở Việt Nam ra tay khủng bố, đàn áp dân chúng sau cuộc bạo động đã làm sôi sục tinh thần yêu nước của các sinh viên ở Pháp. Tường nôn nóng mong lên được Paris để tham gia vào các hoạt động kêu gọi chánh giới Pháp làm áp lực với chánh phủ ngưng các bản án xử tử hình các nhà ái quốc Việt Nam. Không cần chờ biết kết quả, sau khi trình luận án, Tường đã từ giã Lyon để lên kinh đô Paris. Tường đã được Tạ Thu Thâu tiếp đón ở nhà ga Lyon và đưa về trú ngụ ở nhà của Huỳnh Văn Phương (Chú của Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chánh phủ Lâm thời Miền Nam, Việt Cộng sau này). Ở Paris, Tường đã có cơ hội gặp gỡ những nhà ái quốc lưu vong như Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh v.v...Vào thời buổi này, Tạ Thu Thâu đang phụ trách đảng P.A.I (Parti Annamite de l’Indépendance, tức đảngViệt Nam Độc Lập) cho Nguyễn Thế Truyền vì Truyền trở về Việt Nam. Đảng P.A.I. lại bị nhà cầm quyền Pháp giải tán sau một cuộc xung đột ở quán Café Turqueti, ngày 9-1-1929, với một nhóm người Việt thân Pháp. Theo lời khuyên của Phan Văn Trường, việc tái lập đảng P.A.I. đã không được tiếp tục và đã được thay thế bằng một tập hợp có tên là “Nhóm Việt kiều tại Pháp”(Les Émigrés vietnamiens en France). Nhóm cũng quyết định không ra báo công khai như trước của đảng P.A.I. mà chỉ làm báo bí mật lấy tên là Tiền Quân để làm cơ quan của nhóm.
Hồ Hữu Tường được giao phó làm chủ nhiệm báo Tiền Quân vì Tường là gương mặt mới ở Paris, còn trẻ và nhiều rảnh rỗi, chưa bị Pháp theo dõi các hoạt động. Phan Văn Hùm vì đã có chân trong làng báo từ năm 1923 nên lãnh chức chủ bút. Thành viên của bộ biên tập toàn là những nhân vật sau này được dân chúng miền Nam ngưỡng mộ như Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Lê Bá Cang...Mặc dầu là báo được viết tay ( do chủ bút Phan Văn Hùm thực hiện!), nhưng cũng được trình bày thành cột như báo in và được làm bản kẽm để in đẹp. Hồ Hữu Tường đã hãnh diện về sáng kiến chụp làm bản kẽm nầy, một kỹ thuật “tiền quân”.
Số phận báo Tiền Quân là một số phận ngắn ngủi vì chỉ ra được một số đầu mà cũng là số chót vì Tạ Thu Thâu đã tổ chức một cuộc biểu tình trước điện Élysée là dinh Tổng Thống Pháp để xin giảm án cho các liệt sĩ Yên Bái bị kết tội tử hình. Sau cuộc biểu tình lịch sử ngày 22 tháng 5 năm 1930 nầy, chánh quyền Pháp đã ra lịnh bắt và trục xuất về Việt Nam 19 sinh viên ái quốc. Báo Tiền Quân lúc ấy đang in, chưa kịp phát hành. Toàn bộ biên tập đã bị bắt chỉ trừ có chủ nhiệm và chủ bút may mắn thoát được. Bạn bè người Pháp đã tổ chức cho Hồ Hữu Tường và Phan Văn Hùm vượt biên sang nước Bỉ.
Cả hai đã phải trốn tránh ở Bỉ gần hai tháng, đến ngày 14 tháng 7 , ngày lễ Quốc Khánh Pháp mới lén trở lại Pháp. Trong thời gian ở Bỉ nầy, H.H. Tường đã được Phan Văn Hùm giúp huấn luyện lại Việt văn vì Tường có thói quen dùng quá nhiều từ Hán Việt. Khi còn nhỏ, Tường chỉ có được dịp đọc Nam Phong nên đã nhiễm lối viết văn của Phạm Quỳnh. Hùm cũng dạy Tường về việc làm thơ Đường. Tường đã từng công nhận là đã nhờ Hùm rất nhiều trong cái lối “học bạn khác với học thầy” này. Tường thuật lại việc một hôm đã quá trưa, bụng đói, đi với Hùm nhưng Hùm vẫn còn dạy Tường học làm thơ. Hùm xướng một câu, bắt Tường làm câu kế tiếp. Câu thứ nhất, Hùm xướng:
Túng nước sang qua Bỉ Lợi Thì,
Tường nhớ lại cảnh ngày hôm trước nên tiếp:
Hai đứa chia nhau một bánh mì.
khiến Hùm phải la:
- Âm điệu là âm điệu của câu thứ tám.
Hùm phải thú thật:
- Tôi cũng biết vậy. Nhưng đói quá rồi. Làm cho đủ mấy câu giữa, thì rã ruột!
Những ngày vượt biên lánh nạn ở Bỉ đã giúp H.H. Tường và P.V.Hùm có dịp gặp gở nhiều nhân vật chánh trị lưu vong có tiếng tăm, nhất là những người thuộc tả phái. Vì vậy khi trở lại Pháp, Tường và Hùm được André Rosmer, chủ nhiệm báo La Vérité, cơ quan của nhóm Tả Đối Lập Pháp thuộc cánh Trotsky, giành cho cơ hội được viết trình bày quan điểm người Việt với điều kiện chỉ dùng chung một bút hiệu mà thôi. Hai người vì vậy thường viết hằng tuần trên báo nầy dưới danh xưng “Giải Phóng”.
Vì Tạ Thu Thâu, Phan văn Chánh, Huỳnh Văn Phương... đều bị trục xuất về Việt Nam, Tường đã phải giúp thực hiện tập san quay ronéo nhưng chỉ để phân phát cho độ vài chục người, khiến Tường lấy quyết định trở về xứ.
Tình cờ, H.H. Tường gặp Đào Hưng Long, một nhân vật trước thuộc đảng Lao Động, từng được cử làm Đặc ủy miền Tây, nhưng vì có việc bất đồng chánh kiến nên về Cà Mau tổ chức một đoàn thể khác. Đào Hưng Long hợp tác với nhóm của Tạ Thu Thâu thành lập tổ chức Đối lập Tả phái ở Đông Dương. H.H. Tường phụ trách tạp chí lý luận Tháng Mười cho tổ chức.
Cơ quan biên tập và in ấn do Đào Hưng Long phụ trách và được đặt trong một chòi lá, cất bên mé rạch Cầu Chong ở Thị Nghè. Một nữ đồng chí tên Huệ Minh đã được đoàn thể gởi đến đây và về sau là người bạn đời của H.H. Tường. Tạp chí Tháng Mười cũng như các sách huấn luyện đều được in theo lối in xu xoa nhưng đã được cải tiến. Xu xoa thay vì đổ vào khuông chỉ in được một lần, thì nay được đổ vào một hộp thiếc dày, trong có đặt nhiều tấm kiếng có gỗ kê cách nhau khoảng một phân. Mỗi miếng kiếng sẽ giúp có được hai mặt xu xoa láng, tốt hơn mặt xu xoa tự nhiên.
Cơ quan ấn loát bí mật nầy được duy trì khá lâu, nhưng đến tháng Chín năm 1932 thì bị phát giác. Đào Hưng Long và Huệ Minh bị bắt. Tạp chí Tháng Mười đành phải ngưng hẳn vì Hồ hữu Tường cũng bị bắt hai tháng sau đó, vào ngày lễ Đình chiến 11 tháng Mười một, 1932. Đó là lần thứ hai H.H. Tường làm báo bí mật; lần này được duy trì lâu hơn lần đầu tiên khi tờ Tiền Quân chỉ ra được có một số độc nhứt.
Trong bót mật thám Catinat, bị nhốt riêng một mình trong một buồng nhỏ, không biết được ngày ra, H.H. Tường sợ có thể bị quẫn trí phát điên nên đã theo gương một nhà cách mạng Nga là Bakounine tự sáng lập một tờ “báo nhẩm”. Bakounine chủ trương cách mạng vô chánh phủ (Anarchisme) và bị chế độ Nga hoàng nhốt tù. Bakounine chủ xướng mỗi ngày ra “báo nhẩm”, xuất bản hằng ngày như ngoài đời, với đủ chi tiết : xã thuyết, bình luận thời cuộc, tin tức (bịa đặt), văn chương tiểu thuyết v.v...Tường đặt tên tờ báo của mình là Thiên Thu lấy trong câu thơ “nhứt nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Tường đã “xuất bản” được 70 số báo Thiên Thu trong bót Catinat và chỉ đình bản khi được chuyển qua Khám Lớn vì nơi đây không còn nạn bị nhốt riêng. Sau nầy H.H. Tường vẫn còn nhớ được chuyện tiểu thuyết đã viết trong Thiên Thu và năm 1967, đã kể lại trong lời tựa của tác phẩm “Người Mỹ Ưu Tư ”.
Trước khi bị bắt, trong thời gian phụ trách tạp chí bí mật Tháng Mười, H.H. Tường cũng đồng thời đã thực sự bước vào làng báo công khai. Tường được mời hợp tác viết trong tờ Nam Nữ Giới Chung của hai ký giả có tiếng thời bấy giờ là Cao Hải Đễ và Trần Hữu Độ. Trần Hữu Độ là một nhà nho có óc tiến bộ, đã tìm cách thức tỉnh đồng bào bằng cách phổ biến tư tưởng của Lương Khải Siêu, Khương Hữu Vi...Vì vậy nên tờ Nam Nữ Giới Chung chỉ ra được một số là bị cấm! Khởi đầu làm báo bí mật Tiền Quân, chỉ ra được một số, nay bắt qua làm báo công khai, lại cũng ra được có một số: Hồ Hữu Tường quả đã mang một cái nghiệp lạ đời!
Sau hơn ba tháng thất nghiệp, H.H. Tường có dịp may được mời gia nhập bộ biên tập của nhật báo Công Luận, với hai ông Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá. Bút hiệu của Tường trong Công Luận là Bửu Liên, một tên tự đã được một ông đồ nho đặt khi Tường mới ra đời. Thân phụ của Tường nằm mộng thấy một đóa sen lạ đêm sanh ra Tường. Ông thuật việc ấy cho bạn nghe và ông nầy cho đó là một điềm lành nên đặt tên Hữu Tường, với tự là Bửu Liên. Vào thời buổi nầy, giữa Nguyễn Văn Bá và Nguyễn An Ninh có cuộc bút chiến, mặc dầu cả hai đều là bạn. Bá cãi không lại Nguyễn An Ninh nên có mặc cảm bị yếu thế. H.H. Tường, là người đã từng tôn sùng Nguyễn An Ninh, lúc ấy có viết một bài phê bình quyển Tôn Giáo của ông Ninh, ký dưới bút hiệu Bửu Liên. Quyển Tôn Giáo là một sách dùng Duy vật sử quan để xét vấn đề Phật giáo. Nguyễn Văn Bá thấy hay nên đã nắm cơ hội đăng trong Công Luận .
Nguyễn An Ninh đọc luận điệu trong bài phê bình và nghi là do Tạ Thu Thâu viết nên đã trách Thâu : “Tụi mác xít bây xài không được. Trong chỗ quen biết thâm tình nhau, bây có chỉ trích tao, thì cứ ký tên ngay thẳng đi. Có gì cần cãi, thì tao cãi với. Bộ bây trốn dưới bút hiệu vô danh, đâm sau lưng anh em, mà tao không biết sao?”
Tạ Thu Thâu đã thề thốt bán mạng là Thâu không phải Bửu Liên nhưng Ninh không tin : “Tụi duy vật bây có tin có thần có thánh đâu mà thề? Quỉ thần sợ bây, chớ bây đâu có sợ quỉ thần mà bày trò thề thốt?”
Nhưng rồi cuối cùng khi Nguyễn An Ninh biết được Bửu Liên là Hồ Hữu Tường nên chẳng những đã không giận mà kể từ đó, đã coi Tường là một em út cần được xây dựng.
H.H. Tường ngoài việc giúp báo Công Luận còn được Đoàn Quang Tấn, chủ nhiệm và chủ bút tuần báo Đồng Nai , một tuần báo do một số trí thức Tây học như bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, giáo sư Đặng Minh Trứ chủ xướng. Tường ngoài việc viết bài còn đảm trách việc gọt, giũa văn cho báo. Nhờ sự cộng tác này nên về sau, Đoàn Quang Tấn đã thỏa thuận giao tuần báo Đồng Nai lúc đó đang bị đình bản gần hai tháng, cho Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường quản lý. Phan Văn Hùm khi ấy vừa ở Pháp về và đang tìm cơ hội hoạt động. Tuần báo Đồng Nai đã được khởi sắc với những bài viết có lập trường xã hội công khai. Tác giả các bài báo là những người đã có tiếng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương...Những cuộc bút chiến về vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” giữa Phan Khôi và Phan Văn Hùm đã gây nhiều sôi nổi trong văn giới và chỉ được chấm dứt nửa chừng khi Đồng Nai bị chánh quyền thực dân rút giấy phép. Nhóm Đồng Nai đã trở thành nơi tập trung của các tác giả “cách mạng” vì ngoài việc viết lách, lại còn tổ chức các cuộc diễn thuyết ở trụ sở hội Đức Trí Thể Dục. Ở hội trường này, Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu đã trình bày về biện chứng pháp và người đến tham dự rất đông. Nhà cầm quyền thực dân vì thế thấy cần phải sớm ra tay bịt miệng tuần báo Đồng Nai.
Hồ Hữu Tường sau khi bị bắt vì vụ báo bí mật Tháng Mười, đã bị xử ba năm tù treo và được thả ngày 1 tháng 5 năm 1933. Đó là lúc có cuộc bầu cử nghị viên Hội đồng thành phố SàiGòn-Chợ Lớn. Lợi dụng thời cơ nầy, những nhà cách mạng miền Nam lấy quyết định ra ứng cử để có dịp cổ động công khai đường lối xã hội. Một sổ Lao Động được thành lập với Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch đứng đầu sổ. Vì Nam Kỳ là một thuộc địa của Pháp nên về chế độ báo chí, nếu là báo tiếng Pháp, thủ tục xuất bản rất dễ dàng như ở Pháp. Muốn ra báo, chỉ cần khai trước biện lý cuộc 24 giờ trước khi đem báo rời khỏi nhà in, nhưng chủ nhiệm và quản lý phải là người Pháp. Ban vận động bầu cử đã dựa vào đạo luật dân chủ nầy để xuất bản tuần báo Pháp ngữ La Lutte làm cơ quan tuyên truyền. Báo đã gây được ảnh hưởng lớn trong dư luận quần chúng nhưng chỉ ra được bốn số và đình bản sau khi cuộc bầu cử chấm dứt. Hồ Hữu Tường không có tham dự viết trong La Lutte ở giai đoạn đầu nầy.
Một năm sau, tờ La Lutte được tái bản do sự vận động của Nguyễn An Ninh. Kỳ nầy, với mục đích cùng chung một lập trường tranh đấu chống thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn An Ninh đã thuyết phục được cả hai phái Đệ Tam và Đệ Tứ ở miền Nam đồng ngồi chung lại trong ban biên tập. Các bài viết đều không có ký tên và hai hệ phái phải tránh không chỉ trích lập trường của nhau. Kỳ tái bản nầy có H.H. Tường tham gia viết nhưng không tích cực vì bên phía Đệ Tam của Nguyễn Văn Tạo có ít người viết giỏi Pháp văn, nên Tường tự chế không muốn để phía Đệ Tứ có vẻ lấn lướt. Việc hai phái Đệ Tam và Đệ Tứ cùng nhau cộng tác trong một tổ chức là chuyện hi hữu. Trên thế giới, việc này chỉ xảy ra ở Việt Nam mà thôi. Hồ Hữu Tường đã gọi chuyện này là một “quái thai lịch sử ” và sử gia Pháp, Daniel Hémery, giáo sư Đại học Sorbonne đã viết một luận án danh tiếng về thời kỳ này.
Đầu năm 1935 có việc bầu cử Hội đồng Quản hạt ở Nam kỳ. Nhân dịp này, nhóm La Lutte quyết lợi dụng cơ hội để có thể công khai tuyên truyền chống chế độ thực dân ở Nam kỳ. Bên Đệ Tam có Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai thành lập liên danh. Phía Đệ Tứ có Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch và Hồ Hữu Tường. Hồ Hữu Tường vì chưa đến 25 tuổi nên liên danh kể như không hợp lệ nhưng vẫn cứ sinh hoạt dán bích chương, in truyền đơn phân phối cho dân chúng có dịp đọc.
Báo La Lutte viết bằng Pháp văn. Phần nhiều các bài thường do Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch,Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Chánh viết. Nguyễn An Ninh trong công việc di chuyển đó đây bán dầu cù là, lại đảm trách thêm việc giải thích cho dân chúng các bài báo vì ông có biệt tài dẫn giải rất bình dân những tiêu đề khó khăn cho sự hiểu biết thông thường.
Đứng trong hàng ngũ nhóm La Lutte, Tạ Thu Thâu phải theo đường lối chung, không thể hoạt động theo xu hướng Đệ Tứ, nên đã giao cho H.H. Tường trách nhiệm tùy cơ, huấn luyện các thanh niên có cảm tình với Thâu. Năm 1936, H.H. Tường được Trịnh Văn Lầu tiếp tay trong việc truyền bá chủ nghĩa, nhân thời cơ thuận tiện của sự thành lập Mặt Trận Bình Dân ở Pháp. Trịnh Văn Lầu đã có sáng kiến tổ chức đánh cắp chữ in của các nhà in và thành lập cơ quan in ấn bí mật để H.H. Tường xuất bản tạp chí Thường Trực Cách Mạng, một tạp chí bí mật duy nhứt trong xứ được in bằng chữ in. Cơ quan ấn loát được giao cho một anh thợ nhà in bị bịnh ho lao nặng, phụ trách ở một chòi lá vùng Thị Nghè. Mật thám Pháp vì thấy tạp chí được in đẹp nên tưởng nhầm là được nhóm Đệ Tứ in ở ngoài nước. Khi có tin Mặt Trận Bình Dân thắng thăm vẻ vang ở Pháp, truyền đơn được in và rải khắp Sài Gòn. Phản ứng mau lẹ đó chứng tỏ rằng truyền đơn ắt phải do nhà in trong xứ thực hiện . Mật thám tung ngay một mẻ lưới điều tra và cơ quan in ấn vì vậy bị phát giác, chấm dứt luôn giai đoạn làm báo bí mật của Hồ Hữu Tường !
Hưởng ứng sự thành công của Mặt Trận Bình Dân ở Pháp và cũng để chuẩn bị tiếp đón các phái đoàn điều tra từ Pháp sắp qua Việt Nam, nhóm La Lutte với sự dẫn đầu của Nguyễn An Ninh, rần rộ khởi xướng Phong trào Đông Dương Đại Hội và sự thành lập các Ủy Ban Hành Động. H.H. Tường được đề cử làm Tổng Thơ ký của Phong trào và đã có công trong việc cổ động cho Đông Dương Đại Hội qua việc vận động ký giả các báo Việt ngữ.
Trong giai đoạn nầy, H.H. Tường có cho xuất bản một tuần báo tiếng Pháp với sư cộng tác của một đồng chí là Đoàn Văn Trương. H.H. Tường lợi dụng việc Nam kỳ là một thuộc địa của Pháp nên trên danh nghĩa, người Việt sanh sống ở Nam kỳ được coi là thần dân Pháp (Sujet francais de Cochinchine). Vì vậy nên Đoàn Văn Trương có đủ tư cách làm quản lý một tờ báo tiếng Pháp. Tuần báo Le Militant (Chiến Sỉ) do đó được ra đời trót lọt và đã gây được một tiền lệ: ở Nam kỳ, ra báo Pháp ngữ không cần phải có quản lý người Pháp. Ra được bốn số, tuần báo Le Militant hết vốn nên phải đình bản cho đến một năm sau mới tái bản được và lần nầy ra được 21 số. Le Militant đến giai đoạn này phải dẹp vì hai nhóm Đệ Tam và Đệ Tứ đã ly khai, không còn hợp tác nhau được nữa trong nhóm Tranh Đấu: Nhóm Đệ Tam cho ra báo L’Avant Garde, về sau đổi tên thành Le Peuple. Tờ La Lutte được nhóm Đệ Tứ tiếp tục nắm giữ nên không thấy có lý do phải duy trì hai tờ báo cùng một chủ trương và đường lối.
Đến năm 1938, một hội ký giả lấy tên là A.J.A.C. ( Association des journalistes annamites de Cochinchine) được thành lập để tranh đấu cho báo chí tiếng Việt được hưởng quy chế tự do giống như quy chế các báo Pháp ngữ. Hội trưởng là Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Đuốc Nhà Nam và Tổng Thơ ký là Trần văn Thạch. Nhóm Đệ Tam tình nguyện đi tiên phong, ra báo với thủ tục y như báo Pháp ngữ. Nhưng đến khi báo in được số nào thì nhà cầm quyền đều cho sở mật thám đến, hốt hết. Ra tòa, anh quản lý bị lên án. Sau các thủ tục chống án lên tòa trên, qua tòa Phá án, cuối cùng bản án được chuyển đến Hội đồng Quốc gia bên Pháp vào mùa thu năm 1938. Hội đồng này cũng giống như một Tối Cao Pháp Viện, đã hủy bản án vì luật pháp không minh định rõ ràng về tự do báo chí cho báo Việt ngữ ở Nam kỳ. Đây là một thắng lợi lớn về tự do báo chí.
Nhóm Đệ Tam lập tức đổi tờ Le Peuple thành tờ báo Việt ngữ Dân Chúng. Nhóm Đệ Tứ cánh Tạ Thu Thâu đổi tờ La Lutte thành tờ Tranh Đấu; cánh Hồ Hữu Tường cho xuất bản: tuần báo Tia Sáng, sau 6 tháng đổi thành nhật báo, tạp chí lý luận hằng tháng tên Tháng Mười và một tuần báo nghiệp đoàn tên Thầy Thợ. Tạp chí Tháng Mười Thầy Thợ được H.H. Tường giao cho Đào Hưng Long làm quản lý.
Cuối năm 1938, chế độ báo chí và xuất bản ở Nam kỳ được đặc biệt nới lỏng khi sắc luật Daladier ngày 30 tháng 8, 1938 cho báo chí chữ quốc ngữ được xuất bản không cần xin phép trước. Việc kiểm duyệt và tịch thâu báo không còn thấy xảy ra như trước.
Ở Bắc và Trung, phong trào tự do báo chí được hưởng ứng nồng nhiệt. Các ký giả trong Nam cũng như ngoài Bắc đua nhau viết vì đều tiên đoán chiến tranh sắp sửa xảy ra, và nhà cầm quyền Pháp sẽ siết chặt lại hoạt động của giới truyền thông. H.H. Tường đã thú nhận là chưa có bao giờ lại có cơ hội làm việc hăng hái như thời trước Đệ nhị Thế chiến này: mỗi ngày, ngoài việc đi dạy học tư, Tường phải viết thông thường là bốn bài báo.
Đến cuối tháng 8, năm 1939, không khí chiến tranh đã thấy bao trùm ở Âu châu. Đêm 23 rạng ngày 24, hiệp ước Hitler-Stalin được ký kết. Ngày 1 tháng 9 quân đội Đức tiến vào Pologne. Lịnh tổng động viên được ban hành ở Pháp và ở Đông Dương. Ngày 3 tháng 9, Pháp và Anh tuyên chiến với Đức. Ngày 25 tháng 9, đảng Cộng sản Pháp bị cấm hoạt động. Toàn quyền Đông Dương hưởng ứng sắc lịnh cấm đó và ngày 29 tháng 9, mật thám tiến hành việc bố ráp trong toàn xứ.
Chỉ trong vài ngày, 121 người theo phái Stalin và 55 người theo xu hướng Trotsky đã bị bắt. Nhà cầm quyền đã thi hành 323 cuộc lục xét, tịch thâu 2332 cuốn sách và 26316 ấn phẩm báo chí (Báo cáo của Thống đốc Nam kỳ gởi Toàn quyền ngày 3-11-1939, AOM NF 1820). Các báo chí của cả hai phái Đệ Tam, Đệ Tứ đều bị cấm. Hồ Hữu Tường cũng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và các nhà cách mạng khác đều hoặc bị bắt vào tù hay bị đưa vào các trại tập trung ở núi Bà Rá và Tà Lài (Biên Hoà)!
Hồ Hữu Tường đã vào tù hơn năm năm, không còn cơ hội hoạt động báo chí cho đến mãi đầu năm 1948 mới có dịp trở lại làng báo, do thi sĩ Đông Hồ mời cộng tác. Sau khi mãn tù ở Côn Đảo về và còn bị án biệt xứ, cư trú ở Cần Thơ, năm 1944, Hồ Hữu Tường đã tuyên bố với các bạn đồng chí cũ: “ Tôi trở về con đường dân tộc, tôi cho rằng việc giai cấp vô sản giải phóng nhân loại là một huyền thoại lớn của thế kỷ 19 và tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản ở châu Âu và Bắc Mỹ là một huyền thoại lớn của thế kỷ 20”.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật đảo chánh chánh quyền Pháp ở Đông Dương. Các đoàn thể chánh trị Việt Nam có cơ hội hoạt động công khai. Những lãnh tụ các đảng bị Pháp lưu đày biệt xứ đã trở về các đô thị, tái tổ chức hàng ngũ. Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch...đều trở về lại Sài Gòn, củng cố lại nhóm Tranh Đấu. Hồ Hữu Tường chọn việc du hành ra Bắc, cho đến ngày Việt minh cướp chánh quyền ở Hà Nội. Trong bức điện tín ngày 27 tháng 8 năm 1945 của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, gởi khẩn cầu Bảo Đại thoái vị, ngoài chữ ký của Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kontum cũng có tên Hồ Hữu Tường. Bảo Đại sau nầy đã cho biết ông đã đồng ý vì thấy trong những người ký bức điện tín có Hồ Hữu Tường là nhân vật mà ông biết đã từng hoạt động chánh trị và am hiểu tình hình thế giới.
Tuy nhiên, năm 1945, Hồ Hữu Tường cũng biết Việt Minh chủ trương diệt các thành phần Đệ Tứ. Để tránh tai mắt trinh sát Việt Minh ở Hà Nội, Tường nhờ được bác sĩ Phạm Ngọc Khuê đưa về Nam Định. Ở đây, H.H. Tường đã viết quyển Muốn hiểu chánh trị , tác giả lấy bút hiệu Huân Phong. Họa sĩ Tô Ngọc Vân e sợ ký như vậy, Tường sẽ dễ bị lộ tung tích vì câu thơ “Huân phong tự Nam lai”. nên đã sửa lại là Thuần Phong. Về sau, Tường đã chọn lại bút hiệu Huân Phong để kỷ niệm những ngày sống với Phạm Ngọc Khuê.
Trên các quyển viết cho nhà xuất bản Tân Việt ở Hà Nội, như Kinh Tế học và Kinh Tế chánh trị nhập môn, Xã Hội học nhập môn Hồ Hữu Tường chọn bút hiệu Khổng Cưu. Sách do Hàn Thuyên xuất bản đều đề tên Nguyễn Huệ Minh là tên của vợ H.H. Tường. Trên các quyển viết cho nhà xuất bản Minh Đức , bút hiệu được chọn là Duy Minh vì H.H. Tường muốn tỏ lập trường biệt lập giữa Duy tâm và Duy vật. Trong thời gian ở Bắc, năm 1946, H.H. Tường có viết một tác phẩm mà ông đắc ý nhất. Đó là quyển Tương Lai văn Hóa Việt Nam, viết trong hình thức “thơ bằng văn xuôi”, bìa do họa sĩ Tô Ngọc Vân trình bày, Minh Đức in 500 bản hình thức sách quý, giấy đặc biệt chế tạo riêng tại làng Bưởi.
Đầu năm 1948, Hồ Hữu Tường từ Hà Nội trở lại về Sài Gòn. Nhà văn Thiên Giang đưa H.H. Tường đến thăm thi sĩ Đông Hồ. Nơi đây Tường gặp chẳng những Đông Hồ, lại có thêm Dương Tử Giang. Hai nhà văn này đang lãnh phụ trách làm một báo Xuân, do Lư Khê bỏ vốn. Đông Hồ mời H.H. Tường viết giúp và đưa trước ngân khoản cho Tường lúc đó đang túng thiếu. Tường nhận lời với điều kiện không ký tên thật. Đông Hồ đề nghị cho Tường các bút hiệu Lân Trinh và Ly Duệ. Lân Trinh có nghĩa là gần với chữ Trinh. Trong thành ngữ, hai chữ Trinh, Tường thường hay dùng chung nhau. Đông Hồ đặt Lân Trinh , cố ý chỉ rằng tác giả là Tường đó! Còn Ly Duệ để nhắc rằng tác giả bài đó là con cháu của Hồ Quý Ly. Đông Hồ thường nhờ H.H. Tường viết nhiều bài trong mỗi số do ông chủ trương biên tập nên Tường phải có nhiều bút hiệu khác nhau. Như khi viết những tiểu thuyết Thu Hương, Chị Tập , H.H. Tường ký Duy Cúc, là tên thiệt của một nữ sinh viên mà ông đã gặp khi ở Hà Nội. H.H. Tường đã mượn hình ảnh của sinh viên Duy Cúc để phác họa nhân vật Thu Hương trong tiểu thuyết. Duy Cúc sau đã sang Paris du học và đã là một nhà điêu khắc nổi danh.
Trong thời gian hợp tác với Đông Hồ, H.H. Tường có giới thiệu với Đông Hồ và đưa vào làng văn trong Nam, văn sĩ Triều Sơn, từng làm chủ bút tờ Kháng Chiến ở Bắc. Vào Sài Gòn, Triều Sơn làm công nhân cho hãng đóng tàu CARIC ở Thủ Thiêm, lo việc vô dầu, làm máy cho tàu của hãng. Triều Sơn đã rút kinh nghiệm về các cán bộ cách mạng gốc bần cố nông để tạo ra nhân vật “ Nuôi Sẹo”. Triều Sơn đã gọt giũa tác phẩm nhưng đến năm 1954 vẫn chưa vừa ý nên chưa chịu xuất bản, cho đến khi anh qua đời !
H.H. Tường cũng được Đặng Văn Ký mời làm cai thầu biên tập cho tuần báo Sanh Hoạt trong thời Trần Văn Ân làm Tổng trưởng Thông tin. Đặng Văn Ký là một nhân vật tên tuổi trong Nam, đã từng hưởng ứng phong trào Nguyễn An Ninh và phong trào của nhóm Tranh Đấu. Ông đã bị thực dân Pháp đày ở Bà Rá và đã được Nhật giúp đưa lánh nạn ở Tân Gia Ba với Trần Văn Ân, Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc. Trong tuần báo Sanh Hoạt H.H. Tường thường chỉ viết bài xã thuyết. Các bài khác ông được một sinh viên lỗi lạc ở Hà Nội cùng theo ông vào Nam là Phạm Mậu Quân, tình nguyện “bao sân”. Phạm Mậu Quân là một sinh viên về toán đã được giáo sư Hoàng Xuân Hãn phục tài vì chép bài rất giỏi. Vào Nam, Phạm Mậu Quân tiếp tục học toán ở Đại học Sài Gòn và cư ngụ ở nhà H.H. Tường. Quân có tài về Toán học nhưng cũng có thêm tài viết báo và viết giống lối văn của Hồ Hữu Tường. Trong các bài viết, Phạm Mậu Quân tìm cách cổ võ cho việc dùng tiếng Việt trong các chương trình giáo dục. Cuối năm 1948. báo Sanh Hoạt ngưng hoạt dộng, Phạm Mậu Quân sang Pháp học và nay là một giáo sư Toán danh tiếng. H.H. Tường tuy ít viết trong Sanh Hoạt nhưng đã nhờ tuần báo này mà phổ biến được chủ trương lập trường Dân tộc trong bài Thân Việt, không thân Mỹ hoặc thân Nga.
Trong khoảng các năm 1948, 1949, H.H. Tường được dịp cộng tác trong báo Sài-gòn Mới của bà Bút Trà. Tường đã cho đăng hằng ngày, từng đoạn của tiểu thuyết Phi Lạc Sang Tàu, một tiểu thuyết mà ông đã ngẫm trong những ngày tránh trinh sát Việt Minh ở Hà Nội. Bút hiệu lúc bấy giờ là Ý Dư, tên mà H.H. Tường đã thấy ký dưới một bức thư tỏ tình thống thiết của Đặng Ngọc Tốt gởi cho em gái của Phạm Ngọc Khuê. Thời bấy giờ, ở giới Đại học Hà Nội có ba sinh viên quái kiệt về diễn thuyết là Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Văn Tiểng và Đặng Ngọc Tốt. Trong thời Kháng chiến Nam Bộ, Đặng Ngọc Tốt cũng nổi tiếng, khi phụ trách Ban Tuyên Truyền Lưu Động Nam Bộ nhưng khi ra Bắc phụ trách đảng Dân Chủ thì không biết vì lý do gì, lại ít được nhắc nhở. Khi được biết trong khu Nam Bộ , Tốt hay ăn nói lớn lối, giống như anh chàng Phi Lạc trong tiểu thuyết, một thằng mõ ở Bắc được đặt trên ngôi tiên chỉ, nên H.H. Tường mới chọn bút hiệu đó cho câu chuyện.
Bộ tiểu thuyết “Ngàn Năm Một Thuở ” với: Phi Lạc Sang Tàu, Phi Lạc Náo Huê Kỳ, Phi Lạc Bỡn Nga đã được H.H. Tường cho trích đăng từng đoạn trên Sài-gòn Mới, Phương Đông, Ánh Sáng...
Mùa xuân năm 1949, Hồ Hữu Tường đáp tàu sang lại Pháp, tình nguyện làm đặc phái viên của Sài-gòn Mới và tiếp tục gởi về các đoạn của tiểu thuyết Phi Lạc Sang Tàu. Ông cũng tiếp tục viết bài về cho Đông Hồ khi có được dịp. Được sự giúp đỡ của một người bạn cũ đang mở một chương trình dạy khoa Cảnh Sát bằng lối hàm thụ, H.H. Tường noi theo ý kiến hay của bạn, mở một lớp dạy làm báo. Các bài nầy đã được cho in lại trong báo Hòa Đồng năm 1965 được nhà xuất bản Khai Trí in thành sách: Những kỹ thuật căn bản của nghề viết báo.
Ở Pháp, H.H. Tường cũng đã thực hiện được tờ Cảo Thơm, một tập báo Xuân in theo kỹ thuật tối tân Hélio, nhờ sự cộng tác kỹ thuật của Việt Hồ, một Việt kiều đã sống bằng nghề in rất lâu năm ở Pháp.
Trong dịp cộng tác giúp ý kiến cho kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích về nhà xuất bản Minh Tân, H.H. Tường được tặng một số vốn. Nhờ vậy H.H. Tường có được khả năng để thực hiện tạp chí song ngữ Pháp-Anh Pacific năm 1952. Tạp chí được xuất bản ba tháng một kỳ. H.H. Tường đã có phương tiện để cổ võ cho thuyết Trung Lập và kêu gọi các nước nhược tiểu thành lập “ thế giới thứ ba”. Đây sẽ là một lực lượng mới, có khả năng cân bằng giữa hai khối Nga, Mỹ đang đối đầu. Tờ Pacific được duy trì đến tám số cho đến năm 1954, khi H.H. Tường bị vào tù khi trở về xứ. Tuy tập san được nhiều giới ở ngoại quốc chú ý nhưng đã bị thủ tướng Nguyễn Văn Tâm ra lịnh cấm lưu hành ở Việt Nam nên số vốn đã tan dần.
Hồ Hữu Tường đã được dịp trở về xứ đôi ba lần sau năm 1952 và đã được dịp cùng bạn bè tổ chức tuần báo Phương Đông . Về sau, Phương Đông đổi thành nhật báo và là cơ quan truyền bá tư tưởng của H.H. Tường. Chủ bút do Lê Văn Siêu phụ trách; Thái Linh là Thơ ký tòa soạn; Nguyễn Hữu Nghi tự Ngu Í là nhà chuyên môn phỏng vấn. Độc giả miền Bắc ủng hộ báo rất mạnh, miền Nam chỉ tiêu thụ khoảng một phần tư. Do được độc giả đất Bắc chiếu cố nên báo được duy trì, trong khi dân miền Nam đinh ninh là Phương Đông sẽ đóng của sớm. Vì báo chủ trương đường lối Trung Lập, nhiều nguồn tin trái ngược được đồn đãi, khi thì cho là báo đượcViệt Minh tài trợ, khi thì nghi do cơ quan phòng Nhì của Pháp đưa tiền, hoặc do Mỹ chuẩn bị nhảy vào Việt Nam khi Pháp bỏ cuộc, hoặc do tình báo Anh giúp vốn, xuyên qua các nước Ấn Độ, Miến Điện...
Khi có hội nghị Hòa Đàm Genève năm 1954, H.H. Tường qua Thụy Sĩ phổ biến bài thuyết trình về “ trung lập chế ” đã được in trong số đặc biệt Phương Đông. Bản dịch tiếng Pháp là “ La seule bonne voie ”, tiếng Anh là “ The only good way”. Nhưng việc làm không đem đến ảnh hưởng mong muốn và kết cuộc, ngày 20 tháng 7 năm 1945, đất nước Việt Nam đã phải chịu chia đôi!
Trở về nước, Hồ Hữu Tường vướng trong vụ Bình Xuyên, bị vào tù tháng 3 năm 1955 và bị chế độ Ngô Đình Diệm kết án tử hình. Nhờ được sự lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ của các danh nhân trên thế giới như Thủ tướng Ấn ông Pandit Nehru, văn hào Albert Camus v.v...nên Hồ Hữu Tường mới được thoát chết.
Khi chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, H.H. Tường mới ra khỏi nhà tù vào tháng Giêng năm 1964. Sau bao năm tù đày ở Côn Đảo, sức khỏe của H.H. Tường đã suy giảm rất nhiều. Mãi đến gần năm tháng sau ông mới bắt đầu bình phục để có thể tập trung tư tưởng, ngồi viết một vài bài báo cho tờ Ánh Sáng của Hoàng Hồ. Hoàng Hồ lúc đó làm giám đốc tờ báo nên có mỹ ý dành cho H.H. Tường cơ hội tập viết lại. Trong tờ Ánh Sáng của Hoàng Hồ, H.H. Tường đã đề nghị chủ trương “liên hiệp quốc hóa Việt Nam” , thay thế cho lập trường “trung lập chế” của ông trước kia.
Qua năm sau, ông Nguyễn Lương Hưng mời H.H. Tường vào ban biên tập của một tuần báo tên Hòa Đồng Tôn Giáo mà ông đã đứng xin cho Hội này. Sau khi có được phép của Bộ Thông tin thì Hội lại không tìm đủ ngân khoản cho ông Hưng thực hiện ra báo. H.H. Tường đi vay được một số vốn nên tuần báo mới được dịp ra đời, với cái tên cắt ngắn là Hòa Đồng. Tuần báo được nhiều độc giả trí thức ưa chuộng nhưng không sống lâu dài khi làng báo, vào lúc đó đang gặp phải khủng hoảng vì việc đầu cơ giấy.
Sau khi Hòa Đồng đình bản, H.H. Tường đã được Chu Tử mời viết trên Sống, quyển tiểu thuyết thời đại “ Người Mỹ Ưu Tư ”. Vì sách không được giấy phép in ở Việt Nam nên ông Tường đã đem qua Pháp xuất bản dưới hình thức loại sách quý, viết tay, chỉ dành cho một số thân hữu. Tác giả và các bạn đã có lúc dùng văn bản Người Mỹ Ưu Tư là một tác phẩm có tánh cách thời sự quốc tế, để vận động cho Hồ Hữu Tường tham dự giải văn chương Nobel nhưng không có được kết quả.
Sự hợp tác với Sống của Chu Tử lại có tác dụng giúp ông Tường, năm 1967, làm dân biểu Hạ Viện. Đây cũng là giai đoạn ông được nhiều nhà báo mở rộng cửa mời ông viết bài như Tiếng Nói Dân Tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Saigòn Mới, Điện Tín v.v...
°
Vợ chồng tác giả bài nầy đã từng khâm phục ông Hồ Hữu Tường, từ khi biết được ông năm 1951, khi còn là sinh viên ở Pháp. Khi trở về nước, cũng thường được gặp ông, nhất là giai đoạn ông cho ra tuần báo Hòa Đồng. Khi ông Tường ra làm dân biểu Quốc hội, ông thường ghé nhà chúng tôi trong cư xá Hải Quân, đường Chu Mạnh Trinh. Lúc đó ông lại bắt đầu mặc áo cà sa màu nâu, cổ mang chuỗi nhà Phật. Gia đình chúng tôi vốn rất phục ông vì tài viết văn : ngồi viết sau một buổi ăn, chỉ độ một giờ là xong một bài cho Hòa Đồng chẳng hạn, sửa chữa lại rất ít là có thể đưa đi in. Tiếc tài của ông vì nhiều khi bị dư luận công kích vô lối, chúng tôi thường năn nỉ ông, xin mỗi ngày ông đến với gia đình chúng tôi để ngồi viết hồi ký chánh trị của ông, truyền lại cho hậu thế. Lúc tôi có được dịp tham gia chánh phủ, tôi có cho ông biết, tôi muốn mời ông giữ một chức như công cán ủy viên ở bộ Xã Hội, để ông có lương hằng tháng. Ông sẽ khỏi cần làm một việc gì trong bộ tham mưu, ông chỉ ngồi nhà viết hồi ký.
Ông Tường cười, phô cái hàm răng đặc biệt của ông và nói: “ Tôi có cái tật ngồi yên một chỗ không được, phải luôn luôn tìm cơ hội hoạt động. Anh mới là người phải ngồi viết truyện về thập niên 1940 như tôi đã bảo với anh ”.
Ông muốn nhắc đến việc lần đầu gặp ông ở Paris. Nhân dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, tôi từ Bordeaux lên Paris. Tiền túi ít nên trưa thường đi theo các bạn thổ công ở Paris, mua giùm phiếu để được vào “ăn lậu” ở các quán ăn sinh viên. Một hôm ở quán Parc Montsouris, trong khi xếp hàng, thấy một “sinh viên” Á Đông lớn tuổi, miệng có hàm răng cửa rất lớn, đang cười, nói tiếng Việt, nhờ một sinh viên đứng sau, dùng hai tay đấm thùm thụp vào lưng cho đỡ lạnh. Anh bạn đưa tôi đi ăn cho biết : “ Ông đó là Hồ Hữu Tường. Hôm nay chắc ổng cũng tìm được thẻ để đi ăn lậu như anh”.
Lúc đó, tôi đã biết danh Hồ Hữu Tường, nhưng không được biết là trong thời gian ở Côn Đảo, sau ba năm suy gẫm, ông đã tuyên bố ly khai với chủ nghĩa Các Mác. Tôi đã bắt chuyện với ông trong buổi ăn, thuật những chuyện Cộng sản Đệ tam đã thủ tiêu các nhà ái quốc và nhóm Tranh Đấu thuộc Đệ tứ, khi mở đầu giai đoạn kháng chiến ở Nam Bộ. Ông Tường rất chú ý và rủ tôi ra một quán cà phê Dupont để tiếp nối câu chuyện. Khi tôi kể đến việc đấu khẩu giữa Dương Bạch Mai và Phan Văn Hùm, buổi chiều trước đêm Mai ra lịnh thủ tiêu ông Hùm và các chiến sĩ Đệ Tứ, ông Tường đã tỏ ra bị xúc động mạnh. Ông nói với tôi: “ Anh có bổn phận phải viết lại giai đoạn này”.
Cho đến nay tôi chưa hoàn tất việc viết sách vì không có được cái tài viết nhanh như Hồ Hữu Tường. Ông Tường là người gắn bó với nghề viết báo. Ông là người có nhiều ý kiến đi trước thời cuộc và muốn phổ biến các tư tưởng của ông. Có lẽ vì ông có thêm thiên phú về Toán học, nên ông thường dự tính được nước cờ trước nhiều người khác. Từ khi khởi đầu viết báo bí mật thời thực dân Pháp đến các giai đoạn viết báo công khai, ông lúc nào cũng say mê với các cải biến kỷ thuật làm báo và tìm cách hướng dẫn việc viết báo trong thời kỳ ở trong xứ chưa có trường dạy về môn này.
Rất tiếc là sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Hồ Hữu Tường đã phải gánh chịu cái oan nghiệp mà đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt lên đầu dân chúng miền Nam. Ngoài cái cộng nghiệp mà các giới miền Nam phải đương đầu, H.H. Tường có lẽ còn có cái thêm cái biệt nghiệp: nghiệp làm báo. Tưởng cũng nên kể thêm đến một giai thoại tiếu lâm được Đỗ Thái Nhiên ghi lại, khi bị nhốt ở phòng giam tập thể thuộc trại giam số 4 Phan Đăng Lưu: Một hôm, cả phòng đang giờ nghỉ, Lý Hùng, một người tù Việt gốc Hoa, cất cao tiếng, hỏi Hồ Hữu Tường đang nằm ở cuối phòng:
-Bác Tường ơi ! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời nầy nữa, thời nào Bác cũng ở tù. Bác có hiểu tại sao Bác cứ ở tù hoài hoài vậy không ?
Hồ Hữu Tường nhìn Lý Hùng vừa cười vừa hỏi dò chừng:
-Mày trả lời giùm tao đi, tại sao ?
Lý Hùng nhanh nhẩu trả lời:
-Dễ quá mà ! Tên Bác là “ Hữu Tường” nên Bác phải “hưởng tù” dài dài !
Hồ Hữu Tường, mắt nhìn xa xăm trông thật buồn, nói nhỏ giọng:
-Có thể thằng nầy nói đúng !
Năm 1999, nhà văn đã quá cố, Như Phong Lê Văn Tiến có nhờ tác giả viết bài về Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ cho Đài Á Châu Tự Do phát thanh về Việt Nam. Khoảng hai tháng sau, tác giả tình cờ nhận được một thơ gởi từ Việt Nam, nhờ Đài VOA tìm chuyển đến tác giả. Trong các cuộc trao đổi thơ tín về sau, người gởi ( tác giả xin miễn đề cập đến tên, nơi sinh sống hiện nay...) cho biết anh là đồ đệ và bạn tù của Hồ Hữu Tường ở trại giam Hàm Tân. H.H. Tường lúc ấy sức khỏe rất suy giảm, đã nhờ anh nếu ra khỏi tù, hãy tìm tác giả để nhắn những chuyện phải làm nếu H.H. Tường qua đời. Vì vậy nên tác giả còn mang nhiều nợ với ông Tường !
Chánh quyền Cộng sản đã bắt H.H. Tường vào năm 1977. Sau bao nhiêu năm bị giam cầm ở Sài Gòn, các bạn tù đều cho biết là sức khỏe H.H. Tường khá tốt. Lúc nào ông cũng ngậm một lát gừng tươi trong miệng. Có thể việc ngậm gừng này là việc áp dụng những bàn cãi giữa ông Tường và tác giả. Tác giả có cho ông Tường biết về việc các đồng nghiệp quân y sĩ Pháp của tác giả đã báo cáo trong một hồ sơ ở Trường Quân Y Hải Quân Bordeaux: những tù binh Pháp bị bắt sau trận Điện Biên Phủ được sống sót trở về, phần đông là những người thích tìm ớt rừng để ăn hoặc hay ăn gừng để chống lạnh và sốt rét. Tác giả và các bạn đồng nghiệp cho rằng các tù nhân đã sống nhờ sinh tố A (màu đỏ của ớt). Ông Tường góp ý là nên thử nghiên cứu kỹ thêm, vì các thức ăn có chất cay, nhất là thảo mộc, ngoài nhiệt năng (énergie calorifique) hiện được đo lường bằng đơn vị calories, có thể còn chứa chấp loại năng lượng về sức sống (énergie vitale) mà khoa học hiện tại chưa tìm được cách thức dò xét ? Các bạn tù của ông Tường còn cho biết thêm, là mỗi đêm khuya, ông Tường thường ngồi đánh cờ một mình, tay trái đi cờ đối thủ với tay mặt! Ngoài ra, chắc chắn thế nào ông cũng có viết trong đầu, một “tiểu thuyết ngẫm” mà tiếc thay, ông đã đem theo ông, ngày 26 tháng 6 năm 1980, khi ông từ giã để qua một thế giới khác! Bốn năm sau, cuối mùa Đông 1984, tác phẩm cuối cùng của ông, “41 năm làm báo, Hồi Ký ” được Đông Nam Á xuất bản ở Paris.
Một người đã có nhiều kinh nghiệm, biết thể thức giữ gìn sức khỏe và tinh thần qua bao nhiêu năm tháng trong các lao tù, thế mà chỉ trong vòng hai tháng bị đưa đi giam ở Hàm Tân, lại bị lần lần kiệt sức và chỉ được đưa về để gục chết trước thềm nhà mình ( VIỆT NAM 1920-1945, Ngô Văn, Chuông Rè-L’Insomniaque, California 2000, trang 436) , là một việc lạ cần được các sử gia điều nghiên trong tương lai.
Tưởng cũng nên ghi lại là đã có một lần, xe chở Hồ Hữu Tường chuyển trại đã bị tai nạn (?) dọc đường và Hồ Hữu Tường đã được đưa trở về Sài gòn chữa trị. Dưới một chế độ nắm toàn quyền lực sinh sát trong tay, với một nghành Công An có nhiều kinh nghiệm học hỏi ở Nga Sô về các kỹ thuật tinh xảo, âm thầm giết người, thì việc thủ tiêu một đối phương đang bị tù, không có gì là khó khăn. Nhưng cũng nên hi vọng là với những cải tiến không ngừng của nền khoa học hiện đại, nhiều âm mưu ám hại, tưởng là bí mật, rồi cũng có ngày bị phát giác.
Texas, đầu Xuân 2003Bs. TRẦN NGUƠN PHIÊU
Sách Tham Khảo:
1-Daniel Hémery, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine , Francois Maspero, Paris Vè, 1975
2- Đỗ Thái Nhiên, Hồ Hữu Tường: Người Chết U Uẩn, Tài liệu chép trên Internet, VMAFORUM, 2-18-02
3-Hồ Hữu Tường, 41 Năm Làm Báo, Hồi Ký, ISBN-2-85881-011-7, Đông Nam Á, Imprimerie Sudestasie, 17 rue Cardinal Lemoine-75005, Paris, 1984.
4-Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945, ISBN: 2-908744-14-7, L’Insomniaque, Paris, juillet 1995.
5-Ngô Văn, VIỆT NAM 1920-1945, ISBN: 2-908744-40-06, Chuông Rè-L’Insomniaque, California, USA, 2000.


TRUNG QUỐC -VIỆT NAM & BIỂN ĐÔNG




Ấn Độ thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam, thách thức Bắc Kinh

Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc trong một cuộc gặp hồi tháng Năm năm nay. Các nhà quan sát cho rằng động thái khẳng định quyền hoạt động thương mại của Ấn Độ ở biển Đông có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Modi đã sẵn sàng cùng với Mỹ và các nước ở châu Á – Thái Bình Dương kiềm chế tham vọng lãnh hải của Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc trong một cuộc gặp hồi tháng Năm năm nay. Các nhà quan sát cho rằng động thái khẳng định quyền hoạt động thương mại của Ấn Độ ở biển Đông có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Modi đã sẵn sàng cùng với Mỹ và các nước ở châu Á – Thái Bình Dương kiềm chế tham vọng lãnh hải của Trung Quốc.

Công ty Dầu khí Nhà nước Ấn Độ (ONGC) dự kiến sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam thuộc vùng biển Đông, bất chấp phản đối của Bắc Kinh.
Báo chí Ấn Độ dẫn lời các nguồn tin không nêu danh tính cho biết chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã cho phép ONGC tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở biển Đông.
Các nhà quan sát cho rằng động thái khẳng định quyền hoạt động thương mại của Ấn Độ ở biển Đông có thể là một dấu hiệu cho thấy ông Modi đã sẵn sàng cùng với Mỹ và các nước ở châu Á – Thái Bình Dương kiềm chế tham vọng lãnh hải của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuần này đã cảnh báo Ấn Độ phải tránh các hoạt động thăm dò ở những vùng biển tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc được báo chí Ấn Độ trích lời nói rằng “bất kỳ hoạt động nào của các công ty nước ngoài tại các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc đều là bất hợp pháp”.
Bộ này cũng yêu cầu “các bên liên quan tránh các hành động làm phức tạp tình hình”.
Công ty ONGC hôm 27/8 cho biết mới được phép thăm dò thêm một năm nữa tại một lô dầu khí của Việt Nam trên biển Đông.
ONGC hồi tháng 5 đã đệ đơn tới lên chính quyền Việt Nam để xin gia hạn lần ba cho giấy phép thăm dò ở lô 128 để duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông.
Đáp lại, tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro Vietnam đã cấp gia hạn cho ONGC tiếp tục hoạt động cho tới giữa tháng Sáu năm sau.
Lô dầu khí trên Biển Đông này nằm trong khu vực Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền.
Năm 2011,  Bắc Kinh từng cảnh cáo ONGC rằng việc thăm dò của công ty này ngoài khơi bờ biển Việt Nam là ‘bất hợp pháp’ và ‘xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.’
Theo Today, PTI, Economic Times
 http://www.voatiengviet.com/content/an-do-tham-do-dau-khi-ngoai-khoi-viet-nam-thach-thuc-trung-quoc/2937768.html
 Trung Quốc duyệt binh, Tổng thư ký LHQ đi dự, Nhật Bản nổi giận




media 
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon. Ảnh chụp ngày 24/08/2015.REUTERS/Afolabi Sotunde
Vấn đề khách mời tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh do Bắc Kinh tổ chức ngày 03/09/2015 tiếp tục gây tranh cãi. Văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 28/08/2015, đã lên tiếng biện minh cho quyết định đến Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm này của ông Ban Ki Moon, ít lâu sau khí báo chí Nhật Bản cho biết là Tokyo đã bày tỏ thái độ hết sức « bất bình » về sự vụ.
Trả lời câu hỏi của hãng tin Nhật Bản Kyodo, văn phòng Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết là sở dĩ ông Ban Ki Moon đến dự lễ kỷ niệm ngày Đệ nhị Thế chiến kết thúc tại Bắc Kinh, đó là để rút tỉa kinh nghiệm từ những « bài học lịch sử ».
Câu trả lời hãng Kyodo nguyên văn như sau : « Tổng thư ký tin rằng điều quan trọng là phải suy ngẫm về quá khứ, nhìn vào bài học mà chúng ta có được, và làm thế nào để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn dựa trên những bài học đó ».
Theo văn phòng Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, chính các lý do nói trên là nguyên nhân thúc đẩy ông Ban Ki Moon đến Bắc Kinh dự lễ, như ông đã từng đi dự mọi lễ kỷ niệm ngày Chiến tranh Thế giới Lần thứ II kết thúc tại những nước khác như ở Ba Lan, Ukraina và Nga. Nguôn tin này cũng lưu ý rằng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng từng cử Phái viên cao cấp đặc trách giải trừ quân bị đến tham dự buổi lễ tại Hiroshima ngày 06/08 vừa qua, tưởng niệm nạn nhân vụ ném bom nguyên tử của Hoa Kỳ.
Hãng tin Kyodo đã nêu bật bối cảnh của lời biện minh nói trên. Ngay sau thông báo hôm thứ Năm 27/08 vừa qua là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ đến Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và dự lễ kỷ niệm hôm 03/09, Nhật Bản đã không che giấu thái độ giận dữ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiết lộ rằng Tokyo đã bày tỏ thái độ « hết sức bất mãn » trước việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đến Bắc Kinh dự lễ, đồng thời cho rằng lẽ ra định chế quốc tế này « phải giữ lập trường trung lập trong các sự kiện chủ yếu tập trung vào quá khứ ».
Điều khiến cho Tokyo nổi giận chính là nguồn tin theo đó ông Ban Ki Moon sẽ tham dự buổi lễ duyệt binh mà Trung Quốc tổ chức nhân ngày kỷ niệm của sự kiện được Bắc Kinh mệnh danh là Ngày Chiến thắng trong cuộc « Kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược và Cuộc Chiến tranh Thế giới chống Phát xít ».
Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh quân sự và có nhiều hành động đe dọa các láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bất chấp sự can gián của quốc tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng như các lãnh đạo phương Tây đều đã từ khước lời mời đến Bắc Kinh dự lễ, không muốn là sự hiện diện của mình bị coi là tán đồng các hành vi thị uy quân sự của Trung Quốc.

 Rối loạn kinh tế TQ và ảnh hưởng tới VN
  • 27 tháng 8 2015



Image caption Nhà báo Trần Trang (trái) của BBC Tiếng Trung bình luận về tác động của biến đổi kinh tế Trung Quốc lên quốc tế, khu vực và Việt Nam.

Các biến động, thay đổi của kinh tế Trung Quốc đương nhiên gây tác động đến thế giới và các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Việt Nam cần xem xét lại lợi thế của mình để đối phó tốt hơn với những biến động từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, theo một nhà báo và phân tích gia từ BBC Hoa ngữ.
Trao đổi tại cuộc Tọa đàm Bàn tròn trực tuyến hôm 27/8/2015 của BBC Việt ngữ, nhà báo Trần Trang, phóng viên BBC từ ban Tiếng Trung nói:
"Việc phá giá tiền đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có một tác động quan trọng tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất hàng thứ hai trên thế giới, và đặc biệt những quốc gia như Việt Nam ở Đông Nam Á, cũng như Indonesia.


"Bởi vì bất cứ việc phá giá đồng Nhân dân tệ nào của chúng tôi (Trung Quốc) càng gây thêm áp lực hơn nữa lên các đồng tiền của Việt Nam, Indonesia trong việc cũng phá giá hơn nữa các đồng tiền này, ít nhất dưới áp lực này...
"Bởi vì Trung Quốc là công xưởng lớn và cái gọi là những kho lớn hàng hóa 'sản xuất tại Trung Quốc' được giải quyết trên thị trường thế giới, Trung Quốc muốn giảm thiểu áp lực đối với nền kinh tế của mình bằng cách phá giá đồng tiền nội tệ của nó.
"Nhưng điều này có thể tạo ra một cái vòng luẩn quẩn, do đó làm thế nào chấm dứt được nó là một vấn đề lớn."
BBC và các khách mời thảo luận về đợt trượt dốc nghiêm trọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc và điều này ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam cũng như giảm thiểu lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc của Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì?




Image caption Nhà báo Trần Trang cho rằng Việt Nam cần xem xét lại lợi thế của mình, nhất là về nguồn nhân lực, để đối phó tốt hơn với các biến động và cạnh tranh từ nền kinh tế Trung Quốc.
Khi được hỏi Việt Nam cần xử lý như thế nào về cơ bản để đối phó với những biến động mà có thể là gây ra bất lợi, thiệt hại kinh tế, thương mại trước các biến động, đột biến của Trung Quốc, nhà báo Trần Trang nêu quan điểm:
"Nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã xây dựng sự thành công dựa trên lao động giá rẻ, do đó chúng ta có thể thấy Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
"Tuy nhiên tính cạnh tranh này tới nay đang dần mất đi, bởi vì lao động không còn rẻ nữa ở Trung Quốc và giá cả lao động tăng lên, và lợi thế đó dần được thay thế chỗ bởi một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam.


"Tôi nghĩ điều mà Việt Nam có thể tiến hành hợp lý ở đây là không nên lặp lại những gì Trung Quốc đã làm.
"Mà nên tận dụng hết sức nguồn nhân lực của mình trong giai đoạn này và nâng cao năng lực của nhân công để sản xuất tốt hơn, cạnh tranh hơn các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam," nhà báo Trần Trang nói.

Nên mừng hay nên sợ?

Trong một cuộc trao đổi với BBC ngay trước Bàn tròn trực tuyến này, một chuyên gia kinh tế từ Việt Nam, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nói với BBC ông cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ và cho 'thả nổi' trên thị trường, thay vì 'neo cứng' tỷ giá là một 'tin mừng' với các quốc gia trên toàn cầu.
Bình luận về nhận định này, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, nhà phân tích chính sách kinh tế, tài chính từ Hà Nội, nói:



Image caption Ông Bùi Kiến Thành cho rằng tùy góc độ mỗi nền kinh tế khác nhau trong tương quan với TQ mà có thể 'nên mừng' hay 'nên sợ' khi TQ điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
"Vấn đề trước đây là đồng Nhân dân tệ được định giá quá cao so với một số chuyên gia Việt Nam ở trong nước, cũng như nước ngoài, thậm chí các chuyên gia mà nơi nào có những nền kinh tế dễ bị tổn thương, vấn đề phá giá nhân dân tệ thì có ý kiến khác.
"Còn những nơi khác như bên Mỹ cho rằng phá giá đồng Nhân dân tệ là một vấn đề đại hại cho kinh tế ấy.
"Thì chúng ta không thể nào mà nhìn theo góc nhìn của đất nước Việt Nam này mà thấy hết tất cả mọi vấn đề trên thế giới như thế, để mà nói là chúng ta nên mừng hay nên sợ.


"Nhìn vào tình hình, sự thật của đất nước Trung Quốc thì chúng ta mới thấy rõ hơn, chúng tôi thấy rằng vấn đề là Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế rất là rõ ràng.
"Vì đã tiến triển nhanh như thế mấy chục năm thì tới lúc nó phải có sự điều chỉnh thôi, mà Trung Quốc hai năm vừa rồi, nhất là năm vừa rồi đi quá đà đi, phải phanh lại," ông Bùi Kiến Thành nói.
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu trong các bài vở tiếp theo ý kiến của các vị khách trong cuộc Tọa đàm mà quý vị có thể theo dõi trên kênh YouTube của chúng tôi tại: http://bit.ly/1EjsLiH
Cuộc Tọa đàm hôm thứ Năm có sự tham gia của nhà báo Trần Trang, BBC Tiếng Trung tham gia từ Studio của chúng tôi ở London; kinh tế gia Bùi Kiến Thành từ Hà Nội, kinh tế gia, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phú từ Đại học Strasbourg, Pháp và phóng viên Ben Ngô của BBC Việt ngữ, tham gia từ Bangkok, Thái Lan.

Bối cảnh

Hôm 27/8, chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu tăng điểm trở lại, sau đợt lao dốc làm chấn động thị trường toàn cầu.
Sàn chứng khoán ở một số nước châu Á khác cũng tăng điểm trong phiên đầu ngày nhờ các diễn biến tích cực tại Phố Wall hôm 26/8.
Tuy nhiên sự đảo chiều này vẫn chưa đủ để bù đắp lại tổn thất trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% trong năm nay để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Trong khi đó dường như chưa có đối sách hiệu quả cho tình trạng chênh lệch thương mại quá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hôm 19/8, truyền thông trong nước dẫn báo cáo của Cục Hải quan cho biết, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng 4,5 tỷ đôla so với cùng kỳ năm ngoái.


Image copyright BBC World Service
Trả lời BBC ngày 19/8, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nói tình trạng nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề "không thể giải quyết được trong thời gian ngắn và không thể chỉ bằng đối sách phá giá".
Trước đó, một số ý kiến từ các chuyên gia trong nước cũng đã cảnh báo động thái phá giá VND sẽ làm tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc.
"Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn", Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 13/8.
Trong phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
"Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa.
"12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại," ông nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/08/150827_china_stock_market_vietnam_hangout

 




Biển Đông : Trung Quốc sẽ sợ búa rìu dư luận hơn đe dọa quân sự


mediaNgười dân Philippines biểu tình chống yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.REUTERS/Romeo Ranoco
Trước các hành vi càng lúc càng thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là ý đồ quân sự hóa ngày càng rõ nét các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại vùng Trường Sa, Hoa Kỳ cho đến nay chủ yếu đối phó bằng những tuyên bố răn đe. Ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, đòi Washington phải có hành động cụ thể hơn. Trên báo Anh Quốc The Guardian số ra hôm nay, 29/08/2015, có một ý kiến cho rằng Mỹ nên chuyển hướng hành động, tăng cường tố cáo Trung Quốc phạm luật trên trường quốc tế, thay vì chỉ đưa ra những lời đe dọa quân sự suông.
Theo ông Ashley Townshend, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Đại học Sydney ở Úc, những lời cảnh cáo của Mỹ, dù đến từ cấp nào chăng nữa, như không hề làm Trung Quốc động tâm.
Lý do, theo chuyên gia này, đó là vì Bắc Kinh cho rằng Mỹ sẽ không dám lao vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc chỉ vì một số hòn
hòn đảo tí hon tại Biển Đông, do đó Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai các tuyên bố đe dọa của Washington về mặt quân sự, chẳng hạn như lời khẳng định sẽ không dung thứ cho các hành vi hạn chế quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực. Washington cũng từng nói là sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, nhưng lại không nói được là Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc vẫn cứ tiến hành.
Do đó, bí quyết để răn đe Trung Quốc, ngăn chặn việc nước này quân sự hóa các tiền đồn của họ trên Biển Đông là xác định rõ đâu là điều mà Bắc Kinh sợ nhất, tấn công vào lãnh vực đó và phối hợp hành động giữa các quốc gia quan tâm đến Biển Đông để Bắc Kinh thấy rõ cái giá phải trả nêu tiếp tục ngoan cố.
Đối với chuyên gia Townshend, đầu tiên hết là phải đánh vào uy tín quốc tế của Trung Quốc, vì không như nhiều người lầm tưởng, Bắc Kinh thực sự hết sức quan tâm đến việc duy trì một hình ảnh tích cực trên thế giới.
Trung Quốc dư biết là nếu bị xem là một côn đồ coi thường luật lệ quốc tế, trọng lượng chiến lược, chính trị và kinh tế của họ có thể bị giảm sụt, và điều đó sẽ gây hại cho quan hệ béo bở giữa Bắc Kinh với châu Âu, châu Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế.
Theo nhà nghiên cứu Úc, vào lúc này, Mỹ có vẻ là một trong những nước hiếm hoi trực tiếp chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế nhất thiết phải nhập cuộc, và các định chế quan trọng như Liên Hiệp Châu Âu, Nhóm G7, và một tập hợp của các tác nhân khu vực, trong đó có Úc, New Zealand hay Singpapore, phải lên tiếng nới rõ với Trung Quốc rằng việc quân sự hóa đảo nhân tạo tại Biển Đông là hành vi phi pháp và gây bất ổn định.
Sự lên tiếng đó sẽ là tín hiệu cảnh cáo gởi đến Trung Quốc, cho biết là một cái ngưỡng trong sự khoan dung của thế giới đối với Trung Quốc đã bị vượt qua. Tính chất trung lập và uy tín không chối cãi của các quốc gia và định chế nói trên sẽ giúp cho những lời chỉ trích của Mỹ nhắm vào Trung Quốc thêm phần chính đáng, khiến cho Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tránh bị mất uy tín.
Vấn đề đặt ra tuy nhiên là giữa Mỹ với khu vực, và giữa các nước trong khu vực với nhau, cần phải có một sự đoàn kết nhất định.
Chuyên gia Townshend nêu bật ví dụ về việc Mỹ và khu vực bất đồng về quyền tự do đi lại của chiến hạm trên biển. Các nước như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan chẳng hạn, đã có cùng quan điểm với Trung Quốc, cho rằng các hoạt động quân sự của nước ngoài có thể bị ngăn chặn trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một nước, chứ không phải chỉ trong ở trong vùng lãnh hải 12 hải lý như quan điểm của Hoa Kỳ.
Bất đồng quan điểm trên đây đã cho phép Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc theo đó các hành động trên Biển Đông của họ lệch pha với khu vực, đồng thời gây khó khăn trong việc đoàn kết dư luận thế giới lên án hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc.
  http://vi.rfi.fr/chau-a/20150829-bien-dong-trung-quoc-se-so-bua-riu-du-luan-hon-de-doa-quan-su


 



Kinh tế Trung Quốc lao dốc, chứng khoán đỏ sàn từ Á sang Âu, Mỹ


media 
Đỏ sàn chứng khoán Trung Quốc tại khu trung tâm tài chính Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 24/08/2015.REUTERS/Bobby Yip
Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hôm nay 24/08/2015 tràn ngập sắc đỏ. Từ Á sang Âu, các cổ phiếu giao dịch bị sụt giá ở mức chưa từng thấy. Vì sao tâm trạng hoảng loạn giờ đây quay lại với thị trường ?
Theo các nhà phân tích, trước hết là kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc cùng với bóng ma giảm phát. Những chỉ số đáng thất vọng liên tục được đưa ra, chứng tỏ nền kinh tế thứ nhì thế giới đang bị « cảm nặng », khiến kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám theo.
Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ
Cơn sốt « đỏ sàn » bắt đầu với sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải : hôm nay trượt dài đến 8,5%. Đây là sự xuống dốc nặng nề nhất kể từ 8 năm qua, xóa đi tất cả những lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán Thâm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61% kéo theo Hồng Kông sụt 4,64%.
Đài Loan tức khắc bị « lây nhiễm » : sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức -4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm 2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh
nhất từ sáu tháng qua. Tại Việt Nam, hàng trăm mã chứng khoán « giảm sàn », nhiều cổ phiếu không có người mua ; chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm, tương đương 5,28%. Theo báo chí trong nước, kể từ sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan đến Biển Đông tới nay, thị trường mới chứng kiến tình trạng hoảng loạn như vậy.
Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt sáng nay giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số Mdax mất 3,27%. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Paris hôm nay cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị giảm bốn phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luân Đôn, Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. Trước đó tại Wall Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ bốn năm qua.
Vì đâu nên nỗi ?
Evan Lucas, công ty chứng khoán IG Markets bình luận: « Hiện nay chúng ta có tất cả các yếu tố để chứng kiến một ngày tệ hại nhất của thị trường thế giới từ năm năm qua ».
Công ty môi giới chứng khoán Aurel BGC nhận định : « Sự hoảng loạn trên thị trường châu Á là do nguy cơ ngày càng tăng của ‘hard landing’, tức sự hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp hỗ trợ đã được Bắc Kinh loan báo vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu tư cho rằng vẫn chưa đủ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Họ hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp ồ ạt, trong khi Bắc Kinh lại có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ ».
Chỉ số về sản xuất công nghiệp được công bố vào thứ Sáu tuần rồi, thấp nhất từ sáu tháng qua, cho thấy sản xuất Trung Quốc bị co rút lại dữ dội. Việc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm 11/08 - được cho là nỗ lực tuyệt vọng của chính quyền Trung Quốc, phải sử dụng đến vũ khí cuối cùng để thúc đẩy xuất khẩu và các hoạt động kinh tế - làm dấy lên nỗi lo sợ, gây sốc cho thị trường.
Hôm qua, Chủ nhật 23/08, Bắc Kinh cho biết quỹ lương hưu nhà nước với số vốn khổng lồ sẽ được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng loan báo này rõ ràng không trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là nhỏ lẻ. Một nhà phân tích của công ty môi giới Thân Vạn Hoành Nguyên (Shenwan Hongyuan) nhấn mạnh : « Việc can thiệp của quỹ lương hưu còn lâu mới diễn ra, và giá cổ phiếu còn quá cao, nên quỹ chưa thể mua được gì ».
Nỗi lo « bong bóng chứng khoán » vẫn tiếp tục : Trước khi sụp đổ vào giữa tháng Sáu, thị trường Thượng Hải chỉ trong vòng một năm đã tăng đến 150% do chính phủ khuyến khích vay nợ để mua cổ phiếu, hoàn toàn tách rời khỏi nền kinh tế thực.
Người phụ trách quỹ JK Life Insurance tóm tắt : « Nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến rất tệ hại. Một số lãnh vực bị đánh giá cao hơn giá trị thực, và áp lực bán ra trên tất cả các thị trường thế giới đã góp thêm vào tâm lý bất ổn ở thị trường trong nước ».
Những yếu tố tác động khác và hậu quả
Bên cạnh đó người ta còn sợ rằng Quỹ Dự trữ Liên bang tăng lãi suất khiến vốn đầu tư đổ về Mỹ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, chỉ số lo ngại Volatility Index đã tăng đến 45%, tương đương với thời điểm chưa đạt được thỏa thuận về Hy Lạp. Các nhà đầu tư đổ xô bán tống bán tháo cổ phiếu, mua vào trái phiếu các nước có nền kinh tế ổn định nhất, và vàng đang sụt giá thê thảm bỗng tăng trở lại.
Một once vàng hồi cuối tháng Bảy rơi xuống dưới mức 1.100 đô la, nay tăng lên 1.170 đô la, khác hẳn với dự báo sẽ giảm còn 800 đô la. Lãi suất trái phiếu của Đức kỳ hạn 10 năm nay còn 0,584% so với đầu tháng là 0,754%, trái phiếu Pháp dao động ở mức 1%.
Giá các loại nguyên vật liệu hôm nay xuống đến mức thấp nhất từ 16 năm qua. Riêng giá dầu thô loại nhẹ sau khi xuống dưới ngưỡng tâm lý là 40 đô la, có nhích lên đôi chút. Chỉ số Bloomberg bao gồm 22 loại nguyên vật liệu hôm nay mất 1,7% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 8/1999.
Bắc Kinh đã từng tung ra rất nhiều tiền để cứu vãn thị trường chứng khoán, gần đây nhất là hôm 19/08 đã bơm 100 tỉ đô la cho các ngân hàng và 17 tỉ đô la cho 14 định chế tài chính. Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại là việc hỗ trợ không thể kéo dài. Nhà phân tích Ken Chen của KGI Securities cảnh báo : « Trong mọi trường hợp, những can thiệp của chính quyền Trung Quốc không thể tác động được phản ứng của thị trường về lâu về dài ».
Còn nếu Trung Quốc thất bại trong việc « hạ cánh nhẹ nhàng » ? Sự quan ngại không phải là không có cơ sở : chứng khoán sụp đổ hồi tháng Bảy, trong lúc các động cơ (xuất khẩu, đầu tư, tiêu thụ) đều chậm hẳn lại, cộng với đồng nhân dân tệ bị phá giá. Các quốc gia mới nổi lệ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và cả Nhật Bản đều có thể bị tác động.
Trung Quốc đã « xuất khẩu » tình trạng chựng lại của mình sang các nền kinh tế mới nổi, nay không còn có thể đóng vai trò hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu, như vào thời điểm từ 2009 đến 2013. Tám năm sau khi khởi đầu cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc xấu ở Mỹ, khả năng trở lại bình thường vẫn còn là một dấu hỏi. Tăng trưởng nay đã trở thành một khái niệm hiếm hoi. Hiện tại, khu vực đồng euro còn trụ được, nhưng cho đến bao giờ ? Chưa ai có thể trả lời được.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150824-kinh-te-trung-quoc-lao-doc-chung-khoan-do-san-tu-a-sang-au-my


Trọng tâm Biển Đông nổi bật trong chiến lược biển mới của Mỹ

media 
Tiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông (ảnh wikipedia)

Ngày 21/08/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức công bố tài liệu mang tựa đề Chiến lược an ninh hàng hải ở Châu Á Thái Bình Dương, phác họa những đường nét quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh tại vùng biển Châu Á. Dù cũng đề cập đến Biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là chiến lược biển mới của Mỹ đặt trọng tâm vào việc đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo tại Washington, ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương đã xác định ba trục chính trong chiến lược mới đó : (1) kiên trì dấn thân và tiếp tục sử dụng ngoại giao và các định chế đa phương để bảo vệ quyền tự do lưu thông và tiếp cận các vùng biển Châu Á ; (2) tập trung bảo vệ quyền tự do sử dụng các vùng biển, ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng bức ; (3) phát huy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
Sau khi nhắc lại quan điểm từng được tuyên bố của Washington, theo đó Mỹ không thiên vị ai trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định là Hoa Kỳ « có lợi ích trong việc đảm bảo sao cho tranh chấp chủ quyền được giải quyết một cách hòa bình, không thông qua xung đột hay cưỡng chế ». Mối lo ngại của Hoa Kỳ tuy nhiên đang tập trung ở Biển Đông, khi ông David Shear nêu bật mối quan ngại của Mỹ về sự kiện Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa và quân sự hóa các nơi này.
Trong bối cảnh đó, theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington sẽ duy trì một sự hiện diện quân sự cần thiết, đủ khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như của đồng minh và đối tác trong khu vực, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng. Trên tinh thần đó, Hoa Kỳ đang tăng cường lực lượng quân sự trong vùng để trở thành một lực lượng răn đe, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Theo ông David Shear, Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ chuyển qua Châu Á các phương tiện tối tân nhất, mà lại còn trải đều các phương tiện đó trên toàn khu vực.
Con chủ bài trong các phương tiện tối tân đó là hạm đội tàu chiến tuần duyên LCS (Littoral Combat Ship), loại chiến hạm nhỏ nhưng linh hoạt, với hỏa lực hùng hậu, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước nông ven bờ, đặc thù của Biển Đông : 4 chiếc sẽ được triển khai ngay tại Singapore, phụ trách trực tiếp Biển Đông, 4 chiếc khác sẽ được dùng làm lực lượng dự bị, sẵn sàng tung ra khi cần thiết.
Một hàng không mẫu hạm mới, chiếc USS Ronald Reagan sẽ qua thay thế chiếc George Washington, và trong vòng năm năm sắp tới, Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ có thêm một chiếc tàu đổ bộ tấn công mới, USS America, trong lúc thêm hai tàu khu trục Aegis được gửi đến túc trực tại Nhật Bản. Không quân cũng sẽ được tăng viện bằng loại chiến đấu cơ F-22 và F-35 tối tân hơn, không kể đến loại oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52, và 47 chiếc phi cơ tuần thám đời mới P8 A Poseidon, có gắn thủy lôi. Lực lượng Thủy quân lục chiến túc trực trong vùng cũng sẽ được trang bị loại máy bay lên thẳng V-22.
Sau cùng, khu vực cũng sẽ có thêm các loại tên lửa hiện đại phóng đi từ chiến hạm hoặc phi cơ, cùng với các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao, trong đó có loại JASSM-ER và một loại tên lửa hành trình chống hạm tầm xa mới. Với các phương tiện răn đe đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vai trò người bảo vệ ổn định và quyền tự do hàng không và hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông.
Hôm thứ Năm, 20/08/2015, như để nhắc nhở Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khẳng định trở lại là Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự bên trong và chung quanh Biển Đông : « Phi cơ và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như vẫn làm ở mọi nơi khác trên thế giới ».

 Nước Tầu Đại Loạn


Từ khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm quyền tại Hoa lục năm 1949, chưa bao giờ nước Tầu hay đúng ra là Trung Cộng lại rơi vào tình trạng hỗn loan như thời gian vừa qua về mọi phương diện:


Chính Trị:

1.-Giang Trạch Dân âm mưu thanh tóan Tập Cận Bình thất bại, cả gia đình vợ con đều bị quản thúc. Bao nhiêu tướng lãnh trong Quân Ủy TC đều là người theo phe của Giang Trạch Dân. Các Tướng này đã bị bắt, bị cách chức, giam giữ hoặc một số đã tự sát. Lần đầu tiên Tập Cận Bình bôi xấu Giang Trạch Dân (lý lịch là cháu ba đời của Uông Tinh Vệ là tên Đại Hán Gian thời Nhật).

2.-Bí Thư Thường Trực của Tập Cận Bình đào tỵ tại Mỹ:
-Chỉ biết đã đến San Francisco nhưng tung tích hòan toàn bí mật. TCB đã yêu cầu Mỹ dẫn độ tay Bí Thư này về Hoa Lục. Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị vì trước kia tên Edward Snowden đào thóat qua Hồng Kong Mỹ đã yêu cầu TC dẫn độ nhưng TC nói TC-Mỹ không có hiệp ước dẫn độ nên từ chối. Bây giờ gậy ông đập lưng ông, Hoa Kỳ cũng từ chối dẫn độ.

-TC đã phái các toán đặc công xâm nhập vào Mỹ để tìm diệt tay Bí Thư này vì anh ta biết quá nhiều bí mật của Hoa Lục.Phía Hoa Kỳ đã bí mật tăng cường an ninh tại các sân bay tìm cách ngăn chặn các tay đặc công này vào Mỹ.

-TT Obama yêu cầu TC thả vợ con của tay Bí Thư này ra nếu không Hoa Kỳ sẽ cấm tòan bộ hàng TC không được vào Mỹ. Bước thứ hai sẽ nói châu Âu cũng cấm hàng TC nhập vào.


Kinh Tế:
-Thị Trường Chứng Khóan Hoa Lục sụp đổ tại Thượng Hải và Shenzen, khoảng 200 triệu người Hoa Lục chơi stock bị phá sản, nhiều ngân hàng đóng cửa. Người ta cho rằng chính Mỹ đã gây ra nạn sụp đổ này để cảnh cáo TC đã có âm mưu và lời tuyên bố muốn thay đồng Mỹ Kim bằng đồng Yuan của TC/và tìm mọi cách đánh đổ đồng Đô La. Hâu quả của sự sụp đổ này chưa có thể tiên đóan được nhưng rõ ràng là Hoa Lục đã kịêt quệ về tài chánh/và sẽ ảnh hưởng đến Quân Sự và mộng bá quyền tại Biển Đông.

-Kinh Tế Nga-Tầu chao đảo:
Mỹ đang đánh thẳng vào nên kinh tế hai nước này bằng chiêu Dầu Hỏa như sau:

-Hôm qua đột nhiên Anh Quốc mở lại đại sứ quán tại Teheran (Iran) và Iran đã mở lại các kho dầu (bị ứ đọng không bán được thời gian qua) và xuất cảng dầu qua Châu Âu với giá hạ hơn thị trường (để thâu ngọai tệ về nhanh). Đây là đòn nặng vào dầu khí của Nga. Giá dầu đã hạ xuống chỉ còn $34USD/thùng (không còn có lời nữa qua chi phí sản xuất. Phải trên $40USD mới có lợi nhuận). Dầu khí của Nga đang bị đe dọa vì Châu Âu không cần nữa.

-Bất thình lình và lần đầu tiên trong lịch sử, TT Obama đã ra lệnh cho khai thác mỏ dầu hỏa dự trữ lớn nhất của Hoa Kỳ tại Alaska và giao cho công ty Shell (của Anh Quốc) được tòan quyền khai thác, làm cho giá dầu thô càng sút giảm mạnh.

Quân Sự:

-Trước tình hình TC bành trướng ở Biển Đông: Xây đường băng dài 1,200 mét trên đảo Chữ Thập (Trường Sa). Nối dài đường băng cho phi cơ hạng nặng có thể chở vũ khí đầu đạn hạt nhân bắn đi xa 6,500km (kéo dài một đường băng từ 2km thành trên 3km) trên Hoàng Sa,

-Mỹ đã đổ bộ quân và vũ khí máy bay hạng nặng vào 8 điểm trên đất Phi (trên đảo Luzon có Manila và căn cứ Clark/và Palawan).

-Mỹ đã bí mật ký kệt hiệp ước quân sự với Cộng Sản VN (chi tiết chưa được ông bố) nhưng CSVN đã để cho Mỹ sử dụng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ HQ. Mỹ đang đưa các SQ HQ gốc Việt về Cam Ranh để họat động và chỉ huy. Mỹ vừa hạ thủy Hàng Không Mẫu Hạm Gerald Ford đặc biệt có dàn phóng phi cơ tối tân nhất (không dùng máy đẩy phi cơ như trước/nên HKMH nhẹ hơn). Trong khi đó thế giới đang chê cười TC khoe chế tạo được HKMH (thực chất chỉ là cái bè nổi khổng lồ bằng các thùng phuy, kim lọai) mục đích làm các trạm tiếp tế nhiên liệu cho phi cơ mà thôi/không có khả năng tấn công.

Chưa bao giờ Trung Cộng bị những đòn nặng trên nhiều phương diện như vậy. Cũng chưa bao giờ Nga bị chao đảo vì dầu hỏa đi xuống và trước viễn ảnh dư thừa dầu trong thế giới tư bản như vậy.


Tình hình sẽ còn biến chuyển mạnh trong thời gian tới, cần theo dõi.
(Theo các nguồn tin mới nhất):

PGĐ

Latvia muốn dựng hàng rào trên biên giới Nga để ngăn người Việt

Lính biên phòng Latvia tuần tra tại biên giới giáp với Nga gần Opoli.
Lính biên phòng Latvia tuần tra tại biên giới giáp với Nga gần Opoli.
Chính quyền Latvia đang xem xét xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới với Nga nhằm ngăn chặn người Việt nhập cư trái phép, Bộ trưởng Nội vụ Latvia Rihards Kozlovskis nói với đài phát thanh Latvia.
Đã có khoảng 300 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Latvia năm ngoái. Hầu hết những người nhập cư trái phép từ Nga đều là người Việt Nam và đôi khi được sự hỗ trợ của những kẻ buôn người Latvia.
Ông Kozlovskis cho biết, cho dù Latvia có bảo vệ đường biên giới 100% thì cũng không thể ngăn chặn được, vì vậy, một hàng rào trên biên giới rộng 12m phải được lập ra để “lực lượng biên phòng có thể sử dụng xe 4 bánh thay vì phải băng qua rừng” nhằm ngăn chặn những mưu toan vượt biên.
Bộ trưởng Nội vụ nói: “Khả năng xây dựng một hàng rào dọc theo một số khu vực đường biên giới đang được thảo luận nhưng nếu không áp dụng các kỹ thuật phù hợp, hàng rào này sẽ không thể ngăn chặn dòng người tị nạn. Những người Việt nhập cư trái phép này không đến từ Việt Nam mà họ đến từ Nga, nơi họ thường làm việc hợp pháp hoặc bất hợp pháp”.
Ông nói thêm, hàng rào vẫn có thể trèo qua, vì vậy lực lượng biên phòng Latvia cần có một hàng rào biên giới rộng hơn và lắp đặt các thiết bị khác nhằm giảm thiểu số lượng người vượt biên.
Ngày 1/8 vừa qua, lực lượng biên phòng Latvia đã bắt giữ 22 người Việt nhập cư trái phép cùng 4 kẻ buôn người Latvia và Nga.

Tòa án hành chính Latvia cũng từng từ chối đơn khiếu nại của 4 công dân Việt Nam sau khi văn phòng di trú từ chối tiếp nhận họ với tình trạng tỵ nạn hoặc tình trạng khác.
Trong đơn kiện của mình, các công dân Việt Nam chỉ ra rằng họ đã bị bức hại ở Việt Nam do tín ngưỡng tôn giáo hay chính trị của họ.
Tuy nhiên, phán quyết của tòa án không thể được kháng cáo.
Tổng cộng có 165 người Việt Nam trong tổng số 239 người nhập cư bất hợp pháp vào Latvia trong năm nay.
Theo Xinhua, The Baltic Course
 http://www.voatiengviet.com/content/latvia-muon-dung-hang-rao-bien-gioi-nga-de-ngan-nguoi-viet/2937469.html
SINH LỘ CHO VIỆT NAM
                                                         minhtânLêThànhNhân
NHỮNG NGÀY CHÍ NGUY CỦA ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM
Đầu tháng 5 năm 2014 được đánh dấu trong lịch-sử Việt Nam như là một trong những ngày chí nguy của Đất Nước và Dân-tộc Viêt Nam khi mà con sư-tử đói Tàu cộng giương ra những nanh vút khổng lồ của chúng toan vồ lấy và ăn tươi nuốt sống lân quốc Việt Nam.  Đó là ngày mà tên CS đầu xỏ Tàu cộng phơi bày cho cả thế-giới thấy thực chất của chủ-nghĩa CS là xâm-lăng và ăn cướp kẻ khác còn thô bạo gấp nghìn lần bọn "đế-quốc tư bản" mà chúng thường lên án.  Trong khi đó thì bọn "hậu thân của Nga sô" cũng làm như vậy ở Ukraine và hùa theo bọn ăn cướp Tàu cộng để phanh thây "đồng chí XHCNVN" từng có công làm tay sai đánh thuê cho chính Liên xô trong mưu đồ nhuộm đỏ (thôn-tính) Đông Nam Á trước khi Liên-xô sụp đỗ năm 1991.
 Tưởng cần nhắc lại hai sự kiện trước đây:
1.  Tháng 2 năm 1979, khi "đồng chí Tàu cộng" xua quân xâm lăng Việt Nam ở phía Bắc, thì "đồng chí Nga cộng (Liên-xô)" ... án binh bất động, làm ngơ, mặc dầu đã có hiệp-ước phòng-thủ hỗ-tương với Việt cộng và mặc dù Việt cộng kêu cứu thống thiết!
2.  Năm 1988, khi Tàu cộng xua quân xâm lăng chiếm đảo Garma của Việt Nam, thì "đồng-chí Nga cộng" lại cũng ... án binh bất động, làm ngơ!
Trong vụ Tàu cộng xâm lăng lãnh hãi của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay, bọn "hậu thân Nga cộng-- Putin" không những án binh bất động mà còn ma mảnh "biến đau thương của đồng-chí Việt cộng thành cơ hội bán vũ-khí để hốt bạc làm giàu".  Thế mà những cái đầu VC u-mê, ấu trỉ ở Bắc bộ-phủ lại "nằm mơ" là có thể "dựa vào Nga (cộng) để đẩy lui Tàu cộng"!! Giả sử như có được đi nữa thì vẫn là chuyện "đuổi hùm ra cửa trước để rước hổ vào cửa sau" thôi: VC muôn đời vẫn phải mang kiếp làm nô lệ cho hai tên đầu sỏ cộng-sản quốc-tế Nga, Tàu!

HUYỀN THOẠI VÀ THẢM HỌA HÔM NAY!
1.  Huyền-thoại "Chủ-nghĩa CS giúp giải phóng các dân tộc bị áp-bức".  HCM và đồng bọn đã tin tưởng ngây thơ rằng chủ-nghĩa CS có thể giúp giải-phóng VN khỏi ách thực-dân theo "Đề cương Giải-thực" của Lénine.  Hầu hết các nước cựu thuộc địa trên thế-giới không nhờ đến chủ nghĩa CS đã thu hồi độc lập rất sớm và tốn phí ít xương máu hơn nhièu (Ấn-độ, Mién Điện, Nam Dương, v.v...).  Chủ-đích của Lénine và cộng đảng của y là nhằm thay chân "đế quốc tư bản" phồn thịnh, tự do bằng "đế-quốc cộng-sản" đói rách và độc tài trên khắp thế giới.  Tại khắp mọi nơi trên thế-giới, sau khi cướp được chính quyền bằng bạo lực, bọn CS đã cai trị tàn bạo, độc ác gấp trăm, gấp ngàn lần hơn bọn thực dân. Người dân đói khổ gấp trăm ngàn lần hơn dưới thời thuộc địa.
ĐÓ LÀ SAI-LẦM THỨ NHỨT CỦA CỘNG ĐẢNG HCM.

2.  Huyền thoại " Đuổi Pháp để giành độc lập".  Trận Điện Biên Phủ là do Tàu cộng "đánh giùm" chớ đâu phải do HCM và Võ Nguyên Giáp đánh.  Trước ngày Tàu cộng chiếm được Trung-Hoa lục-địa (1949) thì VC chỉ trốn chui trong hang "Pắc Pó" chớ có đánh đấm gì đâu.  Bởi vậy, sau khi nhờ Tàu cộng đánh bại Pháp thì cộng-đảng HCM đã phải "dâng" đất nước cho Tàu, dẩn đến thảm họa Tàu cộng cướp nước hôm nay.
 ĐÓ LÀ SAI-LẦM THỨ HAI CỦA CỘNG ĐẢNG HCM
3.  Huyền thoại "Chống Mỹ cứu nước". 
Cộng-đảng HCM thi hành chỉ-thị của tên đế-quốc CS Liên-xô xâm lăng Miền Nam như là một tên "đầy-tớ vâng lệnh chủ" chớ làm gì có việc "chống Mỹ  cứu Nước".  Lê Duẩn trắng trợn khoe khoan hành-động phản quốc của cộng-đảng của y: "Ta đánh chiếm Miền Nam là đánh cho Liên-xô và cho Trung quốc!"
Chính hành-động phản-quốc đó của Cộng-đảng HCM đã cướp đi sinh mạng của 4 triệu người Việt và tàn phá đất nước tan hoang cho đến ngày nay, với những thảm cảnh Tù đày, Thủy-lợi, Kinh-tế Mới, Vượt Biên, ...  Dân chúng nghèo đói đến nỗi phải đem bán con cái ra nước ngoài để làm nô lệ, v.v....
Nếu "Mỹ là đế-quốc xâm-lược" thì tại sao bây giờ lại  phải van xin Hoa Kỳ trở lại để ... bảo vệ giùm biển, đảo của mình?  Quân ta đủ sức "đánh thắng" đệ nhứt cường quân-sự Hoa Kỳ mà tại sao chỉ có việc ngư dân Việt Nam bị Tàu cộng giết hại, cướp bóc hàng ngày mà không bảo vệ nỗi?
ĐÓ LÀ SAI-LẦM THỨ BA CỦA CỘNG ĐẢNG HCM

4.  Huyền-thoại: "Bán Nước để cứu Đảng là con đường đúng đắn"
Khi đế-quốc CS Liên-xô sụp đổ vào cuối thập niên 1980, thay vì coi đó là cơ-hội bằng vàng để "thoát khỏi thân phận làm nô-lệ cho CS quốc-tế", và đưa Dân-tộc tiến lên như các nước Đông Âu, thì các môn đệ của HCM lại vác xác đến Thành-đô (Tứ Xuyên) đầu tháng 9 năm 1990 để xin quy phục Bắc triều, xin cho nước Việt Nam đưọc làm một tỉnh của Tàu trễ nhứt là năm 2020.  Cộng đảng HCM rõ ràng là một lũ bán Nước cố bám lấy quyền lợi chứ không hề yêu Nước; đảng đó đã luôn luôn sẳn sàng hi sinh nền độc-lập của Tổ-quốc Việt Nam để phục vụ quyền lợi của ngoại bang, hết Nga đến Tàu.
ĐÓ LÀ SAI-LẦM THỨ TƯ CỦA CỘNG ĐẢNG HCM
Tóm lại, trái với những "huyền thoại lừa bịp" nhai đi nhai lại từ lúc khai sinh đến nay, CỘNG ĐẢNG HCM ĐÃ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG PHẢN QUỐC, HẠI DÂN TRONG SUỐT 70 NĂM LỊCH-SỬ CỦA ĐẢNG.  VÀ CHÍNH CON ĐƯỜNG ĐÓ ĐÃ ĐƯA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC TA ĐẾN BỜ DIỆT VONG HÔM NAY.  BỞI VẬY ĐẢNG ĐÓ CÓ TỘI LỚN VỚI TỔ-QUỐC VÀ DÂN-TỘC!
Những đảng-viên thực tâm yêu nước đã từng bị "đảng" lừa gạt hãy nhận ra sự thật lịch-sử đó để trở về với Dân-tộc và cùng với đồng bào chống giặc cứu Nước.

SINH-LỘ CHO VIỆT NAM
Bất cứ chiến-lược-gia nào trên thế-giới cũng đều biết là vị-trí địa-dư của nước Việt Nam là địa-điểm mà mọi thế-lực lớn trên thế-giới đều muốn "chiếm lĩnh" khi có cơ-hội đầu tiên. Ngay trong giai-đoạn đầu của phong-trào chiếm thuộc địa của các nước Tây Âu thì "cô gái kiều diễm Việt Nam" đã "lọt vào mắt xanh" của đế-quốc Tây Ban Nha, rồi Pháp.  Kế đến là Nhựt trong đệ II Thế-chiến, rồi Pháp trở lại lần thứ hai, rồi sau đó là Hoa Kỳ, rồi Liên-xô, Trung cộng... Không một lúc nào là không có một "cường quốc" ở bên cạnh Việt Nam. Muốn tồn tại và giữ được nền độc-lập, tự chủ, những nhà lãnh đạo Việt Nam phải có một tinh-thần dân-tộc thật vững vàng và phải sáng suốt vận dụng các thế-lực thời đại vào mục-tiêu bảo vệ nền độc-lập và tự chủ của dân-tộc mình.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có 4 con đường để lựa chọn:
1.  Quy phục Bắc triều Tàu cộng theo "Thỏa hiệp Thành-đô năm 1990" của cộng-đảng HCM;
2.  Trở lại theo Nga để chống Tàu cộng như thời Lê Duẩn;
3.  Lập Khối Trung-lập, Phi-Liên-kết cùng với Miên, Lào, Thái-Lan, Miến-Điện có sự bảo đảm của các cường quốc;
4.  Liên kết với Hoa Kỳ và đồng-minh của Hoa Kỳ như Nhựt, Nam Hàn, Phi-Luật-Tân, Úc, v.v... để chống sự xâm-lược của Tàu cộng;
Mọi người Việt có lòng yêu nước tối thiểu đều thấy ngay là con đường số 1 và con đường số 2 trên đây mà cộng-đảng HCM đã đi theo là "tử lộ" và đã đưa Đất Nước đến thảm họa mất nước hiện nay.\

Con đường số 3 là con đường "lý-tưởng" như được áp-dụng ở Thụy-sĩ chẳng hạn.  Nó bảo-đảm ổn-định chánh-trị vì các cường quốc không tìm cách lập vây cánh của mình để thao túng quyền lực: hi vọng tránh được tình trạng có những phe thân Tàu, thân Nga, thân Pháp, thân Mỹ. .. .đấu đá tranh giành quyền lợi với nhau gây chia rẻ dân tộc và bất ổn chánh-trị.  Quan-trọng nhứt là quốc gia không phải trút hết tài-nguyên vào việc mua sắm vũ-khí vô cùng tốn kém (như Hà Nội đang làm).  Nhờ vậy mà nền kinh tế có được tài nguyên để phát triển nhanh chóng đưa Đất Nước lên kịp với thế giới.   Điều khó khăn là con đường đó đòi hỏi phải có một nhóm người lãnh-đạo thật tài ba, xuất sắc để vận-động ngoại-giao với các cường quốc để họ chấp thuận bảo đảm qui chế trung-lập của mình, nhứt là có biện pháp trừng phạt bọn xâm-lăng vi phạm nền trung lập của các thành-viên của Khối. Một khi nền trung-lập của Việt Nam được các cường quốc bảo đảm rồi thì cái lợi tức thời là Tàu cộng không thể tùy tiện xua quân xấm lấn như chúng đang làm hiện nay. Các tổ-chức đấu-tranh của NVQG chúng ta mắc một nhược điểm lớn là không biết giá-trị vô cùng to lớn của vũ-khí ngoại-giao như các dân-tộc Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật-bản, Do-Thái, v.v...

Còn lại con đường thực tế hiện nay là con đường số 4. Từ nhiều năm nay chúng tôi đã từng khẳng định trong các bài viết của chúng tôi về các giải pháp cứu Nước (xin mời vào trang mạng www.minhductandan.com):  trong bối cảnh của thế-giới ngày nay, không ai có thể giúp VN đẩy lui được cuồng vọng xâm-lăng của Tàu cộng ngoài Hoa Kỳ.  Với những hành-vi thô bạo của Tàu cộng từ tháng 5 năm 2014 nhằm áp đặt chủ-quyền của chúng trên Biển Đông dựa theo Đường 9 đoạn của chúng,  Tàu cộng đã không dễ gì rút giàn khoan khỏi vùng đặc-quyền kinh-tế VN, và ngưng các hành-vi xâm lấn khác NẾU KHÔNG CÓ:
a.  Thượng Viện Hoa Kỳ ra Nghị-quyết lên án Tàu cộng và yêu cầu Tàu cộng tôn trọng nguyên trạng của trước ngày 1 tháng 5 năm 2014 ở Biển Đông;
b.  Các thượng-nghị-sĩ John McCain và Shelton Whitehouse họp báo ngay tại Hà Nội tuyên bố ủng hộ VN và lên án Tàu cộng (8/8/14);
c.  Quốc-hội Hoa Hoa Kỳ cứu xét gấp việc bải bỏ lệnh cấm bán vũ-khí sát thương cho Việt Nam;
d.  Ngoại-trưởng Hoa Kỳ John Kerry bày tỏ lập-truờng cứng rắn của HK tại hội-nghị Sangri-La (Singapore) và nhứt là tại diễn-đàn ASEAN tại thủ-đô Miến-Điện mới đây (8 đến 10 tháng 8, 2014);
e.  Chủ-tịch Tham-mưu trưởng Liên Quân Hoa kỳ --tướng 4 sao Martin Dempsey -- đến Hà Nội để cam kết giúp VN bảo vệ độc-lập và an-ninh quốc-gia (8/14/14 đến 8/17/14).
Ngoài ra, trong thời gian trên, cựu TT Bill Clinton cũng dã đến Hà Nội với một sứ mệnh do TT Obama giao-phó.
Với các hành-động trên đây của Hoa Kỳ, cơn nguy biến của Đát Nước Việt Nam đã tạm thời đang được đẩy lùi.
Xin mọi người Việt khắp nơi thiết tha đến sự tồn vong của Đất Nước:
-  Hãy tạ ơn những nhà lãnh-đạo HK đã đóng góp vào công cuộc cứu nguy Tổ-quốc Việt Nam thoát khỏi tình thế nguy khốn nhứt trong những ngày tháng qua.

Bỏ qua những sai lầm chiến-lược của Hoa Kỳ về VN trong quá khứ, phải công nhận CHÍNH HOA KỲ LẦN NẦY ĐÃ MỞ RA SINH-LỘ CHO VIỆT NAM trong khi thi-hành chánh sách chuyển trục sang Á châu.  (Phụ chú: Bài nầy viết từ tháng 8, 2014; các biến cố ngoại giao, chính-trị giữa VN và HK trong tháng 6 và 7 năm 2015 mới đây với sự hạ bệ được phe tay sai Tàu cộng tại Hà Nội đã củng cố mạnh mẽ niềm tin nầy).
 -  Hãy tạ ơn tất cả những đồng bào, sĩ phu và đoàn-thể trong và ngoài nước đã đóng góp vào việc tạo ra được những diễn biến trên đây có khả năng thay đổi vận mệnh của Đất Nước chúng ta;
 -  Hãy tạ ơn Hồn thiêng Sông Núi nước Việt đã xui khiến cho lũ bành-trướng Tàu cộng đã xuẩn động trên Biển Đông khiến cho Hoa Kỳ và thế giới kịp thời báo động về cuồng vọng làm bá chủ thế-giới của của bè lũ Tập Cân Bình ở Trung Nam Hải/Bắc Kinh .  Bè lũ Việt-gian phản quốc tay sai Tàu cộng ở Bắc Bộ-phủ cũng "bị vô hiệu hóa".  Quan trọng nhứt là khí thế chống Tàu cộng cướp nước của toàn thể đồng bào người Việt khắp nơi đã lên cao đến tột độ.  

Đại họa bị Tàu cộng cướp nước chỉ mới được đẩy lùi một bước chứ chưa hẳn là đã biến mất.  Các sĩ-phu và đoàn-thể ngưòi Việt yêu Nước khắp nơi, trong và ngoài nước (nhứt là ở Hoa Kỳ), vẫn cần phải tiếp tục công cuộc đấu tranh của mình cho tới ngày Đất Nước hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ xâm lược và thôn tình của Tàu cộng.

ĐÔI LỜI KÉT LUẬN
Các hành-động rõ ràng, dứt khoát và cương quyết trên đây của Chánh-phủ và Quốc-hội Hoa Kỳ trước đại-họa xâm-lăng thô bạo của Tàu cộng ở Biển Đông đã khiến chúng tôi cảm thấy phần nào lạc quan cho vận mệnh của Dân-tộc chúng ta.
Những diễn biến đó phù hợp gần đúng với sự mong ước trong bài viét 3 năm trước đây của chúng tôi “CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC NGẮN NHỨT” (xin vào tham khảo tại www.minhductandan.com).
 Cái ưu việt của CHÍNH-NGHĨA QUỐC-GIA là không chủ-trương "NGUỜI VIỆT GIẾT NGƯỜI VIỆT", không chủ-trương "CỔNG RẮN TÀU CỘNG VÀO NHÀ ĐỂ CẮN NGƯỜI VIỆT" và không chủ-trương  "ĐỂ CHO GIẶC TÀU VÀO ĐÔ HỘ ĐẤT NƯỚC CHO LÒNG DÂN CĂM PHẨN MÀ NỔI LÊN CHỐNG GIẶC!"
Hải-ngoại ngày 18 tháng 8 năm 2014
(Rev.25.7.2015)
minhtânLêThànhNhân
Email: minhtandiendan@yahoo.com
GHI CHÚ: Xin mời vào trang mạng www.minhductandan.com để đọc tiểu-sử và các bài viết khác của  tác-giả, nhứt là bài viết:"PHẢI LÀM GÌ KHI VẬN NƯỚC ĐANG ĐỔI THAY?".
 

Trung Quốc cho phát hành tiểu sử Hán gian của Giang Trạch Dân

Để chuẩn bị cho vụ án lớn nhất thế kỷ – đưa cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân ra xét xử, bộ máy tuyên truyền Bắc Kinh vừa tán phát rộng rãi cuốn Giang Trạch Dân “tiểu sử chân thực”, chỉ rõ Giang thuộc một gia đình Đại Hán gian, từng cộng tác với chinh phủ bù nhìn Nhật Bản Uông Tinh Vệ.

 

http://i.imgur.com/bZysqDN.jpg
Ông Giang là lãnh tụ quyền lực số 1 của Đảng CSTQ khi từ cuối thế kỷ 20 đến đầu 21. Ông là nhân vật kế thừa ông Đặng Tiểu Bình, thực hiện giấc mơ Trung Hoa với chính sách lớn Bốn hiện đại, hòng vươn lên làm chủ toàn thế giới.
Trong lịch sử hiện đại, tên tuổi Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân gắn liền với Sự kiện Thiên An Môn (ngày Lục Tứ – 4/6/1989 ) khi ra lệnh cho binh đoàn xe tăng nghiền nát hàng ngàn nam nữ sinh viên dũng cảm đòi tự do cho toàn dân; cũng như gắn liền với sự kiện tiến hành cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình đã nhẫn tâm ra lệnh cho quân Trung Quốc tàn phá tan hoang các tỉnh biên giới của Việt Nam trước khi rút về nước, để dạy cho “tiểu Bá” phương Nam một bài học nhớ đời.
Nay con người ấy đang sa cơ.
Cứ theo tin Đại Kỷ Nguyên, có nhiều dấu hiệu cho thấy số phận của Giang Trạch Dân chỉ đang tính bằng ngày. Tất cả những tay chân bộ hạ gần xa trong Quân Giải phóng, trong bộ máy Đảng và Nhà nước… của Giang đã bị bắt giữ, lần lượt đem ra xét xử bất kể đó là những Thượng tướng từng giữ những chức vụ cao nhất.
Đại Kỷ Nguyên và mạng Minh Huệ cho biết Tổng bí thư Tập Cận Bình cùng Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Tập , đang chuẩn bị một bản án động trời, xử tội “phản nghịch, phản cách mạng, chống Đảng, chống Nhà nước”, mà đầu sỏ chính là Giang Trạch Dân, với một nhóm tay chân thân cận nhất của Giang, trong đó có Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã bị tù chung thân, còn có thể liên đới đến 3 Ủy Viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện thời bao gồm: Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ, Trương Đức Giang, chưa kể nguyên uỷ viên thường vụ BCT Tăng Khánh Hồng, chức vụ xưa nay không ai được đụng đến.
Có một tội của Giang Trạch Dân, tội ác chống nhân loại, vượt Tần Thuỷ Hoàng, vượt Hitler, đó là việc tận diệt các thành viên Pháp Luân Công, bắt vào các trại cải tạo hàng chục vạn người, và tàn ác hơn cả là lấy các bộ phận sống của người tù rao bán để ghép cho những bệnh nhân cao cấp và giàu có.
Giang Trạch Dân bôi nhọ Pháp Luân Công là tà giáo, kẻ thù chính của Đảng CSTQ, vì họ luyện tập cơ thể để nhằm sống lâu, làm việc thiện cho xã hội với tinh thần kiên nhẫn, tự tin. Chân – Thiện – Nhẫn họ rèn luyện trái ngược hẳn với sự lừa đối, độc ác và bất Nhẫn mà tập đoàn họ Giang theo đuổi.
Pháp Luân Công cũng phát triển khá rộng rãi ở châu Á và toàn thế giới. Có thể nói đây là tổ chức quốc tế đông đảo, chặt chẽ nhất trên thế giới, có mạng truyền thông rộng rãi là Tân Kỷ Nguyên, nay là Đại Kỷ Nguyên, dùng đến 28 ngôn ngữ khác nhau, phổ biến rộng rãi trên 30 nước, một mạng thông tin có uy tín rộng lớn.
Khi tố cáo việc ghép tạng sống như tim, gan, thận, mắt, cho hàng chục vạn trường hợp, báo Đại Kỷ Nguyên đã dùng chữ “cướp” vì tất cả đều là cưỡng bức, không hề có tự nguyện, từ năm 2001 đến 2006 đã có trên 60 ngàn vụ mổ cướp ghép tạng đã diễn ra ở Trung Quốc.
Đại Kỷ Nguyên còn phơi bày rộng rãi hàng ngàn bức ảnh công an Trung Quốc tra tấn, kềm kẹp, đánh đập đến chết các tù nhân Pháp Luân Công bằng điện, roi sắt, treo người, bắt nhịn đói, phơi nắng, thọc kim vào đầu ngón tay, hãm hiếp tập thể nữ tù…
Hàng trăm bản tố cáo mang chữ ký của gần một triệu người thuộc đủ các nước do Pháp Luân Công kiên nhẫn vận động đã được gửi đến Cơ quan Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Lương tâm toàn thế giới đã thật sự rung động.http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/bocau.net-BcKCN8-42026.jpg
Siêu án làm phản: Giang phái – Giang bang
Có vẻ như chính quyền Tập Cận Bình muốn nhân vụ “siêu án làm phản” này của Giang phái – Giang bang, để đưa tội ác đối với Pháp Luân Công này ra ánh sáng một thể.
Có nguồn tin cho hay, trong năm 2015, lãnh đạo Tập Cận Bình đã ký lệnh giải tán nhiều trại cải tạo, chuyên giam giữ những thành phần bị chống đối và học viên Pháp Luân Công.
Nói không đâu xa, chúng ta hãy chờ xem lễ diễu binh tại quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9 sắp tới sẽ có mặt những ai trong hàng ghế lãnh đạo.
Rất có thể trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lòng dân không yên, lãnh đạo Tập Cận Bình muốn thúc đẩy thực hiện những sự kiện vang dội.
Cái ác không thể tồn tại dài lâu. Món nợ cực lớn đối với Pháp Luân Công đã đến hồi phải trả.


No comments:

Post a Comment