unday, October 25, 2015
VŨ TRỤ THƠ
BÀI THƠ TRƯỚC GIÓ ĐÔNG
Tôi viết bài thơ trước gió đông
Gởi về đâu? anh đoán ra không?
Về cô má đỏ - khăn quàng tím?
Không phải đâu anh, những chuyện lòng.
Phương ấy chiều nay gió lạnh về
Mưa dầm - gió lốc một trời quê
Má già chân bấm trên nền đất
Tơi, nón lom khom men rặng tre.
Cuối thôn heo hút mái tranh xơ
Bếp ẩm - ngày mưa khói tỏa mù
Tay cóng ai về hơ vội lửa
Cột tre - áo máng, giọt tơi thưa
Đèn thắp lên rồi! Cơn bắc ra
Loanh quanh chỉ những mắm, dưa, cà
Chiều nay - chợt thấy đời vô dụng
Nghe gió lòng thêm gợn xót xa.
HUY TRÂM
IN THE WINTRY WIND
I am writing a poem in the wintry gale.
Where to send it to? There, can you guess?
That rosy-cheeked, the purple-scarf frail?
– No, buddy! It is about my heartfelt distress.
Cold wind blows in that place, this evening
– Homeland in swirl – constant is the rain.
With clayish ground old mom's feet cling;
Palm-leaf hat and coat by the bamboo chain.
Under the ragged thatched roof, in mire,
Smoke from humid fireplace makes her glum;
Back home, her man warms hands on the fire;
His wet coat drips from the bamboo column.
Then the lamp is lit! And the dinner served:
Always are pickles, sauce, same and again.
How life this evening is felt useless, unnerved;
Listening to the wind causes my heart to pain.
Translation by THANH-THANH
THU TAO NGỘ
Từ giã Cali về thăm xứ lạ
Lòng nghe như rộn rã một thâm tình
Tưởng đâu đây xuân trào trên cánh lá
Và nắng xuân hội tụ giữa bình minh
Ta cảm xúc bởi bao niềm rung động
Xa cố hương người Việt vẫn xum vầy
Vui họp mặt vang giữa trời lồng lộng
Một mùa Thu Tao Ngộ nghĩa tình đầy…
Duyên văn nghệ kết nên tình bằng hữu
Cõi văn chương tha thiết đến vô cùng
Ðời phong ba thêm thác ghềnh mưa lũ
Lưu lạc xứ người lòng vẫn thủy chung
Xin cảm tạ đến những người bạn quý
Ðã chung lưng xây dựng đẹp tình người
Mai tôi về sẽ thấy lòng phơi phới
Nhớ những chân tình đã tới cùng tôi
Ta cạn chén mừng ngày vui tao ngộ
Dòng sông Seine nước vẫn lặng lờ trôi
Tháp Eiffel đèn rực trời thành phố
Ôi Kinh Ðô Ánh Sáng đẹp tuyệt vời…
Mai ta về sẽ nhớ từng khuôn mặt
Ghi sâu vào trong khối óc lưu vong
Cho ngàn năm tình Việt Nam thắt chặt
Trang sử xanh lưu dấu giống Lạc Hồng
Xin trang trọng tri ân qua bút mực
Cảm tạ đời… đa tạ những tình thân
Góc trời Âu, một chiều Thu Tao Ngộ
Ðậm tình người.... làm tim mãi bâng khuâng …
nguyễn phan ngọc an - 2015
THU MỘNG MƠ
Cho đến muôn đời thu vẫn đẹp
Lá vàng pha lá đỏ tươi xinh
Bên đường lặng lẽ hàng cây đứng
Những đóa hồng khoe sắc hữu tình
Phố Palo Alto êm đềm thơ mộng
Một buổi chiều lữ khách ghé thăm
Hoa lá reo vui theo gió lộng
Làm say lòng bao gã thi nhân ...
Ta cũng say sưa phố lạ chiều
Muôn trùng lá thắm đọng thương yêu
Dọc theo con lộ dài hun hút
Vàng, đỏ, nâu, hồng ... thoáng tịch liêu
Rừng lá mùa thu trải khắp miền
Ðiểm tô thêm đẹp phố bình yên
Ta ngơ ngẩn với ngàn hoa lá
Hồn bướm mơ tiên ... chẳng lụy phiền
Ta thấy quanh ta xác lá vàng
Quyện tròn trong gió buổi thu sang
Tưởng như ai đó đang vương vấn
Cho mộng thêm dài ... lạnh gối chăn !
Cảnh đẹp cho hồn ta ngất ngây
Tình thơ lai láng giữa trời mây
Nhìn thu ta bỗng lòng say đắm
Giấc mộng Hằng Nga ... giữa cõi này ...
nguyễn phan ngọc an - 2015
RỪNG THU XƯA VẪN NHỚ
Khi tôi về, rừng thu xưa chưa rụng lá
Vàng thu treo trong nắng buổi về chiều
Vùng kỷ niệm một thời ôm ước vọng
Ðọng trong hồn nỗi hoang vắng tịch liêu
Người đi thuở ấy trong giông bão
Không nói mà sao nhớ thiết tha
Chưa dám cầm tay rưng nước mắt
Ngày vui tao ngộ phải chia xa
Sóng tình chưa gợn trong dòng mực
Nét bút chưa quen để tỏ nhiều
Thoảng nhẹ hương thơm hoa nhớ bướm
Bâng khuâng vừa gợn chút tin yêu
Người đi biền biệt không quay lại
Hằn dấu tim đau những sớm chiều
Từ ấy hồn thu thêm nặng trĩu
Rừng thu in dấu những đìu hiu
Tôi về đánh thức mùa thu cũ
Gởi gió rừng xưa tuổi xế chiều
Chiếc bóng đơn côi ôm kỷ niệm
Người ơi … hoa vẫn mãi cô liêu …
nguyễn phan ngọc an - 2015
Khi tôi về, rừng thu xưa chưa rụng lá
Vàng thu treo trong nắng buổi về chiều
Vùng kỷ niệm một thời ôm ước vọng
Ðọng trong hồn nỗi hoang vắng tịch liêu
Người đi thuở ấy trong giông bão
Không nói mà sao nhớ thiết tha
Chưa dám cầm tay rưng nước mắt
Ngày vui tao ngộ phải chia xa
Sóng tình chưa gợn trong dòng mực
Nét bút chưa quen để tỏ nhiều
Thoảng nhẹ hương thơm hoa nhớ bướm
Bâng khuâng vừa gợn chút tin yêu
Người đi biền biệt không quay lại
Hằn dấu tim đau những sớm chiều
Từ ấy hồn thu thêm nặng trĩu
Rừng thu in dấu những đìu hiu
Tôi về đánh thức mùa thu cũ
Gởi gió rừng xưa tuổi xế chiều
Chiếc bóng đơn côi ôm kỷ niệm
Người ơi … hoa vẫn mãi cô liêu …
nguyễn phan ngọc an - 2015
MÙA THU VÀ THI NHÂN
Xác lá chiều thu tơi tả bay
Bên trời gió nhẹ thổi heo may
Thi nhân ngắm cảnh buồn chi lạ
Xót kiếp con tằm tựa khói mây
Ðời sinh ta trót làm thi sĩ
Nghiệp dĩ mang vào có ích chi
Sống mãi trong mơ ôm hệ lụy
Mấy ai hiểu được chút tình si
Cũng muốn vá trời thêm lấp biển
Lên cung trăng hát với Hằng Nga
Vượt trùng dương về thăm quê Mẹ
Ôm bóng hoàng hôn giữa nắng tà
Ðể buồn trằn trọc suốt thâu canh
Sợi tóc sầu rơi, phận mỏng manh
Hoài bão chôn vùi theo nỗi khổ
Thời gian…sao nỡ quá vô tình !
Tâm sự thi nhân với lá vàng
Hồn thơ dào dạt lúc thu sang
Nhìn mây lãng đãng sương rơi rụng
Nghe ước mơ trôi …giấc muộn màng
Chiều đứng bên hiên nhìn lá đổ
Bỗng lòng xao động giữa hư vô
Thi nhân là kiếp tằm dâng hiến
Gửi chút tình lên … những áng thơ
nguyễn phan ngọc an - 2015
Anh nhìn em, anh người ra đi trước
Buồn lắm không đời còn những tiếng cười
Cuộc sống vẫn nở hoa đời
Ai xui tôi bỏ những người tôi thuơng
Dân tôi gặp lắm nhiễu nhương
Bao nhiêu đau khổ không nhường cho ai
Bao năm chinh chiến gian nan
Bao năm làm kẻ lầm than trên đời
Em ở lại nụ cười còn héo hắt
Đời của em hoa đã muốn héo tàn
Bọn chúng kẻ thắng lên ngôi
Em người thua cuộc chơi vơi cúi đầu
Anh ra đi dù còn lắm âu sầu
Một đời gắng sức đến cùng thế thôi
Chỉ tội nghiệp các em tôi
Làm thân nô lệ suốt đời mãi sao?!...
Sao đây đó trên trời kia vẫn sáng
Trăng đêm khuya còn sáng tỏ ngày rằm
Chính nghĩa giữ mãi trong tâm
Một ngày quật khởi không cầu ngoại bang
Nghĩ đến đó anh không buồn lo nữa
Chữ tương lai định đoạt bởi em tôi
Ai ơi cái thiện lên ngôi
Lẽ trời là thế mọi người quyết tâm
Đặng Quang Chính
21.10.2015
18:00
VĂN HÓA VIỆT NAM
Bánh mì Việt Nam tại Pháp, cuộc hôn nhân hoàn hảo
Ở hải ngoại, sau món Phở, phải nói món bánh mì kẹp thịt của Việt Nam đã trở thành nổi tiếng nhờ ngon, bổ và rẻ. Tuy nhiên, ổ bánh mì thịt Việt Nam tại mỗi quốc gia vẫn có những hương vị khác nhau. Tại Pháp, quê hương của những ổ baguette nổi tiếng, người dân thưởng thức món ăn bình dân này ra sao?
Một món ăn đường phố quen thuộc
Sau khi món Phở vượt đại dương ra hải ngoại và trở thành món ăn quen thuộc trong các nhà hàng Việt Nam thì kế đó phải kể đến món bánh mì kẹp thịt, một món ăn đường phố đã trở thành quen thuộc trên khắp các quốc gia có bước chân người Việt.Cũng như chữ Phở đã trở thành danh từ riêng, chữ “Bánh mì” đơn điệu cũng được dùng để ám chỉ món bánh mì kẹp thịt của Việt Nam và hai chữ “Bánh mì” đã bước chân vào tự điển Oxfort ngày 24 tháng 3 năm 2011.
Những chiếc bánh mì dòn thon thả, gói tròn bên trong là những miếng thịt đỏ tươi béo, những miếng chả lụa thơm tho, xen lẫn với những lát dưa leo, cà-rốt, thẹn thò ló ra bên ngoài vài cọng ngò thật bắt mắt. Mùi tiêu,mùi bơ, chút ớt dủ cay làm dậy khẩu vị một buổi trưa hè ở Bangkok hoặc một buồi chiều lành lạnh ở Paris.
Thật vậy, những ổ bánh mì xinh xắn đã có mặt khắp nơi, từ những con hẻm nhỏ ở Singapore, Malaysia cho tới những cửa hàng ăn nhanh ở Boston, Cali, Luân Đôn, Paris…
Đặc biệt của tụi em ở đây là có gà, có chả, có thịt, nhưng cái ngon nhất của em là gà chà bông, gà ruốc của em làm rất đặc biệt. Em chỉ có 3 thứ thịt thôi: thịt heo, gà ruốc và chả lụa. Tổng cộng ba cái lại người ta gọi là bánh mì đặc biệt. Bữa nào em hết gà là người ta hơi thất vọng.Paris, quê hương của những chiếc baguette nổi tiếng dòn và thơm, mang ra khỏi tiệm là đã muốn cắn một miếng trước khi kịp về đến nhà.
-Cô chủ tiệm Khai Trí
Có lẽ không đâu nướng được ổ bánh mì dòn vừa phải, thơm lừng như ở Paris. Chiếc bánh mì căng lên khi được nướng đúng độ, ít ruột, nhiều da. Khi được cho vào những miếng thịt ba chỉ lát mỏng, một ít đồ chua, thêm chút ớt, tiêu, ngò để tăng hương vị là một kết hợp hài hoà giữ Âu và Á, là món ăn nhanh quyến rũ nhất cho những buổi trưa giữa hai giờ làm việc.
Hai khu có nhiều người Á Châu nhất là quận 20 và quận 13 của Paris dĩ nhiên không thể thiếu món ăn bình dân và thông dụng này.
Khu Á Châu sầm uất nhất của Paris toạ lạc tại quận 13. Nơi đây có rất nhiều tiệm bánh mì Á Châu, nhìn vào những ổ bánh mì Pháp dài ngoằng được cắt làm 3 chất cao trong tủ kính, người ta cũng đoán được số lượng khách mua không phải ít. Nhiều người Việt từ các nước khác đến Paris không quên ghé quận 13 mua hàng chục ổ bánh mì thịt mang về làm quà.
Tuy nhiên, đa số cửa tiệm bánh mì ở quận 13 do người Tàu hoặc người Miên, Lào lai Tàu làm chủ. Tại đây, chỉ có một tiệm duy nhất do người Việt làm chủ. Đó là tiệm Khai Trí. Cái tên gợi nhớ đến một tiệm sách nổi tiếng ngày xưa ở đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn dù không cùng chủ.
Đây là cửa tiệm đầu tiên bán bánh mì ở quận 13 từ năm 1984. Lúc đầu tiệm Khai Trí bán bánh mì và bán… sách! nhưng dần dần món ăn vật chất đã lấn áp món ăn tinh thần nên thu nhập chính của tiệm bây giờ là bánh mì và các thức ăn phụ khác như chè, xôi, bò bía… Những quyến sách vẫn còn đó, nằm dọc bên tường như để nhắc nhở khách mua bánh mì rằng nền văn hoá ẩm thực cũng từ sách vở bước ra.
Cô chủ tiệm Khai Trí cho biết bí quyết câu khách của tiệm ngoài bánh mì được đặt riêng từ một tiệm bánh mì Pháp, nhân thịt ngon và tươi mỗi ngày cũng là những yếu tố làm ổ bánh mì trở nên hấp dẫn với khách hàng:
“Mình không làm theo lối kỹ nghệ, hàng ngày mình làm nên đồ nó tươi! Một ngày mình nghĩ bán bao nhiêu thì làm bấy nhiêu thôi. Mình muốn làm cho khách hàng ăn rồi trở lại chứ không phải ăn rồi đi luôn. Có nhiều nơi họ mua bánh mì industrielle (kỹ nghệ) thì rất rẻ. Em đặt bánh mì đặc biệt thành ra ổ bánh mì lúc nào cũng ngon. Đặc biệt của tụi em ở đây là có gà, có chả, có thịt, nhưng cái ngon nhất của em là gà chà bông, gà ruốc của em làm rất đặc biệt. Em chỉ có 3 thứ thịt thôi: thịt heo, gà ruốc và chả lụa. Tổng cộng ba cái lại người ta gọi là bánh mì đặc biệt. Bữa nào em hết gà là người ta hơi thất vọng.”
Một khu Á Châu khác của Paris cũng không kém phần nhộn nhịp nằm ở quận 20, còn gọi là khu Belleville. Nơi đây có đến 3 tiệm bánh mì thịt do người Việt làm chủ. Chị Huỳnh mở tiệm bánh mì Hoà Hưng đã 21 năm nay. Khách hàng đến tiệm chị thì ưa chuộng món bánh mì với nhân gà nướng ướp sả. Đặc biệt bánh mì của chị được sản xuất tại chỗ. Về những ổ bánh mì tự nướng của mình, chị Huỳnh nói:
“Bánh mì tự nướng để nó ngon, nó nóng. Thịt đùi, chả lụa với gà chà bông. Đó là bánh mì đặc biệt, bánh mì gà thì gà ướp sả, vệ sinh hơn mà ở ngoài thì cũng không có bán.”
Chiếm trọn tình yêu của người bản xứ
Cách đó không xa, tiệm bánh mì Sài Gòn tuy mới mở được 5 năm rưỡi, tuy nhiên khách ra vào tấp nập, tiệm chỉ với một diện tích khoảng 12 mét vuông, nhưng 5 người làm việc luôn tay, bên trong hai người chuẩn bị nhân bánh mì trong khi 3 người bên ngoài tiếp khách, cho nhân vào bánh mì và thu tiền. Mùa lạnh, một chiếc bình trà nóng sẵn sàng phục vụ khách trong khi chờ đợi nhận chiếc bánh mì nóng, thơm từ tay cô chủ niềm nở và nhiệt tình. Tiệm nhỏ, không có lò nướng, phải đặt bánh mì từ tiệm Pháp. Cô chủ tiệm Sài Gòn nói:“Tại tiệm tụi em nhỏ nên tụi em đặt, cứ nửa tiếng là ra bánh mì nóng. Thịt thì em phải chuẩn bị trước 1 ngày thì nó mới thấm, mới ngon hơn. Sốt mayonnaise thì mỗi sáng tới mỗi đánh để làm trong ngày. Cà-rốt thì tụi em làm bằng tay, các tiệm khác làm bằng máy nên khi ngâm nước bị mềm chứ không dòn như của tụi em. Tụi em thì cực hơn, tốn thì giờ nhiều hơn. Nhưng tụi em thích như vậy…”
Bí quyết của tiệm Sài Gòn cũng là những món tươi làm mỗi ngày:
“Tiệm tụi em nhỏ nên không có chỗ chứa! Nhiều khi tới 2 giờ 30 có khi em hết món này, hết món kia… nhưng mà trung bình thì em bán khoảng 200 ổ/ngày. Còm măng thì em không lấy, phải đặt trước 2 ngày vì nhân thịt em chỉ làm cho mỗi ngày thôi! Thành ra khách đặt 50-60 ổ thì em không lấy, em giới thiệu qua tiệm kế bên. Phải đặt trước 2 ngày em mới có thì giờ làm chứ em không có chỗ chứa, còn khác tiệm khác người ta làm sẵn, muốn đặt 100 ổ cũng có nữa mà tiệm em thì nhỏ, em thích… nó tươi hơn… (cười !)”
Và cô chủ tiệm Sài Gòn hãnh diện khoe:
“Tiệm tụi em nhỏ nên tụi em thích làm cái gì cũng tươi. Tụi em thích bán chất lượng hơn là số lượng. Tiệm tụi em cũng được đài truyền hình M6. Nó giới thiệu và phỏng vấn trên truyền hình phát cho tất cả mọi người coi. Rồi em cũng có một cái thư của Mairie (Tòa thị chính) của quận 20 này gửi tới khen tụi em. Rồi em cũng có những tờ báo nổi tiếng như Figaro, Le Monde cũng có tới chụp hình. Tụi em muốn giữ như vậy, không phải tụi em không muốn làm giàu, nhưng muốn làm theo khả năng!”
Mặc dù nằm giữa khu Á Châu, nhưng khách hàng đông nhất của tiệm không phải là người Á Châu, mà là người Pháp. Có thể nói món ăn bình dân này đã chiếm trọn tình yêu của người bản xứ. Cô chủ tiệm Sài Gòn cho biết:
“Buổi sáng hay có khách Việt Nam mình đi chợ sớm thì có khách Việt Nam. Nhưng giờ trưa, từ 12 giờ 30 đến 14 giờ 30 thì khách Tây.”
Trường đại học kiến trúc gần đó cũng là một lợi thế để tiệm buổi trưa nhiều sinh viên ghé mua một ổ bánh mì đầy chất lượng mà lại vừa túi tiền. Một sinh viên Pháp chia sẻ:
“Tôi rất thích bánh mì Việt Nam. Trường học tôi ở gần đây nên tôi thường đến đây mua 1 ngày mỗi tuần, trong mùa nghĩ hè thì tôi mua mỗi ngày. Nó không đắt, tiện để ăn, nhanh chóng và làm rất ngon, nóng, rất tốt!”
Ngoài lý do tiện lợi của bánh mì cho một buổi ăn nhanh, giá cả cũng là một nguyên nhân hấp dẫn để chọn một ổ bánh mì thay cho buổi ăn trưa trong nhà hàng. Được hỏi tại sao thích bánh mì Việt Nam, một khách hàng người Pháp đang đợi mua bánh mì nói:
“Tại sao? Tại vì trong đó có tất cả: thịt, rau… được coi như một buổi ăn đầy đủ. Lúc thì tôi chọn thịt heo, lúc thì tôi chọn thịt gà, thay đổi… Và, hơn nữa, nó không đắt tiền!”
So sánh bánh mì nhân thịt Việt Nam và bánh mì kẹp thịt theo kiểu Pháp. Ông Jan Pierre nhận xét:
Bánh mì của người Việt mình ở Pháp làm thì ngon nhưng vẫn không bằng trước năm 75 của mình vì nó nhiều mỡ quá. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ nhì là không biết tại sao khúc bánh mì của Việt Nam mình ở Pháp không biết tại sao mà nó dai.“Sự khác nhau? Đó là món Á Châu, nó đầy đủ hơn, nóng. Tôi ở khu này không lâu lắm, món bánh mì ngon, và làm thay đổi khẩu vị… Món bánh mì nào của Pháp ngon nhất đối với tôi? Tôi không biết! Có lẽ là món bánh mì Vendôme với paté, rất, rất ngon! Nhưng không ngon như bánh mì (Việt Nam). Với bánh mì, chúng tôi khám phá thêm được một món ăn Việt Nam, rất ngon!”
-Anh Hải Phong
Một khách hàng Việt Nam thường xuyên khác của tiệm Sài Gòn thì không tiếc lời khen:
“Thì tại vì bánh mì người ta làm khéo rồi, còn tất cả phụ tùng như thịt, đều được làm khéo, cho nên nó ngon. Tôi thường lại đây ăn, chẳng có chỗ nào ngon bằng chỗ này, tôi dám danh dự vậy! Không có ở đâu ngon hơn cái Sài Gòn sanwich này, ngon hơn ở Việt Nam. Ở đây ngon hơn ở Việt Nam.”
Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Anh Hải Phong, mặc dù mỗi ngày thưởng thức hầu hết cá món ăn ngon ở quân 13 vẫn hoài niệm về những xe bánh mì ở góc phố với những ổ bánh mì thịt, paté, xíu mại nóng dòn của một Sài Gòn hơn 40 năm về trước:
“Bánh mì của người Việt mình ở Pháp làm thì ngon nhưng vẫn không bằng trước năm 75 của mình vì nó nhiều mỡ quá. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ nhì là không biết tại sao khúc bánh mì của Việt Nam mình ở Pháp không biết tại sao mà nó dai. Cái quan trọng là nóng, dòn. Ngon hay không là do cái ổ bánh mì, còn thịt thì em thấy ở đâu cũng giống nhau hết. Ở Việt Nam người ta có cái lò than để nướng nên ổ bánh mì lúc nào cũng nóng mà dòn. Rất là ngon. Còn ở bên Pháp, bánh mì baguette của Tây thì nổi tiếng rất ngon, nhưng phải nóng mới ngon, còn nếu nó nguội rồi thì nó dai, nó mềm. Còn đồ chua trước 75 thì rất là dòn, ăn rất là ngon.”
“Ngon, bổ và rẻ” là 3 nguyên nhân chính để món ăn bình dân này được mang theo trong các cuộc đi dã ngoại, tiện lợi lúc họp hành hay cũng là món quà không thể thiếu cho khách phương xa. Anh Hải Phong nói”
“Bánh mì bán rất đắt trong quận 13 này là ở con đường d’Ivry, Khai Trí… Họ bán đắt là vì người Việt mình ở xa về đây muốn ăn một khúc bánh mì thịt Việt Nam, cái goût (mùi vị) Việt Nam. Thứ bảy, chúa nhật hay các ngày lễ, người Việt ở các nước khác của Âu Châu tới thì rất là đắt, thích ăn bánh mì Việt Nam.”
Tuy trong quyển tiểu thuyết “Chuyến métro đi từ Belleville” của cố văn thi sĩ Mai Thảo không có hình bóng ổ bánh mì Việt Nam, nhưng nơi đó lại là khởi đầu của “một cuộc gặp gỡ tình cờ và tuyệt diệu” có thể ví như cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa ổ bánh mì Pháp và nhân thịt Việt Nam. Có người dí dỏm so sánh ổ bánh mì dòn nóng như người nam đang vòng tay khép trọn người nữ là những thịt, những rau nằm gọn bên trong. Cũng như nhận xét của một khách hàng trung thành người Pháp về “cặp tình nhân” của món ăn đường phố này:
“Bánh mì Pháp là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa hai nền văn hoá Pháp-Việt về khẩu vị và mùi vị. Đó là một cuộc hôn nhân hoàn hảo!”
Bánh mì Việt Nam vừa rẻ lại vừa ngon
Bình dân nhưng ngon
Bên
cạnh đó có một món bánh khá phổ biến nữa đã theo chân người Việt đi đến nhiều
nơi trên thế giới, đó là bánh mì, hay có người còn gọi là “cơm tay cầm”, với ý
đây là món ăn phổ thông như cơm hằng ngày của người Việt vậy.
Bánh
mì cũng có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên một ổ bánh mì thông thường có chiều
dài chừng một gang tay, vòng tròn bằng lon đồ hộp. Bên trong có từng lớp thịt
heo hay gà, xíu mại, thịt xá xíu, chả lụa, chà bông, hay cá hộp… Thêm vào đó
còn có hành ngò, dưa chua, ớt, chút xì dầu, nước sốt béo màu vàng trông rất hấp
dẫn.
Người Việt Nam cũng phổ biến bánh mì lắm anh, mà bánh mì thì cũng vừa túi tiền. Giới lao động thì ăn bánh mì bình dân, còn mấy nhà giàu thì ăn bánh mì sang một chút.
Chị Nhàn
Bánh
do thợ nướng từ các lò đặc dụng riêng, lớp vỏ ngoài nóng dòn, trong khi ruột mềm
trắng xốp. Nói chung việc chế biến cũng không kém phần công phu; tuy nhiên giá
cả lại không đắt so với nhiều món ăn khác.
Chị
Nhàn, sinh sống bằng nghề bán bánh mì trên vỉa hè Saigon giới thiệu về món ăn hạp
túi tiền cho mọi người:
“Người Việt Nam cũng phổ biến bánh
mì lắm anh, mà bánh mì thì cũng vừa túi tiền. Giới lao động thì ăn bánh mì bình
dân, còn mấy nhà giàu thì ăn bánh mì sang một chút. Ổ bánh mì tám ngàn - mười
ngàn anh, cũng có thịt, có ba-tê đàng hoàng anh, nhưng có điều nó không được
ngon bằng bánh mì kia - bánh mì mười mấy hai chục ngàn thì nó ngon hơn, chỗ cao
sang hơn, thí dụ ngoài khu Sài Gòn vậy đó.”
Chị
cũng cho biết vài điều cần thiết để được khách chiếu cố:
“Thứ nhất là bán sạch sẽ, với thịt thà nó
ngon và mua ở chỗ có kiểm dịch. Chỗ này heo gà người ta cũng hơi sợ đó nên mua
chỗ nào có kiểm dịch về làm thì người ta ăn an toàn người ta mua nhiều. Với lại
làm cho nó ngon.”
Đi
khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam, đâu đâu cũng có những xe bánh mì như của
chị Nhàn vừa nói. Không chỉ gói trọn tại Việt Nam, mà món ăn này đã cùng người
Việt đi đến mọi nơi mà họ sinh sống.
Có
thể nói bánh mì có xuất xứ từ Pháp, có tên gọi là pain francais hay baguette,
được người Việt chế biến thành một món ăn khoái khẩu, do sự kết hợp giữa Đông
và Tây.
Chị
Linh, cư dân Paris, kể lại với đài chúng tôi:
“Thường mấy người nào mà biết đồ ăn Việt Nam
mình ở bên Việt Nam mình thì họ cũng thích ăn bánh mì của mình gần giá với bánh
mì Tây đó. Người biết ăn thì thích ăn bánh mì Á Châu, còn mấy người lớn lên bên
này thì thích ăn bánh mì Tây hơn.”
Tuy
nhiên, không phải người Việt nào sinh sống bên Tây cũng thích bánh mì Việt Nam,
ông Thạnh, thương gia ở thành phố cảng Marseilles (Miền Nam Nước Pháp) nói lên
sở thích của mình, hạp với thức ăn xứ người hơn:
“Bánh mì baguette đó Việt Nam mình
làm dở lắm, Tây làm ngon hơn nhiều chớ! Bánh mì baguette đó tại vì nó giòn, bởi
vì từ nhỏ đến lớn mình ăn rồi, nó giòn, cái ruột nó ít, cái vỏ nó giòn nữa. Nó
nhét vô jambon, rồi cho mayonnaise, đó nó cũng ngon lắm.”
Sạch sẽ, tiện lợi
Tôi thích ăn bánh mì Việt Nam bởi vì đây là thức ăn vừa ngon lại vừa nhanh, đặc biệt là rau có rất nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe.
Chị Sottana
Sang
đến xứ láng giềng của Pháp là Vương Quốc Bỉ, chị Phương, một công chức ở thủ đô
Bruxelles cho biết thêm về ổ bánh mì Việt Nam nơi đó:
“Oui! Bánh mì ở đây, ở tại Bỉ bánh
mì Việt Nam, bánh mì chả lụa hay bánh mì thịt khoảng từ 2 euro rưỡi tới 3 euro,
mà người Việt Nam mình người ta cũng thích. Même những người sinh viên Bỉ trưa
nó cũng ra nó mua.”
Đỗ Hiếu: Bánh
mì ăn nó có ngon và nó có bảo đảm hợp vệ sinh, tinh khiết không, theo như người
Việt mình nghĩ đó?
Chị Phương: “Em nghĩ chắc cũng được. Ngon giống như kiểu
bên Việt Nam thì họ cũng để mayonnaise, họ cũng để đồ chua vậy. Hổng có vấn đề
gì hết!”
Sang
đến đất Mỹ, bà Lan - chủ nhân một tiệm bánh mì trong khu thương mại sầm uất của
người Việt giải thích về sản phẩm do bà làm ra, từng được nhiều tờ báo Mỹ có
bài viết, kèm hình ảnh, khen ngon và cho đó là hấp dẫn:
“Theo tôi thì cái chuyện bánh mì muốn
có nhiều khách lui tới thường xuyên thì bánh mì thứ nhất phải rất ngon, thứ hai
nữa là giá cả phải chăng, thứ ba nữa là quán phải sạch sẽ. Theo tôi, những yếu
tố đó là những yếu tố căn bản nhất. Tiệm của tôi thì có khoảng 8 loại bánh mì
khác nhau: số 1 là thịt nguội, số 2 là gà, số 3 là xíu mại, số 4 là ba-tê chả,
số 5 là bì, số 6 là thịt đỏ, số 7 là
nem, số 8 là cá. Những loại bánh mì tôi mới ra thịt đỏ thì tôi bán đắt lắm. Nếu
mà mua một ổ là 3 đồng 50, nếu mua 5 ổ thì được tặng thêm một ổ với giá là 17 đồng
50.”
Một
nhân viên phục vụ quán bánh mì khác ở Mỹ được khách hàng đặc biệt ủng hộ, chị
Thư cho biết làm cách nào để người mua bánh mì hài lòng:
“Khu này thì cũng nhiều tiệm bánh
mì lắm thành ra mình phải cố gắng để tìm hiểu coi cái khẩu vị của khách hàng
như thế nào để mình phục vụ cho nó vừa miệng khách hàng. Cái thứ nhứt là về cái
khâu vệ sinh là mình phải làm cho nó sạch sẽ, rồi kế đến là cái khâu bánh mì
mình phải nướng, từ cái khâu nướng bánh mì cho đến vật liệu như là dưa chua hay
là rau đều tươi, sạch. Kế nữa là khi khách hàng đến thì mình phải vui vẻ tiếp
đón để khách hàng có thể đến một lần rồi thì sẽ đến nhiều lần nữa. Như vậy là
mình sẽ có được sự đông khách đến tiệm của mình.”
Một
người Mỹ rất thích ăn bánh mì Việt Nam là anh Carter, một chuyên viên điện toán
từng qua Việt Nam công tác, có tên tiếng Việt là Long, cho biết ý kiến của anh
khi dùng bánh mì thịt nguội do người Việt làm ra. Anh nói là khi đến Sài Gòn
anh ăn bánh mì thịt thì thấy không ngon bằng bánh mì Việt Nam bán bên Mỹ:
“Em rất thích bánh mì Việt Nam. Em thích mua
bánh mì tại vì ngon nhất. Có nhiều loại, đặc biệt bánh mì thịt heo, có nhiều loại
ngon lắm. Kỳ Long đi Việt Nam ăn bánh mì thấy không ngon hơn ở đây.”
Sang
nước láng giềng Canada, ông Cảnh, một người Việt sinh sống tại Toronto từ hơn
30 năm nay, kể lại là bánh mì Việt Nam rất được ưa chuộng tại quê hương mới
này:
“Nó như thế này, ở ngoài Toronto đó thì có
nhiều tiệm kêu rằng bánh mì Cali, bánh mì này kia, nhưng mà chính người Việt
Nam làm chủ. Họ bán thì rất đắt khách, nhưng mà cần nhất là bánh mì mình làm ra
ăn nó có vừa miệng họ không. Họ là một, thứ hai là những thứ mình phụ vô nó có
độc đáo không thì cái đó nó mới là quan trọng, chớ còn người Canada với người
di dân ở đây họ thích ăn bánh mì lắm, nhưng mà nếu bánh mì mình ngon là mình
bán rất chạy. Thấy họ làm có nhiều khi đi mua bánh mì baguette này kia mà tui
ăn thấy hổng mấy gì hứng thú.”
Theo tôi thì cái chuyện bánh mì muốn có nhiều khách lui tới thường xuyên thì bánh mì thứ nhất phải rất ngon, thứ hai nữa là giá cả phải chăng, thứ ba nữa là quán phải sạch sẽ.Bà Lan
Vậy
người dân Xứ Chùa Tháp là nước láng giềng của Việt Nam, họ có thích ăn bánh mì
của người Việt chế biến hay không? Xin mời quý vị theo dõi chia sẻ của chị
Sottana:
“Tôi thích ăn bánh mì Việt Nam bởi
vì đây là thức ăn vừa ngon lại vừa nhanh, đặc biệt là rau có rất nhiều vitamin,
tốt cho sức khỏe. Bánh mì Việt Nam có rất nhiều loại thịt và rau khác nhau để
có thể lựa chọn, thêm vào đó bánh mì Việt Nam hợp túi tiền mọi người, nhất là
trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế hiện giờ,
ai nấy đều phải cân nhắc về tiền bạc.”
Không làm sao quên được
Cũng
nói về ổ bánh mì Việt Nam, nhà báo Mỹ Walter Nicholls của tờ Washington Post
phát hành trên đất nước Hoa Kỳ, sau khi thưởng thức ổ bánh mì ngon trong khu
thương mại Eden, ở tiểu bang Virginia, đã viết như sau trên tờ báo đó:
“Sau khi vừa dùng xong ổ bánh mì patê, gan heo, jambon, dưa leo xanh và dưa cải chua, ông nhắm mắt lại, thấy lởn vởn trong đầu một hình ảnh mờ ảo, như cảnh ông đang đi dạo trên dòng sông Mêkông, vào một sáng tinh mơ trên chiếc thuyền dài. Khi ấy, đúng vào giờ ăn sáng, cô hướng dẫn viên du lịch đưa cho ông một món ăn lạ mắt, đó là ổ bánh mì với nhiều thành phần kết hợp đặc sắc, hấp dẫn, mà cho đến bây giờ, ông cũng không làm sao quên được.”
Mặt
khác, theo tờ Forbes thì món ăn bình dân, ngon rẻ, được bày bán mọi nơi, trong
quán ăn, ngoài đường phố đã vươn ra khỏi cộng đồng người Việt định cư ở hải ngoại,
tiến sâu dần vào các thành phố lớn, nổi tiếng, trung tâm du lịch phồn thịnh từ
Âu sang Á. Báo này nói là không chỉ ở Mỹ, Pháp, Canada, Australia, mà hầu như
nơi nào có người Việt sinh sống, lập nghiệp, định cư thì chỗ ấy có ổ bánh mì Việt
Nam quen thuộc, ăn khách và vừa miệng.
Nói
đến bánh mì, báo chí trong nước có nhắc đến thuở cơ hàn của “Ông Vua Bánh Mì”
là ông Cao Siêu Lực, người Việt gốc Hoa, từ Campuchia đến Việt Nam lập nghiệp từ
năm 1979 với hai bàn tay trắng. Lúc ấy ông không biết tiếng Việt, không người
quen, không vốn liếng, có lúc ông chán đời, tuyệt vọng. Ngày thì làm phu xe, tối
ngủ lề đường. Hoàn cảnh đưa đẩy ông vào nghề thu gom, giao bột mì, rồi mới nẩy
ra ý định làm bánh mì từ năm 1982.
Lắm
lúc suy sụp, sức khỏe kém cỏi, tinh thần sa sút, nhưng ông nhờ may mắn lạ thường
đã nhanh chóng tạo dựng thương hiệu “Doanh nghiệp tư nhân bán bánh mì kẹp Á
Châu” có 15 cửa hàng bánh mì tại Sài Gòn và 2 tiệm nữa bên Campuchia.
Về
bí quyết dẫn tới thành công, ông Cao Siêu Lực khẳng định là bánh mì phải có chất
lượng và chữ Tâm trong đó, chỉ cần có hai thứ đó là có thể chinh phục được tất
cả mọi người. Ông luôn kỳ vọng là bánh mì Việt Nam sẽ được cả thế giới biết đến
ngày càng nhiều hơn.
Còn
ông Huỳnh Tín Bửu, nghệ nhân làm bánh mì từng đoạt giải nhất trong vòng loại tại
Miền Bắc California (Hoa Kỳ) đầu năm nay và có hy vọng được chọn tham dự vòng
loại Châu Á tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào cuối năm tới, thì giải thích thêm,
người làm bánh mì cần sự sáng tạo, nhưng cũng cần chăm chỉ và cẩn thận.
Tạp
chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin tạm chấm dứt ở đây. Cám ơn quý vị đã theo
dõi. Xin tạm biệt quý vị và hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.
Đại nhạc hội Tri ân Thương phế binh quân lực VNCH
Cộng Đồng Người Việt tại thành phố Sydney của Australia chuẩn bị chào đón đại nhạc hội có chủ đề Tri Ân Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lần đầu tiên được tổ chức một cách qui mô với sự đóng góp của những đoàn thể cựu quân nhân bên cạnh truyền thông báo chí Việt ngữ địa phương.
Gây quĩ giúp đỡ Thương phế binh VNCH
Nói một cách chính xác thì đây là buổi gây quĩ dưới hình thức một đại nhạc hội mà chủ để Tri Ân Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tự nó đã có sức cuốn hút mãnh liệt và sâu lắng trong lòng mọi người Úc gốc Việt sinh sống tại Australia nói chung và thành phố Sydney của tiểu bang New Sourh Wales nói riêng.Đây cũng là lần đầu tiên một buổi gây quĩ cho thương phế binh được tổ chức qui mô qua hình thức ca nhạc, diễn ra trong hai ngày thứ Sáu 18 và thứ Bảy 19 tháng Mười Hai năm 2015 này.
Hơn lúc nào hết cựu quân nhân miền Nam Việt Nam tại New South Wales cần chứng tỏ tinh thần đoàn kết cùng chiến hữu của mình để buổi tri ân đặc biệt và ý nghĩa này được thành công, là khẳng định của ông Lâm Xuân, chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Sydney,New South Wales:
Có thể nói lần đầu tiên tiểu bang New South Wales có chương trình gây quĩ mang tầm vóc khá lớn lao như vậy và có sự hợp tác trước hết của Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa tại tiểu bang này."Trước đây, thường kỳ khoảng hai tháng một lần chúng tôi hỗ trợ cho bên Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức để chung góp gởi về cho anh em thương phế binh ở bên nhà . Nhưng mà đây là lần đầu tiên Hội Cựu Quân Nhân cũng như 13 gia đình quân đội cùng với Hội Thương Phế Binh đứng ra để tổ chức tri ân thương phế binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thấy rằng anh em cũng quá già mà bịnh hoạn này kia, thời gian cuối còn ngắn lắm nên chúng tôi đừng ra để làm đại nhạc hội cho kiếm được khá tiền để gởi về cho anh em.
-Ông Nguyễn Văn Sỹ
Rất vui là tại vì vé phân phối gần hết, ai cũng hỏi và cũng hưởng ứng, họ rất ủng hộ chương trình này.”
Góp mặt sinh hoạt với cộng đồng người Việt ở Sydney hơn 8 năm qua, Hội Thương Phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một trong ba đoàn thể chính đừng ra tổ chức đại nhạc hội tri ân thương phế binh miền Nam tháng Mười Hai tới đây. Chủ tịch hội, ông Nguyễn Văn Sỹ:
“Cá nhân tôi là một thương binh. Tôi bị thương khoảng một tháng trước khi cộng sản chiếm miền Nam. Tôi mất cái chân phải, nhưng rất là nhiều anh em tôi bị thương nhiều hơn tôi. Vô cùng thương cho số phận chiến hữu. Chính vì vậy, mặc dù còn có một chân tôi cũng cố gắng tối đa hầu có thể giúp được anh em cái gì thì tôi rất là mừng.”
Theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sỹ, dựa trên giấy tờ sổ sách cũng như qua kiểm chứng của Hội Thương Phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Sydney thì đa số thương binh miền Nam đang sống trong cảnh nghèo khổ, khó khăn và đáng được giúp đỡ:
“Hội chúng tôi đang có hồ sơ 1.679 anh em đang sống cuộc đời khó khăn, khổ sở, đó là 1.679 thương phế binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Có thể nói lần đầu tiên tiểu bang New South Wales có chương trình gây quĩ mang tầm vóc khá lớn lao như vậy và có sự hợp tác trước hết của Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa tại tiểu bang này, rồi được sự giúp đỡ cố vấn tối đa, có thể nói là hầu hết các ông chủ tịch cộng đồng liên bang tiểu bang của Úc Châu, với giàn luật sư , nhân sĩ. Đặc biệt là có một nhóm cố vấn về kế toán, họ giúp đỡ chúng tôi trong vấn đề giấy tờ, sổ sách và tiền bạc.
Nguyên tắc giúp đỡ anh em bên Việt Nam thì chúng tôi phải tìm đủ mọi cách xác nhận lý lịch, đơn vị, số quân, ngày sinh tháng đẻ, điều kiện sinh sống của người thương phế binh đó. Dựa vào những dữ kiện đó chúng tôi cập nhật và chúng tôi tin rằng chuyện giúp đỡ của chúng tôi là chính xác. Một khi ở trong Việt Nam mà nhận được những đồng bạc này, thưa thật cũng không giải quyết được toàn bộ khó khăn, nhưng ít nhất những món quà tri ân đến từ đồng hương hải ngoại, đặc biệt đến từ những cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa thì người ta có cái an ủi tinh thần vô cùng quan trọng.”
Chịu sự kiểm toán chi thu của chính phủ Australia
Một trong những người hỗ trợ và điều hợp cho hai ngày Tri Ân Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở Sydney, luật sư Nguyễn Văn Thân chia sẻ:Đồng hương vào thì không chỉ đi coi văn nghệ mà co thể tham dự cả một cái lễ hội. Sẽ có một số gian hàng trưng bày hình ảnh sinh hoạt của Hội Thương Phế Binh cũng như kêu gọi đồng hương nếu không mua vé coi văn nghệ thì cũng có thể đóng góp bên ngoài được.“Vai trò của tôi là phụ giúp lo hết về vấn đề hành chánh, xin phép, phụ giúp ban tổ chức, làm việc với Hội Đồng Thành Phố, liên lạc với một số cơ quan truyền thông để quảng bá buổi gây quĩ.
-LS Nguyễn Văn Thân
Trong tiến trình quảng bá cho buổi sinh hoạt cuối năm nay thì Hội Thương Phế Binh muốn tổ chức những buổi xuống đường ở địa phương, cụ thể là ở thủ phủ Cabramatta và ở Bankstown là nơi có đông người Việt cư ngụ. Chúng tôi xin phép Hội Đồng Thành Phố Bankstown và đã có giấy phép.”
Vẫn theo lời luật sư Nguyễn Văn Thân, hai ngày để vận động cũng như quảng bá cho đại nhạc hội Tri Ân Người Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa là thứ Bảy 31 tháng Mười ở Bankstown và thứ Bảy 7 tháng Mười Một ở Cabramatta.
Đại nhạc hội Tri Ân Người Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ diễn ra tại Whitlan Center ở Sydney:
“Trung tâm có một sân khấu, có sức chứa trên 2.000 người. Mình phải xin họ cho chỗ bên ngoài để đặt những gian hàng. Đồng hương vào thì không chỉ đi coi văn nghệ mà co thể tham dự cả một cái lễ hội. Sẽ có một số gian hàng trưng bày hình ảnh sinh hoạt của Hội Thương Phế Binh cũng như kêu gọi đồng hương nếu không mua vé coi văn nghệ thì cũng có thể đóng góp bên ngoài được.”
Số tiền kiếm được từ buổi đại nhạc hội gây quĩ sẽ được chuyển về tài khoản của Hội Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở New South Wales. Hội này sẽ đảm trách việc phân phối và chứng từ để gởi quà về tận tay anh em thương phế binh bên Việt Nam.
Vì đã được chính phủ Australia cấp Charity Number tức chứng chỉ từ thiện theo luật sở tại, Hội Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa ở New South Wales phải chịu sự kiểm soát và kiểm toán chi thu của chính phủ Australia. Điều này có nghĩa tiền gây quĩ từ đại nhạc hội Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa sắp tới, hoặc bất kỳ buổi gây quĩ nào khác, đều phải được sử dụng đúng qui định pháp luật.
Những người bán phở Hà Nội ở Thanh Hóa
Uyên Nguyên, tường trình từ Việt Nam
2013-05-31
2013-05-31
Nói về phở, người ta nghĩ ngay đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường
với những người Tràng An thanh lịch, phố xá phồn thịnh, sầm uất, liễu rũ
mặt hồ và mái ngói rêu phong, xô nghiêng… Nhưng, đó là câu chuyện của
phở ngày trước, nói về phở Hà Nội bây giờ, người ta hay nghĩ đến phở
mắng, cháo chửi, nói về một đời sống Hà Nội mới mẽ và xô bồ, một chút gì
đó luyến tiếc thời quá vãng. Phở Hà Nội trôi dạt vào Nam kể từ sau 30
tháng Tư năm 1975, và, đâu đó, phở Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp ẩm thực
Tràng An của mình, một phong cách trầm tĩnh, sâu lắng và đậm chất đời.
Câu chuyện bát phở Hà Nội ở Thanh Hóa là ví dụ đẹp về nét ẩm thực này!
Nghề và nghiệp
Một quán phở nhỏ, có những chiếc bàn nhỏ, một chiếc ti vi nhỏ, một
chiếc điếu cày nhỏ và bộ ấm tách uống chè xanh nho nhỏ cùng với giá
thành cũng khá nhỏ. Đó là quán phở của người đàn ông tên Lời, gốc Hà
Nội, xuôi về Thanh Hóa bán phở được hai mươi năm nay. Theo như ông Lời
chia sẻ, cả tỉnh Thanh Hóa có sáu người bán phở gốc Hà Nội giống như
ông, họ cũng bán giá mềm, cố giữ một chút gì đó của Tràng An thanh lịch
xa xưa. Với người Hà Nội bây giờ, bán phở nghĩa là đang kinh doanh để
kiếm lãi, bằng mọi giá sinh lãi để làm giàu, thậm chí bất chấp.
Với người Hà Nội xưa, làm một quán phở, ngoài ý nghĩa kinh doanh, còn
mang ý nghĩa để sống, họ gọi là “nghiệp phở”. Nó khác với “nghề phở” ở
chỗ nếu như nghề phở là một hoạt đồng kinh doanh thuần túy, người kinh
doanh chỉ cần nắm công thức nấu phở, tìm mặt bằng để bán phở kiếm lãi
thì nghiệp phở lại không nằm ở đó, người trót mang “nghiệp phở” như ông
Lời sẽ bị hương vị bát phở bốc khói mỗi sáng, mùi rau hành ngò và tiếng
húp phở xì xụp cũng như lời tán thán khen thưởng của thực khách ám ảnh,
đeo đẳng, một lúc nào đó có mệt mỏi, muốn bỏ nghề cũng không xong, như
có tiếng gọi thôi thúc từ đâu đó trong vô thức níu họ đến với thùng nước
phở, bếp than và những sợi phở, ấm chè xanh. Người trót mang “nghiệp
phở” thường không bị lợi nhuận chi phối bằng tiếng gọi đời sống.
Ông Hùng, bạn ông Lời, bán phở ở ngã ba Voi, Thanh Hóa, cho chúng tôi
biết thêm rằng người dân trong khu vực ông bán phở còn nghèo khổ, thiếu
đói trầm trọng, mỗi ngày ông chỉ bán được chưa tới 50 bát phở tái và
nạm bò, số phở khác như phở gàu, phở gân, phở tạp pí lù thì bán được khá
hơn, nhưng phải bán ghi sổ. Vì giá phở tái và nạm bò có giá 15 ngàn
đồng mỗi bát, loại phở này chỉ dành cho những nhà có tiền, dân buôn bán
và giáo viên, công chức. Nông dân chỉ dám ăn bát phở gàu, phở gân hoặc
tạp pí lù có giá từ bảy ngàn đồng đến mười ngàn đồng mỗi bát. Nhưng, họ
cũng không có điều kiện để ăn thường xuyên, thường ăn vào cuối tuần hoặc
đôi khi cả tháng trời mới dắt díu cả nhà đi ăn phở, ăn xong ghi sổ, đến
cuối mùa trả tiền hoặc trả lúa. Đương nhiên là ông Hùng không bao giờ
lấy tiền lãi trong những bát phở này.
Ông Hùng cho biết thêm, có nhiều gia đình dân tộc thiểu số, cứ hai
tháng một lần, họ đi bộ gần ba chục cây số từ Ngọc Lặc xuống chỗ ông để
ăn một bát phở gọi là bồi bổ cơ thể, ăn xong, lại rón rén ghi sổ và hẹn
cuối mùa trả khoai. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện
miền núi Thanh Hóa còn rất khốn khó, cái đói, sự thèm ăn luôn là nỗi ám
ảnh thường trực đối với họ. Chuyện đi ăn một bát phở đối với họ còn ý
nghĩa và quan trọng hơn cả người nông dân đi ăn ở nhà hàng năm sao…
Giữ nét cổ xưa
Với người bán phở Hà Nội bây giờ, giữ nét cổ xưa của một Hà Nội sâu
lắng, lãng mạn là một chuyện hết sức khó, nhất là việc mang nét cổ xưa
này đến những vùng miền khác. Ông Hứa, một người bán phở Hà Nội ở Quảng
Xương, Thanh Hóa tâm sự rằng nếu như muốn tìm phở Hà Nội đúng điệu này
xưa, có thể sang quận Cam ở Mỹ để ăn bát phở với đầy đủ hương vị từ sa
tế, hành, nước luộc gà cho đến lát thịt gà thái mỏng hoặc bát phở gàu
bò, tái nạm bò với vị nước ngọt thanh… rất dễ dàng. Thường, những người
đi xa mang theo bí quyết ẩm thực và xem đó là bửu bối, là bản sắc của
dân tộc, quê hương mình nên họ luôn giữ gìn, sợ mất gốc. Ngược lại, ngay
trên quê hương của phở như Hà Nội, tìm một bát phở có hương vị gốc quả
thật là khó.
Nhất là trong thời thị trường phì đại, nhu cầu của khách cũng khác
thường, người bán chỉ nghĩ đến việc chế biến, gia giảm hương vị làm sao
để hút khách, hoặc giả, đi vào một vùng mới làm ăn, lại chế biến món phở
có hương vị gần giống với đặc sản của nơi đó. Ví dụ như người Hà Nội
vào Huế, lại dùng nước nhưn na ná hương vị bún bò Huế để chan phở, vào
Sài Gòn, hương vị nước phở hơi giống hủ tiếu Nam Vang, vào Đà Nẵng, nước
phở hơi giống vị nước nhưn bún chả cá… Cứ như thế, dần dà, phở mất hẳn
hương vị gốc, đến một lúc nào đó, có ai hỏi đâu là bát phở Hà Nội đích
thực thì chẳng tìm đâu ra nữa!
Với thu nhập mỗi ngày từ một trăm năm mươi ngàn đồng đến hai trăm
ngàn đồng, những người bán phở Hà Nội ở Thanh Hóa chẳng thể giàu lên
được nhờ vào “nghiệp phở” của họ. Nhưng, đảm bảo mỗi ngày có tiền đi
chợ, để dành cho con ăn học và chia sẻ với đồng bào thiểu số khó khăn
hơn mình, mỗi sáng nghe tiếng điếu cày rít tắc tắc trong quán, khói
thuốc và hơi sương mang mang, nghe tiếng cười nói và thỉnh thoảng, nghe
ai đó nói rằng ở Hà Nội bây giờ, có những bát phở có giá đến sáu, bảy
trăm ngàn đồng, lại lắc đầu, chậc lưỡi và nghĩ rằng chẳng biết bao giờ
mình bán được cho những đồng bào thiểu số đói ăn thiếu mặc quanh mình
một bát phở như thế. Âu đó cũng là thú vui của những người bán phở ở nơi
dân mở mắt ra đã thấy nghèo, đôi vai trĩu nặng vì thuế và mưu sinh này!
Uyên Nguyên, tường trình từ Thanh Hóa, Việt Nam.
Saturday, October 24, 2015
VÕ PHIẾN * NẮM CHƠI
Nằm chơi
VÕ PHIẾN
Hồi xưa, khi vừa biết chữ võng (Hán tự) có nghĩa là cái lưới, tôi
liền hoan hỉ thấy công việc tầm nguyên chữ nghĩa xem ra thoải mái quá.
Cái võng do cái lưới mà ra: Đích rồi. Mặt võng khác gì mặt lưới? Giằng
ra bắt chim bắt thú, gọi là lưới; còn treo nó lên để nằm đu đưa thì gọi
là võng. Cũng nó thôi.Thừa thắng xông lên, tôi phăng ngay ra quê quán của chiếc võng. Lại gốc từ phương bắc nữa đây. Tiếp xúc với văn minh Trung Quốc có nhiều cái lợi; ít nhất là cái lợi cho thuở bé nằm bú sữa mẹ, và khi lớn lên thỉnh thoảng được nằm toòng teng về nhà ngoại.
Tôi hài lòng về sự học hỏi của mình, và xếp vấn đề qua một bên, cái bên những chuyện đã được giải quyết thoả đáng.
Đến khi gặp bài thơ ‘Tức sự’ của Cao Bá Quát liền nhận ra sự lố lăng của mình. Cao Bá Quát mở đầu:
Nhãn khan cao điểu độc phàn lung
Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung
Hoá ra cái võng nó không hề là cái lưới bao giờ cả; nó là ‘thằng sàng’, là cái giường dây!\
Giường dây là cái quái quỉ gì lạ vậy? Văn thơ của Siêu của Quát, nó “vô Tiền Hán” có phải do chỗ này chăng? Trong vô vàn thơ phú từ đời Hán đời Đường đời Tống để lại, đâu có thơ nào có ‘thằng sàng’? Thua họ Cao là cái chắc. Thậm chí đi ngược lên tới thời cổ đại xa xưa, lục soát các câu hò câu hát của dân gian do cụ Khổng sưu tầm, e cũng không tìm ra cái giường dây.
Các cụ ta xưa kia vung tay viết lách, hễ cái gì Tàu nói thì ta nói, Tàu không nói thì ta cho qua luôn. Tuyết, liễu, con chim oanh, con phượng hoàng, cây phong, lầu hồng, gác tía v.v… đầy dẫy trong thơ ta. Còn cái võng, cái áo tứ thân, tiếng sáo diều v.v… thì không thấy trong văn thơ cổ điển của ta bao giờ, mặc dù hằng ngày chúng sờ sờ ngay bên mình. Ông Cao đưa luôn cái võng vào câu thơ: ông tả chân, ông cách mạng, ông táo bạo quá.
Trước ông Cao, Hải Thượng Lãn Ông lên kinh bốc thuốc, trông thấy cái võng trong phủ chúa, có kể lại. Nhưng đó chẳng qua là ký sự, là ghi chép sự việc thôi, không cốt ở văn chương. Tôi không biết trong nguyên bản Hán văn Lãn Ông dùng tiếng gì để gọi cái võng. Ngày nay, trong sách báo Trung Hoa, có nơi người ta gọi nó là điếu sàng, có nơi là bố sàng. Giường dây, giường treo, giường vải là… giường cả. Ối, võng là một thứ giường! Công việc loay hoay tìm đặt một cái tên cho loại giường kỳ cục nọ, nhọc nhằn thay, vất vả thay.
Như vậy rõ ràng là ở Tàu võng không có tên, không có mặt. Người Tàu khi cần nói đến nó, phải tìm cách phiên dịch tiếng nước ngoài. Thế là cái võng mất quê quán ở phương bắc.
Không sao. Sách Tây mách: Quê nó ở Nam Mỹ. Ngay chuyến đi tân thế giới đầu tiên, trông thấy cái võng, nằm thử, ông Kha Luân Bố lấy làm khoái, rước ngay nó về Âu châu. Cây hamack cung cấp chất liệu làm ra nó, Tây và Mỹ gọi nó là hamac, là hammock, là hamaca…
Claude Lévi-Strauss nói gọn: Dân Indian ở Nam Mỹ phát minh ra cái võng (1).
Đã có công ‘phát minh’, tất họ xài kỹ. Mọi giống Indian vùng nhiệt đới Mỹ châu đều nằm võng, ngoại trừ giống Nambikwara. Nhóm dân này toàn loã lồ nằm lăn ngay ra đất mà ngủ, sát cạnh bếp lửa cho được ấm; sáng ra mình mẩy lấm lem. Như thế thật tồi tệ, thật thảm hại. Nambikwara, có nhóm dân khác gọi họ là tụi ‘ngủ đất’ (uaikoakoré). Ngủ đất là biểu hiện cái nghèo khổ đến chỗ tuyệt mức, là một trình độ sinh sống đáng chê.
Bảo người da đỏ Nam Mỹ phát minh ra võng, theo cái nghĩa da đỏ là thầy dạy võng cho dân Bắc Mỹ với dân Âu châu, bảo thế thì không sao, thì có lý lắm. Nhưng nếu muốn ngầm ý cho rằng da đỏ Nam Mỹ là thầy dạy võng toàn cầu, thì nhà nghiên cứu không nghiêm chỉnh đâu. Mà ý ấy, có vẻ là ý ngầm của ông. E tôi phải chê ông Claude Lévi-Strauss quá. Eo ôi!
Châu Mỹ, nó chỉ là ‘tân thế giới’ đối với ông Kha Luân Bố và lớp người Âu châu sau Kha Luân Bố. Trước đó, Âu châu chưa biết tới nó; phải chờ tới thế kỷ 15 nó mới được ‘khám phá’ ra. Kỳ thực châu Mỹ không mới đến thế. Trong khoảng hai chục nghìn năm tách lìa với Âu châu, nó vẫn liên hệ mật thiết với Á châu. Claude Lévi-Strauss nói văn vẻ rằng trong khi Đại Tây Dương vắng lặng thì hai bên bờ Thái Bình Dương lại tấp nập xôn xao như bầy ong. Ông minh định là cái liên hệ rộn ràng này diễn ra ở Đông Nam Á châu chứ không phải ở Bắc Á. Trung Hoa bấy giờ không dính líu gì vào bầy ong này.
Trong hoàn cảnh giao lưu rộn rịp ấy, cả hai bờ Thái Bình Dương đều có tiếng võng đưa kẽo kẹt. Võng anh đu qua võng nàng đưa lại, suốt hai chục thiên niên kỷ. Bỗng có kẻ chỉ tay riêng về một phía, kêu đích danh: Đây là phía ‘phát minh’. Như vậy phía bên kia là gì? Là phía ‘đạo võng’ (cũng như đạo văn) à? Không phát minh ra, cũng không mượn tạm, làm sao có võng mà đu đưa? Còn như mượn mà bóc đi cái nhãn hiệu sản xuất, mà không nêu lên danh hiệu của chủ nhân, thì… chả hoá ra là gian lận, là trộm cắp à? Nhà nghiên cứu nọ không nói toạc, nhưng quả có ý ngầm. Thế mới là lỗi lớn.
Dân ta không có truyền thống đạo tặc. Mượn của ai cái gì, nói ngay cái ấy: dừa xiêm, táo tàu, váy đầm, giày tây, cái đi-văng, món lẩu, đĩa bíp-tếch v.v… Lớn như ông hoàng đế, nhỏ như đứa cu-li, chức phận nào mang nguyên tên gốc nấy, nhãn hiệu xuất xứ còn giữ rành rành, nhất nhất đều minh bạch. Sá gì một cái võng. Nếu vay mượn, tại sao nó không mang tên là cái ha-mã, cái hàn-mặc, cái hàm-mô? Tại sao sừng sững một cái tên lạ hoắc? Không Tàu, không Tây, không Mỹ; nó trương cờ độc lập một cõi, thấy không?
Hung hăng như thế xong, nghĩ lại thấy không ổn. Bên này Thái Bình Dương đâu phải chỉ riêng dân ta nằm võng?
Xem nào. Thái Lan có võng. Mở tự điển, không đọc được thứ chữ loằng ngoằng, nhờ mấy người bạn Thái Lan phiên âm giúp: kẻ bảo là pay yuan, người gọi play yuan.
Phi Luật Tân cũng có võng. Tiếng Tagalog gọi là duyan. Một bạn Phi cùng sở, người Ilocano, gần Manila, bảo tiếng địa phương cô ta làindayon.
Tôi cũng có thử tìm hỏi thêm về tiếng gọi của mấy giống dân khác, nhưng có lẽ không nên làm rườm tai người nghe. Mỗi tiếng nói có lắm cách nghe cách ghi: kẻ nghe ra Phnom Penh người lại nghe thành Nam Vang; kẻ viết ra Swar Tonnh, người lại nghe thành xà-tón, người khác ghi là Tri Tôn! Rắc rối quá lắm. Vả lại mình biết phận mình: có nghiên có khảo gì tới nơi tới chốn được đâu? Chẳng qua nhón lấy vài sự kiện trong tầm tay, nêu lên để gợi ý các bậc cao minh vậy thôi.
Trong mấy tiếng Thái Lan, Phi Luật Tân vừa kể, bỏ qua những pay với play, những du với inda, tôi chú ý đến một âm cuối cùng thì thấy hoặc yuan hoặc yan, hoặc yon, đọc lên nghe vẫn gần với cái tên Việt Nam của ‘nó’ lắm. Từ nam Trung phần vào đến khắp Nam phần, chúng ta không có phụ âm ‘v’. ‘Đi về’, người dân quê ở Bình Định, Phú Yên bảo ‘đi dìa’ hay ‘đi gỳa’. ‘Mắn và rau’, giọng Nam đọc ‘mắm già rau’. Cho nên cái võng, từ Trung vào Nam, nó mang tên cái giõng. Cái giõng ấy, cùng với những cái yon, cái yan, cái yuan, coi bộ gần gũi đa. Tại sao chúng nó không thể cùng nhau lập nên một nhóm, đối lập với nhóm hamac, hammock, hamaca?
Như thế là không dám có quyết ý cho rằng chúng ta đã ‘phát minh’ ra cái gì. Chẳng qua chỉ mong cái vinh dự nọ được san sẻ cho cả hai bờ Thái Bình Dương. Được chăng?
Ở hai bờ, cái võng có hai địa vị khác nhau. Bên phía Nam Mỹ, cái võng là cái để nằm thiệt; bên phía Nam Á, cái võng là cái để nằm chơi.
Võng Nam Mỹ xuất thân từ các bếp lửa của những bộ lạc thiểu sổ ở trình độ văn minh thấp nhất; nó là cái phương tiện căn bản để cứu con người khỏi cảnh lăn thân xuống đất lẫn lộn với tro bụi. Các bộ lạc sơ khai Nam Á, cũng như tổ tiên chúng ta thời xưa, thì không cần đến võng vẫn khỏi ngủ đất: chúng ta ở nhà sàn, nằm ngủ trên ‘chồ’ cao ráo, sạch sẽ. Võng không là phương tiện tối thiểu phải có của dân cùng; mà là tiện nghi để nghỉ ngơi lấy khoái ở những cuộc sống đã thảnh thơi. Cái võng Nam Á, nó ‘xuất thân’ ra sao? Không biết. Chỉ biết đến thời lẫy lừng, trong khoảng đôi ba trăm năm trở lại đây, nó đã được vinh thăng vào tận phủ chúa, vào khắp dinh thự các quan, khắp các chỗ quyền cao chức trọng.
Trong tuồng Hộ sinh đàn của cụ thượng thư Đào Tấn, có chỗ tên Tiết Nghĩa cao giọng phách lối đối với Tiết Cương: “A! cái thằng mới dại chớ, lại còn xưng rằng tiện hữu mới gớm chớ. Bạn tao là võng điều ngán ngà, quạt lông, khăn chữ nhất, chớ tao làm bạn chi với cái thằng chân không, áo hạn, mà cũng xưng là bạn?” Cựu tổng đốc Phạm Phú Tiết giải thích rằng ngày xưa các quan to thì dùng võng giá nhuộm điều với cặp ngán bằng ngà voi, quan nhỏ thì võng xanh với cặp ngán bằng gỗ.
Kẻ viết tuồng cùng người chú giải tuồng đều là quan lớn cả. Đều rành rẽ về phép tắc nhà quan cả. Duy cụ thượng Đào đã đem phép quan ta gán cho quan Tàu: Quan Tàu nào lại có thứ quan đi võng, dù võng đỏ hay võng xanh. Chuyện võng với cáng, với ngán nọ ngán kia, ông Đào đều xài tiếng Việt trong câu nói lối, tuyệt nhiên không đả động tới những món ấy bằng Hán văn trong các câu hát khách. Trong Hán ngữ làm gì có tiếng gọi cái võng và nhất là cái… ngán! Vả lại ông Đào thỉnh thoảng vẫn có lời đùa nghịch: trong tuồng Trầm hương các có sâm banh, với sữa bò ở chỗ cung điện Trụ vương cùng Đắc Kỷ, thì trong Hộ sinh đàn quan Tàu có lỡ ngồi lầm vào võng ngán ngà cũng dễ hiểu thôi. Nhưng đùa nghịch ấy chỉ xảy ra ở những câu nói lối. Còn ở các câu hát nam hát khách, ở các bài từ, thì nghiêm chỉnh, không có thế bao giờ.
Cao sang như vua chúa, quan quyền, thì… chơi võng. Ông nghè mới đậu xong, lắm khi cảnh nhà hãy còn thiếu thốn, bà nghè đang cấy đang gặt ngoài đồng cũng vội rửa tay chải tóc, chỉnh đốn y trang, mà nằm võng một chuyến theo sau ngựa chàng cho vẻ vang. Con nhà thường dân, nếu cố gắng chơi nổi, khi đưa dâu về nhà chồng cũng chơi một chuyến đi võng cho sang.
Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, hoặc mẹ nằm võng ru con ngủ, hoặc bà nằm võng kể chuyện xưa tích cũ cho cháu nghe, hoặc ông Nhất Linh nằm võng bên suối Đa Mê mà viết văn, thổi sáo v.v…, đều không phải cốt đáp ứng một nhu cầu căn bản, thiết yếu nào cả. Chẳng qua là nằm chơi, nằm lấy thích lấy thú cả. Là cái nằm ở một xã hội đã có trình độ văn minh tương đối cao. Võng như thế là môi trường của câu hát, điệu ru, môi trường của cuộc sống tình cảm, cuộc sống tinh thần, của những cảm xúc tinh tế.
Như thế e cái võng Nam Á, tuổi của nó không mấy cao chăng? Đáp ứng nhu cầu căn bản mới là xưa, chứ đáp ứng nhu cầu tinh thần thì xưa sao được?
– Hầy, đã bảo chưa biết về cái xuất thân của nó. Ai mà dám chắc nó già trẻ đến đâu. Gác chuyện đó lại đi. Cái gì chưa có chứng cớ đích xác thì khoan nói. Nói qua chuyện khác, vui hơn.
Bắt đầu, ông Cao Bá Quát có một câu thơ võng. Chẳng bao lâu sau, ông Bàng Bá Lân liền có cả một tập thơ võng: Tiếng võng đưa. Không phải ông Bàng là chuyên gia về võng. Chẳng qua khi văn thơ Việt Nam nó thoát ra khỏi vòng Hán ngữ thì nó dễ dàng đề cập tới cuộc sống dân tộc hơn.
Ông Bàng có ba thi phẩm về tiếng nọ tiếng kia: Tiếng thông reo (1934), Tiếng sáo diều (1939), Tiếng võng đưa (1957). Trừ tiếng thông reo ra, hai tiếng sau đặc biệt thân thuộc với lỗ tai Việt Nam.
Trong bài ‘Tiếng võng đưa’ có câu:
…Tiếng võng nhà ai ru trẻ
Nặng nề chậm chạp đong đưa…
Nặng nề chậm chạp đong đưa…
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời.
Lại có câu:
Dân tộc Việt Nam
Lớn trong tiếng võng
Trong bài ‘Quê tôi’ có câu:
Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về…
Kẻ đề tựa cho tập Tiếng võng đưa là ông Lê Văn Siêu, một học giả từng có những công trình nghiên cứu về văn hoá, về văn minh, của nước Việt Nam văn hiến. Trong bài tựa có lời rằng: “Tiếng võng đưa kẽo kẹt ấy, vẫn là tiếng ngân dài của năm nghìn năm lịch sử trong lòng người con dân đất Việt.”
‘Muôn đời’, ‘ngàn xưa’, rồi ‘năm ngàn năm’, rồi lại dân tộc ‘lớn trong tiếng võng’. Nghe ra vẫn chưa mấy đích xác. Chỉ biết võng là cái cố cựu, là mật thiết với dân tộc. Còn cái đích xác thì hãy chờ thôi
No comments:
Post a Comment