Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 1 November 2016

TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG = THƠ SƠN TRUNG = BIỂN ĐÔNG

BÍ MẬT CỦA TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG

Những bí mật được giấu kín của tiếp viên hàng không

00:00:00 16/02/2015

Những tiếp viên hàng không luôn mỉm cười chào bạn khi bước lên máy bay, phục vụ bạn từ cốc nước đến chiếc khăn mặt, họ sẽ giải quyết mọi vấn đề của bạn trong suốt hành trình. Nhưng họ cũng có những bí mật mà chỉ đồng nghiệp trong nghề mới biết.

1. Họ chỉ được trả tiền khi cửa máy bay đã đóng

Nghe có vẻ dĩ nhiên, nhưng thực chất, đó là một quy định hết sức ngặt nghèo trong nghề này. Những tiếp viên hàng không chỉ được tính giờ công khi cửa máy bay đã chính thức đóng lại. 
Trong trường hợp chuyến bay bị hoãn hoặc hủy bỏ, họ sẽ không được nhận 1 xu nào, kể cả khi đã lao động nhiều giờ liên tục.
2. Phi hành đoàn luôn đặt biệt danh cho mọi thứ
Họ gọi những đứa bé quấy khóc trên máy bay là "Ông giời con". Còn khâu kiểm tra dây an toàn của hành khách được gọi là "Đi trên cành cây".
Những tiếp viên hàng không cũng là người thường, mỗi khi có nhu cầu "xì hơi", họ sẽ gọi đó là "tưới cây trên không".
3. Nữ tiếp viên hàng không luôn phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về ngoại hình
Mặc dù thời hoàng kim của nghề tiếp viên hàng không đã đi qua từ lâu, nhưng đến tận bây giờ, những nữ tiếp viên vẫn phải xinh đẹp, chân dài, cao trên 1m60, không được nặng quá 58kg, chưa từng sinh nở.
Ngoài ra, tuổi về hưu trung bình của họ là... 32.
Sau rất nhiều cuộc tranh đấu về quyền phụ nữ từ những năm 70, đến bây giờ quy định về ngoại hình của nghề này vẫn... chẳng có gì thay đổi.
Hãng hàng không AirAsia thậm chí còn đòi hòi bằng đại học và chỉ được trong độ tuổi từ 20 đến 28 khi tuyển dụng.
4. Tiếp viên hàng không có chìa khóa để mở cửa toa-lét từ bên ngoài.
Bạn đừng nghĩ rằng có thể vào toa-lét máy bay và coi đó là chốn riêng tư mình ta, những tiếp viên luôn biết ai đang làm gì trong toa-lét, mặc dù "làm chuyện ấy" trên máy bay không vi phạm điều luật nào, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể mở tung cửa bất cứ lúc nào.
5. Tất cả họ đều biết võ thuật
Công việc chính của tiếp viên hàng không là chăm sóc hành khách trong chuyến bay, nhưng như thế không có nghĩa là bạn thích làm gì thì làm, bất cứ ai trong phi hành đoàn cũng có thể "knock-out" bạn trong tích tắc.
Trong những kỳ huấn luyện tại trường hàng không, mọi tiếp viên đều phải đỗ bài thi võ thuật tự vệ và khống chế mới được cấp chứng chỉ.
6. Tiếp viên hàng không có quyền hành khá lớn trên chuyến bay
Sau khi được học về cứu hộ và võ thuật, họ sẽ được đào tạo thêm về tâm lý học tội phạm. Nếu những tiếp viên nghi ngờ ai đó đang làm việc phạm pháp, họ được quyền bắt giữ và thẩm vấn. 
Với tiếp viên hàng không Mỹ, họ được Sở an ninh nội địa đào tạo để phát hiện những hành vi buôn người, nếu họ thấy một hành khách đi cùng vài đứa trẻ, những tiếp viên sẽ lập tức thẩm tra người này kỹ càng.
7. Những tai nghe trên máy bay là hàng... secondhand
Chỗ ngồi của bạn luôn có những hộp tai nghe mới tinh và được dán nhãn kỹ lưỡng, nhưng thực chất, kể cả trong những chuyến bay sang trọng nhất, những chiếc tai nghe đó đều là hàng cũ và được vệ sinh sạch sẽ, đóng gói cẩn thận trước mỗi chuyến bay.

8. Hành khách không được dùng thiết bị điện tử, nhưng tiếp viên thì dùng thoải mái
Trước mỗi chuyến bay, bạn bị buộc phải tắt mọi thiết bị điện tử, nhưng luật đó chỉ áp dụng cho hành khách mà thôi, những tiếp viên vẫn được dùng điện thoại và bộ đàm mọi lúc.
Thực ra, điện thoại chẳng làm ảnh hưởng gì đến an toàn hàng không, nhưng hành khách vẫn phải tắt điện thoại vì sóng viễn thông gây nhiễu nhẹ radio, và nếu ai cũng được bật điện thoại thì khoang hành khách sẽ rất ồn ào, và đội ngũ tiếp viên không thích điều đó chút nào.
9. Họ đều là những "diễn viên kịch" và chuyên gia trang điểm tài năng

THƠ SƠN TRUNG

 

 
ĐÔNG TRƯỜNG

Từ đó bao mùa đông đã sang,
Tuyết bay gió thổi suốt đông trường.
Trong anh tuyết ngập thành băng đảo
Tuyết ngập vườn nhà, ngập nghĩa trang.


Yêu trọn kiếp vẫn còn chia cách
Thương ngàn đời vẫn có lúc chia ly
Em trên cung Quảng ngàn thu hận,
Anh cõi ta- bà một nỗi bi!

Ngàn năm mây trắng vẫn còn bay
Muôn đời hóa thạch trái tim này.
Ai bảo giòng đời vãng rồi phục,
Bao giờ trăng khuyết  lại  tròn đầy ?

Một cuộc chia ly vạn nỗi sầu
Núi cao biển rộng biết tìm đâu.
Em đã đi rồi càng tiếc nuối
Ở kiếp nào ta lại gặp nhau?

Ta đã bên nhau trọn cuộc đời,
Chung bao thành bại, nỗi buồn vui.
Anh đã đôi lần làm em khóc
Muốn đời sám hối mãi không thôi!


TÂM KINH CHO ĐỜI


Khi đã yêu thương người,
Xin hãy yêu trọn đời
Hãy như đêm trăng sáng,
Soi rõ ánh mắt ai

Như lúc mặt trời mọc,
Đừng như lúc hoàng hôn
Đừng làm người yêu khóc
Đừng làm người yêu buồn.

Tâm hòa hạnh phúc sinh
Tâm sân hạnh phúc diệt.
Hãy yệu thương tha thiết,
Yêu người là yêu mình.

Cuộc đời rất ngắn ngủi,
Chỉ trăm năm mà thôi.
Biết bao lần buồn tủi
Được mấy lúc cười vui?
Xin hãy yêu thương người
Để khỏi phải hối tiếc
Khi ngày vui qua rồi!








 


THẾ GIỚI & BIỂN ĐÔNG

 Tổng thống Mỹ thăm Đông Nam Á nhưng chưa tiện đến Việt Nam

mediaTổng thống Mỹ trên chuyên cơ Air Force One. Ảnh tư liệu ngày 31/08/2015.REUTERS/Jonathan Ernst
Theo chương trình dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường qua Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/11/2015 trong một vòng công du sẽ tiếp tục đưa ông đến Philippines rồi Malaysia. Trong bối cảnh quan hệ Washington-Bắc Kinh có dấu hiệu căng thẳng, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông, chuyến thăm hai nước ASEAN đang có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc của ông Obama rất được chú ý, cũng như “sự kiện” ông không ghé Việt Nam lần này như một số quan sát viên từng dự đoán.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G-20, sau đó ông sẽ đến Manila, thủ đô Philippines, dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, rồi qua Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia tham gia một loạt các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh khối ASEAN, đặc biệt là hai hội nghị quan trọng là Thượng đỉnh Đông Á (East Asian Summit EAS) và Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.
Phát biểu với báo chí ngày 12/11 vừa qua, bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã đặc biệt nhấn mạnh đến hai yếu tố trọng tâm trong chuyến công du lần này của ông Obamađến Philippines và Malaysia: Đó là hiệp định tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa được 12 nước trong APEC chấp thuận, và chính sách tái cân bằng qua Châu Á của Mỹ.
Những yếu tố này sẽ được Tổng thống Mỹ đề cập đến trong các cuộc họp chính thức, cũng như vô số các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các đồng minh và đối tác chủ chốt của Hoa Kỳ, từ Úc, Canada, Nhật Bản, cho đến
đến Philippines, Singapore, và Malaysia, vốn rất quan tâm đến vai trò của Mỹ trong lãnh vực duy trì an ninh cho toàn vùng Thái Bình Dương. Để dự phóng cho tương lai, ông Obama cũng sẽ có cuộc họp song phương với Thủ tướng Lào, nước sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2016.
Một câu hỏi thường được đặt ra gần đây là vì sao Việt Nam hầu như vắng mặt trong chương trình vòng công du Đông Nam Á lần này của ông Obama, cho dù quan hệ hai bên đã được tăng cường đáng kể trong thời gian một năm gần đây.
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ), hiện đang là Chuyên viên Khách mời Cao cấp (Visiting Senior Fellow) của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã cho rằng Tổng thống Obama chắc chắn sẽ công du Việt Nam, nhưng chưa phải vào lúc này vì thời cơ chưa thuận tiện.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Hoa Kỳ)14/11/2015 - Trọng Nghĩa Nghe
RFI: Kính chào Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Về quan hệ Mỹ Đông Nam Á, tại sao mới chỉ thấy Mỹ nói là Tổng thống Obama sẽ đi thăm Malaysia, Philippines trong năm nay, rồi Lào vào năm tới, mà không thấy đả động gì tới Việt Nam ?
 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151114-tong-thong-my-tham-dong-nam-a-nhung-chua-tien-den-viet-nam
  

Tổng thống Mỹ hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP

media 
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu từ Nhà Trắng. Ảnh ngày 13/11/2015.Reuters
Hôm qua 13/11/2015, trước báo giới, tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP.
Theo kênh truyền thông Úc SBS, tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng các nghị sĩ sẽ ra quyết định trong phiên họp mới của Quốc hội, khai mạc sau kỳ Noel. Barack Obama bày tỏ sự tin tưởng đối với khả năng hợp tác giữa hai đảng trong Quốc hội, để TPP chính thức có hiệu lực. Tổng thống Mỹ nhắc lại, Quốc hội có thời hạn 90 ngày xem xét, để phê chuẩn hiệp định.
Hiệp định TPP đã được đại diện chính phủ 12 quốc gia thông qua đầu tháng 10. TPP cho phép dỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan giữa 12 nền kinh tế, chiếm 40% trọng lượng nền kinh tế thế giới.
Để gia tăng trọng lượng của đòi hỏi phê chuẩn TPP, hôm qua, tổng thống Mỹ có cuộc hội kiến với nhiều nhân vật tên tuổi thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Nhà Trắng, trong đó có các cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, Madelaine Albright, Colin Powell, hay cựu bộ trưởng Quốc phòng Bill Cohen.
Hôm nay, tổng thống Mỹ khởi sự chuyến công du Châu Á 9 ngày, trong đó hiệp định TPP sẽ là một nội dung quan trọng. Lần đầu tiên, kể từ sau khi hiệp định được thông qua, đại diện 12 quốc gia thành viên sẽ gặp nhau tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC, tổ chức ở Manila, trong hai ngày 18 và 19/11.
 
 

Obama nêu bật vấn đề Biển Đông trong chuyến đi Châu Á

Đồng tiền Trung Quốc nhiều hy vọng được đưa vào rổ tiền tệ IMF

mediaREUTERS
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang trên đường gia nhập vào rổ tiền tệ (SDR theo tiếng Anh, DTS theo tiếng Pháp) của IMF, còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt. Việc này một khi được chấp nhận sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Trong một báo cáo, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng đồng tiền Trung Quốc « đáp ứng được các điều kiện » để tham gia rổ tiền tệ, hiện nay gồm bốn đồng tiền là đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yen Nhật. Bản báo cáo không công khai đã được trao cho Hội đồng quản trị IMF đại diện cho 188 nước thành viên, và Hội đồng này sẽ có quyết định cuối cùng vào ngày 30/11.
Việc bật đèn xanh này là một chiến thắng ngoại giao to lớn đối với Bắc Kinh, hiện đang có tham vọng mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ ra bên ngoài biên giới. SDR là đồng tiền quy ước, chủ yếu được sử dụng trong các kế hoạch hỗ trợ của IMF.
Để được đưa vào rổ tiền tệ, phải hội đủ hai điều kiện : « được sử dụng rộng rãi » trong giao dịch quốc tế, và « sử dụng một cách tự do ». Chính điều kiện thứ hai gây tranh cãi nhiều nhất, vì Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hối suất.
Trong báo cáo đầu tháng Tám, IMF nhận định còn phải có những nỗ lực lớn trước khi đưa ra lời khuyến cáo về đồng nhân dân tệ. Từ đó đến nay chính quyền Trung Quốc đã thay đổi cung cách ấn định hối suất để tiến gần với thị trường. Hồi tháng Tám, biện pháp bất ngờ này của Bắc Kinh đã khiến đồng nhân dân tệ bị phá giá 5% so với đô la.
Ngoài ra vào tháng 10 Trung Quốc đã chấp nhận tham gia một cơ chế của IMF giúp cải thiện chất lượng thống kê kinh tế vốn thường xuyên bị nghi ngờ. Sự kiện này có thể đã thuyết phục được ê-kíp IMF. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm nay hoan nghênh loan báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Cho dù cuối cùng sẽ do IMF quyết định, vấn đề này sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào Chủ nhật và thứ Hai 15/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi cái nhìn hiện đang hướng về Hoa Kỳ, cổ đông lớn nhất của IMF, trước đây thường xuyên chỉ trích Trung Quốc là ghìm giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu, nay đã có thái độ nhẹ nhàng hơn. Dù sao nếu đồng nhân dân tệ được chấp nhận vào rổ tiền tệ quốc tế thì chỉ bắt đầu từ tháng 9/2016.
Lần thay đổi gần nhất trong số các đồng tiền trong Quyền rút vốn đặc biệt là vào năm 2000, khi đồng euro thay chân đồng franc Pháp và đồng mác Đức.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20151114-dong-nhan-dan-te-nhieu-hy-vong-duoc-dua-vao-ro-tien-te-imf










THANH MAI * VỀ HƯU Ở VIỆT NAM

 

Về Hưu Ở Việt Nam - Thanh Mai


Kể từ sau năm 1975, vì biến cố chính trị, số người Việt Nam lưu vong sống trên các đất nước tự do có thể tính bằng con số triệu. Có mọc rễ hay không trên xứ người nhưng phần đông Việt kiều trong thâm tâm luôn nhớ về quê hương nơi chôn nhau cắt rún, nơi chứa nhiều kỷ niệm từ nhỏ cho đến lớn, nơi có đồng bào cùng màu da, cùng tiếng nói. Nhất là những người lớn tuổi về hưu, con cái đã trưởng thành, đã nên người thay thế cha mẹ ra đóng góp cho xã hội thì họ lại thường cảm thấy cô đơn lạc lõng bên xứ người và muốn trở về để gởi nắm xương tàn trên quê hương mình mặc kệ những bất đồng chính kiến, mặc kệ ngày nào đã bất kể sống chết, bỏ lại tất cả để ra đi tìm tự do.


Ông Tâm là một trong số người muốn trở về cố hương đó. Ông là sĩ quan cấp tá của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, dĩ nhiên cũng như các sĩ quan khác ông cũng phải đi học tập cải tạo một thời gian dài, nhà cửa bị tịch thu, con cái không được học đến nơi đến chốn vì lý lịch xấu. Ngày ông còn trong tù thì vợ ông đã mất vì quá lao lực, và suy dinh dưỡng. Ra tù ông lại phải sống thấp tha thấp thỏm lo sợ không biết một ngày đẹp trời nào đó bọn ác ôn bắt bỏ tù trở lại; rồi gia đình bị bắt đi kinh tế mới; cuộc sống dưới chế độ mới thiếu thốn, khổ cực trăm bề nên ông cố sống cố chết tìm cách đưa con cái vượt biển. Cũng may nhờ bạn tù giúp đỡ nên chuyến vượt biển thành công. Sau một thời gian ở trại tị nạn gia đình ông được sang định cư ở Hoa Kỳ.


Ông Tâm qua được xứ sở tự do thì ngã bịnh mất khả năng lao động nên được hưởng tiền bịnh do tiểu bang cấp cho. Bốn người con đứa đi học nghề, đứa ra làm việc và từ từ đều lập gia đình có cuộc sống ổn định bên xứ người. Nhưng vì công việc nên mỗi đứa con lại ở một tiểu bang, chỉ thi thoảng mới gặp nhau. Còn cô gái lớn thì ở cùng một tiểu bang với cha.


Ông Tâm ở riêng một mình. Ông không muốn làm phiền đứa con nào vì tính ông độc lập lâu nay, cứ ngại làm mất tự do và đời sống riêng tư của con cái, và ông cũng thích sống một mình cho thoải mái. Ông mua một cái mobile home giá rẻ, cho một hai người thuê phòng ở chung để có thu nhập trả tiền đất, và nhờ bạn bè làm mai giới thiệu cho ông một bà góa để đỡ phòng không chiếc bóng.

Bà góa này tên Tình, coi xấu người mà đẹp tính. Bà Tình hiền lành, dễ tính, biết chịu đựng, biết im lặng nghe ông nói mà không tranh cãi gì cả. Ông chỉ con chó mà nói là con gà thì bà cũng ừ cho đó là con gà; ông bắt bà im thì bà không dám hó hé lấy một tiếng mà nín thinh cả mấy ngày trời cho tới khi ông cho nói bà mới dám mở miệng... Con cái của ông đều quí mến bà mẹ kế này và nhiều khi còn binh bà để phản đối ông quá ăn hiếp:


- Sao cô hiền quá vậy? Ba con nói ngang nói ngược mà cô không cãi cứ để ổng ăn hiếp hoài.
Bà Tình cười hiền lành:
- Thì cô coi như ổng khùng, cãi làm chi với người khùng cho mệt.

Bà Tình làm ở nursing home săn sóc chiều chuộng người già, người bịnh cũng quen nên mới có thể ở chung với ông Tâm được. Tính tình hai người khác nhau như hai thái cực nên có lẽ ở với nhau để bù đắp cho nhau. Bà Tình dễ tính bao nhiêu thì ông Tâm khó bấy nhiêu. Ngày xưa sống trong quân kỷ quen, ông dùng kỷ luật sắt trị lính và trị cả gia đình. Con cái phạm lỗi là ông đét đít không tha. Ði thưa về trình, đúng giờ đúng giấc không được sai một phút. Chiều tối là cửa đóng then cài, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ra vào cửa phải đóng, quên là bị phạt mở ra đóng lại 100 lần cho quen. Ở xứ Mỹ, bạn bè con cái có bất thình lình ghé ngang nhà thăm ông mà không gọi điện báo trước chớ hòng ông mở cửa tiếp. Có ông bạn thân sẵn đi câu về ghé tặng ông ít cá tươi, gọi cửa hoài ông không mở, chỉ đứng trong nhà ngó ra nên người bạn phải treo bị cá trước cửa rồi bỏ đi. Nhiều, nhiều kỷ luật và nội qui được đặt ra lắm nên đám con không gần gũi cha cho mấy, đứa nào cũng sợ ông như sợ cọp. Bạn bè ai cũng lắc đầu, bảo ông là chướng.

Vậy mà bà Tình cũng hay, sống với ông được đến 4 năm mới chia tay vì có một ngày ông cấm không cho bà về thăm lo cho con cái và cháu ngoại riêng nữa. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bà phản đối, chống lại ông. Ông Tâm muốn gì bà cũng chiều ngoài việc này. Tấm lòng người mẹ bao la như biển, lúc nào cũng lo lắng, bảo bọc, và hy sinh cho con thì ông Tâm chẳng thể nào mà chia cách được. Ông Tâm lâu nay quen ra lệnh và bà Tình thì quen tuân theo nên lần này nghe bà phân trần ông đã nổi giận mất khôn mà quát lên:


- Ở trong nhà này phải giữ kỷ luật, phải đi về cho đúng giờ giấc. Mấy hôm nay cứ tối mịt mới về nhà, cứ lấy cớ là về thăm cháu bịnh. Cháu bịnh thì có mẹ nó lo. Bà dẹp đi. Bà đi với thằng nào? Từ nay không có đi thăm cháu chiếc gì nữa. Còn không thì bà đi luôn đi. Nhà này không chứa đàn bà vô kỷ luật, thúi tha, mất dạy.

Bà Tình mở lớn mắt nhìn ông Tâm. Còn gì để nói nữa. Ðã biết rằng khi nổi giận thì ăn nói hồ đồ, nhưng bà không ngờ ông Tâm lại thốt những lời khó nghe và không tôn trọng bà như thế. Bà Tình lẳng lặng vào phòng thu xếp hành lý bỏ gọn trong cái va ly nhỏ. Không nói thêm một tiếng để chào từ giã ông Tâm đang mặt hầm hầm, bà xách va ly ra xe nổ máy chạy đi và không quên gọi cho đứa con gái của ông để báo cho nó biết:


- Chào con, cô chia tay với ba con rồi và sẽ không trở lại nữa đâu. Con nhớ ghé lại săn sóc cho ổng nhen.
- Cô đi luôn à? Con cũng lo sẽ có ngày này vì tính Ba nóng quá. Cô ơi, có gì cô bỏ qua cho vì con biết Ba thương cô lắm.
Cô Tình bùi ngùi nói:


- Cô biết Ba con tính nóng nên lâu nay nhịn và chiều ổng cho xong. Già rồi sống nương tựa với nhau cho vui. Con cái khôn lớn tách riêng thì mình lại càng phải dựa vào nhau để sống và an ủi cho nhau. Có điều Ba con không cho cô về thăm con cháu là không được. Lại còn ghen tuông nói bậy và không tôn trọng cô nữa nên cô buồn lắm. Thôi để tách nhau một thời gian xem sao.
- Cô ơi! Cô ráng giữ sức khỏe nhé. Mai con sẽ qua thăm Ba và khuyên ổng làm hòa lại với cô.
Hôm sau cô con gái đến thăm và khuyên cha:
- Cô Tình hiền và được quá mà sao Ba để cho cổ đi vậy? Ba làm hòa với cổ đi.
Ông Tâm sửng cồ:


- Hiền cái gì mà hiền. Bây giờ dám mở miệng cãi lại rồi còn bỏ đi nữa. Ba không cần thứ bà chằn đó. Ba chỉ thích loại đàn bà nghe lời ba 100 phần trăm, không được cãi mà nói gì cũng phải nghe.
Cô con gái bất mãn nghĩ thầm chứ không dám nói ra:
- Vậy thì ba đi kiếm người câm mà lấy đi. Mà phải vừa câm vừa điếc chứ nghe chửi mà không cãi được chắc họ đánh lại thôi.


Cô Tình bỏ đi không trở lại. Ông Tâm tự ái không làm hòa xin lỗi. Ông lại lủi thủi một mình sống kiếp độc thân góa vợ. Bạn bè cũng giúp ông đánh tiếng mai mối nữa nhưng không bà nào chịu đèn sống chung với ông được đến một tuần. Sức khỏe của ông lại chẳng được tốt cho lắm, bị cao máu, cao mỡ, phải thông tim, phải cắt túi mật, mà lại phải tự lo chợ búa nấu nướng một mình thật mệt mỏi và buồn chán. Cô con gái mỗi tuần chỉ ghé qua thăm cha chớp nhoáng được 1 vài lần vì còn phải đi làm, phải lo cho gia đình con cái. Nhiều khi ông ngồi đó, nỗi cô đơn gặm nhắm, nghĩ đến một ngày thình lình từ giã cõi đời mà con cái không hay để đến khi sình thối lên lối xóm mới biết. Rồi nghĩ đến quê hương bà con bạn bè đông đúc, ra ngõ là có hàng quán cơm tiệm khỏi lo miếng ăn nấu nướng hàng ngày, vui biết bao nhiêu. Ông nghĩ đến một ngày về quê hương, kiếm một miếng đất trồng cây ăn trái, trồng bông hoa cây kiểng, vui thú điền viên sống cho qua tuổi già, có gì chết chôn cạnh mộ bà vợ hiền cũng đỡ lạnh lẽo. Ông chỉ sợ tụi công an đỏ làm khó dễ, nhưng rồi lại tự an ủi mình hy vọng già rồi chắc tụi nó cũng để yên.


Lâu nay ông Tâm cũng thỉnh thoảng liên lạc với một ông bạn thân ở quê nhà tên Phan. Ông Phan có nhà đất ở vùng ngoại ô xa xôi, làm nghề thầy lang vườn, tính tình thuần hậu, chân chất. Ngày trước 75, ông Phan phá đất núi làm rẫy nên ngày nay ông có nhiều đất trên núi lắm. Ông Tâm ngày trước đã giúp đỡ ông Phan rất nhiều và thương tính tình ông Phan nên thường xuyên lui tới thăm nhau. Nay nghe ông Tâm than buồn và có ý trở về sống ở quê hương, ông Phan hăng hái bảo:

 Anh về đi, tôi sẽ tặng anh một mẫu đất sát cạnh nhà tôi để xây nhà ở cạnh nhau sớm hôm hủ hỉ cho vui.
Ông Tâm cảm động:


- Cám ơn anh nhiều. Nhưng tôi biết anh giờ cũng không khá giả gì mấy, tôi không dám nhận đâu. Cho tôi gởi tiền mua lại miếng đất đó để anh có tiền mà lo cho gia đình. Tôi về ở cạnh anh cuối đời anh em có nhau là vui rồi. Chỉ sợ về đó cộng sản làm khó dễ thôi.


Ông Phan đoan chắc:
- Chỗ tôi ở xa làng xa xóm, công an khu vực quen biết thân tình, dễ chịu lắm. Anh về đi không sao đâu. Với lại lớn tuổi rồi tụi nó không để ý làm khó dễ nữa đâu đừng lo. Thỉnh thoảng anh cho nó gói thuốc lá ba số 5 là nó cảm ơn anh lắm lắm, sai gì cũng được.

Bên đòi tặng, bên đòi mua, tình nghĩa tràn trề thật cảm động ứa nước mắt. Cuối cùng ông Phan cũng tặc lưỡi thở dài mà nhận tiền ông Tâm gởi về trả tiền mua miếng đất và xây nhà sẵn giùm để ông Tâm về có nhà ở ngay.


Cô con gái ông Tâm nghe cha đòi về Việt Nam ở thì phản đối:
- Ba à, về đó làm sao sống được với Cộng sản. Tụi nó gian manh thấy Việt kiều có tiền không để yên cho Ba đâu. Ba đã liều thân ra đi mà trở về làm gì.


- Tụi con không hiểu đâu. Ai cũng có cội có nguồn, ba đã già rồi, sống nay chết mai. Ba muốn trở về bỏ nắm xương tàn trên quê hương chứ chết bờ chết bụi ở đây buồn lắm. Ba về ở cạnh bác Phan, có bạn có bè hủ hỉ với nhau đỡ buồn. Ba đã gởi tiền về mua đất xây nhà ở cạnh nhà bác Phan rồi. Bác Phan bảo công an khu vực ở đó dễ lắm mà dân tình cũng hiền lành.


Cô con gái cãi:
- Thì bác ấy muốn ba về ở cạnh nên nói sao cũng được mà. Tụi con đều ở bên đây, Ba về đó lấy ai coi chừng?
Ông Tâm cay đắng:
- Ba ở bên này các con cũng đâu thường xuyên tới thăm được. Con cái ở mỗi đứa một phương mỗi năm họa hoằn về thăm Ba được 1 lần. Còn con thì bận bịu, tất bật suốt ngày. Ba về đó có gia đình bác Phan sát vách, bác bảo sẽ chăm sóc cho Ba. Bác Phan tốt lắm, cho Ba miếng đất để xây nhà mà Ba không lấy đó.

- Ðiều này con không biết. Phải ở lâu mới biết lòng người. Ba về đó lỡ bịnh hoạn đi bác sĩ bệnh viện cũng khó khăn. Nhà bác Phan con nhớ là ở tuốt trên núi khô khan nóng nực, đường đất cheo leo, nhất là không có điện phải xài đèn dầu leo lét, và lại xa thành phố vừa buồn vừa bất tiện. Ba ở đó không tốt đâu.


Ông Tâm cãi:
- Hồi Ba chở tụi con lên nhà bác Phan đến nay cũng hơn chục năm rồi. Càng ngày càng thay đổi tiến bộ chứ. Nghe bác Phan nói đã có điện rồi, dân cư cũng đông đúc hơn nhiều, đã có đường cho xe hơi chạy tới tận nhà.


Cô con gái hỏi nhắc lại:
- Rồi đêm hôm lỡ lên cơn đau tim làm sao đi cấp cứu? Kêu được xe chở được đến nhà thương chắc cũng đã xong đời rồi. Ba bây giờ đâu còn khỏe nữa, ở đây được một nền y khoa tốt gần như là nhất thế giới phục vụ, chăm sóc thường xuyên không tốt hơn sao.






Ông Tâm nghe con gái cản đầu cản đuôi nêu đủ lý do đã không nghe ra mà lại đâm bực. Ông nghĩ chắc lũ con sợ mình về Việt Nam không còn được lãnh tiền già tiền bịnh nữa và sợ phải gởi tiền nuôi cha nên cứ ngăn cản thế kia. Ông bực bội nói:


- Ba đã quyết định rồi. Con đừng cản nữa. Ba về đó tự lo được không cần mấy đứa con phải gởi tiền về giúp mà cứ nói ra nói vào.






Thấy cha bực mình, cô con gái im lặng không cãi nữa. Cô biết tính cha ngang bướng ít khi chịu nghe lời ai khuyên nhất là lời khuyên của con cái mà ông lúc nào cũng nghĩ là con nít con nôi hỉ mũi chưa sạch. Cô hỏi giọng quan tâm:


- Ba tính khi nào thì đi? Ba có muốn con giúp đăng báo bán căn nhà này và đồ đạc không?
Một tuần sau ông Tâm bán được căn mobile home với giá gấp đôi ông đã mua 7 năm về trước. Nhờ đã trả off nên nay ông ôm trọn gói. Ông lại còn “được” hai lần tai nạn xe cộ vào mấy năm trước, chỉ ê ẩm và hư xe sơ sơ nhưng nhờ mua bảo hiểm hai chiều nên được bồi thường vài chục ngàn đô. Tổng cộng được một số tiền cũng khá. Ðã gởi ông Phan tiền mua đất và xây giùm cái nhà gần bằng tiền bán mobile home, vị chi ông còn được tiền đền bảo hiểm xe vài chục ngàn đô. Thời điểm bấy giờ ở Việt Nam tiền đô có giá trị, vật giá cũng rẻ nên theo ông Phan tính toán mỗi tháng ông Tâm chỉ cần tiêu 100 đô là đủ sống. Tằn tiện một chút ông tiêu đến nhắm mắt xuôi tay là vừa. Vậy là bán nhà xong, thu dọn đồ đạc cần dùng vào 2 thùng lớn, ông Tâm Việt kiều bái bai đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc đàng hoàng lên máy bay hồi hương, chả bù ngày nào trốn chui trốn nhủi ra đi.

Cả nhà ông Phan gồm vợ con, dâu rể, cháu nội cháu ngoại gần 20 người thuê xe vào Sài Gòn đón bạn vàng hồi hương. Ai nấy cũng tươi như hoa, cười đón Việt kiều thật niềm nở, thân tình. Bà con xa không bằng láng giềng gần, từ nay có gì chạy qua chạy lại đỡ đần nhau cũng vui đấy chứ, hai bên cùng có lợi.

Xe chạy xuyên đêm đến trưa thì về tới quê ông Tâm ở Ninh hòa. Thị trấn giờ tấp nập hơn hồi ông ra đi nhiều. Ông Tâm nhìn lại một số cảnh vật quen thuộc mà lòng bổi hổi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày xa xưa với bao thăng trầm vinh nhục. Ngày bỏ quê hương ra đi ông đã thề với lòng chỉ trở về khi không còn Cộng sản, nhưng nay nào có đâu ngờ tự mình lại thất hứa phá bỏ lời thề. Ông như con cá hồi ngược dòng cố sống cố chết vượt bao gian nan bơi về nơi nó sinh ra. Ông đã từ bỏ nơi chốn bình yên có gia đình, sự tiện nghi và nhất là sự tự do để tìm về một chốn mà ông biết trước là địa ngục trần gian chỉ vì nỗi nhớ quê hương trong ông thật tha thiết, mãnh liệt, và nỗi ao ước muốn sau này được yên nghỉ trong lòng đất mẹ hiền.






Ðúng như lời ông Phan nói trước, chiếc xe trung 20 chỗ ngồi cũng len lỏi trên con đường đất gập ghềnh chạy đến tận ngõ nhà mới của ông Tâm. Căn nhà mới quét vôi xanh, mái tôn xám, trông gọn nhỏ và xinh xắn y như trong hình của ông Phan gởi qua. Nhưng xung quanh đất đai có vẻ khô rốc đầy sỏi đá, cây cối lưa thưa và còi cọc, trông thảm thiết như cây cối mọc ở sa mạc.


Ông Phan nói giọng phân bua:


- Cả tháng nay trời không mưa nên cây cối như vậy đấy. Anh dặn tôi mua ít cây ăn trái về trồng nhưng với thời tiết này ngó mòi mấy cây này khó lên nổi.


Ông Tâm an ủi bạn:


- Từ từ rồi tính. Trời không mưa chắc phải làm vòi tưới.
Ông Phan lắc đầu tỏ ý như chuyện này chắc khó rồi ông bảo tài xế đậu xe trước cửa nhà mới của ông Tâm để dỡ hành lý xuống. Vừa bước xuống xe, cái nóng hầm hập cháy bỏng của vùng núi táp vào người cộng thêm sự mệt mỏi của chuyến hành trình vượt đại dương làm ông Tâm choáng váng lảo đảo đứng không vững. Ông Phan vội đỡ ông Tâm bước lên thềm và sai thằng con lấy chìa khóa mở cửa ngay. Một lúc sau ông Tâm mới định thần lại và ngắm căn nhà mới của mình. Nhà chỉ có một phòng khách nhỏ, một phòng ngủ nhỏ đặt vừa cái giường 2 người nằm, một gian bếp nhỏ xíu cỡ 3 mét vuông và một phòng vệ sinh cũng nhỏ xíu. Tổng cộng cả căn nhà chắc khoảng 20 mét vuông. Ðồ đạc sơ sài mới chỉ có bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ và cái giường gỗ trải chiếu hoa chắc ông Phan đem từ nhà ông ấy qua.


Ông Phan nói:
- Anh nằm nghỉ ngơi một chút, tôi biểu sắp nhỏ về bưng cái quạt máy qua cho anh và nấu cơm rồi mời anh qua xơi.






Mấy ngày đầu gặp nhau vui vẻ vô cùng. Quà cáp từ bên Mỹ mang về cái gì cũng lạ, đẹp, thơm, và giá trị. Gia đình ông Phan mọi người từ lớn tới nhỏ cứ rảnh ra là tìm tới ông Tâm để nghe kể chuyện hấp dẫn của cuộc sống bên Mỹ. Từ sớm đến tối rộn ràng vui lắm. Ông Tâm bắt đầu mua sắm thêm đồ đạc cần thiết bày biện cho căn nhà của mình. Ông cũng mua tặng bạn mình bộ sofa, cái bếp ga, và cái tủ lạnh. Gia đình ông Phan rất mừng cảm ơn rối rít và càng ân cần coi ông Tâm như thần tài trên trời rơi xuống. Coi vậy mà cũng không tốn kém chi lắm, từ cái lớn tới cái nhỏ, mua đủ thứ mà chỉ tốn xấp xỉ 1200 đô vì đồng đô la lúc này có giá lắm.


Người xưa có câu ca dao:
Thức lâu mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết lòng người thực hư.

Sau tuần lễ đầu tiên vui vẻ, ân cần là những phiền phức, khó chịu dần dần kéo tới. Vợ và con ông Phan thường qua mượn đồ không trả, bọn nhóc thường hay vô tư cầm nhầm món này món nọ nên đồ đạc trong nhà không cánh mà từ từ bay mất. Ông Tâm bực mình lắm nhưng ngại không nói ra. Tính ông cái gì ra cái đó. Xin thì ông cho mà mượn thì phải trả dù là một xu.

Thêm nữa ở lâu ông Tâm dần dần biết được giá cả, vật liệu xây dựng và trị giá đất thời điểm bấy giờ mới hay cái nhà của ông trị giá thật sự chỉ bằng một nửa số tiền ông đã chi. Vậy mà phải mang ơn nghĩa với người ta mới đau. Theo ông thấy ông Phan vẫn là con người đơn thuần, có lòng tốt với bạn bè nhưng vợ con dâu rể của ông thì trái ngược, thích lợi dụng, xin xỏ và có lòng tham không đáy.






Căn nhà mới là do đứa con lớn của ông Phan lo liệu việc xây cất và có lẽ nó đã bỏ túi số tiền chênh lệch khi mua toàn vật liệu xấu và xây quá đơn giản, thiếu tiện nghi. Phòng vệ sinh với loại cầu tiêu trệt ngồi chồm hổm phải múc nước dội. Không có bồn rửa mặt và nhất là không có hệ thống nước máy. Nước dùng để nấu ăn, vệ sinh tắm rửa phải chứa trong hai thùng nhựa lớn mà mấy đứa con nhà ông Phan gánh đổ hàng ngày từ giếng nhà bên ấy. Thấy bất tiện quá nên ông Tâm lại bỏ tiền ra xây hồ chứa nước, bắt máy bơm để bơm thẳng vào nhà và dĩ nhiên là ông phải làm cho cả hai nhà. Ðã không biết đủ rồi chứ, vợ con ông Phan còn xin xỏ ông Tâm giúp đỡ sửa sang đủ thứ cho nhà của họ làm như ông Tâm mang nợ từ kiếp trước không bằng.

Ông Tâm không phải hạng người tính toán keo kiệt. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, đâu phải ông là triệu phú và dễ bị dụ. Ông thấy rõ mình bị lợi dụng, bòn rút từng ngày từng ngày một cách trắng trợn. Nơi ông ở hơi vắng vẻ đìu hiu xa thị trấn, lỡ đêm hôm khuya khoắt bịnh hoạn thì phải nhờ hàng xóm láng giềng nên ông bấm bụng chịu đựng tạm thời. Ông đánh tiếng bà con ở thị trấn nhờ thuê một người giúp việc lo dọn dẹp nhà cửa cơm nước riêng cho ông để khỏi phải nhờ vả lệ thuộc nhà ông Phan nữa.


Cô con gái bên Mỹ biết được tình cảnh của ông Tâm thì nhắc cha:
- Ba liên lạc kêu cô Xuân ra ở với Ba để săn sóc cho Ba đi. Con biết cô Xuân vẫn chưa có chồng. Con nghĩ có cổ sẽ an tâm tin cẩn hơn và Ba sẽ có người hủ hỉ đỡ buồn.
Cô Xuân là... bồ nhí của ông Tâm thời ông còn ở trong quân đội phải đi biệt phái xa nhà tận miền Tây. Hai người dây dưa dan díu với nhau gần 2 năm thì ông được phân công tác trở về quê nhà, chia tay với nàng. Rồi nước mất nhà tan ông phải đi học tập cải tạo một thời gian dài. Cô Xuân vẫn chưa lấy chồng, thỉnh thoảng gởi thơ vào tù thăm ông. Sau khi vợ ông mất, cô đến nhà lạy bàn thờ xin lỗi ngày xưa đã phá hoại hạnh phúc của gia đình và xin phép mấy người con được thỉnh thoảng thăm nuôi ông trong tù. Con của ông tư tưởng cũng thoáng nên bây giờ đã gợi ý cho cha liên lạc với cô Xuân để nối lại tình xưa an ủi nhau lúc tuổi già.

Thật ra chẳng đợi con nhắc, ông Tâm cũng đã có ý định đó khi trở lại quê nhà. Cô Xuân thua ông đến 20 tuổi. Ngày ông quen cô thì cô mới 22 tuổi, không đẹp nhưng hiền lành. Cô là con nhà gia giáo nhưng chắc vì duyên nợ từ kiếp trước nên đã phải lòng và yêu ông dù biết ông đã có gia đình. Ðến lúc chia tay với nhau cô vẫn ở vậy không lấy chồng và nghe nói đến nay vẫn còn ở căn nhà cũ với gia đình người em.

Nhà cửa sắm sửa tạm ổn xong, ông Tâm viết thơ liên lạc mời cô Xuân đến ở với ông và cô bằng lòng ngay. Cô Xuân không muốn ông Tâm thuê người làm mà tự mình đảm nhiệm chợ búa, cơm nước và dọn dẹp nhà cửa. Sau hơn 20 năm xa cách cô mới được cơ hội ở chung với người yêu nên vui mừng lắm và tự nhủ sẽ hết lòng săn sóc chàng.


Vậy là gia đình ông Phan mất đi một nguồn thu nhập là lo ăn uống và coi sóc nhà cửa cho ông bạn vàng. Ðến khi ông Tâm từ chối không cho đứa con dâu ông Phan mượn tiền làm vốn đi buôn; không cho thằng Ba của ông Phan mượn tiền mua cái xe cúp đời mới; rồi còn thay ổ khóa và yêu cầu người của nhà ông Phan đừng tùy tiện vào ra nhà của ông mà không gõ cửa thì chiến tranh bắt đầu.


Mấy người đàn bà nguýt háy khi thấy bóng ông Tâm ra vườn:
- Già mà không nên nết! Vài bữa nó dụ hết tiền là sáng mắt.
Hoặc:
- Tưởng Việt kiều là ngon lắm.

Ðúng là ở đời, trâu buộc thường ghét trâu ăn. Bạn bè anh em ai giàu sang ai cùng khổ cứ ở cách xa tít mù chẳng thấy mặt nhau thì thôi, nhưng nếu cái giàu và cái nghèo mà ở sát cạnh nhau thì trước sau cũng sinh ra rắc rối, đố kỵ, tị hiềm. Ông Phan mỗi ngày bị vợ con tác động, nói xấu ông bạn vàng nên cũng bị ảnh hưởng dần. Lại thêm thái độ ông Tâm khi bực dọc thường tỏ ra nét mặt lạnh lùng băng giá nên ông Phan cũng tự ái. Thế là chiến tranh giữa hai nhà càng ngày càng gây cấn. Láng giềng tốt ngày xưa giờ không cho nhà ông Tâm bơm nước giếng để xài, đóng cái cổng chung không cho dùng, phá cây không cho sống... Ðủ thứ cản trở... và cuối cùng đưa nhau ra tòa mới chỉ sau một năm hân hoan đón Việt kiều về nước tay bắt mặt mừng.

Ông Phan kiện đòi lấy nhà đất lại với lý do ông Tâm chiếm đoạt đất xây nhà trái phép. Nhưng cũng may từ khi nhờ vả ông Phan xây nhà, ông Tâm có lần viết thơ hỏi đã gởi tất cả bao nhiêu tiền và ông Phan đã viết thơ trả lời. Có bằng chứng giấy trắng mực đen và có cả thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) nên khi ra tòa ông Tâm đã thắng là ông không chiếm đoạt đất xây nhà trái phép. Nhưng ông Tâm là Việt kiều, đâu được phép mua nhà đất và cũng không được phép ở lâu thường trú trên đất nước Việt Nam. Ông có quốc tịch Mỹ, có visa về Việt Nam nhưng chỉ có thể ở Việt Nam trong vòng 2 năm thôi. Căn nhà này ông không được chủ quyền đứng tên làm chủ. Cuối cùng ông thỏa thuận sang tay để rẻ lại cho bà con của tòa án với giá trị tương đương 5 ngàn đô la Mỹ. Tính ra lỗ hơn hơn chục ngàn đô cho căn nhà và quan trọng nhất là lỗ mất trắng tình bạn.

Ông Tâm mua một căn nhà khác cũng ở xa thị trấn và nhờ cô Xuân đứng tên. Từ ngày về nước ông đã biết được cách chi tiền cho công an khu vực để mua hai chữ yên thân. Cứ mỗi tuần, họ tới thăm và mời “chú Ba” ra nhậu với tụi cháu. Dĩ nhiên chú Ba phải chi cho độ nhậu dù có tham dự hay không. Rồi Tết nhất, rồi mỗi dịp lễ lộc hoặc có chuyện gì trong gia đình họ ông cũng lì xì chút đỉnh. Thành thử ông không cần phải ra khỏi nước để làm lại visa nhập cảnh mà họ cũng không hỏi han làm khó dễ gì cả.

Ðủ thứ chi tiêu chứ không phải như trước kia ông dự trù chỉ cần mỗi tháng một trăm đô. Ăn uống chẳng bao nhiêu nhưng còn những khoản chi không tên mà ông không dự trù trước. Về sống ở đây, không những ông phải chi tốn cho công an mà còn chi cho bạn bè đàn em. Một vài người lính ngày xưa làm việc dưới quyền ông nay gặp lại đều có cuộc sống khó khăn nên nhờ ông giúp đỡ và ông không nỡ chối từ. Một số người nịnh hót nâng ông lên tận mây xanh rồi mượn tiền và hứa chắc như đinh đóng cột sẽ trả nhưng rồi lại trốn mất. Ông như con mồi béo bở, cứ gặp 10 người là đến 9 người xin tiền, mượn tiền nên sau một thời gian ông tránh ra đường sợ gặp người quen mất công từ chối.



Ra đường thì nghi ngại, phải tránh gặp mặt người quen. Ở nhà hoài thì bực mình, dễ gây nhau. Cô Xuân giờ đây không nhu mì hiền lành như ngày xưa nữa. Cô hay mỉa mai, cãi lại. Cô còn hay đi về không đúng giờ giấc, hay lê la nhà hàng xóm, hay giận hờn, và cũng hay xin tiền gởi về giúp đỡ các em của cô có vốn làm ăn. Ông sinh ra nghi ngờ không biết cô đến với ông vì tình hay vì tiền nữa.


Ðúng là “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Lấy nhau rồi... chán quá cỡ người ơi.” Về phần cô Xuân thì ngày xưa chỉ nhìn thấy một ông Tâm oai hùng, đẹp trai, uy quyền hét ra lửa. Chàng dịu dàng, chiều chuộng nàng ra phết mỗi khi hẹn hò gặp nhau. Bây giờ thì là một ông lão hết xí quách, hom hem, nhăn nhó, cau có, lại còn khó chịu, độc tài, dễ nổi đóa, ngang như cua và chỉ coi cô như một bà quản gia kiêm đủ thứ hầm bà lằng. Người yêu của cô thay đổi nhiều quá, chẳng giống ngày xưa tí nào cả. Cô bất mãn, cãi lại thì bị ông mắng nhiếc đuổi đi. Cô về quê thì các em lại khuyên cô trở lại với “chồng.” Dầu gì cô cũng đã là một bà cô già, may phước lấy được Việt kiều mỗi tháng có tiền gởi về giúp đỡ gia đình thì đừng dại gì mà bỏ.

Hai người cứ làm hòa rồi lại giận nhau. Cô khăn gói về quê được mấy lần thì đi luôn. Kể ra hai người cũng ở với nhau được hơn 2 năm dài đủ để hát bài “Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao. Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau. Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao. Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau...”*


Ông Tâm hết tình và tiền cũng không còn nhiều. Cũng may ông còn được mấy người con có hiếu, mỗi năm rủ nhau đóng góp gởi về cha già tiêu xài. Ông vẫn cương quyết không về lại Mỹ, không chấp nhận cái sai của mình. Ông tự đánh lừa mình vẫn không nhờ vả con cái khi ghi nợ số tiền các con gởi về coi như mượn tạm để sinh sống vì ngày xưa khi đòi về lại Việt Nam sống ông đã tuyên bố không cần các con gởi tiền về giúp đỡ. Ông cho là căn nhà ông đang ở lên giá gấp 10, khi ông mất con cái bán mà trừ nợ.

Ông Tâm bây giờ phải chi tiêu nhiều lắm. Ngoài tiền ngoại giao với con số không ít còn phải chi cho sức khỏe rất nhiều. Ngày còn ở Mỹ, ông mang đủ chứng bịnh trong người nhưng nhờ y tế của Mỹ rất tốt, lại miễn phí cho người già và bịnh nên ông đi bác sĩ và thuốc men thường xuyên. Nhờ vậy bịnh cao huyết áp, cao mỡ của ông không gì đáng lo ngại. Trở về Việt Nam, ông sống xa thị trấn, bác sĩ nông thôn chẳng có năng lực bao nhiêu, thuốc men không đầy đủ lại thêm ăn uống nhậu nhẹt không kiêng cữ nên sức khỏe của ông giảm sút hẳn. Ông phải nhờ người quen giới thiệu một bác sĩ giỏi ở thị trấn và bao tất cả chi phí để vị bác sĩ kia đến tận nhà khám cho thuốc khi ông trở bịnh. Tiền bác sĩ, tiền thuốc men, và cả tiền quà cáp cho bác sĩ ngốn của ông mỗi tháng rất cao mà bịnh thì chỉ khống chế được giai đoạn ngắn rồi tái đi tái lại. Ðau nhức vẫn hoàn đau nhức, đau tim vẫn hoàn đau tim, và... khó chịu vẫn hoàn khó chịu có khi còn nặng hơn xưa.


Phải, ông Tâm càng ngày càng khó tính. Từ ngày cô Xuân bỏ đi không trở lại, ông nhờ giới thiệu người làm tới nhà lo việc nội trợ và để phòng khi ông bị lên cơn tim bất thình lình thì kêu bác sĩ hoặc đưa đi cấp cứu nhưng không ai có thể ở với ông được hơn tuần. Ông cấm họ không được ra khỏi nhà ngoại trừ thời gian giới hạn cho đi chợ, dễ nỗi giận la mắng ầm ĩ và làm tình làm tội đủ điều nên không ai ở được. Cũng may ông thuê được người nấu ăn mang đến nhà hàng ngày và dọn dẹp sơ nhà cửa. Nhưng cũng vì vậy mà ông càng ở riệt trong nhà và càng ngày càng thu mình trong căn nhà nhỏ, chỉ khi nào rất cần thiết mới ra ngoài.


Con cái về thăm khuyên cha:
- Ba qua lại Mỹ sống với tụi con đi. Ba ở đây mà cứ ru rú trong nhà như vậy thì dễ bịnh lắm.
Ông bảo:
- Sức khỏe của Ba giờ không đi xa được đâu. Ba ở nhà quen rồi, buồn thì ra vườn chăm ngó mấy cây xoài, cây mít cũng vui.
- Nhưng Ba ở có một mình lỡ có chuyện gì bịnh hoạn bất tử ai biết mà cứu?


- Có chị đưa cơm mỗi ngày 2 lần ghé qua đưa cơm nước mà. Với lại Ba có thuê chồng của chỉ mỗi ngày qua nhổ cỏ làm vườn giùm. Không sao đâu, Ba có chuyện gì họ biết liền.
Cô con khuyên:
- Ba chịu khó đi đây đi đó cho thoải mái chứ cấm cung mãi như vầy à?
Ông Tâm lắc đầu:
 Ba ra đường mà cứ sợ gặp người lợi dụng mình thì càng không thoải mái hơn.


Nhưng đâu phải không ra đường cứ ru rú ẩn mình trong nhà là yên. Cứ mỗi tháng vài lần, công an khu vực lại tới hỏi thăm “chú Ba” một cách thân tình:
- Chú Ba ơi, có khỏe không ra quán nhậu vài chai bia với tụi cháu cho vui.
Lâu lâu bọn chúng nài nỉ quá ông Tâm phải ra quán uống 1 ly bia rồi lấy cớ sức khỏe yếu bỏ về, không quên trả trước tiền độ nhậu. Còn thì ông hay móc túi dúi cho chúng vài trăm ngàn cho yên:
- Chú hôm nay bị đau dạ dày. Cầm ít tiền ra đó uống giùm chú vài ly.

Nhiều khi bọn chúng đang nhậu ngoài quán cũng nhớ đến chú Ba gọi phone mời ra tham dự. Dĩ nhiên chú Ba không thể đến nhưng cũng phải biết ý cháu chắt mà hứa sẽ... tiền đi thay người. Vậy mà ông còn khoe với con gái:


- Chút ít tiền chi ra mà Ba sai gì tụi nó cũng làm.
Nói chữ sai là nổ cho vui vậy thôi chứ lâu lâu có rắc rối bên làng xóm cãi cọ ồn ào hoặc bọn lưu manh ở đâu tới phá làng phá xóm ông gọi phone kêu công an khu vực tới can thiệp. Có chú Ba chịu chi thưởng tiền đi nhậu nên khi chú Ba gọi phone là bọn chúng tới giải quyết ngay làm hàng xóm cũng nể nang ông lắm. Rồi có lần con chó cưng của ông chạy ra đường bị thất lạc cũng nhờ mấy cháu kiếm lại giùm. Dĩ nhiên cũng phải hậu tạ.

Chỉ một năm sau khi ông Tâm khoe với con gái về đám “cháu hờ dễ sai” của mình, chuyện xấu xảy ra. Ông nhận được giấy của sở nhà đất thông báo có đơn kiện ông chiếm dụng nhà ở trái phép của cô Trần Thị Xuân và đòi ông phải bàn giao nhà cho cô ta 10 ngày sau. Thơ đến trễ nên 10 ngày sau trong thơ tức là ngày mai. Ông Tâm giật mình nghĩ lại căn nhà mình đang ở ngày đó mua đứng tên cô Xuân chủ quyền vì cô là công dân của nước Việt Nam. Cô bỏ ra đi đã mấy năm nay, mỗi tháng ông đều gởi tiền cho cô sinh sống đã không biết ơn rồi chớ nay lại trở ngược kiện cáo đòi chiếm nhà.


Ông Tâm gọi điện thoại ngay cho cô Xuân nhưng phone reng không ai trả lời. Ông cố gắng gọi liên lạc với 1, 2 người em của cô Xuân nhưng mọi người hình như tránh mặt, không thể nào liên lạc được. Họ tránh mặt là phải vì đã thông đồng ép cô Xuân kiện sở nhà đất đòi lấy căn nhà ông Tâm đang ở để có tiền bù việc làm ăn thua lỗ. Và họ đã đi đêm với sở nhà đất, với công an khu vực nên ngay ngày hôm sau ông Tâm bị đám cháu hờ công an khu vực với những gương mặt lạnh lùng vô cảm cùng với nhân viên nhà đất trục xuất ra khỏi căn nhà ông đang trú ngụ.


Muốn được yên thân gởi nắm xương tàn trên quê hương đâu dễ với tình hình đất nước nhiễu nhương bất ổn, với bọn lãnh đạo bất lương thích đi đêm như hiện nay chuyên xài luật rừng. Ông Tâm đang trên máy bay trở về Mỹ sau khi được Việt Nam phẫu thuật mổ cho sáng mắt để biết rằng, dùng tiền đi mua lòng người mà nhất là bọn gian tham sẽ không được bền vững trước sau cũng bị phản bội. Và lâu nay cũng chính vì đồng tiền ông đã mất đi bạn bè, người yêu và nhất là sự tự do trên quê hương mình.

Thanh Mai

TS. PHAN VĂN SONG * RONG BIỂN THAY DẦU HỎA

Tản Mạn về Một Tương Lai  Sạch Sẽ Tử Tế: Ngày Mai Rong Biển Thay Thế Dầu Hỏa?

ENVIRONNEMENT-CARBURANT


COP 21- Hôi Nghị Khí Hậu Paris 2015


Năm nay, Hôi nghị Quốc tế về Khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12 năm 2015. Hội nghị Paris Khí hậu 2015, tên thật là COP tên tắt của « Conférence des Parties – Conference Of Parties – Hôi nghị của Các Bên, các Đối tác ». Đây là một Hội nghị quốc tế, và siêu quốc tế, vì ngoài các quốc gia sẽ có nhiều Chuyên Gia, Hội đoàn, Xã Hội Dân Sự, NGO… chuyên môn về Khí hậu, Môi sanh, Môi trường…tham dự.


Hôi nghị Quốc tế về Khí hậu, COP mong mình sẽ là một Liên Hiệp Quốc tương lai, một Cơ quan Quốc tế Môi sanh Môi trường. Hằng ngày các cơ quan, quốc gia, các hội đoàn, xã hội dân sự nào có quan tâm dính líu, hoạt động, quan hệ với môi trường, môi sanh, khí hậu của căn nhà chung, là Quả Đất, là Thế giới, sẽ thường trực liên lạc, họp nhau để nói chuyện trao đổi, làm một bản theo dõi thường trực, lâu lâu ra tổng kết tình hình định kỳ, cố gắng làm sau cho sự hâm nóng của trái đất chỉ giữ ở mức dưới 2 độ celsius thêm thôi ! Ai quyết định ? Ai trách nhiệm ? Tất cả cả các thành viên tham dự gọi là « Các Bên, Các Đối Tác – Les Parties » là có thể là các quốc gia tham dự có ký tên vào Hiệp Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Những Thay đổi Khí hậu – Convention Cadre des Nations Unies sur Les Changement Climatiques, ký năm 1992, sau cuộc Họp Thượng đỉnh về Địa Cầu-Sommet de la Terre ở Rio, Ba Tây Brésil. Hiệp Ước nầy nhìn nhận có « một cuộc thay đổi khí hậu do con người tạo thành và buộc các quốc gia kỹ nghệ phải có trách nhiệm là phải đấu tranh để ngăn chận và làm giảm nguy cơ nầy ».


Đây là điểm xuất phát của các cuộc Hội nghị COP Conference Of Parties hằng năm từ nay. Mục đích, để cố gắng làm giảm thiểu sự hâm nóng của Trái Đất. Tất cả phải được một sự chấp nhận đồng bộ, hay ít lắm phải được đa số chấp thuận. Vì vậy, mỗi COP rất quan trọng. Năm nay COP21, vì đây là lần thứ 21, rất đặc biệt, với mục đích quyết đạt được, là đi đến một đồng thuận toàn bộ «toàn cầu và bó buộc – accord universel et contraignant », cho phép bắt đầu từ năm 2020, sẽ tạo ra một chuyển tiếp đi đến một nền kinh tế và một chế độ chánh trị có một cái nhìn và một trách nhiệm với môi trường. Đây sẽ là một vai trò mới mẻ nhứt đối với một COP.


Nếu thật sự, sự hợp tác giữa các bên tham dự, giữa các quốc gia thành viên, đạt thành công, hữu hiệu, được kết quả như dự tính, chúng ta có thể nhìn thấy được những thành tựu đáng kể của vai trò Môi trường càng ngày càng vững mạnh trong những địa hạt kinh tế, hay chánh trị.


Nước Pháp đã dành hơn một Tỷ dollars để đầu tư vào Quỹ Xanh cho khí hậu tạo một hứa hẹn cho một viễn ảnh kinh tế quốc gia đầy mầu Xanh hy vọng !


Năm 1992, tại Thượng đỉnh Rio, ở Ba Tây, đã bắt đầu có một cái nhìn chánh trị, trong những cách phải giải quyết cái nguy cơ của cuộc hâm nóng của Quả Địa Cầu. Cũng với « Hiệp Ước Khí hậu Rio » nầy, đã bắt đầu có một cái nhìn chung về « hiện tượng nhà kiếng »…Hai năm sau, Hiệp Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Những Thay đổi Khí hậu, hiệu lực bắt đầu ngày 21 tháng ba năm 1994, gom được 195 thành viên : 195 Đối Tác Thành Viên vừa quốc gia, vừa Hội đoàn, vừa Xã hội Dân sự, vừa các Cá Nhơn Chuyên Gia.


Năm nay, bổn phận của COP 21 ở Paris – Conference Of Parties 21- là phải làm sao thực hiện cho được cái chương trình của Hiệp Ước Khung.


Xin trở về một tý lịch sử :


Bắt đầu bằng COP thứ nhứt ở Berlin năm 1995. Từ đó, các cuộc hội họp quan trọng cứ tiếp tục. COP 3, với thỏa thuận Kyoto. COP 11 với Chương Trình Montréal được ký kết và chấp thuận. Rồi đến COP 15 ở Copenhague, nhưng rất tiếc hôm ấy, cái thỏa thuận Kyoto không thành công. Và đến tại COP 17 ở Durban, một Quỹ « Tài sản » Xanh cho Khí hậu (Fonds Vert pour le Climat) được tổ chức.


Năm nay, COP 21, với tên Hội Nghị Khí hậu ở Paris, quyết định lần đầu tiên từ 20 năm thương thuyết ở Liên Hiệp Quốc đi đến một sự Đồng thuận hoàn vũ với một pháp chế bắt buộc về khí hậu – un accord universel juridiquement contraignant sur le climat. Mục đích : giữ độ nóng của Quả đất không vượt quá 2 độ Celsius.


Nước Pháp lãnh nhiệm vụ tổ chức. Đây là một cuộc Hôi Nghị Quốc tế to lớn nhứt chưa từng được tổ chức ở Pháp. Hôi Nghị sẽ đem đến 50 ngàn khách tham dự, 25 ngàn đại biểu chánh thức đền từ các quốc gia, các Hôi đoàn, NGO, các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các Xã hội Dân sự , các Chuyên gia …


Năm ngoái 2014, COP 20 ở Lima, đã kéo đến 15 ngàn người tham dư rồi ! Chung quanh những ngày Hôi nghị, một cuộc Hôi Luân được tổ chức. Sustainable Innovation Forum 2014 – Hôi Luận về Những Sáng Tạo Bền Vững đã kéo dài trong vòng 2 tuần với 140 cuộc Nói chuyện, Thuyết trình, Trao đổi giữa các đối tác thương mại, kỹ nghệ, chuyên gia, cơ quan, các NGO, các Xã hội dân sự…


Năm nay, một Hôi Luân Sustainable Innovation Forum 2015 cũng sẽ được tổ chức, nhưng sẽ chú trọng dến chủ đề kinh tế thương mãi hơn. Năm nay, Hôi Luân sẽ được sự hỗ trợ của Chương Trình Môi Sanht của Liên Hiệp Quốc – Programme des Nation Unies pour l’Environnement. Hy vọng Hội Luận sẽ mang đến một khí thế mới để mang một cái nhìn mới về sanh thái, môi sanh môi trường cho Nhơn loại.


Chờ và xem ! Wait and See !





Xin mời quý đọc giả đi xem một sáng kiến của một nhóm nghiên cứu sanh và kỹ sư Pháp trên con đường đi tìm một năng lượng và một nhiên liệu tương lai.


Vi Khuẩn Rong Biển-Microalgues* Sẽ Thay Thế Dầu Lửa:


TạiThành phố Saint-Nazaire – Pháp, một nhà máy duy nhứt thí nghiệm vừa mở cửa đón khách. Một bước đầu quan trọng để trình diện và dẫn dắt nhơn loại đi đến sử dụng « xăng » bio – hữu cơ, thế hệ thứ ba**, sạch sẻ, lý tưởng cho môi trường.


Xôn xao, nhộp nhịp, hôm nay, cái nhà máy kỹ nghệ AlgoSolis, đầy khách đến thăm viếng. Tọa lạc ở vòng đai ngoại thành Saint-Nazaire, thành phố ngay cửa sông Loire đổ ra Đại Dương, dưới một cơn nắng gay gắt, các kỹ sư, các chuyên viên đang lăn xăn kiểm soát lại từng thiết bị, từng bộ phần nhà máy, để trình làng dưới đôi mắt cảm động của Giám đốc Jérémy Pruvost. Được phép xây dựng từ năm ngoái, hệ thống nhà máy tối tân bằng kim loại, với những ống nhôm quanh co uốn lượn xoay vòng lóng lánh dưới ánh mặt trời, trên một mãnh đất rộng khoảng 2500 thước vuông. Giáo sư Jéremy Pruvost, Giáo sư của Gepea (Phòng thí nghiệm chuyên khoa về môi trường và thực phẩm – Laboratoire de génies des procédés, environnement, agroalimentaire) của thành phố Saint-Nazaire. Đây là một nhà máy, một đơn vị đầu tiên nghiên cứu dùng vi khuẩn-rong biển – microalgues* để biến thành nhiên liệt thay thế dầu hỏa tại Pháp. Và đây cũng là đơn vị nghiện cứu đầu tiên của thế giới phối hợp giữa nghiên cứu và khai thác kỹ nghệ. Nhờ vậy mà Pháp ngày nay được xem là một đầu tàu về khoa học nầy. Các nhà khoa học mơ rằng ngày mai, các nhiên liệu hữu cơ thế hệ thứ ba** nầy sẽ có mặt trong các bình chứa xăng của xe hơi chúng ta (đúng hơn con cháu chúng ta) vào năm 2030.


Xăng dầu hữu cơ thứ hệ thứ nhứt, biến chế từ những phân tử quan trọng, phần lương thực, phần có phẩm chất tốt dùng làm lương thực như hột bắp, hột hướng dương (xăng bio hay diesel bio), là một phung phí thực phẩm. Do đó, Liên Âu vừa ra quyết nghị chỉ cho phép trộn hạn chế là 7% chất hữu cơ, vào xăng hay diesel thôi. Muốn tiến lên con số 10% phần hữu cơ trong nhiên liệu xăng dầu mỏ, phải nghĩ đến xăng dầu hữu cơ thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ hai là khai thác, là sử dụng những phần vứt bỏ không lương thực, rác cây cỏ, hoa lá, cọng cỏ, lá cây, thân cây, mạc cưa, rơm rạ…nhưng rơm rạ cũng là lương thực gia súc, mạc cưa dùng làm chất đốt lò sưởi …Vì vậy, phải nghĩ đến thế hệ thứ ba**, hãy nghĩ đến vi khuẩn-rong biển*.





Vi khuẩn-rong biển-microalgues* rất nhiều điểm lợi. Thứ nhứt, không tốn đất trồng trọt, và có một sức phát triển rất nhanh, nhanh hơn cây cỏ thực vật trên mặt đất. Rong biển, xin phép dùng từ « rong biển » ngắn gọn hơn, có sức, sanh sản, lớn mạnh, phát triển nhanh, và sản xuất lớn. Với một héc ta « trồng » rong biển, sức khai thác ra dầu lửa bằng gấp 10 lần hơn một héc ta trồng cây colza để lấy dầu. Thật đúng là Vàng « xanh » ! Thế nhưng, cái khó khăn, là khai thác vi khuẩn-rong biển, rất tốn kém ! Phải tốn nhiều động lực hơn để sản xuất. Kết quả sản xuất nhỏ hơn chi phí sản xuất ! Vì vậy những công ty lớn như Shell đã bỏ cuộc.


Bài toán hiện nay, thử thách to lớn hiện nay là phải tìm ra Một Nhiên Liệu Hữu Cơ Thiên Nhiên Rẻ.





Bổn phận của Giáo sư Jérémy Pruvost là phải chứng minh rằng « khai thác rong biển sẽ có thể có lời ».


Và đây cũng là mục đích của nhà máy AlgoSolis điểu khiển bởi tổ hợp, hợp tác giữa Gepea, Trường Đại Học Nantes và CNRS-Centre National de Recherche Scientifique –Trung tâm Quốc gia Nghiên Cứu Khoa học của Pháp, với một bao thơ chi phí cho chương trình là 38 triệu euros do tài trợ đóng góp của các Cơ quan Hành chánh vùng (Collectivités locales) và quỹ Liên Âu.


Là mắc xích giữa Phòng Thí Nghiệm-Nghiên Cứu và Khu sản xuất kỹ nghệ, nhà máy AlgoSolis là đơn vị Thí nghiệm với công suất xuất 2 lít nhiên liệu hữu cơ (bio carburant) hằng ngày. Số lượng đầy đủ để sử dụng cho các thí nghiệm và điều nghiên của mọi chương trình của Gepea. « Nếu chúng tôi có đầy đủ những kết quả khả quan như tiên liệu. Năm năm nữa, chúng ta có thể khởi công giai đọan kỹ nghệ khai thác toàn diện ».


Muốn vậy, phải nắm vững từng giai đoạn một. Đầu tiên, phẩm chất hữu cơ của microalgues –vi khuẩn rong biển.


Các sanh vật vi khuẩn đơn tế bào (organisme microscopique unicellulaire) nầy sanh sôi nẩy nở nơi các hồ, các biển, các đại dương do sự tổng hợp của ánh sáng-photosynthèse. « Có thể có hằng trăm ngàn loài vật thể chất khác nhau. Nhưng chúng tôi chỉ biết được có vài ngàn. Và ngày nay, chúng ta chỉ biết sử dụng được vài chục loại khác nhau thôi. Từ chất hữu cơ ấy, chúng tôi chiết chất chlorelle và chất spiruline, để lấy chất protéine, và những sắc tố (pigments) dùng cho các kỹ nghệ thực phẩm, mỹ phẩm hay dược phẩm. » Giáo Sư Jack Legrand, Tổng Giám Đốc của Gepea cắt nghĩa. Vài vi khuẩn-rong biển chuyên tạo ra chất lipides để tạo động lực, đặc biệt là chất triacylglycérol (TAG), giống như những chất do hoa hướng dương và hoa colza tạo ra – nhóm đó chính là nhiên liệu, có thể đổ ngay vào hệ thống sản xuất nhiên liệu hữu cơ để cho vào thùng xăng tiếp liệu động cơ.





Để đi tìm con vi khuẩn rong biển hoàng hậu, chúa các loài vi khuẩn rong biển, tìm một loại cho nhiều dầu, dễ sản xuất, sanh sản mau, dễ đưa vào sản xuất khai thác kỹ nghệ và thương mãi, phải tốn 3 năm trời công trình. Nhờ hợp tác với Nha Nguyên Tử Lực Cuộc của Pháp-Commissariat à L’Energie Atomique-CEA, cuối cùng, hai loài vi khuẩn rong biển được trúng tuyển.


Một, nước mặn, tên Nanochloropsis. Một nước ngọt, tên Parachlorella. Có tài tử rồi, ngày nay, xem thử xem hệ thống nhà máy AlgoSolis có hữu hiệu không ? Mười năm trời nghiên cứu, khảo cứu, nay vào hiện thực. Quan trọng, nên nhớ, bài toán là, thử thách là phải nâng công suất sản xuất, và hạ công lực chi phí khai thác. Nói tóm lại sản xuất nhiều với ít chi phí, như đã được nghiên cứu trên lý thuyết.


Cách khai thác rất quan trọng ở khâu trồng và nuôi dưởng rong biển. Thoạt đầu trong hồ chứa lộ thiên, sau chuyển qua trong hầm kín – được gọi là bioréacteur– động cơ phản lực hữu cơ ***- Nước chứa đầy rong biển phải được luôn luôn chuyển động, được bơm vào những máy khuấy liên tục, đều để toàn bộ các rong biển đều nhận đếu được ánh sáng. Nhiệt độ cũng phải được giữ điều hòa, sợ khi các động cơ phản lực hữu cơ vì nhận nhiều ánh sáng sẽ bị hâm nóng và vượt sức chịu đựng nóng của rong biển – 35 độ C. Tất cả những động tác ấy rất hao động lực tốn kém tiền bạc !


Gepea bèn nghĩ ra một loại hữu cơ phản lực cơ ánh sáng – photobioréacteur mới đặt tên là Algofilm***. Đây là một hồ nước chỉ với hai ly – 2 millimètres nước đầy rong biển thôi (vì vậy gọi là film-phim vì mỏng). Trái với 10 tấc – centimètres – nước với máy phản lực hữu cơ xưa, và trên 30 centimètres nước của hồ lộ thiên xưa. « Với cách nầy, động lực xài để sản xuất sẽ giảm đi nhiều », theo Jérémy Pruvost. Rong biển sau khi qua khâu của máy phản lực hữu cơ ánh sáng khỏi cần phải sấy khô nữa. Xưa, với khâu sấy khô cũng tốn công lực nhiều.


« Chúng tôi, từ nay, ép dầu thẳng từ những rong biển còn ướt » Lúc xưa, sau khi nhận đầy ánh sáng, rong biển phải được sấy khô, ráo nước xong, rong mới được ép ra dầu. Bây giờ, sau khi ra khỏi động cơ phản lực, rong biển được đưa thẳng đến khâu ép để khai thác dầu. Nước còn lại được tái tạo, bả của rong cũng được tái tạo để khai thác những vật liệu cho kỹ nghệ xanh khác.


Tổng Kết:


Cuối cùng theo những kết quả đầu tiên, phương pháp mới nầy cũng không thật sự lời cho lắm! «Thật sự mà nói, xăng hữu cơ đơn thuần từ rong biển không có lời lắm, nhưng cũng không hao nhiều !» Jack Legrand tạm tổng kết luận. Như vậy được là nhờ những vi khuẩn rong biển nầy tạo thêm một lô lợi nhuận khác, không ngờ được. Là từ những bả còn lại, micro algues tạo thêm những sản phẩm có giá trị cao như những sắc tố pigments cho kỹ nghệ dược phẩm, kỹ nghệ mỹ phẩm. Giá bán có thể đến cà ngàn euros một kilô.


« Khi dầu đã được chiết ra khỏi microalgues rồi. Còn độ một 40% là bả cặn, ở đấy chúng ta có thể khai thác để sản xuất các phân tử quý ấy. Bài toán hiện nay là làm sao khai thác để tìm thêm giá trị ở những bả ấy » chuyên viên nhà máy Luc Marchal phát biểu.


Giai đoạn nầy gọi là bio-raffinage – lọc hữu cơ. Ngày mai đây sẽ là giai đoạn ăn tiền của chương trình nhiên liệu hữu cơ. Tái sử dụng, tận sử dụng, sẽ làm giảm chi phí đầu tư khởi công, sẽ hoàn thiện chương trình trong mô hình « giữ một môi trường bền vững ».


Những « thức ăn » nuôi dưởng vi khuẩn rong biển microalgues cũng do nước thải các cống, của các nhà máy, chất dioxyde de carbone sẽ giúp rong lớn mạnh hợp cùng với tổng hợp ánh sáng photosynthèse. Tất cả những thức ăn của rong biển cũng có trong các khói thải của các nhà phát điện. Trộn khói ấy vào nước để giảm ô nhiểm môi trường và nuôi microalgues là một giải pháp chống hiện tượng « nhà kiếng » và sự hâm nóng của Địa Cầu. Bền vững ! Cách mạng Xanh !


Tất cả những giải pháp ấy đều được thí nghiệm, thử thách tại nhà máy AlgoSolis ở Saint-Nazaire nầy. Tương lai ? Không tưởng ? Hẹn nhau 5 năm nữa.


Và Việt Nam ? Chừng nào hết ở dơ, sống bừa bải, hỗn loạn ? Ở Việt Nam từ ngữ Môi Trường được hiểu thế nào ?


Phỏng theo Audrey Boehly của nguyệt san Sciences et Avenir số tháng 9.


Hồi Nhơn Sơn tháng 11, sửa soạn vào Hội Nghị Khí hậu Paris 21


TS Phan Văn Song


Ghi Chú


*Microalgues – Vi Khuẩn Rong Biển : Phân tử vi khuẩn sanh sống trong các hồn biển đại dương phát triển nhờ tổng hợp ánh sánh –photosynthèse.


**Nhiên liệu hữu cơ thế hệ thứ ba : Nhiên liệu xuất từ khai thác các vi khuẩn rong biển.


***PhotoBioRéacteur : Động Cơ Phản lực Hữu Cơ bằng Ánh Sáng. Những đông cơ phản lực được đóng kín trong ấy các phân tử microalhues được nuôi dưởng trong điều kiện kiểm soát (độ pH, nhiệt độ, ánh sáng …vân v
ân …).

NGUYỄN NHƠN * SIÊU QUYỀN LỰC THẾ GIỚI

Nguyễn Nhơn

SIÊU QUYỀN LỰC THẾ GIỚI CHẺ NHỎ TRUNG CỌNG NHƯ LIÊN XÔ
Dưới bài viết “ Tập Cận Bình đã không đạt được mục tiêu của chuyến thăm Việt Nam “ do Danlambao lược dịch (?) có đoạn đối đáp giữa 2 bình giả như vầy:


Trần văn


Các Bác đừng nôn nóng sau đại hội 12, mọi việc sẻ được sáng tỏ chĩ còn 80 ngày nửa thôi, nhìn vào chiến thuật của Vn đối với trung cọng và trước chuyến đi của họ Tập mọi người đều biết chĩ là công giả tràng, sự đi đêm của 3Dũng với Mỹ và được phía mỹ hoang nghênh nhưng phải có lộ trình, cho dù 3Dũng có là đồng minh của Hao kỳ đi chăng nửa nhưng tiến trình Dân chủ hóa không thể đến nhanh được trừ khi người Dân tham gia,sức ép đến từ Hoa kỳ là có thực còn mau hay chậm thì tùy người Dân, cái mà trung cọng lo sợ không phải là Vn bắt tay với Hoa kỳ để chận đứng âm mưu của trung cọng trên biễn đông, mà chính là Việtnam thay đổi chế độ Tự do Dân chủ, Vn thay đổi chế độ bất quá csVn chia bớt phân nửa quyền lực, còn trung cọng một khi thay đổi chế độ thì hậu quả không thể tưỡng tượng được, không những chi năm sẻ bảy đẻ đòi tự trị, mà nợ máu đối với người trung hoa do đảng hành quyết kéo dài gần thế kỹ họ Tập trả bằng cách nào? Và lấy cái gì để trả thảm họa đến từ chổ này, cho nên bằng mọi cách họ Tập qua để keo gọi csVn phải giử đại cuộc tức phải giử đảng csVn, nếu không có hậu thuẩn của Hoa kỳ cho dù 3Dũng có gan lớn tới đâu cũng không dám xé rào mà không bàn qua với trung cọng, các Bác có thể không tin lắm vì 3Dũng hay nói mà không làm, ngay đến Obama nhiều khi cũng bị quốc hội trói tay, huống hồ 3Dũng trên đe dưới loạn nếu không có đảm lược thì 3Dũng toi mạng từ lâu, csVn bắc buộc phải thay đổi nếu không muốn tự đào hố để chôn mình điều này nhiều lảnh đạo cấp cao đã cảnh báo.






Bison to Trần văn


Những chuyển biến đang xẩy ra rất nhanh, có thể gọi là trong kế hoạch của giới thống trị tình hình thế giới. Nếu cuộc chiến giữa 2 miền VN khởi đầu từ vụ thảm sát của TT Diệm và TT Kennedy của Mỹ từ thế lực của bọn tài phiệt thống trị thế giới và Mỹ, thì trung cộng sẽ phải bị chia nhỏ như Liên Xô.


Những chuyện khác có thể gọi là chi tiết, khó đoán trước, kể cả những diễn biến từ bọn thống trị quốc gia của csVN hiện nay. Nếu biết trước được thì việc xẩy ra sẽ không xẩy ra. Ngay cả người dân trung cộng trong và ngoài nước, mà giới trẻ hoặc già đều được học hỏi rất nhiều từ Mỹ và các nước tự do trên thế giới cũng mất niềm tin vào chế độ của trung cộng hiện nay. Họ có lòng nhân đạo và đầu óc tự do nhưng không có niềm tự hào của trung công dù họ mang gốc tàu. Thí dụ như dân HongKong.


*






* *






Nhân bình giả Bison nói về “ Nếu cuộc chiến giữa 2 miền VN khởi đầu từ vụ thảm sát của TT Diệm và TT Kennedy của Mỹ từ thế lực của bọn tài phiệt thống trị thế giới và Mỹ, thì trung cộng sẽ phải bị chia nhỏ như Liên Xô,” xin đi lại bài viết liên quan đến nội vụ.






SIÊU QUYỀN LỰC THẾ GIỚI CHIA 5 TRUNG CỌNG






Gần đây, một vài trang mạng loan tải những bản tin về nhóm siêu quyền lực Mỹ và Thế giới mệnh danh nhóm Bilderberg.


Một trong các bản tin có đoạn kết “ hoành tráng như vầy: “ Phiên họp ngày 5 và 6-6-2014 tổ chức tại Watford ở Anh quốc cho phép Nhật Bản thay đổi điều 9 Hiến pháp để liên minh quân sự với các quốc gia khác trong mục đích cùng tự vệ. Phiên họp này cũng quyết định thay đổi trật tự tại Á Châu – Thái Bình Dương, mà trong đó có thể chia nhỏ Trung Quốc thành lối 5 quốc gia để tránh hậu họa cho thế giới!(http://www.zapaday.com/event/...1/Annual+...html)


Đó là lý do tại sao có các cuộc nổi dậy của những khu tự trị Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng và gần đây nhất là cuộc biểu tình của trên 500.000 người dân Hong Kong (cách mạng dù) nhân kỷ niệm ngày Anh quốc trao trả Hong Kong cho TQ! Ai tổ chức biểu tình lớn như vậy? Đó là Siêu Quyền Lực!


Khi Thượng viện Hoa Kỳ ra Nghị quyết đòi TQ rút giàn khoan thì có nghĩa là lệnh thông báo chiến tranh. TQ đã hung hăng cản lệnh bằng cách tuyên bố cảnh cáo Hoa Kỳ không được can thiệp vào Biển Đông và Biển Hoa Đông nơi TQ tranh chấp với Nhật Bản.


Nhưng đã muộn rồi; Tập Cận Bình không còn dám liên minh với đồng minh duy nhất là Bắc Triều Tiên, nên đã vừa đi qua Nam Hàn mong có thể nối kết với Nam Hàn để tồn tại trong khu vực!


Trong khi đó, Nhật được Siêu Quyền Lực cho tăng cường sức mạnh quân sự để liên minh phòng thủ cùng đối đầu với TQ; Nhật ký Hiệp ước tuần qua về tàu ngầm với Úc, viện trợ cho Philippines, Việt Nam..















“…Mỗi bên đồng hợp tác 27 năm, cho nhiều thế hệ tiếp nối liên tục, khai thác quần đảo Bạch Long Vĩ. Nói cách khác, Đặng Tiểu Bình muốn tìm thời gian dài để tiện nuốt trửng Vịnh Bắc Bộ không thông qua phân định lại hải giới…”

















Mỹ cảnh cáo rằng, nếu TQ còn hung hăng thì sẽ không tránh khỏi cuộc chiến tranh với các quốc gia trong khu vực. Tổng thồng Barack Obama đã nói thẳng ván bài sẽ đánh sập TQ, và đó là lý do TQ phải gấp rút kéo giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam ở gần Hoàng Sa vào ngày 15-7-2014 để đưa về neo đậu tại vùng biển gần đảo Hải Nam của TQ! (VietPressUSA).”


Trong chính trị học, học thuyết âm mưu (Theory of conspiracy) được xem như tài liệu tham cứu ngoại khóa, bởi vì nó lẫn lộn giữa sự kiện có thật và giả thuyết có khi hoang đường. Thường khi các nhà chủ trương thuyết âm mưu lấy một sự kiện có thật rồi gán cho nó ý nghĩa theo cách giải đoán của họ. Tuy vậy có nhiều trường hợp họ giải đoán đúng. Thành ra nhiều người tò mò vẫn thích thú và tin vào cách giải đoán theo học thuyết âm mưu hấp dẫn là trên thế giới có một tổ chức “ Siêu Quyền Lực” thống trị!


Bây giờ thử xem câu chuyện về Trung cộng bị chia cắt ra lối 5 mảnh là từ đâu? Hoặc do thực trạng chính trị xã hội tự thân, hoặc do “ Siêu Quyền Lực “ quyết định.


Tháng 5-2011, trong một cuộc phỏng vấn với Jeffrey Goldberg tại văn phòng Bộ Ngoại giao, ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố chắc nịch: “Chế độ Tàu tiệt nhiên sụp đổ. Bọn lãnh đạo chạy quanh như điên!” (Chinse system is doomed. Its leaders on a fool's errand!).


Không lẽ ngoại trưởng của đại cường Hoa Kỳ như bà Hillary Clinton mà lại đi nói một câu khinh xuất như vậy? Nó phải là quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ


Đó là sự kiện thực tế. Bây giờ là phân tích, dự đoán:


Gordon Chang, tác giả “ The coming collapse of China” nổi tiếng, khẳng định trong một bài viết : “Đảng Cọng sản Trung Quốc chắc chắn sụp đổ trong năm 2012”. Dự đoán nầy đã sai, nhưng vẫn trích dẫn ra đây để cho thấy có học giả nhìn vấn đề Trung Cộng sụp đổ theo thời gian tính từng năm chớ không phải trong tương lai dài hạn.


Một vị khác là ông Minxin Pei, Giáo sư Claremont Mc Kenna College, viết trên báo Wall Street Journal rằng: “ Nếu như lịch sử cung cấp chỉ dấu nào đó thì đảng cọng sản Trung quốc sắp đi vào thập kỷ khủng hoảng và có lẽ thời gian còn lại nhiều lắm là 10-15 năm nừa.” (The Chinese Communist Party has governed for 62 years. If history offers any guidance, it is about to enter its crisis decade, and probably has at most 10-15 years left on its clock.)


Tóm lại, theo sự phân tích của các nhà nghiên cứu Mỹ gốc Hoa nhận định về nước gốc tàu của họ thì đều đi đến kết luận là: Sớm muộn gì tàu cộng cũng sụp đổ!


Bây giờ là các sự kiện hiện tại. Báo chí Hong Kong phân tích về việc trung cộng đưa giàn khoan xâm phạm thềm lục địa Việt Nam và đi tới kết luận về việc trung cộng sẽ sụp đổ trong năm 2016 như vầy:


“ … báo điện tử The Epoch Times cuối năm rồi có đăng tải bài đúc kết khá xúc tích bài báo của tạp chí Frontline, với tựa đề, “China and Party Will Collapse by 2016, Says Hong Kong Media,”


Tại sao Trung Cộng có thái độ khiêu chiến như vậy với mục đích gì? Nhiều chuyên viên về các vấn đề Trung Quốc đã từng nhận định mỗi khi Trung Quốc đối đầu với những bất mãn và chống đối trong nước có nguy cơ bùng nổ lớn, thay vì giải quyết, Bắc Kinh thường hóa giải bằng những chính sách, hành động đối ngoại, kể cả khơi dậy những biến cố lịch sử xa xưa, như những tội ác trong chiến tranh của Nhật Bản, chẳng hạn, để khích động lòng yêu nước của dân chúng, đặc biệt của giới trẻ để vùi lấp những vấn đề trong nước hay rạn nứt trong nội bộ của Đảng Cộng sản. Mà vấn đề của Trung Cộng thì vô số, và nghiêm trọng tới độ có thể đe dọa tới sự sống còn của chế độ và đảng CSTQ.”


Theo Frontline, kinh tế TQ sẽ là bộ phận sụp đổ đầu tiên, vào năm 2014; năm 2015 “hệ thống chính trị” của Đảng CS sẽ bị phá nát; và vào năm 2016, toàn thể xã hội sẽ tan rã, bài báo viết, dựa vào những tiền lệ của lịch sử. Chỉ cần một tác nhân vừa đủ lớn, sự suy sụp có thể diễn ra sớm hơn thế nữa, bài báo tiếp.“


Trên đây là sự nghiên cứu, phân tích, giải đoán.


Để kết thúc xin ghi thêm vài sự kiện tâm linh, huyền bí:


“ Dự ngôn về thời gian kết thúc của ĐCSTQ “


Có một cao nhân trong dân gian tiết lộ rằng, từ văn hóa thần truyền có thể biết được thời gian kết thúc của ĐCSTQ, nhưng nhất định phải dùng kiểu chữ phồn thể của chữ “cộng sản đảng” mà đoán:


Cộng (共): gồm 2 chữ廿(20) và 八 (8), tức là 28 năm, là thời đại cộng sản của Mao, là thời đại “vạn lí hương” của người nghèo (chỉ việc trung cộng ca ngợi người nghèo, đề cao giai cấp bần nông).


Sản (): mười tám năm (6(六)+7(七)+5(五)), là thời chụp giật của Đặng, xem trọng tiền bạc, thời đại mà “tiền có thể sai khiến cả ma quỷ”.


Đảng (): hai mươi năm, là thời đen tối của Giang, dùng quyền lực và tiền bạc trấn áp, lừa dối nhân dân nghèo khổ.


Phải chăng cao nhân dân gian đã tiết lộ, ĐCSTQ sẽ kết thúc sau 66 năm: kết thúc trong thời gian từ 01/10/2014 đến 01/10/2015. Từ 07/1999, thóa mạ rợp trời Pháp Luân Công 42 tháng, sau đó trong bóng tối lại đàn áp tàn khốc 12 năm (tính đến thời điểm này), có thể nói thời hủy diệt ĐCSTQ đã tới.”


“Tàng thạch tự” ở Quý Châu cảnh báo “Trời diệt Trung cộng”


Vào tháng 6 năm 2002, một “tàng tự thạch” (tảng đá mang chữ) đã được phát hiện tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc; trên tảng cự thạch có 6 chữ Trung Quốc, khắc nổi trên mặt đá, “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong” (nghĩa là “Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong”).


SƯ PHỤ TRUNG CỘNG DIỆT VONG


CHÚ NHỎ VIỆT CỘNG ĐI VỀ NƠI ĐÂU?


Trong bài viết “ Việt Nam Đi Về Đâu?”, có đọc giả ghi lời bình:


“ Đừng mơ toàn vẹn non sông
Chừng nào đảng vẹm còn đè đầu
Việt Nam chỉ có về tàu mà thôi!”
Bây giờ Tàu công diệt vong rồi
Chú nhỏ Việt cộng trôi về nơi nao?


Dân tộc Việt Nam, với niềm kiêu hãnh của nòi giống Lạc Việt hùng cường Lạc Long, trong trường kỳ lịch sử chưa bao giờ ngồi chờ sung rụng.


Trong dòng lịch sử trên bốn ngàn năm, dân Việt, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung bao giờ cũng tự mình chiến đấu đánh đuổi tàu xâm lăng, giữ nước và dựng nước.


Lần nầy thì cũng vậy, tất cả hãy vùng lên, giành lại quyền Tự quyết Dân tộc, Chủ quyền Quốc gia, liên minh với Mỹ, Nhật và các nước Đông Nam Á, chờ khi tàu cộng sụp đổ, thâu hồi lại giải đất biên cương, Ải Nam Quan và thác Bản Giốc – Vịnh Bắc Bộ và... Thâu hồi hai mảnh Việt Nam trôi giạt trên Biển Đông Hoàng Sa – Trường Sa trở về Đất Mẹ Việt Nam.


Từ đây giang san thu về một mối, toàn dân đoàn kết xây dựng, tô điểm lại giang san gấm vóc của tổ tiên:


Hoàng Liên Sơn xinh như gấm dệt
Trường Sơn hùng vĩ ngạo nghễ
Phù sa Cửu Long, ruộng ngọt phương Nam
Giải đất hình rồng rạng rở bên bờ Biển Đông


Nguyễn Nhơn

ĐỜI SỐNG & VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Nhạc sỹ Anh Bằng qua đời

  • 13 tháng 11 2015




Image copyright FacebookTrungTamAsia
Nhạc sĩ Anh Bằng đã qua đời tối ngày 12/11 tại nhà riêng ở Nam California, Hoa Kỳ.
Sinh năm 1926 ở Thanh Hóa, ông di cư vào Sài Gòn năm 1954.
Từ đó cho đến 1975, ông viết nhiều ca khúc quen thuộc với thính giả miền Nam như Nỗi Lòng Người Đi, Chuyện Tình Lan Và Điệp…
Theo đài SBTN ở Mỹ, ông đã từng gia nhập quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1957 trong binh chủng Công Binh, sau đó chuyển sang Nha Tâm Lý Chiến.
Sau biến cố 1975, ông cùng gia đình di tản sang bang California, Hoa Kỳ.
Từ đó, ông vẫn viết thêm nhiều ca khúc mới như Anh Còn Nợ Em, Khúc Thụy Du.
Đến nay, chỉ vài ca khúc trong số này được cấp phép phổ biến tại Việt Nam.
Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Mỹ và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981 - 1990).
Ông còn là người sáng lập Trung tâm Asia, một trong hai trung tâm sản xuất âm nhạc lớn nhất của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, năm 1981.
 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151113_nhac_si_anh_bang_quadoi

 




Đại sứ Pháp tại VN : Cảm ơn tình cảm của người Việt đối với nước Pháp


media 
Hoa và nến tường niệm nạn nhân các vụ khủng bố đẫm máu ở Paris tối 13/11/2015.REUTERS/Vincent Kessler
Một lần nữa nước Pháp lại bị tấn công khủng bố, và một lần nữa nhiều người dân Việt lại bày tỏ tình đoàn kết bằng cách chia buồn trên mạng xã hội cũng như đến tận các cơ quan ngoại giao Pháp ở Việt Nam để phân ưu.
Trả lời RFI Việt ngữ, đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier cho biết cộng đồng người Pháp sống tại Hà Nội sẽ tham dự buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vào ngày mai. Ông cũng rất cảm động vì tình cảm của người Việt Nam dành cho nước Pháp trước vụ tấn công đẫm máu chưa từng thấy tại Paris hôm 13/11/2015, và ông muốn gởi lời cảm ơn.
Đại sứ Jean-Noel Poirier: Trước tiên, cộng đồng người Pháp tại Việt Nam bày tỏ tình tương thân tương ái như vẫn thể hiện lâu nay, và chúng tôi đã quyết định tổ chức một cuộc gặp gỡ với toàn thể cộng đồng người Pháp sống tại Hà Nội vào cuối giờ chiều mai để cùng tham gia lễ tưởng niệm và biểu lộ lòng tương trợ.
Điều thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh, là tình cảm của những người bạn Việt Nam, và những người Việt mà chúng tôi đã từng gặp gỡ, từng quen biết. Họ đều rất sốc, rất xúc động trước sự kiện khủng khiếp ở Paris.
Còn cảm tưởng của riêng ông khi nghe tin này ?
Cũng như mọi người, chúng tôi đã nghĩ về người thân. Ai cũng có, hoặc là những thành viên trong gia đình, hoặc là bạn bè sống ở Paris. Tôi cũng vậy, rất quan tâm đến an ninh của những người thân sống tại chỗ.
Có lẽ ở Việt Nam người ta cũng biết tin về các vụ khủng bố ở Paris từ sớm ?
Vâng, nhiều người đã biết tin từ sáng sớm nay. Bản thân tôi cũng được mời tham gia chương trình « Chuyển động 24 giờ » của Đài truyền hình Việt Nam. Và đây cũng là tin tức hàng đầu của các kênh truyền hình và đài phát thanh lớn tại Việt Nam.
Sau vụ khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo, nhiều người Việt ở Hà Nội và Saigon đã đến phân ưu với cơ quan ngoại giao Pháp, có lẽ lần này cũng thế ?
Vâng, chúng tôi đã đón tiếp nhiều người trong đó có các giáo sư, những nhân vật tên tuổi không hẹn mà đến, để ký vào sổ phân ưu ở Đại sứ quán Pháp. Nói chung, bao trùm lên tất cả là nỗi xúc động và tình đoàn kết với người dân Pháp. Chúng tôi xin hết sức cảm ơn.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151114-dai-su-phap-tai-vn-cam-on-tinh-cam-cua-nguoi-viet-doi-voi-nuoc-phap

Muôn nẻo mưu sinh của người Việt ở New York 

 09.11.2015 

Bà Muội đứng bán hoa quả trên đường phố New York suốt 20 năm qua.

 

Giữa cảnh tấp nập và nhộn nhịp thường thấy trên đường phố New York, không khó để bắt gặp những bóng dáng của người Việt.
Suốt hai mươi năm qua, bất chấp nắng mưa, lạnh giá, bà Trương Muội gắn mình với sạp trái cây trên vỉa hè người qua kẻ lại suốt ngày đêm ở khu phố Tàu, Chinatown.
Hàng chục loại hoa quả phong phú tưởng như chỉ có thể thấy ở xứ sở nhiệt đới đã giúp bà nuôi bốn người con khôn lớn tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần này nói với VOA Việt Ngữ: “Ở đây ngủ dậy là phải đi làm rồi đứng ở ngoài đường ngày mười mấy tiếng vậy đó. Ở Mỹ phải làm mới có ăn, không chịu làm thì không có ăn. Làm ở hãng là 8 tiếng thì tôi ở ngoài phải làm 14 tiếng, double (gấp đôi) đó. Sắp tới mùa đông hơi cực. Mùa đông 9 – 10 độ vẫn bán. Phải mặc 8 cái áo”.
Bà Muội nói thêm rằng ai cũng “phải chịu cực” mới trụ lại được ở New York, dù việc đứng trên đường phố mỗi ngày khiến bà “đau chân, nhức gối”.
Trong khi đó, chị Kim Anh, một nhân viên phục vụ nhà hàng Việt, cũng cho biết, sống ở New York thì “không sợ thất nghiệp”, nhưng cần phải “chịu khó, chịu cực”.
Chị nói: “Áp lực thì cũng có, nhưng mình phải làm quen với nó rồi mình xoay sở thôi, chứ ở đâu cũng có áp lực. Tiền lương mình tiết kiệm chút thì sống cũng đủ, và nhiều khi còn có dư. Ăn thua là do mình xài”.
Chị nói một khi đã sống ở New York thì không muốn chuyển đi nơi khác nữa. “Ở đây thích lắm, nên đi tiểu bang khác lại nhớ,” chị nói.
Mời quý vị xem tường thuật chi tiết trong video dưới đây:

  Bà Muội đứng bán hoa quả trên đường phố New York suốt 20 năm qua. 


  Cô dâu Việt được rao bán trên mạng của TQ với giá 1.500 USD

Quảng cáo rao bán cô dâu Việt trên mạng Taobao trong ngày Độc thân ở Trung Quốc (Ảnh chụp từ trang scmp).
Quảng cáo rao bán cô dâu Việt trên mạng Taobao trong ngày Độc thân ở Trung Quốc (Ảnh chụp từ trang scmp).
Các cô dâu Việt Nam đã được rao bán với giá 9.998 tệ/người (khoảng 1.500 USD) trên trang Taobao

Các cô dâu Việt Nam đã được rao bán với giá 9.998 tệ/người (khoảng 1.500 USD) trên trang Taobao, một trang mạng mua bán trực tuyến được xem như ‘eBay’ của Trung Quốc, vào lễ hội mua sắm trong ngày Độc thân hôm thứ Tư.
“Cô dâu Việt trong ngày mua sắm Song thập nhất (ngày 11/11)”, SCMP trích một đăng tải vào lúc 4 giờ chiều hôm thứ Tư, tức ngày Độc thân - một ngày mua sắm trực tuyết cực lớn vào mỗi 11/11 hằng năm, được công ty e-commerce khổng lồ Alibaba đưa ra từ 7 năm trước.
“Chỉ với 9.998 tệ, có thể mang một người vợ xinh đẹp về nhà”.
Kèm với lời quảng cáo trên là bức ảnh nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Chương Tử Di và khoản ‘hàng dự trữ’ là 98 người sẵn sàng được gửi đi từ tỉnh Vân Nam đến bất cứ nơi đâu ở Trung Quốc.
Theo hồ sơ về người bán trên trang Taobao cho biết người bán là Cửa hàng Quà tặng Wang Xiao Xi, hiện đã bán được 2.568 món hàng trong vòng 30 ngày qua, chủ yếu là tất với giá 1,6 tệ/đôi.
SCMP cho biết đoạn đăng bán cô dâu Việt đã không còn truy cập được vào lúc 4:30 cùng ngày.
Đây không phải là lần đầu tiên cô dâu Việt bị rao báo trên mạng. Trước đây đã từng xuất hiện các trang web rao bán cô dâu Việt ở Trung Quốc dẫn đến vụ phát hiện đường dây buôn người liên quan đến hàng trăm cô gái Việt, trong đó có 28 cô được giải cứu hồi cuối năm ngoái.
Chính sách một con ở Trung Quốc trong một thời gian dài đã làm mất cân bằng giới tính ở nước này, khiến nhiều người đàn ông Trung Quốc không có cơ hội lấy vợ trong nước mà phải sang các nước láng giềng để ‘mua’ vợ. Việt Nam trở thành một trong những thị trường cung cấp cô dâu qua các đường dây môi giới hôn nhân, buôn lậu người.
Số liệu của Bộ Công an Việt Nam cho biết đã có gần 6.000 phụ nữ Việt bị bán ra nước ngoài trong những năm gần đây, phần lớn là bán sang Trung Quốc.
Nguồn: SCMP, China Watch.
 http://www.voatiengviet.com/content/co-dau-viet-duoc-rao-ban-tren-mang-cua-trung-quoc-trong-ngay-doc-than/3056060.html

 

Quán cơm xã hội và Tủ sách cho sinh viên xa nhà

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-11-13
quan-com-622.jpg
Quán cơm xã hội Huế
Hình do quán cơm cung cấp

Ăn cơm giá rẻ

Sinh viên xa nhà, từ làng quê lên thành phố trọ học, mà kể cả sinh viên nghèo phố thị, ngoài học tập thì cơm áo là nỗi lo thường nhật. Chính vì thế nhiều em phải kiếm việc làm ngoài giờ để có thêm thu nhập và có thêm tiền cho sách vở.
Thành phố Huế có nhiều trường Cao Đẳng và Đại Học, có nhiều sinh viên từ vùng xa đến trọ học và có một nơi mang tên Quán Cơm Xã Hội Huế trên đường Đào Tấn. Đây là nơi sinh viên được ăn cơm với giá rẻ và được đọc sách miễn phí.
Đối với bạn trẻ từ Hà Tĩnh vào Huế trọ học, một suất ăn 5.000 đồng đều đặn 6 ngày trong tuần là điều vượt quá mơ ước của một sinh viên xa nhà:
Một suất ăn 5.000 mà có chất lượng như vậy thì rất tốt. Sinh viên tụi em buổi trưa đi học về mà có chỗ ăn như vậy thì chúng em góp được, tiết kiệm được một phần nào chi phí.
-Đặng Xuân Thắng
“Em tên Đặng Xuân Thắng, năm hai Khoa Cơ Khí trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế. Một suất ăn 5.000 mà có chất lượng như vậy thì rất tốt. Sinh viên tụi em buổi trưa đi học về mà có chỗ ăn như vậy thì chúng em góp được, tiết kiệm được một phần nào chi phí.
Sinh viên tới quán này rất đa dạng, các bạn ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam Quảng Ngãi...”
Những ngày rảnh, Thắng kể, bạn thường đến quán để lau chùi, dọn dẹp, công việc nhẹ nhàng mà vui:
“Buổi nào không đi học thì em lên quán, sắp bàn ghế, lau khay cơm, sắp đũa, thìa các thứ ra bàn. Đến giờ thì chúng em bỏ thức ăn ra khay, chuyền cơm cho các bạn đến ăn cơm. Có một số bạn thì bán vé rồi là dọn dẹp trong bếp.”
Đó cũng là công việc mà cô sinh viên Lê Thị Lệ Như, quê ở Quảng Bình, sinh viên năm hai Cao Đẳng Công Nghiệp Huế, lấy làm thích thú vì:
“Khi vào Huế và đến với quán cơm thì em thấy mình có thêm một ga đình nữa. Ở đây mọi người sống với nhau rất tình cảm, chia sẻ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Lên quán thì có được sự đùm bọc của các cô với sự quan tâm của mấy bạn nên xa nhà cũng cảm thấy đỡ hơn. Lên phụ các cô nhưng mà phụ đó cũng là niềm vui. Ăn cơm một bữa 5.000 trong khi đó ăn ngoài môt bữa 15.000, 20.000 nghìn. Từ thứ Hai đến thứ Sáu bọn em tinh ra một tháng tiết kiệm được cũng khá.”
Chỉ mới ra đời từ tháng Ba 2014, qua khởi xướng và tài trợ tài trợ phần lớn từ một người Úc gốc Việt thành đạt, ông Hồ Quang Trung, chủ nhân cơ sở Trangs Group ở Australia, bên cạnh những nhà hảo tâm trong thành phố, Quán Cơm Xã Hội Huế trở thành nơi chốn gần gũi thân thuộc với những sinh viên xa nhà có tinh thần giúp đỡ phục vụ như tôn chỉ của quán.
Từ Sydney, Australia, ông Hồ Văn Trung nói về nguyên nhân thôi thúc ông thực hiện cho được điều ông gọi là món nợ ông mang từ thuở còn hàn vi ở Huế:
“Tôi lớn lên từ một cậu bé chăn trâu nghèo khổ và tôi lớn lên là nhờ ở quán cơm xã hội. Trước năm 75 thì những thành phố lớn có quán cơm gọi là Quán Cơm Xã Hội dành cho những người nghèo khổ, những người đi lượm ve chai hoặc những người nghèo khổ nói chung. Họ tới đó ăn với giá giống như những quán cơm xã hội ở Việt Nam bây giờ.
Tôi trưởng thành từ quán cơm xã hội đó. Bây giờ mình đã trưởng thành, về mặt kinh tế cũng tạm ổn định, chính vì thế mà tôi muốn trả lại cái ân tình đó và nối tiếp cái ân tình đó để cho thế hệ con em và những thế hệ kế tiếp nghĩ về những người thiếu sự may mắn. Đó là một trong những động lực thúc đẩy tôi đứng ra bảo trợ Quán Cơm Xã Hội Huế cho tới bây giờ mà tôi đã làm được. Hy vọng rằng việc làm đó sẽ được đồng cảm, được hỗ trợ cho những quán cơm kế tiếp.”

quan-com-400.jpg
Các món ăn tại Quán cơm xã hội Huế.
Thoạt đầu, mỗi ngày quán chỉ cung cấp 200 suất ăn, dần dần số sinh viên tăng lên nên số lượng cũng tăng lên thành 220 rồi 230 suất. Trưởng ban điều hành Quán Cơm Xã Hội Huế, chị Đặng Thị Thanh Nhã, cho Thanh Trúc biết như vậy:
“Quán mở từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần vào buổi trưa. Các em chỉ mua một phiếu ăn 5.000 đồng nhưng suất ăn của mình trị giá 20.000 Đồng, tức là mình hỗ trợ 15.000 cho các em. Có hai món kho, một món xào, một món canh. Cơm thì không hạn chế, các em cảm thấy ăn chưa đủ no thì cứ lấy thêm cơm, canh không hạn chế.
Hiện tại là 250 nhưng vẫn thấy chưa đủ nên chắc còn phải thêm, không biết có được hay không vì còn tùy thuộc vào kinh phí. Cũng mong có thể tăng lên để đủ nhu cầu phục vụ cho các em. Đa số ở đây là những sinh viên khó khăn, xa nhà, đến đây trọ học...Cho nên quán cơm mở ra là lợi ích cho các em bởi vì tiết kiệm cho em một khoản chi phí, thời gian và một nơi cho các em đến để gặp gỡ, trao đổi, giao lưu.”

Đọc sách miễn phí

Mỗi tháng, sinh viên đến Quán Cơm Xã Hội Huế còn được phục vụ thêm hai buổi ăn chay. Không dừng lại ở những bữa ăn đủ chất, Quán Cơm Xã Hội Huế còn một món ăn tinh thần nữa là tủ sách Trung Thực:
“Trong khi chờ giờ ăn, chờ có bữa cơm thì các em có thể lấy sách ngồi đọc tại chỗ. Muốn mượn về các em chỉ việc ghi trong sổ họ tên em là gì, học trường nào, ngày mượn, ngày trả. Qui định tối đa là một tuần thì các em trả. Khi trả các em chỉ cần ghi vào trong sổ là đã trả và các em ký vô.
Một trong những ước ao của tôi là mở thêm quán cơm ở tại Sài Gòn. Sở dĩ chưa hình thành được bởi vì chi phí ở Sài Gòn nặng hơn chi phí ở Huế. Khi đã tự nguyện thì bắt buộc mình phải thực hiện cho bằng được.
-Ông Hồ Văn Trung
Nhã không quản lý gì hết, tủ sách có tên Trung Thực là vì như vậy, nó tạo cho các em một tinh thần tự giác, một tinh thần trung thực. Cũng có một số em có thể làm mất sách hoặc có thể quên vì lý do nào đó, nhưng đa số đều trả đầy đủ.
Bây giờ các em hay đọc sách trên mạng nhiều cho nên mình suy nghĩ không biết cái văn hóa đọc của mình còn có thể phát huy được qua tủ sách này hay không. Nhã thấy từ khi tủ sách thành lập tới giờ, mới có mấy thàng thôi, nhưng lượt đọc cũng lên tới gần 10.000 lượt, có nghĩa các em cũng thích thú với việc đóc sách như vậy.”
Tủ sách Trung Thực của Quán Cơm Xã Hội Huế đang có chừng 2.000 đầu sách, tuy nhiên diện tích quán chỉ đủ chỗ cho khoảng bảy đến tám trăm quyển. Vì lẽ đó, sách được luân phiên thay đổi để sinh viên có đủ đọc mọi cuốn sách.
Được biết Hồng Đức và Tường Tâm là hai tiệm sách trong thành phố Huế, chuyên cung cấp nhiều đầu sách cho Quán Cơm Xã Hội Huế, còn lại là từ những nhà hảo tâm khác. Bà Tuyết, chủ nhân tiệm sách Hồng Đức:
“Học sinh nó cần thì mình san sẻ thôi chứ cũng không có điều chi mà to lớn lắm, khoảng chừng ba bốn chục đầu sách thôi chứ không nhiều. Ở Huế cũng rất nhiều người tặng sách hay ví dụ như sách văn học, sách học làm người. Mỉnh thấy các em hiếu học mà hắn chọn lựa sách đàng hoàng hắn đọc. Cách đây khoảng chừng 10, 20 năm thì bọn trẻ hay sinh viên gì nó chỉ thích truyện tranh., nó nhác đọc truyện chữ, giờ thấy trong quán cơm xã hội các em hắn đọc sách văn học nhiều và ít đọc truyện tranh như hồi xưa.”
Một nhà tài trợ không ở thành phố Huế, chị Ngọc Hân, nhà xuất bản Fist News Saigon, người đầu tiên đã trao hết bao nhiêu cuốn sách chị nâng niu cất giữ chỉ vì tâm đắc với Quán Cơm Xã Hội Huế cũng như tôn chỉ giáo dục của tủ sách Trung Thực:

tu-sach-400.jpg
Tủ sách tại Quán cơm xã hội Huế.
“Dùng chữ tâm đắc rất đúng, đó là một mô hình mà mình rất ủng hộ. Mình gom hết toàn bộ những cuốn sách từ thời sinh viên mà trong bao nhiêu năm mình nghĩ mình có thể mở một thư viện, bây giờ may quá có người làm thì mình góp vào. Bởi vì nó không phải chỉ giúp cho các em sinh viên, không phải chỉ là tình cảm mà nó là sự nâng đỡ lẫn nhau về mặt tinh thần.
Các em sinh viên đến ăn tự phục vụ tự rữa chén rữa khay của mình, góp sức lặt rau, phụ bếp cho tới dọn dẹp bàn ăn. Qua những việc đó thì các em học được là tuy người khác giúp mình nhưng mà mình cũng phải có sự đóng góp và thể hiện rằng mình xứng đáng được giúp chứ không phải như người ngữa tay xin người khác bố thí. Đây là sự tương trợ và các em có một môi trường để sinh hoạt với nhau, những điều đó vượt hơn cả vấn đề hỗ trợ về mặt vật chất, từ đó ươm mầm có thể năm bảy năm sau khi các em ra trường các em trở thành những người có thu nhập, góp vào dòng chảy chung trong việc làm nhân ái, giúp đỡ người gặp khó khăn. Giáo dục lao động, giáo dục lòng nhân ái, giáo dục sự đoàn kết, giáo dục cách làm việc nhóm... là những giá trị mà mình vẫn theo đuổi. Bởi vậy mình không phân vân khi đem cái tủ sách 20 năm tích lũy giao cho chị Ẩn và chị Nhã.”
Trong khi vẫn mong ước làm sao có đủ chỗ cho ngân ấy cuốn sách học đủ loại, thì dự định tới của ban điều hành Quán Cơm Xã Hội Huế là một quầy thuốc miễn phí trong thời gian tới. Theo lời chị trưởng ban điều hành Đặng Thị Thanh Nhã, quầy thuốc miễn phí rất cần thiết để sinh viên nghèo mà chẳng may đau ốm sẽ có được viên thuốc dùng qua cơn bệnh:
“Sẽ làm một tủ thuốc sơ cứu thôi, em nào cần đến thì mình cho thuốc các em. Bởi vì đến đây ăn cơm thì nhiều khoa lắm, Đại Học Sư Phạm, Y Khoa, Công Nghiệp, Nông Lâm. Nói chung là đủ các thanh phần mà đặc biết là các sinh viên Đại Học Y. Nhã cũng đang dự định là khi lập được tủ thuốc đó thì mình sẽ nhờ một em sinh viên Y năm cuối giúp cho mình trong việc hỗ trợ thuốc cho các em. Nếu sinh viên Y năm thứ 5 hay năm thứ 6 thì cũng đi nội trú ở bệnh viện rồi, cho nên các em cũng rành những chuyện như vậy.”
Đó là hiện tại và tương lai của Quán Cơm Xã Hội Huế đối với sinh viên nghèo đang theo học tại các Cao Đẳng và Đại Học của thành phố Huế.
Ước mơ nào rồi cũng sẽ thành tựu nếu có tấm lòng và có sự quyết tâm, là lời sau cuối mà người khởi xướng Quán Cơm Xã Hội Huế, ông Hồ Văn Trung, chia sẻ:
“Một trong những ước ao của tôi là mở thêm quán cơm ở tại Sài Gòn. Sở dĩ chưa hình thành được bởi vì chi phí ở Sài Gòn nặng hơn chi phí ở Huế. Khi đã tự nguyện thì bắt buộc mình phải thực hiện cho bằng được.
Hiện tại tôi đã hứa với cuộc đời là tôi sẽ cống hiến mãi mãi cho quán cơn Huế. Tuy nhiên quán cơm ở Sài Gòn thì sự cam kết của tôi nó có giới hạn, do đó tôi đang tìm những người đồng cảm, những người đồng hành, những người có thề chia sẻ với tôi trong quán cơm ở Sài Gòn.”
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng, Thanh Trúc kính chào, xin hẹn tái ngộ kỳ tới.
Trao đổi góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OverseasVietnamese/meals-and-books-for-students-tt-11132015131719.html

Đoàn cải lương Ái Liên lưu diễn khắp Đông Dương

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2015-11-14
Email
1383304911-622.jpg
Từ trái sang: Nghệ sĩ Kim Xuân, Lan Phương, Ái Liên và Kim Chung.
Courtesy photo

Thời kỳ huy hoàng của một gánh hát cải lương miền Bắc

Hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương ở miền Nam phát triển từ thập niên 1920, với các đoàn hát danh tiếng như Hề Lập, Tiến Hóa, Mộng Vân, Đại Phước Cương... và đến năm 1940 thì ở miền Bắc nghệ sĩ Ái Liên vừa mới 20 tuổi ngoài, đã đứng ra thành lập đoàn cải lương Ái Liên, và mở cuộc lưu diễn khắp Đông Dương.
Trong buổi nói chuyện này tôi nhắc lại thời kỳ huy hoàng của một gánh hát cải lương miền Bắc, đồng thời cũng nói đến một cô đào thinh sắc vẹn toàn, một ngôi sao sáng trên vòm trời nghệ thuật sân khấu, vang bong một thời, đó là nữ nghệ sĩ Ái Liên vang danh từ Bắc chí Nam. Thế nhưng những người ở miền Nam thuộc thế hệ lớn lên sau 1954 thì không hề biết, cũng chẳng hề nghe tên, do bởi sau ngày Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước thì Ái Liên ở lại miền Bắc.
Nói đến danh ca Ái Liên thì đa số khách mộ điệu bốn phương đều tỏ lòng ái mộ, cũng như như hầu hết các anh chị em đồng nghiệp có dịp sống gần cô đều chân thành cảm phục và mặc nhiên công nhận Ái Liên như một kỳ tài thiên bẩm. Có thể nói rằng trời sinh ra Ái Liên chính là hóa thân của “nàng nghệ thuật” để hiến vui cho đời, ngõ hầu làm tròn thiên chức tối thượng của người nghệ sĩ trong sự nghiệp cầm ca. Với bản năng thuần hậu, tư cách và hạnh kiểm đài trang đoan chính, với sắc lịch kiêu sa, diễm lệ, Ái Liên rất xứng đáng là một danh ca tài sắc vẹn toàn.
So sánh với các bạn cùng nghề, Ái Liên tương đối có một trình độ học vấn khả quan, biết nhiều ngoại ngữ, xuất sắc nhất là bộ môn ca nhạc. Trong khi trình diễn trên sân khấu, mỗi lúc tạm nghỉ lớp tuồng, cô vào hậu trường là tiến đến dàn nhạc, bất cứ gặp thứ đờn gì, như kìm, cò, sến, độc huyền, thập lục, cô cũng cầm lấy sử dụng ngon lành như một người thiện nghệ, hoặc điều khiển giàn bát tấu, đánh trống, mõ, thanh la v.v... cô đều tinh thông. Hoặc khi nghỉ tuồng cô thường xuống chơi nhạc Tây phương tức dàn nhạc tiền trường (orchestre avant Scène) như dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm, cho cả đến đánh trống Jazz cô cũng thông thạo. Cho nên anh chị em trong nghề cũng như khán giả đã mệnh danh Ái Liên là một thiên tài ca nhạc, hay là con chim họa mi bốn mùa của sân khấu kịch trường. Vậy trước khi đề cập đến đoàn hát, tôi cũng nói sơ qua vài nét về người nữ nghệ sĩ thiên tài miền Bắc.
Danh ca Ái Liên tên thật là Lê Thị Liên, sinh năm 1918 tại Hải Phòng, nữ sinh của trường Đức Trí ở đường Cát Giải, Hải Phòng. Thân phụ làm nghề mại bản trên chiếc tàu chạy đường Hải Phòng – Hương Cảng, và đã đưa Ái Liên sang Hồng Kông học các lớp sinh ngữ, do đó cô nói thông thạo nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Hoa, Nhật và dĩ nhiên tiếng Việt Nam.
Năm 16 tuổi Ái Liên trở về Hải Phòng và chỉ qua một thời gian ngắn học ca hát là cô tham gia các đêm trình diễn từ thiện ở Hà Nội, Nam Định với danh nghĩa tài tử, và sau đó thì được “Hội Kịch Bắc Kỳ” mời cô làm đào chánh thức.
Năm 1937 Ái Liên từng chiếm chức tại hội chợ tơ lụa Hà Đông, rồi cùng thân mẫu (Bà Hai) thành lập gánh hát “Liên Hiệp”. Lúc ấy ở Hà Nội có hai gánh hát lớn đóng đô vĩnh viễn rạp Quảng Lạc, chuyên diễn các vở tuồng Tàu cổ điển, và rạp Hiệp Thành sở trường về loại tuồng ca kịch xã hội. Còn ở Hải Phng thì có gánh Ứng Lập Ban cũng đóng đô tại khu phố Tam Gian. Vì thế gánh Liên Hiệp của Ái Liên không có đất đứng, phải đi diễn khắp các tỉnh miền Bắc, rồi cũng do thiếu kinh nghiệm điều hành nên rã gánh.
Đến cuối năm 1937 thì có gánh hát Đại Phước Cương từ Nam ra Bắc lần thứ hai với thành phần nghệ sĩ trứ danh như: Năm Châu, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Ba Vân, Kim Cúc, Kim Lan và Ái Liên xin gia nhập gánh hát này. Sau thời gian ba tháng trình diễn quanh các thành phố lớn ở Bắc Hà, đoàn Đại Phước Cương về Nam thì Ái Liên cũng cùng thân mẫu đi theo đoàn vô Nam.
Nhờ thu thập được một số kinh nghiệm về cải lương, năm 1940 nghệ sĩ Ái Liên trở về Bắc thành lập đoàn Ái Liên, đoàn đã tập dượt thành thuộc 6 vở hat: Tiếng Chuông Chùa, Bóng Người Trong Sương, Ái Tình và Nghệ Thuật, Đời Cô Yến, Chân Ái Tình và Cô Gái Mường. Hầu hết là tuồng xã hội mà vào thời đó người ta gọi là “tuồng Tây” để phân biệt với “tuồng Tàu”, tức tuồng màu sắc lịch sử Trung Hoa như: Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Phàn Lê Huê...

Nghệ sĩ Bắc ra mắt khán giả trong Nam

bich-hop-huynh-thai-200.jpg
Bích Hợp, đệ nhất đào thương miền Bắc và Huỳnh Thái trên sân khấu Kim Chung – 1950. Ảnh Huỳnh công Minh/diendan.cailuongso.com.
Gánh hát Ái Liên bắt đầu vô Nam với chương trình lưu diễn khắp Đông Dương, đây là lần đầu tiên gánh hát cải lương với thành phần nghệ sĩ toàn là người Bắc ra mắt khán giả trong Nam. Tuy rằng trước đó đã có gánh đồng ấu “Nhật Tân Ban” vào Nam trình diễn rồi, nhưng chỉ với lối ca ngâm theo điệu Phước Châu, Hồ Quảng qua các vở tuồng Tàu cổ điển chớ không phải cải lương.
Trên đường “Nam tiến” đặc biệt này, trước khi vào Sài Gòn, đoàn dừng lại hát ở các thành phố lớn như Nam Định, Thanh Hóa, Huế, Nha Trang, Phan Thiết... và khi gánh hát vào tới miền Nam đã gây nhiều luồng dư luận, nhứt là Hội Ái Hữu Bắc Kỳ đã không khỏi lo âu hồi hộp khi thấy người đồng hương đem chuông đi đánh “xứ người”. Thế nhưng, rất may đoàn Ái Liên trong suốt hai tuần trình diễn tại nhà hát lớn Sài Gòn đã thành công mỹ mãn.
Sau đó theo chương trình ấn định, đoàn đi Lục Tỉnh trình diễn tại Cần Thơ 10 đêm, kế đến là Bạc Liêu và tuần tự đến các tỉnh khác, chỗ nào cũng thành công tương đối. Tiếp đó thì thuê tàu ngược dòng sông Cửu Long lên xứ Chùa Tháp Cao Miên, lúc ấy vào năm 1941.
Gánh hát Ái Liên sang Nam Vang vừa hát được ba đêm tại rạp hát ở đường Boong, thì nhận được tin Hoàng Gia Cao Miên mời vô trình diễn trong Hoàng Cung để Quốc Vương ngự lãm. Buổi hát đặc biệt ấy được tổ chức tại dinh Dạ Lạc Đài (Palais de Fête), nơi đây với kiến trúc khá mỹ quan, hội trường có sân khấu cao, xung quanh toàn là cửa sổ lồng kiếng, đèn thắp sáng trưng, từ ngoài trông vào đúng là một buổi dạ hội hoa đăng tưng bừng, ngoạn mục.
Buổi hát trọng thể đó, Thái Tử Norodom Sihanouk với viên đại úy Pháp tùy tùng (sĩ quan tùy viên) cùng các vị triều thần và hoàng thân quốc thích, song tuyệt nhiên không có bóng một phụ nữ. Đứng trên sân khấu trông ra phía ngoài rất đông người đứng coi tại hành lang các dãy nhà xung quanh.
Hôm đó gánh Ái Liên trình diễn vỡ “Cô Gái Mường” được hoan nghinh nhiệt liệt. Khi vãn tuồng, viên đại úy Pháp (Capitaine Le Bon) mời ông giám đốc đoàn hát và 5 tài tử chánh đi xuống khán đài yết kiến nhà vua, để lãnh hội những lời ca tụng của bậc Thiếu Quân xứ Chùa Tháp. Vua Sihanouk tặng danh ca Ái Liên tấm huy chương rồng vàng (Médaille Dragon d’or) và 4 tài tử chánh gồm: Anh Đệ, Huỳnh Thái, Lan Phương và Phong Trần Tiến thì được ban thưởng một tấm bằng khen danh dự. Một vị Thượng Thư lão thành chuyển giao tới ông giám đốc đoàn hát một phong bì, dù rằng đã hết sức từ chối, rốt cuộc ông giám đốc vẫn phải nhận số bạc 300 đồng Đông Dương coi như là khoản tiền thù lao nghệ sĩ (300 đồng thời đó mua được 5, 6 lượng vàng).
Cũng cần nói thêm hồi Thái Tử Sihanouk vừa làm lễ đăng quang – nối ngôi Tiên Đế băng hà – bởi tình giao hảo lân bang, Vua Sihanouk qua thăm xã giao Vua Bảo Đại. Khi đó gánh Ái Liên đang ở Huế được mời vào diễn chào mừng tại cung nội, song buổi hát đặc biệt ấy bị hoãn bởi vua Cao Miên đang khi tang chế, không tiện hưởng vui nên có hứa hẹn sẽ mời gánh Ái Liên vào thành diễn khi đoàn qua xứ Chùa Tháp.
Toàn ban Ái Liên ra về với sự hân hoan thích thú, nhất là ông giám đốc tỏ vẻ mãn nguyện với sự thành công của buổi hát được kết quả. Ông dành ra một trăm rưỡi tặng thưởng toàn thể anh chị em trong đoàn, còn lại một trăm rưỡi ông giao cả cho người quản lý tùy quyền chi dụng.
Sau khi đã gạt hái thành công ở xứ Chùa Tháp, đoàn Ái Liên về nước bằng đường thủy qua ngả Châu Đốc và trình diễn vòng quanh các tỉnh Rạch Giá, Long Xuyên trước khi gặp lại khán giả ở Sài Gòn. Thời gian này Hòn Ngọc Viễn Đông đang tổ chức hội chợ tại vườn Bờ Rô, sẵn dịp đoàn Ái Liên hát trong hội chợ. (Vườn Bờ Rô cũng gọi là Vườn Ông Thượng, về sau có tên là Công Viên Tao Đàn).
Lần này trở lại Sài Gòn gánh Ái Liên có thêm một tuồng màu sắc do soạn giả Bảy Muôn viết, dựa theo sử thời Nhà Trần, ấy là tuồng Huyền Trân Công Chúa. Khán giả Sài Gòn từng hiểu rõ kỹ thuật diễn xuất của đoàn Ái Liên chỉ sở trường loại tuồng Tây (tuồng xã hội), tất nhiên vở hát tuồng Tàu duy nhứt này sẽ được khách mộ điệu chú ý (khán giả lúc bấy gờ quen gọi tuồng màu sắc là tuồng Tàu, dù là tuồng viết theo sử Việt Nam).
Buổi diễn tuồng màu sắc đầu tiên ấy Ái Liên đóng vai Huyền Trần Công Chúa, nghệ sĩ Huỳnh Thái vai Thượng Tướng Trần Khắc Chung đã thu hút quá đông khán giả. Có nhiều đào kép gánh hát ở miền Nam cũng tới coi, và vì do rạp chật ních nên mấy người này phải đứng coi tại hậu trường.
Lần đi lưu diễn này, đoàn Ái Liên thành công trên mọi phương diện nên khi trở về Bắc Hà, hầu hết nam nữ nghệ sĩ của đoàn đều mãn nguyện mà còn mang theo nhiều cảm tưởng, kỷ niệm tốt đẹp.

 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-1114-nm-11132015151203.html

No comments:

Post a Comment