Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 1 November 2016

VĂN HỌC MIỀN NAM =HÀ THÚC SINH = HOÀNG NGỌC LIÊN

PHÙNG NHÂN THẾ * VĂN HỌC MIỀN NAM




Trả lại sự Công Bằng cho Văn Học Miền Nam



Nhà văn Võ Phiến mất ngày 28 tháng 9 -2015 tại Santa Ana, Nam California, hưởng thọ 90 tuổi. Tang lễ của ông đã được cử hành ngày 4-10-2015.

Trong dịp này đã có không biết nhiêu là lời ca ngợi dành cho nhà văn vừa quá cố. Như nhật báo Người Việt thì trích thuật lời của học giả Nguyễn Hiến Lê : “nổi tiếng nhất là nhà văn Võ Phiến” hay “ Đông Hồ khen là nhất miền Nam”. Cả hai ông này sau 1975 đều chưa ra hải ngoại và đều đã mất nên không có dịp đọc công trình đồ sộ, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến mà nhà phê bình non trẻ Nguyễn Hưng Quốc đánh giá là : “Nói chung đó không những là thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau 1975 mà thậm chí đó là thành tựu lớn nhất của cả hải ngoại nói chung về văn học miền Nam trước 75. Cho tới bây giờ chưa có người nào viết về văn học miền Nam một cách đầy đủ, sắc sảo, tinh tế đến như vậy …..”

Còn trên Việt Báo on-line ngày 3-10-2015 thì ông Chủ bút Phan Tấn Hải hết lòng ca tụng Võ Phiến như sau:

“Với tôi, văn nghiệp của ông là những cánh đồng xanh, nơi đó ông dẫn độc giả qua các vườn kỳ hoa dị thảo, và khi đọc ông, chúng ta có thể đọc đi đọc lại một trang, thậm chí một đoạn văn mà vẫn thấy ưa thích và nhận ra có điều để học. Với tôi, văn nghiệp Võ Phiến cũng là một ngọn núi, nơi nhiều nhà văn có thể ngước lên nhìn và tự nhủ, sao cứ mãi thấy bóng mát của ông lẩn khuất trong ngòi bút của mình.”
Đã thế, ông Hải còn sợ có người không có cơ duyên độc đầy đủ về Võ Phiến để có thể đưa ra những cái nhìn “phiến diện” “bất toàn”, nên ông còn gặng thêm :

“Trong nhiệm vụ một nhà báo, tôi vẫn quan sát tin tức về nhà văn tiền bối này. Và tôi vui khi được nghe kể về những khoảnh khắc an lạc cuối đờì của ông. Và tôi quan ngại, khi thấy có ai ở xa tận quê nhà không có cơ duyên đọc đầy đủ về ông và đưa ra các nhận định phiến diện. Rồi tôi nghĩ, dĩ nhiên, Võ Phiến là một ngọn núi, và rồi cái nhìn nào cũng có thể chỉ là cái nhìn phần mảnh, bất toàn.” (vietbao.com/p112a243693/vo-phien-nghin-nam-may-trang-le-the)

Thêm nữa, ông Phạm Phú Minh (báo Thế Kỷ 21) thì phát biểu trên đài Á Châu Tự Do ngày 3-10-2015 rằng :

“Sản phẩm đầy công sức ấy mang tên Văn học Miền Nam Tổng quan được ông viết sau khi ông sang Mỹ định cư một thời gian ngắn. Nền văn học miền Nam gần như hồi sinh sau khi Văn học Miền Nam Tổng quan ra đời. Từng trang sách, từng tác giả xuất hiện trong đó làm người đọc hiểu thêm giá trị văn học sau khi nó vĩnh viễn bị mất đi. Về lĩnh vực này công đầu thuộc về Võ Phiến mà không ai tranh cãi.”
Còn nhà thơ Du Tử Lê thì nêu nhận xét:

“Tinh thần kẻ sĩ trong con người nhà văn Võ Phiến là một trong những nét son lớn trong sự nghiệp văn chương đồ sộ nhiều mặt mà ông đã tận hiến cho dân tộc, đất nước”.
Chỉ cần nêu ra vài thí dụ kể trên ta cũng có thể thấy sự vinh danh nhà văn Võ Phiến đến thế nào sau khi ông tạ thế.

Nhưng di sản tinh thần của Võ Phiến để lại có hoàn toàn tốt đẹp như vậy không ?
Và những nhà văn nhà thơ dầy công đóng góp cho Văn Học Miền Nam đã từng bị Võ Phiến bêu riếu, nhục mạ trong bộ sách phê bình của ông thì có đáng bị phê phán như Võ Phiến đã phê phán họ không ? (Xin coi phần trình bầy ở dưới).
Cho nên cần phải làm sáng tỏ cái ác tâm của Võ Phiến khi viết về Văn Học Miền Nam cùng là rọi thêm nhiều sự thật vào những lời vinh danh ồn ào nhân tang lễ của ông để trả lại sự công bằng cho các nhà văn từng bị Võ Phiến miệt thị nói riêng và cho Văn Học Miền Nam nói chung.
Xin hãy đọc những lời do chính Võ Phiến viết ra khi ông nhận định, phê bình một số nhà văn miền Nam (hầu hết là từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954). Tạm thời liệt kê như sau : (Phần chữ đậm là cốt để nhấn mạnh cho rõ thêm)

- Nguyễn đình Toàn :

……"...Đây đó có người bảo Nguyễn đình Toàn chuyên về thứ tình ái tiểu thuyết hiện sinh; lại loáng thoáng có người bảo văn chương Nguyễn đình Toàn là thứ văn chương son phấn, viết cho đàn bà con gái.
(Võ Phiến - Truyện Miền Nam II, trang 988).

Thủ thuật “có người bảo”, nghe “loáng thoáng” hay viện dẫn lời của các nhà phê bình khác như Uyên Thao, Cao Huy Khanh, cô Phương Thảo (tức nhà văn nằm vùng Vũ Hạnh)…để gián tiếp bầy tỏ ‎‎ý kiến của mình, vốn là sở trường của Võ Phiến viết phê bình trong bộ Văn Học Miền Nam.


- Dương Nghiễm Mậu :

……"...Kỹ thuật độc đáo ấy làm cho không khí trong tác phẩm Dương Nghiễm Mậu thật náo nhiệt. Mọi nhân vật đều là “tôi”. Tôi này xỉ vả tôi nọ tưng bừng, các tôi nguyền rủa thời đại inh ỏi. Không có tác giả nào theo kịp nhân vật mình. Dương Nghiễm Mậu khôn ngoan lánh mặt, đứng phía sau, cười cười, hiền lành.
(Võ Phiến - Truyện Miền Nam I( trang 717).


- Mai Thảo :

……''... Ai nấy đều dễ dàng nhận thấy văn viết truyện của Mai Thảo không giống lời văn ở hầu hết các truyện ngắn, truyện dài của….thiên hạ.

Văn tiểu thuyết dù không đến nỗi vô ngã, nó cũng không phải là thứ văn cầu kỳ trau chuốt. Tiểu thuyết không phải là chỗ chơi …văn. Ai muốn trổ tài văn chương hãy đi chỗ khác mà phô. Hãy làm thơ, làm phú; hãy đi viết tùy bút chẳng hạn.
(Võ Phiến - Truyện Miền Nam I - trang 894).


- Hà Thúc Sinh :
Trước 1975, Hà Thúc Sinh là một Sĩ quan Hải quân, đã in tác phẩm “Dạo núi mình ta” (Sài Gòn 1972). Dù là một Sĩ Quan, khi làm thơ và đặt một tựa đề như thế thì ông đâu có vi phạm gì đến quân phong, quân kỷ. Ấy thế mà cũng bị Võ Phiến mang ra nhiếc móc :

...“ ... Ủa, Hà Thúc Sinh là một sĩ quan, sao ông lại khoái lơn tơn dạo núi một mình. Sách ra đời năm 1972, giữa lúc cuộc chiến đến hồi cực độ gay cấn, tình hình nước nhà rất đỗi rối ren. Quân nhân ham dạo núi một mình, vậy đồn bót bỏ ai trông ?”
(Võ Phiến – Văn Học Miền Nam THƠ- trang 2885)
…….
Đọc Thơ mà thắc mắc như thế thì quả là giết thơ. Thật hết nước nói. Chưa hết, Võ Phiến còn xuyên tạc ‎ý thơ của Hà Thúc Sinh bằng thủ thuật trích đoạn nửa vời để chê trách tác giả thân thiết với bộ đội C.S. :

....“ ... Trước 1975, có lúc người quân nhân là ông, tỉ tê thân thiết với bộ đội cộng sản, cứ ta ta chú chú:
“Ta cũng người như chú….
‎ …Vì nói thật cùng chú…
…Chú cứ ăn cho đủ”..vv..
(nghinh địch hành)..."...
(Võ Phiến – Văn Học Miền Nam THƠ- trang 2887)

Nguyên văn bài thơ “nghinh địch hành” của Hà Thúc Sinh như sau :

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say

Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay

Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm

Ta nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào

Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng

Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa.

Một bài thơ hào sảng, đầy nhân bản với giọng đàn anh như thế (gọi bộ đội là chú mày) mà chỉ bình vài câu ‎với vỏn vẹn trích 3 dòng ngắn ngủn, chắp nối như trên thì đủ hiểu cái ác tâm của Võ Phiến đối với tác giả đến thế nào.


- Nhật Tiến:

..."... Riêng về một chuyện thiếu tranh đấu, chuyện ấy đã khiến cô Phương Thảo độ nào nặng lời với Nhật Tiến. Năm 1963, cuốn Ánh sáng công viên ra đời do nhà Ngày Nay xuất bản. Đó là một tập gồm tám truyện ngắn. Trong truyện “Mắt lưới”, một văn sĩ nghèo là Tân gian díu với một cô gái nghèo, cô Nhân….

Phương Thảo mắng : “ Cô Nhân ở trong Mắt lưới sinh một đứa con với Tân, rồi phải bán mình nuôi con, thế mà vẫn giữ được bộ mặt bình tĩnh khi gặp lại kẻ Sở Khanh đã lợi dụng mình, một sự bình tĩnh mất cả nhân tính ở một con người như vậy”
(Tạp chí Tin Sách, Sài Gòn, số 18, tháng 12- 1963, trang 22).

“Cô Nhân mất nhân tính, cô Nhân bậy, không phải bậy cách tình cờ. E bậy từ... gốc. Nghĩa là tác giả. Bởi vì các nhân vật khác do ông dựng lên cũng bậy luôn.

“ Nói một cách khác, nhân vật Nhật Tiến, dù là người nghèo,cũng không mang cái âu lo sinh kế bằng cái lo âu tình cảm, cũng không hành động bằng những tính toán hợp lý mà bằng xúc động xuẩn động”
( Tin Sách trang 22).

Cuối cùng, cô Phương Thảo lo cho một số độc giả trẻ tuổi có thể là nạn nhân của “những suy nghiệm chủ quan" của Nhật Tiến, theo cô : ...“ ...nếu họ (tức số độc giả trẻ tuổi nói trên) có tiếp xúc với đời họ thấy không chỉ có một vấn đề tình cảm mà còn vấn đề sinh kế, không chỉ có sự đau khổ mà còn có sự bất bình, không chỉ có sự sa đọa mà còn có sự vươn lên, có sự gắn bó, có sự đấu tranh, gian khổ cay đắng nhưng đầy hi sinh cao quí, đầy những nỗ lực lớn lao, với những ý chí sáng suốt khác thường
(trang 23-Tin Sách)"

Nhật Tiến giống cô Nhân nhiều quá: lắm tình cảm mà thiếu ý thức về "sinh kế," tức về quyền lợi, thiếu cả sự bất bình, cả ý chí đấu tranh. Như vậy có mất luôn cả nhân tính, cả sáng suốt, cả cao quý chăng ?
(Võ Phiến - Truyện Miền Nam II- trang 1273-1274).

Những nhà văn kể trên đều là những ngòi bút trẻ ở miền Bắc, đã vào Nam do cuộc di cư 1954. Bọn họ hầu hết đều bị Võ Phiến bôi bác với giọng văn cười cợt, thiếu nghiêm chỉnh đối với một đề tài quan trọng là “Văn Học Miền Nam”.

Có thể tóm tắt sự khinh miệt này của Võ Phiến bằng đoạn văn như sau :

- “...Hãy tưởng tượng những nhân vật như vậy xúm xít nhau ở Hà Nội: làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, đấu qua tán lại v.v..
Ít lâu, Hà Nội mất. Họ kéo nhau vào Sài Gòn xúm xít nhau ngày ngày làm thơ, làm thiếc, làm kịch làm cọt, cà-phê cà pháo, tán qua đấu lại v.v..[,,,]
Những nhân vật thông minh như thế, xinh xắn như thế, tài hoa như thế, lành như thế và vô tích sự như thế, rốt cuộc họ khổ cực điêu đứng. Tội nghiệp quá chừng. Thương ơi là thương.....” ...
(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Kịch & Tuỳ bút, “Nguyễn Đình Toàn”, trang 2504)

****

Vậy thế còn những ngòi bút lão thành cũng từ miền Bắc di cư vào Nam thì có thoát khỏi dã tâm triệt hạ của Võ Phiến không?

Xin hãy liệt kê vài vị được Võ Phiến đưa vào bộ sách của mình:

- Mặc Đỗ :

Trích:
..."... Nhân vật trong truyện Mặc Đỗ đích là trí thức. Riêng trong cuốn Bốn Mươì thì là đại trí thức: ai nấy đều du học bên Tây về cả, đều đậu đạt cao chót vót cả. Và các bậc trí thức ấy lợi tức họ cao, dinh cơ của họ lớn, trong nhà có những người giúp việc gọi là tiểu đồng, là thằng bộc, là ả xẩm... Trong xã hội Việt Nam các nhân vật này là một số rất ít, thuộc tầng lớp thuợng đẳng. Những người may mắn này, thành phần được ưu đãi nhất của tiểu tư sản này, họ sống ra sao, họ làm những gì trước sự trông cậy của những ai cùng một chiến tuyến? Họ sống nhiều hơn làm. Trong cái "sống" của họ có rất nhiều bữa ăn, nhiều rượu tây, nhiều nhà hàng, có cả nhà hát cô đầu nữa. Còn làm thì, trong cuốn Bốn Mươi, ấy là tổ chức một bữa tiệc tứ tuần đại khánh; trong pho tiểu thuyết Siu cô nương là "chơi một tối kịch" trước khi bỏ Hà Nội rút chạy; trong thiên truyện ngắn "Trăng đỏ”, là uống thật đẹp một ly bourbon với đá cục; trong thiên truyện ngắn “Buổi trưa trên đảo san hô" là một đêm chung chạ với người tình xưa... Đại khái thế. Có "làm" gì mấy đâu. Nhất là làm trong tư cách trí thức tiểu tư sản, tầng lớp đang đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chính trị trước lịch sử. (ngưng trích)
(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Truyện I – trang 922)

***
- Đinh Hùng :
...“...Ai sao ông vậy, đã làm văn nghệ sĩ phải ra văn nghệ sĩ : say sưa rượu chè, lang thang đàng đúm, gái-ghiếc, thuốc phiện, nhẩy nhót, huyênh hoang khoác lác…”...
(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ - trang 2837)
***

Vũ Hoàng Chương : (trích)
..." … Vũ Hoàng Chương không những già, lại còn xưa. Hoài Thanh ngờ rằng "Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á.” Lại nghĩ rằng: "trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng."Trụy lạc hay không trụy lạc, say sưa hay không say sưa, ngao ngán hay không ngao ngán, Vũ Hoàng Chương đều có thể xưa. Ngay trong yêu đương, ca hát, ông cũng có cốt cách một người xưa. Xưa trước ông chừng hai nghìn năm chẳng hạn. Mất Kiều Thu, chàng thanh niên trong tuổi đôi mươi ngồi vỗ chậu hát nghêu ngao hệt Trang Tử! Chàng hát hổng ra sao? Do ré mi fa sol chăng? Không. Chàng hát xế xừ cống xự xang v.v...Chàng mơ gái Tầm Dương, nhắc tích Tây sương, chàng kể chuyện sông Tương, Kinh Kha, Tần Thủy Hoàng ..v.v.. Giữa chừng câu ca thỉnh thoảng chàng nện xuống một tiếng "hề" (Thơ Việt Nam có độ lổn nhổn rất nhiều "hề"; tôi có cảm tưởng là phong trào "hề" thịnh hành từ sau ông Vũ?) -ngưng trích-
(Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Thơ - trang 3180-3181)

***.
- Vũ Khắc Khoan :
(trích)
..."... Người lúc nào cũng sôi nổi hơn thần (nhất là nữ thần) cho nên một lần khác "Khoan tôi" không ngần ngại xuất hiện, tự nhận là một trí thức tiểu tư sản, đối thoại trực tiếp với một đảng viên cộng sản, và buông lời kết thúc dứt khoát: "Sáng rồi. Chúng ta có thể từ giã nhau, như những nhân vật chính của một tấn kịch ba màn có hậu. Ông về Hà Nội. Còn tôi, tôi phải lên đường. Ông đã giữ phần chủ động trong suốt màn hai. Giờ đây màn ba khai diễn. Màn ba là của tôi, của chúng tôi." Cũng được, màn ba của ông cũng được đi. Tiếc thay, màn tư là một màn thảm hại và trong các vở kịch của ông Vũ, từ Thành Cát Tư Hãn về sau, đều một giọng hư vô, tuyệt chẳng còn chút tin tưởng vào cái gì nữa. Vào trí thức, không; vào giai cấp tiểu tư sản, không; vào chính nghĩa, vào thắng lợi, cũng không, thậm chí vào cuộc đời cũng không luôn. Không có cuộc sống nào đáng sống hết. Ông cợt nhả cả với Trời . (ngưng trích)
( Võ Phiến, Văn học Miền Nam-Tổng Quan, trang 262)

***

Nhà phê bình Thụy Khuê cũng nhắc đến những cung cách phê bình của Võ Phiến :
(trích)
..."... “Về văn của Vũ Khắc Khoan, ông đánh giá: "Nó phảng phất lối viết văn của Nhất Linh thời "Hồng nương! Hồng Nương!"" và ông mượn lời của Uyên Thao để xác nhận "Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan là những tay văn chương ưỡn ẹo".

Về kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan, ông dẫn lời Cao Huy Khanh:
"Ông Vũ giống hệt Thành Cát Tư Hãn" rồi ông lại dẫn lời Vũ Khắc Khoan mô tả Thành Cát Tư Hãn "sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác"

để đi đến kết luận của Võ Phiến:

"Ôi! Hãi quá! Người sao mà khủng khiếp quá thể."(Văn Học miền Nam, sđd, trang 1748).

Tóm lại là ông ít đưa ra ý kiến của riêng ông mà hay dùng những ý kiến của người này, người kia để chế giễu, châm biếm những đối tượng văn học mà ông không thích.”

Ở Bình Nguyên Lộc, ông cho Bình Nguyên Lộc là một "tác giả tốt bụng, có hảo ý muốn làm vui người đọc" và còn thêm: "hảo ý không thuộc về nghệ thuật", ông mượn lời Cao Huy Khanh để nói cuốn Ðò Dọc là "sự thành công duy nhất và quá hiếm hoi của Bình Nguyên Lộc".

Ở Nhật Tiến, ông mượn lời Nhật Tiến trả lời phỏng vấn "tôi chỉ là nhà giáo hơn là một nhà văn" để xác định: Nhật Tiến nói đúng, ông chỉ là nhà giáo.

Lối viết châm biếm, mỉa mai (đời), ưu điểm của tùy bút nơi ông, lại trở thành châm biếm, mỉa mai (cá nhân), điều tối kỵ trong phê bình văn học. Một cách phê bình như thế, không những không giúp gì cho sự tìm hiểu văn học miền Nam, mà lại còn có hại cho sự nghiệp văn học của Võ Phiến. (ngưng trích)
(Thụy Khuê,Vấn đề đoạn tuyệt với quá khứ để lên đường, http://thuykhue.free.fr/thumucindex.html)

*****

Ấy vậy mà Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã trầm trồ khi nhắc đến Võ Phiến trên đài Á Châu Tự Do nhân trả lời Mặc Lâm sau ngày Võ Phiến mất :

“ Cho tới bây giờ chưa có người nào viết về văn học miền Nam một cách đầy đủ, sắc sảo, tinh tế đến như vậy …..”

Có thể nào ông Nguyễn Hưng Quốc tuy được tiếng là “Phê bình gia”, nhưng không đọc hết bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến mà cứ nhắm mắt khen bừa chăng ?

Hay là ông “trả lễ” Võ Phiến khi ông được nhà văn này ưu ái như chính ông đã khoe ầm ĩ cũng ở trên đài Á Châu Tự Do nhân cuộc phỏng vấn của Mặc Lâm :

……. "...“Mỗi lần tôi ra một cuốn sách hay viết một bài báo nào đó mà ông đọc được thì ông trầm trồ khen ngợi bằng những bức thư dài 3, 4 trang để bình luận về một bài báo của tôi. Tôi nghĩ là ở Võ Phiến ngoài cái tài của ông thì điều mà người ta không thể phủ nhận được còn cái tâm của ông đối với giới viết lách, văn chương. Tôi nghĩ hiếm có người nào mà vừa say mê văn chương lại vừa rộng lượng với người khác như Võ Phiến....”...

Nói về "... cái tâm của ông (Võ Phiến) đối với giới viết lách, văn chương" thì sau khi đọc phần trên, chúng ta đã thấy. Đối với những cây viết kể trên thì ông dùng "cái tâm" có thể nói là ác, nhưng với Nguyễn Hưng Quốc thì ông lại có cái tâm khác, cái tâm biết "trầm trồ khen ngợi bằng những bức thư dài 3, 4 trang để bình luận về một bài báo của tôi".

Cho nên khi Nguyễn Hưng Quốc viết "Tôi nghĩ hiếm có người nào mà vừa say mê văn chương lại vừa rộng lượng với người khác như Võ Phiến" thì sự kiện ông Quốc "rộng lượng" lại với Võ Phiến cũng chẳng có gì lạ.

Điều này người ta vẫn gọi là “văn nghệ thù tạc”, "mặc áo thụng vái nhau", hay là “đọc thì không kỹ, có khi cũng chẳng đọc, chỉ "nghe đồn" đã mụ mị lên, mà vẫn cứ xen vô với những lời ca tụng hào phóng, coi những lời khen tặng là quà miễn phí, một loại của riêng trong nhà lôi ra thù tạc trả lễ qua lại lẫn nhau.
Cái trò này tưởng đã hết thời rồi, vậy mà nó vẫn còn sống dai dẳng gớm !



Ngày 5-10-2015

PHÙNG NHÂN THẾ




_http://www.vietfreefun.com

HÀ THÚC SINH * DƯA CÀ MẮM MUỐI

HÀ THÚC SINH * DƯA CÀ MẮM MUỐI
1
Ông bà đi một tháng thăm mấy cậu dì học xa. Kinh nghiệm những lần trước nhà thiếu bà như quân thiếu tướng, bừa bãi chồng lên nhau một tí, bẩn quệt lên nhau một tí, không lâu trong nhà ngoài vườn thừa điều kiện đón bà về bằng nỗi bàng hoàng. Lần này bà dặn vợ chàng, “Mẹ đi cuối tuần chị chịu khó ghé xem trong ngoài hộ mẹ.” Cậu em cười, Chưa chi mẹ lo cái vườn đấy.” Bà gắt, “Liệu mà lo cơm nước cho bà cố.” Chàng bảo vợ, “Dưới vòm trời đâu có mẹ có vườn đó có chút quê hương.” Mấy đứa cháu nhỏ bà gom về hết. “Các anh các chị bận đi làm,” bà bảo, “hè cứ đem hết về đây cho bà trị.” Thằng út chàng nằm trong số gom quân. Dì út nghiễm nhiên xử lý thường vụ chức tư lệnh. Bảng phân công gắn trên tủ lạnh. Lính tráng tuân lệnh răm rắp. Cuối tuần ghé, nó cầm vòi tưới, khoe, “Con phải làm thôi. Thằng Khôi to con lo cắt cỏ. Cái Vân tưới dối, chết cây bà.” Chàng hỏi, “Thế tưới sao mới thật?” Nó bảo, “Thọc hết ngón tay xuống vẫn ướt mới đủ.” Vợ chàng nói, “Bà bảo không sai. Thằng này tóc quăn, sau lại khổ.” Chàng nói, “Cỡ bố nó là cùng.” Vợ chàng cười, “Tóc anh hết quăn rồi.” Chàng thở ra, “Hói còn quăn vào đâu!”

Tưới đều thế mà mấy gốc dưa gang, nhất là mấy luống cà bát cà pháo chưa ra hoa. Bà cố ra vườn bảo, “Năm nay dám mất mùa cà. Giờ chưa ra hoa mát trời sợ hỏng.” Chàng nói, “Chắc do thời khí, hai năm trước cũng vậy đó bà.” Bà cố hỏi, “Thế hai năm trước cũng mất mùa à? Bà chẳng nhớ đâu đấy.” Chàng chỉ con, cười, “Quên gì bà hỏi thằng này. Nó nhớ dai lắm. Mê món cà bung nó nhớ hết.” Bà cố quay vào, lẩm bẩm, “Té ra ở Mỹ đáng quên là con gà đáng nhớ là quả cà, lạ đấy nhỉ!”
Chàng nói với cậu em sắp lấy vợ đang ngồi sang lại mớ băng chuột mèo, “Nhớ lấy, mai mốt bảo mợ ấy trồng cà.” Cậu em cười tít mắt dúi mũi vào máy. Chàng nghĩ cậu này sẽ không nhớ chuyện cà nhưng rồi cũng khổ. Cậu đang cố lưu giữ loại hoạt hoạ nay không còn trình chiếu phổ thông, ý để cho lũ con tương lai hưởng được tiếng cười thời các cháu cậu đã hưởng. Vợ chàng cự nự, “Cậu ấm ớ.” Chàng không can thiệp nhưng nghĩ đàn bà không hiểu với đàn ông dĩ vãng chẳng riêng đẹp còn cần. Cậu em đang sốt sắng giữ một dĩ vãng gần. Thế hệ chàng nôn nả với dĩ vãng xa.
1
Xưa còn sống mẹ chàng hay ăn cơm với trám muối, nhất là dưa muối xổi. Cha chàng lại thích cà. Quanh năm nhà có những vại cà nén. Mỗi khi gắp miếng cà lên cụ thường bảo, “Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon.” Trải bao loạn lạc, bồng bế nhau vào Nam, ê răng, cụ thôi ăn cà nén xoay sang ăn cà pháo ngâm tương. Cụ thường muối lấy, ngâm lấy; và khi gắp quả cà lên vẫn lời xưa ý cũ: “Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon.” Mấy chú mấy cô sau lập gia đình ở riêng, thấy cũng muối cũng ngâm cà kiểu ấy, nói câu ấy.

Ở Mỹ có đủ thứ nhưng đâu phải nhất nhất tìm ra miếng hổ phách để giải thích cho lũ trẻ miếng cà ngon phải như thế nào. Vả giải thích ích gì khi chúng nhai dưa chuột muối rau ráu, chép miệng chơi cũng hết lọ ô-liu, có khuyến khích nhai thử quả cà chỉ ngao ngán đưa nhận xét “vừa dai vừa chẳng mùi vị gì bố ạ.” Chàng kiên nhẫn bảo, “Cà Thái đóng lọ nó thế. Phải trong như…” Mới đây vợ chàng bật cười cắt ngang, “Cuối tuần này chắc khỏi về bà.” Chàng hỏi, “Sao thế?” Nàng đáp, “Kẹt chị Kim hẹn đem nhẫn lên cho xem. Năm ly thôi. Em phải lo trước. Cứ để cậu ấy loay hoay phút cuối thiếu nhẫn cô dâu thì chết.” Chàng nhớ đến bà bạn già vui tính. “Từ San Diego lên à?” Chàng hỏi. “Dặn chị ấy đi xa đừng mang nhiều món, cướp bóc như rươi.” Như chưa thoát khỏi từ trường mấy chiếc nhẫn, vợ chàng kể, “Kỳ trước em xuống chị ấy cho xem toàn hột nước trắng, dầu hoả thích hơn.” Chàng cười, “Cứ nước này nước nọ, chẳng hiểu gì.” Vợ chàng dấm dẳng, “Đàn ông!” Đứa lớn như từ lâu đợi bố lọt ổ phục kích, cười chen, “Kim cương với bố như cà với con, cứ hổ phách hổ phách con cũng chẳng hiểu gì.”
Khi không chàng buồn hụt hẫng.
Đầu tháng chín ông bà về tới. Mấy đứa bé như có chỗ trút một gánh nặng. TV thoải mái, game thoải mái. Dì út tíu tít khoe thành quả tề gia nội trợ. Cậu em tạm rời giàn máy hát, nằm võng sau nhà nghiền ngẫm quyển “Yêu Con Như Một Người Cha Lớn” của một tác giả Á châu nào đó. Bà cố vẫn thủng thẳng ra vào, độc thoại, “Ở thì nhớ mồ mả, về thì nhớ cháu con, chẳng biết định sao nữa.” Ông thì trở lại với những giáo trình soạn dở. Chỉ bà xắn tay lao tiếp vào những công việc quen thuộc mà giá có thọ trăm tuổi tưởng vẫn thiếu thì giờ hoàn tất. Thấy vợ chồng chàng lên, bà hỏi, “Sao dạo này anh gầy thế?” Chàng tính đáp “con mất ngủ quá” nhưng vợ chàng đã nhanh nhẩu đáp, “Có chịu ăn đâu mẹ. Gàn lắm. Cứ bảo gốc nông dân, toàn mơ cua đồng mồng tơi rau đay mướp hương và cà… và phải trong như miếng hổ phách cơ!” Bà nhìn vườn cười bảo, “Thoại được việc, hy vọng có ít quả ăn ghém.”
1
Rồi cả nhà rộ lên chuyện cô dâu chú rể trong mâm cơm rôm rả tiếng cười. Chàng ăn xong ra vườn đứng hút thuốc. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới. Hoa lá co cụm lời thủ thỉ vĩnh biệt nhau. Chàng không biết chia với ai mối lo xương thịt. Mấy ngày trước điện thoại về Việt Nam chàng hay tin cụ vào bệnh viện. Chú em trấn an, “Cậu vẫn gắt, nói nhạt miệng thèm cơm cà, vậy vẫn khoẻ anh cứ yên tâm.” Chàng tính nhắc “quả cà bằng ba chén thuốc” nhưng lan man chuyện khác, quên mất. Nhớ tuần trước nữa được nói chuyện với cụ, chàng nói sẽ về thăm, cụ lặng giây lâu, giọng thều thào, “Nghe nói lại phải xin xỏ, cam kết, quỵ luỵ…” Cụ ngừng, còn chàng thì bâng khuâng mãi. Phải đó là thứ sau cùng ở mỗi người cha mà thời gian không thể làm tiều tuỵ?
Trời trùng hẳn. Gió thổi mây xoắn xít. Và lòng chàng cũng xoắn xít một nỗi thương nhớ lộn màu thấm thía lo âu.
Nhớ hôm ấy chàng về tới nhà đã chạng vạng. Mấy đứa lớn hết hè trở lại các trường phương xa từ tuần trước. Vợ chàng và thằng út nán lại nhà ông bà bàn thêm chuyện cưới hỏi.
Chàng đứng ngoài ban-công nghe tiếng quạ kêu trên mấy ngọn cọ, bất ổn. Mai mình sẽ hỏi một hãng du lịch xem sao, mua vé về tưới chuyện gì hậu xét. Tưới cho mấy chậu ớt ít nước chàng mới mở cửa. Đang khi loay hoay xỏ chìa khoá chàng thấy trên cửa gắn miếng giấy nhỏ. Miếng giấy mang chữ ký người anh họ viết vội: “Gọi mãi không ai bắt phone. Anh chị đến cũng không gặp. Báo chú biết cậu mất rồi.” Khi không chàng không biết mình đang đứng bên mặt nào của cánh cửa; hồn tênh hênh, nhẹ hẫng, trong như miếng hổ phách. Cũng khá lâu chàng thấy bầu trời nhá nhem thoắt đổi thành màu hoa cà mênh mang, rười rượi, trễ tràng. Chàng bấm ba lần mới gọi trúng số nhà cha mẹ vợ.
Chín giờ sáng hôm sau chàng mới choàng dậy, ngửi thấy mùi hương nến phòng ngoài, lòng hoang mang không hiểu sao lại có thứ giấc ngủ bất nhân. Tối qua quên chàng đâu uống thuốc. Nắng lách màn gió đặt một dải tang trên bàn.
Con chàng khẽ mở cửa, mắt bối rối, một lát nói nhỏ:
“Mẹ đi mua hoa. Ông bà gọi lúc bố còn ngủ. Tối qua bà bảo bói mãi mới được mấy quả, đem hết về cho bố. Bói là gì bố?”
Chàng cay mắt nhìn con, bất giác thấy có gì xông lên mũi, hăng hăng, mặn mòi, tựa mùi dưa cà mắm muối.
Chiếu chắn còm

HOÀNG NGỌC LIÊN * NHÀ SƯ CỦA TÔI

Nhà Sư Của Tôi - Hoàng Ngọc Liên

www.HoPhap.Net -- Hoa Sen dâng kính cúng dường Giác Linh


www.HoPhap.Net -- Hoa Sen dâng kính cúng dường Giác Linh



NHÀ SƯ CỦA TÔI
Hoàng Ngọc Liên 

Tưởng niệm Thượng Tọa Thích Thanh Long

Nhớ nhau, xin nhớ tình dân tộc,
Lẳng lặng mà xem đá nở hoa.

Thượng Tọa Thích Thanh Long


Lần chót tôi đến chùa Giác Ngạn là vào một buổi sáng Chúa Nhựt, sau khi dự thánh lễ tại nhà thờ Ba Chuông. Cũng nằm bên phải trên đường Trương Minh Giảng về hướng Lăng Cha Cả, chùa Giác Ngạn, nơi Thượng Tọa Thích Thanh Long trụ trì, ở sâu trong một con đường nhỏ chừng một trăm mét.

Tôi là một trong những người “mê tín” cụ Thanh Long, nhất là trong thời gian ở trại “cải tạo" Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vào những năm đầu của thập niên 80. Vì là người đồng hương Ninh Bình, nên ngay sau khi cụ Thanh Long đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo QLVNCH thay thế Thượng Tọa Thích Tâm Giác, tôi đã tới chúc mừng cụ. Lần nào đến Nha TUPG, tôi cũng được cụ cho uống trà và kể lại những kỷ niệm tại quê cũ. Nhưng phải đợi đến khi gặp lại cụ ở trại “cải tạo” Yên Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, rồi sau này trại Thanh Phong, tôi mới có dịp sống chung với cụ và hiểu hơn về con người của cụ.

Đó làmột ông già “nhà quê” bình dị, một “đại sư” - như anh Đoàn Bội Trân và tôi thường nói về cụ - đã khiến một người theo Thiên Chúa Giáo như tôi “mê tín”.
Trongmột bài báo dành riêng để tưởng niệm cụ trong ngày giỗ cụ đầu năm 1994 , anh bạn tôi, Ký Giả Lô Răng đã xúc động ghi lại nhiều kỷ niệm về cụ, ở đây tôi chỉ xin nhắc những “diễn biến hòa bình” mà cụ và tôi thường tâm đắc. Bao giờ cụ cũng có những "mắm muối” pha thêm vào câu chuyện cho đậm đà, vui vẻ và thoải mải.
Cụ kêu tôi bằng ông và hỏi tôi:

- Ông biết tại sao tôi kêu ông là Ông mà ông Hùng lớn tuổi hơn ông, tôi lại kêu bằng... anh không ?

Thấy tôi chưa “nắm” được vấn đề, cụ giải thích ngay:

- Đó là gọi theo tên hoặc theo họ, người mình cũng đôi khi gọi theo họ, như người Trung Hoa và tùy theo để xưng hô là Cụ, là Bác, là Ông, là Anh.
Ví dụ ông họ Hoàng thì tôi kêu bằng Ông Hoàng. Ông Nguyễn Huy Hùng thì tôi kêu bằng tên, là Anh Hùng.
Cũng như vậy, ông Tống Tấn Sỹ thì tôi kêu bằng tên, là Bác Sỹ...

Rồi cụ cười:
- Cho vui vậy mà!

Tôi cười theo:
- Hèn chi anh Tú chưa đến sáu mươi mà đã được Đại Sư kêu là Cụ Tú, còn anh Thông là Thầy Thông !

Bây giờ noi theo Đại Sư, ai cũng gọi anh Thông là Thầy Thông, mặc dù ảnh đâu phải là... Đại Đức!

Trong số những bồ ruột của cụ ở trại Thanh Phong, còn có ông cha Nghiêu, cựu Tuyên Úy Công Giáo.

Nhìn hai người ngồi chồm hổm ngoài sân nấu nước pha trà, ông cha Trâm - Tuyên Úy BĐQ - bảo tôi:

- Ông coi, thật là một bức tranh hòa đồng tôn giáo tuyệt vời. Tiếc rằng không có máy ảnh...

Sau này, lúc linh mục Nghiêu yên nghỉ trên đồi cây Thanh Phong, cụ Thanh Long ngậm ngùi nói:

- Thế là “Đức Vua băng” rồi! Ông Hoàng phải đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Ngài.

Còn tôi thì làm công quả hồi hướng cho Ngài. Ngài “về” với Chúa như vậy cũng đỡ nhức đầu!

Cụ vui vẻ khi gọi ông Cha Nghiêu, cũng như Linh Mục Đinh Cao Thuấn, cựu Giám Đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo là “Đức Vua”!

Cụ hay nói: “Cho vui vậy mà!”

Trong lúc mọi “trại viên” - danh xưng bịp của Công An coi tù đặt cho chúng tôi - “thương” cụ Thanh Long như vậy, thì bọn “chèo” lại không ưa cụ.
Chúng luôn tìm cách “hành” cụ, hoặc bắt cụ... cuốc thêm, phạt cụ ăn 12 kg, dọa sẽ cắt thăm nuôi...
Cụ Thanh Long thường bảo chúng tôi cái gì cũng... từ từ, mình còn tù trường kỳ, đâu có gì gấp. Ngờ đâu chủ trương “từ từ” của cụ rồi cũng đến tai... chèo!

Tên cán bộ trực trại hỏi cụ:
- Tại sao trong lúc phải tranh thủ đi nhanh ra hiện trường để thi đua làm sắn, anh cứ rề rề lùi lại phía sau. Có trại viên đứng lại chờ anh, anh lại nói: “Cứ từ từ”! Anh chống đối lao động hả?

Cụ cười:

- Nào tôi có chống đối bao giờ đâu. Cái chân tôi bị thấp khớp đi nhanh không được.

- Nhưng anh lại xui người khác từ từ...?

- Từ từ là tôi từ từ thôi...

- Anh về làm kiểm điểm cho tôi. Bắt đầu từ ngày mai, anh ăn mười hai kí!

Chiếc bánh bột mì luộc bằng lòng bàn tay là tiêu chuẩn thường lệ của mỗi người, hôm sau lúc phát cho cụ đã bị cắt một miếng. Miếng bánh được cát ra đó đem đặt vào tiêu chuẩn của anh Đinh Công Chất vì Chất “làm cho quên đời” được ăn mười tám kg. Tên “chèo” thưởng cho một người ăn thêm, nhưng trại không mất thêm chút nào. Nó cắt xén một người đang từ tiêu chuẩn 15kg xuống 12kg, để thưởng cho một người từ 15 kg lên 18 kg !
Do vậy, mà khi hiểu âm mưu “chèo”, anh Chất đã cầm mẩu bánh đem trả vào chiếc bánh mới bị cắt ra của cụ Thanh Long, rồi anh lấy chiếc bánh đó ăn và để chiếc bánh còn nguyên vẹn của mình cho cụ. Dĩ nhiên việc này không cho "chèo" biết và càng không để cụ hay được.
Vì cụ chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện ăn uống, nên việc "chèo" có hạ tiêu chuẩn ăn hay không, cụ cũng không để ý nữa.
Trở lại câu chuyện đồng hương, bữa chúng tôi chuyển trại vào Thanh, lúc chiếc xe Ba Đình chở tù đi qua Thị Xã Ninh Bình, cụ chỉ tay vào bảng chỉ đường bảo tôi:
- Từ đây về phủ Kim Sơn chỉ còn hai mươi ba cây số, Phát Diệm hai mươi bảy cây. Ngày xưa có một dạo tôi ở chùa Đồng Đắc, cũng gần làng ông.
- Thưa Cụ, những năm cuối thập niên 30, ông già tôi thường xuống chùa Đồng Đắc lễ Phật.
Cụ Thanh Long ngạc nhiên:
- Nghe nói ông cụ có người anh ruột làm linh mục bên địa phận Bùi Chu?
- Dạ đúng, nhưng ông già tôi lại hay xướng họa thơ chữ Hán với quý vị lãnh đạo tinh thần bên Phật Giáo.
Cụ Thanh Long cười:
- Thảo nào ông thân với mấy ông sư. Thầy Thích Minh Thuần, Tuyên Uý Phật Giáo Sư Đoàn Dù, hồi sinh tiền vẫn nói với tôi là ông thường vô vãng cảnh chùa Hưng Pháp.
Xe đi qua cầu Hàm Rồng thì một hòn đá từ đâu liệng trúng vào tấm kiếng sát chỗ cụ ngồi.
Cụ hỏi tôi:
- Ông có biết tại sao họ ném đá vào xe mình không?
Tôi đoán chừng:
- Tôi chắc là đồng bào được nghe cán bộ tuyên truyền là sĩ quan “ngụy” ăn thịt người, nên xui họ tỏ thái độ...
Cụ Thanh Long vẫn cười, nhưng đầu cụ lắc lắc:
- Lần này ông... sai rồi! Đó là những năm trước khi chúng mình mới ra Bắc. Bây giờ thì đồng bào hiểu rồi.
- Vậy lần này...
Cụ chậm rãi:
- Lần này đồng bào bị lừa!
Tôi trố mắt:
- Đại sư nói đồng bào bị lừa?
Cụ gật gù:
- Lúc xe dừng lại bên này cầu Long Biên. Tôi được một anh tài xế xe Ba Đình cho hay trước, là anh ta nghe “chèo” nói với nhau lần này rỉ tai đồng bào dàn chào xe chở bọn tù binh “bành trướng Trung Quốc” mà “ta” bắt được trong trận chiến trên sáu tỉnh biên giới phía Bắc vừa qua. Tuyên truyền như vậy mới khích động căm thù trong dân chúng, vì Thanh Hóa cũng như các tỉnh, đều có bộ đội, dân công hy sinh trong những ngày Tầu “vượt biên”... xâm lược !
Tôi nói thêm:
- Và cũng để chúng ta hiểu lầm đồng bào còn căm thù mình... Tin tức nóng hổi như vậy mà Đại Sư cũng có sớm. Cụ thiệt thần thông quảng đại !
Cụ lại cười:
- Thần thông gì đâu? Có duyên may nên được biết, nên cũng... thông cảm với đồng bào.

Lúc đến Trại Thanh Phong, tôi may mắn ở cùng đội với cụ Thanh Long. Đội trưởng là anh Võ Văn Hổ. Chúng tôi gọi anh là... Cọp cho gọn. Cọp rất khéo léo, vừa không để “chèo” bắt bí, vừa không để anh em phải làm những việc mà tự bọn “chèo” nghĩ ra bắt tù phải làm, như một đội khác. Đối với cụ, Cọp một niềm trọng kính. Việc gì coi bộ quá nặng so với thể lực của mấy ông già, nhất là khi trong số những người phải làm lại có cụ Thanh Long, Cọp thường tiếp tay làm cho mau xong.
Cụ thường khen:
- Cọp khỏe và dễ thương lắm, lại hay giúp mấy ông già. Nếu “tự quản” nào cũng như Cọp thì anh em tù cũng đỡ khổ.
Chẳng những anh em quốc gia bị tù đỡ khổ mà cả mấy đứa con nít bên tù hình sự cũng đỡ đói.
Câu chuyện này về sau kể lại cho nhà thơ Thái Duy Đức nghe, thi sĩ rất tán thưởng:
- Thế là hơn mười năm trước, các anh em tù chính trị đã làm “diễn biến hòa bình” rồi !

Câu chuyện thật giản dị, chúng tôi làm vì tình người, không cần biết bọn trẻ đang bị cầm tù mất dạy như thế nào. Chỉ thấy chúng đang đói, đang lạnh. Chúng tôi cũng đói, cũng lạnh, nhưng so với tù hình sự, chúng tôi hạnh phúc hơn nhiều. Từ 1979, tù chính trị đã được thăm nuôi, hoặc được phép nhận quà ba kg, về Thanh Phong gói quà gia đình đã lên năm kg, cho nên mỗi khi có “thăm nuôi”, chúng tôi lại chuyển phần bo bo qua cho mấy đứa trẻ bên tù hình sự. Nói chuyển qua thì dễ, nhưng chuyển qua trót lọt, tránh được bao nhiêu con mắt cú vọ của đám “chèo”, của “ăng ten”... thì cũng phải tốn công phu. Thường thường một vài anh em trẻ, có sức liệng xa khiến chiếc túi ni lông có mấy “tiêu chuẩn” bo bo rơi đúng... vị trí. Còn cụ Thanh Long và tôi đứng hai đầu nhà canh chừng để nếu thấy đúng thời cơ, mới ra hiệu cho anh em liệng bịch ni lông bo bo qua bên kia hàng rào giây kẽm gai cho mấy đửa nhỏ đang chờ sẵn.

Được các bác, các chú miền Nam chi viện, bọn trẻ rất cảm động. Có đứa đã khóc. Ngoài rẫy làm mùa, chúng tôi được bọn trẻ biết ơn, kiếm giùm cho bó củi, bó rau. Dĩ nhiên chúng cũng mong được cho đồ ăn, cho quần áo, nhưng điều làm cụ Thanh Long và chúng tôi được an ủi là bọn trẻ mất dạy đã có lễ phép, biết nói cám ơn và nhất là chúng thấy rõ những điều được “giáo dục” căm thù quân “ngụy” của Công An coi tù là láo khoét.

Đó cũng là phần thưởng tinh thần cho chúng tôi và là những kỷ niệm khó quên trong thời gian chung sống với cụ Thanh Long.
Tiếc rằng cụ viên tịch trước khi tôi chuyển lời thăm của Cọp đến cụ. Vì cái lần chót mà tôi đến chùa Giác Ngạn - như trên đã viết - là để tiễn cụ về nơi yên nghỉ.
Tôi thắp hương lạy trước quan tài, như một Phật tử ngoan đạo và nói với cụ:
- Tôi thật có lỗi vì cả tháng nay lu bu ba cái giấy tờ chưa đến thăm Đại Sư được, bữa nay đến thì chỉ còn đưa tiễn Đại Sư.
Thứ năm vừa qua, Cọp đi Mỹ. Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất với Cọp. Cọp nói: “Ông già có đến chùa Giác Ngạn cho tôi gửi lời thăm Thầy Thanh Long.”
Mong Đại Sư sớm về cõi Đức Phật A Di Đà!
Lạy Đại Sư.

Cả rừng người đổ xô về chùa Giác Ngạn, trong đó dĩ nhiên có vợ chồng người Công Giáo từng đi thăm nuôi cụ, để vĩnh biệt “Nhà Sư của tôi.”

Để Tưởng niệm “Nhà Sư Của Tôi”
Cầu chúc Ngài sớm siêu thăng Lạc Quốc.
Hoàng Ngọc Liên

Source: http://hoangngoclien1.tripod.com/

Phòng Tuyên Uý -- E-Temple: HoPhap.Net
 CÁC BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ


CAO MỴ NHÂN * THI SĨ HOÀNG NGỌC LIÊN

CÁNH DÙ PHAI SẮC
CAO MỴ NHÂN
 
Trở lại Sacto vì chuyện nhà, và luôn dịp thăm ông bà nhà văn Trần Văn, tác giả cuốn sách dày 600 trang, với những bản cáo trạng biện minh cho trường hợp cựu trung tướng Việt Nam Cộng Hòa bị dư luận cô lập tình người mấy chục năm nay:
Đặng Văn Quang
Vinh Quang và Đau Khổ
Cựu trụng tướng đã được Chúa gọi về năm ngoái.
Và thăm nhà văn, thi sĩ Hoàng Ngọc Liên, cựu trung tá binh chủng Dù Việt Nam Cộng Hòa, đã lão lai, hiện cư ngụ tại một khu nhà già, sống với bộ computer lâu nay, không thân nhân ở cạnh, hiếm bạn vàng đối ẩm, khiến ông cứ độc thoại trước máy điện toán hồn nhiên, tinh vi, bí ẩn.
Nhưng bạn tri âm, tri kỷ computer lại rất ư là hiểu rõ từng chân tơ, kẽ tóc của ông, thi, văn sĩ Hoàng Ngọc Liên, sẵn sàng chia sẻ với ông những vui, buồn thời đại cùng riêng tư thầm kín, đến nỗi hôm nào, nó, máy điện toán kia, bị đau bất ngờ, tức hư gì đó, nhà thơ họ Hoàng, mà tôi tạm đặt là Hoàng Lão Tà, quay quắt bực mình, khổ sở không chịu được.
Tôi phone tới Hoàng Lão Tà:
- Đại huynh đó à, Cao tiểu muội đã từ thành Thiên Thần, tức Los Angeles tới Sac LôTô, chẳng hay đại huynh có tiếp?
Hoàng thi sĩ, tên Ngọc Liên, như phương danh một thiền viện, cười ha hả:
- Làm sao gặp được, ta lỡ ở một loại chung cư cao cấp, mà từ bề cây cao bóng cả sát cành nhau, bám sát một vòng rào sắt sơn đen như tất cả các khu apartment ở Mỹ, muốn tới ta, phải mở 2 lần cửa khóa: cửa sắt vòng rào và cửa gỗ unit cô liêu của ta.
- Dài dòng, đón hay không thì bảo, "bản chức" đã đứng trước sào huyệt phượng hoàng.
Nói thế, nhưng xe của ông bà nhà văn nhà báo Trần Văn, nguyên giám đốc cơ sở xuất bản Tiếng Vang ở Sacto, còn phải chạy thêm 5 dặm nữa mới tới. Từ xa, phu nhân nhà văn Trần Văn đã nói nho nhỏ:
- Kìa anh ấy đã đi đi, lại lại trước cửa chung cư.
Tôi thấy ông phục sức phần nào giống thi sĩ Bùi Giáng ở đô thành Saigon sau 30-4-1975. Tức là nhiều lớp áo, mà lớp trong thường dài hơn lớp ngoài. Buổi trưa không khí Sacto thành, mấy hôm nay gần hoặc hơn 90 độ, tôi là người... sốt rét kinh niên, mà cuối mùa xuân, sang đầu mùa hạ, đã đang mặc áo ngắn tay, ông lại... đón thu về quá sớm.
Chúng tôi kính cẩn chào niên trưởng trong đại tộc Kaki của... tôi, nhà thơ cười móm mém:
- Ở xa quá mà, lên chơi hay có việc gì?
- Việc nhà, nhưng cũng phải diện kiến đại huynh chứ.
Có một tầng lâu thôi, mà vẫn phải dùng thang máy, vì tuổi tác chúng ta mệt quá rồi, chẳng còn hơi sức leo hàng chục nấc thang.
Cửa phòng mở toang, rồi đóng lại, để giữ cho khu apartment... không có một tiếng động dù lỡ có bật cười.
Khi chủ nhà và 3 người khách đã an tọa, tôi bắt đầu "mở máy mồm":
- Anh đọc sơ thời khóa biểu hàng ngày.
- Sáng thức dậy, độc ẩm sơ sài chút cà phê, nước trà, loại uống liền. Sau đó ngồi trước bàn computer internet, xem email gần xa. Rồi tin tức, âm nhạc. Trưa ăn cơm xong, nghỉ, ngủ độ vài giờ. Tỉnh giấc trưa, tưởng như đã xế, lại computer internet, phone, fax khi cần, đôi khi cũng thú vị lắm, cười bò ra vì lão bạn vàng kể lể chuyện tới hospital vv... Tất nhiên lại cơm tối, và còn gì khác hơn, là chờ giấc ngủ "miên trường" mà nhà thơ Bùi Giáng lúc sinh thời hay đề cập đến, nhưng giờ tôi thì không nghĩ "miên trường"...
- Vâng, đoạn trường ai có qua cầu sinh, lão, bệnh... mới hay.
- Cô này nói đúng quá chứ.
- Thì em cũng đang đứng giữa nhịp cầu sinh, lão, bệnh ấy. Ước mơ của tuổi già... em bây giờ, là được khỏe mạnh thôi.
Có nghĩa tôi vẫn còn... yêu đời quá, chưa chịu dọn mình chuẩn bị đi xa. Ôi, đi hay ở với mọi người chúng ta, thất thập cổ lai hy trở lên đặt trong tay Chúa chứ. Song, đôi bàn tay Chúa mở ra thế kia, lại cũng có nghĩa là Ngài cho phép thế nhân tự quyết định vận mệnh mình, khôn nhờ, dại chịu đấy ạ.
- Cô nhỏ này (tức là ông nghĩ về tôi cách đây cả nửa thế kỷ, có khi hơn nữa rồi) vẫn ranh quá chứ. Đúng đấy, bình an, khỏe mạnh là hoài bão của người già.
- Anh cho biết, bây giờ bạn già nào hay tới thăm anh, bạn văn thơ, bạn quân cán, bạn tù đầy, bạn tị nạn, quả mỗi người chúng ta đều rất nhiều bạn xưa nay mà.
Ông cười dòn tan, trở lại tư duy Hoàng Lão Tà. Đứa con tinh thần đầu tiên của ông, khoảng cuối thập niên 50 thế kỷ trước, là Hình Ảnh Những Mùa Trăng, văn suôi, ghi ngày in 25 tháng 3 năm đó.
Đứa con tinh thần út ít, có lẽ là tập truyện sau cùng ở hải ngoại này:
Viên Đạn Cuối Cùng.
Còn những đứa con tinh thần ở giữa, thú thật tôi không nhớ hết.
Tôi nói:
- Anh phải đọc 2 cuốn sách anh Năm Voi tức Mười Ngà đây mới phát hành, hay lắm:
Theo Chân Binh Đoàn 692.
Đặng Văn Quang - Vinh Quang và Đau Khổ mới thấy phấn khởi, hòa đồng ý nghĩa của Tình Người, vì tác giả, nhà văn, nhà báo Trần Văn quan niệm: làm được gì và giúp được gì cho ai, ông bà ấy sẽ làm ngay.
Anh nên đọc, vì anh là chiến hữu HO, anh sẽ thấy bạn bè anh và anh ở trong đó. Mà anh ở trong đó thực, vì tên anh, cựu tù, trung tá Dù Hoàng Ngọc Liên, Trần Văn viết về quý bạn Kaki rất là trân trọng đấy.
Dễ có mấy năm nhị vị Trần Văn và Hoàng Ngọc Liên không gặp nhau vì nhiều lý do như mưu sinh, phương tiện đi lại, hay một vài chi tiết khác. Bạn già ở hải ngoại mà không có giới trẻ hỗ trợ, thì cũng khó có cơ hội hàn huyên. Ngoại trừ một số ít ông già, bà cả biết email hay năng điện thoại, còn như tôi phone, fax, email đều lười, muốn viếng thăm nhau là phải kết hợp 3, 4 chuyện mới thực hiện được.
Tường vách chung cư thường màu vàng sậm, đã trong cảnh hoàng hôn còn thêm quan tái, chưa kể những căn chung cư thích khiêm tốn, không muốn vươn cánh cửa sổ ra, sao mà não nề, buồn bã thế.
Tôi trao tặng thi sĩ niên trưởng Hoàng Ngọc Liên bài thơ mới viết Phiên Sầu Sacto, ông nhanh nhẹn mở computer, đánh máy cái rụp rồi in ra mấy bản:
- Đây, muốn... biếu ai thì biếu, để thơ cô trong máy được rồi, thời đại vi tính, giữ bản giấy chật nhà.
Chỉ thăm ông được một lần, điện thoại vài lần ngắn gọn, vì người nghe phải nghe tiếng lớn, và kẻ nói lại sợ hết phút phone tay, tiêu chuẩn có mấy trăm phút phù du, mà thao thao bất tuyệt nửa thời gian già được con cái chia cho rồi.
Trên đường về, không phải "nhớ đầy" như lời thơ Hồ Dzếnh xưa, dù chiều Sacto cũng đang "đưa chân ngày" như nội dung bài thơ Chiều của người thi sĩ Tàu lai đương nêu, đã được phổ nhạc từ hơn nửa thế kỷ nay, thành ra làm thơ hay, không định nổi tiếng, ông Hồ Dzếnh đã nổi tiếng mau chóng từ bao giờ bởi âm hưởng Chiều.
Hoàng NGọc Liên với "Viên Đạn Cuối Cùng" sau chót, và Trần Văn với "Đặng Văn Quang - Vinh Quang và Đau Khổ" mới đây, đã xóa đi lằn ranh... nổi tiếng trước hay sau, bây giờ quý ông đều viết lách, đều lão lai, hãy tìm đến bên nhau chia sẻ vui buồn đời tị nạn là ý nghĩa nhất, từ đó an tâm khoảnh khắc còn lại hắt hiu ở xứ người.
Sacto 26-5-2012
CAO MỴ NHÂN

Saturday, November 7, 2015

NAM NGUYÊN * TẬP CẬN BÌNH

Ông Tập muốn cột chặt Việt Nam với Trung Quốc

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-11-06
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg10227365-622.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội vào sáng ngày 6/11/2015.
AFP

“VN-TQ, tiền đồ vận mệnh tương quan”

Nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam ngày 5/11/2015 với một thông điệp rõ ràng: “Việt Nam-Trung Quốc, tiền đồ vận mệnh tương quan”. Họ Tập đến Hà Nội và được tiếp đón với nghi thức trọng thể nhất và trên báo chí Việt Nam thể hiện hai hình ảnh tương phản, lễ nghi hoành tráng bên cạnh thông tin lũ miền Trung đang lên nhanh nhiều người chết và mất tích.
Đọc bài tường thuật của Thanh Niên Online và nhiều báo điện tử khác, người đọc báo hiểu rằng, ông Tập Cận Bình ngay sau khi bước xuống sân bay Nội Bài trưa 5/11/2015 đã lập tức có bài phát biểu đầu tiên mà không chờ tới lễ đón chính thức sau đó ở Phủ Chủ tịch. Bài phát biểu sớm này có nhiều câu chữ đáng chú ý, mà báo Thanh Niên đã dùng đặt tựa bài của mình. Đó là “Việt Nam - Trung Quốc, tiền đồ vận mệnh tương quan.” Có những ý kiến cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội về điều gọi là xiết chặt thòng lọng chính trị đối với Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Phát biểu của ông Tập có ý nghĩa rất rõ ràng.
Tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa làm và những việc nói trước Quốc hội thường là những việc của các nước dân chủ. Đó là 1 việc làm cho tôi hơi bất ngờ.
-LS Trần Quốc Thuận
Tất nhiên truyền thông báo chí chính thức đã không đề cập gì tới các hoạt động phản đối chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình diễn ra ở Hà Nội và Saigon từ vài ngày trước. Đặc biệt là cuộc biểu tình tuần hành ở hai thành phố lớn nhất nước ngay trong ngày 5/11. Tin và hình ảnh ghi nhận từ truyền thông xã hội, cho thấy một số người biểu tình bị đánh đập đổ máu và tạm giữ ở Hà Nội cũng như Saigon. Trên Youtube truyền tải hình ảnh cuộc tuần hành ở công trường Hồ Con Rùa và khu vực tiếp cận Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM. Một nhóm vài chục người biểu tình bị lực lượng an ninh giải tán bằng dùi cui, gậy gộc. Đặc biệt hình ảnh được phổ biến nhiều nhất là khuôn mặt đẫm máu của Kỹ sư Trần Bang, một cựu binh trận chiến biên giới phía Bắc 1979. Ông Trần Bang hét to rằng ông chết để đuổi Tập Cận Bình ra khỏi Việt Nam.
Cuộc biểu tình chống ông Tập Cận Bình sáng 5/11 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cũng bị giải tán mau lẹ. Blogger Nguyễn Hữu Vinh có mặt trong đoàn tuần hành đã trả lời Đài ACTD khi bị lực lượng an ninh hốt lên xe.
“Sáng nay 5/11 có một số người tập trung trước vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Khi chúng tôi ở đó thì bị lùa lên xe và đang đi trên đường. Chúng tôi biết họ chở về số 6 Quang Trung, Hà Đông là trụ sở Công an Hà Nội. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà chúng tôi phải đi về trên chiếc xe buýt này.”
Truyền thông nhà nước đưa tin lễ đón chính thức Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân diễn ra vào lúc 15g30 chiều 5/11 tại Phủ Chủ tịch với nghi thức cao nhất, hình ảnh duyệt hàng quân danh dự nhiều màu sắc và 21 phát đại bác chào mừng. Theo tường thuật của Thanh Niên Online, thì trong cuộc hội đàm sau đó giữa hai vị Tổng Bí thư hai đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung Quốc không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình Biển Đông. Đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung Quốc và Việt Nam cùng duy trì nguyên trạng và không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa. Tuy vậy ông Trọng cũng đề nghị hai bên tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí.
bieu-tinh-tcb-622
Biểu tình chống ông Tập Cận Bình tại Sài Gòn hôm 5/11/2015.
Có ý kiến cho rằng nhà báo ưu tiên chọn vấn đề tranh chấp Biển Đông để tường thuật cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Việt Trung là một chọn lựa khôn ngoan, giữa bối cảnh công luận Việt Nam sôi sục về việc Bắc Kinh nói một đàng làm một nẻo, không những lấn chiếm biển đảo mà còn ngang ngược bách hại ngư dân Việt Nam trên biển, cản trở cuộc mưu sinh của ngư dân. Theo tin các báo thì không thấy hai ông Tổng Bí thư hai Đảng đề cập gì tới việc Hoa Kỳ thực thi quyền tự do hàng hàng hải hàng không ở Trường Sa, đặc biệt áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng và đang quân sự hóa.

16 chữ vàng và 4 tốt

Theo dõi truyền thông báo chí chính thức đưa tin về cuộc hội đàm giữa hai Tổng Bí thư chiều 5/11 ở Hà Nội, thì không thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì về vấn đề Biển Đông mà ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị. Họ Tập vẫn hành xử như tất cả các lãnh đạo Trung Quốc khác, lập lại phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt vốn được khai sinh từ sau Hội nghị Thành Đô 1990, một thập niên sau trận chiến tranh biên giới 1979 mà kẻ thù xâm lăng chính là Trung Quốc. Ngày 5/11/2015, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Việt theo phương châm gọi là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “ láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Phương châm 16 chữ vàng và và tinh thần 4 tốt trong quan hệ Việt Trung được các học giả trí thức Việt Nam mô tả là một sự mỉa mai đối với thực tế đã diễn ra trên biển đông từ nhiều năm nay. Tuy vậy ông Tập Cận Bình trong lần tới Việt Nam này, cũng mang theo một món quà cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó là khoản viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới, trợ giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện. Ngoài ra còn có hai khoản vay ưu đãi tổng cộng 550 triệu USD. Cũng là một sự kiện trớ trêu, một trong hai khoản vay là bổ sung 250 triệu USD cho Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Được biết dự án này bị chậm trễ, gây nhiều tai nạn lao động và đội vốn là do trách nhiệm của nhà thầu Trung Quốc mà Việt Nam không được quyền thay thế.
Sáng nay 5/11 có một số người tập trung trước vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình. Khi chúng tôi ở đó thì bị lùa lên xe và đang đi trên đường. Chúng tôi biết họ chở về số 6 Quang Trung, Hà Đông là trụ sở Công an Hà Nội. Chúng tôi không biết vì lý do gì mà chúng tôi phải đi về trên chiếc xe buýt này.
-Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Báo chí chính thức cũng đưa tin, cùng trong buổi chiều ngày đầu tiên viếng thăm Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Trụ sở Chính phủ Việt Nam. Ông Dũng đã không có phát biểu nào đáng chú ý, có phần nói năng êm dịu hơn ông Nguyễn Phú Trọng, theo thông tin chính thức được phổ biến.
Cùng ngày 5/11 báo chí Việt Nam cũng đưa thêm tin về việc Chủ tịch Tập Cận Bình vào sáng 6/11 có bài phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. VTC News trích lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiết lộ một điều khá thú vị. Theo đó chính phía Trung Quốc đề nghị để ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Được biết, theo thông lệ quốc tế đọc diễn văn trước Quốc Hội một quốc gia là hoạt động đặc biệt quan trọng đối với quốc khách và phải được chính Chủ tịch Quốc hội của quốc gia đó gởi lời mời. Việc phía Trung Quốc đề nghị để ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc Hội là không bình thường mà một chuyên gia nói đùa là như kiểu trong nhà bảo nhau.
Trả lời Cát Linh Đài ACTD hôm 2/11 Luật Sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện nghỉ hưu ở Saigon đã nhận định.
“Tôi nghe tin này thì tôi cũng cảm có một cái gì bất ngờ, không bình thường, không hiểu người ta nghĩ thế nào mà người ta để ông Tập Cận Bình nói chuyện trước Quốc hội. Đó là một phong cách hiếm khi thấy các nước Xã hội chủ nghĩa làm và những việc nói trước Quốc hội thường là những việc của các nước dân chủ. Đó là 1 việc làm cho tôi hơi bất ngờ.”
Đúng như lịch trình, trưa ngày 6/11/2015, Tổng bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Hội trường Quốc hội, báo chí không được dự mà phải theo dõi trên màn hình ở phòng bên cạnh và khi ông Tập phát biểu bằng tiếng Hoa nhà báo không được phiên dịch. Người Lao Động Online trích lời Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, ông Lê Như Tiến cho biết theo nguyên văn: “Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tập trung nói đến cảm hứng hữu nghị, láng giềng hữu nghị, còn những vấn đề “nhạy cảm, khó nói” thì ông Tập Cận Bình không nhắc đến trong bài phát biểu như vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tờ báo còn trích lời Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu QH Đoàn TP HCM, nói rằng: “Trong bài phát biểu của mình trước QH, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết, hứa hẹn gì về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bên cạnh chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí cũng đưa tin về một cuộc viếng thăm khác cùng thời gian của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani. Các chuyên gia mô tả sự có mặt của ông Nakatani từ ngày 5-7/11 mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo VietnamNet và Zing News, sáng 5/11/2015, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani đã trung chuyển ở Tân Sơn Nhất trước khi đáp may bay đến sân bay Cam Ranh. Ông Nakatani đã viếng thăm Quân cảng Cam Ranh để quan sát hoạt động tiếp vận và phương tiện ở vịnh sâu kín gió này. Trước đó báo Nikkei của Nhật Bản đưa tin kể từ năm tài khóa 2016 bắt đầu 1/4/2016 Tokyo có kế hoạch sử dụng Cam Ranh để các tàu chiến của Nhật được tiếp vận nhiên liệu, thực phẩm và hàng tiếp liệu phẩm khác trong khi hoạt động ở biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông Việt Nam cụ thể là vùng Trường Sa.
Tin chính thức ghi nhận chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani kéo dài từ 5-7/11/2015 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh. Cụ thể ngày 6/11 ông Nakatani sẽ đến Hà Nội và hội đàm với ông Phùng Quang Thanh, nhiều khả năng hai bên sẽ ký kết văn kiện liên quan tới việc tàu Nhật được phép ra vào quân cảng Cam Ranh.
Kể cũng là một sự trùng hợp lý thú, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản ông Gen Nakatani có mặt ở Hà Nội cùng lúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan điểm của Nhật Bản là ủng hộ Hoa Kỳ xoay trục về châu Á và hoan nghênh việc thực thi tự do hàng hải và hàng không, như sự kiện khu trục hạm Lassen có máy bay hộ tống áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.

BBC * TẬP CẬN BÌNH

Ông Tập thăm Việt Nam: Báo chí nói gì?

  • 6 tháng 11 2015
Image copyright Nguyen Huy Kham Reuters
Image caption Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam
Phát biểu chiều thứ Năm 5/11, ngày đầu trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "nguyện cùng Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau".
Hãng thông tấn Reuters mô tả chuyến thăm là “ấm áp”: “Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không được đón bằng cỗ xe mạ vàng hay mời bia trong quán pub của thủ tướng khi đến Việt Nam, nhưng một màn đón tiếp ấm áp đã sẵn sàng bởi cả hai bên đều tìm kiếm một cách sửa chữa mối quan hệ sau một căng thẳng năm ngoái”
“Với nhiều hồ nghi, các chuyên gia nói chuyến thăm Việt Nam của ông Tập,” cho ông ta cơ hội hàn gắn các vết thương và nhắc nhở các lãnh đạo Đảng rằng Bắc Kinh có rất nhiều thứ dành cho họ.”
“Đằng sau những nụ cười sắp đặt và những cái bắt tay nồng ấm, nhiều thứ còn phụ thuộc vào chuyến thăm của ông Tập trong bối cảnh phải cạnh tranh với Washington và chưa rõ ai sẽ trở thành lãnh đạo của Việt Nam sau kỳ đại hội Đảng này,” Reuters bình luận.
Trong khi đó hãng tin AFP nói về các cuộc biểu tình chống ông Tập đến Việt Nam diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội:
“Biểu tình hiếm khi diễn ra trong chế độ độc đảng ở Việt Nam nhưng trong những năm gần đây nhà cầm quyền cũng đã chấp nhận một số ít các cuộc biểu tình chống lại đồng lại đồng minh Trung Quốc của mình. ”
Image copyright Facebook Cafe Dan chu
Image caption Người biểu tình tại Việt Nam chống chuyến thăm của ông Tập
Tân Hoa Xã nhận định chuyến thăm của ông Tập là “chuyến thăm cao cấp trong các trao đổi ngoại giao thường lệ, vì hai nước đã cùng thấy một mối quan hệ gần gũi hơn sau khi quan hệ rơi xuống thấp điểm năm ngoái vì sự kiện ở Nam Hải (Biển Đông).”
Hãng tin này cũng nói, chuyến thăm nhằm "hạ nhiệt những xung đột trong vùng dựa trên nguyên tắc" hai nước láng giềng có khả năng và ý chí để tôn trọng sự khác biệt" và họ không nên để thế giới bên ngoài can thiệp vào.”
Một bài bình luận trên Tân Hoa Xã viết: "Bắc Kinh và Hà Nội không bao giờ nên đánh mất tự tin khi phải đối mặt với những gáo nước lạnh hay để bùn vấy bẩn mối quan hệ này. Họ cũng không nên cho phép các quan điểm hạn hẹp và ý đồ xấu làm lầm lạc đám đông dẫn đến vực thẳm đối đầu không lường trước được."
Image copyright AFP
Image caption Quan hệ Việt - Trung căng thẳng giờ đang được "hâm nóng" lại
Tờ China Daily gọi việc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc là "cách tiếp cận đúng". Tờ này cũng miêu tả ông Nguyễn Phú Trọng "nhấn mạnh rằng tình bạn hai nước đã phát triển nhiều năm và đồng ý kiểm soát hiệu quả những tranh chấp với Trung Quốc".
Trang tin này cũng cho biết sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước cùng chứng kiến nhiều thỏa thuận thương mại được ký kết. Trong đó, Bắc Kinh và Hà Nội sẽ triển khai một hệ thống đường sắt nối Hà Nội với Lào Cai - một tỉnh biên giới với Trung Quốc, và ở Hải Phòng. Tuyến đường sắt dài khoảng 381km, với vốn đầu tư 4,4 triệu USD.
Báo Japan Times của Nhật dẫn lời giới quan sát nói chuyến thăm hai ngày của ông Tập nhiều khả năng không đạt được nhiều tiến bộ trong căng thẳng chủ quyền lãnh thổ.
“Cá nhân tôi nghĩ khó giải quyết được các tranh chấp chủ quyền khi Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì lập trường của họ,” ông Dương Danh Dy, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói với Quốc hội trước giờ ông Tập Cận Bình đến thăm và phát biểu trước Quốc hội Việt Nam hôm 6/11:
"Tôi mong dù còn có ý kiến khác nhau nhất định nào đó nhưng đón khách đến nhà chúng ta cần tỏ thái độ hiếu khách và ứng xử văn hóa".
"Đề nghị các đại biểu Quốc hội đón tiếp khách đến nhà với tinh thần như thế. Chúng ta trao đổi rất nghiêm túc, thẳng thắn về các vấn đề nhưng rất thiện chí," ông Hùng nói.
Dường như Đài truyền hình Việt Nam không truyền trực tiếp sự kiện này

THẤT LINH * TẬP CẬN BÌNH

Qua chuyến thăm của Tập Cận Bình - Hiện rõ bức tranh đối lập giữa nhân dân và nhà nước cộng sản!

Thất Lĩnh (Danlambao) - Sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình, Cộng sản Việt Nam và Trung cộng đã ra nhiều tuyên bố chung. Trong đó, có một yếu tố khiến nhiều người nghĩ đến kịch bản Việt Nam trở thành thuộc địa Trung cộng vào năm 2020, đúng như giao ước Thành Đô, đó là tạo điều kiện để Trung cộng mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng!
Với diện tích quốc gia như Việt Nam, việc đặt đại sứ quán tại Hà Nội và tổng lãnh sự tại Sài Gòn xem như quá đủ để thực hiện công tác ngoại giao. Như vậy, Trung cộng muốn mở tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng để làm gì? Thực chất những ai hiểu về chính trị, đại sứ quán và lãnh sự quán ngoài nhiệm vụ ngoại giao giữa hai quốc gia, còn kiêm thêm chức năng hoạt động tình báo và gián điệp. 
Trong khi đó, từ Đà Nẵng đi ra Hoàng Sa và kể cả Trường Sa rất gần. Nếu tổng lãnh sự Trung cộng được thành lập thì trong đất liền có một cơ quan liên lạc và gián điệp, còn ngoài đảo Hoàng Sa - Trường Sa quân đội Trung cộng luôn ở tư thế sẵn sàng. Trên biển tàu quân sự Trung cộng cũng luôn trong tư thế chuẩn bị. Phải chăng tổng lãnh sự này là một mưu tính để đặt cơ quan điều khiển cho tất cả hoạt động của Trung cộng tại vùng biển miền Trung Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ tấn công Việt Nam từ phía biển? Đối với Trung cộng câu hỏi này không bao giờ thừa.
Thế mà cộng sản Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để bọn bành trướng Bắc Kinh có điều kiện mở tổng lãnh sự tại nơi này. Nếu xét về yếu tố kinh tế, nhập siêu của Việt Nam từ Trung cộng là một con số rất khủng. Xét về quan hệ ngoại giao Việt Nam luôn bị Trung Quốc đè đầu cỡi cổ kiểu bề trên. Bằng chứng là HD 981 đặt vào vùng biển Việt Nam một cách ngang nhiên. Đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam bị Trung cộng vùng vũ lực chiếm đóng. Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam cũng bị Trung cộng bắt giữ. Xét trong cả hai yếu tố kinh tế và chính trị Việt Nam đều bất lợi. Thế thì việc đặt tổng lãnh sự quán Trung cộng tại Việt Nam để làm lợi cho ai???
Theo báo chí lề đảng, đại biểu quốc hội Dương Trọng Nghĩa của Sài Gòn khẳng định phát biểu và tuyên bố của Tập Cận Bình trong chuyến thăm vừa qua không hề có ý giải quyết xung đột, mâu thuẫn đang tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tất cả chỉ là những ngôn từ chung chung hướng tới tương lai tốt đẹp viễn vông nào đấy. Điều này cho thấy Tập Cận Bình mang một tâm thế nước lớn, ngang tàng đến Việt Nam để chỉ đạo chứ không hề thể hiện tinh thần hòa hiếu như hắn nói rằng chữ “hòa” ăn sâu vào zen người Trung Quốc.
Trên tinh thần láo xược đó, đảng cộng sản Việt Nam vẫn long trọng chào đón. Tất cả các bức hình chụp các quan chức cao cấp Việt Nam đều ở tư thế cúi đầu trước Tập Cận Bình. Hình thức bên ngoài biểu hiện một sự nể sợ của một kẻ lệ thuộc trước mặt ông chủ. Trong khi đó, những người xuống đường biểu tình chống chuyến viếng thăm của tên trùm giặc cướp nước Tập Cận Bình thì bị đánh đập đổ máu và bắt bớ một cách vô lý. Hệ thống tuyên truyền của đảng cộng sản ra rả về tình hữu nghị keo sơn giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Điều này gợi liên tưởng đến kịch bản 2020 đất nước Việt Nam sẽ được cộng sản Việt Nam dâng cho Trung cộng theo đúng giao ước

PHẠM TRẦN * TẬP CẬN BÌNH

Tập Cận Bình gỡ bí hay bắt Việt Nam lệ thuộc mãi?

Trung Quốc tảng lờ chuyện Biển Đông với lãnh đạo và Quốc Hội CSVN
Phạm Trần (Danlambao) - Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch Nhà nước Tập Cận Bình đã làm cho Lãnh đạo CSVN điên đầu với 4 thông điệp khó hiểu ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến thủ đô Hà Nội, 5/11/2015.
Ông Tập và phu nhân Bành Lệ Viên đi cùng phái đoàn cao cấp Trung Quốc thăm Việt Nam đến hết ngày 6/11 để đánh dấu 65 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng nhưng chưa bao giờ được cơm lành canh ngọt vĩnh viễn.
Lần này ông Tập đến Hà Nội trong bối cảnh đảng CSVN chuẩn bị bầu lãnh đạo mới vào đầu năm 2016 và những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông giữa hai nước tiếp tục căng thẳng, sau hai năm Trung Quốc cải biến và tân tạo 7 đá và đảo chiếm của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 để xây căn cứ quân sự và bến cảng.
Trước ngày họ Tập đến Hà Nội, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều cố gắng giảm nhiệt bằng cách hạ thấp mức nghiêm trọng của xung đột Biển Đông để tập trung vào hợp tác kinh tế và thương mại.
Tuy nhiên, ông Tập đã gây bất ngờ cho nhiều giới Việt Nam với 4 thông điệp chứa đựng ít nhiều trái ngược nhau.
Thông điệp ở Nội Bài
Tại sân bay Nội Bài, ông Tập Cận Bình nói: “Tôi rất vui mừng sang thăm cấp nhà nước tới nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhân dịp này, tôi xin gửi tới toàn thể đảng viên Đảng CSVN và nhân dân Việt Nam anh em lời thăm hỏi chân thành và lời chúc tốt đẹp...” 
“...Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị núi sông liền một dãi, chế độ chính trị giống nhau, con đường phát triển tương đồng, tiền đồ vận mệnh tương quan. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao 65 năm, nội hàm quan hệ Trung-Việt ngày càng phong phú. Bước vào thế kỷ mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước không ngừng đi sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp quan trọng vào sự hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực...” 

“...Hiện nay, những nhận thức chung mà lãnh đạo hai đảng hai nước đã đạt được đang từng bước được thực hiện, quan hệ song phương đang không ngừng phát triển theo hướng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc và Việt Nam. 

Phía Trung Quốc hết sức coi trọng mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc với Việt Nam, kiên trì coi quan hệ Trung-Việt từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài, nguyện cùng với phía Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển ổn định, lành mạnh và lâu dài.”

“...Tôi hy vọng thông qua chuyến thăm lần này, củng cố mối tình hữu nghị truyền thống, quy hoạch sự phát triển tương lai, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt lên một tầm cao mới. 

Chúc đất nước Việt Nam phồn vinh thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc mạnh khỏe, chúc mối tình hữu nghị Trung-Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.” (Thông tấn xã Việt Nam, TTXVN)
Quả là một thái độ hòa nhã, không mảy may hé lộ những bất đồng vẫn tiềm ẩn giữa hai đảng và hai nhà nước. Nói từ tốn như ông thì ai dám nghi ngờ lòng dạ trong sáng của người láng giềng thường coi nhau“vừa là đồng chí vừa là anh em”!?
Thông điệp trên báo Nhân Dân
Trong thông điệp thứ hai của ông Tập có nhan đề "Tay trong tay mở ra tương lai tươi đẹp cho quan hệ Trung-Việt" được phổ biến trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN.
Ông Tập viết: “Tôi lần này đến thăm Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung-Việt. Là hai nước có niềm tin và lý tưởng tương đồng, có tương lai và vận mệnh tương quan, hai nước Trung-Việt giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nội hàm quan hệ song phương ngày càng phong phú, lợi ích chung ngày càng rộng rãi, hợp tác thiết thực giành được thành quả rực rỡ. 

Điều đáng quý hơn là hai nước Trung-Việt đã giải quyết vấn đề hoạch định đường biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị, đặt cơ sở vững chắc cho ổn định, an ninh và phát triển chung ở vùng biên giới hai nước.”
Tuy nhiên sau đó lãnh đạo Trung Quốc lại đóng vai thầy đồ khi nói với độc giả của Nhân Dân về 4 kiên trì:

1) Chúng ta phải kiên trì xuất phát từ toàn cục, nhìn về lâu dài, nắm bắt định hướng đúng đắn phát triển quan hệ Trung-Việt. 

2) Chúng ta phải kiên trì học tập lẫn nhau, tăng cường hợp tác, thực hiện phát triển và phồn thịnh chung. 

3) Chúng ta phải kiên trì mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết, củng cố cơ sở dân ý trong quan hệ hai nước. 

4) Chúng ta phải kiên trì thông cảm lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, xử lý ổn thỏa vấn đề tồn tại.

Chủ tịch Tập Cận Bình còn “bày tỏ tin tưởng miễn là hai nước Trung-Việt tay trong tay cùng tiến lên, tăng cường hợp tác, tất sẽ mở ra tương lai tươi đẹp hơn cho quan hệ Trung-Việt, thực hiện sự phát triển và phồn thịnh chung của hai nước Trung-Việt.” (theo báo Quân đội Nhân dân).
Ngôn ngữ gọi là “kiên trì” của người Trung Hoa không dễ hiểu vì lịch sử quan hệ Việt-Trung từ sau năm 1975 đã chứng minh họ chỉ muốn người khác chịu khó nhẫn nhục làm theo đòi hỏi của họ, nếu không thì họ sẽ dùng võ lực để dành phần thắng cho mình.
Bằng chứng này đã xảy ra cho đảng CSVN từ 2 cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc từ 1979 đến 1987 và cuộc chiến Trường Sa năm 1988.
Trung Hoa luôn luôn cổ võ lấy “đại cục”, hay vì quyền lợi chung của hai nước, hai dân tộc láng giềng có lịch sử chính trị, văn hóa và kinh tế tương đồng để nhân nhượng nhau khi giải quyết bất đồng, nhưng lại không muốn nhượng bộ để “cùng có lợi” như họ nói.
Tỷ dụ như cuộc xung đột ở Biển Đông đã cho thấy Trung Hoa luôn luôn coi các đá, đảo ở Biển Đông mà họ gọi là Biển Nam Trung Hoa là của tổ tiên họ để lại, nhưng không có tài liệu lịch sử chứng minh.
Họ chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974 và đánh chiếm 7 bãi đá, đảo khác ở Trường Sa năm 1988 mà cứ cãi là họ có quyền “lấy lại” vì phía Việt Nam đã đóng quân trái phép ở đó.
Thế rồi họ lại đòi “gác tranh chấp để cùng phát triển” trên Biển Đông, nhưng không quên nói rằng đó là “biển của ta”, tạm xếp lại chuyện tranh chấp để cùng khai thác rồi tính sau trong khi thực tế Trung Quốc chỉ muốn nhảy vào khai thác tài nguyên, dầu khí và khoáng sản của nhà người khác.
Thông điệp với đảng CSVN
Tại cuộc họp dài hơn 1 giờ với đoàn đảng CSVN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu diễn ra tại Phủ Chủ tịch, hãng tin Tân Hoa Xã (Xinhua) của Trung Quốc viết: “Hai bên nhất trí đồng ý thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững thể theo phương châm hợp tác láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, hai nước Trung-Việt núi sông liền một dãi, như môi với răng, Trung-Việt là cộng đồng vận mệnh mang ý nghĩa chiến lược. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu ra kiến nghị 7 điểm về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung-Việt. 

- Một là, tăng cường định hướng chính trị, duy trì tiếp xúc cấp cao truyền thống. 

- Hai là, sâu sắc giao lưu và hợp tác chính đảng. 

- Ba là, kết nối chiến lược phát triển. 

- Bốn là, tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực. 

- Năm là, tăng cường tình cảm hữu nghị, tăng cường giao lưu nhân văn. 

- Sáu là, thúc đẩy hợp tác trên biển. 

- Bảy là, tăng cường điều phối quốc tế.
Xinhua viết tiếp: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ, Đảng và Chính phủ Việt Nam chân thành chúc mừng những thành tựu giành được trong sự nghiệp phát triển đất nước của Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng quan hệ Việt-Trung, sẽ kiên trì thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển sâu sắc thể theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt, mở rộng hợp tác cùng có lợi, kiểm soát hữu hiệu sự bất đồng.”
Như vậy có phải ông Trọng đã đồng ý hoàn toàn với yêu cầu của họ Tập không?
Cũng ngạc nhiên là phía báo chí Trung Hoa đã không nói gì đến 3 Đề xuất của ông Trọng đưa ra với phái đòan Tập Cận Bình, trong đó Đề xuất thứ 3 quan trọng nhất vì liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Nguyên văn: “Kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không để vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình.

Đề nghị Trung Quốc cùng Việt Nam đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; tăng cường xây dựng lòng tin để triển khai thuận lợi các dự án hợp tác trên biển mà hai bên đã nhất trí. Đề nghị hai bên triển khai hiệu quả, thực chất các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, tích cực trao đổi tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài hai bên đều chấp nhận được. Việt Nam có thái độ tích cực đối với vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển tại khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.” (Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV-Voice of Vietnam)
Tin VOV cũng cho biết: “Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn nhằm phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất; cho rằng, hai bên cần tích cực nghiên cứu và thực hiện kết nối chiến lược phát triển và năng lực sản xuất, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, thúc đẩy hợp tác và kết nối kinh tế ở khu vực; khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cán cân thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững; sẽ khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì đại cục quan hệ Trung - Việt và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.”

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị, hai bên tăng cường phối hợp tại các cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, Trung Quốc - ASEAN; Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới...”
Trả lời như thế thì rõ ràng phiá Tập Cận Bình đã không có ý kiến gì về đề nghị “không quân sự hóa Biển Đông” của phiá Việt Nam, và cũng không bình luận gì với yêu cầu “duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình” của ông Trọng, mặc dù đề nghị này đã được Việt Nam đưa ra nhiều lần với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn bồi đắp, tân tạo các vùng biển đảo ở Trường Sa.
Thông điệp với Nguyễn Tấn Dũng
Sau cùng là Thông điệp hợp tác, theo kiểu Trung Hoa của họ Tập nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đó là:
“- Về chính trị hai bên cần tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược. 

- Về hợp tác kinh tế, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thiết thực, kết nối chiến lược phát triển;

- Hợp tác về năng lực sản xuất giữa hai nước trong các lĩnh vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và các dự án có tích chất tiêu biểu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả của một số dự án hợp tác như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình...; 

- Tăng cường hợp tác biên giới; tích cực giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư song phương. 

- Tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Về vấn đề trên biển Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần kiểm soát tốt các bất đồng; thông qua hiệp thương để duy trì, giữ gìn ổn định trên biển.” (Tin Bộ Ngoại Giao Việt Nam)
Tuy nhiên, cũng giống như trong phiên họp với ông Trọng, họ Tập không trả lời yêu cầu chi tiết của ông Dũng về Biển Đông. Quan trọng nhất là chuyện toán tính “quân sự hoá” Biển Đông của Trung Quốc, và các vụ tầu đánh cá của Việt Nam liên tục bị lính Trung Quốc tấn công, cướp của và đánh người ở vùng biển Hoàng Sa.
Bản tin Bộ Ngọai giao Việt Nam viết: “Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hai bên cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về vấn đề trên biển; nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” bằng các hành động thực tế, nhất quán; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển; chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân; tích cực đàm phán phân định đi đôi với hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm đạt kết quả thực chất; nghiêm túc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).”
Nên biết từ 4 năm qua, Trung Quốc luôn luôn tìm cách mua chuộc vài thành viên của ASEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đặc biệt như Cao Miên và Lào để phá vỡ đòan kết của ASEAN nên không bao giờ ASEAN đạt được sự đồng thuận khi nói chuyện với Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh luôn luôn nói sẵn sàng nói chuyện COC với ASEAN nhưng lại đòi phải có sự đồng thuận chung 10 nước trong ASEAN thì mới chịu thảo luận nghiêm chỉnh.
Vì vậy mánh lới “chia để trị” ASEAN của Trung Quốc đã làm cho việc thương thuyết lâm vào ngõ bí.
Tuyên bố chung
Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, thêm lần nữa đã thể hiện trong Điểm 7 của Tuyên Bố Chung 11 Điểm, kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình ngày 06/11/2015.
Nguyên văn: “Hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh nghiêm túc tuân thủ những nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.
Hai bên tuyên bố khởi động hoạt động khảo sát chung trên thực địa tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào trung tuần tháng 12 năm 2015, cho rằng đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc hai bên triển khai hợp tác trên biển; thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này; nhất trí gia tăng cường độ đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, tiếp tục thúc đẩy công việc của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, tuyên bố khởi động dự án hợp tác nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang.
Hai bên nhất trí cùng nhau kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), thúc đẩy sớm đạt được “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.”
Nội dung này không phản ảnh 2 đề nghị mới và thiết thực của ông Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói với Tập Cận Bình liên quan đến “không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông” và “bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân”.
Quốc Hội - Trương Tấn Sang
Thái độ “gỉa điếc làm ngơ” yêu cầu mới của Việt Nam còn được Tập Cận Bình biểu diễn trong Diễn văn dài 20 phút trước 500 Đại biểu Quốc Hội CSVN sáng 06/11 (2015).
Họ Tập đã kể lể dông dài lịch sử về quan hệ gắn bó mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai đảng, nhà nước và hai dân tộc được xây dựng và không ngừng bồi đắp từ thời Mao Trạch Đông-Hồ Chí Minh, nhưng không nói, dù một chữ, đến Biển Đông, (hay Biển Nam Trung Hoa) trong diễn văn. 
Ông Tập nói: “Hai nước Trung Quốc - Việt Nam núi sông liền một dải, nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời; cùng nhau kề vai, sát cánh trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, xây dựng nên tình hữu nghị thắm thiết. Trong công cuộc xây dựng CNXH mang đặc sắc của mỗi nước, hai bên cũng không ngừng học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau để giành được những thành quả tốt đẹp. Quan hệ hai nước đã vượt qua quan hệ song phương bình thường, có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng.”
Nhìn thẳng vào các Đại biểu, ông Tập nhấn mạnh: “Chữ tín là nền tảng để làm bạn... là hai quốc gia có lợi ích chung rộng rãi, hợp tác hữu nghị là trào lưu chính, hai bên cần kiên trì lấy đại cục hữu nghị Việt-Trung và đại cục phát triển của hai nước làm trọng, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, xử lý thỏa đáng các bất đồng... Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, nguyện cùng với phía Việt Nam kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung tiếp tục phát triển ổn định và lành mạnh, mang lại lợi ích to lớn hơn nữa cho nhân dân hai nước.”
Như bắt mạch được sự khó chịu của Quốc Hội VN, ông Tập Cận Bình an ủi: “Láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề nghị hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, thông qua hiệp thương hữu nghị và hòa bình, kiểm soát và xử lý bất đồng một cách thỏa đáng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nói, khi đại sự được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết.” (Trích Đài Tiếng Nói Việt Nam, VOV-Voice of Vietnam).
Trong tất cả các cuộc tiếp xúc giữa Tập Cận Bình và lãnh đạo CSVN, ngoài chuyện 2 ông Trọng-Dũng đã bày tỏ lập trường mới của Việt Nam về xung đột ở Biển Đông thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói thẳng ra sự bất bình của nhân dân Việt Nam trước hành động của đảng và nhà nước Trung Quốc.
Ông Sang nói với họ Tập trong cuộc họp sáng 6/11 (2015): “Những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ.”
Do đó, theo báo diện tử Đảng CSVN thì ông Sang đã: “Đề nghị hai bên cần tăng cường xây dựng tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác, tích cực tìm cách giải quyết thỏa đáng những vấn đề tồn tại. Bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế, nhưng quan trọng nhất là hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình, phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; thông qua đàm phán giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng, không có hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân; cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực. Hai bên có thể triển khai thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm ký Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”
Vậy ông Tập trả lời ra sao?
Báo ĐCSVN viết: “Về vấn đề trên biển Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, hai bên cần nỗ lực kiểm soát các bất đồng thông qua hiệp thương để duy trì hòa bình, ổn định trên biển; cùng với việc đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác khác, tin tưởng rằng những nhận thức chung đạt được giữa hai nước trong chuyến thăm này sẽ mở ra tương lai rộng lớn, tạo nền móng để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước phát triển hữu nghị, hợp tác ổn định, lâu dài.”
Lối nói xã giao cho qua đường của họ Tập hẳn đã thấm sâu trong não trạng của ông Sang.
Lợi ích kinh tế hay lệ thuộc?
Trong thời gian chuyến thăm, theo Tuyên Bố Chung: “Hai bên đã ký các văn kiện hợp tác: “Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020”, “Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc thành lập Trung tâm Văn hóa nước này tại nước kia”, “Công hàm trao đổi giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, “Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Bản ghi nhớ về việc ưu hóa thiết kế dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, “Bản thỏa thuận giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Đảng Cộng sản Việt Nam với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở Đảng địa phương”, “Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị Đảng bộ địa phương giữa Tỉnh ủy Lào Cai, Đảng Cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc”...
Theo TTXVN, hai bên còn ký: “Bản ghi nhớ về việc hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Hợp đồng khoản vay 200 triệu USD giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam là bên vay và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là bên cho vay; Biên bản ghi nhớ về tài trợ vốn cho các dự án nhà máy nhiệt điện giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc; Bản ghi nhớ về thỏa thuận đầu tư và thu xếp tài chính cho dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 giữa Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (Việt Nam) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.”
Như vậy, với 4 Thông điệp gây hoang mang của ông Tập Cận Bình đã đưa ra ở Việt Nam, cộng thêm với thái độ làm ngơ chuyện xung đột Biển Đông trước Quốc Hội thì những thỏa hiệp hợp tác kinh tế mới sẽ đưa Việt Nam đi đâu, nếu không là tiếp tục sa lầy vào đường lối cũ tuy có lợi về kinh tế, nhưng bị lệ thuộc Trung Quốc mãi mãi. 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment