Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 18 October 2016

QUẢNG BÌNH

Monday, July 25, 2016


ThS.LÊ TRỌNG ĐẠI * QUẢNG BÌNH VỚI BÁT DANH HƯƠNG




QUẢNG BÌNH VỚI BÁT DANH HƯƠNG

ThS. LÊ TRỌNG ĐẠI

Trường Đại học Quảng Bình



1. Sơ lược quá trình hình thành làng xã ở Quảng Bình


Tuy nằm ở khu vực miền Trung trên phần lục địa của Việt Nam nhưng gần như suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vùng đất Quảng Bình thường là miền biên viễn hoặc là ranh giới tranh chấp giữa các lực lượng đối lập nên các làng xã ở đây có quá trình hình thành, phát triển và thay đổi khá phức tạp.


Thời kỳ xã hội nguyên thủy, theo kết quả nghiên cứu của khảo cổ học thì vùng đất Quảng Bình thuộc địa bàn phân bố của các nền văn hóa đồ đá mới mang đặc trưng của Văn hóa Hòa Bình đến Văn hóa Bàu Tró. Đến thời đại kim khí, cư dân Việt cổ trên địa bàn Quảng Bình cũng đã bắt nhịp được với trình độ phát triển chung của cư dân ở các đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trên bước đường phát triển. Các cuộc khai quật khảo cổ học ở Quảng Bình trong thế kỉ XX cho thấy có khá nhiều hiện vật mang đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở Quảng Bình. Tiêu biểu là trống đồng ở Phù Lưu (Quảng Trạch); rìu đồng, dao găm đồng ở Cổ Giang (Bố Trạch). Mặt khác, việc tìm thấy khuôn đúc đồng ở Hương Hóa (Tuyên Hóa) là một minh chứng xác tín về tính bản địa của nghề đúc đồng ở Quảng Bình. Kết quả khảo cổ học nói trên cho phép chúng ta khẳng định: Quảng Bình là một trong những địa bàn phân bố của nền Văn hóa Đông Sơn (còn gọi là nền văn minh Văn Lang Âu Lạc) và là miền đất phía Nam của nước Văn Lang rồi Âu Lạc. Như vậy, từ sơ kỳ đá mới đến sơ kỳ đồ sắt, vùng đất Quảng Bình là địa bàn phân bố kế tiếp nhau của các công xã thị tộc, công xã nông thôn của người Việt cổ. Tuy nhiên, Quảng Bình cũng là nơi giao thoa của Văn hóa Bàu Tró với Văn hóa Sa Huỳnh (tiền thân của văn minh Chămpa) mà bằng chứng là khảo cổ học tìm thấy khuyên tai hai đầu thú trong di chỉ Văn hóa Bàu Tró, khuyên tai ba mấu ở Tam Tòa (Đồng Hới).


Sau khi nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính, từ năm 179 trước công nguyên (TrCN) đến năm 111 Tr.CN, vùng đất Quảng Bình có thể nằm trong quận Cửu Chân và bị đặt dưới ách cai trị của chính quyền đô hộ họ Triệu (nước Nam Việt). Cũng có thể là vùng đất Quảng Bình nằm ngoài sự cai trị của Nam Việt và thuộc lãnh thổ của nước Việt Thường Thị (có lãnh thổ là khu vực Trung Bộ). Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái: “khi nhà nước Văn Lang ra đời và sau đó là sự nối tiếp của nhà nước Âu Lạc thì vùng đất Quảng Bình xưa có sự quản lý xen kẻ của các nhà nước tối cổ phía Bắc, phía Nam đối với cộng đồng cư dân ở đồng bằng, ven biển và hạ lưu các con sông, còn cư dân trong vùng núi và trước núi thì vẫn theo chế độ tự quản bộ lạc”[13; 70]


Năm 111 Tr.CN, nhà Tây Hán thôn tính nước Nam Việt và thiết lập trên lãnh thổ Âu Lạc (cũ) 3 quận gồm Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Giao Chỉ và Cửu Chân là 2 quận từ thời nhà Triệu. Quận Nhật Nam là vùng đất từ phía Nam dãy Hoành Sơn tới Bắc đèo Cả (Phú Yên) được chia thành 5 huyện gồm Chu Ngô, Tây Quyển, Lư Dung, Tỷ Ảnh và Tượng Lâm. Như vậy, vùng đất Quảng Bình lúc này đã bị nhà Tây Hán chinh phục và cai quản. Từ đó đến giữa thế kỉ III, Quảng Bình liên tiếp nằm dưới ách cai trị của các triều đại: Tây Hán, Tân, Đông Hán, Ngô.


Từ năm 192 đến năm 193, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, nhân dân huyện Tượng Lâm vùng dậy khởi nghĩa giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Vùng đất huyện Tượng Lâm trở thành vương quốc Lâm Ấp độc lập; 4 huyện còn lại của quận Nhật Nam vẫn nằm dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Sau khi giành được độc lập, Lâm Ấp ngày càng lớn mạnh và phát triển. Đến nửa sau thế kỉ III, nhân lúc chính quyền đô hộ của nhà Ngô suy yếu, vua Lâm Ấp đưa quân đánh chiếm phần lớn vùng đất còn lại của quận Nhật Nam. Do đó nhà Ngô chỉ còn giữ được phần đất từ bờ Bắc sông Gianh đến đèo Ngang (vùng Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa ngày nay) nên phải bỏ quận Nhật Nam. Năm 280, sau khi chinh phục nước Ngô, nhà Tấn kết thúc cục diện Tam quốc và thống nhất Trung Quốc; từ đó đến năm 337, phần đất Quảng Bình từ bờ Nam sông Gianh trở vào nằm dưới ách cai trị của Lâm Ấp; phần còn lại phía Bắc nằm dưới sự cai trị của nhà Tấn. Năm 337, vua Lâm Ấp là Phạm Văn đánh chiếm nốt phần đất còn lại của quận Nhật Nam từ bờ Bắc sông Gianh đến đèo Ngang, rồi cho quân lính san bằng huyện lỵ do nhà Tấn lập ra ở đây. Vùng đất Quảng Bình trở thành chiến trường ác liệt của các cuộc chiến tranh giữa Lâm Ấp với chính quyền đô hộ phong kiến Trung Hoa từ thế kỉ III đến thế kỉ IX. Một mặt do chiến tranh khốc liệt diễn ra mặt khác là sự cướp bóc và tàn hại của cả hai thế lực tranh chấp nói trên mà các cộng đồng cư dân người Việt đã sinh sống ở vùng đất Quảng Bình này phải di cư sang phía Bắc dãy Hoành Sơn hoặc bị tiêu diệt.


Sau khi làm chủ vùng này, Lâm Ấp đã xây dựng thành lũy, đồn trại để trấn giữ và đưa người Chăm đến định cư làm phên dậu của quốc gia. Bằng chứng là khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích văn hóa Chăm có niên đại từ thế kỉ III đến thế kỉ IX trên địa bàn Quảng Bình. Khoảng thế kỉ VII, Lâm Ấp lấy vùng đất gồm Quảng Bình và Bắc Quảng Trị lập 3 châu: Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh. Bố Chinh và Địa lý là vùng đất Quảng Bình còn Ma Linh là hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị ngày nay.

Vào thế kỉ IX, Lâm Ấp đổi tên nước là Hoàn Vương rồi Chiêm Thành (còn gọi là Chămpa). Năm 905, nhân cơ hội nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ - một hào trưởng người Việt đã lãnh đạo nhân dân Giao Chỉ, Cửu Chân đứng lên xóa bỏ chính quyền đô hộ của nhà Đường. Đầu thế kỉ X, chính quyền họ Khúc và họ Dương và các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê bắt tay vào giải quyết những tồn đọng về chính trị, kinh tế và xã hội của thời Bắc thuộc, củng cố nền độc lập tự chủ ở vùng đất phía Bắc dãy Hoành Sơn tới biên giới Việt - Trung. Trong thời gian này, Chiêm Thành đã có sự phát triển mạnh mẽ nhiều mặt, nên họ nhiều lần đưa quân sang cướp phá Đại Cồ Việt. Năm 979, khi cha con Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, triều Đinh khủng hoảng, Chămpa điều động hơn 1.000 thuyền chiến theo đường biển tiến sang xâm lược Đại Cồ Việt.

 Khi thuyền chiến của Chiêm Thành vừa vượt biển tiến vào cửa sông Hoàng Long thì bị bão tố nhấn chìm; nhờ đó mối họa xâm lăng từ Chiêm Thành đối với Đại Cồ Việt lần này được thiên nhiên loại bỏ. Lúc nhà Tống chuẩn bị xuất binh xâm lược Đại Cồ Việt thì vua Đinh là Đinh Toàn mới sáu tuổi chưa đủ năng lực để lãnh đạo quân dân cả nước chống ngoại xâm. Để đối phó với sự xâm lược của nhà Tống, triều đình nhà Đinh và Thái hậu Dương Vân Nga đã phò tá Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vu


a để lãnh đạo quân dân kháng chiến. Sau khi kháng chiến chống Tống thắng lợi, Lê Hoàn đã chủ động cử sứ giả sang Chiêm Thành đặt vấn đề thiết lập quan hệ bang giao hòa hiếu giữa hai nước. Đáng tiếc rằng giai cấp thống trị của Chiêm Thành vẫn giữ thái độ đối địch và còn bắt giam sứ giả của Lê Hoàn. Để loại trừ mối họa từ phía Nam, năm 982, Lê Hoàn đã tự làm tướng đưa quân tấn công vào kinh đô Chiêm Thành. Quân đội Lê Hoàn nhanh chóng đánh bại quân Chiêm bắt sống vua Chiêm, phá hủy thành trì thu nhiều chiến lợi phẩm, bắt hàng nghìn tù binh rồi rút quân về nước. Sau trận thua này, Chiêm Thành phải triều cống cho quốc vương Đại Cồ Việt. Để đề phòng việc Chiêm Thành lại cho quan sang cướp phá Đại Cồ Việt nên năm 992, Lê Hoàn sai tướng Ngô Tử An cùng 3.000 binh lính mở con đường bộ từ Nam Giới vào Địa Lý (từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình) đặt cơ sở cho việc hình thành con đường thiên lý chạy suốt Bắc Nam nước ta sau này.

Trong 60 năm đầu cai trị của nhà Lý, Chiêm Thành dần phục hồi lực lượng nên thỉnh thoảng lại cho quân sang cướp phá Đại Cồ Việt tại khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh. Năm 1044, quân Chiêm Thành lại ra cướp phá Nghệ An, vua Lý Thái Tông phải ngự giá chinh phạt Chiêm Thành. Quân Chiêm thua trận, Lý Thái Tông bắt được trên 5.000 tù binh và 30 voi chiến. Tướng Chiêm là Quách Gia Bi chém Quốc vương Xạ Đẩu mang đầu qua hàng, vua Lý thắng trận bắt được nhiều tù binh và chiến lợi phẩm mang về. Năm 1054, nhà Lý đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, từng bước củng cố và phát triển nhà nước quân chủ phong kiến trung ương tập quyền.


Nhìn chung trong thời gian từ đầu thế kỉ V cho đến năm 1069, vùng đất Quảng Bình về cơ bản nằm dưới sự quản lý của Lâm Ấp (Chiêm Thành); song vùng này là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc chiến tàn khốc giành giật giữa Lâm Ấp với quan quân đô hộ của phong kiến Trung Hoa, rồi sau là với quân đội nhà Tiền Lê và nhà Lý. Do chiến tranh khốc liệt diễn ra thường xuyên lại bị bọn quan lại phong kiến Trung Hoa và Lâm Ấp (Chămpa) cướp bóc, tàn sát nên các làng xóm của người Việt và công xã nông thôn của người Chăm ở đây đều phải dời đổi. Một số làng xã bị cướp bóc tàn hại, số còn lại phải dời sâu vào hai phía Nam và bắc của đèo Ngang.


Năm 1069, được sự cấu kết và xúi giục của nhà Tống, Chiêm Thành lại cho quân sang cướp phá Đại Việt ở vùng biên giới phía Nam. Để loại trừ mối hiểm họa từ Chiêm Thành, vua Lý Thánh Tông đã cùng Lý Thường Kiệt đưa quân tấn công sang tận kinh đô Phật Thệ của Chiêm Thành. Quân Chiêm đại bại, vua Chiêm là Chế Củ bị quân nhà Lý bắt sống. Để chuộc mạng Chế Củ phải cắt đất 3 châu gồm Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Chắc chắn là các cư dân người Chăm sinh sống ở 3 châu khi vùng đất này bị cắt cho Đại Việt đã phải di dời vào trong phần lãnh thổ còn lại của Chiêm Thành. Năm 1074, Chiêm Thành cho quân tiến sang cướp lại 3 châu. Tháng 8 năm 1075, vua Lý lại sai Lý Thường Kiệt đưa quân vào giành lại 3 châu. Sau khi đẩy lùi quân Chiêm, Lý Thường Kiệt cho vẽ địa đồ hình sông thế núi rồi đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và châu Bố Chinh thành châu Bố Chính. Lý Thường Kiệt còn mộ dân vào khai canh lập ấp ở Lâm Bình làm chỗ dựa để cai quản vùng đất mới thu phục. Như vậy từ năm 1075, các làng Việt đầu tiên được xác lập trở lại ở khu vực phía Nam Quảng Bình. Từ năm 1069 đến trước năm 1470, thỉnh thoảng Chiêm Thành vẫn cho quân sang cướp phá khu vực 3 châu song về cơ bản vùng đất Quảng Bình vẫn nằm dưới sự quản lý của chính quyền Đại Việt.


Từ năm 1069 đến thế kỉ XIV, Quảng Bình là vùng đất biên viễn phía Nam của Đại Việt, có vị trí trọng yếu nhưng tính đến cuối thế kỉ XIII, cư dân nơi đây vẫn còn rất thưa thớt. Do đó nhà Trần đã ban hành chính sách khuyến khích các quan lại, qúy tộc mộ dân khai hoang lập điền trang. Chính sách này đưa tới đợt di dân thứ hai đến khu vực phía Nam Quảng Bình (Hoàng Hối Khanh mộ dân nghèo khai khẩn lập điền trang ở Lệ Thủy). Một số các tướng tá, binh lính vào trấn giữ ở Quảng Bình sau khi xuất ngũ cũng ở lại khai khẩn đất hoang lập nên làng xóm, thôn ấp để sinh sống. Nhờ có sự phát triển nhất định về cư dân và xã hội mà trong thế kỉ XIV nhà Trần đã nâng Lâm Bình từ cấp châu lên cấp phủ. “Năm 1366, Phạm A Song được phong làm Đại Tri phủ Lâm Bình. Năm 1375, nhà Trần đổi phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình. Năm 1397, nhà Trần đổi phủ Tân Bình làm trấn Tây Bình”[2].


Nhà Hồ lên cầm quyền trong những năm 1400-1407, tiếp tục chủ trương vận động các quan lại mộ dân nghèo ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào khai khẩn đất hoang lập làng xã ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Do đó có đợt di dân thứ ba đến Quảng Bình và một số làng Việt ở khu vực phía Nam Quảng Bình tiếp tục được thành lập (phần lớn họ Hồ ở Quảng Bình có gia phả ghi chép là vào đây thời nhà Hồ và lúc cha con Hồ Qúy Ly bị nhà Minh bắt) [6].


Thời Minh thuộc, vùng đất Quảng Bình được chính quyền đô hộ đổi tên từ trấn Tây Bình thành phủ Tân Bình. Sau mười năm khởi nghĩa rất kiên cường, anh dũng nghĩa quân Lam Sơn đã giải phóng được đất nước khỏi ách thống trị của nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi vua (1428) lập ra nhà Hậu Lê (Lê Sơ). Nhà Hậu Lê chia cả nước thành 12 thừa tuyên, Quảng Bình vẫn là phủ Tân Bình thuộc thừa tuyên Thuận Hóa.


Đến giữa thế kỉ XV, về cơ bản khu vực phía Nam Quảng Bình gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới đã được nhân dân khai khẩn thành làng xóm đồng ruộng khá sầm uất. Sách Quảng Bình thắng tích lục phản ánh tình hình trên như sau: “Về đời Hồng Đức, ở phía Nam Quảng Bình dân cư đã tiệm đông, nhưng ở phía Bắc tức châu Bố Chính (Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch) vì ruộng xấu, đất cao, sinh kế khó nhọc nên dân cư thưa thớt lắm. Năm 1467, nhân có lời xin của quan Thừa chánh sứ ty Tham nghị Hóa châu là ông Đặng Chiêm, vua bèn hạ dụ chiêu tập dân gian vào khai khẩn ở châu Bố Chính. Kể từ đó, lần lần mới có người vào sinh cơ lập nghiệp ở phía Bắc Quảng Bình”. Đến đầu niên hiệu Hồng Đức sau khi hộ giá nhà vua chinh phạt Chiêm Thành (1471) trở về khá nhiều quan lại, tướng tá đã đứng ra mộ dân phiêu tán đến khai khẩn đất hoang thành lập làng xã ở khu vực phía Bắc Quảng Bình. Đây là đợt di dân khai canh lập làng lớn thứ tư ở Quảng Bình. Một loạt làng xã của người Việt được thành lập ở khu vực Bắc Quảng Bình trong 30 năm cuối thế kỉ XV. Nhờ đó đến hết thế kỉ XV, những vùng đất hoang hóa của Quảng Bình về cơ bản đã được khai khẩn biến thành làng xã gần hết nên từ thế kỉ XVI về sau mà làng xã ở Quảng Bình đã khá ổn định. Số liệu thống kê làng xã năm 1490 (năm xác định bản đồ) đời Hồng Đức và số liệu thống kê trong Ô châu cận lục trước năm 1555 dưới đây là minh chứng đầy thuyết phục tình hình này:



 
Huyện châu
Thời Hồng Đức
định bản đồ (1490)
Thời Dương Văn An viết Ô châu cận lục (1553-1555)
Thôn
Trang
Thôn
Trang
Châu Bố Chính (Q. Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa)
Huyện Lệ Thủy
Huyện Khang Lộc (H. Quảng Ninh)
64
28
80
24
0
0
20
2
0
69
32
75
0
0
7
0
1
0



Qua so sánh số lượng các làng xã từng huyện ở hai thời gian trên chúng ta thấy châu Bố Chính số làng tăng 5 làng nhưng số thôn, phường, trang lại triệt tiêu phải chăng là một số thôn, trang được sáp nhập vào các làng lân cận hoặc phát triển lên thành làng mới. Huyện Lệ Thủy số làng chỉ tăng lên 4, số thôn tăng lên 1 nhưng số trang lại giảm đến mức triệt tiêu. Huyện Khang Lộc số làng giảm 5 mà số thôn tăng lên 7. Sự thay đổi nhỏ này chỉ có thể là một số làng đã tụt xuống cấp thôn mà gần như không có sự thành lập thêm các làng mới. Năm 1558, khi vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng vận động chiêu mộ khá đông nhân dân ở Thanh - Nghệ cùng vào. Mặt khác, trong những năm 1558, 1559 khu vực Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đói lớn nên nhân dân dắt nhau chạy vào xứ Thuận Hóa khá đông, do đó có đợt di dân thứ năm đến Quảng Bình. Tuy nhiên, qua khảo sát quá trình hình thành làng xã thì số làng xã mới thành lập ở Quảng Bình giai đoạn này không nhiều. Từ những căn cứ trên chúng ta có cơ sở để kết luận rằng: đến đầu thế kỉ XVI, về cơ bản hầu hết những nơi đất đai thuận tiện cho con người sinh cơ lập nghiệp ở Quảng Bình đều đã được khai khẩn; hệ thống làng xã ở đây đã được thành lập đi vào ổn định và phát triển.


Như vậy, tính từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX, phần lớn các làng xã ở Quảng Bình đã có quá trình hình thành và phát triển liên tục trên dưới 300 năm. Độ dài thời gian nói trên là đủ để các làng xã ở Quảng Bình phát triển trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, văn hóa và hình thành nên những sắc thái đặc trưng, những truyền thống văn hóa riêng của từng làng quê. Những truyền thống văn hóa đó tính đến thế kỉ XIX thì đã định hình và trở thành nền tảng vững chắc cho làng xã ở Quảng Bình về sau tiếp tục kế thừa và phát triển.


2. Danh hương ở Quảng Bình:

Thời gian ra đời của thuật ngữ và những tiêu chí đặc trưng để xác dịnh một danh hương ở Quảng Bình


a) Xuất xứ của các thuật ngữ “danh hương”, “tứ danh hương” và “bát danh hương” ở Quảng Bình


+ Thuật ngữ “danh hương”

Thuật ngữ “danh hương” nếu giải nghĩa theo lối duy danh định nghĩa thì “danh” ở đây là danh tiếng, là sự nổi tiếng về những gì tốt đẹp; “hương” là một cách gọi khác của làng. Như vậy “danh hương” là “làng nổi tiếng”. Từ định nghĩa đó chúng ta thấy rằng danh hương có nghĩa rất rộng nó dùng để chỉ một làng nổi tiếng về một lĩnh vực nào đó. Trong tác phẩm Khảo sát làng văn hóa làng xứ Thanh, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Nhân và các cộng sự đã phân chia các làng nổi tiếng ở Thanh Hóa và khu vục Bắc Bộ thành các loại gồm: làng văn và làng võ, làng nghề truyền thống và làng nghệ thuật (làng tuồng quan họ, làng hát bội...).


Các nhà nghiên cứu trên định nghĩa: “làng văn” là làng nổi tiếng văn học được mọi người kính nể, con cháu vẫn tiếp tục phát huy. Đó là những làng có truyền thống học chữ Nho, nhiều người đỗ đạt cùng với sinh hoạt văn thơ của các gia đình Nho học tạo ra nét văn hóa riêng cho làng”[7; 168]. Theo cách giải nghĩa này thì thực chất các làng văn ở xứ Thanh và ở Bắc Bộ là những làng văn vật nổi tiếng.


Ở Quảng Bình qua nghiên cứu các tài liệu chúng tôi thấy rằng thuật ngữ danh hương lần đầu xuất hiện ở giữa thế kỉ XVI; trong Ô châu cận lục, Dương Văn An có viết: “Phước Lộc thì xây dựng danh hương”[1;8]. Tuy nhiên trên thực tế lúc này ở Quảng Bình chưa có sự xác định cụ thể làng nào là danh hương mà Dương Văn An chỉ nói đến việc xây dựng danh hương mà thôi. Ở huyện Lệ Thủy ngay từ thời nhà Mạc đến Lê Trung Hưng đã có một số làng nổi tiếng khoa bảng, có người đỗ đại khoa; tiêu biểu là các làng Tuy Lộc, Đại Phúc Lộc, An Chế (An Xá) song vẫn không có tài liệu nào xếp các làng đó vào trong số các danh hương của Quảng Bình. Dưới vương triều Nguyễn, qua thống kê về khoa bảng thì làng La Hà dẫn đầu cả tỉnh về số lượng người đỗ đại khoa (6 vị), xếp thứ hai là Lý Hòa (4 vị), kế đến là các làng An Xá, Cảnh Dương, Lộc Điền, Cao Lao, Lộc Long, Phù Chánh (đều có 2 vị đỗ đại khoa). Riêng làng An Xá nếu tính cả hai thời kỳ cũng có tới 4 vị đỗ đại khoa. Tuy nhiên trong số các làng khoa bảng đó lại chỉ có La Hà và Cảnh Dương là được xếp vào nhóm các danh hương của tỉnh Quảng Bình.


Qua khảo sát tám danh hương (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim) so sánh với các làng khoa bảng khác; chúng ta có thể khẳng định rằng: ở Quảng Bình khái niệm danh hương không đơn thuần chỉ có nghĩa là để vinh danh một làng nổi tiếng về khoa cử hay một lĩnh vực nào đó. Mà danh hương của Quảng Bình là một khái niệm dùng để chỉ những “làng văn vật” gần nghĩa với “làng văn” ở xứ Thanh và Bắc Bộ. Để hiểu một cách đầy đủ và chính xác về danh hương văn vật của Quảng Bình chúng ta tìm hiểu thêm khái niệm “văn vật”. Trong giáo trình Lịch sử văn hóa Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Công Bá giải nghĩa khái niệm văn vật: theo nghĩa chữ Hán thì văn là vẻ đẹp, vật là vật chất, văn vật là di sản văn hóa với số lượng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các danh nhân dồi dào phong phú. Văn vật còn hàm chứa nghĩa là nơi có bề dày quá khứ và mang tính nhân bản sâu sắc”.


Tóm lại, các danh hương ở Quảng Bình là những làng văn vật với nghĩa là những làng có bề dày lịch sử, nổi trội trên nhiều phương diện từ khoa cử, đến di tích, danh lam thắng cảnh, có sinh hoạt văn hóa, học thuật đặc sắc, lại có nhiều danh nhân hoặc trai tài gái sắc.


+ Tứ danh hương, bát danh hương ở Quảng Bình có từ bao giờ?


Qua tìm hiểu, nghiên cứu các thư tịch cỗ chúng tôi thấy rằng, các cụm từ “tứ danh hương”, “bát danh hương” ở Quảng Bình chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ đời Minh Mạng trở lại đây mà thôi. Các tác phẩm Dư địa chí, Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Phương Đình địa dư chí, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí khi viết về Quảng Bình đều chưa một lần đề cập đến các cụm từ này. Phải từ các triều Minh Mạng đến Tự Đức (1820-1883) thuật ngữ danh hương bắt đầu lộ diện mà bằng chứng là lần đầu tiên “tứ danh hương” được các tác giả sách “Đại Nam nhất thống chí” nhắc tới. Trong tập 2 - Quảng Bình chí; ở phần phong tục có chép: “...bốn xã Sơn, Hà, Cảnh, Thổ (Lệ Sơn và La Hà thuộc huyện Minh Chính, Cảnh Dương và Thổ Ngọa thuộc huyện Bình Chính), đời nào cũng có người khoa giáp...”[3;12]


Đã có 4 danh hương ở phía Bắc thì theo lôgic là 4 danh hương phía Nam sẽ được bình chọn và xác định. Tại phủ Quảng Ninh sau đó đã xuất hiện tứ danh hương: Văn, Võ, Cổ, Kim (là các làng Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Như vậy thuật ngữ bát danh hương chỉ có thể là hệ quả của hai tứ danh hương hợp thành.


Nhà nghiên cứu Mai Đình Lê Tộ trong bài “Lệ Sơn, vải tiến và cụ Lê Bính”, đăng trên Tập san Quảng Bình Quê hương tôi khẳng định: “Từ đầu triều Nguyễn, Quảng Bình nổi tiếng đệ nhất danh hương có tám làng, Quảng Trạch có Sơn, Hà, Cảnh, Thổ (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương và Thổ Ngọa), Quảng Ninh có Văn, Võ, Cổ, Kim (Văn La, Võ xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Các làng ấy nổi tiếng nhờ có khoa hoạn đông đời đời nối tiếp. Nhưng những làng như thế, phần nhiều cũng có phong cảnh kỳ tú, có danh sơn đại xuyên bối sái hoặc cùng chiếu và nam thanh nữ tú, có phong tục thuần mỹ cả”[16; 5].


Từ các thông tin trên chúng ta có thể kết luận là: thời điểm bắt đầu có sự phân chia các các làng xã ở Quảng Bình thành các làng văn vật để tôn vinh về những đặc trưng văn hóa nổi trội so với các làng khác mới có từ đầu triều Nguyễn. Các danh hương, tứ danh hương và bát danh hương mặc nhiên được mọi người thừa nhận và được sử dụng phổ biến khi giới thiệu về lịch sử và văn hóa của tỉnh Quảng Bình từ giữa thế kỉ XIX đến nay.


a) Các tiêu chí của một danh hương văn vật ở tỉnh Quảng Bình


Từ thông tin trên kết hợp với việc khảo sát cụ thể các đặc trưng văn hóa nổi bật của tám làng trong “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi bước đầu xác định được các tiêu chí của một danh hương văn vật ở Quảng Bình gồm:


- Làng có truyền thống hiếu học, nhiều người khoa bảng đỗ đạt.

- Làng có sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc.

- Làng có nhiều danh nhân hoặc có nhiều người làm quan có danh tiếng tốt.

- Làng có nhiều danh thắng kỳ tú,

- Làng có số lượng di tích lịch sử, di tích văn hóa phong phú.

- Làng có nhiều phong tục thuần mỹ.

- Làng có nhiều trai tài gái sắc.


Khảo sát kỹ bát danh hương: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại chúng tôi thấy các làng này đều có các tiêu chí kể trên. Như vậy bát danh hương Quảng Bình chính là những làng văn vật nổi tiếng hàng đầu của tỉnh Quảng Bình.


3. Bát danh hương: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại - một số đặc trưng văn hóa nổi bật


a) Làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, thuộc huyện Tuyên Hóa là làng có bề dày lịch sử với hơn 500 năm xây dựng và phát triển. Lệ Sơn là làng nổi tiếng có truyền thống hiếu học từ xưa đến nay. Ngay từ buổi đầu lập làng, cố Lê Văn Hành (vị Tiền khai canh làng Lệ Sơn) đã mời cụ Trần Cảnh Huống nguyên là quan Thái học ở trường Quốc tử giám nghỉ hưu tại làng Phù Kinh về làm thầy học cho con em Lệ Sơn. Cố Trần Cảnh Huống nổi tiếng là người học rộng, văn chương uyên bác lại có phong cách sư phạm mẫu mực. Cố là người đầu tiên đến mở trường khai trí cho con em Lệ Sơn. Làng Lệ Sơn trước đây là nơi khá cách trở về giao thông; đất canh tác nông nghiệp của Lệ Sơn không nhiều mà nguồn nước ngọt lộ thiên lại không đủ tưới cho đồng ruộng khi trời hạn hán trong vụ đông xuân. Vụ hè thu ở Lệ Sơn hầu như năm nào cũng bị ngập úng vì lũ lụt. Do đó mặc dù Lệ Sơn lấy trồng trọt làm ngành kinh tế chủ đạo nhưng đời sống của người dân nơi đây luôn phải đối mặt với đói rét trong các kỳ giáp hạt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người Lệ Sơn rất chú trọng đầu tư cho con em mình học hành để mong thoát cảnh nghèo đói.


Chính những khó khăn mà thiên nhiên tạo ra cho Lệ Sơn đã khiến các bậc làm cha làm mẹ dù thiếu thốn khổ cực đến đâu cũng ra sức động viên con, cháu chăm lo học tập. Truyền thống khuyến học, khuyến tài do đó sớm hình thành ở Lệ Sơn. Qua thống kê chưa đầy đủ, dưới chế độ phong kiến, con em Lệ Sơn có trên 20 người đỗ cống sĩ (cử nhân) và khoảng gần 100 người đỗ tú tài. Thời nhà Nguyễn, hầu như khoa thi nào cũng có người Lệ Sơn đi thi và đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân. Mặc dù không có người đỗ đại khoa, nhưng làng Lệ Sơn có một Giải nguyên là cố Lê Thời Tập đổ năm Minh Mạng thứ 9 (1828); hai Á nguyên là cố Lê Huy Côn đỗ năm Minh Mạng thứ 6 (1825) và cố Lương Nhị đỗ năm Tự Đức thứ 35 (1882). Có hai khoa thi làng Lệ Sơn có hai người cùng đỗ cử nhân. Đó là năm Gia Long thứ 17 (1818) có Phan Nhật Thạnh và Lê Huệ; khoa thi năm Minh Mạng thứ 8 (1828) có Lê Thời Tập và Lê Tư Duệ cùng đỗ. Lệ Sơn dưới triều Nguyễn có hai cha con cùng đỗ cử nhân là Lê Huy Côn và Lê Huy Tuân. Đặc biệt có ông Lương Khắc Kiệm là người tám khoa liền đỗ tú tài. Lệ Sơn có quy định khuyến học bằng học điền; làng trích ruộng làm phần thưởng cấp cho người đỗ đạt. Một số phú hộ trong làng đã hiến ruộng cho làng làm học điền. Theo nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú thì sở dĩ Lệ Sơn được xếp vào bát danh hương vì người Lệ Sơn từ nam phụ đến lão ấu ai cũng thuộc sách Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám phụ nữ ai cũng thuộc Truyện Kiều [8]


Lệ Sơn là làng có nhiều danh sơn kỳ tú. Ở Lệ Sơn gắn với dãy núi đá vôi có tới gần 100 đỉnh là truyền thuyết Lèn 99 chóp, Lèn Đứt chân. Dãy núi này có một loạt các đỉnh nhấp nhô uốn lượn được các bậc trí thức làng đặt cho những cái tên rất đẹp như Thi Đàn, Họa Các, Vũ Tọa, Thần Vì,... Núi Lệ Sơn có nhiều hang động như động Chân Linh, hang Mụ Trằn đã đi vào huyền thoại, thi ca và cổ tích. Lệ Sơn có hệ thống di tích phong phú thờ đủ cả tiên, thánh, thần, phật (miếu Chân Linh thờ tiên nữ, Văn thánh thờ Khổng Tử (thánh), đình làng thờ Thành hoàng và các vị Tiền hiền khai canh, khai khẩn (thần); chùa Phúc Tự và chùa Rôộc (thờ Phật). Ngoài ra, ở Lệ Sơn còn có một loạt di tích lịch sử - văn hóa khác như: 8 miếu thờ của tám họ lớn, miếu thờ Bà Sơn, miếu Tam Tòa thờ Đại càn quốc gia Nam Hải, miếu Hiền lương; miếu thờ các Đức ông gồm Thành hoàng, Câu Kê quan, Mậu Tiên hầu, Mạnh Linh; miếu thờ Tả phủ quận công, Chấn quận công, Hoa quận công.


Thời phong kiến, Lệ Sơn có số lượng người làm quan rất đông. Theo thống kê chưa đầy đủ làng Lệ Sơn thời phong kiến có số lượng võ quan trên 30 người từ Thượng tướng quân đến Đề đốc, Vệ úy, Phó vệ úy, Cai đội... Thượng tướng quân có Tả phủ Trà Quận công Nguyễn Trung Trực, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ có Nguyễn Huy Tưởng. Đô đốc có Hoa Quận công Nguyễn Khắc Tuân; các võ tướng như Trung kiệt tướng quân Lê Đình Liên, Quả cảm tướng quân Lê Huy Điện, Kỵ úy tướng quân Lê Đăng Loan, Tráng kiệt tướng quân Lương Tú Lâm; các Phấn lực tướng quân Lê Đình Luyện, Lê Quốc Thạch, Lương Quốc Hậu, Lương Thiếu Huệ...


Lệ Sơn có nhiều quan văn từ Tuần phủ, Bố chính, Tri phủ, Tri huyện, đến Thừa lại. Lệ Sơn có 1 Tuần Phủ là Lê Duy Dần, 2 Bố Chính là Lê Ngọc Uẩn, Lê Tư Duệ; Án sát có Lê Thời Tập, Lê Huy Tuân,... Đốc học có Lương Nhị, Lê Bính; Tri Phủ và Đồng Tri phủ có Lương Duy Chí, Lương Khắc Khoan, Lê Huệ. Ngoài ra, Lệ Sơn còn có nhiều người làm quan trong triều từ Lang trung, Thừa biện, Viện trưởng Viện Đô sát, Hàn lâm viện; Hành tẩu và Thư lại các bộ. Trong số nói trên có những người nổi tiếng thanh liêm và trung nghĩa. Lệ Sơn có hai người được liệt thờ ở đền Trung nghĩa trong cố đô Huế là Lê Duy Dần và Lê Huệ, 4 người được vua sai làng lập miếu Hiền lương để nhân dân thờ cúng tại quê hương.


Lệ Sơn là làng có trai tài gái sắc, trai thì chăm học, chăm làm nổi tiếng như Lương Duy Chí nhà nghèo không có tiền mua dầu nên phải lên chùa nhặt chân hương về đốt hay bắt đom đóm thả vào chai làm đèn để học tập và thành tài. Con gái Lệ Sơn nổi tiếng trắng da, dài tóc, có người được tuyển vào cung và được vua Nguyễn gả cho vua Ai Lao.


Lệ Sơn có nhiều phong tục tập quán tốt, đó là các tập tục giúp nhau lợp nhà, bổ cau, bắt cheo. Người Lệ Sơn có những truyền thống tốt như trọng danh dự, thượng võ, giữ nếp sống thanh bạch, lịch sự hiếu khách, làng không có người ăn xin...


Tục bắt cheo các đám cưới cũng là một phong tục hay để thử tài văn học, đồng thời còn thể hiện hiểu biết thâm sâu của người Lệ Sơn qua việc ra một vế câu đối buộc họ nhà trai phải đối lại khi đến làng rước dâu.


Lệ Sơn có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ cầu đảo, hội làng với nghi lễ tế Thành hoàng và các vị Khai canh, Khai khẩn gắn với các hội thi đấu roi, đi quyền của nam giới; thi làm bánh, nấu cỗ của nữ giới.


Lệ Sơn có nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ đặc sắc như hát nhà trò, bói Kiều, đấu cờ người, hò đối đáp, sáng tác câu đố, làm câu đối: mừng thọ, mừng lên thăng quan tiến chức, mừng khai trương đình, miếu, đền thờ.


b) Làng La Hà, nay là thôn La Hà thuộc xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, là làng có thành tích khoa bảng đứng đầu tỉnh Quảng Bình với 6 vị đỗ đại khoa (Tiến sĩ và Phó bảng) và trên 30 vị đỗ Hương khoa (cống sĩ - cử nhân). Sở dĩ có kết quả đó trước hết là do người dân La Hà có truyền thống hiếu học.


Dưới chế độ phong kiến mặc dù không có trường học nhưng với truyền thống hiếu học mà nhiều gia đình đã tự thuê thầy nơi khác về dạy hoặc gửi con em đi các nơi học tập. Có khoa thi năm Mậu Ngọ Tự Đức thứ 11, La Hà có 3 người cùng đỗ cử nhân gồm: Tạ Kim Bảng, Phạm Huy Rinh và Trần Văn Hội, nhiều khoa có 2 người cùng thi đỗ [14]. Đặc biệt trong một gia đình họ Tạ có cả cha, con, bác, cháu, anh, em cùng thi đỗ. Đó là: Tạ Kim Vực cùng hai em là Tạ Kim Pha, Tạ Khuê; có hai con là Tạ Kim Bảng, Tạ Ngọc Đường và cháu là Tạ Hàm đều đỗ cử nhân; trong số đó có hai người đỗ đại khoa gồm Tạ Kim Vực đỗ Phó bảng và cháu là Tạ Hàm đỗ Tiến sĩ. Họ Trần ở La Hà cũng là một dòng họ khoa bảng nổi tiếng có hai anh em là Trần Văn Chuẩn đỗ Tiến sĩ, em Trần Văn Thức đỗ cử nhân; hai cha con cùng thi đỗ là Tiến sĩ Trần Văn Hệ và con trai là Trần Hữu Xứng đỗ cử nhân, hai cha con Phạm Huy Bính, Phạm Huy Rinh cùng đỗ cử nhân. “Trong lịch sử khoa cử của Quảng Bình dưới triều Tự Đức năm thứ 4 (1851), ở kỳ thi Hội đã ghi nhận một bảng vàng rực rỡ nhất cho Quảng Trạch và cả Quảng Bình là chỉ có 3 Tiến sĩ mà Quảng Trạch chiếm cả 3, trong đó làng La Hà chiếm 2 vị....”[13; 473].


Dưới chế độ phong kiến, La Hà có đội ngũ trí thức đông đảo tài cao, học rộng, nhiều người làm quan to nên nhân dân trong phủ Quảng Trạch rất nể phục thậm chí có phần ái ngại khi giao lưu với người La Hà. Đó cũng là lý do mà ở Quảng Trạch xuất hiện câu thành ngữ “Vật giao La Hà trái”. Tiến sĩ Trần Văn Chuẩn - một người La Hà từng được cử làm Phó sứ của Tự Đức đi công cán ngoại giao tại Trung Quốc; sau thăng lên Tổng đốc Nghệ An, rồi Thượng thư bộ Công.


La Hà có nhiều di tích văn hóa lịch sử với nhiều nhà thờ họ, miếu thờ thần. Từ miếu Thành hoàng, miếu Đại càn đến 9 miếu thờ các vị quan đỗ đạt được vua sắc phong và làng rước về. “Phía Đông đình làng có miếu thờ Thánh Võ, phía Đông Nam làng có miếu thờ Xích đế, phía Tây Bắc có miếu thờ Thích đế, phía Đông Bắc có miếu thờ Hắc đế. Ở bến đò qua Ba Đồn có miếu thờ Tả Quận công; hai miếu ở đồng Biền thờ Quận công”[17].


La Hà là làng có một nền văn hóa dân gian độc đáo giàu sức sáng tạo. Văn nghệ dân gian của La Hà có dân ca, hò mái nhì mái đẩy, vè, ví dặm, hát bội, tuồng cổ có nguồn gốc từ xứ Nghệ. Vào những đêm trăng sáng trai gái làng thường hò hẹn hát giao duyên. Tại sân đình làng vào dịp tết Nguyên tiêu dân làng tập trung tổ chức những trò chơi dân gian như chọi gà, đánh cờ người, kéo co đấu vật...


c) Làng Cảnh Dương, nay là xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Khác với các danh hương khác, vùng đất Cảnh Dương là một bán đảo có 3 mặt sông biển, người xưa hình dung Cảnh Dương như một con thuyền đang bồng bềnh trên sóng nước. Với diện tích 3km2 trong đó đất thổ cư chiếm 33ha, đất còn lại toàn là cát nên Cảnh Dương không có đất trồng lúa, trồng màu như các danh hương khác ở Quảng Bình. Tuy không có đất canh tác nông nghiệp nhưng Cảnh Dương vẫn được thiên nhiên ưu đãi nhất định có thể phát triển các ngành nghề, nhất là thủ công và đánh bắt hải sản. Nhờ điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi và người dân cần cù chịu khó mà “Cảnh Dương dưới thời phong kiến đã trở thành một trong những làng giàu có vào bậc nhất châu Bố Chính xưa”[10; 24]. Có tiềm lực kinh tế khá giả nên cư dân Cảnh Dương đã rất chú ý đầu tư kinh phí cho con em học hành khoa cử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính để lý giải vì sao Cảnh Dương không có bề dày lịch sử bằng nhiều làng quê khác ở Quảng Bình nhưng lại là một trong số những làng văn vật nổi tiếng. Cảnh Dương là một vùng đất có cảnh quan kỳ tú, có sông núi hùng vĩ:


“Sông Loan, núi Phượng hữu tình

Bảng vàng ấn ngọc anh linh chầu về”


Sông Loan (sông Roòn), núi Phượng như một bức tranh đẹp, hài hòa cân xứng làm nên cảnh sắc riêng của xứ Roòn mà làng Cảnh Dương chính là một điểm son rực rỡ trong bức tranh thiên nhiên kỳ tú đó” [10; 16].


Cảnh Dương cũng là làng có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Đến trước Cách mạng tháng Tám, Cảnh Dương còn đủ 20 đình, chùa, am, miếu chia thành hai cụm chính: - Khu vực đầu làng có chùa thờ Phật, am Hội Phổ (Phật học), nhà thờ bốn giáp: Đông, Trung, Nam, Tây và miếu thờ Đức thánh Trần.

Khu vực giữa làng có Đình lớn (thờ Thành hoàng), Đình tổ, Đình Thánh, Đình Quan cư (nơi đón các quan), miếu ông Tặng.


Ngoài ra, bốn góc làng có bốn miếu Quan trấn. Các xóm có miếu Thổ, cửa lạch có Bang thờ thần sông, thần biển. Chùa làng được xây dựng cách ngày nay 300 năm. Chùa Cảnh Dương là một tác phẩm nghệ thuật đa dạng đặc sắc về kiến trúc và điêu khắc của thế kỉ XVII. Chùa là nơi tập trung khá nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hóa của Cảnh Dương như chuông chùa được đúc từ cuối đời Cảnh Thịnh (1801). Chuông được xem là một bảo vật quý hiếm từ thời Tây Sơn mà dân làng vẫn còn giữ được. Hai bên tiền sảnh đắp nổi tượng hai ông: thiện và ác mang dáng dấp của một võ tướng oai phong lẫm liệt. Hậu tự là nơi thờ Phật với hàng trăm pho tượng kích cỡ lớn nhỏ khác nhau bằng gỗ, đồng hoặc thạch cao, cùng nhiều tranh vẽ về các tích Phật.


Cảnh Dương cũng là một làng hiếu học nhiều người đỗ đạt làm quan. Dưới triều Nguyễn, Cảnh Dương có 2 Tiến sĩ: Phạm Chân (khoa Mậu Tuất 1838) và Nguyễn Phùng Dực (khoa Kỷ Dậu 1849); 1 Phó bảng là Trần Ngọc Diêu, 14 vị cử nhân và 120 tú tài. Những thành tựu đó là kết quả của sự đầu tư thích đáng cho việc học tập mà dân làng dành cho con em mình. Khi chưa có trường học, người Cảnh Dương thường gửi cho con em vào phủ vào tỉnh để học tập. Để khuyến kích việc học tập của con em, làng đã cho dựng hai tấm bia là Cảnh Dương xã từ vũ bi (dựng năm 1836) và Văn hội tích bi dựng năm Thành Thái thứ 12; trên bia ghi rõ tên những người khoa cử đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân, tiến sĩ. Khoảng năm 1930, Cảnh Dương là một trong số rất ít làng xã của Quảng Bình được mở trường Tiểu học Pháp - Việt. Nhờ đó mà nhiều con em Cảnh Dương có điều kiện học hành và sớm trở thành những trí thức tân học. Nhờ có truyền thống học hành, khoa bảng, nhiều người đỗ đạt mà Cảnh Dương có hội Tư văn dành cho lớp trí thức Nho học. Cảnh Dương cũng là làng có nhiều lễ hội nhất cả vùng Roòn. Có thể chia lễ hội của Cảnh Dương thành các loại sau:


- Lễ hội liên quan đến nghề nghiệp gồm: Lễ câu ngư, xuất hành, lễ cửa.

- Lễ Giỗ tổ và lễ tế rước Thành hoàng.

- Lễ hội phong tục: Lễ Kỳ yên, lễ động mõ...

- Lễ hội tôn giáo: Lễ Vu Lan, lễ Phật Đản.


Văn học dân gian Cảnh Dương có đóng góp đáng trân trọng cho kho tàng văn học dân gian Quảng Bình. Trên bình diện thể loại, kho tàng văn học dân gian Cảnh Dương có các loại chính sau:


- Truyền thuyết và giai thoại kể về lịch sử làng hoặc các nhân vật nổi danh (Họ Cao, ăn mắm Hàm hương nhớ thương ông Cống, Cụ Thượng, Long vương lấy gỗ...).


- Truyện cổ tích nói về nhân tình thế thái (Người chị dâu tốt bụng, Tôi chỉ hơn ông cái này, Ách giữa đàng quàng vào cổ...).

- Tục ngữ cao dao nói về nghề nghiệp và tâm tư tình cảm của cư dân làng biển.

- Các bài vè đi biển (Nhật trình đi ra, Nhật trình đi vô, Rạng ngầm, Con nước...).

- Các bài đồng dao (Hú dê dê, O hòn ót họt, Luồn cầu vồng...).


Xưa kia Cảnh Dương là một làng quê văn vật; trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954, Cảnh Dương là một pháo đài vững chắc - một làng chiến đấu kiểu mẫu, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. “Có được điều này một phần là do từ rất lâu đời dân làng Cảnh Dương luôn đoàn kết, gắn bó với nhau trong tình làng nghĩa nước, cần cù dũng cảm sáng tạo đương đầu với sóng to, gió lớn nơi sông dài biển rộng trong công việc làm ăn, tôn trọng lệ làng, phép nước, kỷ cương, nề nếp trong sinh hoạt hương thôn”[10; 95].


d) Làng Thổ Ngọa, ngày nay thuộc xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch. Nét nổi bật trước tiên cần phải nói tới của làng Thổ Ngọa cũng là truyền thống hiếu học. Dưới triều Nguyễn, người Thổ Ngọa đạt được thành tích khá ấn tượng trên đường khoa bảng: làng có 1 Phó bảng, 15 cử nhân và rất nhiều tú tài. Thổ Ngọa xưa là làng có nhiều thầy giáo giỏi là những ông tú, ông cử không ra làm quan hoặc từ quan về quê theo nghề dạy học. Trong số trí thức Nho học đó thì người nổi tiếng nhất là cố Trần Tiến Ích. Cố Ích đỗ đầu kỳ thi Hương năm Tự Đức thứ 32 (1879) nên thường được gọi là Đầu xứ hoặc Thủ khoa Ích. Trần Tiến Ích từng giữ chức “Tế tửu Quốc Tử giám (đứng đầu Quốc Tử giám như Hiệu trưởng bây giờ); sau ông từ quan về làng mở trường dạy học. Ông đã đào tạo ra rất nhiều sĩ phu, quan lại có danh vọng” [9; 346]. Khoa thi năm Tự Đức thứ 29 (1876), Thổ Ngọa có hai người cùng đỗ là Nguyễn Hải và Nguyễn Xuân Hào.


Làng Thổ Ngọa có nhiều phong tục thuần mỹ như: tục đặt tên, lễ đầy năm, cho con ra ở riêng, dạy con... Thổ Ngọa là làng có lễ hội rất phong phú ngoài các nghi lễ nông nghiệp, thờ Thành hoàng, thì Thổ Ngọa có 7 loại hội khác nhau gồm: Hội bài chòi, hội đấu roi, hội du xuân, hội cờ tướng, hội cờ thẻ, hội cờ người, hội gà chọi, hội tháo khoán.


Thổ Ngọa là làng có số lượng di tích lịch sử - văn hóa phong phú, gồm đình làng, chùa, đền Quan Tả, đền Văn thánh, đền Võ Thánh, miếu Tam Tòa, miếu Năm Nghè, miếu Lòi, miếu Xóm Cầu; có 12 nhà thờ các họ lớn trong làng và điện thờ Đức Thánh Mẫu.


Thổ Ngọa là làng văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc với các loại hình hò khoan, hò ví phường vải Nghệ - Tĩnh, hò dô xứ Thanh, hò đưa linh; hát ru con và một kho tàng ca dao tục ngữ, ngạn ngữ phong phú.


Thổ Ngọa cũng là một trong số những làng có nền văn hóa ẩm thực phong phú với hàng mấy chục món ăn khác nhau. Cá chuối (cá làm từ chuối) dùng để nhấm rượu. Cơm thì có cơm gạo tẻ, cơm nếp, xôi trắng, xôi vò, xôi gấc; các món canh từ canh mít vằm, canh khoai tía, canh môn, canh sắn, canh cá quả, canh ếch nấu măng, canh rau tập tàng, mộc. Các món ăn về cá và thủy sản rất phong phú đặc sắc. Đó là các món: cá rô thóc rán giòn, cá nhét, cá tre kho lá gừng, cá bống kho khô, cá tập tàng, hàu xào, chép chép xào; các món ăn từ ốc có ốc bươu luộc, ốc bươu xào khế, ốc vặn luộc mỡ. Các món gỏi như gỏi cá cầm, gỏi cá mòi, gỏi cá nghéo, gỏi nuốt sứa, gỏi rạm. Các loại cháo gồm: cháo bánh canh, cháo hàu, cháo gà, cháo vịt,… Thổ Ngọa nổi tiếng với các loại bánh như bánh chưng, bánh tét, bánh lòn, bánh nóc chùa, bánh mật, bánh ít lá gai, bánh gai xéo, bánh su sê, bánh in, bánh nổ, bánh dẻo vừng lạc, bánh mít chuối, bánh xoài, bành tráng, bánh ướt, bánh bèo, bánh xèo, bánh khoai lang...


e) Làng Văn La, nay là thôn Văn La thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh. Văn La là nơi con sông Nhật Lệ mang hình bóng con rồng lớn uốn một vòng lặn vào nên cụ Nguyễn Tú gọi Văn La là đất “long đáo địa”. Là danh hương văn vật xếp hàng đầu của phủ Quảng Ninh xưa, Văn La cũng là làng có truyền thống hiếu học; tuy không nhiều người khoa cử đỗ đạt song vì Văn La có đội ngũ Nho học đông đảo nên ngay từ thế kỉ XVI, cư dân Văn La đã được Dương Văn An ca ngợi khi viết Tổng luận cho Ô châu cận lục: “Văn La sẵn tay văn sĩ”. Làng có hội Tư văn là nơi tập hợp các nho sĩ đàm luận văn chương. Hội Tư văn này như một câu lạc bộ thơ và cũng là tổ chức khuyến học của làng. Do sự tham mưu của hội mà làng Văn La thường trích tiền của làng ít nhiều để đặt 1-2 suất học bổng hàng năm, cho trẻ con nghèo khổ mà ham học nhằm động viên con em học hành. Làng Văn La tự lập một trường riêng để đào tạo con em của mình; lấy đình làng làm trường học, thầy giáo là các vị đồ Nho của làng. Nhờ truyền thống hiếu học và nền giáo dục riêng này mà Văn La sớm có một tầng lớp Nho học đông đảo, có nhiều người làm quan to.


Văn La là làng có nhiều nhân tài. Họ Hoàng ở Văn La có Tam đại là Đại học sĩ (hai Hiệp biện Đại học sĩ và một Đông các Đại học sĩ), hai Thượng thư dưới triều Nguyễn. Hoàng Kim Xán làm quan đến Thượng thư bộ Hình, sung Kinh lược sứ sau đổi sang Thượng thư bộ Binh lãnh Tổng đốc Định An. Ông làm quan có chính sách tốt, đâu đâu dân cũng thương mến được vinh hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Cháu là Hoàng Trọng Vĩ từng đỗ cử nhân làm quan đến Tuần vũ rồi Thượng thư bộ Công, ông mất tại quan xá về sau ông được nhà Nguyễn liệt vào thờ ở đền Hiền lương. Hoàng Kế Viêm thực sự là một nhân tài, vua Minh Mạng đã không nhầm khi chọn Hoàng Kế Viêm làm Phò mã.


Cháu của Hoàng Kim Xán là Hoàng Trọng Vĩ làm quan lên đến Thượng thư bộ Công, thăng Hiệp biện Đại học sĩ. Cả ba người đều được phong tặng “Vinh Lộc đại phu”. Chắt là Hoàng Trọng Đài đỗ Phó bảng được sơ bổ làm Tri phủ Anh Sơn. Hoàng Kế Viêm là một võ tướng lừng danh, là người đã thu phục và đánh dẹp nạn giặc cướp Trung Quốc vốn là tàn quân cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc tràn sang nước ta ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Vừa chiêu dụ kết hợp với đánh dẹp, Hoàng Kế Viêm đã loại bỏ được quân Cờ vàng của Hoàng Sùng Anh; thu phục quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc. Ông cũng là một nhà chính trị, nhà kinh tế tài năng. Khi làm Tổng đốc An Tĩnh, Hoàng Kế Viêm khéo léo sử dụng nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ hiến kế giúp cho việc đào kênh Thiết Cảng thành công (công việc mà trước đây nhà Lê, nhà Hồ đã làm nhưng đều thất bại). Không chỉ trai tài mà gái Văn La cũng nổi tiếng đẹp người đẹp nết. Có truyền thuyết cho rằng có một người con gái Văn La được vua Lào (hay vua Chămpa) yêu mến cưới về làm phi.


Văn La cũng là làng có nhiều thuần phong mỹ tục được ghi vào gia phả các dòng họ hoặc hương ước của làng. Bên cạnh truyền thống hiếu học thì người Văn La rất đề cao chữ hiếu, coi đó là đạo lý gia phong để răn dạy con cháu. Gia phả họ Hoàng lớn có chép:“Ngoài chữ hiếu thông thường, mọi người hiểu là phụng dưỡng cha mẹ, lại phải cần cù lao động, siêng năng học hành, trau dồi đức hạnh, khiêm tốn, không kiêu căng, có lòng từ thiện, bác ái giữ nếp sống thanh bạch”.


Gia phả nhánh Trọng họ Lê ghi:“Lấy chữ hiếu làm gốc, chúng ta dù ở bậc nào cũng lấy lòng hiếu thảo làm đầu. Công ơn tổ tiên sâu thăm thẳm, rộng thênh thang như biển Đông mà cao vời vợi như núi đỉnh núi Đầu Mâu trong dãy Trường Sơn...”. Gia phả họ Đỗ cũng ghi: “...Những người con không noi gương tổ tiên là bất hiếu, bất mục, còn thua loài cầm thú...”.


Hương ước Văn La có những quy định thể hiện rõ cuộc sống văn minh tốt đẹp ví như: Việc tế lễ nên“dụng trầm trà, hoa quả, trai bàn”, lễ khai sắc “thì năm ba người làm chung cũng được” hoặc nói về luân lý, người nào chửi mắng bậc tôn trưởng, thân thuộc thì chiếu theo tội tình nặng nhẹ mà trách phạt... đường sá trong làng cần phải sạch sẽ cho hợp vệ sanh...”[11]


f) Làng Võ Xá, nay thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Làng Võ Xá, xưa cũng là một làng quê giàu truyền thống văn hóa nên được chọn xếp vào nhóm danh hương văn vật của Quảng Bình. Võ Xá là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với vị trí chiến lược có sông dài chạy qua từ Nam ra Bắc, có đầm lầy phía Tây và cồn cát phía Đông. Sông Bình Giang (Kiến Giang) đoạn chảy qua huyện Quảng Ninh thì chia thành hai chi. Một chi chảy về phía Tây Bắc qua Văn La hợp với sông Nhật Lệ mà ra biển; một chi chảy thẳng ra Bắc qua Võ Xá.


Làng Võ Xá lập nghiệp trên cồn cát, xung quanh là những đầm lầy, chỉ có con đường độc đạo là đường thiên lý (Quốc lộ 1A) chạy dọc xuyên qua làng. Do có vị trí lợi hại đó mà chúa Nguyễn những ngày đầu đặt chân đến phương Nam đã chọn Võ Xá làm nơi xây dựng đồn lũy dinh cơ. Dinh Võ Xá (Đạo Lưu Đồn) là nơi đồn binh trấn thủ 10 cơ binh của chúa Nguyễn nên còn có tên gọi là Dinh Mười.


Về Nho học tuy không có người đỗ đại khoa song về số lượng cử nhân thì Võ Xá đứng đầu huyện Quảng Ninh với 4 vị trên tổng số 34 vị toàn huyện. Dưới triều Nguyễn, làng Võ Xá có một gia đình 4 cử nhân gồm các ông: Trần Văn Tịnh đỗ cử nhân năm Thiệu trị thứ nhất (1841); Nguyễn Văn Thận con trai ông Tịnh, đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 3 (1850) làm quan đến chức Tuần vũ sau khi mất được truy phong hàm Thượng thư. Ông Nguyễn Thúc Uý (con ông Thận) đỗ cử nhân năm Thành Thái thứ 3 (1891) và Nguyễn Thúc Khẩn (em ông Uý) đỗ cử nhân năm Thành Thái thứ 15(1903). Theo tài liệu truyền miệng thì Võ Xá còn có 2 vị là Phạm Quang Sính học rộng từng thi đỗ cử nhân khoa thi năm 1897, vì không chịu lạy tạ ơn viên Công sứ Pháp nên không được công nhận và ông Lê Tốn đỗ cử nhân năm 1900 cũng vì coi thường bọn quan lại Pháp mà không được thừa nhận. Cả hai ông sau đó đều về quê làm nghề dạy học... Ngoài ra Võ Xá còn có 17 vị đỗ tú tài Nho học.


Về võ học ở làng Võ Xá có 2 người nổi tiếng là Lê Sĩ - đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) làm đến chức Hữu quân Đô thống trong quân đội triều Nguyễn và Phạm Sĩ đỗ cử nhân làm đến chức Chưởng vệ và được thăng hàm nhị phẩm.


Võ Xá cũng là một làng có nhiều nhân tài. Nổi bật nhất là trong số các danh nhân của làng Võ Xá là Lê Sĩ một danh tướng trung liệt. Suốt 40 năm làm võ tướng, ông đã phục vụ tận tụy 4 triều vua từ Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức đến Hiệp Hòa. Là một võ tướng tài ba, ông là người trung thành và luôn tận tụy công việc, với triều đình. Lê Sĩ từng được triều Nguyễn trao cho nhiều chức vụ quan trọng như: Chưởng quân Hữu dực, Tả dực Doanh vũ Thống chế, Hữu quân Đô thống. Ông là người trực tiếp chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển ở những vị trí xung yếu. Trong trận đầu liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam, Lê Sĩ đã chỉ huy quân lính chiến đấu rất kiên cường gây cho giặc nhiều thiệt hại ở Đà Nẵng. Năm 1883, trong trận Pháp tấn công cửa Thuận An, Lê Sĩ đã chỉ huy quân đội chống trả kịch liệt cuộc tấn công của quân Pháp trong sự chênh lệch về lực lượng và vũ khí. Ông đã chiến đấu rất ngoan cường và hy sinh anh dũng trong trận chiến lịch sử đó.


“Võ Xá cũng là nơi hội tụ của nhiều anh hùng hào kiệt nổi danh một thời như Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến, Đốc chiến Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Và cũng tại đây con trai của Nguyễn Hữu Dật là Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào kéo quân đi chinh phạt Chân Lạp rồi chiến thắng trở về”[13; 477].


g) Làng Cổ Hiền, nay là thôn Cổ Hiền thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Về địa lý, “Cổ Hiền là dư khí của hai dãy núi Án Sơn, Thần Đinh thuộc sơn hệ phía Nam Quảng Bình. Khi hai con sông Kiến Giang và Long Đại gặp nhau làm thành con sông Nhật Lệ thì chỗ giáp lưu của ba con sông là địa đầu của làng Cổ Hiền. Nhìn vào bản đồ thì Cổ Hiền giống như hình tam giác nhọn mà đỉnh là mũi Đuồi Diện, đáy là dải đồng bằng vắt ngang từ bên này bờ sông Kiến Giang sang tận bờ sông Long Đại, qua các làng Xuân Dục, Trường Dục,... Hỏa Lò và cạnh là hai dòng sông ấy”[12 ;17].


Cổ Hiền xưa nổi tiếng có truyền thống khoa bảng và hiếu học. Dưới triều Nguyễn cư dân Cổ Hiền có bảng vàng thành tích đáng tự hào với 2 Tiến sĩ gồm Lê Hữu Đệ, Lê Đại (người Phan Xá nhưng sinh ra và lớn lên ở Cổ Hiền) và 11 tú tài. Khác với nhiều nơi, Cổ Hiền có tục lệ tôn trọng người khoa bảng đặc biệt hơn nhiều. Đó là việc Cổ Hiền liệt thờ các nhà khoa bảng được gọi là khai khoa vào văn thánh bên cạnh hoặc dưới Khổng Tử. Điều khác biệt với các nơi là Cổ Hiền thờ các vị khai khoa đầu tiên ở bậc tú tài trở lên trong khi những nơi khác chỉ thờ người đỗ đại khoa. Cổ Hiền cũng là một trong số ít các làng ở Quảng Bình mở trường học từ rất sớm. Nhiều gia đình có nhiều thế hệ học rồi mà không đi thi hoặc chỉ thi lấy lệ rồi về mở trường dạy học để đào tạo cho con em trong làng, tiêu biểu là cụ Lê Văn Quy. “Cụ tuy không đi thi nhưng sức học và tài văn chương thì ít ai sánh kịp. Cụ chuyên dạy học là bậc thầy của nhiều giám sinh, cống sĩ. Con của cụ là Lê Văn Sinh thi trường tỉnh đỗ đầu (Đầu xứ) rồi cũng ở nhà nối nghiệp cha tiếp tục dạy học, duy trì trường ốc do bố lập ra. Con của Lê Văn Sinh là tú tài Lê Duy Hàn cũng nối nghiệp ông cha truyền dạy tri thức cho môn đệ. Học trò các ngài rất đông”[12; 148]. Dưới chế độ phong kiến, làng Cổ Hiền có số lượng làm quan rất đông đảo.


Quan võ Cổ Hiền có các vị: Nguyễn Viết Cảnh - Thừa tra tướng quân; Lê Hữu Lệ - Sơn Tây hùng hữu quân; Trương Đình Khanh - Long vũ, tả vệ Phó vệ quân; Lê Đức Hộ - Hữu hùng cơ; Lê Đức Hán - Tiền quân hữu hùng cơ; Nguyễn Viết Quang - Phụng Dục tướng quân; Lê Đức Uyên - Hùng liệt tướng quân; Trương Đình Hoan - Phó thế tướng quân; Trương Đình Hoàn - Hiệu úy tài xá; Trương Đình Khác - Tiền hùng cơ, hữu quân tri hộ; Trương Đình Thực - Định bắc cơ, tri hộ; Trương Đình Quế - An bắc lục cơ tri hộ; Trương Đình Thị - Đô đốc.


Quan văn Cổ Hiền có các vị: Lê Hữu Đệ - Giám sát Ngự sử; Lê Đại - Bố Chính Hà Tĩnh; Lê Đức Hiệp - Án sát Hải Dương; Trương Đình Lịch - Lộc thế hầu; Lê Đức Huy - Vinh Lộc đại phu; Lê Đức Nhuận - Tư thiện đại phu; Trương Đình Đỉnh - Phụng nghị đại phu; Trương Đình Khoan - Hình bộ Thị lang; Trương Đình Hòe - Tri phủ; Nguyễn Viết Tuấn - Hộ bộ tri vụ; Nguyễn Công Đạo - Nội thị nội triều; Lê Đức Vy - Tri bộ; Nguyễn Viết Đỉnh - Lễ bộ thư ký; Trương Đình Phổ - Công bộ thơ lại.


Cổ Hiền là làng có nhiều di tích về tín ngưỡng văn hóa và lịch sử. Cổ Hiền lập rất nhiều miếu thờ: Miếu 5 bà thờ ngũ hành gồm kim mộc thủy hỏa thổ; miếu Ông thờ Thành hoàng, miếu thờ bà Đại Càn (miếu Tam Tòa) vì có 3 miếu một chỗ: miếu giữa thờ Đại Càn công chúa tứ vị thánh nương, còn hai miếu hai bên không xác định được là thờ 2 vị thần nào cả. Miếu thờ Khổng Tử - Văn Thánh. Văn Thánh của Cổ Hiền có điều đặc biệt là ngoài việc thờ Khổng Tử thì làng còn thờ cả các vị khai khoa làng và khai khoa các họ. Cổ Hiền còn có các di tích như nền Thần Nông, lũy Trường Dục, miếu Thổ công ở xóm Chợ, chùa thờ Phật cũng là những di tích lịch sử văn hóa quan trọng. Nhà thờ 3 họ Lê, Nguyễn, Trương thờ các vị thủy tổ họ cũng là các vị Khai canh của làng, đồng thời còn là di tích lịch sử thời chống Mĩ. Các nhà thờ họ này được chọn làm trụ sở giả chiến của Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Trường cấp ba Quảng Ninh trước đây có một thời gian cũng được sử dụng làm nhà khách của Bộ Tư lệnh Đoàn 559; do đó ngoài di tích lũy Trường Dục thì các di tích liên quan đến Đoàn 559 đều đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.


Cổ Hiền là làng có nhiều lễ hội. Trước đây hằng năm Cổ Hiền tổ chức cúng tế lễ hội gần như mỗi tháng đều có tế lễ công cộng; lễ tết diễn ra từ đầu năm tới cuối năm. Tháng giêng: Tết Nguyên đán cúng tế như các nơi khác, ngoài ra cổ Hiền còn làm lễ Khai hạ. Rằm tháng giêng người Cổ Hiền cúng lễ thượng Nguyên, lễ tế trai chay ở các đền miếu. Tháng hai: lễ Xuân Đinh tế Khổng Tử. Tháng ba: lễ Cầu mùa (Cầu chẹn); lễ Thanh minh dân làng tự nguyện dâng lễ đi sửa mồ mả cúng cô hồn. Tháng tư: Lễ Phật Đản mừng Phật Thích Ca giáng thế. Tháng 5: cúng tết Đoan Ngọ như các nơi khác. Tháng 6: lễ Kỳ Phúc đây là lễ lớn nhất trong năm, làng rước sắc phong của các vị thần chủ trong tất cả miếu đền về đình tế của làng để làm lễ. Tháng 7: Lễ Dương Khao là lễ xá tội vong nhân. Tháng này Cổ Hiền còn có lễ Hạ Canh (Hạ điền) cúng tế Thần Nông ở nền thần nông. Tháng 8: lễ Trung thu không chỉ ngày hội của trẻ em mà còn là ngày cúng của làng tại đình làng. Tháng 9: lễ Hạ ương (Bắc mạ) cúng Thần Nông. Tháng 10: lễ Hạ nguyên tất cả đền miếu đều cúng đồ chay.


Cổ Hiền có một nền văn học dân gian đặc sắc mà phong phú về thể loại: từ hò: hò khoan (hò giả gạo), hò đối đáp giao duyên, hò nhân ngãi; đến các chuyện kể và giai thoại: chuyện nhờ thần giết hổ, chuyện ông Lê Mậu Thưởng; giai thoại bà Vật đỡ đẻ cho hổ; chuyện ông Bá Hộ; giai thoại ông Bơi bà Bổ; giai thoại về ông Đỗ; giai thoại về tiến sĩLê Đại.


h) Làng Kim Nại, nay là thôn Kim Nại thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Ninh. Kim Nại buổi đầu có tên là Đỉnh Nại, đến thời nhà Nguyễn làng được đổi tên thành Kim Đỉnh rồi Kim Nại và cái tên đó được bảo lưu đến ngày nay. Dù mỗi làng mỗi vẻ song giữa các danh hương vẫn có những nét tương đồng mà trước hết là các làng đều có thế địa linh. Kim Nại nằm giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay của huyện Quảng Ninh, xa xa về phía Tây làng có “dãy núi đá Trường Sơn nhấp nhô uốn lượn rồi ăn lan và thấp dần về hướng Đông bỗng nhô lên thành một ngọn đồi đứng xa trông như con voi đang quỳ; bởi vậy có người đặt tên đồi Voi Phục” [11;59]. Đồi này người Kim Nại gọi là “lòi” vì ở đây cây cối um tùm với nhiều loại gỗ qúy như lim, táu, gụ, nhất là dạ hương ngày đêm tỏa hương thơm ngát khiến ai “qua Đỉnh Nại nhớ mùi hảo vị”. “Làng tựa lưng vào đồi Voi phục và đồi trở thành huyền vũ che ngọn gió lạnh mỗi khi đông về. Từ đầu voi, mạch nước ngầm bật khỏi lòng đất tạo thành ba âu nước trong veo”[11; 60] như ba con rồng khổng lồ tạo nên cái thế mà các thầy địa lý xưa gọi là“tam long quy phục”. Đất đai Kim Nại rất phì nhiêu màu mỡ cho thu hoạch mỗi năm hai vụ lúa năng suất khá cao. Nhờ đó mà đời sống người dân Đỉnh Nại nhìn chung tương đối khá giả nên họ có điều kiện để đầu tư cho con em học hành.


Tuy không có người đỗ đại khoa song Kim Nại vẫn được ca ngợi là một làng hiếu học. Bằng chứng là con em Kim Nại học hành chăm chỉ và dân làng rất chăm lo việc học hành của con cháu. Thấy con em của làng đi thi mãi mà chưa có người đỗ, dân làng rất trăn trở, ngoài việc tìm thầy giỏi về dạy học họ còn lập đàn tế lễ tìm nơi xây dựng đền Văn Thánh thờ ông tổ Nho học. Sau khi xây đền vẫn chưa thấy người đỗ đạt dân làng tiếp tục chuyển địa điểm tìm nơi có vượng khí. Do đó Văn Thánh của Kim Nại từ Lòi Thụng chuyển tới Ngọc Khánh rồi tới Nương Son.

Với tinh thần hiếu học người Kim Nại rất đề cao những người khoa cử đỗ đạt, vì thế mà khi hai nho sinh đầu tiên của làng đỗ Tú tài thì họ đều được dân làng vinh thăng thành hai “ông Nghè” (từ dùng để chỉ Tiến sĩ trước đây). Hai ông Nghè (Nghè Phan và Nghè Lê) này lập tức mở lớp để đào tạo con em trong làng. Nhờ cần cù chịu khó dạy dỗ và học tập, không lâu sau trên bảng vàng Hương khoa của nhà Nguyễn, làng Kim Nại lần lượt xuất hiện tên tuổi của 3 cử nhân. Ngài Lê Công Bảng đỗ cử nhân khoa Tân Dậu năm Tự Đức thứ 14 (1861) lúc đầu làm giáo thụ được ca tụng là một thầy giáo có đức có tài; sau thăng đến chức Tổng đốc. Cố Lê Công Đàn đỗ cử nhân khoa Quý Dậu năm Tự Đức thứ 26 (1873). Cố Lê Nhiếp đỗ cử nhân (không rõ năm nào) làm quan tới Tổng đốc sau thăng lên Thượng thư bộ Lễ - hàm Hiệp tá Đại học sĩ [18].


Kim Nại là làng có nhiều người làm quan, song các tài liệu thành văn còn lại để tra cứu không nhiều, hiện tại chúng ta chỉ mới biết đến những người thật nổi tiếng mà thôi. Sơ bộ thống kê thấy Kim Nại có Thượng thư (Lê Công Nhiếp), Tổng đốc (Lê Công Bảng), Lang trung (Lê Công Lương)...


Kim Nại cũng là làng có nhiều lễ hội, tháng giêng ngoài tết Nguyên đán thì làng còn có lễ Khai sơn để mọi người có thể lên rừng khai thác lâm sản; tháng hai làng tế Xuân thủ; tháng ba làm lễ Cầu chẹn; tháng 6 làm lễ Kỳ phúc,... đặc biệt Kim Nại có lễ Công hộ được tiến hành vào tiết Thanh minh hàng năm. Lễ Công hộ diễn ra sau khi dân làng tảo mộ những người vô tự và người qua đường chẳng may thiệt mạng. Sau khi tảo mộ làng xong, làng tổ chức nghi lễ cúng tế rất long trọng; có lễ nhạc, khánh chúc; trầm trà hoa quả; và mỗi gia đình trong làng thì làm cỗ bàn để dâng cúng tùy theo điều kiện. Nhà thì cúng xôi gà, nhà cúng đầu heo, nhà khác làm mâm ngũ quả...


“Người Kim Nại có cách giao tiếp rất lịch sự, trong làng không gọi tên húy mà cha mẹ được gọi theo tên người con đầu. Người Kim Nại cũng có tiếng hiếu khách dù mới gặp họ cũng mời mọc chân tình, khoản đãi thực lòng”[11; 61].


3. Kết luận


Nghiên cứu lịch sử văn hóa Quảng Bình với bát danh hương chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau đây:


Thứ nhất, vùng đất Quảng Bình từng là địa bàn phân bố của các công xã thị tộc và công xã nông thôn của người Việt cổ và người Chăm. Trải các cuộc chiến tranh giữa Chămpa với các thế lực phong kiến Trung Hoa và giữa Chiêm Thành với Đại Việt mà trước năm 1075 các làng xã cả của người Việt lẫn người Chăm nơi đây một số bị tàn hại, số còn lại phải di chuyển vào sâu về hai phía của dãy Hoành Sơn. Từ năm 1075, khi nhà Lý bắt đầu thực thi chủ quyền ở khu vực này bằng biện pháp di dân lập làng để làm chỗ dựa cho việc phòng thủ thì các làng Việt đầu tiên được tái lập trở lại. Nhờ các đợt di dân khai canh lập ấp tiếp theo thời Trần, Hồ, Hậu Lê mà đến thế kỉ XVI phần lớn đất đai Quảng Bình đã được khai khẩn biến thành làng xóm, ruộng nương. Từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX, phần lớn các làng xã ở Quảng Bình đã có quá trình hình thành phát triển trên 300 năm. Hơn 3 thế kỷ đó là thời gian đủ cho làng xã nơi đây hình thành nên các truyền thống, các đặc trưng văn hóa của mỗi vùng đất và là cơ sở cho sự xuất hiện của các danh hương.


Thứ hai, dựa trên kết quả nghiên cứu khá hệ thống về tài liệu chúng tôi bước đầu có cơ sở để khẳng định rằng các thuật ngữ tứ danh hương, bát danh hương của tỉnh Quảng Bình chỉ mới xuất hiện vào đầu thời Nguyễn (từ thời Minh Mạng đến nay). Bát danh hương chính là tám làng văn vật nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Quảng Bình. Để được công nhận là một danh hương thì làng phải hội đủ những tiêu chí nhất định. Việc nghiên cứu giới thiệu các danh hương văn vật là một trong những công việc rất cần thiết và hữu ích góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Bình.



Tài liệu tham khảo:

1. Dương văn An, Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh - Hoàng Văn Phúc dịch, Nxb Thuận Hóa, 2001.

2. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) bản dịch Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970.

4. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Viện Sử học, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997.

5. Lê Qúy Đôn, Toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

6. Lương Duy Tâm, Địa lý - Lịch sử Quảng Bình, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, 1998.

7. Hoàng Văn Nhân (cb), Khảo sát làng văn hóa xứ Thanh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

8. Nguyễn Tú, Quảng Bình nước non và lịch sử, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Bình, 1998.

9. Đỗ Duy Văn, Địa chí làng Thổ Ngọa, Nxb Khoa học Xã hội, 2010.

10. Trần Hoàng, Sinh hoạt văn hóa dân gian làng biển Cảnh Dương, Nxb Văn hóa Thông tin, 2009.

11. Đỗ Duy Văn, Văn hóa dân gian huyện Quảng Ninh, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2010.

12. Nguyễn Tú, Địa chí làng Cổ Hiền, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, 2000.

13. Nguyễn Khắc Thái, Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển (phần Tiền sử cổ trung và cận đại), Đề tài khoa học cấp tỉnh, 2013.

14. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1993.

15. Huỳnh Công Bá, Giáo trình lịch sử văn hóa Việt Nam từ nguyên thủy đến năm 1945, Trung tâm Đào tạo Từ xa Đại học Huế, Huế, 1997.

16. Mai Đình Lê Tộ, “Lệ Sơn, vải tiến và cụ Lê Bính”, Tập san Quảng Bình Quê hương tôi, Sài Gòn, 1974.

17. Trần Anh Tuấn, Quảng Văn vùng đất và con người, websie: langlaha.com

18. Ngọc Hiên Hiên, “Kim Nại - Làng quê văn vật”, Tạp chí Văn hóa Quảng Bình, số 11/2013.
 
SƠN TRUNG PHỤ CHÚ
 Ông   Lê Trọng Đại đã nghiên cứu đầy đủ về  Quảng Bình Bát danh hương.
Quảng Bình có bát đại danh hương là
SƠN HÀ CẢNH THỔ
 VĂN VÕ CỔ KIM
 (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương và Thổ Ngọa, Văn La, Võ xá, Cổ Hiền, Kim Nại).

Quảng Bình có 8 danh hương thì Quảng Trạch và Quảng Ninh chia nhau mỗi phủ chiếm 4 làng.
Tiện đây, bỉ nhân xin kể vài câu đối về bát danh hương mà thuở còn nhi đồng được nghe các bậc ông cha kể lại. Thanh thô cũng là chuyện quê mình xin miễn chấp.

Làng Cao Lao và Thổ Ngọa:
- Cao Lao làm mệt Cao Lao nhọc
Thổ Ngọa  ăn no Thổ Ngọa nằm.
- Cao Lao ăn lắm Cao Lao ỉa,
Thổ Ngọa nằm dài Thổ Ngọa ăn.

 Cái đặc sắc là chữ Lao là nhọc, và Ngọa là nằm.

Làng Văn Xá và Đức Phổ

Mụ Đức to L..mụ Đức phổ. 

Ông Văn nứng C...ông Văn la,

Văn La đối vối Đức Phổ.
Tiếng Quảng Bình Phổ nghĩa là vỗ.
Làng Đức Phổ ở phía tây Đồng Hới, làng Văn La ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

No comments:

Post a Comment