Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday 18 October 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN - BIỂN ĐÔNG

Tuesday, July 19, 2016

LÂM CHƯƠNG * LÊ THƠM





LÂM CHƯƠNG 
 LÊ THƠM

Lời mở: Tôi ra khỏi trại cải tạo, mười lăm năm rồi. Tôi vẫn nhủ với lòng, hãy quên những ngày khốn khổ ấy đi. Quên để mà sống. Trí nhớ của tôi bây giờ tồi lắm. Tôi quên nhiều chuyện, nhưng chuyện trong tù tôi không sao quên được. Nó hằn sâu trong tâm tôi, như cây đinh đóng vào cột xương sống, làm dấu mốc thời gian. Mỗi lần trí nhớ cục cựa, là mỗi lần đau.
Sau mỗi lần viết về trại tù CS, tôi lại tự nhủ với lòng, đây là bài cuối cùng, không nhắc đến nữa. Nhưng nó như cái bóng đen ám ảnh tôi hoài. Và tôi lại viết về nó. Tôi viết như người kể chuyện, để giải toả nỗi ám ảnh. Giải toả theo kiểu của anh thợ hớt tóc, trong truyện Một Ngàn Lẻ Một Ðêm, phải đào lỗ mà la lớn lên rằng, "Ông vua có lỗ tai lừa!" Tôi không xây dựng thành một cái truyện ngắn của người làm nghệ thuật viết văn. Tôi chỉ kể chuyện về trại tù CS. Nói bao nhiêu cũng thấy thiếu. Còn người đọc thì cảm thấy quá thừa. "Biết rồi. Khổ Lắm. Nói mãi."


Trong cái bị làm bằng bao cát của Lê Thơm mang bên hông, có xác một con chó con. Nó bị bóp cổ chết vào trưa nay. Chuyện này, chỉ hai người biết: Lê Thơm và tôi. Giết một con chó nhỏ không khó, nhưng mạo hiểm mang ra cổng trại là một thử thách lớn dành cho kẻ bạo gan.

Con chó lông trắng đốm đen, đẹp như con chó giả nhồi bông. Nó thân thiện với tất cả mọi người. Ðưa tay, tróc lưỡi vài cái, nó chạy đến quấn quít. Nó ngây thơ trong trắng lắm. Nó không có tội gì cả. Vậy mà nó bị giết. Cái số nó chết yểu, nên trời xui đất khiến nó lân la gần gũi với những con ma đói. Người ta nuôi nó để ăn thịt. Nếu nó không chết bây giờ, thì ngày 2 tháng 9, cũng chết bởi tay thằng chủ của nó. Từ đây tới ngày ấy, đâu còn bao lâu? Chỉ sáu tháng nữa thôi. Sau sáu tháng phù du, rồi cũng bị đem ra tế thần cho mấy ông cán bộ đánh chén say sưa, mừng ngày độc lập. Chết như thế là chết lãng nhách. Thôi thì hy sinh ngay bây giờ, còn được ý nghĩa phục vụ nhân sinh.

Mấy hôm trước, Lê Thơm nói: "Tao có kế hoạch ăn no, với điều kiện mày phải hợp tác."

Tưởng gì chứ được ăn no, tôi hợp tác liền. Miếng ăn bây giờ, là vấn đề quan trọng hàng đầu. Khi đói, bộ nảo tuột xuống nằm trong cái dạ dày. Mọi suy tính đều hướng về miếng ăn, phục vụ cho cái dạ dày. Từ đó, người ta bộc lộ hết bản năng sinh tồn. Mà bản năng sinh tồn, thì người và vật giống nhau.

Tuy thế, tôi vẵn hỏi lại cho rõ: "Kế hoạch thế nào?"

"Mày đấm một cú thật mạnh vào chỗ này." Hắn nghiêng đầu qua một bên, chỉ vào quai hàm.

"Chi vậy? Thằng khùng!"

"Tao muốn dưới mang tai sưng lên, để khai sưng quai bị."

"Và được nghỉ lao động?"

"Nghỉ lao động là cái chắc. Nhưng mục đích chính là kiếm ăn."

"Nói rõ hơn coi?"

Lê Thơm xít lại gần tôi: "Dạo này, sáng trưa chiều, đều sắn. Ngày nào cũng sắn. Trường kỳ sắn. Nhiều thằng ăn sắn, quai hàm bạnh ra. Có thằng ma lanh, lấy tay chà xát đỏ lên, rồi khai sưng quai bị. Y tá tưởng thật, cho nó ra ở nhà cách ly, ngoài hàng rào."

"Ở cách ly, vẫn đói."

"Bên hông nhà cách ly, hàng rào bị phá một khoảng bằng cái lỗ chó chui. Nếu được ở cách ly, ban đêm tao chui lỗ chó, đột nhập nhà kho, trộm nếp."

"Chơi trò mạo hiểm, dễ mất mạng. Mày nhớ vụ thằng Khánh nửa khuya chui rào, ra nương moi khoai lang, bị bắn bể đầu gối, phải cưa chân lên tận háng không?"

"Ðó là nó chui từ trong ra ngoài. Còn tao chui từ ngoài vô trong."

"Ngoài hay trong cũng vậy. Vệ binh đi tuần thấy bóng người lấp ló ban đêm, nó nổ súng không thương tiếc."

Vụ thằng Khánh thế này. Nó là đại uý pilot. Những thằng Không Quân thường to con. Vào tù, càng to con càng bất lợi. Ăn uống cùng một tiêu chuẩn, thằng to con đói nhiều hơn thằng nhỏ con. Vào một đêm đông miền thượng du, trăng sáng lắm. Khánh chui rào, mò vào nương moi khoai lang. Cán bộ đi tuần tra an ninh bắt gặp con ma đói. Cán bộ bảo Khánh đứng nghiêm, rồi chỉa họng súng vào đầu gối của Khánh, bóp cò. Khánh bị bể khớp xương đầu gối, quỵ ngay tại chỗ. Cán bộ vào báo động, tập họp cả trại điểm danh. Anh em tù cải tạo không hiểu chuyện gì. Một lúc sau, vệ binh khiêng Khánh vào, bỏ nằm giữa sân trại. Cấm, không ai được đến gần. Trời đông lạnh buốt. Khánh nằm đau nhức rên la suốt đêm. Sáng ra, Khánh được khiêng lên bệnh xá của đoàn 779. Bệnh xá cũng chỉ có mấy thứ lá cây hái về từ ngoài rừng, sao làm thuốc nam. Hai người tù phục vụ ở bệnh xá, là bác sĩ của chế độ cũ miền Nam, cũng đành bó tay. Phải chuyển Khánh đi nơi khác. Khánh được võng đi cả ngày đường, qua bao nhiêu sơn khê đồi núi mới ra tới bệnh viện Yên Bái. Tám tháng sau, Khánh về lại trại, với cái chân cụt gần tận háng. Anh em ngồi nghe Khánh kể chuyện, đều khiếp vía. Tại bệnh viện Yên Bái, người ta trói tay chân Khánh vào giường, rồi cưa chân mà không có thuốc tê mê gì cả. Danh từ chuyên môn gọi là "giải phẩu sống". Khánh đau quá, ngất đi mấy lần. Giải phẩu sống lần đầu, vết thương nhiễm trùng sưng tấy lên và làm mủ. Giải phẩu sống lần thứ hai, người ta cho Khánh uống rượu đế đến say mèm, rồi mới cưa. Khánh nói, có rượu vào, cảm thấy ít đau.

Nhắc chuyện của thằng Khánh, cũng không làm Lê Thơm nao núng.

"Ðừng doạ tao. Ðấm một cú đi." Lê Thơm nghiêng đầu, đưa quai hàm chờ đợi.

Tôi đẩy ra: "Cú đấm của tao, có thể làm mày tréo bản họng. Mày tự đấm mày đi."

"Tao làm rồi. Nhưng tự đấm mình, tao không dám mạnh tay. Mày giúp tao hoàn thành kế hoạch."

"Kế hoạch của thằng khùng!"

Nói xong, tôi bỏ đi. Lê Thơm cụt hứng, chửi thề.

Hai ngày sau nữa. Ăn trưa xong, anh em vào lán nằm nghỉ ngơi. Lê Thơm, và tôi còn ngồi lại ở nhà ăn. Con chó nhỏ quanh quẩn dưới chân. Nó mới xuất hiện khoảng hơn nửa tháng nay. Từ trên khung, nó hay chạy xuống trại trong giờ ăn.

Nhìn con chó một lúc, Lê Thơm chợt nẫy ý lạ: "Thịt con chó này."

Tôi trợn mắt: "Ðừng đùa. Chó cán bộ trại phó đấy."

Hắn cương quyết: "Chó cán bộ, cũng xơi."

"Làm sao ăn?"

"Tao có cách. Mày dụ nó ở đây. Tao lấy cái bao cát."

Tôi chưa kịp đồng ý hay không. Hắn chạy vụt đi.

Tôi nhìn con chó. Tội nghiệp! Nó không biết gì cả. Tôi đưa tay. Nó liếm. Tôi vuốt đầu. Nó quíu tai lại. Tôi vỗ nhẹ trên lưng. Nó nghểnh cổ, lim dim đôi mắt. Quỷ thần trời đất ơi! Nó dễ thương như vậy, ai nở lòng nào giết cho đành?

Lê Thơm cầm bao cát, hấp tấp chạy lại: "Nhanh lên!"

Tôi lắc đầu.

Hắn mở rộng miệng bao giơ ra, giục: "Nhanh! Bóp cổ, thồn vào."

Không còn suy nghĩ nữa, tôi chụp cổ con chó, siết mạnh. Nó giãy giụa, quào bốn chân trong không khí. Lê Thơm túm chân, tròng vào bao cát.

Hắn nói: "Tiếp tục bóp."

Nếu có kẻ nhìn thấy, hậu quả khốn nạn sẽ không lường nổi.

Tôi kêu lên: "Kinh quá mày ơi! Tha nó đi."

Tôi buông tay. Con chó vừa kêu "ẳng" một tiếng, đã bị Lê Thơm siết cổ lại liền.

Tới giờ xuất trại lao động buổi chiều, cả đội xếp hàng đôi, lần lượt ra cổng. Cán bộ trực trại, và quản giáo đứng ngay cổng kiểm soát. Vệ binh coi tù, mang súng đi sau cùng. Lê Thơm lảnh việc nấu nước cho đội. Hắn quảy cặp thùng, mang bị đựng chó bên hông, thản nhiên đi ra cổng. Tôi vái thầm, cầu trời cho hắn thoát. Và hắn thoát thật. Tôi thở phào, nhẹ cả người.

Ra đến hiện trường lao động, mọi người túa vào rừng chặt nứa. Rừng xanh mênh mông. Ðồi núi chập chùng. Vệ binh mang súng đi qua đi lại ngoài bìa rừng, canh tù làm việc. Lê Thơm chọn thế đất tương đối bằng phẳng. Việc đầu tiên, hắn đào một cái hố nhỏ. Ai cũng tưởng hắn đào bếp lò. Nhưng thật nhanh, hắn cho con chó xuống, và lấp đất lại. Bên trên, hắn đốt một đống lửa, nấu nước. Ðó là chuyện hắn kể sau này.

Trong giờ giải lao. Tôi tới chỗ nấu nước. Lê Thơm múc cho tôi một ca nước sôi. Nhìn quanh, không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ Lê Thơm nướng chó.

Tôi hỏi nhỏ: "Chó đâu?"

Hắn chỉ vào đống lửa.

Tôi lấy cớ mồi lửa đóm hút thuốc lào, dùng cái que cời than lên, vẫn không thấy chó.

Hắn bảo: "Ði khỏi chỗ này ngay. Ðừng làm tụi nó sinh nghi."

Tôi tin tưởng vào tài ứng biến của Lê Thơm. Xưa kia, hắn là thiếu tá, có thời làm quận trưởng quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long. Ngày nay vào tù, hắn nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, lanh lợi trong mọi vấn đề. Nhất là cải thiện, hắn nhanh như sóc. Trong đội, không thằng nào qua mặt được Lê Thơm. Thoáng thấy đó, biến đó không ngờ. Hồi hắn còn trong tổ làm vườn. Giờ trưa, mọi người đều nghỉ ngơi. Hắn lúi húi moi khoai lang, đem xuống suối rửa, nhưng mắt vẫn rảo quanh quan sát. Hắn thấy Thu Sứt từ những bụi cây đàng xa, đang rình mò theo dõi hành động của hắn. Tay này mang quân hàm trung uý, có người anh vào Nam làm giải phóng, và bỏ mạng trong trận chiến mùa hè năm 72, ở Bình Long. Bao nhiêu hận thù, Thu Sứt trút lên đầu anh em tù cải tạo. Sở dĩ Thu Sứt có biệt danh này, là do cái môi bẩm sinh bị sứt, phải vá lại. Vì thế cái miệng chum chúm, làm cho cái mặt luôn luôn mang nét quạu quọ như người đang hờn giận. Có lần, Thu Sứt bắt gặp anh Năng đang cải thiện. Thu Sứt gọi về, bắt Năng đứng giữa bốn vệ binh vây quanh. Thu Sứt hạ lệnh cho bốn vệ binh bề hội đồng. Năng bị đấm văng bên này, bị đá giạt bên kia, giống như những cầu thủ giao banh. Cuối cùng, Năng gục xuống ngất xỉu, được khiêng về trại cho anh em tù săn sóc. Sau thành tích ấy, Thu Sứt nổi danh là hung thần ác sát. Trong trại còn một người nữa, cũng nổi danh không kém Thu Sứt. Ðó là chàng trung sĩ vệ binh Nương Mặt Ngạnh. Thật ra, anh ta tên là Lương, nhưng do nói ngọng thành Nương, và do xương quai hàm bạnh ra, nên có biệt danh là Nương Mặt Ngạnh. Khi dẫn tù đi lao động, anh ta cầm theo chiếc gậy bằng cây giang, trông như khúc đoản côn. Ðã nhiều lần anh ta quất thẳng cánh vào anh em tù cải tạo. Ai từng bị đòn của Nương Mặt Ngạnh cũng đều ẹo xương sống. Thành tích của Nương Mặt Ngạnh ở hiện trường lao động rất đáng gờm. Anh ta bắt tù đứng trên triền núi. Thế núi dốc, anh ta đứng phía trên. Sau vài câu đay nghiến, bỗng Nương Mặt Ngạnh đá thốc dép râu vào mặt người tù. Bất ngờ không kịp chống đỡ, người tù ngả vật ra, sặc máu mũi. Trong kỳ cả trại học tập về chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng và nhà nước, anh em tù phản ảnh chuyện này lên ông trại trưởng. Ông trại trưởng bảo: "Chính sách của đảng và nhà nước trước sau như một. Nhưng các anh quá quắc, không trừng trị không được." Thế là huề! Ðảng và nhà nước vẫn tiếp tục chủ trương khoan hồng nhân đạo. Anh em tù vẫn tiếp tục bị trừng trị.

Trở lại chuyện Lê Thơm khi bị Thu Sứt theo dõi. Hắn biết nguy tới nơi rồi. Hắn cho tất cả khoai lang vào thùng tưới, đi lên. Ở đằng xa, Thu Sứt nương theo những bụi cây đi tới, quyết bắt tại trận tên tù đang cải thiện. Lê Thơm chờ cho Thu Sứt đi khuất sau chòm cây, hắn trút thùng khoai xuống hố ủ phân bắc. Rồi quay xuống suối như đang tiếp tục xách nước tưới rau. Phân bắc là cứt người, ủ lại để bón rau. Hố phân bắc đầy giòi bọ, và mùi rất khắm.

Thu Sứt xuất hiện, khi Lê Thơm đang múc nước dưới lòng suối.

"Anh kia! Làm gì đấy?"

"Xách nước tưới rau."

"Anh rửa gì dưới suối?"

"Tôi có rửa gì đâu?"

"Láo! Anh vớt tất cả đem lên đây."

"Có gì mà vớt?"

"Khoai lang."

"Làm gì có?"

"Hãy mò xuống, vớt lên."

Lê Thơm mò xuống, vớt lên những sỏi đá."

Tức quá, Thu Sứt xăn quần lội xuống suối. Mò chỗ cạn không thấy, Thu Sứt mò ra sâu hơn, ướt cả quần, vẫn không thấy. Thu Sứt quay lên, mặt hầm hầm bảo Lê Thơm về ngay, trình diện trên khung.

Tại khung, Thu Sứt đưa tờ giấy, bình mực, và cây bút cho Lê Thơm, bảo: "Viết kiểm điểm."

Lê Thơm hỏi lại: "Chừng nào nộp giấy?"

"Chiều nay."

"Không kịp. Tôi còn phải đi lao động."

"Cho anh nghỉ việc buổi chiều. Ở lại lán viết kiểm điểm."

Lê Thơm viết, đại ý rằng từ ngày đi cải tạo, hắn luôn phấn đấu để trở thành người tốt. Cán bộ bảo viết kiểm điểm. Nhưng hắn không biết kiểm điểm về vụ gì? Mong cán bộ chỉ dẫn.

Buổi chiều. Lê Thơm đem giấy lên nộp. Thu Sứt đọc xong, vỗ bàn: "Kiểm điểm về vụ cải thiện khoai lang. Biết chưa?"

"Nhưng tôi đâu có cải thiện khoai lang?"

"Có. Anh phải viết rằng anh có cải thiện khoai lang. Nghe rõ chưa?"

"Vâng. Tôi rõ. Xin cho biết chừng nào nộp giấy?"

"Cho anh nghỉ việc sáng mai, viết kiểm điểm. Trưa hôm sau nộp."

Thu Sứt đưa Lê Thơm tờ giấy khác. Anh ta yên chí sẽ căn cứ vào nội dung tờ kiểm điểm, nện cho Lê Thơm một trận mập mình, và cùm vào nhà kỷ luật.

Lần thứ hai, Lê Thơm viết rằng: Tôi đang đứng dưới suối xách nước tưới rau. Cán bộ nghi ngờ tôi đang rửa khoai lang. Và ra lệnh cho tôi phải viết có cải thiện khoai lang. Tôi tuân lời cán bộ, nhận có cải thiện khoai lang. Nhưng thật sự tôi không dám làm chuyện vi phạm nội quy như thế."

Trưa hôm sau. Thu Sứt đọc kiểm điểm của Lê Thơm xong, xé toạc tờ giấy, giận dữ: "Viết láo lếu thế này, thì sao gọi là tự giác?"

Lê Thơm bình tĩnh: "Tôi viết theo lệnh của cán bộ."

Thu Sứt gầm lên: "Câm họng. Cút ngay! Lần sau, dù có lủi giỏi như chạch cũng không thoát."

Trong tù, Lê Thơm dám "giỡn mặt" cán bộ, quả là lớn gan. Tôi phục hắn. Nói theo Thu Sứt, hắn lủi giỏi như chạch. Hắn đã thoát không phải một lần, mà nhiều lần sau nữa. Chỉ một lần sau cùng, hắn không thoát được. Và lần không thoát được ấy, đưa Lê Thơm đến sự tử vong. Tôi đã nói về trường hợp Lê Thơm bỏ mạng, trong một truyện khác.

Tối hôm thịt con chó, trời vừa nhá nhem, Lê Thơm khều tôi ra ngoài đầu hồi. Hắn mở cái bị, lôi ra con chó cứng đơ, dính đầy đất cát. Hắn lột da, xé miếng thịt đưa tôi. Chưa bao giờ ăn thịt chó, tôi nghe nhờn nhợn trong cổ khi cầm miếng thịt.

Lê Thơm bảo: "Ăn đi. Nguồn protéin bổ dưỡng vô song."

Hắn nhai ngấu nghiến. Tôi bắt chước ăn thử, thấy ngon. Tôi nghĩ, với sự đói khát lâu ngày, bất cứ món gì cho vô miệng cũng thấy ngon. Thằn lằn, rắn mối, cào cào, châu chấu, ốc sên, dế nhủi đều ngon, và cũng là nguồn protéin cần thiết cho cơ thể. Ðặc biệt, có con sâu màu trắng thường rúc trong gỗ mục, toàn thân nó chứa một chất sữa rất béo. Con sâu vô danh này, tù đặt tên là con Magarit. Có thể nói con Magarit là sâm động vật, giá trị không thua sâm thực vật của Ðại Hàn.

Hai chúng tôi ăn đến nửa con chó, thì đụng phần thịt sống. Bởi khi chôn con chó xuống đất, phía trên nóng nhiều làm thịt chín, nhưng không đủ sức chín tới phía dưới.

Lê Thơm nói: "Ăn luôn. Người tiền sử vẫn ăn thịt sống."

Tôi đề nghị: "Cắt ra từng miếng nhỏ, cho vào lon Guigoz nấu."

"Mang ra mang vô cổng trại, nguy lắm."

"Tới phiên tao mạo hiểm. Tao sẽ nấu ngay đêm nay."

Ðêm ấy, tôi lần mò trong bóng tối, vào nhà bếp cời than đặt vào hai chiếc lon Guigoz. Xong, lại quay về lán ngồi đợi thịt chín. Khi lấy lon về, cũng phải ra vào hai bận. Công việc chỉ có thế, nhưng vô cùng nguy hiểm. Vệ binh rình rập đâu đó, thấy bóng người ra khỏi lán mà không cầm theo cây đèn dầu, chúng sẽ bắn, nếu không chết cũng bị thương. Tôi tin con người có số mạng. Dù ở tù, nhưng ngôi sao chiếu mạng của tôi còn sáng lắm. Quỷ thần che chở cho tôi trong mọi trường hợp bất trắc hiểm nguy.

Ngay trong đêm, Lê Thơm và tôi thanh toán sạch luôn hai gon Guigoz thịt. Con chó nhỏ được chôn kín vào nơi không trời không đất. Hoàn toàn mất dấu.

Khi ăn, tôi nói: "Nghĩ tội con chó quá, mày ơi!"

Lê Thơm nói: "Cũng bởi tình cảm tiểu tư sản như thế, mà hôm nay mới vào tù."

Tôi lại nói: "Miếng ăn tưởng chừng rất nhỏ nhoi. Nhưng có lúc người ta dám đem cả sinh mạng mình ra thử thách. Xem thế, đủ biết cái ăn là quan trọng vô cùng."

Lê Thơm gạt ngang: "Ðừng triết lý vặt, ăn mất ngon, con ạ!"


Vài hôm sau, ông đại uý cán bộ trại phó cầm sợi dây cột chó, xuống trại vào giờ ăn trưa. Ông đi quanh quẩn tìm kiếm.

Ông hỏi: "Các anh có thấy con chó của tôi chạy xuống đây không?"

Mọi người im lặng.

Lê Thơm lên tiếng: "Con chó nào, cán bộ?"

"Con chó trắng đốm đen."

"Có phải con chó nhỏ không?"

"Ðúng rồi."

"Ồ... Lúc trước, nó vẫn thường chạy lại đây. Hai ngày nay không thấy."

"Hôm qua, tôi còn cho nó ăn. Mới mất hôm nay thôi."

Lê Thơm sốt sắng: "Tôi sẽ để ý. Nếu thấy, tôi giữ nó lại, báo cho cán bộ."

Ông trại phó lắc đầu thất vọng: "Chắc bị cáo vồ rồi."

Nói xong, ông quay đi.

Lê Thơm thầm thì với tôi: "Mình thịt con chó đã hai ngày. Nó nói hôm qua còn cho chó ăn. Bọn này hễ mở miệng ra là nói láo. Chuyện lớn chuyện nhỏ đều láo."




NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG * BÉ BIỂN

BÉ BIỂN (Nguyễn Trần Diệu Hương)

Trên tường, lẫn trong nhiều bức hình rất đẹp được chụp từ một ống kính chuyên nghiệp là tấm hình của chiếc ghe mong manh, nhỏ bé, bồng bềnh trên đại dương. Trên khoang ghe, các thuyền nhân Việt Nam (những boat people đã đánh thức lương tâm thế giới vào những năm 70s và 80s) mặt mày ngơ ngác mệt mỏi nhưng mắt sáng lên hy vọng. Đó là món quà tặng cho BS HQM từ một thuyền nhân cùng tàu vượt biển năm xưa.
vuotbien-2 

Ảnh con thuyền vượt biển do vị thuyền trưởng một tàu buôn chụp
trước khi đón mọi người lên tàu.
BS. Vinh đứng ở mũi thuyền, tay cầm một thùng rỗng
để xin nước từ con tàu gặp giữa Thái Bình Dương JUN 1979.

Mọi người trên ghe gọi em là “công dân của đại dương” vì em sinh ra giữa biển trời mênh mông, không thuộc hải phận của quốc gia nào, vào một đêm trời chuyển mưa, trời không trăng sao, lâu lâu có những tia chớp lóe lên soi sáng đêm đen.
Chiếc ghe rời cửa biển Long Hải lúc nửa đêm về sáng để tránh công an biên phòng, đưa gần bảy mươi thuyền nhân trốn khỏi quê cha đất tổ, đem sinh mạng mình đánh cuộc với định mệnh để tìm tự do và tương lai. Trong số đó có hai vợ chồng trẻ, người vợ ốm yếu mảnh mai, lại mang thai lần đầu, mặc hai ba lớp áo quần nên hinh như không ai biết chị có thai đã bảy tháng, ngoài anh chồng trẻ cũng mảnh khảnh như chị.
Mà nếu có biết cũng chẳng ai còn tâm trí nào để nghĩ đến chuyện người khác khi trong lòng mình cũng “ngổn ngang trăm mối”. mà mối lo lớn nhất là có thể bị bắt lại, bị nhục hình, bị tù tội trong khi mình không có tội gì hết, chỉ bỏ xứ ra đi, bỏ ông bà cha mẹ, bỏ tất cả ra đi vì muốn có tự do.
Vừa đặt chân lên sàn ghe, tất cả mọi người đều được đưa xuống lòng ghe để bảo đảm an toàn. Nếu có bất cứ ghe tàu nào đi ngang, nhìn vào người ta chỉ thấy trên khoang ghe có vài ngư phủ đi thả lưới ban đêm để có được một ít cá tôm tươi cho vợ hoặc mẹ mang ra bán ở buổi chợ sáng ngày mai. Nhất là vào ban đêm, ánh đèn bão tù mù, vàng úa giúp những người đang trốn chạy khỏi quê hương che được nét ưu tư lo lắng.
Phía dưới lòng tàu, thông thường chỉ để lưới, xăng dầu, thức ăn của ngư phủ, mấy thùng nước ngọt, và mấy thùng đựng cá tôm lưới được vào những hôm ra khơi nhiều may mắn. Vậy mà bây giờ gần bảy mươi con người ngồi chen chúc, không khí đã thiếu lại càng ngột ngạt hơn khi rất nhiều người bị say sóng ói mửa ngay trên sàn tàu, trên áo quần của mình hay của người ngồi bên cạnh. Không ai nói với ai tiếng nào.

 Khi ghe chưa ra đến hải phận quốc tế, người ta chưa sợ chết vì đại dương bao la, vì thiếu nước ngọt, thiếu thức ăn, mà đích đến thì còn ở xa mù tít tắp, nhưng nỗi sợ bị công an biên phòng bắt được thì tù tội, nhục hình cũng kinh hoàng như nỗi chết. Nỗi sợ đó lớn quá, bao trùm lên mọi thứ, át đi sự ngột ngạt trong một hầm ghe quá tải, át đi mùi của mọi thứ trong bụng chưa kịp tiêu hóa chạy ngược lên miệng chạy ra ngoài. Khi thức ăn đã ra hết, cả đến mật xanh cũng chạy ra, người ta mệt nhoài, không còn sức để sợ bị bắt lại, không còn sức để cảm nhận được không khí ngột ngạt, nặng mùi chung quanh mình. Ở một góc ghe, người đàn bà trẻ đang mang thai lại tỉnh táo hơn mọi người, hơn cả ông chồng cũng vật vờ say sóng, nôn mửa như hầu hết mọi người trên ghe. Lòng ghe tối đen, không ánh sáng, không cả tiếng động, thời gian tưởng như ngưng lại. Lâu lâu có một chút ánh sáng xanh yếu ớt từ cái đồng hồ đeo tay có dạ quang của ai đó. Đêm dài và sâu hơn với những người đang trốn chạy khỏi quê hương.
Vào đêm thứ nhì của cuộc trốn chạy bằng đường biển, người đàn bà đang mang thai chợt thấy đau nhói ở bụng. Đây là con đầu lòng, chị không có kinh nghiệm về chuyện sinh đẻ. Trong bóng tối đặc quánh trong lòng chiếc ghe mong manh chật như nêm, một tay nắm tay chồng, một tay chị chị nhẩm tính trên những ngón tay xem mình đã có thai bao nhiêu tháng.
o O o
Họ lấy nhau tháng chín năm ngoái, sau mười lăm tháng quen nhau ở vùng kinh tế mới Đồng Bò, ngoại ô Nha Trang. Chị cố quay lại khúc phim tình yêu lãng mạn của anh chị để quên đi nỗi đau âm ỉ trong bụng. Tình yêu trên vùng đất khô cằn, -ngay cả hoa dại cũng không mọc nổi, không trồng được gì hết ngoài khoai mì, – nhưng rất chân thành, sâu đậm vì đó là tình đầu của cả anh và chị. Họ lấy nhau, không có đám cưới bình thường, chỉ có một lễ ra mắt hai bên họ hàng (cũng chỉ lưa thưa mấy người đàn bà vì đàn ông dạo đó hầu hết đã ở trong lao tù cải tạo vì “tội ngụy quân ngụy quyền”) bằng một mâm cơm… trắng (không bị độn khoai sắn như bữa ăn thuờng ngày của người dân kinh tế mới) và vài món ngon như nem, chả được gởi mua từ chợ Đầm ở Nha Trang. 

Hôn thú cũng chưa làm vì “ủy ban nhân dân xã kinh tế mới” vừa thành hình, chưa có con dấu. Về nơi ở cũ thì bị từ chối vì “hộ khầu đã bị cắt”. Nhưng gia đình vẫn cho họ lấy nhau, vì “phải nương nhau mà sống, không phải ở cái vùng kinh tế mới hoang vu này, mà sau này, đi đâu cũng nương tựa vào nhau….”. Mẹ chị đã căn dặn anh chị như vậy ở một lễ cưới dã chiến, không có khăn áo, không có make up, và không có cả họ hàng, quan khách. Mấy miếng chả heo màu trắng – chắc là tỉ lệ thịt và bột ngang nhau -, mấy miếng nem hồng nhạt dành cho hai đứa em chưa đến tuổi đi học, lần đầu tiên trong đời được nếm mùi nem chả. Anh chị nhường nem chả cho các em, ăn cơm với canh rau muống, sau khi đã ăn mấy lát gừng mỏng chấm muối như phong tục ngàn xưa “gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”.

Hơn nửa năm sau ngày cưới, một lần về Nha Trang mua hạt giống, anh gặp một người lính hải quân làm dưới quyền ba anh ngày xưa. Thương anh cựu sinh viên Khoa học thư sinh kính trắng phải cày sâu cuốc bẩm nuôi mẹ, nuôi em khi ba ở trong tù cải tạo, người lính hải quân sắp lái một chuyến tàu vượt biển, được chủ ghe cho mang theo cả gia đình, cho anh và chị đi theo.
o O o
Bụng chị vẫn đau, chị ước gì mình bị say sóng ngủ vùi, hoặc lã đi vì mệt như anh, như tất cả mọi người trong lòng ghe. Nhưng cơn đau vẫn chẳng chịu đi, lúc âm ỉ, lúc nhói lên, chị xanh mặt, vả mồ hôi chịu đựng, tự nhủ trong đầu:
– Không sao, đau một chút rồi sẽ hết. Mình chưa đẻ đâu, đến hôm nay nhiều lắm là 29 tuần, ít nhất cũng cả tháng nữa mới sinh.
Hết tự bảo mình, chị cúi xuống rờ tay lên bụng, thì thầm trong bóng tối:
– Con ơi, nằm yên nha, để đến trại tỵ nạn rồi hãy ra nghe con, an toàn hơn cho cả con và mẹ.
Cơn đau chỉ lắng xuống một vài giây, rồi lại nhói lên quặn đau mỗi lúc một nhiều hơn. Chịu không nổi, chị đành lay vai anh:
– Anh ơi anh, chắc em đang chuyển bụng đẻ.

Đang vật vờ say sóng, nghe vợ sắp sinh, anh tỉnh hẳn, mở mắt nhìn quanh, rồi hỏi chung quanh:
– Có ai biết đở đẻ không? Xin giúp vợ tôi.
Câu hỏi làm mọi người trong cái khoang ghe tối đen, ngột ngạt tỉnh hẳn lên. Giữa lúc mọi người đang vượt đại dương, có một phụ nữ trẻ sắp “vượt cạn”. Có ai đó thò đầu lên khỏi hầm ghe, hỏi xin một ánh đèn cho sản phụ.
May là ông chủ ghe cũng thuộc loại người nhân từ, và ghe đã ra đến hải phận quốc tế, nên chị được đưa lên khoang ghe. Anh cũng được đi theo cùng chị. Họ tỉnh hẳn ra khi ra khỏi hầm ghe, được hít thở không khí trong lành của đại dương, cũng là không khí của tự do mặc dù đích đến còn ở xa, xa lắm. Chị thấy khỏe hơn mặc dù cơn đau vẫn không dứt, quặn lên từng cơn.
o O o
Vinh cũng được rời khỏi hầm ghe, lên sàn tàu cùng với anh chị vì Vinh là bác sĩ duy nhất trên chuyến ghe vượt biển đêm đó. Trời tối đen, Vinh cũng không biết lúc đó là mấy giờ, cái đồng hồ đeo tay đã rớt mất từ lúc nào. Dù đã từng làm việc đở đẻ từ cuối năm thứ tư y khoa trong ca thực tập đầu tiên ở bệnh viện Từ Dũ. Và từ đó đến giờ, dù không chuyên về sản khoa, Vinh cũng đã có dịp trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc trong những trường hợp sinh thường, cũng như sinh khó, phải xoay đầu hài nhi từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, phải mổ để đem con ra khỏi bụng mẹ. Nhưng lần này giữa đại dương, trời tối đen, trên sàn tàu bằng ván lồi lõm còn mùi tanh của tôm cá, chỉ có một ngọn đèn bão tù mù mà người tài công tốt bụng đã cho mượn, không có thuốc khử trùng, không có alcohols, cũng chẳng có bông băng, hay bất kỳ một dụng cụ y khoa nào. Sản phụ lại sinh lần đầu, và Vinh không có một chi tiết nào về hồ sơ bệnh lý của chị. 

Chưa bao giờ Vinh tưởng tượng mình phải làm công việc tưởng như đơn giản nhưng cả hai sinh mạng đều đặt trong tay Vinh trong một đêm trời tối đen trên sàn một chiếc ghe vượt biển. Mọi thứ đều làm bằng tay, không có cả găng tay, phương tiện còn hạn chế hơn dụng cụ thô sơ của một cô mụ đỡ đẻ ở nhà quê từ nhiều thập niên trước Dưới ánh đèn bão tù mù, phải mất gần một tiếng, từ việc xoay đầu em bé đến việc cắt cuốn rốn, em bé sinh ra đỏ hỏn, sớm hơn kỳ hạn bình thường một tháng nhưng khỏe mạnh. 

May mắn là sản phụ dù xanh xao, yếu ớt nhưng rất can trường, đã dùng hết sức bình sinh để đẩy được em bé ra ngoài từ cửa tử cung hẹp của một người sinh con lần đầu. Gió của đại dương nhanh chóng làm khô những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt của Vinh, của anh, và nhất là của chị, sản phụ can đảm nhất nhì thế giới, đã vừa vượt biển, vừa “vượt cạn” lần đầu, không có thuốc tê, không có thuốc mê, không có cả bông băng, nhưng chị không hề rên la, chỉ cắn chặt môi đến rướm máu chịu đựng. Nếu chị không tự đẩy em bé ra được, Vinh cũng không biết mình phải làm gì trong tình trạng không thuốc men, không dụng cụ. 

Mãi về sau, sau này, sau nhiều năm hành nghề Y khoa ở Mỹ, có dịp chẩn đoán, điều trị cho rất nhiều bịnh nhân thuộc nhiều chủng tộc, nhiều lứa tuổi khác nhau, chị vẫn là bệnh nhân can đảm nhất của Vinh.
Anh đứng bên cạnh là một chỗ dựa tinh thần cho chị, và một phụ tá đắc lực cho Vinh. Người chồng sắp được làm cha, lại vô tình trở thành y tá bất đắc dĩ phụ việc cho Vinh trong một ca đỡ đẻ rất khác thường trên một chuyến tàu vượt biển. Em bé gái mới ra đời được tắm bằng nước biển Đông, được cắt nhau bằng đầu móng tay cái và móng tay trỏ của Vinh. Những đầu móng tay Vinh bắt đầu để dài từ lúc bắt đầu chơi guitar với sự hướng dẫn của một ông thầy dạy môn Nhạc từ những năm đầu Trung học, không ngờ lại được dùng rất có hiệu quả trong trường hợp hy hữu giữa biển khơi. Không có alcohol để tẩy trùng, Vinh đến bên mạn thuyền, múc nước biển lên rửa tay. Muối của đại dương cũng ít nhiều sát trùng những đầu ngón tay của Vinh trước khi Vinh cắt cuốn rún của em bé sơ sinh.

Em được bọc bằng hai lớp áo, lớp trong là cái áo thun của cha, lớp ngoài là cái áo khoác của mẹ. Tiếng khóc đầu tiên của em, của mầm sống mới đem lại nụ cười cho Vinh, cho anh và chị, và hy vọng cho một đời sống mới tự do, tốt đẹp hơn cho mọi người trên ghe. Em ra đời an lành giữa biển Đông, sớm hơn thời hạn bình thường (9 tháng 10 ngày) gần một tháng trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Và dĩ nhiên không có cân, không có thước để biết trọng lượng, và chiều cao của em.

Trong niềm vui vừa hoàn thành một ca đở đẻ có một không hai trong đời, Vinh trao em bé cho sản phụ, dùng nước biển để rửa tay. Giữa biển trời mênh mông, không có xà bông, không có alcohol sát trùng, không có cả nước thường để rửa tay. Vinh đến bên thành ghe, một tay bám chặt vào thành ghe, tay kia múc nước biền bằng một cái thùng nylon để rửa tay, và rửa em bé cùng sàn ghe. Sau vài phút vui mừng cạnh vợ con với niềm vui của một người lần đầu làm cha, người chồng trẻ vừa rối rít cảm ơn, vừa giúp Vinh dọn rửa sàn ghe, nơi một con người bé bỏng vừa chào đời trong đêm tối giữa biển trời bao la. Cũng như cha mẹ không được làm hôn thú ở một vùng kinh tế mới, em cũng không được làm khai sinh giữa biển trời, trên một chiếc ghe tỵ nạn. Em được cha mẹ gọi là “bé Biển”.

Trời sáng dần, mọi người tỉnh táo hơn, lạc quan hơn vì ánh sáng mặt trời luôn là người bạn tốt của những con tàu đang lênh đênh trên đại dương. Họ còn vui mừng hơn vì có thêm một mầm sống mới vừa chào đời bằng sự can đảm của người mẹ, bằng sự tận tình của một ông bác sĩ trẻ cùng là đồng hành trên chuyến vượt biển tìm tự do của họ.
Những ngày sau đó, dù vẫn phải ăn uống dè chừng vì không biết khi nào mới đến được đất liền, Vinh vẫn được đối xử tử tế hơn, được ông bà chủ ghe mời lên ngồi trên khoan tàu, được hít thở không khí trong lành của đại dương. Vinh cũng được phân phát thức ăn theo tiêu chuẩn đặc biệt, nhưng Vinh cũng chỉ ăn như khẩu phần của mọi người trên ghe, nhường phần đặc biệt đó cho người mẹ mới sinh ốm yếu mảnh mai, cần ăn nhiều để còn có sữa nuôi con sơ sinh.
Những chuyện bình thường đó được rỉ tai bởi những người còn tỉnh táo, khỏe mạnh trên ghe, và như một vết dầu loang, người ta đối xử tốt đẹp với nhau hơn. Một vài người lớn tuổi được những người trẻ hơn nhường phần nước uống hiếm hoi được phát hai lần mỗi ngày. Các em bé được ăn thêm vài muỗng cơm từ những người lớn trên tàu. Chuyện tưởng như đơn giản trên đất liền trong hoàn cảnh bình thường, nhưng là cả một niềm an ủi, một niềm tin khi con người đang trốn chạy khỏi quê hương, đang lênh đênh trên đại dương, không biết lúc nào mới đến bờ, đến bến.
o O o
Bốn ngày sau, chiếc thuyền mong manh của những thuyền nhân Việt Nam chạy trốn chế độ Cộng sản may mắn được một con tàu buôn của Ý trông thấy. Họ đến gần và cho tất cả người tỵ nạn lên tàu của họ, cho ăn uống. Họ đặc biệt cho bé Biển nhiều món quà quý, trong đó có một cái mỏ neo nhỏ như một lóng tay, – làm bằng vàng, biểu tượng của chiếc thương thuyền -, sau khi nghe kể em được sỉnh ra vài ngày trước đó trên sàn con thuyền mong manh không có một dụng cụ thuốc men nào, ngoài sự can đảm của mẹ em, và sự tận tình của một bác sĩ trẻ được đào tạo ở Đại học Y khoa Saigon trước năm 1975. Như luật hàng hải quốc tế vì sinh ra ở hải phận quốc tế nên bé Biển có quốc tịch Ý, chiếc tàu đầu tiên có mang cờ một quốc gia em được mang lên.
Trước khi đưa từng thuyền nhân lên tàu lớn, họ có ghi lại hình ảnh của chiếc ghe mong manh và những thuyền nhân mặt mày hốc hác nhưng ánh mắt rạng rỡ vì biết chắc chắn mình sẽ đến được bến bờ tự do. Ông thuyền trưởng đích thân ra trước mũi tàu chụp hình. Bên kia, bác sĩ Vinh được những người trong ghe cử ra nói chuyện với đại diện của tàu Ý. Vinh cũng đứng trước mũi của chiếc ghe tỵ nạn, bên cạnh chiếc tàu buôn như một em bé gầy yếu đứng trước một người khổng lồ. Tấm hình đó không một người tỵ nạn nào có dịp trông thấy. Ngoài một số người muốn được định cư ờ Ý, tất cả thuyền nhân còn lại được đưa đến trại tỵ nạn và được đi định cư ở nhiều nước khác nhau.
Ông thuyền trưởng nghe Vinh kể chuyện đỡ đẻ rất hiếm hoi đã giơ cả hai tay lên trời:
– Tôi cảm phục lòng can đảm của sản phụ, tôi cảm phục sự bình tĩnh và tận tình của bác sĩ. Tôi cảm phục lòng quả cảm của tất cả các bạn. Thượng Đế đã phù hộ các bạn.
Ông ta còn nói nhiều điều nữa, nhưng Vinh chỉ nhớ câu đó, và nhớ nụ cười hiền từ nhân hậu của người thuyền trưởng người Ý da trắng. tóc đen.
Vinh đến Mỹ vào cuối năm 1979, đi học lại một số lớp để có thể thi lấy bằng Medical Doctor ở Mỹ và thi lấy giấy phép hành nghề. Kiến thức của những năm Y khoa Saigon giúp Vinh rút ngắn được hơn nửa đường học trình của một Bác sĩ chuyên khoa ở Mỹ. Cứ lấy các “equivalent test” của từng giai đoạn, đậu được mỗi bài test là khỏi phải học ít nhất là hai học kỳ (tương đương một năm). Cứ từ dễ đến khó, Vinh lần lượt đậu từng bài thi và không phải học lại, chỉ phải đi thực tập nội trú (Internship) trong một bệnh viện ở New York trước khi được cấp bằng hành nghề. Lúc đó còn trẻ, chưa lập gia đình, dù không phải học lại 5 năm đầu của chương trình Y khoa ở Mỹ, Vinh vẫn chăm chỉ đọc sách và học thêm một lớp căn bản về “Business Law”.
Mỗi tuần làm việc từ bốn đến năm mươi giờ ở bệnh viện từ phòng cấp cứu đến các phòng bệnh nội trú, Vinh gặp bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, mọi màu da. Có người suốt ngày rên rỉ, có người chỉ nhăn mặt khi thiếu thuốc giảm đau, có người luôn cố giữ nụ cười lạc quan để thêm tinh thấn chiến đấu với bệnh tật. Không có ai can đảm như người sản phụ thuyền nhân giữa đại dương năm nào, kể cả những người sinh con giữa một bệnh viện đầy đủ thuốc men, dụng cụ, y tá, bác sĩ, đã được chích thuốc giảm đau mà vẫn rên la.

Xong một năm nội trú ở New York, những ngày đầu chính thức hành nghề y khoa trong một bệnh viện ở Chicago, những khuôn mặt bệnh nhân đủ mọi cá tính đến rồi đi trong từng ngày làm việc của Vinh, vẫn chưa có ai vượt qua được sự can đảm chịu đựng của người sản phụ trên chiếc ghe mong manh vượt biển ngày trước. Giữa những tiện nghi dành cho một bác sĩ ở Mỹ, thỉnh thoảng Vinh vẫn nhớ đến nước Thái bình dương đã rửa tay cho mình và tắm cho em bé sinh giữa đại dương. Vị mặn của nước biển có thể sát trùng một cách tương đối, đã giúp một em bé thuyền nhân chào đời an toàn, khỏe mạnh trên sàn ghe giữa biển trời mênh mông.
bebien 

Họp mặt truyền thống chs Ngô Quyền lần thứ XIII – JUL 2014 ở Milpitas, California.
Nhân vật chính: BS Huỳnh Quan Minh– cựu học sinh NQ K6- trước micro.
Tác giả NTDH áo dài trắng, đứng giữa hai đàn anh Ngô Quyền.

Rồi Vinh lập gia đình, dọn về San Jose ở California với khí hậu ven biển ấm hơn giống Việt Nam hơn, và để một lúc nào đó những đứa con chào đời sẽ có nhiều cơ hội học tiếng Việt hơn. Lúc đó là đầu thập niên 80s, cộng đồng Việt Nam ở Mỹ chưa lớn mạnh, những lần hiếm hoi gặp bệnh nhân người Việt ở bệnh viện Kaiser, họ cứ hỏi Vinh có khám thêm ở nhà ngoài giờ làm việc để họ đến nhờ giúp khi bệnh hoạn. Một, hai, năm, bảy rồi cả chục lần được yêu cầu như vậy, Vinh quyết định xin thôi việc ở bệnh viện, mở phòng khám tư, tự do hơn.
Lần đầu tiên mở phòng khám tư, lại là phòng khám ở Mỹ, một nơi mà nguyên tắc, và luật pháp rất nghiêm nhặt,Vinh phải mò mẩm từng bước để xây dựng phòng khám bệnh của mình. Thời đó, đầu thập niên 80s, cộng đổng tỵ nạn của người Việt còn non trẻ, bệnh nhân của Vinh thuộc đủ mọi chủng tộc, từ những người bản xứ hay đến phòng mạch của ông bác sĩ trẻ còn giữ nguyên tính kính trọng người lớn tuổi của người Việt Nam, đến những người di dân gốc Nga, gốc Tàu, gốc Ý, gốc Mễ… Và dĩ nhiên cũng có những bệnh nhân Việt Nam chịu khó lái xe vài chục dặm để được một bác sĩ đồng hương chăm sóc.
Cũng chính nơi đây, Vinh gặp lại nhiều bạn học đã mất liên lạc từ ngày xong tú tài, mỗi người mỗi ngả.
Phúc và Lan di tản từ tháng 4 năm 1975, vẫn không thay đổi nhiều so với ngày còn ở Trung học, tương đối thành công, vẫn mang theo cả một thời mới lớn ở Việt Nam có những lý tưởng màu hồng dù lâu lâu vẫn nghe tiếng súng vọng về từ một chiến trường nào đó rất gần thành phố.
Xuân đi từ trường Ngô Quyền vào trường Võ bị, vừa cởi áo trắng học trò, khoác ngay áo treillis của lính, không có thì giờ mặc áo dân sự giữa một đất nước chiến tranh. Nước mất, Xuân phải vào “trại cải tạo”, mặc áo màu sậm, xám xịt như đời “tù… không có tội”. Ra khỏi nhà tù nhỏ, Xuân về nhà tù lớn chỉ vài tháng rồi vượt biển, và chịu khó cắp sách đi học lại đến ngày thành kỹ sư ở thung lũng điện tử của miền Bắc California.
Tuấn rời Việt Nam qua Nhật du học từ năm mười tám. Học vừa xong, thì nước mất, không còn nhà, không còn quê hương để quay về. Một sáng đầu tháng 5 năm 1975, mở mắt dậy, bỗng dưng thành một người “vô gia đình, vô tổ quốc”, Tuấn quyết định đi xa hơn nữa khi Mỹ cấp free pass vào Hoa Kỳ cho các sinh viên VN đang du học ở các nước tự do trên thế giới vào thời điểm tháng 4 năm 1975. Tuấn ổn định đời sống ở Mỹ từ năm 1976. Phiêu bạt từ Việt Nam qua Nhật, rồi Mỹ, ở đâu người bạn thân của Vinh cũng mang theo hình ảnh hiền hòa, thâm trầm như nhân vật cùng tên trong “Tuấn chàng trai nước Việt”.
Tấn đậu tú tài, vào Không quân, được đi tu nghiệp ở Mỹ, về nước chưa kịp đóng góp nhiều cho đất nước thì “chim gãy cánh mây ngừng trôi “, Tấn vô tù vì vận nước, rồi trở về làm đủ mọi nghề để sống đến khi được qua Mỹ theo diện HO, là người đến đất nước tự do muộn màng nhất trong lớp.
Cả một cái lớp tứ hai ở Ngô Quyền xưa lưu lạc khắp nơi trên thế giới, gần một phần tư lớp hội tụ ở San Jose, mỗi lần gặp nhau vui hơn Tết, chuyện trò râm ran, tiếng cười vang lên như ngày xưa còn ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ở quê nhà.
Nhưng vui nhất là lần Vinh gặp thầy Hợp, thầy dạy Toán năm đệ tam ở quê nhà. Thầy định cư ở Mỹ vảo thập niên 90s, lúc đó cộng đồng Việt Nam ở vùng thung lũng điện tử San Jose đã quần tụ khá đông. Chân ướt chân ráo ở quê người, chưa có xe, từ nhà, Thầy đi hai chuyến xe bus đến khu vực thuơng mại đông đúc nhất của người Việt ờ San Jose, lấy một tờ báo quảng cáo để tìm một ông bác sĩ đồng hương ở quê người. Và thầy tìm ra cậu học trò thông minh, hiền lành năm xưa đang hành nghề “lương y” ở một con đường yên tĩnh gần downtown. 

Trong mục quảng cáo của một tờ báo VN, trong danh sách các Bác sĩ Việt Nam ở San Jose, thầy Hợp tìm thấy tên của cậu học trò thông minh, hiền lành ở cù lao Phố, Biên Hòa ngày xưa. Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng ở nhiều trường Trung học lớn ngày xưa, như một người lái đò đưa hàng ngàn người khách qua sông; có một vài khuôn mặt, vài cái tên Thầy không hề quên.
Gần như chắc chắn đó lả học trò cũ của mình ngày xưa, nhưng muốn dành cho cho Vinh một bất ngờ, thầy Hợp vẫn gọi điện thoại lấy hẹn, đến văn phòng đúng giờ, lảm việc với mấy cô thư ký, điền hồ sơ cho một bệnh nhân mới, rồi kiên nhẫn ngồi đợi như bao nhiêu người khác.
Gần cuối buổi làm việc, Vinh được cô thư ký chuyển vào hồ sơ của bệnh nhân kế tiếp. Nhìn cái folder màu vàng nhạt còn mới toanh của một bệnh nhân mới, Vinh liếc qua tên bệnh nhân, và độ tuổi, cùng giới tính. Tên viết theo lối Mỹ, first name, last name, initial middle name, nên Vinh không hề nghĩ đó là thầy dạy Toán của mình thời trung học.

Vinh rời phỏng làm việc của mình, đẩy cửa vào phòng có bệnh nhân, và thả rơi cái folder xuống nền nhà, không tin vào mắt mình. Cứ như một giấc mơ, thẩy dạy Toán Nguyễn Thất Hợp của năm đệ tam đang ngồi cạnh bàn khám bệnh ở San Jose, California, chứ không phải cạnh bàn giáo sư của trường Ngô Quyền Biên Hòa như hai mươi năm trước. Thầy vẫn vậy, chỉ già đi theo năm tháng (như người Mỹ vẫn gọi là aging process) chứ không thay đổi. Ánh mắt nghiêm nghị vẫn còn, lấp lánh sau tròng kính trắng. Vinh quên hết nhiệm vụ của mình, quên hết mình đang khám bệnh, quên là mình đã ở xa quê nhà cả một đại dương, mừng rỡ chào Thầy, vẫn cung kính như ngày xưa còn là học trò trung học.

Từ đó, thầy Hợp được học trò chăm sóc sức khỏe rất chu đáo. Không biết vì bản chất Thầy vốn khỏe mạnh, vì Vinh chăm sóc cho Thầy không chỉ bằng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ, mả còn bằng tấm lòng của một người học trò cũ, hay vì cả hai lý do, thầy Hợp trông khỏe mạnh và trẻ hơn so với những người cùng độ tuổi.
o O o
Tưởng đó là lần hạnh ngộ vui nhất trong đời ở phòng khám bệnh, nhưng có một lần khác, ngạc nhiên òa vỡ lớn hơn, đưa Vinh về với vị mặn của gió biển, với lần duy nhất hành nghề y khoa dã chiến giữa trời nước mênh mông.
Đó là một ngày mùa hè, ngày dài đến hơn 14 tiếng, bóng nắng vẫn còn lung linh trên hàng cây cổ thụ ven đường, Vinh đã cởi áo blouse trắng, chuẩn bị về thì cô thư ký gọi vào cho biết có người quen cũ, đến từ Châu Âu kiên nhẫn đợi đến lúc bệnh nhân cuối cùng rời phòng mạch để được gặp bác sĩ Vinh.
Vinh đặt chìa khóa xe vào lại ngăn kéo, nhờ cô thư ký mời khách vào phòng làm việc. Đó không phải là một người khách, mà là một gia đình gồm ba người. Hai vợ chồng đã qua tuổi trung niên, và một cô thiếu nữ chắc vẫn cỏn trong độ tuổi hai mươi. Vinh cố lục lạo trí nhớ của mình để nhớ ra người quen nhưng vẫn không nhận ra được khách là ai?
Vinh mời khách ngồi, nhã nhặn:
– Xin lỗi, tôi có thể giúp gì được cho quý vị?
Người đàn ông mở lời, giọng Saigon rất thân quen:
– Thưa bác sĩ, chúng tôi từ Ý đưa bé Biển đến thăm bác sĩ, và để cảm ơn bác sĩ đã lo cho mẹ con cháu chu đáo trên biển đông năm xưa.
Vinh tròn mắt ngạc nhiên:
– Ô, anh chị ngày xưa trên con thuyền vượt biển tháng 6 năm 1979 từ Long Hải, Vũng Tàu.
Ngưởi đàn bà cười tươi tiếp lời bằng giọng Huế nhẹ nhàng:
– Thưa đúng rồi, bác sĩ còn nhớ chúng tôi?
– Không những chỉ nhớ mà còn phục sự can đảm chịu đựng của chị năm xưa khi sanh con đầu lòng trên sàn tàu vượt biển không có ánh sáng, không có thuốc men, không có cả dụng cụ.
Đó là lần hội ngộ với một bệnh nhân cũ bất ngờ, cảm động nhất của Vinh.
o O o

Từ chiếc tàu buôn của Ý năm xưa, 68 thuyền nhân, cộng với “công dân của đại dương”, bé Biển, được đưa về trại tỵ nạn Pulau Bidong của Malaysia. Từ đó, họ đi định cư ở nhiều nước khác nhau. Vinh định cư ở Mỹ. Gia đình nhỏ ba người của bé Biển đi Ý vì cảm kích lòng tử tế của thủy thủy đoàn trên thương thuyền của Ý, và vì bé Biển mang quốc tịch Ý.
Từ đó, bận rộn với cuộc sống mới với một khởi đầu mới ở quê người, Vinh không còn dịp liên lạc với bất cứ một thuyền nhân nào trên chuyến tàu vượt biển năm xưa.
Gia đình bé Biển đến Ý, ổn định cuộc sống. Họ làm hôn thú cho mình và khai sinh cho con ở Ý. Trên khai sinh, tên của bé Biển là Nguyễn Thị Đại Dương. Và như một kỷ niệm suốt đời mang theo, sợi dây chuyền với chiếc mỏ neo bằng vàng luôn nằm trên cổ em từ lúc chỉ mới vài ngày tuổi. Vài năm sau, họ có thêm một cậu con trai sinh ở Rome, vẫn có cái tên Việt Nam là Nguyễn Thái Bình, tên Ý là Grato (nghĩa là cảm ơn). Đó là cách để họ nhớ đến Thái bình dương với ân tình từ rất nhiều người cả Việt Nam lẫn Ý.
Cho đến một ngày nọ, tin tức địa phương từ một tờ báo về chuyện một ngưởi thuyền trưởng tài ba, nhân từ về hưu sau hơn 30 năm lênh đênh trên các đại dương, giúp họ tìm ra vị thuyền trưởng đã cứu vớt con tàu nhỏ bé năm xưa của những người Việt Nam tỵ nạn. Họ tìm đến gặp ông, và lần này đã có thể nghe ông kể lại câu chuyện và tâm trạng của ông năm xưa bằng tiếng Ý. Sau đó, họ được ông tặng tấm hình chụp con tàu tỵ nạn dạo nào, trên đó có họ gầy yếu xanh xao, có đứa con đầu lòng, bé Biển hãy còn đỏ hỏn, không có sữa uống, được nuôi bằng nước cháo.

Tấm hình được họ mang đến tiệm, nhờ chuyển qua dạng một cái plaque treo tường. Họ làm cho mình một, và một plaque thứ hai để dành tặng cho ông bác sĩ trẻ năm xưa giúp bé Biển chào đời an toàn trên sàn tàu vượt biên.
Bước vào thế kỷ 21, khoa học phát triển, google search giúp họ tìm ra bác sĩ Vinh. Vì ngày xưa trước lúc rời trại tỵ nạn, họ có hỏi thăm tên họ của Vinh. Nhờ một người bạn ở San Jose giúp đỡ thêm, họ đưa bé Biển, đã là một Bác sĩ sản khoa ở Ý, qua Mỹ thăm Vinh.
Cô bác sĩ trẻ người Ý gốc Việt nói với ông bác sĩ đã qua tuổi trung niên người Mỹ gốc Việt, bằng tiếng Việt rõ ràng, khúc chiết với giọng Huế pha Saigon:
– Thưa bác, con cảm ơn bác đã giúp cho con chào đời an toàn trên biển. Nghe ba mẹ con kể lại, và nhớ ơn bác năm xưa, con đã học sản khoa. Có lẽ suốt đời con không có cơ duyên đặc biệt như bác đã làm ngày con ra đời. Nhưng con nhớ hoài chuyện đó và vẫn kể cho bệnh nhân của con nghe khi họ sắp chuyển dạ để giúp họ thêm can đảm.. Con cảm ơn bác rất nhiều.

Thay cho lời kết:
Năm 2011, trong một lần đến họp và tập hát chuẩn bị cho hội ngộ cựu học sinh Ngô Quyền toàn thế giới lần thứ 2, ở phòng mạch của bác sĩ HQM, một đàn anh Ngô Quyền, chúng tôi thấy một plaque hình thuyền vượt biển khá đẹp, và được nghe kể lại một chuyện cảm động trên tàu thời đó.
Tấm plaque treo tường với chiếc ghe nhỏ bé chơ vơ giữa biển xanh đã thu hút sự chú ý của chúng tôi, một cựu thuyền nhân. Có những tình cờ trong cuộc sống để lại một dấu ấn suốt đời mang theo. Xin được ghi lại vài nét của một trong những chuyện không bao giờ quên trong lịch sử thuyền nhân. Hy vọng đời sống luôn có những người trọng tình nghĩa như những nhân vật trong chuyện, và những hạnh ngộ bất ngờ luôn luôn làm cho đời sống đẹp hơn.
(Viết từ một bức hình ở phòng mạch của BS Huỳnh Quang Minh. Thung lũng hoa vàng- đầu mùa xuân 2015)
Nguyễn Trần Diệu Hương


Monday, July 18, 2016

NGUYỄN LỘC YÊN * TRUNG CỘNG LIỀU THÂN

Tại biển Đông, Trung cộng phóng lao phải theo lao

Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Ngày 22-1-2013, Philippines đệ đơn đến Tòa án Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration: PCA) tại The Hague, Hà Lan để kiện Trung cộng về việc Trung cộng đã đơn phương tuyên bố chủ quyền “Đường 9 đoạn” (Nine dash line) còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường 9 khúc, đã bao trùm 85% diện tích biển Đông, chiếm khoảng 3 triệu km2 trên tổng số 3.5 triệu km2. Thế mà, Trung cộng lại tuyên bố không quan tâm về phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, nhưng chính nhà cầm quyền Trung cộng đã, đang lo âu và hồi hộp về vụ kiện này. Chính Trung cộng đã cuống cuồng, bối rối nên đôn đáo chạy lo lót, nhờ vả các nước trên thế giới ủng hộ về "đường lưỡi bò" ngược ngạo của mình, đã lôi kéo được 5-7 quốc gia nghèo nàn là chủ yếu, trong đấy có Campuchia, Lào và một số nước ở châu Phi và Trung Á như: Afghanistan, Gambia, Niger, Sudan và Vanuatu mà thôi?! Thế mà, nhà nước Trung cộng hôm 20-5-2016, đã bạo miệng hô hoán rằng có tới 48 quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh về Đường lưỡi bò hay vụ kiện của Philippines?!
Vào ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan đã chiếu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea: UNCLOS), thẳng thừng tuyên bố: “Trung cộng không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên theo đường lưỡi bò đã chiếm gần trọn biển Nam Trung Hoa (biển Đông) mà nước này đơn phương áp đặt”. 

Liền trong ngày (12/7), trang Google Maps ghi tên bãi cạn là nơi mà Philippines khởi kiện bằng tên quốc tế là Scarborough, dù trước đó Google Maps xác định bãi cạn là một phần thuộc quần đảo Trung Sa của Trung cộng, được gọi là “Hoàng Nham”?!. Liền sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về "đường lưỡi bò" của Trung cộng ở biển Đông, Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop cho biết Australia sẽ tiếp tục thực thi các quyền quốc tế của nước mình về tự do hàng hải và hàng không, đồng thời ủng hộ các nước khác làm tương tự. 
Trong khi đấy, Liên hiệp châu Âu và khối G7 cũng đã kêu gọi tất cả các bên đòi chủ quyền ở biển Đông phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Khối thất cường G7 còn kêu gọi các nước có liên hệ về tranh chấp ở biển Đông nên nghiêm chỉnh thi hành theo phán quyết của Tòa án trọng tài Quốc tế. Khi được tin Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines thì hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ là John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cùng ông Dan Sullivan, kêu gọi Việt Nam theo chân Philippines để bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh. 
Xin nhắc lại, sắp tới ngày Tòa Trọng tài PCA tuyên bố phán quyết, Mỹ đã thấy, đã đoán được ý đồ của Trung cộng hung hăng và cố bám biển Đông, nên ngày 15-6-2016, cho 4 máy bay EA-18 Growler là loại máy bay chiến đấu điện tử đến Phi trường Clark của Philippines. Đến ngày 20-6-2016, Hải quân Hoa Kỳ cho hai Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan đến hoạt động tại Trường Sa nơi vùng biển Philippines. Ngoài ra, tại biển Đông nếu xảy ra chiến tranh thì Trung cộng có ưu thế về địa lợi vì biển Đông ở gần lãnh thổ Trung cộng, còn Hoa Kỳ ở tận bên kia Thái Bình Dương. Thế nên, để kiềm chế về địa lợi của Trung cộng, Hoa Kỳ dùng các Hàng Không Mẫu Hạm như các đảo di động để đánh sập các đảo bồi đắp trái phép, bất di bất dịch của Trung cộng và Hoa Kỳ đã liên minh quân sự với nhiều nước trong vùng như: Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Ấn Độ... và muốn liên minh cả Việt Nam, nhưng đáng tiếc cả Đảng CSVN, nhất là các Thái thú Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang... đã bị Trung cộng gắn “Bùa thập lục tự” (16 chữ vàng) vào đầu nên bị đảo điên, thiếu sáng suốt, không còn biết vẫy vùng “Thoát Trung” để giữ nước?! 
Thế nên, Trung cộng ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Trung cộng đã “Phóng lao phải theo lao”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung cộng là Lưu Chí Quân đã cho báo giới biết rằng Trung cộng sẽ thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) trên biển Đông nếu an ninh bị đe dọa, như Trung cộng từng lập Vùng Nhận Diện Phòng Không trên vùng biển Hoa Đông vào năm 2013, nơi có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Điếu Ngư (tiếng Hoa), Senkaku (tiếng Nhật) mà hai bên Trung cộng và Nhật Bản đang tranh giành. 
Dẫu biết rằng, Quốc tế không có một lực lượng quân sự thường trực đủ mạnh để bắt buộc các quốc gia thi hành đúng theo phân xử của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sau khi ra phán quyết. Tuy vậy, Trung cộng là một nước thành viên đã ký kết Công ước về Luật biển, khi Tòa án Quốc tế giải quyết tranh chấp theo con đường tài phán, từ xưa đến nay chưa thấy quốc gia nào chống đối vĩnh viễn phán quyết của Tòa. Từ đấy, chúng ta nghĩ rằng dù Trung cộng bạo miệng phủ nhận phán quyết của “PCA” nhưng cũng phập phồng trong nỗi lo âu?!
Nếu Trung cộng vẫn ngoan cố đơn phương chiếm đóng phi pháp tại biển Đông một cách liều lĩnh, sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về những quan hệ ngoại giao với Quốc tế. Do đấy, ngay bây giờ, dù Trung cộng không tuân thủ phán quyết của PCA nhưng sau này cũng phải sửa sai dần hành vi ngược ngạo của mình cho phù hợp với quan niệm chung của các nước trên Thế giới. 
Nếu Tập Cận Bình vẫn ngoan cố, bất chấp tài phán của PCA, xem biển Đông như ao nhà, ỷ nước lớn đông dân, tiếp tục diệu võ dương oai thì họ Tập sẽ như Tào Tháo hùng hổ ở Trường Giang đã bị Ngô-Thục liên minh đánh tan tác, thành tro hoàn toàn 80 vạn tinh binh tại trận Xích Bích vào năm 207 (STL). Tập Cận Bình ở biển Đông cũng vậy, sẽ bị liên minh các nước tự do đánh bại thê thảm và các khu tự trị tại Trung cộng: Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Người Choang ở Quảng Tây, Người Mông Cổ ở Nội Mông và Người Tây Tạng ở Tây Tạng sẽ “Thoát Trung” giành lại độc lập của họ. Riêng tại Việt Nam cũng không còn lo âu bị người Tàu đang gây khó khăn và cả dân tộc Việt sẽ không còn băn khoăn về viễn ảnh mịt mờ vào năm 2020 của Hội nghị Thành Đô?!
17.07.2016

TRUNG CỘNG


 Gần một nửa cư dân Hồng Kông muốn bỏ xứ ra đi vì Trung Quốc


media 
Biểu tình trước lãnh sự Anh tại Hồng Kông, nhân kỷ niệm 19 năm ngày lãnh thổ này trao trả cho Trung Quốc, 01/07/2016REUTERS/Bobby Yip
Theo một cuộc khảo sát do trung tâm tham vấn độc lập Civic Exchange tại Hồng Kông thực hiện vào tháng 6/2016, 42% cư dân Hồng Kông đang muốn bỏ xứ ra đi. Đối với nhiều người, chính các căng thẳng xã hội, thái độ đàn áp tự do của Trung Quốc đã khiến niềm tin vào tương lai Hồng Kông giảm sụt.
70% của 1.500 người được khảo sát nhận định rằng Hồng Kông đã trở thành một nơi sinh sống “tệ hại” hoặc "tệ hại hơn”, với ba mối ưu tư xếp theo thứ tự là nhà ở, chất lượng của chính quyền, và giáo dục.
Một cách cụ thể, số lượng người dân Hồng Kông di cư sang Canada gần như tăng gấp đôi trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, và số lượng người qua định cư vĩnh viễn tại Đài Loan cũng tăng 36% trong cùng giai đoạn.
Khi người dân bỏ xứ ra đi, điều đó có nghĩa là họ không còn tin tưởng vào tương lai xứ họ. Trong trường hợp Hồng Kông, thái độ tin tưởng vào tương lai vùng lãnh thổ này đã giảm đi đáng kể từ sau khi xẩy ra các cuộc biểu tình của phong trào “ Chiếm Lĩnh Trung Hoàn ” vào cuối năm 2014, đòi Bắc Kinh cho Hồng Kông được hưởng một nền dân chủ đầy đủ.
Những vụ mất tích của năm nhân viên nhà sách Hồng Kông Mighty Current, chuyên xuất bản các sách chính trị về các nhà lãnh đạo Trung Quốc – một số trong đó bị nghi là do Trung Quốc bắt cóc - cũng đã làm xói mòn niềm tin về chính sách “ một quốc gia, hai chế độ ” được áp dụng từ khi cựu thuộc địa của Anh này trở về dưới chủ quyền Trung Quốc vào năm 1997. Một trong những nhân viên nhà sách đã trở về Hồng Kông đã nói với giới truyền thông ông có thể di cư qua Đài Loan vì ông không còn cảm thấy an toàn tại Hồng Kông.


Publicite, fin dans 54 secondes
Theo giáo sư Michael DeGolyer, đồng tác giả bản khảo sát thì nếu cách nay hai năm, nhưng người bực bội chính quyền chủ yếu là thanh niên, thì hiện nay, sự bất bình không còn phân biệt tuổi tác.
 Theo hãng tin Anh Reuters, cơ quan Di Trú Hồng Kông từ chối bình luận về cuộc khảo sát, trong lúc cục An Ninh Hồng Kông thì từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Hồng Kông có lo ngại hay không về hiện tượng di cư kể trên, hay có nghĩ rằng việc đó bắt nguồn từ những lo ngại về chính trị của người dân hay không.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-gan-mot-nua-cu-dan-hong-kong-muon-bo-xu-ra-di-vi-trung-quoc

Trung Quốc xử tệ với các nước láng giềng nhỏ


media 
Người dân xem truyền hình về thông báo phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Manila, Philippines, ngày 12/07/2016REUTERS/Erik De Castro
Liên quan tới vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Nhật báo Le Monde nhận định Trung Quốc cần rút ra những bài học quan trọng sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc đang cảnh giác đề phòng Mỹ đe dọa gây chiến tranh trong khu vực nhưng theo Le Monde, điều mà Trung Quốc cần lo ngại không phải là nguy cơ chiến tranh trực tiếp mà chính là việc hình ảnh của Trung Quốc ở châu Á - khu vực mà Trung Quốc muốn lãnh đạo - lại đang bị chính nước này hủy hoại.
Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định là không muốn cư xử như các cường quốc khác mà Bắc Kinh cáo buộc là đã lạm dụng quyền lực để gây sức ép, nhưng theo Le Monde, phán quyết của Tòa La Haye rõ ràng đã cho thấy Trung Quốc lạm dụng sức mạnh trên Biển Đông, không tôn trọng luật biển và đã xâm phạm chủ quyền của Philippines.
Trung Quốc không muốn đàm phán với các nước láng giềng ở Biển Đông thông qua Liên Hiệp Quốc mà chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng nước. Theo nhận định của Le Monde, đương nhiên, khi đối mặt trực tiếp với gã khổng lồ Trung Quốc, các nước nhỏ đều ở vị trí thua kém hơn.
Cậy mình là cường quốc trong khu vực, Trung Quốc tự mình áp đặt luật lệ. Trung Quốc tỏ ra rất tự tin nên luôn áp đặt sức mạnh lên các nước khác. Trung Quốc đã bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang có tranh chấp, biến chúng thành các căn cứ quân sự, hải quân và không quân. Trung Quốc biết rằng lực lượng hải quân của các nước khác yếu thế hơn và tương lai kinh tế của các nước này lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, Le Monde đánh giá là Trung Quốc đã phạm hai lỗi lớn : thứ nhất, Trung Quốc đã tự hủy hoại tham vọng trở thành một cường quốc trỗi dậy hòa bình và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Thứ hai, Trung Quốc đã gây ra mâu thuẫn và góp phần làm cho căng thẳng quân sự leo thang trong khu vực có nhiều nước đồng minh của Mỹ. Theo Le Monde, chính Trung Quốc là nước gây bất ổn và chạy đua vũ trang trong khu vực. Những gì mà Trung Quốc gây ra hoàn toàn đối lập với cái mà Trung Quốc nói là đang tìm kiếm.

Liên Hiệp  Quốc kêu gọi Iran ngừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo
Chuyển sang Trung Đông, hôm nay là ngày Liên Hiệp Quốc ra báo cáo về 1 năm thỏa thuận hạt nhân Iran. Le Monde cho biết bản báo cáo mật dài 18 trang và phải đọc thật kỹ mới hiểu được việc ngầm chỉ trích Iran trong việc triển khai thỏa thuận.

Với thỏa thuận này, phần lớn các lệnh trừng phạt chống lại Teheran đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Iran vẫn phải chịu một số hạn chế, đặc biệt là bị cấm thử nghiệm tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc chuyển giao vũ khí nhạy cảm. Tuy nhiên, trong tháng 03/2016, Iran đã thử nghiệm nhiều tên lửa tầm gần, tầm trung và tầm xa từ các cơ sở ngầm và khẳng định các vụ thử nghiệm này chỉ nhằm đảm bảo quốc phòng. Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, các vụ thử nghiệm này không phù hợp với tinh thần xây dựng của thỏa thuận Vienna và Hội Đồng Bảo An sẽ ra nghị quyết. Ông Ban Ki Moon cũng thể hiện quan ngại và kêu gọi Iran từ bỏ các vụ thử nghiệm tương tự để tránh gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, Le Monde nhận định tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon không xác định rõ ràng Iran vi phạm thỏa thuận Vienna hay nghị quyết 2231.
Liên Hiệp Quốc cũng nhắc tới một vài vụ vi phạm khác của Iran, chẳng hạn như cũng trong tháng 03/2016, Hải quân Mỹ đã chặn một con tàu chở đầy vũ khí của Iran trên vịnh Oman và đang hướng về Yemen, hay vụ các doanh nghiệp Iran tham gia hội chợ vũ trang ở Bagdad và vụ viên tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng có tên trong danh sách cấm di chuyển của Liên Hiệp Quốc, đã tới Iraq. Tuy nhiên, Le Monde dẫn lời một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết là các vụ vi phạm này không gây hậu quả gì và Hội Đồng Bảo An khá hài lòng về những tiến bộ đã đạt được.
Cũng theo Le Monde, dường như ông Ban Ki Moon muốn cân bằng bản báo cáo nên cũng ghi nhận những lời phàn nàn của Iran về việc Washington cản trở việc nối lại các trao đổi thương mại và vẫn tiếp tục phong tỏa tài khoản của Iran tại các ngân hàng Mỹ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên tuân thủ các cam kết và làm việc trên tinh thần hợp tác, thỏa hiệp, tin tưởng và tương trợ.

Tấn công khủng bố bằng xe hơi : Các biện pháp phòng chống của Israel
Cũng liên quan tới khủng bố, Le Figaro cho biết tại Israel, cùng với tấn công bằng dao, dùng xe hơi lao vào đám đông làm dân thường thiệt mạng là hình thức tấn công mà những kẻ khủng bố người Palestine ưa chuộng. Chỉ trong vòng một năm, cơ quan an ninh Israel đã ghi nhận ít nhất 30 vụ tấn công kiểu này. Tất cả bắt đầu vào năm 2008 khi một người Israel gốc Ả Rập đã ăn cắp một xe đào đất trên công trường và lao vào trung tâm thành phố Jérusalem gây ra cái chết của bốn thường dân. Hung thủ sau đó đã bị bắn hạ nhưng từ đó trở đi, đã xảy ra nhiều vụ dùng xe hơi lao thẳng vào dân thường ở nhiều thành phố khác nhau của Israel và tấn công vào binh sĩ ở các trạm kiểm soát ở Cisjordanie.
Le Figaro và Les Echos đều cho biết trước mối đe dọa này, chính quyền thành phố Jérusalem đã cho dựng các trụ bê tông hoặc kim loại, để ngăn không cho các xe cơ giới tiến quá gần tới các trạm xe bus đã từng nhiều lần là mục tiêu của các vụ tấn công bằng xe hơi. Khi diễn ra các sự kiện lớn như tuần hành mừng ngày lễ Độc lập hay các buổi hòa nhạc, giao thông bị cấm tuyệt đối trong khu vực. Các trạm kiểm soát, rào chắn và các chướng ngại vật được dựng lên. Các xe hơi đang đỗ trong khu vực này cũng bị di dời sang khu vực khác, đề phòng khủng bố bằng xe hơi cài đặt chất nổ. Đôi khi, các xe hơi cỡ lớn như xe bus được đặt nằm chắn ngang đường phố, để phòng trường hợp xe hơi hoặc xe tải len được vào bên trong khu vực cấm. Ngoài ra, rất nhiều người được mang vũ khí : đó là những người làm nhiệm vụ canh gác và kiểm soát hành khách đi xe bus hoặc khách hàng trong siêu thị và các trung tâm thương mại, cảnh sát và vài chục ngàn dân thường có giấy phép sử dụng vũ khí.
Các quy định về quyền nổ súng cũng được thay đổi cho phù hợp với tình hình : cảnh sát, quân đội và dân thường có quyền được nổ súng vào lốp xe hơi, kính chắn gió và vào kẻ cầm lái liều chết trong trường hợp « nguy hiểm tức thì ». Các quy định này đôi khi bị các tổ chức nhân quyền Israel và Palestine chỉ trích. Theo họ, các lực lượng an ninh được phép nổ súng quá dễ dàng. Một quan chức an ninh thì đáp lại rằng các biện pháp này đều tuân thủ pháp luật, Tuy chúng không đảm bảo an ninh 100%, nhưng chúng cho phép giảm các nguy cơ khủng bố.
Còn nhật báo La Croix cho biết cảnh sát sẽ báo động khi thấy bất cứ vật hoặc thái độ khả nghi nào. Lính cứu hộ và các tay bắn tỉa siêu hạng của cảnh sát thường xuyên luồn lách trên phố bằng xe môtô để kịp thời can thiệp và tiêu diệt hung thủ. Các thanh niên Israel được huấn luyện cách sử dụng vũ khí và kỹ thuật chiến đấu phòng vệ. Hơn 200.000 dân thường được phép sử dụng vũ khí. Trong trường hợp xảy ra thảm họa, các phương tiện truyền thông và các bệnh viện sẽ được huy động rất nhanh.
Trang nhất các báo Pháp
Vụ khủng bố tại Nice ngày 14/07/2016 vẫn là đề tài thu hút sự chú ý của các báo Pháp ra ngày hôm nay. Các tờ Le Monde, Le Figaro, Libération, Les Echos, La Croix đều dành nhiều trang cho hồ sơ khủng bố, chủ yếu tập trung vào một số khía cạnh như danh tính và động cơ của hung thủ Mohamed Bouhlel, sự chỉ trích của phe đối lập cánh hữu dành cho chính phủ cánh tả, không khí tang thương tại Nice cũng như cú sốc tinh thần của người dân những ngày sau vụ tấn công làm 84 người thiệt mạng.
Nhật báo Le Monde ra từ chiều thứ Bảy chạy tựa trang nhất « Nice - giữa nỗi đau và nhu cầu thấu hiểu ». Tờ Libération giật tít « Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi và 84 nạn nhân : mối liên quan do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo gây ra». 
Tờ Le Figaro đưa lên trang nhất tựa « Khủng bố : người dân Pháp yêu cầu chính phủ cứng rắn hơn nữa » và công bố kết quả cuộc khảo sát Ifop cho Le Figaro cho biết 67% những người được hỏi không tin tưởng vào tổng thống François Hollande và chính phủ cánh tả trong cuộc chiến chống khủng bố. Ý thức được rằng các mối đe dọa rất nghiêm trọng, người dân Pháp yêu cầu nhà chức trách đưa ra các biện pháp an ninh đặc biệt cứng rắn, ngay cả khi điều đó có thể ảnh hưởng tới tự do cá nhân.
Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất « Đối mặt » đưa ra quan điểm là các nhà chính trị phải tránh các cuộc tranh luận và các phát ngôn mang tính thù hằn và phải có thái độ phù hợp để đối mặt với nạn khủng bố. Nhật báo kinh tế Les Echos thì chạy tựa trang nhất « Sống với nỗi sợ hãi » và chú ý tới các biện pháp chống khủng bố, sự mệt mỏi của lực lượng cảnh sát và quân đội và tác động của khủng bố tới ngành du lịch Pháp nói riêng và nền kinh tế Pháp nói chung.
Vẫn liên quan tới khủng bố, nhiều báo Pháp quan tâm tới kinh nghiệm chống khủng bố của Israel và tinh thần của người dân khi đối mặt với khủng bố. La Croix nhận định « Israel sống chung với nạn khủng bố nhưng không sống chung với nỗi khiếp sợ » còn Les Echos thì đặt câu hỏi « Làm thế nào mà Israel trở thành một hình mẫu trong cuộc chiến chống khủng bố ? ». Trong khi đó, Le Figaro chú ý tới các biện pháp mà Israel sử dụng để chống lại các vụ tấn công bằng xe hơi.
Ngoài ra, các báo Pháp hôm nay cũng quan tâm tới cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. La Croix có bài « Sau cuộc đảo chính bất thành, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ củng cố quyền lực », Les Echos thì đăng bài « Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn tiến hành thanh trừng sau cuộc đảo chính bất thành ». Còn Libération thì nói về « vụ thanh trừng ác liệt chưa từng có ở Istanbul ».  
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-trung-quoc-xu-te-voi-cac-nuoc-lang-gieng-nho

Bắc Kinh xóa thông tin biểu tình phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài


media 
Người biểu tình thân Bắc Kinh bên ngoài lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông ngày 14/07/2016, phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài.ANTHONY WALLACE / AFP

Chính quyền Bắc Kinh, một mặt công khai bác bỏ các phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye về vụ kiện của Philippines liên quan đến các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, mặt khác đang rất thận trọng tránh không để làm dấy lên làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng lên ở trong nước.
Trang mạng Financial times hôm nay, 18/07/2016 cho biết Bắc Kinh đã cho xóa thông tin trên mạng về một cuộc biểu tình phản đối phán quyết của Tòa Trọng Tài phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.


Hôm qua, 17/07/2016, tại huyện Lạc Đình ở tỉnh Hà Bắc, một cuộc biểu tình của vài chục người đã diễn ra trước quán ăn KFC. Người biểu tình mang cờ Trung Quốc và những khẩu hiệu như “ Đả đảo Mỹ, Nhật Hàn Quốc và Philippines! Hãy yêu dân tộc Trung Hoa ”. Những hình ảnh của cuộc biểu tình nhỏ này sau đó được đăng tải trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc. Ngay lập tức cơ quan kiểm duyệt thông tin mạng Trung Quốc đã cho xóa các thông tin trên.
Tuần qua, theo Financial Times, chính quyền Trung Quốc đã cho triển khai một số lượng cảnh sát đông bất thường xung quanh sứ quán Philippines tại Bắc Kinh để ngăn chặn các cuộc biểu tình có thể diễn ra.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã hôm nay bình luận rằng: “ Cái gọi là trọng tài về biển Hoa Nam( tức Biển Đông) chỉ là bước khởi động để Mỹ khuấy động tình hình ở Biển Đông nhằm củng cố ý đồ bá quyền của họ ”.
Financial Times nhắc lại, không chỉ Trung Quốc muốn kiềm chế tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong dân sau phán quyết của Tòa La Haye vừa rồi mà tại Việt Nam, nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đồng với Trung Quốc, chính quyền hôm qua cũng đã giải tán một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.
Về phần mình, chính quyền Phillippines cố giữ bình tĩnh tránh tỏ ra hân hoan với thắng lợi vừa rồi, có thể gây bất lợi cho các quan hệ khác với Trung Quốc sau này.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160718-bac-kinh-xoa-thong-tin-bieu-tinh-phan-doi-phan-quyet-cua-toa-trong-tai

KHẮP NƠI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG CỘNG


CTV Danlambao - Sáng ngày 17/7/2016, nhà cầm quyền CSVN đã huy động lực lượng CA đông đảo ra tay đàn áp, bắt bớ hàng chục người dân tham gia vào cuộc xuống đường chống Trung Cộng tại Hà Nội.


Trước đó, lời kêu gọi biểu tình được khởi xướng bởi No-U Hà Nội với mục đích: “Ủng hộ phán quyết của Tòa quốc tế bác bỏ yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông và phản đối nhà nước bá quyền Trung Cộng”.





Hà Nội, người dân xuống đường biểu tình ôn hoà bị bắt đưa lên xe. Photo: Trịnh Bá Tư


Hầu hết những người hoạt động xã hội đều bị ngăn chặn, canh gác trước cửa nhà từ mấy hôm trước. Vợ chồng Blogger Nguyễn Tường Thụy, mặc dù đã thoát ra khỏi nhà cũng đã bị công an phát hiện, áp giải và bị giam lỏng ngay tại nhà riêng.
Tại Hà Nội, ngay từ sáng sớm, khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ - Bờ Hồ - Hoàn Kiếm - Hà Nội đã bị bao vây bởi một lực lượng rất đông công an sắc phục, thường phục, dân phòng… Mọi ngả đường dẫn tới khu vực được chọn làm địa điểm biểu tình cũng bị phong tỏa. Hầu hết những người yêu nước đã bị bắt ngay lập tức khi vừa xuất hiện tại khu vực này mà không kịp giơ khẩu hiệu, biểu ngữ.






Lực lượng an ninh dày đặc. Photo: Bạch Hồng Quyền

Lực lượng bắt người chủ yếu là an ninh thường phục. Một người có mặt tại hiện trường cho biết, có khoảng hơn 100 an ninh thường phục vây quanh tượng đài Lý Thái Tổ. Số an ninh thường phục quanh hồ Hoàn Kiếm được ước lượng là đông hơn nhiều so với khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Những người bị bắt tại tượng đài Lý Thái Tổ đều bị lôi kéo lên xe bus một cách thô bạo. Được biết những người này đã bị đưa tới quận Long Biên. Ngoài ra, một số người bị bắt “nguội” và bị đưa tới phường Phan Chu Trinh.





Nhiều người bị bắt đưa lên xe Bus. Photo: Trịnh Bá Tư


Blogger Đặng Bích Phượng bị bắt khi đang đi trên đường và hiện chị đang bị giam giữ trái phép tại công an phường Cửa Nam. Nhà báo Phạm Đoan Trang cũng bị chặn ngay tại nhà riêng.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Đoan Trang viết: “Vậy là hôm nay, 17/7/2016, một lần nữa, thông điệp "vì công lý và hòa bình trên Biển Đông, phải kiện Trung Quốc", lại bị công an Việt Nam phá”.
Khi được hỏi, việc nhà cầm quyền quyết tâm ngăn chặn, đàn áp, bắt bớ người biểu tình ôn hòa cho thấy điều gì, ông Lê Hoàng, một nhà hoạt động xã hội đã may mắn thoát khỏi sự truy bắt của công an sáng nay chia sẻ “chính quyền cộng sản vẫn chơi trò ngoại giao vuốt đuôi. Họ sẽ chẳng bao giờ dám kiện Trung cộng vì đã há miệng mắc quai và thỏa hiệp với nhau rồi.”





Một nhóm biểu tình trước cửa toà nhà quốc hội. Photo: Bạch Hồng Quyền


Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả trong thôn danh sách một số Blogger, Facebooker yêu nước bị bắt sáng nay:
Đặng Bích Phượng, Cường Hoàng Công, Tung Dang, Bùi Quang Thắng, Lương Dân Lý, Đào Thu, Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh, Trương Dũng, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Đình Ấm, Bùi Quang Thắng, Hà Hoàng, Nguyên Văn Đoàn, Hà Chí Hải, Trương Hồng Hạnh, Trương Minh Hà, Lê Minh Hằng, một người tên Nghĩa...



Sau khi được thả, bà con dân oan tiếp tục biểu tình tại trụ sở công an Hà Đông số 6 Quang Trung

Tại Sài Gòn: Một hình thức biểu tình mới đã được một nhóm bạn trẻ thực hiện. Nhóm bạn trẻ này mặc áo có hình lưỡi bò bị cắt và đi trên đường phố bằng những chiếc xe gắn máy. Khẩu hiệu được các bạn mang theo có nội dung “Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt Nam”, “Yêu nước là phải khởi kiện Trung cộng”, “Việt Nam xấu hổ với Philippines”.










Photo: Hoang Huy Vu









Photo: Nguyen Phuong


Tại Nghệ An: Cũng trong sáng nay vào khoảng 8 giờ, hàng ngàn giáo dân giáo xứ Vinh- Nghệ An đã xuống đường phản đối Formosa gây ra thảm họa biển miền Trung, và yêu cầu truy tố Formosa.











Photo: Le Son












Photo: Chinh Minh


Tại Hải Phòng: Một số người dân cũng đồng hành cùng cả nước giương cao biêu ngữ: “Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của tòa án Quốc Tế về vấn đề biển đông”, “Đả đảo Trung Quốc yêu sách đường lưỡi bò và âm mưu thôn tính biển đông”.



Photo: Le Van


Danlambao đang tiếp tục cập nhật

__._,_.___

No comments:

Post a Comment