Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 26 October 2016

CẦU MÁI LÁ - XUÂN VŨ - CHUYỆN BỘ ĐỘI - TRUYỆN VÕ KỲ ĐIỀN

CẦU MÁI LÁ


Cầu lợp mái lá độc nhất vô nhị ở Việt Nam
ĐỜI SỐNG | 07:44 Thứ Tư ngày 13/04/2016


Được xây dựng từ thời Lý, cầu Thượng ở làng Kênh (huyện Trực Ninh, Nam Định) là cầu mái lợp lá duy nhất còn lại tại Việt Nam.



Cầu Thượng ở làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) được xây vào đời Lý sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng vào để tưới tiêu cho cả một vùng thuộc trấn Sơn Nam hạ.





Con đường độc đạo dẫn tới chùa Cổ Lễ, ngôi chùa lớn nhất khu vực được xây vào thời vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1127 đến 1138) cách làng 4 cây số đã bị cắt ngang bởi con kênh đào, khiến việc đi lại trở nên khó khăn cho các Phật tử. Theo các bậc cao niên, khi đó một phụ nữ giàu có nhưng không có con đã bỏ tiền xây dựng cầu cho bà con đi lại.





Cụ Lương Thế Hoạt, 85 tuổi, cho biết theo tiền nhân kể lại thì toàn bộ hệ thống mố cầu xưa kia được làm bằng đá xanh nguyên khối, nặng hàng tấn, vận chuyển bằng bè theo đường sông Hồng. Những thợ mộc có tay nghề cao khắp trấn Sơn Nam xưa được thuê về dựng cầu.




Cầu có 5 gian, dài hơn 10 m, rộng 4 m, cao 3 m tính từ mặt sàn lên, hai bên đều có bục để ngồi. Từ sơ khai, mái cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói) chứ không lợp ngói, do bổi nhẹ hơn, xốp hơn, chịu được gió bão. Chỉ khi nào lớp bổi đã mục thì người dân lợp lớp mới. Ngày nay, cầu được lợp bằng lá cọ.




Cầu đã được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn vào các năm 1883, 1904 và 2014. Trong khi tu bổ, đặt thượng lương, thợ đều khắc ghi trên hệ thống vỉ cột bằng chữ Hán.




Hệ thống cột cũ đan xen với cột mới cùng những dây níu mái bằng mây đan hình đồng tiền rất đẹp mắt.




Mặt sàn, khung cầu, vì kèo mái đều được làm bằng gỗ lim, trải qua hàng trăm năm vẫn không mối mọt.




"Trước đây mỗi buổi trưa hè, người dân thường ra cầu nghỉ ngơi, hóng mát, buổi tối trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ ngay phần sân trước cầu", ông Lương Minh Lại, người sống gần cầu cho biết. Trên bục cầu hiện vẫn còn khắc một bàn cờ cổ do người xưa lên cầu chơi cờ để lại.





Căn cứ hệ thống chữ Hán khắc trên vỉ kèo, cột, Phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, cầu Thượng làng Kênh là cây cầu gỗ mái lợp bổi duy nhất ở Việt Nam.

VIẾT TỪSAIGON * CAO SU

Từ bao cao su qua sử dụng đến đập cao su quá hạn


Chúng ta đang sống trong thời đại cao su, thời gian cao su, lời hứa cao su, gạo cao su, thạch lựu cao su, trà trân châu cao su… và chính trị cao su. Chính trị Việt Nam là một loại chính trị với đầy đủ tính chất cao su của nó, từ cái bao cao su đã qua sử dụng của luật sư Cù Huy Hà Vũ cho đến những lời thề cao su kéo từ quốc hội 13 qua quốc hội 14 và cái đập cao su đang treo lơ lửng hàng triệu khối nước trên đầu nhân dân.
Điều đó cũng cho thấy não trạng của chúng ta đang bị kéo giãn như cao su và nhân cách hay phẩm hạnh của con người cũng bị kéo giãn như cao su. Cái lực đàn hồi cao su trong đời sống chính trị Việt Nam đã kéo giãn mọi thứ và hệ quả của nó là cả một đất nước uốn éo, co giãn, óc ách theo vũ điệu cao su. Ngay cả trong lời nói của giới lãnh đạo chóp bu cũng bôi đầy dầu mỡ và đàn hồi theo kiểu cao su siêu bền.
Sở dĩ phải nói những lời phát biểu của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam bôi đầy dầu mỡ và chuyển động theo vũ điệu cao su là vì mọi thứ của họ nói ra không tuân theo nguyên tắc của lương tri và uy tín hay sự thật mà dựa trên qui luật nóng lạnh trong bầu không khí chính trị nội bộ. Hay nói cách khác là nó tuân thủ qui luật đấu đá, kèn cựa và phủ phục, cương nhu cao su.
Vì sao nói rằng nó tuân thủ theo luật đấu đá, kèn cựa và phủ phục? Có mấy dấu hiệu và mấy ví dụ để thấy điều này (đương nhiên đây là ví dụ điển hình có tính chất lặp đi lặp lại, thường xuyên). Ví dụ như lời phản đối của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về tình hình biển Đông. Các ông/bà này từng nhiều lần lên truyền hình bắn tiếng phản đối Trung Quốc khai thác, xây dựng và tranh chấp bất hợp pháp trên Biển Đông.
Lời phản đối của họ lặp đi lặp lại nhiều lần và tạo ra cảm giác có một tấm màn cao su đang phủ lên ngôn ngữ của họ, nó uốn éo, nhảy múa theo nắng mưa, thời tiết nhưng nó chẳng có giá trị gì về mặt chính trị hay ngoại giao mặc dù đó là một thông điệp chính trị và ngoại giao của một quốc gia! Và sâu xa hơn thì nó uốn éo theo sự nóng lạnh của bề trên từ Trung Quốc.
Thêm, chuyện các bản tin truyền hình của nhà nước luôn đưa tin về các loại thực phẩm bẩn, nguy hại có nguồn gốc Trung Quốc và kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều quan chức có thẩm quyền trong lĩnh vực lương thực cũng từng lên tiếng hứa sẽ không để thực phẩm độc hại lọt vào Việt Nam. Họ hứa đã gần mười năm và càng về sau thì mức độ thâm nhập của thực phẩm độc hại vào cơ thể người Việt càng cao. Hệ quả là Việt Nam có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới!
Rồi lời hứa chống tham nhũng, lời tuyên thệ chống tham nhũng, làm sạch bộ máy nhà nước của không biết bao nhiêu đời Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư… Tất cả những lời hứa, lời thề của họ co giãn và trơn tru như cao su đã bôi trơn. Nó không những không có tác dụng thực tiễn mà nó còn phản thực tế. Họ càng hứa, càng nói quyết tâm chống tham nhũng bao nhiêu thì tham nhũng phát triển càng tàn bạo bấy nhiêu, đất nước càng mau suy sụp bởi trò chống tham nhũng của các ông các bà này.
Chưa dừng ở đó, tính chất và lề lối cao su đã nhiễm vào não trạng của các ông cá bà, thay vì nghĩ đến một chiêu thức hay một đòn hiểm nào đó để hạ đối thủ, hạ các nhà dân chủ, các ông cà bà hay nghĩ đến cao su. Và cao su đã mang lại cho ngành an ninh Việt Nam một vó đáng nể qua việc dùng chiếc bao cao su đã qua sử dụng để làm bằng cớ, làm sức mạnh thực thi pháp luật mà bắt Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ.
Vấn đề chiếc bao cao su đã qua sử dụng ở đây không còn là vấn đề bẩn hay sạch trong trò chơi chính trị hay thủ đoạn gài bẫy đối phương mà nó cho thấy một hệ thống y thức hệ cù nhầy, nhẽo nhợt giống như cao su. Người ta không từ bỏ bất kỳ hình thức hay nội dung dơ bẩn nào, miễn sao là đạt được mục đích mặc dù cái mục đích ấy khiến cho họ phải mang một cái bao cao su khác lên danh dự và uy tín. Điều này chỉ có người Cộng sản mới đủ táo bạo mà nghĩ và làm!
Cái nếp nghĩ cù nhầy, lì lợm, trân tráo và lần khân kiểu cao su ngày càng phát triển mạnh trong hệ thống lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cũng như bộmáy nhà nước trực thuộc đảng. Bằng chứng của vấn đề này là cái thời hạn lãnh đạo, thời hạn ngồi ghế quyền lực của các ông bao giờ cũng kéo dài theo lối cao su, kéo mãi bao giờ hết khả năng bám víu và đứt dây thì mới chịu về vườn.
Từ nhiệm kì quyền lực cho đến hạn sử dụng cam kết trong hệ thống nhà nước Cộng sản đều là cao su. Và đáng sợ nhất là vụ gần đây, đập cao su Nam Thạch Hãn, Quảng Trị chỉ có hạn sử dụng mười năm, được lắp đặt năm 2000. Cho đến năm 2010 đã hết hạn sử dụng và yêu cầu kĩ thuật của cái đập này là phải thay thế một cái đập khác nhằm đảm bảo tính mạng hàng chục ngàn người ở phía hạ lưu. Bởi trường hợp cái đập này vỡ, hàng chục triệu mét khối nước sẽ đổ ập xuống và cuốn phăng mọi thứ bên dưới.
Thay vì thay nó đi, người ta đã kéo dài sự tồn tại của nó ngót nghét sáu năm nay và không biết sẽ kéo dài bao lâu nữa bằng cách dùng nêm gỗ quấn vải mùng tuyn đóng vào những lổ thủng để tránh chảy thành vòi. Kiểu làm này nhằm che đậy tai mắt nhân dân chứ chẳng có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ hay phục hồi đập. Bởi sự không đồng chất giữa gỗ và cao su sẽ nhanh chóng làm cho cao su bị hỏng, bị toạc và hậu quả khó mà lường được mức độ nguy hiểm khi thân đập cao su đang bị phân rã do quá hạn sử dụng.
Nhưng vì sao những kẻ có trách nhiệm lại làm việc hết sức ngu ngốc và ầu ơ như vậy? Bởi vì tâm lý của họ cũng là loại tâm lý cao su. Nó co giãn tùy vào nhiệt độ của cấp trên. Người ta làm việc không dựa trên cơ sở khoa học mà căn cứ trên thái độ của bề trên. Nếu bề trên không nhắc nhở, không rót về một cục tiền thì cứ làm thinh mà lượm rỉ rả, ai sống ai chết cứ mặc kệ!
Cái nếp nghĩ, thói quen và não trạng nặng mùi cao su của hệ thống cầm quyền từ trung ương xuống địa phương đã không còn cảm giác sợ hay nhân tính. Người ta quên mất tính mạng hàng triệu sinh linh bên cạnh người ta, thậm chí có cả người thân của họ. Dường như chung quanh suy nghĩ của hệ thống cầm quyền đã bị bọc bở một lớp màng cao su có pha nhầy khiến cho linh giác, tư duy và tình cảm của họ lệnh lạc, mù mờ, thậm chí câm điếc.
Và nói cho cùng, từ chiếc bao cao su đã qua sử dụng cho đến chiếc đập cao su chịu đựng hàng triệu khối nước đã quá hạn sáu năm trời và được gia cố bằng cách đóng đầy nêm gỗ quấn vải mùng tuyn là một thành tựu về nếp nghĩ, tư duy và tính cách cao su của chế độ. Một chế độ mà từ lãnh tụ, nhân sự cho đến kế hoạch, chủ trương, đường lối, chính sách đều mang bóng dáng cao su, đều thể hiện đầy đủ tính chất cao su của nó!

Thursday, April 14, 2016

NGUYỄN THANH LIỆM * VĂN CHƯƠNG XUÂN VŨ

Ý THỨC NHÂN BẢN TRONG VĂN CHƯƠNG XUÂN VŨ


       Nguyễn Thanh Liêm



 [Xuân Vũ tên thật là Bùi Minh Triết sinh ngày 19-3-1930 tại làng Hương Mỹ, quận Mỏ Cày, tĩnh Bến Tre. Thân phụ là cụ Bùi Văn Hai, giáo chức, có sáng tác cả ngàn bài thơ Đường luật nhưng không có phổ biến. Lúc nhỏ học trường Tiểu học Mỏ Cày, rồi vào Collège Le Myre De Vilers. Năm 1945 ông bỏ học đi theo Kháng Chiến, vào chiến khu U-Minh làm phóng viên cho tờ “Tiếng Súng Kháng Địch”của Khu 9. Năm 1955 ông tập kết ra Bắc làm biên tập viên cho báo “Văn Nghệ.” Sau một thời gian sống ở Hà Nội, ông rất thất vọng với chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông lãnh đạo. Xuân Vũ nhiều lần tìm cách trốn về Nam nhưng lần nào cũng thất bại. Mãi đến năm 1965 ông mới có cơ hội chánh thức xin về Nam để nghiên cứu phong trào Đồng Khởi tại tĩnh nhà (Bến Tre). Oâng được chính quyền Hà Nội chấp thuận cho đi B (tức là vượt Trường Sơn đi vô Nam). Oâng phải mất hai năm gian nan nguy hiểm trên đường Trường Sơn mới vào được tới chiến khu D ở Tây Ninh vào năm 1967. Năm sau ông quyết định trở về với chế độ tự do. Oâng ra trình diện với chính quyền tĩnh Bến Tre, được đưa về Sài Gòn phục vụ trong Bộ Chiêu Hồi, với chức vụ Phó Giám Đốc Nha Chiêu Hồi. Quyển hồi ký nổi tiếng của ông, quyền “Đường Đi Không Đến,” được ra đời trong năm 1971 và được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Gia (1972-1973).

 Năm 1975 gia đình ông sang định cư ở Corpus Christi, Texas. Oâng phải làm lụng vất vả đủ nghề để nuôi sống gia đình. Năm 1987 ông dời về San Antonio (Texas). Khi việc gia đình tạm ổn định ông bắt đầu viết lại, và viết rất hăng say. Tính đến cuối năm 2003 ông đã hoàn tất 78 tác phẩm. Từ tháng 9 năm 2003 ông bắt đầu bị đau, phải đi lộc thận. Tháng 11/2003 ông phải giải phẫu tim. Bệnh biến chứng sau đó, và cuối cùng ông mất hồi 2:22 phút chiếu ngày 1-1-2004, hưởng thọ 73 tuổi, để lại một vợ 5 con.]       

Đầu năm 2004 một hung tin đã đến với các văn nghệ sĩ và một số không nhỏ đồng bào Việt Nam hải ngọai: nhà văn Xuân Vũ đã từ trần. Tin này được phổ biến nhanh chóng và rộng rải. Không biết bao nhiêu bài vở được đăng trên các báo chí nói về nhà văn nổi tiếng này. Riêng tờ “Tự Do” số 372 (từ ngày 14-02-04 đến ngày 27-02-04) đã dành hơn 100 trang (từ trang 110 đến hết trang 223) đăng bài nói về Xuân Vũ của hơn mười văn thi sĩ nổi tiếng như Xuân Tước, Hồ Trường An, Hải Bằng, Thanh Thương Hoàng, Hà Thượng Nhân ...Bài nào cũng rất có giá trị, cũng đều nói lên sự nghiệp văn chương sáng chói cũng như con người đáng thương, đáng kính, và đáng quý của nhà văn quá cố. Các tác giả ở đây là những người đã từng thân thiết và biết rõ Xuân Vũ. Bài vở của họ cho chúng ta nhiều chi tiết rất đặc biệt về con người và sự nghiệp của nhà văn.
Điểm nổi bật trước nhất là sức viết và khối lượng tác phẩm khổng lồ của ông. Trước 1975 tác phẩm của ông không có gì đáng kể về phương diện số lượng. Những năm đầu tiên trên đất Mỹ, vì bận làm việc nuôi thân và gia đình, ông cũng không viết được gì nhiều. Nhưng, “sau một số năm làm việc “ra tiền” nhưng không “ra chữ” kia, Anh (Xuân Vũ) đã quay lại bàn giấy để chuyên tâm trở lại cái nghiệp của mình.” (Trương Anh Thụy, Tự Do Bi-weekly, số 372, tr. 192.). Thầy Đồ Họ Tăng đã rất ngạc nhiên về sự quay trở về nghề viết này của Xuân Vũ. Thầy Đồ đã có lần nghĩ một cách sai lầm là “anh chàng lãnh giải thưởng của “hai chế độ thù nghịch này” sẽ không chung tình với nàng văn chương nữa đâu.” Nhưng Thầy Đồ thú nhận rằng:”đồ tôi đã lầm, Xuân Vũ dọn về San Antonio, anh lại viết khỏe hơn, liên tiếp những tác phẩm đánh lớn và ăn khách xuất hiện.” (Thầy Đồ Họ Tăng: Xuân Vũ, giơ cao cây viết tới những ngày cuối, bài chưa đăng).  Ông Lê Tùng Minh trong bài “Xuân Vũ, Một Ngôi Sao Văn Học Đã Tắt,” cho biết nhà văn này “có sức sáng tác khác thường! Chỉ trong vòng 8 năm gần đây (1996-2003), mỗi năm nhà văn tuổi 70 này đã cho ra đời trung bình là 4 tác phẩm, với khoảng trên dưới1,000 trang...” (nt., tr.152). Cũng Trương Anh Thụy, nói về sức sáng tác và số lượng tác phẩm lớn lao của Xuân Vũ, viết: “ Anh đánh Đông, chinh Tây, viết ào ạt, viết đủ thứ...Anh đều đặn có mặt trên khoảng 20-30 tờ báo hải ngoại...Theo như một ước tính, có lẽ còn chưa kể các bản thảo hay những tác phẩm chưa hoàn tất, tổng tác phẩm của Anh cho đến nay đã lên tới 75 nhan sách, truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa, truyện trường thiên, rồi hồi ký, biên khảo...” (nt. , tr. 192). Và theo Mặc Bích thì “Gần 100 cuốn sách (nếu kể cả sách đang in hay sắp in). Người đọc có hiểu được bao nhiêu tơ mà tầm đã rút ruột nhả ra? Làm việc suốt ngày với trí tuệ, không chỉ cần mẫn mà còn say mê.” (nt., tr.112). Nhận xét của Nguyễn Thị Thanh Bình về sức viết Xuân Vũ là “Ông lúc nào cũng thấy như mình không còn nhiều thời gian để viết. Viết, viết, và viết, như thể ông vẫn còn quá nhiều điều để nói mà vẫn chưa nói hết.” (nt., tr. 180).
Những nhận xét được trích dẫn trên đây cũng đã được chính Xuân Vũ xác nhận trong bài tựa cho quyển Tự Vị Thế Kỷ (xuất bản 1990) của ông: “Tôi hiện nay tạm đủ sống, tôi bỏ mọi việc làm để chỉ viết mà thôi, viết bằng tay phải và tay trái chứ không chỉ viết bằng tay trái như năm năm đầu tị nạn bận lo cơm áo nữa...Chưa bao giờ tôi thấy tiếc thì giờ như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ tôi thấy tôi thích cái thằng tôi như bây giờ.” (tr. VI-VII).
Ông chưa bao giờ thích “cái thằng tôi như bây giờ” vì bây giờ ông được để hết thì giờ vào việc viết lách, và có tất cả tự do để viết ra những gì ông muốn viết. Có điều là những gì ông muốn viết ra thật quá nhiều, nhiều đến đổi ông sợ không có đủ thì giờ để viết mặc dù ông có thói quen viết thật nhanh. Ông tiếc thì giờ là vậy. Nhưng những điều ông muốn viết ra là những gì? Đó là những gì ông đã đụng chạm, đã chứng kiến, đã thu nhập vào nội tâm, đã nghiền ngẫm suy tư, đã ghi sâu vào ký ức, đó là tất cả những gì đã diễn ra trước đôi mắt nhân chứng trong cuộc sống của ông, một cuộc sống thật là rộng rải, thật là phong phú. Đây không phải là cuộc sống yên ấm, chật hẹp trong nhung lụa, suôn sẻ hưởng một nền giáo dục kinh viện, kết thúc với những bằng cấp thật cao, rồi cưới vợ giàu có đẹp đẻ, chiếm địa vị nào đó trong xã hội yên bình, sống một đời dư dảsung sướng hạnh phúc. Tình thế của đất nước từ năm 1945 đã không để yên cho ông đi học hết trung học. Ông đã phải bỏ học về quê Bến Tre, tham gia phong trào cứu quốc. Ông đã ý thức được lòng yêu nước, và ý thức về sự dấn thân vào những hoạt động hữu ích cho quốc gia. Trong thời gian đi kháng chiến ở trong Nam, cũng như những tháng ngày tập kết ngoài miền Bắc ông đã học được rất nhiều, không phải là những bài học ở học đường nhưng là những bài học quý giá hơn ở ngoài đời. Là người rất thông minh, lại đóng vai trò một nhà văn, một phóng viên của tờ “Tiếng Súng Kháng Địch”thuộc Khu IX kháng chiến, ông có cơ hội tiếp xúc với hầu hết những nhân vật quan trọng, đầu não của công cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc tập kết ra Bắc cái thông minh giúp ông tạo điều kiện để gặp gỡ giới văn nghệ sĩ miền Bắc, để hỏi han, để tìm hiểu, để suy tư. Ông đọc rất nhiều sách, nhiều tài liệu về văn chương, về tư tuỏng, của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở trong nước cũng như ở ngoại quốc. Phải nói là ông biết quá nhiều về quê hương ông, về xã hội Việt Nam, miền Nam cũng như miền Bắc, và công cuộc kháng chiến oai hùng của những người đứng lên chống Pháp lúc ban đầu. Ông cũng biết quá nhiều về những nhân vật quan trọng lãnh đạo công cuộc kháng chiến về sau. Nhưng cái biết nhiều nhất và nguy hiểm nhất của ông là những bí ẩn, những âm mưu thầm kín, những giả dối lừa bịp, những tham tàn nhơ nhuốc của những kẻ cầm đầu cuộc Cách Mạng, cũng như những giáo điều cùng chế độ cộng sản, và xã hội chủ nghĩa mà ông thường mỉa mai bằng danh từ xã nghĩa. Kho kiến thức đó là kho tài liệu vô cùng phong phú để cho ông viết ra liên miên hết quyển này đến quyển khác. Mở đầu truyện ngắn “Tự Vị Thế Kỷ” ông viết: “Từ mười năm qua tôi chỉ có một đích ngắm. Viết tất cả những gì tôi biết về Cộng Sản Hà Nội ra thành chữ để ai muốn đọc thì đọc. Tập Truyện Tự Vị Thế Kỷ này là quyển thứ sáu tôi viết về Cộng sản...Viết những truyện này tôi có ý định mô tả bản chất và mặt mũi Cộng sản, không phải chung chung mà bằng xương bằng thịt, có tên có tuổi.”(Tựa Tự Vị Thế Kỷ).
Với ông người cộng sản cũng như chủ nghĩa cộng sản không có gì đáng phục, đáng đi theo. Nó chỉ là một cái vòng lẩn quẩn. “Dùng sức dân để Phá Ngục Bastille để xây ngục Bastille khác to và kiên cố hơn để nhốt dân. Đó là Cộng sản.” (Tựa Tự Vị Thế Kỷ). Ngục Bastille của Pháp thời quân chủ tượng trưng cho quyền độc đoán của nhà vua, cho sự áp bức người dân, sự đày đọa người dân trong dốt nát, khốn khổ, bần cùng,  bắt họ phải phục vụ cho giới thượng lưu quyền thế. Ý nghĩa của sự phá ngục Bastille là lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Tưởng người dân sẽ được giải phóng khỏi sự áp bức của chế độ độc tài bất công và bất nhân, nhưng mà không. Cộng sản chỉ đập phá, lật đổù chế độ chuyên chế của nhà vua để thay thế bằng một chế độ chuyên chế, độc tài khác gớm ghê hơn nữa của chế độ cộng sản. Nhiều tác phẩm của Xuân Vũ được sáng tạo với chủ đích vạch trần những sự chuyên chính độc tài của Cộng sản Hà Nội, cũng như những thủ đoạn lưu manh tham tàn của những người lãnh đạo chế độ phi nhân này. Ông viết : “Nhiều nhà văn, nhà chính trị, nhà trí thức và người thường – không nhà gì cả – cho rằng cộng sản là loại người không tim, không có nhân tính. Tôi đồng ý hoàn toàn. Nhưng chúng giỏi che dấu và giỏi lừa bịp. Cho nên con quỉ khát máu mang bộ mặt người vẫn sống chung được với loài người thậm chí còn được loài người tin yêu mới lạ chứ.” (Tựa Tự Vị Thế Kỷ).
Xã hội Cộng sản Việt Nam đã được Xuân Vũ vẽ ra trong hai bức tranh thật sống động, khác nhau nhưng tiếp nối lẫn nhau. Bức tranh thứ nhất là bức tranh của xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng sản Hồ Chí Minh trước năm 1975. Quyển “Sông Nước Hậu Giang” và một số các truyện ngắn trong “Con Người Vốn Quý Nhất” và “Tự Vị Thế Kỷ” của ông đã góp phần vẽ nên bức tranh này. Đặc biệt nhất là bộ hồi ký năm quyển (Đường Đi Không Đến, Xương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, và Đồng Bằng Gai Gốc) mật thiết liên hệ tới bức tranh Cộng sản Việt Nam trước 1975. (Những quyển hồi ký này, nhất là quyển Đường Đi Không Đến) có giá trị đặc biệt mà tôi sẽ đề cập đến ở phần sau.

Bức tranh thứ hai vẽ lên xã hội Việt Nam sau khi bị Cộng sản thống trị từ Bắc chí Nam sau ngày 30 tháng tư 1975. Tác phẩm “Đỏ Và Vàng”, và nhiều truyện ngắn trong “Thiên Đàøng Treo Đứt Giây” và nhiều tác phẩm khác của ông đã góp phần xây dựng bức tranh thứ hai này.
Ta hãy nhìn vào bức tranh thứ nhất trước. Ngay từ lúc công cuộc kháng chiến còn dở dang mà những tệ hại của chủ trương nhuộm đỏ phong trào tranh đấu cũng như những xấu xa đen tối của những người lãnh đạo Cộng sản cũng đã thể hiện rồi. “Sông Nước Hậu Giang” cho thấy rõ bộ mặt thật của Cộng sản và những kẻ mặt người lòng thú do Hồ Chí Minh gởi từ ngoài Bắc vào Nam đóng vai trò lãnh đạo kháng chiến ở vùng này. Đây là một quyển tiểu thuyết kể những sinh hoạt của một số cơ quan trong khu IX mà nhân vật chính là anh Quang, một thanh niên có chút trình độ học vấn trung học nhưng đã bỏ học đi theo kháng chiến. Anh phục vụ trong một cơ sở ấn loát và sau đó làm phóng viên cho tờ “Tiếng Súng Kháng Địch”, tờ báo của Khu IX Kháng Chiến. Nhân vật này mang tên tiểu thuyết là Quang nhưng có lẽ tên thật của anh ta ở ngoài đời là Xuân Vũ. Quang có cơ hội biết rõ chủ trương nhuộm đỏ kháng chiến của Hồ Chí Minh như thế nào, việc thanh toán các đảng phái khác như thế nào cũng như nhiều hạng người từ hạng thật cao đến hạng cùng đinh, từ các nhà trí thức thật lớn đến những kẻ dốt đặt không đọc được một chữ nào. Quang có cơ hội làm quen với họ, chơi thân với họ, biết rõ chuyện gì xảy ra trong đời họ. “Sông Nước Hậu Giang” cho thấy trong hàng ngũ kháng chiến có nhiều hạng người: có những người đi kháng chiến là đi theo tiếng gọi của non sông khi tổ quốc lâm nguy. Họ chỉ biết làm bổn phận công dân khi sơn hà nguy biến, không nghĩ gì đến địa vị, đảng phái. Có lẽ Quang, Tú Anh, và nhiều trí thức miền Nam khác trong truyện là những người thuộc nhóm này. Bên cạnh đó cũng có những người kháng chiến khác xem cộng sản là lý tưởng cứu nguy tổ quốc và nhân loại. Những người này, ngoài ý thức phụng sự dân tộc, còn muốn gia nhập đảng cộng sản để tranh đấu hữu hiệu hơn. Họ có thể có một số cũng thuộc thành phần trí thức, địa chủ ở miền Nam. Hạng người thứ ba là hạng kháng chiến thuộc thành phần bần cố nông hay trung nông, và đây là thành phần quyết chí vô đảng cộng sản cho bằng được. Đây là thành phần được gọi là “tiến bộ” theo nghĩa của Cộng sản. Sự phân biệt các thành phần , gần như là kỳ thị giai cấp này, đưa đến hậu quả tai hại là:

“những người làm bí thư chi bộ CS đều là thành phần cơ bản, tức là bần cố nông. Do đó những người tiến bộ thường là bần cố nông. Công tác của họ là chèo xuồng, liên lạc, sản xuất, gửi giấy tờ chớ không làm nổi các việc văn hóa như đánh máy hoặc làm trưởng, phó cơ quan. Vì vậy có sự chèo ngoe là trưởng cơ quan chuyên môn luôn luôn là trí thức, còn bí thư chi bộ thì lại là bần cố! Trưởng cơ quan là người ngoài đảng khi muốn làm việc gì thuộc nội bộ lại phải có sự đồng ý của bí thư chi bộ. Muốn thi hành kỷ luật một nhân viên đảng viên, vị trưởng cơ quan phải thỉnh ý bí thư chi bộ chớ không dám quyết định một mình... Chi bộ là một thứ tổ chức nằm trong tổ chức, một thứ cơ quan nằm trong cơ quan, đôi khi lại chỉ huy ngược lại cơ quan và thủ trưởng của mình. Đó gọi là đảng lãnh đạo.” Tình trạng đặc biệt này đưa đến sự xung đột gay go giữa những giai cấp với nhau. Sự kỳ thị, xung đột còn nguy hiểm, tệ hại hơn nữa là sự tranh chấp, thanh toán nhau giữa các đảng phái chính trị, như sự xung đột đỏ xanh và sự thanh toán nhau giữa hai đảng Đỏ là cộng sản, và đảng Xanh là dân chủ. “Đỏ và Xanh là hai đồng chí cùng kháng chiến phục vụ dân tộc, nhưng đỏ lại lộng quyền và có tham vọng thanh toán đám xanh để nắm toàn bộ quyền hành...CS kết nạp thì DC cũng kết nạp. Nhưng về sau, CS thấy DC gây được ảnh hưởng lớn nên sợ hải, bèn tìm cách thanh toán DC.”  (Sông Nước Hậu Giang, tr. 140-141).

Trong mưu đồ nhuộm đỏ và thống lãnh phong trào kháng chiến,  HCM gởi những cán bộ CS cao cấp, những người thân cận với ông ta, vào Nam tìm cách thay thế thành phần lãnh đạo phong trào tranh đấu trong Nam dù họ có bao nhiêu công lao đối với kháng chiến đi nữa. Đây là sự chứng kiến của Quang:

“Quang đã về cơ quan mới... Cơ quan mới là ban Tuyên Huấn của Phòng Chính Trị Phân Liên Khu miền Tây. Từ ngày phái đoàn trung ương vào, các cơ quan quân đội trong chiến khu IX đều thay đổi từ tổ chức đến người chỉ huy. Tất cả những cấp chỉ huy khu gốc người Nam Bộ đều được đặt vào chức vụ khác hoặc không có ghế ngồi. Vì bất tài, kém đức (!?) hay vì gì khác để người ngoài trung ương vô tha hồ chia chiếu và xôi thịt.

(Mãi về sau khi tập kết ra Bắc, nhìn thấy thành phần trong chính phủ Hà Nội, Quang mới nhỡ lẽ ra là cuộc kháng chiến này là một trò bịp vĩ đại của cụ Hồ. Khi cần đưa ra đỡ đạn cà nông và chặn xe tăng Pháp thì họ kêu dân Thành Đồng Tổ Quốc nhào ra. Khi kháng chiến thành công rồi, mâm cỗ dọn lên, cụ Hồ cùng các cháu Trung và Bắc Kỳ vuốt râu chạm cốc, dân Nam Kỳ chun dưới đít ván chực xương. Đéo có mặt nào ngồi được cái ghế kha khá. Sáng mắt chưa dân Thành Đồng Tổ Cò?)(SNHG, tr.297-298).

.

Sau đây là một số các trường hợp cụ thể: “... Tư lệnh Phân Liên Khu miền Tây là tướng hô Dương Quốc Chính, chính ủy là Lê Đức Thọ kiêm Tư lệnh kiêm luôn chính ủy Liên khu Nam Bộ (Thọ thay Lê Duẩn trong chức Bí thư Trung ương Cục sau này), với tên mắt lươn Đinh Ngọc Thủy làm Trưởng Phòng Chính Trị (Sau này ra Hà Nội, Thủy được giao cho làmTrưởng phái đoàn Việt Nam đi triển lãm thành tích nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở các nước Đông Âu XHCN và Liên Xô. Tại Bucarest, Thủy quơ ẩu cô bé đoàn viên Thanh Niên cộng sản bị cô đồng chí phản đối báo cáo lên đại sứ quán VN. Thủy xấu hổ nhảy lầu tự vận nhưng không chết). Bộ Tư Lệnh Phân Liên Khu miền Đông gồm có Tư lệnh Trần Văn Trà, chánh ủy Phan trọng Tuệ. Các nhân vật trụ cốt gốc Nam Bộ được đẩy êm về vườn xúc tép cắm câu cá tra. Trương văn Giàu (không phải Trần văn Giàu) văng luôn hai chức Tư lệnh khu 8 rồi khu 9. Nguyễn văn Trấn đi Tây không về. Trịnh Khánh Vàng đáo nhậm Sài Gòn. Huỳnh văn Nghệ Tô Ký về làm tỉnh đội trưởng Thủ Biên và Bà Chợ (Bà Rịa, Chợ Lớn). Nguyễn văn Sa chính trị viên Trung đoàn Tây Đô về làm tỉnh đội trưởng Bạc Liêu ăn hút dưỡng lão đả đời. Hoàng Thế Thiện (Bí thư Võ Đại Tướng!?) thay Sa trong chức chính ủy. Tất cả chính trị viên đều do tỉnh ủy nắm. Như vậy Trung ương đã hạ bệ Nam Bộ một cách êm ru. Đám cán ngáo Nam kỳ tha hồ chửi lên cụ Hồ chơi đểu. Thằng nào dám chửi công khai sẽ có trại giáo hóa chào đón. Cán bộ tiểu đoàn vô nghỉ mát ở đây cũng nhiều. Hoàng Thọ bị Lê Duẩn mạo thơ Nguyễn Bình rồi đem đi thủ tiêu ở Cạnh Đền vào thời điểm này. Phi Líp, Phi Hùng, hai cán bộ tiểu đoàn trật quần trước mặt chính ủy Hoàng Dư Khương bị đưa vô trại giáo hóa rồi biệt tích. Kháng chiến thật diệu kỳ cho ai và chẳng diệu kỳ cho ai?) (SNHG, tr. 304-305).

Trên đây là một số trường hợp cho thấy mưu đồ xăm chiếm độc quyền phong trào kháng chiến toàn quốc của cộng sản Bắc Việt. Nhưng bên cạnh mưu đồ lớn lao kia cái tồi tệ nhất là cảnh các ông to cộng sản Bắc Việt âm mưu độc ác chiếm đoạt cho được người phụ nữ trẻ đẹp con nhà gia giáo giàu có ở miền Nam bằng mọi cách kể cả việc chia uyên rẻ thúy, đưa người yêu/vị hôn thê hay ông chồng đi vào chỗ chết để dễ dàng thực hiện ý đồ đen tối của mình. Dùng tiền của, quyền thế dụ dỗ, bức hiếp phụ nữ tuổi đáng con cháu mình để thỏa mãn thú tính, điều này không thiếu ở những cán bộ chỉ huy Cộng sản trong “Sông Nước Hậu Giang.” Những tội ác dâm ô, thác loạn của các lãnh tụ và các cán bộ cao cấp Cộng sản được phơi bày đầy dẫy trong các tác phẩm của Xuân Vũ, ngoài quyển tiểu thuyết vừa kể. Ngoài ra còn có những chuyện hết sức ghê tởm chỉ có trong thế giới Cộng sản của Hồ Chí Minh cũng được tác giả ghi ra, như chuyện một cô gái còn trẻ bị một cán bộ lớn tuổi áp bức làm tình với ông ta trên võng làm cho chiếc võng không chịu đựng nổi sức nặng của hay người vùng vẫy đã phải đứt ngang làm cho cả hai người té từ trên cao xuống những hòn đá lõm chỏm của Trường Sơn. Vì cô gái nằm dưới cho nên lưng cô bị một hòn đá nhọn đâm lủng lưng gãy xương sống, nằm yên một chỗ, không cựa quây được. Sau 3 ngày khổ sở, không thuốc men, cô này chết trong đau thương. Chi tiết này được ghi trong “Đường Đi Không Đến” và sau này được viết lại thành truyện ngắn “Lại Vốn Quý Nhất” trong quyển “Con Người Vốn Quý Nhất.” Cũng trong “Con Người Vốn Quý Nhất” còn có câu chuyện kinh tởm hơn mà không ai có thể tưởng tượng được. Đó là chuyện “Hạnh Ngộ Bọt Bèo” do một tên tù cộng sản kể về việc anh ta đã từng phục vụ trên một chiếc tàu chuyên đi từ Bắc vào Nam chở các thương binh cộng sản, nói dối là đưa ra tàu Liên Sô chũa bệnh, nhưng khi tàu ra biễn khơi thì được lệnh quăng hết tất cả thương bệnh binh xuống biển.      
Bức tranh thứ hai của Xuân Vũ cũng cung cấp nhiều chi tiết mà tác giả cho là “ly kỳ, quá sức hấp dẫn, quá sức tưởng tượng....những chi tiết không thể thấy ở đâu ngoài Việt Nam, những chi tiết không một nhà văn nào tưởng tượng nỗi...Sau đây là những chi tiết, chỉ liếc qua đã kinh tâm tán đởm. Mười cây cho một đầu người, trẻ con nữa giá. Một năm tám ngàn người được cho vượt biên – Thu: 300 triệu đô la – 600 bgàn lạng vàng – 30,000 lạng vàng,vv...Vàng ở đâu mà nhiều đến thế? Đó là của những người “làm tất cả để được bỏ nước ra đi.” Và nhờ buôn những công dân của nước mình mà nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua tay của những cán bộ có 30-35 tuổi đảng, đã thu lợi đến mức đó...”(Tựa Đỏ Và Vàng) . Tác phẩm Đỏ Và Vàng vạch trần tất cả mánh khóe vơ vét, làm tiền của chủ nghĩa xã hội, của chính phủ cộng sản và cán bộ các cấp trong việc bán tích kết vượt biên. Kế hoạch cho vượt biên lấy tiền được nghiên cứu, chuẩn bị và thi hành như thế nào, ác độc ra sao, thu vào được bao nhiêu... những chi tiết kinh khủng này được Xuân Vũ mô tả khá đầy đủ trong tác phẩm này. Giá qui định của Trung Ương là từ bảy đến mười lạng vàng, nhưng cán bộ có thể tùy ý tăng lên, đó là chưa kể các khoản trà nước khác không có trong “kế hoạch.” Tác phẩm cho thấy cán bộ thi hành kế sách đã thu hoạch được cho cá nhân và gia đình một sự sản đồ sộ. Làm tiền công khai, trắng trợn, không bao lâu cán bộ và cấp lãnh đạo giàu to, và xài tiền như nước. Sau đây là một phút phản tĩnh của một cán bộ thi hành chính sách làm tiền này:

“Cách mạng là gì? Câu hỏi đó đã được trả lời rõ ràng nhất sau khi cách mạng thành công. Khi đang tiến hành thì cách mạng thật cao cả, nhưng khi thành công rồi thì lòi bộ mặt gian trá, đê tiện và sát nhân. Khi mới bắt đầu đi theo cách mạng thì thằng này cũng như mọi người, hăm hở tự hào biết bao nhiêu. Nhưng khi cách mạng thành công rồi lại nản chí vô cùng. Lắm lúc nghe người dân bảo: “Đừng có cách mạng phải tốt hơn không?” – Hai Khiết nghĩ lan man, lan man.

Nhiều khi Hai Khiết hối hận vì đã ăn hối lộ, đã gian dâm, đã lấy công quỹ xài như nước, đã bắt dân để tống tiền, thậm chí giết oan nhiều người, nhưng với cách mạng ngày nay đó là sự bình thường. Không ăn hối lộ tiền đâu trác táng, không nạy công quỹ lấy đâu bịt mồm em út, không bốc lột nhân dân lấy đâu đấm mỏm các anh lớn. Anh lớn không phải là thần thánh, anh lớn ham xe hơi, nhà đẹp và quơ vợ bé vợ mọn hơn cả em út.

Hai Khiết không thể làm một cây sen trong hồ mà chỉ là một mớ bùn trong cái bãi bùn dưới gốc cây sen.” (Đỏ Và Vàng, tr. 150-151).
Trong khi đó thì người dân sau khi bị bốc lột đến tận xương tủy, phải sống một đời không một chút giá trị của con người. Chuyện Bố Còi trong “Con Người Vốn Quý Nhất” có thể tiêu biểu cho cảnh khốn khổ tột cùng của con người dưới chế độ cộng sản phi nhân Hà Nội.
 Đề tựa quyển Tự Vị Thế Kỷ tác giả viết:  Kỳ Cục là cảm giác đầu tiên của tôi đối với Cộng sản.... Bây giờ lưu vong. Đứng xa Cộng sản một vạn cây số, và sống trên một nước Tự do, tôi thấy Cộng sản càng Kỳ Cục.” Và cái kỳ cục đó đã được Xuân Vũ đưa vào Tự Vị Thế Kỷ của ông. Ông bảo: “Tên sách nghe có hơi khô khan, nhưng khi vở vào trong bạn sẽ bắt gặp nào bộ mặt tổng bí bị mèo quào, nào ủy viên bộ chính trị o gái bị gái mắng, nào giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc nhảy lầu tự vận vì muốn chạy tôi dâm ô, nào chánh ủy giật vợ thuộc cấp, nào đại tướng mê nhạc tím nhạc vàng, nào chính trị viên đi bia nhộng, nào đồng chí cuỗm vợ đồng chí, nào thí sinh nham nhỡ,vv... Cả một quyển Tự Vị sống mà mỗi một trang sách như một trang tự vị để bạn đọc có thể tra cứu về Cộng sản: tàn bạo, vô luân, xảo quyệt, dâm ô, lưu manh, rởm, đểu, vv...” (Tựa Tự Vị Thế Kỷ).
Vì cái kỳ cục đó mà Xuân Vũ thấy không thể nào sống được trong chế độ cộng sản Hà Nội. Ông xin về Nam sau khi tập kết được một năm. Xin về không được thì ông tìm cách trốn đi. Nhưng trốn cũng không được thành ra ông lại phải ở lại xã hội cộng sản Bắc Việt thêm một thời gian nữa. Ông lại có nhiều cơ hội để biết rõ thêm về “xã nghĩa,” về “triều đình nhà Hồ, ” và nhất là cái “không còn nhân tính của người cộng sản.” Sau cùng ông cũng được cho “đi B” tức là về Nam để nghiên cứu viết về chiến dịch Đồng Khởi. Hành trình về phương Nam của ông được ghi lại khá chi tiết trong bộ hồi ký năm quyển của ông (Đường Đi Không Đến, Xương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, và Đồng Bằng Gay Gốc). Trừ Đường Đi Không Đến được viết trong khoảng 1971-72, các tác phẩm khác chỉ được viết sau này khi tác giả đã định cư ở Mỹ.

“Đồng Bằng Gai Gốc” là quyển thứ năm trong bộ hồi ký năm quyển này. Con đường về Nam là con đường núi rừng hiểm trở, nguy nan, chết chốc, mà cảnh “Mạng Người Lá Rụng”, và “Xương Trắng Trường Sơn” là hình ảnh nổi bật nhất trong ký ức của người chiến sĩ này. “Đồng Bằng Gai Gốc” là giai đoạn cuối cùng của con đường về Nam. Về đây Xuân Vũ được nhìn thấy lại quê hương Mỏ Cày ở tĩnh Bến Tre, và bà ngoại cùng những người thân khác trong gia đình tác giả. Về được quê hương, sống bên cạnh những người thân, nhưng lòng không quên được cái hãi hùng của những ngày tập kết ra Bắc. Xuân Vũ kể:

“Câu chuyện bất ngờ đưa tôi vào cái hố đau thương của dân Nam Bộ mù quáng: “Tập Kết”. Tập kết là thắng lợi của riêng Trung Ương Đảng chớ không phải của dân Việt Nam càng không phải của dân Nam Bộ. Ngược lại, đối với dân Nam Bộ là một sự phủ phàng, một sự tàn bạo, một sự lừa gạt ngọt ngào.

Tiểu Đoàn Trưởng Lê Thanh Nhàn, tức Nhàn Râu là một anh hùng dân tộc. Anh là con trai độc nhất của một ông Hội Đồng, anh có bằng Tú Tài, biết làm thơ và vẻ tranh. Đầu kháng chiến anh đứng ra chiêu tập dân làng và tiến tới thành lập bộ đội võ trang, sau này trở thành Tiểu Đoàn Chủ Lực 308. Giặc Pháp phải nể uy danh. Tám năm xông pha trên trăm trận, Nhàn Râu ra Bắc được gì? – Tù!!...

Riêng những đơn vị Nam Bộ ra Bắc thì mất phiên hiệu, một số làm lính giữ ngựa cho triều đình nhà Hồ, số còn lại thì đi phá rừng Lam Sơn, rừng Xuân Mai. Trong số này có không ít những người bất mãn bỏ ra dân làm nghề vô danh hoặc lên rừng cạo đầu làm Mán, Mường...kể không xiết nỗi đau buồn. Đến khi cần thì Đảng Bác gọi lại, đem đút vô lò sát sinh Trường Sơn...

Đảng Cộng Sản sinh ra để làm hai việc: nói láo và làm bậy. Hễ chúng nói là nói láo, hễ làm là làm bậy. Xin đọc giả nhớ giùm cho như vậy. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.” (ĐBGG, tr.334-335).
Về đây Xuân Vũ có cơ hội biết rõ hơn sự tuyên truyền láo khoét của Cộng sản Hà Nội. Những anh hùng cách mạng mà Cộng sản Hà Nội vẽ ra để tuyên truyền, để đề cao lòng ái quốc, để dụ dỗ người khác noi theo đều không đúng sự thật. Nguyễn Văn Trỗi có chết nhưng không chết anh hùng như Cộng sản vẽ ra. Nữ anh hùng Tạ Thị Kiều cũng chỉ là chuyện thổi phòng một cách lố bịch để tuyên truyền. Còn bao nhiêu chuyện khác nữa do các văn thi sĩ Cộng sản nặn ra để đề cao những đảng viên bần cố nông với lòng yêu nước và sự hy sinh thật là lố bịch chưa từng thấy trong lịch sử anh hùng của dân tộc.
Nhưng về quê hương Xuân Vũ cũng được người thân cho biết về chính sách bình định ở vùng này cũng như tư cách của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Nói về quân cán chính Quốc Gia, một người bà con của Xuân Vũ bảo:
“Tụi này hiền mà ác, ác mà hiền...

Hiền là nó không bỏ bom bắn phá, nó chỉ dựng sân khấu hát xướng và đi phát thuốc men, gạo vải cho bà con. Cho nên bà con ở yên không ai chạy đi đâu hết. Lại còn đi coi hát của tụi nó. Quán xá chợ búa còn y nguyên. Nhà ai nấy ở. Chỉ vài ngày nó đã lập được chánh quyền, biến vùng giải phóng thành vùng quốc gia, vậy không phải hiền là gì? Cán bộ không phương gì giải thích tuyên truyền về “sự  tàn ác” của chúng nó. Chúng điều tra rất kỷ những chuyện làm bậy bạ của cán bộ địa phương. Ông nào có vợ bé, ông nào mò vợ chủ nhà đóng quân, ông nào rượu chè be bét, cô nữ cán bộ nào có chửa hoang, chúng đều nói trúng ngay trân. Cuối cùng chúng nó hỏi: như vậy giải phóng để làm gì? Chưa hết chúng còn phân phát một cuốn sách nói về cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc bị đày đi phá rừng đi đập đá làm đường, rồi trên đường Trường Sơn ốm đau chết chóc như thế nào, cuối cùng chúng lại hỏi: giải phóng để làm gì? Ở cuối quyển sách có in hình mấy chục cán bộ chiến sĩ Nam Bắc hồi chánh. Trong đó có nhiều ông chức lớn lắm. Ở ngoài bìa sách chúng vẽ hình cụ Hồ ốm o, chống gậy và đề một câu: Hồ Chí Minh đã ngủm.” (ĐBGG, tr.350-351) .

   

Sự khác biệt giữa hai chế độ đã quá rõ ràng. Người thông minh như Xuân Vũ không thể không thấy để quyết định lựa chọn con đường sáng sủa tốt đẹp cho mình và thế hệ tiếp theo. Ông đã sáng suốt quyết định trở về với hàng ngũ quốc gia. Ông đã được bác sĩ Hồ Văn Châm, tổng trưởng Chiêu Hồi tiếp và mời giũ chức vụ khá quan trọng, phó giám đốc nha chiêu hồi, trong bộ này. Giám đốc nha là Phạm Thành Tài tức nhà văn Sơn Nam, vốn là chỗ quen biết. Ông Tài đã cho ông hai phòng lầu, một phòng riêng, một đống pelure, một bó viết Bic, một cần vụ để có sai gì thì sai. Ông bắt đầu viết “Đường Đi Không Đến”.
Và tác phẩm này làm cho ông nổi danh ngay. Ông đã được giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1972. “Đường Đi Không Đến” là quyển hồi ký ghi lại kinh nghiệm “đi B” tức là đi trở về miền Nam công tác. Đây là quyển hồi ký quan trọng nhất của Xuân Vũ. Nó được ghi lại trước biến cố lịch sử năm 1975. Nó đánh dấu sự thức tỉnh và chuyển hướng quan trọng trong cuộc đời Xuân Vũ. Và theo tôi đây là tác phẩm có giá trị nhất của ông về phương diện tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Dưới ngòi bút thật linh động Xuân Vũ đã sâu xa phân tích và ghi lại tâm trạng và kinh nghiệm đi B của ông, một kinh nghiệm hết sức kinh hoàng trên con đường 559 tức đường mòn Hồ Chí minh theo giải Trường Sơn. Nếu không khí chính trị ở Hà Nội lúc ông tập kết ra miền Bắc đã gây cho ông cảm giác đầu tiên là Cộng sản  “Kỳ Cục” để ông phải xin trở về Nam liền sau đó, thì con đường đi B với cảnh “Xương Trắng Trường Sơn” và “Mạng Người Lá Rụng” đã gây cho ông một sự thức tỉnh vô cùng quan trọng. Vấn đề “giá trị của con người,” vấn đề “nhân phẩm” và “nhân quyền,” vấn đề “cúu cánh biện minh cho phương tiện, ” cùng với sự “hy sinh mạng người một cách phi lý,” được đặt ra ở đây trong lúc này. Và tinh thần “nhân bản” được khơi dậy mạnh mẽ khi người ta bắt đầu ý thức về điều kiện giá trị của con người bị chà đạp, ý thức về nhân phẩm/nhân quyền bị tước đoạt, ý thức về sự sống cũng như cái chết đều trở thành phi lý, và ý thức vềsự lừa dối trở thành tư tưởng chỉ đạo.
“Khi ra đi, tác giả viết, ông chủ nhiệm ủy ban thống nhất – trung tướng Nguyễn Văn Vịnh có đến gặp chúng tôi và bảo rằng đoàn chúng tôi về đến nơi sẽ có Chính Phủ Liên Hiệp! Tình hình sáng sủa hơn bây giờ nhiều. Như vậy ai mà nằm lại cho được. Còn một giò cũng phải nhắc cò cò đi tới chớ.” (Đường Đi Không Đến, tr. 18). Lời hứa của chính quyền cộng sản không khác gì hình ảnh của mớ cỏ non và con ngựa già nua của ông lão đánh xe rất quen thuộc với tác giã từ lúc nhỏ :       
“Để lợi dụng cái sức lực còn lại trong con vật, lão già đã nghĩ ra một cách có vẽ nhân đạo hơn. Lão ta buộc một mớ cỏ non trên đầu cần câu và buộc chiếc cần câu dọc theo gọng xe.

Mỗi lần con ngựa bị mắc vào xe, nó cứ nhìn thấy cái mớ cỏ non đó nhảy múa trước mặt nó, tưởng chừng nó có thể ngoạm được và nhai ngấu nghiến đi ngay.

Nhưng tội nghiệp, con vật ngây thơ, cố ngay xương sống ra kéo chiếc xe đầy khách, mong rút ngắn cái khoảng cách giữa cái mồm nó và mớ cỏ. Cái mớ cỏ vẫn nhảy múa trước mặt nó, quyến rũ vô cùng, giuc nó chạy tới, chạy nhanh tới.

Con vật ngây thơ vẫn cố sức phi tới với chút sức tàn, mong đớp được mớ cỏ. Có bao giờ lão chủ xe lại giải thích cho con vật thân yêu của lão vì sao nó chạy hoài mà không ngoạm được mớ cỏ?” (Thay Lời Tựa Đường Đi Không Đến).
Con đường vào Nam dọc theo Trường Sơn vô cùng nguy hiểm, vất vả. Tác giả đã chứng kiến bao nhiêu cảnh chết chóc đau thương, bao nhiêu cảnh bệnh hoạn, đói khát, bao nhiêu người sống lê lết không còn mang tính con người nữa. Họ như con ngựa kiệt sức của ông lão xe ngựa, cứ cố sức vươn lên, cố sức với tới mớ cỏ treo trước mắt như một hứa hẹn không bao giờ đạt được. Đói, khát, ốm đau, bom đạn, thiên tai, xảy ra thường xuyên trên con đường này. Người ta trở nên ích kỷ, bần tiện, không chia nhau một chút muối, dấu kỷ một chút đường, tiện tặn từng hạt gạo. Con người không còn là con người nửa. Trong một cơn đau tác giả đã phải trải qua một tâm trạng vô cùng bi đát. Hãy nghe tác giả kể :
“Tôi nhìn ra trời. Thấy gì đâu, một màu đen dày đặc... Tôi thấy tôi bé lại như một hạt mưa rơi xuống từ vô tận, vỡ tan ra và trôi theo cái dòng nước sôi ấy. Và đời tôi đâu còn biết bám tựa vào dâu nữa...Hai tiếng Văn Điển đến với tôi trong lúc này thật là điều không hay ho chút nào. Bởi nó gợi lên cho tôi cái tên của một bãi tha ma: nghĩa trang Văn Điển. Cái khí lạnh của Trường Sơn cùng với cái khí âm của nghĩa trang Văn Điển đè nặng, vây riết lấy tôi. Hiện lên trước mặt tôi hằng ngàn ngôi mộ với những tấm mộ bia cái thấp cái cao, cái mới cái củ, cái xanh cái vàng. Đó là nơi gửi xương gửi thịt của một số cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc. Ngoài đó những người bịnh tật hoặc có tuổi hết mong ngày về xứ thường than thở với bạn bè : “Chắc tao phải ở lại Văn Điển rồi!” Tôi thì tôi không phải ở lại Văn Điển nhưng tránh khỏi cái Văn Điển của Hà Nội, tôi lại phải nhìn thấy cái Văn Điển của Trường Sơn, cái thứ Văn Điển không có mộ bia và không có khói hương trống kèn, hay nói đúng ra Trường Sơn giờ đây đã trở thành một Văn Điển kéo lê thê hằng nghìn cây số.” (ĐĐKĐ, tr. 86-88).
Người ta, hay đúng ra người cộng sản nhân danh cái gì để xô đẩy hằng muôn vạn người đi vào tử đạo này? Marx bảo “con người là quý nhất,” vậy mà chủ nghĩa cộng sản Mác-Lê ở đây có xem con người ra gì đâu. Năm Cà Dom trong ĐĐKĐ nói một cách mỉa mai: “Tựu trung con người cũng chỉ là một con vật đi hai chân thôi, nhất là trên con đường này.” (nt., tr. 456). Chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà cộng sản đã triệt để lạm dụng là một chủ trương hết sức phi nhân. Nó chà đạp lên nhân phẩm của con người, nó tước đoạt hết nhân quyền, nó đày đọa con người vào cái chết vô cùng phi lý. Gần đến cuối đoạn đường chết chốc, tác giả chán nản ghi :
“Tôi tự thú nhận với tôi rằng tôi đã nản chí, tôi không còn muốn phấn đấu nữa...Tôi nhớ lại lời của Lâm một chiều mưa. Câu nói ấy cứ thỉnh thoảng lại vang lên trong tâm trí tôi. Bây giờ, cùng với cái tình huống nguy ngập này, nó lại trở lại với tôi như một người bạn, như một kẻ thù, như một sự vuốt ve như một lời hăm dọa: “Lần đầu tiên tao cảm thấy tao đi không đến nơi.” Đối với tôi hôm nay, đây không phải là lần đầu tiên tôi cảm thấy điều đó. Mà điều đó là cái điều tôi thấy thường xuyên khi tôi ăn cơm, mỗi khi tôi lên cơn sốt...

“Nhưng đến đây, bên bờ con suối đầy dẫy những đau thương vô lý, tôi lại cảm thấy tôi góp vào đó một sự đau thương và vô lý bằng cả cái con người tôi.” (nt., tr. 457-458).

Thân phận phi lý của con người cũng như sự sử dụng con người như những phương tiện được thấy lại trong “Đến Mà Không Đến” của tác giả:

“Thân phận con người trở thành nhỏ bé, vô nghĩa. (Bây giờ ngồi viết những dòng này, nhìn lại cái đoạn đường Chó Ngáp, tôi chợt nghĩ: Đảng Việt Cộng đã dắt nhân dân ta đi qua nhiều đồng chó ngáp mà rồi không đến đâu cả.)” (ĐMKĐ, tr.279-280).

Thật là một hy sinh phi lý! Thật là một chủ trương phi nhân! Con người không phải là con vật, con người không thể được dùng làm phương tiện để biện minh cho bất cứ một cứu cánh nào. Con người là một thực thể có tri thức, có tình cảm, có hoạt động, có nhu cầu, có ước vọng, có giá trị của con người. Hãy cho con người có quyền tự do, có quyền làm người. Đừng chà đạp lên nhân phẩm, đừng tước đoạt nhân quyền, hãy trả lại cho con người giá trị thật sự của con người. Đó là thông điệp của Xuân Vũ qua bộ hồi ký của ông. Và qua thông điệp này ông thật là một nhà văn lớn không những cho người dân Nam Bộ mà cho cả người dân Việt, hay đúng ra không phải cho riêng người Việt Nam mà cho con NGƯỜI nói chung viết bằng một chữ N hoa.
Đối với nhà văn lớn này, nhà văn Lão Thành Xuân Tước có đề nghị là chúng ta, những người thương kính Xuân Vũ, hãy thiết lập một cái quỷ mang tên “TÌNH THƯƠNG XUÂN VŨ,” (hay XUAN VU FOUNDATION) để vinh danh nhà văn và để giúp cho các công trình văn hóa có giá trị nhân bản sau này. Tôi hết sức đồng ý với nhà văn Xuân Tước và xin kêu gọi những ai có lòng thương mến Xuân Vũ và có nhiệt tâm đối với văn hóa nhân bản hãy cùng tôi góp sức làm nên quỷ này.

         

HIỂN DU * BỘ ĐỘI

Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Chuyện dài Bộ Đội

Hiển Du (Danlambao) - Không biết phải bắt đầu từ đâu để mà nói về bộ đội cho có đầu có đuôi, có xuôi có ngược, có nhược có ương, có ghét có thù, có cái thằng lù đù vác lu mà chạy, có cái ngày bộ đội lên thành và có những câu chuyện dài về bộ đội kể hoài không hết…
Thôi thì bắt đầu từ cái ngày gan lộn lên đầu, nhà lầu xuống đất, để cho bọn “đi bộ, đội nón cối” (bộ đội) leo lên tầng hai, tầng ba còn chủ gia thì xuống tầng trệt bởi “Nhờ lòng thương xót của Cách Mạng khoan hồng nếu không thì bọn chúng mày ra sân che chòi mà ở.”
Năm ấy tôi đang ở nhờ nhà bác đi học vì dưới quê không có trường đại học, vả lại vừa đi học vừa được bác trả tiền thư ký riêng để giúp đàn em nheo nhóc ở nhà.
Nhà Bác là hãng nước mắm có tiếng ở quận sáu. Mỗi đêm sau khi học bài tôi hoàn tất sổ sách trong ngày về việc thu chi của hãng, cộng trừ nhân chia đối với sinh viên ban toán như tôi thì luôn luôn xuất sắc không mất một xu. 
Kể từ ngày bọn đi bộ, đội nón cối chiếm cứ ở trên lầu chúng tôi đối diện với bao chuyện cười ra nước mắt, cười thắt trong ruột, cười tuột cả quần (vì lưng quần càng ngày càng lỏng do thiếu ăn) 
Chiều hôm trước bọn chúng đến ở, khoảng mười giờ sáng, tôi đang rửa rau trong bếp chợt giật thót mình vì một tên bộ đội xộc vào:
“Này này, cô có trông thấy con cá của tớ chui xuống đây không? Con cá hơn nửa ký lô đấy nhé”
Tôi bực bội trừng mắt một giây với hắn, gắt giọng:
“Cá anh để đâu mà xuống đây hỏi? Tôi ở đây từ sáng đến giờ có thấy gì đâu!”
Hắn nhìn dáo dác rồi xộc ngay vào nhà vệ sinh, tôi bước vội theo thấy hắn dùng cây thụt cầu quậy quậy trong cái bồn cầu. Tôi lớn giọng:
“Anh làm gì vậy, tìm gì trong ấy?”
“Tìm xem con cá tôi có chui xuống đây không?”
“Cá anh để đâu? Hứ.”
“Tôi đi chợ về thả nó vào cái bồn như thế này trên ấy. Bắt nồi cơm xong quay lại thì nó biến mất, chắc là nó chui xuống đây, cô có cách nào nâng cái bồn này lên không?” 
Hắn vừa nói vừa cố sức nhấc bồn cầu lên. Tôi trợn mắt định mắng ‘Đồ ngu” nhưng kịp dằn được nên quay lung lắc đầu để mặc hắn. Thầm nghĩ “Sao mà ngu thế”. Giờ cơm trưa tôi kể cho gia đình nghe, các anh chị cười lăn, cười bò. Bác trai nhìn xa xăm:
“Mấy đứa này chắc ở nhà quê chưa từng thấy cái cầu tiêu máy nên nó tưởng đó là cái bồn nuôi cá đó con.”
Tối đến, cả nhà đang yên giấc bỗng nghe tiếng réo ơi ới, hốt hoảng:
“Các đồng chí ơi dậy mau, bọn chúng còn gài bẫy chúng mình. Trần nhà có gắn máy chém, bọn Việt gian này ghê thật đấy”
Chúng tôi yên lặng cố lắng nghe xem chuyện gì đã xảy ra. Tiếng ồn ào, rồi tiếng chân chạy rầm rập xuống cầu thang, tiếng đập cửa rầm rầm:
“Mở cửa, mở cửa, chúng bây định giết chúng tớ hở, mau lên mà dừng cái máy chém ấy ngay nếu không thì chúng mày không yên đấy.” 
Bác trai và anh trai chạy vội lên lầu vì chẳng hiểu bọn chúng nói gì và chuyện gì đã xảy ra mà chúng vu khống như thế. Đèn phòng khách sáng choang, quạt trần đang quay vù vù ở số mạnh nhất. Bác nhìn quanh quất chẳng thấy gì quay lại định hỏi thì một tên chỉ lên trần:
“Đấy, tắt ngay cái máy chém ấy, bọn bây định giết chúng tớ hử?”
Anh trai bước tới tắt quạt, bác hiểu ra nhẫn nhịn giải thích:
“Đấy không phải máy chém mà là cái quạt gió treo trên trần nhà còn gọi là quạt trần. Nếu mấy anh không thích thì mai tôi sẽ gỡ xuống.”
Mấy chị em chúng tôi nghe kể vậy trố mắt nhìn nhau dở khóc dở cười chẳng biết họ đáng thương hay đáng trách vì giống như “người rừng.”
Bốn tháng sau tôi ghi danh học khóa “Sư phạm cấp tốc” vì thấy thời cuộc rối ren quá, không biết ngày mai ra sao?
Một hôm đi học về tôi dắt xe đạp vào cổng, mấy tên bộ đội đang ngồi chơi trong sân, một tên ngồi ngay gần lối đi đang cầm tờ báo cũ rích, vàng khè đọc. Thấy tôi hắn ngưng đọc đảo đôi mắt ti hí khắp người tôi, nhìn chằm chằm từ trên xuống dưới khiến chân tôi lúng túng. Tôi rủa thầm trong lòng “Đồ mắc dịch”, vừa qua khỏi hắn đưa tờ báo đập vô mông tôi cái “bộp”:
“Mông to và lẳng thế em… ha ha.” 
Cả bọn ré lên cười ha hả. Tôi nổi điên, vừa tức, vừa ngỡ ngàng, đỏ mặt tía tai quay lại thét “Đồ cà chớn” rồi đi một mạch vô nhà đứng khóc rưng rức. Không có sự sỉ nhục nào hơn thế!
Bác trai tôi nghe kể giận quá ra định mắng chúng một trận, vừa gặp mặt bác chúng tranh nhau ào ào: 
“Này bác, cô cháu bác bảo bạn tớ “đồ cà chớn” nghĩa là thế nào?”
Bác suy nghĩ một giây rồi vừa cười vừa che miệng lớn tiếng cốt cho chúng tôi nghe:
“Đồ cà chớn là nó khen chú ấy lịch sự đấy.” 
Cả bọn nhao nhao:
“Thế à, cho bác biết này, bộ đội chúng tớ toàn là cà chớn cả đấy nhé.”
Bác tôi đưa hai tay lên chào thua, chúng lại tưởng bác tôi thán phục nên vỗ tay rầm rầm.
Học sư phạm ba tháng chúng tôi được cấp bằng chứng nhận giáo viên, được tập hát nhạc phẩm “Bài ca sư phạm” và “Cô giáo trẻ trên bản làng xa” để đi làm cô giáo trẻ trên buôn làng gần biên giới. 
Chúng tôi được gọi là “Đoàn giáo viên xung phong” được Đảng và chính quyền cách mạng tin tưởng giao cho trọng trách khai trí nhân dân qua việc xây trường, mở lớp đưa văn hóa cách mạng về tận buôn làng. Diệt tận gốc cái ngu cái dốt cho nhân dân tiến lên Xã Hội Chủ Nghiã mau lẹ.
Đó là vùng quê nghèo nàn hèo lánh, mấy cô giáo trẻ chúng tôi được gởi gắm ở nhờ nhà bác tư gần trường. Xung quanh nhà bác đất rộng nên bộ đội đóng quân tùm lum. Tôi nghĩ “Sao cứ gặp mãi bọn này?”
Phía trước nhà dưới gốc cây xoài to, bác gái che một mái tranh bán nước giải khát và cà phê. Ngoài sân gần lề đường bác trai che tấm ny lon để sửa xe, trên bờ rào có treo tấm biển “Sửa Honda” viết nguệch ngoạc bằng than đen. 
Chúa nhật không đi dạy tôi ra quán nước phụ bác gái.
Đang rửa ly nghe bác lớn tiếng hỏi tên bộ đội vừa kéo ghế ngồi: 
“Chú bộ đội ơi, uống gì vậy chú?”
“Này, cho một ly sữa hon đa nhé, ly lớn đấy,” vừa cao giọng gọi hắn vừa lột cái nón cối quạt lấy quạt để.
Bác gái tưởng mình nghe không rõ bước ra tận bàn:
“Chú gọi sữa gì hả chú?”
Hắn chỉ tay ra bảng “Sửa Honda” treo trên hàng rào:
“Đấy, thì sữa Honda chứ sữa gì!” 
Bác gái mím môi cố nén cười ôn tồn giải thích, hắn hiểu ra cái chữ dốt của mình, lúng túng nhìn sang bàn bên cạnh. Thấy khách bàn bên đang uống cà phê phin hắn chỉ:
“Thế thì cho tớ ly cà phê có cái nồi ngồi trên cái cốc giống bên kia nhé. Cho cả ly đá to vào, nóng thế này thì đâu kém gì miền Bắc nhỉ” 
Hắn cố nói huyên thuyên để che cái dốt trước nhưng không ngờ lòi tiếp cái dốt sau.
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe loại cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”.
Mọi người lén nhìn nhau cười chứ không ai dám nói gì.
Tôi chua xót trong lòng thầm nghĩ: “Sao họ lại ngu dốt đến vậy?” 
Ôi, quả là chuyện dài bộ đội, kể mãi vẫn chưa hết chuyện, thôi thì hẹn lại khi nào có dịp tôi sẽ kể tiếp đất nước nghe. Đất nước ơi, xin đừng quên “Bộ đội chúng tớ toàn là cà chớn cả đấy!”
Cali, Ngày 15/4/2015

VÕ KỲ ĐIÈN * ĐÔI MẮT SÓC TRĂNG

Đôi mắt Sóc Trăng
Võ Kỳ Điền

  Sáng nay tình cờ đọc một tin đăng trong điện thư của Hội Ái Hữu Học Sinh trường cũ, khiến tôi tỉnh ngủ dù chỉ qua một hàng chữ đơn giản gọn gàng.  Đó là tin ca sĩ Diệu Thanh vẫn còn khỏe mạnh và hiện sinh sống ở Cam Pu Chia.  Đúng là một tin vui. Thiệt tình tôi rất vui.
   Tôi năm nay hình như đã già, mà hình như gì nữa, nếu tính với tuổi nầy thì già lắm rồi, già ngắt già ngơ, già khú đế. Tưởng đời sống qua đã tan như một giấc mộng lớn, nhưng có vài chuyện nhỏ xíu nhưng làm sao mà quên cho được, như chuyện cặp mắt mơ hồ huyền hoặc của cô bé học trò nầy. Chuyện đã trên năm mươi năm rồi nhưng vẫn còn nhớ như in. Năm đó tôi mới vừa ra trường còn trẻ lắm. Mỗi khi vô lớp học mới, tôi thường có thói quen lướt qua danh sách lớp để coi tên từng học sinh, hầu đoán coi cha mẹ các cháu có ước vọng gì khi đặt tên cho con. Mỗi địa phương đều có khuynh hướng đặt tên. Cô học trò lớp Đệ Tứ tôi mới đến năm đó (1964) có cái tên lạ thiệt là lạ, viết thì như tiếng Pháp nhưng không phải, đó là tiếng Miên. Tôi người Bình Dương nên quen thuộc các tên tuổi bạn bè trên dó, phần lớn là tên người Việt, một số ít là tên người Tàu, tôi còn đoán được chút ít, lần nầy thì chịu thua vì cái tên lạ. Cô bé có tên là Lý Thị Soriane. Vì tên nầy đặc biệt lạ nên dễ nhớ khó quên. 
  Quả tình như vậy, tôi không làm sao quên được cô học trò bé bỏng hiền lành của trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng ngày xưa. Soriane ngồi thu mình im lăng, khép nép, chìm lĩm ở giữa lớp, tánh tình ngoan ngoãn, cũng giống như các bài làm trung bình, nhan sắc cũng trung bình, nghĩa là không có gì nỗi bật. Thiệt là không có gì nỗi bật không? Không phải vậy, điều nhận xét nầy của tôi sai rồi. Phải rồi, cặp mắt của Lý Thị Soriane không hề giống bất kỳ cặp mắt nào mà tôi đã từng gặp qua. Cô bé có cặp mắt đen tuyền lạ lùng, vừa ngây thơ, vừa trong sáng, ánh mắt vừa mông lung, huyền ảo.  Mỗi lần trên bục giảng tôi nhìn xuống, bắt gặp ánh mắt nầy, tôi như bị lạc vào một khu rừng hoang ma quái hoặc biển cả sóng nước mênh mang chập chùng, không biết đâu là bến là bờ, đâm luống cuống tìm một lối ra, phải vội nhìn sang nơi khác.
   Trường Hoàng Diệu thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ học trò và mỗi buổi hát hò như vậy thì Lý Thị Soriane đều góp mặt.  Giọng hát của em cũng giống như căp mắt, êm ái, dịu dàng và huyền hoặc. Học lực thì trung bình nhưng hát hò thì không thua bạn bè nào trong trường. Thực ra thì tôi không rành về âm nhạc nên không dám phán đoán và nhận xét hay dở, hơn kém như thế nào. Cho đến một ngày thì Lý Thị Soriane đến gặp riêng tôi và cho biết là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tình cờ khám phá ra giọng hát của em và muốn đưa em về Sài Gòn để đào tạo thành ca sĩ chủ lực cho công ty dĩa nhạc Continental của ông như ca sĩ Thanh Tuyền cũng vừa được đưa về từ Đà Lạt. Em có trình bày cho tôi biết, gia cảnh khó khăn nếu về Sài Gòn và bở ngở với cuộc sống mới nầy. Nghe xong không kịp suy nghĩ gì hết, tôi mừng quá và khuyến khích em nên tận dụng cơ hội hiếm có nầy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất nỗi tiếng, có thế lực lớn trong nghành văn nghệ, có thể giúp em thành danh, thay đổi hoàn cảnh sống tốt hơn...
   Từ đó, trường Hoàng Diệu không còn cô học sinh bé bỏng ngây thơ Lý Thị Soriane ngày ngày ôm cặp sach đi học qua những con đường đầy hoa phượng đỏ mà trên đài Truyền Thanh Sài gòn, xuất hiện một ca sĩ mới có tên là Diệu Thanh, hát xen lẫn với các ca si Thanh Tuyền, Lệ Thanh... Tôi sung sướng và rất hãnh diện khi thấy tên tuổi Diệu Thanh xuất hiện trên các báo, các đài.  Cho đến một ngày, bổng dưng không thấy Diệu Thanh xuất hiện như thường lệ mà được thay thế tên mới là Trúc Thanh. Nhưng chuyện thay đổi danh hiệu để ca hát nầy cho thuận lợi cũng không được lâu bền.  Một buổi sáng nào đó năm 1967 Diệu Thanh trở về Hoàng Diệu găp tôi tại lớp với bộ đồ bà ba đen quen thuộc, vẫn với cặp mắt đen ngơ ngác, dịu dàng thăm hỏi người thầy giáo cũ năm xưa và cho biết em quyết định rời xa ánh đèn sân khấu, rời xa Sài Gòn muôn màu, trở về tiếp tục cuộc sống yên bình ở Sóc Trăng. Tôi hấp tấp hỏi lý do tại sao và em không trả lời, nói sang chuyện khác.  Có lẽ đó câu hỏi khó tôi dặt ra cho em, chuyện phải quyết định cho cả đời, làm sao mà nói ra cho được . Tôi lờ mờ hiểu và thông cảm. Lý Thị Soriane, vẫn là cô bé học trò Hoàng Diệu Sóc Trăng trong sáng ngây thơ. Đúng hay sai, khôn hay dại, tôi làm sao biết được. Nhưng có điều tôi chắc chắn là cả đời, khi nhắc tới em là tôi không bao giờ quên được và luôn luôn quí trọng thương mến.  Tôi cũng biết rõ, tánh tình Soriane hiền lành, thụ động, an phận, làm sao chen lấn nổi trong cái không khí sôi động văn nghệ ồn ào, trong cuộc sống bon chen đất Sài Gòn đầy cát bụi. Cô học trò bé bỏng ngây thơ,  trong sáng yếu ớt đáng thương của tôi.
   Lý Thị Soriane ơi, không phải chỉ có em thất bại trong cuộc sống đâu, mà ở tận phương trời xa lạnh lẽo nầy, thầy cũng đâu có hơn gì em. Ước gì có cuộn chỉ thần, thầy trò mình quay lại chuyện ngày xưa năm mươi năm trước Hoàng Diệu của mình với lớp học, với những gốc cồng xanh mướt, với thầy với bạn, thì sung sướng, biết bao nhiêu. Hình như cuộc sống dưới mái trường hạnh phúc vui tươi ấm áp hơn là cuộc sống tranh giành hơn thua đầy bão táp nắng gió ngoai đời, phải không vậy Soriane?
   Phải lâu thiệt là lâu, thầy mới thấy được đìều đó.  Nhưng khi thấy được thì đã trễ muộn lắm rồi.  Trễ lắm rồi. Trễ thiệt rồi... Đời sống có những bước đi với biến động của nó và thời gian quả thật vô tình!
                                                                               Võ Kỳ Điền  (gs Võ Tấn Phước, 13 avril 2016)

No comments:

Post a Comment