Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 10 November 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * VIỆT CỘNG

Thursday, May 21, 2015

TRẦN NHẬT PHONG * CHUYỆN MỘT THUYỀN NHÂN

Chuyện một thuyền nhân Việt mất con

Tác giả/Nhân vật: |12-05-2015| 56 lần xem | |
Vượt biên và tới được Hoa Kỳ vào năm 1985, suốt hàng chục năm nay ông Tăng Bảo Can, hiện đang sống ở nam California, vẫn đi tìm đứa con gái bị hải tặc Thái Lan bắt đi trong hành trình lênh đênh trên biển khơi.
Cô con gái 14 tuổi của ông bị đem đi mất ngày 26/10/1984, khi con tàu chở gia đình ông cùng nhiều người khác đã tới được hải phận quốc tế.
“Đó là chuyến đi rất đau thương. Nó khiến cho tôi khóc bao phen, mà đến giờ mỗi khi có ai hỏi tới là nó vô tình gợi lại vết thương như dao khứa mỗi ngày, mỗi đêm.”
“Tôi là đàn ông, phải cố chịu đựng nỗi ám ảnh [mất con] để tranh đấu mà sống, nhưng vợ tôi bị trầm cảm cho tới tận ngày hôm nay,” ông Can nói.
Trong hành trình kéo dài năm ngày, tàu của ông đã bị cướp ba lần, và tai họa mất con xảy ra khi hải tặc nhảy lên tàu vào lần thứ tư.
Ông Tăng Bảo Can nói ông vẫn hy vọng sẽ tìm được lại con gái mình
“Trên chuyến tàu có bốn cô gái, hai cô 17 tuổi, hai cô 14 tuổi, trong đó có con gái tôi.”
“Khi lên tàu, chúng xô hết thanh niên ra, trong đó có con gái tôi. Tôi cố gắng ôm giữ cháu, và những lời cuối cùng cháu nói với tôi là ‘Ba đừng bỏ con, ba ơi cứu con’, vợ tôi khi còn nằm trong khoang thuyền, không biết chuyện gì đang xảy ra ở ngoài.”
“Hải tặc bắt con gái tôi cởi bỏ quần áo, mà tôi nghĩ là để chúng tìm vàng, nhẫn giấu trong người. Con gái tôi đã chống cự lại.”
“Có lẽ bởi vậy nên chúng đẩy con gái tôi sang chiếc tàu của chúng. Đó là những giây phút quá hãi hùng, khi mà tôi phải chứng kiến cảnh đứa con gái yêu thương bị cướp khỏi vòng tay và ngoái lại cầu cứu.”
“Không có một chút khí giới trong tay, nhưng sự sống hay chết đối với tôi khi đó không còn quan trọng. Tôi bất chấp nỗi sợ, cố giành con gái lại từ tay một tên cướp biển có lẽ khoảng 20 tuổi, rồi bị một tên cầm giáo đâm sau lưng khiến tôi bất tỉnh.”
Cách đây khoảng ba năm, hội thiện nguyện South East Asia Missing Children Foundation được thành lập nhằm tìm kiếm những đứa trẻ bị thất lạc trong hành trình vượt biên
“Con gái tôi rất can đảm, cháu không khóc mà ngoái nhìn tôi. Tôi nhớ giọt lệ lăn tròn trên mặt cháu. Hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt ba chục năm nay.”
Ông Can cho biết ông cùng một số người khác từng qua Thái Lan để tìm kiếm, và đã có hai gia đình may mắn tìm được con cũng bị cướp biển Thái Lan bắt đi từ khi mới được vài tháng tuổi.
Cách đây ba năm, ông Can thành lập hội South East Asia Missing Children Foundation – Hội những đứa trẻ Đông Nam Á bị mất tích, với hy vọng chưa bao giờ nguôi ngoai là mình và những người cùng cảnh ngộ sẽ tìm thấy được những đứa con đã bị thất lạc.
“Phép lạ cũng sẽ đến cho con gái tôi, đến cho gần 100 gia đình có con thất lạc [tham gia Hội]. Tôi không được hỗ trợ nhiều, nhưng tôi sẽ cố gắng đi làm thật nhiều để có tiền cho hội từ thiện này của chúng tôi,” ông Can nói.
Trần Nhật Phong
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/05/150511_boatpeople_missing_children

PHẠM G. ĐẠI * NGÀY TRỞ VỀ

 
Ngày Trở Về 
(Trong Hồi Ký NNTCC)
Tác Giả: Phạm G. Đại
 
Chúng tôi lục tục xuống xe, lích kích khiêng các ba lô túi xách cá nhân vào bên trong cái cổng có tên "Hàm Tân Z-30D" và được chỉ định tập trung vào một khu vực sâu phía bên trong trại .
Chín mươi người chiếm hẳn một góc sân trong tư thế nghỉ ngơi kẻ đứng người ngồi dưới tàn cây rợp bóng mát.
Trên khuôn mặt những người tù cuối cùng này có một điểm giống nhau là sự bình thản và nhẫn nại. 
Sự bình thản là kinh nghiệm nhiều năm ở tù đã tạo cho họ có được một đức tính biết âm thầm chịu đựng, biết chờ đợi và biết bình tĩnh trước mọi tình huống. 
 
 
Chính sự bình tâm trước mọi thử thách gian nguy và thái độ can trường chịu đựng một cách bền bỉ mọi hình phạt tàn khốc của kẻ thù phủ lên người họ, đã dần dần biến đổi môi trường sống của người tù thành thuận lợi hơn.
Hoặc giả vì cái nghiệp lực to lớn phủ chụp xuống toàn dân miền Nam khi nước đã mất vừa lui đi? Hoặc kẻ thù sau bao nhiêu năm trả thù đã hả hê và bây giờ họ chợt nhận thấy rằng mình đã xuống tay quá mạnh trên lưng kẻ thất trận cùng một mầu da nên dừng bớt lại? 
 
 
Cộng thêm vào đó là lòng nhân đạo của người tù đã lấy ân báo oán, "lấy trí nhân mà thay cường bạo" khi cứu giúp thuốc men cho các khu gia binh và dân chúng quanh vùng, khi chia sẻ điếu thuốc, ấm trà, ly cà phê với các cán bộ, cán binh của trại giam đã làm cho họ phải suy nghĩ về tình người? 
 
 
 
Tất cả những sự việc bề ngoài tuy trông rất bình thường đó lại là những yếu tố quan trọng cảm hóa kẻ thù, lấy được lòng dân, và xoay chiều cơn sóng dữ đã bao lần muốn nuốt sống mạng người tù; để đạt được điều ấy, hàng ngàn tù nhân đã ngã gục và nằm sâu trong lòng đất Mẹ.
 
 
Sau một thời gian dài suốt chín năm vừa qua, được gia đình đến thăm nom và tiếp tế đủ thứ từ ăn uống đến thuốc men, quần áo vật dụng, thì chúng tôi đã có một "tài sản" khá nhiều, khá bề bộn, dù là đã bỏ lại tại trại cũ Nam Hà nhiều thứ lỉnh kỉnh, nên chưa đến nỗi như đồ đạc trong truyện "Hoàng Trừu" ngày xưa 
 
 
Đó là chưa kể đến những thứ mà các bạn về trước đã để lại như cây đàn ghi ta, bình ấm pha trà, các sách truyện quý kể cả các cuốn kinh về tôn giáo mà chúng tôi buộc phải mang theo vào Nam vì đó là những kỷ niệm của người đã rời trại giao cho người ở lại. 
Thêm vào đó, những người tù trước khi ra khỏi cổng trại tù vẫn còn phải chịu một lần kiểm soát gắt gao nữa và các sách báo kinh điển như vậy sẽ bị tịch thu ngay. Bởi thế kinh nghiệm của những người được về trước để lại cho người sau là càng gọn nhẹ càng tốt để tránh bị đám trực trại làm khó dễ hay hạnh họe trong lúc kiểm tra.
 
 
Trong những năm tháng tù đầy, có nhiều sự việc bất ngờ xẩy ra làm cho đời sống tù nhân thêm vất vả khốn đốn mà chuyển trại là một. Chuyển trại luôn là điều đáng e ngại nhất vì ngoài sự cực nhọc lao đao của thân xác là sự bất định của một tương lai không biết sẽ đi về đâu. Dầu sao đi nữa thì việc chuyển trại lần này coi như tạm xong.
 
 
Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi chuyển trại và có thể cũng chưa chắc đã là lần cuối, cho nên cách tốt nhất là chấp nhận hiện tại rồi từ từ tính sau, bởi vậy chúng tôi mỗi người sẵn sàng bên cạnh hành trang của mình chờ đợi thủ tục nhập trại. 
 
 
Thủ tục này như mọi lần thì bao gồm điểm danh từng người để bàn giao quân số cho trại mới, nhắc nhở về tuân thủ nội quy và kế nữa là mỗi người tù tự mở ba lô của mình ra cho trực trại khám xét từng vật dụng một trong đó; thứ nào được cho qua thì mới được đem vào, còn lại là tịch thu hết. 
 
 
 
Điều lạ lùng là lần đầu tiên thủ tục khám xét để nhập trại tại Hàm Tân đã được thông qua chứ họ không lục tung lên tất cả mọi thứ trong tư trang mỗi người như những lần nhập trại tại miền Bắc.
Có thể đây là một dấu hiệu tốt hay chăng? Cái gì thì cũng phải đợi một thời gian nữa xem sao vì họ đã lường gạt người tù quá nhiều lần rồi nên bây giờ chúng tôi thẩy đều thận trọng.
Trong khi chúng tôi vẫn đang đứng bên cạnh tư trang của mình thì cánh cổng trại chợt được đẩy rộng ra hơn vì có mấy tay cán bộ, cán binh đem các xâu chìa khóa vào và lần lượt mở còng hết cho các tù nhân. 
 
 
Thái độ của họ tỏ ra thân thiện mà tôi tin rằng đó là do cấp trên đã ra lệnh cho họ đối xử như vậy, chứ không đầy hận thù như tại trại giam Long Thành mười hai năm trước khi còng tay chúng tôi để chuyển đến trại Thủ Đức trên đường ra Bắc lưu đầy .
 
 
Tôi lấy bàn tay trái xoa bóp cổ cánh tay phải một chút vì có chỗ hơi bị sưng lên vì cái còng số tám.
Ba ngày trời rồi cổ tay phải của tôi mới được thong dong rời khỏi cổ tay trái của anh Hai Hầu.
Ba ngày rồi trên tầu hỏa hay khi xuống xe lửa về trại Hàm Tân, anh Hai Hầu đi đâu thì tôi phải đi theo, ngược lại cũng vậy và cả tôi lẫn anh Hai Hầu đều không than phiền gì dù là cái còng có hơi nhỏ một chút.
 
 
Sau đó thì có vài tay có lẽ là cấp chỉ huy mà họ gọi là "Ban" đến để nói chuyện với nội dung tóm tắt là anh em chúng tôi được chuyển vào Nam để "tiếp tục cải tạo chờ ngày về đoàn tụ gia đình". 
"Ban" đề cập một số những giáo điều mà chúng tôi chẳng ai buồn nghe vì sau ba ngày di chuyển trên xe lửa thật mệt mỏi, ai cũng chỉ muốn cho xong mọi thủ tục để tìm chỗ nghỉ ngơi mà thôi.
 
 
Mười lăm phút nói chuyện để chào đón chín mươi người từ miền Bắc vào Nam, và không thấy ai có ý kiến gì nên mấy tay cán bộ này bảo nhóm trật tự hướng dẫn chúng tôi về buồng giam trong một khu vực riêng, biệt lập nằm bên trái sân trại.
Bấy giờ là buổi chiều, từ lúc mới vào trại, tôi vẫn nhìn ra phía ngoài cổng, nắng đang nhuộm vàng trên những ngọn lá Buông từ xa rồi tắt xuống dần thân cây và hắt những sợi vàng yếu ớt của một ngày sắp hết thành những vệt dài loang vào trong sân.
 
 
Lúc đó tuy là mùa Hạ nhưng khi ánh nắng dịu đi thì dưới đất không còn bốc lên cái nóng hừng hực của ngày Hè nữa,  mà hơi mát từ trong không khí tỏa xuống thật dễ chịu. Sau này tôi mới biết nơi này mát một phần là nhờ trại nằm gần bên một nhánh sông được tách ra thành các dòng suối nhỏ nước chảy róc rách ngày đêm xuyên qua khu rừng và chạy vòng quanh trại.
 
 
Trước kia, nơi đây là mật khu rừng Lá của VC mà họ vẫn thường chận các xe đò liên tỉnh để hăm dọa hành khách, bắt hành khách vào trong khu rừng này để tuyên truyền về "giải phóng" về "cách mạng" mất cả nửa ngày mới thả cho ra về. Nếu là quân nhân hay công chức thì bị bắt dẫn đi luôn.
Tôi có hai người cháu trai lúc còn bé đi theo chuyến xe đò liên tỉnh này, hai cháu cũng bị bắt vô đây nghe thuyết giảng mấy tiếng đồng hồ rồi mới được thả cho về lại Sàigòn vì các cháu chỉ là học sinh.
 
 
Lúc về tới nhà mấy ngày sau mà hai cháu vẫn còn hãi sợ . Hình ảnh những súng AK chĩa về phía hành khách đang ngồi bệt xuống đất trong rừng, và những chiếc khăn rằn quấn quanh cổ với những bộ mặt dữ tợn. Các cháu nói không quên được dù sau này đã trưởng thành.
 
 
Sau khi chiếm miền Nam thì cái mật khu này được biến thành trại tập trung "cải tạo" để giam giữ cả tù hình sự lẫn tù chính trị chế độ cũ. Thời gian những năm trước, trại này cũng nổi tiếng là khắc nghiệt, ngược đãi tù nhân với bàn tay sắt.
Số lượng tù nhân chết vì kiệt sức, vì vượt trại và bị bệnh tật không phải là ít.
 
 
Dòng đời vẫn trôi nhanh và tôi cũng không tưởng tượng ra được một ngày nào đó như hôm nay tôi lại có mặt trong khu rừng Lá này, không phải để nghe như các hành khách xe đò ngày xưa những tuyên truyền của VC - giống như những giáo điều bài bản rập khuôn và rỗng tuyếch mà tôi đã phải nghe mười mấy năm nay - mà chính tôi và những người tù đồng cảnh ngộ đang sống ngay bên trong trại giam của họ dựng lên tại nơi này. 
 
 
Dầu sao thì tôi cũng đã vào đến trong Nam và điều thực tế là gần gia đình hơn và khí hậu miền Nam cũng ôn hòa hai mùa mưa nắng sẽ tốt và thích hợp cho sức khỏe chúng tôi nhiều hơn.
Một điều đáng mừng là gia đình cũng bớt vất vả ngược xuôi từ Nam ra Bắc trong những chuyến thăm nuôi đã như là huyền thoại vào tận rừng sâu núi thẳm để tiếp tế cho chúng tôi.
 
 
 
Một điểm nữa, không hiểu sao khi vào đến đây thì trong tôi niềm hy vọng lại chợt loé lên hình ảnh một ngày trở về sẽ không còn xa nữa- nghĩa là tôi sẽ có một ngày nào đó được trở lại thành phố Sàigòn, cái thành phố mà tôi đã phải u buồn trong câm nín, đau buồn trong tang tóc mà lặng lẽ bỏ nó ra đi cái ngày mà miền Nam vừa mất vào tay kẻ thù phương Bắc.
Miền Nam, hai tiếng đó như một cái gì thật là gần gũi và yêu thương mà sau mười hai năm lưu đầy xa vắng, nay tôi mới có dịp quay về để hít thở lại bầu không khí ấm áp này.
 
 
Tôi đang miên man suy nghĩ thì đã bước đến cửa buồng và quay về thực tại vì các tiếng động ồn ào, tiếng nói lao xao của các bạn. Chúng tôi thẩy các ba lô vật dụng cá nhân lên chỗ nằm rồi đi tìm nước tắm một cái đã, mọi việc khác tính sau. 
Buồng giam này cũng giống như hàng mấy chục cái buồng giam mà tôi đã trải qua, mỗi buồng cũng chứa đến sáu chục người. Tụi tôi ở làm ba buồng, hai buồng lớn và một căn nhỏ trên mấy bực tam cấp là dành cho các ông tướng. 
 
 
 
Đây là lần đầu tiên từ mười ba năm qua mà chúng tôi, các dân sự hay cấp úy cấp tá, được ở chung cùng một khu, cùng chung một sân, không có bờ tường hay hàng rào kẽm gai ngăn cách với các ông tướng.
Tất cả tụi tôi, những người tù cuối cùng đều tập trung trong khu này trừ một số trong các anh đã ở Hàm Tân trước thì được phái ra ngoài như là tự giác để canh giữ các lán trại hay chăn nuôi gia súc và heo bò tăng gia cho trại.
Phía trước mặt khu vực chúng tôi ở là bờ tường, còn phía bên hông trái là hàng rào dây kẽm gai, chừa ra một cái cổng ra vào, thông ra sân lớn; và phía bên kia sân chạy dọc vào sâu bên trong là các khu dành cho tù hình sự.
 
 
Đặc điểm của trại này là có hai khu giam giữ một dành cho tù hình sự nữ và một cho nam.
Trong ba căn buồng giam dành cho chúng tôi, hai căn lớn là sàn xi măng bên dưới và có một tầng trên là sạp gỗ.
Buồng giam ở đây tương đối thoáng mát hơn các buồng giam ngoài Bắc vì có nhiều cửa sổ và trông sạch sẽ hơn nhiều.
Chỉ có căn dành cho các ông tướng thì ngăn ra làm mấy phòng nhỏ và mỗi anh đều có một chiếc giường cá nhân thoải mái để nằm chứ không phải nằm trên sàn.
Nơi dành cho các anh ở là một căn nhà nhỏ trông rất tươm tất, không có hình dáng một buồng giam như chúng tôi đang ở dưới này. 
 
 
Mấy ông tướng vào những năm sau cùng thì rất là thân, có dịp liên lạc nói chuyện thường xuyên với chúng tôi, và tâm sự nhiều với nhau chứ không còn ngăn cách và biệt lập như những năm đầu khi mới ra Bắc.
Chúng tôi thường gọi mấy ông tướng bằng "anh" chứ không có còn gọi theo cấp bậc chức vụ cũ nữa.
Trong các ông tướng thì chúng tôi quen biết hết vì gập nhau hàng ngày, và thường có dịp thì cùng tham gia văn nghệ chung với anh Lê Minh Đảo, anh Lê Văn Thân. 
 
 
Tình thân mỗi người mỗi khác nhau nhưng tôi lại thân và kính mến nhiều hơn với các anh Mạch Văn Trường, Trần Bá Di, và anh Tất, mà tôi coi như những người anh lớn và học hỏi được nhiều về cách sống của các anh.
Anh Đảo thì rất văn nghệ, mau mắn và có giọng cười thật là phóng khoáng dễ mến. 
 
 
Anh vừa đàn vừa hát nhiều bản do anh sáng tác nhưng hay nhất và cảm động nhất vẫn là bài "Mẹ" mà anh làm ra để tặng người Mẹ hiền.
Anh Di thì dáng người cao lớn như anh Trường nhưng gầy hơn, miệng lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi khi gập hay trò truyện với anh em chúng tôi. Điểm đặc biệt ở anh Di mà tôi nhận thấy nổi bật là anh lúc nào cũng giữ được tinh thần lạc quan và tinh thần chiến hữu bền chặt với anh em cấp dưới trong tù.
Anh Giai thì dáng hơi gù gù giống như vai hùm của võ tướng thời xưa và nhiều lúc tôi thấy anh hay cười mỉm chi như vừa tìm ra được một điều gì đắc ý vậy khi đang nói chuyện với các đàn em.
 
 
Anh Thân thì học được thuật châm cứu của ông thầy người Tầu khi còn ở trại Hà Tây ngoài Bắc.
Ông người Tầu này bị bắt khi đi hái thuốc tại biên giới Việt-Trung và bị khép vào tội gián điệp, và là một ông thầy đã từng cứu giúp nhiều anh em chúng tôi bằng phương pháp châm cứu thật độc đáo. 
 
 
Những người dân sống tại vùng biên giới Việt-Trung, nếu thiếu thận trọng như ông thầy Tầu này khi mải mê đi hái lá rừng làm thuốc thì rất dễ bị lạc qua địa phận bên kia, và sẽ bị bắt ngay về tội xâm nhập lãnh thổ, dò la hay gián điệp.
 
 
Ông là một người có tài châm cứu như thần mà tôi khâm phục vì chính mắt tôi đã mục kích những lần ông chữa đủ thứ bệnh cho các anh em tù nhân chính trị với hai cây kim bạc dài đến gần hai tấc đâm lút vào bụng hay vào sống lưng.\
 
 
Ông luôn đem theo một họa đồ mà tôi rất thích ngắm nghía nhưng chẳng hiểu gì cả vì đầy những huyệt đạo trên cơ thể con người để chỉ dẫn thêm cho anh Thân.
Ngoài tài về châm cứu ra, anh Thân còn có biệt tài về thổi ống sáo.
Buổi chiều khi đi lao động về, sau bữa cơm đạm bạc, tôi thường ngồi trên chiếc ghế đá trong sân trước buồng để hưởng một chút thanh tịnh của một ngày sắp tàn. 
 
Những khoảng thời gian đó là lúc anh Thân bắt đầu lấy ống sáo ra và tiếng sáo của anh bay từ căn nhà trên bực tam cấp đó vi vu thoảng trong gió chiều xuống buồng chúng tôi làm tôi thấy tâm hồn mình lâng lâng một cảm giác mênh mang khó tả trong ánh chiều tà.
Tiếng sáo ấy chắc không thể đem ra so sánh với tiếng sáo của Trương Lương ngày xưa vì hai hoàn cảnh khác nhau nhưng để lại trong tôi những cảm xúc buồn vui lẫn lộn.
 
 
Lúc anh thổi, đầu anh hơi cúi xuống như đang để hết những tâm sự của mình vào trong tiếng sáo nên khi nghe dù là tôi nhìn thấy anh hay không nhìn thấy anh chăng nữa, trước mắt tôi vẫn hiện rõ một khuôn mặt hiền hậu xương xương nuớc da sạm nắng với nụ cười mím luôn trên môi và đôi mắt hiền lành nhưng luôn vương vấn một nỗi niềm u uẩn khó tả. 
 
 
Có lúc tôi nghe tiếng sáo mà thấy lòng mình vui theo, nhưng nhiều khi tiếng sáo ấy thật buồn da diết như lời trần tình của một vị tướng, một chiến sĩ đã không làm tròn được bổn phận giữ nước của mình và đã sa vào trong tay giặc.
Đôi khi tôi chạy lên phòng để nói với anh rằng anh thổi sáo thật tuyệt vời dù là anh học chưa bao lâu, những lúc đó anh chỉ cười, nụ cười hiền hậu cám ơn, nụ cười mà không bao giờ xóa nhòa trong trí nhớ của tôi.
Có khi tôi lại không có can đảm nghe thêm nữa và bỏ vào trong buồng lên chỗ nằm tìm cuốn sách để đọc bởi vì tiếng sáo ấy lướt đi như làn gió nhẹ bay bay trong không trung của mấy buồng giam chúng tôi như đã khơi dậy trong tôi niềm đau sâu kín trong lòng về thân phận tù đầy của mình, về sự tan vỡ của gia đình, về niềm nhớ không nguôi thành phố mang tên Sàigòn, về tương lai có nhiều hứa hẹn hơn nhưng vẫn còn xa vời.
 
 
Anh Trường thì thân với tôi như anh em khi còn ngoài Bắc vì chúng tôi đều chung một thầy học đạo. Thầy Tâm đã nhận anh Trường và tôi làm đệ tử. Thỉnh thoảng tôi lại có dịp ăn bữa cơm chay với thầy,  anh Trường và cả ông Xoàn nữa do thầy nấu nướng và chế biến; trong khi ăn thầy thường kể những câu chuyện về đạo Phật trong đời sống dân gian ngày trước rất là hay và thật lạ lùng. 
Tôi cũng có một kỷ niệm đáng nhớ với anh Trường khi ngoài Bắc họ loan báo đổi tiền. Anh từ bên buồng giam của mấy ông tướng đưa cho tôi hai trăm đồng qua bờ tường để nhờ tôi đổi dùm. Lúc đó dù là ở Nam Hà cũng đã thoải mái hơn, nhưng các anh vẫn bị hạn chế nhiều trong bốn bức tường ít tiếp xúc với bên ngoài bằng tụi tôi, cho nên tiền bên các anh đều phải tuồn qua bên chúng tôi để tìm cách đổi cho kịp.
Chúng tôi trong buồng bèn gom tiền lại nhờ anh H. là tự giác đi ra ngoài trại qua đám cán bộ nhờ đổi dùm - nhưng không may hôm đó họ khám tất cả mọi người ra vào trại kể cả tự giác và trật tự nên anh H. bị tịch thu hết số tiền mang ra.
Tối hôm đó tôi nằm mơ thấy mình mặc một bộ quần áo rất sạch sẽ, áo sơ mi và quần tây mầu trắng thì đột nhiên có một con gà từ buồng bên cạnh chạy qua và nhẩy vào người tôi rồi loang đầy máu đỏ lên chiếc quần trắng đó. Tôi vội hất con gà ra nhìn cái quần bị vấy máu thì giật mình tỉnh dậy. Có thể là một điềm xấu.
Sáng dậy, tôi bèn đem giấc mơ ra hỏi thầy Tâm thì thầy không nói gì chỉ bảo tôi ráng niệm Phật và thầy cũng sẽ cầu nguyện cho.
Chiều hôm đó trực trại kêu mười mấy người trong đó có tôi qua khu bên Văn Hóa "làm việc". Chúng tôi được biết là phải viết kiểm điểm vì lưu trữ tiền "ngân" vi phạm nội quy của trại. Lúc đó tôi mới hiểu là giấc mơ đã báo cho điềm không hay. Tôi viết và nhận số tiền hai trăm đồng là của tôi vì không muốn họ làm khó dễ anh Trường vì sao anh cũng là cấp tướng còn tôi dầu sao chỉ là phó thường dân.
 
 
Họ thu hết các bài kiểm điểm đem ra khỏi trại, tịch thu hết tất cả số tiền lần đó nhưng rất may là sau đó vụ này từ từ êm đi. Tiền đi thay cho các tai ương khác như ông bà thường nói chăng.
Tôi nhắn với anh Trường là số tiền đã bị tịch thu rồi và tôi nhận số tiền hai trăm ấy là của tôi và xin lỗi anh đã không làm tròn lời hứa nhưng anh rất vui vẻ và không trách cứ gì tôi cả.
Anh Trường cũng như anh Hai Hầu đều lớn tuổi hơn tôi nhiều và coi tôi như người em trai. Anh Trường được thả ra sau hơn mười sáu năm tù, khi anh ra về tôi có ra gập anh nói chuyện chốc lát và anh siết chặt tay tôi cũng vẫn với nụ cười tươi và tiếng nói rổn rảng. Anh vẫy tay chào mọi người còn lại và nói mong sẽ sớm gập lại hết các anh em ở Sàigòn một ngày không xa.
 
 
Tình chiến hữu ngày xưa quyện vào tình những người tù đồng cảnh ngộ hôm nay nhất là cùng ở tù với nhau trong giai đoạn cuối này đã trở thành một thứ tình cảm gắn bó không khác gì anh em một nhà.
Trong những lần trại có đợt thả như vậy, và mỗi khi nhìn thấy các người tù được ra về thì tôi lại mừng cho các bạn mình . Tôi mường tượng ra cảnh họ tối nay sẽ đoàn tụ quây quần bên bữa cơm gia đình với nụ cười trong nước mắt, nghĩ về mình còn ở lại thì tôi không khỏi buồn và thấy thật nhiều trống vắng trong tâm hồn vì mất một số bạn hữu không biết bao giờ gập lại? Buồng giam càng ngày lại càng buồn tẻ hơn vì người càng lúc càng thưa dần.
 
 
Dầu sao mười mấy năm trong tù cũng tôi luyện cho tôi quen dần đi với những đợt thả không có tên mình.
Lúc đầu khi họ kêu ra sân ngồi tập hợp lại để nghe đọc tên, tôi rất hăng hái đi ra với hy vọng có tên mình trong danh sách được thả, nhưng bao lần tên tôi như bị lãng quên, nên riết rồi tôi cũng chán và mỗi lần như vậy lại cáo ốm nằm trong buồng vì biết chẳng bao giờ có tên mình.
Vả lại nghe thấy tên các bạn thân thì bên cạnh niềm vui cho bạn là nỗi chán chường của người còn ở lại. 
 
 
Nỗi chán chường này bắt nguồn từ tình bạn như thường ăn cơm chung, cùng chia sẻ những nỗi mệt nhọc trong các giờ lao động ngoài nắng mưa hay những buổi chiều dạo bước trên sân tâm sự với nhau, thì đột nhiên họ có tên ra về để lại tôi ngồi ăn một mình, không ai tâm sự, là một trống vắng một nỗi buồn da diết trong tâm hồn khó bù lấp ngay được.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua, thấm thoát mà chúng tôi đã vào Nam được một năm. Khi vào đây tôi mới biết là trong Nam cũng còn giam giữ chưa thả hết tù chính trị chế độ cũ.
Chín mươi người chúng tôi từ trại Ba Sao Nam Hà là những người tù cuối cùng trên toàn đất Bắc chuyển trại vào Nam tháng Năm năm một chín tám tám.
Trong Nam lúc ấy, trại Hàm Tân còn khoảng hơn sáu mươi người nữa là những người tù cuối cùng còn lại ở miền Nam hợp lại với nhau thành khoảng một trăm năm mươi tư người tù chính trị là những người tù cuối cùng trên toàn quốc đang bước qua năm thứ mười bốn. 
 
 
Một trăm năm mươi tư người tù đó là số sau cùng còn lại của hàng triệu người đã bước chân vô các trại giam tập trung kể từ sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản phương Bắc.
Khi toán tù từ Bắc nhập vào toán trong Nam, có những người bạn cùng đơn vị ngày xưa lưu lạc giang hồ bao nhiêu năm trời và qua bao nhiêu là trại giam từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam, bỗng chốc hội ngộ nhau tại Hàm Tân Z-30D mới biết là bạn mình vẫn còn ở lại đây, giống như bài hát:
-"Anh ở đây bạn bè anh cũng ở đây, áo rách xác xơ thân gầy cùng nhau chung kiếp lưu đầy...chiều chiều ra trông đàn én kiếm mồi thấp thoáng bay qua. Toa liền toa tầu đi trong bóng hoàng hôn, tiếp nối những dư âm buồn thành thơ ray rứt tâm hồn..."
 
 
Chúng tôi gập lại nhau mừng rỡ một phần vì những giai đoạn cam go nhất trong cuộc đời tù tội hầu như đã qua và trong cái không gian dù còn nhiều tù túng và hạn chế này nhưng niềm hy vọng đã lóe sáng lên cho một ngày trở về.
Tuy nhiên, không ai biết rằng và chúng tôi cũng không ai ngờ rằng phải chờ đến bốn năm sau nữa thì họ mới thả hết hơn một trăm năm mươi người tù này làm nhiều đợt nhỏ lớn khác nhau.
Mặt khác ở bên ngoài xã hội, năm một chín bẩy chín thì Mẹ và hai em út của tôi được ra đi đoàn tụ qua Mỹ theo chương trình ODP mà anh thứ Ba tôi đã bảo lãnh từ 11 năm trước. Chắc chỉ có trong các nước Cộng Sản thì việc xin ra đi nước ngoài cho người dân mới bị làm khó dễ và thủ tục lâu la đến 11 năm như vậy. Năm sau, một chín chín mươi thì vợ chồng Tuyết em gái kế tôi là cô Năm ra đi cũng theo chương trình này qua California. 
 
 
Năm một chín chín mốt thì đến lượt gia đình Khánh, em gái tôi là cô Sáu rời khỏi VN qua Mỹ là chuyến chót.
Kể cả vợ chồng Thu, em gái tôi cô Bẩy đi vượt biên mười mấy năm trước nữa thì gia đình anh thứ Hai tôi là độc nhất còn ở lại Sàigòn.
Những người trụ cột cho việc thăm nuôi tôi trong tù bao nhiêu năm qua đã lần lượt rời quê hương qua Thái Lan trên đường qua Mỹ định cư. Lúc đó chỉ còn hai con tôi đảm nhận vai trò đi thăm nuôi tôi trên những chuyến xe đò của ông Tô mà thôi.
 
 
Cùng lúc đó thì bên ngoài kể từ đầu của thập niên chín mươi niềm hy vọng, nỗi mong đợi bấy lâu là chương trình H.O đã bùng lên thành sự thật một cách rạng rỡ  (là chương trình Nhân Đạo: Humanitarina Operation của chính phủ Hoa Kỳ dành cho các gia đình có thân nhân đã ở trong trại giam tập trung từ ba năm trở lên được đi định cư tại Hoa Kỳ.)
Một mặt thì trại vẫn thả nhỏ giọt những người tù, một mặt thì bên ngoài các chương trình H.O 1, H.O 2, H.O 3... vẫn tiến hành đều đặn, cứ vài tháng lại có một đợt H.O ra đi.
 
 
Trong khi đó thì chúng tôi những người tù cuối cùng vẫn còn bị giam giữ trong bốn bức tường của Z-30D Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải.
Tâm trạng vui buồn lẫn lộn của những người còn lại ít ỏi đó thật là khó mà diễn tả được. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nhận được tin từ thăm nuôi vào cho biết những gia đình H.O nào đã lên máy bay qua Thái Lan, gia đình nào đang chờ đợi chuyến bay. 
 
 
Một trong những niềm vui và an ủi là một số các bạn tù được ra về những năm trước nghe chúng tôi đã về Nam nên vào thăm mua quà và cả két bia nữa, nhân dịp cũng để từ giã chúng tôi luôn vì các anh đã có tên trong danh sách H.O sắp lên máy bay qua Mỹ định cư cùng gia đình.
Khi ra khu thăm nuôi gập lại nhau thì không nén được niềm xúc động.
Cuộc đời nhiều lúc cũng khó mà lý giải được vì các người bạn đứng đây lúc trước đều là tù nhân như nhau nhưng bây giờ chúng tôi còn trong trại giam mà các bạn đó lại sắp bước vào cuộc đời tươi sáng trên phần đất Tự Do. 
 
 
Chỉ có thể tin rằng con người ta mỗi người đều có số mạng khác nhau, hay khi mà nghiệp lực đã hết thì thong dong ra về, người nghiệp lực chưa hết thì còn ở lại mà thôi.
Trong hơn ba năm kể từ một chín tám tám, trại chỉ thả số lẻ là năm mươi tư người làm nhiều lần khác nhau, trong đó có nhà văn quân đội PNN ra trại năm chín mươi, cho nên đến đầu năm một chín chín hai thì tổng số còn lại là một trăm người.
 
 
Số một trăm người này lần lượt ra khỏi trại làm ba đợt: tháng Giêng, tháng Hai và cuối tháng Tư đầu tháng Năm.
Đợt thứ nhất gồm 42 người trong đó có các anh Lãm, Tỷ, Diễm, Chương "Tây Ninh", Tống, Điền, Nghi, v.v.
Nhắc đến anh Tỷ thuộc Phủ Đặc Ủy thì mới thấy con người ta sống chết quả là có số mạng, cái chết nhiều khi đến thật dễ dàng nhưng có lúc gập bao tai nạn bệnh tật mà vẫn thoát lưỡi hái của Thần Chết thật kỳ diệu. 
 
 
Khi còn ngoài Bắc, tôi nằm cùng sàn trên với anh Tỷ, một buổi sáng thức dậy, anh đứng lên để tháo cái dây cột mùng ra khỏi sợi dây kẽm thì có lẽ chóng mặt hay sao đó anh mất thăng bằng nên té từ trên độ cao hơn hai thước, đầu cắm xuống đất.
Bên dưới là các thùng gánh nước bằng sắt, đầu anh đập vào đúng một thùng sắt tây đầy nước, nhưng rất may là tối hôm trước không hiểu anh nào đã đậy thùng nước với cái chậu thau nhôm chia cơm; nhờ có chậu thau đó mà anh đã không bị bể đầu. Cái chậu thau đó như một cái đệm đã cứu mạng anh.
Mọi người đều hỏi anh cần đi bệnh xá không thì anh nói là không sao chỉ choáng váng thôi và một hai ngày sau thì thấy anh bình thường trở lại không có biến chứng gì nguy hiểm.
 
 
Khi mới vào Hàm Tân khoảng hai năm thì một buổi tối anh Tỷ đau lăn lộn tại chỗ nằm, chúng tôi đứng chung quanh cũng bối rối chưa biết làm sao và không hiểu nguyên nhân gì mà anh đau dữ dội như vậy, may có anh Nhơn nhanh trí chạy qua bên bệnh xá mời một bác sĩ (anh là BS cũ tại bệnh viện Sàigòn ngày trước và bị bắt sau này vì vụ án "âm mưu lật đổ chính quyền"). Qua chẩn đoán vị BS này nghi là sưng ruột dư nên kêu cấp cứu.
 
 
Vì thiếu phương tiện hay người tù không được ưu tiên hay sao nên anh Tỷ chỉ được một tay cán bộ chở bằng xe gắn máy từ đó trên con đường sỏi rất là xóc cả cây số mới ra tới ngoài lộ trên đường đến bệnh viện.
Dù ngồi đằng sau xe gắn máy xóc cả tiếng đồng hồ như vậy nhưng rất may là vẫn còn đến bệnh viện kịp, vì nếu để lâu cái ruột dư mà bị bể ra thì theo anh BS - có thể gây tử vong. 
 
 
Khi mổ thì phòng mổ mở cửa sổ và bụi bậm tha hồ bay vào phòng chẳng có phương thức khử trùng gì cả. Sau khi ca mổ xong thì nhà thương họ bôi đầy mật ong lên vết mổ nói là để sát trùng vì không có thuốc. Vậy mà anh vẫn sống ngon lành.
Đợt thả lớn thứ nhì là sau Tết vào ngày 20 tháng Hai với 38 người trong đó có PKNiệm, TQ Lựu, Tấn "bầu", HĐ Sung hay "Sung Bụi", đại tá PV Phô, LM Sơn, LT Lạt, BQ Nghĩa (cũng là bạn cờ tướng của tôi đã từng đấu với nhau bất phân thắng bại trong mấy năm ở trại này).
Số tám chục người ra khỏi trại vào hai đợt đầu năm một chín chín hai này là những người tù đã bước sang năm thứ mười bẩy.
Vào cuối tháng Hai sau hai đợt thả ấy thì tổng số những người tù trong trại giam Z-30D còn lại đúng hai mươi người, trong đó có tôi.\
 
 
Danh sách hai mươi người cuối cùng còn sót lại bao gồm bốn ông tướng là Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai và Trần Bá Di, mười lăm anh em nữa là hai anh Bửu Uy và trung úy Thắng trong Phủ Đặc ủy; ba cảnh sát là hai trung tá NH Hải, TV Xoàn, thiếu tá PT Ngưu; người về từ Việt Nam Thương Tín Hoàng Hiểu; thiếu úy PRU trinh sát tỉnh Hòa "điếc"; anh Miên "hồi chánh viên"; ANQĐ là đại tá Sảo, Hãn, trung tá Hiếu, Kiên, thiếu tá Mẫn; lực lượng đặc biệt là thiếu tá LH Minh, nhà văn Thảo Trường TD Hinh và tôi thuộc tòa đại sứ HK. 
Hai mươi người cuối này được "biên chế" vào hết đội 23 còn đội 20 trước kia được "giải thể".

Từ đó thì tôi đi lao động chung với các vị tướng và đại tá đàn anh trong lúc sinh hoạt của đội 23 hoàn toàn khác hẳn vì ra lao động chỉ còn lấy lệ mà thôi. Chúng tôi đi ra ngoài để tăng gia về rau xanh, trồng bí mướp, khổ qua cho bữa ăn có thêm dinh dưỡng chứ không còn phải lao động nữa.
Có nhiều anh thì đi câu cá hay nấu nướng, viết thư cho gia đình. Tóm lại là chế độ cưỡng bách lao động từ mười mấy năm qua dành cho chúng tôi nay đã cáo chung và hầu như họ thả lỏng cho những người còn sót lại của đội 23 này được thoải mái như thể chỉ còn sống trong trại để chờ ngày về mà thôi.
Thời gian này quả thật so với quãng đời lưu đầy ngày trước thì khác nhau thật xa, tôi không còn cảm thấy không khí tù tội chung quanh mình, không còn cảm thấy những cảm giác nghẹt thở của trại giam, tuy nhiên tôi không khỏi băn khoăn vì chúng tôi còn lại quá ít, hai mươi người sống bên cạnh hàng ngàn tù hình sự đủ loại tội trạng. 
 
 
Hàng rào kẽm gai được đẩy lùi thêm vào trong và khu vực của chúng tôi thu hẹp lại vào một góc nhỏ gồm căn nhà dành cho bốn ông tướng và mười mấy anh em chúng tôi sống trong nhà kho sửa laị thành phòng ngủ; và lần đầu tiên trong cuộc đời tù tội, chúng tôi mỗi người có một chiếc giường cá nhân đàng hoàng giống như bốn đàn anh trên căn nhà kia.
 
 
Nghĩ lại tôi mới thấy các giấc chiêm bao khi xưa còn lưu đầy ngoài Bắc thật linh ứng. Như giấc mộng chiêm bao của thầy tôi ngoài Bắc khi còn ở trại Nam Hà, thầy đã thấy tôi là một trong những con cá cuối cùng còn quẫy đuôi nằm thoi thóp trên lòng sông mà nước đã trơ cạn đến đáy.
 
 
Và hệt như giấc mộng, cánh cửa tù đã đóng lại sau lưng chúng tôi hai mươi người tù cuối cùng vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm năm một chín chín hai. Như giấc mộng rất linh hiển tôi đã nằm mơ khi mới ra Bắc - thấy một vị Thánh Mẫu hiền hậu và uy nghiêm ngồi trên ngai và Ngài đã phán cho tôi ngay từ lúc đầu rằng: "Cộng Sản nó không bao giờ muốn thả anh đâu, nhưng rồi cuối cùng họ cũng phải thả". 
 
 
Điều mà Ngài phán đã ứng nghiệm với những người tù cuối cùng - dù đã phải trải qua bao gian truân, cay đắng và tủi nhục suốt mười bẩy năm trời dài đằng đẵng đó nhưng họ vẫn luôn luôn nuôi dưỡng một niềm hy vọng hòa lẫn niềm vui tự hào rằng mình đã sống sót và có mặt trong ngày trở về.
Phạm G. Đại

CÁNH CÒ * CHIẾC BÌNH PHÙ THỦY

Chiếc bình phù thủy.

Có rất nhiều người ghét cá nhân ông Phùng Quang Thanh, Đại tướng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Ghét khi thấy ông ngày càng rơi sâu vào vòng tay Trung Quốc. Ông Phùng tỏ ra không muốn che dấu lòng trung thành của mình đối với phương Bắc và lòng trung thành ấy cứ có dịp là khoe ra như sợ để trong lòng sẽ bị ức chế mà sinh bệnh.
Nhưng tôi lại cố lắng lòng để tìm ra một hướng khác, khả dĩ có thể biện minh cho những cáo buộc mà dư luận luôn ném vào ông với những lời lẽ nặng nề nhất. Dù gì thì ông cũng là một Bộ trưởng Quốc phòng, nơi từng đào tạo, chỉ huy, và chiến đấu với cả ba lực lượng hùng hậu của thế giới: hết Tây tới Mỹ và cả Tàu nữa.
Tôi cố hình dung cho bằng được hình ảnh tiều tụy của ông sau mỗi lần nhận trách nhiệm của Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương, gặp và trao đổi, ký kết gì đấy với Trung Quốc. Ông suy sụp, hay ít ra ông sẽ tìm cách nói những lời chung chung như phụ tá của ông là tướng Nguyễn Chí Vịnh, người cũng song hành từng bước gặp Tàu với ông nhưng lời lẽ tuyên bố khác xa ông. Ông Vịnh khôn khéo đến quỷ quyệt, không ai có thể bắt nọn và nhất là bẻ câu chữ của ông ta vào con đường mà Bắc Kinh vẽ ra.
Ông có vẻ vô tư hơn ông Vịnh nên mọi tuyên bố của ông gặp ngay phản ứng, mà phản ứng lớn chứ không nhỏ từ dư luận. Vấp mồm hay chủ đích đều dại dột. Tôi nghĩ ông dại dột chứ không đến nỗi nào phản quốc một cách lộ liễu đến như thế.
Tại hội nghị của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết, ngày 29 tháng 12 năm 2014 trong tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng ông đã tâm tình rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.
Như hàng triệu người khác, ban đầu tôi ngạc nhiên, sau đó là nổi giận, khinh bỉ lẫn tuyệt vọng cho cái quân đội mang tiếng của nhân dân này. Vài tháng sau mới lắng lòng xuống, một mình âm thầm tự phân tích tại sao ông nói câu nói ấy giữa lúc Trung Quốc không một chút ngại ngần lấn chiếm từng phần đất của tổ quốc.
Ban đầu tôi cho là ông sợ chiến tranh. Chiến tranh tang tóc và nguy hại cho đất nước như Việt Nam từng kinh qua trong ngần ấy năm đã làm kiệt quệ con người lẫn tài nguyên không dễ gì tái tạo. Ông phát biểu trong suy nghĩ ấy, suy nghĩ của một người dân bình thường, của một công dân từng bị chiến tranh tàn phá và từ đó nghe tới chiến tranh là sợ hãi như chim sợ cành cong. Con người trong ông đã nói thật và tôi thông cảm trăm phần cho cái tính người bình thường ấy.
Nhưng khổ, tôi lại khó chống cự lại ý tưởng rằng ngoài một con người bình thường ra ông là một người lính, mà không phải một người lính bình thường. Lính hơn cả lính. Ông có quyền ra lệnh xử bắn bất cứ anh lính nào vì cái bản ngã của con người để khi xung trận lại thụt lui trước kẻ thù. Dưới tay ông không biết bao nhiêu tướng tá ông cần làm gương để chỉ huy. Ông không thể nói với họ rằng quân đội ta yếu nên phải hy sinh, phải thụt lui để giữ hòa bình cho đất nước.
Hòa bình không thể có khi quân đội cúi đầu trước ngoại bang, nhất là khi quân đội nước ấy được người lãnh đạo cao nhất quỵ lụy bằng thứ ngôn ngữ của kẻ bại trận.
Tôi lại theo một hướng khác suy cùng nghĩ cạn cho ông. Hay là ông đang đóng vai Hàn Tín luồn trôn giữa chợ cho một kế sách nào đó mà Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu ông phải đóng tròn vai của một người em đối với thằng anh to xác?
Lại nghĩ, không đâu, làm sao buộc được ông vào cái vai quá khó này. Ông không thể là thánh để chịu nhục cho hàng trăm kẻ đang ngồi trong Bộ chính trị hưởng lợi. Làm sao, người nào có khả năng giải thích trước lịch sử về cái mà ông đang làm và lời mà ông đang nói? Họ chỉ có thể đẩy ông thêm vào ô nhục nếu có biến động xảy ra mà thôi. Với tư thế lớn nhất trong quân đội như vậy không lẽ tâm thức ông không đủ trưởng thành để biết rằng lời nói ấy là biểu hiện sự yếu đuối đến thảm hại. Không những yếu đuối nó còn gửi một thông điệp cho Trung Quốc biết rằng: Hãy an lòng tấn công, chúng tôi sẽ không phản ứng.
Tôi thấy có gì đấy giống giống như Trọng Thủy.
Mà ngày nay thì Trọng Thủy không thiếu tại Việt Nam. Chúng tôi tập sống chung với chúng như sống chung với lũ. Chúng cười nói xênh xang trong các hội nghị. Chúng ẩn mình thật sâu trong những cung điện được che chắn bằng các cụm từ đẹp đẽ. Lịch sử đang lập lại và người Việt chờ xem số phận đất nước sẽ bi đát tới đâu. Chúng tôi chờ Trong Thủy lộ mặt như chờ sự thật đắng cay đang bao trùm đất nước này. Và không lẽ gã họ Trọng lớn nhất lại là ông?
Tôi cũng không tin vào sự diễn giải này. Ông không đủ khả năng và tư cách để làm một TrongThủy vì dù sao thì Trọng Thũy cũng từng một lúc yêu Mỵ Châu thật tình. Còn ông, ông có yêu ai ở cái cung đình này không thưa ông?
Trung Quốc vẫn sừng sững ở Biển Đông. Vẫn sừng sững và uy nghi kéo dàn khoan vào Việt Nam. Vẫn hùng dũng rượt đuổi ngư dân Việt Nam chạy dài ra khỏi vùng biển mà Việt Nam từng có thời làm chủ. Trung Quốc vẫn lẫm liệt tuyên bố cấm đánh bắt cá như hàng năm họ vẫn làm và đổi lại những hùng dũng, những sừng sững, những uy nghi lẫm liệt ấy là một chiếc bình con con mang tặng cho ông Bộ trưởng Quốc Phòng trong ngày hai nước bắt tay nhau đậm tình đồng chí tại biên giới phía Bắc vào ngày 15 tháng 5 vừa rồi.
Tính chất phủ thủy không thiếu trong chiếc bình con con này bởi nó chứa trọn cả Biển Đông trong đấy.
Ông ôm chiếc bình trong tay với đôi mắt rưng rưng xúc cảm. Tôi cố nghĩ rằng ông xúc cảm không vì chiếc bình mà xúc cảm cho thân phận của mình. Sự hy sinh to lớn của một người lính trước táo tợn của quân thù làm sao không xúc cảm cho được. Có khi báo chí không chụp được những giọt nước mắt mà ông cố nuốt vào trong cũng như những điều đang xảy ra chắc gì mọi người biết hết?
Nhưng khổ nỗi tôi lại nhớ tới câu ông từng nói trước đây: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”.
Theo dõi kỹ những phát biểu của ông không phải vì thù ghét nhưng muốn tìm cho ra chân lý tại sao một Bộ trưởng Quốc phòng lại có những ý tưởng của loài bò sát như vậy. Va chạm căng thẳng kiểu gì mà giặc ngoài biển lộng hành còn tướng trong đất liền thì ôm hôn kẻ gây hấn một cách thắm thiết hơn cả Trọng Thủy hôn Mỵ Châu trước khi ăn cắp nỏ thần?
Rồi tôi lại cố nghĩ theo hướng khác: nào phải mình ông ủng hộ tất cả những chính sách mà Đảng đang theo. Hầu hết Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương đều cách này hay cách khác có cùng nguyện vọng như ông nhưng họ khôn ngoan hơn ông nên không lộ liễu quá. Do kém thông minh ông trở thành ngọn giáo, tự nguyện tìm cách cắm sâu vào yết hầu đất nước.
Khi người dân hèn với chính quyền thì tự do, công lý của họ sẽ mất.  Khi chính quyền hèn với giặc thì chắc chắn nước sẽ mất mà nhà cũng tan theo.
Và chắc gì chức Tổng bí thư sắp tới ông nắm được lâu khi bàn cờ Biển Đông vừa được kẻ thù cũ của ông xóa đi đánh lại với người tình Trung Quốc
 

No comments:

Post a Comment