Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 26 October 2016

LÊ QUANG VINH - TẢN ĐÀ -BỆNH NỔ Ở MỸ -

LÊ QUANG VINH * THĂM THẦY GIÁO CŨ

QTXM: Nhà báo đẹp trai Lê Quang Vinh thời sinh viên.

Một ông giáo đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm mà thế, chứng tỏ trình độ văn hóa - chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của ông ta quá thấp kém; nên dạy dỗ ngu dốt, hoàn toàn "võ đoán", không hề biết tâm lý cũng như nguyện vọng - thẩm mỹ trong mỗi người học trò muốn hướng tới là gì; đã hành xử rất phản giáo dục, làm hại tâm hồn thế hệ trẻ, đáng lẽ ra phải nâng đỡ và bồi bổ cái đẹp cho họ mới phải...Đó là tình hình chung về chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên của nền giáo dục XHCN Việt Nam suốt bao năm qua chứ không phải là trường hợp cá biệt chỉ ở Trường cấp 3 nam Quảng Trạch và cá nhân ông thầy giáo trong bài báo.


THĂM THẦY GIÁO CŨ CÁCH NAY 50 NĂM – NHỚ VỀ LỚP 10 THUỞ ẤY...
LÊ QUANG VINH


QTXM: Nhà báo Lê Quang Vinh vừa gửi cho QTXM một ghi chép cảm động. Anh với Cố nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt – người Ba Đồn, là bạn cùng học, rất thân với nhau; lại cùng làm “diễn viên” trong đội kich nói của Trường cấp 3 Quảng Trạch những năm 1964 – 1965. Cả hai đều mê say thơ – nhạc tiền chiến (1930 – 1945); nên suýt gây nên vụ án “tàng trữ, truyền bá văn hóa đồi trụy, phản động” trong nhà trường. Hậu quả, Lê Quang Vinh bị ghi vào học bạ và lý lịch đoàn viên: “ăn cắp”, “yêu đương lãng mạn”...


Dù vậy, với lòng yêu kính thầy Chủ nhiệm, vừa là Bí thư Đoàn trường nay suýt soát 80 tuổi; sau gần 50 năm, là người học trò duy nhất của lớp, đã tìm thăm lại thầy giáo mình. Bài viết kể lại những kỷ niệm một lớp 10 “vô tiền khoáng hậu” của Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch năm học 1966 – 1967, thời điểm chiến tranh ác liệt nhất tại Quảng Bình mà thầy cô giáo, anh và bạn bè gồng mình, chung sức xây dựng ngôi trường vừa mới được thành lập; cùng vượt lên bao gian lao vất vả để giảng dạy, học tập tốt.


Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường  cấp 3 nam Quảng Trạch (29/4/2007),Thầy Nguyễn Quang Đăng mặc veston ngồi giữa, cùng thầy cô và học sinh các khóa đầu tiên.


Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường cấp 3 nam Quảng Trạch (29/4/2007),

Thầy Nguyễn Quang Đăng mặc veston ngồi giữa, cùng thầy cô và học sinh các khóa đầu tiên.

Hôm 5/1/2016, từ Hà Nội vào TP. Thanh Hóa thăm thầy giáo cũ hồi học lớp 10 (bây giờ là lớp 12) CÁCH NAY ĐÃ GẦN 50 NĂM. Thầy tên là Lê Doãn Cần – dạy Văn lớp 10 đầu tiên của Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa thành lập (năm 1966).


Đấy là tên "chữ", còn tên dân dã trên cửa miệng bao thế hệ học sinh, giáo viên và người dân vùng này là "Trường Nam". "Trường Nam" – Thời chiến trang, suốt mấy chục năm đầu, cái tên “Nôm” (dân dã) này đã đi vào lòng người, vào ký ức; vào thơ, nhạc (“Khúc hát Trường Nam” – từ bao lâu nay, thành “thông lệ” (nếp) là “trường ca” của mỗi mùa tựu trường, hoặc các dịp lễ lạt cho riêng ngôi trường này)... Thế nên sau này trường “bị” đổi sang tên "Trường THPT số 2 Quảng Trạch" (thị xã Ba Đồn) – thì nghe nó “hành chÍnh” quá, khiến ta cảm thấy hơi thiếu đi chút ..."mến thương" thế nào ấy(?). Rồi ngày “nâng cấp” thị trấn Ba Đồn lên “thị xã” (đô thị loại IV), theo Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ - ngày 20 tháng 12 năm 2013, tách ra từ huyện Quảng Trạch; huyện nhà bị chia cắt làm đôi, 9 xã vùng Nam Rào Nậy – Sông Gianh (Nam QT) vẫn được ở lại đô thị này, nằm “thẹo lẻo” mé Tây - Nam “Thị xã Ba Đồn”. Tên Trường THPT số 2 Quảng Trạch, lại mang tên mới thành “Trường THPT Lê Hồng Phong” - Tên này dường như chưa ‘ĐẮC ĐẠO” lắm (?). Bởi theo nhiều người (giới học thức đang sống tại địa phương – trong số này có không ít thầy cô giáo, học sinh từng giảng dạy, học tập tại trường ta): quê hương mình có cụ Nguyễn Hàm Ninh, một Nho sĩ nổi tiếng, lại là Nhà Văn hóa lớn thế kỷ 19. Dưới triều Vua Thiệu Trị, Cụ được giữ chức “Hành tẩu Nội các”, rồi “Viên ngoại lang Bộ Hình”. Năm Bính Ngọ (1846), chuyển sang làm “Lang trung Bộ Lễ”. Ngôi trường này có nên mang luôn tên danh sĩ này - một người con ưu tú của chính quê hương mình - cho thực sự có ý nghĩa về truyền thống, cũng như niềm tự hào đối với các thế hệ con em (cùng nhiều điều khác nữa), liệu có hay hơn không? Cụ Lê Hồng Phong là một lãnh tụ Cộng sản – sức sống sẽ thế nào trong lịch sử VN?


***
Thầy giáo Cần thời đó có vóc dáng người cao, nhẳng (tóm), trông lúc nào cũng “khô khốc” (khắc khổ); khuôn mặt nổi rõ hai hốc xương khiến cồn má như “có cạnh”, cùng đôi mắt hơi lồi. Ông luôn kiệm lời – dầu là “thầy văn” (hào hoa phong nhã) thứ thiệt. Thầy quê ở xóm Bàu, làng Quân Phúc, tổng Nam Dương (sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đổi là xã Lê Hồng Phong) - nay là xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Còn nhớ ông giáo đang thì tuổi “thanh niên” thế, mà cứ giản dị hoài trong bộ đồ “dã chiến” tứ thời: áo sơ mi vải màu “bộ đội” (sẫm hơn tấm màn sô nhuộm lá mướp màu “cỏ úa” thầy trò luôn đeo bên mình để “ngụy trang” mỗi khi đến lớp thời đó), quần Tây vải ka ki xanh “lơ-mơ-rin” (màu nước biển đậm), dép cao su 4 quai, mũ rộng vành bằng lá cọ từ quê thầy đưa vô...Chắc chắn ông giáo trẻ này phải là “đối tượng Đảng”, hoặc cũng là một giáo viên “cứng cựa” số 1 trong dàn 12 cán bộ - giáo viên của trường, mới được giao cho trọng trách vừa là “Bí thư Đoàn trường”, vừa làm “chủ nghiệm” lớp 10 chúng tôi. Sau này có thời gian làm giáo viên cấp 3 Ninh Giang – Hải Dương, tôi mới “đoán” ra như vậy; chứ học trò vào những năm tháng ấy, không ai nghĩ suy gì tới “vai vế” của các thầy cô trong trường đâu. Các vị thực sự như là quý bậc ông bà, cha mẹ trong mỗi gia đình – “kính nhi viễn chi” (敬而遠之) – được kính nể, tôn trọng lắm!
Trước khi đi Thanh Hóa mấy ngày, tôi gọi điện cho các bạn cùng lớp: O Nguyễn Thị Di (người Hòa Ninh, xã Quảng Hòa), anh Nguyễn Văn Nam (người thôn Thọng Thóng, xã Quảng Minh) đang nghỉ hưu tại TP. Vinh – Nghệ An, anh Nguyễn Thế Đạt (đen, lùn người làng Lâm Xuân, xã Quảng Thủy – Biệt danh do bạn bè đặt hồi ấy là “Gia Nã Đại”) ở đâu quanh Hà Nội; đến nhà riêng O Hoàng Thị Lý, O Đoàn Thị Vân (đều người Hòa Ninh, xã Quảng Hòa) và anh Trần Đình Quang (người xóm Đình Sơn, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn) cũng nghỉ hưu tại Hà Nội…để rủ các anh chị này cùng đi (xe pháo đã chuẩn bị sẵn sàng cỗ Hyundai santa fe 7 chỗ nhập khẩu đen tuyền). O Đoàn Thị Vân ốm nặng đang nằm một chỗ, còn tất cả mọi người đều…“lơ đãng”, bởi mỗi lý do khác nhau, nên không một ai cùng đi. Buồn quá chừng.


Khoảng 9 giờ 30′ sáng, tới được nhà thầy giáo ở phường Đông Sơn – TP. Thanh Hóa, thì ông đang đi khám bệnh trong bệnh viện cách mấy cây số. Nửa giờ sau, thầy về và hai thầy trò gặp nhau. Ông giáo đã cận kề 80 tuổi, nhưng vóc dạc và trí não còn khá lắm. Thật mừng cho ông giáo quá.
Sau dăm ba phút hàn huyên, ông giáo khoe: tối hôm qua, dầu đã muộn, em Bảy gọi điện ra thăm thầy cả tiếng đồng hồ. Là người Nam Quảng Trạch (Quảng Bình) thứ 3 đấy. Nó nói là lấy số điện thoại từ Lê Quang Vinh. Giọng ông giáo biểu lộ khá phấn chấn. Được thể, tôi đế luôn vào câu chuyện: nguyên do em tìm được thầy là từ việc viết bài báo cho Nguyễn Quang Lập. Bài báo ấy tên là “Thầy Nguyễn Quang Đạng trong tôi” – Cụ Đạng là thân phụ Nhà văn Nguyễn Quang Lập. (Một số báo, trang mạng khi đăng lấy tít “Dạy và học – thuở ấy…bây giờ”). Trong tập sách “Một thời để nhớ” của thầy giáo Phạm Ngọc Căng – nguyên dạy tại Trường cấp 3 Quảng Trạch từ những năm đầu thập niên 1960, bài báo được thầy tuyển đăng. Qua thầy Căng, em mò ra số máy, địa chỉ của ông giáo…Từ em, ít thông tin về thầy, đã tới được mấy bạn. Trước Bảy, thì Suê – người Minh Lệ, nhân gặp bạn đó tai quê nhà, được Lê Quang Vinh bấm máy để nói chuyện với thầy. Hôm đó nói qua điện thoại cũng cỡ nửa tiếng, thầy trò sau 50 năm nghe lại tiếng nói của nhau vui lắm.
Về Nguyễn Thị Bảy, người Cồn Nâm – xã Quảng Minh, tôi đã cùng học từ lớp 5 đến lớp 10. Trên Facebook của O ấy, hôm qua 10/2/2016 – lúc 0:14, LQV đã có mấy dòng chia sẻ:


“LỚP 10 HỒI ĐÓ, BẢY NHỎ BÉ NHẤT; TÓC VÀNG NHƯ CÁC CÔ GÁI HÀN BÂY GIỜ.

Bọn con trai tụi tui lúc mô cũng chiều chuộng, trân quý Bảy. Nhưng răng bạn ít nói vậy? Nguyễn Hữu Trường người làng Phù Trịch (tên chuẩn là “Phú Trịch”, xã Quảng Lộc) học giỏi cả văn lẫn toán, được “Cháu ngoan Bác Hồ”; lại đồng “giải Nhất thi học sinh giỏi Văn 10 tỉnh Quảng Bình” cùng Lê Đình Thám (người Chợ Sải – xã Quảng Trung – quê hương Tướng Đồng Sĩ Nguyên)…khoe là đắm say Bảy mà cứ câm trong bụng, chả thưa thốt gì. Nó quá giỏi rứa, nhưng khoản ni hắn lại ngu…nhất lớp; nên trượt Bảy trọn đời là phải!
Cuối tháng giêng ni, về giỗ chị Cả tôi tại Vĩnh Lộc (xã Quảng Lộc); sẽ rủ Trường từ Ba Đồn vô Lệ Thủy “áp chế” Bảy để rửa hận cho nó nha!”.
Đúng là “Nhất quỷ, nhì ma; thứ ba…học trò” – Nửa thế kỷ rồi, vẫn còn nguyên trong bọn tui 100%. Phải “cẩn thận”, không là “tai nạn” đấy nghe…!
Tụi tui chắc chắn vô, vì đã có giấy “thông hành” (vi sa) do Nhà giáo Trần Văn Khởi (tran khoi ) – Bạn thân Thi sĩ Ngô Minh, lại là chồng Bảy; cấp cho: “Hôm nay 11/2/2016 vào lúc 12:31 PM – Mình đã đọc. Thật một thời đáng nhớ, một tình yêu khó quên. Chúc mừng bạn, có điều kiện ghé chơi nhé Lê Quanh Vinh”.
(Anh Khởi đọc hai tác phẩm của tôi: THƠ LÊ QUANG VINH
ngominh | 30 Mar, 2015, 08:12 | THƠ | (653 Reads) và CẢM THỨC 42 NĂM TÌNH ĐOẠN TUYỆT
ngominh | 03 Apr, 2015, 07:51 | THƠ | (875 Reads)).


***
Lớp 10 tôi hồi này là lớp của các “anh chị hai”, vốn được học 2 năm tại Trường PT cấp 3 Quảng Trạch (nay là “Trường THPT Lương Thế Vinh” bên Ba Đồn) chuyển về, nên nhà trường đặt “đại” lên là...“mẻ thép” đầu tiên. Bọn tôi không cảm thấy “vinh hạnh” gì với cái tên sáo rỗng đó. Cũng không phải vì cái tên đó mà chúng tôi chăm chỉ học hành hơn. Nhưng phải nói thực thà là, “bộ thầy” hồi đó mới là “thép thật”. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Đăng (người xã Sơn Trạch, Bố Trạch, QB - kiêm luôn dạy Trung văn), thầy Nguyễn Văn An (người xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, QB là Bí thư Chi bộ – dạy Chính trị), thầy Lê Doãn Cần (người Thọ Xuân, Thanh Hóa - dạy Văn), thầy Hoàng Hiếu Nghĩa (người Thanh Khê, Bố Trạch, QB - dạy Toán), cô giáo Lê Thị Hường (người Hòa Ninh - dạy Hóa học), thầy Trần Văn Dũng (người Lệ Thủy, QB - dạy Vật Lý), thầy Mai Xuân Trang (người Nghệ An dạy Địa lý và Sinh vật), thầy Văn Hà Đa (người miền Nam – dạy Lịch sử)...là những thầy cô “truyền lửa” kiến thức cực kỳ bén nhạy, hiệu quả tới trí não – tâm hồn 32 cô cậu tuổi xuân xanh chúng tôi. Tình cảm của các thầy cô dành cho chúng tôi vô tư, trong sáng – đương nhiên cũng có vài thầy “phải lòng” học trò, nhưng không một ai...thành công! Làm sao mà “thành công” được, khi trước mắt chúng tôi là “thiên đường” của các trường đại học trong và ngoài nước từ Châu Á, Đông Âu tới Cu Ba bên kia bán cầu...nhưng chả ai phải thi cử; chỉ cần “lý lịch “tốt ”, hoặc “không có vấn đề gì” (đương nhiên là phải “đỗ tốt nghiệp” phổ thông hoặc BTVH trình độ lớp 10) - nghiễm nhiên sẽ được Nhà nước “ban cho” một ghế - kèm theo cả “cơm áo gạo tiền”, rồi ung dung “mài đũng quần” mà thành các “cử nhân”, “bác sĩ”, “dược sĩ”, “kỹ sư” thôi...(chuyện “nhập ngũ” là không dành cho bọn tôi, nhưng trong năm cũng có vài ba lần phải theo "phong trào" làm đơn tình nguyện “ba sẵn sàng”!).



Cái “mẻ thép” đầu tiên này “tôi luyện” thế nhưng ít người thành đạt – thua hẳn các lớp “đàn em” sau này. Nguyên nhân sâu xa là do cơ chế “tuyển sinh” của Ngành Giáo dục “thời chiến”. Những học sinh xuất sắc, gỏi và khá như Nguyễn Hữu Trường (người Phú Trịch – Quảng Lộc), Lê Quế (người Lâm Xuân – Quảng Thủy), Lê Đình Thám và Lê Văn Dần (người Quảng Trung), Lê Hồng Sơn (người Hòa Ninh – xã Quảng Hòa); nữ thì Nguyễn Thị Di (rất giỏi Lý, o người Hòa Ninh – xã Quảng Hòa); Trần Đình Quang (thôn Đình Sơn) và Nguyễn Thị Nậy (có tên “đẹp” nữa là Hương – “con cấy” (con gái) thôn Minh Sơn), cả hai cùng xã Quảng Sơn; Nguyễn Tường (người Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc)...đều phải đi trung cấp hoặc đại học sư phạm ("chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”)...là tốp trường thấp cấp và rẻ rúng nhất. Sang hơn (“may” và “hên”) là Trần Đình Quang, được tuyển vào Đại học Bưu Điện và Lê Hồng Sơn trường Đại học Mỏ - địa chất. Trong khi, “dàn” các anh chị được tuyển đi học nước ngoài; các trường đại học “đầu vị” như Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Y – Dược, Kinh tế – kế hoạch, Ngoại thương, Thương nghiệp, Công nghiệp nhẹ (đều ở Hà Nội)...đa phần không học giỏi, thậm chí rất dốt nữa (!), bởi có cha chú đang làm cán bộ cốt cán xã, trên huyện trên tỉnh, hoặc con em “bần cố nông”...Trong số này, người học giỏi duy nhất được đi Liên Xô là Đặng Văn Cường (lớp trưởng); nhưng nếu mà học dốt, dứt khoát cũng được “xuất ngoại” đàng hoàng, vì có chú ruột là ông Đặng Chú - đương kim Bí tư Đảng ủy xã Quảng Hòa. Anh Nguyễn Văn Nam, học khá toán lý hóa, có cha làm “cán bộ” (chắc chắn là “Đảng viên”), nhà riêng ở phố hàng Bột – Hà Nội, được vào Đại học Bách khoa (hình như Khoa “Vô tuyến - điện tử” ?).



Nói là ít “thành đạt” nhưng cũng có “thành đạt”...khiêm tốn; như anh Đinh Xuân Hướng (người thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa) - Cục phó Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, anh Đặng Đức Dục (người Hòa ninh, xã Quảng Hòa) - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình. Nghe đâu là có mấy “tiến sĩ mồm” nữa, nhưng tôi không tường lắm nên chưa “vinh danh” được dịp này. Anh Đặng Đức Dục học ngành Kiến trúc – xây dựng bên Cu Ba, về nước vẽ vời được mấy công trình cho thị xã Đồng Hới – có công trình hình thù kỳ dị như “Hội trường tỉnh QB”; rất may, nay đập bỏ...gần hết rồi, chả còn dấu ấn gì nữa của tài năng anh để lại. Anh Nguyễn Hữu Trường (người Phú Trịch – Quảng Lộc) là “ông nghị” huyện nhà mấy khóa; từng nắm giữ chức “Thư ký HĐND”, “Trưởng phòng Văn hóa – thông tin” huyện Quảng Trạch – thời được “lên voi” này, anh thật sự là là người “không biết uống rựơu” nhưng lại "hay uống” nên “say khướt”. Cũng nhờ “say khướt’ nên mới viết được mấy bài báo và thơ “con cóc” rất hay. Anh có làm văn, hiện là Hội viên “Hội văn học – nghệ thuật tỉnh QB” vĩnh viễn; vô cùng oách! Trên đời, ít ai tốt và thương bạn như Nuyễn Hữu Trường. Đãi đằng bạn bè đến “cháy túi mình”, có khi (suýt) cháy lây sang ...quỹ cơ quan (Nguyễn Tiến Vinh – cán bộ thuộc cấp ở Phòng Văn hóa – thông tin huyện Quảng Trạch, khoe từng đi "chữa cháy" cho “Sếp” như vậy).

Ngày hội trường
Tôi vốn được gọi vô học tại Khoa Toán – ĐH Sư phạm Hà Nội II, sơ tán ở thôn Kim Bài, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Một lần sang chỗ Trường đang học là Khoa Văn – ĐH Sư phạm Hà Nội I, sơ tán tại thôn Thượng Bùi, xã Cộng Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên để nhởi (chơi) với hắn; được ăn bánh bao luộc (thực ra là bột mỳ nhào nước lã, vắt ra luộc chứ không phải “bánh bao” có ủ men chua (bột nở) cho phốp pháp lên cùng đường pha ngọt thoáng qua). Được ăn của rứa mà tôi đã quá “khoái khẩu”, vì suốt mấy tháng liền nhai sạu Ấn Độ (ngô bung) hạt to bằng đốt ngón tay, do vỏ quá cứng nên nhiều hôm ngỡ “sái quai hàm”.


Tôi giải bày sự khổ ải bên khoa Toán, Trường liền rủ tôi ở lại, rồi “tự tiện” chui vô học cùng lớp Văn 1D với anh ta. Hộ khẩu và mọi giấy tờ đã nộp ở “trường bộ” tại Khu ĐH Sư phạm Cầu Giấy để có tiêu chuẩn lương thực – thực phẩm, là những thứ “sát sườn”, “sống chết” của người sinh viên. Trong người tôi chỉ còn mỗi “Lý lịch Đoàn viên”.


Có lẽ là “học sinh cá biệt” thế nào ấy, nên lời phê của thầy trong cuốn “lý lịch Đoàn” cực kỳ xấu, tôi quá sợ đành không nộp. Đến buổi chi đoàn lớp Văn 1D sinh hoạt, tôi trốn ở nhà, không thèm đi và nói dối “chưa vào Đoàn”. Nguễn Hữu Trường đã phải mấy lần vất vả mới lôi bằng được tôi ra lớp để sinh hoạt với nó. Nó “uy tín” đến mức “khẳng định mồm”: tui (LQV) là “Đoàn viên” mà thằng Bí thư vẫn tin. Thế là tôi nghiễm nhiên “Đoàn viên” chính thức của chi đoàn như ai. Đoàn viên thời này quan trọng gấp mấy trăm lầm “Đảng viên” bây giờ.


Tôi thực sự là “may hơn khun” (khôn). Vốn trong nhà có anh ruột (đương kim) “trung tá” Quân chủng Phòng không – Không quân, đóng quân ở đường Trường Chinh bây giờ; chị gái thứ 3 là Quận ủy viên – Trưởng phòng Văn hóa – thông tin Khu (quận) Hoàn Kiếm – đều là “Đảng viên” thời chống Pháp. Mự tôi và các anh chị góp tiền mua cho chiếc xe đạp Fa vô rít “mới coong”. Trong lớp Văn1D, chỉ vài cán bộ là giáo viên cấp 2 đi học là có lương và thường cũng có cả xe đạp, sinh viên “phổ thông” không ai có. Thế nên, bạn bè coi chiếc xe này của tôi là “xe công” của lớp, vì đứa mô cũng mượn được. Nguyễn Hữu Trường chưa biết đi, nên chỉ hay ngồi nhờ sau “bác ba ga” thôi. Thằng “bí thư” mượn nhiều nhất. Thằng ni vô Đảng lúc đang lớp 10, người Nghệ An, hiền lắm – tên là Luyến. Khi “kiện toàn” hồ sơ, hắn nói với tôi: “Mi phải nộp lý lịch”. Tui nói: “Tau xé rồi, vì trong đó thầy phê “quan hệ trai gái không lành mạnh”, “yêu đương lãng mạn”; có hành vi “ăn cắp”...nộp vô để “tàn đời” à?”. Thằng Bí thư hỏi lại thằng Trường, Trường quả quyết: “Thằng Vinh hắn nói thàm thàm, thẹ thẹ rứa chơ có chuyện chi mô”! Có lẽ sau đó mấy đứa trong BCH chi đoàn, vì tin thằng Trường, nên trao đổi thế nào mà tôi chỉ “khai lại” lý lịch như “Đòan viên” mới. Án “tại hồ sơ” coi như sạch bong...


Thực ra, tôi có “ăn cắp” cuốn “sổ tay văn học” của Dương Mạnh Đạt thật, khi lộ ra thầy Chủ nhiệm vừa là Bí thư Đoàn trường, hỏi tới là tôi nhận liền, nên mới thành “án” rất nặng. Dương Mạnh Đạt vốn là người bạn rất thân thiết khi hai đứa cùng đóng chung 3 vở kịch ở Trường cấp 3 Quảng Trạch với nhau. Tôi hỏi mượn cuốn sổ, hắn sợ thế nào nên cứ làm khó, thế là tôi lấy luôn. Tôi lấy để chép lại, xong rồi sẽ trả - định bụng thế. Sổ thằng này dày tới nửa gang, chép rặt thơ “lãng mạn” 1930 – 1945 cùng những bản “nhạc vàng” tiền chiến, khiến tôi rất thích, mê li vì nó quá “độc” và “quý” đối với tuổi “đang tìm hiểu” (đang yêu) của tôi – Đó chẳng khác nào là ngọn gió mới mát lành; nguồn sáng lung linh - kỳ ảo, đầy nhân văn đã lập tức lay động trái tim, khối óc, tâm hồn tôi. Nó chép liền tù tì cả cuốn, chả lẫn bài mô là thơ văn, bài hát “Cách mạng” cả. Cuốn sổ ni nếu lọt ra, có khi thằng Đạt bị đuổi học, đi tù nên càng không thể cho ai mượn là thế. Theo quan niệm thời đó – kéo dài tới sau 1975 vài chục năm nữa, thứ thơ – nhạc yêu đương sướt mướt; chỉ “anh” và “em” thôi; là "đồi trụy và phản động"; là "100% tiểu tư sản”, hẳn là "thơ văn của địch"...nên bị cấm tiệt.


Cái dại của tôi là đưa cuốn sổ cho thầy Trần Văn Dũng đọc, thế là thầy cầm luôn đưa về nhà trọ của thầy. Thằng Đạt rất thân với thầy Dũng, vì có “máu” hát hò như nhau. Một hôm, hắn sang nhởi (chơi) thầy, thế là nhận ra cuốn sổ của mình rồi vồ luôn đem về. Cũng ngay hôm đó, Đạt gặp tôi, hắn chả trách cứ gì, còn nhả nhặn nói: “Thông cảm, không thể cho mi mượn được. Vì cuốn sổ ni mà ba mạ tau (ông bà Dương Mạnh Tuyển) điên dại, khổ sở cả mấy tháng vì quá lo cho tau Vinh ạ”. Những điều ni, hồi đó, sao mà tôi hiểu được...Thật buồn bởi từ những người lớn cả thôi. Sau này, biết “ăn cắp sách” là “không có tội” (Trong dân gian vẫn có câu: “Nếu vì mê đọc mà ăn cắp sách thì nên...tặng thêm sách). Tôi mới đỡ xót xa, tủi hổ.


Năm 2002, tôi vô công tác Đà Lạt. Dương Mạnh Đạt vừa qua cơn bạo bệnh (tai biến mạch máu não), tôi đến nhà thăm bạn. Không biết ai kể lại đầu đuôi “hậu quả” của vụ “ăn cắp” này cho hắn biết, nên khi vừa bắt tay nhau xong, anh liền ôm lấy tôi rất lâu và nói: “Tụi mình hồi đó vì quá thơ dại, “bản năng” nên thật sự ngu Vinh à. “Điếc không sợ súng” là rứa, thật may cho cả hai đứa đó”.


Không biết đứa mô mách với thầy Chủ nhiệm về vụ “ăn cắp” này của tôi, thầy Trần Văn Dũng tuyệt nhiên không nói với ai cả. Nếu nói ra, có khi họa cho thầy. Tàng trữ, lưu hành thứ ni (văn hóa phẩm đồi trụy, phản động) thời đó nguy hiểm hơn ma túy bây giờ. Rồi chuyện “yêu đương” nữa. Tôi làm được bài thơ mô là tụi nó chép chuyền tay nhau, ghi luôn tên mình rồi gửi cho đứa đã phải lòng. Nhí nhố “thơ tình học trò” rứa.


(Xin mọi người đọc: “THƠ LÊ QUANG VINH ngominh | 30 Mar, 2015, 08:12 | THƠ | (653 Reads)” và “CẢM THỨC 42 NĂM TÌNH ĐOẠN TUYỆT ngominh | 03 Apr, 2015, 07:51 | THƠ | (875 Reads)” để hiểu thêm).


Thầy xử tôi như vậy là quá nhẹ; nó chỉ nằm im, lưu mãi trong học bạ, lý lịch và ký ức thôi...


***
Có lẽ Lớp 10 tôi là lớp học “vô tiền, khoáng hậu” của ngôi trường này, vì không phiên số hiệu A,B,C...gì cả. Sự “khổ’ cũng là “vô tiền, khoáng hậu” trong “thế giới học đường” của những năm tháng chiến tranh (vào kỳ) ác liệt nhất bởi sự đánh phá dữ dội (điêng cuồng) của máy bay Mỹ - Ngụy. Do đó, suốt mấy tháng hè năm 1966, chúng tôi phải vào rừng đốn cây, vác bộ trên đôi vai trần, chân trần những cây gỗ to, dài nặng gấp 2 trọng lượng cơ thể mình. Suốt mấy chục cấy số đường sông dày đặc thủy lôi và đường bộ, trên đầu máy bay quần thảo liên hồi kỳ trận vô cùng nguy hiểm, vẫn quyết tha được gỗ về để đóng góp cho trường (làm nghĩa vụ) dựng trường lớp, làm trụ - kèo hầm kiểu hình “chữ A” (nghe nói là du nhập bên Triều Tiên, từ kinh nghiệm trong chiến tranh “Trung – Triều kháng Mỹ 1950”). Bàn ghế là ghép từng ống tre nứa; lớp học phải đào đất hạ nền sâu xuống phía “âm ty”, cách “cốt 0” (bình địa) trên nửa thước Tây cho an toàn; rồi (thầy trò) kỳ công xây đắp nên hệ thống “tường thành” - chính là hầm trú ẩn chắc chắn chạy quanh 4 phía lớp học như “đê bao”; cốt sao chống được bom tấn, đạn rốc két (tên lửa không đối đất từ trên máy bay Mỹ bắn xuống) và ngăn mưa gió bão bùng bởi khí hậu khắc nghiệt miền Trung (lắm bão, nhiều mưa nhất nước).


Những cô gái chàng trai bụng luôn đói, mặc rách mà chèo nôốc giỏi dang, đẵn gỗ ngã cây sắc lẹm như “lâm tặc” (thợ rừng); đào đất, ke vác - sương gánh dẻo dai trăm ki lô gam có dư - quả là “nhất thổ - nhì mộc”! Càng không thua kém nông phu (“lực điền”) vì đang sức ăn sức lớn... Đó là Hoàng Thị Suê, Huỳnh Đặng Phằng, Hoàng Văn Duy (cả 3 ở xóm Nam, làng Minh Lệ) và Nguyễn Văn Nam (người thôn Thọng Thóng) 4 bạn ni đều cùng xã Quảng Minh; Mai Thị Nậy (xóm Minh Sơn, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn), Phan Văn Khiêng (xóm Đình Sơn, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn); Lê Quế, Nguyễn Thế Đạt - biệt danh “Gia Nã Đại” (thôn Lâm Xuân, xã Quảng Thủy) – cả hai đều đen trũi; riêng Quế thì cao vời vợi, còn Đạt lại lùn tịt như không có cổ, nhưng khỏe như...“lực sĩ”. Đặng Văn Cường (người Hòa Ninh, xã Quảng Hòa) to cao, vạm vỡ; bạn bè ví là “B52”! (thành biệt danh của anh ta). Cường được “chuyên môn hóa” làm lớp trưởng từ hồi còn học cấp 2; lên cấp 3 thêm chức “Bí thư Chi đoàn” nữa từ lớp 8 đến hết lớp 10. Chàng trai này luôn phải gắng “gương mẫu” cho kỳ được trong mọi hoạt động; nên Chi bộ nhà trường sớm kết nạp “Đảng” trước khi ra trường rất lâu (có lẽ cũng có thêm “yếu tố” chú ruột là “Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa", nên trong máu giàu "truyền thống Cách mạng”, mới “vinh quang” và “đặc biệt” như vậy). Rất tiếc người bạn tốt này đã qua đời cách nay hơn chục năm, do bị suy thận nặng tại Khoa Thận – tiết niệu, Bệnh viện Bach Mai – Hà Nội. Vợ tôi là Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Xuân Hương, là “nòng cốt” trong hội đồng chuyên môn của khoa, đã cùng các bác sĩ có tay nghề vững, chữa chạy cho ca bệnh này. Nơi đây là tuyến y tế cao nhất - tuyến cuối cùng của Ngành Y về chuyên môn, nên anh được điều trị, chăm sóc đúng cách đúng hướng và đặc biệt rồi mà vẫn không qua được. Tôi vô cùng thương bạn.


Lớp 10 năm học đầu tiên này, còn có thêm “sự đặc biệt” về khỏan “văn nghệ”. Nguyên do là tôi từng làm “diễn viên chuyên nghiệp” trong các vở kịch “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm, “Chiếc va ly khủng khiếp” và “Câu chuyện bang Tếch-dát” (Mỹ) của hai năm học bên Trường cấp 3 Quảng Trạch (khi chưa chia tách). Rất tiếc, giờ tôi không còn nhớ nổi tác giả của hai vở kịch sau. Ban kịch Trường cấp 3 Quảng Trạch hai năm học này gồm những anh chị vô cùng tài năng như: Mai Thị Len (người Quảng Thuận), Nguyễn Thị Tòng (người Quảng Liên); các anh Nguyễn Tri Nguyên (người Ba Đồn), Nguyễn Quang Vinh (người đâu Ngoại Hải thì phải?), Cao Xuân Phách (người Quảng Hải)... Thầy Dinh – giáo viên Văn, là đạo diễn. Những năm tháng này, kịch diễn mà có nhân vật nữ mặc váy ngắn (được khâu từ hai chiếc khăn vuông đội đầu của phụ nữ), không hay cũng thành “hay” ai ai cũng muốn xem, chứ chưa nói tới diễn xuất của anh chị em chúng tôi phải nói là rất...“xuất sắc” khi trình diễn 3 vở kịch này! Không những diễn nhiều suất phục vụ tại trường, chúng tôi mấy lần vào trong tỉnh, xuống doanh trại hải quân ở Cửa Gianh để biểu diễn, giao lưu và...”thi thố” nữa! Đội đã gặt hái được vô vàn lời khen ngợi, giải thưởng của huyện, Ty Giáo dục và UBHC tỉnh QB.


Về Trường Nam, thầy giáo trẻ Trần Văn Dũng tài năng, vẹn toàn cả chuyên môn lẫn hoạt động văn thể; thầy trực tiếp tham gia mọi khâu, chung tay dàn dựng lại hai vở kịch “Chiếc va ly khủng khiếp” và “Câu chuyện bang Tếch-dát”. Tôi và Lê Đình Thám là hai diễn viên chính; hình như còn có thêm bạn Lê Văn Dần, Nguyễn Đình Huyền (cả ba anh này đều người Quảng Trung). Ông giáo Trần Văn Dũng thực sự có năng khiếu âm nhạc, đã cùng học trò là Nguyễn Ngọc Khương (người làng Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc – học sau tôi 1 năm) sáng tác nên bài hát “Trường ca Nam Quảng Trạch”. Bài hát đã thành bài ca truyền thống của trường cấp 3 Nam Quảng Trạch – THPT số 2 Quảng Trạch – nay là Trường THPT Lê Hồng Phong, tỉnh Quảng Bình (tên lúc đầu là “Khúc hát Trường Nam” và vị trí đặc biệt của nó như đã nói ở trên). Đội văn nghệ Trường Nam hồi này có những nữ “danh ca” đẹp gái hát hay, lại học giỏi như Hoàng Bích Huyền (người xóm Nam, làng Minh Lệ), Nguyễn Thị Diệu (thôn Hợp Hòa – Quảng Hòa). Rồi mấy nàng tươi xinh nữa như: Đoàn Thị Thơ, Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Thanh – tục danh là “Coóc” (cả 3 O đều người Hòa Ninh) – những thiếu nữ này vừa thi được vào học khối lớp 8.


Lớp 10 có nam “danh ca” Phan Văn Khiêng (người xóm Đình Sơn, thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn) với giọng cao vút, dày hơi và “chảnh” như “Doãn Tần” ngày nay; lớp 9B có “nhạc sĩ sáng tác” đồng thời là “nam ca sĩ” Nguyễn Ngọc Khương. Nghe đồn Khương giỏi thơ nhạc vì trong ban “Thánh ca” của Nhà thờ Vĩnh Phước (Công giáo).
Khi sang giao lưu và thi thố tài năng tại huyện (đóng trụ sở ở làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương) thì Hoàng Bích Huyền được cử làm “người dẫn chương trình” (giới thiệu) cho tiết mục kịch. Giọng nói vùng nam nhẹ và trong trẻo, đôi mắt hình “lá răm” xa xăm sáng như vì sao, dáng người cùng nét mặt thanh tú cùng mái tóc dài thướt tha như “chị Sứ” trong sách "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi; khiêm nhường, độc đáo trong bộ đồ ba ba đen giản dị...đã đốn tim cả mấy ngàn “nam thanh nữ tú” học sinh, thầy cô giáo các trường và bà con địa phương cùng dân Ba Đồn sơ tán về đây. Chưa xem kịch, họ đã vỗ tay rầm rầm...
Chỉ một năm học tại Trường Nam, sau bao biến cố đất nước cùng tình riêng; biền biệt nơi xa xứ mà nhớ thương về cố hương – người cũ, trường xưa; tôi có chùm thơ trĩu nặng ưu tư, nay xin chép lại như là “hồi niệm” của một thời đạn bom đã sống, học tập ...hết mình.


NGÀY XƯA
Ngày xưa tóc tết hai bên
Long lanh ánh mắt, nghiêng nghiêng nụ cười
Má hồng tự nó hồng thôi
Trái tim tinh nghịch trêu người sông trăng…
Ngày xưa áo tím hoa xoan
Nhà em cây thị hương lan ngát trời
Ngày xưa trường nhỏ bên ngòi
Cho ai đến học, thành người hôm nay…
Ngày xưa thật lạ lùng thay
Vài giờ lên lớp mà say trọn đời
Ngày xưa câu hát, tiếng cười
Tan theo điệu múa, lòng người đuốc reo
Đường làng cũng tập “qua đèo”
Bước chân cắm trại, ta trèo lên mây…
“Chàng” – “nàng” không đắm mà say
Không thương mà nhớ, ngất ngây đến giờ
Bóng hình xa lắc xa lơ
Biết đâu “Hợp Phố”(*), nào ngờ hôm nay…
-----------------
(**)Nguyễn Du: “Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về”.



MẮT ƠI

Mắt ơi, sao mắt long lanh ?
Xa xăm giọt ngọc, mong manh nét ngài.
Mắt ơi, mắt sáng sao mai,
Mắt là “sợi nhớ” buộc ai trọn đời…




XÓM NHỎ CHIỀU NAY

Muốn gửi cho em những gì có thể
Con đường xưa xóm nhỏ chiều nay
Câu hát của em thời tuổi trẻ
Vẫn còn đây vang vọng từng ngày
Muốn gửi cho em những gì tất cả
Tất cả một thời áo cánh màu quê
Ngôi trường cũ tuyềnh toàng tre lá
Mà hồn ta rực nắng trư hè…


LQV(20 giờ 39′ ngày 11/2/2016 (Mồng 4 Tết Bính Thân) - 20 GIỜ 34' - 15/2/2016)




VIÊN LINH * TẢN ĐÀ




Tản Đà, ngàn năm thơ thẩn

Viên Linh


1- Ở trong tiềm thức của tôi, ở trong tâm hồn của tôi, mỗi một thời gian khác nhau nào đó, sẽ vẩn lên xao xuyến lay động như một điểm sáng vàng vọt của một ngọn nến một hình ảnh rất buồn. Hình ảnh ấy, ở trong cái trí nhớ mơ hồ của tôi, không bao giờ đậu cho đứng bóng, không bao giờ rõ nét được. Nó nhạt, nó nhẹ, nó thấp thoáng hơn một cái bóng nào nhỏ yếu nhất. Ấy là khuôn mặt đau đớn buồn thảm của Nguyễn Du; ấy là khuôn mặt dày vò hoảng hốt của Nguyễn Gia Thiều; ấy là cái dáng thẫn thờ của Nguyễn Khắc Hiếu. Cái dáng ấy hôm nay nổi lên như một đám mây trắng bồng bềnh trôi lững lờ trong đầu tôi. Hôm nay tôi nhớ đến Tản Đà, người như mây nổi...



Chân dung Tản Đà do Nguyễn Hải Chí (họa sĩ Chóe) vẽ cho Khởi Hành số chủ đề Tản Đà, 56 tháng 6.1970.
(Hình: Viên Linh cung cấp)


Năm 1960, khi còn đang dậy học tại Ban Mê Thuột, tôi mua được một cuốn sách cũ rất quý, cuốn sách đó nó làm tôi nhớ Tản Đà hết sức, buổi chiều hôm ấy trời vừa tạnh cơn mưa dài - cơn mưa kéo liền 3 ngày bằng những trận lớn - tôi ra phố rong chơi bù cho mấy hôm trước. Tới khu phố chợ, trước một rạp chớp bóng, tôi đứng lại mua một gói thuốc. Hồi đó tôi hay hút Phenix. Khi cúi khom người để mồi thuốc trên cây hương cắm nơi cái giá gấp của cô bé bán hàng thì tôi nhìn thấy cuốn sách đó, bầy trên hè, trên một tấm vải nhựa. Tôi tỉnh người cúi xuống cầm lấy. Đó là một cuốn tạp chí Tao Đàn, ngoài in hình Tản Đà. Số 9, ngày 1er Juillet 1939, số đặc biệt kỷ niệm nhà thơ này, mới mất trước ngày số báo đó ra được 24, 25 hôm. Ngày đó là ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Mão, tức là ngày 7 tháng 6 dương lịch 1939.


Hàng bán sách cũ này vẫn ngồi đây, mỗi lần đi dậy, đi chơi tôi đều ngó qua nhưng chưa mua được ở đấy một cuốn nào cả. Tôi cầm chắc phải mua cuốn này song chưa biết nên trả bao nhiêu, vì giá chính của nó nơi bìa là 25 xu. Tôi ngó lại khắp mặt hàng và thấy một cuốn nữa có thể mua được, đó là cuốn Sáng Tạo số mùa Xuân 1957. Tôi đưa cả 2 cuốn ra hỏi giá. Họ đòi mười đồng. Tôi thích lắm nhưng vì tính tôi không được rộng rãi nên tôi trả 7 đồng. Trả xong, ngó xuống khuôn mặt tươi cười của Tản Đà tôi bỗng thấy xốn xang trong lòng. Tôi nhìn người bán sách. Ông ta gật đầu.


2- Ngồi trong tiệm uống, trong khói thuốc, trong tiếng nhạc bốc ra từ cái máy cũ mèm, tôi nâng niu cuốn sách lên ngang ngực để xem. Tôi lật ra một trang đầu: Bây giờ đây, khi cái nắp quan tài đã đậy lại. Tôi tức cười vì lời hô hùng tráng như tiếng xuất quân ấy của tác giả Tiếng Thu, khi tiễn Nguyễn Khắc Hiếu về trời. Tôi đọc hết cuốn sách ở đó. Tôi yêu Tản Đà hơn trước nhiều. Và tôi yêu tất cả những ai nói về Tàn Đà - chỉ trong những lúc nói về Tản Đà - lúc ấy họ dễ yêu hơn vì trong sáng hơn, vì thực hơn. Cái hào quang nơi Tản Đà tỏa ra trùm lên họ, lột trần họ giữa một không gian biệt lập. Nơi này họ tràn ngập ánh sáng thiên sủng của ông, và họ rụi hết những che bọc bên ngoài. Những ai đã nói về Nguyễn Khắc Hiếu đều chịu nhận lãnh cái ánh sáng đó. Sau khi nói về ông thì hoặc họ nổi lên hoặc họ chìm xuống. Nổi lên vì qua cái ánh sáng mặc khải đó họ tỏ mặt là người trung thật y như con người của họ hoặc chìm đi vì cũng qua cái ánh sáng mặc khải đó họ lộ mặt là kẻ che đậy và tầm tầm. Vì thiên tài văn chương của Tản Đà là một ngọn hải đăng đứng chứng cho nền văn học đầy cuồng lưu của ta; vì khí huyết tâm thể của Tàn Đà là một thứ thuốc thử vàng. Vì “... thằng cha này hắn viết ra tư tưởng của hắn, chính hắn mới là tay sáng tạo.” (1- xem chú thích cuối bài) Tản Đà sinh năm 1888 và mất năm 1939. Năm mươi mốt năm đó sống ở đời, ông đã làm được gì?


3- Tản Đà nói: “Con người ta ở đời, có hai thái độ đáng quý, một là làm thánh hiền, hai là làm hào kiệt. Nhưng đem so sánh thì làm hào kiệt vẫn sướng hơn. Cái cuộc đời ấy mới là ồ ạt.” (2)


Ông thích vậy. Thích cái thái độ ấy, thích làm hào kiệt, thích sống ồ ạt. Tản Đà có sống như vậy được không, ai cũng dư biết. Ông mang tư tưởng tâm hồn mình ra để làm Triết Lý, để làm Đạo Đức. Ông mang tài, tình cùng ngôn ngữ của mình ra để làm Văn Học, để làm Thi Ca. Ông mang rượu, máu của ông ra để chung đúc những tài năng ấy và để làm những tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm ấy là “Khối Tình Con I” “Khối Tình Con II,” “Giấc mộng Con” “Giấc mộng lớn” v,v... và trong đó có một tác phẩm tự-thân: đó là Tản Đà.


Tản Đà buồn chán đời sống nhưng không dùng rượu làm phương tiện trục xuất cái buồn chán ấy, kiểu “uống rượu tiêu sầu.” Ông không uống rượu với ý nghĩ rằng uống để phá sầu, giải sầu, trục sầu, tiêu sầu gì ráo. “Uống rượu tiêu sầu?” Thực ra đó không phải là một thái độ xuất phát tự lòng anh, tự sự suy tưởng, nghĩa là tự sự sáng tạo của đời sống. Đó chỉ là một cuộc bắt chước dài suốt từ thế hệ này sang thế hệ kia. Đó chỉ là một hình thức có sẵn cho những ai buồn. Và anh thấy buồn nên anh chui vào đấy. Anh không kiếm ra (bằng suy tưởng cũng như bằng hành động: bằng sáng tạo) một lối giải quyết riêng, một thái độ thật. Hình thức đó lâu dần thành một công thức. Ở đấy, nó thành một công thức cho mấy nhà giáo lười.


Nhưng Nguyễn Khắc Hiếu sống suốt đời mình bằng sự sáng tạo. Nguyễn Khắc Hiếu là Sáng Tạo. Bởi thế ông uống rượu là sáng tạo, ông uống rượu là suy tưởng và hành động để thực hiện đời sống, xây dựng mình và thể hiện mình. Đó là cuộc vận động miên tục, cuộc sống ồ ạt say mê của Nguyễn Khắc Hiếu. Vậy thì rượu không phải là một phương tiện để quên lãng và để trốn tránh Thực Tại - cũng như để quên lãng và trốn tránh mình - của Tản Đà. Do đấy, Tản Đà cũng chẳng phải là thi sĩ của mộng.


Khác với những người uống rượu để say sưa, để làm một kiểu thưởng thức hay trụy lạc, Tản Đà uống rượu tựa như Lý Quì, tựa như Võ Tòng, kiểu hảo hán, kiểu anh hùng hào kiệt Lương Sơn Bạc. Việc đó cũng như việc Tản Đà làm báo rao giảng thuyết Thiên Lương vậy. Trước sau gì ông đều là hào kiệt của cuộc đời, dù thể xác yếu đuối và cuộc đời chộn rộn.


Sức trong non yếu ngoài chen rấp
Một cây che bóng bốn năm chiều.


Nguyễn Khắc Hiếu cũng không có cái lối uống rượu để tiêu dao, để lấy tiên-cốt gì hết. Tản Đà vốn là hào kiệt, ông uống rượu là hào kiệt cốt, có gì là lạ.


Chạy dài cõi bắc non xanh
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa muôn dặm, biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.
Vẫy tay thôi đã rời xa,
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn tênh.

Nội những bài thơ dịch được tâm hồn của Tản Đà tôi thấy bài này là nhất (3).


Tâm hồn ông là niềm nhớ tiếc bâng khuâng của một kẻ xa nhà, xa quê hương, xa vợ con, nhưng gần gũi bạn bè, đàn đúm nơi tửu quán, những bạn bè tụ tập trong một mưu sự, những bạn bè ở Nam Kỳ. Ở một nơi nào, đâu đó mà ta không biết mặt nghe tên. Những bạn bè tan hợp như chim trên những vòng xê dịch hàng ngày. “Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly.”


Ở trong trí nhớ của tôi, Tản Đà phiêu lãng, nhưng thấp thoáng rất nhanh trong khung cửa sổ cố định, qua một cái cổng sắt của một nhà ga mù mịt khói tầu hơi nước, qua một tấm kiếng cửa xe ô tô, nay đây mai đó, “giang hồ mê chơi”...


Cái khí cốt giang hồ của ông, cái khuôn mặt nở nang tươi cười của ông vô định như một đám mây trắng. Luôn luôn là một cuộc thử, tất cả là một cuộc thử liên tục:


Thử xem trời biển rộng bao nhiêu...
.................................................
kể từ độ giang hồ lạc phách...
Hám đạn liều tên, quyết mũi dao.


Ông sống trong những giờ phút như vậy. Luôn luôn như vậy. Cái can trường của Tản Đà không phải ở trên “mũi dao” ở trên “ngọn tên,” ở trong “hòn đạn” v.v... nhưng là ở trong việc vận động với thất bại. Cuộc vận động trường kỳ và trường chinh với mình. Làm đi làm lại, và làm đi làm lại nữa. Cuộc thử này, cuộc làm đi làm lại này chỉ bị ngắt giữa bằng một câu nói thoảng qua:

-“Hỏng mất, ông ạ, ...” (4)


Nói xong, câu nói đã là một lưỡi dao ngọt như nước chém đứt cuộc thử trước ở đấy, Tản Đà lại bắt đầu một cuộc thử khác. Và cuộc thử này xong ông liền nói:

-“Hỏng cả ông ạ!” (5)

Và lưỡi dao sắc như nước ấy lại cắt đức một cuộc vận động thất bại để lại bắt đầu. Lần này ông bỗng nói:

-“Hỏng mất ngài ạ.” (6)

Hỏng, hỏng và hỏng, nhưng không vì thế mà cái di sản của Tản Đà ít ỏi đi. Cái di sản ấy ngày nay đầy ở trên trời. Nó bay bồng bềnh khắp nơi, nó thơ thẩn khắp nơi, nó tụ lại thành những trùng mây trắng nhẹ nhàng.


Và những đám mây trắng bồng bềnh ấy hôm nay nổi lên trôi lững lờ trong đầu tôi. Hôm nay tôi có những niềm vui, nhẹ, hôm nay tôi có những nỗi buồn thoáng qua, hôm nay tôi nhớ đến Tản Đà giang hồ hào kiệt của tôi. Niềm vui ấy, nỗi buồn ấy, Tản Đà ấy, lãng đãng như một con bạch hạc, một con hoàng hạc, vỗ đôi cánh bay xa, vút lên không, cao vút, cao vút, cao tít tắp rồi vỡ bung ra như một quả bông mùa hè thành những đám mây nổi, là là trở lại trái đất buồn phiền của chúng ta. Nhưng thân xác con chim hiếm ấy đã đi mất:


Cái hạc bay lên vút tận giời:
Giời đất từ đây, xa cách mãi,
Cửa động, đầu non đường lối cũ.
Ngàn năn thơ thẩn bóng giăng chơi


Nhân sắp tới ngày giỗ ông, ngày 20 tháng 4 âm lịch năm nay, tôi viết những dòng này để tưởng niệm ông, một người ngàn năm thơ thẩn như mây trắng, như trăng trong, không bao giờ có thể khuất được nữa.

Tất cả như câu thơ của ông dưới đây:

Bụi hồng trong thẳm như ngày chưa xa.


Tản Đà luôn luôn đứng ở đâu đó, trong cuộc đời đáng yêu này.

Saigon 1962, Tạp chí Văn Nghệ.


(1) Phan Khôi, trong “Tôi với Tản Đà thi sĩ” Tản Đà số 10 Jujllet 1939.

(2) Theo Nguyễn Tuân, trong “Chén rượu vĩnh biệt,” Tao Đàn số 9.

(3) Bản dịch bài Tống hữu nhân của Lý Bạch; nguyên văn: Thanh sơn hoành bắc quách, Bạch thủy nhiễu đông thành. Thử địa nhất vị biệt, Cô bồng vạn lý chinh. Phú vân du tử ý, Lạc nhật cố nhân tình. Huy thủ tự tư khứ, Tiêu tiêu ban mã minh. Trần Trận Kim, Đường Thi trang 173, dịch như sau:


Chắn ngang bắc quách non xanh,
Dòng sông trắng xóa, đông thành chảy quanh.
Bùi ngùi chốn ấy đưa anh,
Mái bồng muôn dặm lênh đênh bến bờ.
Người đi theo bóng mây xa,
Băn khoăn tình bạn, bóng tà khôn lưu,
Vẫy tay từ đấy xa nhau,
Tiếng kêu ban mã rần rầu bên tai.


(4) Trong bài “ông Tản Đà đi bàn việc để tái bản An-Nam tạp chí” của Nguyễn Công Hoan sách kể trên.

(5) Trong bài “Tản Đà ở Nam Kỳ” của Ngô Tất Tố.

(6) Trong bài Tản Đà tửu điếm” của Nhất Lang. Xem thêm.

(7) “Tản Đà ở Nam Kỳ” của Ngô Tất Tố. Bài “Tản Đà tửu điếm” của Nhất Lang.

​​
TẢN ĐÀ TỚI LONG XUYÊN
Trần Thế Kỷ



Ai trong chúng ta lại chẳng từng được thưởng thức những áng thơ tuyệt tác của Tản Đà. Ông được xem là nhà thơ Việt Nam lớn nhất thế kỷ 20.


Năm Đinh Mão (1927), tờ An Nam Tạp Chí của thi sĩ Tản Đà bị thất bại, phải tạm đình bản.
Đây cũng là dịp tốt để nhà thơ thực hiện chuyến thăm miền Nam theo lời mời trước đó của nhiều bạn bè thân hữu.

Tản Đà đi đến đâu được trọng vọng đến đó:
Phong lưu chẳng thiếu đâu đâu, nước non đưa đón khắp hầu gần xa.

Trong chuyến Nam du lần này, đáng nhớ nhất có lẽ chính là chuyến thăm Long Xuyên mà sau này nhà thơ có ghi lại trong bài: “ Thú ăn chơi”: Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.


*
* *



Chiếc xe thổ mộ bon bon lăn bánh trên con đường đất hai bên xanh mát những hàng sao. Đường bằng phẳng lại thêm ngựa khỏe và cổ xe còn mới nên xe chạy khá êm. Gió mát buổi sớm khiến khách trên xe thấy lòng thơ thới. Một đàn cò trắng bay dịu dàng trên nền trời không một gợn mây. Hồn quê nhịp theo tiếng vó ngựa lóc cóc.

Không kể ông già đánh xe, thảy có bốn người, ba phụ nữ và một người đàn ông. Tuổi gần bốn mươi, dáng hơi đẫy, ông ta có gương mặt hồng hào, đôi mắt sáng và mái tóc hơi điểm bạc. Đó chính là Tản Đà, nhà thơ nổi tiếng từ Bắc chí Nam.

Ngồi đối diện với thi sĩ là một thiếu nữ tuổi gần đôi mươi, nước da trắng trẻo, vóc người thanh tú, mặc bộ bà ba bằng lụa mềm mại.

- Sắp tới làng Kiến Hòa chưa cô? Tản Đà hỏi người bạn đồng hành.
- Dạ, sắp tới rồi thầy Hai. Thiếu nữ lễ phép đáp. Thầy Hai tới đó chắc có chuyện chi?

- Đúng vậy. Tản Đà mỉm cười. Tôi tới đấy thăm người bạn là ông Cai Tổng. Cô em chắc người vùng này?

- Thưa phải. khi nào xe tới nhà ông Cai Tổng, em sẽ nói thấy Hai biết.


Thiếu nữ như muốn nói gì thêm nhưng lại thôi, chỉ tủm tỉm cười để lộ hai má lúm đồng tiền trông duyên dáng đáo để, khiến trái tim đa tình của thi sĩ đập liên hồi.



*
* *


- Cho xuống, bác Ba ơi!

Thiếu nữ nói lớn. Cỗ xe từ từ dừng lại trước cổng một ngôi nhà to ngói đỏ tường vàng tọa lạc trong một khu vườn rộng trồng nhiều cây ăn trái.

- Tới nhà ông Cai Tổng rồi thầy Hai.

Cô gái nói với Tản Đà. Cả hai cùng xuống xe. Cô ta tự nhiên mở cổng với vẻ rất quen thuộc.


- Tía ơi, có khách.

Cô nàng nói với người đàn ông mặc bộ pyjama đang lúi húi bên mấy chậu hoa trước nhà. Đó là một người tuổi trạc năm mươi, có vóc dáng tao nhã và gương mặt hiền hậu dễ gần. Nghe tiếng thiếu nữ, ông ta ngẩng nhìn ra phía cổng. Tản Đà nhận ra ngay chính là ông Cai Tổng năm ngoái trong dịp ra Hà Nội đã ghé thăm nhà thơ và hết lời mời mọc vào chơi Long Xuyên khi có dịp.


- Hóa ra cô em là con gái ông Cai Tổng. Tản Đà ngạc nhiên. Sao khi nãy trên xe không cho tôi biết.

Cô gái không đáp, chỉ mỉm cười, ông Cai Tổng thấy khách quý thì rất đỗi sung sướng, vội bước tới tay bắt mặt mừng.

- Thật vinh hạnh cho tôi được thi sĩ Tản Đà viếng thăm.

- Ủa, té ra Thầy Hai là Tản Đà thi sĩ. Đến lượt thiếu nữ ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt. Sao khi nãy trên xe không cho em hay.

- Tiên sinh đi đường xa hẳn là mệt nhọc. Mời tiên sinh vào nhà để vợ chồng tôi được hầu chuyện.

Ông Cai Tổng ân cần nắm tay nhà thơ đoạn quay sang con gái:
- Con đi pha ấm trà ngon và gọi má ra yết kiến tiên sinh.


Phòng khách của ngôi nhà gợi cho Tản Đà một cảm giác thân quen. Thật ra nó không khác mấy so với những nhà khá giả khác: phía cuối là tủ thờ gia tiên, giữa nhà là bộ bàn ghế bằng gụ hoặc cẩm lai, bên phải là bộ ván ngựa bằng gỗ mun...nhưng điểm thú vị ở đây khiến nhà thơ cảm thấy gần gủi chính là kệ sách lớn nằm sát tường bên trái với hàng trăm cuốn sách, thảy được đóng bìa cứng cẩn thận. Sách chữ Tây có, chữ Hán có nhưng đa phần là chữ quốc ngữ mà hầu hết là về văn chương. Đặc biệt trong đó có nhiều sách do chính Tản Đà sáng tác hoặc dịch thuật như Khối tình, Thề non nước, Đại Học, Kinh thi... chứng tỏ chủ nhân là người có học, biết trọng thơ văn.


Chủ và khách ngồi được một chốc thì cô gon gái và bà mẹ cùng bước ra. Cô bưng bộ trà rất đẹp, có khi làm ở bên Tàu hay Nhật Bổn. Bà mẹ tuổi ngoài bốn mươi, dáng vẻ hiền lành với gương mặt thật phúc hậu. Bà cúi đầu chào quý khách, rót trà mời khách và giới thiệu con:

- Thưa tiên sinh, vợ chồng tôi có cả thảy bốn đứa, ba gái, một trai. Hai đứa lớn đi lấy chồng xa. Con Tư này học song Pri-me thì nghỉ, còn thằng út đang học trên tỉnh, sắp lấyThành chung.

- Ông bà thật may mắn có cô Tư xinh đẹp quá – Tản Đà cười, liếc nhìn thiếu nữ. Chắc khối cậu chết mê.
- Ôi chao, nó kén lắm, tiên sinh ơi. Bà mẹ lắc đầu. Con trai ông quan tỉnh hỏi, nó chưa chịu lấy. Chỉ cần nó gật đầu, người ta tới rước nó ngay. Vậy mà...

- Thôi, bà và con Tư chuẩn bị cơm nước mời tiên sinh. Ông Cai Tổng khoát tay. Để tôi hầu chuyện tiên sinh.


*
* *



Bên ấm trà ngon, chủ khách say sưa đàm đạo với nhau về đủ mọi chuyện trên đời: Chuyện quốc sự, chuyện mưa nắng, chuyện văn thơ, đặc biệt là tình hình sáng tác của chính Tản Đà thi sĩ.

Chẳng mấy chốc đã sắp đến giờ ngọ. Bữa tiệc đãi khách bắt đầu được cô Tư và mẹ dọn ra.

- Ôi chao, tôi sắp được một bữa đại yến đây!

Tản Đà xuýt xoa nhìn những món ngon được đặt lên tấm ván ngựa. Gồm hai mâm. Một con gà quay vàng ươm, một chú vịt luộc tròn trịa. Cả hai nằm chung một mâm với chai rượu ngâm thuốc Bắc. Mâm kia để đầy khế chua, rau sống, gừng lát, chuối chát, ớt nguyên trái, thịt ba rọi luộc chín xắt ra từng miếng, bánh tráng, một chén nước mắm... Nhưng trung tâm của mâm này chính là một dĩa to đựng món mắm nổi tiếng của vùng Long Xuyên – Châu Đốc mà Tản Đà sẽ không bao giờ quên.

Thức ăn đã dọn xong, ông bà Cai Tổng mời nhà thờ cùng ngồi lên ván, bắt đầu bữa tiệc. Cô Tư không ăn chung, ngồi ghế chờ sai bảo.


- Đây là món gì? Tản Đà chỉ tay vào dĩa mắm, mùi thơm của mắm khiến nhà thơ ứa nước miếng.

- Thưa tiên sinh, đây là món mắm do chính con Tư nhà tôi làm.

Bà chủ mau mắn đáp. Bà ta vừa nói vừa lấy bánh tráng cuốn mắm, khế chua,...Xong cho vào một dĩa không.

- Bánh tráng cuốn này chấm với nước mắm ăn rất ngon. Mời tiên sinh dùng thử - Bà Cai Tổng hai tay cầm dĩa bánh tráng cuốn đưa cho Tản Đà. -Tiên sinh dậm thêm trái ớt hoặc tép tỏi lại càng đậm đà hơn.

Thi sĩ cứ y như lời, dùng ngay, không khách sáo. Ăn tới đâu, đã mồm tới đó. Càng ăn, càng đã. Chẳng mấy chốc mâm có mắm gần cạn. Nhà thơ tuyệt nhiên không động đũa tới món gà, vịt. Những thứ đó không còn lạ gì. Ông bà Cai Tổng thấy nhà thơ ăn uống ngon miệng lấy làm sướng dạ lắm.


- Xin hỏi cô Tư làm món mắm này như thế nào?

Cuối tiệc, Tản Đà quay sang hỏi cô con gái cưng của gia chủ.

- Dạ thưa, cũng đơn giản thôi. Cô Tư lễ phép đáp. Chỉ việc lấy cá lóc hoặc cá bông, lựa con to đánh vẩy, cạo vây, rửa sạch ngâm muối trong khạp chừng nữa tháng...

- Rồi sao nữa? Tản Đà lại hỏi. Giọng nói dễ thương cũng như sự duyên dáng của cô Tư khiến nhà thơ chăm chú lắng nghe.

- Dạ thưa, để mười lăm ngày cho thấm, vớt cá ra chặt bỏ đầu, lột da, lóc xương, lấy thịt thái nhỏ rồi ướp đường, bột ngọt...


- Rồi sao nữa? Tản Đà lại hỏi, mắt cứ nhìn cô Tư chằm chằm, không biết vì muốn tìm hiểu nghệ thuật làm mắm hay vì cô Tư dễ thương quá.

- Dạ thưa, sau đó lấy đu đu sắt nhuyễn từng sợi, vắt mủ phơi một ngày, cho đu đủ dẻo, xong cho mắm vào khạp, lấy gạo lức rang xay nhuyễn làm thính rãi đều, đậy khạp thật khít. Mắm cho vô khạp độ tuần lễ là ăn được.


- À, cả một nghệ thuật. Thế mới biết nghề ăn cũng lắm công phu. Cô Tư giỏi quá, đủ cả công dung ngôn hạnh.

Tản Đà tấm tắc khen làm cô Tư hai má ửng hồng, cười bẽn lẽn. Rồi ra chiều hả hê, nhà thơ lim dim hai mắt, ngâm nga mấy vần thơ:


Còn trời, còn nước, còn non
Tiền trình vạn lý, anh còn chơi xa”



*
* *


Tản Đà ở chơi Long Xuyên mấy ngày thì về Hà Nội, kết thúc chuyến Nam du.

Về đến nhà, lòng nhà thơ bừng lên nỗi nhớ miền Nam. Nhớ da diết. Từng khuôn mặt thân quen của bạn bè trong đấy lần lượt trở về trong tâm trí. Nhưng người nhà thơ nhớ nhất chính là cô con gái cưng của ông bà Cai Tổng ở làng Kiến Hòa. Nhớ hai má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười, nhớ dáng đi mềm mại, nhớ hàm răng trắng đều, nhớ giọng nói ngọt ngào ...


Nhớ nhiều lăm. Nhiều lúc nhà thơ muốn vào ngay Long Xuyên để được thấy lại khuôn mặt người con gái đáng yêu. Không ai cấm nhớ. Nhưng nhớ thì làm được gì. Giá chưa từng gặp còn hơn!

Biết vậy, nhưng nhà thơ vẫn cứ nhớ:


Bốn phương mây nước, người đôi ngã
Hai chữ tương tư, một gánh sầu.



Cứ thế, ôm mối tương tư, nhà thơ trở nên lẫn thẩn suốt cả tháng liền, người cứ rạc cả đi. Ai có hỏi dạo này sao có vẻ đăm chiêu, ít nói, Tản Đà tiên sinh chỉ cười gượng gạo:


- Nhớ mắm Long Xuyên.


Tác giả: Trần Thế Kỷ





Giai thoại về Tản Đà

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888, mất năm 1939, ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Quê ông ở gần núi Tản sông Đà, nên ông lấy hiệu là Tản Đà. Ông thông minh, học chữ Hán giỏi, nhưng thi mấy khoa không đỗ, sinh ra chán nản. Sau ông bỏ nghề thi cử, chuyên làm thơ, làm báo. Thơ ca của ông khá gần gũi với thơ ca dân gian, có một nghệ thuật đặc biệt điêu luyện, được nhiều người ưa thích.

Tương truyền Tản Đà rất thích ăn rau sắng, nhất là loại rau sắng chùa Hương. Nhiều lần ông đã ca tụng thứ rau này trong thơ ca của mình.


Khoảng năm Nhâm Tuất (1922) ông ở trong một hoàn cảnh rất túng bấn, đến dịp hội chùa Hương 18 tháng 3 ông không đi được. Ngồi nhà nhớ hội chùa, nhớ rau sắng, ông ngâm bài ca tự tình rằng:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.


Sau đó bài thơ được phổ biến trên báo.

Cuối tháng 3 năm ấy, ông bỗng nhận được một bưu kiện gửi đến, không đề là của ai. Mở xem thì là một bó rau sắng chùa Hương còn xanh tươi, kèm thêm mảnh giấy con đề 4 câu thơ rằng:


Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa,
Không đi thời gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Ký tên: Đỗ Trang nữ.

Nhà thơ vừa cảm động, vừa lấy làm lạ không biết món quà của ai. Với trí óc đầy mơ mộng, ông gọi ngay người cho quà là "người tình nhân không quen biết". Ông không biết gửi lời cảm tạ về đâu, nên đành làm một bài thơ đăng lên báo vào mục Truyện thế gian. Bài thơ như sau:


Mấy lời cảm tạ tri âm
Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình.
Đường xa rau vẫn còn xanh,
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào.
Yêu nhau xa cách càng yêu,
Dẫu rằng suông nhạt còn nhiều chứa chan,
Nước non khuất nẻo ngư nhàn,
Tạ lòng xin mượn "thế gian" đưa tình.



VŨ CÔNG HIỂN * BỆNH NỔ Ở MẼO


 alt


VŨ CÔNG HIỂN

Bệnh "nổ" ở Mẽo rất thịnh hành



Tự dưng, nghe nói "nổ dzăng miểng" thì có lẽ ai cũng hơi giật mình, nhưng nghĩ lại, thì chuyện "nổ" trong nước Mẽo này là chuyện dài "nhân dân tự dệ".



Hôm rồi, "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" nên mới được nhìn thấy một tấm "bi-di-nít cạc" (business card) của một vị ở đâu tuốt bên Tếch-xịt (Texas), ghi chép rất lộng lẫy: "Tiến Sĩ Nguyễn Văn Tuyến, chuyên viên Thuế Vụ". Người đọc rất lấy làm khâm phục vì ít khi có vị tiến sĩ nào chê "dóp" của các cơ quan chính phủ hay tư nhân mà đi làm thuế lui cui một mình. Chừng đến khi đọc kỹ lại mới biết ngài Tiến Sĩ có tới mấy cái bi-di-nít-cạc lận! Cái thì đề "chuyên viên địa ốc", tờ thì viết "chuyên viên bảo hiểm xe, nhà, động đất..."


Hóa ra lại một ngài Tiến-Sĩ-Nổ nữa, giống như một vị khoe có mấy cái bằng tiến sĩ ở Cali, nhưng nghe người ta đồn thì ngài nói tiếng Anh như mấy ông phương Bắc mới qua An Nam bán lạc xoong: "Ai... lồ lồng, lồ nhôm, lồ sắc, lồng hồ, dàng dụng, bạc dụng bán hôn?". Cách phát âm y hệt như một chàng sửa xe, lúc nào cũng khoe có bằng Master of Mechanic! Ngay trên tấm thiệp đề tên tiệm sửa xe, chàng đề sau tên chàng một chữ M.A. thủ đắc cái giấy Thạc Sĩ thật lớn, trông oai khiếp!



Rồi mấy văn phòng bảo hiểm xe hơi & kế toán khai thuế cũng thấy bằng tiến sĩ luật, văn phòng bảo lãnh thân nhân đi du lịch cũng do một ông tiến sĩ cai quản. Tạ ơn Trời, người Việt di tản tài năng thiên phú, lấy bằng tiến sĩ dễ như ăn ớt vậy!


Nhưng sao lại có người cho rằng mấy ông tiến sĩ đó là "Tiến Sĩ Nổ"?




Vậy thì bệnh "Nổ" phát sinh ở đâu ra?



Hình như sau khi sang Mỹ, khí hậu thay đổi, từ miền nhiệt đới qua xứ lạnh, dễ bị lạnh cẳng, nhiều người di tản phải nổ đùng đùng để hâm nóng cơ thể lên hay sao ấy, nên đi đâu cũng nghe tiếng nổ? Vừa mới gặp nhau lần đầu đã vội vã khoe "nhà tôi rộng cả mấy héc-ta..", hoặc "nhà tôi trị giá trên ba bốn trăm... bạc triệu đã trả off rồi". Con cái thì ra trường bác sĩ, kỹ sư như kiến.



Cậu nào, cô nào cũng làm cả hai ba trăm ngàn một năm. Vài vị ca tụng con mình làm "hai trăm đô một giờ" và thở dài mấy hơi làm như vẫn còn ít lương quá. Các cô tiểu thư, theo lời của các vị làm cha mẹ, đều lấy bằng hoa hậu hết. Cô nào cũng cả chục chàng theo. Người nghe, ai cũng khoan khoái vì dân tộc mình giỏi giang, văn chương chữ nghiã cùng mình, hầu như không có ai làm việc loại lao động mà người Mỹ gọi là "cổ xanh" (blue collar) cả. Lại cũng hân hoan vì cha mẹ nào cũng bái phục con sát đất, không còn cảnh "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" nữa.



Đến thăm mấy ông bi-di-nít thì nghe tán dương "căn phòng này rộng mười mấy ngàn que-phít (square feet)" (có khi rộng đến vài chục ngàn que-phít) mặc dầu chỉ cần vài người khách hàng là cửa tiệm có mòi chết đứng vì không chỗ đặt chân. Hôm nọ, gặp một chàng khoe nhà có nuôi gà nòi, người nghe mới buột miệng hỏi: "Ủa , ở thành phố mà nuôi gà được sao?".


Chàng bèn hất hơi cao cái cằm lên một tí và nhìn người hỏi với một cái nhìn thương hại: "Nhà tôi tuy ở phố nhưng dư điều kiện nuôi gà." Ngừng một hai giây cho câu nói thấm vào hồn người nghe, chàng mới tiếp: "Nhà tôi những mấy ác cơ (acre) lận! Mà nhà rộng mấy ác cơ là có điều kiện nuôi gà." Một chủ nhân ông ở xứ Thung Lũng hoa vàng, có cái biệt thự trên đỉnh đồi, có hai đường đi lên đi xuống khác nhau, muốn hù người bạn Hát Ô mới sang trong một bữa tiệc họp mặt, rút cái rê-đít cà (credit card) ra dí dí vào mắt chàng Hát Ô:


"Biết cái gì đây không? Cái này là cạc vàng, gôn cạc đấy, trị giá hai trăm ngàn trở lên, tiền đấy, muốn xài lúc nào cũng được. Anh phải ở đây hai mươi năm và đi làm lương cao mới được nhà băng nó tặng cái cạc này!"


Vừa mới qua Mỹ, chân ướt chân ráo, đi làm có mấy tít một giờ, chàng Hát Ô nghe nói cả trăm ngàn thì đớ lưỡi, nể nang quá, vì chắc mẩm đời mình tàn tạ rồi, làm gì có cơ hội có cái thẻ đó. Lại gặp một ông chủ tiệm phở ăn mặc rất sang trọng. Ông chủ ngắm nghía cái cà-là-vạt mác Good-Will của chàng Hát Ô một cách tội nghiệp, rồi tự móc cái ca-la-hoách của ông ra mà dứ dứ vào người đối diện, hỏi:"Anh biết cái tai này của tôi bao nhiêu tiền không? Của Ý đấy! Gioọc Dô Ạc Ma Ni (Giorgio Armani) đấy!" Nghe mấy chữ "Gioọc Dô, Gioọc ra" được phát âm một cách trầm trọng, chàng Hát Ô ú ớ, mặt cứ nghệt ra, vẻ Cả Đẫn rõ rệt. Ông chủ tiệm phở đợi một lúc rồi mới phán:"Trên năm trăm đô đấy, chưa kể thuế!". Những tiếng mấy trăm đô cùng mùi phở ở trên người ông bay ra làm chàng Cả Đẫn lảo đảo. Chưa hết, ông lại nổ thêm một quả cho chàng lăn đùng ra: "Anh biết không, tôi có lệ là cứ mỗi năm, đúng tháng Tết và tháng hè, đến Bun-lóc (Bullocks) để mua một bộ vét, bất kể giá cả, và cũng không cần mặc làm gì. Ngoài ra, nếu có họp hội gì long trọng, tôi phải còm măng một bộ khác. Hãng Bun-Lóc biết thế, nên cứ ra một kiểu mới nào, lại gửi đến nhà tôi. Bây giờ, nhà tôi toàn đồ vét, mang ra bán cũng mất một thời gian!". Lấy ngón tay chỉ vào cái huy hiệu con ngựa đang co cẳng mầu xanh trên ngực áo sơ mi, ông thở dài, nhún vai: "Hồi này thú thật với anh, kinh tế xuống, chỉ dám mua cái áo này có vài trăm thôi".


Hãi hùng quá! Chủ một tiệm phở mà oai như vậy, thì chủ một khách sạn còn kinh khiếp bao nhiêu! Một anh bạn trẻ khác, thấy dân mới qua đi đôi giầy có mười lăm tì ở Payless Shoe Source, thì tự tụt giầy mình ra, giơ lên cao, ngắm nghía: "Đôi giầy Bali của Ý này sơ sơ có ba xín thôi, đi vào đã như đi trên mây vậy!". Người tuổi trẻ này lái một chiếc xe Xêlicà (Celica) mới toanh, được năm tháng thì phải năn nỉ một tên bạn khác xài giùm chiếc xe này cho khỏi bị "tâu", vì lương tháng không đủ cho chàng uống cà phê, sau khi đóng tiền xe, tiền bảo hiểm, tiền share phòng… Chàng đành chịu mất toi tiền deposit khi mua xe, còn hơn bị tâu (tow) xe và bét rê-đít (bad credit). Bạn chàng, một người thích chơi nổ khác thì mua cái xe Mẹc Xê Đì (Mercedez), nhưng chỉ khi nào đi lấy le thì mới dám chạy, còn thường thì chàng cho đậu ở gara, vì không có tiền đổ xăng!



Với các nàng, thì lại có lối nổ khác. Một bà chủ tiệm "neo" (nail) tre trẻ, vẻ mặt rất căng thẳng, thì thầm với cô bạn: "Tối nay, em phải "oọc đơ" trước ở tiệm Noọc-xơrom (Nordstrom) ép chàng vào lề. Chàng xuống xe, hỏi chị muốn gì, chị liền cười tình với chàng rồi rủ chàng vào khách sạn!".


Trong một tiệm bán tạp hóa, một nữ sĩ caraokê đứng hát tỉ tê vài lời rất ướt át, mặc cho các khách hàng khác, cả nam cả nữ, đứng ngẩn người ra nhìn. Chừng như hát cũng chưa đủ đô, nữ sĩ nói một hơi với mấy cô bán hàng: "Em biết không, tuần nào chị cũng được mời đi hát ở mấy tiệc cưới rồi hội đoàn. Mỗi lần chị hát, người ta cứ ngẩn người ra mà vỗ tay." "Mà chị hay hát bài gì ?" "Chị ấy à, nhạc tủ của chị là Trịnh công Sơn. Chị hát không thua gì Khánh Ly!" Người nghe cứ tưởng tượng rằng giọng Khánh Ly mà xêm-xêm giọng chị, chắc nhạc Trịnh Công Sơn đã yểu tử tự hồi nẫm rồi.



Một vài bà phu nhân, từ xửa xưa vốn học sinh, rồi lên xe hoa về nhà chồng, nay bon chen vào chốn cộng đồng, cũng "nổ" lên bằng bộ đồ nhà binh bóng loáng, đi giầy bốt-đờ-sô cồm cộp, rồi chào tay cũng oanh oanh liệt liệt. Mà chào tay cũng đúng cách lắm, nhìn xa, tưởng ít nhất cũng mang ba hoa bạc… Hỏi ra, mới biết chồng bà cũng chưa có ngày nào biết "khởi đi bằng chân trái" như lời Dương Hùng Cường ta thán trong phim "Người Tình Không Chân Dung" ngày xưa.


Đi thăm mấy vị cựu quân nhân, công chức thì thấy cứ tự động thăng quan tiến chức ầm ầm. Trung Sĩ y tá thành trung tá y sĩ, hạ sĩ thành thiếu úy, nhân viên thường thành giám đốc... Người viết có dịp quen với một ông thiếu tá Cảnh Sát Đặc Biệt một thời gian lâu, mãi sau mới biết ngài thiếu tá cũng là Cảnh Sát Đặc Biệt thứ thiệt, nhưng chức vụ cuối của ngài là "Hạ Sĩ Tài Xế!" của một vị thiếu tá khác! Trong nhiều cuộc lễ lạc, mấy ngài vốn chuyên viên "văn phòng tứ bảo" biến thành Biệt Động Quân họăc Nhẩy Dù hết (hình như họ cho là các Sư Đoàn Bộ Binh không đánh giặc hay sao ấy?).



Ai cũng mặc rằn ri cho oai. Nhưng, thật ra, mấy cái nổ trên chỉ là pháo tép thôi, chưa có "dzăng" miểng vào mặt người đối diện bằng khi một người bạn cho biết anh ta là vị tổng tư lệnh có 15000 quân hiện đang đóng tại biên giới Thái Lan, không phải ở biên giới Lào Việt, cách xa biên giới mình cả mấy giờ chim bay! Tưởng tượng chỉ cần tiền nuôi ăn cho 15000 lính đó cũng đủ ná thở, chưa kể quân trang quân dụng, vũ khí, đạn dược... Rồi doanh trại cho 15000 người đó, chắc tiền điện, tiền nước, tiền phôn cũng khùng luôn! Chưa kể tiền làm vệ sinh cho hàng ngàn cái toa lét nữa! Cha chả, 15000 người không phải là con số nhỏ, làm sao chính phủ Thái Lan lại không biết cà ? Rồi tập trận, huấn luyện ở đâu ? Hễ có tập trận phải có tiếng nổ, mà nổ thì dân chúng quanh vùng phải nghe, Việt Cộng phải thấy, vậy mà không ai lên tiếng phản đối gì cả ! Bộ có phép thần thông đi mây về gió, phi thân trên mái nhà, hay phù phép gì mà những mấy sư đoàn đó không ai nhìn thấy hết? Trong sinh hoạt chính trị, lại còn một lô những bộ trưởng, thủ tướng, (cũng may chưa có tổng thống!), và chủ tịch lia chia.


Những chức vụ vô thưởng vô phạt như Trưởng một hội ái hữu học sinh hay hội đồng hương cũng đều mang danh hiệu "chủ tịch". Có lẽ danh xưng "Hội Trưởng" nghe không nổ bằng danh xưng "chủ tịch" nên ai cũng đua nhau làm "chủ", hay tại vì đã ngấm trong tim, câu "Chủ Tịch *** vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta" nên nhiều nguời cũng mong được điền tên mình vào câu đó để thành chủ tịch vĩ đại. Số lượng chủ tịch đông đến nỗi nếu đi chợ thì sẽ gặp chủ tịch nhiều hơn là hội viên! Và cũng từ đó mà tranh chấp nhau, thanh toán nhau tơi tả. Thông cáo, thông báo được phân phát như bươm bướm. Truyền thông, truyền thanh biến thành dụng cụ nổ tan xác nhau trong mỗi mùa bầu cử.Chẳng cần phải có đạo đức nghề nghiệp như xứ Mẽo gì xấc cả. Năm nay 2016 có tranh cử dân biểu tiểu bang đơn vị 27, nghị viên khu vực 2,4,6,8,10 San Jose, thế nào bà con làng trên xóm dưới lại nghe những tiếng nổ banh xác như cây thông bị cháy vì xác pháo trong khu thương mại trên đường Xì-to-ri.


Tình đồng hương, tình đồng môn, tình di tản, tình đồng đội bị nhạt đi, thay vào đó là sự tiêu diệt lẫn nhau một cách đau đớn. Đủ loại đạn nổ chụp HE của pháo binh bắn ra kinh hoàng. Cùng chống Cộng, nhưng không chung đường lối, không chung chủ tịch là một bên biến thành Cộng Sản trước, rồi bên kia biến thành "ăng ten" sau. Cùng đồng môn một trường có tới nhiều năm học chung, lại chia hai, xé ba, rồi đâm đơn kiện nhau, dành chức chủ tịch, đến nỗi người Mỹ họ nghi ngờ tuốt luốt và cho là cộng đồng Việt phân hóa trầm trọng. Vì là bệnh chia rẽ di truyền bản chất trăm con bị chia ra 50 mươi theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên núi.


Chính quyền địa phương San Jose và các dân cử địa phương có thể vì đó mà giảm những chương trình phúc lợi cho cộng đồng, bớt "dóp" cho người Việt, không cần lắng nghe tiếng nói trung thực của ngưới Việt, có thể có kỳ thị sắc tộc với người Việt…nên suốt bao nhiêu năm mà không có lấy một cái trung tâm sinh hoạt. Nhưng nhiều kẻ lại thích đội đĩa các ông tay bà đầm dân cử Huê Kỳ kiếm tí phân…


Những chương trình lớn như kêu gọi Nhân Quyền cho Việt Nam, giải thể chế độ độc tài, bất công, nhũng lạm của Cộng Sản tại quê nhà đã bị mất đi một phần hữu hiệu. Các chính khách, chính quyền bản xứ nếu muốn tiếp tay với cộng đồng để chống Cộng cũng ngần ngại không biết liên lạc với bên nào mà không bị nổ chết chùm do đó họ cũng đánh bài "lờ" cho chắc ăn.


Chung quy cũng là tại tính ham "nổ", hám danh! Ô hô! Ai tai! Đau đớn thay và tức tưởi thay! Biết dến bao giờ người mình mới bớt "nổ" và sống hiền hòa như những ngày giản dị năm xưa, để danh dự của người Việt Nam mình được thật sự tôn trọng, để công cuộc đòi Tự Do, Dân Chủ cho dân mình được thành công?


Posted by NGUYỆT-SAN VIỆT-NAM at 19:38

Email ThisBlogThis!Share to TwitterShare to FacebookShare to Pinterest

Labels: VŨ CÔNG HIỂN :Bệnh "nổ" ở Mẽo rất thịnh hành

HỒI KÝ KALE * TRẠI TÙ CỘNG SẢN





17 Năm Trong Các Trại Cải Tạo

Hồi Ký Kale



Được đề cập: Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn…,Huỳnh Tấn Mẫm…, nhóm Bừng Sống,… Ban A17…, “Lực Lượng Thanh Niên Cứu Đói”…, “Nhóm Ký Giả ăn mày” …, luật gia Ngô Bá Thành…, Phật Giáo Ấn Quang…, ni sư Huỳnh Liên…


Lời Mở Đầu


Tôi không là văn sĩ, và cũng không có tham vọng làm một nhà văn. Tôi không phải là một nhà ái quốc theo đúng nghĩa của nó. Tôi chỉ là một người Việt Nam bình thường, làm những công việc bình thường trong một quốc gia không bình thường! Giống như hàng trăm ngàn người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi đã vào những trại tập trung của Cộng Sản, cái mà chúng đặt tên là “Trại Cải Tạo”, để rồi đã phải trải qua suốt gần 17 năm dài ở trong ấy. Viết những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn làm một chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chứ không có tham vọng kết án những cái gọi là “tội ác của Cộng Sản” hay nêu gương những người anh hùng bất khuất ở trong đó.

Những người Việt “Quốc Gia” mà trong đó có tôi đã thất bại trong cuộc chiến mà người Mỹ đặt tên là “Chiến Tranh Việt Nam” – cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Việt Nam -. Tôi không biết kết quả thật sự của cuộc chiến ấy là người Mỹ đã thắng hay bại mặc dù sau khi “Chiến Tranh Việt Nam” chấm dứt thì khối Cộng Sản đã lần lượt sụp đổ, nhưng điều mà tôi thấy rõ là những người Việt Quốc Gia đã phải chết trong các Trại Cải Tạo của Cộng Sản hay đang phải lưu vong khắp thế giới, và những người Việt Cộng Sản đang ngự trị trên toàn lảnh thổ Việt Nam. Chúng ta đã thất bại vì chúng ta đã không nêu được cái chính nghĩa “Quốc Gia” trong khi “Việt Cộng” có cái chính nghĩa “Giải phóng” đất nước của họ. Những nhà lãnh đạo của chúng ta đã làm gì trong thời gian chiến tranh, điều đó hẳn là hầu hết chúng ta đã nhìn thấy! Chúng ta đã bị lãnh đạo bởi những người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay tập đoàn hơn là quyền lợi chung của đất nước. Chúng ta mệnh danh là những người “Việt Quốc Gia” nhưng lại trở thành những người đánh thuê cho Mỹ. Khi Mỹ rút lui thì chúng ta không còn một khối người “Việt Quốc Gia” nữa mà đã trở thành những toán quân rã ngũ. Đa số những nhà lãnh đạo thì lo đi tìm sự an toàn riêng cho bản thân và gia đình họ, phần lớn còn lại thì âm thầm hoặc tìm phương lẩn trốn ra nước ngoài hoặc nộp mình vào các trại cải tạo để mong hưởng sự “khoan hồng” của “Đảng và Nhà Nước”.


Ở trong trại Cải Tạo, chúng ta cũng không có một sự đoàn kết nào mà lại sống âm thầm, nghi ngờ nhau, đổ lổi nhau, hoặc tự chia rẽ nhau. Cộng Sản đã khai thác triệt để những nhược điểm ấy để dể điều hành các trại cải tạo của họ.


“Mỗi người Việt Nam đều có trong đầu một ông quan”, không biết cái thành ngữ này có đúng hay không, nhưng tôi thấy không ai trong chúng ta muốn làm một con ốc trong một cổ máy mà chỉ muốn làm người điều hành cổ máy ấy mà thôi, để rồi rốt cuộc thì chẳng ai có một cổ máy nào để điều hành!


Chúng ta đã thất bại và những người Cộng Sản đã chiến thắng. Điều ấy là một thật tế không thể chối cải được! Mặc dù giờ đây thì đất nước ta đang bị cai trị bởi một chủ nghĩa “phi nhân” trong khi cả thế giới đã phải từ bỏ, điều quan trọng mà tôi thấy được là đất nước ta không còn chiến tranh nữa, dân tộc chúng ta không còn chết chóc tang thương nữa. Phần còn lại của chúng ta và của các thế hệ mai sau là làm thế nào để đất nước Việt Nam chúng ta thoát khỏi những tắc nghẽn của một chủ thuyết sai lầm để mà tiến lên.

Tôi viết những trang hồi ký này chỉ để ghi lại những gì đã diễn ra cho chính bản thân tôi cũng như cho những người bình thường nhất ở trong những cái gọi là “Trại Cải Tạo” của Cộng Sản. Tất nhiên còn nhiều điều mà tôi không được chứng kiến hay trải qua, cũng như những điều mà tôi không thể nào nhớ hết được. Vì thế tôi mong những ai đã sống trong giai đoạn ấy nên ghi lại và tổng hợp thành một bức tranh toàn diện về các trại cải tạo của Cộng Sản Việt Nam.

Như tôi đã nói, tôi không là một nhà văn cho nên không có trình độ để trao chuốt văn ngôn. Các bạn đọc nên xem đây như là một lối kể chuyện của một người bình thường. Đối với những ai đã sống trong các trại cải tạo thì coi như đây là một đóng góp để nhớ lại thời gian đen tối và đau khổ của chúng ta. Còn đối với những ai chỉ nghe nói đến hai chử “Cải Tạo” thì coi như đây là một sự tìm hiểu thêm về một giai đoạn của đất nước.


Ghi nhớ tất cả các bạn đồng cảnh và những người đã chết trong các trại Cải Tạo.
Gữi tất cả tình thương về mẹ!


KALE


o O o




Phần 1


Tôi Đã Ở Lại



Chương 1 .Dấu Hiệu Đầu Tiên: Cuộc Di Tản Chiến Thuật.



Trước ngày 30 tháng tư năm 1975, những tin tức về sự mất mát ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến tôi rất lo lắng. Là nhân viên của cơ quan tình báo chính quyền Nam Việt Nam, điều gì sẽ xãy đến cho tôi một khi Cộng Sản tiến vào Sài Gòn? Tôi đã nghe thấy nhiều về những sự thãm sát ở Huế khi Cộng Sản tiến vào thành phố ở miền Trung này vào Tết Mậu Thân, 1968. VC dùng dây kẽm gai cột người ta lại với nhau rồi chôn sống; VC bắt người ta phải tự đào hố rồi bắn chết họ trong ấy. . . . Những cuộc di tản của hàng trăm ngàn người từ những thành phố miền Trung là một bằng chứng xác minh sự sợ hải của nhân dân đối với Cộng Sản. VC tạo sự kinh hoàng trong nhân dân ngay cả đối với những người dân thường. Dưới chiêu bài giải phóng, VC tạo nên cuộc chiến để nhằm thôn tính miền Nam Việt Nam; chúng thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và bắt đầu cuộc chiến chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mà chúng gọi bằng ngụy quyền miền Nam Việt Nam.


Khi quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam, VC đổi chiến tranh Việt Nam thành cuộc chiến chống lại cái mà chúng gọi là Đế Quốc Mỹ. Chúng đồng hoá Mỹ với Pháp; chúng nhập chung cuộc chiến tranh Việt Nam với cuộc chiến chống Pháp thành một. Thật ra, Cộng Sản đã cướp công của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp để rồi chúng thôn tính miền Bắc Việt Nam biến thành một quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản. Việt Nam bị chia thành hai quốc gia: Miền Bắc Cộng Sản và Miền Nam Dân Chủ. Hai nước sẽ phát triển riêng rẽ để chờ một cuộc thương thuyết để thống nhất đất nước. Thể chế chính trị của quốc gia sẽ định đoạt bởi người dân qua một cuộc tổng tuyển cử dưới sự kiểm soát của tổ chức quốc tế. Tôi không muốn kể lại đây lịch sử của đất nước tôi vì đã có nhiều sách vở đề cập đến vấn đề này, nhưng vì có vài chi tiết có liên quan đến việc tôi đã ở lại đất nước trong khi hàng trăm ngàn người dân đã ra đi trong những ngày của cái gọi là “giải phóng” của Cộng Sản.


Ba tôi đã gia nhập tổ chức Việt Minh, một tổ chức do Cộng Sản thành lập nhằm mục đích quy tụ dân chúng để chống Thực Dân Pháp. Ông đã bị giết trong cuộc chiến ấy vào năm 1952, trước khi hoà ước Genève được ký kết, do đó tôi là con của một gia đình có người anh hùng đã chết trong chiến tranh, một “liệt sĩ” theo như danh từ của Cộng Sản. Tôi không thể hình dung được cha tôi như thế nào vì ông đã chết khi tôi mới lên bảy, và ông đã bỏ nhà đi vào mật khu từ khi tôi mới lên hai. Tôi nghe nói ông là một cán bộ kinh tài của quân du kích. Trên đường đi công tác, ông cùng một người bạn bị phục kích và bị giết sau khi ông đã bắn chết hai lính lê dương và một lính Pháp. Tôi vẫn thường có một ít tự hào về cha tôi. Tôi còn có ba anh chị họ tập kết ra Bắc vào năm 1954, và tôi có nghe nói họ đã đi du học ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Một người bác của tôi cũng là một người Cộng Sản; ông ta bị bắt nhốt ở trại tù Côn Nôn từ năm 1956 đến năm 1962. Sau khi thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động cho VC và chết năm 1970; ông ta cũng là một liệt sĩ! Với một gia đình như vậy, đôi lúc tôi nghĩ đơn giản rằng VC sẽ không trừng phạt tôi một khi chúng vào Sài Gòn.


Mặt khác, tôi nghe nói rằng Cộng Sản là những người vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc; họ chỉ có duy nhất Đảng Cộng Sản của họ mà thôi! Trong tình trạng mập mờ đó, tôi không thể tưởng tượng được họ sẽ đối xử với tôi thế nào khi sự việc xãy ra!


Sự thiếu hiểu biết về Chủ nghĩa Cộng Sản, về những người Cộng Sản khiến tôi cùng nhiều người dân miền Nam bị lẩn lộn giữa những người Cộng Sản với những nhà ái quốc. Khi còn trẻ, tôi vẫn thường tôn sùng những người Cộng Sản, đặc biệt là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, tôi đã đồng hoá họ với những nhà ái quốc. Tôi cũng từng nhập chung cuộc chiến tranh Việt Nam với cuộc chiến chống Thực Dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Tôi đã từng làm nhiều bài thơ yêu nước đăng trên những tạp chí Sinh Viên. Thêm vào đó, sự lộn xộn của chính phủ Nam Việt Nam từ Tổng Thống Ngô đình Diệm đến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khiến mọi người dân miền Nam trông chờ một chính phủ vững mạnh ngỏ hầu có thể xây dựng đất nước. Hầu hết nhân dân miền Nam thường trông về cơ cấu chính quyền miền Bắc như một mẫu mực mà họ mong muốn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Bắc Việt đã ở tại vị từ năm 1954 đến năm 1975 có lẽ là một minh chứng hùng hồn cho một cơ cấu chính quyền vững chắc!


Mặc dù có nhiều điều tồi tệ đã xãy ra trong khối Cộng Sản, từ Liên xô, Trung Quốc, và các nước Đông Âu, chúng tôi vẫn hy vọng Cộng Sản Việt Nam sẽ khác hơn. Những cuộc đấu tố ở miền Bắc trong giai đoạn cải cách ruộng đất sau 1955 với những cảnh con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, cũng chưa đủ thuyết phục để nhân dân oán ghét Cộng Sản. Những hình ảnh về cuộc thãm sát tại các vùng tạm chiếm của Cộng Sản bị nghi ngờ là chiến thuật tuyên truyền của Chính Phủ Nam Việt Nam. Dân chúng bị lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu về những người Cộng Sản. Họ không thể phân biệt giữa chủ nghĩa Yêu Nước với chủ nghĩa Cộng Sản.



Cuộc di tản chiến thuật khỏi Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng được loan báo như một việc thực thi Hiệp Định Paris. Tôi chẳng biết gì về nội dung của Hiệp Ước này, nhất là những điều mật ước mà tôi nghe nói về việc phân chia đất nước tại vĩ tuyến 12 ở Phan Rang, một tỉnh miền Trung, để nhường cho Mặt Trận Giải Phóng. Hầu hết những gì tôi nghe được thường là những tin đồn. Trong một quốc gia đang có biến động chính trị, tin đồn nhiều khi còn được tin tưởng hơn những gì mà chính phủ phổ biến.



Mặc dù là một nhân viên tình báo của chính quyền Nam Việt Nam, tôi không hề học tập về Chủ Nghĩa Cộng Sản. Trong nhiệm vụ hàng ngày, tôi chống lại những tổ chức của Sinh Viên thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Tôi chỉ biết rằng đó là những tổ chức con đẻ của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, một tổ chức của VC. Tôi đã thành công trong việc tái chiếm Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học vào năm 1972 từ trong tay của nhóm Bừng Sống, một tổ chức của Cộng Sản. Mặc dù bị lên án tử hình trên đài phát thanh giải phóng vê việc ấy, tôi vẫn thờ ơ. Họ chỉ biết bí danh tôi chứ không biết tên thật của tôi, hơn thế nữa, tôi vẫn đang sống trong vùng của mình. Ngược lại, nếu Cộng Sản chiếm Sài Gòn, điều gì sẽ xảy ra cho tôi một khi họ biết tôi là ai? Sự lo lắng cộng với sự thiếu hiểu biết khiến tôi không còn biết phải làm gì.




Chương 2 . Những Điều Đó Xảy Ra Chính Trong Gia Đình Tôi.



Ngày 19 tháng tư năm 1975, sau khi đưa vợ tôi vào văn phòng để làm việc, tôi ghé qua nhà mẹ tôi như thường lệ. Tôi gặp Tài, em tôi vừa từ Đà Nẳng về đến nhà. Tài là trung sĩ Thông Dịch viên trong Hải quân Nam Việt Nam. Đà Nẳng là một thành phố lớn ở miền Trung và cũng là một hải cảng quan trọng. Tài chỉ còn một bộ đồ dính thân vì đã phải trải qua bao nhiêu phương tiện mới về được đến nhà. Em tôi đã kể lại cho nghe bao nhiêu chuyện kinh khủng mà nó đã chứng kiến trên đường đi từ Đà Nẳng về Sài Gòn. Khi ở trên một chiếc tàu, một người đàn bà nhờ nó bế dùm đứa con để bà ta đi tìm một đứa khác đã bị thất lạc; sau đó bà ta biến mất vào đám đông. Nó không biết phải làm sao, và làm thế nào để bế đứa trẻ về nhà trên một lộ trình quá xa như thế, do đó nó đưa đứa trẻ cho một người lạ rồi chạy đi mất. Dân chúng chen chúc nhau leo lên tàu; nhiều người bị rơi xuống biển chết chìm.

- “Tại sao em không đi luôn ra ngoại quốc?” Tôi hỏi Tài.

- “Vì họ ra lệnh về Sài Gòn để chống lại VC.”

- “Em có thấy VC vào Đà Nẵng không?”

- “Không, tôi chẳng thấy ai ngoài dân chúng di tản khỏi Đà Nẳng. Họ ra lệnh chúng tôi rời Đà Nẳng cho VC, nhưng tôi chẳng thấy VC nào trong thành phố khi tôi rời nơi ấy. Tôi cũng không hiểu sao chúng ta lại thất bại mà không có cuộc đụng độ nào.”

- “Em có nghe nói gì về những mật ước của Hoà Ước Paris không?”

- “Họ nói nhiều về những điều này, nhưng thật ra tôi không được ai phổ biến một cách chính thức hết khi họ ra lệnh rời Đà Nẵng.”

- “Làm sao em về được đến nhà?” Tôi tò mò hỏi.

- “Đầu tiên, tôi đi theo tàu tôi về đến Cam Ranh. Từ đó đến Vũng Tàu, tôi lên được một chiếc tàu của Hải Quân Mỹ vì tôi là Thông dịch viên.”

- “Sao tàu em không về Sài Gòn?”

- “Tôi không biết; nó đi luôn ra đảo Phú Quốc.”

- “Em thấy gì trên đường về Sài Gòn?”



- “Dân chúng sợ hải; họ nói đến VC và những cuộc tàn sát dù họ chẳng thấy một tên VC nào trong thành phố. Họ chen chúc nhau trên đường ra hải cảng. Họ chất mọi thứ lên xe đạp, xe gắn máy, hay gánh lên vai. Trẻ con khóc lóc vì lạc mất cha mẹ; vài người nằm chết trên vỉa hè. Hàng ngàn người dân rời bỏ nhà cửa khi nghe VC về đến hoặc nghe các đơn vị quân đội ta rút lui. Anh làm trong Phủ Trung Ương Tình Báo, anh có biết gì về chương trình của Chính Phủ hay của Mỹ đối với tương lai của đất nước ta hay không?” Tài bất thần hỏi tôi.
- “Không!” Tôi lúng túng trả lời.



Tôi bảo Tài lấy quần áo tôi thay ra vì nó quá dơ sau hơn mười ngày đường. Khoảng 10 giờ, Lân, anh họ tôi từ cơ quan đến. Anh ấy là thượng sĩ Hải Quân. Vào Quân Đội từ năm 1962, anh ta làm về truyền tin trong Hải Quân Việt Nam ở tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn. Anh ấy đến hỏi tôi có định sửa soạn đi với anh ta ra ngoại quốc khi cần thiết không. Tôi trả lời anh ấy: “Tôi nghĩ chắc Cơ Quan của tôi đã chuẩn bị chương trình riêng cho nhân viên rồi. Trong trường hợp khẩn cấp, tôi sẽ gặp anh ngay.”



Thật ra tôi không biết phải làm sao trong lúc ấy. Nghe tin về trình trạng căng thẳng của đất nước, tôi rất phân vân. Chúng ta có thể chiến đấu chống lại VC nếu họ tiến vào Sài Gòn; tại sao lại phải rời bỏ đất nước mà không chiến đấu chứ? Quân Lực chúng ta vẫn hùng mạnh. Vũ khí chúng ta vẫn còn đầy đủ ngay cả nếu Mỹ có ngưng viện trợ đi nữa. Tôi không thể hiểu nỗi tại sao chúng ta lại thua khi chúng ta đang giành được chiến thắng trên mặt trận và ngay cả ở hậu phương. Những sự rút lui của các đơn vị quân lực chúng ta khỏi các tỉnh miền Trung mà không có một trận đánh nào xãy ra đã làm dân chúng đâm ra hoang mang sợ hãi. Dân chúng di tản khỏi các thành phố mặc dù chưa thấy một VC nào tiến vào. Toàn bộ sự kiện ấy đã tạo nên một sự rối ren chưa từng thấy cho đất nước.



Tôi nhìn ra đường phố trước nhà. Tiệm sửa xe đạp và xe gắn máy vẫn mở cửa như thường lệ. Tiệm tạp hoá vẫn ồn ào. Tiệm may và hớt tóc vẫn có khách. Vài người bán hàng rong đang rao hàng. Bộ hành vẫn ung dung. Xe hơi, xe gắn máy, và xe đạp vẫn qua lại. Mọi cái dường như vẫn sinh hoạt bình thường; không thấy một dấu hiệu nào của chiến tranh. Dân chúng Sài Gòn đã quá quen thuộc với chiến tranh kể từ năm 1945; họ nghe tiếng súng một cách lơ đểnh ngoại trừ trường hợp nó nổ ngay bên cạnh họ.


Năm 1954, một triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam; họ đã kể lại bao nhiêu điều ghê gớm về Cộng Sản, nhưng dân miền Nam vẫn nghi ngờ. Dân miền Nam đoán rằng những người dân miền Bắc vì quá nghèo đói đã vào Nam để kiếm sống. Chủ nghĩa Cộng Sản hay Chủ Nghĩa Xã Hội trong đầu óc của người miền Nam chỉ đồng nghĩa với sự đói nghèo. Sự tuyên truyền của Chánh Phủ Nam Việt Nam không đủ để chiêu dụ nhân dân miền Nam chán ghét chế độ Cộng Sản, thường thì dân chúng nghĩ đến quyền lợi của họ hơn là lý tưởng chống Cộng. Bên cạnh đó, họ vẫn cho rằng nếu VC tiến được vào Sài Gòn, họ có thể có đủ thời gian để rời khỏi đất nước: Cuộc di cư của hàng triệu dân miền Bắc sau hiệp định Genève là một minh chứng cho ý nghĩ đó.



Tôi vẫn nghĩ đã có sẵn một kế hoạch di tản riêng của cơ quan tôi khi sự việc diễn ra, nhưng tôi lại nghĩ mọi việc không đến nỗi quá tồi tệ đến như vậy! Tôi chẳng hề muốn đi đến Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào khác. Tôi sẽ ở lại đất nước nếu Cộng Sản để tôi làm một người dân bình thường, nếu không có sự trả thù. Mặc khác, tôi nghĩ Việt Nam sẽ tạm thời là một quốc gia trung lập khi chiến tranh chấm dứt. Một cuộc thương thuyết sẽ diễn ra sau đó để bàn về việc thống nhất đất nước. Trong thời gian ấy, tôi có thể chọn lựa giữa việc ở lại hay ra đi.


Chiến tranh Việt Nam là cuộc Nội Chiến hay cuộc chiến giữa Chủ Nghĩa Cộng Sản và Chủ Nghĩa Tư Bản, cuộc chiến tranh Giải Phóng hay cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ. Đó chỉ là những danh từ! Dân tộc Việt Nam ước muốn chấm dứt cuộc chiến ấy càng sớm càng tốt dù họ chưa biết điều gì xảy ra sau đó.

Trên hai mươi năm chịu đựng chiến tranh, dân tộc Việt Nam đã quá chán ngán; chính tôi cũng thế! Sinh ra năm 1945, năm của Đệ Nhị Thế Chiến; Nhật Bản xâm chiếm đất nước tôi từ tay Thực Dân Pháp. Tôi đã sống qua ba cuộc chiến chống Nhật, Pháp, và cái gọi là chiến tranh Giải Phóng. Tôi chỉ mong mỏi hoà bình đến với đất nước tôi. Hy vọng của tôi cũng đơn giản như những lời yêu cầu của dân chúng Mỹ khi họ tụ tập đòi hỏi binh sĩ của họ rời khỏi Việt Nam ngay tức khắc. Sống bên kia bờ Thái Bình Dương, họ chẳng biết gì về sự đau khổ của nhân dân Việt Nam khi phải gánh chịu cuộc chiến giữa Cộng Sản và Tư Bản. Hàng ngàn lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam làm rúng động người Mỹ và cả Thế Giới. Thế thì hàng triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến ấy thì thế nào đây? Ý nghĩ ấy khiến tôi tức tối! Những giọt nước mắt đột nhiên trào ra.




Chương 3. Một Tình Huống Bi Thảm


Tôi có hẹn với những cộng tác viên của tôi vào trưa ấy, do đó tôi phải đến nhà hàng Sing-Sing ở đường Phan Đình Phùng để gặp họ. Lễ, người đã từng là Chủ Tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học, một trong những cộng tác viên ấy hỏi tôi.

- “Anh có biết gì về việc rút lui của chúng ta khi VC chiếm Sài Gòn không?”
- “Không, chưa biết!” Tôi lúng túng trả lời.

- “Tôi chuẩn bị đi ra ngoại quốc trong vài ngày tới; anh có đi với tôi không?”

- “Tôi nghĩ còn quá sớm để có quyết định như vậy. Ngoài ra, tôi còn phải hỏi sếp trước đã. Anh có tin tức gì cho tôi không?” Tôi hỏi về công việc để tránh những câu hỏi của Lễ.

- “Nhóm Bừng Sống đang trỗi dậy ở trường sau một thời gian dài vắng bóng.”

- “Tôi đã biết điều ấy; còn Hoan và Thắng thì thế nào?”



Nhóm “Bừng Sống” là một tổ chức nằm vùng của VC đã được thành lập ở Đại Học Khoa Học từ năm 1965; Hoan và Thắng là hai lãnh tụ của nhóm ấy. Khi tôi thành công trong việc tái chiếm Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học từ nhóm này thì nhóm Bừng Sống biến mất. Hoan và Thắng trốn vào mật khu của VC. Chúng tôi bắt được Giàu, trưởng nhóm Bừng Sống.


- “Chúng tôi chưa thấy Hoan và Thắng xuất hiện.” Lễ đáp lời tôi.

- “Tôi phải đi gặp sếp cái đã. Hẹn các anh ngày mai lúc 10 giờ; chúng ta sẽ bàn về việc tương lai khi tôi biết được ít nhiều.”


Đó là lần cuối cùng tôi gặp Lễ vì anh ta không đến gặp lại tôi vào ngày 20 tháng tư như đã hẹn trước. Tôi đoán anh ta đã rời bỏ đất nước.

Tôi đến nhà an toàn ở đường Phan Thanh Giản. Dù đã 2 giờ trưa, hầu hết nhân viên đều ở đó để chờ đợi sếp Long. Chúng tôi đều mong mỏi biết rỏ mọi điều đang diễn ra trong nước và kế hoạch của Cơ Quan. Đẹp, thư ký của sếp bảo rằng Long đang có cuộc họp trong Dinh. Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đang gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng không biết hỏi ai để xác minh điều ấy. Sau khi bị một máy bay F-5 do Nguyễn Thành Trung, trung uý thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hoà lái, thả bom vào dinh tuần trước, ông Thiệu đang ẩn mình trong dinh.


Sếp tôi, Ông Long, mới 35 tuổi, còn quá trẻ khi được giữ chức vụ. Ông ta hơi mập và tóc xoắn nên mọi người trong cơ quan thường gọi là Long Quắn để phân biệt với một vài “Long” khác. Vì thường chơi Tennis vào buổi trưa nên da ông rám nắng; ông ta đi khá nhanh mặc dù đôi chân hơi ngắn. Tôi nghe nói ông ta có họ hàng xa với Bà Thiệu, đệ nhất phu nhân. Ông ta cũng ở tại Mỹ Tho, một tỉnh của miền Nam, gần nhà của gia đình Bà Thiệu. Tôi không biết điều đó thật không, nhưng tôi nghĩ Long rất có tài trong nhiệm vụ của ông ấy. Ông ta làm việc rất tận tụy nữa; nhiều người thì cho rằng vì ông ấy độc thân và lại có học vấn khá. Đó là điều rất hiếm trong một cơ quan đang điều hành hầu hết bởi những sĩ quan quân đội. Long đã tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa và Trường Quốc Gia Hành Chánh.

Trong công tác hàng ngày, chúng tôi thường làm việc không có giới hạn giờ giấc. Đôi khi chúng tôi làm đến 2, 3 giờ khuya, ăn vài món gì đó rồi lại làm việc tiếp. Lúc khác chúng tôi lại ngủ cả ngày để lấy lại sức lực. Suốt thời gian làm ở Cơ Quan, tôi chưa hề nghỉ phép thường niên vì không có thời giờ. Tình trạng chính trị của Sài Gòn quá rối ren. Sinh viên của Viện Đại Học Sài Gòn và Viện Đại Học Vạn Hạnh (của Phật Giáo) biểu tình hầu như hàng ngày để đòi hoà bình và chống lại chính quyền. Hầu hết những cuộc biểu tình này đều bị giật dây bởi VC hay bởi những đảng phải chống lại chính phủ. Trung tâm của nó phát suất từ chùa Ấn Quang. Tôi không biết nhiều về mục đích của các đảng phái đối lập, nhưng tôi nghĩ rằng trong một quốc gia đang có chiến tranh, mọi sự gây xáo trộn đều là giúp đỡ cho kẻ thù.


Long về đến nhà an toàn vào khoảng 3 giờ chiều, ông ta trông mệt mỏi và chậm chạp, không còn cái vẻ nhanh nhẹn như mọi ngày. Chúng tôi chờ đợi một tin xấu! Ném cặp lên bàn, ông ta bắt đầu bằng một giọng nói thấp.


“Hôm nay tôi có đi họp; họ không đề cập gì về hiện tình đất nước. Họ chỉ bảo rằng chúng ta phải xếp đặt mọi việc tuỳ theo những gì mà chúng ta thấy cần. Mỹ đã bỏ rơi chúng ta, do đó chúng ta phải chiến đấu bằng chính sức lực của chúng ta. Chúng ta sẽ gặp lại vào ngày mai trong Cơ Quan để làm những việc phải làm.”


Với những lời nói mập mờ ấy, chúng tôi biết rằng đất nước đang gặp khó khăn. Chúng ta chỉ là những quân cờ trên bàn cờ của những cường quốc. Họ đến đây với danh nghĩa của Hoà Bình; họ rời bỏ chúng ta cũng với danh nghĩa của Hoà Bình. Chúng ta phải chiến đấu một mình với Cộng Sản, không chỉ với Cộng Sản Việt Nam mà với Cộng Sản trên toàn địa cầu! Mỹ và Đồng Minh đã chấm dứt viện trợ có nghĩa là chúng ta phải tự gánh lấy gánh nặng của cuộc chiến. Chúng ta không sợ sự hy sinh xương máu mà chúng ta rất sợ sự phản bội.


Tôi gặp Tuân và Banh, những người bạn thân của tôi trong Cơ Quan trước cửa nhà an toàn. Banh cho biết Thuận và Giang đã đi rồi! Banh đã từng là Chủ Tịch Sinh Viên Luật Khoa năm 1973. Thuận và Tuân đã từng làm việc chung với tôi khi chúng tôi mới vào làm ở Cơ Quan. Chúng tôi thường thu lượm tin tức của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn và của các nhóm chống chính quyền thuộc cái gọi là “Thành Phần Thứ Ba” vào những năm 1969-1970 trước khi làm việc cho Ban A17. (Ban chúng tôi có mật danh là A17 vì hiện lúc ấy có 17 phân khoa thuộc viện đại học Sài Gòn). Giang là người làm chung với tôi trong công tác; anh ta cưới một cô vợ giàu có và có lẽ gia đình họ đã tìm được cách vượt biên khi họ nghe được những tin tức có hại cho tài sản của họ. Tôi nghĩ có lẽ Thuận đã ra đi với gia đình anh của anh ta vì họ làm việc trong sân bay Tân Sân Nhất. Chúng tôi cũng thông cảm cho họ về việc rời bỏ này; họ phải lo đến cuộc đời họ và gia đình họ trước tiên.


- “Chúng tôi chưa tính gì hết. Chúng tôi nghĩ phải chờ đợi kế hoạch chung của Cơ Quan vì chúng tôi không có phương tiện riêng. Còn anh thì thế nào?”

Banh cười nói dường như muốn che dấu những lo lắng của mình.

- “Tôi thì nghĩ chúng ta nhất định sẽ có kế hoạch chung vào ngày mai.”


Tôi cố giữ bình tĩnh. Tôi không thể biết làm gì trong lúc ấy. Leo lên một chiếc tàu nào đó trong bến tàu Sài Gòn đối diện với trụ sở trung ương của chúng tôi hoặc đi vào phi trường để lên một chiếc phi cơ nào đó đến một quốc gia khác, điều này tôi có thể làm được cho một mình tôi, nhưng còn vợ tôi với đứa nhỏ còn trong bụng kia thì làm thế nào đây; cô ta đang có mang tám tháng. Điều tôi chờ đợi là một kế hoạch chung của cơ quan để di tản trong vòng trật tự, điều này sẽ an toàn hơn cho vợ tôi.

Chúng tôi cưới nhau vào năm 1972 sau gần ba năm quen biết. Chúng tôi gặp nhau vào tháng 11 năm 1969; ngày đầu tiên tôi vào nhận việc ở Cơ Quan và cũng là ngày sinh nhật thứ 20 của vợ tôi. Chị vợ tôi và anh rể cô ta cũng làm trong Cơ Quan. Khi gặp cô ấy ở phòng nhận việc, tôi rất kinh ngạc vì cô ấy trông quá trẻ để làm việc cho một cơ quan tình báo! Cô ta mới vừa tốt nghiệp trung học.


Sau gần ba năm chung sống, vợ tôi có mang và cũng rất hạnh phúc với đứa con trong bụng. Thật ra đó là lần thứ hai cô ấy có mang; lần đầu đã bị sẩy vào tháng thứ hai. Vợ tôi rất khổ sở khi một bác sĩ báo cho biết cô ấy không thể có con được vì một chứng bệnh nan y. Tôi đã phải đưa vợ tôi đi đến đủ loại thầy thuốc, kể cả những lang băm. Một bà thầy thuốc đông y bảo rằng bà ta có thể cho thuốc để vợ tôi có được một đứa con duy nhất mà thôi, và đó là đứa mà cô ấy đang mang trong bụng.


Cuộc sống chúng tôi trong thời gian này rất bình an. Cô ta làm trong phòng tuyển mộ ở trụ sở trung ương; tôi vẫn thường đưa vợ tôi đến nơi làm việc mỗi bữa sáng và rước về mỗi bữa chiều. Tôi ít khi vào Cơ Quan vì tôi làm cho một ban công tác ngoại vi. Lương bổng chúng tôi không đủ xài nên tôi phải dạy thêm môn hoá học cho vài trường trung học tư thục ở Sài Gòn; đó là nguồn thu nhập chính của chúng tôi và cũng là ngụy thức của tôi.


Nếu cuộc đời chúng tôi trôi qua một cách êm đềm như thế, tôi đã không phải viết những trang hồi ký này! Những biến động bất ngờ đã xãy đến làm đảo lộn hết mọi việc và mọi người dân trong đất nước tôi. Hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương lưu vong trên toàn thế giới. Hàng trăm ngàn nhân viên chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã bị giam trong những cái gọi là “trại Cải Tạo” của Cộng Sản từ Bắc chí Nam và một số đã chết trong ấy. Việt Nam trở thành một quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Đó có phải do lỗi của chúng tôi hay không? Tôi không muốn đổ lỗi cho bất cứ ai khác, nhưng chúng tôi làm được gì trong hoàn cảnh ấy? Chúng tôi không thể giải quyết được gì ngay cả hoàn cảnh cá nhân nữa. Làm sao chúng tôi có thể tự chống lại được với Cộng Sản trên toàn thế giới trong khi chúng tôi bị trói tay bởi sự bỏ rơi của một cường quốc và các Đồng Minh?


Tôi không phải là một lãnh tụ của Việt Nam Cộng Hoà. Tôi không biết gì về những chiến lược của chánh phủ Việt Nam, nhưng tôi nghĩ cái gọi là “chiến lược” của những quốc gia nhỏ cũng chỉ là “chiến thuật” của những cường quốc mà thôi! Chúng tôi có thể chống lại VC trong những ngày tháng ấy và sẽ chết cho tổ quốc chúng tôi. Tôi không chối bỏ điều ấy, nhưng làm sao chúng tôi làm được việc ấy một khi họ buộc chúng tôi phải từ bỏ sức mạnh của chúng tôi.


Tôi nghe rất nhiều lời phê bình đổ lỗi cho Chính Quyền nhất là các nhà lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hoà về việc đánh mất Nam Việt Nam. Tôi không biết điều đó đúng không, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải chấp nhận cái lỗi chung của chúng ta đừng đổ cho vài người, ngay cả những cấp lãnh đạo. Tôi không bào chữa cho họ hay cho chúng ta. Tôi chỉ muốn nói để hiểu sự thật về những gì xảy ra trong đầu óc chúng ta trong những tháng ngày ấy. Chúng ta lẫn lộn giữa sự an toàn cho chính chúng ta và sự an nguy của đất nước, giữa sự ở lại hay ra đi. Tôi nghĩ những kẻ đã rời bỏ Việt Nam trong lúc ấy chưa hẳn là hèn nhát, những người đã ở lại chưa chắc đã là anh hùng. Mỗi người có hoàn cảnh và cơ hội khác nhau, và tôi đang cố nhớ lại hoàn cảnh và cơ hội của chính bản thân tôi trong thời gian ấy để tìm hiểu tại sao tôi lại ở lại!



Tôi đến đón vợ tôi tại văn phòng của cô ta ở Số 3 Bến Bạch Đằng, đối diện với Bến Tàu Sài Gòn. Quang cảnh bến tàu rất bình thường; những chiếc tàu chiến của Hải Quân Việt Nam vẫn đậu nối đuôi nhau dưới bến. Vài thuỷ thủ và sĩ quan Hải Quân đang đi bộ trên vỉa hè gần Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tư Dinh của Thủ Tướng nằm im lặng dưới bóng cây đa. Vài người lính gác đứng nghiêm phía trước dinh. Con đường Bạch Đằng từ Nguyễn Huệ đến Thống Nhất là khu vực quân sự; chỉ những người làm bên trong ấy mới được vào. Tôi cố tìm xem có điều gì bất thường hay không, nhưng chẳng thấy gì cả! Tôi tự hỏi tại sao mọi việc trông quá bình thường trong một hoàn cảnh lộn xộn như vậy của đất nước. Tôi hỏi vợ tôi sau khi cô ấy ngồi phía sau xe gắn máy:


- “Em có nghe về kế hoạch của Cơ Quan mình không?”

- “Không! Việc gì vậy anh? Em nghe có người nói rằng sếp chúng ta sẽ rời cơ quan và ông Phụ Tá Lộc sẽ thay thế. Đó chỉ là tin đồn vì em thấy ông Bình vào Phủ sáng nay.”

- “Anh chưa biết điều gì thật sự xảy ra, nhưng anh nghĩ có lẽ có những hoàn cảnh xấu có thể đưa đến sự mất nước.”

Vợ tôi chẳng quan tâm gì đến vấn đề chính trị. Cô ấy chẳng để ý điều gì ngoại trừ cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Tôi vẫn nhớ lúc Đảng Dân Chủ của Tổng Thống Thiệu ra mắt dân chúng, cờ của đảng ấy có hình dạng đối nghịch với cờ của Bắc Việt với nền vàng ngôi sao đỏ treo khắp nơi; tôi đùa với vợ tôi rằng đó là cờ của VC. Sợ hải, cô ta bảo tôi lái xe qua đường khác để tránh! Tôi không biết cô ta sẽ bảo tôi làm gì đây một khi lời nói đùa của tôi biến thành sự thật, một khi cây cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi trong Sài Gòn! Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy để dấu đi sự lo lắng trong lòng.


Chúng tôi đến nhà ba mẹ vợ tôi để tìm hiểu xem họ có biết gì không. Chị vợ tôi làm trong Ban Nghiên Cứu nói với tôi rằng chị ấy nhìn thấy những tin tức xấu trên tờ trình cho Tổng Thống mà chị ấy đánh máy hàng ngày. Tình trạng tồi tệ của đất nước chúng ta đã diễn ra, đặc biệt là những tỉnh miền Trung, sau khi Tổng Thống ra lệnh rút các đơn vị quân đội khỏi Buôn Mê Thuột qua đường liên tỉnh lộ số 7. Hàng ngàn dân chúng đã bị chết trên con đường mà báo chí gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng này. Tôi đã đọc được tin này trên báo chí, nhưng tôi không biết được điều gì sẽ xảy ra sau đó, nhất là kế hoạch cho đất nước theo như Hoà Ước Paris. Tôi muốn có một lời giải thích rõ ràng của những nhà lãnh đạo, và đang chờ đợi điều ấy. Làm việc cho một cơ quan trưc thuộc Phủ Tổng Thống, tôi nghĩ phải có một kế hoạch cho chúng tôi một khi có điều gì đó xảy ra.


Linh, chồng của chị vợ tôi nói:

- “Tôi thì không nghĩ VC có thể vào được Sài Gòn.”

- “Sao anh biết chắc vậy?” Tôi cắt lời anh ta.

Linh làm trong Ban Huấn Luyện của Cơ Quan. Anh ta trả lời tôi một cách lúng túng. “Tôi nghe nói chúng ta nhường một phần đất của chúng ta từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 17 cho Mặt Trận Giải Phóng và tạo thành một tuyến phòng thủ vững chắc từ Tuy Hoà để sẵn sàng thương thuyết với VC và Bắc Việt theo mật ước của Hoà Ước Paris.”



- “Anh nghĩ chúng ta có đủ sức để đánh lại VC mà không cần viện trợ của Mỹ hay không?”

- “Tôi nghĩ có thể được. Trong Tết Mậu Thân, chúng ta chưa có những vũ khí tối tân như M16 mà chúng ta vẫn thắng được VC với AK. Giờ đây chúng ta có nhiều thứ.”


- “Sau trận chiến Nam Lào, quân đội chúng ta yếu hơn; tôi không biết chúng ta có thể chịu đựng được một cuộc tổng tấn công như Tết Mậu Thân hay không?”

- “Chiến trường ở Đường 9 Nam Lào là một cuộc thí quân! VC biết hết mọi chiến lược của chúng ta. Tôi nghĩ có lẽ đó là kế hoạch của Mỹ, họ không muốn quân đội ta quá mạnh đến nỗi họ khó có thể điều khiển.”


- “Mọi cái chúng ta nghĩ chỉ là điều chúng ta suy đoán. Chúng ta không có được những lời giải thích rõ ràng của những nhà lảnh đạo của chúng ta. Giờ đây tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải quyết định những gì phải làm trong tình trạng nguy kịch này. Chúng ta nên tự đặt kế hoạch cho chính mình chứ không nên chờ đợi từ những nhà lãnh đạo của chúng ta nữa.”

- “Làm sao chúng ta có thể tự mình làm được gì?” Linh đột nhiên hỏi.
- “Đó là lý do mà chúng tôi đến đây. Vợ tôi và tôi không thể làm gì được một mình, nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta hợp lại thì có thể có được một ý kiến hay!”

Chúng tôi im lặng nhìn nhau. Mỗi người đều có riêng một mối lo. Tôi nghĩ chẳng ai có thể biết phải làm gì trong lúc ấy nên tôi phá tan bầu không khí im lặng nặng nề ấy.






- “Chúng ta sẽ suy nghĩ đến những điều này và sẽ bàn lại sau vậy.”






Trên đường về nhà, tôi đi ngang qua chợ Bến Thành, một trung tâm thương mại của Sài Gòn và của miền Nam Việt Nam. Xe cộ đầy đường. Hàng hoá tràn ngập trên vỉa hè. Khách hàng chen chúc trong những cửa hàng. Vài cặp tình nhân vai sánh vai lang thang trên vỉa hè Lê Lợi. Mọi việc diễn ra giống như mọi ngày. Tôi không thể nhận ra được không khí chiến tranh trong một bối cảnh như vậy. Quán cà phê “La Pagode” trên đường Lê Lai nơi tôi thường ngồi uống cà phê và nghe nhạc vẫn đang mở cửa; tiếng nhạc quen thuộc êm đềm vọng ra khi tôi đi ngang qua. Tiếng chuông của nhà thờ Đức Bà vang lên một giọng ngân làm nhẹ nhàng tâm hồn tôi. Là một Phật Tử, nhưng tôi lại thích nghe tiếng chuông ấy vì nó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng bởi giọng điệu trong sáng của nó. Trụ sở vĩ đại của Toà đại sứ Mỹ nằm một cách kiêu hãnh đối diện với trụ sở của Toà đại sứ Anh Quốc nằm im lìm trên đại lộ Thống Nhất. Vài quân nhân thuỷ quân lục chiến Mỹ trong chiến phục với M16 trên tay đứng gác ở cổng Toà Đại Sứ và trên hai vọng gác ở góc tòa nhà.






Chúng tôi về đến cư xá Thanh Đa nơi chúng tôi đang ở. Gia đình chị vợ tôi ở tầng trên, cũng nơi ấy; hai người đã về trước chúng tôi. Chúng tôi vừa dời về đây vài tuần nên chỉ có một ít đồ đạc trong nhà: một bộ đồ bằng mây trong phòng khách, tấm nệm trải trên sàn trong phòng ngủ, vài đồ đạc để nấu nướng trong nhà bếp. Phòng ăn vẫn trống trơn. Tôi nhìn ra cửa sổ. Dòng sông Thanh Đa lấp lánh trong ánh chiều. Vài chiếc ca-nô rẽ sóng phía xa xa. Hàng dừa bên kia sông im lìm phản chiếu bóng cây trên mặt sông. Màu tím nhạt của bầu trời kết hợp với màu xanh đậm của cây cối tạo nên một bức tranh hài hoà. Tôi thích được thưởng thức một cuộc sống như thế, nhưng điều gì đây sẽ xảy ra cho tôi trong một bối cảnh đất nước như thế này! Sự lo âu đột nhiên xâm chiếm lấy hồn tôi.






Những tiếng gõ cửa làm gián đoạn dòng suy nghĩ của tôi. Linh ghé qua để trò chuyện như thường lệ, nhưng tôi nhìn ra được dáng vẻ buồn bả của anh! Linh và Lan, chị vợ tôi, có hai đứa con trai. Tôi không nhớ họ lấy nhau vào thời gian nào, nhưng con của hai người một đứa lên ba còn một đứa mới vài tháng tuổi. Linh di cư vào Nam năm 1954 và hiện đang làm việc trong Cơ Quan. Họ gặp nhau trong ấy. Cao khoảng một thước bảy, với khuôn mặt dài và luôn tươi cười, Linh dể gây cảm tình với mọi người. Theo Linh hôm nay còn có Hào, bạn cùng học với tôi ở Đại Học Khoa Học, làm trong Cơ Quan và hiện đang biệt phái sang Cảnh Sát. Hào vừa cưới vợ cách đây không lâu; tôi nghĩ anh ta cũng đang lo lắng cho số phận mình. Tôi hỏi Hào có biết gì không, nhưng anh ta chỉ nhún vai mà không trả lời gì hết.






Tôi bắt đầu cuộc nói chuyện sau khi vừa ngồi vào chổ ở ngoài ban công.






- “Hai anh có ai biết tin tức gì liên quan đến diễn tiến cuộc chiến đang diễn ra ở Xuân Lộc không?”






- “Chúng ta đang đưa hết quân vào chiến trường ấy. Tôi hy vọng chúng ta có thể chặn đứng được VC ở đó để chờ viện trợ của Mỹ.” Hào xác định.






- “Tôi thì không tin Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ nữa! Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã thất bại trong việc yêu cầu Quốc Hội Mỹ viện trợ 722 triệu đô la. Có lẽ bây giờ chúng ta phải tự lực mà thôi.” Linh nói.






- “Các anh nghĩ Tổng thống Pháp, Valery Giscard d”Estaing, có thể giúp chúng ta được gì trong việc tìm kiếm một giải pháp cho Việt Nam không?” Tôi hỏi một cách vô hy vọng.






- “Đó là cố gắng của Pháp để giúp Việt Nam, tôi nghĩ đó cũng là một thoáng hy vọng cho chúng ta và cũng là ước muốn của đám “thành phần thứ ba” nữa.” Hào lại nhún vai.






Tôi nghĩ tất cả mọi người trong chúng ta đều lo lắng cho số phận của đất nước và của chính bản thân mình trong lúc ấy. Chúng tôi đều làm trong cơ quan tình báo, thế mà lại chẳng biết gì về kế hoạch của quốc gia. Tất cả những gì chúng tôi biết được phần lớn là từ báo chí ngoại quốc.






Trong những ngày này, những tin tức từ những tạp chí như Times hay Newsweek hay từ những đài phát thanh như Voice of America và BBC dường như đều có ý định đạp đổ đất nước chúng tôi. Tân “nội các chiến tranh” của Tổng Thống và Tân Thủ Tướng dân sự Nguyễn Bá Cẩn không thể nắm vững được chính quyền. Dân chúng hoang mang về những tin đồn tung ra khắp nơi. Trừ vài cá nhân giàu có có thể bỏ ra tám ngàn đô la để mua một tấm giấy thông hành, mọi người khác đều không thể có được điều kiện để trốn ra khỏi nước một khi VC tiến vào, ngay cả những người làm việc cho Mỹ và cho Chính Phủ và Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Mọi người đều đang mong chờ Mỹ định đoạt dùm số phận của họ theo như Tổng Thống Mỹ đang yêu cầu Quốc Hội Mỹ chuẩn chi ngân khoản tài trợ để giải cứu hai trăm ngàn người dân miền Nam đã cộng tác với Mỹ trong cuộc chiến. Thật là một điều bi thảm khi phải đặt cả cuộc đời mình trong tay của người khác!






Hội đàm Paris là chiến thắng cho cả VC lẫn Mỹ. Sự sụp đổ của Phnom-Penh là sự bắt đầu. Điều gì kế tiếp sẽ xảy ra cho đất nước chúng tôi? Một chiếc phi cơ vận tải C5A bị rơi một cách kinh hoàng vào tuần qua làm chết nhiều trẻ em mồ côi vẫn là một mối nghi ngờ về việc Mỹ đang có ý định bỏ rơi Việt Nam. Một khi số trẻ em mồ côi hầu hết là lai Mỹ đã ra đi, chúng tôi không biết số phận của chúng tôi sẽ ra sao tiếp theo đó. Có thể nào nhờ đó mà Mỹ có thể tiếp cứu chúng tôi dễ dàng hơn khi điều tồi tệ nhất xảy ra, hay đó chính là điều duy nhất mà người Mỹ làm được ở Việt Nam trước khi họ phủi tay. Với những sự việc như thế, tại sao chúng ta không tự tìm cách cứu lấy mình. Tôi hỏi Linh và Hào về khả năng có thể di tản khi cần thiết.






- “Chúng ta không có tiền để mua thông hành, do đó chỉ còn cách chờ kế hoạch chung của Phủ.” Linh nói một cách buồn bã.






- “Tôi thì hy vọng rằng Cơ Quan của chúng ta đã có sẵn sàng một kế hoạch. Tôi không thể nào nghĩ được một cơ quan tình báo mà lại không có sẵn một kế hoạch để lo cho nhân viên trong tình huống nguy kịch.” Hào nói một cách không chắc chắn.






- “Ngoài ra, Cơ Quan chúng ta nằm kế bên bến tàu; tôi nghĩ trong tình hình khẩn cấp chúng ta có thể leo lên tàu để ra đi. Điều đáng lo cho chúng ta là gia đình chúng ta.” Tôi nói mà buồn rầu nghĩ đến vợ tôi.






Chúng tôi đều biết rằng trong tình trạng khẩn cấp thì chính gia đình chúng tôi là cái mà chúng tôi lo âu nhiều nhất, và những gì chúng tôi đang bàn tính chính là về sự an toàn cho gia đình chúng tôi. Tôi vẫn thường nghe một thành ngữ rằng: “nước mất, nhà tan”, và sự tuyên truyền của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà về sự “Tắm Máu” khi VC tiến vào luôn luôn là một ám ảnh trong tâm tư tôi. Tôi không sợ chết nếu nó có thể đem lại sự an toàn cho gia đình tôi, nhưng tôi chỉ lo sợ cho sự đau khổ mà gia đình tôi phải chịu khi việc tồi tệ diễn ra.






Một khoảng khắc im lặng bao trùm sau lời tôi nói. Tôi không biết làm thế nào để phá tan sự im lặng ấy, do đó tôi kể lại những điều mà tôi nghe sếp tôi nói vào sáng hôm ấy. Cuối cùng tôi đi đến một kết luận rất vô nghĩa.






- “ Có lẽ chúng ta sẽ biết được ít nhiều vào sáng ngày mai trong Cơ Quan.”






Hào từ giã. Linh bảo tôi đi với anh ấy sang nhà chị anh để hỏi coi có chương trình nào không. Anh rể của Linh là một giám đốc trong bộ Dân Vận và Chiêu Hồi. Ông ta không có ở nhà, và chúng tôi hẹn gặp lại hôm sau.






Chúng tôi về nhà với tâm tư rất bối rối. Linh bảo tôi gói ghém những thứ cần thiết để đề phòng tình huống khẩn cấp. Chúng tôi chỉ có một cái túi xách tay nhỏ từ những ngày đi trăng mật, do đó chúng tôi lên mượn Linh một cái ba-lô cho dể mang và còn phải phụ giúp vợ tôi vì cô ấy quá nặng nề với cái bầu. Tôi bỏ vào túi xách vài bộ quần áo cho chúng tôi, và một ít đồ dùng cho đứa trẻ sắp ra đời nữa. Tôi nói đùa với vợ tôi rằng nếu con chúng tôi sanh ra trên đường đi trốn thì phải đặt tên nó là “Di Tản” để nhớ lại chuyện này. Chúng tôi cười để xoa đi bao nỗi lo sợ.













Chương 4. Phủ Trung Ương Tình Báo Chuẩn Bị Di Tản






Tôi đến Trụ Sở Trung Ương sớm hơn mọi ngày. Sau khi đưa vợ tôi vào văn phòng, tôi đi thẳng đến khu nhà của Ban A17 chúng tôi thay vì đi đến trường để dạy học mặc dù hôm ấy tôi có giờ dạy. Tôi không thể nào xuất hiện trước mặt học trò của tôi được. Tối hôm qua, tôi đã mất ngủ mặc dù đã uống thuốc ngủ; quá nhiều vấn đề khiến tôi bị nhức đầu. Tôi phải nói vợ tôi gọi báo bệnh dùm.






Khu nhà Ban A17 của chúng tôi ồn ào chứ không im lặng như thường lệ. Tôi nghĩ rằng giờ ấy còn sớm thế mà mọi người đều có mặt đông đủ. Đẹp, thư ký của sếp tôi đang đánh máy cái gì đó. Tuân bảo tôi cô ta đang làm danh sách và địa chỉ của nhân viên đề phòng trường hợp khẩn cấp. Ở nước tôi vào lúc ấy, người dân chưa dùng điện thoại ngoại trừ những gia đình giàu có hoặc các cơ sở thương mại. Sự liên lạc với nhau thường được thực hiện bởi những liên lạc viên; anh ta lái xe gắn máy đi tìm những người cần thiết để báo lại những điều cần phải làm. Đôi khi chúng tôi lại không ở tại nhà mình, do đó chúng tôi cần có một địa chỉ chính xác trong những trường hợp như thế này. Tôi ghi lại địa chỉ của mẹ tôi thay vì địa chỉ của tôi vì tôi không muốn ở một mình trong nhà tôi trong trường hợp này.






- “Có gì xảy ra trong cơ quan chưa?” Tôi hỏi Tuân.






- “Chưa có gì đặc biệt! Tôi nghĩ chắc phải đợi sếp vào thì mới biết. Không biết các nơi khác trong Phủ có làm danh sách không, nhưng theo tôi thì chắc phải có điều gì đó quan trọng.”






- “Ai sẽ là người liên lạc? Tôi nghĩ chắc là Hiệp và Điền chứ gì?






- “Tôi cũng nghĩ thế, nhưng theo tôi thì chúng ta nên vào đây thường hơn để tự lo liệu lấy mình. Tại sao anh không điện thoại hỏi bà xã ở bên đó xem có gì không?” Tuân đột nhiên hỏi tôi.






- “Tôi cũng định sẽ điện thoại hỏi vợ tôi, Lan và Linh nữa để chúng ta có thể biết được vài điều đang diễn ra trong cơ quan.”






Với hàm râu chưa cạo, Tuân trông lớn hơn số tuổi ba mươi hai. Chúng tôi thường gọi đùa là tên Tây lai vì hàm râu quai nón và cái sống mũi cao của Tuân. Trong những ngày đầu tiên mới vào làm trong cơ quan, Tuân và tôi thường làm chung với nhau trong “Đội Công Tác Sinh Viên”. Chúng tôi gia nhập các cuộc biểu tình của sinh viên để thu nhặt tin tức. Chúng tôi cùng nhập ngũ chung một ngày, ở chung trong một trung tâm huấn luyện. Sau khi trở về làm cho Cơ Quan, tôi phụ trách công tác ở Đại Học Khoa Học còn Tuân ở Đại Học Văn Khoa, nhưng chúng tôi vẫn thường hỗ trợ nhau. Vợ của Tuân cũng là bạn học với vợ tôi; chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đi chơi chung với nhau do đó hai chúng tôi là những người bạn thân.






- “Tôi nghĩ chúng ta đang đứng ở bên bờ vực.” Tuân cắt ngang. “Hai vợ chồng tôi chắc sẽ tính chuyện ra đi càng sớm càng tốt!”






- “Hy vọng hai người sẽ làm được việc ấy. Hoàn cảnh hai người tương đối dễ dàng hơn tôi; vợ tôi quá nặng nề với cái bầu, tôi không thể làm gì khác hơn là chờ đợi chương trình của cơ quan. Hơn nữa, tôi nghĩ không lẽ một cơ quan tình báo mà lại không có một chương trình lo cho nhân viên trong tình trạng nguy kịch hay sao.”






- “Tôi hy vọng thế, nhưng ít ra chúng ta cũng nên nghĩ đến điều ấy. Tôi thật không biết tình trạng đất nước ta quá tồi tệ đến thế sao.” Tuân lo lắng nói.






Mọi nhân viên trong ban chúng tôi đang bàn tán về tình trạng xấu của đất nước, nhưng thật ra chúng tôi không rõ nó tồi tệ đến mức nào. Chúng tôi không thể tin được một ngày chúng tôi có thể mất nước mà chỉ nghĩ đến một trận chiến lớn với VC khi chúng tiến vào Sài Gòn mà thôi. Có tin đồn là chúng tôi sẽ rút về vùng 4 ở đồng bằng sông Cửu long để chống lại VC. Nhưng cuộc chiến ở Xuân Lộc vẫn đang tiếp diễn. Chúng tôi làm trong một cơ quan chuyên lo về những vấn đề chính trị, nên cũng không biết nhiều về việc quân sự. Đó chính là nhược điểm của chúng tôi.






Trong một quốc gia mà chiến tranh diễn ra quá lâu, các vấn đề chính trị, quân sự, và kinh tế đều bị lẫn lộn nhau. Những nhà lãnh đạo quân sự trở thành lãnh đạo chính trị đã tạo thành sự lộn xộn cho quốc gia. Đất nước không có được một nhà lãnh đạo lớn có thể kết hợp sức mạnh của toàn dân để chống lại kẻ thù. Phó thủ tướng Trần Văn Hương, người đại diện cho miền Nam nhưng lại không có thực quyền, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một trung tướng nhưng lại không đại diện được cho quân đội. Mỗi một tướng lãnh là một ông vua trong vùng với quyền lực riêng của mình. Sự chia rẽ trong hàng ngũ tướng lãnh càng lúc càng trầm trọng khiến binh lính trở nên nghi ngờ. Thiếu Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống, và Đại Tướng Dương Văn Minh, kết hợp với nhóm Phật Giáo Ấn quang và với cái gọi là “Thành Phần thứ Ba” để chống lại Tổng Thống. Họ đều muốn tổng thống phải từ chức. Tôi không biết họ làm được gì cho đất nước một khi họ nắm quyền hành. Một vài ngôi sao sáng trong bầu trời chính trị đã bị giết chết như Nguyễn Văn Bông, giám đốc trường Quốc Gia Hành chánh và cũng là chủ tịch đảng Cấp Tiến.






Tôi nghĩ phương cách hay nhất là sự đoàn kết toàn dân như một câu tục ngử của Việt Nam“Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”. Tôi không đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo về sự đánh mất đất nước, nhưng chính họ là những người đã nắm vận mệnh đất nước trong tay. Có một câu nói của người xưa rằng “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, tôi nghĩ thêm rằng “nhất tướng thất bại triệu cốt khô!”






Tôi điện thoại hỏi vợ tôi ở phòng tuyển mộ và chị vợ tôi ở Ban Nghiên cứu; họ đều đã làm danh sách cho nhân viên. Chúng tôi hiểu rằng đó là dấu hiệu xấu của đất nước. Tuy nhiên chúng tôi không biết được xấu đến mức nào, và chúng ta phải làm gì để giải quyết. Đi ra nước ngoài như nhiều người đã làm, chuẩn bị chống lại VC khi chúng tiến vào Sài Gòn, hay rút về đồng bằng sông Cữu Long như tin đồn? Chúng tôi không biết thật sự phải làm gì. Chỉ làm một danh sách thì không thể giải quyết được gì! Chúng tôi muốn có một lời giải thích rỏ ràng, và chúng tôi đang chờ sếp vào.






Long đi nhanh vào phòng. Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Điều này bất thường vì ông ta không có thói quen như vậy. Ông ta thường đi vào hội trường để trò chuyện với chúng tôi trước khi vào văn phòng riêng. Chúng tôi đều mong những lời của ông ta. Khoảng nửa giờ sau, ông ta đi ra với một dáng buồn bã.






“ Tôi rất lấy làm buồn mà báo tin rằng chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn và nguy hiểm. Nhiều áp lực buộc Tổng Thống phải từ chức, và tôi không biết ông ấy có từ chức không. Tôi cũng không biết ai sẽ thay Tổng Thống Thiệu nếu ông ấy từ chức. Phó Tổng Thống chỉ là tạm thời mà thôi. Thêm vào đó, tôi không biết đất nước sẽ ra sao trong tình trạng như thế này. Chúng ta đang lập danh sách theo như lệnh của cấp trên, nhưng tôi không biết để làm gì. Tôi chỉ mong chúng ta bình tĩnh trong mọi tình huống. Chúng ta sẽ làm việc như thường lệ, và chúng ta cũng sẽ hợp sức nhau.”






Nhiều cái “tôi không biết” của ông Long khiến chúng tôi phân vân hơn lúc nào hết. Chúng tôi không chờ đợi một ý kiến mơ hồ như vậy. Trong tình trạng như thế, chúng tôi nghĩ một cấp chỉ huy cần nên trình bày rõ ràng sự thật cho nhân viên chứ không nên che lấp bằng những lời lẽ mập mờ. Chúng tôi không cần biết ai sẽ là Tổng Thống; điều chúng tôi cần muốn biết là tình trạng đất nước như thế nào và chúng tôi phải đối phó ra sao. Tôi nghĩ ông Long cũng đã bị mơ hồ bởi vì ông ta là bà con với bà Thiệu; một khi ông Thiệu từ chức, ông Long cũng mất đi hậu thuẩn và cũng có thể mất đi chức vụ. Có lẽ ông ta đã quá chú ý đến địa vị của mình nhiều hơn là vận mạng của đất nước! Ông Long là một ứng viên sáng giá trong chức vụ Đặc Uỷ Trưởng mặc dù ông ta còn trẻ và không phải là một sĩ quan quân đội. Ông ta đã thành công hầu hết trong mọi công tác mà ông ta nắm giữ, và ông ta cũng có học vấn hơn nhiều người lãnh đạo trong cơ quan. Trong ban của chúng tôi, hầu hết nhân viên đều đã tốt nghiệp bậc Trung Học, và một số tốt nghiệp Đại Học. Để điều hành một ban như thế, Long có nhiều thuận lợi hơn một sĩ quan quân đội mặc dù cơ quan đang được lãnh đạo bởi quân đội.






Long đã đi sau khi nói chuyện. Tuân, Banh, và tôi đi ra quán cà phê La Pagode như thường lệ trước khi đi gặp các cộng tác viên.






- “Các bạn có nghĩ rằng ông Thiệu sẽ từ chức hay không? Tôi bắt đầu.






- “Tôi nghĩ ông ta sẽ từ chức vì dân chúng có vẻ không ưa ông ấy sau vụ độc diễn trong kỳ bầu cử Tổng Thống vừa qua. Tuy nhiên tôi không biết ai sẽ làm Tổng Thống trong lúc này.” Banh nói nhanh, “tôi nghĩ có lẽ Tướng Dương Văn Minh và Tướng Nguyễn Cao Kỳ là sáng chói nhất.”






- “Tôi thấy Big Minh đã nắm vai trò lãnh đạo một lần rồi và đã không làm được gì cho đất nước. Còn ông Kỳ là một Cao Bồi trong quân đội; làm thế nào ông ta có thể lãnh đạo đất nước trong tình huống như thế này?” Tuân đưa ý kiến.






- “Tôi cũng đồng ý! Đối với tôi thì sự thay ngựa giữa dòng không phải là một giải pháp hay trong lúc này. Ông Thiệu thật ra không hoàn hảo trong vai trò của ông ấy đang nắm, nhưng nếu phải chọn giữa ba người này thì có lẽ tôi chọn ông ta. Ngoài ra tôi không biết ai thích hợp hơn trong lúc này.” Tôi góp ý.






- “Theo tôi thấy thì vài vị tướng lãnh và cái gọi là “Lực Lượng Thứ Ba” muốn thương thuyết với VC về hoà bình đất nước, nhưng làm sao chúng ta tin được Cộng Sản.” Tuân nói.






- “Đúng vậy! Người Mỹ đã không còn muốn cái mà họ gọi là “Chiến Tranh Việt Nam” nữa; dân chúng Mỹ thì nghĩ rằng đây là cuộc nội chiến giữa Nam và Bắc Việt Nam. Họ muốn chúng ta tự giải quyết cuộc chiến của chúng ta. Họ cũng chẳng cần biết rằng đây là cuộc chiến tranh giữa Chủ nghĩa Cộng Sản và Chủ nghĩa Tư Bản mà chúng ta chính là nạn nhân. Tôi nghĩ chính người Mỹ muốn ông Thiệu từ chức và giải quyết chiến cuộc qua thương thuyết, và đó là áp lực chính.” Banh nói nhanh nhẩu như thường lệ.






Hàm râu càm mà không có ria mép khiến Banh trở nên trông buồn cười ở cái tuổi mới hai mươi sáu. Banh là họ hàng bên ngoại với gia đình Đỗ Kiến ở Mỹ Tho; Đỗ Kiến Nhiểu, đô trưởng Sài Gòn là cậu của anh ta. Tôi cũng nghe nói rằng gia đình Đỗ Kiến là họ hàng với Bà Thiệu, đệ nhất phu nhân. Một khi nhà lãnh đạo đặt họ hàng ông ta trong các chức vụ quan trọng điều đó có nghĩa là ông ta không tin tưởng cấp dưới. Đó cũng là lý do để các lực lượng khác có cơ hội đối kháng. Sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng Hòa và cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm và các em của ông ta Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn là một chứng minh rỏ ràng. Các tăng lữ Phật Giáo đã nắm vai trò chính trong sự lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, và giờ đây họ lại nắm phần quan trọng trong sự đối đầu với tổng thống Thiệu. Lực Lượng thứ Ba thật ra cũng chẳng có thực lực ngoài hai tướng Kỳ và Big Minh mà cả hai đều có sự khác biệt nhau. Vài người khác như bà luật gia Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Châu Tâm Luân, ni sư Huỳnh Liên, vân vân chỉ dựa vào lực lượng Phật Giáo Ấn Quang; thật ra thì VC chính là phần tử chính len lỏi trong đó. Nguồn nhân lực chính là lực lượng Sinh Viên thì đã bị nhóm sinh viên của chúng tôi bao vây từ năm 1972 sau khi chúng tôi thành công trong việc giành lại Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn từ tay Huỳnh Tấn Mẫm, một tên Cộng Sản. VC không còn có thể lợi dụng Sinh Viên được nữa nên chúng thành lập vài nhóm như “Lực Lượng Thanh Niên Cứu Đói”, và “Nhóm Ký Giả ăn mày” để quấy động tình hình Thủ Đô.






Ngoại trừ vài lực lượng chống đối với Tổng Thống Thiệu, tình hình thủ đô vẫn lặng yên sau khi cuộc rút lui khỏi Buôn Mê Thuột và Đà Nẵng được loan báo. Dân chúng cho rằng Nguyễn Văn Thiệu là chướng ngại cho hoà bình; nhiều áp lực từ mọi phía yêu cầu ông từ chức. Cơ quan chúng tôi là một bộ phận trực thuộc phủ tổng thống, do đó sự thay đổi tổng thống cũng đồng nghĩa với sự thay đổi trong cơ quan.






- “Theo các anh thấy thì thay đổi tổng thống có thể giúp đất nước ta tiến đến hoà bình hay không?” Tôi hỏi.






- “Tôi không nghĩ vậy!” Tuân nói một cách buồn bã, “đã nhiều lần chúng ta thay đổi cấp lãnh đạo nhưng càng khiến tình hình thêm rối ren mà thôi.”






- “Tôi cũng đồng ý! Sau khi nền đệ nhất cộng hoà bị lật đổ, người Mỹ đưa quân vào khiến cuộc chiến càng lúc càng thêm gay gắt. Đất nước ta đã nhiều phen thay đổi cấp lãnh đạo, nhưng không ai có khả năng giữ được tình hình yên ổn như lúc còn Ngô Đình Diệm.” Banh nói thêm.






- “Tôi thì nghĩ các cấp lãnh đạo của chúng ta chỉ muốn tranh giành quyền lực chứ không nghĩ đến vận mạng của đất nước.” Tuân nhận định. “Tôi rất tiếc cho các vị lãnh đạo của chúng ta bởi vì chúng ta phải phục vụ cho những kẻ không biết nghĩ đến gì ngoài quyền lợi của chính họ.”






- “Chúng ta còn trẻ, và chúng ta muốn mang hoà bình lại cho đất nước. Tôi nghĩ nếu VC không quá tôn sùng cái chủ nghĩa Cộng Sản của chúng thì tốt hơn chúng ta giao đất nước này cho họ để nhân dân có được hoà bình.” Tôi nói một cách thành tâm.






- “Tôi cũng nghĩ thế! Chúng ta đã quá mệt mỏi với cuộc chiến. Hàng trăm năm qua chúng ta chưa có cơ hội để xây dựng đất nước.” Banh nói; “Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ không còn chiến tranh để chúng ta có thể làm được những điều mà chúng ta muốn làm.”






Tôi đến nhà hàng Sing Sing trên đường Phan Đình Phùng để tiếp xúc với các cộng tác viên, nhưng không gặp Lễ như đã hẹn. Nhàn, Nghĩa, Trung, Tâm, Vinh, Trí, và Lâm đều hy vọng biết được vài điều gì đó. Tôi nhắc lại những điều tôi nghe được từ sếp và yêu cầu họ hãy làm những điều cần thiết để tự cứu lấy mình. Họ là những cộng tác viên trẻ đã giúp tôi trong việc chiếm lại Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Khoa Học trong những ngày đầu. Nhàn, trưởng nhóm ấy bị cụt mất một chân. Tôi không biết điều gì đã xảy ra cho hắn vì tôi không bao giờ hỏi lý do. Hắn luôn luôn trông có vẻ tươi cười vui vẻ. Những người này chỉ mới đang học năm đầu tiên ở Đại Học Khoa Học, nhưng lại làm việc rất thành công. Trong một tình trạng như thế này, họ còn quá trẻ để tự định đoạt lấy tương lai mình, và điều mà họ có thể làm được có lẽ là chờ đợi kế hoạch chung của cơ quan! Tôi hiểu họ đang chờ một lời giải thích rõ ràng chứ không phải những gì mà tôi vừa nói. Tôi nói một cách lúng túng.






“Tôi biết tôi đã không có được những gì mà các anh mong đợi, và chính tôi cũng rất lo lắng như các anh. Tình trạng của tôi có lẽ còn khó khăn hơn các anh. Tôi rất tiếc. Tôi nghĩ chúng ta đành phải tự giải quyết lấy vấn đề của chính chúng ta chứ không nên quá trông chờ vào Cơ Quan. Tôi hy vọng các anh hiểu điều tôi nói.”






Từ hôm ấy, tôi ở lại nhà mẹ tôi vì tôi không muốn bị lỡ cơ hội mỗi khi Cơ Quan cần liên lạc. Tôi đã bảo những cộng tác viên của mình nên tự giải quyết lấy mọi việc, nhưng tôi cũng vẫn dựa vào Cơ Quan!






Lân, Phụng, Tài và tôi chơi bài tứ sắc và nói chuyện nhau. Phụng là em của Lân và cũng là trung sĩ Hải Quân. Anh ta từng ở nhà mẹ tôi lúc còn đi học, và anh ta cũng cưới một cô thợ may trong tiệm may của mẹ tôi. Tôi kể cho họ nghe những điều xảy ra trong Cơ Quan của tôi sáng nay cùng những gì mà Cơ Quan đang chuẩn bị. Tôi nghĩ họ cũng như tôi đều lo lắng cho sự an nguy của gia đình. Ở đất nước tôi, đàn ông luôn làm chủ gia đình và quyết định mọi việc quan trọng trong gia đình. Lân có 3 con nhỏ, Phụng thì chỉ mới có một đứa; chỉ có Tài là còn độc thân nên không lo gì cả ngoại trừ chính bản thân nó. Đề tài chính trong cuộc đối thoại của chúng tôi đều nhằm vào tình trạng của đất nước và làm thế nào để thoát thân khi sự việc tồi tệ diễn ra. Với 3 người đang làm cho Hải Quân Việt Nam, việc di tản bằng tàu thật quá dễ dàng, nhưng tôi vẫn luôn tin vào kế hoạch của Cơ Quan và trông chờ vào kế hoạch ấy. Tôi nói với họ điều tôi đang suy nghĩ và họ cũng đồng ý như vậy.






Linh đến đi với tôi tới nhà của chị anh ta. Anh rể anh ta, Thụ, là tổng giám đốc trong bộ Dân Vận Chiêu Hồi gặp chúng tôi như đã hẹn trước.






- “Anh có dự định gì trong vấn đề di tản một khi tình trạng khẩn cấp xảy ra không?” Linh hỏi ngay.






- “Chưa!” Thụ trả lời một cách hấp tấp, “nhưng đã có vài việc xảy ra trong Bộ vào sáng nay.”






- “Điều gì vậy?” Linh hỏi một cách lo lắng.






- “Ông Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã bảo rằng có nhiều áp lực buộc Tổng Thống phải từ chức, và có lẽ ông ấy phải nhượng bộ thôi. Tôi không biết khi nào và điều gì sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho việc thay đổi ấy vì Nhã là họ hàng với ông Thiệu.”






- “Tôi đã nghe điều ấy rồi, và sáng nay Cơ Quan chúng tôi đã làm danh sách nhân viên.” Tôi giải thích. “Hôm qua tôi cũng có nghe nói việc Nguyễn Khắc Bình nhường quyền lại cho Nguyễn Phát Lộc, nhưng việc này chưa xảy ra.”






- “Tôi nghĩ việc ấy sẽ đến nhanh thôi!” Linh thêm vào. “Anh có ý nghĩ thế nào về tình trạng đất nước ta không?”






- “Tôi nghĩ chắc rất là phức tạp. Người Mỹ muốn chúng ta giải quyết tình trạng chiến tranh bằng chính bản thân chúng ta, nhưng họ lại áp lực khắp mọi mặt. Vài vị tướng lại muốn Tổng Thống phải từ chức để hoà đàm với VC, nhưng họ lại không biết làm thế nào nói chuyện được với Cộng Sản vì CS là những người không bao giờ tôn trọng thoả ước. Tôi không biết ai sẽ làm Tổng Thống khi ông Thiệu từ chức: Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh là hai ứng viên sáng chói. Với Kỳ thì có lẽ sẽ có chiến tranh thay vì thương thuyết. Ngược lại Minh hiện là người được nhóm “Lực Lượng Thứ Ba” hậu thuẩn mà lực lượng này lại đang hợp tác với VC. Tôi không biết việc gì sẽ xảy ra một khi Big Minh nắm quyền.” Thụ trả lời theo nhận định riêng.






- “Chúng tôi đến đây để hỏi xem anh có kế hoạch gì không một khi tình trạng nguy kịch xảy ra.” Linh cắt lời. “Chúng ta nên có dự định riêng chứ không thể hoàn toàn trông cậy vào chính phủ hay vào Mỹ.”






- “Tôi chưa có ý định nào cả, nhưng cũng đã nghĩ đến điều ấy rồi. Tôi nghĩ chúng t

No comments:

Post a Comment