Monday, March 28, 2016
VĨNH BIỆT TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời
24.03.2016
Nhà
sử học Tạ Chí Đại Trường, tác giả nhiều sách nghiên cứu lịch sử có giá
trị to lớn, đã qua đời ngày 24/3 ở Sài Gòn sau một thời gian lâm trọng
bệnh, thọ 78 tuổi.
Nhiều báo và trang
tin lớn ở Việt Nam khi đưa tin về sự ra đi của ông đều nhận xét rằng
nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường được xem là một trong những nhà
sử học xuất sắc cũng như có cách nhìn và suy nghĩ về lịch sử một cách
thực sự khoa học, khách quan và chân thật. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường
mất đi là một mất mát lớn cho giới nghiên cứu sử học trong và ngoài
nước.
Ông được giới sử học trong và
ngoài Việt Nam đánh giá cao vì cách ông nhìn nhận lịch sử Việt Nam có
tính mới mẻ, và ông xử lý các tư liệu công phu, cẩn thận, nhờ đó ông đưa
ra các kiến giải quan trọng, tạo nên một “phong cách sử học” của riêng
ông.
Bản thân nhà sử học Tạ Chí Đại
Trường cho rằng tác phẩm của ông được đánh giá có cách lập luận độc đáo
là vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử
nào, do đó đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch
sử Việt Nam. Ông cho biết thêm tuy rất nghiêm túc trong công việc
nghiên cứu song ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải
có độc giả.
Tên ông gắn với nhiều tác
phẩm có tiếng vang cả trong và ngoài nước Việt Nam. Trong đó, tác phẩm
đầu tiên của ông được rất nhiều người biết đến là "Lịch sử Nội chiến
Việt Nam từ năm 1771 đến 1802". Sách đã ra mắt năm 1960, gây tranh luận,
và được tái bản nhiều lần. Tác phẩm được nhận xét là mở ra một cách
viết sử mới, trung thực tạo ra những suy ngẫm sâu xa về lịch sử Việt
Nam. Nhưng cuốn sách cũng đã khiến ông gặp nhiều rắc rối sau năm 1975,
khi chính phủ cộng sản thống nhất và kiểm soát toàn bộ Việt Nam. Sách
này đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được
in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường sinh năm 1938 tại Khánh Hòa. Ông tốt nghiệp cao học sử Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964.
Ông tham gia quân ngũ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ 1964-1974. Sau năm 1975 ông bị tù “cải tạo” đến năm 1981.
Tháng
8/1994, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường định cư tại Hoa Kỳ. Phải tới hơn
10 năm sau ông mới quay trở lại Việt Nam, vào tháng 10.2015, khi ông lâm
trọng bệnh và xác định muốn ở lại quê hương lúc cuối đời.
Ông
từng được nhận Giải thưởng Văn chương toàn quốc của Viêt Nam Cộng hòa
vinh danh ông trong lĩnh vực sử năm 1970, và Giải thưởng Văn hóa Phan
Châu Trinh lần thứ 7 năm 2014 ở hạng mục Nghiên cứu vì những đóng góp
độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu sử học.
Trong
thời gian ở Mỹ ông đã xuất bản một số sách như “Những bài dã sử Việt”
vào năm 1996, hay cuốn “Thần, Người và Đất Việt” vào các năm 1989 và
2000.
Trong khi giới học giả nước
ngoài nhanh chóng tiếp cận các công trình nghiên cứu sử học của Tạ Chí
Đại Trường ngay khi ông vừa viết xong và công bố, thì bạn đọc trong nước
chỉ tiếp cận một hai đầu sách của ông in vào khoảng thập niên 80-90 thế
kỷ trước. Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới
được chính thức in và phát hành tại Việt Nam.
TTO - Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường – tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị, vừa qua đời tại nhà riêng ở TPHCM lúc 4g sáng 24-3 sau một thời gian dài nằm bệnh.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời. Ảnh: L.Đ |
Trước đó, sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông Tạ Chí Đại Trường từ Mỹ về lại Việt Nam vào ngày 4-10-2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.
Theo người nhà cho biết, trước tết âm lịch Bính Thân 2016, ông vẫn còn tỉnh táo, có thể tiếp chuyện một bạn bè đến thăm. Nhưng từ tết đến nay thì ông yếu hẳn.
Ông Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21-6-1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định. Ông bắt đầu làm việc với sử liệu và nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ trước 1975.
Các công trình của ông được giới sử học trong và ngoài nước đánh giá cao, không chỉ ở mức độ công phu, cẩn thận khi xử lý tư liệu mà quan trọng là cách nhìn của Tạ Chí Đại Trường về lịch sử Việt Nam có tính mới mẻ, nên ông là người đưa ra các kiến giải quan trọng, tạo nên một “phong cách sử học” của riêng ông, khác với sử quan và khác với mọi người.
Trong khi học giới nước ngoài nhanh chóng tiếp cận các công trình nghiên cứu sử học của Tạ Chí Đại Trường ngay khi ông vừa viết xong và công bố, bạn đọc trong nước chỉ tiếp cận một hai đầu sách của ông in vào khoảng thập niên 80-90 thế kỷ trước.
Gần đây, thông qua nỗ lực liên kết xuất bản của Nhã Nam, một loạt sách của ông được xuất bản trong nước như: Những bài dã sử Việt (2009), Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861 - 1945 (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), và Thần người đất Việt (2014).
Ghi nhận những đóng góp về chuyên ngành nghiên cứu lịch sử của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 7 năm 2014 trao tặng ông ở hạng mục Giải Nghiên cứu, với lý do “Vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của Ông trong nghiên cứu sử học”.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường mất đi là một mất mát lớn cho giới nghiên cứu sử học trong và ngoài nước. Những ngày cuối đời trên giường bệnh ở Sài Gòn, ông vẫn ưu tư đề cập đến các vấn đề sử học của đất nước, và trăn trở về một số công trình chưa kịp in ở Việt Nam.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường gặp gỡ bạn đọc tại Nhã Nam thư quán, năm 2011 - Ảnh: L.Điền |
Lễ viếng bắt đầu từ 20g ngày 24-3,
Lễ động quan lúc 8g ngày 27-3, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.
Nhận xét về sử gia Tạ Chí Đại Trường
Trần Anh Tuấn
Giáo
sư Tạ Chí Ðại Trường tốt nghiệp cao học Sử tại Ðại Học Văn Khoa Sài
Gòn năm 1964, và hoàn tất chương trình tiến sĩ chuyên khoa Sử tại đó
năm 1973. Bị động viên, ông phải trốn về Sài Gòn khi trình tiểu luận cao
học Sử với đề tài Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802. Mãi
đến năm 1973 ông mới được biệt phái về Bộ Quốc Gia Giáo Dục mà nhiệm sở
là trung học Tân An thuộc tỉnh Long An. Ông có thỉnh giảng tại Ðại Học
Cửu Long, một đại học tư ở Sài Gòn cho đến ngày 30/4/1975.
Thuộc lớp nghiên cứu Sử được đào tạo tại Ðại
Học Văn Khoa Sài Gòn trong thập niên 1960, ông là một trong những tác
giả tích cực cộng tác với Tập San Sử Ðịa (Sài Gòn, 1966-1975).
Tập San Sử Ðịa là một quý san do Nhóm Sử Ðịa Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn chủ trương. Buổi đầu, nhóm này có tờ nội san quay ronéo, tức Nội San Tin Sử Ðịa do
Hà Mai Phương chịu trách nhiệm năm 1962-64. Từ năm 1964, trách nhiệm
của nội san chuyển sang Trần Anh Tuấn. Phần chính của Nội San bao gồm
bài vở của các giáo sư và sinh viên Sử Ðịa Ðại Học Sư Phạm và Ðại Học
Văn Khoa Sài Gòn. Phần phụ của Nội San là đăng lại những tài liệu hiếm
quý từng in trong những tạp chí xưa như Tri Tân, Thanh Nghị... mượn trong hai tủ sách tư nhân của giáo sư Nghiêm Thẩm và ông Thái Văn Kiểm.
Năm 1966, ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhà
sách Khai Trí tình cờ đọc thấy một số Nội San và ngỏ ý tài trợ việc in
ấn, vì theo ông, nội dung Nội San mà quay ronéo để phổ biến một cách
giới hạn thì “uổng lắm!”
Thế là Nội San biến thành Tập San Sử Ðịa
từ đó, ra được 29 số cho mãi đến khi Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ, dưới sự
chăm sóc của Nguyễn Nhã, “chuyên viên” liên lạc tìm người viết.
Tập San Sử Ðịa không có Chủ Bút, vì
lúc ấy chúng tôi hoặc là còn đang “mài đũng quần trên ghế nhà trường”
-theo cách nói rẻ rúng của Nguyễn Huy, cũng tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm
Sài Gòn Ban Sử Ðịa, định cư ở Canada sau năm 1975- hoặc mới ra trường
nên khả năng chuyên môn còn giới hạn.
Giáo sư Tạ Chí Ðại Trường là một trong những
người nghiên cứu sử sang được Hoa Kỳ muộn nhất. Mãi đến tháng 8 năm
1994 ông mới đặt chân đến Hoa Kỳ.
Nhưng ngay từ khi còn ở Việt Nam dưới chế độ
Cộng Sản, ông đã có can đảm cho xuất bản nhiều tác phẩm của mình ở hải
ngoại. Ðó là các quyển Thần, Người và Ðất Việt (California, Văn Nghệ xb, 1989, 398 tr.), Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài (California, Thanh Văn xb, 1993), và Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong và Bên Ngoài, viết chung với Nguyễn Xuân Nghĩa (California, Văn Lang xb, 1994, tr. 1-80).
Ngoài những sử phẩm nêu trên, ông còn thường xuyên có bài đăng trên Văn Lang, một tập san nghiên cứu Việt Học xuất bản tại Nam California, trong những năm 1991-1993.
Một chia sẻ rất tự nhiên của ông và làm độc
gỉa thấy gần với sử gia họ Tạ là khi ông cho biết còn ở trong nước mà
đăng bài và in sách ở ngoài như thế là sự bất đắc dĩ và “hồi hộp!” (Lời
Nói Ðầu trong Những Bài Dã Sử Việt, trang 9).
Tạ Chí Ðại Trường quê quán Bình Ðịnh, đề tài
nghiên cứu của ông thường là lịch sử Việt Nam thời cận và hiện đại,
nhất là thời Tây Sơn. Ông có những suy luận sâu sắc và độc đáo, nhưng đố
ai đọc sách ông viết mà không nhức đầu vì ông có tật làm dáng khi viết!
Văn ông có sự phức tạp cầu kỳ và mất sự trong sáng dễ hiểu, khiến tác
phẩm của ông khó phổ biến ngay trong số những người có trình độ học vấn
cao. May thay, văn của ông trong thế kỷ XXI đã có phần sáng sủa dễ đọc
hơn.
Thời gian đầu khi mới định cư ở Hoa Kỳ, Tạ
Chí Ðại Trường tung hoành ngang (tạp chí) và dọc (tác phẩm) như
một cánh chim bằng vừa được tháo cũi sổ lồng.
Ðặt chân đến California hồi tháng 8 năm 1994 thì tháng 4 năm sau ông đã có bài trên tạp chí Văn Học (“Sử Học và Truyền Thống Hùng Vương,” Văn Học số 108, tháng 4/1995, trang 3-18).
Sau đó, ông đều đặn phổ biến nhiều thiên nghiên cứu khác trên Văn Học
(trong các số 156, 4/99; 165&66, 1-2/2000; 168, 4/2000; 170,
6/2000; 177&78, 1-2/20001; 179, 3/2001; 188, 12/2001; 192, 4/2002;
195, 7/2002; 198, 10/2002; 201-202, 1-2/2003; 203-204, 3-4/2003;
212-213, 12/2003-1/2004, 216, 4/2004; 217, 5/2004; 219, 7/2004; 226,
7-8/2005; 227, 9-10/2005...)
Những nghiên cứu này, ngay sau đó, được sử dụng như những công trình chính để ông xuất bản dưới dạng sách, là Những Bài Dã Sử Việt (California, Thanh Văn xb, 1996, 432 tr. Tái bản: Hà Nội, nxb Tri Thức, 2009, 446 tr.), Những Bài Văn Sử (California, Văn Học xb, 1999, 207 tr.), Sử Việt Ðọc Vài Quyển (California, Văn Mới xb, 2004, 523 tr.), và Bài Sử Khác Cho Việt Nam (Sơ Thảo) (Văn Mới xb, 2009, 564 tr.)
Trong Những Bài Dã Sử Việt, Tạ Chí
Ðại Trường đã vượt quá những đề tài quen thuộc của ông để lùi về dĩ vãng
xa xăm thời Hùng Vương, hay khảo về lịch sử thế kỷ X, và rị mọ về chế
độ nội hôn -mà Tạ Chí Ðại Trường gọi là “loạn dâm” của nhà Trần thế kỷ
XII-XIV. Sự đóng góp quan trọng nhất của Tạ Chí Ðại Trường qua Những Bài Dã Sử Việt là công cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và sâu sắc về hệ thống tiền đồng và tiền giấy Việt Nam qua dòng lịch sử.
Ðến Những Bài Văn Sử thì Tạ Chí Ðại
Trường lại trở lại nỗi ám ảnh từ lâu của ông, là chuyện viết sử và viết
văn. Thành ra khi viết sử, ông dồi dào những sự thông giải cùng ý tưởng
sáng tạo nhưng văn phong cứ uốn éo khó hiểu.
Trong Thay Lời Nói Ðầu nơi trang 11 của sách này, ông phát biểu, nguyên văn: “văn chương là của một người” và “sử học phải dành cho tập đoàn...”
Ðây thật là một sự rắc rối không cần thiết! Văn chương mà không chia sẻ
thì đâu phải là văn chương?! Anh viết truyện hay anh làm thơ, là anh
viết cho người khác đọc chứ?! Và sử là gì, nếu sử không phải là một câu
chuyện kể? Ai mà không kể chuyện được, thử hỏi?!
Viết sử là viết những chuyện đã xảy ra trong
quá khứ, nhưng phải viết sao cho trong sáng rõ ràng, có sâu sắc cũng
phải mạch lạc dễ hiểu để độc giả khi đọc phải bồi hồi háo hức. Nói cách
khác, văn chương là hình thức của sự truyền bá lịch sử. Hai yếu tố này
không thể phân tách, cũng như người ta không thể phân tách phần hồn và
phần xác của một con người sinh động!
Sử Việt Ðọc Vài Quyển đánh dấu nét
tài hoa của họ Tạ khi ông nghĩ và viết sử. Nhiều đề tài hay cách trình
bầy mới mẻ: Sex Và Triều Ðại (tr. 101-175), Các Sử Quan Ẩn Khuất Lúc Ban
Ðầu (tr. 17-61), Các Sử Gia Nho Thần (tr. 62-100)... Phần "Đối Thoại
Sử Học" là dịp ông nhận xét về giới nghiên cứu sử trong chế
độ Cộng Sản Hà Nội thông qua Bùi Thiết, Vũ Minh Giang... Nhưng
bài “Tiến Trình Vương Hóa Mới” lọt vào sách (tr. 382-430) thật đáng
tiếc, vì nội dung bài này không gì khác hơn là những sự việc ai cũng
biết rồi!
Bài Sử Khác Cho Việt Nam (Sơ Thảo) có
lẽ dẫn xuất từ sự thành công của những soạn phẩm mà tác
giả cho trình làng trong hai thập niên 1990-2000. Bây giờ, sự tự
tin của Tạ Chí Đại Trường xuất lộ đến thành chữ viết, và ông
đã ngạo nghễ mong rằng sách này sẽ là "tập sử của thời có sử," ngược với loại "sử học thời sự" hiện nay mà họ Tạ gọi là "thời kỳ tiề̀n sử của sử học..." (trang 9).
Cũng như những quyển sách trước đó, là Thần, Người Và Đất Việt năm 1989, Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài năm 1993, Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong Và Bên Ngoài năm 1994, Những Bài Dã Sử Việt năm 1996, Những Bài Văn Sử năm 1999, Sử Việt Đọc Vài Quyển năm 2004, Bài Sử Khác Cho Việt Nam (Sơ Thảo) năm
2009 này phân tích, lý luận, và nhận định về những sự kiện
xảy ra trong quá khứ. Trong hành trình tri thức ấy, tác giả đã
tỏ lộ một kho kiến thức vừa căn bản vừa quảng bác, một sở
đắc gồm sử triết và văn, cùng nhiều chi tiết mới mẻ và sự
kiện mới mẻ trong quá khứ dân tộc Việt.
Những yếu tố thu hút đó giải thích
sự mến trọng của nhiều tầng lớp và thế hệ độc giả dành cho
sử gia họ Tạ. Nhưng đó là cách viết sử của Tạ Chí Đại
Trường, và chỉ Tạ Chí Đại Trường mà thôi!
Ðiều đặc biệt là sau khi đọc vài quyển sử
Việt tại hải ngoại, Tạ Chí Ðại Trường trở về Việt Nam rồi người ta thấy
nhà xuất bản Công An Nhân Dân trong nước tái bản quyển Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802 của ông, nhưng đổi tựa đề thành Việt Nam Thời Tây Sơn. Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802
(Hà Nội, nxb Công An Nhân Dân, 2007, 484 tr.). Mới đây, nhà xuất
bản Tri Thức-Nhã Nam lại tái bản vào tháng 8.2013, 482 tr.
Ðây là thái độ đảo ngược 360 độ trong chính
sách văn hóa thông tin của nhà cầm quyền Hà Nội, vì sau khi chiếm được
Việt Nam Cộng Hòa, họ đã lập nên “Phòng Trưng Bầy Tội Ác Mỹ Ngụy” tại
Sài Gòn trong đó quyển Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Ðến 1802 của Tạ Chí Đại Trường nằm “lù lù” trong đó (chữ của chính tác gỉa)!
Quyển Thần, Người và Ðất Việt (California, Văn Nghệ xb, 1989, 398 tr.) của ông cũng được tái bản ở Việt Nam. Mới đây nhất là nhà Nhã Nam tái bản, tháng 1.2014.
Ðến năm 2009 thì sách Những Bài Dã sử Việt được nhà xuất bản Tri Thức tại Hà Nội tái bản và Dương Trung Quốc, Tổng Thư Ký Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, giới thiệu.
Và mới đây nhất, bản thảo Người Lính Thuộc Ðịa Nam Kỳ (1861-1945) của ông được xuất bản lần đầu tiên ở trong nước, do nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2011, 388 tr.
Là cố nhân với nhau, tôi buồn khi thấy sách Người Lính Thuộc Ðịa Nam Kỳ (1861-1945)
của Tạ Chí Đại Trường in tại Việt Nam không những đã phải
tránh né chuyện bàn về bàn chất của cuộc chiến tranh -nói
gọn lại là cuộc chiến tranh Quốc Cộng (1954-1975), mà kết luận
của ông trong những giòng chữ cuối cùng của sách còn hàm ý
ca tụng Cộng Sản Việt Nam một cách uốn éo thô thiển.
Xin nêu lên ngay ở đây một bằng chứng cho sự uốn éo của lời văn họ Tạ: "... Kỹ thuật sử dụng vũ khí được thông hiểu không chần chờ..." Thông hiểu không chần chờ thì văn đã nặng hơn họ mất rồi!
Trở lại với quyển sách mới nhất của Tạ Chí Đại Trường được in tại Hà Nội năm 2011. Nơi trang 348, trang cuối trước phần Tài Liệu Tham Khảo của sách, có nguyên văn như sau: "Cuộc
tranh đấu kết thúc vào một ngày tháng Bảy năm 1954 giữa hai
phe là một cuộc tranh đấu sử dụng hoàn toàn kiến thức kỹ
thuật Tây Phương. Kỹ thuật sử dụng vũ khí được thông hiểu không
chần chờ. Có chút khác là kỹ thuật tổ chức đã đem lại ưu
thắng cho người kháng chiến. Quan niệm chiến tranh đơn thuần
chuyên môn chưa đủ thích ứng vào một xã hội cựu thuộc địa còn
rất cũ kỹ khiến những người tốt nghiệp St. Cyr, Saumur... trở
thành cô lập, phải lúng túng trước một tầng lớp đối kháng
giờ đây đã thuộc lòng các yếu tính văn minh Tây Phương đến độ
không những chỉ đi theo những xuất hiện mới nhất về mặt tư
tưởng, mà còn có thêm sự gắn bó với địa phương và văn hóa
cổ truyền. Tất cả đã tạo cho họ sự hãnh diện, lòng tự tin
để chiến thắng. Sài Gòn tháng 4-1975."
Tôi dám quả quyết những
hàng chữ trên đây không thể nào được Tạ Chí Đại Trường viết
trong tháng 4-1975 như tác gỉa đã cho in trên giấy trắng mực đen
năm 2011.
Suốt thời gian tác gỉa viết luận án, từ tháng 9.1973
đến tháng 4.1975, thì Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại, Sài
Gòn vẫn là thủ đô, và Tạ Chí Đại Trường vẫn còn là một
đại úy khối Quân Sử thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam
Cộng Hòa được biệt phái về Bộ Quốc Gia Giáo Dục tại nhiệm
sở là Trung học Tân An tỉnh Long An.
Lẽ nào trong thời buổi ấy mà Tạ Chí Đại Trường lên tiếng ca tụng tư tưởng Mác-Lê ẩn qua hàng chữ "những xuất hiện mới nhất về mặt tư tưởng," và lẽ nào tác gỉa mệnh danh Cộng Sản là "người kháng chiến?"
Còn nhận xét cuả tác gỉa Tạ Chí Đại Trường, rằng người Cộng Sản "gắn bó với... văn hóa cổ truyền" là một nhận xét nông cạn, chỉ biết xét bản chất qua sự tuyên truyền.
Xưa nay, Cộng Sản tha
thiết với văn hóa cổ truyền bằng miệng lưỡi, nghĩa là tuyên
truyền mà thôi. Chính sách "tiêu thổ kháng chiến" của họ trong
hai thập niên 1940-1950 là đập phá đền miếu, biến đình chùa
thành kho chứa thóc, lấy bia đá làm cầu ao, đóng hoành phi câu
đối thành ghế hay chẻ làm củi, dùng châu phê nhà Nguyễn nhóm
lửa hút thuốc lào, xé cổ thư chữ Hán nhóm bếp... Nếu đó là
chuyện cũ, thì chuyện mới là đại sứ đi mò sò bị cảnh sát
Mỹ bắt, nhân viên tòa đại sứ buôn lậu sừng tê giác bị quan
thuế Nam Phi tóm... "Gắn bó với văn hóa cổ truyền" theo cách nhìn của tác gỉa là thế sao?
Còn nhận định Cộng Sản là "một tầng lớp đối kháng giờ đây đã thuộc lòng các yếu tính văn minh Tây Phương..." theo tôi, không những sai lầm mà còn rõ vẻ điếu đóm!
Sai lầm vì giới lãnh đạo Cộng Sản Việt
Nam không hề "thuộc lòng các yếu tính văn minh Tây Phương," mà
trái lại, họ là nông dân với một ít thợ thuyền. Chính vì họ
không có điều kiện được học nhiều ở các trường do Pháp tạo
lập nên họ giữ nguyên được đặc tính của giới nông dân Việt Nam
trong nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa: ít học nhưng chịu khó
chịu khổ, kiên trì nhẫn nại, mưu mẹo quỷ quyệt, nhưng lạc quan
và quyết tâm.
Thật ra, kết luận trên đây của Tạ Chí Đại Trường không hề dính dáng gì đến đề tài mà tác gỉa nghiên cứu, là Người Lính Thuộc Ðịa Nam Kỳ trong thời khoảng 1861-1945.
Dĩ nhiên, thiên nghiên cứu
nào cũng có thể mở ra vấn đề mới hay đi xa về không gian hoặc
thời gian khi kết thúc. Nhưng làm sao tôi có thể tin luận án
Tiến Sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa mà kết luận chỉ cốt ca tụng
Cộng Sản được?
Vậy là những sử phẩm mà Tạ
Chí Ðại Trường đã xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 hay sau này tại
Hoa Kỳ khi tái bản tại Việt Nam đã có những câu chữ bị thay đổi hay
những ý tưởng bị thêm bớt. Sự khác biệt của hai kỳ in -một là thời
VNCH và hải ngoại và một là ở trong nước- lại chính là quyết định
của tác giả Tạ Chí Ðại Trường sao?
Những tác gỉa tại hải
ngoại muốn có sách được in trong nước, hoặc là Hoành Linh Đỗ
Mậu, hoặc là Nguyễn Tiến Hưng, và nay là Tạ Chí Đại Trường,
phải trả giá đắt thế sao?
Tôi viết những nhận xét trên đây vào tháng 8.2014 khi nhận được sách. Tôi viết với tâm trạng đáng buồn, và... đáng thương.
Gặp nhau từ thập niên 60
của thế kỷ trước, tôi biết bản lãnh của Tạ Chí Đại Trường
phải hơn thế này. Hãy đọc lại bài ông viết dài 80 trang trong Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong và Bên Ngoài xuất bản năm 1994 khi ông còn ở trong nước để thấy nét dõng dạc của ngòi bút họ Tạ. Hãy đọc lại kết luận của bài viết ấy:
Chung quy chỉ tại vua Hùng
Đẻ ra một lũ khùng khùng điên điên
Thằng khôn thì đã vượt biên
Thằng ngu ở lại không điên cũng khùng.
Và:
Một thằng lên vũ trụ
Mươi thằng đi Mút-Cu
Nghìn thằng ăn uống lu bù
Để dân năm mươi triệu đói thò cu ra ngoài!
(Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong và Bên Ngoài, trang 80.)
Khi ra hải ngoại, ông chững chạc tuyên bố, nguyên văn trong Sử Việt Đọc Vài Quyển (2004), trang 478: Nếu
là người "bên trong" thì phải nói đến tính giai cấp, tính
Đảng trong việc nghiên cứu sử học. Như ông Viện Trưởng Viện Sử
Học Văn Tạo tuyên bố trong một hội nghị quốc tế năm 1988: "Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới."
Rồi ông khẳng khái tự nhận nơi cuối sách, trang 523: ... chút bướng bỉnh muốn ngẩng cao đầu vì khoa học thúc đẩy đã khiến cho tác giả (tức TCĐT, TAT chú) thành "tên phản động hạng nặng..."
Với bản lãnh như thế, làm sao giải
thích được kết luận kỳ lạ của Tạ Chí Đại Trường trong sách
in năm 2011? Chẳng lẽ người khác viết tại Hà Nội, rồi ấn vào
tay ông?
Vì thế, tin sử gia họ Tạ mất ngày 24.3.2016
khiến tôi thấy thật đáng tiếc cho một đời nghiên cứu, toàn tâm
toàn ý không gia đình không con cái mà cuối đời hoá ra bị vẩn
đục.
Viết 2014 chỉnh sửa 2016
TRẦN ANH TUẤN
Trích trong Sử Việt tại Bắc Mỹ 1975-2015 sắp xuất bản
Tạ Chí Đại Trường một nhân cách trí thức
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/03/160327_doanxkien_on_tachidaitruong
Đoàn Xuân Kiên
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London, Anh quốc ngày 27 tháng 3 2016.
Image copyright Nguoi Viet Image caption
Sử gia Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời ở Việt Nam, hưởng thọ 81 tuổi.
Nhớ
về Tạ Chí Đại Trường là nhớ về một nhà nghiên cứu sử không chịu khuất
phục trước những uy lực chính trị để được sống và viết một cách trung
thực với mình.
Tạ Chí
Đại Trường đã trở thành quen thuộc trong giới chữ nghĩa trong nước và
hải ngoại từ lâu. Ở Sài Gòn trước 1975, tên tuổi ông đã nổi khi quyển
sách đầu tay, Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802, được tặng Giải
Thưởng Tổng Thống VNCH năm 1970 trước khi công chúng được đọc toàn văn
khi sách được in ba năm sau đó. Trước 1975, ông viết không nhiều. Ngoài
quyển sách Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam 1771-1802, công chúng chỉ được
đọc thêm 9 bài viết trên Tập San sử Địa (Sài Gòn) mà trong số đó đã có
đến 4 bài trích từ trong sách Lịch Sử Nội Chiến.
Nhớ
về Tạ Chí Đại Trường là nhớ về một nhà nghiên cứu sử không chịu khuất
phục trước những uy lực chính trị để được sống và viết một cách trung
thực với mìnhĐoàn Xuân Kiên
Những
bài viết ít ỏi kia cùng với sách Lịch Sử Nội Chiến tại Việt Nam
1771-1802 dù sao cũng đã cho thấy phong cách của một nhà viết sử nghiêm
túc từ phương pháp làm việc đến những kiến giải cho vấn đề. Nếu không có
những biến động lớn trong xã hội sau ngày 30/4/1975, có lẽ công chúng
sẽ đón nhận thêm những công trình sử học kế tiếp giàu tính cách tiến bộ
và mới mẻ, vì sau khi nhà xuất bản Văn Sử Học ấn hành Lịch Sử Nội Chiến
1771-1802 (1973), Tạ Chí Đại Trường đã hoàn tất bản thảo ban đầu của
công trình về Tiền Kẽm Nam Hà (1974) và đang chuẩn bị cho luận án về
Người Lính Thuộc Địa Nam Kì 1861-1945.
Biến cố
30/4 đã tác động nhiều đến đời sống riêng và con đường nghiên cứu của
ông. Sau sáu năm tù cải tạo, ông bắt đầu những ngày khốn khó về đời
sống, nhưng ông đã vượt thoát những vây khốn đời thường, dùng hết những
thời gian trống trải này để suy ngẫm và viết những gì ông có thể năm bắt
trong tầm tay. Dần dà, những công trình kế tiếp đã hình thành. Đọc và
viết đối với ông bây giờ là một thứ ghi chép của một người quan sát từ
bên lề cuộc sống mới. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm Một khoảnh Việt Nam
Cộng Hoà nối dài. Ông dí dỏm gọi đây là những trải nghiệm thực tế của
một thứ “chuẩn công dân hạng nhì” trong lòng xã hội vừa đổi đời. Tập hồi
kí Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài được các bạn hữu của tác giả
xuất bản thành sách lần đầu tại Hoa Kỳ năm 1993, khi ông còn ở trong
nước. Sau này, tác giả đã có thời gian chỉnh đốn bản thảo. Công việc
hiệu chỉnh này hoàn tất năm 2005. Gần đây, toàn văn bản thảo do tác giả
hiệu chỉnh cũng được lưu trữ trên mạng thông tin toàn cầu.
Tập hồi
kí của Tạ Chí Đại Trường giàu tính cách văn học cũng như tài liệu xã hội
tươi nguyên của một thời trong lịch sử đất nước đang chuyển động từng
ngày trước mắt. Con mắt sử gia đã bén nhạy ghi nhận những nhịp đập vui
buồn của một thời thể hiện qua số phận một cá nhân. Nhưng tập hồi kí còn
cho người đọc đôi nét khắc hoạ về con người nhạy cảm tinh tế của một
nhà văn. Chúng ta trân trọng tập hồi kí vì tính cách sống động và chân
thực của nó. Tập hồi kí này sẽ thêm vào kho hồ sơ lưu trữ xác thực về
một thời kì lịch sử mà thế hệ trẻ Việt Nam rất cần được biết và nhớ. Vì
một tương lai khác cho đất nước chúng ta.
Chỉnh lại, phê phán
Image copyrightAFPImage captionBiến cố 30/4 đã có nhiều tác động đến đời sống riêng và con đường nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường, theo tác giả.
Kế đó là
một loạt những bài viết ngắn nhằm chỉnh lại những điều cần phê phán,
hoặc đưa ra những góc nhìn khác về những vấn đề sử học của giới nghiên
cứu. Những bài viết này về sau đăng dần trên tập san Văn Học (USA) trước
khi in thành nhiều tập tại hải ngoại. Đó là những tập Thần, Người và
Đất Việt (1989), và Những bài dã sử Việt (1996). Tập Việt Nam nhìn từ
bên trong: Những khuynh hướng chính trị tiên tri thời hiện tại ở Việt
Nam (1992) đưa ra những giải mã độc đáo về những khuynh hướng chính trị
mà ông gọi là những khuynh hướng tiên tri mang màu sắc huyền bí của tôn
giáo hơn là bắt rễ từ thực tiễn. Những khuynh hướng hoang tưởng khác
nhau ấy đã như một truyền thống bắt rễ sâu trong sinh hoạt chính trị. Hệ
quả của những khuynh hướng tiên tri này là sự phiêu lưu hoang tưởng của
xã hội vì vướng kẹt trong ngõ cùng của chính trị.
Ông
không phê phán để phê phán suông, mà để phấn đấu cho một cuộc đổi thay
cần thiết và triệt để trong nghiên cứu sử. Thay đổi này không thể là
cuộc thay đổi ngoài da mà phải là một thay máu cho văn hoáĐoàn Xuân Kiên
Người
đọc Tạ Chí Đại Trường luôn bắt gặp đây đó những phát kiến độc đáo. Chẳng
hạn, bài "Về khuôn tiền đá ở Núi Voi" (Bắc Thái) trong Những bài dã sử
Việt, Tạ Chí Đại Trường nhận ra rằng khuôn đúc tiền bằng đá tìm thấy ở
Núi Voi không thể là của đời Đường như một số sách/giáo trình lịch sử
nhận định. Nhờ đọc bài viết của ông, ông F. Thierry, một chuyên viên về
tiền cổ, đã kịp thời đính chính trên chuyên san Bulletin de la Société
Francaise numismatique (Tập san của Hội Tiền cổ Pháp) số tháng 3/1997,
rằng khuôn tiền đó chỉ có một lỗ khắc đồng Khai Nguyên, tiền hiệu đầu
Đường, thế kỷ VII. Trong bài "Việt Nam ở thế kỉ X", ông bàn về nhân vật
Lê Hoàn ("Việt Nam ở thế kỷ X").
Qua
những tài liệu mang giọng điệu miệt thị của sứ thần phương bắc và những
ghi chép bóng bẩy thường để che đậy hoặc tô vẽ thêm của sử quan trong
nước, cùng những dấu vết khảo cổ, Tạ Chí Đại Trường đã vẽ nên chân dung
một ông vua có cá tính của một triều đình tột đỉnh quyền hành mà sinh
hoạt không xa dân chúng là bao, và mặc dù còn vụng về quê kệch nhưng
cũng có vẻ hào nhoáng và niềm hãnh diện riêng. Hoặc giả, Tạ Chí Đại
Trường phân tích về Lý Nhân Tông, vị Hoàng đế suốt ngày loay hoay với
việc đồng áng và có đầy đủ phẩm chất tham công tiếc việc, hà tiện chi li
của anh nông dân một nắng hai sương ("Những Hoàng đế - điền chủ Đại
Việt thế kỷ X-XIV"). Ông coi ông vua này là nhân vật điển hình minh
chứng cho dấu vết điền chủ lãnh chúa rõ rệt ở các vị Hoàng đế của nước
Đại Việt thế kỷ X-XIV.
Khi sang
định cư bên Hoa Kỳ (1994), Tạ Chí Đại Trường lại đóng góp thêm một số
công trình khác cũng vẫn cùng ý hướng phê phán quan điểm sử học chính
thống ở trong nước để tiến đến một quan điểm sử học trung thực. Lần
lượt, các công trình Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt - Một lối
nhìn khác (2002), Sử Việt, đọc vài quyển (2006). Tính cách phê phán của
những công trình về sau này thật là dứt khoát.
Trong
tập Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt người Việt - Một lối nhìn khác
(2002), ông phê phán những quan điểm sử học đương thời ở cả hai miền Nam
Bắc trong thời phân chia và quan điểm sử của thời hiện đại, đều chỉ
muốn áp đặt chính trị lên lịch sử, giải thích lịch sử theo chủ quan của
chính trị.
Image copyrightblog hau khao coImage captionSử gia Tạ Chí Đại Trường đã để lại nhiều công trình, biên khảo có giá trị, theo tác giả.
Tập sách
Sử Việt, đọc vài quyển (2006) nguyên là tập hợp những bài viết do tác
giả thai nghén từ lâu, và được đăng tải lần đầu trên tạp chí Văn Học
(USA) trong những năm 1999-2004. Mười một bài viết đều xoay chung quanh
một chủ đề lớn: đi tìm một quan điểm tiếp cận lịch sử Việt Nam một cách
trung thực, không bị những trói buộc bất cứ từ đâu. Ý hướng là thế, lại
được thể hiện bằng một phương pháp khá độc đáo: tác giả đã khéo chọn một
điểm tựa mà dễ thường chưa ai làm, là suy niệm từ một quyển sử cũ, một
quyển sử tiêu biểu cho truyền thống viết sử đã định hình từ mấy thế kỉ
nay.
Sử thời thổ tả
Những
khơi động cần thiết mà tác giả đem lại cho công chúng trí thức trẻ Việt
Nam sẽ là món hành lí cần thiết cho một cuộc lên đường mới, một tương
lai khác của nghiên cứu sử Việt nói riêng và của văn hoá Việt một kỉ
nguyên mới, nói chung. Trong ý nghĩa đó, Tạ Chí Đại Trường đã góp phần
không nhỏ cho cuộc vận động tiến về con đường văn hoá mới cho Việt Nam,
ngày maiĐoàn Xuân Kiên
Cũng như
những tập sách khác trước đó, công trình Sử Việt thời thổ tả (2013) là
kết quả của một chuỗi suy niệm của tác giả về hiện trạng sa lầy của sử
học khi con người muốn đánh tráo sự thật bằng những mánh khoé của bạo
lực để đạt mục đích. Đọc tập sách này sẽ khiến người đọc ông phải bàng
hoàng và không thể không dấy lên những hoài nghi chính đáng về những gì
gọi là nền sử học của chúng ta hiện nay. Người đọc trẻ tuổi sẽ tìm thấy ở
tập hợp những bài viết này một sự khơi động rất mạnh: hãy cảnh giác với
những quan điểm và phương pháp luận hẹp hòi nhưng lại được sơn phết
bằng những vỏ bọc cao đẹp như là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc,
lòng tự hào về văn hiến nghìn năm…
Công
trình lớn sau cùng của Tạ Chí Đại Trường là một quyển thông sử mới mà
ông khiêm tốn gọi là Sơ thảo Bài Sử Khác Cho Việt Nam (2009). Trong
chương giới thiệu, ông minh nhiên đúc kết lại phương pháp tiếp cận sử
của mình là phá bỏ những áp chế chính trị lên người viết sử. Sử gia là
người bõ già của xã hội, và chỉ trung thực ghi nhận toàn bộ những mặt
sinh hoạt khác nhau của xã hội qua trục thời gian. Mười lăm chương sách
phác thảo một đề cương mới mẻ cho một bộ thông sử Việt Nam trong đó có
sự góp mặt của mọi cộng đồng xã hội đã góp công tạo nên lịch sử. Công
trình này cũng sẽ xem nhẹ chuyện ghi chép công trạng của các triều đại
chính trị mà nhắm vẽ lại chân dung xã hội Việt Nam qua các thời kì lịch
sử. Một công trình như thế sẽ vượt bỏ thứ quan niệm viết sử của các sử
quan tiếp nối nhau qua bao đời trên đất nước ta.
Công
trình đồ sộ này sẽ là một đề án thách đố thế hệ trí thức trẻ Việt Nam
mai sau trong nỗ lực cởi trói sử học ra khỏi vòng kim cô của một truyền
thống sử quan lưu cữu qua bao đời. Đó cũng là một thách đố văn hoá mới
cho xã hội ngày mai.
Xem thế
thì sự nghiệp của Tạ Chí Đại Trường toát lên một nét chung là ý hướng
san sẻ suy nghĩ của ông với thế hệ tương lai. Ông không phê phán để phê
phán suông, mà để phấn đấu cho một cuộc đổi thay cần thiết và triệt để
trong nghiên cứu sử. Thay đổi này không thể là cuộc thay đổi ngoài da mà
phải là một thay máu cho văn hoá. Những khơi động cần thiết mà tác giả
đem lại cho công chúng trí thức trẻ Việt Nam sẽ là món hành lí cần thiết
cho một cuộc lên đường mới, một tương lai khác của nghiên cứu sử Việt
nói riêng và của văn hoá Việt một kỉ nguyên mới, nói chung. Trong ý
nghĩa đó, Tạ Chí Đại Trường đã góp phần không nhỏ cho cuộc vận động tiến
về con đường văn hoá mới cho Việt Nam, ngày mai.
Bây giờ ông đã nằm xuống. Thác là thể phách, còn là tinh anh.
Tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường:
Image copyrightasiabooking.com.vnImage captionCác công trình của sử gia Tạ Chí Đại Trường sẽ còn là hành trang cho nhiều thế hệ người Việt Nam đi tới tương lai, theo tác giả.
1 Lịch
sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử học, Sài Gòn 1973.
(Tái bản: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802), Nxb. An Tiêm, Hoa
Kì 1991; Tái bản: Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802,
Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội 2006.) 2 Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn
Nghệ, Hoa Kì 1989; Văn Học xb., Hoa Kì 2000, bản mới; Nxb. Văn hoá
Thông tin, Hà Nội 2006, bản mới. 3 Một khoảnh Việt Nam Cộng hoà nối dài,
Nxb. Thanh Văn, Hoa Kì 1993. 4 Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài,
bài viết riêng được gộp chung với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nxb. Văn Lang, Hoa
Kì 1994. 5 Những bài dã sử Việt, Nxb. Thanh Văn, Hoa Kì 1996. 6 Những
bài văn sử, Văn Học xb., Hoa Kì 1999. 7 Lịch sử Việt Nam trong tầm mắt
người Việt: Một lối nhìn khác. Bài viết cho Williams Joiner Center
(UMASS/Boston) 2002. 8 Sử Việt đọc vài quyển, Văn Mới xb., Hoa Kì 2004.
9 Sơ
thảo: Bài sử khác cho Việt Nam, bản thảo bắt đầu 2005. Văn Mới, USA
2009. 10. Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945), bản thảo 1975. Nxb.
Tri Thức & Nhã Nam, 2011
Bài
viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả Đoàn Xuân Kiên, một nhà
nghiên cứu Việt học và ngữ học, đang sinh sống tại London, Anh Quốc.
Sử gia Tạ Chí Đại Trường qua lời kể của đồng nghiệp
Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-03-29
2016-03-29
Ông Tạ Chí Đại Trường, là một nhà sử học với những giải thích về lịch sử không giống với sử sách chính thống của nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ông Tạ Chí Đại Trường qua đời ở Sài gòn vào ngày 24 tháng Ba năm 2016,
đúng hai năm sau khi ông nhận giải thưởng Phan Chu Trinh trong nước nhân
ngày giỗ cụ Phan vào ngày 24 tháng Ba năm 2014. Ông học sử và nghiên
cứu lịch sử tại Sài gòn trước năm 1975, và có một thời gian tham gia
quân đội Việt nam cộng hòa. Sau năm 1975 ông bị tù cải tạo cho đến năm
1981, sau đó ông sang Hoa Kỳ sinh sống và tiếp tục nghiên cứu lịch sử
Việt nam.
Sau đây là một số nhận xét của các đồng nghiệp về con người và sự nghiệp của Tạ Chí Đại Trường sau khi ông qua đời.
Một nhà sử học khác
Nhận định về nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, ông Nguyễn Gia Kiểng, người
có những tác phẩm liên quan đến lịch sử Việt nam, hiện sống ở Pháp, nói
với chúng tôi:
“Tạ Chí Đại Trường là nhà sử học đầu tiên viết lịch sử một cách bài
bản và chuyên nghiệp, và rất lương thiện. Vì khi chúng ta đọc các tác
phẩm của Tạ Chí Đại Trường, chúng ta thấy có một sự tìm kiếm sự thật rất
là công phu, có sự nhận định và lý luận rất thẳng thắn. Nó khác với các
quan điểm của các sử quan ngày trước, và đến mãi sau này nữa, là dùng
lịch sử như là một dụng cụ để củng cố chế độ đương quyền. Coi lịch sử
đương nhiên là do kẻ chiến thắng viết ra. Tạ Chí Đại Trường không phải
là người như vậy, không coi lịch sử như là một phương tiện để bày tỏ lập
trường của mình, mà trái lại sử gia phải phản ánh đúng sự thực, là
người có bổn phận mô tả xã hội, cái sự biến chuyển của xã hội trong dòng
thời gian.”
Nếu có cái gì đó ước mong, nghĩ về công lao của bác Trường thì tôi mong là những công trình của bác đã xuất bản ở nước ngoài được nhanh chóng xuất bản trong nước.
- Bà Nguyễn Thị Hậu
Ông Nguyễn Gia Kiểng có viết một quyển sách tên là Tổ quốc Ăn năng trong
đó không xem triều đại Tây Sơn ở thế kỷ 18 là một triều đại vinh quang.
Điều này làm nhiều người Việt Nam có định kiến về công lao to lớn của
triều Tây Sơn không hài lòng. Ông Tạ Chí Đại Trường, một người Bình Định
đã lên tiếng bênh vực cho quan điểm của ông Kiểng.
Một đồng nghiệp của ông Tạ Chí Đại Trường trong ngành sử học, rất quan
tâm đến các tác phẩm của ông, không muốn nêu danh tánh, nói với chúng
tôi rằng:
“Anh Tạ Chí Đại Trường là một người có cái nhìn rất riêng với lịch sử
Việt Nam. Rất đặc biệt, rất riêng. Trong những kiến giải của anh về
lịch sử thì rất độc đáo, có thể là người khác không đồng ý. Nhưng đó là
những kiến giải hấp dẫn, bởi vì viết lịch sử như anh, anh đã đi ra ngoài
cái trường qui định viết sử bình thường. Viết và tạo được sự hấp dẫn,
nói như Nguyễn Mạnh Côn là đem tâm tình viết lịch sử. Có nhiều chỗ anh
cũng hơi cực đoan một chút, ví dụ như khi phê phán Nguyễn Phương trong
Việt Nam thời khai sinh chẳng hạn, anh có hơi cực đoan một chút.”
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tốt nghiệp ngành sử học tại Đại học Sorbone,
Pháp có cái nhìn hơi khác về các công trình của ông Tạ Chí Đại Trường:
“Theo tôi thì anh ấy đã được đào tạo như thế nào, đã làm nghề sử như
thế nào, trước năm 1975, thì sau năm 1975 anh ấy cũng làm nghề sử như
thế. Cho nên tôi không gọi cái đó là đặc biệt. Nếu có gì đặc biệt ở anh
Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo
như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là
phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn
nhiều hơn thế. Trong điều kiện mà anh ấy không có dưới cả hai chế độ,
những điều anh ấy làm được là những đóng góp lớn.”
Các tác phẩm của ông Tạ Chí Đại Trường rất đa dạng, ngoài các công trình
lớn như Lịch sử nội chiến, Thần người đất Việt, ông còn có cả những bài
viết về văn hóa, khảo cổ.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, hiện sống ở Sài gòn cho biết là bà
rất tâm đắc với những bài viết về khảo cổ, và văn hóa của ông tạ Chí Đại
Trường:
“Bác làm cho các nghiên cứu khảo cổ gần với đời sống con người hơn.
Các kiến thức khảo cổ trở nên gần gũi với người đọc bình thường, mang
những kiến thức về văn hóa, khảo cổ, lịch sử đến với cộng đồng, với công
chúng, nhưng không làm cho các kiến thức ấy bị sai lạc, mà vẫn phân
tích khoa học, rất đúng. Người ta cảm thấy rằng các sự kiện, những câu
chuyện lịch sử ấy gần gũi với con người chứ lịch sử không khô cứng,
không phải chỉ là những sự kiện.”
Xuất bản và nhìn nhận ở Việt nam
Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì ông Tạ Chí Đại Trường là một sử gia hiếm
hoi được cả hai giải thưởng về văn hóa lịch sử trước và sau năm 1975, đó
là giải thưởng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và giải
Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2014. Theo ông Kiểng thì sự việc giải Phan
Chu Trinh trao cho ông Trường là một điều nhân nhượng rất lớn từ phía
chính quyền Việt Nam hiện tại. Nhất là quan điểm của chính quyền này
luôn coi triều đại Tây sơn là vinh quang không giống như những chứng
minh ngược lại của ông Tạ Chí Đại Trường.
Tuy nhiên việc xuất bản sách của Tạ Chí Đại Trường tại Việt Nam không đơn giản.
Năm 2007, quyển Lịch sử nội chiến Việt Nam được in tại Việt Nam, nhưng đổi tên thành Nước Việt Nam thời Tây Sơn. Lúc sinh thời ông Tạ Chí Đại Trường nói với chúng tôi rằng người ta e ngại cái từ nội chiến.Nếu có gì đặc biệt ở anh Tạ Chí Đại Trường thì đó là tài năng. Tức là không phải ai được đào tạo như thế, hành nghề như thế, thì cũng có những phát hiện sắc sảo như là phát hiện của anh ấy, gặp thời hơn thì tôi nghĩ sức sáng tạo của ảnh còn nhiều hơn thế.- Tiến sĩ Bùi Trân Phượng
Trong bản tin về cái chết của ông Tạ Chí Đại Trường ngày 24 tháng Ba, tên của quyển sách được gọi là Lịch sử nội chiến Việt Nam.
Trả lời câu hỏi rằng liệu đó có phải là một điều thay đổi, bà Bùi Trân Phượng nói:
“Người mà xuất bản thì muốn xuất bản với cái nội dung. Cho nên sự đổi
tên là một sự nhượng bộ để có thể xuất bản được. Khi mà có thể thay đổi
thì người ta nói lại cho đúng thôi. Sẽ có sự thay đổi nếu nó đến từ
những người trước đây không đồng ý, tôi không nghĩ rằng những người đó
đã thay đổi.”
Người đồng nghiệp giấu tên của ông Tạ Chí Đại Trường cũng nói với chúng tôi rằng:
“Đa phần những người viết sử Việt Nam, cho dù thế nào đi nữa, vẫn qua
cái lăng kính của Marxism, và qua cái lăng kính đó thì khó mà chấp nhận
Tạ Chí Đại Trường. Giới nghiên cứu lịch sử Việt nam bị điều kiện hóa
trong cách nhìn lịch sử của mình. Người nào mà chấp nhận nhãn quan và ý
tưởng của Tạ Chí Đại Trường thì mình cho là rất tiến bộ. Mà theo mình
thấy thì (nghiên cứu) lịch sử Việt Nam không tiến theo kịp trào lưu đổi
mới của xã hội.”
Lăng kính Marxism mà ông nói tới chính là những chủ trương về giai cấp
của học thuyết cộng sản, những diễn biến của lịch sử được học thuyết này
xem là qui luật, là bất biến. Trong khi đó thì nhà sử học Tạ Chí Đại
Trường chỉ cố công, tận tụy tìm hiểu thực sự điều gì đã xảy ra trong quá
khứ.
Ông nói tiếp về công lao của Tạ Chí Đại Trường,
“Đóng góp của anh Tạ Chí Đại Trường rất lớn cho lịch sử Việt nam, mà
điều đáng buồn là ít người biết về Tạ Chí Đại Trường, ngay cả trong giới
học thuật. Ví dụ như mình mới đọc bài của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chẳng
hạn, thì chị biết Tạ Chí Đại Trường từ năm 1974, trong khi Tạ Chí Đại
Trường viết tác phẩm đầu tiên, nếu mình nhớ không lầm là năm 1073.”
Bà Nguyễn Thị Hậu, người nhận mình là bạn vong niên với nhà sử học Tạ Chí Đại Trường mong rằng:
“Nếu có cái gì đó ước mong, nghĩ về công lao của bác Trường thì tôi
mong là những công trình của bác đã xuất bản ở nước ngoài được nhanh
chóng xuất bản trong nước. Tôi nghĩ rằng sự cởi mở về một nhà sử học,
làm việc hết sức nghiêm túc và tận tụy cho ngành sử học, cho những bộ sử
của đất nước như vậy rất là đáng trân trọng. Mà nếu như những công
trình này mà công chúng trong nước, kể cả những nhà nghiên cứu không
được tiếp cận, một cách chính thức qua sự xuất bản của nhà nước thì tôi
cho rằng đó là một thiệt thòi rất lớn.”
Đó hẳn cũng là mong ước của nhà sử học, mà trang Bauxite Việt nam mô tả là một nhà sử học không biết cúi đầu.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ta-chi-dai-truong-viewed-by-his-fellow-historians-kh-03292016135113.html
Sunday, March 27, 2016
KHOA HỌC THƯỜNG THỨC
XẢ . . .STRESS
(không phải uống thuốc)
Bs. Đỗ Hồng Ngọc
Không có stress có lẽ con người cũng không thể tồn tại. Thế nhưng, vượt
ngưỡng đến một mức nào đó thì con người cũng…không thể tồn tại, bởi
chính stress gây ra nhiều thứ bệnh về thể chất và tâm thần, nên rất cần
biết cách “xả” stress trong cuộc sống đầy căng thẳng, âu lo hiện nay.
Stress là một phản ứng bảo vệ, khi cơ thể bị một mối đe dọa, mối nguy
hiểm xảy đến cho nó. Người ta gọi nó là phản ứng (hay đáp ứng) “chiến
đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response), nghĩa là trong tình huống
đó, chỉ có hai cách để chọn lựa: chiến đấu để sinh tồn hoặc bỏ chạy để…
sinh tồn!
Lúc đó, cơ thể phải huy động toàn lực để đối phó. Não thùy sẽ ra lệnh
tiết các kích thích tố cần thiết, nào adrénaline, nào norepinephrine,
cortisol…ồ ạt đổ vào máu. Tim đập nhanh để bơm máu về các cơ bắp lớn,
phổi hổn hển tăng tốc bơm oxy, đường huyết vọt lên cao nhằm tăng cường
khẩn cấp năng lượng, đồng tử mắt nở to để nhìn cho rõ, tai vểnh lên, mũi
phồng ra… Tóm lại, mọi thứ đều phải trong tư thế sẵn sàng. Trong lúc
các mạch máu lớn chuyển máu đến các bắp cơ thì mạch máu nhỏ ngoại biên
co thắt lại, để nếu có bị thương thì máu cũng không bị mất nhiều… Vì thế
mà người bị stress thường mặt mày tái ngắt, xanh lè, tay chân đơ cứng!
Stress cấp tính có những phản ứng mạnh hơn ta tưởng. Một người đang đứng
trước chuồng cọp, thấy cọp sổng chuồng thì… phân, nước tiểu tóe ra mà
không hay, tay chân bủn rủn, ngất xỉu. Nguy cơ qua đi, hiểm họa chấm dứt
thì mọi thứ lại trở về trật tự cũ. Tim đập chậm lại, hơi thở điều hòa,
bắp cơ buông xả. Nếu sự đe dọa không mãnh liệt nhưng cứ dồn dập, hết lớp
này tới lớp khác, đến một lúc vượt quá mức chịu đựng gọi là “mất bù”
thì sẽ tạo ra những hiệu ứng âm thầm gây tác hại không lường được lên
thể chất và tâm thần của ta.
Thời đại ngày nay, con người ít có dịp chiến đấu một mất một còn trước
thú dữ hay trước “hòn tên mũi đạn” như xưa. Nhưng con người ngày nay lại
phải thường xuyên đối đầu với những “hòn tên mũi đạn” còn nguy hiểm
hơn, kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười / bề trong nham hiểm giết người
không dao”. Stress vượt qua ngưỡng lúc nào không hay và dẫn tới vô số
bệnh tật mà bác sĩ cũng phải bó tay, đành gắn cho những cái tên mơ hồ
như “rối loạn chức năng”, “mệt mỏi kinh niên”, “rối loạn thần kinh thực
vật”… Đại học Y khoa Harvard ước tính có từ 60%- 90% bệnh nhân (ở Mỹ)
tìm đến bác sĩ là do stress.
Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết
áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu,
đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích, tự
tử, trầm cảm, giảm miễn dịch v.v… Tóm lại là rất phức tạp. Bác sĩ nếu
không quan tâm đúng mức – đau đâu chữa đó – thì chỉ chữa đựơc triệu
chứng bên ngoài còn cái gốc sâu thẳm bên trong là stress vẫn không đựơc
giải tỏa, bệnh vẫn cứ luẩn quẩn loanh quanh , chuyển từ “bệnh” này qua
“bệnh” khác, và do đó, chất lựơng cuộc sống bị giảm sút rõ rệt! Nhiều
khi ta tưởng cholesterol xấu tăng cao trong máu là do thức ăn, nhưng
không phải, do stress nhiều hơn! Tiểu đường tưởng do ăn nhiều chất ngọt,
thực ra do stress nhiều hơn. Ta thấy đời sống càng căng thẳng, bệnh
tiểu đường càng phát triển mạnh!. Ở nước ta mới mấy năm trước, tiểu
đường chỉ lai rai, bây giờ thì… “năm sau cao hơn năm trước”, lan tràn cả
ở thành thị lẫn nông thôn! Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy
vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người làm việc ở những khu vực dễ bị sa
thải thì chết vi tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu
vực khác…!
Stress thay đổi từ người này sang người khác. Cùng một sự việc, với
người này thì nổi điên lên còn với người kia chỉ là một trò cười, với
người này là cả một sự sụp đổ, với người kia là một bài học… Cùng là con
ông bà “viên ngoại họ Vương”, cùng “sắm sửa bô hành chơi xuân”, mà Thúy
Kiều thì khóc sướt mướt, thở than, nằm mộng, làm mười khúc đoan trường
đầy nước mắt trong khi Thúy Vân ngạc nhiên sao chị mình “kỳ cục” vậy!
Hẳn là bên trong Thúy Kiều có cái gì đó khác với Thúy Vân, bởi bên ngoài
thì cả hai đều “mười phân vẹn mười” cả!
Người dễ bị stress là người thường có tính quá lo lắng, cầu toàn, hay tự
chỉ trích, thiếu quyết đoán, hay do dự… Nếu bị thêm sức ép từ bên ngoài
thì dễ suy sụp, dễ bị vượt ngưỡng! Nhiều học sinh học giỏi mà thi rớt
cho là “học tài thi phận” một phần chính là do stress! Gia đình kỳ vọng
nhiều quá, tạo một áp lực vô hình, khiến em không còn là chính mình nữa!
Những dấu hiệu sớm để nhận biết stress là có vấn đề về trí nhớ như hay quên, mất định hướng, thường hoang mang…
Về cảm xúc thì dễ dao động, bứt rứt, dễ bị kích động, tâm tính bất
thường, hay cáu gắt, lúc nào cũng có cảm giác bị tràn ngập, rất khó tìm
được sự thư giãn. Trong lúc nghỉ ngơi mà vẫn cứ lo lắng, thậm chí còn lo
lắng nhiều hơn!
Các triệu chứng về thể chất dễ nhận ra như nhức đầu, đau lưng, rối loạn
tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt.. Đặc biệt đau cột sống cổ hay cột sống
thắt lưng. Cứ tưởng là loãng xương, là gai cột sống, là thoát vị điã đệm
gì gì đó, thực ra gốc ở stress.
Người bị stress dễ bị bệnh vặt, cảm cúm triền miên vì sức đề kháng giảm
sút đáng kể, dễ bị mất ngủ, tức ngực, tim đập nhanh và … dễ nổi mụn, nổi
chàm trên da. Không có gì ngạc nhiên vì ở trong phôi thai, não và da
vốn cùng xuất phát từ một lá mầm ngoai bì (ectoderme). Não mà bất an thì
da cũng nhăn nhúm, nổi mụn, nổi chàm, chữa hoài không khỏi, thoa mỹ
phẩm đắc tiền cũng vô ích. Não mà an vui thì da cũng tưoi nhuận, hồng
hào, sáng láng.
Người bị stress còn hay có những hành vi bất thường như tự dưng thèm ăn,
ăn hoài, lên cân đột ngột; hoặc bỗng nhiên bỏ ăn, sụt ký đột ngột…
Có người còn đi qua đi lại, đi tới đi lui, cắn móng tay, nhai nhóp nhép.
Các huần luyện viện bóng đá, ông nào cũng hay đi qua đi lại, đi tới đi
lui, nhai nhóp nhép “sinh-gom” hoặc phì phèo thuốc lá liên tục giữa lúc
hai đội bóng vờn nhau trên sân. Họ bị stress. Nhưng đó là một thứ stress
cấp, coi căng vậy mà hiền, chóng qua, hết trận đấu là xong, lại bắt tay
nhau vui vẻ! Còn cái thứ stress nhai nhóp nhép kiểu “gặm một khối căm
hờn trong cũi sắt”… mới là thứ stress nặng, mạn tính, triền miên, sinh
đủ thứ chuyện.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Nguyên tắc là đừng tự đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo, phải luôn luôn đúng!
Cũng đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Con vịt là con vịt mà con
gà là… con gà. Con gà mà dại dột so với con vịt thì sẽ chìm nghỉm trong
nước! Lục súc tranh công không thể nào vui đựơc! Một khi đã so sánh thì
dù hơn, dù kém, dù ngang bằng cũng đều khổ!
Nên tránh những kẻ chuyên “phun” nọc độc! Họ rất sung sướng khi “tiêm”
được nọc độc cho kẻ khác. Tránh những kẻ nhỏ mọn, đố kỵ, "đâm bị thóc,
thọc bị gạo"
Bói ra ma quét nhà ra rác, dị đoan mê tín… làm ta căng thẳng lo lắng vô
lối. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc cũng có thể gây stress trầm
trọng không ngờ. Bác sĩ vừa xem phim X quang vừa lắc lắc cái đầu đủ cho
bệnh nhân thót tim, nhưng thực ra chì vì bác sĩ mỏi cổ do cả đêm thức
coi bóng đá. Bác sĩ chỉ cần “phán” một câu mơ hồ như tim hơi lớn, gan
hơi yếu, phổi hơi dơ… đủ cho bệnh nhân sống trong hoang mang ám ảnh dài
lâu. Lời nói của bác sĩ không chỉ mang thông tin, mà còn truyền cảm xúc,
gây stress, bởi người bệnh luôn ở trong một trạng thái tâm lý rất nhạy
cảm khi tiếp xúc với thầy thuốc.
Có nhiều cách “xả” stress!
Nhậu nhẹt, hút thuốc lá, ma túy… cũng là một cách xả stress, nhưng rõ ràng là có hại, “chạy ô mồ mắc ô mả”!
Nhảy múa, ca hát, viết nhật ký, viết blog…. là những cách xả stress tốt.
Nói chuyện tào lao (tám) cũng là một cách xả stress… , miễn là đừng có
“chuyển lửa” từ người này qua người khác! Thực ra, nói ra đựơc với ai
đó, một bạn thân thiết, một người có khả năng lắng nghe, một người sẵn
sàng làm “thùng rác” cho mình thì mình sẽ cảm thấy nhẹ gánh! Không có
bạn bè để tâm sự thì có thể tâm sự cùng tượng đá. Trải lòng ra một lúc,
tượng đá cũng xiêu. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là vậy! “Chửi chó
mắng mèo”, “Giận cá chém thớt” cũng được. Đập bể mấy cái ly cái dĩa…
cũng hay! Có điều nên chọn trứơc một ít ly tách, chén dĩa mẻ, để dành
sẵn, khi nào cần thì đập nghe vừa rôm rã vừa đỡ tốn kém!
Nguyên tắc chung là phải làm một cái gì đó cho năng lượng bị dồn nén trong stress có chỗ “xì” ra, thoát ra.
Ta vẫn thường nói “xả xú bắp”, “xả hơi” đó thôi…
Tóm lại, đừng có ngồi đó mà gậm nhấm, suy nghĩ vẩn vơ. Giặt đồ, nấu ăn,
rửa chén, lau nhà gì cũng tốt. Chạy bộ, đánh đấm, la hét, khóc lóc… cũng
đựơc. Đọc sách, xem phim càng hay, miễn là biết chọn phim, chọn sách!
Thấy người chồng trằn trọc mãi không ngủ được, lăn qua lộn lại cả đêm,
người vợ hỏi có chuyện gì vậy anh? “Anh mắc nợ anh John hàng xóm một số
tiền, hẹn ngày mai trả mà không có một xu dính túi!”. Người chồng đau
khổ nói. Lập tức bà vợ tung mền dậy, chạy ra bờ rào gọi với sang nhà
hàng xóm: “Anh John ơi, ngày mai chồng tôi chưa có tiền trả cho anh đâu
nhé!”. Xong, bà quay vào bảo chồng: "Anh yên tâm ngủ đi, bây giờ là lúc
để cho anh John trằn trọc". Cô vợ đã rất thông minh! Cô đã “chuyển lửa”
từ chồng mình sang … chồng hàng xóm. Chắc chắn anh John sẽ trằn trọc cho
tới sáng, còn ông chồng cô sẽ ngủ ngon!
“Chuyển” như vậy vẫn chỉ là ở bên ngoài. Chuyển bên trong hay hơn.
Chuyện xưa kể bà mẹ già có hai cô con gái, một cô bán dù, một cô bán
giày vải. Cô bán dù sống nhờ những ngày mưa, cô bán giày làm ăn khá nhờ
những ngày nắng ấm. Bà mẹ lo buồn cho cô bán giày suốt những ngày mưa và
đau khổ cho cô bán dù ngày nắng ráo. Có người biết chuyện khuyên bà sao
không làm ngược lại, mừng cho cô bán dù ngày mưa và mừng cho cô bán
giày ngày nắng?
Não ta có một đặc điểm lý thú là không thể cùng lúc nghĩ tới hai việc.
Đã nghĩ điều này thì quên điều kia. Và người ta đã “lợi dụng” đặc điểm
này để dịch chuyển các điểm tập trung trên võ não từ vùng này sang vùng
khác. Chẳng hạn đang giận sôi lên thì… xảy ra động đất hay cháy nhà, lập
tức vùng “giận sôi” của vỏ não tắt ngấm để nhường chỗ cho vùng sợ hãi!
Ta biết giận dữ hay sợ hãi đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nó có thể
làm ta kiệt sức, suy sụp, thở không ra hơi… Có thể chọn cách nào khác
chuyển dịch hay hơn, có lợi cho sức khỏe hơn chăng? ***Có đó***.
Đó là cách thở sâu, thở bụng, đưa hơi xuống huyệt… đan điền (dưới
rún chừng 4 cm). Nó giúp làm cho ta tĩnh tâm lại, nó chuyển dịch vùng
căng thẳng ở vỏ não qua vùng êm ái của … cái rún, với điều kiện là phải
để tâm quan sát xem cái hơi thở đó nó vào ra lên xuống ra sao.
Khi chú tâm vào hơi thở, lắng nghe hơi thở , quan sát nó, dòm ngó nó,
nghiền ngẫm nó… thì ta đã đánh “lạc hứơng” cảm xúc ta rồi! Vỏ não khi đã
tập trung vào hơi thở thì “quên” tập trung vào các chuyện linh tinh
khác.
Cách Ngồi Thiền Đúng Phương Pháp
Cách đơn giản này có khả năng giải stress rất tốt. Tập luyện đúng mức,
não thùy sẽ tiết ra một kích thích tố gọi là endorphine, một thứ á-phiện
nội sinh, làm cho dịu nhẹ toàn thân, tạo sự sảng khoái, lâng lâng, mà
không gây tác dụng phụ.
Thiền, yoga, dưỡng sinh, tài chí, khí công… đều là những cách làm cho
thân tâm hợp nhất, làm cho ta quay trở lại với chính mình bằng cách lắng
nghe hơi thở của chính mình (có thể kết hợp với động tác hay không cần
động tác) đó thôi. Hiện nay các kỹ thuật này ngày càng được nghiên cứu
và ứng dụng rộng rãi ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới để trị
liệu các bệnh do stress gây ra, các chứng trầm cảm, tâm thần, lo âu, đau
nhức…, kể cả nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… một cách rất có hiệu quả.
BS Đỗ Hồng Ngọc
BỆNH ĐAU THẮT LƯNG CÓ TRỊ ĐƯỢC KHÔNG?
Chu Tất Tiến
Có lẽ “Bệnh Đau Thắt Lưng” là căn bệnh gây khó chịu và phiền toái nhất của tuổi trung niên và tuổi già. Theo tài liệu trên Internet, ở nước Mỹ có tới 90% người đã từng bị đau thắt lưng. Hơn 50% bị đau nhiều lần và điều phiền nhất là tới 85% người bị đau mà không tìm ra cách chữa bệnh. Mỗi năm, nước Mỹ này tốn tới 50 tỷ đô la cho việc điều trị bệnh đau thắt lưng, từ thuốc uống, thuốc chích, đến “vật lý trị liệu” và giải phẫu. Tuy căn bệnh này không làm chết người và cũng không bắt người bệnh phải uống thuốc hàng ngày như các bệnh cao mỡ, cao máu, yếu tim.. nhưng mỗi khi “trái gió, trở trời”, hoặc vô ý mà vặn mình sai, thì căn bệnh lại ập đến, làm mọi sinh hoạt hàng ngày phải ngưng lại, gây nên một nỗi bực bội, chán đời vô cùng, không kể những phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, thường bị đau thắt lưng mỗi khi đứng lên hay cử động mạnh. Những người đau thắt lưng kinh niên lê cái thân đi khám bệnh thì lần nào cũng như lần ấy, chỉ nhận được viên thuốc giảm đau như Tylenol, Ibuprofen, Motrin, Aleve, hoặc Celebrex và lời khuyên phải đi chụp X-Ray hoặc MRI xem có chấn thương hoặc có “gai” nơi đốt xương chữ “L” nào không, có bị “đĩa” xương nào thoát ra khỏi vị trí không. Có người đau lưng lại được cho uống thuốc trị bệnh căng thẳng “Stress” vì buồn bã và lo lắng thường xuyên cũng có thể làm đau thắt lưng. Nếu cơn đau lan xuống mông và chân làm cho mất khả năng đi đứng, thì được đề nghị giải phẫu. Trường hợp phải giải phẫu thì chỉ có 50% hy vọng khỏi đau, và 50% bị liệt, ngồi xe lăn mà vẫn không hết đau. Người đau quá thì năn nỉ “bác sĩ có thuốc gì chích cho tôi một mũi cho đỡ đau không?” Yêu cầu này lúc được đáp ứng, nhưng cũng có lúc không. Có người chấp nhận giải phẫu nhưng Bảo Hiểm lại từ chối vì vẫn đi bộ được một, hai “b-lốc” đường không cần gậy chống. Có người xin làm “Therapy” nhưng đôi khi bảo hiểm hay “Medicare” cũng từ chối. Thôi, vậy chỉ còn cách an ủi “số mệnh đã an bài”. Cố gắng chịu đựng cho đến hết đời. Đau khổ nhất là những ông trung niên và những ông bắt đầu bước vào tuổi lão niên vẫn đang tràn đầy sinh lực yêu đương mà bị đau lưng…
Cá nhân người viết cũng là một “bệnh nhân” của cơn đau thắt lưng kinh niên, mãn tính. Hai đĩa sụn bị chấn thương, lệch ra khỏi vị trí, bởi những lần đấu võ từ hồi trẻ, gẫy lưng nằm bệnh viện hai lần, mỗi lần cả tháng trời. Mấy đốt khác cong cong có thể vì những năm còn thanh niên, thích cong người trên xe gắn máy mà phóng… Các sự lệch lạc đó đã được tuổi xuân cho thông qua, không gây phiền hà nhiều, nhưng khi tuổi già đến, thì chúng nhào lên, đòi lại sự “công bằng” qua những cơn đau tấm tức, hạn chế nhiều loại cử động và đôi khi làm cho chân phải bị tê liệt đi, không nhấc nổi lên nếu ngồi làm việc trước máy ‘computer” khoảng 1 tiếng đồng hồ liên tục mà quên không ngồi thẳng lưng!
Vì thế, bài viết này chỉ mong giúp “giảm đau” cho những quý vị “đồng bệnh tương lân”, biết đâu, với những trường hợp nhẹ, thì sẽ hết đau luôn, tìm lại niềm vui và nụ cười đã tắt “khi cơn đau lên đầy, thì người như chới với”…
1-Điều KHÔNG nên làm:
-Ngồi cong lưng về đằng trước khi đánh máy, làm việc trước “computer”, khi ăn uống, lái xe…
-Ngủ trên nệm mềm, cả cái lưng cong lại, lọt xuống nệm.
-Ngồi trên sa-lông mềm để coi truyền hình, nói chuyện với bạn bè.
-Cúi xuống nhấc đồ vật nặng lên bằng cái lưng, nghĩa là cong người xuống nhấc vật nặng. Các ông đau lưng tuyệt đối không được nổi hứng, cúi xuống bế bổng người yêu lên, cho dù người yêu chỉ dưới 100 lbs!
-Tăng trọng lượng vì càng mập, càng lên cân thì sức nặng của chính cơ thể càng đè xuống các đốt xương đã va chạm vào giây thần kinh, làm đau hoài luôn.
2-Điều NÊN làm:
-Lót một chiếc gối sau lưng khi lái xe, ngồi xe của bạn, để ấn cái lưng mình ra đằng trước cho dù là đi xe đời mới, sang trọng có đủ “nút” để thay đổi vị trí lưng, vì chúng hạn chế, không đủ “support” cho người đau lưng đâu. Nên lót một chiếc gối trên ghế làm việc của mình, sao cho lưng luôn thẳng góc hoặc hơi ngửa về đằng sau.
-Ngủ trên nệm cứng, không cần cứng quá như tấm phản, nhưng phải cứng đủ để lưng không chùng xuống khi ngủ. Nên nằm ngửa, hai tay xuôi hai bên, vừa có lợi là làm cho cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi, vừa làm cho lưng được duỗi ra. Nếu phối hợp với phương pháp thở thì trở thành “Thiền”, lợi cho trí óc rất nhiều. Không bao giờ ngủ ở sa-lông! Nếu “bà chủ” giận thì thà nằm dưới sàn còn hơn là nằm trên sa-lông, sáng dậy không nổi vì đau!
-Nếu phải ngồi ở sa-lông thì chọn chỗ góc ghế, nơi cứng nhất mà ngồi và nhớ luôn ngồi thẳng. Có thêm được một cái gối dưới lưng thì rất tốt.
-Khi cúi xuống nhấc vật nặng lên (bao gạo, bình nước, người yêu..) phải dùng sức mạnh của hai đầu gối và bắp thịt đùi, nghĩa là giữ lưng cho thẳng, từ từ “ngồi” xuống, nhắc vật nặng lên, rồi đứng thẳng lên cũng dựa vào sức của bắp thịt đùi, không phải bằng bắp thịt lưng.
3-Tập luyện:
Trong một số bài viết trước đây, người viết đã trình bầy về các thế tập Yoga, Tài Chi, Khí Công giúp cho bắp thịt lưng được mạnh lên, nới lỏng sự va chạm của dây thần kinh và đĩa xương (Xoay lưng theo kiểu Hulalup, bẻ nghiêng người từng bên, ngửa người ra phía sau và hít thở…). Bài này thêm vào những thế trên. Người đau lưng phải tập những bài tập này mỗi ngày. Nếu đang bị đau, các cơn đau sẽ dịu ngay sau khi tập chừng 15 phút mà không phải uống một viên thuốc nào.
a-Dài chân hạc (*): Đặt gót của một chân trên một cái ghế thấp chừng 15 “inches” (khoảng 38 cm). Giữ chân thẳng. Nghiêng người về phía trước, bẻ ở chỗ háng cho đến khi cảm giác thấy bắp thịt đùi giãn ra. Giữ thế này chừng 15-30 giây. Lặp lại mỗi chân 3 lần.
b-Lạc đà, Mèo: Chống tay và đầu gối xuống đất. Ưỡn bụng cho cong xuống dưới (giống con mèo) chừng 5 giây rồi cong lưng lên (giống Lạc đà) chừng 5 giây. Làm 1 “bộ” (hai động tác như thế) 10 lần, ngày làm 3 “bộ”.
c-Treo nồi chõ: Chống tay và đầu gối xuống đất. Hóp bụng lại để làm cho xương sống cứng lên. Trong khi làm cứng bụng, thì giơ một tay và một chân phía đối diện (tay phải, chân trái…) lên. Giữ thế này chừng 5 giây rồi từ từ hạ tay và chân xuống. Đổi tay chân. Làm 10 lần mỗi bên.
d-Gõ xương chậu: Nằm ngửa, chân gập lại, bàn chân đặt thẳng trên sàn. Thóp bụng lại và ép phần thắt lưng xuống sàn. Giữ chừng 5 giây, rồi xả hơi. Làm 1 “bộ” 10 lần, rồi nghỉ xả hơi, làm tiếp hai “bộ” nữa.
e-Đậu trên cằm: Nằm ngửa, chân gập lại, bàn chân đặt thẳng trên sàn. Thóp bụng lại. Gập cằm lại sát ngực, tay giơ về phía trước, nhấc phần đầu và cổ lên cho đến khi vai cũng nhấc lên khỏi sàn. Giữ chừng 5 giây, rồi thả người lại vị trí lúc đầu. Lặp lại 10 lần như vậy.
g-Nằm túm tụm: Nằm ngửa, chân gập lại, bàn chân đặt thẳng trên sàn. Gác chân trái lên đầu gối chân phải. Dùng hai tay ôm lấy đùi của chân phải và kéo về phía ngực cho đến khi có cảm giác giãn ra tại mông và dọc theo háng. Giữ chừng 15 – 30 giây rồi trở lại vị trí lúc đầu. Đổi thế sang chân kia. Làm 3 lần mỗi chân.
h-Sụm bà chè: Nằm sấp với gối ở dưới bụng trong 5 phút để giảm đau lưng. Sau khi đã quen với gối, bỏ gối ra, nằm sấp không gối, chừng 5 phút. Tiếp theo đó, chống tay lên hết cỡ để uốn ngửa thắt lưng chừng 1 phút (giống như hít đất nhưng phần dưới cơ thể vẫn sát đất. Thả cơ thể xuống, nghỉ vài giây rồi làm tiếp, tối thiểu 10 lần.
i-Đè bên cạnh: Nằm nghiêng một bên với chân, hông, và vai trên cùng một đường thẳng. Nâng người lên cao, dựa vào sức nặng của cánh tay trong, bàn tay và phần cổ tay vào đến khuỷu vẫn nằm trên mặt đất. Nhấc luôn cả hông lên và giữ thăng bằng trên cánh tay trong và phần ngoài của chân.
Mong rằng những bài tập này, nếu được chuyên cần khổ luyện, sẽ làm dứt các cơn đau lưng (từ nhẹ đến vừa) sau vài tháng và tim lại sinh lực đã thất thoát vì mấy cái “đĩa” lệch. Nếu phối hợp với phương pháp Thở dài và sâu, lại còn tăng cường được sinh hoạt óc não, chữa được bệnh Ưu phiền, căng thẳng (stress) một cách nhanh chóng không thể ngờ. Phương pháp này cũng tương tự như Yoga nhưng hiệu quả đặc biệt cho một phần cơ thể bị đau nhức.
Dĩ nhiên bài viết này chỉ là một sự góp ý với quý vị đau lưng, kết quả thì thay đổi tùy theo từng người, vì thế, người viết không mong có sự… đòi bồi thường nếu chẳng may mà việc tập luyện không đem lại kết quả như ý. Mà, nếu vẫn đau sau khi tập nhiều ngày thì thôi, đành đến Bác Sĩ để .. chích cho một mũi Stereoi, chống sưng dây thần kinh, vì những cơn đau quá đáng này có thể là do dây thần kinh bị sưng vì tai nạn, vì ngồi còng lưng hoài hoài. Chích xong thì sẽ hết ngay lập tức. Nhưng cần quan tâm là có thể bị phản ứng nhẹ đấy nhé… Sau khi hết đau thì phải tập thường xuyên để khỏi đau lại.
Chúc bà con đi đứng hiên ngang, không khòm khòm nhé.
Chu Tất Tiến.
(*) Mấy tựa đề do người viết đặt ra cho dễ nhớ từng thế mà thôi.
-Lớp Thiền, Chuyển Tâm Công, Chuyển Tâm Đao, Chuyển Tâm Côn, Tài Chi, Dịch Cân Kinh.. vẫn tổ chức miễn phí tại Trường Judo, số 10706 Garden Grove Bl, Garden Grove, CA, góc ngã tư Century và Garden Grove Blvd, đối diện với Home Depot, cùng bên với Costco. Mỗi sáng Chủ Nhât từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30.
Ong chích
Vân Hải ( Sưu Tầm ) 2012/12/15
Sau đây là phần phiên dịch ra Pháp Văn không được chính xác cho lắm , nhưng vẫn hiểu được ý chính.
Những ai làm việc trong vườn , cắt cỏ , tưới cây , đem thùng rác ra bên ngoài hoặc nấu ăn ngoài trời , hay làm bất cứ việc gì ngoài trời , cũng nên biết điều này . Tôi hy vọng các bạn không bị ong hay vò vẽ chích , trước khi có sẵn đồng 5 hay 2 xu trong túi .( ở Mỹ thì dùng đồng 1 c vì nó là kim loại đồng)
Vài tuần trước đây , tôi bị ong chích khi đang làm việc ngoài vườn . Cánh tay tôi sưng lên , tôi phải đến bác sĩ . Bệnh viện cho tôi kem bôi và thuốc trị dị ứng . Ngày hôm sau , chỗ sưng phồng to thêm , và tôi phải đến gặp bác sĩ quen . Cánh tay bị làm độc cần thuốc trụ sinh . Bác sĩ nói « Lần sau nếu ông bị ong chích nữa , thì nhớ để đồng 5 hay 2 xu lên chỗ bị chích trong 15 phút » .
Buổi tối hôm đó , cháu gái tôi bị hai con ong chích . Tôi nhìn vết chích và thấy nó bắt đầu xưng lên. Thế là tôi lấy một đồng xu đặt lên tay cháu trong 15 phút . Sáng hôm sau, chẳng nhìn thấy vết chích nữa . Chúng tôi chỉ cho rằng cháu tôi không bị dị ứng thôi . Sau đó chính tôi lại bị ong chích nữa khi làm vườn , hai lần đều do con ong vò vẽ chích trên cánh tay trái . Tôi nghĩ rằng mình lại phải đến bác sĩ nữa thôi . Nhưng tôi lấy ngay một đồng xu đặt lên vết chích và đợi 15 phút . Sáng hôm sau , tôi không nhận ra nơi con vò vẽ đã chích tôi . Không bị đỏ lên cũng không bị sưng lên .
Nếu bạn chia sẻ kinh nghiệm này với mọi người để tránh trường hợp tương tự . Bạn nên có sẵn vài đồng xu trong túi hay ngay tầm tay .
Bác sĩ nói rằng « chất đồng trong đồng xu đã vô hiệu hoá nọc độc của ong » . Thật là hiệu quả . Xin bạn nhớ như thế và vui lòng chuyển tin này đến các thân hữu , các con và cháu của bạn .
(Xin nhắc thêm : đạt đồng tiền kim loại trên vết chích và lầy băng keo cột lại ,rất tiện & khg rớt)
* * *
Efficace pour les piqûres de guêpes et d'abeilles
Voici la traduction en français un peu médiocre mais tout de même compréhensive pour l'essentiel
Tous ceux qui travaillent dans leurs parterres de fleurs , tondent et arrosent la pelouse ou sortent la poubelle et cuisinent à l'extérieur ou tout autre chose en plein air , ont besoin de savoir cela . J'espère que vous ne vous ferez pas piquer par une guêpe ou une abeille en premier lieu , garder une pièce de 5 ou 2 Cts dans votre poche .
Il y a quelques semaines , j'ai été piqué par une abeille lorsque je travaillais dans le jardin . Mon bras a enflé , je suis allé chez le médecin . La clinique m'a donné de la crème et un antihistaminique . Le lendemain , le gonflement de mon bras augmentait progressivement , alors je suis allé chez mon médecin habituel . Le bras a été infecté et avait besoin d'un antibiotique . Le médecin m'a dit - « La prochaine fois que vous vous ferez piquer , mettez une pièce de 5 ou 2 Cts sur la piqûre pendant 15 minutes » .
Cette nuit-là , ma nièce a été piqué par deux abeilles . J'ai regardé la morsure et elle avait déjà commencé à enfler . Alors , j'ai mis une pièce sur son bras pendant 15 minutes . Le lendemain matin , il n'y avait aucun signe de piqûre . Nous avons décidé qu'elle n'était tout simplement pas allergique à la piqûre .
Je me suis fait piquer à nouveau en faisant du jardinage , à deux reprises par un frelon sur ma main gauche . J'ai pensé , me voilà à nouveau chez le médecin pour une autre consultation . J'ai mis immédiatement une pièce sur mes piqûres , puis attendu pendant 15 minutes . Le lendemain matin , je ne pouvais plus voir l'endroit où le frelon m'avait piqué . Aucune rougeur , pas de gonflement .
Si vous voulez partager cette information pour le cas où vous rencontrerez le même problème . Vous aurez besoin de garder en stock des pièces de monnaie à portée de la main .
Le médecin a dit que le cuivre dans les pièces neutralise les méfaits de la piqûre . Ça fonctionne vraiment !
S'il vous plaît se le rappeler et transmettre cette information à vos amis , enfants , petits-enfants.
Kiêng mỡ đúng hay sai-
Bs Phạm Hữu Liêm
Ăn thiếu chất béo (dầu và mỡ) hại sức khoẻ và nguy hiểm đến tính mạng.
Đầu tháng Chín năm nay (2014), trên mục Sức Khoẻ của một nhật báo lớn ở Mỹ, The New York Times, ký giả Anahad O’Connor đã viết một bài với nhan đề Lời Kêu Gọi Cho Cách Ẩm Thực Ít Chất Đường Thêm Chất Béo (A Call for a Low-Carb Diet That Embraces Fat).
Bài báo này đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng trong dư luận và
truyền thông Mỹ về vấn đề dinh dưỡng từ kỵ-chất-béo qua thêm-chất-béo
trong thực phẩm. O’Connor muốn thông tin cho độc giả về các bằng chứng
khoa học vững chắc cho thấy khi con người ăn bớt đường bột và ăn thêm
chất béo (ngoại trừ trans fat), nguy cơ cuả bệnh tim mạch được giảm đi
nhiều. Không những thế, họ còn giảm lượng mỡ trong cơ thể và xuống ký rõ
rệt nhờ ăn thêm chất béo thay vì chất đường. Kết quả khảo cứu mới nhất
từ Đại Học Tulane, tài trợ bởi Viện Nghiên Cứu Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ
(NIH- National Institute of Health), đăng trên Nguyệt san Y học Annals
of Internal Medicine trước đó, cho thấy sự khác biệt rõ ràng, như đã nói
ở trên, giữa nhóm tiêu-thụ-bớt-đường-thêm-chất-béo và nhóm
ăn-thực-phẩm-có-lượng-chất-béo-thấp như Chính phủ Liên bang và Hội
Chuyên gia Bệnh Tim Hoa Kỳ vẫn đang khuyến khích hiện nay. Điểm đáng chú
ý là cả hai nhóm đều không phải giới hạn lượng calorie tiêu thụ mỗi
ngày như các chương trình dinh dưỡng khác. Kết quả của cuộc thí nghiệm
này chứng tỏ rằng phong trào bài trừ chất béo trong thực phẩm trên hơn
ba mươi năm qua ở Hoa Kỳ là sai lầm.
Vì đâu nên nỗi: Từ thập niên 1950, Y học Hoa Kỳ đã biết rằng lượng mỡ
cholesterol cao trong máu có liên hệ đến bệnh tim mạch nhưng nguồn gốc
của cholesterol gia tăng trong máu thì vẫn rất mơ hồ. Cholesterol đóng
vai trò quan trọng cho sinh hoạt của mỗi tế bào, đồng thời cũng là nguồn
cội trong việc sản xuất các kích tố steroids và vitamin D rất quan
trọng cho cơ thể. Trong suốt thập niên 1960, các nhà nghiên cứu y khoa
xác định một vài chứng bệnh di truyền hiếm có thể gây lượng mỡ cao trong
máu, nhưng trong đa số bệnh nhân tim mạch, lượng cholesterol đến từ
thói quen ăn uống. Một cuộc tranh luận gay gắt xảy ra giữa hai nhóm khoa
học gia: Một nhóm tin rằng lượng cholesterol cao trong bệnh nhân là đến
từ chất đường trong khi nhóm kia quả quyết rằng cao cholesterol là đến
từ chất béo trong thực phẩm. Qua thập niên 1970, Giáo Sư Ancel Keys,
thuộc ngành Dinh Dưỡng cuả Đại Học Minnesota, đưa ra kết quả của một
cuộc nghiên cứu quan trọng trên bảy quốc gia Âu Mỹ cho thấy rằng tiêu
thụ nhiều chất béo bão hoà từ mỡ động vật là nguyên do của cholesterol
cao và bệnh tim mạch. Các khoa học gia khác đã nhanh chóng ủng hộ GS
Keys và các hội chuyên khoa về tim cùng chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo
người Mỹ nên ăn ít chất béo, nhất là mỡ động vật, và các công ty sản
xuất thực phẩm nên giảm thiểu chất béo trước khi bày bán trên thị
trường.
Hậu quả bi đát với vài “nghịch lý”: Dân Mỹ vào siêu thị mua thực phẩm
với các quảng cáo Ít Mỡ (Low Fat) hoặc Không Mỡ (No Fat) to tướng trên
nhãn hiệu. Để thay thế bơ mà người Mỹ ưa quẹt vào bánh mì, khoa học gia
lại tìm cách làm rắn mỡ thực vật lỏng bằng cách thay thế dạng Cis của
axít béo với hydro qua gạch nối dạng Trans gọi là Trans Fat, một chất
béo thực vật mới hoàn toàn nhân tạo không có trong thiên nhiên để thay
thế bơ (margarine with trans fat). Trong các thập niên kế tiếp, từ 1980
cho đến bây giờ, Hoa Kỳ rồi các nước giàu có trên thế giới bị hoành hành
với chứng mập phì và nạn dịch Tiểu Đường loại 2 ngày càng thêm nặng, vì
đại đa số người dân nhiễm Hội Chứng Biến Dưỡng do sự kháng insulin
trong cơ thể làm mập phì, tăng cholesterol và chất triglyceride trong
máu, tăng huyết áp và chứng Tiểu Đường. Cho đến 7-8 năm trở lại đây,
nguyên do của nạn dịch này mới được xác định là người Mỹ đã dùng đường
và bột ngày thêm nhiều để bù đắp cho số calorie bị mất đi khi họ ăn ít
chất béo; chất đường ngọt, nhất là đường fructose, là nguyên nhân của sự
tích tụ mỡ trong gan, bụng và cả bắp thịt gây ra chứng kháng insulin
(sau khi kháng insulin đã xảy ra thì cả đường glucose cũng trở thành
nguy hại). Khách hàng đã phải trả một giá quá đắt về sức khoẻ và sinh
mạng vì tiêu thụ các thực phẩm Ít Mỡ và Không Mỡ nhan nhản trên thị
trường, trong lúc các bác sĩ của họ tiếp tục khuyến khích dinh duỡng kỵ
chất béo, nhất là mỡ động vật, một cách sai lầm trong suốt 40 năm.
Một vài chuyện nghịch lý (paradox) phát hiện trong thời gian này, nhưng
khoa học và chính phủ Hoa Kỳ vẫn không quan tâm và suy diễn đúng, vì vẫn
còn bị mê hoặc với chính sách giảm chất béo:
Nghịch lý người Pháp. Dân Pháp thích ăn uống ngon miệng nên họ nhất định
không ăn giảm chất béo nhất là mỡ động vật, vì làm như thế thức ăn sẽ
mất mùi vị. Họ tiếp tục ăn bơ, phó mát, thịt bò, gà vịt ngỗng, heo,
trứng….như thường lệ, nhưng tỷ số mập phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim
mạch tại Pháp lại thấp hơn Hoa Kỳ và các nước Tây Âu lân cận. Nghịch lý
này được giải thích vì người Pháp uống nhiều rượu vang đỏ có chất kháng
ốc-xy và nhất là resveratrol.
Nghịch lý về thuốc chống cholesterol. Có hơn 6 nhóm thuốc làm hạ
cholesterol trong máu được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho bán ở dược
phòng, nhưng chỉ có nhóm thuốc statin đã chứng tỏ giúp bệnh nhân ngừa
khỏi biến chứng tim mạch và sống lâu. Các nhóm thuốc kia, mặc dù hạ thấp
cholesterol nhưng không ngăn ngừa được bệnh tim mạch. Hoá ra thuốc
statin còn có tác dụng chống viêm, làm thành mạch máu trơn láng hơn, và
có thể tăng thêm tuổi thọ với tác dụng trên tế bào.
Nghịch lý về biến chứng của Tiểu Đường loại 2. Mặc dù Hoa Kỳ đã và đang
trải qua cơn dịch Tiểu Đường loại 2 với tiềm năng gây biến chứng tim
mạch, trên thực tế số luợng tim đột quỵ (heart attack) và tai biến mạch
máu não cùng tỷ số tử vong đã giảm đi từ 15 năm nay. Lý do là thuốc
statin và các thuốc chống áp huyết cao đã được dùng rất phổ thông cho
người Mỹ.
Nhờ cuộc khảo cứu của Đại Học Tulane và bài báo cảnh tỉnh của ký giả
O’Connor mà hôm nay chúng ta biết rằng các “nghịch lý” kể trên không
phải là nghịch lý gì cả. Y học và Chính phủ Hoa Kỳ đã sai lầm khi cổ võ
và áp dụng cách dinh dưỡng thiếu chất béo. Cuộc khảo cứu 7 quốc gia cuả
GS Keys đã bị các khoa học gia đương thời duyệt lại và cho thấy ông đã
phạm nhiều sơ xuất dẫn đến kết quả không đúng với sự thật.
Ăn ít chất béo còn có hại cho sức khoẻ tổng quát vì cơ thể sẽ bị thiếu
các sinh tố quan trọng hoà tan trong chất béo như sinh tố A, sinh tố D
và sinh tố K.
Ăn thiếu chất béo, nhất là chất béo động vật, gây ra chứng xuất huyết
não sau 45 tuổi với số tử vong cao như đã tường trình từ các nghiên cứu
trên nữ điều dưỡng Mỹ (2001), người Nhật (2003) và người Ấn Độ (2012).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não gần đây có lẽ vì tuổi cao và
thiếu chất béo động vật như đã chứng tỏ qua các khảo cứu kể trên?
Ngoài ra, nhiều chứng ung thư thường xảy ra trên người có lượng
cholesterol trong máu rất thấp, nhưng cho đến nay Y học vẫn chưa chứng
minh được là ung thư làm hạ cholesterol hay thiếu cholesterol gây ra ung
thư?
Kết Luận: Hiện nay người Mỹ vẫn còn theo tiêu chuẩn ăn bớt chất béo cổ
động bởi chính phủ Hoa Kỳ với lượng dầu mỡ dưới 30% của tổng số calorie
tiêu thụ, và vì thế đã ăn quá nhiều đường bột để bù đắp với hậu quả tai
hại. Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama buộc các em học sinh trường công
lập Mỹ ăn trưa với thực phẩm ít béo ít đường từ quầy ăn nhà trường làm
thức ăn tồi tàn và dở ẹc như nhai giấy bìa; tội nghiệp các em đang sức
lớn mà đói meo. Các chuyên gia về bệnh tim còn sai lầm khi họ muốn giảm
chất béo xuống đến 10% mổi ngày, mặc dù làm như vậy sẽ tăng hiểm nguy
của xuất huyết não. Theo nghiên cứu mới nhất đã nói ở đầu bài, nhóm tiêu
thụ hơn 40% chất béo cho tổng số calorie từ thực phẩm đã xuống ký vì ăn
mau no, ăn bớt đường bột, nên giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Chúng ta
nên ăn uống thoải mái, thêm thịt cá gà vịt trứng tôm cua… với nhiều chất
đạm và chất béo; không phải kiêng khem gì ngoài việc ăn bớt đường bột
cơm gạo, và ăn thêm rau quả. Vào siêu thị chúng ta không mua thực phẩm
Low Fat và No Fat và nhất quyết không tiêu thụ thực phẩm có chứa trans
fat.
Trans fat thực vật là chất béo xấu duy nhất cho con người hiện nay.
Chất béo tốt là mono-unsaturated fat và omega-3-fatty acid có tác dụng
chống viêm và ngừa bệnh tim mạch. Thực phẩm với chất béo tốt gồm có dầu
olive, dầu canola, dầu gan cá, trái bơ (avocado), mỡ vịt, dầu dừa, dầu
đậu phụng, lòng đỏ trứng, và còn nhiều nữa. Chất béo bão hoà từ mỡ bò,
heo, hay chất béo poly-unsaturated từ dầu đậu nành, dầu bắp, v.v., cũng
không độc hại gì nếu ăn vừa phải. Người ăn nhiều cá hay gà vịt rất ít
khi bị tai biến mạch máu não, trong khi người ăn thiếu mỡ bị xuất huyết
não nhiều hơn như chúng ta đã biết.
Pham H. Liem, MD
No comments:
Post a Comment