Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 15 December 2016

BÙI XUÂN BÀO=DƯ THỊ DIỄM BUỒN= TÔ VŨ=

ĐỖ TẤN HƯNG * BÙI XUÂN BÀO

GIÁO SƯ BÙI XUÂN BÀO (1916-1991)
Apr 13, 2009 7:46 AMPublicPageviews 40

Tác giả Đỗ Tân Hưng - Canada


Khi còn là sinh viên Đại Học Saigon, tôi thường thấy bóng dáng giáo sư Bùi Xuân Bào xuất hiện ở hai Phân Khoa Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa và tôi rất có cảm tình, mặc dù tôi không thụ giáo với giáo sư. Anh Trần Duy Nhiên là một môn sinh của giáo sư Bào. Trong tập sách nhỏ “Từ Ánh sáng Mặt Trời Tình Yêu”, tập II, anh Nhiên đã ghi lại những kỷ niệm sâu lắng của mình đối với vị thầy mến yêu, dưới tiêu đề “Tất Cả Đều Là Ân Sủng”.
Dưới đây, tôi ( Đỗ Tân Hưng) sắp xếp lại và lược thuật những gì anh Nhiên đã viết.
TIẾT MỘT
VÀI NÉT TIỂU SỬ
Thuở thiếu thời
Giáo sư Bùi Xuân Bào sinh ngày 2/2/1916, nhưng trong khai sinh ghi ngày 1/1/1916 để cho dễ nhớ. Thân phụ giáo sư là cụ Bùi Xuân Trữ, xuất thân Trường Quốc Tử Giám, Tú Tài Hán Học. Thân mẫu giáo sư là bà Tôn Nữ Ngọc Hòe, thuộc hoàng tộc, ái nữ cụ Thượng Thư Tôn Thất Tế.
Giáo sư Bào có hai người em trai và bốn người em gái. Điều bất hạnh là cả hai người em trai nầy – một là giáo sư và một là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – đều bị sát hại trong cuộc chiến tranh.
Trong bốn người em gái, chị Bùi thị Như Kha mà nhiều người biết đến dưới tên Mẹ Mai Thành là nữ tu Dòng Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh hay Dòng Đức Bà (ở Việt Nam gọi là dòng Couvent des Oiseaux).
Từ nhỏ, cậu Bùi Xuân Bào là học sinh trung học tại trường Quốc Học Huế rồi trường Bưởi Hà Nội. Cậu đã chứng tỏ là một con người rất nhạy cảm với cái đẹp tiềm ẩn trong nghệ thuật, vì thế cậu say mê văn học và âm nhạc.
Về văn học, chẳng những cậu có thiên khiếu về văn chương Việt Nam mà còn là một học sinh xuất sắc về ngôn ngữ và văn chương Pháp. Cậu đã chiếm giải nhất môn tiếng Pháp trong Concours Général, một kỳ thi dành cho học sinh giỏi ở bậc trung học trong các nước Đông Dương thuộc Pháp.
Sau nầy, khi đọc lại bản luận án tiến sĩ văn chương Pháp của giáo sư Bùi Xuân Bào, nhiều học giả thấy rằng khó có một người Việt Nam thứ hai nào viết tiếng Pháp với một văn phong chuẩn xác lồng trong một tâm hồn vừa Việt Nam, vừa Công Giáo đầy nhạy cảm như thế.
Tuy nhiên cậu Bào cũng không phải là một học sinh xuất sắc toàn diện, cụ thể là cậu rất “ghét” môn toán và cũng vì cái môn “khô khan” nầy mà cậu suýt bị rớt kỳ thi Thành Chung (bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp). Nhưng khuyết điểm đó lại trở thành ưu điểm trong cuộc sống sau nầy của giáo sư Bùi Xuân Bào: vì lơ là môn toán, nên suốt cuộc đời, không bao giờ giáo sư biết tính toán hơn thiệt cho bản thân và cho gia đình mình, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của học trò, của người dân và của đất nước.
Đường công danh

Giáo sư Bùi Xuân Bào đậu tú tài triết học năm 1939, rồi trở thành giáo sư tại các trường trung học Huế cho đến năm 1947. Năm 1948, giáo sư du học tại Pháp và đậu Cử Nhân Văn Chương Giáo Khoa Pháp năm 1951. Kế đó, giáo sư lần lượt giữ chức vụ Chánh Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ, Đại Biểu Việt Nam trong Hội Đồng Liên Hiệp Pháp, Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris.
Năm 1957, giáo sư Bùi Xuân Bào xin giải nhiệm một phần vì vị trí của giáo sư ở tòa Đại Sứ đòi hỏi những “chiến thuật” không hợp với tính ngay thẳng của giáo sư. Mặt khác, giáo sư để dành trọn thời gian soạn thảo hai luận án Tiến Sĩ Quốc Gia Văn Chương Pháp năm 1961.
Sau khi đỗ bằng tiến sĩ, giáo sư hồi hương và lần lượt giữ các chức vụ càng ngày càng quan trọng trong lãnh vực văn hóa giáo dục: Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Saigon, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon, Thứ Trưởng đặc trách văn hóa, Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên.
Những ngày đen tối

Khi biến cố 30/4/1975 xảy tới, với tư cách Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Giáo Dục và Thanh Niên, giáo sư Bùi Xuân Bào phải đi học tập ở miền Nam và miền Bắc. Nhờ mang theo cuốn Thánh Kinh khổ bỏ túi, trong thời gian ba năm học tập, giáo sư đã đọc lại trên 30 lần trọn bộ Thánh Kinh từ Sáng Thế Ký đến sách Khải Huyền. Chắc chắn Lời Chúa đã thấm nhập vào cốt tủy đời sống đức tin và nuôi dưỡng tinh thần giáo sư trong những ngày thử thách cùng bệnh hoạn trong trại học tập.
May mắn thay, nhờ ban lãnh đạo Thành Phố Saigon biết đến uy tín của giáo sư trong giới trí thức miền Nam nên đã can thiệp để giáo sư được trả về gia đình vào năm 1978. Tuy sức khỏe yếu, sau ngày trở về, giáo sư vẫn góp phần để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Pháp văn ở Đại Học Tổng Hợp và chuẩn bị cho các sinh viên xuất ngoại để viết và trình luận án tiến sĩ bằng Pháp văn.
Năm 1982, bệnh tim của giáo sư đã đến giai đoạn nguy cập mà phương tiện y khoa trong nước lúc bấy giờ chưa đủ khả năng điều trị nên giáo sư được sang Pháp chữa trị. Cuộc giải phẩu tại Pháp thành công, giúp giáo sư sống thêm được gần 10 năm, để rồi giáo sư từ giã cuộc đời ngày 07/04/1991 tại bệnh viện Villejuif – Paris, hưởng thọ 75 tuổi.
Với những thành tích lừng lẫy như vậy, thật khó mà trình bày cho hết cuộc đời của giáo sư. Nhà Xuất Bản Dòng Việt ở California đã dành cả một cuốn sách để tưởng niệm giáo sư Bùi Xuân Bào. Ở đây chỉ tập trung nói về tiến trình của người Kitô hữu mang tên Bùi Xuân Bào mà thôi.
TIẾT HAI

BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI
Tiếp cận Kitô giáo

Từ 1939-1947, giáo sư Bùi Xuân Bào dạy tại các trường trung học Huế. Trong cuộc đời, giai đoạn từ 20 đến 30 tuổi là giai đoạn mà mỗi người đi tìm chân tính của chính mình. Thanh niên Bùi Xuân Bào cũng trải qua thời kỳ tìm kiếm cam go đó.
Xuất thân là người anh cả trong một gia đình nho giáo truyền thống, giáo sư Bùi Xuân Bào biết mình là người có trách nhiệm chuyển lại cả một nền đạo lý của cha ông đến dòng tộc mình và những thế hệ con em. Tuy nhiên, là một giáo sư dạy trong các trường trung học Công giáo và say mê văn chương Pháp – một nền văn chương thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, giáo sư Bào không thể không tìm hiểu một tôn giáo rất gần gũi với cảm nghiệm của mình.
Ngoài ra, em của giáo sư – Bùi Xuân Bàng – là một người tiền phong trong gia đình đã đón nhận đức tin Kitô giáo, sau khi đậu Tú Tài II. Hai anh em Bào – Bàng, dù cách nhau ba tuổi, nhưng rất tâm đầu ý hợp, là bạn chí thiết của nhau nên thương yêu và tôn trọng nhau rất mực.
Em thì phục tài năng văn học, âm nhạc và óc hài hước rất tinh nhuệ của anh. Anh thì tôn trọng cả đức lẫn trí của em: giáo sư Bàng giỏi cả văn học lẫn toán học, cả hội họa lẫn thi ca, nên được nhiều may mắn hơn anh mình trong “ngành khoa bảng”, thường thi đậu cao ở các cấp học. Giáo sư Bào cũng mộ mến đức tin của em là người mang nguyện vọng hiến thân cho Chúa: giáo sư Bùi Xuân Bàng ước muốn trở thành đan sĩ tu viện Biển Đức Thiên An Huế, nhưng vì sức khỏe yếu phải chờ “thời điểm” Thiên Chúa ân ban.
Biến cố đau thương

Trong gần một thập niên, giáo sư Bùi Xuân Bào đã học biết đạo lý Công giáo, trân trọng Chân Lý Tin Mừng đến mức khi giáo sư diễn giảng các tác phẩm văn chương Công giáo, sinh viên học sinh cứ nghĩ giáo sư là người Kitô hữu chân chính. Vậy mà giáo sư vẫn không muốn lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Giáo sư muốn là một người trung thực với chính mình: ngày nào giáo sư cảm thấy mình “chưa tin” thì ngày ấy giáo sư chưa xin rửa tội.
Vả lại, rửa tội thì đòi hỏi giáo sư phải phản bội phần nào truyền thống gia đình và hoài bão của thân phụ đối với trưởng tử Bùi Xuân Bào, người có trách nhiệm lớn đối với dòng họ. Đấy là điều mà một người con có hiếu như giáo sư Bùi Xuân Bào không dễ gì làm được. Cần phải có một sự can thiệp của Thiên Chúa qua một biến cố cụ thể, để cho giáo sư có được “đức tin”.
Biến cố đó xảy ra năm 1947. Lúc bấy giờ giáo sư Bùi Xuân Bàng dạy học ở Quảng Bình trong khi cuộc chiến chống Pháp đang lên cao trào. Vì là người trí thức Công giáo nhiệt thành, hiệu trưởng một trường trung học Công giáo ở Quảng Bình, nên ông Bàng cùng với vài linh mục và giáo viên Công giáo khác bị đưa lên rừng biệt giam. Do tình hình chiến sự sôi động nên giữa đường, ông đã bị trảm quyết vì sợ người Công giáo sẽ bắt tay với Pháp.
Nghe tin em mình chết – chết vì lý tưởng tôn giáo – mà lại bị mang vào mình một bản án chính trị, giáo sư Bào đón nhận tin sét đánh nầy như một luồng sáng từ trời cao. Giáo sư đi ngay đến trường Thiên Hựu (Providence) Huế, gặp cha Lefas hiệu trưởng là người đã mời giáo sư dạy học tại đây. Giáo sư xin ở lại trường tĩnh tâm một tuần rồi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.
Trước quyết định đột ngột đó, cha Lefas hỏi lý do nào đã khiến giáo sư chần chừ thật lâu để rồi quyết định nhanh chóng như vậy. Giáo sư trả lời: “Mon frère est mort: Dieu existe” (“Em con chết ắt Chúa hiện hữu”). Nếu câu nói của Descartes “Je pense donc je suis” (“Tôi suy nghĩ ắt tôi hiện hữu”) là một câu rất hợp luận lý thì tất nhiên cũng phải thừa nhận rằng câu của giáo sư Bùi Xuân Bào “Em con chết ắt Chúa hiện hữu” là một câu hoàn toàn đi ngược với luận lý bình thường. Cái phi lý đó chính là một bản chất của đức tin – một đức tin sẽ hướng dẫn trọn cuộc đời còn lại của giáo sư.
Trước khúc quanh khó hiểu đó, nhiều người thân thiết với giáo sư đã tìm cách lý giải. Người em gái của giáo sư là Mẹ Mai Thành Bùi Thị Như Kha, đã suy nghĩ như sau: “Có lẽ anh lý luận: cái chết của anh Bàng chỉ có thể cắt nghĩa được vì Thiên Chúa ở trong anh. Anh (Bào) yêu quí em mình đến nỗi muốn gần em và gặp em; mà muốn được như thế thì phải gần và phải gặp Thiên Chúa”.
Lễ Rửa Tội

Lễ Rửa Tội cho giáo sư Phêrô Bùi Xuân Bào được cử hành âm thầm tại nguyện đường Thiên Hựu. Linh mục Larouche Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế ban phép bí tích, linh mục Lefas là cha đỡ đầu.
45 năm sau, cũng chính cha Lefas cử hành Thánh Lễ an táng cho cố giáo sư Bùi Xuân Bào ngày 11/04/1991 tại Paris. Ngài nhắc lại trong bài giảng của mình lời thổ lộ của giáo sư Bào, ngày giáo sư đến xin lãnh nhận phép rửa: “Con đã hứa với Chúa là tiếp tục giương cao ngọn đuốc đức tin mà hình như em Bàng đã trao lại cho con”.
Claudel và Bùi Xuân Bào

Khi còn là giáo sư môn văn chương Pháp, mỗi lần giảng đến đoạn văn mà Claudel tường thuật giây phút trở lại của mình, giáo sư đã đặt vào đây hết cả tâm hồn. Đấy chính là điều giáo sư khiêm tốn bộc lộ về ngày “trở lại” của bản thân mình. Câu chuyện xảy ra cho Claudel vào đêm Giáng Sinh 1886 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris soi rọi phần nào lý do tại sao giáo sư Bùi Xuân Bào đã đón nhận đức tin một cách bất ngờ như vậy:
Thế là xảy ra biến cố bao trùm cả cuộc đời tôi. Trong một khoảnh khắc, lòng tôi cảm động và TÔI TIN. Tôi tin với một tinh thần gắn bó mạnh mẽ, với từng thớ thịt trong con người tôi, với một niềm xác tín mãnh liệt, một niềm tin chắc chắn không hề dành chỗ cho một thoáng nghi ngờ, đến độ mà từ ấy đến nay, mọi lý luận, mọi bất trắc của một cuộc đời đầy sóng gió cũng không thể lay chuyển đức tin tôi, hay đúng hơn, không thể chạm đến đức tin đó.

Thỉnh thoảng hồi tưởng lại giây phút theo sau khoảnh khắc phi thường kia, tôi nhìn ra nhiều yếu tố, những yếu tố kết thành một lằn chớp, một vũ khí duy nhất mà Chúa Quan Phòng đã sử dụng để mở cửa lòng của một đứa trẻ tuyệt vọng đáng thương: “Những người tin Chúa thật hạnh phúc biết bao! Có thật vậy không? Thật chứ! Chúa hiện hữu, Người đang hiện diện. Người là một Đấng, một hữu thể có ngôi vị giống như tôi! Người kêu gọi tôi!” Nước mắt tôi tuôn trào và tôi khóc nức nở…

TIẾT BA

ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN
Biến cố đón nhận đức tin đã ‘bao trùm cả cuộc đời” giáo sư Bùi Xuân Bào. Nhưng không phải vì thế mà giáo sư trở thành con người “tông đồ” theo quan niệm thông thường, tức trở thành một người suy niệm Lời Chúa, giảng dạy giáo lý, hoạt động trong các phong trào Công giáo và tìm cách “rửa tội” cho những ai không cùng tôn giáo với mình.
Tuy nhiên, mọi suy nghĩ và lời nói của giáo sư, với tư cách là nhà giáo, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà chính trị, đều thấm nhuần một đức tin bàng bạc. Dưới một khía cạnh nào đó, chính thái độ tôn trọng những chân lý tối thượng của giáo sư là bằng chứng hùng hồn cho niềm xác tín của mình và biến giáo sư thành một nhà loan báo Tin Mừng bằng chính cuộc sống và công việc của mình.
Chúng ta thử đọc lại vài đoạn văn trong các tác phẩm của giáo sư, để qua đó, nhìn thấy những khía cạnh khác nhau qua con người của giáo sư.
Con người văn hóa

Trong phần dẫn nhập cho luận án tiến sĩ về “một chủ nghĩa anh hùng mới”, giáo sư Bùi Xuân Bào đã nêu ngay vấn đề chủ nghĩa nhân bản anh hùng đồng hóa với tinh thần thánh thiện. Giáo sư đã nhấn mạnh quan điểm của văn hào Péguy như sau:
Khi phân biệt lãnh vực tự nhiên với lãnh vực ân sủng, Péguy phát hiện một nguồn gốc chung cho tinh thần anh hùng và tinh thần thánh thiện trong tâm hồn của mỗi một người: Muốn nên thánh, con người không chỉ khao khát trở thành linh mục hay có tinh thần cầu nguyện mà còn cần phải hiệp thông với Thiên Chúa hiệp thông với đồng loại trong Thiên Chúa, bằng cách chấp nhận bổn phận hằng ngày, chu toàn những công việc khiêm nhường nhất của đời sống gia đình và nghiệp vụ.
Từ tinh thần anh hùng nhân bản nầy, giáo sư đã làm nổi bật chiều kích thánh thiện của mỗi Kitô hữu qua tình liên đới giữa người với người, khi giáo sư hướng về nhà văn phi công Saint Exupéry mà giáo sư say mê từ thuở còn trung học, như giáo sư đã viết trong phần dẫn nhập luận án:
Người lữ hành trên không trung (Saint Exupéry), khi nhìn ngắm con người theo chiều kích vũ trụ, cảm thấy mình là anh em với mọi người đang lao động: vị linh mục quỳ gối trước thánh giá, nhà bác học quan sát vũ trụ qua viễn vọng kính, người thi sĩ chuyển hóa thiên nhiên thành một giá trị tinh thần, người làm vườn, người nông dân, người chăn cừu…
Vì tất cả những người ấy mà anh chấp nhận hy sinh mạng sống mình. Và khi chiến tranh xảy ra, anh chết để bảo vệ đất nước mình nhưng đồng thời cũng là để bảo vệ tất cả những gì tạo nên phẩm giá con người
”.
Con người tư tưởng

Nhân dịp văn hào Albert Camus được trao giải thưởng Nobel văn chương, giáo sư Bùi Xuân Bào rất trân trọng tinh thần của “l’Homme Révolté” (“Con Người Phản Kháng”) mà Camus phác họa, vì sự phản kháng ấy phát xuất từ tri thức phi lý để đi đến tình liên đới nhân loại, bằng những lời ca tụng sau đây:
Với Camus, chúng ta đứng trước một lương tâm, chúng ta nghe tiếng nói của một kinh nghiệm đau đớn, nhưng toả ra một bài học linh động và đầy dũng cảm. Vì vậy Camus là một người và một nhà văn chân thật và thủy chung. Thủy chung với công bằng, với tự do, với giá trị con người. Thủy chung với nghệ thuật, với sáng tạo, với tư tưởng”.
Thế nhưng, từ lương tâm Kitô hữu của mình, giáo sư Bùi Xuân Bào không thể đồng tình với Camus. Là một người từ chối “ngước mắt lên trời, nơi mà Thiên Chúa im lặng, Camus không thể nào tìm được một lời giải thích thỏa đáng cho nỗi khổ của nhân loại: cái chết của người vô tội, giọt nước mắt của trẻ thơ.
Đó là lý do khiến Camus đề ra cho con người một giải pháp hợp lý nhưng hoàn toàn tuyệt vọng: Camus cho rằng giá trị con người và cũng là hạnh phúc của họ, chính là phấn đấu để tiến lênkhông cần kỳ vọng vào một kết quả nào.
Giáo sư Bùi Xuân bào đã dứt khoát phê phán quan điểm nầy và qua đó, giáo sư tỏ lộ niềm xác tín của mình. Chính cái chết phi lý của người em đã làm cho giáo sư phản kháng, nhưng cách giải quyết phản kháng của giáo sư cũng phi lý như Francois d’Assise, Vincent de Paul, chớ không hợp lý theo kiểu Camus.
Thật vậy, Camus rất hợp lý như phần đông nhân loại: vì trước một điều oan ức như cái chết của một kẻ vô tội, người ta thường trách “trời không có mắt” và phủ nhận tin vào một Thượng Đế mà họ cho là bất công.
Trái lại, những vị Thánh như Francois d’Assise hay Vincent de Paul đã nhìn vào “con người vô tội tuyệt đối” bị giết chết một cách bất công để rồi đón nhận điều phi lý nầy: ấy là Thiên Chúa có thể để cho người vô tội chết thay cho kẻ có tội.
Từ đó các ngài lại càng xác tín vào Thiên Chúa là Tình yêu, để rồi tiếp tục làm chứng như Thánh Gioan đã viết: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết Tình Yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta và đã tin vào Tình Yêu đó. Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. (1 Ga 4, 16).
Cũng như Thánh Gioan, giáo sư Bùi Xuân Bào đã rút máu từ con tim mình để viết lên những câu sau đây:
“Nghiên cứu siêu hình học, nhưng mất liên lạc với chân lý siêu việt, Camus không thông cảm nổi mối huyền bí của hy sinh tuyệt vời. Những giọt nước mắt, những dòng máu của trẻ con, của những kẻ vô tội, chỉ có lòng bác ái của Chúa Cứu thế chết trên thánh giá mới có thể giải thích được.

Camus không biết rằng những người phản kháng sâu xa nhất chính là các vị Thánh như Francois d’Assise, Vincent de Paul, Têrêxa Chúa Hài Đồng, đã chiến đấu chống bất công và ích kỷ. Với tình thương, họ đã biến chất nền văn minh và góp công lớn trong lịch sử của tinh thần nhân loại”.

Con người chính trị

Giáo sư Bùi Xuân bào không bao giờ thích làm chính trị, vì giáo sư cho rằng làm chính trị thì phải ‘thủ đoạn” mà giáo sư không bao giờ có thể nói lên một điều không trung thực với lương tâm mình. Thế nhưng, điều không ai phủ nhận được là giáo sư Bào có một tình yêu nồng nàn đối với quê hương và dân tộc mình.
Tinh thần yêu dân yêu nước đó nổi bật qua các tác phẩm của giáo sư mà đa số được viết bằng tiếng Pháp, đề cập đến văn hoá nhân vị”, “tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ hiện đại” (luận án phụ tiến sĩ).
Cũng do tinh thần yêu thương dân tộc đó mà giáo sư gánh lấy nhiều trách nhiệm trong guồng máy quốc gia, từ Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ đến Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục. Là một thành viên trong chính phủ, khi giáo sư phát biểu với tư cách đại diện cho một quốc gia thì dù muốn dù không, giáo sư cũng làm chính trị rồi, theo nghĩa tốt đẹp nhất. Và “con người chính trị” nơi giáo sư Bùi Xuân Bào là “con người yêu nước”, luôn nỗ lực để cho sự “công chính được ngự trị” trên đất nước mình.
Vào ngày 25/6/1956, với tư cách là Cố Vấn Văn Hóa Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Paris, giáo sư Bùi Xuân Bào đã phát biểu tại Hội Nghị Florence, với chủ đề “Hòa Bình và Văn Minh Kitô Giáo” và giáo sư đã nói lên cái thao thức của mình cũng như của người dân trên đất nước mình, với âm hưởng của niềm tin được tỏ bày qua từng câu nói sau đây:
Chúng tôi xác nhận lòng tin tưởng vào giá trị tuyệt đối của con người, vẫn có thiên mạng bất diệt và sẵn có phẩm giá từ trước khi xã hội được tạo thành…Chúng tôi xác nhận rằng thực hiện dân chủ không phải là đi tìm hạnh phúc vật chất, cũng không phải lấy mạnh hiếp yếu.
Bản chất của dân chủ
là sự cố gắng không ngừng để tìm mọi phương pháp chính trị khả dĩ bảo đảm cho tất cả các công dân quyền tự do phát triển, phát huy sáng kiến, đảm đương trách nhiệm và sinh hoạt tinh thần đến cao độ”.
Đối với giáo sư Bùi Xuân Bào, “giá trị tuyệt đối của con người” nhờ “có thiên mạng bất diệt và có phẩm giá” từ thuở đời đời là một chân lý bất di bất dịch. Với tư cách là một nhà chính trị và là một người được Chúa chiếm hữu, giáo sư đã không ngừng khẳng định lập trường nầy trên mọi diễn đàn thế giới.
Cũng vì thế, từ năm 1955, khi hợp tác với Hồ Sĩ Khuê để dịch tác phẩm “Terre des Hommes” của Saint Exupéry, giáo sư Bùi Xuân Bào đã không dịch là “Cõi Người Ta” hay “Vùng Đất Con Người”, như các dịch giả khác mà đi ngay vào cốt lõi của tư tưởng Saint Exupéry để dịch là “Giá Trị Con Người”.
TIẾT BỐN

MỘT ĐỜI CHỨNG TÁ
Chiếc Giày Bằng Vải Xa Tanh

Trước kia, khi giảng dạy về Claudel, giáo sư Bùi Xuân Bào đã dành rất nhiều thời giờ cho tác phẩm “Le Soulier de Satin” (“Chiếc Giày Bằng Vải Xa Tanh”). Trước hết vở kịch nầy nói lên thảm kịch tình yêu mà qua đó Claudel tìm ra sự bình an và lời giải đáp cho cuộc đời đầy sóng gió của mình.
Cốt lõi của tác phẩm là chuyện tình giữa RodrigueProuhèze. Rodrigue là một vị tướng lãnh dọc ngang bốn bể, chiến thắng lẫy lừng, còn Prouhèze là một phụ nữ đạo đức, đẹp từ dáng dấp tới tâm hồn. Tình yêu giữa hai người rất thuần khiết, nhưng Prouhèze đã có chồng và chấp nhận trả mọi giá để sống một cuộc sống trong sáng mà không phản bội bí tích hôn nhân.
Khi sắp lao vào tình yêu mù quáng, cô đã dâng lên Đức Mẹ Chiếc Giày Bằng Vải Xa Tanh và cầu xin Đức Mẹ giữ gìn cô để cô chỉ chạy theo con tim yếu đuối của mình với một bàn chân què quặt mà thôi. Tinh thần hy sinh xâu xé cô đến độ cô phải chết. Cái chết hiến tế nầy đã làm cho Rodrigue bật tỉnh, để rồi ông cảm nhận được hạnh phúc đích thực khi từ bỏ mọi sự và trở thành một người làm vườn vô danh trong một đan viện cũng vô danh. Và lời kết thúc tác phẩm mà cũng là một ca khúc khải hoàn, đó là câu: “Délivrance aux âmes captives” (“giải thoát cho những tâm hồn bị giam cầm”).
Con đường tự hủy của Chúa Kitô

Diễn tiến cuộc đời của giáo sư Bùi Xuân Bào cũng tương tự như cuộc đời dọc ngang của Rodrigue. Giáo sư từng yêu mến người em Bùi Xuân Bàng. Hai anh em gắn bó với nhau như một đôi bạn chí thiết, mặc dù người em có một đức tin vững mạnh vào Chúa Kitô. Với cái chết của người em, giáo sư đã tìm thấy con đường “tự hủy” của Chúa Kitô.
Sau những năm tháng lẫy lừng, giáo sư Bùi Xuân Bào đã bị giam cầm ba năm rồi đi biệt xứ trong một tình trạng bệnh tật cô đơn, suốt mười năm cuối đời, nhưng chưa bao giờ giáo sư nói lên một lời oán hận hay một câu phê phán, dù là phê phán những bạn hữu hăng hái xưa kia mà một sớm một chiều đã trở nên bội phản ươn hèn, dù là oán hận những đối thủ nói lời ngọt ngào, nhưng lại giam cầm mình từ Nam chí Bắc.
Giáo sư Bùi Xuân Bào cũng chẳng viết lách hay để lại một tập sách nào, dù là một hồi ký để gợi lại cái vinh quang quá khứ hay một lời trần tình hầu truyền lại cho con cháu kinh nghiệm hiếm hoi của mình. Giáo sư Bào đã sống trong âm thầm để rồi cũng chết đi trong âm thầm. Âm thầm đến độ những người bạn chí thiết của giáo sư cũng chỉ được tin giáo sư đi về vĩnh cửu sau khi giáo sư đã yên nghỉ trong lòng đất tha hương.
Vào những ngày cuối cùng, nhìn lại cuộc đời lên tận chức thứ trưởng rồi rơi xuống nhà giam, tiếp theo là những ngày mòn mỏi lưu đày; nhìn lại tuổi trung niên hăng hái với gót chân chứng tá đi nhiều nơi trên thế giới rồi đến hình hài tiều tụy với trái tim thoi thóp bệnh hoạn ở tuổi già; nhìn lại cuộc đời từ đỉnh cao đến vực thẳm…giáo sư Bùi Xuân Bào trông thấy được gì? Người em gái của giáo sư là Mẹ Mai Thành đã nói về những ngày cuối đời của giáo sư như sau:
Tháng giêng năm 1991, tôi sang Pháp vì công tác của Dòng Đức Bà, được gần gũi anh nhiều cho đến ngày anh tạ thế…Trước đó vài ngày, tôi chia sẻ với anh một vài Lời Chúa. Khi tôi nhắc đến câu của Bernanos kết thúc cuốn “Le journal d’un curé de campagne” (“Nhật ký của một cha sở vùng thôn quê”), một tác phẩm mà anh yêu thích, là “Tout est grâce” (“Tất cả đều là ân sủng”), mặc dù anh đau đớn khắp mình và khó thở, anh gật đầu nhắc lại với một giọng đã yếu ớt: “Tout est grâce” (“Tất cả đều là ân sủng”).
Cuộc đời anh Phêrô Bùi Xuâm Bào không dài lắm, nhưng theo tôi thì phong phú, tươi vui vì anh hài hước và càng ngày, với ơn Chúa, anh càng dịu dàng, khiêm tốn, bình an đón nhận Thánh Ý Chúa, để có thể cùng ông cha sở vùng thôn quê của Bernanos thốt lên: “Tất cả đều là ân sủng”.

TIẾT NĂM

LỜI DI CHÚC
Tình yêu nơi Claudel

Cách đây trên bốn thập niên, giáo sư Bùi Xuân Bào đã chọn đề thi về môn văn chương Pháp cho các sinh viên năm cuối cùng Đại Học Sư Phạm là “L’amour chez Claudelcó nghĩa làTình Yêu nơi Claudel”, tức “Tình Yêu theo quan niệm của Claudel” hay “Tình Yêu dưới cái nhìn của Claudel”. Thật ra, qua “Tình Yêu nơi Claudel”, người ta cũng tìm thấy “Tình Yêu nơi Bùi Xuân Bào”, bởi vì trên một bình diện nào đó, giáo sư Bào giống Claudel rất nhiều điểm.
Cả hai người từng là đại diện cho đất nước mình ở hải ngoại, từng đạt những chức vị cao trong tổ chức chính quyền. Nhưng tự thâm sâu, họ vẫn là những con người của tình yêu, một tình yêu xuất phát từ một đức tin Công giáo mãnh liệt.
Suy niệm về kinh “Magnificat”

Hình như trong đời mình, giáo sư Bùi Xuân Bào chỉ viết lên một bài suy niệm duy nhất về kinh “Magnificat” của Đức Mẹ, có lẽ Đức Mẹ là mẫu mực của thinh lặng, của nguyện cầu, của chứng tá, của tình yêu. Bài suy niệm đó được giáo sư Bùi Xuân Bào viết gần 8 năm trước khi qua đời và giáo sư đã gởi gắm vào đấy tâm tình mình như một lời di chúc.
Qua bài suy niệm đó, người ta thấy lại trọn vẹn con người của giáo sư: một người có thể cất lên tiếng nói đầy uy quyền trước mặt thế gian, nhưng đã chấp nhận im lặng như Đức Mẹ để chỉ làm mỗi một việc là tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa. (Bài suy niệm viết bằng tiếng Pháp của giáo sư Bùi Xuân Bào đã được anh Trần Duy Nhiên dịch ra Việt ngữ).
Tôi chưa từng biết bài thơ nào cô đọng hơn, phong phú hơn và có tầm vóc phổ quát hơn bài ca tạ ơn mà Thánh Luca đã đặt để trên môi miệng của Đức Mẹ, sau phần Truyền Tin và Đi Viếng.
Các nhà chú giải đã cho thấy rằng, nếu tách rời ra, các câu trong ca vịnh nầy tự chúng không có gì là độc đáo. Những câu ấy thường gặp trong Thánh Kinh và được người ta dùng để ca tụng từ thời “thiếu nữ Xion”. Nhưng những câu ấy được trích lại và nối kết trong một bối cảnh mới, nhờ đó mà chúng có một nét tươi trẻ và một tác động phi thường, mở ra một thời đại mới trong lịch sử tâm linh của loài người.

Một Kitô hữu, noi gương Claudel – ông cũng từng viết lên bài Magnificat của mình – đều phải sống lại một cách sâu xa và tẩm vào trong từng sớ chỉ dệt lên vận mệnh bản thân mình một phần niềm vui ngày truyền tin về cuộc Giáng Sinh của Đấng Thiên Sai.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến sứ điệp hy vọng mà kinh Magnificat đem lại cho chúng ta.

Thiên Chúa không chỉ “đoái thương nhìn đến người nữ tì hèn mọn” mà ân sủng hoàn toàn nhưng không của Người ngày nay vẫn còn đốt nóng hàng triệu triệu người nam nữ, những người biết triệt hạ tính kiêu căng và ý chí quyền lực của mình, để lắng nghe loan tin rằng mình được làm mẹ một cách tinh tuyền, cưu mang Tình Yêu và Công Lý.

Làm sao mà không lặp lại những câu ca vịnh nầy trước mặt thế gian ngày nay, nơi mà bạc tiền, quyền lực, ý thức hệ và khoa học kỹ thuật đang đè bẹp con người!

Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban cho đầy dư; người giàu có, lại đuổi về tay trắng
.
Tất cả chúng ta, dù là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu, chúng ta đều cần phải nỗ lực để biến thành hiện thực sứ điệp tình yêu nầy, ở bất cứ nơi nào còn ngự trị bất công xã hội, bần cùng, đói khổ và miệt thị con người
(Bùi xuân Bào - Ngày 02/02/1984)
Tác giả Đỗ Tân Hưng


THƠ DIÊN NGHỊ

Mẹ Già

Sóng rồn rật bờ xa,
Gió ào ào thổi mãi
Từng đám mây bay lại,
Hối hả giữa chiều cao
Thuyền không, bến lặng, sông sâu,
Trông ai mắt mẹ rầu rầu sót thương!
Tôi ngang qua bến,
Tôi dừng lặng yên,
Vì tôi biết mẹ đang phiền
Muôn con phiêu bạt ra miền khói mâỵ
Mẹ cúi xuống
Tránh gió lây tạt mặt
Gió chiều về lạnh ngắt gió ơi!
Gió thổi nghìn hoa rơi
Gió rung xào xạc lá.
Rùng mình mẹ ngoảnh lại
Thấy tôi
Mẹ mừng, mẹ giận, mẹ cười


 

1. chuyện của nàng


nàng ở đâu ? xóm biển ? lưng đồi ?
cao nguyên, bình địa, cuối chân trời
hoặc lòng đô thị , khu thành ngoại
tôi đã tìm nàng khắp mọi nơi

tôi hỏi bình minh , gặp hoàng hôn
phương tây trời chết , hắt hiu buồn
rừng hoa tang chế không thèm tiếp,
ngoảnh mặt làm lơ , quá lạ lùng

tôi viếng phương đoài, lạc hướng đông .
sông cau mày giận, xót xa lòng
nhà ai khép kín song đài các
nét liễu tường hoa cũng ngại ngùng .

nàng áo xanh ? áo tím diễm kiều .
áo nâu , dù loang lổ mầu rêu
bàn tay lao động hay ngà ngọc
vẫn một linh hồn, tôi mến yêu .

đi tìm nàng trắng những đêm trăng
lắng nghe gió biển nhắn mây ngàn
ngoảnh nhìn bốn phía còn sa mạc ,
biết nói làm sao chuyện của nàng .

reo gọi điên cuồng, rừng vũ trụ
trăng sao che khuất lôi đi về
không gian mờ mịt vào vô thức
một bước nhấc lên nặng khối chì .

lảng đảng hồn trôi trong chiêm bao,
bơ vơ còn nhận biết phương nào ?
nàng là mộng ảnh hay chân thực ?
hay vẫn còn xa mặt địa cầu .

( CHUYỆN CỦA NÀNG )

2. một mình


thác đổ sau rừng gọi biển khơi ,
buổi chiều thoi thóp nắng tàn hơi
bước chân dẫm nhẹ trên đường lá ,
vọng hướng xưa về chưa đến nơi .

bóng quạ chập chờn thung lũng sâu ,
cỏ tranh xơ xác, nửa vàng nâu.
khói sương vương vấn, chòi xa lạ.
quạnh quẽ lòng người có luyến nhau ?

hồn cao hơn núi , tình khuất mây
lòng mãi hoang vu tựa tháng ngày
nghe nước thân nguồn, cây trách gió ,
sầu đeo nhân thế cũng buồn lây .

mộng bỗng hư vô, ruột xót cồn .
mắt mờ viễn ảnh, ngút hoàng hôn
ghềnh nghiêng thiếu lối đèo không ngõ
mặt đất cuồng say , thịt rã mòn .

thấp thoáng trời đen sao nhỏ lên,
tám phương hướng rộng nát say mềm.
bàn tay nhược tiểu, cành khô nỏ
biết víu vào đâu chỉ một mình !

muốn trả xác nghèo cho cát bụi,
làm viên đá lớn , dựng bên đồi
làm nhân chứng hộ cho sông núi ,
đã biết thương đau cũng ngậm cười .

( CHUYỆN CỦA NÀNG )

3 . cho tôi

cho tôi xin một tiếng cười ,
cho tôi giữ mãi nụ cười mến thân .
bàn tay ngọc, khóe mắt nhìn .
làn môi mọng đỏ dịu hiền làm sao
hiến dâng xin nói ngọt ngào,
lòng đừng lãnh đạm, lời chào chưa quen .
cho tôi tất cả , đang thèm ,
tóc mùi dạ lý, da mềm mịn thơm ,
cuối cùng cho một chiếc hôn ,
và cho tôi cả linh hồn của em .
[]
( CHUYỆN CỦA NÀNG )

THƠ PHAN NI TẤN

Chiều Trên Quê Hương

Tác giả: Phan Ni Tấn

1.bắc Cần Thơ
chờ bắcbến Ninh Kiều
gío về thổi ướt cả chiều dưới sông
ta như bèo nước bềnh bồng
mấy năm đi biệt mà không về nhà
những thằng sống sót trận qua
chiều nay đợi chuyến bắc ra chiến trường

2.quán ládaknil
hớp một hớp nước trà thiu
im nghe tịch lặng hiu hiu thổi về
cái đời lính trận xa quê
nhìn sương khói phủ thấy thê lương chiều
hớp thêm hớp nước trà thiu
nghe trong tịch lặng có điều bất an

3.ghé krongpha ngồi nhớ
quanh co xuống dốc đèo dài
đoàn quân xa đậu dọc hai bên đường
trời chạng vạng đã mù sương
đèn lên quán thấp, ngồi thương nhớ nhà
chim chiều khắc khoải xa xa
lòng buồn như ứa mắt ra đầm đầm
tính ra, ừ, đã nhiều năm
phong trần ta vẫn biệt tăm chốn nào

4.qua đèo Mụ Gìa
xe lên tới đỉnh mụ gìa
trên cao trời đất bao la vô cùng
ngợp hồn ta giữa muôn trùng
lũng sương mây đọng trắng vùng sơn lâm
dưới sâu cây đứng ngàn năm
chìm trên đèo thẳm âm âm bóng chiều
theo xe ta xuống thôn nghèo
hồn còn vắt vẻo giữa đèo hoang vu

5.về Buôn ma Thuộc
lên đèo Dục Mỹ ban trưa
ta vềdưới gío mưa não nùng
xe qua đồi núi chập chùng
lên heo hút lạnh núi rừng tây nguyên
ng đi rủ sạch ưu phiền
ngờ đâu bụi đỏ trên miền cuốn theo
thôi thì về với cheo leo
nghe chim ông láo kêu rêu cũng đành
lên tây nguyên trấn giữ thành
thương con vượn hú trên cành chon von
đón ta về núi về non
bóng tà đỏ tợ như hòn núi rơi

LÂM CHƯƠNG * SOC CON TRĂNG

Sóc Con Trăng


Sóc Con Trăng. Cái địa danh lạ lùng, nằm về phía Tây Nam, sát biên giới Việt Miên. Nếu so với ngàn xanh mênh mông, Sóc Con Trăng chỉ là một trảng trống rất nhỏ giữa rừng già, thuộc mật khu Dương Minh Châu. Nhìn vào bản đồ quân sự, nơi đây có những vòng cao độ màu nâu thưa thớt, biểu thị một ngọn đồi thoai thoải. Ước hiệu bản đồ còn cho thấy, có chừng vài mươi nóc nhà nằm rải rác trong khu vực. Nhưng hiện tại, Sóc Con Trăng hoàn toàn hoang dã. Những nền nhà cũ của một thời xa xăm, đã mất dấu.
Sớm mai. Ðứng trên đồi nhìn ra bìa rừng. Sương mù kéo một vệt dài trắng xóa, như dải lụa bạch vây quanh chân đồi, che lấp cây xanh. Khi mặt trời vừa lên, sương tan rất vội. Phút chốc, cảnh vật hiện ra rõ nét, biến đổi không ngờ. Rồi sương chiều lại tụ, lúc mặt trời chìm khuất sau rừng cây yên ả. Cái yên ả đìu hiu giả tạm bề ngoài. Trời vừa chạng vạng, chim rừng thôi líu ríu trên cây. Mặt đất bắt đầu nhá nhem bóng tối thì từ trên đồi có những người đi xuống, xâm nhập vào rừng cây. Và ở một nơi bí mật nào đó, cũng có những kẻ âm thầm len lỏi, tiến sát về Sóc Con Trăng. Tất cả, họ là loài săn mồi ban đêm. Trong im lặng của rừng già, ẩn giấu biết bao điều hiểm nguy bất trắc. Những đôi mắt mở trừng không xuyên qua được bóng tối, họ vận dụng khả năng thính giác. Gióng lỗ tai nghe ngóng. Tiếng vỗ cánh của con chim đớp muỗi, cũng làm họ chú tâm lo lắng. Tiếng gãy đổ một cành cây khô, cũng làm họ giật mình hồi hộp. Súng luôn mở khóa an toàn, trong tư thế sẵn sàng khai hỏa. Tử thần không bao giờ nhân nhượng cho kẻ vô ý để mình bị đối phương phát hiện trước. Khó có cơ hội rút kinh nghiệm bản thân để sửa sai, sau lần đầu tiên lầm lỗi. Xác suất sống còn rất ít, khi đứng trước tầm đạn địch.

Một ngày giữa tháng Chạp. Tiểu đoàn được trực thăng vận vào vùng đất ấy. Vùng đất mà thời bình không ai thèm bén mảng. Nhưng trong thời chiến, đó là một yếu điểm, các nhà quân sự muốn chiếm lấy ưu thế, chận họng đối phương. Và đối phương lúc nào cũng cảm thấy khó chịu. Họ muốn móc cái xương vướng mắc trong cổ, để khai thông huyệt đạo từ Quảng Ðức, Phước Long, Bình Long xuống Tây Ninh, và từ Kampuchia vào mật khu Dương Minh Châu. Thế là Sóc Con Trăng trở thành chiến địa. Hai bên đổ máu, giành nhau từng thước đất trên ngọn đồi khô, đầy những cỏ dại phất phơ bông trắng. Dưới chân đồi cũng chẳng có gì hơn, ngoài loại cỏ tranh cao ngang bụng, trải dài ra tận bìa rừng.

Ngày đầu tiểu đoàn đến đây. Tình hình còn rất yên tĩnh. Có thể đối phương chưa kịp chuẩn bị để làm một cuộc tấn công. Nhưng vẫn phải đề phòng bị đánh úp bất ngờ lúc tiểu đoàn đang chân ướt chân ráo. Các toán tiền đồn, và tuần tiễu an ninh chung quanh khu vực, hoạt động ráo riết. Số còn lại, lo ổn định vị trí, bắt tay vào việc đào công sự phòng thủ. Bộ chỉ huy tiểu đoàn đóng trên đỉnh đồi, ngay trung tâm cái mỏ ác của những vòng cao độ. Từ đó, có thể nhìn bao quát được các đại đội nằm bao quanh dưới lưng chừng đồi.

Mọi người trong tiểu đoàn đều biết, nhảy vào Sóc Con Trăng là một thử thách lớn đối với địch quân, đông hơn nhiều lần. Hai công trường 7 và 9 của quân Bắc Việt đang áp sát biên giới, phía bên kia phần đất Kampuchia. Theo cái công ước quỷ quái gì đó, cam kết hai nước không xâm phạm biên giới lẫn nhau. Quân Bắc Việt lợi dụng lãnh địa an toàn này, làm căn cứ hậu cần vững chắc. Ðưa quân sang biên giới đánh đấm. Xong, rút về bên kia dưỡng quân. Tiểu đoàn bị ngăn cấm tuyệt đối, không được nã pháo qua Kampuchia. Không có cuộc chiến nào quy định những điều bất lợi lạ lùng như thế. Chịu thiệt thòi để giữ cái tình giao hảo của hai quốc gia. Thằng nào tức thì cứ chửi đổng, nhưng lệnh vẫn phải thi hành. Tòa án quân sự đang chờ đợi những ai vi phạm quân kỷ ngoài mặt trận, để tống vào quân lao. Tên nào cũng ớn!

Không qua được biên giới, người ta thả tiểu đoàn xuống Sóc Con Trăng, làm miếng mồi nhỏ, nhử đàn kiến lớn bu lại để tiêu diệt. Nhưng tiêu diệt bằng cách nào, chỉ có mấy ông tướng tư lệnh quân đoàn, sư đoàn biết. Anh em lo ngại, không khéo cả đơn vị sẽ phơi thây trên ngọn đồi này, nếu đối phương quyết tâm áp dụng chiến thuật biển người, tiền pháo hậu xung. Trong pho chiến sử đã từng ghi lại các trận đánh đẫm máu, lấy mười đổi một, chỉ với mục đích làm bàn thắng, gây tiếng vang và mặc cả trên bàn hội nghị. Sóc Con Trăng có quan trọng đến mức đối phương phải trả cái giá quá đắt như thế hay không? Ðâu ai biết. Dù gì đi nữa, một khi đã vào tử địa, không có con đường lựa chọn nào khác hơn là tử thủ, quyết liệt chiến đấu. Ai cũng muốn còn cái mạng trở về. "Giành sự sống trong nỗi chết". Câu nói hồi còn trong quân trường là châm ngôn duy nhất để giữ mạng mà thôi.

Tôi là trung đội trưởng. Một chức vụ nhỏ trong guồng máy lớn. Chỉ huy hơn hai mươi tay súng. Nằm tuyến đầu, trước mũi đạn. Chịu cái gian nguy của một khinh binh. Lại đèo thêm nhiệm vụ làm gạch nối từ đại đội trưởng xuống anh em binh sĩ. Sức ép của cả hai bên dồn lại, trung đội trưởng chịu đủ tiếng chì tiếng bấc. Anh em binh sĩ bê bối, đại đội trưởng khiển trách trung đội trưởng. Công tác cực nhọc, hành quân không có lúc nghỉ, anh em cằn nhằn văng tục, trung đội trưởng nghe. Những khi rỗi việc ngồi tán gẫu, bạn bè nói đùa ám chỉ trung đội trưởng là cầm cặc chó đái. Dù nói đùa, nhưng không phải không đúng. Làm trung đội trưởng, chẳng ăn được cái giải gì, chỉ khổ thân. Con nhiều cha, tụ về một mối. Mỗi người ương ngạnh một kiểu khác nhau. Không dễ chỉ huy. Hai năm làm trung đội trưởng, cho tôi nhiều kinh nghiệm đắng cay. Mềm quá, bị coi thường lờn mặt. Cứng quá, gây bất mãn. Tốt nhất là hòa mình cùng anh em đồng đội, nhưng có lúc cũng phải mượn kỷ luật làm răn đe những anh ba gai, hoặc tắc trách trong nhiệm vụ.

Hoàn cảnh gia đình để lại sau lưng, về đây làm những đứa con trung đội, chịu chung một tình huống. Bỏ đi những tị hiềm dị biệt. Nương tựa vào nhau mà sống. Tương trợ nhau mà đi qua những cơn lửa đạn. Không ruột thịt cũng thành thân thiết. Ðêm chiến hào, khum đầu trong nón sắt, chia nhau từng hơi khói thuốc. Rủ rỉ kể cho nhau nghe nỗi niềm tâm sự. Cha mẹ, vợ con, người yêu bé nhỏ đang chờ đợi nơi phố thị đông người, hay một miền quê nghèo nàn hẻo lánh nào đó.

Hồi chiều, lúc đang đào công sự phòng thủ, thằng Công hỏi: "Thiếu úy ơi. Con đào của tôi, nó hẹn về đi chợ tết. Tiểu đoàn mình, có ra khỏi cái nơi hắc ám này, trước tết không?"

Tôi nói: "Hẹn lại tết năm sau đi."

"Như vậy là mình ăn tết ở đây?"

"Ăn tết hả? Mày hỏi mấy con khỉ đột trong rừng, nó có chịu để yên cho mày hay không?"

"Ðánh đấm hoài, chán bỏ mẹ! Hết rừng núi, lại sình lầy. Không biết ngày nào hết khổ."

Nó than, như chính tôi là người làm cho nó khổ. Tôi bảo: "Lính nào cũng khổ. Chỉ có lính kiểng là sướng thôi, con ạ!"

Thằng Công im lặng, khi vị đại đội trưởng đi tới, đôn đốc và kiểm soát các trung đội đào hố cá nhân dọc theo phòng tuyến. Ông dặn, đào hố phải làm nóc kiên cố. Tình hình căng thẳng lắm. Nếu địch quân tràn ngập vị trí, pháo binh sẽ bắn nổ chụp ngay trên đầu. Thằng nào lười biếng, không làm nóc, là tự mình khai tử. Ông nhai lại điều này nhiều lần. Anh em phát bực.

Ðại đội trưởng đi khỏi, thằng Nhân nói: "Ðù mẹ! Chết sống có số. Khi đã tới số, thì chạy đàng trời cũng không khỏi nắng."

Thằng Tứ Ách, chống cán xẻng, phanh ngực áo, quạt phành phạch, cũng phụ họa: "Những thằng ở thành phố, đang nằm trên bụng vợ, bỗng ngã lăn ra chết vì thượng mã phong. Số trời đấy."

Lại một thằng nữa, tiếp theo: "Thế là sướng tới hơi thở cuối cùng. Tao thà chịu chết vì thượng mã phong, chứ không muốn ở đây chết chung với bọn mày."

Nhiều tiếng cười hô hố sau câu nói.

Tiểu đội trưởng, tên Nẫm, đang hì hục đào hố, ngẩng lên nhìn: "Chỉ lo tán dóc và cười. Cả buổi, mà quào cái hố chưa bằng cái lỗ đĩ. Khi đụng trận, thằng nào chạy qua hố tao núp ké, tao đạp văng ra ngoài."

"Ðất cứng quá, trung sĩ ơi."

"Lúc nào cũng rên. Muốn đi đầu thai sớm thì vất xẻng, khỏi cần đào hố."

Tôi đi dọc theo phòng tuyến, quan sát phần trách nhiệm trung đội. Giữa tháng Chạp, nhưng nắng của buổi xế chiều ở đây, vẫn còn gay gắt lắm. Ai cũng tháo mồ hôi. Ðào một cái hố cá nhân trên thế đất đồi khô cứng, không là chuyện dễ.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn nói: "Khi mặt trời lặn, thằng nào chưa xong tao tống ra nằm tiền đồn."

Có tiếng đáp lại của Ðiền Ðô: "Dọa ai thì dọa. Chứ thằng này là dân chơi thứ thiệt, không ngán đâu. Ðừng dọa."

"Mày bảo tao dọa hả? Ðù mẹ! Có ngon thì ngồi hút thuốc, làm thơ đi con. Tối nay sẽ biết đá vàng ."

Ðiền Ðô im lặng. Nó biết tôi không đùa.

Tiền đồn cho một đơn vị là toán quân báo động, nằm ngoài tuyến phòng thủ. Do đó, toán tiền đồn thường đặt ở những nơi tiên liệu địch quân có thể xâm nhập áp sát đơn vị. Tiền đồn là toán chạm địch đầu tiên. Muốn tấn công một đơn vị, địch quân phải tiêu diệt cho được những toán tiền đồn chung quanh phòng tuyến, từ ngoài xa. Và như thế, đơn vị phòng thủ kịp thời chuẩn bị tác chiến, trước khi địch quân tiến đến gần kháng tuyến chính. Trong trận mạc, người ta chấp nhận hy sinh một số nhỏ, để bảo toàn lực lượng lớn. Ðóng quân ở những vùng bị áp lực địch nặng nề, dù là thằng to gan nhưng tới phiên vác ba lô, xách súng đạn đi làm tiền đồn cũng lạnh cẳng.

Anh em trong đơn vị, thường nói năng lỗ mãng, tưởng có thể ghét bỏ hại chết đời nhau. Nhưng thật ra, đó lại là điều thể hiện sự gần gũi thân tình của những thằng đi trận. Ðặt cho nhau những cái biệt danh quái gở để cười vui. Dần dần biệt danh trở thành quen thuộc, không còn gọi bằng nhau bằng tên chính thức nữa. Thằng Công khinh binh, biệt hiệu Công Ngủ. Thằng Ðức mang súng phóng lựu M79, gọi Ðức Cạp. Thằng Ðiền tiểu đội phó là Ðiền Ðô. Thằng Mai phụ xạ thủ đại liên, những lần về phép hay la cà nơi các động mãi dâm, anh em đặt Mai Ghế. Thằng Ty vác đại liên, thường khoe con cu của nó là một vưu vật lý tưởng trên đời, nên được tặng danh hiệu Ty Cai Dù. Những biệt danh này, được hiểu theo nghĩa nói lái. Còn có những biệt danh, chỉ đặc tính. Như thằng Minh mang máy truyền tin, hay đánh tráo bài ba lá, gọi Minh Ðiếm Chảy. Thằng Nhân cấp bậc hạ sĩ, viết thư về cho vợ, chưa gởi đi, bị anh em coi lén, thấy nó thay chữ ký bằng bốn con bài cơ rô chuồn bích. Từ đó, anh em gọi nó là Nhân Tứ Ách, để phân biệt với Nhân súng cối. Thằng này hay chửi thề nên có hỗn danh Nhân Ðù. Thượng sĩ trung đội phó, trước kia thuộc Sư Ðoàn 25 Bộ Binh, sau đổi qua Biệt Ðộng, mang danh Mai Chò Gãi. Mới đầu, tôi không hiểu ý nghĩa của cái tên kỳ lạ này. Anh em giải thích, "mai chò gãi" là tiếng lóng của dân bụi đời, chỉ con số 25.

Ðêm Sóc Con Trăng. Trời se lạnh. Trăng mù sương ẩm đục màu sữa. Không gian chìm lắng. Tiếng côn trùng sầu não bãi tha ma. Thỉnh thoảng, nghe khoen dây súng khua lách cách của đốc canh đi kiểm soát lính canh dọc tuyến phòng ngự. Những anh em khác, cuộn mình trong tấm poncho, ngủ mê mệt sau một ngày vất vả.

Nửa khuya. Tiểu đoàn báo động giả, tập phản ứng cho quen với vị trí phòng thủ mới. Hỏa châu cháy rực bầu trời, chói lòa xuống mặt đất, soi rõ từng bông cỏ dại trên đồi. Chúng tôi ngồi dưới hố cá nhân. Ðầu đội nón sắt, mình mang dây ba chạc đeo túi đạn, tay súng trong thế tác chiến. Bên ngoài vòng đai, đạn pháo nổ quanh chân đồi như sấm sét. Tưởng khó có một ai vượt qua lằn ranh đạn pháo mà còn toàn vẹn. Ðưa tiểu đoàn vào đây, người ta đã dự trù một trận đánh lớn. Nằm trong cái thế bị tấn công bất cứ lúc nào, tiểu đoàn được ưu tiên hỏa lực pháo binh. Tất cả những căn cứ trọng pháo trong tầm tác xạ, lúc nào cũng hướng súng về Sóc Con Trăng, sẵn sáng yểm trợ.

Khi chấm dứt báo động, mọi người đều tỉnh táo, khó dỗ giấc ngủ trở lại. Tôi và thằng Minh Ðiếm Chảy, ngồi chung trong cái hố đôi.

Nó cằn nhằn: "Thà địch kéo tới, đánh nhầu một trận cho xong. Chờ đợi và báo động hoài, còn ngủ nghê gì được."

"Mày là thằng chết đến đít, vẫn còn ham ăn ham ngủ."

"Thức khuya lạt miệng. Thiếu úy, cho xin điếu thuốc." Nó chép miệng.

Tôi nói: "Hút thuốc ban đêm. Coi chừng bị bắn bể sọ dừa."

"Không sao đâu. Em che trong nón sắt."

"Từ hồi chiều đến giờ, mày xin thuốc mấy lần rồi? Hút ghiền, thì phải lo thủ sẵn chứ. Tao đâu phải cái kho phát thuốc cho mày."

Nó cười giả lả, chìa tay ra: "Ðiếu thuốc giá đáng chi, mà nói những câu mắc mỏ. Thiếu úy?"

"Ðiếu này là điếu chót nghe mậy. Hút xong, ráng treo mỏ. Ðừng xin tao nữa."

Tôi rút một điếu cho nó. Nó khum đầu, xòe lửa trong nón sắt, hút vài hơi rồi trao cho tôi.

"Hút chung một điếu đi. Ðỡ hao."

Tôi rít một hơi dài, rồi nhìn mặt nó. Trong ánh trăng nhòa nhạt của đêm mù sương, mặt nó khắc khổ đăm chiêu.

Một lúc sau, nó nói nhỏ: "Buồn quá."

"Sao mày rên rỉ hoài vậy?"

"Con vợ của em..."

"Lại nữa. Mày nói chuyện này hằng trăm lần rồi. Nó bỏ mày đi lấy thằng khác chứ gì? Tao không muốn nghe."

"Nhưng nó còn nói xấu, rằng em mê cờ bạc."

"Cũng đúng thôi. Kỳ lương nào, mày cũng nướng hết vào sòng bạc. Ði phép, xách cái đít không, về nhà với bộ mặt đưa đám. Bảo sao nó không chán?"

"Nhiều khi tức, muốn trả thù."

"Ðừng có điên. Ở tù đấy, con ạ! Cứ bình tĩnh, rà rê kiếm con vợ khác. Làm lại cuộc đời."

"Không dễ. Ðàn bà con gái, đâu phải muốn chộp bắt lúc nào cũng được?"

Tôi an ủi: "Mày là thằng đẹp trai số một của trung đội. Lo gì?"

Nghĩ ngợi một hồi, nó nói: "Phải chi em được như thằng Ty Cai Dù, thì ngon quá."

"Ngon thế nào?"

"Nó bảo nhờ "cai dù" mà nó được cơm no bò cỡi."

Tôi gạt ngang: "Thôi. Bỏ chuyện bá láp đó đi. Lo ngủ. Mai còn công tác."

Nói xong, tôi lên khỏi hố. Nằm co, trùm bằng tấm poncho lạnh ngắt.

Ngày nào tiểu đoàn cũng mở những cuộc hành quân cấp đại đội quanh khu vực Sóc Con Trăng, và dọc theo biên giới. Chẳng thấy bóng đối phương. Nhưng ngày nào tiểu đoàn cũng bị pháo kích hai, ba lần. Nhất là những khi có chuyến không vận tiếp tế vào Sóc Con Trăng. Trực thăng vừa chạm mặt đất, pháo rót tới liền. Quân tiền sát của địch vẫn bám sát đâu đây. Rừng rậm quá, khó phát hiện được vài ba tên tiền sát ẩn núp giữa ngàn xanh. Mỗi lần, pháo chừng năm bảy quả. Súng cối 82 ly từ bên kia biên giới bắn sang. Tiểu đoàn vô phương phản pháo. Tuyệt đối tuân hành cái lệnh không xâm phạm biên giới giữa hai nước. Ðành ôm đầu máu, chịu trận. Kampuchia là nước trung lập, nhưng lại chứa chấp mấy sư đoàn quân Bắc Việt. Thật chó má! Anh em gào cái tên Sihanouk mà chửi.

Ban ngày là thế. Ban đêm cũng chẳng yên. Vài đêm lại có đụng độ ngoài các toán tiền đồn. Nhiều khi địch len lỏi qua khỏi tiền đồn, bắn vào vị trí phòng thủ. Tình trạng báo động liên miên. Nón sắt, và súng đạn đeo dính bên người. Hỏa châu soi sáng, và pháo yểm ầm vang một góc trời.

Tinh thần anh em sa sút trầm trọng. Mệt mỏi. Chán chường. Ba ngày tết của năm 1969, trôi qua trong quên lãng giữa rừng già. Dù chỉ mới có những cuộc chạm súng lẻ tẻ, nhưng tiểu đoàn đã tổn thất khá nhiều do pháo kích. Tiểu đoàn trưởng gọi về Bộ Tư Lệnh, xin ra khỏi vùng hành quân Sóc Con Trăng. Ðược trả lời rằng, chưa cần thiết tiểu đoàn có mặt ở những nơi khác. Nghe thế, mọi người đều bất mãn. Càng bất mãn càng chửi thề. Trung đội tôi, bây giờ, thằng nào cũng bắt chước Nhân Ðù. Mở miệng ra là có đù mẹ, đéo bà. Nghe mãi thành nhàm tai.

Sau một tháng trời ở đây, quân số tiểu đoàn hao hụt. Lớp chết, lớp bị thương. Bổ sung tân binh, mặt thằng nào cũng ngơ ngáo. Chưa quen chiến trường, mỗi lần bị pháo những tân binh quýnh quáng đến tội nghiệp.

Một buổi chiều. Tôi đi kiểm soát, thấy thằng Ngô tân binh gác ngoài phòng tuyến. Súng đặt ngang đùi. Nó ngồi bất động, nhìn ra bìa rừng. Rừng chiều, sương xuống âm u một màu ảm đạm. Tôi nhẹ nhàng lần đến sau lưng. Nó không hay biết. Tôi vỗ vai. Nó giật mình, quay lại nhìn tôi. Tôi thấy hai hàng nước mắt của nó chảy dài xuống gò má. Nó đang thổn thức. Nó quẹt nước mắt, cười gượng.

Tôi ngồi kế bên: "Tại sao mày khóc?"

Nó làm bộ ngạc nhiên: "Em có khóc đâu?"

"Mày đừng chối. Có ai hiếp đáp, bắt chẹt gì mày không?"

"Không." Nó lắc đầu.

"Thế sao mày chảy nước mắt?"

Nó ngó mông ra rừng. Không trả lời.

Tôi giục: "Nói thật đi. Thằng nào chèn ép mày?"

"Em chỉ buồn."

"Ở đây, tao cũng buồn như mày. Chịu đựng một thời gian, rồi tiểu đoàn mình sẽ chuyển đi vùng khác, đỡ hơn. Nhưng, tại sao mày chọn binh chủng này?"

"Thấy mấy anh lính đội bê rê, mặc đồ hoa về thành phố, trông rất oai hùng. Em thích, và tình nguyện về binh chủng. Mãn khóa, em chưa được về thăm nhà. Người ta bốc thẳng từ quân trường, thảy xuống đây. Hồi trước, em đâu ngờ đời lính gian khổ, hiểm nguy thế này. Em không tưởng tượng nổi..."

"Ðừng buồn nữa. Ngày nào ra khỏi Sóc Con Trăng, tao đề nghị cho mày đi phép về thăm nhà."

Nó mừng: "Thật hả, thiếu úy?"

"Tao nói thật. Dù tao biết mày về là đào ngũ luôn. Tao chỉ giữ thằng nào ở lại thôi."

"Không đâu. Em sẽ trở lại."

"Nếu mày kể cho má mày nghe cảnh này, dù mày muốn trở lại, bả cũng níu áo không cho mày đi."

"Em không đào ngũ, vì thương những người trong trung đội mình." Nó kể bằng chân tình. "Hôm trước, bị pháo kích. Chạy về hố không kịp, em chui đại xuống hố trung sĩ Nẫm, tiểu đội trưởng của em. Cái nón sắt em bị văng mất. Anh Nẫm chụp cái nón sắt của ảnh lên đầu em, đè em nằm xuống. Còn ảnh đầu trần, ngồi phía ngoài. Trong trung đội, ai cũng lo cho em. Mọi người đều có tình. Em không nỡ đi luôn."

"Mày biết thương anh em là được rồi. Ðời lính không phải khổ mãi thế này đâu. Mày về đơn vị nhằm lúc tiểu đoàn đang ở cái chốn khỉ ho cò gáy, nên cảm thấy buồn. Ráng một thời gian nữa thôi, rồi tiểu đoàn sẽ được chuyển vùng hành quân."

"Một thời gian nữa, là bao lâu?"

"Tao không biết. Còn phải chờ..."

Khi nói câu đó, tôi nghĩ đến một trận đánh lớn. Ngày nào chưa xảy ra một trận thư hùng, thì tiểu đoàn còn phải ở đây, để thực hiện cái kế hoạch làm mồi nhử đàn kiến.

Trận đánh lớn, trước sau gì cũng không tránh khỏi. Mới đầu, mọi người còn lo âu. Nhưng thời gian thấp thỏm đợi chờ với những cơn mưa pháo hàng ngày, những đụng độ lẻ tẻ về đêm làm anh em mệt mỏi nên đâm liều. Muốn đánh nhầu một trận cho xong, ra sao thì ra. Không có gì khổ cho bằng chờ đợi trong tinh thần căng thẳng. Pháo bắn vòng cầu, từ trên trời rơi xuống. Rớt trúng cái hố nào, người trong hố đó vong mạng. Chui rúc trong hang cũng cảm thấy không an toàn. Mỗi lần nghe bên kia biên giới, có tiếng vọng um, um, um... của súng cối, chúng tôi chạy vội về vị trí của mình, nhảy xuống hố ngồi nín thở. Cũng vừa kịp lúc đạn pháo nổ ầm, ầm, ầm..., vang động cả vùng đồi Sóc Con Trăng. Những lần núp pháo như thế, tôi thường trấn an bằng điếu thuốc. Phó mặc đời cho may rủi.

Ðể tránh bớt thiệt hại vì pháo, tiểu đoàn giảm quân số phòng thủ trên đồi. Ban ngày tung các đại đội ra hoạt động chung quanh. Ban đêm rút quân về, chừa lại một đại đội đóng quân lưu động trong rừng. Kế hoạch này có cái lợi, nếu địch tấn công mạnh vào tiểu đoàn, thì đại đội lưu động sẽ đánh bọc hậu đối phương.

Vòng đai phòng thủ, bây giờ thưa hơn, chỉ có ba đại đội. Nhưng bù lại, đạn dược dự trữ được tăng cường tối đa. Mỗi hố cá nhân, chứa sẵn một thùng hai mươi bốn quả lựu đạn, và hai thùng đạn nhỏ một ngàn viên. Với số đạn này, có thể bắn suốt đêm không lo bị thiếu.

Các sĩ quan trong tiểu đoàn được dặn dò nhắc nhở anh em binh sĩ phải hết sức đề phòng. Ý định của đối phương là quần cho tiểu đoàn mệt mỏi, rồi sinh ra lơ là chểnh mảng. Ðến một lúc nào đó, sẽ bất ngờ đánh úp, diệt gọn tiểu đoàn. Lời dặn dò này, không có tác dụng gì cả. Anh em chỉ mong sớm rời khỏi Sóc Con Trăng.

Ngoài những người thương tích do những cuộc chạm súng lẻ tẻ, hoặc bị pháo kích, đã có năm ba vụ tự hủy hoại thân thể. Sống trong tinh thần căng thẳng ngày đêm không ngớt, anh em cảm thấy quá khổ sở, và dám làm những điều bất chấp hậu quả.

Trưa hôm qua. Toán tuần tiễu của trung đội tôi, báo cáo có người bị thương. Tôi vội đưa toán khác ra thay thế, cho toán cũ khiêng thương binh về. Thằng bị thương là binh nhất. Khi tôi đến, nó không nhìn mặt tôi. Nó là thằng dễ thương của trung đội, sốt sắng trong mọi công tác. Lúc y tá lau chùi sát trùng vết thương, tôi thấy xương bàn chân nó bị bể, ngón cái và ngón kế bay mất. Vết thương không nguy hiểm, nhưng sẽ bị tật sau này. Y tá băng bó xong. Nó nằm nghiêng trên chiếc brancard, quay lưng về phía tôi.

Lúc chờ trực thăng tải thương dưới chân đồi, tôi hỏi: "Tiểu đội trưởng báo cáo, mày bị thương do giẫm phải bom bi. Ðúng không?"

Nó vẫn không nhìn tôi, trả lời: "Ðúng."

"Mày có thể qua mặt tiểu đội trưởng, nhưng không qua mặt tao được."

Nó im lặng.

"Mày hủy hoại thân thể."

"Không. Em đạp phải bom bi."

Tôi cười mũi: "Tao xem vết thương, biết chắc mày rút ngòi nổ ra khỏi quả lựu đạn, kẹp ngòi nổ giữa hai ngón chân, và cho kích hỏa."

Nó vẫn nói: "Không. Em đạp phải bom bi."

Tôi dọa: "Thôi được. Tao sẽ báo cáo, để sau khi trị thương, mày ra trước tòa án quân sự mà chối."

Nó quay lại. Ðôi mắt khẩn thiết nhìn tôi, van nài: "Thiếu úy ơi..."

"Không có thiếu úy con mẹ gì nữa hết. Mày muốn qua mặt tao."

"Em lỡ dại..." Nó khóc thút thít. "Em không chịu nổi cảnh này."

"Ừ. Thà rằng mày nói thẳng với tao như thế, còn nghe được. Nếu trước đây, mày cho tao biết ý định, tao sẽ chỉ cách cho mày. Gởi thư về, bảo người nhà đánh cái điện tín, báo cha đau mẹ chết gì đó. Rồi tao sẽ đề nghị cấp giấy phép, mày về thăm nhà. Nhân cơ hội đó, mày đào ngũ luôn. Như thế, có phải an toàn không? Còn mày hủy hoại thế này, cái chân sẽ mang tật suốt đời."

"Thiếu úy ơi... Trong lúc quẫn trí, em làm chuyện điên rồ..." Nó nói trong nước mắt.

Tôi thông cảm với nó. Chính tôi, lúc bất mãn cũng muốn đào ngũ. Nhưng bất mãn ai? Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân, cớ gì mà bất mãn nhau? Những kẻ mưu đồ thế lực gây nên chiến tranh, không có mặt ở nơi này. Nguyền rủa ư? Thì cứ nguyền rủa, nhưng thằng nào tự tách mình ra khỏi cái guồng máy chiến tranh khốn nạn, ắt phải thân tàn ma dại như thằng em của trung đội tôi đang nằm đây nhức nhối.

Khi trực thăng tải thương đáp xuống, nó nói: "Em đi. Thiếu úy và anh em ở lại bình yên."

Tôi nói: "Ðược rồi. Mày về yên trí. Tao không hại mày đâu. Mày sẽ giải ngũ, và được lãnh tiền do bị thương ngoài mặt trận."

Một đêm, cuối tháng Giêng.

Trời đất lờ mờ. Ðứng trên đồi nhìn ra bìa rừng, chỉ thấy viền cây tối ám, chắn dưới chân trời mù đục âm u. Mọi người giật mình choàng tỉnh. Ðơn vị bị pháo dữ dội. Không phải bằng súng cối 82 ly, mà bằng nhiều khẩu đại pháo từ bên kia biên giới bắn sang. Ðồng thời các toán tiền đồn báo cáo, trong rừng có nhiều tiếng động bất thường. Tiểu đoàn ra lệnh thu hồi gấp rút tiền đồn trở về, tăng cường thêm quân số phòng thủ.

Ðây là lần đầu tiên, địch pháo kích ban đêm. Cường độ pháo thật khủng khiếp, nhưng một nửa đạn pháo lọt ra ngoài kháng tuyến. Tuy thế, mặt phòng thủ phía đông cũng tan nát, gần như tê liệt. Nhiều người chết và bị thương. Tiểu đoàn cho trung đội trừ bị từ đỉnh đồi, xuống trám ngay lỗ hổng phòng tuyến. Hỏa châu sáng rực bầu trời, cùng lúc với pháo yểm cho tiểu đoàn, vây một hàng rào sấm sét quanh chân đồi. Dưới ánh sáng hỏa châu, lớp lớp địch quân liều chết xông qua lằn ranh đạn pháo, và gãy gục khi chưa tới được phòng tuyến. Một trận thư hùng chờ đợi bấy lâu, có phải là đây? Tôi bắn liên thanh, rà đạn sát đất. Lựu đạn ném ra, cản bớt lớp người xông tới. Mùi thuốc súng nồng lên mũi. Tôi thở hổn hển. Tinh thần căng thẳng cùng tột. Hai bàn tay run lẩy bẩy mỗi lần rút chốt lựu đạn. Trước khí thế cường địch, tôi mất bình tĩnh. Tôi nghe nhiều tiếng la "Xung phong... G...i...ế...t" Tiếng "giết" kéo dài đẫm mùi máu, làm rợn xương sống. Giờ phút này, không bỏ chạy đi đâu được. Thằng nào phóng lên khỏi hố cá nhân, là tự phơi thân cho địch bắn. Chết sống gì cũng phải nằm lại đây. Và bắn. Và tung lựu đạn. Dọc theo công sự phòng thủ, nhiều chỗ bị B40 phá tanh banh bao cát chắn đạn. Nếu cứ cái đà xung phong ồ ạt này tiếp diễn mãi, địch quân sẽ tràn ngập vị trí.

Sau mấy đợt xung phong, không chọc thủng được phòng tuyến, đối phương ngừng tấn công, chỉnh đốn lại hàng ngũ. Trong khi đó, chúng tôi chịu thêm trận pháo thứ hai của địch, từ bên kia biên giới rót sang, khốc liệt hơn. Lần này, đối phương điều chỉnh lại tọa độ thật chính xác. Pháo rớt ngay đỉnh đồi. Bộ chỉ huy tiểu đoàn lãnh đủ. Tôi bò đi kiểm soát từng hố cá nhân, dọc theo phòng tuyến trung đội. Những người tử thương được lôi ra khỏi hố cá nhân, tôi điều động anh em khác thế vào. Những thương binh, phải tự băng bó vết thương của mình. Y tá trung đội đang quằn quại trên vũng máu. Thằng Ngô tân binh, nó đang hấp tấp nạp thêm đạn vào các băng trống.

Tôi hỏi: "Trung sĩ Nẫm bỏ phòng tuyến đi đâu rồi?"

Nó không trả lời, đưa ngón tay chỉ qua hố bên cạnh. Một cái xác úp mặt, nằm nửa trên nửa dưới hố cá nhân.

Tôi trấn an: "Mày đừng di chuyển khỏi chỗ này. Cứ ngồi đây. Không sao đâu."

Nó nói như van: "Thiếu úy ở đây với em."

Tôi làm bộ không nghe, tiếp tục bò đi kiểm soát trung đội.

Gặp tiểu đội phó, tôi dặn: "Trung sĩ Nẫm tiêu tùng rồi, mày ráng lo cho anh em tiểu đội."

Tôi chưa kịp quay về vị trí, đối phương mở cuộc tấn công lần thứ hai. Tôi nhào xuống cái hố của một thương binh. Thằng này không còn đủ sức chiến đấu nữa. Tôi giật cây súng, đẩy nó ngã lăn ra phía sau lưng. Bị chạm vết thương, nó đau đớn kêu trời. Tôi không còn thì giờ quan tâm đến nó. Trước kháng tuyến, từng đợt, từng đợt xung phong. Tôi bắn như điên khùng. Lựu đạn nổ sát phòng tuyến. Lớp này gục xuống, lại thấy lớp khác tràn lên. Sau lần thứ nhất bị tấn công, nhiều người trong đơn vị bị loại khỏi vòng chiến. Quân số khiển dụng còn lại ít hơn. Khả năng phòng thủ cũng yếu hơn. Tôi lo phòng tuyến bị vỡ. Theo kế hoạch dự trù, khi đối phương tràn ngập vị trí, pháo binh sẽ bắn nổ chụp ngay trên đầu, đạn nổ cao, cách mặt đất mười lăm thước. Miểng pháo tạt xuống. Mà miểng pháo thì đâu có phân biệt bạn thù. Và như thế, hai bên cùng chết. Không biết phía bên kia đồi, phòng tuyến bị vỡ hay chưa? Ðơn vị còn cầm cự được bao lâu? Trước sau gì, cũng bỏ mạng trên ngọn đồi này. Mồ hôi tôi ướt mặt. Bị đẩy tới đường cùng rồi. Tôi bắn, Tôi ném lựu đạn. Tôi thở dồn dập. Tôi cắn răng. Hình như tôi có gào thét những tiếng vô nghĩa gì đó. Tao chết, thì mày cũng phải chết. Thiên địa đêm nay nhập lại. Bạn thù chung cuộc tử sinh.

Ðang trong tình trạng tuyệt vọng, bỗng có tiếng phản lực cơ gầm rú trên không. Lẫn trong tiếng súng, tôi nghe nhiều tiếng la mừng rỡ của anh em đồng đội. Trái bom napan đầu tiên trải một thảm lửa dưới chân đồi. Ðối phương núng thế thấy rõ. Chúng tôi lên tinh thần. Chiến đấu bình tĩnh, và có hiệu quả hơn. Trước phòng tuyến, địch quân dội ngược. Những trái bom tiếp theo làm thành vòng đai lửa sát bìa rừng, quanh đồi Sóc Con Trăng. Phi tuần phản lực vừa dứt, thì trực thăng vào vùng. Rocket và đại liên nã xuống những luồng đạn lửa. Phòng không của địch bắn lên. Ðạn lửa vẽ lên bầu trời những lằn đỏ đan chéo vào nhau. Tôi thấy nhiều địch quân quay lưng, chạy tháo lui. Họ không còn cơ hội thoát thân nữa. Tất cả đều ngã xuống trước tầm hỏa lực từ phòng tuyến bắn ra, trực thăng bắn xuống. Ðối phương đang lo chống trả với những con diều hâu hung dữ, không còn áp đảo tiểu đoàn. Súng phòng không hướng lên trời. Hỏa tiễn AT3 nổ lùm bùm trên không như pháo bông ngày lễ. Ðã có hai chiếc trực thăng trúng đạn phòng không, chúi đầu xuống phía rừng xa xa.

Từ máy truyền tin, tôi nghe ông tiểu đoàn trưởng điều động đại đội đang nằm trong rừng, dàn quân làm nút chặn, ngăn đường rút lui của địch.

Từ giờ phút ấy trở đi, truy địch là nhiệm vụ của Không Quân. Nhiều phi tuần phản lực lên vùng oanh kích. Tôi nghe tiếng bom gầm càng lúc càng xa dần, về phía biên giới.

Sáng ra. Khi đang bận rộn sắp xếp việc tải thương, tôi chợt nghĩ đến thằng Ngô tân binh. Ngó

quanh, không thấy. Tôi hỏi tiểu đội phó của nó: "Thằng Ngô đâu rồi?"

Tiểu đội phó chỉ vào tấm poncho đậy tử thi. Nó không chờ cái giấy phép mà tôi đã hứa cho về thăm nhà, sau khi rời khỏi Sóc Con Trăng. Nó đi trước, bằng con đường khác.

Mặt trời lên cao. Những chuyến trực thăng tải thương đã hoàn tất. Quang cảnh trên đồi, trông điêu tàn thê thảm. Công sự phòng thủ bị phá vỡ nhiều nơi. Poncho, nón sắt, quần áo vấy máu còn bỏ rải rác, chẳng ai buồn dọn dẹp. Người nào cũng xác xơ tơi tả, mệt mỏi bơ phờ.

Trời đứng bóng, phái đoàn của những ông lớn xuống Sóc Con Trăng, thị sát chiến trường. Họ mặc đồ nhà binh ủi hồ thẳng nếp, mắt đeo kính râm, tay cầm ba toong, đi dọc theo phòng tuyến. Họ chỉ trỏ, bàn tán với nhau. Không hỏi han hoặc nói chuyện với anh em chúng tôi. Họ cho ông tiểu đoàn trưởng biết, theo tin tình báo, địch đem ba tiểu đoàn công hãm Sóc Con Trăng. Giờ này, biết điều đó cũng vô ích. Tin tình báo, bao giờ cũng là tin trễ. Các ông lớn rất chú ý đến con số thương vong của địch bỏ lại ngoài vòng đai, và một số khác bỏ thây trong rừng chưa kiểm được. Còn tổn thất của tiểu đoàn, họ không mấy quan tâm.

Lúc họ đi khỏi, thì trực thăng "đại lực sĩ ngựa trời" câu hai chiếc xe ủi đất màu vàng, đem đến Sóc Con Trăng. Một chiếc ủi những cái hố dài, sát bìa rừng. Chiếc khác, ủi xác người hất xuống hố. Họ rải lên xác một lớp bột sát trùng màu trắng, và lấp lại. Hai chiếc xe ủi chạy tới chạy lui, nện bằng mặt đất. Thời gian sẽ làm cỏ tranh mọc cao lên trên những nấm mồ tập thể. Như những cái nền nhà cũ của một thời xa xăm, đã hoàn toàn mất dấu.

Sớm mai. Ðứng trên đồi nhìn ra bìa rừng. Vẫn thấy sương mù kéo một vệt dài trắng xóa, che khuất ngàn cây. Mặt trời lên. Sương tan. Cảnh vật hiện ra rõ nét. Một vạt rừng bị cháy nám. Nhiều nơi cây cối xác xơ gãy đổ. Thiên nhiên bao giờ cũng im lìm, và tự làm lành những vết thương. Chỉ có con người, khi đã mất mát thì không thể nào tìm lại được sự bù đắp.

Những ngày sau trận đánh.

Chiều chiều. Ông thượng sĩ già trung đội phó Mai Chò Gãi thường đứng bâng khuâng trên đồi Sóc Con Trăng. Ông là người Nùng Việt Bắc di cư.

Tôi hỏi: "Có phải ông đang nhớ về rừng núi Lai Châu?"

Ông cười buồn, hỏi lại tôi câu khác: "Thiếu úy tin con người có linh hồn không?"

Tôi nói: "Tôi tin."

"Tôi cũng tin thế. Những chiếc nón sắt bỏ lại của người ra đi, hình như còn phảng phất linh hồn của anh em vấn vương chiếc nón." Ông đưa ngón tay chỉ. "Thử chú tâm nhìn cái nón sắt lật ngửa, đằng kia."

"Nhìn nó, tôi nghĩ đến người ra đi."

"Không cảm nhận được gì khác?"

"Không." Tôi lắc đầu.

Ông bảo: "Tôi có cảm giác rất mơ hồ rằng, linh hồn anh em vẫn còn quanh đây, trên ngọn đồi này."

Sau một hồi trầm ngâm tư lự, ông nói: "Hồi trẻ, tôi tưởng điều gì cũng biết. Khi về già, thấy rằng có những điều mình không thể hiểu."

"Ông muốn nói vấn đề gì nữa đây?"

"Bao nhiêu năm đi lính, sát phạt đã nhiều. Những người chưa từng quen biết, không hề ân oán, vừa chạm mặt là ra tay bắn giết nhau. Nghĩ cũng lạ! Chẳng biết phía bên kia, họ có thù mình không?"

Tôi nói: "Ông thắc mắc những vấn đề kỳ cục. Cứ hãy tưởng tượng vào thời trung cổ, người ta đưa hai tên giác đấu lên đài. Với điều kiện, sau trận đấu, chỉ còn một tên được quyền sống sót. Ðặt mình vào hoàn cảnh tên giác đấu, ông phải làm sao?"

Thượng sĩ Mai Chò Gãi khẳng định: "Giết đối thủ."

"Ðấy. Những thằng đi trận của cả hai phe, đều ở vào cái thế của tên giác đấu. Mình không giết nó, nó giết mình. Ðâu cần chi phải hận thù?"



Lâm Chương

THƠ DƯ THỊ DIỄM BUỒN

TÌNH YÊU TRẢ LẠI TRĂNG SAO
DTDB
Chúng mình quen giữa mùa xuân nắng ấm
Sau tháng ngày rét mướt tuyết mưa bay
Chim chuyền cành trên cây xanh lá thắm
Hoakhoe màu tươi đẹpới nắng mai
Anhmang đến cho tôi tình yêu cuối!
Tôi vô tư chân thật nhận tình đầu
Mùa hè sang chói chang hương nắng mới
Khuôn viên trường thường hò hẹn gặp nhau
Màn đêm buông, sao sáng ngời ánh ngọc
Mặt nước hồ sóng sánh bóng trăng soi
Đường sỏi đá nối liền khu Đại học
Hàng cây bên đường, nhân chứng lứa đôi
Chim ca hót chúc tình đầu nồng thắm
Gió thì thào, mưa lách tách rơi mau
Ở bên anh, tôi nghe lòng mình ấm
Niềm thương yêu, ôi chang chứa dạc dào
Lời thệ ước có trăng sao, có gió
Hai đứa cùng bàn tính chuyện ngày sau
Hè qua mau, lá vàng rơi khắp ngõ
Mưa giăng giăng, mây tím phủ trời cao
Giáng Sinh đến, phố phường đầy hoa tuyết
Cây thông xanh rực rỡ ánh đèn màu
Đường thưa vắng, chợ đông người sắm Tết
Buốt giá lạnh lùng mình vẫn có nhau
Hồi chuông đinh đon ngân vang ngầm bảo
Chúa giúp muôn loài, Chúa ngự trên cao
Trongyêu thương tôi quên mình ngoại đạo
Bên anh thành tâm tha thiết nguyện cầu
Trời băng giá giọt mưa buồn tiếp nối!
Tôi thẩn thờ lặng ngắm tuyết bay mau
Cảmơn anh đã đem cho tình cuối!
Lời hẹn thề xin trả lại trăng sao
Nay xa rồi! Phải chăng mình không nợ?
Ômnỗi sầu khóc tình lỡ thương đau!
Trongtim tôi tròn đời ghi câu nói
Tình yêu đầu, nhớ mãi đến ngàn sau!
THỊ DIỄM BUỒN

CHO EM TÌNH CUỐI

DTDB
Chuyến xe chiều đưa em về Đại học
Rét ngoài trời không buốt giá trong anh
Nắng héo úa chiều vàng mây xõa tóc
Lá buồn thu xao động gió rung cành
Giọng thỏ thẻ êm êm như liễu rủ
Anh say sưa đưa nhè nhẹ vào hồn
Rồi yên lặng thở đều, em chợt ngủ
Mộng an bình, chói sáng buổi hoàng hôn
Em mười tám tâm hồn chân thiện mỹ
Anh ba mười lăn lóc nửa cuộc đời
Lần đầu gặp, trở về nhiều mộng mị
Lòng bồi hồi xao xuyến quá em ơi!
Hè năm nào, chúng mình đi cắm trại
Duyên khéo xuôi cùng bạn ở chung lều
Em e thẹn, mắt sáng ngời lay láy
Anh trộm nhìn hồn lạc bến thương yêu
Nhánh củi khô bập bùng khơi ngọn lửa
Má em hồng, hơn màu lửa chói chang
Mắt bỡ ngỡ ngập ngừng tình ẩn chứa
Len lén đưa anh vào giấc mộng vàng
Anh hứa bên em dù đời xuôi ngược
Buổi tan trường, hạnh phúc kẻ yêu thương
Khuôn viên Đại học chúng mình sánh bước
Bóng ngã dài, chênh chếch nắng chiều vương
Anh đã ướp mộng tình trong nắng lụa
Giữ hẹn thề của hai đứa yêu nhau
Đây tình yêu cuối cùng, anh xin hứa
Em tình đầu, chói sáng tợ trăng sao
Anh xin nguyện với lòng dành trọn ven
Nửa cuộc đời còn lại chỉ em thôi!
Lời đã hứa anh sẽ không lỗi hẹn
Tình cuối cùng, tình đẹp nhứt em ơi!

THỊ DIỄM BUỒN

No comments:

Post a Comment