THỤY KHUÊ * NGUYÊN SA
Thụy Khuê
Sóng từ trường II
Nguyên Sa (1932-1998)
Những năm 54-60, miền Nam chào cờ phải
hát bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống, miền Bắc phải học
thơ Bác Hồ, thì ở sân trường miền Nam, học trò tình tự
với nhau bằng thơ Nguyên Sa. Cái khác nhau giữa nhà nước
và nhà thơ là ở chỗ ấy: Một bên, người ta phải hát,
phải học. Một bên khơi khơi đi vào lòng người, không
thông hành, không gõ cửa và khi đã đột nhập vào rồi
thì dù có tẩy não nó cũng chẳng đi.
Áo Lụa Hà Ðông,
Cần Thiết, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em...
những bài thơ Nguyên Sa đã đi vào giới trẻ miền Nam những
năm 60 và ở lại trong lòng người như thế:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng.Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bầy vội vã vào trong hồn mở cửa.Gặp một bữa anh mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chép lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.Em không nói đã nghe từng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt.Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Ðể anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại.Ðể anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi xám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng.Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh mầu áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.
(Áo lụa Hà Ðông)
Nguyên Sa thuộc lớp người muốn canh
tân văn học. Cuối thập niên 50, ở Pháp về, hành trang nặng
gánh Sartre, Camus, ông dạy triết học trong những lớp luyện
thi tú tài, thời ấy gọi là cua riêng. Cua riêng của
thầy Trần Bích Lan lúc nào cũng đông nghẹt học trò. Triết
học, nơi ông, là triết học xuống đường, thực dụng, triết
học bình dân, dễ hiểu, hợp với tạng học trò. Trong lớp,
dù là giờ Tâm lý, Ðạo đức hay Triết học hiện sinh, học
trò không thể ngủ gật vì những bản thể, những siêu hình,
những hư vô, những phương pháp luận... lọc qua lăng kính
Trần Bích Lan, đã trở thành những tiếng cười châm biếm
Tú Xương... những câu hát đối hóm hỉnh Cầu Lim, Nội Duệ...,
Trần Bích Lan đến với tuổi trẻ qua ngả học đường bằng
hình ảnh người thầy Tây học, hiện sinh, tài hoa và thơ
mộng.
Rồi Thơ Nguyên
Sa ra đời. Ra đời trong bối cảnh Mai Thảo giã
từ Hà Nội, Vũ Thành mơ giấc
mơ hồi hương, Thanh Tâm Tuyền không
còn cô độc, Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy hát tiễn
em giữa mùa thu Paris.
Vũ Khắc Khoan mộng thấy thần tháp rùa.
Nhật Tiến bước vào thềm hoang.
Vũ Bằng nhớ miếng ngon Hà Nội.
Bình Nguyên Lộc ký thác cho đò
dọc. Võ Phiến viết chữ tình.
Nguyễn Văn Trung đang nhận định,
Vũ Hoàng Chương mang tâm sự kẻ sang Tần.
Ðinh Hùng lạc trong mê hồn ca...
Hồi ấy, như Nguyên Sa kêu gọi: Chúng
ta -tức là những người bạn của ông- không hô hào đổi
mới suông. "Chúng ta" phải đánh đổ
những người đi trước bằng tác phẩm văn học.
"Chúng tôi" muốn đổi mới văn học, tác phẩm của chúng
tôi đây, các anh đọc xem có được không? Trước những xông
xáo xuống đường của Sáng Tạo, Nhất Linh lên
suối Ða Mê tu tiên, Vũ Hoàng Chương khề khà Kinh
Kha hề Kinh Kha và Ðinh Hùng miệt mài trên đường
vào tình sử, Nguyên Sa hóm hỉnh ném vào sân trường
trung và đại học, những hình ảnh bất ngờ:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển.
(Nga)
Và học trò yêu ngay, chấp nhận ngay.
Họ dấu thơ Nguyên Sa trong áo, họ tán nhau bằng thơ Nguyên
Sa. Nhưng học sinh, sinh viên không phải là một giai cấp. Ðời
sinh viên chỉ có một thời. Ðời sinh viên sẽ chấm dứt
như tuổi trẻ. Vậy mà thơ Nguyên Sa ở lại. Tại sao? Bởi
vì nó đã tạo được một mốc thời đại.
Nguyên Sa không đổi mới vần điệu.
Cũng không làm thơ tự do. Ông vẫn dùng vần điệu của thơ
tiền chiến. Thơ ông cũng không sâu sắc gì, ông nói trực
tiếp, không ngụ ý hàm ngôn. Ông trải ẩn dụ ra để chúng
trở về với thực tế so sánh, đơn giản và dễ hiểu như
nói với học trò. Tóm lại, ông đi thẳng vào câu chuyện
yêu đương, ở chỗ con trai còn rụt rè chưa dám tán, ông
nói phắt hộ:
Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa.
(Cần thiết)
Cái tình ở đây là tình học trò, bồ
bịch, Tây gọi là copain, copine, hơn là tình yêu da diết, say
đắm, "trưởng thành" trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử...
Thơ Nguyên Sa dò dẫm, vụng về như tuổi trẻ vào đời:
Chân díu bước mà mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc.
(Tuổi mười ba)
Nhưng thơ Nguyên Sa cần thiết và trực
tiếp cho thời mới lớn. Cần thiết và trực tiếp cho giai
đoạn đổi mới.
Cần thiết vì ở một thời điểm
mới, nếu muốn hạ bệ quá khứ tiền chiến của các bậc
đàn anh, không lẽ lại vẫn nhai đi nhai lại một hình ảnh
người em sầu mộng của Lưu
Trọng Lư đã cũ mèm. Mà phải tạo ra một nàng thơ mới,
mốt hơn, điệu hơn. Nàng thơ này không thể tìm thấy trong
"Liên, đêm mặt trời tìm thấy"
của Thanh Tâm Tuyền với những ý thức chạy ngược trong
tiềm thức hoang loạn, học trò không hiểu gì cả.
Cũng không thể là "người em" tóc vàng xứ tuyết lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế của Cung Trầm Tưởng. Người em không thể đầm đặc như thế.
Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến không tạo được các người em Biên Hòa, Bình Ðịnh, vì họ không sành thơ.
Cũng không thể là "người em" tóc vàng xứ tuyết lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế của Cung Trầm Tưởng. Người em không thể đầm đặc như thế.
Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến không tạo được các người em Biên Hòa, Bình Ðịnh, vì họ không sành thơ.
Nguyên Sa đã tạo được một mẫu
người em lý tưởng: người em Bắc Kỳ
tóc ngắn, mặc áo lụa Hà Ðông và người em này
đã tức khắc thay thế người em ngồi
bên cửa sổ của Lưu Trọng Lư trong tư thế văn
học và trong lòng người.
Em bây giờ -tức là em những năm 60-
phải là em Bắc kỳ di cư. Sau
này Nguyễn Tất Nhiên có cóp lại mẫu người em của
Nguyên Sa, nhưng hơi muộn. Thời Nguyễn Tất Nhiên, các "em
Bắc kỳ di cư" tóc đã điểm sương rồi. Văn học hải ngoại
chưa có "người em". Chả biết "người
em Linda mặt ngang" của Ðỗ Kh. rồi có trở thành
"người em hải ngoại" chăng?
Sự thành công của mẫu hình người
em tóc ngắn, áo lụa Hà Ðông, buồn như con chó đói, như
con mèo ngái ngủ của Nguyên Sa không phải là chuyện
đùa, nó phản ánh tính cách áp đảo của văn học di cư
ở miền Nam, những năm chia đôi đất nước.
Người Bắc di cư, mang theo mỗi người
một hình ảnh Hà Nội trong lòng, vào hội họa, thi ca, tiểu
thuyết... Những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Thái
Tuấn, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nhật Tiến,
Mặc Ðỗ, Mặc Thu, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng,
Cung Trầm Tưởng... thời 54-60 vẫn còn chưa rũ được hơi
hướng Hà Nội của họ. Duy nhất, có Phạm Duy, và cùng lắm
Phạm Ðình Chương, vượt trên tính địa phương, làng xóm
để tìm đến với tất cả mọi miền, ngay trong những ngày
đầu của thời kỳ chia đôi đất nước bằng Tình Ca,
Tình Hoài Hương, Con Ðường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, Hội Trùng
Dương...
Cho nên, sự thành công của Nguyên Sa
là đã vẽ được một người em mới, điển hình cho
một thế hệ tình yêu mới, một giai đoạn văn hóa tư tưởng
mới.
Sau này khi sang Mỹ, Nguyên Sa cho xuất
bản tập Thơ Nguyên Sa II, mượt mà hơn, đầy nhục
cảm và đớn đau hơn:
Anh nắm tay cho chặt tiếng đàn
Tiếng mềm hơi thở, tiếng thơm ngoan
Khi nghe tiếng lạnh vào da thịt
Nhớ tiếng thơ về có tiếng em.
(Em gầy như liễu trong thơ cổ)
Nhưng thơ ông không còn được mọi người
chú ý đến nữa. Thơ ông đã trở thành cổ điển.
Ngày trước ông mở đường, bây giờ ông đoạn hậu. Ðoạn
hậu cho một giai đoạn khó khăn, giai đoạn mà những người
cũ đã lần lượt ra đi và lớp người mới chưa thật sự
thành hình.
*
Nguyên Sa, một bông hồng cho
văn nghệ
Những suy tưởng về sáng tạo, về
sự hình thành một tác phẩm nghệ thuật, về khái niệm thẩm
mỹ học... ít thấy xuất hiện trong văn học Việt Nam. Có
lẽ đó là lý do khiến Nguyên Sa viết Một Bông Hồng Cho
Văn Nghệ năm 1967. Ðây là một trong những tác phẩm hiếm
hoi có tính cách triết học thực dụng trong đời sống tư
tưởng và văn nghệ.
Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ đối
với Nguyên Sa tương tự như Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết
đối với Nhất Linh. Cả hai đều tóm lược những kinh nghiệm
và suy tưởng của người cầm bút, sau một thời kỳ sống
và sáng tác.
Nhất Linh chủ yếu nghiêng về kỹ
thuật xây dựng tiểu thuyết mà Thạch Lam đã có lần đề
cập đến trong Xuôi Dòng; Nguyên Sa mổ xẻ vấn đề
suy tưởng trong sáng tác nghệ thuật. Nguyên Sa đi từ:
1- tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm
năm mươi, sáu mươi, để 2-
tìm chỗ đứng của văn học nghệ thuật Việt Nam trong tình
thế hiện đại, để 3- bầy
tỏ về sự giàu có và nghèo nàn của văn học nghệ thuật
ta, để 4- đào sâu nỗi cần
thiết suy tưởng về nghệ thuật, ngõ hầu 5-
nhìn kỹ về ý thức và nghệ thuật, và 6-
sự sáng tạo đề tài về 7-
khái niệm thẩm mỹ học.
Những suy nghiệm đó bắt nguồn từ
nhận thức về sự cô đơn. Sự cô đơn của thế hệ
năm mươi, sáu mươi, thế hệ Nguyên Sa, mà ông gọi là "sự
cô đơn của thế hệ không có đàn anh". Ðây không phải là
sự cô đơn trừu tượng, nhập tâm nhập tủy của người
cầm bút trước trang giấy trắng mà các triết gia chuyên nghiệp
hay bàn đến. Ðây là cái cô đơn hiện thực, sờ mó được,
những thiếu vắng, mất mát, ly tán, kiệt quệ của thế hệ
làm văn nghệ sau ngày chia đôi đất nước. Nguyên Sa viết:
"Chúng ta bước vào một ngôi nhà trống rỗng, một khu vườn bỏ hoang, một vũ trụ không người, chẳng có ai trước mặt thật. [...] Bọn họ đâu cả rồi? [...] Chiến tranh đã trổ ra trăm cánh tay móng nhọn trăm đầu miệng rộng răng to để cướp mất người này bằng cánh tay vũ khí, xóa mất người kia bằng hàm răng chính trị. Người bị thủ tiêu, Khái Hưng đấy. Người phiêu bạt rừng núi, ở quê người chẳng về, đứng lại tê liệt ở bên kia vĩ tuyến, lặng lẽ rút khỏi thế giới văn nghệ hoặc khoác lên vai chiếc áo chính ủy như những tác giả Lửa Thiêng, Vang Bóng Một Thời, Gửi Hương Cho Gió. Mất cả, mất cả. [...]
Các anh hãy tưởng tượng tác giả Ðoạn Tuyệt đứng giữa bìa báo bao bọc bởi những Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Ðạo, Xuân Diệu, Huy Cận, Hồ Dzếnh, Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Nguyễn Tuân thì khuôn mặt văn nghệ những năm Năm Mươi, Sáu Mươi sẽ khác đi không biết thế nào. Các anh thử nghĩ đi."
(Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ, NXB Ðời, California in lại, không đề năm, trang 18-19-20)
Người đi sau, không có người đi trước
để cản đường. Nguyên Sa đã nhận thấy sự trống rỗng
ấy rất sớm. Trước những bài báo đả kích Tự Lực
Văn Ðoàn, Nhất Linh không nói gì. Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương
im lặng. Lớp đàn anh còn lại, đây một người, kia một
người, đã "không hợp thành một lớp
người" để đòi hỏi "chúng tôi" phải tận lực
chống, phải vượt qua hay xin gia nhập họ. "Chúng tôi" đã
phải "múa gậy trong khoảng không",
đã phải "đối thoại với chính mình", phản kháng chính mình,
không biết là mình đã tìm ra được "những
miếng võ ghê gớm" hay là chỉ "múa
may hỗn loạn".
Thế hệ năm mươi, sáu mươi, ngoài
cái cô đơn siêu hình của người cầm bút còn thêm cái cô
đơn hiện thực của một dân tộc nghèo đói, ly tán chiến
tranh. "Nhà văn, nhà thơ chỉ có số phận
mà dân tộc nó có".
Những trống rỗng mà Nguyên Sa nhận
thấy ở thế hệ ông vẫn còn kéo dài cho đến bây giờ.
Nỗi cô đơn này, người cầm bút hiện nay ở trong cũng như
ngoài nước, đều gặp phải, như một cái rớp. Thế hệ
nhà văn hôm nay vẫn đứng trước một trống vắng, một thực
tại không có đàn anh hoặc đàn anh còn sống mà kể như không
có, họ không còn là một lực lượng văn học đáng kể,
không còn là những lực cản đường để kẻ đi sau có thể
phản kháng, đạp đổ mà xông tới những cái khác, hoặc
cổ võ họ để xin gia nhập họ. Ðàn anh của thế hệ hôm
nay cũng bị dập vùi trong trận chiến rồi trong hòa bình di
tản, trong những chiến dịch luân lưu trói, cởi, cởi, trói
văn nghệ.
Sự cô đơn của thế hệ hôm nay vẫn còn dai dẳng, vẫn còn "nhập cuộc". Sự cô đơn này nằm trong khối cô đơn khổng lồ, bao trùm toàn diện những người cầm bút nhược tiểu.
Ðã biết bao lần những người làm văn nghệ Việt Nam tự hỏi: Tại sao văn nghệ chúng ta khựng lại? Chúng ta không thật sự bằng lòng với nền văn học hiện đại của mình, nền văn nghệ này phải tự kiểm và tìm ra những cần thiết để tiến bộ. Nguyên Sa cũng như những người làm văn nghệ thông thạo tình hình văn học thế giới, biết rõ hơn ai hết, là dù nền văn nghệ Việt Nam còn có những chỗ chưa hoàn hảo, chưa thật sự đáp ứng lòng mong muốn của mọi người, nhưng với những kết quả đã thu lượm được của những người đi trước, với những tác phẩm văn học của thế kỷ XVIII, XIX, XX, văn học Việt Nam, từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Ðặng Trần Côn, Tản Ðà, Nguyễn Khuyến... đến văn học tiền chiến, văn học trong thời kỳ chia đôi đất nước và cả hiện tại bây giờ, với những thành tựu tác phẩm đã đạt được, văn học Việt Nam có thể ngẩng đầu. Chúng ta không có gì hổ thẹn cả. Nhưng tại sao văn học ta vẫn phải đứng hàng ghế chót của đại sảnh, đứng chỗ chầu rìa trong khung cảnh văn học thế giới? Tại sao? Tại sao?
Sự cô đơn của thế hệ hôm nay vẫn còn dai dẳng, vẫn còn "nhập cuộc". Sự cô đơn này nằm trong khối cô đơn khổng lồ, bao trùm toàn diện những người cầm bút nhược tiểu.
Ðã biết bao lần những người làm văn nghệ Việt Nam tự hỏi: Tại sao văn nghệ chúng ta khựng lại? Chúng ta không thật sự bằng lòng với nền văn học hiện đại của mình, nền văn nghệ này phải tự kiểm và tìm ra những cần thiết để tiến bộ. Nguyên Sa cũng như những người làm văn nghệ thông thạo tình hình văn học thế giới, biết rõ hơn ai hết, là dù nền văn nghệ Việt Nam còn có những chỗ chưa hoàn hảo, chưa thật sự đáp ứng lòng mong muốn của mọi người, nhưng với những kết quả đã thu lượm được của những người đi trước, với những tác phẩm văn học của thế kỷ XVIII, XIX, XX, văn học Việt Nam, từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Ðặng Trần Côn, Tản Ðà, Nguyễn Khuyến... đến văn học tiền chiến, văn học trong thời kỳ chia đôi đất nước và cả hiện tại bây giờ, với những thành tựu tác phẩm đã đạt được, văn học Việt Nam có thể ngẩng đầu. Chúng ta không có gì hổ thẹn cả. Nhưng tại sao văn học ta vẫn phải đứng hàng ghế chót của đại sảnh, đứng chỗ chầu rìa trong khung cảnh văn học thế giới? Tại sao? Tại sao?
Bởi đúng như lời Nguyên Sa viết,
nhà văn, nhà thơ chỉ có chỗ đứng mà dân tộc nó có
(trang 37), chỗ đứng của một dân tộc nhược tiểu, nghèo
đói, chiến tranh, tan rã.
Ở thời Nguyên Sa viết Một Bông
Hồng Cho Văn Nghệ mọi người xôn xao hỏi nhau: Sách của
ai sắp được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp? Nghe nói người
này sắp được dịch, người kia sắp được dịch? Nhưng
rồi cuối cùng vẫn trơ ra một vài tên sách, một vài địa
chỉ xuất bản. Nghe nói Nhất Linh, nghe nói Vũ Hoàng Chương...
sắp được dịch nhưng không thấy, không chắc gì cả. Kiều
và Chinh Phụ Ngâm có được dịch ra Pháp ngữ với tư cách
tài liệu sưu tầm. Nguyên Sa viết:
"Giới văn học nghệ thuật Pháp Anh không bàn đến Nguyễn Du như ta bàn đến Victor Hugo hay Lamartine, Byron hay Keats. Nghĩa là ngay khi được phiên dịch, tác phẩm của văn học nghệ thuật ta vẫn đứng ở cái chỗ khốn nạn ấy: hàng ghế chót của đại sảnh, chỗ chầu rìa trong thiên đường của anh thánh đàn em mà cả các thánh đàn anh, cả Thượng Ðế, nếu có, đều không biết tên, không biết mặt. [...]
Sartre có thể hoặc đã làm, hoặc muốn làm cái việc đọc Dos Passos bằng Anh ngữ. Evtouchenko có thể đã thử đọc Eluard nguyên tác, nhưng có nhiều hy vọng họ không biết đến Nguyễn Du và cũng chẳng bao giờ nẩy ra ý muốn, dù chỉ là ý muốn, đọc các nhà văn nhà thơ ta qua nguyên tác.
Các người làm văn học nghệ thuật Tây phương này chắc chắn không có một quan niệm kỳ thị. Vả lại họ có thể biện bạch: Không thể học hết mọi thứ tiếng để đọc văn của mỗi nước. Tôi cũng chẳng nghĩ như thế bao giờ. Nhưng đấy, tôi chỉ muốn nói đến một sự thực đơn giản này: Chỗ đứng sáng chói của Tây phương trên thế giới ngày nay, Tây phương Mỹ cũng như Nga, Anh cũng như Pháp, đã mang lại cho văn học nghệ thuật của họ cái chỗ đứng sáng chói. Và trong vùng sáng chói lòa đó, dù không chủ trương ý thức và hữu ý, các nhà văn học nghệ thuật Tây phương vẫn bị lóa mắt, không còn nhìn thấy trong vùng bóng tối, do đó chỗ đứng của văn học nghệ thuật các nước nhỏ, đã hoặc đang bị trị, nghèo đói, trong đó có ta, đã bị lệch lạc vì chỗ đứng của quốc gia, lại càng bị lu mờ hơn nữa vì khuynh hướng kỳ thị vô thức."
(Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ, trang 51, 64 và 65)
Tất cả những điều Nguyên Sa nói trên đây vẫn còn đúng, vẫn còn đang xẩy ra bây giờ.
Có thể bây giờ người ta tìm dịch các tác phẩm Việt Nam nhiều hơn năm 67, nhưng chúng ta đừng vội mừng. Tìm dịch để thỏa mãn nhu cầu exotisme, để chứng tỏ sự mở cửa của văn minh Tây phương, để thỏa mãn niềm tự tôn dân chủ, nâng đỡ những tác giả dissident, hơn là tìm dịch vì muốn thật sự tìm hiểu văn hóa Việt Nam, tìm hiểu văn hóa của một nước "nhược tiểu".
Bản dịch tiếng Anh của Nỗi Buồn Chiến Tranh, nghe đâu bán rất chạy, nhưng nếu so với nguyên tác, nghe đâu cũng lại rất đáng buồn. Hiện nay ở Pháp có những nhà xuất bản chạy về Việt Nam, tìm cách ký những giao kèo rất rẻ với các tác giả, và tìm người dịch vội vàng, cũng rất rẻ, để về Pháp, họ nhờ người Pháp viết lại bằng thứ tiếng Pháp gẫy gọn. Sách bán được. Sống được. Nghề buôn bán văn nghệ nhược tiểu này khá thịnh hành. Khởi sắc. Sống được. Niềm cay đắng là chính các nạn nhân "được dịch" vẫn tin tưởng ở cái hào quang "được dịch" mà không có phương tiện để kiểm chứng cái sự dịch kia nó đã xẩy ra như thế nào. Khuynh hướng kỳ thị vô thức của những người làm văn nghệ Tây phương mà Nguyên Sa đề cập đến năm 67, nay trở thành một khuynh hướng trao đổi, thành sự cởi mở, giao lưu mang lại rất nhiều lợi điểm xã hội, chính trị, tiếc rằng những lợi điểm này không dành cho văn học.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra đến những
cuộc hội thảo quốc tế Việt học, chúng vẫn xẩy ra bằng
tiếng Pháp, tiếng Anh một cách tự nhiên mà người được
mời cũng như người tổ chức không thấy một trở ngại
gì. Người duy nhất phản đối việc tiếng Việt không được
sử dụng ở các hội nghị quốc tế Việt học hiện nay là
giáo sư Nguyễn Văn Trung, còn tất thẩy giới trí thức Việt
Nam, trong cũng như ngoài nước, tham dự hội nghị đều mũ
ni che tai, hồ hỡi chấp nhận mà không thấy có ý kiến phản
đối nào cụ thể (1).
Từ nhận thức Nguyễn Du phải có chỗ
đứng bên cạnh Shakespeare, Dante, Hugo, Nguyên Sa nói đến "ý
thức tìm hiểu sự thất bại" và ông phân tích những cái
nghèo nàn trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Theo ông, cái
nghèo khổ thứ nhất của văn học Việt Nam là sự thiếu
suy tưởng quy mô về nghệ thuật, thiếu quan điểm về
nghệ thuật, về bản chất nghệ thuật, bản chất sáng tác.
Một thái độ chấp nhận quá dễ dãi, sự biến chế vội vàng, đôi khi vụng về những quan điểm văn học nghệ thuật thế giới, hay ngược lại, không biết đến những quan điểm này, hoặc biết rồi mô phỏng, bắt chước một cách thô thiển, hoặc không biết gì cả, cả ba thái độ đều nguy hiểm. Do đó, suy tưởng về nghệ thuật, về sự sáng tạo đề tài, về khái niệm thẩm mỹ học là những yếu tố cần thiết để đánh bại cái nghèo nàn trong văn học nghệ thuật của ta.
Một thái độ chấp nhận quá dễ dãi, sự biến chế vội vàng, đôi khi vụng về những quan điểm văn học nghệ thuật thế giới, hay ngược lại, không biết đến những quan điểm này, hoặc biết rồi mô phỏng, bắt chước một cách thô thiển, hoặc không biết gì cả, cả ba thái độ đều nguy hiểm. Do đó, suy tưởng về nghệ thuật, về sự sáng tạo đề tài, về khái niệm thẩm mỹ học là những yếu tố cần thiết để đánh bại cái nghèo nàn trong văn học nghệ thuật của ta.
Nguyễn Du đã nghĩ đến sự tương
phản gay go giữa Tự Do và Ðịnh Mệnh, đến ba trăm năm sau,
đến tính chất "mua vui" của nghệ thuật. Tản Ðà đã nghĩ
đến đời đáng chán hay không đáng chán. Nguyễn Công
Trứ đã nghĩ đến chí nam nhi. Nguyễn Gia Thiều, Xuân
Hương đã nghĩ đến thân phận của người phụ nữ, Ðặng
Trần Côn đến hậu quả của chiến tranh. Khái Hưng, Nhất
Linh về xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX... Tất cả những
tác giả lớn của ta đều đã có những suy tưởng về nghệ
thuật, về nhân sinh nhưng chưa có ai hệ thống hóa những
ý thức đó thành những lý thuyết cơ bản về nghệ thuật
để những người đi sau có thể dùng được như ta dùng Sartre,
Camus, Blanchot hay Breton, để những người đi sau biết được
yếu tính của cái đã có, biết cái mình đã có,
rõ hơn, là một cách để đừng đi lại lối mòn, để vượt
qua hay để làm một cái gì khác họ.
Chẳng hạn nếu chúng ta nắm rõ bản
chất cái gọi là thơ mới, thì có lẽ bây giờ chúng ta đã
vượt xa nó từ lâu, để lập ra những cái khác nó, chưa
chắc là đã hay hơn nó, nhưng chắc chắn phải khác nó.
Nếu nói đến một chúc thư văn học
của người mới ra đi, thì chúc thư của Nguyên Sa nằm ở
những dòng sau đây:
"Văn học nghệ thuật và dân tộc ta không dừng mãi ở chỗ này. Và sự di chuyển, sự đổi thay đã bắt đầu ngay từ ý thức tàn nhẫn về thất bại. Sự đổi thay của dân tộc sẽ mang lại sự di chuyển của văn học nghệ thuật. Ngược lại, làm cho văn học nghệ thuật di chuyển, đổi mới, thoát xác trong thực chất và sáng rõ trong chỗ đứng, chắc chắn sẽ là động lực có sức mạnh khỏe hơn cả kinh tế, quân sự, chính trị, làm cho đất nước hồi sinh, dân tộc vạm vỡ, tổ quốc bình phục."
Paris, tháng 5/1998
Chú thích:
(1) Ðây là tình hình tháng 5/98. Về sau có thay đổi. Có thể vì ý kiến của giáo sư Nguyễn Văn Trung đã được nghe chăng? Cho nên trong các cuộc hội thảo quốc tế về Việt học người ta đã lẻ tẻ dùng tiếng Việt.
© 1995-2001 Thụy Khuê
DƯ THỊ DIỄM BUỐN * ĐÊM BA MƯƠI
Có
Đêm Nào Buồn
Bằng
Đêm 30
Dư Thị Diễm Buồn
Posted by vanhoa at 2:17 AM No comments:Trong căn nhà nhỏ ở ven bờ sông dài xa tít mù xa. Không biết con sông nầy bắt nguồn từ đâu mà nó dài ngút ngàn, và quanh năm nước ngọt, màu nước trong xanh như dòng nước Sông Cửu Long nơi quê nhà. Mười mấy năm rồi sống ở đây nhưng ba người họ không thấy trên sông có sóng to dù là gió lớn. Về mùa giông bão thì mặt nước sông chỉ chao động, sóng dập dồn để rồi sau cơn mưa gió thì mặt sông trở lại hiền lành bình bình, yên yên trơ gan cùng thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.Ngoài xóm xa nhà họ ở, có chợ làng nằm trên mấy con đường cái (xa lộ) xuyên qua các tỉnh (tiểu bang). Xe cộ chạy qua lại không ngớt. Quanh nhà trồng nhiều loại hoa, như đỗ quyên, thươc dược, bông bụp, huỳnh cúc, vạn thọ… cùng các loại hồng màu sắc rực rỡ cao sa. Căn nhà nầy họ mua của một gia đình người bản xứ sống ở đây từ thiếu thời. Bây giờ già rồi không canh tác được nữa. Nên chủ nhà bán rẻ lại, vào sống trong chung cư của người già ngoài chơ quận. Nhà được xây trên vuông đất rộng chừng ba mẫu. Ở xứ nầy nhà dù thành phố hay thôn quê đều đầy đủ tiện nghi. Bên ngoài nhìn vào người ta cứ tưởng nhà họ là cái nông trại nhỏ, chớ không nghĩ đó là nhà ở bình thường.Trong nhà có ba người lớn, hai nam, một nữ (nữ trẻ nhứt) Nhưng hai người đàn ông tuổi đời cũng gần “thất thập cổ lai hy” rồi. Cái tuổi mà ở xứ sở quê hương nghèo đói vì chiến tranh nối tiếp chiến tranh triền miên vì ngoại bang xâm lấn, vì cuộc nội chiến của hai miền Nam Cộng Hòa và miền Bắc là Cộng Sản thì tuổi của họ thuộc về thọ. Còn trên những xứ giàu tiền bạc, có thừa vật chất, tự do, tâm hồn thoải mái ung dung như ở Âu Mỹ thì tuổi của họ cũng chưa phải là già. Ba người lớn đó là ông Lê Thành Nhân, vợ ông là Bùi Hoàng Lan mà láng diềng gọi theo tên chồng là bà Nhân. Cùng người anh ruột của bà là ông Bùi Vĩnh Bảo.Trên vuông đất, ngoài ngôi nhà lớn ở giữa. Phía sau hè còn có cái chuồng nuôi bốn con chó mực cao lớn, thuộc loại chó săn. Mặt mày chúng trông dữ dằn như sắp cắn xé đối phương trước mặt. Chúng đánh hơi lạ lanh lẹ, sủa dai, sủa giỏi chớ không bạ đâu cắn phá đó. Đất nhà rộng mênh mông, nên họ nuôi nhiều loại gia súc khác như: vịt, ngỗng, gà đi bộ (nuôi thả ăn lúa, bắp, côn trùng…) thường để lấy trứng, để ăn thịt chớ không có bán. Trong chuồng heo có mấy con heo háo ăn, ú-na ú-nần kêu la eng éc tối ngày khi chúng muốn ra hay đòi ăn.Ba người họ siêng năng trồng thêm rau, cải, bầu, mướp. Ở miền Nam nước Mỹ, nên thời tiết dễ chịu không quá lạnh như vào mùa đông ở Chicago. Và cũng không nóng thái quá vào mùa hè ở vùng sa mạc Arizona. Họ còn trồng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, táo Mỹ (apple), xá lị, táo Tàu, hồng giòn, hồng mềm, ổi, mận… Gầy giống các loại gia súc hay rau cải bằng cách là họ mua, đổi chác hay dân bản xứ trong vùng gần nhà cho. Nói gần chớ thật ra lái xe cũng phải mười lăm, hai mươi phút mới tới.Đến mùa cá lên, hai ông đi câu, đi bắt ở dọc theo sông sau nhà. Cá bắt được lớp ăn tươi, lớp phơi khô hoặc làm sạch sẽ giữ trong ngăn đá để dành. Cho nên quanh năm suốt tháng ít khi phải tốn nhiều tiền để mua cá, trứng, gà, vịt… ở các chợ ở tiệm như những gia đình khác.Bà Lan thỉnh thoảng đi chợ Tàu, chợ Phi (trong vùng chưa có chợ Việt) mua gia dụng nấu ăn mà chợ Mỹ không có bán hoặc hiếm thấy bán. Bà mua đồ hàng nằm (những đồ giữ lâu ngày) như là nước mắm, tôm khô, bún, hủ tíu, mì, cải bắc thảo, tương, chao… Bà mua tôm đông lạnh từ vùng biển đem lên bán. Hoặc mua thịt ba chỉ để dành luộc làm gỏi cuốn, trộn gỏi khô cá sặc… Thịt đùi để kho với trứng, với cá. Giò heo để hầm măng, củ cải tươi, hoặc măng, cải phơi khô…Sau bữa cơm chiều có canh măng hầm giò heo với củ cải trắng, cá rô phi chiên sốt chua ngọt với rau cần, hành lá và ngò. Thịt kho rệu trứng vịt và cá, ăn kèm với cải làm dưa. Gỏi trái su, dưa leo, củ cải đỏ, củ cải trắng xắt mỏng trộn tôm, thịt ba rọi. Ngoài ra còn có bánh tét, bánh ích bà Lan gói hồi sáng.Gia đình có bữa ăn tươm tất, vì hôm nay là ngày cuối của năm, bà Lan nấu mâm cơm cúng rước ông bà chiều ngày ba mươi Tết về mừng năm mới. Hàng ngày họ ăn uống đạm bạc nấu các món cá, rau nhiều hơn thịt. Không phải không có tiền, tiếc tiền, hay hà tiện không dám ăn. Mà vì tuổi tác, cơ thể yếu dễ sanh bịnh.Để giữ gìn sức khỏe nên họ luôn tránh những thức ăn có nhiều chất béo, ngọt quá, hoặc quá mặn. Họ còn mua máy đi (treadmill) trong nhà, để phòng khi thời tiết nóng, lạnh, gió, mưa không tiện đi bộ trên con đường cây cối rậm rạp, mùa hè mát rượi theo bờ sông sau nhà.Bôn đào khỏi quê cha đất tổ đã mấy mươi năm rồi. Nhưng này Tết, ngày kỵ cơm cha mẹ bà Lan luôn nhớ và cúng bái như lúc chưa rời nước. Cái hương vị của chiều ba mươi Tết, cùng không khí đùm bọc thương yêu của vợ chồng, anh em chung sống lúc tuổi về già, khiến họ cảm thấy ấm cúng và càng thương yêu nhau hơn.Ăn cơm chiều xong thì mặt trời đã lấp ló ở dãy đồi sau nhà. Ông Nhân chồng bà Lan lúi húi đốt lò sưởi rồi ngồi uống nước trà xem báo. Ông Bảo anh bà ngồi xem tin tức trong truyền hình. Bà Lan lục đục thu dọn, chùi rửa chén bát, nồi niêu.Nơi bà đứng rửa chén kế bên khung cửa sổ lớn, nhìn thấy được con sông nước xanh xuôi chảy lửng lờ. In đáy nước những cụm mây vàng, trắng, tím, hường, lam… loang loáng trên sóng nước lã chã vỗ theo chiều gió vi vu, đưa âm thanh lào xào của cành lá cây hai bên bờ va chạm vào nhau. Ôi màu nắng chiều đẹp rực rỡ, thắp sáng cả vùng toàn cây liên kiều (forsythia, họ gọi là mai Mỹ) diễm lệ, đã nở hoa vàng ối cả một cánh rừng thưa, như huỳnh mai của quê hương xa lắc xa lơ của bà.Cứ mỗi lần hoa liên kiều rộ nở thì bà Nhân biết sắp đến Tết Nguyên Đán rồi. Tuần trước đi chợ bà đã mua các loại bánh mứt, nhang hương trà quả để cúng ông bà trong ba ngày Tết. Bà Lan thở dài lẩm bẩm:“Mới đó mà đã mấy mươi năm, kể từ khi vợ chồng trốn chạy bỏ xứ sở! Sau những năm tháng dài bương chải, gia đình chọn được cái nhà vừa ý, để sống hưu trí ở làng bé nhỏ êm đềm nầy. Thiệt cuộc đời như một truyện phim, một cuốn tiểu thuyết dầy. Có những sự việc mình những tưởng nó biến mất trong tâm hồn theo thời gian, theo năm tháng thăng trầm của dòng đời! Nhưng không, nó vẫn nằm yên trong ký ức, để rồi chiều nay, dòng hồi tưởng mãnh liệt cuồn cuộn sống lại trong lòng bà, như mới xảy ra mấy hôm trước đây thôi…”Năm đó Bé Hoàng Lan khoảng bảy tuổi. Đêm ba mươi trời tối đen như nhuộm mực Tàu. Hoàng Lan ngon giấc ngủ nằm queo bên mẹ. Bỗng dưng bị những tiếng động mạnh làm cô giựt mình thức giấc. Nhưng nhà tối thui vì chiếc đèn ngủ máng trên cây cột sau cửa buồng tắt ngấm. Cô nghe tiếng sột soạt và nước từ từ chảy thấm ỉ ỉ, rồi từ tư ướt cả lưng cô. Cô định gọi mẹ, nhưng có bàn tay lạnh ngắt chụp vào miệng như ngầm bảo đừng lên tiếng!Hoàng Lan được vợ chú Sáu làm vườn dắt đi tắm rửa thay áo quần sạch sẽ. Nhưng mình mẩy, ngón tay, ngón chân cô vẫn còn nhiều chỗ dính máu khô. Nhà hôm nay đông người hơn mọi ngày. Có những người Lan biết mặt và những người lạ khác. Lan vẫn nhớ, đó là ngày cuối cùng của năm, ngày 30 Tết, cũng là ngày cuối cùng cô được nhìn thấy mặt cha mẹ nằm trong cổ quan tài sơn đỏ. Và khi chiếc nắp đóng lại với hai hàng bạch lạp sáng lung linh. Cô dẫy dụa, khóc và thét gào khan cả cổ! Linh cảm cho biết từ đây cô không còn thấy cha mẹ nữa! Bởi những kẻ độc ác đêm qua đã giết chết cha mẹ cô rồi!Kể từ đó, Hoàng Lan trở thành đứa bé mồ côi. Cô không có dòng họ nội và ngoại. Vì ba má cô là con một, mà ông bà hai bên đã qua đời từ lâu. Họ hàng thì cô không thấy tới lui hay nghe cha mẹ nhắc đến bao giờ.Cô chỉ biết vợ chồng bác Lê Thành Tài ở Sài Gòn là anh em kết nghĩa với ba má cô. Hai bác là người thân duy nhứt mà năm nào vào ngày Tết hay ngày giỗ đều dắt con về thăm. Có khi họ ở lại chơi mười bửa, nửa tháng với gia đình cô. Khi đến thăm, hai bác luôn đem về sách báo, quà bánh, hàng vải cho mọi người trong gia đình. Khi ở đây, bác trai thì đi vườn, đi thăm ruộng với ba. Mẹ cô và bác gái thì quấn quit bên nhau nấu ăn, làm bánh như hai chi em ruột. Trên mâm cơm họ luôn kể lại, nhắc lại những chuyện ngày xưa ai nấy cười nói vui vẻ. Khi nhắc chuyện buồn mẹ và bác gái rướm nước mắt. Anh Lê Thành Nhân, con trai bác thì cùng với Lan đi bắt dế, bắt chim hay thả diều với lũ trẻ hàng xóm gần chùa Phật trong làng.Ngày ba má Hoàng Lan qua đời! Chú Sáu làm vườn lật đật báo tin cho vợ chồng bác Tài hay. Họ bươn bả xuống lo chôn cất cha mẹ của Hoàng Lan trong lặng lẽ. Sau lễ tang cha mẹ, cô cũng rời xa nơi chôn nhau cắt rún về sống với gia đình Bác Tài.Ông Tài làm thư ký bên Tòa Hành Chánh Gia Định. Bà Tài làm giáo viên dạy ở trường Tiểu học Phan Đình Phùng. Nhà họ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, nên không xa sở làm của ông bà. Gia đình ông bà sống đời công chức yên phận. Bà Tài đức hạnh, mô phạm. Ông Tài hiền lành đạo đức, không so đo hoặc tranh giành. Nên gia đình ông có đời sống rất là an vui, và hạnh phúc. Vợ chồng ông chỉ có người con trai độc nhứt tên Lê Thành Nhân lớn hơn Hoàng Lan 6 tuổi. Nhà ít người, vợ chồng ông Tài không nhiều con cái, nên họ thương yêu Hoàng Lan như con ruột của mình.Để tiện việc học hành, ông bà đã đứng ra làm thế vì khai sanh cho Hoàng Lan. Kể từ đó cô có cái tên mới là theo họ bác Tài là Lê Hoàng Lan Chi.Lê Thành Nhân con trai của ông bà đang học lớp Đệ lục ở trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Thì Lan Chi mới học lớp bốn trường của bà Tài đang dạy. Vì thế hàng ngày Lan Chi lẻo đẻo bên mẹ (bác Tài gái) hai buổi đến trường.Dù Lan Chi sống đầy đủ về vật chất và tình thương bên cha mẹ nuôi. Nhưng những đêm trở giấc, cô không làm sao khỏi thầm rơi lệ nhớ lại những ngày tháng bên cha mẹ ruột sống an bình ở làng quê. Cô nhớ mẹ mình có mái tóc đen, thật dài gần chấm đất. Bà thường gội đầu bằng lá liễu nấu với tro bếp lóng lấy nước trong để nguội. Mỗi lần gội đầu cho mẹ, thì mẹ gội đầu cho con. Mẹ cô thường nói chải đầu khi tóc còn ướt thì dễ và ít bị đứt, bị rụng. Khi ngồi chải tóc cho con, mẹ thường thỏ thẻ bảo rằng:- Bé Lan của mẹ da trắng mịn như lụa tơ tầm. Mặt mày sáng sủa thanh tú giống bà nội. Bởi con giống ba, mà ba con thì giống bà nội. Tóc con giống mẹ đen và nhiều. Bé Lan của mẹ sau nầy trổ mã sẽ là một cô gái xinh đẹp.Rồi mẹ trìu mến hôn lên tóc Lan. Ba cô luôn bận rộn coi sóc và làm với thợ thầy nhứt là đến mùa lúa, mùa trái cây, mùa khoai, mùa đậu, mùa cà… Quanh năm suốt tháng ông ít khi rãnh tay. Ông siêng năng cần mẫn lo vườn ruộng mấy đời ông cha đã để lại. Dù ông sinh ra và lớn trong gia đình khá giả, có ăn học và sống ở thị thành. Vợ chồng ông thích nếp sống bình dị ở thôn quê. Ông bà luôn đối xử tốt với kẻ ăn người ở làm việc cho mình.Hoàng Lan là đứa con gái độc nhứt của vợ chồng họ. Dĩ nhiên là cô luôn được cha mẹ cưng chiều. Và ông cũng luôn nhắc nhở vợ để ý, dạy dỗ con trong việc học hành:- Má nó thấy con Hoàng Lan tháng nầy học hành có khá không? Tuần rồi gặp cô giáo của con, anh có hỏi thăm thì cô bảo con mình yếu toán. Ngày xưa khi còn đi học, anh nhớ em là con gái mà giỏi toán nhứt lớp. Vậy em hãy dạy kềm toán cho con đi.Bà Đạm mỉm cười nhìn chồng để lộ chiếc răng khểnh thật có duyên. Rồi xoay qua nói với con gái mình, nhưng cố tình để chọc ghẹo chồng:- Bé Lan có biết không? Ba con ngày xưa đi học mà làm biếng không chịu nổi. Ổng chỉ vào lớp mới học bài, mới làm bài. Nên dù thông minh, nhưng vì gấp rút thì dễ làm sai. Cho nên ba con luôn bị hai cái hột vịt, và cuối tháng nào cũng đội sổ bìa đen (hạng chót).Nói đến đây, mẹ liếc ba rồi cười chúm chím tiếp:- Ba con chỉ giỏi có làm luận văn và viết thư thôi.Ông Đạm cười hề hề:- Nhờ thế mà ba mới cưới được má con.Thật sự lúc ấy Hoàng Lan khờ ịt với chuyện kể của hai người!Nay nhớ lại, ngày đó đã qua quá lâu rồi! Mọi sự việc đã đổi thay, giờ đây cô thân, cúc côi sống với dưỡng phụ và dưỡng mẫu. Nhưng Hoàng Lan có cảm tưởng như lúc nào cha mẹ đang lẩn quẩn đâu đây, rất gần, khiến cô không sao quên có lần đi học về gặp cơn mưa lớn, nước sông dâng lên ngập đường ngập sá. Cô theo chúng bạn lượm xoài ở vườn ông Cả Tám. Ôi xoài non, xoài cứng bao rụng đầy đất, dưới mương nước cạn. Từng chùm trái còn nguyên, có trái bị bể tung nằm trên bờ phơi ruột trắng. Trời gầm gừ, giông gió thổi mạnh, làm cây cối quằn quại ngã nghiêng. Những tia chớp sáng chóa mắt, rồi những tiếng sét nổ như long trời lở đất.Tan trường đã lâu, trời bị mây đen che phủ tối mờ mịt. Ông bà Đàm sốt ruột mong ngóng, nhưng vẫn không thấy con gái đì học về. Sợ con té sông, té rạch nên ông cùng người ăn kẻ ở trong nhà xách nón, mang áo mưa, đốt đuốc đỏ trời chạy bổ đi tìm khắp nơi. Sau khi tìm được con, cha cô nổi giận lôi đình, đánh cho cô một trận đòn nên thân:- Ở nhà trái cây tươi ngon thiếu gì không ăn, tan trường con không về nhà, mà chạy theo lũ bạn đi lượm xoài đầy cặp, đầy túi áo?Bị cha đánh đau quá! Hoàng Lan thiệt giận và ghét cha mình lắm. Định bụng là từ nay không thèm ngó mặt ông nữa. Nhưng sáng hôm sau, trời còn mờ mờ. Cô đang nằm trong mùng nghe tiếng cha thì thầm với mẹ. Bởi mọi khi sáng sớm cha cô đã đi ruộng chiều tối mới về đến nhà. Không biết tại sao hôm nay ông đi ruộng lại trở về nhà sớm như vậy? Bỗng nghe cha cô bảo với mẹ:- Hoàng Lan chưa thức hả? Mùa nước năm nay lớn quá! Nước tràn ào ào qua bờ mẫu, anh bắt được mớ cá nhảy ngược và mấy con cua kình càng (loại cua đồng có hai càng lớn, màu tím sậm) còn sống vội đem về đây, Hoàng Lan ưa cua nầy lắm. Chút nữa con thức dậy, em nướng cho con. Tội nghiệp, hôm qua nóng nẩy anh đã đánh con nhiều chắc là đau lắm! Anh thiệt hối hận, em nhớ pha nước muối xức mấy vết roi cho con nghen. Thôi anh trở ra ruộng đây.Cơn hờn giận cha tan biến. Lan nhảy xuống giường, phóng đến ôm chầm lấy cha khóc nức nở!Ngày đó cách nay đã 20 năm rồi! Giờ đây Lan đã thành thiếu nữ duyên dáng dễ nhìn. Bề ngoài cô mềm mại yểu điệu như liễu, như mai, nhưng tâm hồn cuồn cuộn nhiệt tình, mạnh dạn như cây tùng, cây bá. Cô còn có tánh nhẫn nại, cương quyết và chắc tâm chẳng kém nam giới.Ông bà Tài đã ở lứa tuổi ngoài năm mươi. Họ có cuộc sống an vui đề huề. Trước đó, Lan Chi nghĩ rằng, đậu phần hai anh Nhân chắc sẽ theo học về Hành chánh, hoặc Sư phạm để nối nghiệp cha mẹ mới đúng hơn. Nhưng khi xong Tú tài 2 thì Lê Thành Nhân tình nguyện vào trường Võ bị Đà Lạt. Sau những năm tháng thụ huấn quân sự, huấn luyện ngành chuyên môn ở trong nước, anh còn ra tu nghiệp ở xứ người. Khi trở về nước, Lê Thành Nhân như con đại bàng có đôi cánh sắt, bay lượn trên bầu cao rộng muôn hồng ngàn tía của quê Nam tươi đẹp gấm vóc. Anh như cá gặp nước như rồng gặp mây, xông xáo bôn ba trên Bốn Vùng Chiến Thuật. Trong các vùng giới tuyến, khắp các ải địa đầu từ Nam ra tận miền Bắc! Toán quân anh đã âm thầm thao túng trong lòng đất địch như chỗ không người, như vùng trời tự do quen thuộc của miền Nam.Riêng Lan Chi, cái chết tức tưởi không lý do minh bạch của cha mẹ luôn nằm trong tâm tưởng, và nung đúc đốt cháy tâm hồn từ thơ dại của cô cho đến trường thành, nên cô đã âm thầm chọn cho mình con đường để đi!Yến Tử (bí danh của Lan Chi) đang ngồi hỏi cung kẻ địch vừa đầu thú. Cô đã được thượng cấp giao phó cho công tác nầy:- Anh tên là gì? Bao nhiêu tuổi? Cha mẹ, quê quán ở đâu và có bao nhiêu anh chị em? Anh nên khai thật, và khai rõ. Để chúng tôi có thể giúp anh một cách hữu hiệu hơn!Người đàn ông ăn mặc xốc xếch, làn da trắng xanh, cánh tay bị thương còn treo trên chiếc khăn xếp xéo lem luốc máng trên cổ. Thân hình gầy gò tiều tụy, nhưng nét mặt ông ta trầm tỉnh cương quyết, cao ngạo, giọng nói cứng chắc. Mẳt là cửa sổ của linh hồn, nên ông không sau giấu được nỗi u hoài ẩn hiện trong đôi mắt đó.Kinh nghiệm và trực giác cũng cho cô biết rằng. Hắn ta không phải là một người bình thường, một tên để sai vặt, để liên lạc hoặc làm những việc lặc vặc khác! Tướng mạo đó, ánh mắt đó ngầm cho cô biết hắn ta phải là người có học, là một cán bộ đã đạt được nhiều thành quả, hoặc là cấp chỉ huy…Ông ta đang ngồi đối diện với Yến Tử trong căn phòng nhỏ đơn sơ. Nhưng trang bị những chiếc máy tinh vi thu hình, thu tiếng nói… Sẽ chiếu ra, phát ra và truyền đi tất cả những hành động và lời đối đáp của cả hai người. Cô nghĩ, hắn ta là người từng trải nên cũng đã thừa biết việc nầy.Đối diện với một phụ nữ trẻ tuổi có đôi mắt trong sáng, lanh lợi, cái miệng nhỏ rất duyên dáng ở nụ cười. Ông ta không nói gì, nhưng cũng thầm đoán được ít nhiều về ngườI đói diện. Nhìn sâu vào mắt cô, ông trầm tỉnh, mím môi trả lời:- Thưa cô, tôi ra đầu thú thì không còn có lý do gì phải giấu giếm nữa mà không khai thật. Tôi đã khai tất cả theo mọi câu hỏi trong giấy tờ hôm qua rồi.- Tôi biết! Nhưng tôi muốn chính miệng ông nói ra trước mặt tôi.Ông ta hơi khựng! Bởi người phụ nữ có vẻ yếu đuối nhưng giọng nói và đôi mắt hết sức sắc bén! Ông ôn tồn bảo:- Cô muốn biết phần nào trước thì xin hỏi. Tôi sẽ trả lời tất cả những gì tôi biết.Yến Tử vờ như sửa lại cổ áo, nhưng thật ra cô đã nhanh tay bấm mở chiếc nút của máy thu âm và thu hình nhỏ đã gắn trên đó:- Được, Sáu Trường Sơn là bí danh của ông phải không? Ông tên thật là gì, quê quán ở đâu…Mặt Yến Tử đang hỏi cung nhưng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ khi nghe tên đảng viên Việt Cộng ra chiêu hồi, mà thượng cấp vừa gởi đến để cô lấy khẩu cung. Người nầy từ miền Bắc về. Ông ta ngồi trước mặt cô khai thật về thân thế của mình. Cô mấy lần như dợm hỏi? Nhưng lại thôi, cô nghĩ để sau nầy tìm hiểu rõ hơn hẳn hay, không gấp gáp gì!Nhân viên ngồi làm việc bên trong đang theo dõi hết sức lấy làm lạ, nhứt là xếp của cô? Ông nghĩ, đây đâu phải lần đầu tiên cô tiếp xúc với những tên cán bộ Việt Cộng chiêu hồi có tầm vóc như hắn? Cô là nhân viên của Cục Tình báo giỏi nhất, đã mấy năm kinh nghiệm và đang giữ trọng trách trong công việc nầy. Cô là người luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình ngoài dự tính của thượng cấp. Cả trong những lần địch cài người phản gián cũng không thoát được cô…Tên Trường Sơn nầy bị toán Thám kích của A3 bắn gãy tay từ giữa tháng rồi. Hắn ta ra chiêu hồi, đang sống trong biệt khu được bảo vệ an toàn và bảo mật. Trung tâm đều biết, trong lúc A3 cùng đồng đội theo dõi địch quân trên đường từ Bù Đớp di chuyển về miền Thủ Thừa mà cả tháng nay họ bám sát để bắt sống. Và họ cố tình chừa một kẻ hở cho kẻ địch ra đầu thú. Hai bên trải qua trận ác chiến dữ dội một mất một còn. Những tay mơ nằm vùng đã bị hốt trọn ổ cùng với 2 tên khác (từ miền Bắc vào) 3 tên bị bắn chết. Còn tên cáo già nầy có lẽ cùng đường đưa tay xin ra chiêu hồi thì bị đàn em của A3 bắn gãy tay.Kẻ bắn tên Sáu Trường Sơn nghiêm chỉnh, báo cáo trước mặt thượng cấp:- Thưa A3, những con cá mạnh câu bắt được phải chặt kỳ, chặt vi hoặc đập đầu. Để chúng nguyên vẹn lành lặn, nếu lỡ tay sẽ xẩy mất! Em chưa thịt nó trả thù cho đồng đội là may mắn nó lắm rồi. Thưa thượng cấp, em xin chịu xử phạt theo quân kỷ.Mặt A3 lạnh lùng lầm lì nhìn đàn em, rồi lùng bùng trong cổ họng: “Không thi hành đúng chỉ thị của thượng cấp mà anh còn ngụy biện? Anh hãy xuống làm việc với ban hai đi (ban an ninh)…”Cuộc chiến quốc Cộng mỗi ngày càng sôi động gay go. Thanh niên tình nguyện tòng quân diệt giặc. Quân nhân trừ bị ở các ngành nghề, về hành chánh cũng được gọi tái ngũ. Trong thời chiến chinh, sinh mạng của quân nhân thật mong manh! Nhưng người người vẫn tiếp nối đi làm phận sự và nghĩa vụ của mình. “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách” Họ có nại hà chi những trận đánh lẻ tẻ, hay trận đánh lớn. Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh vì bảo vệ gia đình và lãnh thổ! Còn giặc thì bất chấp mọi thủ đoạn, pháo kích vào thành phố, trường học, đặt mìn giật sập cầu, đường sá… Gây tóc tang thương vong không biết bao nhiêu người dân vô tội.Đúng là chiều ngày ba mươi, Yến Tử ngồi đó, bực tức thở dài! Bởi việc khai thác lấy khẩu cung tên cán bộ Việt Cộng Sáu Trường Sơn chưa xong, thì nay cô lại được lệnh điều đi làm công việc khác!Công tác của cô lần nầy là giúp cho chiến hữu A3 (bí danh thượng cấp của cô) đang bị thương nặng. Mà cô có nhiệm vụ phải lo và giữ an ninh cho A3. Cô bực bội, tức tối tự hỏi: “Tại sao cấp trên cắt đặt cho cô làm một chuyện không phải là chuyên nghiệp của mình? Trong quá trình công tác cấp trên giao cho, lúc nào cô cũng thi hành suôn sẻ, chưa vấp phải điều gì sai trái hay tắc trách! Cô cũng đâu phải là bác sĩ, không phải là y tá, không phải là trợ tá, thì cô biết gì để săn sóc một thương binh mà giao cho cô nhiệm vụ vô duyên nầy?”Cô lật đật đi tìm xếp để hỏi cho rõ nguyên nhân. Nhưng đến nơi thì thư ký bảo là thượng cấp đã đi công tác! Yến Tử hết sức bực mình, lòng buồn bã trở lại phòng làm việc. Bởi dù muốn dù không, cô cũng phải thu xếp mọi giấy tờ cần thiết để bàn giao cho người mới!Bàn giao xong mọi việc, Yến Tử uể oải ra về! Cô lầm bầm “Mai đây mình sẽ đi nuôi ông thần thừ A3 trời đánh nào đây?” Cô không thèm thắc mắc hỏi thăm kẻ đó là ai, có mặt tròn mặt méo ra sao? Nhưng dù có hỏi cũng không ai biết. Và dù có biết họ cũng không nói với cô. Đã mấy năm rồi, từ ngày làm việc tình báo cô chỉ nhận việc qua giấy tờ, hoặc lời truyền đạt qua một người khác rồi thi hành! Trong lòng cô đang ấm ức và không phục, vì sự bất ngờ thay đổi việc làm chưa xong nầy. Cô thở dài thườn thượt, nhưng đành chịu thôi. Chỉ còn có nước là thi hành lệnh trên chớ biết làm sao bây giờ!Đã mấy năm lăn lộn trong nghề, có khi Yến Tử công tác ở những nơi phồn hoa đô hội, khi thì trà trộn trong đám dân bụi đời, khi theo đám ăn chơi như phòng trà, vũ trường, khi ở các quán rượu (bar) của Mỹ & Việt, khi theo toán quân lên vùng cao nguyên, khi làm thường dân bán buôn trong vùng quê xa làng, xa chợ... Nguy hiểm và gian nan bao phủ trùng trùng. Nhưng cô không lùi bước hay đắn đo. Đó là con đường cô đã chọn cho chính mình, cô không chút do dự hay ngại ngùng, cứ hướng về phía trước mà thi hành, mà tiến...Quê Nam nơi nào cũng cây xanh lá thắm, hiền hòa êm đềm tươi đẹp. Cận vùng Đồng Tháp Mười cô đã đi qua bao nhiêu ruộng lúa chín sai hột, oằn bông, vàng cả cánh đồng bao la bát ngát không thấy đâu là bờ mẫu, đâu là ranh. Đồng Tháp thưa thớt dân cư, nhưng nhiều ruộng nương, kinh rạch, ao, đìa… Nguồn tôm cá thủy sản trời cho không làm sao hết được. Dùng chén cũng có thể vớt được những con cá sặc bướm hám ăn lúc ngồi rửa chén ở cầu ao.Yến Tử sống ở thành thị, nơi miền quê chôn nhau cắt rún đầy ấp ngọt ngào tuổi thơ bên cha mẹ đã nhạt nhòa trong trí nhớ. Nhưng cô luôn thầm mơ ngày nào quê hương tàn bóng giặc. Cô sẽ trở về sống đời còn lại bên miếng vườn nhỏ của ông cha để lại cho cháu con, và cô sẽ gần gủi bên mồ mả mẹ cha. Trong tâm tưởng cô khắc ghi sâu đậm hình dáng mẹ cha. Đôi lúc cô nghĩ rằng tròn đời kiếp nầy chắc mình sẽ không thương yêu ai ngoài hai đấng sanh thành, cùng cha mẹ, anh nuôi.Nghĩ vẩn nghĩ vơ, khi ra khỏi nhiệm sở thì phố xá đã lên đèn. Sài Gòn bao giờ cũng ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Vầng trăng lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên nền trời tối đen, lấm tấm chi chít những giề sao. Nhưng trăng sao đó không thể nào làm mờ nhạt ánh đèn điện của Sài Thành hoa lệ.Cô thong thả đi bên lề đường gần khu chợ Bến Thành, ngang công viên Quách Thị Trang. Chung quanh cô, những hàng quán buôn bán sầm uất quanh năm, từ sáng đến giờ giới nghiêm. Bên trên những cửa tiệm nầy là những căn lầu, cao bốn, năm tầng, được ngăn chia làm nhiều phòng cho Mỹ mướn. Đây là một trong những khu về đêm nhiều màu sắc nhứt của Hòn Ngọc Viễn Đông.Nhìn các hàng quán bán thức ăn hai bên đường, phải bình thường thì cô ghé qua ăn xong rồi về tắm rửa leo lên giường tìm giấc ngủ bình yên, trong những khi không muốn ăn cơm nhà. Nhưng hôm nay gặp bực bội đã no rồi, còn ăn gì được nữa mà ăn! Yến Tử nhớ đến ba má ở nhà, nên cô ghé hàng bán chè, bánh quen thuộc thường mua. Ông bà không sanh ra cô, nhưng đã nuôi nấng hoạn dưỡng và thương yêu cô như cha mẹ ruột của mình hơn 20 năm rồi. Cô mua mỗi thứ 2, 3 phần, nào là chè khoai môn chan nước cốt dừa, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, mấy củ khoai nấu, chuối chiên… Để khi buồn miệng ông bà có mà ăn liền.Nghe tiếng chuông, nhìn ra cửa thấy con về đến, bà Tài vui vẻ bước ra đon đả hỏi:- Sao hôm nay con về sớm vậy? Chắc chưa ăn gì phải không, con hãy vào ăn cơm luôn đi, mẹ đã nấu xong rồi.Lan Chi bước vào cửa, vui vẻ:- Thưa ba con về rồi.Ông Tài ở nhà sau đi lên thấy con:- Mấy thuở con về đúng giờ cơm. Mẹ nó lấy chén đũa cho con ăn luôn.Ông chợt nhẹ giọng:- Từ ngày anh em bây ra trường đi làm đến nay. Gia đình 4 người mình chưa bao giờ được ngồi chung ăn cơm chiều như thuở các con còn đi học. Cái thằng Nhân cả tháng rồi ba cũng không thấy mặt mũi nó? Đi công tác ở đâu mà lâu quá vậy? Ờ, bà à con có nói với bà là đi đâu và chừng nào về không?Bà Tài vừa bới cơm vào chén, vừa nhìn chồng cười :- Thằng con đi công tác đây đâu phải lần đầu mà ông lo? Nó là con trai mà lo chi?- Con trai hay con gái gì cũng vậy. Cha mẹ lo cho con là bổn phận là thiên chức mà. Tui cũng biết nam nhi chí tại bốn phương.Bỗng ông dừng lại, nhìn bà rồi bảo:- Mà nầy, con đã lớn rồi bà có nhắm chỗ nào để cưới vợ cho nó chưa? Con gái bà giáo Hào trông cũng xinh lắm. Hay con gái út của anh chị Tư Trung? Con nhỏ vừa xong Cán sự điều dưỡng, đang làm ở bệnh viện Hồng Bàng ngoài Chợ Lớn đó… Con cái lớn phải dựng vợ gả chồng chớ, để nó long bong hoài không tốt đâu đó.Bà Tài cười tươi, nhưng cũng nói :- Bộ tui không sốt ruột sao? Tui thật sự muốn cưới vợ cho nó lắm. Nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện vợ con thì nó lắc đầu quầy quậy như đỉa gặp vôi. Thiệt là bực mình hết sức! Lần nầy nó về, nhứt định tôi bắt nó phải lấy vợ mới được.Rồi bà mỉm cười, nhìn qua Lan Chi :- Còn con gái của mẹ, chừng nào mới chịu lấy chồng đây? Con đã hăm mấy tuổi rồi nghen. Phải tính chuyện hôn nhơn đi con. Lúc chưa có công ăn việc làm thì anh em bây nói chưa có sự nghiệp. Nay đã có công ăn việc làm vững chắc rồi, thì phải nghĩ đến chuyện chồng con đi chớ, kẻo trễ thì lỡ thời đó con.Lòng thương yêu lo lắng của cha mẹ làm Lan Chi cảm động, nhưng cô bảo:- Phải có người chịu thương con mới được chớ ba mẹ. Nhưng thật lòng con chưa nghĩ hay có ý muốn lập gia đình. Sống với ba mẹ như vậy là hạnh phúc nhứt đời rồi, còn có gia đình riêng chi cho thêm mệt!Ông Tài đưa chén cho vợ bới thêm cơm, cười nói:- Ba mẹ thèm ẵm cháu lắm, hai anh em bây cũng đã lớn. Thằng Nhân Tết nầy cũng ngoài 33 chớ còn nhỏ nhích gì nữa. Con cũng đã đến tuổi lập gia đình rồi. Nếu không thích mai mối, vậy thì có quen với ai con cứ nói, để ba má tìm hiểu gia đình người ta mà gả con.Lan Chi nhỏ nhẹ, bẽn lẽn cúi mặt:- Cảm ơn ba mẹ. Con hứa nếu quen với ai sẽ báo cho ba mẹ biết.Ăn cơm xong, Lan Chi phụ mẹ rửa chén bát rồi đi tắm. Dòng nước trong mát từ chiếc đuốt chảy ra, làm cô cảm thấy dễ chịu vô cùng. Cộng vào lòng thương yêu sự lo lắng chân tình của ông bà Tài đã khiến cho cô không còn khó chịu khi nghĩ đến sáng ngày mai phải đi săn sóc một kẻ “Trời đánh thánh đâm” nào đó bị thương! Nghĩ đến đây cô bật cười thành tiếng thỏa thích hả hê cho lời rủa xả chí lý của mình!Thường ngày đi làm việc Lan Chi mặc quần tây cho gọn và dễ dàng đi đứng. Hôm nay đi nuôi người bịnh nằm môt chỗ? Cô chưa biết mặt, biết tên, và cũng không biết họ già trẻ bé lớn, nặng nhẹ ra sao? Còn mẹ cô thì ngạc nhiên vì lâu quá không thấy con gái mặc áo dài. Nên khi thấy cô diện chiếc áo dài màu hồng phấn, quần sa-teng trắng, giầy và xách tay trắng. Tóc đen mượt mà xõa trên vai, dài gần chiếc eo thon nên trong cô duyên dáng thướt tha quá. Bà đi sau con tỏ ý hài lòng tủm tỉm cười chớ không nói gì, khi trong lòng bà rộn niềm vui. Bà thầm nghĩ là con gái mình bỗng dưng thay đổi cách ăn mặc, chắc con nhỏ đã có người yêu?Lan Chi đến trình giấy tờ cá nhân và giấy giới thiệu của cấp trên cho ban an ninh. Xong mọi thứ thì nhân viên trực cho biết A3 vừa xong ca mổ cắt bỏ chân trái từ ống quyển trở xuống. Bịnh nhân còn nằm trong phòng mổ để theo dõi. Phải chờ mấy giờ sau mới chuyển đến phòng hồi sức.Cô thở dài, nghe nao lòng khi nghĩ rằng anh ta chắc bị thương nặng lắm! Nhưng cô không nghĩ ngợi nhiều nữa, chỉ còn có nước ngồi đây chờ đợi thôi.Lan Chi định thần, cảm thấy mình mẫy toát mồ hôi lạnh khi nhìn rõ bịnh nhân cô phải chăm sóc và giữ an ninh! Trời ơi, nếu cô không biết anh ta, thì khi đến đây cô thấy người nằm mê, chỉ còn hơi thở thoi thóp đó là A3. Là bí danh của anh chớ ngoài ra không biết gì nữa hết! Vì bí mật của nghề nghiệp bắt buộc như thế! Không ai biết ai, có khi ngồi gần bên nhau, làm việc với nhau hằng mấy năm trời nhưng sự bảo mật, họ không bao giờ biết người đó là có bí danh đó, có công tác đó…Tâm hồn Yến Tử bấn loạn! Hai tay cô đeo cứng thành giường bịnh, cho khỏi ngã quỵ! Đã hơn ba năm! Phải, từ ngày về nhận việc, anh là thượng cấp của cô mà cô không hề hay biết gì hết! Cô cảm thấy tâm tư xác xao, mỏi mệt, và cơ thể rã rời! Còn A3 nằm bất động, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh như xác chết. Trên người anh chằng chịt nào ống dẫn nước tiểu, ống vô nước biến, vô máu… làm cô lo sợ muốn ngất xỉu.Lan Chi giựt mình kéo nhẹ tay áo để xem đồng hồ. Cô biết mình đã dựa đầu vào thành giường thiếp đi hơn ba mươi phút. Dù bước chân chim của y tá lanh lẹ, lăng xăng nhe nhàng nhưng cũng làm cô tỉnh dậy. Bỗng bịnh nhân chớp đôi mi mắt mấp mái, lờ đờ, vô hồn. Lan Chi nắm chặt tay và kề miệng mình sát bên tai anh, khẽ hỏi:- Anh đã tỉnh rồi! Anh đã tỉnh rồi phải không? Em là Lan Chi đây… Lan Chi đây, anh có nghe em nói không?Anh ta không trả lời, mắt chậm chạp khép lại trong bóng đèn ngủ trên tường mờ ảo tỏa ra. Cô hoảng sợ bấm chuông… y tá và bác sĩ chạy tới. Họ xem xét, chẩn mạch… Anh thì thào trả lời bác sĩ, nhưng rất khó nghe và nhắm mắt lại.Bác sĩ quay sang cô, bảo:- Xin cô đừng lo. Ông ấy đang còn say thuốc, dần dần khỏe lại và sẽ bình phục. Ổng đã mất hết một chân, cô có biết không? Xin lỗi, chúng tôi đã hết sức cố gắng để giữ lại. Nhưng xương giập nát nhiều đoạn nên không giữ được… Chờ vết thương lành hẳn, chúng tôi sẽ gởi qua trung tâm chỉnh hình làm chân giả cho ông. Nếu có thể, xin cô nói với người nhà ổng hãy chuẩn bị tâm lý. Bây giờ ổng ngủ rồi, nếu cần gì cô cứ bấm chuông gọi. Xin chào cô…Lan Chi ngồi xuống cạnh giường. Mắt anh nhắm nghiền lại, hai dòng lệ mỏng chảy dài trên gò má xanh xao tái nhợt. Không biết an ủi anh thế nào? Cô nắm chặt bàn tay anh như ngầm nói rằng: “Anh hãy cố gắng lên, rồi đâu cũng sẽ vào đó! Em cũng buồn và đau xót như em mất đi một phần thân thể của chính mình. Nhưng sự mất mát nầy xứng đáng lắm anh ơi…”. Dòng lệ nóng chảy dài xuống má cô.Lan Chi vẫn nhớ, từ khi được bác Tài nhận về làm con nuôi. Tính đến nay đã hai mươi năm rồi. Thành Nhân và Lan Chi sống chung dưới một mái nhà hạnh phúc có cha mẹ lo lường thương yêu chiều chuộng. Mặc dù họ không cùng cha mẹ sanh ra nhưng cả hai thương nhau như anh em. Khi cô còn nhỏ, lúc mới đến chưa quen đường thuộc lối. Mẹ bận việc, anh thường đưa rước cô khi đến trường, lúc tan học. Có bánh trái anh em chia cho nhau. Anh dẫn đi chơi, dỗ dành khi cô buồn. Giải đáp chỉ dẫn cho cô những bài toán khó, những bài luận, những câu hỏi gút mắc. Anh luôn xem cô như là em gái ruột của mình.Khi cả hai anh em khôn lớn. Việc làm của Thành Nhân cả mẹ và cha đều không rõ ràng cho lắm. Họ cứ tưởng anh ra trường quân sự, rồi được chuyển qua làm việc về hành chánh ở Bộ thôi. Đến khi con gái Lan Chi đậu xong phần hai. Trong gia đình từ anh cho đến cha mẹ đều gợi ý và khuyến kích cô học ngành Sư Phạm, hoặc ngành Y. Họ nghĩ rằng đó là 2 cái nghề thích hợp cho nữ giới. Lan Chi chỉ vâng dạ cho qua để cha mẹ và anh được vui lòng. Chớ cái chết thê thảm của đấng sanh thành đã khắc ghi trong tâm trí người con gái nầy, khi cô còn là đứa trẻ mới 7, 8 tuổi. Cô đã chọn cho mình con đường để đi rồi. Không ai và không vì một lý do gì có thể lay chuyển được cô!Để rồi bất ngờ một hôm Thành Nhân nhận được giấy tờ của nhân viên xuất sắc đã được huấn luyện nhuần nhuyễn kết quả vượt bậc qua mỗi lần thi tuyển. Do bên trung tâm chuyển đến công tác trong ngành, thì anh mới biết đó là cô em gái Lan Chi của mình. Nhiều khi chỉ thị giao công tác hiểm nguy nhọc nhằn cho em, anh cảm thấy ái ngại. Nhưng đó là phận sự của cô phải làm. Ai đã chọn cho đời mình cái nghề nầy thì coi như là ngõ cuối của đoạn đường đời. Việc sanh tử chỉ cận kề trong chớp mắt. Hiểm nguy và pháo đạn vô tình! Họ đã biết như vậy, và đã được khuyến cáo trước khi vào nghề… Nhưng từng lớp thanh niên an nhiên, bình thản tiến tới không ngại ngùng lùi bước vì họ đã chọn cho mình con đường để đi.Vợ chồng ông Lê Thành Tài bàng hoàng sửng sốt được tin con trai độc nhứt của mình bị thương và mất đi một phần thân thể! Bà khóc bù lu bù loa. Ông khuyên vợ:- Bà đừng buồn nữa mà có hại cho sức khỏe. Mỗi người có số cả, con mình bị mất một chân cũng may mắn và hạnh phúc quá nhiều so với những người tử trận ngoài chiến trường. Có người còn mất luôn cả xác nữa kìa. Thôi thì để nó lành lặn đâu đó yên ổn rồi thì đi hỏi cưới vợ cho nó. Tuy là cái họa nhưng lại là cái phước đó bà à.Bà Tài là người đàn bà hiền lành từ tốn. Nghe chồng nói bà nghĩ cũng không sai, nên cơn buồn qua mau mà lo chăm sóc cho con.Hôm nay Thành Nhân đã khỏe nhiều, nhưng anh vẫn còn ốm lắm. Tuy da anh không còn quá tái nhợt nữa. Và khi bụng anh biết đói, miệng anh biết thèm ăn uống thì từ đó mỗi ngày, anh dần dà khỏe mạnh, linh hoạt hơn. Trông mặt mày anh khởi sắc, tóc anh được hớt ngắn, râu ria được cạo sạch sẽ. Anh được nhân viên tập dùng hai cây tó để đi ra đi vào phòng vệ sinh (khi chuyển ra trại ngoại khoa).Rồi Lê Thành Nhân được xuất viện trở về sống với gia đình có cha mẹ, có em gái chăm sóc chu đáo. Anh cảm thấy đời mình rất ưu đãi, hạnh phúc. Nhưng Lan Chi nhận xét trong đôi mắt ngời sáng, cương nghị tràn đầy niềm tự tin của anh như luôn vương vướng lớp sương mờ!Sau hơn một năm dưỡng thương, giờ đây Thành Nhân có thể giải ngũ vì thương tật của mình. Đó cũng là sự mong muốn của cha mẹ anh. Vì giặc giã xảy ra bao nhiêu cảnh thương vong hàng ngày trên báo chí từ các chiến trường đưa về. Đã làm ông bà sợ hãi cho sự an nguy của con trai mình. Một hôm cha mẹ đi vắng, anh hỏi:- Lan Chi nè, theo em thì anh nên giải ngũ hay trở lại làm việc?Lan Chị hơi ngạc nhiên vì ông anh mình là người tự tin, ít khi đem tâm sự nói với ai, hoặc nhờ người khác quyết định việc gì đó của anh ta. Cô nhìn sâu vào mắt Thành Nhân, bảo:- Em không thể quyết định cho anh được. Chỉ có anh quyết định cho mình thôi.Nói đến đó cô ngập ngừng, rồi lại tiếp:- Nhưng nếu là em, thì em sẽ đi làm lại. Anh đã khỏe mạnh rồi mà. Chân anh mất nhưng tâm hồn và lý trí anh vẫn còn nguyên vẹn chớ có sứt mẻ đâu. Vả lại ở nhà anh sẽ buồn chán lắm. Anh sẽ cảm thấy là mình không còn khả năng làm việc, mình là người thừa thãi, vô dụng…Nói đến đó, cô dừng lại cười khì chọc quê :- Và em cũng nghe lòng mình xốn xang khi thấy anh ngồi bên cửa sổ nhìn khói thuốc bay, rồi làm thơ thương mây khóc gió bắt em đọc thì khổ lắm, lắm…! Nhưng anh cũng biết, chúng ta đã được tôi luyện rồi. Em chỉ muốn nhắc nhở anh thôi! Còn việc trở lại công tác hay giải ngũ là do anh quyết định cho mình đi. Em có ý kiến, sau nầy gặp chuyện gì không vừa ý thì anh sẽ đổ thừa cho con nhỏ nầy xí xọn, chuyên môn xúi dại như mấy lần trước thì phiền lắm đó!Thành Nhân thấy cái mặt vắc hất có vẻ dỗi hờn, ngoe nguẫy của cô em thì không nhịn được, bật cười thành tiếng. Lan Chi nguýt anh, càm ràm:- Chớ không phải sao mà anh cười vui như được quà Tết vậy? Nhớ hồi anh còn học năm Đệ nhị. Chị Thu Hà con ông Chủ sự Kiêm lúc đó ở ngang nhà mình. Chị để ý, và có dịp thì luôn hỏi thăm em về anh. Khi em về kể lại, nghe xong anh khoái chí tử thấy bà. Hai người còn nhờ con nhỏ nầy làm liên lạc đưa thư qua, thư lại cho nhau nữa. Sau đó việc của anh chị bị đổ bể. Má của chị Thu Hà qua méc với ba má mình. Trước mặt ba má anh thiệt là tệ quá đi thôi! Dám làm mà không dám nhận! Chối bai chối biến, đổ hết tội lỗi cho người ta. Làm em bị một trận đòn muốn tét da, tét thịt. Cho đến bây giờ nhớ tới em còn thấy đa và tức mình muốn chết!Thành Nhân cười lớn. Lan Chi nổi nóng háy anh con mắt có đuôi, nạt vãi:- Xì, đến bây giờ anh chẳng những không hối lỗi, mà còn cười ha hả, cười sặc sụa, cười muốn vỡ cả nóc nhà nữa! Vô duyên, bộ vui lắm sao mà cười?Còn sặc sụa hụt hẩng trong tiếng cười, Thành Nhân quơ quơ tay bảo:- Vui lắm, vui lắm chớ sao không? Nghĩ lại đi, bộ em tốt bụng giúp anh đó sao? Cao xanh ơi! Mỗi lần đưa thư, em cũng đã được bao nhiêu tiền. Em nhớ chớ, tiền ba mẹ cho anh không dám ăn bánh, dành dụm được đem hối lộ cho em hết. Còn bao nhiêu gói ô mai, gói xí muội, bao nhiêu chầu xi-nê- ma-lốp-cốp và sau đó phải bao em ăn uống nữa ! Em là đứa nổi tiếng tham ăn và ăn hàng vặt như chúa chỏm nữa? Còn phía bên kia mỗi lần nhờ vả em chuyển tin tức, thư từ chắc em cũng xơi tái của cô ta không ít? Được lời như vậy không biết ơn anh thì chớ? Em có bị thiệt thòi, hay bị ức hiếp gì đâu, mà sao cứ nhớ chuyện cổ lỗ sỉ đó trong bụng hoài vậy?Thành Nhân trở vào làm việc lại. Anh được chuyển qua ngành khác ở Bộ chỉ huy của Trung tâm. Cha mẹ rất vui mừng khi biết hai con làm cùng sở. Cứ sáng thì anh chở đưa Lan Chi đến chỗ làm rồi chạy qua sở mình (chỉ cách có con đường). Chiều ghé qua rước em về rất tiện lợi.Giờ đây Thành Nhân không còn đi công tác xa, vắng nhà dài hạn như dạo trước khi anh bị thương nữa. Còn Lan Chi thỉnh thoảng đi đây đi đó đôi ba ngày, hoặc tuần lễ mà thôi. Ông bà Thành Tài đã lớn tuổi, nên xin hưu trí để hưởng tuổi già, sau mấy mươi năm bận rộn với việc làm. Bây giờ gia đình họ an vui, hạnh phúc theo ngày tháng thoi đưa. Nhưng ông bà Lê Thành Đạt vẫn canh cánh trong lòng bởi hai đứa con xồng xộng mà vẫn chưa có gia thất.Có một hôm trên bàn ăn cơm chiều. Ông Tài vui vẻ lên tiếng với vợ và hai con:- Hôm qua ba có gặp ông Huỳnh Tứ Việt. À mà bà còn nhớ ông Việt không vậy bà? Ổng xin tui hôm nào vợ chồng ổng được qua thăm nhà mình. Các con biết không? Ý ổng muốn hỏi dọ ba má coi Lan Chi có chỗ nào chưa, để cưới cho con trai thứ của ổng. Cậu Hòa tuổi cũng cỡ Thành Nhân. Mười mấy năm trước đi học bên Pháp, khi ra trường thì làm ăn ở bên đó. Nghe nói khá lắm, gia đình người ta cũng thuộc hàng gia thế giàu có. Lan Chi ưng con ổng, nếu muốn ở đây thì ổng bả sẽ mở cho cửa hàng làm ăn. Còn chịu theo chồng qua Pháp thì càng tốt, vì bên đó đã có sẵn cả rồi…Bà Tài hài lòng cười tươi, góp ý:- Ờ, vậy hả? Vợ ông Việt thì tui mới gặp trên chùa vào rằm tháng rồi. Bà ấy có tiền mà bình dân, con người độ lượng, hay làm ơn làm phước. Họ thuộc về gia đình gia giáo, đạo đức. Chỗ nầy má cũng thấy được đó Lan Chi. Con đã lớn rồi thôi thì bằng lòng đi.Bỗng quay qua con trai:- Còn thằng Nhân cũng vậy. Chỗ nầy không được, chỗ kia không được. Kén chọn riết không biết bao giờ mới thành hôn đây? Thôi thì con để ý ai cứ cho ba má biết. Để ba má lo cho.Lan Chi đỏ mặt cúi xuống và lẹ cơm. Ra ngoài xã hội về học lực, về tài trí cô không thua kém ai. Nhưng bản chất của người con gái Á Đông vẫn còn trong cô. Nên mỗi lần nghe cha mẹ, hay ai nhắc nhở đến chuyện lấy chồng cho mình thì cô đỏ mặt tía tai lỏn lẻn bỏ đi nơi khác. Thành Nhân không nói gì, ậm ừ với cha mẹ, ăn qua loa rồi ra ngoài chiếc băng đá kê bên tàn cây mận. Anh đốt thuốc hút, đôi mắt buồn mông lung, nhìn làn khói thuốc tỏa bay.Hai bên có hẹn trước, nên hôm nay gia đình ông bà Việt cùng với cậu con trai tên Hòa và đứa con gái út đến thăm gia đình ông bà Tài. Họ vừa bước vô nhà thì hai anh em Thành Nhân cũng đi làm về tới. Bà Tài chận con lại ngoài cửa trước, bảo họ đi thẳng vào chào mọi người.Người lớn nói chuyện rất tương đắc. Anh chàng đi coi mắt vợ xem mòi cũng vừa lòng đẹp ý lắm dù chỉ mới lần đầu gặp cô con gái xinh xắn Lan Chi. Ông bà Tài mừng thầm trong lòng chắc mẻm là con gái mình cũng vừa ý chàng thanh niên hoạt bát, mặt mày sáng sủa, bảnh trai, có phong cách nầy rồi.Khách về, tối đến cha mẹ đi chùa cúng sao, chỉ còn hai anh em ở nhà. Lan Chi thấy anh mình ít nói hơn mọi hôm. Vẻ mặt lầm lì đen thủi đen thui như trời sắp xập xuống. Anh ngồi hút thuốc hết nầy, đến điếu khác cả giờ rồi. Cô hỏi đến đâu anh nói đến đó chớ không ba qua chích chòe, chọc ghẹo em như mọi khi. Mắt anh đăm chiêu có vẻ khác thường! Lan Chi thấy vậy, cô rót tách nước trà vừa mới châm. Bưng cho mình và cho anh mỗi người một tách. Ngồi xuống ghế đối diện với anh, cô nhẹ giọng hỏi:- Anh Hai, hôm nay có tâm sự hả? Hãy nói cho em nghe đi, cứ nói ra biết đâu em có thể chia xẻ với anh. Nói đi anh, nếu có chuyện gì buồn anh nói ra sẽ cảm thấy dễ chịu hơn…Thành Nhân không trả lời. Anh hít mạnh điếu thuốc rồi phà làn khói trắng tỏa bay. Bỗng từ chiếc máy hát của nhà hàng xóm, ngân nga vọng đến lời hát buồn: “Chuyện tình của tôi xa lắm tự lâu rồi tôi không bao giờ nhắc đến. Nhưng bỗng một hôm trên đường ra phố thị tôi gặp lại em ngày nào… Nàng nhìn tôi, đôi mắt thật bâng khuâng… Cũng đôi mắt nầy năm xưa lạc vào hồn tôi… Trong những đêm không ngủ, tôi nhìn khói thuốc bay…”.Giọng ca thê thiết của ca sĩ đã làm cho tâm hồn Lan Chi bồi hồi xúc động. Mặc dù lòng cô không vướng bận chuyện gì. Nhưng cô thở dài nói bâng quơ:- Thiệt tình, giọng ca sao mà não nuột quá trời! Ai có tâm sự buồn mà nghe cái giọng của ca sĩ nầy, thì càng thêm thúi ruột mà chết sớm.Thành Nhân dụi điếu thuốc đang hút chưa hết:- Lan Chi, em thấy anh chàng Hòa coi mắt em hôm nay thế nào? Có lọt mắt xanh của em không?Cô chưng hửng khi nghe hỏi. Nhưng cô mỉm cười trả lời anh:- Em có nhìn hắn đâu, mà biết mặt mũi ra sao? Nên không biết trả lời với anh thế nào đây? Mẹ bảo chào người ta thì em vào chào, cho mẹ vui lòng vậy thôi.Thành Nhân nhìn thẳng mắt em :- Thiệt vậy à? Nhưng theo nhận xét của anh thì hình như em chấm anh ta rồi.Lan Chi vẫn thản nhiên, nói giỡn:- Ụa thiệt hả? Sao em không biết? Nhưng xin lỗi nghe, anh đã đoán sai rồi. Không phải anh ta, mà người khác! Em đã có đối tượng rồi.Đến phiên Thành Nhân ngạc nhiên quá đỗi! Anh mau miệng hỏi Lan Chi:- Ai vậy? Anh có biết không? Anh ta làm việc ở đâu? Không làm chung sở chớ?- Anh hỏi chi vậy? Chuyện của em mà“Thiên cơ bất khả lậu”!Bỗng Lan Chi ngừng nói, nhìn anh hỏi:- Mà nè anh Hai, anh còn nhớ cái ông chiêu hồi tên Sáu Trường Sơn không?Thành Nhân vừa ngạc nhiên vừa khó chịu! Anh ta hằn học hỏi:- Bộ em vẫn còn liên lạc ông ta hả? Ông đó là người em để ý, em thương?Lan Chi tự nhiên, trả lời:- Không, không phải vậy đâu. Bởi ông Sáu Trường Sơn sanh cùng quê quán với em. Ông ta cũng họ Bùi như em. Nên em muốn gặp ông ta một lần để hỏi thăm xem có bà con chi không? Sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy? Mà anh có thấy đó sự trùng hợp không anh Hai?Không ai biết trong lòng Thành Nhân đang nghĩ gì? Anh ta như không nghe em nói, lồng lộng lên:- Em trông hiền lành mà không ra gì! Quen người đàn ông nầy chưa xong thì muốn tìm hiểu về người đàn ông khác. Em làm anh quá thất vọng! Thôi thì cứ ưng đại ông Hòa coi mắt hồi sáng cho rồi đi. Để được qua Tây ở! Đó không phải là mộng ước của em và các cô gái thời nay muốn lấy chồng ngoại quốc, hoặc sống ở ngoại quốc sao?Lan Chi nổi nóng. Cô trở giọng nạt tưới hột sen:- Anh thiệt là vô duyên hết nói nổi! Em có hỏi chuyện riêng gì của anh không? Em quen với ai, hay em muốn ưng ai thây kệ em. Đó là quyền tự do cá nhân của em, chớ có mắc mớ gì tới anh đâu? Sao anh nhiều chuyện quá vậy?Thành Nhân không kềm chế được, nói nhanh:- Sao không mắc mớ? Tại vì anh đã yêu em!Lan Chi mở to mắt, há hốc miệng, tay buông rơi tách nước xuống nền nhà bể tan, nước văng tung tóe. Cô ngồi qụy xuống, bật khóc!Các viên chức từ trên xuống dưới trong Trung tâm đã lần lượt rút đi hơn cả tháng nay. Mẹ của Thành Nhân đột ngột qua đời. Cha anh đang đau nặng và vợ lại sắp đến ngày sanh, nên anh cứ trì hoãn đển bây giờ thì đồng đội đã ra đi hết rồi!Ngày 30 tháng 4 năm 1975 giặc tràn vào! Hai vợ chồng Thành Nhân, Lan Chi đều bị kẹt lại! Họ đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho bản thân, nếu cả hai đi trình diện với bọn giặc Cộng. Giữa lúc nước non tan đàn vỡ nghé, ồn ào, bề bộn, xáo trộn, ở mọi ngành nghề.Cơ quan chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thất bỏ ngõ, sau lời kêu gọi của Dương Văn Minh!Lợi dụng lúc hỗn loạn, đêm ba mươi, Thành Nhân đem cha và vợ trốn về quê của một cộng sự viên ngày xưa tá túc. Đó là vợ chồng anh Sáu Điền (bị thương tật đã giải ngũ). Từ sau giải ngũ, họ trở về quê và hiện là cư dân ở bãi biển Vàm Láng (Gò Công). Thành Nhân đến tá túc với vợ chồng anh Sáu. Ẩn nhẫn chờ ngày vợ sanh con xong, sẽ tìm đường ra đi.Những ngày sống ở Vàm Láng, vợ chồng Lan Chi né tránh, trốn chui trốn nhủi bọn cách mạng 30 tháng 4 dòm ngó, chỉ điểm, lùng bắt thật là mệt mỏi. Giữa khuya thì Thành Nhân theo tàu đánh cá ra khơi chiều tối mới trở về. Cứ thế, ngày nầy qua ngày khác. Họ ẩn nhẫn chờ thời cơ để bôn đào. Dẫu biết rằng có trăm phương ngàn thứ khổ nạn trên đường vượt biên. Nhưng họ đã quyết định vì hàng vạn rủi ro cầm bằng cái chết! Chỉ có cái may duy nhứt vượt thoát là tự do. Nhưng họ vẫn không thay đổi ý định, quyết tâm chờ chuyến trốn bỏ quê hương.Sau tang cha 100 ngày (3 tháng 10). Đứa con trai Thành Tâm được 6 tháng thì vợ chồng Lan Chi theo gia đình anh Sáu Điền cùng họ hang than thuộc và một số ngư dân, vượt biên theo ngã Vàm Láng.Nhưng “Họa vô đơn chí/ Phước bất trùng lai” nỗi buồn khổ tột cùng luôn kề cận bên đôi vợ chồng nầy. Biết rằng cuộc trốn chạy nào mà không đau khổ, mất mát? Nhưng một mất mát quá lớn đã đến với họ! Đứa con trai đầu lòng tên Thành Tâm chưa tròn tuổi, chưa biết kêu cha, gọi mẹ, chưa biết đau khổ, chưa biết sự lường gạt, chua ngoa, tàn độc của lòng người, của cuộc đời thì đã dìm thây trong lòng biển cả!Bởi trên đường vượt biên, tàu họ đi đã hơn nửa tháng trời, nổi trôi lênh đênh trên biển vì tránh gió bão, rồi bị lạc phương hướng. Xăng dầu dần dà khô cạn… Hơn 40 chục thuyền nhân đói khát bịnh hoạn nằm la liệt, vì hết lương khô, nước uống…Vợ chồng Thành Nhân cầm cự cho đến ngày thứ tám, thì Lan Chi không còn sữa, và chồng cô ngất xỉu vì lấy máu cho con bú! Thằng Bé Thành Tâm đã vĩnh viễn ra đi! Những người cùng tàu không còn hơi để hỏi han, chia buồn, cha mẹ không cnò nước mắt để khóc! Thành Nhân đôi mắt vô hồn như cắt từng đoạn ruột từ tay thả con mình vào lòng biển khơi! Lan Chi mắt trắng dã! Nàng chìm trong cơn mê sảng bởi cái đau đớn tột cùng của mẹ mất con!Chuyến vượt biên trên tàu của anh Sáu Điền được vào trại tạm cư Ga-Lăng (trại tập trung của Liên-Hiệp-Quốc thành lập trên một hòn đảo của Indonesia, cho thuyền nhận tị nạn Cộng sản ở vùng Đông Nam Á) chỉ còn được 17 người. Già, trẻ, bé, lớn đã chết trên biển 24 người! Những người còn sống sót như được một lần tái sinh!Như bao nhiêu thuyền nhân khác đến đảo, sau khi khai xong hồ sơ. Thành Nhân và Lan Chi trong thời gian trống trải, chờ đợi qua nước tạm dung, họ dạy Anh văn cho những thuyền nhân đang chờ định cư.Vào một buổi trưa, trời đẹp nắng. Thật bất ngờ, có 2 nhân viên cùng ngành ngày xưa bay từ Mỹ đến bốc Lan Chi và Thành Nhân đi ngay trong hôm đó trước sự ngạc nhiên, mừng rỡ vô cùng của họ và những người chung quanh. Một sự bất ngờ hạnh phúc ngoài dự liệu, nên cả hai chỉ kịp từ giã vợ chồng anh Sáu Điền, người đã giúp đỡ gia đình họ suốt thời gian dài trong nước, và vượt biên. Chớ họ không có thời gian để giã từ những người cùng hoạn nạn thừa chết thiếu sống trong chuyến hải hành.Ngày đó sau bữa cơm chiều, Thành Nhân đang dở từng trang sách ra xem. Đọc xong phần tiểu sử tác giả, chàng chợt giựt mình, lẩm bẩm “oan gia lại gặp nhau” nữa rồi! Lan Chi đang rửa chén. Thấy chồng vừa chăm chú đọc sách vừa nhỏ to một mình, nàng hỏi:- Tác giả viết hay không mà anh có vẻ suy tư quá vậy, còn thì thầm một mình nữa?- Chưa đọc hết, nên không biết hay dở. Nhưng em lại đây xem, cuốn hồi ký nầy anh thấy có gì là lạ? Anh cảm tưởng như mình có quen biết với tác giả?Thế là hai vợ chồng Lan Chi tìm kiếm nhà xuất bản để hỏi thăm, và khó khăn lắm mới biết được số điện thoại của tác giả. Thế rồi hai bên hẹn và tìm gặp nhau ở tháng sau.Trái đất tròn mà vẫn hẹp lắm! Nhờ Ơn Trên hộ độ, nơi xứ lạ quê người Lan Chi tìm được người anh cùng cha mẹ với nàng thất lạc đã mấy chục năm! Đó là người Việt Cộng hồi chánh Sáu Trường Sơn.Số là Bùi Vĩnh Bảo có biệt danh là Sáu Trường Sơn xa nhà từ thuở thiếu thời. Anh theo tiếng gọi của quê hương đi chống Pháp. Bùi Vĩnh Bảo lớn hơn cô em gái Bùi Hoàng Lan một con giáp (12 tuổi). Cô chào đời được 4 năm thì anh cô đi theo Thanh Niên Tiền Phong, và khi lãnh thổ chia đôi tập kết ra Bắc. Để mấy chục năm sau Việt Cộng nổi dậy, lấy tên là Giải Phóng Miền Nam đã giết cha mẹ anh Sáu Trường Sơn. Vì ông bà không chịu theo bọn nằm vùng và giúp đỡ cho chúng. Khi trở về Nam, Bùi Vĩnh Bảo tìm lại nguồn cội của mình. Anh được người tá điền thân tín của cha trước khi qua đời đã kể hết những chuyện xảy ra của gia đình! Cõi lòng anh tan nát! Từ đó cho đến khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, anh đã khổ công âm thầm tìm kiếm cô em gái thất lạc của mình. Nhưng bóng chim tăm cá! Bởi cả hai anh em đều thay họ đổi tên.Lan Chi quay về thực tế khi chồng đưa chiếc khăn tay! Cô lau dòng lệ long lanh chảy dài trên má. Thành Nhân trầm giọng:- Đừng buồn nữa em! Chúng ta không phải đã hơn hẳn những người khác cùng cảnh ngộ rồi sao? Bây giờ chúng ta còn có anh Hai. Mặc dù anh Hai không có gia đình vợ con. Nhưng anh sống vui, sống khỏe, trải rộng tâm hồn mình bằng ngòi bút lên từng trang sách báo để làm vui cho đời. Ảnh cũng không cảm thấy cô đơn, vì anh còn có chúng mình. Chúng ta sống chung trong một gia đình êm ấm, nương tựa lẫn nhau ở tuổi về chiều. Vậy là hạnh phúc lắm rồi! Mọi việc trên cõi đời nầy đều do Thượng Đế an bài. Thôi đừng buồn nữa! Đoạn đường gian khổ của chúng ta đã qua rồi…Lan Chi nghẹn ngào:- Em cũng muốn quên lắm chớ! Nhưng không làm sao quên được đến đêm ba mươi năm nào về cái chết thảm thương của ba má em! Quên sao được những trận pháo giặc nả vào thành phố, trường học, giáo đường! Quên sao được trận thảm sát của giặc vào Tết Mậu Thân ở miền Nam, nhứt là trên đất Huế! Em làm sao quên được mỗi lần nghe tiếng khóc của trẻ thơ … Trời ơi, em cứ tưởng đó là tiếng khóc của con mình! Hình ảnh nó giẫy giụa gào thét trên tay em khi khát sữa! Khi không còn khóc nổi nữa nó âm ỹ rên, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, mà miệng con vẫn còn mở chờ bầu sữa mẹ… Trời hởi, thê lương quá! Tàn nhẫn quá! Đời kiếp nầy làm sao em quên được đây!Lan Chi tựa đầu vào vai chồng ràn rụa nước mắt! Thành Nhân yên lặng ngậm ngùi thổn thức, nhớ lại hoàn cảnh gia đình đã trải qua! Mắt chàng hướng qua song cửa sổ nhìn bầu trời cao thăm thẳm.Đêm ba mươi Tết đen như nhuộm mực. Không gian đắm chìm trong màu đen huyền hoặc, in lấm tấm ngàn vạn vì sao. Thỉnh thoảng trên tầng cao thật cao, tiếng máy chiếc phi cơ gầm gừ, lóe ánh đèn chớp tắt chầm chậm bay qua. Và sau đó chỉ còn lại tiếng gió khua động lào xào cành lá, cây cối quanh nhà.Bùi Vĩnh Bảo ngồi xem truyền hình, nhưng nghe hết những lời đối đáp của vợ chồng cô em gái. Ông đứng lên, đến bàn lấy bình nước trà chế thêm vào tách. Ông chép miệng thở dài rồi ôn tồn bảo: “Hai em nghĩ xem, có con đường đi tìm tự do nào mà không cam go, mà không trả một giá thật đắc? Trong không gian cao và rộng, có những cánh chim lả lướt bay, có những chiếc phi cơ khổng lồ âm thanh rền vọng. Khi chim và phi cơ bay qua rồi không để lại vết tích nào cả! Mặt nước sông dài, mặt biển rộng bao la, bát ngát không thấy bờ bến. Có những chiếc ghe, những chiếc tàu dù nhỏ hay lớn khi đã qua rồi cũng không để lại dấu tích gì trên mặt nước. Nhưng núi cao ngút trời, rừng sâu thăm thẳm, trên đồng bằng đất đai màu mỡ hay khô cằn sỏi đá, rộng bao la, dài bát ngát chim bay mỏi cánh, chó chạy cong đuôi. Khi có bước chân của một người đi qua, hai người đi qua, ba nguời đi qua, nhiều người giẵm lên thì nó sẽ trở thành con đường. Con đường đó sẽ có những bước chân tiếp nối từ thế hệ nầy đến thế hệ khác đi qua. Rồi đường được khai phá, mở rộng, vun bồi…Hai bên đường sẽ được cất lều, xây nhà, trồng cây ăn trái, trồng hoa thơm cỏ lạ… Trải qua biết bao nhiêu chông gai, hung hiểm, hưng phế… Đó là những chặng đường chúng đã ta đi…”Bên ngoài, vào đêm ba mươi có màu đen huyền hoặc, trên nền trời in những chùm sao li ti nhấp nhánh. Tiếng rì rào thì thầm của gió rung cây. Loài chim ăn đêm bay chập chờn trên dòng sông vắng, thỉnh thoảng cất tiếng kêu oang oác xa đưa… Trong ngôi nhà nhỏ bát ngát mùi nhang, trầm, hoa vạn thọ, hoa liên kiều, dưa hấu, cam, quít cùng mâm ngũ quả, và bánh tét, bánh chưn, mứt, chà là… Đêm ba mươi chưng cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên để đón mừng năm mới. Tiếng lách tách của củi cháy trong lò sưởi rực rỡ hồng ánh lửa, sáng căn nhà nhỏ trong đêm trừ tịch, bên xa lộ không đèn…California, chớm Thu vềTệ xá Diễm Diễm Khánh AnDƯ THỊ DIỄM BUỒN
Trong tuyển tập“Những Chặng Đường Tôi Đã Đi Qua”ĐT: (530)822 5622Email: dtdbuon@hotmail.com
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 079
Nguyễn Ánh (Piano), Toronto
NGUYET SAN NGHÊ THUAT, sÓ 131 MONTREAL, QUEBEC
Ngày nay chỉ có ba trung tâm kỹ nghệ và thương mại thịnh vượng nhất thế giới: Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản. Mỗi vùng đó biểu hiệu bằng một chỉ tệ: Dollar, Euro và Yen. Mãi tới một niên hiệu rất gần đây, cả thế giới tin tưởng là dollar có một giá trị bất biến và trường cửu cũng như vàng. Thật vậy, kể từ thời ban hành Hiệp Ước Bretton Woods (1943), dollar được chính thức định giá là 35 dollar được đổi lấy một ounce vàng. Chính phủ Mỹ hứa là đồng dollar khả hoán (convertible). Và vì thế, khắp thế giới tin tưởng và tích trữ dollar. Lối tích trữ thông dụng nhất là mua Công Khố Phiếu của Mỹ (U.S. Treasury Bond).
Rồi tới 1970, dưới thời Tổng Thống Nixon, Bộ Công Khố (U.S. Treasury) quyết định tách rời dollar khỏi vàng.
Nhưng quyết định đó cũng không có ảnh hưởng gì sâu xa. Vì sao? Vì giá trị của một đơn vị tiền tệ thay đổi theo khả năng sản xuất và thương mại của xứ đó đối với thế giới bên ngoài. Mà kỹ nghệ của Mỹ mạnh nhất thế giới, suốt trong thời kỳ hậu chiến cho tới ngày nay (1945 - 2005).
Kỹ nghệ mạnh, ngoại thương ma.nh. Xứ nào cũng muốn xuất cảng sản phẩm và dịch vụ sang Mỹ. Số chỉ tệ thâu được, tất nhiên là bằng dollar. Mà dollar đó dùng để làm gì, nếu không phải là mua Công Khố Phiếu Hoa Kỳ.
Đó là tình trạng chung cho tới một niên hiệu rất gần đây.
Sự kiện mới là một chỉ tệ mạnh thứ hai xuất hiện: euro.
Muốn phán xét đồng euro, phải nhắc sơ lại lịch sử cận đa.i.
Nước Pháp ba lần thảm bại dưới gót sắt của quân Đức: 1870-71, 1914-18, 1939-45. Một số chính khách Pháp liền nghĩ rằng: nếu không có cách nào rữa được mối thù quá lớn, thì chỉ còn phương kế tuyệt diệu là đổi thù thành ba.n.
Vì Pháp nghĩ rằng: quân Đức quá mạnh là do kỹ nghệ Đức quá hùng hậu; mà kỹ nghệ mạnh là do khoa học và kỹ thuật của Đức tiến quá mau. Vậy nếu Pháp không theo kịp thì chỉ còn cách đổi thù thành bạn, - nghiã là lập Liên Hiệp Âu Châu (Union Européenne) để kết thân với Đức và dùng sức mạnh của Đức để thống trị các xứ Âu Châu nhược tiểu khác, - rồi dùng sức mạnh của Liên Hiệp Âu Châu để tranh thủ ngôi vị bá chủ thế giới.
Kế hoạch đầu tiên là đánh mạnh nông nghiệp của Mỹ.
Vì nông sản Mỹ xuất cảng rất nhiều, Pháp liền tung ra tin là Mỹ dùng quá nhiều chất “hóa học” nên nông nghiệp mới thịnh vượng quá như thế, - nghiã là số thâu hoạch tăng gia gấp bội, - nhưng là tăng gia nhờ những chất hóa học rất độc hại, có thể gây bệnh ung thư hoặc nhiều bệnh nguy hiểm khác nữa cho người tiêu thụ.
Liên Hiệp Âu Châu đặt trụ sở tại Brussels, kinh đô nước Bỉ (Belgique). Pháp là một hội viên mạnh thế trong E.U. (viết tắt của European Union), mà đế quốc Pháp ngày xưa lại gồm một phần lớn Phi Châu, - và đế quốc của hai hội viên khác (Tây Ban Nha - Spain, và Bồ Đào Nha - Portugal) lại gồm gần hết các xứ Mỹ La Tinh.
Chính quốc cũ (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ) mà tuyên truyền rằng nông sản của Mỹ có thể rất nguy hại, - thì tất nhiên ngoại thương Mỹ bị đánh một đòn độc hại, vì xuất cảng tụt giốc quá mau.
Người tiêu thụ hải ngoại không cần dollar để mua nông sản của Mỹ. Xuất cảng xuống quá mau, mà nhập cảng không thay đổi, tức là cán cân mậu dịch của Mỹ tụt giốc quá nhiều. Vì không xuất cảng được tức là ngoại quốc không cần dollar để trả nợ cho Mỹ. Theo luật cung cầu, dollar phải xuống giốc.
Dollar xuống giá đối với euro (tiền Liên Hiệp Âu Châu) và yen (tiền Nhật).
Nhưng kết quả của việc dollar tụt giá đối với euro (tiền Âu) và yen (tiền Nhật) chưa chắc gì đã độc hại như nhiều chính khách Âu Châu mong đơ.i.
Vì sao? Vì mề đay nào cũng có mặt trái và mặt phải.
Đành là xuất cảng nông phẩm xuống, nhưng xuất cảng các sản phẩm kỹ nghệ và nhất là các dịch vu.la.i tăng. Vì dollar xuống giá, hàng hóa Mỹ thành rẻ, người tiêu thụ ngoại quốc sẽ mua nhiều hơn.
Trong ba năm vừa qua, dollar đã sụt khoảng 16% so sánh với các chỉ tệ mạnh (nhất là euro và yen). Theo lý thuyết kinh tế thông thường thì biến chuyển đó có lợi cho Mỹ, vì xuất cảng sẽ tăng gia, kinh tế thịnh vượng hơn, và mức nhân dụng (employment) sẽ tiến dần tới mức toàn dụng (full emplyment).
Hy vọng đó có thể quá lạc quan, vì Mỹ phải nhập cảng quá nhiều dầu hỏa, mà dollar xuống mau, giá dầu sẽ tăng mau, kỹ nghệ sẽ tới chổ tắc nghẽn.
Vả lại chiến tranh Iraq càng ngày càng độc hại hơn, - mà vẫn chưa thấy lối thoát. Nghiã là thâm thủng ngân qũy (budget deficit) sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn. Làm thế nào để tránh nạn lạm phát (inflation)? Hãy trông gương mấy nước nhược tiểu: mới mấy năm trước đây, bắt đầu Mễ, rồi đến Thái Lan, suýt tuộït xuống vực thẳm. Các xứ đó đã đi từ thịnh vượng xuống tụt giốc chỉ vì đồng tiền mất giá quá mau. Ngay một xứ giàu có như Canada cũng đã qua một cơn ác mộng tương tự, chỉ vì đồng tiền thăng trầm quá mạnh trên thị trường quốc tế, nhiều kế hoạch nội bộ không thi hành đươ.c.
May mắn cho dân Mỹ là các triển vọng đen tối đó vẫn chưa xuất hiê.n.
Người ta thường lấy giá Công Khố Phiếu làm mực thước đo lường và tiên liệu các biến chuyển kinh tế đại cương. Trong thực tế, lãi xuất trường kỳ (long term interest rate) thay đổi rất ít. Hơn nữa, giá cổ phần (stock prices) lại tiệm tăng chứ không tiệm giảm.
Một kết luận lạc quan e quá vội vàng. Ta hãy trở lại kinh nghiệm vài chục năm trước đây. Giữa tháng 9 -1977 và tháng 10-1978, dollar tụt 16% đối với các chỉ tệ mạnh, vì giá dầu hỏa tăng quá mau, mà kinh tế nội bộ lại tăng tiến quá yếu, - và vì thế cán cân mậu dịch đối ngoại tụt giốc. Đollar xuống giá; giá hàng nhập cảng tăng mau, và lạm phát bắt đầu đe do.a. Chính phủ Carter liền dùng số dự trữ của Mỹ trong Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) để đối phó với nạn lạm phát bắt đầu đe doạ.
Rồi ông Carter xử dụng một người nổi danh trong giới tài chánh: ông Paul Volcker, lúc đó đang làm Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang của tiểu bang New York (New York Federal Reserve Bank). Volcker được thăng chức lên làm Fed Chairman (Chairman of the Federal Reserve System), tức là Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Toàn Quốc.
Đối phó với nạn lạm phát đang đe dọa, Volcker thấy là cần phải đập mạnh: Volcker ra lệnh chặn đứng ngay khối tiền lưu hành đang tăng gia quá mau. Tránh được nạn lạm phát, nhưng phải trả bằng một giá đắt: kinh tế suy giảm (economic recession).
Ngày nay (bắt đầu năm 2005), nạn lạm phát đã tránh được, nhưng quốc dân đã phải trả liều thuốc đắng đó với giá nào?
Năm 1978, khiếm hụt ngoại thương (current account deficit) chỉ là 1% của lợi tức quốc gia (GDP). Ngày nay nó lên gần 6%, nghiã là quốc dân đã tiêu xài và đầu tư nhiều hơn tổng số lợi tức mà quốc dân đã sản xuất./. (Sẽ tiếp)
Nhà văn Ngô Viết Trọng trong những năm trở lại đây,
thường xuất hiện trên một số báo chí ở Hoa Kỳ qua nhiều truyện ngắn rất mới và
rất lạ với những đột biến bất ngờ trong tâm lý nhân vật. Truyện ngắn gây ấn
tượng sâu đậm nhất trong tôi là chuyện “Dốc Đời Thăm Thẳm” mà tôi đã đọc được
trên một số báo cuối tuần tại San Jose cách đây khá lâu. Tuyển tập đầu tay “Vết
Hằn Mùa Xuân” của Ngô Viết Trọng xuất bản vào năm 2001 gồm 20 truyện ngắn, khai
thác nhiều nhất hoàn cảnh và tâm trạng của người tù cải tạo. Những năm kế tiếp
anh cho xuất bản “Tình Hận” lịch sử tiểu thuyết (2002), “Ngõ Tím” tập truyện
(2003), và “Công Nữ Ngọc Vạn” lịch sử tiểu thuyết (2004). Năm nay anh lại cho ra
đời cuốn lịch sử tiểu thuyết khác “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”
(2005).
Trong vòng chưa đầy 5 năm, anh cho ra đời 5 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm tiểu thuyết dựa vào những nhân vật lịch sử có thật, bám sát những gì đã xảy ra trong bối cảnh đương thời, rồi để cho đầu óc tưởng tượng phong phú của nhà văn dẫn đưa vào những tình tiết bất ngờ lý thú (dù là hư cấu) khiến người đọc trong phút chốc đã lẫn lộn giữa hư và thực, giữa những nhân vật trong tiểu thuyết và những nhân vật có thật, đã một thời tác động lớn trên dòng lịch sử Việt tộc.
Trong chúng ta, ai đã từng đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (trong Nam ghi tác giả là Ngô Thời Chí, ngoài Bắc ghi tác giả là Ngô gia văn phái) đều say sưa theo từng gút mắc của các sự kiện lịch sử, chẳng hạn câu chuyện Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ, ái phi của chúa Trịnh Sâm đã làm mưa làm gió, bất chấp phép nước làm nhiều điều xằng bậy. Có người cho “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” là một tác phẩm lịch sử tiểu thuyết, nhưng viện Sử Học Hà Nội thì xem đây là một tài liệu lịch sử đáng tin cậy và đã đưa vào danh sách các tài liệu được tham khảo khi viết về thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Đọc “Công Nữ Ngọc Vạn” hay “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”, tôi có cảm tưởng như mình đang đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” vậy.
“Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” kể lại những diễn biến ly kỳ trong cuộc đời của Dương Thái hậu, vợ của Đinh Tiên Hoàng với tước vị hoàng hậu Đan Gia. Dương Vân Nga quả thực là một người đàn bà nhan sắc khuynh thành đã làm Đinh Tiên Hoàng mê mẩn tâm thần, nhất là bà đã sinh được hai vị hoàng tử thông minh đĩnh ngộ nên nhà vua đã dành cho bà sự sủng ái nhiều nhất trong số 5 vị hoàng hậu cùng được tấn phong. Sử sách đã đề cập đến rất nhiều về cuộc đời của vị Thái hậu này. Và định mệnh đau thương về cuộc đời bà cũng vận luôn vào số kiếp bi thảm của nữ nghệ sĩ khả ái Thanh Nga qua cái chết tức tưởi của nàng khi đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở tuồng cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga và chiếc áo ngự bào”. (Nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã bị bắn chết sau khi diễn vở tuồng nói trên tại Sài Gòn vào thời điểm sau khi miền Nam bị mất vào tay Cộng Sản miền Bắc).
Nhà văn Ngô Viết Trọng trong “Công Nữ Ngọc Vạn” đã theo sát các tài liệu lịch sử để tái tạo lại công lao của một người con gái, thứ nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Công nữ Ngọc Vạn đã được vua Cao Mên, Chey Chetta II phong làm hoàng hậu, rồi khi nhà vua băng hà, bà trở thành thái hậu nắm giữ quyền bính trong tay. Sự đóng góp của bà cho quê mẹ đã được nhà văn Ngô Viết Trọng làm sống lại hết sức sinh động trong tác phẩm “Công Nữ Ngọc Vạn” này. Tuy nhiên, trong những nhân vật lịch sử mà nhà văn đã lựa chọn để thể hiện thành tiểu thuyết lịch sử như Trần Thủ Độ trong “Tình Hận” (2002), đến người con gái của chúa Sãi trong “Công Nữ Ngọc Vạn” (2004), và giờ đây là Thái hậu họ Dương trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” (2005), thì phải nói rằng nhà văn đã tạo được một bước thành công đáng kể trong địa hạt viết về lịch sử tiểu thuyết vậy.
Khi đã gọi là “lịch sử tiểu thuyết”, thì các tác giả có quyền hư cấu miễn sao đừng đẩy nhân vật lịch sử mà mình tái tạo đi quá xa sự thật lịch sử. Giá trị của “lịch sử tiểu thuyết” ngoài tài năng sử dụng điêu luyện ngôn ngữ đương đại của từng nhân vật, ngoài óc tưởng tượng phong phú và kết cấu câu chuyện ly kỳ cùng những đột biến bất ngờ, nhà văn còn phải đạt được kiến thức vững vàng về lịch sử và tâm lý đương đại, nhất là giai đoạn liên quan đến nhân vật mà mình đang xây dựng lại. Nhà văn Ngô Viết Trọng trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” đã nâng kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết dựa vào lịch sử lên một tầm cao mới mà tôi nghĩ, nếu ai đã đọc tác phẩm này rồi, chắc đều đồng ý với sự đánh giá này.
“Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” với nội dung gồm 11 chương trải dài trên cả tác phẩm dày đến... trang, nói về cuộc đời của tiểu thư Dương Vân Nga, con gái độc nhất của Chương Dương công Dương Tam Kha, người đã từng cướp ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập và tự xưng là Bình vương (945-950). Sự kết hợp giữa Dương Vân Nga và Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh vốn nằm trong mưu đồ phục hận của Chương Dương công sau khi bị Ngô Xương Văn (em của Ngô Xương Ngập) âm mưu cùng với các tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cướp lại quyền và xưng là Nam Tấn vương.
Sự thù hận giữa Dương Tam Kha và Nam Tấn vương hợp cùng với tính khí ngổ ngáo và tham vọng vô biên của tiểu thư Vân Nga đã đưa đẩy người đàn bà sắc sảo này vào những chấn động lớn lao trong dòng lịch sử đương đại. “Non Cao và Vực Thẳm” mà nhà văn Ngô Viết Trọng đặt cạnh tên bà đối ứng chính xác cho cuộc đời danh vọng tột đỉnh và nỗi bi thảm về thân phận cuối đời trong sự mất mát quá lớn mà bà phải chịu đựng. Đây là lịch sử với những dữ kiện về cuộc đời bà mà các tài liệu cổ sử đã ghi lại bằng chữ viết.
Nhà văn Ngô Viết Trọng trong tác phẩm này đã làm sống lại một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt tộc vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, và tác giả đã bám rất sát sử liệu để tái tạo nhân vật đã một thời ảnh hưởng lớn lao lên vương triều họ Đinh: Thái hậu Dương Vân Nga.
Ngô Thời Chí khi viết “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (được coi là một tác phẩm thuộc lịch sử tiểu thuyết), ông có lợi điểm của một người đương thời, cùng hít thở bầu không khí sôi động của các biến cố, cùng vui buồn, cùng nổi trôi theo vận nước, nên tác phẩm của ông mang đầy hơi ấm, nhịp đi, nhịp thở của các nhân vật đương đại. Nói cách khác, tác phẩm của ông chuyên chở sự thật lịch sử, bám sát các biến cố xảy ra như nhận xét của sử gia Nguyễn Phương khi đối chiếu “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” với các tài liệu sử do các vị thừa sai để lại (đề cập đến các biến cố đương thời được nhắc lại trong HLNTC). Nhà văn Ngô Viết Trọng khi viết về cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” không có điều kiện thuận lợi như Ngô Thời Chí vì tác giả sống sau “diễn biến lịch sử” này ngót một ngàn năm. Thế nhưng nhà văn này đã dẫn dắt chúng ta lùi vào dĩ vãng đến cả 10 thế kỷ mà cứ ngỡ như mình đang sống thật trong dọc dài các biến cố đang xảy ra trước mắt. Đây chính là do tài năng thiên phú của Ngô Viết Trọng trong lãnh vực tiểu thuyết lịch sử mà theo suy nghĩ của riêng tôi, nhà văn này còn tiến rất xa nếu tiếp tục sáng tác theo hướng đi này. Để ca ngợi lòng nhân đức và chính sách khoan dung của Đinh Tiên Hoàng (điều này có thật trong lịch sử), Ngô Viết Trọng đã ghi nhận: “Dù đã thống nhất được thiên hạ, Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa yên tâm với những dòng họ thù nghịch cũ. Nhưng với bản chất anh hùng hảo hán, ngài tuyệt đối không dùng tới kế sách “trảm thảo trừ căn”như phần nhiều những nhà cai trị khác xưa nay đã làm. Ngài không hề ra tay giết hại một sứ quân hay một kẻ thù nào khi kẻ ấy đã chịu đầu hàng. Về sau ngài cưới thêm bà Hoàng thị, mẹ của Ngô Nhật Khánh, và bà Kiểu Nương, em của sứ quân Kiểu Công Hãn đều nằm trong sách lược trấn an lòng người...” (Ngô Viết Trọng, “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” trang 122 )
Về cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn thì sử có ghi lại rằng “tên Đỗ Thích trước làm lại, đêm mộng thấy sao rơi vào mồm tưởng là triệu mình được làm vua, bèn định bụng làm sự thí đoạt. Một hôm Đỗ Thích thấy Tiên Hoàng say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào giết Tiên Hoàng đi, rồi giết cả Nam Việt vương Liễn”. (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược q.1, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1964, tr 87). Nhưng trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”, tác giả Ngô Viết Trọng lại đặt Đỗ Thích trong âm mưu thoán đoạt ngôi vị của Lê Hoàn có sự dự mưu của hoàng hậu Dương Vân Nga (vì nhà vua đã khám phá ra sự dan díu giữa Thập đạo tướng quân và Dương hoàng hậu).
Và để giải thích hành động của Thái hậu Dương Vân Nga khi trao hoàng bào cho Lê Hoàn (Chương Chín), nhà văn Ngô Viết Trọng trong Chương Hai đã hư cấu một chuyện tình thật đẹp giữa tiểu thư Dương Vân Nga và tiểu tướng Lê Hoàn của Hoa Lư Động chủ.
Những diễn biến trong cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga đã được sắp xếp hư cấu với những tình tiết rất ly kỳ cùng những đột biến tâm lý bất ngờ khiến người đọc tưởng chừng như ngạt thở. Bản thân người viết bài này đã thức gần trắng đêm để đọc hết câu chuyện từ đầu đến cuối vì không thể dừng lại khi các mắt xích của các biến cố buộc chặt vào nhau, liên kết và đột biến quá bất ngờ, không cho phép mình buông sách xuống được.
Điều nhận xét này của người viết, nếu bạn đọc chưa tin, xin hãy tìm đọc tác phẩm “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” xuất bản vào đầu năm nay 2005. Và xin được thêm một ý kiến sau cùng: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Thời Chí là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, dù được các sử gia cho rằng rất gần với sự thật lịch sử, nhưng nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết và sinh viên ngành nghiên cứu sử không được quyền lầm lẫn coi đây là một tài liệu sử đáng tin cậy. Cũng vậy, “Công Nữ Ngọc Vạn” hay cuốn sách mà bạn đang có trong tay “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” dù hay và hấp dẫn cách mấy đi nữa thì cũng chỉ là tiểu thuyết lịch sử, chứ không dùng để làm tài liệu tham khảo được.
Xin cám ơn nhà văn Ngô Viết Trọng đã dành cho tôi cơ hội được đọc cuốn sách này khi còn là bản thảo và xin chân thành giới thiệu tác phẩm “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” này đến quí bạn đọc bốn phương.
-----------------------
*Lê Đình Cai: Nguyên giáo sư Sử Học Đại Học Văn Khoa Huế, Đại Học Đà Lạt, Trường Võ Bị QGVN (1968-1975). Hiện đang dạy học tại trường SCUPS và NUA – Hoa Kỳ (1996 đến nay).
Một trong những tài liệu về chiến tranh Việt Nam đã được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải mã gần đây, đó là tập tài liệu “ A review of the herbicide program in South Việt Nam”. Trong tập tài liệu nầy, ý định và lý do việc phun xịt hóa chất khai quang trong những khu rừng rậm và khu thưa dân cư được chính phủ Hoa Kỳ giải thích tương đối rõ ràng. ÝÙ định đầu tiên về chiến dịch khai quang ở Việt Nam đã nảy sinh từ tháng 7 /1961. Giới hữu trách Hoa kỳ lúc bấy giờ dã nghĩ rằng phương pháp khai quang có thể sử dụng để gia tăng khả năng và tầm quan sát dọc theo các trục lộ giao thông và đồng thời chận đứng đường tiếp tế lương thực của địch quân.
Kính chào Quý
thính giả của Đài ACTD.
Cali Today News - Trong khi các tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được Nhà Nước mở rộng cửa để đón tiếp Thiền Sư Nhất Hạnh cùng phái đoàn Tăng Thân Làng Mai về nước hoằng pháp, hòng chứng minh cho thế giới tự do biết rằng “Việt Nam có tự do Tôn Giáo”; trong khi thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải ra chỉ đạo Tôn Giáo mới đối với các Giáo Hội Tin Lành chưa được công nhận ở Tây Nguyên; trong khi Việt Nam đang nỗ lực vận động, vuốt ve chính phủ Hoa Kỳ bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách: Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt (countries of particular concern = CPCs)… và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã phổ biến một bản thông cáo báo chí hoan nghênh chỉ đạo của Thủ Tướng chính phủ Việt Nam đối với đạo Tin lành… thì ngay tại Sài Gòn, nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lại ráo riết phong tỏa, đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), khép (chận) cửa chùa không cho tự do đi lại, sinh hoạt Tôn giáo.
Công an canh gác, theo dõi suốt ngày đêm đối với các Tự Viện thuộc GHPGVNTN và các trú xứ có chư tăng theo GHPGVNTN. Tại tu viện Quảng Hương Già Lam, thường ngày có từ 5 đến 7 công an canh gác, và lúc đặc biệt có đến vài chục công an được điều động là chuyện thường, với sắc phục thường dân, người ít đến chùa thì khó mà phát hiện đươ.c. Hết sức tội nghiệp cho những công an này, vì họ chỉ biết làm theo lệnh, bị bắt phải theo dõi, canh gác một cách phi lý, phi luật từ lệnh của các cấp lãnh đạo vô minh, độc tài. Họ rình rập, thập thò trước cửa chùa, cửa phòng của chư Tôn đức như phường trộm cướp. Chư Tăng và Phật tử tại Tổ đình Báo Quốc, Tu viện Nguyên Thiều, Tu viện Quảng Hương Già Lam, Thanh Minh Thiền Viện, chùa Giác Hoa, chùa Liên Trì, chùa Từ Hiếu, v.v… đã trở nên quen thuô.c. Cho nên có những Phật tử biết chuyện, nói một cách thân thiện, gọi họ là những người “giữ an ninh cho chùa”, hoặc là “lũ chó săn” vì họ có những cử chỉ, hành động vô phép, không tôn tro.ng.
Kể từ ngày 15/02/2005 trở lại đây, chư tôn Giáo phẩm thuộc GHPGVNTN bị nhà nước CSVN “quan tâm đặc biệt”. HT. Thích Quảng Độ - Viện Trưởng Viện Hoá Đạo (VHĐ), HT. Thích Đức Chơn - Thành viên Hội đồng Viện Tăng Thống, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, TT. Thích Tuệ Sỹ - đệ nhất Phó Viện Trưởng VHĐ, TT. Thích Viên Định - đệ nhị Phó Viện Trưởng VHĐ, TT. Thích Đức Thắng - Tổng thư ký VHĐ, TT. Thích Thanh Huyền - Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, TT. Thích Không Tánh - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ Thiê.n-Xã Hội, TT. Thích Nguyên Lý - Tổng thủ quỹ, v.v… luôn bị công an trúc trực canh giữ, theo dõi, ngăn cản không cho đi lại bằng bất kỳ thủ đoạn nào có thể ngăn được thì họ đều đem ra sử du.ng. Họ lợi dụng việc thăm Xuân để khuyên không nên đi, hoặc hăm dọa để đừng đi, hoặc mời lên phường để “bàn về công tác Phật sự” và tuyên truyền chụp mũ, v.v… Tăng tín đồ đến thăm chư tôn Giáo phẩm thường bị kiểm soát, ghi nhận, gây cảm giác hoang mang, sợ hãi không dám đến chùa.
Những ngày qua tại chùa Giác Hoa, Bình Thạnh, ban ngày có khoảng 5; 6 công an quen thuộc giả dạng thường dân ngồi đọc báo, uống cà phê túc trực suốt ngày trước cửa chùa, để kiểm soát việc ra vào của chư Tăng tại chùa và ghi số xe của chư Tăng, Ni và Phật tử ra vào chùa. Ban đêm có không dưới 10 người kể cả Dân phòng, thay phiên nhau canh giữ, thậm chí nằm chận 2 đầu ra vào con hẻm bên hông chùa.
TT. Thích Viên Định cho chúng tôi biết: Sáng ngày 22/02/2005, Thượng tọa đến chùa Liên Trì thăm TT. Thích Không Tánh vì mấy ngày vừa qua Thượng tọa bị công an hành hung, gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó nhị vị Thượng tọa cùng đi thăm chư Tôn túc, nhưng công an kéo theo đông quá, làm cho không khí căng thẳng, bất an, nên chỉ có thể đi thăm được một vị Tôn túc. Nhị vị đành phải quay về chùa của mình. Về đến chùa Liên Trì, TT. Không Tánh rất lo lắng và ngay lập tức gọi điện thoại đến chùa Giác Hoa để hỏi thăm Thượng tọa Viên Định về có an toàn không. Rất may là không có việc gì đáng tiếc xảy ra.
Chư tôn Giáo phẩm GHPGVNTN đang sống trong tình hình mất tự do, gặp rất nhiều khó khăn. Như chúng ta đã biết, tình hình mất tự do ngày càng tăng, thế mà hôm 18/02/2005, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN đã tuyên bố với thông tấn xã Đức (Deutsche Presse-Agentur) rằng: “HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Quảng Độ hiện đang sống và sinh hoạt Tôn giáo bình thường”, (Thich Huyen Quang and Thich Quang Do are now living and practicing their religion normally).
Theo lời khẳng định này, chúng ta đặt ra hai câu hỏi:
1) Ông Lê Dũng, người đại đại diện cho VN trong quan hệ ngoại giao lừa bịp thế giới tự do? Vì thực sự HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Quảng Độ, nhị vị lãnh đạo tối cao GHPGVNTN, đã và đang bị tù tội - quản chế suốt 30 năm qua. Từ việc đi lại, viếng thăm, chữa bệnh và chúc Tết còn không được tự do, thì làm sao nói đến việc hoằng dương Phật pháp?
2) Nếu ông Lê Dũng cho việc quản chế, đàn áp nhị vị Hoà Thượng lãnh đạo của GHPGVNTN là “normally” thì Việt Nam thực chất là một nhà tù vĩ đại? Ở bất cứ nơi nào, người dân đều được chính sánh “ưu việt của Đảng và Nhà Nước” quản chế như cai tù vậy?
Chúng tôi xin gởi bài viết ngắn này và kèm theo các tấm hình làm bằng chứng đến chư Tôn đức, đồng bào Phật tử và nhân sĩ các giới để cùng đồng thanh nói lên sự thật cho thế giới biết rằng: Việt Nam không thực sự có tự do Tôn Giáo, và đừng để CSVN lừa gạt nữa!
Xin thành thật tri ân quý vị.
Lý Uyên (Sài Gòn, 2005/02/23)
(Posted by sarahanne_nguyen@yahoo.com, 2/25/05, Nuoc_VIET@yahoogroups.com, 1.54AM)
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc
Hà Nội Kính gửi: Hoà thượng Thích Quảng Độ
Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN
Thanh Minh thiền viện
Quận Phú Nhuận
TP Hồ Chí Minh. Trong tiết trời lạnh ẩm của xuân ất Dậu (2005), tôi nhận được Thư chúc xuân của Hoà thượng do một Phật tử đem tới.
Đọc thư xong tôi phải thắp hương cám ơn Trời Phật, lòng tưởng nhớ đến đức Trần Nhân tông, một vị vua đời Trần đã sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một vị vua anh hùng 3 lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông, đã từ bỏ ngai vàng, đi tu, nhằm giúp đỡ chúng sinh phát triển tâm linh để nhân dân được no ấm, an lạc, đất nước hưng thịnh dài lâu. Quả thật, thế kỷ 13 sau công nguyên, nước ta đã là một đất nước như thế, giữ khôi nguyên trong khu vực Đông Nam á lúc bấy giờ, ngẩng cao đầu với thế giới loài người.
Còn nước ta bây giờ thì sao?
Sau hai cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, chống Pháp rồi chống Mỹ, tổn hại biết bao sinh linh, ta đã giành được độc lập thống nhất toàn lãnh thổ. Ta thường tự hào về điều này. Báo chí, sách vở, phim ảnh luôn luôn đề cao nhân dân ta anh hùng. Điều đó không sai, nhưng chúng ta đã quá ngây ngất lạm dụng điều đó, để tự bịt mắt bưng tai, rồi thành tụt hậu so với khu vực và thế giới. Nghe kể, ông thủ tướng Thái Lan trong một tiệc chiêu đãi ngoại giao ông thủ tướng Việt Nam, đã có lời đáp từ, đại ý: "Người Thái Lan chúng tôi cũng rất tự hào vì đã tránh được những cuộc đụng độ với những thế lực hùng mạnh trên thế giới."
Việc này xảy ra đã lâu, vị thủ tướng đáng kính của Việt Nam đã khuất bóng. Nhưng thiết nghĩ nó vẫn còn là bài học mang tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay.
Vậy nên tự hào vừa vừa thôi, anh hùng vừa vừa thôi. Bởi vì chúng ta còn quá nghèo, dân ta còn quá khổ. GDP đầu người Việt Nam cho đến bây giờ mới gần 400 đôla, bằng 1/3 Thái Lan, bằng 1/50 Singapore, bằng 1/70 của Mỹ. Nếu mức tăng trưởng kinh tế 7,5% năm theo như kế hoạch đặt ra, giữ được liên tục, thì cũng phải 20 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan hiện nay. Mà họ có phải dừng lại để chờ ta đâu. Có lẽ lúc này người Việt Nam nên biết hổ thẹn, phải thấy xấu hổ, phải có lúc thấy nhục nhã nữa, khi để đất nước tụt hậu, kém phát triển, tham nhũng triền miên sau chiến tranh đã 30 năm. 30 năm so với lịch sử là ít, nhưng so với một đời người là đã quá dài.
Cái gì làm chúng ta khổ sở như vậy, chậm chạp như vậy?
Tôi rất tâm đắc với nhận định của Hoà thượng: "70 năm thử nghiệm ý thức hệ Mác Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm, nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới." (Trg 1. Thư chúc xuân. TQÐ)
Xu hướng thế giới ngày nay là hội nhập toàn cầu, toàn cầu hoá kinh tế và toàn cầu hoá dân chủ. Vậy Việt Nam ta nên thế nào?
Trong Thư chúc xuân Hoà thượng viết: "Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý." (Trg 2. Thư chúc xuân. TQÐ)
Học thuyết Mác Lênin, chuyên chính, độc quyền, thực nghiệm ở Việt Nam đã nhiều chục năm nay, không mang lại kết quả như ý muốn. Trên thực tế, có nhiều điều ngược lại. Vậy ta cũng chẳng nên luyến tiếc nó làm gì. Một vị giáo sư trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào đầu xuân Ấát Dậu, trong lời chúc mừng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúc mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, có đề xuất Đảng nên tiếp tục đổi mới, đổi tên Đảng thành Đảng Việt Nam theo định hướng độc lập tự do, dân chủ công bằng văn minh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, hoà bình hữu nghị ... thực hiện ý tưởng của Hồ Chí Minh để lại. (Vì cụ Hồ có nói trong Quốc hội Khoá 1 ngày 31-10-1946 : "Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước nhân dân, trước thế giới : Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam.")
Trước đó, nhà khoa học Phan Đình Diệu, trong đề cương phát biểu ý kiến theo yêu cầu của chương trình khoa học KX-10 do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, cũng đề xuất đến dân chủ đa nguyên và đề nghị đổi tên Đảng thành Đảng Xã hội Dân chủ.
Như thế là nhiều ý tưởng tốt đẹp đã gặp gỡ nhau, đã quy vào một mối, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước Việt Nam trên con đường mới. Một năm mới mở đầu với nhiều ý tưởng hết sức tốt đẹp.
Chuyện năm cũ, tháng 10-2004 ông giám đốc công an Hà Nội có mời tôi lên. Trong nhiều ý kiến trao đổi, tôi có nói một ý : "Thày giáo Chu Văn An dạy : "Kẻ sĩ phải nói những điều ích nước lợi dân". Tôi là người đọc sách, nhận ra sự trì trệ của nước nhà là do thiếu dân chủ, thành độc tài, chuyên chế, gây ra nhiều tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, bè phái, trù úm, cướp đất đai, học vị rởm ..vv... Chúng tôi phải lên tiếng chê trách những điều đó. Nếu lãnh đạo nghe ra, sửa chữa những thiếu sót, thì đất nước được phát triển thuận lợi, dân chúng được no đủ. Đất nước phát triển, dân chúng no đủ, thì ghế của lãnh đạo sẽ vững vàng, không thể lung lay. Chúng tôi già rồi, không nhằm lợi lộc gì ở đây cho cá nhân mình. Còn nếu lãnh đạo không nghe ra, bực tức, muốn bắt bớ, bỏ tù, thậm chí bắn giết, thì chúng tôi chịu. Nhưng vẫn cứ phải nói, phải viết. Cho lương tâm mình được thanh thản. Cũng là noi gương người xưa cả thôi. Không có gì mới. Vì, cũng theo người xưa dạy : "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa." Cố gắng để không hổ thẹn với người xưa và không phải đỏ mặt với người sau. Chúng tôi không làm chính trị, không có tham vọng tranh quyền đoạt chức. Sự nghiệp của tôi là văn chương chứ không phải chính trị, nhưng sống phải có thái độ chính trị."
Nhà thơ Bùi Minh Quốc bạn tôi, giáp tết ất Dậu từ Đà Lạt ra Hà Nội, có công bố một tài liệu của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu. Khi anh Châu nằm chữa bệnh chờ chết ở chùa Pháp Hoa (Đồng Nai) có viết một bức thư cho bạn, trong đó có đoạn : "Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình. Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời ...."
Cho nên tôi càng tâm đắc với Thư chúc xuân của hoà thượng. (Trích) :
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và trong cương vị tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ [....] Trong kinh sách Phật giáo, Đức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh." (Trg 2. Thư chúc xuân. TQÐ)
Xin được gửi lời hoan hỷ đến với Hoà thượng.
Trong dịp xuân mới chúng tôi mong rằng đường lối chính sách của những nhà lãnh đạo Việt Nam có nhiều đổi mới, để huy động được tài trí, tiền của của mọi người, mọi giới, không phân biệt chính kiến, tôn giáo trong nước và nhất là với khối Việt kiều hải ngoại, cùng góp sức dựng xây một đất nước Việt Nam dân chủ và phát triển, không hổ danh con cháu các vua Hùng trên bờ biển Thái Bình Dương xanh tươi muôn đời sóng vỗ.
Chúng tôi là những người viết văn, sở nguyện là văn chương, nhưng phải lên tiếng về dân chủ, vì không có dân chủ thì không thể tự do sáng tác văn chương. Cũng như Hoà thượng, là những người tu hành, không có dân chủ không thể có tự do tôn giáo, điều cần yếu để phát triển tâm linh giúp đỡ loài người thoát khỏi khổ đau.
Tấm gương vô úy của Hoà thượng trong hành trình dấn thân cho tự do tôn giáo ở Việt Nam làm mọi người cảm phục. Nỗi sợ hãi [1] là cái thiếu nhất của chúng sinh hiện nay. Chúng sinh thiếu cái gì, ta giúp họ cái đó. Đạo Phật là đạo của sự giải thoát, giúp con người thoát khỏi sự sợ hãi và được sống cho ra một con người.
Đọc Thư chúc xuân của Hoà thượng làm sao tôi cứ nhớ tới đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Đại Đầu Đà Trần Nhân tông. Ngài tu đạo nhưng vì dân vì nước. Đạo của Ngài không xa lánh đời. Nói cách khác Phật sinh ra là vì chúng sinh. Đạo là vì đời. Đạo phải cứu đời. Có cái gì rất giống nhau giữa thiền phái Trúc Lâm và Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Cầu mong chư Phật phù hộ độ trì cho Hoà thượng sức khoẻ và sự minh triết, để góp phần vào sự hưng thịnh Phật giáo Việt Nam, hưng thịnh đất nước Việt Nam.
Nam mô A di đà Phật ! Thăng Long ngày 22 tháng 2 năm 2005
(Đinh Sửu nhật. Mạnh Xuân nguyệt. Ấát Dậu niên)
Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ:
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc - Hà Nội.
Điện thoại: Bị cắt từ lâu. Cảm nghĩ ngày xuân về Dân chủ Tự do Xuân cảnh đã về với đất trời nơi đây, nhưng xuân tâm trong lòng người thì như đang còn mờ mịt. Vào website Quê mẹ của văn phòng Phật giáo Quốc tế. Chúng tôi rất vui mừng được đọc Thư chúc xuân của Hoà thượng Thích Quảng Độ và Lời kêu gọi cho dân chủ ở Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất công bố từ năm 2001. Chúng tôi vui mừng vì lần đầu được biết đến một cương lĩnh đầy đủ, cụ thể và sáng suốt cho dân chủ tự do ở Việt Nam; và vì tấm lòng ưu tư, tâm huyết của Hoà thượng Thích Quảng Ðộ với vận hội đất nước.
Xin cảm tạ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin cảm tạ Hoà thượng Thích Quảng Độ, xin cảm tạ rất nhiều các bậc Tôn túc, Tăng ni đã vì dân chủ tự do của đất nước, vì chính pháp của chư Phật, vì sinh dân mà dấn thân, quên mình. Đặc biệt xin cảm tạ những tấm gương sáng trong Đạo cũng như ngoài Đời, ở trong cũng như ngoài nước đã hướng dẫn, khích lệ chúng tôi dám sống với tinh thần Vô Uý. Còn gì tủi hổ, nhục nhã hơn khi con người chỉ vì lòng ích kỉ mà cúi đầu trước cái ác, trước bạo hành vô minh? Tôi từng nghe nhiều người thốt lên: Thôi, không làm gì được đâu, hãy an phận, tìm thú vui trong hiện tại đi ! Vậy xin hỏi : Phải an phận với hiện tại nào ? ý nghĩa đích thực của cuộc sống này là gì, nếu con người buộc phải cúi đầu mà ăn ngủ, như một cái bóng của kẻ khác?!
Chỉ vì không cam chịu một hiện tại bi đát của con người xứ Ấn Độ thủa xưa, mà Đức Thế Tôn đã từ bỏ ngai vàng, dấn thân vào nơi gai góc để tìm ra con đường cứu khổ trừ nguy cho thế gian. Nếu ngài chắp tay lại mà chấp nhận cái hiện tại bất công, bất bình đẳng và vô tình thủa ấy, thì ngày nay ngài có là Đức Phật để chúng ta kính lễ và noi theo nữa không?
Chúng tôi mừng vì Thư chúc xuân của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mà lòng lại thấy đáng tiếc vì cho đến nay chúng tôi và rất nhiều người có ưu tư với đất nước mới được biết đến Lời kêu gọi cho dân chủ ở Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tự thấy hổ thẹn vì sự chậm trễ này ! Nhưng chậm còn hơn không. Thật biết ơn những ai đã phát minh ra internet, nó sẽ là phương tiện thiện xảo để phá vỡ sự bưng bít sự thật, để giúp con người xích lại gần nhau, kết đoàn trong cộng đồng nhân ái mà phấn đấu cho Dân chủ Tự do. Vâng, kết đoàn trong cộng đồng nhân ái, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giầu nghèo, học vấn, sang hèn, già trẻ để cùng nhau phấn đấu cho một xã hội Dân chủ, Tự do, Bình đẳng thật sự mà con người xứng đáng được hưởng. Nó là khát vọng chính đáng và quyền sống của tất cả chúng ta.
Chúng tôi biết ơn và cảm tạ tất cả những ai sát cánh, giúp chúng tôi trên con đường gian nan ấy. Để tâm xuân được phục hoàn nơi lòng mọi người.
Hà Nội 24/2/2005.
Cư sĩ Pháp Thiện
Bức thư ngỏ gửi thầy Thích-Nhất-Hạnh
Sau lá thư ngỏ chúng tôi viết gửi thầy [2], cũng như đọc nhiều bài viết khác trên internet nói về chuyến trở lại Việt Nam của thầy và tăng thân Làng Mai. Chúng tôi đã không có ý định trở lại vấn đề nữa.
Nhưng đọc bản tin viết ngày 4/2/2005 một đệ tử của thầy đăng trên website : www.langmai.org đưa tin về buổi "thuyết pháp" của thầy tại Học viện Chính trị Quốc gia cho khoảng 600 học giả, viên chức chính quyền và khoảng 500 Phật tử dự thính. Nói rằng, có người hỏi : "khi quy y thì mình có quyền tiếp tục yêu nước và yêu đảng hay không ?". Thầy Nhất Hạnh trả lời : "có chứ, nếu quy y mà không còn được "quyền" yêu nước và yêu đảng thì quy y làm gì? Quy y xong mình thực tập sẽ có nhiều vững chãi, thảnh thơi, hiểu biết và thương yêu hơn, yêu đảng hay hơn, nước sẽ đẹp hơn, tự do hơn, dân chủ hơn. Đảng sẽ cởi mở hơn, bao dung hơn, quang vinh hơn"! Thật là đáng kinh ngạc về "thiền vị" của thầy Nhất Hạnh trong câu trả lời này. Vậy xin được trích nguyên văn ra đây để bạn đọc có dịp cùng thanh lãm.
Không biết thầy Nhất Hạnh khi trả lời như vậy có nhớ đến tổ đường của thầy, cùng các Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ và còn bao nhiêu người con Phật chân chính khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như đồng bào của thầy trong cộng đồng dân tộc này đang được sống "thảnh thơi, vững chãi, tin yêu" như thế nào trong suốt lịch sử cầm quyền của cái đảng mà thầy nói là nó sẽ "cởi mở hơn, bao dung hơn, quang vinh hơn" kia không ?
Hay với "thiền nhãn" của thầy thì ở nơi đây anh em đồng đạo, đồng bào của thầy cũng đang được "thảnh thơi, dân chủ, tự do" mà hành đạo như ở bên trời Tây ? Hay thầy đang có ý định "nhập thiền" vào đảng cộng sản Việt Nam để mà cải tạo nó? Thật không còn gì để nói thêm với thầy nữa!
Chỉ thấy xót xa cho một thân phận đã từng quy y Phật pháp hơn 60 năm trời, đọc rộng biết nhiều ; chỉ vì tôn thờ bản ngã, bị ngũ dục cám dỗ mà đầy đoạ Pháp-thân Huệ-mạng của mình đến nông nỗi như vậy.
Và còn làm khổ lây đến anh em đồng đạo, đồng bào của mình nữa. Trong kinh Viên Giác đức Thế Tôn từng dậy rằng : tri huyễn tức ly. Rất mong thầy đọc lại và suy ngẫm. Hà Nội, Việt Nam 20/2/2005
Cư sĩ Khuê Trí.-----------------------------------
[1] Phải chăng tác giả muốn nói "Tinh thần Vô úy" ? Rất tiếc chúng tôi không có phương tiện nhanh để liên lạc hỏi ý kiến tác giả trước giờ phát hành Thông cáo báo chí, nên cứ để nguyên như trong văn bản, và đánh lên câu hỏi ở phần chú thích hiểu theo tinh thần của đoạn văn dẫn thượng. (PTTPGQT)
[2] Xin xem "Bức Thư Ngỏ kính gửi Thầy Thích Nhất Hạnh, Trưởng phái đoàn Phật giáo nước ngoài về thăm Việt Nam" trong Thông cáo báo chí phát hành ngày 3.2.2005, hoặc vào xem trong Trang nhà Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net ở mục "Người Hà Nội lên tiếng".
NGUYỄN ÁNH * CẢ HỒN THƯƠNG ĐAU
Hồi ký vượt biên
Cả Hồn Thương Đau
Nguyễn Ánh (Piano)
Cả Hồn Thương Đau
Nguyễn Ánh (Piano)
Thưa các bạn! Vào thời điểm này là năm
2005 mà nếu ai còn đem chuyện vượt biên, vượt biếc ra mà kể thì trước mặt có
ngay hai hậu quả mà không nói thì các bạn cũng biết hậu quả thế nào? Hậu quả thứ
nhất là dễ bị thiên hạ... chửi. Hậu quả thứ hai là bài gửi tới tòa soạn báo nào
thì lập tức được quăng ngay vào... sọt rác lại cộng theo... một câu chửi nữa.
Như vậy tóm lại người nào xâm mình giờ này mà còn kể những chuyện bi thương trên
tàu vượt biển đi tìm tự do nào là đói khát, thiếu ăn, bị hải tặc cưỡng hiếp
chiếm đoạt «tài sản nhân dân», tàu đi lạc tám ngày chín đêm v.v... và v.v... thì
như tôi đã nói ở trên từ đầu đến cuối tha hồ mà nghe chúng chửi vì quá xưa rồi!
Thưa các bạn! Tôi thì cũng chẳng phải vào hạng gan lì như vậy nên cũng sợ bị
chửi lắm nên cũng không dám chơi nổi mà bày đặt bắt chước người ta viết về
thuyền nhân, tôi chỉ xin kể một khía cạnh đặc biệt hổng giống ai trên tàu đi
vượt biên của tôi thôi. Xin mời các bạn theo dõi trường hợp như sau:
Tôi đi tìm tự do hoàn toàn vì nhìn quanh thấy ai cũng nôn nóng ra đi hết, từ làng trên đến xóm dưới, từ chị bán bánh mì thịt đầu chợ Thị Nghè cho đến anh Bảy bán bánh giò cuối xóm và ngay cả đến những bạn bè xa gần từ sơ giao cho đến thân thiết. Đâu đâu người người đều muốn ra đi. Thấy mọi người đều đi mà mình ở lại thì trông xa lại nghĩ gần «Vắng em rồi đời vui với ai?» nên tôi nằng nặc đòi ba mẹ tôi phải kiếm «vé» cho tôi đi cho bằng được. Ba mẹ tôi vì chiều con nên cũng phải buộc lòng «chà đồ nhôm» mang đi bán. Cái gì bà cụ cũng bán ráo trọi từ bộ «sofa» bằng da mới cáu chỉ mà hàng ngày tôi thường ngự trên đó để đọc sách hay xem tivi bà cụ cũng «mại». Từ cái bếp «gaz» đến dàn âm thanh «AKAI» bà cụ cũng đẩy luôn. Nghĩa là tóm lại bằng mọi cách bà cụ phải bán tất cả để kiếm tám cây vàng mua «vé» tàu cho tôi đi vượt biên cho biết với người ta.
Như các bạn đều biết, vượt biên, hai tiếng đó để chỉ sự lén lút, trốn tránh và vì thế nó đều có sự gian khổ, gian nguy thậm chí còn phải lội sình băng suối đầy dẫy sự nguy hiểm đang rình rập chờ đợi. Ba mẹ tôi đều biết như thế nên lo ngại lắm! Vì tôi từ thuở nhỏ chẳng quen cực khổ, chẳng nằm gai nếm mật lại cũng chẳng quen... nhịn đói nhịn khát nữa mà bây giờ lại đòi vượt biên. Tội nghiệp ba mẹ tôi, cả hai ông bà cụ tất tả đi dò hỏi khắp nơi để kiếm xem chỗ nào thật an toàn mà lại chẳng cần... phải gian nan cực khổ gì hết, nghĩa là ông bà cụ đòi hỏi vụ vượt biên phải giống như đi du lịch, muốn đi là chỉ lên xe tới nơi là lên tàu đi thôi, vì nếu phải cực khổ quá như mọi người đi hụt về kể lại nào là phải chui xuống hầm tàu, nào bị giam trong thùng «phuy», nào là phải giả dạng người «gánh muối». Ôi thôi! Trăm mối lo, ngàn mối nặng, nội những cảnh như thế mà tôi bị vướng vào thì ba mẹ tôi nghĩ là tôi sẽ chết trước tiên trước khi kịp bước chân lên «cá mập», khỏi cần phải bị đói khát, say sóng hay hải tặc hãm hại gì hết. Nhưng quả là Chúa, Phật không phụ lòng người các bạn à! Chắc nhờ bố mẹ tôi ở hiền nên gặp lành, mỗi năm ông bà ăn chay đến những bốn lần, đi lễ Misa ngày hai cữ, kinh hôm kinh mai không bao giờ quên, xưng tội lại càng siêng hơn nữa. Vì như má tôi dạy rằng người ta không đợi khi già mới chết nên lúc nào cũng phải giữ lòng sạch tội để sẵn sàng khi Chúa gọi. Vì thế dù là có tội hay không thì tôi cũng phải sáng chế ra một tội gì vớ vẩn vô thưởng vô phạt để khi má tôi hô «đi xưng tội» là phải xưng ngay không được chậm trễ. Chắc là nhờ những «thành quả» như thế nên Chúa thương ba má tôi và «thương» luôn cả tôi vì «biết vâng lời» nên Người soi sáng cho ba má tôi tìm được một mối vượt biên ngon lành vô cùng. Theo như người dắt mối «thông dịch» lại thì chuyến tàu sắp sửa mà tôi được đi hoàn toàn là do người nhà tổ chức nên đồ ăn thức uống đầy đủ, tàu lại rộng rãi thoải mái nữa. Tàu trang bị tới ba «block» đầu bạc, dài mười hai thước mà chở chỉ có 30 người thôi. Người dắt mối lại còn bảo: «Cậu Tư chỉ là tới cứ yên tâm tôi bảo đảm không có lội bùn băng suối băng đồng gì đâu mà sợ. Đến ngày đi tôi lên đón cậu đi bằng xe hơi nhà đến Cà Mau ngủ lại một đêm, tại nhà tôi cũng đủ tiện nghi như nhà cậu thôi rồi chờ nữa đêm ra bến đò sau nhà là đi thôi, giống như về quê chơi ấy mà!».
Đúng như người dắt mối nói, từ Saigon tôi đi xe hơi nhà một lèo thẳng xuống dưới Cà Mau, dọc đường tới ngang Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ ngửi thấy mùi xào nấu thơm phứt từ các quán ăn bốc ra hấp dẫn quá nên tôi đòi ăn đòi uống đủ thứ, lại bắt người đưa đường phải mua thêm đủ loại trái cây bán dọc đường vì tôi bảo sợ tới xuống Cà Mau xa nhà buồn ngủ không được nên phải ăn quà cho đỡ «tủi». Ăn uống xong đã đời tôi nhìn quanh thấy cảnh trí thơ mộng đẹp đẽ quá tôi quên phắt là mình đang đi vượt biên tôi lại còn đòi được chụp hình nữa chứ! Người dẫn đường mới thở dài năn nỉ: «Thôi mà cậu! Mình đang trên đường đi vượt biên mà! Có phải đang đi chơi đâu». Anh ta phải nói hết lời tôi mới chịu yên cho.
Xuống tới Cà Mau người dắt mối đưa tôi lại gặp ngay người chủ tàu. Ông chủ này người Việt gốc Hoa khá lớn tuổi, mặt mày trông phúc hậu lắm nên tôi cũng yên tâm. Ông ta cho biết đợt đi này có độ năm chục người (người dắt mối bảo chỉ ba chục) đa số là ngưới nhà bà con xa gần của ông ta, vả lại chuyến này có đông đàn bà con nít nên ông ta phải chuẩn bị chu đáo cả nửa năm nay rồi, và điều quan trọng vì có đông đàn bà con nít nên phải làm sao mọi chuyện cho «dễ đi» mà không phải gặp khó khăn lắm! Ông còn bảo tôi là người may mắn nên mới được tháp tùng chuyến đi này. Đợt này ông đi với một người vợ nhỏ của ông, người mà ông «cưng» và thương lắm. Nói xong, ông dẫn tôi vào gian trong thấy có đông người đứng ngồi lổm ngổm trong đó. Vừa thấy ông và tôi bước vào, một người đàn bà trong đám người đó bước ra chào, tôi biết đó là bà vợ nhỏ của ông, ông ta chỉ vào tôi và nói với bà ta cho tôi chỗ ở tạm đêm nay. Tôi đi theo bà ấy và có dịp nhìn kỹ. Ôi! Chu choa ơi, người đâu mà đẹp lạ đẹp lùng, gương mặt đã đẹp mà... (tôi nhìn xuống một chút nữa) sao đàn bà Việt Nam mà đôi gò bồng đảo lại «vĩ đại» đến thế! Chưa hết còn cặp mông nữa. Tôi bẩm sinh vốn đã có máu xấu trong người nên lòng nó cứ xao xao, xuyến xuyến mãi, nhìn cặp mông căng tròn nhún nha nhún nhẩy theo từng bước chân của nàng tôi thầm nghĩ: «Tướng tá thế này thì dù thằng nào có thuộc vào hạng «liệt dương liệt cốt» hay yếu sinh lý gì chăng nữa mà thấy chắc cũng sẽ khỏi bệnh». Lòng dù xao xuyến như vậy nhưng nhớ lời mẹ dặn vội trấn áp cơn dục vọng ngay vì «sợ Chúa phạt», không cho «đi». Tôi trấn an và tự khắc phục đọc thầm liền một lúc ba kinh kính mừng.
Nhưng hỡi ôi! Đọc thì đọc mà mắt thì lại không chịu rời khỏi cặp ngực của nàng, thôi thế này thì quỷ Satan đã chiến thắng mất rồi! Nàng thỏ thẻ cất giọng oanh vàng: «Anh chịu khó nghỉ tạm nơi đây nhé! Có thể đêm nay hoặc trễ lắm là đêm mai phải đi thôi». Tôi lúng túng trả lời: "Dạ, dạ được mà... mà chị, á mà cô, cô để tôi tự nhiên". Nàng liếc tôi cười một cái thật lẳng. Ôi! Cái liếc mới tình tứ làm sao! Tôi thầm mơ ước lên tàu mà ông chủ xếp sao mà cho được nằm gần... nàng thì dù tàu có đi lạc ba tháng ngoài biển khơi chắc tôi cũng vui và chấp nhận. Phải nói lòng tôi lúc đó phải chống trả với «quỷ ma» ở trong lòng lắm, nếu không dám tôi cũng bị «tiếng sét ái tình» rồi. Mà thật! Tiếng sét ái tình thật các bạn à! Bởi vì lúc còn ở Saigon tôi cũng có lai rai vài ba cô bồ nhưng bây giờ dứt áo ra đi tôi đâu cảm thấy nhớ nhung gì ai đâu mà ngược lại còn «hồ hỡi» nữa. Để khi không bây giờ lâm vào cảnh «Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?» làm lòng tôi tái tê quá! Thương cho mình duyên phận không may để trời sinh ra... với một bầu máu xấu!
Tôi đã về chỗ nằm của mình rồi, cứ nằm thẫn thờ cứ nghĩ tới «nàng» mãi, và bỗng trong đầu có ý nghĩ so sánh. Ông chủ tàu này so với nàng thì già quá, tuổi ít nhất phải lớn gấp đôi thế mà tại sao ông lại «cua» được nàng? Chắc ông ta có nhiều tiền thôi, chứ già cỡ như ông còn làm ăn gì được bao lăm. Uổng quá! Tôi cứ chậc lưỡi tiếc thầm hoài dù biết là mình vô lý vì dù sao thì cũng là vợ của người ta mà. Mãi suy nghĩ mông lung tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay vì ngày nay đi đường xa hơi mệt.
Tôi bừng tỉnh vì có ai lay nhẹ vai tôi: «Dậy, dậy đi, tới giờ đi rồi». Tôi bật ngồi dậy như một lò xo vì thấy chung quanh nhốn nháo. Ông chủ xuất hiện, ra lệnh mọi người giữ yên lặng và từng người, từng người rời khỏi nha đi theo hai người thanh niên hướng dẫn. Dù gấp rút tôi cũng cố liếc mắt nhìn xem coi nàng ở đâu mà không thấy trong đám người ấy. Tôi lầm lũi theo đoàn người đi âm thầm trong đêm tối chỉ độ khoảng không xa 200 thước là đã thấy thấp thoáng bóng chiếc tàu nhỏ đang đậu chơ vơ nơi mé sông. Những người có con nhỏ được xuống trước rồi mới tới đám đàn ông con trai xuống sau, khi mọi người đã lên tàu bình yên, ông chủ bấm đèn «pin» kiểm tra lại mọi người có mặt trên tàu. Mọi người được lệnh nằm xuống hết và một tấm «nylon» lớn phủ lên trên cả mọi người. Tàu bắt đầu nổ máy, và tôi cũng chẳng biết «nàng» đang ở đâu? Và tôi đang nằm cạnh ai đây? Đàn ông hay đàn bà? Cầu mong là... đàn bà. Thật là cà cuống chết đến đít vẫn còn cay!
Tàu vẫn chạy qua một đêm bình an. Sáng hôm sau trong giờ phát nước và lương thực tôi mới thấy được «người trong mộng» đang thơ thới hân hoan ở trên «cabin» cùng ông chủ. Nàng đi vượt biên mà diện còn hơn hôm qua lúc ở nhà, hôm đó nàng mặc một áo bà ba đỏ chói cộng thêm cái quần Mỹ A bóng lộn làm nổi lên những đường cong gợi cảm, thêm gương mặt trang điểm diễm lệ càng làm nàng thêm nổi bật giữa đám «dân ngu cu đen». Nàng đã nhìn thấy tôi, vội quơ tay vẫy, tôi mừng húm vội vẫy lại, nàng ban thêm cho một nụ cười nữa rồi mới quay vào, tôi thẫn thờ đưa mắt trông theo.
Đúng như người dắt mối bảo: «Thực phẩm nước uống thừa thải, mọi người khỏe khoắn như đang đi du lịch». Tàu đã đi được ba đêm bốn ngày rồi và đã ra khỏi hải phận quốc tế từ lâu. Một buổi sáng ngày thứ tư tính từ lúc khởi hành, mọi người đang ăn uống vui say, nói cười thoải mái, bỗng anh tài công vội hét lên: «Tất cả bà con xuống ngay dưới hầm tàu». Mọi người còn đang ngơ ngác nhưng cũng vội xuống ngay, bầu không khí tự nhiên lắng xuống, luôn cả đám con nít làm như cũng biết thân biết phận nên nín khóc nín cười ngay tất cả. Ông chủ từ trên «boong» tàu nói với xuống: «Hình như có tàu Thái Lan đang tới đó bà con». Mọi người im lặng không ai trả lời. Bỗng bất thần nghe tiếng động cơ từ đâu rú lên dữ dội và hình như trên «boong» tàu có gì biến động trên ấy. Tôi nghe như là có tiếng la hét và âm thanh giống như đang có cuộc xô xát vật lộn dữ dội trên đó. Dòng tư tưởng tôi bị cắt đứt khi nghe nhiều tiếng nhảy lụi đụi trên tàu và nhiều giọng người líu lo một thứ tiếng lạ, mọi người thầm thì: «Thôi! Chết rồi gặp cướp biển rồi!». Bỗng nắp hầm mở toang ra và nhiều gương mặt đen đúa xuất hiện đưa tay ra dấu bảo đi lên, mọi người mặt xanh như tàu lá lần lượt leo lên. Riêng tôi vì sợ quá nên lên sau cùng bị một thằng nắm tóc lôi lên, vừa lên tới «boong», nó xô tôi ngay xuống biển, tôi vội quay lại bám vào thành tàu thì lúc đó mới thấy chung quanh tôi tất cả đàn ông thanh niên cũng đã bám vào chung quanh tàu như tôi hồi nào không biết. Nước biển ngập mấp mé cổ tôi, tôi chỉ còn ngước được cái đầu lên, mọi diễn biến gì trên tàu tôi đều không dám ngó, chỉ đọc kinh lầm thầm trong lòng như điên, lúc đó chỉ biết có Chúa (Vâng! Thật sự chỉ biết có Chúa và Đức Mẹ).
Tôi đã đọc đâu hơn mười kinh rồi mà vẫn không biết chuyện gì xảy ra trên tàu, lúc đó tôi chỉ biết đàn bà con gái là còn ở trên tàu. Họ vẫn còn đang lục soát khắp nơi và Chúa ơi! Hình như tụi nó đang bắt tất cả đàn bà con gái phải lõa thể. Tôi chỉ thấy thấp thoáng và vội quay đi ngay (vì ngu gì nhìn, lỡ chết xuống hỏa ngục rồi sao?).
Thời gian chầm chậm trôi qua, tôi đã đuối sức lắm rồi! Và tôi còn nhớ rõ như in lúc đó tôi cầu nguyện xin được cứu thoát và nguyện khi qua được đến Canada sẽ sống một cuộc sống thật thanh bạch không cần gì giàu sang, phú quý cả. Và phép lạ xuất hiện ngay! Tụi cướp biển đã nhảy trở lại tàu tụi nó và một thanh niên bên cạnh nhanh nhẩu phóng lên trước và kéo tôi lên sau. Mọi người đã thoát chết! Không khí vẫn yên lặng một màu tang tóc, bỗng đâu hình như nghe tiếng huyên náo trên «cabin» và một giọng khóc nho nhỏ vang lên rồi tiếp theo là «bịch... bịch... chát...». Tôi ngoáy cổ lên nhìn và thấy người đẹp «của tôi» đang bị ông chủ tát lia lịa. Tôi và vài người thanh niên nữa vội phóng lại can gián: «Thôi mà ông chủ, chuyện gì vậy?». Người đàn bà trả lời trong tiếng khóc: «Ổng ghen, ổng đánh tôi, hic... hic... hu... hu...». Mọi người vỡ lẽ thì ra bà chủ bị tụi hải tặc làm nhục nên ông chủ tức. Một người đàn ông lớn tuổi đến vỗ về an ủi ông chủ: «Thôi mà anh Ba, tất cả mọi người... đều bị, chứ có phải chỉ một mình chị bị thôi đâu, vả lại hoàn cảnh bắt buộc mà». Những lời vỗ về như vậy không ngờ lại phản tác dụng giống như đổ thêm dầu vào lửa. Ông chủ lại phóng tới toan đánh nữa, mọi người đều giữ chặt ông lại. Lúc đó ông chủ mới mở miệng lấp bấp nói được một câu nhớ đời: "Lụ... Lụ... M...! Tôi đánh... đánh nó không phải vì tội bị hải tặc hãm hiếp, mà tôi đánh vì lúc đang bị hiếp nó nằm ở dưới mà dám «nẫy... nẫy lên!".
Tôi đi tìm tự do hoàn toàn vì nhìn quanh thấy ai cũng nôn nóng ra đi hết, từ làng trên đến xóm dưới, từ chị bán bánh mì thịt đầu chợ Thị Nghè cho đến anh Bảy bán bánh giò cuối xóm và ngay cả đến những bạn bè xa gần từ sơ giao cho đến thân thiết. Đâu đâu người người đều muốn ra đi. Thấy mọi người đều đi mà mình ở lại thì trông xa lại nghĩ gần «Vắng em rồi đời vui với ai?» nên tôi nằng nặc đòi ba mẹ tôi phải kiếm «vé» cho tôi đi cho bằng được. Ba mẹ tôi vì chiều con nên cũng phải buộc lòng «chà đồ nhôm» mang đi bán. Cái gì bà cụ cũng bán ráo trọi từ bộ «sofa» bằng da mới cáu chỉ mà hàng ngày tôi thường ngự trên đó để đọc sách hay xem tivi bà cụ cũng «mại». Từ cái bếp «gaz» đến dàn âm thanh «AKAI» bà cụ cũng đẩy luôn. Nghĩa là tóm lại bằng mọi cách bà cụ phải bán tất cả để kiếm tám cây vàng mua «vé» tàu cho tôi đi vượt biên cho biết với người ta.
Như các bạn đều biết, vượt biên, hai tiếng đó để chỉ sự lén lút, trốn tránh và vì thế nó đều có sự gian khổ, gian nguy thậm chí còn phải lội sình băng suối đầy dẫy sự nguy hiểm đang rình rập chờ đợi. Ba mẹ tôi đều biết như thế nên lo ngại lắm! Vì tôi từ thuở nhỏ chẳng quen cực khổ, chẳng nằm gai nếm mật lại cũng chẳng quen... nhịn đói nhịn khát nữa mà bây giờ lại đòi vượt biên. Tội nghiệp ba mẹ tôi, cả hai ông bà cụ tất tả đi dò hỏi khắp nơi để kiếm xem chỗ nào thật an toàn mà lại chẳng cần... phải gian nan cực khổ gì hết, nghĩa là ông bà cụ đòi hỏi vụ vượt biên phải giống như đi du lịch, muốn đi là chỉ lên xe tới nơi là lên tàu đi thôi, vì nếu phải cực khổ quá như mọi người đi hụt về kể lại nào là phải chui xuống hầm tàu, nào bị giam trong thùng «phuy», nào là phải giả dạng người «gánh muối». Ôi thôi! Trăm mối lo, ngàn mối nặng, nội những cảnh như thế mà tôi bị vướng vào thì ba mẹ tôi nghĩ là tôi sẽ chết trước tiên trước khi kịp bước chân lên «cá mập», khỏi cần phải bị đói khát, say sóng hay hải tặc hãm hại gì hết. Nhưng quả là Chúa, Phật không phụ lòng người các bạn à! Chắc nhờ bố mẹ tôi ở hiền nên gặp lành, mỗi năm ông bà ăn chay đến những bốn lần, đi lễ Misa ngày hai cữ, kinh hôm kinh mai không bao giờ quên, xưng tội lại càng siêng hơn nữa. Vì như má tôi dạy rằng người ta không đợi khi già mới chết nên lúc nào cũng phải giữ lòng sạch tội để sẵn sàng khi Chúa gọi. Vì thế dù là có tội hay không thì tôi cũng phải sáng chế ra một tội gì vớ vẩn vô thưởng vô phạt để khi má tôi hô «đi xưng tội» là phải xưng ngay không được chậm trễ. Chắc là nhờ những «thành quả» như thế nên Chúa thương ba má tôi và «thương» luôn cả tôi vì «biết vâng lời» nên Người soi sáng cho ba má tôi tìm được một mối vượt biên ngon lành vô cùng. Theo như người dắt mối «thông dịch» lại thì chuyến tàu sắp sửa mà tôi được đi hoàn toàn là do người nhà tổ chức nên đồ ăn thức uống đầy đủ, tàu lại rộng rãi thoải mái nữa. Tàu trang bị tới ba «block» đầu bạc, dài mười hai thước mà chở chỉ có 30 người thôi. Người dắt mối lại còn bảo: «Cậu Tư chỉ là tới cứ yên tâm tôi bảo đảm không có lội bùn băng suối băng đồng gì đâu mà sợ. Đến ngày đi tôi lên đón cậu đi bằng xe hơi nhà đến Cà Mau ngủ lại một đêm, tại nhà tôi cũng đủ tiện nghi như nhà cậu thôi rồi chờ nữa đêm ra bến đò sau nhà là đi thôi, giống như về quê chơi ấy mà!».
Đúng như người dắt mối nói, từ Saigon tôi đi xe hơi nhà một lèo thẳng xuống dưới Cà Mau, dọc đường tới ngang Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ ngửi thấy mùi xào nấu thơm phứt từ các quán ăn bốc ra hấp dẫn quá nên tôi đòi ăn đòi uống đủ thứ, lại bắt người đưa đường phải mua thêm đủ loại trái cây bán dọc đường vì tôi bảo sợ tới xuống Cà Mau xa nhà buồn ngủ không được nên phải ăn quà cho đỡ «tủi». Ăn uống xong đã đời tôi nhìn quanh thấy cảnh trí thơ mộng đẹp đẽ quá tôi quên phắt là mình đang đi vượt biên tôi lại còn đòi được chụp hình nữa chứ! Người dẫn đường mới thở dài năn nỉ: «Thôi mà cậu! Mình đang trên đường đi vượt biên mà! Có phải đang đi chơi đâu». Anh ta phải nói hết lời tôi mới chịu yên cho.
Xuống tới Cà Mau người dắt mối đưa tôi lại gặp ngay người chủ tàu. Ông chủ này người Việt gốc Hoa khá lớn tuổi, mặt mày trông phúc hậu lắm nên tôi cũng yên tâm. Ông ta cho biết đợt đi này có độ năm chục người (người dắt mối bảo chỉ ba chục) đa số là ngưới nhà bà con xa gần của ông ta, vả lại chuyến này có đông đàn bà con nít nên ông ta phải chuẩn bị chu đáo cả nửa năm nay rồi, và điều quan trọng vì có đông đàn bà con nít nên phải làm sao mọi chuyện cho «dễ đi» mà không phải gặp khó khăn lắm! Ông còn bảo tôi là người may mắn nên mới được tháp tùng chuyến đi này. Đợt này ông đi với một người vợ nhỏ của ông, người mà ông «cưng» và thương lắm. Nói xong, ông dẫn tôi vào gian trong thấy có đông người đứng ngồi lổm ngổm trong đó. Vừa thấy ông và tôi bước vào, một người đàn bà trong đám người đó bước ra chào, tôi biết đó là bà vợ nhỏ của ông, ông ta chỉ vào tôi và nói với bà ta cho tôi chỗ ở tạm đêm nay. Tôi đi theo bà ấy và có dịp nhìn kỹ. Ôi! Chu choa ơi, người đâu mà đẹp lạ đẹp lùng, gương mặt đã đẹp mà... (tôi nhìn xuống một chút nữa) sao đàn bà Việt Nam mà đôi gò bồng đảo lại «vĩ đại» đến thế! Chưa hết còn cặp mông nữa. Tôi bẩm sinh vốn đã có máu xấu trong người nên lòng nó cứ xao xao, xuyến xuyến mãi, nhìn cặp mông căng tròn nhún nha nhún nhẩy theo từng bước chân của nàng tôi thầm nghĩ: «Tướng tá thế này thì dù thằng nào có thuộc vào hạng «liệt dương liệt cốt» hay yếu sinh lý gì chăng nữa mà thấy chắc cũng sẽ khỏi bệnh». Lòng dù xao xuyến như vậy nhưng nhớ lời mẹ dặn vội trấn áp cơn dục vọng ngay vì «sợ Chúa phạt», không cho «đi». Tôi trấn an và tự khắc phục đọc thầm liền một lúc ba kinh kính mừng.
Nhưng hỡi ôi! Đọc thì đọc mà mắt thì lại không chịu rời khỏi cặp ngực của nàng, thôi thế này thì quỷ Satan đã chiến thắng mất rồi! Nàng thỏ thẻ cất giọng oanh vàng: «Anh chịu khó nghỉ tạm nơi đây nhé! Có thể đêm nay hoặc trễ lắm là đêm mai phải đi thôi». Tôi lúng túng trả lời: "Dạ, dạ được mà... mà chị, á mà cô, cô để tôi tự nhiên". Nàng liếc tôi cười một cái thật lẳng. Ôi! Cái liếc mới tình tứ làm sao! Tôi thầm mơ ước lên tàu mà ông chủ xếp sao mà cho được nằm gần... nàng thì dù tàu có đi lạc ba tháng ngoài biển khơi chắc tôi cũng vui và chấp nhận. Phải nói lòng tôi lúc đó phải chống trả với «quỷ ma» ở trong lòng lắm, nếu không dám tôi cũng bị «tiếng sét ái tình» rồi. Mà thật! Tiếng sét ái tình thật các bạn à! Bởi vì lúc còn ở Saigon tôi cũng có lai rai vài ba cô bồ nhưng bây giờ dứt áo ra đi tôi đâu cảm thấy nhớ nhung gì ai đâu mà ngược lại còn «hồ hỡi» nữa. Để khi không bây giờ lâm vào cảnh «Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?» làm lòng tôi tái tê quá! Thương cho mình duyên phận không may để trời sinh ra... với một bầu máu xấu!
Tôi đã về chỗ nằm của mình rồi, cứ nằm thẫn thờ cứ nghĩ tới «nàng» mãi, và bỗng trong đầu có ý nghĩ so sánh. Ông chủ tàu này so với nàng thì già quá, tuổi ít nhất phải lớn gấp đôi thế mà tại sao ông lại «cua» được nàng? Chắc ông ta có nhiều tiền thôi, chứ già cỡ như ông còn làm ăn gì được bao lăm. Uổng quá! Tôi cứ chậc lưỡi tiếc thầm hoài dù biết là mình vô lý vì dù sao thì cũng là vợ của người ta mà. Mãi suy nghĩ mông lung tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay vì ngày nay đi đường xa hơi mệt.
Tôi bừng tỉnh vì có ai lay nhẹ vai tôi: «Dậy, dậy đi, tới giờ đi rồi». Tôi bật ngồi dậy như một lò xo vì thấy chung quanh nhốn nháo. Ông chủ xuất hiện, ra lệnh mọi người giữ yên lặng và từng người, từng người rời khỏi nha đi theo hai người thanh niên hướng dẫn. Dù gấp rút tôi cũng cố liếc mắt nhìn xem coi nàng ở đâu mà không thấy trong đám người ấy. Tôi lầm lũi theo đoàn người đi âm thầm trong đêm tối chỉ độ khoảng không xa 200 thước là đã thấy thấp thoáng bóng chiếc tàu nhỏ đang đậu chơ vơ nơi mé sông. Những người có con nhỏ được xuống trước rồi mới tới đám đàn ông con trai xuống sau, khi mọi người đã lên tàu bình yên, ông chủ bấm đèn «pin» kiểm tra lại mọi người có mặt trên tàu. Mọi người được lệnh nằm xuống hết và một tấm «nylon» lớn phủ lên trên cả mọi người. Tàu bắt đầu nổ máy, và tôi cũng chẳng biết «nàng» đang ở đâu? Và tôi đang nằm cạnh ai đây? Đàn ông hay đàn bà? Cầu mong là... đàn bà. Thật là cà cuống chết đến đít vẫn còn cay!
Tàu vẫn chạy qua một đêm bình an. Sáng hôm sau trong giờ phát nước và lương thực tôi mới thấy được «người trong mộng» đang thơ thới hân hoan ở trên «cabin» cùng ông chủ. Nàng đi vượt biên mà diện còn hơn hôm qua lúc ở nhà, hôm đó nàng mặc một áo bà ba đỏ chói cộng thêm cái quần Mỹ A bóng lộn làm nổi lên những đường cong gợi cảm, thêm gương mặt trang điểm diễm lệ càng làm nàng thêm nổi bật giữa đám «dân ngu cu đen». Nàng đã nhìn thấy tôi, vội quơ tay vẫy, tôi mừng húm vội vẫy lại, nàng ban thêm cho một nụ cười nữa rồi mới quay vào, tôi thẫn thờ đưa mắt trông theo.
Đúng như người dắt mối bảo: «Thực phẩm nước uống thừa thải, mọi người khỏe khoắn như đang đi du lịch». Tàu đã đi được ba đêm bốn ngày rồi và đã ra khỏi hải phận quốc tế từ lâu. Một buổi sáng ngày thứ tư tính từ lúc khởi hành, mọi người đang ăn uống vui say, nói cười thoải mái, bỗng anh tài công vội hét lên: «Tất cả bà con xuống ngay dưới hầm tàu». Mọi người còn đang ngơ ngác nhưng cũng vội xuống ngay, bầu không khí tự nhiên lắng xuống, luôn cả đám con nít làm như cũng biết thân biết phận nên nín khóc nín cười ngay tất cả. Ông chủ từ trên «boong» tàu nói với xuống: «Hình như có tàu Thái Lan đang tới đó bà con». Mọi người im lặng không ai trả lời. Bỗng bất thần nghe tiếng động cơ từ đâu rú lên dữ dội và hình như trên «boong» tàu có gì biến động trên ấy. Tôi nghe như là có tiếng la hét và âm thanh giống như đang có cuộc xô xát vật lộn dữ dội trên đó. Dòng tư tưởng tôi bị cắt đứt khi nghe nhiều tiếng nhảy lụi đụi trên tàu và nhiều giọng người líu lo một thứ tiếng lạ, mọi người thầm thì: «Thôi! Chết rồi gặp cướp biển rồi!». Bỗng nắp hầm mở toang ra và nhiều gương mặt đen đúa xuất hiện đưa tay ra dấu bảo đi lên, mọi người mặt xanh như tàu lá lần lượt leo lên. Riêng tôi vì sợ quá nên lên sau cùng bị một thằng nắm tóc lôi lên, vừa lên tới «boong», nó xô tôi ngay xuống biển, tôi vội quay lại bám vào thành tàu thì lúc đó mới thấy chung quanh tôi tất cả đàn ông thanh niên cũng đã bám vào chung quanh tàu như tôi hồi nào không biết. Nước biển ngập mấp mé cổ tôi, tôi chỉ còn ngước được cái đầu lên, mọi diễn biến gì trên tàu tôi đều không dám ngó, chỉ đọc kinh lầm thầm trong lòng như điên, lúc đó chỉ biết có Chúa (Vâng! Thật sự chỉ biết có Chúa và Đức Mẹ).
Tôi đã đọc đâu hơn mười kinh rồi mà vẫn không biết chuyện gì xảy ra trên tàu, lúc đó tôi chỉ biết đàn bà con gái là còn ở trên tàu. Họ vẫn còn đang lục soát khắp nơi và Chúa ơi! Hình như tụi nó đang bắt tất cả đàn bà con gái phải lõa thể. Tôi chỉ thấy thấp thoáng và vội quay đi ngay (vì ngu gì nhìn, lỡ chết xuống hỏa ngục rồi sao?).
Thời gian chầm chậm trôi qua, tôi đã đuối sức lắm rồi! Và tôi còn nhớ rõ như in lúc đó tôi cầu nguyện xin được cứu thoát và nguyện khi qua được đến Canada sẽ sống một cuộc sống thật thanh bạch không cần gì giàu sang, phú quý cả. Và phép lạ xuất hiện ngay! Tụi cướp biển đã nhảy trở lại tàu tụi nó và một thanh niên bên cạnh nhanh nhẩu phóng lên trước và kéo tôi lên sau. Mọi người đã thoát chết! Không khí vẫn yên lặng một màu tang tóc, bỗng đâu hình như nghe tiếng huyên náo trên «cabin» và một giọng khóc nho nhỏ vang lên rồi tiếp theo là «bịch... bịch... chát...». Tôi ngoáy cổ lên nhìn và thấy người đẹp «của tôi» đang bị ông chủ tát lia lịa. Tôi và vài người thanh niên nữa vội phóng lại can gián: «Thôi mà ông chủ, chuyện gì vậy?». Người đàn bà trả lời trong tiếng khóc: «Ổng ghen, ổng đánh tôi, hic... hic... hu... hu...». Mọi người vỡ lẽ thì ra bà chủ bị tụi hải tặc làm nhục nên ông chủ tức. Một người đàn ông lớn tuổi đến vỗ về an ủi ông chủ: «Thôi mà anh Ba, tất cả mọi người... đều bị, chứ có phải chỉ một mình chị bị thôi đâu, vả lại hoàn cảnh bắt buộc mà». Những lời vỗ về như vậy không ngờ lại phản tác dụng giống như đổ thêm dầu vào lửa. Ông chủ lại phóng tới toan đánh nữa, mọi người đều giữ chặt ông lại. Lúc đó ông chủ mới mở miệng lấp bấp nói được một câu nhớ đời: "Lụ... Lụ... M...! Tôi đánh... đánh nó không phải vì tội bị hải tặc hãm hiếp, mà tôi đánh vì lúc đang bị hiếp nó nằm ở dưới mà dám «nẫy... nẫy lên!".
Nguyễn Ánh (Piano), Toronto
NGUYET SAN NGHÊ THUAT, sÓ 131 MONTREAL, QUEBEC
TS. NGUYỄN CAO HÁCH *ĐÔ LA TUỘT DỐC
DOLLAR TỤT
GIỐC
GS NGUYỄN CAO
HÁCH
Ngày nay chỉ có ba trung tâm kỹ nghệ và thương mại thịnh vượng nhất thế giới: Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản. Mỗi vùng đó biểu hiệu bằng một chỉ tệ: Dollar, Euro và Yen. Mãi tới một niên hiệu rất gần đây, cả thế giới tin tưởng là dollar có một giá trị bất biến và trường cửu cũng như vàng. Thật vậy, kể từ thời ban hành Hiệp Ước Bretton Woods (1943), dollar được chính thức định giá là 35 dollar được đổi lấy một ounce vàng. Chính phủ Mỹ hứa là đồng dollar khả hoán (convertible). Và vì thế, khắp thế giới tin tưởng và tích trữ dollar. Lối tích trữ thông dụng nhất là mua Công Khố Phiếu của Mỹ (U.S. Treasury Bond).
Rồi tới 1970, dưới thời Tổng Thống Nixon, Bộ Công Khố (U.S. Treasury) quyết định tách rời dollar khỏi vàng.
Nhưng quyết định đó cũng không có ảnh hưởng gì sâu xa. Vì sao? Vì giá trị của một đơn vị tiền tệ thay đổi theo khả năng sản xuất và thương mại của xứ đó đối với thế giới bên ngoài. Mà kỹ nghệ của Mỹ mạnh nhất thế giới, suốt trong thời kỳ hậu chiến cho tới ngày nay (1945 - 2005).
Kỹ nghệ mạnh, ngoại thương ma.nh. Xứ nào cũng muốn xuất cảng sản phẩm và dịch vụ sang Mỹ. Số chỉ tệ thâu được, tất nhiên là bằng dollar. Mà dollar đó dùng để làm gì, nếu không phải là mua Công Khố Phiếu Hoa Kỳ.
Đó là tình trạng chung cho tới một niên hiệu rất gần đây.
Sự kiện mới là một chỉ tệ mạnh thứ hai xuất hiện: euro.
Muốn phán xét đồng euro, phải nhắc sơ lại lịch sử cận đa.i.
Nước Pháp ba lần thảm bại dưới gót sắt của quân Đức: 1870-71, 1914-18, 1939-45. Một số chính khách Pháp liền nghĩ rằng: nếu không có cách nào rữa được mối thù quá lớn, thì chỉ còn phương kế tuyệt diệu là đổi thù thành ba.n.
Vì Pháp nghĩ rằng: quân Đức quá mạnh là do kỹ nghệ Đức quá hùng hậu; mà kỹ nghệ mạnh là do khoa học và kỹ thuật của Đức tiến quá mau. Vậy nếu Pháp không theo kịp thì chỉ còn cách đổi thù thành bạn, - nghiã là lập Liên Hiệp Âu Châu (Union Européenne) để kết thân với Đức và dùng sức mạnh của Đức để thống trị các xứ Âu Châu nhược tiểu khác, - rồi dùng sức mạnh của Liên Hiệp Âu Châu để tranh thủ ngôi vị bá chủ thế giới.
Kế hoạch đầu tiên là đánh mạnh nông nghiệp của Mỹ.
Vì nông sản Mỹ xuất cảng rất nhiều, Pháp liền tung ra tin là Mỹ dùng quá nhiều chất “hóa học” nên nông nghiệp mới thịnh vượng quá như thế, - nghiã là số thâu hoạch tăng gia gấp bội, - nhưng là tăng gia nhờ những chất hóa học rất độc hại, có thể gây bệnh ung thư hoặc nhiều bệnh nguy hiểm khác nữa cho người tiêu thụ.
Liên Hiệp Âu Châu đặt trụ sở tại Brussels, kinh đô nước Bỉ (Belgique). Pháp là một hội viên mạnh thế trong E.U. (viết tắt của European Union), mà đế quốc Pháp ngày xưa lại gồm một phần lớn Phi Châu, - và đế quốc của hai hội viên khác (Tây Ban Nha - Spain, và Bồ Đào Nha - Portugal) lại gồm gần hết các xứ Mỹ La Tinh.
Chính quốc cũ (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ) mà tuyên truyền rằng nông sản của Mỹ có thể rất nguy hại, - thì tất nhiên ngoại thương Mỹ bị đánh một đòn độc hại, vì xuất cảng tụt giốc quá mau.
Người tiêu thụ hải ngoại không cần dollar để mua nông sản của Mỹ. Xuất cảng xuống quá mau, mà nhập cảng không thay đổi, tức là cán cân mậu dịch của Mỹ tụt giốc quá nhiều. Vì không xuất cảng được tức là ngoại quốc không cần dollar để trả nợ cho Mỹ. Theo luật cung cầu, dollar phải xuống giốc.
Dollar xuống giá đối với euro (tiền Liên Hiệp Âu Châu) và yen (tiền Nhật).
Nhưng kết quả của việc dollar tụt giá đối với euro (tiền Âu) và yen (tiền Nhật) chưa chắc gì đã độc hại như nhiều chính khách Âu Châu mong đơ.i.
Vì sao? Vì mề đay nào cũng có mặt trái và mặt phải.
Đành là xuất cảng nông phẩm xuống, nhưng xuất cảng các sản phẩm kỹ nghệ và nhất là các dịch vu.la.i tăng. Vì dollar xuống giá, hàng hóa Mỹ thành rẻ, người tiêu thụ ngoại quốc sẽ mua nhiều hơn.
Trong ba năm vừa qua, dollar đã sụt khoảng 16% so sánh với các chỉ tệ mạnh (nhất là euro và yen). Theo lý thuyết kinh tế thông thường thì biến chuyển đó có lợi cho Mỹ, vì xuất cảng sẽ tăng gia, kinh tế thịnh vượng hơn, và mức nhân dụng (employment) sẽ tiến dần tới mức toàn dụng (full emplyment).
Hy vọng đó có thể quá lạc quan, vì Mỹ phải nhập cảng quá nhiều dầu hỏa, mà dollar xuống mau, giá dầu sẽ tăng mau, kỹ nghệ sẽ tới chổ tắc nghẽn.
Vả lại chiến tranh Iraq càng ngày càng độc hại hơn, - mà vẫn chưa thấy lối thoát. Nghiã là thâm thủng ngân qũy (budget deficit) sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn. Làm thế nào để tránh nạn lạm phát (inflation)? Hãy trông gương mấy nước nhược tiểu: mới mấy năm trước đây, bắt đầu Mễ, rồi đến Thái Lan, suýt tuộït xuống vực thẳm. Các xứ đó đã đi từ thịnh vượng xuống tụt giốc chỉ vì đồng tiền mất giá quá mau. Ngay một xứ giàu có như Canada cũng đã qua một cơn ác mộng tương tự, chỉ vì đồng tiền thăng trầm quá mạnh trên thị trường quốc tế, nhiều kế hoạch nội bộ không thi hành đươ.c.
May mắn cho dân Mỹ là các triển vọng đen tối đó vẫn chưa xuất hiê.n.
Người ta thường lấy giá Công Khố Phiếu làm mực thước đo lường và tiên liệu các biến chuyển kinh tế đại cương. Trong thực tế, lãi xuất trường kỳ (long term interest rate) thay đổi rất ít. Hơn nữa, giá cổ phần (stock prices) lại tiệm tăng chứ không tiệm giảm.
Một kết luận lạc quan e quá vội vàng. Ta hãy trở lại kinh nghiệm vài chục năm trước đây. Giữa tháng 9 -1977 và tháng 10-1978, dollar tụt 16% đối với các chỉ tệ mạnh, vì giá dầu hỏa tăng quá mau, mà kinh tế nội bộ lại tăng tiến quá yếu, - và vì thế cán cân mậu dịch đối ngoại tụt giốc. Đollar xuống giá; giá hàng nhập cảng tăng mau, và lạm phát bắt đầu đe do.a. Chính phủ Carter liền dùng số dự trữ của Mỹ trong Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) để đối phó với nạn lạm phát bắt đầu đe doạ.
Rồi ông Carter xử dụng một người nổi danh trong giới tài chánh: ông Paul Volcker, lúc đó đang làm Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang của tiểu bang New York (New York Federal Reserve Bank). Volcker được thăng chức lên làm Fed Chairman (Chairman of the Federal Reserve System), tức là Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Toàn Quốc.
Đối phó với nạn lạm phát đang đe dọa, Volcker thấy là cần phải đập mạnh: Volcker ra lệnh chặn đứng ngay khối tiền lưu hành đang tăng gia quá mau. Tránh được nạn lạm phát, nhưng phải trả bằng một giá đắt: kinh tế suy giảm (economic recession).
Ngày nay (bắt đầu năm 2005), nạn lạm phát đã tránh được, nhưng quốc dân đã phải trả liều thuốc đắng đó với giá nào?
Năm 1978, khiếm hụt ngoại thương (current account deficit) chỉ là 1% của lợi tức quốc gia (GDP). Ngày nay nó lên gần 6%, nghiã là quốc dân đã tiêu xài và đầu tư nhiều hơn tổng số lợi tức mà quốc dân đã sản xuất./. (Sẽ tiếp)
TS. LÂM LỄ TRINH *DÂN CHỦ
Tổng kết tất
niên
DÂN CHỦ GIẢM TỐC ĐỘ, NĂM 2004
Lâm Lễ Trinh
DÂN CHỦ GIẢM TỐC ĐỘ, NĂM 2004
Lâm Lễ Trinh
Khỉ ra đi, gà sắp đến, Sađam Hussein nằm ấp đúng
một năm, đợi ngày vác chiếu ra Tòa trả lời về các tôi ác chống nhân loại, tội ác
chiến tranh và diệt chủng. Tuy nhiên, Sađam thở phào bớt lo khi được biết thủ
tục truy tố tạm đình . “Đây sẽ là vụ án của thế kỷ, chúng ta cần chuẩn bị chu
đáo”, Mouwafak al-Rubaie, cố vấn của Hội đồng An ninh Irak tuyên bố. “Chúng ta
không thể hấp tấp xử (Sađam) khổ sai chung thân hay một hình phạt nào khác, đưa
y lên đoạn đầu đài 100 lần như dân chúng đòi hỏi .” Sự thực mà al Rubaie không
tiện nói ra là, để cứu thủ cấp của mình, Sađam chắc chắn sẽ tíết lộ trước dư
luận quốc tế mối liên hệ thầm kín giữa y và các cường quốc Mỹ, Âu trước khi xảy
ra chiến tranh vùng Vi.nh. Đặc biệt, Sađam và các luật sư biện hộ sẽ không ngại
đưa ra ánh sáng hồ sơ Hoa thịnh Đốn, Paris và Luân đôn đã giúp chế độ Baas,
gần hai thập niên, chống Iran (1980), dẹp tan làng kurde nổi loạn tại Halabja
bằng hơi ngạt (1988), tranh dành biên giới với Koweit (1990), áp đảo thiểu số
chiite (1991)..v..v.. Làm thế nào ngăn xì-cănđdan nổ lớn? Làm sao tránh cho một
số lãnh tụ của “Thế giới tự do” bị đòi ra Tòa cung khai ?
Cuối 2004, thường dân Irak nhận thấy đời sống vẫn không thay đổi, sánh với năm 2003. Đất nước của họ bị quân đội Mỹ chiếm đóng dài dài, dân chủ chưa lố dạng, bạo hành tràn lan...Hiện trạng vẫn hỗn loạn, tương lai còn mờ mịt, khủng bố không ngưng gia tăng , dù số lính Mỹ thương vong vượt trên một ngàn, mỗi ngày người chết như rạ.
1- Tình trạng phát triển dân chủ trên thế giới năm vưà qua.
Trên địa cầu, bất động là tình trạng nói chung. Sự phát triển dân chủ nay bị đình hoãn, điều này ít thấy trong những năm gần đây. Trong 2004, tin không mấy khích lệ là, theo phúc trình của nhóm tranh đấu nhân quyền Freedom House, chỉ có một nước tự do được công nhận: quốc gia Caraibe (Antigua và Barbuda), với dân số 68.000. Tin tốt là thế giới không mất một xứ tự do nào.
Tuy nhiên, có nguy cơ thế giới sẽ mất đi một quốc gia “tự do một phần, partly free”. Thật vậy, sau khi dẩn đầu cuộc trình diễn ngoạn mục giã từ chuyên chế và áp đảo, nước Nga thụt lùi trở lại một mình, trong những tháng gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, vào con đường độc đoán. Tổ chức Freedom House, lần đầu tiên, áp dụng tĩnh từ “không tự do, not free” sau ngày đế quốc Nga sô sụp đổ.
Ở những nơi khác, không có gì thay đổi nhiều. Hiện nay, có 89 xứ đủ điều kiện mang nhãn hiệu tự do, tăng lên từ con số 76 năm 1994. 44% nhân loại sống tự do; 19%, trong những nước “tự do một phần,” và 37%, không tự do.
Tổng thống Vladimir Putin chẳng những tóm thu quyền bính và loại trừ đối thủ trong xứ mà lại còn ra mặt ủng hộ tại quốc gia láng giềng Ukraine một ứng cữ viên Tổng thống bị tố cáo gian lận bầu cử. Bất chấp áp lực của Điện Cẩm Linh, dân chúng Ukraine ào
Cuối 2004, thường dân Irak nhận thấy đời sống vẫn không thay đổi, sánh với năm 2003. Đất nước của họ bị quân đội Mỹ chiếm đóng dài dài, dân chủ chưa lố dạng, bạo hành tràn lan...Hiện trạng vẫn hỗn loạn, tương lai còn mờ mịt, khủng bố không ngưng gia tăng , dù số lính Mỹ thương vong vượt trên một ngàn, mỗi ngày người chết như rạ.
1- Tình trạng phát triển dân chủ trên thế giới năm vưà qua.
Trên địa cầu, bất động là tình trạng nói chung. Sự phát triển dân chủ nay bị đình hoãn, điều này ít thấy trong những năm gần đây. Trong 2004, tin không mấy khích lệ là, theo phúc trình của nhóm tranh đấu nhân quyền Freedom House, chỉ có một nước tự do được công nhận: quốc gia Caraibe (Antigua và Barbuda), với dân số 68.000. Tin tốt là thế giới không mất một xứ tự do nào.
Tuy nhiên, có nguy cơ thế giới sẽ mất đi một quốc gia “tự do một phần, partly free”. Thật vậy, sau khi dẩn đầu cuộc trình diễn ngoạn mục giã từ chuyên chế và áp đảo, nước Nga thụt lùi trở lại một mình, trong những tháng gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, vào con đường độc đoán. Tổ chức Freedom House, lần đầu tiên, áp dụng tĩnh từ “không tự do, not free” sau ngày đế quốc Nga sô sụp đổ.
Ở những nơi khác, không có gì thay đổi nhiều. Hiện nay, có 89 xứ đủ điều kiện mang nhãn hiệu tự do, tăng lên từ con số 76 năm 1994. 44% nhân loại sống tự do; 19%, trong những nước “tự do một phần,” và 37%, không tự do.
Tổng thống Vladimir Putin chẳng những tóm thu quyền bính và loại trừ đối thủ trong xứ mà lại còn ra mặt ủng hộ tại quốc gia láng giềng Ukraine một ứng cữ viên Tổng thống bị tố cáo gian lận bầu cử. Bất chấp áp lực của Điện Cẩm Linh, dân chúng Ukraine ào
LÊ ĐÌNH CAI * NGÔ VIẾT TRỌNG
Nhà văn Ngô Viết Trọng và “Dương
Vân Nga:
"Non Cao và Vực Thẳm” Lê Đình Cai
"Non Cao và Vực Thẳm” Lê Đình Cai
Trong vòng chưa đầy 5 năm, anh cho ra đời 5 tác phẩm, trong đó có 3 tác phẩm tiểu thuyết dựa vào những nhân vật lịch sử có thật, bám sát những gì đã xảy ra trong bối cảnh đương thời, rồi để cho đầu óc tưởng tượng phong phú của nhà văn dẫn đưa vào những tình tiết bất ngờ lý thú (dù là hư cấu) khiến người đọc trong phút chốc đã lẫn lộn giữa hư và thực, giữa những nhân vật trong tiểu thuyết và những nhân vật có thật, đã một thời tác động lớn trên dòng lịch sử Việt tộc.
Trong chúng ta, ai đã từng đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (trong Nam ghi tác giả là Ngô Thời Chí, ngoài Bắc ghi tác giả là Ngô gia văn phái) đều say sưa theo từng gút mắc của các sự kiện lịch sử, chẳng hạn câu chuyện Đặng Mậu Lân, em trai Đặng Thị Huệ, ái phi của chúa Trịnh Sâm đã làm mưa làm gió, bất chấp phép nước làm nhiều điều xằng bậy. Có người cho “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” là một tác phẩm lịch sử tiểu thuyết, nhưng viện Sử Học Hà Nội thì xem đây là một tài liệu lịch sử đáng tin cậy và đã đưa vào danh sách các tài liệu được tham khảo khi viết về thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
Đọc “Công Nữ Ngọc Vạn” hay “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”, tôi có cảm tưởng như mình đang đọc “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” vậy.
“Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” kể lại những diễn biến ly kỳ trong cuộc đời của Dương Thái hậu, vợ của Đinh Tiên Hoàng với tước vị hoàng hậu Đan Gia. Dương Vân Nga quả thực là một người đàn bà nhan sắc khuynh thành đã làm Đinh Tiên Hoàng mê mẩn tâm thần, nhất là bà đã sinh được hai vị hoàng tử thông minh đĩnh ngộ nên nhà vua đã dành cho bà sự sủng ái nhiều nhất trong số 5 vị hoàng hậu cùng được tấn phong. Sử sách đã đề cập đến rất nhiều về cuộc đời của vị Thái hậu này. Và định mệnh đau thương về cuộc đời bà cũng vận luôn vào số kiếp bi thảm của nữ nghệ sĩ khả ái Thanh Nga qua cái chết tức tưởi của nàng khi đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở tuồng cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga và chiếc áo ngự bào”. (Nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã bị bắn chết sau khi diễn vở tuồng nói trên tại Sài Gòn vào thời điểm sau khi miền Nam bị mất vào tay Cộng Sản miền Bắc).
Nhà văn Ngô Viết Trọng trong “Công Nữ Ngọc Vạn” đã theo sát các tài liệu lịch sử để tái tạo lại công lao của một người con gái, thứ nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Công nữ Ngọc Vạn đã được vua Cao Mên, Chey Chetta II phong làm hoàng hậu, rồi khi nhà vua băng hà, bà trở thành thái hậu nắm giữ quyền bính trong tay. Sự đóng góp của bà cho quê mẹ đã được nhà văn Ngô Viết Trọng làm sống lại hết sức sinh động trong tác phẩm “Công Nữ Ngọc Vạn” này. Tuy nhiên, trong những nhân vật lịch sử mà nhà văn đã lựa chọn để thể hiện thành tiểu thuyết lịch sử như Trần Thủ Độ trong “Tình Hận” (2002), đến người con gái của chúa Sãi trong “Công Nữ Ngọc Vạn” (2004), và giờ đây là Thái hậu họ Dương trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” (2005), thì phải nói rằng nhà văn đã tạo được một bước thành công đáng kể trong địa hạt viết về lịch sử tiểu thuyết vậy.
Khi đã gọi là “lịch sử tiểu thuyết”, thì các tác giả có quyền hư cấu miễn sao đừng đẩy nhân vật lịch sử mà mình tái tạo đi quá xa sự thật lịch sử. Giá trị của “lịch sử tiểu thuyết” ngoài tài năng sử dụng điêu luyện ngôn ngữ đương đại của từng nhân vật, ngoài óc tưởng tượng phong phú và kết cấu câu chuyện ly kỳ cùng những đột biến bất ngờ, nhà văn còn phải đạt được kiến thức vững vàng về lịch sử và tâm lý đương đại, nhất là giai đoạn liên quan đến nhân vật mà mình đang xây dựng lại. Nhà văn Ngô Viết Trọng trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” đã nâng kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết dựa vào lịch sử lên một tầm cao mới mà tôi nghĩ, nếu ai đã đọc tác phẩm này rồi, chắc đều đồng ý với sự đánh giá này.
“Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” với nội dung gồm 11 chương trải dài trên cả tác phẩm dày đến... trang, nói về cuộc đời của tiểu thư Dương Vân Nga, con gái độc nhất của Chương Dương công Dương Tam Kha, người đã từng cướp ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập và tự xưng là Bình vương (945-950). Sự kết hợp giữa Dương Vân Nga và Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh vốn nằm trong mưu đồ phục hận của Chương Dương công sau khi bị Ngô Xương Văn (em của Ngô Xương Ngập) âm mưu cùng với các tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cướp lại quyền và xưng là Nam Tấn vương.
Sự thù hận giữa Dương Tam Kha và Nam Tấn vương hợp cùng với tính khí ngổ ngáo và tham vọng vô biên của tiểu thư Vân Nga đã đưa đẩy người đàn bà sắc sảo này vào những chấn động lớn lao trong dòng lịch sử đương đại. “Non Cao và Vực Thẳm” mà nhà văn Ngô Viết Trọng đặt cạnh tên bà đối ứng chính xác cho cuộc đời danh vọng tột đỉnh và nỗi bi thảm về thân phận cuối đời trong sự mất mát quá lớn mà bà phải chịu đựng. Đây là lịch sử với những dữ kiện về cuộc đời bà mà các tài liệu cổ sử đã ghi lại bằng chữ viết.
Nhà văn Ngô Viết Trọng trong tác phẩm này đã làm sống lại một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt tộc vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên, và tác giả đã bám rất sát sử liệu để tái tạo nhân vật đã một thời ảnh hưởng lớn lao lên vương triều họ Đinh: Thái hậu Dương Vân Nga.
Ngô Thời Chí khi viết “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” (được coi là một tác phẩm thuộc lịch sử tiểu thuyết), ông có lợi điểm của một người đương thời, cùng hít thở bầu không khí sôi động của các biến cố, cùng vui buồn, cùng nổi trôi theo vận nước, nên tác phẩm của ông mang đầy hơi ấm, nhịp đi, nhịp thở của các nhân vật đương đại. Nói cách khác, tác phẩm của ông chuyên chở sự thật lịch sử, bám sát các biến cố xảy ra như nhận xét của sử gia Nguyễn Phương khi đối chiếu “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” với các tài liệu sử do các vị thừa sai để lại (đề cập đến các biến cố đương thời được nhắc lại trong HLNTC). Nhà văn Ngô Viết Trọng khi viết về cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” không có điều kiện thuận lợi như Ngô Thời Chí vì tác giả sống sau “diễn biến lịch sử” này ngót một ngàn năm. Thế nhưng nhà văn này đã dẫn dắt chúng ta lùi vào dĩ vãng đến cả 10 thế kỷ mà cứ ngỡ như mình đang sống thật trong dọc dài các biến cố đang xảy ra trước mắt. Đây chính là do tài năng thiên phú của Ngô Viết Trọng trong lãnh vực tiểu thuyết lịch sử mà theo suy nghĩ của riêng tôi, nhà văn này còn tiến rất xa nếu tiếp tục sáng tác theo hướng đi này. Để ca ngợi lòng nhân đức và chính sách khoan dung của Đinh Tiên Hoàng (điều này có thật trong lịch sử), Ngô Viết Trọng đã ghi nhận: “Dù đã thống nhất được thiên hạ, Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa yên tâm với những dòng họ thù nghịch cũ. Nhưng với bản chất anh hùng hảo hán, ngài tuyệt đối không dùng tới kế sách “trảm thảo trừ căn”như phần nhiều những nhà cai trị khác xưa nay đã làm. Ngài không hề ra tay giết hại một sứ quân hay một kẻ thù nào khi kẻ ấy đã chịu đầu hàng. Về sau ngài cưới thêm bà Hoàng thị, mẹ của Ngô Nhật Khánh, và bà Kiểu Nương, em của sứ quân Kiểu Công Hãn đều nằm trong sách lược trấn an lòng người...” (Ngô Viết Trọng, “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” trang 122 )
Về cái chết của Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn thì sử có ghi lại rằng “tên Đỗ Thích trước làm lại, đêm mộng thấy sao rơi vào mồm tưởng là triệu mình được làm vua, bèn định bụng làm sự thí đoạt. Một hôm Đỗ Thích thấy Tiên Hoàng say rượu nằm trong cung bèn lẻn vào giết Tiên Hoàng đi, rồi giết cả Nam Việt vương Liễn”. (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược q.1, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1964, tr 87). Nhưng trong “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm”, tác giả Ngô Viết Trọng lại đặt Đỗ Thích trong âm mưu thoán đoạt ngôi vị của Lê Hoàn có sự dự mưu của hoàng hậu Dương Vân Nga (vì nhà vua đã khám phá ra sự dan díu giữa Thập đạo tướng quân và Dương hoàng hậu).
Và để giải thích hành động của Thái hậu Dương Vân Nga khi trao hoàng bào cho Lê Hoàn (Chương Chín), nhà văn Ngô Viết Trọng trong Chương Hai đã hư cấu một chuyện tình thật đẹp giữa tiểu thư Dương Vân Nga và tiểu tướng Lê Hoàn của Hoa Lư Động chủ.
Những diễn biến trong cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga đã được sắp xếp hư cấu với những tình tiết rất ly kỳ cùng những đột biến tâm lý bất ngờ khiến người đọc tưởng chừng như ngạt thở. Bản thân người viết bài này đã thức gần trắng đêm để đọc hết câu chuyện từ đầu đến cuối vì không thể dừng lại khi các mắt xích của các biến cố buộc chặt vào nhau, liên kết và đột biến quá bất ngờ, không cho phép mình buông sách xuống được.
Điều nhận xét này của người viết, nếu bạn đọc chưa tin, xin hãy tìm đọc tác phẩm “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” xuất bản vào đầu năm nay 2005. Và xin được thêm một ý kiến sau cùng: “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Thời Chí là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, dù được các sử gia cho rằng rất gần với sự thật lịch sử, nhưng nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết và sinh viên ngành nghiên cứu sử không được quyền lầm lẫn coi đây là một tài liệu sử đáng tin cậy. Cũng vậy, “Công Nữ Ngọc Vạn” hay cuốn sách mà bạn đang có trong tay “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” dù hay và hấp dẫn cách mấy đi nữa thì cũng chỉ là tiểu thuyết lịch sử, chứ không dùng để làm tài liệu tham khảo được.
Xin cám ơn nhà văn Ngô Viết Trọng đã dành cho tôi cơ hội được đọc cuốn sách này khi còn là bản thảo và xin chân thành giới thiệu tác phẩm “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” này đến quí bạn đọc bốn phương.
-----------------------
*Lê Đình Cai: Nguyên giáo sư Sử Học Đại Học Văn Khoa Huế, Đại Học Đà Lạt, Trường Võ Bị QGVN (1968-1975). Hiện đang dạy học tại trường SCUPS và NUA – Hoa Kỳ (1996 đến nay).
ĐỖ BẢO TOÀN * XUÂN ĐẾN
Xuân
Đến
Xuân đến rồi đây ai có hay ?
Gió xuân lay động cánh mai gầy ,
Nắng vương mắt lệ phai làn tóc ,
Gió quyện lời thương khuất nẻo mây ,
Năm tháng bôn ba đời bạc phước ,
Nước non nhung nhớ mộng vùi say ,
Chúc nhau giữ trọn niềm son sắt ,
At Dậu niên lai kiến ....phúc đầy ....
Đỗ Bảo Toàn
Xuân đến rồi đây ai có hay ?
Gió xuân lay động cánh mai gầy ,
Nắng vương mắt lệ phai làn tóc ,
Gió quyện lời thương khuất nẻo mây ,
Năm tháng bôn ba đời bạc phước ,
Nước non nhung nhớ mộng vùi say ,
Chúc nhau giữ trọn niềm son sắt ,
At Dậu niên lai kiến ....phúc đầy ....
Đỗ Bảo Toàn
NGUYỄN DŨNG TIẾN * ĐAM MÊ
Nguyễn Dũng Tiến
Đam Mê
Chuyện thật đã xẩy ra, viết tặng anh Luân Hoán, người có cùng một 'đam mê dại dột'.
" Xin báo cùng anh sáng nay đầu ngõ
Có con cu cườm đậu tuốt ngọn tre
Nó đứng rỉa lông mà không buồn gáy
Có phải nó còn sợ ná ai đe "
Luân Hoán
Trời đã về chiều, ánh mặt trời đã ngả sau rặng dương. Chiều của một Nha Trang hiền hòa, êm ả với những hàng dừa nghiêng, những rặng phi lao rì rào trong gió.
Bà Khôi nhìn ra cổng, rồi thở dài. Cơm thịt đã sẵn sàng, bà đã tươm tất sửa soạn sẵn chai la de con cọp cùng đá lạnh chờ sẵn. Chồng bà lại về trễ, bà lo lắng cho sức khỏe của ông. Ông đã ngoài năm mươi, sức lực dồi dào. Hơn ba mươi năm ông phục vụ trong quân lao Nha Trang, ông đóng đến lon thượng sĩ. Mọi người vẫn gọi thượng sĩ già thay vì gọi tên. Thời gian quân ngũ của ông cũng bằng thời gian mối tình già của hai người. Nhưng cả hai hiếm hoi, không có một mụn con để vui vầy. Tính tình của ông hòa nhã, hiền lành. Mọi người đều mến ông. Tụi trẻ hàng xóm cũng gọi ông, thượng sĩ già. Ông chỉ cười.
Hai năm trước, ông bị một tai nạn làm đảo lộn cả cuộc đời của ông bà. Tai nạn làm bà đau buồn, riêng ông, vẫn thản nhiên và coi tai nạn ấy như một chuyện nhỏ. Ông mất một bên chân, lên đến hơn đầu gối. Chỉ hơi phiền cho ông khi di chuyển phải dùng đến nạng. Hôm xẩy ra tai nạn, ông cùng cậu bạn nhỏ, khoảng 16, 17 tuổi, cũng là đệ tử, rủ rê nhau đi rập cu ở vòng đai trường hạ sĩ quan Đồng Đế.
"Ông à, bên trong họ gài mìn à ông."
"Không có đâu..."
"Họ để cái bảng, bãi mìn, tổ chảng kìa ông."
"Ôi, tao ở lính có hơn ba mươi năm, tao biết rành ba câu vọng cổ mà mày...họ đề bảng để hù bá tánh đó."
"Tui thấy ớn ớn...gài đại bên ngoài, rồi con mồi của mình kéo nó ra..."
"Cả tháng rồi, nó khôn thấy mẹ, chắc gì nó ra, thôi tao vô..."
Khi ông dẫm phải mìn, ông ngất đi khoảng nửa phút, tỉnh lại, ông mới cảm thấy đau, cái đau như gập người ông lại. Ông nhìn thấy cậu nhỏ hoảng hốt quăng bỏ hai rập cu xuống đất, những muốn leo rào vào bãi mìn để lại giúp ông. Ông ra hiệu tìm người cầu cứu. Từ lúc đó trở đi, ông thấy bầu trời từ từ nhỏ dần cho đến khi ông tỉnh trong quân y viện, ông mới biết đã mất một chân.
Đơn vị ông đã cấp cho quân y viện một chứng thư công vụ. Do đó ông cũng được trợ cấp tàn phế loại ba, tạm cho bà không đến nỗi vất vả xoay sở kinh tế. Bây giờ ông lại có quá nhiều giờ rảnh rỗi để lo cho bầy chim.
Hơn cả tháng trời, ông và cậu nhỏ bị hành, một con chim trời đã làm ông ăn không ngon, ngủ không yên. Để rồi, dù ông thấy bảng cấm, đề "Bãi mìn" ông cũng cứ leo vào. Nằm trong quân y viện gần nửa năm trời, ông vẫn kết con cu cườm ngoài trời một cách kỳ lạ. Ông thôi thúc cậu nhỏ chăm cho ông bầy cu ở nhà cùng theo dõi vết tích con chim trời, ông kết nó. Nằm nghĩ lại những lúc run tay để gỡ con chim hay ra khỏi lưới, sau nhiều ngày theo đuổi, ông mỉm cười, có những lúc bị người chửi thậm tệ vì xâm nhập vườn đất của người không xin phép. Lại có lần hai thầy trò bỏ chạy trối chết vì bị các chú tiểu của ngôi chùa thật lớn ngay Mã Vòng rượt, ném đá theo sau lưng, vì cái tội cả hai đã dám lẻn ra vườn sau chùa, vùng đất lành dùng cho việc thờ phụng, để bẫy cu, bị đuổi không đi, còn cự nự.
Cùng chung một đam mê, hai thầy trò đã từng chia miếng bánh, miếng cơm, cùng nhau đạp hai chiếc xe đạp rong ruổi khắp Nha Trang. Từ đồi Lasan, Hòn Chồng, ra đến đèo Đại Hàn, đèo Rù Rì, Đồng Đế, cho đến Phú Vinh, Thành. Chỗ nào nghe tiếng chim cu lạ, giọng hay, cả hai sẽ có mặt, đôi lúc một vài giờ, có khi dăm bữa nửa tháng, lại có khi hơn cả tháng, hầu như trong những ngày cuối tuần hay nghĩ lễ, để bắt cho được mới chịu. Nhiều khi phải đem đi bốn con mồi khác nhau để thay đổi, lỡ trường hợp con ở ngoài quá hay, làm con mồi chịu không nổi, sói chuồng.
Dàn chim mồi của ông được sự chọn lựa gay gắt của cả hai thầy trò. Bất đồng ý kiến, kình nhau cũng không ít, tuy ông là thầy, nhưng đôi khi cũng phải nghe lời vì hắn có lối nhận xét khá khoa học, khá nhiều kiến thức và hiểu biết về chim cu để thầy trò bàn cãi cùng trao đổi, lại nữa hắn cãi lý cũng khá hay.
"Ông kêu nó bị nhậm mắt, ông thoa ớt lên mắt nó để chữa, con nào sống, ông kêu trúng thuốc, con nào chết, ông cho là phần số, tui thấy ông với mấy ông thầy cu không có lý chút nào, con cu nó thuộc loại điểu, có cái mề, cái mề để nghiền thức ăn, ngoài trời, tụi nó ăn cát, ăn sạn để giúp cái mề nghiền hạt, thức ăn, ông treo nó cả ngày trên cao, không có sạn, cát, mề nó không làm việc tốt, nó cú rũ, rồi ông kêu là nhậm mắt."
Thật khoa học, ông quy hàng liền. Cả hai cùng đồng ý ở vài điểm khi chọn một con bổi để làm chim mồi. Đầu thon nhỏ, gọn như đầu bồ câu sẻ. Mỏ cụt, thân dài như bắp chuối, mắt đỏ, không chọn con mắt lộ, mắt lộ thường chim nhát. Chân thấp để chim ít sói chuồng, da chân phải đỏ tươi, ông gọi cu son, vẩy chân đếm từ móng lên tối thiểu phải 14 mới được gọi chim tốt. Móng ngắn, nếu dặm thêm vài móng trắng nữa, càng tốt. Sắc lông phải sáng, xếp đều hai bên cánh vai, bầu như mái ngói. Cuối cùng, cả ông và cậu nhỏ đều cùng khó tính ở một điểm, hàng cườm trên cổ, cườm phải thật trắng, cao tận ót, mịn nhỏ như tấm, liên hoàn chạy gần giáp vòng cổ, những con có cườm bể đều loại bỏ, tuyển chọn cườm như vậy, khi chim gáy, gù hàng cườm phùng lên, coi mới thật chiến đấu. Giọng gáy, ông thích giọng đồng pha thổ, gáy giọng trơn, cậu nhỏ nuôi riêng toàn giọng thổ, thích chim giọng đôi, ba, cậu chấp nhận những con chim gục hai, ba lèo dù đầu nó dài như đầu vịt, nhưng cả hai cũng có vài con giọng kim cho rậm đám.
Chiến tướng hàng đầu của ông đóng lon thượng sĩ ngang hàng với ông. Đó mới thật là con chim mồi đáng kể. Hội lãnh đủ đức tính ông muốn. Vì anh chàng này, ông đã mất bên chân. Số là ông và cậu nhỏ nghe nói gần trường hạ sĩ quan Đồng Đế có một con rất hay, tất cả bạn chơi chim đều bó tay với những con chim mồi nổi tiếng của Nha Trang. Ông và cậu nhỏ đã thay đổi bẩy con mồi khác nhau, chim trong nào thúc, nào gù, nào gục cũng đều bị hắn át tiếng, đành thua. Cả hai về mất ăn, mất ngủ, làm bà Khôi cũng cảm thấy thắc mắc, nôn nao.
Con này mới ghê gớm, trong bảy con mồi ông đem đi, đến năm con bị bể, về nhà cứ sói chuồng cả tuần lễ, hai con còn lại,đôi khi dặm vài tiếng buồn. Nhìn đàn chim mồi thứ chiến của mình bị bể bởi một con chim trời. Ông Khôi hồn những thẫn thờ và quyết ý bắt cho bằng được. Hai thầy trò bàn mưu, tính kế, dù đã đem một con mái ra làm mồi, điều này cả hai đã bước lên trên cả nguyên tắc, lấy mái làm mồi, anh chim trời này lại giống kẻ lãng tử chỉ liếc bằng nửa ánh mắt rồi bay đi. Có lẽ hắn đã có cặp.
Một ngày nào đó, hai người biết chắc anh chim trời này đóng ổ ở trên một cây cao, chỉ phiền cây lại nằm trong bãi mìn cấm. Lòng đam mê mãnh liệt để được ngồi trong bụi rậm, sau khi đã gác chuồng rập ở ngay cây đó, để rình xem khi anh chim trời quay về, thấy một con chim lạ ngay tại giang sơn của mình. Lúc đó sẽ có một màn đấu khẩu, nếu chim lạ không chịu đi, anh sẽ nhảy tới đá cho một trận, lúc anh nhảy gần lại, sáp sát lại, thấy một cần gỗ nhỏ xinh xắn sát cạnh hắn đứng, anh nhảy lên ngay để lấy thế đá, than ôi! Anh sa vào lưới. Khi đó chắc ông sẽ rất sung sướng, run rẩy tay đè lấy lồng ngực cho tim bớt đập. Với cái sào dài do ông chế biến bằng trúc, có thể gập đôi lại cho dễ mang theo. Từ từ móc lấy chuồng rập, ông hạ xuống nhẹ nhàng. Tay giữ lấy con chim trong lưới và chậm rãi gỡ chim khỏi luới. Chỉ mơ có thế, khiến ông quyết định leo rào vào bãi mìn. Thủng thẳng một tay cầm chuồng, một tay cầm sào, ông tiến lại gốc cây, và việc đã xẩy ra. Con chim mồi chết theo một chân của ông trong cái chuồng nằm lăn lóc trên mặt đất.
Sau khi hồi phục, ông vẫn rất cay. Thầy trò đôn một con chim mồi khác nhưng cũng không bắt được. Lại bắt được con chim mái đi cặp với hắn, cả hai tuyệt vọng thử thay con mồi bằng chị mái và đã bắt được hắn. Kể sao cho hết nổi vui mừng của hai thầy trò, dù ngay lúc đó, ông muốn đập cho câu nhỏ một trận, chưa bao giờ ông nổi giận như vậy:
"Nhẹ chút mày, nó đang tới..."
"Kiến cắn ông ơi...tui đâu có cục cựa..."
"NoÙ mon men...nhẹ chút mày..."
"Tui ngồi ngay ổ kiến lửa..."
"Mày ráng chịu chút được không?...ê, nhè nhẹ... nó sắp vô... mày còn cục cựa, tao đập chết giờ..."
"Trời ơi, tụi nó cắn ngay háng tui... trời ơi..."
"Mày rên nữa tao oánh dập đầu..."
Cậu nhỏ miệng thì thào, tay gãi, mắt vẫn dán sát về hướng cái rập với con mái bên trong, con cồ mon men phía ngoài:
"Tui muốn chết luôn đó ông ơi, kiến nó cắn háng tui, trời ơi, nó cắn qua dái tui ...Ui trời, dính rồi..."
Trên đường đem chim về, ông hơi ân hận về chuyện giận dữ với cậu nhỏ, ông cũng đã từng chết cứng người chịu trận vì kiến cắn khi rình chim ngoài sắp vào lưới. Ông o bế con chim mới thật kỹ. Lúa trộn với lòng đỏ trứng, mè, đậu xanh, kê. Ông thay đổi món ăn luôn luôn để tẩm bổ cho hắn ta. Không quên bỏ vào cóng, hàng tuần, một chút cát trắng để hắn ăn cho nhuận trường. Đôi khi ông ngâm cả lúa cho thành mộng để hắn ăn và cấp thời gắn liền lon thượng sĩ.
Quả đúng là một chiến tướng, hắn không thua ai, chỉ bị sa lầy vì hắn quá chung tình. Ngay buổi chiều đầu tiên thả trong chuồng, hắn đã gáy liền. Một vài anh mồi khác đáp lễ, khiến hắn hứng khởi và làm lại tưng bừng. Hắn cất tiếng lớn mạnh (giọng đồng pha thổ khiến ông Khôi rất hài lòng và ưng ý). Rồi từ từ hắn át hết tất cả các anh khác. Chỉ trong một tháng, ông đã biến hắn thành một tay chơi trứ danh. Ông để chuồng hắn ngay lối ra vào, cạnh chỗ bà làm việc cho mau dạn. Chuồng phủ tấm vải đen, chỉ chừa một mặt, cẩn thận xoay hết các chuồng khác để chỉ nghe tiếng, nhưng không thấy được mặt những con khác.
Ông không được khéo tay, đành nhờ một người bạn làm hộ ông một chuồng rập đặc biệt. Chuồng rất nhẹ,ï mặt vi chuồng làm bằng dây điện mảnh như sợi chỉ, để chim ngoài chỉ nhìn thấy chim trong, không cảm thấy sợ. Chuồng được phủ bằng lá đủng đỉnh. Lưới bẫy chính tay ông đan và gắn. Hai cóng đựng nước và thức ăn, ông thay đổi hằng ngày. Ông làm một sào bằng trúc mới, cẩn thận hơ lửa cho lên vân thật đẹp. Theo ông, như vậy mới xứng đáng với đệ nhất danh thủ.
Anh chàng này hay đến độ làm hai thầy trò ông mê mẩn. Tối ngày quanh quẩn cạnh chuồng chim, bàn tán, thảo luận. Tất cả bạn chơi đều ghé xem, tấm tắc khen ngợi. Tiếng đồn đi xa, có khi có người đem cả bạc triệu lại để nài mua, lại có cả tỉnh trưởng của một tỉnh miền Trung đích thân lái xe jeep đến tận nhà ông để xem và nài nỉ, nhưng ông và cậu nhỏ không bán. Con chim hội đủ tất cả những điểm của người chơi chim mong muốn.Với ông, tướng chim như vậy đã quý lắm, nhưng hắn lại bạc má, loan đầu. Hai má bạc như chim bạc má, túm lông đầu lại xoáy như xoáy tóc của người. Các bạn chơi chim nhìn thấy, không đành bước đi. Tướng quý như vậy, cả chục ngàn con, chưa chắc tìm được một.
Hắn hay thật, khi gác lên cây ở một khu lạ, không bao giờ hắn để xẩy. Chim ngoài nếu hàng cườm ở cổ nâu đỏ, lưa thưa, thuộc hàng nóng tính, chỉ cần thúc ba câu, bắt được ngay. Gặp tay ngoài sừng sỏ, từ sáng đến chiều chưa bắt được, ngày hôm sau hắn đổi chiến thuật, gáy giọng nhát gừng, như trêu tức thiên hạ, đến khi chim ngoài dợm cánh định bay, hắn thúc luôn cả chục lèo, rồi lại nhẩn nha qua giọng cũ. Khi chim ngoài đến sát gần chuồng với vẻ hung dữ, hắn gù liên hồi, lại chuyển sang gục nước đôi. Chim ngoài tức lắm, không biết thằng quỷ nào ở đâu lại giang sơn của mình, lớn tiếng gáy như vậy. Kệ, cũng phải đá nó vài cái cho nó tởn. Chàng sừng sỏ nhảy vào, ông Khôi ra gỡ lưới. Lắm khi gặp hàng cụ, hàng này khó nhai lắm, các cụ đã có tuổi, không muốn ăn thua, anh đổi ngay giọng đồng rặc, vừa dậm, vừa thúc như giọng cụ bà. Cụ ông giận lắm, mình muốn yên ổn, cứ lải nhải mãi, đến phải đập cho một cánh, lại gỡ lưới. Gặp ngay chị mái tơ bay ngang, anh quay ngay thành giọng thổ, buồn và chậm rãi, vừa gáy anh vừa nhịp nhẹ hai đầu cánh, rồi rù rù khe khẽ như điệu ru. Chị mái sa lưới tình.
Còn mấy anh chàng đa tình, dâm đãng, chỉ trong vài phút anh trở giọng đồng pha thổ của anh rồi bắt chước chị mái đơn lẻ, theo thế "sa cầu nhịp cánh" nép sát vào trong chuồng, nhịp đều hai đầu cánh, cúi thấp đầu, mỏ ngậm nhẹ sợi dây thép dưới đáy chuồng làm như đang vén tổ. Hấp, loại này nhảy vào ngay. Không cần biết hoa
đực hay hoa cái, có chủ hay chưa, tiếp tục gỡ lưới. Gặp vài cậu mới lớn, anh hung hãn đuổi đi ngay, nhiều khi có cậu háo đá cũng nhảy vào. Thật đồ láo ranh.
Sau mùa lúa chín, qua vụ gặt. Người trong làng thường lưới chim cu bằng lưới lớn. Đôi khi bắt cả trăm con một lúc. Ông chê lối bắt này không nghệ thuật. Sau vụ gặt, chim con của bầy vừa lớn, bay theo bầy đi kiếm ăn. Lưới dài dăng ra ngụy trang bằng rơm khô. Cần một con chim bã (chim cu thường) để làm mồi, con chim này sẽ bị khâu hai mí mắt lại bằng chỉ, chân buộc vào một cọc tre nhỏ, đuôi buộc bởi một sợi dây cước. Chim bị khâu mắt, không thấy đường, không dám bay, chúi đầu xuống như đang mổ lúa, khi dây cước được giật nhẹ, người ngồi trong bụi chỉ chờ sau khi rắc đầy lúa quanh chim mồi. Thấy đàn chim bay qua giật nhẹ dây cước cho chim cử động. Chim bầy sẽ sà xuống kiếm ăn và người rình chỉ cần giật. Trăm con bắt được, ông không buồn ngó vì ông cho rằng chim bầy không hay. Chỉ có những con chim độc, đơn lẻ ở từng khu riêng rẽ mới hay.
Từ ngày bắt được con thượng sĩ này, ông hả dạ và hãnh diện lắm, lịch sử những người chơi cu ở Nha Trang chưa ai có được con bạc má, loan đầu như ông, ông không tiếc gì về chuyện tai nạn xẩy ra. Trước khi có con thượng sĩ này, ông đã phải lặn lội ra mãi Phú Yên, nhất là vùng Vạn Giã, Tu Bông để xem những con nổi tiếng và nài mua. Gia đình không con, chi tiêu không nhiều, thành ra tiền bỏ mua chim hay, ông tiêu cũng bộn. Khi gặp thêm cậu nhỏ thời ông cảm thấy cuộc đời ông thật mãn nguyện. Ông chỉ hơi thắc mắc một chút về chuyện bà buồn rầu vì hiếm hoi.
Nhìn chiếc lồng bàn úp trên mâm cơm đã nguội, thở dài cùng chút lo âu. Không chừng lại có chuyện gì xẩy ra chăng. Sau ngày ông bị tai nạn, chuyện gì cũng làm bà lo sợ, biết rõ sự đam mê cùng tận của chồng về mấy con cu, bà còn sợ hơn, chuyện gì ông cũng dám làm, nếu dính đến mấy con chim mồi. Đơm chén cơm, xẻ chút thức ăn nguội, lùa cho qua bữa. Ngoài hiên trời đã tối hẳn, mọi nhà đã lên đèn. Vừa uống xong hớp nước trà, bà nghe tiếng chó sủa ngoài sân, ông vừa về, nhưng ông không vào nhà, hai thầy trò rầu rĩ ngồi ở góc hiên nhà, lặng im không nói. Linh cảm có chuyện lạ, bà ra mời ông và gọi cậu nhỏ vào ăn cơm cho vui, cả hai chỉ ầm ừ lấy lệ.
Cuối cùng ông nói với bà cứ đi ngủ trước, mọi chuyện để ông, đừng thắc mắc. Tuy chẳng yên tâm, chiều ông bà cũng phải đi ngủ. Giấc ngủ tuy khó, rồi cũng đến.
Trời gần sáng, khí trời hơi lạnh. Tay với chiếc chăn đơn không thấy, bà hơi nghiêng người để tìm, chăn đơn ở cuối giường, song không thấy ông, chỗ ngủ của ông lạnh tanh, chứng tỏ ông chưa đi ngủ. Ra nhà ngoài, ông đang ngủ ở trên ghế. Mâm cơm còn nguyên, chai bia đã cạn, vỏ chai nằm ngả trên bàn. Thấy tư thế của ông, nửa nằm, nửa ngồi trên ghế với chiếc chân còn lại, coi thật tội nghiệp. Bà lay nhẹ ông để nói ông vào giường ngủ, rồi bà chết sững vài giây, tay ông lạnh, cứng đờ. Chợt đến lúc mắt chạm vào đôi mắt ông, bà lạnh khắp châu thân, chân chết đứng, người bủn rủn. Hai mắt ông mở lớn, trắng dã không tròng.
Ông đã chết. Bà la lớn lên. Hàng xóm vài ánh đèn bật. Vài người chạy qua. Ngoài hiên, trời sáng dần. Một ngày mới khởi đầu.
Ông và cậu nhỏ nghe nói ở xóm Dương mới xuất hiện một con rất hay. Bà con có người đã bỏ cuộc. Hai thầy trò vội lên đường, lại không xa nhà, khoảng 15 phút xe đạp. Sau khi gác con Thượng Sĩ lên cây. Ông và cậu nhỏ tìm gốc cây lớn ngồi ngả lưng nói chuyện. Con mồi đã gáy vài câu rồi im. Cả hai tiếp tục ngồi nói chuyện, hơn nửa tiếng sau, không thấy con mồi lên tiếng gáy, ông đứng dậy lẩm bẩm, chắc lại con chim bã nào nhảy vô lưới, nhưng ông cảm thấy có một cái gì không ổn, khi ông thấy khá nhiều lông chim vật vờ qua lại trên đám cỏ dưới tàn cây. Hấp háy đôi mắt nhìn lên, một chú dính lưới, thảo nào con mồi êm re. Thầy trò đem sào hạ rập xuống. Thình lình cậu nhỏ thảng thốt la lớn, chạy lại bên chuồng. Thượng sĩ gác vai trên cần đậu, không cử động và đầu đã biến mất. Bên cạnh, vùng vẫy trong lưới, một con bù cắt.
Ông cố không tin, mắt mình nhìn thấy như vậy. Song con bù cắt đã đâm chết thượng sĩ của ông, rồi dính vào lưới. Ông ngồi thụp xuống cỏ, tay chậm rãi, hơi run run vấn một điếu thuốc rê, cũng thật chậm rãi mồi lửa, thả một làn khói xanh đục, nhẹ nhàng bay lên. Khói thuốc bay cao rồi loãng dần trong không khí, hồn ông cũng lặng lẽ theo khói thuốc bay. Ông chưa bao giờ buồn như vậy. Thượng sĩ của ông đã chết. Bao nhiêu năm mơ ước của ông cũng chết theo. Lặng lẽ hai thầy trò đào một huyệt nhỏ để chôn thượng sĩ cùng con bù cắt, sau khi ông đã thẳng tay đập chết. Hai thầy trò ở lại rất lâu. Bất ngờ miệng ông lẩm bẩm, ông đứng dậy với một chân còn lại, tay với chiếc nạng gỗ, đập thẳng vào chuồng rập. Ông đập mãi, đập mãi cho đến khi chiếc chuồng chỉ còn là một khối dây thép rối bùi, dẹp lép, chiếc nạng gỗ của ông cũng gãy theo. Cả hai lặng lẽ lên xe đi về.
Cái đam mê nhất trong đời của ông đã mất. Ngồi ở hiên nhà ông tự nhiên bật cười khi nghĩ đến chú nhỏ. Mình chừng này tuổi đầu đi kết bạn với một đứa cỡ cháu mình. Đôi khi lại nhà nó chơi, coi mấy con chim cu, lại phải cúi đầu chào cha mẹ nó thật lễ độ,
vì mình chơi với nó. Thiệt là dưới cơ. Xoay đầu nói với cậu nhỏ:
"Ngày mai đem hộ tao hết dàn chim cu về nhà mày nuôi."
"Sao vậy?"
"Ờ thì cứ làm như tao nói đi mà."
Cả hai lại im lặng. Cậu nhỏ xin phép ông về. Ông cũng chỉ gật đầu.
Vào nhà, làm hết chai lade, ông cảm thấy đời ông đã hết. Ngả người trên ghế, ông thở hắt hơi thở cuối cùng. Thượng sĩ của ông đã chết, tim ông cũng ngừng theo.
10-26-92
1
Đam Mê
Chuyện thật đã xẩy ra, viết tặng anh Luân Hoán, người có cùng một 'đam mê dại dột'.
" Xin báo cùng anh sáng nay đầu ngõ
Có con cu cườm đậu tuốt ngọn tre
Nó đứng rỉa lông mà không buồn gáy
Có phải nó còn sợ ná ai đe "
Luân Hoán
Trời đã về chiều, ánh mặt trời đã ngả sau rặng dương. Chiều của một Nha Trang hiền hòa, êm ả với những hàng dừa nghiêng, những rặng phi lao rì rào trong gió.
Bà Khôi nhìn ra cổng, rồi thở dài. Cơm thịt đã sẵn sàng, bà đã tươm tất sửa soạn sẵn chai la de con cọp cùng đá lạnh chờ sẵn. Chồng bà lại về trễ, bà lo lắng cho sức khỏe của ông. Ông đã ngoài năm mươi, sức lực dồi dào. Hơn ba mươi năm ông phục vụ trong quân lao Nha Trang, ông đóng đến lon thượng sĩ. Mọi người vẫn gọi thượng sĩ già thay vì gọi tên. Thời gian quân ngũ của ông cũng bằng thời gian mối tình già của hai người. Nhưng cả hai hiếm hoi, không có một mụn con để vui vầy. Tính tình của ông hòa nhã, hiền lành. Mọi người đều mến ông. Tụi trẻ hàng xóm cũng gọi ông, thượng sĩ già. Ông chỉ cười.
Hai năm trước, ông bị một tai nạn làm đảo lộn cả cuộc đời của ông bà. Tai nạn làm bà đau buồn, riêng ông, vẫn thản nhiên và coi tai nạn ấy như một chuyện nhỏ. Ông mất một bên chân, lên đến hơn đầu gối. Chỉ hơi phiền cho ông khi di chuyển phải dùng đến nạng. Hôm xẩy ra tai nạn, ông cùng cậu bạn nhỏ, khoảng 16, 17 tuổi, cũng là đệ tử, rủ rê nhau đi rập cu ở vòng đai trường hạ sĩ quan Đồng Đế.
"Ông à, bên trong họ gài mìn à ông."
"Không có đâu..."
"Họ để cái bảng, bãi mìn, tổ chảng kìa ông."
"Ôi, tao ở lính có hơn ba mươi năm, tao biết rành ba câu vọng cổ mà mày...họ đề bảng để hù bá tánh đó."
"Tui thấy ớn ớn...gài đại bên ngoài, rồi con mồi của mình kéo nó ra..."
"Cả tháng rồi, nó khôn thấy mẹ, chắc gì nó ra, thôi tao vô..."
Khi ông dẫm phải mìn, ông ngất đi khoảng nửa phút, tỉnh lại, ông mới cảm thấy đau, cái đau như gập người ông lại. Ông nhìn thấy cậu nhỏ hoảng hốt quăng bỏ hai rập cu xuống đất, những muốn leo rào vào bãi mìn để lại giúp ông. Ông ra hiệu tìm người cầu cứu. Từ lúc đó trở đi, ông thấy bầu trời từ từ nhỏ dần cho đến khi ông tỉnh trong quân y viện, ông mới biết đã mất một chân.
Đơn vị ông đã cấp cho quân y viện một chứng thư công vụ. Do đó ông cũng được trợ cấp tàn phế loại ba, tạm cho bà không đến nỗi vất vả xoay sở kinh tế. Bây giờ ông lại có quá nhiều giờ rảnh rỗi để lo cho bầy chim.
Hơn cả tháng trời, ông và cậu nhỏ bị hành, một con chim trời đã làm ông ăn không ngon, ngủ không yên. Để rồi, dù ông thấy bảng cấm, đề "Bãi mìn" ông cũng cứ leo vào. Nằm trong quân y viện gần nửa năm trời, ông vẫn kết con cu cườm ngoài trời một cách kỳ lạ. Ông thôi thúc cậu nhỏ chăm cho ông bầy cu ở nhà cùng theo dõi vết tích con chim trời, ông kết nó. Nằm nghĩ lại những lúc run tay để gỡ con chim hay ra khỏi lưới, sau nhiều ngày theo đuổi, ông mỉm cười, có những lúc bị người chửi thậm tệ vì xâm nhập vườn đất của người không xin phép. Lại có lần hai thầy trò bỏ chạy trối chết vì bị các chú tiểu của ngôi chùa thật lớn ngay Mã Vòng rượt, ném đá theo sau lưng, vì cái tội cả hai đã dám lẻn ra vườn sau chùa, vùng đất lành dùng cho việc thờ phụng, để bẫy cu, bị đuổi không đi, còn cự nự.
Cùng chung một đam mê, hai thầy trò đã từng chia miếng bánh, miếng cơm, cùng nhau đạp hai chiếc xe đạp rong ruổi khắp Nha Trang. Từ đồi Lasan, Hòn Chồng, ra đến đèo Đại Hàn, đèo Rù Rì, Đồng Đế, cho đến Phú Vinh, Thành. Chỗ nào nghe tiếng chim cu lạ, giọng hay, cả hai sẽ có mặt, đôi lúc một vài giờ, có khi dăm bữa nửa tháng, lại có khi hơn cả tháng, hầu như trong những ngày cuối tuần hay nghĩ lễ, để bắt cho được mới chịu. Nhiều khi phải đem đi bốn con mồi khác nhau để thay đổi, lỡ trường hợp con ở ngoài quá hay, làm con mồi chịu không nổi, sói chuồng.
Dàn chim mồi của ông được sự chọn lựa gay gắt của cả hai thầy trò. Bất đồng ý kiến, kình nhau cũng không ít, tuy ông là thầy, nhưng đôi khi cũng phải nghe lời vì hắn có lối nhận xét khá khoa học, khá nhiều kiến thức và hiểu biết về chim cu để thầy trò bàn cãi cùng trao đổi, lại nữa hắn cãi lý cũng khá hay.
"Ông kêu nó bị nhậm mắt, ông thoa ớt lên mắt nó để chữa, con nào sống, ông kêu trúng thuốc, con nào chết, ông cho là phần số, tui thấy ông với mấy ông thầy cu không có lý chút nào, con cu nó thuộc loại điểu, có cái mề, cái mề để nghiền thức ăn, ngoài trời, tụi nó ăn cát, ăn sạn để giúp cái mề nghiền hạt, thức ăn, ông treo nó cả ngày trên cao, không có sạn, cát, mề nó không làm việc tốt, nó cú rũ, rồi ông kêu là nhậm mắt."
Thật khoa học, ông quy hàng liền. Cả hai cùng đồng ý ở vài điểm khi chọn một con bổi để làm chim mồi. Đầu thon nhỏ, gọn như đầu bồ câu sẻ. Mỏ cụt, thân dài như bắp chuối, mắt đỏ, không chọn con mắt lộ, mắt lộ thường chim nhát. Chân thấp để chim ít sói chuồng, da chân phải đỏ tươi, ông gọi cu son, vẩy chân đếm từ móng lên tối thiểu phải 14 mới được gọi chim tốt. Móng ngắn, nếu dặm thêm vài móng trắng nữa, càng tốt. Sắc lông phải sáng, xếp đều hai bên cánh vai, bầu như mái ngói. Cuối cùng, cả ông và cậu nhỏ đều cùng khó tính ở một điểm, hàng cườm trên cổ, cườm phải thật trắng, cao tận ót, mịn nhỏ như tấm, liên hoàn chạy gần giáp vòng cổ, những con có cườm bể đều loại bỏ, tuyển chọn cườm như vậy, khi chim gáy, gù hàng cườm phùng lên, coi mới thật chiến đấu. Giọng gáy, ông thích giọng đồng pha thổ, gáy giọng trơn, cậu nhỏ nuôi riêng toàn giọng thổ, thích chim giọng đôi, ba, cậu chấp nhận những con chim gục hai, ba lèo dù đầu nó dài như đầu vịt, nhưng cả hai cũng có vài con giọng kim cho rậm đám.
Chiến tướng hàng đầu của ông đóng lon thượng sĩ ngang hàng với ông. Đó mới thật là con chim mồi đáng kể. Hội lãnh đủ đức tính ông muốn. Vì anh chàng này, ông đã mất bên chân. Số là ông và cậu nhỏ nghe nói gần trường hạ sĩ quan Đồng Đế có một con rất hay, tất cả bạn chơi chim đều bó tay với những con chim mồi nổi tiếng của Nha Trang. Ông và cậu nhỏ đã thay đổi bẩy con mồi khác nhau, chim trong nào thúc, nào gù, nào gục cũng đều bị hắn át tiếng, đành thua. Cả hai về mất ăn, mất ngủ, làm bà Khôi cũng cảm thấy thắc mắc, nôn nao.
Con này mới ghê gớm, trong bảy con mồi ông đem đi, đến năm con bị bể, về nhà cứ sói chuồng cả tuần lễ, hai con còn lại,đôi khi dặm vài tiếng buồn. Nhìn đàn chim mồi thứ chiến của mình bị bể bởi một con chim trời. Ông Khôi hồn những thẫn thờ và quyết ý bắt cho bằng được. Hai thầy trò bàn mưu, tính kế, dù đã đem một con mái ra làm mồi, điều này cả hai đã bước lên trên cả nguyên tắc, lấy mái làm mồi, anh chim trời này lại giống kẻ lãng tử chỉ liếc bằng nửa ánh mắt rồi bay đi. Có lẽ hắn đã có cặp.
Một ngày nào đó, hai người biết chắc anh chim trời này đóng ổ ở trên một cây cao, chỉ phiền cây lại nằm trong bãi mìn cấm. Lòng đam mê mãnh liệt để được ngồi trong bụi rậm, sau khi đã gác chuồng rập ở ngay cây đó, để rình xem khi anh chim trời quay về, thấy một con chim lạ ngay tại giang sơn của mình. Lúc đó sẽ có một màn đấu khẩu, nếu chim lạ không chịu đi, anh sẽ nhảy tới đá cho một trận, lúc anh nhảy gần lại, sáp sát lại, thấy một cần gỗ nhỏ xinh xắn sát cạnh hắn đứng, anh nhảy lên ngay để lấy thế đá, than ôi! Anh sa vào lưới. Khi đó chắc ông sẽ rất sung sướng, run rẩy tay đè lấy lồng ngực cho tim bớt đập. Với cái sào dài do ông chế biến bằng trúc, có thể gập đôi lại cho dễ mang theo. Từ từ móc lấy chuồng rập, ông hạ xuống nhẹ nhàng. Tay giữ lấy con chim trong lưới và chậm rãi gỡ chim khỏi luới. Chỉ mơ có thế, khiến ông quyết định leo rào vào bãi mìn. Thủng thẳng một tay cầm chuồng, một tay cầm sào, ông tiến lại gốc cây, và việc đã xẩy ra. Con chim mồi chết theo một chân của ông trong cái chuồng nằm lăn lóc trên mặt đất.
Sau khi hồi phục, ông vẫn rất cay. Thầy trò đôn một con chim mồi khác nhưng cũng không bắt được. Lại bắt được con chim mái đi cặp với hắn, cả hai tuyệt vọng thử thay con mồi bằng chị mái và đã bắt được hắn. Kể sao cho hết nổi vui mừng của hai thầy trò, dù ngay lúc đó, ông muốn đập cho câu nhỏ một trận, chưa bao giờ ông nổi giận như vậy:
"Nhẹ chút mày, nó đang tới..."
"Kiến cắn ông ơi...tui đâu có cục cựa..."
"NoÙ mon men...nhẹ chút mày..."
"Tui ngồi ngay ổ kiến lửa..."
"Mày ráng chịu chút được không?...ê, nhè nhẹ... nó sắp vô... mày còn cục cựa, tao đập chết giờ..."
"Trời ơi, tụi nó cắn ngay háng tui... trời ơi..."
"Mày rên nữa tao oánh dập đầu..."
Cậu nhỏ miệng thì thào, tay gãi, mắt vẫn dán sát về hướng cái rập với con mái bên trong, con cồ mon men phía ngoài:
"Tui muốn chết luôn đó ông ơi, kiến nó cắn háng tui, trời ơi, nó cắn qua dái tui ...Ui trời, dính rồi..."
Trên đường đem chim về, ông hơi ân hận về chuyện giận dữ với cậu nhỏ, ông cũng đã từng chết cứng người chịu trận vì kiến cắn khi rình chim ngoài sắp vào lưới. Ông o bế con chim mới thật kỹ. Lúa trộn với lòng đỏ trứng, mè, đậu xanh, kê. Ông thay đổi món ăn luôn luôn để tẩm bổ cho hắn ta. Không quên bỏ vào cóng, hàng tuần, một chút cát trắng để hắn ăn cho nhuận trường. Đôi khi ông ngâm cả lúa cho thành mộng để hắn ăn và cấp thời gắn liền lon thượng sĩ.
Quả đúng là một chiến tướng, hắn không thua ai, chỉ bị sa lầy vì hắn quá chung tình. Ngay buổi chiều đầu tiên thả trong chuồng, hắn đã gáy liền. Một vài anh mồi khác đáp lễ, khiến hắn hứng khởi và làm lại tưng bừng. Hắn cất tiếng lớn mạnh (giọng đồng pha thổ khiến ông Khôi rất hài lòng và ưng ý). Rồi từ từ hắn át hết tất cả các anh khác. Chỉ trong một tháng, ông đã biến hắn thành một tay chơi trứ danh. Ông để chuồng hắn ngay lối ra vào, cạnh chỗ bà làm việc cho mau dạn. Chuồng phủ tấm vải đen, chỉ chừa một mặt, cẩn thận xoay hết các chuồng khác để chỉ nghe tiếng, nhưng không thấy được mặt những con khác.
Ông không được khéo tay, đành nhờ một người bạn làm hộ ông một chuồng rập đặc biệt. Chuồng rất nhẹ,ï mặt vi chuồng làm bằng dây điện mảnh như sợi chỉ, để chim ngoài chỉ nhìn thấy chim trong, không cảm thấy sợ. Chuồng được phủ bằng lá đủng đỉnh. Lưới bẫy chính tay ông đan và gắn. Hai cóng đựng nước và thức ăn, ông thay đổi hằng ngày. Ông làm một sào bằng trúc mới, cẩn thận hơ lửa cho lên vân thật đẹp. Theo ông, như vậy mới xứng đáng với đệ nhất danh thủ.
Anh chàng này hay đến độ làm hai thầy trò ông mê mẩn. Tối ngày quanh quẩn cạnh chuồng chim, bàn tán, thảo luận. Tất cả bạn chơi đều ghé xem, tấm tắc khen ngợi. Tiếng đồn đi xa, có khi có người đem cả bạc triệu lại để nài mua, lại có cả tỉnh trưởng của một tỉnh miền Trung đích thân lái xe jeep đến tận nhà ông để xem và nài nỉ, nhưng ông và cậu nhỏ không bán. Con chim hội đủ tất cả những điểm của người chơi chim mong muốn.Với ông, tướng chim như vậy đã quý lắm, nhưng hắn lại bạc má, loan đầu. Hai má bạc như chim bạc má, túm lông đầu lại xoáy như xoáy tóc của người. Các bạn chơi chim nhìn thấy, không đành bước đi. Tướng quý như vậy, cả chục ngàn con, chưa chắc tìm được một.
Hắn hay thật, khi gác lên cây ở một khu lạ, không bao giờ hắn để xẩy. Chim ngoài nếu hàng cườm ở cổ nâu đỏ, lưa thưa, thuộc hàng nóng tính, chỉ cần thúc ba câu, bắt được ngay. Gặp tay ngoài sừng sỏ, từ sáng đến chiều chưa bắt được, ngày hôm sau hắn đổi chiến thuật, gáy giọng nhát gừng, như trêu tức thiên hạ, đến khi chim ngoài dợm cánh định bay, hắn thúc luôn cả chục lèo, rồi lại nhẩn nha qua giọng cũ. Khi chim ngoài đến sát gần chuồng với vẻ hung dữ, hắn gù liên hồi, lại chuyển sang gục nước đôi. Chim ngoài tức lắm, không biết thằng quỷ nào ở đâu lại giang sơn của mình, lớn tiếng gáy như vậy. Kệ, cũng phải đá nó vài cái cho nó tởn. Chàng sừng sỏ nhảy vào, ông Khôi ra gỡ lưới. Lắm khi gặp hàng cụ, hàng này khó nhai lắm, các cụ đã có tuổi, không muốn ăn thua, anh đổi ngay giọng đồng rặc, vừa dậm, vừa thúc như giọng cụ bà. Cụ ông giận lắm, mình muốn yên ổn, cứ lải nhải mãi, đến phải đập cho một cánh, lại gỡ lưới. Gặp ngay chị mái tơ bay ngang, anh quay ngay thành giọng thổ, buồn và chậm rãi, vừa gáy anh vừa nhịp nhẹ hai đầu cánh, rồi rù rù khe khẽ như điệu ru. Chị mái sa lưới tình.
Còn mấy anh chàng đa tình, dâm đãng, chỉ trong vài phút anh trở giọng đồng pha thổ của anh rồi bắt chước chị mái đơn lẻ, theo thế "sa cầu nhịp cánh" nép sát vào trong chuồng, nhịp đều hai đầu cánh, cúi thấp đầu, mỏ ngậm nhẹ sợi dây thép dưới đáy chuồng làm như đang vén tổ. Hấp, loại này nhảy vào ngay. Không cần biết hoa
đực hay hoa cái, có chủ hay chưa, tiếp tục gỡ lưới. Gặp vài cậu mới lớn, anh hung hãn đuổi đi ngay, nhiều khi có cậu háo đá cũng nhảy vào. Thật đồ láo ranh.
Sau mùa lúa chín, qua vụ gặt. Người trong làng thường lưới chim cu bằng lưới lớn. Đôi khi bắt cả trăm con một lúc. Ông chê lối bắt này không nghệ thuật. Sau vụ gặt, chim con của bầy vừa lớn, bay theo bầy đi kiếm ăn. Lưới dài dăng ra ngụy trang bằng rơm khô. Cần một con chim bã (chim cu thường) để làm mồi, con chim này sẽ bị khâu hai mí mắt lại bằng chỉ, chân buộc vào một cọc tre nhỏ, đuôi buộc bởi một sợi dây cước. Chim bị khâu mắt, không thấy đường, không dám bay, chúi đầu xuống như đang mổ lúa, khi dây cước được giật nhẹ, người ngồi trong bụi chỉ chờ sau khi rắc đầy lúa quanh chim mồi. Thấy đàn chim bay qua giật nhẹ dây cước cho chim cử động. Chim bầy sẽ sà xuống kiếm ăn và người rình chỉ cần giật. Trăm con bắt được, ông không buồn ngó vì ông cho rằng chim bầy không hay. Chỉ có những con chim độc, đơn lẻ ở từng khu riêng rẽ mới hay.
Từ ngày bắt được con thượng sĩ này, ông hả dạ và hãnh diện lắm, lịch sử những người chơi cu ở Nha Trang chưa ai có được con bạc má, loan đầu như ông, ông không tiếc gì về chuyện tai nạn xẩy ra. Trước khi có con thượng sĩ này, ông đã phải lặn lội ra mãi Phú Yên, nhất là vùng Vạn Giã, Tu Bông để xem những con nổi tiếng và nài mua. Gia đình không con, chi tiêu không nhiều, thành ra tiền bỏ mua chim hay, ông tiêu cũng bộn. Khi gặp thêm cậu nhỏ thời ông cảm thấy cuộc đời ông thật mãn nguyện. Ông chỉ hơi thắc mắc một chút về chuyện bà buồn rầu vì hiếm hoi.
Nhìn chiếc lồng bàn úp trên mâm cơm đã nguội, thở dài cùng chút lo âu. Không chừng lại có chuyện gì xẩy ra chăng. Sau ngày ông bị tai nạn, chuyện gì cũng làm bà lo sợ, biết rõ sự đam mê cùng tận của chồng về mấy con cu, bà còn sợ hơn, chuyện gì ông cũng dám làm, nếu dính đến mấy con chim mồi. Đơm chén cơm, xẻ chút thức ăn nguội, lùa cho qua bữa. Ngoài hiên trời đã tối hẳn, mọi nhà đã lên đèn. Vừa uống xong hớp nước trà, bà nghe tiếng chó sủa ngoài sân, ông vừa về, nhưng ông không vào nhà, hai thầy trò rầu rĩ ngồi ở góc hiên nhà, lặng im không nói. Linh cảm có chuyện lạ, bà ra mời ông và gọi cậu nhỏ vào ăn cơm cho vui, cả hai chỉ ầm ừ lấy lệ.
Cuối cùng ông nói với bà cứ đi ngủ trước, mọi chuyện để ông, đừng thắc mắc. Tuy chẳng yên tâm, chiều ông bà cũng phải đi ngủ. Giấc ngủ tuy khó, rồi cũng đến.
Trời gần sáng, khí trời hơi lạnh. Tay với chiếc chăn đơn không thấy, bà hơi nghiêng người để tìm, chăn đơn ở cuối giường, song không thấy ông, chỗ ngủ của ông lạnh tanh, chứng tỏ ông chưa đi ngủ. Ra nhà ngoài, ông đang ngủ ở trên ghế. Mâm cơm còn nguyên, chai bia đã cạn, vỏ chai nằm ngả trên bàn. Thấy tư thế của ông, nửa nằm, nửa ngồi trên ghế với chiếc chân còn lại, coi thật tội nghiệp. Bà lay nhẹ ông để nói ông vào giường ngủ, rồi bà chết sững vài giây, tay ông lạnh, cứng đờ. Chợt đến lúc mắt chạm vào đôi mắt ông, bà lạnh khắp châu thân, chân chết đứng, người bủn rủn. Hai mắt ông mở lớn, trắng dã không tròng.
Ông đã chết. Bà la lớn lên. Hàng xóm vài ánh đèn bật. Vài người chạy qua. Ngoài hiên, trời sáng dần. Một ngày mới khởi đầu.
Ông và cậu nhỏ nghe nói ở xóm Dương mới xuất hiện một con rất hay. Bà con có người đã bỏ cuộc. Hai thầy trò vội lên đường, lại không xa nhà, khoảng 15 phút xe đạp. Sau khi gác con Thượng Sĩ lên cây. Ông và cậu nhỏ tìm gốc cây lớn ngồi ngả lưng nói chuyện. Con mồi đã gáy vài câu rồi im. Cả hai tiếp tục ngồi nói chuyện, hơn nửa tiếng sau, không thấy con mồi lên tiếng gáy, ông đứng dậy lẩm bẩm, chắc lại con chim bã nào nhảy vô lưới, nhưng ông cảm thấy có một cái gì không ổn, khi ông thấy khá nhiều lông chim vật vờ qua lại trên đám cỏ dưới tàn cây. Hấp háy đôi mắt nhìn lên, một chú dính lưới, thảo nào con mồi êm re. Thầy trò đem sào hạ rập xuống. Thình lình cậu nhỏ thảng thốt la lớn, chạy lại bên chuồng. Thượng sĩ gác vai trên cần đậu, không cử động và đầu đã biến mất. Bên cạnh, vùng vẫy trong lưới, một con bù cắt.
Ông cố không tin, mắt mình nhìn thấy như vậy. Song con bù cắt đã đâm chết thượng sĩ của ông, rồi dính vào lưới. Ông ngồi thụp xuống cỏ, tay chậm rãi, hơi run run vấn một điếu thuốc rê, cũng thật chậm rãi mồi lửa, thả một làn khói xanh đục, nhẹ nhàng bay lên. Khói thuốc bay cao rồi loãng dần trong không khí, hồn ông cũng lặng lẽ theo khói thuốc bay. Ông chưa bao giờ buồn như vậy. Thượng sĩ của ông đã chết. Bao nhiêu năm mơ ước của ông cũng chết theo. Lặng lẽ hai thầy trò đào một huyệt nhỏ để chôn thượng sĩ cùng con bù cắt, sau khi ông đã thẳng tay đập chết. Hai thầy trò ở lại rất lâu. Bất ngờ miệng ông lẩm bẩm, ông đứng dậy với một chân còn lại, tay với chiếc nạng gỗ, đập thẳng vào chuồng rập. Ông đập mãi, đập mãi cho đến khi chiếc chuồng chỉ còn là một khối dây thép rối bùi, dẹp lép, chiếc nạng gỗ của ông cũng gãy theo. Cả hai lặng lẽ lên xe đi về.
Cái đam mê nhất trong đời của ông đã mất. Ngồi ở hiên nhà ông tự nhiên bật cười khi nghĩ đến chú nhỏ. Mình chừng này tuổi đầu đi kết bạn với một đứa cỡ cháu mình. Đôi khi lại nhà nó chơi, coi mấy con chim cu, lại phải cúi đầu chào cha mẹ nó thật lễ độ,
vì mình chơi với nó. Thiệt là dưới cơ. Xoay đầu nói với cậu nhỏ:
"Ngày mai đem hộ tao hết dàn chim cu về nhà mày nuôi."
"Sao vậy?"
"Ờ thì cứ làm như tao nói đi mà."
Cả hai lại im lặng. Cậu nhỏ xin phép ông về. Ông cũng chỉ gật đầu.
Vào nhà, làm hết chai lade, ông cảm thấy đời ông đã hết. Ngả người trên ghế, ông thở hắt hơi thở cuối cùng. Thượng sĩ của ông đã chết, tim ông cũng ngừng theo.
10-26-92
1
PHAN BÁ THỤY DƯƠNG.* U Y Ê N N G U Y Ê N
PHAN BÁ THỤY DƯƠNG.
U Y Ê N N G U Y Ê N
gởi Tịnh Nhiên
cánh hạc nào bay trong triền nắng sớm
tiếng hót xa xăm như tận cõi trời
sao u trầm chất ngất khách thiền ơi
xin nhẹ bước trên lối mòn tỉnh lặng
rừng cô tịch có gì đâu tra vấn
lửa chân như có đủ ấm linh hồn
đất bùn nào còn in lại dấu chân
tâm vô niệm đường xa gần đi mãi
có phải người đang quay về bến đợi
gom lá vàng gỗ mục dưới trăng trong
veê` đi thôi, đêm lạnh giá mênh mông
áo nâu mỏng sao che mưa đỡ gió
chim thức giấc cất lời ru thật lạ
ai phong trần qua mấy độ truân chuyên
thấy gì chưa tự ngã với uyên nguyên
hay ngần ngại chia xa lòng thung lũng
từ tiềm thức đã lạc quên long trượng
đâu đây chừng thấp thoáng ánh vô ưu
thiền khách này, thiền khách đã về chưa
xin trả lại cho ta quê, tình cũ
PHAN BÁ THỤY DƯƠNG.
U Y Ê N N G U Y Ê N
gởi Tịnh Nhiên
cánh hạc nào bay trong triền nắng sớm
tiếng hót xa xăm như tận cõi trời
sao u trầm chất ngất khách thiền ơi
xin nhẹ bước trên lối mòn tỉnh lặng
rừng cô tịch có gì đâu tra vấn
lửa chân như có đủ ấm linh hồn
đất bùn nào còn in lại dấu chân
tâm vô niệm đường xa gần đi mãi
có phải người đang quay về bến đợi
gom lá vàng gỗ mục dưới trăng trong
veê` đi thôi, đêm lạnh giá mênh mông
áo nâu mỏng sao che mưa đỡ gió
chim thức giấc cất lời ru thật lạ
ai phong trần qua mấy độ truân chuyên
thấy gì chưa tự ngã với uyên nguyên
hay ngần ngại chia xa lòng thung lũng
từ tiềm thức đã lạc quên long trượng
đâu đây chừng thấp thoáng ánh vô ưu
thiền khách này, thiền khách đã về chưa
xin trả lại cho ta quê, tình cũ
PHAN BÁ THỤY DƯƠNG.
TƯỜNG LINH * MỘT GÓC XUÂN
Thơ TƯỜNG LINH
MỘT GÓC XUÂN
Nhớ PhanBáThụyDương
Bình sinh ta không ưa rượu mấy
Nhưng buổi chiều nay ta phải say
Bạn tìm không gặp, chờ không thấy
Một mình ta biết uống sao đây ?
Dẫu sao cũng phải mừng xuân mới
Chào xuân ta cạn một ly đầy
Có phải ly này ly thứ tư
Thơ ta giờ biết có còn như
Thuở trăng xuân thắm vườn xuân cũ
Trăng với người chung đọc cổ thư
Trăng soi sáng cả trần gian đấy
Khó gặp người đang ẩn tích cư
Chiều đã vơi chưa thế hỡi chiều
Uống nhiều nhưng chửa hết bao nhiêu
Rượu dành mời bạn mình ta uống
Bút rỉ, hồn đơn khập khiễng gieo
Rượu vẫn nồng men, thơ cạn men
Ngập ngừng vướng mắc chuyện chê khen
Bạn bè thân cũ về đâu hết
Khuya vẫn mình ta với ngọn đèn
Rót tiếp đầy ly... lại uống thôi
Nàng thơ gọi mãi chẳng về ngôi
Thu mình một góc xuân nhân thế
Đây đó còn vang tiếng pháo vui.
Tường Linh
MỘT GÓC XUÂN
Nhớ PhanBáThụyDương
Bình sinh ta không ưa rượu mấy
Nhưng buổi chiều nay ta phải say
Bạn tìm không gặp, chờ không thấy
Một mình ta biết uống sao đây ?
Dẫu sao cũng phải mừng xuân mới
Chào xuân ta cạn một ly đầy
Có phải ly này ly thứ tư
Thơ ta giờ biết có còn như
Thuở trăng xuân thắm vườn xuân cũ
Trăng với người chung đọc cổ thư
Trăng soi sáng cả trần gian đấy
Khó gặp người đang ẩn tích cư
Chiều đã vơi chưa thế hỡi chiều
Uống nhiều nhưng chửa hết bao nhiêu
Rượu dành mời bạn mình ta uống
Bút rỉ, hồn đơn khập khiễng gieo
Rượu vẫn nồng men, thơ cạn men
Ngập ngừng vướng mắc chuyện chê khen
Bạn bè thân cũ về đâu hết
Khuya vẫn mình ta với ngọn đèn
Rót tiếp đầy ly... lại uống thôi
Nàng thơ gọi mãi chẳng về ngôi
Thu mình một góc xuân nhân thế
Đây đó còn vang tiếng pháo vui.
Tường Linh
TS. MAI THANH TRUYẾT 8 MÔI TRƯỜNG
UNICODE
RFA – Tạp chí Khoa học & Môi trường:
Bối cảnh Lịch sử của Chiến dịch Ranch Hand/ Historic Background of The Operation Ranch Hand
Bối cảnh Lịch sử của Chiến dịch Ranch Hand/ Historic Background of The Operation Ranch Hand
Dr. Mai Thanh
Truyet
Một trong những tài liệu về chiến tranh Việt Nam đã được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giải mã gần đây, đó là tập tài liệu “ A review of the herbicide program in South Việt Nam”. Trong tập tài liệu nầy, ý định và lý do việc phun xịt hóa chất khai quang trong những khu rừng rậm và khu thưa dân cư được chính phủ Hoa Kỳ giải thích tương đối rõ ràng. ÝÙ định đầu tiên về chiến dịch khai quang ở Việt Nam đã nảy sinh từ tháng 7 /1961. Giới hữu trách Hoa kỳ lúc bấy giờ dã nghĩ rằng phương pháp khai quang có thể sử dụng để gia tăng khả năng và tầm quan sát dọc theo các trục lộ giao thông và đồng thời chận đứng đường tiếp tế lương thực của địch quân.
Hỏi 1: Trước hết xin TS MTT cho biết diễn tiến của
chiến dịch nầy từ lúc ban đầu.
Đáp 1: Sau khi đề nghị sử dụng thuốc khai quang ở Việt Nam được chấp thuận, TrungTâm Thí Nghiệm Phát Triển Chiến Đấu (The Combat Development Test Center) bắt đầu nghiên cứu mức độ khả thi của chiến dịch khai quang tại miền nam Việt Nam.
Và ngày 7/1/62, ba trong sáu chiếc C-123 được chuyển về phi trường Tân Sơn Nhứt, Saigon. Và từ đó chương trình khai quang được lấy tên là Chiến Dịch Ranch Hand với nhiệm vụ chính là thử nghiệm xem việc sử dụng thuốc diệt cỏ có cơ sở vững chắc không, ấn định độ nồng của thuốc, và phải thực hiện như thế nào.
Đáp 1: Sau khi đề nghị sử dụng thuốc khai quang ở Việt Nam được chấp thuận, TrungTâm Thí Nghiệm Phát Triển Chiến Đấu (The Combat Development Test Center) bắt đầu nghiên cứu mức độ khả thi của chiến dịch khai quang tại miền nam Việt Nam.
Và ngày 7/1/62, ba trong sáu chiếc C-123 được chuyển về phi trường Tân Sơn Nhứt, Saigon. Và từ đó chương trình khai quang được lấy tên là Chiến Dịch Ranch Hand với nhiệm vụ chính là thử nghiệm xem việc sử dụng thuốc diệt cỏ có cơ sở vững chắc không, ấn định độ nồng của thuốc, và phải thực hiện như thế nào.
Ngày 12/1/62, chiến dịch Ranch Hand bắt đầu công
tác thử nghiệm dọc theo quốc lộ 15 về hướng tây bắc của Saigon.. Ngoài việc sử
dụng các phi cơ thuộc chiến dịch Ranch Hand, Việt Nam Cộng Hòa cũng đã dùng phi
cơ vận tải C-47 và nhiều trực thăng H-34 để trắc nghiệm quan niệm sử dụng thuốc
diệt cỏ. Nhiều cuộc thử nghiệm khác cũng được thực hiện tại vùng Cà Mau. Các
cuộc thử nghiệm đó kéo dài đến ngày 20-3-62 thì chấm dứt để chờ kết quả lượng
giá xem ảnh hưởng của chất hóa học đối với cây cỏ như thế nào.
Hỏi 2: Kết quả của việc thử nghiệm và lượng giá ảnh
hưởng lên cây cỏ như thế nào thưa TS?
Đáp 2(MTT): Để trả lời câu hỏi nầy, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu GS Trần Cảnh Xuân, Chủ tịch HĐQT Hội KH&KT Việt Nam, trụ sở tại Nam Cali trình bày vấn đề nầy, vì đây cũng là đề tài thuyết trình của GS trong ngày Hội thảo về Vụ Kiện Chất Da Cam của Việt Nam ngày 12/12/04 tại đây. Xin mời GS TCX.
Đáp 2(TCX): Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD và xin cám ơn TS MTT. Xin thưa rằng sự vụ nhế thế nầy. Một tướng lãnh quân đội Hoa Kỳ đã đến Việt Nam ngày 4-12-62, hướng dẫn một phái đoàn chuyên viên về thuốc diệt cỏ thuộc Quân Đoàn Hóa Học để xác định tính cách khả thi của việc sử dụng chất hóa học bằng cách dùng phi cơ để xịt từ trên không và đồng thời sử dụng các phương tiện xịt thuốc dưới đất nhằm tiêu hủy các loài thảo mộc vùng nhiệt đới tại vài nơi được lựa chọn làm mục tiêu thí điểm tại miền Nam.
Đáp 2(MTT): Để trả lời câu hỏi nầy, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu GS Trần Cảnh Xuân, Chủ tịch HĐQT Hội KH&KT Việt Nam, trụ sở tại Nam Cali trình bày vấn đề nầy, vì đây cũng là đề tài thuyết trình của GS trong ngày Hội thảo về Vụ Kiện Chất Da Cam của Việt Nam ngày 12/12/04 tại đây. Xin mời GS TCX.
Đáp 2(TCX): Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD và xin cám ơn TS MTT. Xin thưa rằng sự vụ nhế thế nầy. Một tướng lãnh quân đội Hoa Kỳ đã đến Việt Nam ngày 4-12-62, hướng dẫn một phái đoàn chuyên viên về thuốc diệt cỏ thuộc Quân Đoàn Hóa Học để xác định tính cách khả thi của việc sử dụng chất hóa học bằng cách dùng phi cơ để xịt từ trên không và đồng thời sử dụng các phương tiện xịt thuốc dưới đất nhằm tiêu hủy các loài thảo mộc vùng nhiệt đới tại vài nơi được lựa chọn làm mục tiêu thí điểm tại miền Nam.
Vấn đề đáng lưu tâm nhất của phái đoàn chuyên viên
hóa học là làm thế nào để gia tăng tầm nhìn xa trên các trục lộ giao thông và
trong các khu rừng rậm để dễ dàng kiểm soát từ trên không và dưới đất các mạch
lộ được địch quân sử dụng để chuyển quân và tiếp vận nhằm giảm thiểu các vụ đột
kích của địch và khám phá dễ dàng nơi đóng quân của đi.ch.
Đoàn chuyên viên đã thẩm định 21 mục tiêu tại 11
vùng thí điểm với kết luận là sự xịt thuốc từ trên không có hiệu quả 70% và
xịt từ dưới đất có hiệu quả 60% về phương diện “thấy rõ” nhìn theo chiều đứng từ
trên không và nhìn theo chiều ngang trên mặt đất. Đoàn chuyên viên còn khuyến
cáo là nên tăng nồng độ thuốc diệt cỏ và kiện toàn phương tiện xịt
thuốc.
Hỏi 3: Sau khi nghe khuyến cáo và thẩm định mức
hiệu quả, chiến dịch Ranch Hand đã tiếp diễn như thế nào thưa GS?
Đáp 3(TCX): Tiếp theo lời khuyến cáo của phái đoàn lượng định, hai phi cơ C-123 được điều chỉnh để gia tăng khả năng phun xịt thuốc lên đến 1,5 gallons cho mỗi acre (3600m2). Vào tháng 8-1962, việc xịt thuốc diệt cỏ được phép áp dụng tại sáu vùng dọc theo các kinh đào tại Cà Mau. Các vụ thử nghiệm trên đạt thành quả tốt đẹp với mức độ từ 90 đến 95 % “thấy rõ” (visibility) dọc theo các kinh đào. Vào tháng 12,1962, các mục tiêu xịt thuốc đươc chọn dọc theo các thông lộ tại vùng núi gần thành phố Qui Nhơn. Sau đó chiến dịch khai quang tạm ngưng để chờ cho đến mùa mưa bắt đầu từ tháng sáu vì thuốc diệt cỏ có hiệu quả cao nhất trong mùa mưa khi cây cỏ tăng trưởng ma.nh.
Đáp 3(TCX): Tiếp theo lời khuyến cáo của phái đoàn lượng định, hai phi cơ C-123 được điều chỉnh để gia tăng khả năng phun xịt thuốc lên đến 1,5 gallons cho mỗi acre (3600m2). Vào tháng 8-1962, việc xịt thuốc diệt cỏ được phép áp dụng tại sáu vùng dọc theo các kinh đào tại Cà Mau. Các vụ thử nghiệm trên đạt thành quả tốt đẹp với mức độ từ 90 đến 95 % “thấy rõ” (visibility) dọc theo các kinh đào. Vào tháng 12,1962, các mục tiêu xịt thuốc đươc chọn dọc theo các thông lộ tại vùng núi gần thành phố Qui Nhơn. Sau đó chiến dịch khai quang tạm ngưng để chờ cho đến mùa mưa bắt đầu từ tháng sáu vì thuốc diệt cỏ có hiệu quả cao nhất trong mùa mưa khi cây cỏ tăng trưởng ma.nh.
Hỏi 4: Sau đó thì chiến dịch lan rộng đến đâu thưa
GS?
Đáp 4(TCX): Đến tháng 6 và 7-1963, chiến dịch khai quang được tiếp tục tại các kinh đào trong vùng Cà Mau và dọc theo đường dây dẫn điện Đa Nhim từ Đà Lạt về đến Saigon. Cũng trong thời gian nầy thiết lộ xe lửa từ Saigon đến Phan Thiết và nhiều thông lộ và kinh đào cũng được khai quang.
Đáp 4(TCX): Đến tháng 6 và 7-1963, chiến dịch khai quang được tiếp tục tại các kinh đào trong vùng Cà Mau và dọc theo đường dây dẫn điện Đa Nhim từ Đà Lạt về đến Saigon. Cũng trong thời gian nầy thiết lộ xe lửa từ Saigon đến Phan Thiết và nhiều thông lộ và kinh đào cũng được khai quang.
Hỏi 5: Trong suốt thời gian phun xịt vừa kễ trên,
đã có cuộc tổng kết nào được thực hiện không thưa GS?
Đáp 5(TCX): Vào tháng 9-1963, Bộ Quốc Phòng Mỹ tổng kết những kết quả của các cuộc thử nghiệm bắt đầu từ tháng 9-1962 đến tháng 9-1963.Kết quả của chiến dich cho thấy giá trị quân sự rất rõ rệt trong chiến thuật chống địch, do đó chiến dịch khai quang được lệnh tiếp tục thi hành. Cả hai Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ đồng ý tăng cường chiến dịch rộng rải hơn. Sau tháng 9-1964, các cố vấn Mỹ cấp quân đoàn được ủy quyền thi hành chiến dịch xịt thuốc bằng tay.
Đáp 5(TCX): Vào tháng 9-1963, Bộ Quốc Phòng Mỹ tổng kết những kết quả của các cuộc thử nghiệm bắt đầu từ tháng 9-1962 đến tháng 9-1963.Kết quả của chiến dich cho thấy giá trị quân sự rất rõ rệt trong chiến thuật chống địch, do đó chiến dịch khai quang được lệnh tiếp tục thi hành. Cả hai Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ đồng ý tăng cường chiến dịch rộng rải hơn. Sau tháng 9-1964, các cố vấn Mỹ cấp quân đoàn được ủy quyền thi hành chiến dịch xịt thuốc bằng tay.
Vào tháng 7-1964, chiến dịch Ranch Hand bắt đầu xịt
các mục tiêu trong vùng rừng đước tỉnh Gò Công. Lúc đó Việt Cộng kiểm soát hầu
hết cả vùng, và các chuyến bay thường bị địch quân xạ kích. Chiến dịch khai
quang tại Gò Công kết thúc vào ngày 22-7-1964. Chiến dịch Ranch Hand kéo dài
được hai năm rưỡi với 800 phi vụ và với lượng thuốc diệt cỏ là 250 ngàn gallons
trên một diện tích gồm 80 ngàn acres(32 ngàn mẫu).
Hỏi 6: Chính phủ cũng như quân đội Hoa Kỳ có điều
tra về ảnh hưởng lên môi trường của chiến dịch nầy không? Và nếu có thì kết quả
ra sao?
Đáp 6(TCX): Độ 5 năm sau khi chiến dịch Ranch Hand bắt đầu từ tháng 1-1962, một cuộc nghiên cứu toàn diện về ảnh hưởng lâu dài của thuốc diệt cỏ đến sinh thái tại Việt Nam đã được Viện Nghiên Cứu Miền Trung Tây( The Midwest Research Institute) tại Hoa Kỳ thực hiê.n. Cuộc nghiên cứu đã thu thập các dữ kiện gồm hơn 1500 bài liên hệ trong các tạp chí khoa học và tài liệu của hơn 140 nhân vật có thẩm quyền trong chánh phủ, các trường đại học, và các cty kỹ nghệ hóa chất. Mục tiêu căn bản của việc nghiên cứu là tìm hiểu hậu quả sinh thái của hóa chất diệt cỏ đã được sử dụng trên bình diện qui mô và tác dụng của thuốc còn đọng lại trong đất và ảnh hưởng lâu dài đến thực vật, động vật và môi trường vật chất.
Đáp 6(TCX): Độ 5 năm sau khi chiến dịch Ranch Hand bắt đầu từ tháng 1-1962, một cuộc nghiên cứu toàn diện về ảnh hưởng lâu dài của thuốc diệt cỏ đến sinh thái tại Việt Nam đã được Viện Nghiên Cứu Miền Trung Tây( The Midwest Research Institute) tại Hoa Kỳ thực hiê.n. Cuộc nghiên cứu đã thu thập các dữ kiện gồm hơn 1500 bài liên hệ trong các tạp chí khoa học và tài liệu của hơn 140 nhân vật có thẩm quyền trong chánh phủ, các trường đại học, và các cty kỹ nghệ hóa chất. Mục tiêu căn bản của việc nghiên cứu là tìm hiểu hậu quả sinh thái của hóa chất diệt cỏ đã được sử dụng trên bình diện qui mô và tác dụng của thuốc còn đọng lại trong đất và ảnh hưởng lâu dài đến thực vật, động vật và môi trường vật chất.
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy các hóa chất
sử dụng không tồn tại trong đất lâu dài. Với nhiệt độ trung bình và mưa nhiều
của vùng nhiệt đới như Việt Nam, chất màu cam tiêu tan trong một thời gian rất
ngắn vào khoảng một tháng; chất màu xanh cũng tan biến trong một thời gian ngắn
như chất màu cam; còn chất màu trắng thấm vào đất từ 2 đến 6 feet và tồn tại lâu
hơn. Một điều đáng lưu ý là các hóa chất đó không độc (non- toxic), không ăn
mòn (non-corrosive), và nói chung không hại đến sinh mạng của người và thú vâ.t.
Tại Hoa Kỳ, các loai hóa chất khai quang nói trên được sử dụng hằng năm trên một
diện tích hơn 400 triệu acres trong suốt 20 năm mà không có ảnh hưởng tai hại
nào.
Hỏi 7: Trở qua TS MTT. Về vụ kiện do Hội NNCDC Việt
Nam kiện 37 cty hóa chất Hoa Kỳ tại tòa án Brooklyn New York từ đầu năm 2004,
cảm tưởng của TS như thế nào sau những lời trình bày của GS TCX qua tập tài liệu
của Bộ QP Hoa Kỳ.
Đáp 7(MTT): Thưa anh, vào tháng 1/2004, Việt Nam qua Hội trên đã kiện 37 cty hóa chất Hoa Kỳ, nhưng thật sự từ năm 1962, Việt Nam đã bắt đầu xách động chiến dịch tố giác HK phun xịt chất Da cam làm chết người. Ngay khi chiến dịch Ranch Hand phát động được vài tháng, ngày 10/12/1962, GS Trần Hữu Tước ở Hà Nội đã kêu gọi trên Đài phát thanh Hà Nội bằng Anh ngữ như sau: ”Chúng tôi kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới rằng Mỹ Diệm đã xử dụng chất hóa học ở miền Nam. Đó là chất màu xám như khói, và chất màu trắng như hơi nước tàn phá mùa màng, cây cỏ, rừng, và gây thương tích và làm thiệt mạng người và thú vâ.t. Đối với cây cỏ, trong vòng 14 tiếng đồng hồ sau khi thuốc được rãi xuống, là cây rừng vàng úa và rơi rụng; loại cây nhỏ chết ngay từ ngọn đến rễ. Cây ăn trái như cam quít bị chứng khô và chết. Người lớn bị ảnh hưởng chất hóa học bị nghẹt thở, ói mữa, ngất xỉu, hoặc ngã bịnh từ 20 tiếng dồng hồ đến 4 ngày. Trẻ con bị bịnh, xuất huyết hay chết. Gà, vịt, heo, chó và các thú vật khác uống nhầm nước có chất độc đều bị chết.”
Đáp 7(MTT): Thưa anh, vào tháng 1/2004, Việt Nam qua Hội trên đã kiện 37 cty hóa chất Hoa Kỳ, nhưng thật sự từ năm 1962, Việt Nam đã bắt đầu xách động chiến dịch tố giác HK phun xịt chất Da cam làm chết người. Ngay khi chiến dịch Ranch Hand phát động được vài tháng, ngày 10/12/1962, GS Trần Hữu Tước ở Hà Nội đã kêu gọi trên Đài phát thanh Hà Nội bằng Anh ngữ như sau: ”Chúng tôi kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới rằng Mỹ Diệm đã xử dụng chất hóa học ở miền Nam. Đó là chất màu xám như khói, và chất màu trắng như hơi nước tàn phá mùa màng, cây cỏ, rừng, và gây thương tích và làm thiệt mạng người và thú vâ.t. Đối với cây cỏ, trong vòng 14 tiếng đồng hồ sau khi thuốc được rãi xuống, là cây rừng vàng úa và rơi rụng; loại cây nhỏ chết ngay từ ngọn đến rễ. Cây ăn trái như cam quít bị chứng khô và chết. Người lớn bị ảnh hưởng chất hóa học bị nghẹt thở, ói mữa, ngất xỉu, hoặc ngã bịnh từ 20 tiếng dồng hồ đến 4 ngày. Trẻ con bị bịnh, xuất huyết hay chết. Gà, vịt, heo, chó và các thú vật khác uống nhầm nước có chất độc đều bị chết.”
Và tin tức được suy diễn như sau, ngay sau bảng tin
trên:” Cho đến nay, gần 500.000 (năm trăm ngàn) người, hầu hết dân số của tỉnh
Kiến Hòa (dân số của tỉnh Kiến Hòa theo “thấng kê” của Hà Nội) đều bị ảnh hưởng
ít nhiều hay trầm tro.ng. 46 ngàn nạn nhân hầu hết là trẻ con, đàn ba,ø và người
già đang trong tình trạng nguy ngập, bị ngứa cả người, ói mửa và sưng cả người.
Thân thể của bà Khai tại GiồngTrôm bị sưng phù không thể đi đứng đươ.c. Các con
của ông Tài, 2 trai và 1 gái đã chết vì ăn nhầm trái cây bị nhiễm độc v.
v...”
Thưa anh, đây là kết quả rất “chính xác”của phía Hà
Nội về ảnh hưởng của chất Da Cam ngay trong giai đoạn đầu tiên!
Hỏi 8: Như vậy kết luận của TS về vấn đề nầy như
thế nào?
Đáp 8: Như chúng tôi đã thưa chuyện cùng thính giả trên chương trình Tạp chí KH&MT, trong hơn 20 lần phát thanh vào năm 2004 về đề tài liên quan đến chất Da cam Việt Nam trong chiến dịch Ranch Hand, chúng tôi đã khơi mở từng góc cạnh của vấn đề cũng như loan tải những thông tin khoahọc về vấn nạn trên. Chúng tôi không phủ nhận tính độc hại của chất Dioxin, một phụ gia trong quá trình sản xuất chất diệt cỏ 2,4,5-T và có nồng độ từ 1 đến 2 phần triê.u. Do đó tổng lượng Dioxin được ước tính là 170 đến 180 Kg trải rộng trên một diện tích phun xịt là 23.500 Km2 từ vỹ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Với thời gian phun xịt gần hay trên 40 năm, chúng tôi không nghĩ là chất Dioxin trong chiến dịch Ranch Hand còn ảnh hưởng đến ngày nay. Việc 4,8 triệu nạn nhân được Việt Nam mô tả là nạn nhân của chất da cam cần phải được duyệt xét laị nếu quả thật có một số lượng lớn nạn nhân nêu trên. Việt Nam trong thời gian phát triển nông ngư nghiệp và kỹ nghệ ồ ạt từ 1986 trở đi, và qua việc xử dụng hàng năm trên 9,5 triệu tấn hóa chất cùng phân bón, cũng như trên 300.000 tấn đủ loại các thuốc diệt cỏ dại, trừ sâu rầy. Phần lớn các loại hóa chất nầy được xếp vào loại dioxin-tương đương và có ảnh hưởng độc hại lên sức khỏe và môi trường tương đương như dioxin. Thiết nghĩ, đây là câu trả lời rốt ráo của vấn đề nếu Việt Nam thực sự có trên 4,8 triệu nạn nhân.
Đáp 8: Như chúng tôi đã thưa chuyện cùng thính giả trên chương trình Tạp chí KH&MT, trong hơn 20 lần phát thanh vào năm 2004 về đề tài liên quan đến chất Da cam Việt Nam trong chiến dịch Ranch Hand, chúng tôi đã khơi mở từng góc cạnh của vấn đề cũng như loan tải những thông tin khoahọc về vấn nạn trên. Chúng tôi không phủ nhận tính độc hại của chất Dioxin, một phụ gia trong quá trình sản xuất chất diệt cỏ 2,4,5-T và có nồng độ từ 1 đến 2 phần triê.u. Do đó tổng lượng Dioxin được ước tính là 170 đến 180 Kg trải rộng trên một diện tích phun xịt là 23.500 Km2 từ vỹ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Với thời gian phun xịt gần hay trên 40 năm, chúng tôi không nghĩ là chất Dioxin trong chiến dịch Ranch Hand còn ảnh hưởng đến ngày nay. Việc 4,8 triệu nạn nhân được Việt Nam mô tả là nạn nhân của chất da cam cần phải được duyệt xét laị nếu quả thật có một số lượng lớn nạn nhân nêu trên. Việt Nam trong thời gian phát triển nông ngư nghiệp và kỹ nghệ ồ ạt từ 1986 trở đi, và qua việc xử dụng hàng năm trên 9,5 triệu tấn hóa chất cùng phân bón, cũng như trên 300.000 tấn đủ loại các thuốc diệt cỏ dại, trừ sâu rầy. Phần lớn các loại hóa chất nầy được xếp vào loại dioxin-tương đương và có ảnh hưởng độc hại lên sức khỏe và môi trường tương đương như dioxin. Thiết nghĩ, đây là câu trả lời rốt ráo của vấn đề nếu Việt Nam thực sự có trên 4,8 triệu nạn nhân.
LÝ UYÊN * VIỆT CỘNG DỐI GẠT
Đọc Báo Hải Ngoại:
Cộng Sản Việt Nam dối gạt thế giới về tình hình tự do Tôn giáo
Cộng Sản Việt Nam dối gạt thế giới về tình hình tự do Tôn giáo
Lý Uyên (Saigon), Feb 24, 2005
Cali Today News - Trong khi các tự viện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được Nhà Nước mở rộng cửa để đón tiếp Thiền Sư Nhất Hạnh cùng phái đoàn Tăng Thân Làng Mai về nước hoằng pháp, hòng chứng minh cho thế giới tự do biết rằng “Việt Nam có tự do Tôn Giáo”; trong khi thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải ra chỉ đạo Tôn Giáo mới đối với các Giáo Hội Tin Lành chưa được công nhận ở Tây Nguyên; trong khi Việt Nam đang nỗ lực vận động, vuốt ve chính phủ Hoa Kỳ bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách: Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt (countries of particular concern = CPCs)… và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã phổ biến một bản thông cáo báo chí hoan nghênh chỉ đạo của Thủ Tướng chính phủ Việt Nam đối với đạo Tin lành… thì ngay tại Sài Gòn, nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lại ráo riết phong tỏa, đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), khép (chận) cửa chùa không cho tự do đi lại, sinh hoạt Tôn giáo.
Công an canh gác, theo dõi suốt ngày đêm đối với các Tự Viện thuộc GHPGVNTN và các trú xứ có chư tăng theo GHPGVNTN. Tại tu viện Quảng Hương Già Lam, thường ngày có từ 5 đến 7 công an canh gác, và lúc đặc biệt có đến vài chục công an được điều động là chuyện thường, với sắc phục thường dân, người ít đến chùa thì khó mà phát hiện đươ.c. Hết sức tội nghiệp cho những công an này, vì họ chỉ biết làm theo lệnh, bị bắt phải theo dõi, canh gác một cách phi lý, phi luật từ lệnh của các cấp lãnh đạo vô minh, độc tài. Họ rình rập, thập thò trước cửa chùa, cửa phòng của chư Tôn đức như phường trộm cướp. Chư Tăng và Phật tử tại Tổ đình Báo Quốc, Tu viện Nguyên Thiều, Tu viện Quảng Hương Già Lam, Thanh Minh Thiền Viện, chùa Giác Hoa, chùa Liên Trì, chùa Từ Hiếu, v.v… đã trở nên quen thuô.c. Cho nên có những Phật tử biết chuyện, nói một cách thân thiện, gọi họ là những người “giữ an ninh cho chùa”, hoặc là “lũ chó săn” vì họ có những cử chỉ, hành động vô phép, không tôn tro.ng.
Kể từ ngày 15/02/2005 trở lại đây, chư tôn Giáo phẩm thuộc GHPGVNTN bị nhà nước CSVN “quan tâm đặc biệt”. HT. Thích Quảng Độ - Viện Trưởng Viện Hoá Đạo (VHĐ), HT. Thích Đức Chơn - Thành viên Hội đồng Viện Tăng Thống, kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, TT. Thích Tuệ Sỹ - đệ nhất Phó Viện Trưởng VHĐ, TT. Thích Viên Định - đệ nhị Phó Viện Trưởng VHĐ, TT. Thích Đức Thắng - Tổng thư ký VHĐ, TT. Thích Thanh Huyền - Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, TT. Thích Không Tánh - Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ Thiê.n-Xã Hội, TT. Thích Nguyên Lý - Tổng thủ quỹ, v.v… luôn bị công an trúc trực canh giữ, theo dõi, ngăn cản không cho đi lại bằng bất kỳ thủ đoạn nào có thể ngăn được thì họ đều đem ra sử du.ng. Họ lợi dụng việc thăm Xuân để khuyên không nên đi, hoặc hăm dọa để đừng đi, hoặc mời lên phường để “bàn về công tác Phật sự” và tuyên truyền chụp mũ, v.v… Tăng tín đồ đến thăm chư tôn Giáo phẩm thường bị kiểm soát, ghi nhận, gây cảm giác hoang mang, sợ hãi không dám đến chùa.
Những ngày qua tại chùa Giác Hoa, Bình Thạnh, ban ngày có khoảng 5; 6 công an quen thuộc giả dạng thường dân ngồi đọc báo, uống cà phê túc trực suốt ngày trước cửa chùa, để kiểm soát việc ra vào của chư Tăng tại chùa và ghi số xe của chư Tăng, Ni và Phật tử ra vào chùa. Ban đêm có không dưới 10 người kể cả Dân phòng, thay phiên nhau canh giữ, thậm chí nằm chận 2 đầu ra vào con hẻm bên hông chùa.
TT. Thích Viên Định cho chúng tôi biết: Sáng ngày 22/02/2005, Thượng tọa đến chùa Liên Trì thăm TT. Thích Không Tánh vì mấy ngày vừa qua Thượng tọa bị công an hành hung, gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó nhị vị Thượng tọa cùng đi thăm chư Tôn túc, nhưng công an kéo theo đông quá, làm cho không khí căng thẳng, bất an, nên chỉ có thể đi thăm được một vị Tôn túc. Nhị vị đành phải quay về chùa của mình. Về đến chùa Liên Trì, TT. Không Tánh rất lo lắng và ngay lập tức gọi điện thoại đến chùa Giác Hoa để hỏi thăm Thượng tọa Viên Định về có an toàn không. Rất may là không có việc gì đáng tiếc xảy ra.
Chư tôn Giáo phẩm GHPGVNTN đang sống trong tình hình mất tự do, gặp rất nhiều khó khăn. Như chúng ta đã biết, tình hình mất tự do ngày càng tăng, thế mà hôm 18/02/2005, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN đã tuyên bố với thông tấn xã Đức (Deutsche Presse-Agentur) rằng: “HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Quảng Độ hiện đang sống và sinh hoạt Tôn giáo bình thường”, (Thich Huyen Quang and Thich Quang Do are now living and practicing their religion normally).
Theo lời khẳng định này, chúng ta đặt ra hai câu hỏi:
1) Ông Lê Dũng, người đại đại diện cho VN trong quan hệ ngoại giao lừa bịp thế giới tự do? Vì thực sự HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Quảng Độ, nhị vị lãnh đạo tối cao GHPGVNTN, đã và đang bị tù tội - quản chế suốt 30 năm qua. Từ việc đi lại, viếng thăm, chữa bệnh và chúc Tết còn không được tự do, thì làm sao nói đến việc hoằng dương Phật pháp?
2) Nếu ông Lê Dũng cho việc quản chế, đàn áp nhị vị Hoà Thượng lãnh đạo của GHPGVNTN là “normally” thì Việt Nam thực chất là một nhà tù vĩ đại? Ở bất cứ nơi nào, người dân đều được chính sánh “ưu việt của Đảng và Nhà Nước” quản chế như cai tù vậy?
Chúng tôi xin gởi bài viết ngắn này và kèm theo các tấm hình làm bằng chứng đến chư Tôn đức, đồng bào Phật tử và nhân sĩ các giới để cùng đồng thanh nói lên sự thật cho thế giới biết rằng: Việt Nam không thực sự có tự do Tôn Giáo, và đừng để CSVN lừa gạt nữa!
Xin thành thật tri ân quý vị.
Lý Uyên (Sài Gòn, 2005/02/23)
(Posted by sarahanne_nguyen@yahoo.com, 2/25/05, Nuoc_VIET@yahoogroups.com, 1.54AM)
TS. LÊ MỘNG NGUYÊN * MẶT TRẬN VĂN HÓA
Mặt trận Văn hóa - Chính trị
Mùa Xuân Năm Ất Dậu - 2005:
Bổn Phận Ghi Nhớ
(Devoir de mémoire)
GS Hàn Lâm TS Lê Mộng Nguyên
(nói chuyện với đồng bào quốc nội và hải ngoại nhân dịp Xuân Ất Dậu trên RADIO FREE VIETNAM-Phân Bộ Paris, phát thanh về nước nhà từ Washington D.C. ngày Thứ Tư 9 tháng 2-2005 tức Mồng Một Tết Việt Nam)
Kính thưa đồng bào quí mến,
Trước hết, tôi xin chúc quí đồng bào thính giả một mùa Xuân Ất Dậu tràn đầy sức khỏe và thành công trên mọi lãnh vực. Tôi cũng xin cảm ơn ông Minh Quân, Đặc trách Làn Sóng Người Việt Tự Do ở Pháp (một phân bộ của Radio Free Vietnam, phát thanh từ Washington D.C., do ôngTổng Giám đốc Vương Kỳ Sơn thiết lập ngày 30 Tháng Tư năm 1999) đã cho tôi - với tư cách Trưởng Ban Biên Tập của chi nhánh Paris - có dịp nói chuyện với đồng bào Việt Nam hải ngoại và quốc nội đúng vào Mồng Một Tết mà ngày xưa dân mình vui mừng đón tiếp, nhưng nay nhắc lại không khỏi bùi ngùi thương tiếc, trong tâm hồn của những kẻ lưu vong đất người, cũng như trong tâm tư của đồng bào quốc nội đang quằn quại dưới một chế độ bạo tàn...
Hồn lắng dư âm một nhịp sầu
Khi buồn dâng ngập cả trời Âu
Khi gió đông tàn trong ngõ hẹp
Âm thầm hai đứa rẽ chia nhau
Ai đón xuân qua mấy dạo rồi
Xuân về lạt lẽo, nhớ không nguôi ?
Xa nhà tháng với năm dằng dặc
Kỷ niệm ngày xưa mộng tưởng hoài
Quê hương yêu dấu của ta ơi !
Hàng tre xanh ngắt uốn quanh đồi
Đồng quê man mác mùa hoa nở
Lúa chín thơm nồng trong gió mai
Nay Thiên đường ấy còn đâu nữa ?
Sau chiến tranh tàn phá nước non
Biết bao bom đạn gieo tang tóc
Làng mạc đau buồn khổ chứa chan !
Em có về thăm làng Phú Xuân ?
Sau cơn bão lụt Huế điêu tàn
Rừng xưa im mát không còn nữa
Vì nỗi điên cuồng của thế gian
Em không còn thấy đồng man mác
Chỉ còn lá úa dưới cây đa
Mà anh ngày trước ngồi núp bóng
Trong hạnh phúc giờ phút thoáng qua
Nếu em có trở lại kinh thành
Cầu xưa Kỷ Niệm những ngày xanh
Đã gãy như tình ai tan vỡ
Nay bồi đắp lại quá mong manh !
Thương yêu tương tự cầu đứt đoạn
Dán lại đâu còn như ước mơ
Theo hành tinh Đất và nhân loại
Ta đã mất hồn trinh tiết xưa (Thơ Lê Mộng Nguyên)
Remember (Souvenez-vous) ! Đó là lời nói cuối cùng của Charles Đệ Nhất (vua Anh-cát-lợi) trước khi ông lên đoạn đầu đài năm 1649. Ngày 27 th. 1-2005, các nước Âu Châu , đã gặp gỡ nhau tại Ba Lan, để làm kỷ niệm 60 năm trại tập trung Auschwitz, là nơi mà Đức Quốc Xã (chủ nghĩa nazisme) đã thủ tiêu hơn một triệu người Do Thái bằng hơi ngạt rồi thiêu xác, trong thế chiến thứ hai. Trong dịp này, người ta nhắc đến Bổn phận ghi nhớ (Devoir de mémoire) một bổn phận mà chúng ta phải làm tròn đối với lương tâm nhân loại. Hôm nay nhân dịp Tết Ất Dậu 2005, tôi nhớ lại một cách hãi hùng Tết Mậu Thân 1968, mà Phong Trào Giáo Dân VN Hải Ngoại đã tóm tắt ở Trang Bìa sách Thảm Sát Mậu Thân ở Huế, Tuyển Tập-Tài Liệu (do Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ -Định Hướng Tùng Thư Hải Ngoại xuất bản, 1998), như sau :
Lợi dụng giờ phút giao thừa thiêng liêng của dân tộc, Cộng sản VN mở cuộc tổng tấn công đại qui mô trên toàn lãnh thổ miền Nam. Một cuộc giao tranh đẫm máu nhất kể từ mười năm nội chiến, mà chỉ chưa đầy một tháng đã khiến trên 80000 người Việt thiệt mạng. Cao điểm tàn bạo và đẫm máu là HUẾ, nơi hàng ngàn thường dân vô tội đã bị hành quyết, chôn sống một cách dã man : 2 800 người dân Huế (là nơi tôi sinh quán) bị Việt cộng giết và chôn tập thể : ‘’Những mồ chôn tập thể tại chùa Áo Vàng (đường Võ Tánh), tại Sân Trường Gia Hội, phường Phú Cát hoặc vùng Phú Vang, Phú Thứ v.v... hàng trăm nạn nhân bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc vào sọ, bị bắn bằng súng hay bị chôn sống, tay bị trói bằng giây điện hay giây tre v.v... Ba bác sĩ Alterkoster, Discher và Krainick, người Tây Đức, giảng dạy tại Đại học Y Khoa Huế cũng bị VC giết trong Tết Mậu Thân vì cho là CIA. Ông Võ Thành Minh (người thổi sáo kêu gọi hòa bình ở Genève, 1954), Tết Mậu Thân 1968, ông đang ở trong từ đường cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự Huế bị VC bắt và đề nghị ông đứng ra làm Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của VC. Ông từ chối, bị bắt lên núi, và bị chúng giết. Những nơi khác ngoài Huế mà chúng tôi được biết, cũng không kém phần dã man, như ở quận Hoài Nhơn, VC đã tàn sát 200 người một lúc trong đó có cả em bé 12, 13 tuổi, có các cụ già v.v... vì tất cả những người này đã cùng ông Nguyễn Giảng (ĐVCM) chống lại chúng, không chịu đầu hàng. Nhân dân địa phương có lập bia kỷ niệm, nhưng bia đá này đã bị VC phá sau 30-4-1975’’ (TSMTOH, tr. 90-91)...
Đi ngược lại thời gian, nước Pháp thuộc địa với đồng lõa phát xít Nhật trong năm Ất Dậu thuộc hành Thủy (từ 13 tháng 2-1945 đến ngày 1 tháng 2-1946), đã cố tâm làm cho 2 triệu đồng bào Việt Nam chết đói hồi ấy một cách tàn nhẫn, thê thảm... Thực dân trắng cũng đã thả bom đạn, 15 năm trước đó, trong mùa Xuân 1930, ngày 16 tháng 2, xuống làng Cổ Am (tỉnh Hải Dương) để khủng bố và giết hại nhiều dân lành vô tội, sau sự thất bại của Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy ngày 10 tháng 2-1930 do vị anh hùng Nguyễn Thái Học phát khởi... và ông đã hiên ngang lên đoạn đầu đài cùng với 12 vị đồng chí liệt sĩ, rạng ngày 17 tháng 6-1930, sau khi đồng tung hô hai chữ Việt Nam ! Việt Nam ! Lúc qua Paris để trình bày sách Đường Thiên Lý (tam ngữ) của Linh Linh Ngọc tại Thượng Nghị Viện Pháp-Salons de Boffrand ngày thứ bảy 4 tháng 12 năm 2004, nhạc sĩ Trần Quan Long thay mặt Nhà Phát Hành Gió Đông, muốn đòi một lời xin lỗi của chính quyền Cộng hòa về những hành động của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chúng ta, đồng bào hải ngoại và quốc nội hiện nay, cũng đòi một lời xin lỗi của nhà cầm quyền Hà Nội đã gieo tang tóc trên đồng bào miền Bắc từ 1945 đến 1954 và trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 30 tháng Tư 1975. Phải xin lỗi và tỏ vẻ hối hận trước hương hồn những vị anh hùng Quốc gia đã phải bỏ mình vì Cộng sản, bằng cách giải thoát nước Việt Nam ra khỏi gông cùm độc tài đảng trị và hồi phục dân chủ tự do, cho mọi công dân được ấm no trong hạnh phúc, hòa bình.
Đêm Giao Thừa năm nay, đánh dấu giờ phút cuối cùng của năm Giáp Thân lúc 24 giờ ngày thứ ba 8 th. 2-2005 và năm Ất Dậu bắt đầu lúc 0 giờ ngày thứ tư, 9 th. 2-2005 (cho đến 24 giờ ngày 28 tháng 1-2006 thì chấm dứt), thuộc hành Thủy và mạng Tuyền Trung Thủy, nghĩa là nước dưới suối, thuộc Âm trong khi năm Giáp Thân vừa qua thuộc Dương : Ất Dậu 2005 là Âm thịnh, Dương suy, thật là tốt... Ca dao truyền khẩu có nói về 12 con giáp, như :
Tuổi Thân con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông
Tuổi Dậu con Gà vàng long
Có mỏ mồng, sáng gáy ó o...
Xin mến chào con Gà ! Đồng bào ở Paris chắc ai cũng nghe nói đến Le Coq Gaulois, là quốc huy của Pháp (điển hình trong những trận đá bóng có tính cách Âu Châu hoặc quốc tế) đi đôi với quốc kỳ tam sắc xanh trắng đỏ. Học giả TS Thái Văn Kiểm, cho biết : ‘’Khi Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành, ông đã ra lệnh lấy lòng trứng gà trộn thành thứ hồ dẻo có sức chịu đựng bền bỉ trước thời tiết khắc nghiệt của vùng biên giới phương Bắc để xây, cho tới nay vẫn còn là một kỳ quan của nhân loại’’ (Đặc san Ái Hữu Ngoại Giao 2005). Ngoài ra còn nhiều giai thoại về gà như : con gà nơi thành Cổ Loa, Hưng Đạo Vương và hịch Tướng Sĩ kêu gọi toàn quân đoàn kết chống ngoại xâm, nên rời bỏ thú chọi gà, cờ bạc, vợ con quấn quít đêm ngày, bởi vì :
Giặc Nguyên trở lại đùng đùng
Lấy gì chống đỡ, hay cùng cam tâm ?
Cựa gà sắc không đâm giáp giặc
Mẹo bạc gian khó đoạt mưu quân
Vợ con thêm bận vương chân
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân ngàn vàng...
Đó là không kể các giai thoại về Tả quân Lê Văn Duyệt và thú chọi gà, về con gà của Trạng Quỳnh, về chuyện Mất ngôi vì gà, v.v.
Phong Thủy Tử Vi Gia Thiên Phúc (nguyệt san Nghệ Thuật-Montréal, số Xuân Ất Dậu, tháng 2-2005) dày công lượm lặt trong lịch sử nước ta những chi tiết về ngày sinh tháng đẻ của các nhân vật văn hóa chính trị, kinh tế... cho biết rằng : Nguyễn Du (phải tính là năm 1765 vì ngày sinh của Nguyễn Du là ngày 3/1/1766 nên vẫn còn ở năm Ất Dậu mới đúng, vậy ông tuổi Ất Dậu chứ không phải Bính Tuất theo tuổi ta... Tuổi Đinh Dậu có Trương Vĩnh Ký (1837-1898), nhà bác học ngôn ngữ VN, chủ bút tờ Gia Định Báo, thông thạo 26 thứ tiếng, được xếp vào hàng các Học giả Quốc tế thế kỷ thứ 19... Tuổi Kỷ Dậu có Hoài Thanh (1909-1982), tác giả ‘’Thi Nhân Việt Nam’’, Tuổi Tân Dậu có Lương Định Của (1921-1975), Tiến sĩ Canh nông, tạo được nhiều giống lúa mới, khoai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tuổi Quý Dậu có Nguyễn Huệ (1753-1792) tức vua Quang Trung, anh hùng dân tộc, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh với chiến thắng Đống Đa năm 1789...
Kể từ 1975, người Việt mất nước như chúng ta , trong mảnh đời tha phương cầu thực, đã ăn đến 29 cái Tết ở Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, vân vân, với nỗi tiếc thương vô cùng luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn :
Tiếng pháo năm xưa rộn rịp lòng
Giao Thừa ai đón dưới trời Đông
Nhớ mẹ, thương cha : buồn vĩnh biệt
Hương hồn Ba Má thấu cho không ? (Thơ Lê Mộng Nguyên)
Năm Gà làm tôi nhớ Huế, đau khổ đến tận xương tủy, qua hai câu hò thơ mộng :
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh Gà Thọ Xương
Cũng như trong bài nhạc ‘’Nhớ Huế’’ tôi sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ :
Ai đi xa Huế làm sao quên được sông Hương
Con sông năm trước còn ghi bao tình nhớ thương
Theo dòng nước, lững lờ trôi,
Thuyền ai nghiêng mái chèo
Bên chùa Thiên Mụ, ngược bến Bao Vinh, theo tình nước mây...
Cách đây hai năm , đúng ngày thứ sáu 30 Tháng Tư năm 2003, tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, sau bản thuyết trình của Lê Mộng Nguyên về : Cộng Đồng Việt Nam ở Pháp : Từ di trú hội nhập đến tư cách công dân (La Communauté vietnamienne de France : De l’immigration intégration à la citoyenneté), có người hỏi : Bao giờ ông trở lại Việt Nam ? Để trả lời, tôi xin mượn câu nói của nhà đại thi văn hào Victor Hugo bị đày ải đất khách từ năm 1852 vì chống bạo tàn, nhưng đã quả quyết từ chối đại ân xá năm 1859 của Napoléon Đệ Tam : Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được hồi phục, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương (Quand la liberté rentrera, je rentrerai).
Xin cảm ơn quí vị thính giả.
Lê Mộng Nguyên (Paris)
Mùa Xuân Năm Ất Dậu - 2005:
Bổn Phận Ghi Nhớ
(Devoir de mémoire)
GS Hàn Lâm TS Lê Mộng Nguyên
(nói chuyện với đồng bào quốc nội và hải ngoại nhân dịp Xuân Ất Dậu trên RADIO FREE VIETNAM-Phân Bộ Paris, phát thanh về nước nhà từ Washington D.C. ngày Thứ Tư 9 tháng 2-2005 tức Mồng Một Tết Việt Nam)
Kính thưa đồng bào quí mến,
Trước hết, tôi xin chúc quí đồng bào thính giả một mùa Xuân Ất Dậu tràn đầy sức khỏe và thành công trên mọi lãnh vực. Tôi cũng xin cảm ơn ông Minh Quân, Đặc trách Làn Sóng Người Việt Tự Do ở Pháp (một phân bộ của Radio Free Vietnam, phát thanh từ Washington D.C., do ôngTổng Giám đốc Vương Kỳ Sơn thiết lập ngày 30 Tháng Tư năm 1999) đã cho tôi - với tư cách Trưởng Ban Biên Tập của chi nhánh Paris - có dịp nói chuyện với đồng bào Việt Nam hải ngoại và quốc nội đúng vào Mồng Một Tết mà ngày xưa dân mình vui mừng đón tiếp, nhưng nay nhắc lại không khỏi bùi ngùi thương tiếc, trong tâm hồn của những kẻ lưu vong đất người, cũng như trong tâm tư của đồng bào quốc nội đang quằn quại dưới một chế độ bạo tàn...
Hồn lắng dư âm một nhịp sầu
Khi buồn dâng ngập cả trời Âu
Khi gió đông tàn trong ngõ hẹp
Âm thầm hai đứa rẽ chia nhau
Ai đón xuân qua mấy dạo rồi
Xuân về lạt lẽo, nhớ không nguôi ?
Xa nhà tháng với năm dằng dặc
Kỷ niệm ngày xưa mộng tưởng hoài
Quê hương yêu dấu của ta ơi !
Hàng tre xanh ngắt uốn quanh đồi
Đồng quê man mác mùa hoa nở
Lúa chín thơm nồng trong gió mai
Nay Thiên đường ấy còn đâu nữa ?
Sau chiến tranh tàn phá nước non
Biết bao bom đạn gieo tang tóc
Làng mạc đau buồn khổ chứa chan !
Em có về thăm làng Phú Xuân ?
Sau cơn bão lụt Huế điêu tàn
Rừng xưa im mát không còn nữa
Vì nỗi điên cuồng của thế gian
Em không còn thấy đồng man mác
Chỉ còn lá úa dưới cây đa
Mà anh ngày trước ngồi núp bóng
Trong hạnh phúc giờ phút thoáng qua
Nếu em có trở lại kinh thành
Cầu xưa Kỷ Niệm những ngày xanh
Đã gãy như tình ai tan vỡ
Nay bồi đắp lại quá mong manh !
Thương yêu tương tự cầu đứt đoạn
Dán lại đâu còn như ước mơ
Theo hành tinh Đất và nhân loại
Ta đã mất hồn trinh tiết xưa (Thơ Lê Mộng Nguyên)
Remember (Souvenez-vous) ! Đó là lời nói cuối cùng của Charles Đệ Nhất (vua Anh-cát-lợi) trước khi ông lên đoạn đầu đài năm 1649. Ngày 27 th. 1-2005, các nước Âu Châu , đã gặp gỡ nhau tại Ba Lan, để làm kỷ niệm 60 năm trại tập trung Auschwitz, là nơi mà Đức Quốc Xã (chủ nghĩa nazisme) đã thủ tiêu hơn một triệu người Do Thái bằng hơi ngạt rồi thiêu xác, trong thế chiến thứ hai. Trong dịp này, người ta nhắc đến Bổn phận ghi nhớ (Devoir de mémoire) một bổn phận mà chúng ta phải làm tròn đối với lương tâm nhân loại. Hôm nay nhân dịp Tết Ất Dậu 2005, tôi nhớ lại một cách hãi hùng Tết Mậu Thân 1968, mà Phong Trào Giáo Dân VN Hải Ngoại đã tóm tắt ở Trang Bìa sách Thảm Sát Mậu Thân ở Huế, Tuyển Tập-Tài Liệu (do Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ -Định Hướng Tùng Thư Hải Ngoại xuất bản, 1998), như sau :
Lợi dụng giờ phút giao thừa thiêng liêng của dân tộc, Cộng sản VN mở cuộc tổng tấn công đại qui mô trên toàn lãnh thổ miền Nam. Một cuộc giao tranh đẫm máu nhất kể từ mười năm nội chiến, mà chỉ chưa đầy một tháng đã khiến trên 80000 người Việt thiệt mạng. Cao điểm tàn bạo và đẫm máu là HUẾ, nơi hàng ngàn thường dân vô tội đã bị hành quyết, chôn sống một cách dã man : 2 800 người dân Huế (là nơi tôi sinh quán) bị Việt cộng giết và chôn tập thể : ‘’Những mồ chôn tập thể tại chùa Áo Vàng (đường Võ Tánh), tại Sân Trường Gia Hội, phường Phú Cát hoặc vùng Phú Vang, Phú Thứ v.v... hàng trăm nạn nhân bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc vào sọ, bị bắn bằng súng hay bị chôn sống, tay bị trói bằng giây điện hay giây tre v.v... Ba bác sĩ Alterkoster, Discher và Krainick, người Tây Đức, giảng dạy tại Đại học Y Khoa Huế cũng bị VC giết trong Tết Mậu Thân vì cho là CIA. Ông Võ Thành Minh (người thổi sáo kêu gọi hòa bình ở Genève, 1954), Tết Mậu Thân 1968, ông đang ở trong từ đường cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự Huế bị VC bắt và đề nghị ông đứng ra làm Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của VC. Ông từ chối, bị bắt lên núi, và bị chúng giết. Những nơi khác ngoài Huế mà chúng tôi được biết, cũng không kém phần dã man, như ở quận Hoài Nhơn, VC đã tàn sát 200 người một lúc trong đó có cả em bé 12, 13 tuổi, có các cụ già v.v... vì tất cả những người này đã cùng ông Nguyễn Giảng (ĐVCM) chống lại chúng, không chịu đầu hàng. Nhân dân địa phương có lập bia kỷ niệm, nhưng bia đá này đã bị VC phá sau 30-4-1975’’ (TSMTOH, tr. 90-91)...
Đi ngược lại thời gian, nước Pháp thuộc địa với đồng lõa phát xít Nhật trong năm Ất Dậu thuộc hành Thủy (từ 13 tháng 2-1945 đến ngày 1 tháng 2-1946), đã cố tâm làm cho 2 triệu đồng bào Việt Nam chết đói hồi ấy một cách tàn nhẫn, thê thảm... Thực dân trắng cũng đã thả bom đạn, 15 năm trước đó, trong mùa Xuân 1930, ngày 16 tháng 2, xuống làng Cổ Am (tỉnh Hải Dương) để khủng bố và giết hại nhiều dân lành vô tội, sau sự thất bại của Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy ngày 10 tháng 2-1930 do vị anh hùng Nguyễn Thái Học phát khởi... và ông đã hiên ngang lên đoạn đầu đài cùng với 12 vị đồng chí liệt sĩ, rạng ngày 17 tháng 6-1930, sau khi đồng tung hô hai chữ Việt Nam ! Việt Nam ! Lúc qua Paris để trình bày sách Đường Thiên Lý (tam ngữ) của Linh Linh Ngọc tại Thượng Nghị Viện Pháp-Salons de Boffrand ngày thứ bảy 4 tháng 12 năm 2004, nhạc sĩ Trần Quan Long thay mặt Nhà Phát Hành Gió Đông, muốn đòi một lời xin lỗi của chính quyền Cộng hòa về những hành động của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chúng ta, đồng bào hải ngoại và quốc nội hiện nay, cũng đòi một lời xin lỗi của nhà cầm quyền Hà Nội đã gieo tang tóc trên đồng bào miền Bắc từ 1945 đến 1954 và trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 30 tháng Tư 1975. Phải xin lỗi và tỏ vẻ hối hận trước hương hồn những vị anh hùng Quốc gia đã phải bỏ mình vì Cộng sản, bằng cách giải thoát nước Việt Nam ra khỏi gông cùm độc tài đảng trị và hồi phục dân chủ tự do, cho mọi công dân được ấm no trong hạnh phúc, hòa bình.
Đêm Giao Thừa năm nay, đánh dấu giờ phút cuối cùng của năm Giáp Thân lúc 24 giờ ngày thứ ba 8 th. 2-2005 và năm Ất Dậu bắt đầu lúc 0 giờ ngày thứ tư, 9 th. 2-2005 (cho đến 24 giờ ngày 28 tháng 1-2006 thì chấm dứt), thuộc hành Thủy và mạng Tuyền Trung Thủy, nghĩa là nước dưới suối, thuộc Âm trong khi năm Giáp Thân vừa qua thuộc Dương : Ất Dậu 2005 là Âm thịnh, Dương suy, thật là tốt... Ca dao truyền khẩu có nói về 12 con giáp, như :
Tuổi Thân con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông
Tuổi Dậu con Gà vàng long
Có mỏ mồng, sáng gáy ó o...
Xin mến chào con Gà ! Đồng bào ở Paris chắc ai cũng nghe nói đến Le Coq Gaulois, là quốc huy của Pháp (điển hình trong những trận đá bóng có tính cách Âu Châu hoặc quốc tế) đi đôi với quốc kỳ tam sắc xanh trắng đỏ. Học giả TS Thái Văn Kiểm, cho biết : ‘’Khi Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành, ông đã ra lệnh lấy lòng trứng gà trộn thành thứ hồ dẻo có sức chịu đựng bền bỉ trước thời tiết khắc nghiệt của vùng biên giới phương Bắc để xây, cho tới nay vẫn còn là một kỳ quan của nhân loại’’ (Đặc san Ái Hữu Ngoại Giao 2005). Ngoài ra còn nhiều giai thoại về gà như : con gà nơi thành Cổ Loa, Hưng Đạo Vương và hịch Tướng Sĩ kêu gọi toàn quân đoàn kết chống ngoại xâm, nên rời bỏ thú chọi gà, cờ bạc, vợ con quấn quít đêm ngày, bởi vì :
Giặc Nguyên trở lại đùng đùng
Lấy gì chống đỡ, hay cùng cam tâm ?
Cựa gà sắc không đâm giáp giặc
Mẹo bạc gian khó đoạt mưu quân
Vợ con thêm bận vương chân
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân ngàn vàng...
Đó là không kể các giai thoại về Tả quân Lê Văn Duyệt và thú chọi gà, về con gà của Trạng Quỳnh, về chuyện Mất ngôi vì gà, v.v.
Phong Thủy Tử Vi Gia Thiên Phúc (nguyệt san Nghệ Thuật-Montréal, số Xuân Ất Dậu, tháng 2-2005) dày công lượm lặt trong lịch sử nước ta những chi tiết về ngày sinh tháng đẻ của các nhân vật văn hóa chính trị, kinh tế... cho biết rằng : Nguyễn Du (phải tính là năm 1765 vì ngày sinh của Nguyễn Du là ngày 3/1/1766 nên vẫn còn ở năm Ất Dậu mới đúng, vậy ông tuổi Ất Dậu chứ không phải Bính Tuất theo tuổi ta... Tuổi Đinh Dậu có Trương Vĩnh Ký (1837-1898), nhà bác học ngôn ngữ VN, chủ bút tờ Gia Định Báo, thông thạo 26 thứ tiếng, được xếp vào hàng các Học giả Quốc tế thế kỷ thứ 19... Tuổi Kỷ Dậu có Hoài Thanh (1909-1982), tác giả ‘’Thi Nhân Việt Nam’’, Tuổi Tân Dậu có Lương Định Của (1921-1975), Tiến sĩ Canh nông, tạo được nhiều giống lúa mới, khoai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tuổi Quý Dậu có Nguyễn Huệ (1753-1792) tức vua Quang Trung, anh hùng dân tộc, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh với chiến thắng Đống Đa năm 1789...
Kể từ 1975, người Việt mất nước như chúng ta , trong mảnh đời tha phương cầu thực, đã ăn đến 29 cái Tết ở Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, vân vân, với nỗi tiếc thương vô cùng luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn :
Tiếng pháo năm xưa rộn rịp lòng
Giao Thừa ai đón dưới trời Đông
Nhớ mẹ, thương cha : buồn vĩnh biệt
Hương hồn Ba Má thấu cho không ? (Thơ Lê Mộng Nguyên)
Năm Gà làm tôi nhớ Huế, đau khổ đến tận xương tủy, qua hai câu hò thơ mộng :
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh Gà Thọ Xương
Cũng như trong bài nhạc ‘’Nhớ Huế’’ tôi sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ :
Ai đi xa Huế làm sao quên được sông Hương
Con sông năm trước còn ghi bao tình nhớ thương
Theo dòng nước, lững lờ trôi,
Thuyền ai nghiêng mái chèo
Bên chùa Thiên Mụ, ngược bến Bao Vinh, theo tình nước mây...
Cách đây hai năm , đúng ngày thứ sáu 30 Tháng Tư năm 2003, tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, sau bản thuyết trình của Lê Mộng Nguyên về : Cộng Đồng Việt Nam ở Pháp : Từ di trú hội nhập đến tư cách công dân (La Communauté vietnamienne de France : De l’immigration intégration à la citoyenneté), có người hỏi : Bao giờ ông trở lại Việt Nam ? Để trả lời, tôi xin mượn câu nói của nhà đại thi văn hào Victor Hugo bị đày ải đất khách từ năm 1852 vì chống bạo tàn, nhưng đã quả quyết từ chối đại ân xá năm 1859 của Napoléon Đệ Tam : Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được hồi phục, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương (Quand la liberté rentrera, je rentrerai).
Xin cảm ơn quí vị thính giả.
Lê Mộng Nguyên (Paris)
NGUYỄN VĂN SÂM * LÔI PHONG THÁP
Lôi Phong
Tháp
Kỳ
Truyện
雷峰㙮奇傳
NGUY•N
VˆN SÂM PHIÊN ÂM & CHÚ TH´CH
Hồi
Thứ Năm 弟五囬
Mạo
bách hiểm Diêu Trì đạo đan,
Quyết
song thai phủ đường nghị chứng.
(Mạo
hiểm, vào cung Diêu Trì trộm thuốc
Nói
chắc đẻ sinh đôi, nơi phủ đường đoán bịnh.)
Nhắc lại:
Tuồng hát bội Nôm Lôi Phong
Tháp được viết theo truyện Tàu Thanh Xà Bạch Xà, tuồng nầy
được ông Huỳnh Tịnh Của nhắc trong quyển Tự Ðiển 1895 của ông, đây là tài liệu
độc nhất nhắc đến sự hiện diện của tuồng nầy. Chữ Nôm trong toàn bộ tác phẩm
tương đối mới, do đó chắc nó ra đời khoảng chừng từ hậu bán thế kỷ 18 đến tiền
bán thế kỷ 19. Chúng tôi chỉ sưu tầm được có tám hồi đầu thôi,
nhưng may là được hai bản viết tay khác nhau. Bản dùng làm trục để phiên âm xin
gọi là bản A, bản phụ để so sánh chọn chữ khi cần thiết gọi là bản B.
Hồi 6 nầy hai
câu toát yếu của hồi bản B viết:
Hồi Thứ Nhứt
-- Lớp Một
(Ðánh
Bạch Viên đồng tử, Bạch Xà mang họa.)
[Bạch Viên Đồng
Tử:]
Xuân bát thiên hề thu bát thiên, Bàn
Đào tiên dược dưỡng hà niên. Nguyệt minh mộc diễu y phong khiếu, thiên lãng hoa
âm hướng nhựt miên[1].
Lại
nói:
Phụng
khán thủ động tiền, ngã Bạch Viên đồng tử[2].
Lại
nói:
Nơi
kim khuyết dầu say trân quả, chốn Diêu Trì mặc nhẵn kỳ hoa[3].
Học Diên Niên theo chốn tiên gia, vâng pháp chỉ giữ gìn động
khẩu.
Bạch
Trân Nương:
Dám
bày lời bần đạo, xin mở lượng sư huynh. Bạch Trân Nương thị tiện thiếp danh, Lê
Sơn động tiên nương đồ đệ. Vâng sư mệnh giáng lai trần thế, cùng Hứa Tiên hoàn
kiếp tiền duyên[4].
Vì chồng nên phải tới cõi tiên, lời thiếp dám cậy cùng đạo hữu. Số là mần
ni...
Bắc
xướng:
Hứa
lang tiếp bệnh chứng vưu kỳ,
Trần
thế toàn vô dược khả y.
Văn
đạo thần tiên năng khởi tử,
Lai
cầu linh dược cứu phu nguy[5].
(5-2)
Lại
nói:
Phiền
sư huynh vào trước báo tri, thiệt ơn ấy vô cùng cảm tưởng.
Bạch
Viên đồng tử:
Tĩnh
quan nhãn thượng, liễu đắc căn tiền[6].
Dám cả gan lướt tới non tiên, chẳng xét phận vốn là loài quỉ. Bằng đó thiệt Lê
Sơn đồ đệ, cớ sao mà yêu khí mãn thân? Lê Sơn người vừa tới động môn, cùng tiên
mẫu hỡi ngồi thuyết pháp. Hội vừa xảy gặp[7],
mỗ quyết chẳng dung. Kíp bắt nàng đem tới động trung, ngõ đối diện cho tường
chân giả[8].
Trân
Nương:
Dầu
chẳng cho thời chớ, lại khiến bắt cớ sao? Ví dầu[9]
tao rắn trắng non cao, thời mi cũng khỉ già non thẳm.
Lại
nói:
Cứ
đón ngăn chăm bẳm[10],
đã không phép khẩn cầu, kíp phún xuất bảo châu quyết đả lai diện thượng[11].
Bạch
Viên đồng tử:
Quái
sát tha nghiệt đảng, đả trúng ngã tị lương, phụ thống thửa nan đương, nhập động trung cáo cấp[12]!
Bạch
Trân Nương:
Quả
phệ tề bất cập bất cập, chân thố thủ vô phương
vô phương! Nếu Bạch Viên thưa lại vội vàng, (5-3) ắt Tiên mẫu khôn dung mạng
bạc[13].
Ta dầu chậm bước, họa ắt theo chân. Âu là: Thâu bảo châu cấp cấp phi bôn,
giá vân vụ mang mang đào thoát[14]!
Diêu
Trì tiên mẫu:
Thoát kiếp nhân gian trạch diễu mang,
Phước tề thiên địa thọ vô cương,
Thanh thiều tử phủ huyền hư cảnh,
Sái lạc tiêu diêu bất lão hương.
Lại
nói:
Bà sa
diệu cảnh nhứt phương, ngô nãi Diêu Trì tiên mẫu.
Lại
nói:
Bố
địa võng chư tà bất lậu, trương thiên la vạn quái nan di[15].
Tố xưng pháp thuật tinh vi, mạc tỉ thần thông quảng đại[16].
Lại
nói:
Chạy
đi đâu kinh hãi, xem dường có sợ kinh? Lời kia khá kíp bày tình, mũi nọ cớ sao
chảy máu?
Bạch
Viên đồng tử:
Nguyện
tường báo đạo báo đạo, cảm khất trần ngôn trần ngôn!
Hát
khách:
Hữu
nhứt yêu nhân giả đạo cô,
Lê
Sơn lão mẫu mạo môn đồ,
Khẩn
cầu tiểu tử lai thông báo,
Khất
tứ linh đơn cứu bịnh phu[17].
Lại
nói:
Tai
nghe chưa tỏ tình do, mắt thấy ra hình yêu quái. Toan bắt nàng (5-4) đem lại,
trình Tiên mẫu đặng hay. Triển thần oai tôi mới ra tay, thổ độc khí nó phun vào
mặt.
Tiên
mẫu:
Thính
thuyết tâm trung hỏa phát, văn ngôn diện thượng yên sinh[18].
Căm giận thay những đảng yêu tinh, sao mà dám lờn oai tiên thánh[19]!
Nễ tiên đồng phụng mạng, trầm hương liễn tảo bài. Kíp dời chân động ngoại xuất
lai, ngõ xem thử hà phương yêu nghiệt[20]?
Lại
nói:
Giá
yêu vân tẩu thoát, nó chăng Bạch Xà tinh[21]?
Khứng dung tha nghiệt súc đào sinh, truyền địa võng thiên la bố
khởi.
Thiên
thần, thiên tướng, hoàng cân lực sĩ :
Thừa
pháp chỉ thừa pháp chỉ, tốc tuân hành tốc tuân hành! Bả địa võng thiên la mật
bố, bất nhiêu tha súc nghiệt đào sinh.
Cùng
xướng:
Bố
địa võng thiên la trừ quỉ mị diệt yêu xà,
Thần
binh tùy thần tướng,
Thiên
kích dữ thiên qua,
Huy
vụ mạt trục lôi xa,
Lực
hoàn hoàn tận sát tà ma.
Lại
nói:
Nhĩ
yêu xà nhĩ yêu xà, hưu đào độn hưu đào độn[22]!
Lên trời khôn phép trốn, dưới đất khó nẽo chun. Mi chẳng qua tả đạo bàng môn,
sao (5-5) địch đặng thiên cơ diệu pháp?
Trân
Nương:
Thiên
binh vây sổ hiệp, thần phù bố tam tinh. Hướng thiên dã nan xung, nhập địa hề mạc
tẩu[23]!
Thế nói ngọt cũng không ra thấu, quyết hành hung hoặc có lọt vòng. Mạt càn khôn thời để hộ phòng, kiếm song báu kíp mau
kháng cự. Nhứt bất phóng thử, nhị bất vu hưu. Rắn khi không thần nỡ gây cừu,
thần sanh sự rắn liều tử chiến[24].
(Đánh lớn với thần tướng.)
Thiên
Thần,Thiên Tướng:
Hoạch
kích kim qua bố địa võng thiên la, nhứt trường hỗn chiến nguyện trừ nễ yêu
ma!
Bach
Xà hát khách:
Kham
ta ngư võng thọ hồng la,
Sự dĩ
đáo đầu mạc nại hà !
Thần
Tướng cùng xướng :
Hoàn
hoàn tróc nghiệt xà,
Lẫm
lẫm dương thần lực,
Quyết
điễn diệt yêu phân,
Phấn
thân sát thử phương triêu thực.
Trân
Nương hát khách:
Song kiếm thủ huy đương tả hữu,
Nhứt thân phấn dũng cự đông tây.
Thiên
thần, thiên tướng cùng hát :
Lăng
lăng khí thái xung xung,
Nộ
khí nộ xung xung,
Ngã
thần tướng triển khai đại lực,
Diệt
(5-6) cuồng hung, diệt cuồng hung.
Lại
cùng nói:
Dĩ
khốn tại cai trung, kiếm kích mang tề hạ.
(Trân Nương quì xuống, lấy khăn càn
khôn che (đầu), kiếm kích không vào được.
Thiên
thần, thiên tướng:
Quái
dã quái dã, kỳ nhiên kỳ nhiên! Khăn chi chi cũng báu thần tiên, sao mà lại về
tay quỉ mị? Kiếm chém đà không xuể, giáo đâm cũng chẳng vào[25]!
Trân
Nương:
Thần
đà không động rắn chút nào, rắn lại quyết phun thần bỏ ghét. (Phun khí độc,
hóa thành mây khói đầy trời.)
Hai
thần tướng:
Chân
yêu nghiệt yêu nghiệt, dám khoe tài khoe tài! Bả phong lôi nhị cá kỳ khai, tương
yêu khí nhứt tề tận diệt[26].
(Hai tướng phất cờ gió, sấm chớp nổi ầm ầm, gió to diệt hết yêu
khí.)
Trân
Nương:
Khủng
khiếp chân khủng khiếp, tâm kinh thậm tâm kinh! Dĩ vô lộ đào sinh, hướng thiên
trung độn tẩu. (Trân Nương bay lên trời, chạy trốn, vướng vào lưới
trời..)
Lại
nói:
Lên
trời đà khôn thấu, xuống đất kíp tàng hình. (Trân Nương niệm quyết, tàng
hình, chạy trốn xuống đất, vướng vào lưới đất -địa võng.) Bỉ tiên phương quả
thiệt tối linh, ngã tà thuật phiên thành vô dụng. Chun xuống đất bốn bề đều
túng, trổ lên trời một phía khôn bay. Nỗi gian nan chàng hỡi có hay, lòng trinh
chính trời (5-7) soi không thấu.
Hát
khách:
Mạo
hiểm vị phu trí thử nguy,
Hạ
biên nan tẩu thượng nan phi.
Bình
sinh pháp thuật chân vô dụng,
Bất
miễn yêu thân lộ tướng thì.
(Trân Nương ngã xuống đất, biến ra
hình rắn.)
Bạch
Viên đồng tử:
Bấy
chừ qua hỏi bậu[27],
còn phun nữa hay thôi? Mắc lưới trời gã khó tháo lui, biến hình rắn cũng không
trốn khỏi.
Tiên
mẫu:
Dẫu
bởi ngươi tác quái, chớ trách mỗ chẳng lành. Gươm trừ yêu đồng tử thừa hành, tru
xà quái miễn lưu độc khí. (Bỗng thấy ở hướng chánh Nam có đóa mây lành, Quan
Âm hiện hình, làm phép.)
Hồi Thứ Năm
-- Lớp Hai
(Cứu
Trân Nương, Quan Âm chỉ đường xin linh thảo.)
Quan
Âm Bồ Tát:
Hiện
pháp thân nhứt chỉ, tiên kiếm vật thương nhân!
Bạch
Viên đồng tử:
Hải
nhiên hải nhiên, kỳ dã kỳ dã! Tiên kiếm như hà bất hạ, thần cơ mạc thức kỳ
trung?
Lại
nói:
Đài
đầu ngưỡng kiến bán không, kia chẳng Quan Âm Ðại Sĩ?
Quan
Âm:
Tiên
đồng tu sĩ tu sĩ, đao hạ lưu nhân lưu nhân[28]!
Tiên
mẫu:
Khử
loài yêu mong xuống gươm thần, dừng lịnh mỗ vì nghe tiếng Phật, vội vã rước mừng
Bồ Tát, tới đây nhân có việc chi? (5-8)
Quan
Âm:
Vì
việc này nên phải ra đi, khuyên Tiên mẫu khá nghe phân
lại.
Hát
khách:
Thử thị xà tinh, dữ Hứa Hớn Văn nguyên túc đế,
Tương lai hùng mộng, thị Khôi Tinh Tử giáng nhân
hoàn.
Lại
nói:
Đầy
tháng rồi có kẻ lâm trần, yểm nó lại Lôi Phong Tháp hạ. Ngõ đặng ứng theo lời
gã, thề cùng Đại Ðế ngày xưa[29].
Sau Văn Tinh chiếm đỗ khôi khoa, đặng cáo cứu mới nên chánh quả. Nay khá tua tha
gã, chẳng nên hại mạng kia. Bần đạo đà tỏ máy huyền vi, tiên mẫu khá rộng tình
khoan thứ.
Tiên
mẫu:
Luận
một sự đả thương đồng tử, cùng tới đây thâu đạo tiên đan. Như tội kia giết đã
chẳng oan, vì duyên ấy tha cho kẽo ức[30].
La võng nhứt tề phất kiếp, Bạch Xà phóng nhĩ xuất lai. (Dẹp thiên la, địa
võng, thả Bạch Xà ra. Trân Nương hiện nguyên hình người như
cũ.)
Trân
Nương:
Đặng
hiện lại hình người, khỏi hóa ra thân quỉ. Ơn cứu tử hải hà khôn ví, đức nhiêu
sinh Sơn Nhạc khó tày. Mang lập khởi thân lai, kíp hướng tiền trần tạ[31].
Xướng:
Đường
đường bửu toạ khánh kim tiên,
Chiếu
diệu hào quang thấu cửu thiên,
Phước
đẳng hà sa vô số Phật,
Ðê
đầu vọng bái ngọc giai tiền.
Lại
nói:
Xin
Tiên Phật rộng suy, soi súc sanh gang tấc[32].
Phép chi cứu chồng tôi khi ngặt, kẽo đương cơn mang bịnh rất
nghèo!
Quan
Âm:
Lọ
ngươi phải nhiều điều, vốn ta đà biết trước. Tiên đan nọ chử còn ao ước, cảnh
lược nay nghe chỉ mà sang.
Hát
khách:
Tiền
Tử Vi Sơn
Nãi
Nam Cực tu Chân Linh Ðộng.
Hữu
hồi sinh thảo,
Thị
Hớn Văn hoạt mệnh thần đan[33].
Lại
nói:
Nghe
lời ta dặn bảo tỏ tường, giữ lòng gã mựa đừng sai chạy[34].
Tiên mẫu hỡi Diêu Trì tự tại, bần đạo xin Nam Hải thuyên qui[35].
Tiên
mẫu:
Bồ
Tát đà vân lộ cao phi, tiên đồng kíp động trung hồi phản.
Tiên
Đồng, Ngọc Nữ:
Diệu
pháp khai, xứ xứ giai.
Địa
võng phọc tà hề hoành lộ thượng,
Thiên
la tróc quỉ hề lạc trần ai.
Bạch
hổ thanh long hề phân hàng lưỡng dực,
Tiên
động hồi qui hề giá tảo lai,
Viễn
cách trần tục hề Diêu Trì (5-10) thiên cảnh,
Thụy
thảo kì hoa hề tối diệu tai!
Trân
Nương:
Nấm
nấm vâng lời chỉ dặn, khăng khăng giữ[36]
dạ ân cần, kíp giá vân lộ phi thân, mang hướng Tử Vi trực tiến[37].
Hát
nam:
Mang
hướng Tử Vi trực tiến,
Quyết
liều mình cho đặng linh đan.
Mang
sao đội nguyệt băng ngàn,
Sương
tô mặt phấn gió đàn mình hương[38].
Tiết
trinh cho trọn cùng chàng,
Gian
tân chịu vậy nghèo nàn sá chi[39].
Hồi
Thứ Năm -- Lớp Ba
(Ðộng
Tử Vi, Trân Nương cầu được linh đơn.)
Lại
nói:
Non
Tử Vi xưa hỡi tai nghe, cung Nam Cực nay đà mắt thấy. Một áng mây lành khí toại,
đòi nơi gác tía lầu hồng. Kỳ hoa thụy thảo kể khôn cùng, trân quả giai cầm xem
chẳng xiết. Toan cầu dược lòng đương bức thiết, dễ ham vui tưởng việc quan du[40].
Kíp vào chốn sơn môn, đặng tới nơi động khẩu.
Bạch
Lộc đồng tử dẫn:
Cơ
tầm dược hữu khát vân tuyền, linh hữu sinh lai
bất kể niên. Mộ bạn yên hà quy động khẩu, triêu tùy hoa thảo quá sơn
biên.
Lại
nói:
Phụng
tiên sư khán thủ động tiền, (5-11) ngã Bạch Lộc tiên đồng thị
dã!
Lại
nói:
Nễ hà
phương tục tử, cảm lai đáo tiên sơn[41]?
Khá tua bày tỏ căn nguơn, ngõ đặng tường chưng bản mạt.
Trân
Nương nói:
Thiếp
nay gọi Trân Nương chữ đặt, cùng Hứa Tiên kết nghĩa phu thê. Nay tới đây là
vì mần ri:
Hát
khách:
Phu
bệnh hiềm vô dược khả y,
Quan
Âm chỉ thị thủy tường tri.
Nhứt
chi tiên thảo phương năng cứu,
Ngưỡng
khẩn Tiên ông vọng quảng thi[42].
Lại
nói:
Xin
tiên đồng mở lượng từ bi, vào chuyển báo ngõ nhờ đức
thạnh.
Bạch
Lộc đồng tử:
Lời
nghe thảm thiết, lòng rất bi thương . Phật hẵn đà dạy đó tầm sang, nàng tua khá
chờ đây thưa lại.
Nam Cực
tiên ông:
Đảo
cùng giáp tí bất tri niên,
Ðối
trĩ thiên khu thái sán nhiên,
Thùy
tượng li phương chiếu thọ diệu,
Niên
niên củng chiếu ngọc giai tiền.
Lại
nói:
Tử Vi
cung nhàn dưỡng thiên nhiên, ngã Nam Cực tiên ông thị dã.
Bạch
Lộc đồng tử:
Cung
ngoại có một người nữ tử, biểu tự xưng là Bạch Trân Nương, căn do tôi đã hỏi
tường, chung thủy (5-12) dám xin bày tỏ.
Hát
khách:
Xưng
vị y phu hiệu Hứa Tiên,
Thái
tân ưu trọng chính nguy nhiên.
Quan
Âm chỉ điểm lai tư cảnh,
Tiên
thảo hồi sinh hạnh cứu thuyên.
Lại
nói:
Nên
phải vào bày tỏ căn nguyên, vốn chẳng dám riêng làm chen tiện.
Tiện
ông:
Lọ
ngươi phải tỏ bày ngành ngọn, vốn ta đà rõ biết căn nguyên. Thả thử yêu tu dĩ đa
niên, nhiên chánh quả vị năng thành tựu. Tượng bởi trần duyên vị liễu, vậy nên
nghiệp trái hỡi mang[43].
Vả lại mần ri. [44]
Lại
nói:
Chốn
vân phòng đồng tử kíp sang, hồi sinh thảo cho nàng một
nhánh.
Bạch
lộc :
Khâm
thừa sư lịnh, phụng mạng bôn hành.
Lại
nói:
Một
nhánh này là cỏ hồi sinh, nay Tiên ông người dạy rằng... cho nhà gã đem
về cứu tử.
Trân
Nương nói:
Hoang
mang bái tạ bái tạ, hoan hỉ nan thăng nan thăng! Tiếp lãnh lai tiên thảo ân cần,
kíp giá khởi vân trình hồi phản.
Hát
:
Kíp
giá vân khởi không trung khoảnh khắc,
Tam
thiên lý tu du bách vạn trùng,
Yên
mạc mạc, vụ xung xung a! (5-13)
Hồi
Thứ Năm -- Lớp Bốn
(Gian
nan nguy hiểm đường về.)
Bạch
Hạc đồng tử :
Vũ y
như tuyết đỉnh như đan,
Trường
bạn tiên gia nhựt nguyệt nhàn,
Vạn
lý phi hàn phù thụy sắc,
Cửu
cao thanh lệ hướng vân đoan.
Lại
nói:
Nam
Cực cung giá hạ tùy ban, ngã Bạch Hạc tiên đồng thị dã.
Lại
nói:
Nhân
thuở tiên cung vô sự, vậy nên vân ngoại nhàn du. Chốn thanh tiêu ngao ngán dầu
ta, miền bích thủy dạo chơi mặc mỗ[45].
Hát:
Tam
sơn cửu đảo mạc sương xâm, sương xâm
Nhứt
phiến thanh vân vạn lí tâm, lý tâm.
Thân
hóa thiên trì bồng đảo vãng,
Dực
hoành hải tế dĩ can tầm.
Hát
khách:
Cử
túc khinh khinh động ngoại lâm,
Ðiều
điều vân
lộ giá xâm xâm,
Kỳ
hoa dị thảo tùy du thưởng,
Ngũ
nhạc tam sơn xứng ngã tâm.
Lại
nói:
Chòm
mây đen đâu tới xăm xăm, mùi tanh khét đưa qua rực rực. Gần xem hãn thiệt, quả
giống yêu tinh. Kíp lướt mây đón hỏi phân minh, chi dung đó về qua đường
đột.
Lại
nói:
Hỡi
nghiệt súc khá tua dừng gót, (5-14) có tiên đồng đón lại vấn minh[46].
(Bạch thị nghe tiếng Bạch Hạc đồng tử, hết hồn hết vía ngã xuống
.)
Trân
Nương nói:
Nghe
kêu phút chốc dùn mình, mắng tiếng[47]
thoạt bèn mọc ốc. Hạc truy lai tật tốc tật tốc, xà vô lộ nan hành nan hành! Ba
hồn đà bay dõi mây xanh, chín phách lại[48]
nương theo ngút bạc. (Sợ quá, té xuống đất, hiện nguyên hình
rắn.)
Bạch
Hạc đồng tử :
(Đồng tử biến nguyên hình hạc
trắng.)
Sao
chẳng ở trên mây xông lướt, lại phải sa xuống núi mà chun. Gặp tay min ắt chẳng
còn hồn, giương mỏ tớ mổ cho nát xác. (Giương mỏ sắc tính mổ bỗng Bạch Oanh
hiện ra trong không trung.)
Bạch
Oanh nói:
Hưu
uổng sát, hưu uổng sát, khá nhiêu sinh, khá nhiêu sinh! Khá nghiêng tai nghe mỗ
thuyết minh, đừng mạnh mỏ nở lòng gia hại. Vâng Ðại Sĩ Quan Âm truyền dạy, e sư
huynh vi diệu chưa tường. Mà hại thửa mình nàng, ắt uổng chưng số gã. Sai tiểu
đệ kíp đi vội vã, tới chốn này trước đứng đợi chờ. Khuyên thuận dõi số kia, mà
dung chưng mạng nó.
Bạch
Hạc đồng tử :
Vốn
đệ tử không hay tật đố, ghét yêu tinh chẳng khác cừu thù. Nay đà nghe Phật chỉ
truyền cho (5-15), thời tua phải hồi tâm vâng dõi. Tiên Sơn hạ cúi từ ở lại, Nam
Cực cung âu kíp trở về.
Bạch
Oanh đồng tử :
Hạc
đồng đã nương gió hồi qui, Bạch thị hãy kinh hồn tử khứ. Âu là: Niệm khởi
tử hồi sinh mật chúc, tương khẩu trung tiên khí suy lai. (Đứng trước đôi má
của Bạch thị, thổi khí tiên vào.)
Trân
Nương:
Ngỡ
hồn đà nương dõi theo mây, hay phách đặng trở về nhập xác. Cứu tử chi ân mạc
trắc, hồi sinh chi đức nan lường. Nguyện trăm năm dạ tạc nhớ ơn, dâng bốn lạy
cúi đầu làm lễ.
Hát
nam:
Bốn lạy cúi đầu làm lễ,
Chỉ biển trời khôn kể công ơn.
Bạch
Oanh đồng tử :
Ngã
tiên sơn trực khứ, nễ trần thế phản hoàn. Cứu kỳ phu bịnh, lại thử tiên
đan.
Hát
nam:
Một lòng nắm giữ tiên đan,
Bồng Lai đây lại trần hoàn đó qua.
Hồi
Thứ Năm -- Lớp Năm
(Dối
lang quân chị em bày xão kế.)
Trân
Nương:
Cởi
mây người đã thoảng xa, nương gió ta mau dong ruổi.
Lại
tán :
Gian
nan vô hậu hối (4-16) hậu hối, nguy hiểm diệc an tâm an tâm! Ðản đắc hoàn sanh
cải tử, hà ưu lý cựu lâm thâm.
Lại
hát nam:
Tưởng
nghèo lệ ngọc khôn cầm[49],
Dốc
tròn đạo nghĩa, sá lầm gian nguy[50].
Mãng
còn[51]
cởi gió xa đi,
Phút
đâu đã tới hương quê chốn này.
Tiểu
Thanh thán:
Chích
ảnh thê lương
Ðối
nguyệt lâm,
Phong
trường dạ hận,
Cô
đăng tịch mịch.
Hòa
khâm bạn chẩm đối sầu miên,
Na
thức u sầu kết[52],
Thùy
tri lạc lệ liên!
Lại
nói:
Đứng
trông mây trông chẳng thấy tin, ngồi xem gió xem càng thêm bực. Dầu xa lắc đi
không mấy khắc, sao chậm chầy cho đến nỗi nầy[53]?
Những riêng lo áy náy đêm ngày, e lỡ bước vương mang la
võng.
Lại
nói:
Mãng
còn tưởng vọng, phút đã hồi qui. Chẳng hay là phản trở cớ chi, cho nên nỗi trì
diên dường ấy[54]?
Trân
Nương:
Tai
xảy nghe han hỏi, lòng nghĩ lại rụng rời. Phen nay mà cầu đặng cỏ này, chút nữa
chẳng còn mạng nọ. Nói chi xiết ghe đường (5-17) tân khổ, kể khôn cùng mọi nỗi
gian truân.
Lại
nói:
Kinh
gian quan vạn tử chi trung, phương thủ đắc hồi sinh chi thảo. Phó nhà ngươi kíp
liệu, lấy nước sắc vội vàng. Cứu quan nhơn ngõ đặng hồi dương, phiền tiểu tì khá
tua cẩn mật: (Tiểu Thanh nghe xong, trầm ngâm không nói, đứng tần ngần ở bên,
Bạch thị giận quá quát mắng.)
Lại
nói:
Căm
thay đầy tớ chết, đứng như xác nêm chong. Như
ta nay: Cỏ thần tiên dốc đặng cứu chồng, vòng sinh tử chẳng rời đoái mạng[55].
Về khiến ả sắc cho mau mắn, cớ sao ngươi đứng vậy tần ngần? Hay là quên đôi
phượng bạn loan, mà lại mộng lòng lang nết cáo?
Tiểu
Thanh:
Vậy
thời chị lý chưa suy thấu, nào phải tôi dạ có trớ trinh. Số là mần
ri:
Hát
khách:
Quan
nhân thử nhựt kiến nguyên hình,
Kinh
đắc Nam Kha nhứt mộng thành.
Kim
nhựt tiên thang tương cứu hoạt,
Tất
vân ngã bối thị yêu tinh[56].
Lại
nói:
Dầu
miệng nhiều chẳng rắp đổi hình, thời cũng khôn lẽ chối thoát cho khỏi
ruột. Ví chăng liệu trước, chi khỏi lụy sau. Khuyên kíp toan một phép chi mầu,
ngõ nói dối (5-18) tướng công cho nhẹm[57].
Bạch
Trân Nương:
Nghe
lời gã phân đà rất nhiệm, luận kế min liệu cũng khác thường. Âu là:
Kíp mở rương lấy đoạn bạch lăng, quyết làm phép ra tài huyền
diệu. Niệm mật chú thổi qua khẩu khí, (Thổi lên tấm lụa trắng rồi hô
biến.) phút bạch lăng biến lại bạch xà. Gươm kíp giơ bèn chém làm ba, sân
đem bỏ chớ cho hợp một.
Tiểu
Thanh:
Nan
thăng hỉ duyệt hỉ duyệt, dị khánh xưng dương xưng dương. Dường ấy nên pháp lực
cao cường, chi còn sợ tướng công nghi hoặc. Kế nọ đã tường nhiệm nhặt, cỏ này
phải sắc cho mau.
Hồi
Thứ Năm --- Lớp Sáu
(Hớn
Văn hết ngờ, thương hiền phụ.)
Lại
nói:
Sắc
vừa rồi âu kíp bưng vào, ngõ cho uống dường nào đặng biết. (Uống vào
chưa được nửa khắc, tứ chi Hứa Văn máy động, Hứa Văn hoàn hồn tỉnh lại, la lên,
ngồi dậy.)
Bạch
Trân Nương, Tiểu Thanh:
Uống
vào chưa nửa khắc, phút thấy động tứ chi. Thị tiên thuật chi nan khuy, quả thần
cơ chi mạc trắc.
Hứa
Hớn Văn:
Hồn
hoa mê mệt, phách quế mơ màng. Kìa Tiểu Thanh còn đứng bên giường, nọ Bạch thị
hỡi ngồi trước trướng. Chân quái đản chân quái đản, thị xà tinh
thị xà tinh! (5-19) Bấy lâu giả dạng giả hình, luống những mê tâm mê tạng. Nay
thấy gã rõ ràng hiện tướng, làm cho min kinh sợ mất hồn. Nhờ tổ tông cứu mới
đặng còn, vì số mạng hỡi chưa đến thác. Khá kíp lánh đi chỗ khác, chớ còn vấn
vít chốn này. Bằng một phen chẳng cứ lời này, gươm ba thước chi dung đảng quái[58].
Trân
Nương:
Nghe
rằng nên tức tối, thấy nói bỗng ngán ngang. Khó
mở lời phân thốt tỏ tường, phút ứa lệ dầm dề tuôn chảy[59].
Tiểu
Thanh:
Lời
phụ bạc làm chi lắm bấy, nỗi trước sau sao chẳng hỏi han. Khi rứa
chừ: Tướng công ra xem chúng đua thuyền, tiểu thư phút vừa khi tỉnh rượu.
Bèn lại hậu phòng bước dạo, ngõ thăm tiểu tất lành chưa. Ngờ bỗng đâu một cái
bạch xà[60],
chạy tới đó vào nơi cẩm trướng. Xảy nghe đặng tướng công lên tiếng, bèn vội vàng
trở lại tiền phòng. Thấy rắn kia mong hại tướng công. Tiểu thư tôi bèn
mới....tuốt gươm chém bỏ ngoài tỉnh hạ[61].
Nhận thấy tướng công kinh tử, xiết chi tâm thượng ưu phiền[62].
Vậy nên tiểu thư tôi mới mần ri...
Hát
khách:
Vạn
khổ thiên (5-20) tân bất tận ngôn,
Yết
lai lão mẫu tố căn nguyên,
Ai
cầu hạnh hữu hồi sinh thảo,
Cứu
liễu quan nhơn đắc phản hồn[63].
Lại
nói:
Nay
cớ sao phụ ngãi phụ ân, mà lại mắng rằng yêu rằng quái[64].
Xin tướng công tưởng lại, kẽo luống chịu tiếng oan. Ví tâm trung còn hỡi nghi
nan, xem tỉnh ngoại thời tường chân giả[65].
Hớn
Văn:
Thoáng
nghe qua lời gã, thêm ngại thửa lý kia. Phải một phen đình ngoại xem qua, ngõ
hai lẽ thiệt hư đặng rõ. (Bèn ngồi dậy muốn đi, Trân Nương níu tay áo Hớn
Văn).
Trân
Nương:
Tua
chỉ trụ tua chỉ trụ, vật khinh hành vật khinh hành! Nay mới an chưa mạnh trong
mình, chẳng nên vội đi ra ngoài gió[66].
Hớn
Văn:
Tiểu
Thanh khiến đi ra mà ngó, Bạch Thị thời níu chẳng cho coi. Quả một đoàn chập rập
ngược xuôi, âu là: xô ra kẽo còn chi điên đảo. (Xô Bạch thị qua
một bên, đẩy cửa phòng ra ngoài, đến giếng, thấy...)
Lại
nói:
Đình
trung thanh thảo, quả hữu bạch xà. Dấu nguyên hình mới chém làm ba, đất rơi máu
còn tươi như một. Việc xem đà hản thiệt, lòng mới hết hồ nghi. (5-21) Phải lại
nhà nhẹ tiếng vỗ về, kẽo luống đã quá lời thành phụ.
Hồi
Thứ Năm -- Lớp Bảy
(Hết
hoạn nạn, phu phụ vui xuân tình.)
Lại
nói:
Nay
mới biết ơn hiền phụ, thật là hết đạo sự phu[67].
Trót lỡ lời mắng tiếng đuổi xua, chịu lầm lỗi đây cam vạ phạt.
Trân
Nương:
Chẳng
nghĩ thiếp phô[68]
loài yêu nghiệt, cũng ơn người tưởng nghĩa cương thường. Phụ cùng chăng việc ở
tại chàng, hận với giận thiếp đâu dám nói. Tiểu Thanh vâng dạy, đình hạ kíp ra!
Khá đem xác bạch xà, lấp chôn nơi không địa[69].
Lại
nói:[70]
Nghĩ
thân phận châu rơi lai láng, tưởng tình duyên giọt nhỏ chứa chan. Thiếp chẳng
nài vạn khổ thiên tân, mới cầu đặng hồi sinh tiên thảo. Trông sống lại chồng hòa
vợ hảo, ngờ sanh nghi quái vật yêu đồ. Tượng vì ta căn trước chẳng tu, nên khiến
nỗi kiếp này dường ấy. Rày phải liệu gọt đầu làm vãi, đặng kíp mang chuỗi hột áo
dà. Lánh cõi trần xa chốn phồn hoa, nương cửa Phật ngõ tu kiếp khác[71].
Hớn
Văn:
Ta
trót đà thất lật, nàng chớ khá chấp nê[72].
Đứa chết đi (5- 22) sống lại biết chi, mà tiếng nói lời ăn theo trách. Thấy rắn
nọ lòng đà minh bạch, xét công nàng dạ những ai hoài. Vãi mặc ai, sư cũng mặc
ai. Một ở lại, hai xin ở lại.
Bạch
Xà :
Thiếp
vốn thiệt yêu tinh tác quái[73],
chẳng phải là nhơn loại sanh ra. Xin nghe lời cho thiếp xuất gia, ngõ khỏi nỗi
hại chàng lâm ách[74].
Hớn
Văn:
Cứ
đem lòng chấp trách, chẳng nghe tiếng khuyên lơn. Tu là cầu đặng phước gặp
duyên, tu sao muốn lìa chồng rẽ vợ. Tóc xanh đó gọt đi bao nỡ, má phấn kia đầu
Phật sao đành! Vui vẻ chi tiếng kệ tiếng kinh, nong nã bấy làm sư làm vãi. Tua
khá nghĩ đi nghĩ lại, chẳng nên cưu giận cưu hờn. Bắt vạ chi thời cũng thọ cam,
cúi đầu chịu dọi chơi ba cái. (Nói xong quì gối, Bạch thị thấy vậy cũng quì
theo.)
Bạch
xà :
Quan
nhơn thỉnh khởi thỉnh khởi, tiện thiếp thất ngôn thất ngôn[75].
Thưa, thưa: Dầu cho biển cạn non mòn, nói
thiệt: cũng nguyện lòng ghi dạ tạc. (Hớn Văn kéo Bạch thị đứng dậy. Hai
người dựa đầu vào nhau. Tiểu Thanh nhìn xuống đất, cười mím
chi...)
Hớn
Văn:
Mặt
đà hãn mặt, (5-23) lòng hết ngờ lòng. Trăm năm ghi ơn vợ nghĩa chồng, muôn kiếp
giữ thề sông hẹn núi.
Tiểu
Thanh:
Nín
cười nên tức tối, gẫm việc thiệt cứ trào. Ðuôi dài mèo lại khen mèo, chước nhiệm
mỗ thời khoe mỗ.
Hồi
Thứ Năm -- Lớp Tám
(Tri
Phủ phu nhân đau tiền sản, thầy lang địa hạt bó tay.)
Tuấn
Khanh:
Chức
lạm chịu Tô Châu tri phủ, tôi Trần Luân biểu tự Tuấn Khanh. Trên bảng vàng chói
chói danh lành, dưới con đỏ hây hây lòng duyệt. Rày gặp phu nhơn lâm sản, chỉn
hiềm phúc thống bất an. Nấy cho quân chúng vâng truyền, kíp thỉnh lương y điều
trị. (Quân vâng lịnh đi mời.)
Lại
nói:
Rày
nhân nội tử, vừa thuở lâm bồn. Ngờ bỗng đâu phúc thống bất an, phiền kíp liệu
lương phương cho vội.
Một
thầy thuốc:
Chứng
tuy nghe nói, mặt hỡi chưa tường. Xin đồng nhập nội đường, ngõ vấn minh bịnh
thể.
Lại
nói:
Chưa
quen làm bịnh đẻ, mắt trông thấy khôn đương. Cớ sao chỉ trời chỉ đất mà kêu van,
lại hỏi quan phủ quan tri mà ngán ngẩm. Giỡ khắp sách gia truyền ra kiếm, chẳng
một phương trị sản mà coi. Bịnh này thời ắt chết mà thôi (5-24), ai chịu chớ tôi
xin chạy trước.
Một
thầy thuốc:
Nghề
làm thuốc nhờ duyên nhờ phước, chứng tôi ưa đặt cuộc đặt đàn. Như bịnh này người
ra giá mấy quan, liều thuốc nọ tôi bổ thêm hai vị
nữa?
Tuấn
Khanh:
Thầy
hãy hết lòng điều trị, rồi ta kiếm của đem cho!
Thầy
thuốc :
Tôi
có phương người chẳng phải lo, nó như hoa tới chừng thời nở. Áo khăn người sắm
sửa, phương pháp mỗ truyền cho. Kíp tới trước sàng đầu, thành tâm mà thi lễ.
Vái rằng: Nay phu nhơn người sanh người đẻ, nhờ mụ bà cho dễ cho mau.
Thiệt phép ấy rất mầu, tôi những thường kiến hiệu.
Tuấn
Khanh:
Thầy
này nên lếu, quân kíp đuổi ra[76].
Còn mấy thầy ở lại cùng ta, kíp hội luận điều thang cho
vội.
Một
thầy thuốc :
Quả
tích tụ lâu ngày nên khối, nên phúc trung thường bữa thời đau. Cấp tắc trị kỳ
tiêu, huỡn tắc trị kỳ bổn. Một tôi trước lên thang lập luận, các thầy sau gia
giảm hội đồng. Dùng tía tô hợp với (5- 25) nhị trần, nhị trần gia bạch truật bội
nhiều bán hạ.
Một
ông thầy khác:
Khéo
thỉnh tới những thầy rất dở, quen làm vạy phỉnh
chúng kiếm ăn[77].
Thang danh đọc đã sái tên, vị thuốc[78]
nói không nhằm chữ. Ai uống nhằm thuốc gã, cũng bằng uống dao phay. Giờ phải
toan kíp dụng an thai, thời ắt đặng tự nhiên phân miễn. (Tri Phủ sai thị tì
đem thuốc cho phu nhơn uống.)
Mấy
thầy thuốc nói:
Chứng
chẳng sai chẳng chuyển, lòng thêm hãi thêm kinh. Nhẫn dầu Biển Thước tái sanh,
ắt cũng vô phương khả trị.
Tuấn
Khanh:
Thầy
cũng đà hết ý, ta há dễ ép lòng. Như thuốc này dầu chẳng thành công, thôi
thời rước thầy khác[79]
họa may thuyên dũ.
Hồi
Thứ Năm -- Lớp Tám
(Trân
Nương dàn cảnh cho chồng có cơ hội trị bịnh
khó.)
Trân
Nương:
Nghe
vợ quan Tri Phủ, lâm phải chứng sản nan. Âu ta phải dụng thần phương, ngõ đặng
cứu an bịnh ngặt. Kíp giả dạng Quan Âm Bồ Tát, đến ứng lời hiện hiển mộng trung.
Lén Hứa lang giấc điệp vừa nồng, nương vân lộ dinh lang kíp
tới.
Tuấn
Khanh:
Tưởng
phu nhơn dạ luống bàng hoàng, lo thang thuốc
lòng thêm rầu rĩ. Đã mời khắp (5-26) danh y điều trị, thảy đều là diệu dược vô
phương. Thuốc linh đan khó nỗi hỏi han, phương Biển Thước biết đâu cầu khẩn.
Thốn thức bữa ăn nào ổn, bồi hồi thức nhắp chẳng an. Vậy khiến nên khốn quyện
tâm thần, tạm nương án nghỉ an phế phủ[80].
Trân
Nương:
Cả
kêu Trần Tri Phủ, ta nay Phật Quan Âm[81].
Thương nhà ngươi nên đã thành tâm, cứu vợ gã khỏi khi tai nạn. Vậy nên mỗ tới
đây bảo dặn, khá sai người tới Bảo An Ðường. Rước danh y là Hứa Hớn Văn, ắt gã
ấy cứu an chứng nọ. Khá nghe lời cho rõ, tua giữ dạ đừng quên. Kíp giá nhứt vân
biền, vọng thinh không hồi khứ.
Tuấn
Khanh:
Giấc
tỉnh vừa bợ ngợ, lòng còn nhớ như ghi. Thấy Quan Âm mình mặc bạch y, đứng trước
trướng tay cầm trần vĩ. Trong chiêm bao chỉ vẽ, mọi lời rất tỏ tường. Dạy ta
thời mời Hứa Hớn Văn, rằng gã ắt cứu an chứng ấy. Nào hai gã trưởng ban nghe
vậy, nầy một tờ thỉnh thiếp vội vàng. Kíp tới Bảo An Ðường, rước Hớn Văn cho
(5-27) đặng.
Hai
ông trưởng ban :
Ngửa
vâng sai khiến, đâu dám khiên trì. Lãnh thiếp tử bôn phi, vọng điếm môn trực
chí.
(Hồi
Thứ Năm -- Lớp Chín
(Hớn
Văn được mời trỗ tài đoán trị bịnh. )
Hớn
Văn:
Rày
thanh nhàn vô sự, đặng thong thả tư đình. Vài tuần châm chén cúc tiệc quỳnh, hai
ta khá ngâm thơ thưởng cảnh.
Trân
Nương:
Quan
nhơn đã khiến, tiện thiếp lạm tường. Ca tay rót
chén pha lê[82],
đồng vận tả ngâm châu ngọc.
Cùng
ngâm :
Giải
cấu Tây Hồ hội ngộ kỳ,
Nam tài
nữ mạo hợp tương ti (tư),
Tặng
ngân tá tán Tô Châu nhựt,
Tục
hảo tầm minh hạng điếm kỳ[83].
Lưỡng
ý châu hoàn thiên tác hợp,
Bách
niên thân thế lão vi kỳ.
Tương
lân đản nguyện trường tương đối,
Xuân
tại đình giai, nhật ảnh trì[84].
Hớn
Văn:
Xướng
hòa hợp bạn trúc mai, vui vẻ thỏa lòng tiêu khiển.
Đào
Nhân:
Đồng
quân sĩ hai tên mới đến, vâng phủ gia một thiếp ân cần. Rằng phu nhân lâm sản
chẳng an, vậy nên: tới dược điếm rước thầy điều trị.
(5-28)
Hớn
Văn:
Nghe
lời thêm mất vía, thấy rước bỗng kinh hồn. Vả ta tuy dược tính thường quen, vốn
mỗ thiệt mạch kinh không rõ. Huống chi lại vợ quan Tri Phủ, chẳng ví như dân
chúng bình thường. Nếu mà ngộ dụng dược phương, thời ắt khôn toàn tánh mạng[85]!
Trân
Nương:
Quân
thả hưu kinh hãn, thiếp dĩ liễu nguyên lai. Vả phu nhơn phúc nội song thai, nên
giao cốt bào y nan sản. Tôi luyện[86]
trước hai hoàn đã sẵn, uống vào thời song tử hạ lai.
Lại
nói:
Cứu
phu nhơn sanh sản an sàng, ắt lễ tạ tặng đưa chan chứa. Tiểu Thanh tua vội vã,
lời ta khá kíp vâng. Vào mở rương lấy thuốc hai hoàn, đem bỏ đãy cho thầy nhứt
khắc[87].
Hớn
Văn:
Quả
hiền phụ thần cơ mạc trắc, hữu tiên phương diệu dụng vô cùng. Đơn cứu ôn trước
đã thành công, hoàn bảo sản há không kiến hiệu[88].
Kíp cất vào tay áo, mau ra tới cửa ngoài. Cùng trưởng ban chóng chóng giang tay,
trông phủ lý phăng phăng dời bước. (5-29)
Hát
Nam
:
Trông
phủ lý phăng phăng dời bước,
Mình
hay mình có chước y dân.
Sẵn
dành thuốc hiệu phương thần,
Chẳng
hơn Biển Thước cũng gần Đào Công,
Ðường
hoè ngõ hạnh lướt xông,
Muốn
nên danh cả dễ trông của nhiều.
(Hồi
Thứ Năm -- Lớp Mười
(Nơi
phủ đường Hớn Văn trỗ tài trị bịnh. )
Tuấn
Khanh:
Xin
cứu lấy bịnh nghèo, kẽo mình đà rất ngặt.
Hớn
Văn:
Nghe
đòi lật đật, chẳng dám trì hồi[89].
Song chưa tường quí dạng là ai, xin phân lại tiểu nhân đặng
hãn.
Tuấn
Khanh:
Vì
một nỗi phu nhân lâm sản, đã ba ngày phúc thống bất an[90].
Phương chi cứu đặng toàn, ắt là ta trọng báo.
Hớn
Văn:
Người
xin đừng sầu não, tớ[91]
ra sức ân cần. Chúng tôi là đài hạ tý dân, một phen nguyện liều công khuyển mã.
Bịnh dữ bằng không cứu chữa, danh lành sao đặng xa nghe. Đã ba ngày chúng thảy
đều chê, quyết một tể đành tôi trị đặng.
Tuấn
Khanh:
Bấy
lâu mỗ[92]
thường lòng lơ lãng[93],
đến nay nghe lời thầy dạ chút mở mang. Xin dang tay đều tới phòng hương,
ngõ chẩn mạch sẽ dùng thang dược. (5-30) (Hớn Văn coi
mạch.)
Hớn
Văn:
Vào
xem mạch mới tường kinh lạc, mừng cho người rày đặng hai trai[94].
Nguyên vì một sự song thai, nên nỗi khó bề phân miễn. Thuốc nuốt trộng hai hoàn chớ tán, nước uống đưa một chén
tống theo. Chừng nửa khắc chẳng lâu, ắt thai sanh tức tốc. (Đưa Tri Phủ hai
hoàn thuốc, biểu tì nữ đưa cho phu nhân uống.)
Tuấn
Khanh:
Đem
dược hoàn cho phục, nấy thị tì vâng truyền. Y phép thầy mựa chớ tán nghiền, phó
tay tớ[95]
khá tua cẩn thận.
Thị
nhi :
Bà
tôi nên phước lớn, ông rước đặng thầy hay. Thuốc uống vào chưa đặng một giây,
phu nhơn đã sanh hai công tử. Phép chi rất lạ, thấy cũng nực cười. Trong tay
trái hai người, cầm thuốc ra một dạng[96].
Tuấn
Khanh:
Thính
thuyết ưu sầu đốn tận, văn ngôn khánh hạnh vô cùng[97].
Thầy chân quốc thủ vô song, thuốc thiệt tiên thần đệ nhứt[98].
Hớn
Văn:
Ấy
tượng bởi đại gia hồng phước, cùng phu nhân hỉ khánh xui nên. Xét tôi vốn tài
hèn, thiệt công chi chẳng có.
Tuấn
Khanh:
(5-31)
Đã hay rằng phước chủ, song cũng bởi may thầy. Ví dầu không gặp phải thuốc hay,
làm sao gọi đặng nên phước lớn.
Lại
nói:
Dùng
tinh ngân ngàn lượng, cùng thái đoạn bốn cây. Lễ kính đưa xin đáp ơn thầy, xin
dùng lấy cho đành lòng chủ.
Hớn
Văn:
Há dễ
mấy công lao chi đó, mà dám vâng thạnh lễ dường này! E cố từ lại mích lòng
người, phải phụng lãnh đặng lui gót tớ[99].
Tuấn
Khanh:
Nấy
gia nhân hai gã, đem tạ nghi theo dõi tiên sinh[100].
Cùng cổ thủ tám tên[101],
đài kiệu tử đưa về quí điếm[102].
(Hớn Văn rời khỏi phủ)
Hớn
Văn:
(Hứa
Hớn Văn ra khỏi phủ, nói: ) Mới biết thời lại phong tống[103],
đành hay phước chí tâm linh. Từ trước nha ren rén lui mình, bước lên kiệu thênh
thênh về phố.
Lại
nói:
Nhứt
triêu hạnh ngộ, lưỡng hạ giai hân. Dục tri hậu sự minh trần, thả thính hạ hồi
phân giải.
Hết
Hồi Năm
[1]
Cảnh tiên, thiên nhiên đẹp. người nhàn.
[2]
Tiểu đồng nguyên là vượn trắng giữ cửa động.
[3]
Nơi cung ngọc say sưa thưởng thức các trái cây quí, chốn ao Diêu Trì quá quen
thuộc với các hoa lạ hiếm. Ý nói cảnh sung sướng của thần tiên.
[4]
Trân Nương nói rằng mình xuống trần vì vâng theo thánh ý của tôn sư, lập gia
đình cũng là vì có tiền duyên phải nối mà thôi.
[5]
Chồng tôi bị bịnh lạ, ở cõi trần không thể có thuốc trị được, Nghe thần tiên ở
đây có thể giúp cho khỏi chết, nên đến xin thuốc thần để cứu chồng.
[6]
Nhìn kỹ thì biết tiền căn của ngươi.
[8]
Bắt ngươi đi đối chất cho biết thiệt hư. Dữ quá, người ta đến xin thuốc cũng nói
chuyện tử tế. Thế mà!
[10]
Chăm bẳm : chầm chập.
[11]
Bị phun ngọc rắn ra thẳng vô mặt. Đáng đời kẻ làm phách!
[12]
Đau quá phải vào động mét thầy!
[13]
Gì mà dữ vậy? Đánh người bị thương đâu có gì đến phải tội chết. Thật ra đây là
sự nói quá trong tuồng thôi.tuồng mọi sự đều nói phòng đại hơn, chẳng hạn nhớ ơn
thì muôn kiếp không phải, giận thì như lửa bừng cháy trong lòng...
[14]
Thâu bảo châu lại, cỡi mây mà chạy trốn. Mang mang 恾恾: vội
vàng, mau mau.
[15]
Giăng lưới đất lưới trời thì bắt không sót kẻ tà, kẻ quái.
[16]
Pháp thuật và thần thông của mình thì quá cao cường!
[17]
Có một con yêu quái giả làm đạo cô, mạo xưng là môn đồ của bà Lê Sơn, đến đây
nhờ con thông báo với tiên mẫu để xin linh đơn. Bạch Viên đã khi khổng khi không
xác nhận người ta là giả nầy giả nọ mà không trưng dẫn bằng chứng!
[18]
Người tu hành coi vậy mà dễ nóng giận ha. Chỉ mới nghe học trò báo cáo đã nộ khí
xung thiên!
[19]
Đánh đệ tử không kiên thầy. Cái điệu lý luận nầy biết bao nhiêu tiên ông của phe
triệt giáo đã mất mạng và lên bảng phong thần rồi. Xem truyện Phong Thần
Diễn Nghĩa.
[20]
Ra ngoài coi con yêu nầy ở đâu tới!
[21]
Cỡi mây mà chạy trốn, phải nó là Bạch Xà Tinh hay không? Chữ chăng
庄dùng
trong câu hỏi. Ngày nay chữ chăng không đi một mình mà đi vớI các từ đặc
biệt như: phải, đúng, có…
[22]
Con rắn quỷ kia, mi đừng có trốn.
[23]
Thiên binh vây phủ, bùa dán mọi nơi cho nên thoát ra lên trời cũng không được,
chun xuống đất cũng không xong! Ðại nạn đại nạn!
[24]
Ðối với Trân Nương, cuộc chiến nầy vẫn là cuộc chiến vô lý và tự vệ, nhưng thật
ra nguyên nhân căn bản của cuộc chiến đã nằm sẵn trong con người của nàng:
vốn là thú vật tu thành tinh…
[25]
Ðao kiếm không làm gì được vì có khăn càn khôn che đầu. Chữ xuể bản nầy dùng xỉ
齒, bản B
dùng nạch + thể 体rất thú vị
về mặt chữ Nôm.
[27]
Bây chừ qua hỏi bậu, giọng thiệt là cầu cao đáng ghét. Nhưng như thế mới
nhiều kịch tính, sự cần thiết của tuồng.
[28]
Tiên đồng tu sĩ tu sĩ 童童修俟須俟: khoan
đã tiên đồng! Tu sĩ : hãy đợi. Đao hạ lưu nhân lưu
nhân 刀下留留仁: xuống
đao phải có lòng nhân. (Nôm dùng nhân 人thay vì nhân
仁.)
[29]
Người xưa nói thề là mắc, thắt là
dính!
[30] Bà tiên nầy chằn quá, binh học trò
lăn-xăn mắng người, còn đòi giết người.
[31] Mau mau đứng dậy, hướng về phía trước mà
tạ ơn.
[32] Soi súc sanh gang tấc: xin
xét thiệt là kỷ cho phận hèn mọn nầy.
[33] Trước núi Tử Vi có ông
Nam Cực tu ở động Chân Linh.
Ông có cỏ hồi sinh, đó là thuốc thần để cứu mạng Hớn Văn.
[34] Giữ lòng, phiên theo bản B, rõ
hơn.
[35] Quan Âm vừa từ giả vừa khuyến cáo tiên
mẫu hãy về đi, đừng có lộn xộn nữa. Cách nói rất khôn
khéo!
[37] Bay lên trên mây đi về phía núi Tử
Vi.
[38] Nói là mình đi đêm cực khổ, sương dính
vào mặt, gió tạt vào mình. Cũng chỉ là cách nói thôi, Trân Nương cỡI mây! Chữ
đàn 彈, chúng tôi không tường nghĩa cho minh
bạch. Cả hai bản A, B đều dùng đàn.
[39] Tội nghiệp thân gái hết lòng với
chồng!
[40]
Cảnh non tiên quá đẹp, nhưng mình
đang có sứ mạng phảI làm nên không còn tâm trí đâu mà thưởng thức. Rất đáng trân
trọng cái tình cảm nầy.
[41] Nhà ngươi là ngườI ở đâu dưới trần, sao
lạI dám đến non tiên? Theo bản B thêm chữ lai 來, vốn bản A không có. Phật Quan Âm trước
đây đã mách bảo cho biết, rằng có một loại cỏ tiên có thể cứu được, nên xin
thỉnh cầu tiên ông cứu giúp…
[42] Chồng bệnh mà không có thuốc để trị,
[43]
Ta đà biết: con yêu nầy tu đã nhiều
năm nhưng không thành chánh quả. Vì nghiệp trần chưa dứt nên còn nhiều trái
oan.
[44] Hình như chỗ nầy ngườI viết tuồng bỏ
trống chỗ cho gánh hát thêm vô một đoạn hát khách.
[45] Chốn thanh tiêu ngao ngán dầu
ta: mặc tình ta ngao du thoả thích nơi tiên cảnh. Miền bích thủy
dạo chơi mặc mỗ: thỏa ý ta dạo nơi nước biếc (non
xanh).
[46]
Hình như những tiên đồng trong
tuồng nầy hơi làm mất cảm tình của người đời bằng những nhanh nhẩu quá đáng.
Thật ra đây là sự dàn cảnh của tác giả để cho thấy sự cực khổ bên bờ sống chết
của Trân Nương trong việc tìm thuốc cứu
chồng.
[47] Mắng tiếng thoạt liền mọc
óc: nghe tiếng tức
thì quá sợ hãi. Mắng tiếng 𠻵
㗂: từ cổ có nghĩa là nghe. Nhiều
người phiên chữ mắng âm là mảng, không đúng.
[50] Dốc tròn đạo nghĩa, sá lầm gian
nguy: quyết long làm tròn chuyện đạo nghĩa, không kể chi đến việc mắc
phải nguy hiểm. Lầm: mắc phải.
[51] Mãng (còn): Mắc bận bịu chuyện gì. CD:
Bước xuống ruộng sâu em mãng sầu tất dạ….
[53] Nghĩ rằng đi mau sao mà lâu quá! Chữ xa
lắc được viết bằng xa xác
[54] Bị chuyện gì cản trở mà chậm quá như
vậy?
[55] Chẳng rời đoái mạng, phiên theo B rõ
ràng hơn, nghĩ rằng A viết sai…
[56]
Cô nầy lo xa và suy luận cũng hợp
luận lý lắm.
[57] Phải liệu kế hay để nói dối. Bản A viết
: … toan một phép chi mầu, ngõ hỏi dối… chữ hỏi như là làm
cho tối nghĩa chỗ nầy, chúng tôi dùng bản B: … ngõ nói dối. Rõ
ràng hơn. Ðoạn nầy chữ nhẹm 冉 nầy rất đắc địa. Nhẹm có
nghĩa là hoàn thành.
[58] Anh nầy nói khứa kháo lổ miệng, anh trói
gà không chặc làm sao đánh lại tinh!
[59] Nước mắt phụ nữ đời nào cũng xiêu lòng
anh hùng, huống chi Hớn Văn chỉ là một kẻ thường thường thường bậc
trung!
[61] Bỏ ngoài tỉnh hạ: bỏ xuống
giếng.
[63] Trăm cay ngàn đắng không thể nói
được,
[65] Còn nghi thời ra ngoài giếng kia coi tất
biết. Bản B: thiên tỉnh, thay vì tỉnh ngoạI như
A.
[66] Thương quá xá là
thương.
[68] Phô loài yêu nghiệt
哺𩔖
夭孽: nói rằng thiếp là loài quỉ..Phô
哺, tiếng xưa có nghĩa là nói. Lục Vân
Tiên: Trong xe chật hẹp khó phô.
[69] Chỗ nầy thiệt là hay: biểu Tiểu Thanh đi
chôn rắn giả để phi tang sau nầy, vừa cho cô ta vắng mặt để mình dễ eo-xèo, nũng
nịu…
[70] Ðể ý, chỗ nầy là lại nói. Trong
tuồng hầu hết là người xem phải tưởng tượng đây là cảnh khác. Có thể là loan
phòng, vì trên sân khấu diễn viên đã đi hai ba vòng tượng trưng cho sự di
chuyển.
[71] Bây giờ tới lúc làm giận làm hờn, làm
màu làm mè.Chẳng vậy mà Hớn văn chết mệt.
[72] Ta trót đà thất lật
些卒它失栗: anh trót làm điều làm lỗi. Nàng chớ
khá chấp nê
娘渚呵𢩾
泥:
xin em đừng cố
chấp.
[73] Nũng nịu đây! Dễ thương và dễ sợ chỗ
nầy! Bản B. Thiếp vốn hẵn yêu tinh 妾本罕妖精…. Thay vì thiếp vốn thiệt
妾本寔妖精…
[74] Ðược mợi thì càng làm
già!
[75] Thấy chàng ‘quì gối’ nàng sợ
quá!
[76] Thầy chỉ xạo, bịnh trị bằng lễ vái…nên
bị đuổi ra.
[77]
Quen làm vạy, phỉnh chúng
kiếm ăn: lằm điều
sái quấy, gạt người. Phỉnh chúng 𠶏
眾: gạt người , chữ nầy trong
Nam không có
dùng.
[78] Vị thuốc, bản B: thuốc
tánh.
[79] Trị dỡ cho nên chúng đuổi ra rước thầy
khác. Bản Nôm viết sai rước 逴thành trên.𨕭 Bản B viết
đúng.
[80]
Lo lắng và mệt mỏi, bèn ngủ ở chỗ
bàn sách.
[81]
Con bé thương chồng quá nên làm
nhiều chuyện sằng.
[82]
Ở đây chúng tôi theo bản B: Ca tay
chuốt chén pha lê
歌𢬣
捽𥗜
玻璃:
Tay rót chén pha lê. Ca 歌: từ cổ có nghĩa là ở tại. Bản A
viết sai chữ ca 歌
thành hân 欣.
Hân không có nghĩa gì hết ở chỗ
nầy. Nhờ bản B, không thì không thể nào đính chánh được chỗ nầy, mà đọc hân thì
ngặt quá!
[85]
Nghe nói như vậy thì thấy cái mạng
của dân đen chẳng đáng giá chút nào. Thầy thuốc có quyền chửa trị làng nhàng để
ăn tiền!
[86] Bản Nôm viết chữ lệnh
令, tạm đọc luyện trong khi chữ Nôm
có nhiều cách viết chữ luyện đúng hơn!
[87] Ðem bỏ đãy cho thầy nhứt
khắc: bỏ vô bị cho thầy ngay. Vì cần đối với chữ hai hoàn tác giả
dùng cưỡng ép chữ nhứt khắc. Thường người ta nói tức
khắc.
[88] Hoàn bảo sản há không kiến
hiệu: thuốc viên dưỡng thai chẳng lẽ không hiệu nghiệm? Hớn Văn tin
tưởng vợ vì thấy nàng quá hay…
[89] Chẳng dám trì hồi : không
dám chậm trễ.Trì hồI cũng như trì diên.
[90] Phúc thống bất an: bụng
đau chẳng yên.
[91] Ðể ý, từ tớ đây là từ nhún
nhường, đầy tớ, chứ không phải mày tao mi tớ…
[92] Chữ mỗ ở đây cho thấy quan Tri
Phủ vẫn chưa tin tưởng tài ông thầy lang nầy
[93]
Bấy lâu mỗ thường lòng lơ
lãng: từ trước đến
giờ ta không để ý đến thầy… Chúng tôi phiên là lơ lãng thay vì lo lắng
chỗ nầy, nghĩ rằng hợp với tình huống của câu chuyện hơn.
[94]
Chàng Hớn Văn nầy đóng kịch cũng
giỏi lắm. Biết trước tin rồi mà vẫn còn làm màu mè bắt
mạch..
[95] Phó tay tớ: giao cho các
thị tì. Tác giả muốn cho đối chữ thầy ở trên với tớ ở
đây.
[96]
Chỗ nầy lạ quá, thuốc uống vào thì
trẻ con nó cầm ra khỏI long mẹ. Chắc là thuốc của tinh cho nên con trẻ nó phảI
trả lại. Chưa có điều kiện đọc truyện Thanh Xà Bạch Xà nên không biết chi tiết
nầy ra làm sao!
[97] Nghe nói thì đổi buồn làm vui. Mừng
quá!
[98] Thầy hay đệ nhất, thuốc thiệt thuốc
tiên.
[99] Hớn Văn dùng chữ tớ thay vì chữ
khách để đối với chữ chủ của quan Tri Phủ, đây cũng là cái nguyên
nhân cứu mạng anh ta sau nầy.
[100] Ðem tạ nghi theo dõi tiên sinh
𡧄
謝蹺唯先生quí trọng quá
nên cho người đem của tạ theo thầy về nhà!
[101]
Nguyên văn viết tám danh
糝名. Chúng tôi đọc là tám tên
như trường hợp chữ ba niên đọc là ba năm
ở trong tác phẩm khác.
[102] Lại sai nhóm trống kèn đưa về-- rình
rang, vinh dự-- có cả kiệu đưa.
[103] Thời lai phong tống,
時來風送 thời mình đến thì có gió đưa đi, chỉ sự
may mắn. Từ câu thơ cổ: Thời lai phong tống Ðằng Vương các: Lúc may mắn
thì gió đưa đến gác Ðằng Vương…
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 079
THƠ PHAN BÁ THỤY DƯƠNG
Thơ PHAN BÁ THỤY DƯƠNG
Ý XUÂN
Em đi tóc xoã trong sương khói
Vạt áo chập chờn theo gió bay
Có phải hương hoa đồng cỏ nội
Gọi bướm ong về tắm nắng mai
Là lan là cúc đang khoe sắc
Kẻ lá cành cây cũng rộn ràng
E ấp gì sao em cúi mặt
Sợ chúa Xuân ghen má môi hồng ?
PBTD
LIÊN K HÚC Vô T H Ư Ờ N G
tặng Trần Hoài Thư
1-
đố t công án vất kinh thư khải ngộ
theo đường trăng, trăng khi tỏ khi lu
tìm người hiền nơi thâm cốc âm u
thỏng tay vào rừng giả làm ẩn sĩ
dòng sinh mệnh dường nhuộm màu chướng khí
bến nhân gian ai quán niệm vô thường
hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương
trên vách núi chân dung in mờ tỏ
2-
ném công án buông kinh thư bất ngộ
nương sông ngòi biển cả đến an nhiên
nửa u hoài, nửa chợt nhớ chợt quên
cũng tan biến cùng tiên thiên tự ngã
tay huyễn hoặc đề lời thơ trên lá
hồn xanh xao vọng tưởng chốn tang bồng
người đâu rồi sao tịch mịch hư không
hương dã thảo đang chớm mùa khai mở.
3-
hủy công án chôn kinh thư khải ngộ
vào chợ đời áo mỏng phất phơ bay
bụi khói mê man chênh chếch nắng gầy
lời phố thị chập chờn như ảo giác
ta là ai -
ta là ai sao tâm linh ngơ ngác
người là ai -
người là ai mà sắc diện mơ hồ
rượu độc ẩm hề chân lạc loài đưa
mây biến dịch mưa hắt hiu giọt nhỏ
PBTD
Ý XUÂN
Em đi tóc xoã trong sương khói
Vạt áo chập chờn theo gió bay
Có phải hương hoa đồng cỏ nội
Gọi bướm ong về tắm nắng mai
Là lan là cúc đang khoe sắc
Kẻ lá cành cây cũng rộn ràng
E ấp gì sao em cúi mặt
Sợ chúa Xuân ghen má môi hồng ?
PBTD
LIÊN K HÚC Vô T H Ư Ờ N G
tặng Trần Hoài Thư
1-
đố t công án vất kinh thư khải ngộ
theo đường trăng, trăng khi tỏ khi lu
tìm người hiền nơi thâm cốc âm u
thỏng tay vào rừng giả làm ẩn sĩ
dòng sinh mệnh dường nhuộm màu chướng khí
bến nhân gian ai quán niệm vô thường
hành trình xa ngựa đà lỏng dây cương
trên vách núi chân dung in mờ tỏ
2-
ném công án buông kinh thư bất ngộ
nương sông ngòi biển cả đến an nhiên
nửa u hoài, nửa chợt nhớ chợt quên
cũng tan biến cùng tiên thiên tự ngã
tay huyễn hoặc đề lời thơ trên lá
hồn xanh xao vọng tưởng chốn tang bồng
người đâu rồi sao tịch mịch hư không
hương dã thảo đang chớm mùa khai mở.
3-
hủy công án chôn kinh thư khải ngộ
vào chợ đời áo mỏng phất phơ bay
bụi khói mê man chênh chếch nắng gầy
lời phố thị chập chờn như ảo giác
ta là ai -
ta là ai sao tâm linh ngơ ngác
người là ai -
người là ai mà sắc diện mơ hồ
rượu độc ẩm hề chân lạc loài đưa
mây biến dịch mưa hắt hiu giọt nhỏ
PBTD
SĨ PHU THĂNG LONG VÀ CHUYÊN CHÍNH
CÁCH MẠNG PHỦ ĐỊNH CHUYÊN CHÍNH CỘNG
SẢN:
- Giới Sĩ phu Thăng Long lên tiếng tán dương lời kêu gọi cho Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Thích Quảng Độ
- Nhà văn Hoàng Tiến và Cư sĩ Pháp Thiện - Cư sĩ Khuê Trí ngỏ lời với Sư ông Nhất Hạnh về vấn đề Yêu Nước Yêu Đảng
(THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 28.2.2005,
PTTPGQT)
"Kẻ sĩ phải nói những điều ích
nước lợi dân"
Nhà
văn Hoàng Tiến
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được ba bức
thư của giới Sĩ phu Thăng Long gửi từ Hà Nội sang Paris tán dương Lời kêu gọi
cho Dân chủ đa nguyên của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhân dịp Tết Ất Dậu, 2005. Trong bức thư
của Nhà văn Hoàng Tiến viết hôm 22.2.2005, Nhà văn cho biết cảm tưởng rằng :
"Đọc Thư chúc xuân của Hoà thượng làm sao tôi cứ nhớ tới đức Điều Ngự Giác Hoàng
Trúc Lâm Đại Đầu Đà Trần Nhân tông. Ngài tu đạo nhưng vì dân vì nước. Đạo của
Ngài không xa lánh đời. Nói cách khác Phật sinh ra là vì chúng sinh. Đạo là vì
đời. Đạo phải cứu đời. Có cái gì rất giống nhau giữa thiền phái Trúc Lâm và Gíao
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất". Nhà văn đặt ra một vấn đề cấp bách là tính
cách lạc quan thái quá trong sự tự hào xa rời thực tại. Lấy ví dụ qua lời đáp từ
của Thủ tướng Thái Lan sau khi nghe vị cựu Thủ tướng Việt Nam nói lên nỗi tự hào
đánh đổ hai đế quốc sừng sỏ Pháp Mỹ : "Người Thái Lan chúng tôi cũng rất tự hào
vì đã tránh được những cuộc đụng độ với những thế lực hùng mạnh trên thế giới".
Hai quan điểm dẫn tới hai hành động mà hậu quả đem lại no ấm, hạnh phúc cho dân,
hoặc điêu linh dân tộc, ngoài chút hư danh hảo của một niềm tự hào tếu. Có cái
gì rất Tây và tranh chấp mút mùa trong quan điểm ông Thủ tướng Việt, và rất Đông
phương linh hoạt trong con người cầm đầu chính phủ Thái.
Nhà văn Hoàng Tiến còn trỏ tay vào một vấn đề tế nhị, mà sáu mươi năm qua người ta nói phớt qua thành ngữ "trí thức trùm chăn". Những ai dám sống và dám chết, thì mới rũ chăn đứng dậy phát ngôn, như Thày giáo Chu Văn An : "Kẻ sĩ phải nói những điều ích nước lợi dân", hay như Nhà văn Nguyễn Minh Châu : "Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình. Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời ...."
Một tiếng nói khác từ Thăng Long ca tụng Dân chủ và tự do là Cư sĩ Phật giáo Pháp Thiện. Vị Cư sĩ này vừa mừng vừa tiếc : "Chúng tôi mừng vì Thư chúc xuân của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mà lòng lại thấy đáng tiếc vì cho đến nay chúng tôi và rất nhiều người có ưu tư với đất nước mới được biết đến "Lời kêu gọi cho Dân chủ ở Việt Nam" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tự thấy hổ thẹn vì sự chậm trễ này ! Nhưng chậm còn hơn không". Thế mới biết không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, con người sống bên nhau như những kẻ lạ, làm sao đâu lưng đấu cật lo cho tiền đồ quê hương ? Và cũng vì "chậm còn hơn không", nên Cư sĩ ngỏ lời "cảm tạ những tấm gương sáng trong Đạo cũng như ngoài Đời, ở trong cũng như ngoài nước đã hướng dẫn, khích lệ chúng tôi dám sống với tinh thần Vô Uý. Còn gì tủi hổ, nhục nhã hơn khi con người chỉ vì lòng ích kỉ mà cúi đầu trước cái ác, trước bạo hành vô minh ? Tôi từng nghe nhiều người thốt lên : Thôi, không làm gì được đâu, hãy an phận, tìm thú vui trong hiện tại đi ! Vậy xin hỏi : Phải an phận với hiện tại nào ? ý nghĩa đích thực của cuộc sống này là gì, nếu con người buộc phải cúi đầu mà ăn ngủ, như một cái bóng của kẻ khác?!".
Một tiếng nói khác đã từng phát biểu trên Diễn Đàn Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Sư ông Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai mà chúng tôi đã đăng tải trên thông cáo phát hành ngày 3.2.2005, hoặc trên Trang nhà Quê Mẹ & Phòng Thông Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net ở mục "Người Hà Nội lên tiếng". Đó là Cư sĩ Khuê Trí, hôm nay lần thứ hai cư sĩ nói lên cảm nhận khi nghe Sư ông Nhất Hạnh nói về Yêu Nước Yêu Đảng nhân đáp một câu hỏi về vấn đề Quy y theo đạo Phật tại Học viện Chính trị Quốc gia. Khiến Cư sĩ phải thán lên : "Chỉ thấy xót xa cho một thân phận đã từng quy y Phật pháp hơn 60 năm trời, đọc rộng biết nhiều ; chỉ vì tôn thờ bản ngã, bị ngũ dục cám dỗ mà đầy đoạ Pháp-thân Huệ-mạng của mình đến nông nỗi như vậy. Và còn làm khổ lây đến anh em đồng đạo, đồng bào của mình nữa. Trong kinh Viên Giác đức Thế Tôn từng dậy rằng: tri huyễn tức ly. Rất mong thầy đọc lại và suy ngẫm".
Dưới đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn ba bức thư của ba vị thức giả nơi đất thiêng Thăng Long :
Nhà văn Hoàng Tiến còn trỏ tay vào một vấn đề tế nhị, mà sáu mươi năm qua người ta nói phớt qua thành ngữ "trí thức trùm chăn". Những ai dám sống và dám chết, thì mới rũ chăn đứng dậy phát ngôn, như Thày giáo Chu Văn An : "Kẻ sĩ phải nói những điều ích nước lợi dân", hay như Nhà văn Nguyễn Minh Châu : "Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình. Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời ...."
Một tiếng nói khác từ Thăng Long ca tụng Dân chủ và tự do là Cư sĩ Phật giáo Pháp Thiện. Vị Cư sĩ này vừa mừng vừa tiếc : "Chúng tôi mừng vì Thư chúc xuân của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mà lòng lại thấy đáng tiếc vì cho đến nay chúng tôi và rất nhiều người có ưu tư với đất nước mới được biết đến "Lời kêu gọi cho Dân chủ ở Việt Nam" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tự thấy hổ thẹn vì sự chậm trễ này ! Nhưng chậm còn hơn không". Thế mới biết không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, con người sống bên nhau như những kẻ lạ, làm sao đâu lưng đấu cật lo cho tiền đồ quê hương ? Và cũng vì "chậm còn hơn không", nên Cư sĩ ngỏ lời "cảm tạ những tấm gương sáng trong Đạo cũng như ngoài Đời, ở trong cũng như ngoài nước đã hướng dẫn, khích lệ chúng tôi dám sống với tinh thần Vô Uý. Còn gì tủi hổ, nhục nhã hơn khi con người chỉ vì lòng ích kỉ mà cúi đầu trước cái ác, trước bạo hành vô minh ? Tôi từng nghe nhiều người thốt lên : Thôi, không làm gì được đâu, hãy an phận, tìm thú vui trong hiện tại đi ! Vậy xin hỏi : Phải an phận với hiện tại nào ? ý nghĩa đích thực của cuộc sống này là gì, nếu con người buộc phải cúi đầu mà ăn ngủ, như một cái bóng của kẻ khác?!".
Một tiếng nói khác đã từng phát biểu trên Diễn Đàn Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Sư ông Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai mà chúng tôi đã đăng tải trên thông cáo phát hành ngày 3.2.2005, hoặc trên Trang nhà Quê Mẹ & Phòng Thông Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net ở mục "Người Hà Nội lên tiếng". Đó là Cư sĩ Khuê Trí, hôm nay lần thứ hai cư sĩ nói lên cảm nhận khi nghe Sư ông Nhất Hạnh nói về Yêu Nước Yêu Đảng nhân đáp một câu hỏi về vấn đề Quy y theo đạo Phật tại Học viện Chính trị Quốc gia. Khiến Cư sĩ phải thán lên : "Chỉ thấy xót xa cho một thân phận đã từng quy y Phật pháp hơn 60 năm trời, đọc rộng biết nhiều ; chỉ vì tôn thờ bản ngã, bị ngũ dục cám dỗ mà đầy đoạ Pháp-thân Huệ-mạng của mình đến nông nỗi như vậy. Và còn làm khổ lây đến anh em đồng đạo, đồng bào của mình nữa. Trong kinh Viên Giác đức Thế Tôn từng dậy rằng: tri huyễn tức ly. Rất mong thầy đọc lại và suy ngẫm".
Dưới đây, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn ba bức thư của ba vị thức giả nơi đất thiêng Thăng Long :
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc
Hà Nội Kính gửi: Hoà thượng Thích Quảng Độ
Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN
Thanh Minh thiền viện
Quận Phú Nhuận
TP Hồ Chí Minh. Trong tiết trời lạnh ẩm của xuân ất Dậu (2005), tôi nhận được Thư chúc xuân của Hoà thượng do một Phật tử đem tới.
Đọc thư xong tôi phải thắp hương cám ơn Trời Phật, lòng tưởng nhớ đến đức Trần Nhân tông, một vị vua đời Trần đã sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Một vị vua anh hùng 3 lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông, đã từ bỏ ngai vàng, đi tu, nhằm giúp đỡ chúng sinh phát triển tâm linh để nhân dân được no ấm, an lạc, đất nước hưng thịnh dài lâu. Quả thật, thế kỷ 13 sau công nguyên, nước ta đã là một đất nước như thế, giữ khôi nguyên trong khu vực Đông Nam á lúc bấy giờ, ngẩng cao đầu với thế giới loài người.
Còn nước ta bây giờ thì sao?
Sau hai cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, chống Pháp rồi chống Mỹ, tổn hại biết bao sinh linh, ta đã giành được độc lập thống nhất toàn lãnh thổ. Ta thường tự hào về điều này. Báo chí, sách vở, phim ảnh luôn luôn đề cao nhân dân ta anh hùng. Điều đó không sai, nhưng chúng ta đã quá ngây ngất lạm dụng điều đó, để tự bịt mắt bưng tai, rồi thành tụt hậu so với khu vực và thế giới. Nghe kể, ông thủ tướng Thái Lan trong một tiệc chiêu đãi ngoại giao ông thủ tướng Việt Nam, đã có lời đáp từ, đại ý: "Người Thái Lan chúng tôi cũng rất tự hào vì đã tránh được những cuộc đụng độ với những thế lực hùng mạnh trên thế giới."
Việc này xảy ra đã lâu, vị thủ tướng đáng kính của Việt Nam đã khuất bóng. Nhưng thiết nghĩ nó vẫn còn là bài học mang tính thời sự nóng hổi cho đến hôm nay.
Vậy nên tự hào vừa vừa thôi, anh hùng vừa vừa thôi. Bởi vì chúng ta còn quá nghèo, dân ta còn quá khổ. GDP đầu người Việt Nam cho đến bây giờ mới gần 400 đôla, bằng 1/3 Thái Lan, bằng 1/50 Singapore, bằng 1/70 của Mỹ. Nếu mức tăng trưởng kinh tế 7,5% năm theo như kế hoạch đặt ra, giữ được liên tục, thì cũng phải 20 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan hiện nay. Mà họ có phải dừng lại để chờ ta đâu. Có lẽ lúc này người Việt Nam nên biết hổ thẹn, phải thấy xấu hổ, phải có lúc thấy nhục nhã nữa, khi để đất nước tụt hậu, kém phát triển, tham nhũng triền miên sau chiến tranh đã 30 năm. 30 năm so với lịch sử là ít, nhưng so với một đời người là đã quá dài.
Cái gì làm chúng ta khổ sở như vậy, chậm chạp như vậy?
Tôi rất tâm đắc với nhận định của Hoà thượng: "70 năm thử nghiệm ý thức hệ Mác Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm, nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới." (Trg 1. Thư chúc xuân. TQÐ)
Xu hướng thế giới ngày nay là hội nhập toàn cầu, toàn cầu hoá kinh tế và toàn cầu hoá dân chủ. Vậy Việt Nam ta nên thế nào?
Trong Thư chúc xuân Hoà thượng viết: "Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý." (Trg 2. Thư chúc xuân. TQÐ)
Học thuyết Mác Lênin, chuyên chính, độc quyền, thực nghiệm ở Việt Nam đã nhiều chục năm nay, không mang lại kết quả như ý muốn. Trên thực tế, có nhiều điều ngược lại. Vậy ta cũng chẳng nên luyến tiếc nó làm gì. Một vị giáo sư trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào đầu xuân Ấát Dậu, trong lời chúc mừng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúc mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, có đề xuất Đảng nên tiếp tục đổi mới, đổi tên Đảng thành Đảng Việt Nam theo định hướng độc lập tự do, dân chủ công bằng văn minh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, hoà bình hữu nghị ... thực hiện ý tưởng của Hồ Chí Minh để lại. (Vì cụ Hồ có nói trong Quốc hội Khoá 1 ngày 31-10-1946 : "Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước nhân dân, trước thế giới : Tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam.")
Trước đó, nhà khoa học Phan Đình Diệu, trong đề cương phát biểu ý kiến theo yêu cầu của chương trình khoa học KX-10 do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, cũng đề xuất đến dân chủ đa nguyên và đề nghị đổi tên Đảng thành Đảng Xã hội Dân chủ.
Như thế là nhiều ý tưởng tốt đẹp đã gặp gỡ nhau, đã quy vào một mối, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước Việt Nam trên con đường mới. Một năm mới mở đầu với nhiều ý tưởng hết sức tốt đẹp.
Chuyện năm cũ, tháng 10-2004 ông giám đốc công an Hà Nội có mời tôi lên. Trong nhiều ý kiến trao đổi, tôi có nói một ý : "Thày giáo Chu Văn An dạy : "Kẻ sĩ phải nói những điều ích nước lợi dân". Tôi là người đọc sách, nhận ra sự trì trệ của nước nhà là do thiếu dân chủ, thành độc tài, chuyên chế, gây ra nhiều tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, bè phái, trù úm, cướp đất đai, học vị rởm ..vv... Chúng tôi phải lên tiếng chê trách những điều đó. Nếu lãnh đạo nghe ra, sửa chữa những thiếu sót, thì đất nước được phát triển thuận lợi, dân chúng được no đủ. Đất nước phát triển, dân chúng no đủ, thì ghế của lãnh đạo sẽ vững vàng, không thể lung lay. Chúng tôi già rồi, không nhằm lợi lộc gì ở đây cho cá nhân mình. Còn nếu lãnh đạo không nghe ra, bực tức, muốn bắt bớ, bỏ tù, thậm chí bắn giết, thì chúng tôi chịu. Nhưng vẫn cứ phải nói, phải viết. Cho lương tâm mình được thanh thản. Cũng là noi gương người xưa cả thôi. Không có gì mới. Vì, cũng theo người xưa dạy : "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa." Cố gắng để không hổ thẹn với người xưa và không phải đỏ mặt với người sau. Chúng tôi không làm chính trị, không có tham vọng tranh quyền đoạt chức. Sự nghiệp của tôi là văn chương chứ không phải chính trị, nhưng sống phải có thái độ chính trị."
Nhà thơ Bùi Minh Quốc bạn tôi, giáp tết ất Dậu từ Đà Lạt ra Hà Nội, có công bố một tài liệu của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu. Khi anh Châu nằm chữa bệnh chờ chết ở chùa Pháp Hoa (Đồng Nai) có viết một bức thư cho bạn, trong đó có đoạn : "Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình. Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời ...."
Cho nên tôi càng tâm đắc với Thư chúc xuân của hoà thượng. (Trích) :
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và trong cương vị tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ [....] Trong kinh sách Phật giáo, Đức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh." (Trg 2. Thư chúc xuân. TQÐ)
Xin được gửi lời hoan hỷ đến với Hoà thượng.
Trong dịp xuân mới chúng tôi mong rằng đường lối chính sách của những nhà lãnh đạo Việt Nam có nhiều đổi mới, để huy động được tài trí, tiền của của mọi người, mọi giới, không phân biệt chính kiến, tôn giáo trong nước và nhất là với khối Việt kiều hải ngoại, cùng góp sức dựng xây một đất nước Việt Nam dân chủ và phát triển, không hổ danh con cháu các vua Hùng trên bờ biển Thái Bình Dương xanh tươi muôn đời sóng vỗ.
Chúng tôi là những người viết văn, sở nguyện là văn chương, nhưng phải lên tiếng về dân chủ, vì không có dân chủ thì không thể tự do sáng tác văn chương. Cũng như Hoà thượng, là những người tu hành, không có dân chủ không thể có tự do tôn giáo, điều cần yếu để phát triển tâm linh giúp đỡ loài người thoát khỏi khổ đau.
Tấm gương vô úy của Hoà thượng trong hành trình dấn thân cho tự do tôn giáo ở Việt Nam làm mọi người cảm phục. Nỗi sợ hãi [1] là cái thiếu nhất của chúng sinh hiện nay. Chúng sinh thiếu cái gì, ta giúp họ cái đó. Đạo Phật là đạo của sự giải thoát, giúp con người thoát khỏi sự sợ hãi và được sống cho ra một con người.
Đọc Thư chúc xuân của Hoà thượng làm sao tôi cứ nhớ tới đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Đại Đầu Đà Trần Nhân tông. Ngài tu đạo nhưng vì dân vì nước. Đạo của Ngài không xa lánh đời. Nói cách khác Phật sinh ra là vì chúng sinh. Đạo là vì đời. Đạo phải cứu đời. Có cái gì rất giống nhau giữa thiền phái Trúc Lâm và Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Cầu mong chư Phật phù hộ độ trì cho Hoà thượng sức khoẻ và sự minh triết, để góp phần vào sự hưng thịnh Phật giáo Việt Nam, hưng thịnh đất nước Việt Nam.
Nam mô A di đà Phật ! Thăng Long ngày 22 tháng 2 năm 2005
(Đinh Sửu nhật. Mạnh Xuân nguyệt. Ấát Dậu niên)
Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ:
Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc - Hà Nội.
Điện thoại: Bị cắt từ lâu. Cảm nghĩ ngày xuân về Dân chủ Tự do Xuân cảnh đã về với đất trời nơi đây, nhưng xuân tâm trong lòng người thì như đang còn mờ mịt. Vào website Quê mẹ của văn phòng Phật giáo Quốc tế. Chúng tôi rất vui mừng được đọc Thư chúc xuân của Hoà thượng Thích Quảng Độ và Lời kêu gọi cho dân chủ ở Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất công bố từ năm 2001. Chúng tôi vui mừng vì lần đầu được biết đến một cương lĩnh đầy đủ, cụ thể và sáng suốt cho dân chủ tự do ở Việt Nam; và vì tấm lòng ưu tư, tâm huyết của Hoà thượng Thích Quảng Ðộ với vận hội đất nước.
Xin cảm tạ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin cảm tạ Hoà thượng Thích Quảng Độ, xin cảm tạ rất nhiều các bậc Tôn túc, Tăng ni đã vì dân chủ tự do của đất nước, vì chính pháp của chư Phật, vì sinh dân mà dấn thân, quên mình. Đặc biệt xin cảm tạ những tấm gương sáng trong Đạo cũng như ngoài Đời, ở trong cũng như ngoài nước đã hướng dẫn, khích lệ chúng tôi dám sống với tinh thần Vô Uý. Còn gì tủi hổ, nhục nhã hơn khi con người chỉ vì lòng ích kỉ mà cúi đầu trước cái ác, trước bạo hành vô minh? Tôi từng nghe nhiều người thốt lên: Thôi, không làm gì được đâu, hãy an phận, tìm thú vui trong hiện tại đi ! Vậy xin hỏi : Phải an phận với hiện tại nào ? ý nghĩa đích thực của cuộc sống này là gì, nếu con người buộc phải cúi đầu mà ăn ngủ, như một cái bóng của kẻ khác?!
Chỉ vì không cam chịu một hiện tại bi đát của con người xứ Ấn Độ thủa xưa, mà Đức Thế Tôn đã từ bỏ ngai vàng, dấn thân vào nơi gai góc để tìm ra con đường cứu khổ trừ nguy cho thế gian. Nếu ngài chắp tay lại mà chấp nhận cái hiện tại bất công, bất bình đẳng và vô tình thủa ấy, thì ngày nay ngài có là Đức Phật để chúng ta kính lễ và noi theo nữa không?
Chúng tôi mừng vì Thư chúc xuân của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, mà lòng lại thấy đáng tiếc vì cho đến nay chúng tôi và rất nhiều người có ưu tư với đất nước mới được biết đến Lời kêu gọi cho dân chủ ở Việt Nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tự thấy hổ thẹn vì sự chậm trễ này ! Nhưng chậm còn hơn không. Thật biết ơn những ai đã phát minh ra internet, nó sẽ là phương tiện thiện xảo để phá vỡ sự bưng bít sự thật, để giúp con người xích lại gần nhau, kết đoàn trong cộng đồng nhân ái mà phấn đấu cho Dân chủ Tự do. Vâng, kết đoàn trong cộng đồng nhân ái, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giầu nghèo, học vấn, sang hèn, già trẻ để cùng nhau phấn đấu cho một xã hội Dân chủ, Tự do, Bình đẳng thật sự mà con người xứng đáng được hưởng. Nó là khát vọng chính đáng và quyền sống của tất cả chúng ta.
Chúng tôi biết ơn và cảm tạ tất cả những ai sát cánh, giúp chúng tôi trên con đường gian nan ấy. Để tâm xuân được phục hoàn nơi lòng mọi người.
Hà Nội 24/2/2005.
Cư sĩ Pháp Thiện
Bức thư ngỏ gửi thầy Thích-Nhất-Hạnh
Sau lá thư ngỏ chúng tôi viết gửi thầy [2], cũng như đọc nhiều bài viết khác trên internet nói về chuyến trở lại Việt Nam của thầy và tăng thân Làng Mai. Chúng tôi đã không có ý định trở lại vấn đề nữa.
Nhưng đọc bản tin viết ngày 4/2/2005 một đệ tử của thầy đăng trên website : www.langmai.org đưa tin về buổi "thuyết pháp" của thầy tại Học viện Chính trị Quốc gia cho khoảng 600 học giả, viên chức chính quyền và khoảng 500 Phật tử dự thính. Nói rằng, có người hỏi : "khi quy y thì mình có quyền tiếp tục yêu nước và yêu đảng hay không ?". Thầy Nhất Hạnh trả lời : "có chứ, nếu quy y mà không còn được "quyền" yêu nước và yêu đảng thì quy y làm gì? Quy y xong mình thực tập sẽ có nhiều vững chãi, thảnh thơi, hiểu biết và thương yêu hơn, yêu đảng hay hơn, nước sẽ đẹp hơn, tự do hơn, dân chủ hơn. Đảng sẽ cởi mở hơn, bao dung hơn, quang vinh hơn"! Thật là đáng kinh ngạc về "thiền vị" của thầy Nhất Hạnh trong câu trả lời này. Vậy xin được trích nguyên văn ra đây để bạn đọc có dịp cùng thanh lãm.
Không biết thầy Nhất Hạnh khi trả lời như vậy có nhớ đến tổ đường của thầy, cùng các Hoà Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ và còn bao nhiêu người con Phật chân chính khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như đồng bào của thầy trong cộng đồng dân tộc này đang được sống "thảnh thơi, vững chãi, tin yêu" như thế nào trong suốt lịch sử cầm quyền của cái đảng mà thầy nói là nó sẽ "cởi mở hơn, bao dung hơn, quang vinh hơn" kia không ?
Hay với "thiền nhãn" của thầy thì ở nơi đây anh em đồng đạo, đồng bào của thầy cũng đang được "thảnh thơi, dân chủ, tự do" mà hành đạo như ở bên trời Tây ? Hay thầy đang có ý định "nhập thiền" vào đảng cộng sản Việt Nam để mà cải tạo nó? Thật không còn gì để nói thêm với thầy nữa!
Chỉ thấy xót xa cho một thân phận đã từng quy y Phật pháp hơn 60 năm trời, đọc rộng biết nhiều ; chỉ vì tôn thờ bản ngã, bị ngũ dục cám dỗ mà đầy đoạ Pháp-thân Huệ-mạng của mình đến nông nỗi như vậy.
Và còn làm khổ lây đến anh em đồng đạo, đồng bào của mình nữa. Trong kinh Viên Giác đức Thế Tôn từng dậy rằng : tri huyễn tức ly. Rất mong thầy đọc lại và suy ngẫm. Hà Nội, Việt Nam 20/2/2005
Cư sĩ Khuê Trí.-----------------------------------
[1] Phải chăng tác giả muốn nói "Tinh thần Vô úy" ? Rất tiếc chúng tôi không có phương tiện nhanh để liên lạc hỏi ý kiến tác giả trước giờ phát hành Thông cáo báo chí, nên cứ để nguyên như trong văn bản, và đánh lên câu hỏi ở phần chú thích hiểu theo tinh thần của đoạn văn dẫn thượng. (PTTPGQT)
[2] Xin xem "Bức Thư Ngỏ kính gửi Thầy Thích Nhất Hạnh, Trưởng phái đoàn Phật giáo nước ngoài về thăm Việt Nam" trong Thông cáo báo chí phát hành ngày 3.2.2005, hoặc vào xem trong Trang nhà Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế : http://www.queme.net ở mục "Người Hà Nội lên tiếng".
PHAN TẤN HẢI * THIẾU NỮ
Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh
Phan Tấn Hải
Phải nhiều tháng sau, tôi mới biết cô nàng bị bệnh ung thư. Gần như là không ý thức, tôi từng nhìn những dãy chai thuốc đủ nhãn hiệu, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột trong ngăn tủ phòng nàng và hoàn toàn không thắc mắc hay có ý niệm gì về sự có mặt của chúng. Cũng thường thôi, có nhiều người vẫn thích để đủ thứ thuốc men thu thập nhiều năm ở một góc tủ như thói quen ở Việt Nam mà không bận tâm gì đến ngày tháng có thể hư hao chi cả, và nếu là trụ sinh thì càng dễ tính, cứ gom lại thật nhiều rồi sẽ gởi về nước cho thân nhân. Lại nữa, các loại thuốc mua từ toa bác sĩ thì chẳng ghi chú gì, chỉ có mấy dòng ghi tên thuốc và ngày uống mấy viên thôi, chẳng ai biết nổi là thuốc hay kẹo.
Nhưng càng lúc nàng càng xanh xao, nét mặt tái nhợt đi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Nói rõ các buổi như vậy vì thời gian đầu hai đứa gặp nhau, sắc mặt nàng thay đổi theo thời gian trong ngày. Buổi sáng tươi tỉnh, hồng hào, nàng rực rỡ, rạng ngời. Buổi chiều nàng ủ dột, buồn ra mặt. Và buổi tối nàng thường than mệt và đòi về nhà. Đôi khi tôi chỉ hỏi, tại sao vậy, và rồi thôi. Không bao giờ tôi nghĩ cần phải vặn hỏi ai điều gì. Điều gì người ta không nói, thì mình không cần phải thắc mắc. Chơi với nhau là phải tin nhau, tin cả lời nói và phải tin cả sự im lặng, tất cả đều có những ý nghĩa gì đó. Vả lại nếu xét về vai vế thì tôi lớn hơn nàng nhiều chứ, cả về tuổi nữa, và người lớn thì phải có phong cách người lớn, nghĩa là biết tôn trọng cả những điều người thấp vai không nói. Tôi chỉ nói đùa là tôi không cần mua đồng hồ, vì chỉ cần nhìn mặt nàng đã có thể đoán được mấy giờ rồi. Thí dụ đôi mắt rực sáng như vậy, gò má hồng như vậy, nàng xông xáo như vậy, nhất định phải là trong khoảng bảy hay tám giờ sáng. Hay là khi đôi mắt bắt đầu trở nên xa vắng như đang hướng về một chân trời nào đó thì trời hẳn đã về chiều. "Tùy theo mức độ xa vắng của mắt em, anh sẽ gọi được giờ, thí dụ như bây giờ phải ước chừng là sáu giờ chiều," tôi đã nhiều lần nói với nàng như vậy khi ngồi ở quán Baron. Và khi nàng đứng lên đòi về, tôi gấp giấy tờ sách vở lại, thì mặt nàng hẳn đã nhạt ra, có khi những ngón tay còn run run nữa. Bấy giờ tôi lại đoán được là chín hoặc chín giờ rưỡi khuya.
Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp lại nàng là ở trong quán Baron. Bấy giờ là chiều lắm rồi, tôi đang ngồi trong quán, lúc đó thật vắng, đọc những xấp bài vở, báo chí đủ loại thì cô nàng đứng ngay trước mặt tôi, gọi tên tôi và hỏi tại sao tôi lại xuất hiện ở vùng thủ đô tị nạn này. Tôi ngẩng nhìn lên, chỉ nhớ mang máng đã gặp nàng đâu đó trên đảo. Nhưng tôi chẳng mấy khi nhớ được những chuyện gì xảy ra hôm qua, huống gì là của nhiều năm trước. Cô nàng tự giới thiệu là có quen tôi khi còn trên đảo, và anh không thể nào nhớ mặt được những kẻ đứng thật xa và nói thật nhỏ. Tôi đã tự trách mình vô tâm và trả lời rằng, ai cũng có thể nhớ được một tên nổi tiếng ở dơ, lười tắm và làm đủ thứ chuyện lung tung cho đồng bào như vậy; tôi hơi ngạc nhiên nghe mình tự nói xấu cách hồn nhiên, và lại xin lỗi về trí nhớ của mình. Sau này tôi có hỏi lại anh Trung, người Đạo Trưởng của tôi, thì anh cũng chẳng thể nhớ nổi cô bé nào như vậy cả. Có hàng trăm cô bé thế chứ, cậu nói thế làm sao tôi nhớ nổi, anh trả lời nhát gừng. Tôi đã trả lời, chỉ có một thôi, một cô bé kỳ dị như vậy đấy, với cả một pharmacy trong phòng. Có hề gì đâu, cũng như trong phòng cậu là đủ thứ sách thôi, anh Trung đáp. Chịu thua, tôi không bao giờ cãi được với ai.
Buổi chiều, khi chạng vạng tối, tôi thường đến Baron ngồi đọc, ghi chú và suy nghĩ về những điều phải viết. Cà phê ở đây thì đậm, uống vào có thể thức tới hai, ba giờ sáng, còn bánh mì thì có thể thay cơm được. Quán thường vắng vào chiều và tối. Điều hay nhất là không có nhạc vì quán thuộc loại bình dân. Tôi không ưa những quán nhạc ồn ào, đông đúc, mịt mù khói thuốc. Ngồi ở đây, nhìn qua những khung kính ra đường Brookhurst, nhìn buổi chiều, nhìn đêm, nhìn chiếc xe cà tàng của mình bên ngõ hẻm, rồi cúi xuống đọc trên những trang giấy, rồi có khi chạy tới nhà tên bạn hỏi han đôi chuyện hoặc vào bàn gõ lóc cóc dăm bài thơ cho nó đỡ mệt. Tôi đã có thói quen sống hạnh phúc được trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị gây rối vì chuyện tiền bạc hoặc cộng đồng.
Những thời gian về sau, nàng thường ra ngồi với tôi. Có khi hỏi chuyện chán chê, rồi lại im lặng, rồi lại đọc những xấp bài tôi để trên bàn, đủ thứ nhảm nhí, và có khi về Thiền, về chính trị, hoặc thứ gì cũng đôi chút nghiêm trang, vân vân. Rồi lại hỏi những câu không đâu vào đâu. Chẳng hạn như, "Làm thế nào để khỏi bệnh?" Lần đó, tôi đáp, "Tại sao cần khỏi bệnh chứ. Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh cơ mà." Nàng đáp, "Hôm bữa anh khóc um xùm khi mới bị nhức răng sơ sơ, thì chúng ta đâu cần phải bệnh để hiểu được Kinh Phật." Tới những chỗ lý luận cụ thể về cuộc đời thì tôi lại im lặng, bởi vì thực sự tôi chẳng hề hiểu chi về cuộc đời cả.
Phải nhiều tháng sau, nàng mới nói cho biết có lẽ nàng sắp chết. Bấy giờ tôi mới ngẩng mặt lên khỏi mớ giấy tờ, ngạc nhiên nhìn nàng. Chín giờ tối rồi, một tiếng nữa quán sẽ đóng cửa, không còn ai trong quán trừ chúng tôi. Mắt nàng yếu đi, người nàng trước giờ vẫn gầy bây giờ như gầy thêm hơn. Ung thư à, tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cái này cũng giống như xổ số đấy. Mặt nàng xịu xuống, ra dáng bé con hẳn, im lặng hồi lâu. Tôi vẫn không thể hình dung được cô bé đang ngồi trước mặt tôi hôm nào có thể biến mất trên đời này. Ngay cả nếu bây giờ cô nàng ngã xuống, lên cơn sốt trăm độ, ngay giữa quán này, đương nhiên là tôi sẽ ẵm cô nàng đi cấp cứu, nhưng vẫn sẽ không thấy chuyện này có thật tí nào. Tôi đã nói với nàng như vậy, thấy nàng vẫn mở to mắt nhìn như không hiểu, tôi giải thích thêm, từ lâu rồi anh vẫn thấy mọi chuyện trên đời chỉ là những giấc mơ thôi. Tôi ấp úng, thí dụ chúng ta đang ngồi đây, giữa quán cà phê vắng thế này, thì cũng không có gì là thật cả, chỉ là những giấc mơ thôi, thấy được như vậy, đây chỉ là những giấc mơ chúng ta sờ được và bơi lội trong nó thì em sẽ không bao giờ đau khổ, thắc mắc hay bận tâm. Em có đùa bao giờ đâu, nàng gắng gượng nói. Ừ thì không đùa, nhưng em phải tập Thiền và thể dục, anh sẽ dạy cho, dễ lắm, bệnh nào cũng chữa được. Lời tôi nói như tan vào không khí. Nàng không trả lời, nét mặt xanh nhợt nhạt.
Nàng ở trong một căn chung cư góc Brookhurst và Hazard. Buổi chiều nàng đi bộ ra quán ngồi chơi và nói chuyện với tôi, tới khuya rồi lại về. Làm thế nào cô bé sống được trên thế gian này nhỉ, tôi thắc mắc, lại ngay giữa cái thành phố đầy những xô xát, ồn áo, nhảm nhí này. Tôi thích nơi này biết mấy, cũng như mọi nơi trên trần gian này, chỉ vì tôi không thể ý thức được mình có thể ghét bỏ một nơi nào trong cuộc đời. Nhưng còn cô bé, cô nàng mỏng manh như một hơi thở, gầy như một que tăm, ngây thơ như một dòng chữ trong kinh Phật, và có vẻ như không bao giờ biết tới tuổi thành niên, làm sao có thể ngồi ngay giữa quán Baron này mà không hề sợ hãi. Cái món tiền tàn phế đâu có bao nhiêu. Tôi có thể sống được, và cả hạnh phúc nữa với không một xu dính túi, nhưng còn nàng, cô bé gầy gò dúm dó kia làm sao sống nổi giữa trần gian điên dại này.
"Em phải biết trần gian mình lắm bệnh, và đừng thắc mắc gì cả." Tôi giải thích một hôm như vậy và không biết có nên tò mò hỏi thêm về căn bệnh của nàng. Nhỡ như đó là một bệnh khó trả lời, thí dụ như ung thư vú hay tử cung chẳng hạn. "Em phải tập nói chuyện với hư vô hằng đêm, hằng ngày." Tôi băn khoăn không biết mình có đang nói những điều quá xa lạ với nàng chăng. "Cứ gọi tên nó ra mà hỏi chuyện, như một người bạn. Đừng giận dữ bao giờ cả. Thì thầm to nhỏ. Khi nào nó hành đau quá thì thôi, tìm cách ngủ."
Cô bé mở một tờ báo lá cải và chỉ vào một bài quan điểm. "Sao người ta cứ gọi nhau ra đánh phá lung tung ha. Em thấy cuộc đời mình kỳ dị lắm. Anh đọc bài này chưa. Anh làm báo nữa làm chi."
"Anh chỉ có một điều bận tâm hiện nay thôi. Đó là làm sao cho em và những người đi sau không bao giờ biết tới bệnh là gì." Tôi thò tay qua bàn, xếp tờ báo kia lại và ném qua bàn bên cạnh. "Cuộc đời lạ lắm. Chúng ta không bao giờ hiểu được. Để anh bổ túc một ý kiến hôm trước, chúng ta không những chỉ đang sống trong mơ, mà thực sự tự thân cũng chỉ là những bóng thoáng qua, ẩn hiện trong đó."
Cô bé nhíu trán. Thói quen này tôi không thích lắm. Một lần tôi có phê bình, em đừng tập kiểu nhíu trán cau mày ra dáng đăm chiêu nữa, có vẻ người lớn một cách không tốt. Bởi vì cau mày nhíu trán cũng không thể làm em trở nên nhà bác học được. Thế là suốt cả tuần lễ kế tiếp, cô nàng nhíu trán cau mày liên tục. Cũng may những thói quen như vậy nàng quên cũng rất mau. Lúc đó tôi tự nhủ, phải chi chứng bệnh nàng cũng thế thì hay biết mấy, muốn nhớ thì có, muốn quên thì đi, cuộc đời sẽ vui biết mấy.
"Em muốn anh tới đưa đón mỗi chiều ra quán Baron. Em không còn sống bao nhiêu ngày nữa." Cô bé một hôm nói nghiêm trang như một mệnh lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, xanh xao, hiện lên đôi mắt sáng nhìn thẳng vào tôi. "Em có thể đi bộ ra ngồi với anh được. Nhưng em muốn từ bây giờ anh phải đón em ra đây."
Tôi không thấy có gì để từ chối. Một hôm nào, cô bé rời khỏi cuộc đời này, rời những hệ lụy trần gian và sẽ vui vì những ngày hôm nay. "Chi vậy nhỉ," tôi vẫn cãi bướng, "em cần phải ngủ nhiều hơn là đi chơi. Nhất là ra đây lại khói thuốc, bụi bặm, có tốt đâu. Nhỡ thằng nào quăng lựu đạn vào đây thì lại hỏng. Cứ gối đầu vào pharmacy của em mà ngủ là tốt nhất."
Người cô bé như nhỏ lại, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi.
"Mỗi ngày em phải hỏi anh khoảng ba câu hỏi về Thiền. Anh sẽ trả lời, em không cần hiểu, nhưng bắt buộc phải nghe và nhớ. Có như vậy anh mới đưa đi chơi, và mỗi ngày sẽ đón em ra đây. OK? Được ha." Tôi ra giọng thầy, "Vậy thì hôm nay câu hỏi nào đây?"
"Em đâu biết hỏi gì." Cô nàng giọng nhỏ lại, nhìn ra ngoài những khung kính. Tôi đoán nàng hơi mệt, bây giờ là trễ rồi, trời sụp tối ngoài kia. Tôi cũng không biết phải nói gì. Hình như có gì chận nơi cổ họng tôi. Cô nàng nói, giọng thật nhẹ, rất nhiều khi em buồn ngủ, như bây giờ chẳng hạn, nhưng cứ sợ sẽ không bao giờ thức dậy. Cũng có khi đau, đau cả người chứ, nàng vẫn nhìn ra những ngọn đèn đường. Đau đớn lắm, như bây giờ chẳng hạn, nhưng em muốn anh thăm em mỗi ngày...
Bây giờ thì tôi biết nàng bị ung thư tử cung. Cũng lạ, vì chứng bệnh này thường xảy ra cho người lớn tuổi. Một lần nàng vào nhà thương Anaheim nằm cả tuần lễ. Mỗi chiều tôi đều vào chơi bên giường bệnh với nàng. Tôi đọc đôi tin vớ vẩn về Việt Nam, giả vờ lướt qua vài bài thơ cho có lệ, thơ dở lắm, chẳng thấy bài nào hay cả, tôi cứ gạt qua như vậy. Em tập thở đi, cũng đỡ mệt hay đau đớn chẳng hạn. Nàng gầy hẳn đi, hai gò má nhô xương ra. Giọng nàng thì thầm, anh không nên nhìn em trong hoàn cảnh này. Nàng nói nàng chẳng ưa tí nào bộ đồng phục màu xanh của nhà thương. Tôi ngồi bên cạnh và đọc thầm bài Đại Bi Chú. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi nhìn những ống thuốc bên giường nàng. Tôi siết chặt tay nàng dưới tấm ra giường. Tay em toàn là xương, làm thế nào có lại thịt da như ngày xưa nhỉ, tôi bùi ngùi suy nghĩ. Sau lần mổ này, sức cô bé sẽ yếu hẳn, bác sĩ nói với tôi như vậy. Người bác sĩ già tóc trắng người Mỹ giải thích với tôi về cách gìn giữ sức khỏe hằng ngày cho nàng. Ông ta có vẻ hiểu lầm như chúng tôi là tình nhân, hoặc một kiểu như đang sống với nhau.
"Thuốc ấy à, cô ấy cần cả một pharmacy đấy. Nhưng rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu." Gibson, người bác sĩ già lắc lắc đầu. Từng mảnh tóc trắng bay trên đầu, ông đứng giữa hành lang sạch bóng và thơm mùi nhà thương giải thích.
Nhà thương cách thư viện công cộng hai block. Suốt ngày tôi ngồi đọc và viết trong thư viện, chờ tới bốn giờ thì vào thăm nàng. Nhưng những ngày này trôi qua thật chậm, tôi không đọc được nhiều và cũng không viết nhiều. Máu lười cũng nổi lên rồi, tôi tự khiển trách như vậy. Nhưng cũng không phải, tôi nghiệm ra mình không tập trung tinh thần được. Tôi nhớ tới những ngày mẹ tôi sắp mất. Những ngày ấy tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình sắp xa mẹ. Chuyện gì với mình cũng là chuyện bất ngờ, tôi tự nghĩ. Nhưng còn chuyện này, cô bé hẳn là sắp rời thế giới này rồi, tim tôi thắt lại khi nhớ tới lời bác sĩ. Y Học không tiên đoán được gì thêm cho những trường hợp này, cách nói ông dè dặt.
"Mr. Gibson, ông nghĩ rằng bao giờ nàng đi," tôi ngập ngừng hỏi.
"Cứ giả thiết là vài năm nữa chẳng hạn, cũng có thể là vài tháng. Tốt hơn hết là cứ bình tỉnh chờ thôi. Nhưng còn phép lạ nữa chứ. Chúng ta phải tin vào những điều không hiểu được." Ông nói chậm rãi, gật gù, đôi mắt xanh nhìn tôi như chờ đợi một phản ứng.
Tôi đã trả lời rằng tôi tin vào phép lạ, bởi vì cuộc sống tự nó đã là phép lạ. Tôi ngạc nhiên nghe giọng mình rất mực bình tỉnh.
Nếu chúng ta không thở nữa
không thấy được bầu trời xanh trên kia
không nắm được tay nhau trong đời này
và câm lặng đời đời dán lên môi
hãy tin vào...
Bài thơ tôi làm được mấy câu, cũng dở dang. Tôi đọc khi nàng ra viện. Căn phòng em tự nhiên thân thiết hơn, nàng nói khi tôi đưa nàng về. Về lại cái pharmacy này vui hơn, tôi kiếm chuyện để nói. Bình thường tôi thuộc loại ít lời. Vài ngày sau, nàng mới nhớ là tôi có đọc bài thơ nào đấy cho nàng. Bài thơ anh làm đó hả, cô nàng hỏi. Ừ, thơ dở lắm, đừng nhớ tới nó nữa, tôi lầu bầu. Anh có cả trăm bài như thế đấy, đừng bắt anh làm thơ, chẳng ai khen cả. Có em khen chứ, em thích những bài thơ như vậy, nàng biện hộ. Ừ thôi quên đi, anh năn nỉ mà.
Khi hơi khỏe khoắn một chút, cô bé lại đòi ra quán Baron chơi mỗi chiều. Chi vậy, tôi tìm lời ngăn cản, ở nhà cho chóng khỏe. Ngoài kia đầy khói thuốc đấy. Em thích ngồi nhìn buổi chiều, vả lại em thật sự không bệnh, nhưng chính là cuộc đời bệnh, cuộc đời làm em bệnh. Tôi đùa, không phải em bệnh, đúng không, mà là ngôi nhà bệnh chứ gì. Cô bé gật đầu, dáng như hiểu mọi lời tôi nói. Chúng tôi bật ra cười. Tôi nói thêm, em không biết rằng buổi chiều làm em mệt sao, mặt mũi cứ nhợt nhạt ra, ai cũng biết là bệnh cả. Vả lại, bây giờ em cần phải mập ra một tí. Nàng xịu mặt xuống, em lúc nào cũng toàn xương cả, làm sao mập nổi. Tôi im lặng. Nàng hỏi sang chuyện khác, lúc này báo chí còn chống phá lung tung nữa không. Có trời biết họ đang làm gì, trần gian mình lắm chuyện lắm, tôi nói trong cách để nàng khỏi suy nghĩ. Anh nhà báo, anh biết chứ, cô bé trở giọng bướng bĩnh. Câu hỏi thứ nhất về Thiền em chưa hỏi mà, tôi vặn lại, thôi ngủ đi nghe chưa. Tôi kéo mền phủ khắp người nàng.
Tôi ngồi trên sàn nhà sắp xếp những bề bộn sách vở, áo quần của nàng. Đôi con búp bế nhựa thò đầu giữa đống lung tung ấy, tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Tôi nằm lăn ra giữa phòng ngủ vì mệt, tay còn ôm hai con búp bê vào ngực. Buổi sáng thức dậy, nàng đang pha cà phê. Tôi xin lỗi vì ngủ quên, đáng ra anh nên về nhà, những người chung quanh có thể nói những lời không tốt. Nàng bảo không sao, em cũng sắp theo ông Phật rồi, chẳng ai thắc mắc đâu, mắt nàng vẫn nhìn tôi thăm dò. Tôi bảo, cuộc đời nhảm lắm, họ bịa chuyện lung tung cho coi. Nàng bảo, anh cứ giải thích thì họ phải tin thôi. Tin cái gì nhỉ, tôi băn khoăn, nếu đêm qua em thôi không thở nữa, họ sẽ bảo gì đấy, chẳng hạn như anh rape em, hay là lảm nhảm gì đấy. Cô bé đem ly cà phê đặt trước mặt tôi, ẳm lên hai búp bê nhựa, nói như với búp bê, chẳng sao cả các em nhỉ. Tôi không biết nói thêm gì cho rõ hơn, em nghe này, thí dụ đấy, họ bảo là chúng mình làm tình thì chẳng tốt cho em tí nào. Nàng mở to mắt nhìn, nhưng mình có đâu, mà họ nói thì có sao đâu. Tôi nhún vai và đứng dậy ôm nàng vào lòng. Nàng chỉ là một đứa bé không bao giờ lớn. Nàng tựa đầu vào ngực tôi, em không còn bao nhiêu ngày sống nữa. Tôi nói, em chỉ là đứa bé sáu tuổi. Nàng bảo, còn anh là sáu tuổi rưỡi, mắt nàng vẫn ngẩng nhìn lên, tay bấu chặt vai tôi.
Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến ngủ phòng nàng mỗi khi lười về nhà hoặc có khi để làm nàng vui. Tôi không nằm trên sàn nhà nữa, nàng dạy tôi mở chiếc ghế sofa ra làm giường. Cũng hơi phiền vì phải dùng một tí sức và sự khéo léo để mở được các lò so sắp rỉ sét bên trong ghế. Nhiều ngày lên được phòng nàng, tôi trải túi ngủ ngay trên sàn nhà và chui vào ngủ. Cách này tiện hơn dù nàng cứ lầu bầu hoài. Tôi ngủ ở đây tiện cho việc ăn uống của tôi. Và đôi phần cũng tiện cho sức khỏe của nàng. Nàng bảo, ngủ một mình em sợ lắm. Sao lại sợ nhỉ, tôi giải thích rằng tất cả những nỗi sợ đều không có thực. Em sợ đau đớn, và đôi khi sợ chết nữa. Nàng nói nàng cảm được nỗi đau len vào từng bắp thịt, thắt các cơ lại và di chuyển qua lại dăm nơi trên cơ thể nàng. Còn sợ chết nữa, nàng nói thật nhanh, em sợ không thấy anh nữa. Nếu em tập được không suy nghĩ gì cả, tôi giải thích, thì sẽ không bao giờ thấy được gì là sợ hãi với lo lắng. Nàng có vẻ không tin bao nhiêu vào những điều như vậy.
Có đôi tên nhà báo bắt đầu thắc mắc về hành động của tôi. Họ xì xầm đôi điều và tôi nghe lại từ những nguồn khác. Khi tin này được diễn dịch qua mấy bà vợ của họ thì càng nghiêm trọng nữa. Tôi bảo với một tên bạn thân của tôi, làm sao đính chính bây giờ, tội nghiệp cho cô bé chứ. Tên này thuộc loại cũng chẳng bận tâm chuyện gì trên đời, hắn chỉ gật gù bảo kệ. Tao chỉ ngồi canh bệnh cho cô bé thôi, ai cũng có thể đoán như vậy, tôi nói. Thế mày cũng nghĩ rằng tao làm tình với cô nàng à, tôi có vẻ hơi quạu quọ khi phải nói như vậy. Biết làm sao được, hắn bảo để hắn giải thích cho những nguồn tin kia im đi. Tôi chỉ hy vọng cô bé không nghe gì cả. Nếu tôi biết có ai nói gì với nàng, tôi sẽ vặn cổ hắn ngay.
"Phòng cô bé là một pharmacy, còn tao là người canh bệnh. Hiểu chưa?" Tôi đứng lên và nói gằn với tên bạn như vậy trước khi về.
Thật sự thì như vậy. Tôi đã sống đơn giản như vậy. Tôi chỉ là kẻ săn sóc trần gian này, và trước tiên là cô bé. Thế thôi.
Bệnh nàng càng lúc càng nặng. Mùi thuốc lúc nào cũng bốc lên ngợp cả phòng. Ban đêm nàng thường trằn trọc, bật đèn dậy đọc sách, hoặc pha thuốc uống. Nàng nói, nỗi sợ của nàng càng lúc càng tăng. Tôi nói biết sao bây giờ, cứ thở đều đặn rồi sẽ ngủ quên thôi. Nàng nói có khi đau quá, cứ nhìn thấy những hình ảnh dữ dội hiện ra trước mắt. Tôi hỏi hình ảnh gì. Nàng nói hình ảnh trong những cuốn sách về ma quỷ hay địa ngục gì đấy, đủ những thứ nàng từng đọc hồi nhỏ. Tôi nói, khi nào em sợ cứ bật đèn lên đọc sách, đừng lo anh mất ngủ, vì anh có thể ngủ được trong mọi điều kiện.
Suốt tuần như vậy, nàng than thở về sợ hãi, về sự chết. Tôi cứ nằm vật ra trên sofa, giữa sàn nhà bề bộn đủ thứ, bóp bóp hai con búp bê cho nó kêu những tiếng oa oa cho nàng vui, rồi lại nói lảm nhảm về mọi chuyện trên đời cho tới khi hoặc nàng ngủ quên hoặc tôi gục đầu vào đống sách vở thiếp đi.
Thời gian sau này chúng tôi không ra quán Baron nữa. Lý do chính là không có tiền. Tiền tem thư và điện thoại của tôi còn nhiều hơn tiền chợ. Tôi còn phải tiết kiệm sức khỏe của nàng nữa chứ, đi đứng nhiều chỉ mệt thêm. Phòng làm việc và nơi ăn ngủ của tôi bây giờ là ghế sofa của nàng.
Một chiều, nàng bảo tôi đưa nàng đi chơi. Tôi chở nàng ra Laguna Beach, vào các shopping mall và trở về khi đêm xuống. Nàng nói muốn vào Baron uống ly cà phê cuối cùng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại cuối cùng. Mặt nàng tái xanh, gầy nhợt nhạt. Tôi cũng chìu nàng và nói sẽ làm mọi chuyện trên đời này để làm nàng vui. Khi ngồi trong quán tự nhiên nàng chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy. Nàng nói buồn ngủ. Em không còn đau đớn nữa, nhưng buồn ngủ lắm, tự nhiên buồn ngủ dễ sợ. Và nàng gục đầu lên bàn, nước mắt còn ngấn mi và nói để em ngủ. Tôi trả tiền và dìu nàng vào xe đưa về. Tôi phải ẳm nàng lên cầu thang. Nàng nhẹ như bông. Đầu gục vào ngực tôi, mắt nhắm lại, nét mặt dịu dàng. Tôi nghe như tiếng thì thầm khi đặt nàng xuống giường, em không sợ nữa, không sợ gì nữa. Tay nàng vẫn níu chặt ngực áo tôi. Trên khuôn mặt nàng hiện ra một vẻ bình yên làm tôi vui. Nàng trở người và ôm chặt lấy tôi, đầu dúi vào ngực tôi. Tôi kéo chăn đắp và ôm nàng ngủ. Sáng hôm sau nàng không thức dậy nữa. Đôi mắt nàng không bao giờ mở ra nữa. Giọt nước mắt trên mí đã khô, nhưng nụ cười vẫn còn tươi.
Sau này, một người bạn bác sĩ cho biết những người bệnh ung thư chết thường rất là đau đớn, vật vả. Tôi không nói gì về cái chết bình yên của nàng, tôi không thích nói những điều riêng tư. Tới bây giờ thường khi mỗi khi trở giấc, tôi vẫn cảm thấy nàng đang dúi đầu vào ngực tôi, gối đầu vào vai tôi, tóc nàng còn thơm mùi chanel vương vất trên mặt tôi, vòng tay nhỏ nhắn của nàng vẫn ôm chặt tôi. Mỗi khi cảm thấy như vậy, tôi lại đọc thầm ba biến Đại Bi cho nàng. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ trên trần gian này. Và nàng, cô bé kia đã một thời sợ hãi cuộc đời và nay đã đi xa, thật xa. Còn gởi lại nụ cười. Thật tươi. Ngay cả khi đôi mắt đã khép vĩnh viễn.
Nhiều tuần sau, một chiều tôi trở lại Baron, ngồi đúng nơi bàn chúng tôi thường ngồi. Ngoài trời bắt đầu tối. Tôi nhìn qua những bàn trống và chợt nhớ lời nàng một hôm, chúng ta đang trong ngôi nhà bệnh. Nơi này có bệnh? Tôi không biết. Chỉ biết tôi đang nhớ nàng kinh khủng, nắm giẻ rách thơm mùi bệnh viện của tôi.
Khi đưa tay vào túi lục tiền, tôi thấy lại mảnh giấy hôm trước ghi bài thơ. Tờ giấy nhăn nheo, rách bèo nhèo. Tôi không dám mở ra đọc lại, chỉ nhét vội vào túi. Và khi đứng dậy ra về, tôi đi như chạy.
Phan Tấn Hải
Phải nhiều tháng sau, tôi mới biết cô nàng bị bệnh ung thư. Gần như là không ý thức, tôi từng nhìn những dãy chai thuốc đủ nhãn hiệu, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột trong ngăn tủ phòng nàng và hoàn toàn không thắc mắc hay có ý niệm gì về sự có mặt của chúng. Cũng thường thôi, có nhiều người vẫn thích để đủ thứ thuốc men thu thập nhiều năm ở một góc tủ như thói quen ở Việt Nam mà không bận tâm gì đến ngày tháng có thể hư hao chi cả, và nếu là trụ sinh thì càng dễ tính, cứ gom lại thật nhiều rồi sẽ gởi về nước cho thân nhân. Lại nữa, các loại thuốc mua từ toa bác sĩ thì chẳng ghi chú gì, chỉ có mấy dòng ghi tên thuốc và ngày uống mấy viên thôi, chẳng ai biết nổi là thuốc hay kẹo.
Nhưng càng lúc nàng càng xanh xao, nét mặt tái nhợt đi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Nói rõ các buổi như vậy vì thời gian đầu hai đứa gặp nhau, sắc mặt nàng thay đổi theo thời gian trong ngày. Buổi sáng tươi tỉnh, hồng hào, nàng rực rỡ, rạng ngời. Buổi chiều nàng ủ dột, buồn ra mặt. Và buổi tối nàng thường than mệt và đòi về nhà. Đôi khi tôi chỉ hỏi, tại sao vậy, và rồi thôi. Không bao giờ tôi nghĩ cần phải vặn hỏi ai điều gì. Điều gì người ta không nói, thì mình không cần phải thắc mắc. Chơi với nhau là phải tin nhau, tin cả lời nói và phải tin cả sự im lặng, tất cả đều có những ý nghĩa gì đó. Vả lại nếu xét về vai vế thì tôi lớn hơn nàng nhiều chứ, cả về tuổi nữa, và người lớn thì phải có phong cách người lớn, nghĩa là biết tôn trọng cả những điều người thấp vai không nói. Tôi chỉ nói đùa là tôi không cần mua đồng hồ, vì chỉ cần nhìn mặt nàng đã có thể đoán được mấy giờ rồi. Thí dụ đôi mắt rực sáng như vậy, gò má hồng như vậy, nàng xông xáo như vậy, nhất định phải là trong khoảng bảy hay tám giờ sáng. Hay là khi đôi mắt bắt đầu trở nên xa vắng như đang hướng về một chân trời nào đó thì trời hẳn đã về chiều. "Tùy theo mức độ xa vắng của mắt em, anh sẽ gọi được giờ, thí dụ như bây giờ phải ước chừng là sáu giờ chiều," tôi đã nhiều lần nói với nàng như vậy khi ngồi ở quán Baron. Và khi nàng đứng lên đòi về, tôi gấp giấy tờ sách vở lại, thì mặt nàng hẳn đã nhạt ra, có khi những ngón tay còn run run nữa. Bấy giờ tôi lại đoán được là chín hoặc chín giờ rưỡi khuya.
Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp lại nàng là ở trong quán Baron. Bấy giờ là chiều lắm rồi, tôi đang ngồi trong quán, lúc đó thật vắng, đọc những xấp bài vở, báo chí đủ loại thì cô nàng đứng ngay trước mặt tôi, gọi tên tôi và hỏi tại sao tôi lại xuất hiện ở vùng thủ đô tị nạn này. Tôi ngẩng nhìn lên, chỉ nhớ mang máng đã gặp nàng đâu đó trên đảo. Nhưng tôi chẳng mấy khi nhớ được những chuyện gì xảy ra hôm qua, huống gì là của nhiều năm trước. Cô nàng tự giới thiệu là có quen tôi khi còn trên đảo, và anh không thể nào nhớ mặt được những kẻ đứng thật xa và nói thật nhỏ. Tôi đã tự trách mình vô tâm và trả lời rằng, ai cũng có thể nhớ được một tên nổi tiếng ở dơ, lười tắm và làm đủ thứ chuyện lung tung cho đồng bào như vậy; tôi hơi ngạc nhiên nghe mình tự nói xấu cách hồn nhiên, và lại xin lỗi về trí nhớ của mình. Sau này tôi có hỏi lại anh Trung, người Đạo Trưởng của tôi, thì anh cũng chẳng thể nhớ nổi cô bé nào như vậy cả. Có hàng trăm cô bé thế chứ, cậu nói thế làm sao tôi nhớ nổi, anh trả lời nhát gừng. Tôi đã trả lời, chỉ có một thôi, một cô bé kỳ dị như vậy đấy, với cả một pharmacy trong phòng. Có hề gì đâu, cũng như trong phòng cậu là đủ thứ sách thôi, anh Trung đáp. Chịu thua, tôi không bao giờ cãi được với ai.
Buổi chiều, khi chạng vạng tối, tôi thường đến Baron ngồi đọc, ghi chú và suy nghĩ về những điều phải viết. Cà phê ở đây thì đậm, uống vào có thể thức tới hai, ba giờ sáng, còn bánh mì thì có thể thay cơm được. Quán thường vắng vào chiều và tối. Điều hay nhất là không có nhạc vì quán thuộc loại bình dân. Tôi không ưa những quán nhạc ồn ào, đông đúc, mịt mù khói thuốc. Ngồi ở đây, nhìn qua những khung kính ra đường Brookhurst, nhìn buổi chiều, nhìn đêm, nhìn chiếc xe cà tàng của mình bên ngõ hẻm, rồi cúi xuống đọc trên những trang giấy, rồi có khi chạy tới nhà tên bạn hỏi han đôi chuyện hoặc vào bàn gõ lóc cóc dăm bài thơ cho nó đỡ mệt. Tôi đã có thói quen sống hạnh phúc được trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị gây rối vì chuyện tiền bạc hoặc cộng đồng.
Những thời gian về sau, nàng thường ra ngồi với tôi. Có khi hỏi chuyện chán chê, rồi lại im lặng, rồi lại đọc những xấp bài tôi để trên bàn, đủ thứ nhảm nhí, và có khi về Thiền, về chính trị, hoặc thứ gì cũng đôi chút nghiêm trang, vân vân. Rồi lại hỏi những câu không đâu vào đâu. Chẳng hạn như, "Làm thế nào để khỏi bệnh?" Lần đó, tôi đáp, "Tại sao cần khỏi bệnh chứ. Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh cơ mà." Nàng đáp, "Hôm bữa anh khóc um xùm khi mới bị nhức răng sơ sơ, thì chúng ta đâu cần phải bệnh để hiểu được Kinh Phật." Tới những chỗ lý luận cụ thể về cuộc đời thì tôi lại im lặng, bởi vì thực sự tôi chẳng hề hiểu chi về cuộc đời cả.
Phải nhiều tháng sau, nàng mới nói cho biết có lẽ nàng sắp chết. Bấy giờ tôi mới ngẩng mặt lên khỏi mớ giấy tờ, ngạc nhiên nhìn nàng. Chín giờ tối rồi, một tiếng nữa quán sẽ đóng cửa, không còn ai trong quán trừ chúng tôi. Mắt nàng yếu đi, người nàng trước giờ vẫn gầy bây giờ như gầy thêm hơn. Ung thư à, tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cái này cũng giống như xổ số đấy. Mặt nàng xịu xuống, ra dáng bé con hẳn, im lặng hồi lâu. Tôi vẫn không thể hình dung được cô bé đang ngồi trước mặt tôi hôm nào có thể biến mất trên đời này. Ngay cả nếu bây giờ cô nàng ngã xuống, lên cơn sốt trăm độ, ngay giữa quán này, đương nhiên là tôi sẽ ẵm cô nàng đi cấp cứu, nhưng vẫn sẽ không thấy chuyện này có thật tí nào. Tôi đã nói với nàng như vậy, thấy nàng vẫn mở to mắt nhìn như không hiểu, tôi giải thích thêm, từ lâu rồi anh vẫn thấy mọi chuyện trên đời chỉ là những giấc mơ thôi. Tôi ấp úng, thí dụ chúng ta đang ngồi đây, giữa quán cà phê vắng thế này, thì cũng không có gì là thật cả, chỉ là những giấc mơ thôi, thấy được như vậy, đây chỉ là những giấc mơ chúng ta sờ được và bơi lội trong nó thì em sẽ không bao giờ đau khổ, thắc mắc hay bận tâm. Em có đùa bao giờ đâu, nàng gắng gượng nói. Ừ thì không đùa, nhưng em phải tập Thiền và thể dục, anh sẽ dạy cho, dễ lắm, bệnh nào cũng chữa được. Lời tôi nói như tan vào không khí. Nàng không trả lời, nét mặt xanh nhợt nhạt.
Nàng ở trong một căn chung cư góc Brookhurst và Hazard. Buổi chiều nàng đi bộ ra quán ngồi chơi và nói chuyện với tôi, tới khuya rồi lại về. Làm thế nào cô bé sống được trên thế gian này nhỉ, tôi thắc mắc, lại ngay giữa cái thành phố đầy những xô xát, ồn áo, nhảm nhí này. Tôi thích nơi này biết mấy, cũng như mọi nơi trên trần gian này, chỉ vì tôi không thể ý thức được mình có thể ghét bỏ một nơi nào trong cuộc đời. Nhưng còn cô bé, cô nàng mỏng manh như một hơi thở, gầy như một que tăm, ngây thơ như một dòng chữ trong kinh Phật, và có vẻ như không bao giờ biết tới tuổi thành niên, làm sao có thể ngồi ngay giữa quán Baron này mà không hề sợ hãi. Cái món tiền tàn phế đâu có bao nhiêu. Tôi có thể sống được, và cả hạnh phúc nữa với không một xu dính túi, nhưng còn nàng, cô bé gầy gò dúm dó kia làm sao sống nổi giữa trần gian điên dại này.
"Em phải biết trần gian mình lắm bệnh, và đừng thắc mắc gì cả." Tôi giải thích một hôm như vậy và không biết có nên tò mò hỏi thêm về căn bệnh của nàng. Nhỡ như đó là một bệnh khó trả lời, thí dụ như ung thư vú hay tử cung chẳng hạn. "Em phải tập nói chuyện với hư vô hằng đêm, hằng ngày." Tôi băn khoăn không biết mình có đang nói những điều quá xa lạ với nàng chăng. "Cứ gọi tên nó ra mà hỏi chuyện, như một người bạn. Đừng giận dữ bao giờ cả. Thì thầm to nhỏ. Khi nào nó hành đau quá thì thôi, tìm cách ngủ."
Cô bé mở một tờ báo lá cải và chỉ vào một bài quan điểm. "Sao người ta cứ gọi nhau ra đánh phá lung tung ha. Em thấy cuộc đời mình kỳ dị lắm. Anh đọc bài này chưa. Anh làm báo nữa làm chi."
"Anh chỉ có một điều bận tâm hiện nay thôi. Đó là làm sao cho em và những người đi sau không bao giờ biết tới bệnh là gì." Tôi thò tay qua bàn, xếp tờ báo kia lại và ném qua bàn bên cạnh. "Cuộc đời lạ lắm. Chúng ta không bao giờ hiểu được. Để anh bổ túc một ý kiến hôm trước, chúng ta không những chỉ đang sống trong mơ, mà thực sự tự thân cũng chỉ là những bóng thoáng qua, ẩn hiện trong đó."
Cô bé nhíu trán. Thói quen này tôi không thích lắm. Một lần tôi có phê bình, em đừng tập kiểu nhíu trán cau mày ra dáng đăm chiêu nữa, có vẻ người lớn một cách không tốt. Bởi vì cau mày nhíu trán cũng không thể làm em trở nên nhà bác học được. Thế là suốt cả tuần lễ kế tiếp, cô nàng nhíu trán cau mày liên tục. Cũng may những thói quen như vậy nàng quên cũng rất mau. Lúc đó tôi tự nhủ, phải chi chứng bệnh nàng cũng thế thì hay biết mấy, muốn nhớ thì có, muốn quên thì đi, cuộc đời sẽ vui biết mấy.
"Em muốn anh tới đưa đón mỗi chiều ra quán Baron. Em không còn sống bao nhiêu ngày nữa." Cô bé một hôm nói nghiêm trang như một mệnh lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, xanh xao, hiện lên đôi mắt sáng nhìn thẳng vào tôi. "Em có thể đi bộ ra ngồi với anh được. Nhưng em muốn từ bây giờ anh phải đón em ra đây."
Tôi không thấy có gì để từ chối. Một hôm nào, cô bé rời khỏi cuộc đời này, rời những hệ lụy trần gian và sẽ vui vì những ngày hôm nay. "Chi vậy nhỉ," tôi vẫn cãi bướng, "em cần phải ngủ nhiều hơn là đi chơi. Nhất là ra đây lại khói thuốc, bụi bặm, có tốt đâu. Nhỡ thằng nào quăng lựu đạn vào đây thì lại hỏng. Cứ gối đầu vào pharmacy của em mà ngủ là tốt nhất."
Người cô bé như nhỏ lại, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi.
"Mỗi ngày em phải hỏi anh khoảng ba câu hỏi về Thiền. Anh sẽ trả lời, em không cần hiểu, nhưng bắt buộc phải nghe và nhớ. Có như vậy anh mới đưa đi chơi, và mỗi ngày sẽ đón em ra đây. OK? Được ha." Tôi ra giọng thầy, "Vậy thì hôm nay câu hỏi nào đây?"
"Em đâu biết hỏi gì." Cô nàng giọng nhỏ lại, nhìn ra ngoài những khung kính. Tôi đoán nàng hơi mệt, bây giờ là trễ rồi, trời sụp tối ngoài kia. Tôi cũng không biết phải nói gì. Hình như có gì chận nơi cổ họng tôi. Cô nàng nói, giọng thật nhẹ, rất nhiều khi em buồn ngủ, như bây giờ chẳng hạn, nhưng cứ sợ sẽ không bao giờ thức dậy. Cũng có khi đau, đau cả người chứ, nàng vẫn nhìn ra những ngọn đèn đường. Đau đớn lắm, như bây giờ chẳng hạn, nhưng em muốn anh thăm em mỗi ngày...
Bây giờ thì tôi biết nàng bị ung thư tử cung. Cũng lạ, vì chứng bệnh này thường xảy ra cho người lớn tuổi. Một lần nàng vào nhà thương Anaheim nằm cả tuần lễ. Mỗi chiều tôi đều vào chơi bên giường bệnh với nàng. Tôi đọc đôi tin vớ vẩn về Việt Nam, giả vờ lướt qua vài bài thơ cho có lệ, thơ dở lắm, chẳng thấy bài nào hay cả, tôi cứ gạt qua như vậy. Em tập thở đi, cũng đỡ mệt hay đau đớn chẳng hạn. Nàng gầy hẳn đi, hai gò má nhô xương ra. Giọng nàng thì thầm, anh không nên nhìn em trong hoàn cảnh này. Nàng nói nàng chẳng ưa tí nào bộ đồng phục màu xanh của nhà thương. Tôi ngồi bên cạnh và đọc thầm bài Đại Bi Chú. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi nhìn những ống thuốc bên giường nàng. Tôi siết chặt tay nàng dưới tấm ra giường. Tay em toàn là xương, làm thế nào có lại thịt da như ngày xưa nhỉ, tôi bùi ngùi suy nghĩ. Sau lần mổ này, sức cô bé sẽ yếu hẳn, bác sĩ nói với tôi như vậy. Người bác sĩ già tóc trắng người Mỹ giải thích với tôi về cách gìn giữ sức khỏe hằng ngày cho nàng. Ông ta có vẻ hiểu lầm như chúng tôi là tình nhân, hoặc một kiểu như đang sống với nhau.
"Thuốc ấy à, cô ấy cần cả một pharmacy đấy. Nhưng rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu." Gibson, người bác sĩ già lắc lắc đầu. Từng mảnh tóc trắng bay trên đầu, ông đứng giữa hành lang sạch bóng và thơm mùi nhà thương giải thích.
Nhà thương cách thư viện công cộng hai block. Suốt ngày tôi ngồi đọc và viết trong thư viện, chờ tới bốn giờ thì vào thăm nàng. Nhưng những ngày này trôi qua thật chậm, tôi không đọc được nhiều và cũng không viết nhiều. Máu lười cũng nổi lên rồi, tôi tự khiển trách như vậy. Nhưng cũng không phải, tôi nghiệm ra mình không tập trung tinh thần được. Tôi nhớ tới những ngày mẹ tôi sắp mất. Những ngày ấy tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình sắp xa mẹ. Chuyện gì với mình cũng là chuyện bất ngờ, tôi tự nghĩ. Nhưng còn chuyện này, cô bé hẳn là sắp rời thế giới này rồi, tim tôi thắt lại khi nhớ tới lời bác sĩ. Y Học không tiên đoán được gì thêm cho những trường hợp này, cách nói ông dè dặt.
"Mr. Gibson, ông nghĩ rằng bao giờ nàng đi," tôi ngập ngừng hỏi.
"Cứ giả thiết là vài năm nữa chẳng hạn, cũng có thể là vài tháng. Tốt hơn hết là cứ bình tỉnh chờ thôi. Nhưng còn phép lạ nữa chứ. Chúng ta phải tin vào những điều không hiểu được." Ông nói chậm rãi, gật gù, đôi mắt xanh nhìn tôi như chờ đợi một phản ứng.
Tôi đã trả lời rằng tôi tin vào phép lạ, bởi vì cuộc sống tự nó đã là phép lạ. Tôi ngạc nhiên nghe giọng mình rất mực bình tỉnh.
Nếu chúng ta không thở nữa
không thấy được bầu trời xanh trên kia
không nắm được tay nhau trong đời này
và câm lặng đời đời dán lên môi
hãy tin vào...
Bài thơ tôi làm được mấy câu, cũng dở dang. Tôi đọc khi nàng ra viện. Căn phòng em tự nhiên thân thiết hơn, nàng nói khi tôi đưa nàng về. Về lại cái pharmacy này vui hơn, tôi kiếm chuyện để nói. Bình thường tôi thuộc loại ít lời. Vài ngày sau, nàng mới nhớ là tôi có đọc bài thơ nào đấy cho nàng. Bài thơ anh làm đó hả, cô nàng hỏi. Ừ, thơ dở lắm, đừng nhớ tới nó nữa, tôi lầu bầu. Anh có cả trăm bài như thế đấy, đừng bắt anh làm thơ, chẳng ai khen cả. Có em khen chứ, em thích những bài thơ như vậy, nàng biện hộ. Ừ thôi quên đi, anh năn nỉ mà.
Khi hơi khỏe khoắn một chút, cô bé lại đòi ra quán Baron chơi mỗi chiều. Chi vậy, tôi tìm lời ngăn cản, ở nhà cho chóng khỏe. Ngoài kia đầy khói thuốc đấy. Em thích ngồi nhìn buổi chiều, vả lại em thật sự không bệnh, nhưng chính là cuộc đời bệnh, cuộc đời làm em bệnh. Tôi đùa, không phải em bệnh, đúng không, mà là ngôi nhà bệnh chứ gì. Cô bé gật đầu, dáng như hiểu mọi lời tôi nói. Chúng tôi bật ra cười. Tôi nói thêm, em không biết rằng buổi chiều làm em mệt sao, mặt mũi cứ nhợt nhạt ra, ai cũng biết là bệnh cả. Vả lại, bây giờ em cần phải mập ra một tí. Nàng xịu mặt xuống, em lúc nào cũng toàn xương cả, làm sao mập nổi. Tôi im lặng. Nàng hỏi sang chuyện khác, lúc này báo chí còn chống phá lung tung nữa không. Có trời biết họ đang làm gì, trần gian mình lắm chuyện lắm, tôi nói trong cách để nàng khỏi suy nghĩ. Anh nhà báo, anh biết chứ, cô bé trở giọng bướng bĩnh. Câu hỏi thứ nhất về Thiền em chưa hỏi mà, tôi vặn lại, thôi ngủ đi nghe chưa. Tôi kéo mền phủ khắp người nàng.
Tôi ngồi trên sàn nhà sắp xếp những bề bộn sách vở, áo quần của nàng. Đôi con búp bế nhựa thò đầu giữa đống lung tung ấy, tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Tôi nằm lăn ra giữa phòng ngủ vì mệt, tay còn ôm hai con búp bê vào ngực. Buổi sáng thức dậy, nàng đang pha cà phê. Tôi xin lỗi vì ngủ quên, đáng ra anh nên về nhà, những người chung quanh có thể nói những lời không tốt. Nàng bảo không sao, em cũng sắp theo ông Phật rồi, chẳng ai thắc mắc đâu, mắt nàng vẫn nhìn tôi thăm dò. Tôi bảo, cuộc đời nhảm lắm, họ bịa chuyện lung tung cho coi. Nàng bảo, anh cứ giải thích thì họ phải tin thôi. Tin cái gì nhỉ, tôi băn khoăn, nếu đêm qua em thôi không thở nữa, họ sẽ bảo gì đấy, chẳng hạn như anh rape em, hay là lảm nhảm gì đấy. Cô bé đem ly cà phê đặt trước mặt tôi, ẳm lên hai búp bê nhựa, nói như với búp bê, chẳng sao cả các em nhỉ. Tôi không biết nói thêm gì cho rõ hơn, em nghe này, thí dụ đấy, họ bảo là chúng mình làm tình thì chẳng tốt cho em tí nào. Nàng mở to mắt nhìn, nhưng mình có đâu, mà họ nói thì có sao đâu. Tôi nhún vai và đứng dậy ôm nàng vào lòng. Nàng chỉ là một đứa bé không bao giờ lớn. Nàng tựa đầu vào ngực tôi, em không còn bao nhiêu ngày sống nữa. Tôi nói, em chỉ là đứa bé sáu tuổi. Nàng bảo, còn anh là sáu tuổi rưỡi, mắt nàng vẫn ngẩng nhìn lên, tay bấu chặt vai tôi.
Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến ngủ phòng nàng mỗi khi lười về nhà hoặc có khi để làm nàng vui. Tôi không nằm trên sàn nhà nữa, nàng dạy tôi mở chiếc ghế sofa ra làm giường. Cũng hơi phiền vì phải dùng một tí sức và sự khéo léo để mở được các lò so sắp rỉ sét bên trong ghế. Nhiều ngày lên được phòng nàng, tôi trải túi ngủ ngay trên sàn nhà và chui vào ngủ. Cách này tiện hơn dù nàng cứ lầu bầu hoài. Tôi ngủ ở đây tiện cho việc ăn uống của tôi. Và đôi phần cũng tiện cho sức khỏe của nàng. Nàng bảo, ngủ một mình em sợ lắm. Sao lại sợ nhỉ, tôi giải thích rằng tất cả những nỗi sợ đều không có thực. Em sợ đau đớn, và đôi khi sợ chết nữa. Nàng nói nàng cảm được nỗi đau len vào từng bắp thịt, thắt các cơ lại và di chuyển qua lại dăm nơi trên cơ thể nàng. Còn sợ chết nữa, nàng nói thật nhanh, em sợ không thấy anh nữa. Nếu em tập được không suy nghĩ gì cả, tôi giải thích, thì sẽ không bao giờ thấy được gì là sợ hãi với lo lắng. Nàng có vẻ không tin bao nhiêu vào những điều như vậy.
Có đôi tên nhà báo bắt đầu thắc mắc về hành động của tôi. Họ xì xầm đôi điều và tôi nghe lại từ những nguồn khác. Khi tin này được diễn dịch qua mấy bà vợ của họ thì càng nghiêm trọng nữa. Tôi bảo với một tên bạn thân của tôi, làm sao đính chính bây giờ, tội nghiệp cho cô bé chứ. Tên này thuộc loại cũng chẳng bận tâm chuyện gì trên đời, hắn chỉ gật gù bảo kệ. Tao chỉ ngồi canh bệnh cho cô bé thôi, ai cũng có thể đoán như vậy, tôi nói. Thế mày cũng nghĩ rằng tao làm tình với cô nàng à, tôi có vẻ hơi quạu quọ khi phải nói như vậy. Biết làm sao được, hắn bảo để hắn giải thích cho những nguồn tin kia im đi. Tôi chỉ hy vọng cô bé không nghe gì cả. Nếu tôi biết có ai nói gì với nàng, tôi sẽ vặn cổ hắn ngay.
"Phòng cô bé là một pharmacy, còn tao là người canh bệnh. Hiểu chưa?" Tôi đứng lên và nói gằn với tên bạn như vậy trước khi về.
Thật sự thì như vậy. Tôi đã sống đơn giản như vậy. Tôi chỉ là kẻ săn sóc trần gian này, và trước tiên là cô bé. Thế thôi.
Bệnh nàng càng lúc càng nặng. Mùi thuốc lúc nào cũng bốc lên ngợp cả phòng. Ban đêm nàng thường trằn trọc, bật đèn dậy đọc sách, hoặc pha thuốc uống. Nàng nói, nỗi sợ của nàng càng lúc càng tăng. Tôi nói biết sao bây giờ, cứ thở đều đặn rồi sẽ ngủ quên thôi. Nàng nói có khi đau quá, cứ nhìn thấy những hình ảnh dữ dội hiện ra trước mắt. Tôi hỏi hình ảnh gì. Nàng nói hình ảnh trong những cuốn sách về ma quỷ hay địa ngục gì đấy, đủ những thứ nàng từng đọc hồi nhỏ. Tôi nói, khi nào em sợ cứ bật đèn lên đọc sách, đừng lo anh mất ngủ, vì anh có thể ngủ được trong mọi điều kiện.
Suốt tuần như vậy, nàng than thở về sợ hãi, về sự chết. Tôi cứ nằm vật ra trên sofa, giữa sàn nhà bề bộn đủ thứ, bóp bóp hai con búp bê cho nó kêu những tiếng oa oa cho nàng vui, rồi lại nói lảm nhảm về mọi chuyện trên đời cho tới khi hoặc nàng ngủ quên hoặc tôi gục đầu vào đống sách vở thiếp đi.
Thời gian sau này chúng tôi không ra quán Baron nữa. Lý do chính là không có tiền. Tiền tem thư và điện thoại của tôi còn nhiều hơn tiền chợ. Tôi còn phải tiết kiệm sức khỏe của nàng nữa chứ, đi đứng nhiều chỉ mệt thêm. Phòng làm việc và nơi ăn ngủ của tôi bây giờ là ghế sofa của nàng.
Một chiều, nàng bảo tôi đưa nàng đi chơi. Tôi chở nàng ra Laguna Beach, vào các shopping mall và trở về khi đêm xuống. Nàng nói muốn vào Baron uống ly cà phê cuối cùng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại cuối cùng. Mặt nàng tái xanh, gầy nhợt nhạt. Tôi cũng chìu nàng và nói sẽ làm mọi chuyện trên đời này để làm nàng vui. Khi ngồi trong quán tự nhiên nàng chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy. Nàng nói buồn ngủ. Em không còn đau đớn nữa, nhưng buồn ngủ lắm, tự nhiên buồn ngủ dễ sợ. Và nàng gục đầu lên bàn, nước mắt còn ngấn mi và nói để em ngủ. Tôi trả tiền và dìu nàng vào xe đưa về. Tôi phải ẳm nàng lên cầu thang. Nàng nhẹ như bông. Đầu gục vào ngực tôi, mắt nhắm lại, nét mặt dịu dàng. Tôi nghe như tiếng thì thầm khi đặt nàng xuống giường, em không sợ nữa, không sợ gì nữa. Tay nàng vẫn níu chặt ngực áo tôi. Trên khuôn mặt nàng hiện ra một vẻ bình yên làm tôi vui. Nàng trở người và ôm chặt lấy tôi, đầu dúi vào ngực tôi. Tôi kéo chăn đắp và ôm nàng ngủ. Sáng hôm sau nàng không thức dậy nữa. Đôi mắt nàng không bao giờ mở ra nữa. Giọt nước mắt trên mí đã khô, nhưng nụ cười vẫn còn tươi.
Sau này, một người bạn bác sĩ cho biết những người bệnh ung thư chết thường rất là đau đớn, vật vả. Tôi không nói gì về cái chết bình yên của nàng, tôi không thích nói những điều riêng tư. Tới bây giờ thường khi mỗi khi trở giấc, tôi vẫn cảm thấy nàng đang dúi đầu vào ngực tôi, gối đầu vào vai tôi, tóc nàng còn thơm mùi chanel vương vất trên mặt tôi, vòng tay nhỏ nhắn của nàng vẫn ôm chặt tôi. Mỗi khi cảm thấy như vậy, tôi lại đọc thầm ba biến Đại Bi cho nàng. Chúng tôi chỉ là những đứa trẻ trên trần gian này. Và nàng, cô bé kia đã một thời sợ hãi cuộc đời và nay đã đi xa, thật xa. Còn gởi lại nụ cười. Thật tươi. Ngay cả khi đôi mắt đã khép vĩnh viễn.
Nhiều tuần sau, một chiều tôi trở lại Baron, ngồi đúng nơi bàn chúng tôi thường ngồi. Ngoài trời bắt đầu tối. Tôi nhìn qua những bàn trống và chợt nhớ lời nàng một hôm, chúng ta đang trong ngôi nhà bệnh. Nơi này có bệnh? Tôi không biết. Chỉ biết tôi đang nhớ nàng kinh khủng, nắm giẻ rách thơm mùi bệnh viện của tôi.
Khi đưa tay vào túi lục tiền, tôi thấy lại mảnh giấy hôm trước ghi bài thơ. Tờ giấy nhăn nheo, rách bèo nhèo. Tôi không dám mở ra đọc lại, chỉ nhét vội vào túi. Và khi đứng dậy ra về, tôi đi như chạy.
GS ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC
ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Dự thảo từ điển triết học giản yếu
Đề cương dự thảo từ điển triết học
Một trong những khó khăn hàng đầu của việc nghiên cứu, lý giải và dịch thuật triết học Tây phương bằng Việt ngữ cho đến nay vẫn là vấn đề ngôn ngữ. Khó khăn này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: truyền thống triết học có một thời quãng không dài, thuật ngữ triết học chưa thống nhất và hoàn chỉnh, những từ mới phải chứa đựng khái niệm được lãnh hội thấu đáo.
Dự thảo từ điển triết học này nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt; 1/ triết học tây phương; 2/ một số những khái niệm triết học đông phương trong mối quan hệ với triết học tây phương; 3/ một số những khái niệm tôn giáo trong mối quan hệ với triết học.
Từ điển này xây dựng theo trật tự mẫu tự quốc ngữ, cho nên cũng như những từ điển của những ngôn ngữ khác, những mục từ đưa vào không nhất thiết tương ứng với những từ điển tham khảo qua những ngôn ngữ khác nhau.
Tuy nhiên, từ điển này có tham vọng tiến tới hình thành một bách khoa toàn thư của triết học, ít ra về mặt thông tin triết lý quảng bác mà một số từ điển triết học hiện hành (tiếng Anh, tiếng Pháp) thiếu sót, hoặc sai lạc.
[Trên mạng này: những mục từ chưa được tập đại thành nên có thể tản mạn trước khi sắp đặt ở chung kết. Soạn giả hoan nghênh sự tham gia của mọi người quan tâm đóng góp để từ điển đạt chất lượng phong phú].
A
A: Chữ đầu tiên trong mẫu tự quốc ngữ được dùng nhiều trong những bản văn triết học như:
như một thuộc từ trong những ví dụ luận lý học của Aristote: “A không là B”, trong lý thuyết hoán vị “không A nào là B” thành “không B nào là A” v.v..[Xem mục về Aristote].
trong nguyên tắc đồng nhất : A = A, A tượng trưng cho bất kỳ sự vật nào trong phát biểu “sự vật thì bằng chính nó”.[X. mục nguyên tắc đồng nhất].
A được nhà luận lý Lukasiewicz dùng làm ký hiệu đặt trước trong một mệnh đề ‘Apq’ có nghĩa ‘poq’(p v q).
trong một bài luận văn nổi tiếng “ La différance” của Jacques Derrida, mở đầu với câu: tôi sẽ nói về một chữ
Chữ đó chính là chữ A để Derrida đưa ra một từ ngữ mới và một khái niệm mới về sự khác biệt giữa hai từ: différence và différance. Différance là từ mới Derrida đề ra cho thấy chỉ có sự khác biệt đồ họa (graphique): a thay vì e mà không khác biệt về âm; điều đó cho thấy nó được viết ra hay được đọc nhưng không để được nghe (viết hay đọc khác nhau ở nguyên âm, song phát âm không khác). Do đó Derrida dẫn đến những hệ luận: không có văn tự (thuần túy) ngữ âm, có nghĩa là không có những âm vị/phonè thuần túy ngữ âm; khác biệt đó cũng không nằm trong trật tự của khả giác hay khả tri (như thường thấy trong sự đối lập cơ bản của triết học, nghĩa là không liên hệ với theorein/lý luận bắt nguồn từ nhìn hay tri năng/entendement bắt nguồn từ nghe (entendre), có thể nói khác biệt ở giữa ngôn từ và văn tự; khác biệt về chữ a cũng không thể trưng ra vì cái gì có thể trưng ra phải trở nên hiện diện trong chân lý của nó, song khác biệt này không trưng ra hiện diện, nghĩa là vượt qua trật tự của chân lý. Đó là những điểm cơ bản trong lý luận hủy tạo của Derrida (Xem mục Hủy tạo, Khác biệt).
A priori, A posteriori: tiên thiên/tiên nghiệm, hậu thiên/hậu nghiệm là những từ la tinh phổ biến trong thuật ngữ triết học xuất hiện nơi những triết gia Kinh viện như Alberto de Sajonia đã sử dụng từ thế kỷ XIV, nhưng những vấn đề đặt ra ngay từ thời cổ đại như từ cái gì có trước hay từ cái gì có sau. Theo Aristote, A có trước B về bản chất có nghĩa là B không thể hiện hữu nếu không có A, về nhận thức có nghĩa là ta không thể biết B nếu không biết A.
Trong những bản văn của Descartes, những ý tưởng bẩm sinh tương tự như ngày nay để chỉ những ý tưởng tiên thiên. Locke phủ nhận quan niệm nhận thức chứa đựng những nhân tố tiên thiên này. Leibniz phân biệt nhận thức thực tại hậu nghiệm có nghĩa lànhận thức nó từ cái gì thực sự được phát hiện trong thế giới bằng những giác quan, bằng những kết quả của thực tại trong kinh nghiệm với nhận thức thực tại tiên nghiệm là nhận thức nó “ qua việc trình ra nguyên nhân hay sản sinh khả hữu của một sự vật nhất định”. Do đó có thể nói đến những chứng cớ tiên nghiệm, và rút ra “những chân lý hậu nghiệm, hay của sự kiện” với “những chân lý tiên nghiệm, hay của lý trí”.
Kant phân biệt tiên nghiệm với hậu nghiệm như vậy phát xuất từ phân biệt cái gì rút ra từ kinh nghiệm với cái gì không rút ra từ kinh nghiệm. Phân biệt tiên nghiệm, hậu nghiệm cũng nằm trong những phân biệt về tất yếu và ngẫu nhiên, những chân lý tiên nghiệm là tất yếu và những chân lý hậu nghiệm có lẽ thường hằng, giữa phân tích và tổng hợp.
Sự phân biệt tiên nghiệm/hậu nghiệm đem áp dụng vào những khái niệm, hay những mệnh đề vẫn là những nan đề gây nhiều tranh luận: nếu quả thực có một số chân lý chắc chắn là tiên nghiệm vì có thể nhận thức độc lập với kinh nghiệm mà ngay cả những khái niệm về chúng cũng độc lập với kinh nghiệm, song không hẳn những khái niệm này là những ý tưởng bẩm sinh. Một khái niệm độc lập với kinh nghiệm có thể hoặc không hẳn là bẩm sinh, vì mặc dù không thể thủ đắc trực tiếp từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vẫn là điều kiện thiết yếu của chúng ta để có khái niệm. Thành thử vấn đề xét trên bình diện tri thức học nhưng lại là vấn đề tâm lý học. Khi thảo luận về những mệnh đề phân tích có phải là hậu nghiệm, hay những mệnh đề hậu nghiệm là ngẫu nhiên, hay những mệnh đề tiên nghiệm là tất yếu trong triết học của Kant, một nhà triết học hiện đại Saul A. Kripke trong Naming and Necessity/ Gọi tên và Tất yếu bác bỏ sự phân biệt rõ ràng giữa tiên nghiệm và phân tích cũng như giữa hậu nghiệm và tổng hợp.
Ad absurdum: bội lý dùng trong hình thức luận pháp gọi là giảm trừ vào bội lý (reductio ad absurdum) nhằm rút ra sự mâu thuẫn nhất định trong một mệnh đề và phủ định của nó từ một dãy tiền đề, dẫn đến việc chỉ ra một trong những dãy là sai nếu những dãy kia thực. Zenon ngay từ thời cổ đại đã dùng luận pháp này. [X. mục những nghịch lý của Zenon].
Ad hominem: đối nhân dùng trong luận pháp gọi là đối nhân chứng cớ thường thấy trong hai loại. Loại thứ nhất là một chứng cớ giả mà những tiền đề nhắm công kích thẳng vào một cá nhân trong khi kết luận có ý buộc tội sự giả trá của luận đề y nêu ra. Loại thứ hai là luận pháp dùng một điều gì làm tiền đề được phe khác chấp nhận nhưng người biện luận chưa chắc chấp nhận và rút ra một hệ quả phe kia không thể chấp nhận.
A dicto secundum quid ad dictum simpliciter: từ một câu có chất lượng đến cùng câu đó không có chất lượng dùng trong luận lý cổ điển để chỉ một ngụy biện được biết đến như sự ngụy biện đảo ngược của ngẫu nhiên.
A dicto simpliciter ad dictum secundum quid: từ một câu không có chất lượng đến cùng câu đó có chất lượng trong luận lý cổ điển nhằm chỉ ra một ngụy biện được biết như là ngụy biện của ngẫu nhiên.
A fortiori: từ mạnh hơn dùng trong một câu để nhấn mạnh hơn, thí dụ ‘mọi người đều chết’ , vậy huống chi mọi người Tàu cũng phải chết. Luận pháp này gọi là argumentum a fortiori.
Abbagnano, Nicola: Triết gia hiện sinh người Ý, sinh năm 1901, quan niệm một triết lý về cái khả hữu, trong tác phẩm Possibilità e libertà/Khả hữu tính và tự do (1986). Abbagnano phân chia hai xu hướng chính của phong trào hiện sinh: một bên là Heidegger (thời kỳ đầu) với Jaspers và Sartre giản lược những khả năng của con người vào những bất khả với con người hữu hạn dẫn tới thất bại, một bên là Marcel, Lavelle và Le Senne biến những khả năng của con người thành những tiềm năng mưu tới thành công ở chung cuộc.
Tuy hai xu hướng này có những dị biệt về nguyên tắc, song chia xẻ một cơ sở chung có tính tiêu cực vì dầu thế nào cũng vẫn là làm cho khả hữu thành bất khả. Để đối lập với chủ nghĩa hiện sinh tiêu cực này, Abbagnano đề xuất một chủ nghĩa hiện sinh tích cực lấy nguyên tắc chỉ đạo là “khả hữu của khả hữu”, hay dùng thuật ngữ của Kant là “khả hữu siêu nghiệm”. Abbagnano có ý liên kết Kant với Kierkegaard khi giảm trừ bảng những phạm trù của Kant vào một cặp đối lập duy nhất là tất yếu và phi tất yếu, thay vì những cặp khả hữu/bất khả hữu, hiện hữu/phi hiện hữu, tất yếu/ngẫu nhiên, vì theo ông những cặp phạm trù này không thực sự đối lập.
Mọi khả hữu đều có hai mặt tiêu cực và tích cực và có một quan hệ luận lý giữa khả hữu và tự do: vấn đề về giá trị là vấn đề con người phải trở thành như thế nào gắn liền với cái tương ứng đạo đức là con người có thể trở thành như thế nào là một khả hữu thực nghiệm. Hiểu như vậy thì luận lý của khả hữu trùng hợp với những đạo đức của khả hữu. Đây cũng là nét đặc thù trong triết học hiện sinh của Abbagnano.
Ahimsà: không sát sinh là tiếng sanskrit chỉ việc tránh sát hại mọi loại sinh vật qua tư tưởng, lời nói và hành động, là một trong năm đức tính của bước đầu (yama) của Du già và Phật giáo. Quan niệm này phát xuất từ niềm tin là mọi sinh vật phát xuất từ một loại, và luân hồi từ loài cao cấp tới hạ đẳng.
Abhàsa-Chaitanya: nguyên ngữ sanskrit, abhàsa có nghĩa là diện mạo, phản ảnh, và chaitanya là ý thức để chỉ ý thức tuyệt đối phản ánh nơi tâm con người. Con người cá thể, ràng buộc trong cái ngã (jìva) khi đạt được phản ảnh này qua ý thức mà nhờ đó phát hiện được ý thức tuyệt đối, có nghĩa là đồng nhất với đại ngã/brahman. Trong vận động vượt khỏi hữu hạn, nhận ra được cái chân tự ngã/atman để thống nhất với đại ngã là đạt tới giải thoát. Có thể đối chiếu với tự thức trong biện chứng Hegel để đạt tới Tri thức tuyệt đối/absolute Wissen.
Aâm dương/Yin yang: Aâm/Yin và Dương/Yang là hai khái niệm cơ bản của tư tưởng biện chứng trong triết học phương đông. Khái niệm âm/dương đã du nhập vào tư tưởng phương tây, song trước hết là một khái niệm tương đương trong khoa học tự nhiên (toán học, vật lý học v.v..) để chỉ lưỡng cực, đối lập.
Quan niệm âm/dương ngay từ thời cổ đại đã được hình thành trong Dịch truyện: Nhất âm nhất dương chi vị đạo (Hệ Từ thượng truyện), có nghĩa là đạo có cơ sở là âm dương, tác động lẫn nhau, thúc đẩy sự vận động biến hóa và phát triển. Quy luật phát triển âm/dương này là một quá trình tam thế, vận động giao hòa giữa trời đất và người, như quan niệm bổ xung trong tư tưởng triết học và khoa học hiện đại. (Xem mục Thuyết bổ xung).
Quan niệm âm dương được xác định uyên nguyên trong Đạo đức kinh: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật (chương 42), từ một sinh ra hai, có nghĩa là trời đất, âm dương giao hòa, tuần hoàn và chuyển hóa gồm hai mặt đối lập, có và không có, khó và dễ, dài và ngắn, cao và thấp, âm và thanh, trước và sau, nói lên vận động của đạo phản (X. ch. 40: phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng/ phản là vận động của đạo, nhược là chức năng của đạo), còn nói rõ hơn ý nghĩa của vạn vật sinh ra từ hữu và hữu sinh ra từ vô. Quan niệm này được khai triển trong những sách Lã Thị Xuân thu, Hoàng đế nội kinh cũng xuất hiêïn vào thời Chiến quốc, Lão tử chú của Vương Bật (226-49 T.L.) thời Ngụy Tấn.
Tại sao lại là ba? Quy trình tam thế này là vận động biện chứng như đã xác định rõ ràng trong chương 42 của Đạo đức kinh dẫn trên. Điều này có mâu thuẫn với lý giải của Nho gia không? Sự khác biệt giữa hai phái trụ ở chỗ góc nhìn từ hữu hay từ vô, song không khác biệt khi đi lên uyên nguyên là Thái cực, hay Thái Nhất, vận động biến hóa của âm và dương cùng tác động hài hòa qua lại giữa âm và dương là ba. Điều này có thể minh họa ngay trong Mỹ học: nghệ thuật sơn thủy sử dụng âm sắc điều hợp ánh sáng tác động giữa tối/âm và sáng/dương trên bút/mực tạo ra rỗng và đầy; Họa sư Thạch Đào (1641-1710) lý giải “núi là biển và biển là núi. Núi và biển biết sự thật trong tri giác của tôi: mọi sự ở nơi người, trong năng lực tự do của bút và mực” – sơn thủy chứa đựng những quy luật cơ bản của đại vũ trụ, liên hệ cơ hũu với tiểu vũ trụ là con người, trong âm có dương, trong dương có âm hài hòa trong tam tài (thiên-địa-nhân).
Vào cuối thời Chiến quốc, Trâu Diễn (305-240 trước Tây lịch) được coi là nhà tư tưởng đại biểu của Âm dương gia, đã tổng hợp khái niệm âm/dương và ngũ hành, mặc dầu khái niệm âm dương đã từng được nói đến trong Tả truyện, Đạo đức kinh, Trang tử…và khái niệm ngũ hành từng được bàn trong Sử ký, Mặc tử,Tuân tử, Tả truyện và Quốc ngữ. Trâu Diễn đã luận về thăng trầm của âm dương, những hiện tượng biến đổi kỳ lạ, trời cao, đất thấp, do đó có càn/khôn, biến hóa hình thành.
Thiệu Ung (1011-77), thụy là Khang tiết, là triết gia độc đáo nhất trong giòng lịch sử triết học Trung quốc, không những ông đã coi tâm và đạo là những phạm trù cơ bản của triết học, âm dương là quy luật mâu thuẫn phổ biến nhất khi quan niệm: thái cực đã phân, lưỡng nghi đã lập, giao hợp của dương với âm ở dưới, của âm giao với dương ở trên, sinh ra tứ tượng để lý giải vận hành vũ trụ từ cơ sở kinh Dịch, ông còn suy luận trên cơ sở tượng số qua những tác phẩm Hoàng cực kinh thế, Tiên thiên đồ. Trong “Quan vật thiên” của Hoàng cực kinh thế, Thiệu Ung quan niệm “Đạo là Thái cực”, và “Tâm là Thái cực” để chỉ mối quan hệ giữa đạo, tâm và thái cực: Thái cực là một bất động, sinh ra hai, tức phân ra làm âm dương, biến hóa thần diệu, thần sinh ra số, số sinh ra tượng, tượng sinh ra khí. Lại phân biệt âm là số chẵn, dương là số lẻ: vì thế một chia ra thành 2, 2 chia ra thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16, 16 thành 32, và 32 thành 64, đó là con số của 64 quẻ.
Trong khoa số luận (numerology) nghiên cứu chuyên sâu về kinh Dịch xác định 1,3,5,7,9 thuộc về Trời và 2,4,6,8,10 thuộc về Đất, tóm lại là 10. Thiệu Ung được coi là tác giả của Tiên Thiên Đồ và Phương vị Sáu mươi tư quẻ của Phục Hy, ông còn dựa trên lý số 4 lấy đơn vị cổ truyền 30 năm là một thế (hệ), một vận có 12 thế (như ngày có 12 thời) tức 260 năm, một hội có 30 vận (như tháng có 30 ngày) hay 10,800 năm và một nguyên có 12 hội (như năm có 12 tháng) hay 129,600 năm để luận về cuộc Đại hóa của vũ trụ. Theo ông, trong ba hội đầu tiên, giống như 3 tháng đầu năm, hay 3 thời đầu của ngày là lúc Dương bắt đầu lên và mọi sự tăng tiến dần; 3 hội đầu này là thời khai sinh ra trời, đất và người; đến cuối hội thứ sáu, tức là 64,800 năm là lúc Dương cực thịnh, và đó là thời Nghiêu Thuấn. Ở vào thời đại của ông, tức là 75,600 năm hay thế kỷ 11 là lúc Aâm trưởng, Dương tiêu.
Với toán số hiện đại, có thể gọi Aâm là số 0, Dương là số 1, đọc toàn đồ trên dưới dạng Lưỡng nghi: 0,1; Tứ tượng: 00,01,10,11; Bát quái: 000,001,010,011,100,101,110,111 Tiên thiên đồ có thể coi như thuộc số nhị phân từ 0 đến 63 tương ứng với số học nhị phân của Leibniz, như nền tảng của tư tưởng nhị phân về cấu trúc và hình thành vũ trụ.
6. Vương Phu Chi (1619-92) vào thế kỷ 17 đã tập đại thành cơ sở lý đạo học của
những thế kỷ trước khi quan niệm về lý là quy luật vận động thể hiện cái trật tự
điều hòa mà cơ sở của quá trình này đã được phát biểu trong kinh Dịch: nhất
âm nhất dương gọi là đạo, song theo Vương, âm dương và đạo không là ba mà
chỉ là hai. Một nhà triết học Pháp hiện đại F. Jullien nhận ra trong tư tưởng về quá trình này sinh ra một luận lý về tác động qua lại của tính lưỡng phân/tương ứng lập thành cấu trúc của mọi thực tại giữa cái ẩn và cái hiện (latent/potent), hình và vô hình là quan hệ của tiềm ẩn với hiện thành của nó. Ông cho tư tưởng của Vương Phu Chi là một tư tưởng duy vật (Xem ĐPQ, Triết học Đông/Tây trong Gió Văn, số 2, tháng 11 2003).
Althusser, Louis: Triết gia Pháp sinh năm 1918 tại thành phố Birmandreis gần Alger thủ đô của Algérie và mất năm 1990 ở Paris. Ông sống ở Algérie cho mãi đến năm 1930 mới sang Pháp khi gia đình dời về đây. Năm 1939 ông được nhận vào trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm, song xẩy ra thế chiến II, nhập ngũ và bị người Đức cầm tù hơn bốn năm, cho nên sau chiến tranh mới tiếp tục con đường học vấn và thi đậu thạc sĩ vào năm 1948. Trong thời gian theo học, ông có cơ hội quen biết những người thày như Jean-Toussaint Desanti và Trần Đức Thảo là những nhà hiện tượng luận có xu hướng Mác xít. Trong hai phần Tự truyện Tương lai kéo dài lâu/L’avenir dure longtemps và Những sự việc/Les Faits ông nhắc lại hai lần câu nói rất tâm đắc của Thảo: “Tất cả các bạn là những cái tôi siêu nghiệm bình đẳng” và ông xem Thảo và Desanti đã mang lại những hy vọng cho thế hệ ông.
Những người này hẳn có ảnh hưởng trong hình thành trí thức của Althusser, vì luận văn đầu tiên của ông là “Về nội dung trong tư tưởng Hegel”/Du contenu dans la pensée de G.W.F.Hegel (1947) dưới sự bảo trợ của Bachelard chỉ ra sự tiếp cận đối với Hegel và Marx, cũng như với những nhà tư tưởng đương đại như Nicolai Hartmann (Althusser học hỏi được ở Hartmann sự phân biệt những biện chứng thực với biện chứng hình thức; Lukács vào cuối đời cũng tìm thấy ở hữu thể luận của Hartmann một hướng đi của tư tưởng). Năm 1948 Althusser được chỉ định làm trợ giáo/caiman ở Trường Cao đẳng Sư phạm và giảng dạy ở đây cho đến năm 1980, thời chấm dứt sự nghiệp giáo dục của ông. Trong những người học trò của ông, phải kể đến Michel Foucault và J. Derrida. Những tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông như Montesquieu, la politique et l’histoire/chính trị và lịch sử (1959), biên tập và dịch những bài viết của Feuerbach dưới tiêu đề Tuyên ngôn triết lý/Manifestes philosophiques (1960).
Phải đợi tới 1965, một lượng những tác phẩm xuất hiện dưới hình thức tập thể như Đọc bộ Tư bản/Lire le Capital (với Etienne Balibar và nhiều người khác), Vì Marx/PourMarx (1965), Lénine và triết học/Lénine et la philosoiphie (1969), Triết học và triết học tự phát của những nhà thông thái/philosophie et la philosophie spontanée des savants (1971) ông mới thực sự là một nhà tư tưởng Mác-xít khai phá.
Những luận điểm khai phá chủ nghĩa Marx của ông là:
Một đoạn tuyệt tri thức của Marx thời trưởng thành với Marx thời trẻ, có nghĩa là đối lập một Marx nhà lý luận khoa học với Marx của chủ nghĩa nhân bản. Althusser bài bác những ảnh hưởng của Hegel trong chủ nghĩa Mác qua cơ sở “đoạn tuyệt nhận thức" này để có thể quan niệm sự khác biệt giữa cấu trúc của biện chứng Mác-xít với biện chứng Hegel trên căn bản “siêu quyết định” (là một khái niệm mượn từ phân tâm học Freud). Ông nhận xét mâu thuẫn không thể tách rời với cấu trúc của toàn thể bộ phận xã hội mà nó diễn ra trong đó; mọi mâu thuẫn trong một hình thái xã hội đều có tính siêu quyết định như thế.
Althusser coi Marx đã kế thừa Spinoza khi áp dụng lối nghiên cứu thuần lý, toán học vào nghiên cứu xã hội, phân biệt đối tượng thực với đối tượng của tư duy. Để đọc Marx, ông đề nghị một lối đọc theo triệu chứng khác với lối đọc bề mặt dựa trên bản văn, vì đọc không phải là kiểm tra mà là xây dựng lại những điều kiện để khai phá ý nghĩa thực của bản văn.
Theo ông, chủ nghĩa Mác có hai bộ phận: chủ nghĩa duy vật lịch sử là khoa học và chủ nghĩa duy vật biện chứng là triết học. Ông phát hiện ra Marx đã xây dựng một đại lục mới là khoa học lịch sử, so với đại lục toán học của những nhà tư tưởng hy lạp và đại lục vật lý khởi từ Galilée.
Ông quan niệm lịch sử nơi Marx như một quá trình không chủ thể, có nghĩa là không phải con người làm ra lịch sử, mà là quần chúng trong những quan hệ đấu tranh giai cấp, chỉ có quá trình dưới dạng những quan hệ, ở đây là những quan hệ sản xuất. Phương thức sản xuất là đối tượng duy nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử.. Chính từ quan niệm này, Althusser được coi là một đại biểu của tư trào cấu trúc luận trong những thập niên 60 của thế kỷ hai mươi. (Xem chương 7: Lý luận về lịch sử trong ĐPQ: Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít (2002).
Nói đến Althusser, không thể bỏ qua cuộc đời và con người của ông trong một bi kịch của một người thác loạn thần kinh đã đi tới kết thúc là xiết cổ bà vợ Hélène Rytmann-Legotien đến chết. Những tự truyện của ông nói đến nói trên là những bản văn có thể đọc theo cách đọc triệu chưng mà chính Althusser đã nêu ra, để giải đáp vấn nạn về những tác phẩm ông đưa ra khai phá mới chủ nghĩa Mác, với tinh thần một người thác loạn, cái này có thể bổ xung cho cái kia? Hay chính “lý luận thực tiễn” (như tên gọi “triết học” theo Althusser) ấy chính sự thất bại của một lý luận thác loạn? (Xem “Ngoại truyện” trong ĐPQ, Tự truyện (1997).
Aristote/Aristoteles/Aristotle: triết gia lớn thời cổ đại hy lạp, sinh vào năm 384/3 và mất năm 322/1 trước T.L. Cùng với Platon, đại triết gia khác thời cổ đại mở ra hai con đường lớn suốt giòng lịch sử triết học phương tây. Nếu Platon được coi là một đỉnh cao thần thánh thì Aristote là một nhân vật quan trọng nhất, ngự trị vận hành tư tưởng phương tây, từ khai phá qua những triết gia ả rập thời trung cổ, đến độ ngay những nhà tư tưởng không đọc ông cũng chịu ảnh hưởng triết lý của ông mà không hay biết.
Tầm ảnh hưởng của Aristote quan trọng ra sao, trước hết cần phải tìm hiểu về chủ nghĩa Aristote hơn hai ngàn năm qua:
Chủ nghĩa Aristote được nói đến không hẳn là triết học của Aristote mà do những nhà tư tưởng về sau sử dụng học thuyết của ông và những thiết bị khái niệm cũng như phương pháp luận. Chẳng hạn tư tưởng của ông qua những lý giải của triết gia Ả rập như Avicenna (ibn-Sina) ở khoảng thế kỷ 9/10, Avempace (ibn-Bajjah), Averroes (ibn-Rushd) ở thế kỷ 12, đã du nhập vào triết học thời Trung cổ ở phương tây. Trong thế kỷ 13, Aquinas đã khai triển những công trình khoa học và luận lý Aristote mở đầu cho triết học Thomism và Kinh viện. Tuy giòng triết học này có lu mờ vào thời Phục hưng, song những khái niệm và tinh thần phê bình của tư tưởng Aristote vẫn được nhiều nhà triết học và khoa học sử dụng , như William of Ockham trong luận lý học, William Harvey trong sinh lý học, Leibniz trong vật lý học…Những lý giải của Brentano trong lãnh vực tâm lý và siêu hình học đã khai thức cho Heidegger nghiên cứu ý nghĩa của hữu thể.
Aristote sinh vào khoảng 385 hay 384 trước Tây lịch ở Stagira, thành phố của xứ Macedonia, cùng thời với Démosthène. Khoảng 368/7 ở tuổi 18, Aristote đến Athens theo học ở học viện Academy của Platon và ở lại đây cho đến khi Platon mất (347 tr. TL), ông đến Assos vùng Tiểu Á bắt tay vào những công trình nghiên cứu triết học và sinh học với những học giả đương thời. Đến năm 343 ông được mời trở lại Macedonia làm giáo phụ cho con trai vua Philip II lúc bấy giờ mới 13 tuổi và trở thành Đại đế Alexander sau này. Ông rời Macedonia vào năm 335 trở lại Athens mở học viện Lyceum.
Từ ngữ Peripatetic có nghĩa là “người đi dạo” để chỉ các môn đệ của Aristote bắt nguồn từ chữ Peripatos (một loại quan môn ở đó Aristote và học trò vừa đi vừa tranh luận). Aristote dạy ở Lyceum 12 năm với công trình giảng huấn mọi khoa kiến thức, lập thư viện với những bộ sưu tập động vật và thực vật. Khi Alexander chết trên đường viễn chinh, một phong trào chống Macedonia nổi dậy, kết án Arisote tội nghịch giáo khiến Aristote phải bỏ Athens lánh về Chalcis, mà theo truyền tụng ông nói “để tránh cho người ở Athens “phạm một tội ác lần thứ hai chống lại triết học”. Ông mất tại đây năm sau, thọ 62 tuổi.
Những bản văn của Aristote chia làm hai nhóm: những tác phẩm do ông xuất bản: Những tác phẩm công truyền xuất bản lúc sinh thời nay đã thất lạc, chỉ còn lại những trích đoạn hoặc mô phỏng, những tác phẩm về mặt văn chương có thể so sánh với những tác phẩm của Platon. Những tác phẩm khẩu truyền/akroamatisch (do từ hy lạp “akroamatikos” có nghĩa là nghe) là những bài giảng lưu hành trong nội bộ trường, được Andronicus xuất bản lần đầu vào khoảng thời gian 43/20 tr.T.L. Andronicus cũng là một nhà triết học nên đã sắp đặt những bài viết của Aristote theo một sơ đồ giáo khoa, bắt đầu từ luận lý học , đặt siêu hình học sau vật lý học và những khảo luận tu từ và thi pháp ở sau cùng.
Những tác phẩm còn được bảo toàn theo thứ tự của Andronicus:
Về luận lý học: Bộ Organon gồm Phạm trù/Katêgoriai (khảo sát những từ ngữ và riêng)– Về lý giải/Peri ermeneias (về những lý luận mệnh đề– Phân tích sơ và thứ cấp/Analytica protera-histeria (lý luận khái quát chứ minh sự thiết yếu của tam đọn luận) – Topica (lý luận biện chứng) – Sophistici elenchi (Phản bác ngụy biện dường như là thiên 9 của cuốn trên).
Về vật lý: Bộ Phusikè akroasis gồm 8 quyển, 4 quyển đầu khảo lý thuyết thiên nhiên và những nguyên lý, 4 quyển sau là lý thuyết vận động.Về trời/Peri ouranou, Về sinh thành và tàn diệt/De Generatione et Corruptione, Thiên văn luận.
Về tâm lý: Linh hồn/Peri psychè, Những thiên tiểu luận về tự nhiên/Parva Naturalia như Về ký ức và hồi niệm, giấc mộng,giấc ngủ và lúc tỉnh,thần hóa qua giấc mộng, khảo về giác quan và những khả xúc.
Về lịch sử thiên nhiên như những khảo cứu về động vật/De animalium historia (từ historia nhu Hérodote đã dùng để chỉ “sưu tập những sự kiện”), Về những thành phần động vật/De partibus animalium, chuyển động của động vật/De incessu animalium, sinh sản của động vật/De generatione animalium.
Về triết học như Siêu hình học luận về đệ nhất triết học/Peri tes protes philosophias, Đạo đức cho Nicomaque/Ethica Nicomachea, Đạo đức cho Eudeme/Ethica Eudemia, Khái luận đạo đức/Ethica megala, Chính trị/Politika, Tu từ học, Thi pháp.
Tư tưởng Aristote không diễn ra từ những thành quả khởi từ những nguyên tắc, mà có tính đa nguyên và thống nhất cần phải khai phá. Aristote đã bận tâm trước hết minh giải những lý do triết lý về việc đoạn giao với học thuyết Platon, nên ngay đầu tác phẩm Ethica Nicomachea, ông khẳng định là nếu tình bạn và chân lý đối với ông rất thân thiết, nhưng ông cũng phải chọn lựa chân lý hơn tình bạn. Theo Aristote, mọi mô thức ý niệm phải tương ứng với một thành phần khác gọi là chất thể. Như vậy phải hy sinh học thuyết Ý niệm (Platon) để nhận thức chân lý mọi sự vật.
Khác với trường phái Platon phân chia ba loại: đạo đức học, vật lý học và biện chứng pháp, Aristote phân chia ba loại triết học: lý luận, thực tiễn và sáng tạo/poiesis. Triết học lý luận lại chia ra triết học thứ nhất, vật lý học và toán học; triết học thực tiễn gồm đạo đức học, chính trị học và những hoạt động khác. Như vậy vắng mặt hai môn học quan trọng mà tư tưởng và phát triển lý luận Aristote gắn bó là siêu hình học và luận lý học?
Để giải thích sự vắng mặt của luận lý học trong bảng phân loại các triết học của Aristote, có thể dựa vào một đoạn văn trong tác phẩm sau này thường được gọi là Siêu hình học: việc nghiên cứu các phép phân tích phải đi trước nghiên cứu các khoa học khác. Như vậy nhà triết học phải khảo những nguyên tắc tam đoạn luận trước khi nghiên cứu bản chất của mọi bản thể.
Luận lý học/Logica để chỉ môn học chưa có danh xưng nơi Aristote, mà tác phẩm của ông mang tên Organon để chỉ công cụ của nghiên cứu. Như đã mô tả ở trên những thiên biên khảo trong bộ Organon, Aristote khảo sát những cơ cấu chung của mọi lý luận, những phương thức lý luận dưới hình thức tam đoạn luận, cơ sở của luận lý hình thức tuy không minh bạch như những nhà luận lý hiện đại.
Tác phẩm Phạm trù/Kategoriai khởi sự khảo sát những sự kiện ngữ học, phân biệt những điều được nói không có tổng hợp với những điều trong tổ hợp chẳng hạn như chữ, câu và mệnh đề. Cái gì vừa có tính đồng nhất của khái niệm và tính chung của từ ngữ thì được gọi là đồng nghĩa. Phạm trù/kategorein hiểu theo Aristote là những đồng nghĩa đơn giản và tổng quát nhất. Mười phạm trù của Aristote là: Bản thể/ousia gồm bản thể đệ nhất/prôtè ousia là chủ thể và không bao giờ là thuộc từ và bản thể đệ nhị/deutera ousia là những chủng và loại được xác định bởi một chủ thể nhưng không hiện diện trong một chủ thể (ví dụ: loài người hay loài vật là những bản thể đệ nhị, nhưng người này hay con vật này là những bản thể đệ nhất); lượng/poson là những gì có thể phân chia thành hai hay nhiều của một toàn thể, có thể liên tục hay gián đoạn; phẩm/poion là cái mà nhờ đó những sự vật được định tính (phẩm là sự khác biệt/diaphora của bản thể); tương giao/pros ti gồm những tương giao bằng số không xác định hay xác định; địa điểm/pou; thời gian/pote; vị trí/keisthai (ví dụ: hắn ngồi); điều kiện/echein; hoạt động/poiein và thụ động/paschein. Hai phạm trù ‘vị trí’ và ‘điều kiện’ chỉ được nói đến trong hai thiên Kategoriai và Topica.Aristote đã phân chia hai chức năng của liên từ/copula, một chức năng của sự vật được nói qua một chủ thể (dicitur de subjecto) và một chức năng theo đó sự vật ở trong chủ thể (in subjecto est). Liên từ est có hai ý nghĩa: dùng trong một mệnh đề để nối hai danh từ đồng chất trừu tượng hay cụ thể, đó là ý nghĩa của de subjecto dicitur; dùng trong một mệnh đề để nối một danh từ cụ thể với một tĩnh từ cùng loại âm của một danh từ trừu tượng theo cách est in subjecto.
Những nhà triết học về sau như Descartes và Locke phân biệt ba phạm trù: bản thể, cách thế và tương giao, phái Kinh viện/Scholastik quan niệm sáu phạm trù như Hữu thể hay bản thể, phẩm, lượng, vận động, tương giao, hoạt động [X. mục phạm trù].
Trong Analytica protera, Aristote xây dựng lý thuyết của tam đoạn luận, nghĩa là một lý thuyết không xét đến chân lý hay không chân lý của những tiền đề. Một tam đoạn luận được cấu tạo bởi ba mệnh đề: đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Tam đoạn luận nhằm chứng thực sự phụ thuộc của một thuộc từ (đại tiền đề) vào một chủ từ (tiểu tiền đề) qua tham gia của một hạn từ trong gian/to meson.[X. mục tam đoạn luận].
Học thuyết tam đoạn luận/sullogismós trở thành trung tâm điểm cả luận lý học Aristote. Ông đối lập tam đoạn luận (hay phép diễn dịch) với phép quy nạp như hai cách thế cơ bản của tiến trình tư tưởng.Phép diễn dịch đi từ phổ quát tới đặc thù, ưu tiên và khả tri hơn về mặt bản chất còn quy nạp đi từ đặc thù tới phổ quát xác tín hơn và khả tri hơn theo cảm giác.Nguyên lý làm nền tảng cho phép quy nạp là cảm giác. Cảm giác này là tư tưởng trực giác/noũs.
Lý học của Aristote bao gồm một lãnh vực khá rộng lớn: nó là một lý thuyết tổng quát về thế giới bất động cũng như nghiên cứu sinh vật dưới mọi trạng thái tâm lý, sinh lý v.v. Lý học/phusikè akroasis khảo sát những nguyên nhân đầu tiên của thiên nhiện và mọi loại chuyển động tự nhiên. Aristote muốn chứng minh rằng nếu người ta chỉ nêu ra một nguyên nhân duy nhất, chuyển động không thể khả hữu. Sự lầm lẫn này do phái Parménide chủ trương hữu thể là một, không có thực tại nào khác hơn thực tại của bản thể. Aristote quan niệm một chuyển động dẫn đến nhận thức hữu thể vừa là một và là phức thể: nhất thể trong hiện thể. Theo ông, có ba nguyên lý về chuyển động: mô thức/morphê hay eidos, khiếm khuyết/mè on và chất thể/hyle. Chất thể và mô thức là những khái niệm tương ứng. Aristote thường chỉ thị sự tương cận giữa mô thức với những nguyên nhân kỳ thành và cứu cánh, khi quan niệm mô thức là sơ đồ kiến trúc để tạo ra một tác phẩm đặc thù của thiên nhiên hay nghệ thuật. Khoa học có nhiệm vụ khai phá nhữngnguyên nhân thực của quá trình diễn biến của tự nhiên là chất thể, mô thức, nguồn gốc của biến chuyển (nguyên nhân kỳ thành) và chung cuộc của quá trình diễn biến đạt được (nguyên nhân cứu cánh).
Cũng như Empéocle, Aristote nhìn nhận có bốn đơn chất (tứ đại) là lửa, khí, đất và nước. Thiên cuối của bộ Lý học chứng minh biến chuyển vật lý không thể chứng thực nếu không đối chiếu với một nguyên nhân không có tính vật lý, là nguyên nhân cứu cánh cho chuyển động không ngừng của thế giới chúng ta.Đó là động cơ thứ nhất/proton kinoũn không chuyển động.
Thiên khảo luận về linh hồn/Peri psychès xây dựng khoa tâm lý học Aristote khảo sát tâm/psyche phân biệt vói trí/nous, một bên không thể hiện hữu độc lập với vật chất, một bên thì vô chất. Ông đưa ra một quan niệm ngược lại với sự phân biệt nhị nguyên triệt để giữa linh hồn và thể xác nơi Platon khi xác nhận tâm là mô thức của thân thể. Tâm có những quan năng dinh dưỡng/thretikè, cảm xúc/aisthetikè, suy tư/dianoêtikè cơ động/kinêtikè và dục vọng/orektike. Ông cũng phân biệt hai loại tri thức thụ động/pathetikos noũs và tri thức hoạt động/poiêtikos noũs: “Nếu không có tri thức thì không có gì suy tưởng cả.”
Tri thức như ông phân biệt làm ba loại: lý luận, thực hành và sáng tạo. Các khoa thực tiễn phụ thuộc vào khoa chính trị, khoa học điều khiển toàn thể đời sống con người trong một cộng đồng như đô thị, hay quốc gia. Đạo đức học chỉ là một phần của khoa chính trị. Trong phần cuối tác phẩm Ethica Nicomachea, ông dẫn khởi ý tưởng về sự hoàn thiện của cá tính con người là cứu cánh, trong khi đời sống cộng đồng và pháp luật là những phương tiện., song ở mt chỗ khác, ông lại nhận xét đời sống con người hoàn thiện chỉ có thể thực hiện trong cộng đồng. Cũng như nhiều triết gia Hy lạp cổ đại, Aristote quan niệm có một sự thống nhất trong những cứu cánh của con người, cứu cánh này là Eudaimonia/an lạc, hạnh phúc, điều thiện tột cùng đáp ứng yêu cầu trên. Eudaimonia ở trạng thái hiện thể, hòa nhập với lý trí/noũs, nghĩa là vói bản tính lý trí nơi con người, hòa nhập với đức hạnh và vì có nhiều đức hạnh nên nó hòa nhập với đức hạnh nào hoàn hảo nhất, thể hiện trong suốt đời sống. Hạnh phúc/eudaimonia đó là hạnh phúc ở cuộc đời này, hạnh phúc trần gian.
Tư tưởng Aristote ở dỉnh cao nhất trong dòng lịch sử triết học phương tây là xây dựng khoa Siêu hình học, mặc dầu từ này không phải của Aristote, để chỉ môn học về hữu thể, còn chính ông thường dùng từ minh trí/sophia, triết lý/philosophia, đệ nhất triết học. Thực sự ông đã chỉ những bản viết của ông dưới một cái tên là đệ nhất triết học/peri tes ptotês philosophias. Nhan đề ‘siêu hình học/meta ta phusika xuất hiện lần thứ nhất nơi Nicolas de Damas (ở thời đại Auguste) theo một chú giải tác phẩm của Théophraste (người thừa hành điều khiển Lyceum) và thông dụng vào thế kỷ XII từ Averroes.Dầu sao, ngày nay người ta cũng chấp nhận từ siêu hình học bắt nguồn từ sự sắp đặt những bản viết trong ấn bản Andronicos, ở đó những vấn đề siêu hình ở sau những vấn đề lý học.
Triết học đệ nhất hay siêu hình học là một khoa lý luận ở địa vị cao hơn vật lý và toán học vì đối tượng của nó là một thực tại vĩnh cửu, bất dịch và tách rời với chất thể. Đối tượng thứ nhất mà mọi đối tượng khác phụ thuộc là ousia/bản thể. Triết học được mô tả như có đối tượng là hữu thể như vậy và những đặc tính riêng của nó. Hữu thể là một từ ngữ đa nghĩa, hướng về một qua sự kiện là chúng cùng diễn tả một quan hệ với ý nghĩa thứ nhất và chính yếu là ý nghĩa của bản thể/ousia.
Thế nào là hữu thể như chính hữu thể/to on hê on? Aristote quan niệm hữu thể được hiểu theo nhiều nghĩa.Những nghĩa này rút ra từ một phân tích về liên từ “thì/là” trong những mệnh đề như: Socrate là người, Socrate thì công bằng, Socrate thì cao chừng thước rưỡi, Socrate thì nhiều tuổi hơn Coriscos. Trong mệnh đề đầu chỉ bản chất, mệnh đề kế chỉ phẩm, tới lượng, và tương giao.Những ý nghĩa này của hữu thể được gọi là những phạm trù, nhưng là những phạm trù của hữu thể, không phải của phán đoán. Hữu được xác định qua nhiều ý nghĩa, nhưng với mỗi nghĩa có danh xưng quan hệ với một nguyên lý duy nhất. Như vậy hũu thể là một phổ biến loại suy. Thật vậy nếu hữu thể được quan niệm như hữu chung cho mọi vật, đương nhiên mọi hữu thể trở thành đối tượng của cùng một khoa học về hữu thể.
Trong thiên Z của bộ Siêu hình/Metaphusica Aristote cho rằng vấn đề “Hũu thể là gì?”(ti to on) vẫn còn treo lửng, phải trở lại hỏi: bản thể là gì? Bản thể có ưu thế hơn các phạm trù khác vì có thể hiện hữu một mình, ưu tiên về định nghĩa (vì định nghĩa của bất kỳ phạm trù nào cũng bao hàm định nghĩa về bản thể), ưu tiên về tri thức. Bản thể như vậy là chính chủ thể/hypokeimenon, nghĩa là cái gì mà tất cả cái còn lại xác định và chính nó không có sự vật nào xác định. Bản thể như vậy có đặc tính phân sáp và là một sự vật cá thể/to tode ti; nó là mô thức và hợp thể của chất liệu và mô thức; nó còn là bản thể điều kiện có thể nói là tự tại, không cần đến các ngẫu từ để định nghĩa bản thể của một hữu – nó là bản thể của mỗi sự vật. Ví dụ con người nói chung, con ngữa nói chung…được xác định bằng một bội số những cá thể. Tóm lại khoa học thì bàn về cái phổ quát còn hiện hữu thuộc về đặc thù. Bản thể tách khỉ sự vật khả xúc, nó là nguyên lý và nguyên nhân, mà nguyên nhân này là mô
Triết học của Aristote khi suy tưởng dựa trên những phổ quát, thuộc từ của hữu thể, trên cá thể có thuộc tính hiện hữu. Hữu thể (như chính hữu thể) là sự hiện diện vắng mặt vì nó là một bản thể đã tách rời/parousia, còn cá thể là bản thể từ khiếm khuyết tại hữu thúc đẩy nó thèm khát hữu thể, có nghĩa là khiếm diện hiện diện/apousia.Bản thể như vậy chính là cái mà nhờ đó mọi hiện hữu tiếp cận được hữu thể. Do đó đời sống hoàn hảo của bản thể bất động mà hành vi là hoan lạc (chúng ta chỉ hưởng sống trong một thời gian ngắn ngủi, được khích động qua dục vọng mưu cầu bắt chước hoạt tính vĩnh cửu của bản thể.
Aristote đã xây dựng bước khởi đầu cơ bản cho hữu thể luận về sau, từ câu hỏi then chốt về hữu thể: đâu là những biểu hiện khác nhau của hữu thể? Ông cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho khoa sinh học, khởi từ vấn nạn: làm sao giải thích những biểu hiện khác nhau của đời sống? [tham khảo: ĐPQ: Triết học Aristote, 1972].
Dự thảo từ điển triết học giản yếu
Đề cương dự thảo từ điển triết học
Một trong những khó khăn hàng đầu của việc nghiên cứu, lý giải và dịch thuật triết học Tây phương bằng Việt ngữ cho đến nay vẫn là vấn đề ngôn ngữ. Khó khăn này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: truyền thống triết học có một thời quãng không dài, thuật ngữ triết học chưa thống nhất và hoàn chỉnh, những từ mới phải chứa đựng khái niệm được lãnh hội thấu đáo.
Dự thảo từ điển triết học này nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt; 1/ triết học tây phương; 2/ một số những khái niệm triết học đông phương trong mối quan hệ với triết học tây phương; 3/ một số những khái niệm tôn giáo trong mối quan hệ với triết học.
Từ điển này xây dựng theo trật tự mẫu tự quốc ngữ, cho nên cũng như những từ điển của những ngôn ngữ khác, những mục từ đưa vào không nhất thiết tương ứng với những từ điển tham khảo qua những ngôn ngữ khác nhau.
Tuy nhiên, từ điển này có tham vọng tiến tới hình thành một bách khoa toàn thư của triết học, ít ra về mặt thông tin triết lý quảng bác mà một số từ điển triết học hiện hành (tiếng Anh, tiếng Pháp) thiếu sót, hoặc sai lạc.
[Trên mạng này: những mục từ chưa được tập đại thành nên có thể tản mạn trước khi sắp đặt ở chung kết. Soạn giả hoan nghênh sự tham gia của mọi người quan tâm đóng góp để từ điển đạt chất lượng phong phú].
A
A: Chữ đầu tiên trong mẫu tự quốc ngữ được dùng nhiều trong những bản văn triết học như:
như một thuộc từ trong những ví dụ luận lý học của Aristote: “A không là B”, trong lý thuyết hoán vị “không A nào là B” thành “không B nào là A” v.v..[Xem mục về Aristote].
trong nguyên tắc đồng nhất : A = A, A tượng trưng cho bất kỳ sự vật nào trong phát biểu “sự vật thì bằng chính nó”.[X. mục nguyên tắc đồng nhất].
A được nhà luận lý Lukasiewicz dùng làm ký hiệu đặt trước trong một mệnh đề ‘Apq’ có nghĩa ‘poq’(p v q).
trong một bài luận văn nổi tiếng “ La différance” của Jacques Derrida, mở đầu với câu: tôi sẽ nói về một chữ
Chữ đó chính là chữ A để Derrida đưa ra một từ ngữ mới và một khái niệm mới về sự khác biệt giữa hai từ: différence và différance. Différance là từ mới Derrida đề ra cho thấy chỉ có sự khác biệt đồ họa (graphique): a thay vì e mà không khác biệt về âm; điều đó cho thấy nó được viết ra hay được đọc nhưng không để được nghe (viết hay đọc khác nhau ở nguyên âm, song phát âm không khác). Do đó Derrida dẫn đến những hệ luận: không có văn tự (thuần túy) ngữ âm, có nghĩa là không có những âm vị/phonè thuần túy ngữ âm; khác biệt đó cũng không nằm trong trật tự của khả giác hay khả tri (như thường thấy trong sự đối lập cơ bản của triết học, nghĩa là không liên hệ với theorein/lý luận bắt nguồn từ nhìn hay tri năng/entendement bắt nguồn từ nghe (entendre), có thể nói khác biệt ở giữa ngôn từ và văn tự; khác biệt về chữ a cũng không thể trưng ra vì cái gì có thể trưng ra phải trở nên hiện diện trong chân lý của nó, song khác biệt này không trưng ra hiện diện, nghĩa là vượt qua trật tự của chân lý. Đó là những điểm cơ bản trong lý luận hủy tạo của Derrida (Xem mục Hủy tạo, Khác biệt).
A priori, A posteriori: tiên thiên/tiên nghiệm, hậu thiên/hậu nghiệm là những từ la tinh phổ biến trong thuật ngữ triết học xuất hiện nơi những triết gia Kinh viện như Alberto de Sajonia đã sử dụng từ thế kỷ XIV, nhưng những vấn đề đặt ra ngay từ thời cổ đại như từ cái gì có trước hay từ cái gì có sau. Theo Aristote, A có trước B về bản chất có nghĩa là B không thể hiện hữu nếu không có A, về nhận thức có nghĩa là ta không thể biết B nếu không biết A.
Trong những bản văn của Descartes, những ý tưởng bẩm sinh tương tự như ngày nay để chỉ những ý tưởng tiên thiên. Locke phủ nhận quan niệm nhận thức chứa đựng những nhân tố tiên thiên này. Leibniz phân biệt nhận thức thực tại hậu nghiệm có nghĩa lànhận thức nó từ cái gì thực sự được phát hiện trong thế giới bằng những giác quan, bằng những kết quả của thực tại trong kinh nghiệm với nhận thức thực tại tiên nghiệm là nhận thức nó “ qua việc trình ra nguyên nhân hay sản sinh khả hữu của một sự vật nhất định”. Do đó có thể nói đến những chứng cớ tiên nghiệm, và rút ra “những chân lý hậu nghiệm, hay của sự kiện” với “những chân lý tiên nghiệm, hay của lý trí”.
Kant phân biệt tiên nghiệm với hậu nghiệm như vậy phát xuất từ phân biệt cái gì rút ra từ kinh nghiệm với cái gì không rút ra từ kinh nghiệm. Phân biệt tiên nghiệm, hậu nghiệm cũng nằm trong những phân biệt về tất yếu và ngẫu nhiên, những chân lý tiên nghiệm là tất yếu và những chân lý hậu nghiệm có lẽ thường hằng, giữa phân tích và tổng hợp.
Sự phân biệt tiên nghiệm/hậu nghiệm đem áp dụng vào những khái niệm, hay những mệnh đề vẫn là những nan đề gây nhiều tranh luận: nếu quả thực có một số chân lý chắc chắn là tiên nghiệm vì có thể nhận thức độc lập với kinh nghiệm mà ngay cả những khái niệm về chúng cũng độc lập với kinh nghiệm, song không hẳn những khái niệm này là những ý tưởng bẩm sinh. Một khái niệm độc lập với kinh nghiệm có thể hoặc không hẳn là bẩm sinh, vì mặc dù không thể thủ đắc trực tiếp từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vẫn là điều kiện thiết yếu của chúng ta để có khái niệm. Thành thử vấn đề xét trên bình diện tri thức học nhưng lại là vấn đề tâm lý học. Khi thảo luận về những mệnh đề phân tích có phải là hậu nghiệm, hay những mệnh đề hậu nghiệm là ngẫu nhiên, hay những mệnh đề tiên nghiệm là tất yếu trong triết học của Kant, một nhà triết học hiện đại Saul A. Kripke trong Naming and Necessity/ Gọi tên và Tất yếu bác bỏ sự phân biệt rõ ràng giữa tiên nghiệm và phân tích cũng như giữa hậu nghiệm và tổng hợp.
Ad absurdum: bội lý dùng trong hình thức luận pháp gọi là giảm trừ vào bội lý (reductio ad absurdum) nhằm rút ra sự mâu thuẫn nhất định trong một mệnh đề và phủ định của nó từ một dãy tiền đề, dẫn đến việc chỉ ra một trong những dãy là sai nếu những dãy kia thực. Zenon ngay từ thời cổ đại đã dùng luận pháp này. [X. mục những nghịch lý của Zenon].
Ad hominem: đối nhân dùng trong luận pháp gọi là đối nhân chứng cớ thường thấy trong hai loại. Loại thứ nhất là một chứng cớ giả mà những tiền đề nhắm công kích thẳng vào một cá nhân trong khi kết luận có ý buộc tội sự giả trá của luận đề y nêu ra. Loại thứ hai là luận pháp dùng một điều gì làm tiền đề được phe khác chấp nhận nhưng người biện luận chưa chắc chấp nhận và rút ra một hệ quả phe kia không thể chấp nhận.
A dicto secundum quid ad dictum simpliciter: từ một câu có chất lượng đến cùng câu đó không có chất lượng dùng trong luận lý cổ điển để chỉ một ngụy biện được biết đến như sự ngụy biện đảo ngược của ngẫu nhiên.
A dicto simpliciter ad dictum secundum quid: từ một câu không có chất lượng đến cùng câu đó có chất lượng trong luận lý cổ điển nhằm chỉ ra một ngụy biện được biết như là ngụy biện của ngẫu nhiên.
A fortiori: từ mạnh hơn dùng trong một câu để nhấn mạnh hơn, thí dụ ‘mọi người đều chết’ , vậy huống chi mọi người Tàu cũng phải chết. Luận pháp này gọi là argumentum a fortiori.
Abbagnano, Nicola: Triết gia hiện sinh người Ý, sinh năm 1901, quan niệm một triết lý về cái khả hữu, trong tác phẩm Possibilità e libertà/Khả hữu tính và tự do (1986). Abbagnano phân chia hai xu hướng chính của phong trào hiện sinh: một bên là Heidegger (thời kỳ đầu) với Jaspers và Sartre giản lược những khả năng của con người vào những bất khả với con người hữu hạn dẫn tới thất bại, một bên là Marcel, Lavelle và Le Senne biến những khả năng của con người thành những tiềm năng mưu tới thành công ở chung cuộc.
Tuy hai xu hướng này có những dị biệt về nguyên tắc, song chia xẻ một cơ sở chung có tính tiêu cực vì dầu thế nào cũng vẫn là làm cho khả hữu thành bất khả. Để đối lập với chủ nghĩa hiện sinh tiêu cực này, Abbagnano đề xuất một chủ nghĩa hiện sinh tích cực lấy nguyên tắc chỉ đạo là “khả hữu của khả hữu”, hay dùng thuật ngữ của Kant là “khả hữu siêu nghiệm”. Abbagnano có ý liên kết Kant với Kierkegaard khi giảm trừ bảng những phạm trù của Kant vào một cặp đối lập duy nhất là tất yếu và phi tất yếu, thay vì những cặp khả hữu/bất khả hữu, hiện hữu/phi hiện hữu, tất yếu/ngẫu nhiên, vì theo ông những cặp phạm trù này không thực sự đối lập.
Mọi khả hữu đều có hai mặt tiêu cực và tích cực và có một quan hệ luận lý giữa khả hữu và tự do: vấn đề về giá trị là vấn đề con người phải trở thành như thế nào gắn liền với cái tương ứng đạo đức là con người có thể trở thành như thế nào là một khả hữu thực nghiệm. Hiểu như vậy thì luận lý của khả hữu trùng hợp với những đạo đức của khả hữu. Đây cũng là nét đặc thù trong triết học hiện sinh của Abbagnano.
Ahimsà: không sát sinh là tiếng sanskrit chỉ việc tránh sát hại mọi loại sinh vật qua tư tưởng, lời nói và hành động, là một trong năm đức tính của bước đầu (yama) của Du già và Phật giáo. Quan niệm này phát xuất từ niềm tin là mọi sinh vật phát xuất từ một loại, và luân hồi từ loài cao cấp tới hạ đẳng.
Abhàsa-Chaitanya: nguyên ngữ sanskrit, abhàsa có nghĩa là diện mạo, phản ảnh, và chaitanya là ý thức để chỉ ý thức tuyệt đối phản ánh nơi tâm con người. Con người cá thể, ràng buộc trong cái ngã (jìva) khi đạt được phản ảnh này qua ý thức mà nhờ đó phát hiện được ý thức tuyệt đối, có nghĩa là đồng nhất với đại ngã/brahman. Trong vận động vượt khỏi hữu hạn, nhận ra được cái chân tự ngã/atman để thống nhất với đại ngã là đạt tới giải thoát. Có thể đối chiếu với tự thức trong biện chứng Hegel để đạt tới Tri thức tuyệt đối/absolute Wissen.
Aâm dương/Yin yang: Aâm/Yin và Dương/Yang là hai khái niệm cơ bản của tư tưởng biện chứng trong triết học phương đông. Khái niệm âm/dương đã du nhập vào tư tưởng phương tây, song trước hết là một khái niệm tương đương trong khoa học tự nhiên (toán học, vật lý học v.v..) để chỉ lưỡng cực, đối lập.
Quan niệm âm/dương ngay từ thời cổ đại đã được hình thành trong Dịch truyện: Nhất âm nhất dương chi vị đạo (Hệ Từ thượng truyện), có nghĩa là đạo có cơ sở là âm dương, tác động lẫn nhau, thúc đẩy sự vận động biến hóa và phát triển. Quy luật phát triển âm/dương này là một quá trình tam thế, vận động giao hòa giữa trời đất và người, như quan niệm bổ xung trong tư tưởng triết học và khoa học hiện đại. (Xem mục Thuyết bổ xung).
Quan niệm âm dương được xác định uyên nguyên trong Đạo đức kinh: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật (chương 42), từ một sinh ra hai, có nghĩa là trời đất, âm dương giao hòa, tuần hoàn và chuyển hóa gồm hai mặt đối lập, có và không có, khó và dễ, dài và ngắn, cao và thấp, âm và thanh, trước và sau, nói lên vận động của đạo phản (X. ch. 40: phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng/ phản là vận động của đạo, nhược là chức năng của đạo), còn nói rõ hơn ý nghĩa của vạn vật sinh ra từ hữu và hữu sinh ra từ vô. Quan niệm này được khai triển trong những sách Lã Thị Xuân thu, Hoàng đế nội kinh cũng xuất hiêïn vào thời Chiến quốc, Lão tử chú của Vương Bật (226-49 T.L.) thời Ngụy Tấn.
Tại sao lại là ba? Quy trình tam thế này là vận động biện chứng như đã xác định rõ ràng trong chương 42 của Đạo đức kinh dẫn trên. Điều này có mâu thuẫn với lý giải của Nho gia không? Sự khác biệt giữa hai phái trụ ở chỗ góc nhìn từ hữu hay từ vô, song không khác biệt khi đi lên uyên nguyên là Thái cực, hay Thái Nhất, vận động biến hóa của âm và dương cùng tác động hài hòa qua lại giữa âm và dương là ba. Điều này có thể minh họa ngay trong Mỹ học: nghệ thuật sơn thủy sử dụng âm sắc điều hợp ánh sáng tác động giữa tối/âm và sáng/dương trên bút/mực tạo ra rỗng và đầy; Họa sư Thạch Đào (1641-1710) lý giải “núi là biển và biển là núi. Núi và biển biết sự thật trong tri giác của tôi: mọi sự ở nơi người, trong năng lực tự do của bút và mực” – sơn thủy chứa đựng những quy luật cơ bản của đại vũ trụ, liên hệ cơ hũu với tiểu vũ trụ là con người, trong âm có dương, trong dương có âm hài hòa trong tam tài (thiên-địa-nhân).
Vào cuối thời Chiến quốc, Trâu Diễn (305-240 trước Tây lịch) được coi là nhà tư tưởng đại biểu của Âm dương gia, đã tổng hợp khái niệm âm/dương và ngũ hành, mặc dầu khái niệm âm dương đã từng được nói đến trong Tả truyện, Đạo đức kinh, Trang tử…và khái niệm ngũ hành từng được bàn trong Sử ký, Mặc tử,Tuân tử, Tả truyện và Quốc ngữ. Trâu Diễn đã luận về thăng trầm của âm dương, những hiện tượng biến đổi kỳ lạ, trời cao, đất thấp, do đó có càn/khôn, biến hóa hình thành.
Thiệu Ung (1011-77), thụy là Khang tiết, là triết gia độc đáo nhất trong giòng lịch sử triết học Trung quốc, không những ông đã coi tâm và đạo là những phạm trù cơ bản của triết học, âm dương là quy luật mâu thuẫn phổ biến nhất khi quan niệm: thái cực đã phân, lưỡng nghi đã lập, giao hợp của dương với âm ở dưới, của âm giao với dương ở trên, sinh ra tứ tượng để lý giải vận hành vũ trụ từ cơ sở kinh Dịch, ông còn suy luận trên cơ sở tượng số qua những tác phẩm Hoàng cực kinh thế, Tiên thiên đồ. Trong “Quan vật thiên” của Hoàng cực kinh thế, Thiệu Ung quan niệm “Đạo là Thái cực”, và “Tâm là Thái cực” để chỉ mối quan hệ giữa đạo, tâm và thái cực: Thái cực là một bất động, sinh ra hai, tức phân ra làm âm dương, biến hóa thần diệu, thần sinh ra số, số sinh ra tượng, tượng sinh ra khí. Lại phân biệt âm là số chẵn, dương là số lẻ: vì thế một chia ra thành 2, 2 chia ra thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16, 16 thành 32, và 32 thành 64, đó là con số của 64 quẻ.
Trong khoa số luận (numerology) nghiên cứu chuyên sâu về kinh Dịch xác định 1,3,5,7,9 thuộc về Trời và 2,4,6,8,10 thuộc về Đất, tóm lại là 10. Thiệu Ung được coi là tác giả của Tiên Thiên Đồ và Phương vị Sáu mươi tư quẻ của Phục Hy, ông còn dựa trên lý số 4 lấy đơn vị cổ truyền 30 năm là một thế (hệ), một vận có 12 thế (như ngày có 12 thời) tức 260 năm, một hội có 30 vận (như tháng có 30 ngày) hay 10,800 năm và một nguyên có 12 hội (như năm có 12 tháng) hay 129,600 năm để luận về cuộc Đại hóa của vũ trụ. Theo ông, trong ba hội đầu tiên, giống như 3 tháng đầu năm, hay 3 thời đầu của ngày là lúc Dương bắt đầu lên và mọi sự tăng tiến dần; 3 hội đầu này là thời khai sinh ra trời, đất và người; đến cuối hội thứ sáu, tức là 64,800 năm là lúc Dương cực thịnh, và đó là thời Nghiêu Thuấn. Ở vào thời đại của ông, tức là 75,600 năm hay thế kỷ 11 là lúc Aâm trưởng, Dương tiêu.
Với toán số hiện đại, có thể gọi Aâm là số 0, Dương là số 1, đọc toàn đồ trên dưới dạng Lưỡng nghi: 0,1; Tứ tượng: 00,01,10,11; Bát quái: 000,001,010,011,100,101,110,111 Tiên thiên đồ có thể coi như thuộc số nhị phân từ 0 đến 63 tương ứng với số học nhị phân của Leibniz, như nền tảng của tư tưởng nhị phân về cấu trúc và hình thành vũ trụ.
6. Vương Phu Chi (1619-92) vào thế kỷ 17 đã tập đại thành cơ sở lý đạo học của
những thế kỷ trước khi quan niệm về lý là quy luật vận động thể hiện cái trật tự
điều hòa mà cơ sở của quá trình này đã được phát biểu trong kinh Dịch: nhất
âm nhất dương gọi là đạo, song theo Vương, âm dương và đạo không là ba mà
chỉ là hai. Một nhà triết học Pháp hiện đại F. Jullien nhận ra trong tư tưởng về quá trình này sinh ra một luận lý về tác động qua lại của tính lưỡng phân/tương ứng lập thành cấu trúc của mọi thực tại giữa cái ẩn và cái hiện (latent/potent), hình và vô hình là quan hệ của tiềm ẩn với hiện thành của nó. Ông cho tư tưởng của Vương Phu Chi là một tư tưởng duy vật (Xem ĐPQ, Triết học Đông/Tây trong Gió Văn, số 2, tháng 11 2003).
Althusser, Louis: Triết gia Pháp sinh năm 1918 tại thành phố Birmandreis gần Alger thủ đô của Algérie và mất năm 1990 ở Paris. Ông sống ở Algérie cho mãi đến năm 1930 mới sang Pháp khi gia đình dời về đây. Năm 1939 ông được nhận vào trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm, song xẩy ra thế chiến II, nhập ngũ và bị người Đức cầm tù hơn bốn năm, cho nên sau chiến tranh mới tiếp tục con đường học vấn và thi đậu thạc sĩ vào năm 1948. Trong thời gian theo học, ông có cơ hội quen biết những người thày như Jean-Toussaint Desanti và Trần Đức Thảo là những nhà hiện tượng luận có xu hướng Mác xít. Trong hai phần Tự truyện Tương lai kéo dài lâu/L’avenir dure longtemps và Những sự việc/Les Faits ông nhắc lại hai lần câu nói rất tâm đắc của Thảo: “Tất cả các bạn là những cái tôi siêu nghiệm bình đẳng” và ông xem Thảo và Desanti đã mang lại những hy vọng cho thế hệ ông.
Những người này hẳn có ảnh hưởng trong hình thành trí thức của Althusser, vì luận văn đầu tiên của ông là “Về nội dung trong tư tưởng Hegel”/Du contenu dans la pensée de G.W.F.Hegel (1947) dưới sự bảo trợ của Bachelard chỉ ra sự tiếp cận đối với Hegel và Marx, cũng như với những nhà tư tưởng đương đại như Nicolai Hartmann (Althusser học hỏi được ở Hartmann sự phân biệt những biện chứng thực với biện chứng hình thức; Lukács vào cuối đời cũng tìm thấy ở hữu thể luận của Hartmann một hướng đi của tư tưởng). Năm 1948 Althusser được chỉ định làm trợ giáo/caiman ở Trường Cao đẳng Sư phạm và giảng dạy ở đây cho đến năm 1980, thời chấm dứt sự nghiệp giáo dục của ông. Trong những người học trò của ông, phải kể đến Michel Foucault và J. Derrida. Những tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông như Montesquieu, la politique et l’histoire/chính trị và lịch sử (1959), biên tập và dịch những bài viết của Feuerbach dưới tiêu đề Tuyên ngôn triết lý/Manifestes philosophiques (1960).
Phải đợi tới 1965, một lượng những tác phẩm xuất hiện dưới hình thức tập thể như Đọc bộ Tư bản/Lire le Capital (với Etienne Balibar và nhiều người khác), Vì Marx/PourMarx (1965), Lénine và triết học/Lénine et la philosoiphie (1969), Triết học và triết học tự phát của những nhà thông thái/philosophie et la philosophie spontanée des savants (1971) ông mới thực sự là một nhà tư tưởng Mác-xít khai phá.
Những luận điểm khai phá chủ nghĩa Marx của ông là:
Một đoạn tuyệt tri thức của Marx thời trưởng thành với Marx thời trẻ, có nghĩa là đối lập một Marx nhà lý luận khoa học với Marx của chủ nghĩa nhân bản. Althusser bài bác những ảnh hưởng của Hegel trong chủ nghĩa Mác qua cơ sở “đoạn tuyệt nhận thức" này để có thể quan niệm sự khác biệt giữa cấu trúc của biện chứng Mác-xít với biện chứng Hegel trên căn bản “siêu quyết định” (là một khái niệm mượn từ phân tâm học Freud). Ông nhận xét mâu thuẫn không thể tách rời với cấu trúc của toàn thể bộ phận xã hội mà nó diễn ra trong đó; mọi mâu thuẫn trong một hình thái xã hội đều có tính siêu quyết định như thế.
Althusser coi Marx đã kế thừa Spinoza khi áp dụng lối nghiên cứu thuần lý, toán học vào nghiên cứu xã hội, phân biệt đối tượng thực với đối tượng của tư duy. Để đọc Marx, ông đề nghị một lối đọc theo triệu chứng khác với lối đọc bề mặt dựa trên bản văn, vì đọc không phải là kiểm tra mà là xây dựng lại những điều kiện để khai phá ý nghĩa thực của bản văn.
Theo ông, chủ nghĩa Mác có hai bộ phận: chủ nghĩa duy vật lịch sử là khoa học và chủ nghĩa duy vật biện chứng là triết học. Ông phát hiện ra Marx đã xây dựng một đại lục mới là khoa học lịch sử, so với đại lục toán học của những nhà tư tưởng hy lạp và đại lục vật lý khởi từ Galilée.
Ông quan niệm lịch sử nơi Marx như một quá trình không chủ thể, có nghĩa là không phải con người làm ra lịch sử, mà là quần chúng trong những quan hệ đấu tranh giai cấp, chỉ có quá trình dưới dạng những quan hệ, ở đây là những quan hệ sản xuất. Phương thức sản xuất là đối tượng duy nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử.. Chính từ quan niệm này, Althusser được coi là một đại biểu của tư trào cấu trúc luận trong những thập niên 60 của thế kỷ hai mươi. (Xem chương 7: Lý luận về lịch sử trong ĐPQ: Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít (2002).
Nói đến Althusser, không thể bỏ qua cuộc đời và con người của ông trong một bi kịch của một người thác loạn thần kinh đã đi tới kết thúc là xiết cổ bà vợ Hélène Rytmann-Legotien đến chết. Những tự truyện của ông nói đến nói trên là những bản văn có thể đọc theo cách đọc triệu chưng mà chính Althusser đã nêu ra, để giải đáp vấn nạn về những tác phẩm ông đưa ra khai phá mới chủ nghĩa Mác, với tinh thần một người thác loạn, cái này có thể bổ xung cho cái kia? Hay chính “lý luận thực tiễn” (như tên gọi “triết học” theo Althusser) ấy chính sự thất bại của một lý luận thác loạn? (Xem “Ngoại truyện” trong ĐPQ, Tự truyện (1997).
Aristote/Aristoteles/Aristotle: triết gia lớn thời cổ đại hy lạp, sinh vào năm 384/3 và mất năm 322/1 trước T.L. Cùng với Platon, đại triết gia khác thời cổ đại mở ra hai con đường lớn suốt giòng lịch sử triết học phương tây. Nếu Platon được coi là một đỉnh cao thần thánh thì Aristote là một nhân vật quan trọng nhất, ngự trị vận hành tư tưởng phương tây, từ khai phá qua những triết gia ả rập thời trung cổ, đến độ ngay những nhà tư tưởng không đọc ông cũng chịu ảnh hưởng triết lý của ông mà không hay biết.
Tầm ảnh hưởng của Aristote quan trọng ra sao, trước hết cần phải tìm hiểu về chủ nghĩa Aristote hơn hai ngàn năm qua:
Chủ nghĩa Aristote được nói đến không hẳn là triết học của Aristote mà do những nhà tư tưởng về sau sử dụng học thuyết của ông và những thiết bị khái niệm cũng như phương pháp luận. Chẳng hạn tư tưởng của ông qua những lý giải của triết gia Ả rập như Avicenna (ibn-Sina) ở khoảng thế kỷ 9/10, Avempace (ibn-Bajjah), Averroes (ibn-Rushd) ở thế kỷ 12, đã du nhập vào triết học thời Trung cổ ở phương tây. Trong thế kỷ 13, Aquinas đã khai triển những công trình khoa học và luận lý Aristote mở đầu cho triết học Thomism và Kinh viện. Tuy giòng triết học này có lu mờ vào thời Phục hưng, song những khái niệm và tinh thần phê bình của tư tưởng Aristote vẫn được nhiều nhà triết học và khoa học sử dụng , như William of Ockham trong luận lý học, William Harvey trong sinh lý học, Leibniz trong vật lý học…Những lý giải của Brentano trong lãnh vực tâm lý và siêu hình học đã khai thức cho Heidegger nghiên cứu ý nghĩa của hữu thể.
Aristote sinh vào khoảng 385 hay 384 trước Tây lịch ở Stagira, thành phố của xứ Macedonia, cùng thời với Démosthène. Khoảng 368/7 ở tuổi 18, Aristote đến Athens theo học ở học viện Academy của Platon và ở lại đây cho đến khi Platon mất (347 tr. TL), ông đến Assos vùng Tiểu Á bắt tay vào những công trình nghiên cứu triết học và sinh học với những học giả đương thời. Đến năm 343 ông được mời trở lại Macedonia làm giáo phụ cho con trai vua Philip II lúc bấy giờ mới 13 tuổi và trở thành Đại đế Alexander sau này. Ông rời Macedonia vào năm 335 trở lại Athens mở học viện Lyceum.
Từ ngữ Peripatetic có nghĩa là “người đi dạo” để chỉ các môn đệ của Aristote bắt nguồn từ chữ Peripatos (một loại quan môn ở đó Aristote và học trò vừa đi vừa tranh luận). Aristote dạy ở Lyceum 12 năm với công trình giảng huấn mọi khoa kiến thức, lập thư viện với những bộ sưu tập động vật và thực vật. Khi Alexander chết trên đường viễn chinh, một phong trào chống Macedonia nổi dậy, kết án Arisote tội nghịch giáo khiến Aristote phải bỏ Athens lánh về Chalcis, mà theo truyền tụng ông nói “để tránh cho người ở Athens “phạm một tội ác lần thứ hai chống lại triết học”. Ông mất tại đây năm sau, thọ 62 tuổi.
Những bản văn của Aristote chia làm hai nhóm: những tác phẩm do ông xuất bản: Những tác phẩm công truyền xuất bản lúc sinh thời nay đã thất lạc, chỉ còn lại những trích đoạn hoặc mô phỏng, những tác phẩm về mặt văn chương có thể so sánh với những tác phẩm của Platon. Những tác phẩm khẩu truyền/akroamatisch (do từ hy lạp “akroamatikos” có nghĩa là nghe) là những bài giảng lưu hành trong nội bộ trường, được Andronicus xuất bản lần đầu vào khoảng thời gian 43/20 tr.T.L. Andronicus cũng là một nhà triết học nên đã sắp đặt những bài viết của Aristote theo một sơ đồ giáo khoa, bắt đầu từ luận lý học , đặt siêu hình học sau vật lý học và những khảo luận tu từ và thi pháp ở sau cùng.
Những tác phẩm còn được bảo toàn theo thứ tự của Andronicus:
Về luận lý học: Bộ Organon gồm Phạm trù/Katêgoriai (khảo sát những từ ngữ và riêng)– Về lý giải/Peri ermeneias (về những lý luận mệnh đề– Phân tích sơ và thứ cấp/Analytica protera-histeria (lý luận khái quát chứ minh sự thiết yếu của tam đọn luận) – Topica (lý luận biện chứng) – Sophistici elenchi (Phản bác ngụy biện dường như là thiên 9 của cuốn trên).
Về vật lý: Bộ Phusikè akroasis gồm 8 quyển, 4 quyển đầu khảo lý thuyết thiên nhiên và những nguyên lý, 4 quyển sau là lý thuyết vận động.Về trời/Peri ouranou, Về sinh thành và tàn diệt/De Generatione et Corruptione, Thiên văn luận.
Về tâm lý: Linh hồn/Peri psychè, Những thiên tiểu luận về tự nhiên/Parva Naturalia như Về ký ức và hồi niệm, giấc mộng,giấc ngủ và lúc tỉnh,thần hóa qua giấc mộng, khảo về giác quan và những khả xúc.
Về lịch sử thiên nhiên như những khảo cứu về động vật/De animalium historia (từ historia nhu Hérodote đã dùng để chỉ “sưu tập những sự kiện”), Về những thành phần động vật/De partibus animalium, chuyển động của động vật/De incessu animalium, sinh sản của động vật/De generatione animalium.
Về triết học như Siêu hình học luận về đệ nhất triết học/Peri tes protes philosophias, Đạo đức cho Nicomaque/Ethica Nicomachea, Đạo đức cho Eudeme/Ethica Eudemia, Khái luận đạo đức/Ethica megala, Chính trị/Politika, Tu từ học, Thi pháp.
Tư tưởng Aristote không diễn ra từ những thành quả khởi từ những nguyên tắc, mà có tính đa nguyên và thống nhất cần phải khai phá. Aristote đã bận tâm trước hết minh giải những lý do triết lý về việc đoạn giao với học thuyết Platon, nên ngay đầu tác phẩm Ethica Nicomachea, ông khẳng định là nếu tình bạn và chân lý đối với ông rất thân thiết, nhưng ông cũng phải chọn lựa chân lý hơn tình bạn. Theo Aristote, mọi mô thức ý niệm phải tương ứng với một thành phần khác gọi là chất thể. Như vậy phải hy sinh học thuyết Ý niệm (Platon) để nhận thức chân lý mọi sự vật.
Khác với trường phái Platon phân chia ba loại: đạo đức học, vật lý học và biện chứng pháp, Aristote phân chia ba loại triết học: lý luận, thực tiễn và sáng tạo/poiesis. Triết học lý luận lại chia ra triết học thứ nhất, vật lý học và toán học; triết học thực tiễn gồm đạo đức học, chính trị học và những hoạt động khác. Như vậy vắng mặt hai môn học quan trọng mà tư tưởng và phát triển lý luận Aristote gắn bó là siêu hình học và luận lý học?
Để giải thích sự vắng mặt của luận lý học trong bảng phân loại các triết học của Aristote, có thể dựa vào một đoạn văn trong tác phẩm sau này thường được gọi là Siêu hình học: việc nghiên cứu các phép phân tích phải đi trước nghiên cứu các khoa học khác. Như vậy nhà triết học phải khảo những nguyên tắc tam đoạn luận trước khi nghiên cứu bản chất của mọi bản thể.
Luận lý học/Logica để chỉ môn học chưa có danh xưng nơi Aristote, mà tác phẩm của ông mang tên Organon để chỉ công cụ của nghiên cứu. Như đã mô tả ở trên những thiên biên khảo trong bộ Organon, Aristote khảo sát những cơ cấu chung của mọi lý luận, những phương thức lý luận dưới hình thức tam đoạn luận, cơ sở của luận lý hình thức tuy không minh bạch như những nhà luận lý hiện đại.
Tác phẩm Phạm trù/Kategoriai khởi sự khảo sát những sự kiện ngữ học, phân biệt những điều được nói không có tổng hợp với những điều trong tổ hợp chẳng hạn như chữ, câu và mệnh đề. Cái gì vừa có tính đồng nhất của khái niệm và tính chung của từ ngữ thì được gọi là đồng nghĩa. Phạm trù/kategorein hiểu theo Aristote là những đồng nghĩa đơn giản và tổng quát nhất. Mười phạm trù của Aristote là: Bản thể/ousia gồm bản thể đệ nhất/prôtè ousia là chủ thể và không bao giờ là thuộc từ và bản thể đệ nhị/deutera ousia là những chủng và loại được xác định bởi một chủ thể nhưng không hiện diện trong một chủ thể (ví dụ: loài người hay loài vật là những bản thể đệ nhị, nhưng người này hay con vật này là những bản thể đệ nhất); lượng/poson là những gì có thể phân chia thành hai hay nhiều của một toàn thể, có thể liên tục hay gián đoạn; phẩm/poion là cái mà nhờ đó những sự vật được định tính (phẩm là sự khác biệt/diaphora của bản thể); tương giao/pros ti gồm những tương giao bằng số không xác định hay xác định; địa điểm/pou; thời gian/pote; vị trí/keisthai (ví dụ: hắn ngồi); điều kiện/echein; hoạt động/poiein và thụ động/paschein. Hai phạm trù ‘vị trí’ và ‘điều kiện’ chỉ được nói đến trong hai thiên Kategoriai và Topica.Aristote đã phân chia hai chức năng của liên từ/copula, một chức năng của sự vật được nói qua một chủ thể (dicitur de subjecto) và một chức năng theo đó sự vật ở trong chủ thể (in subjecto est). Liên từ est có hai ý nghĩa: dùng trong một mệnh đề để nối hai danh từ đồng chất trừu tượng hay cụ thể, đó là ý nghĩa của de subjecto dicitur; dùng trong một mệnh đề để nối một danh từ cụ thể với một tĩnh từ cùng loại âm của một danh từ trừu tượng theo cách est in subjecto.
Những nhà triết học về sau như Descartes và Locke phân biệt ba phạm trù: bản thể, cách thế và tương giao, phái Kinh viện/Scholastik quan niệm sáu phạm trù như Hữu thể hay bản thể, phẩm, lượng, vận động, tương giao, hoạt động [X. mục phạm trù].
Trong Analytica protera, Aristote xây dựng lý thuyết của tam đoạn luận, nghĩa là một lý thuyết không xét đến chân lý hay không chân lý của những tiền đề. Một tam đoạn luận được cấu tạo bởi ba mệnh đề: đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Tam đoạn luận nhằm chứng thực sự phụ thuộc của một thuộc từ (đại tiền đề) vào một chủ từ (tiểu tiền đề) qua tham gia của một hạn từ trong gian/to meson.[X. mục tam đoạn luận].
Học thuyết tam đoạn luận/sullogismós trở thành trung tâm điểm cả luận lý học Aristote. Ông đối lập tam đoạn luận (hay phép diễn dịch) với phép quy nạp như hai cách thế cơ bản của tiến trình tư tưởng.Phép diễn dịch đi từ phổ quát tới đặc thù, ưu tiên và khả tri hơn về mặt bản chất còn quy nạp đi từ đặc thù tới phổ quát xác tín hơn và khả tri hơn theo cảm giác.Nguyên lý làm nền tảng cho phép quy nạp là cảm giác. Cảm giác này là tư tưởng trực giác/noũs.
Lý học của Aristote bao gồm một lãnh vực khá rộng lớn: nó là một lý thuyết tổng quát về thế giới bất động cũng như nghiên cứu sinh vật dưới mọi trạng thái tâm lý, sinh lý v.v. Lý học/phusikè akroasis khảo sát những nguyên nhân đầu tiên của thiên nhiện và mọi loại chuyển động tự nhiên. Aristote muốn chứng minh rằng nếu người ta chỉ nêu ra một nguyên nhân duy nhất, chuyển động không thể khả hữu. Sự lầm lẫn này do phái Parménide chủ trương hữu thể là một, không có thực tại nào khác hơn thực tại của bản thể. Aristote quan niệm một chuyển động dẫn đến nhận thức hữu thể vừa là một và là phức thể: nhất thể trong hiện thể. Theo ông, có ba nguyên lý về chuyển động: mô thức/morphê hay eidos, khiếm khuyết/mè on và chất thể/hyle. Chất thể và mô thức là những khái niệm tương ứng. Aristote thường chỉ thị sự tương cận giữa mô thức với những nguyên nhân kỳ thành và cứu cánh, khi quan niệm mô thức là sơ đồ kiến trúc để tạo ra một tác phẩm đặc thù của thiên nhiên hay nghệ thuật. Khoa học có nhiệm vụ khai phá nhữngnguyên nhân thực của quá trình diễn biến của tự nhiên là chất thể, mô thức, nguồn gốc của biến chuyển (nguyên nhân kỳ thành) và chung cuộc của quá trình diễn biến đạt được (nguyên nhân cứu cánh).
Cũng như Empéocle, Aristote nhìn nhận có bốn đơn chất (tứ đại) là lửa, khí, đất và nước. Thiên cuối của bộ Lý học chứng minh biến chuyển vật lý không thể chứng thực nếu không đối chiếu với một nguyên nhân không có tính vật lý, là nguyên nhân cứu cánh cho chuyển động không ngừng của thế giới chúng ta.Đó là động cơ thứ nhất/proton kinoũn không chuyển động.
Thiên khảo luận về linh hồn/Peri psychès xây dựng khoa tâm lý học Aristote khảo sát tâm/psyche phân biệt vói trí/nous, một bên không thể hiện hữu độc lập với vật chất, một bên thì vô chất. Ông đưa ra một quan niệm ngược lại với sự phân biệt nhị nguyên triệt để giữa linh hồn và thể xác nơi Platon khi xác nhận tâm là mô thức của thân thể. Tâm có những quan năng dinh dưỡng/thretikè, cảm xúc/aisthetikè, suy tư/dianoêtikè cơ động/kinêtikè và dục vọng/orektike. Ông cũng phân biệt hai loại tri thức thụ động/pathetikos noũs và tri thức hoạt động/poiêtikos noũs: “Nếu không có tri thức thì không có gì suy tưởng cả.”
Tri thức như ông phân biệt làm ba loại: lý luận, thực hành và sáng tạo. Các khoa thực tiễn phụ thuộc vào khoa chính trị, khoa học điều khiển toàn thể đời sống con người trong một cộng đồng như đô thị, hay quốc gia. Đạo đức học chỉ là một phần của khoa chính trị. Trong phần cuối tác phẩm Ethica Nicomachea, ông dẫn khởi ý tưởng về sự hoàn thiện của cá tính con người là cứu cánh, trong khi đời sống cộng đồng và pháp luật là những phương tiện., song ở mt chỗ khác, ông lại nhận xét đời sống con người hoàn thiện chỉ có thể thực hiện trong cộng đồng. Cũng như nhiều triết gia Hy lạp cổ đại, Aristote quan niệm có một sự thống nhất trong những cứu cánh của con người, cứu cánh này là Eudaimonia/an lạc, hạnh phúc, điều thiện tột cùng đáp ứng yêu cầu trên. Eudaimonia ở trạng thái hiện thể, hòa nhập với lý trí/noũs, nghĩa là vói bản tính lý trí nơi con người, hòa nhập với đức hạnh và vì có nhiều đức hạnh nên nó hòa nhập với đức hạnh nào hoàn hảo nhất, thể hiện trong suốt đời sống. Hạnh phúc/eudaimonia đó là hạnh phúc ở cuộc đời này, hạnh phúc trần gian.
Tư tưởng Aristote ở dỉnh cao nhất trong dòng lịch sử triết học phương tây là xây dựng khoa Siêu hình học, mặc dầu từ này không phải của Aristote, để chỉ môn học về hữu thể, còn chính ông thường dùng từ minh trí/sophia, triết lý/philosophia, đệ nhất triết học. Thực sự ông đã chỉ những bản viết của ông dưới một cái tên là đệ nhất triết học/peri tes ptotês philosophias. Nhan đề ‘siêu hình học/meta ta phusika xuất hiện lần thứ nhất nơi Nicolas de Damas (ở thời đại Auguste) theo một chú giải tác phẩm của Théophraste (người thừa hành điều khiển Lyceum) và thông dụng vào thế kỷ XII từ Averroes.Dầu sao, ngày nay người ta cũng chấp nhận từ siêu hình học bắt nguồn từ sự sắp đặt những bản viết trong ấn bản Andronicos, ở đó những vấn đề siêu hình ở sau những vấn đề lý học.
Triết học đệ nhất hay siêu hình học là một khoa lý luận ở địa vị cao hơn vật lý và toán học vì đối tượng của nó là một thực tại vĩnh cửu, bất dịch và tách rời với chất thể. Đối tượng thứ nhất mà mọi đối tượng khác phụ thuộc là ousia/bản thể. Triết học được mô tả như có đối tượng là hữu thể như vậy và những đặc tính riêng của nó. Hữu thể là một từ ngữ đa nghĩa, hướng về một qua sự kiện là chúng cùng diễn tả một quan hệ với ý nghĩa thứ nhất và chính yếu là ý nghĩa của bản thể/ousia.
Thế nào là hữu thể như chính hữu thể/to on hê on? Aristote quan niệm hữu thể được hiểu theo nhiều nghĩa.Những nghĩa này rút ra từ một phân tích về liên từ “thì/là” trong những mệnh đề như: Socrate là người, Socrate thì công bằng, Socrate thì cao chừng thước rưỡi, Socrate thì nhiều tuổi hơn Coriscos. Trong mệnh đề đầu chỉ bản chất, mệnh đề kế chỉ phẩm, tới lượng, và tương giao.Những ý nghĩa này của hữu thể được gọi là những phạm trù, nhưng là những phạm trù của hữu thể, không phải của phán đoán. Hữu được xác định qua nhiều ý nghĩa, nhưng với mỗi nghĩa có danh xưng quan hệ với một nguyên lý duy nhất. Như vậy hũu thể là một phổ biến loại suy. Thật vậy nếu hữu thể được quan niệm như hữu chung cho mọi vật, đương nhiên mọi hữu thể trở thành đối tượng của cùng một khoa học về hữu thể.
Trong thiên Z của bộ Siêu hình/Metaphusica Aristote cho rằng vấn đề “Hũu thể là gì?”(ti to on) vẫn còn treo lửng, phải trở lại hỏi: bản thể là gì? Bản thể có ưu thế hơn các phạm trù khác vì có thể hiện hữu một mình, ưu tiên về định nghĩa (vì định nghĩa của bất kỳ phạm trù nào cũng bao hàm định nghĩa về bản thể), ưu tiên về tri thức. Bản thể như vậy là chính chủ thể/hypokeimenon, nghĩa là cái gì mà tất cả cái còn lại xác định và chính nó không có sự vật nào xác định. Bản thể như vậy có đặc tính phân sáp và là một sự vật cá thể/to tode ti; nó là mô thức và hợp thể của chất liệu và mô thức; nó còn là bản thể điều kiện có thể nói là tự tại, không cần đến các ngẫu từ để định nghĩa bản thể của một hữu – nó là bản thể của mỗi sự vật. Ví dụ con người nói chung, con ngữa nói chung…được xác định bằng một bội số những cá thể. Tóm lại khoa học thì bàn về cái phổ quát còn hiện hữu thuộc về đặc thù. Bản thể tách khỉ sự vật khả xúc, nó là nguyên lý và nguyên nhân, mà nguyên nhân này là mô
Triết học của Aristote khi suy tưởng dựa trên những phổ quát, thuộc từ của hữu thể, trên cá thể có thuộc tính hiện hữu. Hữu thể (như chính hữu thể) là sự hiện diện vắng mặt vì nó là một bản thể đã tách rời/parousia, còn cá thể là bản thể từ khiếm khuyết tại hữu thúc đẩy nó thèm khát hữu thể, có nghĩa là khiếm diện hiện diện/apousia.Bản thể như vậy chính là cái mà nhờ đó mọi hiện hữu tiếp cận được hữu thể. Do đó đời sống hoàn hảo của bản thể bất động mà hành vi là hoan lạc (chúng ta chỉ hưởng sống trong một thời gian ngắn ngủi, được khích động qua dục vọng mưu cầu bắt chước hoạt tính vĩnh cửu của bản thể.
Aristote đã xây dựng bước khởi đầu cơ bản cho hữu thể luận về sau, từ câu hỏi then chốt về hữu thể: đâu là những biểu hiện khác nhau của hữu thể? Ông cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho khoa sinh học, khởi từ vấn nạn: làm sao giải thích những biểu hiện khác nhau của đời sống? [tham khảo: ĐPQ: Triết học Aristote, 1972].
NGUYỄN THIÊN THỤ * TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT
T¿ do trong Çåo
PhÆt
NguyÍn
Thiên Thø
PhÆt
giáo là m¶t tôn giáo t¿ do. So v§i các tôn giáo khác, các tín ÇÒ Çåo PhÆt có rÃt
nhiŠu t¿ do. Và t¿ do nghïa là có quyŠn làm gì thì làm, không bÎ ai ki‹m soát,
ngæn cän, cÃm Çoán. Lë dï nhiên ta có t¿ do cûa ta mà không vi phåm t¿ do cûa
ngÜ©i khác.Ta có t¿ do hành Ƕng, và suy nghï, không bÎ áp bÙc, ngæn trª ho¥c
phäi làm nô lŒ cho m¶t th‰ l¿c nào. Nói ljn t¿ do là nói ljn quyŠn l¿a ch†n, và
quyŠn t¿ quän . Chúng ta së xét các Çi‹m sau: gi§i ÇiŠu, giáo ÇiŠu, và t° chÙc
cûa PhÆt giáo.
I. gi§I
ÇiŠu
Tôn giáo nào cÛng có
cÃm kÎ. PhÆt giáo cÛng có nh»ng cÃm kÎ nhÜ gi§i sát, gi§i s¡c và gi§i tºu. Các
cÜ sï thì ít qui t¡c nhÜng nh»ng tu sï thì phäi tuân thû rÃt nhiŠu qui t¡c.
Nh»ng gi§i này do các tín ÇÒ l¿a ch†n cách th‰ Ç‹ th¿c hành. Có phái chû trÜÖng
æn chay nhÜ PhÆt giáo B¡c phÜÖng hay B¡c tông, có phái chû trÜÖng
không æn chay, PhÆt tº cúng dÜ©ng gì thì tu sï æn nÃy. ñó là PhÆt giáo Nam tông
hay Nam phÜÖng. VŠ æn chay cÛng có nhiŠu cách. ñ‹ th¿c hiŒn Çåo tØ bi, kiêng sát
sanh, B¡c tông PhÆt giáo chû trÜÖng æn chay. ñây là m¶t truyŠn
thÓng trong Çåo Ba La Môn cûa ƒn ñ¶. ˆn chay cÛng có nhiŠu l¿a ch†n. Có ngÜ©i æn
chay cä Ç©i g†i là trÜ©ng trai. Có ngÜ©i m‡i tháng æn chay mÜ©i ngày g†i là thÆp
trai. Có ngÜ©i chÌ æn chay mÒng m¶t và ngày r¢m. Có ngÜ©i không æn chay vì h†
cho r¢ng ‘æn m¥n nói ngay hÖn æn chay nói dÓi’. VÃn ÇŠ tu hành cÛng vÆy. Th©i
ÇÙc PhÆt tåi th‰, Ngài chia ra hai loåi tín dÒ. M¶t là sa môn ( tu sï) hai là cÜ
sï. Sa môn là nh»ng thÀy tu, còn cÜ sï là nh»ng tín ÇÒ bình thÜ©ng, lÃy v® lÃy
chÒng, làm viŒc trong các công tÜ sª hay theo nghiŒp công nông
thÜÖng nhÜng dÓc lòng th© PhÆt. NgÜ©i PhÆt tº có th‹ l¿a ch†n m¶t
trong hai ÇÜ©ng: ho¥c tu tåi gia, ho¥c tu tåi chùa. Ngày nay, m¶t sÓ tu sï låi
theo phái Tân tæng NhÆt b°n mà lÃy v®, Çó cÛng là m¶t t¿ do trong Çåo PhÆt. Có
m¶t sÓ tu sï nºa chØng xin hoàn tøc, h† cÛng ÇÜ®c t¿ do theo š muÓn, không hŠ có
s¿ trØng phåt hay cÃm Çoán nào.
II. GIÁO ñI“U
Tinh thÀn t¿ do Çã
ÇÜ®c th‹ hiŒn trong nh»ng ngày ÇÀu tiên ÇÙc PhÆt chuy‹n Pháp Luân. Ngài chû
trÜÖng xóa bÕ giai cÃp, Çó là m¶t s¿ t¿ do xã h¶i và chính trÎ. Trong khi tu
hành, Ngài tØ bÕ con ÇÜ©ng kh° hånh và chû trÜÖng trung Çåo, tránh kh° hånh và
døc låc vì hai con ÇÜ©ng này không ÇÜa ljn chÙng ng¶. ñó là m¶t s¿ t¿ do trong
tôn giáo, thoát khÕi änh hܪng cûa truyŠn thÓng kh° hånh cûa Ba La Môn. Và sau
khi lÆp tæng già( giáo h¶i), các tu sï không chi‰m m¶t Üu th‰
nào trong xã h¶i nhÜ các vÎ Ba La Môn trong Bà La Môn giáo cûa ƒn ñ¶. Các vÎ tu
sï ÇŠu ngang hàng nhau, không có nh»ng vÎ giáo chû, và nh»ng hàng giáo phÄm cao
cÃp nhÜ các tôn giáo khác. N‰u có s¿ khác biŒt là s¿ khác biŒt gi»a thÀy trò,
gi»a th‰ hŒ này và th‰ hŒ khác, gi»a qun Çi‹m này và quan Çi‹mn khác. Kinh Hoa
Nghiêm và kinh Duy Ma CÆt còn Çi xa hÖn khi chû trÜÖng cÜ sï có nhiŠu khä næng
hÖn là các tu sï. Løc t° HuŒ Næng nói:
‘N‰u muÓn tu hành
thì ª nhà cÛng ÇÜ®c, hà tÃt lên chùa’ (Pháp Bºu ñàn Kinh,
105).
Nh»ng ÇiŠu này cho thÃy ngÜ©i PhÆt tº có nhiŠu
t¿ do khi l¿a ch†n con ÇÜ©ng tu hành.
Trong khi PhÆt thuy‰t
pháp, Ngài ÇÜa ra nhiŠu phÜÖng pháp tu tÆp nhÜ bÓn niŒm xÙ, bÓn chánh cÀn, bÓn
thÀn túc, næm cæn, næm l¿c, bäy BÒ ñŠ phÀn, Tám Thánh ñåo phÀn.. . và các pháp
khác nhÜ niŒm PhÆt, niŒm Pháp, niŒm hÖi thª, niŒm xanh, niŒm ÇÕ, niŒm vàng, quán
tº thi v. v.. .Sau này, các ÇŒ tº cûa ÇÙc PhÆt Çã ÇÜa ra nhiŠu con ÇÜ©ng Ç‹
chúng ta có nhiŠu t¿ do trong viŒc l¿a ch†n nhÜ Pháp hoa tông, Hoa Nghiêm tông,
TÎnh ñ¶ tông, ThiŠn tôngv. v. Kinh Hoa Nghiêm còn ÇÜa ra mÜòi
pháp tu hành nhÜ:
tín
tång: tin tܪng vào ÇÙc PhÆt
gi§i tång: gìn gi» gi§i
luÆt.
Tàm
tång: bi‰t xÃu h° khi làm sai.
Quš
tång: bi‰t thËn khi làm sai.
Væn
tång: nghe giäng dåy PhÆt pháp, h†c kinh Çi‹n
Thí
tång: bÓ thí.
ñaÎ
huŒ: tu thiŠn Ç‹ dåt trí tuŒ.
NiŒm
tång; tøng kinh, niŒm PhÆt, niŒm chú.
Trì
tång: trì chú.
BiŒn
tång: giäng giäi, thuy‰t pháp.
Hoàn thành m¶t trong nh»ng pháp trên là Çã
thành công trên ÇÜ©ng tu tÆp.
NhÜ vÆy, ngÜ©i PhÆt tº có rÃt
nhiŠu t¿ do trong viŒc l¿a ch†n pháp môn tu tÆp.
ñåo PhÆt là m¶t tôn giáo t¿ do vì Çåo PhÆt
không dùng binh binh l¿c Ç‹ chi‰m ÇÃt và b¡t ngÜ©i theo mình. ñåo PhÆt cÛng
không dùng th‰ l¿c, tiŠn båc, viŒc làm, nhà cºa ho¥c hôn nhân Ç‹ ràng bu¶c ho¥c
ép bu¶c ngÜ©i theo Çåo. Ai muÓn theo thì theo, không muÓn thì thôi. ñåo PhÆt
cÛng không b¡t bu¶c các tín ÇÒ theo Çåo PhÆt phäi hành Ƕng m¶t cách thô båo và
tàn nhÅn nhÜ khinh bÌ thÀy cÛ, ÇÓt kinh, ÇÆp phá bàn th© và Çem tÜ®ng änh quæng
xuÓng giòng sông. Ai muÓn bÕ Çåo PhÆt, PhÆt giáo không hŠ Ç¥t ra
nh»ng biŒn pháp trØng phåt nhÜ Çánh ÇÆp, bao vây kinh t‰, c¡t ÇÙt liên hŒ tình
cäm.
Trong khi thuy‰t pháp,
ÇÙc PhÆt nói r¢ng các ÇÒng bào có quyŠn t¿ do l¿a ch†n, không hŠ có m¶t quy‰n rû
hay Çe d†a nào:
Ta nói vÆy không phäi
vì muÓn có ÇŒ tº. Ta nói vÆy không phäi vì muÓn khi‰n các ngÜÖi tØ bÕ kinh tøng.
Ta nói vÆy không phäi vì muÓn các ngÜÖi tØ bÕ
nghŠ sÓng. . .
.Ta nói nhÜ vÆy không phäi vì muÓn cho các ngÜÖi tØ bÕ nh»ng thiŒn pháp
mà truyŠn thÓng t° sÜ Çã xem là thiŒn pháp ( TrÜ©ng B¶ Kinh IV, Kinh Ba
Lê).
Tôn giáo nào cÛng tôn th©
m¶t hay nhiŠu vÎ thÀn linh. VÎ thÀn linh tÓi cao Çó có nhiŠu tên g†i khác nhau
nhÜ là ThÜ®ng lj, ông Tr©i, Chúa Tr©i, Tåo Hóa, Hóa công. .. Có tôn giáo coi vÎ
thÀn này là vÎ Chúa cÙu r‡i. Có tôn giáo coi vÎ thÀn này là hung ác, phäi th©
cúng m§i khÕi bÎ trØng phåt. CÛng có tôn giáo coi vÎ thÀn này nºa nhân tØ, nºa
ác Ƕc. Phäi cung kính tôn th©, không Çu®c nghÎch š Ngài, n‰u không së bÎ trØng
phåt. Trong các tôn giáo này, tín ÇÒ coi Ngài nhÜ vÎ thÀn linh tÓi cao có uy
quyŠn tÓi thÜ®ng, tín ÇÒ phäi cÀu khÄn van låy Ç‹ ÇÜ®c ban ân phܧc.
ñåo PhÆt quan niŒm r¢ng vÛ trø bao la vï Çåi, có nhiŠu th‰ gi§i, có nhiŠu
cõi tr©i. ThÜ®ng lj chÌ là thÀn linh trong m¶t cõi tr©i. ThÜ®ng lj có sinh có
diŒt vì thÜ®ng lj cÛng ª trong luân hÒi. Th©i PhÆt tåi th‰, Bà La
Môn là tôn giáo th© thÜ®ng lj. Sau khi bÕ nhà ra Çi, ñÙc PhÆt Çã tu theo hai vÎ
thÀy ÇÀu tiên nhÜng Ngài phäi bÕ Çi vì Ngài thÃy pháp môn cûa hai vÎ này không
ÇÜa ljn giäi thoát khÕi luân hÒi. Møc Çích cûa Çåo PhÆt là thoát khÕi ách luân
hÒi. Ngài dåy giáo ÇÒ làm viŒc thiŒn, tÆp thiŠn Ç‹ thoát khÕi luân hÒi. Muôn Çåt
ÇÜ®c nhÜ vÆy, chúng ta phäi tin vào mình, phäi Çåt tr†n niŠm tin vào t¿ l¿c chÙ
không phäi cÀu tha l¿c. ñåo PhÆt khác các tôn giáo khác vì Çåo PhÆt lÃy t¿ l¿c
làm Ƕng l¿c còn các tôn giáo khác trông vào tha l¿c. T¿ Ƕ nghïa
là ta t¿ do trong viŒc mÜu cÀu giäi thoát, lÃy t¿ giác giác tha
làm ÇÜ©ng lÓi, không cÀu vào tha l¿c. CÀu tha l¿c túc là lŒ thu¶c
thÜ®ng lj, lŒ thu¶c thÀn linh, chúng ta phäi làm nô lŒ cho thÀn linh, chúng ta
không còn t¿ do.
Trܧc khi nhÆp Ni‰t
Bàn, ÇÙc PhÆt dåy các ÇŒ tº phäi tin tܪng vào chính mình:
-Này
Ananda, các ngÜÖi hãy n‡ l¿c, hãy tinh thÃn hܧng vŠ t¿ Ƕ,
sÓng
Không phónmg dÆt, cÀn
mÅn, chuyên hܧng t¿ Ƕ’ (TrÜ©ng B¶ Kinh
,
Kinh ñåi
bát Ni‰t Bàn)
-Này các tÿ kheo, hãy sÓng t¿ mình là ng†n Çèn
cho chính mình, t¿ mình nÜÖng t¿a mình, không nÜÖng t¿a m¶t ai khác, lÃy chánh
pháp làm ng†n Çèn. nÜÖng t¿a nÖi chánh pháp, không nÜÖng t¿a m¶t ai khác (TrÜ©ng
B¶ Kinh 3, Kinh ñåi Bát Ni‰t Bàn).
III. T˜ CHỨC
PhÆt giáo là m¶t giáo
h¶i mang tính cách t¿ do. ñây là m¶t giáo h¶i không bao gi© lây uy quyŠn Ç‹ cai
quän ÇÒ chúng, áp bÙc nhân loåi, gây chi‰n tranh Ç‹ bành trܧng th‰ l¿c và mÜu
l®i. Mãi ljn th‰ k› XX, chúng ta m§i có h¶i PhÆt giáo th‰ gi§i. H¶i PhÆt giáo
th‰ gi§i là m¶t t° chÙc dân chû, tåi Çây PhÆt giáo các nu§c tø h†p Ç‹ trao Ç°i
PhÆt s¿. PhÆt giáo các nܧc có th‹ có nh»ng vÎ lãnh Çåo nhÜng nói chung là t¿
do, không có m¶t t° chÙc hành chánh, chánh trÎ ho¥c quân s¿ Ç‹ trói ch¥t các tín
ÇÒ và khûng bÓ các tôn giáo khác. ñåo PhÆt không hŠ Ç¥t ra giáo quyŠn và nâng
ÇÎa vÎ cûa các tu sï. Áp døng ÇÜ©ng lÓi t¿ Ƕ, m‡i cá nhân có th‹ lÆp am, lÆp
chùa mà tu. M‡i vÎ sÜ có th‹ phát tri‹n m¶t giáo Çoàn. NhiŠu vÎ sÜ có th‹ lÆp
giáo h¶i, tÃt cä thuÀn túy là tu tÆp, không Ç¥t ra giáo quyŠn và liên hŒ ljn th‰
quyŠn.
Ÿ th‰ k› XVII, tåi Âu
Châu, Thiên Chúa giáo La mã suy ÇÒi vì các giáo hoàng dâm døc, các tæng l» lÃy
quÏ phܧc thiŒn bÕ túi và làm nhiŠu ÇiŠu sai lÀm tŒ håi. NhÃt là lúc này khoa
h†c phát tri‹n, ngÜ©i ta nhÆn thÃy giáo ÇiŠu phän khoa h†c nhÜ viŒc ÇÙc mË ÇÒng
trinh mà sinh con, cho nên nhiŠu tri‰t gia lên ti‰ng phän ÇÓi vŠ t° chÙc låc hÆu
và thÓi nát cûa giáo h¶i và nh»ng Çi‹m phän khoa h†c cûa kinh thánh. Khªi ÇÀu là
các tri‰t gia nhÜ Martin Luther ( 1483-1546) và John Calvin (1509-1564) Çã liên
ti‰p công kích giáo h¶i La Mã,và sau Çó các tân giáo ra Ç©i nhÜ Protestan (Tin
Lành) , Anglican (Anh quÓc giáo), Puritan ( Thanh giáo) tách r©i khÕi giáo h¶i
La Mã.
Trong lúc các tân giáo
ra Ç©i, h† không bi‰t nên theo mô thÙc nào. Milton (1608-1674), tác giä
Paradise Lost, và Paradise Regained, Çã ÇÜa ra š ki‰n xây d¿ng m¶t
tôn giáo m§i gÒm nh»ng Çi‹m sau:
Bãi bÕ
hŒ thÓng quân chû trong giáo h¶i. Paradise Lost là m¶t bän cáo trång s¿
Ƕc tài tàn båo cûa thÜ®ng lj và cûa giáo h¶i Thiên Chúa giáo La
Mã.
Bãi bÕ
chÙc vÎ Giáo hoàng.
DËp bÕ
các giáo sï, Milton g†i h† là b†n æn bám, b†n làm thuê
(hirelings).
Nên
chia giáo h¶i thành tØng nhóm nhÕ, bãi bÕ trung ÜÖng tÆp
quyŠn.
Milton
tin tܪng m‡i tín h»u Thiên Chúa giáo là m¶t giáo h¶i cho chính mình, không cÀn
m¶t t° chÙc nào kìm kËp tín ÇÒ ( Sparknotes).
Quan Çi‹m cûa
ông không ÇÜ®c các giáo phái ûng h¶ vì h† vÅn thích có m¶t giáo h¶i månh. DÅu
sao, quan niŒm cûa Milton cÛng có nhiŠu Çi‹m tÜÖng ÇÒng v§i PhÆt giáo nhÃt là
quan niŒn t¿ do, t° chÙc t¿ do, không ÇÜa giáo h¶i thành m¶t hŒ thÓng kìm kËp và
khûng bÓ.
PhÆt giáo là m¶t tôn giáo t¿ do. Các tín ÇÒ Ç‰n
chùa hay không ljn chùa cÛng ÇÜ®c bªi vì PhÆt tåi tâm. PhÆt giáo không chú tr†ng
hình thÙc bên ngoài mà chú tr†ng ª tâm. PhÆt giáo không Ç¥t ra viŒc cai quän
ch¥t chë các tín ÇÒ. Các PhÆt tº có quyŠn ljn chùa này ho¥c chùa khác, không có
s¿ b¡t bu¶c. H† có th‹ tôn kính nhiŠu vÎ tæng, ho¥c theo vÎ này, ho¥c theo vÎ
kia, ho¥c không theo ai cä. Nói tóm låi, PhÆt tº không bÎ hŒ thÓng giáo quyŠn
kìm kËp, quän thúc. H† cÛng không phäi b¡t bu¶c Çóng góp, viŒc Çóng góp ít nhiŠu
là do t¿ nguyŒn.
PhÆt giáo là m¶t tôn giáo t¿ do trong m†i ÇiŠu,
nhÃt là trong cÃm ÇiŠu, giáo ÇiŠu và trong t° chÙc. ñó là m¶t ÇiŠu tÓt ÇËp cho
PhÆt giáo và con ngÜ©i.
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 079
Subscribe to:
Posts (Atom)
No comments:
Post a Comment