Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday 17 December 2016

NGÔ MINH HẰNG= TRUYỆN KÝ =MAI THẢO=

THƠ NGÔ MINH HẰNG

Xin nÓi ti‰p công trình
Ngô Minh H¢ng
( T¥ng tu°i trÈ ViŒt Nam trên toàn th‰ gi§i ) Cao lên n»a , vÜ®t lên tÀng vÛ trø
H«i nh»ng lòng vì ÇÃt nܧc quê hÜÖng.
H«i nh»ng cánh tay nÓi liŠn hoàn vÛ
H«i l§p sóng thÀn chuy‹n Ƕng Çåi dÜÖng.
Cao lên n»a vÜÖn lên và ÇÙng th£ng
Cùng næm châu ngåo nghÍ giÓng tiên rÒng.
H«i ánh n‰n v« òa Çêm thÀm l¥ng.
H«i Çàn con t° quÓc vÅn ch© trông.
ñây sông núi cûa ngàn Ç©i oanh liŒt,
ñây ng¿a thÀn Phù ñ°ng Çã yên cÜÖng.
TrÓng Diên HÒng Çã rung lòng hào kiŒt,
Báo hoàng ân, QuÓc Toän Çã kiên cÜ©ng.
Xin nÓi ti‰p nh»ng công trình hi‹n hách,
GÜÖng anh hùng bÃt khuÃt thuª cha ông.
H©n vong quÓc Çã tràn lên sÙc månh,
ñã Çau nhØ trong š núi tình sông.
Thì h«i gió hãy tung hoành cÖn bão
Xóa tan Çi bao dÃu tích oan h©n
Và h«i sóng hãy cuÓn phæng Ç©i tàn båo,
CÙu giÓng nòi và quang phøc giang sÖn.
Ngô Minh H¢ng

VÔ DANH * THỜI BINH LỬA

NHỮNG TRUYỆN NGẮN CẢM ĐỘNG

THỜI BINH LỬA
Tác Gỉa Việt Nam


1- Nồi cá bống kho tiêu

 
Ba mươi tuổi đầu, lận đận chiến chinh, chưa kịp lấy vợ thì trời sập. Đi tù. Mẹ thăm nuôi 6 tháng một lần. Quà chỉ có nồi cá bống kho tiêu và nước mắt thương con. Được 3 năm thấy mẹ già đi, tóc bạc phơ. Thương mẹ, hắn bảo mẹ đừng lên thăm nữa. Nhưng đến kỳ thăm lại đi ra đi vào, trông ngóng mẹ. Suốt hai năm không thấy mẹ lên thăm.
 Được tha, về nhà mới hay khi mẹ về gặp mưa bị cảm nặng trong lần thăm nuôi sau cùng và đã qua đời hai năm rồi. Giỗ mẹ, hắn đi chợ mua cá bống về kho tiêu. Giỗ xong bưng chén cơm và đĩa cá bống kho tiêu cúng mẹ xuống ăn, hình như có vị mặn của nước mắt.

2- Tình đầu

Mười tám tuổi, yêu tha thiết, tỏ tình. Nàng chu mỏ: học trò ,nhỏ xíu, bày đặt. Hai mươi hai, Thiếu úy Sư Đoàn 18, về phép đến thăm, nàng lạnh lùng. Sợ làm góa phụ lắm. Hai mươi sáu Đại úy Trưởng khối CTCT Trung Đoàn. Khó chết rồi, xin bỏ trầu cau. Nàng ậm ừ để suy nghĩ lại đã. Tháng 4/75 chạy giặc, lạc mất nhau.
 Ở tù ra, gặp lại. Nàng đã có chồng, hai con. Buồn và mặc cảm, thôi cứ ở vậy không lấy ai. Ba mươi năm sau, lận đận quê người ,gặp lại. Nàng chồng chết, các con trưởng thành ra ở riêng. Mừng rơn ,mời nàng đi ăn cơm tối nhà hàng. Tỏ tình. Nàng thẳng thừng: già rồi bận bịu nhau làm gì, ở một mình cho khỏe.

3- Hai chị em

Chị quen anh Hân, trung úy phi công. Anh đến nhà chơi, thấy em gái quấn quít Hân, chị nhường. Hai người tổ chức đám cưới, chị gom hết tiền để dành tặng đôi vợ chồng mới.
 Em có thai đứa con đầu lòng được 6 tháng thì Hân đi tù cải tạo. Chị thương em đang có con dại, thay em đi ra Bắc thăm nuôi Hân. Con được hai tuổi, em đi buôn hàng chuyến, lỡ có thai với người tài xế. Chị tiếp tục đi thăm, dối Hân em dẫn con đi vượt biên rồi. Thấy Hân mừng cho tương lai vợ con mình, chị xấu hỗ, tủi thân, âm thầm khóc lặng lẽ trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội về lại Sài Gòn.
 Hân về, biết sự thật. Buồn, dẫn con gái đi vượt biên. Nghe tin hai cha con chết trên biển, chị lập bàn thờ. Lấy tấm hình Hân đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực F5 Hân tặng chị hồi mới quen rọi lớn ra, bỏ vào khung đặt lên bàn thờ, chị khóc gọi Hân ơi…

4- Trả hiếu

Thằng Út đói bụng, tìm Lan. Chị ơi nấu cho em gói mì. Từ sáng đến giờ hai chị em chưa ăn gì cả. Nhà hết mì gói ăn liền lại hết cả gạo.
 Lan dỗ dành , ba đi thồ về thế nào cũng mua bánh mì cho em. Trời tối dần vẫn không thấy ba về, Lan dẫn em ra đầu hẽm nơi anh Tư sửa xe gắn máy, ngồi đợi. Tư và Lan thương nhau đã hơn hai năm. Tư đang cố dành dụm ít tiền để sang năm làm đám cưới. Trời tối hơn, chú Bảy xe thồ chạy về báo tin ba bị xe đụng gãy chân rồi. Bệnh viện đòi 5 triệu mới chịu bó bột.
 Lan về nhà thay áo, chạy vội ra nhà dì Năm đầu phố. Dì ơi con bằng lòng. Đêm bán trinh cho ông Đài Loan, Lan khóc lặng lẽ. Anh Tư ơi, cho em xin lỗi…
 5- Khói thuốc

Năm thứ hai ở Đại học CTCT Đà Lạt, Duy quen Trinh, học năm thứ nhất ở Đại học Chính Trị Kinh Doanh. Hai đứa yêu nhau tha thiết, thề hẹn sống chết với nhau . Tốt nghiệp, Duy về Sư Đoàn 5 bộ binh, hành quân liên miên Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Đêm hành quân giăng võng nằm trong rừng cao su Đồng Xoài, Duy mơ có dịp về phép Đà Lạt, cùng Trinh tay trong tay dạo khắp Thành Phố Sương Mù, rồi vào Cà phê Tùng gọi một gói thuốc Capstan, một tách cà phê sữa, một ly sữa đậu nành nóng, cho ấm.
 Trinh ra trường về nhà ba mẹ ở Sài Gòn. Duy xin phép thường niên được 7 ngày, ghé thăm. Trinh báo tin ba mẹ gả em cho anh giám đốc Trung Á ngân hàng. Cưới xong chắc em cũng vào làm ở đó luôn cho tiện. Mẹ bảo em hãy quên ông Trung úy đó đi.
 Hai tháng sau Duy bị thương về nằm Tổng Y Viện Cộng Hòa. Anh lính đơn vị cử đi theo chăm sóc chạy về báo tin hôm nay đám cưới cô Trinh, thấy nhà trai tới với nhiều xe hơi sang trọng lắm.
 Duy chống nạng ra ngồi trước hiên, châm điếu thuốc. Thẩm quyền! bộ ông đang khóc đó hay sao? Không phải đâu, chỉ là khói thuốc lá cay cay làm chảy ra nước mắt…
 6- Chồng xa
 Tin vào chủ trương của lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện, cha Hạnh bỏ lúa đổi sang nuôi tôm xuất khẩu. Vay của ngân hàng nhà nước 3 tỷ bạc. Tôm chết trắng ruộng, lỗ nặng. Đến hạn trả nợ, không trả được bị ngân hàng hăm tịch thu nhà. Vịnh, em trai đang học lớp 10 muốn bỏ học đi làm thuê. Hạnh khuyên em cứ tiếp tục học lên đại học, mong sau nầy đổi đời. Nợ nần của gia đình để chị lo.
 Nuốt nước mắt vào lòng, Hạnh lên Sài Gòn tìm mối lấy chồng Đại Hàn. Được ba tháng chị gọi phôn về thăm Vịnh, dặn dò em cố gắng học và chăm sóc cho cha. Tiếng chị nghèn nghẹn như đang khóc. Thương chị,Vịnh nghẹn ngào hứa vâng theo lời chị dặn dò. Hai tuần sau, tòa lãnh sự Đại Hàn mời gia đình đến nhận bình đựng tro cốt của Hạnh. Họ giải thích tại chị nhảy lầu tự tử…
 Trên chuyến xe đò từ Sài Gòn về Long Xuyên, xe chạy qua những cánh đồng lúa bạt ngàn tận chân trời, Vịnh thút thít khóc gọi chị Hai ơi…

MAI THẢO * NGƯỜI CHA VÀ NGƯỜI CON

Người cha và người con

Từng đứa một – cả thảy năm đứa – từ buồng ngủ nối đuôi nhau lừ đừ tiến sang phòng khách. Tôi đang đọc báo. Tới giữa phòng, chúng tản ra. Thằng lớn đeo lủng lẳng ở vế đùi một khẩu súng lục gỗ, báng súng bọc giấy kim tuyến vàng óng ánh, ngực nó, ở phía tay trái, đính một ngôi sao năm cánh lớn, bằng giấy bạc. Thằng nhỏ nhất cũng vậy. Dáng đi, điệu bộ chúng, như những đồ trang bị trên người chúng, cũng giống nhau như đúc. Nhìn những khuôn mặt non choẹt ấy thoắt sắc lạnh lại, những đôi mắt gườm gườm, sáng quắc, tóe lửa – những đôi mắt khi đã đoán thấy sự hiện hữu của kẻ thù – nhìn những thân hình chuột nhắt ấy di động chậm chạp, thận trọng trên nền đá hoa, trong những bước chân khuỳnh khuỳnh, dệnh dạng, trong cái phong thái ngang tàng của những đấng anh hùng tí hon bắn nhanh và bắn giỏi nhất thế giới, những đấng anh hùng đó đang nín thở, chờ rình, nghe ngóng, rón rén, rồi bất thình lình quay vụt lại, bàn tay lăm lăm trên báng súng sẵn sàng nhả đạn, nửa mình tạ rạp xuống, đôi mắt trừng trừng xuyên thủng cái màn đầy đặc bóng tối của một xó góc tưởng tượng – khi kẻ thù đã xuất hiện, đã đối điện – tôi không thể nhịn cười được trước cái cảnh tượng ngộ nghĩnh, nhưng tôi không dám cười. Đi thật sâu thật xa vào cái thế giới thiên đường ảo tưởng thần thánh, những thượng đế nhỏ thó là những đứa cháu tôi đang sống rất thực, rất mê đắm cái trò chơi kỳ thú của chúng, căn phòng khách hiền lành đã biến thành một vùng đất địch núi non trùng điệp, một thứ thung lũng của tử thần, bàn ghế, đồ đạc đã hóa thân thành con ngựa, quầy rượu, mái nhà, tảng đá, chúng nó đang truy nã, đang thanh toán kẻ thù, tiếng cười giễu cợt lúc này là một tội ác, tôi biết thế, tôi không dám cười. Một tiếng thét lạnh giá: “Giơ tay lên”. Tôi giật mình trước một nòng súng đen ngòm chĩa thẳng vào mặt. Thằng nhỏ nhất đã tìm thấy kẻ thù, kẻ thù đó chính là tôi, tôi đành buông tờ báo giơ cả hai tay lên. Nhưng kẻ giết người phải đền tội. Pàm, pàm. Tôi ngã xuống, tôi chết rồi và bỏ mặc cái tử thi kẻ thù khốn kiếp nằm đó, những đứa cháu tôi lại đăm chiêu, lừ đừ, khuỳnh khuỳnh, dệnh dạng, thẳng lớn dẫn đầu, thằng nhỏ tập hậu, vượt biên giới trở lại phòng ngủ.

Trò chơi đó tái diễn đã hơn một tuần nay, ngày nào cũng dăm bảy bận và tôi bị bắn chết đã hàng trăm lần, kể từ cái buổi sáng chủ nhật tôi đưa chúng nó đi xem xinê cuốn phim Tráng sĩ với khẩu súng bá vàng của Henry Fonda. Chúng nó mê Henry Fonda và cái biệt thự nhỏ, yên tĩnh của anh tôi, dưới bếp, ngoài hành lang, trong buồng khách, buồng ngủ, ngoài vườn, trong buồng chứa đồ, đã xuất hiện đầy chật những Henry Fonda với khẩu súng bá vàng và ngôi sao bạc của người tráng sĩ mã thượng dũng cảm. Trò chơi đó tạo thành một thích thú vô song và toàn thể ở những đứa cháu con người anh ruột tôi, không trừ một đứa nào, trò chơi không hề một lần – tuy nó cũng đi xem phim – có mặt Khôi, Khôi không hề một lần nhập cuộc, Khôi không hề một lần tham dự.

Nó ngồi đó, thật sâu, trong lòng ghế, hai cánh tay bụ bẫm duỗi thẳng song song trên đùi gối, mái tóc húi ngắn lởm chởm trên vừng trán rộng, đôi mắt nhìn thẳng dửng dưng, cái miệng mím chặt, khuôn mặt trang nghiêm, lững lờ, bất động và im lặng như một pho tượng. Không một thái độ, một phản ứng. Nhặt tờ báo lên, tôi cúi xuống hỏi nó:

“Cháu không chơi với các em sao?”

Nó nhìn tôi, đoạn lại nhìn thẳng trước mặt, không lắc cũng không gật đầu. Phút đó, tôi có cảm tưởng câu hỏi của tôi như tiếng gõ cửa một căn nhà đóng kín, nó đã thu mình vào một thế thủ như con ốc cuộn tròn trong vỏ, bao bọc toàn khắp cái thân thể và cái tâm hồn thơ trẻ của nó bằng một tấm giáp sắt. Tôi rút túi lấy năm đồng chìa cho nó: “Cho cháu”. Nó thò tay cầm lấy nhưng vẫn ngồi yên. Tôi vỗ vai nó, thân mật: “Ra ngã tư tìm hàng bò viên, mau lên”. Lúc đó Khôi mới rời khỏi lòng ghế, khuôn mặt trang nghiêm lững lờ vẫn không biểu lộ một trạng thái mừng vui nào, nó từ từ đứng dậy và mở cửa đi ra.


*


Một buổi sáng, tôi nhớ cách đây đã sáu tháng, Đường, anh cả tôi, nhận được lá thư của một người cô ngoại từ Biên Hòa gửi về. Đọc thư xong, Đường ngẫm nghĩ một lát, rồi ngửng lên hỏi tôi:

“Chú bận gì không?”

Tôi ngạc nhiên trả lời:

“Không”.

Đường gõ gõ ngón tay xuống lá thư:

“Đây là thư cô Linh viết nói về anh Quảng. Và thằng Khôi, đứa con của Quảng. Tôi muốn nhờ chú đi đón nó về đây cho ăn học cùng với các cháu. Chú còn nhớ anh Quảng không?”

“Quảng con cô Cả?” Tôi hỏi.

“Đúng, Quảng con cô Cả”. Đường cau mặt nói tiếp: “Lạ thật, cô Linh nói nó là đứa con độc nhất của Quảng, Quảng đã đến nỗi nào mà phải nhờ cô Linh nói với chúng mình nuôi dưỡng hộ? Thôi được, hãy cứ đón nó về đây đã. Chú đi ngay hộ tôi bây giờ mới kịp trở về chiều nay. Đường đứng dậy trao lá thư cho tôi: “Quảng hiện ở Trảng Bom, địa chỉ của Quảng đây”.


*


Trên chuyến xe hàng cũ kỹ lăn ọc ạch trên con quốc lộ số Một, cuộc hành trình, nhìn sang những cánh rừng cao su bát ngát, hàng nghìn gốc cây kéo hút tầm mắt vào những đường dài thẳng tắp, với những khung ánh sáng hiện lên thật xa dưới vòm lá xanh đặc tối thẳm như những cửa hầm, tôi đã nghĩ đến Quảng, nhớ lại Quảng.

Quảng là con đầu lòng của một người cô – cô Cả Đoàn – chị ruột cha tôi. Trong số những cô, thím, dì, mợ, nội, ngoại, xa gần của chúng tôi, có thể nói cô Cả là người đàn bà xấu số, hẩm phận, bất hạnh và đáng thương nhất của cái thành phần mà mẹ tôi thường có thói quen gọi chung là những con gái của dòng họ Nguyễn. Mẹ tôi nói: “Con gái họ Nguyễn vất vả, nhưng không ai vất vả bằng cô Cả Đoàn”. Và điều đó thật đúng. Nói về cô Cả, mẹ tôi thở dài: “Cô Cả Đoàn thì vất vả cả đời”. Cô Cả vất vả thật và sự vất vả đó hiện hình ra bề ngoài, từ cái tiếng nói lúc nào cũng vội vàng, từ cái dáng đi lúc nào cũng hấp tấp, nửa thân trên đâm chúi về đằng trước, như chạy. Cái hình ảnh mà mẹ tôi thường dùng để diễn tả cái thân phận của những người đàn bà về làm dâu họ Nguyễn, cũng như những người đàn bà họ Nguyễn xuất giá – như trường hợp cô Cả – là cái hình ảnh rất tục ngữ đó của một hạt mưa sa. Hạt vào ruộng móc. Hạt ra vườn đào. Đó là hình ảnh một định mệnh tùy thuộc vào may rủi, vào hồng phúc, vào thiên số. Của một đời sống thiếu vắng hoàn toàn mọi điều kiện chủ động. Và cô Cả tôi đã là cái hạt mưa xấu số rơi vào ruộng móc đó là cái hoàn cảnh, cái đời sống tối tăm cùng khổ của người chồng cô, đời sống tối tăm cùng khổ của những người đàn ông sinh trưởng, lớn lên và chết đi trên những thước đất cằn cỗi của một xóm nghèo, mà mọi đổi thay tốt đẹp chỉ có thể thực hiện bằng bỏ đi, bằng xuất ngoại, bằng ly hương, bằng lập nghiệp ở những địa phương khác, dưới những vùng trời khác.

Được may mắn vào gia đình một người đàn ông họ Nguyễn đủ can đảm xuất ngoại và tạo dựng được một địa vị, một cơ nghiệp – là cha tôi – những kẻ xa làng là chúng tôi chỉ họa hoằn, thường là vào mỗi mùa xuân, mới trở về quê cũ một lần. Nhưng những lần hồi hương hiếm hoi cũng đủ để tôi không thể nào xóa bỏ được trong trí tưởng, ấn tượng về đời sống trần trụi, nếp sinh hoạt cùng cực của cái thôn xóm nằm dưới chân đê Hồng Hà kia.

Những vũng nước tù, những ao bèo, những con đường sống trâu lầy lụa, những mái tranh xiêu đổ, những bụi tre xơ xác gió lộng, và những bóng người lầm than, lủi thủi, vất vưởng, lay lứt trên cái bối cảnh tối xám đến độ choáng váng. Người làng không có ruộng đất, cũng không có một nghề nghiệp đáng kể, đủ để trở thành một sinh kế nuôi thân. Lợi tức độc nhất hàng năm trông hoàn toàn vào số lượng ngô bắp ít ỏi mong manh của mấy thước bãi nổi bên kia bờ đê, lợi tức đó chỉ cần một đêm nước lớn dâng lên phủ kín khắp bãi là tiêu tán. Và mất mùa, và đói, thì người làng, từ cụ tiên chỉ đến thằng mõ, lại quay vào cái nghề thủ công lỗi thời và cùng khổ nhất: làm vàng. Chồng cô tôi chính là một điển hình của những bóng người lủi thủi lầm than đó vì thiếu điều kiện, thiếu tham vọng, bạc nhược, an phận, nên đã sống rất già và chết rất trẻ bên đống vàng giấy rẻ tiền. Cho tới Quảng, Quảng cũng lớn lên và cũng sống cái tuổi ấu thơ của Quảng trong cái cảnh ngộ tối tăm, kín đặc, không một lối thoát này. Quảng hơn tôi mười hai tuổi. Hình ảnh mà tôi giữ được của Quảng ở những ngày tháng trẻ dại của mình, cái vóc dáng xanh yếu, khuôn mặt nhẫn nhục của một người anh họ ngồi xổm bên những chồng nứa chẻ nhỏ, những thếp giấy bồi, chậu hồ bột nếp, lúng túng ngượng thẹn đứng dậy khi chúng tôi ầm ĩ kéo tới, và cái ngước mắt buồn rầu chứa đầy của Quảng buổi chiều từ cổng làng nhìn lên mặt đê cao, khi chúng tôi lên xe trở lại với ánh sáng và đời sống rực rỡ của thành phố.

Cha tôi thấy Quảng thông minh, khuyên cô tôi cố gắng cho Quảng ăn học đến nơi đến chốn, điều mà cô tôi nghe theo. Nhưng tới được ban Thành Chung, Quảng cũng phải bỏ học. Ít lâu sau đó, Quảng đã hai mươi tuổi – trong ý định chia sẻ một gánh nặng gia đình chồng chất đã quá lâu trên đôi vai gầy yếu và đơn độc của người chị xấu số, cha tôi đã về tận làng đón Quảng xuống ở cùng với gia đình tôi, trả lương tháng cho Quảng để gửi về giúp cô tôi, bằng cách giao cho Quảng trông nom sổ sách kế toán, và buổi tối, kèm thêm chúng tôi học. Sống dưới mái gia đình tôi, Quảng đã làm mọi công việc được giao phó một cách chu đáo và có lương tâm, điều khiến cho cha tôi rất đỗi hài lòng, và đã khiến mẹ tôi – lúc nào cũng nhìn đời như “đũa có đôi” – tính đến chuyện thay quyền cô tôi gây dựng cho Quảng. Đã trưởng thành, nhưng bản chất không đổi thay, giữa chúng tôi, Quảng vẫn là kẻ xa lạ đó, lầm lì, tư lường, ít nói, những xúc động và ý tưởng thầm kín bị đánh chìm xuống tận đáy cùng một nội giới u uẩn, sự biểu tỏ ra bề ngoài, chỉ là sự cách biệt và cái thái độ im lặng, cái thái độ hư vô, mơ màng những phút Quảng cúi đầu đi đi lại lại hàng giờ ở khoảng sân vắng sau nhà, những đêm tôi chợt thức giấc, nhìn thấy bóng Quảng trên khung cửa sổ nhìn đăm đăm trên nền trời sao, những buổi chiều Quảng một mình đi qua chiếc cầu nhỏ sang con đê bên kia sông, cái bóng nổi lên vòm trời như một tháp chuông cô độc.

Tuy vậy, ở cái con người lầm lì trầm mặc đó, đôi khi đã bất chợt nổi dậy những phút cáu kỉnh, những cơn giận dữ khủng khiếp. Và khi giận dữ, Quảng biến đổi hoàn toàn đến độ mất tự chủ. Đôi mắt Quảng đỏ ngầu. Tay chân Quảng run bắn, miệng Quảng sùi bọt mép, mặt Quảng tái nhợt. Như một người điên.

Đó là những lúc mà, đang đắm chìm ngây ngất trong cái thế giới ảo tưởng của mình, Quảng bị chúng tôi tới phá quấy, làm rộn, hoặc chế giễu, Quảng ưa mơ mộng và có thói quen vừa mơ mộng vừa đi đi lại lại. Những lúc đó Quảng ở trên mây, khuôn mặt đờ đẫn như bị mê hoặc bởi chính sự mơ mộng của mình, những lúc đó, Quảng hoặc vừa đi đi lại lại, hoặc vừa khe khẽ ngâm thơ. Và chỉ cần chạy đến ôm chầm lấy Quảng, hoặc đùa nghịch ầm ĩ quanh người Quảng, làm thức tỉnh Quảng khỏi dòng mơ mộng triền miên liên tục của Quảng, là đủ để Quảng cáu lên như một người điên, và chắc chắn là kẻ đó sẽ ăn những cái tát nên thân. Một trong những câu thơ tôi nhớ Quảng thường ngâm ngợi là câu này, mà chỉ rất lâu về sau tôi mới biết là thơ của Lưu Trọng Lư:

Ước gì thuyền đậu ngoài muôn bến.

Tôi nhớ có một lần đã hỏi Quảng về câu thơ đó: “Ngoài muôn bến là cái gì, anh Quảng?”, “Ngoài muôn bến là là… hừm, hừm…”. Quảng có vẻ muốn cắt nghĩa cho tôi hiểu, nhưng liền đó Quảng đã cau mặt gắt lớn mắng tôi là trẻ con biết gì mà hỏi và đuổi tôi đi học bài. Bây giờ, nghĩ lại về Quảng, tôi mới biết cái hình ảnh “ngoài muôn bến” của câu thơ cũ chính là hình ảnh nỗi mơ ước trừu tượng, niềm ám ảnh siêu hình của Quảng, và câu thơ đã cắt nghĩa ở một khía cạnh nào đó cho cái quyết định lìa bỏ gia đình tôi của Quảng, lúc bấy giờ.

Sống với chúng tôi được ngót hai năm, bỗng nhiên một hôm Quảng xin cha tôi cho phép được nghỉ việc, lấy cớ là về làng thăm mẹ và lũ em nhỏ. Cha tôi bằng lòng nhưng dặn Quảng phải trở lại. Nhất là mẹ tôi, mẹ tôi bắt Quảng hứa phải trở lại, bởi đã dấm sẵn được một chỗ cho Quảng và muốn hỏi cái “chỗ ấy” cho Quảng. Quảng vâng dạ. Nhưng Quảng về mà không trở lại. Cô tôi mếu máo, khóc lóc báo tin cho cha mẹ tôi biết, Quảng đã xuống một chiếc tàu biển, đi theo đoàn mộ phu đồn điền cao su vào Nam kỳ.


*


Chiếc xe hàng tắt máy đậu lại trước một túp lều dựng sát mặt lộ, đầu một lối đi vào. Một dãy nhà lá lụp xụp gối lên nhau chạy dọc theo lối đó, đối diện với cánh rừng cao su phía nhà máy bên kia với những mái ngói đỏ chói nổi bật trên nền lá xanh đậm. Bà cụ hàng nước bảo tôi “thầy Quảng” ở căn nhà cuối dãy. Tôi đi vào, những chiếc xe ben vừa chở gỗ qua đây, những vết bánh chở nặng lún xuống còn in hằn trên mặt đất ẩm ướt. Suốt lối đi, những đứa trẻ con trần truồng ngồi chầu hẫu trên những chiếc vỏ xe cũ vất ngổn ngang từng đống lớn. Nắng bùng dữ dội. Không khí chập chờn choáng váng. Đến trước một tấm phên nứa mà nước mưa đã làm thành những tảng rêu loang lổ khắp bốn góc, tôi đứng lại. Tôi cất tiếng gọi lớn: “Anh Quảng, anh Quảng”. Tiếng chân người lệt xệt kéo lết trên nền đất bên trong, một bàn tay thò ra đẩy tấm phên, tấm phên nhích đi để lộ một khoảng trống hẹp, khoảng trống hẹp đó đã đủ cho tôi nhìn thấy người đứng trước mặt là Quảng.

Tôi còn nhớ, mãi mãi, cái cảm giác của tôi lúc bây giờ, là một nhói buốt kinh hoàng ở ngực, sự nhói buốt đau đớn đâm suốt vào tim như một chiếc gai. Qua bao nhiêu năm, tôi vẫn nhận được Quảng, nhận được ngay, tức khắc, sự đổi thay lạ lùng của Quảng, nó hiện hình ở khuôn mặt Quảng. Chưa từng ở một người nào, chưa bao giờ, tôi lại nhìn thấy, lại có một bằng chứng cụ thể về sức tàn phá hủy hoại ghê gớm, khủng khiếp của cái mà người ta vẫn gọi tuổi tác và thời gian, nhưng không phải, không phải vậy, không phải tuổi tác và thời gian. Mà chính là sức tàn phá hủy hoại của chính sự sống, khi sự sống không còn là một nguồn nuôi dưỡng, khi sự sống chỉ còn là một sức tàn phá dã man, mọi rợ, cái sức tàn phá của con rắn độc mổ mãi, mổ mãi không thôi vào mắt vào mũi, của những giọt cường toan cháy sèo, cháy sèo, mãi mãi, không thôi vào trán vào miệng và bây giờ là sức tàn phá đó đã để lại đầy đặc kín khắp những vết thẹo kinh khủng.

Trong ý tưởng gặp lại một người đứng tuổi tôi đã đứng trước mặt một ông già. Và sự già nua này cũng khác thường, rùng rợn. Nó tạo cho tôi cái cảm giác lạnh ớn, tôi đã xem một cuốn phim quái đản nào đó, của một khuôn mặt trước một phút thanh niên, trẻ trung, một phút sau đã biến hình, tất cả những nếp nhăn nhất loạt hiện ra, tất cả những đường máu đường gân đồng loạt rút mất, của một trái xanh thoắt chợt méo mó, nhăn nhúm, thối rữa và rụng xuống. Quảng mang trên mặt Quảng cái khuôn mặt đó, cái khuôn mặt của một sự già nua thê thảm hiện hình, cái khuôn mặt hãi hùng của cái chết thê thảm hiện hình, cái khuôn mặt hãi hùng của cái chết phơi bày toàn vẹn nhất, đầy đủ nhất, kinh dị nhất trên khuôn mặt của một kẻ còn sống.

Tôi không gặp Quảng đã ba mươi năm. Nhưng điều đó chẳng chứng tỏ gì hết. Giá có là ba trăm năm sau, tôi vẫn không thể nào ngờ Quảng có thể đổi khác đến như vậy.

Cố gắng lắm, tôi mới tạo được một nụ cười và hỏi Quảng:

“Anh Quảng còn nhớ tôi không nào?”

Đôi mắt đục đỏ của khuôn mặt tàn phá nhìn tôi trong cái nhìn đờ đẫn, mệt nhọc, Quảng lắc đầu: “Không”, Quảng nói, giọng khàn khàn, rồi Quảng cúi gập xuống trong cơn ho rũ rượi. Tôi đành phải nói tên tôi và vẫn chưa đủ, phải nhắc đến tên thầy tôi, lúc đó Quảng mới biết. Quảng à à mấy tiếng, đoạn né sang một bên cho tôi bước vào. Căn buồng tối mờ mờ, hơi lạnh từ mặt đất toát lên. Một cái tủ áo mất cả hai cánh, quần áo ném ngổn ngang trên những ngăn trống. Một chiếc chõng tre thấp và một chiếc giường còn buông màn kín mít, tấm mùng tối bẩn như căn buồng thiếu ánh sáng. Một cái bàn gỗ, hai cái ghế, trên mặt bàn để một ấm bình tích nước, mấy cái chén lổng chổng, một ngọn đèn dầu, ánh lửa trắng bệch.

Chúng tôi ngồi xuống chiếc chõng tre. Dọc đường, nhớ lại câu thơ mà Quảng vẫn ưa thích, “Ước gì thuyền đậu ngoài muôn bến”, tôi đã định bụng gặp lại Quảng sẽ nhắc lại để trêu Quảng, nhưng tôi không còn can đảm nữa. Người anh họ mơ mộng ngày trước đã lùi rất xa rất khuất sau cái ông già, kẻ lạ mặt đang ngồi trước mặt tôi, và thú thực, phút này, tôi đã muốn đứng dậy ra ngoài, tôi đã muốn bỏ đi thật mau, để may ra còn giữ được một phần nào cái ấn tượng muốn giữ về Quảng nếu không là muộn quá.

Tôi hỏi Quảng:

“Anh vẫn mạnh?”

“Dạ, tôi vẫn mạnh”. Quảng trả lời và lại im lặng ngó xuống bàn tay, bàn tay mà tôi đã nhìn thấy những ngón gầy quắt, run run của người mắc chứng động kinh. Đó là những ngón tay lẩy bẩy của kẻ nghiện rượu đến cái độ rượu đã hành hạ đã hủy hoại mãnh liệt cơ thể. Không muốn kéo dài sự im lặng bắt đầu trở nên nặng nề, tôi vào thẳng câu chuyện:

“Chúng tôi vừa nhận được thư cô Linh…”

“Chú nói lớn một chút”. Quảng đã ngắt lời tôi, và lấy tay chỉ vào tai: “Chú nói nhỏ tôi nghe không thấu chú à!”

Tôi ngẩn người. Thảm thật. Quảng già, Quảng còn điếc nữa. Tôi đành ngồi xích lại, và đằng hắng lấy giọng, tôi nói lớn vào tai Quảng là chúng tôi đã nhận được thư cô Linh, và Đường cho tôi lên đây đón thằng Khôi về cho ăn học cùng với lũ con Đường. Lúc đó, Quảng mới nghe rõ. “À, vâng, thằng Khôi”. Nhìn ra mảnh vườn cao su lúc đó đã im sững trong nắng đứng bóng như tìm kiếm, Quảng lẩm bẩm: “Quái, nó lại chạy đâu mất rồi”. Và quay lại tôi: “Vâng vâng, chính thế, chính thế, tôi muốn phiền các chú trông nom giúp tôi thằng cháu. Tôi muốn phiền các chú… tôi muốn phiền các chú…”

Thân hình Quảng cúi gập lại như có một sức nặng vô hình đè xuống và Quảng cứ lắp bắp nhắc đi nhắc lại: “Tôi muốn phiền các chú, tôi muốn phiền các chú…” cho đến khi Quảng ngửng lên, đôi mắt đục đỏ của Quảng đã giàn giụa. Trên những khóe mắt mệt nhọc, dòng lệ dềnh lên, tràn đầy, ứa ra, lăn chảy từ từ thành vệt xuống khuôn mặt tàn phá. Quảng khóc, và ngồi nhìn Quảng khóc, tôi thấy hiện lên dần dần như một sự đổi thay ở Quảng. Tôi thấy tôi lầm. Sức hủy hoại đời sống ghê khiếp thật, nhưng không toàn thể, tận cùng như tôi đã tưởng. Trên những nhà cửa đổ nát tan tành dưới trận giông bão cuồng nộ, tôi vừa nhìn thấy ở cuối đáy cái góc vườn tâm hồn của Quảng, một nhánh cây non, nhánh cây đó vẫn sống, rất khỏe, và rất xanh. Nhánh cây đó, mọc dần theo dòng lệ chảy, đang làm tươi mát lại – như một trận mưa đầu mùa – cái khuôn mặt sa mạc héo hon của người anh họ tôi.

Nhắc đến thằng Khôi, đến đứa con độc nhất, Quảng đã chạm tới cái phím đàn chùng cuối cùng trong hệ thống những đường tơ cảm xúc đã tê liệt đã yên nghỉ của Quảng, thắp lên cái ngọn nến cuối cùng còn cháy sáng leo lét trong cái tâm linh, đen đặc của Quảng. Trước đối tượng của một niềm ăn năn, hối hận và thảm sầu vô cùng tận, người cha trong Quảng đã sống lại. Sự sống là một hồi sinh đau đớn. Nhưng Quảng đã sống trở lại, với nó.

Chắc đã lâu lắm, Quảng mới được khóc như vậy. Tôi nghĩ, tốt hơn là để mặc cho Quảng khóc. Những giọt nước mắt ấy tốt và cần cho Quảng. Nghĩ vậy, tôi đứng dậy đi ra cửa, nhìn ra ngoài. Cánh rừng cao su trước mặt ngút ngàn chạy dài, ánh nắng đứng lại trên những tàn lá dầy như môt cái mái chói lòa lấp lánh, không lọt được xuống dưới, thảm cỏ xanh nõn trải qua những gốc cây cách quãng đều đặn. Cổng vào nhà máy vắng tanh. Một toán phu ngồi quây quần ăn cơm trưa trên một khoảng đất trống. Những cánh bướm bay lượn chập chờn cuối lối đi mở vào cánh rừng già. Yên lặng, bát ngát, buổi trưa lớn ngủ thiếp.

Tôi đảo mắt nhìn toàn thể khu đồn điền thâm tâm chợt nổi lên sự so sánh đời sống thoi thóp tàn lụi trong cái nắng chói chang thiêu hủy dần dần với sự thoi thóp tàn lụi của đời Quảng. Như một chôn vùi, một lãng quên nghẹn ngào. Còn thuyền ước muốn được “đậu ngoài muôn bến” đã bỏ dở cuộc hành trình mộng tưởng ở chốn này, những khoang thuyền mục nát đã nằm gối đầu mà chết trên bãi khô của hòn đảo hoang vu, và những phiến gỗ thoi thóp thở dài thì vẫn không thôi nhớ thương những đại dương và những vùng trời sao không bao giờ biết đến.

Tôi còn đang bâng khuâng với cái ý nghĩ buồn rầu đó về đời Quảng, bỗng hiện ra ở đầu đường một đứa nhỏ. Nó từ phía quán nước chạy về, vừa chạy tới vừa thở. Thấy tôi, nó đứng sững lại. Đầu nó đội một cái mũ cối to vành đã rách, tay nó cầm một chai rượu và một gói lá chuối. Tôi tránh ra cho Khôi – bởi chính là nó – bước vào. “Cháu Khôi đấy”. Tiếng Quảng nói sau lưng tôi. Tôi lại gần mỉm cười xoa đầu nó, “Khôi bỏ mũ xuống. Chạy đâu mà dữ vậy?”. Trong cái không khí nhợt nhạt, tiều tụy của căn nhà, sự có mặt của đứa nhỏ như một vết sáng rực rỡ chiếu vào và làm sáng lên. Trán nó lấm tấm mồ hôi. Khuôn mặt tròn hoay rám nắng đen cháy. Tay chân mập mạp trông thật thích mắt. “Chào chú đi thằng này”, Quảng nói. Khôi nhìn bố, rồi nhìn tôi trân trân, nhưng không chào. Nó đặt chai rượu xuống, đi lại phía cái rổ ở góc nhà lấy hai cái đĩa mang để lên mặt bàn, đoạn tháo dây lạt buộc gói lá chuối, nó đổ những miếng thịt lợn ba chỉ thái mỏng lên chiếc đĩa lớn. Xong đâu đó, nó đi lại đầu giường. Cúi mọp xuống, nó lôi ở gầm giường ra một cái hũ sành. Bưng cái hũ lại bàn, nó nâng hũ lên ngang tầm ngực, đổ một ít lạc rang lên cái đĩa nhỏ, đoạn đậy hũ lại và lại mang để vào chỗ cũ.

Trong suốt thời gian dọn bữa rượu hàng ngày cho bố, Khôi không nói một tiếng, cũng không hề nhìn tôi. Dọn xong, nó lại ngồi xuống ở một góc phản. Tôi nghĩ thầm: “Thật con nào bố nấy”, và mỉm cười bảo Quảng: “Thằng cháu lầm lì tệ”. Quảng nhếch mép, ngó con: “Tính nó vẫn thế đó”. Tôi hỏi nó: “Cháu đã ăn cơm chưa?”. Nó nhìn tôi nhưng vẫn không hé răng khiến Quảng phải đỡ lời con: “Chú mặc cháu, Nó ăn rồi. Thôi ra ngoài chơi để thầy và chú uống rượu”.

Khôi bỏ đi rồi, tôi ngồi vào bàn với Quảng. Quảng nhắc chai rượu, những ngón tay Quảng run lật bật khiến tôi phải đỡ vội lấy. Mầu rượu trắng đục lờ lờ trong chiếc ly cáu bẩn. “Mời chú dùng tạm”. Quảng nói như xin lỗi và đưa ly lên môi. Tôi hỏi: “Anh uống nhiều lắm nhỉ?”. Quảng gật, và lại uống tiếp. Có rượu Quảng như sống lại, đôi mắt đỏ sọng những tia máu ngang dọc. “Chú không uống?”. Tôi lắc đầu. Một lát, Quảng đã ngà ngà:

“Tôi bị nó ” – Quảng chỉ vào chai rượu – “đã mười mấy năm nay, bây giờ giá có muốn bỏ cũng không được nữa. Đời tôi sớm muộn rồi cũng chết rụi ở cái xó rừng này, bỏ làm gì. Quảng như thì thầm với chính mình. Còn thằng nhỏ, còn thằng nhỏ…” Quảng ngửng lên nhìn tôi, mái tóc rũ rượi trên khuôn mặt mà men rượu càng làm nổi bật những dấu tích tàn phá thê thảm, Quảng nói tiếp như khóc:

“Nó cứ sống mãi với tôi rồi đời nó cũng đến đốn mạt như đời tôi mất thôi. Tội nghiệp cho nó. Mẹ mất sớm, bố thì rượu chè bê tha thế này. Nhờ các chú làm ơn trông nom, nuôi dưỡng cho nó thành người, tôi đội ơn các chú. Nó cứng đầu cứng cổ lắm. Các chú phải dạy bảo nghiêm khắc sau này nó mới khá được”.

Tôi chỉ còn biết tìm lời an ủi Quảng. Người anh họ tôi, mà một điểm sáng le lói cuối cùng của lương tâm vừa chiếu sáng trong một thức tỉnh ngắn ngủi đau đớn, như những chiếc phao vừa dềnh lên đã lại đắm chìm tức khắc dưới mặt biển giông bão. Quảng gục đầu xuống, và men rượu nồng nặc, choáng váng lại lịm dần, từng mảnh một, những mảnh vỡ vụn của một đời sống tàn tạ.

Một lát sau, Khôi trở về. Tiếng động làm Quảng ngửng lên. Quảng gọi con lại gần. “Con thu xếp quần áo về Sài Gòn với chú”. Tôi lo lắng nhìn thằng nhỏ, chờ đợi sự kinh ngạc và sự giẫy giụa khóc lóc của nó. Nhưng không. Khôi yên lặng đi nhặt nhạnh quần áo xếp vào một chiếc bị cói. Thái độ nó bình tĩnh như một người lớn. Tôi đoán Quảng đã bảo cho con biết từ trước. Không muốn kéo dài những giây phút đối với Quảng khổ sở như một cực hình, thằng nhỏ vừa xếp xong quần áo là tôi đứng dậy, xin phép Quảng được ra xe ngay. Quảng đứng tựa lưng vào tấm phên, nhìn chúng tôi đi. Tôi bắt tay Quảng và nắm lấy tay Khôi: “Đi cháu”. Nó đi theo tôi nhưng giằng tay ra. Cái mũ cói đội lệch trên đầu, Khôi đi giật lùi. Nó vừa đi giật lùi, vừa đăm đăm nhìn lại bố nó như thế, mắt ráo hoảnh, cho đến khi ra đến đường lớn. Suốt dọc đường, tôi thử gợi chuyện vài lần nhưng vô hiệu. Nó ngồi thẳng, hai tay ôm chặt lấy chiếc bị để trên đùi, mặt quay nghiêng, nó yên lặng ngó ra ngoài và giữ mãi dáng điệu đó cho tới khi chúng tôi về tới thành phố.


*


Khôi không về đã hai ngày. Buổi sáng thứ hai, ăn điểm tâm xong, nó lấy cặp, đội mũ đi học, với lũ con Đường như thường lệ, nhưng đến trưa, ngồi vào bàn ăn, chúng tôi nhận thấy ngay sự vắng mặt của nó. Hỏi, thằng con lớn của Đường nói nó thấy Khôi lần cuối cùng ở cổng trường, trước khi vào lớp – hai đứa học khác lớp nhau – lúc tan học nó có ý chờ Khôi cùng về nhưng không thấy, lại tưởng Khôi đã về nhà từ trước. Đến ba giờ trưa thì chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo ngại thật sự. Tôi vội vàng mặc quần áo tới trường, ở đây tôi được người thầy học Khôi cho biết nó không hề tới lớp từ buổi sáng, ông lại tưởng nó đau và nghỉ học. Từ trường đi ra, tôi thuê xe đến thẳng nhà mấy người cô và chú họ chúng tôi, những nơi tôi và Đường thường hàng tuần lui tới và đã có một vài lần đem Khôi đi theo. Nhưng ở nơi nào mọi người cũng đều lắc đầu nói không trông thấy bóng dáng thằng nhỏ.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn thấy có già Lâm, già Lâm là thân sinh người mẹ xấu số của Khôi, (sau này tôi mới biết mẹ Khôi đã chết vì một tai nạn khủng khiếp ở đồn điền cao su), và xuống đó. Nhưng ông lão miền Nam hiền lành chất phác này cũng không đem lại một tia sáng mới nào. Cái hy vọng cuối cùng tan biến, tôi đành trở về nhà thuật lại đầu đuôi cho Đường về những kiếm tìm vô hiệu quả trong suốt một ngày ròng rã. Và đến buổi tối, thì lo lắng nhìn nhau dưới ánh đèn, chúng tôi chỉ còn có thể đi đến một kết luận: Khôi đã đi lạc, hoặc nó đã gặp phải một tai nạn lưu thông nào đó.

Hết ngày hôm đó, sang buổi sáng và buổi chiều hôm sau, tôi dành tất cả thời giờ vào việc đến hỏi thăm tin tức về những người mới bị thương được chở đến các bệnh viện, các trạm cấp cứu công cộng ở đô thành và các miền phụ cận, một mặt khác, gặp ai quen biết tôi cũng lưu ý kiếm tìm giùm.

Nhưng rồi lại thêm một ngày nữa qua đi trong hoài công. Khôi vẫn biệt vô tăm tích.

Đến chín giờ tối, cảm thấy mệt mỏi, chán nản và bất lực hoàn toàn trước sự mất tích của đứa nhỏ, tôi nghĩ không có cách nào hơn là đến thẳng quận cảnh sát.

Sau khi đã cắm cúi ghi những đặc điểm về vóc dáng, mặt mũi, phục sức lên một mảnh giấy nhỏ, người cảnh sát đặt bút ngẩng lên hỏi tôi:

“Ông nghĩ thằng nhỏ có thể đến một địa chỉ nào đó không? Một người bà con, một người bạn nó chẳng hạn?”

Tôi lắc đầu và vắn tắt thuật lại hai ngày kiếm tìm vô hiệu quả của mình.

“Thằng nhỏ là con một người anh họ ở xa gửi về nhờ các ông nuôi giùm?”

Tôi gật đầu. Y nhìn tôi gật gù:

“Hừ, nuôi giùm. Ông cho tôi biết sự thật: nó có bị bạc đãi hắt hủi bao giờ không?”

Đang mệt mỏi, bực bội, ý nghĩa của câu hỏi làm tôi nổi nóng. Tôi quắc mắt:

“Ông nghĩ về gia đình tôi thế nào mà cho rằng nó bị bạc đãi hắt hủi”.

Thấy tôi nổi đóa, người cảnh sát mỉm cười đứng dậy:

“Câu hỏi này chỉ có tính cách nghề nghiệp, ông đừng vội hiểu lầm. Thôi được, ông cứ về. Chúng tôi sẽ loan báo cho các quận. Có tin tức gì mới lạ, sẽ liên lạc với gia đình ông ngay”.

Ở quận cảnh sát đi ra, tôi nhìn đồng hồ: đã mười giờ đêm. Tôi châm một điếu thuốc và cái đầu chậm chạp bước đi trên hè đường. Qua những rạp chớp bóng, những tiệm giải khát, những ngã tư nhộn nhịp xe cộ, nhìn những bầy trẻ nhỏ hớn hở ngồi giữa bố mẹ chúng, trước những cốc kem nhiều màu có ngọn, nhìn những gót chân lẫm chẫm băng qua đường trong sự dẫn dắt của những bàn tay người lớn, tôi nghĩ đến nó. Đến cái câu hỏi đầy mỉa mai của người cảnh sát. Đến sự có mặt của Khôi trong gia đình tôi những ngày tháng vừa qua. Đến cái trách nhiệm của tôi đối với Đường. Đến cái trách nhiệm lớn lao của người lớn đối với đời sống và tâm hồn những đứa nhỏ.

Tôi nghĩ lại, có một điều chắc chắn là Khôi không bao giờ bị bạc đãi, hắt hủi. Vậy cái nguyên nhân nào đã khiến nó bỏ đi? Và đi đâu? Tôi loay hoay tự hỏi với mình như thế và tự hỏi, tôi đã dần dần trở lại trong tâm trí cái thái độ kỳ lạ của nó, cái thái độ ấy đã có từ lúc nó đi giật lùi khỏi nhà, từ lúc nó lên xe, hôm tôi lên Trảng Bom đón nó về, thái độ ấy, trong cái không khí đầm ấm yên vui của gia đình Đường vẫn không thay đổi, vẫn nguyên vẹn, mà chỉ đến bây giờ tôi mới chợt khám phá thấy. Đó là cái thái độ rửng rưng cách biệt, ở ngoài, của một kẻ lạ mặt. Cứ một điệu ngồi thu mình bất động. Của một đôi mắt mở lớn ngó thẳng nhưng không hề ánh lên cái ánh lửa ham thích mừng rỡ trước bất cứ một điều gì. Tóm lại, của một cái thản nhiên, im lặng, lững lờ, đi qua, không phản ứng, không gia nhập.

Phải rồi, Khôi đã đến với thành phố, với người khác, với gia đình chúng tôi như thế đó. Trong cái thái độ của một kẻ, bởi không có quyền lựa chọn và tự định đoạt, nên không thể phản đối. Nhưng không phản đối không có nghĩa là nó đã chấp thuận, hoặc nếu có đi nữa, thì cũng chỉ là chấp thuận trong một hoàn cảnh, một giây phút, một thời kỳ nào đó mà thôi. Chứng cớ là sau đó, là bây giờ, nó đã lặng lẽ bỏ đi. Thu nhặt dần trong tâm tưởng từng cử chỉ, từng nét mặt, để thấy tổng hợp thành từ những cái đó, cái tư thái đĩnh đạc, chủ động, đẹp một vẻ đẹp vừa thư thái vừa trầm tĩnh của đứa nhỏ, điều khiến tôi kinh ngạc là cái tư thái đó đã có thể có được ở một tuổi nhỏ như nó, cái thân hình bé bỏng ấy đã mang một tâm trí, một kích thước ít thấy ở cả những người lớn, một sự trưởng thành không đợi tuổi, một ý thức vượt bực. Và sự trưởng thành và ý thức ấy đã soi sáng, đã điều động, đã tạo cho nó một con đường, một thế giới, một chủ định không đổi rời, không lay chuyển. Không, Khôi không gặp phải tai nạn nào đâu, nó cũng không lạc đường, không mất tích. Nó chỉ trở về, như một con chim, một loài cây với cái vòm trời, cái mảnh đất của nó. Nó chỉ trở về với cái điểm xuất phát, với cái bản thể, với cái tiếng réo gọi của chính nó.

Và tôi đã đoán được, không, tôi đã biết chắc được Khôi hiện ở đâu. Tôi yên tâm trở về nhà.


*


Chiếc xe hàng, vẫn chiếc xe hàng ọc ạch, cũ kỹ, chở tôi tới địa phận Trảng Bom và đậu lại ở đầu lối đi vào con đường nhỏ, đúng chỗ tôi đã bước xuống sáu tháng trước đây. Cái quán lá dựng sát mặt con lộ, bà lão già móm mém, cánh rừng cao su ngút ngàn thiêm thiếp trong nắng lớn vẫn còn đó. Tôi bước vào quán, tôi ngồi xuống chiếc chõng tre, tôi gọi một ly nước trà đường, và chỉ tay về phía cuối con đường nhỏ, tôi hỏi bà bán hàng:

“Thầy Quảng vẫn ở trong kia?”

“Dạ, phải”. Bà lão nhìn tôi và đáp.

“Đứa con giai của thầy Quảng đã về đây rồi chứ cụ?”

Chừng như lúc đó bà lão đã nhận ra tôi:

“Thầy là người mấy tháng trước đây lên đón nó về Sài Gòn đấy phỏng?”

Tôi gật và bà lão cũng gật theo:

“Thằng nhỏ đã về đây được hơn một tuần rồi. Bộ thầy lại muốn lên kiếm nó về nữa sao?”

Tôi mỉm cười lắc đầu trong khi bà cụ chép miệng:

“Con nít có khác, dại nghếch. Ở đây khổ chết chứ sung sướng gì. Chắc nó trốn về không cho thầy biết phải không?”

Tôi lại mỉm cười lắc đầu và tôi trả lời bà lão là Khôi không trốn, Khôi không trốn ai hết. Sau đó, bà lão thuật lại cho tôi nghe, hôm Khôi về, xe chưa kịp ngừng nó đã nhảy xuống và chạy bay vào con đường nhỏ. Đến buổi chiều thì mọi người thấy Quảng và con đi ra. Người cha vừa cười vừa khóc, còn thằng nhỏ thì nghiêm trang dắt tay bố nó như một người lớn, rồi hai bố con dìu nhau đi dạo khắp khu vườn cao su.

Cũng từ hôm đó, theo lời bà lão, đã có một đổi thay lớn lao không ngờ đến cuộc đời tưởng như đã vĩnh viễn tàn lụi của Quảng – Quảng ôm lấy con, Quảng thề độc sẽ bỏ rượu, Quảng đã bỏ được rượu và Quảng đã xin được làm việc trở lại trong nhà máy cao su của đồn điền.

Tôi từ biệt bà lão và trước khi lên xe trở về, tôi đứng ở đầu con đường nhỏ nhìn vào. Con đường chạy dài dưới ánh nắng đứng bóng, bên những hàng cây ngút ngàn thẳng tắp như một đời sống, một trạng thái bình yên. Con đường đó như gắn liên với bóng nắng ấy, những hàng cây ấy, như một toàn thể hòa đối không thể tách lìa, không thể đổi khác. Con đường phút đó như có hẳn một đời sống, một chủ định, một thái độ. Nó đẹp một vẻ đẹp bất khả xâm phạm. Tôi quay gót lại, và tôi nghĩ, tôi nghĩ đến một người cha, tôi nghĩ đến một người con. Nghĩ rằng trên cái trang sách lớn của đời sống tôi đã nhận được rất nhiều bài học quý giá, nhưng đây là lần đầu tiên, cái con người lớn ở tôi đã nhận được một bài học thật quý giá viết bằng những ngón tay của một đứa trẻ nhỏ.

NGUYÊN VŨ * MAI THẢO

MAI THẢO CÒN ĐÓ MỘT ĐỜI
NGUYÊN VŨ

LTS-Mai Thảo tên thật Nguyên Đăng Quý, sinh ngày 8.6.1927, tại Nam Định. Hỏi vì sao có cái tên Mai Thảo, chính Mai Thảo không hay biết nữa: “Lấy là lấy chứ chẳng biết tại sao. May lúc lấy bút hiệu vì một lý do gì đó, lâu quá tôi quên. Nhưng chắc không có lý do gì hết. Cái tên Mai Thảo đến với tôi một cách ngẫu nhiên.” Có lẽ vì tính cách độc đáo đó trong lối nghĩ, lối nhớ mà con đường cầm bút của Mai Thảo khác nhiều người khác. Mai Thảo yêu văn chương hồi còn cắp sách. “Ngày xưa thi ca tiền chiến là một khám phá bàng hoàng cho tuổi trẻ của tôi, tuổi lãng mạn và mơ mộng nhưng ít thấy ở tuổi trẻ bây giờ. Hồi đó tôi muốn viết văn, làm thơ như những nhà văn, nhà thơ tiền chiến tôi yêu thích.” Ra trường Mai Thảo và mấy người bạn cùng lớp hẹn nếu có điều kiện sẽ ra một tờ báo. Bấy giờ năm 1945 ở Hà Nội tờ tuần báo của Mai Thảo chỉ  ra được dăm số, lại chiến tranh chống Pháp. Ba, bốn năm sau trở về Hà Nội mới viết trở lại. Năm 1954 di cư vào Nam viết báo Dân Chủ, Người Việt Tự Do…sau chủ trương tạp chí Sáng Tạo - diễn đàn của những người làm văn nghệ thế hệ mới, dấn thân, yêu đời. Không bao lâu sau báo đình bản, tục bản được chừng bảy số, bộ mới thì chết hẳn. Mai Thảo tiếp tục đường lối cũ, xuất bản tờ Nghệ Thuật, đẹp từ nội dung đến hình thức nhưng vẫn không thoát khỏi Định Mệnh của tờ Sáng Tạo. Chủ trương tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng đến tháng 4.1975. Mai Thảo cộng tác với nhiều báo, chuyên viết truyện dài (feuilleton), được nhiều nhà xuất bản đặt mua trước, nên hễ truyện chấm dứt trên báo, là đã thấy bày bán trên thị trường. Chỉ trong vài năm số lượng tác phẩm đã chiếm một con số khá cao. Nhưng không vì thế mà  các tiểu thuyết của Mai Thảo có một nội dung thả lỏng, trái lại Mai Thảo không viết theo một khuynh hướng nào, không khai thác chuyên biệt một khía cạnh nào đến thành lối mòn như Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Qua Hoa Kỳ năm 1978, tục bản tạp chí Văn từ năm 1982. Năm 1983 được nhà văn nữ Jane Katz viết tới trong tác phẩm “Artists in exile” (Nghệ sĩ di lưu vong). (NT)
Tôi là một độc giả của Mai Thảo, nhóm Sáng Tạo, và hầu như tất cả các tác giả miền Nam, từ tuổi 15-17. Dù là học sinh ban Toán, trên trung bình, tôi ham đọc bất cứ lúc nào có thì giờ rảnh rỗi. Từ những tập kiếm hiệp mỏng dính Long Đầu Quái Khách, hay Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Người Đi Trong Mưa Gió của Nhất Linh – Khái Hưng, Thừa Tư của Khái Hưng, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, O Chuột của Tô Hoài, Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh thời tiền chiến, tới các truyện ngắn, truyện dài đăng từng kỳ trên tuần san, nhật báo. Ngay các bài ký sự, biên khảo phong tục địa phương ngắn của Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê...tôi đều đọc mê say. Dĩ nhiên, tôi cũng nuôi hy vọng có ngày trở thành nhà thơhay nhà văn. Diễn đàn của chúng tôi và các bạn cùng trang lứa (Nguyễn Đức Nam, Ngọc Hoài Phương...) là các tờ bích báo lớp, đặc san trường, và ngay các tuần san, nhật báo như Ngôn Luận, Tự Do...Nếu không vì sự giáo huấn của cha tôi, có lẽ tôi đã nhập ngũ hoặc vào làng văn, làng báo sớm hơn. Tôi làm quen với thế giới văn chương Mai Thảo qua những ký đăng trên tuần san Thế Giới Tự Do, tới những truyện ngắn và phóng tác trên các tờ Sáng Tạo, Tiếng Vang, Kịch Ảnhchủ nhiệm Quốc Phong đã mất tại Pháp ...Điểm đặc biệt của Mai Thảo là lối hành văn và dùng từ kiểu cách,“chữ nghĩa loảng xoảng. So với Nguyễn Tuân, Mai Thảo trẻ trung hơn, sinh động hơn. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn giữ được nguyên vẹn cảm giác bùi ngùi, xúc động về hình ảnh gã trai leo núi bỏ cuộc ở các thước cao điểm cuối cùng, khi đỉnh núi kề cận trước mắt. Hay tâm sự người thanh niên Hà Nội di cư, ngồi vắt chân chữ ngũ trong lòng chiếc cyclo, sống với bóng tối nhá nhem ánh đèn của Sài Gòn. Dĩ nhiên, truyện ngắn của Mai Thảo không tạo được các kích xúc của Trùng Dương, Linh Bảo, hay Phạm Nguyên Vũ, Lôi Tam, Nguyễn Mạnh Côn, Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, nhưng Mai Thảo lập cho mình một thế đứng riêng trong nền văn học“tự do” miền Nam. So với những Duy Lam của trường phái Nhất Linh, hay Võ Hồng, Võ Phiến, Mai Thảo có phần vượt trội.Gần chục năm sau, tôi mới có dịp gặp Mai Thảo. Từ báo quán Văn tới những phòng trà, quán rượu. Dù đã bước vào làng văn, làng báo, tôi và Mai Thảo có một khoảng cách nào đó. Tôi là một người lính tác chiến thực sự, mang những đôi giày vải và ống quần trận ố vàng phèn chua, bụi đỏ đi đo đồng ruộng Cà Mau và núi rừng cao nguyên trong khi Mai Thảo ngất ngưởng những cơn say tại Sài Gòn. Mai Thảo cũng hơn tôi gần một giáp, nên khoảng cách thế hệ là điều khó tránh. Nhưng thẳm sâu là một tài liệu khiến tôi không hài lòng - một người bạn cho xem bản sao giấy phép xuất bản báo của Mai Thảo do một người Mỹ đứng tên. Tôi chủ trương văn hóa, văn nghệ phải hoàn toàn độc lập với những thế lực chính trị. Nhưng tôi quên không xét đến vấn đề ngay chính sự tồn tại của miền Nam cũng do viện trợ Mỹ. Giống như miền Bắc, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng không lúc nào ngừng đồng ca lời cảm tạ “sự giúp đỡ” của Nga Sô, Trung Cộng cùng khối cộng sản anh em vĩ đại. Tố Hữu dạy thiếu nhi miền Bắc:Thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương mình, thương một, thương ông (Stalin), thương mười”

Giáo sư Vũ Khắc Khoan, ông thầy dạy chúng tôi nửa giờ sử mỗi tuần năm Đệ Nhất Chu Văn An, phần nào giúp tôi cởi bỏ thành kiến, nhìn Mai Thảo độ lượng hơn. Thân phận đích thực của chúng tôi, và chúng ta, chỉ là những con chốt qua sông. Những con ngựa chiến của chúa Trịnh, như một tác giả Nhân Văn Giai Phẩm kết luận. Chúng ta mê say, kiêu ngạo với đủ loại vũ khí giết người nhập cảng trên tay, quên đi một điều là ngoại cường luôn luôn có những lý do riêng để cung cấp hay bán chịu cho chúng ta những khí giới ấy. Mao Trạch Đông nói với đại diện cộng sản Việt Nam rằng “cứ tự do vay nợ Bắc Kinh, bao giờ có thì trả, không trả cũng được”- vì đã nắm sẵn tờ giấy nợ của Phạm Văn Đồng năm 1958, nhìn nhận biên giới do Bắc Kinh tự vẽ, không ngừng đàn hồi.

Những ngày đầu nhận mặt chiến tranh - sống giữa những lượn sóng xúc động vỡ bờ trước cái chết của một đồng đội, cùng thôi thúc của bản năng “giết hay bị giết” tôi chưa nghiệm hết sự bẽ bàng của kiếp Lê Dương trên chính quê hương mình. Nên không ngừng cao giọng hô hào người cùng trang lứa nhập cuộc chơi, với ảo vọng duy trì một miền Nam“tự do, dân chủ “. Từ năm 1965, đặc biệt từ sau năm 1967, khi thuyên chuyển về Nhảy Dù tôi có cơ hội sinh hoạt thường xuyên trong giới văn nghệ chuyên nghiệp. Hai nhật báo Thời Luận của Nghiêm Xuân Thiện và Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến do Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân phụ trách, khởi đăng ký Lửa Dậy U MinhNghiệp Đề Lô. Tuần báo Chiến Sĩ Cộng Hòavà nguyệt san Tiền Phong của Cục Tâm Lý Chiến cũng rải rác đăng thơ và ký. Nhưng điểm bứt phá có lẽ là Nguyễn Sĩ Nguyên của Tiểu Thuyết Thứ Năm và Hùng Phong của Chọn Lọc dành cho tôi chỗ viết thường xuyên, có trả tiền. Nhờ vậy ba tập sách đầu tay: Đời Pháo Thủ, Những Cái Chết Vô Danh, và Trở Về Từ CõiChết được chào đời. Nhà xuất bản của Đậu Phi Lục…đã giúp ba tác phẩm trên đứng vào hàng bán chạy tại miền Nam. Từ đó, tôi được Trương Hồng Sơn mời viết tiểu thuyết định kỳ cho Tia Sáng, tờ nhật báo bán chạy hàng đầu của miền Nam. Vòng Tay LửaThềm Địa Ngục, hai tác phẩm bán chạy nhất của tôi, được đăng từng kỳ trên tờ Tia Sáng. Tiếp đó, đến các báo tư nhân Tin Sớm của anh chị Nguyễn Ang Ca, Đồng Naicủa Huỳnh Thành Vị, Công Luận...Tôi cũng đồng ý cho tờ Saigon Post đăng từng kỳ Đêm Hưu Chiến, qua bản dịch của Trần Nhã [The Night of the Cease Fire]. Đây là thời gian tôi làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo miền Nam như Ngô Tỵ, Trọng Nguyên, Sĩ Trung, Ngọc Linh, Trần Tuấn Kiệt...Sở dĩ tôi được “nổi tiếng” nhanh phần lớn do sự gia tăng cường độ cuộc chiến, và đa số thanh niên đều bị nhập ngũ. Chiến tranh và đời quân ngũ trở thành nhu cầu tìm hiểu của đa số độc giả. Tôi cũng quyết định viết thật đơn giản, dễ hiểu cho những độc giả có mức độ phổ thông. Khoảng ba ngàn nhà cho thuê truyện trên toàn quốc đều tìm mua sách tôi. Nhờ vậy, sách được tái bản nhiều lần. Tôi cũng bước vào nghề xuất bản, khởi đầu tự in sách mình. Nhà xuất bản Đại Ngã tức Chân Nhân, mà có người giễu cợt là ngã to - còn giúp phổ biến sách một số bằng hữu như Mai Trung Tĩnh, Du Tử Lê, Thế Hoài, Thảo Trường...

Là tác giả thành danh đã lâu, Mai Thảo cũng viết tiểu thuyết định kỳ cho nhiều báo như Tiền Tuyến...Anh được mời vào ban giám khảo chấm thi giải “Văn chương tổng thống” hàng năm, giải thưởng do Tướng Edward Lansdale khuyến khích Nguyễn Văn Thiệu lập ra, thoạt tiên với mục đích tố cáo sự tàn ác của Việt cộng trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Nhưng tôi và một số nhà văn độc lập, kể cả anh Chu Tử, xếp loại như những miếng xương thừa mà tập đoàn cai thầu chiến tranh ném ra cho văn nghệ sĩ tranh nhau. Hai trong những người trúng giải đáng ghi nhận là nhà thơ Trần Tuấn Kiệt và nhà văn Xuân Vũ, một nhân viên hồi chính. Trần Tuấn Kiệt không thích đi lính, nên tấm huy chương giải thơ Tổng Thống giúp anh nhiều lần tai qua nạn khỏi khi bị chặn xét giữa đêm. Xuân Vũ, qua tác phẩm Đường Đi Không Đến, là một tác giả chống cộng có giá trị.

Sách Mai Thảo ra khá đều, do nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành. Tuy nhiên, trên thị trường, tôi và Duyên Anh vẫn là hai tác giả Bắc di cư được ứng tiền bản quyền cao nhất. Một người bạn làm kiểm duyệt ở Bộ Thông Tin có lần nhận được “món quà Xuân” hậu hĩ là bản thảo Uyên Buồn (để trao đổi lấy sự dễ dãi của lưỡi kéo kiểm duyệt). Điểm muốn nhấn mạnh là khác với những điều cả đoan của các nhà lý luận, phê bình văn học cộng sản khi nhận lệnh viết về “Vănhóa Mỹ-Ngụy”, nhu cầu thị trường đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa miền Nam. Không được độc giả ưa chuộng, khó có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Có độc giả là có mai mối của các nhà xuất bản lớn như Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai...tìm đến. Chỉ một thiểu số cây bút sống nhờ tiền lương và trợ cấp của Bộ Thông Tin, hay cơ quan Tâm Lý Chiến của quân đội và tòa Đại sứ Mỹ. Họ thường chỉ là những cây bút hạng nhì, hạng ba, kiếm danh vọng qua những màn xưng tụng, tâng bốc lẫn nhau trong những cuộc phỏng vấn tự viết, chẳng dính nhập gì nhiều với độc giả hay thị trường sách báo.

Từ hạ bán thập niên 1960, mắt nhìn của tôi về cuộc chiến bắt đầu thay đổi. Thời gian ngắn được biệt phái về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV giúp tôi cơ hội nhìn sâu hơn vào hậu trường chính trị miền Nam, và thực chất cuộc chiến. Quyết định trở lại Đại học Văn Khoa theo học Ban Giáo Khoa Triết Đông giúp tôi thoát khỏi bế tắc về tư tưởng. Tác phẩm của Trang Châu cùng kinh Phật mở ra cho tôi một nhân sinh quan mới. Binh nghiệp - nếu thân phận một sĩ quan trừ bị trong quân đội đáng gọi là binh nghiệp -bắt đầu tiến những bước giật lùi. Tôi ứa nước mắt ngậm ngùi nhớ đến những người bạn lính đã chết trong dạ tiệc “rửa mồ hôi lính” vào cuối năm 1967, và thắp lên ảo vọng được trở lại đời sống dân sự, nối nghề giáo thanh bần của cha tôi.

Nhưng chưa tròn một trăm ngày, tôi nhận được lệnh tái ngũ sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Thiếu tá Huỳnh Long Phi, chỉ huy trưởng pháo binh dù, miễn cưỡng đón nhận tôi trở lại. Tôi cũng chẳng vui thú gì ở những ngày cuối của giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bưng tai, bịt mắt cho xong mảnh bằng Cử Nhân Triết Đông, cũng chẳng yên. Cuộc bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu năm 1971 khiến tôi chẳng có một lựa chọn nào khác hơn phải nói lên thân phận chốt qua sông của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng không thể chấp nhận thái độ hèn nhát của Nguyễn Văn Thiệu khi đánh đổi chiếc ghế Tổng Thống nhiệm kỳ 2 bằng cách cho Bắc Việt duy trì quân chủ lực miền Bắc ở phía Nam vĩ tuyến 17. Một Dân biểu gốc thợ chụp hình tỉnh Quảng Đức báo cáo lên Nguyễn Văn Thiệu về những lời tuyên bố của tôi, trong một cơn say. Hơn một trăm dân biểu gia nô của cái gọi là quốc hội đưa thỉnh nguyện thư yêu cầu điều tra. Dương Hùng Cường, tức ký giả Dê Húc Càn - người sau này nổi danh với bài phiếm “Nếu chàng Trương Chi đẹp trai” - chỉ vì ngồi chung bàn rượu, cũng bị câu lưu điều tra bốn tháng trong Cục An Ninh Quân Đội. Rồi thuyên chuyển ra Sư đoàn 3 Bộ binh tại triền núi Hòa Khánh (Phước Tường) - cùng nhau, “Ta nương đời lính mà qui ẩn # Nghiên nửa càn khôn dưới đáy bầu”.

Thời gian này, Trần Phong Giao đã thay Mai Thảo nắm nguyệt san Văn, ông Nguyễn Đình Vượng đã ứng tiền mua một bản thảo mới của tôi. Thỉnh thoảng tôi gặp Mai Thảo đó đây, nhưng chỉ chào hỏi qua loa.

Đến mùa Xuân đen 1975. Tôi trôi dạt đến Eau Claire, một tỉnh nhỏ Bắc Wisconsin. Tạm biệt nghề văn, nghề báo, chú tâm vào sử học, để tìm hiểu về thực chất cuộc chiến ba mươi năm. Loáng thoáng nghe tin Mai Thảo bị kẹt lại, nhưng từ chối trình diện tù cải tạo. Sống lẩn lút ở Sài Gòn một thời gian, Mai Thảo trốn được qua Mỹ.

Mãi tới năm 1986-1987, khi từ Pháp trở lại Mỹ, tôi mới có dịp gặp lại Mai Thảo. Vẫn Mai Thảo với những cơn say túy lúy, và mắt nhìn cuộc đời đầy khinh bạc. Kiếp tằm nhả tơ, Mai Thảo không thể không viết. Không thể không ra báo. Còn làm thơ, thấy đời mình toàn những miếu đền. Tuổi đời và chứng nghiện rượu khiến Mai Thảo cay đắng, phẫn nộ hơn trong những câu ề à chửi đổng, hay công kích người cùng bàn. Nhưng Mai Thảo vẫn khôngg thay đổi ở thái độ văn chương quen thuộc, tôi chưa từng thấy Mai Thảo dùng ngòi bút công kích bất cứ ai. Mai Thảo đáng yêu, đáng quí nhất ở điểm này.

Đôi lần Mai Thảo khăn gói từ Santa Ana lên San Jose thăm tôi, và ngược lại. Dù tiền bạc không dư giả, thỉnh thoảng Mai Thảo mua rượu cho tôi uống. Chúng tôi rất ít bàn đến văn chương, hay văn học. Hay chuyện đất nước, chiến tranh. Ít năm sau, nghe tin Mai Thảo bệnh nặng. Lần cuối cùng gặp nhau ở nhà hàng Kim Long, Mai Thảo chuyển sang uống vang thay vì Cognac như cũ. Khi tôi trở lại Houston, Đặng Hiền một ngày báo tin Mai Thảo có lẽ không yên. Rồi Mai Thảo ra đi, trong sự bao bọc, săn sóc của nhiều văn hữu trẻ.

Năm 2004, trước khi về Việt Nam nghiên cứu với một học bổng Fulbright, tôi ghé lại Santa Ana. Nguyễn Chí Hòa đưa tôi vào nghĩa trang thăm Long Ân. Trong lúc tìm tòi, tôi chợt nhận ra hình Mai Thảo ở đầu một ngôi mộ nhỏ, khiêm nhường. Ba nén hương thắp cho Mai Thảo, thật tình cờ, nhưng cũng có thể như do một tiền định. Tôi hỏi thầm “Mai Thảo, vui hay buồn?”. Không có hồi đáp.

Trên những bước chân mờ sương trở ra chỗ đậu xe, tôi thấy Mai Thảo lần chót. Khuôn mặt dài, nụ cười khinh bạc như chừng méo mó hơn. Nhưng tôi chợt nghĩ có lẽ ông bạn đồng nghiệp vong niên của tôi đang vui. Rất vui. Thuở sinh tiền, anh luôn trang trọng với văn chương, nghiệp dĩ. Ngòi bút Mai Thảo chưa từng dùng để vẩy mực vào cá nhân nào, cho dù là những con sâu bọ xúm xít quanh bông hoa văn chương Mai Thảo. Hay những người thù đầy hằn học đố kỵ trong cuộc sống. Sống chưa hẳn đã vui. Chết cũng chưa hẳn là điều đáng buồn. Mai Thảo đã đến, sống với chúng ta, rồi đi. Cá nhân Mai Thảo ra sao, có lẽ không quan trọng. Vấn đề là những gì Mai Thảo còn lưu lại cho hậu thế. Toàn bộ tác phẩm của anh. Những dòng chữ đả kích giáo điều, hằn học của các tác giả cộng sản không đủ làm giảm giá trị văn chương của Mai Thảo. Những lời xưng tụng của thân hữu không đủ nâng cao văn tài Mai Thảo. Điều đáng ghi nhớ nhất về Mai Thảo, bạn văn của tôi, là thái độ trang trọng của anh khi sử dụng ngòi bút của mình.

Copyright © 2010 VanNgheSi.Net. All rights reserved

HAI NGƯỜI BẠN * CHÍN LỢI DỤNG

CHÍN LỢI DỤNG
Truyện ngắn của: HaiNgườiBạn

Chín Lợi Dụng. Ban đầu nghe thiệt chỏi tai mà còn tức muốn ói máu nữa, rồi cũng quen quen từ từ, có khi nghĩ lại còn hãnh diện. ‘Ở đời mà, có thằng nào sống mà không lợi dụng người khác hay bị người khác lợi dụng đâu. Đố đó. Đâu chỉ cho tui người nào đâu, tui kêu người đó bằng ông nội.’ Chú nói lầm thầm, lúng búng trong miệng rồi cười toe toét. Cúng Trời cúng Phật, vái ông Địa ông Làng cũng là lợi dụng thôi. Chú cười mím chi, xăn ống quần lên khỏi gối, vác cây đờn cò lội qua mương bông súng đi te te thẳng về phía nhà Tư Đấu.
‘Đi đâu mà sớm bửng bưng vậy chú Chín ơi, kiếm gì lợi dụng hả chú?’ Có tiếng ai đó trong nhà chú đương băng ngang qua sân hỏi vọng ra, giọng thiệt là mai mỉa.
‘Thì lợi dụng đám giỗ của ông già Tư Đấu, tới đờn vài bản kiếm bữa cơm trưa luôn thể cháu ơi!’
Buột miệng ra rồi chú ngẫm nghĩ có lẽ cũng tại mình. Giống như người bị mắc chứng nói lịu, vừa mở miệng thì tiếng “lợi dụng” nằm sẵn ở đầu lưỡi nhảy vọt ra trước, trăm lần như một, bụm không kịp.
Coi vậy chớ chòm xóm láng giềng ai cũng thương chú. Trong làng, hễ chỗ nào động dao động thớt, không cần ai bắn tiếng mời mọc, một lát cũng thấy chú lù lù xuất hiện. Cái quần ống cao ống thấp, điếu thuốc trên môi và cây đờn cò vác trên vai. Mua vui cho tất cả mọi người mà không làm phiền lòng ai. Các bài nằm lòng của chú là Nam Ai, Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán và Dạ Cổ Hoài Lang. Dạ Cổ Hoài Lang thứ thiệt chứ hỏng phải thứ Vọng Cổ mắc dịch dài sọc đời bây giờ. Chơi luôn cho cả đám cưới lẫn đám ma. Đám nào cũng có bài ruột, vui thì vui tới mây xanh mà buồn thì buồn tận mạng..
Tiếng đờn cò của Chín Lợi Dụng có sức hút mê tơi theo điệu nghệ của người chơi đờn sành sõi chớ không phải đơn thuần dừng lại ở tiếng đờn của dân ba mứa mới học chưa biết cầm cây đờn cho đúng điệu. Môi dưới kéo xệ xuống, trề trề dán đuôi điếu thuốc gò, vấn thiệt mỏng. Lâu lâu nước miếng nhiễu ra thấm ướt nhẹp. Mắt tim híp mơ màng cõi Tiên. Khói thuốc thưa mịn bò lần vô gần tới miệng. Có lúc không thấy lên tiêm. Tưởng đâu tắt ngúm rồi chớ. Rồi chú vội chép miệng cái phẹp như bà bầu ăn me chua chưa đã thèm. Rồi thì đâu vô đó, thuốc tiếp tục cháy, nước miếng tiếp tục chảy dộng ngược vô tuốt cổ họng. Mắt lại sụp mí, lờ đờ trôi nổi vô cõi Thiên Thai. Ngó vô cây đờn với cái mã vĩ chạy qua vuốt lại một hồi thế nào cũng bị thôi miên. Nghe người đờ đẫn ra, hồn phi phách tán, tha hồ bỏ quên cõi trần mà chờn vờn bước vô cõi mộng.
Cuộc cúng kiếng gần xong thế nào rồi gia chủ cũng cho dọn riêng một mâm, chắc chắn là bĩ bàng, dành cho các bô lão trong làng ngồi tiếp chuyện với Chín Lợi Dụng. Đá động tới tuồng tích hát bội hay cải lương là gảy đúng chỗ ngứa của chú. Chú buông đũa nói quên ăn. Chú nhắc tới hành trạng của ông nhưn nầy, thầy tuồng nọ. Chú kể chuyện đi ghe vô lạch Cùng, vàm Hẻo cúng đình nằm ngủ dưới bàn Thần, xa cạ, lộn lạo.. Còn gợi tới đời tư, chú đánh trống lãng băng đồng qua chuyện khác. Có bữa cao hứng chú nhập vai một hai khúc ngay trong bàn, khiến nhiều ông buông đủa, trố mắt ếch.
Hôm nay bỗng nhiên gia chủ mở màn.
‘Đâu anh Chín biểu diễn khúc Tang Đại từ giả người yêu coi. Hèn lâu chưa được thưởng thức lại tài nghệ của bạn mình cũng nhớ nhớ.’
Có tiếng ai đó chỏ mỏ vô vừa hổn hào vừa vô duyên.
‘Thì cũng giống như ổng từ giả má thằng Tửng hồi đó vậy mà!’
Chín Lợi Dụng giả đò không nghe. Thị tụi nó như ruồi, như muỗi, biết gì chuyện ở đời! Chú nuốt nước miếng cất giọng ca bài Dạ Cổ ruột.
Vì lâm cơ nguy khổ,
Nên mới giả gái theo nàng,
Hồi trưa lúc đi ra đàng,
Tôi muốn dông nhưng ngỡ ngàng,
Nơi bỡi nơi y phục,
Đó đã giành ôm để vào kiệu kia,
Nầy vừa đêm khuya vắng,
Tôi đổi đồ đặng có dời chơn.
Nhưng phải kêu cô dậy,
Cho biết rằng đây đứng hùng-anh.
Lòng đây lòng dám đâu vong tình,
Chờ sau liệu nỗi mình.
Chú ngừng thiệt lâu, uống nước. Chờ đợi tác dụng của tiếng hát. Cả đám giổ lặng trang. Có tiếng mấy con ruồi vo ve. Cuối cùng, chịu không được vợ Tư Đấu lên tiếng.
‘Thôi mà anh Chín, đừng nhận lớp, còn nàng An Lệ Tiên khóc từ giả đâu không thấy. Tôi thích lời hứa của cô ta. Hứa mà giữ lời. Đời bây giờ hứa dỡm tràn đồng, bắt ngán.’
Chú làm bộ khóc rồi chuyển sang giọng con gái, tỉ tê.
Lời lời sắt đinh,
Thiếp thương chàng nên cũng lòng tin.
Đó mực đổi thay nghĩa tình,
Thiếp quyết gìn lòng son, dám nào vong.
Rồi giọng chắc nịt của đàn ông:
Biết nhau rồi,
Đây kiếu đặng tầm phương,
Sao mai mọc đoái xem sáng hừng,
Xin đó đừng bâng khuâng để tôi đi.
Chú nhắm mắt, tiếng vỗ tay kéo dài. Có tiếng hít hà. Có tiếng phẩm bình trân trọng. Để cho tiếng vổ tay trở thành lác đác chú Chín mới đủng đỉnh sửa dây cho cao hơn, kéo một bản Bình Bán Vắn……
Bị tiếng đờn nầy mà vợ con bỏ chú đi biệt tăm biệt tích và cũng nhờ tiếng đờn nầy mà chú chui lọt được vô cửa sau chị Hai Bông chó cụp đuôi không sủa tiếng nào. Chị Hai Bông hạ trống xuống, không treo nữa, để cho chú đánh thùng. Chị Hai nhỏ tuổi hơn chú tới hai con giáp, mặc áo bà ba ôm eo sát rạt, ngày nào cũng bưng thúng bánh ít chàng ràng mời mọc trước nhà máy chà lúa. Mấy đứa trai trẻ vác lúa mướn cho những người cặp xuồng đi chà cứ kêu em em ngọt sớt, vậy mà gặp chú Chín đi trờ tới là xếp re, cúi đầu chào. Cha mẹ tụi nó rất nể trọng chú. Đôi khi mang ơn nghĩa nữa là đàng khác. Còn hồi nhỏ, mấy đứa nhóc nầy theo chú ra lung hoặc vô rừng lá học cách bắt le le, ốc cao, bìm bịp. Đến khi tụi nó nhổ giò lớn lên đi làm thì chim chóc vùng nầy cũng gần tuyệt chủng.
Mấy bà ở xa chỡ lúa đi chà thường nằm ngồi lê lếch trên bộ ván ngựa trong quán cóc bên hông nhà máy bàn qua tán lại không mệt ba cái chuyện của chú.
‘Đó, đó! Là thằng cha Chín Lợi Dụng đó. Làm biếng quá bị vợ bỏ, lấy con Hai Bông bán bánh ít, nhỏ còn hơn con thằng chã nữa. Con nhỏ nầy chồng chết mất xác, chưa có con nên còn ngộ lắm. Không biết nó trúng bùa ngải gì mà vướng vô Chín Lợi Dụng, tối ngày đi bán bánh ít nuôi chã ngồi lê lếch kéo đờn cò hết đám ma tới đám cưới. Nghe nói hồi xưa chã trốn quân dịch đi theo gánh hát bội mà cha cô ta làm bầu. Chả làm thẻ căn cước giả, gắn râu làm ông già thủ cây đờn cò từ lúc con Hai chưa ra đời. Vậy mà quân cảnh nó cũng biết được, xông vô bắt giữa lúc đương hát cúng đình dịp lễ Kỳ Yên. Cái nòi xướng ca, cái máu nghệ sĩ nầy họ dễ quến nhau lắm chị ơi! Nhưng chị cứ chống mắt lên coi. Được vài tháng là họ bỏ nhau liền hà. Với nữa, trâu già cỏ non làm sao lâu dài…’ Có những tiếng cười nức nẻ và những cái đấm lên lưng nhau..
Chồng chị Hai đi bộ đội, hy sinh ở chiến trường Cam Pu Chia. Hôm tìm được hài cốt mang về chôn trên nghĩa trang liệt sĩ Huyện, chú cũng mang đờn cò đi theo chị Hai ra cúng mâm cơm rồi ngồi kéo đờn cho các anh bảo vệ ca vọng cổ, nhậu rượu đế suốt đêm ngoài mả. Chú cũng lít rít khóc theo chị Hai, đốt nhang chổng khu xì xụp lạy, khấn vái lia chia. Chẳng biết thiệt tình hay làm màu làm mè. Vậy mà chị cảm thấy ấm lòng phần nào với người đã mất.
Hồi mấy năm còn ăn độn, chỉ có một mình chú biết được chỗ chiếc xe nhà binh Mỹ chỡ đồ quân nhu bị trúng mìn lật chỏng gọng nằm dưới con rạch bên hông sân chùa. Xe được cẩu lên từ lâu rồi. Con nước lớn, ròng mang theo bùn sình chôn vùi mọi dấu vết vô quên lãng. Vậy mà Chín Lợi Dụng tìm đâu ra hai kí nếp, vô chùa cúng dường rồi xin thầy trụ trì ra sau mương mò vớt đồ hộp Mỹ đem về cho mấy nhà quá đói khổ trong xóm.
Tư Đấu lật đít lon lấy nùi giẽ chùi đi chùi lại rồi tắt lưỡi tiếc hùi hụi làm như mình là người chữ nghĩa.
‘Toàn là đồ quá đát hết rồi. Ăn vô là bỏ mạng cả đám. Thôi bỏ hết đi bà con ơi!’
Vừa nói dứt lời, Tư Đấu quay lại đã thấy vợ mình cạy hộp thịt múc cho ông già mình ăn hết hơn phân nữa hồi nào rồi. Ăn ngon lành như đứa con nít bị cha mẹ bỏ đói lâu ngày. Chú Tư chưng hửng đứng nhìn cảnh tượng nầy như bị trời trồng, buông phịt hộp thịt rớt lăn vòng trên nền nhà lộ vẽ đăm chiêu, tư lự.
Mà sao hay thiệt. Chuyện hồi đời nẳm nào mà thằng chả cũng biết. Hay ở chỗ lợi dụng luôn được quá khứ. Thiệt hết chỗ nói. Tư Đấu vừa nghĩ vậy vừa định bụng chắc mớ đồ hộp quá đát nầy vẫn còn ăn được. Y tá còn lấy thuốc quá đát chích đại cho người. Có ai chết đâu. Mô Phật! Của đâu mà bỏ uổng vậy?
Ban đầu, sau khi lợi dụng cúng Phật xong, chú Chín đi mình ên xuống rạch mò thử. Rồi sau đó, chú về rủ rê mọi người trong xóm rần rần kéo theo. Chỉ qua một ngày, con rạch bị chắn đập hai đầu, tát sạch nước, mút lên từng bụm đất bấy nhậy, nằm phơi bùn non tận đáy. Vườn mía của nhà chùa, hom mới nhú lên độ gang tay, đùng một cái là chìm lĩm dưới lớp sình sâu cả sãy tay. Thầy trụ trì và các nhà sư trong chùa đánh chuông gõ mỏ tụng kinh râm ran liên tục nhưng không lay chuyển được bụng dạ tà ma của con người. Chín Lợi Dụng vô xin lỗi nhà chùa, hứa sáng mai sẽ huy động người ra bươi lại gốc hom mía cho chùa. Rồi họ đốt đuốc ở nán lại quần vét vài lon đồ hộp còn xót trong sình lầy miết cho tới nửa khuya mới chịu bỏ về.
Lúc thím Chín bỏ nhà, dẫn thằng Tửng lên thành phố rồi nghe đâu trốn qua Lào buôn bán gỗ lậu, Chín Lợi Dụng thức suốt đêm kéo bài Dạ Cổ Hoài Lang mà không cầm được nước mắt. Xách đờn cò đi đám là đờn chùa, đờn miễu, lợi dụng kiếm được vài chầu nhậu chớ có thấy đem về nhà được đồng nào đâu. Có dạo chú dẫn thằng Tửng đi cặp theo mé sông Cái bứt lá thuốc dòi hay rau đắng đất về bán cho ông thầy Tàu hốt thuốc ở đầu Vàm kiếm được vài lon gạo mỗi ngày. Bọn con nít trong xóm cũng bắt chước đi theo. Riết rồi cỏ thuốc cũng sạch sẽ lán gốc. Lại nằm nhà kéo đờn cò. Tiếng đờn và hoàn cảnh bây giờ thiệt là chướng tai gay mắt. Chín Lợi Dụng thấy cuộc đời mình trở thành thừa thải hơn bao giờ hết. Nhiều hôm gặp đám, uống say mèm lăn ra ngủ luôn, không muốn về nhà nghe vợ mình nặng dao, nặng thớt.
Xách ba cặp vịt xiêm ra tỉnh bán xong xả, chú ghé tạt qua nhà Ba Hậu. Nhìn đám ốc bưu vàng Ba Hậu nâng niu nuôi trong hồ xi măng, chú chợt nghĩ bụng đây mới là con đường thoát khỏi cảnh bần cùng mạt kiếp. Phải lợi dụng sự quen biết, phải lợi dụng thời cơ. Rồi nhơn giống lên. Rồi chia xẻ với bà con lối xóm người một ít. Rồi xúm nhau đợi ngày làm giàu. Cùng lắm cũng có cái ăn, cái mặc. Chín Lợi Dụng khoái chí cười một mình, mở gói thuốc gò ra se se, liếm liếm.
Hồi nhỏ, chú và Ba Hậu cùng đi chăn vịt mướn cho ông già của Tư Đấu nên rất thân nhau. Ba Hậu có nghề xem tử vi và bói toán nên thời nào cũng nuôi được sáu miệng ăn trong gia đình. Năm ngoái bị bắt đi học tập cải tạo bốn tháng nên bây giờ Ba Hậu làm ăn cẩn thận hơn. Ai mời tới nhà mới chịu coi. Người lạ không có ai giới thiệu thì từ chối thẳng thừng. Mới đây vừa chộp được một mối khá sộp. Tay Giám Đốc lem nhem công quỹ rất dầy, chạy vạy khắp nơi mà bụng dạ vẫn còn hồi hộp. Ba Hậu bói xong rồi chỉ cho ông ta cách cúng sao hạn. Cách sửa lại vị trí cái nhà bếp để hoán chuyển điều xui theo phép phong thủy. Y như rằng, ông ta chỉ bị xử lý hành chánh, thuyên chuyển qua chỗ khác, không phải ra hầu tòa ngồi tù gở lịch, hi sinh đời bố. Ngoài chuyện tiền bạc hậu hỉnh, ông nầy còn biếu cho Ba Hậu năm kí ốc bươu vàng. Ba Hậu sáng mắt thấy đời lên hương trong gang tấc.
Chú Chín líp chíp từng giọt trà sen thơm phứt, cạn hết hai chung mới nghĩ ra cách lợi dụng được Ba Hậu:
‘Tui nói thiệt với anh Ba nhen. Lần nào tui ghé thăm anh vẫn thấy anh đi cà nhắc. Tui đố anh tìm ra ông bác sĩ nào mà chữa cho hết chứng thấp khớp nầy. Mấy ổng kê toa uống cho giảm đau vài ngày rồi anh cũng nằm rên trở lại. Tôi nói vậy đó. Rồi để anh coi.’
‘Coi cái con khỉ. Anh biết bịnh tui từ lâu rồi. Tui có tiền để mua thuốc ngoại mà! Uống êm êm được vài bữa rồi cũng đau buốt trở lại. Để lâu nó chạy lên tim. Tôi lo lắm.’
‘Chớ anh còn nhớ ông thầy Tàu hốt thuốc ở đầu Vàm không?’
‘Ủa? Ổng còn sống sao?’
‘Còn. Già lắm rồi. Nhưng ổng trị bịnh thấp khớp, nhức mỏi bá phát. Có nhiều người hết bịnh bỏ gậy lại để ổng treo dọc trên vách chứng minh thành tích của mình. Các loại cây cỏ khác mà ổng trộn thêm thì tôi không rõ lắm nhưng chủ yếu là dây Thần Thông. Cha con tôi thường lợi dụng lúc ở không, đi hái cỏ thuốc về bán lại cho ổng mà! Loại dây nầy có thân nước, lớn hơn đầu đủa, lá xanh dầy, giống như lá dây trầu bà nhưng lúc nào cũng đóng lớp phấn trắng trên mặt. Phải nhìn đúng, hái đúng thì ông thầy Tàu mới trả tiền. Đảm bảo với anh là nó đắng hơn kí nin nữa. Nếm vô lưỡi một chút thôi là miệng đắng suốt ngày. Nhưng nó là thần dược. Anh khỏi cần đi đò khám bịnh làm gì cho mệt xác. Tôi nói bịnh là ổng hốt cho anh mấy thang ngay.’
‘Bỏ quê lâu quá nên tôi quên bẳng ông thầy Tàu. Đây đây, tôi gởi tiền anh giùm hốt cho tôi vài thang. Thuốc Tây bây giờ có tiền cũng khó tìm mua được. Phải canh me mấy người lãnh hàng từ nước ngoài gởi về. Hơn nữa bác sĩ nói uống hoài có khi bị tác dụng phụ. Chẳng biết tác dụng phụ là cái con mẹ gì, nhưng nghe tới bị nầy bị kia là tôi ớn rồi. Hết gan dạ uống nữa.’
‘Không, không. Lấy tiền anh làm gì. Thuốc Nam đâu có bao nhiêu tiền. Để tui mang về vài thang cho anh uống thử coi có bớt bịnh không cái đã. Bạn bè ai mà lợi dụng nhau, coi sao đặng!’
Thấy Chín Lợi Dụng cứ lần quần theo mép hồ nuôi ốc, khen lấy khen để, Ba Hậu vớt cho hai lon sữa bò rồi chỉ dạy cách nuôi thiệt tỉ mỉ. Chú Chín mừng húm ôm kè kè sát bụng như nâng niu đứa bé còn trong tháng. Ba Hậu vỗ vai tiễn chú ra cửa, căn dặn:
‘Mau đẻ trứng khủng khiếp. Nhiều quá thì vét ao nuôi thêm. Ban đầu anh cứ bán con giống hốt trước mớ bạc. Sau đó có bao nhiêu cứ thả ra đây. Người ta bao tiêu sản phẩm. Bao nhiêu cũng mua. Mua hết ráo. Không sợ ế. Hàng xuất khẩu mà!’
Thời may Ba Hậu uống chịu thuốc. Chú Chín bổ thuốc tiếp mang ra tỉnh thấy Ba Hậu đi đứng không còn lượng sượng như trước nữa. Ba Hậu cho tiền, cho thêm ốc giống biểu chú về xây hồ xi măng nuôi mở rộng ra. Dân tình đồn rần lên. Mấy người có tiền đổ xô nhau đi kiếm mua ốc bươu vàng. Nhưng Ba Hậu dặn chú Chín đừng bán. Cứ để dồn lại bán một lần là đổi đời luôn. Nhưng thiệt ra chú Chín cũng xúc mấy lon cho lối xóm rồi.
Độ rày đêm xuống, Chín Lợi Dụng thường ở nhà nhiều hơn. Chú ôm cây đờn cò nằm lắc lư trên cái võng vừa đờn vừa nghe mơ hồ trong tiếng nhạc đưa đám của mình phưởng phất cảnh đời đầy tráng lệ. Chị Hai Bông vẫn trong dáng vẻ kham khổ hằng ngày. Chị ngồi quay mặt vô bếp, gác củi vô lò hấp thêm vĩ bánh ít. Ánh lửa loé sáng gương mặt hiền từ, tóc buộc sợi dây thun vén lên làn da cổ dài mỏng màu ruột măng tre tươm đẫm mồ hôi đầy nét nhọc nhằn. Chị là mẫu người đàn bà im lặng và chịu đựng mọi truân chuyên trong đời. Chín Lợi Dụng buông đờn ngó chăm bẵm chị để thấy ra đôi vai xương xẩu gánh đầy bất hạnh. Tiếng đờn cò của chú rót nỗi niềm hiu quạnh vô tâm trạng cô đơn của người góa phụ quá trẻ tràn đầy sinh lực và mộng mơ. Nhưng tiếng đờn vẫn chỉ là tiếng đờn. Nó không nối dài được thành bàn tay mơn trớn cho êm dịu cuộc đời. Nó không thêm được món ăn nào cho thực đơn quá đạm bạc từng ngày. Cho dầu có lợi dụng được kẻ đến nhưng làm sao đủ sức giữ chân lại người đi. Và bây giờ chú mới cảm thấy thấm thía lý do tại sao thím Chín dẫn thằng Tửng bỏ chú ra đi.
Chú đương nhìn chị Hai, nhận ra sự mất mát và thấy được cái sẽ mất mát. Ánh lửa trải hình hài trước mặt cũng là trải ra một ảo ảnh thùy mị in trên vách lá. Rồi trước sau gì chị cũng sẽ bỏ chú ra đi. Chắc mẫm là như vậy. Cuộc đời nầy không ai cần chú. Hay nói đúng hơn, không ai cần tiếng đờn lợi dụng kiếm cơm của chú trong thời buổi thóc cao gạo kém như thế nầy. Một cuộc sống quá thừa thải và chật đất. Chú thầm vái Trời Phật cho lần nầy thay đổi được kiếp nghèo. Đúng là lúc phải làm sao lợi dụng được lòng tốt của Trời Phật. Trong bụng chú vẫn nghĩ cầu Trời khẩn Phật trong lúc cùng đường mạc vận thiệt ra cũng chỉ là một hình thức lợi dụng mà thôi. Nhớ lại hồi lúc hát bội cúng đình, chú đương thắp nhang cúi rạp người vái lạy Thành Hoàng Thổ Địa Trời Phật cho chú được tai qua nạn khỏi trong đêm nay vì nghe nói quân cảnh đương bố ráp dữ lắm. Chú vừa đứng lên. Hai tên quân cảnh mắc dịch đứng chờ sau lưng đẩy chú ra ngoài, tống lên xe thùng. Từ đó chú không còn tin vô đấng linh thiêng nào nữa. Chỉ tin vô tánh hiền lành lương thiện của mình thôi.
Chín Lợi Dụng rời võng đi thắp nhang lạy tứ phương rồi xà lại ôm choàng lấy chị Hai, hôn thiệt sâu lên cổ như cố núm níu một tình yêu lửa rụi sắp tàn. Chị xoay người kéo ghì mái tóc bạc nửa đầu của chú, úp mặt lên đó nghe người chợt nóng ran lên, lâng lâng trong âm thanh mơ hồ vẳng lại đầy êm ả của bản Văn Thiên Tường.
‘Không bao lâu nữa em khỏi phải vất vả như thế nầy. Ngày mai bắt đầu đi tìm mối bán ốc giống được rồi.’
Chú không nghe chị Hai ừ hử gì hết. Chú ấn vai chị nằm xuống manh đệm, cởi tung nút áo phơi bày da thịt trắng ruột măng tre. Tay chị vẫn quấn chặt lấy cổ chú. Gió thổi sập tấm phên cửa. Bên ngoài mưa bắt đầu rớt hột.
Sáng ra, khi xách bịt đệm lát đi chào hàng chú mới tá hoả lên vì loa phóng thanh ở nhà máy chà lúa yêu cầu bà con không được nuôi ốc bươu vàng. Phải ra sức tận diệt ốc bươu vàng vì nó tàn phá mùa màng tàn bạo hơn rầy nâu và châu chấu. Không có thuốc nào xịt cho nó chết hết được. Nuôi ốc bươu vàng là tiếp tay cho bọn phản động phá hoại nền kinh tế nước nhà.
Chín Lợi Dụng xách bịt đệm lửng thửng trở về, lòng nghe nặng trịt như treo đá. Cũng ai đó trong làng cất tiếng chào xã giao bâng quơ:
‘Trời trưa trờ trưa trật, nắng đổ lửa mà chú đi đâu về vậy, chú Chín ơi?
Chú cúi gầm mặt, thấy bờ mẫu lồi lõm lớp chớp đổ hào quang, nhưng không đời nào đầu hàng hai chữ “lợi dụng”:
‘Ờ.. ờ.. thì lợi dụng người ta không mua ốc bươu vàng mình hốt về bán lại cho mấy người nuôi vịt ấy mà, cháu ơi!’
Chị Hai, vẫn gương mặt điềm tĩnh, bước ra cửa phụ tay xách chiếc bịt lát vô nhà. Chú nhìn vô trong thấy nhà cửa tối sầm.
‘Em có nghe loa phóng thanh ở nhà máy chà lúa nói gì chưa?’
‘Em có nghe. Họ lập tới lập lui như trời sắp sập tới nơi.’
Phải mấy phút sau Chín Lợi Dụng mới xua được bóng đen, nhìn rõ mặt mũi chị. Tóc tai còn lệt bệt mấy vệt bột trắng đọng lại khô quánh như bông ô rô rắc lên không đều. Chị trở vô ngồi xuống manh đệm tiếp tục nhồi bột. Chín Lợi Dụng duổi người lên võng, xe điếu thuốc gò, nghĩ ngợi miên mang.
Ăn giỗ xong, Chín Lợi Dụng móc đờn lên vách lá, nằm sát vô góc ván ngủ một giấc tới chạng vạng mới tỉnh rượu. Thiệt ra đêm nay chú không muốn về nhà ngó mớ ốc đói và chứng kiến cảnh chị Hai ngồi im thinh thít canh lửa nấu bánh. Chú không còn ý nào nữa để mở lời an ủi. Lời lẽ trốn chạy khỏi trí não chú. Im lặng của chị hàm ngụ lời hờn trách và ngao ngán ngút ngàn.
Từ ngày về sống với chú, dường như chị đã bằng lòng với số phận, không tỏ ra hớn hở khi chú mang mấy lon ốc quí từ tỉnh về, cũng không buồn rầu khi thấy chú lửng thửng xách bịt lát đứng trước sân, chùn chân không muốn bước vô nhà. Giặc giã đã chừa mạng sống chị lại trong cảnh mồ côi. Chiến tranh đã cướp mất người chồng đầu đời kết nối bằng yêu thương thời con gái. Chị đã nghe súng nổ đạn bay quá nhiều rồi. Chị thèm thuồng tiếng nhạc lời ca, không đòi hỏi gì hơn ở Chín Lợi Dụng ngoài tiếng đờn từ cây đờn của chú hay tiếng ê a đóng tuồng mỗi buổi chiều khi chú hứng chí lúc sần sần. Chị thông hiểu tiếng đờn cò theo ý riêng của mình và đã cuốn hồn theo dáng vẽ thoát tục cô quạnh của Chín Lợi Dụng trước sự thờ ơ của mọi người. Tiếng đờn của chú làm chập chờn sống lại cả một gia đình đoàn tụ thời thơ ấu, cho chị một điểm tựa bình yên không sao tìm đâu ra được. Một bước lùi trốn chạy trước trãi nghiệm đầy giông bão của người con gái mồ côi đầu hàng trước định mệnh. Chín Lợi Dụng không sao vói tay bắt tới ý nghĩ thầm kín của chị. Trong tầm mắt của chú, tất cả mọi người đều phải lợi dụng nhau để sống. Một khi vợ con thấy mình trở thành vô dụng thì bỏ đi, bỏ đi là phải rồi. Chú ngồi dậy gảy đầu, lo nghĩ lung tung, không muốn bước chân xuống đi rửa mặt.
‘Ăn cơm chiều với tôi đi anh Chín. Tôi chuẩn bị đồ đạc xong xuôi hết rồi. Chờ trăng lặn tụi mình xuất phát chắc êm hơn. Mà anh có nhớ chính xác không?
Chín Lợi Dụng kéo Tư Đấu ra sau hè, ngồi chồm hỗm, lượm cây que vẽ đi vẽ lại trên nền đất khô:
‘Là chỗ nầy nè. Bỏ doi lá dừa nước bơi chừng tàn điếu thuốc tới cây mắm cao nghệu gie dài ra sông thì tới nơi. Hồi đó anh là dân C. Ô. C. C [con ông cháu cha] nên làm lính kiễng, chỉ đứng gác dinh Tỉnh Trưởng biết khỉ mốc gì. Còn tui là lính lao công đào binh. Nhớ mùa nước lụt năm đó, thằng cố vấn Mỹ theo lính đi “phum”, xả hết tốc độ rượt bắn du kích trên kinh Xẻo Mây. Đâu ngờ “phum” vướng dây ny lông gày sẳn trái nổ hất tung cả đám chết banh xác. Nghe tiếng súng nổ là tụi tui biết ngay bị lọt vô ổ phục kích. Họ đưa du kích ra trước để nhử mồi thôi. Mấy chiếc “phum” chạy sau quính quáng trở mũi. Tụi tui bị xô xuống sông lội ngược lên kinh kéo xác. Đứng giữa hai lằn đạn. Một bên xung phong, bên kia tháo chạy bắn đoạn hậu. Tới bờ sông tụi tui hè nhau dập xác dưới gốc cây mắm rồi tuông vô rừng lá, mạnh ai nấy chạy. Ra khỏi bìa rừng, chỉ còn lại hai đứa: tui và thằng Hải. Nó bị trúng đạn ngay bã vai mà cố chạy theo tôi tới đó mới té xỉu xuống đám cỏ bồn bồn nước ngập mênh mông. Anh đâu bao giờ hình dung ra được sức mạnh của con người trước cái chết ha? Khi xé áo tính buộc vết thương cho nó, tui mới nhận ra nó chết từ hồi nào không biết. Té ra nảy giờ cái xác chết chạy theo sau lưng tui chớ không phải một con người. Tui lấy hơi lặn một mạch ra giữa sông Cái, đội giề lục bình, nằm ngữa thả tàu trôi theo con nước lớn. Sau đó tui lại tiếp tục đào ngũ.’
‘Vậy là chỉ mình ên anh biết chỗ đó héo?’
‘Chớ sao! Bốn đứa mới khiêng nỗi xác thằng cố vấn Mỹ. Có một dạo đi tìm cỏ thuốc gần đó da tui bỗng nổi ốc trâu khi nghe tiếng cười khanh khách chỗ gần ngọn mắm. Tui mau mau kéo tụi nhỏ quay về. Ở lại chết sao? Mà kỳ cục thiệt. Họ chỉ cười cho một mình tui nghe thôi. Tiếng cười giọng Mỹ rõ ràng tôi biết quá mà. Cho nên anh nhớ đem theo bó nhang và xị rượu khấn vái trước khi mình bắt tay nhe! Lợi dụng nghỉ xả hơi lúc mới tới mình cúng là đúng điệu rồi.’
‘Anh thấy đường dây của Ba Hậu có chắc ăn không?’
Chín Lợi Dụng liệng cái que cũi ra xa, hịt mũi giọng chắc chắn.
‘Lần chót Ba Hậu cho tui giáp mặt với tụi Sài Gòn. Xuống tận nhà! Tụi nầy từng đánh nhiều lần rồi. Tất cả đều trót lọt. Ấm. Tụi nó tinh mắt lắm. Mình chỉ cần cho thấy bộ hài cốt là tụi nó biết thiệt giả ngay. Rút tiền chung liền tại chỗ. Kiếm được tấm thẻ bài kèm theo thì được chung đậm hơn, xấp đôi xấp ba.’ Chín Lợi Dụng kê mõ vô nói bên tai Tư Đấu: ‘Nói thiệt với anh nghe, nửa tháng nay tui lợi dụng lúc xế xế cúng kiếng hết rồi, thế nào cũng gặp. Cô hồn nào cũng vậy, đâu ai muốn lạnh lẽo muôn đời đâu. Tối hôm qua tôi còn nằm chiêm bao thấy nó nữa. Nó nói nó phù hộ tụi mình đi Mỹ nếu mình tử tế, có phước có phần…Nó lợi dụng lòng ham hố của mình để khỏi cô đơn lạnh lẽo đó mà.’
Tư Đấu đẩy xuồng ra khỏi ụ, băng qua cánh đồng mùa nước nổi. Trăng lưỡi liềm xụp xuống đường biên rặng cây mù mờ nằm mút tầm nhìn. Chín Lợi Dụng bơi mũi, nghe mái dầm cọ nhịp đều đều vô be xuồng như hơi thở. Xuồng ra giữa con kinh, trở mình lao mau như ngày xưa chú lao vô thời lửa đạn, một thời mà từ lâu rồi chú không dám nhớ đến, không dám kể lể cho ai, ngay cả lúc gục gặc say cũng cố gắng lấy chút tỉnh táo nhỏ nhoi còn xót lại để kiềm chế lời nói. Bây giờ phải bươi lên cái quá khứ muốn chối bỏ kia để sống. Một lợi dụng tàn bạo không ngờ và chắc cũng là một lợi dụng cuối cùng trong đời mình. Chín Lợi Dụng ngó cảnh sông nước, thở dài.
Tư Đấu đâm mũi xuồng vô bờ theo hướng Chín Lợi Dụng chớp chớp đèn pin. Hai người lật đật phóng xuống nước, cột mũi xuồng vô gốc mắm. Đơm đớm đậu sáng lòe như ma trơi. Chín Lợi Dụng lần quần một vùng đất khá rộng chung quanh, cố hình dung lại cảnh xưa trước mọi vật đều đã thay đổi mấy lượt. Sau cùng chú chọn một gò đất nước ngập lé đé, bày biện nhang đèn ra khấn vái.
Hai người bắt đầu đào bới. Nước từ từ ngập sâu tới lưng quần rồi tăng lần tới ngực. Họ bắt đầu móc đất theo miệng hầm cá trê, moi sâu dọc ngang, vì theo Chín Lợi Dụng, lúc đó không có thì giờ đào đất chôn sâu hơn nữa được.
Tư Đấu mệt đừ tỏ vẻ nản lòng. Chú leo lên gò ngồi thở dốc, bắt đầu hoài nghi Chín Lợi Dụng đầu óc lú lẩn không còn nhớ rõ vị trí ngày xưa. Chín Lợi Dụng rất quyết tâm. Chú lặn mấy hơi thiệt sâu và đâm xẽng bươi khoét rộng thêm. Bất thần đầu xẽng đụng nhẹ vô một bã vải rách mềm nhũng. Chú lẹ làng như con rái cá buông xẽng trồi lên, hai tay vuốt nước, gật đầu cười. Tư Đấu mừng quýnh, lấy lại sinh lực, một mình nhảy đùng lặn xuống trồi lên nhiều lần, hốt hết một đống bầy nhầy chuyền tay cho Chín Lợi Dụng. Hai người moi đất rộng thêm và rà lại nhiều lần trước khi lên gò đất bấm đèn pin sắp sắp xếp xếp lại mấy miếng xương người và cái đầu lâu. Xương không đủ bộ lại ngắn ngủn. Bỗng Tư Đấu mằn mò trong miếng vải đồ nhà binh chỉ còn là miếng nùi lau bỡ rệu, đưa cho Chín Lợi Dụng, một phát hiện tràn đầy hy vọng tỏ lộ trên nét mặt cả hai: tấm thẻ bài nhôm sáng giới, chấp chới trong ánh sao đêm. Chín Lợi Dụng cọ quẹt tấm thẻ bài vô quần xà lỏn nhiều lần trước khi rọi đèn soi thiệt kỹ. Rồi chú bùi ngùi thả tấm thẻ bài xuống đất, thều thào với Tư Đẩu mà cứ ngỡ như đương trối với chính mình:
‘Không lợi dụng được. Tấm thẻ bài tên Việt Nam, không phải tên Mỹ. Chắc là của thằng Hải. Tôi nhớ có lần nó nói tên trên giấy tờ nó khác với tên ở ngoài! Tức thiệt. Tôi thấy Mỹ ràng ràng hồi hôm qua đây mà! Chắc chết quá!’
Lần đầu tiên Tư Đấu mới nghe Chín Lợi Dụng buông ra câu “Không lợi dụng được.” Và đó cũng là lần cuối cùng Tư Đấu ngồi cạnh một người bạn có một quá khứ đầy thăng trầm không ai hiểu hết. Ai chú tâm lắm thì cũng bắt gặp đôi mắt híp lại, môi dưới trề xuống gắn đuôi điếu thuốc gò với làn khói mỏng sắp tàn lụi nhưng vẫn còn đủ sức che khuất quá khứ của một đời người.
Bơi xuồng về tới xóm, Chín Lợi Dụng bỏ làng đi biệt tích. Sau mấy ngày chị Hai tở mở tìm kiếm mới ôm được cây đờn cò máng ơ hờ trên vách nhà Tư Đấu về móc trên đầu võng nhà mình. Chị vẫn lúi húi đẩy thêm que củi vô lò, ngồi canh vĩ bánh ít mỗi ngày như mọi khi. Có cơn gió thốc nào đập sầm tấm phên cửa thổi vô mặt muốn phát lãnh. Chị thẩn thờ bưng ngọn đèn trứng vịt đứng lên, ngó mong lung ra ngoài.
‘Có phải anh vừa trở về với em đó, phải không anh? Phải không, hả anh Chín? Em nhớ anh, nhớ tiếng đàn gợi hồn quá khứ của anh!’
Trời bắt đầu rớt hột lộp độp trên mái lá mà sao chị nghe ra âm thanh ai đó dạo bản Dạ Cổ Hoài Lang. Từ là từ phu tướng. Sắc phong sắc phong lên đàng. Thiếp đợi chàng….Ruột héo gan vàng…
HaiNgườiBạn
(Sàigòn-Texas 12/07)
Ghi chú:
Bài Ca trích theo Tuồng Cải Lương Tang Đại Giả Gái, bản in tại Sàigòn, 1930

No comments:

Post a Comment