Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 1 December 2016

TƯỞNG NĂNG TIẾN - MAI TIẾN NGHỊ - NGUYỄN HỮU DUỆ

Saturday, December 22, 2012


TƯỞNG NĂNG TIẾN * BỎ PHIẾU BẰNG TÊN

Bỏ Phiếu Bằng Tên

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

Sau gần nửa thế kỷ mang họ Bác, và lầm lũi đi theo con đường mà Bác kính yêu đã chọn thì ước mơ của những người dân mang theo họ Hồ – ở huyện Trà Bồng –  vẫn chỉ giới hạn ở những “bữa cơm no bụng.” Nhưng chỉ sau ba năm đi xuất khẩu lao động thì cuộc sống được cải thiện ngay: mua được “các vật dụng cần thiết trong gia đình.”
Trong các vật dụng cần thiết này, tôi đoán chừng, có cái TV Và chính nó là thủ phạm đã khiến cho những người dân miền núi (ở Quảng Ngãi) trở nên ... vọng ngoại.

Người Mỹ thích đi. Số đông đi du lịch. Số ít đi thám hiểm. Số vừa vừa thì có cái tật hay đi làm việc từ thiện (nơi này  nơi nọ) khắp nơi trên thế giới. Chỉ có riêng chuyện đi bầu là dân chúng Hoa Kỳ không có vẻ hào hứng, hay sốt sắn gì cho lắm – thường chỉ xấp xỉ trên/dưới 50 phần trăm là quá cỡ thợ mộc rồi!
Người Việt mình thì khác. Chúng ta chả mấy khi đi đâu ngoài việc đi làm, đi chợ, đi họp tổ dân phố, đi mít tinh chào mừng chiến thắng 30 tháng 4, và ... nô nức đi bầu. Tỉ lệ con số số cử tri tham dự bầu cử luôn luôn lên đến 99 hay 99.5 %.
Vài mạng lẻ tẻ không đến được phòng phiếu chỉ vì bị chuyển bụng, bị tai nạn xe cộ, hay trúng gió (lăn quay) ở giữa đường. Hiếm họa lắm mới có kẻ nhất định “từ chối tham gia và lăng mạ, chửi bới xúc phạm khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu,” như ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn – theo tường thuật (chắc có thêm hơi nhiều mắm muối) của báo Người Lao Động:
“... năm 2005, Huỳnh Ngọc Tuấn không chịu tham gia Bầu cử Quốc hội khóa XII, khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu cử thì Tuấn và gia đình lăng mạ, chửi bới, xúc phạm.Mới đây, trong đợt bầu cử của năm 2011, Tuấn cùng con gái là Huỳnh Thục Vy và con trai Huỳnh Trọng Hiếu tiếp tục không tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII và Bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ngoài ra, ba cha con Tuấn còn lấy thẻ cử tri ghi vào dòng chữ “NO!
Ảnh: Báo NLĐ
Nói thiệt: cha con cái ông Tuấn này gan còn hơn Nhựt Bổn nữa chớ không phải giỡn đâu nha. Đối mặt với nhà nước chuyên chính vô sản, ít ai dám nói “no” một cách rõ ràng (và đàng hoàng) như vậy lắm. Thông thường, khi không bằng lòng với đường lối và chính sách của Chính Quyền Cách Mạng thì thiên hạ chỉ lặng lẽ bỏ phiếu bằng tầu (hoặc bằng thuyền) thôi. 
Theo Operation Passage to Freedom,  năm 1954, có tám trăm mười ngàn người người miền Bắc bỏ phiếu bằng tầu (tầu bay hay tầu thủy) để vào Nam. Sau đó, từ 1975 đến 1995 – nếu không thính số (cỡ 1/3) đã chết chìm, chết đuối, chết ngạt, chết ngộp, chết trôi ...–  lại có thêm chừng hai triệu người Việt nữa, ở cà hai miền, đã bỏ phiếu bằng thuyền và đã đến được bến bờ tự do.
Tầu bay, tầu thủy hay những chuyến thuyền vượt biên mà mỗi chỗ phải trả hàng chục lượng vàng là cái giá quá tầm tay với đối với rất nhiều người – đặc biệt là những người thiểu số. Họ thường ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng ... – những nơi cách rất xa sông , cách biển, nên thuyền đò (nếu có) cũng trở nên vô dụng.
 
Bỏ phiếu bằng chân của nhóm người Thượng ở Cao Nguyên Trung Phần - Ảnh: RFA
Ai may mắn sống giáp ranh biên giới những nước láng giềng thì có thể bỏ phiếu bằng chân. Còn không, và đây là số đông, đành phải “chịu trận” với Chính Quyền Cách Mạng thôi! Ở một nơi mà cái cột đèn còn (nhấp nhổm) muốn đi thì cuộc đời của những kẻ ở lại, tất nhiên, nếu không te tua thì cũng rất là bầm dập.
Bởi vậy, người dân miền núi ở mọi nơi đã đôi ba lần nổi dậy (vào những năm 2001, 2004, và 2011) đòi quyền sống. Lần nào họ cũng bị đàn áp dã man. Gần đây, thay đổi chiến thuật, họ nẩy ra sáng kiến bỏ phiếu bằng tên:
 “Tại Việt Nam ngày nay có mốt lấy tên ngoại. Những người làm chuyện tréo cẳng ngỗng này lại là người thuộc dân tộc thiểu số từ ngày cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa ra khỏi bản làng. Theo ông  Bh’riu Liếc, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thì vì trên truyền hình người ta cho chiếu nhiều phim Đại Hàn quá nên dân chúng mê và đặt tên con theo tên các diễn viên trong phim. Anh Pơloong Huân, người thiểu số Cơtu, có ba đứa con, cả ba được đặt tên theo các diễn viên trong bộ phim Mối Tình Đầu mà anh rất mê. Đứa con gái đầu, 8 tuổi, được đặt tên là Pơloong San Ốc, đứa con gái thứ hai là Pơloong San Ân, và bé trai tên Pơloong San U...
Người thiểu số ở nước ta là những người hồn nhiên. Thích là họ tỏ bày ý thích ngay một cách thẳng thừng. Cách hồn nhiên nhất là cứ đè những đứa con ra mà thực hiện ý thích ...”  (Song Thao. “Tên.” Thời Báo 16 Oct. 2012).
Sự hồn nhiên này, tiếc thay, không được chia sẻ bởi những giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Trí Tín (báo VnExpress.net) ông Đặng Tấn Thủ, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây khẳng định: "Việc đồng bào đặt tên con theo tên nước ngoài là khó thể chấp nhận... Để hạn chế tình trạng tùy tiện đặt tên con theo tên diễn viên nước ngoài, chúng tôi sẽ họp bàn với già làng uy tín có hướng tuyên truyền phù hợp cho người dân.”
Ý kiến độc đáo này của ông Đặng Tấn Thủ khiến tôi nhớ đến chuyện kể (hồi năm ngoái) của già làng Hồ Chí Khánh, qua lời tường thuật của ký giả Nguyễn Đăng Lâm:
Sáng ngày 9/9/1969, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Kor vượt núi, băng sông về chiến khu Trà Lãnh (nay thuộc huyện Tây Trà) dự lễ truy điệu Hồ Chủ tịch do Huyện ủy huyện Trà Bồng tổ chức, lắng nghe Di chúc của Người và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bức tượng Hồ Chủ tịch tạc từ thân cây quế được trang trọng đặt lên bàn thờ để mọi tấm lòng hướng về Người trong niềm đau thương xúc động. Tại buổi lễ này, các già làng người Kor đã đề đạt nguyện vọng của đồng bào muốn mang họ Bác Hồ thể hiện tấm lòng trung thành với Đảng, ghi nhớ công ơn và làm theo lời dạy của Cụ Hồ. Khi nhận được kiến nghị này, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng đã điện trả lời, đại ý: Trung ương Đảng không chủ trương việc đồng bào mang họ Bác, nhưng đây là nguyện vọng của dân, tấm lòng của dân, nên Trung ương đồng ý. Từ đó đến nay, đã 42 năm người Kor vinh dự và tự hào được mang họ Bác Hồ - Người cha của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.”
Gần năm mươi năm đã trôi qua. Hiện nay đồng bào Kor – mang theo họ Bác, ở huyện Trà Bồng – đang sống ra sao? Qua bài viết “Giảm Nghèo Ở Huyện Tây Trà: Còn Nhiều Thách Thức” nhà báo T. Huyền cho biết:
 “Những năm gần đây, huyện miền núi Tây Trà đã tận dụng nhiều nguồn lực tập trung đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân từng bước  cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, do cơ sở thoát nghèo chưa thực sự bền vững, nên tỷ lệ tái nghèo cao. Công tác giảm nghèo ở huyện nghèo Tây Trà đang thực sự phải đối mặt với nhiều thách thức…”
Hiện nay, đa phần các hộ gia đình ở vùng cao Tây Trà vẫn còn tập tục du canh du cư phát rừng làm rẫy, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của chính quyền địa phương. Việc di dân để nhường đất thực hiện dự án cũng gây ra hệ lụy không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Trò chuyện với các em, em nào cũng chỉ có một ước vọng: được ăn no bụng, có áo ấm đến trường. Em Hồ Thị Xoan, học sinh lớp 4C điểm trường thôn Tre nói tiếng Kinh không rành, đã cầm phấn viết lên bảng ước mơ của mình. Điều ước bình dị, nhưng xúc động đến nghẹn lòng: Con mơ ước có một ngôi trường đẹp, con đường nhựa và bữa cơm no bụng.”
Lớp học của những em bé người Kor, mang họ bác Hồ, ở xã Tây Trà, huyện Trà Bồng. Em nào cũng chỉ có một ước vọng:”được ăn no bụng.” Ảnh: T. Huyền, chụp hôm 23 tháng 11 năm 2011.
Sang năm 2012, tình trạng xem ra có vẻ lạc quan hơn nhiều – theo như tường trình phóng viên Mai Hạ, đọc được vào hôm 26 tháng 6 vừa qua:
Như nhà anh Hồ Văn Sơn, trước khi con đi xuất khẩu lao động ở Malaysia (vào năm 2008) là diện nghèo được hưởng chính sách xây dựng nhà ở theo Chương trình 134. Sau 3 năm con anh Sơn đi xuất khẩu lao động, anh đã trả nợ cho ngân hàng được 7 triệu đồng và cải tạo nhà ở, mua các vật dụng cần thiết trong gia đình.
Sau gần nửa thế kỷ mang họ Bác, và lầm lũi đi theo con đường mà Bác kính yêu đã chọn thì ước mơ của những người dân mang theo họ Hồ – ở huyện Trà Bồng –  vẫn chỉ giới hạn ở những “bữa cơm no bụng.” Nhưng chỉ sau ba năm đi xuất khẩu lao động thì cuộc sống được cải thiện ngay: mua được “các vật dụng cần thiết trong gia đình.”
Trong các vật dụng cần thiết này, tôi đoán chừng, có cái TV Và chính nó là thủ phạm đã khiến cho những người dân miền núi (ở Quảng Ngãi) trở nên ... vọng ngoại. Họ có cơ hội nhìn thấy cuộc sống của những người ở xứ sở khác, không mang tên Bác. Rồi họ đặt tên con theo theo tên tài tử Đại Hàn. Và điều này, theo ông Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, “khó thể chấp nhận” được.
Thôi chấp nhận (đại) đi, cha nội. Nghĩ cho cùng thì đây cũng chỉ là một cách bỏ phiếu bằng tên thôi mà. Sao nghèo mà khó dữ vậy? Chớ từ đời này qua đời khác, cứ tiếp tục đặt tên theo họ Bác mà tiếng Kinh vẫn nói không rành –  như em Hồ Thị Xoan, ở huyện Trà Bồng – thì cuộc đời (rõ ràng) không khá!
Trước đây, Đảng và Nhà Nước cũng đâu chấp nhận chuyện vượt biên, hay bỏ phiếu bằng thuyền. Vậy chớ đám thuyền nhân (nay) đều đã được “tôn vinh là những sứ giả Lạc Hồng,” và là “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc” – như bác Trương Tấn Sang mới vừa “khẳng định” vào ngày 15 tháng 1 năm nay, đấy thôi.

Friday, December 21, 2012


MAI TIẾN NGHỊ * LƯỠNG TÍNH

LƯỠNG TÍNH 

(truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

Hắn run lên khi nhìn thấy vợ bước ra từ cửa nhà ga sân bay. Tuyệt vời! Vợ hắn xinh đẹp và sang trọng đến ngỡ ngàng mà trong mơ hắn cũng không thể tưởng tượng ra. Nàng mặc chiếc áo bó sát người, cổ áo rộng thênh thang lấp ló khuôn ngực cao xẻ rãnh. Trời ơi! Lại còn chiếc váy ôm khít lấy cặp mông nở và cặp đùi đầy đặn. Mái tóc nàng cắt ngắn, khuôn mặt hồng hào, cặp mắt kẻ chì quyến rũ. Hắn cảm động, miệng mấp máy mà chẳng nói được gì. Vợ hắn cũng không nói gì. Nàng đưa cái va li to kệch có bánh xe cho hắn, rồi lục trong xắc lôi ra cái điện thoại di động, bấm píp píp… và nói bằng cái thứ tiếng mà hắn đoán đó là tiếng Tàu. Hắn lẽo đẽo kéo cái va li, đi theo vợ ra đường mà suýt vấp mấy lần vì mải nhìn cái gáy trắng ngần của vợ, lòng tự hỏi: Vợ mình đấy ư?... Rồi tự khẳng định: Đây là vợ mình. Đúng là vợ của mình! Mà sao lại đẹp thế! Thay đổi nhiều đến thế! Tự dưng hắn thấy cái sự thuỷ chung của hắn được bù đắp xứng đáng.
 
Vợ hắn đi Đài Loan đã được ba năm. Hôm qua nàng điện rằng nàng sẽ về phép mười lăm ngày thăm con trước khi gia hạn hợp đồng ở bên ấy thêm ba năm nữa… Số tiền mấy chục triệu vợ gửi về cũng chỉ vừa đủ trang trải tiền vay làm thủ tục xuất khẩu lao động và mua một cái xe máy Tàu để hắn hành nghề xe ôm. Chả biết lần này, vợ hắn có mang thêm được đồng nào không? Nếu chỉ có vậy thì vô lý quá. Hắn không được làm đàn ông hàng ba năm trời chỉ để đổi lấy mỗi một cái xe Tàu. Hắn phải làm đàn bà cũng từng ấy thời gian chỉ là để mong ngóng một người đàn bà đích thực của đời hắn. Mà bây giờ người ấy đã về. Về rồi lại đi. Sau đó mình sẽ sống thế nào nhỉ? Lại là ba năm nửa đàn ông nửa đàn bà nữa hay sao?


Khi vợ hắn ra đi, hắn đã khóc thầm. Chỉ khóc thầm. Bởi theo hắn, thằng đàn ông mà chảy nước mắt là hèn. Khóc vì thương vợ và khóc cho chính bản thân hắn. Hắn cũng nuôi nhiều tham vọng lắm chứ! Đi bộ đội về, hắn vào làm ở công ty nhà nước. Ngày ngày đi làm về vợ đã ngọt ngào chờ sẵn. Đứa con ra đời, hạnh phúc như được thăng hoa. Hết thời bao cấp, công ty phá sản. Thế là hắn lại trở về đúng cái vạch xuất phát bơ vơ không nghề ngỗng. Theo phong trào chung, nghe người ta, hắn dốc hết vốn liếng xây ao nuôi ba ba xuất khẩu. Được ít hôm thì mấy trăm con ba ba ngửa trắng bụng, nổi lềnh phềnh như quân sĩ của Thủy Tinh đại bại ở trận quyết chiến với Sơn Tinh. Tìm hiểu nguyên nhân, mãi hắn mới biết do vợ hắn hàng ngày giặt quần áo đã hồn nhiên xả nước xà phòng xuống ao. 

Từ đó, những ngọt ngào dần ít đi, và thay vào là những bẳn gắt thường xuyên trong căn nhà nhỏ của hắn. Hàng ngày vợ hắn kêu khổ và luôn luôn kể về những người đàn ông giàu có mà thị biết, coi đó như những tấm gương sáng cho hắn học tập. Thị bảo hắn không phải là đàn ông. Đàn ông thì phải nuôi được vợ con. Nhiều lúc không thể chịu được nữa, hắn cáu, hắn văng tục, hắn chẳng cần gì cả. Hắn cũng muốn như họ lắm chứ. Nhưng vốn liếng, nghề ngỗng không có, biết làm gì được? Vợ hắn được thể càng gào lên. Thị gán cho cái mặt hắn những danh từ không mấy mĩ miều. Hắn còn thua cả đàn bà. Nhục…


Rồi có phong trào xuất khẩu lao động. Hắn không có ba ba xuất khẩu sang Tàu thì xuất khẩu vợ sang Đài Loan làm Ô-sin. Hy vọng may ra có sự đổi đời. Nhưng chỉ vài ngày sau khi vợ đi thì hắn cảm thấy trống vắng. Đi về chỉ có hai bố con. Tuy không còn phải nghe những lời bẳn gắt chì chiết về cái tư cách đàn ông, nhưng mọi sự lo toan của đàn bà bây giờ thuộc về hắn vì thằng con mới ba tuổi. Làm được đồng nào, hắn dè sẻn mua sữa, mua thức ăn cho con, còn thì tích cóp để dành. Để khi vợ về thì ít ra thị cũng phải nể mặt hắn - cái mặt không đàn ông cũng chẳng đàn bà nhưng cũng không đến nỗi khốn nạn như thị đã từng gán cho nó những cái danh từ không mấy mĩ miều nọ. Hắn chỉ dám hút thuốc lào. Và chỉ khi nào mệt mỏi lắm mới dám uống dăm trăm bạc rượu nhắm với rau luộc. Hắn ép xác như vậy đã ba năm. Bởi ít ăn ít uống mà mặt hắn vêu vao, mắt lỗ đáo, cái mồm thì như rộng ra khoe toàn răng là răng do khuôn mặt teo tóp lại. Ba năm ấy thừa đủ biến hắn thành một người u ám không tuổi.

Nhưng hắn vẫn là đàn ông! Ban ngày thì hắn quên, nhưng hàng đêm bản năng giống má vẫn về hành hạ. Hắn chỉ dám làm thỏa mãn cái bản năng ấy bằng tưởng tượng về đàn bà. Hắn biết đấy là bệnh hoạn. Nhưng không thể làm khác vì sợ và hắn nghĩ dù sao thì cái việc đi xuất khẩu lao động của vợ hắn cũng là cực chẳng đã. Đàn bà phải xa chồng xa con, bơ vơ đất khách quê người chắc cũng chẳng sung sướng gì. Mà thị đi cũng vì kinh tế gia đình, muốn mở mặt mở mày với thiên hạ. Đáng lẽ người ra đi phải là hắn. Nhưng cái xứ sở ấy người ta chỉ cần đàn bà. Còn ở nhà, hắn buộc phải là mẹ của đứa con và làm người đàn bà của chính hắn.

Minh họa: Đào Quốc Huy.
 


Bây giờ vợ đã về! Và hắn sẽ không còn phải tiếp tục cái trò bệnh hoạn ấy nữa. Hắn thấy mình đã xứng đáng một cách tuyệt đối với người vợ yêu quý của mình. Nghĩ tới đây, hắn có cảm giác nhẹ nhõm.

 
Lúc hai vợ chồng đã ngồi lên tắc xi để về thành phố thì hắn lại ngỡ ngàng lần nữa bởi cái mùi nước hoa trên người nàng. Nó nồng nồng, ngầy ngậy quyến rũ. Hắn rụt rè ngồi sát người nàng, cảm nhận thấy thân thể mềm mại của vợ. Tự dưng thấy hồi hộp, tim đập dồn, máu bốc lên mặt như lần đầu tiên trong đời được ngồi gần nàng. Nhìn lên thấy người lái xe vẫn chăm chú phía trước, hắn đánh bạo ghé người hôn vào má vợ. Nàng né người tránh cái hôn, nhăn mặt: "Kinh quá!".


 
Đó là câu đầu tiên vợ hắn nói với hắn bằng tiếng Việt. Nó như một chậu nước lạnh dội xuống ngọn lửa yêu đang ngùn ngụt, làm cho hắn hẫng hụt. Và ngượng! Nhưng chỉ vài giây sau thì hắn lại tự trách mình quá vô ý, trong lúc chờ xe ra sân bay đón vợ, sốt ruột quá; hắn kéo đến ba bốn điếu thuốc lào. Gì mà mồm chả hôi! Nàng nói kinh cũng phải. Thế là từ lúc ấy hắn ngồi dịch ra, không dám thở mạnh, nghệt mặt im lặng với tâm trạng của người có lỗi.


 
Tối hôm ấy, sau khi đã đánh răng thật kỹ và kiêng hẳn thuốc lào, hắn còn mạnh dạn đầu tư mua hai gói kẹo Sing-gum Đai-bơ-min. Hắn kẽo kẹt nhai kẹo như một huấn luyện viên bóng đá đợi chờ giờ thi đấu. Yên tâm nghĩ rằng vợ sẽ không phải thốt ra cái tiếng: "Kinh quá!" như ở trên xe và với tâm trạng của một chú rể lần đầu động phòng, hắn chắc mẩm sẽ được thỏa mãn những chất chứa trong cả ngàn ngày xa cách.


 
Vợ hắn nằm ôm đứa con trong màn. Hắn rón rén leo lên giường và phấn chấn khi thấy vợ lồ lộ trong chiếc Itas màu hồng dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn ngủ. Thằng con đã ngủ say. Hắn nghiêng người quờ tay sang vợ, khẽ kéo tấm rốp từ phía dưới lên. Bàn tay hắn bắt gặp cái mịn màng mềm mại và mát rượi của cặp đùi đàn bà. Người hắn rân rân, cảm giác tê mê… Bất ngờ bàn tay vợ nắm lấy tay hắn. Hắn sung sướng tưởng rằng đó là cử chỉ âu yếm của vợ dành cho mình. Nhưng không. Cái bàn tay ấy nắm lấy tay hắn, hất nó ra khỏi cái địa chỉ đang thăm dò: "Thôi! Ngủ! Mệt lắm!". 


 
Cái câu tiếng Việt thứ hai dành riêng cho hắn như là một mệnh lệnh. Hắn ngoan ngoãn nằm xuống tự trách mình: Vợ vừa đi cả mấy ngàn cây số về nhà, nàng kêu mệt cũng là phải. Thôi đành vậy! Nàng còn ở nhà hàng nửa tháng trời cơ mà. Vội gì! Hắn nằm im không dám cựa mình sợ vợ mất giấc ngủ. Tự dưng thấy tiếc cái kẹo cao su đã nhai. 


Ngày hôm sau, các quy trình trước khi đi ngủ dành cho bản thân hắn được lặp lại một cách đầy đủ và cẩn thận. Người hắn thơm nức mùi xà phòng gội đầu, miệng hắn thơm mùi Sing-gum Đai-bơ-min, tâm trạng đầy hứng khởi… Hắn đợi cho vợ kết thúc cuộc nói chuyện tiếng Tàu với cái máy điện thoại. Rồi nàng lên giường. Hắn dềnh dàng một tý, cố tình để cho vợ có cảm giác chờ đợi… 

Phải như vậy mới nồng nàn! Hắn nghĩ thế! Trong màn, vợ hắn nằm phía trong, thằng con nằm giữa. Phần giường phía ngoài dành cho hắn như là một sự cố ý. Hắn hơi sững lại khi mở màn. Nhưng rồi hắn bỏ qua cái phần giường trống ấy, nhổm người bò qua thằng con một cách cẩn thận để nó không thức giấc, rồi bò qua vợ. Hắn nằm kế bên nàng về phía trong. Người hắn rạo rực. Bên cạnh hắn là một cơ thể mềm mại. Hắn hít một hơi thật dài và đặt một nụ hôn lên cổ vợ. Lần này không có cái tiếng: "Kinh quá!" nhưng nàng vẫn né tránh cái hôn. Bàn tay hắn lần tìm. Vợ hắn hất tay hắn ra... Kệ! Hắn cho rằng hôm nay nàng không có lí do để từ chối. Người hắn căng cứng. Hắn trườn lên người vợ. Vợ hắn mím môi đẩy hắn xuống. Hắn lại trườn lên. Lại bị đẩy xuống…Hắn điên lên. Hắn là đàn ông! Hắn là chồng!


 Không có lí do gì để vợ từ chối chồng! Hắn lại trườn lên. Lần này lại bị đẩy nhưng hắn đã chủ động. Tất cả những cái đẩy của vợ chỉ làm cho hắn bị kích thích hơn. Hắn ghì chặt vợ xuống và hấp tấp lột phăng cái mảnh vải ở phần dưới của nàng. Bộ phận xung kích đã sẵn sàng cho việc đột nhập… Sự hưng phấn đã đến đỉnh điểm. Hắn nghiến răng cố ghìm…Nhưng không thể!…
 
Người hắn rã rời. Mọi ý chí tiêu tan. Thất vọng đến ê chề! Trong ánh đèn mờ mờ, hắn nhìn thấy trên nét mặt vợ một nụ cười nửa miệng. Hắn đọc được ý nghĩ của vợ qua cái cười đó: Sự ghẻ lạnh, khinh khỉnh, và còn có một cái gì khác nữa mà hắn không thể đọc ra nổi. Không hề có một dấu hiệu nào của sự cảm thông hay thương hại.

Nhạt cả người!

Hắn không phải là đàn ông!

Ra ngoài hiên ngồi hút thuốc lào, hắn thức cho đến sáng.

 
                            *

 
Những ngày sau tình hình vẫn không khá hơn. Hắn cảm thấy nhục nhã như một kẻ bại trận. Cái nụ cười nửa miệng trên khuôn mặt đanh lại của vợ ám ảnh hắn. Hắn bơ phờ vì mất ngủ liên tục. Ngày ngày hắn vẫn tiếp tục cái nghiệp xe ôm vì ngày ngày vẫn phải chi tiêu. Mà vợ hắn thì không đả động gì đến chuyện tiền nong. Khi hắn hỏi thì nàng trả lời gọn lỏn: "Không có!". Những lúc ngồi rỗi chờ khách, bọn đồng nghiệp xe ôm trêu: "Ma bắt hồn…" hắn chỉ biết cười gượng.        


 
Hàng đêm, bằng cách nhai một cái Sing-gum Đai-bơ-min, hắn kiên trì chờ đợi cuộc nói chuyện bằng tiếng Tàu của vợ với cái điện thoại kết thúc. Và hắn tràn trề hy vọng. Hắn vẫn khoẻ, vẫn là đàn ông. Hắn tin chắc như thế! Nhưng các cuộc tấn công đều thất bại thảm hại. Hắn cay đắng khi nhận thấy mình là thằng chả ra gì. Rồi hắn cố tìm căn nguyên của sự tồi tệ đó. Ừ! Dù ngang tàng mạnh mẽ thì đàn ông vẫn cần có sự ve vuốt, mơn trớn. Vậy ra... Hắn lờ mờ nhận thấy đây là một màn kịch mà đạo diễn và diễn viên chính là vợ hắn. Còn hắn chỉ là một con rối. Bởi nó được diễn nguyên vẹn hàng đêm lặp đi lặp lại. Hắn ngán ngẩm nhưng ngại nói ra và nếu có nói thì cũng không biết nói như thế nào.


 
Đến cái Sing-gum Đai-bơ-min thứ tám thì không thể chịu nổi nữa, hắn rít lên:

- Tôi nói cho cô biết! Cô đừng có giở trò mèo vờn chuột! Tôi không thể chịu nổi cái trò đểu cáng này được nữa...

Nói xong hắn mới biết mình hớ. Cứ tưởng cô ta sẽ đổ tại hắn bất lực, nhưng không! Cô ta bảo với hắn giọng nhẹ bẫng:

- Tôi không muốn. Thế thôi!

Hắn điên lên:

- Cô không muốn cũng phải muốn. Tôi là chồng. Cô là vợ…

- Này, tôi bảo cho anh biết, luật pháp quy định tôi với anh là vợ chồng, nhưng luật pháp không quy định tôi phải ngủ với anh. Tôi làm thế là đã tốt với anh lắm rồi đấy! Nếu anh còn tiếp tục như vậy thì tôi sẽ kiện lên Hội Phụ nữ vì tội anh sử dụng bạo lực trong quan hệ hôn nhân! 


 
Hắn đờ người ra trước lí lẽ cứng cỏi mang đầy màu sắc pháp luật và dư thừa sức mạnh đoàn thể. Nhưng... ơ hay! Vậy vợ chồng là cái gì nhỉ? Hắn đã phải nuôi con, phải ép xác chờ đợi…

- Vậy thì còn đếch gì là chồng vợ. Ly hôn mẹ nó đi cho xong! - Hắn lẩm bẩm.

Không ngờ vợ hắn nghe thấy. Cô ta tưng tửng:

- Ly hôn thì ly hôn! Anh đừng có mà dọa. Anh viết đơn đi, tôi sẽ kí!

Đến nước này thì cũng chả cần! Hắn hùng hục lấy giấy bút ra ngồi viết đơn. Viết xong, hắn kí tên và chìa vào mặt vợ: "Kí đi!". Cô ta giở mặt ngay: "Tôi không kí!".


 
Hắn không tức vì cái sự giở mặt đó. Mà lại hả hê. Gớm! Cứ tưởng làm mình làm mẩy được mãi. Vậy là cô ta đã sợ! Mình đã thắng! Đúng là phải cứng mới được. Định vào giường, nhưng bụng lại nghĩ: Bây giờ mà vào thì nó lại coi thường. Thôi. Mai hẵng hay. Hắn vứt cái đơn lên bàn rồi ra hiên ngồi hút thuốc lào, chờ trời sáng. Khi thấy phía đông ửng hồng, hắn dong xe đi đón khách về chuyến xe sớm.

 
Ngày hôm ấy, may mắn hắn gặp được một khách hàng nhờ đi một chuyến xa. Buổi tối mới về đến nhà. Hắn đinh ninh tình hình hôm nay sẽ khác. Nàng đã sợ! Gia đình sẽ trở lại như ngày xưa. Hắn đã tưởng tượng ra cái cảnh vợ hắn thơm tho, chuẩn bị sẵn bữa cơm chiều. Cả nhà sẽ cùng ăn cơm. Trong bữa ăn, hắn sẽ quyết định: Vợ hắn từ nay sẽ ở nhà chăm sóc con cái. 


Chỉ mình hắn đi làm! Bởi hắn là đàn ông, là trụ cột của gia đình. Dù thu nhập có thấp một tý vẫn còn có vợ có chồng. Phải rồi! Người nước ngoài người ta cũng cần có người chăm sóc con họ. Còn con hắn sao lại phải xa mẹ, không được chăm sóc? Người phụ nữ phải được thiên chức làm vợ, làm mẹ. Hay hớm gì cái trò "lộn ngược": Đàn bà làm kinh tế, đàn ông bế con. Dù như vậy có nghèo tiền, nhưng còn gia đình, còn tình cảm. Thì đấy! Ba năm vừa qua đánh đổi được cái gì. Mọi sự đánh đổi đều là vô nghĩa. Nghĩ tới đây, hắn thấy lòng thanh thản. 

 
Về đến nhà, trời đã chạng vạng. Cửa nhà mở toang, trong nhà tối om. Không thấy ai. Hắn bật đèn lên. Chợt hắn hoảng hốt thấy trong góc nhà thằng con ngồi co ro oặt cổ mắt nhắm nghiền. Bế vội con lên, thấy mặt thằng bé xám lại. Hai mắt nó sưng húp, chắc là do khóc nhiều. Những ngấn nước mắt, nước mũi dọc ngang lẫn bụi đất trên khuôn mặt. Sao thế này? Con ơi. Sao lại thế này? Hay là nó bị ốm! Sờ trán con thấy vẫn mát. Yên tâm thằng bé không bị ốm. Chắc là lả đói! Vội vàng lấy hộp sữa tươi vừa mua theo thói quen mỗi khi đi làm về, hắn đổ từng thìa sữa vào miệng con. Một lát sau con hắn mở mắt, nó khóc nấc lên: "Mẹ…Mẹ…". 

 
Bây giờ thì hắn mới nhớ ra là hắn có vợ và thằng bé có mẹ. Hắn ôm chặt lấy con: "Mẹ đâu?". Thằng bé vẫn vừa khóc vừa nấc: "Mẹ…Mẹ đi…đi rồi!". Hắn khựng lại, như có ai đó vừa giáng vào mặt hắn một quả đấm thôi sơn tối tăm mặt mũi.

- Khốn nạn!

 Hắn gào lên và hắn nghe văng vẳng tiếng vọng lại từ  xa xăm:
- Kh…ốn…ốn…nạ…ạn…ạn…!         

                          *
Độ một tháng sau buổi tối "khốn nạn" ấy, một cái trát của toà án Tỉnh được gửi tới yêu cầu hắn phải lên hầu Tòa về việc vợ hắn từ nước ngoài đã gửi đơn về đòi ly hôn.

Hắn thấy người rỗng ra. Sụp xuống!

Rồi hắn ngẫm nghĩ và nghi ngờ... Hắn bảo một thằng bạn đồng nghiệp xe ôm cũng có vợ làm bên Đài Loan điện sang để tìm hiểu xem. Vài ngày sau vợ tay kia điện về bảo: Cô vợ yêu quý của hắn cặp bồ với một thằng từ ngày mới sang bên ấy, chúng sống với nhau như vợ chồng. Nó về phép là để làm thủ tục ly dị rồi sang kết hôn với thằng ấy. Nhưng lại sợ mang tiếng, nên nó mới bày trò cho hắn điên lên...

Thì ra thế. Cái sự khốn nạn đã được sắp đặt tính toán trước!
Hắn chằng cày không chịu hầu tòa: "Tôi không đồng ý ly hôn thì đã làm gì được!". Khi cái trát thứ  hai đòi, thì hắn buộc phải lên tỉnh để giải quyết. Bởi vì cái giấy này còn bảo nếu hắn không có mặt đúng hạn, tòa sẽ xử ly hôn vắng mặt. Đi thì đi! Phải làm cho ra nhẽ. Dứt khoát hắn không ly hôn! Cái lí do hắn không chịu ly hôn không phải vì hắn còn tiếc nuối. Có gì mà phải tiếc khi nó chẳng còn thèm đếm xỉa gì đến hắn. Nhưng hắn chả vạ gì mà lại đồng ý để cái con vợ hắn ung dung hú hí với thằng nước ngoài.        
Rồi hắn lên hầu tòa. Hắn quyết định không chịu ly hôn. Nhưng Tòa đã đưa ra cái đơn hắn đã viết, đã kí và kết luận: Như vậy là anh chị đã thuận tình ly hôn. Hắn chua chát nghĩ: Khốn nạn! Thì ra nó lừa mình. Trách nào hôm sau mình tìm mãi không thấy cái tờ đơn. Cứ tưởng thằng con đã đem gấp máy bay. Bây giờ thì nó đã bay từ Đài Loan về. Bút sa gà chết, biết sao được!
                           *
Vĩ thanh:          

Hắn ở tù đã được ba năm. Gần mười năm của một kiếp người lưỡng tính, hơn một ngàn đêm thương nhớ con, suy nghĩ, dằn vặt và sám hối. Hắn ở tù vì sau cái việc vợ bỏ, hắn trở nên chán chường và đã buông thả. Hắn tưởng vậy mới là đàn ông. Và hắn phải chịu hậu quả. Nhưng sự thiệt thòi nhất thuộc về đứa con trai bé bỏng của hắn. Hắn khóc và nói như vậy với tôi. Phải làm lại. Cuộc đời vẫn còn dài đối với hắn và mới chỉ là mở đầu với con hắn. Phải là người bố mạnh mẽ, phải là người mẹ dịu hiền trong mắt của đứa con trai. Tôi hiểu và tin vào những điều ấy. Bởi thấy hắn dẫu đang giàn giụa nước mắt nhưng khuôn mặt đã đầy sinh khí, không còn u ám thảm hại như ngày nào

                                                                                                  MTN


Đọc thêm!

NGUYỄN HỮU DUỆ * KHO TÀNG CỦA BẢY VIỄN Ở RỪNG SÁT



KHO TÀNG CỦA BẢY VIỄN
 Ở RỪNG SÁT 
 
Khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu thành lập đến cấp sư đoàn, bộ tư lệnh sư đoàn 32 đóng ở Quảng Ngãi. Bộ tư lệnh này được di chuyển về Biên Hòa, đóng tại nhà Dù, để lấy ba trung đoàn 10, ll, 12 lập ra sư đoàn (sau đó đổi tên là sư đoàn 7, xuống đóng ở vùng 4). 
Trung đoàn 12 là tên của trung đoàn 54 cũ, do Thiếu Tá Đỗ Hữu Độ làm trung đoàn trưởng. Thiếu Tá Độ học khóa 5 Đà Lạt, tôi học khóa 6, nên ông là niên trưởng của tôi. Chúng tôi biết nhau từ khi ông coi tiểu đoàn 2 ở Quảng Ngãi. Ông giầu kinh nghiệm chiến trường vì hành quân nhiều ở ngoài Bắc, là một trong những tiểu đoàn trưởng trẻ ở Bắc Việt. Tôi sau khi đi học ở Fort Benning về, được làm trung đoàn phó cho ông. 
Trong sư đoàn ngày ấy, người ta đồn ông rất giàu có, vì khi hành quân dẹp Bình Xuyên ở Rừng Sắt, ông đã bắt được Lê Paul là con của tướng Bảy Viễn, và đã thu được một trong những kho tàng của Bảy Viễn ở Rừng Sát. Ông cũng nổi tiếng là người dám tổ chức cướp kho súng của Pháp, kể cả xe tăng, khi quân Pháp tập trung ở căn cứ Bà Rịa để rút về Pháp qua ngả Vũng Tàu. Căn cứ này sau là nơi tạm trú của trung đoàn 12. Khi trung đoàn 12 thuộc sư đoàn 7 chuyển về miền Tây, nơi này trở thành trung tâm Huấn luyện Chi Lăng sau này. 
Khi quân Pháp đóng tại căn cứ này, trung đoàn 54 cũng đóng cùng trại. Một số quân nhân của trung đoàn được sự đồng ý của Thiếu Tá Độ, tổ chức lấy lại một số súng của Pháp trước khi họ về nước, và cũng định lấy lại một số xe tăng nữa cho quân ta xài sau này. Họ cho lính Pháp lái xe tăng và coi kho uống rượu pha thuốc ngủ, để dễ hành động. Rủi sự việc có người tiết lộ, hay không biết do đâu mà cấp chỉ huy Pháp biết được, nên báo động kịp thời. Quân ta chỉ mới lấy được một số súng cá nhân. 
Đại sứ Pháp liền viết thư phản đối với Thủ Tướng Diệm. Thủ Tướng giao cho nha An ninh Quân đội điều tra. Ngày ấy nha An ninh do Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân coi. Buổi sáng Chủ nhật hôm ấy tôi lên tư thất Đại Tá Tôn Thất Xứng, là tư lệnh sư đoàn 4 lúc bấy giờ để đi cùng ông xuống trại Tam Hiệp (thuộc Biên Hòa) để tìm nơi lập trung tâm huấn luyện sư đoàn. Tôi đến gặp lúc ông đang cắt tóc, nên ngồi đợi và nói chuyện cùng ông (ngày ấy tôi là chỉ huy trưởng tổng hành dinh sư đoàn). Chợt có tiếng điện thoại reo, tôi ra nghe, người đầu dây bên kia xưng là Thiếu Tướng Xuân của Nha An ninh. Tôi trình Đại Tá Xứng ra nghe. Không rõ bên kia nói gì, nhưng nét mặt đại tá có vẻ nghiêm trọng, và hỏi lại: “Thiếu tướng muốn Thiếu Tá Độ về ngay hôm nay?” rồi ông trả lời tiếp là vâng và cúp máy. 
Ông quay nhìn tôi hỏi:
- Anh có biết việc Độ đầu độc quân Pháp để cướp súng và xe tăng không?
- Tôi có nghe đồn, nhưng sự việc xảy ra từ hồi mình còn ở Quảng Ngãi, và có thành công đâu.
- Sao moa không biết gì. Ông Xuân nói Thủ Tướng bắt điều tra gấp, và bắt Độ về trình diện An ninh quân đội. Anh gọi Độ ra gấp gặp tôi.
Tôi dùng ngay điện thoại gọi Thiếu Tá Độ. Ông hỏi lại tôi Anh biết đại tá gọi về có việc gì? Moa có phải mang thêm tài liệu gì không? 
- Dạ chắc không cần mang tài liệu gì. Thiếu tá về gấp đi, tôi đang ở tư thất của đại tá tư lệnh, vậy thiếu tá về thẳng nhà đại tá. Tôi cũng đợi thiếu tá ở đây.
Vừa gác điện thoại thì Đại Tá Xứng nói với tôi, có vẻ băn khoăn lắm:
- Moa lo Độ sẽ gặp khó khăn về việc này. Ông Xuân nói với moa có vẻ quan trọng lắm, moa sợ Độ về gặp ổng dám giữ lại lắm.
- Thì đại tá phải lo cho ông ấy chứ. Ông làm vì quân đội, đâu phải cho cá nhân ông. Đại tá nghĩ lấy súng và xe tăng để giữ cho quân đội chứ ông bán được sao! 
- Vẫn biết vậy, nhưng toa biết không, ông Xuân này là người của Pháp, và là một mật thám cũ, thế nào cũng bênh Pháp, làm lớn chuyện ra.
- Hay đại tá đừng cho ông Độ về trình diện vội. Đại tá gọi giây nói cho Thiếu Tướng Xuân trước, nói Thiếu Tá Độ đang bận hành quân, xin cho xong rồi về trình diện sau.
- Đâu có được, moa đã đồng ý rồi. Vả lại, hoãn ít hôm cũng phải về trình diện.
Đại Tá Xứng là người nóng tính, thanh liêm, nhất là quý mến anh em hết lòng. Bất cứ việc gì có hại đến người dưới quyền, ông bênh đến cùng. Điều cần là trình thẳng với ông và phải thành thực. 
Lúc bấy giờ, tuy là thời bình nhưng ông gay gắt vấn đề huấn luyện lắm. Ông là người đầu tiên bắt binh sĩ tập di hành. Tuần nào binh sĩ cũng phải di hành, đeo ba lô nặng 20 kí, đi cả mấy chục cây số. Lính đứng gác cũng phải đeo ba lô. Có lần binh sĩ của tôi di hành qua Hố Nai, dân chúng hỏi các anh đi hành quân chiến dịch nào đây. Có anh trả lời – chúng tôi đi chiến dịch Tôn Thất Xứng đây, mọi người cười vang. Thế mà có người mách ông, ông chỉ cười và hỏi lại tôi có đúng không? Nhiều lần cần tiền, ông nhờ tôi cho vay lương trước, để chi tiêu trong gia đình. Tôi làm việc với ông rất thoải mái, tuy hơi vất vả nhưng yên tâm, vì biết tính ông rất tốt với anh em. Có lần tôi gặp khó khăn với nha Quân nhu về việc đổi quân trang cho anh em. Khi lên trình xin ông can thiệp, ông gọi ngay cho đại tá giám đốc Quân Nhu phàn nàn, và tôi được đổi ngay. 
Về Thiếu Tướng Xuân, tôi cũng được biết ông khá nhiều sau này. Năm 1955, có hai chiến dịch là Trương Tấn Bửu ở miền Đông, và Thoại Ngọc Hầu ở miền Tây. Tướng Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch Thoại Ngọc Hầu, tướng Mai Hữu Xuân chỉ huy chiến dịch Trương Tấn Bửu.
Sư đoàn 4 hành quân ở miền Tây, tôi là chỉ huy trưởng hậu cứ Biên Hòa.
Đại Úy Trương Văn Minh là trưởng phòng 2 sư đoàn, kiêm nhiệm trưởng phòng 2 chiến dịch Trương Tấn Bửu. Tham mưu trưởng là Đại Tá Trần Thiện Khiêm. 
Một lần Đại Úy Minh gặp tôi, nói Thiếu Tướng Xuân nhờ anh về sư đoàn mượn từ 20 đến 80 chiếc GMC để có thêm phương tiện di chuyển quân, và chở vũ khí tịch thu được của binh sĩ Cao Đài về hàng, cùng các vũ khí thặng dư của các tỉnh.
Tôi trình cho đại tá tư lệnh, ông đồng ý cho mượn theo tôi thu xếp. Thiếu Tướng Xuân bằng lòng lắm. Ngay gần bộ tư lệnh chiến dịch có một trại giáo huấn khá lớn, giam giữ khá đông tù chính trị, hầu hết là Cộng Sản (tôi không biết chắc là bao nhiêu, nhưng ước lượng từ 6 đến 7 trăm người). Trại này đóng ngay trước dưỡng trí viện (nhà thương điên) Biên Hòa. Một sáng Chủ nhật, tù nhân lợi dụng canh gác lỏng lẻo vào cuối tuần, bắt giam giám thị, phá cổng chạy trốn vào rừng cao su quanh đó. Trại giam báo động, gọi về bộ tư lệnh chiến dịch xin tiếp ứng, gọi cả về sư đoàn cầu cứu nữa. Rất may hôm ấy tôi có mặt, vội điều động lính gác sư đoàn, và cho xe đi trại gia binh điều động các quân nhân đi tiếp cứu. Cả một vùng rộng lớn bị bao vây, bắt lại được gần 40 tên trốn trại (tính ra chỉ mất có 12 người). 
Anh Minh kể với tôi là thiếu tướng tư lệnh mừng lắm, tặng tôi cùng một số anh em Huy chương của chiến dịch. Ông Xuân cũng nói may mà bắt lại được đám này, nếu không, Tổng Thống biết được thì khó mà trả lời, vì trại giam nằm gần ngay bộ tư lệnh chiến dịch. Anh Minh cũng đưa tôi lên trình diện theo lời yêu cầu của ông, để ông có dịp khen ngợi và cám ơn. Khi chào ra về, ông bảo anh Minh ở lại gặp riêng ông. Tôi ra đợi anh Minh ở phòng làm việc của anh. Sau đó, anh Minh về phòng gặp tôi, có vẻ đăm chiêu lắm anh và tôi rất thân nhau, vì cùng làm việc với nhau từ hồi mới thành lập sư đoàn, việc gì anh em cũng tâm sự cùng nhau. 
Anh than với tôi: chết thật rồi, ông giao cho tôi một nhiệm vụ mà tôi nghĩ khó thi hành quá anh Duệ ơi. Ông ra lệnh cho tôi phải đem đám tù trốn trại bắt lại được vào rừng thủ tiêu hết. Ông bảo nuôi tụi này làm gì cho tốn cơm. Anh nghĩ tôi phải làm sao bây giờ (Anh Minh hiện ở Washington D.C.).
Tôi trả lời ngay:
- Sao anh phải thi hành lệnh nầy, và anh làm gì có người? Anh nên trình lại và xin ông ra lệnh cho trại cải huấn, hay nhân viên của ông ở An ninh quân đội. Chả nhẽ anh và anh em ở phòng 2 này đi thủ tiêu người sao? Anh nhớ đừng chuyển lệnh của ông cho ai, đâu phải việc của anh.
- Thì tôi cũng nghĩ như anh vậy, anh Minh trả lời. Và chợt reo lên:
- Mình chỉ là một trưởng phòng trong bộ tham mưu. Đâu dám làm việc gì không trình ông tham mưu trưởng được. Tôi phải đem trình Đại Tá Khiêm để đại tá giải quyết. Anh đi với tôi sang Đại Tá Khiêm, tiện thể tôi giới thiệu anh với đại tá luôn.
Tôi từ chối, vì không muốn để anh Minh khó xử trong việc bí mật này trước mặt tôi Anh nói: – Vậy anh đợi tôi sang đại tá, rồi tụi mình về nhà tôi ăn cơm chiều (nhà anh Minh ở trong cư xá sĩ quan Biên Hòa). Tôi đợi anh Minh về, mặt mày tươi rói, anh kể với tôi: Anh biết không, tôi trình Đại Tá Khiêm và nói vì không biết thi hành lệnh của Thiếu Tướng Xuân ra sao, nên phải trình để đại tá quyết định. 
Đại Tá Khiêm trả lời ngay: Thiếu Tướng Xuân là sĩ quan đồng hóa từ công an Pháp sang, còn mình là quân đội chính qui, làm việc gì cũng phải theo đúng nguyên tắc tham mưu. Phải coi chừng, thi hành ẩu là anh ra tòa án lúc nào không hay. Nếu ông Xuân hỏi, anh cứ thưa là đã trình tôi rồi, và tôi ra lệnh không thi hành, mình chỉ làm công việc tham mưu mà thôi. Ông muốn thì để tay chân ông làm; mình không làm theo kiểu mật thám được.
- Đúng, thế là xong! Nên nhớ anh là trưởng phòng 2 sư đoàn, chỉ kiêm nhiệm phòng 2 chiến dịch mà thôi. Ít lâu nữa chiến dịch chấm dứt, anh lại về sư đoàn, tôi trả lời. 
Sau này, anh Minh và tôi xuống bộ tư lệnh tiền phương, gặp Đại Tá Xứng trình lại ông sự việc, ông nói làm theo lệnh Đại Tá Khiêm là đúng và ông bảo anh Minh ở lại làm việc theo sư đoàn. Cử trung úy phó trưởng phòng làm việc ở bộ tư lệnh chiến dịch, anh Minh chỉ về ít ngày một tuần, hoặc khi có hành quân mà thôi. 
Sau sư đoàn 4 đổi thành sư đoàn 7, tôi có một tiểu đoàn đặt dưới quyền của trung tâm huấn luyện Quang Trung, do Trung Tướng Xuân coi. Theo lệnh tổng tham mưu, tiểu đoàn biệt phái này để lo giữ an ninh cho trung tâm, nhưng trung tâm đã sử dụng tiểu đoàn này như tiểu đoàn công vụ, bị chia cắt biệt phái đủ mọi nơi, khiến việc huấn luyện không theo kịp các đơn vị khác. Tôi lại phải đến trình diện Trung Tướng Xuân, xin ông xem lại. Gặp tôi ông vui lắm, nhắc tới việc tôi giúp bắt lại đám tù ở trung tâm cải huấn. Nghe tôi trình vấn đề, ông bảo để xem lại, nhưng mọi việc vẫn như cũ, chẳng có gì thay đổi. 
Tôi còn nhớ lúc ngồi nói chuyện với ông, có một sĩ quan đem vào đặt trên bàn làm việc một cái giá để gần chục cái tẩu hút thuốc (pipe) đã nhồi sẵn, cái nào cũng đẹp. Ngày tôi làm ở tổng cục Chiến tranh chính trị, được đọc một báo cáo của cục An ninh, trình về việc một thượng sĩ biệt phái làm việc cho ông, đã dám chống cự ông và xô ông té nặng, bị ông trả đương sự về lại Cục An ninh và xin trừng phạt nặng. Tôi không rõ sự việc đã giải quyết ra sao, vì không phải phần việc của tôi. Ngày ấy ông đã giải ngũ khỏi quân đội. Theo lệnh của tổng tham mưu, các vị tướng hồi hưu có quyền giữ một sĩ quan chánh văn phòng, tài xế và một cận vệ, nhưng ông giữ với ông quá số ấy nhiều. 
Trở lại vụ Thiếu Tá Độ bị gọi về trình diện. Đại Tá Xứng bảo tôi gọi giây nói cho trung đoàn 10 ở trại Tam Hiệp rõ, là ông bận việc, không xuống tìm dịa điểm để lập trung tâm huấn luyện sư đoàn được. Khi Thiếu Tá Độ về trình diện, lúc ấy khoảng 10 giờ. Ông cau mặt hỏi sự việc và trách Thiếu Tá Độ sao không cho ông rõ. Thiếu Tá Độ có vẻ lo, thưa lại là việc ấy đã xẩy ra lâu rồi, khi trung đoàn 12 còn là trung đoàn 54, và lúc đó đại tá còn ở ngoài trung. Thiếu Tá Độ nói tiếp: 
- Trình đại tá, thấy tụi Tây chuyển về toàn súng tốt của Mỹ viện trợ, hầu hết là súng máy và carbine, chúng chất đầy kho, súng garant chúng xếp như đống củi, mà quân đội mình có toàn là mas 36 của Tây. Tụi sĩ quan tiếp liệu kể là số vú khí này sẽ chuyển sang Algérie, và nhiều quá, chúng không kiểm kê hết được. Vả lại, đóng tại trại này là để đợi triệt thoái về Algérie hay Pháp, chúng chỉ lo nhậu nhẹt ăn chơi. Vì vậy, các sĩ quan trung đoàn và binh sĩ cho chúng boire un coup là xin gì chúng cũng cho. Thấy vậy, anh em bàn nhau cho chúng uống say, rồi lấy lại một số súng, để quân đội mình dùng sau này. Việc này tôi không nhúng tay vào, để cho một số anh em lo, coi như tôi không biết. 
- Thế còn việc lấy thiết giáp thì sao?
- Dạ, thấy chúng đậu ngổn ngang, các anh em định lấy độ 5, 7 chiếc đem vào rừng giấu, cũng là để cho quân đội thôi. Anh em cũng đã rủ được mấy thằng Tây lái xe tăng đào ngũ ở lại với mình rồi!
- Thật rủi là có thằng Tây báo cho tụi an ninh Pháp biết, nên chúng báo động, và chuyển cấp tốc các xe tăng ra Vũng Tàu, cả kho súng nữa. Mình chỉ mới lấy được ít khẩu súng lục và carbine, hiện các tiểu đoàn vẫn xài riêng, coi như đồ thặng dư. 
(Sau này, khi tôi thay Thiếu Tá Độ làm trung đoàn trưởng trung đoàn 12, trong kho của trung đoàn vẫn còn một số mấy khẩu Garant và 2 máy truyền tin, tôi tặng cho cha Dụ là chánh xứ Cao Xá, để trang bị cho tự vệ của xứ đạo di cư tại Tâm Long (tôi không nhớ rõ) ở Tây Ninh, giáp biên giới Cam Bốt.)
Thiếu Tá Độ có vẻ lo lắng, xin Đại Tá Xứng giúp đỡ cách nào để ông khỏi về trình diện Thiếu Tướng Xuân. Sau một hồi suy nghĩ, Đại Tá Xứng nói: Như vậy moa phải xin yết kiến Thủ Tướng để trình bày rõ sự việc. Rồi đại tá đi ngay Saigon. Chiều hôm ấy trở về, ông rất vui vẻ, vì vào ngày Chủ nhật, Thủ Tướng không bận gì nên được tiếp ngay. Thủ Tướng đồng ý bỏ qua, và tỏ vẻ bằng lòng về lòng yêu nước của Thiếu Tá Độ. Từ đó, Thiếu Tá Độ và tôi trở thành thân thiết. 
Sau đó, tôi được đi học lớp bộ binh cao cấp ở Fort Bennimg Hoa Kỳ (lớp advance đầu tiên sĩ quan Việt Nam học với sĩ quan Hoa Kỳ). Khi tốt nghiệp, về lại sư đoàn 4, lúc đó do Đại Tá Trần Thiên Khiêm là tư lệnh. Tôi được bổ nhậm làm trung đoàn phó cho Thiếu Tá Độ. Vì không có gia đình, Thiếu Tá Độ hay rủ tôi về nhà ông ăn cơm. 
Một buổi tối sau khi ăn cơm xong, tôi hỏi về tin đồn ông tìm được kho tàng của Bảy Viễn ở Rừng Sát. Ông kể cho tôi nghe rất rành mạch:
- Ngày ấy, tôi cũng ở căn nhà này (là kho bạc cũ của Bà Rịa, được cấp cho trung đoàn làm tư thất của trung đoàn trưởng). Lớ ngớ làm sao mà tiểu đoàn 3 của mình bắt được một toán quân của Bình Xuyên, trong đó có Lê Paul, là con của Bảy Viễn, tại Hắc Dịch. Lúc đó chỉ biết là quân Bình Xuyên có võ khí, và không ai biết con của Bảy Viễn ở trong đó. Toán này được tiểu đoàn giải về phòng 2 trung tâm để khai thác. Anh còn lạ gì thằng trung úy Lưu đen là trưởng phòng nữa, ai gặp hắn mà không sợ (Thật vậy, trung úy Lưu người đen đủi, mắt lác nhiều, môi dày và thâm, trông dữ dằn lắm). Vì vậy Lê Paul và đồng bọn gặp hắn là hết hồn. Lưu đen hô lớn dọa: Các anh mang mấy tên giặc này đến đây làm gì, mắc công anh em phải tra khảo, sao không thủ tiêu tụi nó đi? (anh Lưu dọa vậy chứ đâu có ngờ trong đám này có một tù binh quan trọng vậy). 
Thế là Paul sợ quá, vội xin gặp riêng trung úy Lưu, nhận y là con của Bảy Viễn, để xin giữ mạng sống. Chưa tra khảo, nó đã khai ngay là biết chỗ chôn tiền, để lập công. Tôi (Thiếu Tá Độ) vội dẫn hắn đến chỗ giấu tiền, đựng trong những sac marin (sắc này hình tròn to và cao dùng đủ để đựng toàn bộ quân trang cho một quân nhân) và trong các thùng gỗ. Tôi cũng giấu được vài sắc trong đựng toàn giấy $500, rồi báo về bộ tư lệnh hành quân của Đại Tá Dương Văn Minh, lúc đó đóng tại Thủ Đức. Kho tàng này đâu có chôn giấu gì, chỉ gác lên các nhành cây rậm rạp, vì ở Rừng Sát lúc đó đang ngập nước. Vì Lê Paul là một tù binh quan trọng, nên bộ tư lệnh hành quân đích thân đến khai thác. Tôi nghĩ hắn còn chỉ nhiều chỗ dấu tiền khác nữa. 
Tôi hỏi lại:
- Thiếu tá nói dấu được mấy sac marin thì độ bao nhiêu tiền?
- Thì đếm làm sao cho xuể, tôi nghĩ cả mấy mươi triệu chứ đâu có ít. Ngay đêm đó, tôi mang số tiền giấu được, xuống xuồng máy cùng ông bác sĩ Huấn, là bác sĩ của trung đoàn (bác sĩ Huấn sau là đại tá trưởng khối của cục Quân y, tôi không rõ ông có sang được Mỹ hay không), và thằng trung sĩ Dương Tác Nam, là cận vệ của tôi (trung sĩ Nam là người Nùng, anh này nhanh nhẹn, cao lớn và giỏi võ, sau này anh cũng là cận vệ của tôi, nhưng vì hay say sưa nên tôi không dùng) đi xuồng máy về ngay Bà Rịa. 
Sáng sớm hôm sau, tôi khởi hành thật sớm về Saigon định giao cho gia đình giấu đi. Mới về qua khỏi Biên Hòa, đến cầu Hang thì bị hai xe quân cảnh đón sẵn ở đó giữ lại. Gần đó có Đại Tá Dương Văn Minh, tư lệnh hành quân, đang đi đi lại lại với mấy cận vệ và sĩ quan tùy viên. Có xe traction của ông đậu gần đó (tướng Minh chỉ đi xe traction, kể cả khi ông làm Quốc Trưởng). Tụi quân cảnh đối xử với tôi rất lễ phép, mời tôi đến trình diện Đại Tá Minh. Gặp tôi, ông bắt tay và nói: Thôi về bộ tư lệnh ở Thủ Đức nói chuyện. Ông bắt tôi lên xe với ông, và bảo sĩ quan tùy viên của ông đi xe Jeep của tôi để gác tiền. 
Trên xe, tôi phân trần cùng ông, nhưng ông gạt đi và nói chuyện khác vui vẻ lắm. Đến bộ tư lệnh, thấy nhiều anh em sĩ quan chạy ra cửa nhìn, tôi biết là tin tôi lấy được tiền, nhiều người đã biết rồi. Vừa ngồi xuống ghế ở văn phòng ông, tôi vội trình ngay: Thưa đại tá, xin đại tá xét cho, bắt được Lê Paul là tôi báo cáo ngay về cho bộ tư lệnh, chứ tôi đâu có dấu diếm gì đầu. Tuy nhiên, xin đại tá xét cho, ai cũng có lòng tham, tôi chỉ xin dấu lại chút ít, định đem về Saigon cho gia đình. Ông cười: Thì moa có trách gì toa đâu, ai ở địa vị toa cũng làm như vây, nhưng toa biết là không ai qua mặt moa được. Thôi, để lại cho toa ít nhiều, vì số còn lại moa phải trình thượng cấp. Thế là ông cho lại tôi ba trăm ngàn, tôi xin thêm ông cho hơn trăm ngàn nữa, rồi cho tôi về. 
Ngày ấy, lương của tôi độ trên dưới hai ngàn gì đó, cũng là hơn một lạng vàng, mà có đến gần nửa triệu như ông Độ, là điều tụi tôi không bao giờ dám mơ tới. Tôi hỏi tiếp:
- Thế tại sao thiếu tá không giấu cất lại ít nhiều ở hậu cứ trung đoàn?
- Thật là dại, vì lúc đó mình có nhiều tiền quá nên bối rối, có nghĩ gì đâu. Nếu giấu được ít nhiều thì tôi sống cả đời không hết.
- Thế thiếu tá ước lượng số tiền ông thu được của thiếu tá và tại chỗ giấu là bao nhiêu tất cả. 
- Nhiều lắm, làm sao tính cho xuể. Chỉ mấy cái xác marin của moa, ông lấy ra cho lại 400.000 mà chỉ vơi chút đỉnh. Còn cả một kho tiền và nhiều chỗ cất dấu khác do Le Paul chỉ, thì biết bao nhiêu mà kể. Số tiền ông cho lại moa mua được một căn nhà ở đường Đồn Đất, và một xe Peugeot 203, còn cất làm vốn gửi nhà bank. Lạ một điều là mãi khuya mình mới về tới Bà Rịa, và sáng đã đi sớm mà bị lộ, nên moa chắc ở trung đoàn có thằng báo với ông Minh. Anh nghĩ, tôi chỉ được một số tiền nhỏ mà đồn ầm ĩ cả quân đội. Còn ông Minh giầu đến mức nào…
Tôi bàn thêm:
- Bảy Viễn còn giàu gấp mấy nữa, dù hắn có lưu vong sang Pháp thì bao giờ mới tiêu hết tiền.
Buồn cười nhất là, tối đó về tôi bị mất ngủ, vì cứ lẩn thẩn miên man nghĩ ngợi, là nếu vào địa vị mình, thì phải sắp xếp làm sao, chia cho anh em bằng cách nào, và làm sao giữ được số tiền này. Nghĩ thật vô duyên, tự dưng bị mất ngủ một cách lãng xẹt. 
Ghi chú thêm:
- Thiếu Tá Độ đã tử nạn khi làm tham Mưu trưởng sư đoàn l, do Đại Tá Nguyễn Đức Thắng làm tư lệnh, trong khi đi máy bay vào tiền đồn A Sao, A Lưới ủy lạo binh sĩ trong dịp Tết.
- Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng định cư ở Montreal Canada.
- Trung Tướng Mai Hữu Xuân đã qua đời tại vùng Washington D.C.
- Đại tướng Trần Thiện Khiêm cư ngụ ở vùng Washington D.C.
- Tướng Dương Văn Minh đã qua đời tại Pomona, Califomia.
- Cha Dụ, chánh xứ Cao Xá, khi di cư vào Nam được định cư ở Tây Ninh với các con chiên Cao Xá đi theo lập thành một xứ đạo di cư chống Cộng triệt để. Người hiện ở Houston, Texas.
- Tôi cũng nghe nói là Lê Paul đã tiết lộ thêm nhiều chỗ chôn tiền và quí kim nữa. Sau đương sự bị bắn chết với lý do chạy trốn, nhưng dư luận lúc bấy giờ nói đương sự phải chết để bịt miệng. Tôi không dám chắc tin đồn này có đúng hay không, vì không biết rõ sự việc.
Nguyễn Hữu Duệ
(NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY Ở CẠNH T.T NGÔ ĐÌNH DIỆM)


XUÂN THỌ * SỔ HƯU

Sổ hưu

Xuân Thọ
Bài thuyết trình của đại tá PGS-TS Trần Đăng Thanh đang là đề tài nóng trên mạng khiến tôi phải vào Ba Sàm để đọc, chứ lâu nay tôi chẳng bao giờ màng đến các bài nói chuyện, các buổi phổ biến nghị quyết kiểu đó. Về tất cả những điều bỉ ổi kiểu: „Tầu xâm lược nước ta, nhưng ta phải nhớ ơn Tầu“, hay „Ta phải học tập Triều Tiên, tuy để dân chết đói, nhưng đủ sức làm cho các cường quốc mất ăn mất ngủ“ thì tôi không cần phải bàn vì chúng không đáng để nói.
Nhưng việc ông Đăng Thanh lấy chuyện sổ hưu của cán bộ ra để hô hào họ phải „chiến đấu“ để bảo vệ nó, rồi ông lại lôi chuyện Đông Âu ra để dọa họ thì tôi buộc phải nêu vài ví dụ chính tôi chứng kiến để chứng minh là ông đại tá này cố tình bịa đặt, xuyên tạc lịch sử.

Tôi có rất nhiều thầy cô giáo cũ ở CHDC Đức (đều từ 70 đến 80 tuổi), đã về hưu từ ngày nước Đức thống nhất, nhưng vẫn có cuộc sống yên lành. Bà Inge L., hồi đầu là giáo viên tiếng Đức của chúng tôi. Sau năm 1971, chúng tôi về Việt Nam làm việc thì được biết bà đã chuyển sang làm công tác đảng SED (như đảng CSVN bây giờ) ở huyện Königs Wusterhausen, gần Berlin. Tuy không phải viên chức nhà nước, nhưng sau ngày thống nhất, chính quyền mới vẫn cho bà lĩnh lương hưu và bà có một cuộc sống thanh đạm, nhưng không thiếu thốn. Hiện nay bà sống cô đơn nên được xếp vào ở nhà xã hội, được bảo hiểm sức khỏe đàng hoàng. Chúng tôi thường xuyên điện thoại thăm hỏi nhau.
Năm 2006 và năm 2011 tôi có mời một số anh chị em bạn học cũ từ Việt Nam sang Đức chơi, (có thể có người đang đọc bài này). Cả hai lần chúng tôi đều kéo nhau về trường cũ, bỏ tiền ra làm một bữa liên hoan, có cả âm nhạc Việt Nam, mời toàn bộ các thầy cô đến dự. Họ rất mừng và nói: „Các học sinh Đức cũ không ai nhớ đến chúng tôi, nhưng người Việt các anh chị quả là rất ơn nghĩa, 40 năm rồi vẫn nhớ đến chúng tôi“.
Nhờ chúng tôi tổ chức họp mặt họ mới có dịp gặp nhau, vì trường cũ đã giải tán và nội bộ của họ có nhiều vấn đề: mất đoàn kết, thù hận nhau, do chính quá khứ của đảng SED để lại, nên họ không bao giờ chủ động gặp nhau.
Trong số phận của các thầy cô, tôi chỉ xin kể 2 sự việc:
1- Bà Magdalena M. vốn là một bà giáo rất đẹp gái, tóc bạch kim, cao ráo, dáng rất sang, dạy kỹ thuật truyền tin. Sau 40 năm gặp lại bà vẫn như vậy và lái xe BMW mui trần đến dự liên hoan. Trước kia tôi không quan tâm đến cuộc sống của bà, nay thấy bà nổi bật lên giữa các vị giáo già nua thanh đạm. Bà bảo: Lương hưu giáo viên của bà thì tạm đủ, nhưng ông chồng bà là đại tá không quân Quân đội Nhân dân Quốc Gia CHDC Đức. Sau khi thống nhất ông được lương hưu tương đương như ông quan ba Tây Đức nên khá lắm! Bà buồn là ông mới mất và nay bà chỉ còn sống bằng lương hưu của bà và 1 phần lương hưu bà góa của ông (Witwenrente).
Bà M. than phiền với tôi là: So với ông đại tá ở phía Tây Đức thì cái tỷ lệ lương hưu để lại cho bà góa có ít hơn.
Tôi không biết điều bà M. nói đúng hay sai, nhưng tôi an ủi bà: Ngày trước ông nhà chỉ lo mỗi việc là tiêu diệt người ta, sau này người ta trả lương hưu hậu như vậy, lúc ổng qua đời, bà còn được lương bà góa của ông nhà thì chắc là sự bất công không bằng đồng bào tôi ở Sài Gòn đã chịu, họ không những không có lương hưu mà còn phải đi cải tạo, có người chết mất cả xác.
Bà M. không phản đối điều tôi nói và trầm ngâm hẳn. Từ đó đến nay, bà vẫn hay gửi email trao đổi chuyện chính trị với tôi.
2- Ông bà Joseph và Gundela GL. là hai người tôi coi như bố mẹ nuôi. Bọn con trai, mấy thằng Erwin, Peter, Michael vẫn chơi bóng đá với đám thanh niên Việt Nam chúng tôi, con bé Martina suốt ngày quấn quít với các bạn gái Việt. Suốt mấy chục năm xa cách tôi vẫn thư từ cho bà. Đùng một cái, từ năm 1990, sau thống nhất đất nước Đức, tôi mất liên lạc với bà. Tôi dò hỏi các thầy cô cũ thì biết cả hai ông bà từng là mật vụ chìm cho STASI (An Ninh CHDC Đức) nên khi chế độ sụp đổ, mọi việc vỡ lở, ông bà xấu hổ quá, đưa cả gia đình đi xa.
Từ khi sang Đức, tôi đã cất công tìm tung tích của ông bà, vì tôi vẫn nhớ đến tình cảm của họ đối với đám thanh niên Việt chúng tôi khi xưa. Là người Việt Nam, tôi thừa hiểu cái bi kich “cá chìm” mà hàng triệu người Đông Đức hồi đó phải gánh chịu, dù là nạn nhân hay là thủ phạm. Đối với tôi tình cảm con người là trên hết.
Nhờ có Internet và hệ thống sổ điện thoại điện tử, tôi đã tìm được gia đình ông bà GL. Ông bà có một căn nhà nhỏ trên đảo Usedom, nằm trên biển Baltic, gần Ba-lan. Ông bà rút vào cuộc sống ẩn dật để tránh mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cũ. Câu con cả Erwin làm giám đốc trung tâm điều dưỡng trên đảo và vẫn chăm nom ông bà. Ông bà cảm động lắm và nói là họ đã mất hết bạn bè người Đức, nhưng may mà tôi đã đến với họ.
Điều làm ông bà ân hận nhất là cái „sổ hưu“. Vì là nhân viên mật vụ STASI nên ông bà có quyền cao chức trọng hơn các đồng nghiệp khác trong trường, mặc dù họ có trình độ hơn ông bà. Nhờ vậy ngày nay ông bà lĩnh lương hưu cao hơn họ, những nạn nhân của ông bà.
Đó là ở nước Đức, nơi mà một nhà nước pháp quyền phương tây tiếp quản chính quyền từ tay những người cộng sản. Nhưng ở nuớc Tiệp, nơi người dân tự chuyển đổi xã hội của mình từ độc tài sang dân chủ, vấn đề „sổ hưu“ cũng không khác gì.
Cô tôi là một kiều nữ Hà Nội đầu những năm 60, lại nói tiếng Pháp giỏi nên đuợc tuyển đi làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia địa chất Tiệp Khắc. Ông Tây Tiệp Vladimir phải lòng cô tôi và họ yêu nhau, như ở mọi nơi trên đời này. Nhưng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa không cho phép một phụ nữ Việt Nam yêu một đồng chí Tiệp. Cuối năm 1961, Tổng cục Địa chất buộc chú tôi phải chấm dứt công tác, quay về Tiệp, để lại cô tôi bụng mang dạ chửa.
Chú Vladimir về Praha, nhờ bạn bè trong trung ương đảng CS Tiệp Khắc, nhờ cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp, để rồi năm 1963 cô tôi được ôm con gái xuất ngoại. Chỉ riêng nhưng đau khổ quanh câu chuyện tình này cũng có đủ chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết.
Khi sang Tiệp, cô chú tôi đều đi làm cho nhà nuớc Tiệp, chú là kỹ sư địa chất, cô là kế toán. Sau cuộc cách mạng nhung, cô chú tôi đều đuợc chính quyền mới trả lương hưu trí đầy đủ, nghe đâu hơn 20.000 Kcs/tháng.
Mùa hè vừa qua, sang thăm cô chú tôi tại Praha, tôi đem chuyện các thầy cô Đông Đức ra kể. Chú Vladimir bảo, các nhân viên STB cũ (Mật vụ An ninh Tiệp Khắc) nếu không vướng tội hình sự (tra tấn, giết người v.v) thì cũng được lãnh lương hưu. Rồi ông kết luận một câu hiền khô:
- Phải thế chứ, không thì họ sống bằng gì!
Một suy nghĩ cực kỳ nhân bản của một con người bình thường.
Xuân Thọ
20.12.2012 Cologne
Nguồn: Dân luận

Thursday, December 20, 2012


PHAN * TIẾNG DẾ ĐÊM ĐÔNG

Tiếng dế đêm đông


- Phan

Tôi đang ngủ trong căn chòi canh cá của gia đình một người bạn. Cha anh đi tù cải tạo, mẹ làm hãng dệt ba cọc ba đồng, nên không đủ sống
 

Ông ngoại của bạn tôi đã già, nhưng phải lặn lội ra tận Vũng Tàu để làm thủ kho cho một công trình xây dựng. Ông cai thầu công trình ấy có gia đình ở chung xóm với chúng tôi; thấy ông ngoại của bạn tôi hiền lành, thật thà, nên ông đưa ông cụ đi coi kho trong thời buổi quá nhiều kẻ cắp.
Nhà bạn tôi chỉ còn bà ngoại, người lo toan từ trong ra ngoài, lo hết mọi việc cho đàn cháu thơ ngây. Tôi nhớ lắm những món ăn dân dã mà bà ngoại của bạn tôi thường cho tôi ăn khi tôi đến chơi nhà. 


Một hôm, vừa ăn xong món bánh khoai mì nướng thật ngon. Bà ngoại nhờ hai đứa, “Thôi, tụi bay đừng có đi đá banh, tắm sông, chiều nay nữa. Giúp ngoại đốn mấy cây khuynh diệp ngoài bờ sông...”

Tôi tưởng ngoại cần củi, nhưng không. Thì ra bà ngoại định cất căn chòi ngoài ao cá vì dạo này đêm nào cũng có người câu cá trộm hay hái dừa-trồng giáp vòng bờ ao. 

Đó là hai nguồn thu nhập phụ của gia đình trước kia, nhưng đã trở thành chánh trong hoàn cảnh mới của xã hội mới. Bà ngoại muốn đốn sẵn bốn cây khuynh diệp bằng bắp đùi, để khi ông ngoại về thì ông ngoại cất căn chòi ngoài ao. Bà ngoại sẽ ngủ đêm ở chòi để canh trộm...
 
Rồi chú Tư (cai thầu xây dựng) chỉ đưa tiền lương của ông ngoại về cho bà ngoại. Chú cho biết công việc nhiều lắm, ông ngoại không về được. Ở nhà, chúng tôi tự cất lấy căn chòi ngoài ao cá. 

Lần đầu tiên trong đời hai chú nhóc tự xây dựng một công trình. Vì nó nằm cạnh bờ ao nên gọi là căn chòi chứ nhìn rất khang trang, đẹp đẽ hơn nhiều cái chòi ọp ẹp của người miền bắc, miền trung đổ vào, người từ các vùng kinh tế mới dạt về... 

Các chòi đó là sản phẩm của một xã hội bần cùng, khốn khổ, sau 1975-chỉ có bốn cây cọc với tấm mái che bằng ny-lon hay tôn sét, cắm dọc theo bờ sông.
Chúng tôi làm căn chòi mái tranh, vách đất bện rơm, chẳng tốn đồng nào nhưng tươm tất, xinh xắn. Từ hôm hai đứa đứng ngắm công trình đầu đời của mình, tôi đã linh cảm được cả tôi và người bạn nhỏ trong xóm, bạn học, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên công trình này... 

Và đúng như linh cảm ấy, người bạn tôi may mắn đi ké được chiếc xuồng vượt biên bị mắc cạn ở khúc sông quê tôi, bạn tôi thành thổ địa - dẫn độ chiếc xuồng thoát bãi cạn và kết quả là đi luôn với họ.
Tôi còn lại một mình, rất lẻ loi và buồn. Cứ vài hôm lại nghe cô em kế của người bạn nói trong sân trường, “đêm qua, em với ngoại ngủ ngoài chòi vì người ta trộm cá, trộm dừa, dữ quá!” Đến hôm nghe cô em chúng tôi nói, “đêm qua, em với ngoại ngủ ngoài chòi. Thì người ta ăn trộm trong nhà. Bị mất cái đầu máy may với máy cassette nghe cải lương của ngoại. Ngoại khóc quá chừng!”
Từ đó, đêm nào tôi cũng ngủ chòi, để canh trộm. Tôi là con nhà di cư, ông bà nội ngoại đều chết cả với phong trào đấu tố ngoài Bắc. Không biết mặt ông bà nội ngoại của mình nên tôi dễ cảm kích những đối xử của bà ngoại của người bạn. Nhiều khi chỉ là củ khoai từ luộc; cái bánh ú, chẳng hề lớn lao gì. Nhưng việc ngoại để dành cho tôi, sắp nhỏ trong nhà không được động đến, thật làm tôi cảm kích. Phần khác, tôi cũng không có em gái. Có mỗi thằng em trai thì nó cậy thế con út-làm ông trời con trong nhà, nó phá phách rồi đổ thừa cho mình thì nó vô tội vạ. Nhưng mình đục nó thì lớn chuyện với bà già tôi. Hình như tôi rất quý cô em của người bạn.

Những đêm tôi ngủ trong chòi, hay những chiều làm toán, học bài cũng trong không gian ấy. Tôi thường ngắm tấm hình thằng bạn ở Mỹ gởi về, nó mặc đồ lạnh nên thấy nó có phần to lớn hơn cả tôi. Đọc những lá thơ nó viết cho gia đình và tôi, cũng chỉ xoay quanh bà ngoại và cái chòi là cái nó nhớ nhất trong đời sống mới ở hải ngoại. 

Nhưng tôi thích một mình trong không gian yên lắng của căn chòi mát rượi quanh năm, muốn ngồi, nằm tự tại mà ngắm những bông hoa trên vách đất bện rơm do cô em gái của chúng tôi trang trí. Những suy nghĩ thật đơn giản của cô em thể hiện qua tác phẩm nghệ thuật làm nổi bật tính chất giản đơn và lòng đôn hậu, tôi nhớ bức tranh thêu màu mè và thơ dại như chính những bông hoa soi nhái trên tường. Đàn anh càng hỉnh mũi khi cô em dẫn bạn bè về chơi nhà, thể nào cũng dẫn bầy khách nhí đó ra “tham quan” công trình xây dựng của hai ông anh. Tôi mười lăm, mười sáu. Đứng nghe bầy con gái mười bốn, mười ba hết lời khen ngợi mình thì sướng hơn lên trời.
Tôi coi căn chòi đó như nhà riêng của mình, nên khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống vào buổi chiều, chợt nghe tiếng dế gáy rả rích trong vệ cỏ, mớ rơm ủ gốc cây ăn trái trồng quanh căn chòi. Loáng thoáng vài chú bé con đi tìm bắt dế, làm sống dậy một đoạn đời không bao lâu trước đó mà như đã thật xa, tôi với tên bạn cũng trông mưa tạnh để đi bắt dế.

 Những con dế đá sau mưa từ trong chỗ nấp, hang hốc bay ra, hạ cánh bất ngờ và cất tiếng gáy để gọi bạn tình là những chị dế mái tới kỳ sinh nở, chỉ một chiều mưa dứt hạt, đôi bạn dế đã vui vẻ dắt nhau về tổ ấm của mình, để rồi những ngày sau đó là một đàn dế nhí ra đời. Có hôm, hai anh em tôi bị mưa nhốt trong căn chòi tối sớm vì mưa, chúng tôi muốn nói với nhau thật nhiều. Nhưng ngồi hàng giờ này qua giờ khác, chỉ biết nhìn nhau rồi lỏn lẻn cười - cho tới tiếng ngoại ơi ới gọi ăn cơm...
Ôi những con dế mang tiếng gáy đều có số phận riêng của nó. Con dế trống với tiếng gọi bạn tình càng tha thiết, tiếng gáy bắt nạt đối thủ lanh lảnh, vang dội mà lũ trẻ gọi là tiếng gáy tướng quân thì bọn trẻ rình rập cho đến bắt được mới thôi. Và tội nghiệp tướng quân khi đã sa vào tay bọn trẻ con như lòng người khi đã sa vào những lụy phiền tình cảm.

 Tôi không chỉ bọn nhỏ cách dụ khị cho con dế trống xuất đầu lộ diện vì thương nó hơn bọn nhỏ hay thương mình cũng vậy! Rời xa tổ ấm là không về, như bạn tôi đó! Nhưng lưu luyến mãi thì không phải là một dũng sĩ trên đấu trường nghiệt ngã của loài dế trống; không phải trai thời biển gọi mà cứ giấu thân trong căn chòi hoa mộng. 
Dù sao, tôi cũng ăn năn là không chỉ cho bọn nhỏ dùng giá sống; cứ chà xát một nhúm giá vào lòng hai bàn tay thì chú dế trống hung hăng cách mấy cũng từ trong đất nẻ chui lên - nằm yên trong đôi tay trẻ nhỏ. Đàn ông ăn giá sống còn sung thì cớ gì dế trống không mê giá sống chứ! Nhưng bọn nhỏ sau đám trẻ chạy giặc chúng tôi là những đứa trẻ tha phương cầu thực từ Bắc, Trung đổ vào Nam.

 Chúng không có những kinh nghiệm địa phương trong Nam như muốn đi bắt dế thì phải tìm giá sống trước; như đi thọt ổ kiến để làm mồi câu cá rô... muốn ăn trộm trứng ngỗng thì phải giã hành lá mà thoa lên hai tay; bởi ngỗng coi nhà giỏi như chó nhưng sợ rắn hổ hành. Hai tay thoa đậm hành lá giã nhuyễn mà thò vào ổ trứng ngỗng thì ngỗng mẹ nằm im re, không dám oang oác cái miệng ngỗng mái nữa.
Đêm nằm nghe tiếng dế mơ hồ. Nhớ thời nuôi dế, con nào thắng thì được cho ăn giá sống để tăng cường sinh lực, lại còn cho uống sương đọng trên lá để trở thành nhà vô địch trong những trận đấu kế tiếp. Nhưng con nào bại trận thì thê thảm trong bàn tay trẻ con đã biết ác, sẵn sàng ngắt đầu, cắm vào cây tăm nhang để ngoáy râu chọc tức những chú dế khác trước khi tử chiến với những con dế trống khác nữa.
Nhưng đó là những đứa trẻ quê như chúng tôi mới chơi sang là dám ngắt đầu một con dế trống chỉ đề làm cây mổi-cây mồi, trêu tức những con dế trống khác. Còn trẻ con trong thành phố thì tội lắm! Chúng phải nhịn ăn sáng để lấy tiền mua dế từ những ông bán dế ở cổng trường. 

Các ông lái dế này đạp xe chở giỏ đựng dế từ những vùng ngoại ô như Nhà Bè, Long An, Hóc Môn, Củ Chi vào thành phố. Dế được đựng trong hai chiếc lồng tre hay chuồng lưới kẽm, chúng bò lúc nhúc, dế than, dế lửa..., có những chú dế thiếu bình tĩnh trong lao tù (chuồng), chúng vỗ cánh gáy vang, tạo thành âm thanh huyễn hoặc cả góc phố, trước một cổng trường. Âm thanh thôi thúc, hấp dẫn hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác bỏ tiền ra mua về đựng trong những hộp diêm quẹt, bao thuốc lá, để nhớ hoài tuổi thơ với trò chơi đá dế.
Nhớ ngập lòng những sáng tinh mơ, lúc trời hửng sáng, cỏ đồng còn đọng hơi sương. Khi nghe tiếng dế gáy vang từ xa thì cứ nhắm hướng mò tới. Phải đi chậm lại, không gây tiếng động, mà mắt căng lên hết cỡ để làm người, “tau thấy con dế đó trước. Nó là của tau!” Nếu cần đánh lộn chút đỉnh thì không cần ra tay nhiều mà cứ gáy to lên như dế là những đứa yếu bóng viá sẽ không tranh giành nữa!
Nghĩ lại lũ dế chỉ gáy vang từ sáng tinh mơ tới khi trời vừa hửng nắng thì im tiếng, chui vào hang. Đến trưa chúng lại gáy một chặp, lúc này không phải tiếng vỗ cánh thị oai, mà âm thanh ngắt khoảng như tiếng người ta chắc lưỡi, đó là tín hiệu chú dế đang gù bạn tình. Rình dế buổi trưa, chờ chúng ọ ẹ là thời điểm dễ tóm cổ nhất. 

Kể ra bao nhiêu cho vừa năm xui tháng hạn trong tuổi dế. Nói dễ ẹt thế chứ chỉ cần lỏng lẻo một kẽ tay; con dế trống bự sự thoát được là dẫn vợ chui ngay xuống đất nẻ. Có mà đào bới toát mổ hôi – nhiều khi cũng công cốc nếu lưỡi cuốc phập vào con dế trống...
Nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, nhiều khi trời cho thằng kém may may mắn nào đó! Bắt được con dế đáng công đào nhưng khi cho vào lọ, hộp lại sảy! Con dế trong mơ bỗng đậu vào vai chàng, thế là chàng tôi quơ một phát thành của mình. Ôi! Đã điếu làm sao, nếu là một trong hai loại dế than hay dế lửa. 

Dế than thì toàn thân đen như than. Dế lửa đầu vàng cam như lửa, chân đen, thân hình màu vàng lửa. Dế than ra đòn chậm, nhưng lỳ đòn. Dế lửa ra đòn hỗn nhưng vài đòn không thắng là chạy ngay. 
Đá dế không phân dế lửa hay dế than, chỉ so ngang lớn nhỏ là cáp độ. Cũng có những trường hợp ly kỳ tuổi nhỏ là từ trời ban cho một chú dế ốc tiêu (nhỏ xíu) nhưng lỳ đòn và ra chiêu độc! Có “ốc tiêu” cỡ đó thì cáp độ một ăn hai cũng chẳng sợ. Và sướng nhất là tiếng gáy vang dội của kẻ chiến thắng nhưng nhỏ xíu hơn đối thủ bự sự mà chạy dài...
Đêm đông, lòng tôi như trẻ lại với tuổi nhỏ ở quê nhà. Tiếng dế đêm đông đong đầy kỷ niệm những tháng năm đẹp đẽ trong đời; bỗng bị tiếng đồng hồ báo thức từ phòng con bay sang. Hé mành cửa sổ ngó ra ngoài trời - tuyết trắng cả sườn đồi - mới biết tiếng dế gáy trong mơ thôi.

 Giờ này trên đông bắc Hoa Kỳ, tên bạn nhỏ chắc cũng nằm mơ thấy dế ngủ quên bên chòi. Không biết bên Đông Đức, cô em còn chút gì để nhớ để quên. Hay bà ngoại trẻ cũng đang kể chuyện căn chòi và tiếng dế quê xa...

Phan

No comments:

Post a Comment