Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 4 December 2016

QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM * SƠN TRUNG *LÃO HỦ


QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM



Đặc Điểm Kiến Trúc Văn Hóa Việt Nam
Bảo tồn di tích công trình Phật giáo
Năm ngoái, trong cuộc hội thảo về di sản văn hóa, nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê gây kinh ngạc khi kể lại câu chuyện hướng dẫn vị Đại sứ Nhật Bản tham quan chùa Tây Phương, đã phát hiện người ta đem sơn mới phết lên các pho tượng gỗ La hán nổi tiếng, gọi là để bảo quản các pho tượng quý này. Tìm hiểu ra mới hay việc đó do tổ chức văn hóa địa phương thiếu kiến thức bảo tồn tiến hành. Điều này nói lên việc giao khoán công tác bảo tồn di sản văn hóa cho các hội quần chúng mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia văn hóa.

Chùa Tây Phương -- Việt Nam -- www.HoPhap.Net
Chùa Tây Phương - Miền Bắc Việt Nam, một ngôi chùa có kiến trúc văn hóa Việt đặc thù, bạn nên đến hành hương
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính hôm đó cũng cảnh báo về 3 xu hướng sai lệch xuất hiện thường xuyên hiện nay trong lĩnh vực bảo tồn. Đó là đơn giản giao trách nhiệm bảo tồn cho ngành xây dựng (thường có hiểu biết rất hạn chế về lĩnh vực này), việc tôn tạo không đúng phương pháp và quy cách (tự ý thêm thắt, làm mới lung tung) và nhất là xu hương rất đáng báo động hiện nay là “du lịch hóa”di sản. Di tích Phật giáo cũng không thoát khỏi tình cảnh này.
Sự phát triển trong thời kỳ nhiều biến động ngày nay đang tác động từng ngày từng giờ đến di sản văn hóa đất nước, trong đó có không ít di tích Phật giáo, đã gây nhiều bức xúc chẳng những cho giới làm lịch sử, văn hóa nghệ thuật mà của đông đảo Phật tử và nhân dân cả nước. Phải chăng chúng ta đang đối mặt với mâu thuẫn: Một mặt, mà cứ khư khư giữ nguyên trạng cứng nhắc chỉ có tác dụng làm đóng băng di sản, và về lâu dài sẽ đưa đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng, di tích biến thành phế tích. Nhưng mặt khác, nếu phát huy chúng một cách bừa bãi, không tôn trọng các nguyên tắc bảo tồn mang tính khoa học thì di tích cũng sẽ bị hủy hoại hoặc biến mất.
Trong vài thập kỷ gần đây, bảo tồn di tích đã trở thành một ngành nghiên cứu và thực hành mang tính chuyên môn cao, tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt theo thông lệ được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Nghĩ rằng đã đến lúc di tích công trình Phật giáo ở nước ta ngày nay cũng phải được bảo tồn và phát huy theo hướng này.
Chưa đáp ứng được yêu cầu mới thời đại
Kiến trúc chùa chiền, gồm bảo tồn phát huy cái cũ và xây dựng cái mới, ngày nay cũng không thoát khỏi tình trạng chung của kiến trúc đất nước được mô tả là “năng động mà hỗn loạn”. Kiến trúc chùa chiền nhìn chung rất phong phú và đa dạng nhưng cũng khá lộn xộn trong kiểu cách.
Theo đánh giá chuyên môn về mặt kiến trúc, công trình chùa chiền cũ đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Đã có hiện tượng mạnh ai nấy làm, làm biến dạng không ít di tích chùa quý giá ở nước ta, có nguy cơ phá vỡ những nét cổ mà các vị tổ sư đã dày công tôn tạo.
Công trình Phật giáo xây mới lại có hiện tượng sa đà vào chủ nghĩa hình thức, nặng về sáo mòn sao chép vốn cổ hoặc giả cổ, với trang trí thường lòe loẹt, nặng về phô trương hình thức bên ngoài mà nhẹ về bố cục nội dung bên trong. Điều đáng suy ngẫm là phải chăng ta đang làm mai một đi bản sắc văn hóa đã được khẳng định để lao vào việc tạo dựng lên các công trình mới không đáp ứng được yêu cầu của thời đại, của lớp Phật tử ngày càng trẻ trung và có kiến thức hơn.
Ngôi chùa ở thành phố ngày nay thường nằm lọt thỏm trong phố thị chật hẹp thì lại càng khó thể hiện được tính thần mà một cơ sở thờ tự tôn nghiêm cần có. Loại hình chùa chiền kiểu đó cũng khá phổ biến tại các cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài.
Tuy vậy, cũng đã có một số ngôi chùa, đa số thuộc Thiền tông, có nỗ lực trong việc hướng về cái mới đồng thời tạo được cái đẹp dung dị, hòa mình vào thiên nhiên-vốn là nét đặc trưng kiến trúc Phật giáo nước ta. Hình như, rất tiếc, chúng ta chưa rút ra được các bài học từ những thể nghiệm cách tân kiến trúc chùa Phật những thập niên qua. Ví như các ngôi chùa xây dựng mới ở Sài Gòn vào những năm 1950-1960, nào Xá Lợi, Vình Nghiêm…
Khảo sát ra bên ngoài, tôi đã nhìn thấy nhiều ngôi chùa cũ được chăm chút bảo quản khá tốt và chùa mới của các tông phái Phật giáo Nhật Bản, Thái Lan, Sri Lanka thì kết hợp được tính chách hiện đại và bản sắc Phật giáo địa phương. Trường hợp đó cũng xuất hiện trong các công trình chùa Việt ở nước ngoài, như Trúc Lâm thiền viện ở ngoại ô Paris (Pháp), Viên Giác ở giữa thành phố Hannover (Đức), Huyền KHông ở ngay trung tâm thành phố Montréal (Canada), nhiều ngôi chùa Việt tại California (Hoa Kỳ) kết hợp khá nhuần nhuyễn tính hiện đại của công trình tôn giáo thời đại mới và bản sắc rất riêng của ngôi chùa Việt.
Đặc điểm kiến trúc của Việt
Giáo lý của đạo Phật cũng như đặc điểm nổi bật của kiến trúc Phật giáo là tính giản dị, đại chúng, bình đẳng, trí tuệ. Chùa Phật vừa là trung tâm tôn giáo, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tuy vậy, kiến trúc chùa Việt Nam cũng như chùa Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản ở vùng Đông Á chịu ảnh hưởng chủ yêu từ truyền thống Bắc tông, nghiêng về văn hóa, nghệ thuật Trung Hoa hơn là truyền thống Nam tông Ấn Độ hóa của hầu hết các nước Phật giáo Đông Nam Á như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào. Chùa Phật truyền thống luôn là một tổng thể kiến trúc-cảnh quan hài hòa.
Kiến trúc chùa cũng có những đặc điểm riêng tùy theo phong tục, tập quán và thời tiết khí hậu từng địa phương. Nếu ngôi chùa Hoa, Nhật có mái lớn và nặng, nhằm chống lại cái lạnh giá, mưa bão và mong muốn tạo một bầu khí u trầm, kín đáo của một nơi chốn tĩnh tu, thì trái lại, chùa Thái, Khờ-me, Lào với mái chống nhiều lớp, thanh thoát nhằm tạo thông thoáng trong môi trường nhiệt đới, màu sắc tươi vui của một trung tâm cộng đồng hấp dẫn.
Nếu chùa Việt dung hòa cả hai truyền thống đó và cơ bản vẫn là ngôi nhà gỗ dân gian nhưng đã đạt được cái đẹp trong sự hạn chế phương tiện, thô mộc, bình dị, hòa mình vào thiên nhiên. Nếp chùa là một phức hợp kiến trúc gồm nhiều công trình, đặt ở những vị trí cảnh quan đẹp nhất. Truyền thống bố cục mang tính mở, đại chúng với sân rộng, hành lang lớn hai bên phải trái (Đông lang , Tây lang) đón khách thập phương. Chùa Phật rất khác với đền miếu Khổng giáo, Đạo giáo vì có tháp, gác chuông và cả nơi ở, tu tập của Tăng Ni lẫn nhà khách. Điện thờ là trung tâm chùa, gồm tiền đường (nơi vân tập thiện nam tín nữ), tòa thiêu hương hay bái đường (nơi hành lễ) và thượng điện hay chánh điện (nơi đặt tượng Phật).
Ở nước ta, tuy nếp chùa truyền thống Bắc-Nam cơ bản không mấy khác nhau, nhưng chùa ở miền Bắc, miền Trung vẫn còn nặng nề với mái lớn, đầu đao, khép kín,  trang trí rườm rà, trong khi chùa ở miền Nam hàng ba thoáng mở bốn phía, mái bốn vạt kiểu bánh ít, trang trí giản dị, thể hiện rõ nét sinh hoạt bình dị của người di dân Nam tiến trong khung cảnh thời tiết mưa nắng hai mùa. Chùa phương Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nếp chùa Hoa, chùa Khờ-me bản địa trong trang trí và bố cục sân vườn.
Bảo tồn và phát huy
Bảo tồn di tích công trình Phật giáo nay cũng cần dựa trên cơ sở khoa học và pháp lý. Nước ta đã ban hành Luật Di sản từ năm 2001 để làm cơ sở pháp lý, ngoài ra chúng ta cũng đang tiếp thu kinh nghiệm quốc tế…Từ đó đang đề ra các quy chế cụ thể bảo tồn di tích, trong đó có không ít di tích công trình Phật giáo.
Thông lệ quốc tế thì thường dựa vào văn kiện tiêu biểu là Hién chương Venice 1964, với sự xác nhận của Công ước về di sản văn hóa thế giới của UNESCO 1972. Sau này bổ sung thêm văn kiện Nara 1994.
Hiến chương Venice đòi hỏi việc gìn giữ tính nguyên gốc của di sản nhắm tránh làm sai lạc các chứng cứ lịch sử và khoa học. Sỡ dĩ Hiến chương nhấn mạnh điều đó là do phương Tây đã kinh qua kinh nghiệm phục hồi chua xót di sản vào thời Phục hưng, đã từng tùy tiện nâng cấp cải tạo hoặc trùng tu thêm thắt theo phong cách mới thời đại hoặc thị hiếu cá nhân.
Tuy nhiên gần đây nhiều hội nghị quốc tế đã chỉ ra rằng Hiến chương Venice nay đã phần nào lỗi thời trong quan niệm “giữ gìn nguyên gốc”và hướng sang đề cao “Văn kiện Nara”.
Nhật Bản là nước từng có thông lệ từ thế kỷ thứ VII là cứ 20 là họ tiến hành trùng tu lại các công trình tôn giáo Thần đạo tại khu Ise truyền thống. Điều này rõ ràng là không phù hợp với tinh thần châu Âu của Hiến chương Venice. Vì vậy mà vào năm 1994, các chuyên gia đầu ngành bảo tồn di sản của các tổ chức quốc tế và 25 nước đại diện các châu lục đã họp tại Nara đề ra các điều bổ sung mới về tính nguyên bản của di sản. Nghĩa là phải tính đến các yếu tố phi vật thể, phù hợp với thực tế của thời đại như các yếu tố chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm…Hiện nay, thông lệ quốc tế khuyến khích giữ gìn nguyên trạng di sản nhưng cũng uyển chuyển áp dụng các qui định mới, nhằm biến di sản văn hóa sinh động hơn và không “đóng băng”chúng trong thờigian kinh tế thị trường.
Tại các nước tiên tiến luôn có cơ quan phụ trách di sản và hoạt động rất tích cực, khá hữu hiệu như lập hồ sơ, quy định công tác quản lý, bảo vệ và tôn tạo công trình.
Riêng đối với di sản công trình tôn giáo cổ nêu còn đang sử dụng thì tổ chức tôn giáo tự mình bảo quản, tôn tạo là chính, cơ quan bảo tồn chỉ can thiệp để bảo vệ công trình không bị xâm hại, yểm trợ việc trùng tu, phục hồi cho đúng nguyên trạng. Nhiều cơ sở nghiên cứu kiến trúc tôn giáo, khảo cổ, các trường mỹ thuật và kiến trúc, quỹ tài trợ văn hóa cũng tham gia tích cực vào các công tác nêu trên. Nếu các công trình mang tính chất di sản văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia thì nhà nước phải tham dự nhiều hơn vào công tác trùng tu, bảo tồn.
Ở nước ta do tình hình khó khăn chung về nhiều mặt, trước mắt nhà nước khó mà đảm trách hết mọi việc. Cho nên, việc yểm trợ từ nhiều phía sẽ giúp ích cụ thể cho việc gìn giũ, tôn tạo các di tích chùa chiền.
Tôi nghĩ, một mặt nhà nước nên chấn chỉnh lại nạn lấn chiếm di sản chùa chiền kéo dài nhiều năm qua. Mặt khác sắp xếp quy hoạch, phân khu chức năng đô thị và nông thôn mới cần dự kiến quỹ đất đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh cho cộng đồng khi dự trù mặt bằng cần thiết cho công trình tôn giáo. Mặt khác, Giáo hội Phật giáo cũng nên có bộ phận chuyên trách bảo tồn di tích, kết hợp với các chuyên gia bảo tồn công trình Phật giáo lên phương án trùng tu, bảo quản và tôn tạo lâu dài cho đúng quy cách.
Đây là một việc cần phải làm ngay, vì nếu cứ để tình hình hỗn loạn này kéo dài, thì chúng ta có tội lớn, chẳng những đối với Phật giáo mà cả đối với tiền nhân và lịch sử văn hóa Việt Nam. 
Chùa Trấn Quốc -- Hà Nội -- www.HoPhap.Net
Source: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 62


 Đình Chùa Cổ Việt Nam.
Hình ảnh độc đáo về đình, chùa cổ Việt Nam

Chùa Thiên Niên (Hà Nội), hay còn gọi là chùa Trích Sài nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Chùa xuất hiện từ thời Lý Nam Đế (544 - 548). Chùa đã được bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá
Các tác phẩm ảnh về những ngôi chùa, đình, đền nổi tiếng tại Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Sài Gòn.. được đưa ra triển lãm nhân dịp Phật đản Liên hợp quốc hồi đầu tháng 5.




Chùa Thiên Niên (Hà Nội), hay còn gọi là chùa Trích Sài nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Chùa xuất hiện từ thời Lý Nam Đế (544 - 548). Chùa đã được bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá, xếp hạng và tổ chức trùng tu nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.



Chùa Trấn Quốc (Hà Nội) là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nằm cạnh Hồ Tây bên đường Thanh Niên. Chùa được xây từ thời Lý Nam Đế ở gần sông Hồng, đến năm 1615, được di dời vào vị trí ngày nay. Nơi đây có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn và là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.



Đền Quán Thánh (Hà Nội), tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028). Nơi đây thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Bốn ngôi đền đó gồm Đền Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Quán Thánh. Đền Quán Thánh nằm gần Hồ Tây cùng với Kim Liên và Trấn Quốc tạo nên sự hài hoà trong kiến trúc cảnh quan và văn hoá tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của thủ đô.




Đình Chèm là đình của làng Chèm (Thủy Phương), phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. Đình là công trình kiến trúc có nghệ thuật chạm khắc độc đáo, thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), một nhân vật huyền thoại và Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung sống vào thời An Dương Vương. Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Từ nghìn năm nay, đình Chèm vẫn là nơi thờ cúng tín ngưỡng của người dân ba làng gồm làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm).



Đình Bảng là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp), thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 thờ các vị thành hoàng gồm Cao Sơn Đại vương (thần Núi), Thủy Bá Đại vương (thần Nước) và Bách Lệ Đại vương (thần Đất) đồng thời thờ sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15.



Chùa Tiêu hay còn gọi là chùa Thiên Tâm, Tiêu Sơn tự, nằm trên lưng chừng núi Tiêu thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh). Ðây là nơi trụ trì của thiền sư Lý Vạn Hạnh, người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn.



Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Chùa nằm hiện lên với vẻ cổ kính và trang nghiêm và nằm dưới chân đê của con sông Cầu thơ mộng. Tên chữ là Ninh Phúc Tự, được xây dựng từ thời vua Trần Thánh Tông theo kiểu “nội công ngoại quốc” với một hệ thống các công trình hài hoà, cân xứng và sinh động. Đây còn là nơi lưu giữ bức tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay cổ độc nhất vô nhị Việt Nam.



Chùa Cần Linh (Nghệ An), thường được gọi là chùa Sư Nữ, tọa lạc ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, xây dựng vào thời Hậu Lê. Năm 1942, sư bà Diệu Viên đã tổ chức đại tu ngôi chùa, bảo tồn được nhiều tượng cổ. Sau đó đến Ni sư Diệu Niệm trong 20 năm trụ trì đã trùng hưng ngôi chùa thành một danh lam xứ Nghệ ngày nay.



Chùa Nhất Trụ (Ninh Bình), được tạo lập năm 995. Vua Lê Đại Hành đã cho dựng cột kinh (trụ đá) để khắc kinh dâng nhà Phật và xây dựng theo kiểu chữ Đinh, hướng chính Tây, gồm có cột kinh, chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, tháp… Chùa có tên Nhất Trụ vì trước chùa có cột đá cao hơn 3m, tiết diện hình bát giác. Trên thân cột ngoài 3 phần chữ khắc gồm có Lạc khoản, Kệ, Kinh còn có các chữ “Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế tả đạo” ("Hoàng đế Thăng Bình" tức vua Lê Hoàn). Chùa nằm ở vị trí trung tâm, là di tích quan trọng nhất, là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỉ X như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh. Trải qua các thời kì lịch sử của dân tộc, trước thử thách của gió bão, bom đạn chiến tranh, trụ đá vẫn còn đứng mãi với thời gian.




Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ huyện Trực Ninh (Nam Ðịnh), cách thành phố Nam Định 15 km về phía Nam. Chùa do Hoà thượng Phạm Quang Tuyên xây dựng tháng 11/1920, có quy mô kiến trúc rộng lớn, hài hòa, được kết hợp các yếu tố cổ truyền Việt Nam với kiến trúc gothic châu Âu.




Chùa Đồng Đắc thuộc thôn Đồng Đắc, xã Đồng Hướng (Ninh Bình), là chùa lớn nhất ở vùng Công giáo huyện Kim Sơn. Năm 1829, một nhà sư họ Lê đã đến nơi đây và được Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ ủng hộ chọn một khu đất cao nhất ở trung tâm xã Đồng Đắc để xây dựng chùa.



Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một biểu tượng Phật giáo tâm linh của người dân Quảng Trị. Chùa được hình thành từ thời chúa Nguyễn Hoàng khi mới vào Nam lập nghiệp. Đây là một trong những ngôi tổ đình có mặt sớm nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo và văn hóa của xứ Đàng Trong. Ngày 15/11/1991, Nhà nước đã chính thức xếp hạng chùa là di tích cấp quốc gia hạng A1.



Phóng to Chùa Bửu Long có kiến trúc vừa hoành tráng vừa hiện đại nhưng cũng có nhiều nét cổ kính nhất của nền văn minh Suvannabhumi cổ đại trong vùng Đông Nam Á. Chùa có ảnh hưởng của văn minh Phật giáo Ấn Độ thời đại vua Asoka. Thiền Viện Tổ Đình Bửu Long nguyên là một Tịnh Thất có khuôn viên rộng hơn 11 ha, tọa lạc trên ngọn đồi phía Tây ngạn sông Đồng Nai, trong công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc tại khu phố Thái Bình 1, phường Long Bình, Quận 9 (Sài Gòn).


Nguyễn Thịnh - Thúy Hồng
Bảy Hiền sưu tầm


Nét độc đáo trong thói quen ăn chay của người Huế

Ở Việt Nam, nhắc đến ăn chay không thể không nhắc tới Huế, nơi có nhiều món ăn chay nhất, thậm chí việc nấu đồ ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật.



Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý – Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo, tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong cả tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ.Cho đến ngày nay, người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.

Nếu như bạn có dịp ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa… đều là những sản vật do các vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vườnchùa. Bữa cơm đạm bạc là thế nhưng lúc nào cũng thu hút rất nhiều người.




Người Huế không chỉ ăn chay vào ngày rằm, ngày mồng một hay ngày lễ, họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Dường như quanh năm, cơm chay đều thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của những gia đình người Huế. Họ định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ; ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai; ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai. Và cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.




Ở Huế, hầu hết các gia đình đều tự nấu những món chay cho bữa ăn. Bữa cơm chay thanh đạm cũng là cách mà người Huế bày tỏ sự quý mến và tấm chân thành với bạn bè. Đây là một nét văn hóa độc đáo mà có lẽ chỉ có riêng ởxứ Huế. Bữa ăn ngày Tết cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết ở Huế thường là mâm cỗ chay, cho đến ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng món chay vẫn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Huế.




Đến với Huế, bạn sẽ được thưởng thức từ cơm chay, bún chay… cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay… Củ, quả, đậu, dầu thực vật phút chốc đều biến thành những món ăn bắt mắt và hấp dẫn vô cùng. Đủ các món sơn hào hải vịtừ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng nhưng đều được chế tác từ thực vật. Điểm đặc biệt là ngay khi thưởng thức, vẫn cứ ngỡ như là thịt cá thật. Đó chính là cái tài chếtác từ những bàn tay nội trợ điệu nghệ xứ Huế. Sự kết hợp hài hòa màu sắc của rau, đậu, hoa quả đã được xào nấu bằng dầu thực vật, xì dầu, hoặc những món rau sống, khế chua, dưa hành, nộm hoa chuối...v.v, rồi bày trí các món ăn trên bàn ăn sao cho đẹp mắt cũng rất được quan tâm.
Các món ăn thường được bày ít, và xếp trên những chiếc đĩa nho nhỏ, khiến thực khách thưởng thức rồi mà vẫn có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm chút nữa. Món khai vị cho một bữa tiệc chay ở Huế thường là cà rốt,đu đủ được tỉa thật khéo để trang trí xung quanh những lát chả phù đượclàm từ lá phù chúc màu vàng mơ, xen lẫn là mì căn gói bánh tráng chiên giòn làm nem rán. Súp măng cua được nấu từ bắp non, nấm rơm, hạt sen… Vàtất nhiên không thể thiếu cơm và xôi rồi.

Không chỉ vậy, bạn còn có thể được thưởng thức bánh bèo, bánh lọc, bánh ít… với nhân chay. Và một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong những bữa cơm chay của người Huế chính là món chao. Chao là món ăn có vị gần giống như một món mặn, được chế biến từ đậu nành, làm thành đậu khuôn, đậu khuôn ủ lên men thì thành chao. Chao có hương vị rất hấp dẫn và bảo quản được lâu ngày.

Đất Huế thơ mộng, lại mang nét văn hóa ăn chay độc đáo, thật dễ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi…


Bánh ướt lâu năm ở ngã tư Bảy Hiền

Đây là một trong những quán thuộc dạng quán lâu đời và rất nổi tiếng khu Tân Bình. Quán chỉ bán duy nhất mỗi món chính là bánh ướt, ăn kèm bánh tôm chiên nóng giòn rất ngon.


Trước hết phải nói là hàng bánh cuốn này giá không rẻ chút nào hết. Một phần bánh cuốn với miếng chả lụa to (nhưng hơi mỏng), nem chua và miếng bánh tôm chiên có giá là 32k. Ăn ở đây muốn “đã miệng” phải gọi thêm chả và bánh tôm cho nên tính ra giá thành sẽ hơi chát với các bạn teen. Tuy nhiên, giá cả có vẻ không thành vấn đề khi nơi này luôn đông khách, cảnh buôn bán ở đây diễn ra tấp nập rộn ràng của góc đường ngã tư Bảy Hiền (đối diện bệnh viện Thống Nhất).



Một phần bánh ướt giá 32k


Lý do cho việc bán đắt nhưng vẫn đông có lẽ nằm ở cái bánh tôm. Bánh tôm ở đây khá đặc biệt, không giống những chỗ khác. Bánh tôm được chiên bằng bột mỏng với con tôm tươi ở giữa. Một cái bánh tôm sẽ được cắt làm đôi cho vào phần bánh ướt, cùng chả - nem và rau giá, nước mắm. Bánh tôm được nhiều người thích nên hay được gọi thêm (8 – 10k/ cái), bánh chiên liên tục nên nếu may mắn bạn còn có thể thưởng thức một cái bánh nóng giòn, thơm phức.




Bánh tôm cắt đôi



Nem chua

Chả lụa to, ngon nhưng khá mỏng


Nước mắm ngày xưa của quán rất ngon nhưng khoảng vài năm sau này giảm hẳn chất lượng, ăn có cảm giác pha nhiều quá nên mất đi cái đậm đà của vị ngon xưa. Quán bán đem về khá nhanh nhẹn (chắc do phục vụ nhiều năm nên chuyên nghiệp), nước mắm đem về luôn được hâm nóng cho cảm giác ngon hơn khi ăn.




Hành phi thơm và giòn



Bánh ướt dầy, dai - ngon




Nói chung, đây là một nơi có thể ăn thử để thưởng thức bánh tôm chiên ngon và lạ. Còn ăn dài dài thì tùy vào nhu cầu và khả năng tài chính của mọi người vì tính ra giá cả ở đây đắt gấp đôi những hàng bánh ướt bình thường.
Ngã tư Bảy Hiền, bên trái là đường Lý Thường Kiệt, bên phải đường Hoàng Văn Thụ, phía trước đường Trường Chinh

Ảnh: Bảy Hiền

Những thương hồ cuối cùng giữa lòng Sài Gòn
Khi dự án cải tạo kênh Tân Hoá - Lò Gốm sắp hoàn thành cũng là lúc các thương hồ gắn bó lâu năm như anh Thành, ông Khảm lại mất ngủ vì chưa biết phiêu dạt về đâu.



Vài năm trước, trên khúc sông Tàu Hủ - Bến Nghé (TP HCM) có cả một xóm nổi các ghe thương hồ nhộn nhịp, thi vị. Khi đoạn sông này cải tạo, chỉnh trang, một bộ phận nhỏ chuyển về bên cầu Lò Gốm tiếp tục hành nghề thương hồ giữa lòng Sài Gòn. Người thành phố ít ai để ý đến mấy chiếc ghe chuối, ghe chở hàng đậu trên dòng kênh đen, bốc mùi vì ô nhiễm và thân phận thương hồ vô danh vì thế vẫn nhọc nhằn.


Ngoài những ghe chở chuối từ miền Tây lên Sài Gòn bán, số còn lại là ghe vận tải, chở thuê hay các ghe bán hàng lưu động trên sông nước. Các ghe này về Sài Gòn ăn hàng rồi chở đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng đến là phải vận chuyển ngay cho kịp, vì thế, bất kể trời nắng hay mưa gió đều phải được bốc vác luôn.



Anh Thành (42 tuổi) chủ ghe ngụ tại Cần Đước (Long An) cho hay, dòng kênh ngày càng bị ô nhiễm nặng luôn bốc mùi hôi nồng nặc, nhiều lần trượt chân làm hàng hoá rơi xuống sông là phải bơi ra để lấy.


Sống ở trên kênh, dù không lặn ngụp dưới đó thì người vẫn ngứa ngáy khó chịu, nổi mẩn đỏ như dị ứng. "Vì cuộc sống mà phải bám trụ ở đây chứ dân thương hồ sông nước khoáng đạt sao chịu nổi cảnh ao tù nước đọng", anh Thành cảm thán.



Gia đình anh Thành lấy hàng từ các nhà buôn rồi chở đi giao khắp các tỉnh miền Tây. 15 năm rong ruổi anh đã có 4 đứa con nhưng việc học hành của chúng đều không trọn vẹn vì phải nay đây mai đó cùng gia đình.




Anh cũng rất lo cho an toàn những đứa con của mình, đi lại từ ghe lên bờ chỉ là miếng ván bắc qua, nhiều khi sơ ý sẩy là té ngay, rất nguy hiểm.



Cũng cùng hoàn cảnh như gia đình anh Thành, gia đình chị Nguyễn Ngọc Chi 34 tuổi ở Cần Đước, Long An có gần 10 năm xuôi ngược Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Chị có 2 con, con gái lớn nay cũng phải phụ chị lo sổ sách bán buôn và lo cho em chứ cũng không thể ăn học tới nơi tới chốn.



Khi đêm xuống lại là một cuộc sống hoàn toàn khác biệt, không còn bon chen. Các ghe neo đậu gần nhau, cùng sinh hoạt chung, ăn uống và trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.




Ông Phan Văn Khản năm nay đã 43 tuổi có hơn 10 năm gắn bó với bến sông này. Cứ tối đến ông lại cùng các ghe bạn hàng uống rượu để quên đi lo toan của một ngày mệt nhọc và tìm niềm vui cho ngày mới.



Em Phan Minh Trường (15 tuổi, con trai ông Khản) phải bỏ học từ năm lớp 6. Vì theo ghe lâu ngày, không bạn bè nên em cũng trầm tính, hiền lành. Em cho biết sau này là sẽ nối nghiệp cha trở thành một thương hồ nay đây mai đó.


Những ngày này, khi con kênh đang được hoàn thiện ở giai đoạn nước rút, dù ban ngày lao động cực nhọc, vất vả nhưng anh Thành vẫn không thể ngon giấc. Anh lo lắng cho cuộc sống ngày mai của cả gia đình cũng như tương lai của những đứa con.



Nhiều đêm ngồi trên nóc ghe ngắm mảnh trăng treo trên đầu, nghĩ về thân phận, anh Thành và các bạn thương hồ không khỏi chạnh lòng.



Chỉ vài ngày nữa, những chiếc ghe thương hồ như của chị Trâm lại nhổ neo, dắt díu nhau đi tìm bến mới để mưu sinh. Người dân thành phố rồi sẽ chẳng còn ai nhắc nhớ đến nhúm ghe tàu đậu trên kênh Lò Gốm đen đúa. Anh Thành và đàn con chưa biết sẽ neo lại ở đâu. Còn ông Khản nghe nói muốn về lại quê từ giã nghề buôn sông bán hồ. Những thương hồ cuối cùng giữa lòng Sài Gòn chẳng biết phiêu bạt về đâu.

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm được khởi công từ cuối năm 2011 với tổng nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú từ đoạn tiếp giáp đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6).

Theo thiết kế, đoạn kênh từ đường Âu Cơ (quậnTân Phú) đến cầu Hòa Bình (quận11) dài 3 km sẽ được lắp đặt cống hộp, bên trên làm đường rộng từ 7 m đến 13 m.


Hiện, về cơ bản tuyến đường này đã hoàn thành. Đoạn kênh 7,4 km từ cầu Hòa Bình đến cầu Lò Gốm sẽ là kênh hở với bờ kè bêtông, hai bên là đường rộng 7 m. Đến nay các nhà thầu đang tiến hành gấp rút thi công những đoạn bờ kè còn lại, sau đó tiến hành nạo vét toàn bộ tuyến kênh để đảm bảo thoát nước.
Dự kiến đến đầu tháng 9/2014 toàn bộ dự án Tân Hoá - Lò Gốm sẽ hoàn thành.



5 địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn sẽ chỉ còn trong ký ức.

Chẳng bao lâu nữa, những địa điểm nổi tiếng này của Sài Gòn sẽ mãi biến mất, hoặc sẽ được di dời để nhường chỗ cho những công trình mới hơn, hiện đại hơn. Và có lẽ, người ta sẽ chỉ còn được nhớ về nó bằng những hình ảnh đẹp, kí ức đẹp...

Thông tin về việc đóng cửa Thương Xá Tax, một công trình kiến trúc được xây dựng từ những năm 1880 khiến bất cứ ai có ký ức gắn với nơi đây bỗng cảm thấy có chút hụt hẫng và tiếc nuối. Đối với nhiều người, Thương Xá Tax không đơn thuần là một nơi để mua sắm, mà còn là nơi họ đặt chân tới để tìm những hoài niệm của Sài Gòn năm xưa, hay đơn giản là lục lại ký ức, những khi mua cuốn vở, cây bút, món quà sinh nhật nho nhỏ... cũng đạp xe tới đây, háo hức chọn đồ. Công trình hơn 130 tuổi sắp không còn, khiến nhiều người dân thành phố lại một lần nữa hoài niệm về những biểu tượng gắn liền với Sài Gòn đã/sắp mất đi, để nhường chỗ cho những công trình mới hơn, hiện đại hơn phục vụ cuộc sống của người dân thành phố.


Đó là những hàng cây cổ thụ xanh mướt nằm cạnh công viên Lam Sơn của ngày nào, hay bùng binh Cây Liễu một thời luôn là điểm nhấn vô cùng quen thuộc mỗi khi bạn muốn ghé ngang Thương Xá Tax. Rồi vòng xoay với tượng đài vị tướng Trần Nguyên Hãn hùng dũng, nằm ngay giữa giao lộ 7 ngõ quan trọng của trung tâm thành phố. Tất cả những nơi này đều là nhân chứng lịch sử, chứng kiến Hòn ngọc Viễn Đông trải qua biết bao thăng trầm.

Chẳng bao lâu nữa, những biểu tượng không thể nào quên này của Sài Gòn sẽ mãi biến mất, hoặc sẽ được di dời để nhường chỗ cho những cái mới hơn, đó là công trình ga tàu điện ngầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tòa nhà 40 tầng ngay tại vị trí hiện tại của Thương Xá Tax. Dù biết "đôi khi phải chấp nhận mất đi những cái cũ, để có thể đón những cái mới", nhưng có lẽ vì những nơi này đã quá quen thuộc, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm và tình cảm của người Sài Gòn nhiều thế hệ, nên đến nay, phần lớn họ còn mang trong mình sự tiếc nuối và lưu luyến về một Sài Gòn của năm nào, với hàng cây ấy, con đường ấy, vòng xoay ấy,...


Hàng cây cổ thụ "trứ danh" trên đường Lê Lợi


Nếu Sài Gòn khi xưa nổi tiếng với những hàng gòn xanh mát, thì Sài Gòn của sau này cũng nổi tiếng với những hàng dầu kiên cố, chắc khỏe. Đặc biệt những hàng dầu ở khu trung tâm thành phố, như Công Trường Lam Sơn đổ dài về đường Lê Lợi đã nằm ở đó từ rất lâu. Có những cây đến nay đã gần trăm năm tuổi, nên sẽ chẳng quá nếu nói hai hàng dầu này là những bậc lão tiền bối, "người" đã may mắn chứng kiến Sài Gòn thay đổi qua nắng mưa.



Hàng cây xanh mướt từng phủ xanh một góc Sài Gòn hoa lệ của ngày nào


Giờ chỉ là những "kỷ niệm đã qua"

Thời gian vô tình, cuộc sống tấp nập cứ thế kéo người ta càng xa với hồi ức, cho đến khi tận mắt nhìn thấy từng hàng cây, gốc dầu bị đốn hạ, không ít người mới cảm nhận được sự luyến tiếc đến thẫn thờ rằng: "Thường ngày ta vẫn đi qua, đi lại nhưng chẳng có cảm xúc chi, thế mà bây giờ lại quá buồn khi thấy chúng đi".

Giờ thì mỗi lần đi ngang qua đây, dù vẫn con đường ấy, vẫn những tòa nhà, hàng quán ấy,... nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy sự trống trải, trơ trọi vô cùng kỳ lạ vì đã vắng đi những hàng dầu cao tít tắp của năm nào.


Góc nhà hát Thành Phố mát mẻ trở nên trống trải hẳn


Công viên Lam Sơn

Nằm ngay cạnh những hàng dầu là một đoạn của công viên Lam Sơn, đây được xem là nơi cực kỳ lý tưởng để nhiều bạn trẻ, các cặp đôi và những gia đình cùng nhau tụ họp ngắm cảnh, vui chơi vào mỗi tối cuối tuần.

Nói là công viên, nhưng thực chất, nơi này giống với một khu vườn nhỏ, giúp điểm xuyến thêm chút xanh, tạo cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên hơn cho toàn khu cao ốc thô ráp đã chắn hết 4 bề xung quanh. Vì thế cũng dễ dàng hiểu tại sao mỗi khi có dịp ra đến nhà hát Thành Phố hoặc khu trung tâm, mọi người lại có cảm giác muốn được ngồi ở trong công viên này để tìm chút không gian thư giãn. Thỉnh thoảng, nơi này còn là điểm lưu đọng các khoảnh khắc đẹp, giới thiệu những cột mốc lịch sử hay khung cảnh Việt Nam đến với khách du lịch nước ngoài, qua các buổi triển lãm tranh công cộng. Nên dù xét về mặt nào thì công viên Lam Sơn cũng là nơi tạo được nhiều kỷ niệm đẹp và có lợi ích rất cao đối với người Sài Gòn lẫn du khách quốc tế.



Công viên Lam Sơn của vài tháng trước vẫn còn nhộn nhịp và "hoành tráng" như thế này



Nhưng nay nó lại hoàn toàn khác hẳn

Nhiều người tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc cuối cùng của công viên Lam Sơn.

Tuy nhiên "số phận" của khu công viên này cũng giống như những hàng dầu kia, chấp nhận biến mất để nhường chỗ cho những ga tàu mới của thành phố. Không còn công viên để các đôi bạn trẻ đến tâm tình, không còn chỗ cho các em bé, gia đình vui đùa với nhau,... khiến nhiều người cảm thấy tiếc đến ngẩn ngơ.


Hàng cây năm nào, dãy ghế đá với những ly trà sữa mỗi tối chắc sẽ lâu lắm mới được quay trở lại





Mỗi khi đi ngang qua đây, tất cả đều hy vọng con đường này sẽ nhanh hoàn thiện để mọi người lại có nơi thư giãn, vui chơi.

Bùng binh Cây Liễu

Được xem là giao lộ đẹp và sôi động nhất của Sài Gòn, bùng binh Cây Liễu hay còn được gọi là bùng binh Nguyễn Huệ (cắt Nguyễn Huệ và Lê Lợi), là một trong những biểu tượng tồn tại suốt trăm năm qua của Sài Gòn. Một vòng xoay mà lúc nào cũng được phủ kín với những hàng liễu nhẹ nhàng, thanh thoát, nó đẹp và quen đến mức được gọi thành tên thì chắc không nơi nào có được.



Bùng binh Cây Liễu của trước đây

Nếu bạn nào có dịp lục lại những ảnh cũ về Sài Gòn, hẳn sẽ thấy, từ thời xưa, bùng binh Cây Liễu này đã được xem là một trong những nơi đẹp và nhộn nhịp bậc nhất của Sài Gòn với hình ảnh xe cộ qua lại tấp nập, một địa điểm tập trung của toàn những người trong giới thượng lưu. Đến nay, dù thời gian có thay đổi, nhưng về cơ bản thì bùng binh Cây Liễu năm nào vẫn giữ nguyên cái "chất", cái "vị" như thế.

Không những thế, ngay tại góc bùng binh này còn là nơi tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ, một nét đẹp văn hóa tồn tại được đúng 10 năm mà người Sài Gòn vô cùng yêu quý và nhất định phải đến một lần vào dịp Tết. Khung cảnh tấp nập, tiếng người rộn ràng đi chơi Xuân, những tác phẩm được làm từ hoa vô cùng đặc sắc gắn liền với hình ảnh con đường, bùng binh Nguyễn Huệ này chắc chắn sẽ không thể nào khiến người Sài Gòn quên được.




Những ngày lễ Tết, bùng binh Cây Liễu lung linh hơn, nổi bật một góc Sài Gòn.




Lưu lại khoảnh khắc để nhớ thêm chút kỷ niệm xưa, cái ngày còn bùng binh Cây Liễu một thời.


Không còn hàng liễu và đại lộ rộng, hẳn cái Tết năm nay của người Sài Gòn sẽ trở nên khác biệt hơn rất nhiều.

Thương Xá Tax


Được xây dựng từ năm 1880, trải qua nhiều cái tên từ Les Grands Magazins Charner (GMC) rồi đến Thương Xá Tax, trong suốt hơn 130 năm qua, tòa nhà mang phong cách Pháp xen lẫn nhiều nét đặc trưng của Á Đông này cũng là một địa điểm không thể nào quên của người Sài Gòn.

Trước đây, tòa nhà này nổi tiếng là điểm ăn chơi, tiêu tiền vào những món đồ đắt giá của các "ông lớn", giới thượng lưu và đại điền khắp Nam kỳ Lục tỉnh, toàn bán các mặt hàng ngoại được nhập trực tiếp từ châu Âu. Ngày nay cũng thế, Thương Xá Tax vẫn là một trong những trung tâm thương mại buôn bán sầm uất với đủ các mặt hàng Tây, Ta đa dạng để đáp ứng được các yêu cầu của người dùng. Ngoài ra, vào những dịp Giáng sinh hoặc Tết Âm lịch, Dương lịch, Thương Xá Tax còn là điểm đến để người Sài Gòn vui chơi, chụp ảnh sau khi nó được trang trí và lên đèn.




Thương Xá Tax sầm uất và vô cùng nổi bật khi về đêm.




Bùng binh Cây Liễu nhìn qua Thương Xá Tax



Khu thương xá nổi tiếng một thời rồi cũng đã "quá già", nhường chỗ cho những cái mới hơn.



Tất cả cửa hàng đều đã trở nên vắng vẻ.


Vị trí đắc địa của Thương Xá Tax nằm ngay hai con đường lớn của Sài Gòn là Lê Lợi và Nguyễn Huệ.




Những bằng khen, chứng nhận mà một thương xá phải tồn tại suốt hơn 130 năm mới có được.


Những hàng ăn uống bình dân dành cho các công nhân viên vào mỗi sáng cũng sẽ không còn nữa.


Vòng xoay tượng đài Trần Nguyên Hãn

Chắc hẳn cái tên vòng xoay tượng đài Trần Nguyên Hãn rất ít bạn nào biết, hoặc đã nghe qua nhưng lại quen gọi nó với một cái tên khác là vòng xoay chợ Bến Thành. Như thế cũng đủ để hiểu, hình ảnh vòng xoay và chợ Bến Thành có sự liên kết, thân thuộc đến nhường nào trong mắt người Sài Gòn.

Hầu hết trong những tấm hình chụp tại điểm này thì vòng xoay và chợ Bến Thành luôn xuất hiện cùng nhau, rất ít khi tách rời. Bởi cả hai đều là biểu tượng cho sự tồn tại, phát triển mà vẫn giữ được những nét rất riêng của Sài Gòn khi xưa.



Vòng xoay và chợ Bến Thành là hai hình ảnh luôn đi cùng nhau.



Và sắp tới tượng đài này sẽ được di dời về công viên Phú Lâm, quận 6, đểđảm bảo mặt bằng thi công cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên.




Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975 ở trung tâm thành phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Sài Gòn.

Đối với người Sài Gòn mà nói, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chứng kiến sự thay đổi vô cùng lớn về diện mạo của thành phố đã quá quen thuộc. Nên dù ít dù nhiều, ai ai cũng có cho mình một cảm xúc riêng, một sự luyến tiếc khi không nỡ mất đi những cái cũ. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội rất tuyệt vời để bạn có thể ôn lại những kỷ niệm đẹp mà bản thân đã gắn liền với những nơi này.

Công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến công viên 23-9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40m dưới lòng đất.
Nhà ga metro Bến Thành được xây dựng và lắp đặt các thiết bị có công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến phục vụ hành khách đi lại. Đồng thời cùng với việc phục vụ hành khách đi metro, nhà ga còn tận dụng không gian ngầm làm trung tâm thương mại nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi mua sắm. Nhà ga nằm ở khu vực trung tâm TP nên các cửa lên, xuống nhà ga sẽ kết nối với các khu thương mại dịch vụ ở các khu vực xung quanh như chợ Bến Thành, khách sạn và các trung tâm mua sắm trên các tuyến đường lân cận.
Nhà ga sẽ có bốn tuyến metro hoạt động bảo đảm phục vụ hành khách đi lại trên các tuyến đường từ khu trung tâm đến các cửa ngõ TP, dự kiến cuối năm nay sẽ làm công tác sơ tuyển nhà thầu, trong năm 2015 triển khai thi công và dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
 

No comments:

Post a Comment