Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 5 December 2016

NAM HÀN=HUẾ TIÊU KHIỂN=VĂN HỌC=BIỂN ĐÔNG

  VIỆT CỘNG ANH HÙNG HAY LÀ DUN DẾ? HÃY XEM NAM HÀN

Sáng mai Nam Hàn có thể sẽ tuyên án tử hình thuyền trưởng Trung Cộng Giới truyền thông Seoul đã loan tin, viện kiểm sát Incheon đã đề xuất mức án tử hình dành cho viên thuyền trưởng 43 tuổi này


Tờ Nhân dân nhật báo bản điện tử ngày 18/4 dẫn nguồn tin hãng thông tấn Yonhap - Nam Hàn cho biết, tòa án địa phương Incheon - Nam Hàn sẽ đưa ra xét xử viên thuyền trưởng người Trung Cộng đã đâm chết một cảnh sát biển nước này.



Phiên tòa đặc biệt này dự kiến bắt đầu lúc 10h sáng mai, 19/4. Trước đó giới truyền thông Seoul đã loan tin, viện kiểm sát Incheon đã đề xuất mức án tử hình dành cho viên thuyền trưởng 43 tuổi này. 



Tàu tuần tra Nam Hàn áp sát tàu cá Trung Cộng

Ngoài thuyền trưởng họ Trịnh bị đề xuất khung hình phạt cao nhất - tử hình, 8 thuyền viên còn lại của tàu Lỗ Văn Ngư - Trung Cộng cũng sẽ bị đưa ra xét xử các tội danh cản trở người thi hành công vụ với các mức án nặng nhẹ khác nhau.

Thuyền trưởng Trung Cộng đâm chết cảnh sát biển Nam Hàn bị giải về Incheon

Một thuyền trưởng khác cũng người Trung Cộng sẽ bị xử lý với tội danh cố ý đâm vào các tàu đang bị (cảnh sát biển Nam Hàn) quản chế. Đối tượng này có thể phải đối mặt với án tù 2 đến 3 năm và phải bồi thường 20 triệu won.

Ngày 12/12 năm ngoái, vụ tấn công tàu cảnh sát biển Nam Hàn xảy ra khi tàu này vây bắt 2 tàu cá Trung Cộng đang "vi phạm chủ quyền lãnh hải của Seoul", và tìm cách giành quyền kiểm soát một tàu có trọng tải 65 tấn, ở vị trí cách đảo Socheong khoảng 85 km về phía tây nam.

Tàu cá Trung Cộng bị áp tải về cảng Incheon sau vụ đụng độ với cảnh sát biển Nam Hàn
Đây là hòn đảo trong chuỗi đảo nằm ở Hoàng Hải, thuộc thành phố Incheon, ở phía tây của Nam Hàn. Nó nằm không xa đường biên giới trên biển giữa Nam Hàn và Bắc Hàn.

Chiếc tàu cá còn lại của Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu chiếc tàu cá bị bắt giữ, 9 ngư dân Trung Cộng sau đó bắt đầu tấn công các cảnh sát biển Nam Hàn.

Hạ sĩ cảnh sát biển Nam Hàn 41 họ Lee bị thuyền trưởng Trung Cộng đâm bằng một mảnh thủy tinh, hạ sĩ Lee qua đời sau khi được đưa tới một bệnh viện ở Incheon .

Một cảnh sát khác 33 tuổi cùng họ Lee cũng bị đâm bị thương ở bụng khi xô xát xảy ra giữa hai bên trong vụ bắt giữ.

Hồng Thuỷ (theo Yonhap, newssc)
--

TRÚC GIANG *CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU TỪ TRÊN KHÔNG GIAN


CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU TỪ TRÊN KHÔNG GIAN
 

image
1* Mở bài

Kế hoạch trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã chính thức tạo căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Nếu chiến tranh xảy ra, thì cuộc chiến sẽ bắt đầu từ trên không, bởi vì vệ tinh tình báo là con mắt theo dõi và xác định tọa độ của các tàu chiến, xe tăng, những dàn hỏa tiễn, những đội hình tác chiến dưới mặt đất. Đồng thời, lợi hại nhất là hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, dẫn đường cho các hỏa tiễn và bom tinh khôn. Tất cả đều ở trên trời. Nếu hai phương tiện chiến tranh nầy bị tê liệt, thì vũ khí dưới mặt đất trở thành vô dụng.
Vũ khí Hoa Kỳ hiện đại nhất thế giới, cộng thêm kinh nghiệm xử dụng vũ khí tác chiến, không ai theo kịp, nhưng mức độ phát triển nhanh chóng của Trung Cộng làm cho Hoa Kỳ lo ngại.

Lợi thế của Trung Cộng là họ không bỏ ra những số tiền khổng lồ để làm nghiên cứu, chỉ nhờ vào tài ăn cắp rồi cải tiến, tuy lẹt đẹt phía sau nhưng thật sự là một đe dọa, không những cho Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, mà còn đe dọa cho cả nhân loại nữa, vì tham vọng bành trướng bá quyền ngàn năm của Hán tộc.
image

Trung Cộng đã tăng ngân sách quốc phòng từ 91 tỷ euro của năm 2010, lên tới 183 tỷ euro cho năm 2015, và năm 2012 chi tiêu 100 tỷ đô la cho quân đội..

Hiện tại, cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ rất gay gắt, không những trên mặt đất, mà còn ở ngoài không gian nữa.

Cựu Bộ trưởng QP/HK, ông Robert Gates cho rằng cuộc cạnh tranh đang diễn ra gay gắt trên lãnh vực an ninh mạng, vũ khí hạt nhân và phòng thủ hỏa tiễn.

Nếu chiến tranh xảy ra, thì cuộc chiến sẽ bắt đầu từ bên ngoài bầu khí quyển, tức là vũ trụ, bởi vì, hệ thống dẫn đường cho các hoả tiễn và hệ thống thông tin liên lạc, được điều khiển từ hệ thống định vị toàn cầu.

Hiện tại, Trung Cộng đang xử dụng hệ thống định vị toàn cầu của Hoa Kỳ là GPS (Global Positioning System-GPS). Khi hệ thống GPS bị khóa hay ngừng hoạt động, thì tất cả các hoả tiễn được dẫn đường bằng GPS sẽ trở thành vô dụng.

2* Đạo quân ăn cắp của Trung Cộng


Trước đây, trong một cuộc điều trần hữu thệ, Giám đốc FBI, Robert Mueller và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, đã báo động trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện HK, về những cuộc tấn công xâm nhập quy mô và gia tăng các binh đoàn tin tặc (Hacker), vào hệ thống các máy tính của các ngành công nghệ HK, mục đích đánh cắp và đánh phá tài liệu.

Công ty an ninh máy tính Symantec thông báo một loạt Virus gọi là Sykipot, phát xuất từ Trung Cộng, đã phát tán, mục đích xâm nhập vào các công nghệ quốc phòng HK.















image

Năm 2009, đã có hơn 30 công ty HK, từ Yahoo, Adobe, Rackspace đến Northrop Grumman… bị tấn công trầm trọng. Đó là mục đích đánh cắp kỹ thuật, bí mật khoa học, và an ninh quốc phòng HK.

Trung Cộng đang tìm kiếm những bí mật về kỹ thuật tàng hình cho phi cơ và tàu chiến, bí mật hỏa tiễn và nhất là bí mật về phi cơ liên hành tinh (vũ trụ) không người lái, độc nhất vô nhị của HK, đó là chiếc X-37B.

Phản gián HK và Ấn Độ gài bẫy để theo dõi hành tung của Virus, đã khám phá ra sào huyệt của tin tặc, thuộc cấp quốc gia là Trung Cộng. Không những ăn cắp bí mật quân sự, kinh tế của HK, mà TC còn ăn cắp kỹ thuật của châu Âu.

 
image

Ngoài ra, TC còn ăn cắp công khai quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền của Tây phương nữa.

Nga còn chạy mặt Trung Cộng về nghề ăn cắp thô bạo từ lâu. Mới đây, hôm thứ thứ ba 6-3-2012, Nga đồng ý bán cho Trung Cộng 48 phi cơ tiêm kích (không chiến) Sukhoi với số tiền là 4 tỷ đô la, nhưng với điều kiện là nước nầy không được sao chép, ăn cắp mẫu của Nga. Nga nhất định phải đưa điều kiện ràng buộc nầy vào hợp đồng: “Cấm Trung Cộng sao chép các máy bay nầy, rồi sau đó sản xuất đem bán cho nước thứ ba”. Trung Cộng từ chối. Điều nầy xác nhận ý đồ bất chánh của họ.

Tờ Kommersant đã công khai tố cáo Trung Cộng, đã từng sao chép, ăn cắp nhiều kiểu máy bay của Nga như Su-27, Su-30 và MiG-29. Bị tố cáo trước thế giới là phường ăn cắp, vậy sĩ khí và danh dự dân tộc ở đâu? Thật là vô liêm sĩ.

Viện Nghiên Cứu Hoà Bình QT đặt tại Stockholm, Sipri, đã nhấn mạnh, “Trung Cộng đặc biệt chú ý đến việc chiếm lĩnh công nghệ nước khác, nhằm phát triển ngành công nghiệp vũ khí của họ”.

3* Trung Cộng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào không gian của Hoa Kỳ


Hiện nay, hệ thống dẫn đường cho hỏa tiễn của Trung Cộng còn lệ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu GPS của Hoa Kỳ.

Bộ QP/HK đang điều hành và kiểm soát hệ thống GPS nầy. Trong trường hợp căng thẳng giữa hai bên, Ngũ Giác Đài có thể không cho TC xử dụng hệ thống nầy, bằng cách gây nhiễu hoặc khóa tần số, thì tất cả hỏa tiễn liên hệ xem như vô dụng
.
image

Sự lợi hại của hệ thống định vị toàn cầu được thể hiện trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, năm 1991, hệ thống dẫn đường các hỏa tiễn đã đánh trúng mục tiêu một cách rất chính xác, sai số từ 1 đến 3m. Các ký giả ngoại quốc ở khách sạn không xa mục tiêu có thể thấy rõ hỏa tiễn phóng thẳng vào một chỗ, cho nên họ an tâm quan sát.

Hệ thống GPS còn cung cấp một băng tần tín hiệu rộng rãi, do phủ sóng toàn cầu, nên việc giao thông liên lạc giữa các quốc gia trong liên quân rất dễ dàng.

Kế đó, Trung Cộng lại bị một cú sốc, là không thể xác định được vị trí của hai nhóm hàng không mẫu hạm mà HK đã điều động đến để bảo vệ Đài Loan, cũng thuộc vùng biển của Trung Cộng. Đó là sự kiện Trung Cộng đã bắn hỏa tiễn vào vùng biển Đài Loan và thực hiện những cuộc tập trận đổ bộ, trước cuộc bầu cử tổng thống 3 ngày, để đe dọa người dân Đài Loan, là không được bầu cho ứng cử viên Lý Đăng Huy, vì nghĩ rằng, khi đắc cử tổng thống, ông Huy có thể sẽ tuyên bố Độc lập cho đảo Đài Loan. Nhưng TC thất bại, vì người dân Đài Loan tin tưởng vào sự bảo vệ của HK, nên Lý Đăng Huy đắc cử tổng thống với đa số phiếu.

Vì muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào hệ thống GPS của HK, nên suốt 15 năm qua, TC nổ lực xây dựng riêng cho mình một hệ thống định vị vệ tinh, có tên là Bắc Đẩu (BeiDou).
 
image

Khi làm chủ được hệ thống, TC có thể xác định được vị trí, mục tiêu, toạ độ thì mới ngăn chặn tàu chiến HK đi vào vùng biển của họ hoặc vùng biển đang tranh chấp như biển Đông chẳng hạn. Đồng thời, TC cũng có thể xử dụng phi cơ không người lái trong tình trạng căng thẳng với HK.


4* Hệ thống định vị Bắc Đẩu (The BeiDou Navigation System)


Ngày 27-12-2011, phát ngôn viên Ran Cheng cho biết, Trung Cộng khẳng định rằng, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, tự tạo, đã bắt đầu hoạt động trong nổ lực chấm dứt sự lệ thuộc vào vệ tinh của nước ngoài.

Bắc Đẩu sẽ cung cấp dịch vụ dẫn đường trong khu vực nước Trung Hoa trong năm 2012 và trên toàn cầu vào năm 2020.

image

4.1. Bắc Đẩu 1

Bắc Đẩu 1, gồm 3 vệ tinh phủ sóng địa phương, trên khu vực nước Tàu, được xử dụng vào ngày 27-12-2011.

4.2. Bắc Đẩu 2.

Hệ thống Bắc Đẩu 2, còn gọi là Compass. Là hệ thống định vị toàn cầu với 35 vệ tinh, đang trên đường xây dựng, dự trù sẽ hoàn thành vào năm 2020. Mức độ chính xác hiện tại là 25m và đang cải thiện để còn sai biệt trong vòng 10m.

Trung Cộng dùng hỏa tiễn Trường Chinh 3, để đưa các vệ tinh vào quỹ đạo. Hiện nay, đã có 11 vệ tinh được đặt vào quỹ đạo, cách mặt đất 21,150km. Như vậy, còn 24 vệ tinh nữa sẽ được đặt vào hệ thống Bắc Đẩu.

Các khoa học gia Trung Cộng cho biết, từ năm 2011 đến 2015, họ sẽ có 100 vụ phóng để đưa 100 vệ tinh các loại vào vũ trụ.

Hệ thống Bắc Đẩu toàn cầu dự liệu sẽ đưa vào xử dụng năm 2020.

5* Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Hoa Kỳ


Hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System) là hệ thống xác định vị trí trên mặt trái đất, bằng hệ thống 24 vệ tinh nhân tạo, đặt trên một quỹ đạo ở ngoài bầu khí quyển của quả địa cầu. Hệ thống do Bộ QP/HK thiết kế, xây dựng, điều khiển và quản lý.

Trong cùng một thời điểm, 3 vệ tinh trong hệ thống, cùng xác định tọa độ của bất cứ một điểm nào trên mặt quả đất nầy, rồi truyền tín hiệu xuống các trạm thu nhận dưới đất.

image

Kể từ năm 1980, chính phủ Hoa Kỳ cho phép mọi người trên thế giới, không kể quốc tịch, được xử dụng miễn phí một số công dụng của GPS. GPS hoạt động trong mọi thời tiết, 24 giờ trong một ngày.

5.1. Sự hoạt động của GPS

24 vệ tinh bay vòng quanh trái đất 2 lần trong một ngày, theo một đường đi (quỹ đạo) được điều khiển một cách rất chính xác. 3 vệ tinh trong hệ thống cùng phát tín hiệu về một tọa độ xuống mặt đất, được các máy thu tiếp nhận, với độ sai biệt từ 1 đến 3m.

5.1.1. Ba thành phần của hệ thống GPS

1. Phần không gian
2. Phần kiểm soát
3. Phần xử dụng

Không Quân Hoa Kỳ phụ trách làm phát triển, điều hành và bảo trì 2 thành phần, là không gian và kiểm soát.
Từ quỹ đạo cách mặt đất 20,200km, các vệ tinh truyền tín hiệu từ vũ trụ xuống mặt địa cầu, được các máy thu tín hiệu GPS, làm những con toán vô cùng phức tạp, để xác định vị trí không gian 3 chiều: kinh độ, vĩ độ và chiều cao vào thời điểm đó. Những tính toán phức tạp về trạng thái thời tiết của bầu khí quyển, có tác động vào tốc độ của tín hiệu, như độ ẩm, giông bão, các lớp mây…
image

Bầu khí quyển, nói chung là bầu không khí bao trùm quả đất, gồm nhiều thứ khí khác nhau và hơi nước, được giữ lại bởi sức hút của trái đất. Độ cao 120km được coi là ranh giới giữa bầu khí quyễn và khoảng không vũ trụ bên ngoài.

1). Phần không gian của hệ thống GPS


24 vệ tinh nằm trên một quỹ đạo, xoay chung quanh trái đất. Chúng được điều khiển luôn luôn cách mặt đất 20,200km. Sự chuyển động rất ổn định và quay 2 vòng trái đất trong 24 giờ, với tốc độ 7,000 miles/giờ. Các vệ tinh được sắp xếp làm sao cho những máy thu dưới đất, luôn luôn nhìn thấy 4 vệ tinh ở bất cứ ở một thời điểm nào.


Vệ tinh hoạt động được, nhờ năng lượng mặt trời và những nguồn pin, accu chứa điện khi không có ánh sáng mặt trời, tức là lúc gọi là ban đêm.
2). Phần kiểm soát của hệ thống GPS

Mục đích của phần kiểm soát là điều khiển cho các vệ tinh đi theo đúng quỹ đạo đã ấn định (20,200km)

Có 5 trạm kiểm soát ở rải rác khắp nơi trên trái đất, trong đó, 4 trạm tự động và một trạm trung tâm. Ngoài ra, còn có một trạm trung tâm dự phòng, và 6 trạm kiểm soát chuyên biệt.

Đường bay của các vệ tinh được ghi lại ở 13 trạm, đa số là ở HK, một số ở các nước: Anh, Argentina, Ecuador, Bahrain và Úc. Phương tiện gởi đi và nhận tín hiệu nhờ những anten chão to lớn.


3). Phần xử dụng hệ thống GPS

Phần xử dụng bao gồm những máy móc, thiết bị thu nhận tín hiệu của hệ thống GPS và những chuyên viên xử dụng những máy móc, thiết bị đó.
Một số đặc điểm

-Vệ tinh đầu tiên được phóng lên năm 1978

- Hệ thống hoàn chỉnh năm 1994

- Mỗi vệ tinh hoạt động tối đa là 10 năm

-Vệ tinh GPS nặng 1,500kg, dài 5m, các tấm thu năng lượng mặt trời rộng 7m2.

Ứng dụng trong quân sự

Trong quân sự, GPS dẫn đường các loại vũ khí như sau:

image

- Bom thông minh JDAM (Joint Direct Attack Munition), gồm các loại GBU-31. (GBU=Guided Bomb Unit)

- Hỏa tiễn không đối đất (Air-to-Surface Missile-ASM hay Air-to-Ground Missile-AGM)

- Hỏa tiễn tấn công đất liền (như Tomahawk)

- Hỏa tiễn hành trình (Cruise missile) và đạn đạo (Ballistic Missile)

- Hỏa tiễn đất đối đất.(Surface-to-Surface Missile-SSM)

6* Trung Cộng chạy đua trong chương trình không gian


6.1. Trạm không gian Thiên Cung 1

Ngày 29-9-2011, hỏa tiễn Trường Chinh 2F đã mang trạm không gian nhỏ (space module) Thiên Cung 1 (Tiangong 1) vào quỹ đạo, thực hiện những thí nghiệm chuẩn bị cho việc thiết lập một trạm không gian to lớn hơn, có người ở bán thường xuyên ngoài vũ trụ vào năm 2020.

6.2. Tàu vũ trụ Thần Châu 8

Ngày 1-11-2011, tàu vũ trụ (spacecraft) Thần Châu 8 (Shenzhou-8), không người lái, được phóng lên để ráp nối với trạm không gian nhỏ Thiên Cung 1, chuẩn bị cho Thần Châu 9, 10, có người lái, ráp nối vào Thiên Cung 1.

image

Chương trình không gian của Trung Cộng nhằm thiết lập một trạm vũ trụ có người ở, bắt đầu từ Thiên Cung 1, 2, và Thiên Cung 3. Những con tàu vũ trụ (phi thuyền không gian) sẽ lần lượt mang người và thiết bị lên không gian, để thực hiện những thí nghiệm, tiến tới chương trình lên mặt trăng của Trung Cộng.

Ngày 9-1-2012, với hỏa tiễn (tên lửa) Trường Chinh 4, TC đã phóng thành công, đưa vệ tinh Tư Nguyên 3 (Ziyuan 3) vào một quỹ đạo cách mặt đất 500km.
Đây là lần thứ 156 loại hỏa tiễn Trường Chinh mang các vệ tinh vào vũ trụ.

Giám đốc Chương Trình Không Gian, Triệu Tiểu Tân, cho biết, trong năm 2011, TC đã có 19 lần phóng, đưa 21 tàu vũ trụ (Spacecraft) và vệ tinh (Satellite), đứng hàng thứ hai thế giới về số lần phóng. Ông nầy cho biết, mục tiêu năm 2011-2015 là 100 lần phóng, sẽ đưa 100 vệ tinh các loại vào vũ trụ.

7* Mở màn chiến tranh không gian


7.1. Trung Cộng xác nhận đã bắn hạ vệ tinh

Bước đầu chuẩn bị cho cuộc chiến tranh vũ trụ là bắn hạ vệ tinh của địch, bao gồm những vệ tinh do thám, nhưng quan trọng nhất là phá hủy hệ thống định vị toàn cầu, để làm vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường các loại hỏa tiễn và bom tinh khôn.

Ngày 23-1-2007, phát ngôn viên TC, Liu Jianchao xác nhận, TC đã tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn để bắn hạ một vệ tinh. Tuy nhiên, “TC cam kết sẽ dùng khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình”.

image

Hội Đồng An Ninh QG/HK phổ biến, ngày 23-1-2007, TC đã dùng hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic Missile) tầm trung, phóng từ mặt đất, để phá hủy một vệ tinh thời tiết của họ, cách mặt đất 850km. Điều nầy chứng tỏ rằng, trong tay TC có những thông số về độ cao, vận tốc và tọa độ của vệ tinh. Việc TC bắn hạ vệ tinh đã làm cho các nước phương Tây phản đối. Mỹ, Anh, Nhật, Úc đã ra tuyên bố phản đối.

Các khoa học gia HK công bố, vụ bắn hạ vệ tinh của TC đã tạo ra 800 mảnh vở, đường kính lớn hơn 10cm, và 40,000 mảnh vụng đường kính từ 1 đến 10cm.
7.2. Hoa Kỳ đã bắn hạ vệ tinh năm 1985

Năm 1985, trong chương trình Chiến Tranh Các Vì Sao (Stars war), hỏa tiễn HK đã bắn một phát, hạ được vệ tinh có tên là Solwin. Gần đây, HK chuyển sang kỹ thuật mới, có tên là “Vũ khí dùng năng lượng trực tiếp”, dùng tia Laser trên không gian để làm tê liệt vệ tinh. Cách nầy không tạo ra những mảnh vụng, có thể nguy hại các trạm không gian có người ở, và làm hại các vệ tinh khác.

Nói về việc bắn hạ vệ tinh, thì HK đã có khả năng nầy trước TC là 22 năm, với 2 loại vũ khí khác nhau.

Về hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, thì HK cũng đã xử dụng trước TC thời gian 26 năm.

Và mới đây, HK lại có khả năng làm thay đổi quỹ đạo của hệ thống vị tinh định vị toàn cầu GPS, chuyển sang con đường đi khác hơn con số 20,200km, việc nầy khiến cho các nhà khoa học dưới đất, khó tính toán một cách chính xác về vị trí của các vệ tinh trong hệ thống.

Như thế, việc bắn hạ vệ tinh của TC còn thua HK rất xa. Đó là chưa kể sự lợi hại của tàu vũ trụ con thoi không người lái X-37B của HK.

8* Thế thượng phong của Hoa Kỳ trong không gian


8.1. Sứ mạng bí mật của tàu không gian con thoi không người lái X-37B của Hoa Kỳ

Hồi tháng 4 năm 2010, tàu không gian (phi thuyền vũ trụ) con thoi không người lái X-37B được Không Lực HK (USAF) phóng vào quỹ đạo tầm thấp 300km cách mặt đất.

image

Bí ẩn bao quanh tàu quỹ đạo con thoi (Shuttle Orbiter) nầy, khi Bộ Quốc phòng HK cương quyết từ chối bàn luận về sứ mạng của nó. Nhưng theo tạp chí Spaceflight, thì người ta dự đoán con tàu nầy bay vòng quanh trái đất, để theo dõi trạm không gian nhỏ (Space module) Thiên Cung 1, được xem như phòng thí nghiệm mới của Trung Cộng.

X-37B được đánh giá là sự kết hợp hoàn hảo giữa phi cơ quân sự và tàu vũ trụ, cho phép nó thực hiện được mọi nhiệm vụ trong khoảng thời gian hơn 9 tháng (270 ngày) ngoài vũ trụ.

Ưu điểm của X-37B là nó có thể bay chung quanh quả đất với nhiều quỹ đạo khác nhau, cho nên rất khó phát hiện, đồng thời xem như không thể bị bắn hạ.
Các nhà khoa học châu Âu và HK theo dõi sát chuyến bay, thì thấy nó theo đường bay của trạm không gian Thiên Cung 1, được TC phóng lên bằng hỏa tiễn Trường Chinh 2F vào ngày 29-9-2011.

Nhà biên tập David Baker của tạp chí Spaceflight khẳng định, việc bay song song giữa X-37B và Thiên Cung 1 là một điều hết sức rõ ràng.

Không Lực HK cho biết, X-37B có mục đích thực hiện những thí nghiệm công nghiệp mới.

Bà Joan Johnson-Freese, giám đốc Viện Nghiên Cứu Đại học Chiến Tranh Hải Quân ở Newport, Rhode Island, cho rằng, chắc chắn là X-37B thực hiện sứ mạng quân sự vì nó có thể bay đến bất cứ một địa điểm nào, để thực hiện công tác gián điệp một cách dễ dàng, vì hiện tại, chưa có một vệ tinh hay một hỏa tiễn nào có thể bay theo ý muốn được cả. Vì thế, người ta lo ngại X-37B sẽ mở ra một kỷ nguyên chạy đua vũ trang ngoài không gian.

Nhiệm vụ và phí tổn của X-37B tuyệt đối được giữ bí mật, tuy nhiên, các chuyên viên cho rằng nó là một phương tiện gia tăng hệ thống chiến đấu và hệ thống yểm trợ vũ khí.

Cũng có những cáo buộc, cho rằng HK đã quân sự hóa vũ trụ.

Tom Burghardt của tờ Global Research phát biểu, với dũng sĩ không gian X-37B, HK có ý đồ chiếm lĩnh và chế ngự không gian, bằng khả năng làm tê liệt, phá hỏng hoặc tiêu diệt vệ tinh của các quốc gia khác, để thực hiện mộng bá chủ vũ trụ của HK.

Tóm lại, mặc dù chính phủ HK giữ bí mật về X-37B, nhưng các khoa học gia đều công nhận rằng nó phục vụ cho mục đích quân sự trong vũ trụ. Đó là thứ vũ khí tối tân nhất mà chưa có quốc gia nào theo kịp.

X-37B có những khả năng như sau:

- Tiêu diệt các vệ tinh địch.

- Đánh cắp tài liệu từ các vệ tinh khác, bằng cách bay đến gần để thu nhận tín hiệu do vệ tinh phát ra chuyển về mặt đất.

- Tiêu diệt hỏa tiễn địch để bảo vệ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GPS của HK.

- Khả năng bắn hỏa tiễn và ném bom từ vũ trụ xuyên qua bầu khí quyển, xuống mặt đất trong thời gian 1 giờ sau khi cất cánh, và ở trên không suốt hơn 9 tháng.

Dũng sĩ X-37B đang làm chúa tể vũ trụ, và trong chiến tranh thời nay, ai làm chủ không gian là người chiến thắng.

8.2. Tàu không gian con thoi không người lái X-37B

X-37B cũng được gọi là tàu thử nghiệm quỹ đạo (Orbital Test Vehicle-OTV) được đặt tên là Thần Ưng, trông giống như phi thuyền con thoi (Space Shuttle) nhưng nhỏ hơn 4 lần. Được phóng thẳng đứng và trở về trái đất, hạ cánh hàng ngang như phi cơ thường ở bất cứ đường băng nào.
 
image

X-37B được sản xuất theo đơn đặt hàng của Không Lực Hoa Kỳ.

Dài 8.9m. Sải cánh 4.5m. Cao 2.9m. Nặng 4,990kg. Khoang chứa hàng kích cở 2.1m x 1.2m. Được phóng bằng hỏa tiễn mang Atlas V. Quỹ đạo bay là 300km cách mặt đất. Bay quanh trái đất trong thời gian trên 270 ngày (9 tháng).

Hai cánh hình tam giác, phần đuôi có cánh phụ hình chữ V. Vận tốc 28,200km/giờ (25 lần cao hơn vận tốc âm thanh). Xử dụng năng lượng mặt trời và nguồn pin, accu Lithium-ion.

Chuyến bay thí nghiệm đầu tiên ngày 7-4-2006, cất cánh tại căn cứ Edwards, California, bay trong bầu khí quyển của trái đất. Bầu khí quyển là lớp không khí bao bọc chung quanh trái đất, gồm nhiều thứ khí khác nhau và hơi nước. Bên ngoài bầu khí quyển là không gian hay là vũ trụ. Độ cao 120km được coi là ranh giới giữa bầu khí quyển và vũ trụ.

Sau đó, 2 chuyến bay thử nghiệm nữa vào tháng 8 và tháng 9 năm 2006.

Cuối cùng, ngày 22-4-2010, chiếc X-37B được phóng vào vũ trụ bằng hỏa tiễn Atlas tại Cape Canaveral, Florida.

8.3. Chương trình bí mật Refly

Năm 1980. Chương trình bí mật Refly được giao cho công ty Rockwell khởi động.

Tháng 12 năm 1991. Dự án được NASA chuyển giao cho công ty Boeing thực hiện.

Ngày 13-12-2004. Dự án không gian quân sự nầy được giao cho Cơ Quan Phát Triển Bộ Quốc Phòng DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA).

8.3.1. Sứ mạng USA-212 (22-4-2010 – 3-12-2010)
 
image

Sứ mạng USA-212 là chuyến bay đầu tiên của tàu quỹ đạo (Orbital Test Vehicle-OTV), được phóng thẳng đứng, hạ cánh hàng ngang (Vertical-take off, horizontal-landing), được hỏa tiễn đẩy Atlas V 501, tại Cape Canaveral, FL vào ngày 22-4-2010. Nhiệm vụ con tàu không được tiết lộ.

Các quan sát viên tài tử theo dõi, và nhận thấy con tàu ở quỹ đạo cách mặt đất Canada 422km. Ngày 29-7-2010, họ không còn thấy con tàu, vì nó thay đổi quỹ đạo.

Sự theo dõi xác nhận, con tàu bay trên 47 quỹ đạo khác nhau.

Chuyên viên William Scott cho rằng X-37B thực hiện những chiến dịch quân sự và xử dụng các loại vũ khí trong không gian.

8.3.2. Sứ mạng USA-226

Sứ mạng USA-226 bắt đầu cất cánh ngày 5-3-2011, được hỏa tiễn đẩy Atlas V 026 phóng đi tại Cape Canaveral, FL.

Đến ngày 29-11-2011, phát ngôn viên Không quân cho biết, nhiệm vụ của tàu con thoi nầy được gia hạn thêm một thời gian nữa, và hiện nay, nó đang bay trên quỹ đạo để thực hiện những cuộc thí nghiệm của Bộ QP/HK.

Mỹ sẽ nâng cấp hệ thống định vị toàn cầu. Chính phủ Mỹ đã quyết định chi 5,5 tỷ USD cho dự án chế tạo những vệ tinh định vị thế hệ mới. Block III, tên của thế hệ vệ tinh tiếp theo, sẽ được thiết kế để làm tăng mức độ chính xác, tin cậy và phạm vi hoạt động của GPS.

Hiện tại GPS có thể xác định vị trí của một người ở ngoài trời với sai số tối đa 3 m. Với các vệ tinh Block III, sai số tối đa của GPS ở ngoài trời sẽ chỉ còn 1 m, đồng thời khả năng định vị trong nhà cũng tăng.

Quá trình phóng các vệ tinh để nâng cấp sẽ bắt đầu từ năm 2013 và kết thúc vào năm 2014.

9* Kết


Trong hiện tại, hệ thống dẫn đường các vũ khí của Trung Cộng còn lệ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu GPS của HK. Khi tình hình căng thẳng, HK có thể khoá hệ thống, thì toàn bộ hỏa tiễn dẫn đường của TC trở thành vô dụng.
Trong trường hợp TC dùng hỏa tiễn bắn hạ vệ tinh của HK, thì với hệ thống đánh chặn hỏa tiễn AEGIS, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn chiến lược, hệ thống chiến tranh điện tử, HK có thừa khả năng bẻ gãy mọi tấn công của TC. Đó là chưa kể sự lợi hạicủa dũng sĩ Thần Ưng X-37B đang làm chủ không gian.

Trong chiến tranh vũ trụ, TC chưa theo kịp HK. Chiến tranh dưới mặt đất cũng vậy, lực lượng quân sự của TC còn kém HK rất xa, về hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân, cũng như về Hải quân. Mặc dù TC đã tăng ngân sách quốc phòng lên tới 100 tỷ hoặc con số thật, cao hơn nữa, thì cũng còn kém HK. Ngân sách QP/HK từ 739.3 tỷ USD, bị cắt giảm còn 525 tỷ, cũng còn hơn TC.

image

Các quan chức Hoa Kỳ cho rằng: “Nổ lực tăng tốc quân sự của Trung Cộng, còn cả một đường dài phía trước, để có đủ sức mạnh quân sự, có thể đối đầu với Hoa Kỳ”.

Thật vậy, kỹ thuật quân sự do ăn cắp, thì luôn luôn lẹt đẹt đi sau thiên hạ, là lẻ đương nhiên.


Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Cộng cần phát triển sức mạnh quân sự chỉ để chiến thắng cuộc chiến tranh cục bộ mà thôi. Chiến tranh cục bộ là ăn hiếp các nước nhỏ trong khu vực. Làm sao mà so với Hoa Kỳ cho được?

Trúc Giang
Minnesota ngày 13-3-2012

VƯƠNG MỘNG LONG * ÔNG GIÁO DẠY SỬ



Ông giáo sư dạy Sử


Tác giả- Vương Mộng Long


- Cựu học sinh Trung-Học Trần Quý Cáp, Hội-An.
- Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.
- Chức vụ sau cùng: Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân.
- Từ 1975 tới 1988 tù “cải tạo” (13 năm) từ Nam ra Bắc.
- Từ 1993 định cư tại Thành Phố Seattle, Tiểu Bang Washington, USA.
- Năm 2003 tốt nghiệp University of Washington, cấp bằng B.A SocialSciences and Communication.
- Gia cảnh hiện nay: Một vợ, 4 con, 1 cháu nội, 3 cháu ngoại.


Một chiều cuối năm 1998 tôi vào Trường University of Washington (UW) để đón đứa con gái áp út tan giờ học. Tình cờ tôi nhìn thấy một ông già đứng chờ xe bên bến Bus. Có lẽ ông cụ lớn tuổi hơn tôi nhiều. Hỏi chuyện, tôi mới hay, ông cụ đã qua tuổi bảy mươi, ăn tiền hưu, và đang học môn Truyền Thông (Communication) năm Senior. Tôi chợt nghĩ, thời gian này mình cũng không bận lắm, tại sao không trở lại trường? Ít ra cũng học thêm được vài điều hay. Thế là, hôm sau tôi nộp đơn xin trắc nghiệm trình độ Toán và Anh Văn để xếp lớp tại Shoreline Community College (Shoreline C. C.).


So với các trường đại học cộng đồng quanh vùng, thì học phí của Shoreline C. C. tương đối nhẹ.Thật là, không có gì diễn tả nổi niềm vui sướng tột cùng của tôi buổi đầu được cắp cặp trở lại trường làm học trò. Ba mươi lăm năm sau khi rời ghế nhà trường (1963) để tình nguyện vào quân ngũ, tôi đâu ngờ còn có ngày được ngồi dưới lớp nghe lời thầy giáo giảng? Xung quanh tôi là những người trẻ tuổi vừa qua bậc trung học.Tôi làm việc mười tiếng đồng hồ một ngày, bốn ngày một tuần lễ. Ngày, ngày, vừa tan sở, tôi lại vội lái xe tới lớp. Từ ấy, tôi làm việc full-time, đi học full-time, bận bịu vô cùng. Học kỳ (quater) đầu tiên, tôi ghi danh một lớp Toán, và hai lớp Anh Văn, mỗi lớp 5 tín chỉ (credit). Tôi miệt mài trong công việc suốt ngày, và chuyên cần trong học tập mỗi đêm. Vào mùa thi, tôi thức trắng hai, ba đêm là thường. Tôi ghi danh full-time để thúc đít thằng con út. Thằng nhỏ sợ ông bố theo kịp, nên phải gắng chạy có cờ để thoát lên đại học bốn năm.


Một niên khóa trôi qua. Con đường học hành của tôi đang có vẻ rộng mở thênh thang, thì bỗng dưng lại quẹo vào một khúc quanh, chỉ vì mùa Fall 2000 tôi đã ghi danh lớp History 274 “U.S. and Vietnam”.
Tôi “lấy” lớp Sử Ký này với mục đích tìm hiểu xem cuộc chiến tranh vừa qua đã được các sử gia Mỹ ghi chép lại như thế nào? Từ đó, hy vọng biết được phần nào, nguyên nhân vì sao, giữa đường, Mỹ đã bỏ rơi Việt-Nam, vì sao chúng ta đã thua trận.


Người từ lâu độc quyền phụ trách lớp Sử 274 là thầy Dan. Trong thời gian dài cả chục năm qua, ông giáo kỳ cựu này đã đào tạo hàng ngàn môn sinh. Những học trò của ông sau khi chuyển tiếp lên trường đại học bốn năm, đã trở thành những Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Lâu lâu họ lại ghé về trường xưa, thăm ông thầy cũ.


Lớp “U.S. and Vietnam” mùa Fall 2000 có chừng hơn hai chục học viên, trong đó da trắng chiếm đa số. Có bốn học trò gốc Châu Á, gồm hai anh Tàu lục địa, một cậu bé H’Mong và tôi. Bạn đồng lớp với tôi còn nhỏ lắm. Họ trẻ hơn mấy đứa con tôi nhiều.


Tôi cứ tưởng rằng những tài liệu lịch sử mà các thầy giáo đem truyền bá, phải nằm trong chương trình đã kiểm duyệt và cho phép của Bộ Giáo-Dục Hoa-Kỳ. Nhưng thực tế không phải vậy. Nền giáo dục của Mỹ đã đi vào tự trị từ lâu. Thầy giáo có toàn quyền lèo lái, hướng dẫn con thuyền học vấn chở học trò mình tới bất kỳ bến bờ nào mà thày đã chọn. Thầy giáo chỉ định sách giáo khoa nào thầy sẽ dạy để chúng tôi mua. Thầy phổ biến những tài liệu nào mà thầy ưng ý.Trong hai phần ba thời gian đầu của học kỳ Fall 2000, mỗi khi nói tới phong trào Việt-Minh, ông giáo sư dạy Sử không ngớt ca tụng HCM như một lãnh tụ tài ba, và vô cùng sáng suốt đã khôn khéo hướng dẫn dân tộc Việt -Nam tới chiến thắng thoát ách đô hộ của Đế-Quốc Pháp.


Thầy khẳng định rằng, chính phủ Hoa-Kỳ là nguyên nhân cuộc chiến tranh Đông-Dưong lần thứ hai (1954-1975). Vì theo lời thầy, thì HCM đã năm lần gửi mật thư cho Tổng Thống Harry Truman để xin thần phục và hợp tác, nhưng Tổng Thống Harry Truman đã từ chối. Thầy cho rằng người Mỹ đã lầm lẫn trợ giúp quân Pháp trở lại tái chiếm Đông-Dương trong khi cao trào dân chủ, đấu tranh giành độc lập đang lan tràn trên toàn thế giới, và chủ nghĩa thực dân đã lỗi thời.


Chúng tôi đã được cho xem những đoạn phim cũ về trận Điện-Biên Phủ, về Hiệp- Định Geneve, và về cuộc di cư năm 1954. Với những trận có âm vang quốc tế như Plei-Me, Khe- Sanh, Kontum, Bình-Long, Long-Khánh vân vân... chúng tôi chỉ được thấy những cảnh thương vong của quân đội Đồng-Minh và Việt-Nam-Cộng-Hòa. Trận Mậu-Thân, chỉ là cảnh ...nhà cháy, dân chạy loạn. Tất cả những “tư liệu” này đều có thực, nhưng thầy Dan chỉ trưng bày những phần có lợi cho Việt-Cộng. Tôi chưa nghe được từ miệng thầy một lời nói tốt nào cho phía Việt-Nam Cộng-Hòa. Thầy mô tả Quân- Lực Việt-Nam Cộng-Hòa như một đội quân kém cỏi về cả tổ chức lẫn khả năng tác chiến. Với thầy Dan, chiến tranh Việt-Nam chỉ là một gánh nặng cho ngân sách Quốc- Phòng Hoa-Kỳ, một sự phí phạm công quỹ. Đã có đôi lần tôi dơ tay nêu ý kiến bênh vực quân đội ta, chính quyền ta, thì ông chỉ cười, chỉ tay vào quyển Sử dày cộm,


“Book said!”


Cứ cái điệp khúc “Sách dạy!” đó, ông thầy phản chiến đã lịch sự gián tiếp nhắc nhở cho tôi hay rằng, tôi là một học trò, còn ông là một vị giáo sư nói có sách, mách có chứng.


Thầy hùng hồn thuật lại những lần thầy tham gia biểu tình chống chiến tranh thời 1960s và nặng lời đả kích lệnh động viên ngày đó, đã đưa hàng trăm ngàn thanh niên Hoa-Kỳ vào chỗ chết.


Kết quả hai lần khảo hạch giữa học kỳ (Mid-Term) tôi đều lãnh điểm (F) bởi vì tôi chỉ làm trót lọt phần A, B, C khoanh, còn về bài tiểu luận (essay) thì tôi bị loại thẳng tay.


Cả hai bài đều lãnh điểm KHÔNG (0) chỉ vì tôi đã viết không hợp ý ông thày. Ngặt một điều là, lớp History 274 này bị tính điểm đem lên trường đại học bốn năm. Bị đánh rớt lớp này thì giấc mơ chuyển tiếp lên University of Washington của tôi sẽ thành mây khói.


Tôi theo học lớp này đúng vào lúc nhà trường đang sôi sục với cuộc vận động bầu cử Tổng Thống. Ông thầy dạy Sử không phải là người độc nhất có ác cảm với chiến tranh, mà Tiểu-Bang Washington tôi đang cư ngụ cũng là thành trì của Đảng Dân-Chủ. Tâm sự này kiếm cả trường chắc cũng chẳng có ai thông cảm!


Thời gian này lòng tôi thật muộn phiền. Tôi tự trách rằng, mùa Fall 2000 có thiếu gì lớp tương đương với History 274 mà sao tôi lại nộp mạng vào cái lớp chết tiệt này? Đúng là bỏ tiền ra ghi danh để ngồi nghe người ta chửi mình, chửi quân đội mình. Càng nghĩ tôi càng thấy tức! Thằng con trai thấy ông bố rầu rầu bèn lân la hỏi chuyện. Khi hiểu nguồn cơn nỗi buồn của tôi, nó mới cho tôi hay, năm ngoái nó cũng ghi danh học lớp này, và đã bị một “vố” đau. Để thoát thân, từ bài thi thứ nhì nó phải viết theo ý ông giáo. Vất vả lắm nó mới kiếm được đủ điểm.


Sau ngày có kết quả khảo hạch kỳ thứ nhì, tôi bỏ công xuống thư viện nghiên cứu, sao chép những tài liệu sử liên quan tới chiến tranh Việt-Nam. Tôi không màng đến vấn đề chuyển tiếp lên University of Washington nữa. Tôi chờ, nếu có cơ hội là tôi sẽ “choảng nhau” với ông giáo phản chiến này một trận, rồi muốn ra sao thì ra.Tôi lục lạo kệ sách loại chọn lọc (preference) và tìm được một quyển Sử-Ký, trong đó, chứa đựng nhiều tài liệu ghi chép rõ ràng những thành quả mà Việt-Nam Cộng-Hòa đã thực hiện được. Trong số những tài liệu quý giá đó, có cả một bài đề cập tới đơn vị tôi, Liên Đoàn 2 Biệt-Động-Quân. Tôi vui mừng và cẩn thận photo copy những c thu nhận được để dùng làm bằng chứng khi cãi lý với ông giáo sư dạy Sử. Tôi cũng tận dụng thời gian rảnh cuối tuần để sắp xếp cho có thứ tự những điều cần tranh luận. Tôi ghi sẵn những câu phê bình, những câu chất vấn thẳng thắn với thầy Dan về cung cách giáo dục học trò của ông, và về những tài liệu mà ông đã dùng để trợ huấn.Buổi học áp chót của mùa Fall chúng tôi có một giờ đầu thi A, B, C khoanh. Sau đó thày giáo phát đề bài làm ở nhà. Thời gian còn lại, thày sẽ giảng gợi ý cho bài tiểu luận. Bài tiểu luận sẽ phải giao nộp vào đầu giờ buổi học cuối cùng.Vừa nghe chuông giải lao, tôi tiến tới bàn ông giáo Sử. Dù trong bụng đã chuẩn bị sẵn một mớ ngôn từ đao to búa lớn cho một cuộc đấu khẩu sống mái, nhưng tôi vẫn dằn lòng, nhỏ nhẹ,


- Thưa giáo sư. Xin giáo sư vui lòng cho phép tôi được trình bày với ông đôi điều liên quan tới sự giảng dạy của ông trong thời gian vừa qua. Tôi có thể làm phiền ông vài phút được không?


Thầy Dan niềm nở,
- Dĩ nhiên là được. Ông có điều gì cần cứ nói.


Thấy câu chuyện đã mở đầu trót lọt, tôi mạnh miệng,
- Thưa giáo sư, tôi là một người Việt-Nam tị nạn. Tôi là một cựu sĩ quan của Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa. Tôi còn nhớ trong bài giảng đầu tiên, thầy có nhắc đi, nhắc lại rằng, phi vụ đầu tiên của pháo đài bay B 52 trên Cao Nguyên Việt-Nam là vụ oanh tạc Thung Lũng Ia-Drang.Thầy có biết không? Cũng vào ngày hôm đó, tôi đang tập dượt lễ mãn khóa sĩ quan Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam. Và mười năm sau, trước khi tàn cuộc chiến, vùng đất mà tôi chịu trách nhiệm trấn giữ cũng bao gổm cả cái Thung Lũng Ia-Drang đó.


Thầy chỉ biết tới những trận đụng độ đẫm máu trong thung lũng Ia-Drang qua báo chí, truyền thanh, và truyền hình.Còn tôi là người đã lặn lội mười năm ở đó, đã nhiều lần bị thương đổ máu ở đó, đã rơi lệ vuốt mắt cho nhiều đồng đội nằm xuống ở đó. Trong số những người nằm xuống ấy, không thiếu những thanh niên Mỹ đồng trang lứa với thầy. Nơi đó chúng tôi chiến đấu quên mình từng ngày, vì nền độc lập của đất nước tôi, và vì quyền lợi của nước Mỹ.Thầy chưa từng khoác áo nhà binh, chưa một lần có mặt trên chiến trường. Suốt đời thầy không hiểu nổi thế nào là niềm kiêu hãnh của một người lính chiến, thế nào là lòng khát khao chiến thắng, thế nào là tình huynh đệ chi binh.


Suốt đời thầy không hiểu được vì sao hơn hai chục thương binh què quặt của một đơn vị Biệt Động Quân Việt-Nam Cộng- Hòa phải mở đường máu rút lui mà vẫn cưu mang theo ba người lính Mỹ, trong đó có hai người bị trọng thương; và vì sao một đại tá Hoa-Kỳ đã đưa thân che chở cho một thương binh Việt-Nam để rồi ông bị mảnh đạn vỡ đầu.Mạng lưới truyền thông thiên Cộng khổng lồ của Hoa-Kỳ đã tiếp tay với bộ máy tuyên truyền của Cộng-Sản Quốc-Tế cố tình xuyên tạc, bóp méo tất cả những c liên quan tới nguyên nhân, diễn tiến, và hậu quả của cuộc Chiến-Tranh Việt-Nam. Từ đó, tên Việt-Cộng khát máu HCM đã được tô vẽ, đánh bóng thành một vị lãnh tụ đức độ anh minh.


Chính tên sát nhân này và đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã giết oan không biết bao nhiêu đồng bào vô tội của tôi trong suốt thời gian ba mươi năm chiến tranh. Nằm trong số hàng trăm ngàn nạn nhân bị giết, tù đầy, thủ tiêu, cha tôi và chú tôi cũng bị chặt đầu trôi sông trong thời gian đó. Nếu chế độ Cộng-Sản là tốt đẹp, thì đã không có một triệu dân miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp-Định Geneve năm 1954, và sẽ chẳng có những cuộc vượt biên bi thảm của hàng triệu thuyền nhân trên biển bỏ quê hương sau khi Miền Nam rơi vào tay Cộng-Sản năm 1975. Thầy chỉ mới thấy hình bé gái Kim Phúc trần truồng, vừa khóc vừa chạy, thân mình phỏng cháy vì bom Napalm của quân Đồng-Minh đánh lầm vào nhà dân, mà thầy đã thấy xót xa, cho rằng quân Đồng-Minh tàn ác.


Nếu thầy ở vào vị trí của tôi, không hiểu thầy sẽ nghĩ sao? Ngày 18 tháng Tư năm 1974, sau khi tái chiếm Căn Cứ Hỏa-Lực 711, Pleiku, tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh dã man chưa từng thấy. Trong một căn hầm trú ẩn đầy ruồi nhặng, trên chiếc giường tre là cái xác trần truồng của một người vợ lính. Chị bị Việt-Cộng lột hết quần áo, bị hãm hiếp, rồi bị đâm chết bởi nhiều nhát lưỡi lê, ruột gan lòi lòng thòng. Trên nền đất, máu đọng thành vũng. Trong góc hầm là xác đứa con trai hai tuổi của nạn nhân. Cháu bé bị trói hai tay, hai chân bằng dây dù và cũng bị hàng chục nhát lưỡi lê đâm vào bụng, vào ngực. Hai người này vừa theo chuyến xe tiếp tế của đơn vị lên thăm chồng và cha của họ được vài ngày. Họ đã không kịp chạy khi Việt-Cộng tràn ngập căn cứ trưa 15 tháng Tư năm 1974.


Câu chuyện vừa tới đây thì hết giờ giải lao, học trò trở lại lớp. Ông giáo vỗ vai tôi,
- Ông cứ ngồi đây, ta sẽ tiếp tục.


Rồi ông lớn tiếng cho phép lớp nghỉ sớm, để học trò có thời gian chuẩn bị bài thi viết. Chờ cho người học trò sau cùng ra khỏi cửa, thầy Dan nói nhỏ với tôi,


- Ông hãy tiếp tục câu chuyện của một nhân chứng sống. Tôi mong được nghe thêm. Tôi không ngần ngại, tiếp lời,


- Cám ơn giáo sư. Tôi chỉ nói những gì thấy tận mắt, nghe tận tai, và những gì xảy ra cho chính bản thân và gia đình tôi để thầy có một nhận định chính xác về cuộc chiến tranh Việt-Nam đã ảnh hưởng như thế nào đối với người dân Việt. Tôi tâm sự với thầy Dan rằng, tôi là một học trò tốt nghiệp trung học vào đúng thời điểm đất nước lâm nguy nên tôi đã tình nguyện vào quân ngũ để cứu nước. Tôi tóm lược cuộc đời chinh chiến của mình cho ông giáo nghe. Tôi thấy thầy Dan đặc biệt lưu tâm tới những chiến dịch xảy ra trên Tây-Nguyên, và ông có vẻ rất quen thuộc với những địa danh Ban-Mê-Thuột, Pleiku, Plei-Me, Đức-Cơ, Kontum. Nghe tôi nói ở Tây-Nguyên chiến trận, chết chóc xảy ra hàng ngày, ông vội hỏi,


“Mỗi lần ra trận, ông có sợ không?”


Tôi cứ tình thực trả lời,
Sợ chứ! Vào chỗ chết, ai mà không sợ? Nhưng tinh thần trách nhiệm đã làm cho tôi quên cái sợ.Thấy ông giáo sư có vẻ muốn nghe truyện chiến trường, muốn hiểu tâm tư người đi trận ra sao, tôi đã không ngần ngại thuật lại hoàn cảnh của tôi trong trận Dak-Tô năm 1969. Cuối trận này tôi đã phải mở khói đỏ yêu cầu máy bay đánh ngay trên đầu mình để cùng chết với quân thù. Vào giờ phút tuyệt vọng nhứt của trận đánh đó, tôi đã nghĩ gì, tôi cũng thổ lộ cho ông giáo biết. Ông giáo sư đã từng nghe nói tới cái tên “Đường Mòn HCM” nhưng chưa bao giờ ông ngờ rằng đó là cả một hệ thống đường giao thông chằng chịt che dấu dưới rừng già dọc Trường-Sơn. Tôi đã chia sẻ với ông những cảm giác hồi hộp, căng thẳng của người có cái kinh nghiệm đi toán Viễn-Thám săn tin dọc biên giới Việt-Miên-Lào từ Khâm-Đức tới Bu-Prang vào những năm 1972-1973.


Ông cũng rất hứng thú khi nghe tôi thuyết trình về kỹ thuật bắn xe tank mà Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã áp dụng trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975. Trận Xuân-Lộc này ông có nghe qua, nhưng ông không ngờ, một trong những cấp chỉ huy trực tiếp của trận đánh lừng lẫy ấy đang ngồi trước mặt ông. Tôi không quên nói tới những lần dừng quân bên xóm làng quê nghèo nàn, nhận những bát nước chè xanh, những củ khoai luộc của đồng bào tôi đem ra mời mọc. Tình quân dân cá nước ấy đã là những liều thuốc bổ giúp tinh thần chúng tôi mạnh mẽ hơn khi đối mặt với quân thù.Tôi thuật lại cho thầy nghe, trong tình thế hoàn toàn tuyệt vọng, chúng tôi đã chiến đấu kiên cường như thế nào.


Và sau khi biết rằng chỉ trong vòng một tháng cuối cùng, chín mươi phần trăm của quân số hơn năm trăm người thuộc Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã chết vì tổ quốc, thì ông giáo đã giơ hai tay lên trời, lắc đầu thốt ra hai tiếng,


“Trời ơi!”


Thầy Dan cũng muốn tìm hiểu xem, sau khi mất nước thì số phận của tôi và gần một triệu quân nhân, công chức chính quyền Việt-Nam Cộng-Hòa ra sao. Ông đã trố mắt ngạc nhiên khi biết ra rằng, từ sau tháng Tư năm 1975, khắp đất nước tôi, “Trại Cải Tạo” đã mọc lên như nấm. Cái tên “Re-Education Camp” mà ông đã nghe qua, trên thực tế chỉ là những trại tù khổ sai. Những “học viên” trong các trại đó sống không khác gì những con vật, quằn quại với cái đói. Họ bị ép buộc làm việc tới kiệt lực. Tinh thần bị khủng bố, căng thẳng liên miên bởi những buổi ngồi đồng học tập, phê bình, bầu bán. Tôi thú thật với ông giáo rằng, trong thời gian đó, tôi chỉ nghĩ tới tự do; làm sao để tìm lại được tự do, dù có chết cũng cam lòng. Ông giáo đã tỏ ra say mê theo dõi truyện hai lần tôi trốn trại thất bại, cùng những cực hình mà tôi phải gánh chịu. Tôi cũng không ngần ngại thuật lại hoàn cảnh của vợ tôi ngày đó, một nách bốn đứa con thơ dại, vất vả, tảo tần nuôi con, chờ chồng trong 13 năm tôi bị giam giữ, tù đầy.


Tôi cho ông giáo biết tôi là người sinh ra tại Miền Bắc Việt-Nam. Tháng 7 năm 1954 gia đình tôi đã cùng gần một triệu người khác di cư vào Nam để trốn lánh Cộng-Sản. Tôi cặn kẽ phân tích cho thầy rõ, sau Hiệp-Định Geneve năm đó, hai miền Nam, Bắc Việt-Nam đã thành hai quốc gia, độc lập và có chủ quyền, có biên giới. Chính HCM và đảng Cộng-Sản Việt-Nam đã chủ trương, phát động và điên rồ theo đuổi một cuộc chiến tranh tiến chiếm Miền Nam . Quân đội và nhân dân Việt-Nam Cộng-Hòa chỉ làm nhiệm vụ tự vệ. Quân Mỹ và Đồng-Minh vào Việt - Nam là để phụ giúp chúng tôi chống lại một cuộc xâm lược từ phương Bắc.


Chúng tôi thất trận không phải vì chúng tôi kém khả năng, thiếu tinh thần chiến đấu, mà vì người Mỹ đã phản bội, nửa đường rút quân, cắt viện trợ. Từ khi người Mỹ rút lui, chúng tôi bị bó chân bó tay, bụng đói mà vẫn phải chiến đấu. Trong khi đó, Miền Bắc lại tràn ngập lương thực, quân dụng, quân nhu, và vũ khí viện trợ từ khối Cộng. Thời gian khởi đầu chương trình Việt-Nam- Hóa chiến tranh, còn được cung ứng vũ khí, lương thực dồi dào, chúng tôi đã chứng tỏ khả năng có thể cáng đáng bất cứ nhiệm vụ nào của quân đội Đồng-Minh bàn giao lại.Để chứng minh điều này, tôi mở tờ copy từ quyển History của thư viện, trong đó có sơ đồ các cánh quân Việt-Nam Cộng-Hòa vượt biên tiến chiếm miền Bắc Cam-Bốt trong chiến dịch Bình Tây 1, 2, 3 cuối năm 1970 của Quân Đoàn II. Tôi chỉ cho ông cái dấu hiệu quân sự hình tam giác có chữ R ở giữa, cạnh trên có ba cọng râu, bên trái là con số 2,


- Đây! Thưa thầy, cuối năm 1970, tại vùng 2 Chiến Thuật, chúng tôi đã đánh đuổi quân Bắc Việt tới bờ đông của sông Mê-Kông trên đất Miên. Ngày đó tôi là người chỉ huy một đơn vị trực thuộc Liên-Đoàn 2 Biệt-Động-Quân. Tôi đã đánh chiếm thành phố Ba-Kev, và đóng quân tại nơi này một thời gian. Chúng tôi đã chứng tỏ rằng khả năng chiến đấu của chúng tôi đã hơn hẳn quân đội Bắc Việt. Nhưng những
năm sau, viện trợ cắt giảm dần. Mặc dầu tinh thần của chúng tôi không suy giảm, nhưng chiến đấu trong cảnh thiếu thốn thường xuyên, chúng tôi vất vả lắm. Tôi xin đan cử ra đây một so sánh để thầy thấy rõ sự khác biệt.


Trước khi Mỹ rút, tháng 6 năm 1968, có một lần tôi đang dàn quân tiến chiếm một ngọn đồi thì Bộ Chỉ Huy Task Force South của Mỹ ở Đà -Lạt đã bắt tôi ngừng lại để chờ pháo binh và không quân yểm trợ. Tôi đã nhận được một phi tuần hai phi xuất F4C và sau đó là một hỏa tập tám trăm quả đạn đại bác 105 ly trên mục tiêu trước khi xung phong. Mục tiêu đó chỉ rộng bằng diện tích khuôn viên trường Shoreline C. C. này. Chỉ hơn một năm sau khi Mỹ rút, tháng 8 năm 1974, tiền đồn Plei-Me do tôi trấn giữ đã bị một lực lượng địch đông gấp chín lần vây hãm 34 ngày đêm. Plei-Me cũng chỉ rộng bằng trường Shoreline C.C. thôi. Vậy mà mỗi ngày chúng tôi đã hứng chịu từ một ngàn tới hai ngàn viên đạn pháo cối của địch. Để chống lại, ngoài hai khẩu 155 ly của quân bạn yểm trợ từ xa, tôi chỉ có hai khẩu đại bác 105 ly. Vì tình trạng khan hiếm, tôi chỉ được phép bắn theo cấp số đạn giới hạn là bốn viên cho mỗi khẩu súng một ngày. Chiến đấu trong tình trạng thiếu thốn như thế, chúng tôi vẫn chiến thắng. Thầy nghĩ sao về chuyện này?


Chúng tôi đã chiến đấu cho chính nghĩa như thế đấy, chúng tôi đã hy sinh như thế đấy, và chúng tôi đã bị bỏ rơi như thế đấy. Tôi cũng không hiểu vì sao người Mỹ phản chiến, trong đó có thầy, lại xuống đường tranh đấu, cổ vũ cho kẻ thù của chúng tôi, và ngược đãi chiến binh của chính nước Hoa-Kỳ? Thầy ơi! Sao thầy lại nỡ nhẫn tâm như thế! Thầy đã tiếp tay với kẻ thù, đâm sau lưng thân nhân và bạn bè đồng minh của thầy. Nhân dịp này, tôi cũng chuyển lại cho thầy nghe tâm sự của anh Bill, một bạn cựu quân nhân Mỹ trở về từ Việt-Nam năm 1973. Anh Bill hiện nay (2000) là Supervisor của hãng mà tôi đang làm việc. Đây là lời của anh ấy,


“Bạn có cảm thông nỗi đau đớn của chúng tôi ngày đó không? Hôm chúng tôi cặp bờ Everett , Washington, dân chúng Mỹ, kể cả những người thân, tiếp đón chúng tôi bằng cách dơ cao ngoắc ngoắc ngón tay giữa! Đi đâu chúng tôi cũng bị nhìn với đôi mắt khinh khi. Bao nhiêu ê chề nhục nhã đổ lên đầu người thua trận. Thua trận đâu phải lỗi của chúng tôi? Có bạn tôi đã buồn mà tự tử. Rồi tôi bị giải ngũ. Thời gian ấy kiếm được một việc làm là điều khó khăn trần ai. Hãng xưởng nào cũng không mặn mà với những hồ sơ xin việc của những cựu chiến binh. Cũng may, có người bạn học thời Mẫu Giáo đã giới thiệu tôi vào làm việc cho hãng này. Lương hướng thời ấy chỉ có 3 USD một giờ cũng đã khiến tôi mừng quá lắm rồi.”


Sau câu chuyện này, tôi chuyển sang phê bình cách giảng dạy của ông thầy, tôi nói thẳng với ông giáo sư rằng, bao năm nay ông đã bóp méo lịch sử của cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt-Nam, làm như thế ông đã phạm tội đối với lịch sử. Cách giảng dạy của ông đã gieo vào trí óc học trò những thành kiến sai lầm đối với Việt-Nam Cộng-Hòa, làm giảm giá trị sự trợ giúp của chính phủ và nhân dân Hoa-Kỳ đối với nước tôi.Cuối cùng, tôi hỏi ông giáo,


-Thầy còn nhớ, năm ngoái, có một cậu bé Việt-Nam, mặt mày sáng sủa, lông mày rậm, tóc hớt kiểu nhà binh theo học lớp Sử 274 này không?


- Nhớ chứ! Mỗi lớp chỉ có vài học trò Á Châu, dĩ nhiên là tôi nhớ!


- Cậu bé Việt-Nam đó chính là thằng con út của tôi! Năm ngoái, bài tiểu luận đầu của nó bị điểm KHÔNG (0) vì nó viết theo quan điểm của một người dân Miền Nam. Những bài sau nó phải đổi cách viết, để thầy cho điểm khá hơn. Tôi là cha nó; tôi là một trong những người chứng kiến, tham gia và trực tiếp gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh vừa qua;tôi không thể làm như con tôi được. Tôi đã nói hết những đều cần nói với giáo sư, và tôi sẵn sàng chấp nhận hậu quả.


Ông thầy dạy Sử như bừng tỉnh cơn mơ,


- Tôi tin lời ông, vì chẳng có lý do gì để ông nói dối. Có điều là, từ đó tới nay, hơn hai mươi năm dài, kể từ ngày những gia đình Việt-Nam đầu tiên tới định cư ở Hoa-Kỳ, chưa ai nói cho tôi nghe những điều này. Có thể, người ta muốn quên đi quá khứ, hoặc là người ta không có can đảm nói ra. Tôi đã hiểu, và tôi phải cám ơn ông. Ông quả là một chiến binh thực thụ.


Nghe được những lời nói chân tình từ miệng ông giáo sư, lòng tôi cảm thấy ấm áp lạ lùng. Trước mắt tôi, ông đã thành một người bạn đồng minh, ông đưa bàn tay hộ pháp ra cho tôi bắt,


“Thưa người chiến binh. Ông vừa lập một chiến công!”


Đêm ấy trên đường về nhà, lòng tôi rộn ràng như thuở nào giữa sân vận động Pleiku, sau chiến thắng Plei-Me, tôi đã đứng trước một đoàn hùng binh, quần áo hoa rừng, nhận những vòng hoa rực rỡ, tai nghe bản nhạc “Bài Ca Chiến Thắng” do ban quân nhạc Quân-Đoàn II hòa tấu.


Ngày chấm dứt mùa Fall năm 2000 ông thầy dạy Sử tươi cười trao cho tôi bản tổng kết cuối khóa, trên đó điểm trung bình (GPA) lớp History 274 của tôi ghi 4 chấm (4.00).


Cuối mùa Spring 2001 tôi dự lễ cấp văn bằng tốt nghiệp A. A. nơi vận động trường có mái che của Shoreline Community College. Khán đài đông nghẹt thân nhân. Vợ tôi và bốn đứa con tôi cũng có mặt ngày hôm ấy. Khi người điều hành gọi tên tôi lên bục để nhận văn bằng, cả hội trường đều ngạc nhiên vì thấy nơi hàng ghế giữa của khu giáo sư có tiếng ai gào lên như tiếng sấm,


“Long! I’m proud of you!”


Đến lúc bà Hiệu Trưởng bắt tay tôi thì ông giáo Dan đứng dậy, bắc loa tay hướng về sân khấu,
“My soldier! I’m loving you!”


Ông là một người cao lớn. Trong chiếc áo thụng đen, trông ông dềnh dàng như nhân vật chính trong phim “Người Dơi”.


Những người có mặt trong hội trường buổi ấy đều quay mặt nhìn về hướng ông giáo, ai cũng ngạc nhiên vì hành động phá lệ của một ông thầy xưa nay nổi tiếng là mô phạm. Thấy ông giáo Dan réo tên tôi ầm ầm, vợ con tôi và những khán giả ngồi trên khán đài cũng vỗ tay, reo hò, la hét theo. Hai năm sau, khi tốt nghiệp B.A. từ University of Washington, tôi về thăm và báo cho ông biết, ông vui lắm.


Từ đó cho tới khi tôi ngồi viết lại những giòng này (2011) hàng chục ngàn học trò đã tới, rồi giã từ Shoreline Community College. Và chắc chắn, hàng trăm lượt người trẻ tuổi đã đi qua lớp History 274. Mười một năm qua, tôi vẫn nhớ buổi tối năm nào, tôi với ông giáo sư dạy Sử đã ngồi tâm sự với nhau. Lời khen của ông, mà tôi quý như một tấm huy chương, vẫn còn văng vẳng,


“Thưa người chiến binh. Ông vừa lập một chiến công!”


Seattle tháng 7 năm 2011
Vương Mộng Long-K20

TRẦN ĐỨC ANH SƠN * HUẾ, TRÒ CHƠI VÀ THÚ TIÊU KHIỂN 2



 TRÒ CHƠI VÀ THÚ TIÊU KHIỂN CỦA NGƯỜI HUẾ 2 
TRẦN ĐỨC ANH SƠN  *



CÁC TRÒ ĐỎ ĐEN KHÁC
Ngoài các trò nói trên, ở Huế còn có một số trò giải trí ăn tiền khác
như: tứ sắc, bài xẹp, tổ tôm, kiệu, tài bàn, mạt chượt, bài vụ, xóc dĩa... Ðó là
những trò giải trí nặng tính sát phạt, cao thấp, du nhập từ những vùng khác,
đặc biệt từ Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam. Vì thế, cách chơi, sự thưởng
phạt đều tương tự.
- Bài tứ sắc và bài xẹp: Đều dùng chung một bộ bài, thường gọi là bài
tứ sắc, nhưng khác luật chơi. Các quân bài gồm: tướng - sĩ - tượng - xe - pháo
- mã - tốt. Mỗi quân bài có 16 lá gồm 4 lá màu xanh lục; 4 lá màu đỏ; 4 lá
màu vàng và 4 lá màu trắng. Bảy quân bài có tổng cộng 112 lá bài.
Ảnh 28: Chơi tứ sắc - Ảnh Đào Hoa Nữ
- Tổ tôm và kiệu: Đều dùng chung bộ bài tổ tôm. Bộ tổ tôm cũng gồm
3 pho: văn, vạn, sách. Mỗi pho có 9 quân bài từ nhất cho đến cửu. Mỗi quân
bài có 3 lá bài như nhau. Ngoài ra có thêm hàng yêu đỏ gồm 3 quân bài: chi
chi, cung thang và ông lão. Mỗi quân bài trong hàng yêu đỏ này gồm 4 con
bài giống nhau. Tổng cộng là 120 con bài. Tổ tôm thì chơi năm người, trong
khi kiệu có thể chơi hai, ba hay bốn người đều được.
53
Ảnh 29: Chơi bài kiệu
- Tài bàn và mạt chượt: Cũng dùng các quân bài như trong bộ tổ tôm
nhưng thay vì làm bằng giấy thì chúng được làm bằng sừng hay nhựa. Tài bàn
chỉ chơi ba người, trong khi mạt chượt thì chơi bốn người. Riêng bộ mạt
chượt có thêm các quân bài: trung, phát, bạch, đông, tây, nam, bắc. Sau này
người ta bổ sung thêm vào bộ mạt chượt 16 quân bài mới gọi là bốn “bộ hoa”
gồm: tổng-đồng-vạn-sách; hoa-nguyên-hỷ-hợp; xuân-hạ-thu-đông; mai-lancúc-
trúc, khiến cho trò này ngày một hấp dẫn hơn, thú vị hơn.
Ảnh 30: Bộ mạt chượt người Huế thường chơi
54
- Bài vụ: Đây là một trò chơi dân gian rất phổ biến trong các làng quê
xứ Huế, thường được tổ chức trong các dịp Tết đến, xuân về. Trò chơi này thể
hiện nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp thông qua sự xuất hiện
hình vẽ các con vật trên con vụ và trên bàn chơi bài vụ.
Bộ đồ chơi bài vụ gồm một con vụ làm bằng gỗ và chiếc bàn chơi
bằng giấy có vẽ hình tám con vật rất quen thuộc với người nông dân là: heo
(lợn) đen, voi trắng, trâu xanh, ếch vàng, ngựa đỏ, rùa vàng, tôm xanh và cá
vàng và một bộ tô - dĩa để xoay con vụ. Con vụ là một khối gỗ nhỏ hình lăng
trụ tám mặt, mỗi mặt có vẽ hình một trong tám con vật như trên bài chơi bằng
giấy; hai đầu con vụ có gắn hai chiếc đinh gỗ để nhà cái cầm và xoay vụ. Con
vụ được đặt trên chiếc dĩa sứ, phía trên có chiếc tô sứ úp kín con vụ khi nó
đang xoay.
Ảnh 31: Bộ đồ chơi bài vụ
Tết đến, người ta chọn những khoảnh đất bằng phẳng đầu làng hay
đầu ngõ xóm để tổ chức chơi bài vụ. Nhà cái, cũng là một người dân trong
cộng đồng, bày chiếc bàn giấy, con vụ và bộ tô - dĩa xoay vụ trên chiếc chiếu
trải giữa khoảng trống là có thể bắt đầu trò chơi bài vụ. Người chơi cũng là
những người dân lối xóm, sẽ đặt tiền vào hình vẽ con vật mà mình ưa thích có
trên mặt bàn chơi bàn giấy. Sau khi người chơi lựa chọn và đặt cược hoàn tất,
nhà cái sẽ xoay con vụ trên lòng dĩa, sau đó dùng chiếc tô sứ úp lên con vụ
đang xoay. Trong lúc con vụ đang xoay, người chơi có thể đặt thêm hoặc di
chuyển tiền đã đặt đến hình các con vật khác. Sau khi người chơi đã hoàn tất
việc đặt cược tiền và con vụ đã ngừng xoay, nhà cái sẽ nhấc chiếc tô lên khỏi
55
dĩa và hô tên con vật xuất hiện ở mặt trên con vụ. Người chơi nào đặt cược
tiền vào hình con vật đó sẽ được nhà cái “chung” tiền theo tỉ lệ đặt 1 ăn 6.
Những người đặt cược sai với hình con vật xuất hiện trên mặt chiếc vụ thì sẽ
mất số tiền đó vào tay nhà cái.
Bài vụ là một trò chơi có tính đỏ đen và chỉ xuất hiện trong những dịp
đặt biệt như Tết nhứt, hội hè. Về sau, nhiều cung nữ trong hoàng cung triều
Nguyễn cũng du nhập trò bài vụ vào chơi trong cung để giải khuây trong
những đêm dài mòn mỏi chờ đợi sự đoái thương của các đấng quân vương.
Ảnh 32: Chơi bài vụ trong chương trình Đêm Hoàng Cung
56
III. TRÒ GIẢI TRÍ VÀ TIÊU KHIỂN MANG TÍNH CÁ NHÂN
CHƠI NON BỘ
Chơi non bộ không phải là một thú vui của riêng người Huế, càng
không phải là do người Huế khai sinh. Song có một điều cần phải ghi nhận
rằng Huế là nơi có số người chơi non bộ nhiều vào hạng nhất, nhì Việt Nam.
Nguyên do là vì non bộ thường gắn với nhà vườn, mà nhà vườn chính là một
đặc trưng văn hóa của xứ Huế. Non bộ hiện diện nhiều nơi trên đất Huế: trong
cung vua, phủ chúa; trong lăng tẩm của các vị hoàng đề triều Nguyễn; trong
những ngôi nhà vườn miệt Kim Long, An Cựu, Vỹ Dạ...; trong cả những ngôi
nhà cao tầng nơi phố xá đông người.
Nhiều người Huế chơi non bộ, nhưng cách chơi và cách hiểu non bộ ở
Huế không giống nhau. Với người này, non bộ là sự vận dụng của thuật
phong thủy trong một không gian cụ thể. Với người kia, non bộ đơn giản là
một phần của nghệ thuật tạo hình hay nghệ thuật trang trí ngoài trời. Song
chiếm số đông vẫn là những người coi việc chơi non bộ như một trò giải trí
thuần túy và dựa vào các tích tuồng xưa để tạo cho mình những hòn non bộ
ưng ý.
Ảnh 33: Non bộ phía trước Trường Du Tạ ở cung Diên Thọ
57
Huế có những nơi có non bộ đẹp nổi tiếng, như ở cung Trường Sanh,
Trường Du Tạ trong cung Diên Thọ, hồ Kim Thủy (Ðại Nội); hồ Tịnh Tâm,
vườn Trường Thanh (Thành Nội), đảo Tịnh Khiêm (lăng Tự Ðức), chùa Thiên
Mụ (hòn Linh Phong). Huế cũng có người say mê non bộ như ông Bửu
Nghiêu (thường gọi là mệ Nho) ở chợ Cống, người đã lập hẳn cả một vườn
đá, đủ muôn hình vạn trạng trong khu vườn của mình và dành trọn một đời
cho thú vui ấy.
Ảnh 34: Non bộ phía trước Duyệt Thị Đường
Nhiều người Huế coi việc tạo một hòn non bộ trong vườn nhà như là
một yếu tố để cân bằng âm dương hay có chức năng trấn yểm theo phong
thuỷ. Ðó là những hòn non bộ được xây dựng ngay trước lối dẫn vào một ngôi
nhà, có tác dụng như một bức trấn phong, đảm bảo cho ngôi nhà tránh được
những điều bất lợi đến từ bên ngoài.
Chỗ khác thì coi non bộ như là một tiểu vũ trụ, như một hình thức sắp
xếp không gian theo ý muốn chủ quan của con người, tạo nên các vùng đất
linh kiệt hay chốn tiên cảnh dựa theo truyền thuyết và giai thoại: non bộ trên
đảo Bồng Lai (hồ Tịnh Tâm) tượng trưng cho ngũ nhạc (năm ngọn núi thiêng
của Trung Quốc); non bộ ở Trường Du Tạ (cung Diên Thọ) tượng trưng cho
tứ trấn, trấn yểm bốn phương: đông - tây - nam - bắc...
58
Khi tạo một hòn non bộ, người ta thường gắn thêm một số nhân vật và
đồ vật dựa theo các điển tích xưa: tượng ông già ngồi câu dựa theo tích Thái
Công điếu Vị (Khương Tử Nha ngồi câu danh vọng bên sông Vị); tượng hai
người, một trẻ, một già, ngồi đánh cờ, nhắc tích Triệu Khuông Dẫn gán núi
cho Trần Ðoàn để trừ nợ thua cờ trước khi trở thành Tống Thái Tổ; hay tượng
ông già ngồi nhìn đàn dê đang leo lên mỏm núi, nhắc tích Tô Vũ mục Hồ
dương (Tô Vũ chăn dê cho rợ Hồ).
Non bộ Huế cũng thường có nhiều tháp, đa số tháp đều 13 tầng.
Những ngọn tháp này tượng trưng hai ý nghĩa: thứ nhất là để cầu mong điều
tốt lành, vì nơi xây tháp được coi là một thánh địa để người ta tới cầu phúc,
cầu an; thứ hai là để trấn yểm.
Về mặt tạo hình những người chơi non bộ ở Huế thường tránh những
điểm sau:
- Thứ nhất là tránh xuyên tâm, tức là các hang động giả trên non bộ
không được thông từ trước ra sau. Non bộ được coi là một cái trấn phong, mà
xuyên tâm thì sẽ có gió lọt vào, vai trò trấn phong không còn nữa. Non bộ là
một hòn núi thu nhỏ, nếu có lổ thủng, coi như hòn núi đó bị mất linh khí.
- Thứ hai là những ngọn núi trên non bộ Huế thường không làm nhọn.
Non bộ cần có tính vững chãi trong khi cái nhọn không cho người ta cảm giác
vững chãi. Ðó cũng là một trong những lý do khiến nhà Nguyễn chọn núi
Ngự Bình, bằng phẳng hơn, làm tiền án cho Kinh Thành Huế, chứ không phải
là núi Kim Phụng, dù cho Kim Phụng cao hơn và hùng vĩ hơn Ngự Bình.
- Thứ ba, những con dốc quanh co trên hòn non bộ thì không bao giờ
lên đến đỉnh núi. Ðỉnh tượng trưng cho chân lý và chân lý là con đường
thẳng, không phải đường cong. Vả lại mấy ai đã đạt tới chân lý mà dám làm
cho mình một con đường lên tới đỉnh.
Một hòn non bộ được đánh giá là đẹp phải đạt đến tính cân đối, vững
chãi, toàn vẹn, có trước có sau, tránh được những điều kiêng kỵ trên đây. Thứ
hai, là các tích tuồng ở trên non bộ phải là những tích hay, tích hiền, không
phải là tích xấu, tích ác. Thứ ba hòn non bộ ấy được đặt trong một khung cảnh
phù hợp, tương xứng với tầm vóc và không gian xung quanh. Một hòn non bộ
to lớn, đặt trong một khuôn viên chật hẹp thì không thể gọi là đẹp được.
Người Huế có điều kiện chơi non bộ vì họ có một không gian cư trú rộng hơn
người xứ khác. Nhà ở Huế thường có vườn, có sân nên việc tạo lập một hòn
non bộ dễ dàng hơn và tránh được nhược điểm nói trên.
Chơi non bộ là một cách tìm về với thiên nhiên. Ðó là một thú tiêu
khiển tĩnh lặng, không xô bồ, huyên náo như những trò giải trí khác nên phù
hợp với tính cách của những người trầm tĩnh, kín đáo, mà đức tính đó chính là
nét đặc trưng của người Huế. Non bộ là một phần nhỏ của hoa viên, là một
59
bức tranh sơn thủy thu nhỏ trong ngôi nhà vườn xứ Huế và là cảm quan nghệ
thuật của và tư tưởng của chủ nhân ngôi nhà ấy. Vì thế, khi ngắm một hòn
non bộ, người tinh ý có thể hiểu được một phần tính cách của chủ nhân.
THÚ CHƠI HOA KIỂNG
Huế được mệnh danh là thành phố vườn, nhờ vào những vườn cây
trong các cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, phủ đệ, trong các khu dân cư và
trên đường phố. Ðặc trưng ấy hình thành từ lối sống gắn bó với thiên nhiên,
hòa mình với thiên nhiên của con người xứ Huế và đó cũng là tiền đề cho một
thú tiêu khiển có truyền thống và phổ biến ở Huế. Ðó là thú chơi hoa kiểng.
Nhà ở Huế đa phần là nhà vườn, nên chủ nhân có không gian thuận lợi
để chơi hoa kiểng. Hầu như ngôi nhà nào cũng có một vài loại hoa và cây
kiểng mà chủ nhân yêu thích. Trong đó hoa mai là loài hoa được người Huế,
từ nông thôn đến thành thị, yêu thích. Hoa mai có mặt trong hầu hết các ngôi
chùa ở Huế và phụ cận; trong cung điện, lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn;
trong các phủ đệ, tư dinh của giới hoàng thân quốc thích và quan lại đương
triều. Hoa mai được trồng ở trước sân, sau vườn, hay trên những vùng đất đồi
ở Dương Xuân, Long Thọ. Thậm chí ở những vùng cồn cát của các huyện
Phong Ðiền, Quảng Ðiền cũng có hoa mai. Mai thường được trồng từ hai cây
trở lên, tránh trồng một cây (do kiêng chữ mai một).
Hoa hồng, người Huế gọi là bông hường vì kiêng húy vua Tự Ðức,
cũng là một loại hoa được trồng nhiều ở Huế. Trong các ngôi chùa như chùa
Huyền Không, chùa Từ Hiếu, hay trong vườn An Hiên, hồng được trồng
thành vườn với hàng chục loại khác nhau. Có những người chơi hồng chuyên
nghiệp như gia đình ông C.X.D. ở đường Chi Lăng, là những nơi nhập các
giống hoa hồng từ các vùng khác về ươm, chiết, lai giống mới để cung cấp
cho những người chơi hồng ở Huế. Ngoài ra, lan cũng được những người chơi
hoa kiểng ở Thừa Thiên Huế yêu thích, dù đó là một loài hoa đòi hỏi sự chăm
sóc đặc biệt. Các vị sư ở chùa Huyền Không còn tạo lập một vườn lan với gần
200 loại khác nhau, bốn mùa đều có hoa nở, khiến khách vãng cảnh chùa phải
ngẩn ngơ, thèm muốn.
Khi đô thị ngày một sầm uất hơn, không gian cho những người lập
vườn xứ Huế bị thu hẹp thì nhiều người Huế tìm đến với nghệ thuật bonsai,
cây kiểng. Trên những ngôi nhà cao tầng người ta tạo ra những khoảng không
gian khiêm tốn để chơi cây kiểng. Ðó là những gốc tùng, bách, mai... cổ thụ
khéo léo thu mình trong những chiếc chậu xinh xắn, hay những loại thảo mộc
tầm thường như sanh, bồ đề, tràm... qua bàn tay chăm sóc và tạo tác con
người đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống và đầy triết lý.
Người chơi cây kiểng đã chủ động tạo cho cây những dáng, những thế tùy
60
thích, rồi đặt theo những dáng, thế ấy như: phụ tử, huynh đệ, phu thê, long
thăng, phụng vũ, tam đa, ngũ phúc... Cây kiểng kiểu bonsai không chỉ được
trồng trong những nơi có không gian hạn chế mà còn xuất hiện trong các cung
điện, lăng tẩm triều Nguyễn, chứng tỏ đó cũng là một thú vui được tầng lớp
quyền quý quan tâm.
Ảnh 35: Chăm sóc hoa kiểng - Ảnh Đào Hoa Nữ
Có thể nói, thú chơi hoa và cây kiểng trong các tầng lớp người Huế đã
góp phần tạo cho vùng đất này một thần thái riêng biệt, một không gian đô thị
đầy sắc xanh và tràn ngập hương hoa. Thú vui này cũng đóng góp vào việc
duy trì đặc trưng thành phố vườn như một nét riêng của đất thần kinh.
THÚ NGỦ ĐÒ
Thừa Thiên Huế có nhiều sông nhưng chỉ có con sông Hương mới
khai sinh nên thú ngủ đò, vốn rất quyến rũ nhưng cũng đầy tai tiếng. Dòng
Hương Giang gắn bó với nhiều trò giải trí của xứ thần kinh, nhưng với riêng
thú ngủ đò thì sự gắn bó đó thật là đặc biệt vì không có dòng sông, con đò thì
lấy đâu ra thú ngủ đò.
Huế xưa là kinh đô, cũng là nơi gặp gỡ của bao tao nhân mặc khách từ
mọi miền đổ về. Họ là những sĩ tử Bắc Hà hay những công tử vùng sông nước
Nam Bộ, khăn gói về kinh mong kiếm cho mình một chỗ đứng trên quan lộ
nhờ nghiệp thi cử. Họ cũng là những kẻ giang hồ, thích rày đây mai đó cho
thỏa chí tang bồng. Có khi họ là quan lại tứ phương về kinh tại chức, sống xa
61
gia đình, thiếu vắng hơi ấm phụ nữ. Cùng với họ là những ông hoàng, những
cậu ấm đất thần kinh, lớn lên trong vòng cương tỏa của luân lý Nho gia,
nhưng lại mang trong người một tâm hồn lãng tử , nay muốn phá bĩnh, đi tìm
chút tự do phóng khoáng ngoài sự răn dạy của thánh hiền và gia tộc. Tất cả
hạng người ấy đã khai sinh nên thú ngủ đò.
Gọi là ngủ đò nhưng có ai xuống đò để ngủ bao giờ. Khách xuống đò
là để nghe đàn ca xướng hát, để ngâm vịnh thơ ca, để tìm kiếm bạn tri âm, tri
kỉ, hay để được thao thức trong khoang thuyền với cô gái Huế bởi những câu
chuyện thâu đêm của nàng, mà dân Huế vẫn quen gọi là chuyện canh trường.
Rồi từ những vui thú tao nhã ấy mới thai nghén nên cái trần tục khiến khách
xuống đò phải nao lòng trước thú mua hoa bán nguyệt. Vì thế mà sau này
trong giới ngủ đò mới hình thành nên các cụm từ “ngủ chay”, “ngủ mặn” để
nói về mức độ và tính chất của những chuyến xuống đò.
Ảnh 36: Con đò xứ Huế - Ảnh Đào Hoa Nữ
Khách đò thuở trước lịch lãm và nho nhã lắm. Hành trang mang
xuống đò của họ không chỉ là niềm đam mê lạc thú, mà cả một hồn thơ lai
láng, một trí tuệ uyên thâm và niềm háo hức muốn trải nghiệm một đêm trên
dòng sông của trăng, của thơ và của nhạc. Khách hiếm khi xuống đò một
mình mà thường đi với một, hai người bạn. Lúc con thuyền rời bến, ngược
dòng Hương đi về phía Kim Long, Thiên Mụ là lúc những sử tích, những giai
thoại về dòng sông và những địa danh ven bờ được khơi dậy. Ðó là những bài
học lịch sử và địa dư lý thú và lãng mạn nhất mà khách đò được học trong
đời. Nó hấp dẫn bởi giọng Huế ngọt ngào của người kỹ nữ sông Hương, bởi
khung cảnh thi vị của một đêm trăng, bởi cảm giác được bồng bềnh trên sông
62
nước với những con sóng lao xao ru vỗ mạn thuyền và tiếng mái chèo khua
nước róc rách.
Ảnh 37: Buông neo - Ảnh Đào Hoa Nữ
Con đò dừng lại, buông neo và một giọng hò mái nhì cất lên lan dài
trên mặt sóng. Người ta nghe trong giọng hò ấy những nỗi niềm của thân
kiếp; những sử tích về cuộc đời của nàng công chúa biết dứt tình riêng để
mang hoà bình, và cả một phần giang sơn, về cho tổ quốc...khiến lòng lãng
khách bùng lên mối cảm thông sâu sắc và cả một nỗi buồn vô cớ nhưng da
diết. Giọng hò chợt tan biến vào thinh không, cũng bất ngờ như lúc nó ngân
lên. Thay vào đó là tiếng dây cuốn neo xé nước roàn roạt. Con đò quay mũi
63
về xuôi trong tiếng thủ thỉ kể chuyện canh trường của phận nữ trong khoang
đò. Rồi khách đò đi vào giấc mộng lúc nào không hay. Ðến khi người con gái
đẩy liếp bước ra trước mũi đò, vẫy gọi chiếc thuyền nan tới bán hàng ăn cho
khách đò lót dạ, thì bình minh cũng vừa ló dạng trước bến Ðông Ba. Và khách
cũng đã trải qua một đêm ngủ đò trên dòng Hương thơ mộng
Tuy nhiên, cái tạo nên sức thu hút của thú ngủ đò lại nằm ngoài những
đam mê thức giả và bặt thiệp đó. Nó ở vào một phía khác của đời thường,
được diễn tả bằng hai chữ hoan lạc, mà khách đò vẫn quen gọi là “ngủ mặn”.
Khi bước chân viễn chinh của quân đội Pháp đưa cuộc chiến tranh ra khắp
vùng nông thôn ven đô sau khi đã tái chiếm cố đô Huế, thì những người dân
quê ở ngoại ô Huế cũng bắt đầu những cuộc di dân vô nội thành tạo nên một
áp lực về dân cư và việc làm nơi đất cố đô. Ðám kỷ nữ sông Hương được bổ
sung thêm những cô gái đến từ nơi thôn dã và khách đò cũng được mở rộng
đối tượng ra đám lính viễn chinh và bản xứ trong quân đội Pháp (và sau đó là
lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn). Thú ngủ đò từ đó phát triển sang một
hướng khác, trần tục hơn nhưng cũng sôi động hơn.
Con đò xứ Huế có những nét khác biệt so với con thuyền các xứ khác.
Ðò Huế không to tròn nhưng ghe bầu Nam Bộ, không lớn và trống trải, thông
suốt từ mũi đến lái như con thuyền xứ Quảng, không ngắn và bẹt như con
thuyền Nghệ An. Ðò Huế thon dài, được ghép từ năm mảnh ván, phần lái và
mũi vút cao để giảm bớt sức cản của nước. Ðò Huế có mui hình vòm, đan
bằng tre khác với thuyền mui phẳng các xứ khác dùng để chở hàng hóa. Con
đò Huế có ba phần: trước mũi là một khoảng không gian rộng và thoáng. Ðó
là nơi để du khách hóng mát, ngắm trăng. Khoang giữa có mui vòm, sàn gỗ
ván bào nhẵn, trải chiếu hoa với đôi gối thêu, là chổ dành cho khách và “hoa”.
Sau cùng là khoang dành riêng cho gia đình chủ đò. Ðò Huế là ngôi nhà di
động trên mặt nước, phù hợp với cuộc sống trôi nổi của cư dân sông nước.
Những khi không có khách thuê đò, khoang giữa sẽ là nơi nghỉ ngơi của con
cái chủ đò, còn khoang trong cùng kín đáo hơn, dành cho cha mẹ của chúng.
Người Huế vốn tinh tế nên trong cái thú vui tế nhị này người ta cũng
biểu hiện sự ý tứ của mình bằng việc thiết kế một khoang thuyền riêng, tạo
cho lãng khách một thế giới riêng tư và kín đáo, cũng như họ luôn đưa con đò
đến ẩn khuất nơi một bến vắng, xa hẳn chốn đông người trong những chuyến
đò đêm.
Chuyện ngủ đò thuở trước sao mà lãng mạn và quyến rũ. Những điều
ấy nay đã phôi pha, nhưng dẫu sao đó cũng từng là một thú vui một thời vang
bóng nơi mảnh đất cố đô.
64
PHỤ LỤC
65
PHỤ LỤC 1: MỘT SỐ BÀI BẢN CA HUẾ PHỔ DỤNG Ở HUẾ
CỔ BẢN
1. Vì cuộc diễn kịch ở Lao-kay để lấy tiền giúp nạn dân Nghệ Tĩnh
Ơn ai ơn đồng bạn, vì mối thương hoài
Kịch tân thời, giúp ai xa khơi
Thuật đôi lời, tỏ lòng vì ai
Ta An nam cùng họ chi khác trong ngoài
Đó Trung kỳ, đây miền Lao-kay
Nghìn dặm đường xá nài, nỗi ngậm ngùi, ngậm ngùi!
Tai hại vì đâu? Non sông oán sầu
Thần Thiên đế. Thiên đế cơ cầu
Quanh vùng Nghệ, Nghệ Tĩnh liền nhau
Nắng thiêu đồng mạ, hư hại vườn rau
Dân tình khó khăn, đói cùng nhau
Đâu trận cuồng phong
Mờ mịt lầm cát tung trời
Gần xa bời bời
Gió cuồng phong
Dến miền đường trong
Hung độc, thạch mộc tơi bời
Thôn quê thiệt thòi
Ấy nhiều nơi
Kinh kinh tế
Kinh kinh tế
Kinh tế nguy nàn
Khó làm ăn
Lúc tiền khan
Dân cùng thất nghiệp như số muôn vàn
Cuộc sinh tồn, cậy nhờ cùng nhau
Nhìn người hơn. Ngắm vào ta
Chung lòng hợp dạ
Sum họp giống nhà
Giống Tiên Rồng, may mà...
Đêm trường làm vui
Mướn trò chơi
Ca đôi lời
Chơi bời vui vẻ
Như giãi tâm hoài
Cuộc mua cười
Vì người Việt Nam
Hợp người Bắc, Nam
Người nhiều nơi
Đất Lao-kay
66
Sum vầy ân ái
Nghệ Tĩnh phương trời!17
2. Nói về liệt đại anh hùng nước ta
Dân số hai nhăm triệu, về giống da vàng
Chi Hồng Bàng, họ dòng Hùng Vương
Học cho tường, truyện nhà làm gương
Xưa Văn Lang trường trị, sau trước Chu, Đường
Ấy là đầu, về đời Hồng hoang
Nhiều truyện còn phi thường, mặt anh hường, anh hường
Trưng thị quần thoa. My linh tướng tài
Đời Đông Hán, Hán quan vô loài
Riêng thù chị, lận bận lòng ai
Núi sông thề nguyện
Yên ngựa cành mai
Cơ đồ bá vương, gái tài trai
Sông Bạch Đằng giang
Giồng cọc, là đúng Ngô Quyền
Hoàng Thao chìm thuyền
Sóng vừa yên
Đến hồi Trần - Tiên
Quang Phục, độc mộc tranh cường
Qua sang Tùy, Đường
Có Phùng – Hoan
Đinh Tiên Hoàng
Đinh Tiên Hoàng
Tiên Hoàng oai thần
Lá cờ lau. Thống thần dân. Khai đầu đế nghiệp
Lê, Lý đến Trần
Dịp Yêu - Hồ
Bản đồ về Minh
Một người Lam san
Ngùi lầm than
Đánh mười thu
Gươm vàng Lê Lợi
Lau sạch máu thù
Nọ còn chìm trong hồ
Ngang đời nhà Thanh
Ấy Càn Thanh
Tôn, Tôn Sầm. Tôn, Tôn Sầm
Tôn, Sầm hai gả
Binh mã tung hoành
Động Nam Đình
Trận thành Thăng Long
17 Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục, Tư liệu do Võ Quê sưu tầm.
67
Ngọn cờ Quang Trung
Dòng thần minh
Khách tài danh
Nghe nhời ca lý
Bao hạn ân tình18
3. Dan díu chi trần lụy. Rầu héo gan vàng
Nơi hồng trần, mịt mù càng thương
Bậc phi thường, lọ là giầu sang
Công danh kia là nợ, này chớ mơ màng
Có ra gì, hỡi người hoàng lương
Bàn chuyện đời thêm càng, đoạn can tràng, can tràng
Ân hận mà chi, đa mang với đời
Cùng giăng gió, sớm khuya ru hoài
Khi nhàn hạ, bè bạn làm vui
Nước non còn rộng, du lịch là hay
Trên đời như rứa, có là ai? Ấy là ai?
Danh lợi trường trung, trì trục, thêm rối tơ lòng
Kìa ai đèo bòng. Có, thành không
Nhớ từ đời xưa, Tô Tử. Cùng bạn giong thuyền
Nước non còn truyền. Thú thần tiên
Riêng vui lòng, vui lòng giang hồ
Thú tiều ngư, với cầm thư; khi buồn chén rượu, khi tính nước cờ
Cuộc doanh hoàn, kẻ tài người danh; mặc người đua tranh
Chút lòng thanh, đối trời xanh, băng hồ yên lạng chi bợn thế tình
Thiệt là đời, riêng mình
Trên đời là bao? Có là đâu! Trông trông vời
Trông vời thiên cổ, thanh khí tương cầu
Động tâm đầu, tựa làn giăng thâu
Vịnh vài ba câu. Chút tình sâu, nhắn cùng nhau
Tâm tình sau trước
Ôi bạn đa sầu!19
NAM BẰNG
Tâm sự của người đàn bà lúc bị chồng bỏ
Khoan khoan đã, ới anh!
Phụ phàng chi cho lắm
Duyên nợ ba sinh
Đời mình, đã xe sợi tơ mành
Sợi tơ mành
Tào khang, nên cho trọn chút tình
18 Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục, Tư liệu do Võ Quê sưu tầm.
19 Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục, Tư liệu do Võ Quê sưu tầm.
68
Xin lòng đừng ly
Quyết đá vàng
Trăm đàng thân thiết
Xiết bao ân tình
Đoái thương nước bạc non xanh
Nguyền non nước
Bắc Nam sao đành!
Mặc trò đời
Chi đâu
Nay đượm đà mai phụ
Gạt dòng châu
Than thở đôi câu
Trông lại cùng nhau
Trăm năm bạc đầu20
HÀNH VÂN
1. Tựa văn phòng, tựa văn phòng
Tuyết lạnh giời đông
Ngàn mây tía che kín non sông, bao la mờ mịt
Mòn con mắt trông giời nam bóng nhạn về thưa
Những trạnh lòng thương người tri kỷ
Người chung hội, duyên nợ xa xăm, cái ruột con tằm, dạ sầu trăm đoạn
Ngồi sầu ngâm, sầu ngâm
Hồn man mác. Lẩn khuất bằng chừng
Mong tới cung hằng. Nhắn dì giăng, dì giăng
Lời ước nguyền trông mong dì giăng
Tâm tình lai láng, đêm đêm ngồi tựa bâng khuâng21
2. Nhạn ven trời, nhạn ven trời
Én liệng ngoài khơi
Cầu Ô Thước, ta bước sang chơi, ấy nơi tình tự
Về non Giáp, trông dòng Tương
Sóng rợn rồi sao, nỗi đợi chờ thêm càng thương nhớ
Vòng nợ duyên, vòng nợ duyên
Ngọc Lam điền, hiệp đoàn loan phụng
Hội Thần tiên, thần tiên
Bồng đào, bông lý, ấy nhụy bông hường
Thơm nức bên tường, ấy mùi hượng, mùi hương
Gẩy nhịp đàn, dâng cầu quỳnh hương
Tơ tình lăng líu, líu lăng vì sợi tơ vương22
20 Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục, Tư liệu do Võ Quê sưu tầm.
21 Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục, Tư liệu do Võ Quê sưu tầm.
69
3. Cảnh Thanh bình Cảnh Thanh bình
Xinh thiệt là xinh
Nhìn đây đó, hương gió thanh thanh
Quang vinh rạng rỡ
Đường ngay chính ta cùng đi vai lại kề vai
Sống cuộc đời muôn người như một
Đường tiến đạt, đường tự do
Xây dựng cơ đồ...
Bảo tồn quốc thổ
Đượm màu hoa quốc gia
Lòng tha thiết dân Việt kiêu hùng
Cháu Lạc con Hồng
Một lòng chung thành công
Kết giải đồng nhân, dân hằng mong
Tinh thần tranh đấu
Khí thiên làm rạng non sông23
NAM AI
Bâng khuâng, nhớ cảnh. Thương người
Trông vời xa vời vợi. Nay bao tuổi đầu xanh
Duyên với nợ lênh đênh.
Trong giấc mộng phù sinh
Nước non chút tình, ta trông cậy ông giời xanh
Kìa hỡi bạn đồng thanh, cách xa thêm sậu mình duyên mình
Xa xôi, có tỏ, cho cùng
Bên lòng đây chờ đợi
Gánh san thuỷ đầy vơi; riêng nặng với ai?
Ai đi? Ai đi nhắn nhe cùng
Người ước mong. Trời trời đông
Chao ôi sương lạnh phòng không
Bấy lâu trong bụi hồng. Ơn sinh dục, thiệt hoài công
Gió mưa ghẹo anh hùng
(Song anh hùng chút lòng bao quản)
Lòng bao quản vì đâu?
Khí thanh tương cầu, nên vịnh một vài câu
Xa nhắn nhủ cùng nhau
Non sông gánh sầu
22 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
276.
23 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
276-277.
70
TỨ ĐẠI CẢNH
1. Chen chân vào, vòng thế nhân
Qua dâu bể, ngẫm nghĩ thêm buồn
Khôn biết ai tri kỷ mà giãi son tấm son
Nay ruột tầm ngày một héo hon, thẹn với nước non
Thương đoá trà, cơn gió bụi bao nỗi trần ai
Ông hoá công cay nghiệt nhường lại ngươi trêu ngươi
Vui gì đời, mà bướm lả ong lơi, cho phấn nhạt hương phai
Đêm thiếp ngồi, nương gối tựa, tay lựa cầm xoang
Nghe tiếng tơ văng vẳng hồ xừ xang xế xang
Khúc đoạn tràng, càng khêu mối thảm thương, mà trăm nỗi ngổn ngang
Người người đâu? Sao mà khéo
Tài danh! Giống đâu đa tình?
Khiến ai trong mộng, giằn giọc năm canh, cho mòn mỏi ngày xanh
Sầu sầu riêng. Tơ lòng, có, là đây!
Vấn vương thế này. Ấy ai trông đợi, mờ mịt mây sương mây
Biết bao, ngán ngao canh dài
Ai đi về, nhắn nhủ cùng ai?
Ai đi về! Nhắn nhủ cùng ai!24
2. Hoa thu cười, trăng thu sáng
Sông Ngân Hán, lai láng lưng trời
Trông hoa động, mường tượng ai như ai
Gương non Đoài, lần gát giữa nhành mai
Dầu đã cạn, phai hương phai...
Quyên kêu dục, châu chan giọt
Đã tư tưởng tai mày tai
Nghiên mài lụy, mài lụy đưa tin mai
Xưa gương dài, đặng chút thơm rơi
Mừng sạch sẽ cân đai
Keo sơn hẹn, trăm năm vẹn
Lan huệ đều tươi
Nay tình trạng, đòi đoạn nguôi khốn nguôi
Nay rồi mai, nay lại rồi mai
Mượn chén mua vui
Trằng trằng ôm cây đợi bóng cho bền quai
Dám sai tấc lòng
Khen cho tài Tạ Dạo vẫn không ai,
Chừng lạc bước thiên thai
Thề ngày xưa, tóc đã chấm ngang vai
Dám sai một lời
Trăng hoa, mấy phen đồi dời
Sự đời, dặng lòng thai khoan thai
24 Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục, Tư liệu do Võ Quê sưu tầm.
71
Đua bơi, nước non lâu dài
Khi bầu rượu tiếng đờn thảnh thơi
Khi bầu rượu tiếng đờn thảnh thơi!25
3. Chen chân vào vòng nhân thế
Qua dâu bể, ngẫm nghỉ thêm buồn!
Không biết ai tri kỷ, mà giải tấm lòng son!
Rồi ruột tầm, ngày một héo hon
Cành hổ thẹn với nước non
Thương đóa trà, cơn gió bụi
Bao nhiêu nỗi trần ai!
Ông Hóa công cay nghiệt
Dường lại người trêu người!
Vui chi người, mà bướm lả với ong lơi
Cho phấn lạt với hương phai!
Đêm thiếp ngồi, nương gối tựa, tay dựa cầm xoan
Nghe tiếng tơ vàng vãng họ, xự, xang, xê, xang...
Khúc đoạn tràng, càng kêu mối thảm thương
Sầu trăm nỗi ngổn ngang!
Người người đâu, sao lại khéo tài danh?
Giống đâu đa tình
Khiến cho mình trằn trọc đêm thanh
Cho mòn mỏi ngày xanh!
Sầu, sầu riêng, tơ lòng có phải là giây
Vấn vương thế nầy! Ấy ai, ấy ai trông đợi
Mờ mịt, mờ mịt, mây sưng mây
Biết bao, ngán ngao canh chầy
Ai ra về, nhắn nhủ cùng ai
Ai ra về, nhắn nhủ cùng ai26
4. Thương trăng tròn, thương trăng khuyết
Thương tha thiết, trăm mối bên lòng?
Thương đóa hoa vừa nở, dập dìu ong bướm ong
Thương đóa hoa tàn, lạt phấn phai hương
Nào ai kẻ buồn trông?
Thương mây bạc, gió đưa xiêu lạc, không biết về đâu!
Thương nước trôi bèo dạt, bèo dạt trôi nơi nao!
Thương số ba đào, chìm nổi lao đao
Đời vất vả biết là bao?
Thương chim nhạn, đêm đông kiếm bạn
25 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
290.
26 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
290.
72
Bao quản tuyết sương!
Sương tuyết sương dày dạn, tiếng nhạn kêu thảm thương!
Thương kẻ si tình, theo dõi người thương,
Trông mòn mỏi ngày xanh!
Đành đành thương, thông đỉnh Ngự chiều đông
Thông reo não nùng! Gió mưa không ngừng
Nào bạn tác ngày xuân, ai chịu lạnh cùng thông?
Ngùi ngùi thương, ca nhi giữa sông Hương
Véo von gọi tình, năm canh
Năm canh đành phải dầu giãi
Dầu dãi sương gió sương?
Cái thương, sao cứ doanh bên mình
Thương chi trọn trăm nghìn mối thương
Thương đâu vẹn trăm nghìn mối thương!27
LƯU THỦY
1. Kể từ ngày gặp nhau
Trao lời hẹn cho vẹn vàng thau
Dây tơ mành ràng buộc lấy mình
Đêm thu rạng, xui mình chạnh nhớ
Cảm thương người, ngậm ngùi ba thu
Ấy vì ai, canh dài đêm thâu
Xa cách nhau đêm nằm thấy
Thấy, thấy, thấy chiêm bao...
Chiêm bao lại vấn vương bên mình
Mình dực mình đòi cơn
Biết sao đặng, keo sơn mọi đường
Tình thương
Tư Lương đoạn trường
Song cũng nguyện cho vẹn can trường
Ai đen bạc cũng mặc lòng ai
Khuyên cùng bạn chớ phụ trúc mai
Đá non mòn chi sờn dạ ngọc...28
2. Mình, một mình ngồi trông
Bên non Tề, dựa kề dòng sông
Xa, xa chồng, nên nỗi trông chồng
Hai hàng lụy, hai hàng lụy ứa
Ứa hai hàng, lụy càng chứa chan
27 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
290-291.
28 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
275.
73
Chốn trường giang, phương trời mênh mang
Mang, mênh mang, trông rồi thấy
Thấy, thấy quan san
Thấy chim nhạn, xa xa dặm ngàn
Sự tình bên mình ngổn ngang
Trách con Tạo chi chi phụ phàng
Vì đâu, nên câu đoạn trường
Châu, châu lụy, châu lụy khôn hàn
Trăm nghìn giận, càng giận càng thương
Như lời hẹn, đừng thẹn tấc gang
Gánh cương thường xa đường phải nặng29
NAM BÌNH
1. Thương nhau vì nợ tri âm
Mối tình thâm!
Buộc ràng đây đó
Vẫy cuộc ca ngâm
Dưới trần, như đã riêng phần
Để riêng phần!
Mặc duyên may, hay là nợ với nần
Chi bằng ưa ý
Nợ hay duyên, hỏi người thanh khí
Ai là kẻ xoay vần?
Tuổi xuân xanh, chưa từng cái nợ phong trần
Vướng chi vào cuộc ái ân
Càng cay đắng, đắng cay muôn phần
Được như lời ước mong
Cho thỏa tình tư tường
Tưởng rồi trông
Ngồi tựa bên song
Thỏa mùi bông
Vấn vương tơ lòng
Ơi người Việt ơi!
Gặp khi thời lai...
Ngọn đèn kiến thức
Bừng rạng muôn nơi
Trí tài đua kịp theo người
Kịp theo thời sánh chung vai...
Cho xứng mặt giống nòi
Sống đời khang thái...
29 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
276.
74
Bước quang vinh ta càng hăng hái
Thêm vững thêm dài
Hết chông gai... tung cánh bằng
Bay lượn khắp trời
Nhân dân chờ một tương lai...
Mừng nay đến... đến trong mọi người
Vững một niềm an vui...
Đô thị cùng thôn dã đặng hòa hai
Rạng ngời ánh mai... cảnh càng tươi
Ý dân là ý trời30
2. Huyền Trân công chúa
Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi?
Mượn màu son phấn
Đến nợ Ô Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì
Độ xuân thì!
Cái lương duyên, hay là cái nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì!
Khúc ly ca
Sao còn mườn tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng như hoa quì...
Dặn một lời Mân Quân
Nay chuyện mà như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần!31
3. Gối loan trằn trọc
Gối loan trằn trọc năm canh
Mối sầu đoanh
Lụy hồng lai láng
Vì nợ ba sanh!
Ai xui mình gánh một khối tình!
30 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
278-279.
31 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
279.
75
Gớm ghê cho bấy nhiêu sợi tơ mành
Thương càng thêm rối
Rối trăm vòng, khốn lần ra mối
Thiệt lạ cho đời!
Muốn thôi thương
Song mà chẳng đặng với trời...
Ôi cơ chi gần gủi tấc gang
Niềm ân ái thở than đôi lời!
Nực buồn cười, ông xanh
Đem buộc mình vô cuộc
Nợ én oanh
Dày dặt xuân xanh
Cho thỏa lòng anh
E tan khối tình...32
4. Gắng công chờ đợi sông Tương
Vắng người thương
Nặng tình trăng gió, vì sợi tơ vương
Đâu mà gởi đặng can trường...
Xa xa trông muôn dặm tin hồng
Tin càng thêm vắng
Vắng tin hồng, thêm càng cay đắng
Lấn lựa canh trường
Gánh tương tư
Thôi đà gánh nặng khôn lường
Nhớ khi vành nguyệt tây tương
Càng thêm nhớ, tiếng ai bên tường!
Bắc dịp cầu cho qua,
Xin cậy hồn Tinh Vệ, chị Hằng Nga
Vì tình đợi ta
Chuyện gần xa
Dưới sông Ngân Hà
Đó đây tình nặng ơn sâu
Dắt dìu nhau
Một lòng son sắt, đừng nghĩ đâu đâu
Đá mòn sông cạn, ví dầu
Nghĩa tương cầu
Trăm năm coi như buổi ban đầu
Trên đường ân ái
Thấy chông gai, ta càng hăng hái
Muôn sự xem thường
Nếm chua cay
32 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr.
281.
76
Nhưng mà hơn mật hơn đường
Ai cho vàng ngọc không ơn
Bằng xây đắp tấm yêu cho tròn!
Đã nặng lời non sông
Đau khổ, là hương vị, của tình chung
Dày dạt khó đong
Nguyện tình không
Dám sai tấc lòng!33
NAM AI
Huyền Trân công chúa
Ngoảnh lui cố quốc, ngập ngừng gót ngọc
Mây phủ kín trời thương, ngơ ngẩn bâng khuâng
Hoa đang độ thanh xuân, dập vùi, cứu nạn muôn dân
Không sánh đặng Chiêu Quân, cho trọn đạo quân thần
Vẻ chi một đóa yêu kiều, diễm lệ
Vàng thau lẫn lộn xót phận hổ hang
Gẫm thân bẽ bàng, kiếp hồng nhan
Duyên nợ dở dang, ôi Phụ Hoàng!
Vì nghĩa giao bang, hiếu trung đôi đàng
Thân ngọc vàng đem vùi cát bụi
Cho rảnh nợ Ô Lý, ngậm ngùi kẻ ở người đi
Cơn nước lửa phò nguy, nát thân sá gì34
33 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn 1960, tr.
282.
34 Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn 1960, tr.
282.
77
PHỤ LỤC 2: MỘT SỐ ĐỀ THẢ THƠ DO VĨNH CAO, HẢI TRUNG
VÀ TRẦN ĐỨC ANH SƠN SƯU TẦM VÀ BIÊN SOẠN
CHO CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM HOÀNG CUNG
TỔ CHỨC Ở ĐẠI NỘI HUẾ NĂM 2007
Chọn 1 trong 5 phương án: A, B, C, D và E để điền vào vị trí O trong
các câu thơ sau:
Mai sau dầu đến thế nào
Kìa gương nhật nguyệt nọ O quỷ thần
Các chữ gợi ý để thả:
A. dao B. gương C. gươm D. oan E. uy
Đáp án: Đây là câu thơ số 907 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là A. dao.
Xe châu dừng bước cửa ngoài
Rèm trong đã thấy một người O ra
Các chữ gợi ý để thả:
A. sấn B. lọt C. bước D. dìu E. nâng
Đáp án: Đây là câu thơ số 923 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là C. bước.
Mai sau ở chẳng như lời
Trên đầu có O mặt trời rạng soi
Các chữ gợi ý để thả:
A. ánh B. bóng C. lúc D. mãi E. khi
Đáp án: Đây là câu thơ số 1031 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là B. bóng.
Sinh rằng từ thuở tương tri
Tấm riêng riêng những nặng O nước non
Các chữ gợi ý để thả:
A. lòng B. vì C. buồn D. tình E. cùng
Đáp án: Đây là câu thơ số 1329 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là B. vì.
Trăm điều ngang ngữa vì tôi
Thân sau ai chịu tội O ấy cho
Các chữ gợi ý để thả:
A. trời B. tình C. này D. mình E. đời
78
Đáp án: Đây là câu thơ số 1345 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là A. trời.
Sinh rằng: "Hay nói dè chừng,
Lòng đây lòng đó chưa O hay sao?"
Các chữ gợi ý để thả:
A. cùng B. từng C. đồng D. tình E. nồng
Đáp án: Đây là câu thơ số 1361 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là B. từng.
Chiến hòa sắp sẵn hai bài
Cậy tay thầy thợ, mượn O dò la
Các chữ gợi ý để thả:
A. người B. lời C. thời D. tài E. điều
Đáp án: Đây là câu thơ số 1373 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là A. người.
Bây giờ kẻ ngược người xuôi
Biết bao giờ lại nối O nước non
Các chữ gợi ý để thả:
A. tình B. đường C. lời D. cùng E. thành
Đáp án: Đây là câu thơ số 1977 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là C. lời.
Giác Duyên thiệt ý lo lường
Đêm O mới hỏi lại nàng trước sau
Các chữ gợi ý để thả:
A. xuân B. khuya C. thanh D. tàn E. nằm
Đáp án: Đây là câu thơ số 2071 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là B. khuya.
Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng
Tai ai O dám phụ lòng cố nhân
Các chữ gợi ý để thả:
A. há B. nào C. đâu D. ai E. chẳng
Đáp án: Đây là câu thơ số 2333 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là A. há.
Nhớ khi lỡ bước sẩy vời
Non vàng O dễ đền bồi tấm thương
79
Các chữ gợi ý để thả:
A. nào B. chẳng C. chưa D. đâu E. há
Đáp án: Đây là câu thơ số 2349 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là C. chưa.
Còn nhiều ân nghĩa với nhau
Cơ duyên nào đã O đâu vội gì?
Các chữ gợi ý để thả:
A. có B. đến C. hết D. thấy E. biết
Đáp án: Đây là câu thơ số 2541 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là C. hết.
Sao cho muôn dặm một nhà
Cho người thấy O là ta cam lòng
Các chữ gợi ý để thả:
A. mặt B. được C. trước D. thỏa E. thích
Đáp án: Đây là câu thơ số 2349 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là A. mặt.
Từ phen chiếc lá lìa rừng
Thăm tìm luống những O chừng nước mây
Các chữ gợi ý để thả:
A. liệu B. e C. dè D. hỏi E. chẳng
Đáp án: Đây là câu thơ số 2999 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là A. liệu.
Quanh co theo dải giang tân
Khỏi rừng lau đã tới O Phật đường
Các chữ gợi ý để thả:
A. nơi B. sân C. thăm D. chân E. ngôi
Đáp án: Đây là câu thơ số 3009 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là B. sân.
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường O phần thương dãi dầu
Các chữ gợi ý để thả:
A. vắng B. sá C. hiểm D. khó E. cách
80
Đáp án: Đây là câu thơ số 2035 trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn
Du. Đáp án đúng là B. sá.
Hàm Tử, Chương Dương còn O đó
Các chữ gợi ý để thả:
A. đó B. ngóng C. thấy D. nhớ E. mãi
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Thăng Long hoài cổ của Hoàng
Trọng Cẩn in trong tập Hương Bình thi phẩm: Hàm Tử, Chương Dương còn
đó đó. Non sông luống để bụi trần đeo. Đáp án đúng là A. đó.
Cá tôm còn ngại O hào khô
Các chữ gợi ý để thả:
A. lúc B. nỗi C. chốn D. thuở E. với
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Cảnh hồ Tịnh Tâm của Nguyễn
Đôn Dư in trong tập Hương Bình thi phẩm: Thành quách đà ê cơn lửa cháy.
Cá tôm còn ngại nỗi hào khô. Đáp án đúng là B. nỗi.
Nhớ đình Lương Tạ O ngâm thơ
Các chữ gợi ý để thả:
A. lúc B. buổi C. tối D. đứng E. mãi
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Sông Hương lai láng bóng trăng
xưa của Nguyễn Đôn Dư in trong tập Hương Bình thi phẩm: Nhớ bến Văn
Lâu ngồi thưởng nguyệt. Nhớ đình Lương Tạ đứng ngâm thơ. Đáp án đúng
là D. đứng.
Nhuộm đen áo vải O làn bụi
Các chữ gợi ý để thả:
A. muôn B. đôi C. bao D. vài E. không
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Trở lại đất Thần kinh của Huỳnh
Thúc Kháng in trong tập Hương Bình thi phẩm: Nhuộm đen áo vải bao làn
bụi. Tiêu trắng ngày xanh mấy tiếng sanh. Đáp án đúng là C. bao.
Trăm năm bến cũ O còn lưa
Các chữ gợi ý để thả:
A. mãi B. vết C. vẫn D. dấu E. cảnh
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Sông Hương Giang của Hoàng
Ưng Bình in trong tập Hương Bình thi phẩm: Sáu nhịp vòng cung cầu đã
bắc. Trăm năm bến cũ dấu còn lưa. Đáp án đúng là D. dấu.
81
Rêu biếc in O theo bước khách
Các chữ gợi ý để thả:
A. hài B. sương C. đường D. lần E. trăng
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Xuân hứng của Vũ Duy Thanh in
trong Chơi chữ Hán Nôm, những bài thơ độc đáo của Hải Trung (Nxb.
Thuận Hóa, 2003): Rêu biếc in sương tùy bước khách. Hài hoa lỏng lẻo tới
đàn thơ. Đáp án đúng là B. sương.
Dẫu có thương O thời để dạ
Các chữ gợi ý để thả:
A. thầm B. ai C. yêu D. không E. nhau
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Không đề của Tương An Quận
Vương in trong Tâm trạng Tương An Quận Vương: Dẫu có thương không
thời để dạ. Tấm tình chớ khá lậu ai hay. Đáp án đúng là D. không.
Hết nửa ve O mới biết cay
Các chữ gợi ý để thả:
A. rồi B. thời C. lòng D. sau E. sầu
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Uống rượu của Tương An Quận
Vương in trong Tâm trạng Tương An Quận Vương: Chừng ba chung trước
còn khen ngọt. Hết nửa ve sau mới biết cay. Đáp án đúng là D. sau.
Nguyệt rạng O hoa thẹn bóng cây
Các chữ gợi ý để thả:
A. sáng B. tỏ C. chiếu D. rạng E. tỏa
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Tương tư của Tương An Quận
Vương in trong Hương Bình thi phẩm: Xuân đưa ngành liễu nghe tin gió.
Nguyệt rạng rạng hoa thẹn bóng cây. Đáp án đúng là D. rạng.
Lòng ta là những O O cũ
Tự ngàn năm bỗng nghe tiếng loa xưa
Các chữ gợi ý để thả:
A. cung thành B. lâu đài C. rêu phong D. hoang thành E. thành
quách
Đáp án: Đây là những câu thơ trích trong bài thơ Lòng ta là những thành
quách cũ của Vũ Đình Liên in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa
Thông tin, Tập 2, trang 244): Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa. Vỗ trăng
khuya bơi mãi! Chèo mơ. Lòng ta là những thành quách cũ. Tự ngàn năm
bỗng nghe tiếng loa xưa. Đáp án đúng là E. thành quách.
Gầy guộc gió sương tùng Thế Miếu
82
Bẽ bàng trăng nước O Hương Giang
Các chữ gợi ý để thả:
A. cỏ B. trúc C. sóng D. nắng E. phượng
Đáp án: Đây là những câu thơ trích trong bài thơ Viếng thành Huế sau
ngày khói lửa của Quách Tấn in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn
hóa Thông tin, Tập 2): Gầy guộc gió sương tùng Thế Miếu. Bẽ bàng trăng
nước trúc Hương Giang. Trông vời Thiên Mụ mây man mác. Lơ lửng
chuông hôm rụng tiếng vàng. Đáp án đúng là B. trúc.
Em đi gót nhẹ O hồn cỏ
Các chữ gợi ý để thả:
A. xanh B. vương C. nghiêng D. say E. lay
Đáp án: Đây là những câu thơ trích trong bài thơ Rất Huế của Huỳnh Văn
Dung in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Tập 2): Giữ
chút gì rất Huế mặn mà. Dạ thưa ngọt lịm ai mê say. Em đi gót nhẹ xanh
hồn cỏ. Và hơi thở mềm sương khói bay. Đáp án đúng là A. xanh.
Ngùi ngậm giai nhân khẽ thở dài
Nắng chiều ngả tía O lâu đài
Các chữ gợi ý để thả:
A. bóng B. sắc C. nét D. dáng E. tím
Đáp án: Đây là những câu thơ trích bài thơ Trong đôi mắt Huế của Đông
Hồ in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Tập 2): Ngùi
ngậm giai nhân khẽ thở dài. Nắng chiều ngả tía sắc lâu đài. Gượng cười
trong nét vàng son cũ. Như ả cung tần tuổi nhạt phai. Đáp án đúng là B.
sắc.
Da sông mát rải da trời
Đây mùa xuân O trên loài cỏ hoa
Các chữ gợi ý để thả:
A. chín B. ngát C. nở D. bén E. mọng
Đáp án: Đây là những câu thơ trích bài thơ Chiều xuân Trung kỳ của Hồ
Dzếnh in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Tập 2):
Chiều xuân qua bến đò đông. Trai tơ khăn lục, gái hồng thắm môi. Da sông
mát rải da trời. Đây mùa xuân bén trên loài cỏ hoa. Đáp án đúng là D. bén
Chao ôi, mong nhớ! Ôi mong nhớ!
Một cánh chim thu lạc cuối O
83
A. ngàn B. đàng C. đàn D. trời E. bầy
Đáp án: Đây là những câu thơ trích bài thơ Xuân của Chế Lan Viên in trong
tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Tập 1): Có đứa trẻ thơ
không biết khóc. Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran. Chao ôi, mong nhớ! Ôi
mong nhớ! Một cánh chim thu lạc cuối ngàn. Đáp án đúng là A. ngàn.
Tôi nghe xa O làn mây bạc
Rời bóng Kinh Thành lửng thửng đi
Các chữ gợi ý để thả:
A. lắm B. thẳm C. tít D. ngút E. vọng
Đáp án: Đây là những câu thơ trích bài thơ Giao thừa của Trần Huyền Trân
in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Tập 1): Ấy lúc
hồn hoa gót trở về. Thả đàn chim mộng xuống đêm khuya. Tôi nghe xa lắm
làn mây bạc. Rời bóng Kinh Thành lửng thửng đi. Đáp án đúng là A. lắm.
Mắt vương vào mắt em thôi
Sao lòng O O nổi trôi như thuyền
Các chữ gợi ý để thả:
A. trỗi sóng B. chao đảo C. chếnh choáng D. chới với E. nghiêng
ngả
Đáp án: Đây là những câu thơ trích bài thơ Sóng của Giang Quân in trong
tập thơ Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000): Sen
tàn để gió lô xô. Hơi thu vỗ sóng Tây Hồ quanh tôi. Mắt vương vào mắt em
thôi. Sao lòng chao đảo nổi trôi như thuyền. Đáp án đúng là B. chao đảo.
Thương màu tím Huế đầy vơi
Sông Hương xanh suốt những lời cho nhau
Các chữ gợi ý để thả:
A. biếc B. ngắt C. suốt D. ngát E. thẳm
Đáp án: Đây là những câu thơ trích bài thơ Nếu như chẳng có sông Hương
của Huy Tập in trong Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Tập 1): Nếu
như chẳng có dòng Hương. Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi. Thương
màu tím Huế đầy vơi. Sông Hương xanh suốt những lời cho nhau. Đáp án
đúng là C. suốt.
Cây sầu đông, cây sầu đau
Thương tôi cây cũng O màu hoa râm
Các chữ gợi ý để thả:
A. trổ B. nở C. nhuốm D. ngát E. kết
84
Đáp án: Đây là hai câu trích trong bài thơ Địa chỉ buồn của Hoàng Phủ
Ngọc Tường, in trong tập thơ Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà
Nội, 2004, Tập I): Nhà tôi ở phố Đạm Tiên. Dưới dòng nước chảy bên trên
có cầu. Cây sầu đông, cây sầu đau. Thương tôi cây cũng trổ màu hoa râm.
Đáp án đúng là A. trổ.
O O bờ xa lộ bóng nhà
Các chữ gợi ý để thả:
A. Khói trắng B. Thuyền đỗ C. Sóng trắng D. Mái cũ E. Bến mới
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
của Văn Cao in trong Dạ thưa xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội,
2004, Tập I): Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha. Em nghe anh dạo khúc thu xa.
Thuyền xuôi về bến mô thuyền hỉ. Sóng trắng bờ xa lộ bóng nhà. Đáp án
đúng là C. Sóng trắng.
Những O O như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Các chữ gợi ý để thả:
A. cung điện B. đền đài C. lối gạch D. mái ngói E. lăng tẩm
Đáp án: Đây là câu thơ trích trong bài thơ Tạm biệt của Thu Bồn Dạ thưa
xứ Huế (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, Tập I): Bởi vì em dắt anh
lên những ngôi đền cổ. Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu. Những lăng
tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng. Mặt trời vàng và mắt em nâu.
Đáp án đúng là C. lăng tẩm.
85
PHỤ LỤC 3: MỘT SỐ ĐỀ ĐỐ THƠ TRẦN ĐỨC ANH SƠN VÀ VĨNH
CAO SƯU TẦM VÀ BIÊN SOẠN CHO CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM
HOÀNG CUNG TỔ CHỨC Ở ĐẠI NỘI HUẾ NĂM 2007
橮 吿 儙 頂 橮 琘 幑 吿 儛 頂 幑 秥
搩 沚 媭 衦 橮 幑 琘
Trâu ăn trên đỉnh, trâu no. Bò ăn dưới đỉnh, bò đói,
Nước chảy quanh suối, trâu đói, bò no.
Là cái gì? Đáp án: Cối xay bột
夛 边 些 蘿 边 艚
茹 禥 時 固 茹 腂 時 空
Cây bên ta lá bên Tàu
Nhà sang thì co, nhà giàu thì không
Là cây gì? Đáp án: Cây lọng
有 骨 有 皮 無 有 肉
宜 春 宜 夏 不 宜 冬
Hữu cốt hữu bì vô hữu nhục
Nghi xuân nghi hạ bất nghi đông
Là cái gì? Đáp án: Cái quạt
哶 斏 据 倚 才 亗 疈
邚 姫 坤 椖 瀝 喼 焵
Cong lưng cứ ỷ tài đâm bắn
Lố mắt khôn dò lạch cạn sâu
Là con gì? Đáp án: Con tôm
憽 固 歳 憽 空 別 鏅
岞 空 固 歳 岞 鏅 吁 吁
Mẹ có cánh mẹ chẳng biết bay
Con không có cánh con bay vù vù
Là cái gì? Đáp án: Cung tên
禞 浌 沒 懎
袄 鍯 縷 桃
空 嬹 麻 拯 螙 靭
暛 挦 歇 數 酭 壌 沒 坘
Mình dài một tấc
Áo mặc đề đa
Bác mẹ sinh ra vô ngôn bất ngữ
Đến ngày chí tử mới nói nhất ngôn
86
Là cây gì? Đáp án: Cây pháo
空 歳 麻 鏅 酭 邏 圅
乑 曾 醘 揾 又 過 眡
逍 遙 世 界 懯 怺 禯
歷 覽 初 哰 易 亖 圡
Không cánh mà bay mới lạ đời
Đã từng vượt biển lại qua khơi
Tiêu diêu thế giói ngàn muôn dặm
Lịch lãm xưa nay dễ mấy người
Là cái gì? Đáp án: Tờ báo
坿 靭 闙 亪 澄 歮 翓
宮 簷 貞 於 墨 迎 卬
燯 審 丟 穯 皟 眜 収
旘 抉 衝 耒 蜆 汰 眗
Nghiến răn sấm dậy đứng ra cửa
Cung thiềm riêng ở mặc nghênh ngang
Hang thẳm đâu thèm đua hụp lặn
Lưỡi quét xong rồi kiến thảy tan
Là con gì? Đáp án: Con cóc
高 硏 權 駆 壦 丗 扄
擜 黃 牟 墛 墨 圡 峧
儙 高 亖 翓 招 排 好
搓 玐 四 僟 彮 闧 媫
Cao thấp quyền về tay kẻ múa
Trắng vàng màu lựa mặt người ưa
Trên cao mấy cửa chiêu bài hảo
Xoay đủ tứ bề ngọn gió đưa
Là cây gì? Đáp án: Cây cờ
炦 壭 些 甧 輸 之 玉
峼 獱 珄 戼 勅 娎 涹
搓 毜 搭 咜 功 當 重
眗 誟 桖 斾 玌 仍 群
Mặt vuông ta há thua gì ngọc
Lòng đỏ mình nên giữ lấy son
Xây tảng đắp nền công đáng trọng
Tan xương nát thịt dấu nhưng còn
Là cái gì? Đáp án: Hòn gạch
87
聮 茹 壁 篤 徵 頭 藼
塊 翓 迎 昂 歳 袄 昷
拖 顮 圡 禥 插 堼
曕 湄 丗 苦 勠 空 硑
Nằm nhà vếch đốc chưng đầu vịt
Khỏi cửa nghênh ngang áo cánh dơi
Đỡ nắng người sang khi xếp lọng
Che mưa kẻ khó lúc không tơi
Là cái gì? Đáp án: Cái dù
乑 剾 曲 豧 乄 戼 凩
又 螱 椎 柚 抵 勌 頭
俤 曢 熢 尙 堆 祝 刬
婮 鑬 砿 砿 固 之 丟
Đã đem khúc mít làm nên miệng
Lại sắm dùi dâu để gỏ đầu
Tăm tiêng vang lừng đôi chốc đó
Ruột rà trống rỗng có gì đâu
Là cái gì? Đáp án: Cái mỏ
婣 橮 桑 豧 推 停 咾
壊 纅 朩 色 恜 圡 癡
渚 擬 殼 辌 圡 敬 你
旕 砿 空 嬘 沒 細 覀
Da trâu tang mít thôi đừng láo
Kẻ rồng năm sắc phỉnh người ngây
Chớ nghĩ xác to người kính nể
Bụng rỗng không trơn một tí giày
Là cái gì? Đáp án: Cái trống
挒 滿 交 更 崐 旘 虦
挦 慮 點 刻 渒 尗 幱
樓 涹 閣 紫 曾 醎 訦
鬥 賦 輸 圡 沛 呭 靭
Đêm mãn giao canh buông lưỡi chắt
Ngày lo đếm khắc chép môi nhăn
Lầu son gác tía từng lui tới
Đấu phú thua người phải cắn răng
Là con gì? Đáp án: Con thằn lằn
様 蚠 卭 涹 芁 亖 懎
篂 覻 殼 擜 別 包 箰
88
螙 翓 責 埃 朱 槒 律
更 長 帒 揦 訴 共 哀
Thẳng rẳng tim son soi mấy tấc
Lăn tròn xác trắng biết bao ngoai
Hé cửa trách ai cho trót lọt
Canh trường nhỏ giọt tỏ cùng ai
Là cây gì? Đáp án: Cây đèn sáp
借 債 皆 空 亦 尾 隨
女 男 老 幼 莫 不 驚
南 北 東 西 皆 到 戶
四 海 歸 收 一 盈 囊
Tá trái giai không diệc vỹ tùy
Nữ nam lão ấu mạc bất kinh
Nam bắc đông tây giai đáo hộ
Tứ hải qui thu nhất doanh nang
Là ai? Đáp án: Người ăn xin
擎 天 沒 焈 剶 壦 壜
油 闧 椫 崊 共 庄 牢
房 蘔 刯 岞 空 計 制
茹 蜫 官 客 易 勸 嘲
Kình thiên một cốt giơ tay chống
Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao
Buồng chất cháu con không xiết kể
Nhà nhiều quan khách dễ khuyên chào
Là cây gì? Đáp án: Cây cau
刧 竿 趣 味 俼 俼 搩
沒 弙 風 流 闧 闧 斏
韜 略 乑 伶 懯 禯 捕
江 山 逈 篤 沒 壦 播
Nửa càn thú vị trời trời nước
Một sợi phong lưu gió gió trăng
Thao lược đã đành ngàn dặm bủa
Giang sơn tóm dốc một tay phăng
Là ai? Đáp án: Ngư ông
共 玐 瑈 誟 共 玐 庒
迎 股 吿 暭 准 海 河
曢 雖 坺 硏 肝 空 嫎
闙 琑 喑 喑 共 庄 牢
89
Cũng đủ lông xương cũng đủ da
Nghểnh cổ ăn chơi chốn hải hà
Tiếng tuy rằng thấp gan không bé
Sấm sét ầm ầm cũng chẳng sao
Là con gì? Đáp án: Con vịt
厽 變 羕 劍 圡 虗 炦
固 此 乄 磜 蹱 苉 城
鐘 磬 廟 堂 烪 敢 逞
勌 牐 共 固 愳 櫒 櫒
Sắc lẽm dường gươm người gớm mặt
Có thuở làm chông đứng trước thành
Chuông khánh miếu đường chưa dám sánh
Gõ nghe cũng có giọng canh canh
Là cái gì? Đáp án: Mảnh sành
有 果 有 花 本 一 杆
有 身 無 葉 重 輕 難
君 子 小 人 誰 敢 定
思 三 念 四 永 乎 疑
Hữu quả hữu hoa bổn nhất can
Hữu thân vô diệp trọng khinh than
Quân tử, tiểu nhân thùy cảm định
Tư tam niệm tứ vĩnh hồ nghi
Là cây gì? Đáp án: Cây cân
江 北 深 雪 白
江 南 末 年 開
問 名 即 有 約
冬 至 又 栽 培
Giang Bắc thâm tuyết bạch
Giang Nam mạt niên khai
Vấn danh tức hữu ước
Đông chí hựu bồi tài
Là cây gì? Đáp án: Cây mai
龍 頭 鳳 尾
挂 柱 擎 天
敬 神 即 用
交 約 為 先
Long đầu phụng vỹ
Quải trụ kình thiên
90
Kính Thần tức dụng
Giao ước vi tiên
Là cây gì? Cây cau
陰 陽 受 稟 並 干 支
凶 吉 皆 知 莫 計 時
日 月 轉 流 身 益 瘐
春 來 不 及 已 分 離
Âm dương thụ bẩm tịnh can chi
Hung cát giai tri mạc kế thì
Nhật nguyệt chuyển lưu thân ích sậu
Xuân lai bất cập dĩ phân li
Là cái gì? Đáp án: Cuốn lịch
享 受 求 祈 不 計 春
夕 朝 紅 色 又 更新
此 問 有 誰 不 敬 仰
插 拔 隨 宜 不 惜 憐
Hưởng thụ cầu kỳ bất kế xuân
Tịch triêu hồng sắc hựu canh tân
Thử vấn hữu thùy bất phủ ngưỡng
Tháp bạt tùy nghi bất tích lân
Là cái gì? Đáp án: Bát nhang
臨 江 接 水 自 何 年
無 學 給 文 又 莫 烦
有 樓 不 用 誰 知 故
進 士 高 名 亦 幾 天
Lâm giang tiếp thủy tự hà niên
Vô học cấp văn hựu mạc phiền
Hữu lâu bất dụng thùy tri cố
Tấn sĩ cao danh diệc kỷ thiên
Là gì? Đáp án: Phu Văn Lâu
人 面 不 知 何 處 去
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đáp án: Người nhiều râu hoặc con khỉ
龍 鬚 腰 曲 身 常 短
一 行 拜 步 到 寒 山
Long tu yêu khúc thân thường đoản
91
Nhất hành bái bộ đáo Hàn san
Là con gì? Đáp án: Con tôm
倊 頒 朱 忬 袄 黃
朱 印 朱 抉 峃 榮 中 朝
厰 侼 戼 畨 丗 戓
厰 倈 厰 夝 時 痥 乄 之
Vua ban cho mặc áo vàng
Cho ấn cho quyết vẻ vang trong triều
Mười hai nên lắm kẻ yêu
Mười ba mười bốn thì chiều làm chi
Là cái gì? Đáp án: Cuốn lịch
迃 岄 厰 佂 堆 厰
勠 哶 勠 梄 籒 宼 乄 之
乄 戼 馭 騎 傘 曕
朩 妻 僴 妾 共 為 固 岄
Tuổi em mười chín đôi mươi
Lúc cong lúc thẳng chớ cười làm chi
Làm nên ngựa cỡi tàn che
Năm thê bảy thiếp cũng vì có em
Là cây gì? Đáp án: Cây bút
四 口 一 十
Tứ khẩu nhất thập
Là chữ gì? Đáp án: Chữ 圖 (Đồ)
一 口 四 十
Nhất khẩu tứ thập
Là chữ gì? Đáp án: Chữ 畢 (Tất)
身 如 岞 雁 高 飛
边 時 肥 厁 邊 時 瘖 姑
中 朩 沛 斘 湄 粗
中 斘 時 沛 玐 朱 倈 挦
Thân như con nhạn cao phi
Bên thì phì mập bên thì ốm o
Trong năm phải tháng mưa to
Trong tháng thì phải đủ cho ba ngày
Là chữ gì? Đáp án: Chữ 八 (Bát)
竹 疏 宜 入 畫
樹 少 不 成 村
92
Trúc sơ nghi nhập họa
Thụ thiểu bất thành thôn
Là chữ gì? Đáp án: Chữ 彭 (Bành)
Thiên địa cộng lập
Là gì? Đáp án: 人 參 (Nhân sâm)
合 十
Hợp thập
Là củ gì? Đáp án: 三 七 (Củ tam thất)
沒 夛 擼 暛 炧 花
止 固 沒 果 拯 緥 拯 嫩
Một cây trổ đến trăm hoa
Chỉ có một quả chẳng già chẳng non
Là cây gì? Đáp án: Cây cân (cái cân)
昆 貓 抣 賊 方 奢
昆 馭 於 茹 聮 硟 咵 炉
Con mèo đánh giặc phương xa
Con ngựa ở nhà nằm ị đống tro
Là trái gì? Đáp án: Trái khoáy (trái ngược)
在 憽 爘 袄 賖 壦
岞 澾 谞 蔵 袄 飛 撾 橋
Tại mẹ may áo rộng tay
Con quên gài nút áo bay qua cầu
Là con gì? Đáp án: Con lừa mẹ (con dối mẹ)
沒秕 卥 懯 兆 銅
分 厰 晫 秕 懞 翁 仐 用
Một tỉ là nghìn triệu đồng
Phần mười của tỉ mong ông nhận giùm
Là gì? Đáp án: Tiền hoa hồng (tiền lại quả)
次 之 吿 沛 苦 岃
荕 蔄 賛 擓 聮 時 空 双
Thứ gì ăn phải khó đi
Đứng lên mệt mỏi, nằm thì không xong
Là gì? Đáp án: Bánh bò
欺 岃 欺 荕 時 聮
93
欺 聮 時 荕 坙 愪 物 之
Khi đi khi đứng thì nằm
Khi nằm phải đứng, hỏi thầm vật chi?
Là gì? Đáp án: Bàn chân
湄 淫 曩 帞 憹 儙
衛 茹 畨 烈 於 边 栿 廈
Mưa dầm nắng lửa ngồi trên
Về nhà lấm lét ở bên xó hè.
Là cái gì? Đáp án: Cái nón
炨 之 麻 据 勒 豑
媫 撾 媫 徠 朱 皮 時 催
Trái gì mà cứ lắc lư
Đưa qua đưa lại cho vừa thì thôi
Là trái gì? Đáp án: Trái đu đủ
方 覻 攞 擦 媭 暳
為 乴 儒 士 檝 姑 橣 身
Vuông tròn mài xát quanh co
Vì chàng nho sĩ gầy gò tấm thân
Là cái gì? Đáp án: Thoi mực
外 覻 麻 方 边 中
固 堆 倈 岲 乄 峼 蔢 迷
Ngoài tròn mà vuông ở trong
Có đôi ba chữ làm lòng say mê.
Là gì? Đáp án: Đồng tiền trinh
侤 馪 橣 峼 貝 搩 筃
沖 清 妙 兘 樣 乛 乛
神 京 物 貴 埃 空 適
又 倘 香 茶 味 寔 撛
Trĩu nặng tấm lòng với nước non
Trong thanh dịu ngọt dáng thon thon
Thần kinh vật quí ai không thích
Lại thoảng hương trà vị thật ngon
Là trái gì? Đáp án: Trái thanh trà
曩 嫩 哣 洌 棾 崘
湄 俼 沒 嶎 錃 兮 獕 丟
Nắng non ríu rít lè kè
94
Mưa trời một bữa chẳng hề thấy đâu
Là cái gì? Đáp án: Cái bóng
酭 學 止 別 伊 詞
侙 麻 倻 學 岲 垎 乄 之
Mới học chỉ biết i tờ,
Thế mà bắt học chữ hờ làm chi?
Là chữ gì? Đáp án: Chữ Thi
荕 挊 処 勠 哛 逩
篈 旗 於 疜 嗔 湶 岲 之
Đứng bóng hay lúc giữa trưa
Cắm cờ ở cuối xin thưa chữ gì?
Là chữ gì? Đáp án: Chữ Ngọc
生 歮 自 准 壘 燶
結 成 夫 婦 笈 崘 固 饒
塲 身 拯 計 隖 腂
凩 撛 物 怱 蔞 荼 拯 辭
Sinh ra từ chốn lũy tre
Kết thành phu phụ cặp kè có nhau
Nương thân chẳng kể nghèo giàu
Miếng ngon vật lạ dưa rau chẳng từ
Là gì? Đáp án: Đôi đũa
賒 吹 擬 徠 朱 媑
乄 身 昆 礘 亖 吝 絲 娨
Xa xôi nghĩ lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần tơ vương
Là gì? Đáp án: Số 08
產 峼 愛 國 初 哰
麻 峼 勅 搩 欺 揻 欺 睰
Sẵn lòng ái quốc xưa nay
Mà lòng giữ nước khi đầy khi vơi
Là cái gì? Đáp án: Ấm trà
珄 覻 麻 固 侼 頭
垖 銜 垖 品 垖 腂 垖 禥
官 員 朱 旦 聖 神
名 榮 德 行 調 中 身 尼
95
Mình tròn mà có hai đầu
Nuốt hàm nuốt phẩm nuốt giàu nuốt sang
Quan viên cho đến Thánh Thần
Danh vang đức hạnh đều trong thân này
Là cái gì? Đáp án: Ống đựng sắc phong
固 幹 固 鐥 空 尓
又 固 隻 旘 朲 魂 當 驚
Có cán có mũi không mồn
Lại thêm chiếc lưỡi ghê hồn đáng kinh
Là cái gì? Đáp án: Cái dao
身 輪 訨 架 威 儀
曢 俤 篵 銿傳 之 默 峼
欺 令 炧 戶 伏 從
欺 崐 埅 乳 沉 禞 憥 空
Thân luôn theo giá uy nghi
Tiếng tăm chiều sớm chuyện chi mặc lòng
Khi lệnh trăm họ phục tòng,
Khi buông lời nhũ đắm mình cõi không
Là cái gì? Đáp án: Cái trống
并 歯 只 沒 暣 浌
麻 炒 固 力 暣 懷 空 過
Tính ra chỉ một thước dài
Mà sao cố sức bước hoài không qua
Là cái gì? Đáp án: Cái bóng
固 身 時 固 個 尼
圡 浌 几 襽 丟 呍 絆 峼
晫 珄 儍 固 常 用
圡 外 勠 重 勠 曾 輕 欺
Có thân thì có cái này
Người dài kẻ ngắn đâu hay bận lòng
Của mình nào có thường dùng
Người ngoài lúc trọng lúc từng khinh khi
Là cái gì? Đáp án: Cái tên
夛 之 儙 峑 空 蘿
琾 之 儛 帀 沒 誟
昆 之 沒 諁 外 埞
英 麻 斷 特 訴 詳 岄 呍
96
Cây gì trên rừng không lá
Cá chi dưới bể một xương
Con gì một vảy ngoài nương
Anh mà đoán được tỏ tường em hay
Là gì? Đáp án: Cây nấm - Con mực - Con ốc
夛 枯 剾 拮 中 茹
止 固 沒 炨 吱 緥 吱 嫩
Cây khô đem cất trong nhà
Chỉ có một trái chê già chê non
Là cái gì? Đáp án: Cái cân
身 浌 梗 蘿 乛 乛
嫩 吿 緥 半 刯 昆 覄 壇
Thân dài cành lá thon thon
Non ăn già bán cháu con đầy đàn
Là cây gì? Đáp án: Cây tre
身 岺 拯 學 刼 之
麻 炧 次 岲 曰 時 特 桰
Thân nhỏ chẳng học chút gì
Mà trăm thứ chữ viết thì được ngay
Là cây gì? Đáp án: Cây bút
侼 頭 麻 拯 固 蝊
固 特 曲 哛 勁 麻 緲 浉
Hai đầu mà chẳng có đuôi
Có được khúc giữa cứng mà dẻo dai
Là cái gì? Đáp án: Cái đòn gánh
墢 歳 仍 拯 別 飛
戞 訨 夲 闧 斣 挦 清 台
Mang cánh nhưng chẳng biết bay
Vui theo sóng gió đêm ngày thảnh thơi.
Đáp án: Chiếc thuyền buồm
昆 之 固 瑈 固 蝊
稚 緥 瞾 俽 墢 訨 引 唐
Con gì có lông có đuôi
Trẻ già trai gái mang theo dẫn đường
Là con gì? Đáp án: Con mắt
97
丐 之 供 買 供 迷
供 自 儙 倂 供 駆 沔 埊
Cái gì cúng mãi cúng mê
Cúng từ trên núi cúng về miền xuôi
Là cái gì? Đáp án: Cái mủng
春 青 几 尚 圡 夭
位 高 名 望 戼 蜫 艱 難
峼 空 嚢 躺 貯 真
冬 珡 拯 管 飢 寒 液 冰
Xuân xanh kẻ chuộng người yêu
Vì cao danh vọng nên nhiều gian nan
Lòng không dạ thẳng chứa chan
Đông sang chẳng quản cơ hàn giá băng
Là cây gì? Đáp án: Cây tre
炦 生 岲 義 拱 蜫
柗 圡 剝 扨 畨 條 円 嘆
律 朩 局 撡 彫 殘
生 訨 沒 僂 昆 頑 芮匇
Mặt xinh chữ nghĩa cũng nhiều
Chịu người bóc lột lắm điều thở than
Suốt năm cuộc sống điều tàn
Theo một lũ con ngoan nối dòng
Là cái gì? Đáp án: Quyển lịch
牐 戶 時 別 堟 頭
牐 悞 沒 諁 撡 畱 埞 奆
堞 橋 唐 寴 洓 錆
唕 岄 拫 勑 結 情 墵 胞
Nghe họ thì biết nhọn đầu
Tên giống một vảy ở sau nương sình
Nhịp cầu đường ray sắt thanh
Nhờ em gắn bó kết tình với nhau
Là cái gì? Đáp án: Đinh ốc
夛 之 固 彣 侼 頭
蜫 罁 麻 拯 岃 丟 特 儍
Cây gì có đến hai đầu
Nhiều chân mà chẳng đi đâu được nào
Là cây gì? Đáp án: Cây cầu
98
儙 朋 婣 儛 吏 朋 婣
扟 侟 時 蔭 娎 歮 冷 濥
Trên bằng da, dưới bằng da
Đút vào thì ấm, lấy ra lạnh lùng
Là cái gì? Đáp án: Đôi giày da, đôi bao tay da
固 罁 麻 拯 固 壦
固 斏 拯 旕 丐 処 怱 圅
Có chân mà chẳng có tay
Có lưng, chẳng bụng cái hay lạ đời
Là cái gì? Đáp án: Cái quần
固 強 麻 拯 固 真罁
固 侼 岞 姫 粗 朋 礖 忂
Có càng mà chẳng có chân
Có hai con mắt to bằng ốc bươu
Là cái gì? Đáp án: Cái kính (cái gương)
本 初 於 坦 生 歮
麻 哀 供 噲 碎 卥 岞 官
渥 峼 役 搩 冟 酸
揻 睰 副 墨 世 間 乊 蜫
Vốn xưa ở đất sinh ra
Mà ai cũng gọi tôi là con quan
Dốc lòng việc nước lo toan
Đầy vơi phó mặc thế gian ít nhiều
Là cái gì? Đáp án: Cái ấm
身 岄 瑟 羴 凭 傍
勅 腬 翓 杵 唐 徨 別 包
獕 岄 客 拯 噉 侟
主 衛 念 儎 岄 嘲 迍 桰
Thân em sắt thép vững vàng
Giữ gìn cửa ngõ đàng hoàng biết bao
Thấy em khách chẳng giám vào
Chủ về niềm nở em chào đón ngay
Là cái gì? Đáp án: Cái ổ khóa
身 朋 梇 燶
丐 凩 鉷 吹
旕 時 籾 権
物 英 種 共
99
Thân bằng gióng tre
Cái miệng tròn xoe
Bụng thì lỏng bỏng
Vật anh chỏng gọng
Là cái gì? Đáp án: Cái điếu cày
禞 黃 吏 忬 袄 黃
岃 歮 外 唐 哀 拱 悶 昏
Mình vàng lại mặc áo vàng
Đi ra ngoài đàng ai cũng muốn hôn
Đáp án: Quả thị
學 行 牱 洄 垰 頭
吻 還 突 特 別 之 丟
皮 外 歮 羕 坤 頑 畨
卒 局 坤 頑 只 步 鏓
Học hành đến hói cả cái đầu
Vẫn hoàn dốt đặc biết chi đâu
Bề ngoài ra dáng khôn ngoan lắm
Rốt cục khôn ngoan chỉ bộ râu
Là cây gì? Đáp án: Cây bút viết chữ nho (cây bút lông)
峂 峂 撐 撐
轊 喖 苔 禞
歀 匇 情 感
Bé bé xinh xinh
Răng mọc đầy mình
Nối dòng tình cảm
Là con gì? Đáp án: Con tem
暈 斏 璄 瀂 堚 俼
丁 寧 侼 凩 沒 利 双 双
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Là cái gì? Đáp án: Con diều sáo
別 碎 卥 丐 夷 空
媭 璏 律 斘 半 蓬 卥 碎
Biết tôi là cái gì không
Quanh năm suốt tháng bán bòng là tôi
Đáp án: Quả bóng bàn
100
聞 其 聲 不 見 其 形
大 人 開 口 小 人 驚
Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình
Đại nhân khai khẩu, tiểu nhân kinh
Là ai? Đáp án: Ông kẹ, con ma, ông ngáo ộp
剾 身 朱 世 間 憹
庄 傷 時 籒 吏 宼 不 忠
Đem thân cho thế gian ngồi
Chẳng thương thì chớ lại cười bất trung?
Là cái gì? Đáp án: Cái phản
英 墵 碎 本 共 悞
仍 為 恪 剱 朱 戼 賒 皡
碎 朱 果 嘦 赭 殅
群 英 砋 點 朱 圤 襔 添
Anh với tôi vốn cùng tên
Nhưng vì khác họ cho nên xa vời
Tôi cho quả chín đỏ tươi
Còn anh tô điểm cho người đẹp thêm?
Là gì? Đáp án: Quả vải và vải mặc
侼 壦 掩 擦 焈 茹
婮 肝 空 固 丐 婣 僟 凬
Hai tay ôm sát cột nhà
Ruột gan không có, cái da bầy nhầy?
Là cái gì? Đáp án: Cái võng
夛 夷 買 喖 時 高
寅 寅 吏 硏 據 牢 邏 奇
Cây gì mới mọc thì cao
Dần dần lại thấp, cớ sao lạ kỳ?
Là cây gì? Đáp án: Cây nến, cây hương
身 岄 嫎 比 細 絲
壦 罁 空 固 戼 岃 朋 頭
Thân em bé tỉ tí ti
Tay chân không có nên đi bằng đầu?
Là cây gì? Đáp án: Cây kim
皮 朋 果 勭 吿 劫 垰 廊
Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng?
Là con gì? Đáp án: Con chuột
101
英 堃 忬 袄 赭
俺 岺 忬 袄 鈎
欺 俺 堃 如 英
俺 拱 忬 袄 赭
Anh lớn: mặc áo đỏ
Em nhỏ: mặc áo xanh
Khi em lớn như anh
Em cũng mặc áo đỏ
Là quả gì? Đáp án: Quả ớt
蔑 丐 扼 腅 炧 客 憹
Một cái ách, mà trăm khách ngồi?
Là gì? Đáp án: Buồng chuối
悞 俺 空 少 拯 乘
剰 峼 黃 兘 底 皮 峼 英
Tên em không thiếu chẳng thừa
Tấm lòng vàng ngọt để vừa lòng anh?
Là quả gì? Đáp án: Quả đu đủ
固 梗 腅 空 別 鏅
典 欺 鏅 特 吿 眉 拱 吱
Có cánh mà không biết bay
Đến khi bay được ăn mày cũng chê
Là gì? Đáp án: Cánh hoa
蔑 璏 固 厰 侼 斘
蔑 斘 固 倈 厱 挧
撰 蔑 挧 夋 夛 空 钖
Một năm có mười hai tháng
Một tháng có ba mươi ngày
Chọn một ngày trồng cây không rễ
Là cây gì? Đáp án: Cây nêu
岞 之 吿 腅 空 坾
岞 之 坾 腅 空 吿
Con chi ăn mà không uống
Con chi uống mà không ăn
Là con gì? Đáp án: Con tằm và con đỉa
侼 儯 恪 剱 共 悞
岞 時 儛 搩 丐 儙 渉 茹
102
Hai đứa khác họ cùng tên
Con thì dưới nước, cái trên mái nhà
Là gì? Đáp án: Cá mè và cái mè (rui mè) trên mái nhà
欺 岃 墢 垰 茹 岃
欺 駆 崕 翓 慈 悲 腅 聮
Khi đi mang cả nhà đi
Khi về đóng cửa từ bi mà nằm
Là con gì? Đáp án: Con ốc
儙 拉 瓦 儛 固 花
蔑 尚 垆 授 歮 夝 尚 崕 媫 獹
Trên lợp ngói, dưới có hoa
Một thằng thò ra, bốn thằng đung đưa chạy
Là con gì? Đáp án: Con rùa
丐夷 蹈 舖 儛 春
岃 頭 儛 坦 轥 罁 瑨 俼
Cái gì dạo phố dưới xuân
Đi đầu xuống đất, chọc chân lên trời
Là cái gì? Đáp án: Cái đinh giày
夛 夷冬 幆 夏 殅
花乄 剹 觵 哛 俼 鍸 饒
氼 気 涓 態 鐲 侟
及 桰 質 蟩 戨 愁 凁 歮
Cây gì đông héo, hè tươi
Hoa làm chong chóng giữa trời đuổi nhau
Mối mọt quen thói đục vào
Gặp ngay chất đắng, buồn rầu nhả ra
Là con gì? Đáp án: Cây xoan
亷 之平 坦 攤 歮
插 侟 爐 帞 遌 倈 夝 挧
欺 歮 趦 赭 熙 熙
禞 壪 椮 振 剾 搓 翓 茹
Hòn gì bằng đất nặn ra
Xếp vào lò lửa nung ba bốn ngày
Khi ra má đỏ hây hây
Mình vuông chăn chắn, đem xây cửa nhà?
Là cái gì? Đáp án: Hòn gạch
103
花 之 果 捲 貝 蔞
底 朱 勾 窽 闦 頭 戼 緣
Hoa gì quả quyện với trầu,
Để cho câu chuyện mở đầu nên duyên?
Là hoa gì? Đáp án: Hoa cau
果 之 吿 拯 特 蜫
仍 麻 擹 獕 包 饒 圡 穯
Quả gì ăn chẳng được nhiều,
Nhưng mà nhìn thấy, bao nhiêu người thèm?
Là quả gì? Đáp án: Quả chanh
身 浌 旘 亙 卥 嗟
有 手 無 足 妒 卥 丐 之
Thân dài, lưỡi cứng là ta
Hữu thủ vô túc, đố là cái chi?
Là cái gì? Đáp án: Cái cuốc
岞 之 頭 橸 蝊 蒖
吿 琘 浸 沫 吏 長 瑨 夛
Con chi đầu khỉ đuôi lươn
Ăn no tắm mát, lại trườn lên cây?
Là cái gì? Đáp án: Cái gáo bằng sọ dừa
耯 之 惣 高 雭
耯 之 空 歳 空 瑈 禞 塵
Chim chi sắc mỏ, cao mồng
Chim chi không cánh không lông mình trần
Là cái gì? Đáp án: Cái rìu
中 茹 固 堏 吿 恱 擜
Trong nhà có bà ăn cơm trắng?
Là cái gì? Đáp án: Bình vôi
夛 夷 空 蘿 空 觮
禞 黃 空 钖 於 媑 茹 嗟
Cây gì không lá, không chân
Mình vàng, không rễ, ở gần nhà ta?
Là cây gì? Đáp án: Cây rơm
平 字 錢
104
聮 迎 中 礆
Bằng trự tiền
Nằm nghiêng trong bụi
Là gì? Đáp án: Rau má
圭 岄 於 准 傉 囚
醘 撾 炦 搩 網 剈 硏 高
彣 挧 鎼 姫 歮 嘲
裦 爯 買 別 自 豪 卒 氊
Quê em ở chốn ao tù
Vượt qua mặt nước, võng dù thấp cao
Đến ngày mở mắt ra chào
Soi gương mới biết tự hào tốt tươi
Là cây gì? Đáp án: Cây sen
朋 岞 爬 聮 觚 哛 撧
Bằng con bò, nằm co giữa ruộng
Là cái gì? Đáp án: Cái mả
夛 边 東 固 芃 空 炨
夛 哛 塘 蓋 固 炨 空 花
夛 於 中 茹 固 花 空 果
Cây bên đông có bông không trái
Cây giữa đường cái, có trái không hoa
Cây ở trong nhà, có hoa không quả
Là cây gì? Đáp án: cây lau, cây đa, cây đèn
禞 覻 礚 撰
尙 鈍 如 磜
中 茹 憹 空
歮 咵 媣 暤 暤
Mình tròn trùn trụn
Răng nhọn như chông
Trong nhà ngồi không
Ra đồng nhảy chôm chổm
Là cái gì? Đáp án: Cái nơm
本 奴 時 於 峑 青
剾 衛 下 伴 結 成 沒 堆
韠 塘 丗 苉 圡 畱
衛 茹 時 邑 娎 胞 麻 聮
105
Vốn nó thì ở rừng xanh
Đem về hạ bạn kết thành một đôi
Ra đường kẻ trước người sau
Về nhà thì ấp lấy nhau mà nằm
Là cái gì? Đáp án: Đôi quang gánh
禞 如 果 茄 叱 碒
唐 瑇 時 固 唐 外 時 空
Mình như quả cà sứt tai
Đàng Trong thì có, Đàng Ngoài thì không
Là gì? Đáp án: Bánh trôi
丐 擡 麻 腫 侼 頭
边 些 時 固 边 艚 時 空
Cái trống mà thủng hai đầu
Bên ta thì có, bên Tàu thì không
Là cái gì? Đáp án: Cái váy
岞 夷
買 生 韠 時 卥 岞 徴
畱 化 韠 岞 徸
吏 化 成 岞 稤
稤 吏 化 成 驢
驢 貨 韠 妕
妕 變 成 岞 橸
Con gì
Mới sinh ra thì là con sên
Sau hóa ra con bướm
Lại hóa thành con công
Công lại thành lừa
Lừa hóa ra cáo
Cáo biến thành con khỉ?
Là con gì? Đáp áp: Con người ta
欺 初 岄 赭 紅 紅
岄 岃 応 洂 岄 補 圭 吒
挦 畱 迃 鶴 駆 緥
圭 洂 岄 補 圭 吒 吏 駆
Khi xưa em đỏ hồng hồng
Em đi lấy chồng, em bỏ quê cha
Ngày sau tuổi hạc về già
Quê chồng em bỏ, quê cha lại về
Là cái gì? Đáp án: Cái nồi
106
丐 夷 包 廡 泣 尼
空 味 空 色 麻 埃 拱 勤
Cái gì bao phủ khắp nơi
Không mùi không sắc mà ai cũng cần
Là gì? Đáp án: Không khí
夛 租 蘿 岺 廛 廛
嫩 吿 緥 半 娎 錢 麻 銷
Cây to lá nhỏ chiền chiền
Non ăn, già bán lấy tiền mà tiêu
Là cây gì? Đáp án: Cây tre
岞 夷 固 瑈 固 蝊
娋 緥 佳 俽 調 拱 墢 訨
Con gì có đuôi có lông
Trẻ già trai gái đều cùng mang theo
Là con gì? Đáp án: Con mắt
沒 梽 麻 児 侼 茹
妣 岄 空 固 婮 鑬 拱 空
Một chắc mà giữ hai nhà
Chị em không có, ruột rà cũng không
Là cái gì? Đáp án: Máng xối
頭 羅 瑟 蝊 羅 挿
空 固 奴 檜 空 成
Đầu là sắt, đuôi là gỗ
Không có nó, củi không thành
Là cái gì? Đáp án: Cái búa bổ củi
誟 僺 誟 蕽
空 固 斾 固 庒
耯 逗 於 儙 斏
嶾 岃 於 儛 旕
朚 益 朱 圡 些
塊 陳 如 蛹
Xương sườn, xương sống
Không có thịt, có da
Chim đậu ở trên lưng
Guốc đi ở dưới bụng
Giúp ích cho người ta
Khỏi trần truồng như nhộng
Là cái gì? Đáp án: Khung cửi
107
固 罁 麻 拯 別 岃
固 炦 仿 離 朱 丗 憹 儙
Có chân mà chẳng biết đi
Có mặt phẳng lì cho kẻ ngồi trên
Là cái gì? Đáp án: Cái ghế
炦 如 丐 炪 禞 如 丐 羐
丐 斏 兾 丐腮 梄 沱
欺 牌 賦 欺 吟 詩
欺 供 翁 奴 欺 攧 堏 箕
Mặt như cái thớt, mình như cái mai
Cái răng khập khiểng, cái tai thẳng đờ
Khi bài phú, khi ngâm thơ
Khi cúng ông nọ, khi thờ bà kia
Là cây gì? Đáp án: Cây đàn nguyệt
平 炨 槔
従 吔 岃 略
Bằng trái cau
Lau chau đi trước
Là gì? Đáp án: Ngón chân cái
夛 絤 縱 蘿 蘺隨
攑 東 飏 吏 攑夏 儎 歮
Cây lung tung, lá loe toe
Mùa đông úp lại, mùa hè nở ra
Là cây gì? Đáp án: Cây sen
蘿 青 梗 赭 花 黃
曷 顛 昖 擜 妒 乴 夛 之
Lá xanh, cành đỏ, hoa vàng
Hạt đen, rễ trắng; đố chàng cây chi?
Là cây gì? Đáp án: Cây rau sam
岞 夷 歳 蒙 蝊 浌
六 飛 六 逗 歳 時 調 揚
Con gì cánh mỏng, đuôi dài,
Lúc bay lúc đậu cánh thời đều giương?
Là con gì? Đáp án: Con chuồn chuồn
空 吿 惣 徏 徏
蔑 蹱 壜 歮 從 孕 矝
108
Không ăn mà mổ cuống cuồng
Mệt nhoài đứng chống, ra tuồng dửng dưng
Là cái gì? Đáp áp: Cái chày đạp giã gạo
夛 枯 麻 儎 特 花
杜 特 沒 果 欺 緥 稲 嫩
Cây khô mà nở được hoa
Đậu được một quả, khi già khi non
Là cái gì? Đáp án: Cái cân xách
悩 空 侊
倻 空 埅
摢 空 枯
揕 空 雼
Chặt không đứt
Bứt không lời
Phơi không khô
Chụm không đỏ
Là gì? Đáp án: Nước
爑 燺 劵 吏 侼 批
悩 分 夛 燶 勏 橋 沒 焈
Tám xóm nhóm lại hai phe,
Chặt phần cây tre, bắc cầu một cột
Là cái gì? Đáp án: Đôi quang và chiếc đòn gánh
夝 边 成 險 壘 高
固 沒 尚 禿 媣 侟 媣 歮
Bốn bên thành hiểm lũy cao,
Có một thằng trọc nhảy vào nhảy ra
Là cái gì? Đáp án: Cái thùng và cái gáo múc nước
侼 英 拱 種 拱 亊
英 惕 憹 諑 英 隊 拱 暭
逾 霜 蕌 顮 默 俼
自 初 本 伴 空 禣 茹 農
Hai anh cùng giống cùng nòi
Anh thích ngồi trốc, anh đòi cõng chơi
Gió sương, mưa nắng mặc trời
Từ xưa vốn bạn không rời nhà nông
Là cái gì? Đáp án: Cái nón và cái tơi
109
倈 堏 岃 悪 橋 喃
堏 岃 畱 卒 輪 尓 伶 瑨
堏 岃 苉 時 少 唅 儙
堏 岃 哛 時 少 唅 儛
止 堏 岃 檜 卥 堵 侼 唅
Ba bà đi chợ Cầu Nôm:
Bà đi sau rốt luôn mồn “Nhanh lên!”
Bà đi trước thì thiếu hàm trên
Bà đi giữa thì thiếu hàm dưới
Chỉ bà đi cuối là đủ hai hàm!
Là gì? Đáp án: Người đi bừa, con trâu và cái bừa
侼 罁 蹱 侼 罁 跪
丐 旕 曃 伊 噤 吶 岞 氱
Hai chân đứng, hai chân quỳ
Cái bụng chì ì; cấm nói con cóc
Là con gì? Đáp án: Con ếch
岃 鉩 轊 駆 鉩 轊
埃 寕丐耙
亯湶中 麻 渚董
Đi nhăn răng, về nhăn răng
Ai bảo cái bừa,
Xin thưa đúng mà chưa đúng!
Là cái gì? Đáp án: Cái cào cỏ
冲 媭 卥 搩 冥 蒙
自 然 於 哛 譍 瑨 蔑 亷
羕 刑 娒 倂 娒 筃
空 噲 筃 倂 妒 亷 之 低
Xung quanh là nước mênh mông
Tự nhiên ở giữa nhô lên một hòn
Dạng hình giống núi giống non
Không gọi non, núi, đố hòn gì đây?
Là gì? Đáp án: Hòn đảo
廏 边 廏 搩 沚 歮
荑 眆 拝 敡 曲 歌 樂 疦
噲 槣 噲 衦 嗔 停
妒 閣 伴 岄 娿 噲 夷
Đá bên đá, nước chảy ra
Rì rào róc rách khúc ca nhạc rừng
110
Gọi sông, gọi suối: xin đừng!
Đố các bạn, đố em cưng, gọi gì?
Là gì? Đáp án: Khe nước
爑 巢 觵 喼 侼 隫 壜
昆 姫 咾 憐 丐 頭 空 固
Tám sào chóng cạn, hai nạng chống
Con mắt láo liên, cái đầu không có!
Là con gì? Đáp án: Con cua, con ghẹ
爑 尚 民 運 局 廏 毜
侼 翁 社 墸 隫 玞 訨
Tám thằng dân vần cục đá tảng
Hai ông xã xách nạng chạy theo
Là con gì? Đáp án: Con cua, con ghẹ
怱 濥 卥 怱 濥 台 聮 噵 班 挧 底 怱 濥 歮
怱 濥 固 惣 題 歮 句 鞕 句 便 固 茄 瓦 青
怱 濥 固 幅 萌 萌句 鞕 句 便 固 英 俚 船
Lạ lùng là lạ lùng thay; nằm ngủ ban ngày để lạ lùng ra
Lạ lùng có mỏ đề ra; câu lơn, câu tiện có nhà ngói xanh
Lạ lùng có bức mành mành; câu lơn, câu tiện có anh lái thuyền
Là con gì? Đáp án: Con cua, con ghẹ
盧 盧 麻 蹱 谷 茹
係 哀 佦 旦 時 呱 哭 瑨
Lù lù mà đứng góc nhà
Hễ ai đụng đến thì òa khóc lên
Là cái gì? Đáp án: Cái cối xay lúa
翁 聮 儛 壡 呆 瑨
堏 聮 儙 愢 噓 噓
Ông nằm dưới trỏ ngóc lên
Là cái gì? Đáp án: Cái cối xay lúa
姑 箕 岞 丐 茹 哀
禞 租 哄 岺 魯 碒 鳥 沉
蹱 边 牐 曢 闗 闗
皮 蟍 皮 喝 孾 孾 蕌 嬑
Cô kia con cái nhà ai; mình to, họng nhỏ, lỗ tai đeo trằm
Đứng bên nghe tiếng ầm ầm; vừa múa vừa hát, rầm rầm mưa rơi
Là cái gì? Đáp án: Cái cối xay lúa
111
搩侟槣埖帞奵筃高
挒浌咻丄闧嗃
槣焵搩喼筃高帞殘
Nước vào sông Đáy, lửa cháy non cao
Đêm dài hiu hắt gió xao
Sông sâu nước cạn, non cao lửa tàn
Là cái gì? Đáp án: Cái đèn dầu
仝 僞 搩 黃
岞 氜 聮 卬 娎 巢 麻 轥 佊 呆 頭 瑨
Đồng bạc, nước vàng
Con rắn nằm ngang, lấy sào mà chọc, nó ngóc đầu lên
Là cái gì? Đáp án: Cái đèn dầu
罁 踏 沔 青 地
頭 隊 帽 平 天
禞 時 鍯 袄 瑪 仙
班 挧 堆 倈 堓 簈 聮 貞 叫 俼
Chân đạp miền thanh địa
Đầu đội mũ bình thiên
Mình thì bận áo mã tiên
Ban ngày đôi ba vợ, tối nằm riêng kêu trời
Là cái gì? Đáp án: Con gà trống
儙 頭 隊 厽 倊 頒
儛 時 酦 審 斉 黃 深 吹
神 冷 乑 噲 時 駆
憹 儙 鞽 玉 劍 期 畱 禙
Trên đầu đội sắc vua ban
Dưới thời yếm thắm, dây vàng xum xoe
Thần linh đã gọi thì về
Ngồi trên mân ngọc, gươm kề sau lưng
Là cái gì? Đáp án: Con gà trống
顮 帞 蕌 油 些 空 覧 伴
簈 帞 嘢 嘫 伴 吏 覧 些
Nắng lửa mưa dầu ta không bỏ bạn
Tối lửa tắt đèn bạn lại bỏ ta
Là cây gì? Đáp án: Cái nón
空 沛 槔 麻 用 底 撒
空 沛 瀃 共 底 解 醩
112
空 沛 贚 麻 用 底 鄧
空 沛 帽 共 底 隊 頭
Không phải giàu mà dùng để tát
Không phải quạt cũng để giải nồng
Không phải nong mà dùng để đựng
Không phải mũ cũng để đội đầu
Đáp án: Cái nón
罁 赭 禞 険
頭 隊 花 蓮
瑨 朝 上 帝
Chân đỏ mình đen
Đầu đội hoa sen
Lên chầu Thượng đế
Là cây gì? Đáp án: Cây hương
侼 圡 初 於 侼 筃
悲 炠 合 吏 如 岞 蔑 茹
丗 乄 誟 圡 乄 婣
法 冷 變 化 群 卥 蔑 罁
Hai người xưa ở hai non
Bây giờ họp lại như con một nhà
Kẻ làm xương, người làm da
Phép linh biến hóa còn là một chân
Là cây gì? Đáp án: Cây hương
皮平 圕 嫎 瑨 倈
劚 禙 昆 昆 玞 歮 外 咵
Vừa bằng thằng bé lên ba
Thắt lưng con cón chạy ra ngoài đồng
Là gì? Đáp án: Bó mạ
酦 娘 緓 袄 娘 崘
娘 戓 埃 娘 罉 的
Yếm nàng nịt, áo nàng gài
Nàng yêu ai, nàng quẹo đít?
Là con gì? Đáp án: Con ốc
固 夛 麻 拯 固 梗
固 侼 翁 懼 習 爭 侼 边
Có cây mà chẳng có cành
Có hai ông cụ dập dềnh hai bên
Là cây gì? Đáp án: Cây ngô
113
禞浌 蔑 懎 婣 擜 如 幈
隊 帽 紅 花 罁 岃 固 蔑
Mình dài một tấc, da trắng như ngà
Đội mũ hồng hoa, chân đi có một
Là cây gì? Đáp án: Cây giá đỗ đỏ
侼 姑 歮 浸 沒 匇
箿 袄 浸 陳 底 露 牟 庒
沒 姑 庒 擜 如 牙
沒 姑 吏 固 牟 庒 赭 紅
哛 杆 顮 夏 搝 膿
裙 嬑 卐 儛 露 朦 沞 時
拱 卥 侼 伴 女 兒
故 牢 吏 獕 嶳 荑 説 鈛
Hai cô ra tắm một dòng
Cởi áo tắm trần để lộ màu da
Một cô da trắng như ngà
Một cô lại có màu da đỏ hồng
Giữa cơn nắng hạ oi nồng
Quần rơi trễ xuống, lộ mông dậy thì
Cùng là hai bạn nữ nhi
Cớ sao lại thấy rậm rì râu ria?
Là hoa gì? Đáp án: Hoa sen và hoa súng
岞 橮 槚 濁 聮 哛 坦 漽
沒 唐 誟 耓 浌 侼 屶 誟 緿 桖
Con trâu chết rục, nằm giữa đất đai
Một đường xương sống dài, hai đống xương sườn nát
Là cái gì? Đáp án: Tàu dừa mục
身 形 匙 槚 乑 憻
麻 侼 昆 姫 部 説 駭 群
Thân hình thì chết đã lâu
Mà hai con mắt, bộ râu hãy còn
Là gì? Đáp án: Gốc tre khô
姫 夷 隔 鉜 侼 嵈 冘 歮 呈 廊 庄 別 傳 之
生 歮 丐 種 異 奇 斏 聮 唐 苉 旕 匙 悏 畱
Mắt gì cách gối hai gang, đem ra trình làng, chẳng biết chuyện chi
Sinh ra cái giống dị kì, lưng nằm đằng trước, bụng thì phía sau?
Là gì? Đáp án: Cẳng và mắt cá chân
114
114
岞 之 打 胜 翁 倊 打 輸 柴 寺
Con chi đánh thắng ông vua, đánh thua thầy chùa?
Là con gì? Đáp án: Con chấy
岞 打 母 母 栐 廊
牱 欺 廊 歮 岞 鏆 旕 母
Con đánh mẹ, mẹ van làng
Đến khi làng ra, con chui bụng mẹ!
Là cái gì? Đáp án: Cái dùi và cái mõ
忬 袄 青 隊 贠 青
岃 媭 沒 敭
忬 袄 擜 隊 贠 擜
Mặc áo xanh, đội nón xanh
Đi quanh một vòng
Mặc áo trắng, đội nón trắng
Là quả gì? Đáp án: Quả cau khi róc vỏ
115
PHỤ LỤC 4. NHỮNG BỘ ÐẦU HỒ XƯA
Ở Huế hiện còn lưu giữ ít nhất năm bộ đầu hồ cổ. Trong đó, bốn bộ là cổ
vật thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; bộ còn lại là trân bảo của Ngọc Sơn
công chúa từ đường (công chúa con vua Ðồng Khánh).
Ðáng chú ý là sưu tập các bộ đầu hồ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,
bởi chúng rất đa dạng về chất liệu và hình dáng.
1. Bộ đầu hồ bằng đồng, tráng men pháp lam:
Ðây là một trong những bộ đầu hồ đã được R. Orband giới thiệu trong bài
viết in trên BAVH năm 1917. Bộ đầu hồ này trước đây được trưng bày trong điện
Hòa Khiêm (lăng Tự Ðức), nay đang được trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung
đình Huế.
Ảnh PL1: Bộ xăm hường bằng đồng tráng men pháp lam
Bộ đầu hồ này làm bằng đồng thau, gồm chiếc bình có eo, gắn với phần
đế qua các chi tiết trang trí làm bằng pháp lam. Chiều cao của bộ đầu hồ là 61cm,
riêng chiếc bình cao 40cm.
Chiếc bình tạo dáng như hình chiếc bầu đựng rượu. Miệng bình rộng
5cm, phía trên có gắn cái họng bằng ngọc thạch màu trắng cao 3cm. Vành ngoài
miệng bình là những dãi trang trí theo dạng hồi văn được gắn thêm vào, gồm một
hàng thủy tinh màu khảm vào 19 chiếc khuy đồng bao quanh vành miệng và 6
chiếc lá bằng pháp lam xuôi xuống cổ bình. Thân trên và thân dưới của bình đều
có gắn những sợi chỉ đồng uốn thành hình các bông hoa và đám mây có gắn thủy
116
tinh màu. Bên ngoài eo bình có gắn các chi tiết trang trí bằng pháp lam gồm hai
dãi hồi văn lá cúc và hai hình dơi ngậm tua bằng pháp lam.
Phần đế gồm hai vành đồng nối với nhau bởi bốn chi tiết bằng pháp lam
tạo dáng như những chiếc lá. Vành đế phía trên hình đới cầu, bên ngoài gắn thêm
một dãi khuy đồng nạm thủy tinh màu và các đồ án trang trí mây hóa cúc bằng
pháp lam. Vành đế phía dưới có hình vành khăn, mặt ngoài chia thành các ô hình
chữ nhật bởi các sợi chỉ đồng. Ðế có bốn chân bên dưới, được phủ men pháp lam
màu xanh nhưng đã bị bong men khá nhiều. Theo R. Orband, trong lòng đế có
chiếc trống, một vật không thể thiếu trong trò chơi đầu hồ. Chiếc trống nay đã mất.
Nhiều chi tiết trang trí bằng pháp lam trên thân hồ cũng đã bong men hoặc rơi mất
các hạt thủy tinh màu.
Ngoài bộ đầu hồ này, trong bài viết nói trên, R. Orband có giới thiệu một
bộ đầu hồ khác kèm theo hình vẽ, cũng làm bằng đồng thau, quanh thân có nạm
nhiều ngọc thạch và thủy tinh màu, theo các kiểu thức trang trí Arabian. Bộ đầu hồ
này không rõ nay lưu lạc phương nào.
2. Bộ đầu hồ bằng gỗ, cẩn xà cừ:
Ðây là bộ đầu hồ tiêu biểu nhất trong số những bộ đầu hồ còn lại ở Huế,
hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Ảnh PL2: Bộ đầu hồ bằng gỗ cẩn xà cừ Ảnh PL3: Bộ xăm hường bằng gỗ
117
Ðầu hồ làm bằng gỗ, gồm nhiều bộ phận ghép lại. Phần chính là chiếc
bình dáng nậm rượu hai bầu, có eo ở giữa, cao 56cm. Cổ bình hình trụ, miệng loe.
Bầu trên và bầu dưới của chiếc bình là hai phần riêng biệt, liên kết với
nhau qua một khớp nối ở eo bình. Bên ngoài thành bình khảm xà cừ các đồ án
rồng, mây (phần trên) và bát tiên (phần dưới). Trên cổ chiếc bình chính có gắn hai
chiếc bình nhỏ, cao 14cm, hình dáng tương tự bình chính. Ðược biết hai chiếc
bình này được gắn vào để cho dành cho những tay chơi thượng thặng, có thể
ném thẻ lọt vào miệng các chiếc bình nhỏ này.
Phần đế phía dưới cao 24,5cm, được tạo dáng như những chiếc đôn vẫn
dùng để bày các chậu hoa cảnh trong các cung điện ở Huế. Mặt đế hình chiếc
đĩa, phía ngoài khảm dãi văn hoa thị bằng xà cừ. Ðế có bốn chân, kiểu chân quỳ,
gắn với một vành gỗ bên dưới. Mặt ngoài vai đế khảm xà cừ hình long, lân, quy,
phụng và bốn vật trong bộ bát bửu gồm: tù và, quạt ba tiêu, đàn tỳ bà và cuốn thư.
Bộ đầu hồ này được đặt trên một chân đế thứ hai, làm bằng loại gỗ khác
với bộ đầu hồ và không có các trang trí khảm xà cừ. Bên trong chân đế này có đặt
là chiếc trống bịt da một mặt.
Những nét chạm khảm trên bộ đầu hồ này rất tinh tế và trau chuốt, khiến
chiếc bình trở nên một tác phẩm nghệ thuật thực sự, xứng đáng là một trong
những cổ vật có giá trị trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Tuy nhiên, tình
trạng hiện tại của chiếc bình không còn hoàn hảo. Một số chi tiết đã gãy, vỡ do lần
đưa đi trưng bày tại Hà Nội cách nay hơn 20 năm.
3. Bộ đầu hồ bằng gỗ, không chạm trổ:
Lai lịch chiếc bộ đầu hồ này khá thú vị. Năm 1988, tại khách sạn Drouot,
Paris có cuộc bán đấu giá các cổ vật từ châu Á, trong đó có 282 cổ vật Việt Nam,
thuộc sưu tập của ông Cổ Trung Ngươn, một nhà sưu tập cổ vật ở Sài Gòn trước
đây. Nhận thấy đây là những cổ vật có xuất xứ từ triều đình Huế, Cựu hoàng Bảo
Ðại đã khởi kiện lên Tòa thượng thẩm Pháp để đòi lại cho Huế. Ðại sứ quán Việt
Nam tại Pháp cũng vào cuộc, ủng hộ Cựu hoàng Bảo Ðại, nhưng do luật lệ về cổ
vật ở mỗi nơi mỗi khác nên vụ tranh tụng không đi đến đâu. Tuy nhiên, chủ nhân
số cổ vật kia đã tặng lại cho Huế hai món. Ðó là chiếc bàn trà có khung bằng gỗ
sơn son thếp vàng nhưng mặt bàn làm bằng sứ trắng vẽ lam và bộ đầu hồ bằng
gỗ kiền kiền. Hai cổ vật này đã được chuyển trả lại cho Huế sau bao năm tháng
lưu lạc chốn trời Tây và hiện đang được trưng bày tại Đại Nội Huế.
Bộ đầu hồ có hình dáng giống bộ đầu hồ bằng gỗ cẩn xà cừ, nhưng có đôi
điểm khác biệt: miệng bình không loe, cổ bình ngắn hơn và không có hai chiếc
bình nhỏ gắn trên cổ bình lớn, cũng như không có các chi tiết trang trí bằng xà cừ.
Phần chính cũng là chiếc bình dáng nậm rượu cao 36cm, gồm 2 phần tách biệt,
kết nối với nhau ở eo bình. Phần đế bên dưới gồm hai phần, gắn với nhau thông
qua một khớp nối. Phần trên tựa chiếc đôn có bốn chân, phần dưới tựa chiếc dĩa
cao chân, bên trong có chứa một chiếc trống nhỏ. Tổng chiều cao phần đế là
25,5cm. Ngoài ra còn có một bộ gồm 6 mũi tên gỗ, dài 80cm. Tình trạng bộ đầu
hồ này khá tốt, chỉ có một đường nứt dọc thân dài khoảng 20cm, có lẽ do sự co
rút của gỗ, nhưng đã được làm kín bằng keo và bột gỗ.
4. Ðầu hồ bằng sứ:
Chiếc đầu hồ thứ tư làm bằng sứ, hiện trưng bày tại Đại Nội Huế. Ðó là
một cổ vật thuộc nhóm đồ sứ do triều Nguyễn ký kiểu tại Trung Hoa. Bộ đầu hồ
này chỉ có một chiếc bình không đáy, không có chân đế như những bộ đầu hồ
khác. Bình cũng có hình dáng nậm rượu hai bầu, cao 38cm. Miệng bình hơi loe,
118
lòng bình là một hình trụ rỗng thông từ miệng xuống đáy. Thành ngoài bình trang
trí đồ án lưỡng long hí thủy (hai rồng giỡn nước) bằng màu xanh cobalt dưới lớp
men phủ.
Ảnh PL4: Bộ xăm hường bằng sứ ký kiểu
Dưới đáy chiếc bình này có một khoanh tròn, đường kính khoảng 20cm,
không được tráng men, và có những đường gờ nhỏ. Dấu hiệu này cho biết chiếc
bình còn có thêm một bộ phận khác ở phía dưới, có thể là một cái đế, bên trong
gắn chiếc trống nhỏ, tương tự như những bộ đầu hồ khác ở Huế. Khảo sát xương
đất, chất men và màu, cũng như kỹ thuật trang trí trên chiếc bình này cho thấy nó
là đồ sứ được sản xuất tại Trung Hoa, nhưng motive trang trí trên thành bình lại
theo phong cách Huế, thể hiện ở các chi tiết như: đầu rồng, vây lưng rồng, đuôi
rồng, cách xếp vảy rồng, các đám mây và văn thủy ba. Ðiều này chứng tỏ đây là
một món đồ sứ ký kiểu và là đồ ngự dụng bởi con rồng được vẽ với 5 móng, một
dấu hiệu chỉ có trên đồ ngự dụng. Tình trạng chiếc bình này còn rất tốt.
5. Ðầu hồ bằng gỗ ở Ngọc Sơn công chúa từ đường:
Bộ đầu hồ này có từ thời Ðồng Khánh, nay là bảo vật của Ngọc Sơn công
chúa từ đường (ở số 29, Nguyễn Chí Thanh, Huế). Bộ đầu hồ làm bằng gỗ mun,
cao 60,7cm, riêng chiếc bình cao 40,7cm. Hình dáng bộ đầu hồ này tương tự bộ
đầu hồ bằng gỗ đang trưng bày ở Đại Nội Huế. Gia chủ vẫn còn giữ được 7 mũi
tên bằng gỗ, dài khoảng 78 - 80cm. Trong trận lụt năm 1999, mặt chiếc trống bị
thủng, sau đó đã được bịt lại như cũ. Tình trạng bộ đầu hồ này vẫn còn hoàn hảo.
Trò chơi đầu hồ đã thất truyền ở Huế khá lâu. Tuy nhiên, trong các
chương trình Đêm Hoàng Cung do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức
tại Đại Nội Huế trong hai năm 2006 - 2007, trò chơi đầu hồ lại được tái sinh. Trung
tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục chế hai chiếc đầu hồ theo đúng nguyên
mẫu chiếc đầu hồ bằng sứ ký kiểu hiện đang trưng bày tại Đại Nội Huế và tổ chức
tái hiện trò chơi đầu hồ để du khách có dịp thử tài với trò chơi khéo léo và công
phu này.
119
PHỤ LỤC 5a. HAI BỘ XĂM HƯỜNG XƯA
Do sự hấp dẫn và tính tao nhã của trò đổ xăm hường nên người Huế rất
chuộng trò chơi này. Không kể các bộ xăm hường mới làm sau này, nhiều nơi ở
Huế còn lưu giữ được những bộ xăm hường cả trăm năm tuổi. Phụ lục này xin
giới thiệu hai trong số những bộ xăm hường quý hiếm ấy.
1. Bộ xăm hường của vua Tự Đức:
Có lẽ đây là bộ xăm hường xưa và độc đáo nhất còn sót lại ở Huế. Các thẻ
xăm được làm bằng ngà voi, còn chiếc hộp đựng thẻ được làm bằng gỗ mun với
các chi tiết trang trí được khảm bằng xà cừ và ngà voi.
Bộ xăm hường này hiện chỉ còn 56 thẻ (mất 7 thẻ), gồm: 30 thẻ Tú tài
(thiếu 2 thẻ); 12 thẻ Cử nhân (thiếu 4 thẻ); 7 thẻ Tiến sĩ (thiếu 1 thẻ); 4 thẻ Hội
nguyên; 1 thẻ Thám ba; 1 thẻ Bảng nhãn và 1 thẻ Trạng nguyên, trong đó 42 thẻ
còn tốt; 10 thẻ bị mòn vẹt và cong vênh do sử dụng lâu ngày và 4 thẻ bị khuyết
một phần do ngà voi bị mục nát.
Ảnh PL5: Bộ xăm hường bằng ngà của vua Tự Đức
Hình dáng các thẻ đều giống nhau: mỗi thẻ là một phiến ngà dày khoảng
0,15cm đến 0,25cm; phần dưới hình chữ nhật, phần đầu tạo hình bầu rượu 2 eo.
Tuy nhiên, kích thước, văn tự và màu sắc của các văn tự khắc trên mỗi loại thẻ thì
khác nhau:
+ Thẻ Tú tài dài 18,7cm, rộng 1,9cm; mặt trước khắc các chữ: 秀 才
(Tú tài) và 一 注 (nhất chú: 1 điểm); mặt sau khắc các chữ: 一 紅 得 (nhất
hường đắc: có nhất hường thì đoạt thẻ này). Các chữ khắc trên thẻ Tú tài
đều tô màu xanh dương.
120
+ Thẻ Cử nhân dài 19,7cm, rộng 2,2cm; mặt trước khắc các chữ: 舉
人 (Cử nhân) và 二 注 (nhị chú: 2 điểm); mặt sau khắc các chữ:
二 紅 得 (nhị hường đắc: có nhị hường thì đoạt thẻ này). Các chữ khắc trên
thẻ Cử nhân đều tô màu đỏ.
Ảnh PL6a: Chữ Hán khắc trên mặt trước bộ xăm hường của vua Tự Đức
Ảnh PL6b: Chữ Hán khắc trên mặt sau bộ xăm hường của vua Tự Đức
121
+ Thẻ Tiến sĩ dài 21,9cm, rộng 2,5cm; mặt trước khắc các chữ: 進 士
(Tiến sĩ) bằng mực xanh và 四 注 (tứ chú: 4 điểm) bằng mực đỏ; mặt sau
khắc các chữ: 四 序 得 (tứ tự đắc: có tứ tự thì đoạt thẻ này). Chữ 四 và
chữ 得 tô màu đỏ; chữ 序 tô màu xanh.
+ Thẻ Hội nguyên dài 22,2cm, rộng 2,5cm; mặt trước khắc các chữ:
會 元 (Hội nguyên) bằng mực đỏ và 八 注 (bát chú: 8 điểm) bằng mực
xanh; mặt sau khắc các chữ: 三 紅 得 (tam hường đắc: có tam hường thì
đoạt thẻ này) và 四 序 合 巧 得 (tứ tự hợp xảo đắc: có tứ tự cáp thì đoạt
thẻ này). Các chữ 三, 得 và 合, 得 tô màu xanh; các chữ 紅, 四 序 và 巧 tô
màu đỏ.
+ Thẻ Thám ba dài 24cm, rộng 2,8cm; mặt trước khắc các chữ: 探 葩
(Thám ba) và 十 六 注 (thập lục chú: 16 điểm); mặt sau, ở phía trên khắc
các chữ: 上 馬 得 下 馬 得 (thượng mã đắc, hạ mã đắc: có thượng mã
hay hạ mã thì đoạt thẻ này), phía dưới khắc các chữ: 分 雙 得 六 順 得
(phân song đắc, lục thuận đắc: có phân song hay có lục thuận thì đoạt thẻ
này). Các chữ Hán khắc trên cả hai mặt được tô bằng mực xanh và mực đỏ
xen kẻ nhau.
+ Thẻ Bảng nhãn dài 24cm, rộng 2,8cm; mặt trước khắc các chữ: 榜
眼 (Bảng nhãn) và 十 六 注 (thập lục chú: 16 điểm); mặt
sau, ở phía trên khắc các chữ: 上 馬 得 下 馬 得 (thượng mã đắc, hạ mã
đắc: có thượng mã hay hạ mã thì đoạt thẻ này), phía dưới khắc các chữ: 分
雙 得 六 順 得 (phân song đắc, lục thuận đắc: có phân song hay có lục
thuận thì đoạt thẻ này). Các chữ Hán khắc trên cả hai mặt được tô bằng
mựưc xanh và mực đỏ xen kẻ nhau.
+ Thẻ Trạng nguyên dài 26 cm, rộng 3,2 cm; mặt trước khắc các chữ:
狀 元 (Trạng nguyên) bằng mực đỏ và 三 十 二 注 (tam thập nhị
chú: 32 điểm) bằng mực xanh đỏ xen kẻ nhau; mặt sau khắc 26 chữ Hán,
phân làm 2 dòng, mỗi dòng 13 chữ: 四 紅得五 子 一 色 奪 四 紅 合 巧
奪 五 紅 奪三 魁 六 合 奪 盡籌 六 紅 收 全 局 (tứ hường đắc, ngũ tử
nhất sắc đoạt, tứ hường hợp xảo đoạt, ngũ hường đoạt tam khôi, lục hợp
đoạt tận trù, lục hường thu toàn cuộc: có tứ hường, ngũ tử, tứ hường cáp thì
đoạt thẻ này; có ngũ hường thì đoạt tam khôi (gồm cả thẻ này), có lục hợp
đoạt hết thẻ, có lục hường đoạt toàn bộ thẻ và thắng cuộc). Các chữ Hán
khắc trên mặt sau được tô bằng hai màu mực xanh đỏ xen kẻ nhau.
So với những bộ xăm hường khác hiện còn ở Huế, bộ xăm hường ở lăng
Tự Đức có nhiều điểm khác biệt thật độc đáo và thú vị:
+ Thứ nhất, các chữ Hán khắc trên những thẻ xăm, ngoài việc định
danh (Tú tài, Cử nhân, Trạng nguyên...) và định giá (nhất chú, nhị chú, tam
thập nhị chú...), còn cho biết cách thức đoạt từng loại thẻ như: nhất hường
đắc, tứ tự đắc, thượng mã đắc, hạ mã đắc..., đặc biệt, chiếc thẻ Trạng
nguyên đã liệt kê đến 6 trường hợp để đoạt được thẻ này.
122
+ Thứ hai, các chữ Hán khắc trên từng loại thẻ có màu sắc khác
nhau: có thẻ dùng toàn màu xanh như thẻ Tú tài; có thẻ dùng toàn màu đỏ
như thẻ Cử nhân; có thẻ dùng xen kẻ hai màu xanh đỏ nhưng trật tự dùng
màu trên mỗi loại thẻ không giống nhau, ví dụ thẻ Thám ba có chữ đầu tiên
tô màu xanh, nhưng thẻ Bảng nhãn thì chữ đầu tiên tô màu đỏ, trong khi thẻ
Trạng nguyên thì cả hai chữ đều tô màu đỏ.
+ Đặc biệt, thay vì dùng chữ 探 花 (Thám hoa) như những bộ xăm
hường khác, thì bộ xăm hường của vua Tự Đức khắc chữ 探 葩 (Thám
ba). Nguyên nhân việc này là do kỵ húy Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu Hồ Thị
Hoa, vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị và là bà nội của vua Tự Đức,
nên mới đổi 花 thành 葩, trong khi các bộ xăm hường khác, kể cả bộ xăm
hường ở từ đường của công chúa Ngọc Sơn, con vua Đồng Khánh (sẽ đề
cập dưới đây), đều khắc hai chữ 探 花. Điều này cho thấy việc kỵ húy dưới
thời Tự Đức rất nghiêm nhặt và chứng tỏ đây là món xăm hường dành cho
vua và hoàng gia giải trí.
Ngoài ra, chiếc hộp đựng xăm cũng chứa đựng nhiều điều thú vị. Lòng
chiếc hộp chia làm 5 ngăn, để chứa 5 nhóm thẻ khác nhau: Tú tài, Cử nhân, Tiến
sĩ, Hội nguyên và Tam khôi (gồm 3 thẻ: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).
Đặc biệt, trong lòng chiếc hộp lớn còn chứa một chiếc hộc nhỏ, nằm ở bên trái,
sát đáy chiếc hộp. Chiếc hộc này dùng đựng các hột súc sắc, có thể đẩy vào, mở
ra dễ dàng và được bố trí rất kín đáo và hài hòa với hình dáng của chiếc hộp
đựng thẻ xăm.
Có thể nói rằng bộ xăm hường này của là một vương bảo của triều Tự
Đức, một vưu vật còn lưu lại trên đất cố đô.
2. Bộ xăm hường ở Ngọc Sơn công chúa từ đường:
Công chúa Ngọc Sơn là con gái vua Đồng Khánh (1885 - 1889), chồng là
Nguyễn Hữu Tiễn, đại thần của triều Khải Định (1916 -1925). Tại phủ thờ của bà
(hiện ở số 29, đường Nguyễn Chí Thanh, Huế) còn lưu giữ một bộ xăm hường
bằng ngà voi, là di vật của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn để lại. Bộ xăm hường này đã
bị mất 4 thẻ, gia chủ đã cho làm lại 4 thẻ khác bằng xương thú để thay thế cho
những thẻ đã mất.
123
Ảnh PL7: Bộ xăm hường của Ngọc Sơn công chúa từ đường
Những chiếc thẻ giống nhau về hình dáng nhưng khác nhau về kích thước.
Thẻ xăm tạo dáng như chiếc biển hiệu dùng trong đội nghi trượng phò vua, với
phần thân hình bầu dục, hai đầu tạo hình chiếc khánh, tiếp theo là phần cán chuốt
tròn, thon dần về cuối. Tất cả Hán tự trên thẻ đều được khắc chìm và tô màu đỏ.
Cụ thể như sau:
+ Thẻ Tú tài: mặt trước khắc 2 chữ: 秀 才 (Tú tài); mặt sau khắc 2
chữ: 一 分 (nhất phân: 1 phần).
+ Thẻ Cử nhân: mặt trước khắc 2 chữ: 舉 人 (Cử nhân); mặt sau
khắc 2 chữ: 二 分 (nhị phân: 2 phần).
+ Thẻ Tiến sĩ: mặt trước khắc 2 chữ: 進 士 (Tiến sĩ); mặt sau khắc 2
chữ 四 分 (tứ phân: 4 phần).
+ Thẻ Hội nguyên: mặt trước khắc 2 chữ: 會 元 (Hội nguyên); mặt
sau khắc 2 chữ 八 分 (bát phân: 8 phần).
+ Thẻ Thám hoa: mặt trước khắc 2 chữ: 探 花 (Thám hoa); mặt sau
khắc 3 chữ 十 六 分 (thập lục phân: 16 phần).
+ Thẻ Bảng nhãn: mặt trước khắc 2 chữ: 榜 眼 (Bảng nhãn); mặt
sau khắc 3 chữ 十 六 分 (thập lục phân: 16 phần).
+ Thẻ Trạng nguyên: mặt trước khắc 2 chữ: 狀 元 (Trạng nguyên);
mặt sau khắc 4 chữ 三 十 二 分 (tam thập nhị phân: 32 phần).
So với bộ xăm hường của vua Tự Đức, bộ xăm hường này có kích
thước khiêm tốn hơn, chữ Hán khắc trên các chiếc thẻ ít hơn, nghĩa các
chữ Hán thì đơn giản và chỉ tô màu đỏ. Đặc biệt, trong khi giá trị của các thẻ
xăm trong bộ xăm hường ở lăng Tự Đức được tính bằng 注 (chú: nghĩa là
điểm hay tiền), thì giá trị của các thẻ xăm trong bộ xăm hường ở Ngọc Sơn
công chúa từ đường chỉ được tính bằng 分 (phân: nghĩa là phần hay xu).
Phải chăng bộ xăm hường dành cho vua và hoàng gia chơi thì giá trị mỗi
thẻ xăm được định giá cao hơn so với giá trị của các thẻ xăm dành cho các
cuộc chơi của thần dân?
*
* *
Trên đây là hai trong số những bộ xăm hường cổ còn lưu lại trên đất thần
kinh. Đó là những cổ vật của một thời vàng son ở Huế; là những vật chứng sống
động về một trò chơi tao nhã mà người dân xứ cố đô ưa chuộng. Ngày nay, du
khách đến Huế có thể tìm mua các bộ xăm hường trong chợ Đông Ba hay trong
các cửa hàng mỹ nghệ. Thời thế đổi thay, những bộ xăm hường hiện đại thường
được làm bằng xương thú, kích thước, văn tự vẫn như xưa nhưng hình thức trang
trí thì sặc sỡ hơn, màu mè hơn và cái hồn xưa dường như không còn nữa.
124
Trò xưa còn đó, nhưng hồn xưa đã mất. Thế mới thấy càng thêm
trân quý những gì xưa cũ sót lại nơi miền đất Hương Bình, mà hai bộ xăm
hường kia là những minh chứng đầy thú vị.
PHỤ LỤC 5b: BẢNG TÍNH ĐIỂM TRÒ CHƠI XĂM HƯỜNG
Bảng A: BẢNG TÍNH ÐIỂM DỰA TRÊN MẶT TỨ
Tên gọi Mô tả Thẻ đoạt được Ðiểm số
Nhất
hường
Có 1 mặt
tứ
trong 6 mặt
Tú tài 1 điểm
Nhị hường Có 2 mặt
tứ
trong 6 mặt
Cử nhân 2 điểm
Tam
hường
Có 3 mặt
tứ
trong 6 mặt
Hội nguyên
(còn gọi là Hoàng giáp)
8 điểm
Tứ hường Có 4 mặt
tứ
trong 6 mặt
Trạng nguyên
(còn gọi là Trạng anh)
32 điểm(1)
Ngũ hường Có 5 mặt
tứ
trong 6 mặt
Ðoạt Tam khôi, gồm 3
thẻ: Trạng nguyên, Bảng
nhãn, Thám hoa (2 thẻ
Bảng nhãn và Thám hoa
còn gọi là Trạng em)
64 điểm (2)
(32+16+16) = 64
Lục phú
hường
Cả 6 mặt
đều là
mặt tứ
Ðoạt tất cả các thẻ dù các
thẻ này đã có người đoạt
trước rồi nhân gấp đôi
tổng số điểm
384 điểm
[32 + (2x16) +
(4x8) + (8x4) +
(16x2) + (32x1)] x
2 = 384
Bảng B: BẢNG TÍNH ÐIỂM DỰA TRÊN CÁC MẶT NGOÀI MẶT TỨ
Tên gọi Mô tả Thẻ đoạt được Ðiểm số
Tứ tự Có 4 mặt giống nhau
trong 6 mặt
Thẻ Tiến sĩ 4 điểm
Tứ tự
nhất hường
Có 4 mặt giống nhau
và có thêm 1 mặt tứ
Thẻ Tiến sĩ + 1 thẻ
Tú tài
5 điểm
(4+1)
Tứ tự
nhị hường
Có 4 mặt giống nhau
và có thêm 2 mặt tứ
Thẻ Tiến sĩ + 1 thẻ
Cử nhân
(hoặc 2 thẻ Tú tài)
6 điểm
(4+2) hoặc
(4+1+1)
Tứ
tự
hợp
Tứ
tự
cáp
xiên
Có 4 mặt giống nhau;
2 mặt còn lại có tổng
số điểm bằng 1 trong 4
mặt kia(3)
Thẻ Bảng nhãn
hay thẻ Thám hoa
16 điểm
125
xảo
(Tứ
tự
cáp)
Tứ
tự
cáp
chính
Có 4 mặt giống nhau;
2 mặt còn lại giống
nhau và có tổng số
điểm bằng 1 trong 4
mặt kia(4)
Thẻ Bảng nhãn
hay
thẻ Thám hoa
+ 1 thẻ Hội nguyên
24 điểm
Ngũ tử Có 5 mặt giống nhau Thẻ Trạng nguyên 32 điểm(5)
Lục hợp
(Lục phú)
Có 6 mặt giống nhau
Ðoạt toàn bộ
các thẻ
192 điểm
[32 + (2x16) +
(4x8) + (8x4) +
(16x2)
+(32x1)]
Phân song 6 mặt phân đôi, mỗi
bên có 3 mặt như
nhau
Thẻ Bảng nhãn
hoặc thẻ Thám
hoa
16 điểm
Phân song
tam hường
Như phân song,
nhưng 3 mặt còn lại
là 3 mặt tứ
Thẻ Bảng nhãn
hoặc thẻ Thám
hoa,
+ 1 thẻ Hội nguyên
24 điểm
(16 +8)
Thượng
Có 3 cặp:
tứ tứ, ngũ ngũ, lục
lục
Thẻ Bảng nhãn
hoặc thẻ Thám
hoa
16 điểm
Hạ mã Có 3 cặp: nhất nhất,
nhị nhị, tam tam
Thẻ Bảng nhãn
hoặc thẻ Thám
hoa
16 điểm
Lục thuận
(Suốt)
Có cả 6 mặt: nhất,
nhị, tam, tứ, ngũ, lục
Thẻ Bảng nhãn
hoặc thẻ Thám
hoa
16 điểm
Chú thích:
(1) Trường hợp này hơn nhau tùy thuộc 2 mặt còn lại. Nếu cộng 2 mặt còn lại được 4 điểm
gọi là tứ hường hợp xảo (hay tứ hường cáp), do chữ 合 (hợp, còn có âm khác là cáp), là đơn vị đo
trọng lượng, nên trong chữ Nôm, cáp có nghĩa là “vốc, nắm”.
Trong các trường hợp này, xếp hạng cao nhất khi 2 mặt còn lại là 2 mặt nhị, gọi là tứ hường
cáp chính; hạng tiếp theo là trường hợp 2 mặt còn lại gồm 1 mặt tam và 1 mặt nhất, gọi là tứ
hường cáp xiên.
Thứ bậc các hạng còn lại như sau: 4 mặt tứ + 2 mặt lục; 4 mặt tứ + 1 mặt lục + 1 mặt ngũ; 4
mặt tứ + 2 mặt ngũ; 4 mặt tứ + 1 mặt lục + 1 mặt tam; 4 mặt tứ + 1 mặt lục + 1 mặt nhị... (hạ điểm
dần dần). Trừ trường hợp tứ hường hợp xảo là hạng cao nhất, rất khó bị cướp trạng, các trường
hợp tứ hường khác, nếu người đổ được tứ hường sau nhưng có tổng điểm của 2 mặt còn lại lớn
hơn tổng điểm của người đổ được tứ hường trước đó, thì được cướp trạng của người đoạt trước.
Nếu người đổ được tứ hường sau, có tổng điểm 2 mặt còn lại nhỏ hơn tổng điểm của người đổ
được tứ hường trước đó, thì được đoạt các thẻ còn lại giữa cuộc chơi có tổng điểm tương đương
với điểm của thẻ trạng nguyên.
(2) Trường hợp này hơn nhau tùy mặt còn lại. Nếu là mặt nhất, thì gọi là ngũ hường đái ấn
(ngũ hường đội ấn màu đỏ, tức mặt nhất), xếp hạng cao nhất. Thứ bậc các hạng tiếp theo khi mặt
còn lại lần lượt là: lục, ngũ, tam và nhị.
(3) Tứ tự cáp xiên có 3 trường hợp sau: 4 mặt ngũ + 1 mặt tam + 1 mặt nhị (vì tam + nhị =
ngũ); 4 mặt tam + 1 mặt nhị + 1 mặt nhất (vì nhị + nhất = tam); 4 mặt nhất + 1 mặt lục + 1 mặt ngũ
(vì lục + ngũ = thập nhất => nhất).
126
(4) Tứ tự cáp chính có 3 trường hợp sau: 4 mặt lục + 2 mặt tam (vì 2 tam = lục); 4 mặt nhị + 2
mặt nhất (vì 2 nhất = nhị); 4 mặt nhị + 2 mặt lục (vì 2 lục = thập nhị => nhị).
(5) Thứ hạng của các trường hợp ngũ tử lần lượt là: 5 mặt giống nhau + 1 mặt nhất; 5 mặt
giống nhau + 1 mặt tứ; 5 mặt giống nhau + 1 mặt lục; 5 mặt giống nhau + 1 mặt ngũ; 5 mặt giống
nhau + 1 mặt tam và 5 mặt giống nhau + 1 mặt nhị. Trường hợp ngũ tử có 5 mặt giống nhau + 1
mặt nhất được gọi là ngũ tử đái ấn, là hạng cao nhất. Thẻ trạng nguyên đoạt được bởi ngũ tử đái
ấn chỉ bị cướp trạng khi người đổ sau đổ được ngũ hường, lục hợp hay lục phú hường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Văn An, Ô châu cận lục (Bản dịch của Trịnh Khắc Mạnh và Nguyễn Văn
Nguyên), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.
2. Isabelle Lee, “Touhu: Three Millennia of the Chinese Arrow Vase and the
Game of Pitch-Pot”, Transactions of the Oriental Ceramic Society.
Volume 56. 1991-1992. The Oriental Ceramic Society in Association
with Azimuth Editions London, 1993.
3. Lê Nguyễn Lưu, “Nhân tố và đặc điểm của văn hóa Huế”, Huế đẹp Huế thơ,
Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998.
4. Ngô Sĩ Liên, Ðại Việt sử ký toàn thư (Bản dịch của Viện Sử học), Q.7, Tập II,
Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1967.
5. Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản cục.
6. Nguyễn Thành Luông - Nguyễn Thị Thanh Bình, Văn hóa dân gian cổ truyền.
Những phong tục lý thú, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
7. Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh,
1996.
8. Nhiều tác giả, Huế đẹp Huế thơ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998.
9. R. Orband, “Les Ðâu Hô du tombeau de Tu Ðuc”, BAVH, No. 2, 1917.
Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài
Gòn 1960.
10. Thơ văn Lý Trần, Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
11. Trần Quốc Vượng, “Bàn về hệ sinh thái nhân văn của múa rối nước Việt
Nam”, Văn hóa nghệ thuật, Số 2/2001.
 

No comments:

Post a Comment