Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 13 December 2016

BÙI MỸ DƯƠNG =THƠ=HÔ CHÍ MINH =TRIẾT HỌC=

NGUYỄN PHÚ THỨ * CÁCH TÍNH THỜI GIAN

ĐÊM NĂM CANH, NGÀY SÁU KHẮC
NGUYỄN PHÚ THỨ

Tính như thế nào ?

(Trich dẫn từ trang 60 đến trang 70 quyển Tử-vi & Địa-Lý Thực-hành của Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ )

Thuở xa xưa, những bậc tiền nhân thường dùng Thập Nhị Địa Chi tức12 con Giáp để gọi cho Năm, Tháng, Ngày, Giờ. Số 12 con Giáp tức 12 con vật tượng trưng đó được sắp theo thứ tự như sau : Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mão hay Mẹo (Mèo), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Heo).
Ngoài ra, phương cách dùng để tính các tháng theo con Giáp thì : GIÊNG (Dần = Cọp), HAI (Mão hay Mẹo = Mèo, BA (Thìn = Rồng), TƯ (Tỵ = Rắn), NĂM (Ngọ = Ngựa), SÁU (Mùi = Dê), BẢY (Thân = Khỉ), TÁM (Dậu = Gà), CHÍN (Tuất = Chó), Mười ( Hợi = Heo), Mười Một (Tý = Chuột) và Chạp (Sửu =Trâu).

Nhưng tại sao, thời kỳ xa xưa đó lại đặt tháng Giêng là tháng đầu năm mà không gọi là tháng Một?

Theo thiển nghĩ của tôi, bởi vì lúc bấy giờ, dưới thời quân chủ còn Vua Chúa, thường dành con số Một để chỉ nhà Vua, là thiên tử (con trời) để cai trị dân chúng tức nhứt nhân (người đứng đầu, người lớn hơn hết), từ đó trong thiên hạ phải kiêng cử, cho nên mới đặt tháng Giêng?
Ngoài ra, khi sanh con đẻ cái cũng không thể gọi con đầu lòng là con Một mà chỉ gọi là con Trưởng hay con Hai hoẵc con Cả, vì sợ húy kỵ đến nhà vua, bằng chứng ở Việt Nam không có nhà nào gọi con đầu lòng là con Một là thế đó !.

Còn tháng Giêng tại sao là Tháng Dần ?

Căn cứ theo sách xưa, xin trích dẫn như sau :

Nhân sinh ư Dần

(Loại người sanh ra ở hội Dần).

Nhứt niên chi kế tại ư Xuân

(Kế hoạch trong 1 năm phải được sắp đặt ở mùa Xuân)

Nhứt nhựt chi kế tại ư Dần

(Kế hoạch trong 1 ngày phải sắp đặt ở giờ Dần).

Hơn nữa, trong 12 con Giáp, con Cọp là chúa sơn lâm, rất mạnh bạo hơn 11 con Giáp kia, cho nên người xưa chọn tháng Giêng là tháng Dần cho con Cọp cầm tinh là như thế?

Người xưa, tại sao tháng gọi tháng Chạp là tháng cuối năm mà không là tháng Mười Hai như năm Dương Lịch?

Theo thiển nghĩ của tôi, nước chúng ta thời bấy giờ phần đông làm ruộng, cho nên tháng cuối cùng của một năm, ruộng đã làm xong, đã đem lúa vô bồ, vì thế phần đông dành thời gian này lo các lễ cúng, tiệc tùng để tạ ơn Thần Nông hoặc cúng Đình Thần sau khi vụ mùa đã hoàn tất, hết nhà này đến nhà khác, có khi kéo dài cho đến Tết Nguyên Đán.
Hơn nữa, chữ Chạp là lễ cúng. Vì thế, nó còn có các tên lễ cúng khác như : Giỗ Chạp, Chạp Miếu, Chạp Mả...

Do vậy, thay vì gọi tháng Mười Hai là tháng Chạp là thế đó !.
<>Trung Trực (Rạch Giá) là người có công trạng chống Pháp, nên sau khi Cụ bị quân Pháp chặt đầu, Cụ được vua ban Sắc Chỉ Thần và được thờ tại Đình Thần Nguyễn Trung Trực Rạch Giá ngày nay, nếu cần xin xem quyển Danh Nhân Việt Nam hậu bán thế kỷ 19 cùng tác giả Nguyễn Phú Thứ từ trang 161 đến trang 195) trong các ngày Lễ Cúng Đình Thần, các vị bô lão cùng Ban Hội Tề mặc áo dài khăn đóng để đi rước sắc thần, (nếu làng xã đó chưa hoàn thành Đình Thần, để an vị nơi làm lễ cúng Thần), đặc biệt phải có các học trò lễ đứng hai hàng để : dâng hương, dâng trà, dâng rượu...và lễ bái (lạy) >.

Ngoài ra, phải nói đến Hát Bộ (có người gọi Hát Bội) để cúng Thần, thông thường
Ông Hương Cả trong làng là người đứng đầu chủ xướng lễ cúng Đình và là người có thực quyền hơn hết, cho nên mỗi lần có gánh hát về hát cúng Đình, Ông Hương Cả chính là người Cầm Chầu để đánh những hồi trống chầu thưởng phạt cho nghệ sĩ, bởi vì Ông Hương Cả là bực thâm nho lại rất rành tuồng tích, kể cả cách dặm mặt và các câu hát tuồng tích của các nghệ sĩ, cho nên Ông Hương Cả cầm chầu để khen thưởng hoặc bắt lỗi các đào kép trong lúc trình diễn, vì các nghệ sĩ không thuộc tuồng hát cương, cho nên không thể bắt một người nào đó đến cầm chầu mà không rành tuồng tích.

Thời xưa, các nghệ sĩ nào được
Ông Hương Cả đánh nhiều hồi trống chầu, thì sau khi hát xong, sẽ được Ban Hội Tề (*) thưởng phẩm vật tặng riêng cho cá nhân nghệ sĩ đó.

Còn trái lại, các nghệ sĩ nào bị
Ông Hương Cả đánh Khắc là gõ bên vành trống kêu cắc cắc thì các nghệ sĩ đó bị Ông Hương Cả phạt vì hát sai, hát cương, để nghệ sĩ biết thân mà hát lại cho đúng và nghệ sĩ nào bị đánh khắc nhiều lần, sau khi hát xong sẽ bị Ban Hội Tề cùng Ông Bầu đoàn hát quở phạt. Đó là, luật lệ thưởng phạt công minh của người Cầm Chầu đối với nghệ sĩ.

Mặc dù,
Ông Hương Cả là người có thực quyền ở trong làng, nhưng những hồi trống chầu đôi khi cũng không hài lòng hết mọi người, cho nên cũng bị chê trách như thường.

Vì thế, trong dân gian mới có câu :

Ở đời có bốn cái ngu,

Làm mai, lãnh nợ gác cu, cầm chầu.

(*) Được biết, thời xưa Ban Hội Tề trong làng có 12 vị Hương Chức như sau : Hương Cả, Hương Chủ, Hương Sư, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Giáo, Hương Bộ, Hương Quản, Hương Thân, Hương Hào, Xã Trưởng là người có bổn phận giữ con dấu để thâu thuế Điền, thuế Thân trong làng và Chánh Lục Bộ là người có bổn phận giữ Sổ Bộ Đời như : Khai Sanh, Khai Tử, Hôn Thú ...)

Đêm Năm Canh, Ngày Sáu Khắc

Được biết, niên lịch cổ truyền Á Đông đã xuất hiện từ đời Hoàng Đế bên Tàu, 2637 trước Thiên Chúa năm 61.

Còn đối với : Đêm Nam Canh, Ngày Sáu Khắc như thế nào ?.

Chúng ta để ý sẽ thấy : Ngày tính Khắc, Đêm tính Canh, cho nên chúng ta đã từng nghe thấy như sau :

Canh Một dọn cửa, dọn nhà

Canh Hai dệt cửi, canh Ba Đi nằm...

Hoặc là : Nửa đêm giờ Tý canh Ba

Theo thiển nghĩ, chúng ta thấy câu :

Nửa đêm giờ Tý canh Ba

thì chúng ta có thể đoán được chữ nửa đêm (tức khoảng 12 giờ đêm hoặc 0 giờ), còn giờ Tý canh Ba (tức khoảng 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng). Bởi vì, các bậc tiền nhân dùng 12 con vật cầm tinh tuợng trưng tức12 con Giáp, để phân chia bảng Giờ trong một ngày có 24 giờ như sau :
Bảng giờ trong 1 ngày cûa 12 con giáp
Gi
Thi Gian
Gi
Thi Gian
Từ 23 giờ đến 1 giờ sáng
Ngọ
Từ 11 giờ đến 13 giờ trưa
Sửu
Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng
Mùi
Từ 13 giờ đến15 giờ xế trưa
Dần
Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng
Thân
Từ 15 giờ đến 17 giờ chiều
Mão
Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng
Dậu
Từ 17 giờ đến 19 giờ tối
Thìn
Từ 7 giờ đến 9 giờ sáng
Tuất
Từ 19 giờ đến 21 giờ tối
Tỵ
Từ 9 giờ đến 11 giờ sáng
Hợi
Từ 21 giờ đến 23 giờ khuya

Căn cứ sự phân chia giờ ở trên, chúng ta thấy :

a)- Ban ngày dài được 14 giờ, còn ban đêm dài được 10 giờ và thấy được giờ Tý canh Ba, từ đó chúng ta tính được bảng 5 Canh như sau :
Tên Canh
Thi Gian
Canh 1
Từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ Tuất
Canh 2
Từ 21 giờ đến 23 giờ khuya tức giờ Hợi
Canh 3
Từ 23 giờ đến 1 giờ sáng tức giờ Tý
Canh 4
Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng tức giờ Sửu
Canh 5
Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng tức giờ Dần

Do vậy, nếu chúng ta đem so sánh Canh với giờ, thì có hai giờ bằng một Canh và nếu đem so sánh bảng Giờ trong một ngày của 12 con Giáp ở trước sẽ thấy đúng.

b)- Mỗi ban ngày dài 14 giờ, đươc chia cho 6 khắc như bảng sau đây :
Tên Khắc
Thời Gian
Tên Khắc
Thời Gian
Khắc 1
Từ 5 giờ đến 7 giờ 20 sáng
Khắc 4
Từ 12 giờ đến 14 giờ 20 xế trưa
Khắc 2
Từ 7 giờ 20 đến 9 giờ 40 sáng
Khắc 5
Từ 14 giờ 20 đến16 giờ 40 chiều
Khắc 3
Từ 9 giờ 40 đến12 giờ trưa
Khắc 6
Từ 16 giờ 40 đến 19 giờ tối
Như vậy, nếu chúng ta đem so sánh Khắc với Giờ, thì có 2 giờ 20 phút bằng 1 Khắc. Bởi vì, ban ngày dài 14 giờ, đem chia đều cho 6 Khắc, thì đuợc 140 phút, tức là 2 giờ 20 phút.

Thế nên, chúng ta thường thấy câu : Đêm Năm Canh, Ngày Sáu Khắc là quả đúng vậy.


BÙI MỸ DƯƠNG * TÔI NHÌN TÔI


TÔI NHÌN TÔI
Bùi Mỹ Dương



Tôi là con gái lớn của một gia-đình trung-lưu. Người ta thường gọi những bản nhạc hay những bài thơ dễ thương làm vào những niên-đại đó là: thời “Tiền-chiến”, nghĩa là trước Thế-chiến Thứ Hai. Cụ Bùi-Viện làm quan dưới triều vua Tự-Đức là anh ruột cụ nội tôi. Cụ là một nhà văn-học tiên-tiến; ngoài ra cụ còn lập đội hải-quân tuần-duyên giữ an-ninh cho miền biển. Các cụ em nếu không đỗ làm quan thì cũng là những người gương mẫu trong việc giáo-dục dân làng. Cụ nội và ông nội tôi cũng theo con đường vạch sẵn vì thế gia-đình thanh-bạch.

Bố tôi là lớp người trẻ học chữ Nho (Hán) sau học chữ Quốc-ngữ như nhà thơ sông Vị đã than: “Nào có ra gì cái chữ Nho, Ông Nghè, ông cống cũng nằm co” Nhà nghèo việc theo Tân-học rất khó-khăn vì phải lên tỉnh lớn mới có trường, bố tôi cũng chịu bao cay đắng nhưng với sự cố-gắng, ông là người đầu tiên có bằng trung-học Pháp (Dipplome) trong làng. Ông nội mất sớm, bố tôi phải vào trường nghề: trường Sư-phạm, sau là trường Bưởi, tiền-thân của trường Chu-văn-An. Mẹ tôi, con gái một; ông ngoại là họa-sĩ truyền-thần.

Cụ thức-thời nên mẹ được đi học, bà nói, viết thông-thạo Pháp-ngữ, ăn mặc theo thời-trang bấy giờ như những cô gái tả trong tiểu-thuyết của “Tự-lực văn-đoàn”: áo dài Lemur của họa-sĩ Cát-Tường, đầu vấn tóc trần, lông mày kẻ cong. Sống ở tỉnh nên bà giỏi nữ-công gia-chính: đan, thêu, cỗ bàn. Bố tôi có tài làm thơ, viết văn. Khi còn là học-sinh ông đã có bài đăng trong báo Loa, Ngày Nay, và sau này như Tự-Do, Chính-Luận v.v. cùng những thơ, kịch cho Đài Phát-thanh Sài-Gòn. Bà nội tôi kể khi có mang con, bà đã được “giáo thai”vì cụ nội tôi đọc và giảng-giải thơ văn cho nghe với hy-vọng bố tôi thích văn thơ. Theo học về ngành giáo-dục ông đã dành cả đời cho công-cuộc viết sách giáo-khoa rồi lại chủ-trương nhà xuất-bản Nhật-Tảo với mục-tiêu là giáo-dục giới trẻ: trồng người. Ông là tác-giả của trên 200 bộ sách được Bộ Giáo-dục VNCH dùng làm sách giáo-khoa trong các trường học tại Việt-Nam. Với hoài-bão thương yêu tuổi trẻ ông chủ-trương tờ báo Tuổi-xanh. Ra hải-ngoại, sợ nếu không được chăm sóc thì thế-hệ tương-lai sẽ là một lũ lai căng mất gốc vì thế những cuốn sách học chữ Việt và bộ Việt-sử Bằng Tranh lại ra đời. Chúng tôi gồm 6 chị em: 2 gái, 4 trai. Tôi là chị cả và cô em gái áp út. Như đã nói bố tôi là nhà giáo, viết rất nhiều sách giáo-khoa nên chị em chúng tôi cũng được chăm sóc rất cẩn-thận. Thời-kỳ Kháng-chiến, trường-sở bị phá-hủy, việc học của tôi luôn bị gián-đoạn. Khi lên Hà-nội, còn đang học Lớp Nhì, vì loạn-lạc chạy giặc nên chữ nghĩa chẳng là bao. Tôi học lại lớp mà cũng không theo kịp.

Tính nhân hay chia hai con cũng làm không thông, rồi bài do cô giáo đọc tại lớp, ghi cũng không kịp. Bố tôi hiểu và kiên-nhẫn dìu-dắt bằng cách là vẫn cho theo học tại trường nhưng về nhà dạy thêm. Ngày nào cũng hai bài toán và một bài luận-văn. Nhờ thế Lớp Nhất (Lớp Năm) tôi theo kịp các bạn dễ-dàng và vượt qua cửa ải với cái “Bằng Tiểu-học”. Những bạn tại trường Sinh-Từ khi học Lớp Nhì với cô Liên-Dung, Lớp Nhất với bà Nguyễn-thị-Thơm tôi còn nhớ vài người bạn như: Hưng, Ngà, Oanh, Học, Hòa, Bích-Ngọc, Liên, Lan và nay tình-cờ một cô bạn ưu-ái tìm tới: Nguyễn-thị-Thủy mà chính kẻ này không nhớ! Có thể bạn tôi hiền-lành nhút-nhát nên không có ấn-tượng nào trong đầu cô bé mới chớm tuổi “teen”. Ở ngoài Bắc trường trung-học công-lập chỉ có: Chu-văn-An, Nguyễn-Trãi cho nam-sinh và duy nhất một trường cho nữ-sinh là trường Trưng-Vương. Thật khó-khăn vì học-sinh đông mà sĩ-số nhận rất ít nên ước-vọng hầu như viển-vông và không-tưởng cho con bé nhà quê như tôi. Để giúp, bố tôi cố gắng nhồi và tôi cố nuốt bằng những bài toán, nào là xe chạy ngược chiều, xuôi chiều bao giờ gặp nhau? Bao lâu đi hết quãng đường? Cái vòi chảy ra, cái vòi chảy vào, tỷ-trọng, người buôn trâu bò, gà vịt, tính cho ra số chân của chúng? rồi bán cam, quít với phân-số-thức thật là rắc-rối nhức óc. Những bài luận-văn nào tả cảnh, tả tình, bình-luận ca-dao, châm-ngôn v.v. bài học sử, địa, vệ-sinh, khoa-học thường-thức, văn ôn võ luyện mờ người.


Ông Trời thấu lẽ nên đã cho “ngáp phải ruồi” và con bé được nhận vào trường nữ- trung-học Trưng-Vương. Bố mẹ hài lòng vì bõ công dạy-dỗ, còn tôi thì vui và hãnh-diện và từ nay nếp sống có phần thay đổi. Lên trung-học tôi không phải cuốc bộ mà thay bằng chiếc xe đạp mới láng-cóong, áo cộc thay bằng áo dài tha-thướt đẹp ơi là đẹp. Sách vở nhiều nên được mua cặp da. Oai quá phải không các bạn? Chương-trình học thêm nhiều môn nào là toán gồm Hình-học, Đại-số. Khoa-học có Vật-lý, Hóa-học, Vạn-vật. Sử có sử Việt-Nam, sử Thế-giới, Việt văn, sinh-ngữ Anh-văn hay Pháp-văn. Mỗi môn học là cô hay thầy riêng nên vui vì có sự thay đổi trong từng giờ học. Một số bạn tại trường Trưng-Vương đã cùng vào miền Nam nên đã là những người bạn thân tới khi ra trường như Diệu-Vinh, Uẩn-Ngọc, Giáng-Tuyết, Nguyễn-thị-Tâm. Đất nước chiến-tranh, trẻ con phần lớn thất-học vì loạn-lạc. Lũ chúng tôi bắt đầu vào trung-học hơn hoặc kém cũng chỉ khoảng 11, 12, 13 tuổi là cùng. Vừa rời khỏi tiểu-học nên cách chơi, cách sống vẫn còn vương-vấn những trò chơi trẻ con. Năm Đệ-thất lũ mán mường ngây-ngô đã quen với bè-bạn và khung trời mới nhưng rồi biến-cố lớn xẩy đến: đất nước bị chia cắt, miền bắc vĩ-tuyến 17 thuộc vào tay Cộng-sản, và miền nam vĩ-tuyến thuộc chính thể Quốc-gia.


Đã có kinh nghiệm với Cộng-sản nên trên một triệu người đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn di-cư vào Miền Nam nắng ấm để hưởng không-khí tự-do. Gia-đình tôi là một phần-tử trong đám người đó, ra đi với niềm luyến-tiếc khôn nguôi về nơi chốn đã bao đời sinh sống. Theo gia-đình vào Miền Nam, cùng trong một nước khoảng cách chỉ chừng trên 1000 cây-số nhưng vì loạn-lạc, phương-tiện giao-thông lại khó-khăn nên hai miền cách-biệt làm cho người đi có cảm-nghĩ bất-ổn như vào nơi nguy-hiểm đầy sương-lam, chướng-khí Sài-gòn thủ-đô của Miền Nam tự-do nơi gia-đình tôi chọn làm đất dung thân: Sài-gòn rộng lớn, xa-hoa, phồn-thịnh. Mới di-cư nên chúng tôi phải học nhờ trường nữ-trung-học Gia-Long một ngôi trường đồ-sộ và đẹp.Vì kẻ đi người ở, để đủ sĩ-số trường tuyển lựa thêm. Chúng tôi quen thêm bạn mới, mỗi lớp chừng 50 học-sinh. Lũ bạn cũ cũng bị phân-tán ra nhiều lớp khác nhau nên thương thương nhớ nhớ chúng tôi tìm nhau và quen thêm được các bạn đồng-niên-khóa. Khóa học chúng tôi có 5 lớp nhưng sau năm Đệ-ngũ ban giám-đốc trường muốn sự học đồng-đều giữa các học-sinh nên đã xếp lại. Vì thế một cuộc chia lìa nữa. Những bạn của lớp Đệ-tứ B2 cùng bàn gồm Lệ-Giên, Tân-Nguyên, Kim-Hân, Thúy-Nga. Chúng tôi còn giữ liên-lạc tới bây giờ. Kỳ thi trung-học Đệ-nhất-cấp cũng làm rơi rụng ít nhiều. Năm Đệ-tam chia theo ban: người theo toán-học, người theo ban khoa-học thực nghiệm, những ai có tâm hồn thi-sĩ thì theo ban văn-chương.

Chúng tôi gồm “Tứ-quái” Cương, Dung, Dương, Giang văn dốt vũ dát đành lấy công làm lãi, nghĩa là chọn ban Khoa-học Thực-nghiệm, học bài mệt nghỉ. Hăng say và ganh đua chúng tôi phải dùng tới Miss Coffee thức vì thế dung-nhan tàn-tạ, mặt mũi đầy mụn, vóc hạc xương mai, chả bù với bây giờ đều có họ với bà Phán Cảnh! Năm năm tiểu-học còn quá nhỏ song bẩy năm trung-học, vào tuổi mà cơ-thể lẫn tâm-hồn đều thay đổi, tuổi Teen hay tuổi dậy-thì, tuổi mới lớn. mới mở mắt nhìn đời, biết yểu điệu làm duyên làm dáng, biết yêu vụng nhớ thầm. Tóm lại đó là cái tuổi dễ thương và dễ yêu nhất. Ở tuổi này tâm-hồn ngây-thơ hồn-nhiên, tuổi trăng tròn mười sáu với bao mộng mơ. Có thể ở tuổi này bộc-lộ con người thật cái “tính bản-thiện”. Ngày nay trải qua bao năm tháng ở trường đời nghĩ lại thấy thời kỳ trung-học thật là đẹp, đẹp nhất của cuộc đời. Thầy cô là mẫu-mực là ước mơ nên sau này tôi đã chọn nghề “gõ đầu trẻ”. Qua ba năm tại trường Đại-học sư-phạm Sài-gòn và hành-nghề cho tới khi mất nước.

Thích thơ văn, thèm xem tiểu thuyết, mặc dầu tốt-nghiệp trung-học ban khoa-học-thực-nghiệm nhưng tôi đã theo môn văn-chương của trường Đại-học Sư-phạm Sài-Gòn. Ban Việt-Hán chúng tôi gồm 33 sinh viên, 6 nữ và 27 nam, số bạn gái này có 3 chị sinh trưởng ở miền Nam là Phương-Chi, Cẩm-Nhung, và Tuyết-Mai còn Vũ thị Uyên, Quỳng-Giao và tôi là dân Bắc-kỳ , chúng tôi còn là bạn cùng trường Trưng-Vương nữa. Với nam sinh viên đông gấp năm nên phái nữ được cưng chiều hơn vì đã làm cho lớp có thêm sinh khí vui tươi hơn. Văn chương Việt-Nam chịu ảnh hưởng của Trung-hoa nên phải học và tìm hiểu về chữ Hán cũng như chữ Latin trong văn chương Anh Mỹ. Lớp học chuyên về văn nhưng có hơn 2/3 sinh viên tốt nghiệp trung-học ban khoa-học, có thể với tinh thần khoa-học sẽ khám phá được cái hay cái đẹp trong văn chương một cách chính xác chăng?

Chúng tôi hãnh-diện được thụ giáo cụ nghè cuối cùng của triều Nguyễn : cụ nghè Nguyễn sĩ-Giác, các cụ Tú của thời cổ học xa xưa: cụ Trần văn Thược, cụ Vũ Huy-Chiểu, cụ Thẩm-Quỳnh, cụ Phan thê-Roanh có thêm chút Tây học trong Hán văn. Cụ Nguyễn khắc Kham dạy Quan-thoại, thầy Trần trọng-San dạy thơ Đường, thầy Nguyễn sĩ-Tế dạy văn chương Việt-Nam, thầy Nguyễn khắc-Hoạch dạy những tác phẩm văn chương chữ Nôm, thầy Nguyễn huy-Bảo dạy phần sư-phạm, thầy Nghiêm-Toản dạy cách soạn bài và giảng một bài văn bậc trung-học. Công ơn các thầy đã giúp tôi giảng dạy lũ hậu bối và hành nghề cho tới ngày rời quê-hương. Nhớ khi sắp mãn-khóa cả lũ lo sợ ngày tốt nghiệp thứ nhất là phải chia tay, phải vào đời với cuộc sống thực tế không còn hưởng thời gian thơ mộng, tươi đẹp của những ngày còn là sinh-viên.

Nhưng rồi mọi việc cứ tiến theo vòng quay của vũ-trụ, chúng tôi được phân phối theo nhu cầu của các trường sở tứ tán khắp nơi, sau này may mắn là gặp nhau ở những hội đồng chấm thi mà thôi. Tôi lập gia-đình vào năm cuối cùng của đại-học , chồng tôi là quân-y-sĩ nên phải ra chiến trường chu toàn bổn phận người trai thời chiến. Nhiệm sở đầu tiên là tỉnh Pleiku nơi địa đầu giới tuyến. Giáo sư Nghiêm-Toản giảng tác phẩm “ Chinh phụ ngâm” thường mang tôi ra hỏi về nỗi khắc-khoải lo âu của người chinh-phụ khi có chồng đi chiến đấu miền xa. So sánh giữa tâm trạng của chinh phụ ngày xưa và tâm trạng của tôi ngày nay? Hoàn cảnh chiến tranh các thanh niên lo bảo vệ non sông vì người xưa đã xác quyết nhiệm vụ: “Quốc-gia hưng-vong thất phu hữu trách”, quốc biến gia vong nên các thanh niên thời đó đều là quân nhân. Đó là con đường học vấn của tôi, cũng như mọi người tôi có người yêu và đi tới hôn nhân. Tôi còn nhớ mấy câu thơ chúc mừng của thầy tôi cụ Tú Trần văn Thược tặng nhân ngày lễ vu qui. “Nguyễn Bùi hai họ kết tình thân, Nghĩa thắm nay hơn cả Tấn-Tần ……. Duyên lành tài-tử sánh giai nhân “ Dạy trẻ cứu người cùng nỗ-lực, Vợ chồng vui sống một đời xuân.” Đời quân ngũ nay đây mai đó khi lên núi “Pleiku” lúc xuống biển “Gò công”, phận gái theo chồng vì thế nơi sinh của các con mang nhiều địa danh của đất nước thân yêu: Sàigòn, Pleiku, Chợ Lớn.

Tưởng cuộc đời như vậy cũng tạm ổn đối với phận nhi-nữ thường tình nhưng năm 1975 cơn hồng-thủy ập xuống khiến cả nước đau thương, người dân liều mạng đi tìm lẽ sống. Gia-đình tôi cũng trôi nổi theo vận nước, bao công lao gây dựng nay tan theo mây khói, với hai bàn tay trắng và bốn con thơ lạc loài nơi xứ lạ. Chúng tôi phải gây dựng từ đầu với bao trở ngại bủa vây nào tuổi đời chồng chất, ngôn ngữ mới, sống giữa môi trường lạ , phong tục tập quán khác hẳn. Bao năm mài đũng quần ở trường để có một nghề, bỏ nước ra đi là mất tất cả , học nói, học viết, học nghề mà chỉ trong một thời gian ngắn để tự kiếm sống nuôi gia-đình. Rút ngắn thời gian tôi phải gánh trách nhiệm lo kinh-tế cho chồng yên tâm học lấy lại bằng hành nghề, hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn.

Với đàn con chúng tôi đặt trọng tâm vào việc xây dựng tương lai cho chúng, mặt khác giúp các con giữ được tinh thần, ngôn-ngữ, lối sống Việt-Nam. Lưu lạc trên quê hương thứ hai gần 30 năm, con cái trưởng thành có nghề nghiệp tốt và may mắn hơn nữa là chúng giữ được bản sắc dân-tộc. Mừng vì không mang mặc cảm với gia-đình, Tổ-quốc, dân-tộc là các con vẫn còn là người Việt: nói tiếng Việt, viết chữ Việt, lối sống vẫn theo phong-tục tập-quán nề nếp của người Việt-Nam, nhất là có tinh thần quốc-gia vững mạnh. Các cháu lớn viết và nói tiếng Việt thông thạo vì khi sang Mỹ chúng đã 10,8,6 tuổi chỉ có cháu út mới 11 tháng, tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó thì qúa thiệt thòi. Với chiều dài lịch-sử hơn 4000 năm, một nền văn chương phong-phú chữ Hán, Nôm, và chữ Quốc-ngữ nên chúng tôi hướng dẫn và đào xâu hơn bằng mọi phương tiện. Nơi đây không có trường nên sách vở là ông thày đắc lực nhất cho việc trau-dồi kiến thức. Làm các cháu hãnh diện là người Việt-Nam qua những trang chiến sử oai-hùng lập quốc và giữ nước bằng cuốn Việt-Nam sử-lược của cụ Trần trọng-Kim. Những áng văn chương chữ Hán và chữ nôm của các thi hào Nguyễn Du, Đoàn thị-Điểm, Nguyễn gia-Thiều, Nguyễn đình-Chiểu, Lê thánh-Tôn, Nguyễn bỉnh-Khiêm, Nguyễn công-Trứ, Cao bá-Quát, Trần tế-Xương, Nguyễn-Khuyến, Tản-Đà v…v… Qua thời đại chữ quốc-ngữ với bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, kể tượng trưng như nhóm Tự-Lực-Văn-Đoàn, các thi sĩ thời tiền chiến v..v… Lối dậy là làm sao cho chúng thích thú rồi sau đó chúng tự tìm tòi và học hỏi thêm, bằng chứng là các cháu ham đọc và mua rất nhiều sách viết về quê-hương Việt Nam, văn chương cũng như lịch-sử. Cháu thứ ba còn học thêm chữ Nôm và đã được nhà khảo cứu chữ Nôm Nguyễn bá-Triệu cho cùng hợp soạn và hiệu đính lại những tác phẩm cổ như: Phan-Trần, Chinh phụ ngâm, Bần nữ thán, truyện Kiều v..v..Ngoài ra cháu cũng làm được thơ Lục bát, song thất lục bát, thơ Đường, và hát nói, câu đối. Cháu Út sang đây còn rất nhỏ cũng đọc thông viết thạo, phát âm tiếng Việt rất chuẩn . Năm 1975 những người Việt di cư đã bỏ phiếu bằng chân là chối bỏ chủ nghĩa Cộng-sản, các cháu cũng được dạy và cho biết lý-do của cuộc di cư để sau này chúng có một lập trường Quốc-gia vững chắc không mắc mưu tuyên truyền của Cộng-sản. Xa đất nước hơn nửa thế-kỷ giờ đây tuổi hạc đã cao, đã là những lão ông, lão bà, câu “sinh hữu hạn, tử vô kỳ” có nghĩa là ngày sinh ra đời định trước được còn ngày về quê về núi thì không ai biết? Giờ đây cũng tạm yên tâm vì các con đã khôn lớn đủ trí khôn tìm về nguồn, hãnh-diện về lịch-sử và văn-hóa Việt-Nam. Cám ơn Cuộc đời, Tổ-Tiên, Ông bà, Bố Mẹ, trường-sở, thầy cô-giáo, chồng con , các em, họ-hàng, bạn hữu đã cho, đã làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa và gía-trị. Đây là tâm sự của một người đã sống gần hết cuộc đời với bao vinh nhục vui buồn nhưng vẫn biết ơn và yêu đời vì nghĩ mình vẫn được ưu đãi, thương yêu. Nam California 11/04. Bùi Mỹ Dương


PHIM VIỆT NAM * SỰ THẬT VỀ HÔ CHÍ MINH

XIN MỜI XEM PHIM
SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH
Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã cho phép đưa Phim Sự Thật Về Hồ Chí Minh lên Internet.
http://blip.tv/file/2363823?file_type=flv



THƠ NGHIÊU MINH


Về Một Quê Hương Đau Khổ
Quê hương tôi chằng chịt đau thương
Như những đường dây chạy bên đường
Dân tộc tôi cuộn trào nước mắt
Như thành phố mênh mông đại dương!
Quê hương vô số Lê Chiêu Thống
Mà mỗi người hùng cứ một phương
Dân tộc tôi khổ nghèo nặng nhọc
Như những xe ì ạch trên đường!
Quê hương tôi triền miên uất hận
Như thành phố "ùn tắc" hàng giờ
Dân tộc tôi còng tay khóa họng
Như vừa đòi nhân quyền tự do!
Nghiêu Minh

Sunday, July 5, 2009


ĐÀI Á CHÂU TỰ DO * ÔNG NGUYỄN HỘ QUA ĐỜI

Ông Nguyễn Hộ và nỗi đau cuối đời

Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-07-04
Theo tin từ Việt Nam, ông Nguyễn Hộ, sinh năm 1916, đã qua đời hôm 2 tháng 7, thọ 93 tuổi.

Photo courtesy of thtndc
Từ trái qua – ông Trần Khuê, ông Nguyễn Hộ, và Nguyễn Tiến Trung.

Ông Nguyễn Hộ từng là một đảng viên cộng sản kỳ cựu. Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1934, từng bị giam chung phòng với ông Lê Duẩn tại Côn Đảo.
Ông từng là Ủy viên Thường trực của Ban Thường vụ Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn từ 1950 - 1952.
Sau khi tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông làm Phó Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, Thư ký Liên hiệp Công đoàn TP.HCM, rồi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở TP.HCM...
Tuy nhiên, cuộc đời ông Nguyễn Hộ không suông sẻ như nhiều cán bộ cách mạng lão thành khác. Ông đã hai lần bị chính quyền Việt nam bắt, bị quản thúc tại gia. Vì sao?

Bị bắt lần thứ nhất

Năm 1987, sau khi về hưu, ông Nguyễn Hộ cùng các ông Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Đỗ Trung Hiếu và Lê Đình Mạnh đứng ra thành lập Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ ở TP.HCM.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức này đã thu hút rất đông cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng trên toàn quốc tham gia và trở thành nơi để các thành viên lên tiếng chỉ trích đường lối, chính sách, lối đối xử tàn tệ đối với trí thức, cựu chiến binh, đòi cải tổ thể chế, đòi bầu cử tự do...
nhưng phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, …
Ông Nguyễn Hộ
Năm 1989, Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ xuất bản một tờ báo mang tên Truyền thống Kháng chiến nhưng tờ báo này chỉ xuất bản được hai số thì có lệnh đình bản. Tuy nhiên họ vẫn thực hiện và phát hành số thứ ba nên chính quyền tổ chức tịch thu, đồng thời đóng cửa Câu lạc bộ.
Đầu năm 1990, nhiều thành viên của Câu lạc bộ bị bắt. Số người bị bắt được ước lượng lên tới hàng ngàn, trong đó có cả các nhân vật chủ chốt như: Tạ Bá Tòng, Hồ Văn Hiếu, Ðỗ Trung Hiếu, Lê Ðình Mạnh…
Riêng ông Nguyễn Hộ thì bỏ Sài Gòn về sống tại Củ Chi. Vào tháng 8 năm 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm ông Nguyễn Hộ và cố gắng thuyết phục ông từ bỏ con đường đối lập nhưng ông Kiệt không thành công. Đầu tháng 9 năm 1990, ông Nguyễn Hộ bị bắt giam rồi được thả và bị quản thúc tại gia. Năm 1991, ông Nguyễn Hộ tuyên bố rời bỏ Đảng CSVN.
Từ đó, ông Nguyễn Hộ bắt đầu viết nhiều bài, tác phẩm bày tỏ quan niệm của ông về chế độ và chính quyền cộng sản tại Việt Nam. Nổi tiếng nhất là bài Giải pháp Hòa hợp Hòa giải”, cuốn sách “Quan điểm và cuộc sống”.

Bị bắt lần thứ hai

Năm 1994, ông Nguyễn Hộ, bị bắt lần thứ hai vì cuốn Quan Điểm và Cuộc Sống“, kêu gọi Đảng CSVN từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê Nin và chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa, bởi theo ông, Đảng này đã đi theo con đường đó và chủ nghĩa tư bản đang được áp dụng ở Việt Nam rồi.
Khác với nhiều nhân vật thuộc loại “lão thành cách mạng” từng lên tiếng chỉ trích chế độ, chỉ trích chính quyền vào lúc cuối đời, những ý kiến của ông Nguyễn Hộ về chế độ, về chính quyền rất thẳng thắn và hoàn toàn không “rào trước, đón sau”. Trong lời mở đầu cuốn “Quan điểm và cuộc sống”, Nguyễn Hộ viết: “Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ: Nguyễn Văn Ðảo (anh ruột) - Ðại tá quân đội nhân dân Việt Nam - hy sinh ngày 09/01/66 trong trận ném bom tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam. Trần Thị Thiệt (vợ tôi) - cán bộ phụ nữ Sài Gòn - bị bắt và bị đánh chết tại Tổng Nha Cảnh Sát hồi tết Mậu Thân (1968), nhưng phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no và hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Ðó là điều sỉ nhục.”

Không có tự do là nhục

Cho đến cuối đời, ông Nguyễn Hộ vẫn khẳng định, Việt Nam chỉ mới có độc lập, chứ chưa có tự do, dân chủ. Đầu năm 2008, ông đã dành cho anh Nguyễn Tiến Trung – Tập hợp Thanh niên dân chủ một cuộc phỏng vấn. Ông nói: “Không dân chủ là phản bội! Trời đất ơi! Không dân chủ là phản bội!”.
Trong cuộc phỏng vấn đã kể, ông Nguyễn Hộ cho rằng, không thể chấp nhận chỉ đổi mới kinh tế mà vẫn giữ nguyên thể chế chính trị: “Nếu muốn nói cải cách cho đúng nghĩa của nó thì phải toàn diện. Hiện nay chủ yếu là tập trung giải quyết kinh tế thôi, còn chính trị có Đảng, có Nhà nước lãnh đạo. Chưa chắc đúng! Bởi vì theo quy luật, thường thường, thằng cha nào có quyền trong tay thì nó luôn luôn hướng về độc tài. Nhân dân là chủ chứ không phải anh là chủ, dân tộc Việt Nam là chủ đất nước. Không phải dân tộc Việt Nam chỉ biết ăn thôi. Kinh tế là chỉ biết ăn thôi! Không lẽ dân tộc này chiến đấu xong rồi chỉ biết ăn chứ không biết nói, không biết suy nghĩ gì hết? Không phải vậy! Anh hiểu như vậy là không đúng! Anh coi thường dân tộc anh! Không cho phép anh suy nghĩ như vậy!”
Bởi vì theo quy luật, thường thường, thằng cha nào có quyền trong tay thì nó luôn luôn hướng về độc tài. Nhân dân là chủ chứ không phải anh là chủ, dân tộc Việt Nam là chủ đất nước.
Ông Nguyễn Hộ
Dù tuổi đã ngoài 90 nhưng ông Nguyễn Hộ vẫn không thể gạt sang một bên những trăn trở về thời cuộc: “Hi sinh biết bao nhiêu triệu người, trong ròng rã bao nhiêu năm trời. Không kể hồi trước đâu. Không kể về tổ tiên ta đánh giặc hàng ngàn năm như Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu, Trần Hưng Đạo,.. Không kể hàng ngàn năm, chỉ kể ngày nay thôi, chúng ta cũng hi sinh mà tới nay không có tự do. Cho nên nói phản bội cũng không lo là nói nặng đâu! Chính là phản bội. Cho nên trọng trách thanh niên lớn lắm. Phải làm sao giác ngộ thanh niên hiểu điều đó. Nhục! Đất nước như thế này là nhục! Làm công dân của Việt Nam, có lịch sử oai hùng, đến ngày nay mà không có tự do, đó là nhục nhã! Nhục! Không thay đổi điều này, không xứng đáng làm người!”
Ông Nguyễn Hộ đã từng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao tặng giải thưởng Hammett-Hellman (Giải Tự do Phát biểu).
Tin ông Nguyễn Hộ qua đời đã khiến nhiều người quan tâm đến cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam ngậm ngùi. Ngày 3 tháng 7, từ Đà Lạt, ông Hà Sĩ Phu và nhóm thân hữu đã gửi một câu đối viếng Nguyễn Hộ:
Quan điểm tựa Sáu Dân mấy trận sửa sai thành quyết tử
Cuộc sống như Năm Hộ, hai lần kháng chiến để trường sinh

Saturday, July 4, 2009


BBC PHỎNG VẤN LỮ PHƯƠNG


NGUYỄN HỘ
Một con người 'quyết liệt'




Ông Nguyễn Hộ thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên
Một trí thức, người từng gắn bó với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhận định ông Nguyễn Hộ là một con người "quyết liệt".
Ông Nguyễn Hộ, nhà cách mạng kỳ cựu của phe cộng sản miền Nam Việt Nam nhưng ly khai khỏi hệ thống quyền lực hậu chiến, vừa qua đời hôm 01/07.

Ông là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên, từng giữ các vị trí quan trọng trong Đảng và phong trào công đoàn.

Tuy nhiên, bất mãn vì cái mà ông xem là sự thoái hóa của Đảng sau 1975, ông Nguyễn Hộ sau này kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.

Nói chuyện với BBC từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Lữ Phương, từng là thứ trưởng Văn hoá của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đặt trường hợp Nguyễn Hộ trong bối cảnh Đổi mới thập niên 1980.

Lữ Phương: Trong thời kỳ Đổi mới, ông ấy đòi hỏi dân chủ. Do thôi thúc từ phong trào cải tổ ở Liên Xô, ông đứng ra tập hợp anh em đảng viên cựu kháng chiến. Thái độ của ông rất triệt để, cho rằng phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản (CNCS) mà chuyển sang chủ nghĩa tư bản (CNTB). Ông nói ngày xưa nếu CNCS đã cứu đất nước khỏi ách thực dân, thì bây giờ chính CNTB sẽ cứu đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu.

Ông ấy in ấn ra báo, viết cả những bài tiểu luận. Sau khi ông Linh [Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh] phê phán, cả phong trào bị dập, ông ấy vẫn chống lại. Tờ báo bị đóng cửa không xuất bản ở Sài Gòn, ông xuống miền Tây nhờ anh em in cho. Rồi ông bị bắt, quản chế tại gia cùng một số đồng chí.

Trong hình dung của tôi, đó là một người ban đầu là cộng sản rất kiên cường, nhưng sau này khi Đổi mới, ông trở thành một người chiến đấu cũng rất kiên cường.
Ông nói ngày xưa nếu CNCS đã cứu đất nước khỏi ách thực dân, thì bây giờ chính CNTB sẽ cứu đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu
Lữ Phương
Cảm hứng

BBC:
Thay đổi quan điểm chính trị của ông Nguyễn Hộ phát xuất từ cảm hứng nào?

Cá tính của ông rất quyết liệt. Vì thế ngày xưa, ông trung thành đến cùng, dù phải tù đày. Nhưng sang thời Đổi mới, cảm hứng lớn nhất là từ Gorbachev, sau đó là sự sụp đổ của "Phe Ta". Nói chung cả tôi và các anh em khác bấy giờ đều lấy cảm hứng từ đó để nhìn lại mọi vấn đề. Phong trào văn nghệ phê phán, như tờ Văn Nghệ, đều khởi đầu từ cải tổ bên Liên Xô.

Khi ông Linh lên làm Tổng Bí thư, cởi trói cho văn nghệ sĩ, khiến anh em như Trần Độ, Nguyên Ngọc đi theo ông Linh cả. Nhưng khi ông Linh thấy Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, ông quay ngoắt lại đánh anh em. Bao nhiêu người ngày xưa là lính theo ông, bây giờ thay vì trao đổi thảo luận, ông đánh. Từ Liên Xô, ông ngả sang Trung Quốc để cứu chủ nghĩa xã hội.

Đám lính tráng theo ông phản ứng rất dữ, đến khoảng 1992 khi tờ Cửa Việt bị đóng cửa, phong trào coi như chấm dứt. Nhưng riêng ông Hộ, một công thần, vẫn phản ứng dữ dội.

BBC:Ông Võ Văn Kiệt đã từng đến thăm và nói chuyện với ông Nguyễn Hộ. Theo ông, ông Kiệt nhìn nhận ông Hộ thế nào?

Ông Kiệt không chủ trương như ông Hộ. Ông ấy muốn đổi mới từ bên trong, nương theo guồng máy mình tạo ra, êm thắm chuyển hóa nó khi có điều kiện. Ông Kiệt mềm, ôn hòa khôn ngoan, trái hẳn ông Hộ bộc trực. Nhiều khi họp, ông ấy vỗ bàn, ông la, ông hét.

Sau này ông Kiệt cũng đến thăm. Ông Hộ có nói ông nấu cà ri cho ông Kiệt ăn, hai bên chia sẻ thông cảm, nhưng mỗi người có cách phản ứng khác nhau.

BBC:Phong trào đổi mới 20 năm trước so với ngày hôm nay có gì khác, thưa ông?

Tính chất công khai, quyết liệt bây giờ hơn xa ngày trước. Lúc đó, bao nhiêu năm bị đè nén. Sang 1986, Đảng cầm đầu đổi mới. Chưa bao giờ có một tổng bí thư nói với nghệ sĩ nhiệt tình như ông Linh. Mọi sự bung ra là do Đảng đầu têu, mở cửa cho anh em.

Nhưng sau đó, Đảng trói lại một lần nữa, làm phong trào xẹp xuống.

Bây giờ không được bùng nổ vì Đảng chưa cho phép. Nhưng phong trào hiện nay có sức mạnh tiềm tàng, dữ dội hơn xưa vì tự thân nó âm ỉ, tự nó tìm cách nương theo những đổi thay của thế giới và xã hội Việt Nam.

Ví dụ phong trào phản đối bauxite rất tuyệt vời. Không phải là cái gì ngoài luồng, dựa dẫm bên ngoài mà tự thân nó tìm được biện pháp thích hợp, phải chăng mà cũng quyết liệt. Cái mới lần này là Đảng không thể ban ơn, cởi trói cho anh. Bây giờ xã hội đang tự cởi trói mình.


=

Wednesday, July 1, 2009


ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC

ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Khởi thảo Lịch sử triết học Dưới lăng kính siêu quốc

Dẫn

Lyotard, Gaarder, Hösle là những người mơ ước giải những vấn đề triết học với trẻ thơ: Lyotard viết Le Postmoderne expliqué aux enfants/Giải thích hậu hiện đại cho trẻ thơ, Gaarder viết Sofies verden/Thế giới của Sofie, Hösle viết Das Café der toten Philosophen: Ein philosophischer Briefwechsel für Kinder und Erwachsene/Quán cà phê của những triết gia đã chết: Một trao đổi thư tín cho trẻ em và người lớn.

Thế giới của Sofie
Trong tiểu thuyết của Gaarder, Sofie Amundsen có một thế giới riêng với triết gia Alberto Knox: một ngày kia khi tan học về, Sofie nhận liên tiếp hai bao thư lạ gửi cho cô, mỗi thư một câu hỏi -
bạn là ai?
thế giới đến từ đâu?
Rồi một bưu thiếp gửi cho “Hilde Møller Knag” - nhờ Sofie nhận chuyển, mừng sinh nhật thứ mười lăm!
Hilde là ai?


Hilde có liên quan gì đến một nữ triết gia trong lịch sử tư tưởng tên gọi Hildegard von Bingen? Sofie có làm ta liên tưởng đến  - tiếng hy lạp, có nghĩa là minh trí? Alberto Knox/Knag có liên hệ gì đến Albertus Magnus là người thày triết học của triết gia Aquinas?


Song trước hết, Hilde là người thứ ba - tức tha nhân, bởi nếu không có tha nhân, cần gì tới triết học? Song đôi lúc, rõ ràng Hilde là Sofie, có phải để nhắc nhở đến alter ego, tức cùng là một?
Alberto đi qua suốt dòng lịch sử triết học phương tây - như một người bất tử (hãy tưởng tượng chứng nhân của lịch sử, điều này một nhà văn trước Gaarder là Simone de Beauvoir đã từng hư cấu nhân vật bất tử qua các thời đại trong tiếu thuyết Tous les hommes sont mortels/Mọi người đều chết).

Từ chương Bjerkely, Hilde Møller Knag xuất hiện là một con người thực, còn Sofie chinh là nhân vật giả tưởng của quyển tiểu thuyết nhằm viết về lịch sử triết học. Sofie và Hilde - ai được hư cấu? Không một ai. Tiểu thuyết phá thể như Reflex and Bone Structure của Clarence Major đã dựng nhân vật, tác giả ở những vị thế nhị trùng, tác giả đang viết và ở trong quyển sách đang viết - ở Sofies verden Sofie và Hilde trao đổi vị trí cho nhau, người này đang đọc quyển tiểu thuyết có nhân vật là người kia



Cơ sở căn bản của quyển tiểu thuyết là Cơ đốc giáo từ chương mở đầu mang tên Lạc Viên và chương đóng với tiểu đề …chúng ta là cát bụi - song chương Spinoza từ điểm nhìn vĩnh cửu/sub specie aeternitatis rõ ràng là phiếm thần: có thể tưởng tượng đời sống của chính mình trong then khuôn vũ trụ …vì chỉ là một phần nhỏ nhoi của toàn thể đời sống của tự nhiên


Trong cái nhỏ nhoi ấy có những đấng cứu thế, như (Plotinus từng xem) Platon (trong dòng tư tưởng tuần hoàn của những triết gia hy lạp) mà văn minh châu Âu tùy thuộc vào hai nền văn hóa, một là Ấn-Âu từ bốn ngàn năm qua với Trời là Dyaus/Zeus/Jupiter/Iov/Tyr và những Thần là Asura/deva/daeva/dues/Aser/tivurr, một bên kia là văn hóa Do thái khởi đi từ bán đảo ả-rập, người do thái lang thang khỏi quê hương trên hai ngàn năm, mang theo một lịch sử và tôn giáo biệt căn với con đường Cơ đốc giáo, song cả ba Do thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo chia xẻ nền đất do thái (Qoran, Cựu ước viết bằng ngôn ngữ cùng họ) -


Văn hóa Ấn-Âu tin vào vòng tuần hoàn lịch sử, vào luân hồi, tái sinh. Alberto muốn chỉ ra cho Sofie thấy từ hơn hai ngàn năm trăm năm qua, người Ấn theo đuổi mục đích tối thượng là giải thoát khỏi vòng sinh tử; cũng hơn hai ngàn năm trăm năm sau Phật (xem đời sống như một tồn tục phi gián đoạn những quá trình tâm thân giữ con người trong tình trạng biến chuyển không ngừng), phân tích tinh thần con người, Hume nhìn ra như Phật là không có cái Tôi, bản ngã không thay đổi như nhiều nhà duy lý quan niệm (vì tin vào linh hồn bất tử của con người).
Tiểu thuyết lịch sử triết học của Gaarder đã manh nha tia trực quan về một lịch sử tư tưởng siêu quốc

Quán hội hữu những con người chết nhưng bất tử
Vittorio Hösle được đào tạo trong nền giáo dục triết học, nhân từ cảm hứng quyển tiểu thuyết nói trên của Jostein Gaarder, đã dựng ra nhân vật nữ Nora K. để viết dưới hình thức tiểu thuyết thư - một văn thể có truyền thống lâu đời:
Cả hai tiểu thuyết ở trong thời đại điện toán và trí hiểu nhân tạo - những nhân vật tranh luận với nhau về người máy/robot, về trí não có phải là máy điện toán tiên tiến?



Thư mở đầu tiểu thuyết Quán cà phê của những triết gia đã chết là thiệp cám ơn Vittorio đã gửi con khủng long bột làm quà Giáng sinh cho Nora (nhân cô thắc mắc làm sao ý niệm khủng long theo kiểu Platon biến mất cùng với những con cuối cùng của loài vật này?) và Nora thực sự đang bực tứùc về lối lý giải phụ nữ của Aristote (triết gia Hy lạp mà Hösle đánh giá rất cao) rồi tình cờ lang thang trên phố Rüttenscheid, Vittorio gặp một quán cà phê mang tên “Quán cà phê của những triết gia đã chết song trẻ mãi” khiến ông thích thú, tò mò bước vào và kinh ngạc là đầy khách, dầu toàn là nam giới.


Ông ngồi xuống một bàn chỉ trơ trọi có một ông già - không còn bàn trống nào nữa - trông rất thân quen như những người khác trong quán. đó chính là Aristote; tất nhiên Vittorio sửng sốt, nhưng trong triết học mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Không sao. Ông cũng nhận ra nhiều người khác, như ở bàn bi-da đằng kia, một người nhỏ con chắc chắn là Kant đang tranh biện lý chứng hữu thể luận với một giám mục trông khả kính mà ổng thường gọi là “Anselm thân mến”, trong khi một người trẻ coi vẻ rụt rè dội chiếc mũ cao đang giải thích với một người ăn bận bảnh bao nhìn chăm chăm xuống sàn, đề tài Chân lý và bước nhẩy vọt của đức Tin ngoài lý trí. Trong thư hồi âm này của Vittorio đề ngày 27 tháng Giêng 1994 ở Essen, Hösle kể lại cuộc nói chuyện với Aristote cho Nora, đề cập chuyện Nora bực tức về khái niệm phụ nữ của Aristote, việc những loài bị tiêu diệt là một lý chứng chống lại thuyết ý niệm Platon, Aristote nhận xét Nora đã gây ra một liên minh mới đang hình thành trong quán cà phê này, nơi mọi lý chứng hay ho được đánh giá rất cao.

Aristote cũng muốn nhờ Hösle chuyển lại cho Nora ba điều: một, ông không phủ nhận phụ nữ có linh hồn, như nhiều người rêu rao, vì ông cho cây cỏ còn có hồn, huống hồ; hai, mọi người chúng ta đều là con cái của thời đại, phàm đã lớn lên trong một xã hội mà chế độ nô lệ được nhìn nhận, coi như tự nhiên, hay ở đó phụ nữ không được học hỏi hay quan tâm đến ý niệm khủng long, thì những quan điểm như vậy thường không tránh được; ba, ông muốn chỉ ra cho Hösle và Nora là họ cũng giữ những tư kiến có thể làm đỏ mặt vì xấu hổ trong mấy trăm năm - cho nên đừng quá khe khắt với một ông già Hy lạp như ông!


Vittorio còn kể trên đường ra, gặp một người nháy mắt với mình và bảo ông là nếu kể cho Nora, hỏi cô ta có nghĩ là đang mơ, vậy đâu là thực, là mộng?
Trong hồi âm của Nora, cô nghĩ mộng và thực là hai thế giới khác nhau: mộng là thế giới của tri tưởng và tư tưởng, từ đó có cái gì nghiền ngẫm tận sâu trong ta, còn thực là thế giới của những giác quan, cũng là những khoa học, lịch sử hay ngôn ngữ…


Ở quán cà phê của những triết gia trẻ mãi ấy, Vittorio đã gặp những Descartes,Kant, Augustin, Nietzsche, Hegel. Kierkegaard, Max Weber, Rousseau,Giambattista Vico, Al-Farabi, Fichte (chỉ kể một số tiêu biểu) v.v.. đến những hiền triết phương đông như Trang tử, Khổng tử, Lão tử và Nora từng gặp trên xe, trong công viên những Platon, Martin Buber v.v..


Thư từ trao đổi giữa Vittorio (Hưsle) và Nora (K.) thể hiện hai quan điểm triết học rõ ràng: một bên là tư tưởng riêng của Hösle (đã trình bày trong những tác phẩm của ông, ở đó lý giải phê phán các triết gia theo ý ông), một bên là cái nhìn của trẻ thơ (đại biểu là K. về một triết học) thuần túy [trong thư đề ngày 3 tháng Ba 1994: cô bé Nora thân thương thực ngây thơ nếu cô không biết tại sao trẻ thơ phải trả lời những câu hỏi triết học cơ bản. Và điều này đã trả lời câu hỏi của cô: trong triết học, đòi hỏi tính ngây thơ hơn bất kỳ điều gì khác.

Dửng dưng với những gì người khác nghĩ, sẵn sàng hỏi ngay cả những câu hỏi cấm kỵ, một tin cậy là những đáp án đúng cũng đơn giản gây sửng sốt - mọi thứ đó thật quan trọng trong triết học, và về những mặt này, trẻ em ít có những cấm đoán như người lớn. Trẻ em thường ít tư kiến hơn những triết gia từng trải kinh nghiệm…Phải, triết học cần trẻ thơ]. Hãy nghe Nora nói với Max Weber: ông thật quá bi quan. Tại sao ông không tin vào con người? Họ được trao cho luân lý và niềm tin…Kỹ thuật cũng tốt chứ. Nó không hoàn toàn xấu đâu. Này nhé, nếu không có tàu thủy, xe lửa, máy bay ông không thể du lịch qua những xứ khác. Mà đôi khi ông phải muốn đi mhay việcgì quan trọng. Nếu không có kỹ thuật, khoa học không thể tiến bộ. Y khoa hẳn tụt hậu, những bệnh nan y như ung thư không thể chữa trị. Có thể chúng ta phải thay đổi xe, cháu muốn nói là đường rày đó. Để nó không dẫn xuống vực sâu.


Còn Hösle đặt vào miệng Wilhem Hegel và Søren Kierkegaard những tranh luận tay ba như:
(Vittorio:) Thưa ông Wilhem, như vậy Thượng đế và Tuyệt đối có liên hệ với nhau chứ?
(Hegel:) Tất nhiên, cả hai cùng một thứ; tôi thích dùng diễn ngữ 'Tuyệt đối' song nó cũng quy chiếu về điều mà những tín đồ có tri năng gọi là 'Thượng đế'. Thượng đế là nền tảng tột cùng, và nếu như đạo lý là tuyệt đối, nó chính là thánh thiện, một phần của Thượng đế. Người ta cũng có thể nói chính Thượng đế tuyệt đối là đạo lý

(Vittorio:) Vậy Thượng đế và trật tự đạo đức đi với nhau. Nhưng cho tôi biết, cái gì là đạo đức vì Thượng đế muốn, hay vì nó là đạo lý?
(Hegel:) Thượng đế có thể chỉ muốn cái gì là đạo lý, là tinh thần.
(Søren la lên từ phía ông ta:) Nhưng như thế thì đạo lý độc lập với ý chí của Thượng đế, vậy ra ông muốn tiêu diệt toàn năng của Thượng đế.

(Hegel:) Song nếu một cái gì tốt chỉ vì Thượng đế muốn thế, vậy Thượng đế có thể sai khiến cái gì đó khủng khiếp, và nó cũng tốt sao.
(Søren đáp trả:) Hãy thấy gì Ngài đã làm. Cứ nghĩ đến chuyện Abraham và Isaac đó. Có phải vô đạo đức khi hy sinh một đứa trẻ vô tội? Và đóù là cái Ngài đã khiến Abraham làm!
(Vittorio kêu lên:) Ồ nếu Thượng đế khiến tôi phải hy sinh Nora, tôi không bao giờ làm đâu.
(Hegel:) Cũng vậy đó, hãy xem rốt cuộc Isaac có bị giết đâu, có thể là Thượng đế chỉ muốn thử lòng Abraham - và có thể ông ta qua được cuộc thử thách tốt hơn là khi nguyện:”Chúa ơi, mọi điều đều đúng, như ng Ngài thực không có thể muốn một đứa trẻ vô tội bị giết, như vậy con đã hiểu lầm Ngài”.


(Søren ngắt lời:) Không, đức tin ở ngoài lý trí. Lý trí thực tiễn có thể cấm hy sinh trẻ con, song đức tin biết là cái gì mâu thuẫn với lý trí có thể là chân thực hay ý Chúa.
(Hegel lập lại:) Đức tin không thể mâu thuẫn với lý trí. Có lẽ đức tin có nhữngthấu thị mà lý trí mù lòa, song nó không thể mâu thuẫn lý trí. Nếu không, chân lý có thể hai mặt, chân lý của lý và chân lý của tin, điều này phi lý.
(Søren nói nhỏ nhẹ:) Credo quia absurdum/tin vì phi lý.


Cuộc tranh biện tay ba cuối cùng xuất hiện Al-Farabi, triết gia Hồi giáo tự nghĩ có thể đồng hành rất tốt với những nhà Cơ đốc, Do thái và những nhà tôn giáo khác nữa, song ông nhận xét “với người nào trì chiết vào đức tin riêng của họ,tự đặt mình chống chân lý, thì khó nói chuyện với y”. Hösle chịu ảnh hưởng người thày là Apel, cho nên trước nhận xét của Hegel và Al-Farabi là “mỗi chủ thể tự đóng kín bản thân , không thể có thông giao với thế giới hay với tha nhân”, ông nghĩ có một điểm chắc chắn là người ta có thể hiểu nhau, kể cả đôi khi có ngộ nhận về nhau, song chúng ta hiểu ngay sau đó là chúng ta không hiểu nhau và có thể thử một cách tiếp cận khác.
Vào Giáng sinh 1994, Vittorio kể cuộc hội ngộ với Albertus Magnus và Lão tử .


(Lão tử:) Người phương tây các ông thường luôn luôn muốn tranh cãi những vấn đề! Mới đây thôi tôi thấy cảnh Chúa giáng sinh của qúy vị trước ban thờ, và tôi nghĩ về mối quan hệ giữa Đạo và hài đồng này. Rốt cuộc, tôi không rõ tôi là Lão tử đang nhìn hài đồng Giê-su, hay Giê-su đang mỉm cười với Lão tử.
(Albertus:) Vâng, chúng tôi có quan hệ khác với đời sống tích cực như ông, thưa Lão tử. Nếu ông chỉ cần biếtbao nhiêu là nhiệm vụ tổ chức trong trọng trách giám mục của tôi thôi! Chúng làm tôi không thể đi vào chiêm nghiệm, nhưng đó cũng là nhiệm vụ của chúng tôi để phục vụ công lý, và chúng tôi chỉ có thểlàm điều đó nếu chúng tôi hoạt động, xử lý và tổ chức.
(Lão tử cười mỉm đáp:) Mặt khác, tôi gắn bó với Vô Vi, nguyên lý là không làm gì hết. Đại nhân không làm gì hết, mà có hiệu quả, tỏa ra cái hòa hợp với Đạo, và như vậy không cần tổ chức gì hết.
(Albertus:) Tôi cũng thấy ảnh hưởng của nhân cách lớn tràn ngập quyền lực - đó là lý do chúng tôi ăn mừng ngày Giáng sinh.


(Lão tử:) Có thể các ông như vậy; song ông vĩnh viễn trẻ mãi, mặc dầu ông đã chết - không qua lâu như tôi, thực vậy, song dẫu sao cũng đã năm bẩy trăn năm. Tuy vậy, khi tôi đi ngang những con phố và cửa hàng thắp sáng lễ hội, quan sát người ta lũ lượt đi sắm quà tặng, tôi ngờ vực không biết có còn nhiều người cảm thấy ảnh hưởng của Chúa hài đồng không. Nếu người tây phương chỉ dùng những tài khéo léo tổ chức của mình để làm dịu nhu cầu - nhưng thường là họ không dùng tài để khai thác nhu cầu sao. Này ông Albertus, hỏi ông câu này nhé: các nhà thần học Cơ đốc các ông vẫn quyết liệt bảo vệ cái lý chứng là Cơ đốc thì cao hơn các tôn giáo khác.


(Albertus:) Phải, vì không như những tôn giáo khác, tôn giáo của chúng tôi xây dựng trên triết học Hy lạp. Tôn giáo của chúng tôi liên hệ đến logos ngay từ khởi đầu -Chúa Hài đồng là hiện thân của logos.
(Lão tử:) Có thể nhu vậy, song ông có thấy tình trạng hiện nay của châu Âu thực sự quyến rũ không?
(Albertus lắc đầu đáp:) Không, không, tôi thấy thực sự đáng ghê tởm. Chủ nghĩa duy vật này dẫn chúng tôi xa rời căn rễ Cơ đốc. Những bạn bè tôi ở quán cà phê đồng ý với trường phái duy sử nói với tôi là ngay cả giữa quan niệm thời trung cổ về Cơ đốc và Cơ đốc nguyên thủy, cái hố ngăn cách cũng rất lớn. Song hố ngăn cách giữa Cơ đốc nguyên thủy với thế giới hiện đại còn lớn lao hơn nhiều.
(Lão tử:) Rõ ràng rồi. Câu hỏi của tôi bây giờ là: làm sao mà nền văn hóa của các ông rất tự hào về tôn giáo, luôn luôn coi nó là đỉnh cao của phát triển con người, lại sản xuất ra một xã hội bị bọn vụ lợi và tiêu thụ hèn hạ thống trị? Chỉ ở phương Tây chủ nghĩa vô thần là hiện tượng quần chúng, còn ở xứ tôi, nó là kết quả nhập cảng của phương Tây. Làm sao một xã hội vô thần có thể phát triển trên nền tảng Cơ đốc vậy?


(Albertus thở dài:) Giá mà tôi có thể trả lời được câu hỏi của ông? Hiện giờ, tôi thấy là khi bắt đầu thời đại mới Cơ đốc giáo bành trướng khắp thế giới là kết quả của thực dân, chiến thắng dường như đã hoàn tất. Ngày nay tôi thường bất bỉnh khi thấy quan niệm văn hóa Cơ đốc Âu châu mà giới truyền thông đã nhồi nhét vào đầu mọi người. Hủy hoại môi sinh làm tôi bận tâm rất nhiều.
(Lão từ:) Vậy ra những người Cơ đốc các ông đã tách rời Thượng đế khỏi thiên nhiên quá rồi.
Vittorio Hösle có thể là một nhà triết học trẻ (sinh năm 1960) đã sớm có cái nhìn siêu quốc trong tư tưởng hiện đại.

Sau Hösle, có nhiều người bắt chước lối hư cấu gặp lại những danh nhân đã chết (như văn gia, thi sĩ v.v..). Song chính ông thành thật cho hay là trí tưởng của ông đẩy đưa ông tới chỗ nghĩ ra việc gặp gỡ những triết gia chết song còn trẻ mãi là cảm hứng từ coi phim Dead Poets Society/Hội thi sĩ quá cố do Peter Weir đạo diễn, thực hiện năm 1989, người viết truyện phim là Thomas Schulman. O captain! My captain! là câu thơ của Walt Whitman, nhà thơ Nguyễn Du của Mỹ. Henry David Thoreau, người nổi loạn như một Cao Bá Quát trong tác phẩm bất hủ Walden với những tư tưởng bất hủ như: Vũ trụ lớn hơn chúng ta nhìn/the Univers is wider than our views of it, hay: Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống tự do, chỉ đương đầu với những chuyện đời cơ bản…


Tự truyện của người gặp tiên/ngoại thế
Vào một đêm nửa vầng trăng cô độc trên vòm trời khi ngồi ngoài hiên căn nhà nhìn ra biển, tôi đang miên man tưởng đến câu chuyện của Hösle và Gaarder, sóng xô trên cát như những dòng thơ của Perse, bất ngờ ánh sáng êm dịu hiện ra trước mắt, màu sắc như chưa hề thấy tỏa nhập vào châu thân
Mơ hay tỉnh? Tôi tự hỏi
Không âm thanh, tiếng nói
Nhưng rõ ràng tôi đang trò chuyện với một
(đến đây, tôi không thể tìm kiếm ra từ nào chính xác) - vì đối tác không phải là con người - mà tôi có cất tiếng đâu
song cuộc đàm thoại của chúng tôi rõ ràng là thực
đối tác của tôi cho tôi hay (bạn hãy nhớ, chúng tôi không dùng bất kỳ ngôn ngữ nào, dù là tiếng Việt, tiếng quan thoại, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, hoặc mọi thứ tiếng dùng trong thông giao ở hội nghị Liên Hiệp Quốc hiện nay)ông đến từ một Nơi Xa Xăm - dùng theo tiếng người là ở một thiên hà nào đó - nếu tính theo kiến thức khoa học của con người ta hiện tại , có thể là hàng triệu năm ánh sáng
không, đối tác của tôi hẳn nực cười vì cái số đo lường nhỏ nhoi như vậy
chỉ cho hay: ông Đặng, ông là người thứ ba trên trái đất bé tí xíu này mà tôi hiện thân nói chuyện đấy
hân hạnh quá, chứ hai vị khác là ai?
Platon và Dante Alighieri -
tôi nhớ ra rồi, vị đầu tiên sau khi gặp ngài (tôi cũng không rõ tại sao tôi gọi đối tác của tôi bằng cách xưng hô khách sáo đó) Platon đưa ra cái chuyện hang động, coi người trần chúng tôi như bọn tù đày trong ngục, như cái bóng nhìn thấy Ý sinh động là thực ở bên ngoài; Dante viết La Divina Commedia tả cảnh địa ngục khủng khiếp thật ra chỉ là chốn trần gian này; ngài ơi, ngài kỳ vọng ở tôi điều gì?


Không, ông Đặng ơi, sau khi gặp tôi, ông muốn làm gì tùy ông. Cái khó là đồng loại của ông có thức tỉnh là chuyện của họ. Platon há chẳng muốn mở mắt họ mà chẳng đặng; Dante hù dọa chuyện Inferno, có ai sợ?
Tôi biết, chuyện mấy nghìn năm nay, ai tỉnh ai say? Là chuyện xưa như trái đất của chúng tôi -
Song thưa ngài, tôi không thấy hình dạng ngài - để tôi nói ngài rõ, ngài không dị hợm như E.T. đám điện ảnh xuẩn động tưởng tượng, ngài không râu ria rậm rạp như mấy ông thánh nhân loại chúng tôiõ nghĩ ra, tôi chỉ thấy vừng sáng không xanh, không đỏ, không trắng, không đen (tôi cũng biết màu sắc chẳng qua do tri giác thấp kém chúng tôi thấy sao nói vậy), nếu tôi kể lại cho người ta nghe, thì tôi sẽ nói ngài nhang nhác như chân dung con người ta Picasso vẽ, song mờ mờ ảo ảo như tranh của Bacon, hình thù chẳng người chẳng ngợm, trừu tượng như của Kandinsky, nét kỷ hà như tranh Mondrian - đấy là cái dễ nhất để tả ngài cho chúng sinh rõ

Ngài từ đâu đến?
Ngài là nam hay nữ?
Ngài có hồn/xác, thân/tâm như tôi không?
Ngài có tên không? Có ngôn ngữ riêng không?
Ngài có tình dục không?
Ngài là quá khứ, hiện tại, hay tương lai?
Ngài có quê hương, tổ quốc, giống nòi, chủng tộc?
Ngài có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, dân tộc?
Ngài có ngôn ngữ, chữ viết để thông giao?
Ngài có tư tưởng, văn chương, khoa học?
Ngài có tuổi tác, học thức, tình dục, tư tưởng, cảm giác?


Đối tác của tôi đáp án, tôi nghĩ y không cười không nhăn nhó như đám chúng sinh quanh ta
Ông Đặng ơi, để tôi nhắc ông nghe một câu văn của ông nhé: thuở nhỏ, chàng hay tỉ mỉ quan sát những đoàn kiến leo tường, châu đầu vào nhau rồi lại tiếp tục bỏ đi không biết về hang ổ nào
Có bao giờ ông nghĩ đến, khi ông bay cao ra khỏi cái hành tinh nhỏ bé của ông, nhìn xuống, nhân quần của ông e còn li ti hơn đoàn kiến trong tuổi nhỏ - thế giới của các ông đó
Vậy thì tất cả những thắc mắc trong câu hỏi của ông không có đáp án
Ông không nhìn thấy tôi rõ, như người láng giềng của ông, tôi không nói bất kỳ ngôn ngữ nhân thế để thông giao với ông, vì tư tưởng, suy luận, ngôn ngữ không khu biệt nơi tôi, tư và ngữ đồng nhất - hay thực sự không có


Sở dĩ ông hiểu ngay tôi vì vô ngôn, vô động,vô ý. vô cảm - để tôi nói cụ thể theo cảnh giới của ông nhé - ông trò chuyện với tôi được vì nghĩ của ông trước khi thành lời đã là một, nên không cần cất tiếng, tôi đã rõ ông muốn nói gì, và phản cảm của tôi - ý và ngữ - là một
Bây giờ thì ông biết/hiểu/đọc/thấy rồi nhé
Tôi đến từ một nơi nhân loại các ông chưa có khả năng tiếp cận - nhớ nhé, thể xác con người chỉ có khoảng năm trăm giờ sống sót nếu trần trụi trong khối thái dương hệ, huống hồ ra khỏi, phi thuyền của nhân loại các ông đã bay tới đâu?
các ông thấy quanh, nào là sao Hỏa, sao Mộc, cung Hằng không có cái gọi là sống, nên các ông nghĩ là chúa tể trong vũ trụ
tôi phản ứng yếu ớt: không, ngài ơi,như ngài đã nhắc đến đoạn văn tôi viết, tôi nghĩ ngài coi nhân loại chúng tôi chắc còn li ti hơn đoàn kiến
đúng vậy đó, ông Đặng; tôi từ muôn một đến nói chuyện với ông, cũng vì tò mò như ông, xem tương lai, chủ đích của quần thể nhân loại kiến đi về đâu.
Vậy thì ngài đâu có là Thượng đế của chúng tôi. Ngài đâu biết thế giới chúng tôi đi về đâu?
Ông Đặng ơi, đừng nóng.Thể xác ông nằm trong hạn chế vật lý nên tôi không thể đưa ông đi ra khỏi thái dương hệ này, mở tầm kiến thức thấy cái Bao La
Song ngài có thể đưa tôi về quá khứ chứ?
Tôi chắc chắn rõ đối tác của tôi như cười ha hả vì ông Đặng ơi, ở thời điểm trần thế các ông, nếu mở được tầm nhìn miên viễn, các ông sẽ nhìn thấy chuyện tương lai - như mấy người điện ảnh các ông tưởng tượng back to the future, không phải như một nhà văn hư tưởng chuyện ba người lính nhẩy dù lâm nạn, ngược về quá khứ thấy cảnh tượng lịch sử (như vua Quang Trung đại phá quân Thanh v. v…).


Đúng vậy, các nhà khoa học của chúng tôi đã dần dà khám phá cái vũ trụ đơn điện tử, vật chất/phản-vật chất, những phương trình như QED nhằm miêu tả phản vật chất đi tới trong thời gian, không có thông tin nào có thể gửi lùi lại trong thời gian. Đời sống trên trái Đất chúng tôi mới có khoảng 4 tỉ năm nay, mọi loài đều từ một cơ sinh đơn bào nguyên thủy do những ngẫu biến mà ra, chung gốc tổ LUCA
Nhân loại chúng tôi mới phát hiện có trên triệu năm nay, song biết bao nền văn minh đã chôn vùi trong cảnh dâu biển, bao nhiêu cuộc chiến tàn sát lẫn nhau, Vũ trụ này xem ra bất ổn, đến một lúc cả Mặt trời kia và đời sống trên trái Đất cũng đến chỗ cáo chung…nhưng đời Sống này có thể kết thúc sớm hơn với vũ khí hạt nhân (nhờ vào tiến bộ siêu đẳng của khoa học, từ khám phá ra nguyên tử, đơn tử, phân tử, hạt cơ bản, helium 1 và 2, lý thuyết tương đối, cơ học lượng tử, lý luận siêu băng trong vật lý v.v..) đang trên đà phát triển cao tốc ở mọi xứ sở, từ nơi nghèo đói nhất như bắc Cao ly đến những vùng tranh nhau một khoảnh đất như Trung Đông mù ám…
Này ông Đặng, thế giới của ông đầy phức tạp: có tình dục (vì nam/nữ), có cạnh tranh (vì mạnh/yếu), có sở hữu (vì giàu/ nghèo) có thù nghịch (vì chủng tộc/tôn giáo), có sinh tồn (vì sống/chết), có phân hóa (vì trí thức/ngu muội)


Tại sao vậy?
Nếu có nhiều thế giới; con người ý thức nhiều thế giới; nếu nhận ra khởi nguyên của thời gian và phi thời gian; nếu biết không và có phi khu biệt
Tại sao vậy?
Những nan giải?
Nhân loại chúng tôi có nhiều cái thiếu song lại có nhiều cái thừa do phân hóa giữa lời và ý, giữa ngôn ngữ và tư tưởng, giữa chữ nghĩa và tiếng nói, giữa lịch sử và tiền lịch sử, giữa lý trí và phi lý, giữa một và nhiều…
Tất cả nằm trong cái ông gọi là hành trạng triết học, phải không? Nói cho tôi vận hành của nó đi, biết đâu tôi có thể chỉ con đường ra ở chỗ No Exit




"Khởi thảo Lịch sử triết học Dưới lăng kính siêu quốc


Lịch sử triết học tỷ giảo - không, đúng ra từ lăng kính siêu quốc (có nghĩa là không phân biệt Đông/Tây, địa chí, thời đại) - viết ra cho đối tác mà tôi đặt tên là tiên (vì như đã giới thiệu ở trên, đến từ Nơi Xa Xăm), ngoại thế (vì ngoài vũ trụ (?) chúng ta), và sau nữa là chủ yếu cho những thế hệ mai sau - có thể chưa ra đời
nhập
Tất yếu của lịch sử triết học
Lịch sử triết học không như lịch sử của những khoa học khác, có nghĩa là thiết yếu cho mọi người và không thể khách quan tuyệt đối, hiểu theo nghĩa người viết sử có thể hoàn toàn đứng ngoài, quan sát sự vật và chụp, nhận, nắm bắt sự vật như thể nó là, xác định như thể chân lý tuyệt đối. Ngay khái niệm chân lý tuyệt đối cũng đã là vấn đề tranh luận. Thiết yếu vì nhận thức, lãnh hội lịch sử triết học đã là một thao tác triết lý, nghĩa là ở trên một quan điểm nhất định, và không ai có thể nói là không cần biết, vì bất kỳ vấn đề triết lý nào cũng đã ở trong nguồn lịch sử. Một khái niệm tưởng chừng như lần thứ nhất được phát hiện thực ra đã có ở đó chỉ làm mới từ một cái nhìn mới.
Phê phán lịch sử triết học
Triết học gắn liền với lịch sử triết học. Ngay từ cổ đại, khi triết học tồn tại dưới hình thức thành văn, việc nhắc lại hay dẫn chứng quan niệm, tư tưởng của những người trước đã là một hình thức viết lịch sử triết học, những công trình của Aristote, Sextus Empiricus, Diogene Laërtius v.v...hay những công trình của những triết gia Ả rập phục hồi triết học Aristote thời Trung cổ.
Khi Hegel viết bộ Lịch sử triết học, ông đã dành hai phần cho triết học Ấn và Trung hoa. Tuy sai lầm trong nhận thức về những nền triết học này, cái nhìn của ông có một giá trị tiến bộ so với nhiều nhà viết lịch sử triết học sau ông đã bỏ quên mảng lớn tư tưởng trong sinh hoạt văn hóa, văn minh của nhân loại.
Khiếm khuyết đó có nhiều lý do: có thể kể hai nguyên nhân, một là tên gọi triết học và hai là định nghĩa về triết học. Từ khác biệt đó dẫn đến tư kiến phân chia hai nguồn tư tưởng Đông và Tây cho đến nay vẫn còn tồn đọng trong não trạng của nhiều người.
Platon trong thiên Phaidros/Phèdre đã chỉ ra một điều cho chàng thanh niên là đã không nhìn sự vật đúng hay sai, mà chỉ để ý đến xem người nói là ai và đến từ xứ sở nào, chính cái tư kiến ấy khiến con người sống trong kỳ thị khu biệt cục bộ.
Nhiều bộ lịch sử triết học, như của Ueberweg, Windelband, Bréhier, Alfred Weber, hay riêng về chủ nghĩa duy vật của Lange chỉ tập trung vào tư tưởng tiến hóa từ triết học Hy lạp qua Kinh viện và hiện đại, chỉ ra tư tưởng định hướng một chiều. Khiếm khuyết ấy có thể do quan niệm tư biệt về triết học, hoặc do không đủ khả năng tri thức chuyên biệt về những vùng tư tưởng khác, như vùng Đông Á, Phi, Mỹ La tinh.
Để khắc phục nhược điểm đó, ngày nay lịch sử triết học cần được nghiên cứu trên những cơ bản như: xác định một triết học thế giới/World Philosophy, xây dựng một công trình tỷ giảo, cấu trúc một viễn tượng siêu quốc, vượt lên khỏi những hoang tưởng về ngọn nguồn trung tâm của một nền văn minh, văn hóa cá biệt làm bá chủ dựa vào những giả đề hàm hồ, phi cơ sở.
Bộ Lịch sử triết học của Wilhem Windelband (1848-1915) khẳng định là quá trình trong đó nhân loại Âu châu đã hiện thể trong quan niệm khoa học những thế giới quan và phán đoán về đời sống. Ông nhận xét Hegel đã đưa lịch sử triết học thành một khoa học độc lập khi phát hiện ra điểm cơ bản của lịch sử này không phải như những người đi trước là tập hợp những tư kiến của những học giả khác nhau, hay khai triển mở rộng chủ đề này, mà Hegel theo một quá trình giới hạn trong đó những phạm trù” lý trí đạt được những ý thức phân biệt và hình thái của những quan niệm, tuy nhiên sai lầm của Hegel theo ông là đã xây dựng lịch sử triết học dưới kiềm chế của hệ thống triết học, cho nên thường cưỡng chế sự kiện lịch sử . Song Windelband cũng chỉ ra cái sai lầm đối nghịch là phủ nhận lý trí của lịch sử dẫn tới việc xét những học thuyết triết học chỉ như những tư tưởng ngẫu nhiên cá thể.
Friedrich Ueberweg (1826-1871) trong Lịch sử triết học giản yếu quan niệm những nguồn cung ứng tri thức lịch sử triết học đáng tin cậy nhất là những công trình triết học có hình thái và toàn vẹn tự nguyên ủy, hay những công trình chính thống không thể nghi hoặc. Theo ông, triết học như một khoa học không thể bắt nguồn từ những dân tộc phương Bắc tuy xuất sắc về sức mạnh và can trường song không có văn hóa, cũng không từ nhửng dân tộc phương Đông tuy có những yếu tố văn hóa cao hơn, song chỉ bằng lòng với những điều này trong tinh thần thụ động, do đó chỉ có thể bắt nguồn từ người Hy lạp đã hài hòa phối hợp được những đặc tính của cả hai. Chính vì vậy, Ueberweg coi những nguồn triết học Trung hoa, Ấn độ, Ba tư, Ai cập thiếu minh chứng khoa học, thường trộn lẫn những khái niệm tôn giáo (ngay một số những mệnh đề hình học chẳng hạn tuy được phát hiện qua kinh nghiệm của người Ai cập, song khai phá những chứng cớ và sáng tạo hệ thống hình học là công trình của người Hy lạp). Quan niệm này thật ra phản ảnh tư tưởng chung của những nhà triết sử thế kỷ 19; chẳng hạn Lange (1828-1875) với bộ Lịch sử chủ nghĩa duy vật cho toàn bộ lịch sử tiên quyết mang ý nghĩa toàn bộ khoa học mở rộng ra là toàn bộ văn hóa chung.
Trong phần dẫn nhập bộ Lịch sử triết học thời Cổ đại và Trung cổ, Emile Bréhier (1876-1952) nhận xét khó giải quyết minh bạch vấn đề biên giới trong lịch sử triết học, nhất là vấn đề nguồn gốc; cho nên không thể xác định ảnh hưởng lẫn nhau giữa Hy lạp và vùng Viễn Đông song lịch sử triết học không có quyền quên tư tưởng Viễn Đông.
Dưới lăng kính siêu quốc
Ý niệm về một lịch sử phổ quát với mục tiêu siêu quốc [1] thực ra đã là tiêu đề của một bài viết Kant cho in trên Berlinische Monatsschrift vào năm 1784. Ý thức lịch sử nơi Kant thể hiện việc khám phá những cứu cánh phổ quát trong tự nhiên hòa hợp với hành động đạo lý kết thành xu hướng siêu quốc, tiếp theo với nghiên cứu Về sử dụng những nguyên lý mục đích luận trong triết học, 1788 [2] như ông xác định: Một đạo lý như thể mục đích luận thực tiễn thuần túy nhằm thực hiện những cứu cánh của nó trong vũ trụ, không thể coi thường khả hữu của những cứu cánh này trong vũ trụ này, liên quan đến những nguyên nhân cứu cánh đã cho cũng như liên quan đến sự phù hợp giữa nguyên nhân tột cùng của vũ trụ với toàn bộ mọi cứu cánh nhận được như thể hiệu quả của nó.
Trong chín mệnh đề Kant nêu ra, có nguyên lý như thiên nhiên không làm điều gì vô ích hay ngông cuồng trong việc sử dụng những phương tiện nhằm đạt tới cứu cánh [3] ở mệnh đề thứ ba hay xác quyết ở mệnh đề cuối cùng về một lịch sử thế giới phổ quát/allgemeine Weltgeschichte. Phải hiểu ý nghĩa của lịch sử phổ quát như thế nào, đó chính là tranh biện trong bài viết của Kant. Ngay từ mở đầu khi nói đến con người theo đuổi những mục đích, không phải thuần túy do bản năng như mọi loài thú, cũng không hành động cho phù hợp với bất kỳ quy hoạch toàn diện, tiền định như Leibniz, Wolff nghĩ, cho nên có phải lịch sử nhân loại không do quy luật chỉ đạo không thể khả hữu? Để tránh rơi vào những nghịch lý của tấn kịch thế giới lớn ở đó, bên cạnh những hành động cá nhân tỏ ra vẻ minh trí, đại thể diễn ra mê cuồng, phù phiếm ấu trĩ, thường có những ranh mãnh, phá hoại trẻ thơ, khiến chúng ta không biết tư kiến nào đáng tự hào, cho nên con đường duy nhất cho nhà triết học là khai phá mục đích trong thiên nhiên đằng sau dòng sự biến vô nghĩa của con người và quyết định xem sau mọi việc làm sao có thể định hình một lịch sử trong ngôn ngữ của một dự kiến tự nhiên nhất định cho loài người vốn hành động không có một dự kiến của chính mình.[4]
Kant cũng từng đối chiếu hai mặt của thế giới: niềm tin vì phi lý/credo quia absurdumkhán trường thế giới/theatrum mundi diễn ra sự đối lập giữa tất yếu và tự do của ý chí, niềm tin và lý trí, thường nghiệm và trí tuệ, vật lý và siêu hình - ở Phê bình lý trí thuần túy, 1781 ông đã giải quyết nghịch lý này khi phân biệt ý chí có quyền tự quyết và hậu quả của những hành động nơi con người trong trật tự hiện tượng ra sao để nhìn ra những hành động này cũng tuân thủ những quy luật phổ quát của tự nhiên. Chính ở góc nhìn này, Dilthey khẳng định Kant đã đề xuất vấn đề cơ bản của triết học cho mọi thời đại - đó là thế giới cho chúng ta dưới hình thái nào, vì chúng ta chỉ thấy nó hiện hữu nhờ vào những trực quan và ý niệm? [5]


Con người phân biệt với mọi loài nhờ vào một khả năng đặc thù: lý trí, tự phát triển theo thời gian, nghĩa là kế tục không ngừng của nhiều thế hệ, qua nhiều thử thách, học hỏi, vượt khỏi giới hạn cơ chế thân phận sinh vật, hàm ngụ tự do. Bài viết của Kant nằm trong cùng một mạch văn với những Khai sáng là gì? Định hướng trong tư duy là gì? Công bố một kết cuộc sắp tới của Hiệp nghị hòa bình vĩnh cứu trong triết học [6] chủ yếu nhằm tranh luận về cơ sở thực tiễn của tư duy, nhấn mạnh đến việc lý trí phải được tự do trong sử dụng công cộng là một quyền không thể bị hạn chế; ý nghĩa sử dụng tự do tư tưởng ở đây có tính công khai, thao tác của lý trí phải được cởi mở và được diễn đạt trước quần chúng. Trong bài viết Trở lại vấn đề Khai sáng của Kant, tôi chỉ ra điều này đo lường sự tiến bộ hay lạc hậu của một xã hội, một đất nước, thật ra chỉ thể hiện trong một nước có dân chủ và tự do, không hề thấy ở một xứ sở chuyên chính, toàn trị [7]- ngày nay trên thế giới, những chế độ man rợ ở Myanmar, Trung Cộng, Bắc Triều tiên, Cao miên, Việt nam v.v… vẫn ngang nhiên cấm đoán, bắt bớ đối lập chính trị, tư tưởng.
Quan điểm siêu quốc có thể là mục tiêu phổ quát cho vấn đề: Viết lịch sử triết học như thế nào? Đồng thời cũng có nghĩa là ngày nay, vào đầu thế kỷ 21, lịch sử triết học mang lại lợi ích gì cho con người, không riêng nhà triết học?
Kant không giảng dạy đặc biệt về lịch sử triết học hay viết về lịch sử triết học ngoài những nhận xét, tranh biện với những triết học trước và đương thời với triết học phê bình của ông. Nhưng Kant đã viết: Một lịch sử của triết học khả hữu không phải trên lịch sử hay theo kinh nghiệm, nhưng khả hữu một cách thuần lý, nghĩa là tiên nghiệm. Bởi vì nó xây dựng những sự kiện của lý trí không phải vay mượn nơi sử ký, nhưng rút ra từ bản chất của lý trí con người theo danh nghĩa khảo cổ học triết lý. Điều đó cho phép các tư tưởng gia giữa mọi người được lý luận về nguồn gốc, mục đích và cứu cánh các sự vật trong thế giới.[8]
Trong Chân dung triết gia, 1973 tôi đã nói đến quan điểm về lịch sử triết học của Hegel, Dilthey và Merleau-Ponty. Trong dự thảo đề cương cho hội thảo quốc tế mở đầu thế kỷ 21 chung quanh vấn đề lịch sử của triết học, những ý niệm, những khái niệm chỉ ra những quan hệ giữa triết học và những khoa sử, văn hoá, ý thức hệ vẫn là những tranh luận vô tận. Hiển nhiên có một điều, lịch sử triết học không chỉ là một phần của lịch sử văn hóa, vì như vậy không còn triết học. Nhà viết lịch sử triết học không làm công việc dân tộc học, hủy triệt tính đặc thù của một triết học - như tôi đã chỉ ra trong Cách ngôn tư tưởng 7: nhà triết học không đứng trong hàng ngũ những người làm khoa học nhân văn, xã hội - mà là người khai phá ra những khoa học này [9].
Như vậy, đâu là tiêu chuẩn để dựng một lịch sử triết học?
Khảo sát lịch sử triết học/historiographie philosophique không giống như khảo sát lịch sử những môn học khác vì nghiên cứu lịch sử triết học là nghiên cứu chính triết học và những nhân vật xuất hiện trên con đường tư tưởng đó. Lịch sử triết học hàm ngụ ý nghĩa luận lýhiện sinh.
Luận lý, vì những triết học dầu chống hệ thống cũng vẫn có tính hệ thống và hiện sinh, vì những hành trạng triết học của cuộc đời thực tiễn tư tưởng.
Trong bài giảng mở đầu tại Đại học Heidelberg vào ngày 28 tháng Mười 1816, Hegel nói ngay chủ đề của những bài giảng này là lịch sử triết học [10]. Ông lưu tâm đến vị thế của triết học, kinh qua những biến cố của thời cuộc, những lợi ích tầm thường nhỏ nhoi của đời sống đã làm triết học tàn tạ và rơi vào quên lãng của ký ức và lý niệm. Ông nhắn nhủ, điều kiện tiên khởi của triết học là đảm lược của chân lý và sức mạnh của tinh thần. Từ khởi sự Dẫn nhập, Hegel đã viết:
Lịch sử triết học là một hành lang những tinh thần cao quý, với lòng can đảm về lý trí đã thâm nhập vào bản chất sự vật, con người và thượng đế, những tinh thần cao quý đó đã khám phá chiều sâu của những bản chất ấy và xây dựng một kho tàng tri thức tối thượng cho chúng ta.”
Lịch sử triết học theo ông không là một tập hợp những ý kiến nào đó, nhưng có một liên lạc thiết yếu, nối kết những khởi điểm đầu tiên khai triển phong phú những tư tưởng. Triết học đa diện, nhưng chỉ có một khái niệm thật sự có thể lĩnh hội những công trình của các nhà triết học đã tạo dựng trong ý nghĩa của khái niệm này. Biên soạn lịch sử triết học thì nhiều, song những cuốn lịch sử triết họcấy không nắm vững được cương lĩnh của vấn đề, đó là lý trí của vấn đề triết lý. Hegel châm biếm: Ta có thể so sánh tác giả của những cuốn lịch sử triết học đó với những con thú nghe tất cả những âm thanh của một nhạcđiệu mà giác quan đã không lãnh hội được một điều duy nhất, đó là sự hòa hợp những âm điệu đó.
Triết học là sự tiến hoá của tư tưởng hoạt động không ngừng và không có gì ngăn cản hoạt động đó được. Triết học như vậy là một hệ thống hiểu theo nghĩa là một toàn thể và chỉ ra toàn thể khởi sự từ những gì đơn giản nhất để cụ thể hóa trong khi tiến triển. Triết học như vậy - triết học sau cùng của Hegel - chứa đựng tất cả những gì đã hoàn thành công trình của cả ngàn năm, nó là thành quả của tất cả những gì đi trước Sự phát triển của tinh thần, nhìn dưới khía cạnh lịch sử, chính là lịch sử triết học. Triết học trình bày sự tiến hóa của tư tưởng trong tự nội và hướng về tự nội, không kể đến những sự biến bất ngờ. Lịch sử triết học chính là tiến hóa này trong thời gian, do đó lịch sử này đồng nhất với hệ thống triết học. Quan niệm này theo Hegel là quan niệm duy nhất xứng đáng về lịch sử triết học.
Triết học là một hệ thống trong sự phát triển cũng như lịch sử triết học. Những triết học khác nhau tiếp diễn trong lịch sử có nghĩa là sự tiếp diễn những tất định của khái niệm ý tưởng về mặt luận lý. Cho nên nghiên cứu lịch sử triết học là nghiên cứu chính triết học, phải xét đến quan hệ giữa đối tượng với thời gian và những cá tính đã thành. Công việc khảo sát này loại trừ lịch sử ngoại tại về thời đại mà chỉ xét đến yếu tố chung của dân tộc và thời gian, với những điều kiện tổng quát, nghĩa là quan hệ giữa lịch sử triết học và hoàn cảnh lịch sử.

Hình thái nhất định của triết học tương ứng với hình thái nhất định của dân tộc mà triết học xuất hiện, như thể chế, chính quyền, phong tục, đời sống xã hội, khả năng, tập quán, tiện nghi của dân tộc, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, những điều kiện về quân sự, cũng như suy đồi của quốc gia trong đó nguyên tắc tất định này thẩm giá, đến sự hình thành và tiến triển của những quốc gia mới ngõ hầu xác định nguồn gốc của nguyên tắc tối thượng ở cấp độ tất định của ý thức chính tinh thần trong toàn bộ gia bội tinh thần (của một dân tộc, như cơ cấu tổ chức, kiến trúc xã hội v.v..). Triết học là hình thái của những mặt đa biệt này, là khái niệm của một hình thành toàn diện, là ý thức, là bản chất trong toàn bộ, là tinh thần của hiện sinh và tư duy.
Nếu Hegel đã nhìn thấy tính phong phú của lịch sử triết học thì chính ông lại có tham vọng đặt hệ thống triết học của ông lên trên lịch sử, báo hiệu sự cáo chung của lịch sử và triết học. Quan niệm một hệ thống toàn diện đã có tham vọng hướng dẫn công việc triết lý tốt đẹp hơn và giản lược những tư tưởng sinh động, những tinh thần cao qúy thể nhập bằng đời người vào bảo tàng viện. Nhưng thực ra chính nhờ những triết thuyết khác mà ta biết được ý nghĩa triết học của Hegel. Hệ thống của Hegel bắt đầu từ vận động của những mâu thuẫn: khẳng định xuất hiện thành hủy thể và hủy thể chứng nhận là khẳng định, tất cả những điều đó bắt đầu từ Zenon, trong thiên Sophistes của Platon, nơi hoài nghi của Descartes. Hegel cũng biết điều đó, khi nói: Lịch sử triết học là tất cả ở hiện tại.

Điều đó có nghĩa là triết gia không những chỉ có thực trong những cái họ đã thấy mà ngay cả những cái họ không thấy. Những tư tưởng quá khứ không thể chỉ tồn tại trong tinh thần của chúng như những thời khoảng của một hệ thống tột cùng. Những tư tưởng đó tồn tại với những chân lý và những ngông cuồng như những công trình toàn diện của những đầu óc mẫn tiệp hay chúng không bao giờ tồn tại. Ngay cả Hegel, tinh thần muốn ôm lấy tuyệt đối, sống trong hiện tại và cho chúng ta suy tư không phải chỉ qua những chiều sâu tư tưởng của Hegel, nhưng còn qua những tham vọng và xảo thuật của ông. Sự tồn tại của triết học xây dựng trên hiện hữu và tư duy, không phải chỉ ở những vấn đề mà ở cách thế đặt vấn đề, về những ẩn ngữ ngày một phức tạp hơn đặt ra cho con người.
Vào cuối đời, Wilhem Dilthey (1833-1911) đã đưa ra một khái niệm tổng quát về triết học trong Bản chất của triết học [11]: có quy luật cấu trúc mang tính lịch sử, tức là luật phát sinh/Bildungsgesetz tác động hình thành của mọi hệ thống triết học quan hệ qua lại để tiến đến một thống nhất nội tại. Để quyết định xem trong điều kiện nào có thể nói đến một bản chất triết học, phải đi từ những định nghĩa khác nhau về sự kiện lịch sử của chính triết học: tìm hiểu một định nghĩa triết học khả dĩ có thể chấp nhận những danh pháp đa biệt và những quan niệm khác nhau do các triết gia tạo ra, một cách thiết yếu dẫn từ quan điểm hệ thống về quan điểm lịch sử. Các triết gia, trong quan điểm lịch sử của Dilthey, hướng trực tiếp về những ẩn ngữ của thế giới và đời sống. Tinh thần nhân loại trải qua nhiều thái độ có thể chấp nhận được trước những ẩn ngữ này.

Dưới góc nhìn lịch sử, tác phẩm của một triết học đặc thù là sự thực hiện một khả năng trong những điều kiện cho sẵn, mỗi triết học thực hiện một giai đoạn cơ bản của triết học và trong giới hạn này đã hướng về một toàn thể có mục đích, mỗi triết học cá biệt như một bộ phận của tổng thể duy nhất hàm ngụ chân lý toàn diện. Tuy vậy, trong quá trình tiến triển ý thức của con người, có những hệ thống triết học như của Platon, Aristote, Descartes, Spinoza, Leibniz, Locke, Hume, Kant, Fichte, Hegel, Comte chẳng hạn gây ấn tượng sâu sắc hơn những hệ thống triết học khác. Dầu đối tượng hay phương pháp của những hệ thống này ra sao, chúng cũng được xây dựng trên toàn bộ phạm vi của ý thức kinh nghiệm, thường gặp trong đời sống, kinh nghiệm, những khoa học thực nghiệm và chúng tìm cách giải quyết những vấn đề nêu ra. Mặt khác, đặc tính chung của triết học là yêu cầu một tri thức có giá trị phổ quát, gắn liền với xu hướng ngược về nền tảng của triết học.
Trong góc nhìn toàn diện lịch sử, người ta có thể nhận ra các triết gia trươc hết đều hướng về ẩn ngữ của vũ trụ và đời sống, ở đó nẩy sinh ra những quan niệm triết lý, những vị thế triết lý gắn liền với yêu cầu nền tảng này. Mọi công trình triết lý đều phát sinh từ quá trình liên tục này tác động nơi mỗi triết gia đi tớí chiếm cứ một vị trí mới, ngay cả khi ông thất vọng là chưa giải đáp được ẩn ngữ lớn kia.
Tất cả những vị trí của ý thức triết lý cũng như những định nghĩa khác nhau về triết học là gì hợp thành một toàn bộ lịch sử:
Tinh thần minh bạch và ý thức nơi người Hy lạp thời cổ đại chẳng hạn đã giải phóng triết học khỏi tôn giáo và những biểu tượng tiên tri trong thi ca nghệ thuật, để tạo thành Philosophia/φιλοσοφία.
Qua cái nhìn lịch sử về bản chất triết học, người ta nhận thấy mỗi định nghĩa về triết học chỉ khai mở một góc cạnh, diễn ngữ cho một quan niệm triết lý ở một thời khoảng nhất định trong quá trình tiến hoá của triết học, chấp nhận những hiện tượng này, không phải những hiện tượng kia có phẩm chất triết học. Nhận xét từ những công trình của Locke, của Leibniz, của Berkeley chẳng hạn, Dilthey nhận xét triết học gắn liền mật thiết với vấn đề mở rộng một thế giới quan triết lý/philosophische Weltanschauung có tính phổ biến, vượt lên khỏi thế giới quan tôn giáo và nghệ thuật, nó là quyền lực nhằm tác động biến đổi đời sống 12].

Nhân cách, hoàn cảnh, quốc tịch, thời đại ghi dấu nơi mội triết gia vô số những sắc thái của thế giới quan triết lý. Dilthey khẳng định áp dụng ý thức lịch sử vào việc nghiên cứu triết học và lịch sử triết học. Nỗ lực triết lý của ông nhằm chứng tỏ có những tương quan của triết học với kinh nghiệm sống/Erlebnis. Đời sống theo ông là dây liên lạc mật thiết của những chức vụ tâm linh trong khuôn khổ nhân cách [13]. Kinh nghiệm sống là nhận thức tiến triển của đời sống. Chính yếu tố cá nhân thường thấy nơi những triết gia lớn xây dựng trên kinh nghiệm sống này.
Quan điểm tương đối luận chủ sử của Dilthey đối lập với quan điểm triết học như một hệ thống của Hegel. Maurice Merleau-Ponty (1908-1961) đưa ra một cái nhìn khác nhân khi trực tiếp hoặc gián tiếp bàn cãi về diễn tiến của lịch sử triết học. Ông khởi đầu bằng nhận xét: chỉ có một lịch sử về những triết học, không có một lịch sử triết học. Không có một triết học chứa đựng tất cả những triết học. Triết học toàn diện, ở những thời khoảng nhất định, là ở nơi mỗi triết học. Có thể nói: tâm điểm của nó ở khắp nơi và chu vi của nó không ở chỗ nào.
Vấn đề then chốt nhất cần phải được thảo luận là vấn đề Đông/Tây trong lịch sử triết học. Đông và Tây có gặp nhau qua cùng một danh xưng triết học không? Theo Merleau-Ponty, có sự khác biệt giữa hai nền triết học. Người ta có cảm tưởng là triết gia Trung hoa không đồng ý với triết gia phương Tây về ý niệm hiểu và biết, về nguồn gốc tri thức khách thể. Công việc tư tưởng của nhà triết học phương Đông là dẫn khởi, không phân biệt cái bao dung và cái bị bao dung, ý nghĩa và cái được chỉ thị ý nghĩa.

Dường như chỉ có những ngạn ngữ tiêu biểu cho khái niệm. Hegel và những người theo Hegel coi tư tưởng Đông phương như vẫn tiếp cận xa vời với khái niệm. Husserl cũng đi vào con đường thiên kiến như thế khi nhận xét Ấn độ, Trung hoa là những mô thức kinh nghiệm mang tính dân tộc học. Tuy vậy, Husserl đã sáng suốt nhận thức vấn đề triết học là mở rộng khái niệm mà không tiêu diệt nó. Tư tưởng Tây phương có những điểm hay như nỗ lực nhận thức, khái niệm chính xác. Đó là một văn hóa tự phê phán trong minh bạch, khúc chiết, tự ý thức cũng như ý thức các nền văn hóa khác.

Ở điểm này, phương Tây vẫn duy trì hệ thống đối chiếu phát kiến ra những phương tiện lý luận và thực tiễn về nhận thức, tiến tới con đường chân lý. Mục tiêu chiếm hữu tự tại và chân lý là giấc mơ của những nền văn hóa khác, mà chính phương Tây cũng chưa hoàn tất. Nhưng mối tương giao lịch sử giữa Hy lạp và Đông phương, hay trong tư tưởng Đông phương cũng có những đặc tính như ngụy biện, hoài nghi, biện chứng, luận lý chứng tỏ không có một ranh giới địa chí giữa triết học và phi triết học. Triết học thuần túy” hay “tuyệt đối nhân danh Hegel đã loại trừ Đông phương thì chính nó đã loại trừ một phần lớn những cái hay, cái đẹp trong quá khứ Tây phương.
Giữa Đông và Tây, mối quan hệ không phải là phi triết học với triết học [14]. Tinh thần nhân loại thống nhất ở trong những tương giao ngoại biên của mỗi nền văn hóa với những nền văn hóa khác, trong tiếng gọi bên này thức tỉnh bên kia. Tôi gọi đó là tinh thần siêu quốc.
Ý nghĩa siêu quốc thật sự đã có một quá trình lâu dài trong lịch sử triết học, mà lịch sử triết học như Nicolai Hartmann chỉ ra rất quan trọng trong việc đi vào triết học [15] vì tương phản với những khoa học khác, luôn làm mới và xem thế giới như một tổng thể. Trong bộ Lịch sử triết học khái quát giản yếu [16]

Dilthey dùng từ “universalgeschichtlichen Darstellungen để trình bày quá trình tư tưởng qua ba thế hệ trên trái đất này là những dân tộc phương Đông, Địa trung hải thời cổ và hiện đại. Bộ Die grossen Philosophen của Karl Jaspers hay Kleine Weltgeschichte der Philosophie của Hans Joachim Störig lấy đề từ qua ý tưởng của Jaspers: Ảnh hưởng của tư tưởng triết học trong thế giới ngày nay chỉ khả hữu nếu như tiếp cận được đa số con người…Do đó, thiết yếu, đây là thời điểm chiêm ngưỡng của toàn nhân loại có thể thông giao những điều cơ bản, khả dĩ minh bạch mà không hy sinh mất đi cái bản chất sâu sắc [17].
Ngày nay, vô số những công trình về triết học thế giới/World Philosophy nhằm đáp ứng nhu cầu ấy và bổ sung cho những khiếm khuyết về tri thức, tư tưởng ở những vùng khác nhau cho nhà triết học cũng như người thường. Những công trình ấy chỉ mới xuất bản trong mấy thập niên nay chứng tỏ sự trì trệ trong thông giao học thuật [18].
Song ý nghĩa của tinh thần siêu quốc như thế nào? Đó là vấn đề.
Trước tiên là cái nguồn/nguyên ủy ẩn dấu/hidden source: một nhà triết học Mỹ S.M. Melamed từ năm 1933 đã viết một tác phẩm nhan đề Spinoza and Buddha, Visions of a dead God xem Spinoza như một ngôi sao cô độc trên vòm trời triết học, phân biệt hình tượng Spinoza như một triết gia Tây phương tuy là một khuôn mặt sáng chói, song ông muốn chỉ ra vị tổ tinh thần của Spinoza trong hình tượng thế giới ở đây không là Descartes, nhưng là một nhà tôn giáo: Phật, học thuyết của Spinoza như một chấn động cuối của Phật giáo trong thế giới phương Tây. Nhà triết học Đức Reinhard May trong Ex oriente lux: Heideggers Werk unter ostasiatischem Einfluß/Ánh sáng từ phương Đông: tác phẩm của Heidegger chịu ảnh hưởng Đông Á xuất bản năm 1989 chỉ ra nguồn ẩn Đông phương như Thiền và Đạo giáo đã tác động lên tư tưởng Heidegger, do tiếp cận với những học giả Nhật, cũng như qua những bản dịch Lão Trang.
Tính siêu quốc còn đặc thị trong giao ngộ phê phán, như Fred R. Dallmayr rất tán đồng khái niệm “bổ sung/complementarity theo Erhart Kästner trong việc nghiên cứu tư tưởng của một triết gia qua giao ngộ bổ sung của những triết gia khác. Cho nên đọc Nietzsche chẳng hạn qua Heidegger, qua Descartes đọc Heidegger không chỉ qua hủy tạo của Derrida mà qua lý luận phê bình của Adorno.

Nhà triết học Ấn J.L. Mehta dùng một từ khác Inter-cultural Understanding với ý nghĩa Understanding hiểu theo tiếng Đức Verstehen/lĩnh hội để nghiên cứu hiện tượng tôn giáo tỉ giảo cũng là một thể loại lĩnh hội, trong giao ngộ văn hóa [19]. Cho nên việc đọc một tác giả, một triết học ngày nay do những tiếp cận giao ngộ qua lý giải thông diễn đã làm thay đổi tình hình nhận thức; người ta nói đến một Hegel sau Derrida chẳng hạn, có nghĩa là công trình của Derrida trong lý giải Hegel đã là một sự biến tạo thành khúc quanh trong việc đọc/hiểu Hegel. Những sự biến tương tự như khi nói đến sau Heidegger, sau Foucault v.v..
Tần Gia Ý/Julia Ching trong The religious thought of Chu Hsi/tư tưởng tôn giáo của Chu Hy, 2000 nói đến việc tiếp cận tư tưởng phương Đông của những nhà truyền giáo vào thế kỷ 17 và 18 chia làm hai loại: những người ngưỡng mộ văn hóa Trung hoa khá tích cực trong việc giới thiệu triết học phương Đông, đặc biệt là Khổng giáo với người Âu châu và một loại người phê phán như Nicholas Longobardi, Antoine de Ste Marie xem đất Trung hoa như lãnh địa của những người vô thần và bất khả tri.

Hai tác phẩm của Dòng Tên là Confucius Sinarum Philosophus/Triết gia Trung hoa Khổng tử, 1687 của Phillipe Couplet và Nouveaux mémoires sur l'état présent de la Chine/Bút ký mới về tình hình Trung hoa ngày nay, 1696 của L. Lecomte theo Tần Gia Ý như thắp lên ngọn lửa tri tưởng cho giới trí thức châu Âu và đổ thêm dầu vào những tranh luận thần học. Bút ký của Lecomte ca ngợi giáo hỗ đạo giáo của Trung hoa còn làm giới Đại học Sorbonne lên án vì đụng đến nghi hoặc về tính thống nhất của mặc khải Cơ đốc.
Trong chương 3 về triết học Đông/Tây của Cơ sở tư tưởng thời quá độ, tôi đã nhắc đến những công trình của David A. Dilworth về triết học tỉ giảo, của F. Jullien về tư tưởng trung hoa, của Philip Ivanhoe, Heiner Roetz về đạo lý trung hoa, của Jacynthe Tremblay về triết học Nishida Kitarô v.v.., những tác động qua lại trong giao ngộ tư tưởng giữa những nhà triết học Nhật, Ấn với triết học phương Tây.
Trong cuộc giao ngộ tương tranh này, điểm đặc sắc là phân chia những thời kỳ trục mà Karl Jaspers quan niệm, sẽ nói đến sau. Nét đặc sắc siêu quốc khác trong tỉ giảo triết học là hủy tạo ranh giới không/thời gian. Nhiều công trình tham luận vào lãnh vực này. Chẳng hạn tuyển tập Essays on Skepticism, Relativism, and Ethics in the Zhuangzi [20] Paul Kjellberg đối chiếu Trang tử, Tuân tử với Sextus Empiricus, Lisa Raphals luận về sách lược hoài nghi trong sách Trang tử/Nam hoa kinh của Trang với thiên Theaetetus của Platon, David Loy luận về Chân phi chân giữa Trang và Long thọ/Nàgàrjuna, Mark Berkson tranh cãi về vấn đề ngôn ngữ có những tương đồng để mệnh danh Trang là nhà hủy tạo của thế kỷ IV tr. Tây lịch hay Derrida là Đạo gia của thế kỷ 20?

Tuyển tập Nietzsche and Asian Thought [21] bàn về quan tâm đến tư tưởng Nietzsche trong mấy thập niên qua trên phạm vi toàn cầu. Triết gia Nhật Nishitani Keiji nhận xét về Nietzsche: Không phải quan điểm hư vô luận của ông về Phật giáo nhưng chính những ý tưởng như amor fati và quan niệm theo Dionysos như một nỗ lực vượt chủ nghĩa hư vô khiến Nietzsche đến rất gần với Phật giáo, và đặc biệt là Đại thừa.

Những công trình như Selflessness in Sartre's Existentialism and Early Buddhism [22] của triết gia Thái Prayoon Mererk, Derrida and Indian Philosophy, 1990 của Harold Coward, Authentic human destiny: the paths of Shankara and Heidegger, 1998 của Vensus A. George chỉ ra xu hướng đối chiếu đẩy khoảng cách thời gian rất xa thu hẹp lại, những hội luận triết học trên tầm mức quốc tế, đàm thoại trên truyền hình Tây nam tại Baden-Baden giữa Heidegger và tỳ kheo Maha Mani đến từ Bangkok v.v.. chỉ ra thông giao ngoài phạm vi địa chí, đặt lại viễn tưởng lịch sử triết học trên một khung không gian mới.
(còn nữa)
--------------------
[1] Idee zu einer allgemeinen Geschichte in weltbürgerlicher Absicht
[2] Über den Gebrauch teleologischer Principien in der Philosophie
[3] Die Natur thut nämlich nicht überflüssig und ist im Gebrauche der Mittel zu ihren Zwecken nicht verschwenderisch.
[4] Aus welcher von Geschưpfen, die ohne eigenen Plan verfahren, dennoch eine Geschichte nach einem bestimmten Plane der Natur möglich sei.
[5] Nguyên văn: Denn mir scheint das Grundproblem der Philosophie von Kant für alle Zeiten festgestellt zu sein. Es ist das höchste und allgemeinste aller menschlichen Forschung: welchergestalt ist die Welt, die für uns doch nur in unseren Anschauungen und Vorstellungen da ist, uns gegeben?
[6] Was ist Aufklärung? Was heißt: Sich im Denken orientiren? Verkündigung des nahen Abschlusses eines Tractats zum ewigen Frieden in der Philosophie.
[7] In trong Tẩu khúc văn chương/triết lý, 2004.
[8] Dẫn Kant trong Những tiến triển của siêu hình học ở Đức từ Leibniz và Wolff. Xem: Chân dung Triết gia, 1973 (ĐPQ).
[9] Xem Cơ sở tư tưởng thời quá độ, 2007 - ch. 7 (ĐPQ).
[10] Vorlesungen über die Geschichte der Philosophie. Phần dẫn nhập nói đến ở đây là Einleitung in die Geschichte der Philosophie, hrgs. Johanes Hoffmeister, có thể tham chiếu bản dịch tiếng Anh Hegel's Introduction to the Lectures on the History of Philosophy, 1985 của T.M. Knox và A.V. Miller, bản dịch tiếng Pháp Leçons sur l'histoire de la philosophie: Introduction, bibliographie, philosophie orientale, 2004 của Gilles Marmasse.
[11] Das Wesen der Philosophie, lần đầu in trong bộ Systematische Philosophie: Die Kultur der Gegenwart, 1907, in lại trong Die Geistige Welt, GS V.
[12] Một lý luận về thế giới quan/Weltanschauunglehre trong dạng bản thảo của Dilthey đã in trong Gesammelte Schriften, VIII - Luận về triết học của triết học/Abhandlungen zur Philosophie der Philosophie.
[13] Leben ist die innere Beziehung der psychischen Leistungen im Zusammenhang der Person.
[14] Xem chương 2 và chương 3 trong Cơ sở tư tưởng thời quá độ (ĐPQ).
[15] Trong Einführung in die Philosophie, Hartmann xác định: Die Beschäftigung mit der Philosophiegeschichte ist auch in einer Einleitung erforderlich; denn die Philosophie muß sich im Gegensatz zu anderen Wissenschaften immer wieder erneut mit ihrer Geschichte auseinandersetzen, in der es versucht worden ist, die Welt als Ganzes zu schauen.
[16] Grundriss der allgemeinen Geschichte der Philosophie, H-G. Gadamer xuất bản và bổ sung năm 1949.
[17] Karl Jaspers trong Die Aufgabe der Philosophie in der Gegenwart/Nhiệm vụ của triết học ngày nay, 1953.
[18] Có thể kể vài công trình tiêu biểu như: những tham luận tại hội nghị triết học quốc tế do Raymond Klibansky biên soạn, La philosophie contemporaine, I-IV, 1968-1971 La Nuova Italia Editrice x.b.; John R. Burr biên tập: Handbook of World Philosophy, 1980; Robert C. Solomon và Kathleen M. Higgins biên tập: From Africa to Zen, 1993; Eliot Deutsch và Ron Bontekoe biên tập: A Companion to World Philosophies, 1997; Raymond Klibansky và David Pears biên tập: La philosophie en Europe, 1993.
[19] Xem: Fred R. Dallmayr, Critical Encounters, 1987; J.L. Mehta, India and the West, 1985.
[20] Những tiếu luận về thuyết hoài nghi, thuyết tương đối và Đạo lý trong Trang tử, 1996 Paul Kjellberg và Philip J. Ivanhoe biên tập.
[21] Nietzsche và tư tưởng châu Á, 1991 do Graham Parkes biên tập.
[22] Vô ngã trong thuyết



JAMES WEBB * CHIẾN TRANH & NƯỚC MỸ

Chăn Gối với Kẻ Thù
Sleeping With the Enemy.
By James Webb, Vu Uyen Giang chuyển ngữ

Biết giải thích như thế nào với những đứa con của tôi rằng khi tôi mười mấy, đôi mươi, những tiếng nói ồn ào nhất của những người cùng thời lại nhằm mục đích phá nát những nền tảng của xã hội Hoa Kỳ, để xây dựng lại một xã hội dựa theo quan điểm đầy tự mãn của họ. Giờ đây nhìn lại, ngay cả chúng ta, những người đã trải qua giai đoạn này, cũng không hiểu được tại sao lại có những kẻ với trình độ học vấn cao, đa số sinh ra từ gia đình thượng lưu, lại có thể gieo rắc những tư tưởng phá hoại làm nhiễm độc bầu không khí của thập niên 1960 và những năm đầu của thập niên 1970. Ngay cả Quốc Hội cũng bị nhiễm những con vi khuẩn nầy.

Sau khi tổng thống Nixon từ chức vào tháng Tám 1974, cuộc bầu cử mùa thu năm ấy mang lại 76 tân dân biểu thuộc đảng Dân Chủ và 8 thượng nghị sĩ. Đại đa số những dân cử chân ướt chân ráo này đã tranh cử dựa trên cương lĩnh của Mc Govern. Nhiều người trong số họ được xem như những ứng viên yếu kém trước khi Nixon từ chức, vài người không xứng đáng thấy rõ, chẳng hạn như Tom Downey, 26 tuổi, thuộc New York, người chưa từng có một nghề ngỗng gì và vẫn còn ở nhà với mẹ.

Cái gọi là Quốc Hội hậu Watergate nầy diễn hành vào thành phố với một sứ mệnh vô cùng quan trọng mà sau này trở thành điểm tập hợp cho cánh Tả của Hoa Kỳ: chấm dứt sự giúp đỡ của nước Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào cho chính quyền đang bị vây khốn Nam Việt Nam. Không nên lầm lẫn ở chỗ này – đây không phải là sự kêu gào thanh niên Mỹ đừng đi vào cõi chết của những năm trước đây. Những người lính Mỹ cuối cùng đã rời Việt Nam hai năm trước rồi, và đã tròn bốn năm không có một người Mỹ nào bị tử trận.

Bởi những lý do mà không một viện dẫn lịch sử nào có thể bào chữa được, ngay cả sau khi quân đội Mỹ triệt thoái, cánh Tả vẫn tiếp tục những cố gắng để đánh gục nền dân chủ còn phôi thai của Nam Việt Nam. Phụ tá sau này của Nhà Trắng Harold Ickes và nhiều người khác trong “Chiến Dịch Kiểm Soát Tài Chính” – có một lúc được một người tuổi trẻ nhiều tham vọng Bill Clinton giúp đỡ – làm việc để cắt toàn bộ những khoản tài trợ của Quốc Hội nhằm giúp miền Nam Việt Nam tự bảo vệ. Liên Hiệp Hoà Bình Đông Dương, do David Dellinger điều hành và được Jane Fonda và Tom Hayden quảng bá, phối hợp chặt chẽ với Hà Nội suốt năm 1973 và 1974, đi khắp các khuôn viên đại học Mỹ, tập hợp sinh viên để chống lại điều được cho là những con ác quỷ trong chính quyền miền Nam Việt Nam. Những đồng minh của họ trong Quốc Hội liên tục thêm vào những tu chính án để chấm dứt sự viện trợ của Hoa Kỳ cho những người Việt Nam chống cộng, ngăn cấm cả đến việc sử dụng không lực để giúp những chiến binh Nam Việt Nam đang bị các đơn vị Bắc Việt được khối Sô Viết yểm trợ tấn công.

Rồi đến đầu năm 1975 Quốc Hội Watergate giáng một đòn chí tử xuống các nước Đông Dương không cộng sản. Tân Quốc Hội lạnh như băng từ chối lời yêu cầu gia tăng quân viện cho Việt Nam và Cam Bốt của tổng thống Gerald Ford. Ngân khoản dành riêng này sẽ cung cấp cho quân đội Cam Bốt và Nam Việt Nam đạn dược, phụ tùng thay thế, và vũ khí chiến thuật cần thiết để tiếp tục cuộc chiến tự vệ. Bất chấp sự kiện là Hiệp Định Paris 1973 đặc biệt đòi hỏi phải cung cấp “viện trợ để thay thế trang thiết bị quân sự vô giới hạn” cho Nam Việt Nam, đến tháng Ba phe Dân Chủ trong Quốc Hội biểu quyết với tỷ số áp đảo, 189-49, chống lại bất kỳ viện trợ quân sự bổ sung nào cho Việt Nam và Cam Bốt.

Trong các cuộc tranh luận, luận điệu của phe Tả phản chiến gồm toàn những lời lên án các đồng minh đang bị chiến tranh tàn phá của Hoa Kỳ. Và đầy những hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp cho các quốc gia nầy dưới sự cai trị của chế độ Cộng Sản. Rồi dân biểu Christopher Dodd , tiêu biểu cho sự ngây thơ hết thuốc chữa của các đồng viện, lên giọng đầy điệu bộ “gọi chế độ Lon Nol là đồng minh là làm nhục chữ nghĩa…Tặng vật lớn nhất mà đất nước chúng ta có thể trao cho nhân dân Cam Bốt là hòa bình, không phải súng. Và cách tốt nhất để đạt được mục đích này là chấm dứt viện trợ quân sự ngay lập tức.”
Sau khi trở thành chuyên gia đối ngoại trong vòng chỉ có hai tháng kể từ lúc thôi bú mẹ, Tom Downey chế diễu những cảnh báo về tội ác diệt chủng sắp sửa xảy ra ở Cam Bốt, cái tội ác đã giết hơn một phần ba dân số của quốc gia này, như sau, “chính phủ cảnh báo rằng nếu chúng ta rời bỏ các quốc gia ấy thì sẽ có tắm máu. Nhưng những cảnh báo cho việc tắm máu trong tương lai không thể biện minh cho việc kéo dài việc tắm máu hiện nay.”

Trên chiến trường Việt Nam việc chấm dứt viện trợ quân trang, quân cụ là một tin làm kinh ngạc và bất ngờ. Các cấp chỉ huy quân đội của miền Nam Việt Nam đã được bảo đảm về việc viện trợ trang thiết bị khi người Mỹ rút quân – tương tự như những viện trợ Hoa Kỳ vẫn dành cho Nam Hàn và Tây Đức – và cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tái oanh tạc nếu miền Bắc tấn công miền Nam, vi phạm hiệp định Paris 1973. Bây giờ thì họ đang mở mắt trừng trừng nhìn vào một tương lai bất định khủng khiếp, trong lúc khối Sô Viết vẫn tiếp tục yểm trợ cho Cộng Sản Bắc Việt.

Trong lúc quân đội Nam Việt Nam, vừa choáng váng vừa mất tinh thần, tìm cách điều chỉnh lại lực lượng để đối phó với những thiếu thốn trang thiết bị cần thiết, quân miền Bắc được tái trang bị đầy đủ lập tức phát động ra cuộc tổng tiến công. Bắt giữ được nhiều đơn vị bị cô lập, quân miền Bắc tràn xuống vùng đồng bằng trong vòng có 55 ngày. Những năm về sau tôi phỏng vấn các người lính miền Nam Việt Nam còn sống sót trong các cuộc giao tranh, nhiều người trải qua hơn chục năm trong các trại tập trung của cộng sản sau khi cuộc chiến chấm dứt. Điệp khúc này không bao giờ chấm dứt: “Tôi không còn đạn dược.” “Tôi chỉ còn 3 quả đạn pháo cho mỗi khẩu một ngày.” “Tôi không còn gì để phát cho binh sĩ của tôi.” “ Tôi phải tắt máy truyền tin, bởi vì tôi không thể nào chịu đựng được nữa những lời kêu gọi xin tiếp viện.”

Phản ứng của Hoa Kỳ trước sự sụp đổ này cho thấy có hai nhóm khác nhau, và điều này vẫn còn tiếp tục được thấy rõ trong nhiều vấn để chúng ta đang đương đầu ngày nay. Đối với những người đã từng chiến đấu ở Việt Nam, và đối với gia đình, bạn bè, và những người cùng quan điểm chính trị với họ, đây là là một tháng đen tối và tuyệt vọng. Những khuôn mặt mà chúng ta thấy đang chạy trốn sự tấn công của Bắc Quân là những khuôn mặt rất thật và quen thuộc, không phải đơn thuần là những hình ảnh truyền hình. Những thân người xoay trong không gian như những bông tuyết, rơi xuống chết thảm khốc sau khi đeo bám tuyệt vọng vào thân trực thăng hay phi cơ, có thể là những người chúng ta quen biết hoặc từng giúp đỡ. Ngay cả đối với những kẻ không còn niềm tin vào khả năng đánh bại Cộng Sản, đây không phải là cách để chấm dứt cuộc chiến.

Đối với những kẻ từng trốn tránh cuộc chiến và lớn lên tin rằng đất nước chúng ta là quỷ dữ, và ngay cả khi họ thơ mộng hoá những ý định của người cộng sản, những tuần lễ sau cùng này đã chối bỏ trách nhiệm của mình trong sự sụp đổ này bằng những phê phán quân đội Nam Việt Nam đầy tính sa lông, hay là công khai reo mừng. Ở trung tâm Luật Khoa của đại học Georgetown nơi tôi đang theo học, việc Bắc Việt trắng trợn ném bỏ các điều cam kết về hòa bình và bầu cử trong hiệp định Paris 1973, và tiếng xe tăng của Bắc Quân trên đường phố Sài Gòn được xem như là một cái cớ để thực sự ăn mừng.

Sự chối bỏ trách nhiệm vẫn còn tràn lan trong năm 1997, nhưng thực ra cái kết cuộc này chính là mục tiêu của những cố gắng không ngừng nghỉ của phong trào phản chiến trong những năm theo sau sự rút quân của Mỹ. George McGovern, thẳng thắn hơn nhiều người, công khai tuyên bố với người viết trong lúc nghỉ khi thâu hình cho chương trình “Crossfire” của CNN vào năm 1995. Sau khi tôi đã lý luận rằng cuộc chiến rõ ràng là có thể thắng được ngay cả vào giai đoạn cuối nếu chúng ta thay đổi chiến lược của mình, ứng cử viên tổng thống năm 1972, người tình nguyện đi Hà Nội bằng đầu gối, bình luận, “Anh không hiểu là tôi không muốn chúng ta chiến thắng cuộc chiến đó sao?” Ông McGovern không chỉ có một mình. Ông ta là phần tử của một nhóm nhỏ nhưng vô cùng có ảnh hưởng. Sau cùng họ đã đạt được điều họ muốn.

Có lẽ không còn minh chứng nào lớn hơn cho không khí hân hoan chung quanh chiến thắng của Cộng Sản là giải thưởng điện ảnh năm 1975, được tổ chức vào ngày 8 tháng 4, ba tuần trước khi miền Nam sụp đổ. Giải phim tài liệu hay nhất được trao cho phim Hearts and Minds, một phim tuyên truyền độc ác tấn công những giá trị văn hóa Hoa Kỳ cũng như những cố gắng của chúng ta để hỗ trợ cho sự chiến đấu cho nền dân chủ của miền Nam Việt Nam. Các nhà sản xuất Peter Davis và Bert Schneider (người thủ diễn một vai trong câu chuyện của david Horowitz) cùng nhau nhận giải Oscar. Schneider thẳng thừng trong việc công nhận sự ủng hộ những người Cộng Sản của mình. Đứng trước máy vi âm ông ta nói: ”Thật là ngược đời khi chúng ta đang ở đây, vào thời điểm mà Việt Nam sắp được giải phóng.” Rồi giây phút đáng kinh ngạc nhất của Hollywood xảy ra – dù giờ đây đã được cố tình quên đi-. Trong lúc quốc gia Việt Nam, mà nhiều người Mỹ đã đổ máu và nước mắt để bảo vệ, đang tan biến dưới bánh xích của xe tăng, Schneider lôi ra một điện tín được gởi từ kẻ thù của chúng ta, đoàn đại biểu Cộng Sản Việt Nam ở Paris, và đọc to lên lời chúc mừng cho phim của mình. Không một phút giây do dự, những kẻ nhiều quyền lực nhất của Hollywood đứng dậy hoan nghênh việc Schneider đọc bức điện tín này.

Chúng ta, những người đã từng chiến đấu ở Việt Nam hoặc là những người ủng hộ những cố gắng ở đó, nhìn lại cái khoảnh khắc này của năm 1975 với sự sửng sốt không nguôi và không bao giờ quên được. Họ là ai mà cuồng nhiệt đến thế để đầu độc cái nhìn của thế giới về chúng ta? Sao họ lại có thể chống lại chính những người đồng hương của mình một cách dữ tợn đến thế? Sao họ có thể đứng dậy để hoan nghênh chiến thắng của kẻ thù Cộng Sản, kẻ đã làm thiệt mạng 58000 người Mỹ và đè bẹp một đồng minh chủ trương ủng hộ dân chủ? Làm sao có thể nói rằng chúng ta và họ đang sống trong cùng một đất nước?

Từ lúc ấy đến nay, không một lời nào của Hollywood nói về số phận của những con người biến mất sau bức màn tre của Việt Nam . Không ai đề cập đến những trại tập trung cải tạo mà hàng triệu chiến binh miền Nam Việt Nam đã bị giam giữ, 56000 người thiệt mạng, 250,000 bị giam hơn 6 năm, nhiều người bị giam đến 18 năm. Không người nào chỉ trích việc cưỡng bách di dân, tham nhũng, hay là chế độ công an trị mà hiện vẫn còn đang tiếp diễn. Thêm vào đó, ngoại trừ phim Hamburger Hill có ý tốt nhưng kém về nghệ thuật, người ta chỉ hoài công nếu muốn tìm một phim thuộc loại có tầm vóc diễn tả các chiến binh Hoa Kỳ ở Việt Nam với đầy đủ danh dự và trong những khung cảnh có thật.

Tại sao?
Bởi vì cộng đồng làm phim, cũng như những kẻ thuộc loại đỉnh cao trí tuệ trong xã hội, chưa bao giờ yêu thương, kính phục, hay ngay cả thông cảm với những con người đã nghe theo tiếng gọi của đất nước, lên đường phục vụ. Và vào lúc mà một cuộc chiến âm thầm nhưng không ngừng nghỉ đang diễn ra về việc lịch sử sẽ ghi nhớ đất nước chúng ta tham dự ở Việt Nam như thế nào, những kẻ chế diễu chính sách của chính quyền, trốn lính, và tích cực ủng hộ kẻ thù, cái kẻ thù mà sau cùng trở nên tàn độc và thối nát, không muốn được nhớ đến như là những kẻ quá đỗi ngây thơ và lầm lẫn.

Giữa những người dân Mỹ bình thường, thái độ của họ trong khoảng thời gian rối ren nầy lành mạnh hơn nhiều. Đằng sau những tin tức bị thanh lọc và những bóp méo về Việt Nam, thực tế là những công dân của chúng ta đồng ý với chúng ta , những người đang chiến đấu, hơn là với những kẻ làm suy yếu cuộc chiến đấu này. Khá thú vị là điều nầy đặc biệt đúng với tuổi trẻ Mỹ, mà giờ đây vẫn còn được mô tả như là thành phần nổi loạn chống chiến tranh.

Như được tường trình lại trong bài Ý Kiến Quần Chúng, những kết quả thăm dò của Gallup từ năm 1966 cho đến khi Hoa Kỳ chấm dứt sự tham dự cho thấy tuổi trẻ Mỹ thực ra ủng hộ cuộc chiến Việt Nam lâu bền hơn bất cứ lứa tuổi khác. Ngay cả cho đến tháng 1 năm 1973, khi 68 phần trăm dân Mỹ trên 50 tuổi tin rằng chuyện gởi quân sang Việt Nam là một sai lầm, chỉ có 49 phần trăm những người tuổi từ 25 đến 29 đồng ý. Những phát hiện nầy cho thấy giới trẻ nói chung rõ ràng là không cực đoan, điều này đã được củng cố thêm bằng kết quả bầu cử năm 1972 – trong đó lứa tuổi từ 18 đến 29 ưa thích Richard Nixon hơn là George McGovern bằng tỷ lệ 52 so với 46 phần trăm.

Tương tự như vậy, mặc dù trong quá khứ những người chống đối này, mà ngày nay đang thống lĩnh giới báo chí và giới khoa bảng, đã khăng khăng nói ngược với thực tế, sự xâm nhập vào Cam Bốt năm 1970 đã được ủng hộ quần chúng mạnh mẽ.. – Sự xâm nhập này đã gây ra sự phản đối rộng khắp ở các sân trường đại học, kể cả một vụ xung đột làm cho bốn người chết ở Kent State University. Theo những kết quả thăm dò dư luận của Harris gần 6 phần 10 dân Mỹ tin rằng sự xâm nhập vào Cam Bốt là đúng đắn. Đa số được hỏi ý kiến, trong cùng bản thăm dò này vào tháng 5 năm 1970, ủng hộ tái oanh tạc miền Bắc, một thái độ cho thấy sự bác bỏ hoàn toàn phong trào phản chiến.

Các cựu chiến binh Việt Nam, dù bị bôi bẩn thường xuyên trên phim ảnh, trong các bản tin, và trong các lớp học, như là những chiến binh miễn cưỡng và thất bại, vẫn được những người dân Mỹ bình thường tôn trọng. Trong một nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến giờ về những cựu chiến binh Việt Nam (Harris Survey, 1980, do Veterans Administration ủy quyền) , 73 phần trăm công chúng và 89 phần trăm cựu chiến binh Việt Nam đồng ý với câu phát biểu “Vấn đề rắc rối ở Việt Nam là quân đội chúng ta được yêu cầu chiến đấu trong một cuộc chiến mà các lãnh tụ chính trị ở Washington không để cho họ được phép chiến thắng”, 70 phần trăm những người từng chiến đấu ở Việt Nam không đồng ý với câu phát biểu “Những gì chúng ta gây ra cho nhân dân Việt Nam thật đáng xấu hổ.” Trọn 91 phần trăm những người đã từng phục vụ chiến đấu ở Việt Nam nói rằng họ hãnh diện đã phục vụ đất nước, và 74 phần trăm nói rằng họ thấy thoải mái với thời gian trong quân đội. Hơn nữa, 71 phần trăm những người phát biểu ý kiến cho thấy họ sẵn sàng chiến đấu ở Việt Nam một lần nữa , ngay cả nếu biết rằng cái kết quả chung cuộc vẫn như thế và sự giễu cợt sẽ đổ lên đầu họ khi họ trở về.

Bản thăm dò này còn có cái gọi là “nhiệt kế đo cảm giác,” để đo lường thái độ của công chúng đối với những nhóm người khác nhau, với thang điếm từ 1 đến 10.. Cựu chiến binh từng phục vụ ở Việt Nam được chấm điểm 9.8 trên thang điểm này. Bác sĩ được 7.9, phóng viên truyền hình 6.1, chính trị gia 5.2, những người biểu tình chống chiến tranh 5.0, kẻ trốn quân dịch và chạy sang Canada được cho 3.3.

Trái ngược với những câu chuyện huyền thoại được dai dẳng phổ biến, hai phần ba những người phục vụ ở Việt Nam là quân tình nguyện chứ không phải bị động viên, và 77 phần trăm những người tử trận là quân tình nguyện. Trong số những người tử trận: 86 phần trăm là da trắng,12.5 phần trăm người Mỹ gốc Phi Châu và 1.2 phần trăm thuộc các chủng tộc khác. Những cáo buộc rất phổ biến như là chỉ có dân thuộc các nhóm thiểu số và người nghèo được giao cho những công tác khó khăn trong quân đội khi ở Việt Nam là điều sai lạc. Sự bất quân bình trong cuộc chiến, thực ra chỉ đơn giản là do những thành phần đặc quyền đặc lợi trốn tránh trách nhiệm của mình, và chính những người này kể từ thời gian ấy đã kiên trì bôi bẩn những kinh nghiệm về cuộc chiến để nhằm tự bào chữa cho chính mình, phòng khi sau này bị lịch sử phán xét.

Thế còn những kẻ không những đã hiểu sai ý nghĩa một cuộc chiến, mà còn không hiểu nổi dân tộc của mình, những kẻ thuộc thành phần tinh hoa của xã hội đó bây giờ ra sao? Bây giờ họ đang ở đâu nếu không phải ở trong tòa Bạch Ốc? Trên vấn đề lịch sử quan yếu này, cái vấn đề đã xác định thế hệ của chúng ta, họ dấu mình thật kín. Họ nên dấu mình như thế.

Đối với những kẻ đã đem cuộc hành trình tuổi trẻ đánh bạc trên cái ý tưởng rằng tổ quốc mình là một lực lượng ác quỷ, sau khi nhận ra sự ngây thơ của mình trong những năm sau năm 1975, chắc họ phải có một cảm giác rất kinh khủng. Thật là sáng mắt sáng lòng cho những kẻ đã tỉnh thức, đã tự vượt qua được phản ứng chối tội, để chứng kiến cảnh tượng hàng trăm ngàn người dân miền Nam Việt Nam chạy trốn “ ngọn lửa tinh nguyên của cách mạng “ trên những con tàu ọp ẹp, sự chạy trốn mà chắc chắn 50 phần trăm sẽ vùi thây ngoài biển, hoặc là nhìn thấy những hình ảnh truyền hình của hàng ngàn chiếc sọ người Cam Bốt nằm lăn lóc trên những cánh đồng hoang, một phần nhỏ của hàng triệu người bị giết bởi những người Cộng Sản “giải phóng quân.”

Thực vậy, chúng ta hãy thẳng thắn nhìn nhận. Thật đáng tủi nhục biết bao khi nhìn vào khuôn mặt của một thương binh, hay là nghe diễn từ tốt nghiệp của một học sinh thủ khoa người Mỹ gốc Việt Nam, mà người cha quá cố của em đã chiến đấu bên cạnh những người Mỹ, cho một lý tưởng mà bọn họ công khai mỉa mai, chế diễu, và xem thường. Và thật là một điều đáng xấu hổ khi chúng ta có một hệ thống chính quyền đã để cho em học sinh đó thành công nhanh chóng ở đây, mà lại không thực hiện được một hệ thống như vậy ở quê hương của em.

Vũ Uyên Giang
P.O.Box 7036 - Warner Robins , GA 31095-7036 - USA
E-mail: vinhnguyen3521@ yahoo.com
vuuyengiang1@ yahoo.com
www.vuuyengiang. com

TRUYỆN NGẮN

Thằng Chồng Việt Kiều Của Tôi !
Những ai phải trải qua cay đắng mới biết giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi cũng vậy. Hạnh phúc, tiền bạc, danh vọng, và bộ mặt đã làm tôi như quay cuồng.
Cũng chỉ vì “lấy chồng Việt Kiều” và “có rể Việt Kiều” đã làm cho “thằng chồng Việt Kiều” của tôi điêu đứng và tôi suýt bỏ rơi anh ta khi mới bắt đầu qua đây.
Có lẽ tôi quá cay đắng nhưng tôi đã hối hận rất nhiều.
Tôi vốn ở Biên Hòa, được cho là xinh đẹp từ nhỏ. Tôi được gia đình cưng chiều nhưng không có hư đốn. Tôi vào được Đại Học Sư Phạm ngành Anh Văn và học xong.
Trong thời gian làm kiếp sinh viên, gia đình tôi đi xuống và lam lũ. Tôi trở thành sinh viên nghèo phải bươn chãi kiếm sống vì gia đình tôi không thể chu cấp mọi chi phí.
Ở xóm, có nhiều người lấy chồng Việt Kiều và có tiền xây nhà cao ráo. Ai cũng nói tôi có học và có sắc tại sao không kiếm được chồng Việt Kiều cho gia đình đỡ khổ. Cuộc sống khốn khổ như vậy khiến cho tôi nghĩ đến chuyện “lấy chồng Việt Kiều” để cưu mang gia đình.
Tôi nghĩ đơn giản như vậy, chính vì đơn giản đó đã làm hại một người, đó là thằng chồng Việt Kiều của tôi.
Với ý nghĩ đơn giản, tưởng rằng ở nước ngoài ai cũng ăn sung mặc sướng dễ kiếm ra tiền. Tôi có đọc sách báo thì thu nhập trung bình hàng năm của người Mỹ là 24 ngàn đô-la. Nếu thằng chồng làm 24 ngàn đô-la thì mình xin 6-7 ngàn có sao đâu.
Nhưng thánh thần ơi, đó là thu nhập, chưa tính thuế, tiền xăng, ăn uống, chi tiêu, nhà cửa, điện nước,…
Cái ý nghĩ ngu xuẩn chỉ cần 6-7 ngàn mỗi năm đó lan truyền vào gia đình tôi và gia đình tôi tưởng bở và thật.
Cũng chính vì tôi có sắc và có thân hình đẹp nên tôi kiếm được một thằng Việt Kiều hiền lành nhưng có chút khờ trong những Việt Kiều về thăm.
Hắn hồi ở Việt Nam chỉ học tới lớp 9, sau đi làm phụ hồ, và theo gia đình đi Mỹ theo diện HO. Qua đó hắn chỉ biết đi làm. So về trình độ học vấn thì chênh lệch với tôi do đó khó nói chuyện. Tôi biết không hạp lắm nhưng giả nai để được đi Mỹ.
Tôi nhanh chóng trao sự trinh tiết cho hắn và bắt hắn phải chịu trách nhiệm và cưới. Hắn hứa cưới. Tôi ra giá là trước khi tôi qua Mỹ thì gia đình tôi cần 20 ngàn đô để xây nhà mua xe (vì nhà tôi ọp ẹp và không có xe gắn máy).
Hắn trở lại Mỹ, và gởi tiền đều đều, hắn làm gì tôi không quan tâm vì tôi chẳng yêu, thấy tiền là tôi thích. Tôi cố gắng học cho xong 4 năm đại học để phòng khi không qua được Mỹ thì tôi có bằng cấp và dạy học Anh Văn cũng có tiền.
Khi nhà cửa tôi xây xong, xe có 2 chiếc thì hắn về. Trông hắn tiều tụy và ốm sau 2 năm và tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại Học. Đám cưới tổ chức linh đình. Gia đình tôi nở mặt nở mày với hàng xóm.
Trong khi chờ đợi qua Mỹ, tôi học thêm đủ thứ nghề từ thêu may đến vi tính, uốn tóc đến móng tay,… Hắn chu cấp vài trăm đô mỗi tháng.
Khi đến Mỹ tôi thật sự thất vọng. Thằng chồng tôi ốm yếu và bịnh hoạn. Tôi biết sự thật là sau khi gặp tôi, hắn làm 2 việc để có tiền gởi theo yêu cầu tôi. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được 4 giờ. Cuối tuần làm thêm. Nhà thì ở nhà mướn chứ không như tôi nghĩ là nhà riêng có bãi cỏ đẹp. Xe hơi thì xe cà tàng cũ xì chứ không bóng lộn như tôi thấy ở tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.
Tôi lúc đầu nghĩ rằng hắn lừa dối tôi để được tôi nên tôi giận quá bỏ hắn qua người dì. Hắn sụp đổ tinh thần và vào bịnh viện tôi chẳng cần quan tâm. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của hắn ở Mỹ phải tốt, phải như thiên đường….. Nào ngờ chỉ là dân lao động nghèo nàn không biết Anh Văn.
Dì tôi nói là nếu không trở lại sống với hắn thì về Việt Nam vì nếu tôi bỏ hắn thì tôi bị trục xuất. Dì tôi không dám chứa chấp tôi sợ liên lụy. Dì tôi cho tôi 10 ngày suy nghĩ.
10 ngày đó tôi tìm hiểu cuộc sống ở Mỹ. Tôi thấy ai cũng cố gắng đi làm để có tiền chứ không dễ hái ra tiền. Khác với ở Việt Nam là làm việc ở đây dù tiền ít vẫn không bị đói. Môi trường sống tốt hơn, học hành miễn phí, có biết tiếng Anh xin làm dễ hơn…
Tôi nghĩ về thằng chồng tôi không yêu nhưng lấy chồng vì tiền. Tôi dần dần thấy tội nghiệp hắn. Vì mê sắc đẹp tôi mà hắn phải hao tổn sinh lực làm 2 việc để có hơn 24 ngàn đô-la gởi về cho tôi trong lúc bản thân hắn chẳng có gì.
Tôi dần dần động lòng trắc ẩn thằng chồng không yêu. Tôi thấy tội nghiệp quá. Đã tốn sinh lực kiếm tiền cho tôi và sau đó bị tôi bỏ đi. Tôi ứa nước mắt ân hận.
Sau một tuần tôi trở lại và xin lỗi. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong thân hình tiều tuỵ của hắn làm tôi thêm đau lòng. Tôi thề với Trời Phật tôi không bỏ hắn và sẽ lo cho hắn.
Tôi dễ dàng kiếm việc và hắn nghỉ 3 tuần dưỡng sức vì mới ra viện. Tôi ráng bương chải thêm việc cuối tuần để hòng giúp hắn có tiền mua xe khác và cho tôi một chiếc xe cũ nào đó vì sống ở Mỹ thiếu xe không thể xin việc làm tốt hơn.
Tôi giải thích cho gia đình tôi hiểu và tôi chỉ sẽ chu cấp 100 đô mỗi tháng mà thôi. Gia đình tôi dĩ nhiên không hiểu và giận tôi và nói rằng tôi đi Mỹ bị Mỹ hoá không biết lo cho gia đình. Tôi thấy 100 đô đủ rồi, gia đình tôi kiếm thêm chứ làm sao tôi phải nuôi chồng và nuôi 6 người bên Việt Nam.
Hắn từ từ hồi phục nhưng do lao lực quá nên lúc nào cũng ốm ốm và không có sung sức. Cuộc sống tình dục vợ chồng rất thưa thớt vì hắn yếu sức. Tôi muốn có con với hắn để hắn yên lòng vì thế tôi và hắn phải nhịn 6 tháng để hòng hắn có đủ sức lực theo lời bác sĩ.
Trời Phật thương tôi và tôi có thai. Hắn hạnh phúc và sức khoẻ dần dần tốt hơn.
Do có vốn tiếng Anh, tôi có việc trong ngân hàng và lương khác. Hắn chỉ đi làm việc nhẹ và tôi ghánh vác mọi thứ. Tôi chỉ mong hắn khoẻ mạnh trở lại chứ trong gia đình ai đi làm chính cũng vậy thôi.
Con tôi ra đời khoẻ mạnh, tôi mừng khôn xiết, người mừng vui hơn tôi là hắn.
Giờ gia đình tôi ổn định. Tôi làm việc có lương gấp 3 lần chồng vì chồng chỉ lao động bình thường và khó lòng vươn lên vì trình độ bị giới hạn. Tôi dần dần có được hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, cũng như được thoả mãn tình dục do chồng tôi hồi phục được sức khoẻ.
Tôi đã sai và sửa sai.
Hy vọng các chị muốn lấy chồng Việt Kiều hiểu rõ hoàn cảnh của ông chồng tương lai để tránh nhiều chuyện đau lòng nơi xứ người.



ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC


phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử


đặng phùng quân




Marx là một trong những khuôn mặt lớn ngự trị thế giới tư tưởng thế kỷ XX. Tuy nhiên, so với những nhà tư tưởng khác, vị thế của Marx hơn hẳn vì tư tưởng Marx gắn liền với một chủ nghĩa - chủ nghĩa ấy lại được chuyên chở qua một chính đảng thống trị hơn một phần ba địa chí chính trị gần một trăm năm (đến tận cuối-thế-kỷ/1990, không kể đến sự tồn tục của một số quốc gia sẽ nói đến ở chương sau). Cho nên Mihailo Markovíc, một trong những triết gia của Trường Hạ Korcula và tạp chí Praxis vào những thập niên 60s đã phát biểu: "Khi lý luận của Marx trở thành hệ tư tưởng của cả một phong trào quốc tế đầy quyền lực, và để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này thì nó phải chịu vật hóa và mang những phẩm chất huyền thoại thiêng liêng không được xúc phạm." Hệ tư tưởng ấy thống trị suốt chiều dài lịch sử thế kỷ, cho nên khi đặt vấn đề cáo chung của lịch sử nổi lên từ một số những nhà lý luận vào cuối thế kỷ như Lutz Niethammer, Francis Fukuyama, Perry Anderson, Keith Windschuttle đều hàm ngụ sự cáo chung của chủ nghĩa Mác - hợp đồng với sự sụp đổ của "chế độ cộng sản". Như vậy còn có thể nói đến Marx?
Câu hỏi có thể bắt đầu từ một thách đố: Trong phần dẫn nhập Về vấn đề phương pháp của cuốn Phê phán lý trí biện chứng xuất bản vào năm 1960, Jean-Paul Sartre cho rằng nếu triết học phải là tổng thể hóa của tri thức, phương pháp, tư tưởng điều hợp, vũ khí tấn công và cộng đồng ngôn ngữ thì chỉ có ba thời kỳ sáng tạo triết học: "thời" của Descartes và Locke, của Kant và Hegel, và sau cùng là "thời" của Marx. Theo ông, những triết học sau Marx, chống Marx hay vượt Marx chỉ là trở lại thời tiền Marx, kể cả xu hướng "xét lại" cũng chỉ là vòng luẩn quẩn phi lý. Chính ông coi tư trào hiện sinh cũng chỉ như một giai đoạn cá thể nằm trong cái tổng thể của chủ nghĩa Mác. Quan điểm này của Sartre mang tính kinh viện, đưa ra vào lúc cấu trúc luận đang ngự trị trên diễn đàn tư tưởng như mở đường cho tư tưởng khai phá mọi lĩnh vực nhân văn. Tuy nhiên Sartre xác tín lý giải duy nhất có giá trị về Lịch sử là chủ nghĩa duy vật lịch sử: "Chủ nghĩa Mác là chính Lịch sử chuyển biến ý thức chính nó, nếu nó có giá trị là vì nội dung vật chất của nó, điều không phải tra hỏi cũng như có thể tra hỏi."
Vấn đề đặt ra là dựa trên cơ sở nào chủ nghĩa duy vật lịch sử có thể xác định sự hiển nhiên của chính nó? Làm thế nào nhận thức được một Lịch sử duy nhất khả hữu?
Trước hết, xét xem nhận định dẫn trên của Sartre có xác đáng? Hỏi như vậy có nghĩa là xét xem Marx có phải là một triết gia theo đúng nghĩa của nó? Gajo Petrovíc đã đặt lại vấn đề khi bàn về chủ nghĩa duy vật biện chứng và triết lý Karl Marx.
Trong những tranh luận về vấn đề Marx có là một triết gia đúng nghĩa có thể chia ra theo những luận cứ như: Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx viết là "khi miêu tả thực tại, triết học như một nhánh độc lập của hoạt động đã mất trung gian tồn tại", và sau đó Marx đã ngừng làm công việc triết lý mà chú trọng đến việc nghiên cứu kinh tế, lịch sử, chính trị và những công tác thực tiễn cách mạng. Theo Petrovíc, ngay trong thời kỳ viết Tư bản, ông vẫn sử dụng cách diễn đạt triết lý. Có luận cứ cho rằng Marx quan niệm không thể thủ tiêu thân phận vô sản nếu không thực hiện triết học, song triết học chỉ thực hiện khi thủ tiêu chính nó, thực hiện toàn diện triết học hàm nghĩa cáo chung của lịch sử. Luận cứ thuyết phục nhất là Marx đã phê bình những nhà triết học chỉ đi giải thích thế giới thay vì phải biến đổi nó. Có phải ý định căn bản của Marx là lao vào thực tiễn cách mạng biến đổi? Như vậy nếu coi Marx là triết gia, phải chăng làm giảm tính mới mẻ chủ yếu trong thông điệp của ông? Petrovíc kết luận: "Tính mới mẻ trong tư tưởng của Marx cũng như trong toàn bộ chắc chắn bị xâm phạm do đòi hỏi triết học dứt khoát phải 'thực hiện' và 'thủ tiêu'. Một hòa giải nhất định của tư tưởng và thực tại chỉ khả hữu như một đầu hàng dứt khoát của tư tưởng cách mạng trước thực tại phản động. Thủ tiêu triết học nhất định chỉ có thể tưởng tượng được như một chiến thắng nhất định của những lực lượng kinh tế hay bạo lực chính trị mù lòa. Như thế thì không thể tưởng tượng được."
Một người Mác xít khác, Karel Kosik trong Biện chứng cụ thể/Dialektika konkrétniho đã khai triển vấn đề này khi hỏi: Làm thế nào người ta có thể thủ tiêu triết học, và đã thủ tiêu ra sao trong tác phẩm của Marx? Vấn đề chỉ có thể đặt ra theo trình tự: Triết học bị thủ tiêu trong khi thực hiện; triết học chỉ thủ tiêu, khi chuyển biến thành lý luận biện chứng của xã hội; triết học thủ tiêu khi tự tan rã và chỉ còn là một khoa học thặng dư: luận lý hình thức và biện chứng.
Nếu triết học trong khi thực hiện sẽ tự thủ tiêu chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa triết học và thực tại. Trong mối quan hệ này, triết học phải hoàn tất hai nhiệm vu: thông qua những phạm trù triết học, những giai cấp ý thức được chính mình và những hình thái khái niệm trong triết học những phương tiện của thực tiễn lịch sử. Thực tại tìm ở trong triết học hình thái lịch sử của một nhận thức cũng như của chính vận động thực tại và giải quyết những mâu thuẫn. Khi phát biểu "sự thủ tiêu triết học nhờ vào sự thực hiện" có nghĩa là vận động xã hội thông qua ý thức và trui luyện trong ý thức những hình thái khái niệm của việc thực hiện chính nó. Trong định thức triệt để của việc thủ tiêu triết học qua tự thực hiện, người ta không thấy chân lý của triết học hay của thực tại mà chỉ có những mâu thuẫn muốn tạo ra một phản ảnh thực tại. Ý thức triết lý coi thực tại như một phản ảnh, và triết học hiện hữu như một biểu hiện của thực tại tha hóa. Cho nên xóa bỏ tha hóa trong vận động biện chứng có nghĩa là tạo thực tại thuần lý, và thực hiện đồng thời thủ tiêu, như Marcuse nhận định "kiến tạo triết học của lý trí sẽ xóa bỏ do tạo ra được xã hội thuần lý". Điều này hàm chứa triết học cáo chung khi nhân loại tổ chức được một cách thuần lý. Vấn đề đặt ra là, phải giả định một triết học công chính đối lập với một triết học nhất định, hay những hệ tư tưởng trong lịch sử. Thủ tiêu triết học là một giả tưởng.
Triết học có thể coi như biểu hiện tha hóa của một the?giới đảo ngược (chữ của Hegel) khi quan niệm triết học bao giờ cũng là triết học có giai cấp, do lý giải lịch sử xã hội luôn luôn là một lịch sử của những đấu tranh giai cấp. Điều đó có nghĩa là mỗi giai đoạn lịch sử của con người được biểu hiện và thống trị của một giai cấp. Nhân loại có một nội dung lịch sử thực liên hệ với giới hạn lịch sử trong khi cụ thể hóa những điều kiện xã hội nhất định. Triết học như vậy biểu hiện cho những điề? kiện này, không thể là chân lý của thực tại. Như vậy triết học ở thời đại tư sản đồng nhất với toàn bộ xã hội tư sản? Và nếu như xã hội tư sản là triết học nhập thể của thời đại tư sản thì sự sụp đổ của chế độ tư bản sẽ là cáo chung của triết học này?
Một cách thế thủ tiêu triết học khác là biến đổi triết học thành một "lý luận biện chứng của xã hội" như Herbert Marcuse trình bày trong Phần Hai tác phẩm Lý trí và Cách mạng/Reason and Revolution. Tuy nội dung sách nhằm đi lý giải lại triết học của Hegel để chứng minh là những khái niệm cơ bản của Hegel nghịch lại với những xu hướng thời đại dẫn đến lý luận và thực tiễn phát xít (sách xuất bản lần đầu năm 1941), nhưng phần hai nhằm trình bày những phát triển tư tưởng, chủ yếu là lý luận của Marx. Marcuse chỉ ra sự chuyển tiếp từ triết học sang lý luận xã hội, "ảnh hưởng của triết học Hegel tới lý luận xã hội và chức năng đặc thù của lý luận xã hội hiện đại không thể hiểu được trừ phi đi từ hình thái mở ra trong triết học Hegel và những xu hướng phê phán dẫn đến lý luận của Marx." Marx xuất hiện đối diện với Hgel như một nhân tố thủ tiêu triết học và xây dựng lý luận biện chứng của xã hội, như Marcuse nhận định: "Lịch sử trưởng thành/Entstehungsgeschichte của nhân loại mà Marx gọi là tiền lịch sử, là lịch sử của xã hội có giai cấp. Lịch sử thực sự của con người chỉ bắt đầu khi xã hội này bị thủ tiêu. Biện chứng Hegel cho hình thái luận lý trừu tượng của phát triển tiền sử, biện chứng của Marx là vận động cụ thể thực." Tuy nhiên, trong những thập niên sau, Marcuse không quan niệm "sự lật ngược" Hegel theo chủ nghĩa duy vật của Marx là quá độ từ triết học sang lý luận xã hội nữa mà là "nhận thức được những gì mà những hình thái đã thiết lập của đời sống đạt tới giai đoạn phủ định lịch sử".
Thật sự những trào lưu tư tưởng ở thế kỷ XX chứng thực khi phê phán và phá đổ hệ thống Hegel đã chỉ ra chân lý của một tư trào mới xuất hiện một cách biện chứng trên cái cũ có tính lịch sử và tương ứng với một chân lý luôn luôn phải xây dựng lại, và những tư trào ấy phát triển độc lập với cơ sở nguyên ủy. Lập luận của Sartre không có cơ sở về nhiều mặt: triết học Marx không phải là thành quả của thủ tiêu triết học, hay quá độ từ triết học này sang triết học khác (bởi điều này hàm ngụ một tiến hóa nội tại của những ý tưởng), không thể quan niệm về mặt biện chứng sự tồn tại vĩnh cửu của hệ thống triết học, dầu duy tâm (Hegel) hay duy vật (Marx), bởi mỗi triết học mang một nội dung xã hội, cũng như chủ thể phát triển triết học là một con người lịch sử cụ thể (trừ phi nhìn nhận lập luận của cấu trúc luận xét trên quan hệ xã hội đối lập với hệ thống, thay vì xã hội với cá thể).
Người ta có thể nói đến phát triển của chủ nghĩa Mác, vì đó là một lịch sử những tư trào bắt nguồn từ lý luận của Marx phong phú và đa dạng trong suốt thế kỷ XX, mà trong hai chương 7 và 8 đã nói đến hai đại diện tiêu biểu, đặt để những vấn đề then chốt: vật hóa và quá trình lịch sử không chủ thể. Cho nên có thể nói đến nhiều chủ nghĩa Marx, điều mà Raymond Aron gọi là những chủ nghĩa Mác tưởng tượng. Những tư trào đó phát triển tư tưởng nguyên ủy, lý giải hoặc thông diễn học thuyết của Marx, bổ khuyết những sai lầm hoặc lỗi thời, nhưng vẫn là những phụ thuyết của chủ nghĩa Mác. Bên cạnh đó, những trường phái như Lý luận Phê phán cũng bắt nguồn từ một số vấn đề của Marx, nhưng đã vượt ra khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa Mác mà phát triển theo những chiều hướng khác. Quá trình lịch sử tư tưởng thế kỷ XX cho thấy nhận định của Sartre chỉ là một phản ứng ngược giòng.
Chính Marx cũng là một nhà tư tưởng ở trong những điều kiện nhất định của thời đại, kể cả khi ông trung thành với quan điểm duy vật về lịch sử. Như quan niệm của Marx về sự tiến hóa của lịch sử, khiến ông đứng về phía tiêu cực, phi nhân bản của sự tiến hóa. Ít ra đã có hai học giả phát hiện ra lập trường của Marx về vấn đề khai hóa thực dân, như khi ông tán thành đường lối cai trị của nước Anh khi bảo hộ Ần độ.
Trong tác phẩm Đông phương luận/Orientalism (1978), Edward W. Said đã dẫn một bài bình luận của Marx chứng tỏ Marx tin vào đường lối thuộc địa của nhà cầm quyền Anh là thực hiện một cuộc cách mạng thực sự:
"Bây giờ, phải kinh tởm cho cảm xúc của con người chứng kiến vô số những tổ chức xã hội gia trưởng cần cù và vô hại đã tan rã và tan biến vào trong những đơn vị của chúng, ném vào trong biển khổ, và những thành phần cá nhân cùng lúc đánh mất hình thái cổ xưa của văn minh và những phương tiện tồn tại di truyền, chúng ta không thể nào quên là những cộng đồng làng quê thôn dã, có vẻ vô thưởng vô phạt, đã luôn luôn là nền tảng vững chắc của chế độ chuyên chế phương Đông, kìm hãm tinh thần con người trong sa bàn khả hữu cực nhỏ, tạo thành công cụ mê tín thuận theo, nô dịch nó dưới những luật lệ cổ truyền, tước đoạt của nó đi cái vĩ đại và những năng lực lịch sử....Nước Anh quả thực khi tạo ra một cuộc cách mạng xã hội Ần chỉ được thúc đẩy do những lợi lộc hèn hạ và xuẩn động trong phương cách cưỡng bách họ. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ, liệu nhân loại có làm tròn trách nhiệm nếu không có một cuộc cách mạng cơ bản trong tình thế xã hội ở châu A. Nếu không, dầu những tội ác của nước Anh có thế nào đi nữa, nó cũng là công cụ vô thức của lịch sử mang lại cách mạng.
Thế nên dẫu cảnh tượng làm sụp đổ một thế giới cũ cay đắng thế nào đi nữa có thể xảy đến cho những cảm xúc của chúng ta, về phương diện lịch sử, chúng ta có quyền kêu như Goethe: Sollte diese Qual uns qualen/Da sie unsere Lust vermehr (Dẫu sự hành hạ này có làm chúng ta đau khổ, nó cũng đem niềm khoái lạc lớn lao cho chúng ta?). New York Daily Tribune, 25 tháng 6 1853 in lại trong Surveys from Exile."
Said còn dẫn một đoạn văn khác của Marx củng cố cho lập luận này:
"Nước Anh phải làm tròn hai nhiệm vụ ở Ần độ: một đằng phá hủy, mặt khác tái sinh - triệt tiêu xã hội Á châu và đặt những cơ sở vật chất của xã hội Tây phương lên Á châu."
Said giải thích quan điểm của Marx xây dựng trên cách mạng kinh tế-xã hội, song nguồn gốc vẫn ở trong viễn tượng của những người theo Đông phương luận, sẵn có thành kiến về phương Đông. Leszek Kolakowski cũng dẫn đoạn văn trên để hiểu lý giải của Marx về lịch sử, bắt nguồn từ học thuyết Hegel chủ trương nhiệm vụ lịch sử được những quốc gia hay những giai cấp đặc thù hoàn tất một cách vô thức, bất chấp những tội ác và cuồng nhiệt. Cho nên những tội ác của đế quốc Anh có thể được bao biện cho cuộc cách mạng gần kề. Marx và Engels tin vào những quyền của một nền văn minh cao hơn đối với một nền văn minh thấp. Những sự kiện như công cuộc thực dân Pháp ở Algerie chẳng hạn là những biến cố tiến bộ, nói chung họ hỗ trợ nhiệm vụ lịch sử của những dân tộc lớn đối với những dân tộc chậm tiến, như Engels nghĩ là Áo Hung thâu tóm những nước nhỏ vùng Balkan, Ba lan có quyền thống trị những dân tộc kém phát triển ở phía đông như Lithuanie...
Khái niệm về "những phương thức sản xuất" của Marx là công cụ cơ bản trong việc phân chia lịch sử thành những giai đoạn là một khái niệm tây phương áp đặt lên xã hội, cho nên chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng lúng túng trong việc lý giải cái gọi là "phương thức sản xuất châu Á" vì, một phần lớn dân tộc trên địa cầu sống qua bao nhiêu thế kỷ trong một kinh tế kiểu này, chứng tỏ không có một mẫu mực đồng bộ phát triển cho toàn thể nhân loại, hai là theo Marx, hệ thống châu Á có những đặc thù do những yếu tố địa lý, như vậy làm sao chủ trương ưu thế của kỹ thuật đối với những điều kiện tự nhiên, thứ nữa là hệ thống này trì trệ chỉ có thể cứu vớt qua sự xâm nhập của những dân tộc phát triển kinh tế ở những con đường khác. Phương thức sản xuất châu Á đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử như vai trò tiên quyết của lực lượng sản xuất, tiến bộ là điều tất yếu cũng như sự đồng bộ của tiến hóa của con người trong xã hội.
Những yếu tố dẫn trên có thể chứng tỏ học thuyết về tư bản của Marx áp dụng vào xã hội phương tây chỉ là một tình cờ của lịch sử; mặt khác nó bao biện cho quan niệm "chủ nghĩa xã hội có thể xảy ra trong một nước" theo Lenin và Salin. Làm sao giải thích được vai trò của tác nhân lịch sử, như Aron gọi nó là "huyền thoại vô sản".
Phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử là bộ phận chủ yếu của hệ tư tưởng Mác-xít. Trong những chương trên , khi phân tích và lý giải những vấn đề then chốt như tha hóa, tư bản, ý thức hệ tôi đã đưa ra những phê phán từng phần. Xét về toàn bộ chủ nghĩa duy vật lịch sử, một số những luận điểm cơ bản từng được tranh luận ráo riết trong suốt quá trình hinh thành và phát triển của chủ nghĩa Mác, về mặt cục bộ là những tương tranh chí tử giữa Quốc tế đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ, giữa chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa xét lại, giữa "những chủ nghĩa Mác cá thể" (như Kautsky, Lukács, Karl Korsch, Mao, Gramsci, Althusser v.v..), giữa bôn-sê-vích và trốt-kít, ngày nay mất tính cách sách lược chỉ còn giá trị lịch sử. Những tiền đề trong lý luận phê phán của chủ nghĩa Mác như chủ nghĩa cộng sản ưu việt hơn chủ nghĩa tư bản như một hình thái tổ chức xã hội, hay chủ nghĩa tư bản tất yếu vế mặt lịch sử phải nhường chỗ cho chủ nghĩa cộng sản, kinh tế quy hoạch xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn kinh tế thị trường, chủ nghĩa tư bản tạo ra tha hóa, bóc lột, những chu kỳ khủng hoảng và đao quân trừ bị thất nghiệp đã bị thực tiễn chứng thực không có cơ sở tồn tại.
Phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử về mặt lý luận có thể xét về ba mặt: vấn đề (giai cấp) vô sản, vấn đề tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, vấn đề tồn tại của lịch sử (trong quan hệ hữu thể xã hội).
Chủ nghĩa duy vật lịch sử hàm ngụ quan niệm duy vật về lịch sử . Quan niệm duy vật hàm ngụ một triết học duy vật, xét quan hệ giữa hữu và tư duy, giữa vật chất và tinh thần. Một quan niệm sơ đẳng và dễ hiểu trong khi tuyên truyền là "ưu thế của vật chất đối với tinh thần" để phân biệt chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm.
Từ cuốn sách Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (Materialism y empiriokriticism) của Lenin cho đến tài liệu giáo khoa Cơ sở của triết học Mácxit (Osnovy marksistskoj) hoặc Cơ sở của chủ nghĩa Mácxit-Leninit (Osnovy marksizma-leninizma) hay Những nguyên lý sơ đẳng của triết học (Principes élémentaires de Philosophie) của Georges Politzer thật đơn giản khi khoác cho chủ nghĩa duy tâm, tiêu biểu là Berkeley quan niệm sự vật chúng ta nhận được qua những cảm giác không là gì khác hơn những ý tưởng và những ý tưởng không thể hiện hữu ngoài tinh thần của chúng ta, như vậy sự vật không có thực tại bên ngoài tinh thần, để giáo dục quần chúng về chủ nghĩa duy tâm chủ trương tinh thần sinh ra vật chất, thế giới không hiện hữu ngoài tư tưởng của chúng ta trong khi chủ nghĩa duy vật quan niệm vật chất là thực tại có trước và tinh thần có sau, phụ thuộc vào vật chất, không phải tinh thần sáng tạo ra thế giới và vật chất mà chính thế giới, vật chất hay tự nhiên sinh ra tinh thần, vật chất hiện hữu ở ngoài tư duy của chúng ta, tinh thần không thể hiện hữu nếu không có vật chất, không có linh hồn bất tử, độc lập với thể xác, tư tưởng của chúng ta chỉ là phản ánh của sự vật trong óc con người. Những điều này thật dễ hiểu đối với lẽ thường của quần chúng, và như vậy chủ nghĩa duy vật có tính khoa học, chủ nghĩa duy tâm có tính siêu hình v.v...Những điều nêu trên không phải là sản phẩm của thời Stalin, nhưng chính nơi Engels và những người sau ông như Plekhanov, Lenin. Đâu là mối quan hệ thực sự giữa hai thực tại cơ bản này? Những nỗ lực của triết học hiện đại đã chỉ ra sự phân chia về vật chất và tinh thần là sự phân chia nội tại cơ bản của con người, nhưng con người là một hữu thể thống nhất, hoạt động thực tiễn của con người ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển đã chỉ ra là có tính khu biệt dưới mọi hình thái nhưng không thể coi những hình thái này tuyệt đối là vật chất hay tinh thần. Cho nên một lý luận về ưu thế của vật chất đối với tinh thần không phù hợp ngay với quan niệm của Marx về con người là một hữu thể thực tiễn. Một khi con người là hữu thể tự do và sáng tạo, liệu hoạt động tri thức của con người có phải chỉ là phản ánh của thực tại? Lý luận phản ánh mâu thuẫn với khái niệm về con người, như Marx quan niệm là toàn bộ những quan hệ xã hội.
Phê phán huyền thoại về vô sản: Tuyên ngôn của đảng Cộng sản do Marx và Engels được ủy thác soạn thảo vào năm 1848 mở đầu bằng: Một bóng ma xuất hiện ở châu Ấu - bóng ma chủ nghĩa cộng sản (Ein Gespenst geht um in Europa - das Gespenst des Kommunismus) và kết thúc ở câu Vô sản khắp nơi, đoàn kết lại (Proletarier aller Lander, vereinigt euch!). Khái niệm vô sản lần đầu tiên được hình tượng hóa để đối đầu với giai cấp tư sản trong vận động biện chứng mà rõ ràng Marx lấy từ Hegel quan niệm đối lập chủ/nô. Trong sách vở của chủ nghĩa Marx, sự phân định hai khái niệm giai cấp công nhân với vô sản còn lẫn lộn, mơ hồ. Trong sách lược đấu tranh, người mác xít dùng từ công nhân để kêu gọi liên kết với những thành phần khác trong xã hội. Mặt khác, khi nói đến vô sản nhằm để chỉ thị một giai cấp có ý thức, song một khi cần thiết, người ta có thể khoác cho nó cái ám ảnh của một bóng ma, và nhằm phân biệt với một giai tầng thấp hèn, cùng khổ và sẵn sàng gọi hạng người này là "vô sản lưu manh". Lukács là người mác xít đầu tiên đã đưa ra một phân định cơ bản cho ý thức giai cấp khi xác định "đối với vô sản nhận thức toàn diện về vị trí giai cấp là một tất yếu sinh động, một vấn đề sống chết" và "giai cấp vô sản vừa là chủ thể và đối tượng trong nhận thức chính mình". Quan niệm như vậy nhằm chỉ ra là giai cấp vô sản vừa nhận thức chân thực vai trò và chức năng của mình trong xã hội tư bản, vừa có khả năng làm thay đổi số phận của mình thông qua hành động cách mạng. Cũng chính Lukács trong "tự phê bình" và Lucien Goldmann sau này nhận định "một viễn tượng khải huyền" như vậy "chủ yếu chỉ có giá trị như một khái niệm lý tưởng, không phải như một thực tế có tính thực tiễn". Lukács muốn bày tỏ sự thất bại của ông trong việc bắc nhịp cầu nối giữa tiềm năng cách mạng và ý thức hiện thực vì đã không đào sâu vấn đề "lao động như một trung gian đối tác trao đổi vật chất giữa xã hội và tự nhiên" (die Arbeit alsmittler des Stoffwechsels der Gesellschaft mit der Natur). (Vào cuối đời, Lukács theo đuổi một dự án nghiên cứu Bản thể luận về hữu thể xã hội/Zur Ontologie des gesellschaftlichen Seins, trong đó Lao động là một vấn đề cơ bản, song dự án này còn viết dở dang.)
Làm thế nào giai cấp vô sản thực hiện được "sứ mạng lịch sử giải phóng" chính mình, trong khi giai cấp công nhân chỉ là một hiện hữu thường nghiệm, còn vô sản mới chính là một phạm trù chính trị xã hội mà thực tế của nó trong tình trạng chuyển biến. Vô sản trở thành một giai cấp phổ quát nhằm thủ tiêu mọi phân chia giai cấp, nhưng nó chỉ có thể hoàn thành ý thức giai cấp cách mạng thông qua cách mạng giải phóng, nghĩa là biến chuyển thành một lực lượng cách mạng đòi hỏi một trung gian thúc đẩy nó vượt qua cái trực tiếp thô thiển của kinh nghiệm sống. Trung gian này đóng vai trò chiến đấu tiền phong là một chính đảng tiền phong của giai cấp vô sản được chỉ đạo bằng một lý luận tiên tiến nhất. Lukács lập luận chủ nghĩa tư bản tự nó không dẫn đến tiêu diệt trừ phi những con người cá thể bị áp bức và sẵn sàng chống lại nó khi đặt mình phục tùng tập thể có nhiệm vụ biến tự do thực sự thành hiện thực. "Tập thể có ý thức này chính là đảng cộng sản." Đảng cộng sản hơn hẳn những tổ chức khác về phương diện ý thức giai cấp một cách thực tiễn và tích cực trực tiếp ảnh hưởng đến những hành động đặc thù của mọi cá nhân, đồng thời xác định quá trình lịch sử một cách có ý thức, tóm lại đảng là trung gian cụ thể giữa con người và lịch sử (konkrete Vermittlung zwischen Mensch und Geschichte). Kỷ luật và thống nhất là những bộ phận của một toàn thể hoạt động cách mạng dưới hình thức là đảng như một công cụ để trui rèn ý thức giai cấp vô sản thông qua thực tiễn lịch sử. Hơn năm mươi năm sau Lịch sử và ý thức giai cấp của Lukács, thông qua thực tiễn lịch sử, triết gia Nam tư Svetozar Stojanovíc đã viết một tác phẩm nhái lại Lukács, mang nhan đề Lịch sử và ý thức đảng/Geschichte und Parteibewusstsein viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ Serbokroat nhung chỉ được xuất hiện qua tiếng Đức năm 1978. Stojanovíc đã nhìn thấy vấn đề kỷ luật và sự đặt để toàn diện cá nhân con người vào trong ý chí tập thể của Đảng dưới một góc cạnh: nguyên tắc của tính đảng tuyệt đối mà Lenin và Stalin đòi hỏi con người phải sẵn sàng hy sinh không những đời sống mà cả sự tự trọng và cảm tính của mình. Sojanovíc goi?quan niệm đó là "yếu tính của Đảng có trước hiện hữu" và "tính bái vật đảng". Nói một cách nôm na, những gì tích cực là bản chất của đảng, cái bản chất muôn đời không bị xúc phạm, vượt lên mọi thường nghiệm.
Để minh họa điều này ông kể ra một ví dụ:
Andey Platonov đã thành công khi miêu tả để đời tính bái vật đảng như sau: "Đồng chí có bao giờ nhìn thấy Đảng Cộng sản chưa?
"Thưa đồng chí Pyotr, chưa, họ không bao giờ chỉ cho tôi thấy. Ở trong làng, tôi chỉ thấy đồng chí Chumov!"
"Cũng có nhiều đồng chí Chumov như đồng chí thấy ở đây. Nhưng tôi muốn nói về Đảng thuần túy có cách nhìn toàn diện và quan điểm chính xác toàn diện cơ."
Nhiều người qua những cuộc thanh trừng ở Liên xô, Trung cộng, Việt nam v.v... chết đi mà vẫn ngỡ số phận của mình hẩm hiu vì ngộ nhận, không phải do hậu quả của bản chất thật nơi đảng của họ. Trò ảo thuật ?tự phê" thường được áp dụng tinh vi đối với nạn nhân, như Sima Markovíc bị Chủ tịch Quốc tế Cộng sản III bắt viết thư tự phê để sau đó bị giết ở Liên Xô. Slansky bị ép rời chức Tổng bí thư đảng CS Tiệp và viết tự phê cũng bị đưa ra xét xử và hành quyết.
Phê phán huyền thoại tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất: Quan niệm duy vật về lịch sử khởi từ Marx trong tham vọng đưa ra một cái nhìn toàn diện về lịch sử con người, đồng thời lại muốn tìm ra cái then chốt vận động quá trình lịch sử diễn ra theo những quy luật nào. Trong hai tác phẩm của Trần Đức Thảo ở hai giai đoạn khác nhau, ông vẫn tin cái lý nhất quán xuyên suốt là quy luật tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xác định chuyển biến của lịch sử con người, theo quan điểm duy vật lịch sử của Marx.
Trong chương 5, quan điểm của Marx đã được dẫn ra là "những quan hệ sản xuất tương ứng với mỗi giai đoạn đặc thù phát triển những lực lượng sản xuất vật chất", do đó ông đã phân chia lịch sử xã hội con người theo những hình thái xã hội phù hợp với khả năng sản xuất của con người. Lịch sử tiến hóa theo một quy tắc là hình thái xã hội này bị tiêu diệt để được thay thế bằng một hình thái mơi?do kết quả của sự phát triển sản xuất. Phát triển đó được xác định bằng tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Mặc dù điều này có thể khiến cho Karl Marx bị phê phán là tất định kinh tế, song những công trình nghiên cứu về tư bản của ông nhằm muốn chứng minh mấy luận điểm như chủ nghĩa tư bản dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, tuy nhiên nó bị ràng buộc trong những quan hệ sản xuất của xã hội tư bản, nên tất yếu đến một lúc nào đó, những lực lượng sản xuất vật chất đi đến chỗ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất đã xiềng xích nó, dẫn đến cách mạng xã hội.
Tại sao lại dẫn đến cách mạng? Quan hệ đảo nghịch (Verkehrung) trong Tư bản chỉ ra quá trình khách thể hóa, trong đó sản phẩm của lao động là sở hữu tha hóa và quá trình tư bản là chiếm đoạt lao động tha hóa, tạo thành quyền lực đối lập với lao động sống. Cho nên những quy luật về khủng hoảng, đấu tranh giai cấp và mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất dẫn đến xung đột, khởi sự cho cách mạng xã hội. Vận động tác động qua lại diễn ra trên toàn bộ lịch sử theo một quá trình liên lỉ từ những quan hệ xã hội của sản xuất nhằm giai thích những cơ cấu ý thức hệ chính trị, thượng tầng cơ sở, những quan hệ xã hội này được giải thích qua mức độ phát triển của khoa học kỹ thuật và toàn bộ tổ chức trong quá trình sản xuất, tức là những lực lượng sản xuất. Hướng đi của lịch sử là cấu trúc nhân quả liên kết lực lương sản xuất, quan hệ sản xuất và thượng tầng cấu trúc như đã nói đến ở những phần trên.
G.A. Cohen là một trong những nhà mác xít phân tích cùng với John Elster, John Roemer đã có tham vọng giải thích những điều không minh bạch trong tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cũng như vai trò của vô sản tong cuộc cách mạng xã hội này trong Lý luận về lịch sử của Kark Marx/Karl Marx'sTheory of Histoire. Lý luận về lịch sử này dựa trên mối quan hệ nêu trên trong "phương thức sản xuất" đặc thù của lịch sử, đó là chủ nghĩa tư bản. Theo Cohen, lực lượng sản xuất bao gồm những công cụ sản xuất, nguyên liệu và những khả năng sản xuất của công suất lao động bao gồm tài năng, kiến thức, óc sáng tạo và cả khoa học sử dụng sản xuất; quan hệ sản xuất chỉ ra mẫu hình làm chủ lực lượng sản xuất, cấu trúc giai cấp đặc thù ở mỗi phương thức sản xuất lịch sử. Khi đi phân tích bài Tựa nổi tiếng 1859 trong Góp phần phê phán kinh tế chính trị học (X. chương 4 ở trên), Cohen lập luận trên hai luận điểm chính, luận điểm về ưu tiên và luận điểm phát triển. Luận điểm ưu tiên của lực lượng sản xuất được thảo luận trong chương VI nhằm chứng minh là những quan hệ sản xuất đặc thù trong một xã hội nhất định được thuận lợi là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, khi những lực lượng này phát triển, những quan hệ cũ trở thành gông cùm của nó, phải thay thế bẵng những quan hệ mới, do đó lực lượng sản xuất có ưu thế hơn quan hệ sản xuất trong năng động của lịch sử. Cohen đã sử dụng lôgích giải thích theo chức năng (functional explanation), nghĩa là giải thích một sự việc căn cứ vào những hậu quả của sự việc. Tuy nhiên làm thế nào chỉ ra được lực lượng sản xuất có ưu thế một khi sự phát triển của nó chỉ xảy đến qua những quan hệ sản xuất.Điều này còn hàm ý là những quan hệ sản xuất mới thực sự có ưu thế trước lực lượng sản xuất, hay nói cho cùng, chỉ có tác động qua lại giữa quan hệ và lực lượng và không thể nói cái này có ưu thế hơn cái kia. Luận điểm phát triển của Cohen dựa trên xu hướng tự trị để phát triển những lực lượng sản xuất trong lịch sử, mặc dầu sự phát triển này chỉ thực hiện qua những quan hệ sản xuất đặc thù. Viện dẫn Marx trong thư gửi Annenkov ngày 28 tháng 12, 1846 tin vào xu hướng tự trị của lực lượng sản xuất phát triển tạo cho lịch sử có mạch lạc, Cohen lập luận xu hướng này nhờ vào một số những sự kiện của bản chất và hoàn cảnh con người là tính thuần lý, sự khan hiếm, mức độ trí tuệ "tạo cơ hội mở mang quyền lực sản xuất" thực hiện sao cho không phi lý.
Cohen quan niệm mức độ những lực lượng sản xuất quyết định khi nào cách mạng có thể thành công hay không, tuy nhiên lịch sử không thể giải thích qua đấu tranh giai cấp, mà do lực lượng sản xuất có chịu đựng xiềng xích của quan hệ sản xuất. Giải thích của Cohen dựa vào khái niệm trừu tượng của tác động thuần lý, lại bỏ qua điều kiện thiết yếu cho giai cấp cách mạng có khả năng lật đổ giai cấp cầm quyền một khi lực lượng sản xuất bị câu thúc.
Phê phán sự tồn tại của lịch sử: Trong phần thảo luận trên về những luận điểm của một nhà Mác-xít phân tích G.A. Cohen (nhằm bảo lưu quan niệm tất định trình bày trong bài tựa 1859 của Marx), là những lý chứng phê phán lý luận tất định lịch sử của chủ nghĩa Mác. Lý luận này đã hạ thấp vai trò của con người (cá thể hay tập thể) trong biến đổi xã hội. Khi Marx quan niệm không hình thái xã hội nào mất đi trước khi những lực lượng sản xuất phát triển, trong khi thực ra sự biến đổi quan hệ sản xuất mới thực sự quan trọng. Chính quan niệm này được áp dụng vào "chủ nghĩa xã hội xảy ra trong một nước" đã tạo những tệ nạn trong việc hình thành chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô như việc tập thể hóa sản xuất nông nghiệp một cách tàn bạo, việc tập trung quyền lực chính trị, khủng bố chính trị và phát triển thống trị trong tay bọn bộ Chính trị thư lại.
Jurgen Habermas đã có những nỗ lực tái tạo chủ nghĩa duy vật lịch sử trong tác phẩm mang nhan đề: Zur Rekonstruktion des Historischen Materialismus. Trong khi đọc lại Marx để xem xét những khái niệm lao động xã hội (gesellschaftliche Arbeit) lịch sử chủng loại (historische Gattungsgeschichte) qua những dẫn chứng:
"Con người bắt đầu phân biệt chính mình với con vật vào lúc khởi sự sản xuất ra những phương tiện tồn tại, một bước yêu cầu của tổ chức thể chất. Khi làm ra thực phẩm, con người gián tiếp tạo ra chính đời sống vật chất của mình."
"Tạo ra" ở đây không phải chỉ có những hành động sử dụng công cụ của cá nhân mà cả "sự hợp tác xã hội" của nhiều cá nhân khác:
"Tạo ra đời sống, của chính đời sống của người này trong lao động, và của người khác trong sinh đẻ, giờ đây xuất hiện như một quan hệ kép: là quan hệ tự nhiên về mặt này và là quan hệ xã hội về mặt kia. Mặt xã hội theo ý nghĩa những cá thể hợp tác, dưới bất kỳ điều kiện nào, cách thức và mục đích nào."
Theo Habermas lý giải, những hành động sử dụng công cụ của những cá thể khác nhau được điều hợp theo đường lối thuần lý có mục đích với một quan điểm hướng về mục tiêu sản xuất. Ông gọi những quy luật của hành động sách lược phù hợp với sự cộng tác vừa nói là một thành phần thiết yếu của quá trình lao động. Những phương tiện tồn tại được sản xuất ra nhằm để tiêu thụ, và phân phối sản phẩm cũng dược tổ chức có tính cách xã hội đòi hỏi những quy luật đối tác có thể sắp đặt giữa những chủ thể trên mức độ hiểu biết ngữ văn, không là trường hợp riêng lẻ mà thường trực theo những quy phạm nhận thức, ông gọi là những quy luật hành động thông giao.
Trong khi duy trì đời sống bằng lao động xã hội, đồng thời con người tạo ra những quan hệ vật chất của đời sống, xã hội cũng như quá trình lịch sử trong đó những cá thể biến đổi cùng với xã hội của họ. Tạo lại lịch sử chủng loại này dựa trên phương thức sản xuất, biểu hiện qua tình trạng phát triển lực lượng sản xuất với những hình thái quan hệ sản xuất. Lý luận về tiến hóa xã hội của Marx đã đề ra một số vấn đề trong khi Habermas phê phán chủ nghĩa duy vật lịch sử: lý luận của Marx đã giản lược đối tác trong mô hình sản xuất chỉ có thể được minh giải trên bình diện thông giao. Nói khác đi cơ sở nhận thức của chủ nghĩa duy vật lịch sử phải cần tới lý luận đối tác thông giao, nghĩa là xét trên bình diện đối tác, phân biệt với mô hình sản xuất của Marx. Theo Habermas, chủ nghĩa duy vật lịch sử đặt trọng tâm vào những lực lượng sản xuất đã không xét đến hiện tượng cấu trúc thượng tầng (Uberbauphanomen), đặc biệt là văn hóa là một nhân tố quan trọng trong biến đổi xã hội. Những cấu trúc của liên chủ thể tạo ra về mặt ngôn ngữ là những điều kiện thiết yếu cho những hệ thống nhân cách và xã hội. Cơ sở trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa những hành động thông giao, tức những hệ thống xã hội và nhân cách, tức những con người cá thể là một lý luận về khả năng nói và làm, quan hệ giũa thông giao và đối tác. Habermas nhận định là Marx và Engels không hiểu nội dung của truyền thống văn hóa đơn giản là ý thức hệ. Ông phân biệt truyền thống văn hóa với ý thức hệ nhằm trả lời câu hỏi đặt ra là liệu triết học có phải là một lực lượng sản xuất hay là một ngụy thức?
Trong những thảo luận về sau, Habermas phân tích tình trạng biến đổi của văn hóa trong chủ nghĩa tư bản về sau, sự lớn mạnh của khoa học kỹ thuật là động lực phát triển những lực lượng sản xuất, những nỗ lực làm mới triết học nguyên ủy (Ursprungsphilosophie). Những nỗ lực triết lý này, bao gồm cả những nhà lý luận Mác xít như hình thái triệt để nhất của tự phản tỉnh đã mất tính tự trị khi đối chiếu với những khoa học. Triết học để tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu thống nhất và phổ quát, bao hàm thống nhất tự nhiên và lịch sử. Triết lý là một lực lượng sản xuất tạo ra sự thống nhất thuần lý tương tự như thống nhất xã hội. Chủ nghĩa duy vật lịch sử không có chiều kích thiết yếu đáp ứng yêu cầu này: Marl thất bại trong việc đặt được cơ sở khả hữu của nhận thức, mặt khác khi dựa trên phương thức sản xuất Marx không duy trì được sự phân cách thiết yếu giữa lao động và đối tác, giữa sinh giới và hệ thống. Chỉ có lý luận về hành động thông giao khả dĩ thiết lập được quan hệ nội tại giữa thực tiễn và lý tính. Lý luận này loại bỏ khả năng của chủ nghĩa duy vật lịch sử trên cả hai mặt lý thuyết và thực tiễn.
Ðặng Phùng Quân

Friday, June 26, 2009


THƠ BẮC PHONG




Tâm sự Tô Hải: Đại bàng cánh cụt
22/06/2009 | 9:00 sáng |
Tác giả:
Bắc Phong
tất cả chỉ vì miếng ăn
vì gia đình sống băn khoăn nhục hèn
khóa miệng lòng vẫn buồn len
đôi khi tự nghĩ đã quen tính người
lúc viết ông đã hưu rồi
ngoài bẩy mươi viết để nguôi nhẹ lòng
bao lần nín thở qua sông
là bao lần thấy mình không đáng gì
vợ đầu đường bán bánh mì
chút lương hưu trí lo chi thân già
nghĩ may hơn vạn người ta
dù sao cũng đã sống qua cơ hàn
một thời vì đảng vì dân
tranh cổ động vẽ bằng âm thanh lòng
bao huân chương giải thi công
ông phủ nhận hết nhạc hồng đấu tranh
ông định bắt chước bạn văn
in sách lúc hết nghiệp căn với đời
bạn ông tính toán hơn người
quyền lợi đã hưởng ai đòi thây ma
nhưng nhiều người ông nhận ra
viết bạo viết nổ bằng ba bốn mình
nên ông quyết định sống vinh
gửi sách hải ngoại cho in lúc này
nội dung sách ông nói ngay
những năm ông sống đóng vai thằng hèn
viết nhạc ít viết từ tim
thấy người hoạn nạn mắt nhìn quay đi
ông sợ tử biệt sinh ly
bưng tai bịt mắt cũng vì chữ an
viết xin lỗi với nhân dân
viết lời thú tội hay trần tình thôi
bao nhiêu cay đắng mảnh đời
bao nhiêu cảnh ngộ bao người hàm oan
bao nhiêu thủ đoạn đảng đoàn
bao nhiêu xảo trá ông mang tỏ bầy
những năm bầm dập sửa sai
cải cách ruộng đất đọa đầy chủ nông
lòng chống nhưng miệng nín câm
một núi mâu thuẫn âm thầm lớn lên
đảng và nhà nước bạo quyền
gây bao tội ác oan khiên cho người
mang thân trâu ngựa rã rời
từ tuổi niên thiếu đến nơi huyệt nằm
người sẵn sàng biến thịt bằm
cho những khẩu hiệu quyết tâm đảng đoàn
dù còn có chiếc lai quần
cũng đánh đế quốc đấu tranh tới cùng
có xã không bóng đàn ông
khăn tang trắng xóa khóc chồng khóc cha
khóc con khóc phận đàn bà
người dân đau khổ xót xa vô cùng
ông biết mình kẻ lạc đường
nhưng hèn nhát chẳng dám dừng bước đi
muốn dừng cũng chẳng dễ gì
đảng xô đẩy bước tới vì nhân dân
đi theo cờ đỏ sao vàng
bao nhiêu nô lệ hiến dâng đời mình
bao kẻ mù quáng hy sinh
vì lòng yêu đảng hơn tình núi sông
ông kể bè lũ văn công
hại người cầm bút có lòng cách tân
điển hình là nhóm nhân văn
mấy chục năm phải mang thân tội đồ
phục hồi đời đã xác xơ
còn chút sáng tạo bơ phờ văn chương
gần chết mới hết tai ương
nhưng vẫn còn sợ bị lường gạt thêm
đời ông sống nhục sống hèn
nhưng ông can đảm nói lên cuối đời
với bao tội ác phanh phui
vứt rác chủ nghĩa nặng mùi tử thi
với đảng ông hết hoài nghi
thành tích cách mạng nghĩa gì nữa đâu
của cải tham nhũng chia nhau
cán bộ sung sướng cơ cầu mặc dân
cộng sản giả dối cái tên
tha hóa các lớp đảng viên hết rồi
chúng sẽ phải đổi lốt thôi
đảng đoàn ăn cướp đến hồi phải tan
ai hèn hãy nhận mình hèn
ông khuyên bỏ bóng tối đen lạc loài
vứt bỏ tất cả chiêu bài
dậy con cháu sống thẳng ngay nghĩa tình
ông viết hồi ký bằng tim
vì bạc đầu vẫn không quên nhục buồn
ông đã phanh ngực xé lòng
cất lên tiếng rú cuối cùng đớn đau
viết cho thế hệ mai sau
mắt nhìn can đảm thẳng vào bất công
dù cho đời có bão giông
tung cánh chim lạc chim hồng vút bay
đọc văn hiểu nỗi đau dài
vì lương tâm phải có ngày nói ra
sự thật ông viết xót xa
làm người chỉ muốn sống là người thôi


=

BBC * TÔ HẢI

Nhà văn Tô Hải và 'Hồi ký một thằng hèn'


Media Player
Dư luận gần đây nói nhiều về một cuốn sách sắp xuất bản đầu tháng Năm tới.
Đó là cuốn 'Hồi ký một thằng hèn' của nhạc sỹ Tô Hải, nói về cuộc sống và hoàn cảnh sáng tác cùng cực của văn nghệ sỹ miền Bắc thời kỳ trước 1975.
Nhạc sỹ Tô Hải năm nay 83 tuổi, là tác giả một số tác phẩm giao hưởng - hợp xướng và bài hát nổi tiếng. Ông đã nói chuyện với BBC về cuốn hồi ký mà ông nói là hoàn thành từ năm 2007:
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi viết hồi ký này từ năm 2000, hoàn thành 2007. Lúc ấy tôi có ý định là tới 2010 mới xuất bản vì nghĩ nếu cuốn sách tung ra sẽ gây lôi thôi. Nhưng nói thực, bây giờ nhiều người viết còn 'ghê' hơn tôi.
Nên tôi mới bảo mình: Chả lẽ cứ hèn mãi như thế này? Trong cuốn sách có một chương tựa đề 'Tôi đã hết hèn', thế nhưng mà sự thực thì sao?
BBC: Chính xác bao giờ cuốn sách sẽ xuất bản, thưa ông?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi được nhà xuất bản (Tiếng Quê Hương, California, Hoa Kỳ) cho biết là trong khoảng từ 5-10 tháng Năm.
BBC: Thưa ông, từ 'hèn' tới 'hết hèn' là cả một quãng đường dài. Lúc nào thì ông cảm thấy mình đã 'hết hèn'?
Nhạc sỹ Tô Hải: Ngay từ khi tôi mới vào Sài Gòn này, khi tôi thấy là cái gọi là chủ nghĩa cộng sản chẳng có thật ở Việt Nam bao giờ.
Khi tôi vào Đảng, tôi nghĩ là để làm theo đúng những gì ông Marx, ông Lenin nói. Té ra là không phải. Anh lên nắm chính quyền, từ chính quyền xã, thì đều là "Mỗi người làm việc bằng hai, để ông chủ tịch mua đài mua xe".
Trong hồi ký tôi có viết một câu: "Sau cải cách ruộng đất tôi bỗng tỉnh người ra, té ra là chưa bao giờ có chủ nghĩa cộng sản thực sự".
Thế nhưng cuốn sách của tôi chủ yếu chỉ nói về các sai lầm, tội ác đối với văn nghệ thời xưa mà thôi. Như chúng tôi đã phải khổ, phải hèn như thế nào.
Ăn lương nhà nước mà không viết lách thì bị kiểm thảo, thậm chí viết những cái vô thưởng vô phạt mà người ta còn bắt bẻ.
Những cái đó bây giờ các ông lãnh đạo ngày hôm nay đã sửa rồi, đã cho phục hồi Tự lực Văn đoàn, tặng giải thưởng cho Nhân văn Giai phẩm, cho tái bản Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Dần, đã cho đặt Lê Đạt vào nhà tang lễ của nhà nước.
Các ông ấy đang sửa, chỉ có điều các ông ấy chưa công bố chính thức, chưa xin lỗi đồng bào.
Mà tôi nghĩ các ông ấy bây giờ cũng không phải cộng sản như kiểu Karl Marx, Lenin-Stalin nữa.
BBC: Ông có nói về thời kỳ đau thương của văn nghệ Việt Nam, khi mà gần như ai cũng bị buộc phải 'hèn'. Nhưng ông đã ra khỏi quân đội, xin ra khỏi Đảng. Vậy đó có thể gọi là 'hèn' được hay không?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi là cái loại 'hèn anh hùng' (cười).
Tại vì tôi hèn nhưng không chịu tiếp tục hèn. Nếu tôi cứ hèn mãi thì khi ra quân đội, tôi cũng có chức vụ tối thiểu là đại tá, cũng giải thưởng này nọ. Nhưng tôi bỏ tất.
Tôi về hưu non, tôi không bao giờ đặt bút viết cái gì nữa cả.
Khổ cái là, cái nghề của bọn tôi không thể viết âm nhạc chửi bới, không viết kiểu ông Tú Mỡ được.
BBC: Thưa, ông nghĩ người ta sẽ đón nhận hồi ký của ông như thế nào ạ?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi chỉ mong để lại cho con cháu, thế hệ sau biết là cha ông chúng nó đã phải sống một cuộc đời hèn hạ như thế đấy.
Tôi có viết một chương rất đau khổ là: chẳng qua chỉ vì miếng ăn. Vợ con lơ mơ là nó cho chết đói, nó đuổi mình ra khỏi biên chế, cắt sổ gạo, không cho sáng tác, thế là khổ thôi.
Tôi tảo hôn, năm 23 tuổi, đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc thì tôi đã có ba con, chẳng lẽ để chúng nó chết đói? Thế là phải hèn.
Đưa người ta vào chỗ hèn hạ như vậy là chính sách của những tay lãnh đạo cũ.
Cuốn sách của tôi chỉ là nói những gì người ta biết cả rồi. Nhưng đối với thế hệ trẻ, hay những người ở miền Nam, thì có thể người ta không tưởng tượng nổi.
BBC: Ông có quan ngại sẽ gặp rắc rối gì khi cuốn sách ra đời không, thưa ông?
Nhạc sỹ Tô Hải: Tôi đã chuẩn bị cả rồi, cho cả vợ con nữa. Gia đình mới của tôi chỉ có bà vợ với đứa con. Bà ấy bán bán mì ở đầu đường thì cùng lắm là bị cấm bán. Còn tôi, thì tôi sẵn sàng thôi. Mà tôi viết cũng chưa ăn thua gì so với nhiều người.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/04/090425_phongvan_tohai.shtml





TRUYỆN NGẮN



ĐÁM CƯỚI XƯA
Khuyết danh



Khi gả về nhà anh, chị mười sáu, anh lên năm tuổi. Anh là con độc đinh, cha mẹ quý hơn vàng, chỉ tiếc anh quá nhiều bệnh tật.

Ông nội ở ngoài buôn bán nhỏ, gom được tí tiền. Bà nội tin Phật, một lòng thành kính, một lần bà nội xin được một quẻ xăm giữa miếu ngụt khói hương, nói ph ải cưới một cô vợ hơn tuổi cho thằng cháu đích tôn thì nó mới qua được vận hạn.

Bà nội đương nhiên tin vào lời Phật dạy chúng sinh nơi khói hương vòng quanh chuông chùa ngân nga, bởi thế ông bà nội bàn tính, đưa lễ hậu, kháo tin quanh vùng tìm mối nhân duyên cho anh.

Nhà chị năm miệng ăn, trông vào mấy sào ruộng bạc màu, chỉ đủ miếng cháo, mùa đông, cha chị vì muốn kiếm thêm ít đồng ra đồng vào, theo người ta lên núi đập đá, tiền chưa kiếm được, nhưng bị đá vỡ dập lưng, tiêu hết cả gia sản, bán sạch cả lương thực, bệnh không khỏi.

Hằng ngày cha chị chỉ có thể nằm trên giường, muốn chết mà chẳng chết cho. Hai đứa em trai còn chưa đủ tuổi lớn. Nỗi khổ sở của gia đình, nỗi ai oán của mẹ, làm những năm thời con gái của chị mang một gánh nặng tâm tư.

Vì thế bà mối đến, réo rắt: "Gả cô nhà đi, tiền thì để dưỡng bệnh cho cha, còn đỡ đần được tiền tiêu trong nhà".

Mẹ chị lắc đầu, nào có ai muốn đẩy đứa con gái thơ dại của mình vào lò lửa? Nhưng chị xin: "Mẹ, cho con đi nhé, chỗ tiền ấy có lẽ chữa khỏi cho cha!".

Tiếng kèn đón dâu thổi váng đầu ngõ trước ngôi nhà nhỏ của chị. Bố chị nằm trên giường tự đấm ngực mình; Con gái phải đem đổi tuổi thanh xuân, chấp nhận lấy một người chả xứng với mình chỉ vì cứu tôi và cứu gia đình này thôi ư!

Mẹ chị chảy nước mắt, tự tay mình cài lên tóc con gái cây trâm gài. Chị mặc áo đỏ đi giày thêu cúi lạy cha m , tự buông tấm khăn đỏ che đầu mình, nước mắt lúc đó mới chảy ra, trộn phấn má hồng.

Từ đó, số phận cuộc đời chị và hôn nhân giao cả về tay một đứa con nít vô tri.

2. Cười xót xa

Bà mẹ chồng trẻ tuổi không phải là người khắt khe khó tính, bố chồng ở xa cũng chẳng cần chị tam khấu cửu bái, lạy chào dạ vâng. Anh vâng lời mẹ gọi chị là chị gái.

Hằng ngày, chị ngoài việc giúp mẹ chồng chăm ruộng rau và làm xong việc nhà, thì cắt thuốc cho chồng, sắc thuốc, may áo cho chồng, giặt giũ, cho chồng chơi, cho chồng ngủ, có lúc, anh ho suốt đêm, sốt cao, chị thức cả đêm chườm khăn hạ sốt, cho anh uống nước, uống thuốc.

Trong tim chị, chị coi anh như một đứa em trai.

Hàng xóm láng giềng gặp chị, chị thường cúi đầu lặng lẽ, không nói, vội vã đi qua. Không biết là ứng với quẻ xăm của Phật, hay nhờ chính sức mình mà anh vượt qua được bệnh tật, dưới sự chăm chút của chị, anh lần lượt chiến thắng mọi cơn bệnh tật lớn nhỏ: Ho gà, viêm màng não, lở loét v.v...

Dần dà, những tình cảm anh dành cho chị vượt quá tình cảm dành cho mẹ mình. Giữa những kẽ hở lúc bận rộn, hoặc khi anh đã ngủ say, chị thường khóc nước mắt nóng rồi thờ thẫn tự hỏi mình: "Đây là hôn nhân của mình ư, đây là chồng của mình ư?".

Đến tuổi đi học, chị may cho anh một chiếc túi xách, dắt tay anh đến lớp. Những đứa trẻ trong và ngoài thôn thường vây lấy chị hát to: "Cô con dâu, cô con dâu, làm cái gì? Tắt đèn, thổi nến, lên giường..."

Chị không biết trong lòng mình là nỗi đau hay nỗi buồn, cúi gằm xuống, mặt đỏ lên rồi trắng bệch, trắng rồi đỏ. Một buổi tối, anh nằm trong chăn nói:

"Chị ơi, em yêu chị!".

Chị lại là vợ. Vợ lại là chị. Chị nhìn gương mặt ngây thơ non nớt của anh, im lặng. Lần đầu tiên chị cười đau khổ.

3. An ủi nhỏ nhoi

Cha anh ở ngoài buôn bán nhiễm phải thói cờ bạc, chỉ vài ngày mà thua sạch bách bao gia sản tích cóp khổ sở lâu nay.

Sau khi bố mẹ chồng chửi bới cãi vã ầm trời, bố chồng chị dứt áo bỏ nhà ra đi, từ đó không ai gặp lại ông nữa, nghe người ta nói khi đó ông bị lính bắt đi làm phu. Lúc đó trên người mẹ chồng chị còn vài thứ trang sức, cầm đi đổi lấy vài đồng tiền.

Mẹ chồng và chị bàn nhau mua lấy ba mẫu đất. Không thể mượn người làm nữa rồi, mẹ chồng con dâu xoay ra xắn ống quần lên lội ruộng, ngày còn ở nhà chị từ nhỏ đã giúp cha mẹ làm ruộng, khổ sở gì chị cũng đã nếm trải qua. Chỉ khổ cho bà mẹ chồng chị xưa nay chưa từng phải trồng lúa bao giờ.

Một nhà vốn giàu có bỗng chốc hóa bần cùng, đàn ông bỏ đi không tăm tích, bà mẹ chồng vừa đau vừa hận, lại thêm việc làm ruộng nặng nhọc, làm bà kiệt quệ, ốm rồi không dậy nổi. Trước lúc lâm chung, bà kéo tay chị, gần như van vỉ nói:

"Nó hãy còn nhỏ dại, xin cô chăm sóc nó, nếu cô muốn ra đi, xin hãy đợi lúc nó trưởng thành".

Chị nắm chặt tay anh. Từ đó, số mệnh của anh lại bị chị dắt đi.

Chị là người phụ nữ trọng tình nghĩa, chưa từng hứa gì, nhưng chị vẫn cùng anh như cũ. Từ đó về sau, ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình rốt cuộc là vợ, là chị hay là mẹ của anh?

Chị quần quật không ngày không đêm, làm việc để anh tiếp tục đi học. Cuộc sống của họ trôi qua khổ nhọc nhưng bình lặng giữa tình chị em sâu nặng, tình yêu bao la như tình mẫu tử bền chặt.

Khi anh tốt nghiệp trung học thi đỗ vào một trường Đại học Sư phạm, chị thay anh thu xếp hành lý, lại một lần nữa đưa anh tới trường.

Chị nhìn cậu con trai trẻ măng vừa qua tuổi dậy thì, do chính tay mình nuôi lớn từ nhỏ đến giờ, chị chỉ dặn anh hãy cố mà học hành, ngoài ra chị không nói thêm điều gì nữa.

Nhưng anh vẫn nói: "Chị, chờ tôi quay về nhé!".

Tim chị đập nhẹ một nhịp, nhưng mặt vẫn bình thường, có điều khóe miệng ẩn một nụ cười hân hoan rất nhẹ mà người khác khó nhìn thấy. Khóe cười ấy không phải vì câu nói của anh, mà vì những gì chị bỏ ra, đã được đáp đền lần đầu.

4. Kiếp này

Chị vẫn làm ruộng như trước, nhịn ăn nhịn mặc dành tiền gửi đi.

Hai năm đầu, nghỉ hè và nghỉ Tết anh đều về quê giúp chị làm việc. Nhưng năm thứ ba đại học, anh viết thư về nói: Chị đừng gửi tiền nữa. Và kỳ nghỉ tôi cũng không về nữa đâu. Tôi muốn ra ngoài kiếm việc làm thêm, đỡ gánh nặng cho chị.

Lúc đó chị đã 29 tuổi.

Ở quê, người như chị đã là mẹ của mấy đứa con. Người trong làng đều bảo, chị nuôi anh lớn khôn, lại còn cho anh thoát li đi học, thế coi như là đã quá tốt với anh rồi, chị già hơn anh mười một tuổi, thôi đừng chờ chồng nữa.

Bây giờ anh đã đi xa, ở ngoài thế giới bao nhiêu xanh đỏ tím vàng, biết chồng mình có về nữa hay là không về nữa!

Chị cũng không biết trong lòng mình là đang thủ tiết, giữ đạo phu thê: Dù sao thì mười mấy năm trước chị cũng là một cô dâu gả cưới đàng hoàng về nhà anh; hay là mình đang vì câu nói trước ngày anh lên đường đi xa: "Chị, chờ tôi quay về nhé!"; hay là chị đang lo âu như người mẹ không yên tâm về đứa con nhỏ của mình đang ở xa; chị cứ chờ.

Chị cứ giữ sự yên tĩnh và ít lời như mấy chục năm nay đã từng.

Cuối cùng cũng đã đến lúc anh tốt nghiệp. Anh quay về. Anh đã là một người đàn ông trưởng thành có phong cách và khí chất, dáng dấp một người đàn ông nho nhã hiểu biết.

Còn chị, dãi nắng dầm sương, gương mặt nhọc nhằn lao khổ đã sớm bay hết những nét đẹp thời trẻ, là một người đàn bà nhà quê đích thực.

Trong lòng chị chỉ còn coi anh là một đứa em trai thân yêu. Chị không dám ngờ anh đã nói với chị: "Chị, tôi đã trưởng thành, giờ chúng ta có thể thành thân!".

Chị nhìn anh, như đang nằm mơ, chị sợ mình đang nghe nhầm. Anh cũng là một người đàn ông trọng tình trọng nghĩa như chị?

Chị cười, tự đáy lòng dâng lên miệng c ười rạng rỡ, cũng để rơi xuống những giọt nước mắt đẹp đẽ nhất đời người.

5. Xin lỗi

Anh ở lại thị trấn dạy học, chị ở nhà làm ruộng. Họ có với nhau một con trai một con gái.

Sau này, anh đến khu mỏ dầu dạy học, lên chức hiệu trưởng một trường Trung học nhờ vào bằng cấp và kinh nghiệm dạy học của mình. Vì hộ khẩu, con cái vẫn để ở nhà cho chị nuôi nấng. Sau khi nhập được hộ khẩu, anh về quê đưa vợ con lên trường.

Các giáo viên trong trường đến giúp hiệu trưởng dọn nhà. Có một giáo viên bộc tuệch chạy ra nói:

"Hiệu trưởng, sao anh đón mẹ và em trai lên ở mà không đón cả chị nhà và các cháu luôn?".

Một sự im lặng bao trùm, mọi người đều ngoái đầu nhìn chị. Lúc ấy, mặt chị sượng trân trân, không biết nên nói gì, chị cười méo mó, nhìn anh biết lỗi. Anh ngoái đầu nhìn chị, nói với tất cả mọi người với giọng chắc nịch:

"Chị các chú đây. Có cô ấy mới có tôi ngày hôm nay, thậm chí cả tính mạng tôi".

Chị nghe anh nói, mắt chị dâng lên toàn là nước mắt.

6. Năm tháng như bài ca, tình yêu như ngọn lửa

Bây giờ chị đã bảy mươi hai, vì làm việc nặng nhọc quá nhiều, sức khoẻ kém, bệnh phong thấp làm chị đi tập tễnh. Anh sáu mươi mốt, đã về hưu từ lâu.

Hai năm nay họ dọn về khu nhà này ở, nếu hôm nào trời không mưa gió, hoặc ngày quá lạnh, đều có thể gặp bóng dáng họ ở khu sân chơi, bồn hoa; chị nắm gậ y chống, anh đỡ một bên, đi chậm chạp từng bước một về phía trước, như đang dìu một đứa trẻ tập đi, chăm sóc như thế, ân cần như thế.

Những người biết chuyện của họ đều nhìn theo, cảm động bởi mối tình sâu nặng và bền chặt của anh và chị, mang nghĩa đủ tình đầy đi dọc một kiếp người. Anh nói:

"Cô ấy mang cho tôi sinh mệnh, cho mẹ tôi sự ấm áp, cho tôi một mái nhà, bây giờ, tôi dành nửa cuối đời tôi chăm sóc cô ấy".

Anh dắt tay chị, như ngày đó chị dắt tay đứa bé năm tuổi, họ cùng mỉm cười, đẹp như nét mây chiều êm ái nơi chân trời mùa hạ.

NGUYỄN PHAN NGỌC AN * TRUYỆN NGẮN


Tình yêu chân thật


Mối Tình Việt Ấn


Một câu chuyện tình đầy thơ mộng và lý thú đã xảy ra tại vùng thung lũng Silicon cách nay gần mười năm...Theresa Thiên Kim, tên của nàng - Thiên Kim đến Hoa Kỳ theo diện HO cùng cha mẹ và 6 anh chị em, nàng là người con áp út - Vào năm 1990 Thiên Kim vừa tròn 20 tuổi. Đến xứ lạ quê người trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính phủ Hoa Kỳ chỉ cấp dưỡng trong vòng 8 tháng mà thôi, sau đó mỗi người lăn bổ đi tìm việc...Thời ấy công việc làm không thiếu, hãng xưởng tại vùng Silicon tràn ngập nên anh chị em nàng tìm việc rất dễ dàng.

Hàng ngày Thiên Kim đi đến hãng điện tử Solectron làm việc, nơi đây nàng gặp rất nhiều người Việt Nam cũng là nhân viên như nàng - Niềm vui tao ngộ đồng hương đã cho nàng thêm sức sống, cha nàng là Đại Tá QLVNCH thời đệ nhị Cộng Hòa. Qua chương trình HO 1 gia đình không rớt lại một ai nên cha mẹ nàng cũng có phần mãn nguyện. Nhưng tạo hóa trớ trêu gây cảnh đất bằng dậy sóng, một buổi cha nàng đi tập thể dục như hàng ngày cha vẫn đi bộ suốt hai giờ liền trong những dãy nhàsong song với nhà nàng.
Một người đàn bà từ đâu xuất hiện đi bộ sau lưng cha rồi bà kiếm chuyện làm quen, ba nàng tuy năm ấy cũng đã tròm trèm 70 nhưng trông vẫn còn tráng kiện, nhìn cứ tưởng khoảng 60 thôi - Thường thì mỗi ngày ba nàng chỉ đi bộ vài giờ vào buổi sáng là về nhà ăn điểm tâm, cà phê mẹ dọn sẵn để trên bàn cho cha - Hơn một tháng nay cha nàng đã thay đổi cách sống, sáng ra đường là cha đi một mạch tới tối mới về nhà, cha chưng diện chải chuốt bảnh bao một cách lạthường, cha không còn thời giờ quan tâm các con hay là săn sóc mẹ nàng như xưa...
Mẹ buồn rầu đâm bệnh nặng, cơn bệnh trầm tư từ trong óc não đã khiến mẹ nàng không nói được và nằm liệt suốt hai năm liền - Sau khi thấy bệnh tình của mẹ càng ngày càng nguy nan, cha hối hận quay về thì đã muộn, mẹ nàng từ giã cõi đời vào một đêm mưa bão bất ngờ từ đâu thổi tới bởi xứ thung lũng này ít khi được mưa bão đoái hoài, mưa thỉnh thoảng có thì như mưa phùn lác đác vậy thôi...

Mẹ nằm bất động trên giường sau khi anh chị em nàng đã chạy chữa qua nhiều Bác Sĩ Y Khoa và Đông Y, tất cả đều bó tay chờ định mệnh an bài - Trên tay mẹ vẫn cầm một chiếc đồng hồ bằng vàng mà như Thiên Kim biết là quà sinh nhật cha đã tặng mẹ cách nay ba năm - Mẹ không đeo chiếc đồng hồ vào tay mà chỉ cất giữ trong chiếc hộp thủy tinh tuyệt đẹp, nhiều lúc chị gái nàng hỏi:
- Sao mẹ không đeo đồng hồ ba tặng, bàn tay mẹ thon thon, cổ tay đầy đặn, mẹ đeo vào sẽ đẹp và tăng thêm sự quý phái, hay mẹ để con lấy đồng hồ ra đeo hộ cho mẹ nhé?
- Đừng con, mẹ ôn tồn trả lời: Mẹ quý chiếc đồng hồ ba đã tặng như chính bản thân của mẹ, mẹ không muốn nó bị trầy hay bị cũ đi nên mẹ chỉ để dành ngắm nghía mà thôi, thấy nó là thấy hình ảnh ba con... Dạo nầy ba con sinh tật đam mê người đàn bà khác bỏ mẹ cô đơn, không có ba con bên cạnh thì có chiếc đồng hồ thay thế mẹ cũng thấy bớt đi phần nào niềm đau đớn tuy biết rằng mẹ đã phải ôm vào cuối cuộc đời niềm bất hạnh không ngờ!

Sau lần tậm sự đó mẹ nàng không nói được nữa và lâm bệnh trầm kha từ giã cuộc đời đau thương tủi phận, ngày tang lễ cha quỳ xuống ăn năn hối hận, nước mắt cha tuôn trào trên gương mặt héo hon khắc khổ... Cha bước đến bên mẹ tháo chiếc đồng hồ đã chặt cứng trong bàn tay giá lạnh của mẹ rồi mang vào cườm tay mẹ với cõi lòng nát tan.

Lá đã rụng đầy trên lối đi
Mùa thu vàng úa nỗi ai bi
Đông về trong gió buồn se lạnh
Ai biết lòng ta trĩu nặng gì...
Chưa giã từ nhau sao vội đi
Nửa chừng lỗi nhịp khúc từ ly
Trăm năm một thoáng mơ hồ mộng
Người đã xa rồi, lệ ướt mi
Nhân thế đau buồn chuyện tử sinh
Bao nhiêu họa phúc giữa điêu linh
Phù du, tan hợp là thân phận
Biển khổ lênh đênh một chữ tình
Ai tiếc mùa thu, thương lá rụng
Ai về ấp ủ mộng xuân sang
Cho tôi gửi gấm niềm tâm sự
Đến chốn vô cùng của nát tan...

Mùa thu Cali buồn và lạnh, những chiếc lá vàng thi nhau rơi lác đác ven đường làm lòng Thiên Kim chùng xuống, hai tuần vắng bóng người mẹ thân yêu vĩnh viễn, nàng biết làm gì để khỏa lấp nỗi trống vắng đến ghê sợ này, cha thì nằm li bì trong phòng riêng suốt ngày đêm, khi cần ăn uống cầm chừng cha ra ngoài bàn ngồi lặng lẽ và thường lẫn tránh cặp mắt anh chị em nàng - Mất người vợ hiền dường như cha cũng bỏ luôn người đàn bà hắc ám kia nên sau mấy tháng liền cha không đi tập thể dục và cũng không thấy cha đi ra khỏi nhà cũng không còn chưng diện như xưa.
Gió vẫn rít từng cơn não nuột, trên xa lộ mênh mông đơn độc Thiên Kim thấy buồn cho số phận mỏng manh, gần ba chục tuổi đầu không tìm được một tình yêu...
Những hàng cây xanh đỏ tím vàng san sát bên nhau đẹp lạ lùng cũng không làm nàng vui được, những hình ảnh trước mắt mà hàng ngày nàng vẫn không quan tâm khi đi làm trên thành phố xa xôi này, hôm nay bất chợt nàng nhớ đến một bài thơ của một thi nhân đã tả về cảnh đẹp mùa thu, vì thích thú nàng đã thuộc lòng bài thơ tự khi nào không hay...Thiên Kim lẩm nhẩm:

Cho đến muôn đời thu vẫn đẹp
Lá vàng pha lá đỏ tươi xinh
Bên đường lặng lẽ hàng cây đứng
Những đóa hồng khoe sắc hữu tình
Phố Palo Alto êm đềm thơ mộng
Một buổi chiều lữ khách ghé thăm
Hoa lá reo vui theo gió lộng
Làm say lòng bao gã thi nhân...
Ta cũng say sưa phố lạ chiều
Muôn trùng lá thắm đọng thương yêu
Dọc theo con lộ dài hun hút
Vàng, đỏ, nâu, hồng... thoáng tịch liêu
Rừng lá mùa thu trải khắp miền
Điểm tô thêm đẹp phố bình yên
Ta ngơ ngẩn với ngàn hoa lá
Hồn bướm mơ tiên... chẳng lụy phiền
Ta thấy quanh ta xác lá vàng
Quyện tròn trong gió buổi thu sang
Tưởng như ai đó đang vương vấn
Cho mộng thêm dài... lạnh gối chăn!
Cảnh đẹp cho hồn ta ngất ngây
Tình thơ lai láng giữa trời mây
Nhìn thu ta bỗng lòng say đắm
Giấc mộng Hằng Nga... giữa cõi này...

Tâm hồn Thiên Kim bay bỗng như hòa nhập vào những câu thơ trữ tình kia, bỗng "rầm" nàng đã tông vào xe phía trước, người lái xe mở cửa bước xuống tiến về phía Thiên Kim khi nàng vội vã tắt máy ngừng xe lại ngay sau xe người ấy - Một người đàn ông nước ngoài, có lẽ là người Iran Iraq hay Ấn Độ gì đây...Thiên Kim hạ kiếng xuống ngồi im chờ thái độ người kia để nàng hạ mình xin lỗi. Ông ta nhìn nàng rồi nói nhỏ nhẹ một tràng tiếng Anh, tay chỉ vào chỗ xe bị đụng - Thiên Kim lính quýnh không biết phải làm sao, bởi nàng tiếng Anh không giỏi chỉ đủ để đi làm trong hãng xưởng mà thôi, nàng lấp bấp:
- I am sorry for this happening, but I have my insurance to cover for the damage of your car.
- That's all right! Would you please give me your car insurance, and your driver license. Ông ta trả lời nàng.
Ông lấy số phone của Thiên Kim và ghi số xe cùng số bằng lái và insurance của nàng xong chào nàng và tiếp tục lái xe đi mà không gọi 911 - Thiên Kim hoàn hồn, đưa tay đấm vào đầu thật mạnh "từ nay quyết chừa tật mộng mơ khi lái xe nghe nhỏ khùng."
Đã qua một tuần vẫn không thấy người bị nàng đụng xe làm gì cả, hay ông ta tốt bụng thương hại nàng mà không bắt nàng bồi thường. Nàng không tin vào điều mơ ước đó, dễ gì... "Người Việt Nam còn hoạ may có tình đồng chủng, ông này người khác giống khác giòng đừng mơ mộng viễn vông nữa nhỏ khùng ơi" Thiên Kim hay tự nguyền rủa mình là nhỏ khùng mỗi khi làm điều sai trật hay lỡ lầm xử lý thiếu đạo đức và trung thực với lương tâm... bởi lẽ đó nhiều khi nàng tự nghĩ" hay ta cứ mắng ta khùng rồi khùng thật rồi chăng, cũng nhan sắc, cũng khôn ngoan, lịch lãm mà chẳng thằng ma nào để mắt thương dùm, dù trong hãng ta làm khối người Việt đẹp trai bãnh chọe đếm không hết"...
Tiếng điện thoại reo vang cắt ngang dòng tư tưởng của Thiên Kim, lạ nhỉ, bây giờ là 10 giờ đêm, ai gọi mình vào giờ đi ngủ vậy? Tin chắc cha đã ngủ, các anh chị dần dần lập gia thất ra riêng, thằng út cũng đã ra trường đi làm xa, Thiên Kim yên tâm nhấc phone lên và giật thót người "chết cha rồi, thằng cha Iraq bị mình đụng xe hôm trước, chết cha rồi, mẹ ơi mẹ linh thiêng phù hộ cho con mọi việc êm xuôi tốt đẹp nha mẹ thương yêu của con".
Ông ta hẹn nàng ngày mai lúc 10 giờ sáng tại tiệm Tùng Auto Repair trên đường Senter để nàng trả tiền sửa xe cho ông - Nàng đồng ý nhận lời cái hẹn sáng mai tuy rằng cũng hơi lo ngại cho số tiền Repair không biết là bao nhiêu?
Gặp lại lần thứ hai, người đàn ông rất tự nhiên và cởi mở trò chuyện thân mật với nàng, dù không giỏi tiếng Anh nhưng nàng cũng khá về từ ngữ nên đã hiểu được những gì ông ta vừa trao đổi và tìm hiểu về bản thân nàng... Thì ra ông ta là người Ấn Độ, với đôi mắt sáng tinh anh, nước da ngâm, thân hình bệ vệ có vẽ hơi phì... tướng thì cũng ngon cơm nhưng đi chiếc xe cũ kỹ thì chắc chắn cũng nghèo rớt mồng tơi như ta thôi, cái mộng ông ta thương tình mà không đền tan vào mây khói lãng du rồi nhỏ khùng ơi...
Một phép mầu từ đâu đưa đến, chắc hồn mẹ linh thiêng đã phù hộ cho nàng, sau một hồi nói chuyện ông mời nàng đi ăn trưa để thời gian cho tiệm Tùng định giá cả hư hại thế nàọ Khi trở về chỗ sửa xe ông nói với người chủ "I'm going to pay by my credit card."
Một cảm mến tư cách người ngoại quốc lâng lâng trong hồn người con gái Việt Nam, nàng nhìn trăng đêm nay sao đẹp và thơ mộng hơn những đêm trước, Thiên Kim có tật thức khuya ngồi lặng lẽ một mình ôm vào lòng bao tâm sự rồi tự than vãn một mình và quyết định một mình, phải chăng cuộc đời nàng là cả một chuổi cô đơn và tự quyết, tự lập như chính bản thân nàng trong hiện tại - Từ tình cảm thân mến đó, người đàn ông Ấn Độ tên Kan đã đến thăm nàng tại nhà riêng của cha con nàng, cha không có phản ứng gì bởi thấy nàng cũng đã lớn, toàn quyền quyết định chuyện riêng tư - Ai dè chuyện đụng xe lại đem đến cho nàng một may mắn có được một tình thân bè bạn, chắc chắn là mẹ chớ không còn ai vào đây mà giúp nàng như thế cả - Mỗi lần đến nhà thăm nàng ông Kan thường đến bên bàn thờ Mẹ lấy một nén nhang đốt lên và cắm vào chiếc lư nhang, nàng để ý thấy điều đó không bao giờ ông Kan quên làm sau khi ngồi vài ba phút... Cảm động trước tình người cao đẹp có đạo đức như vậy, Thiên Kim dần dà yêu thương tuy biết rằng ông ta cũng nghèo khó cơ hàn không thể lo cho nàng một cuộc sống tốt đẹp và khấm khá hơn.
Thời gian dần trôi qua trong những bước thăng trầm, trong tình yêu chân thật của cả hai, một hôm Thiên Kim hỏi:
- Em không hiểu tại sao anh là người khác chủng tộc với em mà lại quá tốt, mỗi lần đến nhà em là y như rằng chỉ vài phút sau là anh đốt nhang cho Mẹ, em để ý chưa một lần nào anh quên, người Ấn Độ tâm hồn cao đẹp quá anh nhỉ!
- Kan cười "không phải vậy đâu em cưng, người Ấn Độ không tốt như em tưởng đâu, chẳng qua nhà em nấu nướng thứ gì mà hôi quá anh không chịu nổi nên phải đốt nhang cho nó khử bớt mùi vậy thôi, thú thật mỗi lần anh đến thăm em là vì tình thương thật sự chứ mỗi lần đến là mỗi lần bị ngột ngạt cái mũi của anh em biết không? Nói xong Kan ôm chặt lấy nàng vì sợ nàng giận, Thiên Kim ngượng chín cả người, ôi chao người Việt Nam chúng tôi ăn uống thứ gì mà để ông chê bai như thế, thì ra vì nguồn gốc tổ tông, nước mắm, xì dầu, mắm tôm, mắm cá... Rồi mà xem, cứ chê đi, mai mốt thành vợ thành chồng tớ sẽ cho nhà ngươi lãnh đủ các món ăn mà nhà ngươi sợ hãi... Nghĩ thế Thiên Kim cười một mình, đây là cách trả thù độc đáo của đàn bà Việt Nam chúng tôi mà...
Cuộc tình Ấn Độ Việt Nam kéo dài hơn hai năm, nàng không bao giờ hỏi Kan làm việc gì và làm việc ở đâu, chỉ biết chàng bằng tình yêu chân thật, mỗi ngày chàng mỗi vun quén đậm đà thêm lên, hàng ngày sau khi đi làm về Kan ghé nhà thăm cha nàng, mua cho ông vài hộp sâm, vài chai rượu vang ít tiền, chưa khi nào Kan mời nàng đi shopping mua sắm ngoại trừ chàng mua thức ăn mang đến cho nàng nấu nướng và chàng đã biết ăn chút chút những thức ăn mà trước đây nghe mùi Kan sợ hãi - Đêm nay Kan xin phép cha nàng ở lại với Thiên Kim để bàn việc hôn nhân và được cha đồng ý. Nằm gọn trong vòng tay thương yêu của Kan, từ những chiếc hôn nồng nàn chàng trao gửi, Thiên Kim không mong ước gì hơn được sống mãi bên Kan với tình yêu tuyệt đẹp như đêm nay, ngày xưa nhà thơ Xuân Diệu đã có câu "Yêu là chết ở trong lòng một ít vì mấy khi yêu mà chắc được yêu, cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu..." -i chao, chỉ viễn vông thôi, đã yêu nhau thì cho nhiều cho ít có nghĩa gì đâu, như Kan và mình đây, Ấn Độ và Việt Nam nghèo bỏ xừ cái thân vẫn yêu nhau hết mình không thấy sao hỡi nhà thơ Xuân Diệu?
Thắm thoát mùa xuân cũng sắp đến, Kan đã bàn tháng 12 tổ chức đám cưới, Thiên Kim dành phần chọn nhà hàng Việt Nam cho nhẹ tiền và quan khách tham dự của nàng toàn là người Việt Nam - Kan đồng ý cùng nàng chọn nhà hàng Phú Lâm thức ăn vừa ngon lại vừa rẻ có tiếng từ hơn hai chục năm qua - Cả hai hân hoan đến gặp anh Kim chủ nhân lấy ngày giờ đặt tiệc.
Sáng nay Kan gọi đến bảo Thiên Kim ở nhà nghỉ một bữa đi tham quan vài chỗ làm nơi thung lũng Silicon cùng anh, Kim thầm nghĩ chắc lại mất việc rồi đây, sợ nàng buồn không dám nói chăng bởi ngày cưới sắp đến mà không việc làm, không tiền bạc thì rõ khổ thân em và cả thân anh, cha mẹ anh thì ở bên Ấn Độ, cha em thì nghèo lấy ai giúp đỡ chúng ta khi đã đến nhà hàng đặt tiệc, đặt ngày và đặt cọc? Nàng đi với chàng nhưng lòng buồn rười rượi chẳng thiết nói cười chỉ ậm ọe trả lời qua loa khi chàng hỏi - Kan dẫn nàng vào một tòa Building rộng lớn, một hãng điện tử tọa lạc trên vùng Fremont, theo Kim biết thì đây là một hãng điện tử lớn nhất nhì thành phố Silicon, nàng càng lạ lùng khi thấy Kan cứ dẫn nàng đi tuồn tuột vào bên trong mà không ai cản ngăn Kan và nàng cả, Kim không dám hé môi nửa lời khi thấy dáng vẻ nghiêm chỉnh của Kan và bộ Veston tươm tất của chàng, bụng Kim thầm nghĩ "Đi apply job mà ăn mặc giống như ông chủ, bộ xứ Hoa Kỳ này chuộng vẻ ngoài mới nhận làm việc hay sao, khéo vẽ vời chi dữ vậy Kan của em, anh hôm nay mà không nhận được job là sẽ bị nhỏ khùng này chọc quê cho mà biết".
Kan dẫn nàng vào phòng cuối cùng, nàng chưa biết phải ngồi đâu khi nhìn bàn ghế sa cừ lộng kiếng quá lộng lẫy sang trọng, nàng ké né đứng bên Kan thì thấy có mấy người vào gật đầu nghiêm chỉnh chào Kan với những ngôn từ Ấn Độ và tiếng Anh, Kan ngồi xuống chiếc ghế giữa bàn và nói với họ: 'This is my fiance' rồi chàng chỉ chiếc ghế kế bên chàng cho Kim ngồi - Thiên Kim bừng tỉnh, thì ra Kan là ông chủ hãng Điện Tử to lớn này, bấy lâu nay chàng đã thử thách con người Kim, thử thách tình yêu của Kim, mẹ ơi... mẹ ơi...
Kim vui mừng nhắc đến mẹ thân yêu và nước mắt rưng rưng, nàng cố kềm hãm bởi trước mặt mọi người nàng nghiễm nhiên là bà chủ và mọi người đang một mực quý trọng nàng, nàng không vì xúc động riêng tư mà để lộ niềm hân hoan bất chợt với mọi người xung quanh.
Tuần sau Kan cho Kim biết là nàng sẽ không phải đi làm nữa, Kan đưa cha nàng và nàng về một ngôi nhà mới sang trọng trên đồi Los Altos Hill - Kan giao hãng cho phụ tá phó Giám Đốc cai quản, chàng cùng Kim đi mua sắm nữ trang, quần áo cưới và mọi vật dụng cần thiết trang hoàng cho ngày cưới, chàng không quên đặt cho cha vợ hai bộ Veston và mua tặng ông một chiếc đồng hồ Rolex đắt giá của Thụy Sĩ.
Hạnh phúc là một thiên đàng tuyệt hảo dành cho Kim, nàng đã sống đã yêu với sự chân thành từ trái tim, nàng đã được đền bù xứng đáng. Sau ngày cưới Kan đưa nàng đi hưởng tuần trăng mật tại Paris nơi có những kỳ quan lịch sử và có những danh lam thắng cảnh tuyệt vời - Kan không quên mời cả người cha vợ tôn kính cùng đi cho ông có cơ hội du lịch Paris mà ông hằng ao ước.
Tình yêu hạnh phúc sự nghiệp đã chào đón người phụ nữ Việt Nam thân thương của chúng ta, trong trái tim người Ấn Độ đã khắc sâu hình ảnh người vợ Việt Nam trân quý, tác giả viết bài này với lòng cảm mến thật sâu xa tấm tình tốt đẹp hiếm có của hai nhân vật trong cốt truyện qua cuộc sống thật ngoài đời tại thung lũng Silicon hoa vàng muôn thuở - Có một vài hư cấu cho câu chuyện súc tích lãng mạn hơn và thấm thía hơn trong cuộc sống ly hương - Kan và Kim đã sống hạnh phúc gần 10 năm qua và có với nhau 4 mặt con, ba gái, một trai, những đứa con lai hai dòng máu Ấn Việt xinh đẹp và khôn ngoan vô cùng.


Nguyễn Phan Ngọc An

No comments:

Post a Comment