Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 14 December 2016

TRẦN MỘNG TÚ =BÁT ĐOẠN CẨM =TẾT

TRẦN MỘNG TÚ * HÀ NỘI GIÓ



Hà Nội gió !!!

Trần Mộng Tú 



Gió mùa đông bắc làm em khóc
Hà Nội, anh ơi phố rất gầy! (tmt)




Tôi trở về nhà sau một chuyến bay dài đỏ mắt. Không biết ai là người đầu tiên đặt tên cho những chuyến bay đêm là 'đỏ mắt' thật là hay. Chập chờn giữa thức và ngủ cả mười ba, mười bốn tiếng thì chắc chắn mắt xanh như cô Kiều của cụ Nguyễn Du cũng thành mắt đỏ. Chữ nghĩa mang ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của ta rất nhiều, có những chữ mình không thể nào thay bằng chữ khác được.


Chúng tôi đi trong một Hà Nội đầy gió, người Hà Nội đặt tên cho gió này là Gió Mùa Ðông Bắc. Có không biết bao nhiêu thi sĩ, bao nhiêu nhạc sĩ đã xúc động về những cơn gió này và viết ra bao nhiêu tác phẩm làm thăng hoa đời sống con người để ngay cả khi đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn nhất, con người vẫn tìm ra cái đẹp của nơi mình đang sống. Khí hậu của tháng Mười Một và tháng Chạp âm lịch là khí hậu lạnh và đẹp nhất trong năm của miền Bắc. Gió hay trở lạnh đột ngột như một người đi xa bỗng trở về không báo trước. Có thể mới buổi sáng trời còn rất ấm không có gì báo hiệu là một ngày lạnh, nhưng đến trưa gió ở đâu bỗng kéo về chật phố. Gió chen chúc vào đám đông đang đi trên đường, gõ cửa những ngôi nhà, hàng quán, ngồi sát vào những người buôn bán hai bên vỉa hè rất là hồn nhiên. Chẳng cần nói năng gì cả. Chỉ cần có mặt, tôi đến, tôi ngồi xuống và tôi ở lại. Giống như Caesar ngày trước I came, I saw, I conquered. Thế là mọi người chạy ùa đi mua áo ấm để ngồi chung với gió.

Chúng tôi đã được đi, được ngồi chung với Gió Mùa Ðông Bắc trong suốt mười ngày ở Hà Nội.

Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc.

Suốt từ Sài Gòn, đi xe ca theo tour Tiền Giang, Hậu Giang, Phan Thiết, Nha Trang, Hà Nội rồi bay ra Phú Quốc, ta nhìn thấy sự phồn thịnh luôn luôn đi bên cạnh nghèo đói một cách rất rõ ràng.

Miền Bắc, miền Trung ở quê vẫn còn khổ và nhiều người rất nghèo trong khi ở thành phố Sài Gòn, Hà Nội, hàng đêm người ta đổ xô ra phố tiêu tiền (không biết tiền ở đâu ra mà nhiều thế!) Ở những nhà hàng, những quán ăn thì người trong nước tiêu phung phí hơn Việt Kiều. Thử vào một chỗ ăn chơi như vào bar chẳng hạn, thì có thể chỉ nhìn chai rượu gọi sẽ nhận ngay ra ai là Việt Kiều ai là Việt Việt (chữ một cậu cháu tôi dùng để gọi người trong nước). Việt Kiều xài sang gọi chai rượu 150 mỹ kim, trong khi đó Việt Việt gọi chai rượu 1.500 mỹ kim. Tôi quê mùa, hỏi cháu:

- Chai rượu gì mà đắt vậy?

- Con không biết, nhưng thấy họ trả 1.500 mỹ kim cho chai rượu; họ đi năm, sáu người tiêu một buổi tối năm ngàn đô là chuyện nhỏ.

Nghe nói một tối tiêu năm ngàn đô là chuyện nhỏ thì chắc ai cũng biết cái xuất xứ của những số tiền nhỏ đó thật là mù mịt.

Ăn uống ở các tiệm bây giờ cũng đắt hơn gấp năm sáu lần của ba năm trước và không ngon. Trung bình chúng tôi ăn một bữa cho một người là từ ba cho đến bẩy mỹ kim. So với ở Mỹ thì rẻ, nhưng với tiền lương của một người trung bình là 700.000 đồngViệt- khoảng hơn 40.00 mỹ kim một tháng- thì làm sao trả được.

Tôi tự hỏi, Sài Gòn bây giờ hình như không ai nấu ăn trong nhà hay sao mà tối nào các tiệm, các quán cũng tấp nập khách ăn? Bao giờ nhìn chung quanh các bàn cũng rất nhiều người địa phương ngồi ăn, phần đông là giới trẻ, và trung niên. Trên bàn đầy ắp thức ăn và bia, nước ngọt.

Lương của một công chức không biết con số thật là bao nhiêu?
Tôi có một người em họ xa ở Hà Nội, làm phó giám đốc một công ty nhà nước gì không rõ mà anh đi xe BMW, khi chúng tôi tới thì vợ đang du lịch ở Singapore, con thì đi du học ở Mỹ, một năm hết ba mươi ngàn Mỹ Kim tiền học, chưa kể chi phí ăn ở. Nghe mà giật mình.

Theo cách anh nói chuyện thì ở Việt Nam bây giờ du học tự túc ở Pháp và Ðức như một phong trào cho các con ông lớn. Học giỏi hay không thì chưa rõ, nhưng mà đã là con của những ông lớn thì phải xuất ngoại, phải du học. Sang bên đó không học được thì ở chơi một thời gian, may mắn kiếm được người lấy thì ở lại, không thì về.

Nghe anh nói, tôi nhớ đến một ca làm việc của mình ở Mỹ. Khi tôi đến thăm tại gia cho một sản phụ được hưởng Phiếu Y Tế (Medical Coupon) tôi mới biết đó là một sinh viên Việt Nam du học tự túc, có bầu và ở lại. Cô là sinh viên du học mà không nói được một câu Anh Ngữ nào. Căn nhà cô ở thuê là một apartment water front. Tôi hỏi tiền đâu mà cô trả tiền nhà thì được cô ạ cho biết căn apt. này cha mẹ cô chuyển tiền sang mua, trả bằng tiền mặt, cho một người bà con có quốc tịch Mỹ đứng tên. Nghe mà giật mình, vì tôi biết căn apartermen đó ở Seattle ít nhất là 400.000 Mỹ kim, bởi gần sát mặt hồ.

Khi có những người giầu không rõ xuất xứ lợi tức như thế thì người nghèo có xuất xứ rất rõ ràng. Họ sống bằng những món tiền kiếm được hàng ngày rất khiêm tốn. Nếu đi dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm ta sẽ luôn luôn bắt gặp những người (một cụ già, hay một đứa trẻ đang tuổi đi học) bán vé số, hoặc nước trà. Bán vé số thì lấy vé của nhà nước đi bán lại mỗi vé số giá có hai ngàn, không biết lời được bao nhiêu? Trong khi đó giá một gói xôi khoảng bốn ngàn đồng- một Mỹ kim bằng 15.900 đồng-

Vốn liếng của người bán nước trà tất cả chắc chưa đến ba Mỹ kim: Một cái ấm ủ trong cái khăn cũ kỹ, vài cái ly thủy tinh nhỏ, năm ba cái kẹo lạc, kẹo vừng. Họ ôm cái gia sản bán buôn đó trong vòng tay gầy guộc, mời khách bên hồ. Hy vọng họ kiếm đủ cơm ăn cho một ngày hôm đó.

Ngay ở trong khu phố có tấp nập khách du lịch, thỉnh thoảng ta vẫn thấy một người gánh hai cái thúng hầu như chẳng có gì trong đó, chỉ có vài ba mớ hành, mấy củ su-hào, mấy quả chanh đem đi bán. Chắc đây là những thứ kiếm được trong vườn nhà. Tiền thu về may ra đủ cho một gói xôi, hay hai chiếc bánh mì không nhân.

Có cô bé lên năm cầm từng chiếc kẹo cao su lẻ bán cho du khách, cô bé nhỏ xíu, đen thui, ốm nhách mà cái mặt tươi như một bông hoa Mười Giờ chạy theo con gái tôi, đưa cái kẹo ra mặc cả bằng thứ tiếng Mỹ ngô ngọng, thấy vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Cô con gái tôi trêu cho em cười bằng cách nói tiếng Việt cũng ngô ngọng với em và gần như muốn bế em lên, vì em bé xinh quá!

Ôi tuổi thơ Việt Nam! Khi em lớn lên, em sẽ có ước vọng gì?

Ði càng về miền quê càng thấy những người nghèo. Ở những nơi ruộng nước như lối vào Tam Cốc, Bích Ðộng ở Ninh Bình hay Suối Trong, Suối Ðục ở Chùa Hương thì những người dân quê vẫn ngâm một nửa người trong nước nguyên ngày mò ốc, lưới tép kiếm ăn. Một kí tép khoảng hai chục ngàn, ngâm nước nguyên ngày được khoảng ba đến năm kí, kiếm được 60.000 -100.000 đồng cho nguyên một gia đình bốn năm người, trong đó có cả tiền học cho con.

Trẻ con đi học cho biết đọc, biết viết rồi nghỉ vì không có tiền trả tiếp, lại đi ngâm mình dưới nước giống cha mẹ thôi. Suốt một đời họ ngâm dưới nước. Người chèo thuyền chỉ cho chúng tôi xem một vài nấm mộ chôn một nửa chìm dưới nước, nói là mộ của những ông bà cụ già suốt đời mò cua, xúc tép ở đây, họ muốn con cháu họ chôn mình như thế, vì họ đã có câu: 'Sống ngâm da, chết ngâm xương' để chỉ đời sống gắn liền với nỗi vất vả này.

Du khách Âu Châu đổ vào Việt Nam một ngày một đông hơn, sau sau vụ khủng bố11/9/2001. Cả nước sống về nguồn lợi thu nhập được của du khách. Du khách nước ngoài vào, mang theo bao sự thay đổi. Việt Kiều đóng một vai trò không nhỏ trong môi trường này.

Mỗi người đem một ít về cho thân nhân, giúp vốn buôn bán, xây lại nhà cửa, mai mối cho lấy chồng nước ngoài. Cho nên ta thấy có những con hẻm lầy lội, nghèo nàn tự nhiên mọc lên một cái nhà hai ba, thậm chí bốn từng. Cửa kính, cửa sắt đứng cô đơn như một anh hề sau khi vãn hát. Những cô gái được tân trang từ đầu đến chân để lấy chồng nước ngoài, trông như những con búp bế vô hồn. Ðã có một số cô bằng lòng lấy bất cứ ai, dù đó là anh cắt cỏ hay rửa chén bên Mỹ, bên Úc. Ngay cả một anh ăn tiền tàn tật cũng vẫn lấy. Cứ lấy để đi đã, sang đó không ở được thì bỏ. Những câu chuyện đó bây giờ không có gì là mới lạ nữa, chỉ có sang bên đó mà sau năm năm không bỏ chồng thì mới gọi là 'Lạ'. Người không có thân nhân lo cho thì sẽ rơi vào bất cứ một bàn tay không lương thiện nào đó, và đã xẩy ra bao nhiêu thảm kịch. Ban đầu thì còn là chuyện thương tâm, sau đi đến nỗi quốc nhục.

Nhiều cô gái quê lớn lên trong cảnh nghèo sẽ làm bất cứ điều gì, không đắn đo để được thoát ra cảnh mò ốc, bắt cua, làm ruộng. Cô ở tỉnh thì chạy theo những nhu cầu vật chất và cũng một phần muốn có một cuộc sống nhàn nhã, không phải vật lộn với đời sống xã hội khó khăn hiện tại, nên họ không ngần ngại làm gái bao cho những người nước ngoài.

Chúng tôi đã gặp trên con đường từ Bắc vào Trung, ra Nam một vài cô rất trẻ, khoảng 17 đến 22 đi cặp đôi với những người đàn ông luống tuổi nước ngoài như Thụy Sĩ, Ðức, Pháp, Ðại Hàn, Ðài Loan.v.v. Trên bãi biển Phú Quốc nơi chúng tôi tắm, một lúc chúng tôi gặp ba người Ðức độ ngoài sáu mươi tuổi cùng tắm với ba cô gái Việt rất trẻ. Họ ngồi ngay ở mấy cái võng, và bàn ăn dưới gốc dừa cạnh chúng tôi. Họ nói tiếng Anh với mấy cô, mấy cô nói rất ít, ngoài lắc, gật và cười ròn rã. Một lúc sau có thêm một người nữa dắt một cô đến, họ làm quen và nhập bọn với nhau. Họ ngồi ngay cạnh chúng tôi, nên dù không chú ý cũng nghe rõ tiếng những người đàn ông nói với nhau:

- Gái ở đây hiền và dễ bảo hơn gái Sàigòn.

- Sống ở đây, cần bao nhiêu một tháng, kể cả tiền trả cho mấy cô này?

- Rẻ lắm, chỉ độ năm trăm mỹ kim thôi.

Hình ảnh mấy ông già da nhăn nheo đó đùa rỡn dưới biển với mấy cô má hồng còn lấm tấm mấy cái mụn dậy thì, trông chẳng khác gì cảnh ông nội, ông ngoại ra bơi với cháu. Thật đáng buồn!

Tôi nhìn sang con gái tôi, cô đang nằm phơi nắng trong bộ áo tắm, cuốn tiểu thuyết The memoirs of a Geisha úp trên mặt, tôi thấy cô thật là may mắn biết bao! Cô được đi học, côạ có việc làm tử tế, cô kiếm sống được bằng kiến thức và lòng tự trọng. Nếu cô chẳng may sinh ra và lớn lên trong một cái làng, cái tỉnh nghèo nàn nào đó Việt Nam, không được đi học đến nơi, đến chốn, thì có gì bảo đảm cô sẽ không là một trong những cô gái đang bơi lội dưới kia? Cái nghèo khó luôn luôn kéo theo cái bất hạnh.

Giữa mênh mông sóng biển, nhìn những cô gái trẻ đang bơi trong nước, bỗng những cành đào Nhật Tân hiện ra trong trí tôi. Những cành đào hiếm hoi còn sót lại năm nay ở làng này vì người ta đang cào xới đất để xây những cao ốc trên đó. Rồi những cô gái làng này không còn hoa đào để bán, không còn đất để trồng cúc, trồng lay-ơn, trồng hoa hồng nữa. Họ sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sống? Họ sẽ lại ra những bãi biển với những người đàn ông già như ông nội hay sao?

Khu đất cổ truyền trồng hoa, nổi tiếng về hoa đào Nhật Tân còn không cứu được, còn bị san bằng để xây cao ốc thì những cô gái Nhật Tân có ai cần để ý tới là họ sẽ trôi ra biển hay đi về đâu!
Người thanh niên hai mươi tám hướng dẫn tour cho chúng tôi than:

- Tụi con bây giờ, những người lợi tức thấp, khó kiếm vợ và kiếm bồ lắm. Họ cặp với người nước ngoài hết rồi côạ ơi!'

Tôi hỏi.:

- Nhưng các cô ở miền quê như Phú Quốc này, thì làm sao gặp được những người du khác ở xa đến, trong khi họ lại không biết ngoại ngữ?

- Dễ lắm cô ạ. Cứ cô nào đi trước kiếm được một người thì lại chỉ dẫn giới thiệu cho cô sau. Mấy ông du khách đó lại giới thiệu cho nhau. Cứ cái đà này thì con gái Phú Quốc chẳng còn ai cho tụi thanh niên chúng con ở đây nữa. Mấy tỉnh miền Tây bây giờ cũng thế hết, con gái họ bỏ đi Sàigòn kiếm sống bằng cách làm gái bao cả

Anh ta nói như một tiếng than. Tôi ngồi im nghe không biết nên an ủi thế nào.

Ở Sàigòn thì gặp mấy người chạy taxi kể lể:

- Cô ơi! Mấy thằng cha Ðại Hàn bây giờ nó khôn lắm. Nó sang đây giành giật của Việt Nam vừa đàn bà vừa tiền. Nó không cần biết tiếngViệt, nó bỏ tiền ra thuê một cái mặt bằng, thuê bao luôn một cô vợ ở đây đứng trông tiệm (bán đồ cho khách du lịch) làm người ở và làm vợ tạm thời cho nó. Cô ta được trả vài ba trăm đô một tháng là mừng lắm rồi. Làm ăn một thời gian vài ba năm thôi, hết hạn, nó trả tiệm lại, trả cô nhà quê ra đường, ôm tiền về nước. Mấy thằng Ðài Loan cũng vậy.

- Còn mấy ông già Việt Kiều nữa cô ơi! Ðến tuổi hưu trí rồi, về Việt Nam kiếm một cô bồ chỉ bằng tuổi con gái, con dâu mình. Giữ đấy, như một thứ vợ nhỏ, cho một tháng hai ba trăm đô la. Mỗi năm đi, về hai, ba lần hưởng thụ. Cơm bưng, tình bưng đến tận miệng. Trong khi ổng không có ở đây thì các cô muốn làm gì thì làm, khi ổng qua thì các cô phải hoàn toàn phụng sự ổng là được rồi.

Anh nói thêm:

- Chuyện này đều đều từ nhiều năm nay rồi. Các cô rủ nhau, dắt mối cho nhau, Ðại Hàn giới thiệu cho Ðại Hàn, Ðài Loan giới thiệu cho Ðài Loan,Việt Kiều giới thiệu cho Việt Kiều. Mỗi người một tiêu chuẩn, một dịch vụ khác nhau. Ai cũng vui vẻ hài lòng cả.

Tôi nghe, mà lòng buồn ruời ruợi. Có lẽ những phụ nữ chọn cuộc sống này họ thấy còn hơn là phải sang Ðài Loan làm nô lệ cho cả một gia đình, hay bị bán vào những nơi họ không hề lựa chọn. Tôi nhớ đến một bản tin đọc được ở báo trong nước về một người đàn bà Việt Nam muốn sang Ðài Loan kiếm tiền giúp gia đình. Hai vợ chồng vay mượn một số tiền mười ngàn mỹ kim để được sang bên đó làm công nhân, hay ở mướn gì đó qua trung gian môi giới. Không biết vì một lý do đau thương, tủi nhục nào, người vợ đã không cho chồng biết, âm thầm chịu đựng rồi đi đến chỗ tự tử chết. Người chồng vừa đau đớn vừa bị món nợ mười ngàn mỹ kim hối thúc, tự tử chết theo vợ, để lại mấy đứa con thơ.

Thử hỏi có bản tin nào đau thương hơn bản tin này!

Trong khi đó thì ở một mặt khác của xã hội, những cô gái của cả Sài Gòn, Hà Nội bây giờ sống rất là thời thượng. Họ đi làm những công việc văn phòng chỉ để lấy danh nghĩa đi làm, họ có một nguồn lợi tức ở đâu đó cung cấp chuyện tiêu pha ăn, mặc hàng ngày cho họ mình không biết. Họ rất giỏi về lãnh vực tìm bạn Việt Kiều trên mạng. Mỗi tối ngồi hàng giờ để chat với một ai đó, rồi đưa đến hò hẹn. Một cậu Việt Kiều ở Mỹ hay Úc, trước khi về Việt Nam, có thể tìm trên mạng cho mình một cô bồ ra tận phi trường đón. Cô ta nói tiếng Anh tương đối, hướng dẫn các dịch vụ ăn chơi, cô chỉ bảo tận tình và cho cậu cái cảm tưởng là cô không đến vì tiền của cậu (cô có tiền rồi!) cô sẵn sàng mời cậu về nơi cô ở thay vì ở khách sạn (tình cho không, biếu không), cô hiền lành, chiều chuông hết mình, rồi cô cho cậu biết cha mẹ cô là những người có địa vị trong xã hội, cô mời cậu ra Bắc hay lên Ðà Lạt, hoặc Nha Trang gặp họ. Trong khi chuyện trò, cô thường nói là 'Em không thích sống ở Mỹ', cô cho cậu cái cảm tưởng cậu là người may mắn, gặp được một cô không giống những cô mà trước đây cậu thường nghe tả. Có thể cậu Việt Kiều này sẽ gặp ông bố của cô bồ là một Kỹ Sư nhà nước hay một ông bác sĩ thật (Một bác sĩ xuất thân là y tá và được thăng bác sĩ nhờ tuổi đảng thâm niên). Và cô 'không thích sống ở Mỹ đâu' chỉ có nghĩa là cậu lấy cô rồi cậu sẽ ở lại Việt Nam, và cô có cơ hội vào quốc tịch Mỹ. Có trời mà biết những gì sẽ sẩy ra sau tấm màn sân khấu này.

Những vở kịch này hiện nay đang diễn ra thường xuyên ở Việt Nam. Những người thân quen ở Việt Nam chỉ biết dặn dò:

- Cháu coi chừng đấy, gái Việt bây giờ có cả ngàn chiêu, không biết đường nào mà đỡ đâu.

Tôi được nghe kể, còn một phương cách kiếm chồng nước ngoài cao hơn thế nữa là các cô con ông lớn thứ thiệt, có đăng ký tên trong những cái bar sang trọng. Khi chủ nhân thấy có một đám khách Việt Kiều trẻ nào, thuộc loại mặt mũi sáng sủa, lịch sự, học thức, ăn xài sang vào bar là lập tức họ thu dọn chiến trường, dẹp hết những cô tầm thường đang làm việc ở đó, gọi những cô gái con các ông lớn trong danh sách đến. Các cô ăn nói lịch sự, có học đến làm quen chuyện trò với khách, và sau một buổi tối, nhiều cậu đã được mời về nhà, giới thiệu với gia đình. Nhà sang trọng, có xe hơi, và tài xế riêng, cha mẹ niềm nở đón tiếp. Hỏi ra thì được biết cha mẹ các cô toàn là những nhân viên cao cấp của chính quyền cả. Những cậu được mời này, chắc chắn sẽ quay lại và kết thân cùng cô gái. Mọi việc kế tiếp thì chỉ có Trời mới biết là sẽ được xếp đặt như thế nào.

Ôi! Những chuyện quê nhà thì nói sao cho hết. Chuyện vui thì qua mau, chuyện buồn thì ở lại. Mỗi lần về là một lần xót xa. Cứ nhủ lòng thôi không về nữa. Thế mà một hai năm sau, nguôi ngoai một chút lại thu xếp quay về.

Hà Nội bỗng dung nhan đổi khác nhờ những cơn Gió Mùa Ðông Bắc. Thanh niên, thiếu nữ giấu trong chiếc áo len, áo dạ, những mơ ước lãng mạn của mình. Họ khoác tay nhau ngồi xuống những quán ăn đơn sơ ngay ở vỉa hè. Chuyền tay nhau những chén lục tào xá, bánh trôi, bánh chay. Họ ăn bằng mơ mộng của tuổi trẻ, ăn bằng hoang mang của những ngày cuối năm, ăn bằng nôn nao của mùa xuân đang tới. Gió lãng mạn, gió phiêu du, gió làm gầy những con phố, làm trái tim đập dịu dàng và làm những bài thơ bỗng nghiêng xuống, nằm sát vào những chiếc lá cuối đông.

Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc.

Về Sài Gòn để được chen lách giữa những đám xe cộ, nhất là xe gắn máy. Ðể nhìn khói bụi mù đường, nghe những tiếng gọi nhau ơi ới, những tiếng rao hàng, hòa vào giữa tiếng xe nổ, tiếng còi xe inh ỏi. Ðể trong lúc chen lấn giữa dòng người, dòng xe, thỉnh thoảng lại nhìn cái bảng tên đường lạ hoắc, cố đoán ra trước đây là đường gì? Rồi chợt nghe đau nhói trong ngực về một kỷ niệạm thân yêu cũ ở con đường mình đang đi. Nước mắt ứa ra, hình dung lại một buổi chiều êm ả đã xa lắm rồi.

Tình đã quan san từ đáy mắt (Ðinh Hùng)

Về để lại đi xuồng máy nguyên ngày trên Tiền Giang, ghé vào những rạch, chỗ người dân làm bánh tráng, làm kẹo dừa, đan võng, đan giỏ, để được ngắm những người dân miềm Nam giản dị, chất phác, nhìn những vất vả của người mẹ, người cha:

Quê hương là cây cầu khỉ
khẳng khiu như cánh tay cha
quê hương gánh hàng nặng trĩu
mẹ về tất tả chợ xa
quê hương áo bà ba trắng
khăn lau lệ mẹ vắt vai
quê hương mồ hôi cha đổ
cho con miếng ngọt miếng bùi. (tmt)

Về để đi ra Bắc, lên tận Yên Bái, đến ngôi nhà sát bên sông Hồng của người anh họ, được soi mặt trong thau nước múc lên ở lòng sông, có phù sa lắng hồng đáy chậu. Ðược ngồi trong một cái bếp còn đun củi, bám đầy bồ hóng, được dùng gáo múc nước, được ăn măng trúc, măng mai. Nhớ về câu thơ cũ trong bài Trấn Thủ Lưu Ðồn:

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

Về để được chen chân đi trong phố cổ Hà Nội nhỏ hẹp, có rác và cống trên từng bước đi, được đi trong nắng, trong gió Hà Nội nhớ lại thủa ấu thơ, ngơ ngác đi qua nhà thờ xưa như đứa bé tan Lễ ra, lạc mẹ:

Lâu lắm em mới về Hà Nội
đi trên viên gạch tuổi thơ ngây
gió mùa đông bắc làm em khóc
Hà Nội, anh ơi phố rất gầy! (tmt)

Mấy ngày hôm nay Hà Nội lạnh, Hà Nội vào Tết, Hà Nội chạy ùa ra phố mua áo ấm, gió mùa đông bắc thổi vạt áo bay tung, hai mẹ con đi sát vào nhau, chen chân trong khu chợ đêm trong phố cổ. Cảm tưởng hương vị của một ngày cuối đông đang tan trong cổ mình như những câu thơ:

Hà Nội rủ nhau mua áo ấm
gió mùa đông bắc thổi qua len
khăn san quàng vội vào cổ gió
trên vai một chiếc lá rơi nghiêng (tmt)

Người, xe, hàng quà hai bên vệ đường cùng đan vào nhau, gần như dẫm lên chân nhau. Hàng Ðào với những cửa tiệm sang trọng bán quần áo tơ lụa cho du khách, Hàng Bạc lấp lánh những vòng vàng những xuyến bạc, và kiềng trạm, Hàng Mã một mầu đỏ đến căng từng mạch máu của đèn lồng, giây pháo giả, vàng mã. Người ta đổ xô đi mua về để đốt cho ông Táo lên trời. Cứ thế đi theo dòng người, hai mẹ con bập bềnh trôi.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Bùi Giáng)

Ðúng là mùa xuân đang về trước mặt cho con gái và sau lưng là cả một giấc miên trường của đời sống mà người mẹ đã đi qua.

TRẦN MỘNG TÚ




BÌNH NGUYÊN LỘC * BA CON CÁO




Ba con cáo

Bình Nguyên Lộc



Mặc dầu là tay "bán trời không mời thiên lôi", Sáu Sửu vẫn nghe rờn rợn khi nhìn ra ngoài.

Thánh giá trắng đứng mơ hồ trong ánh sáng lờ mờ của nghĩa địa, sắp thành hàng ngũ đông đúc, nhánh ngang của thánh giá trông mường tượng như những cánh tay người giăng ra để đón bắt ai.


Xa xa, một trụ vôi có dáng một người đàn bà đội khăn tang trắng, đứng nhìn đám mồ trước mặt bà ta. Gió đêm, cùng với dế, trùn, họp nhau mà than vãn bên hàng nghìn mồ hoang mả lạnh, và thỉnh thoảng, anh Sáu vẳng nghe như có tiếng người rên rỉ đâu đây.

Từ một ngôi mả cũ đằng xa, một ánh lửa lóe lên, nhỏ bằng ngón tay, từ từ bay lên cao rồi đi bơ vơ qua các hàng thánh giá. Lửa ma trơi hay là đèn của một người đi soi ếch nào đó?
Mưa dầm tháng tám rơi trên nước ao tù khiến anh Sáu có cảm giác rằng mình đang ngủ trên một chiếc thuyền, giữa dòng nước.
Lạnh quá, lạnh ngoài da, mà lạnh cả đến trong lòng.



Người sống, một khi xâm nhập vào địa hạt của người chết, mới nhận được rằng cuộc đời bên ngoài dầu đau khổ bao nhiêu cũng còn ấm chán. Tại phố Phát Diệm, khúc phía trên này, họ Cầu Kho có một đất thánh mà từ vài năm nay nhà thờ không cho chôn trong đó nữa.
Dân số nghĩa địa cứ mỗi ngày một tăng lên, mà không có một ai chết lần thứ nhì cả để cho số sanh và số tử bù trừ nhau hầu đất đai trống bớt chỗ.

Ngoài thành phố, người ta đẻ con, nhưng người ta lại chôn ông, nhà cửa thành thử không chật thêm được. Ở đây mồ mả sanh ra rồi già cỗi dưới rêu xanh của sương gió, nhưng vẫn nằm lì đó đến muôn thu. Vì vậy nghĩa địa phải chịu nạn nhơn mãn. Nhà thờ không cho chôn xác thêm vào đó, rồi cũng chểnh mảng việc trông nom đất thánh nên người sống đang thiếu đất, bèn ùa đến mà lấn người chết.


Nghĩa địa không có vách thành. Ban đầu vài người mạo hiểm cất nhà ngay trên ranh đất thánh. Thấy không ai nói gì, một số người khác lách qua khỏi mấy cái nhà vừa cất lên, để vô trong mà xây cất. Họ cất vây tứ phía ngôi đất thánh và vòng vây cứ càng ngày càng siết chặt lại, người chết không còn lối nào để thoát ra được nữa cả.



Khi vòng vây siết đến lằn mức chót, nghĩa là những ngôi mộ ở bìa, thì cuộc xô lấn bắt đầu diễn ra một cách đau thương. Người sống cũng biết đau lòng khi phải dẫm lên những gò mả còn mới rành rành (nhiều mộ bia, thánh giá, đề năm chôn là 1951) nhưng họ, ác thay, lại cũng biết lạnh. Cho nên họ cứ cất nhà trên những nấm đất ấy, xin người chết thứ lỗi, miễn là có chỗ núp mưa thì thôi.



Không bao giờ kẻ sống và người chết lại sát cánh nhau đến thế. Ông đã chết rồi, ông choán đất làm chi cho nhiều, trong khi tôi không có lấy một vuông nhỏ để mà cắm cây cột gỗ; vậy ông thứ lỗi nhé! Rồi ngày sau tôi cũng hoàn lại đất như ông vậy mà; trần gian nầy chỉ là cõi tạm thôi, tranh nhau làm gì! Cuộc xâm lăng lặng lẽ để tranh sống với người chết, gây ra một tai hại lạ kỳ.



Vùng đất ấy ngày xưa tuy cũng thấp vẫn khô ráo, nhờ con rạch Bần tháo nước ra sông Ông Lãnh. Nhưng từ khi đô thành cho đắp đại lộ Trần Hưng Đạo, cách đây mấy mươi năm, thì ngọn rạch Bần bị lấp, và nước mưa trên nầy bị bỏ tù lại đến chung thân khổ sai, vì khu ấy đất trũng mà!

Đất thánh không phải ở giữa rún đất nên không đọng nước. Nhưng vòng vây tai hại kia lại biến thành con đê ngăn nước đất thánh đổ xuống chỗ trũng hơn.

Thành thử phần nhiều ngôi mộ đã biến thành cù lao, có cù lao rời rạc, có mớ họp thành quần đảo, không còn làm sao ra đó được nữa. Nước tù mang một màu khó tả và một mùi cũng khôn tả. Đáy ao biến thành bùn non, đi thì lún đến ống quyển. Lau, sậy, đế tha hồ mà mọc như ở bưng miền xa.

Giữa đất thánh còn sót lại một ngôi mộ cổ kiến trúc theo bên lương mà có lẽ nhà thờ không nỡ phá đi lúc lập ra đất thánh cho giáo dân nầy.


Ngôi mộ ấy đồ sộ nhứt nghĩa địa, xây bằng vôi và ô đước, xanh đặc những rêu phủ. Lối kiến trúc rất rắc rối như một lâu đài, đầy rẫy ngăn nắp với nào là đường vào lối ra quanh co và hóc hiểm.
Hôm ấy những người của vòng vây đều ngạc nhiên mà thấy một mái nhà lá dựng ngay trên ngôi mộ cổ ấy.



Nhà dựng đâu từ sớm mai đến trưa là xong cả. Họ cứ tự hỏi, và hỏi nhau làm thế nào mà chủ nếp nhà ấy lội sình để ra ngoài đó được. Đi tay không đã không được rồi, mà làm sao hắn ta lại mang cả gỗ, tre và lá ra đó để cất nhà?



Hỏi nhau không ai đáp được, mà cũng chẳng mong phỏng vấn thằng cha dị hợm kia, họ đành thôi. Thét rồi mắt họ quen đi, nếp nhà ăn vào chân trời quen thuộc của họ, họ nhận cho nó ở đó mà không bàn tới bàn lui gì nữa cả.



Sáu Sửu ngày trước có ở xóm Phát Diệm. Năm ấy có người treo cổ trong nhà mồ ở bìa đất thánh. Anh đã vào đó với nhiều kẻ hiếu kỳ khác để xem kẻ chết treo, nên được dịp biết rõ nghĩa địa.
Hôm tháng rồi anh bị truy nã ráo riết nên cố tìm một chỗ ẩn nấp thật kín. Nhớ lại xóm cũ với cái nghĩa địa kia, anh về qua đó và rất hài lòng mà gặp hòn đảo nầy.
Không một viên cảnh sát nào đủ can đảm lội sình nhứt là dầm chơn trong một thứ nước nhơn nhớt để ra ngoài đảo Lỗ Bình Sơn của anh.

Nếu có cuộc bố ráp đại qui mô như hồi còn Tây thì bất quá họ cũng đứng ngoài mà nhìn vào, hú bậy vài tiếng như hú đò bên kia sông, rồi đò không qua thì thôi. Họ nghĩ sót một con cá cũng chưa chết ai, mà biết đâu cá đó lại không phải cá hiền, một tên ăn mày nào đó chớ gì.
Từ vòng vây ở ngoài, leo lét vài ngọn đèn dầu của những kẻ lấn đất người chết. Xa thật xa ngoài kia, ánh sáng đô thành làm nổi bật lên, đen thui, những ngôi nhà lầu, những ngọn cây cao. Các thứ nầy giống hệt những hình bằng giấy đen, người ta cắt rồi dán lên nền trời.



Bỗng anh Sáu nghe rục rịch dưới sàn ván. Hôm cất nhà xong, anh lót ván lên mộ, vừa để làm nền nhà, vừa để làm giường ngủ. Dưới ván rầm ấy, lau sậy bị đè đầu xuống, và sẽ chết lần mòn vì thiếu ánh sáng.



Anh Sáu quên, một thứ khác, cũng giống như lau sậy, mà biết cục cựa nữa kia. Vì thế đêm nay trời có trăng, anh ngồi ngó một ra đám rừng thánh giá trắng thì anh phải một phen hết hồn trước sự hiện ra của một chú chồn to bằng con chó ta.
Chồn khua lau sậy sột soạt, rồi chui ra khỏi mộ, ngoái cổ lại dòm cái nhà mà đêm hôm qua đây chưa có. Suốt ngày hôm ấy nó nằm trong hang, không dám ló ra nên không biết ngoài này loài người làm gì mà lục đục mãi. Đôi mắt nó lóng lánh dưới ánh trăng, ngạc nhiên giây lát rồi bỏ đi. Nó đã quen với con người rồi nên không có vẻ gì sợ sệt cả.



Nhưng anh Sáu lại sợ. Anh có đọc truyện Phong Thần nói chuyện mả Huỳnh Đế có một bầy hồ ly mà một con đã nổi danh trong lịch sử, là cái con đã biến thành nàng Tô Đắc Kỷ; đến nay thấy chồn trong mộ chui ra, anh liên tưởng ngay đến tích cũ rồi rợn người lên.

Nhưng anh trấn tĩnh lại được. Trong dân chúng người ta tin chắc như đinh đóng cột rằng tóc người chết hóa thành con lươn, rồi con lươn hóa thành con chồn. Con chồn mà anh thấy, có lẽ chỉ là thối thân của tóc người nằm dưới nhà mồ, chớ không phải yêu quái gì đâu.



Độ nửa tiếng đồng hồ sau, anh Sáu thấy chồn về, mõm ngậm một con vịt.

- A ha, đồng đạo đây mà! Anh Sáu cười mà nói thầm như vậy rồi cảm tình ngày với con thú nầy.
Cái đạo mà anh nói đó là đạo ... chích; trước kia, trước khi lường gạt và cướp giựt, anh cũng đã đi ăn cắp gà như chú chồn nầy vậy. Ngày nay anh thôi ăn cắp, nhưng lại biến thành con cáo già chuyên môn gạt gẫm thiên hạ.
- Mầy cáo thì tao đây cũng cáo, vậy thì là bồ rồi.
Từ đó, hai con cáo chung đụng với nhau mà không xích mích bao giờ cả.



Nghe động dưới sàn, anh Sáu mỉm cười lẩm bẩm:

- Đồng nghiệp xuất quân đó đa!
Anh Sáu nhờ cậy con chồn nầy lắm. Có nó ở dưới ấy thì không còn lo rắn rít nữa. Anh mong có dịp trả ơn nó, nhưng nó có đói bao giờ đâu để anh ra tay hào phóng mua cho nó một con gà. Xóm lao động vây quanh nghĩa địa, người ta nuôi gà vịt cả bầy, nó ăn đến già cũng chưa hết.



Bỗng anh Sáu nghe có tiếng chó sủa vang dậy lên. Tiếng sủa to lắm và oai vệ lắm, có lẽ đó là tiếng chó bẹc-giê. Rồi lại nghe nước khua lũm chũm, với tiếng chó càng lúc càng đến gần anh. Anh Sáu bước ra dòm thì thấy bạn của anh đang chạy bán sống bán chết trước một con chó to thấy mà bắt ớn. Anh Sáu thò tay vào trong rút cây chĩa ba ra, cây chĩa anh sắm để chĩa ếch dưới nước, rồi lẹ như chớp, anh chìa mũi chĩa đón đầu chó cho chồn đủ ngày giờ chui vào mả.



Chó bẹc-giê chạy quá đà, bị mũi chĩa đâm vào mõm đau điếng, rống lên vài tiếng rồi trở bước, vừa đi vừa day lại, sủa om như chửi thề. Anh Sáu cười ha hả rồi cúi xuống sàn mà nói:
- Đêm nay tổ trác rồi đó phải không em! Anh đây cũng bị rượt thường lắm, nhưng đều thoát khỏi cả. Bây giờ thì đố ai mà dám theo anh vào chốn nầy. Chỗ ở tụi mình kín số dách.
Sáng hôm ấy, anh Sáu đi uống cà-phê, về tới nhà thì ngạc nhiên hết sức. Trên một ngôi mộ cận mộ anh, một chòi lá đã dựng lên rồi.

Ngộ quá, nhà cửa sao mà mọc mau lẹ như nấm mối. Uống xong tách cà-phê, đọc xong trang nhứt một tờ nhựt báo là một túp lều cũng vừa dựng xong. Phải mà, chỉ có bốn cây cột thôi thì chậm sao được!
Anh Sáu ngạc nhiên mà thấy có một người thứ nhì lại biết con đường bí mật đưa vào đó! Anh lại tức vì túp lều ấy chặn ngay đầu đường bí mật của anh.
Số là anh Sáu biết lợi dụng mấy ngôi mộ chung quanh nên mới vào đây được. Anh phải đi quanh co nhiều nơi, nhảy từ ngôi mộ nầy qua ngôi mộ khác, ra cửa nhà thì đi hướng đông, nhưng ra khỏi nghĩa địa lại ra hướng tây, nghĩa là anh phải đánh một cái vòng rất lớn và rất cong quẹo.



Túp lều tranh ấy cất ngay trên ngôi mộ anh dùng làm đầu cầu cuối cùng để nhảy vào nhà anh, thì anh còn làm sao mà về nhà được, nếu hắn không cho anh nhảy ngang qua nhà hắn?
Anh tức giận lắm toan vào lều mần thằng cha nầy một mách cho nó phải giải tỏa hiểm đạo của anh, anh mới nghe cho.



Anh Sáu vỗ đùi nhảy một cái như bay đi và rơi xuống phiến mộ bia đặt nằm theo lối Châu Âu, trên có khắc mấy giòng chữ như sau:
Ci-git:
Alphonse Thomas Nguyễn-Văn-Nở
décédé en sa 78è année
Priez pour lui (1)



Phiến đá lớn bằng bộ ván hai, và thằng cha chủ nhà nầy dùng phiến đá ấy để làm bộ ván luôn, nên không thấy nó lót gì trên ấy cả mà lại để lên đó nào là va-ly, dép ... à ... mà sao lại dép đàn bà?
Túp lều che có phân nửa tấm bia thôi; cửa lều là một bức màn bằng vải bông cũ. Anh Sáu bước tới vén màn lên thì ô nầy lạ, chủ nhơn bà (chớ không phải chủ nhơn ông) là một thiếu phụ tóc quăn.



Chủ nhơn bà bình tĩnh chào anh Sáu bằng một mỉm cười yên lặng.
Có lẽ chồng chị ta đi làm rồi chăng? Nhưng vẫn lạ là chị không có vẻ lao động chút xíu nào hết. Móng tay chị đỏ choét và nhọn hoắt, nước da mặt của chị bị phấn ăn, chỗ thì mét chằng, chỗ thì thâm đen sì, mắt chị mệt đừ và sâu hóm như mắt cô đào hát bội.
Y phục của chị cũng không phải y phục của những kẻ đầu tắt mặt tối: lai quần gắn ren, áo cổ bà lai thêu rằn rịt xanh đỏ, tóc thì kẹp thành đuôi ngựa, cột bằng ruy-băng màu.



Chị ngồi trên chiếc rương thiếc nhỏ, món đồ từ khí độc nhứt trong chòi, mỉm cười rồi giây lát hất hàm hỏi anh:

- Có tiền mãi lộ không? Nếu không, mỗ không cho đi ngang qua đây. Mỗ đóng đồn ở đây rồi, ai bước qua phải đóng thuế.
Anh Sáu thọc tay vào túi quần tây cũ của anh đứng thẳng lên coi oai vệ như một tướng cướp trong xi-nê-ma, cười gằn rồi ngạo nghễ đáp:

- Hỡi cô nữ tướng mã thượng giang hồ, nữ tướng không có lâu la thì đòi tiền mã lộ ai được. Nữ tướng có giỏi thì bước ra ngoài đánh với ta vài mươi hiệp cho rõ tài cao thấp.
Nữ tướng cười xòa vì nghe giọng điệu thì biết đã gặp tay đồng điệu. Tuy bắt nạt hắn không được nhưng bắt bồ với hắn có thể có lợi.

Anh Sáu xem qua thì biết nữ tướng thuộc vào hạng người nào trong xã hội rồi. Đây cũng là một kẻ trốn chui như anh, như con cáo dưới giường anh. Cả ba đều là chồn, nhưng con chồn cái này đã tu luyện nhiều năm nên mang được hình người. Đây là một thứ hồ ly không hớp hồn nho sĩ mà chỉ hốt bạc cắc của mấy anh lao động thôi.



Đầu anh Sáu đụng nóc chòi, anh khó chịu quá nên ngồi xuống:

- Ở đây không sợ mang tội à? Anh hỏi đùa.
- Chớ còn anh?
- Tôi thì khác. Ngôi mả của tôi cũ lắm rồi.


Đó là một cái nhà của một người chết đã đi đầu thai kiếp khác rồi.
Con chồn cái bỗng bỏ cái cười, buồn nét mặt lại rồi chỉ ra ngôi giáo đường trước nghĩa địa.

Tiểu giáo đường tuy chỉ để làm lễ mỗi khi đám xác nào tới đây thôi, nhưng cũng đồ sộ bằng một nhà thờ ở thôn quê. Tuy ngói đã bị tốc nhiều nơi, gạch, đá trên tường nhiều viên đã rã và rớt xuống, cửa sổ gỗ đã bung hết, cửa kính màu đã bể nát, nhưng toàn thể công trình kiến trúc gô-tích ấy vẫn còn mang cái phong độ vĩ đại của thời Trung Cổ Châu Âu.

- Anh thấy không? Chị ta nói. Nếu mình dám vào trong đó mà ở thì đâu có phạm tội như vầy.
Anh Sáu thở dài rồi không thèm chào hỏi gì cả vỗ đùi nhảy bay qua nhà anh.
Từ đó bộ ba chịu đựng nhau để sống chung nhau.



Họ khác nhau ý tứ, phong tục, thói quen, lối sống, nhưng cả ba con cáo đều có một nỗi băn khoăn chung là cả ba đều sợ: Con cáo chánh hiệu con ... cáo thì sợ chó bẹc-giê, con cáo già sợ Công An, còn con hồ ly cáo cái thì sợ lính kiểm tục.


Trong cảnh khổ giống nhau, tuy họ không tương đắc với nhau được và vẫn phải tương thân để bảo vệ nhau, khi cần. Mà nhứt là để an ủi lẫn nhau.
Anh Sáu không thích đờn bà lắm. Hay nói cho đúng ra, anh đã chán chê đờn bà, nhứt là chán những hạng đờn bà như con hồ ly không bao giờ chịu xưng tên nầy.

Nhưng mà những đêm mưa dầm buồn quá, nằm giữa cánh đồng ma mà được có người để trò chuyện với nó thì ấm biết bao! Những đêm mưa như vậy, con hồ ly không đi kiếm ăn được, mà cũng không đủ sức mạnh để nhảy qua nhà anh Sáu vì hòn đảo của anh ở xa mãi ngoài giữa dòng nước, nên hồ ly ta thắp lên một ngọn nến rồi ngồi bó gối mà ca trật lất bản nhạc "Đêm đông".
"Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng".



Gió đâm sầm vào tiểu giáo đường đằng trước kia, tung hoành giữa gian phòng trống mênh mông rồi vừa hú vừa chui ra khỏi các cửa sổ nghe bắt lạnh mình.



Mấy cây thùy liễu hiếm hoi đã kháng cự được với lau sậy để sống sót, đứng cúi đầu khóc sướt mướt dưới trận mưa dầm, trong ánh trăng mờ. Mộ hàng hàng như bầy cừu nằm nghỉ, gặm cỏ héo hon và vô vị, hút đắng cay trên miếng đất mồ côi (2). Đây là chốn mà mộng đời bị cắt đứt nửa chừng, kẻ chết yên nghỉ thiên thu, mà người sống cũng khó mong trở về với xã hội loài người.



Anh Sáu nhảy bay qua nhà hồ ly, như một tay kiếm khách phi dạ hành, rồi hai kẻ ở ngoài vòng pháp luật ấy mới cùng nhau tâm sự.



Không phải kể chuyện cho khách nghe, hồ ly khỏi phải thi vị hóa buổi thiếu thời của mình, không cần lòe ai, con cáo già cũng khỏi anh hùng hóa bước giang hồ của hắn. Họ đánh bài, mà hạ bài cho nhau thấy. Bao nhiêu thúi tha nhơ nhớp trong đời họ, họ phơi cả ra như sau đêm mưa, họ phơi gối trên mồ cho nó bớt âm ẩm khó chịu.



Trời mưa cuối mùa cứ dai dẳng từ ngày nầy qua ngày khác. Con hồ ly ban đầu ăn xôi, ăn bánh mì chả lụa trừ cơm. Mãi rồi nó cũng không còn tiền để mua xôi nữa. Đất Sài Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài. Nó có ló ra, con hồ ly mới ăn nem nướng được, còn nó mà trùm chăn thì chồn cái cũng đành trùm mền mà nhịn đói.



Anh Sáu cũng chẳng thấy đi uống cà-phê sáng cho ấm bụng. Cũng chẳng thấy khói thuốc bay ra khỏi mái lều của anh như mọi ngày, và lâu lâu cũng không còn nghe mẩu thuốc vứt xuống ao, tắt kêu xèo một cái. Cả hai, vì tự ái hão, đều giả đau để nằm nhà. Anh Sáu yên thân hơn, còn dám ngồi dậy lết ra lết vô. Còn con hồ ly thì sợ anh Sáu đi ngang qua đó biết mình giả đò chăng, nên cứ trùm chiếu mãi từ sáng đến chiều.

Khó chịu quá, ngộp quá, mà anh Sáu không đi ngang qua lần nào để thấy là nàng ta đang đau ốm thì có tức hay không chớ? Hết mưa rồi nắng. Anh Sáu ra đi. Ngang qua nhà hồ ly, anh lấy chơn lật chiếu ra thì thấy hồ ly nằm xụi lơ. Nàng đau ốm thật đó, đau một chứng bịnh cổ điển của loài người, là bịnh ... đói.



Anh Sáu mau bước nhảy như con khỉ từ ngôi mộ nầy đến ngôi mộ khác và rốt cuộc ra tới đầu ngõ hẻm trổ ra phố. Thiên hạ cứ mỗi ngày một khôn ra, cho nên, mặc dầu là cáo già, anh Sáu không còn gạt gẫm ai được nữa. Anh buồn hiu trở lại đào viên mà ba người bạn đã mặc lặng kết nghĩa với nhau hôm mấy tháng trước.



- Chị đỡ bớt hay chưa? Anh hỏi bậy cho có chuyện.
- Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt.
- Chị nghe trong mình làm sao?
- Không biết. Nhưng nếu ăn được một chén cháo thì khỏe.



Anh Sáu hiểu ngay. Anh lại thở ra, ngồi bó gối bên cạnh một người mà anh sẽ chịu đồng cảnh vài ngày nữa đây. Sở dĩ anh còn đi đứng được là nhờ anh mạnh sức, lây lất nổi thêm vài ngày.



Chiều xuống sớm và mây kéo đen nghịt trời. Ngoài kia vịt vào chuồng kêu cạp cạp. Nghe tiếng vịt kêu, anh Sáu nhớ lại người bạn thứ ba.

- Hừ, nó coi vậy mà no đó.
Bỗng một ý nghĩ nảy ra. Anh vừa mừng thì lại nghe như ai xát ớt trong ruột anh.
Nhưng biết làm sao: Đi ăn trộm vịt, không đáng gì cả, mà rủi ro thì khổ. Trong lúc mình đang trốn mà dại gì làm những chuyện xằng nho nhỏ.



Anh Sáu đứng lên nhảy bay qua nhà anh, rồi ngồi nhìn mưa bắt đầu rơi lũm chũm trên mặt ao tù.



Một con nhái hay con gì không rõ, nhảy xuống nước lội róc rách đi về đâu không biết. Gió hú trong tiểu giáo đường, gió than vãn ở các nhà mồ. Xa xa tiếng động cơ xe nổ lên, nhắc nhở rằng cuộc sống ở bãi tha ma nầy thầm lặng quá!



Anh Sáu rút cây chĩa ba, lết ra tới trước mả mà ngồi. Anh cúi mặt xuống miếng đất đọng nước, mắt lom lom rình. Bỗng có tiếng sột soạt do con chồn khua lau sậy, nay đã chết khô rồi. Anh Sáu hồi hộp nghe tim anh đập thình thình trong lồng ngực anh. Lạ! Anh đã giết người, mà nhớ ra là anh đã không nghe mảy may sợ hãi. Cớ sao đêm nay ...



Kìa một cục đen đen thò ra khỏi sàn ván. Anh Sáu cầm chĩa ba mà nhắm rồi sực một cái, mũi chĩa đâm chúi xuống trúng ngay cổ con chồn. Chồn thét lên một tiếng kêu đau, kinh sợ, rồi thôi. Trong bãi tha ma hoang vắng, không một tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con vật vừa bị bạn phản bội nầy.

Dân lưu manh vẫn thế. Họ cũng biết xúc cảm, nhưng chỉ xúc cảm vậy vậy thôi. Họ nhỏ trên máu con chồn vài giọt nước mắt rồi thịt nó liền mà không nghe nhờm răng.



Thế là đêm đó hai con chồn đói xơi một con chồn no.
Họ chỉ ân hận một vài giây thôi, vì dầu sao, người bạn xấu số ấy cũng chỉ là một con chồn. Ai dư nước mắt mà khóc thú vật cho lâu!
Trời cứ mưa, mưa như cầm chĩnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ dốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho hết ráo nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấu tủy khô.



Ăn được bữa cháo chồn, hồ ly nghe khỏe như chị đã đoán. Sáng hôm ấy chị ra đi, căn dặn anh Sáu ở nhà, chị sẽ có tiền, một món tiền khá to, đâu như năm trăm, do một anh tình nhơn hứa biếu và hẹn hôm ấy trao cho vì hôm trước là ngày lương.



Anh Sáu thích quá, muốn ôm lấy hồ ly mà hôn một cái. Nhưng con hồ ly dơ thấy mà bắt nôn, nên anh thôi. Độ lối chín giờ sáng, anh Sáu đang nằm ca sáu câu mùi mẫn:

Cảnh vị nhân sầu, xơ xác ngọn vi lau, nước triều mênh mông chảy ...

thì bỗng nghe tiếng tu huýt thổi hoen hoét ở cùng tứ phía, quanh nghĩa địa rồi giây lát sau con hồ ly nhảy như khỉ qua các nấm mồ, theo sau chị là hai người đàn ông còn trẻ.



- Trời ơi, anh Sáu kêu, mình đã dại, kể cho nó nghe duyên cớ trốn tránh của mình; nó bán mình mà ăn đây! Chồn ơi, hồn mi có thiêng chăng, về mà xem kẻ phản bội mi sắp bị trừng phạt đây.



Anh Sáu bó tay không chống cự. Anh nhìn hồ ly, không oán giận mà chỉ tội nghiệp thôi. Con hồ ly cái trốn cái nhìn của anh, ngồi day mặt vô vách lá mà đếm tiền.



Đêm nay, gió sao mà hú ghê rợn hơn đêm nào cả. Hồ ly giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Gì mà như anh Sáu ho bên ấy! Chị đánh diêm lên để thắp nến. Trời ơi, mới hôm qua đây, anh Sáu còn nằm bên đèn kể lại những bước phiêu lưu của anh! Hơi thở của anh, chị còn nghe như văng vẳng. Cái mặt xương của anh đậm nét lên dưới ánh đèn, như là còn ẩn hiện mơ hồ trên tấm mộ bia!

Trời ơi! Kéo cuộc đời nhơ nhớp nầy biết đến bao giờ mới thôi? Đã nhơ nhớp lại đê hèn, bước từ phản bội này qua phản bội khác cho đến một khi kia thì mình chỉ còn phản bội được chính mình.



Hồ ly rùng mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.
Chị ôm mặt khóc òa, rồi lẩm bẩm van vái lầm thầm:

- Trời Phật ơi, Chúa ơi, tha tội cho tôi, ngày mai tôi sẽ ra khỏi chốn nầy và ra khỏi vực đen của đời tôi nữa!




Chú Thích của BNL:

(1) Nơi đây yên nghỉ: Ông An-Phông Tô Ma Nguyễn Văn Nở, thất lộc năm 78 tuổi. Hãy cầu nguyện cho ông.
(2) Ý nầy của P.S. và X.V.



Lời bàn thêm của người tuyển:

"Thế là đêm đó hai con chồn đói xơi một con chồn no." Bữa tiệc ấn tượng đến rùng mình. Cái kết thúc của con "chồn no" ấy ta có thể đoán trước được. Nhưng cái kết thúc của con "cáo già" thì thực sự là một bất ngờ. Xin nghiêng mình bái phục cụ Bình Nguyên Lộc. Thế còn con hồ ly? Thì… cứ đợi đấy!

BÌNH NGUYÊN LộC



MỘT GÓC TƯ SẢN ĐỎ VIỆT NAM


Thành quả "đổi mới" của Việt Cộng:


Có lẽ cái tên Cường dollar (Cường đô la, Cường $)... không có gì xa lạ với chúng ta. Cường dollar sinh năm 1982 (Nhâm Tuất), tên thật là Nguyễn Quốc Cường- một tay đua có hạng, một dân chơi đẳng cấp và một công tử luôn có nhiều gái đẹp vây quanh...


Gia cảnh Cường dollar


Với hàng ngàn héc ta rừng đã phải ngã xuống trong những năm 80, bà Nguyễn Thị Như Loan (còn gọi là Loan Méng) - mẹ của Quốc Cường đã tạo nên một cơ ngơi đồ sộ, một gia sản khổng lồ. Thời đó, cùng với ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức nổi tiếng cá độ bóng đá và đại gia bất động sản, cao su sau này), bà Loan là một trong hai chủ buôn gỗ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai.

Bà Loan là người sở hữu phần vốn góp khá lớn tại CTCP Quốc Cường Gia Lai, Quốc Cường Đà Nẵng, ĐTXD Thủy điện Quốc Cường, Phát triển nhà Hưng Thịnh... Riêng CTCP Quốc Cường Gia Lai còn có các công ty trực thuộc là XNTD Quốc Cường (100%); CT TNHH DT&PT nhà Quốc Cường (90%) và các dự án liên kết khác như Sài Gòn Xanh (39%, hợp tác với BIDV), The Mansion - Nguyễn Văn Linh (50%, hợp tác với Khang Việt), Giai Việt (50%, hợp tác Hoàng Anh Gia Lai)... Chưa kể các dự án độc lập khác như Khu dân cư P7, Q8, TP. HCM; Khu 6B Nguyễn Tri Phương-Nguyễn Văn Linh; Văn Phòng Nguyễn Thị Minh Khai... Thời hoàng kim (đầu năm 2007), ước tính tài sản theo giá thị trường của bà Loan lên tới khoảng 1-2 tỷ USD do giá cổ phiếu và bất động sản tăng chóng mặt. Trong số nữ "doanh nhân" tài ba và có tài sản lớn nhất Việt Nam không kém cạh gì bà Thái Hương (Ngân hàng Bắc Á), bà Nguyễn Thị Nga (SeAbank), Bà Dương Thị Bạch Diệp (hay còn gọi là Diệp Bạch Dương)... Đến nay, tuy thị trường chứng khoán và bất động sản giảm sút mạnh nhưng tài sản của Bà Loan vẫn còn khá lớn... Một số công ty, bà Loan đã giao quyền điều hành cho "quý tử" của mình.

Trong một gia đình như thế, Quốc Cường đã được cưng chiều hết mực, ngay từ bé đã tỏ ra là một công tử lắm tiền, sẵn sàng ném đô la vô tội vạ cho những cuộc chơi. Với Quốc Cường, mọi khoản chi tiêu đều được cậu quy đổi thành USD, ngay từ năm 11 tuổi, giới trẻ Pleiku đã gán cho Cường 1 cái biệt danh mà ai nghe qua cũng phải "nể", đó là "Cường dollar".

Tuy vậy, ở một thành phố nhỏ bé như Pleiku thì muốn được phung phí tiền bạc để mua vui thì quả thật đó là một điều không dễ dàng cho một cậu bé 15 tuổi. Và từ đây, Cường dollar đã bắt đầu rong ruổi những thú vui chết người trên "yên xe" ở lứa tuổi vị thành niên. Được sự nuông chiều của mẹ, 16 tuổi Cường dollar đã sở hữu 1 chiếc mô tô Yamaha đắt tiền. Nhắc đến Cường dollar trong những cuộc đua xe ở Phố núi, A.V, một trong những bạn bè cùng trang lứa Cường dollar, cho biết: "Trong 1 lần đua xe, đối thủ của Cường xin rút lui vì hết tiền, ngay lúc đó Cường móc bóp rút ngay 1 tờ 100USD đưa cho đối thủ mượn không cần trả để cuộc chơi có thể tiếp tục". Chỉ bằng hành động như vậy, Cường dollar đã thể hiện sự ham mê tốc độ và khả năng "tiền bạc vô bờ bến" của mình.

Vào cấp 3, được gia đình "chạy", Cường dollar cũng tìm được vị trí trong lớp chuyên Toán, 1 lớp khá giỏi của Trường PTTH chuyên Hùng Vương Gia Lai, tuy nhiên Cường dollar luôn là 1 học sinh kém nhất lớp. Học ở trường tuy không bằng ai nhưng ra đường, Cường dollar vẫn là một tay chơi khó ai theo kịp ở phố núi nhỏ bé.

Dường như mỗi người có một phần số, nhiều khi không thể chống lại được. Đùng một cái, biến cố cuộc đời lái người ta theo một hướng khác. Ngay từ năm 17 tuổi, Cường dollar đã sớm mất cha... Không biết "Nhâm biến vi Vương" như thế nào nhưng sau đó, Cường dollar đã làm "vua phố núi. Sinh năm Nhâm Tuất, Cường dollar cũng hay để pupy trong xe.


Những ngày còn học lớp 12, Cường dollar thường cầm lái 1 chiếc xe Matiz đến trường và về nhà. Dĩ nhiên sẽ có một tài xế thường xuyên ngồi sát bên và kiêm luôn nhiệm vụ đem xe về nhà khi Cường dollar vào lớp, đánh xe đến trường lúc tan học để cậu qúy tử lái về nhà cách đấy chừng 500m.


Sau ba năm Trung học, Cường dollar được gia đình tìm cách đưa sang Mỹ du học. Nhưng với học lực "trung bình", sức khoẻ kém, cậu ta đã không vượt qua được các cuộc sát hạch. (nơi Cường OZ học tập) đã trở thành lựa chọn cho sự học của Cường dollar. Với việc đi về thường xuyên như "cơm bữa", Cường dollar đã chuyển hẳn vào Sài Gòn sống.


Du nhập lối sống Tây Phương, được sự chu cấp tuyệt đối của mẹ, cùng với máu mê tốc độ, Quốc Cường đã trở nên một tay chơi có hạng giữa Sài Gòn hoa lệ. Cùng với những chiếc xe hơi đắt tiền, những cuộc vui "trưởng giả", xa hoa, Quốc Cường đã gieo mình vào nhiều ''chuyến đua định mệnh" và đã nhiều lần bị công an giữ xe, bắt giam... nhưng vẫn không hề hấn gì..."

Rolls Royce, Ferrari, Lamborghini... những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới đều hiện diện trong biệt thự của Cường dollar... Nói về số lượng xe của Cường dollar thì đố ai đếm được, chỉ biết rằng đối với dòng xe thể thao ưa thích là Lamborghini và Ferrari thì Cường đôla cũng đã sử dụng cả, trong đó có Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider...

Trong số các siêu xe của mình, không phải cái nào Cường dollar mới gắn mác "phố núi" của mình. Chính vì vậy khi chiếc Ferrari 430 Spider xuất hiện trên đường phố Sài Gòn ai ai cũng phải trầm trồ ngạc nhiên vì siêu xe mui trần tuyệt đẹp này lại có "hộ khẩu" Gia Lai - xe mang biển 81K 6789. Chiếc xe này mang biển: 6789 vừa là số tiến, vừa có nghĩa là "San bằng tất cả". Được chúng bạn khen nức lời, từ đây, Cường dollar bắt đầu quan tâm đến biển đẹp và số đẹp...

Trong số các siêu xe của mình, nhiều nhất và được sử dụng thường xuyên nhất chính là dòng xe thể thao danh tiếng là Lamborghini (mà dân chơi xe Việt Nam vẫn gọi là "bò"), tiếp đến là Ferrari ("ngựa")... Mỗi lần lăn bánh trên đường phố Sài Gòn và đi du lịch, ai ai cũng phải ngắm nhìn và trầm trồ...



Chuyện là thế này... Biển kiểm soát xe ô tô "tứ quý 8" (81k-8888) từng được Công an Gia Lai cấp cho chiếc xe Bentley Flying (màu xanh) của Cường dollar. Sau đó, Cường dollar đã bán xe Bentley và đem hồ sơ sang tên cho người sở hữu mới (ở Thành Hồ).

Xe siêu sang song hành cùng điện thoại siêu đắt GoldVish. Chiếc GoldVish Violent Numbers trong hình có vỏ bọc vàng và đính 190 viên kim cương trên bàn phím, giá trong khoảng 50 đến 60 ngàn USD!

chiếc GoldVish, thương hiệu điện thoại của Thụy Sĩ đẳng cấp hơn rất nhiều. Đúng là điện thoại dành cho các triệu phú (giá từ 24 ngànUS$)




Bằng dollar, Cường đã "phù phép" để Phòng CSGT Công an Gia Lai đã chuyển tên, ghi thu hồi biển số nhưng thực tế không thu biển mà cấp lại biển kiểm soát 81K-8888 cũ cho "đại gia" Nguyễn Quốc Cường để gắn lại trên chiếc xe mới tậu được loại Rolls-Royce màu trắng

Và khi CSGT đường bộ Công an Thành Hồ kiểm tra tạm giữ xe ô tô 81K-8888 của Nguyễn Quốc Cường thì vụ việc trên mới bị phanh phui. Trước đó, chiếc Rolls Royce của Cường dollar cũng được giới chơi xe cho rằng đã sử dụ biển giả "tứ quý 6"...


Năm nay chắc cũng không ngoại lệ, Cường dollar không thèm tham gia các Đại hội "rẻ rách" này. Thay vào đó, "đại gia" này vừa đánh tiếng với mấy "thiếu gia" khác tụ tập vào cuối năm nhân dịp một số bạn bè của anh về nước.


Chuyện tình Cường dollar và Nhị Hà (hai nàng Hà Tăng - Hà Hồ)

Không nói gì Cường dollar, chỉ cần có tiền và chút tiếng, việc qua đêm với các người mẫu, diễn viên... đã khá dễ dàng... Nhưng quả thực, mối tình sâu đậm và công khai của Cường dollar thì chỉ có thể là hai nàng Nhị Hà, đó là Tăng Thanh Hà và Hồ Ngọc Hà...


Chuyện kể ra thì dài, trước khi kể ra, xin mời các bạn ngó qua "ngôi nhà nhỏ" của Hồ Ngọc Hà ở quận 7, Tp. Hồ sau khi "cặp kè" với Cường dollar...
Tiếp đó là một không gian trà thất, với chiếc bàn thấp kiểu Nhật và những chiếc đệm êm ái xếp xung quanh. Những ngày có trăng, tha hồ bó gối ở trà thất mà ngắm nàng nguyệt trên bầu trời, lẫn... dưới đáy hồ. Đi thêm vài bước chân là một thác đá phủ rong xanh mướt nằm ở vị trí giếng trời. Không chỉ tạo cảm giác dễ chịu, thác nước còn có tác dụng làm mát không khí cho khu vực phòng ăn. Ngoài ra, phần hành lang suốt ba tầng đều được thiết kế thông thoáng, sàn được lợp bằng loại vật liệu tổng hợp giả gỗ. Bất cứ lúc nào muốn, chỉ cần kê bộ bàn ghế, dựng thêm chiếc dù che nắng là nữ chủ nhân cũng có thể biến những nơi này thành không gian uống cafe thư giãn, hoặc tổ chức tiệc ngoài trời

Nhưng có lẽ phải đến không gian riêng của Hồ Ngọc Hà mới thấy rõ nhất gu thẩm mỹ của cô trong trang trí nội thất. Gường ngủ rộng đơn giản và hiện đại với những đường thẳng, gấp khúc gãy gọn, hai chiếc bàn đầu giường cùng phong cách này. Sự hài hoà về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu của những tủ ti vi, tủ đựng đồ trang sức, bàn trang điểm… mang lại phong cách hiện đại và sang trọng cho căn phòng.


Phòng tắm là nơi Hồ Ngọc Hà dành nhiều ưu ái nhất và cũng là nơi gây bất ngờ nhất, sàn phủ màu đen đầy cá tính, và thiết kế theo lối mở nối liền với không gian phòng ngủ. Nơi đây gần giống như một phòng spa thu nhỏ với phòng xông hơi cá nhân, chiếc bồn tắm cách điệu theo kiểu cổ điển màu trắng, tạo hiệu ứng tương phản với màu đen của sàn. Cửa sổ mở ra bên ngoài nhận ánh sáng tự nhiên vào bên trong, ngâm mình bên trong bồn tắm vào những sáng sớm cũng dễ có được cảm giác tắm với ánh sáng tràn trề của ngày mới.

Liền kề với phòng ngủ là phòng thay đồ, với chiếc tủ quần áo thiết kế kiểu hiện đại có sức chứa đến hàng trăm bộ quần áo và vô số các phụ kiện thời trang của người đẹp. Hồ Ngọc Hà là người thích sưu tầm giày, thế nên Hà Hồ đặt thiết kế những chiếc kệ giày dài ôm sát tường như một cách trưng bày bộ sưu tập.




Sunday, February 8, 2009


THI VŨ * THƠ THIỀN





Thi Vũ


Ngày Xuân đọc thơ Thiền




Thực ra không có một dòng thơ riêng biệt gọi là thơ Thiền. Nhưng có thể khẳng định bài thơ nào kêu gọi tới chữ thiền, sử dụng từ thiền sư đều không phải thơ thiền, ngoài sự cố công buột kết, tấn phong.



Xưa nay người ta thường liệt các bài thơ do các vị sư trước tác là thơ thiền. Sư được hiểu như các nhà tu Phật giáo, cạo đầu, mặc áo già, xa lánh trần tục bon chen. Theo hướng đó, thơ thiền nhan nhản các hình ảnh đơn điệu của trúc, suối, bóng sáng tinh khôi, chim hạc bay tà tà nơi cõi xuất thế gian. Tạo hàm oan cho thơ thiền.



Từ 1963 lại đây, có lớp người quay sang làm thơ thiền. Họ để tóc, mặc áo veste, quần jean. Thiền không xuất thế nữa. Thiền nhập thế. Nhập vào quán rượu, la cà từ hộp đêm này tới quán cóc kia. Nhậu la de, lăn lộn trên thân thể đàn bà. Quằn quại bằng tư duy trong cuộc sống khá an nhàn, sung mãn. Nếu còn mang hình thái sư, thì sư biết đánh đàn piano, cắm hoa hồng, vung tay viết chữ thảo hay tương tư em. Từ đó họ rót xuống những bài thơ khi khinh bạc, khi cao cả, oai phong, khi lãng mạn anh em - nhưng rất thiền. Người làm thơ ốp bóng vào hình ảnh thời thượng thiền sư. Khác chi những năm 1940, người làm thơ là tráng sĩ. Những năm xã hội chủ nghĩa, người làm thơ là liệt sĩ, viên chức bộ công an, nếu không là công nhân nấu thép (Nay ở trong thơ nên có thép – “Bác”). Thêm một hàm oan khác. Cho thơ thiền.



Thực ra không có dòng thơ riêng biệt nào gọi là thơ Thiền. Chỉ có những tấm lòng thiền đọc thơ. Cho nên phải có một tấm lòng thiền, thơ thiền mới xuất hiện.



Thiền là sự phá vỡ u tâm tù ngục, chung hòa vào thực tại đời sống vốn siêu việt hết thảy ý niệm và danh từ[1]. Đặc tính của thiền là thích hợp, đặc sắc của thiền là linh hoạt. Chấm dứt thác loạn trong ý nghĩ, trong tâm tưởng và ngôn ngữ, thơ thiền tuôn như khe suối mát giữa lá rừng và chiều nắng, như lời nói ôn tồn giữa chợ búa tranh đua. Phá mở mọi xiềng xích : tự do vô hạn chính là thiền. Cái « tôi » vỡ ra, căng lên thành thế giới diệu hữu, thành khoảng không lồng lộng vũ trụ. Cái « tôi » dài thành trăm tay sờ mó những tương quan nó với cái khác, kẻ khác. Liên hệ tương duyên lập thành hợp thể vui hòa, an lạc. Ở đó, nó tự do.



Thiếu hiểu biết căn bản về lý sống đạo Phật và thiền, cái nhìn bị méo lệch, phân đôi thành xuất thế và nhập thế khi đánh giá các bài thơ tự gọi là thơ thiền. Thực tại vốn không phân hai. Bị phân hai vì ý niệm đánh giá. Nên cái-ta-nghĩ với cái-ta-được-cảm-nhận khác nhau dị kỳ, ly lìa thực tại tối hậu. Một hôm Tô Đông Pha, thi hào đời Tống, đọc hai câu thơ của Vương An Thạch :



Minh nguyệt đương không khiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

nghĩa là :

Minh Nguyệt kêu giữa trời

Hoàng khuyển nằm trong hoa



Tô Đông Pha thấy hay vì hình ảnh và âm điệu, nhưng cho là chối nghĩa bèn sửa lại :



Minh Nguyệt đương không chiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa âm

nghĩa là :

Trăng sáng soi giữa trời

Chó vàng dưới bóng hoa



Thơ vẫn hay nhưng thường, không độc đáo. Vương An Thạch bực nhưng không nói. Vương phái Tô Đông Pha, là quan đại phu, đi sứ Hoàng Châu. Tới nơi, Tô mới biết ở đây có loài chim chỉ hót khi trăng lên, và một loài sâu ưa nằm giữa lòng hoa. Người địa phương gọi là chim minh nguyệt và sâu hoàng khuyển.



Sau bài học rút từ thực tại không hai ấy, Tô Đông Pha bẻ gãy sợi xích xiềng cố tín và ngu muội. Ông phơi phới sống cõi thơ tuyệt diễm. Cõi thơ ấy cũng là cuộc đời ông sống. Phơi phới và phiêu nhiên. Phải chăng cuộc sống mới đã lộ rõ vào bài thơ Lô sơn của ông ? Thơ man mác như nhiên, thâm trầm ý vị của kẻ đã chứng và đã ngộ :



Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều

Vị đáo sanh bình hận bất tiêu

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều

Trúc Thiên dịch :

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang

Khi chưa đến đó luống mơ màng

Đến rồi hóa vẫn không gì khác

Khói ngút non Lô sóng Chiết giang



Bài thơ bốn câu, mà hai câu đã lập lại nơi câu mở đầu và câu kết : Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều. Tuy lập ngữ nhưng không lập ý. Bởi chưng con người ở câu một khác với con người ở câu bốn qua quá trình thực chứng. Con người hạ sinh nơi câu một hóa sinh sang câu bốn thành niềm thong dong, phiếu diễu, chủ ngự cõi phù sinh. Núi không còn danh thốt lên khi mắt va chạm tảng đất sững dựng che trời. Núi lột kéo tấm màn che mắt. Mắt thấy điều trước kia mình chỉ biết nhìn. Hơn thế, núi cũng biết nhìn bằng hiện hữu mình trên bình nguyên trải hút cõi nhân sinh ra tới những tinh hà.



Giảng bài thơ Tô Đông Pha tưởng không gì bằng lời tự thuật của sư Thanh Nguyên Duy Tín viết trong Truyền đăng lục, quyển 22 : “Sãi tôi ba mươi năm trước khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo học bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, nên thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải nước. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”. Cùng một sự vật, nhưng qua ba tâm cảnh đi từ mê muội, giác hóa đến giác ngộ nên cái bóng của sự vật được hiển lộ thành hình sự vật.



Tưởng như lẩm cẩm, nhưng là diễn trình chặng đường tri thức hay đạo tâm phải trải qua hầu gạt bỏ cuộc đời người ngợm. Mọi vĩ nhân trên mặt đất đều tôi luyện, thăng hoa cuộc đời như thế. Khổng Tử từng tâm sự : “Ta mười lăm tuổi để chí vào sự học, ba mươi tuổi thì trụ vững, bốn mươi thì hết ngờ, năm mươi biết mạng trời, sáu mươi nghe thuận tai, bảy mươi thì tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc”.



Quá trình chứng ngộ cần 70 năm để đạt cái tâm thiền. Nhưng 70 là con số. Không phải khuôn phép cố định. Có người sống trăm năm vẫn như con đỉa trong dĩa máu. Có người vài mươi tuổi đã có thể “tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc” vũ trụ. Bay như diều trên gió. Lội như hạt nước giữa lòng sông.



Đời làm chi có hai chuyện xuất thế, nhập thế ? Xuất về đâu ? Nhập vào đâu ? Sự sống âm ỉ, cường tráng, dữ dội, cuốn chìm hay nâng đỡ những tế bào nhân sinh. Cuốn chìm những tuổi mười lăm (dù đã bảy mươi) kênh kiệu, thác loạn, mê muội. Hoặc nâng đỡ những tuổi bảy-mươi-phi-thời an nhiên trên chốn gập ghềnh.



Xuất thế có chăng chỉ là thoát ly khỏi thế giới thác loạn, tranh chấp, vị kỷ, mê muội, vong thân. Xuất như thế là đã hào hùng, trang nghiêm nhập thế. Nên kẻ mang tâm thiền không xuất, không nhập, chẳng bận tâm sinh tử. Nhà sư tráng sĩ có tâm thiền đời Trần là Tuệ Trung Thượng sĩ trả lời bằng thơ khi có người hỏi lẽ sống chết :



Trường không túng sử song phi cố

Cự hải hà phong nhứt điểm âu

Thích Mật Thể dịch :

Ngại gì bọt nước sôi ngoài bể

Phỏng có vành xe liệng giữa trời



Hình ảnh, tứ thơ bạo và mới, vừa siêu thực vừa hiện thực. Vừa tỉ giảo, vừa nhận thức bằng thi tính. Sống chết không quan ngại, thì thịnh suy trong đời tỉ như kẻ làm vườn hái trái chín, trái ung. Chẳng áy náy nên thảnh thơi giữa chốn ba đào :



Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Vạn Hạnh (thời Lý)

nghĩa là :

Thân như bóng chớp, có rồi không

Tới xuân cây trổ, sang thu rụng hồng

Nhác trông suy thịnh, lòng không sợ

Đầu cành, suy thịnh giọt như sương



Nhìn và đã thấy. Chất thơ ngào trộn tư duy. Cảnh thơ thành lý sống. Bài thơ thành món quà truyền tâm. Miêu tả thân xác như ánh, như chớp, mong manh thoáng hiện nhưng mãnh liệt trường tồn. Giữ lại gì nơi đôi mắt ngó vào không gian thăm thẳm mịt mù ? Nếu không là nét sấm chớp rạng ngời nơi nhúm nhíu khắc giây khiến thẫn thờ trời đất ? Mong manh mà trường cửu. Có đó rồi không đó. Không chẳng mang nghĩa hết, dứt. Không cái vừa có cho cái có được trọn vẹn trong cái không-tiêu-tán. Như cỏ cây mướt lục vào xuân, dù đã, hay sẽ, héo khô nơi chặng đường thu chớm. Những cái có, không, thịnh, suy, khác chi ngọn cỏ chòm cây nơi trò trốn bắt giữa hai mốc thu xuân ? Lòng không sợ hãi trước mọi bạo tàn, phụ bạc. Khi biết vòng tròn hương rực lửa quay trong đêm chỉ từ một đóm hương lúc tay quay ngừng lại. Sương cứ rơi đều đầu ngọn cỏ mỗi sáng, dù thất tình ta buồn hay vui. Ngở sương mất đi trong lòng đất, ai ngờ đã cất tự trời cao chờ rơi khi đêm tới.



Thơ dùng nhạc để chuyển lời. Dùng vần làm dây xuyên. Dùng hình ảnh bắt mắt. Dùng tình cảm níu tình. Thơ vẽ hình bắt bóng. Tác dựng suy tư làm xương sống cho hình hài. Thơ vạch đường chỉ nẻo. Thơ nắn nụ cười phơi phới trên môi ngôn ngữ.



Người có tâm thiền làm thơ là sống cái tự do trước những điều bức tử. Không rúng động trước thịnh suy, sinh tử. Bởi vậy bệnh hoạn khuấy phiền thân xác kia chẳng khiến lòng trăn trở, âu lo. Nhà thơ thiền Mãn Giác đời Lý có bài thơ nhắn gửi mọi người nhân lâm bệnh - Cáo tật thị chúng. Bài này nhiều người thuộc và thường được nhắc nhở, duy ít người chú ý mối vận hành ý tứ :



Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Ngô Tất Tố dịch :

Xuân trỗi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai



Người đọc thường khen tính tích cực và lạc quan bài thơ của người nhuốm bệnh. Thế nhưng thơ đâu là bản báo cáo, trình bày quan điểm, lập trường ? Thơ không là sự nói lại. Thơ là sức sống bung từ người. Nhân việc mình đau mà báo với mọi người - Cáo tật thị chứng - nhưng thơ không rơi vào thể thuật hoài biểu diễn cái ta rất chi trọng thể. Tuy vẫn là cái ta khi ý thức còn trong trạng thái vong thức. Tả xuân và hoa, nhưng không là thơ sơn thủy nhắm riêng việc tả cảnh. Xuân và hoa ở đây là bước đi của thời gian trong không gian. Việc đời và người tả ở đây là xê dịch viễn hành của vô thường - cái không cố định. Bài thơ chấm dứt bằng nhận định làm con người thảng thốt trước mỗi đoạn trường : cái mình nhìn không là cái thấy. Dù cái thấy vẫn ở đó, như đóa mai kia nở sớm hay nở muộn nơi chốn chẳng hề chờ.



Suốt bài thơ sáu câu, nhịp hóa thân tăng trưởng vốn trí tuệ, từ thung lũng thường tục lên ngọn đỉnh rạng ngời. Thơ đưa nhạc và tình về với trí tuệ. Thơ thoát ly cảnh sống dung tục, hiển mình vào thực tại tối hậu, ở đó người bật mình sống dậy. Hết thụy miên. Hết mớ gọi. Thôi biệt ly.



Xuân khứ bách hoa lạc là nếp đi của một thực tại thấy mò qua bóng ảnh dung tục. Lòng ta có buồn thương chăng ? Xuân đáo bách hoa khai là cái đến của mùa màng nơi thực tại trầm luân. Lòng ta có vui rộn lên chăng ? Buồn hay vui chúng ta đều bị giới hạn trong không gian như một thực tại vô thường. Ý nghĩa của Sự trục nhãn tiền quá. Việc đời thoáng qua với bao điều bất như ý, ở đó thời gian chẳng để ta yên. Thời gian liên lỉ chất vấn như vị giám khảo, rồi đánh lên trán ta từng luống nhăn, bôi vào tóc từng nét phấn. Già, chết chợt hiện ra : Lão tòng đầu thượng lai.

Ta bi quan, hốt hoảng, ta cay đắng ngậm ngùi ? Bao là dấu hỏi đẩy ta vào đời như tống xuống địa ngục, xui ta hạ thủ theo cách thế giận đời. Nhưng người thơ có tâm thiền, như Mãn Giác, thì không. Ông đã có lời đáp tựa khúc hoan ca :

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai !



Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận là nếp đi của một thực tại. Thực tại ở đây là thực tại tối hậu. Và Đình tiền tạc dạ nhất chi mai là cái đến thực tại, thực tại ở vị trí uyên nguyên. Hết là thực tại phiến diện nơi cõi trầm luân.



Đến hay đi đều là động tác. Khác ở hành trình. Đến hay đi trên hành trình vô minh, mê muội. Hay đến, đi trên quá trình an nhiên, giải thoát ? Nô lệ, tự do từ đó hiển ra. Kẻ tự do sống không mô típ. Mọi mô típ đều ràng buộc. Kẻ tự do sống bằng sáng tạo. Người nô lệ sống mòn theo khuôn. Hai câu thơ của nhà thơ có tâm thiền Quảng Nghiêm ở thế kỷ XII đời Lý gợi lên ý đó :



Nam nhi tự hữu xung thiên khí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

Ngô Tất Tố dịch :

Tài trai có chí xông trời thẳm

Dẫm vết Như Lai uổng nhọc mình



Không nên hiểu theo nghĩa đen thường tục để gán cho nhà thơ mang tư tưởng hoài nghi hay phủ nhận đạo Phật hoặc chống báng đức Phật - Như Lai. Hào khí dũng mãnh kẻ trượng phu kiệt hiệt, người phá chấp siêu quần mới hiểu ý thơ Quảng Nghiêm. Còn yêu đương thần tượng, khuôn phò đảng kỷ, lý luận theo chỉ thị… khó nắm bắt sức sống vỡ bờ nơi dòng thiền vô biên phật giáo : khai phóng, sáng tạo và như thật.



Bao lâu còn cột dính, bấy lâu còn nô lệ. Chân sau theo vết trước dành cho việc đi săn hay loài cừu. Con đường đâu phải dấu mòn ? Con đường là chân bước và đích đến. Mỗi người làm chuyện mình theo cách mình để giải thoát mình. Chính là giải thoát, chứ không là cách thế. Bởi vậy đâu cần theo vết Như Lai như trong thơ Quảng Nghiêm. Ý thơ này chống cố tín, cuồng tín, giáo điều, chống tinh thần nô lệ. Vũ khí phá chấp của nguyên lý sống Phật giáo.



Thiền vượt mọi giả danh để sống thực. Mắt quay vào đâu sự vật được soi sáng, tình cảm được trân ái. Thơ thiền không chỉ là kệ truyền pháp hay dòng thơ đạo lý. Thơ thiền bát ngát lung linh qua mọi sinh hoạt theo tấm lòng thiền rung cảm.



Lê Qúy Đôn đọc thơ Huyền Quang, vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc lâm Yên tử, phái thiền thứ ba của Việt Nam , chê rằng “hình như không phải khẩu khí của thiền sư” (Thiền dật, Kiến văn tiểu lục). Nhà phê bình Lý Tử Tấn, đời Lê, đọc các bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang, Tảo mai, Xuân cảnh, Nhị nguyệt thập nhất dạ của vua Trần Nhân Tông, vị tổ khai sáng dòng thiền Việt Nam, Trúc Lâm Yên tử, cũng phê bình tương tự : Thi tuy giai phi tăng gia ngữ (thơ tuy hay nhưng không còn khẩu khí nhà sư).



Sao vậy ? Có lẽ người chưa sống thiền thích phân biệt. Đọc thơ, hay làm thơ, họ nhắm vào đích, vào lý tưởng, đạo đức, luân lý cố hữu làm chuẩn. Họ không nhìn sự vật như sự vật trong hiện tiền trước mắt. Đôi mắt và tâm tư họ bị nghĩa lý cố định thui chột sức sáng tạo. Cái thấy bị mù lúc trông nhìn. Không thấy, họ đem tâm so sánh nên phân hai thực tại, xa rời và cách ly khỏi thực tại. Ai có thể chỉ bộ phận nào đẹp trên một Người Đẹp ? Cắt bộ phận ấy ra còn chăng cái đẹp ? Hóa ra đẹp là cái toàn thể tương liên. Người làm thơ thiền diễn thơ cái hiện tại, cái cảm nhận, cái thấy. Họ không dại đem sự kiện nhất thời đang chuyển biến ấy đánh giá hay so sánh với giáo lý hầu đưa tới kết luận mô phạm. Đây là chỗ khác giữa thơ của người có tâm thiền với thơ một ông giáo học. Cái thoáng chớp, cái đang đi, cái tại thế ấy đã là cái vĩnh hằng trong thơ, không bắt gặp lại lần hai. Đòi hỏi hay ước mơ cố tín chỉ là ảo giác. Đa số các nhà Nho xưa và nhà Mác-xít nay đều bị tha hóa khi làm thơ.



Ta thử đọc bài Xuân nhật tức sự của Huyền Quang mà hai nhà phê bình Lê Quý Đôn và Lý Tử Tấn phê phán trên kia :



Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

Khả lân vô hạn thương xuân ý

Tận tại đình châm bất ngữ thì

nghĩa là :

Giai nhân mười sáu ngồi thêu gấm

Hoa tử kinh bừng rộn tiếng oanh

Đáng yêu vô hạn thương xuân ý

Khi lặng thinh ngừng đưa mũi kim



Hai nhà phê bình chê thiếu “khẩu khí thiền sư” vì tả chuyện giai nhân ? Tả hoa, tả bướm, núi, suối, mùa màng, tiên, bụt… thì được. Động tới đàn bà là… Là gì ? Sao đàn ông hồ thỉ, phóng khoáng, bay bướm, trượng phu, anh hùng, liệt sĩ… bao nhiêu, lại khe khắt bấy nhiêu khi nói chuyện đàn bà ? Một hành xử lạ lùng đối với phụ nữ - mẹ của thế gian. Khổng giáo chăng ? Mặc cảm tội lỗi nơi vườn địa đàng chăng ? Dù gì thì gì, tính bình đẳng đã mất khi nhìn sự vật. Huống chi giai nhân trong bài thơ chỉ là hình ảnh mà thất tình chưa va chạm !



Đâu là chỗ “khẩu khí thiền sư” mất đi ở bài thơ trên ? Chiếc máy ảnh có khẩu khí chăng ? Máy rà quay và thu ghi. Người thi sĩ, ngoài cái nhìn và sự thu ghi còn thở phà chất sống vào sự vật khiến lung linh hơn cảnh thật. Điểm quan yếu của bài thơ không chỉ là giai nhân, mà cái người thơ thấy được nụ cười giữa sấm chớp, sự lặng thinh giữa trống chiêng. Hoa tử kinh rộ nở, hương sắc bồn chồn khiến hoàng oanh rộn rã líu lo. Lúc đó xuân đến. Người đẹp dừng kim, tác động trọng đại giữa hai thời biến dịch, lúc giao mùa, khi mê chuyển sang ngộ. Đón xuân ý bao la, vô hạn trên bến không-thời. Một bong bóng nước vừa nổ, òa vào hư không xanh. Tan biến nhưng cũng là giải thoát. Lột tả cảnh ngộ này chỉ biết cậy nhờ vô ngôn. Dù vô ngôn tập đại thành muôn nghìn xướng ngôn trước đó - trái chín sau những mùa hoa kết tụ.



Ý móng dậy từ cảnh xuân. Ý đem người về đâu ? Về mộng tưởng, vọng tưởng, ảo tưởng hay biến hóa vào chốn không lời : Vô ngôn, để sự vật tự nhiên biểu hiện ? Giai nhân, hoa tử kinh, tiếng oanh hót là những bóng hình xuân, tức ý xuân dậy ở câu ba. Nhưng rồi mọi khái niệm xả bỏ nơi vô ngôn ở câu bốn. Vô ngôn là tiếng nói của tư tưởng, thể hiện trong thơ bằng mũi kim ngừng, bằng làn môi không nói. Cùng một sự xuân, mà hoa khoe sắc, chim líu lo, nhưng giai nhân lại im môi. Đây là chỗ diệu kỳ của thơ.



Tuy nhiên điều cần đính chính là bài thơ trên không phải của sư Huyền Quang, đệ tam tổ dòng thiền Trúc Lâm của Việt Nam . Dù được nhà bác học Lê Quý Đôn và nhà phê bình Lý Tử Tấn đời Lê, hay bộ Việt Âm thi tập của Phan Phu Tiên nhắc tới như thơ của sư Huyền Quang. Thực tế bài trên là của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân trước tác, người Trung quốc ở đời Tống. Bài thơ này được học trò của thiền sư là thiền sư Lôi Am Chính Thọ ghi lại trong bộ Gia Thái Phổ Đăng lục. Nhân một hôm thượng đường nói về con chó có Phật tính hay không mà Ảo Đường Trung Nhân phát ra bài thơ ghi dưới tên “Vô Đề”, chứ không phải là “Xuân Nhật tức sự”.



Phải chăng sư Huyền Quang nhắc tới bài thơ Vô Đề, trước tác bên Tàu một trăm năm trước, qua những lần thuyết pháp, giảng thiền, nên sau này đệ tử sao chép tưởng là thơ của thầy mình. Rồi văn học sử Việt Nam cứ lầm lẫn chép theo.



Nhưng đây chỉ là vấn đề xuất xứ văn bản. Chứ đi vào ý thơ, thì Huyền Quang hay Ảo Đường Trung Nhân, thơ vẫn là thơ của người có tâm thiền.



Nhờ có tâm thiền nên không phân biệt, trân trọng và bình đẳng với mọi sự mọi vật. Đa số thơ Việt Nam thời trung đại thường vắng bóng người phụ nữ. Bài trên đã tưởng là của sư Huyền Quang để khẳng định sự bình đẳng giới tính. Song không vì vậy mà thơ Lý Trần thiếu đi. Người thơ có tâm thiền như vua Trần Nhân Tông, cũng là nhà sư và Tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm, không quên thân phận người phụ nữ trong bài “Khuê oán” :



Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng

Hoàng ly bất ngữ oán đông phong

Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại

Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông

nghĩa là :

Thức mình cuốn cửa ngắm cành hồng

Biếng hót oanh buồn oán gió đông

Lầu tây chiều xuống buông hờ hững

Bóng hoa cành ngọn lả phương hồng



Nỗi oán hận buồn thương của người ở phòng khuê thật man mác. Những phi tần không được vua sủng ái. Họ sống bằng nỗi trông chờ như bóng hoa đầu cành hướng phía mặt trời. Thơ bật lên nỗi oán, mà cũng là mối bi thương liên đới của người làm thơ. Nếu chưa tri kỷ, cũng đã tương liên với nỗi khổ con người và là người phụ nữ.



Bao lâu còn những tấm lòng thiền, thơ thiền còn chan chứa. Thơ thiền không giới hạn, trùng trùng như hoa xuân, như rừng lá, như sóng dội. Ta hãy đọc thơ trong cái toàn thể, qua niềm gợi hứng, giữa các mối tương liên. Đừng lo lý giải, tách bạch nghĩa ý. Ta hiểu gì cái đẹp một màu lá, đóa hoa. Ta hiểu gì nét mặt một con người.



Đọc thơ thiền như kẻ vào rừng phong lan. Lúc về quần áo đẫm hương, người lâng lâng, lòng thênh thái. Cần chi tách bạch một làn hương, hái hoa thành bó. Khiến người có tâm thiền như sư Huyền Quang cười ta từ bảy thế kỷ trước :



Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ

Mãn đầu tùy đáo tháp qui lai

nghĩa là :

Cười ai không rõ hoa mầu nhiệm

Hái giắt đầy đầu trở lại nhà.



Những gì ngắt đi từ sự sống, sự sống sẽ mất.



Thi Vũ

Paris, 1.1.1988,

bổ chính Mồng Một Tết Kỷ Sửu 2009


[1] Ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt.



Thi Vũ là bút hiệu của nhà tranh đấu Nhân Quyền Võ Văn Ái. Ông chủ trương tạp chí Quê Mẹ ở Paris từ năm 1977 đến nay



http://www.gio-o.com/ThiVu.html



© gio-o.com 2009


Sunday, February 8, 2009


TRẦN BÌNH NAM * PRINCE



Prince nhớ bạn


Trần Văn Sơn



Prince sinh tại vùng ngoại ô Philadelphia năm nay chừng 9 tuổi đời.



Thế giới xưa nay biết bao nhiêu chuyện về chó được lưu truyền, nhất là ở Tây phương. Chó chết theo chủ, chó hy sinh cứu chủ, chó hiểu tiếng người, chó được huấn luyện săn sóc người tàn tật, chó tham gia trận mạc bên cạnh chủ … Người Tây phương đặc biệt cưng chó.



Câu chuyện tôi sắp kể với quý vị là tình bạn của chú Prince, một tình cảm kín đáo tôi nhận được một cách bất ngờ. Bất ngờ, vì tôi là người vốn không thích và chưa hề nuôi chó. Và tôi chỉ là một người bạn thoáng qua cuộc đời của Prince.



Hồi còn nhỏ, nói cho rõ là cách đây 70 năm, lúc tôi chừng 5 hay 6 tuổi ba mẹ tôi có nuôi một con chó mực. Một mầu đen tuyền từ đầu đến đuôi trông rất mát mắt. Thời đó người Việt Nam nuôi chó để giữ nhà và giúp vệ sinh nhà cửa là chính. Chó thường được huấn luyện sủa, cắn chứ không phải để cho chủ nhà hay các em nhỏ - như tôi cuối thập niên 1930- bồng bế âu yếm. Không quen được chủ nhà săn sóc nuông chiều, chú mực nhà tôi không thích ai vuốt ve mình. Chạm đến mình, nó tưởng đánh đuổi nó và sẵn sàng chống lại. Nhưng chú mực của ba má tôi làm nhiệm vụ giữ nhà rất tốt. Người lạ vào nhà nó sủa vang, nhảy chồm lên dọa nạt cho đến khi chính ba, mẹ hay anh chị lớn của tôi bảo mới thôi. Tôi nhỏ nó không sợ. Và không bao giờ cho phép tôi chạm đến mình nó.



Một hôm tôi nghịch kéo đuôi nó. Đau, nó gầm gừ quay lại ngoáp mồm định cắn làm tôi phải một buổi hoảng hồn. Từ đó tôi tránh xa nó mặc dù ở cùng một nhà sớm hôm vẫn thấy nhau và tôi trở nên có ác cảm với chó. Lớn lên tôi chưa từng dám vuốt ve một chú chó nào dù nhỏ hay lớn, bề ngoài hiền hay dữ … cho đến khi tôi gặp chú Prince.



Từ California, năm 1995 tôi sang Philadelphia mở một văn phòng dịch vụ Di Trú và Bảo lãnh. Một người bạn của tôi, Mary, cũng có một văn phòng dịch vụ ở đó.






Mary là người yêu thương gia súc, nhất là chó.



Một hôm Mary nhờ tôi lái xe ra vùng ngoại ô Philadelphia để bắt một chú chó con cô vừa đặt mua qua điện thoại.



Đường xa, sau hai giờ lái xe ra vùng ngoại ô, chúng tôi đến trang trại của bà Timonov. Bà Timonov gốc Nga, bố mẹ chạy nạn thời khủng bố của Stalin sang Mỹ và sinh bà ở Pennsylvania. Bà là con gái út. Bà nối nghiệp bố mẹ nuôi chó giống để bán. Bà không làm ăn lớn, chỉ nuôi chừng năm sáu cặp giống đặc biệt, và lưu giữ hồ sơ đầy đủ. Hồ sơ gồm dòng giống của bố mẹ, giấy khai sinh, lịch trình chủng ngừa, nhỏ mắt … Đến trại bà – nói là trại, thật ra chỉ là ngôi nhà có một phòng khách và sân khá rộng, bày đầy thùng giấy và thùng nhựa làm chuồng cho các cô chú mới sinh. Những con chó lớn hơn chạy tung tăng chơi giỡn với nhau.



Bước vào phòng khách mùi chó phảng phất, không hôi hám lắm nhưng cũng không có gì thú vị. Mary nói chuyện với bà Timonov, chọn một chú mới sinh chừng hai tuần lễ. Lông nó mịn màn, trắng như tuyết, lưng điểm đốm đen, viền đen phủ nhẹ đôi mắt và một nửa đôi tai trông thật xinh. Bà Timonov bế nó ra khỏi một cái chuồng bằng nhựa trắng. Cảm thấy sắp phải xa anh chị và bạn bè nó trườn lại muốn trở vào chuồng. Mary nhận nó từ tay bà Timonov và bằng một lối bày tỏ cảm tình chỉ có nó hiểu bỗng nhiên nó êm ru trên đôi cánh tay của Mary. Nó liếm vào cổ tay trần của Mary ra chiều thân thiện và chiếm đoạt ngay được cảm tình và sự trìu mến của Mary. Bà Timonov lục trong một chiếc tủ đặt trong phòng khách lấy ra xấp hồ sơ lý lịch của chú bé.



Nghề nuôi chó giống để bán đòi hỏi nhiều thủ tục. Mỗi chú hay mỗi cô chó đều phải có giấy tờ lý lịch. Và như các hoàng đế ngày xưa sự chung đụng giữa một chú nam và một cô nữ đều được theo dõi và ghi chép để khi một cô có bầu bà Timonov biết rõ đàn con sắp sinh ra thuộc dòng tộc nào và bố chúng là ai. Khi sinh ra mỗi chú hay cô đều có giấy khai sinh ghi giống của bố mẹ (khác với người, khai sinh của các cô chú hoàng tôn công chúa này không có tên của bố mẹ), và hồ sơ chủng thuốc ngừa bệnh.



Giấy khai sinh của chú bé ghi sinh ngày 15/6/2000 thuộc giống Chin, một giống chó Nhật thông minh, ít bệnh và dễ nuôi. Mary hài lòng mọi chi tiết và đồng ý với giá 500 mỹ kim. Bà Timonov nhỏ mắt và chích thuốc lần cuối cho chú bé, đặt chú vào một thùng lót giấy, giao xấp giấy tờ lý lịch cho Mary.



Trên đường về chú nhỏ nằm trong hộp đặt nơi ghế sau cảm thấy cô đơn hay chưa quen với sự di chuyển kêu ăng ẳng làm cho Mary rất sốt ruột.



Text Box: Prince, Coco và TigerMary đặt tên cho chú nhỏ là Prince – hoàng tử nhỏ - Một tuần sau Mary mang về cho Prince một cô bạn đặt tên là Coco cùng giống, lông trắng điểm đen. Prince và Coco chơi đùa với nhau như hai trẻ nhỏ và khoảng một năm sau Coco có bầu. Mấy tháng sau Coco sinh 5 chú con, trai có gái có mình trắng tuyết điểm đốm đen như bố mẹ, mỗi chú mỗi cô một kiểu như một bầy công tử và công chúa trông rất đẹp mắt. Mary chia cho bạn bè 4 con và giữ lại một chú, đặt tên là Tiger. Tiger mạnh nhất trong đám anh chị em. Đặc điểm của Tiger là ngoài một đốm đen lớn trên lưng và tai vá đen trắng, đôi mắt được phủ một viền đen thật đậm trông như một nghệ sĩ đa tình.



Bộ ba Prince, Coco và Tiger sống với nhau bình đẳng và tỏ ra rất yêu thương nhau, tuy không có gì chứng tỏ chúng biết quan hệ giữa nhau với Tiger, ngoài việc Prince và Coco vẫn đối đãi nhau như một cặp nhân tình. Như đã nói tôi không yêu chó, nên nếu có quan tâm đến bộ ba Prince, Coco và Tiger là vì chúng nó đẹp và nhận biết sự quan hệ bạn bè giữa tôi và Mary. Mỗi lần tôi đến thăm Mary chúng đều nhảy xô vào tôi như bạn thân lâu ngày mới gặp, riêng Prince thường hay sán lại nằm gần tôi để được tôi gãi đầu gãi tai. Tôi cho rằng mỗi chú mỗi tính chứ không nghĩ Prince biết tôi là người đã đi lãnh nó từ nhà bà Timonov lúc nó mới 14 ngày tuổi mỏng manh như một cánh hoa hồng trước gió.

Năm 2001 tôi trở về California.



Cuối năm 2008 tôi đi thăm một người bà con bên ngoại ở Paris bị bệnh, đồng thời đến thành phố Apeldorn, Hòa Lan thăm Nhơn, người bạn học cùng quê trở thành cháu rễ do quan hệ hôn nhân của anh ấy với người cháu, cô Juliette gọi tôi bằng cậu xa xa. Từ Paris gọi thăm và được cho hay Nhơn vừa té lăn nơi thang gác trong nhà và bị chấn thương đầu.



Thời gian đó Mary đang nghỉ hè tại Paris với 3 cô cậu Prince, Coco và Tiger. Tôi đến thăm Mary và ở lại chơi một hôm trước khi trở về Hoa Kỳ. Nhà Mary gồm một phòng khách vừa dùng làm phòng ăn cơm, nơi ban ngày ba cô chú nhỏ chơi đùa và tung tăng chạy nhảy quanh chủ nhà. Bên cạnh là nhà bếp và tiếp theo là phòng ngủ của Mary và ba cô chú. Phòng dành cho khách kế bên trông ra hồ Torci. Nhằm mùa thu Paris lá vàng rụng đầy bờ hồ. Mặt nước hồ lấp loáng qua mấy hàng cây trông như một bức tranh. Vào cửa chính của căn nhà rẽ trái là phòng khách, rẽ phải là phòng ngủ dành cho khách.



Các cô chú bé có một thói quen. Đi bát phố, đi chợ, hay đi dạo bờ hồ trở về, các chú chờ Mary mở cửa là ùa vào nhà, nhắm mắt rẽ trái chạy vào phòng khách tìm chỗ tốt trên ghế xa lông để nằm.



Hôm Mary đưa tôi ra phi trường Charles de Gaulle trở về Hoa Kỳ, các chú Prince, Coco và Tiger được tháp tùng. Chuyến bay của tôi dừng chân ở Philadelphia thay phi hành đoàn và đổ đầy nhiên liệu trước khi bay tiếp trả tôi về Los Angeles. Mary lái xe, tôi ngồi bên phải, và ba chú bé Prince, Coco và Tiger nằm ngồi ở ghế sau. Đường sá Paris không ngay hàng thẳng lối như ở Hoa Kỳ, nhưng nhờ máy tọa độ GPS, Mary đã đổ tôi ở cửa vào của hãng US Airways ở phi trường chính xác và đúng giờ.



Tôi bước xuống kéo hành lý và quay lại chào Mary. Tôi thấy chú Prince chồm ra cửa kính hông nhìn tôi, sủa khẽ khàng, hai chân quệt quệt vào kính xe như muốn nhắn gởi tôi một điều gì. Sau lưng là hai mẹ con Coco và Tiger cũng muốn chườn ra trước nhưng không đủ can đảm lấn chỗ của Prince. Tôi bước qua cửa chắn gió của hãng máy bay và trước khi khuất vào bên trong tôi vẫy chào Mary. Chú Prince vẫn đứng nơi kính hông nhìn tôi chăm chú như muốn nói lời tiễn biệt.



Đăng ký hành lý và làm thủ tục lên máy bay xong, tôi theo hướng chỉ dẫn vào khu cách ly. Phi trường Charles de Gaulle không thay đổi nhiều so với lần trước tôi đến Paris cách đây 7 năm. Vẫn lối kiến trúc cầu kỳ với những lối đi ngoằn nghèo, lên xuống dẫn từ quầy hành khách vào bên trong bằng những lối nhỏ lót cao su di động theo chiều dọc. Đến khu cách li tôi mua một ly nước cam ngồi nghỉ chờ lên máy bay. Đang lim dim tôi chợt nghe thông báo chuyến bay Paris – Philadelphia đổi cỗng. Tôi đến quầy US Airways, tại đó có hai cô nhân viên, một đen một trắng. Tôi hỏi cô đen chuyến bay của tôi đổi qua cỗng số mấy. Cô nhìn tôi rồi cúi xuống tiếp tục mài móng tay dường như cô không phải là nhân viên của hãng US Airways. Ngạc nhiên tôi quay qua hỏi cô trắng. Cô trắng nhìn qua cô đen mĩm cười trả lời tôi và giải thích “she is too happy to work”. Tôi chợt hiểu cô đen vui gì. Ông Barack Obama vừa đắc cử tổng thống Hoa Kỳ mấy tuần trước. Việc này làm tôi liên tưởng đến cảnh tượng diễn ra trên chuyến bay số 2 của hãng US Airways từ Philadelphia đi Paris hơn một tuần lễ trước đó. Sau khi máy bay đạt được độ cao sắp sửa bình phi, đoàn phục vụ (stewards) chuẩn bị mang nước đến mời khách tôi thấy một người phục vụ da đen đi dọc theo hành lang giữa hai hàng hành khách vừa đi vừa nhún nhẩy và huýt sáo. Các nhân viên phục vụ khác vẫn làm công việc của mình để yên cho người phục vụ da đen thích thú với điệu vũ nhỏ của mình. Ông Obama đắc cử vừa hơn một tuần. Tôi nhận ra người đa đen trên toàn thế giới đang vui cái vui không ngờ tới được trong quảng đời của họ và chợt nhận ra người da trắng thật độ lượng và thông cảm.



Chuyện dọc đường lẩm cẩm làm tôi quên chú Prince. Hơn nữa tôi chỉ gặp chú năm thì mười họa. Mệt nhọc sau những ngày ở Paris, lái xe đi Amsterdam, Apeldorn, Brussels, Villebon sur Yvette tôi ngủ thiếp trên đường Paris-Philadelphia dài 8 giờ bay.



Tại phòng đợi phi trường Philadelphia chờ đổi máy bay đi Los Angeles, tôi gọi viễn liên báo cho Mary biết tôi đã về tới Hoa Kỳ bình an.



- “Có chuyện thật là lạ.” Mary đi ngay vào chuyện, không một lời hỏi han hành trình của tôi.

- “Chuyện lạ gì vậy?” Tôi hỏi, đoán có tin lạ trên thế giới xảy ra trong 8 giờ đồng hồ tôi ngồi trên máy bay.

- Mary thuật: “Từ phi trường Charles de Gaulle về đến nhà em vừa mở cửa, Coco và Tiger chạy về phía trái tìm chỗ nằm, trong khi Prince một mình rẽ về phía bên phải. Em ngạc nhiên xem nó đi đâu ngược lối ngày thường thì thấy nó đi vào phòng anh, nhảy lên giường nằm khoanh tròn ngay trên chiếc gối của anh đã dùng. Thì ra nó linh cảm anh đã đi rồi và muốn giữ một chút hơi hướm của một người bạn vừa đi xa.”



Tôi choáng váng vì ngạc nhiên và cảm động. Tiếc là Prince không nói được tiếng người.



Đã bao nhiêu năm kể từ cái ngày tôi giúp Mary đi đón Prince từ một thung lũng xa xôi trong vùng Valley Forge! Và cũng chỉ chừng đó thôi./.



Trần Văn Sơn

Feb. 9, 2009

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com



NGUYỄN PHONG CHÂU * NGUYỄN DU



NGUYỄN DU, NHỮNG NGÀY THÁNG CHƯA QUÊN
 NGUYỄN PHONG CHÂU

 
Trong hai mươi tám làm nghề dạy học , thời gian tôi dạy ở Nguyễn Du ngắn nhất, vỏn vẹn có năm năm, mà còn bị bớt đi một năm tôi đi du học nước ngoài. Bù vào chỗ này, đó là thời gian sung mãn nhất cuả tôi, vì tôi về Nguyễn Du vào đúng tuổi 'tam thập nhi lập', và như một nhà thơ tiền chiến đã viết:

Lòng người trai ba mưoi,
Vui hơn tuổi lên mười,
Yêu hơn độ mười bẩy,
Già hơn sắc năm mươi.

Nên thời gian tôi ở Nguyễn Du tuy ngắn, nhưng tình cảm cuả tôi dành cho ngôi trường này, các đồng nghiệp và học sinh, không dừng lại sau khi tôi đổi về trường khác, mà cứ tăng theo thời gian, nhất là thời kỳ sau 30-4-75, và cho tới bây giờ. Vâng, cho tới bây giờ, vưà vào tuổi 'cổ lai hy', những kỷ niệm về ngôi trường xưa bỗng trở nên sống động hơn bao giờ hết.


Nhiệm sở đầu tiên cuả tôi là Trung Học Nguyễn Đình Chiểu , Mỹ Tho. Thời gian gần tám năm ở đây là thời gian bổ túc và ứng dụng vốn liếng gom góp được từ hai trường Sư Phạm và Văn Khoa Saigon. Kiến thức một sinh viên tốt nghiệp mới ngoài hai mươi còn cần phải bổ xung nhiều, nhất là kinh ngiệm giảng dạy. Thực tế có những cái không đúng như mình đã tưởng. Muốn thành công trong nghề dạy học, kiến thức chưa đủ. Nghề nào cũng có những tiểu xảo, vấn đề là có nên dùng tiểu xảo trong nghề dạy học hay không, và dùng tới mức độâ nào còn coi là chấp nhận được.Tôi nghiệm ra rằng đồng nghiệp và học trò rất tinh, vàng thau khó có thể lẫn lộn về lâu về dài được. Vả lại, hình như đa số những người chọn nghề dạy học đều rất khái. Họ chấp nhận ' không ăn khách ' và ' lạc đạo vong bần.'






Năm 1969 tôi được thuyên chuyển về trường Trần Lục , tiền thân cuả Nguyễn Du. Nhân nói chuyện thuyên chuyển, việc tôi được về Saigon là điều bất ngờ nhưng không phải ngẫu nhiên. Sau hai năm đầu ở Mỹ Tho, theo đúng nguyên tắc tôi có quyền nạp đơn xin về Saigon , và năm nào tôi cũng nạp đơn, tuy biết chẳng có hy vọng gì.







( Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho)

Năm 1969, Tết đã qua rồi và các thuyên chuyển cũng đã xong, tôi ' yên tâm công tác ' và đợi tới kỳ nạp đơn tiếp. Bất ngờ vì tôi không đợiø mà nó xẩy đến , nhưng không phải ngẫu nhiên vì nó có nguyên nhân. Sau này ba tôi cho biết nhân dịp ba tôi về Saigon ăn tết với gia đình--trong năm ông cụ ở Quảng trị một mình trông nom một tiệm thuốc tây-- tình cờ gặp lại một người bạn lo về nhân viên ở Nha Trung Học. Nhân lúc hỏi thăm nhau về gia cảnh, biết được tôi đã dạy ở Mỹ tho hơn bẩy năm mà chưa được thuyên chuyển, ông bạn nói với ba tôi ông có thể giúp vì tôi đủ điều kiện. Ba tôi không cho tôi biết, ý ông cụ đợi xem sao rồi hẵng hay.





Một hôm ông hiệu trưởng Phan Văn Huấn cho tùy phái mời tôi vào văn phòng và cho biết tôi có sự vụ lệnh đổi về Saigon. Vì thấy tôi cũng bị bất ngờ và không có phản ứng gì rõ rệt, ông hiệu trưởng liền 'chiêu hồi' tôi ở lại trường. Oâng nói, “ Bây giơ ngoài mấy vị giáo sư già ra, anh thuộc nhóm tốt nghiệp Khoá 1 Đại học Sư phạm là chim đầu đàn trong trường. Anh có nhà cưả nhà trường cho ở, thời khoá biểu xếp linh độâng cho anh đi dạy tư dễ dàng, bạn bè và quen biết rất nhiều và nhất là học trò đều mến anh. Về Saigon, có thể coi như anh làm lại từ hai bàn tay trắng.” Tôi cám ơn ông và nói để tôi về nghĩ lại.



Nhưng tôi không phải nghĩ lại lâu. Ngay ngày hôm sau tôi đã vào gặp ông để thông báo quyết định cuả tôi. Tôi nhớ đã nói với ông, “ Tôi thành thật cám ơng ông hiệu trưởng đã có hảo ý và muốn tôi ở lại. Nhưng đây là một quyết định quan trọng, một quyết định để tôi trở thành một ' người lớn'. Tôi biết về Saigon bây giờ là sẽ gặp khó khăn kiếm nhà thuê, nhất là kiếm chỗ dạy tư để phụ thêm vào số lương cứ nhỏ đi dần vì vật giá leo thang và số đinh trong nhà cũng tăng.”


Nhớ lại hồi năm 1961 khi mới ra trường, lương độc thân hơn bẩy ngàn đồng, phải năn nỉ không dạy thêm giờ phụ và xin xắp thời khoá biểu thật gọn, để mỗi tuần trưa Thứ Năm đã có thể về lại Saigon. Thời gian đó thật hạnh phúc, tiền bạc rủng rỉnh, chiều Thứ Năm đám bạn Văn Khoa đã đợi với danh sách các phim chiếu ở rạp nào. Suốt ngày lê la ở Văn Khoa, vậy mà cuối cùng cũng lấy được nốt hai chứng chỉ Cử nhân.




Ngay từ hồi còn học trung học ở Huế, tôi đã mơ vào học ở Saigon vì nghĩ rằng đó là trung tâm văn hoá và nghệ thuật. Cho nên khi về dạy ở Mỹ Tho, tôi không bao giờ quên là một ngày nào đó tôi phải trở lại Saigon. Cho nên ngày dọn nhà về Saigon, lòng tôi thật hân hoan, tuy có lúc bất chợt thấy lo âu vì không biết bao giờ đời sống mới ổn định trở lại, và nao nao khi chợt nhớ lại nét mặt Lê Trọng Thủy - ông bạn thiết hàng xóm dạy toán - khi nắm tay tôi và nói, “ Châu ơi, mày nhất định bỏ Mỹ Tho và bọn tao đó hay sao?”


( Trường Trần Lục, Saigon 2004)
Tôi đến nhận nhiệm sở ở Trần Lục vào một buổi chiều muà hạ. Sở dĩ vào buổi chiều vì Trần Lục hồi đó còn đang dạy nhờ ở trường Tiểu Học Tân Định. Buổi sáng dành cho các học sinh tiểu học . Nhà trường chỉ có một khu nhỏ là riêng cuả mình: văn phòng, phòng hiệu trưởng, phòng giáo sư … tất cả gom vào một chỗ. Trường chỉ có tới lớp Đệ Tam, lên Đệ Nhị học sinh phải chuyển qua Petrus Ký.


Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Ngọc tiếp tôi tại bàn giấy cuả ông kê ở giưã phòng. Qua cặp kiếng cận thật dầy, ông hấp háy nhìn tôi và mỉm cười nói mừng tôi về với Trần Lục. Tôi thích vẻ mộc mạc cuả ông. Ông cho tôi biết trường sẽ đổi tên là Nguyễn Du khi về cơ sở mới ở Cư xá Sĩ Quan Chí Hoà, khi đó còn đang xây. Đoạn ông giới thiệu tôi với thầy Dũng, giám học, thầy Tuyến, tổng giám thi, mấy nhân viên văn phòng và giám thị. Cuối cùng ông đưa tôi qua một bàn dài phiá trong cùng, đó là phòng giáo sư. Lúc đó chỉ có hai ba vị, tôi nhớ nếu không lầm là thầy Cảo, thầy H.L.Toàn và một vị nữ giáo sư nưã mà tôi quên mất tên.


Vì quen với một trường lớn, cơ ngơi đâu ra đó, các nhân viên già từ thời Tây rất chững chạc và trang trọng, những buổi họp hội đồng giáo sư trong amphithéatre nghiêm trang, tôi không khỏi có cảm giác lạ lùng ngày đầu tiên tôi tới Trần Lục.


Nhưng ngay sau đó, cảm giác này được thay thế bởi một cảm giác dễ chịu, thoải mái. Tôi thấy có cái gì đó thân quen, giao tiếp với các giáo sư khác và ban nhân viên thật dễ chịu, đầy không khí gia đình. Dạy ở điạ điểm Tân Định có cái thú là hôm nào về sớm, tôi thường la cà quanh khu Hai Bà Trưng và Yên Đổ, ghé tiệm này tiệm nọ, hay vào quán cà phê ở góc đường ngồi ăn uống lai rai, nhìn thiên hạ.


Trong số học sinh tôi dạy năm đầu ở Trần Lục, chỉ còn một em có liên hệ đặc biệt với tôi, và có lẽ là độc nhất trong đời 'godautre' cuả tôi. Tôi dạy H.T. Lý lúc đó học Đệ Tam. Hình ảnh về em mà tôi còn hình dung ra được là một cậu bé khá cao, trắng trẻo, ăn nói nhỏ nhẹ và học rất giỏi. Năm sau em về học Pétrus Ký. Có hai chi tiết đặc biệt về em. Sau kỳ đầu Tú Tài II ít lâu, Lý đến thăm tôi và cho tôi biết vì làm một bài thi mà em tự đánh giá chỉ đủ điểm trung bình, như vậy sẽ ảnh hưởng tới thứ hạng văn bằng cuả em, nên em đã bỏ một môn để thi lại kỳ hai. Em nói muốn xin được học bổng thì phải đậu ít nhất hạng Ưu, còn tự túc ít ra cũng phải hạng Bình.


Một hôm Lý tới nhờ tôi viết thư giới thiệu để em bổ túc hồ sơ xin học ở một trong các trường thuộc Ivy League. Tôi cũng không thắc mắc tại sao em không nhờ thầy đang dạy em viết thư giới thiệu. Về sau tôi được biết ba trường lớn đã chấp nhận cho em học, và em đã chọn học ở Yale.


Quan hệ giưã tôi và Lý không ngừng lại ở mức thầy-trò, mà giưã hai gia đình. Hồi Lý còn đang học bên Mỹ, mẹ Lý thỉnh thoảng từ Gò Vấp lặn lội tới khu Nguyễn Thiện Thuật để cho tôi hoa trái và trứng gà. Bà cụ bảo có chút quà cây nhà lá vườn để “ thầy tẩm bổ “ , nhân thể cho biết qua loa về việc học cuả em. Sau 30-4-75, liên hệ càng thân hơn khi thầy mẹ Lý dọn nhà về Cư Xá Công Lý, trước chuà Vĩnh Nghiêm. Nơi đây tôi lui tới nhiều hơn, ăn phở Công Lý vào buổi sáng, chơi mạt chược với một bạn giáo sư ở phiá mặt tiền vào buổi tối. Cụ thân sinh ra Lý coi tôi như bạn vong niên và mê mạt chược. Tôi chỉ biết chơi mạt chược sau 4-75. Chúng tôi đi chơi ở nhiều điạ điểm khác nhau, và khi tôi qua Mỹ thăm bạn bè ở Cali, cụ đã lôi tôi tới chơi ở nhà một ông nghị viên. Cụ cũng nhờ tôi kèm Anh văn cho tất cả các em trai và gái cuả Lý.


Các em khi qua Mỹ đều thành đạt, đặc biệt là cô em út khi tốt nghiệp đại học đã được bà Gorbachev trao bằng, nhân dịp bà cùng chồng thăm Hoa kỳ. Em tiếp tục qua Stanford học và đậu PH.D về tin học. Khi qua Mỹ, ghé Boston hay Westminster, tôi đều ghé ở lại ở nhà cụ thân sinh ra Lý, cũng như lúc cụ đã ngoài 80 vẫn một mình bay qua Ottawa ở chơi với gia đình tôi một tuần. Mẹ Lý rất thích kể lại hồi năm 1977 hay 78 gì đó, thời gian 'đọi' nhất, một hôm bà cụ tới nhà tôi cho cái gì đó, vợ chồng tôi đi dạy học, chỉ có cháu bé ở nhà. Lúc đo cháu mới lên tám, nguời gầy yếu, bà cụ phải bê hộ nồi cơm điện lên cái bàn cao, vậy mà cháu còn biểu diễn xào rau muống 'không người lái', không cần mỡ, cho cụ coi.


Tôi rất trân qúy mối liên hệ hiếm hoi này và luôn thầm cám ơn gia đình cụ đã luôn luôn ở bên gia đình tôi vào thời kỳ khó khăn nhất . Thời gian Trần Lục đổi tên thành Nguyễn Du khi dọn về Cư xá Sĩ quan Chí hoà là thời gian đầy ấn tượng trong đời tôi. Lúc đó trường mới xây xong, chung quanh chỉ có hàng rào, chưa xây tường, nhưng với hai tầng lầu dài, đủ dể có văn phòng, phòng hiệu trưởng, phòng giáo sư đâu vào đó. Đặc biệt là mở thêm tới lớp Đệ Nhất, nên giáo sư có thể tới dạy Đệ Nhị Cấp vào buổi sáng và Đệ Nhất Cấp vào buổi chiều. Trong thời gian này, tôi đã được một người bạn giới thiệu dạy Anh văn tại một trường tầu ở Chợ Lớn vào buổi sáng, nên tôi đã xin dạy một số lớp vào buổi chiều. Vì không có nhu cầu giáo sư Anh văn Đẹâ Nhất Cấp nên tôi được xếp dạy Sử Điạ cho Lớp Đệ Thất và Đệ Lục.


Điều lý thú là số học sinh buổi chiều tôi dạy rất ít so với số học sinh buổi sáng, nhưng không hiểu tại sao những học sinh cũ mà tôi gặp lại sau này đều là học sinh Thất, Lục. Tôi cũng không ngờ tại Ottawa đã có ba học sinh tới nhận tôi và cho biết học Sử Điạ với tôi. Tôi gặp lại Đào ngay năm 1989 khi tôi mới qua Canada. Lúc gặp lại thật bất ngờ và cảm độâng. Trên xe buýt đầy người đi làm vào buổi sáng, một thiếu phụ đi về phiá tôi và nói, “ Chào thầy. Con là Đào, thấy có nhận ra con hay không?” và không kịp nghe tôi trả lời, Đào nói luôn, “ Hồi đó con học Đệ Thất ở Nguyễn Du.” Chi tiết này giúp ký ức tôi làm việc nhanh hơn. Tôi nhớ tới cô bé mắt to ngồi bàn đầu, rất hoạt động và có vẻ như điều khiển được cả đám con trai ở ” xóm nhà lá.” Còn Hoan tôi gặp lại ở sân tennis Đại Hoc Ottawa, lúc em chưa học xong PH.D. Mạnh tôi cũng gặp ở sân tennis, mãi về sau và đã đi làm rồi. Cả hai đều đến chào tôi và nhận thầy, nếu không tôi chẳng thể nào nhớ được.


Chuyện hầu như chỉ trò nhớ thầy cũng dễ giải thích. Mỗi lớp tuần học Sử Điạ có hai giờ, mà lại là lớp nhỏ. Thầy dạy quá nhiều học trò thì làm sao nhớ được. Chỉ em nào có cái gì thật đặc biệt mới được thầy để ý và nhớ lâu hơn, chẳng hạn như thật giỏi hay thật dở, thật nghịch ngợm và lười biếng, hoặc có năng khiếu về thể thao hay văn nghệ… Các em lớp nhỏ chưa lo thi cử, nên cả thầy và trò đều thoải mái. Bài vở chẳng có gì, lại có sẵn sách, tôi khuyến khích em nào không có sách thì ráng mua để khỏi mất thì giờ chép bài trong lớp. Cho nên giờ học sau khi giảng bài xong, thì giờ còn lại là giờ kể chuyện, mọi chuyện tôi biết liên quan tới bài học. Tôi muốn mở rộng thêm kiến thức tổng quát cho các em và làm các em cảm thấy thích môn học thường bị coi là thứ yếu trong học trình. Có lẽ cũng vì thế mà các em nhớ tôi lâu hơn. Nếu đây là một điều hay, thì tôi phải nói đó là nhờ thầy Đàm Xuân Thiều.



Tôi chưa từng bao giờ là học sinh cuả thầy Thiều. Tôi học ở Quốc Học, Huế. Kỳ thi Tú tài II năm 1958, tôi vào vấn đáp môn Sử Điạ với giáo sư Thiều. Câu hỏi tôi bốc trúng liên quan tới nước Đức trong thời Đaị Chiến 2, chi tiết để trả lời đúng vào câu hỏi thì tôi không nhớ. Chả lẽ đứng ì ra, tôi nói lòng vòng quanh đó, thầy cứ gật gù để tôi nói gần nưả giờ. Sau cùng thầy hỏi đã xong chưa, tôi bẽn lẽ gật đầu.

Thầy nói , “ Anh không trả lời trúng vào câu hỏi, nhưng điều anh nói chứng tỏ anh đãù đọc nhiều. Tôi cho anh đủ điểm trung bình. “ Tôi rối rít cám ơn, và từ đó về sau mỗi gặp hay nhắc tới giáo sư Thiều, tôi đều dùng chữ Thầy một cách yêu kính. Tôi vẫn còn nhớ sau 4-75, tôi thỉnh thoảng gặp thầy cô ra ăn phở ở tiệm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự. Lần đầu tôi xin phép thầy cô ngồi cùng bàn. Khi ăn, tôi nhắc tới chuyện trên. Thầy cô nhìn tôi thật hiền và vui vẻ.


Về điạ điểm mới, Nguyễn Du dần dần đi vào nền nếp. Tôi đặc biệt nhớ tới một truyền thống bất thành văn là trong các dịp quan hôn tang tế, một số đông giáo sư và nhân viên văn phòng đã có lệ tự động quyên tiền đóng góp. Hình thức tương trợ này ngoài việc giúp đõ thiết thực, còn nói lên được cái tình cuả mọi người đối với nhau. Không khí ' làng xã ' này rất phù hợp với bản tính cuả tôi.





Một điểm khác nưã là nhiều giáo sư trẻ rất chịu khó đi học thêm ở các trường đại học với mục đích thăng trật hoăïc chuyển ngành. Rồi một kiosk nhỏ được đựng lên ở gần cổng ra vào. Ai cảm thấy có khả năng thì đứng ra 'thầu', cung cấp học liệu lặt vặt cho học sinh với giá rẻ, thực phẩm nhẹ và cà phê thuốc lá cho nhân viên. Đây là điạ điểm lý tưởng cho mấy thầy giáo ngồi nói đủ thứ chuyện trên đời vào các giờ trống. Ở đây, tình bạn cuả một số trong bọn tôi là vượt quá xa tình đồng nghiệp. Giám học Dũng và Tổng Tuyến vì quan trên trông xuống, 'học trò' trông vào, nên ăn nói còn phải ngó trước ngó sau, còn đám thầy giáo bọn tôi thì thật thoải mái. Không biết căn cứ vào đâu mà Tổng Tuyến một hôm đã đổi một bài thơ xưa rồi ghép bốn tên trong đám chúng tôi vào:

Nguyễn Du có bốn anh hùng,
Toàn gian, Long láo, Bảng khùng, Châu ngu.

Đọc xong, ông ta cười hô hố và nói, “ Đáng lẽ me-sừ Châu cũng phải đổi sang họ Đỗ.” Quả vậy, tôi họ Nguyễn, còn ba 'vị' kia là Đỗ Quý Toàn, Đỗ Kim Bảng và Đỗ ngọc Long. Hàn Long Toàn dạy Toán, còn Toàn này dạy Văn, là một nhà thơ, nhà báo khi còn ở Saigon chuyên viết 'phiếm', mộât nhà giáo dục, và hiện giờ là một nhà một nhà phân tích kinh tế và chính trị xuất sắc, thường được các đài phát thanh ở Hoa Kỳ và Pháp phỏng vấn. Tôi không đủ khả năng để thấy Toàn 'gian' ở chỗ nào cả. Hồi đó hàng tuần chúng tôi phải vào trực đêm trong trường, tổ tôi có Toàn, Bùi Văn Hiệp, Đỗ Ngọc Long và tôi. Lần đầu tán chuyện, đọc sách để đợi lúc đi ngủ. Sau chán qua, tôi nghĩ tới chuyện chơi chắn, nhưng thiếu tay nên tôi phải gọi thêm P.K.Anh dạy cùng với Long và tôi ở Regina Pacis tới cho có đủ năm chân.


Thế là chúng tôi có một tổ chắn 'còm' rất lành mạnh. Toàn đi thoát khỏi Việt nam ngay từ 4-75 và định cư ở Montreal , Canada. Khoảng hai tuần sau khi tôi được người anh bảo lãnh qua Canada vào cuối Tháng 3-1989, vợ chồng Toàn đã lái xe xuống Aylmer, Quebec, nằm bên kia sông Ottawa, thăm chúng tôi. Toàn mang cho tôi một số sách, truyện và chị Duyên - có tiệm thuốc tây ở Montreal - thì cho nhà tôi một số thuốc.


Khi đó chúng tôi còn đang ở nhờ nhà anh tôi, Toàn xin phép đưa vợ chồng tôi qua Ottawa chơi, vào ăn bánh cuốn ở quán Phở Bắc ở Phố Tầu. Khi trở về gần đến nhà, Toàn cởi chiếc Sportscoat đang mặc đưa cho tôi, cười nói, “ Oâng giữ lấy mà mặc. Tôi không đưa cho ông ở trong nhà vì thấy nhà anh ông sang quá, sợ hurt ông ấy.” Chiếc áo đó tới nay tôi vẫn thường mặc khi trời đã ấm hơn vào muà xuân và chưa quá lạnh buổi tàn thu. Vợ chồng Toàn đã qua ở hẳn Cali để hoạt động văn nghệ. Trước khi đi, Toàn lái xe xuống thăm tôi. Chúùng tôi ngồi ở vườn sau, lơ đãng nhìn lá rơi. Khi chỉ có hai người, ngồi bên nhau, nói chuyện thì ít mà yên lặng thì nhiều.



Chúng tôi thích khoảng thời gian như vậy. Hiện thời, có dịp qua lại Mỹ và Canada, nếu có thể chúng tôi vẫn gặp nhau. Lần mới đây nhất tôi gặp Toàn là ở toà soạn báo Người Việt hồi Tháng 4-2008. Toàn đưa tôi tới chụp ảnh kỷ niệm trước cưả các phòng họp mang tên những người bạn nay đã là người “ cuả muôn năm cũ” : Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu và Đỗ Ngọc Yến. Vị anh hùng thứ nhì là Đỗ Ngọc Long. Long dạy Văn và Triết. Long cao lớn. Chơi bóng chuyền, tôi chuyên nâng bóng cho Long đập. Nhưng Long ăn nói nhẹ nhàng, giọng trầm ấm, và khi đi cũng chậm chạp. Các nữ sinh đã nhận xét rất đúng, “ Thầy Long đi như trôi vào lớp.” Long hát hay, làm thơ tình cũng tuyệt. Nhưng Long chỉ cho một hai người bạn rất thân đọc, sau đó bỏû đâu tôi cũng không biết. Chơi rất thân với Long, tôi thấy tuyệt đối không có chỗ nào có thể nói là “ Long láo ” được.Dù đã về Y khoa từ năm 1973, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Long, nhất là sau 4-75 thì hầu như mỗi ngày. Long chỉ cho tôi bí quyết viết ' sơ yếu lý lịch ', vụ này cứ phải làm đều đều dài dài.


Đại khái là viết thật ngắn, chỉ viết những chi tiết chính, các con số cần thiết, và phải nhớ kỹ cái gì mình đã viết lần đầu. Tiện nhất là sao lại một bản, lần sau phải viết chỉ thay đổi cái 'râu ria', còn cái chính phải y chang như cũ. Tiếc rằng lúc tôi biết thì đã trễ, vì ngay lần đầu tiên ở phường khóm, tôi đã khai đủ thứ trên đời. Về sau bổ túc hồ sơ cho con gái tôi mới lên chín ra tập huấn môn thể dục dụng cụ ở Hanoi, Phòng Tổ Chức thuộc Sở Thể Dục Thể Thao thành phố đã bác đơn vì phần lý lịch tôi khai thiếu mất hai chi tiết so với tờ khai ở phường. Tôi đã giải thích vì thiếu chỗ nên tôi phải tóm tắt, trưởng phòng bảo được cứ về, nhưng rút cuộc con tôi vẫn cứ ở nhà. Cô cán bộ huấn luyện con tôi đã mách nước cho tôi giải thích với Phòng Tổ Chức, nay thấy vô hiệu, đã trút cái bực bội lên đầu tôi, “ Sao anh dại thế, đã Bắc kỳ di cư thì khai nhiều làm gì. Con bé rất có năng khiếu.” Khi Long chỉ cho tôi cách khai lý lịch, tôi hỏi đuà Long làm sao mà hay vậy, cán bộ nào chỉ mánh cho thế. Long chỉ mỉm cươiø. Long kể cho tôi một hôm có một cán bộ tới tìm Long tại nhà ở Đường Phan Thanh Giản và trao cho Long một lá thư. Đó là thư cuả ông Hoàng văn Hoan. Thư cho biết ông thân sinh cuả Long là đồng chí hoạt động trong bóng tối cùng với ông Hoan và ông Nguyễn Lương Bằng.



Đó là ông Đỗ Ngọc Du, bí thư thành ủy đầu tiên cuả Hà-nội. Ông Du bị tù ở Côn Đảo, chết năm 1938 vì bệnh lao, khi Long mới lên hai. Oâng Hoan dặn Long cứ yên tâm công tác, “ các bác luôn luôn chiếu cố tới con cháu đồng chí,” có chuyện gì cần thì cứ liên lạc với người đưa thư. Nhưng Long làm sao yên tâm công tác được. Cái đầu đầy triết tư sản khó tẩy lắm. Có lần Long đã đi vượt biên nhưng không thành. May sao chị Long trước học ở Tân Tây Lan, xin thầy cũ đứng ra bảo lãnh cho gia đình Long qua bên đó được. Long được đi khoảng năm 1984-85 gì đó. Thời gian trước khi đi, Long thường kêu hay đau bụng, cả Long và chúng tôi đều nghĩ là nhiều lo âu dễ làm người ta đau dạ dầy lắm. Như đã nói ở trên, Long rất to con, bạn bè gọi là Long Voi, nên ăn cũng rất khỏe.



Buổi sáng sớm những hôm chơi tennis, chúng tôi thường ăn phở gánh ở đường Kỳ Đồng. Khi tôi chưa ăn hết nưả tô thì Long đã ăn xong, và lúc nào cũng có vẻ còn thòm thèm. Những lần Long ghé nhà tôi, gặp giờ cơm hay nhà có món gì đặc biệt, Long vào ăn rất tự nhiên. Nhà tôi cứ áy náy là không có nhiều để Long ăn thoả thê. Khi ra về, Long có thói quen vỗ nhẹ vào má tôi thay lời chào. Long hơn tôi hai tuổi, và đối với tôi như anh với em. Sau 4-75, những lần về lại Nguyễn Du chơi bóng chuyền, tôi thường cùng Long kéo nhau về nhà San ở gần đó để trò chuyện thoải mái, không sợ bị ai để ý. Lúc vào nhà, việc đầu tiên là Long đi thẳng lai tủ lạnh, mở kiếm xem có gì ăn được không. Thời gian sau khi không còn 'chà đồ nhôm' được nưã thì bọn tôi đói triền miên. Nhét đầy bụng ' chè bo bo' mà vẫn cảm thấy đói. Một nưả ký thịt một tháng, chủ yếu dành cho mấy đưá con, thì lấy đâu protêin nuôi cơ thể. Tôi vốn gầy mà còn thế, huống chi Long voi . Long có lần đã nói với chị San một câu thật thấm thiá, “ Giờ tôi mới nghiệm ra một cách rõ ràng là cái giữ chịt con người xuống mặt đất chính là cái bao tử.”


Lá thư đầu Long gửi về cho tôi từ Tân Tây Lan cho biết vưà mới tới phi trường Bangkok thì Long đã bị đau bụng dữ dội, không ăn uống được gì cả. Tới TTLan, thì mới biết bị ung thư dạ dầy và đã lan sang các cơ quan chung quanh. Long bảo lần cuối chơi tennis với tôi bị thua là vì bị bệnh, nên chưa tâm phục. Tối nhớ buổi sáng hôm đó như thường lệ chúng tôi ghé ăn phở ở Kỳ Đồng. Tôi ngạc nhiên vì đã ăn xong rồi mà Long vẫn còn gần nưả tô. Long nói bụng ngâm ngẩm đau, ăn không thấy ngon. Long kể đi làm ở hãng giầy Addidas và giờ ăn “ mình chỉ ăn được tí súp, cắn bi-tết một miếng rồi bỏ. Phải chi có thể gửi về cho các cậu những phần bí tết cuả mình.” Mấy thư sau Long phải đọc cho con gái viết. Rồi Long ra đi vĩnh viễn, hình chị Long gửi về cho tôi là một Long mà tôi chỉ nhận ra được cặp môi. Chứng bệnh đã tàn phá Long nhanh quá. Đỗ Kim Bảng là đại lão trong số bốn chúng tôi.


Bảng tốt nghiệp Cao Đảng Sư Phạm ở Hànội và trước khi di cư, lúc con học đệ nhất cấp, tôi đã nghêu ngao bài Muà Thi nổi tiếng cuả Bảng. Thi ơi làthi Sinh mi làm chi Oâi đời đời Khóc cùng cười Hoà theo muà thi. Thời còn đi học, may mắn tôi chưa một lần khóc theo muà thi. Nhưng trong thời đi dạy học, tôi đã hai lần 'khóc', vì bị hành hung khi đi coi thi ở Long Xuyên và Biên Hoà. Tôi chưa từng làm biên bản một thí sinh gian lận nào, chỉ tịch thu tài liệu quay phim hoặc bài đánh tráo từ ngoài đem vào, rồi cho giấy thi khác làm tiếp. Tôi không khóc vì cả hai lần đều không trúng đòn, nhưng 'khóc' khi về Nha Trung Học báo cáo thì được dặn dò, “ Thôi, em phải cẩn thận. Lần sau 'qua' không đưa em về nơi đó coi thi nưã.” Tuy vậy, muà coi thi dù sao vẫn là thời gian thư giãn, nhất là những lần đi coi thi cùng với Long, mà lại gặp Chu Hoài Nhân ở cùng hội đồng thi. Nhân là cháu cụ Chu Mạnh Trinh, tôi thường đuà bảo Nhân là không được chút tài hoa nào cuả ông cha cả, ngoài tài đánh bạc. Long và tôi rất tin tài chơi xì phé cuả Nhân. Hè 71 khi coi thi ở Cần Thơ, tôi và Long gom tiền đưa cho Nhân, kỳ đó chúng tôi đều đi ăn cơm Tây hay nhà hàng 'đặc sản.' Như đã bào chưã cho Toàn và Long, tôi không thể không biện hộ cho Bảng.



Khi tranh luận, mặt Bảng hay đỏ lên và giọng cao hơn. Đó chỉ là cách để truyền đạt một cách thuyết phục lập luận cuả minh. Vả lại, làm nghề dạy học, thường càng lớn tuổi càng gàn, mà gàn nhiều dễ bị ngộ nhận là khùng lắm. Còn tôi, tôi đã nghĩ sao khi được tặng chữ 'ngu.' Tôi thấy đúng quá đi chứ, chả có gì phải bàn cãi cả. Đã không biết bao nhiêu lần tôi tự xỉ vả tôi, “ Châu ơi, làm sao mày có thể ngu thế!' Như vậy chỉ nói ngu thôi là còn nhẹ tay, còn thương đấy. Nhiều bạn khác còn thay chữ 'ngu' bằng chữ khác ghê hơn nhiều, tôi cũng chẳng dám cãi. Sau 4-75, còn hai người bạn nưã mà tôi chơi rất thân, thường xuyên gặp nhau cho tới ngày tôi xuất ngoại. Đó là Trương Tiếu Oanh, còn được bạn bè thương gọi là Oanh Ngồi, và Bùi Thế San, với nickname San Gà. Tôi hỏi Oanh tại sao có tên này, Oanh chỉ cười. Còn San thì nói ,” Bà xã tao tên Nga, tao ký tên hai người với nhau, thành Sanga,'bọn xấu' nó chế ra thành San Gà.”


Tôi cười , bảo,” Mày ký thế thì bắt người ta gọi khác làm sao được.” Vì dạy ở đại học rảnh, tôi thường về lại Nguyễn Du chơi với bạn bè cũ, nhất là sau năm 75, hầu như tuần nào tôi cũng về chơi bóng chuyền ít nhất một lần với Long, Oanh, Mậu, Hoàng, Nhiếp, San . . .Sau này tôi còn chơi tennis với Oanh tuần ba lần ở sân Thoại Ngọc Hầu. Trước khi chơi thì thỉnh thoảng ăn phở, còn sau khi chơi phải là cà phê, tán gẫu. Qua tennis, tôi học được ở Oanh hai cái khôn là làm sao giữ tinh thần luôn luôn thoải mái và cách suy nghĩ tích cực lạc quan. Oanh thường bảo tôi, “ Chơi cốt cho ra mồ hôi thôi mà ” và khi thua đến nơi rồi Oanh vẫn nói, “ Còn da lông mọc.” Quả vậy, có những trận đảo ngược thế cờ, lông không những mọc được, mà còn mọc xum xuê nưã. San ngay từ lúc đứng ra khai thác kiosk đã lộ cái tài 'sĩ kiêm bách nghệ' cuả mình, và sau 4-75 thì cái tài đó nở rộ. Khi tôi chưa được phép dạy tư Anh Văn thì San đã xoay sang buôn bán rồi.



Hai mặt hàng San thường cung cấp cho các quán cà phê và bạn bè là đường và sưã đặc. Hỏi kiếm ở đâu ra, San nói túng thì phải tính. Máy ly tâm ở máy giặt được dùng ở các lò đường, còn sưã đặc là trộn sưã bột với đường và ít nước. Thỉnh thoảng San ghé vào nhà tôi, quăng cho tôi bịch đường, “ để mày cải thiện”, hay hôm nào khá hơn thì lôi tôi tới Sân Cộng Hoà nhậu bia hơi . Một tài khác nưã là San đoán tử vi và nhất là bói Dịch. Tài này không đem tiền lại cho San, nhưng cà phê thuốc lá và những bưã cơm gia đình là chuyện thường xuyên. Hình như San đã bắt đầu trau giồi nghề này từ khi còn dạy ở Bình Dương, sau năm 75 là đào xâu thêm và thực nghiệm. Riêng đối với gia đình tôi thì tài bói Dịch cuả San thật lạ lùng. San nói trúng thời gian tôi được xuất cảnh, rồi bị từ chối khi phỏng vấn, trong khi một người bạn chung khác cuả hai chúng tôi dùng tử vi thì lại nói ngược hẳn lại. Em rể tôi vượt biên và bị bắt giam ở Vũng Tầu. Hăm ba tết, người bạn kia dùng tử vi, nói với mẹ tôi,” Nó mà được về trước tết thì con mất cho cụ hai lạng vàng.” San ngồi bên, thấy mẹ và em gái tôi nước mắt giòng giòng, bèn nói, “ Cụ lấy hộp tăm bốc cho con mấy cái.” Đếm xong mấy cái tăm, San suy nghĩ một lúc rồi nói, “ Hai mươi tám Tết thằng Th. sẽ có mặt ở nhà.” Chiều hăm tám Tết, em rể tôi lừng lững về nhà thật. Phải nói ngay là người bạn kia rất được nể phục về tài đoán tử vi, có thể vì vậy mà San chuyểân qua bói Dịch.



Tôi thì nghĩ rằng giữa người bói và người xem bói, nếu có cái gì đó phù hợp với nhau, hoặc có duyên với nhau, thì bói sẽ trúng. Do đó San thường bảo người muốn coi bói phải tập trung, nghĩ về điều mình muốn biết, tâm có động thì mới linh được. Có lẽ tôi hợp với San hơn là với người bạn kia. Cái 'tài' cuối cùng cuả San thì quả là độc đáo. Hồi đó phong trào đi học Tài Chi rất mạnh. San theo học một võ sư gốc Hoa và sau cũng đi huấn luyện tại các bãi tập như ở các sân chuà, nhà thờ hoặc công viên. Qua võ thuật, San tìm tòi về y thuật liên quan tới các huyệt đạo rồi chuyển qua châm cứu. Các học viên lớn tuổi bị đau nhức chỗ nọ chỗ kia, San dùng châm cứu giúp được nhiều người bớt đau hoặc khỏi hẳn. Tùy theo chứng bệnh, khi thì San dùng kim (châm) khi thì dùng sức nóng(cứu) để kích thích các huyệt đạo. Để kích thích huyệt đạo bằng sức nóng, San cắt một lát tỏi mỏng đặt lên trên huyệt, rồi dùng một nén nhang dí vào lát tỏi. Tôi chịu đụng dễ dàng , nhưng một nữ sinh viên cuả tôi bị chứng ra mồ hôi tay, nhờ San chữa, khi đi về cô bé nói nhỏ với tôi, “ Thầy ơi, thầy San 'tra tấn' em đau qua! “



Dùng kim đả huyệt thì chỉ công hiệu được một thời gian ngắn, San kích thích huyệt lâu hơn bằng cách chích B12 vào ngay huyệt, thời gian thuốc tan được tính theo giờ. Tình huống này từ hoà đến thắng, vì dù sao B12 cũng chỉ coi như thuốc bổ. Sau San còn nghĩ ra được cách kích thích huyệt nhiều ngày và nói công hiệu lắm. Tôi không biết bao nhiêu người đã được San chữa bằng cách này, nhưng chắc chắn có ít nhất một người, đó là nhà tôi. Hồi đó nhà tôi bị đau thần kinh toạ, Tây y chưã mãi không khỏi, chuyển sang Đông y. Thôi thì thuốc băùc, thuốc nam, ai chỉ đâu thử đó. Có cả điả hút máu, 100 con ong chích xưng cả người, cũng không hết. San bảo thử dùng cách mới cuả San xem sao. San dùng một kim chích lớn - loại kim dùng chọc đốt sống thắt lưng - chích vào huyệt đạo, kế đó cắt một mẩu nhỏ chỉ phẫu thuật tự tan(catgut) bỏ vào nòng kim, rồi dùng một kim nhỏ khác như piston đẩy mẩu chỉ vào tới huyệt. San nói, giống như B12, mẩu chỉ sẽ kích thích huyệt, nhưng cả tuần là ít. Dĩ nhiên San rất cẩn thận thực hiện thanh trùng trong tất cả các khâu đoạn này. Sau đợt trị liệu này, chúng tôi bận rộn lo các thủ tục và nhà cưả để xuất ngoại nên quên luôn về cái đau thần kinh toạ cuả nhà tôi.



Qua bên này rồi, cả năm sau mới nhớ đến, và tự hỏi không hiểu cái gì đã làm nhà tôi hết đau, nọc cuả 100 con ong hay khúc chỉ catgut nằm trong huyệt đạo. Điều tôi biết chắc là San có khá nhiều bệnh nhân và không có 'sự cố' nào cả. Thôi thì cứ cho là 'phúc chủ lộc thầy', câu nói mà San thường dùng mỗi khi có ai cám ơn San đã bói trúng hay chưã lành một chứng đau nào đó cho mình. Nếu còn ở lại Việt nam, không biết San sẽõ đưa cái tài này tới đỉnh cao nào, vì sau tôi một thời gian, San cũng đã được xuất cảnh đi Mỹ. Không thể nói hết được, nên tôi muốn dành sự kính trọng đặc biệt cho người cuối cùng ở Nguyễn Du mà tôi nhắc tới trong bài này. Đó là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ngọc. Như đã nói ở trên, ấn tượng đầu tiên cuả tôi về ông là vẻ mộc mạc. Oâng ăn mặc giản dị, ít nói và gần như khắc khổ. Ông nghiêm nhưng thương học trò. Nếu không bận dạy học hay lo giấy tờ ở văn phòng, ông thường đi quanh trường, để ý tới mọi thứ để hoàn chỉnh ngôi trường mới cơ bản xây xong, còn nhiều thứ khác phải hoàn tất.



Tôi về trường mới khoảng một năm đã được một fellowship cuả Colombo Plan qua học ở Đ.H. Sydney, Uùc. Về dạy lại được hơn hai năm thì xin được về dạy Anh văn chuyên môn ở Đại học Y Khoa Saigon. Lần nào cầm đơn vào đưa cho ông, tôi cũng thấy lúng túng, nhưng vẻ điềm nhiên cuả ông làm tôi cảm thấy yên lòng. Oâng chỉ đọc rồi ký đơn chứ không nói gì cả. Chỉ khi tôi vào nhận sự vụ lệnh về Y khoa, ông mới nói với tôi,” Không như một vài ông hiệu trưởng khác, tôi không bao giờ muốn cản bước tiến cuả nhân viên mình. Tôi linh động xắp giờ dạy cho các giáo sư cần đi học thêm ở các trường đại học, và không bao giờ gây khó dễ cho những ai có ý định rời trường. Và bây giờ tôi thành thực chúc mừng anh.” Có lẽ đây là lần đầu ông nói chuyện với tôi dài như thế. Tôi cũng muốn nói thêm ở đây là việc tôi được về dạy ở Y khoa không đơn giản như kể lại ở mấy giòng trên.


Tôi đã nạp đơn xin về Y khoa từ năm 1971 vì nghe có nhu cầu giảng viên Việt thay thế cho các giảng viên Mỹ, và từ khi Hoà Đàm Paris được ký thì tiến trình thay thế càng gấp rút hơn. Tôi nạp đơn lại vào năm 1972 và đơn cứ bị 'ngâm' ở Viện Đại Học. Sau được biết là có hai đơn xin về dạy sinh ngữ ở Y khoa và cả hai đương đơn tình cờ đều là người Bắc. Đó là lý do tại sao vị viện trưởng cứ bỏ quên trong hộc bàn hoài. Mãi tới khi ông đi công cán ngoại quốc -- mà người ta nói đuà rằng thời gian tổng cộng để ông lãnh công tác phí ngoài lương tháng còn dài hơn thời gian làm việc trong năm -- thì hồ sơ cuả chúng tôi mới chuyển nhờ vị quyền viện trưởng, một bác sĩ kiêm huynh trưởng Hướng Đạo, thanh toán các đơn còn ối đọng. Nhưng khi qua Bộ Giáo Dục thì lại bị kẹt lại tại văn phòng Tổng Thư ký, ông này cũng thuộc loại không ưa dân ' rau muống.' Người cùng làm đơn xin với tôi may mắn có bạn là công cán ủy viên cuả ông bộ trưởng, nên đơn cuả chúng tôi đãø được cầm tay lên cho ông kýù. Sau 30-4-75, tôi được nghe kể là giao trường xong cho ban tiếp quản, ông Ngọc đã bỏ về và không bao giờ trở lại trường nưã.



Chúng tôi bảo nhau là ông đã cáo quan về ở ẩn, hái rau vi cho qua ngày. Về sau tôi nghe nói ông đã đi tu. Cho tới một hôm tôi được San báo tin ông đã mất. Về khu Oâng Tạ đưa ma ông, gặp lại một số giáo sư cũ cuả trường, chúng tôi không ai không ngậm ngùi. Tôi càng cảm phục ông thêm khi nghe các bà bán hàng ở chợ bên đường tán tụng, “ Xưa ông ấy làm hiệu trưởng đấy. Giờ sống rất đạo hạnh. Mấy đưá con ông ấy đều nên người cả.” Từ ngày tôi về dạy Nguyễn Du, tính tới nay đã tròm trèm bốn muơi năm. Một nưả đời người, thời gian qua thật nhanh. Nhưng nghĩ lại, đã biết bao vật đổi sao dời trong khoản thời gian này. Biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, chuyện đau lòng mà người ta cố quên đi để mà sống. Quả vậy, con người sống được vì có khả năng quên và quen.Nhưng chính nhờ còn nhờ những kỷ niệm đẹp, những người đã cho minh biết thế nào là cái ngọt ngào đầm ấm cuả tình bè bạn và thầy trò, mà tôi coi là những ân huệ mà cuộc đời đã ưu ái dành cho tôi và giúp tôi an nhiên sống nhữõng ngày tháng còn lại ở xứ người.


Nguyễn Phong-Châu

Tháng 10-2008


Xin xem sinh hoạt hội ái hữu trường Nguyễn Du



Xin xem hình ảnh trường Nguyễn Du-Saigon





Saturday, February 7, 2009


TIN TỨC TỔNG HỢP * KINH TẾ VIỆT NAM



TIN TỔNG HỢP * KINH TẾ VIỆT NAM


VIỆT NAM PHẢI THAY ĐỔI CƠ CHẾĐỂ TRÁNH TỤT DỐC KINH TẾ



VN cần tái cơ cấu nền kinh tế để tránh khủng hoảngRFA-12-01-2008

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu Eurocham, nhận định rằng VN cần nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế để tránh khủng hoảng.Người đứng đầu Eurocham đã đưa ra các nhận định vừa nói tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp VN diễn ra vào sáng hôm qua tại Hà Nội.Theo các nguồn tin tại chỗ, Chủ Tịch Eurocham khuyến cáo chính phủ VN cần hành động để kiểm soát thâm hụt thương mại, thâm hụt vãng lai, tạo dựng niềm tin và tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng về điều gọi là ‘các khoản thâm hụt đã được dự báo trước’ như đã thể hiện hồi đầu năm nay.Diễn Đàn Doanh Nghiệp VN là một sự kiện gắn kết với Hội Nghị Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ cho VN gọi tắt là CG.RFA-12-01-2008



VIỆT NAM PHẢI MẤT HÀNG CHỤC NĂM NỮAMÓI THEO KỊP LÁNG GIỀNGĐỗ Hiếu, phóng viên RFA2008-12-18Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009 của World Bank phổ biến đầu tháng này nói rằng, Việt Nam có thể mất cả nửa thế kỷ mới đuổi kịp Indonesia và một thể kỷ rưỡi mới sánh bằng Singapore.Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn, từng một thời được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông", không thua kém bất kỳ đô thị lớn nào trong khu vực.Vậy đánh giá đó có mức độ chính xác đến đâu? Ban Việt Ngữ chúng tôi hỏi ý kiến, nhận định từ hai trí thức trong và ngoài nước chuyên giảng dạy, nghiên cứu về kinh tế và xã hội và xin gởi đến quý vị nội dung sau đây.
Ngân hàng Thế giới World Bank đưa ra những số liệu cụ thể để chứng minh cho phúc trình của họ. Theo đó, năm 2007, thu nhập trên đầu người ở Việt Nam thấp chỉ chừng hơn một phần ba của nguời dân tại, Indonesia.Còn nếu so với Singapore thì thấp hơn chừng 40 lần. Với đà phát triển hiện nay của các nứơc đựoc đem ra so sánh thì, World Bank ước tính Việt Nam mất 51 năm để theo kịp Indonesia, 95 năm đối với Thái Lan, và phải mất tới 158 năm mới ngang bằng với Singapore.Không đủ cơ sở khoa học?Khi được đài Á Châu Tự Do chúng tôi hỏi ý kiến về nhận định vừa nêu của Ngân hàng Thế giới, từ Sài Gòn Giáo Sư Tương Lai, nguyên là Viện Trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam nay là chuyên viên nghiên cứu về thời cuộc trong nước giải thích:“Những con số do World Bank đưa ra cần phải được tính toán lại vì không đủ cơ sở khoa học. Tôi vừa nhận được email của tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên viên Liên Hiệp Quốc, nói rằng không có gì phải băn khoăn về thông tin ấy, bởi vì những điều đó ông đã đưa ra những tính tóan mà cũng chẳngcó cơ sở. Ý kiến của Tiến sĩ Vũ Quang Việt là một gợi ý để chúng ta cân nhắc vấn đề.”Đất nước mình có truyền thống bất khuất lâu đời, đã có những lúc bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Sau hàng ngàn năm bị Bắc thuộc, Vịêt Nam lại trỗi dậy, với những cuộc khởi nghĩa, những trang sử chói lọi thời hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trải…Dựa vào bài học lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo sư Tương Lai tin rằng, đất nước và con người Việt Nam sẽ vượt qua mọi trở ngại, thử thách để tồn tại và vững tiến:“Đất nước mình có truyền thống bất khuất lâu đời, đã có những lúc bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Sau hàng ngàn năm bị Bắc thuộc, Vịêt Nam lại trỗi dậy, với những cuộc khởi nghĩa, những trang sử chói lọi thời hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trải…Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong lịch sử xóa bỏ chế độ thuộc địa, rồi đánh thắng một cường quốc chưa từng nếm mùi thất bại.”Cần tiếp tục đổi mớiXét về khía cạnh kinh tế xã hội, Giáo sư Tương Lai khẳng định Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới:“Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới hiện giờ, Việt Nam không thể tránh được khó khăn, tuy nhiên theo một chuyên gia người Pháp thì Việt Nam luôn tìm ra những giải pháp độc đáo cho vấn đề khó khăn gặp phải.Với những nỗ lực và sáng kiến của cả dân tộc, dù gặp trở ngại, Việt Nam quyết không chịu buông xuôi, mà tìm mọi cách vượt qua. Việt Nam nhất định sẽ tiến tới trong tương lai.”Trong khi đó, tiến sĩ Trương Bổn Tài, giáo sư Kinh tế Viện Đại Học San Jose, California, thì nhấn mạnh rằng nếu đẩy mạnh tiến trình đổi mới thì Việt Nam sẽ không mất nhiều năm để theo kịp Indonesia hay Singapore:Kết quả trong tương lai, tùy thuộc nhiều yếu tố khác, vì dụ cơ cấu chánh quyền có thay đổi, dân chủ hóa, qua nhiều bài học lịch sử từ Nhật Bản chẳng hạn, thì chỉ cần 30 năm thôi thì đã có sự tiến bộ thấy rõ.TS Trương Bổn Tài:“Đo lường trong quá khứ thường dựa vào chỉ số cụ thể, nói về tương lai, như cần phải bao nhiêu năm nữa mới đạt tới, thì điều đó không đúng lắm, vì không một chỉ số nào có thể đo được tương lai, hoặc sự bất ổn định của tình thế.Kết quả trong tương lai, tùy thuộc nhiều yếu tố khác, vì dụ cơ cấu chánh quyền có thay đổi, dân chủ hóa, qua nhiều bài học lịch sử từ Nhật Bản chẳng hạn, thì chỉ cần 30 năm thôi thì đã có sự tiến bộ thấy rõ.Trong quá khứ, Việt Nam đã từng được xếp hạng trên một số quốc gia láng giềng, về nhiều mặt”.Trong báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân Hàng Thế Giới, khi đề cập tới giai đoạn tới, World Bank cho biết, nếu tính bằng đô la Mỹ, thì GDP trên đầu người của Việt Nam , chắc chắn sẽ vượt qua mức 1000 đô la trong năm 2008, tức là đạt đến kết quả sớm hơn 2 năm, so với mục tiêu được đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội từ năm 2006 đến 2010.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA2008-12-18
VIỆT NAM:KHÔNG THAY ĐỔI CƠ CHẾ SẼ CÒN TỤT HẬUhttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081216_vietnam_long_catchup.shtmlWorld Bank khuyến cáo Việt Nam phải cải tổNgân hàng Thế giới tức World Bank nói người Việt Nam còn thua về thu nhập cá nhân tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.Báo cáo 'Vietnam Development Report 2009' ra 4-5/12 tại Hà Nội đánh giá các lĩnh vực kinh tế, cơ cấu vốn, mô hình phát triển của Việt Nam trong hơn 10 năm qua và nói nước này vẫn "cạnh tranh kém", dù có tăng trưởng cao.Báo cáo Phát triển Việt Nam 2009 cho biết hầu hết các tiêu chí cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam đều dưới trung bình, không vượt quá năm điểm.Nhưng dù có chịu tác động bên ngoài, tương lai Việt Nam những năm tới tùy thuộc hoàn toàn vào "các quyết định về chính sách kinh tế".Không cải thiện gìBáo cáo trích ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói ba năm qua gần như không có cải thiện trong việc thực hiện năm tiêu chí: vốn, đào tạo lao động, đất đai, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng.Ngân hàng Thế giới tin rằng Cải cách hành chính công nếu thành công sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được từ 800 triệu đến 1.3 tỉ USD.Tương lai Việt Nam những năm tới tuỳ thuộc vào các quyết định về chính sách kinh teWorld BankGiới cấp viện cũng thừa nhận rằng việc đánh giá tác dụng của viện trợ nước ngoài cho Việt Nam là "khó khăn", nhất là trong các dự án cụ thể.Điều không thuận lợi cho Việt Nam, tính từ cuối 2008, là thế giới bên ngoài đang ngày càng trở nên "khó đoán trước" (uncertain).Không chỉ Ngân hàng Thế giới mà giới chuyên gia gần đây cũng cho rằng lạm phát cao, xuất khẩu giảm và các vụ tham nhũng, thất thoát đầu tư khiến bức tranh kinh tế Việt Nam tới đây không sáng sủa.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho rằng tâm lý muốn co cụm, hoặc đảo ngược quá trình hội nhập quốc tế là "một sai lầm" và khuyến khích Việt Nam tiếp tục hội nhập.Với thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 836 đôla Việt Nam còn thua xa Indonesia (1918 USD) Thái Lan (3850 USD), và Singapore (35163 USD).Lấy chỉ số tăng thu nhập trung bình căn cứ vào giá mua hàng từ 2001-2007 so với con số tương tương ứng của ba nước này, thời gian để Việt Nam đuổi kịp các họ đó là hơn nửa thế kỷ đến một thế kỷ rưỡi.Ngân hàng Thế giới đặt câu hỏi liệu Việt Nam sẽ đi theo số phận của Liên Xô cũ hoặc thành công như Mauritius, một quốc gia nhỏ bé đã cải tổ thắng lợi.Việt Nam mất 51 năm mới theo kịp IndonesiaTăng trưởng GDP hàng năm luôn ở mức cao, thậm chí trong thời điểm kinh tế khó khăn, luôn làm nức lòng người dân. Thế nhưng, tính toán mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm, thậm chí là cả trăm năm mới có thể đuổi kịp các nước láng giềng.Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng này đưa ra những thống kê gây sốc cho những ai đang kỳ vọng lớn vào “con hổ Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam có thể mất tới 51 năm mới đuổi kịp Indonesia và thậm chí 158 năm nữa mới bằng được Singapore về thu nhập trên đầu người.Mặc dù đã mào đầu rằng công việc dự báo xu hướng tăng trưởng lâu dài là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn ngay cả với các nhà kinh tế giỏi, nhưng WB cũng đưa ra những căn cứ rõ ràng để chứng minh cho phán đoán của mình.Theo số liệu của WB, năm 2007, thu nhập trên đầu người của Việt Nam là 836 đôla, Indonesia là 1.918, Thái Lan là 3.850 và Singapore là 35.163. Trong giai đoạn 2001-2007, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người (tính theo giá cố định, tức là sau khi đã trừ đi yếu tố lạm phát) tuơng ứng là 6,5%, 4,8%, 4,8% và 4,0% một năm. Với tốc độ này, Việt Nam sẽ cần 51 năm để thu nhập bình quân của người dân theo kịp Indonesia, 95 năm để theo kịp Thái Lan, 158 năm đối với Singapore.WB còn đưa ra một cách tính toán nữa là tính bằng đồng đôla. Theo đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính bằng đôla của các nước Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Singapore tương ứng là 12,5%, 6,4%, 4,9% và 6,0%. Nếu sử dụng các con số này thì thời gian để Việt Nam theo kịp các nước trên sẽ là 15 năm với Indonesia, 22 năm bằng Thái Lan và 63 năm thì ngang với Singapore. Tuy nhiên, những con số tính bằng đồng đôla dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động ngắn hạn của tỷ giá hối đoái.Nếu tính bằng đồng đôla, GDP trên đầu người của Việt Nam hầu như chắc chắn sẽ vượt qua mốc 1.000 đôla trong năm 2008, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2006-2010. Tuy nhiên, GDP đầu người đáng mừng như trên không có gì ngạc nhiên trong thời điểm đồng đôla bị mất giá.Trong thập niên vừa qua, đặc biệt là sau khi đẩy nhanh cải cách kinh tế sau Đại hội Đảng IX năm 2001, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao.
GDP trên đầu người của Việt Nam tính theo giá cố định đã tăng trung bình 6,5% một năm. Việt Nam xếp thứ 24 trên 139 quốc gia về tăng trưởng GDP trên đầu người tính theo giá cố định (xếp hạng này không tính đến các quốc gia và vùng lãnh thổ có GDP dưới 2 tỷ đôla trong năm 2007).Dù tính theo cách nào thì thực tế vẫn cho thấy rằng Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Sự tăng trưởng nhanh chóng này là một trong những động lực chính dẫn đến giảm nghèo, một lĩnh vực mà Việt Nam đat được nhiều thành tựu có ý nghĩa.Tăng trưởng kinh tế nhanh một phần được duy trì nhờ vào tích lũy vốn lớn. Tính đến năm 2007, mỗi năm Việt Nam đã đầu tư đến 521,7 nghìn tỷ đồng, gần gấp ba lần so với năm 2001, khi các cải cách kinh tế bắt đầu tăng tốc. Chỉ một phẩn con số gia tăng này do giá cả tư liệu sản xuất cao hơn. Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ đầu tư cao nhất trên thế giới. Tính theo tích lũy vốn gộp thì trong năm 2007 chỉ có trên 12 trên 139 quốc gia là có tỷ suất cao hơn so với Việt Nam.Với những yếu tố đáng lạc quan như vậy, WB không quên cảnh báo vấn đề hiệu quả đầu tư của khối lượng nguồn lực này: Số vốn tăng thêm có được phân bổ cho đúng ngành, đúng hoạt động và đúng dự án hay không.
Thanh Bình
KINH TẾ VÙNG ĐÔNG NAM Á !Những thống kê giật mình
Cập nhật lúc 10h11" , ngày 11/12/2008 -Việt Nam đã bị bỏ lại quá xa bởi các nước khác trong khu vực, cho dù đã đạt được thành tựu tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian dài, theo tính toán của các chuyên gia quốc tế.Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của ngân hàng Thế giới nhận xét, Việt Nam tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.Các chuyên gia của ngân hàng Thế giới đưa ra bảng xếp hạng này căn cứ vào hai tiêu chí. Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2007 của Việt Nam là 836 USD so với 1.918 USD của Indonesia, 3.850 USD của Thái Lan, và 35.163 USD của Singapore. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001 – 2007 ở bốn nước theo thứ tự trên là 6,5%, 4,8%, 4,8% và 4,0% một năm.“Những tính toán này hoàn toàn là giả thuyết,… nhưng cân nhắc các tốc độ này thì thực tế Việt Nam sẽ phải rất lâu mới theo kịp được”, các chuyên gia của ngân hàng Thế giới nhận định.
Mặc dù thừa nhận, đánh giá này có thể là “mạo hiểm” và “nhạy cảm”, nhưng đây là lần đầu tiên một đối tác phát triển của Việt Nam chính thức đưa ra tính toán này.Đánh giá này không mới, nhưng rõ ràng nó cho thấy chặng đường phía trước dài thế nào để đất nước này vượt qua, cho dù đã đạt được những thành tựu về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo trong gần 15 năm qua.Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, những nỗ lực cải cách của Việt Nam nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn đang có xu hướng chậm lại.Theo đánh giá của ngân hàng Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam là 104 năm 2007, 91 năm 2008 và 92 năm 2009 trên 178 quốc gia được đánh giá.
Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng đầu nhóm các quốc gia xếp hạng thấp.Ngoài ra, theo đánh giá của diễn đàn Kinh tế thế giới, hầu hết các tiêu chí cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam đều ở dưới mức trung bình, thực không vượt quá năm điểm.Theo đánh giá của tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam được xếp 2,6/10 điểm năm 2007 và 2,7/10 điểm năm 2008. Hai chỉ số này cho thấy, tham nhũng vẫn đang ở mức rất cao.Ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nhận xét: “Rõ ràng, vị trí của Việt Nam đã không có sự thay đổi theo các đánh giá của cả ba tổ chức quốc tế trong ba năm gần đây”.Về phương diện trong nước, nhiều thủ tục hành chính và rào cản kinh doanh đang có xu hướng tăng mạnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân – nguồn hy vọng để thu hẹp khoảng cách tụt hậu kinh tế của Việt Nam với các nước.Theo kết quả khảo sát của VCCI, gần như không hề có cải thiện nào trong năm tiêu chí gây khó khăn nhất trong việc kinh doanh trong ba năm qua. Các tiêu chí đó bao gồm vốn, đào tạo lao động, đất đai, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng.Rõ ràng, phần lớn các khó khăn này nằm về phía trách nhiệm của Nhà nước.Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Việt Nam cải cách được các thủ tục hành chính công thành công, thì nền kinh tế có thể tiết kiệm được từ 13.000 – 30.000 tỉ đồng/năm (tương đương với 800 triệu đến 1,3 tỉ USD).
Giám đốc dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Jim Winkler nói: “Có hàng chục ngàn thủ tục từ 20 năm trước đang tồn tại và không phù hợp với nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đeo đuổi… thành thực mà nói, rất khó giải quyết chuyện này”.Nhưng có mâu thuẫn không giữa môi trường kinh doanh yếu kém như vậy với con số FDI cam kết ở mức kỷ lục 61 tỉ USD năm 2008?Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: “Môi trường kinh doanh yếu như thế cho thấy lượng FDI kỷ lục đổ vào Việt Nam trong 2008 chưa hẳn đã thể hiện được sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế”.Trong báo cáo của mình, các chuyên gia của ngân hàng Thế giới nhận xét, không ai có thể nói được liệu Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của Liên Xô cũ hay thành công về phát triển kinh tế như Mauritius."Mặc dù khả năng sau có vẻ hợp lý hơn, song nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào các quyết sách kinh tế sẽ được đưa ra trong những năm tới”, họ kết luận.


(Tư Giang - Sài Gòn tiếp thị)



HƯỚNG DƯƠNG * CHUYỆN XƯA





Chuyện Xưa


Truyện Ngắn Tình Cảm



Cuộc du hành của Hoàng đi Madrid, với chặng ghé qua Nice, đã được chuẩn bị xong xuôi, chỉ còn hai ngày nữa là anh sẽ bước lên chiếc phi cơ của hãng Air France. Từ Los Angeles anh sẽ bay thẳng đi Nice, thành phố thơ mộng có hạng của nước Pháp nằm trên vùng Bờ Biển Mây Xanh của Địa Trung Hải, và anh sẽ có hai ngày để được ở bên Minh Trang, người yêu xưa kia của anh, người anh đã xa cách hơn đã hai mươi năm trời. Nay thì Minh Trang là một bác sĩ sản khoa làm việc cho bệnh viện thành phố, không còn là một cô sinh viên du học bé bỏng như xưa kia, khi anh và em quen nhau và yêu nhau trên Paris.



Hơn hai mươi năm, bao nhiêu thay đổi trong cuộc đời của hai đứa, thế mà duyên số đã lại đưa hai đứa đến với nhau.Trong một hoàn cảnh thật lạ thường, một hoàn cảnh mà nói ra ít ai có thể tưởng tượng có thể xẩy ra trên đời, anh đã lại bắt được liên lạc với người con gái anh yêu khi còn trẻ, khi anh mới chưa quá tuổi hai mươi, khi anh chỉ mới là một sinh viên được cha mẹ cho đi sang Pháp du học vào những năm đầu của thập niên 60.Số là cách đây ba tháng anh đi Houston chơi và trong một quán ăn, tình cờ anh gặp Quang, một người bạn cũ ở Saigon từ lâu lắm anh không gặp lại.

Nhìn nhau ngỡ ngàng, hai đứa phải mất vài phút moi trong đầu hình ảnh những bộ mặt cũ đã chìm trong quên lãng rồi mới nhận ra được nhau:- Mày là thằng Hoàng, trước ở Nguyễn Bỉnh Khiêm!- Còn mày, thằng Quang ở Cường Để!Ngồi uống vài chai bia với nhau, kể cho nhau nghe bao nhiêu chuyện xẩy ra sau những ngày khốn nạn, phải bỏ nước ra đi, chia xẻ với nhau bao nỗi niềm chua cay của cuộc đời, sau cùng anh nghe Quang nói:- Tao nói cho mày nghe một chuyện quan trọng mà suýt nữa tao quên. Đầu óc tao bây giờ hơi lộnxộn nhưng chưa đến nỗi nào, tao chợt nhớ ra…- Chuyện gì mà quan trọng? Cuộc đời chúng mình bi giờ còn gì mà quan trọng được nữa?- Mày có nhớ thằng Bách không? Thằng Bách tổng giám đốc ngân hàng Nghĩa Tín ngày xưa?Nghe đến tên Bách, anh thấy xa xẩm mặt mày, anh thấy choáng váng, anh thấy lại những hình ảnh buồn thời xa xưa.



Anh giả vờ:- Thằng Bách nào, tao đâu có quen thằng nào tên Bách?- Thằng Bách HEC cùng bọn với mình ở Foyer des Étudiants. Làm sao mày quên nó được?Vô tình Quang đã gợi lại cái quá khứ xa xôi, cái quá khứ chứa đựng bao nỗi buồn đau đối với anh. Tự nhiên anh thấy quay cuồng trong đầu óc những hình ảnh của một thời kỳ đen tối, những hình ảnh mà anh đã chôn dấu trong thâm sâu của ký ức, những hình ảnh anh đã muốn quên đi và đã quên bao nhiêu lâu nay.- Ồ thằng đó! Nó với tao không ăng giơ với nhau…
Những ngày ở Saigon, anh đã tránh mặt Bách, anh đã không muốn nhớ ngay cả đến cái tên của nó.Anh chỉ nghe nói nó về nước làm quan, có nhiều bạc, ăn to nói lớn, có vợ đẹp con khôn, có villa xe hơi, kẻ hầu người hạ, trong khi anh chỉ là một con người tầm thường như bao nhiêu con người khác. Nhiều khi anh nghĩ anh đã có tự ti mặc cảm. Nhưng vấn đề không phải thế, không phải chỉ là mặc cảm. Nó có nguyên nhân xâu xa hơn là tiền bạc, địa vị, tiếng tăm. Nó là một vấn đề tình cảm dính líu đến nhận thức về con người của anh…- Tao biết. Nhưng sau này thì khác. Gần đây tao lại thấy nó cứ nhắc đến tên mày. Nó hỏi thăm cácanh em bạn về mày, cố tìm tông tích của mày mà không ra….Sự ngạc nhiên làm cho anh vừa tò mò vừa thích thú. Lý do gì thúc đẩy Bách đi tìm anh? Tại sao lại có một thay đổi lập trường, thay đổi thái độ? Hồi xưa nó đâu ưa gì anh, nó đâu muốn nghe đến cái tên Hoàng của anh chứ nói gì đến việc nó hỏi thăm về anh, muốn tìm anh? Mà tìm để làm gì mới được cơ chứ?- Nó tìm tao làm gì? Tao có nợ nần gì nó đâu? Sang đến bên này thì mạnh ai nấy sống, đâu còntrâu buộc ghét trâu ăn làm gì nữa?- Chúng tao cũng hỏi nó câu đó. Nó chỉ nói nó cần gặp mày trước khi nó chết, nó cần nói với màymột chuyện gì quan trọng, rất quan trọng cho cả nó lẫn mày…- Nói với tao một chuyện, rất quan trọng, trước khi chết? Lạ nhỉ? thứ nhất đó là chuyện gì? Thứhai cái gì mà quan trọng? Thứ ba, trước khi nó chết, làm như thể nó sắp chết không bằng…



- Tao chưa kịp nói với mày điều đó… nó sắp chết, phải rồi, đúng thế đấy. Nó ốm nặng từ nhiềutháng nay, chẳng còn sống được bao lâu nữa… Mày nên tôi nghiệp nó… Mày mà nhìn thấy nóthì mày cũng như tao, cũng sẽ thấy nó thật đáng thương…mà thôi…



- Mày nói thật hay nói giỡn chơi? Nó bị bệnh gì mà ghê vậy?- Ung thư tuyến tụy… Bác sĩ nói… tịch chỉ còn là thời gian… vài ba tháng thôi. Bây giờ nó chỉ cònlà một cái xác không hồn… mà cái xác thì cũng chỉ da bọc xương. Nó nằm chờ chết và cầunguyện được thấy mặt mày trước khi ra đi. Chúng tao hỏi nó chuyện gì, nhắn lại được không?Nó bảo không, nó muốn gặp chính mày, nói thẳng với mày thì mày mới tin, mày mới thấy đó là một chuyện quan trọng. Nó bảo đó là một bí mật, chỉ liên quan đến nó và mày mà thôi, không ănnhậu gì đến chúng tao…




- Làm gì có chuyện quái gở như vậy được? Thế bây giờ nó ở đâu? Vợ con ra sao?- Nó sống một mình, không vợ con gì cả, ngay ở gần đây. Nếu mày đồng ý, mai tao đưa mày tớithăm nó. Tội nghiệp nó lắm… Gặp mày xong chắc nó mới chết được yên tâm…




- Mày kể gì toàn là chuyện lạ! Năm 72 khi ở Pháp về nước, nó dẫn theo cả vợ con mà? Vợ nó làMonique Quỳnh Anh, mày biết chứ sao không? Thế vợ con nó đâu rồi? Ly dị hả?Thật là một tin xét đánh đối với anh! Ngày đó anh sống âm thầm trong sự buồn tủi của riêng anh. Anh có nghe nói đến vụ Quỳnh Anh về nước, nàng lấy Bách và có một đứa con, nhưng chẳng bao giờ anh tìm hiểu thêm làm gì.




Cuộc đời có lắm chuyện trớ trêu, riêng vụ nàng lấy Bách cũng đủ làm cho anh quá đau lòng rồi. Anh đã chỉ muốn quên đi dĩ vãng và anh đã quên. Nay bỗng nhiên tất cả lại sống lại trong tâm trí anh, làm sống lại trong anh vết thương lòng…- Tao nghe nói từ hồi đó, Monique đã thôi nó, nàng đã bỏ nó trở về Paris, ngay từ năm 74, trướckhi mình mất nước… Nó không nhắc đến chuyện này bao giờ. Tao cũng chẳng bao giờ dám hỏi.Chuyện riêng gia đình người ta, chuyện tế nhị ai hỏi làm gì?Quỳnh Anh, Quỳnh Anh, người yêu bé bỏng của anh, người em gái anh đã thương đến muốn bể trái tim, người anh ngút ngàn nhớ, khi phải để em lại Paris mà về thăm bà mẹ đang bịnh nặng. Ngày anh rời Paris, em đã khóc xưng cả đôi mắt huyền, em đã đòi đập đầu vào tường chết cho rồi. Hình như em đã biết trước số phận của hai đứa, số phận ăn mày, yêu nhau để rồi phải xa nhau, em đã có linh tính tất cả là do tiền định. Cho nên em cứ khóc hoài, khóc hết nước mắt, em van xin anh đừng bỏ em, đừng về. Nhưng anh không về sao được? Mẹ anh đang hấp hối trên giường bệnh, mẹ anh đang mong chờ từng giây từng phút anh về. Anh yêu em nhưng anh cũng yêu cả mẹ già. Mà đối với mẹ già thì anh còn bổn phận làm con, anh không thể bất hiếu. Không có mẹ sao có anh, sao có anh để em yêu, để em bi giờ khóc lóc nài nỉ? Vả lại anh tính anh về rồi lại trở sang, anh sẽ lại ở bên em, và anh sẽ ở bên em mãi mãi và mãi mãi.Anh đã hứa với em như thế, anh đã tính toán trong đầu như thế, nhưng ở đời đâu biết được nhữngchuyện bất trắc xẩy ra? Chẳng vì thế mà bao nhiêu đứa bạn anh cũng đã khuyên anh đừng vể.



Chiến tranh đang tung hoành khắp bốn vùng chiến thuật, Việt Cộng đang mang hàng mấy trăm ngàn binh lính từ Miền Bắc vào thôn tính Miền Nam, anh về sẽ kẹt, anh sẽ không còn cơ may sống yên bình như trước trên mảnh đất an toàn là đất Pháp. Về là sẽ bị bắt đi lính, anh sẽ đi đánh trận, anh sẽ đi vào chỗ chết.Nhưng anh cóc cần, anh cứ về, có chết thì cũng chảng sao. Vì Mẹ anh đanh chờ anh trên giường bệnh. Và như thế anh đã quyết định, anh đã về, để rồi anh không còn qua được Paris trở lại, anh đảnh chịu số phận, anh đảnh mất em, mất Quỳnh Anh mà anh nhớ thương vô cùng. Anh đã lỗi hẹn với em, anh đã viết thư cho em để xin lỗi, để giải thích cho em hiểu rằng anh vẫn còn thương em mặc dù anh đã làm cho em buồn, em khổ, em trách.- Sao mày tính sao? Có đến thăm thằng Bằng ngày mai hay không, để tao còn thu xếp giờ giấccho thuận tiện với nó?Anh cảm thấy sự tò mò của anh đã lên đến tột độ, anh muốn biết tại sao Bách lại cứ khư khư muốn gặp anh. Anh muốn biết cái nguyên nhân nào đã đưa Bách đến cái chỗ thôi không còn hận thù anh, hay ít ra không còn coi thường anh như xưa.







Phải chăng vì nay hắn đã ở cái thế kẹt nào đó, hắn cần nhờ vả anh chuyện gì? Hay hắn sắp chết nên muốn ra đi trong sự bình an của cái tâm, cho thần hồn của hắn sớm đuợc siêu thoát ?




- Mày nghĩ tao có nên đến nhìn lại cái mặt vênh váo của nó hay không?



- Mày lại nói bậy rồi! Đến giờ này mặt nó sao còn vênh váo được nữa? Trái lại, nó chỉ còn đángthương, mày khó có thể tưởng tượng được nổi. Thôi hãy ban phúc đức cho nó đi! Nó cần gặpmày thì mày đến, chứ mày có cần gặp nó đâu? Vả lại, cũng do tao cầu cạnh…



- OK. Tao đành nghe lời mày. Vậy mai mấy giờ? Hẹn gặp nhau ở đâu?Thấy Bách xanh xao tiều tụy, anh đã mủi lòng. Anh hỏi thăm tình trạng sức khỏe của Bách và được biết cách đấy hai năm hắn cứ thấy đau thắt phiá trên giữa bụng, đau nhói tới sau lưng, ăn không còn thấy ngon, ngày càng gầy đi, nên đi thăm bác sĩ. Mới đầu được cho uống thuốc chống đau, sau đó cho đi thử máu, cho đi làm trắc nghiệm Ultrasound, rồi CAT Scan, mới tìm ra bệnh thì đã muộn rồi. Cắt tụy tạng đi nhưng ung thư đã chạy sang nơi khác, sức khỏe cứ thế hao mòn nhanh chóng, ăn uống không được nên càng gầy gò, sức lực càng yếu dần…




Bách hỏi thăm chuyện của anh, chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, chuyện gia đình vợ con, chuyện công ăn việc làm. Để làm vừa lòng người bạn bất đắc dĩ, anh kể hết cuộc sống của anh từ xưa đến giờ, anh nói anh vẫn không vợ con và chưa từng lấy vợ bao giờ. Anh kể chuyện anh đã nhẩy xuống chiếc tàu sắt đi buôn vào ngày mùng 1 tháng 5 và thoát được ngon lành. Sang Mỹ anh đi học lại vì những ngày xa xưa, cái thời thơ mộng của tuổi trẻ, anh mải ăn chơi không nghĩ tới tương lai, việc học hành anh bỏ dở dang, không đi đến đâu. Sau khi mẹ anh mất, anh nạp đơn xin trở lại Paris học tiếp nhưng bị bộ Giáo Dục bác đơn vì học bạ bê bối, vài tháng sau anh bị động viên, cho đi Thủ Đức học. Gần ba năm quân ngũ, anh đã ở trong đơn vị Nhẩy Dù, lăn lộn khắp những chiến trường dầu xôi lửa bỏng nhất, chạm trán với cái chết như trò đùa. Sau ba năm đi học ở đất Cờ Hoa, anh tốt nghiệp với cái bằng MBA và vào làm cho cái Công ty P&G, nơi anh hiện vẫn đang làm, sau mười lăm năm dài đằng đẵng.





Sau cùng, Bằng xin phép Quang cho hắn được nói chuyện riêng với anh và sau khi Quang rời khỏi căn phòng, hắn đằng hắng hai ba tiếng, ngần ngừ một lúc, như thể muốn tìm lời nói sao cho khéo trước khi bắt đầu:- Anh Hoàng à, tôi biết anh đang trông chờ cái giây phút này, tôi biết anh đang nóng lòng muốnnghe tôi nói với anh một câu chuyện liên quan đến cả tôi lẫn chính anh nữa….Đôi mắt lờ đờ của hắn sáng lên, chăm chú theo dõi phản ứng của anh qua sự thay đổi của nét mặt, của ánh mắt, của sắc da. Thấy anh không nói gì, hắn tiếp:- Chuyện này dính dấp đến cả người vợ xưa kia của tôi, đồng thời cũng là người tình của anh mộtthời gian …khi chúng mình còn phè phỡn ở Paris, thành phố của Ánh Sáng…..- Anh muốn nói đến Quỳnh Anh?Anh thấy mặt Bách nhăn nhíu lại như bị một cơn đau hoành hành. Để bày tỏ một cử chỉ thông cảm, anh hỏi:- Xin lỗi anh, anh đang bị cơn đau. Hay là để khi khác chúng mình nói chuyện này, khi nào anhthấy …. khoẻ hơn…- Chẳng còn lúc nào khoẻ hơn đâu. Vả lại, câu chuyện này tôi cần nói nó ra cho xong, giữ mãitrong lòng chẳng ích gì, chỉ kéo dài thêm phiền muộn. Tôi đã phải sống với sự ám ảnh mấy chụcnăm rồi, kể từ ngày … Quỳnh Anh bỏ tôi trở về Paris… Tôi cần được giải thoát… Tôi đã trôngchờ từ quá lâu cái ngày được nói với anh vể vụ… này. Xin anh hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi, nhấtlà vào những năm gần đây, khi tôi biết tôi không còn sống được bao lâu nữa.

Ngừng một lát để thở, và để quan sát thái độ của anh, Bách với cốc nược lạnh, uống một ngụm, sửa lại thế ngồi xong mới nói tiếp:- Anh có biết rằng tôi sợ chết đi mà không được gặp anh để nói câu chuyện này như thế nàokhông?

- Tôi có thể đoán rằng câu chuyện này, đối với anh rất quan trọng… Quang có nói với tôi… Chínhvì thế mà mình gặp nhau hôm nay…





- Câu chuyện này có thể quan trọng đối với anh hơn cả đối với tôi nữa. Vì thế nếu tôi không choanh hay trước khi tôi chết, tôi sẽ áy náy vô cùng, chắc tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt.Có lẽ thấy vẻ mặt khinh khỉnh của anh, cái vẻ mặt lộ ra một thoáng nghi ngờ, vẻ mặt vốn dĩ của anh, chăng ăn nhậu gì tới câu chuyện hắn ta đang muốn kể ra, nên hắn vội vàng nói thêm:





- Tôi không nói đùa đâu thưa anh. Anh cứ tin tôi đi.



- Tôi tin anh mà, anh Bách. Tôi xin lỗi nếu đã tỏ vẻ gì làm cho anh hiểu lầm. Xin anh cứ nói điều gìanh cần nói. Tôi đã sẵn sàng nghe rồi đây…Rồi sau câu nói đó của anh, hắn nói một hơi dài đến cả năm bẩy phút. Hắn trút ra hết tất cả những gì u uẩn hắn vẫn chất chứa trong ruột gan hắn. Hắn kể rằng, như anh đã biết, vào cái thời kỳ đó, khi còn ở Paris, hắn đã xi mê Monique Quỳnh Anh, hắn đã đeo đuổi nàng suốt bao nhiêu năm trường mà không được, chỉ vì nàng đã có người yêu là… anh. Hắn đã ghen tuông với anh, hắn đã thù ghét anh, và nhiều lúc quẫn trí hắn đã tính đi mua một khẩu Mauser đem đến dí vào đầu anh, vào cái chổ thái dương của anh, cái chỗ sọ anh không có xương che, mà bóp cò… cho viên đạn đồng xoáy vào óc anh, cho anh ngủm cù tì cho xong chuyện. Nhưng rồi hắn sợ phải đi tù, sợ phải đi tù một cách lãng xẹt, vì giết được anh rồi nàng cũng đâu sẽ yêu hắn? Cho nên hắn đã bỏ đi cái ý định thịt anh đi cho đả cơn giận, thịt anh cho lòng được phơi phới trở lại. Hắn nghĩ trên cõi đời không gì thích thú hơn là …. giết được tình địch của mình.Thế rồi xẩy ra cái vụ anh đột ngột trở về Việt Nam và không trở qua Paris được nữa.






Trong thời gian mấy tháng trời Quỳnh Anh tuy sống mà như chết, vật vã với nỗi đau đớn trong lòng, với sự nhớ nhung, với sự cô đơn, nàng bỏ ăn bỏ ngủ, bỏ cả học hành. Những đứa bạn của nàng phải ra công khuyên răn năn nỉ, săn sóc cho nàng, nên từ từ sức khoẻ nàng mới hồi phục, cuộc sống mới trở lại bình thường.Tuy nhiên mối tình nàng trao về anh không bao giờ nguôi ngoai, ngay cả cho đến sau này khi nàng đã đi lấy chồng, hình bóng anh vẫn như một bóng ma ám ảnh tâm trí nàng, làm cho nàng sống với quá vãng, sống với trí tưởng tượng, với cái chập chờn của huyền hoặc, của giả tưởng. Nàng cứ nghĩ rằng anh vẫn còn thương nàng, anh vẫn còn là hoàng tử của lòng nàng, và Quỳnh Anh vẫn cứ chờ, chờ một ngày nào đó anh về đón em đi, đưa em trở lại bến bờ của yêu đương, của hạnh phúc.- Còn chuyện anh cưới Quỳnh Anh làm vợ? Cái gì thúc đẩy anh làm vậy?Dường như Bách chỉ chờ đợi anh nêu câu hỏi đó để có đủ can đảm nói ra bí mật mà hắn đã dấu kín từ ban đầu. Hắn, như tức nước vỡ bờ, như đang bị dồn nén, liền trả lời:- Tâm lý con người thật là khó hiểu. Khi đó, tôi đã cảm thấy sung sướng như thể tôi đã hạ thủđược một tình địch, như thể chính tôi đã làm cho nàng phải quay về với mình. Kỳ thực khôngphải thế! Trong sự cùng quẩn, nàng đã đến với tôi, nàng đã nhận đôi tay giang rộng của tôi, nàngđã ngả vào lòng tôi, mặc dù vẫn còn khổ sở vì mối tình dang dở. Sự thật tôi nào có hay? Tôi đãtưởng rằng Quỳnh Anh và anh thôi nhau vì một sự bất đồng nào đó, và nàng đang khổ sở vì sựtan vỡ, nên chính tôi là kẻ mã thượng ra tay cứu giúp. Sau này tôi mới ý thức được sự ngây thơcủa tôi. Tôi đã rơi vào cái bẫy tình cảm mà nàng giăng ra như thể là con ruồi xa vào cái mạng nhện.





- Anh và Quỳnh Anh hợp duyên thì lấy nhau, có gì để mà anh phải cay đắng?- Chuyện không đơn giản như anh tưởng. Chỉ trong vòng một tháng sau khi nàng đến với tôi thìnàng thủ thỉ rằng nàng có bầu, làm tôi phát hoảng! Tôi đang học năm thứ ba đại học, chưa ratrường, chưa làm ra tiền để có thể sống tự lập. Bấy giờ phải làm sao? Cưới nàng làm vợ rồi bỏhọc đi làm, nuôi vợ nuôi con hay sao? Không cưới nàng để rồi mang tiếng là sở khanh, chơichán rồi quất ngựa truy phong ư? Rồi còn mặt mũi nào nữa? Còn thanh danh gia đình tôi? Thậtlà một chuyện làm cho tôi điên đầu.- Cuối cùng anh làm sao?- Thì đành cầu cứu bố mẹ tôi. Gia đình tôi bèn đến điều đình với bên nhà Quỳnh Anh, tạm thời gửinàng về ở nhà cô chú tôi ở Toulouse cho đến khi tôi ra trường mới làm đám cưới. Vửa làm xongđám cưới thì chúng tôi về nước, gia đình nàng đã chuẫn bị sẵn cho tôi một chỗ làm tốt ởSaigon… Nhà cửa xe hơi thì cũng có sẵn trong gia đình…- Như vậy thì hạnh phúc quá rồi, anh còn kêu ca nỗi gì?....




- Bên ngoài trông thì đẹp đấy, nhưng bên trong thì không phải vậy. Quỳnh Anh sống với tôi khôngcó hạnh phúc. Nàng chẳng bao giờ thương yêu tôi cả. Chỉ vì hoàn cảnh mà nàng đã phải chọntôi. Chỉ một thời gian ngắn sau khi chúng tôi chính thức thành vợ chồng, nàng không còn chịuđựng được sự giả dối, bất kể đến sự đau khổ của tôi, nàng đã nói ra sự thật….Nghe đến đây tim anh đập dồn dập, anh thấy hồi hộp như thể đang xem đến chỗ gay cấn nhất trong một truyện phim trinh thám, anh thấy hơi nghèn nghẹn nơi cổ. Anh bật nói:- Sự thật? Sự thật gì? Sự thật thế nào?Bách nhìn anh với một ánh mắt phản ảnh sự tội nghiệp pha trộn với lòng khoan dung:- Sự thật là đứa con trong bụng nàng khi trước không phải là con tôi mà là con …người khác…Đến đây thì anh thấy tim anh như muốn phá tan lồng ngực, anh cảm thấy như thể có một sự bộc phá trong lòng, một cái gì làm cho lồng ngực anh tắc nghẽn, anh không còn thở được. Anh như muốn hét lên một câu gì đó, nhưng nhìn ánh mắt diễu cợt của Bách, anh đành nhịn, anh đành lắp bắp:- Con người khác? Ý anh muốn nói là con tôi? Sao anh không nói thẳng ra? Con tôi chứ còn con ai được nữa? Nàng có nêu tên tôi ra hay không?Vẫn với anh mắt kẻ cả, với thái độ khinh khỉnh của kẻ ban ơn cho anh, Bách từ tốn trả lời:




- Tất nhiên là có! Anh thừa biết Monique Quỳnh Anh! Nàng đâu có sợ sự thật? Nàng đâu cần giấuđiều gì? Chẳng qua chỉ là vì hoàn cảnh, vì thời thế, vì sự thiếu thuận tiện mà nàng chưa nóira…Nói xong sự thật rồi thì đối với nàng là hết, hết chuyện, hết hết. Bọn Tây nó nói “un pointfinal” “un point, c’est tout” là thế đó!Chiều hôm đó, khi ra về, Quang hỏi anh về câu chuyện bí mật mà Bách đã kể cho anh nghe. Anh bịa ra một vụ xích mích khi xưa, lúc cả bọn còn là sinh viên sống thành một nhóm bè bạn bên Pháp, dễ gây chuyện với nhau.






Anh không dám nói sự thật, phần vì nó liên quan đến danh dự của Monique, của anh và cả của Bách nữa, một phần khác là vì tất cả nay chỉ còn là quá khứ. Hơn nữa đó là một chuyện không tốt đẹp gì, không may xẩy ra, không liên quan gì đến ai khác, để người ngoài biết cũng chẳng ích lợi gì. Nhưng riêng đối với anh thì nó là một sự thật kinh hoàng, nó làm anh nao núng, nó sẽ làm cho anh khổ tâm suy nghĩ. Anh biết thế. Số anh đã đến lúc có chuyện, cuộc đời phẳng lặng của anh đã tới hồi gay cấn, bởi vì… bởi vì… anh có một đứa con mà chưa bao giờ anh thấy mặt, chưa bao giờ anh được ôm hôn, chưa bao giờ được nghe nó kêu “Ba ơi!”. Anh buột miệng hỏi Quang:- Con thằng Bách, đứa con của nó với Monique, là con trai hay con gái?- Ủa, mày không biết sao? Con gái! Con bé xinh lắm! Coi vậy mà bây giờ chắc cũng đã 23, 24 tuổigì đó rồi chứ không ít!








- Monique và con bé bây giờ ở đâu, mày có biết không?




- Làm sao tao biết được? Thằng Bách còn không biết nữa là!- Chúng nó không liên lạc với nhau à?


- Tao không biết rõ, nhưng chắc là không rồi! Không nghe thằng Bách nói gì hết, tức là không chứgì?Trên chuyến bay trở về L.A. kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ, đầu óc anh tràn ngập những ý tưởng vui buồn lẫn lộn. Vui vì anh bỗng dưng được Trời Phật ban cho anh một đứa con gái, anh chẳng phải nuôi ngày nào mà nay đã lớn khôn, xinh đẹp thông minh - anh tin là như vậy vì mẹ nó đẹp và bố nó thông minh thì làm sao nó không giống cả mẹ lẫn bố?


- Vui là vì anh được biết Quỳnh Anh vẫn thương anh, vẫn quí mến anh mặc dù anh đã có lỗi, đã vô tình để nàng lại ở Paris khi xưa, cùng đứa con mà khi đó anh không hay biết. Nếu Bách không có lòng từ bi, không bỏ qua những tị hiềm của quá khứ mà nói cho anh biết thì anh đâu có hay, và anh đâu còn nghĩ tới Quỳnh Anh, người yêu của anh khi xưa? Bỗng nhiên anh cảm thấy một phần tội lỗi, anh cảm thấy anh đã vô tâm. May thay, anh đã gặp lại Bách và được cho biết chuyện bí mật mà hắn đã bao năm giữ kín trong lòng. Phép nhiệm mầu nào, sự kỳ bí nào đã thúc đẩy hắn đi tìm anh để cho anh biết một sự thật đã làm cho hắn thật đau lòng như thế? Anh bỗng cảm thấy một nỗi hạnh phúc tuyệt vời làm cho anh muốn gào to, “Cám ơn Trời Phật, Cám ơn Trời Phật đã cho con diễm phúc này!” Trong đầu anh hiện lên trăm ngàn chữ “Cám Ơn” viết bằng muôn mầu, muôn kiểu chữ, những giòng chữ đó như bay bổng, lượn tới lượn lui, tựa những bóng mây lơ lửng trên một bầu trời xanh ngắt của một ngày tươi sáng…



Nhưng rồi qua đi nhanh chóng nỗi vui mửng chợt đến, anh lại đăm chiêu suy tư, anh lại thấy có vấn đề, có chuyện làm anh phải nghĩ ngợi. Bởi vì làm sao biết con anh nay ở đâu? Làm sao biết mẹ nó, Quỳnh Anh thương yêu, nay ở đâu? Tìm đâu ôi tìm đâu ra những kẻ anh thương yêu đó bi giờ? Anh bỗng liên tưởng đến giọng ngọt ngào của người ca sĩ trong bài ca đi tìm… tuổi thơ đã mất…Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?Tìm đâu những ngày xinh như mộng?Tìm đâu những ngày thơ?Tìm đâu những chiều mơ?Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?Nhưng trường hợp của anh khác, anh không tìm một cái gì đã mất, anh tìm một hiện thực thương yêu, một đứa con đang sống, đang hiện diện đâu đây trên cõi đời này.



Làm sao bây giờ, anh tự hỏi. Làm sao bây giờ, làm sao? Làm sao…. làm sao? Những chấm hỏi quay cuồng, ngớ ngẩn, trong tâm trí anh.Trong một lúc cùng quẩn, yếu đuối, anh chỉ còn là một mớ tình cảm, hết cả lý trí, hết đầu óc để suy nghĩ.- Ngài uống gì thưa ngài?Người tiếp viên hàng không chân dài tóc đen, với toàn nét quyến rũ của một người con gái Á Châu, hỏi anh. Với ánh mắt lấp lánh thắc mắc, nàng như muốn thầm hỏi, “Anh đang nghĩ gì mà trông mê mẫn như đang nhớ người yêu vậy?” Anh mỉm cười với em và trả lời:- a whisky on the rock, please! (Cô cho tôi một ly whisky với nước đá)Anh thấy mình đang cần một ngụm rượu mạnh vào giữa cái buổi trưa của một ngày đẹp trời để mừng cho chính anh, mừng cho một sự biến đổi mới xẩy đến cho cuộc đời anh. Gần hai mươi năm qua anh đã sống một cuộc sống mà tự nhiên bây giờ anh thấy nó vô nghĩa. Anh đã chạy theo đồng tiền, anh đã xây dựng một cuộc sống vật chất vững chắc cho chính anh, anh đã mua nhà lớn, sắm xe đẹp, đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Anh đã có những người bạn mới trong số đồng nghiệp ngoại quốc của anh và đã có một chỗ đứng đáng kính trọng trong xã hội. Anh đã lên làm tới giám đốc một chi nhánh lớn của đại công ty mẹ và dưới quyền anh nay cũng cả năm bẩy chục nhân viên làm việc.
Tất cả những kết quả vừa nói, trước đây anh coi là ghê gớm thì bi giờ anh lại cho là tầm thường, vì nó chẳng giúp gì anh tìm ra được những người thân thương anh đang muốn tìm. Từ ngày sang đến nước Mỹ, anh đã giới hạn việc giao tiếp với những người đồng hương và ngay cả những bạn bè cũ, anh cũng đã không còn liên lạc. Có thể một phần vì anh quá bận bịu với cuộc sống mới, phần khác vì anh chẳng muốn dính líu đến cái thời kỳ khốn nạn xưa kia. Anh vốn đã không có bao nhiêu bạn mà những đứa thân thiết thì lại sống bên Pháp hay tại những nước Tây Âu. Nay anh mới thấy anh kẹt, anh không thấy có ai có thể giúp đỡ anh, anh không biết phải làm sao bi giờ.Tuy nhiên anh đã không nản chí, anh đã không đầu hàng tình thế khó khăn, mặc dù anh biết công việc tìm kiếm Monique và đứa con anh không phải là dễ, không phải là đơn giản.

Anh đã tự nhủ phải nhẫn nại, phải kiên tâm kiên trì giống như bọn Cộng Sản khi chúng hô hào “kẻ thù nào cũng chiến thắng, khó khăn nào cũng vượt qua.” Những ngày tháng sau đó, anh đã dồn thời gian rảnh rỗi để tìm những mối giây liên lạc với những thân hữu xưa kia. Nhờ Quang, anh đã có được tin tức của một số những người thân ở Paris và may cho anh, từ đó anh bắt lại được liên lạc với Minh Trang ở Nice. Minh Trang, người yêu đầu đời của anh, người con gái đầu tiên anh quen khi tuổi mới mười tám, khi anh mới từ phi cơ bước xuống phi trường Orly chưa được bao lâu, nói theo người Mỹ khi anh còn FOB, fresh off the boat, chưa biết những lối ăn chơi của dân mít ở Paris. Anh đã gặp em trong một party, vào lúc anh còn đang nhớ nhà, anh còn nhớ Saigon, nhớ những tà áo dài trắng, nhớ những mái tóc thề, anh chưa thích nhẩy Bebop, chưa khoái các em bận váy đầm xòe… Minh Trang đã đến với anh trong những giây phút anh thấy cô đơn nhất, anh thấy cần một bóng hình bên cạnh để cho anh bớt cảm thấy lạnh trong cái mùa đông lạnh nhất trong cuộc đời. Và em đã để cho anh ôm em, hôn em, em đã cho anh cái cảm giác đê mê như chưa đê mê bao giờ… Từ đó, từ ngày có Minh Trang, anh quên đi Saigon, quên đinhững nét áo dài tha thướt, để bắt đầu thích Paris, thích Bebop, thích những váy đầm xòe tiện lợi.Và như thế ba ngày sau, em đã tươi cười ra phi trường Nice đón anh. Nhìn thấy anh từ trong nhà quan thuế bước ra, tay cầm chiếc va li nhỏ, trong bộ đồ vét sport mầu sữa, em nhẩy lên vì sung sướng, miệng cười toe toét nói:- Sao anh bắt em chờ lâu thế?



- Xin lỗi em, máy bay tới trễ năm phút và anh bị kẹt mười phút ở quan thuế. Đâu phải tại anh?- Ý em muốn nói gần hai mươi năm, cộng thêm những tháng anh theo Monique…ngày xưa đó…- Trời đất! Vậy mà anh tưởng em nói chờ máy bay… Thôi cho anh xin lổi… Bây giờ cho anh đềnem nghe…- Đền cái gì anh? Đến giờ anh vẫn còn theo Monique mà nói đền em! Lại còn nhờ đến em gái đểđi tìm người yêu…



- Anh đi tìm người yêu nhưng không phải là Monique! Anh đi tìm em đấy chứ!


- Thôi đi anh, đừng có xạo nữa! Nhưng không sao, em chờ anh đã bao lâu, nay chờ thêm cũngđược. Có điều những lúc ở bên em thì không được nghĩ tới cô ta đó nghe! Promis? (Anh chiụ hứa không?)


- Promis! (hứa)Và như để làm cho em vừa lòng, anh đã ôm em chặt trong cánh tay cứng chắc của anh, anh đã cúi đầu hôn em một hơi thật dài, anh đã thấy em run rẩy vì cảm động hay vì sung sướng, anh không rõ… Em nắm tay anh, dắt anh tìm ra khỏi nhà ga, dẩn anh tới chiếc xe Porsche sơn màu đỏ chót của em để anh phải trố mắt lên trầm trồ:





- Chiếc xe thật hết sẩy! Đẹp hết chỗ chê!- Còn em bộ không đẹp sao?Anh cầm tay em, đẩy khẽ em ra xa, đưa mắt ngắm em trong chiếc váy mùa xuân màu
hồng có hoa tím nho nhỏ, chiếc váy rộng xòe ra trên cặp giò dài, dưới chân là đôi giầy cao gót đen bóng lẫy. Chưa bao giờ anh thấy em đẹp như vậy, với đôi má hồng, mái tóc cắt ngắn bó sát đầu, đôi mắt to đen láy. Ai bảoem đã gần năm mươi? Thân hình như thế thì cũng như mới bam mí bốn mươi.


- Em gái anh thì thôi khỏi nói! Em lộng lẫy như một bà tiên!Được anh khen, em cười khanh khách:- Anh nịnh đầm là số một, làm sao Monique không mê?


- Ơ tưởng mình quên cô ấy rồi cơ mà? Từ giờ chỉ còn Minh Trang của anh thôi đấy nhé!


- Dạ! Em quên! Xin lỗi anh yêu.Em lái xe đưa anh đi một vòng dọc theo con đường mang tên Promenade des Anglais, chạy từ phitrường cho đến trung tâm thành phố. Em hỏi anh có đói, em đưa anh đi ăn phở ở tiệm gần nhà ga, anh nói anh không đói mà cũng chẳng muốn ăn phở bên Tây. Em hỏi anh tại sao không thích ăn phở bên Tây, anh biết anh nói hớ, anh sợ đụng chạm, anh bèn né nói rằng sang Tây anh chỉ thèm ăn bouillabaisse, em bèn trả lời để bữa nào rảnh, em đưa anh đi Marseille ăn bouillabaisse ở tiệm Chez Michel. Em đưa anh về nhà, nhà em ở khu sang, trên một ngọn đồi nhìn xuống biển xanh mênh mông của Vịnh Thiên Thần, nhà có vườn rộng lớn, có đường cho xe hơi vào đến tận cửa, anh thấy nhột, anh tưởng căn nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm của anh ở Loma Linda là ngon, không dè…- Em ở có một mình sao mà nhà lớn quá vậy? Cho anh ở một phòng được không?- Anh thừa biết lòng em rồi, anh còn hỏi đùa làm gì cho em tủi thân?Bất chợt anh ý thức anh đã vô tình làm cho em buồn. Anh thấy nghẹn nghẹn nơi cổ, không biết nói sao để chữa cháy. Anh tự thầm nhủ anh đúng là thằng ngu, không biết thế nào là tế nhị. Anh cố lấy hết can đảm nói bằng một câu tiếng Anh, bởi vì anh tìm không được một câu bằng tiếng mẹ đẻ để nói mà không ngượng mồm:- Sorry, I didn’t mean it! It was my stupid inctinctive response to your beautiful residence! (Cho anh xin lỗi, ý anh không muốn nói thế. Đó chỉ là câu anh dại dột nói ra mà không suy nghĩ khi thấycăn nhà em quá đẹp!)Và em đã rộng lượng với anh:



- It’s Okay. I know you didn’t mean it. I was just too sensitive myself. Có lẽ bởi vì em đã chờ quálâu… (Không sao! Em biết anh không có ý đó. Chính em cũng đã phản ứng do quá nhậy cảm)Rồi em gượng cười nói lảng sang chuyện khác:- Em có mua chai champagne để célébrer (ăn mừng) ngày hai đứa mình hội ngộ. Mình uống bâygiờ nhe anh?


- Thế thì nhất rồi còn gì hơn hả em? Để anh mở cho!Em đi mở tủ lạnh lấy chai rượu và hai cái ly. Anh vòng tay ôm em vào lòng đồng thời vặn sợi dây kẽm, mở chai rượu. Tiếng nút chai nổ lớn làm em cười lên tiếng, anh rót rượu rồi hai đứa uống chung một ly.Em cầm ly rượu, anh ôm eo em, kéo em sát vào anh, miệng hôn nhẹ lên gáy em, em rùng mình nói,“đừng anh! đừng anh!” nhưng anh biết em đang thích thú, em đang sung sướng, đang hưởng những giây phút thần tiên… Anh ngả em xuống chiếc ghế dài nệm da êm ái, anh hôn em trên mặt, trên má, trên môi, trên cổ … và em nhắm nghiền đôi mắt chịu đựng sự tấn công dần dần của anh…Như vậy anh đã trải qua hai ngày bên em tại thành phố thơ mộng của Bờ Biển Mây Xanh, anh đã được hưởng những giờ phút tuyệt vời, tràn trề tình tứ yêu đương, và anh vui hơn bao giờ khi thấy anh đã mang hạnh phúc đến cho em. Hai đứa đưa nhau đi tắm biển, dắt tay nhau đi rong chơi trên Cầu Tàu Hoa Kỳ, em chạy quanh đùa rỡn như một thiếu nữ son trẻ khi bị anh đuổi theo, để rồi mệt đừ em nằm lăn trên bãi cát, và anh hớn hở đè lên em, hôn em tới tấp. Buổi chiều hai đứa đi ăn đồ biễn tươi ở nhà hàng Bocacio chuyên bán thức ăn của vùng Provence tại Nice, hay em chạy xe vù vù đưa anh đi Monte Carlo ăn tại tiệm Le Vistamar, ăn xong hai đứa vào casino thử thời vận. Khi anh thấy em mất tiền nhiều, anh khuyên em ngưng chơi, em vội cười lên tiếng mà nói “em đen bạc nhưng đỏ tình anh ơi!”Đến hôm anh chuẩn bị đi Tây Ban Nha để tìm tông tích của Monique và đứa con anh thì Minh Trang nói với anh rằng tin tức em cho biết nàng đang sống ở một đồn điền ô liu ở Toledo, cách xa Madrid chừng 120 cây số đã là một tin em có từ khá lâu, có lẽ hơn năm năm trước, không biết giờ này Monique còn ở đó với người chồng Tây Ban Nha của nàng nữa hay không. Em lo ngại anh đi một mình sang xứ người, tiếng Y Pha Nho anh không biết nói mà dân địa phương lại không rành tiếng Anh hay tiếng Pháp, làm sao anh lần mò cho ra nơi nàng ở, và nếu có tìm được cho ra nơi đó thì chắc gì hai mẹ con chịu tiếp đón anh?



- Từ ngày Monique rời Paris về nhà chồng, nàng đã không còn liên lạc với các bạn bè cũ ở Pháp.Gia đình nàng đã không chấp nhận cho nàng cưới anh chàng Carlos, mà nàng vẫn cứ làm, nêncoi như đã từ nàng!



- Tại sao Monique lại lấy anh chàng người Tây Ban Nha này vậy em?


- Anh hỏi thế thì làm sao em biết trả lời? “Le Coeur a des raisons que la raison ne connait pas”(trái tim có những lý do mà lý trí không biết đến) mà anh! Em chỉ biết rằng Carlos đã theo đuổinàng mãi, cuối cùng nàng mới chịu. Cũng có thể nàng muốn xa lánh tất cả mọi người nàng quenbiết. Với lại Carlos là con một nhà triệu phú, có đồn điền trồng cam và ô liu, lấy anh, thì hai mẹcon không phải sống khốn khổ như khi ở Paris…


- Thế tại sao nàng không cứ sống ở Saigon với Bách? Cuộc sống của hai người hồi đó quá là đầyđủ cơ mà…- Anh không biết tính tình Monique ư? Nàng thích ăn chơi, thích một cuộc sống phóng túng, thíchcó bạn bè, thích uống rượu, đi nhẩy… Thời gian nàng sống ở Paris, nàng cặp kè hết anh bồ nàyđến anh bồ khác, toàn là con ông cháu cha, đẹp trai con nhà giầu…Em nghĩ anh biết điều nàychứ, cần chi em nói cho anh nghe…Anh nghe em nói mà thấy nhột, thấy hơi thốn trong lòng. Khi xưa, anh đã bỏ em Minh Trang để đi theo nàng Monique bởi vì nàng đẹp ghê hồn, vì nàng nhẩy gỉỏi, vì nàng có không biết bao nhiêu chàng trai đeo đuổi. Được lọt vào mắt xanh của nàng là một vinh dự, một điều đáng tự hào.
Hồi đó, anh đang là một dân chơi, tuy nghèo nhưng đẹp trai, nổi tiếng là có nhiều cô theo. Bây giờ nghĩ lại anh thấy vừa xấu hổ vừa dại dột. Cha mẹ anh cho anh đi sang Tây học để trở thành bác sĩ - kỹ sư, anh la cà lêu lổng trở thành một tên ma cà bông chỉ ăn chơi và đi theo gái, thật đã là một sự sỉ nhục cho gia đình anh. Cũng may mà mẹ anh không biết chuyện xấu xa của đứa con. Nay anh vẫn còn thấy có lỗi với cha mẹ và không xứng đáng với Minh Trang. Anh buồn buồn nói với em:- Lúc đó anh là một thằng ngu, chỉ ham vui. Anh chẳng để ý gì đến những đứa bạn không tốt baoquanh anh. Ngay bây giờ, trước mặt em, anh còn thấy xấu hổ, anh đã đi theo Monique mà quênem đi, trong khi em là một viên ngọc quí đáng lẽ anh phải chắt chiu…- Có mới nới cũ mà anh! Đó chỉ là chuyện thường tình!- Thôi em ạ, anh biết lỗi anh rồi. Cho anh xin đi, đừng dùng lời lẽ chua cay với anh làm gì!Anh hiểu em vẫn còn tức, vẫn còn giận anh, nhưng có yêu thì mới tức, mới giận, mới nói lẩy, tuy nhiên thấy anh xuống nước, Minh Trang tỏ vẻ hài lòng, em sẵn sàng bỏ qua chuyện cũ
.- Tiện đây em muốn nói với anh một điều. Em không yên tâm để anh đi Tây Ban Nha kiếmMonique và con anh một mình. Em muốn anh cho em đi theo. Em nói được tiếng Y Pha Nho, emsẽ giúp anh tiếp xúc với những người ở địa phương, công việc tìm kiếm sẽ thuận lợi hơn. Ngoàira, đi hai người dù sao cũng dễ xoay xở hơn, có gặp trắc trở gì, em sẽ giúp anh ý kiến…- Em chịu đi với anh như thế thì nhất rồi còn gì! Có em bên anh, khó khăn trở ngại sẽ không còn.Cám ơn em đã có lòng giúp anh trong công việc khó khăn này. Nếu vụ tìm kiến này thành côngthì ơn em anh không biết sao trả…- Anh khỏi nghĩ đến chuyện ơn nghĩa! Có điều em cứ sợ anh nghĩ em xía vô chuyện riêng tư củaanh…Nàng cười ranh mãnh rồi nói thêm:- Có em thì chàng với nàng sẽ khó làm ăn! Em sẽ là kỳ đà cản mũi…Nhưng anh cũng không vừa:
- Em khỏi lo! Sau khi gặp lại em, anh đã đổi ý… anh muốn nhận Nice làm quê hương thứ hai vìthấy Nice đẹp hơn Toledo muôn phần… Anh mong có em làm kỳ đà cản mũi.Thế là cả em lẫn anh cùng cười khoan khoái. Tối hôm đó, hai đứa lên giường ngủ sớm (?) …. để cònsức ngày hôm sau lên đường.Chuyến bay của Iberia Airlines chỉ mất có hai tiếng đồng hồ là đã tới Madrid. Từ phi trường hai đứa thuê xe đi về khách sạn ở trung tâm thành phố. Trưa hôm đó hai đứa dung dăng dung dẻ đi chơi Madrid và vì đã đến nơi đây nhiều lần, em biết hết những hang cùng ngõ hẻm của cái thủ đô xứ Tây Ban Nha này.Em đưa anh đi xem Bảo Tàng Viện Trung Ương Museo del Prado, đi thăm Puerta Del Sol (Cổng Mặt Trời) là nơi đông du khách nổi tiếng nhất, nằm ngay giữa thủ đô Madrid, đi thăm Plaza de España tức Công Trường Tây Ban Nha là một khu vực rộng lớn có những toà nhà nguy nga, tại đây có tháp tượng Miguel de Cervantes, tác giả cuốn truyện nổi tiếng Don Quixote mà anh phải đọc khi còn đi học tiểu học,và đi xem San Lozenzo de El Escorial, một lăng tẩm nhà vua đồng thời là một nhà tu và một bảo tảng viện. Chiều về, em đưa anh đến một quán rượu, hai đứa uống rượu vang của xứ Tây Ban Nha, nhâm nhi mấy đĩa tappas và nghe nhạc flamenco. Hôm đó, em diện một chiếc váy xòe em mua kỳ trước em đến chơi Madrid, em hỏi anh trông em có giống gái bản xứ hay không, anh bảo nếu không nhìn mặt thì giống lắm, em hứng chí đi ra quay mấy vòng biểu diễn màn vũ dân tộc xứTây Ban Nha, làm cho mấy chàng trai bản xứ khoái chí vỗ tay liên hồi.Anh thấy mặt em đỏ hồng vì bị kích thích, em thở hổn hển thấy thương, anh kéo em vào sát bên anh, và thay một lời khen tặng, anh hôn em lia liạ … hôn say đắm một hồi rất lâu, làm em muốn nghẹn thở.Sáng hôm sau, hơn mười giờ hai đứa mới dạy nổi. Ăn xong bữa điểm tâm được dọn tại chỗ, hai đứa đi vào phòng tắm… tắm chung, rồi vừa khúch khích cười vừa lau mình, hai đứa thay quần áo chuẩn bị đi Toledo.
Em đưa anh đến toà thị chính để anh vào hỏi thăm. Anh được chỉ đến hết phòng này sang phòng bên kia, sau cùng đến nơi đăng ký những cơ sở làm ăn trong vùng, bà thư ký tra cứu mãi mới tìm ra được cái địa chỉ của đồn điền ô liu có tên Carlos Alvarez và Monica Vương Quỳnh Anh làm chủ. Anh hăm hở cám ơn bà thư ký và Minh Trang cứ thế mà riu riú phiên dịch ra tiếng Y Pha Nho. Trên đường đi ra chỗ lấy xe, anh khoái chí luôn miệng reo mừng:- May Quá! May quá! Mình tìm ra được ngay cái đồn điền này!Làm em thấy bực, em gắt:- Anh làm gì mà rối rít tít mù lên như thế? Bộ muốn thấy Monique quá rồi hay sao vậy anh?- Đâu có! Anh chỉ muốn cho xong việc thôi ấy mà! Bộ em ghen hả?- Anh nói lạ nhỉ? Sao em phải đi ghen với cô nàng Monique của anh?Thế là anh tiu nghỉu, anh sợ lại làm phật lòng em, để rồi lại phải nói khó, lại phải làm lành mất công. Thà nhịn còn hơn để mất vui. Bỗng nhiên anh nhận thức ra cái giá anh phải trả để có người yêu. Xưa kia, sống một mình, anh đâu có khi nào phải nhịn ai, phải đắn đo lựa lời trước khi nói? Anh đâu có bị một sự ràng buộc nào? Đâu có một hàng rào nào ngăn cản hành động tự do của anh? Hóa ra hạnh phúc to lớn nào cũng phải đánh đổi bằng một vài bất hạnh nho nhỏ…




- Anh nghĩ gì mà coi bộ đăm chiêu vậy? Em làm cho anh buồn hay sao? Nếu thế thì cho em xinlỗi…


- Đâu có! Anh tự nhiên thấy hơi nhức đầu một chút. Không sao đâu, rồi sẽ hết…Cuộc đời là một vở kịch và từ nay anh phải tập đóng vai cho khéo, không để lộ tẩy. Sống lứa đôi là thế, là phải giả dối, không nhiểu thì ít… Rồi anh sẽ thấy tiêng tiếc cuộc sống độc thân.. Rồi đây nếu muốn ở bên em thì anh sẽ phải tập thay đổi lối sống, anh phải tập thích hợp với hoàn cảnh mới… biết hoà giải. Để đến đồn điền, hai đứa phải đi trên xa lộ về phía Nam chạy dọc theo dãy núi Sierra Morena. Suốt trên quãng đường đi, hai bên sườn đồi là hàng trăm ngàn những cây cam và ô liu trồng thành từng dãy, nhỉn từ xa tựa như tóc bím trên đỉnh đầu của người da đen, trông thật lạ mắt. Chừng 45 phút sau, hai đứa vào đến nông trại. Sau khi ngỏ ý muốn tìm một người Á châu tên MoniqueQuỳnh Anh và chồng tên là Carlos, người tiếp viên mời hai đứa vào chờ trong phòng khách. Vừa nhìn lên tường, anh thấy ngay bức chân dung khổng lồ vẽ một người đàn bà Á châu, nét mặt mơ mộng, ánh mắt rất lẳng với đôi lông mày đen rậm, đôi môi đỏ mọng, cười nửa miệng, trông thật .. khêu gợi. Nhìn chung đó là một người đàn bà đẹp với những nét vừa kiêu xa vừa hấp dẫn. Anh thấy nàng giông giống Quỳnh Anh với những nét mặt già dặn, ánh nhìm trầm lặng hơn xưa. Đã hai thập niên trôi qua, hình bóng người con gái sexy ngày đó đâu còn đó nữa?




Thay vào là hình ảnh một mệnh phụ già dặn đứng đắn hơn.Một ông già ăn bận sang trọng bước ra tiếp đón anh và Minh Trang. Ông liền nói rằng ông rất buồn phải cho hai người hay rằng họ sẽ không được gặp Carlos và Monique, vì đến quá trễ. Lúc đầu anh nghe, anh không hiểu nhưng sau khi nói chuyện lâu dài, sau khi được ông giải thích cặn kẽ thì anh mới thấm, anh mới hiểu. Một thảm kịch đã diễn ra tại nơi đấy không lâu, ông nói. Chuyện buồn nhắc lại làm cho ông thấy vẫn còn đau đớn, mặc dù nhiều năm đã trôi qua, bụi thời gian đã làm lòng người nguôi ngoai bớt. Thấy ông rơm rớm nước mắt khi kể lại, anh nghe lòng mình bỗng thổn thức, ruột gan anh như nóng bỏng, anh thấy như có những mũi kim đâm vào con tim anh. Anh bỗng nhận thức người yêu bé bỏng Monique Quỳnh Anh của mình không còn trên thế gian, nàng đã ra đi, đã vĩnh viễn chào từ biệt cõi đời, từ biệt những vui thú mà nàng vẫn còn đam mê. Nàng ra đi bỏ lại con đường (lời Trịnh Công Sơn?)… tình, con đường của những cảm xúc mạnh, những vui thú xác thịt… Ông già nói, giọng buồn buồn:- Carlos đã lấy phải một người đàn bà có nhiều ham muốn, nhiều nhu cầu đòi hỏi…Và trong mộtlúc tức giận anh đã giết người vợ anh yêu vô cùng…
- Thưa bác, chuyện gì đã xẩy ra?- Một cuộc án mạnh vì tình… nhưng được che giấu dưới hình thức một tai nạn… Một tai nạn trongmột cuộc đi săn bắn..- Xin bác kể rõ cho cháu nghe với.. Hồi xưa, cháu cũng yêu Monique…Ông quay sang nhìn anh chằm chặp như thể anh là một đồng loã, hay cũng một nạn nhân không chừng.- Như vậy ông biết bà ta thuộc loại đàn bà như thế nào? Theo tôi hiểu, bà ta vì đẹp nên đa tình…Bà ta thích sống, sống mãnh liệt, thích hưởng những thú vui của cuộc đời. Bà ta thích ăn, thíchuống, thích chơi, và… và.. thích ngủ với… đàn ông.Anh bỗng thấy nhói đau trong ngực. Nhưng đó đâu phải là tội của nảng? Thượng Đế đã tạo nàng ra như thế mà!- Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho bà ta!- Tôi nghĩ, Chúa đã tha thứ cho bà ấy, như đã Ngài cứu rổi tất cả những con người tôi lỗi…Anh nhìn ông già có ánh mắt đăm chiêu. Người dân Tây Ban Nha rất mộ đạo, anh nghĩ. Họ sẵn sàng tha thứ. Anh nghĩ đến những femmes fatales trong lịch sử con người. Anh nghĩ đến nàng, Monique Quỳnh Anh của anh, đến những giây phút tuyệt vời anh đã được hưởng. Trong vòng tay anh, Monique chì là bé bỏng, nóng hổi nhưng bé bỏng… anh đã thương yêu nàng…- Thưa bác thế còn đứa con gái riêng của Monique, bây giờ cháu ở đâu?
- Quỳnh Hương đã được mẹ nó gửi đi học ở Paris từ khi 12 tuổi…- Đi học ở Paris? Cháu bé ở với ai ở Paris?- Thì ở với bố đẻ ra nó chứ với ai? Con bé đánh đàn rất giỏi. Nó đi học ở Conservatoire de Paris.Nay đã tốt nghiệp. Lâu lâu nó có về đây thăm tôi, ông nội nó….- Thế bố đẻ ra nó là ai?- Monique đã ra toà làm giấy xin bằng chứng DNA để bắt Kỹ Sư Nguyễn nhận con là QuỳnhHương và nuôi nó cho đến khi lớn. Thật là một chuyện rắc rối! Tôi đã nói với Monique là khỏicần. Ông nội nó là tôi có đủ điều kiện để nuôi Quỳnh Hương đi học ở bất cứ nơi nào trên thế giớicơ mà! Tôi thiếu gì thì thiếu chứ tiền thì không, chắc ông biết điều này?Bỗng chợt anh thấy khốn nạn như chưa bao giờ thấy khốn nạn! Thế là hết! Tất cả bao nhiêu nỗi vuimừng, nỗi hy vọng, nỗi sung sướng từ suốt mấy tháng nay, chỉ trong giây phút đã tiêu tan. Anh thấy đau đớn như chưa bao giờ thấy đau đớn! Anh cứ tưởng mình đang có một đứa con! Đâu dè.. chỉ là mừng hụt! Cuộc đời sao lắm trớ trêu…Cuộc đời thật là chó đ…. Thấy vẻ mặt đau đớn của anh, Minh Trang vội cầm bàn tay anh, siết chặt để an ủi. Ánh mắt trìu mến của em làm cho anh thấy bớt khốn khổ trong cuộc đời. Ít ra còn có em trong lúc này. Em là ngọn lửa bé tí ti sưởi ấm lòng anh trong lúc lạnh. Có em bên anh, có em …. anh thấy … đời còn dễ thương.



- Cám ơn em Minh Trang đã đi với anh đến nơi đây. Không có em lúc này, chắc anh đã đi tự tử!


Hướng Dương

24 tháng Giêng năm 2009



THANH THANH * THƠ



THƯ TÙ
Muốn nói cùng em cả vạn điều
Mà rồi chẳng nói được bao nhiêu,
Mặc dù đã định trong tâm trước
Mà gặp nhau là ý bạt phiêu!
Cũng có vài điều có nhớ ra
Mà vì bên cạnh lắm người ta,
Và vì thẳng mặt mà phân-tích
Thì quá... sỗ-sàng, quá... khổ-qua...
Nên mượn lời thơ để giãi-bày
Nỗi lòng ấp-ủ bấy lâu nay ...
Em ơi, bình-tĩnh nghe anh nói:
Ta hãy vươn lên khỏi cảnh này!
Ta đã yêu nhau thuở trẻ-trung,
Xây nên tổ ấm đẹp vô cùng.
Cõi trần ví thử bình-yên cả
Thì đã trọn đời hưởng phúc chung.
Với bát cơm ngon, tấm áo lành,
Người đời bắt buộc phải đua tranh.
Phũ-phàng cuộc sống làm lem-lấm"
Hai trái tim vàng, một mái tranh".
Anh cứ ngây-ngây dại-dại hoài,
Lợi-quyền cấp-chức gác ngoài tai.
Nửa đời mẫn-cán cam cơ-cực,
Đơn độc khư-khư luyện đức+tài (!)
Anh đã (là khôn hay dại đây?)
Nằm ngoài tất cả mọi vòng vây .
Thức trong giấc ngủ, trong mơ tỉnh;
Bảo-bọc hồn hoa trong xác cây.
Anh đã (đương-nhiên là dại rồi!)
Tự mình đày đọa chính mình thôi!
Lại còn ép-uổng con và vợ
Thiếu-thốn quanh năm chật-vật hoài.
Bạn-lứa: đô-la với hạt xoàn!
Chồng người: đại-phú với cao-quan!
Chồng em thủ-phận nghèo, cô-thế;
Chẳng chịu chen chun, chỉ chịu gàn!
Đến lúc đem thân đi ở tù
Anh không để lại một đồng xu!
Một mình mọi việc em lo-liệu;
Viễn-ảnh tương-lai quá mịt-mù.
Em đã lo cho con học-hành
Lại còn lo tiếp-tế cho anh.
Hùn hoài tổ-hợp hàng không chạy;
Bụng hiếm khi no, bệnh khó lành!
Thân-thích lià xa hoặc mạt-thời;
Gia-tài sự-nghiệp hóa ma-trơi!
Nhà không bán được, người ta chiếm!
Thuế nặng, hàng cao, chạy hụt hơi!
Con lớn theo nhau đi lấy chồng,
Còn đàn con nhỏ yếu gia-công.
Em ngày một mệt, đau, gầy, yếu:
Cực-khổ trăm đường, chịu nổi không?
Em ạ! Ngày xưa, gái góa chồng:
Ba năm* tang-chế thế là xong!
Khổng Nho nghiêm-nghiệt chuyên vây thắt
Mà đã buông lơi cả một vòng!
Anh có còn gì để lại đâu?
Cho em: chỉ một khối ưu sầu!
Năm năm* đằng đẵng là thôi hết:
Môi đã phai son, má nhạt mầu!*
Thế mà tác-giả đã bị "cải-tạo" hơn 12 năm!
Anh gửi về em lòng nhớ ơn,
Và lời... tạ tội -- Biết gì hơn!
Cầm như anh đã thành thiên-cổ:
Sông đã vơi khô, núi đã sờn!
Hãy gạt anh ra khỏi cuộc đời!
Đừng còn bận-bịu nữa, em ơi!
Vai gầy gánh nợ khôn kham nặng:
Em có toàn-quyền thở, thảnh-thơi!
Có rẽ chia nào không đớn đau?
Lấy lòng mà hiểu chút lòng nhau:
Chấp-kinh đành phải tòng-quyền vậy!
Lỡ một hành-nhân: lọt cả tàu ...
Rồi, một ngày kia em sẽ... quên,
Như hơi gió nhẹ thoảng ngoài hiên,
Bớt buồn rưng-rức trong muôn một
Mới vợi trong anh mối muộn phiền..."
Nhà Trắng"
(Thôn 5) 1980
THANH-THANH

ĐỖ THÁI NHIÊN * LỀ PHẢI” NỔI GIẬN

LỀ PHẢI” NỔI GIẬN

ĐỗTháiNhiên
(http://www.vietvusa.com/)


Từ bao nhiêu năm qua, Lê Khả Phiêu, cựu tổng bí thư của đảng CSVN, không ngừng hô to khẩu hiệu chống tham nhũng tới cùng. Thế nhưng, tư gia của Lê Khả Phiêu lại là một biệt thự vô cùng nguy nga tráng lệ. Ngội biệt thư đắt tiền kia chất chứa hai đặc điểm. Một là phòng nào trong nhà của Lê Khả Phiêu cũng chểm chệ tượng đá hoặc hình vẽ chân dung của Lê Khả Phiêu. Quả thực, Lê Khả Phiêu đang thờ Lê Khả Phiêu. Hai là, một trống đồng Đông Sơn , hiên ngang nằm giữa phòng khách. Nó là loại rống cỗ, thuộc hàng báu vật của quốc gia. Trống đồng Đông Sơn đã được Lê Khả Phiêu giải phóng ra khỏi bảo tàng viện quốc gia để nhập vào gia tài riêng của Lê Khả Phiêu.







(Hình trên và duoi: nhà Lê Khả Phiêu)
Tin tức về tư gia của Lê Khả Phiêu là loại tin tức CSVN cần bưng bít. Nếu Lê Khả Phiêu đúc tượng để tự thờ thì Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng CSVN lại tự thờ bằng cách cho tay chân xây dựng cả một nhà thờ dòng họ Nguyễn Tấn trên đường Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhà thờ “Ba Dũng” vừa khánh thành đầu tháng 12/2008. Nhà thờ này xây cất trong hai năm, tri giá 40 tỉ đồng Việt Nam. Nó nguy nga hơn đền thờ Anh Hùng Nguyễn Trung Trực nhiều lần. Nhà thờ Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một phần rất nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của Nguyễn Tấn Dũng. Phải chăng tại Việt Nam, quan chức CSVN càng chống tham nhũng, càng giàu to? CSVN cho rằng: Câu hỏi vừa nêu hiển nhiên là câu hỏi vi phạm bí mật của quốc gia.

==

Tin về tư gia của Lê Khả Phiêu và về nhà thờ họ của Nguyễn Tấn Dũng là nhưng tin tức cần bưng bít. Đối với tin không thể bưng bít CSVN quyết tâm nói trái với sự thực hoặc bóp méo sự thực.

Ngày 02/01/2009 trên ViệtNamNet, Vũ Dũng, thứ trưởng ngoại giao của CSVN không ngần ngại xác định: “ Theo lịch sử, thác Bản Giốc và ải Nam Quan là của Trung Quốc.”

Câu nói của Vũ Dũng vừa xuyên tạc lịch sử, vừa để lộ tội ác mãi quốc cầu vinh của đảng CSVN.


(Nhà thờ họ cûa Nguyễn Tấn Dũng )

Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Dũng chỉ là ba trong vô số trường hợp tương tự biểu tỏ rằng: chế độ độc tài Hà Nội tồn tại nhờ vào hàng loạt tội ác truyền thông: bưng bít tin tức, xuyên tạc tin tức, nhắm mắt thần thánh hóa lãnh tụ, kể cả lãnh tụ mang nguyên một núi tội phạm tình dục kiểu Hồ Chí Minh.

Muốn cho những tội ác truyền thông kia thực sự lòe bịp được xã hội, CSVN phải huy động toàn bộ hệ thống truyền thông quốc doanh trên dưới 700 cơ quan để cùng nhau nói dối, cùng nhau vo tròn bóp méo sự thật. Truyền thông theo kiểu cờ gian bạc lận kia được ông Lê Doãn Hợp bộ trưởng bộ truyền thông CSVN long trọng gọi là truyền thông di chuyển bên lề phải. Không chấp nhận lề phải tức là phạm pháp, tức là chấp nhận gông cùm.

Làm người ai cũng có lương tâm. Làm người ai cũng có lòng tự trọng. Lương tâm và lòng tự trong đã khiến con người cảm thấy xấu hổ khi phải sống cuộc đời gian manh trên lề phải của Lê Doãn Hợp. Tình cảm xấu hổ vừa nêu lâu ngày biến thái thành hành động nổi giận.

Sau đây là một tình huống nổi giân vô cùng đáng quan tâm của lề phải:


GIAI PHAM XUÂN DU LICH


Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2009, tổng cục Du lịch thuộc bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch của CSVN đã trình làng một giai phẩm gọi là giai phẩm Xuân Du Lich. Báo Du Lịch là thành viên chính thức của lề phải. Người phụ trách xuất bản là Phó Tổng Biên Tập Nguyễn Trung Dân và Tổng Thư Ký Trần Văn Tiến. Điều đặc biệt là tờ Du Lịch đã chiêu tập những cây bút có tên trong sổ đen của CSVN : Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A,…

Đặc biệt hơn nữa Giai Phẩm Xuân Du Lịch, thay vì tập trung vào nội dung vui xuân như mọi báo xuân quốc doanh ở trong nước, đã bất ngờ nêu bật ý chí chống “thù trong, giặc ngoài”. Đây là loại đề tài tối ư khắc kỵ đối với đảng CSVN và đối với đoàn quân di chuyển một chiều trên lề phải. Vì vậy, sự xuất hiện của Giai Phẩm Xuân Du Lịch cộng với thái độ tiếp đón nồng nhiệt của quần chúng độc giả rõ ràng là một nổi giận ly kỳ của lề phải.

Ly kỳ bởi lẽ một thành viên của lề phải lại nổi giận ngay trên lề phải, chống lại ông chủ của lề phải.

Ly kỳ còn bởi lẽ:

Chế độ Hà Nội có lẽ do mãi mê tham nhũng đã không tiên liệu được cuộc nổi loạn truyền thông do Giai Phẩm Xuân Du Lịch phát động. Nội dung chống thù trong giặc ngoài nằm rãi rác trên nhiều bài viết khác nhau trong Xuân Du Lịch.


Bài viết này xin chọn ra hai sáng tác phẩm tiêu biểu để làm trọng tâm cho việc phân tích và đánh giá ý chí chống thù trong giặc ngoài:

A. Chống giặc ngoài:


Lịch sử nghìn đời của Việt Nam đã ghi đậm chân lý rằng Trung Quốc là kẻ thù xâm lược truyền kiếp của Việt Nam. Ngày nay tham vọng xâm lược kia càng lúc càng trở nên gay gắt và tinh vi. Xâm lược tinh vi tức là vừa đánh vừa xoa. Trung Quốc xoa CSVN bằng cách luôn miệng đề cao ngoại giao 16 chữ vàng, bằng cách mua chuộc giới lãnh đạo CSVN thông qua những quyền lợi kinh tế tài chánh, thông qua mỹ nhân kế và những cam kết bảo vệ quyền thống tri của CSVN trên đất nước Việt Nam. Trung Quốc đánh Việt Nam bằng cách cướp đất, cướp biển, sát hại ngư dân…CSVN chỉ biết nhắm mắt hưởng những gì Trung Quốc ban phát và tảng lờ đi những gì Trung Quốc đã gây nguy hại cho tổ quốc Việt Nam.



Giai Phẩm Xuân Du Lịch đã mang tác phẩm “Hận Nam Quan” của nhà thơ Hoàng Cầm vào báo Xuân vừa như một phản kháng gay gắt đối với tội ác phản quốc của CSVN, vừa như lời cảnh tỉnh rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ giả tâm xâm lăng Việt Nam và rằng nghĩa vụ đối với tổ quốc đòi hỏi mọi người Việt Nam phải giữ vửng quyết tâm chống bành trướng Bắc Triều.

Lời giả biệt của Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi chính là lời hiệu triệu của Tổ Tiên Việt Nam gửi cho muôn dân Lạc Hồng:

“Về ngay đi, rồi chí nguyện công thành,
Nghĩ đến Cha, một phương trời ảm đạm
Chỉ nghiến răng, vung kiếm chém quân thù
Trãi, Con ơi, tương lai đầy sáng lạn!”
( Hận Nam Quan – Hoàng Cầm)

B. Chống thù trong.




Thù trong là những kẻ tiếp tay với giặc ngoài. CSVN tiếp tay với Trung Quốc bằng cách đánh đập, bắt bớ giam cầm những người Việt yêu nước biểu tình chống Trung Quốc vào cuối năm 2007. Giai Phẩm Xuân Du Lịch đã trân trọng vinh danh những nam, nữ anh hùng chống Tàu dưới hình thức đăng tải bài viết “Tản Mạn Cho Đảo Xa” của tác giả Trung Bảo. Tính chất độc đáo của bài viết này nằm ở chỗ thay vì diễn tả lòng yêu nước, yêu đồng bào chống Trung Quốc bằng ngôn ngữ bình thường, Trung Bảo đã diễn tả thái độ trang trọng của Trung Bảo khi tác giả nhặt được tờ truyền đơn chống Tàu do một đồng bào Việt Nam nào đó bỏ lại trên lề đường đối diện với lãnh sự quán Trung Quốc tại Saigon.

Trung Bảo Viết:

“Một năm sau, tờ giấy khổ A4 với dòng chữ vi tính: “Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu là của Việt Nam” cùng vài chữ viết tay nguệch ngoạc: “ 09/12 ngày lịch sử” giờ đây đã ngã màu. Tờ giấy này của một bạn trẻ nào đó, tôi nhặt được trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện với lãnh sự quán Trung Quốc trong những ngày đẹp trời cuối năm 2007. Tôi đem nó về dán lên tường nhà mình như một kỷ niệm đẹp. Cái ngày 09/12/2007 có lẽ chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được cái không khí bừng bừng khí thế. Quên sao được khi tình cờ tôi được đứng lẩn vào cùng những người đã tạo nên những ngày lịch sử.”

Thế nhưng, những đồng bào yêu nước mà Trung Bảo tôn kính lại bị đảng CSVN gọi là “kẻ xấu”. Xấu chỉ vì không cùng với CSVN vòng tay cúi đầu trước Trung Quốc. Chứng Kiến tình huống nghịch lý đến điên đảo kia, Trung Bảo bực dọc lý luận:

“Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích động” người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những kẻ xấu này. Ngược lại khi “người tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẩn uất một cách cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất Mẹ bị xâm phạm thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người tốt” này cần phải được xem lại”

Do bi kèm kẹp bởi công an truyền thông Trung Bảo không tiện viết thành bạch văn ý nghĩa của nhóm chữ “cần phải được xem lại”. Xem lại ở đây là sự xác định rằng quả thực đảng viên CSVN là những người tốt, nhưng chỉ tốt đối với Trung Quốc. Muốn được Trung Quốc chấm điểm là người tốt, đảng viên CSVN cần hội đủ hai điều kiện:

Một là ngoài việc tham ô nhũng lạm, đương sự không bận tâm tới bất kỳ công việc nào khác.

Hai là các vấn đề quốc nội, quốc tế của Việt Nam, đặc biệt vấn đề bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải phải tuyệt đối hành động đúng theo mệnh lệnh của Trung Quốc. Mỗi quan chức CSVN chỉ là một quan thái thú, không hơn, không kém.

Suy nghĩ về sự việc “Hận Nam Quan” của Hoàng Cầm và “Tản Mạn Cho Đảo Xa” của Trung Bảo xuất hiện trên Giai Phẩm Xuân Du Lịch, người đọc nhận ra ngay rằng:

Hình thái nổi giận của Xuân Du Lịch tuy có phần bình tĩnh nhưng vô cùng sâu sắc và dứt khoát.

Bài viết này xin được kết thúc bằng hai phát biểu dành cho Xuân Du Lịch và cho chế độ Hà Nội.

Thứ nhất: Lời tri ân kính gửi đến Nhóm Chủ Biên Xuân Du Lịch.

Hơn ai hết Quí Vị là những người thừa biết những hậu quả khốc liệt mà Quí Vị phải hứng chịu sau khi Giai Phẩm Xuân Du Lịch ra đời. Biết vậy nhưng vẫn hành động. Quí vị là những người đã bình tĩnh tìm đến cái chết để cho Tổ Quốc được trường tồn.

Phát âm hai chữ yêu nước, không khó.

Dùng chính xương máu của mình để diễn tả lòng yêu nước mới là điều cực kỳ khó khăn. Quí vị thực hiện điều cực kỳ khó khăn kia đơn giản như hơi thở. Quí vị hành động chỉ vì lòng yêu nước, không vì ước muốn trở thành bậc anh hùng. Vì vậy viết lời ca tụng kính gửi đến quí vị chẳng khác nào làm một bài luận văn lạc đề. Tuy nhiên bài viết này vẫn chân thành gửi đến quí vị những lời vinh danh trân trọng nhất. Vinh danh đồng nghĩa với học hành gương sáng. Vinh danh đồng nghĩa với công việc ghi khắc phương danh của quí vị vào tim óc của mỗi người Việt Nam bằng tất cả tấm lòng ngưỡng vọng và mến yêu.


Thứ hai: Nói với đảng CSVN.
Những gì được viết trong phần tri ân Giai Phẩm Xuân Du Lịch là phương cách diễn đạt gián tiếp nhưng mạnh mẽ rằng: tình huống nổi giận của Xuân Du Lịch không hề là một phản ứng bốc đồng, một ngọn lửa rơm. Xuân Du Lịch vừa là hình ảnh của một ly nước đã tràn đầy, vừa là tiếng nói nghiêm khắc của qui luật lịch sử. Qui luật rằng ở đâu có đàn áp ở đó có đấu tranh, và rằng lịch sử loài người đã khẳng định: chưa hề có chế độ độc tài nào nhờ vào gian ác đã trốn thoát được quả đấm phẩn nộ của bạo lực quần chúng. Lịch sử không biết khuyên lơn.

Lịch sử chỉ biết đào thải. Đào thái êm ả hay đào thải thảm khốc.

Nhân nhịp đầu năm Con Trâu bài viết này cầu chúc cho đảng CSVN một năm mới thân với dân như con trâu thân với bác nông dân. Theo lệnh của bác nông dân con trâu CSVN hãy ngoan ngoản chấp nhận con đường đào thải êm ả của lịch sử./..

ĐỗTháiNhiên
(http://www.vietvusa.com/


TRẦN VĂN GIANG * NGHỊ LUẬN CHÍNH TRỊ


(Ông Vẹm giả đò thương trẻ nghèo khổ)





Nói Láo Như Vẹm!


Trần Văn Giang




Không phải chỉ riêng sự tàn bạo, sự chà đạp nhân quyền làm cho CS nổi tiếng mà chính là những sự tuyên truyền dối trá lừa bịp của CS. Qua lịch sử, cứ thẳng thắn nhìn những sự kiện đã xẩy ra dưới chế độ CS, và nghe những gì CS đã nói và đang nói, một người dân nghèo vô sản, ít học nhất cũng phải thở dài ngao ngán, đấm ngực, kêu trời không thấu…

Hãy phân tích một cách khách quan các “lời bác dậy,” “cương lĩnh đảng CS,” “chỉ thị chính phủ,” “Hiến pháp,” “nghị quyết, “công hàm…” và rồi lại nhìn những gì CS đã làm… tất cả đều là công trình sáng tạo đến tột đỉnh của sự lừa phỉnh, đánh lận con đen, tráo trở…

Thời buổi văn minh dân chủ, ai cũng hiểu là văn bản pháp lý cao nhất của một quốc gia dân
chủ là hiến pháp. CS cũng đã trơ trẽn mượn y chang cái vỏ cao cả, cái nguyên tắc cơ bản
nhất của chế độ dân chủ cộng hòa (CS đã có lần tự gọi mình tên nước Việt Nam là “Việt Nam Dân Chủ Công Hòa!”) là “vì dân, do dân và của dân” căn cứ trên “dân sinh, dân chủ và dân quyền” để viết ra hiến pháp CS Việt Nam – rồi dùng nó để làm bình phong “hấp diêm” dân tộc, từ thế hệ cha mẹ đến con cái đến cháu chắt, để “tiến từng bước” lên cái gọi là thiên đường “Chủ nghĩa Xã hội…”

Thử đọc lại và so sánh hiến pháp của một nước dân chủ tây phương (Hoa kỳ chẳng hạn) - một quốc gia được thế giới công nhận là dân thực sự làm chủ vận mạng của họ - và Hiến pháp của CSVN. Có cái dân quyền nào có trong hiến pháp Hoa Kỳ mà không có trong hiến pháp CSVN hay không? Nhưng thực tế, vấn đề thi hành những gì quốc hội do đại diện của dân (quốc hội?) đã viết ra, đã soạn thảo ra có phải như vậy hay không? Người dân dưới chế độ CS đã mỉa mai là “nói vậy mà không phải vậy!”

Đâu cần phải có bằng tiến sĩ từ đại học kinh tế Hà nội hay học viện Mác-Lê mới biết sự khác biệt “nói một đàng làm một nẻo” này! Sự lường gạt đã được tự phơi bày từ trên đỉnh cao, để mọi người dân cùng nhìn thấy mà tức muốn hộc máu mồm. Bây giờ biết phải kêu oan với ai cho tỏ…

Dân chúng duới chế độ CS phải làm cái gì CS muốn thì CS mới ban phát cho sự sống (CS
mới phát tem, gạo… cho). Không phải ai cũng có cơ hội thăng tiến dưới chế độ CS. Không
phải ai cũng có thể thóat ra khỏi cảnh nghèo túng, ngọai trừ một thiểu số được xem như “có quyền công dân” hơn những “công dân” khác.

Nên biết Karl Marx và Engels chỉ là tư tưởng gia (philosophers) không phải (và chưa bao giờ) là
lãnh tụ chính trị; ngòai ra chính bản thân họ cũng chưa bao giờ phải sống dưới chế độ CS.

Cám ơn thượng đế là CS đang từ từ đi vào lịch sử (và chắc chắn sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại trong lịch sử nhân lọai). Cái nghịch lý là giới nghèo đói bần nông, còn được CS gọi là thành đồng của cách mạng, lại chính là thành phần phải chịu đựng đau khổ, bị bỏ rơi nhiều nhất dưới chế độ CS.

Bây giờ “chính nghĩa” của CS đang từ từ sụp đổ; nhưng sự sụp đổ của CS cũng lại không giúp gì đến giai cấp bần cố nông đã bị CS lợi dụng. Thêm một lần nữa, dân đen lại bị bỏ rơi – “người chết hai lần” đúng như nhạc nô Trịnh Công Sơn đã mô tả họ! Chỉ có giới trí thức, giới có ăn học (trung nông, tiểu tư sản) mới biết tìm cách hưởng lợi trên sự sụp đổ của CS mà thôi.

Từ những ngày đầu tiên nguyên thủy, CS được biết đến là “Bolsheviks.” Thật ra vấn đề không phải là tên gọi mà là “ý thức hệ.” Về khía cạnh chính sách xã hội, không có sự khác biệt lớn lao nào giữa CS, Phát-xít, Quốc xã, Leninist, Stalinist hay Maoist… Chỉ khác nhau ở tên gọi. Đôi khi họ còn tự gán cho họ những cái hoa mỹ như phong trào (mặt trận) ái quốc, cách mạng, cộng sản, công sản (không có dấu nặng), chống đế quốc, chống độc tài, chống phong kiến… (phe đối nghịch gọi họ là độc quyền tòan tri, cộng sản chuyên chế…)

Qua “Communist manifacto” và “Das Kapital,” Karl Marx đã tiên đóan 2 điều và thuyết phục mọi
người tin tưởng là:
- Tư bản, cũng giống như các hệ thống kinh tế xã hội cũ (phong kiến, thực dân) tự tạo ra các
phản lực (internal tensions) và sẽ tự tiêu diệt (self-destruction).
- Tư bản sau đó sẽ bị cộng sản thay thế qua một giai đọan chuyển thể (transitional period) là
đấu tranh giai cấp; cuối cùng đi đến sự tòan thắng của cái gọi là “cách mạng vô sản.”

Cả hai tiên đóan đó đều sai bét. Thứ nhất rõ rệt là tư bản không hề bị tiêu diệt; và thứ hai, cái gọi là cách mạng vô sản mặc dù thành công tại một vài nơi cũng sống không dai; đang phải tự “đổi mới;” nếu không “đổi mới” kịp thời (nói nôm na là đi trở lại con đường kinh tế tư bản) thì sẽ bị te tua một sớm một chiều (cứ xem Liên sô và các nước CS Đông âu).

Có ai thấy CS đưa ra được một chính sách kinh tế khả dĩ nào để duy trì sự phát triển đới sống của dân chúng? Hoàn tòan sổ tọet. Không phát triển đuợc thì chớ, CS còn trì kéo sự tiến hóa của dân tộc qua chính sách kinh tế tập trung, hệ thống lãnh đạo rất kỳ quặc đầy rẫy tham nhũng; lãnh đạo thiếu khả năng; và thiếu tư cách. Khả năng và tư cách của họ (lãnh đạo CS) đang bị dân chúng sống dưới chế độ CS công khai ngờ vực?

Trung quốc là trong những chế độ CS sớm thay đổi – thật là buồn cười cho các trò hề chính trị - Đổi từ chính sách kinh tế chỉ huy cứng ngắc của CS đến kinh tế thị trường (nên biết chỉ tư bản mới có thị trường; CS làm gì có thị trường!) Thay đổi đầu tiên của CS Trung quốc là công nhận quyền sở hữu của dân (tư sản – cũng lại là 1 yếu tố căn bản của tư bản). Danh từ “tư sản”
trước đây đứng hàng đầu trong danh sách “phản động” dưới chế độ CS. Thực tế đã dần dần sáng tỏ là CS sẽ bị dẹp tiệm hoặc bởi ý dân (như đã thấy ít nhất 1 lần thử lửa dân chủ ở Thiên An môn) hoặc dần dà phải tự tan rã…

Tư bản (quyền tự do kinh doanh và quyền tự do chính trị) không hẳn là lời giải tuyệt đối (như các thành phần bảo thủ / cực đoan hữu khuynh vẩn giải thích) cho các trật tự và an sinh của đời sống. Các biến chuyển suy thoái, sa lầy kinh tế gần đây cho thấy sự can thiệp của chính phủ (vào các sinh họat kinh tế) đôi khi rất cần thiết để cứu vãn thị trường.

Nhìn chung, chính quyền XHCN cũng giống như ban quản trị của 1 công ty sắp phá sản.
Quốc gia (công ty) bị phá sản vì quản trị (lãnh đạo) tồi chứ không nhất thiết chỉ vì vấn đề ý
thức hệ trật hướng!

Sự sụp đổ của CS không chỉ vì kinh tế tồi tệ (là một đặc sản tự nhiên) của XHCN; nhưng vấn đề nhân quyền và sự tàn bạo mới làm cho CS sớm mai một. CS kêu gọi giới công nông (công nhân nhà máy và bần cố nông vô sản) dùng võ lực để lật đổ tư bản. Điển hình thấy từ Liên sô, dân nghèo đã hy sinh xương máu để lật đổ Nga hòang và giai cấp tiểu tư sản… Ngay sau đó, đám cầm đầu cách mạng “vô sản” tự biến họ ngay tức thì thành “tiểu tư sản:” làm chủ tất cả các của cải đã chiếm đọat được. Dân nghèo chỉ được dùng và bị bỏ rơi sau khi cách mạng không cần
đến họ nữa! Đám “đồng chí lãnh đạo” giả nhân giả nghĩa trở thành các “ông chủ mới” của giai cấp công nông vô sản. Đám người bịp bợm này kết hợp với nhau thành “Đảng CS” để bảo vệ
quyền lợi “chủ nhân ông” của họ. Chỉ có đảng viên mới có cơ hội ăn trên ngồi trốc. Dân đen vẫn hòan dân đen, vẫn nghèo và vẫn tuyệt vọng. Chủ nghĩa CS đã sỉ nhục sự thông minh của nhân lọai.

Một số câu hỏi đã có sẵn câu trả lời:
- Tại sao CS phải chủ trương bạo động, khủng bố và gây sợ hãi? Bởi vì người hiểu biết một chút không ngửi được cái biện chứng duy vật và lý lẽ một chiều của họ.
- Tại sao dân chúng có thể theo một đám thổ phỉ CS thất học để hủy họai truyền thống văn hóa của dân tộc, giết các người có công gầy dựng đất nước cho mục đích của tập đòan CS? Bởi vì đám đa số dân nghèo bị CS tuyên truyền gạt gẫm là CS sẽ dẫn họ đi đến thiên đường (bánh vẽ) CS - CS sẽ lấy của cải của người giầu chia đều cho người nghèo (!)


- Có phải Bộ Chính Trị Trung Ương của đảng CS là do dân chúng lập ra hay không? Bộ chính
trị trung ương CS đâu có phải là chỗ đầu phiếu phổ thông. Bộ chính trị trung ương CS đâu có phải là chỗ dành cho bất cứ ai có tài lãnh đạo muốn vào cũng được. Thực tế đã rõ như ban ngày.
- Tại sao lãnh tụ CS cứ ở mãi vị trí lãnh đạo và rồi cha truyền con nối như thời phong kiến? Có phải họ muốn bảo thế giới là chỉ có họ (và con cháu họ) là những người duy nhất có đủ tài và trí để cai tri dân (!)
- Tại sao CS luôn luôn sợ các phong trào dân chủ đòi quyền chính trị; đặc biệt là tự do báo chí, ngôn luận, bầu cử, di chuyển và trọng nhân phẩm? Có phải CS cho là dân còn mông muội không hiểu ý nghĩa của tự do là gì? Công an (không phải dân!) mới là người mà CS tin cậy. CS mà không có công an thì cũng như thịt chó mà thiếu mắm tôm.



Biết bao nhiêu câu hỏi đã có câu trả lời rồi mà CS vẫn bám trụ chỉ vì quỵền lợi kiếm được quá dễ dàng, không cần tốn sức lao động và mồ hôi. Dân đen (vì quá đói khổ) đã dễ quên cái tẩy của CS – chỉ có nhà nước mới có khả năng bảo vệ và quyết định tương lai của dân chúng. CS chỉ có thể tồn tại dưới một chế độ tòan trị, độc đảng chơi ngang không kể gì luật pháp. Trong khi trong chế độ dân chủ, nhà nước không “trị” mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn và làm trọng tài trong sân chơi chính trị mà thôi…

CS với bất cứ tên gọi “ít-ít” gì (Bôn-sơ-vít, Mác-xít, Lê- nin-nít, Sì-ta-lin-nít, Mao-ít, Trốt-kít, dốt-đít……) đề là giống y như nhau ở đặc tính khát máu sát nhân (tòan là giết người đồng chủng mới căm!) một cách vô lương tâm dưới nhiều cách khác nhau: giết chết ngay lập tức (qua thanh trừng, cắt tiết, xử tử, ám sát, giết tập thể…); giết chết từ từ (qua trại cải tạo, cưỡng bách lao
động, cưỡng bách di dân – đi “vùng kinh tế mới”…) Theo các tài liệu quốc tế ghi chép lại thì CS đã giết đến gần 110 triệu (gấp gần 200 lần số dân vô tội bị Hitler tiêu diệt trong Thế chiến thứ II). Đứng đầu danh sách sát nhân này là Lenin và Stalin của Liên sô (giết khỏang 43 triệu); thứ nhì là Mao trạch đông của Trung Cộng (giết khỏang 30 triệu), sau đó là Pol Pot của Cao miên, HCM của Viêt Nam, Tito của Nam tư, Kim nhật thành của Bắc hàn…. Đó là chưa kế gần 50 triệu
người chết một cách gián tiếp vì đói và bệnh tật dưới chế độ cai trị kỳ quặc của CS.

Trong lịch sử nhân lọai chưa có một chiến tranh lớn nào, chưa có một chính thể tàn bạo nào,
chưa có ý thức hệ quái đản nào mà phải giết nhiều người (đồng chủng) như vậy… TT Reagan
của Hoa Kỳ đã có lần gọi Liên sô (và CS nói chung) là “Evil Empire” cũng không có gì là quá
đáng. Ngày nay CS vẫn là “evil” nhưng ít nhất CS Liên sô đã ta rã và chỉ còn trong sử liệu mà thôi.

Tư bản là một hệ thống kinh tế mà mọi người dân có cơ hội vươn lên bằng sự cố gắng của chính mình (chứ không phải vì lý lịch). TT Clinton và TT Obama là những thí dụ điển hình. Hoa kỳ là nơi mà dân nghèo khố rách áo ôm, không một xu dính túi từ tứ xứ đến (Âu châu, Á châu, Phi châu…) đã trở thành giầu có sung túc nhờ nỗ lực làm việc của chính họ chứ không phải vì phép lạ; hay vì chính phủ Mỹ đã bảo họ phải làm cái gì để chính phủ phát cho họ miếng ăn sống qua
ngày.

Công ty Microsoft đã tạo ra biết bao nhiêu là tỷ phú mà họ là những người có tài sáng tạo, có
khả năng làm ra và bán chương trình cho máy vi tính; chứ không phải vì họ có bố mẹ giầu có
hay là đảng viên của đảng chính trị cầm quyền…

Dưới chế độ CS, đảng viên và cán bộ nắm tất cả quyền lực và cơ hội kinh tế. Hy vọng duy nhất cho người dân dưới chế độ CS được vươn lên khỏi kiếp nghèo khó là trở thành một đảng viên CS!!! Sự thăng tiến xã hội cho con người không phải vì sản xuất giỏi, vì tài giỏi; mà vì nhận được nhiều tiền hối lộ, là vì đã nắm chức vụ cao…

Cái khôi hài nhất của chế độ CS là đảng viên và cán bộ mỗi ngày mỗi giầu có hơn; nhưng họ đổ tất cả các lỗi lầm, những thất bại kinh tế, những tệ đoan xã hội cho những”thế lực thù địch” (tưởng tượng) đã gây ra; hoặc “tàn dư” (tưởng tượng) của tư bản để lại!!!…

Chưa có một nước CS chân chính nào thành công trong việc tạo ra một nền kinh tế thịnh
vượng mà mọi tầng lớp dân chúng được huởng. CS luôn luôn cần một bộ máy tuyên truyền nói láo thật qui mô và hàng trăm tờ “báo lố” (nói lái) và một chính phủ độc tài sắt máu để tồn tại. Sự kiên nhẫn, sự rộng lượng tha thứ của dân chúng đã sắp đi đến cuối con đường. Người dân sống dưới chế độ CS bây giở cũng y như những con cọp bị ngược đãi và bị cưỡi đã hơi lâu rồi. Những tên “nài” CS cưỡi cọp có lẽ sẽ phải trả một giá rất đắt như bài học của Sô-sét-cu (Trùm CS Nicolae Ceaus,escu, Chủ tịch nhà nước của Romania từ năm 1965, bị dân chúng nổi lên bắt treo cổ năm 1989). Các trùm CSVN không khéo rồi cũng chung số phận với sô-sét-cu thôi. Chờ xem.

Trần Văn Giang



HOÀNG LONG * THƠ






(Hình trên: Tại thành phố mang tên Bác Cáo, các nàng Kiều khỏa thân để khách Đài Loan, Đại Hàn chọn lựa. Hình dười: Những nàng Kiều của Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam quang vinh xuất khẩu sang Singapore)


TRUYỆN THÚY KIỀU THỜI NAY

Lời thơ : NGUYỄN HOÀNG LONG

Xã hội VIỆT NAM sau năm 1975


Ngày xưa có truyện THÚY KIỀU,
Con nhà VIÊN NGOẠI lắm điều khỗ đau :
Kiều vì chữ hiếu làm đầu,
Bán mình cho kẻ sang giàu,chuộc cha.
Nào ngờ gặp kẻ âm ma,
Khiến Kiều phải chịu bôn ba đoạn trường.
Đến khi Kiều đã cùng đường,
Mượn giòng nước ở TIỀN ĐƯỜNG quyên sinh ....
Nhưng nhờ tướng mệnh trời sinh,
Có người cứu độ,thân mình được yên......
Đó là câu chuyện nghìn niên,
Tưởng là chấm dứt ,không truyền lại ai.
Nào ngờ xứ VIỆT ngày nay,
Sản sinh ra lắm KIỀU cay đắng nhiều,
Tuổi KIỀU chẵng có bao nhiêu,
Có KIỀU bảy tuổi, có KIỀU mười lăm.
Tuổi nầy chửa biết ăn nằm,
Nhưng nhờ Đảng dạy,biết dăm ba nghề.
Thế rồi,Đãng ghép phu thê,
Mở " show " khoe dạng,dễ bề kiếm " ngân",
Trong " show " KIỀU phải khỏa thân,
Để cho "thằng NGOẠI " nắn nâng khắp người
Chọn xong,KIỀU phải rã rời,
Thế mà tiền cưới Đãng xơi ít nhiều !
Mang về chẵng có bao nhiêu,
Vài trăm " ĐÔ " MỸ,lắm điều khỗ đau
Chồng chồng,vợ vợ,làm sao ?
Tuổi chồng ngang BỐ ,gọi nhau thế nào ?
Tiếng người,người nói xí xào,
Tiếng KIỀU,KIỀU hiểu,biết bao trái lòng !
Làm vợ,làm cả một giòng :
Hết chồng tới BỐ lại gồng thêm em .
Bị đòn ,thấm mệt từng đêm,
KIỀU đànhbõ cuộc,uống thêm nước liều
Nữa đêm ai nấy ngũ đều,
KIỀU đành nhắm mắt nhảy liều quyên sinh....
Thương thay câu chuyện hữu tình,
Ngày xưa KIỀU đã bán mình chuộc cha ,
Ngày nay Đảng cũng không tha,
Bán KIỀU xa xứ,chuộc cha ra tù


LỜI BÌNH CỦa VẠN MỘC CƯ SĨ
Ôi, trước 1945, Tố Hữu dụ dỗ các cô gái sông Hương theo cộng sản:


Trời ôi, em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát còn lành được không?
- Răng không, cô gái trên sông
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như bông nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong nắng trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mỏ lòng ra đón ngày mai huy hoàng
(Tiếng hát sông Hương)





Ô hô, sau 1975, cộng sản đem gái Việt xuất khẩu khắp nơi trên thế giới để làm giàu cho đám lãnh tụ và bọn bộ hạ gian ác. Trước năm 2008, cộng sản bán người dưới dạng tư nhân, và công ty, nay thấy ăn ngon lành, cộng sản tiến nhanh, tiền mạnh, quyết định đảng sẽ độc quyền kinh doanh thân xác! Đảng ta sẽ đổi tên là đảng Tú Bà!

LÊ PHAN * VỀ QUÊ ĂN TẾT

(Mứt Việt Nam)



VỀ QUÊ ĂN TẾT

LÊ PHAN



Bất cứ một người Việt nào hiện đang sống ở hải ngoại khi nói đến về quê ăn Tết hẳn lại nghĩ ngay đến quê nhà ở Việt Nam. Hình ảnh ngày Tết quê hương là hình ảnh của ký ức, vô cùng đầm ấm và đẹp đẽ. Nhưng nhiều khi chúng ta bị ký ức đánh lừa.Thật khó quên những ngày Tết của thời xa xưa cũ. Chỉ những màu sắc cũng đủ làm chúng ta ngây ngất. Tết ở Sài Gòn có thể thiếu cái lạnh nhưng được thay thế bằng những bông mai vàng chen lẫn dưa hấu đỏ. Chợ hoa Nguyễn Huệ xinh đẹp nhưng hiền hòa không hào nhoáng và những hàng bánh mứt của chợ Sài Gòn được bày biện như những tác phẩm nghệ thuật.Và chính những hình ảnh đó đã khiến nhiều người Việt tìm về quê ăn Tết.



Tôi đã gặp nhiều người tìm về quê ăn Tết và mỗi người đều trở ra với một niềm thất vọng.Một ông bạn kể lại là mỗi năm đi xem chợ hoa Phước Lộc Thọ lại nhớ đến chợ hoa Nguyễn Huệ. Ông bạn tôi bảo là ở chợ hoa Phước Lộc Thọ những loại cây hoa thật đẹp nhưng vẫn làm cho ông nhớ chợ hoa năm nào vì hoa Cali khác hoa Sài Gòn. Ông thèm cành mai vàng thật sự. Hoa Lan đẹp thật nhưng hoa Lan không thay được cho những chậu cúc đủ loại. Ngay cả đến chậu quất Cali cũng không giống chậu quất quê hương.Sau nhiều năm ao ước, năm ngoái ông tìm về Sài Gòn ăn Tết và vỡ mộng.


Chợ hoa Nguyễn Huệ nay đã trở thành Ðường hoa Nguyễn Huệ. Lòe loẹt, quê mùa, nửa tây nửa ta, phần trưng bày cây cảnh được mệnh danh là đường hoa Nguyễn Huệ làm ông sững sờ. Còn đâu chợ hoa ngày xưa mà ông thèm muốn. Dĩ nhiên Sài Gòn vẫn có chợ hoa, nhưng chợ hoa Nguyễn Huệ mà ông yêu mến đã không còn nữa.Bà chị chồng tôi kể lại là năm trước cũng đem con cái về ăn Tết ở Việt Nam.





Bà đã cố lập chương trình để sao cho đến ngày 30 Tết về đến Hà Nội. Tối Giao Thừa, bà cùng mấy cô con gái và gia đình tìm ra đường tính theo dân Hà Nội đi lễ. Vừa ra đến đường, cảnh rối loạn của một thành phố không biết đến kỷ luật giao thông đã làm bà hoảng sợ. Mấy mẹ con đứng tần ngần mãi không dám qua đường. Sau cùng, một ông đứng tuổi, giọng nói thanh tao của người Hà Nội cũ, thấy thương tình chỉ bảo "Các bà cứ đi, họ sẽ tránh. Còn cứ chờ thì chẳng bao giờ sang đường được đâu.



(Chùa Trấn Quốc- Hà Nội)
Ðánh bạo, mấy mẹ con dắt díu nhau qua đường, chờ chực mãi mới đón được một cái taxi để đến chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa cổ kính nằm bên hồ Tây không đông khách bằng Phủ Tây Hồ nhưng cũng chật người. Mặc dầu lúc đó vừa quá nửa đêm sang năm mới, vườn cây cảnh của chùa đã bị vặt sạch, trông tiêu điều như mới trải qua một cơn bão. Hỏi ra mới biết khách thập phương đã "hái lộc" trụi hết. Buồn rầu mẹ con trở về khách sạn. Sáng mùng một, đường sá vắng hoe, không người đi lại. Thành phố bẩn thỉu dơ dáy nhưng trống trơn, chỉ có những người phu vệ sinh đang thâu dọn bãi chiến trường. Ði quanh quẩn không tìm được đến một tiệm phở, mẹ con bà chị chồng tôi đành trở về khách sạn. Cái Tết quê hương trở thành một cơn ác mộng. Và ngày Tết lại càng làm cho họ cảm thấy mình chỉ là người khách lạ chứ không phải trở về quê hương.

Một người bạn khác cũng thèm nhớ hàng năm vẫn theo mẹ đi lễ lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Năm vừa qua bà bạn đã tìm về Sài Gòn để viếng Lăng Ông đêm Giao Thừa. Hồi xưa, người đi lễ đã đông, bây giờ người đi lễ còn đông hơn nữa. Hương khói nghi ngút ngập trời, đoàn người như nước lôi cuốn người ta không sao cưỡng được. Ngoài nhang đèn, số người làm ăn kinh doanh còn mang theo nhiều lễ vật hậu hĩnh để cầu tài lộc. Con heo quay nằm trên mâm xung quanh đầy tiền giấy cúng sao khó coi quá. Chen chúc một hồi, bạn tôi cũng bị đoàn người đẩy vào đến cửa lăng. Ngạc nhiên nhìn cánh cổng sơn phết lại sao màu mè hơn ngày xưa. Vào đến bên trong, đoàn người đi vào nhập vào đoàn người đi ra, mạnh tay mỗi người tha hồ bẻ cây cối. Bên trong lăng, nơi xin xăm người ta đứng vòng trong vòng ngoài, người nọ lạy người kia vái, tiếng xúc xăm ồn ào nhức óc. Xăm xin xong lại phải ra ngoài nhờ thầy giải đoán.




Hàng loạt các ông thầy chực sẵn, lăm le chỉ bảo. Sợ quá, bà bạn tôi bỏ ra sau để thắp nén hương trên phần mộ của Tả Quân và Phu nhân rồi vội vã bỏ về.Một người bạn nữa lại thèm những món ăn ngày Tết ở quê nhà. Ông ta cứ cả quyết là miếng mứt mãng cầu ở Sài Gòn ngon hơn, không ngọt lự như mứt ở Cali. Ông còn khẳng định dưa đỏ thì chỉ có dưa đỏ ở Việt Nam mới ngọt và mát rượi. Ông nhớ đến đòn bánh tét, đĩa dưa lỗ tai heo, miếng củ kiệu và những con tôm ngọt lịm để nhâm nhi ba xị ngày Tết. Ông chê những thứ này ở Cali không ngon bằng. Năm nay ông tìm về Việt Nam ăn Tết. Khám phá đầu tiên của ông là dưa đỏ Việt Nam bây giờ thua dưa đỏ Cali vì bón phân hóa học quá nên xốp mà không ngọt. Dưa tai heo không giòn, củ kiệu có vẻ như có mùi hóa chất còn con tôm khô cho đĩa đồ nhắm giờ đây trông cũng đỏ đẹp như xưa nhưng cắn vào thì lạt nhách.

(Lăng Ông- Bà Chiểu)





Trong khi đó hồi năm 2005 tôi có dịp ghé Cali ăn Tết. Bầu không khí nhộn nhịp không thua gì ngày Tết quê hương. Tiếng pháo nổ giòn khác hẳn với sự im lặng của cái Tết Việt Nam vì ngày nay pháo bị cấm. Chợ hoa Phước Lộc Thọ vui vẻ, ồn ào, không khác gì chợ hoa Nguyễn Huệ. Trong khi đang đi ở chợ hoa, tôi gặp một gia đình từ Âu Châu sang Cali ăn Tết. Ông bà này kể lại là sau khi về Việt Nam vỡ mộng quá, bây giờ cứ vài năm lại tìm sang Little Saigon để hưởng cái Tết quê hương. Ông tâm sự "Ðây mới thực là quê hương của chúng mình. Bên đó bây giờ đã trở thành xứ lạ. Từ thức ăn, tiếng nói, đến phong tục tập quán, ngay cả cách chưng diện, lối đối xử, họ khác mình quá rồi, về bển chỉ thêm buồn. Ấy là chưa kể cứ mỗi lần thấy lá cờ đỏ vẫn còn đứng tim."Quả đúng là vậy.


Lê Phan

PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH * BÁT ĐOẠN CẨM


TÁM THẾ GẤM (BÁT ĐOẠN CẨM)


Nguyễn Đức Chí


(5-2-2009)

*
Lời giới thiệu
Tám Thế Gấm còn gọi là phép Đạo Dẫn của phái Đạo gia do Trương Tam Phong đứng làm môn chủ. Trương Tam Phong vốn là Trương Quân Bảo, thủa thiếu thời ông là người mảnh mai yếu đuối, được gởi ở chùa Thiếu Lâm để luyện võ và học Phật pháp. Lúc học xong ông xin xuống núi hành đạo, từ đó ông đi ngao du khắp nơi để học hỏi thêm. Ông chịu ảnh hưởng của Phật giáo nhưng lại thuần thành với Lão giáo. Ông áp dụng lý thuyết của Lão giáo, dựa vào Dịch kinh để sửa đổi lại nội và ngoại công của Thiếu Lâm, lập thành môn phái mới là phái Vũ Đương (núi Vũ Đương thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Phái Vũ Đương chủ trương kết hợp các thế đánh trên căn bản Âm-Dương, điều Ý và Khí qua các động tác nhu nhuyễn khinh linh, lối phát quyền mềm mại, chủ về phản kích bằng chính đòn của đối phương tung ra.
Người ta biết các tuyệt kỹ của Vũ Đương qua Bát Quái quyền, Vô Cực quyền, Hình Ý quyền, Thái Cực quyền, Thất Tinh kiếm, Kiếm trận ..v.v…Về nội công, phái Vũ Đương dùng Thái Cực quyền như nội công động luyện vì các thế tập rất chậm để khí có thể chạy trong khắp người. Còn Tám Thế Gấm là nội công tĩnh tọa pháp (phép ngồi thở bên trong). Ở đây tôi chỉ bàn về Tám Thế Gấm gồm 8 thế tập chính giúp gân xương khí huyết người ta được khỏe mạnh làm tinh thần minh mẫn, vì 8 thế này đẹp quá nên người ta gọi là Tám Thế Gấm (Bát Đoạn Cẩm).
Trước đây ở Việt Nam, ông Cồ Việt Tử tức Nguyễn Duy Hinh có dịch ra nhưng chưa đủ; ngoài ra Tập San hội Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis du Vieux Huế) và Tập San Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Études Indochinoises) có dịch phép nội công này, dịch giả là Bác-sĩ Pierre Huard và ông Maurice Durand; còn nhà Sử học Henri Maspéro cũng dịch từ các cổ văn bên Trung Hoa trong tập nghiên cứu về văn minh Trung Hoa của ông trong Tập San Á Châu (Journal Asiatique).
Tôi sau nhiều năm khảo cứu về nội công, rút ra một kết luận là các võ sư dậy về nội công rất ít và khó gặp. Cùng lúc các sách nói về nội công quá sơ sài làm người tập hay bị sai lầm, rút từ khuyết điểm đó tôi cố gắng viết cho rõ ràng để các bạn đọc tập luyện. Một điều nữa là khi nghiên cứu về nội công tôi đã dùng phương pháp nghiên cứu Sử cũng như phương pháp gạn lọc tài liệu mà các nhà nghiên cứu Sử thường hay làm.So sánh Tám Thế Gấm và các loại nội công khác:
A- Những điểm giống nhau:
Tám thế Gấm cũng giống các loại nội công khác, nó chú ý đến dẫn khí xuống đến Đan-điền rồi từ Đan-điền khí vòng xuống dưới gặp huyệt Hội-âm rồi chạy theo sống lưng chạy lên đến đỉnh đầu (ở huyệt Bách-hội, tức trăm huyệt tụ lại ở đó). Tám Thế Gấm cũng dùng để đưa khí đi khắp mình (châu thân). Người tập nội công này hay các phép nội công khác đều chú ý đưa hơi thở ra vào nơi mũi trong khi miệng ngậm lại , phép thở nhẹ nhàng và đều đặn, khí dài sâu được đưa xuống bụng dưới tức phần bụng phía dưới rốn và Đan-điền là 1 huyệt lớn để chứa khí.



Khi khí vừa mới đi vào Nhâm mạch (người phía trước, chạy dọc từ mũi xuống rốn đến huyệt Hội-âm) đều chứa tại Đan-điền (phía dưới rốn khoảng chừng 1.5 cm). Nội công Tám Thế Gấm và các loại nội công khác đều đặt trên căn bản Ý và Khí là một. Hễ khí đi đến đâu thì ý tưởng phải đi đến đó, Ý và Khí phải quấn quit bên nhau như hình với bóng. Nếu ý cùng hơi thở vào là đưa khí đến thì hơi thở ra ý nghĩ phải theo để đưa khí về nơi khí cần ở, có lĩnh hội ở điểm này thì tập nội công mới hoàn hảo.


B- Những điểm khác nhau:1- Tám Thế Gấm và Dịch Cân Kinh: Nếu Dịch Cân kinh là pho nội công thượng thặng của Thiếu Lâm do tổ Đạt Ma soạn ra, thì Tám Thế Gấm là pho nội công nổi tiếng của phái Vũ Đương do Trương Tam Phong là tác giả, vì thế về sau cả 2 môn phái đều mượn của nhau mà soạn ra cho mình; như phái Thiếu Lâm có Thiếu Lâm Bát Đoạn Cẩm gồm 8 thế đứng mà tập; nhưng nói về gốc thì Tám Thế Gấm có 8 thế ngồi chính và 24 thế phụ theo mùa mà tập vì tính phức tạp của nó nên tôi không soạn ra đây mà chỉ đề cập đến 8 thế chính mà người ta thường gọi là Tám Thế Gấm (Bát Đoạn Cẩm), người tập nội công chỉ cần tập 8 thế này cũng đủ để thân thể khỏe mạnh cường tráng, sống lâu và vui vẻ.



Tám thế Gấm (thế thứ 19 bên trái, và thứ 18 bên phải)
Trong khi Dịch Cân Kinh có có 24 thế, gồm 12 thế đứng và 12 thế ngồi. Ở 12 thế sau (các thế ngồi) của Dịch Cân Kinh có nhiều thế cũng giống Tám Thế Gấm, nhưng khác ở chỗ người tập Dịch Cân Kinh có những đoạn phải giữ hơi thở để nén khí và đưa khí đi qua các huyệt đạo trong khi Tám Thế Gấm không cần như vậy. Điều đó giải thích tại sao môn đồ mới học vũ công của phái Vũ Đương dã được học nội công Tám Thế Gấm vì học nội công Tám Thế Gấm không nguy hiểm như tập Dịch Cân Kinh.






Nếu ai muốn tập Dịch Cân Kinh đều phải trải qua một thời kỳ tập quyền cước chừng 2-3 năm, sau đó mới được tập thở nội tức, tức là phép thở đưa khí đả thông 2 đường Nhâm-Đốc (tức Nhâm mạch và Đốc mạch) còn Tám Thế Gấm không cần như vậy.Dịch Cân Kinh thế đứng (thức 1)Dịch Cân Kinh thế ngồi ( thức 2 bên trái, thức 1 bên phải)Dịch Cân Kinh thế ngồi (thức 11 bên trái, thức 10 bên phải)Ngũ Hình Quyền (Xà quyền)



Nếu Dịch Cân Kinh chủ yếu đưa khí xuống Đan-điền rồi theo đường Đốc mạch đi lên, thì Tám Thế Gấm chủ về bịt 2 tai và đập răng để làm yên tĩnh tinh thần. Vì khi tinh thần yên tĩnh khí đi dễ dàng hơn. Mặt khác Tám Thế Gấm chú ý đến thu nước bọt (nước bọt là Âm thủy) rồi nước bọt đó được xúc đi xúc lại nơi miệng làm thành 1 chất keo dính, quánh lại thành một hòn bi nóng đỏ (lúc đó nước bọt biến thành Dương trong Âm tức là Thiếu-dương) rơi chậm từ cổ xuống Đan-điền và nằm tại đó. Khi hòn bi rơi xuống tức là khí đi theo, chỗ ở của nó là Đan-điền. Đan-điền chính là nơi tập trung của 2 khí Âm và Dương. Từ đó sức nóng của Đan-điền nó sẽ tỏa ra ngoài khắp châu thân. Còn khí thuần Âm sẽ được đưa xuống huyệt Hội-âm (điểm ở giữa phía cuối của âm nang và hậu môn, Hội-âm là tụ điểm của các đường Âm, nó là nơi phát xuất tinh khí cho đàn ông và đàn bà) rồi theo đường dọc của Đốc mạch mà lên đầu.



2- Tám Thế Gấm và Pranayama:>Pranayama là phép đưa Thanh khí (Prana) của phái Yoga, Tám Thế Gấm không cần người tập phải phân biệt đường Âm-Dương từ mũi đi xuống Đan-điền. Trái lại Pranayama đòi hỏi người tập lúc hít vào chỉ hít theo lỗ mũi trái tức là đường Âm (Ida) rồi ngưng thở, sau đó thở ra theo đường mũi phải là đường Dương (Pingala) rồi thở ngược lại. Khi khí tụ lại Hội-âm (Muladara) khí sẽ theo đường tủy sống (Sushumna) lên đến đỉnh đầu (ngay huyệt Bách-hội = Sahasrara, tức trăm huyệt hội lại). Với cách tập tự nhiên không nén và giữ khí nên người tập Tám Thế Gấm không bị sức nóng từ dướí xương cùng trở lên đầu (Hỏa-xà tức rắn Lửa (Kundalini) làm người tập trở thành nóng dữ dội và bị điên khùng mà người ta thường gọi là "tầu hỏa nhập ma" tức là khí nóng thay vì tỏa ra tứ chi và toàn thân, thì nó lại đi xuống Hội-âm theo đường Đốc-mạch mà lên đầu. Điều đó giải thích tại sao những người bị "tầu hỏa nhập ma" hay bị xuất tinh triền miên. Và càng xuất tinh bao nhiêu thì Thận thủy càng khô cạn làm không đủ nước tưới mát cho Mộc can thành ra Can cũng khô luôn làm ra bệnh cứng gan (cirrhosis).


C- Tuổi già và nội công:
Ở tuổi trước 50 khí huyết đầy đủ, nhất là Âm huyết có dư, lúc đó là đầu mát chân ấm, tóc đen vì có huyết chạy lên đầu để nuôi tóc, lúc này Thủy ở trên Lửa ở dưới nên đồ ăn khi vào người được nấu chín, đó là thời kỳ Thủy Hỏa K y Tế. Nhưng từ 50 tuổi trở đi thì Âm Dương ngược trở lại, vì con người bị ảnh hưởng của biến Dịch, Dương khí không đi xuống mà lên trên đầu làm đầu nặng, áp huyết cao. Đêm ngủ huyết không về Gan, Thận không đủ nước tưới cho Can mộc làm cho Gan bị khô héo; Đan-điền không chứa được khí ấm để đưa đến toàn thân nên không có Vệ khí để bảo vệ thân mình thành ra vi trùng và ô nhiễm dễ xâm nhập.


























C- Tuổi già và nội công:

Ở tuổi trước 50 khí huyết đầy đủ, nhất là Âm huyết có dư, lúc đó là đầu mát chân ấm, tóc đen vì có huyết chạy lên đầu để nuôi tóc, lúc này Thủy ở trên Lửa ở dưới nên đồ ăn khi vào người được nấu chín, đó là thời kỳ Thủy Hỏa K y Tế. Nhưng từ 50 tuổi trở đi thì Âm Dương ngược trở lại, vì con người bị ảnh hưởng của biến Dịch, Dương khí không đi xuống mà lên trên đầu làm đầu nặng, áp huyết cao. Đêm ngủ huyết không về Gan, Thận không đủ nước tưới cho Can mộc làm cho Gan bị khô héo; Đan-điền không chứa được khí ấm để đưa đến toàn thân nên không có Vệ khí để bảo vệ thân mình thành ra vi trùng và ô nhiễm dễ xâm nhập.


Vì Âm khí không lên đầu được nên phải chạy xuống chân, làm đầu nóng chân lạnh. Thành ra chân không có sức căng từ hông cho đến đầu gối, nên khi đi chân yếu đi có cảm tưởng như đi trong không khí, tức là chân đi không có lực. Đây là thời kỳ Thận thủy là Tâm hỏa không tương thông (Thủy Hỏa vị tế), lúc đó Tim làm việc nhiều mà Thận làm việc ít thành ra Tim bị mệt mỏi, những người già bị chết phần đông do bệnh Tim vì Tim làm việc nhiều quá thành ra hỏng.


Nói chung, ở tuổi già thì đầu mang tính Dương, chân mang tính Âm là Thời kỳ bế tắc (Thiên Địa bỉ). Muốn chữa bệnh già phải kéo Dương khí xuống chân làm chân ấm lại, có khí lực chân đi sẽ vững vàng huyết áp trở lại bình thường; đồng thời đưa Âm khí lên đầu làm cho dễ ngủ, trí nhớ hồi phục, gan sẽ mềm nhuận vì Mộc có nước tưới mát từ Thận thủy (Thủy sinh Mộc), đó là ý nghĩa của Nội-công.



D- Luận về nội công:


1- Tập trung ý tưởng hễ Khí tới đâu thì Ý phải theo tới đó, Ý giúp khí huyết lưu thông, tâm hồn sẽ tự nhiên lắng xuống.

2- Người xưa cho rằng Khí làm chủ trong cơ thể con người, nên khí thịnh và thuận làm con người khỏe mạnh, Khí suy và ngược làm người ta phát bệnh. Vì thế Khí với Huyết gắn bó với nhau mà không thể chia lìa, Khí đi đến đâu thì Huyết đi đến đó, Khí thông thì Huyết thông, đó là yếu tính "thông thì không bệnh" (thông tắc bất bệnh). Vì thế căn bản sống lâu là điều hòa Khí- Huyết.

3- Khi tập nội công không nên vội vàng hấp tấp mà phải tập tự nhiên khiến khí lưu thông dễ dàng. Hễ thân tâm an lạc nội lực mỗi ngày 1 tăng, Gan Mật Thận có dịp gạn lọc chất độc ở trong người; làm cho thần kinh tươi nhuận tinh thần minh mẫn và sức đối kháng của cơ thể được tăng cường, bệnh được đẩy lui, tuổi thọ được kéo dài mạnh khỏe.

4- Độ số và con người có tính liên hệ, như số 6 là số Âm (Lục âm) mà con người khi tập luyện nội công là muốn gia tăng phầm Âm ở trong mình, Âm tức là máu (Âm huyết), khi Âm tăng trưởng thì mới sản xuất được khí ‘Nguyên dương’ mà khí nguyên dương này rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng Âm-Dương ở trong người; làm thân nhiệt điều hòa, làm Thận và Tỳ ấm lại. Còn số 9 là số Dương (Cửu dương), số 6 là số âm thấp nhất và số 9 là số dương cao nhất. Con người cần tăng trưởng phần âm, phần dương chì là bổ túc, vì thế trong Đông Y bài Lục Vị (thuộc về Âm) được uống dài lâu để bồi bổ mà không hại, còn bài Bát Vị (thuộc về Dương) chỉ uống khi khí dương lồng lộn nổi lên là các thuốc loại mát không thể nào trị nổi, đó là lúc trong người khí nóng lên tận đầu và ở đó (nhất là sau 50 tuổi) người ta gọi là Long Lôi Hỏa, thì bài Bát Vị là bài duy nhất kéo Hỏa Long Lôi đi trở xuống chân (vì lửa lớn chỉ có thể lấy lửa mà chặn).


Nếu bài Bát Vị chỉ dùng tạm thời tức chỉ trong giai đoạn ngắn, trong khi bài Lục Vị được dùng trường kỳ. Điểm này đã làm nổi bật là tại sao trong các phép tập nội công người ta phần đông dùng độ số Âm như 6-12-24-36-72; còn số 9 chỉ dùng trong các trường hợp đặc biệt để gây sức nóng bỗng chốc cho Thận hay Tỳ.
Tuy nhiên chúng ta cũng nên chú đến độ số 36-72, vì tuy nó là số lớn của số Âm (số 6) nhưng nếu lấy 3+6=9 hoặc 7+2=9 thì số Âm khi tăng trưởng ở mức độ cao thì nó có tính Dương (‘nguyên dương’ tức là Dương rất nhỏ nằm trong Âm). Khi xoay, chà xát lưng (Thận) hay chà xát bụng (Tỳ: Tụy-tạng) thì khí nóng sẽ chạy vào Đan-điền (nơi ở của Tỳ) rồi đi đến Mệnh-môn (nơi ở của Thận dương) . Điều đó giải thích tại sao trong Tám Thế Gấm khi xúc nước bọt, xoay mình hay chà xát thận đều dùng độ số 36 lần. Nhưng khi muốn làm tĩnh tinh thần thì chỉ dùng toàn số Âm như 6-12-24. Trong các độ số Âm này thì khí Âm đi qua Đan-điền mà không ở lại mà trực chỉ đi tới Hội-âm tức là nơi quy tụ của các khí Âm. Ở trong Dịch Cân Kinh tổ Đạt Ma còn đi thêm 1 bước lớn hơn, ông muốn sức nóng đi đến độ cao nhất; như ở ‘Dịch Cân Kinh 12 thế ngồi’ đã áp dụng độ số 72 để xoa bụng (Đan-điền) và xoa lưng (Mệnh-môn) làm cho 2 nơi này thật là nóng.

5- Đỉnh cao nhất của nội công là Tâm, nó tiềm tàng những thần lực là sức mạnh siêu phàm trong mọi con người được vận dụng thu phát tùy Tâm. Tâm là tinh thần (Thần), là đỉnh cao nhất của con người; tôi lấy ví dụ hễ yêu ai thì con tim rung động, nhưng khi 1 cô nàng nào đó làm điều gì sai thì anh chàng chỉ nhức đầu, nhưng khi cô ta bỏ đi thì anh ta bị ở độ cao hơn là nhức nhói con tim. Do đó ở bất cứ đạo nào đều chú trọng thanh lọc Tâm (tim), vì thế đạo Thiên-chúa thường vẽ đức Chúa và mẹ Maria có tim sáng ngời.

Tinh thần cần phải tĩnh, tĩnh trí tức là tinh thần phải nội liễm không loạn động, phải điềm đạm hư vô. Tâm hễ tĩnh thì tinh thần mới vững vàng, luyện Tâm là để giải quyết những rối loạn tinh thần, giúp thể xác và tinh thần hài hòa, có được như vậy thì con người có nội lực, hoạt động điều hòa nhưng có quan sát, nói năng thong thả, bình tĩnh trong suy nghĩ và hành động.


E- Cách tập:


Khi tập có những nguyên tắc căn bản như:

-Cách ngồi:

Trong thiền học hay nội công trong các thế để thở hay nhất vẫn là thế ngồi, lúc ngồi nếu 2 chân xếp tròn lại nhau thì hơi thở dễ đi xuống Đan Điền. Chúng ta cần ghi nhớ Đan Điền là huyệt rất quan trọng vì nó là nơi chứa khí Nguyên Dương (tức là cái Dương rất nhỏ nằm trong cái Âm lớn, nguyên tắc của nó là giữ cho Âm được thăng bằng). Tất cả mọi thứ trên đời muốn đạt được đỉnh cao đều phải dựa vào đưa khí đến Đan Điền.

Tôi lấy ví dụ khi bắn súng, trước đó phải thở vài hơi để điều hòa khí, sau đó phải hít 1 hơi dài, ngưng hơi thở (tức nén khí xuống Đan Điền), lúc đó người bắn tay không bị rung, viên đạn tới đích mới không bị lệch. Một bệnh nhân tới ông thầy thuốc nói là hay bị lạnh, ăn không tiêu, đêm ngủ không được vì khí nóng bốc lên đầu. Ông thầy thuốc ta (Đông Y) nếu giỏi sẽ cho bài thuốc bổ thận để đưa khí nóng trở về và nằm ở Đan điền. Ở đạo Phật, trong hơi thở quán sát của Thiền hơi thở đều chú đến sự đưa dẫn đến Đan Điền. Nếu chúng ta chú y kỹ lưỡng khi lực sĩ trình diễn, tôi lấy ví dụ là gymnastics, trước khi họ biểu diễn đều thở vài hơi để điều hòa hơi thở, sau đó hít 1 hơi dài để nén khí tại Đan Điền. Những người biểu diễn múa trên tuyết (Ski on ice) cũng không thể đi ngoài ngoại lệ đó, trước khi cô ấy nhẩy lên và xoay 3 vòng (Triple loops), chúng ta thấy cô ấy tự nhiên ngưng 1 chút rồi thở hít vào, sau đó xoay mình theo chiều quay của quả đất tức là theo chiều quay của vũ trụ, đó là phải quay ngược chiều kim đồng hồ (tôi sẽ viết rõ về phần này khi bàn đến ảnh hưởng của vũ trụ đối với con người, đây là phần ít ai để y và nghiên cứu đến), lúc đó xoay mới không ngã, đều và trọn vẹn.

-Lúc ngồi:

Nên ngồi cho lưng thẳng, đầu thẳng, mắt nhìn ngang về phía trước. Hai bàn tay nắm lại để trên 2 đầu gối. Ly do là chỉ có cách ngồi này khí mới có thể chạy thông đến Đan Điền.
-Trước và sau khi thở: Trước và sau khi thở trong cơ thể thường có nhiều khí nóng đang chứa chất trong người, khí nóng này sẽ cản các ‘Khí trong’ (Thanh khí, Prana) từ ngoài vào để đi đến Đan Điền. Sau khi thở, dù đã có Thanh khí đi vào nhưng lại lẫn các khí nóng còn tồn tại, khí nóng này chúng ta gọi là ‘Khí bẩn’ (Trọc khí, Apana); vì thế sau khi thở chúng ta cũng cần loại bỏ các khí dơ này.
a. Trước khi thở: cách ngồi như trên, hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng qua kẽ chân răng (tức miệng ngậm lại, hơi thở chỉ có thể đi qua kẽ chân răng) như vậy là 1 lần, thở 20 lần.


b. Sau khi thở: cũng hít vào bằng mũi thở ra bằng miệng qua kẽ chân răng giống như trên, thở 30 lần.
Điều nên nhớ là trước và sau khi thở cần thở như trên (tức là xả khí nóng trước và sau khi thở), đó là điều bắt buộc nếu không khí nóng sẽ chất chứa thành ra dễ bị "Tầu hỏa nhập ma’.


1- ĐẬP RĂNG NGƯNG TINH THẦN (KHẨU XỈ TẬP THẦN)

Ngồi mặt hướng về phía Bắc. Nới rộng quần áo, lưng quần thả rộng ra cho dễ thở và khí dễ xuống Đan-điền. Toàn thân nghỉ ngơi và nới dãn, tập trung tinh thần, mắt nhìn về phía trước, hai bàn tay nắm lại để trên hai đầu gối. Ngồi đầu và lưng thẳng


(Hình 1).


Thở tự nhiên ra vào bằng mũi trong khi lưỡi để tự nhiên. Hai hàm răng đập nhẹ vào nhau 36 lần. Lúc đó nước miếng đã đầy miệng, chia nước bọt làm 3 phần, mỗi lần nuốt ực một phần xuống bụng. Nhớ rằng lúc làm động tác hơi thở ra vào vẫn tự nhiên.
Mắt nhắm lại rồi từ từ đưa hai bàn tay lên bịt chặt lấy hai tai, lấy ngón trỏ đập lên lưng ngón giữa, hai ngón giữa đụng vào nhau ở phía sau gáy, đập 24 lần. Sau đó 2 bàn tay nắm lại để trên đùi chỗ gần đầu gối, thở nhẹ và sâu bằng mũi 3 lần.
Trở về thế ngồi như lúc đầu, nghỉ 1 lúc xong tập thế tiếp.



2- LẮC CỘT TRỜI (DAO THIÊN TRỤ)

Ngồi bán già hay kiết già, lưng và đầu đều thẳng, thở tự nhiên ra vào bằng mũi, lưỡi để tự nhiên, mắt mở nhìn về phía trước (Hình 2).

Bàn tay trái ngửa lên trời rồi để bàn tay phải trên lòng bàn tay trái, hai bàn tay để phía trên rốn một chút, hai bàn tay khi úp lên nhau phải hơi cong lại. Khi xoay cằm từ phía trước qua trái, xong quay cằm trở về phía trước, hít vào thở ra bằng mũi, xoay 24 lần Hai bàn tay sau đó xoa lên nhau và để ngược chiều, tức bàn tay trái ở trên lòng tay phải, thở ra hít vào bằng mũi khi xoay cằm qua phải, rồi quay cằm trở lại. Chú ý là khi xoay phải giữ lưng và đầu thật thẳng, chỉ xoay đầu và cổ, xoay chậm và nhẹ nhàng.
Xong trở về thế ngồi như trước để nghỉ trước khi tập thế tiếp.







Hình 2


3- NUỐT NƯỚC BỌT (THIỆT QUAN THẤU YẾT)

Ngồi bán già hay kiết già, mắt nhìn thẳng về phía trước. Hai bàn tay nắm lại để trên 2 đầu gối, rồi từ từ đưa 2 nắm tay lên trời, 2 cánh tay song song nhau, trông như 2 tay nắm 1 thanh ngang (hổ khẩu hướng về 2 tai), lưỡi để tự nhiên
(hình 3).


Thở tự nhiên ra vào bằng mũi, miệng ngậm lại, mắt nhìn tự nhiên về phía trước. Đưa lưỡi vòng chung quanh miệng thu cho nhiều nước bọt. Sau đó làm như xúc nước bọt ra vào 36 lần. Rồi từ từ đưa 2 nắm tay về để nhẹ trên 2 đầu gối (cánh tay hơi cong lại). Chia nước bọt làm 3 phần, mỗi lần nuốt 1 phần xuống bụng, tưởng như đang nuốt 1 cục tròn nóng đỏ chạy từ cổ xuống Đan-điền (cách rốn 1 đốt ngón tay), sức nóng này dần dần tỏa khắp châu thân.
Cuối cùng trở về thế ngồi trước đây để nghỉ trước khi tập thế tiếp.



Hình 3


4- CHÀ XÁT THẬN (MA THẬN ĐƯỜNG)


Ngồi bán già hay kiết già, mắt nhìn thẳng về phía trước, lưỡi để tự nhiên (hình 4). Chà 2 bàn tay thật nóng, xong xát vào chỗ sống lưng nơi hai quả thận, ngón tay cái hướng ra ngoài còn các ngón khác hướng xuống đất. Chà thận từ trên xuống dưới 36 lần. Xong đưa 2 bàn tay úp trên 2 đầu gối. Từ từ hít vào thật sâu, tưởng tượng khí chạy từ Tim đi xuống bụng vào Đan-điền. Sau đó ngưng thở, đến khi không thể nín hơi được nữa thì nhíu Hậu-môn lại, sau đó thở ra bằng mũi. Đó là 1 lần, thở như vậy 3 lần (Hình 4).



Hình 4
5- XOAY 1 TAY (ĐƠN QUAN LỘC LƯ)

Ngồi bán già hay kiết già, ngồi tự nhiên để bàn tay phải nơi eo phải, ngón cái hướng sau lưng, ngón trỏ chỉ ra ngoài; bàn tay trái áp vào bụng ở ngay rốn, mắt nhìn về phía trước, miệng ngậm kín. (hình 5). Đầu lưỡi chạm chân răng hàm trên, thở ra hít vào bằng mũi khi quay mặt qua trái, xoay nhẹ nhàng; sau đó xoay trở lại phía trước mặt cùng thời thở ra, lưỡi để tự nhiên trong lúc xoay về phía trước. Xoay 36 lần.
Sau đó thay tay, tay phải áp vào bụng, bàn tay trái áp ngang hông. Xoay người qua phải cùng lúc thở ra, rồi sau đó hít vào bằng mũi khi xoay trở lại về phía trước. Xoay 36 lần.





Hình 5


6- XOAY 2 TAY (SONG QUAN LỘC LƯ)

Ngồi bán già hay kiết già lưng và đầu thật thẳng, miệng ngậm, mắt nhìn thẳng về phía trước, lưỡi để tự nhiên. Hai lòng bàn tay áp vào 2 quả thận ở phía sau lưng. Thở ra hít vào bằng mũi khi xoay mặt từ phía trước qua bên trái, rồi xoay mặt trở về phía trước, đó là 1 lần. Xoay 36 lần.
Rồi xoay mặt qua phải sau đó xoay trở về phía trước. Cách thở cũng giống như trên. Xoay 36 lần. Xong nhắm mắt lại, đầu hơi cúi xuống để khí có thể đi dễ dàng xuống phía dưới; tưởng như có ngọn lửa chạy từ Đan-điền đi xuống dưới rồi theo đường xương sống lên đến đỉnh đầu (tức từ huyệt Đan-điền chạy xuống huyệt Hội-âm (ngay giữa Hậu-môn và Âm-nang), rồi đi lên đến huyệt Bách-hội ở trên đỉnh đầu).
Cuối cùng xoãi 2 chân ra phía trước, 2 chân song song nhau ngang bằng vai, ngón chân hướng lên trời, bắp thịt thả lỏng, lúc đó miệng ngậm lại, thở ra vào bằng mũi 3 hơi dài và sâu (hình 6).



Hình 6


7- HAI TAY ẤN ĐẦU (TẢ HỮU ÁN ĐẦU)

Ngồi bán già hay kiết già, hai tay đan lại nhau, lòng bàn tay áp vào bụng ở về phía dưới rốn. Thở vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, lưỡi để tự nhiên, thở 3 hơi cho trọc khí (Apana) ra ngoài. Mắt nhìn thẳng về phía trước, sau đó miệng ngậm lại, lúc ấy thở ra hít vào bằng mũi đồng thời từ từ đưa 2 tay lên ngực rồi đưa thẳng lên đầu, khi ấy cùng lúc lật ngược bàn tay cho lòng bàn tay hướng lên trời, mắt vẫn nhìn về phía trước. Sau đó lật ngược bàn tay đưa lòng bàn tay trở về áp vào đầui; thế là 1 lần. Làm như vậy tất cả là 9 lần.




Hình 7


8- CÚI ĐẦU NẮM CHÂN (ĐÊ ĐẦU PHÀN PHÚC TẦN)

Ngồi đưa 2 chân thẳng về phía trước, 2 lòng bàn chân chạm vào nhau, ngón chân đưa lên trời. Đặt 2 bàn tay xuống sàn nhà, ngón cái chạm vào thân mình còn các ngón kia hướng về phía trước, mắt nhìn thẳng về phía trước mặt, lưỡi để tự nhiên. Cúi về phía trước thở ra hít vào bằng mũi, cùng lúc 2 tay nắm 2 bàn chân kéo người ra phía trước sát xuống tận chân, sau đó dần dần đưa người trở lại chỗ cũ, như vậy là 1 lần. Làm tất cả là 12 lần (hình 8).





Hình 8
Sau đó cuối cùng thu chân lại ngồi bó gối, cánh tay ở trên 2 đầu gối lưng thẳng; thở vào bằng mũi, thở ra qua kẽ chân răng với 30 hơi thở cho khí nóng còn tồn tại ở trong người ra ngoài. Sau đó đứng dậy, đi lại nhẹ nhàng (nếu đi vòng tròn thì đi ngược chiều kim đồng hồ) cho khí thông.


Kết luận:

Khi viết tới đây là tôi đã phân tích và ghi đủ bài tập Tám Thế Gấm, trong đó tôi chú trọng vào cách thở trước và sau khi tập mà chính bản không đề cập đến. Điều khác tôi so sánh phép nội công này và các phép nội công khác mà thiếu hẳn khi mọi người viết về nội công Tám Thế Gấm. Điểm đặc biệt là tôi đã hội nhập giữa Nội Công và Đông Y khi tôi đối chiếu và phân giải những tương đồng và khác biệt của 2 thể loại này. Một điểm bất thường là tôi bàn tới độ số dùng vào các thế tập khi nội công chú trọng tăng phần Âm (tĩnh) hoặc tăng phần dương (động) mà trước đây những người viết về nội công chưa hiểu, hoặc họ biết mà không phân biệt được để không thể nói tới.
Tuy nhiên viết là 1 chuyện mà tập lại là 1 chuyện khác, người viết muốn người đọc tập cho thể chất và tinh thần tiến bộ hơn, cho nên người đọc cần nên tập để người viết được khuyến khích và sau này viết hay hơn.
Mong thay.



Nguyễn Đức Chí
(5-2-2009)
HẾT



Chú của Vạn Mộc Cư Sĩ
Sach về Bát Đoạn cẩm cũng như các loại sách khác có nhiều bản khác nhau
Một tài liệu khác ghi tám đoạn của Bát Đoạn cẩm là:
1.Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu
2.Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu
3.Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ
4.Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiều
5.Dao Đầu Bài Vĩ Khử Tâm Hỏa
6.Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận yêu
7.Vận Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực
8. Kiễng Túc Nâng Đầu Tiêu Bách Bệnh


Tài liệu về Bát Đoạn Cẩm thì nhiều. Các bạn có thể tham khảo sach của võ sư Hàng Thanh tại:
http://www.vietlyso.com/forums/showthread.php?t=10362

hoặc tại Thư Viện E Book
http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=3051

Thursday, February 5, 2009


TRẦN KHẢI THANH THỦY * THƠ





GIỚI THIỆU:

Trần Khải Thanh Thủy là một cựu giáo viên, nhà báo, nhà văn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, hội viên danh dự Hội Văn bút Quốc tế Anh (Honorary Member of PEN UK 2007)[1][2]. Bà là một người bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam.

(Hình bà Trần Khải Thanh Thủy)

Tiểu sử
Trần Khải Thanh Thủy sinh ngày 26 tháng 11 năm 1960 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1982; từ năm 1986 đến 1993 bà là giáo viên tại tỉnh Hà Tây.

Năm 1993 bà bỏ nghề dạy học về Hà Nội viết báo (báo Cựu chiến binh) và nhiều báo khác (Người cao tuổi, Văn hóa văn nghệ công an, Lao động thủ đô, ...).

Năm 1999 bà bị buộc thôi việc, bắt đầu viết tự do.

Ngày 2 tháng 9 năm 2006 công an đã bắt bà khi đang chuyển tài liệu ra nước ngoài và khám xét nhà bà sau đó.

Tháng 2 năm 2007 tổ chức Human Rights Watch tặng Giải Hellmann/Hammett cho bà (và nhiều người Việt khác: Đỗ Nam Hải, Lê Chí Quang, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Quế Dương)[3].

Ngày 21 tháng 4 năm 2007 Trần Khải Thanh Thủy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội bắt khẩn cấp vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"[4].


Một số tác phẩm
Xuất bản trong nướcThơ đố, Nhà xuất bản văn hóa Dân Tộc, 1989
1001 chuyện lứa đôi, (Phóng sự), Nhà xuất bản Thanh Niên, 1998
Ngôi nhà của Gấu, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1998
Vợ chồng như thớt với dao, (truyện vui), Nhà xuất bản Thanh Niên, 2000
Sông không đến, bến không vào, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2000
Làm chị, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2001
Băm sáu cái nõn nường..., Nhà xuất bản văn hóa Dân Tộc, 2002
Từ trong cổ tích, (truyện ký), Nhà xuất bản Kim đồng, 2003
Lưu Hương Ký, (bình chú), Nhà xuất bản Thanh Niên, 2004
Khát sống, (truyện ký), Nhà xuất bản Kim Đồng, 2004
Âm thầm, (thơ), Hội Liên Hiệp Nghệ Thuật Hà Nội 2004
Biết yêu từ thở còn thơ, (phóng sự), NXB Hội Nhà Văn, 2005
Song hỉ lâm môn, (truyện vui), Nhà xuất bản Hà Nội, 2005
Khúc khích xuân Hương, Nhà xuất bản văn hóa Dân Tộc, 2005
Tôn Thất Bách- Y Đức một đời, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2006

Đăng ở hải ngoại
Chết ngoài kế hoạch (truyện vui)
Báo về (truyện vui)
1001 truyện trong cơn sốt giá (phóng sự)
Cơm vua lộc nước (phóng sự)
Nhật ký ngục tù (nhiều kỳ, tản văn)
Tự sự về lai lịch một bài thơ (tản văn)
Văn minh thành phố (truyện vui)
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh (phóng sự)
Hang Đá (tản văn)
Đôi điều cảm nhận (tản văn)
Đối thoại cùng sông (tản văn)
Hoan hô công an đảng ta vồ ếch
Ôi công an nhục mấy cho vừa
Bình quân đại láo
Đảng buông vạt váy tôi ra
Thư cảm ơn
Tiếng rao đêm Hà Nội (phóng sự)
Hồi ức buồn (truyện ngắn)
Kỷ niệm hay tưởng liệm?
Tượng đài mà biết nói năng ?
Chuyện thường ngày ở đồn (I, II)
Đêm chong đèn ngồi hóng chuyện
Trò chuyện cùng anh Lưu Ngọc Bang (I, II)
Lương y Hà Nội bây giờ
Nhà văn Việt Nam và sự hội nhập
Chính trị và chiếc giường
Cú điện thoại "oan nghiệt"

[sửa] Chú thích
^ Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy được bầu làm Hội Viên Danh Dự PEN
^ Tran Khai Thanh Thuy
^ 45 Writers from 22 Countries Receive Hellman/Hammett Grants
^ Trần Khải Thanh Thuỷ: Suy đồi đạo đức, làm tay sai cho phản động lưu vong

[
Hội Văn bút Quốc Tế kêu gọi Việt Nam thả nhà báo Trần Khải Thanh Thủy
NHÀ VĂN TRẦN KHẢI THANH THỦY
Lấy từ “http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Kh%E1%BA%A3i_Thanh_Th%E1%

Tên em giữa đời

Trần Khải Thanh Thủy



(Tặng Lê thị Công Nhân ngày sinh nhật)


Nhân ơi ngày sinh nhật
Mà thân em tội tù
Chị buồn chia tiếng khóc
Cả cộng đồng ngẩn ngơ
Em thấy trước ngày mai
Cờ vàng treo trước ngõ
Đất mình dân làm chủ
Đập tan lũ độc tài ...

Nên em thà nằm trại
Hơn nghe lũ chó nài
Tâm hồn em bừng sáng
Giữa nhà lao bịt bùng
Lũ chó phải cụp đuôi
Trước lời em- bất tử
Tìm đường cho Lịch sử


Có em tháng năm này
Em nhìn ra tai ương
Nơi dân mình ...giãy chết
Tương lai vời xa lắc
Khi đoàn, đảng soi đường
Em vùng lên công khai
Đòi quyền dân làm chủ
Thức bao hồn mơ ngủ
Bằng ngọn đèn tự do
Bắt em vào ngục tối
Đảng mang tội muôn đời
Triệu người dân la lối
Kéo em ra một ngày
Em sẽ là chiếc đinh
Đóng lên quan tài đảng



Dẫu mảnh mai dáng hình
Kéo ngai vàng sụp đổ
Sinh nhật chị làm thơ
Để chia đôi tiếng khóc
Để nhân thêm nụ cười
Tặng người em gái nhỏ
Công bằng và nhân hậu
Là tên em giữa đời
Một mặt trời soi rọi
Giữa mịt mù đêm thâu
Hang đá 20-7-2008
(Sinh nhật em lần thứ 29)

Trần Khải Thanh Thủy


TRẦN KHẢI THANH THỦY * TRUYỆN NGẮN

Tết này em không về
Trần Khải Thanh Thủy



=

Anh thư thời đại: Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân




Vào trại, chị không ngờ lại biết được tin em qua một nhóm bạn tù vừa chuyển từ Hỏa Lò về. Qua giọng nói, ngôn ngữ, chị cảm nhận mọi người quý trọng em lắm, như một nữ anh hùng thời đại, một cánh chim báo bão, dù bị đảng giương cung độc ác bắn gãy cánh ngang trời mà cú rơi tự do từ tột đỉnh "thăng tiến" xuống nền trại giam, mang đầy màu sắc...làm chị về phòng giam rồi mà cứ thao thức mãi. Số phận vô tình gắn hai chị em mình thành một, nên nỗi đau ngục tù số phận cũng chia đều. Ngoài đời chị ấm lòng vì trong cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam có em ở bên bao nhiêu thì trong tù lòng chị đau đớn bấy nhiêu.





Trại hỏa lò nơi em ở, vốn khét tiếng vì sự độc ác, tối tăm, chật chội và hắc ám, nơi nạn bạo hành, trấn cướp vẫn diễn ra hàng ngày, nơi người với người tranh giành nhau từng miếng ăn, chỗ ở, chỉ vì nạn...đất chật người đông, kỷ cương pháp luật buông thả nên mỗi năm ba ngành tòa án, công an, viện kiểm soát phải đảm bảo chỉ tiêu 6000 người "nhập khẩu", vì vậy mỗi người chỉ được vẻn vẹn 60 cm để nằm trong một không gian chật chội 40 người một phòng 30 m2, tha hồ chen chúc giữa cái nắng như nung của bầu trời nhiệt đới, cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông trong lao hun hút gió lùa. Lúc là chảo rang người khổng lồ, khét lẹt mồ hôi, lúc là nhà đá lạnh lẽo bẩn thỉu, ẩm ướt, tối tăm, nơi ghẻ lở hắc lào là chuyện không có gì phải làm ầm ĩ (mỗi người, mỗi ngày chỉ được chia một chậu nước để tắm rửa, vệ sinh) cũng là nơi ốm đau không được chăm sóc. Sự sỉ nhục, đánh đập của cán bộ quản giáo đối với tù nhân xảy ra như cơm bữa.


=








Nơi yêu thương, đầm ấm, bao bọc, sẻ chia bị tước đoạt không thương tiếc, nhường chỗ cho nạn sùng tín trung cổ: Hằn gắt, dối lừa, sỉ nhục và thú tính phát triển vượt bậc...



Một viên ngọc tỏa sáng giữa đời thường như em, giờ bị rơi vào bùn lầy nước đọng phải hòa trộn với bao sỏi đá. Một người vốn sinh ra là để hưởng tự do, an nhàn, phú quý, nền văn minh nhân loại thấm đẫm từ đầu đến chân, nay rơi vào chốn ô trọc, nhơ nhớp, tận cùng của sự mất vệ sinh, ô nhiễm. Một người sống trong sách vở, kính chúa yêu nước thương người, nay sống trong tăm tối, người với người sống để... hành hạ, sỉ nhục, trấn áp nhau. Một người không bao giờ tham gia vào các trò chơi mất phẩm giá như em, nay vì tình thế trớ trêu, cả bè lũ chó má nhảy lên bàn độc phán xét bắt bớ mà rơi vào giữa bọn lừa đảo, trộm cắp, ma tuý, tú bà, sở khanh, thật là xót xa đau đớn quá Nhân ơi...




Cả hai lần em bị xử, dù đang bị biệt giam, không hề biết tin tức gì (ngoài những tờ báo lá cải của đảng bôi nhọ em), nhưng chị thừa biết tính chất phi luân của luật pháp Việt Nam, một thứ luật vô nhân, vô đạo, vô văn hoá. Là trí thức được học hành hiểu biết, ai cũng rõ ở bất cứ xã hội nào, trong bất kỳ thể chế nào luật pháp cũng phải dựa trên nền tảng là đạo đức xã hội. Nói cách khác, đạo đức chính là nguồn sống của pháp luật. Nếu vì bất cứ lý do nào, nguồn sống này mất đi thì luật pháp thực sự hết đất sống.



Xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng ngày càng hoàn thiện sự suy đồi nên mới bắt một người trong sáng, thánh thiện như em vào tù, buộc cho em đủ thứ tội mà em không hề có. Bỏ mặc em quằn quại vật vã, trong những ngày tuyệt thực, đau ốm, đi không vững, người choáng váng. Xúi bẩy những người cùng phòng khích bác, hạ nhục, bêu xấu em, chuyển trại em không hề thông báo cho gia đình biết để chăm sóc khi em đang 3 phần sống, 7 phần chết (vì tuyệt thực 1 tuần liền) trên chiếc xe tù bít kín, trên chặng đường 225 km, xóc nảy người, thiếu không khí khiến em ngất xỉu trong thùng xe, chưa đủ còn ra lệnh kỷ luật em khi em chia xẻ chiếc chăn của nhà cho người bạn tù tại nơi ở mới, cố tình không cho em gặp mẹ khi mẹ từ Hà Nội xuống thăm v.v và v.v. Bao nhiêu đau khổ của trần gian trút xuống thân hình mảnh mai bé nhỏ của em mà em vẫn không chùn bước. Trước 3 cai tù canh giữ, em vẫn lớn tiếng tố cáo tính chất độc ác và giả dối của trại với mẹ....




Người đàn bà hết lòng vì con, người xác định sẽ theo em đến cùng cả trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với đảng cộng sản cũng như trong thời gian em ở tù. Dù đường dài, chân mỏi, mắt hoa, không ít lần sa chân, ngã nhào vì tuổi già, vì cực nhọc...song sức mạnh của tình mẫu tử, của lòng tự hào luôn chiến thắng, mẹ lại một lòng một dạ vùng lên, đòi hỏi quyền lợi, tiếp tế cho em, cũng là nhận về sự xẻ chia của những người bà con, đồng bào từ Hải ngoại vào trại cho em...một sự vùng lên không ngừng của tình mẫu tử Việt Nam em ạ.
Tết này bà con hải ngoại nhắc em nhiều lắm, người con gái mảnh mai mà tâm hồn tràn đầy khí phách. Một hình bóng giai nhân mà cuộc đời bị giam trong ngục tối, một bóng dáng nữ lưu trác Việt, sinh ra giữa lòng cộng sản mà lòng đầy nhân nghĩa, yêu thương, một phẩm chất anh hùng thời đại, dám xả thân vì đại nghĩa mà tiếc thay cuộc đời do đảng cầm quyền lại đầy cạm bẫy, đau thương.




Năm ngoái bằng giờ này, ngày 2 tết em xuống Hải Phòng thăm những nhà dân chủ gồm Bạch Ngọc Dương, Nguyễn Xuân Nghĩa, bác Vũ Cao Quận...Tất cả giang tay đón tiếp em, như lòng biển bao la đón con sóng vào lòng...Năm nay, vắng bóng em thật rồi, mọi người tha hồ nhắc tới em, ôn lại kỷ niệm ngọt ngào mà sâu lắng này, lòng đầy chua cay, đau xót.




Tất nhiên người thương em nhiều nhất vẫn là mẹ, thân thể em do mẹ phân thân xẻ thịt mà thành, bao nhiêu năm thắt lưng buộc bụng, để nuôi em khôn lớn...Giữa thời đảng trị, "bao nhiều, cấp ít". Gạo vừa 13 ký, suốt tháng cháo thừa, cơm thiếu, quanh năm no cậy nước. Vải tròn 4000 phân, suốt ngày quần thiếu, khố thừa, suốt đời ấm nhờ da... Bao nhiêu hy vọng mẹ đặt nơi em, và em như lắng nghe tiếng lòng của mẹ, nhìn sâu vào ánh mắt mẹ mà học hành giỏi giang, tấn tới, hiểu rõ về luật, lại giỏi ngoại ngữ... Lẽ ra, ở một xã hội dân chủ tự do, nơi tri thức được đặt lên hàng đầu, người như em phải được đề cao trọng vọng. tiếc thay, trong lòng xã hội chủ nghĩa việt nam, đảng luôn trừng trị những gì đi qúa giới hạn của đảng, đó là sự thông minh, hiểu biết, lòng can đảm, xẻ chia với dân nghèo, sự phê phán những việc làm thấp hèn, sai trái, sự độc đoán chuyên quyền của đảng cũng như của những kẻ cúi đầu làm theo mệnh lệnh sai trái của lãnh đạo đảng, chỉ vì đồng lương tháng, vì cấp bậc trên ve áo, vì nồi cơm của vợ con v.v. \




Chỉ vì gan to bằng trái núi, dám vượt qua giới hạn của đảng mà cả em và chị, đều là nạn nhân của sự trừng phạt này. Thay vì tư duy bầy đàn, vì ăn theo nói leo những tư tưởng mù loà sai trái của đảng thì em mở lớp học về nhân quyền tại việt nam, hy vọng sẽ biến việt nam từ xứ sở cằn cỗi tự do (như mưa bóng mây, như bụi gai cằn) thành khái niệm tự nhiên, rộng khắp như hơi thở, khí trời như biển hiệu, bến đỗ trong các nhà ga, trường học..v.v. Vì đi qúa giới hạn của đảng mà chị em mình đã bị đảng ra tay trừng trị, giam vào ngục tối, nhằm thiến hết nhân cách phẩm giá làm người
Nhớ lại ngày 11-5 ở trong tù, nghe tin hai em bị xử, dù không được phép sử dụng giấy bút, chị đã làm thơ, vừa để nhắn nhủ em, cũng là tự nhủ với lòng mình:



Nhân, Đài ơi có chị ở bên
Ba chúng ta sánh vai cùng đạo lý
Ba gương mặt bình thường như lẽ phải
Sinh ra để xóa bỏ độc tài.



Cố tình bắt em, đảng cộng sản đã vập phải bức tường của lòng nhân ái, căm phẫn cao độ. Hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ phía bên kia bờ đại dương vọng về, hàng triệu khối óc cùng tập trung công sức, trí tuệ để kêu gào, kiến nghị với thủ tướng, dân biểu của nước sở tại, đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải thả em vô điều kiện. Hàng triệu tấm lòng nhân ái, yêu thương, ngày đêm lặng lẽ dõi theo bóng dáng bé nhỏ của em nơi trại tù xa lắc giữa gió lào cát trắng, nghiệt ngã, hoang vu. Hàng nghìn bàn tay tình nguyện chìa ra bồi lấp cho nỗi khổ thẳm sâu trong lòng em, lòng mẹ vợi bớt nguôi ngao. Bao nhiêu cuộc điều trần phía bộ ngoại giao, bộ công an cũng không thể nào xóa bỏ được việc làm bất nhẫn này. Cả thể chế tàn bạo của đảng gồm nhà tù, trại giam với bao nhiêu cực hình phải dùng để đối phó với khí phách hiên ngang của chị em mình, hai con người tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Việt nam đội đá vá trời, khai sơn phá thạch, đi trên con đường lớn...chứng tỏ sự hèn hạ, kém cỏi, bất lực của đảng, cho dù sớm hay muộn thì thế thua của đảng cũng là điều tất yếu.


Đảng không thể độc tài, độc tôn, muôn năm mãi được .Tết này em không về, cả nhà mình mất tết, cả cộng đồng hải ngoại đón tết kém vui, ngôi nhà dân chủ việt nam mãi không nguôi ngoai nỗi đớn đau xa cách này, mẹ ngày ngày lặng khóc vì thương nhớ, đúng như cái tên của mẹ, cũng là những lời thơ chị viết : Không có em, cả nhà đầy nước mắt.




Thuốc đắng cạn liều càng thấy đắng, đường xa dân chủ đắng cay nhiều, Hãy vững tin ở tương lai em nhé, con đường mà chị em mình lựa chọn còn đầy chông gai, bão tố, nhưng cái gì phải đến sẽ đến. Để xứng đáng với chiếc ghế của hội đồng bảo an không thường trực, để có chỗ đứng trong hàng rào mậu dịch WTO, đảng buộc phải nhìn nhận lại và âm thầm sửa sai những sai lầm chết người, trong đó có việc phóng thích em ra khỏi trại tù em ạ. Nếu không có gì thay đổi, theo suy đoán chủ quan của chị và những người bạn tù vừa chuyển từ Hỏa lò về B14 cùng chị, chỉ Tết 2009 em sẽ về đoàn tụ cùng mẹ và cộng đồng. Cố gắng lên Nhân ơi. Nhất định Tết sau em phải trở về.


Hang đá 2 tết 2008.

Trần Khải Thanh Thủy
==

Wednesday, February 4, 2009


TIN TỨC CỘNG ĐÔNG * CỜ VÀNG TẠI SANTA ANA



Santa Ana chính thức công nhận Cờ Vàng


Monday, February 02, 2009



Nỗi vui mừng của đồng hương Việt Nam sau khi toàn thể HĐTP Santa Ana biểu quyết công nhận Cờ Vàng.Nghị Viên Vincent Sarmiento được một cô gái choàng tấm khăn màu vàng ba sọc đỏ vào cổ ngay sau khi nghị quyết Cờ Vàng được Santa Ana thông qua.Nghị Viên Vincent Sarmiento được một người gắn hai lá cờ nhỏ Việt-Mỹ lên áo.Đồng hương Việt Nam vui vẻ chụp hình lưu niệm bên ngoài phòng họp HĐTP Santa Ana.Phó Thị Trưởng Claudia Alvarez đặt hai lá cờ Việt-Mỹ lên bàn sau khi tuyên bố ủng hộ nghị quyết Cờ Vàng.



Bài và hình: Đỗ Dzũng/Người Việt



SANTA ANA, California (NV)-- Trong không khí những ngày Tết Kỷ Sửu giá lạnh, những người Việt Nam có mặt tại phòng họp Hội Đồng Thành Phố Santa Ana tối Thứ Hai vừa qua lại cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết khi lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được toàn thể bảy dân cử đại diện cho thành phố lớn nhất Orange County này đồng ý công nhận là lá cờ đại diện cho cộng đồng Việt Nam.
Kết quả cuộc bỏ phiếu là 7-0.


Nghị quyết công nhận Cờ Vàng lần này do Nghị Viên Vincent Sarmiento đưa ra với sự ủng hộ của Phó Thị Trưởng Claudia Alvarez và Nghị Viên Sal Tinajero.
Trước đây, nghị quyết này do Phó Thị Trưởng Brett Franklin và hai nghị viên Mike Garcia và Jose Solorio đưa ra năm 2003 nhưng bị thất bại. Năm 2008, Nghị Viên Vincent Sarmiento đề nghị một lần nữa, nhưng cũng bị thất bại luôn.






Phát biểu trước các đồng viện của mình, Nghị Viên Vincent Sarmiento nói: "Đây là thời điểm Tết Kỷ Sửu và cũng là lúc chúng ta bày tỏ sự công nhận văn hóa đa dạng trong cộng đồng chúng ta. Chúng ta có hơn 30,000 người Việt sống trong thành phố và nhiều người không biết rằng Little Saigon bắt đầu ra đời tại Santa Ana. Chúng ta phải công nhận lá Cờ Vàng là biểu tượng của cộng đồng Việt Nam. Đây là một biểu tượng của dân chủ. Và đây là điều quan trọng. Đã có nhiều tiểu bang và thành phố công nhận lá cờ này. Một số chúng ta có mặt trong cuộc diễn hành hôm Thứ Bảy vừa qua tại đại lộ Bolsa."
"Tôi rất vinh dự được đưa ra nghị quyết này. Xin cảm ơn tất cả mọi người ủng hộ," Nghị Viên Vincent Sarmiento nói tiếp.




Sau đó, Phó Thị Trưởng Claudia Alvarez và Nghị Viên Sal Tinajero đều lên tiếng ủng hộ đề nghị của Nghị Viên Vincent Sarmiento. Trước đó, nhiều dân cử gốc Việt trong Orange County cũng lên phát biểu ủng hộ nghị quyết Cờ Vàng như Giám Sát Viên Orange County Janet Nguyễn, hai nghị viên Garden Grove Andrew Đỗ và Dina Nguyễn, Phó Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí và hai nghị viên Westminster Andy Quách và Diệp Miên Trường.



Riêng hai dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn và Jose Soliorio không đến được, nhưng vẫn gởi văn thư ủng hộ nghị quyết và để đại diện của mình ra phát biểu trước Hội Đồng Thành Phố Santa Ana. Ủy Viên Giáo Dục Westminster Sergio Contreras cũng có mặt để ủng hộ cộng đồng Việt Nam.
Nhiều người ghi danh phát biểu ủng hộ, nhưng Thị Trưởng Santa Ana Miguel Pulido đã yêu cầu nhường thời gian để hội đồng làm việc khác vì không có ai phát biểu chống lại nghị quyết.
Ngay sau khi nghị quyết Cờ Vàng được thông qua, những người Việt Nam có mặt đã nhảy lên vui mừng.









(Hình bên phải: dân Việt hoan hô vui mừng.
Hình bên trái: Nghị Viên Vincent Sarmiento được một cô gái choàng tấm khăn màu vàng ba sọc đỏ vào cổ ngay sau khi nghị quyết Cờ Vàng được Santa Ana thông qua.




Một người nào đó nói lớn: "Come back next year for Tet Parade!"
Riêng Nghị Viên Vincent Sarmiento đã ngỏ lời cảm ơn ông Khanh Nguyễn, Ủy Viên Santa Ana phụ trách công viên và giải trí, trong sự thành công này vì ông là người đã giúp nghị viên này soạn thảo nghị quyết.
Bên ngoài phòng họp, các cơ quan truyền thông vây quanh Nghị Viên Sarmiento.






Một cô gái đã choàng lên cổ ông một cái khăn màu vàng ba sọc đỏ. Một cựu quân nhân VNCH gỡ miếng kim loại có hình hai lá cờ Mỹ-Việt gắn vào áo cho ông Sarmiento. Mọi người có mặt đều hài lòng và vui mừng.




Ông Kiều Thanh Long, cư dân thành phố Krefeld, Đức, sang chơi Tết ở Little Saigon bày tỏ: "Tôi cảm thấy rất vui vì lá cờ chính nghĩa đã được thêm một nơi công nhận. Kể từ nay, không chỉ có người Việt Nam mà cư dân Santa Ana cũng nhìn ra được ý nghĩa của lá cờ này."
"Sẽ còn nhiều thành phố công nhận Cờ Vàng nữa. Không chỉ Santa Ana thôi đâu," bà Nancy Ninh, một cư dân Westminster, nói với nhật báo Người Việt một cách tin tưởng. (Đ.D.)



Tuesday, February 3, 2009


TIẾN SĨ NGUYỄN PHÚC LIÊN * NHỮNG NHẬN ĐỊNH THEO DÒNG THỜI SỰ





NHỮNG NHẬN ĐỊNH THEO DÒNG THỜI SỰ:


WORLD ECONOMIC FORUM (WEF) 2009

VÀ KHỦNG HỎANG TÀI CHÁNH/ KINH TẾ



Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
29.01.2009



Mỗi tuần,chúng tôi có bài QUAN ĐIỂM. Nhưng những bài quan điểm này thường được viết liên tục ý tưởng theo loạt bài Chủ đề kéo dài trong nhiều tuần. Những bài quan điểm bầy tỏ Lập trường của VietTUDAN có tính cách dài hạn. Tuy nhiên mỗi tuần, có những sự việc xẩy ra mang tính cách thời sự mà chúng tôi muốn đưa ra những NHẬN ĐỊNH mang tính cách ngắn hạn theo thời sự. Chính vì vậy mà chúng tôi mở thêm đề mục NHỮNG NHẬN ĐỊNH THEO DÒNG THỜI SỰ để bầy tỏ lập trường đối với những biến cố xẩy ra mỗi tuần


Hôm qua, Thứ Tư 28.01.2009, WEF 39 khai mạc tại DAVOS, một vùng núi tuyết thuộc trung tâm Thụy sĩ. Tham dự WEF năm nay có lực lượng 43 Nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng. Các tham dự viên trách nhiệm cấp Bộ trưởng, Giáo sư Đại học, Chủ Ngân Hàng, Chủ các Tập đòan Kinh tế... lên tới 2500 người. Nhưng người ta ghi nhận về phía Hoa kỳ, không có những Đại diện chính yếu của Chính quyền, của giới Ngân Hàng và Tài chánh.

Nếu với WEF 38 Davos 2008, những người tham dự chỉ mới bàng hòang về những biến chuyển Thị trường Tài chánh, thì WEF 39 Davos năm nay, mối quan tâm của mọi người là tìm giải quyết kích thích Kinh tế để có thể thóat ra càng sớm càng hay.


Khủng hỏang Tài chánh bắt đầu tháng 7/2007
từ Tín dụng Sub-prime Địa ốc ở Hoa kỳ

Các Ngân Hàng, Bảo Hiểm, Tập đòan Tài chánh vướng vào Mortgage Subprime Credits vẫn giấu kín những mất mát của mình. Nhưng từ tháng 7/2007, họ buộc lòng phải tuyên bố:

* Ngày 03.08.2007: ALLIANZ Đức, Hãng Bảo Hiểm AAA tuyên bố vì đầu tư vào US
Sub-Prime Mortgage Market, bị thiệt thòi 2 tỉ Đo-la
* Ngày 06.08.2007: MUNICH RE Đức, Hãng Tái Bảo Hiểm AAA, thiệt thòi 1 tỉ Đo-la
* Ngày 08.08.2007: ING GROUP Hòa Lan, thiệt thòi 4.5 tỉ Đo-la
* Ngày 09.09.2007: BNP PARIBAS Pháp, khóa sổ tổng cộng 5 tỉ Đo-la
* Ngày 17.09.2007: NORTHERN ROCK Anh, phá sản. Ngân Hàng Anh trợ lực $25tỉ
* Ngày 01.10.2007: UBS Thụy sĩ, thiệt thòi 4 tỉ Đo-la
* Ngày 30.10.2007: UBS Thụy sĩ, tuyên bố mất 700 triệu Đo-la
* Ngày 01.11.2007: CREDIT SUISSE Thuỵ sĩ, thiệt thòi 1 tỉ Đo-la
* Ngày 04.11.2007: CITI GROUP Mỹ, thiệt thòi 11 tỉ Đo-la
* Ngày 10.12.2007: UBS Thụy sĩ, thiệt thòi 9 tỉ Đo-la

Việc tuyên bố này tạo khủng hỏang tâm lý cho những nhà đầu tư, nhất là qua Thị trường Chứng Khóan.


Aûnh hưởng nặng vào
Thị trường Chứng Khóan đầu năm 2008

Chúng tôi lấy ngày 18.01.2008 như ngày khẳng định sự xuất hiện công khai của những ảnh hưởng của Khủng hoảng Thị trường Sub-Prime Tín dụng Địa Oác. Trước thời điểm này, chúng tôi đã viết về tình trạng tuyên bố mất tiền của những Ngân Hàng, của những Hãng Bảo Hiểm lớn có liên hệ với Thị trường: CitiGroup, UBS, Allianz, Swiss Re... Chúng tôi cũng đã viết về tình trạng vật giá lên cao, nhất là cho nhu yếu phẩm như đồ ăn, tại Âu châu, Trung Cộng và đặc biệt Việt Nam.

Ngày 18.01.2008, Đài Truyền Hình Pháp la hoảng về hậu quả Khủng Hoảng Thị trường Tín Dụng Sub-Prime Địa ốc Mỹ, rồi lời kêu gọi của Federal Reserve yêu cầu Tổng Thống Bush tìm giải pháp cứu nguy Kinh tế Mỹ. Chỉ số DOW Wall Street mất 8 điểm. Thực vậy:"Shortly after lunch, Bernanke called a quick meeting of Fed Officials who decide interest-rate policy. Meanwhile, Treasury Secretary Henry Paulson Jr., watching the same market turmoil spread to Europe, was sufficiently anxious that he called President George W.Bush at the White House at 3:15 p.m." (International Herald Tribune).

Tổng Thống Bush sau khi mệt mỏi trở về từ Trung Đông, cũng như Oâng Henry Paulson, phải làm việc cuối tuần để có thể tuyên bố những biện pháp kích thích cho Kinh tế: "Paulson, having spent the weekend hashing out the details of an economic stimulus package with congressional leaders, ..." (International Herald Tribune).

Những ngày nghỉ cuối tuần... rồi còn thêm ngày nghỉ Thứ Hai Luther King. Nhưng chính ngày nghỉ Thứ Hai Luther King, Thị Trường Chứng Khoán Wall Street đóng cửa, thì Cơn Lốc thổi vào các Thị trường Chứng Khóan Á đông, rồi theo Mặt Trời mọc, tràn sang Aâu châu. Các Chỉ số Chứng Khoán thụt xuống từ 7 đến 10%.

Truyền Thông Aâu châu ngày 22.01.2008 đề lớn: CNN:"Stock Markets go into freefall !", TRIBUNE DE GENEVE: "Les Bourses plongent. Faut-il avoir peur ?, LE TEMPS: "Tres inquiets, les marche's boursiers ce`dent a` la panique", INTERNATIONAL HERALD TRIBUNE: "Markets plummet worldwide", FINANCIAL TIMES: "Panic sparks global plunge".


WEF 38 Davos 2008 họp
trong những ngày biến động Chứng khóan này.

Trong khi ấy, những nhân vật trọng yếu phải quyết định về đời sống Kinh tế khắp Thế Giới lại đang trên máy bay tụ về Thụy sĩ để tham dự WORLD ECONOMIC FORUM trên vùng núi tuyết DAVOS khai mạc ngày 23.01.2008.

Họp tại vùng núi tuyết Davos Thụy sĩ với Chương Trình thảo luận về những đề tài đã sửa soạn sẵn, nhưng 2500 người tham dự hoàn toàn để đầu óc vào Cơn Lốc đang làm các Thị Trường Chứng Khoán trên Thế Giới lên xuống như bóng ma bất định. Cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair tại Davos đã tuyên bố với Đài CNBC: "Chúng ta đứng trước một tình trạng bất ổn. Những biến động Kinh tế, Tài chất có những chi tiết mà Chính trị không hiểu được !".

Những nhân vật chủ chốt của nền Kinh tế, của những Tập đoàn Liên Quốc gia về Sản xuất, Đầu tư, và Thương mại vẫn còn ở trên vùng núi tuyết Davos Thụy sĩ vì ngày mai, 25.01.2005, Hội thảo mới chấm dứt. Chúng tôi nhìn thấy Algore, Tony Blair, Bill Gate, Kissinger, Soros, Condoleezza Rice, Hamid Karzai, ...

Nếu Cơn Lốc của ngày 22 ĐEN (22 NOIR), 22.01.2008, đã ngưng thổi làm cho 2500 người đến tham dự này đỡ có những lo lắng nhất thời về giao động các Thị trường Chứng khoán, thì những vấn đề then chốt vẫn còn đó đối với họ: Suy thoái Kinh tế (Economic Recession), Giảm độ tăng trưởng Kinh tế (Baisse du Taux de croissance), Lạm phát (Inflation), Tăng giá Thực phẩm (Augmentation du Prix des Produits alimentaires), Khả năng Tiêu thụ giảm (Baisse du Pouvoir d'Achat).

Đối với những nước bắt đầu phát triển mà việc xuất khẩu lệ thuộc vào các Thị trường Hoa kỳ và Liên Aâu, thì việc Khủng hoảng Tài chánh (Vốn)/ Kinh tế của Hoa kỳ và Liên Aâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc những nước bắt đầu phát triển này:

=> Cắt đi việc mua hàng từ những nước bắt đầu phát triển như Trung Cộng và Việt Nam chẳng hạn
=> Không những Vốn đầu tư không tăng lên cho những nước bắt đầu phát triển này, mà có thể còn bị rút về Hoa kỳ và Liên Aâu để cứu lấy Kinh tế của nước họ.


Ba ngày phá sản Ngân Hàng vào tháng 9/2008

Tình trạng mất mát mỗi ngày mỗi được khám phá. Tháng 9/2008, một số Ngân Hàng, Tập đòan Tài chánh đứng bên bờ phá sản.

Chúng tôi quan tâm theo rõi cuộc Khủng hoảng Tài chánh tại Hoa kỳ và tầm ảnh hưởng của nó qua Aâu châu và Á đông.
Những biến động phá sản chung quanh Wall Street từ THỨ HAI ĐEN 15.09.2008 cho đến hết ngày THỨ TƯ 17.09.2008. Tất nhiên tại New York, trong những tuần trước và liền sát với THỨ HAI ĐEN, những cuộc Hội Họp liên tục giữa các Thủ lãnh Ngân Hàng và Tài chánh, rồi với Đại diện Ngân khố Nhà nước diễn ra. Chính Tín dụng Subprime (Toxic) Địa ốc này là nguyên nhân gây mất mát của những Ngân Hàng và những Tập đoàn Tài chánh, rồi tạo biến động tất nhiên ở Wall Street và các Thị trường chứng khoán trên khắp Thế giới.

THỨ TƯ 17.09.2008:
ĐỂ LEHMAN BROTHERS CHẾT NHƯNG CỨU AIG
(AMERICAN INTERNATIONAL GROUP)

Trước quan điểm được tuyên bố bởi Oâng Henry PAULSON Jr., Bộ trưởng Ngân Khố, trong những ngày trước về quan điểm cứng rắn của Nhà Nước Liên Bang Mỹ về số phận những Ngân Hàng, và việc nhất định từ chối hỗ trợ của FED để BARCLAYS có thể mua LEHMAN BROTHERS, khắp Thế giới chờ mong tin về số phận của Tập đoàn Bảo Hiểm khổng lồ AIG (American International Group). Cả Thế giới trông tin vì lãnh vực hoạt động của AIG bao trùm rộng lớn mọi nơi.

Oâng Henry PAULSON Jr., Bộ trưởng Ngân Khố, đã từng điều hành Ngân Hàng GOLMAN SACHS, nên hiểu rõ những cái nguy hiểm (risks) thuộc lãnh vực này. Quan điểm của Nhà Nước Liên Bang Mỷ, qua lời khẳng định của Henry PAULSON là khi đã quyết định chơi với nguy hiểm để có lợi nhuận cao, thì phải chịu cái hậu quả của nguy hiểm, dù đó là phá sản. Nói đơn giản: được ăn thua chịu.

Ngân Hàng LEHMAN BROTHERS với 158 tuổi đã bị để cho chết trong quan điểm trên của Nhà Nước.

Nhà Nước Liên Bang vào phút chót cứu AIG (American International Group) với 85 tỉ

AIG là một Tổ chức Bảo Hiểm có tầm hoạt động rộng lớn khắp Thế giới. AIG xử dụng 116'000 nhân viên và có 74 triệu khách hàng bảo hiểm trên 130 quốc gia. Nhửng khách hàng ấy không phải hẳn là những cá nhân nhưng là những Tập thề, Ngân Hàng hay Quốc gia. Với trị giá tài sản 180 tỉ đo-la, AIG là một trong 5 Tập đoàn Kinh tế tư nhân lớn nhất của Hoa kỳ. Lãnh vực hoạt động của AIG liên hệ đến hệ thống Tài chánh Thế giới và nhất là về những bảo hiểm nhân mạng, cuộc sống và tuổi già của nhiều triêu dân chúng. AIG còn bào hiểm rộng lớn cho những Quốc gia về những Obligations. Tuy nhiên lãnh vực rủi ro của AIG là đã đụng chạm đến Tín dụng Subprime địa ốc. Mộ lảnh vực nữa là đã đưa ra sàn phẩm CDS-CREDIT DEFAULT SWAP, một Hợp đồng Bảo Đảm Rủi ro cho Tín dụng. Số lượng Bảo Đảm này năm 2004 là 6'396 tỉ đo-la và cuối năm 2007 lên vọt tới số lượng 57'894 tỉ đo-la.

Trong suốt những ngày vửa rồi, chính Oâng Henry PAULSON đã hết lòng dàn xếp với giới Ngân Hàng tư nhân, ngay cả thúc đẩy những Ngân Hàng Trung ương Aâu châu trợ lực để cứu AIG.

Cuới cùng Tổng thống Bush, Chủ tịch Ngân Hàng Trung ương Hoa kỳ (FED) và Bộ trưởng Ngân khố Mỹ phài quyết định bỏ ra 85 tỉ đo la để cứu AIG vì nếu AIG phá sản thì hậu quả bao trùm Thế giới.

Các Ngân Hàng lại tuyên bố thêm về tình trạng mất mát:

* CITIGROUP (Mỹ) : mất 55.1 tỉ đo la
* MERRILL LYNCH (Mỹ) : mất 52.2 tỉ đo la
* UBS (Thụy sĩ) : mất 44.2 tỉ đo la
* HSBC (Anh) : mất 27.4 tỉ đo la
* WACHOVIA (Mỹ) : mất 22.7 tỉ đo la
* BANK OF AMERICA (Mỹ) : mất 21.2 tỉ đo la
* WASHINGTON MUTUAL (Mỹ) : mất 14.8 tỉ đo la
* MORGAN STANLEY (Mỹ) : mất 14.4 tỉ đo la
* IKB (Đức) : mất 14.4 tỉ đo la
* JP MORGAN CHASE (Mỹ) : mất 14.3 tỉ đo la

(Theo nguồn của BLOOMBERG)


Sự can thiệp cứu vớt của Nhà Nước

Các Chính phủ, từ Hoa kỳ, Liên Aâu và Á châu phải can thiệp vào qua những giai đọan sau đây:

=> Đợt I: Quyết định những Chương trình cứu vớt các Ngân Hàng. Tỉ dụ Chương trình Bailout USD.700 tỉ của Paulson.

=> Đợt II: Các Ngân Hàng Trung ương hạ Lãi suất chỉ đạo để thả Tài chánh vào Thị trường. Tiền cho vay với giá rẻ để Thị trường có dồi dào tài chánh.

=> Đợt III: Lãnh vực Kinh tế thực gặp khó khăn. Tình trạng thất nghiệp mỗi ngày mỗi tăng, nghĩa là Khủng hỏang lan sang lãnh vực Kinh tế thực. Phía CẦU hàng hóa giảm. Phía CUNG không bán được hàng hóa. Các Nhà Nước phải quyết định:

* Những Chương trình kích CẦU và trợ lực phía sản xuất bằng bỏ ra số vốn đầu tư theo Lý thuyết của KEYNES. Tỉ dụ Chương trình USD.850 tỉ vừa mới quyết định tại Hoa ký, Chương trình USD.533 tỉ tại Trung quốc để tạo CẦU nội địa.

* Các Nhà Nước đưa ra những Chương trì giảm thuế để Dân chúng có tiền tiêu thụ. Tỉ dụ những chương trình tại Anh quốc, tại Hoa kỳ. Tuy nhiên những Chương trình giảm thuế có những nghi ngờ về hiệu quả. Thực vậy việc giàm thuế chưa chắc đã làm tăng tiêu thụ, mà Dân chúng cũng như những Công ty có thể xử dụng tiền này vào Tiết kiệm vì còn lo ngại cho Khủng hỏang kéo dài.


WEF 39 DAVOS năm 2009

WORLD ECONOMIC FORUM năm 2009 họp lại trong quan tâm là làm thế nào để có những Chương trình phát động Kinh tế để:

=> Chặn đứng tình trạng thất nghiệp mỗi ngày mỗi tăng

=> Chặn lại hướng tụt dốc của của đà Phát triển Kinh tế tại tất cả các nước. IMF ước tính rằng đà phát triển chung của Thế giới chỉ đạt tới 0.5% trong năm 2009. Tại Trung quốc, đà phát triển này có thể giàm xuống còn có 5%. Với đà phát triển 5% này, Trung quốc không có thể giải quyết được ngay cả lớp tuổi trẻ vừa học xong và tìm việc làm.

Xin nhắc lại là người ta lưu ý đến sự vắng bóng của Hoa kỳ, trong khi ấy lực lượng tham dự của Nga và Trung quốc khá hùng hậu.

Trong ngày Khai mạc WEF Davos hôm qua 28.01.2009, người ta nhận định về những lời phát biểu của Thủ tướng Poutine và Thủ tướng Wen Jiabao. Cả hai ông nhấn mạnh đến việc hợp tác quốc tế. Giới bình luận cho rằng cả hai nước này đang lo ngại tình trạng trở lại hạn chế nhập cảng (Protectionnisme) của Liên Aâu và nhất là của Hoa kỳ. Thực vậy Kinh tế của hai nước Nga và Trung quốc lệ thuộc vào xuất cảng: Nga xuất cảng dầu lữa và khí đốt (gaz) với những giàm giá kỳ vừa rồi thiệt hại; Trung quốc sản xuất hàng chế suất để bán cho Hoa kỳ và Liên Aâu. Tình trạng Protectionnisme sẽ làm tụt dốc nền Kinh tế của hai nước này.

Ký giả Jean-Jacques ROTH viết trong Nhật báo LE MONDE ngày 29.01.2009, trang 4, rằng: "Le danger est le même pour deux Leaders (Poutine et Wen Jiabao): Protectionnisme pour Wen; Isolationnisme pour Poutine" (Mối nguy hiểm cùng là một cho cả hai Lảnh tụ (Poutine và Wen Jiabao): Bảo trợ đối với Wen; Cô lập đối với Poutine). Thậm chí muốn chiều lòng những nước có nền Kinh tế Tự do và Thị trường để mong hội nhập, Poutine đã công kích nền Kinh tế Chỉ huy của Nhà nước như sau:" il faut prendre garde de ne pas s'ingérer dans la vie économique, à ne pas avoir foi aveugle dans les pouvoirs de l'Etat" (LE MONDE, 29.01.2009, page 4) (Phải lưu ý đừng can thiệp vào đời sống Kinh tế, đừng có tin tưởng mù quáng vào quyền lực Nhà Nước).

Các Ký giả Joellen PERRY và Bob DAVIS, trong bài với tựa đề LEADERS CALL FOR TRADE (THE WALL STREET JOURNAL, 29.01.2009, page 7), phỏng vấn trực tiếp Oâng Pascal LAMY, Tổng Giám đốc WTO/OMC, tường thuật về sự quan tâm giảm lượng Thương mại Quốc tế vì Protectionnisme: "Economic stimulus plans can become also another source of protectionnism, as nations try to assure that only companies in their borders benefit from the additional spending." (Những Chương trình kích thích kinh tế có thể trở thành một nguồn nữa của Bảo vệ (Protectionnism), vì những quốc gia cố gắng bảo đảm rằng chỉ những công ty trong nước mình lợi dụng được những chi tiêu phụ thêm mà thôiwq3). Việc bảo vệ những công ty quốc gia là tự nhiên. Tiền ai nấy tiêu.


Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
XIN THAM / PLEASE VISIT / VEUILLEZ VISITER WEBSITE:
http://www.viettudan.net/




XUÂN KHẮP MỌI NƠI





I. CANADA

Tết Kỷ Sửu tại thủ đô OTTAWA

Cứ mỗi lần tham dự một sinh hoạt nào của cộng đồng người Việt tại thành phố tổ chức, tôi lại mang trong lòng một cảm xúc vui buồn lẫn lộn! Vui thì có lẽ nhiều hơn nhưng không tránh được chút ít sầu tư…





Năm nay, có lẽ cũng nhờ những khuôn mặt trẻ đã tích cực đóng góp trong việc điều hợp sinh hoạt Hội chợ Tết của năm trước nên không khí đón Tết năm nay cũng nhộn nhịp, rộn ràng không kém. Ngay từ cửa bước vào để mua vé vào cửa, người ta đã thấy nhiều khuôn mặt trẻ đảm nhiệm các phần vụ khác nhau như: bán vé, kiểm soát vé, nhận giữ áo khoác với giá ủng hộ $1.00 cho quỹ sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó là nhóm mời mua vé số 50/50 cũng để tăng phần giúp vui trong chương trình sinh hoạt Hội chợ Tết. Những tà áo dài và những khuôn mặt thanh niên trẻ trung đã đem lại sinh khí mới trong sinh hoạt cộng đồng trong thời gian gần đây, nhất là trong những ngày đón mừng năm mới sắp đến, như hứa hẹn cùng cộng đồng người Việt tại đây một sức sống mới, một niềm hy vọng đang vươn lên cho sự phát triển cộng đồng trong xã hội hôm nay.

Chương trình bắt đầu như thời gian dự định, 11 giờ quan khách đã lần lượt đến tham dự phần tiếp tân: ông Paul Dewar, dân biểu liên bang vùng TrungTâm Ottawa; ông Yasir Naqvi, dân biểu tỉnh bang vùng trungTâm Ottawa; cô Mariam Ngo, đại diện ông Bộ Trưởng Di Trú, Công Dân Vụ và Văn Hóa Đa Diện; ông bà Reynolds Francis, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Trung Tâm Văn Lang; bà Mary Lee, đại diện chương trình Ngôn Ngữ Nguồn Cội, trường Cambridge Street Elementary School; ông Ngô Thanh Hải, Thẩm phán Toà Án Quốc Tịch Canada; bà Sue O’Sullivan, Phó Cảnh Sát Trưởng, ông John Meideros đại diện liên lạc với các nhóm sắc tộc của Sở Cảnh Sát Ottawa; Giáo Sư Đỗ Danh Tầm, ông Tạ Văn Vân trong Hội Đồng Quản Trị Hội Người Việt Cao Niên Ottawa; ông Nguyễn Văn Hội, Cộng Đoàn Thiên Chúa Giáo Ottawa; ông Lê Quảng Trị, Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam – Canada, Ottawa; ông bà Nguyễn Quang Mộng, trường Việt Ngữ Nguyễn Du; ông Trần Lương Ngọc,một nhân sĩ tại Ottawa; và một số quan khách Việt Nam cũng như Canada khác.


Đúng 12 giờ, Ban tổ chức khai mạc chương trình với nghi lễ rước quốc kỳ Canada và Việt Nam Cộng Hòa, hát quốc ca và một phút mặc niệm. Sau đó là phần niệm hương trước bàn thờ Quốc Tổ, đọc lời chúc tết cộng đồng Việt nam tại Canada và phát biểu cảm tưởng của một vài quan khách (cô Mariam Ngo, đại diện ông Bộ Trưởng Di Trú, Công Dân Vụ và Văn Hóa Đa Diện, ông Paul Dewar, ông Yasir Naqvi.) Kế tiếp là phần múa Lân vô cùng chuyên nghiệp của các em trong Gia Đình Phật Tử Chánh Kiến. Một tiết mục không thể thiếu và cũng không kém phần sôi động là phát tiền lì xì cho các em thiếu nhi. Trong hai năm qua, Ngân Hàng Scotiabank, chi nhánh Somerset, đã bảo trợ cho cộng đồng trong phần phát tiền lì xì này. Các em được hướng dẫn xếp hàng để đến nhận lì xì từ các quan khách danh dự. Sau đó là chương trình văn nghệ mừng Xuân Kỷ Sứu 2009 được sự góp mặt của nhiều tổ chức, hội đoàn tại địa phương: Cộng đoàn Giáo Xứ đức Mẹ La Vang, gia đình Phật tử Chánh Kiến, Trường Việt ngữ Tây Sơn, nhóm hợp ca Ottawa, và các giọng ca trẻ Quốc Trung, Trần Hiếu, Tiên Huỳnh, Vũ Dũng, Thiên Hương, Bá Quý, Ivy O, cùng các giọng ca quen thuộc của địa phương: Hồng Nhung, Huy Điền, Tuấn Hoà. Những giọng ca tí hon của Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, trường Việt ngữ Tây Sơn như Bảo Trân, Mai Linh đã đón nhận những tràng vỗ tay không ngừng để khen ngợi và khuyến khich từ quan khách tham dự. Đặc biệt, sự góp mặt của nhóm Swing Dynamite đã đem đến cho sân khấu một màn khiêu vũ vui tươi, sống động được gọi là TN Team. Chương trình văn nghệ được gián đọan với phần chơi “thi ăn” do ban tổ chức điều hợp đã lôi cuốn nhiều thành phần trẻ tham dự cũng như đồng bào đứng quanh hô hào ủng hộ. Phần sổ số 50/50 đã đến với một vị khách Canadian tham dự như lộc mừng năm mới từ cộng đồng người Việt Ottawa. Hệ thống âm thanh do anh Huê Phú và anh Tuệ Huy đảm nhiệm đã đóng góp phần lớn cho sự thành công của các tiết mục trên sân khấu năm nay.


Các gian hàng của các tổ chức tôn giáo như Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, chùa Hiếu Giang, chùa Phổ Đà, chùa Từ Ân cùng gian hàng của Cộng Đồng đã mang đến cho đồng bào tham dự chút hương vị qưê hương với những món ăn thuần tuý dân tộc: chả giò, bún bò Huế, cháo lòng, nem nướng, bánh gai, bún Huế (chay), v.v... và các món chè đủ loại. Người mua hoan hỉ mua ủng hộ, kẻ bán hết lòng phục vụ khách ghé thăm, không khí các gian hàng ăn uống luôn là nơi chốn nhộn nhịp đến giờ phút chót.


Những bàn triển lãm sinh hoạt của các cơ sở thương mại, tổ chức tôn giáo Hội Thánh Tin Lành và Pháp Luân Công cũng đã thu hút nhiều khách tham dự ghé bàn tìm hiểu. Đặc biệt tại bàn của Cộng đồng, một thân hữu lão thành, bác Tú, đã ngồi viết những câu đối đầu năm bằng Thư Pháp đem lại một sắc thái mới trong sinh hoạt Hội chợ Tết năm nay. Những nét chữ thật sắc sảo qua các tập thơ cổ, Bích Câu Kỳ ngộ. Chinh Phụ Ngâm, v.v... cùng những câu đối treo trên tường thể hiện niềm đam mê nghệ thuật Thư Pháp nơi vị cao niên khả kính này của cộng đồng.

Góc trò chơi sinh hoạt thiếu nhi năm nay, ngoài bàn cờ Tây do vô địch Canada, em Lloyd Mai, 16 tuổi, đảm nhiệm, còn có các trò chơi khác như: hái lộc đầu năm của Ban tổ chức, chơi game Guitar Hero, ném bóng rổ do Hội Sinh Viên Ottawa-Carleton phụ trách, đã thu hút nhiều thế hệ tham dự. Cạnh đó là góc chụp hình đầu năm do anh Lê Hùng phụ trách, giúp gây quỹ sinh hoạt cộng đồng, cũng đem lại cho đồng bào tham dự một số hình ảnh gia đình đầy nghệ thuật với kỹ thuật tân tiến song song với sự hài hoà văn hoá dù ở nơi xứ lạnh quê người: cây đào, chậu trúc...


Những đóng góp trên đã mang lại ít nhiều cho đồng bào Ottawa chút ấm cúng sau những ngày bão tuyết của mùa Đông tại đây. Và cứ mỗi mùa Tết đến, bên cạnh những thời gian bận rộn chuẩn bị cùng ban tổ chức Hội chợ Tết, tôi luôn mang trong lòng niềm nhớ xuân xưa nơi quê nhà, trưóc ngày 30-4-1975, những ngày Tết trong tiếng đạn không ngừng vọng lại từ những vùng chiến tuyến. Ngày hôm nay, 18 tháng 1, tôi cảm thấy niềm tự hào dân tộc bị thương tổn khi nhớ lại sự kiện lịch sử xẩy ra 35 năm trước đây, vào ngày 19 tháng 1, 1974. Đó là ngày Trung Cộng đã tấn công lãnh hải Hoàng Sa của Việt Nam và chính quyền Cộng Sản Việt Nam tại miền Bắc đã phủi tay trước chủ quyền của Việt Nam đối với đàn anh Trung Cộng trong khi các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng cầm cự với tất cả khả năng của mình trên biển cả. Và giờ đây, đất nước đã hoàn toàn trong tay nhà nước Cộng Sản Việt Nam, họ lại tiếp tục bịt miệng người dân trong những phản kháng về việc xâm lấn lãnh địa, lãnh hải của Việt Nam từ người anh em “môi hở, răng lạnh” Trung Quốc. Còn đâu nữa những người lãnh đạo yêu nước thương dân và có tinh thần dân chủ như lịch sử Việt Nam thường tự hào là đời nào cũng có? Hội Nghị Diên Hồng chỉ còn trên trang giấy với những hàng chữ vô nghiã mà thôi!... Ước mong tiếng trống, tiếng loa và lời thề “Quyết chiến!” trong màn nhạc cảnh đơn sơ của các em học sinh trường Việt ngữ Tây Sơn sẽ đánh thức chúng ta, những người còn đuợc sự tự do để lên tiếng cùng các nhà đấu tranh dân chủ, các anh em sinh viên và các nhà báo trong nước, lên tiếng cùng thế giới về sự cướp đất, cướp biển trắng trợn của Trung Quốc, để thế giới cùng thấy sự thật về sự tự do và nhân quyền của người dân Việt trong chế độ Cộng Sản hôm nay. Xin hãy làm sống lại tinh thần dân chủ từ đời vua Trần Thánh Tông năm xưa, xin hãy lên tiếng đừng làm tiền nhân hổ thẹn, và hổ thẹn giòng giống Tiên Rồng.

Hà Quyên
Ottawa

http://lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=673:673&catid=39:sinhhoatcongdong&Itemid=58
http://bitmieng.com/index.php?topic=1013.0

II. PHÁP

Một vài hình ảnh tết kỷ sửu tại Pháp

*Lễ hội Tết Kỷ Sửu của người Việt Nam tại Pháp được tổ chức vào chiều thứ bảy 31/01/2009 (tức mồng 6 Tết Kỷ Sửu), từ 16g đền 2g sáng hôm sau, tại trụ sở Unesco ở Paris (125 Av de Suffren - Paris 7e) sẽ diễn ra Lễ hội Tết Kỷ Sửu dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp








III. HOA KỲ


SANDIEGO
Hùng Phạm

Hội chợ Tết Kỷ Sửu 2009 tại San Diego

(VOV) - Độc giả Hùng Phạm từ San Diego (California, Hoa Kỳ) gửi thư về VOVNews cùng những hình ảnh về hội chợ Tết của người Việt ở đây.

Hội chợ do VAYA (hội của những bạn trẻ lớn lên tại San Diego) tổ chức trong 3 ngày từ Thứ sáu đến Chủ nhật, tức là 3 ngày cuối năm Mậu Tý. VAYA đã tổ chức hội chợ Tết rất thành công trong 3 năm qua.

Dự báo thời tiết là San Diego trời u ám và có mưa. Nhưng may mắn thay cuối tuần thời tiết lại rất đẹp và tương đối ấm áp.

Dạo một vòng hội chợ Tết, người ta có thể thấy rất nhiều các gian hàng bán thức ăn, từ các món ăn chơi như gỏi cuốn, gỏi đu đủ bò khô cho đến các món đặc trưng Việt khác như chả giò, phở, và ngay cả… cháo lòng! Các gian hàng này luôn đông khách, đặc biệt là khách hàng người Mỹ.

Hội chợ còn có các gian hàng bán hoa, đồ lưu niệm, hay giản dị là các gian hàng giới thiệu các dịch vụ liên quan đến người Việt: các hãng điện thoại, bảo hiểm, v.v...

Có một gian hàng của Viện Đại Học California tại San Diego, nơi các sinh viên trường Dược và bác sĩ thiện nguyện giúp đo huyết áp và đường trong máu như 1 dịch vụ miễn phí cho khách thăm viếng hội chợ.

Cũng như mọi năm, một sân khấu lớn được dựng lên với các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trình diễn. Sau 5 giờ chiều thứ Bảy thì có Chương trình thi hoa hậu người Việt tại San Diego với các cô gái rất trẻ tham dự trong trang phục áo dài duyên dáng.

Những tiểu cảnh gợi hình ảnh quê nhà






Rải rác trong khuôn viên hội chợ là các tiểu cảnh như cổng làng, chùa Thiên Mụ, hay Hội Đền Hùng với các cành mai và đào để khách dừng chân chụp ảnh. Vì vậy, tuy đi giữa San Diego nhưng người ta cũng có thể cảm nhận được chút không khí Tết quê hương mà đã lâu không được hưởng...

Đánh cờ tướng
Tại hội chợ, có một chú heo mọi được người chủ trẻ dẫn đi chơi. Chú heo này cũng được khá nhiều người ghé xem và chụp hình chung!

http://vovnews.vn/Home/Hoi-cho-Tet-Ky-Suu-2009-tai-San-Diego/20091/103868.vov



ORLANDO
Lê Thanh Hoàng Dân

Tết Kỷ Sửu 2009 tại Hoa Kỳ
Sunday, 18. January 2009, 12:27:10
, ,


Chúc các bạn nhiều niềm vui và hạnh phúc trong năm mới. Chúc phát tài, nhiều sức khỏe, và một năm nhiều thắng lợi.Năm nay tôi và người tình trăm năm ăn Tết ở Orlando. Trong lúc New York và miền Đông Bắc Hoa Kỳ lạnh kinh khủng, khí hậu ở Orlando ấm áp dễ chịu, khoảng từ 70 đến 80 độ F. Tôi có cảm tưởng như đây là Đà Lạt hay Sapa một đêm mùa hè những năm trước khi chúng tôi về thăm quê hương..Mặc dầu sống xa xứ, nhưng người Việt Nam tại đây cũng tổ chức đủ thứ làm chúng tôi thấy ấm lòng. Chương trình ăn Tết hai ngày thứ bẩy và chủ nhật 17 va 18 tháng giêng 2009 gồm có nhiều tiết mục hấp dẫn như: diễn hành xe hoa, đốt pháo múa lân, đại nhạc hội ca vũ nhạc kịch và đặc biệt có chợ hoa, chợ ăn uống, biểu diễn thời trang áo dài của Thành Lễ đến từ Paris. Đó là ngày thứ bẩy.




Qua ngày chủ nhật có thi hoa hậu áo dài Florida, dĩ nhiên có chợ ăn uống đủ thứ thức ăn Việt Nam.. (sẽ bổ túc sau)Xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh người Việt ở Florida ăn Tết. Người Việt ở đây không đông lắm, chỉ khoảng 40,000 người mà thôi.Một chiếc xe hoa, không đồ sộ không huy hoàng nhưng đó là xe hoa của người Việt Nam nên người tình trăm năm của tôi nhứt quyết muốn tôi chụp làm kỷ niệm..

From Tet Ky Suu 2009 Orlando Cảnh chợ hoa của người Việt ở Orlando, không huy hoàng bằng chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ Saigon, nhưng xa nhà cố gắng tổ chức như vậy là qui lắm rồi.. Ngày Tết đi chợ hoa mua hoa mua cam quit hay bưởi, hoặc cây tứ quí lấy hên, còn gì bằng?

http://my.opera.com/Le%20Thanh%20Hoang%20Dan/blog/show.dml/2913587


QUẬN CAM

Bởi: vncradmin lúc 3:23 PM :: 1838 Lần xem :: 10 Góp ý

Bà con vui xuân và trả lời phòng vấn VNCR
Bởi Sáu Tửng Bolsa , ngày: Tuesday, January 27, 2009 6:00 PM




---Năm nay bà con tỵ nan vì giử gìn sức khoẻ nên không bảo mà làm : Đó là những gian hàng tại khu Phúc Lộc Thọ và các nơi khác hầu hết chỉ bán Hoa và Trái cây...Ngoài ra bánh mức , kẹo, đường thì chỉ có ở những tiệm bán Đủ thứ...- Như vậy chứng tỏ bà con tỵ nạn gốc Việt sợ chứng Tiểu Đường , nên chỉ thấy mua Hoa qủa thật nhiều...- Mua ít trái cây để lên bàn thờ cúng ông bà ( 3 ngày Tết ) gồm : cầu đủ xài... thì phải trả giá cắt cổ 30 đô ( sau Tết mang đi vứt bỏ .)- Bánh Trưng và Bánh Tét năm nay lên giá và đắc đỏ khi Lương Bổng thì cứ nằm im một chổ ?Thằng con trai lên 12 tuổi năm nay bổng dưng thích ăn bánh Trưng bánh tét ( mà những năm trước chưa hề ăn ) Báo hại bà xả phải mua thêm 2 đòn bánh Tét và 2 cái bánh trưng tại tiện Vân giá Cứa Đẹp khi kinh tế đang vào vự thẳm....Đúng là đói ngày giổ cha , No 3 ngày Tết là vậy.Mong rằng năm Con Trâu dân tỵ nạn Nam Cali tiền của dồi giàu , sức khẻo như Heculer & Samsong ...Cày Over time mệt nghỉ...( year Ox )Riêng đài VNCR bước sang năm mới , phát triển tăng thêm giờ ( 9 : AM - 5 : PM ) Tha hồ nghe 3 vị bình luận chính trị và khoa học , nhất là anh Vủ Chung sang năm con Trâu cày mệt nghỉ...( 2 Job )
Sáu Tửng
Bởi ngoc bich , ngày: Wednesday, January 28, 2009 7:16 AM

---> Dạo quanh Tiểu Saigon...Thấy bà con đón Xuân con Trâu rất náo nhiệt và vui nhộn, Trong khu Phúc Lộc Tho người đi như hội , nhìn quần áo biết rất nhiều bà con các bang lạnh về ăn tết ấm áp tại Cali...- Những sòng bầu cua cá cop mọc ra như nấm, chu vi giống khu chợ Xóm Chiếu Khánh Hội quận 4 Saigon tại quê nhà năm nào ...- Những con bạc khát nước nên cứ đặt mạnh tiền , có người put dowm money giấy 20 đô...- Dọ hỏi những chủ sòng...Hầu hết điều được bạc vì theo tỷ lệ " Xác xuất thống kê " chủ sòng có 6 cửa nên dể dàng ăn những con bạc 1 cửa...- Vui tươi nhất là trước cửa PLT có phần văn nghệ sống động , nhất là khi nghe ca vọng cổ , hát những bản quê hương ...đố khỏi chạnh lòng nhớ về quê cha đất tổ ( biết rằng trước đây chúng tui không thích vọng cổ )..." Khói hương nghi ngút đầy nhàKhiến lòng chợ nhớ họ hàng gần xaNhớ Tông nhớ Tổ ông bà...Bổng dưng đôi mắt lệ đà tuôi rơi.
"Ngọc Bích

http://radiovncr.com/Video/TrangVideo/tabid/551/articleType/ArticleView/articleId/678/Sinh-hot-Tt-K-Su-ti-qun-Cam-3-k.aspx

Xin xem diễn hành của đồng bào



California








Saturday, January 31, 2009


TRẦN BÌNH NAM * OBAMA NHẬM CHỨC TỔNG THỐNG






Barack H. Obama nhậm chức
tổng thống Hoa Kỳ



Trần Bình Nam
Jan. 27, 2009
binhnam@sbcglobal.net
http://www.tranbinhnam.com/




Ngày Thứ Ba 20/1/2009 là một ngày tưng bừng của nước Mỹ. Vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ nhậm chức. Hơn một triệu người Mỹ đổ về thủ đô để chứng kiến buổi lễ nhậm chức trước sự chú mục của toàn thế giới.


Buổi lễ tuyên thệ trễ 5 phút trước sự chờ đợi bồn chồn sốt ruột của cử tọa tại chỗ và những người theo dõi trên truyền hình. Nhiều người da đen đã khóc vì xúc động. Họ không thể ngờ có ngày hôm nay. Chỉ cách đây chưa đầy 60 năm, cha anh và cá nhân họ chưa được đi cùng xe buýt hay cùng toa tàu lửa với người Mỹ da trắng, chưa được đi bỏ phiếu, thế mà giờ đây một người Mỹ da đen gốc Kenya tại Phi châu đã có thể đứng trên thềm tòa nhà quốc hội Mỹ tuyên thệ nhận lãnh nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia, trong đó có nhiệm vụ cao quý nhất là Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ.



Sự việc người Thượng nghị sĩ trẻ tuổi da đen tại bang Illinois có thể đắc cử tổng thống nói với thế giới rằng Hoa Kỳ quả là đất nước dành cơ hội đồng đều cho mọi người không phân biệt mầu da và chủng tộc. Nó cho thấy nền dân chủ chói lọi của Hoa Kỳ, người dân có quyền chọn người lãnh đạo của mình, không có một bàn tay vô hình nào lèo lái trên đầu trên cổ họ. Đảng nào, cá nhân nào lãnh đạo kém sẽ được mời xuống. Đảng nào, cá nhân nào có hứa hẹn, sẽ được mời lên thay. Không gian trá, không bạo lực.



Tổng thống Barack Obama sẽ lãnh đạo quốc gia như thế nào? Chúng ta hãy theo dõi nội dung bài diễn văn của ông sau khi tuyên thệ nhậm chức. Nội dung diễn văn và cung cách phát biểu rực lửa của vị tân tổng thống đã mang đến sự tin tưởng của dân chúng Mỹ dù trước mắt còn nhiều thử thách.


Trong không khí phấn khởi có ba việc nhỏ đáng ghi nhận: Ông Chủ tịch Tối cao Pháp viện John Roberts Jr. đã đọc lời thề không đúng theo văn bản của Hiến pháp, và ngày hôm sau tổng thống Obama đã cho mời ông Chủ tịch đến Tòa Bạch Ốc nhận lời tuyên thệ lại cho đúng với văn bản Hiến pháp.

Thứ hai, trong buổi cơm trưa với tân tổng thống tại nhà ăn quốc hội với các dân biểu nghị sĩ khác Thượng nghị sĩ Edward Kennedy (Dân chủ, Massachusetts) té xỉu, xe cứu thương đến đưa đi bệnh viện, và sau cùng thị trường chứng khoán trong ngày sụt hơn 350 điểm, sụt nhiều nhất như chưa từng có trong ngày một vị tân tổng thống nhậm chức. Người tin dị đoan cho rằng đó là những điềm xấu.


Qua diễn văn nhậm chức (2), tổng thống Obama quả quyết rằng Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường dù đang ngập ngừng ở hướng xuống. Ông hứa với quốc dân và thế giới rằng Hoa Kỳ sẽ vượt thắng mọi trở lực để vươn lên và làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo thế giới.
Chúng ta hãy lắng nghe (3):

“Cùng quốc dân đồng bào:
Tôi không khỏi cảm thấy hổ thẹn được sự tin cậy của đồng bào đứng đây hôm nay nhận một trọng trách tiền nhân - với bao hy sinh cao cả - để lại. Tôi cám ơn tổng thống Bush đã tận tình phục vụ đất nước và cởi mở hợp tác giúp đỡ tôi trong những ngày chuyển tiếp.
Đến phiên tôi đã có 44 công dân nhậm chức tổng thống. Những lời lẽ đẹp đẻ và hứa hẹn nhất đã được cất lên lúc đất nước đang hòa bình thịnh vượng. Nhưng cũng có lúc lễ nhậm chức diễn ra khi đất nước đang trải qua sóng gió. Nhưng rồi chúng ta vẫn vượt qua do sự khéo léo và nhìn xa của người lãnh đạo, và nhất là vì chúng ta vẫn trung thành với những lý tưởng của tiền nhân, và với những văn bản nền móng của quốc gia.
Người đi trước làm vậy. Chúng ta sẽ theo con đường đó.
Ai cũng thấy Hoa Kỳ đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Chúng ta đang có chiến tranh với một tập đoàn chủ trương bạo lực và hận thù. Nền kinh tế chúng ta đang bị lung lay tận gốc, kết quả của sự vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là trách nhiệm của tập thể không dám lấy những quyết định khó khăn để chuẩn bị đất nước bước vào thời đại mới. Người mất nhà, thợ mất việc, kinh doanh đóng cửa. Hệ thống săn sóc sức khỏe cho dân quá tốn kém, trường học xuống cấp, và cách xử dụng năng lượng làm chúng ta phải lệ thuộc vào kẻ địch, đồng thời ảnh hưởng xấu đến môi sinh.
\

Đó là những khủng hoảng bày ra trước mắt bằng dữ kiện và thống kê. Còn những dấu hiệu khủng hoảng ít rõ ràng hơn như người dân mất tin tưởng và lo sợ rằng đất nước chúng ta đang trên đà suy thoái, và chúng ta phải khép mình lại để sống.
Tôi xin nói trắng ra rằng những vấn nạn trước mắt là có thật, có nhiều và rất nghiêm trọng. Giải quyết những vấn nạn đó không phải dễ và cần thời gian. Nhưng chúng ta sẽ giải quyết được.
Ngày hôm nay chúng ta đến đây vì chúng ta biết đặt sự hy vọng trên sự sợ hãi, biết đoàn kết hơn là chia rẽ.
Hôm nay chúng ta cùng nhau cam kết rằng chúng ta sẽ không thống trách nhau, chúng ta không hứa hẹn hão huyền, không tố cáo nhau, không giáo điều, những điều đã làm cho nền chính trị của chúng ta bị tắc nghẽn .


Hoa Kỳ là một quốc gia còn non trẻ, nhưng như Kinh Thánh nói đã đến lúc giả từ sự ngông cuồng của tuổi trẻ. Chúng ta cần hướng tới tương lai và xiển dương tinh thần Mỹ quốc đã lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác: bình đẳng, tự do, và quyền mưu tìm hạnh phúc .
Chúng ta quả quyết rằng đất nước này vĩ đại, với ý thức rằng sự vĩ đại đó không phải trên trời rớt xuống mà do chúng ta phấn đấu làm ra. Con đường chúng ta đi gian nan, khó nhọc và không dành cho những kẻ lười biếng hoặc những kẻ cơ hội chủ nghĩa chỉ biết tạo tiếng tăm, làm giàu và hưởng thụ. Con đường hướng tới thịnh vượng và tự do của chúng ta chỉ dành cho những ai dám làm, chấp nhận rủi ro, trong đó có những nhân vật nổi danh cùng với những người không tên tuổi.
Đó là những người với một chút hành trang mang theo đã dám lên đường băng qua đại dương đi tìm một đời sống mới.
Đó là những người đã đổ mồ hôi trong những xưỡng làm việc u ám ở miền Tây, bị roi quất vào lưng hoặc trần lưng cày bừa trên những cánh đồng đầy sỏi đá.
Đó là những người đã chết tại các chiến trường Concord, Gettysburg, bờ biển Normandy, Khe Sanh (1) cho chúng ta sống.
Chúng ta đang tiếp tục cuộc hành trình. Và dù đang gặp khủng hoảng kinh tế, trong giờ phút này chúng ta vẫn là quốc gia giàu có nhất, mạnh nhất trên trái đất. Người thợ của chúng ta vẫn có khả năng sản xuất cao, vẫn còn nhiều sáng kiến và thế giới vẫn còn cần dịch vụ của chúng ta. Chúng ta vẫn còn đầy sinh lực, nhưng chúng ta phải chấm dứt cái thói quen ù li bất động, cố chấp bảo vệ quyền lợi một cách ích kỷ và không dám lấy quyết định khó khăn. Kể từ hôm nay chúng ta phải cương quyết lên đường xây dựng lại quốc gia này.


Nhìn vào chỗ nào chúng ta cũng thấy việc cần làm. Kinh tế là ưu tiên một. Chúng ta cần can đảm và nhanh chóng hành động.Chúng ta phải tạo ra công ăn việc làm và đặt một nền móng cho kinh tế tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây cầu cống, đường sá, hệ thống điện lực, hệ thống tin học. Chúng ta sẽ khai dụng khoa học và kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe người dân một cách hữu hiệu và ít tốn kém hơn. Chúng ta sẽ dùng năng lượng mặt trời, gió và đất để chạy nhà máy và xe cộ. Chúng ta sẽ cải thiện hệ thống trường học để theo kịp thời đại mới. Đó là những gì chúng ta có thể làm và sẽ làm.
Nhiều người cho rằng chúng ta có quá nhiều tham vọng, rằng hệ thống chính trị của chúng ta không cho phép chúng ta thực hiện nhiều kế hoạch lớn cùng một lúc. Nhưng không phải vậy. Chúng ta, những người có tự do, biết mình muốn gì và ngồi lại với nhau đã từng làm những chuyện vĩ đại và đã thành công.


Những người bi quan chưa nhận ra rằng thế giới đã đổi thay, và không còn ai mãi ngồi tranh cãi nhau vì đảng phái và phe nhóm nữa. Chúng ta không còn thắc mắc chính phủ quá lớn hay quá nhỏ, thay vào đó chúng ta hỏi chính phủ có làm việc hữu hiệu không – có tạo ra công ăn việc làm lương đủ sống, có chế độ săn sóc sức khỏe tốt , có hưu bổng đầy đủ cho người nghỉ hưu không. Nếu câu trả lời là “có” chúng ta sẽ xúc tiến. Nếu câu trả lời là “không” chúng ta dẹp bỏ các chương trình đó. Những ai điều hành ngân sách công đều phải chi tiêu một cách có trách nhiệm – tiêu một cách khôn ngoan, bỏ thói quen phung phí, công khai hóa thủ tục. Làm được vậy quần chúng sẽ tin tưởng và ủng hộ chính quyền.



Không ai chối cãi kinh tế thị trường mang lại thịnh vượng và tự do, nhưng cuộc khủng hoảng hôm nay cũng cho thấy kinh tế thị trường cần được điều chỉnh và can thiệp đúng lúc trước khi nó tuột ra khỏi tầm tay và tạo điều kiện cho một số người làm giàu ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế và phồn thịnh lâu dài của quốc gia. Sự sung mãn của nền kinh tế chúng ta không phải chỉ do tổng sản lượng quốc gia lớn, mà còn do nó được phân phối đến mọi tầng lớp quần chúng và tạo điều kiện kinh tế cho những ai có quyết tâm muốn vươn lên.



Về an ninh quốc gia, chúng ta dứt khoát từ bỏ ý nghĩ “hy sinh các lý tưởng của ông cha để lại để bảo vệ tự do”. Ông cha chúng ta đã viết ra những văn bản tôn trọng nhân quyền và luật pháp vào thời kỳ đất nước đang đấu tranh để tồn tại, và chúng ta đã tranh đấu bằng máu và nước mắt để duy trì giá trị của những văn bản đó. Các giá trị đó vẫn còn là ngọn hải đăng cho thế giới, và chúng ta sẽ không biện minh vì bảo vệ an ninh mà tạm thời hy sinh những giá trị đó. Tại đây tôi muốn nói với mọi dân tộc, mọi chính quyền trên thế giới từ những thủ đô to lớn cho đến những khu làng nhỏ bé tối tăm ở Phi châu nơi cha tôi đã ra đời rằng: Hoa Kỳ là nước bạn của mọi dân tộc, mọi người, đàn ông, đàn bà, con trẻ, bất cứ ai muốn mưu tìm một đời sống tự do và xứng đáng, và Hoa Kỳ vẫn ở tư thế lãnh đạo công cuộc mưu tìm đó.



Chúng ta còn nhớ rằng thế hệ trước đã đối đầu với chủ nghĩa phát xít và cộng sản không phải chỉ bằng xe tăng và hỏa tiễn mà còn bằng sự liên minh vững chắc và tin tưởng vào lý tưởng của mình. Thế hệ trước hiểu rằng sức mạnh không đủ bảo vệ chúng ta cũng như không cho phép chúng ta muốn làm gì thì làm. Thế hệ đó hiểu rằng chúng ta chỉ mạnh nếu chúng ta biết xử dụng sức mạnh một cách thận trọng, và cũng hiểu rằng chúng ta chỉ được an toàn nếu mục tiêu của chúng ta đúng đắn, chúng ta biết làm gương tốt, khiêm nhường và tự chế.



Chúng ta sẽ đi theo con đường khôn ngoan của tiền nhân. Và dưới tấm bảng chỉ đường của những nguyên tắc đó chúng ta sẽ nỗ lực hơn nữa để đương đầu với những đe dọa mới – và tạo điều kiện hợp tác và thông cảm giữa nước này với nước khác. Chúng ta sẽ rút quân ra khỏi Iraq một cách có trách nhiệm để người Iraq tự giải quyết chuyện của mình, và hợp tác xây dựng một nước Afghanistan sống hòa bình trong cộng đồng thế giới. Với bạn cũng như với kẻ thù cũ, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết sự đe dọa của vũ khí nguyên tử, cùng nhau giải quyết vấn đề thời tiết. Chúng ta không từ bỏ và quyết tâm bảo vệ lối sống tự do phóng khoáng của chúng ta. Và tôi muốn nói với những ai muốn thống trị thế giới bằng khủng bố và giết hại đàn bà con nít vô tội rằng tinh thần của chúng tôi mạnh hơn các anh và không thể bẻ gãy được. Các anh sẽ mệt mỏi trước chúng tôi và chúng tôi sẽ đánh bại các anh .




Chúng ta biết rằng tính đa chủng mang lại sức mạnh cho Hoa Kỳ. Nước chúng ta có người theo Thiên chúa giáo, người theo Hồi giáo, Do thái giáo, Ấn độ giáo – và nhiều người không theo đạo nào. Nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa từ nhiều nơi quy tụ lại đây. Và vì chúng ta đã kinh qua nội chiến và kỳ thị chủng tộc và trở nên mạnh hơn, đoàn kết với nhau hơn, chúng ta hiểu rằng thù hận quá khứ để lại sẽ trôi đi, đường ranh bộ tộc sẽ lu mờ, rằng thế giới sẽ thu nhỏ lại làm cho nhân loại gần gũi với nhau hơn, và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò của mình đưa thế giới bước vào thời đại hòa bình mới mẻ.
Chúng ta sẽ đưa tay ra với thế giới Hồi giáo trong tinh thần tôn trọng nhau và đồng có lợi. Tôi muốn nói với các vị lãnh đạo nào cho rằng thảm cảnh trong xã hội quý vị là do Tây phương và tìm cách kình chống Tây phương rằng nhân dân của quý vị sẽ phán đoán quý vị qua những gì quý vị xây dựng được chứ không qua những gì quý vị phá hủy. Với những ai còn bám lấy quyền lực bằng lừa dối, tham ô và đàn áp tôi xin nói rằng quý vị đang đi ngược dòng lịch sử. Nhưng chúng tôi vẫn mở rộng bàn tay, chỉ cần quý vị nắm lấy.


Với nhân dân các nước nghèo khó chúng tôi sẽ giúp sản xuất nông nghiệp, giúp sản xuất nước trong lành và giúp chỉnh đốn việc học hành. Với các nước sung túc tôi muốn mời quý vị cùng quan tâm đến những thống khổ bên ngoài biên giới nước mình và xử dụng năng lượng một cách có trách nhiệm. Thế giới đổi thay chúng ta cũng phải thay đổi theo.

Nhìn con đường trước mắt chúng ta phải nghiêng mình cám ơn những chiến sĩ đang chiến đấu nơi sa mạc hay trong vùng núi non hiểm trở. Họ đang thầm nói với chúng ta những gì những người đã nằm xuống nơi nghĩa địa quốc gia thường nói với chúng ta. Chúng ta vinh danh họ không những vì họ đang bảo vệ sự tự do cho chúng ta mà vì họ biểu dương tinh thần phục vụ đất nước, tinh thần muốn làm một cái gì có ý nghĩa cho đời sống. Và vâng, đó cũng là - vào thời điểm này, thời điểm đánh dấu một thế hệ - tâm tư chung của mỗi chúng ta.


Nếu hỏi chính phủ làm được gì và phải làm gì, thì thật ra chính phủ có làm được gì là do niềm tin và quyết tâm của người dân. Sẵn sàng giúp người khác có chỗ trú ẩn khi vỡ đê; chịu cắt bớt giờ làm việc để người khác có việc làm; tinh thần không ngại nguy hiểm cho bản thân của người lính chữa lửa, cũng như của cha mẹ hy sinh để nuôi dạy con cái.
Cơn phong ba đang chờ chúng ta khác với những cơn phong ba trước. Phương pháp chúng ta dùng để vượt qua phong ba lần này có thể khác trước. Nhưng những giá trị chúng ta dựa vào đó để hoạch định chính sách vượt khó thì vẫn là những giá trị cố hữu như: chịu khó suy nghiệm, chịu khó làm việc, thành thật, ngay thẳng, can đảm, công bình, khoan dung, trung thành và yêu nước. Những giá trị đó đã giúp chúng ta tiến lên suốt chiều dài lịch sử của Mỹ quốc. Chúng ta hãy trở lại với sự thật đó, và lúc này chúng ta cần sáng suốt để nhận ra rằng chúng ta có trách nhiệm đối với bản thân, đối với dân tộc và nhân quần thế giới; những bổn phận chúng ta không ngần ngại nhận lãnh, biết rằng nó thỏa mãn tinh thần của chúng ta, hợp với khuynh hướng thích gánh vác những công việc trọng đại của chúng ta.
Đó là cái giá và sự hứa hẹn của người công dân.
Đó cũng là nguồn cảm hứng của sự tự tin của chúng ta – tin rằng Trời giao phó cho chúng ta trách nhiệm trước một tương lai bất trắc.
Đó là cái nghĩa của sự tự do và lòng tin của chúng ta – nó giải thích tại sao nam phụ lão ấu đủ mọi giống dân, đủ mọi tôn giáo có thể tụ họp nơi đây, và nó cũng giải thích tại sao một người mà thân phụ của ông ta cách đây 60 năm không có quyền làm việc trong một tiệm ăn hôm nay có thể đứng đây tuyên thệ nhận lãnh một chức vụ thiêng liêng và cao cả như thế này.


Hãy cùng nhau đánh dấu ngày hôm nay để nhìn lại chúng ta là ai và con đường vạn dặm chúng ta đã đi qua. Nhớ lúc nước Mỹ ra đời, vào những tháng lạnh nhất trong năm, một đoàn người yêu nước chen chúc nhau tìm hơi ấm bên cạnh một đám lửa sắp tàn bên một bờ sông vắng lạnh. Thủ đô bỏ ngỏ, quân thù đang tới gần, tuyết vương đầy máu. Vào lúc chúng ta tưởng cuộc cách mạng giành độc lập sẽ thất bại thì người cha già dân tộc đã ra lệnh truyền rao cho dân chúng biết rằng:
“Hỡi thế giới hãy lắng nghe ... giữa mùa đông băng giá, trước nguy cơ diệt vong, chúng tôi - thành phố này và đất nước này - không còn gì cả ngoài sự hy vọng và tinh thần quyết tồn tại đã đến đây để đối diện với hiểm nguy.”



Mùa đông này Hoa Kỳ cũng đang đứng trước một nguy cơ lớn, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lời người xưa. Với hy vọng và tinh thần dũng cảm, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua gió lạnh và bão táp trước mắt. Chúng ta hãy cho hậu duệ chúng ta biết rằng, khi bị thử thách chúng ta không chấm dứt cuộc hành trình, chúng ta không lùi bước, chúng ta không té ngã. Tim chúng ta tin vào Trời đất. Mắt chúng ta ta hướng về chân trời trước mắt. Chúng ta quyết gìn giữ trái chín tự do cho thế hệ mai sau.
Cám ơn đồng bào. Trời đất phù hộ chúng ta. Trời đất phù hộ Mỹ quốc .




(1): Trận Concord: Concord cách Boston 32 kilomet, nơi diễn ra trận đánh giữa quân Mỹ và quân Anh tháng 4/1775 trong cuộc chiến tranh giành độc lập của những người Mỹ muốn li khai với nước Anh.
Trận Gettysburg: Trận đánh tháng 1/1863 giữa quân đội Bắc và Nam tại Pennsylvania trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Trận Normandy: Quân đồng minh Mỹ, Anh, Gia Nã Đại đổ bộ lên bờ biển Normandy thuộc Pháp tháng 6/1944 đánh bại Đức Quốc Xã giải phóng Âu châu.
Trận Khe Sanh: 6000 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và một tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ căn cứ Khe Sanh ở cực bắc miền Nam Việt Nam chống lại cuộc tấn công của quân đội Cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh xích hóa Việt Nam Cộng Hòa.
(2): Nguyên văn Anh ngữ của bài diễn văn nhậm chức
var CNN_ArticleChanger = new CNN_imageChanger('cnnImgChngr','/2009/POLITICS/01/20/obama.politics/imgChng/p1-0.init.exclude.html',1,1);
//CNN.imageChanger.load('cnnImgChngr','imgChng/p1-0.exclude.html');
My fellow citizens:
I stand here today humbled by the task before us, grateful for the trust you have bestowed, mindful of the sacrifices borne by our ancestors. I thank President Bush for his service to our nation, as well as the generosity and cooperation he has shown throughout this transition.
Forty-four Americans have now taken the presidential oath. The words have been spoken during rising tides of prosperity and the still waters of peace. Yet, every so often, the oath is taken amidst gathering clouds and raging storms. At these moments, America has carried on not simply because of the skill or vision of those in high office, but because We the People have remained faithful to the ideals of our forebearers, and true to our founding documents.
So it has been. So it must be with this generation of Americans.
That we are in the midst of crisis is now well understood. Our nation is at war, against a far-reaching network of violence and hatred. Our economy is badly weakened, a consequence of greed and irresponsibility on the part of some, but also our collective failure to make hard choices and prepare the nation for a new age. Homes have been lost; jobs shed; businesses shutổng thốngered. Our health care is too costly; our schools fail too many; and each day brings further evidence that the ways we use energy strengthen our adversaries and threaten our planet.
These are the indicators of crisis, subject to data and statistics. Less measurable but no less profound is a sapping of confidence across our land -- a nagging fear that America's decline is inevitable, and that the next generation must lower its sights.
Today I say to you that the challenges we face are real. They are serious and they are many. They will not be met easily or in a short span of time. But know this, America: They will be met.
On this day, we gather because we have chosen hope over fear, unity of purpose over conflict and discord.
On this day, we come to proclaim an end to the petổng thốngy grievances and false promises, the recriminations and worn-out dogmas, that for far too long have strangled our politics.
We remain a young nation, but in the words of Scripture, the time has come to set aside childish things. The time has come to reaffirm our enduring spirit; to choose our betổng thốnger history; to carry forward that precious gift, that noble idea, passed on from generation to generation: the God-given promise that all are equal, all are free, and all deserve a chance to pursue their full measure of happiness.
In reaffirming the greatness of our nation, we understand that greatness is never a given. It must be earned. Our journey has never been one of shortcuts or setổng thốngling for less. It has not been the path for the fainthearted -- for those who prefer leisure over work, or seek only the pleasures of riches and fame. Rather, it has been the risk-takers, the doers, the makers of things -- some celebrated, but more often men and women obscure in their labor -- who have carried us up the long, rugged path toward prosperity and freedom.
For us, they packed up their few worldly possessions and traveled across oceans in search of a new life.
For us, they toiled in sweatshops and setổng thốngled the West; endured the lash of the whip and plowed the hard earth.
For us, they fought and died, in places like Concord and Getổng thốngysburg; Normandy and Khe Sanh.
Time and again, these men and women struggled and sacrificed and worked till their hands were raw so that we might live a betổng thốnger life. They saw America as bigger than the sum of our individual ambitions; greater than all the differences of birth or wealth or faction.
This is the journey we continue today. We remain the most prosperous, powerful nation on Earth. Our workers are no less productive than when this crisis began. Our minds are no less inventive, our goods and services no less needed than they were last week or last month or last year. Our capacity remains undiminished. But our time of standing pat, of protecting narrow interests and putting off unpleasant decisions -- that time has surely passed. Starting today, we must pick ourselves up, dust ourselves off, and begin again the work of remaking America.
For everywhere we look, there is work to be done. The state of the economy calls for action, bold and swift, and we will act -- not only to create new jobs, but to lay a new foundation for growth. We will build the roads and bridges, the electric grids and digital lines that feed our commerce and bind us together. We will restore science to its rightful place, and wield technology's wonders to raise health care's quality and lower its cost. We will harness the sun and the winds and the soil to fuel our cars and run our factories. And we will transform our schools and colleges and universities to meet the demands of a new age. All this we can do. And all this we will do.
Now, there are some who question the scale of our ambitions -- who suggest that our system cannot tolerate too many big plans. Their memories are short. For they have forgotổng thốngen what this country has already done; what free men and women can achieve when imagination is joined to common purpose, and necessity to courage.
What the cynics fail to understand is that the ground has shifted beneath them -- that the stale political arguments that have consumed us for so long no longer apply. The question we ask today is not whether our government is too big or too small, but whether it works -- whether it helps families find jobs at a decent wage, care they can afford, a retirement that is dignified. Where the answer is yes, we intend to move forward. Where the answer is no, programs will end. And those of us who manage the public's dollars will be held to account -- to spend wisely, reform bad habits, and do our business in the light of day -- because only then can we restore the vital trust between a people and their government.
Nor is the question before us whether the market is a force for good or ill. Its power to generate wealth and expand freedom is unmatched, but this crisis has reminded us that without a watchful eye, the market can spin out of control -- and that a nation cannot prosper long when it favors only the prosperous. The success of our economy has always depended not just on the size of our gross domestic product, but on the reach of our prosperity; on our ability to extend opportunity to every willing heart -- not out of charity, but because it is the surest route to our common good.
As for our common defense, we reject as false the choice between our safety and our ideals. Our Founding Fathers, faced with perils we can scarcely imagine, drafted a charter to assure the rule of law and the rights of man, a charter expanded by the blood of generations. Those ideals still light the world, and we will not give them up for expedience's sake. And so to all other peoples and governments who are watching today, from the grandest capitals to the small village where my father was born: Know that America is a friend of each nation and every man, woman and child who seeks a future of peace and dignity, and that we are ready to lead once more.
Recall that earlier generations faced down fascism and communism not just with missiles and tanks, but with sturdy alliances and enduring convictions. They understood that our power alone cannot protect us, nor does it entitle us to do as we please. Instead, they knew that our power grows through its prudent use; our security emanates from the justness of our cause, the force of our example, the tempering qualities of humility and restraint.
We are the keepers of this legacy. Guided by these principles once more, we can meet those new threats that demand even greater effort -- even greater cooperation and understanding between nations. We will begin to responsibly leave Iraq to its people, and forge a hard-earned peace in Afghanistan. With old friends and former foes, we will work tirelessly to lessen the nuclear threat, and roll back the specter of a warming planet. We will not apologize for our way of life, nor will we waver in its defense, and for those who seek to advance their aims by inducing terror and slaughtering innocents, we say to you now that our spirit is stronger and cannot be broken; you cannot outlast us, and we will defeat you.
For we know that our patchwork heritage is a strength, not a weakness. We are a nation of Christians and Muslims, Jews and Hindus -- and nonbelievers. We are shaped by every language and culture, drawn from every end of this Earth; and because we have tasted the bitổng thốnger swill of civil war and segregation, and emerged from that dark chapter stronger and more united, we cannot help but believe that the old hatreds shall someday pass; that the lines of tribe shall soon dissolve; that as the world grows smaller, our common humanity shall reveal itself; and that America must play its role in ushering in a new era of peace.
To the Muslim world, we seek a new way forward, based on mutual interest and mutual respect. To those leaders around the globe who seek to sow conflict, or blame their society's ills on the West: Know that your people will judge you on what you can build, not what you destroy. To those who cling to power through corruption and deceit and the silencing of dissent, know that you are on the wrong side of history; but that we will extend a hand if you are willing to unclench your fist.
To the people of poor nations, we pledge to work alongside you to make your farms flourish and let clean waters flow; to nourish starved bodies and feed hungry minds. And to those nations like ours that enjoy relative plenty, we say we can no longer afford indifference to suffering outside our borders; nor can we consume the world's resources without regard to effect. For the world has changed, and we must change with it.
As we consider the road that unfolds before us, we remember with humble gratitude those brave Americans who, at this very hour, patrol far-off deserts and distant mountains. They have something to tell us today, just as the fallen heroes who lie in Arlington whisper through the ages. We honor them not only because they are guardians of our liberty, but because they embody the spirit of service; a willingness to find meaning in something greater than themselves. And yet, at this moment -- a moment that will define a generation -- it is precisely this spirit that must inhabit us all.
For as much as government can do and must do, it is ultimately the faith and determination of the American people upon which this nation relies. It is the kindness to take in a stranger when the levees break, the selflessness of workers who would rather cut their hours than see a friend lose their job which sees us through our darkest hours. It is the firefighter's courage to storm a stairway filled with smoke, but also a parent's willingness to nurture a child, that finally decides our fate.
Our challenges may be new. The instruments with which we meet them may be new. But those values upon which our success depends -- hard work and honesty, courage and fair play, tolerance and curiosity, loyalty and patriotism -- these things are old. These things are true. They have been the quiet force of progress throughout our history. What is demanded then is a return to these truths. What is required of us now is a new era of responsibility -- a recognition, on the part of every American, that we have duties to ourselves, our nation and the world; duties that we do not grudgingly accept but rather seize gladly, firm in the knowledge that there is nothing so satisfying to the spirit, so defining of our character, than giving our all to a difficult task.
This is the price and the promise of citizenship.
This is the source of our confidence -- the knowledge that God calls on us to shape an uncertain destiny.
This is the meaning of our liberty and our creed -- why men and women and children of every race and every faith can join in celebration across this magnificent Mall, and why a man whose father less than 60 years ago might not have been served at a local restaurant can now stand before you to take a most sacred oath.
So let us mark this day with remembrance, of who we are and how far we have traveled. In the year of America's birth, in the coldest of months, a small band of patriots huddled by dying campfires on the shores of an icy river. The capital was abandoned. The enemy was advancing. The snow was stained with blood. At a moment when the outcome of our revolution was most in doubt, the father of our nation ordered these words be read to the people:
"Let it be told to the future world ... that in the depth of winter, when nothing but hope and virtue could survive... that the city and the country, alarmed at one common danger, came forth to meet [it]."
America. In the face of our common dangers, in this winter of our hardship, let us remember these timeless words. With hope and virtue, let us brave once more the icy currents, and endure what storms may come. Let it be said by our children's children that when we were tested, we refused to let this journey end, that we did not turn back, nor did we falter; and with eyes fixed on the horizon and God's grace upon us, we carried forth that great gift of freedom and delivered it safely to future generations.
Thank you. God bless you. And God bless the United States of America.

(3) Trần Bình Nam chuyễn ngữ: Chuyển ngữ trong tinh thần lột ý chứ không lột lời, nhắm mục đích chuyển toàn bộ ý tưởng và văn chương của bài diễn văn đến độc giả bằng Việt ngữ, không cắt không xén như các cơ sở đưa tin của Trung quốc và Việt Nam đã làm.



PHAN NI TẤN * CHIỀU TRÊN QUÊ HƯƠNG

Chiều Trên Quê Hương







 
1.bắc Cần Thơ
chờ bắc ở bến Ninh Kiều
gío về thổi ướt cả chiều dưới sông
ta như bèo nước bềnh bồng
mấy năm đi biệt mà không về nhà
những thằng sống sót trận qua
chiều nay đợi chuyến bắc ra chiến trường

2.quán lá ở daknil

hớp một hớp nước trà thiu
im nghe tịch lặng hiu hiu thổi về
cái đời lính trận xa quê
nhìn sương khói phủ thấy thê lương chiều
hớp thêm hớp nước trà thiu
nghe trong tịch lặng có điều bất an

3.ghé krongpha ngồi nhớ
quanh co xuống dốc đèo dài
đoàn quân xa đậu dọc hai bên đường
trời chạng vạng đã mù sương
đèn lên quán thấp, ngồi thương nhớ nhà
chim chiều khắc khoải xa xa
lòng buồn như ứa mắt ra đầm đầm
tính ra, ừ, đã nhiều năm
phong trần ta vẫn biệt tăm chốn nào

4.qua đèo Mụ Gìa
xe lên tới đỉnh mụ gìa
trên cao trời đất bao la vô cùng
ngợp hồn ta giữa muôn trùng
lũng sương mây đọng trắng vùng sơn lâm
dưới sâu cây đứng ngàn năm
chìm trên đèo thẳm âm âm bóng chiều
theo xe ta xuống thôn nghèo
hồn còn vắt vẻo giữa đèo hoang vu

5.về Buôn ma Thuộc
lên đèo Dục Mỹ ban trưa
ta về ở dưới gío mưa não nùng
xe qua đồi núi chập chùng
lên heo hút lạnh núi rừng tây nguyên
tưởng đi rủ sạch ưu phiền
ngờ đâu bụi đỏ trên miền cuốn theo
thôi thì về với cheo leo
nghe chim ông láo kêu rêu cũng đành
lên tây nguyên trấn giữ thành
thương con vượn hú trên cành chon von
đón ta về núi về non
bóng tà đỏ tợ như hòn núi rơi





LÊ TẤN LỘC * SỔ TAY HÀNH TRÌNH





SỔ TAY HÀNH TRÌNH

Quê hương ruồng bỏ…
Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.


Tân thì thầm trong màn đêm giả tạo qua chiếc mặt nạ che mắt, sau bữa ăn tối với hương vị rượu đỏ nồng ấm còn đọng trên môi, trên chuyến bay rời Xứ Tuyết về hướng thành phố mà một thời, rất thương yêu, Tân đã gắn thêm cụm từ “của những cuộc tình” vào tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông (Saigon de mes amours), sau khi bỏ lại sau lưng trong ray rứt nuối tiếc “Paris của những mộng mơ” (Paris de mes rêves):

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ,
Quay về xem non nước giống dân Hời.

«
*Sàigòn, 20.2.2003

Sàigòn ơi! Anh trở về thăm em sau hai mươi ba năm biệt xứ …
Bước xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, cái nóng hỏa lò hắt mạnh vào mặt khiến tôi hoa mắt, lảo đảo. Những nắng là nắng: nắng chói chang, nắng đổ lửa, nắng thiêu đốt! Hai mươi tám năm về trước, cũng cái nắng cháy da, cái nắng bốc khói như thế nầy đã thuộc da, đã thui sống tôi và đồng bạn “cải tạo” đang hì hục còng lưng dùng tay trần cào xới sỏi đá để “canh tác”, dưới sự thúc ép nghiệt ngã của bọn quản ngục.
Tôi về lại chi mảnh đất ngàn đời thương khó nầy? Chắc hẳn không thể như “quan trạng vinh qui về làng” được rồi: So với nếp sống phồn vinh của bè bạn, hàng xóm láng giềng hiện nay, “Việt kiều nghèo” tôi khác chi phường khố rách áo ôm? Cũng chẳng phải để hí hửng làm “Việt kiều du lịch kiểu du khách ngoại quốc trên đất nước của mình”: tôi không đủ sức mà cũng không thấy hứng thú.


Tình thật, tôi chẳng chút chi “hồ hởi” về thăm một quê hương triền miền khốn khổ mà mình đã đoạn đành lìa xa, bỏ mặc, quên lãng. Chỉ vì bà chị duy nhất của tôi hấp hối, muốn thấy mặt thằng em chị đã bồng ẵm, chăm sóc thay mẹ đau yếu đến phải bỏ dở con đường học vấn -vốn hứa hẹn nhiều thành quả rực rỡ- mà tôi đành múi mặt đối diện tại phi cảng với đám hung thần đã đày đọa, trù đập chí cốt các bạn đồng cảnh ngộ bi phẩn với tôi…


Động lực thúc đẩy khác cũng không kém phần quan trọng là do tôi nuôi hi vọng gặp lại vài thằng bạn đã từng chia cơm xẻ áo, cùng hứng chịu nhục nhằn trong lò cải tạo năm nào. Thử xem chúng nó sống còn ra sao. Nhứt là muốn tìm dấu một vài đồng nghiệp “gõ đầu trẻ” hiếm hoi còn sót lại ở quê nhà, cùng các cựu môn sinh của tôi, hiện rải rác khắp nơi.


Nhưng…làm sao dò tìm những bóng dáng thân thương nầy trên những đường phố thơ mộng, chan chứa ân tình xa xưa -những “con đường xưa em đi”- giờ đây đã hoàn toàn biến thể dưới hàng hàng lớp lớp cao ốc sừng sững hai bên đường, che lấp hết ánh mặt trời…

Đường phồ Sàigòn bưng bít gió,
Tôi biết nơi nào gửi nhớ thương!

Hoàn toàn lạc hướng giữa chốn phồn hoa đô thị xa lạ, tôi chỉ còn biết nhắm mắt mơ hồ ngỡ như nhận ra dáng dấp thân quen của những đứa bạn từng sống chết có nhau, huyền ảo như bóng “muôn ma Hời” thoáng hiện về lung linh trong “Điêu tàn”…
*Gia Định, 21.2.2003

Con đường Hàng Xanh, cạnh Ngã tư xa lộ Biên Hòa, hoàn toàn lột xác. Con đường đầy tang tóc máu lửa xưa kia giờ đây thay hình đổi dạng thành khu phố sầm uất, bán buôn ì xèo, xe cộ như mắc cửi, chiếm hết mặt lộ và “xử lý” luôn cả hai lề đường. Tiếng động cơ chát chúa, tiếng đôi co tru tréo ầm ĩ nghe như tiếng súng nổ rền vang, tiếng kêu la thảm thiết của vô số người bị trọng thương, nằm la liệt bên cạnh hàng đống xác chết đã bắt đầu trương rữa, hôm Tết Mậu Thân… Làm sao mà quên được:

Đây chiến địa, nơi đôi bên giao trận,
Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang…


Căn nhà thờ Hàng Xanh vách ván, mái tôn lụp xụp năm nào vừa làm trạm cứu thương, cứu đói, vừa làm nơi trú ẩn cho nạn nhân chiến cuộc “Mậu Thân” từ các nơi đầy máu lửa Cầu Sơn, Bình Triệu, Gò Vấp đổ xô về lánh nạn -đồng thời cũng là nơi tích lũy hàng khối tử thi chưa thể đem đi chôn, được bó chiếu sơ sài hoặc nhét vội vào bốn miếng ván ghép hối hả, gở từ phên vách những ngôi nhà cháy dở dang- giờ đây đã hóa thân thành một ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ, bê-tông cốt sắt. Khách thập phương, giáo dân và người bán hàng rong chen chút nhau trong sân trước giáo đường có tường rào kiên cố bảo vệ. Tượng Đức Mẹ trước nhà thờ đã được dời đi nơi khác. Di tích duy nhất còn lại để nhắc nhở thời nghèo nàn tang tóc nhưng dồi dào tình người của nhà thờ Hàng Xanh xa xưa là tấm plaque cẩm thạch lưu niệm, gắn trên tường, ghi võn vẹn tên Cha Sở Thomas Trần Lê Vinh, năm sinh và năm mất. Ngắn gọn! Tôi cúi đầu trước di tích buồn tênh đó, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn vị linh mục đã đóng một vai trò trọng yếu trong đời sống tâm linh của tôi sau khi tôi ra tù cải tạo. Và tự hỏi: “Chúa có còn ngự trong ngôi thánh đường phồn thịnh nầy chăng? Hay Người đã đến một nơi mà con cái Người đang đau thương, quằn quại, khốn đốn như dân chúng xưa kia trong căn nhà thờ Hàng Xanh ngập tràn tiếng kêu khóc thương xót”?

*Thủ Đức, 22.2.2003

Chợ Nhỏ Thủ Đức gần như không thay đổi đáng kề. Cái nóng hâm hấp trong ngôi chợ còn giữ được gần nguyên vẹn nếp sinh hoạt trước 1975 không làm tôi ngột ngạt, bởi vì đó là hơi nóng ấm nồng tình người của đồng bào thân quen của tôi. Không xa lạ, không dửng dưng, không kênh kiệu, khinh khỉnh như đám “bào-đồng=cùng-màu-da” ở cửa khẩu nhập cảnh, chực chờ “bào” đồng đô-la của “khúc ruột ngàn dặm” được họ “ban ơn khoan hồng” cho về thăm nơi chôn nhao cắt rún!
Thế nhưng ngôi chợ nhỏ nầy chỉ là một ốc đảo như “khu bảo toàn sinh vật sắp tuyệt chủng” nằm trơ vơ trong đại đương bao la của những biến đổi phi nhiên tính do tập đoàn “dân-tộc-ra-cửa-gặp-ngay-anh-hùng-nhởn-nhơ-đầy-đường-phố” chủ xướng. Qua khỏi khu bảo toàn nầy, “người con về từ phương xa” chẳng còn nhận diện được đất đai xứ sở của mình nữa: Cả môt vùng đất mênh mông chung quanh Trường Bộ Binh trước kia giờ đây chẳng còn một xẻo đất trống. Nhà cửa xây hỗn loạn, hầu hết là những villa lộng lẫy được bao quanh bởi một vòng đai tường gạch ngạo nghễ mà cổng vào luôn luôn được một bảng hiệu to tướng, đỏ rực “Doanh trại Quân đội nhân dân” xác định quyền sở hữu bất di dịch, bất khả xâm phạm, cha truyền con nối của đám cư dân “con cưng của chế độ” được nhà nước tận tình ưu đãi! Doanh trại tiếp liền doanh trại, liên tục nối dài “xa tít tận chân trời”…Cơ hồ như cả nước, từ Cà Mau đến ải Nam Quan được một dãy Trường-Sơn-Doanh-Trại-Quân-Đội-Nhân-Dân “nối vòng tay lớn”!

Loanh quanh, dò dẫm mãi trong đám rừng doanh trại tôi mới tìm ra lối mòn dẫn tới một vùng chứa rác lộ thiên khổng lồ: vài trăm căn nhà “khiêm tốn” của cư dân bị trục xuất khỏi mấy khu kề cận Trường Bộ Binh mọc lên chung quanh các núi rác. Hai thiếu phụ -một thư ký, một y tá- cựu cộng sự viên ở trường Trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương đón tôi ở đầu ngõ khu “bàn cờ” tái sinh bất đắc dĩ, cho tôi khỏi mất tích trong mê cung nghèo khó nầy. Đôi bên nhìn nhau, rưng rưng…Muốn choàng ôm nhau nghẹn ngào nhưng…vẫn cứ ngại ngần: Dẫu sao chúng tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng không khí “cổ kính”, “mô phạm” của cửa Khổng sân Trình thời trước!
Bữa cơm thanh đạm do hai cựu thuộc viên nghèo khó tự tay nấu nướng “chiêu đãi” trưởng cơ quan cũ -cũng chẳng khá giả gì lắm- vậy mà vui hết sức! Mùi nylon cháy khét lẹt từ những núi rác không làm ô nhiểm không khí đậm tình anh em thân thiết giữa chúng tôi.
- Nầy cô Xuân! Không thấy cô giới thiệu chồng con chi cả.
- Ai mà chịu lấy tôi, hở anh? Vừa nghèo vừa xấu.
- Ai dám bảo cô y tá của tôi xấu? Cô kén chọn quá kỹ chăng? Còn cô Cang, cậu con trai giờ ra sao rồi? Cô có bước thêm một bước nữa chăng?
- Nhờ anh đỡ đầu lúc nó ra đời nên nó ăn học khá lắm, bây giờ có việc làm vững chắc, rất hiếu thảo. Từ lúc ba nó mất tích ở Bình Long, tới nay tôi vẫn ở vậy nuôi con. À! Anh còn nhớ chú Trầm, tùy phái không? Tội nghiệp, ổng già yếu lại bịnh nặng. Hai ông bà thương anh lắm, nhắc anh hoài…
Làm sao tôi quên được hai vợ chồng người đã hết lòng ân cần chăm sóc tôi, những ngày đầu tôi nhận trách nhiệm điều khiển trường Trịnh Hoài Đức? Cả ba chúng tôi lặng lẽ thở dài...
- Bé Tám dạy nhạc bây giờ ra sao rồi?
- Anh nhắc làm chi cái thứ nằm vùng ôn hoàng dịch lệ vật đó! Xuân trả lời.
-“Giải phóng” vô hôm trước, hôm sau hắn vênh váo xách AK tới trường hoạnh họe, hạch sách các thầy cô và nhân viên văn phòng đủ điều. Rồi hắn ra lệnh cho tôi đánh máy danh sách phân loại để hắn báo cáo lên Ban An Ninh, Cang tiếp lời. Bây giờ hắn bị cho ra rìa rồi, chẳng ai thèm ngó tới mặt. Đáng đời!


Tôi lắc đầu ngao ngán cho thế thái nhân tình: Bé Tám, người được toàn trường chúng tôi hết lòng thương yêu, đùm bọc, nhiệt tình giúp đỡ mọi mặt…
Lúc bùi ngùi chia tay, tôi kín đáo chạm nhẹ vào bàn tay gầy yếu xanh xao của hai cô em đã giữ nguyên vẹn lòng cảm mến dành cho người anh viễn phương…

Áo em vạt tím ngàn sim,
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ.





*Trường Dạy Nghề Thủ Đức, 23.2.2003


Lần nầy thì tôi chẳng nghe ai kể hết. Chính mắt tôi thấy, tai tôi nghe: Cửa quyền hống hách coi dân như rơm rác. Chính quyền do “nhân dân làm chủ” đấy nhé!
Quá thương tâm trước cảnh nghèo rớt mồng tơi của gia đình một người thân -nhà dột cột xiêu, cơm ngày hai buổi hẩm hiu với muối hột mà cũng chẳng đủ no lòng, con cái nheo nhóc; đứa con gái đầu đàn phải bỏ học đi bưng mâm rửa chén cho một tiệm phở, trước để được no bụng, sau để kiếm vài đồng bạc phụ mua gạo muối hàng bữa cho gia đình- tôi nhất quyết tìm cách rút đứa cháu gái tuổi chưa quá đôi tám, mặt mũi “dễ coi” ra khỏi cảnh đau lòng đầu bù tóc rối, chân đi trần, đầy vết mỡ loang : giúp cháu học nghề.

Bước vào văn phòng trường dạy nghề tôi chẳng thể nào tưởng tượng sẽ phải đối mặt với một mụ Giám hiệu quá ư mất dạy! Cán bộ nhà nước -“đầy tớ của nhân dân”- vô giáo dục phụ trách công tác giáo dục nhân dân! Đem tiền đến đóng học phí cho họ mà họ coi như mình đến xin ăn không bằng. Nói chuyện phang ngang bửa củi, trả lời nhát gừng, có ghế nhưng không mời khách ngồi. Đóng tiền xong, hỏi chi tiết về chương trình học, giờ giấc. Trả lời cụt ngủn: về đi, trở lại coi thông báo niêm yết. Hết!
- Ban giám hiệu trường nào cũng tiếp phụ huynh như vậy hết hả con?
- Dạ phải, dượng ba ! Chỗ nào của nhà nước cũng vậy hết, chớ không riêng trường học. Dân đem tiền “cúng” cho họ mà bị coi như tới van xin họ ban ơn bố đức!
- Hết ý!




*Bình Dương, 23.2.2003

- Allô! Thưa thầy! Tụi em đang trên đường xuống rước thầy…Thầy biết ai gọi thầy không đây?
- Huê Mỹ phải không?
- Trời Phật! Hai mươi mấy năm rồi mà thầy vẫn còn nhận ra tiếng em!
- Làm sao quên giọng “hai-phai-xì-tê-rê-ô” của nữ lực sĩ được!

Ba mươi phút sau, chiếc mini van đầy người gấp rút tấp vô lề đường trước cổng nhà chị tôi. Một đoàn áo dài trắng tức tốc túa ra, ào tới quấn quít lấy tôi, đứa nắm tay, đứa bá cổ, đứa choàng vai, đứa bẹo mặt, đứa vuốt tóc, vừa reo cười vừa mếu máo khóc!
- Thầy ơi! Phải thiệt thầy Tân dạy Triết của tụi em không đây? Một đứa hỏi. Tụi em nghe đồn thầy tự tử chết trong trại cải tạo rồi. Thầy mình thực sự còn sống, phải hôn tụi bây? Hỏi xong, bèn bật khóc!
- Thầy biết con nhỏ cười qua nước mắt kia là ai không? Huê Mỹ hỏi.
- Không nhớ. Trông rất quen. Đẹp. Nhưng có vẻ buồn thảm quá!
- Hồng Phượng mà thầy không nhớ ra à? Hồi trước, sáng nào nó cũng quá giang xe thầy từ Lái Thiêu tới trường mà!
- Trời đất! Hèn chi tôi cứ ngờ ngợ.
Hồng Phượng đối với tôi như em ruột vì là con của thầy tôi ở Bạc Liêu. Cũng là em gái của Danh, thằng bạn nối khố, đồng nghiệp.
Huê Mỹ ngày xưa thân hình cân đối, rắn chắc, bây giờ gầy gò, cao nghệu như tre miễu, nhưng nụ cười vẫn còn rạng rỡ. Đám cựu môn sinh đang quây quần bên tôi giờ đây đã “ông ông mụ mụ rồi” hết ráo, nhưng không rõ có phải vì cái khung cảnh tái ngộ quá đặc biệt nầy mà đột nhiên chúng trở thành đám nữ sinh lăng xăng tíu tít như dạo nào chăng? Hoài niệm vẫn còn xanh trong chúng tôi…


(Bình Dương)

*
Giám hiệu Trường Trịnh Hoài Đức, một cựu học sinh của Trường, mời tôi, Phúc, một cựu Hiệu trưởngTHĐ kế tôi, cùng đám cựu môn sinh vào văn phòng trò chuyện thân mật. Giám hiệu ngỏ lời chào mừng và hoan nghinh sự trở về trường xưa của người thầy cũ-nguyên hiệu trưởng, lời lẽ cảm động chân thật. Ba hiệu trưởng kế tiếp nhau, mỗi người tiêu biểu cho một thế hệ, ngồi bên nhau trong tinh thần sư đệ: Điều tôi không ngờ có thể “được phép” làm ở một cơ sở giáo dục “do nhân dân làm chủ”! Không khí “có giáo dục” nầy, tôi nghĩ là do vị Giám hiệu đã được “giáo dục” trước 1975. Nếu không, chắc cũng rập khuôn “cửa quyền” như ở trường dạy nghề Thủ Đức thôi.
- Chào thầy! Em là Hiệu phó. Lúc thầy làm Hiệu trưởng, em mới vào đệ thất nên chắc thầy không biết em. Xin mời thầy cùng quí anh chị “tham quan” trường.



Cô Hiệu phó rất xinh, y phục lịch lãm, sở dĩ ăn nói “có văn hoá” là nhờ đã được đào tạo trong môi trường “tôn sư trọng đạo”, cũng trước 1975…
- Xin thầy đứng chụp ảnh trước dãy phòng mới cất, rất khang trang. Cô Hiệu phó vừa nói vừa nằm tay tôi lôi về hướng kỳ đài “phất phới cờ đỏ ngôi sao vàng”!
- Không, không! Huê Mỹ can thiệp, trì tay tôi lại, kéo về hướng khác. Lúc thầy dạy tụi mình, rồi lên làm Hiệu trưởng chỉ có dãy phòng cũ kỹ nhưng rất nhiều kỷ niệm thầy trò nầy thôi! Thầy về thăm trường cũ trò xưa là muốn tìm lại hoài niệm thân thương đó...Em hãy để yên cho bọn chị cùng thầy sống lại vùng hoài niệm xanh lúc thầy mới về trường chúng ta đi nghe !



Quả thật Huê Mỹ nói rất đúng, dãy phòng xưa cũ nầy và văn phòng Hiệu trưởng vừa chật cứng hoài niệm đối với tôi, vừa là di tích lịch sử đối với cựu nhân viên giảng huấn, nhân viên văn phòng và các cựu học sinh trước 1975. Chắc rồi cũng sẽ bị đập bỏ,
thay thế bằng hàng loạt kiến trúc do các ông chủ mới thiết kế đồ án, với lá cờ đỏ sao vàng chói chang -bắt buộc phải có- phất phới như một quyết tâm triệt hạ những gì gợi nhớ tới nền giáo dục nhân bản xa xưa…

- Thưa thầy! Em đứa là học trò nghèo năm xưa chẳng bao giờ quên thầy đã cho em lên xe Toyota của thầy để em khỏi cuốc bộ đến trường : Một điều mà em chẳng bao giờ tưởng tượng có thể xảy ra giữa một học sinh quèn như em và một người vừa là thầy đứng lớp vừa là Hiệu trưởng! Nho, Phó Giám đốc Sở Giáo Dục Bình Dương ngõ lời trong buổi cơm thân mật tiếp đãi tôi và “phái đoàn cựu học sinh 12A1-12A2/THĐ/1970”, qui tụ trên dưới ba mươi khuôn mặt thân thương tại một quán cơm bình dân, ngoài thành phố.
- Em không giấu thầy, Nho tiếp, em là người cộng sản -và em là người cộng sản duy nhứt trong bàn tiệc nầy. Em theo lý tưởng của em, nhưng em vẫn kính mến, thương quí thầy và tôn trọng lý tưởng của thầy. Xin thầy cứ yên tâm: Tổn phí xe cộ đưa đón và bữa cơm hôm nay là do tụi em, học trò cũ của thầy, tự nguyện chung góp đài thọ. Tụi em dứt khoát không cho mấy đứa cựu môn sinh của thầy bây giờ là tay to mặt bự -cỡ bí thư tỉnh ủy, huyện ủy trở lên- gặp thầy, dù tụi nó có yêu cầu. Em nói với chúng nó :«Thầy Tân trực tính. Tụi bây quen thói “lên lớp” sảng, rủi ổng nhịn không nổi “quạt” lại, bị mất mặt, tụi bây dám bắt ổng đi cải tạo lần nữa lắm!».
- Thưa thầy! Chắc thầy không còn nhớ em đâu! Một giọng nữ trong như chuông ngân, không xưng danh, phát biểu. Ngày xưa, nhà nghèo quá, em phải nghỉ học xin làm thư ký đánh máy cho trường. Khi lên làm Hiệu trưởng, thầy không cho em làm…
- Tôi đuổi việc em?...
- Dạ không phải vậy! Thầy nói em còn nhỏ quá, bắt em tiếp tục học buổi sáng và cho em làm việc buổi chiều, thứ bảy, chủ nhựt làm thêm giờ bù…Nhờ vậy em tốt nghiệp đại học sư phạm, nối nghiệp thầy!
- Dù em có khai tên ra thầy cũng không nhớ nổi em đâu! Một cựu môn sinh phái nam chen vào, tiếp chuyện. Xin đọc bài thơ “Tái ngộ” em vừa làm xong tặng thầy, mà em dự trù đưa vào tập thơ “Chàm khúc tình” của em, sắp xuất bản. Em chỉ xin thầy, cũng là người cầm bút, nhớ bút hiệu của em thôi : Chu Ngạn Thư.

(….) Mượn câu vạn lý trùng phùng
Ấm trong tay bắt lòng mừng nỗi xưa.

Lạ thật! Tôi nghĩ thầm. Chàm khúc tình? Chẳng lẽ nhà thơ thấu suốt tâm trạng “quay về xem non nước giống dân Hời” trong Điêu tàn của người-dân-Việt-ngoại-kiều-trên-đất-Việt như tôi? Chàm khúc… Một cơn trốt xoáy tung bụi mù hay… Hồn tử sĩ gió ù ù thổi?


- Tôi kể anh Tân nghe chuyện dài Trịnh Hoài Đức. Phúc uống cạn ly bia, rơm rớm nước mắt, trầm buồn lên tiếng. Lúc tôi ngồi tù cải tạo, trường bị xoá tên và mất luôn vị trí một cơ sở giáo dục. Họ cưỡng đoạt ngôi trường làm trung tâm “bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ”.
Khi tôi ra tù, mấy đứa học trò cũ của mình -“quan lớn” trong chế độ “đổi đời”- tìm tôi, thúc đốc tôi ra nhận lại chức vụ hiệu trưởng. Tôi ra điều kiện tiên quyết : phục hồi danh hiệu Trịnh Hoài Đức và dời trung tâm gì đó đi nơi khác. Yêu cầu được đáp ứng sau nhiều năm dài tranh cãi. Sở Giáo Dục do học trò cũ mình cai quản giao cho tôi điều khiển trường được trao trả và yêu cầu tôi vận động cựu đồng nghiệp và cựu học sinh ở hải ngoại gởi tiền về gây quỹ phát triển trường cũ. Khắp nơi nhiệt tình hưởng ứng. Nhưng rồi tôi nhận ra chính quyền chỉ muốn lợi dụng tôi để moi tiền những ai còn tha thiết với trường cũ.
Anh em điện thư yêu cầu tôi mở trương mục cho họ chuyển tiền. Lúc bấy giờ chánh quyền mới lộ tẩy : Chỉ có Sở Giáo Dục tỉnh Bình Dương mới có tư cách nhận và sử dụng tiền! Tôi thông báo ngay cho bè bạn khắp nơi, rồi cáo bịnh xin từ nhiệm. Sở không chấp nhận, trái lại càng lúc càng thúc ép tôi kêu gọi thiên hạ gởi tiền về.
Viễn ảnh tôi đi cải tạo lần nữa chập chờn…Cuối cùng tôi nghĩ ra cách rút lui an toàn. Tôi dàn cảnh đi xe đạp bị tai nạn chấn thương não, mất trí nhớ, ăn nói ngọng nghịu, lảm nhảm. Bệnh viện -do BS Phượng Hoàng, học trò ruột của chúng ta làm trưởng khoa bệnh lý- xác nhận bệnh trạng. Tôi thoát nạn!
- Lúc đó mình chới với khi nghe Danh báo “hung tin”. Không ngờ Phúc “siêu” quá cỡ!

Trên đường về, các em đề nghị tôi ghé qua khu Trường Nữ THĐ, gần chợ Búng. Trước 1975, Trường cũ gồm hai khu nam nữ, cách nhau trên hai cây số. Bây giờ khu nầy dành cho nữ cán bộ làm trụ sở hợp tác xã gì gì đó.
- Đây mới thật là nơi tụi em có quá nhiều kỷ niệm với thầy! Đấu, cô-nữ-sinh-mít-ướt ngày xưa, lệ đoanh tròng, nhìn tôi nói. Em nhớ, lúc học đệ tam với thầy, em ưa khóc vì mặc cảm nghèo, chỉ có một bộ đồ tương đối coi được mặc đi học. Thầy dỗ em và biểu em lúc nào muốn khóc thì nhìn mặt thầy sẽ hết khóc. Em cũng chẳng hiểu vì sao mà nghe theo lời thầy thì …em nín khóc thiệt! Và từ từ em hết mít ướt luôn!
- Thầy nhìn lên dãy lầu xem! Thầy còn nhớ căn chót phía tay mặt, nơi thầy dạy triết cho lớp đệ nhất A1, năm đầu tiên thầy về trường chăng? Gần Tết năm 1967, thầy đang đứng lớp trên đó thì có hai thanh niên giả dạng nam sinh THĐ sang bán báo Xuân đột nhập vào lùa thầy cô và tụi em ra sân cờ để tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước”. Tình cờ có hai anh chuẩn úy không hay biết gì hết, từ chợ Búng đèo nhau trên xe gắn máy chạy ngang trường…Họ nổ súng sát hại. Em còn nhớ mồn một nụ cười tươi tắn của hai anh còn rầt trẻ đó thoáng qua cổng trường rồi vụt tắt ngấm theo tiếng súng nổ chát chúa. Và ngay bây giờ em vẫn tưởng như sự việc đang xảy ra trước mắt: Chiếc Suzuki màu xanh dương lật ngang giữa đường, máy vẫn còn nổ, bánh xe vẫn còn lăn, hai anh chuẩn úy vẫn còn giẫy chết…


Cơn xúc động do hoài niệm thương động tái xuất hiện dần dần lắng động.
- Thầy à! Đấu-mít-ướt cười hiền hòa nói. Bữa nay sao em cảm thấy như đang học lớp đệ tam đó thấy. Phải hôn tụi bây?
- Ê, con nhỏ! Tụi mình tóc hoa râm hết rồi nghe mậy! Huê Mỹ chọc phá.
- Tao cảm thấy thiệt vậy mà!
- Thầy có thấy cái miễu nhỏ trước cổng trường không? Hồng Phượng hỏi. Cái miễu đó, cho tới nay dân chúng vẫn tiếp tục nhan đèn cúng vái. Họ bảo hai anh chuẩn úy nầy linh lắm! Chánh quyền địa phương muốn dẹp mà không dám, vì nghe đâu mấy cán bộ gộc trên tỉnh cũng thường xuống xá lạy, van vái, cầu xin!
- Thầy ơi! Thầy ở lại chơi với tụi em đi. Lâu lắm rồi thầy mới có dịp trở lại Bình Dương. Đấu năn nỉ. Thầy còn về Việt Nam nữa không?
- Tôi thì không thành vấn đề. Nhưng cô thì không thể ở lại vì sức khỏe không cho phép. Chứ cô cũng rất thích sinh hoạt với các em. Tôi về nữa, các em nghèo quá làm sao đủ gạo nuôi tôi?
- Dạ thầy đừng lo. Tụi em chia nhau nuôi thầy cô, mỗi đứa một tuần. Rồi xây tua làm lại như vậy nữa. Dư sức “nuôi” thầy cô dài dài…
Tôi rời cảnh cũ người xưa, rạt rào thương cảm… Chốn ấy quê hương, ôi cảm tình! :

Đưa nhau đấu rượu hoa nầy,
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm…

(Thành phố Đà Nẵng)



*Đà Nẵng, 26.2.2003

Bốn mươi lăm năm rồi tôi mới lại có dịp đi xe lửa trên một tuyến đường xa. Lần chót tôi dùng phương tiện giao thông nầy là do năm 1958, giữa niên học, ban Triết Đại Học Sư Phạm chúng tôi tại Sàigòn được lệnh chuyển lên Đàlạt. Lần nầy đặc biệt hơn vì chuyến xe lửa mang tên “Thống Nhất” chạy suốt từ Sàigòn -đã bị mất tên- tới Hà Nội -địa danh trơ trơ như đá vững như đồng vì được “đảng và nhân dân ta” tôn vinh là “cái nôi của loài người ( v.v…)”, không như Sàigòn chỉ mới là Hòn Ngọc Viễn Đông ấm ớ thôi! Có nên nhắc lại, khách mở hàng chuyến tàu hỏa Thống Nhất nầy là hằng hà sa số quân cán chính VNCH được nhồi nhét như gia súc trên các toa tàu bít bùng, đưa ra miên Bắc “học tập cải tạo” và phần lớn đã vĩnh viễn nằm xuống trên con tàu định mệnh, được vùi lấp “không một nấm mồ” hai bên đường rầy “đầy máu và nước mắt” chăng? Bất giác tôi rùng mình: Toa “Couchette” khá tiện nghi tôi đang sử dụng, trước đây chắc chắn đã “tiếp thu” ít nhất trên trăm chiến hữu của tôi đang đói khát, ngộp thở, bịnh hoạn không thuốc thang, bài tiết tại chỗ, chết dần mòn…Phong cảnh nhạt nhòa theo lệ ứa :
Đây những cảnh rừng sâu cây lả ngọn,
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.

Cảnh vật hai bên đường rất đẹp và rất “quê hương”, với trâu bò nhơi cỏ trên đồng áng, với hàng dừa, rặng cao, lũy tre bao quanh đình chùa, làng thôn nếu không có cảnh tượng thương tâm phu dân nghèo khổ đập đá như tù khổ sai kiếm cơm độ nhật, gợi nhớ cảnh đày ải, cưỡng bức lao động trong các trại cải tạo năm nào…Lác đác vài ngôi nhà mồ nguy nga, tráng lệ trông rất bắt mắt nổi bật trên vô số nấm mồ lở lói, xác xơ. Người chết giờ đây cũng phân chia giai cấp trong một xã hội luôn huênh hoang tự hào “không giai cấp”. Nhà mồ huy hoàng, màu sắc rực rỡ : người chết có thân nhân là cán bộ hoặc Việt kiều. Nấm mồ sụp lở : hoặc vô chủ, hoặc con cháu người chết là đa số dân đen sống lây lất qua ngày! Dĩ nhiên nghĩa trang “liệt sĩ” thì y như lăng tẩm vua chúa thời xưa. Và cũng rất dĩ nhiên như một “tất yếu lịch sử” (sic!) vô số doanh trại quân đội nhân dân lại…lấn dân giành đất khằp nơi, khắp nước…



Thành phố Đà Nẵng không xô bồ như thành phố Sàigòn-mất-tên. Đường phố sạch sẽ, lưu thông trật tự, người dân nói năng lễ độ, tử tế. May mắn thay Trường Phan Chu Trinh vẫn còn giữ được tên và nét trang nghiêm của thời trước. Nhưng buồn thay, tôi chẳng gặp được “cố nhân” nào cả : bạn bè và đồng nghiệp cũ chắc đã vượt biên hết rồi!
Hai đứa cháu họ, Sử và Thảo, hướng dẫn chúng tôi thăm bãi Bụt nổi tiếng. Cành trí tuyệt đẹp. Nhà cửa xinh xắn như các chalet nghỉ mát Tây phương. Đất đai được rào phân cách thành lô rạch ròi. Hỏi tên các “phước chủ” mới bật ngửa : Khu đất và các chalet nầy là của Hen-ri Chúc, khu kia là của Eo-vít Phương, khu nọ là của Làng Văn! Cả ba khu nầy chiếm gần phân nửa diện tích bãi Bụt. Ô hô Việt kiều! Cứ đà nầy, bãi Bụt sẽ trở thành Bãi Văn Nghệ Sĩ nước ngoài ”yêu nước”… có đất kinh tài!

Trong buổi cơm chiều, Thảo kể chuyện ông tỉnh ủy từ chức vì thằng con hà hiếp dân lành. Ông là cán bộ cao cấp duy nhất không ém nhẹm chuyện xằng bậy. Nhưng một con én không làm nên mùa xuân. Sau đó, ông từ khước mọi chức vụ khác, xin hưu non.
- Con nghĩ ông ấy thấy xa.Thảo kết thúc chuyện kể. Nếu tiếp tục công tác, trước sau gì ông cũng bị đám tham ô ám hại.
- Con muốn chú xem kỷ vật con cất giữ của thằng bạn cách đây hai mươi tám năm. Sử buồn bã nói. Một tháng sau ngày “giải phóng”, bạn con lén lút đến nhà trao cho con một món quà gói ghém và ngụy trang rất kỹ. Và con cũng đã chôn giấu rất cẩn thận nên mới còn tới ngày hôm nay. Chú xem đây!

Sử trút từ ống tre ra một thanh kiếm nằm trong bao đen nạm vân vàng, mời tôi tuốt kiếm…Lưỡi kiếm đã rỉ sét, nhưng ánh thép vẫn còn lấp lánh! Tôi bồi hồi nhận ra thanh kiếm của sinh viên Trường Võ Bị Quốc Gia!
- Lúc sắp “đứt phim” bạn con là sinh viên sĩ quan đang chuẩn bị “vung kiếm gương cung” ra trường. Những lời cuối của bạn tới giờ nầy vẫn còn văng vẳng bên tai con: «Tao rất may mắn được Trường Võ Bị Quốc Gia giáo dục làm người, rèn luyện tinh thần trách nhiệm, tôn trọng danh dự. Trường đã cho tao một lý tưởng phục vụ tổ quốc. Những thứ quí báu đó không còn trong tay nữa với một quê hương đã mất, tao chẳng còn lý do gì để trường tồn. Hãy giữ hộ tao cây kiếm nầy để nhớ đến thằng bạn đã có lần được làm người, đúng nghĩa Làm Người…».
…Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai,
Không có ai ngày ngày, không có ai đời đời…



*Phi trường Tân Sơn Nhứt, 26.3.2003

Nho, Mỹ, Hồng Phượng và một số cựu môn sinh tiễn tôi xa lìa quê hương lần nữa, có thể chẳng bao giờ quay về lại. Nắm nuối, bịn rịn, “bước đi nhưng chưa nỡ rời…”. Nhưng rối thầy trò lại phải xa nhau nữa thôi!
Đợi nhau tàn cuộc hoa nầy
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ…
- Nầy anh kia! Một “bào-đồng-cát-kết-cầu-vai-đỏ-ối” trỏ tay về hướng tôi, nhe hàm răng “xâm lăng” hét to. Tôi nói tiếng Việt mà anh không hiểu sao? Có xếp hàng vào cửa lên máy bay ngay không thì bảo? Rõ lẩn thẩn!

Hình ảnh các quản ngục non choẹt năm nào sừng sõ quát tháo -“anh nầy anh kia”- bọn tù cải tạo đáng tuổi cha chú mình lại hiện về...
- Chú theo tôi vào đây làm việc. Một giọng miền Nam -duy nhứt ở phi cảng quốc tế nầy- nhỏ nhẹ rót vào tai tôi. Tuy vậy, tôi cảm thấy “lạnh cẳng” với cụm từ “làm việc” rất dễ động não. Vì bất cứ cựu tù cải tạo nào cũng đã từng đổ mổ hôi hột khi mình được kêu “lên làm việc”! Chắc lại có chuyện rồi… Vì chuyến thăm trường cũ chăng?

Vào phòng an ninh, trước đôi ba bộ mặt gầm gừ, giọng Nam dễ thương kia đổi sang ngay giọng Bắc - vì “lãnh đạo ” là đồng chí phương Bắc- nhưng vẫn nhẹ nhàng :
- Xin chú cho biết có quên cái gì trước khi lên phi cơ chăng?
- Tôi không nhớ. Hình như không.
- Thế thì cái áo gi-lê-phóng-viên-nhiều-túi nầy chắc của tôi, phỏng? Giọng Bắc “cấp trên” chanh chua xoi mói.
- Ô! Xin lỗi quí anh. Tôi già rồi, quên trước quên sau. Lúc nãy tôi bỏ sót nó trên quầy khám xét. Xin lỗi! Xin lỗi!
- Chúng tôi nhặt nó, soát qua các túi, thấy bản sao “bách-bo” của anh nên mới tìm anh trao lại. Anh kiểm lại các thứ xem có thiếu món gì không.
- Dạ, chỉ thiếu quyển sổ tay…
- Anh viết những gì chúng tôi không hiểu, vì viết tiếng nước ngoài. Nhật ký?
- Dạ không! Tôi ghi chú những cảm nghĩ hằng ngày về các luận án tiến sĩ của các sinh viên đại học Paris nhờ tôi nhuận sắc.
- Được rồi. Trả lại anh đây.
Hú vía! May là nhật ký viết bằng tiếng Pháp. Có lẽ nhờ chữ “Paris” mà tôi thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Nếu viết bằng tiếng Anh hay nói tới đại học nào ở Mỹ, chẳng biết cuộc diện sẽ ra sao…
».


Tân dán mắt vào “hublot” ghi nhận lần cuối hình ảnh thành phố thân yêu nhỏ dần khi phi cơ vút lên cao. Cúi nhìn ly rượu đỏ, như chờ đợi Sàigòn “thoáng hiện em về trong đáy cốc”, Tân thầm thì :
- Biết bao giờ còn thấy nhau lần nữa, Sàigòn ơi! Vì…
Tôi sẽ chết như hoàng hôn đã tắt
Mây bay đi không cuốn được u hoài
Chớm đêm về mưa gió sẽ chia tay
Cho lá nhớ mưa buồn dâng ướt mắt…
- Ôi quê hương dấu yêu , phải đoạn đành ruồng bỏ! Bởi…
Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp,
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi!

Thôn trang Rêu-Phong, 30 tháng Tư 2008
- Lê Tấn Lộc-

Xin nghe bản "Trở về mái nhà xưa" qua giọng Ngọc Hạ và Nguyên Khang




TÀI LIỆU VỀ TƯ SẢN ĐỎ VIỆT NAM


TÀI LIỆU VỀ TƯ SẢN ĐỎ VIỆT NAM


Một tài liệu cũ trong báo Quốc gia, Montreal , Canada từ tháng 2/1996 trích tin Nữu Ước cho biết :
"Một thành viên cao cấp của Hội đồng mậu dịch Việt - Mỹ tiết lộ đảng CSVN được xem là một tỉ phú hàng đầu của thế giới vào năm 1995 với tài sản ước lượng lên đến 20 tỉ đôla…VN hiện nay có khoảng từ 80 đến 100 người có tài sản trên 300 triệu đô la, tất cả các tỉ phú này đều là cán bộ cao cấp của đảng.


"Ông John Shapiro, một cựu chiến binh Hoa kỳ sau 3 tuần lễ thăm VN để tính chuyện làm ăn buôn bán, phát biểu rằng các ông lớn trong đảng gồm các thành viên bộ chính trị, các bộ trưởng và thứ trưởng, ít nhất mỗi người có vợ hay con làm chủ một công ty. Theo ông J Shapiro, do việc chính phủ cho phép các công ty được chuyển ngân ra nước ngoài lên đến 500000 đô la, số ngoại tệ trong nước bắt đầu vơi đi.


"Vẫn theo ông Shapiro, có khoảng 700 đảng viên CSVN có tài sản từ 100 đến 300 triệu đô la. Đây là con số do một nhân vật cao cấp của ngân hàng trung ương cung cấp cho ông. Những đảng viên có tài sản từ 50 đến 100 triệu đô la khoảng 2000 người…Tất cả những con số về tài sản của đảng CSVN là do những chuyên viên thống kê của cơ quan mậu dịch quốc tế. Số tài sản lớn lao trên do thân nhân của đảng viên cao cấp ở nước ngoài làm sở hữu chủ. Ông Shapiro cũng nêu lên nhiều thí dụ điển hình như vợ bé của tổng cục phản gián làm ăn rất lớn ở Âu châu, em ruột của trung tướng VC, tổng cục phó tổng cục phản gián đang kinh doanh rất lớn ở Nam Cali, vợ con của Giám đốc tổng cục kinh tế và thân nhân của Đỗ Mười thủ đắc những tài sản nhiều triệu đô la ở Vancouver, Canada và cả ở New York, Houston. Trong niên khóa 94-95, hàng trăm du học sinh là con cái đảng viên tự túc. Niên khóa 95-96, con số này tăng lên gấp 3…"





(H1,2. Những khu biệt thư, lâu đài của tư sản đỏ Việt Nam)
Một tài liệu khác trong website tạm dịch là mạng điểm (cf. địa điểm, thời điểm) Hận Nam Quan tháng 5/2002 tựa là " Giai cấp mới trong các chế độ CS " cho biết :
"Theo tin của hãng thông tấn Reuter đánh đi từ Hà nội ngày 4 tháng 3 năm 2002 thì ĐCSVN sau khóa họp TƯ Đảng từ 18-2-đến 2-3-2002 đã chính thức ban hành một chính sách mới về kinh tế rất táo bạo: Đảng viên CS được phép làm kinh doanh tư nhân. Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và kỹ nghệ tuyên bố với phóng viên của hãng thông tấn Reuter rằng:"… Đại hội đã quyết định là các đảng viên đang quản trị các xí nghiệp tư nhân có quyền ở lại trong Đảng".
"Thật ra thì từ nhiều năm nay, các đảng viên cao cấp tuy không chính thức sở hữu một xí nghiệp tư nào cả nhưng thân nhân bà con của họ đã là chủ nhân của những xí nghiệp tư lớn nhất trong nước.

"Cứ hỏi vợ con các ông Phan văn Khải, Võ văn Kiệt, Đỗ Mười, Phạm Thế Duyệt, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng…là sẽ biết ai là chủ nhân của các sân golf, các khách sạn hạng sang, hãng xe taxi, hãng hàng không, nhà máy chế biến hải sản, hãng xuất nhập cảng, siêu thị lớn nhất nước.
"Ai mà không thấy sự giàu có hiển nhiên của giới lãnh đạo CS tại VN. Họ xây nhà lầu, xài tiền như nước, xuất ngoại như đi chợ, chi tiêu một lúc hàng bó đô la tiền mặt. Giới tư bản đỏ nhờ phù phép XHCN đã biến tài sản của quốc gia thành tư sản một cách thần tình, biển thủ công quỹ, buôn lậu hàng quốc cấm thế mà cứ hò hét diệt tham nhũng đến cùng.



"Theo tài liệu FYI (Poliburos network) ngày 19/12/2000 thì các cán bộ và nhân viên cao cấp của nhà nước CS Hà nội hiện làm chủ những số tiền to lớn gửi tại các ngân hàng ngoại quốc cộng với những bất động sản tọa lạc trong nước.
- Lê Khả Phiêu : cựu tổng bí thư ĐCSVN và gia đình có 5 khách sạn (2 ở Hànội và 3 ở Saigon), tài sản và tiền mặt trị giá 1 tỉ 170 triệu Mỹ kim (US$ 1.170.000.000)
- Trần Đức Lương: Chủ tịch nước CHXHCNVN, tài sản và tiền mặt 1 tỉ 137 triệu MK
- Phan Văn Khải: Thủ tướng chính phủ, gia đình có 6 khách sạn ở Saigon, tài sản 1 tỉ 200 triệu MK.
- Nguyễn Tấn Dũng: Đệ 1 Phó Thủ tướng, tài sản 1 tỉ 480 triệu MK
- Nguyễn Mạnh Cầm: Phó Thủ tướng, tài sản 1 tỉ 150 triệu MK
- Phạm Thế Duyệt: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, tài sản 1 tỉ 173 triệu MK
- Tướng Phạm Văn Trà : Bộ trưởng Quốc Phòng, tài sản gồm có 10 tấn vàng và tiền mặt 1 tỉ 360 triệu MK.
- Trương tấn Sang: Chủ tịch Ủy ban Kinh tế TƯ Đảng CSVN, tài sản và tiền mặt 1 tỉ 124 triệu MK
Ngoài ra, còn một số cán bộ và công chức có 1 tỉ và trên 100 triệu MK trong danh sách liệt kê của bảng FYI này là hơn 20 người nữa.
Gần đây nhất, theo điện thư Câu lạc bộ dân chủ số 39 tháng 2/2005 trong mạng điểm Y kiến thì:
"Một nguồn tin tuyệt mật đã được tiết lộ mới đây từ một quan chức cao cấp Bộ Công an cho biết số tiền khổng lồ mà các quan chức cao cấp VN gửi tại ngân hàng Thụy sĩ. Đáng chú ý là:
Cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh hơn 2 tỉ USD cộng 7 tấn vàng;
Cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười 2 tỉ USD;
Đương kim Bộ trưởng Quốc Phòng Phạm văn Trà 2 tỉ USD cộng 3 tấn vàng;
Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 500 triệu USD;
Đương kim Chủ tịch nước Trần Đức Lương 2 tỉ USD;
Đương kim Thủ tướng Phan văn Khải hơn 2 tỉ USD;
Đương kim Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn tấn Dũng hơn 1 tỉ USD;
Đương kim Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh 1,3 tỉ USD;
Đương kim chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An hơn 1 tỉ USD;
Cựu phó ủy ban thể dục thể thao Quốc gia Lương quốc Đống 500 triệu USD;
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn mạnh Cầm hơn 1 tỉ USD;
Cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Mai văn Dậu hơn 1 tỉ USD.
Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết một danh sách dài các quan chức có số tiền gửi hàng trăm triệu USD…"
Tôi phải đưa ra 3 nguồn khác nhau để anh và các bạn trong nước thấy, báo chí trong nước nếu biết cũng không dám đăng vì toàn là "bí mật quốc gia", internet thì không phải ai cũng có để coi, lại bị tường lửa ngăn chặn hay bị theo dõi khi dùng máy điện toán công cộng.


______________________



Quan chức cao cấp gởi tiền ở ngoại quốc
Sunday, September 11, 2005
* CSVN ra luật chống rửa tiền nhưng ...
GENEVA 11-9 (NV) - Một số cán bộ được tin cậy của đám quan chức cao cấp của chế độ Hà Nội đã được giao cho nhiệm vụ chuyển tiền và quản trị các tài sản khổng lồ của họ có được nhờ tham nhũng hối lộ gửi tại các ngân hàng ngoại quốc. Một nhân vật (yêu cầu dấu tên) từng giao tiếp với một số người này ở một số ngân hàng Thụy Sĩ tiết lộ như vậy trong một cuộc tiếp xúc với báo Người Việt mới đây.
"Chưa kể tại ngân hàng các nước khác ở Âu Châu và Á Châu, riêng tại Thụy Sĩ, tôi biết có hai người ở các ngân hàng thành phố Lausane và hai người ở thành phố Geneva, làm nhiệm vụ chuyển tiền và quản trị tài sản do xếp của họ gửi." Nhân vật trên tiết lộ.
Lương bổng của đám quan chức cao cấp của đảng và nhà nước, theo sự mô tả của một viên chức ngoại giao Tây Phương thì "không đủ để họ sống 10 ngày", nhưng họ có tiền phải gửi, hay nói đúng hơn, giấu đút, ở các ngân hàng ngoại quốc là một điều hiển nhiên bất bình thường. Cho tới nay, lương căn bản của cán bộ đảng viên chỉ có 290,000 (tương đương khoảng $18 đô la) rồi nhân theo chỉ số cao thấp tùy chức vụ, cấp bậc. Nhưng có lần Vũ Khoan, phó thủ tướng CSVN, khi thăm một xí nghiệp quốc doanh đã so sánh và thấy một viên chức nhà nước chức vụ rất cao như ông còn kém lương của một người thợ chuyên môn. Ðiều này cho thấy lương bổng cán bộ công chức , dù là quan chức cao cấp, cũng không là bao nhiêu và không đủ sống.



Theo lời nhân vật trên tiết lộ, mỗi một số viên chức cao cấp của chế độ đều sử dụng một số thuộc cấp tín cẩn vào công việc chuyển ra ngoại quốc số tài sản khổng lồ mà họ vơ vét được qua các "phi vụ" tham nhũng hối lộ.
Số tiền họ gửi mỗi lần khoảng bao nhiêu, cách bao lâu gửi một lần, các cán bộ có trách nhiệm chuyển đô la và vàng dưới nhiều hình thức khác nhau đến các ngân hàng ngoại quốc, không tiết lộ. Nhưng nếu đó không phải là các số tiền lớn bạc triệu đô la thì người ta không cần đến người chuyên trách "chuyển khoản" cũng như quản trị xuất nhập các số tiền này, ông nói.
"Họ luôn luôn có trách nhiệm đi đi về về", ông tiết lộ tiếp. "Giữa không những Việt Nam và Châu Âu mà còn cả từ Việt Nam đến một số ngân hàng ở Á Châu cũng như cả Nga và Ðông Âu."
Tại sao đám quan chức lại đem tiền gửi cả tại nước Nga là nước có hệ thống ngân hàng thuộc loại bấp bênh nhất trên thế giới?









(H3, 4. Đời sống của giai cấp vô sản Việt Nam bên cạnh đời sống của Cộng sản)"Họ gửi tiền cả ở ngân hàng Nga vì tin tưởng nguyên tắc khôn ngoan này: Không bao giờ bỏ tất cả các quả trứng vào chung một giỏ." Ông giải thích rằng nếu một quả trứng chẳng may bị vỡ, có thể những quả trứng khác vỡ theo. Ðây là sự khôn ngoan chung của đám quan chức cao cấp của chế độ khi họ rải số tiền kiếm chác được ra nhiều nơi trên thế giới. Theo ông, có rất nhiều người khác nhau làm nhiệm vụ chuyển tiền và quản trị tài sản của "xếp" ở ngoại quốc. Nhưng cũng có những người là vợ, con, hay thân quyến của đám cán bộ đảng viên tham nhũng đóng vai trò giấu đút tiền tham nhũng hối lộ khi họ đi ra ngoại quốc.

(H5. Công nhân đình công )




(H6. Trẻ em Việt Nam dưới sự cướp bóc của Cộng Sản)Tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn viết một bài có tính cách "mách bảo" cho cán bộ đảng viên tham nhũng trong nước cách thức gửi tiền ở hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ với tựa đề "Gửi tiền ở nhà băng Thụy Sĩ". Bài báo này được báo điện tử VNExpress lấy lại và phổ biến ngày Thứ Bảy 10-9-2005 mở đầu với câu hỏi "Có thể mở tài khoản ẩn danh - anonymous account - ở ngân hàng Thụy Sĩ không?" Bài báo này giải thích khá tỉ mỉ về thế nào là tài khoản ẩn danh dưới hình thức "tài khoản mang số nào đó thay vì mang tên khách hàng." Và "tài khoản số hạn chế sự hiểu biết về chủ nhân của nó..." Bài báo phục vụ loại độc giả nào, khách hàng ngân hàng nào ở trong nước, người ta có thể hình dung ra ngay khi mà lợi tức trung bình đầu người chỉ có khoảng $500 đô la một năm.



Ngày 8-6-2005, VN theo áp lực của Hoa Kỳ khi lôi kéo Hà Nội hợp tác đối phó với khủng bố, rửa tiền ma túy, buôn lậu trên thế giới, ra nghị định số 74/CP để chống rửa tiền. Nghị định này buộc "Các ngân hàng, các định chế tài chính phải báo cáo về các giao dịch trong một ngày của một cá nhân hay một tổ chức có tổng trị giá từ 200 triệu đồng (khoảng $12,400 đô la) trở lên." Theo sự tường thuật trên báo Tuổi Trẻ ngày 9-6-2005. Tờ báo này kể tiếp rằng: "Tuy nhiên, các qui định có tác động lớn nhất là các ngân hàng buộc phải báo cáo về những khách hàng có lượng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng từ 500 triệu đồng (khoảng $31,000 đô la) trở lên tại một ngân hàng. Lượng tiền 500 triệu đồng là tổng các khoản tiền gửi của cá nhân đó chứ không phải là một lần gửi tiết kiệm có trị giá 500 triệu đồng."



Nhân vật trên kể cho hay, cách đây mấy năm, ông chánh văn phòng của Hội đồng Bộ Trưởng Chính phủ có lần đã thua bạc tại một casino ở Geneva "mấy trăm ngàn đô la trong một đêm". Ðiều này, số tiền tham nhũng hối lộ mà đám quan chức giấu đút ở ngoại quốc phải "vô cùng lớn."
Khóa họp Quốc hội hồi tháng Tư vừa qua, một dự thảo luật chống tham nhũng được bàn cãi nhưng rồi vẫn không có biểu quyết và được loan báo sẽ thảo luận trở lại vào khóa họp thứ hai của năm nay dự trù vào tháng 11 tới. Hàng năm, các khóa họp quốc hội Hà Nội đều có thảo luận chuyện chống tham nhũng và họ nhìn nhận tham nhũng đã trở thành "quốc nạn".
Nguyễn đình Lộc, đại biểu quốc hội và nguyên là Bộ trưởng Tư Pháp nói với báo chí trong nước rằng tham nhũng chỉ bị lộ diện khi "nội bộ tham nhũng" tố cáo lẫn nhau. Trong một cuộc điều trần trước quốc hội, Phan văn Khải, thủ tướng Hà Nội, nhìn nhận tham nhũng đã "xà xẻo" khoảng 30% các dự án xây dựng, phát triển. Phần lớn các dự án này được tài trợ từ các khoản tín dụng ngoại quốc. Các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ, tài trợ cho các dự án phát triển, xóa đói giảm nghèo cho Việt Nam năm 2005 là $3.4 tỉ đô la. (NT)


Nhận đựợc danh sách này qua email, xin bạn kiểm chứng lại giùm, nhưng có nhận xét là nếu thực sự tài sản của chúng chỉ bằng 1/10 của những số liệu dưới đây thôi là cũng kinh khủng lắm rồi.
Danh sách trên 300 cán bộ Cộng Sản có tài sản vài trăm triệu Mỹ kim
Tên
Chức vụ
USD
Phan Văn Khải và con trai

trên 2 tỷ
Nguyễn Thị Xuân Mỹ
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra TW Đảng
417 triệuUS
Thích Trí Tịnh
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, TW GHP
250 triệu
Lê Đức Anh
Cựu Chủ tịch nước
2 tỷ 215 triệu
Trần Đức Lương
Chủ tịch nước
2 tỷ 100 triệu
Đỗ Mười
Cựu Tổng Bí thư Đảng
1 tỷ 900 triệu
Nguyễn Tiến Dũng
Đệ nhất Phó thủ tướng
1 tỷ 780 triệu
Nguyễn Văn An
Chủ tịch Quốc hội
1 tỷ 700 triệu
Lê Khả Phiêu
Cựu Tổng Bí thư Đảng
1 tỷ 430 triệu
Nguyễn Mạnh Cầm
Phó Thủ tướng
1 tỷ 350 triệu
Võ Văn Kiệt
Cựu Tổng Bí thư Đảng
1 tỷ 150 triệu
Nông Đức Mạnh
Cựu Chủ tịch Quốc Hội
1 tỷ 143 triệu
Phạm Thế Duyệt
Uỷ viên Thường vụ Thường trực TW Đảng
1 tỷ 773 triệu
Trần Ngọc Liễng
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
900 triệu
Hoàng Xuân Sính
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
784 triệu
Lý Ngọc Minh
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
750 triệu
Nguyễn Đình Ngộ
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
656 triệu
Võ Thị Thắng
Phó Chủ tịch Trung ương HLHPN
654 triệu
Ma Ha Thông
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
590 triệu
Nguyễn Đức Triều
Chủ tịch TW Hội Nông dân VN
590 triệu
Trần Văn Quang
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN
587 triệu
Nguyễn Đức Bình
Giám đốc Viện Quốc Gia Saigon
540 triệu
Vương Đình Ái
Phó Chủ tịch Uỷ ban ĐKCĐVN
512 triệu
Hoàng Thái
Thường trực Đoàn Chủ tịch
500 triệu
Nguyễn Thị Nữ
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
500 triệu
Nguyễn Tiến Võ
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
469 triệu
Nguyễn Văn Huyền
Nhân sĩ thành phố HCM
469 triệu
Nguyễn Xuân Oánh
Kinh tế Thành phố HCM
469 triệu
Phạm Thị Trân Châu
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
469 triệu
Thích Thiện Duyên
Giáo hội Phật giáo QN ĐN
469 triệu
YA Đúc
uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
469 triệu
Hà Học Trạc
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
400 triệu
Hoàng Quang Đạo
Mặt trận Tổ quốc tỉnh
390 triệu
Lê Hai
Tổng cục chính trị QĐNDVN
390 triệu
Lê Truyền
Uỷ viên Ban Thường trực
390 triệu
Lý Quý Dương
Dân Tộc Dao tỉnh Hà Giang
390 triệu
Phạm văn Kiết
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
390 triệu
Vương Đình Bích
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
390 triệu
Trần Đông Phong
Thường trực Mặt trận Tổ quốc
387 triệu
Trần Văn Đăng
Uỷ viên TƯ Đảng,Tổng Thư ký
364 triệu
Hoàng Đình Cầu
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
300 triệu
Lý Chánh Trung
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
300 triệu
Ngô Bá Thành
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
300 triệu
Trương Thị Mai
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
300 triệu
Hồ Đức Việt
Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS
287 triệu
Lâm Công Định
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
287 triệu
Ngô Gia Hy
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
287 triệu
Trần Văn Chương
Chủ tịch Hội người Viẹt Nam
287 triệu
Trương Văn Thọ
Bác sỹ, dân tộc Chăm
287 triệu
Đỗ Duy Thường
Vụ Trưởng vụ Dân chủ pháp luật
280 triệu
Đỗ Tấn Sỹ
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp
280 triệu
Lê Văn Triết
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
280 triệu
Lương Tấn Thành
Giáo Sư Bệnh viện Bạch Mai
280 triệu
Nguyễn Phúc Tuần
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
280 triệu
Phạm Thị Sơn
Mặt trận Tổ quốc
280 triệu
Lê Bạch Lan
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
269 triệu
Nguyễn Văn Vi
Uỷ viên UBMTTW
269 triệu
Trần Thoại Duy Bảo
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
269 triệu
Vũ Oanh
Lão thành cách mạng
269 triệu
Nguyễn Thị Nguyệt
Cao đài Ban Chỉnh tỉnh Bến Tre
264 triệu
Bùi Thái Kỷ
Mặt trận Tổ quốc tỉnh
257 triệu
Hoàng Hồng
Mặt trận Tổ quốc
257 triệu
Lưu Văn Đạt
Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam
257 triệu
Nguyễn Công Danh
T P. Hồ Chí Minh
257 triệu
Nguyễn Túc
Uỷ viên Ban Thường trực
257 triệu
Nguyễn Văn Bích
Uỷ Ban Kế hoạch Nhà Nước
257 triệu
Hoàng Việt Dũng
Giám đốc Công ty TNHH
256 triệu
Phan Quang
Hội nhà báo Việt Nam , Uỷ viên UBMT
256 triệu
Vưu Khải Thành
Tổng công ty hữu hạn BITIS
256 triệu
Cao Xuân Phổ
Viện Đông Nam á
254 triệu
Chu Văn Chuẩn
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
254 triệu
Đăng Thị Lợi
Chủ tịch Hội Thân nhân Việt kiều
254 triệu
Hoàng Văn Thượng
Đại tá, Anh hùng quân đội
254 triệu
Lê Quang Đạo
Trung ương Mặt trận Tổ quốc N
254 triệu
Lợi Hồng Sơn
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
254 triệu
Lý Chánh Trung
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
254 triệu
Ngô Ngọc Bỉnh
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
254 triệu
Nguyễn Kha
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
254 triệu
Nguyễn Văn Hạnh
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
254 triệu
Nguyễn Văn Vĩnh
Mặt trận Tổ quốc
254 triệu
Đinh Thuyên
Chủ tịch hội người mù Việt Nam
250 triệu
Đoàn Thị Ánh Tuyết
Thượng tá, Anh hùng quân đội
250 triệu
Lê Thành
Phó Chủ tịch Thường trực
250 triệu
Mùa A Sấu
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
250 triệu
Trần Kim Thạch
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
250 triệu
Lê Ngọc Quán
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phú
249 triệu
Nguyễn Quang Tạo
Chủ tịch liên hiệp các hội hoà bình
249 triệu
Nguyễn Văn Thạnh
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
249 triệu
Thào A Tráng
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
249 triệu
Trần Khắc Minh
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
229 triệu
Lê Minh Hiền
Thường trực Mặt trận Tổ quốc
215 triệu
Hà Thị Liên
Thường trực Mặt trận Tổ quốc
214 triệu
Ama Bhiăng
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Âuu Quang Cảnh
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Bế Viết Đẳng
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Đàm Trung Đồn
Đại học Tổng hợp Hà Nội
200 triệu
Đặng Đình Tứ
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Đặng Ngọc Bân
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Đinh Công Đoàn
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Đinh Gia Khánh
Viện Văn học dân gian
200 triệu
Hà Phú An
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Hoàng Đức Hỷ
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Lâm Bá Châu
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp
200 triệu
Lê Văn Tiếu
Việt kiều tại CHLB Đức
200 triệu
Lương Văn Hận
Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Nguyễn Văn Tư
Chủ tịch Hội Công Thương
200 triệu
Phùng Thị Hải
Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Sản
200 triệu
Rơ Ô Cheo
Dân tộc Gia Lai tỉnh Gia Lai
200 triệu
Sầm Nga Di
Dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An
200 triệu
Thích Đức Phương
Thừa Thiên Huế
200 triệu
Thích nữ Ngoạt Liên
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Trần Hậu
Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Triệu Thuỷ Tiên
Dân tộc Nùng
200 triệu
Trương Nghiệp Vũ
Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Trương Quốc Mạo
Chủ tịch Hội nông dân
200 triệu
Ung Ngọc Ky
Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Vũ Đình Bách
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
200 triệu
Mong Văn Nghệ
Dân tộc Khơ mú tỉnh Nghệ An
197 triệu
Đinh Xông
Dân tộc Hrê tỉnh Quãng Ngãi
190 triệu
Lê Công Tâm
Phó Chủ tịch Thường trực
190 triệu
Mấu Thị Bích Phanh
Dân tộc Raklây tỉnh Ninh Thuận
190 triệu
Nguyễn Ngọc Minh
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Huế
190 triệu
Phan Hữu Phục
Cao đài Tiên thiên
190 triệu
Trần Thế Tục
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
190 triệu
Hoàng Mạnh Bảo
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
187 triệu
Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
187 triệu
Phạm Hồng Sơn
Mặt trận Tổ quốc
187 triệu
Phan Hữu Lập
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
187 triệu
Thái Văn Năm
Phật giáo Hoà hảo
187 triệu
Trần Văn Tấn
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
187 triệu
Vi Văn ỏm
Dân tộc Xi mun tỉnh Sơn La,
187 triệu
Bùi Thị Lập
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
184 triệu
Kpa Đài
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
184 triệu
Lê Văn Hữu
Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên
184 triệu
Nông Quốc Chấn
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
184 triệu
Phạm Khiêm Ich
Viên Thông tin KHXH
184 triệu
Phạm Thanh Ba
Mặt trận Tổ quốc
184 triệu
Từ Tân Vũ
Mặt trận Tổ quốc
184 triệu
Viễn Phương
Nhà thơ Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
184 triệu
Nguyễn Ngọc Thạch
Tổng Biên Tập Báo Đại Đoàn kết
180 triệu
Trương Hán Minh
Người Hoa TP. Hồ Chí MInh
180 triệu
Bùi Xướng
Mặt trận Tổ quốc
157 triệu
Trần Đình Phùng
Chủ tịch Uỷ ban Mặt
157 triệu
Hồ Ngọc Nhuận
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
156 triệu
Phan Huy Lê
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
156 triệu
Nguyễn Thống
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
154 triệu
Trần Minh Sơn
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
154 triệu
Vũ Duy Thái
Giám đốc xí nghiệp trách nhiệm hữu hạn
154 triệu
Chu Phạm Ngọc Sơn
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Đỗ Hoàng Thiệu
Đà Nẵng Ngân Hàng tỉnh QN ĐN
150 triệu
Dương Nhơn
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Huỳnh Cương
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Mai Thế Nguyên
Kiến trúc sư trưởng tại Na Uy
150 triệu
Ngô Minh Thưởng
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Nguyễn Ngọc Sương
Đại học Tổng hợp Thành phố
150 triệu
Nguyễn Văn Diệu
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Phạm Ngọc Hùng
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Thượng thơ Thanh
HT Cao đài Toà Thánh Tây Ninh
150 triệu
Trần Đức Tăng
Phối sư Hội thánh Cđ Minh Chơn đạo
150 triệu
Trần Phước Đường
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
150 triệu
Lê Đắc Thuận
Giám đốc điều hành Cty VANOCO
107 triệu
Nguyễn Đức Thành
Chủ tịch Ban điều hành CLB
107 triệu
Trần Mạnh Sang
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
107 triệu
Amí Luộc
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Bùi Thị Lạng
Thành phố Hồ Chí Minh.
100 triệu
Danh Nhưỡng
Dân tộc Khơ me
100 triệu
Đào Văn Tý
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Đồng Văn Chè
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Hà Den
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Hồ Phi Phục
Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Hoàng Kim Phúc
Tổng Hội trưởng Hội Thánh tin lành
100 triệu
Kim Cương Tử
UBTW MTTQV
100 triệu
Lê Ca Vinh
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Lý Lý Phà
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Nguyễn Hữu Hạnh
Nhân sỹ Thành phố
100 triệu
Nguyễn Lân
Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
100 triệu
Nguyễn Lân Dũng
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
100 triệu
Nguyễn Minh Biện
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Nguyễn Phước Đại
Luật sư TP. Hồ Chí Minh
100 triệu
Nguyễn Tấn Đạt
Phật giáo Hoà hảo tỉnh An Giang
100 triệu
Nguyễn Thành Vĩnh
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Nguyễn Thị Liên
Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Nguyễn Thiên Tích
Chủ tịch hội y học cổ truyền VN
100 triệu
Nông Thái Nghiệp
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Phùng Thị Nhạn
Nghệ sỹ nhân dân Thành phố HCM
100 triệu
Sùng Đại Dùng
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Trương Quang Đạt
Dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phú
100 triệu
Tương Lai
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
100 triệu
Vũ Mạnh Kha
Mặt trận Tổ quốc Hà Nội
100 triệu
Hà Thái Bình
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
56 triệu
Nguyễn Văn Đệ
Thượng tá, kỹ sư thuộc Bộ Quốc Phòng
56 triệu
Trần Bá Hoành
Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc
56 triệu
Võ Đình Cường
Uỷ viên UBTQ Mặt trận Tổ quốc
56 triệu
Cù Huy Cận
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật VN
50 triệu
Lê Khắc Bình
Chủ tịch, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
50 triệu
Huỳnh Thanh Phương
ủy Quân sự thành phố Cần Thơ
32 triệu
Hồ Xuân Long
Dân tộc Vân kiều, Quãng Trị
15 triệu


Xin nghe bản Giọt nước mắt cho quê hương qua giọng hát Khánh Ly



Showing posts with label BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 0100. Show all posts

Saturday, January 31, 2009


THANH THANH * THƠ


















MẮT ANH




Em xem giùm mắt anh
Có cái gì là lạ
Vừa xanh như trăng thanh
Vừa hồng như lửa hạ
Vừa vàng như nắng hanh

Em xem giùm mắt anh
Có cái gì lấp lóa
Nhưng không là vảy cá
Cũng không là thong-manh

Em xem giùm mắt anh
Có cái gì kỳ dị
Không phải là cận thị
Không phải là viễn thị
Không phải là loạn thị
Giác-mạc vẫn trong lành
Mắt vẫn sáng long lanh

Thật ra, anh biết rành
Không cần tìm loanh quanh
Vì nó là tâm bệnh:
Hình em trong mắt anh!

Thật ra, anh không đau
Không cần tìm bệnh lý
Anh cần em chú ý
Cốt để được gần nhau

Em là một nụ cười
Em là đóa hồng tươi
Cho lòng anh thắm mãi
Cho anh tin yêu đời

THANH-THANH
*

Thursday, January 29, 2009

GIA HỘI * CHÍNH SÁCH CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA HỘI


Ngày nay, cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều chính sách. Sau dây là những điểm chính:

1. Cướp tài sản nhân dân, tham nhũng.
Cộng sản cướp tài sản, tham nhũng và bao che tham nhũng, phá hoại đất nước công khai như vụ cướp Việt Nam quốc tự, tòa Khâm sứ Thái Hà, bán đất của của nhân dân, tham nhũng trong vụ cầu Cần Thơ,vụ án PMU 18, miễn tố thứ trưởng Giao thông Vận tải, khởi tố ngược lại một tướng một tá công an cùng hai nhà báo. Lê Đức Anh bị tố là tham nhũng trước Đại hội Đảng 10 là thế, nay cũng bị cho chìm xuồng, và được Nguyễn Minh Triết trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Chúng ra sức bóc lột dân chúng khiến cho dân chúng khốn khổ, còn chúng thì lâu đài ngang dọc, vua chúa và thực dân cũng còn thua xa.



(H1. Biệt thự bí thư tỉnh ủy Vũng Tàu)



(H.2. Dân bị cướp đất biểu tình)
(H3. Dân chúng biểu tình đòi nhà đất)2. Khủng bố nhân dân.

Chúng cấm tự do tôn giáo, đàn áp Phật giáo Việt Nam thống nhất, khủng bố các nhà tranh đấu dân chủ, bỏ tù nhân dân. Chúng cúi đầu làm nô lệ Trung Quốc, bán nước cầu vinh.





=


(H4. trên và dưới: tên trung tá ác ôn Lê Quý Luận chỉ huy bọn công an đàn áp các ông đồ viết câu đối trong tết kỷ sửu 2009 tại Văn Miếu, Hà Nội)


(H5. công an bịt miệng LM. Nguyễn Văn Lý trước tòa án CS)3.Mê tâm
Chúng phản quốc, bán nước, hại dân, độc tài, tàn ác. Chúng sợ dân chúng vùng lên đạp tan chế độ cộng sản. Một mặt chúng khủng bố, đàn áp, một mặt chúng thi hành chính sách mê tâm để dân chúng ham vui chơi, theo đuổi nhục dục, mê cái này,cái nọ mà quên ý chí đấu tranh






(H6.Chợ hoa Nguyễn Huệ, Saigon 2009)

(H7. mừng tết kỷ sửu 2009 tại Hà Nội)

Chúng bán xì ke, m atúy, thuốc lắc khắp nơi để đầu độc nhân dân và cũng để kinh doanh. Sách báo bây giờ thiên về tình dục, các cơ sở giải khát, giải trí, khách sạn, nhà hàng đầy rẫy nạn cà phê ôm, karaoké ôm, tắm ôm, bia ôm. . .
Mấy năm gần đây đặc biệt là năm nay, chúng trang trí thành phố với hoa hòe, tranh ảnh, nhảy múa để dân chúng quên nhục vong quốc và cảnh đói nghèo của tuyệt đại đa số nhân dân.


Quả thật:
" Già Hồ to mồm xưng xe ái quốc, bản chất phản quốc,
Đảng Cộng lớn tiếng khoác lác vị dân, thực tế hại dân"


Tóm lại, cộng sản bán nước, hại dân. Chúng ta phải diệt trừ cộng sản để cứu quốc và kiến quốc.

Xin nghe bản Mẹ Việt Nam





Gia Hội

HOÀNG TIẾN * LÌ XÌ CỦA HÒA THƯỢNG QUẢNG ĐỘ




=

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 29.1.2009
Nhà văn Hoàng Tiến viết về quà Lì xì đầu năm, nhân đọc lại Thư Chúc Xuân gửi đến quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào trong và ngoài nước của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Ðộ


PARIS, ngày 29.1.2009 (PTTPGQT) - Mồng Ba Tết Kỷ Sửu, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được từ Hà Nội bài viết của Nhà văn Hoàng Tiến dưới đề mục “Đầu Xuân được quà lì xì của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ”. Lì xì là chuyện bên lề. Lòng đường của bài viết là nỗi khổ hạnh dân tộc vào đầu năm Con Trâu. Chỉ hơn ba trang viết, nhà văn Hoàng Tiến đã khêu dậy nỗi thương tâm của người dân Việt nơi thiên niên kỷ 2009 này. Từ hạn hán đến lạm phát, từ vụ án PMU 18 đến Tổng cục 2 tình báo, từ vụ Thái Hà, tòa Khâm sứ đến Hoàng Sa, Trường Sa…

Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết ấy dưới đây để chúng ta cùng vui đọc và ngậm ngùi trong mấy ngày xuân. Nhân Nhà văn Hoàng Tiến nhắc tới bức “Thư Chúc Xuân” của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, gửi đến quý vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn nghệ sĩ và Ðồng bào các giới trong và ngoài nước, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn thư ấy làm quà Xuân gửi đến quý bạn đọc.


ĐẦU XUÂN, ĐƯỢC QUÀ LÌ XÌ CỦA
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ
Nhà văn Hoàng Tiến

Năm nay các cụ viết đại tự chữ Hán (thường gọi viết thư pháp) cho bà con chơi Tết được quy tụ tại Văn Miếu. Nhóm Cảo thơm thư hiên của chúng tôi cũng được mời tới đó, chiếm một gian có mái lợp vải nilon, khung bằng ống nước kẽm, dựa lưng vào bức tường gạch cổ Quốc Tử Giám, nhìn ra đường phố đông đúc người qua lại.

Đang trao đổi với các cụ thì nhận được điện thoại của cháu Hà con gái trưởng cụ Hoàng Minh Chính nhắn đến nhà bà Hoàng Minh Chính ngay có việc gấp. Tôi xin phép các cụ, hòa vào dòng người nườm nượp trên đường phố đi sắm Tết.

Thật bất ngờ! Tôi được gặp vị sứ giả của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Hòa thượng Thích Không Tánh từ Sài Gòn ra, sáng nay cùng gia đình tới nghĩa trang Thanh Tước bên kia sông Hồng, làm lễ đón cụ Hoàng Minh Chính về nhà ăn Tết, và chiều nay trước khi vào Sài Gòn muốn gặp gỡ một số anh chị em dân chủ và dân oan, gửi lời chúc Tết cùng biếu quà lì xì đầu xuân của Đại lão Hòa thượng.

Tíu tít hỏi thăm sức khỏe của Đại lão Hòa thượng, được biết ngài vẫn khỏe, lòng tôi rất mừng và cảm thấy một niềm an lạc tràn ngập khắp người.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, tấm gương vô úy của vị cao tăng trước sự đàn áp khốc liệt của công an theo lệnh Đảng và Nhà nước, đã cổ vũ nâng đỡ chúng tôi rất nhiều trong công việc đấu tranh dân chủ gian khổ ở nước nhà. Ngài là biểu tượng hiện hữu của đại lực, đại hùng, đại trí theo kinh Phật dạy.

Tôi vẫn còn nhớ như in những lời ngài viết trong "Thư Chúc Xuân 2005":

"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi ách nạn, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ." (Thư chúc xuân, trang 2)

Đại lão Hòa thượng nhận định:

"70 năm thử nghiệm ý thức hệ Mác Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm, nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới." (Thư chúc xuân, trang 1)

Về con đường thoát khỏi khó khăn chồng chất của Việt Nam , ngài viết:

"Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đầy, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước." (Thư chúc xuân, trang 2)

Những lời nói phải như vậy, tiếc rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chịu nghe. Dân gian có câu thành ngữ: "Nói phải củ cải cũng nghe". Thật là đáng tiếc!

Tình hình đất nước năm vừa rồi gặp nhiều khó khăn. Hết hạn hán lại lụt ngập. Tiền tệ lạm phát tới hai con số. Chống tham nhũng thất bại với sự kết thúc vụ án PMU 18, miễn tố thứ trưởng Giao thông Vận tải, khởi tố ngược lại một tướng một tá công an cùng hai nhà báo. Vụ Lê Đức Anh ầm ĩ trước Đại hội Đảng 10 là thế, nay cũng bị cho chìm xuồng, kết thúc ở việc chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho ông ta. Vụ Thái Hà và tòa Khâm sứ giải quyết cách cửa quyền một phía, không thấu tình đạt lý. Giáo dân Thái Hà chưa tâm phục khẩu phục, vẫn chống án. Những vụ án mở ra thật to lớn như đầu con voi châu Phi, mà kết thúc thì teo lại, bé tý như đuôi con chuột nhắt xó bếp. Dư luận chịu một quả lừa to lớn không thể nào ngờ, giống như một cuộc đá banh, quả bóng bất ngờ từ gôn bên này bay thẳng vào gôn bên kia.

Nhưng cái nguy hiểm nhất lại là sức ép từ phương Bắc. Trung Quốc bành trướng lấn chiếm đất đai, biển cả, hải đảo của Việt Nam . Phía ta cứ nhân nhượng chịu lùi, hết ký Hiệp định biên giới 1999, đến ký Hiệp định lãnh hải 2000, rồi Trung Quốc xây dựng và khai thác dầu mỏ ở Hoàng Sa, rồi Trung quốc lấn chiếm Trường Sa và cuối năm vừa rồi tuyên bố hai quần đảo này thuộc huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Tàu chiến Trung Quốc tuần tiễu trên biển Đông mang theo tên lửa. Trung Quốc bỏ ra 29 tỷ USD thăm dò khai thác biển Đông. Ngang nhiên như vậy, mà bên ta chỉ dám phản đối yếu ớt ở cấp độ người phát ngôn Bộ Ngoại giao thôi.



Nhưng cái đau lòng nhất lại là chuyện thanh niên sinh viên muốn bộc lộ lòng yêu nước bằng cách tụ tập phản đối trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà nội, lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn, đều bị công an Việt Nam giải tán, ngăn cản, đe dọa.

Thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong toàn dân là một việc cực kỳ cần thiết triều đại nào cũng phải làm. Đất nước chúng ta tồn tại được 4.000 năm cũng chỉ nhờ lòng yêu nước mà thôi. Hãy thử tưởng tượng, nếu mọi người Việt Nam bây giờ đều lãnh đạm, thờ ơ với chuyện đất đai, sông ngòi, biển cả, ai muốn lấn chiếm cũng được, ma-kê-nô, thì chẳng khác gì cảnh nhà cháy mà con cháu cứ ngồi nhâm nhi cà phê, hát karaokê, ngắm các cuộc thi hoa hậu và nhảy múa sập sình.

Năm mới, tôi buộc lòng phải nói với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đang nắm quyền lực trong tay, các vị không sợ ai, ai nói gì trái ý, các vị có thể bắt bớ bỏ tù, để tỏ cái uy quyền của mình. Nhưng các vị cũng nên biết sợ lịch sử, biết sợ hậu thế. Lịch sử và hậu thế sẽ rất nghiêm khắc và công bằng.

Sử sách có ghi chuyện vua Lê Thánh tông được tin người nhà Minh (Trung Quốc) đem quân đi khảo sát địa giới, Thánh tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài bàn với triều thần rằng: "Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông, là có tội với tổ tiên, có tội với vua Thái tổ." Ngài có lòng vì nước như thế, cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn dòm ngó, cũng không dám làm gì. (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 250)

Lòng yêu nước được nhen nhúm từ lịch sử. Ai là người Việt Nam hẳn đều biết chuyện Hai Bà Trưng. Đại Nam quốc sử diễn ca của Phạm Đình Toái và Lê Ngô Cát ghi:

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Hồ Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Nước Nam riêng một triều đình nước ta…

Cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành độc lập tự do cho đất nước chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất (từ năm 111 trước CN đến năm 39 sau CN) lại rơi vào tay hai người đàn bà. Chuyện thật thần kỳ, xảy ra vào thế kỷ thứ nhất những năm 40 – 43 sau Thiên Chúa giáng sinh.

Anh hùng giải phóng nước Pháp là Jeanne d' Arc hiện hữu sau Hai Bà Trưng ta 15 thế kỷ (1429 – 1431), cũng là một người đàn bà, đúng ra là một cô gái 19 tuổi. Được nhân dân Pháp và thế giới ca ngợi là thần kỳ. Rồi được phong thánh năm 1920.

Ngọn lửa yêu nước của Hai Bà Trưng truyền mãi cho đến ngày nay. Qua mỗi thời kỳ nó mang thêm dấu ấn của các thời đại, nhưng chất men yêu nước vẫn y nguyên, vẫn bốc cháy rừng rực không thuyên giảm.

Thế hệ chút chít ở thế kỷ 20, vẫn say đắm hình tượng Hai Bà Trưng, để trào ra ngọn bút những vần thơ hào sảng:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời, bóng lẻ soi.
Ngân Giang nữ sĩ

Cuộc khởi nghĩa trúc chẻ ngói tan của Hai Bà đoạt liền một mạch 65 thành trì, khiến quân Tàu chạy về Ải Bắc rồi mà đôi chân vẫn còn run rẩy, nghe tiếng vó ngựa lại bạt vía kinh hồn. Chiến thắng oai hùng làm sao! Ba câu dưới mang đậm dấu ấn của nữ giới thời tự lực văn đoàn thế kỷ 20, và Ngân Giang nữ sĩ là người có công đầu tiên phát hiện ra nỗi đau mất mát của các bậc anh hùng. Vĩ nhân không phải chỉ được hoan hô rầm trời, đứng hiên ngang vẫy tay trước công chúng, mà họ có những nỗi đau tâm khảm ít ai nhìn thấy.

Nghe nói, giảng đoạn thơ này của Ngân Giang nữ sĩ cho sinh viên văn khoa Sài Gòn, thầy giáo Đông Hồ rất xúc động. Sinh viên đề nghị thầy ngâm. Thầy ngâm to, rất truyền cảm, rồi ngất luôn. Đưa được vào bệnh viện thì thầy mất. Để lại một tình cảm xót thương trong sinh viên, và trở thành một giai thoại đẹp trong công việc giảng dạy truyền tiếp ngọn lửa yêu nước cho giới trẻ.

Nuôi lòng yêu nước cho mọi người là công việc rất hệ trọng của mọi thời đại. Bây giờ, có thể nói, ai làm nhụt nhuệ khí yêu nước của người Việt Nam , là có tội với dân tộc Việt Nam .

Mùa xuân năm con trâu Kỷ Sửu đã đến dự báo nỗi vất vả cực nhọc của thân phận trâu cầy. Kinh tế thế giới khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Chiến tranh cục bộ đã xảy ra và có thể còn xảy ra. Trái đất nóng dần lên. Hiện tượng băng tan ở hai cực. Những nước giáp biển như nước ta, giả dụ nước biển dâng lên hai mét thì bao nhiêu đồng ruộng nhà cửa chìm trong nước? Rồi nạn khủng bố quốc tế. Rồi nạn tham nhũng Việt Nam . Lạm phát đe dọa. Dân oan khiếu kiện. Báo chí bịt miệng. Bất đồng chính kiến bị đàn áp. Tự do tôn giáo bị vi phạm. Nhất là sức ép của Trung Quốc. Sự bành trướng của họ về biên giới, về lãnh hải và các hải đảo của ta.

Thấy tình hình như vậy mà lo nhiều hơn vui.




Theo Kinh Dịch thì cùng tắc biến, biến tắc thông. Sự việc bế tắc đến đâu, rồi cũng có cách giải quyết. Các bậc minh quân sẽ nảy sinh trong đám rối rắm bế tắc này. Tôi hy vọng như thế.

Quà lộc tài (tiếng Quảng Đông lì xì) đầu xuân của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ màu giấy đỏ, nhưng lại làm tôi liên tưởng đến nhành mai trắng trong thơ của Mãn Giác thiền sư đời Lý. Xin chép cả bài quý vị đọc Tết cho vui:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Chuyển dịch:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Cái già trên đầu rồi!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, một nhành mai.





Tôi ôm nhành mai đó vào trong giấc ngủ.

Đất thiêng Thăng Long Những ngày đầu xuân Kỷ Sửu – 2009
Nhà văn Hoàng TiếnĐịa chỉ : Nhà A11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội



THƯ CHÚC XUÂN
Kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nướccủa Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ


Dịp Tết Ất Dậu, 2005, Đại lão Hòa thượng viết Thư Chúc Xuân gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước gọi kêu sự kết liên cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Bức thư gây chấn động lòng người Nam Bắc, trong và ngoài nước thời gian ấy. Có thể nói Thư Chúc Xuân của Hòa thượng khai mở lần đầu sự thống hợp tình cảm dân tộc giữa hai miền Nam Bắc, mà chiến tranh, Hiệp định Genève, rồi chế độ Công sản phi nhân đào sâu hố chia rẽ tưởng không bao giờ hàn gắn.

Thư Chúc Xuân đạo đạt mối ưu tư thâm thiết đến cộng đồng Sĩ phu đất Việt, mà hai lý do được Hòa thượng nêu rõ : “Mấy chục năm nay, tôi và hàng giáo phẩm Giáo hội lâm cảnh tù đày, rồi quản chế khắc khe, nên đã không còn hoàn cảnh thuận duyên, thư thái và tự do như trước năm 1975, để thuận hòa trong truyền thống thăm hỏi chúc Xuân chư liệt vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ cùng Ðồng bào trong và ngoài nước” (...)“Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc”.

Thư Chúc Xuân là lời tha thiết mời gọi cộng đồng Sĩ phu dân tộc hãy ngồi lại quanh một ý chí, quanh một giải pháp thay thế để “chặn ngăn các nẻo dữ, mở ra Ðường lành trong năm Ất Dậu 2005”. Ðường lành ấy là thế hiện nền dân chủ đa nguyên theo công sức của mỗi người. Ngồi lại quanh nhau, đoàn kết, liên minh không là điều mới mẻ. Bởi tiếng gào kêu “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” đã cất lên sáu mươi năm trước từ Xuân Ất Dậu 1945. Nhưng đoàn kết càng kêu gào, phân hóa càng cao, phân rẽ càng lắm, tranh chấp càng nhiều. Ấy chỉ vì, cho đến nay, các lời kêu gọi đoàn kết và liên minh thể hiện theo chiều dọc. Nghĩa là đoàn kết, liên minh sau lưng một cá nhân, một đoàn thể, một đảng phái. Chưa là đoàn kết, liên minh chung quanh một giải pháp thay thế, một kế sách thù ứng, một thần dược tối ưu giữa hàng chục, hàng trăm thần dược chưa thích nghi với tạng phủ Việt Nam . Nghĩa là đoàn kết, liên minh dân tộc trên chiến tuyến hàng ngang, chứ không là hàng dọc. Hàng ngang mới đồng đẳng và bình đẳng để cùng nhau bước vào tiến trình dân chủ hóa đất nước, như tổ tiên đất Việt sử dụng trong công trình hai nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Kế sách của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ nằm trong tiêu ngữ Dân chủ đa nguyên : “Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ. Nó là giải pháp thay thế, mà muôn dân trông đợi”. Hòa thượng giải thích : “Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý”. Biết Nhà cầm quyền cộng sản rất húy kị ý niệm dân chủ đa nguyên, nên Hòa thượng ngỏ lời đề xuất : “Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc ý nguyện của nhiều người”.

Với lời đề nghị thực tiễn qua Thư Chúc Xuân như thế, phải chăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mở đầu cuộc tham gia chính trị ? Câu đáp đã được Hòa thượng minh định : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không”. Hòa thượng nhấn mạnh thêm : “Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982”. Trái lại, giới “nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v... với tinh thần lợi tha bình đẳng”.

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng lại nguyên văn Thư Chúc Xuân của Hòa thượng Thích Quảng Ðộ sau đây :


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ÐẠO
Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, T.P. Saigon----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phật lịch 2548 Số 02/VHÐ/VT


THƯ CHÚC XUÂN
Kính gửi quí vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ, và Ðồng bào trong và ngoài nước


Thưa quí Liệt vị,

Ðức Ðệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang vừa gửi Thông điệp Xuân Ất Dậu, dương lịch 2005, chúc mừng Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại Ðức Tăng Ni, và toàn thể Phật tử các giới trong và ngoài nước.

Phần tôi nhân dịp Xuân về, thay mặt Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, xin kính lời Chúc Xuân và Mừng Tuổi quí Liệt vị. Mấy chục năm nay, tôi và hàng giáo phẩm Giáo hội lâm cảnh tù đày, rồi quản chế khắc khe, nên đã không còn hoàn cảnh thuận duyên, thư thái và tự do như trước năm 1975, để thuận hòa trong truyền thống thăm hỏi chúc Xuân chư liệt vị Nhân sĩ, Trí thức, Văn Nghệ sĩ cùng Ðồng bào trong và ngoài nước.

Cầu chúc quí Liệt vị cùng bảo quyến một năm mới an lành, thành công như ý nguyện. Kèm theo lời Chúc Xuân, chúng tôi mong được nói lên đôi lời ưu tư tâm huyết về tiền đồ quê hương Việt. Người ta thường nói : đất có tuần, dân có vận. Vận nước tuần hoàn đi rồi lại lại. Sự tuần hoàn như thế xác định mọi sự trên thế giới đều chuyển biến, thay đổi không ngừng, chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn. Ðạo Phật chúng tôi gọi lẽ ấy là vô thường. Nhờ vô thường, mà con người có thể tham dự, như tác nhân, để chuyển hóa nghịch cảnh : hạnh phúc có thể tái tạo, tự do có thể thiết lập, nô lệ có thể chấm dứt. Cho nên kẻ sĩ phu theo thời mà thông biến. Lịch sử nước ta trải dài nhiều nghìn năm cho thấy sĩ phu là giới hiểu thời vụ, nhờ hiểu thời vụ mà ra tay chuyển hóa thời đại làm cho quê hương thoát cơn luân hiểm, sinh dân được an lạc.

Sau cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, các thế quyền đã thử nghiệm những phương thức xã hội khác nhau. Nhưng quảng đại nhân dân chưa no ấm, hạnh phúc. So với các nước láng giềng trong khu vực, thì nước Việt ngày càng tụt hậu. Làm sao đây ? Chúng tôi nghĩ rằng, xưa cũng như nay, đất nước phải cậy nhờ giới sĩ phu đảm đương trách nhiệm. Bảy mươi năm thử nghiệm ý thức hệ Mác-Lê không đem lại cho nhân sinh tự do và no ấm. Nên đầu thập kỷ 90, Liên Xô và toàn bộ phe Xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh phân đôi thế giới.

Nay ta nên làm gì ?

Xu thế địa cầu ngày nay, khắp năm châu nổi lên ý lực hợp tác, chia sẻ, đối thoại, qua phong trào Toàn cầu hóa Kinh tế và Toàn cầu hóa Dân chủ.

Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý.

Nhận thức trên đây muốn thành hiện thực, đòi hỏi sự lên tiếng và tham gia của quí vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cùng đồng bào cho tiến trình dân chủ hóa đất nước trong năm Ất Dậu này. Ðầu năm 2001, chúng tôi đã có dịp đề xuất « Lời Kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam » qua một chương trình 8 điểm. Vì Lời kêu gọi này chúng tôi bị quản chế hành chính hai năm. Hy vọng rằng, tình hình khách quan năm nay, quí vị sẽ có nhiều thuận duyên, may mắn hơn, khi cất tiếng kêu gọi và hoạt động cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam . Nên không còn chần chờ được nữa.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không. Trong kinh sách Phật giáo, Ðức Phật không làm chính trị, nhưng Ngài không ngừng cố vấn, khuyến thỉnh các vị vua phải có chính sách đúng đắn để phục vụ quần chúng. Ngài cũng có những lời khuyên bảo thích đáng cho quần chúng Phật tử về cung cách làm ăn kinh tế sao cho thu đạt lợi nhuận, gây cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự phát triển đời sống tâm linh.

Ở nước ta, các quốc sư Phật giáo dưới các triều Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê đã hành hoạt theo gương đức Phật. Gặp lúc biến, các thiền sư cũng tham gia chống ngoại xâm. Ðuổi xong giặc, các ngài lại trở về nơi thiền viện lo việc an tâm và giáo hóa.

Gần ba nghìn năm trước, Giáo hội Phật giáo được đức Phật thiết lập trên tứ chúng, bao gồm hai chúng nam nữ xuất gia gọi là tỳ kheo và tỳ kheo ni, và hai chúng tại gia nam nữ Cư sĩ Phật tử. Hai chúng nam nữ Tăng sĩ không tham gia chính trị. Nhưng hai chúng nam nữ Cư sĩ sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v...

Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982. Và cùng với sự hậu thuẫn tinh thần của Giáo hội, hàng nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia có thể trực tiếp đóng góp vào công cuộc chung với tinh thần lợi tha bình đẳng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Ðài nước ngoài gần đây, tôi có ngỏ lời đề nghị Nhà nước Việt Nam không nên sợ hãi. Chỉ sợ mình không có chính nghĩa, không thật sự có tâm huyết với dân tộc thôi. Chứ sợ gì mất quyền. Ðừng sợ có tự do, dân chủ là mình mất quyền. Không đâu. Người dân bây giờ tinh tường lắm. Ai có công, ai thật sự vì dân, vì nước, người ta biết. Hãy xem gương các Ðảng cộng sản ở các nước Ðông Âu cũ bây giờ đều chấp nhận đa đảng. Thế mà ở Ba Lan, Tiệp Khắc, v.v... dân chúng vẫn có người bỏ phiếu cho đảng Cộng sản, thì có mất gì đâu. Miễn là mọi đảng phái khác cũng được quyền tham dự để cho dân có cơ sở so sánh, lựa chọn, các đảng phái có cơ sở tranh đua phục vụ tổ quốc. Ðừng sợ nhiều đảng loạn quyền. Chỉ sợ dân trí bị kìm hãm trong chủ nghĩa ngu dân thôi. Mà đã ngu dân, thì một đảng cũng sinh loạn. Bối cảnh nước ta ngày nay, theo tôi, không cần có vài chục đảng mới thiết lập được dân chủ. Chỉ cần một đảng tả khuynh, một đảng hữu khuynh, một đảng trung hòa đại diện cho các dòng suy nghĩ chính lưu. Tuy nhiên việc này còn tùy thuộc ý nguyện của nhiều người. Nhưng trái lại, phải có nhiều xã hội công dân tự do xuất hiện với mọi quyền con người cơ bản, ắt việc nước sẽ hanh thông, quốc gia sẽ thịnh trị. Ðiều kiện tiên quyết muốn được như vậy là phải có tự do, dân chủ thật sự để mỗi người và mọi thành phần xã hội được bình đẳng tham gia việc nước. Không sung sướng gì bằng, không hạnh phúc gì bằng, khi những người làm chính trị được chính người dân tin tưởng giao quyền cho.

Ðời sống nhân dân các nước dân chủ ở Bắc Âu là mô thức khá hoàn hảo về sự an lạc và tự do của người dân mà chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu, dung hóa, áp dụng vào bối cảnh Việt Nam.

Phải có dân chủ đa nguyên thì mới giải quyết mọi vấn nạn bế tắc từ ba mươi năm qua trên đất nước. Pháp nạn của Giáo hội chúng tôi cũng tùy thuộc công cuộc dân chủ hóa này để được giải trừ.

Nó là giải pháp thay thế, mà muôn dân trông đợi.

Thử trầm tỉnh nghĩ xem, có phải là đảo chính bằng lá phiếu dân chủ vẫn hơn là những cuộc đảo chính bằng bạo loạn ?

Sống trong cảnh huống ngày nay, người có lòng dạ và ưu tư đều bị đẩy vào tâm trạng chờ tức nước vỡ bờ. Thế thì sao không chọn con đường nhân nghĩa của truyền thống cha ông để nước chở thuyền thay vì nước lật thuyền ?

Chẳng nên nghĩ rằng hễ có công an cho đông, nhà tù cho nhiều, và quân đội hùng mạnh là sẽ giữ được quyền bính mãi mãi. Chỗ dựa vững chắc nhất của một chế độ chính trị là lòng dân.

Không là chính trị gia, chúng tôi chỉ có vài ý kiến thô thiển kêu gọi quý vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào là những người nhạy cảm với cuộc sống. Làm sao cho một cái gật đầu hay lắc đầu của lực lượng trí tuệ mang yếu tố quyết định thay đổi thời cơ.

Xin quí vị hãy ra tay chặn ngăn các nẻo dữ, dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh lên hồi trống đại hùng khai mở Ðường Lành trong năm Ất Dậu, 2005, này. Ðường Lành ấy là con đường dân chủ đa nguyên đưa tới sự ổn định, phát triển và an lạc. An lạc cho quần chúng chỉ có ý nghĩa đích thực khi bảo đảm được quyền tự chủ quốc gia và những quyền tự do, dân chủ căn bản của toàn dân trong sinh hoạt cộng đồng thế giới.

Làm sao cho xuân qua rồi mà hoa vẫn hàm tiếu, người đến bên cây rừng mà chim không kinh sợ bay xa : Xuân khứ hoa hoàn hạm, Nhân lai điểu bất kinh.

Thư đã dài mà ý chưa hết. Chưa gửi đi nhưng lòng đà trông đợi. Xin chư Liệt vị nhận nơi đây lời Chúc Xuân chân thành và niềm hy vọng của tôi.

Phật lịch 2548 - Thanh Minh Thiền viện
Saigon ngày giáp Tết Ất Dậu, 3.2.2005Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, GH PGVN TN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Ðộ




==

Friday, January 23, 2009

PHẠM TÍN AN NINH * TRUYỆN NGẮN







GÓI QUÀ ĐẦU NĂM
phạmtínanninh



Tôi phải ngồi lại trên các bậc đá nghỉ chân đến ba lần trước khi bước vào cổng chùa. Ngôi chùa nhỏ nằm trên một triền núi, được phủ mát bởi những tàng cây. Ngôi nhà khách bằng gỗ, khá xinh xắn, nằm trong một khu vườn toàn hoa vạn thọ. Phía trước là một tượng Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề, cành lá được cắt tỉa công phu. Chung quanh là cả một vùng núi trời tĩnh mịch.Tôi không phải là phật tử, nhưng ngồi nghe tiếng mõ và lời cầu kinh trong chùa vọng ra, cũng thấy lòng nhẹ hẳn đi trước bao nhiêu điều phiền não.


Hôm nay là mồng một tết, nhưng cảnh chùa khá im vắng, bởi chùa nằm khá xa khu dân chúng. Ngày hôm qua tôi có đến đây, nhưng thầy trụ trì đi vắng. Tôi đã để lại tấm danh thiếp của chồng tôi, viết vài dòng phía sau xin hẹn thầy hôm nay trở lại.
Chú tiểu còn rất trẻ, mang trà ra mời và xin tôi chờ thêm mươi phút nữa vì thầy trụ trì đang khai kinh cho buổi lễ tân niên. Tôi nôn nao muốn sớm được nhìn mặt vị ân nhân của mình, nhưng cũng dặn lòng phải kiên nhẫn và cẩn trọng ý tứ trước một nhà sư.


* * *
Hơn ba mươi năm trước. Lúc ấy tôi còn là cô bé học trò trường trung học An Túc, nằm giữa thị trấn An Khê, bên quốc lộ 19 nối liền Qui Nhơn với Pleiku. Chiến tranh đang thời kỳ ác liệt. Tuổi còn nhỏ, nhưng ngày nào tôi cũng nghe cha mẹ và các thầy cô bàn chuyện chiến trường: đánh lớn ở Pleime, Dakto, Tân Cảnh. Mấy năm nay, An Khê tương đối bình yên, nhờ Sư đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ có căn cứ ở đây, và dọc theo đèo An Khê có đồn bót của các đơn vị thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Giữa lúc chiến tranh ngày khốc liệt, bất ngờ lực lượng đồng minh rút quân về nước, làm dân chúng ở đây hoang mang, lo lắng. Xứ họ đạo của tôi cũng được cha chánh xứ tổ chức những toán tự vệ, phối hợp với quận, lo canh gác khu vực của mình.




Chiều ba mươi Tết, được thông báo của tỉnh, các cơ quan trên quận phối hợp với các thầy cô giáo và cả Hội Đồng giáo xứ đi mọi nhà kêu gọi đóng góp những gói quà tượng trưng dành tặng cho anh em chiến sĩ của một đơn vị từ xa tới đồn trú ở đây để thay thế lực lượng đồng minh.
- Tội nghiệp, nghe nói anh em đã phải rời căn cứ từ sáng sớm 30 để chiều mồng một Tết có mặt ở đây. Họ có biết tết nhất gì đâu! Ông cha xứ nói với chúng tôi như thế.



Cả quận vui mừng, nô nức trước tin vui. Riêng tôi còn vui hơn khi tưởng tượng sẽ có nhiều anh lính đến cái thị trấn nhỏ xíu buồn tênh này, nên rất sốt sắng trong việc gói quà. Tôi tự tay thực hiện được hai gói quà, gồm một số bánh mức, chiếc khăn tay do tôi thêu lấy, kèm theo lá thơ chúc mừng năm mới tới hai anh chiến sĩ vô danh nào đó. Tôi nắn nót viết thật đẹp rồi đề tên, lớp và trường học phía dưới. Vì “sao y bản chánh” từ một bài luận văn tháng trước, nên hai lá thư giống nhau như đúc. Nhìn hai gói quà tôi mỉm cười, khi nghĩ sẽ có hai “người tình không chân dung” nào đó nhận được lá thư nồng nàn của một cô “em gái hậu phương”.



Ban đầu, các thầy cô cho biết, đám học trò chúng tôi sẽ được hướng dẫn vào căn cứ để tận tay tặng quà cho các anh chiến sĩ. Bọn tôi đứa nào cũng hớn hở, lăng xăng giặt ủi lại chiếc áo dài trắng ưng ý nhất. Nhưng sau đó dưới tỉnh cho biết là trước khi vào An Khê, các đơn vị này còn phải hành quân mở đường, giải tỏa một số đồn bót của lực lượng Đại Hàn nằm dọc theo đèo An Khê bị địch quân bao vây đã ba hôm nay. Cuối cùng tất cả quà đều được nộp cho trường, và thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô giáo sẽ mang vào cho đơn vị để trao lại cho anh em chiến sĩ khi tình hình an ninh cho phép. Bọn học trò chúng tôi tiếc hùi hụi vì mất một dịp được vào xem căn cứ và ủy lạo các anh chiến sĩ.


* * *



- Nam mô A Di Đà Phật. Xin chào bà. Xin lỗi, chắc là bà đã chờ tôi lâu lắm phải không?
Câu hỏi của thầy trụ trì cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi. Tôi đứng lên, vụng về chấp hai tay trước ngực chào lại thầy. Tôi muốn nhìn thật kỹ khuôn mặt của thầy, nhưng thấy ái ngại, nên chỉ cúi đầu im lặng.
- Cái cổng tam quan, ngôi nhà khách này, và những bậc đá trên con đường mà bà vừa đi lên là do tiền cúng dường của ông bà. Chúng tôi xin tán thán công đức và cầu xin chư Phật gia hộ cho ông bà cùng gia đình. Bà có muốn đi một vòng xem cảnh chùa không? Xin mời bà.
Thầy vừa nói vừa chỉ tay về phía cổng tam quan.
- Dạ, công ơn của thầy đối với gia đình tôi lớn lao quá. Biết làm sao đền đáp. Xin thầy đừng nhắc tới công đức, làm tôi thêm xấu hổ. Tôi vừa bước theo phía sau thầy, vừa nói.
- Mô Phật! Giúp người, đó là nhiệm vụ của kẻ tu hành, dù là tôn giáo nào. Sao bà lại gọi là công ơn. Thầy nở một nụ cười độ lượng.
Đi phía sau, nhìn dáng đi khoan thai của thầy, tôi băn khoăn suy nghĩ: Khuôn mặt thì có nhiều nét giống, nhưng với cái dáng đi thì lại khác hẳn. Có thể ngày xưa là lính nên cần phải nhanh nhẹn. Tôi nghĩ thầm như thế.
Khi đến cửa tam quan, thầy dừng lại và chỉ tay về hướng bờ biển, nơi có mấy tảng đá ở triền núi, phía dưới là một khu rừng rậm:
- Chính ở nơi đó, tôi đã tìm gặp chồng của bà.





Năm ấy, khi chồng tôi vừa mới trốn về từ trại tù cải tạo Gia Trung (anh chỉ là thầy giáo, dạy một trường trong khu người Thượng, bị bắt năm 1979 vì bị kết tội hợp tác với lực lượng Fulro chống lại nhà cầm quyền Cộng sản), được một người bạn thân cho đi theo một chuyến vượt biển do gia đình anh ta tổ chức. Lúc ấy ai cũng nghĩ ra đi là không bao giờ gặp lại vợ con, mà có ở lại cũng sống không yên, chỉ làm khổ cho gia đình. Hơn nữa lúc ấy tôi vừa mới sanh đứa con đầu lòng, nên không thể đi cùng. Chúng tôi đành gạt lệ chia tay mà không dám nghĩ sẽ có ngày tái ngộ.
Tàu vừa ra khơi hơn một ngày thì bị hỏng máy, trong lúc gió mưa tầm tã. Tất cả mọi người phải đem sinh mạng chống chọi với phong ba. Cuối cùng, sau gần ba ngày bềnh bồng trên biển, nhờ những cơn gió nhiệm màu đã đẩy chiếc tàu với hơn một nửa số người sống sót, giạt vào một ghềnh đá lúc trời nhá nhem tối. Tưởng đã thoát chết, nào ngờ khi vừa leo lên bờ thì bị một toán công an biên phòng vây bắt. Một số người yếu sức thì đành đưa tay cho họ trói. Chồng tôi cùng một vài thanh niên khác dùng hết tàn lực chạy trốn trong các hốc đá bên triền núi. Mấy lần thoát chết dưới những tràng đạn. Nhờ trời tối anh chạy thoát vào khu rừng trước khi kiệt sức. Khi tỉnh lại, anh thấy mình nằm trong ngôi chùa nhỏ nằm bên triền núi. Anh được vị trụ trì săn sóc và che dấu chu đáo, mặc dù biết anh là người công giáo, bởi trên cổ có đeo thánh giá. Sau hơn một tuần, nhờ thầy giúp cạo đầu, cho áo quần để cải dạng một thầy tu, và gởi theo một chiếc xe đò của một phật tử thân quen, chồng tôi mới trốn được vào nhà bà cô ruột ở Cam Ranh. Sau đó nhờ chính bà cô này tìm đường để vượt biển tiếp. Và lần này anh đã được tàu Pháp vớt, nên được sang định cư bên Pháp. Ba năm sau, tôi và đứa con được anh bảo lãnh với diện đoàn tụ gia đình.




- Mô Phật! Tội nghiệp, ông ấy đã về tìm thăm tôi hai lần, và giúp cho tôi khá nhiều tiền để lập lại ngôi chùa này và một nhà từ thiện nuôi các em bé tật nguyền dưới xóm. Công đức của ông bà thật lớn lắm.
Tôi nhớ lại tấm ảnh mà chồng tôi chụp chung với thầy trong lần thứ nhì về thăm thầy. Bao nhiêu lần tôi đã nhìn kỷ tấm ảnh, lại nghe chồng tôi bảo, ngày xưa thầy cũng là lính, nên tôi đã ngồi hằng giờ hình dung, nhớ lại một người quen lúc trước.
- Thực ra anh ấy ngại không muốn về, nhưng vì nhớ ơn thầy mà anh ấy mới về gặp thầy. Lần này chính tôi đề nghị được thay anh về thăm thầy, nhân dịp thăm mẹ của tôi đang ốm nặng.
- Mô Phật! Tôi hiểu nỗi khổ tâm của ông ấy.



Tôi nghe tiếng thở dài của vị trụ trì, và thấy thầy đưa mắt nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Từ lúc mới gặp nhau trong ngôi nhà khách, tôi nghĩ là thầy đã nhận ra tôi. Tôi chờ thầy hỏi, nhưng có thể thầy đã quên hay bây giờ là kẻ tu hành, nên thầy không muốn nhắc lại chuyện thế tục ngày xưa.


Không để lỡ mất cơ hội, tôi lên tiếng:
- Tôi về đây, gặp thầy cũng để muốn xin được hỏi thầy một điều, mà bấy lâu nay cứ băn khoăn mãi trong lòng, nhưng ngại thầy là bậc tu hành, nên tôi không dám.
Thầy nhìn tôi, im lặng giây lát rồi lên tiếng:
- Mô Phật! Kẻ tu hành lúc nào cũng muốn đem ánh sáng cho chúng sinh hầu giải tỏa những lo âu phiền não. Xin bà cứ tự nhiên
- Xin thầy tha lỗi, nếu có điều gì không phải. Có phải thế danh của thầy là Quế, Lê Phương Quế?
Thầy ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhìn lên khoảng không, nhíu mày.
- Mô Phật! Làm sao mà bà biết được tên của tôi?
- Thầy còn nhớ anh Lân, trung sĩ Đỗ Lân, ở Sư đoàn 23 Bộ binh, có đóng quân ở An Khê vào những ngày tết năm 1972?
- Bà còn biết cả bạn tôi? Anh Lân đã tử trận ở Kontum từ mùa hè 72. Bà có biết không?




Tôi có một thoáng giận thầy, vì nghĩ là đến bây giờ ông vẫn chưa nhận ra mình. Chẳng lẽ thầy vô tình đến thế. Nhưng ngay sau đó tôi hối hận về ý nghĩ của mình. Sao lại đem chuyện đời để mà trách một vị chân tu, một người đã xa lánh chuyện hồng trần, thế sự. Thầy đã cho mình hỏi và sẵn sàng tâm sự đã là một điều hỉ xả rồi.
- Dạ, tôi có biết, và tôi cũng có đến Kontum thăm mộ anh mấy lần. Sau này tôi về tìm để xây lại ngôi mộ cho anh, thì nghĩa trang không còn nữa, và không ai biết mộ anh đã chuyển đi đâu.
Đôi mắt của vị trụ trì sáng hẳn lên. Thầy mở đôi mắt thật to nhìn tôi, đưa tay lên định nắm vai tôi, nhưng rồi kịp khựng lại.
- Vậy là Xuân? Bà là cô Xuân ngày xưa? Mô Phật! Sao lại có chuyện kỳ ngộ lạ lùng này!




Vâng, tôi chính là Xuân, cô bé học trò trường trung học An Túc ngày xưa. Người đã gói hai gói quà Xuân ủy lạo cho những chiến sĩ đến giữ an ninh cho quê tôi vào đúng chiều ngày mồng một tết. Hai gói quà được nộp cho trường để chuyển tới cho các anh, vì lúc ấy đơn vị đang hành quân mở đường để đến nơi trú đóng.





Sau một cái tết an bình, cả thị trấn nhỏ của tôi nhộn nhịp hẳn lên bởi sự có mặt của một trung đoàn lính chiến, ngày mồng tám tết, đám học trò chúng tôi trở lại trường, nhưng các thầy cô biết là trong lòng đám học trò ai cũng còn dư âm ngày tết, nên cho chúng tôi tập họp lại hát hò và kể chuyện vui. Trong lúc thầy hướng dẫn đệm đàn cho cả đám học trò ca hát, thầy giám thị đến tìm tôi, bảo tôi lên văn phòng có người nhà muốn gặp. Bước theo thầy giám thị mà lòng tôi lo lắng không biết ở nhà có chuyện gì, thì ông đưa tay chỉ hai anh lính đang ngồi chờ trên chiếc ghế đá trong sân trường.
Hai anh lính thật trẻ đứng lên chào tôi, nhoẻn miệng cười:
- Hai đứa tôi đến để cám ơn Xuân và chúc mừng Xuân năm mới.
Tôi thoáng một chút ngạc nhiên và bẽn lẽn:
- Em có làm gì đâu mà hai anh cám ơn? Mà sao hai anh biết được tên em?
Hai anh cùng mở túi áo lấy ra bức thư. Vừa kịp nhận ra đó là hai bức thư mà tôi đã “sao y bản chánh” bỏ trong hai gói quà ủy lạo, thì một anh lên tiếng:
- Tôi là Đỗ Lân, và người bạn thân của tôi đây là Lê Phương Quế. Trông anh hiền như con gái, nhưng Xuân đừng nhầm với nữ ca sĩ Phương Hồng Quế nghe, mặc dù anh Quế bạn tôi cũng có giọng hát rất hay, không thua gì Phương Hồng Quế. Hai đứa tôi nhận hai gói quà của Xuân. Quà cáp như nhau và lời lẽ trong cả hai bức thơ cũng giống nhau như đúc. Cô Xuân thật công bình. Cám ơn nghe!



Tôi hơi quê, nhưng cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Hai anh tới trường tìm Xuân, không sợ thầy giám thị la Xuân hà?
Anh lính thứ nhì, tên Quế, lên tiếng:
- Bọn tôi bảo là anh em bà con với Xuân, đi lính xa nhà bây giờ mới gặp. Thầy giám thị coi bộ cũng thương lính lắm, nên chắc không nở la rầy người yêu, à xin lỗi, người em của lính đâu!
Mặc dù thấy hai anh chàng có vẻ thư sinh, vui tính, nhưng nhớ lời bà chị thường bảo mấy ông lính bạo dạn và tán gái hay lắm. Phải coi chừng. Tôi nhủ thầm như thế. Và để xem hai anh chàng này có thực sự bạo dạn hay không tôi khoanh tay:
- Nghe nói anh Quế hát hay không thua gì Phương Hồng Quế, em xin mời hai anh vào lớp em chơi. Bọn em cũng đang ca hát trong đó, chứ không có học hành gì đâu. Đám bạn em sẽ mừng lắm đó.
Hai anh nhìn nhau cười, rồi gật đầu, theo tôi vào lớp.
Cả đám bạn học trò im bặt, tò mò nhìn ra khi thấy tôi dắt theo hai anh lính trẻ. Tôi nói với vị giáo sư hướng dẫn:
- Thưa thầy, có hai anh lính nhận được quà tết của lớp mình, đến cám ơn và xin hát cho cả lớp mình nghe.
Thầy hướng dẫn lớp gật đầu, đến bắt tay hai anh, tươi cười:
- Hồi nãy tới giờ mấy cô chỉ hát những bài tình yêu lính chiến, bây giờ đích thân lính chiến hát tặng mấy cô thì còn gì hay bằng, phải không?
Cả lớp vỗ tay.
Anh lính tên Lân bước lên bục giảng, hai tay mân mê chiếc nón bê-rê:
- Kính thưa thầy, thưa các bạn. Tôi không biết hát, nên xin dành phần nói trước. Chúng tôi xin cám ơn những gói quà Tết của nhà trường, của các bạn. Trong không khí Tết, vì nhiệm vụ phải xa nhà, được những món quà của các bạn chúng tôi thấy ấm áp nhiều lắm. Đặc biệt hai đứa tôi đây đã nhận được quà của cô Xuân. Chỉ cần cái tên của cô là hai đứa chúng tôi cũng đã có cả một mùa xuân rồi. Xin cám ơn và kính chúc thầy, chúc các bạn một năm mới vạn điều như ý.
Cả lớp lại rộn lên tiếng cười và những tràng vỗ tay không dứt. Một con bạn có tiếng nghịch nhất lớp quay về hướng tôi ngồi:
- Xuân ơi, mày chỉ được chọn một trong hai thôi. Còn để dành cho đứa khác nữa chứ!
Đúng là nhất quỉ nhì ba, còn thứ ba là bọn này. Tôi đoán hai anh chàng lính sữa đang nghĩ như thế. Anh lính tên Lân bẽn lẽn, ngừng lại đôi phút rồi đưa tay về hướng người bạn, tiếp tục:
- Bây giờ, xin giới thiệu anh bạn thân nhất của tôi, Lê Phương Quế, mà chúng tôi thường gọi là Phương Hồng Quế, tiếng hát hàng đầu của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sẽ lên hát một vài bài tặng thầy và các bạn.
Tôi cũng phục tài ăn nói khá “tâm lý chiến” của anh chàng Lân này. Cái giọng Huế nghe cũng êm ái, cứ như rót mật vào tai người ta. Bây giờ nhìn kỹ thấy anh ta cũng đẹp trai, nụ cười cũng có duyên ghê lắm. Lính cỡ này chắc sẽ làm khổ vài cô em gái hậu phương đây. Tôi mỉm cười với ý nghĩ vừa thoáng trong đầu.
Anh Quế bước lại chỗ thầy hướng dẫn để xin nhờ thầy đệm đàn. Anh hát bài Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân. Trông anh có dáng dấp thư sinh và khuôn mặt hiền lành như một thầy tu.



Tiếng hát cất lên làm cả lớp im bặt. Đúng là giọng hát của anh rất hay, điêu luyện, lúc réo rắt lúc trầm buồn không thua một ca sĩ chuyên nghiệp. Dường như có cùng tâm trạng với nội dung bài hát, nên anh đã hát với tất cả cảm xúc, làm giao động trái tim mọi người. Bài hát chấm dứt, mà cả lớp dường như còn thẫn thờ, yên lặng. Sau đó bùng vỡ bởi những tràng vỗ tay và nhiều tiếng la: bis, bis...
Anh cúi xuống một lúc, hình như để dấu sự cảm xúc, rồi ngước lên nói nhỏ hai tiếng cám ơn và xin hát tiếp bài Chiều Trên Phá Tam Giang, thơ của Tô Thùy Yên phổ nhạc.
Lần này, chính tôi không cầm được nước mắt. Không chỉ vì anh hát hay, nhưng tôi thấy xúc động, thấm thía hơn cuộc đời của những người lính chiến.

- Thưa thầy. Bây giờ đã đi tu rồi, thầy có còn hát những bản nhạc tình lính ngày xưa? Tôi vẫn còn nhớ cái cảm xúc khi thầy hát cho cả lớp tôi nghe, sau cái tết năm nào ở trường An Túc. Thầy hát thật hay và truyền cảm. Hôm ấy là lần đầu tiên tôi được gặp thầy và anh Lân.
- Mô Phật! Bây giờ tôi chỉ còn biết tụng kinh gõ mõ, cầu cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Nhưng những gì bà vừa nhắc lại, cũng là con người, làm sao tôi có thể quên.
- Xin thầy thứ lỗi, nếu tôi đã nhắc thầy nhớ lại chuyện đời để làm bận lòng một bậc chân tu.
- Mô Phật! Đạo ở trong Đời, cũng như hai kẻ đồng hành. Hành đạo là để giúp đời. Kẻ tu hành như chúng tôi cũng chỉ là “cư trần lạc đạo” mà thôi, thưa bà.
- Cư trần lạc đạo là sao, thưa thầy?
- Có nghĩa là hiện diện nơi trần thế mà hành đạo, vui đạo. Chứ không phải xa lánh trần thế đầy khổ nhục để tìm sự thanh thản riêng cho bản thân mình.
- Cám ơn thầy. Thầy giảng hay quá. Ngày đầu tiên gặp thầy, và nhất là lúc nhìn thầy đứng hát trên bục lớp, tôi đã thấy thầy giống một nhà tu. Có lẽ thầy đã có căn duyên từ trước, phải không thầy?
- Mô Phật! Ai cũng có thể tu hành, và bất cứ ai cũng có thể thành Phật được, thưa bà.

Không ngờ lần gặp gỡ đầu tiên năm ấy lại mang đến cho tôi mối tình đầu. Sau vài lần gặp nhau, tôi biết Lân và Quế là hai người bạn thân thiết từ lúc còn học trong trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Ra trường về cùng đơn vị, nên sống với nhau như anh em, mặc dù tôn giáo khác nhau. Quế đạo Phật còn Lân là tín đồ Công giáo. Những ngày chủ nhật không bận hành quân, Lân đều đi lễ nhà thờ, nên chúng tôi thường gặp nhau hơn. Và lần nào tôi cũng mời Lân về nhà. Cha mẹ tôi cũng rất thương quí Lân, nhất là sau khi biết cha mẹ Lân đã chết trong biến cố tết Mậu Thân. Tính tình Lân lại hiền lành chân chất và hiếu học. Dù bận hành quân liên miên, nhưng anh vẫn cố gắng tự học để thi tú tài vào mùa hè năm đó. Cũng có đôi lần Quế theo Lân đến nhà tôi chơi. Càng lúc chúng tôi càng thân nhau hơn.
Tôi biết là Lân cũng thích tôi. Trong túi áo của anh lúc nào cũng có chiếc khăn tay tôi đã tặng anh trong gói quà Xuân. Mỗi lần chia tay, anh bịn rịn lưu luyến không muốn rời tôi. Còn tôi, cũng thấy nhớ anh da diết và mong chờ anh từng ngày trong các lần anh đi hành quân. Tối nào tôi cũng đọc kinh cầu nguyện cho anh được bình yên trở về.
Bây giờ tôi mới biết tình yêu là gì. Tôi bắt đầu biết tương tư, mơ mộng, nhớ nhung và man mác buồn khi thiếu vắng anh. Những bản nhạc tình lính, người yêu của lính, dường như càng lúc tôi càng thấy hay hơn, và tôi hát nhiều hơn. Sau mỗi lần hành quân, Lân đều mang về tặng tôi những cánh hoa lan rừng. Tôi nghe nói vùng núi rừng An Khê này có nhiều hoa lan. Có những loại hoa lạ, thật đẹp mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoặc biết tên. Chỉ sau hai tháng, trong phòng tôi treo đầy hoa lan rừng. Tôi thích nhất là những cánh hoa màu tím. Có lẽ tôi nhớ tới màu tím hoa sim trong một bản nhạc mà tôi thường hay hát…
Chiến tranh lại ngày càng ác liệt. Ngồi trong lớp học, bọn tôi vẫn thường nghe tiếng súng, tiếng máy bay vần vũ trên bầu trời. Ban đêm, nhìn qua cửa sổ, những trái hỏa châu lơ lững giữa trời, soi sáng cả một vùng núi non nào đó. Rồi tôi nghe tin Dakto mất, Tân Cãnh thất thủ, thành phố Kontum bị pháo kích… Một số người đã phải bỏ nhà chạy xuống Pleiku, sống trong các trường học được chính quyền dùng làm trại tiếp cư.




Hơn một tuần, tôi chưa gặp Lân bởi đơn vị anh có lệnh cắm trại, ứng chiến. Bất ngờ gặp lại anh trong lễ sáng chủ nhật ở nhà thờ. Khi tôi đang quỳ gối cầu kinh, Lân đến sau, quỳ xuống bên cạnh. Tan lễ, vừa bước ra khỏi nhà thờ thì chúng tôi gặp anh Quế đứng đợi từ lúc nào. Tôi mời hai anh về nhà. Trên đường đi, cả hai anh im lặng, không nói một lời gì. Nhìn nét mặt thật buồn, tôi nghĩ là họ đang ưu tư điều gì. Tôi hỏi, nhưng hai anh chỉ nhìn nhau rồi lắc đầu, không nói.
Suốt ngày hôm ấy hai anh ở lại nhà tôi. Mẹ tôi đãi hai anh một con gà tơ. Trong lúc Lân và Quế trong vườn, tôi tìm hái mấy trái cà, trái mướp và rau thơm. Cả ba chúng tôi cùng làm bếp, đùa giỡn, ca hát líu lo, không còn chút ưu tư nào trên khuôn mặt của mọi người. Ăn cơm xong, chúng tôi rủ nhau ra ngồi dưới những cây dừa rợp bóng, nghe Quế hát, rồi chúng tôi cùng hát theo những bài tình ca quen thuộc. Buổi chiều, Quế cáo từ tôi, chào ba mẹ tôi xin về trước. Trong phòng tôi chỉ còn có tôi và Lân. Lần đầu tiên tôi nghe Lân rụt rè tỏ tình. Anh bảo, đời chiến binh rày đây mai đó, rồi có một ngày, anh sẽ phải đi xa, nhưng lúc nào cũng mang theo bóng hình của tôi vào những nơi gió cát. Những lời anh nói làm tôi nhớ tới những câu thơ Chinh Phụ Ngâm thật hay của bà Đoàn thị Điểm mà tôi đã học. Những câu thơ thật buồn bây giờ lại càng buồn hơn. Tôi khóc. Lần đầu tiên tôi khóc, không biết là vì hạnh phúc đến bất chợt của mối tình đầu hay là vì nghĩ tới nỗi cô đơn của người Chinh Phụ. Tôi giật mình, khi Lân ôm tôi vào lòng. Tôi đứng im, bất động, đón nhận nụ hôn tình yêu đầu đời trong hai hàng nước mắt. Tôi tiễn Lân ra đầu làng, hai đứa ôm lấy nhau khi bóng chiều vừa tắt.
Sáng hôm sau, ngồi trong lớp học, khi thấy từng đoàn xe nhà binh chở đầy lính chạy về hướng Pleiku, lòng tôi thẫn thờ khi nghĩ là Lân đã đi xa... Tôi vội lên xin phép cô giáo ra ngoài. Nhưng khi tôi vừa chạy đến hàng thông phía trước, thì đoàn xe cuối cùng đã chạy qua bên kia cầu.

Xuân ơi,
Anh đang ở phi trường Pleiku để chuẩn bị được không vận lên Kontum. Chiến trường đang ác liệt. Căn cứ Tân Cảnh vừa thất thủ. Địch quân đang tràn xuống uy hiếp thành phố Kontum. Thành phố đang bị cô lập nởi những cái chốt của địch quân trên đỉnh núi ChuPao, cắt đứt quốc lộ 14 nối liền với Pleiku. Sợ lên Kontum rồi, anh không liên lạc được với em, nên viết vội ít dòng tin em và cũng xin lỗi em vì hôm qua, khi chia tay ở nhà em, anh không nói chuyện anh đi. Mong em thông cảm bởi đó là bí mật quân sự, anh không được phép tiết lộ, mặc dù anh rất yêu em và tin em…
Không biết đến bao giờ mình mới gặp lại, nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào, anh vẫn luôn mang theo trong tim mình hình bóng của em. Em nhớ cầu nguyện cho anh nghe.
Xin cho anh kính lời hỏi thăm hai bác cùng gia đình. Cầu xin Chúa và Đức Mẹ Maria luôn che chở em cùng tất cả mọi người.
Hôn em.
Đỗ Lân.

Không ngờ lá thư này là lá thư cuối cùng tôi nhận được của Lân. Chỉ ba tuần sau, Lân hy sinh. Người báo tin buồn này chính là Lê Phương Quế, người bạn chí thân của Lân và sau này cũng là bạn của tôi. Lá thư có kèm theo vài di vật, Quế đã nhờ một anh phi công gởi cho tôi từ Pleiku, sau một chuyến đổ quân cho đơn vị của Quế ở Kontum. Lân đã bị thương rất nặng khi cùng với vị tiểu đoàn trưởng chui qua hàng rào phòng thủ, mở đường vào giải cứu Bệnh Viện 2 Dã Chiến, đang bị địch quân xua xe tăng đánh chiếm, với ý đồ lợi dụng những thương binh nằm trong bệnh viện, làm bàn đạp tấn công vào khu phi trường nằm sát thị xã Kontum. Lân chết lúc chờ máy bay tản thương. Chính Quế là người đã vuốt mắt cho Lân và nghe những lời trăn trối cuối cùng. Anh nhờ Quế giữ để trao lại cho tôi cái dây chuyền có mang thánh giá cùng mấy tấm ảnh có hình của cha mẹ anh và của anh mặc lễ phục trắng đội bê rê đỏ khi còn là thiếu sinh quân. Những tấm ảnh ấy bây giờ vẫn còn trong nhà thờ An Túc, và sợi dây chuyền tôi vẫn còn cất giữ đến hôm nay. Anh Quế còn cho biết thêm, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Lân còn thì thào gọi tên tôi, và khi lục trong túi áo, anh Quế còn thấy cái khăn tay và lá thư của tôi tặng Lân trong gói quà tết hôm nào.



- Thưa thầy, cuối năm 1973 tôi có nhận được thư của thầy. Lúc ấy thầy bị thương nặng, nằm ở quân y viện Pleiku. Tôi có tìm đến thăm, nhưng người ta bảo là thầy đã được chuyển về quân y viện Nguyễn Huệ ở Nha Trang, để được gần nhà. Lúc ấy đoạn đèo An Khê lại bị địch chiếm, nên xe đò không chạy được. Mấy tháng sau, khi đi được xuống Nha Trang tìm thăm thầy, thì thầy đã xuất viện. Tôi có hỏi nhưng bệnh viện không biết thầy ở đâu.
- Mô Phật! Đúng như bà nói. Tôi được Hội Đồng Giám Định Y Khoa cho xuất ngũ, vì thương tích. Tôi về sống với mẹ già. Lúc ấy bà cũng đang tu tại gia, ăn chay trường. Suốt một đời bà đã lo lắng cầu nguyện cho cha tôi, rồi đến tôi. Cha tôi cũng đã tử trận năm 1965, trong trận Đồng Xoài, khi ấy tôi chỉ vừa 11 tuổi.
- Nhờ vậy mà thầy đã đi tu.
- Lý do đó chỉ một phần. Cái chính là do tôi đã sống trong chiến tranh, chứng kiến bao nhiêu cái chết quá đau lòng, như cái chết của những người còn quá trẻ như Lân. Họ đâu có tội tình gì. Tôi nghĩ tới cuộc chiến phi nghĩa, khi mà anh em cùng một nhà lại chém giết thù hận lẫn nhau. Nhất là những người lính miền bắc, chỉ vì một số người cầm quyền nhân danh các thứ chủ nghĩa này nọ, để xua họ vào miền nam chém giết chính đồng bào mình. Trước khi nhắm mắt, có lẽ họ chẳng biết họ chết trong núi rừng, trong đói khổ, để cho ai và được điều gì? Gia đình, cha mẹ hay vợ con họ ra sao? Tôi nghĩ tới cái Vô Thường, Vô Minh mà Đức Phật đã dạy, nên tôi đã tìm tới cửa Thiền để mong trút bỏ mọi ám ảnh, oan khiên.




Như vừa nhớ ra một điều gì, thầy chỉ tay về hướng sau chùa:
- Mời bà đi theo tôi. Mong bà sẽ tìm thấy một điều kỳ diệu.
Tôi theo thầy đi dọc theo triền đồi, đến một nơi tương đối bằng phẳng. Lại một khu vườn nhỏ toàn hoa sim. Tuyệt diệu hơn, bên trên các khung cây được treo đầy những cánh lan rừng. Tôi nhớ tới những cành lan mà Lân thường mang về tặng tôi sau các cuộc hành quân. Ngày xuân, tất cả đang nở rộ một mùa hoa. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là giữa khu vườn là một ngôi mộ, trên tấm bia lại có cây thánh giá. Tôi thắc mắc hỏi thầy.
Thầy im lặng, không trả lời, ra dấu bảo tôi cùng thầy đến gần ngôi mộ. Tôi bàng hoàng khi đọc mấy dòng chữ trên mộ bia:
Giuse Đỗ Lân
Sinh ngày 10.7.1953 tại Huế
Tử ngày 11.5.1972 tại Kontum




Tôi quỳ trước ngôi mộ, đưa tay lên ngực làm dấu thánh giá rồi khóc sụt sùi. Một cơn gió xào xạc làm chao động cả rừng cây. Dường như tôi đã ngồi ở đây lâu lắm. Khi lau nước mắt đứng lên tôi không còn thấy thầy trụ trì. Có lẽ thầy muốn để tôi ngồi khóc một mình mà thổn thức với người xưa, hay là muốn tránh xa chuyện vui buồn của thế tục.
Khi trở lại chùa, tôi có cảm giác như chân mình đang bước vào khoảng không, hụt hẫng. Chú tiểu chờ tôi trong căn nhà khách, chuyển lại lời xin lỗi của thầy trụ trì và trao lại cho tôi một tờ giấy học trò được xếp làm đôi. Thầy trụ trì đang cúng ngọ. Tôi mở tờ giấy ra đọc, trong lúc tiếng chuông chùa ngân nga như muốn làm dịu đi phần nào những cơn sóng đang bềnh bồng trong lòng tôi. Trên tờ giấy chỉ có mấy dòng chữ: Xin chào bà và cám ơn bà. Chính tôi đã mang hài cốt của anh Lân về cải táng trong vườn chùa, khi được tin nghĩa trang trong thành phố Kontum bị giải tỏa. Anh Lân mồ côi, không còn ai thân thích. Từ nay, xin bà hãy cầu nguyện cho anh Lân, theo nghi thức tôn giáo của bà. Nam mô A Di Đà Phật.

phạmtínanninh

(Tác giả viết lại phỏng theo lời kể của một nữ độc giả. Độc giả này sau khi đọc bài Trên Chiến Trường Xưa (Kontum) của tác giả, được phổ biến trên nhiều số báo nhân ngày 30.4.2008, đã tìm cách liên lạc với tác giả để tìm hiểu vế cái chết của người tình cũ. Anh đã tử thương trong trận tái chiếm Bệnh Viện 2 Dã Chiến, Kontum ngày 11.5.1972)
Cùng một tác giả Phạm Tín An Ninh


 


 


No comments:

Post a Comment