TRẦN THÙY MAI * TRUYỆN NGẮN
Thương Nhớ Hoàng Lan
Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót? Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại. Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.
Lớn lên, tôi giống cha tôi như đúc và rất được mẹ yêu chiều. Cha tôi mắt sáng, mũi cao, tiếng nói trầm ấm, tính tình hiền hoà trung thực. Khi còn là một chú tiểu đầu để chỏm, người đã nổi tiếng thông minh, mười lăm tuổi chép rành kinh chữ Hán.
Rồi vì học giỏi, được cử làm giáo sư ở trường Trung học Bồ Đề, một trường phổ thông tư thục của Giáo hội. Lúc người sắp được phong Đại Đức thì gặp cô bé nữ sinh tinh nghịch, có đôi mắt hút hồn, đôi môi đầy đam mê và cái tính thích gì thì làm cho bằng được. Ban đầu, cô bé chỉ định quấy phá chơi để thử bản lĩnh của thầy. Nhưng rồi tình yêu là lửa, chính người muốn đốt lại cháy. Cả chùa ngẩn ngơ khi người thanh niên đạo hạnh vòng tay trước sư cụ trụ trì: Yến bệnh nặng đã bốn tháng rồi, sợ rằng cô ấy chết. Thầy dạy con tu hành để cứu chúng sinh. Nay con có thể cứu một sinh linh, sao lại khước từ? Cha tôi rời chùa, cô Yến khỏi bệnh rồi hai người thành vợ thành chồng. Ông bà tôi để lại một ngôi nhà, cha tôi cho dỡ đi, xây vào chỗ đó một ngôi chùa tư. Đã không bỏ đời theo đạo được, thì ông đem đạo về giữa đời. Sau khi đã có con, ông vẫn ăn chay, mặc áo nâu và tụng kinh sớm chiều. Có lần mẹ tôi đi chợ mua một xâu ếch, những con ếch theo phản xạ cứ chắp hai chân trước vái lia lịa.
Một bà đi ngang bảo mẹ tôi: Mấy con ếch lạy khéo không thưa thầy M.H. Rồi bà cười ha hả: Đi tu mà chẳng trót đời, làm thân con ếch cho người lột da. Mẹ tôi mau nước mắt, cứ vừa đi vừa khóc thút thít cho đến lúc tới nhà. Tối đó bà kèo nhèo mãi, năn nỉ mãi cha tôi tội gì không để tóc, ngả mặn, làm người trần cho sướng cái thân. Tu kiểu này, người ta nói không chịu nổi. Cha tôi chỉ cười, dường như chẳng để tâm. Cả đời người không tranh giành với ai mà như có phép thần thông, chạm vào đâu thì phất lên đến đó. Cơ sở làm hương trầm của người càng phát triển, mẹ tôi càng béo đẹp ra thì lời đàm tiếu của thiên hạ càng rần rần. Cuối cùng, chẳng hiểu vì sao, mẹ bỗng đột ngột bỏ đi mất tăm...
Cô ruột tôi giận lắm, bảo: Mẹ mi là con yêu tinh, khi trước đã phá đời tu của cha mi, chừ lại phá luôn đời tục của ổng. Ai cũng khuyên đăng báo tìm, nhưng cha tôi chỉ nói Đừng. Ông không trách móc gì, nhưng có lẽ ông buồn, tiếng tụng kinh đêm khuya nghe chừng khắc khoải. Chao ôi, với những con thuyền khắc khoải ấy, kiếp nào cha mới đến Tây Phương?
Cơ sở làm hương từ đó phó mặc cho cô tôi. Cô tôi cho chặt cây, nhổ cỏ, sửa sang lại khu vườn sáng sủa. Thiệt là hư sự, ai đời lập chùa mà lại trồng hoàng lan trong sân. Mùi hoàng lan là mùi ma, hèn chi ma chướng nó phá cho như thế ni.
Tôi dân dấn nước mắt nhìn người ta chặt cây hoàng lan, cành lá vứt bừa bãi trên mặt đất. Ngày xưa, gội đầu xong mẹ tôi thường hái hoa giấu vào búi tóc cho thơm. Bây giờ người đã đi, hoa cũng không còn...
Năm tôi mười tuổi, có vị Đại Đức trên núi về thuyết pháp ở chùa Diệu Đế. Tôi đi theo cô tôi đến nghe. Khi trở về tôi xin xuất gia. Cha tôi bảo: Kinh sách ở đây, chuông mõ ở đây, con còn đi đâu? Tôi chỉ lắc đầu...
Nơi thầy tôi ẩn tu là Bích Vân am - am Mây Biếc. Mười năm khai sơn, thầy đã cùng đồ đệ trồng hơn hai chục mẫu bạch đàn và ba ngàn giò phong lan đủ loại. Các sư huynh dạy tôi chăm hoa, tưới cây mỗi sáng. Buổi chiều đi học ở trường Nam Giao.
Năm mười lăm tuổi tôi bắt đầu chướng tính. Sư huynh hạch tôi: Bạch thầy, Đăng Ninh trốn học, la cà ở quán cà phê Tím. Người quanh đó ai cũng chê cười, họ nói cô ruột Ninh làm hương giàu có, cúng dường nhiều tiền nên thầy thả cho Ninh tha hồ tự tung tự tác. Tôi ức, lầm lì không nói, thầy cũng không quở. Tính thầy rất nghiêm, không mấy khi la rầy mà đồ đệ ai nấy tuân lời răm rắp. Chỉ riêng với tôi, không hiểu sao thầy đặc biệt khoan thứ. Sợ thầy phạt, đợi lúc sắp tụng kinh, tôi biện bạch: Bạch thầy, ngày xưa cha con thường bảo: tu trên núi, tu giữa chợ mới là khó. Không ở giữa đời, làm sao hiểu đời đục mà tránh? Thầy hỏi: Ai bảo con là đời đục? Đời không đục, không trong. Tôi hụt hẫng, không hiểu ý thầy định nói gì.
Tu trên non bây giờ thật ra cũng không phải dễ. Thầy tôi tránh đời vào núi sâu nhưng rồi vườn lan Mây Biếc nổi tiếng quá nên người trần lại kéo lên thưởng ngoạn. Thứ bảy, chủ nhật, học trò đạp xe lác đác trắng trên con đường mòn tới thảo am. Mấy cô nữ sinh nhỏ tuổi mê hoa ngẩn ngơ ngắm bông súng tím trong hồ, chạy vào tới tận hiên, chỗ thầy ngồi viết sách. Thầy không quở, cũng không ngẩng lên nhìn. Một cô bé chạy đến gần tôi, nhìn những làn sương li ti mà tôi đang xịt lên những chồi đang đơm nụ.
Cô hỏi tôi tên hoa, tôi giảng: Đây là giống Tiểu Hồ điệp, nghĩa là bươm bướm nhỏ. Em thấy không, trông xa chấp chới như đàn bướm cải màu vàng. Cô chìa tay với những ngón búp măng, hứng sương. Tôi cau mày: Này, đừng nghịch. Cô bé cứ đùa với những bụi nước, chẳng để ý lời tôi. Anh cứ tưới đi, em cũng là Lan. Tôi cáu, xịt cho nước rơi ướt cả tóc, cả áo cô bé. Mấy cô bạn cười rúc rích, khi về có cô còn nói vọng lại: Con Lan hên quá, gặp chú tiểu vừa đẹp trai vừa quậy. Tôi tủm tỉm cười. Sư huynh tôi cáu kỉnh: Mấy con Thị Màu đời nay quá quắt lắm. Bay không biết quyến rũ sư tăng là tội đoạ địa ngục hử? Tôi cự: Người ta chỉ đùa thế, có gì mà gọi là quyến rũ.
Từ đó, vài hôm một lần, Lan lại đến giúp tôi tưới hoa. Tôi dạy cho cô biết về phong lan, đây là cả một thế giới còn đa dạng hơn thế giới người. Phượng Vĩ đỏ rực, Tuyết Điểm thì trắng, Vũ Nữ thì như đang múa trước gió. Lan phụng phịu: Hoa nào cũng có tên riêng, chỉ em không có. Tôi nhìn khuôn mặt cô, đôi mắt trong trẻo với cái miệng hồn nhiên như trẻ thơ Vậy tôi đặt cho cô một cái tên. Tên cô là Tinh Khôi.
Thầy biết tình thân giữa tôi và Lan. Sư huynh không vui lòng, thầy chỉ bảo: Không can gì. Bạch thầy, người này có bạn thì người kia có bạn, rồi con gái kéo đến đầy thảo am, còn cái thể thống gì nữa?
Thầy gật đầu. Chiều lại, tôi mài mực hầu thầy, thầy đem cho tôi xem bộ tranh mười bức vẽ mục đồng chăn trâu. Đây là thập mục ngưu đồ, cũng là quá trình tu học của một con người. Trâu không là trâu, mà chính là cái tâm ta đó. Tôi động lòng, hỏi: Bạch thầy, con xem bức vẽ cuối cùng, không còn trâu, chẳng còn người, chỉ còn trăng soi. Vậy cớ gì phải sống trong dây trói. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc ngộ đạo mà không kiêng rượu thịt, vì chay mặn chỉ là hình tướng bên ngoài, không can hệ đến sự giác ngộ bên trong. Thầy cười: Đúng, con ạ, với bậc đắc đạo là thế. Nhưng khi ta còn là một người phàm, thì cũng như con trâu kia, phải có sợi dây buộc, có người chăn dắt. Đến khi cái tâm vững rồi, sáng rồi mới có thể như trâu đen thành trâu trắng, không ràng không buộc, chẳng những nhởn nhơ trên cỏ xanh mà còn bay lên chín tầng mây. Tôi vái thầy mà thưa: Con hiểu rồi, nhưng nhà chùa chẳng thể xua đuổi ai. Từ mai con xin thôi không giữ vườn lan nữa.
Mấy hôm sau, Lan thấy sư huynh ra tưới vườn, còn tôi thì chẻ củi. Anh không thích phong lan nữa sao?. Không. Muôn hồng nghìn tía, chẳng qua cũng chỉ để nhìn trong chốc lát. Một đời tôi chỉ riêng nhớ hoàng lan. Tôi giảng cho cô bé biết hoa hoàng lan cánh mảnh mai, vàng như màu chim hoàng yến. Thuở trước, cứ rằm, mồng một, các bà hàng hoa lại đến mua, họ gói hoa trong lá chuối, từng gói nhỏ xinh xinh toả thơm ngây ngất. Lan bảo: Thích ghê, em chưa thấy bao giờ. Ừ, loài cây ấy có lẽ giờ đây đã tiệt giống rồi hay sao, nhiều lần theo sư huynh đi chợ mua bông chuối, tôi để ý tìm mà không thấy nữa. Tôi lớn lên, lòng bâng khuâng như thiếu vắng một thứ gì, cứ mơ hồ nhớ nhớ, thương thương...
Cuối năm, anh em tôi kẻ kéo người đẩy, chở phong lan xuống phố đổi gạo. Ông chủ tịch hội hoa cảnh hài lòng lắm khi thấy những giò mũm mĩm với chồi xanh đầy nụ. Ba bao gạo lớn được bưng ra. Cha ơi, con có làm một ít bánh trái cây để cúng dường.Tôi nghe tiếng, quay lại, sững người vì thấy Lan. Ông chủ tịch âu yếm bảo: Cúng dường thì phải cung kính. Con phải tự lên chùa lạy Phật mà dâng. Tôi hãi hồn, vội nói: Thôi thôi, khỏi phiền nữ thí chủ. Nhận ngay ở đây. Lan bật cười, lại cái cười tinh khôi. Rồi Lan nhìn tôi buồn thiu: Sao lâu nay anh không ra vườn? Em lên chùa, biết anh trong bếp mà mấy chú không cho vào. Riết rồi em buồn không muốn đến nữa.
Mấy buổi sau, tôi theo các bạn cùng lớp vào quán. Lan ngồi ở đó, sau chiếc bàn con bên cửa sổ. Các bạn tôi ai cũng nhìn về phía Lan, còn cô bé thì chẳng nhìn ai, cứ lặng lẽ một mình. Ngồi ở một bàn xa mà tôi như thấy cả bầu trời hoàng hôn tím, tím ngát ngoài kia đang in trong đôi mắt Lan. Mãi đến khi chúng tôi ra về, Lan mới ngoái nhìn, ánh mắt thơ ngây mà não nùng. Bỗng dưng đỏ mặt, rồi tôi thấy hoảng sợ vì mình đã đỏ mặt...
Một người con gái chiều nào cũng ngồi ở quán Tím, chẳng bao lâu đã thành đề tài để bọn con trai bàn tán Con Lan sữa tươi trông xinh vậy chứ nó mắc bệnh sợ đàn ông. Đếch thằng nào đến gần được, nó tránh như tránh tà. Không phải đâu, nó giữ giá để chờ lấy Việt kiều, thằng Hùng ở Cali về ngày nào cũng trực ở nhà nó. Giữ giá cái gì, nó ưa thằng Quắn chạy bàn ở cà phê Tím. Tao thấy nó ngồi một bàn với thằng Quắn, khóc rưng rức. Tôi im lặng, một lát sau mới bảo: Khó tin. Ở đời chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra - bạn tôi nói, vẻ ông cụ non - Chiều qua chính mắt tao thấy nó chạy ra sau quầy đưa bức thư cho thằng Quắn.
Đạp xe về đã đến quá lăng Tự Đức, tự nhiên tôi bứt rứt không chịu được. Tôi quay xe, đạp về nhà Lan. Mưa phùn lướt thướt trên con đường về Bao Vinh xa tắp. Mẹ Lan hỏi: Nhà chùa có việc gì mà nhắc cháu lên? Thấy Quắn về nhắn, tôi cho cháu đi ngay rồi. Tôi tái mặt, không kịp chào, đạp xe đi như tên bắn. Tim tôi dội thình thịch vì âm vang những lời nói của sư huynh khi Lan mới lên thảo am lần đầu: Cô gái này đẹp đẽ thanh tú nhưng đuôi mắt quá dài, môi mỏng, cổ cao, tai nhỏ. Đấy là tướng hồng nhan mệnh yểu.... Trời chập choạng tối, tới Nam Giao. Nhìn dáo dác hai bên đường, tình cờ thấy Quắn và Lan cùng ngồi trong quán ốc. Quắn gọi rượu, đang ép Lan uống, Lan lắc đầu, Quắn cố nài. Tôi đi vào, đấm mạnh vào mũi Quắn: Đồ lừa đảo. Từ nay chừa cái thói dỗ gái đi. Quay sang Lan, tôi nạt: Đi về! Không biết Lan có bị một thứ thuốc mê gì không, mặt ngây ngây như bị bỏ bùa. Tôi chở Lan đi. Quắn biết tôi có võ Thiếu lâm nên đành chịu phép, hậm hực chùi máu mũi nhìn theo, cái nhìn của một con thú mất mồi...
Trên đường về, Lan tỉnh lại, gục mặt vào lưng tôi, khóc: Em nhờ Quắn chuyển đến anh nhiều thư, anh có nhận được không? Tôi cau mặt: Em khờ lắm, sao lại đi với thằng Quắn? Quắn bảo em uống vài chén cho ấm rồi lên đàn Nam Giao chờ Ninh đến. Em đừng quên, tên em là Tinh Khôi. Đừng dại dột để bọn lưu manh làm nhơ bẩn. Nước mắt Lan chảy thấm qua chiếc áo lam của tôi, thấm vào đến da thịt. Dừng xe, tôi ngồi xuống vệ cỏ ven đường. Lan ngồi bên tôi. Đêm nào nằm mơ cũng thấy anh dắt em đi thăm vườn phong lan. Mình về trồng lan trong sân nhà em đi, có thích hơn không? Tôi không trả lời, ngắt những cọng cỏ, vò nát trong đôi tay run run. Trên kia, trăng sáng quá, tròn và rực rỡ như chiếc mâm vàng giữa trời.
Bỗng nhiên lòng tôi miên man nhớ những câu chuyện cha tôi vẫn kể ngày xưa... Em có thích nghe chuyện cổ tích không? Thích. Tôi kể cho Lan nghe chuyện người tử tù đội chiếc mâm vàng đầy nước đi từ cổng hoàng cung vào trước ngai vua mà không sánh ra ngoài một giọt, Lan nghi ngờ: Sao có người làm được như thế? Tôi gật đầu: Ngày ấy, nhà vua cũng đã hỏi như vầy. Vị thiền sư trả lời: Bệ hạ hứa nếu y làm được thì sẽ tha tội chết. Vì lẽ sống chết của y, nên dù việc khó vô cùng mà y vẫn chăm chăm làm bằng được. Nay nếu bệ hạ cầu giải thoát cũng như người này cầu sống thì việc tu hành dù khó mấy cũng có thể vượt qua. Lan ngước nhìn tôi, lần đầu tiên tôi nhận ra trong hai cái giếng êm như nhung của mắt cô bé những tia sáng ương ngạnh lạ lùng. Em hiểu rồi. Anh xem tu hành là chuyện sinh tử của anh.
Vậy nếu em lại xem anh là chuyện sinh tử của em thì sao? Anh và em, ai đi trọn đường, ai bỏ cuộc? Tôi bảo: Em nói gì thế? Chuyện sống chết mà nghe cứ như là trò chơi sấp ngửa của trẻ con. Lan cười... Bàn tay nhỏ nắm lấy tay tôi, ngón thon vuôn vuốt như cánh hoa ngậm sữa. Vẻ đẹp này có phải phù du? Vẻ đẹp này là sắc hay không? Chỉ thấy ngợp vì trăng. Trăng sáng quá. Thôi, về đi em. Tôi đạp xe, trước mặt tôi chập chờn lấp loá những con đường. Những mê lộ giữa đạo và đời, giữa ma và Phật...
Việc lộn xộn ở quán ốc chẳng mấy ngày đã đồn đến chùa. Cô tôi biết, tốc lên ngay. Tôi bảo: Cô đừng lo. Chẳng có chuyện gì đâu. Không có lửa làm sao có khói. Ăn ốc, đánh lộn, dành gái. Thế còn gì là tu hành? Tau mà gặp con ma nữ đó, tau tước từ dưới tước lên. Tôi ngẩn người một lúc rồi hiểu ra, không nín được cười. Cô bực tức: Cháu tưởng chuyện gì cũng cười là xong sao? Quả là chuyện không thể cười mà xong. Mấy hôm sau, gia đình Lan mời tôi về.
Con ma nữ đã uống hai mươi viên Sedusen, may sao nhà biết được, chở đi cấp cứu. Mẹ Lan chắp tay lạy tôi như lạy Bồ Tát: Bác biết tính con Lan lắm, từ nhỏ nó đã nói là làm, đã làm là làm tới cùng. Sợ e cứu thoát lần này, nó lại tự sát lần nữa. Con cứu nó cho bác đi con. Tôi cuống quýt: Bác bảo con làm sao được? Con cứ giả vờ ừ đi, bây giờ nó mới lớn, tính còn ngông cuồng, vài ba năm nữa chững chạc rồi tự nhiên nó hiểu ra. Ông chủ tịch hội hoa cảnh mắt đỏ au, nhìn tôi chờ đợi một lúc rồi bảo vợ: Nói như bà cũng khó. Chú Ninh đây tướng mạo khôi ngô, trước sau rồi sẽ có phước được che lọng vàng. Lẽ nào vì con mình mà để người ta mang tai mang tiếng. Tôi thở dài: Cháu đi tu không phải là mong lọng vàng che đầu. Chỉ vì nguyện giữ thân trong sạch để tụng cho mẹ cháu một nghìn lần kinh Thuỷ Sám. Nhớ tới mẹ, tôi bất giác đau đớn trong lòng, đứng dậy đi...
Tôi về chùa, từ ấy không đi đâu. Thầy bảo: Sao con bỏ học? Tôi nói: Suối ở xa, con muốn ra triền núi đào giếng. Tôi tự đày mình trong những nhát cuốc trên sỏi đá, đêm về tụng kinh, vẫn đôi khi chợt nghe tiếng mình khắc khoải. Có lúc nửa đêm chợt tỉnh, thấy thầy ngồi bên giường, lâm râm niệm chú. Tôi hốt hoảng vùng dậy: Bạch thầy. Thầy tôi bảo: Con giật mình, nói mê luôn, hất tung cả chăn. Tôi nói: Con tỉnh rồi. Rước thầy đi nghỉ, con xin ra bệ Phật niệm Cầu An. Thầy lặng lẽ một lúc rồi bảo tôi: Tâm không an, có cầu cũng vô ích. Tôi gật đầu thú nhận.
Bao nhiêu đêm, cứ chợp mắt là thấy Lan hiện ra, mảnh dẻ, thanh thoát, đầu đội chiếc mâm vàng sóng sánh nước đi thẳng đến bờ vực. Tôi nghe tiếng thét của nàng vang động cả giấc mơ, nàng nhào xuống rơi thẳng vào không gian mênh mông như chiếc lá lìa cành trước gió. Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không? Xin thầy cho con hay, trời đất nặng hơn hay chiếc lá nặng hơn? Thầy nhìn vào mắt tôi: Chỉ có con tự trả lời được thôi.
Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết định lòng mình. Tôi lắc đầu: Thầy quên sao? Con đã thề khi nào đào xong giếng mới xuống núi.
Ra xuân, đường lên núi khô ráo. Hai tay tôi ướt bùn đỏ, những giọt nước đầu tiên đã ứa ra từ lòng đất sâu. Tôi chạy về chùa, định vào trình thầy nhưng người đang làm lễ. Có người thí chủ dâng hương trong bệ Phật, mùi trầm mới thơm thơm trong không gian.
Đang dội nước rửa tay, tôi nghe có người bước đến: Chú Ninh!
Tôi ngẩng lên. Mẹ của Lan. Bác lên chùa cầu cho em đi bình an... Bà đưa cho tôi một cái túi nhỏ, rồi vừa quay đi vừa đưa khăn lau mắt.
Những dòng chữ trong thư, mảnh mai và run run như những cánh lan:Bốn trăm ngày chờ anh ở quán Tím, cuối cùng em cũng hiểu ra là mình thua cuộc. Đã đi mà chẳng tới, lẽ ra thì phải chết. Nhưng em chết thì anh làm sao yên lòng đi trọn con đường tu. Vì vậy, em đã quyết định lấy chồng xa xứ. Trong cái túi này là cây hoàng lan con, em nguyện tìm cho anh bằng được rồi mới ra đi. Em vẫn nhớ lời anh nói, một đời anh chỉ thích hoàng lan...
Người ta cứ bảo em khôn, lấy ông Việt kiều đi Tây đi Mỹ cho sướng chứ theo chi chú tiểu trọc đầu. Nhưng đi Tây đi Mỹ không phải là chí nguyện của em. Lấy một người mình không thương, đến một nơi xa lạ với em còn khổ hơn là chết. Xin anh hãy tụng cho em một lần kinh cầu siêu thoát, một lần thôi...
Bất giác, tôi oà khóc. Nước mắt theo nhau lăn trên má tôi như ép cho hết những dòng tục luỵ cuối cùng. Cứ khóc đi con - Thầy vỗ về khi thấy tôi luống cuống che mặt - Thầy chưa nghe nói gỗ đá thành Phật bao giờ. Tôi nức nở: Bạch thầy, thầy có cho con trồng cây Hoàng Lan không?
Thầy bảo: Cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao dung? Rồi một tay dắt tôi, một tay cầm túi cây đến bên góc vườn, thầy tự mình trồng xuống.
Tôi tưới cây bằng nước giếng chùa. Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian.
Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ.
Trần Thùy Mai.
Psted by vanhoa at 8:16 PM No comments:
Labels: BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 0141
ĐIỆP-MỸ-LINH * TRUYỆN NGẮN
*
BÊN CẨU XÓM-BÓNG*
ĐIỆP-MỸ-LINH
Đập mạnh tay vào thành xe để tạo tiếng động lớn, Huân vừa reo vui vừa vẫy tay về phía người bán hàng bên cầu Xóm-Bóng, cạnh bậc cấp dưới chân Tháp Bà và reo lên:
- Má! Má ơi, Má! Con nè, Má! Mỗi lần nghe tiếng đứa con thân yêu, Hạnh lính quýnh, bỏ quày hàng và bỏ cả khách hàng, chạy ra sát lề đường, vừa che mắt vừa nhìn theo chiếc xe đò để thấy anh chàng “lơ” xe vừa vẫy tay về phía Hạnh vừa cười. Chiếc xe đò lẫn khuất trong dòng xe cộ ngược xuôi trên cầu Xóm-Bóng, nhưng Hạnh vẫn tần ngần nhìn theo. Ôi, chiếc cầu nối hai miền thân yêu của quê Nội hiền hòa mà sao chiếc cầu lại chia cách Hạnh với Phong – kể từ ngày Hạnh tiễn Phong trở lại đơn vị lần sau cùng!
Chỉ vài năm sau, khi Phong biền biệt nơi nào gia đình không nhận được tin, chiếc cầu lại chia cách Hạnh và Huân để Huân theo những chuyến xe đò xuyên Việt, kiếm tiền nuôi thân và cũng giúp Mẹ nuôi em. Khi nào nhớ đến Phong và Huân, Hạnh cũng mủi lòng, đưa tay quẹt nước mắt. Vừa khi đó, Hạnh bị níu tay và giọng ái ngại của Thủy vang lên nho nhỏ: - Má! Đừng khóc, Má. Hạnh quay lại và nhận ra cặp mắt của Thủy cũng ửng đỏ. Thủy nén tiếng nấc, tiếp: - Má đã hứa với con là Má không khóc nữa mà! Nếu Má cứ khóc mỗi khi thấy anh Huân thì con sẽ dặn ãnh, khi nào xe chạy ngang đây, anh ấy sẽ không gọi má nữa .
Giọng Hạnh có vẻ hoảng hốt: - Đừng! Đừng, con. Lâu lâu Má mới thấy anh Huân một lần mà, con. Thủy ân cần kéo tay Hạnh: - Đi, Má. Má trở lại thối tiền cho người ta. Như hiểu phần nào thảm cảnh của Mẹ con nàng, người khách khoát tay. Thôi, chị giữ để mua quà cho cháu. Rồi người ấy lẫn vào với nhóm du khách vừa từ Tháp Bà xuống. Thấy khách thưa dần, Thủy đề nghị: - Chiều rồi, con về nấu cơm rồi con sửa sọan đi học nhen, Má. A, mà Má về thì Má ăn trước đi, đừng chờ con. Trước khi lên xe đạp, Thủy quay lại, dặn dò: - Má không muốn nghe tiếng hát của ông công an “dê” Má thì Má đóng cửa lại, nhen, Má.
Quanh xóm ai cũng biết chàng thiếu tá công an si tình Hạnh. Nhiều người khuyên Hạnh nên “chấp nối” để các con đỡ khổ và cũng để cho Hạnh bớt nhọc nhằn. Hạnh chỉ yên lặng, cười. Bây giờ nghe Thủy nhắc đến anh công an, Hạnh cũng chỉ cười, khoát tay cho Thủy đi. Nhìn dáng Thủy gầy guộc băng ngang con đường nhựa, Hạnh tưởng như Hạnh có thể thấy được hình ảnh của chính nàng cách nay rất lâu; có khác chăng, Thủy, vì đói khổ và bị đời “nhào nặn” cho nên Thủy gầy gò, sành sỏi, và lanh lẹ. Và Hạnh, ngày xưa, lại tươi thắm, dịu dàng, xinh đẹp và còn có tý tài mọn. Chính tý tài mọn và nét dịu dàng, quý phái của Hạnh đã làm nhiều thanh niên trí thức của Nha trang say mê. Khi giáp mặt với những nhân vật theo đuổi Hạnh, tại nhà của Hạnh, Phong cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ Phong có thể “chiến thắng” được – dù Phong là một sĩ quan Lôi-Hổ!
Khi nhận biết Hạnh có cảm tình đặc biệt với Phong, Phong vừa vui thích, vừa hãnh diện, vừa nghi ngờ, không hiểu Hạnh yêu chàng hay là Hạnh – vì sự ngây thơ, dại khờ và tâm hồn lãng mạn của một nghệ-sĩ tài-tử – bị lời ca của bản Chiến Sĩ của Lòng Em khích động! Lý do Phong nghĩ như vậy là vì, một lần về phép, Phong được mấy cô cậu em rủ đi xem văn nghệ do học sinh trường Võ-Tánh trình diễn tại rạp Minh-Châu. Suốt buổi trình diễn, mục nào Phong cũng tán thưởng nồng nhiệt để cổ võ tinh thần các em học sinh của ngôi toàn, ban Toán.
Nhưng đến mục đơn ca do cô bé tóc kẹp, hơi gầy, tên Hạnh, trình bày thì Phong lại ngồi yên, lòng cảm thấy rộn ràng, phơi phới, lâng lâng theo điệu swing. Khi Hạnh hát đến câu: “…Khi nước nhà phút ngã nghiêng, em mơ người trai anh dũng, mang thanh thế hiến giang sang, chí quật cường hiên ngang. Chiến sĩ của lòng em đắm đuối ước mơ, ở chiến trường xa giải nắng, dầm mưa…” (1) thì Phong tưởng như quanh chàng không còn ai và Hạnh hát bài này cho chàng và chỉ cho một mình chàng thôi. Phong chợt mỉm cười. Mấy người em của Phong không bỏ sót một cử động nào của Phong cả.
Khi thấy Phong cứ tủm tỉm cười một mình và đôi vai nhun nhún, đầu gật gật nhè nhẹ, mấy người em bấm nhau, cười. Cô em liếng nhất nhà nghiêng sang Phong, nói vừa đủ cho Phong nghe: “Bắt được anh Phong rồi đó nghe. Nhỏ Hạnh học lớp em đó, anh bao tụi em đu đủ bò khô, em giới thiệu cho.” Phong vờ “ký” lên đầu cô em. Cô em cười, né sang một bên. Khi buổi trình diễn chấm dứt, với nước da sạm nắng và nhân dáng cao lớn, đượm chút phong trần của Phong – trong bộ quân phục bốn túi, màu hoa rừng và chiếc ‘bê-rê’ màu nâu đội hơi nghiêng – nổi hẳn lên giữa những khuôn mặt trẻ thơ và những bộ đồ dân sự. Nhiều nam sinh len lén nhìn Phong với ánh mắt đầy thiện cảm và thán phục. Riêng Hạnh, khi được cô em của Phong giới thiệu, Hạnh chỉ lễ phép cúi đầu chào chứ không biết gì để nói. Sau đó, mỗi khi được về phép, Phong thường đến nhà thăm Hạnh và xin phép ông bà Hiển – Ba Má của Hạnh – để Hạnh đàn cho chàng nghe. Hạnh vui vẻ đàn chứ Hạnh cũng chẳng nghĩ gì.
Rồi một hôm, Hạnh được một người bà con cho tháp tùng nhóm học sinh ủy lạo binh sĩ tiền đồn, gần biên giới Lào-Việt. Toàn nhóm được di chuyển bằng trực thăng, sáng sớm khởi hành, chiều trở về. Chiều, trong khi đi bộ dọc theo con đường mòn quanh co từ ngọn đồi xuống chân đồi để đến bãi đáp trực thăng, Hạnh bỗng nghe tiếng hát và tiếng đệm Guitar, trong điệu Rhumba Melody, văng vẳng trong gian im vắng của núi rừng. Nhờ trình độ thẩm âm cao, Hạnh nhận ra tiếng hát và tiếng đàn không phải từ radio. Tuy nhiên, tiếng hát và lời ca của bản nhạc trong khung cảnh này tác động mạnh vào tâm hồn rất nhạy cảm của Hạnh. Hạnh bước chậm lại, lắng nghe, câu được câu mất: “…Chiều nao, anh đứng gác ngoài biên khu. Gió xa về dâng sương khói mịt mù. Đàn chim tung cánh bay về tổ ấm. Đêm xuống phai nhòa quê hương yêu dấu…Đây, núi rừng âm u, suối rừng vi vu, khói lam u huyền lững lờ buôn trên xóm vắng. Đây, những chiều hành quân, xóm nghèo dừng chân, nhớ thương Mẹ già xa xôi lắm…” Nhìn quanh, Hạnh chợt thấy một người mặc quân phục hoa rừng, mang giày trận, đội nón sắt, đang ngồi trên “lô-cốt”, vừa đàn vừa hát một mình. Trong những tia nắng cuối ngày, hình ảnh của người-lính-nghệ-sĩ trông vừa rực rỡ, vừa hào hùng, vừa lãng mạn... Hạnh bàng hòang dừng lại, nhìn sững và nghĩ, hình tượng đẹp quá! Hình tượng đáng yêu quá! Việt-Cộng – dù là những người vô tri – có lẽ cũng không nỡ “bắn sẽ” khi nghe người-lính-nghệ-sĩ ca lên nỗi niềm của mình đối với quê hương, đối với gia đình và đối với thân phận của chính mình.
Một vị sĩ quan của đơn vị trú đóng quay lại thúc Hạnh đi nhanh, vì ngại trời tối sẽ nguy hiểm. Hạnh chỉ người-lính-nghệ-sĩ và hỏi tên. Vị sĩ quan đáp: “Thưa cô, đó là thiếu úy Phong, thuộc đơn vị bạn, đến tăng cường cho đơn vị của chúng tôi.” Hạnh ngạc nhiên: “Sao lúc trưa các anh không mời anh ấy hát?” Vị sĩ quan cười: “Dạ, đơn vị của anh ấy đi hành quân mới vừa về thôi. Chiều nào cũng vậy, sau khi hành quân trở về, Phong cũng ngồi chỗ đó, đàn và hát một mình.” Hạnh ngập ngừng: “Dạ, anh biết anh Phong họ gì không, thưa anh?” Vị sĩ quan lại cười và đưa tay có ý giúp Hạnh bước lên trực thăng: “Thưa cô, xin lỗi, tôi không để ý. Nhưng tôi nghe ai cũng gọi anh ấy là Phong Lôi-Hổ.” Thốt nhiên tim của Hạnh lỗi một nhịp. Từ trực thăng, nhìn những dòng sông uốn khúc, những ruộng lúa xanh rì, và đồi núi chập chùng tiếp nối nhau, Hạnh nhận ra vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương. Nhưng hình ảnh khắc ghi vào tâm khảm của Hạnh lại là một Phong Lôi-Hổ ôm Guitar ngồi trên “lô-cốt” hát bản Chiều Biên Khu…
Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng, Hạnh chợt nghe tiếng: - Chị ơi, chị! Cặp ngựa bằng đá này giá bao nhiêu? Hạnh hơi lúng túng. Chỉ một thóang thôi, Hạnh bình tĩnh trở lại, mỉm cười, nhìn người khách và cho giá món hàng. Người khách rất dễ giãi, không trả giá, yêu cầu Hạnh gói cặp ngựa màu xam xám. Trong khi gói hàng, Hạnh cảm biết người khách đang nhìn nàng chăm chăm. Khi trao hàng cho người khách, Hạnh nhìn ông ấy. Ông ấy, một tay đưa tiền, một tay nhận gói hàng nhưng ánh mắt vẫn không rời Hạnh. Bất ngờ ông khách hỏi: - Hạnh! Có phải chị là Hạnh, con ông bà Hiển không? Hạnh vô cùng ngạc nhiên - Tại sao ông biết Ba Má tôi? Ông khách nhìn quanh, không thấy ai lạ, ngoài người con trai của ông đang ngồi trên yên xe đạp, chờ ông, ông đổi cách xưng hô: - Hạnh! Em không nhận ra anh cũng phải. Bao nhiêu năm gian khổ trong rừng sâu và gần hai mươi năm tù khổ sai thì làm thế nào em nhận ra anh được! Hồi trước anh chơi Hạ-Uy-Cầm ... Duy chưa dứt câu, Hạnh đã vui mừng reo lên nho nhỏ: - Anh Duy, phải không? - Ừ, anh đây. - Ba Má em và mấy cô chú hồi trước trong ban Bình-Minh đều nghe nhiều người bảo là anh theo Kháng Chiến và sau đó bị bắt, bị tù đày. Duy cười: - Ừ. Còn Phong thì sao? - Dạ… Hạnh chỉ thốt lên được một tiếng rồi nghẹn ngào. Duy nắm tay Hạnh, nhìn vào mắt nàng: - Hạnh! Em đừng nói với anh là Phong đã chết, nghe chưa? Anh mà còn sống thì không thể nào Phong chết được. - Anh gặp anh Phong ở đâu, anh Duy? - Anh và Phong gia nhập một tổ chức Phục-Quốc. Hạnh khóc òa: - Ôi, Trời ơi! - Hạnh, một người như Phong không bao giờ để Việt-Cộng cầm tù một cách êm thắm đâu. Em nên nhớ và nên hãnh diện về chồng của em. Hạnh im lặng. Nàng không lạ gì bản tính liều lĩnh, can cường và bất khuất của Phong. Nhưng Duy đưa tin đột ngột quá khiến Hạnh bàng hoàng. Duy tiếp: - Anh trở lại nhà của Ba Má em nhưng không ai biết Ba Má em đi đâu cả. - Họ tịch thu nhà rồi đuổi Ba Má em đi kinh tế mới. Em và hai đứa con của em cũng bị đi kinh tế mới suốt thời gian dài. Cách nay khoảng một năm, à, anh nhớ Tân, em của em không? - Ừ, cái thằng ôm ốm, sau đi Thủ-Đức rồi về Pháo Binh diện địa đó chứ gì? - Dạ. Tân bảo lãnh Ba Má em sang Mỹ.
Nhờ Ba Má em gửi tiền về giúp cho nên em mới tìm cách đưa hai cháu về được đây. - Vậy là mừng cho hai Bác. Còn em và hai cháu, Tân có dự tính bảo lãnh em và hai cháu không? - Thưa anh, có, nhưng em từ chối. - Tại sao? Trời! Sao em dại quá vậy? - Anh nghĩ xem, em đi sao đành khi mà em không biết tin tức gì về anh Phong cả. - Phong không liên lạc gì với gia đình sao? - Dạ không. - Nhưng em ở lại em cũng không thể lo gì cho Phong được. Em hãy nghĩ đến tương lai hai cháu. - Em đã nghĩ đến điều đó. Nhưng, cháu Huân trên 21 tuổi, không đủ điều kiện. Cháu Thủy đủ điều kiện. Nhưng, Thủy và em sang Mỹ làm gì trong khi anh Phong vẫn biệt tăm và cháu Huân ở lại đây một mình? Duy trầm ngâm một chốc: - Em nghĩ như thế cũng phải. Hạnh nhìn Duy: - Anh Duy, anh cho em hỏi anh một câu, được không? - Ơ, cái cô này! Em muốn hỏi gì thì cứ hỏi, sao lại phải xin phép? - Vì câu này có thể chạm tự ái của anh. - Chạm gì? Em nhớ, hồi đó, em đàn hoặc hát sai nhịp là anh rầy liền. Anh đâu có sợ chạm tự ái em. Anh em là phải như thế. - Dạ, em muốn hỏi anh là anh hiền và dáng vóc trông nghệ sĩ như vậy mà tại sao anh xin về Thủy-Quân Lục-Chiến rồi sau lại dám theo Kháng Chiến? - Ơ, nghệ sĩ thì nghệ sĩ, hiền thì hiền chứ. Thủy-Quân Lục-Chiến chỉ dữ với Việt-Cộng thôi chứ đâu có dữ với ai. Còn anh, Ông bà Nội Ngoại và Bố Mẹ của anh đều bị Việt-Cộng đấu tố đến chết…
Duy nói chưa dứt câu, vội dừng lại, vì tiếng cô bé đạp xe đạp ngang qua: - Thưa Má con đi học. Hạnh đưa tay ngoắt Thủy: - Thủy! Con tới chào bác Duy, con. Sau khi Thủy dựng xe đạp, khoanh tay chào, Duy xoa tóc Thủy: - Con gắng học giỏi cho Mẹ vui, nhé. Nhìn sang Hạnh, Duy tiếp: - Con bé giống y như em, hồi em còn bé. Ờ, mà sao em không cho cháu nó học lớp ban ngày? - Dạ, ban ngày cháu phải phụ em bán hàng; nếu không thì trẻ con ăn cắp. Mấy đứa bé ăn cắp nhanh và “nghề” lắm, một mình em trông hàng không được. Hạnh vừa dứt câu, người con trai của Duy lên tiếng: - Bố ơi, sắp đến giờ đón Mẹ, Bố coi chừng trễ. - Ô, anh phải đến nhà thương đón chị. Anh mua cặp ngựa này để biếu bác sĩ điều trị cho chị đó. - Chị bị bệnh gì mà phải vào nhà thương? - Sau khi nghe anh bị “tòa án nhân dân” kết tội 18 năm khổ sai, rồi đứa con gái của anh chị đi vượt biên bị hải tặc hiếp dâm đến chết, chị chịu không nổi, điên! Thôi, chuyện dài lắm, cũng giống chuyện của Phong và anh vậy. Ghi địa chỉ của em vào mảnh giấy gói hàng đây, hôm nào anh ghé thăm, anh kể hết cho em nghe. Duy vội vả quay đi. Hạnh chạy theo, đưa lại tiền cho Duy: - Anh Duy, cho em gửi lại tiền. Em không lấy tiền đâu. Em biếu anh chị….
Duy khóat tay trong khi người con còng lưng đạp lấy trớn. Còn lại một mình, thấy khách nhàn du thưa thớt, Hạnh muốn dọn hàng về; nhưng tự dưng Hạnh cảm thấy sợ hãi niềm cô đơn nên không muốn về. Hạnh khoanh tay trước ngực như muốn ôm kín nỗi quạnh hiu. Nhìn mong ra dòng sông Cái, Hạnh thấy chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng và hai bên bờ sông cây cỏ nhạt nhòa trong bóng hoàng hôn; chỉ có hòn đá Chữ ngạo nghễ vương cao để những tia nắng cuồi ngày ve vuốt từng kẻ đá rong rêu. Nhìn hòn đá Chữ một lúc Hạnh mới nhận ra những đóm sáng thật xa, kết thành hình cánh cung. Đó là những ngọn đèn đường dọc bờ biển Nhatrang. Dọc theo bờ biển đó, ngày xưa, mỗi lần về phép, Phong và nàng thường lặng lẽ đi bên nhau. Khi chiều xuống, “hai đứa” dừng chân bên gốc dừa hoặc ngồi cạnh nhau nơi bãi vắng.
Những lúc đó Phong thường bảo Hạnh hát cho chàng nghe. Phong thích nhất bài Dans Tes Bras của Dalida – một nghệ sĩ tài danh mang hai dòng máu Pháp và Ai-Cập. Hạnh tựa đầu lên vai Phong, hát nho nhỏ. Phong âu yếm vuốt tóc nàng. Khi Hạnh hát đến đoạn: “…Dans tes bras je m’endors dans tes bras jusqu’au jour qui viendra me séparer de toi loin de toi chaque instant loin de toi j’attends ce moment-là je l’attends chaque fois Loin de toi…” Phong tưởng như tiếng hát của người yêu vang vọng cả vùng không gian êm đềm quanh đây và vang vọng trong trái tim ngùn ngụt thương yêu của chàng.
Tình thương yêu bao la của Phong, không những Phong dành cho Hạnh mà, trên hết, Phong dành cho Chúa và cho Cha Mẹ. Nhưng, lạy Chúa! Phong nghĩ rằng Phong đã phụ lòng Chúa và Cha Mẹ; bởi vì Cha Mẹ gửi Phong vào chủng viện, hy vọng sau này Phong sẽ trở thành linh mục. Nhưng Phong, với bản tính phóng khoáng, thích phiêu lưu, thích thực hiện những điều mà “người lính chiến thường kể cho nhau nghe”, cho nên Phong rời chủng viện, thi vào Trường Võ-Bị Quốc-Gia Dalat. Sau khi mãn khóa, Phong chọn binh chủng Lôi-Hổ để thỏa chí tang bồng. Thời gian đầu, Cha Mẹ rất bất mãn, buồn phiền.
Nhưng thấy Phong vui và Phong rất hãnh diện về bộ quân phục của chàng, Cha Mẹ tha thứ cho Phong và Cha Mẹ lại hãnh diện với bạn bè, làng xóm về Phong. Niềm hãnh diện của Cha Mẹ đối với Phong chẳng khác chi niềm hãnh diện của Phong khi Phong sánh bước cùng Hạnh trên những con đường thương mến quanh ngôi trường Võ-Tánh. Khi đi trên con đường chia cách trường Võ-Tánh và bệnh viện Nguyễn-Huệ, Hạnh thấy một chiếc Jeep chậm lại và từ chiếc Jeep, một sĩ quan mặc quân phục Hải-Quân chồm ra, nhìn Phong: “Phong! Phải Phong không?” Phong vui mừng reo lên: “Dạ, thưa Thầy, em, Phong đây.” Vị sĩ quan Hải-Quân bước xuống, bắt tay Phong: “Sao, khỏe không? Dạo này ít thấy Phong ghé thăm.” Phong cười: “Dạ, vì em bận hành quân liên miên. Em cũng tính nay mai ghé thăm Thầy đó chứ.”
Vị sĩ quan Hải-Quân vỗ vai Phong: “Thôi, gọi bằng anh đi. Kỳ này Phong về được mấy ngày?” Phong chưa kịp đáp đã thấy vị sĩ quan Hải-Quân nhìn về phía Hạnh rất nhanh, ánh mắt như dò hỏi. Phong xoay sang Hạnh, giới thiệu: “Dạ, thưa Thầy, ô, thưa anh, đây là cô Hạnh, bạn của em. Và đây là Thầy Sơn, giáo sư của anh.” Sơn xuất thân từ một trường đào tạo sĩ-quan Hải-Quân của Pháp. Sau khi trở về nước và phục vụ cho Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa, Sơn trở thành Thầy của nhiều khóa sĩ-quan Hải-Quân Nhatrang. Và sau đó Sơn trúng cử và trở thành Dân Biểu Quốc-Hội. Hạnh chỉ biết như vậy thôi. Đến khi nghe Phong giới thiệu, Hạnh ngây thơ: “Ủa, Thầy dạy ở Võ-Tánh tại sao em không biết?”
Phong cười, pha trò: “Cái cô này! Thầy là giáo sư của những lớp lớn, như anh nè. Còn em là học trò…hụt.” Sơn cười hiền hòa: “Tôi là Thầy…hụt của Hạnh thì đúng hơn.” Nói xong, cả ba người cùng cười… Nhớ đến kỷ niệm vui, Hạnh bình tâm trở lại. Hạnh lủi thủi dọn hàng về. Sau khi hâm nóng nồi cá nục kho khô, gắp ra dĩa, Hạnh xắt trái dưa leo, đem hai chén và hai đôi đũa để trong lồng bàn, đậy lại. Hạnh ngồi nơi ngạch cửa đợi con về. Khi nào thấy Hạnh, anh thiếu tá công an – được “nhà nước” cho chiếm cứ ngôi nhà của một sĩ quan “Ngụy” đã di tản, nằm đối diện con hẽm nhỏ, trước ngôi nhà Hạnh thuê – cũng cất tiếng ca “tồ tồ” để ve vãn Hạnh: “…Hoàng hôn nhuộm sương buồn. Là mùa Thu thê lương. Em mõi mòn mong chờ một ngày về quá xa. Dưới rèm mắt em mờ trông bóng anh với quân lên đường. Lá rơi, kìa, Thu! Thu đến bao lần. Hỡi người quả phụ phòng không. Mùa Thu đến chàng không về. Hôm nay hoa lá rơi điêu tàn! Ai ơi, mùa Thu đến cô đơn…”.(2) Hạnh than thầm, lời ca sướt mướt của một bản nhạc tình được viết theo thể điệu Boston, âm giai Ré trưởng mà được anh chàng công an “xướng” lên như vậy thì quả là…phản nghệ thuật!
Hạnh bực mình, vào giường, lấy gối che tai để khỏi phải nghe. Tuy không phải nghe, nhưng vì anh thiếu tá công an cứ hát bản đó hoài cho nên Hạnh thuộc và Hạnh nhận ra lời ca của bản nhạc đó diễn tả được phần nào hòan cảnh và tâm trạng của nàng. Và tối nay, lời ca của bản nhạc đó lại đem niềm thương nhớ Phong trở về trong lòng Hạnh. Hạnh mủi lòng, khóc cho sự quạnh hiu của nàng; khóc cho sự khổ nạn của Phong; và khóc cho hoàn cảnh thiệt thòi của Huân và Thủy. Hạnh cứ để nước mắt tuôn tràn, không cầm giữ mà cũng không lau. Một lúc lâu lắm, Hạnh cảm biết như có người đến cạnh nàng. Và mùi da thịt của người chồng hơn 20 năm bặt tin chợt thoang thoảng quanh nàng. Hạnh cảm nhận được Phong đang ve vuốt mái tóc đã ngã màu của nàng. Rồi Phong thì thầm hát cho nàng nghe: “Another day has gone. I thought I heard you cry asking me to come and hold you in my arms. I hear your prayers. Your burdens I will bear…you are not alone, for I am here with you. Though we’re far apart, you’re always in my heart for you are not alone…I am here to stay…” (3) Hạnh nắm bàn tay của Phong áp lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nàng để mê đắm theo tiếng hát của Phong.
Phong từ từ cúi xuống…Giữa lúc Hạnh sẵn sàng đón nhận nụ hôn nồng nàn của Phong thì Hạnh chợt nghe tiếng thì thầm của Thủy: - Má! Đừng khóc nữa, Má. Má phải phấn đấu để sống thì anh Huân và con mới có nơi nương tựa … Nói chưa dứt câu, Thủy sà vào lòng Mẹ. Hai Mẹ con ôm nhau, khóc vùi!
* * *
“Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây đâu còn phút sum vầy, đâu còn bóng người xưa, lạnh lùng ngắm trời mây. Ôi, quê hương giờ đây nát tan! Đò vắng không người sang, thôn xóm trông điêu tàn. Xa xa nghe tiếng chim kêu đàn, nghe suối reo bên ngàn, dường như oán như than!...” (4) Nghe người hành khất cứ hát tới hát lui mấy câu đó, Phong vừa khom người bỏ vài đồng tiền lẽ vào chiếc nón nhà binh rách, đặt trước mặt người hành khất, vừa nói nhỏ, giọng buồn bả: - Nè, anh bạn! Anh còn bài nào khác không, sao cứ hát bài này hoài, nghe buồn quá! - Tui đâu phải ca sĩ mà có bài khác. - Hát bài này anh không sợ sao? - Sợ gì? Tui cùi, đâu sợ lỡ. Mẹ, “uýnh” nhau mấy mươi năm không…rụng sợi lông; bầy đặt rút quân để tụi tui như rắn không đầu.
Lúc đó tụi tui đang quần thảo với quân chính quy Bắc-Việt tại đèo Phượng-Hoàng. Sau khi bắt được tụi tui, “cha con tụi nó” muốn sỉ nhục tụi tui, bắt tụi tui cởi bỏ đồ trận, bận quần xà-lỏn, áo thun, đi hàng một dọc theo đường cái. Mẹ! Tui đâu chịu nhục. Chờ thời cơ thuận tiện, tui cướp súng của một thằng cảnh vệ. Tui chưa kịp bắn thì thằng cảnh vệ khác bắn tui! “Cha con tụi nó” tưởng tui chết thiệt thành ra “cha con tụi nó” dẫn tù, bỏ đi. Suốt ngày Phong tìm Cha Mẹ, vợ con không ra, lòng rối như tơ vò. Bây giờ gặp người “nói chuyện xưa” Phong đưa đẩy câu chuyện trong khi tâm trí của chàng vẫn còn lo lắng, không biết sẽ tìm gia đình bằng phương cách nào! - Vậy anh là thứ dữ, “dân” Dù, phải không? - Sao biết? - Tôi từ trại giam Lam-Sơn về.
Trong trại giam Lam-Sơn có nhà giam số 10 dành cho trung đội Dù bị bắt tại đèo Phượng-Hoàng, thuộc quận Khánh-Dương… Người hành khất đánh vào đùi một cái, cắt lời Phong: - Chết mẹ rồi! “Cha con tụi nó” “tóm” trọn “ổ” trung đội của tui rồi! - Anh là cấp chỉ huy của đơn vị đó à? - Giỡn, cha! Sĩ quan Dù “ngon” lắm chứ đâu có như tui. Cấp chỉ huy gì ăn nói “ba đá” như tui, cha. Tui là lính trơn hà. Rồi sao nữa, cha kể tiếp cho tui nghe giùm đi. - Trung đội đó chỉ có một đại úy và một trung úy; số còn lại là hạ sĩ quan và lính. Người hành khất lầm bầm: - Ủa, còn ông Thầy của tui đâu cà? Lạy Trời cho ổng còn sống... Bất chợt người hành khất nhìn Phong, tiếp: - Còn cha? Cha làm gì mà vô trại Lam-Sơn? - Tôi bị bắt cùng một lần với trung đội Dù đó. - Ô, vậy cha cũng là thứ dữ rồi, mà sao cha được tha về, lẹ vậy? Bản tính bộc trực, “ruột để ngoài da” nhưng Phong hiểu không nên nói sự thật trong hoàn cảnh này cho nên nói hơi trại đi một tý: - Ban quản giáo phái tôi về đây mua cưa máy để tù nhân cưa cây, tự sửa sang nhà tù của mình.
Giọng người hành khất trầm hẳn xuống: - Sao không trốn đi, cha? Phong cười, chỉ Thiệt, đang ngồi chồm hổm trên bậc cấp, dưới chân Tháp Bà, nhìn chàng không rời: - Thấy anh trung sĩ đó không? Anh ấy là cán bộ hướng dẫn nhà 10. Ban quản giáo cử anh ấy đi theo tôi để “bảo vệ” tôi trong chuyến công tác này. Anh ấy hiền, rất dễ thương, có cảm tình với tất cả tù nhân chúng tôi. Từ nãy giờ nghe Phong nói chuyện rất nhã nhặn, bây giờ lại nghe Phong gọi “thằng Việt-Cộng” là anh trung sĩ, người hành khất nghĩ rằng Phong không cùng giai tầng với mình, cho nên đổi cách xưng hô: - Anh thấy “cha con tụi nó” dùng chữ hay không? Đi theo canh tù thì nói đi theo canh tù, bầy đặt gọi là bảo vệ! Còn anh, anh cũng là thứ dữ, vậy sao “cha con tụi nó” để anh về thành phố mà chỉ có một thằng đi theo? Phong cười, không đáp. Trong thời gian ở trại Lam-Sơn, Phong cố chinh phục lòng tin của ban quản giáo để mưu đồ việc lớn. Ban quản giáo không hề biết ý đồ “đen tối” của Phong cho nên có vẻ tin tưởng Phong.
Vì muốn tìm cách về thăm Cha Mẹ, vợ con một lần sau cùng trước khi cùng Duy thực hiện kế hoặch quy mô cho nên Phong nói với ban quản giáo là chàng muốn về mua cưa máy đem lên tặng cho Trại. Ban quản giáo phái Thiệt – có võ trang – đi theo. Suốt ngày đi theo Phong, Thiệt cảm thấy có cảm tình với Phong nhiều hơn, không phải vì Phong cho Thiệt ăn những món đặc sản miền Nam – do tiền Phong bán chiếc nhẫn cưới – mà vì phong thái của Phong rất hiên ngang, ngạo mạn, chẳng biết sợ ai.
Thiệt nhớ, trong một lần Thiệt đến trại 10 làm nhiệm vụ hướng dẫn, trong lúc vui miệng, Thiệt thuật lại cho nhiều “trại viên” nghe về một trận đánh đẫm máu giữa đơn vị của Thiệt và một đơn vị quân đội V.N.C.H. để giành một vị trí chiến lược gần Lộc-Ninh. Thiệt bảo, dù chấp nhận mọi tổn thất nhân mạng, đơn vị của Thiệt cũng vẫn không chiếm được mục tiêu. Phong cho biết, đơn vị của chàng được biệt phái tăng cường trong trận đánh đó. Và Phong kết luận: “Đánh đấm với các anh chán bỏ mẹ! Quân của các anh chỉ toàn con nít, cỡ 14 hay 15 tuổi, không biết gì khác ngoài việc xông tới, hết lớp này đến lớp khác.
Chúng tôi bắn quân của các anh chết, thây chồng chất lên nhau, trông vừa thương tâm vừa kinh tỡm!” Chưa hết! Khi ban quản giáo bảo “trại viên” viết bản thu hoặch, Thiệt thấy Phong chỉ viết có vài dòng. Thiệt hỏi. Phong bảo: “Các anh nói các anh đã biết hết rồi thì tôi còn gì để viết nữa. Tôi viết ngắn, gọn: Tôi là một sĩ quan Lôi-Hổ, một binh chủng được huấn luyện để thực hiện những công tác đột kích vào mật khi Việt-Cộng. Và tôi đã giết nhiều cán bộ cao cấp trong những lần đột kích đó. Tôi sẵn sàng nhận lãnh hậu quả của người chiến bại theo tinh thần thượng võ; không có gì để các anh khoan hồng hay bắt tôi khai báo.” Nhiều “trại viên” nhìn Phong với ánh mắt ái ngại. Một “trại viên” tên Sơn – mà Phong lộ vẻ rất kính trọng và nói với mọi người đó là Thầy của Phong – khuyên Phong nên thận trọng.
Phong đáp tỉnh bơ: “Thưa anh, em biết họ và họ biết rõ em. Trước sau gì họ cũng giết em. Hôm bị bắt, em đã muốn tự vẫn, nhưng vì em là người theo đạo Thiên Chúa. Bây giờ em phải nói để họ biết rằng người Lính V.N.C.H. không hèn nhát. Thua, chúng tôi chấp nhận mọi hậu quả. Chúng tôi không than trách, không đổ thừa đồng minh bỏ chạy.” Thiệt thầm nghĩ, Phong “chì” thật. Tiếng “chì” Thiệt bắt chước ngôn ngữ miền Nam. Là một người gan dạ và rất “chì”, nhưng suốt ngày tìm không được Cha Mẹ, các em và vợ con, Phong thiểu não ngồi nơi bậc cấp dưới chân Tháp Bà, gục đầu vào lòng bàn tay. Suy nghĩ mãi Phong cũng không thể đoán được điều gì đã xảy ra cho đại gia đình và tiểu gia đình của chàng. Cuối cùng, Phong nghĩ, có thể gia đình di tản ra ngoại quốc. Giả thuyết này giúp Phong yên lòng.
Phong ngẫng lên, nhìn suốt con đường quen thuộc đối diện với Tháp Bà. Trên con đường quen thuộc đó không biết bao nhiêu lần Phong lái Vespa chầm chậm, xa xa, lén theo sau Hạnh, rồi lượn qua lượn lại trước nhà nàng chứ không dám vào. Sau khi “hai đứa” thầm lén yêu nhau một thời gian, Hạnh viết thư cho Phong biết rằng ông bà Hiển không cho phép nàng quá thân thiện với những người khác tôn giáo và những sĩ quan tác chiến – như chàng. Phong buồn lắm, chỉ ngại Hạnh nghe lời Cha Mẹ, đoạn tuyệt với chàng. Và, Phong xin nghỉ phép đặc ân. Vào một buổi sáng cuối tuần, cũng trên con đường đó, trẻ em và người tò mò đã ùa ra nhìn hai chiếc Jeep. Chiếc Jeep đi trước chỉ có tài xế, ngồi cạnh tài xế là trung úy Lôi Hổ Nguyễn-Phong, trong quân phục đại lễ, lưng đeo súng lục, ngực đầy huy chương và trên xe cũng đầy sính lễ. Chiếc Jeep thứ hai gồm tài xế, một đại úy đại diện nhà trai và một trung úy phụ rể. Khi thấy hai chú lính trang trọng bưng sính lễ vào nhà và Phong cùng hai sĩ quan đột ngột xuất hiện, ông bà Hiển vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng phải ra tiếp. Ông Hiển hỏi: “Xin lỗi, quý vị có nhầm nhà hay không? Tại sao trung úy Phong hôm nay lại xuất hiện một cách trang trọng như vậy?” Vị đại úy chủ hôn trình bày lý do. Ông Hiển lắc đầu: “Chúng tôi chưa bao giờ chấp thuận lời cầu hôn của bất cứ ai, cho con gái của chúng tôi”.
Vị đại úy xin ông bà Hiển cho phép Hạnh ra phòng khách để được xác định. Bà Hiển vào gọi Hạnh. Hạnh – đã theo đúng kế hoặch do Phong dặn trước – e dè bước ra trong chiếc áo dài màu hồng, tai đeo đôi hoa tai lấp lánh, cổ đeo kiền chạm, tóc vấn khăn vành. Ông bà Hiển chỉ biết nhìn nhau. Vị đại úy chủ hôn hỏi Hạnh: “Cô Hạnh! Cô biết hôm nay là ngày gì và tại sao chúng tôi dâng sính lễ hay không?” Hạnh thẹn thùng cúi mặt, nói nho nhỏ: “Kính thưa Ba Má! Xin Ba Má tha tội cho con. Hôm nay là ngày anh Phong xin phép Ba Má cho con về làm vợ anh ấy.” Ông Hiển giận quá, tái mặt, muốn nói đều gì đó; nhưng bà Hiển bấm tay ông, nói nhỏ: “Thôi, ông. Con nó lỡ thương thì thôi.” Trước khi nắm tay Hạnh bước ra xe, Phong hơi cúi đầu trước mặt ông bà Hiển: “Con xin biết ơn Ba Má.” Ông bà Hiển vừa giận vừa buồn nhìn theo hai chiếc Jeep. Trẻ con chạy theo xe reo hò trong khi Hạnh, ngồi cạnh Phong, khóc sướt mướt; không biết Hạnh khóc vì lấy được người nàng yêu hay là khóc vì đã làm Cha Mẹ buồn lòng!
Ngày xưa đó, dù Hạnh khóc vì lý do nào đi nữa thì những dòng nước mắt của Hạnh cũng không mang niềm uất hận và sợ hãi như khi Hạnh khóc lúc hay tin đơn vị của Phong “tan hàng”! Nghĩ đến Cha Mẹ, ông bà Hiển và vợ con cùng những quân nhân trong đơn của chàng, Phong chỉ biết thở dài. Xa xa, tiếng hát của người hành khất vẫn dội vào tâm thức buồn thảm của Phong: “Về đây…”
* * *
Tại trại Lam-Sơn, thời gian đầu, vợ con tù nhân có thể thăm viếng tù một cách dễ giãi. Nhưng Phong không muốn nhắn cho gia đình biết tin vì chàng có dụng ý riêng. Trước cổng trại Lam-Sơn ban quản giáo còn cho phép họp chợ bán thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tù nhân. Nhờ vậy Phong mới bán đưọc chiếc nhẫn cưới. Nhiều tù nhân nghĩ, ở tù mà được thong dong mua bán “linh tinh” thì cũng không đến nỗi nào.
Khi từ Nhatrang trở về, thấy không ai mua bán gì trước trại Lam-Sơn như mọi hôm, Phong hỏi Thiệt. Thiệt bảo chả biết. Sơn tính nhạy bén báo cho Phong biết rằng có chuyện không hay. Vào trong Trại, sau khi trình diện ban quản giáo, Phong vội vã trở về nhà 10. Vừa thấy Phong, Sơn kín đáo ra dấu để Phong theo chàng ra ngoài. Nhìn quanh, không thấy ai, Sơn cho Phong biết, hôm qua Duy và vài bạn tù vượt thoát, nhờ lẫn vào những người buôn bán trước cổng Trại. Phong sốt ruột: “Có ai bị bắt lại không, anh?” Sơn lắc đầu: “Không. Hy vọng tất cả thoát được. Có điều tệ hại là ban quản giáo đã tìm ra danh sách của những tù nhân liên hệ trong một tổ chức bí mật! Tôi thấy Phong thân với anh Duy cho nên tôi báo cho Phong biết. Cẩn thận, nha.” Phong ngần ngừ, muốn nói điều gì đó, nhưng vội ngưng.
Chiều đến, đang ngồi cạnh con đường đất, Sơn bỗng nghe tiếng Phong từ một GMC đang chạy ngang: “Anh Sơn ơi! Em đi đây. Vĩnh biệt anh!”. Sơn vội đứng lên, nhìn theo. Sơn thấy Phong đưa cao tay vẫy vẩy và cố hét lớn: “Anh Sơn! Vĩnh biệt anh!” Sơn đứng lặng, tưởng như tiếng gào của Phong vang dội, làm rung ring cả núi đồi. Khi chiếc GMC khuất ở cuối đèo chính là lúc một tâm niệm vừa khởi lên trong lòng Sơn. Nếu còn sống, Sơn sẽ tìm mọi cách gặp vợ con của Phong để kể lại giây phút bi hùng của Phong Lôi-Hổ. Hơn ba mươi năm sau, từ ngọai quốc trở về thăm quê hương, tình cờ Sơn gặp lại Duy. Sơn cho Duy biết tâm nguyện của Sơn. Duy vui mừng: “Anh đến nhà giờ này không gặp cô ấy đâu. Anh đến thẳng chỗ quày hàng, bên kia cầu Xóm-Bóng, dưới chân Tháp-Bà, là anh thấy Mẹ con của cô ấy ngay.”
* * *
Thời gian đã phôi phai, nhưng khi kể đến giây phút bi hùng có thật của Phong, Sơn vẫn tưởng như tiếng gào cùa Phong còn xóay sâu trong lòng chàng. Và Huân, khi nghe Sơn lập lại năm tiếng sau cùng của Phong, Huân chịu không nổi, vội đứng lên, đi nhanh ra chỗ khác. Thủy đưa tay quẹt nước mắt. Sơn nhìn Hạnh. Hạnh vẫn ngồi lặng yên, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông, không chớp. Tự dưng Sơn mong được thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng của Hạnh. Hạnh vẫn ngồi trơ như pho tượng. Một lúc lâu, Sơn thấy dường như Hạnh đang cố nuốt vật gì to lớn lắm. Sơn thở dài, thầm nhủ: “Khóc đi Hạnh! Khóc đi cho vơi bớt sầu thương.” Hạnh vẫn không khóc. Nhìn con đò nhỏ xuôi dòng, Hạnh chợt nhớ lại câu nói của Duy: “…
Anh mà không chết thì không thể nào Phong chết được…” Vừa lúc đó Hạnh tưởng như nàng nghe được giọng hò êm ái của cô lái đò vang xa trong không gian loáng thoáng ánh trăng non: “....Hò… ho…hó…ho…ho…Nghe...gió lùa...trong đêm vắng. Em... mơ thấy chàng ... bên sông mờ trăng…” (5) Hạnh từ từ nghiêng sang Thủy, tựa đầu lên vai con, thổn thức… ĐIỆP-MỸ-LINH * Cảm tác và “mượn” vài chi tiết từ bài viết “Chuyện Một Người Chiến Binh Trong Cuộc Chiến Nam Bắc” của Trần-Bình-Nam. 1. Chiến Sĩ của Lòng Em của Canh-Thân 2. Thu Cô Phụ của Điệp-Linh 3. You Are Not Alone của R. Kelly 4. Trở Về của Châu-Kỳ 5. Bên Sông Cũ của Điệp-Linh
*
BÊN CẨU XÓM-BÓNG*
Đập mạnh tay vào thành xe để tạo tiếng động lớn, Huân vừa reo vui vừa vẫy tay về phía người bán hàng bên cầu Xóm-Bóng, cạnh bậc cấp dưới chân Tháp Bà và reo lên:
- Má! Má ơi, Má! Con nè, Má! Mỗi lần nghe tiếng đứa con thân yêu, Hạnh lính quýnh, bỏ quày hàng và bỏ cả khách hàng, chạy ra sát lề đường, vừa che mắt vừa nhìn theo chiếc xe đò để thấy anh chàng “lơ” xe vừa vẫy tay về phía Hạnh vừa cười. Chiếc xe đò lẫn khuất trong dòng xe cộ ngược xuôi trên cầu Xóm-Bóng, nhưng Hạnh vẫn tần ngần nhìn theo. Ôi, chiếc cầu nối hai miền thân yêu của quê Nội hiền hòa mà sao chiếc cầu lại chia cách Hạnh với Phong – kể từ ngày Hạnh tiễn Phong trở lại đơn vị lần sau cùng!
Chỉ vài năm sau, khi Phong biền biệt nơi nào gia đình không nhận được tin, chiếc cầu lại chia cách Hạnh và Huân để Huân theo những chuyến xe đò xuyên Việt, kiếm tiền nuôi thân và cũng giúp Mẹ nuôi em. Khi nào nhớ đến Phong và Huân, Hạnh cũng mủi lòng, đưa tay quẹt nước mắt. Vừa khi đó, Hạnh bị níu tay và giọng ái ngại của Thủy vang lên nho nhỏ: - Má! Đừng khóc, Má. Hạnh quay lại và nhận ra cặp mắt của Thủy cũng ửng đỏ. Thủy nén tiếng nấc, tiếp: - Má đã hứa với con là Má không khóc nữa mà! Nếu Má cứ khóc mỗi khi thấy anh Huân thì con sẽ dặn ãnh, khi nào xe chạy ngang đây, anh ấy sẽ không gọi má nữa .
Giọng Hạnh có vẻ hoảng hốt: - Đừng! Đừng, con. Lâu lâu Má mới thấy anh Huân một lần mà, con. Thủy ân cần kéo tay Hạnh: - Đi, Má. Má trở lại thối tiền cho người ta. Như hiểu phần nào thảm cảnh của Mẹ con nàng, người khách khoát tay. Thôi, chị giữ để mua quà cho cháu. Rồi người ấy lẫn vào với nhóm du khách vừa từ Tháp Bà xuống. Thấy khách thưa dần, Thủy đề nghị: - Chiều rồi, con về nấu cơm rồi con sửa sọan đi học nhen, Má. A, mà Má về thì Má ăn trước đi, đừng chờ con. Trước khi lên xe đạp, Thủy quay lại, dặn dò: - Má không muốn nghe tiếng hát của ông công an “dê” Má thì Má đóng cửa lại, nhen, Má.
Quanh xóm ai cũng biết chàng thiếu tá công an si tình Hạnh. Nhiều người khuyên Hạnh nên “chấp nối” để các con đỡ khổ và cũng để cho Hạnh bớt nhọc nhằn. Hạnh chỉ yên lặng, cười. Bây giờ nghe Thủy nhắc đến anh công an, Hạnh cũng chỉ cười, khoát tay cho Thủy đi. Nhìn dáng Thủy gầy guộc băng ngang con đường nhựa, Hạnh tưởng như Hạnh có thể thấy được hình ảnh của chính nàng cách nay rất lâu; có khác chăng, Thủy, vì đói khổ và bị đời “nhào nặn” cho nên Thủy gầy gò, sành sỏi, và lanh lẹ. Và Hạnh, ngày xưa, lại tươi thắm, dịu dàng, xinh đẹp và còn có tý tài mọn. Chính tý tài mọn và nét dịu dàng, quý phái của Hạnh đã làm nhiều thanh niên trí thức của Nha trang say mê. Khi giáp mặt với những nhân vật theo đuổi Hạnh, tại nhà của Hạnh, Phong cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ Phong có thể “chiến thắng” được – dù Phong là một sĩ quan Lôi-Hổ!
Khi nhận biết Hạnh có cảm tình đặc biệt với Phong, Phong vừa vui thích, vừa hãnh diện, vừa nghi ngờ, không hiểu Hạnh yêu chàng hay là Hạnh – vì sự ngây thơ, dại khờ và tâm hồn lãng mạn của một nghệ-sĩ tài-tử – bị lời ca của bản Chiến Sĩ của Lòng Em khích động! Lý do Phong nghĩ như vậy là vì, một lần về phép, Phong được mấy cô cậu em rủ đi xem văn nghệ do học sinh trường Võ-Tánh trình diễn tại rạp Minh-Châu. Suốt buổi trình diễn, mục nào Phong cũng tán thưởng nồng nhiệt để cổ võ tinh thần các em học sinh của ngôi toàn, ban Toán.
Nhưng đến mục đơn ca do cô bé tóc kẹp, hơi gầy, tên Hạnh, trình bày thì Phong lại ngồi yên, lòng cảm thấy rộn ràng, phơi phới, lâng lâng theo điệu swing. Khi Hạnh hát đến câu: “…Khi nước nhà phút ngã nghiêng, em mơ người trai anh dũng, mang thanh thế hiến giang sang, chí quật cường hiên ngang. Chiến sĩ của lòng em đắm đuối ước mơ, ở chiến trường xa giải nắng, dầm mưa…” (1) thì Phong tưởng như quanh chàng không còn ai và Hạnh hát bài này cho chàng và chỉ cho một mình chàng thôi. Phong chợt mỉm cười. Mấy người em của Phong không bỏ sót một cử động nào của Phong cả.
Khi thấy Phong cứ tủm tỉm cười một mình và đôi vai nhun nhún, đầu gật gật nhè nhẹ, mấy người em bấm nhau, cười. Cô em liếng nhất nhà nghiêng sang Phong, nói vừa đủ cho Phong nghe: “Bắt được anh Phong rồi đó nghe. Nhỏ Hạnh học lớp em đó, anh bao tụi em đu đủ bò khô, em giới thiệu cho.” Phong vờ “ký” lên đầu cô em. Cô em cười, né sang một bên. Khi buổi trình diễn chấm dứt, với nước da sạm nắng và nhân dáng cao lớn, đượm chút phong trần của Phong – trong bộ quân phục bốn túi, màu hoa rừng và chiếc ‘bê-rê’ màu nâu đội hơi nghiêng – nổi hẳn lên giữa những khuôn mặt trẻ thơ và những bộ đồ dân sự. Nhiều nam sinh len lén nhìn Phong với ánh mắt đầy thiện cảm và thán phục. Riêng Hạnh, khi được cô em của Phong giới thiệu, Hạnh chỉ lễ phép cúi đầu chào chứ không biết gì để nói. Sau đó, mỗi khi được về phép, Phong thường đến nhà thăm Hạnh và xin phép ông bà Hiển – Ba Má của Hạnh – để Hạnh đàn cho chàng nghe. Hạnh vui vẻ đàn chứ Hạnh cũng chẳng nghĩ gì.
Rồi một hôm, Hạnh được một người bà con cho tháp tùng nhóm học sinh ủy lạo binh sĩ tiền đồn, gần biên giới Lào-Việt. Toàn nhóm được di chuyển bằng trực thăng, sáng sớm khởi hành, chiều trở về. Chiều, trong khi đi bộ dọc theo con đường mòn quanh co từ ngọn đồi xuống chân đồi để đến bãi đáp trực thăng, Hạnh bỗng nghe tiếng hát và tiếng đệm Guitar, trong điệu Rhumba Melody, văng vẳng trong gian im vắng của núi rừng. Nhờ trình độ thẩm âm cao, Hạnh nhận ra tiếng hát và tiếng đàn không phải từ radio. Tuy nhiên, tiếng hát và lời ca của bản nhạc trong khung cảnh này tác động mạnh vào tâm hồn rất nhạy cảm của Hạnh. Hạnh bước chậm lại, lắng nghe, câu được câu mất: “…Chiều nao, anh đứng gác ngoài biên khu. Gió xa về dâng sương khói mịt mù. Đàn chim tung cánh bay về tổ ấm. Đêm xuống phai nhòa quê hương yêu dấu…Đây, núi rừng âm u, suối rừng vi vu, khói lam u huyền lững lờ buôn trên xóm vắng. Đây, những chiều hành quân, xóm nghèo dừng chân, nhớ thương Mẹ già xa xôi lắm…” Nhìn quanh, Hạnh chợt thấy một người mặc quân phục hoa rừng, mang giày trận, đội nón sắt, đang ngồi trên “lô-cốt”, vừa đàn vừa hát một mình. Trong những tia nắng cuối ngày, hình ảnh của người-lính-nghệ-sĩ trông vừa rực rỡ, vừa hào hùng, vừa lãng mạn... Hạnh bàng hòang dừng lại, nhìn sững và nghĩ, hình tượng đẹp quá! Hình tượng đáng yêu quá! Việt-Cộng – dù là những người vô tri – có lẽ cũng không nỡ “bắn sẽ” khi nghe người-lính-nghệ-sĩ ca lên nỗi niềm của mình đối với quê hương, đối với gia đình và đối với thân phận của chính mình.
Một vị sĩ quan của đơn vị trú đóng quay lại thúc Hạnh đi nhanh, vì ngại trời tối sẽ nguy hiểm. Hạnh chỉ người-lính-nghệ-sĩ và hỏi tên. Vị sĩ quan đáp: “Thưa cô, đó là thiếu úy Phong, thuộc đơn vị bạn, đến tăng cường cho đơn vị của chúng tôi.” Hạnh ngạc nhiên: “Sao lúc trưa các anh không mời anh ấy hát?” Vị sĩ quan cười: “Dạ, đơn vị của anh ấy đi hành quân mới vừa về thôi. Chiều nào cũng vậy, sau khi hành quân trở về, Phong cũng ngồi chỗ đó, đàn và hát một mình.” Hạnh ngập ngừng: “Dạ, anh biết anh Phong họ gì không, thưa anh?” Vị sĩ quan lại cười và đưa tay có ý giúp Hạnh bước lên trực thăng: “Thưa cô, xin lỗi, tôi không để ý. Nhưng tôi nghe ai cũng gọi anh ấy là Phong Lôi-Hổ.” Thốt nhiên tim của Hạnh lỗi một nhịp. Từ trực thăng, nhìn những dòng sông uốn khúc, những ruộng lúa xanh rì, và đồi núi chập chùng tiếp nối nhau, Hạnh nhận ra vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương. Nhưng hình ảnh khắc ghi vào tâm khảm của Hạnh lại là một Phong Lôi-Hổ ôm Guitar ngồi trên “lô-cốt” hát bản Chiều Biên Khu…
Đang chìm đắm trong dòng hồi tưởng, Hạnh chợt nghe tiếng: - Chị ơi, chị! Cặp ngựa bằng đá này giá bao nhiêu? Hạnh hơi lúng túng. Chỉ một thóang thôi, Hạnh bình tĩnh trở lại, mỉm cười, nhìn người khách và cho giá món hàng. Người khách rất dễ giãi, không trả giá, yêu cầu Hạnh gói cặp ngựa màu xam xám. Trong khi gói hàng, Hạnh cảm biết người khách đang nhìn nàng chăm chăm. Khi trao hàng cho người khách, Hạnh nhìn ông ấy. Ông ấy, một tay đưa tiền, một tay nhận gói hàng nhưng ánh mắt vẫn không rời Hạnh. Bất ngờ ông khách hỏi: - Hạnh! Có phải chị là Hạnh, con ông bà Hiển không? Hạnh vô cùng ngạc nhiên - Tại sao ông biết Ba Má tôi? Ông khách nhìn quanh, không thấy ai lạ, ngoài người con trai của ông đang ngồi trên yên xe đạp, chờ ông, ông đổi cách xưng hô: - Hạnh! Em không nhận ra anh cũng phải. Bao nhiêu năm gian khổ trong rừng sâu và gần hai mươi năm tù khổ sai thì làm thế nào em nhận ra anh được! Hồi trước anh chơi Hạ-Uy-Cầm ... Duy chưa dứt câu, Hạnh đã vui mừng reo lên nho nhỏ: - Anh Duy, phải không? - Ừ, anh đây. - Ba Má em và mấy cô chú hồi trước trong ban Bình-Minh đều nghe nhiều người bảo là anh theo Kháng Chiến và sau đó bị bắt, bị tù đày. Duy cười: - Ừ. Còn Phong thì sao? - Dạ… Hạnh chỉ thốt lên được một tiếng rồi nghẹn ngào. Duy nắm tay Hạnh, nhìn vào mắt nàng: - Hạnh! Em đừng nói với anh là Phong đã chết, nghe chưa? Anh mà còn sống thì không thể nào Phong chết được. - Anh gặp anh Phong ở đâu, anh Duy? - Anh và Phong gia nhập một tổ chức Phục-Quốc. Hạnh khóc òa: - Ôi, Trời ơi! - Hạnh, một người như Phong không bao giờ để Việt-Cộng cầm tù một cách êm thắm đâu. Em nên nhớ và nên hãnh diện về chồng của em. Hạnh im lặng. Nàng không lạ gì bản tính liều lĩnh, can cường và bất khuất của Phong. Nhưng Duy đưa tin đột ngột quá khiến Hạnh bàng hoàng. Duy tiếp: - Anh trở lại nhà của Ba Má em nhưng không ai biết Ba Má em đi đâu cả. - Họ tịch thu nhà rồi đuổi Ba Má em đi kinh tế mới. Em và hai đứa con của em cũng bị đi kinh tế mới suốt thời gian dài. Cách nay khoảng một năm, à, anh nhớ Tân, em của em không? - Ừ, cái thằng ôm ốm, sau đi Thủ-Đức rồi về Pháo Binh diện địa đó chứ gì? - Dạ. Tân bảo lãnh Ba Má em sang Mỹ.
Nhờ Ba Má em gửi tiền về giúp cho nên em mới tìm cách đưa hai cháu về được đây. - Vậy là mừng cho hai Bác. Còn em và hai cháu, Tân có dự tính bảo lãnh em và hai cháu không? - Thưa anh, có, nhưng em từ chối. - Tại sao? Trời! Sao em dại quá vậy? - Anh nghĩ xem, em đi sao đành khi mà em không biết tin tức gì về anh Phong cả. - Phong không liên lạc gì với gia đình sao? - Dạ không. - Nhưng em ở lại em cũng không thể lo gì cho Phong được. Em hãy nghĩ đến tương lai hai cháu. - Em đã nghĩ đến điều đó. Nhưng, cháu Huân trên 21 tuổi, không đủ điều kiện. Cháu Thủy đủ điều kiện. Nhưng, Thủy và em sang Mỹ làm gì trong khi anh Phong vẫn biệt tăm và cháu Huân ở lại đây một mình? Duy trầm ngâm một chốc: - Em nghĩ như thế cũng phải. Hạnh nhìn Duy: - Anh Duy, anh cho em hỏi anh một câu, được không? - Ơ, cái cô này! Em muốn hỏi gì thì cứ hỏi, sao lại phải xin phép? - Vì câu này có thể chạm tự ái của anh. - Chạm gì? Em nhớ, hồi đó, em đàn hoặc hát sai nhịp là anh rầy liền. Anh đâu có sợ chạm tự ái em. Anh em là phải như thế. - Dạ, em muốn hỏi anh là anh hiền và dáng vóc trông nghệ sĩ như vậy mà tại sao anh xin về Thủy-Quân Lục-Chiến rồi sau lại dám theo Kháng Chiến? - Ơ, nghệ sĩ thì nghệ sĩ, hiền thì hiền chứ. Thủy-Quân Lục-Chiến chỉ dữ với Việt-Cộng thôi chứ đâu có dữ với ai. Còn anh, Ông bà Nội Ngoại và Bố Mẹ của anh đều bị Việt-Cộng đấu tố đến chết…
Duy nói chưa dứt câu, vội dừng lại, vì tiếng cô bé đạp xe đạp ngang qua: - Thưa Má con đi học. Hạnh đưa tay ngoắt Thủy: - Thủy! Con tới chào bác Duy, con. Sau khi Thủy dựng xe đạp, khoanh tay chào, Duy xoa tóc Thủy: - Con gắng học giỏi cho Mẹ vui, nhé. Nhìn sang Hạnh, Duy tiếp: - Con bé giống y như em, hồi em còn bé. Ờ, mà sao em không cho cháu nó học lớp ban ngày? - Dạ, ban ngày cháu phải phụ em bán hàng; nếu không thì trẻ con ăn cắp. Mấy đứa bé ăn cắp nhanh và “nghề” lắm, một mình em trông hàng không được. Hạnh vừa dứt câu, người con trai của Duy lên tiếng: - Bố ơi, sắp đến giờ đón Mẹ, Bố coi chừng trễ. - Ô, anh phải đến nhà thương đón chị. Anh mua cặp ngựa này để biếu bác sĩ điều trị cho chị đó. - Chị bị bệnh gì mà phải vào nhà thương? - Sau khi nghe anh bị “tòa án nhân dân” kết tội 18 năm khổ sai, rồi đứa con gái của anh chị đi vượt biên bị hải tặc hiếp dâm đến chết, chị chịu không nổi, điên! Thôi, chuyện dài lắm, cũng giống chuyện của Phong và anh vậy. Ghi địa chỉ của em vào mảnh giấy gói hàng đây, hôm nào anh ghé thăm, anh kể hết cho em nghe. Duy vội vả quay đi. Hạnh chạy theo, đưa lại tiền cho Duy: - Anh Duy, cho em gửi lại tiền. Em không lấy tiền đâu. Em biếu anh chị….
Duy khóat tay trong khi người con còng lưng đạp lấy trớn. Còn lại một mình, thấy khách nhàn du thưa thớt, Hạnh muốn dọn hàng về; nhưng tự dưng Hạnh cảm thấy sợ hãi niềm cô đơn nên không muốn về. Hạnh khoanh tay trước ngực như muốn ôm kín nỗi quạnh hiu. Nhìn mong ra dòng sông Cái, Hạnh thấy chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng và hai bên bờ sông cây cỏ nhạt nhòa trong bóng hoàng hôn; chỉ có hòn đá Chữ ngạo nghễ vương cao để những tia nắng cuồi ngày ve vuốt từng kẻ đá rong rêu. Nhìn hòn đá Chữ một lúc Hạnh mới nhận ra những đóm sáng thật xa, kết thành hình cánh cung. Đó là những ngọn đèn đường dọc bờ biển Nhatrang. Dọc theo bờ biển đó, ngày xưa, mỗi lần về phép, Phong và nàng thường lặng lẽ đi bên nhau. Khi chiều xuống, “hai đứa” dừng chân bên gốc dừa hoặc ngồi cạnh nhau nơi bãi vắng.
Những lúc đó Phong thường bảo Hạnh hát cho chàng nghe. Phong thích nhất bài Dans Tes Bras của Dalida – một nghệ sĩ tài danh mang hai dòng máu Pháp và Ai-Cập. Hạnh tựa đầu lên vai Phong, hát nho nhỏ. Phong âu yếm vuốt tóc nàng. Khi Hạnh hát đến đoạn: “…Dans tes bras je m’endors dans tes bras jusqu’au jour qui viendra me séparer de toi loin de toi chaque instant loin de toi j’attends ce moment-là je l’attends chaque fois Loin de toi…” Phong tưởng như tiếng hát của người yêu vang vọng cả vùng không gian êm đềm quanh đây và vang vọng trong trái tim ngùn ngụt thương yêu của chàng.
Tình thương yêu bao la của Phong, không những Phong dành cho Hạnh mà, trên hết, Phong dành cho Chúa và cho Cha Mẹ. Nhưng, lạy Chúa! Phong nghĩ rằng Phong đã phụ lòng Chúa và Cha Mẹ; bởi vì Cha Mẹ gửi Phong vào chủng viện, hy vọng sau này Phong sẽ trở thành linh mục. Nhưng Phong, với bản tính phóng khoáng, thích phiêu lưu, thích thực hiện những điều mà “người lính chiến thường kể cho nhau nghe”, cho nên Phong rời chủng viện, thi vào Trường Võ-Bị Quốc-Gia Dalat. Sau khi mãn khóa, Phong chọn binh chủng Lôi-Hổ để thỏa chí tang bồng. Thời gian đầu, Cha Mẹ rất bất mãn, buồn phiền.
Nhưng thấy Phong vui và Phong rất hãnh diện về bộ quân phục của chàng, Cha Mẹ tha thứ cho Phong và Cha Mẹ lại hãnh diện với bạn bè, làng xóm về Phong. Niềm hãnh diện của Cha Mẹ đối với Phong chẳng khác chi niềm hãnh diện của Phong khi Phong sánh bước cùng Hạnh trên những con đường thương mến quanh ngôi trường Võ-Tánh. Khi đi trên con đường chia cách trường Võ-Tánh và bệnh viện Nguyễn-Huệ, Hạnh thấy một chiếc Jeep chậm lại và từ chiếc Jeep, một sĩ quan mặc quân phục Hải-Quân chồm ra, nhìn Phong: “Phong! Phải Phong không?” Phong vui mừng reo lên: “Dạ, thưa Thầy, em, Phong đây.” Vị sĩ quan Hải-Quân bước xuống, bắt tay Phong: “Sao, khỏe không? Dạo này ít thấy Phong ghé thăm.” Phong cười: “Dạ, vì em bận hành quân liên miên. Em cũng tính nay mai ghé thăm Thầy đó chứ.”
Vị sĩ quan Hải-Quân vỗ vai Phong: “Thôi, gọi bằng anh đi. Kỳ này Phong về được mấy ngày?” Phong chưa kịp đáp đã thấy vị sĩ quan Hải-Quân nhìn về phía Hạnh rất nhanh, ánh mắt như dò hỏi. Phong xoay sang Hạnh, giới thiệu: “Dạ, thưa Thầy, ô, thưa anh, đây là cô Hạnh, bạn của em. Và đây là Thầy Sơn, giáo sư của anh.” Sơn xuất thân từ một trường đào tạo sĩ-quan Hải-Quân của Pháp. Sau khi trở về nước và phục vụ cho Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa, Sơn trở thành Thầy của nhiều khóa sĩ-quan Hải-Quân Nhatrang. Và sau đó Sơn trúng cử và trở thành Dân Biểu Quốc-Hội. Hạnh chỉ biết như vậy thôi. Đến khi nghe Phong giới thiệu, Hạnh ngây thơ: “Ủa, Thầy dạy ở Võ-Tánh tại sao em không biết?”
Phong cười, pha trò: “Cái cô này! Thầy là giáo sư của những lớp lớn, như anh nè. Còn em là học trò…hụt.” Sơn cười hiền hòa: “Tôi là Thầy…hụt của Hạnh thì đúng hơn.” Nói xong, cả ba người cùng cười… Nhớ đến kỷ niệm vui, Hạnh bình tâm trở lại. Hạnh lủi thủi dọn hàng về. Sau khi hâm nóng nồi cá nục kho khô, gắp ra dĩa, Hạnh xắt trái dưa leo, đem hai chén và hai đôi đũa để trong lồng bàn, đậy lại. Hạnh ngồi nơi ngạch cửa đợi con về. Khi nào thấy Hạnh, anh thiếu tá công an – được “nhà nước” cho chiếm cứ ngôi nhà của một sĩ quan “Ngụy” đã di tản, nằm đối diện con hẽm nhỏ, trước ngôi nhà Hạnh thuê – cũng cất tiếng ca “tồ tồ” để ve vãn Hạnh: “…Hoàng hôn nhuộm sương buồn. Là mùa Thu thê lương. Em mõi mòn mong chờ một ngày về quá xa. Dưới rèm mắt em mờ trông bóng anh với quân lên đường. Lá rơi, kìa, Thu! Thu đến bao lần. Hỡi người quả phụ phòng không. Mùa Thu đến chàng không về. Hôm nay hoa lá rơi điêu tàn! Ai ơi, mùa Thu đến cô đơn…”.(2) Hạnh than thầm, lời ca sướt mướt của một bản nhạc tình được viết theo thể điệu Boston, âm giai Ré trưởng mà được anh chàng công an “xướng” lên như vậy thì quả là…phản nghệ thuật!
Hạnh bực mình, vào giường, lấy gối che tai để khỏi phải nghe. Tuy không phải nghe, nhưng vì anh thiếu tá công an cứ hát bản đó hoài cho nên Hạnh thuộc và Hạnh nhận ra lời ca của bản nhạc đó diễn tả được phần nào hòan cảnh và tâm trạng của nàng. Và tối nay, lời ca của bản nhạc đó lại đem niềm thương nhớ Phong trở về trong lòng Hạnh. Hạnh mủi lòng, khóc cho sự quạnh hiu của nàng; khóc cho sự khổ nạn của Phong; và khóc cho hoàn cảnh thiệt thòi của Huân và Thủy. Hạnh cứ để nước mắt tuôn tràn, không cầm giữ mà cũng không lau. Một lúc lâu lắm, Hạnh cảm biết như có người đến cạnh nàng. Và mùi da thịt của người chồng hơn 20 năm bặt tin chợt thoang thoảng quanh nàng. Hạnh cảm nhận được Phong đang ve vuốt mái tóc đã ngã màu của nàng. Rồi Phong thì thầm hát cho nàng nghe: “Another day has gone. I thought I heard you cry asking me to come and hold you in my arms. I hear your prayers. Your burdens I will bear…you are not alone, for I am here with you. Though we’re far apart, you’re always in my heart for you are not alone…I am here to stay…” (3) Hạnh nắm bàn tay của Phong áp lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nàng để mê đắm theo tiếng hát của Phong.
Phong từ từ cúi xuống…Giữa lúc Hạnh sẵn sàng đón nhận nụ hôn nồng nàn của Phong thì Hạnh chợt nghe tiếng thì thầm của Thủy: - Má! Đừng khóc nữa, Má. Má phải phấn đấu để sống thì anh Huân và con mới có nơi nương tựa … Nói chưa dứt câu, Thủy sà vào lòng Mẹ. Hai Mẹ con ôm nhau, khóc vùi!
* * *
“Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây đâu còn phút sum vầy, đâu còn bóng người xưa, lạnh lùng ngắm trời mây. Ôi, quê hương giờ đây nát tan! Đò vắng không người sang, thôn xóm trông điêu tàn. Xa xa nghe tiếng chim kêu đàn, nghe suối reo bên ngàn, dường như oán như than!...” (4) Nghe người hành khất cứ hát tới hát lui mấy câu đó, Phong vừa khom người bỏ vài đồng tiền lẽ vào chiếc nón nhà binh rách, đặt trước mặt người hành khất, vừa nói nhỏ, giọng buồn bả: - Nè, anh bạn! Anh còn bài nào khác không, sao cứ hát bài này hoài, nghe buồn quá! - Tui đâu phải ca sĩ mà có bài khác. - Hát bài này anh không sợ sao? - Sợ gì? Tui cùi, đâu sợ lỡ. Mẹ, “uýnh” nhau mấy mươi năm không…rụng sợi lông; bầy đặt rút quân để tụi tui như rắn không đầu.
Lúc đó tụi tui đang quần thảo với quân chính quy Bắc-Việt tại đèo Phượng-Hoàng. Sau khi bắt được tụi tui, “cha con tụi nó” muốn sỉ nhục tụi tui, bắt tụi tui cởi bỏ đồ trận, bận quần xà-lỏn, áo thun, đi hàng một dọc theo đường cái. Mẹ! Tui đâu chịu nhục. Chờ thời cơ thuận tiện, tui cướp súng của một thằng cảnh vệ. Tui chưa kịp bắn thì thằng cảnh vệ khác bắn tui! “Cha con tụi nó” tưởng tui chết thiệt thành ra “cha con tụi nó” dẫn tù, bỏ đi. Suốt ngày Phong tìm Cha Mẹ, vợ con không ra, lòng rối như tơ vò. Bây giờ gặp người “nói chuyện xưa” Phong đưa đẩy câu chuyện trong khi tâm trí của chàng vẫn còn lo lắng, không biết sẽ tìm gia đình bằng phương cách nào! - Vậy anh là thứ dữ, “dân” Dù, phải không? - Sao biết? - Tôi từ trại giam Lam-Sơn về.
Trong trại giam Lam-Sơn có nhà giam số 10 dành cho trung đội Dù bị bắt tại đèo Phượng-Hoàng, thuộc quận Khánh-Dương… Người hành khất đánh vào đùi một cái, cắt lời Phong: - Chết mẹ rồi! “Cha con tụi nó” “tóm” trọn “ổ” trung đội của tui rồi! - Anh là cấp chỉ huy của đơn vị đó à? - Giỡn, cha! Sĩ quan Dù “ngon” lắm chứ đâu có như tui. Cấp chỉ huy gì ăn nói “ba đá” như tui, cha. Tui là lính trơn hà. Rồi sao nữa, cha kể tiếp cho tui nghe giùm đi. - Trung đội đó chỉ có một đại úy và một trung úy; số còn lại là hạ sĩ quan và lính. Người hành khất lầm bầm: - Ủa, còn ông Thầy của tui đâu cà? Lạy Trời cho ổng còn sống... Bất chợt người hành khất nhìn Phong, tiếp: - Còn cha? Cha làm gì mà vô trại Lam-Sơn? - Tôi bị bắt cùng một lần với trung đội Dù đó. - Ô, vậy cha cũng là thứ dữ rồi, mà sao cha được tha về, lẹ vậy? Bản tính bộc trực, “ruột để ngoài da” nhưng Phong hiểu không nên nói sự thật trong hoàn cảnh này cho nên nói hơi trại đi một tý: - Ban quản giáo phái tôi về đây mua cưa máy để tù nhân cưa cây, tự sửa sang nhà tù của mình.
Giọng người hành khất trầm hẳn xuống: - Sao không trốn đi, cha? Phong cười, chỉ Thiệt, đang ngồi chồm hổm trên bậc cấp, dưới chân Tháp Bà, nhìn chàng không rời: - Thấy anh trung sĩ đó không? Anh ấy là cán bộ hướng dẫn nhà 10. Ban quản giáo cử anh ấy đi theo tôi để “bảo vệ” tôi trong chuyến công tác này. Anh ấy hiền, rất dễ thương, có cảm tình với tất cả tù nhân chúng tôi. Từ nãy giờ nghe Phong nói chuyện rất nhã nhặn, bây giờ lại nghe Phong gọi “thằng Việt-Cộng” là anh trung sĩ, người hành khất nghĩ rằng Phong không cùng giai tầng với mình, cho nên đổi cách xưng hô: - Anh thấy “cha con tụi nó” dùng chữ hay không? Đi theo canh tù thì nói đi theo canh tù, bầy đặt gọi là bảo vệ! Còn anh, anh cũng là thứ dữ, vậy sao “cha con tụi nó” để anh về thành phố mà chỉ có một thằng đi theo? Phong cười, không đáp. Trong thời gian ở trại Lam-Sơn, Phong cố chinh phục lòng tin của ban quản giáo để mưu đồ việc lớn. Ban quản giáo không hề biết ý đồ “đen tối” của Phong cho nên có vẻ tin tưởng Phong.
Vì muốn tìm cách về thăm Cha Mẹ, vợ con một lần sau cùng trước khi cùng Duy thực hiện kế hoặch quy mô cho nên Phong nói với ban quản giáo là chàng muốn về mua cưa máy đem lên tặng cho Trại. Ban quản giáo phái Thiệt – có võ trang – đi theo. Suốt ngày đi theo Phong, Thiệt cảm thấy có cảm tình với Phong nhiều hơn, không phải vì Phong cho Thiệt ăn những món đặc sản miền Nam – do tiền Phong bán chiếc nhẫn cưới – mà vì phong thái của Phong rất hiên ngang, ngạo mạn, chẳng biết sợ ai.
Thiệt nhớ, trong một lần Thiệt đến trại 10 làm nhiệm vụ hướng dẫn, trong lúc vui miệng, Thiệt thuật lại cho nhiều “trại viên” nghe về một trận đánh đẫm máu giữa đơn vị của Thiệt và một đơn vị quân đội V.N.C.H. để giành một vị trí chiến lược gần Lộc-Ninh. Thiệt bảo, dù chấp nhận mọi tổn thất nhân mạng, đơn vị của Thiệt cũng vẫn không chiếm được mục tiêu. Phong cho biết, đơn vị của chàng được biệt phái tăng cường trong trận đánh đó. Và Phong kết luận: “Đánh đấm với các anh chán bỏ mẹ! Quân của các anh chỉ toàn con nít, cỡ 14 hay 15 tuổi, không biết gì khác ngoài việc xông tới, hết lớp này đến lớp khác.
Chúng tôi bắn quân của các anh chết, thây chồng chất lên nhau, trông vừa thương tâm vừa kinh tỡm!” Chưa hết! Khi ban quản giáo bảo “trại viên” viết bản thu hoặch, Thiệt thấy Phong chỉ viết có vài dòng. Thiệt hỏi. Phong bảo: “Các anh nói các anh đã biết hết rồi thì tôi còn gì để viết nữa. Tôi viết ngắn, gọn: Tôi là một sĩ quan Lôi-Hổ, một binh chủng được huấn luyện để thực hiện những công tác đột kích vào mật khi Việt-Cộng. Và tôi đã giết nhiều cán bộ cao cấp trong những lần đột kích đó. Tôi sẵn sàng nhận lãnh hậu quả của người chiến bại theo tinh thần thượng võ; không có gì để các anh khoan hồng hay bắt tôi khai báo.” Nhiều “trại viên” nhìn Phong với ánh mắt ái ngại. Một “trại viên” tên Sơn – mà Phong lộ vẻ rất kính trọng và nói với mọi người đó là Thầy của Phong – khuyên Phong nên thận trọng.
Phong đáp tỉnh bơ: “Thưa anh, em biết họ và họ biết rõ em. Trước sau gì họ cũng giết em. Hôm bị bắt, em đã muốn tự vẫn, nhưng vì em là người theo đạo Thiên Chúa. Bây giờ em phải nói để họ biết rằng người Lính V.N.C.H. không hèn nhát. Thua, chúng tôi chấp nhận mọi hậu quả. Chúng tôi không than trách, không đổ thừa đồng minh bỏ chạy.” Thiệt thầm nghĩ, Phong “chì” thật. Tiếng “chì” Thiệt bắt chước ngôn ngữ miền Nam. Là một người gan dạ và rất “chì”, nhưng suốt ngày tìm không được Cha Mẹ, các em và vợ con, Phong thiểu não ngồi nơi bậc cấp dưới chân Tháp Bà, gục đầu vào lòng bàn tay. Suy nghĩ mãi Phong cũng không thể đoán được điều gì đã xảy ra cho đại gia đình và tiểu gia đình của chàng. Cuối cùng, Phong nghĩ, có thể gia đình di tản ra ngoại quốc. Giả thuyết này giúp Phong yên lòng.
Phong ngẫng lên, nhìn suốt con đường quen thuộc đối diện với Tháp Bà. Trên con đường quen thuộc đó không biết bao nhiêu lần Phong lái Vespa chầm chậm, xa xa, lén theo sau Hạnh, rồi lượn qua lượn lại trước nhà nàng chứ không dám vào. Sau khi “hai đứa” thầm lén yêu nhau một thời gian, Hạnh viết thư cho Phong biết rằng ông bà Hiển không cho phép nàng quá thân thiện với những người khác tôn giáo và những sĩ quan tác chiến – như chàng. Phong buồn lắm, chỉ ngại Hạnh nghe lời Cha Mẹ, đoạn tuyệt với chàng. Và, Phong xin nghỉ phép đặc ân. Vào một buổi sáng cuối tuần, cũng trên con đường đó, trẻ em và người tò mò đã ùa ra nhìn hai chiếc Jeep. Chiếc Jeep đi trước chỉ có tài xế, ngồi cạnh tài xế là trung úy Lôi Hổ Nguyễn-Phong, trong quân phục đại lễ, lưng đeo súng lục, ngực đầy huy chương và trên xe cũng đầy sính lễ. Chiếc Jeep thứ hai gồm tài xế, một đại úy đại diện nhà trai và một trung úy phụ rể. Khi thấy hai chú lính trang trọng bưng sính lễ vào nhà và Phong cùng hai sĩ quan đột ngột xuất hiện, ông bà Hiển vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng phải ra tiếp. Ông Hiển hỏi: “Xin lỗi, quý vị có nhầm nhà hay không? Tại sao trung úy Phong hôm nay lại xuất hiện một cách trang trọng như vậy?” Vị đại úy chủ hôn trình bày lý do. Ông Hiển lắc đầu: “Chúng tôi chưa bao giờ chấp thuận lời cầu hôn của bất cứ ai, cho con gái của chúng tôi”.
Vị đại úy xin ông bà Hiển cho phép Hạnh ra phòng khách để được xác định. Bà Hiển vào gọi Hạnh. Hạnh – đã theo đúng kế hoặch do Phong dặn trước – e dè bước ra trong chiếc áo dài màu hồng, tai đeo đôi hoa tai lấp lánh, cổ đeo kiền chạm, tóc vấn khăn vành. Ông bà Hiển chỉ biết nhìn nhau. Vị đại úy chủ hôn hỏi Hạnh: “Cô Hạnh! Cô biết hôm nay là ngày gì và tại sao chúng tôi dâng sính lễ hay không?” Hạnh thẹn thùng cúi mặt, nói nho nhỏ: “Kính thưa Ba Má! Xin Ba Má tha tội cho con. Hôm nay là ngày anh Phong xin phép Ba Má cho con về làm vợ anh ấy.” Ông Hiển giận quá, tái mặt, muốn nói đều gì đó; nhưng bà Hiển bấm tay ông, nói nhỏ: “Thôi, ông. Con nó lỡ thương thì thôi.” Trước khi nắm tay Hạnh bước ra xe, Phong hơi cúi đầu trước mặt ông bà Hiển: “Con xin biết ơn Ba Má.” Ông bà Hiển vừa giận vừa buồn nhìn theo hai chiếc Jeep. Trẻ con chạy theo xe reo hò trong khi Hạnh, ngồi cạnh Phong, khóc sướt mướt; không biết Hạnh khóc vì lấy được người nàng yêu hay là khóc vì đã làm Cha Mẹ buồn lòng!
Ngày xưa đó, dù Hạnh khóc vì lý do nào đi nữa thì những dòng nước mắt của Hạnh cũng không mang niềm uất hận và sợ hãi như khi Hạnh khóc lúc hay tin đơn vị của Phong “tan hàng”! Nghĩ đến Cha Mẹ, ông bà Hiển và vợ con cùng những quân nhân trong đơn của chàng, Phong chỉ biết thở dài. Xa xa, tiếng hát của người hành khất vẫn dội vào tâm thức buồn thảm của Phong: “Về đây…”
* * *
Tại trại Lam-Sơn, thời gian đầu, vợ con tù nhân có thể thăm viếng tù một cách dễ giãi. Nhưng Phong không muốn nhắn cho gia đình biết tin vì chàng có dụng ý riêng. Trước cổng trại Lam-Sơn ban quản giáo còn cho phép họp chợ bán thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tù nhân. Nhờ vậy Phong mới bán đưọc chiếc nhẫn cưới. Nhiều tù nhân nghĩ, ở tù mà được thong dong mua bán “linh tinh” thì cũng không đến nỗi nào.
Khi từ Nhatrang trở về, thấy không ai mua bán gì trước trại Lam-Sơn như mọi hôm, Phong hỏi Thiệt. Thiệt bảo chả biết. Sơn tính nhạy bén báo cho Phong biết rằng có chuyện không hay. Vào trong Trại, sau khi trình diện ban quản giáo, Phong vội vã trở về nhà 10. Vừa thấy Phong, Sơn kín đáo ra dấu để Phong theo chàng ra ngoài. Nhìn quanh, không thấy ai, Sơn cho Phong biết, hôm qua Duy và vài bạn tù vượt thoát, nhờ lẫn vào những người buôn bán trước cổng Trại. Phong sốt ruột: “Có ai bị bắt lại không, anh?” Sơn lắc đầu: “Không. Hy vọng tất cả thoát được. Có điều tệ hại là ban quản giáo đã tìm ra danh sách của những tù nhân liên hệ trong một tổ chức bí mật! Tôi thấy Phong thân với anh Duy cho nên tôi báo cho Phong biết. Cẩn thận, nha.” Phong ngần ngừ, muốn nói điều gì đó, nhưng vội ngưng.
Chiều đến, đang ngồi cạnh con đường đất, Sơn bỗng nghe tiếng Phong từ một GMC đang chạy ngang: “Anh Sơn ơi! Em đi đây. Vĩnh biệt anh!”. Sơn vội đứng lên, nhìn theo. Sơn thấy Phong đưa cao tay vẫy vẩy và cố hét lớn: “Anh Sơn! Vĩnh biệt anh!” Sơn đứng lặng, tưởng như tiếng gào của Phong vang dội, làm rung ring cả núi đồi. Khi chiếc GMC khuất ở cuối đèo chính là lúc một tâm niệm vừa khởi lên trong lòng Sơn. Nếu còn sống, Sơn sẽ tìm mọi cách gặp vợ con của Phong để kể lại giây phút bi hùng của Phong Lôi-Hổ. Hơn ba mươi năm sau, từ ngọai quốc trở về thăm quê hương, tình cờ Sơn gặp lại Duy. Sơn cho Duy biết tâm nguyện của Sơn. Duy vui mừng: “Anh đến nhà giờ này không gặp cô ấy đâu. Anh đến thẳng chỗ quày hàng, bên kia cầu Xóm-Bóng, dưới chân Tháp-Bà, là anh thấy Mẹ con của cô ấy ngay.”
* * *
Thời gian đã phôi phai, nhưng khi kể đến giây phút bi hùng có thật của Phong, Sơn vẫn tưởng như tiếng gào cùa Phong còn xóay sâu trong lòng chàng. Và Huân, khi nghe Sơn lập lại năm tiếng sau cùng của Phong, Huân chịu không nổi, vội đứng lên, đi nhanh ra chỗ khác. Thủy đưa tay quẹt nước mắt. Sơn nhìn Hạnh. Hạnh vẫn ngồi lặng yên, mắt đăm đăm nhìn xuống dòng sông, không chớp. Tự dưng Sơn mong được thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng của Hạnh. Hạnh vẫn ngồi trơ như pho tượng. Một lúc lâu, Sơn thấy dường như Hạnh đang cố nuốt vật gì to lớn lắm. Sơn thở dài, thầm nhủ: “Khóc đi Hạnh! Khóc đi cho vơi bớt sầu thương.” Hạnh vẫn không khóc. Nhìn con đò nhỏ xuôi dòng, Hạnh chợt nhớ lại câu nói của Duy: “…
Anh mà không chết thì không thể nào Phong chết được…” Vừa lúc đó Hạnh tưởng như nàng nghe được giọng hò êm ái của cô lái đò vang xa trong không gian loáng thoáng ánh trăng non: “....Hò… ho…hó…ho…ho…Nghe...gió lùa...trong đêm vắng. Em... mơ thấy chàng ... bên sông mờ trăng…” (5) Hạnh từ từ nghiêng sang Thủy, tựa đầu lên vai con, thổn thức… ĐIỆP-MỸ-LINH * Cảm tác và “mượn” vài chi tiết từ bài viết “Chuyện Một Người Chiến Binh Trong Cuộc Chiến Nam Bắc” của Trần-Bình-Nam. 1. Chiến Sĩ của Lòng Em của Canh-Thân 2. Thu Cô Phụ của Điệp-Linh 3. You Are Not Alone của R. Kelly 4. Trở Về của Châu-Kỳ 5. Bên Sông Cũ của Điệp-Linh
*
RFA * TRUNG HOA & MỸ
Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với Trung Quốc?
Ngọc Thu lược dịch
2010-06-18
Một số người về mặt tinh thần không muốn hoặc không thể chấp nhận bằng chứng rằng cộng sản Trung Quốc là một quốc gia hiếu chiến mà sớm hay muộn Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt.
AFP PHOTO/Frederic J. BROWN
Gần đây, khi tôi trích dẫn một số bằng chứng về mối đe dọa ngày càng
tăng từ nước cộng sản hiếu chiến này, những người theo chủ nghĩa tự do
đã làm những gì mà họ luôn làm khi đối mặt với các mối đe dọa đất
nước: xáo trộn và chôn đầu trong cát.
Một là hành vi hiếu chiến của Trung Quốc được lặp lại hồi năm ngoái đối với tàu USNS Impeccable ở Biển Đông trong vùng biển quốc tế. Sinh viên lịch sử sẽ ghi nhớ rằng, cách đây không bao nhiêu năm, một máy bay tiêm kích Trung Quốc đâm vào một trong những máy bay trinh sát của chúng ta, làm cho nó phải hạ cánh khẩn cấp ở Trung Quốc, phi hành đoàn đã bị bắt giữ gần hai tuần, trước khi được thả ra; chiếc máy bay đã bị phá vỡ ra thành từng mảnh trước khi trả cho chúng ta.
Hãy xem đây:
Ngày 24 Tháng 5 trong một phòng họp lớn của nhà khách chính phủ Diaoyutai ở Bắc Kinh, Thiếu tướng Quan Du Phi thuộc Quân Giải phóng Nhân dân đứng lên nói chuyện...
Ông Quan nói, tất cả mọi thứ đi đúng đường trong quan hệ giữa Hoa Kỳ Trung Quốc là nhờ Trung Quốc. Ông tiếp tục, tất cả mọi thứ đi sai đường là lỗi tại Hoa Kỳ. Ông Quan cáo buộc Hoa Kỳ là “bá chủ” và âm mưu bao vây Trung Quốc bằng các đồng minh chiến lược. Viên chức này cũng để dành phần lớn sự cáu gắt cho việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho kẻ thù của Trung Quốc là Đài Loan – ông Quan nói, những điều này chứng tỏ rằng Hoa Kỳ xem Trung Quốc như là kẻ thù.
Do Trung Quốc đi theo chủ nghĩa Maxit toàn trị, họ sẵn sàng giết chết hàng triệu người dân của mình, gồm Thảm sát Thiên An Môn, gia tăng quân sự ồ ạt và hiếu chiến đối với Hoa Kỳ, thật là ngu xuẩn nếu chúng ta không xem Trung Quốc như kẻ thù. Một số người thực sự khờ khạo như thế; nhưng đó là do Trung Quốc muốn làm kẻ thù của chúng ta, chứ không phải chúng ta muốn xem họ như kẻ thù.
Một viên chức cấp cao Trung Quốc, người có quan hệ với Hoa Kỳ thường xuyên, đã nói với điều kiện giấu tên vì ông không có thẩm quyền nói chuyện với phóng viên: "Đề đốc Quan đại diện cho những gì mà tất cả chúng tôi nghĩ về Hoa Kỳ trong thâm tâm chúng tôi. Có thể về mặt chính trị không được chính xác, nhưng đó không phải là một sự ngẫu nhiên".
Một tướng trong PLA nói với điều kiện giấu tên: "Thật là ngớ ngẩn để nói về phe phái khi nói đến quan hệ với Hoa Kỳ. Quân đội đứng sau đảng. Bạn có thực sự nghĩ rằng ông Quan đã đơn phương làm điều này"?
Và:
Thiếu tướng Dương Dy, một sĩ quan hải quân, nói: "Thời gian này Trung Quốc phải trừng phạt của Mỹ. Chúng tôi phải làm cho họ tổn thương". Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông La Nguyên, nói với một khán giả truyền hình rằng nhiều tên lửa sẽ được triển khai chống lại Đài Loan. Và một chiến lược gia PLA, Đại tá Meng Xianging cho biết, Trung Quốc sẽ nâng cấp chất lượng quân đội của mình trong vòng 10 năm tới để dùng vũ lực cho cuộc chiến đấu cuối cùng "khi chúng tôi đủ mạnh cho trận đánh giáp lá cà với Hoa Kỳ".
Winston Churchill là một trong những nhà lãnh đạo thế giới mà tôi yêu thích trong mọi thời đại. Một trong những lý do vì sao tôi rất ngưỡng mộ ông là, khi những người khác ở châu Âu đang mơn trớn những cánh ô liu và tìm cách dỗ dành Herr Hitler, Churchill cất lên tiếng nói đơn độc với sự thận trọng và cảnh báo. Churchill cuối cùng đã được chứng minh là đúng ... và ở lại để dọn dẹp đống đổ nát của những người dỗ dành Hitler.
Cái giá phải trả cho sự xoa dịu ở châu Âu là hàng chục triệu người chết, nhiều người trong số đó là người Mỹ. Tôi sợ chi phí phải trải cho sự dỗ dành ở châu Á sẽ là hàng chục triệu người chết ... mà hầu hết là người Mỹ.
Tác giả: Bob Ellis
Ngọc Thu dịch từ: http://www.dakotavoice.com/2010/06/chinese-military-to-america-we-will-hurt-you/
Quốc gia hiếu chiến
Nhưng danh sách các hành động và tuyên bố hung hăng từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Gordon Chang tại Pajamas Media có một bài viết ngày hôm qua, trong đó liệt kê một số điều này.Một là hành vi hiếu chiến của Trung Quốc được lặp lại hồi năm ngoái đối với tàu USNS Impeccable ở Biển Đông trong vùng biển quốc tế. Sinh viên lịch sử sẽ ghi nhớ rằng, cách đây không bao nhiêu năm, một máy bay tiêm kích Trung Quốc đâm vào một trong những máy bay trinh sát của chúng ta, làm cho nó phải hạ cánh khẩn cấp ở Trung Quốc, phi hành đoàn đã bị bắt giữ gần hai tuần, trước khi được thả ra; chiếc máy bay đã bị phá vỡ ra thành từng mảnh trước khi trả cho chúng ta.
Hãy xem đây:
Ngày 24 Tháng 5 trong một phòng họp lớn của nhà khách chính phủ Diaoyutai ở Bắc Kinh, Thiếu tướng Quan Du Phi thuộc Quân Giải phóng Nhân dân đứng lên nói chuyện...
Ông Quan nói, tất cả mọi thứ đi đúng đường trong quan hệ giữa Hoa Kỳ Trung Quốc là nhờ Trung Quốc. Ông tiếp tục, tất cả mọi thứ đi sai đường là lỗi tại Hoa Kỳ. Ông Quan cáo buộc Hoa Kỳ là “bá chủ” và âm mưu bao vây Trung Quốc bằng các đồng minh chiến lược. Viên chức này cũng để dành phần lớn sự cáu gắt cho việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho kẻ thù của Trung Quốc là Đài Loan – ông Quan nói, những điều này chứng tỏ rằng Hoa Kỳ xem Trung Quốc như là kẻ thù.
Do Trung Quốc đi theo chủ nghĩa Maxit toàn trị, họ sẵn sàng giết chết hàng triệu người dân của mình, gồm Thảm sát Thiên An Môn, gia tăng quân sự ồ ạt và hiếu chiến đối với Hoa Kỳ, thật là ngu xuẩn nếu chúng ta không xem Trung Quốc như kẻ thù. Một số người thực sự khờ khạo như thế; nhưng đó là do Trung Quốc muốn làm kẻ thù của chúng ta, chứ không phải chúng ta muốn xem họ như kẻ thù.
Quân đội đứng sau đảng?
Lo rằng chúng tôi nghĩ ông này là người lập dị hoặc ba que xỏ lá, hãy xem đoạn này ở báo Washington Post:Một viên chức cấp cao Trung Quốc, người có quan hệ với Hoa Kỳ thường xuyên, đã nói với điều kiện giấu tên vì ông không có thẩm quyền nói chuyện với phóng viên: "Đề đốc Quan đại diện cho những gì mà tất cả chúng tôi nghĩ về Hoa Kỳ trong thâm tâm chúng tôi. Có thể về mặt chính trị không được chính xác, nhưng đó không phải là một sự ngẫu nhiên".
Một tướng trong PLA nói với điều kiện giấu tên: "Thật là ngớ ngẩn để nói về phe phái khi nói đến quan hệ với Hoa Kỳ. Quân đội đứng sau đảng. Bạn có thực sự nghĩ rằng ông Quan đã đơn phương làm điều này"?
Và:
Thiếu tướng Dương Dy, một sĩ quan hải quân, nói: "Thời gian này Trung Quốc phải trừng phạt của Mỹ. Chúng tôi phải làm cho họ tổn thương". Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông La Nguyên, nói với một khán giả truyền hình rằng nhiều tên lửa sẽ được triển khai chống lại Đài Loan. Và một chiến lược gia PLA, Đại tá Meng Xianging cho biết, Trung Quốc sẽ nâng cấp chất lượng quân đội của mình trong vòng 10 năm tới để dùng vũ lực cho cuộc chiến đấu cuối cùng "khi chúng tôi đủ mạnh cho trận đánh giáp lá cà với Hoa Kỳ".
Winston Churchill là một trong những nhà lãnh đạo thế giới mà tôi yêu thích trong mọi thời đại. Một trong những lý do vì sao tôi rất ngưỡng mộ ông là, khi những người khác ở châu Âu đang mơn trớn những cánh ô liu và tìm cách dỗ dành Herr Hitler, Churchill cất lên tiếng nói đơn độc với sự thận trọng và cảnh báo. Churchill cuối cùng đã được chứng minh là đúng ... và ở lại để dọn dẹp đống đổ nát của những người dỗ dành Hitler.
Cái giá phải trả cho sự xoa dịu ở châu Âu là hàng chục triệu người chết, nhiều người trong số đó là người Mỹ. Tôi sợ chi phí phải trải cho sự dỗ dành ở châu Á sẽ là hàng chục triệu người chết ... mà hầu hết là người Mỹ.
Tác giả: Bob Ellis
Ngọc Thu dịch từ: http://www.dakotavoice.com/2010/06/chinese-military-to-america-we-will-hurt-you/
Theo dòng thời sự:
- Hoa Kỳ sẽ hiện diện lâu dài tại biển Đông
- Bài báo sặc mùi hiếu chiến trên báo mạng Trung Quốc
- Ngôn ngữ ngoại giao, hành động bá quyền
- Trung Quốc xâm phạm vùng biển quốc tế?
- Việt Nam sắm thêm vũ khí, Biển Đông sẽ ra sao?
- Chiến lược mới của hải quân Trung Quốc
- Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa
- Nhật lo ngại Trung Quốc cho tập trận gần đảo Okinawa
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
VOA * TRUNG QUỐC & MỸ
**
Tổng
Thống Hoa Kỳ Barack Obama hoan nghênh loan báo hôm thứ Bảy của Trung
Quốc sẽ để cho đồng tiền của họ có tỷ giá trao đổi linh hoạt hơn.
Tổng thống Obama gọi quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là một bước xây dựng, giúp cho kinh tế toàn cầu hồi phục.
Lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế cũng hoan nghênh động thái của Trung Quốc sẽ để cho đồng Nhân dân tệ được định giá lại, sau gần hai năm giữ đồng tiền này ở mức khoảng 6,8 ăn một đôla Mỹ.
Bắc Kinh vẫn chịu áp lực của quốc tế muốn họ định giá lại đồng tiền để giúp giảm bớt sự mất thăng bằng của kinh tế toàn cầu, trong đó phải kể đến cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Loan báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tên gọi của ngân hàng trung ương, được đưa ra vào lúc sắp sửa có hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế cao nhất thế giới, diễn ra tại Toronto, Canada vào hai ngày 26-27 tháng này.
Có nhiều phần chắc tiền tệ của Trung Quốc sẽ được mang ra bàn tại hội nghị này, nhưng báo chí Trung Quốc hôm thứ Sáu dẫn lời các quan chức của họ nói rằng Trung Quốc sẽ không tham gia bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan đến Nhân dân tệ.
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/world/china-currency-6-19-10-96731214.html
*
Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định tiền tệ của Trung Quốc
Thứ Bảy, 19 tháng 6 2010
Hình: AP
Chia sẻ
Tin liên hệ
Tổng thống Obama gọi quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là một bước xây dựng, giúp cho kinh tế toàn cầu hồi phục.
Lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc tế cũng hoan nghênh động thái của Trung Quốc sẽ để cho đồng Nhân dân tệ được định giá lại, sau gần hai năm giữ đồng tiền này ở mức khoảng 6,8 ăn một đôla Mỹ.
Bắc Kinh vẫn chịu áp lực của quốc tế muốn họ định giá lại đồng tiền để giúp giảm bớt sự mất thăng bằng của kinh tế toàn cầu, trong đó phải kể đến cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Loan báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tên gọi của ngân hàng trung ương, được đưa ra vào lúc sắp sửa có hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế cao nhất thế giới, diễn ra tại Toronto, Canada vào hai ngày 26-27 tháng này.
Có nhiều phần chắc tiền tệ của Trung Quốc sẽ được mang ra bàn tại hội nghị này, nhưng báo chí Trung Quốc hôm thứ Sáu dẫn lời các quan chức của họ nói rằng Trung Quốc sẽ không tham gia bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan đến Nhân dân tệ.
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/world/china-currency-6-19-10-96731214.html
*
BBC * MỸ & TRUNG QUỐC
Mỹ tiếp tục chỉ trích hải quân TQ
Hoa Kỳ lại một lần nữa lên tiếng chỉ trích cách hành xử
của Trung Quốc tại các vùng Đông Hải và Biển Đông.
Trong phỏng vấn dành cho Asahi Shimbun, tờ báo hàng đầu của
Nhật Bản, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc
Partick Walsh nói các hoạt động của hải quân Trung Quốc "gây
quan ngại cho tất cả các bên hiện đang có mặt ở Thái Bình
Dương".Bài báo mang tựa đề "Chỉ huy Hoa Kỳ công kích thái độ của hải quân Trung Quốc" lược thuật lại cuộc phỏng vấn với ông Walsh thực hiện tại đại bản doanh của hạm đội ở Trân châu Cảng, Hawaii.
Đô đốc Walsh cho rằng các chuyến bay trực thăng của hải quân Trung Quốc lại gần tàu chiến của Nhật Bản ở Đông Hải và Tây Thái Bình Dương hồi tháng Tư là "vô trách nhiệm".
Ông cũng bày tỏ quan ngại về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông đô đốc chỉ ra rằng riêng trong năm 2009, Trung Quốc đã bắt 433 ngư phủ Việt Nam trong các vùng biển mà hai bên còn đang tranh chấp chủ quyền.
Mới đây Trung Quốc cũng bắt đầu mô tả Biển Đông như một trong các "quan tâm chủ đạo" (core interest) bên cạnh Đài Loan và Tây Tạng.
Đô đốc Walsh nói" "Đây là vấn đề khiến chúng tôi hết sức quan ngại bởi vì, trên nguyên tắc, việc can thiệp vào quyền lưu thông hàng hải tự do trong hải phận quốc tế là quan tâm chủ đạo của tất cả các nước cùng sử dụng."
"Động mạch kinh tế chạy qua Biển Đông này đang bị người ta gây đe dọa vì các tranh chấp chủ quyền, đảo đá và bãi cạn."
Ông nói trong khi Hoa Kỳ cố gắng duy trì quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, "thể hiện quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nơi hai bên không có quan hệ phát triển và cũng là nơi rất dễ xảy ra hiểu lầm".
Mới đây Trung Quốc đã quyết định hoãn chuyến thăm nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates.
Bắc Kinh chỉ giải thích một cách ngắn gọn là "thời điểm không thích hợp".
Vấn đề gia tăng
Đô đốc Patrick Walsh nói rằng để phản ứng trước thái độ gây lo lắng của Trung Quốc tại Biển Đông, một số quốc gia liên quan như Việt Nam và Singapore đã quyết định mua tàu ngầm "như một hình thức để bảo vệ chủ quyền".Ông không bình luận rằng đây là cuộc chạy đua vũ trang nhưng nói điều này cho thấy "vấn đề đang gia tăng trong khu vực".
Kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái, ông Walsh đã tới thăm các nước Việt Nam, Singapore, Malaysia và Indonesia.
"Các nước này quan tâm tới việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với hải quân Hoa Kỳ và tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều này."
Ông cho rằng những gì đang xảy ra tại các vùng biển gần Nhật Bản và Biển Đông cho thấy các vấn đề rộng lớn hơn. Đó là cách hành xử của Trung Quốc và quân đội Trung Quốc tại các hải phận không thuộc chủ quyền của họ.
Ông nói hoạt động của hải quân Trung Quốc ở các nơi đều liên quan với nhau và có chung một mục tiêu chiến lược.
Khi được hỏi về đe dọa mà hỏa tiễn đạn đạo chống tàu chiến (ASBMs) của Trung Quốc có thể gây ra cho hải quân Hoa Kỳ, đô đốc Walsh chỉ nói: "Tôi nghĩ điều này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ".
Dường như ông Walsh cho rằng chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu chiến của Bắc Kinh, tuy chưa hoàn chỉnh, đang tiến nhanh tới thời điểm mang ra triển khai.
ASBMs là một trong các hệ thống vũ khí quan trọng, cùng với các tàu ngầm, có thể giúp Trung Quốc nâng cao khả năng ngăn chặn tàu chiến Mỹ đi lại và hoạt động tại Tây Thái Bình Dương.
TS.NGUYỄN PHÚC LIÊN * KINH TẾ TRUNG CỘNG
*
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TQ BẮT ĐẦU TỪ ĐỘT BIẾN CÔNG NHÂN
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TQ BẮT ĐẦU TỪ ĐỘT BIẾN CÔNG NHÂN
Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
UNICODE : http://VietTUDAN.net
Geneva, 09.06.2010
Khủng
hoảng Tài chánh/Kinh tế của Hoa kỳ khởi đầu từ Subprime Mortgage
Credits (Nợ Nần tư nhiễm độc) rồi lan ra Thế giới. Tiếp theo đó là
Khủng hoảng Hy Lap từ Sovereign Debts (Nợ Nần công) rồi lan ra cả Lên
Âu làm tụt giá đồng Euro.
Viết
cuốn sách về Khủng hoảng Tài chánh/Kinh tế Thế giới và liên tiếp 4
bài mới đây về Khủng hoảng Nợ nần Liên Âu, rồi nhìn nền Kinh tế Trung
quốc lệ thuộc vào hai Thị trường Hoa kỳ, Liên Âu, chúng tôi đã đặt vấn
đề có cuộc Khủng hoảng thứ ba nữa không và tại đâu, bắt đầu bằng cái
gì cụ thể. Chúng tôi đã dự phóng rằng đó là từ Trung quốc và bắt đầu
từ chính nền Kinh tế thực, chứ không phải từ Tài chánh, nợ nần như Hoa
kỳ và Liên Âu.
Thực
vậy, đối với sản xuất kinh tế cho những hàng hóa hạ cấp thường dùng
hàng ngày hay những linh kiện, nhân lực là yếu tố sản xuất chính. Những
thu nhập kinh tế, nếu không được phân phối đồng đều, sẽ là lý do tạo
căng thẳng xã hội. Nếu yếu tố chính yếu NHÂN LỰC (Force de Travail)
sản xuất bị bóc lột bất công, từ căng thẳng xã hội biến thành đột biến, bạo loạn để dành lại CÔNG BẰNG, CÔNG LÝ cho mình.
Theo
chúng tôi, cuộc ĐỘT BIẾN đòi CÔNG BẰNG, CÔNG LÝ của Công nhân FOXCONN
và HONDA khởi đầu cho cuộc Khủng hoảng Kinh tế tại Trung quốc.
Hôm
qua 08.06.2010, chúng tôi viết bài dưới đầu đề KINH TẾ TQ : CÔNG NHÂN
NỔI DẬY, CS NHƯỢNG BỘ. Hôm nay, chúng tôi viết tiếp về cuộc đột biến
Công nhân này với đầu đề KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TQ BẮT ĐẦU TỪ ĐỘT BIẾN
CÔNG NHÂN về ba phương diện :
=> Đột biến Công nhân đòi hỏi gì
=> Những lý do CSTQ nhượng bộ cuộc Đột biến Công nhân
=> Hậu quả thế nào từ Dột biến Công nhân này
Bài viết này dựa trên những thông tin tài liệu sau đây :
* AFP Beijing 08.06.2010 :
HONDA ETAIT TOUCHEE PAR UNE NOUVELLE GREVE
* REUTERS Taipeh 08.06.2010 :
LE GROUPE TAIWANAIS HON HAI PRECISION INDUSTRY :FILIALE FOXCONN
* Le Figaro 07.06.2010, trang 8:
CHINE: LI PENG JUSTIFIE LA REPRESSION DE TIANANMEN
* Le Monde 07.06.2010, trang 17 :
J’ACCUSE LE REGIME CHINOIS
* Financial Times 07.06.2010, trang 26 :
FOXCONN TO FACE INVESTOR QUESTIONS
* AFP Beijing 04.06.2010:
LES AUTORITES CHINOISES ONT AUTORISE UNE VAGUE AUGMENTATION DU SALAIRE MINIMUM
* Financial Times 03.06.2010, trang 9:
CHINESE LABOUR IS LICENSED TO STAKE ITS CLAIM
* Financial Times 03.06.2010, trang 14:
FOXCONN RAISES PAY BY 30% IN CHINA
* The Wall Street Journal 03.06.2010, trang 22:
HON HAI BENDS AMID SCRUTINY AND RAISES WAGES 30%
* REUTERS Beijing 02.06.2010 by Aileen WANG & Simon RABINOVITCH:
L’EVOLUTION DEMOGRAPHIQUE PROPICE AUX REVENDICATIONS SOCIALES
* Beijing Asia news/Agencies 02.06.2010:
THE NEW CHINESE WORKING CLASS, WILLING TO COMMIT SUICIDE RATHER THAN BEND TO OPPRESSION
* Le Monde 01.06.2010, trang 16:
EN CHINE , LA GREVE DES OUVRIERS DE HONDA ILLUSTRE LE MALAISE SOCIAL
* The Wall Street Journal 31.05.2010, trang 21:
CHINESE OFFICIAL WEIGHS IN ON HON HAI
* Le Monde 31.05.2010, trang 17:
C’EST A PEKIN QU’IL FAUT ALLER MANIFESTER
* Le Figaro 31.05.2010, trang 21:
LA GROGNE SOCIALE MONTE EN CHINE
Đột biến Công nhân đòi hỏi gì
Đâu
có bất công, đấy có đấu tranh. Khi bất công đối với quần chúng bị đẩy
đến tột bực, thì quần chúng làm đột biến và bạo loạn. Những người gây
bất công nhượng bộ hay không, đó là tương quan lực lượng. Lực lượng
Công nhân Trung quốc gồm 145 triệu và đang bị đảng CSTQ độc tài cấu kết
với Tư bản ngoại lai bóc lột bất công sức lao động.
Nhưng con số cho thấy bất công
Ngoài
việc tiên đoán và lo sợ của chính ÔN GIA BẢO tuyên bố ngày 14.03.2010
trước Quốc Hội tại Bắc Kinh, chúng tôi lấy những con số thống kê mà
các Thông tấn Reuters, AFP đánh đi để cho thấy sự phân phối bất công
cho yếu tố NHÂN LỰC sản xuất.
Nhìn
những con số thống kê của Nhà Nước, chúng ta nhận ra ngay sự chênh
lệch phân phối thu nhập từ phát triển Kinh tế (Bản tin Reuters Beijing
02.06.2010):
“Selon
les statistiques officielles, la part de la main-d'oeuvre dans le
revenu national est passée de 53,4% en 1996 à 39,7% en 2007, tandis que
celle des entreprises grimpait de 21,2% à 31,3% »
(Theo thống kê nhà nước phần dành cho nhân công trong thu nhập quốc
gia đi từ 53.4% năm 1996 xuống 39.7% năm 2007, trong khi đó phần dành
cho những Công ty tăng từ 21.2% năm 1996 lên 31.3% năm 2007)
Hãng
AFP 04.06.2010 từ Bắc Kinh cũng cùng nhận định về sự phân phối không
đồng đều mà chính Ông Gia Bảo đã nói trước Quốc Hội:
“Malgré
une croissance économique spectaculaire, la rémunération du travail a
chuté par rapport à la richesse produite depuis le lancement des
réformes économiques en Chine: elle représentait 56,5% du produit
intérieur brut en 1983, mais 36,7% en 2005, affirmait récemment un responsable syndical ». (Mặc
dầu tăng trưởng kinh tế lạ lùng, việc thù lao cho công nhân đã tụt
dốc so với sự giầu có làm ra từ ngày khởi công những thay đổi kinh tế
tại Trung quốc : phần dành cho công nhân chiếm 56.5% Tổng sản lượng
quốc gia năm 1983, nhưng chỉ còn 36.7% năm 2005, đó là lời khẳng định
của một người trách nhiệm nghiệp đoàn)
Tóm tắt cuộc Đột biến Công nhân FOXCONN và HONDA
Cuộc
Đột biến đấu tranh của Công nhân FOXCONN được thể hiện bằng hành động
tuyệt vọng : TỰ TỬ. Bị bóc lột bất công, mà không có quyền nói lên
đối với độc tài Chính trị cấu kết với Tư bản ngoại lai, một số những
Công nhân trẻ uất ức quá, đã chọn con đường chấm dứt cuộc sống bị bóc
lột của mình.
Tập
đoàn Hon Hai Đài loan tổ chức Nhà máy Foxconn tại Trung quốc để sản
xuất những điện thoại di động, chính yếu là Iphone cho Apple, những
máy vi tính cho DELL và Hewlett-Packard. Nhà máy Foxconn miền Nam
Trung quốc gồm 400'000 thợ. Thông tấn Reuters Taipeh 08.06.2010 viết :
«En cinq mois, dix ouvriers de l'usine
Foxconn de Shenzhen, dans le sud de la Chine, ont mis fin à leurs
jours et deux autres ont tenté de se suicider. » (Trong
vòng 5 tháng, mười công nhân của Foxconn Shenzghen, nam nước Tầu, đã
tự chấm dứt cuộc sống của mình, và hai người nữa quyết định tự tử).
Đây là hành động biểu hiện đấu tranh ở mức chót thê thảm.
Cuộc
Đột biến đấu tranh của Công nhân HONDA được thực hiện bằng Đình công.
Tập đoàn Xe hơi Honda có nhiều chi nhánh Nhà máy tại Trung quốc. Một
trong những nhà máy ở tại Foshan, nam Trung quốc. Foshan Fengfu Auto
Parts, chi nhánh Honda, có 65% cổ phần của Yutaka Giken Nhật và 35%
của Moonstone Holdings Đài loan. Một số những nhà máy khác ráp nối xe
hơi Honda tùy thuộc vào sản xuất những bộ phận như ổ số từ nhà máy
Foshan Fengfu Auto Parts này. Cuộc Đình công tại Foshan mang tính cách
chiến thuật, làm tê liệt những nhà máy ráp nối khác của Honda. 400
thợ làm việc tại đây đã đình công. Thực vậy, Thông tấn AFP Beijing
08.06.2010 viết : »Les usines d'assemblage du
constructeur automobile japonais n'ont repris la production que
vendredi dernier après plus d'une semaine de paralysie, en raison de
la grève à Honda Auto Parts Manufacturing.» (Những
nhà máy ráp nối xe hơi của Tập đoàn Nhật đã chỉ có thể tái hoạt động
thứ sáu vừa rồi sau hơn một tuần lễ tê liệt vì cuộc đình công tại nhà
máy sản xuất linh kiện Honda)
Những lý do CSTQ nhượng bộ
cuộc Đột biến Công nhân
Mức
lương rẻ mạt bóc lột là chính sách Kinh tế của Nhà Nước Trung quốc.
Thực vậy, việc cạnh tranh trên Thị trường quốc tế của Trung quốc dựa
trên hai thủ thuật độc tài : HẠ LƯƠNG NHÂN CÔNG và HẠ TỶ GIÁ ĐỒNG NHÂN
DÂN TỆ ĐỐI VỚI ĐO-LA. Trung quốc không cạnh tranh trên thị trường quốc
tế bằng PHẨM CHẤT cao của hàng hóa, mà bằng hai thủ thuật hạ giá
thành mà chúng tôi vừa nhắc tới.
CSTQ nhượng bộ
Đối
với thủ thuật hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ đối với Đo-la, Quốc tế, nhất
là Hoa kỳ, đã nhiều năm phản đối và đòi Trung quốc phải tăng tỷ giá
đồng Yuan. Nhưng cho đến nay, Trung quốc vẫn chỉ hứa cho yên chuyện mà
vẫn giữ tỷ giá thấp vì đây là chính sách cạnh tranh thương mại.
Đối với thủ thuật hạ lương nhân công, CSTQ đã xử dụng độc tài để áp đặt nhân công phải chấp nhận đồng lương rẻ mạt bóc lột.
Vì tình
hình căng thẳng xã hội do phân phối thu nhập không đồng đều và nhân
dịp này, CSTQ quyết định tăng lương cơ bản tổng quát là 20%.
Trước
cuộc đột biến đấu tranh của Công nhân Foxconn và Honda, CSTQ phải
nhượng bộ. Theo tin cập nhật của các Thông tấn Reuters Taipeh và AFP
Beijing cùng ngày 08.06.2010, thì yêu sách đòi tăng lương của Nhân công
được thỏa mãn như sau :
«Dimanche,
Hon Hai a annoncé que les salaires des ouvriers de l'usine Foxconn de
Shenzghen seraient relevés de 66%. En vertu de ces nouvelles
augmentations de salaires, qui entreront en vigueur le 1er octobre, le
salaire moyen des ouvriers de l'usine de Shenzhen passera à 2.000
yuans par mois (245 euros environ) ». (Chúa
nhật, Hon Hai đã tuyên bố lương của công nhân của nhà máy Foxconn
Shenzghen sẽ tăng lên 66%. Đối với việc tăng mới này về lương lậu sẽ
bắt đầu từ 01 tháng 10, lương trung bình của công nhân của nhà máy
Shenzghen sẽ là 2'000 mỗi tháng (245 Euros/ 290 US Đo-la)
«Honda
Auto Parts Manufacturing : Le conflit social a été résolu par une
augmentation de salaire de 24%, portant les rémunérations moyennes à
1.910 yuans (228 euros) ».
(Nhà máy Honda Auto Parts Manufacturing : Cuộc tranh đấu xã hội đã
được giải quyết bằng tăng lên 24%, như vậy đồng lương trung bình là
1'910 Yuan (228 Euros))
Trên
đây là những giải quyết về lương lậu, nhưng công nhân còn đòi hỏi tổ
chức sinh sống, điều kiện cư ngụ làm việc. Về phương điện này, Thông
tấn xã Reuters Taipeh 08.06.2010 viết : «Après
les augmentations de salaire annoncées dimanche, le groupe a déclaré
mardi qu'il se préparait à transférer la gestion des dortoirs de ses
ouvriers aux autorités locales chinoises. » (Sau
những việc tăng lương tuyên bố Chúa nhật, Tập đoàn đã tuyên bố thứ Ba
rằng họ sẽ sửa soạn chuyển việc quản trị nơi ngủ của các công nhân cho
chính quyền địa phương Trung quốc.) Quyết định này có thể sẽ là
nguồn đấu tranh nữa của Công nhân bởi lẽ yếu tố tham nhũng của chính
quyền địa phương Trung quốc nẩy sinh để cắt xén chi phí điều kiện sống
cho Công nhân.
Những lý do buộc nhượng bộ
Khi
hai lực lượng đối đầu, việc nhượng bố của một lực lượng là do tính
toán tương quan lực lượng. Lực lượng Công nhân Trung quốc gồm 145 triệu
người.. Nhưng sánh với lực lượng Công an vá Quân đội mà CSTQ nắm giữ,
thì lực lượng đàn áp của Nhà Nước mạnh hơn.
Ngày
04.06.1989, Đặng Tiểu Bình đã thẳng tay xử dụng lực lượng quân đội để
đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của Sinh viên, Thanh niên tại Thiên An
Môn. Nhưng ngày nay, cuộc đấu tranh của Công nhân là thuộc lực lượng
Kinh tế, một lãnh vực mà Nhà Nước Cộng sản coi là quan trọng nhất, ở
trong một hoàn cảnh mà Trung quốc không tự khép kín như thời Đặng Tiểu
Bình, mà đã hội nhập với Kinh tế Thế giới.
Việc
HẠ LƯƠNG NHÂN CÔNG là một trong hai thủ thuật chính để tăng cạnh
tranh hàng hóa Trung quốc. Tăng lương nhân công lên gần 70% là phạm
vào thủ thuật cạnh tranh chính của Trung quốc. Ngoài ra việc tăng
lương này có thể đưa đến tình trạng Domino lan rộng tới 145 triêu công
nhân. Tuy vậy CSTQ buộc lòng phải nhượng bộ cuộc Đột biến tại Công ty
Foxcoon và Honda. Theo những thông tin tài liệu của báo chí quốc tế
mà chúng tôi đã liệt kê trên đây, việc quyết định đàn áp cuộc Đột biến
đấu tranh Công nhân có thể đưa đến những thất lợi về Kinh tế cho
Trung quốc khi mà nền Kinh tế đã hội nhập quốc tế và lệ thuộc vào xuất
cảng sang các nước Tây phương cũng như trong vùng. Việc nhượng bộ này
không phải là do thôi thúc của lòng nhân đạo mà do việc tính toán cái
lợi hại Kinh tế giữa đàn áp hay nhượng bộ đòi hỏi của Công nhân. Cói
thể tóm tắt những lý do nhượng bộ như sau :
1) Cuộc
Khủng hoảng Tài chánh/Kinh tế từ Hoa kỳ đã làm tăng thất nghiệp tại
Mỹ đến gần 10%. Cuộc Khủng hoảng tiếp nối tại Liên Âu đã khiến các Nhà
Nước thuộc Liên Âu tuyên bố những chương trình thắt chặt tiêu thụ.
Thất nghiệp tăng mạnh tại Liên Âu. Tình trạng thất nghiệp tại Mỹ và
Liên Âu đã được coi như liên hệ đến việc tràn lan hàng Trung quốc tại
các Thị trường này khiến sản xuất tại chỗ bị ngưng trệ. Thủ thuật để
hàng Trung quốc lan tràn cạnh tranh là đồng lương rẻ mạt bóc lột nhân
lực Trung quốc. Nếu CSTQ đàn áp nhân công, điều này sẽ càng gây ác cảm
đới với Trung quốc và dẽ dàng đi đến bài trừ hàng Trung quốc.
2) Tây
phương đã nhìn rõ rằng việc phân phối thu nhập hiệu quả Kinh tế không
cân xứng giữa nhóm đảng nắm quyền và khối thợ thuyền Trung quốc. Đây
là việc khai thác bóc lột nhân công để làm giầu cho một thiểu số nhóm
đảng. Tờ Le Monde ngày 16.03.2010, trang 16 viết:
“La Chine est alarmée par le fait que le fossé ville-campagne va
continuer à se creuser dans la mesure òu le pays se focalise sur le
développement urbain et pas du monde rural.” (Trung
quốc bị báo động bởi sự việc là hố sâu thành phố—nhà quê sẽ tiếp tục
tự đào sâu thêm ở mức độ nước này đặt tiêu điểm phát triển thành thị
và không phải là lãnh vực nông thôn)
Cách
đây 6 năm, số người giầu từ 150 triệu Đo-la, liên hệ với đảng CSTQ,
là 100 người. Ngày nay con số đó đã tăng lên 1’000 người (Le Monde
16.03.2010, p.16)
Nếu
đàn áp những người thợ nghèo nàn đến nỗi phải tự tử, CSTQ sợ một sự
tẩy chay quốc tế về hàng hóa Trung quốc do chính những công nhân nghèo
khổ này sản xuất..
3) Khủng
hoảng Hoa kỳ và Liên Aâu đang đẩy đến chỗ hai Thị trường chính này
đưa ra những biện pháp Che chở Thương mại (Mesures de Protecionnisme
Commercial) đối với những hàng hóa Made in China vốn đã bị giảm giá
trị. Nếu đàn áp nhân công, thì làn sóng Che chở Thương mại có thể đưa
ra những lý do thêm nữa để ngăn cản hàng Trung quốc.
4) Trung
quốc đã quá quảng cáo cho thành công phát triển Kinh tế của mình.
Trung quốc đã cho Hoa kỳ vay nợ gần USD 1’000 tỉ, có nghĩa là Trung
quốc có nhiều vốn. Việc đàn áp những nhân công nghèo khổ bộc lộ tỏ
tường một chế độ chỉ làm giầu cho một lớp người nắm quyền hành độc tài.
5) Công
nhân Foxconn và Hoda là con đẻ của các Tập đoàn Tư bản Nhật và Đài
Loan. Chính những Tập đoàn này nhấn mạnh để Nhà Nước CSTQ phải nhượng
bộ bởi lẽ những những sản phẩm Honda như xe hơi, những sản phẩm
Foxconn như Iphone, máy vi tính DELL, Hewlett-Packard… sẽ bị mất ảnh
hưởng thương hiệu khi mà những người thợ sản xuất những hàng ấy bị đàn
áp. Những Tập đoàn Nhật và Đài Loan cũng ngại sợ sau này cho chính
những thương hiệu của nước họ: Made in Japan, Made in Taiwan.
Hậu quả thế nào từ Đột biến Công nhân này
Từ
việc nhượng bộ của CSTQ cho tăng lương công nhân Foxconn và Honda,
cuộc đột biến công nhân có thể lan rộng ra như hậu quả Domino cho cả
145 triệu thợ thuyền đang bị bóc lột hiện nay
Hậu
quả Domino đầu tiên là nhóm tư bản Hyundai Nam Hàn đã phải thoả mãn
đòi hỏi của nhân công mới đây. Aileen WANG và Simon RABINOVITCH
(Reuters Peijing 02.06.2010) viết : «Suivant
l'exemple des ouvriers de Honda, les salariés d'une usine du sud-coréen
Hyundai Motor, près de Pékin, ont à leur tour cessé le travail ce
week-end. Et ils ont rapidement obtenu gain de cause. » (Theo gương của những công nhân Honda, những công nhân của một nhà máy của
nhóm Hyundai Motor Nam Hàn, gần Bắc Kinh, đã ngưng làm việc cuối tuần
này. Và họ đã mau chóng nhận được thỏa mãn điều đấu tranh).
Quốc
tế đang nhấn mạnh cho Trung quốc phải tạo mãi lực nội địa. Việc nhấn
mạnh này mang hai mục đích : (i) Trung quốc có thể giải quyết thặng dư
sản xuất hàng hóa của mình chính trong nội địa ; (ii) Với mãi lực nội
địa tăng, nước ngoài có thể bán hàng hóa của mình vào Trung quốc.
Việc
nhượng bộ tăng lương có nghĩa làm theo chiều hướng tăng mãi lực nội
địa. Chúng tôi nhìn hậu quả việc tăng lương này dưới hai phương diện :
phương diện cạnh tranh thương mại Quốc tế và phương diện chính trị nội
địa Trung quốc.
=> Khía cạnh cạnh tranh thương mại Quốc tế
Như
trên đã nói, Trung quốc đã cố thủ giữ hai thủ thuật để hạ giá thành
hàng hóa nhằm tăng khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế, đó lã giữ
đồng lương nhân công thấp và giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp đối với
Đo-la. Nếu đồng Nhân dân tệ vẫn nhùng nhằng không hạ tỷ số, thì việc
tăng lương nhân công là yếu tố làm cho hàng Trung quốc tăng giá thành
và do đó giảm một phần tính cách cạnh tranh thương mại quốc tế. Đồng
thời vì việc giảm cạnh tranh hàng hóa Trung quốc, mà hàng hóa nước
ngoài tăng một phần cạnh tranh.
=> Phương diện chính trị nội địa
Tăng đồng lương hay phân phối đồng đều thu nhập Kinh tế để
tạo TƯ HỮU cá nhân là bước đi đầu tiên để phát triển tiến trình dân
chủ hóa Chính trị. Dân chủ không phải là ý niệm rêu rao bởi chính
quyền. Dân chủ là một nguyên tắc mà những cá nhân giao ước với nhau
trong việc giải quyết những tranh chấp cụ thể, nhất là Kinh tế, khi
phải sống chung với nhau. Hai xã hội đã thiết lập một nền Dân chủ cao
nhất, đó là Thụy sĩ và Hoa kỳ. Họ bắt đầu từ những cá nhân tự kiếm
sống, nghĩa là bắt đầu làm Kinh tế tạo tư hữu cho chính mình. Việc phát
triển dân chủ của hai nước này đi song hành với phát triển kinh tế cá
nhân. Dân chủ của họ gồm những nguyên tắc giải quyết cụ thể, chứ
không phải là ý niệm ngưỡng vọng.
Cuộc đấu tranh tăng lương để tạo tư hữu cho công nhân cũng là cuộc đấu tranh phát triển dân chủ cụ thể vậy.
Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
UNICODE : http://VietTUDAN.net
Geneva, 09.06.2010
Labels:
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 0141
THƠ Ý NGA
BÔI BÁC
-Đôi vớ rách rồi em
Sao không mua đôi khác?
Mang chi mà cũ mèm
Cho người ta bôi… bác
-Còn xanh màu, chưa bạc
Cuối tuần em vá cho
Bữa nay cho… chân thở
Đỡ ngột ngạt. Tự do!
Chỉ là một đôi vớ
Chỉ là câu nói đùa
Sao tự nhiên em nhớ
Chuyện Quê Nhà cay chua:
Tốn kém bao tiền bạc
Một xác chết luôn… no
Nên triệu dân… đói to
Đảng mới là… bôi bác!
“Bác” nằm cười trong lăng
Mấy chục năm chửa… thăng
Bôi son và trát phấn,
Trò bát nháo, nhố nhăng!
Ý Nga, 23.12.2007.
BĂNG ĐẢNG LÀM GIÀU
Nghe nhạc Dân Chủ Ca:
“Người dân VN chỉ có 2 con đường:
một con đường cùng và một con đường vùng lên!”
“Ma cô, đĩ điếm”*** bỏ đi
Đảng thương, đảng tiếc, còn chi sang giàu
Bèn đem bán… bớt Cô Dâu,
“Cháu Ngoan”, đảng bắt gục đầu bán dâm*
Mở cửa đón giặc ngoại xâm**,
Bán Nhà, bán đất, ngấm ngầm thủ riêng,
Gọi người gom góp, lạc quyên
Đem về nuôi… Đảng Chính Chuyên Làm Giàu
Người khờ mở rộng hầu bao
Nuôi Phường Hung Dữ trèo cao giết người
Giết Người Khóc, để chúng cười
Nụ cười thâm độc càng tươi, càng bền
Đường Cùng, sinh… Đường Vùng Lên
Việt Cộng lưu xú vạn niên: gian hùng!
*
Vùng lên! Cứu giang san chung!
Cứu dân tộc đã Đường Cùng Khổ Đau!
Ý Nga, 24.12.2007.
THƠ LÊ THỊ CÔNG NHÂN
*
Lê Thị Công Nhân - Tàu cao tốc quê em
Lê Thị Công Nhân - Tàu cao tốc quê em
Submitted by TongBienTap on Thu, 06/17/2010 - 22:09
17.06.2010
Xin nhạc sỹ Vũ Thành An tha lỗi vì đã không liên lạc để xin phép sử dụng lời trong một bài hát nổi tiếng của ông.
Kính tặng các Nghị sỹ Quốc hội Việt Nam đang dự kỳ họp tháng 6 năm 2010.
Riêng tặng cháu Tuna Lê thị Tường Minh bé bỏng (sinh ngày 07.11.2009), trêu chọc cháu là niềm cảm hứng để dì viết bài thơ này.
Xin nhạc sỹ Vũ Thành An tha lỗi vì đã không liên lạc để xin phép sử dụng lời trong một bài hát nổi tiếng của ông.
Kính tặng các Nghị sỹ Quốc hội Việt Nam đang dự kỳ họp tháng 6 năm 2010.
Riêng tặng cháu Tuna Lê thị Tường Minh bé bỏng (sinh ngày 07.11.2009), trêu chọc cháu là niềm cảm hứng để dì viết bài thơ này.
Tôi thường nói trêu
Khi bế bồng
Tuna bé bỏng
(7 tháng tuổi)
Rằng
Lớn lên
Con sẽ được bán hàng
Lạc rang hay trà đá
Hoặc đánh giày .. gì .. gì .. đó
ở bến tàu cao
tốc Việt Nam.
Với một cái thúng
(hay còn gọi là “buôn thúng”)
Với một cái mẹt
(hay còn gọi là “bán mẹt”)
Hoặc một hộp gỗ
Để đựng xi và bàn chải đánh giày
Nếu khi ấy
Vẫn còn gỗ ở trên rừng
CHO CON.
Ơi ơ.ơ.ơ.i .i.i!
Trà đá đây,
Lạc rang đây,
Ai bẩn giầy
Thì xin mời
Có cháu
Đến ngay!
Ôi!
Những đứa trẻ quê tôi
Tóc nhuộm nắng
Hoe vàng.
Bụng trướng lên
Vì giun sán
Mặt mũi ngốc nghếch
Ánh nhìn ngơ ngác
Áo quần lấm lem
Bùn đất
Bụi đời
MƯU SINH.
Chúng mày hãy cút ngay,
Hãy biến đi
Cuốn xéo cho khuất mắt tao.
Ảo ảnh vàng son
Đến đỉnh cao trào
Mà chúng mày
Lại hiện ra
Phá bĩnh
VẬY SAO?
Lũ trẻ con nghèo nàn xấu xí kia,
Chúng mày ở đâu ra mà lắm thế?
Tao cứ tưởng Đảng và Bác Hồ
Đã làm cho chúng mày
Sướng thành tiên cả
Rồi mà ?
Ồh!
Hóa ra là tao mơ sao?
Xin lỗi nha!
Nhưng Bộ Chính Trị đã quyết mất rồi
56 tỉ đô đó nhá
Chúng mày đành phải trả nợ
THÔI!
Thôi thì
Thì thôi ! ? ! ?
Chúng mày hãy cố
Bằng mọi cách
Và bất chấp mọi thủ đoạn
mà
Lớn lên cho thật nhanh
Giữa cuộc đời đầy bụi Đỏ
HÔI TANH !
Để được lăn lộn
Quăng quật
Tím tái mặt mày
Tối tăm mặt mũi
Hoặc cần thiết
Thì nằm ngửa ra
Mà kiếm tiền
Trả nợ cho tao.
Àh không,
Mà chính xác
Là cho
“Con tàu cao tốc của tao”
Đã trót làm
Nhân danh
Chúng mày
Rồi đấy.
Này anh (Nguyễn Tấn Dũng) hỡi!
Con đường anh đi đó
Con đường anh theo đó
Đúng hay sao?
Vui tiêu tiền
Có làm anh tiếc
Có làm anh xót
Nước dân mình còn nghèo.
Này anh hỡi!
Con tàu anh mơ đó
Con tàu anh say đó
Sẽ đưa anh sang đâu?
Nơi thiên đường
Chắc gì anh đến,
Chắc gì anh biết
Xót đau phận bèo trôi
Xót thương phận nghèo tôi!
Lê Thị Công Nhân, Hà nội, 17.06.2010Khi bế bồng
Tuna bé bỏng
(7 tháng tuổi)
Rằng
Lớn lên
Con sẽ được bán hàng
Lạc rang hay trà đá
Hoặc đánh giày .. gì .. gì .. đó
ở bến tàu cao
tốc Việt Nam.
Với một cái thúng
(hay còn gọi là “buôn thúng”)
Với một cái mẹt
(hay còn gọi là “bán mẹt”)
Hoặc một hộp gỗ
Để đựng xi và bàn chải đánh giày
Nếu khi ấy
Vẫn còn gỗ ở trên rừng
CHO CON.
Ơi ơ.ơ.ơ.i .i.i!
Trà đá đây,
Lạc rang đây,
Ai bẩn giầy
Thì xin mời
Có cháu
Đến ngay!
Ôi!
Những đứa trẻ quê tôi
Tóc nhuộm nắng
Hoe vàng.
Bụng trướng lên
Vì giun sán
Mặt mũi ngốc nghếch
Ánh nhìn ngơ ngác
Áo quần lấm lem
Bùn đất
Bụi đời
MƯU SINH.
Chúng mày hãy cút ngay,
Hãy biến đi
Cuốn xéo cho khuất mắt tao.
Ảo ảnh vàng son
Đến đỉnh cao trào
Mà chúng mày
Lại hiện ra
Phá bĩnh
VẬY SAO?
Lũ trẻ con nghèo nàn xấu xí kia,
Chúng mày ở đâu ra mà lắm thế?
Tao cứ tưởng Đảng và Bác Hồ
Đã làm cho chúng mày
Sướng thành tiên cả
Rồi mà ?
Ồh!
Hóa ra là tao mơ sao?
Xin lỗi nha!
Nhưng Bộ Chính Trị đã quyết mất rồi
56 tỉ đô đó nhá
Chúng mày đành phải trả nợ
THÔI!
Thôi thì
Thì thôi ! ? ! ?
Chúng mày hãy cố
Bằng mọi cách
Và bất chấp mọi thủ đoạn
mà
Lớn lên cho thật nhanh
Giữa cuộc đời đầy bụi Đỏ
HÔI TANH !
Để được lăn lộn
Quăng quật
Tím tái mặt mày
Tối tăm mặt mũi
Hoặc cần thiết
Thì nằm ngửa ra
Mà kiếm tiền
Trả nợ cho tao.
Àh không,
Mà chính xác
Là cho
“Con tàu cao tốc của tao”
Đã trót làm
Nhân danh
Chúng mày
Rồi đấy.
Này anh (Nguyễn Tấn Dũng) hỡi!
Con đường anh đi đó
Con đường anh theo đó
Đúng hay sao?
Vui tiêu tiền
Có làm anh tiếc
Có làm anh xót
Nước dân mình còn nghèo.
Này anh hỡi!
Con tàu anh mơ đó
Con tàu anh say đó
Sẽ đưa anh sang đâu?
Nơi thiên đường
Chắc gì anh đến,
Chắc gì anh biết
Xót đau phận bèo trôi
Xót thương phận nghèo tôi!
TRẦN BÌNH NAM * ABBY SUNDERLAND
**
Chuyện mạo hiểm của cô bé Abby Sunderland
Trần
binh Nam Cô bé Abby Sunderland tóc vàng, 16 tuổi, cùng bố
mẹ và 6 anh chị em sống ở Thousand Oaks, quận Ventura, California. Ông
bố, Laurence Sunderland làm nghề sửa chữa và đóng thuyền.
Hôm 23/1/2010 cô bé Abby rời bến tàu Marina del Rey của dân chơi thuyền
nhỏ (thuộc quận Los Angeles) một mình lái chiếc thuyền buồm Wild Eyes
dài 13 mét, trang bị đầy đủ dự định chạy vòng quanh thế giới: Từ
California vòng xuống Nam Mỹ châu, Nam Phi châu, băng qua Ấn Độ Dương
rồi vượt Thái Bình Dương trở về California. Anh ruột của Abby
là Zac Sunderland 17 tuổi vừa chiếm giải người trẻ tuổi nhất đi vòng
quanh thế giới bằng thuyền buồm cuối năm 2009.
Tháng 10/2009 tại Úc châu cô bé Jessica Watson 16 tuổi (sinh ngày18/5/1993) khởi hành từ Sidney ngày 18/10/2009 cũng bằng thuyền buồm với ý định giựt giải của Zac. Đó là lý do ngày 23/1/2010 cô bé Abby (sinh ngày 19/10/1993) rời bến Marina del Rey với quyết tâm chiếm giải quán quân người trẻ tuổi nhất đi vòng quanh thế giới một mình bằng thuyền buồm. Khi rời bến Jessica Watson được 16 tuổi 5 tháng, trong khi Abby mới 16 tuổi 3 tháng 4 ngày! Sau 4 tháng 17 ngày một mình ngoài biển, Abby đã chạy xuống Nam Mỹ, vòng quanh Cape Horn, vượt nam Đại Tây Dương đến Cape Town, vòng Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và vào giữa tháng 6 lênh đênh theo gió giữa Ấn Độ Dương.
Trên đường Abby đã ghé lại cảng Cabo San Lucas, Mexico 3 ngày (từ 2/2 đến 6/2) để sửa chữa thuyền. Và trước khi vào Ấn Độ Dương ghé Cape Town, Nam Phi 16 ngày (từ 5/5 đến 21/5) để sửa chữa máy lái tự động (autopilot). Ngày Thứ Năm 10/6/2010 lúc 7:00 sáng khi thuyền Wild Eyes đang chạy giữa Ấn Độ Dương thì sóng và gió đánh gãy cột buồm. Được điện cấp cứu chính phủ Úc thuê một máy bay của hãng hàng không Qantas Airways bay rà suốt vùng biển phía Tây và các tàu đánh cá viễn duyên thuộc nhiều quốc tịch trong vùng đều ra sức giúp tìm kiếm. Trong suốt 2 ngày thuyền của Abby vẫn còn phát ra điện báo nhưng thuyền không buồm không lái, máy định vị bất khiển dụng người ta không biết Abby đang trôi dạt về đâu, và thuyền có thể bị sóng biển lật úp bất cứ lúc nào. Trong khi thế giới đang ra sức tìm kiếm Abby, dư luận tại Hoa Kỳ chê trách bố mẹ Abby, ông Laurence và bà Marianne đã để con gái còn quá nhỏ làm một việc nguy hiểm.
Ông Laurence chống chế rằng Abby 16 tuổi nhưng Abby không phải là con nít đối với việc đi biển. Từ năm 13 tuổi Abby đã một mình mang thuyền đi giao cho khách và trong 16 năm tuổi Abby sống trên thuyền hơn nữa thời gian đó. Biển cả, sóng gió là môi trường thử thách yêu thích của Abby. Ông Laurence nói tuổi của Abby không liên hệ gì đến việc đã xẩy ra. Abby đã một mình vượt qua mũi Cape Horn, Nam Mỹ nơi những thủy thủ dày dạn trên thế giới cũng không muốn qua lại nhiều lần. Abby đã an toàn vượt qua mũi Cape of Good Hope (Nam Phi) một vùng đầy chướng khí chứng tỏ khả năng đi biển của Abby. Và nếu bảo tố trên Ấn độ Dương không đánh gãy cột buồm thì ai sẽ trách vợ chồng chúng tôi.
Và chuyện sóng đánh gãy cột buồm thì có liên quan gì đến tuổi. Dù vậy, nhiều người chủ trương đưa ông bà Sunderland ra tòa về tội đặt con nít vào chỗ nguy hiểm. Hôm Thứ Bảy 12/6, máy bay của hãng hàng không Qantas thấy thuyền của Abby trôi dạt trên biển tại một nơi cách phía Tây Úc đại Lợi 3.700 km. Được thông báo, chiếc Ile de la Reunion, một tàu đánh cá viễn duyên của người Pháp đang đánh cá gần đó đã cho một chiếc bè cao su chạy bằng máy đến cứu Abby vào lúc 3 giờ chiều sau 20 giờ chơi vơi giữa đại dương. Abby bỏ lại chiếc yatch gãy cột buồm lên bè cao su và sau đó lên tàu Ile de la Reunion an toàn. Abby được nói chuyện với bố mẹ 20 phút. Bà Marianne nói: “Abby có vẻ mệt, giọng trầm nhưng không quên khôi hài với mẹ” Bà Marianne sắp sinh đứa con thứ tám, con trai, trong vòng 2 tuần lễ, đã chọn tên là Charlie. Và Abby “pha trò” với mẹ rằng, thuyền con gãy cột buồm làm mẹ lo, chắc đẩy thằng Charlie ra đời sớm hơn. Ông Laurence cho biết Abby bị trầy da đây đó nhưng không thương tích .
Trên Ile de la Reunion , Abby viết vào blog của mình: “Vấn nạn của tôi là một cái dài và một cái ngắn: một làn sóng biển quá dài, và một cột buồm bị gió thiến còn quá ngắn. Và danh từ “crazy” của Anh ngữ diễn tả mọi sự tốt xấu một cách thích hợp nhất. Abby thuật lại rằng một đợt sóng “crazy” cao 8 mét phối hợp đứng lúc với gió đã đánh gãy cột buồm của cô. Ile de la Reunion tạm ngưng đánh cá đưa Abby về quần đảo Kerguelen, một trung tâm hẻo lánh dành cho các nhà khoa học nghiên cứu về biển.Tại đó một chiếc tàu sẽ đưa Abby về đảo Reunion dự trù đến nơi vào cuối tháng 6. (Đảo Reunion là một hòn đảo thuộc Pháp gần đảo Madagascar, tây Ấn Độ Dương, nơi đây Pháp đã lưu đày vua Thành Thái -1907, và vua Duy Tân – 1916.)
Nếu
bà Marianne chưa sinh Charlie, ông Laurence sẽ đi đón Abby. Chưa biết
khi nào Abby trở về Thousand Oaks. Nơi cổng nhà Abby ở một góc đường
yên tĩnh ở Ventura đã có hàng tá bong bóng đủ màu và một biểu ngữ lớn
“Thank God Abby’s Alive!” chờ cô bé Abby. Trước những chất vấn
của dư luận càng lúc càng nhiều, ông Laurence nói dù biết Abby đủ bản
lãnh vượt trùng dương, ông cũng đã khuyên Abby thận trọng. Ông kể cho
Abby nghe sự hung dữ của biển cả tại Point Conception… Nhưng – ông nói –
có thể sau khi Jessica Watson bên Úc lên đường thì Abby không chần chờ
nữa. Abby muốn giựt giải người trẻ tuổi nhất vòng quanh thế giới một
mình bằng thuyền buồm .
Ông bà Sunderland nói trở về nhà việc ưu tiên của Abby chắc là chống cơn buồn phiền vì cuộc mạo hiểm bất thành thì ít mà bỏ mất người bạn quý, chiếc Wild Eyes, cô đơn ngoài biển thì nhiều. Khi được hỏi Abby cần học bài học gì qua chuyến đi thất bại này, ông Laurence trầm ngâm và trả lời: “Phải chi Abby chạy chệch về hướng Bắc thêm 1o nữa, đường đó gió thường nhẹ hơn. Bà mẹ thì triết lý: “Nhân định không thắng ý trời. Đó là điều cốt lõi trong mọi công cuộc mạo
hiểm của con người”./. Trần Bình Nam June 17, 2010
Chuyện mạo hiểm của cô bé Abby Sunderland
Tháng 10/2009 tại Úc châu cô bé Jessica Watson 16 tuổi (sinh ngày18/5/1993) khởi hành từ Sidney ngày 18/10/2009 cũng bằng thuyền buồm với ý định giựt giải của Zac. Đó là lý do ngày 23/1/2010 cô bé Abby (sinh ngày 19/10/1993) rời bến Marina del Rey với quyết tâm chiếm giải quán quân người trẻ tuổi nhất đi vòng quanh thế giới một mình bằng thuyền buồm. Khi rời bến Jessica Watson được 16 tuổi 5 tháng, trong khi Abby mới 16 tuổi 3 tháng 4 ngày! Sau 4 tháng 17 ngày một mình ngoài biển, Abby đã chạy xuống Nam Mỹ, vòng quanh Cape Horn, vượt nam Đại Tây Dương đến Cape Town, vòng Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) và vào giữa tháng 6 lênh đênh theo gió giữa Ấn Độ Dương.
Trên đường Abby đã ghé lại cảng Cabo San Lucas, Mexico 3 ngày (từ 2/2 đến 6/2) để sửa chữa thuyền. Và trước khi vào Ấn Độ Dương ghé Cape Town, Nam Phi 16 ngày (từ 5/5 đến 21/5) để sửa chữa máy lái tự động (autopilot). Ngày Thứ Năm 10/6/2010 lúc 7:00 sáng khi thuyền Wild Eyes đang chạy giữa Ấn Độ Dương thì sóng và gió đánh gãy cột buồm. Được điện cấp cứu chính phủ Úc thuê một máy bay của hãng hàng không Qantas Airways bay rà suốt vùng biển phía Tây và các tàu đánh cá viễn duyên thuộc nhiều quốc tịch trong vùng đều ra sức giúp tìm kiếm. Trong suốt 2 ngày thuyền của Abby vẫn còn phát ra điện báo nhưng thuyền không buồm không lái, máy định vị bất khiển dụng người ta không biết Abby đang trôi dạt về đâu, và thuyền có thể bị sóng biển lật úp bất cứ lúc nào. Trong khi thế giới đang ra sức tìm kiếm Abby, dư luận tại Hoa Kỳ chê trách bố mẹ Abby, ông Laurence và bà Marianne đã để con gái còn quá nhỏ làm một việc nguy hiểm.
Ông Laurence chống chế rằng Abby 16 tuổi nhưng Abby không phải là con nít đối với việc đi biển. Từ năm 13 tuổi Abby đã một mình mang thuyền đi giao cho khách và trong 16 năm tuổi Abby sống trên thuyền hơn nữa thời gian đó. Biển cả, sóng gió là môi trường thử thách yêu thích của Abby. Ông Laurence nói tuổi của Abby không liên hệ gì đến việc đã xẩy ra. Abby đã một mình vượt qua mũi Cape Horn, Nam Mỹ nơi những thủy thủ dày dạn trên thế giới cũng không muốn qua lại nhiều lần. Abby đã an toàn vượt qua mũi Cape of Good Hope (Nam Phi) một vùng đầy chướng khí chứng tỏ khả năng đi biển của Abby. Và nếu bảo tố trên Ấn độ Dương không đánh gãy cột buồm thì ai sẽ trách vợ chồng chúng tôi.
Và chuyện sóng đánh gãy cột buồm thì có liên quan gì đến tuổi. Dù vậy, nhiều người chủ trương đưa ông bà Sunderland ra tòa về tội đặt con nít vào chỗ nguy hiểm. Hôm Thứ Bảy 12/6, máy bay của hãng hàng không Qantas thấy thuyền của Abby trôi dạt trên biển tại một nơi cách phía Tây Úc đại Lợi 3.700 km. Được thông báo, chiếc Ile de la Reunion, một tàu đánh cá viễn duyên của người Pháp đang đánh cá gần đó đã cho một chiếc bè cao su chạy bằng máy đến cứu Abby vào lúc 3 giờ chiều sau 20 giờ chơi vơi giữa đại dương. Abby bỏ lại chiếc yatch gãy cột buồm lên bè cao su và sau đó lên tàu Ile de la Reunion an toàn. Abby được nói chuyện với bố mẹ 20 phút. Bà Marianne nói: “Abby có vẻ mệt, giọng trầm nhưng không quên khôi hài với mẹ” Bà Marianne sắp sinh đứa con thứ tám, con trai, trong vòng 2 tuần lễ, đã chọn tên là Charlie. Và Abby “pha trò” với mẹ rằng, thuyền con gãy cột buồm làm mẹ lo, chắc đẩy thằng Charlie ra đời sớm hơn. Ông Laurence cho biết Abby bị trầy da đây đó nhưng không thương tích .
Trên Ile de la Reunion , Abby viết vào blog của mình: “Vấn nạn của tôi là một cái dài và một cái ngắn: một làn sóng biển quá dài, và một cột buồm bị gió thiến còn quá ngắn. Và danh từ “crazy” của Anh ngữ diễn tả mọi sự tốt xấu một cách thích hợp nhất. Abby thuật lại rằng một đợt sóng “crazy” cao 8 mét phối hợp đứng lúc với gió đã đánh gãy cột buồm của cô. Ile de la Reunion tạm ngưng đánh cá đưa Abby về quần đảo Kerguelen, một trung tâm hẻo lánh dành cho các nhà khoa học nghiên cứu về biển.Tại đó một chiếc tàu sẽ đưa Abby về đảo Reunion dự trù đến nơi vào cuối tháng 6. (Đảo Reunion là một hòn đảo thuộc Pháp gần đảo Madagascar, tây Ấn Độ Dương, nơi đây Pháp đã lưu đày vua Thành Thái -1907, và vua Duy Tân – 1916.)
Biết
bố mẹ đang bị dư luận chỉ trích Abby viết trên blog “Tôi không biết
đên tuổi nào hay thời đại nào thì không còn sóng gió và bão táp? Thực
tế là tôi gặp bão. Có ai băng qua Ấn Độ Dương mà không chờ đợi ít nhất
là một trận bão! Ai định đi vòng quanh thế giới bằng thuyền dù ở tuổi
nào, tháng nào, thời tiết nào cũng phải chuẩn bị gặp bão như là người
bạn
đường bất đắc dĩ”
Trả lời phỏng vấn của đài radio Úc ABC, Abby nói sóng lớn phối hợp
với gió mạnh 60 hải lý một giờ làm nghiêng thuyền đã xô ngã cô 4 lần.
Lần cuối khi thuyền trở lại vị trí thăng bằng thì sóng lớn tiếp đến
đánh gãy cột buồm. Cột buồm làm bằng fiber không gãy lìa chúc đầu xuống
nước. Abby nói cô không thiến dứt cột buồm dùng phần chìm trong nước
để giữ cho thuyền khỏi bị lật úp. Hỏi có sợ không Abby nói cô
lo nghĩ cách nào giữ cho thuyền khỏi lật nên không có thì giờ để sợ.
Và cô thêm: “Tôi biết sợ hải và lo âu không giúp được gì được trong
hoàn cảnh đó.” Abby đi theo một con đường khác với đường Zac
đã đi. Zac gặp may chuyến đi tương đối bình an. Trong khi Abby gặp gió
to, bão lớn, và một lần xuýt gặp bọn cướp biển.Ông bà Sunderland nói trở về nhà việc ưu tiên của Abby chắc là chống cơn buồn phiền vì cuộc mạo hiểm bất thành thì ít mà bỏ mất người bạn quý, chiếc Wild Eyes, cô đơn ngoài biển thì nhiều. Khi được hỏi Abby cần học bài học gì qua chuyến đi thất bại này, ông Laurence trầm ngâm và trả lời: “Phải chi Abby chạy chệch về hướng Bắc thêm 1o nữa, đường đó gió thường nhẹ hơn. Bà mẹ thì triết lý: “Nhân định không thắng ý trời. Đó là điều cốt lõi trong mọi công cuộc mạo
*
THƠ NGÔ MINH HẰNG
*
BẢN TRƯỜNG CA THỨ BẢY(Gởi người anh em bên kia giới tuyến)
Gió thu lạnh, từng lá vàng run rẩy
Cây trơ cành buồn bã hứng trời sương
Tôi viết tiếp bản trường ca thứ bảy
Chút lòng người vong quốc gởi quê hương !
Cây trơ cành buồn bã hứng trời sương
Tôi viết tiếp bản trường ca thứ bảy
Chút lòng người vong quốc gởi quê hương !
Một quê hương bên kia bờ đại hải
Nửa địa cầu vời vợi cánh chim bay
Quê tôi đấy, dân đau thương quằn quại
Tôi xa quê, lòng nhớ qúa, đêm ngày!
Nửa địa cầu vời vợi cánh chim bay
Quê tôi đấy, dân đau thương quằn quại
Tôi xa quê, lòng nhớ qúa, đêm ngày!
Xưa, đẹp lắm, từng bờ sông, ngọn núi
Giặc tràn về tất cả trắng màu tang
Hăm mấy năm tôi chờ cơn gió nổi
Tôi đợi Kinh Kha phất ngọn cờ vàng!
Giặc tràn về tất cả trắng màu tang
Hăm mấy năm tôi chờ cơn gió nổi
Tôi đợi Kinh Kha phất ngọn cờ vàng!
Anh hỏi chúng tôi sao yêu đất nước
Lại âm thầm rời bỏ để ra đi
Và chị hỏi vì sao yêu tổ quốc
Cần bàn tay xây dựng lại không về ???
Lại âm thầm rời bỏ để ra đi
Và chị hỏi vì sao yêu tổ quốc
Cần bàn tay xây dựng lại không về ???
Tôi thẳng thắn trả lời anh và chị
Giận cũng đành. Tôi nói thật lòng tôi
Nếu còn đó, một độc tài đảng trị
Tôi có về, về tranh đấu mà thôi !
Giận cũng đành. Tôi nói thật lòng tôi
Nếu còn đó, một độc tài đảng trị
Tôi có về, về tranh đấu mà thôi !
Quê hương đấy nhưng tôi không ở được
Cũng không về đóng góp bởi vì saỏ
Bởi Bác Đảng qúa tham tàn, bạo ngược
Hút máu dân đen, xiết họng đồng bào !
Cũng không về đóng góp bởi vì saỏ
Bởi Bác Đảng qúa tham tàn, bạo ngược
Hút máu dân đen, xiết họng đồng bào !
Hai chúng ta ở hai bờ giới tuyến
Hai con đường, lý tưởng nghịch chiều nhau
Tôi yêu tự do, công bình, chính thiện
Chế độ do dân lựa chọn, dân bầu
Hai con đường, lý tưởng nghịch chiều nhau
Tôi yêu tự do, công bình, chính thiện
Chế độ do dân lựa chọn, dân bầu
Đường anh chị rắc gieo mầm oan nghiệt
Nào giáo điều, nào lừa mị, gian tham
Nào khủng bố, nào tù lao, tiêu diệt
Nên căm hờn đầy dẫy Bắc Trung Nam !
Nào giáo điều, nào lừa mị, gian tham
Nào khủng bố, nào tù lao, tiêu diệt
Nên căm hờn đầy dẫy Bắc Trung Nam !
Tôi nói thế nếu anh không vui lắm
Thì xin nhìn đất nước một lần xem
Có phải dân lành đói ăn, rách mặc
Chẳng tự do, không một chút nhân quyền ?
Thì xin nhìn đất nước một lần xem
Có phải dân lành đói ăn, rách mặc
Chẳng tự do, không một chút nhân quyền ?
Dòng Bến Hải, Đảng chia đôi vĩ tuyến
Rồi Đảng xua quân xâm lược miền Nam
Có phải Đảng ném thương binh xuống biển
Đoạn tôn danh người ..."mất tích"...vinh quang ?
Rồi Đảng xua quân xâm lược miền Nam
Có phải Đảng ném thương binh xuống biển
Đoạn tôn danh người ..."mất tích"...vinh quang ?
Có phải Đảng đã trả thù ác độc
Dân miền Nam sau khi cướp miền Nam
Nhãn "Cải tạo", mác "khoan hồng, học tập"
Thực chất giết người quỷ quyệt, dã man ?
Dân miền Nam sau khi cướp miền Nam
Nhãn "Cải tạo", mác "khoan hồng, học tập"
Thực chất giết người quỷ quyệt, dã man ?
Có phải Đảng chặt cây rừng, trộm gỗ
Để lụt hàng năm nước nổi, dân chìm ?
Cứu trợ gởi về, tiền kia Đảng giữ
Hiện vật nhập khọ Dân đói, đứng nhìn ?
Để lụt hàng năm nước nổi, dân chìm ?
Cứu trợ gởi về, tiền kia Đảng giữ
Hiện vật nhập khọ Dân đói, đứng nhìn ?
Có phải đất dân Đảng thu, Đảng lấy
Dân biểu tình đòi, Đảng trả lại chưa ?
Có phải khắp nơi lòng dân chán ngấy
Những oán hờn cao chất ngất đơn thưa ?
Dân biểu tình đòi, Đảng trả lại chưa ?
Có phải khắp nơi lòng dân chán ngấy
Những oán hờn cao chất ngất đơn thưa ?
Có phải Đảng bán dân làm nô lệ
Hết hạn rồi chẳng nhận họ về không?
Nước người trả. Đảng làm ngơ, mặc kệ
Chỉ dân đen là thân phận khốn cùng!
Hết hạn rồi chẳng nhận họ về không?
Nước người trả. Đảng làm ngơ, mặc kệ
Chỉ dân đen là thân phận khốn cùng!
Có phải trẻ thơ bao em thất học
Đêm vỉa hè, ngày bới rác tìm cơm
Trường lớp thiếu nhưng hotel vẫn mọc
Dân không nhà nhưng Đảng lắm sân golf ?
Đêm vỉa hè, ngày bới rác tìm cơm
Trường lớp thiếu nhưng hotel vẫn mọc
Dân không nhà nhưng Đảng lắm sân golf ?
Có phải Đảng bôi đen dòng lịch sử
Dạy trẻ thơ thù hận, dối gian không?
Trăm năm trồng người, người thành công cụ
Luồn cúi Nga Tàu, khinh rẻ tổ tông
Dạy trẻ thơ thù hận, dối gian không?
Trăm năm trồng người, người thành công cụ
Luồn cúi Nga Tàu, khinh rẻ tổ tông
Có phải thiếu niên đốt đời xuân trẻ
Để tương lai không là thoáng phân vân ?
Em gái mười hai môi tô, mắt vẽ
Ai thắp đèn hồng mời mọc thiêu thân ?
Để tương lai không là thoáng phân vân ?
Em gái mười hai môi tô, mắt vẽ
Ai thắp đèn hồng mời mọc thiêu thân ?
Có phải Đảng, đỉnh cao ngồi chễm chệ
Trên ngai vàng, lòng chẳng xót thương dân
Kiểu bạo chúa, reo cười trên máu lệ
Trên bạc vàng, trên quyền lực, phi nhân ?
Trên ngai vàng, lòng chẳng xót thương dân
Kiểu bạo chúa, reo cười trên máu lệ
Trên bạc vàng, trên quyền lực, phi nhân ?
Đảng và dân rõ ràng hai giai cấp
Đảng sang giàu, dân nghèo đói,đau thương
Đảng thống trị và người dân bị trị
Đảng tàn hung, dân khốn cực trăm đường !
Đảng sang giàu, dân nghèo đói,đau thương
Đảng thống trị và người dân bị trị
Đảng tàn hung, dân khốn cực trăm đường !
Lệ đã thấm. Mầm xanh từ lòng đất
Đã nẩy chồi, đang lớn giữa quê hương
Dân Việt Nam với tinh thần bất khuất
Sẽ vùng lên mà rửa mối căm hờn
Đã nẩy chồi, đang lớn giữa quê hương
Dân Việt Nam với tinh thần bất khuất
Sẽ vùng lên mà rửa mối căm hờn
Anh thừa biết những lời tôi nói: ĐÚNG
Nên lo buồn mà chẳng dám nghe thôi
Đừng sợ nữạ Hãy nhìn vào sự thật
Để thương thân và thương đến giống nòi
Nên lo buồn mà chẳng dám nghe thôi
Đừng sợ nữạ Hãy nhìn vào sự thật
Để thương thân và thương đến giống nòi
Thế giới ngoài kia từng ngày biến chuyển
Những Bắc Hàn, Đông Đức, những Nam Tư
Khối Cộng Sản đang đi vào cõi chết
Vì lòng người bừng tỉnh giấc hoang mơ...
Những Bắc Hàn, Đông Đức, những Nam Tư
Khối Cộng Sản đang đi vào cõi chết
Vì lòng người bừng tỉnh giấc hoang mơ...
Thì hỡi chị, hỡi anh và hỡi bạn
Cùng chúng tôi, ta bước lại từ đầu
Hãy thành thật cho tình không đơn bạc
Muốn vườn tươi, phải diệt những loài sâu!
Cùng chúng tôi, ta bước lại từ đầu
Hãy thành thật cho tình không đơn bạc
Muốn vườn tươi, phải diệt những loài sâu!
Muốn đất nước kịp người trong hội mới
Muốn ta không mai một chính đời ta
Muốn dân tộc tương lai không mù tối
Muốn ấm no hạnh phúc tới muôn nhà
Muốn ta không mai một chính đời ta
Muốn dân tộc tương lai không mù tối
Muốn ấm no hạnh phúc tới muôn nhà
Thì ta phải đập tan đời áp bức
Phá gông xiềng đòi dân chủ, tự do
Một thể chế chính quyền dân tạo dựng
Phải không anh? dân Việt vẫn mong chờ ???
Phá gông xiềng đòi dân chủ, tự do
Một thể chế chính quyền dân tạo dựng
Phải không anh? dân Việt vẫn mong chờ ???
Tôi đang nói với anh lời chí thiết'
Bằng con tim, bằng chân thật, tình người
Anh chẳng muốn nghe như tôi vẫn biết
Trong lòng anh, nguồn thác đã ngầm khơi...
Bằng con tim, bằng chân thật, tình người
Anh chẳng muốn nghe như tôi vẫn biết
Trong lòng anh, nguồn thác đã ngầm khơi...
Dòng thác đó lớn dần, lan rộng mãi
Trong trái tim người tiến bộ các anh
Thành những dòng sông hướng về đại hải
Cùng với muôn lòng, đốt lửa đấu tranh!
Trong trái tim người tiến bộ các anh
Thành những dòng sông hướng về đại hải
Cùng với muôn lòng, đốt lửa đấu tranh!
Ngày anh về, quê hương vui biết mấy
Cả ba miền vàng rực bóng cờ xưa
Anh đọc lại bản trường ca thứ bảy
Nhìn anh, tôi cười. Mắt biếc. Xinh chưa ???
Cả ba miền vàng rực bóng cờ xưa
Anh đọc lại bản trường ca thứ bảy
Nhìn anh, tôi cười. Mắt biếc. Xinh chưa ???
Ngô Minh Hằng
*
*
Thursday, June 17, 2010
PHẠM TÍN AN NINH * THƯ GỬI CÔ GIÁO
Thư gởi Cô Nguyễn Thị Hoàng Bắc,
Phạm Tín An Ninh
Đọc trong danh sách những giáo sư dạy ở trường trung học Võ Tánh (Nha Trang) trước 75, tôi thấy có tên Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Dù chưa từng là học trò của Cô, vì khi Cô vào dạy là tôi đã rời trường vài năm trước đó, nhưng tôi luôn xem Cô như là “cô giáo của trường mình”. Sau này ra hải ngoại, biết Cô là một nhà văn, tôi mừng và hãnh diện lắm, khoe với mấy thằng bạn tù: đó là cô giáo của trường tao! Tôi mua luôn mấy tập truyện Long Lanh Hạt Bụi rất dễ thương của Cô tặng cho mấy thằng bạn tù đọc chơi, để tạm quên những ngày tháng cũ.Tôi định cư ở tận Bắc Âu, nên mấy năm đầu, không theo dõi được nhiều tin tức, sinh hoạt của người Việt bên Mỹ. Bỗng một hôm tôi đọc được trên một tờ báo hay diễn đàn nào đó, đề cập đến nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc trả lời phỏng vấn ông đạo diễn Trần Văn Thủy, đăng trên “Nếu Đi Hết Biển”. Tôi đã tìm đọc bài viết ấy của Cô và thấy lòng buồn cùng một chút băn khoăn. Sau đó bận bịu với chuyện học hành, nghề nghiệp áo cơm, tôi quên bẵng- quên chuyện Nếu Đi Hết Biển và (tạm) quên luôn cả cái tên đẹp đẽ của Cô.
Mấy tháng nay, một số các anh chị cựu học sinh hai trường VT và NTH Nha Trang tất bật lo tổ chức ngày Hội Ngộ 2010 tại San Jose vào tháng 8 này để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Nữ Trung Học và cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn các Thầy Cô đã dạy dỗ mình, tôi lại được thấy tên GS Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong danh sách được mời, nhưng chưa thấy trả lời. Sáng nay, thức dậy sớm, không có việc gì làm, tôi vào trang Talawas đọc, thì mới biết lý do vì sao Cô ”chưa trả lời” cho đám học trò, từng một thời tôn kính Cô: Ba Mươi Tháng Tư Đen, tôi đi Hà Nội (chữ của cô)
(http://www.talawas. org/?p=20888)
Nếu chuyện chỉ đến đây thì tôi không phải viết những điều phiền muộn này làm gì, để mang tội thất lễ với Cô. Nhưng sau khi thấy Cô đưa cái lý do”công tác tình cờ” để mỉa mai giáo đầu thiên hạ đừng vội hiểu “lệch lạc” cái chuyện du lịch Hà Nội của Cô, và cười nhạo cái giọng “lói” của người “Hà Lội”(chữ của Cô), cho có vẻ làm dáng hài hòa, Cô bèn khoe chuyện vào lăng viếng bác rồi sau đó là chửi xiên xỏ cái đám người Việt chống Cộng trong các “ghetto người Việt” tại Mỹ (chữ của Cô), tôi phải gom góp chút hiểu biết vốn đã ít oi, để viết lá thư này gởi đến Cô.
Xin trích một vài đoạn Cô viết:
Cô có quyền thăm viếng, có quyền ca ngợi và cũng có quyển “dỡ mu ra chào” bác Hồ của Cô. Không được học rộng, không biết làm thơ viết văn có tầm cỡ như cô, tôi không có đủ khả năng để luận bàn những chuyện đông tây kim cổ, chỉ xin được phép nhắc cô ba điều mà cả nước, dù bất cứ kẻ ngu dốt nào, ai cũng biết:
Xin được hỏi Cô, bàn tay ông Hồ có vấy máu của hàng vạn người dân vô tội? Chuyện Cải Cách Ruộng Đất xảy ra hầu hết là ngoài Bắc, và thời gian ấy Cô còn bé, nên có thể không chứng kiến những cảnh kinh hoàng. Còn chuyện Nhân Văn Giai Phẩm, là một nhà văn/nhà thơ, chắc Cô phải biết, nhất là một số nạn nhân “đồng nghiệp” khốn khổ của Cô vẫn còn sống sau 75. Và mới nhất là chuyện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế? Hay gốc gác ở Huế nhưng vì mang cái tên Bắc, nên Cô chẳng còn chút tình nào với Huế, với hơn 5000 đồng hương Huế của Cô bị giết dã man trong những ngày tết cổ truyền ?
Khi vào lăng viếng bác, không biết Cô có hỏi bác của Cô điều này? Nó ngàn lần quan trọng hơn là chuyện “dì Xuân, chuyện bác Hồ không được các đồng chí của ông cho làm việc nước”. Người trí thức và ngay thẳng, không ai đem vài chuyện “ruồi bu” để đánh lận những chuyện tày trời.
Cô có biết là trong những ngày Cô và gia đình sống êm ấm ở Saigon, để Cô được trở thành cô giáo, có biết bao nhiêu người lính (và dân) miền Nam đã chết, trong đó có biết bao nhiêu thằng học trò đã học với Cô. Chinh họ đã hy sinh tính mạng để giữ an toàn cho Cô, và giúp cho Cô không sớm trở thành giáo viên“lưu dung”. Ngày xưa có lẽ Cô dạy môn Quốc Văn cho đệ nhị cấp, nên chẳng còn nhớ những bài công dân giáo dục vỡ lòng: “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, vậy mà tội nghiệp cho đám học trò của Cô, bây giờ đến tuổi già rồi mà cứ vẫn còn phải nằm lòng cái câu“ nhất tự vi sư bán tự vi sư”.
Cô về “tham quan Hà Nội”, dắt theo mấy người bạn Mỹ, viếng lăng bác, và bận rộn công việc họp hành“giao lưu với các nhà văn trong nước”, rồi lại tất bật sang viếng cả xác chết của “chủ tịch” Mao Trạch Đông tận bên Tàu, có lẽ vì vậy mà Cô không có dịp gặp đám dân nghèo cùng khổ, và những người trí thức trẻ như , những nhà tu, đang bị hành hạ giam cầm chỉ vì lên tiếng kêu gọi nhân quyền và tự do tôn giáo.. Tôi tiếc (và buồn) cho Cô, đi nghe (và viết mỉa mai) làm gì những lời nói ngọng. Đó chỉ là chuyện bình thường của những vùng quê, nơi nào cũng có, mà một nhà giáo nhà văn tên tuổi như Cô không nên làm. Tôi tiếc hơn là giá mà Cô dùng thì giờ ấy để đi thăm một nữ luật sư rất trẻ có tên Lê Thị Công Nhân, vừa mới ra tù, để nghe cô ấy nói những lời đớn đau chân thật, thăm vài gia đình vùng Thái Bình, Nam Định, hỏi xem có bao nhiêu cô con gái, bao nhiêu đứa con nít tuổi 11-12 ( và có cả những người vợ nữa) đã được “ xuất cảng” sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Cam Bốt, để làm nô lệ và gái điếm?
Cùng là đàn bà, chẳng lẽ Cô không cảm thấy chút nào tủi nhục và chua xót hay sao? Hay là Cô lại chậc lưỡi, phán rằng “ biết rồi, mấy cái chuyện này đã xưa như trái đất”!
Chắc thế nào Cô cũng đã gặp giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng hành với đạo diễn Trần văn Thủy và nhiều người bạn khác của Cô ở William Joiner Center, người lập ra trang web boxitvn. Sao Cô không hỏi ông những điều quan trọng hơn của đất nước, để nghe ông tâm tình về viễn ảnh của một Việt Nam trở thành chư hầu (thực thụ) của Trung Quốc? Bao nhiêu lãnh thổ, lãnh hải của cha ông đã mất? Và ngay cả những người trí thức chống họa xâm lăng phương Bắc này đã hứng chịu những hậu quả ra sao, từ phía chính quyền?
Cô cay cú làm gì với những “ghetto người Việt” (chữ của Cô). Bản thân và gia đình họ đã từng bị hành hạ, bị sĩ nhục, bây giờ họ có “hận thù” “sặc mùi máu”, cũng là lẽ tự nhiên thôi. Hơn nữa, thấy những kẻ “tư bản đỏ”cầm quyền đang sống phè phởn trên máu và nước mắt của dân nghèo, xã hội ở quê nhà ngày càng băng hoại, đất nước ngày càng lệ thuộc và có nguy cơ mất vào tay giặc, họ phẫn nộ cũng là lẽ thường tình. Cô có thể (và có quyền) không ưa họ, nhưng là người viết văn làm thơ, ít nhiều phải thông cảm họ. Giá hồi ấy cha của Cô bị đấu tố, chôn sống trong Cải Cách Ruộng Đất, mẹ của Cô bị trói tay, đập đầu, vùi thây trong hố chôn người tập thể ở Huế trong Tết Mậu Thân, (sau tháng 4/75) phu quân của Cô bị đày ải đánh đập đến tàn phế, mù lòa, còn Cô không được “lưu dung” mà bị cưỡng bức lên vùng kinh tế mới, mang theo một đàn con dại sống đói khổ bơ vơ giữa rừng thiêng nước độc, bị đám cường quyền 30/4 làm nhục đến mang bầu, liệu bây giờ Cô có hận thù để “ nếu đi hết biển” rồi mà cũng vẫn chưa thăm viếng được bác Hồ? Nhưng những người trong “ghetto chống Cộng sặc mùi máu” ấy cũng chỉ là một thiểu số. Cái bách phân lớn lao chính là khối người thầm lặng, nhiều người tài năng, học rộng, chí ít cũng bằng Cô, nhưng chắc chắn là họ sẽ không khi nào để mất lương tri và liêm sĩ.
Cô bênh vực cho đám trí thức hèn hạ cỡ Nguyễn Hữu Liêm, ( nhưng tội nghiệp cho gs Lê Xuân Khoa bị Cô cưởng bức đứng chung với đám này). Cô quên là Nguyễn Hữu Liêm bị đuổi ra khỏi đại hội của Hội Luật Gia Viêt Nam tại San Jose, không phải bởi những người chống Cộng “sặc mùi máu” mà bởi một số Luật sư lão thành, cùng với sự đồng tình của hầu hết những vị đồng nghiệp có mặt? Tất nhiên, họ cũng đều là những người trí thức. Còn riêng tôi, và chắc chắn tất cả đám học trò ngày xưa của Cô, chỉ cần nghe tới cái tên của gã trí thức này là đã muốn buồn nôn.
Khi tôi ngồi viết mấy dòng buồn bã này, thì dưới bài viết của Cô (trên Talawas) đã có trên 30 phản hồi. Tôi chỉ mới đọc thoáng qua mà lòng đã nhói đau, bởi dù gì Cô cũng là cô giáo của trường tôi. Phản hồi ngắn nhất của ông độc giả Louis nào đó chỉ đúng có một dòng: “Thương nữ bất tri vong quốc hận”. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó câu này, trong bài thơ Bạc Tần Hoài của nhà thơ Đỗ Mục. Chỉ có một câu mà lòng tôi đau hơn vết chém. Chẳng lẽ cô giáo trường Võ Tánh Nha Trang tiếng tăm, nhà văn tôi từng mến mộ một thời, lại được một người lạ hoắc gọi là một“ca nhi đâu còn biết hận vong quốc” là gì!
Lẽ ra, tôi phải viết dài hơn, thưa thêm với Cô ít điều phải trái, nhưng ngại là Cô không có thì giờ để đọc. Bởi lòng Cô đang tràn ngập niềm vui, con tim của Cô đang rộn rã như ngày nào,(trong đại hội Việt kiều), khi Nguyễn Hữu Liêm bước lên sân khấu đồng ca bài “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Mong là tháng 8 này Cô sẽ đến San Jose tham dự Ngày Hội Ngộ của cựu giáo sư và học sinh hai trường Võ Tánh& Nữ Trung Học Nha Trang, để gặp lại đám học trò nhỏ dại ngày xưa, mà bây giờ ai nấy cũng đều bạc tóc. Không chỉ bạc vì tuổi tác mà bạc vì từng phải trải qua cuộc trầm luân khốn khổ sau ngày “thống nhất hai miền”, để bây giờ Cô được ra Hà Nội viếng lăng bác và viết lách xỏ xiên những đồng hương sống trong các “ghetto người Việt”, mà trong đó chắc hẳn phải có những đứa học trò của Cô ngày trước.
Nếu những dòng này làm buồn lòng Cô, xin Cô thông cảm và tha lỗi. Bởi nếu tôi không viết, chắc chắn sẽ có nhiều người khác viết. Dù gì, một người học trò viết cho cô giáo của trường mình, vẫn còn nặng một chút tình. Tuổi đã già, lại sống trong cảnh lưu lạc tha hương, cái tình này lại càng đáng trân quí lắm, phải không Cô?
Kinh chúc Cô được nhiều sức khỏe trong những ngày còn lại trên quê hương.
Kính chào Cô.
*
Phạm Tín An Ninh
Phạm Tín An Ninh
Đọc trong danh sách những giáo sư dạy ở trường trung học Võ Tánh (Nha Trang) trước 75, tôi thấy có tên Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Dù chưa từng là học trò của Cô, vì khi Cô vào dạy là tôi đã rời trường vài năm trước đó, nhưng tôi luôn xem Cô như là “cô giáo của trường mình”. Sau này ra hải ngoại, biết Cô là một nhà văn, tôi mừng và hãnh diện lắm, khoe với mấy thằng bạn tù: đó là cô giáo của trường tao! Tôi mua luôn mấy tập truyện Long Lanh Hạt Bụi rất dễ thương của Cô tặng cho mấy thằng bạn tù đọc chơi, để tạm quên những ngày tháng cũ.Tôi định cư ở tận Bắc Âu, nên mấy năm đầu, không theo dõi được nhiều tin tức, sinh hoạt của người Việt bên Mỹ. Bỗng một hôm tôi đọc được trên một tờ báo hay diễn đàn nào đó, đề cập đến nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc trả lời phỏng vấn ông đạo diễn Trần Văn Thủy, đăng trên “Nếu Đi Hết Biển”. Tôi đã tìm đọc bài viết ấy của Cô và thấy lòng buồn cùng một chút băn khoăn. Sau đó bận bịu với chuyện học hành, nghề nghiệp áo cơm, tôi quên bẵng- quên chuyện Nếu Đi Hết Biển và (tạm) quên luôn cả cái tên đẹp đẽ của Cô.
Mấy tháng nay, một số các anh chị cựu học sinh hai trường VT và NTH Nha Trang tất bật lo tổ chức ngày Hội Ngộ 2010 tại San Jose vào tháng 8 này để kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Nữ Trung Học và cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn các Thầy Cô đã dạy dỗ mình, tôi lại được thấy tên GS Nguyễn Thị Hoàng Bắc trong danh sách được mời, nhưng chưa thấy trả lời. Sáng nay, thức dậy sớm, không có việc gì làm, tôi vào trang Talawas đọc, thì mới biết lý do vì sao Cô ”chưa trả lời” cho đám học trò, từng một thời tôn kính Cô: Ba Mươi Tháng Tư Đen, tôi đi Hà Nội (chữ của cô)
(http://www.talawas. org/?p=20888)
Nếu chuyện chỉ đến đây thì tôi không phải viết những điều phiền muộn này làm gì, để mang tội thất lễ với Cô. Nhưng sau khi thấy Cô đưa cái lý do”công tác tình cờ” để mỉa mai giáo đầu thiên hạ đừng vội hiểu “lệch lạc” cái chuyện du lịch Hà Nội của Cô, và cười nhạo cái giọng “lói” của người “Hà Lội”(chữ của Cô), cho có vẻ làm dáng hài hòa, Cô bèn khoe chuyện vào lăng viếng bác rồi sau đó là chửi xiên xỏ cái đám người Việt chống Cộng trong các “ghetto người Việt” tại Mỹ (chữ của Cô), tôi phải gom góp chút hiểu biết vốn đã ít oi, để viết lá thư này gởi đến Cô.
Xin trích một vài đoạn Cô viết:
“Tôi
thấy Bác nằm nghiêm trang, hồn hậu, đèn mờ nên mặt như mặt sáp, sau
này vào xem ông Mao ở Trung Quốc cũng thấy không biết đâu là thật
đâu là giả, nhưng nói chung, Bác Hồ mình đẹp trai hơn Bác Mao, theo
tôi.
………………………
Cụ
già xứ Nghệ sống thanh đạm và có vẻ lặng lẽ, tủ sách nhỏ, vài
quyển sách cũ đã tróc gáy, sờn bìa, thậm chí mất cả bìa, giấy ố
vàng rất giống mấy quyển sách của ông già tôi khi ông về hưu; vườn
hoa, ao cá, nhà sàn, khu vườn mênh mông, nếu hồi ký sách vở của
vài nhân vật thân cận Bác nói đúng thì những năm cuối đời không
được các đồng chí cho tham gia việc nước, suốt ngày cứ ra vào vỗ tay
nói chuyện với cá không biết nói chỉ biết đớp mồi, ông cụ sống cô tịch lặng lẽ mà lại không được la đà tiêu dao thoải mái rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp, gót sen theo đủng đỉnh một đôi dì, vừa hé ramột dì Xuân gì đấy đã bị Bộ Chính trị tàn sát ngay, tôi thấy tội nghiệp Bác, sống thế có khác gì Bác đang bị cầm tù
…………………..
khi
về lại Mỹ, đi ăn trưa với vài người bạn tôi nhặt được trong mấy tờ
báo tiếng Việt địa phương ở đây sử dụng, cũng vẫn cái luận đề sát cộng, diệt cộng năm
mươi năm trước sặc mùi máu, mà máu của ai đây mới được chứ, máu đã
đổ thành sông thành biển, tám mươi tám triệu người trong nước không
ai đọc, không ai viết, không ai suy nghĩ, không ai chia sẻ những gì
như ghetto
người Việt ở đây viết dai, nói dài, đọc dở. Chúng ta đang tự đóng
cửa rút cầu, tự cô lập, tự xa lạ mình với tổ quốc, đất nước gốc, với
đồng bào ta để làm gì vậy?
Tôi không ngạc nhiên khi nghe nói đến vô số lực lượng đối lập võ mồm mà các bậc thân hào nhân sĩ
người Việt nước ngoài lớn tiếng kêu gọi, ở nước ngoài quý ông bà
anh chị muốn nói gì thì nói, công an có sờ gáy bắt bớ đụng đến cọng
lông chân nào của anh chị đâu, nói cho vui, cho nổi bật, để xả stress,
để tự sướng thì dễ, nhưng nói và được lắng nghe thì khó lắm, quý
ông Lê Xuân Khoa, Nguyễn Hữu Liêm, Đỗ Kh., Nguyễn-Khoa Thái Anh… lâu
lâu cũng vì mấy cái vụ này mà bị phản hồi lăng mạ tơi bời.”
Xin
lỗi Cô, đọc tới đây tôi thấy nghẹn trong cổ họng. Chẳng lẽ một ”cô
giáo của trường tôi”,tốt nghiệp đại học sư phạm miền Nam, từng dạy
Quốc Văn cho học sinh trung học đệ nhị cấp, mà từ ngôn từ đến suy
nghĩ chỉ đến vậy thôi sao? Đó là tôi chưa dám lạm bàn đến tư cách và
lương tâm, hai phạm trù có “quan hệ hữu cơ”với cái nghề dạy học của
Cô.Cô có quyền thăm viếng, có quyền ca ngợi và cũng có quyển “dỡ mu ra chào” bác Hồ của Cô. Không được học rộng, không biết làm thơ viết văn có tầm cỡ như cô, tôi không có đủ khả năng để luận bàn những chuyện đông tây kim cổ, chỉ xin được phép nhắc cô ba điều mà cả nước, dù bất cứ kẻ ngu dốt nào, ai cũng biết:
- Chuyện Cải Cách Ruộng Đất , chuyện Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc và Chuyện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế
Xin được hỏi Cô, bàn tay ông Hồ có vấy máu của hàng vạn người dân vô tội? Chuyện Cải Cách Ruộng Đất xảy ra hầu hết là ngoài Bắc, và thời gian ấy Cô còn bé, nên có thể không chứng kiến những cảnh kinh hoàng. Còn chuyện Nhân Văn Giai Phẩm, là một nhà văn/nhà thơ, chắc Cô phải biết, nhất là một số nạn nhân “đồng nghiệp” khốn khổ của Cô vẫn còn sống sau 75. Và mới nhất là chuyện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế? Hay gốc gác ở Huế nhưng vì mang cái tên Bắc, nên Cô chẳng còn chút tình nào với Huế, với hơn 5000 đồng hương Huế của Cô bị giết dã man trong những ngày tết cổ truyền ?
Khi vào lăng viếng bác, không biết Cô có hỏi bác của Cô điều này? Nó ngàn lần quan trọng hơn là chuyện “dì Xuân, chuyện bác Hồ không được các đồng chí của ông cho làm việc nước”. Người trí thức và ngay thẳng, không ai đem vài chuyện “ruồi bu” để đánh lận những chuyện tày trời.
Cô có biết là trong những ngày Cô và gia đình sống êm ấm ở Saigon, để Cô được trở thành cô giáo, có biết bao nhiêu người lính (và dân) miền Nam đã chết, trong đó có biết bao nhiêu thằng học trò đã học với Cô. Chinh họ đã hy sinh tính mạng để giữ an toàn cho Cô, và giúp cho Cô không sớm trở thành giáo viên“lưu dung”. Ngày xưa có lẽ Cô dạy môn Quốc Văn cho đệ nhị cấp, nên chẳng còn nhớ những bài công dân giáo dục vỡ lòng: “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, vậy mà tội nghiệp cho đám học trò của Cô, bây giờ đến tuổi già rồi mà cứ vẫn còn phải nằm lòng cái câu“ nhất tự vi sư bán tự vi sư”.
Cô về “tham quan Hà Nội”, dắt theo mấy người bạn Mỹ, viếng lăng bác, và bận rộn công việc họp hành“giao lưu với các nhà văn trong nước”, rồi lại tất bật sang viếng cả xác chết của “chủ tịch” Mao Trạch Đông tận bên Tàu, có lẽ vì vậy mà Cô không có dịp gặp đám dân nghèo cùng khổ, và những người trí thức trẻ như , những nhà tu, đang bị hành hạ giam cầm chỉ vì lên tiếng kêu gọi nhân quyền và tự do tôn giáo.. Tôi tiếc (và buồn) cho Cô, đi nghe (và viết mỉa mai) làm gì những lời nói ngọng. Đó chỉ là chuyện bình thường của những vùng quê, nơi nào cũng có, mà một nhà giáo nhà văn tên tuổi như Cô không nên làm. Tôi tiếc hơn là giá mà Cô dùng thì giờ ấy để đi thăm một nữ luật sư rất trẻ có tên Lê Thị Công Nhân, vừa mới ra tù, để nghe cô ấy nói những lời đớn đau chân thật, thăm vài gia đình vùng Thái Bình, Nam Định, hỏi xem có bao nhiêu cô con gái, bao nhiêu đứa con nít tuổi 11-12 ( và có cả những người vợ nữa) đã được “ xuất cảng” sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Cam Bốt, để làm nô lệ và gái điếm?
Cùng là đàn bà, chẳng lẽ Cô không cảm thấy chút nào tủi nhục và chua xót hay sao? Hay là Cô lại chậc lưỡi, phán rằng “ biết rồi, mấy cái chuyện này đã xưa như trái đất”!
Chắc thế nào Cô cũng đã gặp giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng hành với đạo diễn Trần văn Thủy và nhiều người bạn khác của Cô ở William Joiner Center, người lập ra trang web boxitvn. Sao Cô không hỏi ông những điều quan trọng hơn của đất nước, để nghe ông tâm tình về viễn ảnh của một Việt Nam trở thành chư hầu (thực thụ) của Trung Quốc? Bao nhiêu lãnh thổ, lãnh hải của cha ông đã mất? Và ngay cả những người trí thức chống họa xâm lăng phương Bắc này đã hứng chịu những hậu quả ra sao, từ phía chính quyền?
Cô cay cú làm gì với những “ghetto người Việt” (chữ của Cô). Bản thân và gia đình họ đã từng bị hành hạ, bị sĩ nhục, bây giờ họ có “hận thù” “sặc mùi máu”, cũng là lẽ tự nhiên thôi. Hơn nữa, thấy những kẻ “tư bản đỏ”cầm quyền đang sống phè phởn trên máu và nước mắt của dân nghèo, xã hội ở quê nhà ngày càng băng hoại, đất nước ngày càng lệ thuộc và có nguy cơ mất vào tay giặc, họ phẫn nộ cũng là lẽ thường tình. Cô có thể (và có quyền) không ưa họ, nhưng là người viết văn làm thơ, ít nhiều phải thông cảm họ. Giá hồi ấy cha của Cô bị đấu tố, chôn sống trong Cải Cách Ruộng Đất, mẹ của Cô bị trói tay, đập đầu, vùi thây trong hố chôn người tập thể ở Huế trong Tết Mậu Thân, (sau tháng 4/75) phu quân của Cô bị đày ải đánh đập đến tàn phế, mù lòa, còn Cô không được “lưu dung” mà bị cưỡng bức lên vùng kinh tế mới, mang theo một đàn con dại sống đói khổ bơ vơ giữa rừng thiêng nước độc, bị đám cường quyền 30/4 làm nhục đến mang bầu, liệu bây giờ Cô có hận thù để “ nếu đi hết biển” rồi mà cũng vẫn chưa thăm viếng được bác Hồ? Nhưng những người trong “ghetto chống Cộng sặc mùi máu” ấy cũng chỉ là một thiểu số. Cái bách phân lớn lao chính là khối người thầm lặng, nhiều người tài năng, học rộng, chí ít cũng bằng Cô, nhưng chắc chắn là họ sẽ không khi nào để mất lương tri và liêm sĩ.
Cô bênh vực cho đám trí thức hèn hạ cỡ Nguyễn Hữu Liêm, ( nhưng tội nghiệp cho gs Lê Xuân Khoa bị Cô cưởng bức đứng chung với đám này). Cô quên là Nguyễn Hữu Liêm bị đuổi ra khỏi đại hội của Hội Luật Gia Viêt Nam tại San Jose, không phải bởi những người chống Cộng “sặc mùi máu” mà bởi một số Luật sư lão thành, cùng với sự đồng tình của hầu hết những vị đồng nghiệp có mặt? Tất nhiên, họ cũng đều là những người trí thức. Còn riêng tôi, và chắc chắn tất cả đám học trò ngày xưa của Cô, chỉ cần nghe tới cái tên của gã trí thức này là đã muốn buồn nôn.
Khi tôi ngồi viết mấy dòng buồn bã này, thì dưới bài viết của Cô (trên Talawas) đã có trên 30 phản hồi. Tôi chỉ mới đọc thoáng qua mà lòng đã nhói đau, bởi dù gì Cô cũng là cô giáo của trường tôi. Phản hồi ngắn nhất của ông độc giả Louis nào đó chỉ đúng có một dòng: “Thương nữ bất tri vong quốc hận”. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó câu này, trong bài thơ Bạc Tần Hoài của nhà thơ Đỗ Mục. Chỉ có một câu mà lòng tôi đau hơn vết chém. Chẳng lẽ cô giáo trường Võ Tánh Nha Trang tiếng tăm, nhà văn tôi từng mến mộ một thời, lại được một người lạ hoắc gọi là một“ca nhi đâu còn biết hận vong quốc” là gì!
Không biết là Cô về Hà Nội lần này có được tham dự cuộc hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh do Đại học Văn hóa Hà Nội và Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts phối hợp tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà văn hai nước. Nếu đúng như vậy, thì có thể bài viết trên Talawas của Cô chỉ là món quà lót đường. Nhưng khi đọc bài viết “Ngẫm nghĩ về ba tư cách văn hóa của tôi trong những ngày làm việc ở William Joiner Center”, của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một tên tuổi trong nước, trên trang boxitvn, ngày 06.6.10, tôi càng buồn hơn cho Cô. (Bài viết của ông ,có thể có người không đồng tình một vài điểm), nhưng là người sống trong nước, dưới sự “canh gác” của chính quyền, nhưng những điều ông viết, ngay cả nhận định về cộng đồng người Việt hải ngoại, đã vượt Cô quá xa.
Lẽ ra, tôi phải viết dài hơn, thưa thêm với Cô ít điều phải trái, nhưng ngại là Cô không có thì giờ để đọc. Bởi lòng Cô đang tràn ngập niềm vui, con tim của Cô đang rộn rã như ngày nào,(trong đại hội Việt kiều), khi Nguyễn Hữu Liêm bước lên sân khấu đồng ca bài “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Mong là tháng 8 này Cô sẽ đến San Jose tham dự Ngày Hội Ngộ của cựu giáo sư và học sinh hai trường Võ Tánh& Nữ Trung Học Nha Trang, để gặp lại đám học trò nhỏ dại ngày xưa, mà bây giờ ai nấy cũng đều bạc tóc. Không chỉ bạc vì tuổi tác mà bạc vì từng phải trải qua cuộc trầm luân khốn khổ sau ngày “thống nhất hai miền”, để bây giờ Cô được ra Hà Nội viếng lăng bác và viết lách xỏ xiên những đồng hương sống trong các “ghetto người Việt”, mà trong đó chắc hẳn phải có những đứa học trò của Cô ngày trước.
Nếu những dòng này làm buồn lòng Cô, xin Cô thông cảm và tha lỗi. Bởi nếu tôi không viết, chắc chắn sẽ có nhiều người khác viết. Dù gì, một người học trò viết cho cô giáo của trường mình, vẫn còn nặng một chút tình. Tuổi đã già, lại sống trong cảnh lưu lạc tha hương, cái tình này lại càng đáng trân quí lắm, phải không Cô?
Kinh chúc Cô được nhiều sức khỏe trong những ngày còn lại trên quê hương.
Kính chào Cô.
*
Phạm Tín An Ninh
TRẦN BÌNH NAM * HỘI NGHỊ 201O
Thỏa ước Phá Bỏ Vũ khí Nguyên Tử và Hội nghị 2010
Trần Bình Nam
Hội
nghị Duyệt xét thỏa ước quốc tế về phá bỏ các kho vũ khí nguyên tử
được chính thức gọi là thỏa ước “Không phổ biến vũ khí nguyên tử”
(Non Proliferation Treaty – NPT) lần thứ 8 gồm có 189 nước tham dự
tại New York vừa bế mạc ngày 28/5/2010 sau 4 tuần hội họp.
Hội nghị quốc tế này có nội dung quan trọng liên quan đến tình
trạng hạn chế sự tác hại của vũ khí nguyên tử trên thế giới, nhưng ít
được truyền thông quốc tế quan tâm. Một phần Hoa Kỳ đang quan tâm
đến vụ dầu chảy (Oil Spill) trong vịnh Mexico; phần khác, không ai
tin vào kết quả của hội nghị vì những mâu thuẫn của thỏa ước NPT.
Quả thật vậy. Kết thúc Hội nghị Duyệt xét lần này, các quốc
gia hội viên chỉ đồng thuận thông qua một bản văn “ba phải” không có
tính ràng buộc các hội viên – nhất là 5 hội viên chính Hoa Kỳ, Liên
bang Nga, Trung quốc, Anh và Pháp. Sự đe dọa của vũ khí
nguyên tử là một vấn đề đè nặng lên lương tâm của nhân loại từ khi thế
giới chứng kiến tận mắt sự tàn phá khủng khiếp của nó tại hai thành
phố Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8 năm 1945. Một làn
sóng vận động hủy bỏ vũ khí nguyên tử được manh nha. Nhưng
trong một thế giới tranh chấp, nhất là sau Thế chiến II, chiến tranh
lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô bắt đầu. Nếu Hoa Kỳ đã có vũ khí nguyên
tử, thì Nga Xô cũng tìm cách trang bị vũ khí nguyên tử. Anh, Pháp
cũng không ngồi chờ. Với khả năng khoa học sẵn có Anh và Pháp nhanh
chóng chuẩn bị cho mình một kho vũ khí. Trung quốc sau khi thống nhất
năm 1949 cũng tiến hành ngay việc sản xuất vũ khí nguyên tử để xứng
đáng với tư cách người thắng trận và là thành viên thường trực của
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Giữa hai nhu cầu, một bên
số đông muốn hủy bỏ vũ khí nguyên tử để tránh nguy hiểm, một bên số
ít (nhưng có nhiều ưu thế) muốn duy trì hay chế tạo vũ khí nguyên tử
để nâng tư thế của mình trên thế giới hay để tự vệ, thế giới tìm được
một giải pháp dung hòa qua sáng kiến của Ái nhĩ Lan và Phần Lan thể
hiện dưới hình thức một thỏa ước quốc tế được Liên hiệp quốc đề nghị
năm 1968 gọi là thỏa ước quốc tế “Không phổ biến vũ khí nguyên tử”
-NPT. NPT thành hình dựa trên hai nguyên tắc: Quốc gia nào
đã có vũ khí nguyên tử (Hoa Kỳ, Nga Xô, Anh) hoặc đã thí nghiệm vũ
khí nguyên tử thành công (Pháp, Trung quốc) thì xem như việc đã rồi
sẽ tính sau. Quốc gia nào chưa có vũ khí nguyên tử thì cam kết không
chế tạo vũ khí nguyên tử và sẽ được Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế -
International Atomic Energy Agency – IAEA (1) gíúp đỡ trong việc xử
dụng năng lượng nguyên tử vào các mục tiêu hòa bình. NPT
gồm 3 nhiệm vụ gọi là 3 “cột trụ” hỗ trợ cho nhau: 1. Các nước
hội viên có vũ khí nguyên tử cần có chương trình hủy bỏ vũ khí nguyên
tử (gọi là cột trụ “tài giảm vũ khí nguyên tử”) 2. Các nước hội
viên có vũ khí nguyên tử cam kết không chuyển nhượng hiểu biết kỹ
thuật hay vật liệu cho các nước chưa có vũ khí nguyên tử, và các nước
này cũng cam kết không chế tạo vũ khí nguyên tử (gọi là cột trụ
“không chuyển nhượng, không chế tạo”) 3. Các nước hội viên được
khuyến khích và được giúp đỡ phát triển kỹ thuật xử dụng năng lượng
nguyên tử phục vụ nhân sinh dưới sự kiểm tra của cơ quan IAEA (gọi là
cột trụ “năng lượng nguyên tử cho hòa bình”). Hội nghị
thành lập NPT họp tại New York gồm 62 nước tham dự trong đó có 3 nước
Hoa Kỳ, Nga Xô, Anh đã có vũ khí nguyên tử. Hai nước Pháp
và Trung quốc không tham dự để rộng tay kiện toàn kho vũ khí của
mình. Các nước Ấn độ, Pakistan, Do Thái không tham dự cho
rằng nguyên tắc của NPT dành ưu tiên cho các nước có vũ khí nguyên
tử một cách vô lý. Ngoài ra còn có lý do riêng. Ấn độ cần vũ khí
nguyên tử vì đang tranh chấp biên giới với Trung quốc. Pakistan cần
chạy đưa với Ấn Độ vì tranh chấp vùng Kashmir. Và Do Thái ở giữa vòng
vây của khối A Rập cần vũ khí nguyên tử để tự vệ. NPT trở
thành thỏa ước quốc tế ngày 5/3/1970 sau khi Hoa Kỳ, Nga Xô và 40 hội
viên khác phê chuẩn. Thỏa ước có hiệu lực 25 năm (đến năm 1995), cứ 5
năm quốc tế duyệt xét sự tiến triển một lần - gọi là Hội nghị Duyệt
xét – (Review Conference) Năm 1995 đáo hạn, số hội viên lên
đến 175, trong đó có Trung quốc và Pháp gia nhập NPT năm 1992 sau khi
đã hoàn tất kho vũ khí của mình. Hội nghị Duyệt xét năm 1995 (họp
tại New York từ ngày 17-4 đến ngày 12-5-1995) quyết định duy trì NPT
vô hạn định (2) với sự vận động tích cực của Hoa Kỳ được sự hậu
thuẫn của Liên bang Nga (3), Anh, Pháp và Trung quốc.
Trong không khí phấn khởi của sự kéo dài vô hạn định của thỏa ước
NPT, tháng 12 năm 1995 các nước trong Hiệp hội Asean (trong đó có
Việt Nam) thêm Lào, Cam bốt , Miến Điện (lúc dó chưa là thành viên
Asean) ký thỏa ước biến vùng Đông Nam Á thành vùng “phi nguyên tử”,
và năm 1996 Hoa Kỳ và Liên bang Nga ký hiệp ước “Cấm Thí nghiệm Vũ
khí Nguyên tử” (Comprehensive Test Ban Treaty – CTBT). Năm
2000 Hội nghị Duyệt xét (lần thứ 6) họp trong một không khí không
thuận lợi. Năm 1998 Ấn Độ và Pakistan đều đã kết thúc thành công các
cuộc thí nghiệm vũ khí nguyên tử. Và sau gần 10 năm kể từ ngày Chiến
tranh lạnh chấm dứt thế giới vẫn còn 30.000 bom và đầu đạn nguyên tử
đủ lọai. Liên bang Nga và Hoa Kỳ ở trong tình trạng báo động 24/24
giờ để canh chừng nhau. Thượng nghị viện Hoa Kỳ (năm 1996) không phê
chuẩn hiệp ước CTBT. Và như một giọt nước làm tràn ly nước, năm 1999
NATO trên đà nới rộng tuyên bố vũ khí nguyên tử cần thiết cho sự
phòng thủ Âu châu. Dù vậy, Hội nghị Duyệt xét năm 2000
cũng thông qua được một văn kiện gồm 13 mục phát họa con đường giải
giới nguyên tử. Mục 6 ghi: “Các nước có vũ khí nguyên tử cam kết một
cách minh bạch sẽ làm mọi cách để hủy bỏ kho vũ khí nguyên tử của mình”
(nguyên văn: Unequivocal undertaking by the nuclear weapons states to
achieve total nuclear disarmament) Từ năm 2001 đến 2005 có
nhiều biến chuyển đe dọa hòa bình thế giới và Hội Nghị Duyệt xét năm
2005 diễn ra trong một không khí ít thuận lợi hơn nữa.
Cuộc khủng bố tại New York ngày 11/9/2001 đưa đến chiến tranh tại
Afghanistan và sau đó chiến tranh Iraq. Bắc Hàn sau khi rút ra khỏi
NPT năm 2003 cho nổ thí nghiệm vũ khí nguyên tử. Trong khi đó Iran âm
thầm theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử núp sau cái cớ
phát triển điện lực nguyên tử tạo ra nhiều tranh cãi tại Hội đồng Bảo
an Liên hiệp quốc do sự bất đồng ý kiến giữa 5 Ủy viên thường trực
trong Hội đồng Bảo an. Hoa Kỳ, Anh, Pháp nghiêng về trừng phạt, Trung
quốc và Nga Xô nghiêng về khuyến cáo. Kết quả Hội nghị
Duyệt xét năm 2005 đã chia tay trong không khí nghi ngờ và thất vọng
không thông qua được một bản văn đúc kết nào. Hội nghị
Duyệt xét năm 2010 vừa qua họp trong một không khí thuận lợi hơn.
Chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan đang trong lịch trình kết
thúc. Tại Hoa Kỳ tổng thống Obama đắc cử năm 2008 và ông hứa sẽ kiến
tạo một thế giới hòa bình không có vũ khí nguyên tử. Ngày 8/4/2010
tại Prague (thủ đô Cộng Hòa Tiệp) tổng thống Hoa Kỳ Obama và tổng
thống Liên bang Nga Medvedev ký một “Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược”
đồng ý cùng giảm 30% số hỏa tiển liên lục địa và số đầu đạn dàn trên
các tầu ngầm trên số tồn tại đã đồng thuận năm 2002. Và trong 2 ngày
12 -13/4 tại Washington 47 nước (trong đó có Việt Nam) đã tham dự
một Hôi nghị Thượng đỉnh để bàn về sự an toàn nguyên tử. Dù
được chuẩn bị như vậy, sự nghi kỵ lẫn nhau trên thế giới vẫn còn
nhiều. Các quốc gia tham dự Hội nghị Duyệt xét 2010 (khai mạc ngày
3/5/2010) hiểu rằng nếu lần này không đi đến một bản đúc kết đồng
thuận và tay trắng chia tay nhau như Hội nghị năm 2000 thì tương lai
của thỏa ước NPT sẽ rất lu mờ dù không bị khai tử. Và hòa bình thế
giới sẽ bị đe dọa hơn. Cuối cùng các quốc gia tham dự tương
nhượng nhau để vớt vác gì còn vớt vác được, đã đồng thuận một bản
văn đúc kết không có tính ràng buộc và không vạch ra một nghị trình
thời gian buộc các nước có vũ khí nguyên tử (đặc biệt là Hoa Kỳ và
Liên bang Nga) giải giới, và cũng không bao gồm được các biện pháp
trừng phát cụ thể và gắt gao hơn để ngăn chận các tham vọng sản xuất
vũ khí nguyên tử (đặc biệt của Iran). Bản văn đúc kết ghi
nhận một cách yếu ớt rằng: “Đa số các nước tham dự hội nghị nghĩ rằng
giai đoạn cuối cùng của việc giải giới nguyên tử cần được thực hiện
qua một lịch trình luật định” (nguyên văn: the final phase of the
nuclear disarmament process should be pursued within an agreed legal
framwork, which a majority of States parties believe should include
specified timelines). Và để xem hội viên nào đã làm được gì
với yêu cầu nhẹ nhàng đó, Bản văn Đúc kết mời các hội viên báo cáo
những gì đã làm vào năm 2014 để hội nghị vào năm 2015 có đủ dữ kiện
đưa ra những ràng buộc giải giới. Tuy nhiên Hội nghị có làm
được hai điểm tích cực: Thứ nhất, xác định quyền xử dụng
năng lượng nguyên tử một cách hòa bình. Thứ hai, do đòi
hỏi của Ai Cập ràng buộc ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc triệu tập một
hội nghị Trung đông vào năm 2012 để thành lập vùng “phi nguyên tử và
phi các vũ khí tàn phá tập thể khác” tại Trung đông. Tóm
lại, kết quả của Hội nghị Duyệt xét năm nay chứa đựng toàn sự “hy
vọng” không khác gì đã hy vọng vào năm 2000, và không làm cho ai tin
tưởng rằng 5 năm sau thế giới sẽ được an toàn hơn với thỏa ước NPT.
Hai điểm tích cực của hội nghị đều có gót chân “Achilles” của
nó: Đẩy mạnh nỗ lực xử dụng năng lượng nguyên tử, nếu giúp
cho công cuộc giảm độ nóng của bầu khí quyễn thì lại có thêm điều
kiện tốt cho quốc gia nào định tâm lợi dụng để chế tạo vũ khí nguyên
tử. Trước đây các nước Ấn Độ, Pakistan, Do Thái, Nam Phi đều đi qua
con đường này. Hiện nay Việt Nam đang có chương trình thiết lập một
trung tâm điện lực nguyên tử. Ai có thể ngăn chận các nhà lãnh đạo
Việt Nam nghĩ đến việc qua đó tìm hiểu kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên
tử. Sống trong một môi trường bị đe dọa như Việt Nam hôm nay, nghĩ
đến những gì cần làm để tự vệ không phải là một điều phi lý (4).
Riêng nỗ lực thiết lập “khu phi vũ khí tàn phá tập thể” tại
Trung đông năm 2012 có thành công hay không còn tùy vào tình hình
tranh chấp giữ Do Thái và Palestine. Kho bom nguyên tử của Do Thái
còn đó dù Do Thái chưa bao giờ nhìn nhận hay chối cãi (5) thì làm sao
có thể “phi vũ trang” ở Trung Đông. Trong tình hình hiện
nay, người ta không thấy một tiến bộ nào về sự giải giới nguyên tử
như mục đích nguyên thủy của NPT. Và nếu các nước đang có vũ khí
nguyên tử không thể giải giới thì cũng không có cách gì có thể thuyết
phục các nước đang cảm thấy đe dọa và có khả năng trí tuệ và phương
tiện tài chánh bỏ ý định chế tạo vũ khí nguyên tử để tự vệ. Trong khi
đó sự khuyến khích và giúp đỡ các quốc gia hội viên phát triển khả
năng sản xuất điện lực nguyên tử càng làm cho công tác kiểm soát của
cơ quan IAEA thêm khó khăn nếu không muốn nói là vô phương.
Ba cột trụ của NPT nguyên thủy có mục đích hỗ trợ nhau đề kiến tạo
một thế giới hòa bình giúp nhân loại khỏi sống trong lo âu theo logic:
Cột trụ hủy bỏ vũ khí nguyên tử thành công, sẽ làm cho cột trụ thứ
hai thành công vì không một quốc gia nào tìm cách chế tạo bom nguyên
tử để mang họa. Và sau cùng cột trụ thứ ba là phát triển kỹ năng
nguyên tử phục vụ hòa bình sẽ thành công vì không nước nào lợi dụng.
Nhưng thực tế, ngay từ nguyên thủy ba nước Mỹ, Nga, Anh với
sự toa rập của Trung quốc và Pháp đã lợi dụng sáng kiến của Ái nhĩ
Lan và Phần Lan để thiết lập một hệ thống pháp lý quốc tế qua thỏa
ước NPT cho phép 5 nước mình (và chỉ 5 nước đó) có vũ khí nguyên tử,
và các nước khác nếu chế tạo vũ khí nguyên tử thì trở thành tội phạm
vi phạm luật quốc tế vì đe dọa hoà bình thế giới. Thực
tế này đã biến 3 cột trụ của NPT trên lý thuyết nhắm hỗ trợ cho nhau
thành 3 cột trụ đạp đổ nhau theo logic: Khi thấy không nước nào thật
tâm gỉảm vũ khí nguyên tử (cột trụ 1 hỏng) thì nước nào có khả năng
và bị đe dọa đều tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử (cột trụ 2 hỏng).
Đồng thời cột trụ 3, giúp đỡ nhau phát triển khả năng khai thác
nguyên tử lực cho mục đích hòa bình cũng hỏng vì bị lợi dụng.
Kết quả Hội nghị Duyệt xét tháng 5/2010 tại New York là một thất
bại và là một tiếng chuông nữa cảnh báo sự mong manh của nền hòa bình
thế giới. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là dư luận thế giới
phản ánh qua truyền thông quốc tế hình như cũng không mấy quan tâm và
xem đó là “chuyện hằng ngày ngoài huyện.” Trần Bình Nam June
11, 2010 binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com (1) IAEA
được thành lập ngày 29/7/1957. Mục đích gíúp phát triển khả năng xử
dụng năng lượng nguyên tử phục vụ đời sống và ngăn ngừa việc lợi dụng
kỹ thuật liên hệ để chế tạo vũ khí nguyên tử. (2) “Thỏa ước NPT
ngày 12/5/1995 có bảo đảm hòa bình thế giới không?” Tuyển Tập Bình
Luận Chính Trị, Tập II, 1995-1996, Trần Bình Nam, trang 207. (3)
Liên bang Nga, hậu thân của Nga Xô hay Liên bang Xô viết. (4) “Việt
Nam đang nghĩ đến vũ khí nguyên tử” Tuyển Tập Bình Luận Chính Trị,
Tập II, 1995-1996 , Trần Bình Nam, trang 93. (5) Năm 1986, một
chuyên viên nguyên tử của Do Thái tên là Mordechai Vanuvu trốn sang
Anh và viết một bài báo tiết lộ khả năng nguyên tử của Do Thái đăng
trên tờ Sunday Times ngày 5/10/1986 ở Luân Đôn. Ông Vanuvu sau này bị
tình báo Do Thái bắt cóc tại Ý đưa về Do thái.
*
*
NGUYỄN THIÊN THỤ * TRUYỆN NGẮN
**
HOÀNG CÚC
Cao Minh Sơn người Bắc Ninh sớm mồ côi cha, thông tuệ rất mực, mười bốn tuổi đã vào học trường quan giáo thọ. Mẹ hết sức cưng yêu, bình thường không cho đi chơi ra ngoài đồng ruộng. Nhà đã dạm con gái họ Trần cho chàng, song chưa cưới thì nàng mất. Vì thế việc nhân duyên vẫn chưa thành.
Gặp tiết Thượng Nguyên, có người con nhà cậu là chàng Trương đến rủ đi chùa lễ Phật. Vừa ra đến đầu xóm thì có đầy tớ nhà cậu sang gọi Trương về. Trên đường, chàng thấy trai thanh, gái lịch lũ lượt mà đi, nổi hứng, chàng bèn một mình ngao du.
Khi vào chùa Thuận Thành, chàng thấy có một cô gái dắt con hầu đi theo, tay cầm một cành hoa mai, nhan sắc tuyệt vời, nụ cười xinh tươi làm lòng chàng say mê. Chàng nhìn đăm đăm đến nỗi quên cả giữ ý tứ. Cô gái đi vượt lên mấy bước, quay sang cả giận mà mắng chàng:
- Người đâu mà nhìn người ta chòng chọc như giặc cướp!.
Mắng xong, nàng bỏ cành hoa xuống đất, cười nói mà đi . Chàng nhặt cành hoa, buồn thiu, hồn phách xiêu lạc đâu mất, lầm lũi quay về.
Về đến nhà , chàng đặt hoa dưới gối mà ngủ, không nói cũng không ăn. Mẹ đâm lo, đi cầu cúng thì bệnh càng nặng, da thit gầy tóp. Thầy thuốc thăm bệnh, cắt cho thang dưỡng thần bổ khí, nhưng chàng cứ hốt hoảng như người bị tà ma . Mẹ dỗ dành hỏi nguyên do, chàng lặng thinh không đáp.
Vừa lúc đó chàng Trương đến, bà dặn nhỏ chàng hỏi riêng xem sao. Trương vào trước giường; vừa nhìn thấy, chàng đã chảy nước mắt. Trương ghé sát bên giường an ủi, lân la gặng hỏi Chàng bèn thổ lộ thực tình, lại nhờ lo toan hộ. Trương cười đáp:
- Anh lại ngốc rồi! Ước muốn đó thì khó gì mà chẳng toại! Anh hãy tả cho tôi hình dáng nàng để tôi dọ hỏi. Chỉ cần anh thuyên giảm, tôi sẽ lo liệu tất cả.
Chàng nghe vậy bất giác nở nụ cười, bèn tả hình dáng cô gái, má lúm đồng tiền, người thanh tao, giọng nói trong như ngọc, đặc biệt là nàng đeo kiềng vàng rất lớn, lưng đeo xà tích bạc lại đính hồng ngọc, tay đeo chiếc nhẫn vàng mặt minh châu. Trương trở ra bảo với bà mẹ rồi để đi tìm làng ở của cô gái; song thăm hỏi đã cùng khắp vẫn không di ra tin tức. Mẹ lo lắm, chẳng biết tính thế nào. Nhưng từ sau khi Trương về rồi thì sắc mặt con tự nhiên tươi tỉnh, ăn uống đã có phần khá hơn.
Mấy hôm sau, Trương trở lại. Chàng hỏi công việc đã đi đến đâu. Trương vờ vit nói:
- Xong rồi! Cứ tưởng người nào, hoá ra là con gái bà cô tôi, tức là vào hàng em con nhà dì với anh đấy. Hiện vẫn còn đợi gả chồng. Dẫu họ hàng về đằng mẹ kết thông gia không tiện, nhưng cứ tình thực mà nói thì cũng chẳng có gì không xuôi
Chàng mừng, rạng rỡ cả mặt mày, hỏi Trương:
- Thế ở làng nào?
Trương thác rằng:
- Ở trong núi, về phía Bắc cách đây ngoài hai mươi dặm.
Chàng lại dặn di nhờ cậy đến năm lần bảy lượt. Trương cũng sốt sắng tự xin đảm nhận, rồi lui gót. Từ đấy chàng ăn uống ngày một khá hơn, sức khoẻ dần dần bình phục. Lật gối lên xem, hoa tuy khô nhưng vẫn chưa tàn héo hẳn. Mải mê cầm ngắm, tưởng như còn thấy được người
Mãi sau lấy làm lạ sao Trương không đến, bèn viết giấy mời, thì Trương không chiu đến. Chàng tức giận, buồn bã không vui. Mẹ lo bệnh con lại tái phát, vội bàn chuyện hôn nhân, nhưng mới trao đổi sơ qua, đã lắc đầu không chiu, chỉ ngày ngày ngóng đợi chàng Trương Cuối cùng tin tức về Trương cũng bặt, chàng càng thêm tức. Rồi bỗng vụt nghĩ rằng hai mươi dặm cũng chẳng lấy gì làm xa, hà tất phải ỷ lại vào người khác. Cao sinh bèn giấu cành mai vào tay áo, tức mình cất bước ra đi, mà người nhà chẳng một ai hay.
Lủi thủi cuốc bộ một mình, không có ai để hỏi đường, chỉ nhắm mắt hướng núi Bắc đi tới được chừng hơn mười mấy dặm, thấy núi chất chồng. Xa xa trông xuống dưới khe núi trong chỗ cây cối um tùm chằng chit hoa nở từng đám dày, thấp thoáng như có một xóm nhỏ. Xuống núi, vào trong xóm, thấy nhà cửa thưa thớt, toàn là nhà tranh, mà xem chừng lại rất thanh nhã. Một ngôi nhà hướng Bắc, trước cửa buông đẳu tơ liễu, trong tường đào hạnh lại càng sum suê, chen lẫn với những khóm trúc vươn dài; chim rừng kêu lách chách ở trong. Chàng cho là nơi vườn cảnh của ai, không dám đường đột bước vào. Quay nhìn phía đối diện với cánh cổng, thấy có hòn đá lớn trơn nhẵn, sạch sẽ, bàn ngồi lên đó tạm nghỉ. Giây lát nghe phía trong tường có tiếng một người con gái dài giọng gọi: "Thanh Lan! Thanh Lan", tiếng nghe êm ái, nhỏ nhẹ. đang chăm chú lắng nghe, thấy một cô gái từ phía đông rảo sang phía Tây, tay cầm đóa hoa hạnh, cúi đầu cài lên mái tóc; vừa ngẩng đầu lên trông thấy chàng liền không cài nữa, mỉm cười cầm đóa hoa đi vào.
Nhìn kỹ lại thì đúng là người mình đã gặp hôm trên đường đi chơi tiết Thượng Nguyên. Trong lòng mừng quýnh lên, chỉ ngó chứ không lấy cớ gì mà vào được, muốn gọi bằng cô em con dì, lại e từ thuở nào đến giờ không hề đi lại, nhỡ ra có nhầm lẫn chăng
Trong cửa không có một ai để hỏi, đành quẩn quanh hết ngồi lại đứng từ sớm mãi đến tận trưa, đăm đăm trông ngóng, quên cả đói khát. Thỉnh thoảng thấy cô gái hé nửa mặt ra nhìn tựa hồ lấy làm lạ sao mình vẫn không bỏ đi . Bỗng có một bà già chống gậy đi ra, hướng vào chàng mà hỏi:
- Chàng trai ở đâu, nghe như từ giờ thìn đã đến đây, ở mãi cho đến bây giờ à? Anh cần gì? Không đói à?
Chàng vội đứng dậy vái chào, đáp rằng:
- Tiểu sinh đi tìm người bà con.
Bà cụ nghễnh ngãng nghe không rõ. Chàng lại phải nói to lên. Bèn hỏi:
- Vậy chứ quý vị thân thích họ gì ?
Chàng không sao trả lời được. Bà cười bảo:
- Kỳ chưa! đến họ tên còn không biết thì biết bà con như thế nào mà tìm thăm? Tôi xem bộ cậu cũng chỉ là tay nghiện sách mà thôi . Chi bằng hãy theo tôi vào đây, lót lòng lưng cơm hẩm; đợi sáng mai vế hỏi lại cho biết họ gì, rồi đến tìm thăm cũng chưa muộn.
Chàng đang lúc bụng đói muốn ăn, lại được vào đó lân la gần gũi người đẹp, thì mừng quá, bèn theo bà già đi vào. Thấy trong cổng, lối đi lát toàn đá trắng, hai bên đường, hoa hồng từng cánh từng cánh rụng trên thềm. Quanh co đi về phía Tây, lại mở ra một cửa ngăn nữa, phên dậu giàn hoa lan đầy giữa sân. Chủ nhân cung kính dẫn khách vào nhà, tường phấn sáng rỡ như lồng kính; ngoài song, những cành hoa hải đường thi vào cả trong nhà; đệm chiếu, ghế giường, không một thứ gì không bóng lộn, sạch sẽ.
Vừa ngồi xuống đã thấy có bóng người từ ngoài cửa sổ thấp thoáng nhim trộm. Bà cụ gọi:
- Thanh Lan! Làm cơm mau!
Bên ngoài có tiếng dạ to của con hầu.
Sinh ngồi xuống, bà già hỏi:
- Ông ngoại của cậu chẳng biết có phải họ Ngô không?
Sinh đáp:
- Thưa phải
Bà cụ kinh ngạc nói:
- Thế thì cậu là cháu của tạ . Mẹ cậu là em gái ta .Mấy năm nay vì gia cảnh bần hàn, lại không có chút con trai, nên việc thăm hỏi mới để quên bẵng đi .Cháu đã khôn lớn thế này rồi mà vẫn không biết.
Chàng đáp:
- Lần này cháu đến đây là để hỏi thăm dì, mà trong khi vội vàng thành ra quên mất cả họ.
Bà cụ đáp:
- Già đây lấy họ Tần, không sinh nở bận nào cả. Chỉ có một mụn con gái, cũng là con dì hai nó sinh ra. Mẹ nó đi bước nữa, để nó lại cho ta nuôi nấng. Kể cũng chẳng đến nỗi đần, chỉ hiềm ít được dạy dỗ, nên cứ cười cợt suốt, chẳng biết buồn lo gì cả. Chốc nữa sẽ bảo ra chào anh cho biết.
Chẳng mấy lúc, con hầu đã dọn cơm lên; có món gà tơ ngon béo. Bà cụ ngồi tiếp chàng; cơm xong rồi con hầu lại dọn đi. Bà bảo:
- Gọi cô Hoàng Cúc ra đây!
Con hầu vâng lời đi vào. Lúc lâu, nghe như ngoài cửa có tiếng cười, bà cụ lại gọi:
- Hoàng Cúc! Có người anh con dì mày ở đây đấy!
Ngoài cửa tiếng cười khúc khích vẫn không ngừng. Con hầu đẩy cô gái vào, vẫn còn che miệng cười không nín được. Bà già trừng mắt bảo:
- Nhà đương có khách, mà cứ khúc kha khúc khích, là cung cách gì thế?
Cô gái nhịn cười đứng yên. Chàng vái chào. Bà cụ nói:
- Đây là cậu Cao, anh con dì của mày. Người trong một nhà mà không biết nhau, thế mới đáng cười chứ!
Chàng hỏi:
- Em đây năm nay bao nhiêu tuổi?
Bà già chưa nghe kip. Chàng bèn nhắc lại Cô gái lại rũ ra cười, không ngẩng đầu lên nhìn ai được nữa. Bà cụ bảo chàng:
- Tôi vừa nói nó ít được dạy dỗ, giờ thì thấy rồi đấy. Tuổi đã mười sáu mà vẫn ngây dại như trẻ con.
Chàng đáp:
- Thua cháu một tuổi
Bà nói:
- Cháu đã mười bảy rồi, thế chẳng hóa ra là tuổi canh ngọ, cầm tinh con ngựa ư?
Chàng gật đầu thừa nhận. Lại hỏi:
- Thế vợ cháu là ai?
Sinh đáp:
- Vẫn ở không ạ!
Bà bảo:
- Tài mạo như cháu, sao mười bảy tuổi rồi còn chưa cưới vợ? Hoàng Cúc cũng chưa hứa gả về đâu, kể sánh với nhau thật xứng đôi, chỉ hiềm có chút họ hàng đằng mẹ.
Chàng không đáp, mắt cứ nhìn dán vào Hoàng Cúc, không còn rời đi đâu một chớp. Con hầu quay sang cô gái nói nhỏ rằng:
- Vẫn con mắt chòng chọc như giặc cướp không có thay đổi
Nàng lại cười to, ngoảnh lại bảo con hầu:
- Ta đi xem bích đào nở chưa đi!
Rồi vụt đứng ngay dậy, lấy tay áo che miệng, rón rén gót sen bước nhanh ra, khỏi cửa rồi tiếng cười mới phá lên. Bà già cũng đứng dậy, gọi con hầu mang chăn chiếu để xắp đặt chỗ nghỉ cho chàng. Bà bảo:
- Cháu một lần đến không phải dễ, hãy ở chơi dăm ba hôm thư thả rồi sẽ tiễn mày về. Nếu hiềm vì vắng vẻ buồn chán thì sau nhà có mảnh vườn con, cũng đủ làm nơi tiêu khiển; có cả sách nữa, cháu có thể đọc chơi
Hôm sau, chàng ra phía sau nhà, quả có thửa vườn chừng nửa mẫu, cỏ như rải thảm, hoa dương rắc lấm tấm đầy lối đi. Ba gian nhà cỏ, cây và hoa vây phủ bốn chung quanh.Chợt nghe trên ngọn cây có tiếng khinh khích , ngẩng lên nhìn thì ra Hoàng Cúc đang ở trên đó, thấy chàng đến cười rũ lên muốn ngã. Chàng vội kêu:
- Đừng làm thế, ngã đấy!
Nàng vừa tụt xuống vừa cười, không sao nhin được. Gần đến đất, tuột tay ngã,.Chàng chạy ôm nàng vào lòng rồi đỡ dậy, thì ngửi thầy mùi hương của thân thể nàng tỏa ra rất thơm tho, quyến rũ. Nàng như không hay biết gì về cái động chạm vừa rồi, lại rũ ra cười, phải dựa vào thân cây, không sao bước được nữa, một lúc lâu mới hết. Chờ cho ngớt cơn cười, chàng mới rút cành hoa trong tay áo ra cho xem. Cô gái cầm lấy, nói:
- Khô rồi, còn giữ làm gì?
Sinh đáp:
- Đây là hoa em bỏ lại hôm tiết Thượng Nguyên, nên mới giữ.
Hoàng Cúc hỏi:
- Giữ thế là có ý gì
Sinh đáp:
- Để tỏ rằng yêu thương nhau không quên được. Kể từ hôm tiết Thượng Nguyên, được gặp em , anh cứ tơ tưởng đến thành bệnh. Những tưởng phận mình đã hóa ra ma rồi, nào ngờ lại còn được thấy mặt. Xin hãy rủ lòng thương xót.
Cô gái đáp:
- Đấy là việc quá nhỏ mọn. Chỗ họ thân nào có tiếc gì. đợi hôm nào anh đi, các thứ hoa trong vườn, sẽ gọi lão bộc đến, bẻ hẳn một ôm lớn đội theo tiễn anh.
Chàng nói:
- Em ngây thơ ư?
- Thế nào là ngây thơ?
Sinh đáp:
- Anh chẳng phải yêu hoa mà yêu người cầm hoa cơ.
Nàng nói:
- Tình thân họ hàng, yêu nhau còn phải nói gì?
Chàng đáp:
- Anh nói yêu, chẳng phải là cái tình yêu họ hàng giây mơ rễ má, mà là tình yêu vợ chồng kia.
Cô gái nói:
- Có gì khác nhau sao?
Sinh đáp:
- Đêm thì cùng chung chăn gối
Cô gái cúi đầu nghỉ ngợi giây lâu, nói:
- Em không quen ngủ với người lạ.
Nói chưa dứt lời, con hầu đã rón rén đi đến. Chàng hoảng sợ, vội lẩn đi . Lát sau, cùng họp mặt ở chỗ bà mẹ. Mẹ hỏi đi đâu, cô gái đáp rằng ở trong vườn trò chuyện.
Bà cụ hỏi:
- Cơm đã chín lâu, có gì dài lời mà con cà con kê mãi thế?
Nàng đáp:
- Anh cả muốn cùng con ngủ chung.
Nói chưa hết câu chàng đã cuống cả lên, vội đưa mắt lườm. Nàng mỉm cười ngừng ngay lại May bà già không nghe rõ, còn phải lằng nhằng hỏi lại . Chàng vội đem chuyện khác lấp liếm đi Nhân đó, khẽ rỉ tai trách riêng nàng. Cô gái hỏi:
- Thế chuyện ấy không nên nói à?
Chàng đáp:
- Đó là chuyện phải giấu người khác.
Nàng bảo:
- Giấu người khác, chứ giấu mẹ già sao được. Vả lại, ngủ đâu là chuyện thường, việc gì phải kiêng không nói
Chàng bực vì nỗi ngố, không cách gì làm cho hiểu ra được.
Ăn vừa xong thì gia nhân dắt hai con lừa đến tìm chàng. Số là, bà mẹ đợi lâu không thấy con về, sinh nghi, cho tìm kiếm hầu khắp mọi chỗ trong làng, cũng không thấy tăm hơi gì cả, bàn đến hỏi Trương, Trương nhớ ra lời mình nói trước đây, liền bảo đến núi phía Bắc mà tìm. đi lần qua hết mấy hôm mới đến được đây. Chàng tình cờ ra cửa thì gặp nhau, bèn trở vào thưa bà già, lại xin được dẫn cô gái về cùng. Bà cụ mừng nói:
- Ta vẫn có ấy từ lâu rồi, hiềm vì tấm thân già yếu không thể đi xa được. Nay được cháu dẫn em nó về, để nhận dì, thì tốt quá
Bàn gọi Hoàng Cúc, Hoàng Cúc cười, bước ra. Bà nói:
- Có gì vui mà cười hoài không ngớt thế? Giá không cười thì cũng được là người toàn vẹn rồi đấy.
Bà nhân đấy lừ mắt giận dữ, rồi bảo:
- Anh cả muốn mày đi cùng, hãy vào sắm sửa hành trang đi!
Lại dọn cơm rượu thắt đãi người gia nhân, rồi mới tiễn ra cửa, nói:
- Nhà dì ruộng nương dư dật, đủ sức nuôi người ăn dưng. đến đấy hãy khoan về, cố học lấy chút thi lễ, để biết đường thờ phụng bố mẹ chồng rồi sẽ cậy bà dì kiếm cho mày một tấm chồng xứng đáng.
Hai người bàn khởi hành. đến vạt núi trũng, quay lại nhìn, còn lờ mờ thấy bà cụ tựa cửa trông theo. Về tới nhà, mẹ nhìn thấy cô gái xinh đẹp, kinh ngạc hỏi là ai .Chàng đáp là con bà dì. Mẹ nói:
- Những điều anh Trương nói với con dạo trước là dối đấy. Mẹ chưa từng có chị, có em gái, sao lại có cháu con dì được?
Hỏi cô gái, nàng đáp:
- Tôi không phải là do mẹ đẻ ra. Bố vốn họ Tần, lúc mất, con còn nằm trong tã, nên không thể nhớ được gì.
Bà mẹ nói:
- Ta có một người chi lấy chồng họ Tần thật, nhưng mất đã lâu, làm sao lại còn được?
Nhân hỏi kỹ những dấu vết trên mặt, nốt ruồi, cục bướu, nhất nhất đều phù hợp.
Lại ngờ ngợ mà nói:
- Thế thì phải đấy! Nhưng chết đã bao năm nay rồi, làm gì mà còn được đến giờ?
Giữa lúc đang ngẫm nghĩ, nghi hoặc thì chàng Trương đến, cô gái lánh vào nhà trong. Trương hỏi biết duyên cớ, ngẩn ra một lúc hồi lâu rồi chợt hỏi:
- Cô gái này có phải tên là Hoàng Cúc không?
Chàng bảo phải . Chàng Trương vội nói ngay là chuyện lạ lùng. Hỏi vì sao mà biết. Trương đáp:
- Từ sau khi cô Tần mất, dượng ấy ở góa, bi hồ ám, mang bệnh mỏi mòn mà chết. Hồ sinh một gái tên là Hoàng Cúc, vẫn quấn tã giữa đường, gia nhân đều trông thấy cả. Dượng mất rồi, hồ thỉnh thoảng còn tới, sau xin bùa của thiền sư dán lên vách, hồ mới ôm con gái bỏ đi .Chẳng lẽ lại là đấy chăng?
Bên nào bên ấy cũng bàn qua tán lại những đìêu còn nghi ngờ. Chỉ nghe buồng trong vẳng ra những tiếng khúc khích, đều là tiếng cười của Hoàng Cúc. Bà mẹ bảo:
- Con bé này cũng ngớ ngẩn quá thể!
Trương xin cho xem mặt. Mẹ vào nhà trong, nàng còn rũ ra cười không ngoái lại .Mẹ giục bảo ra, mới cố sức nín cười, lại phải ngoảnh mặt vào vách mất một lúc mới ra được. Vừa mới vái chào, đã xoay mình trở vào rất lẹ, rồi buông tiếng cười tọ. Đàn bà con gái đầy nhà, ai cũng đều cười vui theo nàng.
Trương xin đi dò xét sự lạ, tiện thể sẽ làm mối luôn. Tìm đến xóm nọ, nhà cửa đều chẳng thấy đâu, chỉ có hoa rừng rơi rụng mà thôi . Trương nhớ lại nơi chôn bà cô, phảng phất đâu đây không xa lắm, nhưng phần mộ đẫ bi lấp mất, chẳng còn nhận ra được, đành thở than mà quay về.
Bà mẹ ngờ cô gái là ma.hoặc hồ ly. Vào buồng thuật lại những lời Trương vừa nói, nàng không mảy may tỏ sợ hãi. Lại xót cho nàng không có nhà cửa gì, cũng không hề có buồn rầu, cứ rúc rích cười hoài mà thôi.
Mẹ bảo cùng ngủ với bọn con gái; sáng tinh mơ đã đến vấn an. Giữ việc nữ công, tinh xảo không ai bì. Chỉ phải cái tật hay cười, cấm cũng không nhịn được. Song nét cười rất tươi, dẫu cười đến phát rồ cũng không giảm vẻ yểu điệu, ai thấy cũng vui thích. đàn bà con gái láng giềng thường tranh nhau mời đón nàng.
Mẹ đã chọn ngày tốt để cho làm lễ hợp cẩn, mà vẫn cứ sợ là ma; bèn rình lúc nàng đứng dưới bóng mặt trời nhim xem, thì hình bóng không có gì khác lạ. đến ngày cưới, bảo nàng trang sức đẹp đẽ để làm lễ cô dâu. Cô gái cười quá, không thể cúi xuống, ngẩng lên được, đành phải thôi
Chàng thấy vợ ngây dại, sợ nàng đem những chuyện kín trong phòng riêng tiết lộ ra ngoài, nhưng cô gái lại hết sức kín đáo, một câu cũng không nói
Mỗi khi mẹ có điều lo giận, nàng dâu đến, chỉ cười một tiếng là lập tức nguôi hết. Đầy tớ, con hầu có lỗi nhỏ, sợ bi roi vọt liền cầu xin nàng đến nói chuyện với mẹ; nhờ thế chúng đến chiu tội thường được thạ . Mà nàng yêu hoa thành nghiện, vẫn tìm kiếm khắp nơi trong thân thích xóm làng, lại phải cầm trộm cả thoa vàng đi, để mua cho được giống hoa đẹp, mới có vài tháng mà thềm hè, bờ giậu, chuồng lợn, hố tiêu, không chỗ nào không có hoa.
Sân sau có một giàn mộc hương, vốn ăn liền với nhà láng giềng phía Tây. Nàng vẫn thường vin cây trào lên, hái hoa cài đầu chơi Mẹ thỉnh thoảng bắt gặp lại mắng, mà nàng rốt cuộc vẫn không chừa. Một hôm, con trai nhà phía Tây trông thấy, ngây ra nhìn, lòng dường điên đảo. Cô gái không tránh mặt mà lại cười Con trai nhà phía Tây nghĩ rằng nàng đã thuận, bụng càng khao khát. Nàng chỉ tay vào chân tường, rồi cười mà trèo xuống. Con trai nhà phía Tây cho là nàng trỏ nơi hò hẹn, sướng quá đỗi đến tối mò ra, thì nàng đã ở đấy thật. Sáng đêm hành dâm, thì dương vật như bi mũi dùi đâm, đau buốt đến tận tim, kêu rú lên mà ngã vật ra. Nhìn kỹ lại thì chẳng phải là cô gái, chỉ là một cây khô nằm ở bên tường, chỗ mình chọc vào là một cái hốc còn nước. Ông bố nhà láng giềng nghe tiếng con kêu, vội chạy ra hỏi xem, chỉ rên rỉ không nói Vợ đến, mới chịu nói thực. đốt đuốc soi vào thấy trong hốc cây có một con bọ cạp lớn như con cua con. Ông bố bổ cây ra, bắt giết đi, rồi vực con về, nửa đêm thì người con chết.
Nhà láng giềng đâm đơn kiện chàng, cáo giác Hoàng Cúc là yêu quái .Quan huyện vốn ngưỡng mộ tài học của chàng, lại biết chàng là một học trò năng trau dồi đức hạnh, cho rằng nhà láng giềng kiện xằng, toan nọc ra đánh. Chàng xin cho, mới được phóng thích mà về. Bà mẹ bảo rằng:
- Cứ ngây dại như thế mãi, từ sớm đã biết vui quá hoá lo mà. May được quan huyện sáng suốt như thần nên mới không liên luỵ, chứ nếu gặp phải hạng quan hồ đồ hẳn đã bắt đàn bà con gái đến chất vấn ở công đường, thì con ta mặt mũi nào nhìn thấy họ hàng làng xóm nữa?
Cô gái liền nghiêm sắc mặt lại, kể từ nay không cười nữa. Mẹ bảo:
- Người ta ai mà không cười, nhưng cười cũng phải có lúc.
Thế là từ đấy về sau nàng không cười nữa thật, dù cố trêu, vẫn không bao giờ cười.
Năm sau, mẹ chồng bệnh, nằm một chỗ rồi mất lúc tuổi ngoài bốn mươi. Thế là nàng trở thành chủ nhân gia đình, gánh vác mọi việc, quán xuyến trong ngoài.. .Và từ đấy về sau, nàng thay đổi rõ rệt. Nàng trở thành con người nghiêm nghị đạo đức. Nàng nói về từ bi, bác ái, dân vi quý, thế giới đại đồng. Bên cạnh tính tốt như vừa nói, nàng lại bộc lộ một vài tính xấu. Nàng thích ăn thịt gà, thịt heo, bánh trái, và lén ăn một mình không cho ai biết. Đi chợ thì công khai ăn quà. Hết ngồi hàng bánh cuốn lại sang hàng lòng heo, hết nem nướng lại sang hàng thịt chó. Việc gì nàng cũng giấu diếm đối trá.Nang lúc trước yêu hoa, nay ra lệnh cho gia nhân nhổ hết hoa để trồng khoai sắn. Nàng trở thành một bà chủ. khó tính. Nàng luôn luôn gắt gỏng, cau có với mọi người. Nàng chửi thề, nói tục, nàng nói ngọng. Nàng ăn bốc không dùng đũa, dùng bát như người văn minh. Lúc trước, nhà Cao sinh có năm tôi tớ, khi nàng lên cầm quyền thì thải hết ba. Hai người còn lại phải làm gấp đôi lúc trước mà lương bổng lại giảm đi một nửa. Tôi tớ không dám than van.
Nàng bảo:-Ta đây rất từ bi, bác ái, rất thương người cùng khổ, hết lòng tranh đấu cho kẻ vô sản. Các ngươi được tự do vạn lần nhà khác. Các người có quyền làm chủ. Muốn ăn gì thì ăn, muốn làm gì thì làm. Làm hay nghỉ đều tùy thích.Thành thử các người có đủ tự do, hạnh phúc, không cần phải đòi hỏi gì cả!
Vài năm sau, một người họ Hồ, xưng là bà con với nàng, nhân đi làm thuốc qua đây, ghé thăm nàng. Cao sinh long trọng mời anh họ của vợ ở lại một thời gian. Ít tháng sau, Cao sinh lâm bệnh, nàng phải nhờ Hồ ông bốc thuốc và trông nom. Bệnh sinh càng ngày càng trầm trọng, nàng phải bán ruộng vườn. Trong họ, ngoài làng có ai thắc mắc, nàng bảo phải bán để chạy chữa cho chồng.
Năm sau, chồng mất, nàng và Hồ ông bỏ đi biệt tích. Khi chủ nhân mới đến nhận nhà, thiên hạ mới biết nhà cửa, ruộng đất nàng đã bán từ lâu cho người làng bên để đổi lấy vàng bạc và châu báu. Mỗi khi đi ngang qua nhà Cao sinh, thiên hạ nhiều người than thở rằng Cao sinh học giỏi, tính tình hiền lương mà lại yêu hồ ly đến nỗi hại mình , mất gia sản và phải tuyệt tự!
HỒ LY BÁO ÂN
Kim Văn Lâu quê ở Thái Nguyên là một nông dân hiền lành. Chàng là em, trên chàng là anh trai. Cha mất sớm, ở với mẹ. Công việc của chàng suốt ngày là trông nom ruộng vườn . Kim không hay săn bắn. Chàng chỉ lên rừng hái mặng tre , đào khoai , hái hoa lan, hái củi và trồng khoai sắn.Tính Kim Văn Lâu thật thà, hiền hậu, rất yêu thương loài vật. Khi lên núi, thấy thỏ, hươu , chim bị nạn là Kim băng bó vết thương cho chúng nó. Một bận, Kim vào rừng, thấy một con Cáo mắc bẫy, Kim giải cứu cho Cáo , lấy lá cây xức thuốc và băng bó cho nó. Việc cứu chim chóc, thú rừng và thả cá là chuyện thường xuyên vì bản tính hiền lành và cũng vì muốn vui chơi, chàng tìm vui trong các việc thiện nhỏ.
Một hôm vào rẫy, chàng thấy một con thỏ trắng muốt, chạy qua trước mặt chàng. Nó chạy một đoạn thì dừng lại như muốn chơi trò cút bắt với chàng. Chàng vui thích bèn đuổi theo. Chạy theo con thỏ trắng một đoạn dài, con thỏ biến mất. Chàng bước đến nữa thì thấy có một khe nước trong xanh, một cố gái Thái trắng, vai mang gùi măng tươi, đang lội giữa suối. Nàng đội khăn hoa, mang đầm xòe, áo trắng, váy xanh, thắt lưng vàng, chân và tay trắng như trứng gà bóc. Chàng say sưa ngắm nghía nàng. Nàng mỉm cưùi với chàng, và cất tiếng hát trêu ghẹo:
-Hỡi anh lên rừng hái hoa,
Chứ anh ở nhà, có vợ con chưa?
Kim đáp:
-Hỡi cô má đỏ hồng hồng,
Cô muốn lấy chồng thì hãy theo anh!
Kim tiến ra giòng suối chuyện trò cùng nàng. Hỏi nàng tên gì, nàng đáp tên Thanh Thanh, nhà ở bên suối. Kể từ đó, ngày nào gần trưa, chàng ra suối thì gặp nàng. Từ đó hai bên yêu nhau. Một hôm, cả hai ngồi trên bãi cỏ rộng, bên trên là hoa đào nở rộ, tiếng chim rừng thánh thót như khúc nhạc tình. Kim ôm nàng và cả hai nằm xuống thảm cỏ. Chàng thấy thân nàng ấm áp, mềm mại, tỏa ra một mùi hương rất quyến rũ. Cả hai người thấy thân thể nóng ran, Kim ôm nàng rất chặt như hai thân hình nhập vào một. Bỗng nhiên nàng nhẹ xô Kim ra, khóc mà bảo:
-Thiếp rất yêu chàng. Cha mẹ thiếp mất sớm, được bà nội đưa về nuôi. Nếu chàng muốn tính việc dài lâu thì phải thưa qua cùng bà nội.
Hôm sau, chàng ra suối để nàng đưa chàng về gặp bà nội. Cả hai đi quanh co, qua đồi, qua suối thì đến một chân núi, vách đá cao. Dưới chân núi có vài ngôi nhà sàn. Nhà của bà nội Thanh Thanh là một nhà sàn bằng ván, nhà không to nhưng gọn ghẽ, xinh xắn, xung quanh cây cối um tùm, hoa vàng, hoa đỏ nở tươi , lại có hàng rào tre bao bọc., phong cảnh rất u nhã. Thanh Thanh đưa chàng vào nhà thì bà nội của nàng thân mật bước ra chào hỏi:
-Hôm nay, cháu mới tới à? Già bao lâu chờ đợi đứa cháu rể quý.
Nhà của nàng không lớn nhưng sạch sẽ, đầy ánh sánh và tỏa hương thơm. Bàn ghế, bình hoa, các vật trang trí đều bình thường nhưng được cái nét tao nhã, thanh lịch.
Ngồi một lúc, Kim trình bày gia thế và ngõ ý muốn kết duyên cùng Thanh Thanh. Bà già vui vẻ chấp thuận, chưa cho Kim một viên ngọc làm lễ định hôn, và bảo chàng về thưa cùng mẹ và định ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn.
Chàng về thưa với mẹ và được mẹ đồng ý. Ngày lành tháng tốt đã chọn, Kim bèn thưa với bà nội Thanh Thanh. Bà bảo theo tục lệ ở đây, nhà trai cứ soạn cỗ bàn, trang trì nhà cửa, đặt phòng ốc thì nhà gái sẽ đưa dâu tới.
Ngày cưới đã đến, gia đình Kim giăng đèn, treo pháo, kết hoa và mời họ hàng vài chục người đến dự. Nhà gái hơn mười người, đi lừa, cưỡi ngựa đến. Cô dâu mang áo đỏ, cưỡi lừa, khăn hồng che mặt, hai bên có hai phụ dâu và vài a hoàn theo hầu. Sau khi đưa dâu đến ngõ nhà trai thì nhà gái bèn trở về, chứ không ở lại dự lễ và ăn uống như tục lệ người Kinh.
Trong đêm tân hôn, hai vợ chồng đều thấy mình đã đạt hạnh phúc trong đời. Hàng ngày, Kim vẫn theo lệ cũ vào rừng làm rẫy, hái măng, đào khoai sắn, còn nàng ở nhà nuôi heo gà và lo việc cơm nước phụ với mẹ chồng. Đến ngày giỗ chồng, nhân lúc có cô dâu mới, mẹ Kim muốn làm cỗ bàn linh đình để mời bà con, họ hàng tham dự đông đảo. Bà lo lắng không đủ gà vịt, mắm muối. Thanh Thanh bảo mẹ cứ yên chí. Nàng hỏi mẹ chồng muốn làm bao nhiêu mâm và gồm những món nào. Mẹ chồng nói muốn làm mười mâm, gồm xôi, thịt, nem, chả, lòng heo, thịt nướng, thịt quay, bóng, miến, măng, ninh, mọc.. .
Mẹ chồng hỏi nàng dâu cần bao nhiêu người phụ để mượn người. Nàng bảo chỉ cần một người phụ. Hôm giỗ, khoảng năm chục người đến dự. Một mình nàng trong bếp. Nàng liên tiếp băm vằm, tiếng dao thớt vang dội. Trong bếp một mình nàng làm việc, trước bếp có cửa sổ che màn, và đặt sẵn một cái bàn. Hỏi món nào thì trong giây lát là có ngay trên bàn. Người phụ ở ngoài chỉ việc bưng ra mới khách.
Có khách muốn có món vịt quay Thượng Hải, có người đòi tôm hùm sông Gianh, một chốc, tất cả đều được bưng ra đãi khách. Trong cuộc rựợu, có khách đòi rượu Kim Sơn, Văn Điển, có kẻ xin Ngũ Gia Bì Bắc Kinh. Có khách yêu cầu món rau muống tiến của Sơn Tây, cá gáy Tây Hồ, tất cả đều được đáp ứng đầy đủ. Đến lúc ăn tráng miệng, có người đòi nhãn tiến Hưng Yên, cam Xã Đoài, chốc lát đều có cả.
Cả xóm làng ai cũng kính phục nàng. Vài năm sau, cháu gái của nàng đến báo tin bà nội bị bệnh sắp mất, muốn hai vợ chồng nàng về gặp mặt lần cuối. Kim và vợ vội vàng lên ngựa mà vào núi. Khi đến nơi, bà bảo hai vợ chồng Kim ngồi bên cạnh giuờng bệnh, rồi nói với Kim:
-Ta là giống Hồ. Ta là con Hồ được người cứu thoát. Cảm tạ thâm ân của người nên ta gả cháu gái ta cho ngươi. Ta là giống Hồ nhưng giống Hồ hiền lành, chỉ biết tu hành, không hại ai. Nhưng tương lai vài năm nữa sẽ có một giống Hồ từ phương Bắc tới. Chúng xâm chiếm quê hương này, giết người, cướp của không gớm tay, mà Thái Nguyên là căn cứ đầu tiên của chúng nó.
Thánh tiên có sấm truyền:
" Ái quốc thị phản quốc,
Tây phương thị Cực Lạc thế giới".
(Ái quốc là phản quốc,
Tây phương là thế giới cực lạc)
Kim xin bà giải thích hai câu sấm này. Bà bảo thiên cơ bất khả lậu Gần trăm năm sau, thiên hạ sẽ rõ câu sấm này. Tuy nhiên, bà cũng khuyên cháu . Giặc Hồ sau này sẽ mưọn danh ái quốc, xưng là thần, là Phật để xô con người làm tội ác. Ai cũng phải yêu nước, làm việc thiện nhưng phải sáng suốt, đừng để người lừa dối và lợi dụng. Yêu nước, yêu dân là tự tâm mình. Thờ Phật, thờ Trời cũng do tâm mình. Đừng theo ai, tin ai mà mang họa vì họ không phải là chân tu hay thiện nhân, toàn là lũ chồn cáo xảo trá, mượn danh nhân nghĩa, công bằng để cướp của giết người. Ta nay có vật tặng ngươi.
Bà lấy dưới gối một chiếc khánh ngọc màu xanh, đàng sau có chạm hình chiếc thuyền. Bà nói nên gìn giữ. Đây là bổn mạng của các cháu và của người Việt Nam. Các cháu nên bỏ Thái Nguyên vào phía nam Hải Vân mà sinh sống. Nếu được vậy thỉ sẽ có nửa phần may mắn. Nếu có thể, các cháu bỏ cái xứ sở ma quỷ này, theo thuyền đi về phương Nam qua biển rộng mà tới Cực Lạc quốc thì mới được hạnh phúc vẹn toàn. Các cháu nhớ là đừng ở núi rừng, nên ở phố biển thịnh vượng, có nhiều tàu bè.
Bà ngâm hai câu thơ:
"Khi nao máu chảy thành sông,
Nhà tù như nấm, biển đông chật thuyền."
Đó là cơ hội cuối cùng cho người Việt! Nói xong bà tắt thở.
Hai vợ chồng Kim ở lại chôn cất bà nội rồi cưỡi ngựa về làng. Sinh kể câu chuyện với mẹ và anh. Mẹ nghe xong bảo:
-Ta đã già rồi , muốn chết bên cạnh mộ chồng và mộ tổ tiên.
Còn người anh thì cười mà bảo:
-Chú khéo tin chuyện huyền hoặc. Chú muốn đi thì đi. Ta ở đây có nhà cửa, ruộng nương, sao lại phải sống đời lưu lạc? Ta chỉ là nông dân, không phải là quyền quý, chức sắc, chỉ có nhà ngói nhỏ, với vài ba mẫu ruộng đâu có phải hạng đại phú gia mà sợ cướp bóc? Tin đồn nay mai đây, Đại vương Nhân Nghĩa sẽ về cứu nhân độ thế. Ấy là lúc nhà ta, nhân dân ta ấm no hạnh phúc, hà tất phải tha phương!
Kim nghe lời bà nội của vợ, bèn bán nhà cửa, ruộng nương mà theo thuyền vào Nam. Chàng thấy Hội An là nơi tốt nhất. Nơi đây là thành phố cổ, có nhiều khách ngoại quốc lui tới buôn bán, sầm uất một thời. Sinh bỏ vàng bạc mua nhà, mở hàng tơ lụa mà buôn bán. Sinh làm quen với người Nhật, người Nam Dương, người Ấn Độ, học ngôn ngữ, phong tục và cách buôn bán của họ. Sau kinh doanh được ít lâu thì có người đồng hương chạy vào xứ Đàng Trong, gặp chàng báo tin Đại vương Nhân Nghĩa thi hành chính sách Nhân nghĩa và công bằng xã hội, đã kết tội mẹ anh và em anh về tội:
"Làm giàu bất nhân,
Bóc lột nhân dân,
Nợ máu phải trả bằng máu!"
Trong thôn bản của Kim có năm trăm nóc nhà, có năm chục nhà đã bị kết tội "đại gian, đại ác"trong đó có mẹ và em trai của Kim. Các cháu bị đuổi ra khỏi nhà và để cho chết đói. Mẹ và em của anh bị trói vào cột, bắt quỳ hơn mười ngày, sau đó đem ra xử tội chết. Họ lấy cuốc đập vào đầu hoặc chôn sống, sau xô xuống hố mà lấp đất lại. Họ sung công nhà cửa, ruộng đất. và chia cho dân nghèo. Kim nghe tin mà than khóc vô cùng. Kim càng tin lời tiên tri của bà nội, bèn thuê thợ đóng tàu hàng hải, mua hàng hóa đi buôn ở các nước Tiểu Tây dương, tức là những nước ở phía Nam Việt Nam. Kim qua lại thử thách vài ba chuyến, thấy Phi Luật Tân sống được, Kim về bán nhà cửa, đất đai sang đây mua nhà cửa , mở cửa hàng rồi định cư ở đó, không trở về Việt Nam nữa.
NGUYỄN THIÊN THỤ * NHỮNG CON CÁO ĐỎ
(Đã sửa chữa và bổ sung)
*
HOÀNG CÚC
Cao Minh Sơn người Bắc Ninh sớm mồ côi cha, thông tuệ rất mực, mười bốn tuổi đã vào học trường quan giáo thọ. Mẹ hết sức cưng yêu, bình thường không cho đi chơi ra ngoài đồng ruộng. Nhà đã dạm con gái họ Trần cho chàng, song chưa cưới thì nàng mất. Vì thế việc nhân duyên vẫn chưa thành.
Gặp tiết Thượng Nguyên, có người con nhà cậu là chàng Trương đến rủ đi chùa lễ Phật. Vừa ra đến đầu xóm thì có đầy tớ nhà cậu sang gọi Trương về. Trên đường, chàng thấy trai thanh, gái lịch lũ lượt mà đi, nổi hứng, chàng bèn một mình ngao du.
Khi vào chùa Thuận Thành, chàng thấy có một cô gái dắt con hầu đi theo, tay cầm một cành hoa mai, nhan sắc tuyệt vời, nụ cười xinh tươi làm lòng chàng say mê. Chàng nhìn đăm đăm đến nỗi quên cả giữ ý tứ. Cô gái đi vượt lên mấy bước, quay sang cả giận mà mắng chàng:
- Người đâu mà nhìn người ta chòng chọc như giặc cướp!.
Mắng xong, nàng bỏ cành hoa xuống đất, cười nói mà đi . Chàng nhặt cành hoa, buồn thiu, hồn phách xiêu lạc đâu mất, lầm lũi quay về.
Về đến nhà , chàng đặt hoa dưới gối mà ngủ, không nói cũng không ăn. Mẹ đâm lo, đi cầu cúng thì bệnh càng nặng, da thit gầy tóp. Thầy thuốc thăm bệnh, cắt cho thang dưỡng thần bổ khí, nhưng chàng cứ hốt hoảng như người bị tà ma . Mẹ dỗ dành hỏi nguyên do, chàng lặng thinh không đáp.
Vừa lúc đó chàng Trương đến, bà dặn nhỏ chàng hỏi riêng xem sao. Trương vào trước giường; vừa nhìn thấy, chàng đã chảy nước mắt. Trương ghé sát bên giường an ủi, lân la gặng hỏi Chàng bèn thổ lộ thực tình, lại nhờ lo toan hộ. Trương cười đáp:
- Anh lại ngốc rồi! Ước muốn đó thì khó gì mà chẳng toại! Anh hãy tả cho tôi hình dáng nàng để tôi dọ hỏi. Chỉ cần anh thuyên giảm, tôi sẽ lo liệu tất cả.
Chàng nghe vậy bất giác nở nụ cười, bèn tả hình dáng cô gái, má lúm đồng tiền, người thanh tao, giọng nói trong như ngọc, đặc biệt là nàng đeo kiềng vàng rất lớn, lưng đeo xà tích bạc lại đính hồng ngọc, tay đeo chiếc nhẫn vàng mặt minh châu. Trương trở ra bảo với bà mẹ rồi để đi tìm làng ở của cô gái; song thăm hỏi đã cùng khắp vẫn không di ra tin tức. Mẹ lo lắm, chẳng biết tính thế nào. Nhưng từ sau khi Trương về rồi thì sắc mặt con tự nhiên tươi tỉnh, ăn uống đã có phần khá hơn.
Mấy hôm sau, Trương trở lại. Chàng hỏi công việc đã đi đến đâu. Trương vờ vit nói:
- Xong rồi! Cứ tưởng người nào, hoá ra là con gái bà cô tôi, tức là vào hàng em con nhà dì với anh đấy. Hiện vẫn còn đợi gả chồng. Dẫu họ hàng về đằng mẹ kết thông gia không tiện, nhưng cứ tình thực mà nói thì cũng chẳng có gì không xuôi
Chàng mừng, rạng rỡ cả mặt mày, hỏi Trương:
- Thế ở làng nào?
Trương thác rằng:
- Ở trong núi, về phía Bắc cách đây ngoài hai mươi dặm.
Chàng lại dặn di nhờ cậy đến năm lần bảy lượt. Trương cũng sốt sắng tự xin đảm nhận, rồi lui gót. Từ đấy chàng ăn uống ngày một khá hơn, sức khoẻ dần dần bình phục. Lật gối lên xem, hoa tuy khô nhưng vẫn chưa tàn héo hẳn. Mải mê cầm ngắm, tưởng như còn thấy được người
Mãi sau lấy làm lạ sao Trương không đến, bèn viết giấy mời, thì Trương không chiu đến. Chàng tức giận, buồn bã không vui. Mẹ lo bệnh con lại tái phát, vội bàn chuyện hôn nhân, nhưng mới trao đổi sơ qua, đã lắc đầu không chiu, chỉ ngày ngày ngóng đợi chàng Trương Cuối cùng tin tức về Trương cũng bặt, chàng càng thêm tức. Rồi bỗng vụt nghĩ rằng hai mươi dặm cũng chẳng lấy gì làm xa, hà tất phải ỷ lại vào người khác. Cao sinh bèn giấu cành mai vào tay áo, tức mình cất bước ra đi, mà người nhà chẳng một ai hay.
Lủi thủi cuốc bộ một mình, không có ai để hỏi đường, chỉ nhắm mắt hướng núi Bắc đi tới được chừng hơn mười mấy dặm, thấy núi chất chồng. Xa xa trông xuống dưới khe núi trong chỗ cây cối um tùm chằng chit hoa nở từng đám dày, thấp thoáng như có một xóm nhỏ. Xuống núi, vào trong xóm, thấy nhà cửa thưa thớt, toàn là nhà tranh, mà xem chừng lại rất thanh nhã. Một ngôi nhà hướng Bắc, trước cửa buông đẳu tơ liễu, trong tường đào hạnh lại càng sum suê, chen lẫn với những khóm trúc vươn dài; chim rừng kêu lách chách ở trong. Chàng cho là nơi vườn cảnh của ai, không dám đường đột bước vào. Quay nhìn phía đối diện với cánh cổng, thấy có hòn đá lớn trơn nhẵn, sạch sẽ, bàn ngồi lên đó tạm nghỉ. Giây lát nghe phía trong tường có tiếng một người con gái dài giọng gọi: "Thanh Lan! Thanh Lan", tiếng nghe êm ái, nhỏ nhẹ. đang chăm chú lắng nghe, thấy một cô gái từ phía đông rảo sang phía Tây, tay cầm đóa hoa hạnh, cúi đầu cài lên mái tóc; vừa ngẩng đầu lên trông thấy chàng liền không cài nữa, mỉm cười cầm đóa hoa đi vào.
Nhìn kỹ lại thì đúng là người mình đã gặp hôm trên đường đi chơi tiết Thượng Nguyên. Trong lòng mừng quýnh lên, chỉ ngó chứ không lấy cớ gì mà vào được, muốn gọi bằng cô em con dì, lại e từ thuở nào đến giờ không hề đi lại, nhỡ ra có nhầm lẫn chăng
Trong cửa không có một ai để hỏi, đành quẩn quanh hết ngồi lại đứng từ sớm mãi đến tận trưa, đăm đăm trông ngóng, quên cả đói khát. Thỉnh thoảng thấy cô gái hé nửa mặt ra nhìn tựa hồ lấy làm lạ sao mình vẫn không bỏ đi . Bỗng có một bà già chống gậy đi ra, hướng vào chàng mà hỏi:
- Chàng trai ở đâu, nghe như từ giờ thìn đã đến đây, ở mãi cho đến bây giờ à? Anh cần gì? Không đói à?
Chàng vội đứng dậy vái chào, đáp rằng:
- Tiểu sinh đi tìm người bà con.
Bà cụ nghễnh ngãng nghe không rõ. Chàng lại phải nói to lên. Bèn hỏi:
- Vậy chứ quý vị thân thích họ gì ?
Chàng không sao trả lời được. Bà cười bảo:
- Kỳ chưa! đến họ tên còn không biết thì biết bà con như thế nào mà tìm thăm? Tôi xem bộ cậu cũng chỉ là tay nghiện sách mà thôi . Chi bằng hãy theo tôi vào đây, lót lòng lưng cơm hẩm; đợi sáng mai vế hỏi lại cho biết họ gì, rồi đến tìm thăm cũng chưa muộn.
Chàng đang lúc bụng đói muốn ăn, lại được vào đó lân la gần gũi người đẹp, thì mừng quá, bèn theo bà già đi vào. Thấy trong cổng, lối đi lát toàn đá trắng, hai bên đường, hoa hồng từng cánh từng cánh rụng trên thềm. Quanh co đi về phía Tây, lại mở ra một cửa ngăn nữa, phên dậu giàn hoa lan đầy giữa sân. Chủ nhân cung kính dẫn khách vào nhà, tường phấn sáng rỡ như lồng kính; ngoài song, những cành hoa hải đường thi vào cả trong nhà; đệm chiếu, ghế giường, không một thứ gì không bóng lộn, sạch sẽ.
Vừa ngồi xuống đã thấy có bóng người từ ngoài cửa sổ thấp thoáng nhim trộm. Bà cụ gọi:
- Thanh Lan! Làm cơm mau!
Bên ngoài có tiếng dạ to của con hầu.
Sinh ngồi xuống, bà già hỏi:
- Ông ngoại của cậu chẳng biết có phải họ Ngô không?
Sinh đáp:
- Thưa phải
Bà cụ kinh ngạc nói:
- Thế thì cậu là cháu của tạ . Mẹ cậu là em gái ta .Mấy năm nay vì gia cảnh bần hàn, lại không có chút con trai, nên việc thăm hỏi mới để quên bẵng đi .Cháu đã khôn lớn thế này rồi mà vẫn không biết.
Chàng đáp:
- Lần này cháu đến đây là để hỏi thăm dì, mà trong khi vội vàng thành ra quên mất cả họ.
Bà cụ đáp:
- Già đây lấy họ Tần, không sinh nở bận nào cả. Chỉ có một mụn con gái, cũng là con dì hai nó sinh ra. Mẹ nó đi bước nữa, để nó lại cho ta nuôi nấng. Kể cũng chẳng đến nỗi đần, chỉ hiềm ít được dạy dỗ, nên cứ cười cợt suốt, chẳng biết buồn lo gì cả. Chốc nữa sẽ bảo ra chào anh cho biết.
Chẳng mấy lúc, con hầu đã dọn cơm lên; có món gà tơ ngon béo. Bà cụ ngồi tiếp chàng; cơm xong rồi con hầu lại dọn đi. Bà bảo:
- Gọi cô Hoàng Cúc ra đây!
Con hầu vâng lời đi vào. Lúc lâu, nghe như ngoài cửa có tiếng cười, bà cụ lại gọi:
- Hoàng Cúc! Có người anh con dì mày ở đây đấy!
Ngoài cửa tiếng cười khúc khích vẫn không ngừng. Con hầu đẩy cô gái vào, vẫn còn che miệng cười không nín được. Bà già trừng mắt bảo:
- Nhà đương có khách, mà cứ khúc kha khúc khích, là cung cách gì thế?
Cô gái nhịn cười đứng yên. Chàng vái chào. Bà cụ nói:
- Đây là cậu Cao, anh con dì của mày. Người trong một nhà mà không biết nhau, thế mới đáng cười chứ!
Chàng hỏi:
- Em đây năm nay bao nhiêu tuổi?
Bà già chưa nghe kip. Chàng bèn nhắc lại Cô gái lại rũ ra cười, không ngẩng đầu lên nhìn ai được nữa. Bà cụ bảo chàng:
- Tôi vừa nói nó ít được dạy dỗ, giờ thì thấy rồi đấy. Tuổi đã mười sáu mà vẫn ngây dại như trẻ con.
Chàng đáp:
- Thua cháu một tuổi
Bà nói:
- Cháu đã mười bảy rồi, thế chẳng hóa ra là tuổi canh ngọ, cầm tinh con ngựa ư?
Chàng gật đầu thừa nhận. Lại hỏi:
- Thế vợ cháu là ai?
Sinh đáp:
- Vẫn ở không ạ!
Bà bảo:
- Tài mạo như cháu, sao mười bảy tuổi rồi còn chưa cưới vợ? Hoàng Cúc cũng chưa hứa gả về đâu, kể sánh với nhau thật xứng đôi, chỉ hiềm có chút họ hàng đằng mẹ.
Chàng không đáp, mắt cứ nhìn dán vào Hoàng Cúc, không còn rời đi đâu một chớp. Con hầu quay sang cô gái nói nhỏ rằng:
- Vẫn con mắt chòng chọc như giặc cướp không có thay đổi
Nàng lại cười to, ngoảnh lại bảo con hầu:
- Ta đi xem bích đào nở chưa đi!
Rồi vụt đứng ngay dậy, lấy tay áo che miệng, rón rén gót sen bước nhanh ra, khỏi cửa rồi tiếng cười mới phá lên. Bà già cũng đứng dậy, gọi con hầu mang chăn chiếu để xắp đặt chỗ nghỉ cho chàng. Bà bảo:
- Cháu một lần đến không phải dễ, hãy ở chơi dăm ba hôm thư thả rồi sẽ tiễn mày về. Nếu hiềm vì vắng vẻ buồn chán thì sau nhà có mảnh vườn con, cũng đủ làm nơi tiêu khiển; có cả sách nữa, cháu có thể đọc chơi
Hôm sau, chàng ra phía sau nhà, quả có thửa vườn chừng nửa mẫu, cỏ như rải thảm, hoa dương rắc lấm tấm đầy lối đi. Ba gian nhà cỏ, cây và hoa vây phủ bốn chung quanh.Chợt nghe trên ngọn cây có tiếng khinh khích , ngẩng lên nhìn thì ra Hoàng Cúc đang ở trên đó, thấy chàng đến cười rũ lên muốn ngã. Chàng vội kêu:
- Đừng làm thế, ngã đấy!
Nàng vừa tụt xuống vừa cười, không sao nhin được. Gần đến đất, tuột tay ngã,.Chàng chạy ôm nàng vào lòng rồi đỡ dậy, thì ngửi thầy mùi hương của thân thể nàng tỏa ra rất thơm tho, quyến rũ. Nàng như không hay biết gì về cái động chạm vừa rồi, lại rũ ra cười, phải dựa vào thân cây, không sao bước được nữa, một lúc lâu mới hết. Chờ cho ngớt cơn cười, chàng mới rút cành hoa trong tay áo ra cho xem. Cô gái cầm lấy, nói:
- Khô rồi, còn giữ làm gì?
Sinh đáp:
- Đây là hoa em bỏ lại hôm tiết Thượng Nguyên, nên mới giữ.
Hoàng Cúc hỏi:
- Giữ thế là có ý gì
Sinh đáp:
- Để tỏ rằng yêu thương nhau không quên được. Kể từ hôm tiết Thượng Nguyên, được gặp em , anh cứ tơ tưởng đến thành bệnh. Những tưởng phận mình đã hóa ra ma rồi, nào ngờ lại còn được thấy mặt. Xin hãy rủ lòng thương xót.
Cô gái đáp:
- Đấy là việc quá nhỏ mọn. Chỗ họ thân nào có tiếc gì. đợi hôm nào anh đi, các thứ hoa trong vườn, sẽ gọi lão bộc đến, bẻ hẳn một ôm lớn đội theo tiễn anh.
Chàng nói:
- Em ngây thơ ư?
- Thế nào là ngây thơ?
Sinh đáp:
- Anh chẳng phải yêu hoa mà yêu người cầm hoa cơ.
Nàng nói:
- Tình thân họ hàng, yêu nhau còn phải nói gì?
Chàng đáp:
- Anh nói yêu, chẳng phải là cái tình yêu họ hàng giây mơ rễ má, mà là tình yêu vợ chồng kia.
Cô gái nói:
- Có gì khác nhau sao?
Sinh đáp:
- Đêm thì cùng chung chăn gối
Cô gái cúi đầu nghỉ ngợi giây lâu, nói:
- Em không quen ngủ với người lạ.
Nói chưa dứt lời, con hầu đã rón rén đi đến. Chàng hoảng sợ, vội lẩn đi . Lát sau, cùng họp mặt ở chỗ bà mẹ. Mẹ hỏi đi đâu, cô gái đáp rằng ở trong vườn trò chuyện.
Bà cụ hỏi:
- Cơm đã chín lâu, có gì dài lời mà con cà con kê mãi thế?
Nàng đáp:
- Anh cả muốn cùng con ngủ chung.
Nói chưa hết câu chàng đã cuống cả lên, vội đưa mắt lườm. Nàng mỉm cười ngừng ngay lại May bà già không nghe rõ, còn phải lằng nhằng hỏi lại . Chàng vội đem chuyện khác lấp liếm đi Nhân đó, khẽ rỉ tai trách riêng nàng. Cô gái hỏi:
- Thế chuyện ấy không nên nói à?
Chàng đáp:
- Đó là chuyện phải giấu người khác.
Nàng bảo:
- Giấu người khác, chứ giấu mẹ già sao được. Vả lại, ngủ đâu là chuyện thường, việc gì phải kiêng không nói
Chàng bực vì nỗi ngố, không cách gì làm cho hiểu ra được.
Ăn vừa xong thì gia nhân dắt hai con lừa đến tìm chàng. Số là, bà mẹ đợi lâu không thấy con về, sinh nghi, cho tìm kiếm hầu khắp mọi chỗ trong làng, cũng không thấy tăm hơi gì cả, bàn đến hỏi Trương, Trương nhớ ra lời mình nói trước đây, liền bảo đến núi phía Bắc mà tìm. đi lần qua hết mấy hôm mới đến được đây. Chàng tình cờ ra cửa thì gặp nhau, bèn trở vào thưa bà già, lại xin được dẫn cô gái về cùng. Bà cụ mừng nói:
- Ta vẫn có ấy từ lâu rồi, hiềm vì tấm thân già yếu không thể đi xa được. Nay được cháu dẫn em nó về, để nhận dì, thì tốt quá
Bàn gọi Hoàng Cúc, Hoàng Cúc cười, bước ra. Bà nói:
- Có gì vui mà cười hoài không ngớt thế? Giá không cười thì cũng được là người toàn vẹn rồi đấy.
Bà nhân đấy lừ mắt giận dữ, rồi bảo:
- Anh cả muốn mày đi cùng, hãy vào sắm sửa hành trang đi!
Lại dọn cơm rượu thắt đãi người gia nhân, rồi mới tiễn ra cửa, nói:
- Nhà dì ruộng nương dư dật, đủ sức nuôi người ăn dưng. đến đấy hãy khoan về, cố học lấy chút thi lễ, để biết đường thờ phụng bố mẹ chồng rồi sẽ cậy bà dì kiếm cho mày một tấm chồng xứng đáng.
Hai người bàn khởi hành. đến vạt núi trũng, quay lại nhìn, còn lờ mờ thấy bà cụ tựa cửa trông theo. Về tới nhà, mẹ nhìn thấy cô gái xinh đẹp, kinh ngạc hỏi là ai .Chàng đáp là con bà dì. Mẹ nói:
- Những điều anh Trương nói với con dạo trước là dối đấy. Mẹ chưa từng có chị, có em gái, sao lại có cháu con dì được?
Hỏi cô gái, nàng đáp:
- Tôi không phải là do mẹ đẻ ra. Bố vốn họ Tần, lúc mất, con còn nằm trong tã, nên không thể nhớ được gì.
Bà mẹ nói:
- Ta có một người chi lấy chồng họ Tần thật, nhưng mất đã lâu, làm sao lại còn được?
Nhân hỏi kỹ những dấu vết trên mặt, nốt ruồi, cục bướu, nhất nhất đều phù hợp.
Lại ngờ ngợ mà nói:
- Thế thì phải đấy! Nhưng chết đã bao năm nay rồi, làm gì mà còn được đến giờ?
Giữa lúc đang ngẫm nghĩ, nghi hoặc thì chàng Trương đến, cô gái lánh vào nhà trong. Trương hỏi biết duyên cớ, ngẩn ra một lúc hồi lâu rồi chợt hỏi:
- Cô gái này có phải tên là Hoàng Cúc không?
Chàng bảo phải . Chàng Trương vội nói ngay là chuyện lạ lùng. Hỏi vì sao mà biết. Trương đáp:
- Từ sau khi cô Tần mất, dượng ấy ở góa, bi hồ ám, mang bệnh mỏi mòn mà chết. Hồ sinh một gái tên là Hoàng Cúc, vẫn quấn tã giữa đường, gia nhân đều trông thấy cả. Dượng mất rồi, hồ thỉnh thoảng còn tới, sau xin bùa của thiền sư dán lên vách, hồ mới ôm con gái bỏ đi .Chẳng lẽ lại là đấy chăng?
Bên nào bên ấy cũng bàn qua tán lại những đìêu còn nghi ngờ. Chỉ nghe buồng trong vẳng ra những tiếng khúc khích, đều là tiếng cười của Hoàng Cúc. Bà mẹ bảo:
- Con bé này cũng ngớ ngẩn quá thể!
Trương xin cho xem mặt. Mẹ vào nhà trong, nàng còn rũ ra cười không ngoái lại .Mẹ giục bảo ra, mới cố sức nín cười, lại phải ngoảnh mặt vào vách mất một lúc mới ra được. Vừa mới vái chào, đã xoay mình trở vào rất lẹ, rồi buông tiếng cười tọ. Đàn bà con gái đầy nhà, ai cũng đều cười vui theo nàng.
Trương xin đi dò xét sự lạ, tiện thể sẽ làm mối luôn. Tìm đến xóm nọ, nhà cửa đều chẳng thấy đâu, chỉ có hoa rừng rơi rụng mà thôi . Trương nhớ lại nơi chôn bà cô, phảng phất đâu đây không xa lắm, nhưng phần mộ đẫ bi lấp mất, chẳng còn nhận ra được, đành thở than mà quay về.
Bà mẹ ngờ cô gái là ma.hoặc hồ ly. Vào buồng thuật lại những lời Trương vừa nói, nàng không mảy may tỏ sợ hãi. Lại xót cho nàng không có nhà cửa gì, cũng không hề có buồn rầu, cứ rúc rích cười hoài mà thôi.
Mẹ bảo cùng ngủ với bọn con gái; sáng tinh mơ đã đến vấn an. Giữ việc nữ công, tinh xảo không ai bì. Chỉ phải cái tật hay cười, cấm cũng không nhịn được. Song nét cười rất tươi, dẫu cười đến phát rồ cũng không giảm vẻ yểu điệu, ai thấy cũng vui thích. đàn bà con gái láng giềng thường tranh nhau mời đón nàng.
Mẹ đã chọn ngày tốt để cho làm lễ hợp cẩn, mà vẫn cứ sợ là ma; bèn rình lúc nàng đứng dưới bóng mặt trời nhim xem, thì hình bóng không có gì khác lạ. đến ngày cưới, bảo nàng trang sức đẹp đẽ để làm lễ cô dâu. Cô gái cười quá, không thể cúi xuống, ngẩng lên được, đành phải thôi
Chàng thấy vợ ngây dại, sợ nàng đem những chuyện kín trong phòng riêng tiết lộ ra ngoài, nhưng cô gái lại hết sức kín đáo, một câu cũng không nói
Mỗi khi mẹ có điều lo giận, nàng dâu đến, chỉ cười một tiếng là lập tức nguôi hết. Đầy tớ, con hầu có lỗi nhỏ, sợ bi roi vọt liền cầu xin nàng đến nói chuyện với mẹ; nhờ thế chúng đến chiu tội thường được thạ . Mà nàng yêu hoa thành nghiện, vẫn tìm kiếm khắp nơi trong thân thích xóm làng, lại phải cầm trộm cả thoa vàng đi, để mua cho được giống hoa đẹp, mới có vài tháng mà thềm hè, bờ giậu, chuồng lợn, hố tiêu, không chỗ nào không có hoa.
Sân sau có một giàn mộc hương, vốn ăn liền với nhà láng giềng phía Tây. Nàng vẫn thường vin cây trào lên, hái hoa cài đầu chơi Mẹ thỉnh thoảng bắt gặp lại mắng, mà nàng rốt cuộc vẫn không chừa. Một hôm, con trai nhà phía Tây trông thấy, ngây ra nhìn, lòng dường điên đảo. Cô gái không tránh mặt mà lại cười Con trai nhà phía Tây nghĩ rằng nàng đã thuận, bụng càng khao khát. Nàng chỉ tay vào chân tường, rồi cười mà trèo xuống. Con trai nhà phía Tây cho là nàng trỏ nơi hò hẹn, sướng quá đỗi đến tối mò ra, thì nàng đã ở đấy thật. Sáng đêm hành dâm, thì dương vật như bi mũi dùi đâm, đau buốt đến tận tim, kêu rú lên mà ngã vật ra. Nhìn kỹ lại thì chẳng phải là cô gái, chỉ là một cây khô nằm ở bên tường, chỗ mình chọc vào là một cái hốc còn nước. Ông bố nhà láng giềng nghe tiếng con kêu, vội chạy ra hỏi xem, chỉ rên rỉ không nói Vợ đến, mới chịu nói thực. đốt đuốc soi vào thấy trong hốc cây có một con bọ cạp lớn như con cua con. Ông bố bổ cây ra, bắt giết đi, rồi vực con về, nửa đêm thì người con chết.
Nhà láng giềng đâm đơn kiện chàng, cáo giác Hoàng Cúc là yêu quái .Quan huyện vốn ngưỡng mộ tài học của chàng, lại biết chàng là một học trò năng trau dồi đức hạnh, cho rằng nhà láng giềng kiện xằng, toan nọc ra đánh. Chàng xin cho, mới được phóng thích mà về. Bà mẹ bảo rằng:
- Cứ ngây dại như thế mãi, từ sớm đã biết vui quá hoá lo mà. May được quan huyện sáng suốt như thần nên mới không liên luỵ, chứ nếu gặp phải hạng quan hồ đồ hẳn đã bắt đàn bà con gái đến chất vấn ở công đường, thì con ta mặt mũi nào nhìn thấy họ hàng làng xóm nữa?
Cô gái liền nghiêm sắc mặt lại, kể từ nay không cười nữa. Mẹ bảo:
- Người ta ai mà không cười, nhưng cười cũng phải có lúc.
Thế là từ đấy về sau nàng không cười nữa thật, dù cố trêu, vẫn không bao giờ cười.
Năm sau, mẹ chồng bệnh, nằm một chỗ rồi mất lúc tuổi ngoài bốn mươi. Thế là nàng trở thành chủ nhân gia đình, gánh vác mọi việc, quán xuyến trong ngoài.. .Và từ đấy về sau, nàng thay đổi rõ rệt. Nàng trở thành con người nghiêm nghị đạo đức. Nàng nói về từ bi, bác ái, dân vi quý, thế giới đại đồng. Bên cạnh tính tốt như vừa nói, nàng lại bộc lộ một vài tính xấu. Nàng thích ăn thịt gà, thịt heo, bánh trái, và lén ăn một mình không cho ai biết. Đi chợ thì công khai ăn quà. Hết ngồi hàng bánh cuốn lại sang hàng lòng heo, hết nem nướng lại sang hàng thịt chó. Việc gì nàng cũng giấu diếm đối trá.Nang lúc trước yêu hoa, nay ra lệnh cho gia nhân nhổ hết hoa để trồng khoai sắn. Nàng trở thành một bà chủ. khó tính. Nàng luôn luôn gắt gỏng, cau có với mọi người. Nàng chửi thề, nói tục, nàng nói ngọng. Nàng ăn bốc không dùng đũa, dùng bát như người văn minh. Lúc trước, nhà Cao sinh có năm tôi tớ, khi nàng lên cầm quyền thì thải hết ba. Hai người còn lại phải làm gấp đôi lúc trước mà lương bổng lại giảm đi một nửa. Tôi tớ không dám than van.
Nàng bảo:-Ta đây rất từ bi, bác ái, rất thương người cùng khổ, hết lòng tranh đấu cho kẻ vô sản. Các ngươi được tự do vạn lần nhà khác. Các người có quyền làm chủ. Muốn ăn gì thì ăn, muốn làm gì thì làm. Làm hay nghỉ đều tùy thích.Thành thử các người có đủ tự do, hạnh phúc, không cần phải đòi hỏi gì cả!
Vài năm sau, một người họ Hồ, xưng là bà con với nàng, nhân đi làm thuốc qua đây, ghé thăm nàng. Cao sinh long trọng mời anh họ của vợ ở lại một thời gian. Ít tháng sau, Cao sinh lâm bệnh, nàng phải nhờ Hồ ông bốc thuốc và trông nom. Bệnh sinh càng ngày càng trầm trọng, nàng phải bán ruộng vườn. Trong họ, ngoài làng có ai thắc mắc, nàng bảo phải bán để chạy chữa cho chồng.
Năm sau, chồng mất, nàng và Hồ ông bỏ đi biệt tích. Khi chủ nhân mới đến nhận nhà, thiên hạ mới biết nhà cửa, ruộng đất nàng đã bán từ lâu cho người làng bên để đổi lấy vàng bạc và châu báu. Mỗi khi đi ngang qua nhà Cao sinh, thiên hạ nhiều người than thở rằng Cao sinh học giỏi, tính tình hiền lương mà lại yêu hồ ly đến nỗi hại mình , mất gia sản và phải tuyệt tự!
HỒ LY BÁO ÂN
Kim Văn Lâu quê ở Thái Nguyên là một nông dân hiền lành. Chàng là em, trên chàng là anh trai. Cha mất sớm, ở với mẹ. Công việc của chàng suốt ngày là trông nom ruộng vườn . Kim không hay săn bắn. Chàng chỉ lên rừng hái mặng tre , đào khoai , hái hoa lan, hái củi và trồng khoai sắn.Tính Kim Văn Lâu thật thà, hiền hậu, rất yêu thương loài vật. Khi lên núi, thấy thỏ, hươu , chim bị nạn là Kim băng bó vết thương cho chúng nó. Một bận, Kim vào rừng, thấy một con Cáo mắc bẫy, Kim giải cứu cho Cáo , lấy lá cây xức thuốc và băng bó cho nó. Việc cứu chim chóc, thú rừng và thả cá là chuyện thường xuyên vì bản tính hiền lành và cũng vì muốn vui chơi, chàng tìm vui trong các việc thiện nhỏ.
Một hôm vào rẫy, chàng thấy một con thỏ trắng muốt, chạy qua trước mặt chàng. Nó chạy một đoạn thì dừng lại như muốn chơi trò cút bắt với chàng. Chàng vui thích bèn đuổi theo. Chạy theo con thỏ trắng một đoạn dài, con thỏ biến mất. Chàng bước đến nữa thì thấy có một khe nước trong xanh, một cố gái Thái trắng, vai mang gùi măng tươi, đang lội giữa suối. Nàng đội khăn hoa, mang đầm xòe, áo trắng, váy xanh, thắt lưng vàng, chân và tay trắng như trứng gà bóc. Chàng say sưa ngắm nghía nàng. Nàng mỉm cưùi với chàng, và cất tiếng hát trêu ghẹo:
-Hỡi anh lên rừng hái hoa,
Chứ anh ở nhà, có vợ con chưa?
Kim đáp:
-Hỡi cô má đỏ hồng hồng,
Cô muốn lấy chồng thì hãy theo anh!
Kim tiến ra giòng suối chuyện trò cùng nàng. Hỏi nàng tên gì, nàng đáp tên Thanh Thanh, nhà ở bên suối. Kể từ đó, ngày nào gần trưa, chàng ra suối thì gặp nàng. Từ đó hai bên yêu nhau. Một hôm, cả hai ngồi trên bãi cỏ rộng, bên trên là hoa đào nở rộ, tiếng chim rừng thánh thót như khúc nhạc tình. Kim ôm nàng và cả hai nằm xuống thảm cỏ. Chàng thấy thân nàng ấm áp, mềm mại, tỏa ra một mùi hương rất quyến rũ. Cả hai người thấy thân thể nóng ran, Kim ôm nàng rất chặt như hai thân hình nhập vào một. Bỗng nhiên nàng nhẹ xô Kim ra, khóc mà bảo:
-Thiếp rất yêu chàng. Cha mẹ thiếp mất sớm, được bà nội đưa về nuôi. Nếu chàng muốn tính việc dài lâu thì phải thưa qua cùng bà nội.
Hôm sau, chàng ra suối để nàng đưa chàng về gặp bà nội. Cả hai đi quanh co, qua đồi, qua suối thì đến một chân núi, vách đá cao. Dưới chân núi có vài ngôi nhà sàn. Nhà của bà nội Thanh Thanh là một nhà sàn bằng ván, nhà không to nhưng gọn ghẽ, xinh xắn, xung quanh cây cối um tùm, hoa vàng, hoa đỏ nở tươi , lại có hàng rào tre bao bọc., phong cảnh rất u nhã. Thanh Thanh đưa chàng vào nhà thì bà nội của nàng thân mật bước ra chào hỏi:
-Hôm nay, cháu mới tới à? Già bao lâu chờ đợi đứa cháu rể quý.
Nhà của nàng không lớn nhưng sạch sẽ, đầy ánh sánh và tỏa hương thơm. Bàn ghế, bình hoa, các vật trang trí đều bình thường nhưng được cái nét tao nhã, thanh lịch.
Ngồi một lúc, Kim trình bày gia thế và ngõ ý muốn kết duyên cùng Thanh Thanh. Bà già vui vẻ chấp thuận, chưa cho Kim một viên ngọc làm lễ định hôn, và bảo chàng về thưa cùng mẹ và định ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn.
Chàng về thưa với mẹ và được mẹ đồng ý. Ngày lành tháng tốt đã chọn, Kim bèn thưa với bà nội Thanh Thanh. Bà bảo theo tục lệ ở đây, nhà trai cứ soạn cỗ bàn, trang trì nhà cửa, đặt phòng ốc thì nhà gái sẽ đưa dâu tới.
Ngày cưới đã đến, gia đình Kim giăng đèn, treo pháo, kết hoa và mời họ hàng vài chục người đến dự. Nhà gái hơn mười người, đi lừa, cưỡi ngựa đến. Cô dâu mang áo đỏ, cưỡi lừa, khăn hồng che mặt, hai bên có hai phụ dâu và vài a hoàn theo hầu. Sau khi đưa dâu đến ngõ nhà trai thì nhà gái bèn trở về, chứ không ở lại dự lễ và ăn uống như tục lệ người Kinh.
Trong đêm tân hôn, hai vợ chồng đều thấy mình đã đạt hạnh phúc trong đời. Hàng ngày, Kim vẫn theo lệ cũ vào rừng làm rẫy, hái măng, đào khoai sắn, còn nàng ở nhà nuôi heo gà và lo việc cơm nước phụ với mẹ chồng. Đến ngày giỗ chồng, nhân lúc có cô dâu mới, mẹ Kim muốn làm cỗ bàn linh đình để mời bà con, họ hàng tham dự đông đảo. Bà lo lắng không đủ gà vịt, mắm muối. Thanh Thanh bảo mẹ cứ yên chí. Nàng hỏi mẹ chồng muốn làm bao nhiêu mâm và gồm những món nào. Mẹ chồng nói muốn làm mười mâm, gồm xôi, thịt, nem, chả, lòng heo, thịt nướng, thịt quay, bóng, miến, măng, ninh, mọc.. .
Mẹ chồng hỏi nàng dâu cần bao nhiêu người phụ để mượn người. Nàng bảo chỉ cần một người phụ. Hôm giỗ, khoảng năm chục người đến dự. Một mình nàng trong bếp. Nàng liên tiếp băm vằm, tiếng dao thớt vang dội. Trong bếp một mình nàng làm việc, trước bếp có cửa sổ che màn, và đặt sẵn một cái bàn. Hỏi món nào thì trong giây lát là có ngay trên bàn. Người phụ ở ngoài chỉ việc bưng ra mới khách.
Có khách muốn có món vịt quay Thượng Hải, có người đòi tôm hùm sông Gianh, một chốc, tất cả đều được bưng ra đãi khách. Trong cuộc rựợu, có khách đòi rượu Kim Sơn, Văn Điển, có kẻ xin Ngũ Gia Bì Bắc Kinh. Có khách yêu cầu món rau muống tiến của Sơn Tây, cá gáy Tây Hồ, tất cả đều được đáp ứng đầy đủ. Đến lúc ăn tráng miệng, có người đòi nhãn tiến Hưng Yên, cam Xã Đoài, chốc lát đều có cả.
Cả xóm làng ai cũng kính phục nàng. Vài năm sau, cháu gái của nàng đến báo tin bà nội bị bệnh sắp mất, muốn hai vợ chồng nàng về gặp mặt lần cuối. Kim và vợ vội vàng lên ngựa mà vào núi. Khi đến nơi, bà bảo hai vợ chồng Kim ngồi bên cạnh giuờng bệnh, rồi nói với Kim:
-Ta là giống Hồ. Ta là con Hồ được người cứu thoát. Cảm tạ thâm ân của người nên ta gả cháu gái ta cho ngươi. Ta là giống Hồ nhưng giống Hồ hiền lành, chỉ biết tu hành, không hại ai. Nhưng tương lai vài năm nữa sẽ có một giống Hồ từ phương Bắc tới. Chúng xâm chiếm quê hương này, giết người, cướp của không gớm tay, mà Thái Nguyên là căn cứ đầu tiên của chúng nó.
Thánh tiên có sấm truyền:
" Ái quốc thị phản quốc,
Tây phương thị Cực Lạc thế giới".
(Ái quốc là phản quốc,
Tây phương là thế giới cực lạc)
Kim xin bà giải thích hai câu sấm này. Bà bảo thiên cơ bất khả lậu Gần trăm năm sau, thiên hạ sẽ rõ câu sấm này. Tuy nhiên, bà cũng khuyên cháu . Giặc Hồ sau này sẽ mưọn danh ái quốc, xưng là thần, là Phật để xô con người làm tội ác. Ai cũng phải yêu nước, làm việc thiện nhưng phải sáng suốt, đừng để người lừa dối và lợi dụng. Yêu nước, yêu dân là tự tâm mình. Thờ Phật, thờ Trời cũng do tâm mình. Đừng theo ai, tin ai mà mang họa vì họ không phải là chân tu hay thiện nhân, toàn là lũ chồn cáo xảo trá, mượn danh nhân nghĩa, công bằng để cướp của giết người. Ta nay có vật tặng ngươi.
Bà lấy dưới gối một chiếc khánh ngọc màu xanh, đàng sau có chạm hình chiếc thuyền. Bà nói nên gìn giữ. Đây là bổn mạng của các cháu và của người Việt Nam. Các cháu nên bỏ Thái Nguyên vào phía nam Hải Vân mà sinh sống. Nếu được vậy thỉ sẽ có nửa phần may mắn. Nếu có thể, các cháu bỏ cái xứ sở ma quỷ này, theo thuyền đi về phương Nam qua biển rộng mà tới Cực Lạc quốc thì mới được hạnh phúc vẹn toàn. Các cháu nhớ là đừng ở núi rừng, nên ở phố biển thịnh vượng, có nhiều tàu bè.
Bà ngâm hai câu thơ:
"Khi nao máu chảy thành sông,
Nhà tù như nấm, biển đông chật thuyền."
Đó là cơ hội cuối cùng cho người Việt! Nói xong bà tắt thở.
Hai vợ chồng Kim ở lại chôn cất bà nội rồi cưỡi ngựa về làng. Sinh kể câu chuyện với mẹ và anh. Mẹ nghe xong bảo:
-Ta đã già rồi , muốn chết bên cạnh mộ chồng và mộ tổ tiên.
Còn người anh thì cười mà bảo:
-Chú khéo tin chuyện huyền hoặc. Chú muốn đi thì đi. Ta ở đây có nhà cửa, ruộng nương, sao lại phải sống đời lưu lạc? Ta chỉ là nông dân, không phải là quyền quý, chức sắc, chỉ có nhà ngói nhỏ, với vài ba mẫu ruộng đâu có phải hạng đại phú gia mà sợ cướp bóc? Tin đồn nay mai đây, Đại vương Nhân Nghĩa sẽ về cứu nhân độ thế. Ấy là lúc nhà ta, nhân dân ta ấm no hạnh phúc, hà tất phải tha phương!
Kim nghe lời bà nội của vợ, bèn bán nhà cửa, ruộng nương mà theo thuyền vào Nam. Chàng thấy Hội An là nơi tốt nhất. Nơi đây là thành phố cổ, có nhiều khách ngoại quốc lui tới buôn bán, sầm uất một thời. Sinh bỏ vàng bạc mua nhà, mở hàng tơ lụa mà buôn bán. Sinh làm quen với người Nhật, người Nam Dương, người Ấn Độ, học ngôn ngữ, phong tục và cách buôn bán của họ. Sau kinh doanh được ít lâu thì có người đồng hương chạy vào xứ Đàng Trong, gặp chàng báo tin Đại vương Nhân Nghĩa thi hành chính sách Nhân nghĩa và công bằng xã hội, đã kết tội mẹ anh và em anh về tội:
"Làm giàu bất nhân,
Bóc lột nhân dân,
Nợ máu phải trả bằng máu!"
Trong thôn bản của Kim có năm trăm nóc nhà, có năm chục nhà đã bị kết tội "đại gian, đại ác"trong đó có mẹ và em trai của Kim. Các cháu bị đuổi ra khỏi nhà và để cho chết đói. Mẹ và em của anh bị trói vào cột, bắt quỳ hơn mười ngày, sau đó đem ra xử tội chết. Họ lấy cuốc đập vào đầu hoặc chôn sống, sau xô xuống hố mà lấp đất lại. Họ sung công nhà cửa, ruộng đất. và chia cho dân nghèo. Kim nghe tin mà than khóc vô cùng. Kim càng tin lời tiên tri của bà nội, bèn thuê thợ đóng tàu hàng hải, mua hàng hóa đi buôn ở các nước Tiểu Tây dương, tức là những nước ở phía Nam Việt Nam. Kim qua lại thử thách vài ba chuyến, thấy Phi Luật Tân sống được, Kim về bán nhà cửa, đất đai sang đây mua nhà cửa , mở cửa hàng rồi định cư ở đó, không trở về Việt Nam nữa.
NGUYỄN THIÊN THỤ * NHỮNG CON CÁO ĐỎ
(Đã sửa chữa và bổ sung)
*
HƯỚNG DƯƠNG * BỐ TÔI
HƯỚNG DƯƠNG
BỐ TÔI
Ngày bố tôi sắp về hưu, lúc ấy ông gần sáu mươi lăm tuổi, tôi thấy ông có thái độ lạ lùng, không là con người ông vẫn là lúc trước. Ông đã thay đổi không những về tính nết mà cả về cách cư xử và hành động. Nói cách khác, ông đã trở thành một con người khác lạ trong gia đình. Ông càng ngày càng ít nói và cuối cùng gần như không còn nói một câu nào suốt ngày, chỉ trả lời vắn tắt “có” hay “ không” khi chúng tôi hỏi, và nhiều khi im lặng không trả lời khi câu hỏi bắt ông phải nói ra một câu dài. Đối với mẹ tôi, ông càng không nói, chỉ lầm lầm lì lì.
Ông vốn là một người nóng tính, hay cau có gắt gỏng, hơi một tí là la hét um sùm. Bây giờ ông chỉ suốt ngày yên lặng, không để ý tới ai, như thể ông chỉ còn sống cho mình ông. Có lẽ vì ông không còn giao tiếp với mẹ tôi nhiều nữa nên ít còn cọ sát, ít đụng chạm. Những vụ to tiếng thường xuyên đối với mẹ tôi đã mất hẳn, vì ông không còn nói gì với bà nữa, ông chỉ còn là một sự hiện diện trong nhà, có cũng như không.
Ông cũng đã cả đời tỏ ra là một người khó tính, luôn luôn đòi hỏi sự tuyệt mỹ, đòi hỏi cái tối đa, cái nhất, không hẳn là chỉ đối với mẹ tôi và chúng tôi mà ngay cả đối với chính ông nữa. Ông ít khi bằng lòng liền với những công việc chúng tôi làm, ông thường hay phê bình chỉ trích, đôi khi bắt chúng tôi sửa hay làm lại. Chúng tôi thấy ở nơi ông một con người khó hợp với, khó sống cùng vì thế!
Nhưng ông lại là một con ngưòi nhiều tình cảm, ông sống cả đời vì chúng tôi, ông thương chúng tôi hơn cả chính ông, ông làm cái gì cũng vì người khác, kể cả những người không ruột thịt máu mủ. Ông lo lắng từng tí cho chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi đã trường thành và đã có gia đình riêng. Ngày ông có các cháu nội, ông dành bao nhiêu thì giờ rảnh chơi với chúng, đùa nghịch với chúng như một đứa bé con, ông cũng giỡn, cũng cười, cũng chơi như chúng, coi chúng như những đứa bạn nhỏ của mình. Ấy thế mà bỗng nhiên ông đã thay đổi hoàn toàn, ông không còn thân thiết với ai trong nhà nữa. Dường như ông chỉ còn sống cho bản thân ông, ông chỉ còn nghĩ đến ông, không còn ai xung quanh ông là quan trọng nữa. Ngay cả các cháu nội, ông cũng không còn bồng bế, nô đùa với chúng, ông đã quên chúng, ông không xa lánh nhưng không còn gần gũi như xưa.
Nhưng cái khác lạ rõ ràng nhất là sự đối xử của ông đối với mẹ tôi. Ngày xưa ông thương yêu mẹ tôi biết là chừng nào. Ông sống vì bà, ông cố gắng, hy sinh vì bà. Ông đã từng chăm sóc cho bà như chăm sóc cho một người tình, lúc nào cũng muốn có bà bên cạnh. Nhưng mối tình nóng hổi ấy đã phai nhạt với năm tháng, một phần bởi vì mẹ tôi không hiểu rằng có ông là một cái gì quí mà trời cho, bà luôn luôn coi việc có ông như là một sự đương nhiên, bà không gây dựng hay tìm cách nuôi dưỡng cho mối tình tiếp tục nẩy nở hay ít ra là không suy tàn. Vì thế mà dần dần giữa hai người không còn sự thắm thiết của thuở xưa nữa, không còn sự cảm thông, sự hiểu biết nhau, không còn mối tương quan thắm thiết giữa hai người bạn đời, trái lại chỉ còn sự cay đắng, sự chống đối, sự bất đồng, và có thể nói gần như là sự hận thù. Vì vậy mà mẹ tôi coi sự thể ông đã thôi không giao tiếp với bà nữa như là một điều may mắn, bà khỏi bận tâm, khỏi suy nghĩ, và nhất là khỏi phải đối phó với những khó khăn mà, bà nói do ông gây ra.
Sau ngày ông về hưu, ông lại còn lạ lụng hơn nữa. Ông cứ suốt ngày ngồi trong phòng đọc sách, viết văn, hay suy tư. Ông hay ngồi hàng giờ với một ly rượu và bao thuốc nghĩ ngợi, tôi không hiểu ông nghĩ gì, cái gì làm cho ông bận tâm khi mà ông đã về hưởng tuổi già, khi đáng lý ra ông phải được hưởng sự thanh thản của tâm hồn? Tôi không dám hỏi ông, mặc dầu những lần tôi về thăm nhà cùng đứa con ba tuổi, tôi không thấy ông vui, ông chỉ ra ôm đứa cháu, hôn nó một cái rồi lại đi vào trong phòng riêng của ông. Tôi có cảm tưởng ông sống trong một thế giới cô lập của riêng ông, ông không còn màng tới những gì xẩy ra bên ngoài căn phòng đó, ông đã bị lôi cuốn vào một thế giới của ảo tưởng, của tiềm năng, ông sống với những mơ ước mà ông đã không thực hiện được trong cuộc đời mình.
Thế rồi một hôm, khi không ai để ý đến ông, ông đã ra đi, ông đã biến mất để cho đến khi đứa cháu nội vào gọi ông ra ăn cơm chiều thì cả nhà mới hay ông không còn ở đó nữa, ông đã đi rồi. Tôi vào trong phòng ông lục lọi xem ông có mang thứ gì theo hay không, thì thấy ông chỉ đi người không, ông đã mặc bộ đồ khi ông còn đi làm. Trên bàn có tờ giấy nhỏ xíu, trên đó ông viết: "Tôi đi rồi tôi sẽ về, không có gì phải lo lắng cả. Đừng đi tìm tôi vô ích."
Và đúng như lời ông dặn dò, chúng tôi không đi tìm ông. Mẹ tôi chẳng tỏ vẻ lo lắng gì cả. Bà nói:
-Để cho bố chúng mày đi chơi cho sướng cái thân. Ở với tao ông thấy khổ, tao cho ông ấy đi ở với gái trẻ, đi chán ông ấy sẽ về!
Cái sai lầm ở mẹ tôi là ở chỗ ấy. Bà nói cứ để cho bố tôi đi, nhưng rồi ở nhà ai lo công việc trong nhà? Mặc dù bố tôi có vẻ bất thường nhưng ông vẫn là người quyết định mọi việc, ông vẫn lo giải quyết những vấn đề khó khăn như vấn đề tiền bạc, vấn đề sửa sang nhà cửa, và nhất là khi phải đối phó với người ngoài. Nay ông đi rồi thì mẹ tôi đâu có biết phải làm những công việc ấy? Tôi sẽ phải đứng ra thế ông, nhưng nay tôi đã có gia đình riêng, tôi lo thân tôi chưa xong, nhiều khi còn phải hỏi ý kiến bố tôi thì làm sao bây giờ?
Vả lại có ông ở nhà thì mẹ tôi còn lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ đi búa về làm cơn cho ông ăn. Nay ông đi vắng mẹ tôi, vốn dĩ lười, cứ để nhà bừa bộn, không lau chùi nên nhà bếp nhà tắm bẩn như hủi. Trong phòng ngủ quần áo mặc rổi mẹ tôi chất đống, chẳng buốn treo lên mà cũng chẳng đem đi giặt. Phòng khách phòng ăn ôi đủ thứ la liệt, sách báo, kẹo bánh, đồ dùng xài xong vẫn vứt đó, chén trà, cốc nước uống xong không buồn dọn, có khi để đó vài ba ngày, một tuần. Đồ đi mua về vứt ngay cửa ra vào có khi cả mấy tuần không đem cất. Mỗi khi về nhà thăm mẹ tôi, hai vợ chồng tôi phải dọn dẹp cho bớt ghê mắt, riêng tôi chỉ sợ bố tôi về bất tử thì lại có chuyện.
Mẹ tôi hay cãi lại ông làm ông nổi giận đập phá đùng đùng. Bà có tật hay dựng đứng câu chuyện lên rồi đổ lên đầu bố tôi, làm cho bố tôi phát điên lên thì mới thôi. Hơn nữa, mẹ tôi là dân Hà Đông, bà có cách nói xéo, làm người nghe rất khó chịu. Bố tôi ghét cái tính xấu đó của bà nhưng chẳng làm được gì. Bố tôi nói càng về già mẹ tôi càng có nhiều hành động làm cho bố tôi bực bội. Tối đến bà thức có khi đến hai giờ sáng chỉ để ngồi xem báo hay xem truyền hình. Bố tôi dục đi ngủ bà cứ lờ đi. Sáng ra bà không dậy nổi, bố tôi chuẩn bị bữa ăn sáng xong, bà cũng chưa chịu dậy, đến khi bố tôi ăn xong bà mới ra ngồi ăn. Cơm tối cũng vậy, mẹ tôi đi làm tan sở không về liền, bố tôi chờ không được dành dọn cơm lên ngồi ăn, ăn nửa chừng thì bà về. Bố tôi ăn xong đi nơi khác, mẹ tôi ngồi ăn, cả tiếng đồng hồ sau vẫn chưa xong, bà cứ ngồi một mình chậm rãi ăn, lúc nào muốn thôi thì thôi.
Nay bố tôi đi rồi thì mẹ tôi chẳng còn đối tượng để mà chống đối nữa, bà dành toàn thì giờ đọc báo hay coi truyền hình. Bà có thể ngồi đọc báo hoặc coi truyền hình hai ba tiếng đồng hồ, quên ăn quên ngủ. Tin tức gì bà cũng thuộc nằm lòng. Bà cứ kể đi kể lại những gì bà học được, nhiều khi người nghe phải nhắc là bà đã nói hai ba lần rồi thì bà mới thôi kể. Bà cũng có thể ôm điện thoại nói chuyện với bạn bè hết giờ này sang giờ khác. Còn nói đến việc đi mua bán thì có khi mẹ tôi đi không còn biết giờ về. Bà đi đến đâu cũng xem hết thứ này đến thứ kia nhưng không mua, bà chỉ thích xem để mà xem, để mà biết. Cái gì bán ở đâu bà đều biết, nói đến cái gì bà cũng hay.
Có một điều là mẹ tôi hay nói nhưng không bao giờ làm. Bà muốn cái gì thì cứ nói lên cho bố tôi nghe, rồi nếu ông không làm thì bà than, bà trách. Bà nói bảo làm không làm để bây giờ như thế này, như thế kia. Mà khi bà không bằng lòng một chuyện gì thì bà cứ nói tới nói lui, có khi cả hai ba năm sau bà vẫn còn lôi chuyện cũ ra mà nói. Bố tôi đến khổ vì bà, nhưng ông cho đó là vì bà già, bà thay đổi tính nết, bà khó chịu cũng như tất cả những người đàn bà khác khi về già. Khi bố tôi góp ý với bà thì bà nói với bố tôi:
-Không vừa ý thì đi tìm gái mười tám cho nó hầu hạ, để cho tôi yên thân.
Tôi không hiểu trong đầu bà nghĩ gì mà lại nói thế, nhưng tôi biết bà cũng không sung sướng gì. Câu nói đó thể hiện một sự bất mản cùng cực. Có một điều tôi thấy lạ là thay vì đạp đổ, tại sao bà không chịu có một thái độ xây dựng? Tâm lý người đàn bà vào cái tuổi trên năm mươi hẳn là rất phức tạp, tôi không hiểu được những biến chuyển sinh tâm lý xẩy ra nơi họ. Tôi nghe nói là chính những người đàn bà đó cũng không hay biết rằng họ đã thay đổi, họ đã khác xưa, và vì thế họ khăng cho rằng họ vẫn thế, lỗi là do những người khác chứ không phải tại họ.
Tôi nghĩ bố tôi đã chán cái cảnh cơm không ngọt canh không bùi, ông đã không chịu nổi cái uơng ngạnh của mẹ tôi, ông muốn sống những ngày còn lại trong yên bình, và vì thế ông đã rút lui vào cái thế giới của riêng ông, vào giữa bốn bức tường của căn phòng làm việc mà xưa kia ông không thích vào. Nhưng như thế cũng không mang lại cho ông niềm sung sướng, vì ai sướng khi chỉ sống trong môi trường chết, môi trường im lìm, không tiếng nói, tiếng cười? Ai có thể ngày đêm chìm đắm trong sự u mê, sự day dứt của nội tâm? Tôi biết ông đang bị giằng co giữa bổn phận và hạnh phúc cá nhân. Ông đã không chịu ly dị vì còn con cái, còn các cháu của ông mà ông thương yêu vô ngần. Mẹ tôi đã bao lần nói thẳng vào mặt ông:
-Sao ông không ly dị tôi cái quách đi cho rồi? Để mà còn đi tìm gái tơ mà hưởng đời chứ? Ông còn tiếc cái gì nữa?
Tôi không biết bà có thực sự muốn thế không, nhưng tôi thấy bố tôi chỉ cắn răng lại để khỏi nói câu gì, vì tôi biết nếu đổ thêm dầu vào lửa tất nó sẽ bùng lên và không còn cứu chữa được nữa.
Ngày bố tôi ra đi, chúng tôi tưởng ông đi đâu chơi một hai ngày. Nhưng cả tháng trôi qua chúng tôi không thấy về, tôi cũng hơi lo lắng. Tôi gọi điện thoại đến các bác, các chú, bạn bè của ông thì không ai biết ông đi đâu, ông không hề thổ lộ kế hoạch của ông cho ai hết. Họ cũng ngạc nhiên về hành động này và không ngờ bố tôi lại có thể làm cái chuyện bất thường như thế. Nhưng tôi thì không ngạc nhiên chút nào. Ngày ông còn trẻ ông đã làm nhiều chuyện ngông cuồng. Đang đi làm yên bình ở sở này, ông vì bất bình một chuyện gì, ông xin nghỉ và sang làm một sở khác. Trong cuộc đời ông, ông đã thay đổi việc làm như chong chóng, ông đã không làm một công việc gì quá năm năm. Ông tuyên bố làm lâu một nơi chán, ông thấy cần thiết phải thay đổi. May mà ông là người có chí, ông luôn luôn trau dồi kiến thức, và ông có khả năng trí tuệ phi thường, không có một công việc gì mà ông không làm cho bằng được. Cuộc đời ông đã có những lúc khổ cùng cực, ông đã phải làm những công việc nặng nhọc hay thật tầm thường để tạm sống. Ông có tinh thần đấu tranh phi thường, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng cố vươn lên để thoát khỏi sự cơ cực. Ông rất tự hào về những thành quả ông gặt hái được trong cuộc đời. Tất nhiên tôi rất hãnh diện về con người phấn đấu của ông, tôi rất muốn giống ông và ông đã là gương sáng dẫn đường cho tôi đi. Chính vì tôi nhìn vào ông, noi gương ông, mà cũng đã thành công nhanh chóng và tiến lên trong sự nghiệp của mình.
Và như thế bố tôi đi đâu, không ai biết, cho đến một hôm chúng tôi nhận được một tấm thiệp ông gởi về đề tên Bé Mai, đứa con gái đầu lòng của em tôi, sanh ra khi ông không có nhà. Tấm thiệp mang những giòng chữ nắn nót của ông như sau:
Cháu Mai thương yêu của Ông Nội, Ông rất tiếc khi cháu ra đời ông không có mặt để bồng cháu ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Vì hoàn cảnh đặc biệt ông không thể về ngay thăm cháu, nhưng khi nào ông về thì ông hứa sẽ không quên có quà cho Bé Mai của ông. Ông hôn cháu và yêu cháu vô cùng.
Nhìn con dấu bưu điện chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng ông đã gởi nó từ một tiểu bang xa xôi cách chúng tôi cả mấy ngàn dặm. Thì ra ông đã quyết định ra đi thật xa, đi như thể đi trốn cái nơi đã làm cho ông buồn khổ, đi để mà quên lãng, đi để không còn gì gắn bó với một dĩ vãng đau thương.
Thành phố ông đang ở cũng là một thành phố lớn, nơi đó cũng có nhiều ngưới Việt sinh sống. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến nơi đấy nhưng tôi nghe nói nơi đó sinh hoạt của cộng đồng cũng cao, cũng có nhiều người làm ăn buôn bán nhộn nhịp, và nhiều khu cũng sầm uất không khác gì nơi tôi đang ở.
Trong khi chúng tôi rất xúc động khi nhận thiệp ông gởi về thì mẹ tôi vẫn dửng dưng như không. Bà cũng chẳng buồn cầm đến lá thơ mà cũng chẳng hỏi xem bố tôi đã viết những gì trong ấy. Tôi lấy làm lạ sao mà mẹ tôi lại có thể dứt tình với bố tôi như vậy. Tôi muốn tìm hiểu xem bố tôi đi xa như thế để sống với ai, không phải vì tôi tò mò hay muốn tìm cách kết tội ông, mà là vì tôi thương ông. Tôi thương bố tôi vì tôi biết chẳng đặng đừng bố tôi mới phải ra đi như thế, tôi biết rằng xa các con cháu ông nhớ lắm và cũng khổ sở không ít. Và tôi định tâm một ngày nào gần đây tôi sẽ xin nghỉ một tuần lễ để đi tìm ông.
Tôi chưa kịp đi thì bố tôi về. Ông về vào lúc đêm tối khi mẹ tôi đã đi ngủ, ông lẳng lặng mở cửa vào nhà, rồi vào phòng ông nghỉ. Sáng hôm sau khi mà mẹ tôi còn ngủ thì ông đã thức dậy pha trà uống và ngồi đọc báo ở ngoài phòng khách. Nghe tiếng động mẹ tôi tỉnh dậy và thấy ông, bà rất ngạc nhiên. Ông đi như vậy là gần ba tháng trời, ra đi ông không nói cho ai hay mà về cũng chẳng báo trước. Mẹ tôi nói:
-Tôi tưởng ông đi luôn rồi chứ! Sao lại còn về? Tôi tưởng ông đi cho sướng cái thân thì còn về nhà làm gì cho khổ thêm cả tôi nữa?
Bố tôi cứ im lặng chẳng nói câu gì. Mẹ tôi nói thêm:
-Nó bòn hết của rồi nó đuổi ông đi chứ gì. Bây giờ lại về lấy thêm tiền mang đi nuôi nó chứ gì?
Cáu quá bố tôi nói lại:
-Bà xem tôi có lấy đồng xu nào mang đi không nào? Bà đừng có ăn nói hồ đồ. Đừng có làm cho tôi điên tiết lên. Khôn hồn thì để cho tôi yên!
Mẹ tôi vừa đi xuống bếp vừa nói:
-Ông không có tiền thì nó ăn bả gì mà nó nuôi ông?
Thế là bố tôi đập bàn một cái rầm, rồi nói:
-Đã bảo câm cha nó cái miệng lại mà không chịu câm.
Bố tôi đi vào phòng của ông đóng xầm cửa lại. Thế là ông lại trở về với cái thế giới của ông, trong cái thế giới đó không có người vợ oái oăm, khó chịu mà ông nay ghét thậm tệ.
Chiếu thứ bẩy nghe tin bố tôi về, hai anh em tôi mừng rỡ, định tổ chức đi ăn cơm chiều cho cả gia đình. Em tôi bế bé Mai về ra mắt ông nội, ông mừng hết sức, ông ẵm bé, ông hôn, ông không chịu rời đứa cháu cưng của ông. Ông về ông đã mua cho cháu ông một tấm lắc đeo tay bằng vàng tây, ông lấy ra đeo cho cháu rồi bắt chụp cho ông cả chục tấm ảnh ông bồng bé Mai của ông. Thấy ông vui sướng, chúng tôi mừng quá chừng, mẹ tôi tức tối nói:
-Sao ông không đẻ một bé Mai của ông mà ôm mà thương yêu? Lấy một con vợ mười tám tuổi thì nó đẻ cho chứ có khó gì?
Thế là bố tôi giận, không đi ăn cơm chiều nữa, ông nói ông “không đi ăn với con mẹ khó chịu đó”. Ông bảo mẹ tôi là việt cộng, chuyên môn phá hoại, cứ đến lúc cả gia đình vui vẻ thì bà phải làm một cái gì để phá, để chọc giận bố tôi, làm cả nhà hết vui vẻ. Mẹ tôi chẳng cần có bố tôi đi, bà nói tỉnh bơ:
-Bố mày dỗi, để cho ông ấy ở nhà. Mình đi mình cứ đi!
Chúng tôi đành đi mua đồ ăn về nhà, bố tôi không còn hứng, ông ăn hai ba miếng rồi bồng bé Mai vào trong phòng ngồi ôm cháu. Mẹ tôi ngồi ăn vui vẻ như không có chuyện gì, trong khi chúng tôi thì rầu thối ruột.
Những ngày ông ở nhà, chiều nào ông cũng đến thăm các cháu nội, nhất là cháu bé gái bé bỏng của ông. Nhưng vì ở nhà không được vui, hai tuần sau ông lại ra đi, ông đi mà không nói trước với ai, tự dưng ông biến mất, không để lại một vết tích gì.
Thế rồi mỗi tháng ông biên thơ về cho các cháu, ông hỏi thăm, nói chuyện này nọ, và thơ nào ông cũng nói ông nhớ chúng nó, nhất là bé Mai của ông. Ông muốn chúng tôi gởi hình các cháu cho ông và ông cho một hộp thơ để chúng tôi gởi tới đó.
Sáu tháng trôi qua, không thấy ông về thăm nhà, chúng tôi sốt ruột, tôi bèn xin nghỉ một tuần đi tìm ông. Tôi nghĩ tôi biết thành phố nơi ông ở, tôi chỉ cần đi hỏi thăm thì sẽ tìm được ra ông, nhưng tôi đã lầm. Năm ngày trời tôi đi khắp các khu phố có người Việt làm ăn buôn bán hỏi thăm, không ai biết và không ai nhận ra người trong tấm hình của bố tôi mà tôi đưa cho xem. Ban ngày tôi đi mỏi cả chân, chiều tối về khách sạn, tôi điện thoại cho những người quen biết ông hiện đang ở vùng này để xem bố tôi có liên lạc với ai không, thì cũng không ai biết tin gì vì ông không hề tiếp xúc với họ. Thật là một chuyện lạ lùng, như thể ông muốn giấu hết tất cả mọi người về sự hiện diện của ông ở nơi đây.
Đến tối hôm thứ sáu, khi tôi đã thất vọng tưởng phải bay về tay không, thì bố tôi gọi điện thoại đến khách sạn hỏi tôi. Ông nói ông được biết tôi đi tìm ông nên ông muốn gặp tôi nói chuyện. Ông hẹn sáng thứ bẩy hai bố con đi ăn sáng gặp nhau, vì chiều tôi đã lên máy bay trở về. Ông cho nơi hẹn và giờ hẹn rồi thôi không nói gì hơn nữa.
Đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi không hiểu tại sao ông biết tôi đến đây đi tìm ông mà ông gọi? Tại sao ông lại chọn nơi này mà đến ở? Ông sống với ai nơi đây? Thật là những điều bí hiểm.
Sáng hôm sau tôi đến nơi hẹn sớm cả nửa tiếng đồng hồ vì tôi muốn xem ông tới bằng cách nào và với ai. Đúng giờ hẹn tôi thấy một chiếc xe hơi loại sang đậu lại cách nơi đây vài trăm thước và tôi thấy ông bước xuống. Ông mặc một bộ đồ mà tôi chưa thấy bao giờ, trông rất lịch sự, ông bước rất khoan thai, vẻ mặt tươi tỉnh, không ủ rũ như khi ở nhà. Cái gì làm ông thay đổi như vậy, tôi tự hỏi. Tôi thấy ông đẩy cánh cửa tiệm ăn, nhìn một vòng, thấy tôi, ông cười và tiến tới. Ông nói:
-Làm gì mà con phải đi tìm bố vậy? Thư thả rồi bố về chứ gì?
-Con muốn sang đây thăm bố và xem bố sống làm sao. Ở nhà chúng con hơi lo…
-Sao phải lo? Bố sống ở đâu chẳng được? Thôi con đã đến đây thì để bố kể hết chuyện cho con nghe. Con lớn rồi chẳng có gì mà phải giấu con nữa.
Người hầu bàn đến, chúng tôi gọi phở và cà phê đen. Bố tôi hỏi chuyện ở nhà ra sao, tôi nói mọi chuyện vẫn bình thường, các cháu nhớ ông lắm, chúng cứ hỏi ông đâu. Nghe nói vậy vẻ mặt bố tôi hơi thay đổi, phảng phất một nỗi buồn, tôi biết ông cũng nhớ các cháu ông lắm.
Phở mang ra, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi hỏi:
-Bố ở đây với ai? Ăn uống làm sao?
Ông ngừng ăn, tay vẫn còn cấm hai chiếc đũa, nhìn tôi như muốn xem tôi có ẩn ý gì không. Ông ăn thêm vài ba gắp rồi đẩy bát phở sang một bên, cho đường vào cà phê uống. Ông nói:
-Bố ở với một người bạn quen từ lâu lắm rồi, con không biết bà ấy. Bố quen từ trước khi lấy mẹ con.
-Bố tìm bà ấy hả bố?
-Không, tình cờ bố gặp lại. Đã gần bốn mươi năm trôi qua. Bố không nhận ra bà ta nhưng bà nhận ra bố. Thật là một chuyện lạ lùng!
-Bố gặp hồi nào?
-Cách đây năm năm, ở Paris, tại nhà một người bạn chung của hai người.
-Sau đó bố vẫn tiếp tục liên lạc?
-Thỉnh thoảng, bố nói chuyện điện thoại thôi. Lúc sau này bố buồn thì tâm sự nhiều hơn. Bà ấy góa chồng đã hơn mười năm nay rồi, có một đứa con gái nay cũng bằng tuổi con. Bà làm ăn buốn bán nên khá gỉa, nhà cửa rộng mà không có ai ở, chỉ có hai mẹ con nên mời bố sang chơi.
-Thế rồi bố ở luôn ?
-Không bố đâu có tính ở luôn? Ở nhà lúc nào tinh thần cũng căng thẳng, làm sao bố chịu mãi cho được. Bố bị suy nhược thần kinh vì thế. Ở đây thoải mái, bố thấy dễ thở, bố bớt u sầu, không còn buồn bực. Bố ở tạm một thời gian cho khỏe lại…
-Con thấy bố có khá hơn ở nhà, bố bình thường hơn trước, con mừng lắm. Nhưng ở như thế mãi sao tiện?
-Người ta mời bố, chứ bố có xin đâu? Nhà cửa rộng thênh thang để không, không ai chăm nom, bố làm quản gia, người ta còn mừng. Nói thế chứ bà ta thương bố, thấy bố buồn khổ, muốn giúp. Bố không thấy có gì phiền hà…
-Cơm nước thì sao hả bố?
-Ở chung nhà thì ăn chung chứ có gì đâu? Bố ăn đâu có bao nhiêu?
-Bố có góp tiền hàng tháng không?
-Bà ấy đâu chịu lấy? Bà nói, bố đến ở là vui cửa vui nhà, bố không phải lo lắng gì cả. Tiền mà làm gì hả con?
-Thế còn tiền máy bay đi về?
-Con Thủy nó mua cho bố. Quần áo bố mặc cũng vậy, nó thương bố lắm! Mỗi lần bố về nhà, cả hai mẹ con cứ thấp thỏm, chỉ sợ bố không qua nữa!
-Vì vậy mà lâu quá bố không về nhà?
-Có lẽ vậy. Không có vé máy bay thì làm sao về? Mà về đến nhà là lại có chuyện, bố không muốn về nữa! Mẹ con đâu còn thương bố nữa?
-Bà ấy thương bố nhiều lắm phải không?
-Không biết, nhưng ở đây không bao giờ có một vấn đề gì để buốn phiền!
-Bố thích ở đây hơn?
-Không hẳn là thế! Hoàn cảnh bó buộc. Bố đâu còn cách lưạ chọn nào khác? Xa con và các cháu, bố nhớ lắm chứ!
-Con biết! Thôi con nghĩ thế này cũng được. Bố cần có cuộc sống riêng của bố, con không dám nói gì.
-Con về cứ coi như không tìm ra bố. Chớ có nói gì với ai. Cái này là bí mật giữa hai bố con mình.
-Thưa bố vâng!
Chưa bao giờ bố tôi lại tâm sự với tôi như thế! Tôi nghĩ ông cảm thấy thoải mái hơn sau khi cho tôi biết những gì ẩn náu trong lòng ông từ nhiều năm nay. Sau khi ông đã chia sẻ nỗi lòng của ông với tôi, ông không còn phải chịu cái gánh nặng ấy một mình. Tôi thấy hình như ông thở ra khoan khoái, và ông ra về vui vẻ. Ông ôm vai tôi, chúng tôi ra cửa, ông leo lên chiếc xe vẫn chờ từ nãy giờ nơi đó, tôi về khách sạn để chuẩn bị ra phi trường.
Những lần sau ông về, ông ở nhà hai vợ chồng tôi, ông vui chơi với các cháu nội, nhưng về được một tuần, ông lại sốt ruột đòi ra đi. Tôi hiểu ông nên không dám nói gì. Chỉ có các cháu nhỏ, chúng cứ nhao nhao “Ông nội đừng đi! Ông nội đừng đi!” làm ông chảy nước mắt mỗi khi ra đi.
Tôi cũng một năm hai lần lấy cớ đi họp, sang thăm ông vài ba ngày. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở nơi công cộng, ông không bao giờ cho tôi biết nơi ông ở, càng không cho tôi biết ngươì đàn bà bí mật mà ông ở nhờ.
Cứ như thế được mười năm trời. Rồi một hôm ông về, ông ốm nặng đòi tôi đưa vào nhà thương. Mới vào hôm trước hôm sau thì ông qua đời. Những lần tôi vào với ông vào những giờ chót ông sắp ra đi, tôi thấy hai người đàn bà, một người lớn tuổi như mẹ tôi, ăn mặc sang trọng, ngồi nơi chiếc cửa sổ cách phòng bố tôi nằm chừng mươi thước. Trông họ nghiêm trang và có vẻ buồn rầu lắm. Tôi biết ngay đó là Thủy và mẹ chị, người đã nuôi dưỡng chăm sóc bố tôi hơn mười năm qua.
Những ngày xác bố tôi quàn ở chùa, tôi thấy suốt ngày bóng dáng hai người đàn bà ấy lảng vảng ở sân chùa, người mẹ cầm chiếc khăn tay lau mắt. Tôi lấy làm xót xa cho bà, vì bố tôi chết, mẹ tôi không buồn, không khóc mà bà thì đau đớn sụt sùi. Và bà lại không được khóc công khai! Thật là một sự bất công, nhưng làm sao được? Định mệnh đã an bài như thế! Ngày xưa bố tôi đã bỏ người con gái ấy để lấy mẹ tôi. Thế mà một đời, người ấy vẫn thương vẫn muốn làm sao cho bố tôi bớt khổ. Công lao ấy tôi ghi trong lòng mãi mãi.
**
BỐ TÔI
Ngày bố tôi sắp về hưu, lúc ấy ông gần sáu mươi lăm tuổi, tôi thấy ông có thái độ lạ lùng, không là con người ông vẫn là lúc trước. Ông đã thay đổi không những về tính nết mà cả về cách cư xử và hành động. Nói cách khác, ông đã trở thành một con người khác lạ trong gia đình. Ông càng ngày càng ít nói và cuối cùng gần như không còn nói một câu nào suốt ngày, chỉ trả lời vắn tắt “có” hay “ không” khi chúng tôi hỏi, và nhiều khi im lặng không trả lời khi câu hỏi bắt ông phải nói ra một câu dài. Đối với mẹ tôi, ông càng không nói, chỉ lầm lầm lì lì.
Ông vốn là một người nóng tính, hay cau có gắt gỏng, hơi một tí là la hét um sùm. Bây giờ ông chỉ suốt ngày yên lặng, không để ý tới ai, như thể ông chỉ còn sống cho mình ông. Có lẽ vì ông không còn giao tiếp với mẹ tôi nhiều nữa nên ít còn cọ sát, ít đụng chạm. Những vụ to tiếng thường xuyên đối với mẹ tôi đã mất hẳn, vì ông không còn nói gì với bà nữa, ông chỉ còn là một sự hiện diện trong nhà, có cũng như không.
Ông cũng đã cả đời tỏ ra là một người khó tính, luôn luôn đòi hỏi sự tuyệt mỹ, đòi hỏi cái tối đa, cái nhất, không hẳn là chỉ đối với mẹ tôi và chúng tôi mà ngay cả đối với chính ông nữa. Ông ít khi bằng lòng liền với những công việc chúng tôi làm, ông thường hay phê bình chỉ trích, đôi khi bắt chúng tôi sửa hay làm lại. Chúng tôi thấy ở nơi ông một con người khó hợp với, khó sống cùng vì thế!
Nhưng ông lại là một con ngưòi nhiều tình cảm, ông sống cả đời vì chúng tôi, ông thương chúng tôi hơn cả chính ông, ông làm cái gì cũng vì người khác, kể cả những người không ruột thịt máu mủ. Ông lo lắng từng tí cho chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi đã trường thành và đã có gia đình riêng. Ngày ông có các cháu nội, ông dành bao nhiêu thì giờ rảnh chơi với chúng, đùa nghịch với chúng như một đứa bé con, ông cũng giỡn, cũng cười, cũng chơi như chúng, coi chúng như những đứa bạn nhỏ của mình. Ấy thế mà bỗng nhiên ông đã thay đổi hoàn toàn, ông không còn thân thiết với ai trong nhà nữa. Dường như ông chỉ còn sống cho bản thân ông, ông chỉ còn nghĩ đến ông, không còn ai xung quanh ông là quan trọng nữa. Ngay cả các cháu nội, ông cũng không còn bồng bế, nô đùa với chúng, ông đã quên chúng, ông không xa lánh nhưng không còn gần gũi như xưa.
Nhưng cái khác lạ rõ ràng nhất là sự đối xử của ông đối với mẹ tôi. Ngày xưa ông thương yêu mẹ tôi biết là chừng nào. Ông sống vì bà, ông cố gắng, hy sinh vì bà. Ông đã từng chăm sóc cho bà như chăm sóc cho một người tình, lúc nào cũng muốn có bà bên cạnh. Nhưng mối tình nóng hổi ấy đã phai nhạt với năm tháng, một phần bởi vì mẹ tôi không hiểu rằng có ông là một cái gì quí mà trời cho, bà luôn luôn coi việc có ông như là một sự đương nhiên, bà không gây dựng hay tìm cách nuôi dưỡng cho mối tình tiếp tục nẩy nở hay ít ra là không suy tàn. Vì thế mà dần dần giữa hai người không còn sự thắm thiết của thuở xưa nữa, không còn sự cảm thông, sự hiểu biết nhau, không còn mối tương quan thắm thiết giữa hai người bạn đời, trái lại chỉ còn sự cay đắng, sự chống đối, sự bất đồng, và có thể nói gần như là sự hận thù. Vì vậy mà mẹ tôi coi sự thể ông đã thôi không giao tiếp với bà nữa như là một điều may mắn, bà khỏi bận tâm, khỏi suy nghĩ, và nhất là khỏi phải đối phó với những khó khăn mà, bà nói do ông gây ra.
Sau ngày ông về hưu, ông lại còn lạ lụng hơn nữa. Ông cứ suốt ngày ngồi trong phòng đọc sách, viết văn, hay suy tư. Ông hay ngồi hàng giờ với một ly rượu và bao thuốc nghĩ ngợi, tôi không hiểu ông nghĩ gì, cái gì làm cho ông bận tâm khi mà ông đã về hưởng tuổi già, khi đáng lý ra ông phải được hưởng sự thanh thản của tâm hồn? Tôi không dám hỏi ông, mặc dầu những lần tôi về thăm nhà cùng đứa con ba tuổi, tôi không thấy ông vui, ông chỉ ra ôm đứa cháu, hôn nó một cái rồi lại đi vào trong phòng riêng của ông. Tôi có cảm tưởng ông sống trong một thế giới cô lập của riêng ông, ông không còn màng tới những gì xẩy ra bên ngoài căn phòng đó, ông đã bị lôi cuốn vào một thế giới của ảo tưởng, của tiềm năng, ông sống với những mơ ước mà ông đã không thực hiện được trong cuộc đời mình.
Thế rồi một hôm, khi không ai để ý đến ông, ông đã ra đi, ông đã biến mất để cho đến khi đứa cháu nội vào gọi ông ra ăn cơm chiều thì cả nhà mới hay ông không còn ở đó nữa, ông đã đi rồi. Tôi vào trong phòng ông lục lọi xem ông có mang thứ gì theo hay không, thì thấy ông chỉ đi người không, ông đã mặc bộ đồ khi ông còn đi làm. Trên bàn có tờ giấy nhỏ xíu, trên đó ông viết: "Tôi đi rồi tôi sẽ về, không có gì phải lo lắng cả. Đừng đi tìm tôi vô ích."
Và đúng như lời ông dặn dò, chúng tôi không đi tìm ông. Mẹ tôi chẳng tỏ vẻ lo lắng gì cả. Bà nói:
-Để cho bố chúng mày đi chơi cho sướng cái thân. Ở với tao ông thấy khổ, tao cho ông ấy đi ở với gái trẻ, đi chán ông ấy sẽ về!
Cái sai lầm ở mẹ tôi là ở chỗ ấy. Bà nói cứ để cho bố tôi đi, nhưng rồi ở nhà ai lo công việc trong nhà? Mặc dù bố tôi có vẻ bất thường nhưng ông vẫn là người quyết định mọi việc, ông vẫn lo giải quyết những vấn đề khó khăn như vấn đề tiền bạc, vấn đề sửa sang nhà cửa, và nhất là khi phải đối phó với người ngoài. Nay ông đi rồi thì mẹ tôi đâu có biết phải làm những công việc ấy? Tôi sẽ phải đứng ra thế ông, nhưng nay tôi đã có gia đình riêng, tôi lo thân tôi chưa xong, nhiều khi còn phải hỏi ý kiến bố tôi thì làm sao bây giờ?
Vả lại có ông ở nhà thì mẹ tôi còn lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ đi búa về làm cơn cho ông ăn. Nay ông đi vắng mẹ tôi, vốn dĩ lười, cứ để nhà bừa bộn, không lau chùi nên nhà bếp nhà tắm bẩn như hủi. Trong phòng ngủ quần áo mặc rổi mẹ tôi chất đống, chẳng buốn treo lên mà cũng chẳng đem đi giặt. Phòng khách phòng ăn ôi đủ thứ la liệt, sách báo, kẹo bánh, đồ dùng xài xong vẫn vứt đó, chén trà, cốc nước uống xong không buồn dọn, có khi để đó vài ba ngày, một tuần. Đồ đi mua về vứt ngay cửa ra vào có khi cả mấy tuần không đem cất. Mỗi khi về nhà thăm mẹ tôi, hai vợ chồng tôi phải dọn dẹp cho bớt ghê mắt, riêng tôi chỉ sợ bố tôi về bất tử thì lại có chuyện.
Mẹ tôi hay cãi lại ông làm ông nổi giận đập phá đùng đùng. Bà có tật hay dựng đứng câu chuyện lên rồi đổ lên đầu bố tôi, làm cho bố tôi phát điên lên thì mới thôi. Hơn nữa, mẹ tôi là dân Hà Đông, bà có cách nói xéo, làm người nghe rất khó chịu. Bố tôi ghét cái tính xấu đó của bà nhưng chẳng làm được gì. Bố tôi nói càng về già mẹ tôi càng có nhiều hành động làm cho bố tôi bực bội. Tối đến bà thức có khi đến hai giờ sáng chỉ để ngồi xem báo hay xem truyền hình. Bố tôi dục đi ngủ bà cứ lờ đi. Sáng ra bà không dậy nổi, bố tôi chuẩn bị bữa ăn sáng xong, bà cũng chưa chịu dậy, đến khi bố tôi ăn xong bà mới ra ngồi ăn. Cơm tối cũng vậy, mẹ tôi đi làm tan sở không về liền, bố tôi chờ không được dành dọn cơm lên ngồi ăn, ăn nửa chừng thì bà về. Bố tôi ăn xong đi nơi khác, mẹ tôi ngồi ăn, cả tiếng đồng hồ sau vẫn chưa xong, bà cứ ngồi một mình chậm rãi ăn, lúc nào muốn thôi thì thôi.
Nay bố tôi đi rồi thì mẹ tôi chẳng còn đối tượng để mà chống đối nữa, bà dành toàn thì giờ đọc báo hay coi truyền hình. Bà có thể ngồi đọc báo hoặc coi truyền hình hai ba tiếng đồng hồ, quên ăn quên ngủ. Tin tức gì bà cũng thuộc nằm lòng. Bà cứ kể đi kể lại những gì bà học được, nhiều khi người nghe phải nhắc là bà đã nói hai ba lần rồi thì bà mới thôi kể. Bà cũng có thể ôm điện thoại nói chuyện với bạn bè hết giờ này sang giờ khác. Còn nói đến việc đi mua bán thì có khi mẹ tôi đi không còn biết giờ về. Bà đi đến đâu cũng xem hết thứ này đến thứ kia nhưng không mua, bà chỉ thích xem để mà xem, để mà biết. Cái gì bán ở đâu bà đều biết, nói đến cái gì bà cũng hay.
Có một điều là mẹ tôi hay nói nhưng không bao giờ làm. Bà muốn cái gì thì cứ nói lên cho bố tôi nghe, rồi nếu ông không làm thì bà than, bà trách. Bà nói bảo làm không làm để bây giờ như thế này, như thế kia. Mà khi bà không bằng lòng một chuyện gì thì bà cứ nói tới nói lui, có khi cả hai ba năm sau bà vẫn còn lôi chuyện cũ ra mà nói. Bố tôi đến khổ vì bà, nhưng ông cho đó là vì bà già, bà thay đổi tính nết, bà khó chịu cũng như tất cả những người đàn bà khác khi về già. Khi bố tôi góp ý với bà thì bà nói với bố tôi:
-Không vừa ý thì đi tìm gái mười tám cho nó hầu hạ, để cho tôi yên thân.
Tôi không hiểu trong đầu bà nghĩ gì mà lại nói thế, nhưng tôi biết bà cũng không sung sướng gì. Câu nói đó thể hiện một sự bất mản cùng cực. Có một điều tôi thấy lạ là thay vì đạp đổ, tại sao bà không chịu có một thái độ xây dựng? Tâm lý người đàn bà vào cái tuổi trên năm mươi hẳn là rất phức tạp, tôi không hiểu được những biến chuyển sinh tâm lý xẩy ra nơi họ. Tôi nghe nói là chính những người đàn bà đó cũng không hay biết rằng họ đã thay đổi, họ đã khác xưa, và vì thế họ khăng cho rằng họ vẫn thế, lỗi là do những người khác chứ không phải tại họ.
Tôi nghĩ bố tôi đã chán cái cảnh cơm không ngọt canh không bùi, ông đã không chịu nổi cái uơng ngạnh của mẹ tôi, ông muốn sống những ngày còn lại trong yên bình, và vì thế ông đã rút lui vào cái thế giới của riêng ông, vào giữa bốn bức tường của căn phòng làm việc mà xưa kia ông không thích vào. Nhưng như thế cũng không mang lại cho ông niềm sung sướng, vì ai sướng khi chỉ sống trong môi trường chết, môi trường im lìm, không tiếng nói, tiếng cười? Ai có thể ngày đêm chìm đắm trong sự u mê, sự day dứt của nội tâm? Tôi biết ông đang bị giằng co giữa bổn phận và hạnh phúc cá nhân. Ông đã không chịu ly dị vì còn con cái, còn các cháu của ông mà ông thương yêu vô ngần. Mẹ tôi đã bao lần nói thẳng vào mặt ông:
-Sao ông không ly dị tôi cái quách đi cho rồi? Để mà còn đi tìm gái tơ mà hưởng đời chứ? Ông còn tiếc cái gì nữa?
Tôi không biết bà có thực sự muốn thế không, nhưng tôi thấy bố tôi chỉ cắn răng lại để khỏi nói câu gì, vì tôi biết nếu đổ thêm dầu vào lửa tất nó sẽ bùng lên và không còn cứu chữa được nữa.
Ngày bố tôi ra đi, chúng tôi tưởng ông đi đâu chơi một hai ngày. Nhưng cả tháng trôi qua chúng tôi không thấy về, tôi cũng hơi lo lắng. Tôi gọi điện thoại đến các bác, các chú, bạn bè của ông thì không ai biết ông đi đâu, ông không hề thổ lộ kế hoạch của ông cho ai hết. Họ cũng ngạc nhiên về hành động này và không ngờ bố tôi lại có thể làm cái chuyện bất thường như thế. Nhưng tôi thì không ngạc nhiên chút nào. Ngày ông còn trẻ ông đã làm nhiều chuyện ngông cuồng. Đang đi làm yên bình ở sở này, ông vì bất bình một chuyện gì, ông xin nghỉ và sang làm một sở khác. Trong cuộc đời ông, ông đã thay đổi việc làm như chong chóng, ông đã không làm một công việc gì quá năm năm. Ông tuyên bố làm lâu một nơi chán, ông thấy cần thiết phải thay đổi. May mà ông là người có chí, ông luôn luôn trau dồi kiến thức, và ông có khả năng trí tuệ phi thường, không có một công việc gì mà ông không làm cho bằng được. Cuộc đời ông đã có những lúc khổ cùng cực, ông đã phải làm những công việc nặng nhọc hay thật tầm thường để tạm sống. Ông có tinh thần đấu tranh phi thường, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng cố vươn lên để thoát khỏi sự cơ cực. Ông rất tự hào về những thành quả ông gặt hái được trong cuộc đời. Tất nhiên tôi rất hãnh diện về con người phấn đấu của ông, tôi rất muốn giống ông và ông đã là gương sáng dẫn đường cho tôi đi. Chính vì tôi nhìn vào ông, noi gương ông, mà cũng đã thành công nhanh chóng và tiến lên trong sự nghiệp của mình.
Và như thế bố tôi đi đâu, không ai biết, cho đến một hôm chúng tôi nhận được một tấm thiệp ông gởi về đề tên Bé Mai, đứa con gái đầu lòng của em tôi, sanh ra khi ông không có nhà. Tấm thiệp mang những giòng chữ nắn nót của ông như sau:
Cháu Mai thương yêu của Ông Nội, Ông rất tiếc khi cháu ra đời ông không có mặt để bồng cháu ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Vì hoàn cảnh đặc biệt ông không thể về ngay thăm cháu, nhưng khi nào ông về thì ông hứa sẽ không quên có quà cho Bé Mai của ông. Ông hôn cháu và yêu cháu vô cùng.
Nhìn con dấu bưu điện chúng tôi ngạc nhiên thấy rằng ông đã gởi nó từ một tiểu bang xa xôi cách chúng tôi cả mấy ngàn dặm. Thì ra ông đã quyết định ra đi thật xa, đi như thể đi trốn cái nơi đã làm cho ông buồn khổ, đi để mà quên lãng, đi để không còn gì gắn bó với một dĩ vãng đau thương.
Thành phố ông đang ở cũng là một thành phố lớn, nơi đó cũng có nhiều ngưới Việt sinh sống. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến nơi đấy nhưng tôi nghe nói nơi đó sinh hoạt của cộng đồng cũng cao, cũng có nhiều người làm ăn buôn bán nhộn nhịp, và nhiều khu cũng sầm uất không khác gì nơi tôi đang ở.
Trong khi chúng tôi rất xúc động khi nhận thiệp ông gởi về thì mẹ tôi vẫn dửng dưng như không. Bà cũng chẳng buồn cầm đến lá thơ mà cũng chẳng hỏi xem bố tôi đã viết những gì trong ấy. Tôi lấy làm lạ sao mà mẹ tôi lại có thể dứt tình với bố tôi như vậy. Tôi muốn tìm hiểu xem bố tôi đi xa như thế để sống với ai, không phải vì tôi tò mò hay muốn tìm cách kết tội ông, mà là vì tôi thương ông. Tôi thương bố tôi vì tôi biết chẳng đặng đừng bố tôi mới phải ra đi như thế, tôi biết rằng xa các con cháu ông nhớ lắm và cũng khổ sở không ít. Và tôi định tâm một ngày nào gần đây tôi sẽ xin nghỉ một tuần lễ để đi tìm ông.
Tôi chưa kịp đi thì bố tôi về. Ông về vào lúc đêm tối khi mẹ tôi đã đi ngủ, ông lẳng lặng mở cửa vào nhà, rồi vào phòng ông nghỉ. Sáng hôm sau khi mà mẹ tôi còn ngủ thì ông đã thức dậy pha trà uống và ngồi đọc báo ở ngoài phòng khách. Nghe tiếng động mẹ tôi tỉnh dậy và thấy ông, bà rất ngạc nhiên. Ông đi như vậy là gần ba tháng trời, ra đi ông không nói cho ai hay mà về cũng chẳng báo trước. Mẹ tôi nói:
-Tôi tưởng ông đi luôn rồi chứ! Sao lại còn về? Tôi tưởng ông đi cho sướng cái thân thì còn về nhà làm gì cho khổ thêm cả tôi nữa?
Bố tôi cứ im lặng chẳng nói câu gì. Mẹ tôi nói thêm:
-Nó bòn hết của rồi nó đuổi ông đi chứ gì. Bây giờ lại về lấy thêm tiền mang đi nuôi nó chứ gì?
Cáu quá bố tôi nói lại:
-Bà xem tôi có lấy đồng xu nào mang đi không nào? Bà đừng có ăn nói hồ đồ. Đừng có làm cho tôi điên tiết lên. Khôn hồn thì để cho tôi yên!
Mẹ tôi vừa đi xuống bếp vừa nói:
-Ông không có tiền thì nó ăn bả gì mà nó nuôi ông?
Thế là bố tôi đập bàn một cái rầm, rồi nói:
-Đã bảo câm cha nó cái miệng lại mà không chịu câm.
Bố tôi đi vào phòng của ông đóng xầm cửa lại. Thế là ông lại trở về với cái thế giới của ông, trong cái thế giới đó không có người vợ oái oăm, khó chịu mà ông nay ghét thậm tệ.
Chiếu thứ bẩy nghe tin bố tôi về, hai anh em tôi mừng rỡ, định tổ chức đi ăn cơm chiều cho cả gia đình. Em tôi bế bé Mai về ra mắt ông nội, ông mừng hết sức, ông ẵm bé, ông hôn, ông không chịu rời đứa cháu cưng của ông. Ông về ông đã mua cho cháu ông một tấm lắc đeo tay bằng vàng tây, ông lấy ra đeo cho cháu rồi bắt chụp cho ông cả chục tấm ảnh ông bồng bé Mai của ông. Thấy ông vui sướng, chúng tôi mừng quá chừng, mẹ tôi tức tối nói:
-Sao ông không đẻ một bé Mai của ông mà ôm mà thương yêu? Lấy một con vợ mười tám tuổi thì nó đẻ cho chứ có khó gì?
Thế là bố tôi giận, không đi ăn cơm chiều nữa, ông nói ông “không đi ăn với con mẹ khó chịu đó”. Ông bảo mẹ tôi là việt cộng, chuyên môn phá hoại, cứ đến lúc cả gia đình vui vẻ thì bà phải làm một cái gì để phá, để chọc giận bố tôi, làm cả nhà hết vui vẻ. Mẹ tôi chẳng cần có bố tôi đi, bà nói tỉnh bơ:
-Bố mày dỗi, để cho ông ấy ở nhà. Mình đi mình cứ đi!
Chúng tôi đành đi mua đồ ăn về nhà, bố tôi không còn hứng, ông ăn hai ba miếng rồi bồng bé Mai vào trong phòng ngồi ôm cháu. Mẹ tôi ngồi ăn vui vẻ như không có chuyện gì, trong khi chúng tôi thì rầu thối ruột.
Những ngày ông ở nhà, chiều nào ông cũng đến thăm các cháu nội, nhất là cháu bé gái bé bỏng của ông. Nhưng vì ở nhà không được vui, hai tuần sau ông lại ra đi, ông đi mà không nói trước với ai, tự dưng ông biến mất, không để lại một vết tích gì.
Thế rồi mỗi tháng ông biên thơ về cho các cháu, ông hỏi thăm, nói chuyện này nọ, và thơ nào ông cũng nói ông nhớ chúng nó, nhất là bé Mai của ông. Ông muốn chúng tôi gởi hình các cháu cho ông và ông cho một hộp thơ để chúng tôi gởi tới đó.
Sáu tháng trôi qua, không thấy ông về thăm nhà, chúng tôi sốt ruột, tôi bèn xin nghỉ một tuần đi tìm ông. Tôi nghĩ tôi biết thành phố nơi ông ở, tôi chỉ cần đi hỏi thăm thì sẽ tìm được ra ông, nhưng tôi đã lầm. Năm ngày trời tôi đi khắp các khu phố có người Việt làm ăn buôn bán hỏi thăm, không ai biết và không ai nhận ra người trong tấm hình của bố tôi mà tôi đưa cho xem. Ban ngày tôi đi mỏi cả chân, chiều tối về khách sạn, tôi điện thoại cho những người quen biết ông hiện đang ở vùng này để xem bố tôi có liên lạc với ai không, thì cũng không ai biết tin gì vì ông không hề tiếp xúc với họ. Thật là một chuyện lạ lùng, như thể ông muốn giấu hết tất cả mọi người về sự hiện diện của ông ở nơi đây.
Đến tối hôm thứ sáu, khi tôi đã thất vọng tưởng phải bay về tay không, thì bố tôi gọi điện thoại đến khách sạn hỏi tôi. Ông nói ông được biết tôi đi tìm ông nên ông muốn gặp tôi nói chuyện. Ông hẹn sáng thứ bẩy hai bố con đi ăn sáng gặp nhau, vì chiều tôi đã lên máy bay trở về. Ông cho nơi hẹn và giờ hẹn rồi thôi không nói gì hơn nữa.
Đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi không hiểu tại sao ông biết tôi đến đây đi tìm ông mà ông gọi? Tại sao ông lại chọn nơi này mà đến ở? Ông sống với ai nơi đây? Thật là những điều bí hiểm.
Sáng hôm sau tôi đến nơi hẹn sớm cả nửa tiếng đồng hồ vì tôi muốn xem ông tới bằng cách nào và với ai. Đúng giờ hẹn tôi thấy một chiếc xe hơi loại sang đậu lại cách nơi đây vài trăm thước và tôi thấy ông bước xuống. Ông mặc một bộ đồ mà tôi chưa thấy bao giờ, trông rất lịch sự, ông bước rất khoan thai, vẻ mặt tươi tỉnh, không ủ rũ như khi ở nhà. Cái gì làm ông thay đổi như vậy, tôi tự hỏi. Tôi thấy ông đẩy cánh cửa tiệm ăn, nhìn một vòng, thấy tôi, ông cười và tiến tới. Ông nói:
-Làm gì mà con phải đi tìm bố vậy? Thư thả rồi bố về chứ gì?
-Con muốn sang đây thăm bố và xem bố sống làm sao. Ở nhà chúng con hơi lo…
-Sao phải lo? Bố sống ở đâu chẳng được? Thôi con đã đến đây thì để bố kể hết chuyện cho con nghe. Con lớn rồi chẳng có gì mà phải giấu con nữa.
Người hầu bàn đến, chúng tôi gọi phở và cà phê đen. Bố tôi hỏi chuyện ở nhà ra sao, tôi nói mọi chuyện vẫn bình thường, các cháu nhớ ông lắm, chúng cứ hỏi ông đâu. Nghe nói vậy vẻ mặt bố tôi hơi thay đổi, phảng phất một nỗi buồn, tôi biết ông cũng nhớ các cháu ông lắm.
Phở mang ra, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi hỏi:
-Bố ở đây với ai? Ăn uống làm sao?
Ông ngừng ăn, tay vẫn còn cấm hai chiếc đũa, nhìn tôi như muốn xem tôi có ẩn ý gì không. Ông ăn thêm vài ba gắp rồi đẩy bát phở sang một bên, cho đường vào cà phê uống. Ông nói:
-Bố ở với một người bạn quen từ lâu lắm rồi, con không biết bà ấy. Bố quen từ trước khi lấy mẹ con.
-Bố tìm bà ấy hả bố?
-Không, tình cờ bố gặp lại. Đã gần bốn mươi năm trôi qua. Bố không nhận ra bà ta nhưng bà nhận ra bố. Thật là một chuyện lạ lùng!
-Bố gặp hồi nào?
-Cách đây năm năm, ở Paris, tại nhà một người bạn chung của hai người.
-Sau đó bố vẫn tiếp tục liên lạc?
-Thỉnh thoảng, bố nói chuyện điện thoại thôi. Lúc sau này bố buồn thì tâm sự nhiều hơn. Bà ấy góa chồng đã hơn mười năm nay rồi, có một đứa con gái nay cũng bằng tuổi con. Bà làm ăn buốn bán nên khá gỉa, nhà cửa rộng mà không có ai ở, chỉ có hai mẹ con nên mời bố sang chơi.
-Thế rồi bố ở luôn ?
-Không bố đâu có tính ở luôn? Ở nhà lúc nào tinh thần cũng căng thẳng, làm sao bố chịu mãi cho được. Bố bị suy nhược thần kinh vì thế. Ở đây thoải mái, bố thấy dễ thở, bố bớt u sầu, không còn buồn bực. Bố ở tạm một thời gian cho khỏe lại…
-Con thấy bố có khá hơn ở nhà, bố bình thường hơn trước, con mừng lắm. Nhưng ở như thế mãi sao tiện?
-Người ta mời bố, chứ bố có xin đâu? Nhà cửa rộng thênh thang để không, không ai chăm nom, bố làm quản gia, người ta còn mừng. Nói thế chứ bà ta thương bố, thấy bố buồn khổ, muốn giúp. Bố không thấy có gì phiền hà…
-Cơm nước thì sao hả bố?
-Ở chung nhà thì ăn chung chứ có gì đâu? Bố ăn đâu có bao nhiêu?
-Bố có góp tiền hàng tháng không?
-Bà ấy đâu chịu lấy? Bà nói, bố đến ở là vui cửa vui nhà, bố không phải lo lắng gì cả. Tiền mà làm gì hả con?
-Thế còn tiền máy bay đi về?
-Con Thủy nó mua cho bố. Quần áo bố mặc cũng vậy, nó thương bố lắm! Mỗi lần bố về nhà, cả hai mẹ con cứ thấp thỏm, chỉ sợ bố không qua nữa!
-Vì vậy mà lâu quá bố không về nhà?
-Có lẽ vậy. Không có vé máy bay thì làm sao về? Mà về đến nhà là lại có chuyện, bố không muốn về nữa! Mẹ con đâu còn thương bố nữa?
-Bà ấy thương bố nhiều lắm phải không?
-Không biết, nhưng ở đây không bao giờ có một vấn đề gì để buốn phiền!
-Bố thích ở đây hơn?
-Không hẳn là thế! Hoàn cảnh bó buộc. Bố đâu còn cách lưạ chọn nào khác? Xa con và các cháu, bố nhớ lắm chứ!
-Con biết! Thôi con nghĩ thế này cũng được. Bố cần có cuộc sống riêng của bố, con không dám nói gì.
-Con về cứ coi như không tìm ra bố. Chớ có nói gì với ai. Cái này là bí mật giữa hai bố con mình.
-Thưa bố vâng!
Chưa bao giờ bố tôi lại tâm sự với tôi như thế! Tôi nghĩ ông cảm thấy thoải mái hơn sau khi cho tôi biết những gì ẩn náu trong lòng ông từ nhiều năm nay. Sau khi ông đã chia sẻ nỗi lòng của ông với tôi, ông không còn phải chịu cái gánh nặng ấy một mình. Tôi thấy hình như ông thở ra khoan khoái, và ông ra về vui vẻ. Ông ôm vai tôi, chúng tôi ra cửa, ông leo lên chiếc xe vẫn chờ từ nãy giờ nơi đó, tôi về khách sạn để chuẩn bị ra phi trường.
Những lần sau ông về, ông ở nhà hai vợ chồng tôi, ông vui chơi với các cháu nội, nhưng về được một tuần, ông lại sốt ruột đòi ra đi. Tôi hiểu ông nên không dám nói gì. Chỉ có các cháu nhỏ, chúng cứ nhao nhao “Ông nội đừng đi! Ông nội đừng đi!” làm ông chảy nước mắt mỗi khi ra đi.
Tôi cũng một năm hai lần lấy cớ đi họp, sang thăm ông vài ba ngày. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở nơi công cộng, ông không bao giờ cho tôi biết nơi ông ở, càng không cho tôi biết ngươì đàn bà bí mật mà ông ở nhờ.
Cứ như thế được mười năm trời. Rồi một hôm ông về, ông ốm nặng đòi tôi đưa vào nhà thương. Mới vào hôm trước hôm sau thì ông qua đời. Những lần tôi vào với ông vào những giờ chót ông sắp ra đi, tôi thấy hai người đàn bà, một người lớn tuổi như mẹ tôi, ăn mặc sang trọng, ngồi nơi chiếc cửa sổ cách phòng bố tôi nằm chừng mươi thước. Trông họ nghiêm trang và có vẻ buồn rầu lắm. Tôi biết ngay đó là Thủy và mẹ chị, người đã nuôi dưỡng chăm sóc bố tôi hơn mười năm qua.
Những ngày xác bố tôi quàn ở chùa, tôi thấy suốt ngày bóng dáng hai người đàn bà ấy lảng vảng ở sân chùa, người mẹ cầm chiếc khăn tay lau mắt. Tôi lấy làm xót xa cho bà, vì bố tôi chết, mẹ tôi không buồn, không khóc mà bà thì đau đớn sụt sùi. Và bà lại không được khóc công khai! Thật là một sự bất công, nhưng làm sao được? Định mệnh đã an bài như thế! Ngày xưa bố tôi đã bỏ người con gái ấy để lấy mẹ tôi. Thế mà một đời, người ấy vẫn thương vẫn muốn làm sao cho bố tôi bớt khổ. Công lao ấy tôi ghi trong lòng mãi mãi.
**
FATHERS DAY POEMS
**
What Makes a Dad
God took the strength of a mountain,
The majesty of a tree,
The warmth of a summer sun,
The calm of a quiet sea,
The generous soul of nature,
The comforting arm of night,
The wisdom of the ages,
The power of the eagle's flight,
The joy of a morning in spring,
The faith of a mustard seed,
The patience of eternity,
The depth of a family need,
Then God combined these qualities,
When there was nothing more to add,
He knew His masterpiece was complete,
And so,
He called it ... Dad
~~Author Unknown.~~
God took the strength of a mountain,
The majesty of a tree,
The warmth of a summer sun,
The calm of a quiet sea,
The generous soul of nature,
The comforting arm of night,
The wisdom of the ages,
The power of the eagle's flight,
The joy of a morning in spring,
The faith of a mustard seed,
The patience of eternity,
The depth of a family need,
Then God combined these qualities,
When there was nothing more to add,
He knew His masterpiece was complete,
And so,
He called it ... Dad
~~Author Unknown.~~
Daughter to father poems . A Little Girl Needs Daddy poem
A little girl needs Daddy
For many, many things: Like holding her high off the ground Where the sunlight sings! Like being the deep music That tells her all is right When she awakens frantic with The terrors of the night. Like being the great mountain That rises in her heart And shows her how she might get home When all else falls apart. Like giving her the love That is her sea and air, So diving deep or soaring high She'll always find him there. |
Father and son poems : Perhaps we'll never understand each other.....
Perhaps we'll never understand each other.
Loving doesn't mean that we agree. If that were so, then I would say, why bother? But there are things I know I'll never see. I'm sure your heart knows what I don't yet know: The pain of loving a reluctant son; The anger, coming fast and building slow, Of being helpless to control someone. You want only that I grow up right, But you know what right is, and I still don't. I have to learn to wield my inner light, And if I follow yours, well, then I won't. I'm sorry for the anger in the air; Though we fight, my love is always there. |
Good for father's birthday poems : OUR FATHERS
Our fathers toil with hands and heart
To make our lives complete.
They quietly brave the winter cold,
Endure the summer heat.
Our fathers' lives are busy, but
There's always time for us.
They boldly face the ups and downs
And seldom ever fuss.
Our fathers are the greatest dads.
We know you know this, too.
But thank you for the chance to share
Our love for them with you. (c) by David A. Olds.
Our fathers toil with hands and heart
To make our lives complete.
They quietly brave the winter cold,
Endure the summer heat.
Our fathers' lives are busy, but
There's always time for us.
They boldly face the ups and downs
And seldom ever fuss.
Our fathers are the greatest dads.
We know you know this, too.
But thank you for the chance to share
Our love for them with you. (c) by David A. Olds.
LÊ THANH HOÀNG DÂN * NGÀY CỦA CHA
*
*
Ngày của Cha
Saturday, 20. June 2009, 11:43:29
Tôi có một người cha. Ba tôi đang yên nghỉ tại Việt Nam tại một làng
nhỏ ở Vĩnh Long bên cạnh làng của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Ba tôi
yên nghỉ cùng với Má tôi ở quê Má tôi.
Quê Ba tôi thật sự là Cao Lãnh. Nhưng vì chiến tranh cả đời Ba tôi không bao giờ về quê nội, chỉ sống lẩn quẩn ở Saigon thôi. Lần về thăm quê hương mấy năm trước, tôi đã về thăm quê Ba tôi ở Cao Lãnh.
Mồ mả gia đình Ba tôi, ông bà nội của tôi, ông bà cố, tôi không còn biết ở đâu nữa. Tôi chán ghét chiến tranh vô cùng. Ở Cao Lãnh ngày nay chỉ thấy mộ của Ba cụ Hồ thôi, lớn lao đồ sộ mặc dầu ông không phải là một người được sanh ra và lớn lên tại Cao Lãnh.
Tôi giống Ba tôi, không phải giống diện mạo, nhưng giống tánh tình. Ba tôi chỉ là một người bình thường, không tham vọng, không đua chen, một người như bao nhiêu người Việt Nam khác chỉ muốn sống cuộc đời hạnh phúc với vợ con, một người thương vợ con và hy sinh cả đời cho vợ con.
Ba tôi sống và chết trong cuộc chiến, chưa bao giờ hưởng được một ngày hòa bình như tôi 34 năm nay. Nhớ tới Ba tôi, tôi chán ghét chiến tranh vô cùng. Tôi không thể có được ngày hôm nay nếu không có Ba tôi.
Quê Mẹ của tôi ở Tam Bình Vĩnh Long
Nơi yên nghỉ của Ba Má tôi
Quê nội của tôi ở Cao Lãnh
Quê Ba vợ của tôi ở làng Mỹ Long Cao Lãnh
Quê Ba tôi thật sự là Cao Lãnh. Nhưng vì chiến tranh cả đời Ba tôi không bao giờ về quê nội, chỉ sống lẩn quẩn ở Saigon thôi. Lần về thăm quê hương mấy năm trước, tôi đã về thăm quê Ba tôi ở Cao Lãnh.
Mồ mả gia đình Ba tôi, ông bà nội của tôi, ông bà cố, tôi không còn biết ở đâu nữa. Tôi chán ghét chiến tranh vô cùng. Ở Cao Lãnh ngày nay chỉ thấy mộ của Ba cụ Hồ thôi, lớn lao đồ sộ mặc dầu ông không phải là một người được sanh ra và lớn lên tại Cao Lãnh.
Tôi giống Ba tôi, không phải giống diện mạo, nhưng giống tánh tình. Ba tôi chỉ là một người bình thường, không tham vọng, không đua chen, một người như bao nhiêu người Việt Nam khác chỉ muốn sống cuộc đời hạnh phúc với vợ con, một người thương vợ con và hy sinh cả đời cho vợ con.
Ba tôi sống và chết trong cuộc chiến, chưa bao giờ hưởng được một ngày hòa bình như tôi 34 năm nay. Nhớ tới Ba tôi, tôi chán ghét chiến tranh vô cùng. Tôi không thể có được ngày hôm nay nếu không có Ba tôi.
Quê Mẹ của tôi ở Tam Bình Vĩnh Long
Nơi yên nghỉ của Ba Má tôi
Quê nội của tôi ở Cao Lãnh
Quê Ba vợ của tôi ở làng Mỹ Long Cao Lãnh
Saturday, June 12, 2010
THANH THANH * THƠ SONG NGỮ
*
HẢI LÊ * MỪNG NGÀY CỦA CHA
MỪNG NGÀY CỦA CHA
Hải Lê
Lời
mở đầu: Một vài ngày nữa Ngày lễ của Cha lại trở về. Một văn hào đã
viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng
của cha nó!” Tình cha nhiều người cho rằng không đằm thắm bằng tình mẹ,
có lẽ chỉ vì người cha ít chịu diễn tả mà thôi. Thật ra tình cha như
nền móng của căn nhà, giá trị của nó là phần nằm sâu dưới mặt đất.
Nhiều người còn ví tình cha như miếng cam thảo, phải ngậm lâu mới ra
chất ngọt.
Riêng
người Việt ly hương chúng ta, Ngày Của Cha (Father's Day) thường rơi
đúng vào ngày kỷ niệm Quân Lực VNCH 19 tháng 6 mỗi năm. Nhớ lại hình ảnh
những người trai thời chinh chiến, vừa làm người lính ôm súng gìn giữ
quê hương, vừa phải lo cho gia đình chu toàn bổn phận làm cha. Nên
người cha trong đất nước khói lửa, hầu như phải hy sinh tình nhà nhiều.
Nhưng không vì thế mà tình cha không đậm đà. Nhân ngày Quân Lực và
Ngày Của cha, Hải Lê xin đóng góp một câu chuyện nhỏ kể theo Angie
Kucer, nhằm vinh danh những người cha bất hạnh, hy sinh nhiều, nhưng
nhận... chẳng có bao nhiêu! Nhất là những người đã nằm xuống để vợ con,
đồng bào mình được sống mãi mãi.
BỐ TÔI, NGƯỜI LÍNH VNCH
Tôi
có một người cha già, lại tàn tật, cụt một chân. Khi tôi sinh ra đời bố
tôi cũng đã gần 50 tuổi. Trong một thời gian dài, bố tôi đóng vai trò
của một người mẹ, tuy di chuyển khó khăn, nhưng ông lo lắng cho tôi
không còn thiếu một thứ gì. Bạn bè thường gọi là “Ông nội trợ” và khen
là đàn ông mà bố tôi có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ Á đông
“công, dung, ngôn, hạnh”, nuôi con khéo léo không ai bằng.
Hồi
còn bé, tôi không hiểu được, vì sao không phải mẹ tôi, mà bố tôi luôn
luôn ở nhà chăm sóc cho tôi. Từ từ tôi mới nhận ra, trong đám bạn bè,
tôi là người duy nhất luôn luôn có người bố bên cạnh. Thiếu tình mẹ,
tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi, mình là người rất may mắn, còn hơn
nhiều đứa trẻ thiếu cả tình thương của cha lẫn mẹ.
Sau
này tìm hiểu thì tôi biết, bố tôi là một lính VNCH, bị thương trên
chiến trường, được mẹ tôi bảo lãnh theo diện đoàn tụ, bà lo cho ông
hưởng tiền trợ cấp tàn phế. Lúc tôi được hơn 3 tuổi, bố tôi và mẹ tôi
ly dị, bà đã lập gia đình với một người đàn ông khác, nhường tôi lại
cho bố tôi nuôi. Trong ký ức trẻ thơ, tôi có hình dung được hình ảnh
của mẹ tôi một vài lần, khi bà đến thăm, nhưng rất xa lạ, vì luôn luôn
bà đi với một người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng.
Tôi
có tí mặc cảm về địa vị bố tôi ngoài xã hội, so với bố của những đứa
trẻ khác, tuy nhiên việc chăm sóc tôi thì hoàn hảo, ông chăm lo cho tôi
từ việc lớn đến việc nhỏ, không phải đụng tay vào bất cứ thứ gì. Trong
suốt thời gian tôi học tiểu học, ông còn thuyết phục ông tài xế xe bus
đón tôi đi học ngay tại cửa nhà, thay vì ở trạm xe , cách xa nhà tôi 4
dãy phố. Khi tôi bước vào nhà, lúc nào bố tôi cũng chuẩn bị sẵn thức
ăn trưa, nào cá kho, thịt kho, rau xào và có cả canh nữa. Lâu lâu cũng
có thức ăn Mỹ, sandwich, hamburger, bơ đậu phộng, và còn thay đổi theo
mùa. Giáng Sinh bánh có viền xanh hình cây thông, Valentine có hình
trái tim..vv...
Khi
tôi lớn hơn một chút, vào năm đầu tiên trung học, tôi lại thích sống
độc lập, tôi muốn thoát ra những cử chỉ yêu thương dành cho con nít của
bố, vì sợ chúng bạn trêu chọc. Nhưng chẳng bao giờ bố buông tha tôi
cả, một đôi khi tôi rất bực mình.
Cấp
trung học, tôi không thể về nhà ăn cơm được nữa, phải bắt đầu tập tự lo
cho mình. Nhưng bố tôi lại thức dậy sớm hơn thường lệ để chuẩn bị bữa
ăn trưa cho tôi. Ông cẩn thận ghi cả tên tôi bên ngoài túi giấy đựng đồ
ăn. Lật dưới đít bao giấy, luôn luôn có một vài hình vẽ nhỏ, khi thì
căn nhà, khi thì dòng suối, ngọn núi, chim cá và hình trái tim với
dòng chữ “I Love You Tammy!” Nào hết đâu, bên trong những chiếc khăn
giấy cũng có những dòng chữ triều mến “Bố thương con nhiều”. Ông luôn
viết, hay có những câu nói bông đùa như thế để nhắc nhở là ông yêu
thương tôi nhiều, và muốn làm cho tôi vui.
Tôi
thường lén ăn trưa một mình để không ai thấy được cái túi giấy và khăn
ăn. Nhưng cũng chẳng giấu được lâu. Một hôm, một đứa bạn tình cờ thấy
khăn ăn của tôi, nó chộp lấy la lên và chuyền đi khắp căn phòng cho mọi
người xem. Mặt tôi nóng bừng, bối rối, mắc cỡ muốn chui đầu xuống đất.
Bữa
hôm đó tôi về, đã làm mặt giận với bố tôi và “cấm” ông ấy không được
viết, vẽ “bậy bạ” trên khăn giấy nữa, để bạn bè không coi tôi như đứa
con nít lúc nào cũng cần người lớn chăm sóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố
tôi buồn, lặng lẽ vào phòng đóng cửa.
Ngày
hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả bạn bè bu chung quanh tôi,
chờ để được xem chiếc khăn ăn, nhưng lần này thì trống trơn, không có
dòng chữ hay hình vẽ gì cả. Nhìn mặt bọn chúng thất vọng, hụt hẫng, tôi
mới hiểu ra, tất cả chúng nó đều mong ước có một ai đó biểu lộ tình
thương yêu ngọt ngào giống vậy đối với chúng. Lúc đó lòng tôi len lén
cảm thấy vui vui, dâng lên niềm tự hào về bố. Tôi vội về làm lành với
bố, và những giòng chữ, những hình vẽ yêu thương lại tiếp tục.
Những
năm còn lại trong trường trung học, tôi vẫn đều đều có những chiếc khăn
đặc biệt ấy. Và từ đó, tôi giữ lại, chứa trong một cái hộp riêng, giấu
kín.
Chưa
hết, khi vào đại học, tôi phải rời xa bố, tôi nghĩ thông điệp xưa kia
của bố sẽ phải chấm dứt. Nhưng tôi và bạn bè rất vui sướng vì những cử
chỉ biểu lộ tình cảm của bố tôi vẫn tiếp tục qua hình thức khác.
Ở
cấp đại học, dĩ nhiên không còn thấy bố tôi đứng chờ khi tan học, vì
thế, tôi hay gọi điện thoại cho ông, chi phí điện thoại khá cao, nhưng
không sao, tôi chỉ muốn nghe được giọng nói của ông mà thôi.
Suốt
năm học đầu tiên, chúng tôi quen lối nói chuyện như thế và sau đó kéo
dài một năm. Thường thì sau khi tôi nói lời tạm biệt, câu cuối cùng
không bao giờ thiếu.
“Này Tammy”
Tôi thường trả lời “Dạ, gì thế bố?”
“Bố thương con nhiều.”
“Con cũng thế. I Love You!”
Hình
như bố tôi nhận ra chi phí mắc mỏ cho những cuộc điện đàm, từ đó, tôi
bắt đầu nhận thư mỗi thứ sáu. Ban thường trực phát thư của trường đều
biết ai là người thường gửi lá thư này, mặc dù địa chỉ hồi âm luôn luôn
ghi là KBC 1678. (Sau này tôi khám phá ra, KBC viết tắc là Khu Bưu
Chính, địa chỉ trong quân đội ngày trước nơi bố tôi phục vụ. Còn số
1678 dễ quá, là số nhà tôi hiện tại.)
Nhiều
lúc bên ngoài bì thư, địa chỉ được viết bằng bút chì và tiếp theo đó là
những lá thư có hình con mèo và con chó của gia đình tôi, có vẽ những
hình tháp nhiều từng, hình cây cầu nhiều nhịp in trên sóng nước. Hè năm
đó, bố tôi và tôi du lịch về Việt Nam, lúc đó tôi mới biết là Chùa Một
Cột, Chùa Thiên Mụ, Cầu Tràng Tiền v.v...
Sau
chuyến du lịch ấy, tôi tìm hiểu về Việt nam nhiều hơn, nhất là cuộc
chiến tranh trước 75, tôi bắt đầu thấy thương bố nhiều, ông là người
lính bại trận, nhưng quân lực ấy đã chiến đấu dũng cảm cho tự do, cho
hạnh phúc của người dân miền Nam trong suốt 20 năm. Nếu không bị đồng
minh bán đứng, cuộc chiến chưa chắc ai thắng ai.
Thư
đến và được phát mỗi ngày sau buổi ăn trưa. Tôi thường đi nhận thư và
mang theo mỗi khi đi uống cà phê. Tôi nhận thấy chẳng cần phải giấu giếm
làm gì nữa, bởi bạn cùng phòng tôi là những đứa bạn hồi còn trung học,
chúng nó biết rất rõ về những chiếc bao giấy, khăn ăn. Và rồi trở
thành như một tập tục, tôi đọc thư, còn bì thư và hình vẽ thì được
chuyển khắp bạn bè, thư từ bố tôi thành niềm vui của cả phòng.
Trong
năm cuối cùng đại học, bố tôi bị căn bịnh ung thư hành hạ. Mỗi khi tôi
không nhận được thư vào ngày thứ sáu, tôi biết ông ốm nặng, không thể
viết được. Ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng để có thể ngồi trong nhà
yên tĩnh nắn nót viết những lá thư. Nếu không kịp cho đợt phát thư vào
thứ sáu, thì chỉ sau đó, một hai ngày, thế nào rồi thư cũng đến. Bạn bè
tôi bình bầu ông là “Người cha thương con nhất trên thế giới này!”
Ngày
lễ cha, Father's Day, chúng nó gởi một tấm thiệp phong tặng ông danh
hiệu đó và tất cả đều ký tên trên tấm thiệp. Tôi tin rằng ông đã dạy cho
tất cả chúng tôi về tình phụ tử, bạn bè tôi bắt đầu nhận những tấm
khăn ăn giống như tôi từ gia đình chúng nó, với những lời để lại ấn
tượng mà sẽ thôi thúc họ hãy biểu hiện tình thương của họ với con cái
sau này.
Suốt thời gian đại học, những lá thư và những cú điện thoại như một chu kỳ đều đặn.
Ngày
ra trường, tôi quyết định chọn công việc làm gần nhà, để được ở cạnh bố
tôi, vì căn bệnh bố càng ngày càng nặng. Thời gian được ở gần bố không
còn bao nhiêu lâu nữa.
Đó là những giây phút khó khăn, đau khổ nhất cuộc đời tôi phải trải qua.
Tôi
ở bên cạnh bố tôi một vài ngày trong bệnh viện trước khi ông mất. Vài
giờ trước khi hấp hối, ông nắm tay tôi bảo “Bố nhờ con một điều, con về
nhà lấy cho bố cái hộp gỗ mà bố để trên đầu tủ, đây là hộp chứa đựng
những kỷ niệm đời lính mà bố yêu thương nhất. Bố muốn nhìn nó lại một
lần.”
Tôi
lái xe về nhà, và cũng tìm ra ngay chiếc hộp phủ đầy bụi thời gian. Có
gì bên trong? Tôi tò mò mở nắp hộp. Mắt tôi bắt đầu cay cay nhòa lệ,
khi nhìn thấy những tấm hình của bố tôi còn trẻ, trong những bộ quân
phục thật oai phong. Có những tấm cầm súng đằng sau chiến trường còn
bốc mùi lửa khói. Lật ra đàng sau, những ngày tháng cũ, 68, 70, 71,
72... với những địa danh xa lạ: An Lộc, Bình Long, Đồng Xoài, Khe
Sanh... Dưới đáy hộp là căn cước quân nhân, giấy giải ngũ và những tấm
huy chương, bộ lon gắn trên cổ áo khi ông mặc những bộ quân phục.
Bây
giờ thì tôi mới hiểu hết, không còn mặc cảm hình ảnh có ông bố tàn tật
chỉ biết lo việc “nội trợ”, ngược lại là đàng khác, Bố tôi đã một thời
là một người lính chiến oai hùng, đổ máu hy sinh một phần thân thể mình
cho một cuộc chiến đầy chính nghĩa, bảo vệ quê hương.
Rõ
ràng bố tôi chăm sóc tôi, vui vẻ làm những việc của người phụ nữ bao
nhiêu năm nay, chỉ vì tình thương con mà thôi. Ông thật là người cha
tuyệt vời.
Tôi
ôm cái hộp, chạy gấp lại bệnh viện, định nói lời xin lỗi với người cha
thân yêu của mình, nhưng đã trễ! Người y tá trực cho biết, bố tôi vừa
trút hơi thở cuối cùng. Rồi người y tá trao cho tôi chiếc khăn giấy nhà
thương, với giòng chữ cuối cùng run rẩy của một người cha dành cho con
“Tammy, ba thương con nhiều! Vĩnh biệt!”
Nước
mắt tôi trào ra như suối, cầm tấm khăn giấy trong tay áp vào ngực, tấm
khăn giấy cuối cùng, mà cả cuộc đời mãi mãi không còn nhận được nữa.
Lúc
liệm xác, tôi bỏ theo chiếc hộp kỷ niệm đời lính vào hòm cho bố, còn
những chiếc khăn giấy tôi sẽ giữ mãi bên cạnh cả cuộc đời tôi.
Bây
giờ thì những chiếc khăn giấy đã đổi màu vàng khè, nhưng tình tôi dành
cho người bố càng ngày càng thấm thiết, bất diệt, muôn đời không thay
đổi.
Happy Father's Day
Mừng Ngày Của Bố
THƠ TRẦN HỒNG CHÂU
*
*
B– n¢m xuÓng
TrÀn HÒng Châu
TRẦN HỒNG CHÂU * BỐ NẰM XUỐNG
TrÀn HÒng Châu
BÓ n¢m xuÓng ÇÃt rÒi càng thÜÖng bÓ
Ç©i loån låc
hÆu vÆn bÓ con mình ch£ng ra gì!
BÓ thèm chén rÜ®u nhåt
(m¶t Çôi khi thôi, Çâu có nghiŒn ngÆp gì!)
con cÛng ch£ng có tiŠn mua
túi såch sành sanh
sau mÃy chuy‰n Çi chui ch£ng thành công
BÓ muÓn b¶ ÇÒ xa-xi tÀm thÜ©ng
Ç‹ bÆn cho thoäi mái
con cÛng chÌ mua ÇÜ®c väi tám lai rai
Trông bÓ æn
rÃt ngon lành
cû khoai lang bu°i sáng
con muÓn khóc quá tr©i!
ñ©i loån låc
chó nhÄy bàn Ƕc
hÆu vÆn bÓ con mình ch£ng ra gì!
BÓ di b¶ suÓt Ch® l�n m§i
vŠ ñåi th‰ gi§i
Ç‹ dành tiŠn vé xe bušt
bÓ mua hai ÇÒng ô mai
m¶t gói ÇÆu phøng
Bên cºa b‰p
hai bÓ con ngÒi nhÃm nháp
vÎ sí mu¶i m¥n chát
chua Öi là chua
ôi men Ç¡ng cu¶c Ç©i!
ng†n gió nào Çã th°i tÙ tung
vÕ låc lá vàng bay
Hai bÓ con l¥ng lë
c¡n tØng mi‰ng me khô
muÓi §t cay cay
tØng quä cóc ngâm ÇÜ©ng
dôn dÓn ng†t chua
BÓ bäo: bÓ con mình th‰ mà gân ra ph‰t!
Ç©i loån låc
hÆu vÆn bÓ con mình ch£ng ra gì!
BÓ thèm chén rÜ®u nhåt
(m¶t Çôi khi thôi, Çâu có nghiŒn ngÆp gì!)
con cÛng ch£ng có tiŠn mua
túi såch sành sanh
sau mÃy chuy‰n Çi chui ch£ng thành công
BÓ muÓn b¶ ÇÒ xa-xi tÀm thÜ©ng
Ç‹ bÆn cho thoäi mái
con cÛng chÌ mua ÇÜ®c väi tám lai rai
Trông bÓ æn
rÃt ngon lành
cû khoai lang bu°i sáng
con muÓn khóc quá tr©i!
ñ©i loån låc
chó nhÄy bàn Ƕc
hÆu vÆn bÓ con mình ch£ng ra gì!
BÓ di b¶ suÓt Ch® l�n m§i
vŠ ñåi th‰ gi§i
Ç‹ dành tiŠn vé xe bušt
bÓ mua hai ÇÒng ô mai
m¶t gói ÇÆu phøng
Bên cºa b‰p
hai bÓ con ngÒi nhÃm nháp
vÎ sí mu¶i m¥n chát
chua Öi là chua
ôi men Ç¡ng cu¶c Ç©i!
ng†n gió nào Çã th°i tÙ tung
vÕ låc lá vàng bay
Hai bÓ con l¥ng lë
c¡n tØng mi‰ng me khô
muÓi §t cay cay
tØng quä cóc ngâm ÇÜ©ng
dôn dÓn ng†t chua
BÓ bäo: bÓ con mình th‰ mà gân ra ph‰t!
BÓ n¢m xuÓng ÇÃt rÒi,låi càng thÜÖng bÓ
Ç©i loån låc...
Ç©i loån låc...
TrÀn HÒng Châu
(Nh§ ñÃt ThÜÖng Tr©i )
(Nh§ ñÃt ThÜÖng Tr©i )
No comments:
Post a Comment