Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 3 December 2016

TUẤN KHANH= HÒ QUẢNG BÌNH=TÔ KIỀU NGÂN=

 

 TUẤN KHANH * ÁN TÙ NGHỆ SĨ



Nhạc sỹ Tuấn Khanh: 

án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?

Nhạc sỹ Tuấn Khanh gửi cho BBC từ TP HCM


Biểu tình chống Trung Quốc
Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Sài Gòn, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”.
Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.

Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ, những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012.
Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình.
Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu…
Nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ đã là chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.

LAO TÙ KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN LẠ

Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, việc phản ánh những hiện thực của giới nghệ sĩ bằng cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.
Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.
Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết giống nhau, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.
Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án đó.
 
Nhạc sĩ Việt Khang

Ông Việt Khang vừa nhận án tù 4 năm
Chưa bao giờ viên đạn như của phe Taliban bắn vào đầu cô bé Malala 14 tuổi lại trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của ba cô gái nhóm Pussy Riot.
Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được chia sẻ và cảm mến như bây giờ.
Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa.
Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.

QUYỀN CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ

Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên.
Trong phim Schindler’s List của đạo diễn Steven Spielberg, những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng.
"Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?"
Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan.
Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?
Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”.
Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ?
Nếu không, tôi tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?
Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó.
Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhạc sĩ sống tại Sài Gòn.

Nhạc sỹ Tuấn Khanh (hình từ Facebook)

 

SƠN TRUNG * HÒ TRAO DUYÊN QUẢNG BÌNH


  Tranh NGuyễn Đức Toàn (1929)
TRAO DUYÊN QUẢNG BÌNH

Chuyện nam nữ là chuyện bình thường trong mọi xã hội, trong mọi quốc gia.. Trai gái lớn lên đều có tình yêu. Trước khi đi đến tình yêu, trước khi thành chồng vợ, nam nữ cần có môi trường gặp gỡ. Trai gái trong thôn xóm thường gặp nhau trên ruộng đồng, giữa buổi chợ hay nơi hội hè đình đám. Ngoài những dịp trên, trai gái Việt Nam thường gặp nhau vào mỗi tối tại các tư gia.

Đèn dầu lạc


 Nước ta là một nước nông nghiệp, ban ngày nam nữ lo việc cày bừa, tối đến con gái, đàn bà thường làm các công việc phụ để tăng thu nhập. Nhiều nơi ở miền Trung thường làm nón, xe chỉ kéo sợi hay dệt vải. Tối đến, các cô, các bà thường tụ họp tại một nhà nào đó rộng rãi để làm việc chung với nhau cho vui và để


 Quay sợi
tiết kiệm dầu đèn.  Môi tình giữa Nguyễn Du và gái phường nón ,và phường vải là ở trong môi trường thơ mộng này.
Lúc Pháp đến, nước ta có nhà thắp đèn khí đốt hay đèn măng sông, sau này mới có đèn điện. Còn trước đó là đèn dầu. Đèn là một cái bát thường là bằng đĩa sâu, trong đổ dầu hay mỡ, lấy chỉ hay vải làm bấc đốt cháy. Có đèn một ngọn hay hai ba ngọn. Dầu là dầu phụng (lạc)  hay mỡ heo. Đèn hết dầu thì châm thêm dầu vào.

Quay sợi
Ở Bắc hát quan họ là một cuộc họp mặt văn nghệ có tổ chức, quan khách nhiều nơi xa đến cho nên nghi lễ và cần y phục chỉnh tề. Còn đây là trai gái trong làng, trong xóm cho nên ăn mặc giản dị hơn. Ngày xưa, nơi thôn quê, ra khỏi nhà là người phụ nữ phải mang áo dài, đầu thường để trần chứ không đội khăn hoặc vấn khăn như miền Nam, miền Bắc. Còn con trai thì có thể mặc áo dài hay áo cộc tới tham dự buổi hò hát đối đáp.
                                                         Quay sợi


Các cô gái trong xóm thường là 10 hay 20 cô tụ họp tại một nhà, còn bên ngoài nhà, ở trong sân, khoảng mười hay hai muơi trai tới  dự cuộc vui. Cũng có khi, các cậu trai cũng được mời vào nhà.  

 

     Làm  nón

Không ai bày ra quy tắc, nhưng các cuộc họp đã tạo nên quy luật, gồm các giai đoạn như trước tiên là chào hỏi, sau là đối đáp, bày tỏ tâm tình. Phần cuối là lời từ giã trước khi ra về. Khi hò hát, thường là đồng thanh, đồng ca nhưng cũng có trường hợp một người hò vì câu hò mới sáng tác, chưa phổ biến.

 
 Làm nón
A. CHÀO HỎI
Có nhiều cách chào hỏi.


NỮ -Tối trời chẳng biết mít hay là gai,
Chẳng biết quen hay lạ, biết ai mà chào!




NỮ-Bạn đến mời bạn vào nhà,
Hai bên nam nữ xướng ca vui vầy!
Đêm nay gặp hội rồng mây,
Trai tài gái sắc hội này nên duyên.

NỮ-Bạn đến mời bạn vào nhà,
Đừng đứng ngoài ngõ mà đạp gãy vườn cà nhà em!

NỮ -Túi (tối ) ) trời không biết bạn là ai.
Cho tui (tôi) chào chung một tiếng rạng mai tới tìm
.

NỮ -Chào chung chào chạ chào bậy chào bạ, chào cả và cươi (sân)
Chào người ngang vế bằng vai
Có ai ân tình đạo hạnh lắng tai nghe chào


NỮ - Bạn đến mời bạn vào nhà
Thiếp xin dâng bạn chén trà ướp sen

NAM-Trà thơm sánh với trầu cay,
Đôi ta như loan với phượng có ngày nên duyên.



B. ĐỐI ĐÁP


NỮ-Nghe đồn anh là người hay chữ,
Em xin hỏi thử một vài câu.
Thư sinh sánh với má đào, 
Bên tài bên sắc ai nào hơn ai?

NAM- Tối hôm nay rồng mây hội ngộ,
Em hỏi câu gì anh xin giải tỏ cùng em.
Chữ rằng thiên định nhân duyên,
Trước vui văn tự sau nên vợ chồng.

NỮ -Bạn mày râu ai giỏi quốc văn
Về đây tranh giải với bạn thoa quần thử chơi 


  NAM - Gái Tây Thi chẳng ai bì bên nước Việt
Gái Văn Khương lại ở bên nước Tề
Nực cười cô gái nhà quê
Đến đây mà dám trổ nghề văn chương

NỮ: Em lên lưng voi em hỏi cái đường vạn tượng
Tay em lại dắt dê hỏi chốn lan dương
Đố anh mà đối đặng gương vàng em trao.

NAM : Dây bí ngô trèo trên cây trụ tàu
Cờ thượng mã phất sau đuôi ngựa
Anh đối đặng rồi em lật ngữa gương ra.

NỮ- Anh về thưa với hai họ rõ ràng
Mời hai bên cha mẹ lại, em ngữa gương vàng cho anh  coi
NỮ:Nghe đồn anh hay chữ
Cho em xin hỏi thử một câu.
Biển Đông Hải có mấy trượng sâu?
Ở trên cung Quảng có mấy cái lầu Hằng Nga?


NAM- Bể Đông Hải có vạn trượng sâu,
Ở trên cung Quảng có mấy trăm lầu Hằng Nga.
Em ơi, em mà chịu lấy ta,
Ta về xây sẵn mấy tòa lầu cao!


NỮ - Chuối không qua Tây răng (sao)  gọi là chuối sứ ?
Cây không biết chữ răng (sao)  gọi là thông ?
Nam nhơn đà đối đặng quyết làm chồng nữ nhi

NAM- Chuối không qua Tây nhưng qua Tàu, qua Nhật nên gọi là chuối sứ
Cây thông không biết chữ nhưng bốn mùa xanh tốt nên gọi là cây thông.
Anh đây đối đặng, em lấy anh làm chồng nghe em!

NỮ: Mấy lời hỏi thử học trò,
Ai dàn quân Bái Thượng, ai chèo đò Ô giang?

NAM-Việc chi mà phải hỏi học trò,
Lưu Bang dàn quân Bái Thượng, ông Đình trưởng chèo đò Ô giang.

NỮ -Em đi qua đò Quán Hàu
Gặp một o đội nón xoáy ốc
Tay bắt hến, miệng hát nghêu ngao
Trai nam nhi anh mà đối đặng
Em sẻ mở lời chào đón anh


NAM - Anh đi qua đò chàng Ếch
Gặp ông xã cóc
Tay nhét xâu nhái
Đi bán chợ Mỹ Hương
Trai nam nhi anh đà đối được
Lời chào nọ em có mở đường đón anh?.


NỮ-Đố anh con rết mấy chân,
Cầu Ô mấy nhịp, nuớc Tần ở đâu?
-NAM-Em ơi, con rết trăm chân
Cầu Ô mười hai nhịp, nước Tần ở bên Ngô.

NỮ-Bánh đầy mâm sao gọi là bánh it?
Trầu đầy đĩa sao gọi trầu không?
Trai nam nhi mà đối được sẽ làm chồng nữ nhi.
NAM- Bánh đầy mâm mà không thương nên gọi là bánh it,
Trầu đầy đĩa mà không nhớ nên gọi trầu không.
Anh đây đối đặng em phải bằng lòng theo anh!

NỮ - Đố anh con rết mấy chân
Núi Đầu Mâu mấy trượng chợ Dinh Xuân mấy người?

NAM- Em ơi con rết có trăm chân,
Cầu Ô mười hai nhịp, chợ Dinh Xuân có vạn người.




NỮ- Đố anh cây chi không lá,
Cá chi là cá không xương,
Con chi là ngựa Long vương không ai dám cưỡi.
Anh mà đối đáp rõ ràng,
Em xin đem chiếc gương vàng tặng anh.
NAM- Cây cầu là cây không lá,
Cá cược là cá không xương,
Con cọp là ngựa Long vương không ai dám cưỡi
Anh đây đối  đã rõ ràng,
Xin em lật ngữa gương vàng cho anh coi.
NỮ- Anh về thưa với mẹ cha,
Trình cùng hai họ, thì em sẽ trao ra gương vàng.


C. BÀY TỎ TÂM TÌNH


NỮ -Thân em như giọt nước giữa dòng
Thấy anh là  thấy mặt biết lòng anh  cạn  sâu?

NAM - Qua đây cũng như sợi dây dài
Lòng sông sâu cạn dò hoài phải thông!

NỮ- Thân em như hạt mưa rào
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa,
Em buồn cho duyện phận đôi ta
Kẻ đây người đó cách xa ngàn trùng.



NAM -Em ơi em sớm lấy chồng,
Để có con cái ẵm  bồng trên tay!
NỮ -Em ra lấy chồng biết bỏ mẹ cho ai
Chiều hôm quạnh vắng khuya mai một mình!
NỮ -Ai bưng cau trầu tới đó, chịu khó bưng về
Em đây vốn thiệt không chê
Nhưng muốn ở với  cha mẹ cho trọn bề hiếu trung.
-Em ra lấy chồng bỏ mẹ cho ai
Thu đông tiết lạnh mẹ ngồi hoài trông con!

NỮ -Anh lui về sửa cậy mối dong
Trầu mâm rượu hũ đẹp lòng mẹ cha
Kể từ ngày mẹ đẻ con ra
Mem cơm trún sữa lớn mà từng ni
Em nghe anh mà bỏ ra đi
Thất hiếu với phụ mẫu, tội ni ai đền?

NỮ - Phụ mẫu sơ sinh em để cho phụ mẫu em định
Trong việc vợ chồng chờ lịnh mẹ cha!

NAM- Sợ đó không ưng, đây anh mừng biết mấy
Hễ anh thấy thương rồi cha mẹ thấy cũng thương!

NỮ-Gặp anh em chẳng dám chào,
Sợ rằng chị Cả dắt dao trong mình.

NAM-Anh đây chưa vợ
Xin em đừng có sợ ai ghen.
Đôi ta xin vẹn lời nguyền
Đá mòn sông cạn không quên ân tình!

NỮ-Gặp anh em những muốn chào,
Sợ rằng thiên hạ xì xào nọ kia.

NAM- Đôi ta như thể con dao,
Năng liếc thì sắc, năng chào thời quen!
Dù ai nói  ngã nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

NỮ-Đất Quảng Bình chưa mưa đã thấm,
Rượu Quảng Trị chưa nhấm đã say.
Anh quen em chưa được mấy mươi ngày,
Mà người thiên hạ đã bày đặt ra.
NAM-Đất Quảng Bình chưa mưa đã thấm,
Rượu Quảng Trị chưa nhấm đã say.
Mặc ai nói đông, nói tây,
Đôi ta vẫn vững như cây giữa rừng!

NỮ-Anh đừng qua lại nơi đây,
Cô bác không chịu, mẹ thầy không ưa.

NAM-Trời năng mưa thì giếng năng đầy
Anh năng qua lại mẹ thầy thêm thương.

NỮ-Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng có đôi!
NỮ- Lên non em cũng lên theo,
Xuống thuyền em cũng đấp đeo mạn thuyền


NAM NỮ-Nước lên cuốn sáo nhổ say,
Quen nhau từ thuở trên tay mẹ bồng.
Hai ta lòng đã hẹn lòng,
Trăm năm kết nghĩa vợ chồng sắt son. 

-NAM-Nhà anh thơm ngát hương lan,
Nhà em xanh mướt mấy giàn trầu không.
Anh ước cùng em kết nghĩa vợ chồng,
Cho loan ấp phượng, cho phượng bồng lấy loan.

NỮ-Chợ Đồn một tháng sáu phiên,
Anh đi anh để ưu phiền cho em.
NAM-Chợ Đồn một tháng sáu phiên,
Sông Gianh dù rộng, ghe thuyền thiếu chi.
Sáng đi thì chiều lại về,
Quanh năm suốt tháng anh luôn cận kề bên em!

-NAM NỮ- Dù cho lên Troóc xuống Bùng,
Dù Đèo  Ngang cao, sông Gianh rộng, ta cùng có nhau!

NAM,NỮ -Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Đôi ta gặp hội  mây rồng,
Ước cùng kết nghĩa vợ chồng trăm năm!

NAM NỮ:-Nhất ngộ đồ trung,
Nhị ngộ tương phùng.
Đôi ta một dạ thủy chung,
Cầu xin nguyệt lão  tơ hồng xe duyên..


NAM.-Khi nao hết cát truông Ngừ
Mòn đường Đá Nhảy, anh mới từ ngãi em
NAM. Khi nao cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.

NỮ:-Thiên sinh nhân hà nhân vô lộc
Địa sinh thảo hà thảo vô căn.
Một mình giữa lòng thuyền dưới nước trên trăng
Biết cùng ai troa duyên gửi phận cho bằng thế gian?

 NAM- May mô (sao) may,Khéo mô (sao) khéo
Như cây cỏ héo gặp trộ (trận) mưa dông,
Anh đây chưa vợ, em đó chưa chồng,
Hai ta gặp lại như rồng gặp mây.



NAM NỮ-Một vũng nước trong, mười dòng nước đục,
Một trăm ngườì tục mới được một người thanh,
Biết ai tâm sự như mình,
Mua vôi tô lấy tượng Bình NGuyên Quân.
NAM NỮ-Tài tử sánh với giai nhân,
Tư Mã sánh với Văn Quân duyên trời
Đôi ta tài sắc  một đôi,
Cá nước gặp gỡ do trời xe duyên,
Việc chi mà em than thở buồn phiền?


NAM, NỮ -Chim khôn khó vượt Thanh Hà,
Người khôn cũng khó vượt qua Lũy Thầy.
Ta  yêu nhau cho trọn kiếp này,
Dù  no dù đói tháng ngày có nhau.

NAM-Dốc  nào cao bằng dốc Cao Maị,
Không nơi nào khó qua lại như sông nước Rào Nan.
Dù cho vạn thủy thiên san,
Yêu em anh quyết vượt suối băng ngàn tìm em !


NỮ- Một lần chờ mười lần đợi
Một lần nhớ vạn lần thương.
 Em yêu anh ruột héo gan vàng,
Tiếc rằng thầy mẹ, họ hàng không thương!

NAM- Anh đây như con chuồn chuồn,
Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay.



NỮ:- Họa hổ họa bì nan  họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
May mô (May sao) chút nữa thì em lầm,

Khoai lang khô xắt (cắt) lát mà em tưởng là Cao ly sâm bên Tàu!

NỮ: Trách ai tham đó, bỏ đăng,
Tham lê quên lưu, tham trăng quên đèn.

NỮ- Trách ai tham ván bỏ bìa,
Khi thương thì thương vội, khi lìa thì lìa xa!


 NAM - Em ơi,  em đã thương anh   thì thương cho chắc
Mà đã trúc  trắc thì trục trặc cho luôn
Đừng như con thỏ  nó đứng đầu truông
Khi vui thì  giỡn bóng, mà khi buồn  thì giỡn trăng!

NAM:- Em nói với anh như rìu chém xuống đá,
 như rạ (rựa) chém xuống đất,
như mật rót vào tai.
Sao  chừ (giờ ) em lại nghe ai,
Qua cầu nghiêng nón chạm vai không chào! 

NỮ- Anh nói với em như rìu chém xuống đá,
 như rạ (rựa) chém xuống đất,
như mật rót vào tai.
Sao  chừ (giờ ) anh  lại nghe ai,
 Bỏ em giữa chốn non Đoài thảm chưa?

NỮ:- Anh về để áo lại đây,
Để đêm em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng.
Cơn lạnh thì có cơn nồng,
Cơn  đắp áo ngắn  cơn chung áo dài.
Răng  chừ ( sao giờ) anh lại nghe ai,
Áo ngắn không đắp áo dài không chung?


NAM, NỮ- Cầm vàng mà lội qua sông,
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.


NAM NỮ -Huệ xa lan, lan tàn, huệ héo,
Lựu xa đào, lựu ngã, đào nghiêng.
Vàng cầm trên tay, rớt xuống không phiền,
Phiền vì một nỗi nợ duyên không thành .


NAM -Cửa Nhật Lệ, Sông Gianh còn mãi
Ngọn Chùa Non sáng mãi Mâu Sơn
Lòng bên anh cong quẹo, thất nhơn có trời

NỮ- Ai làm cho đó xa đây,
Cho chim chèo bẻo xa cây măng vòi!
Anh ơi nghĩ lại mà coi
Tấm lòng em ở gương soi nào bằng
NAM- Em đừng than ngắn thở dài
Nghĩa anh giữ nào phai tấc lòng
Đôi ta đã tạc chữ đồng
Tử sinh, sinh tử một lòng có nhau


D.CHIA TAY

NỮ - Hết mùa đồng cạn, nước khô,
Bậu về quê bậu, biết nơi mô kiếm tìm?

NỮ -Anh về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng

NAM -Trăng đã lên cao, trời sao vằng vặc
Mỗi tiếng hò réo rắt lòng anh
Nhắm chừng đêm đã sang canh,
Anh về mà dạ không đành em ơi!

NỮ- Chim xa bầy thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm người ôi!
Chẳng thà không biết thì thội,
Biết mà mỗi đứa một nơi cũng buồn

NỮ- Mẹ thương con ra cầu Ái tử
Vợ trông chồng đứng núi Vọng phu,
Mai tê (kia)  rồi bóng xế trăng lu,
Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm!
NAM- Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo anh cũng qua.

NỮ-Ra về em chẳng cho về
Nắm tay lôi lại xin đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ trung, chữ Hiếu, chữ tình là ba
Chữ Trung thì để phần cha
Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.

NỮ : Ra về em nắm cổ tay
Em dặn câu này anh chớ có quên.
Đôi ta đã nặng lời nguyền,
Đá mòn sông cạn chớ quên tấc lòng.

Sau đây là phần âm thanh do Sơn Trung thực hiện 








ĐỀ TÀI LIÊN HỆ: 

SƠN TRUNG * HÁT RU & HÁT DẶM NGHỆ TĨNH BÌNH
http://son-trungblotspot.com
BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG SỐ 212, THÁNG 3-2012.
http://youtube.com/truongtoi
 


NGUYỄN THU TRÂM- VĂN QUANG- TIN NHÂN QUYỀN

Friday, November 2, 2012


NGUYỄN THU TRÂM * ĐÂU RỒI CÁC CHIẾN SĨ?


    Inline image 2

Monday, 29 October 2012 09:16
Written by Nguyễn Thu Trâm
Vậy là ngày mai họ đưa hai người yêu nước Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ra tòa.
Lại một phiên tòa của những kẻ bán nước xét xử người yêu nước như nhiều phiên tòa từng diễn ra trên đất nước Việt Nam suốt từ 37 năm nay. Những phiên tòa phi lý vô nhân và bất công đã khiến cho hàng chục ngàn gia đình nát tan ly loạn vì người thân của họ vì quá yêu nước mà lụy vòng lao lý tù đày mà không ít người trong số đó, sau phiên toàn rồi không bao giờ trở về nữa.
Và ngày mai này đến lượt các anh phải ra tòa chỉ bởi các anh đã nói thay cho triệu người Việt Nam về nỗi ưu tư trước thảm họa mất nước, trước nguy cơ bị diệt vong hay đồng hóa của giống nòi.

 
Có đâu trên thế gian này lòng yêu nước cần phải được kín giấu, nếu không muốn bị xỉ vả, bị đấu tố, bị giam cầm tra tấn và bị tù đày?
Có đâu trên thế gian này sự gian trá, lường láo, bịp bợm và phản trắc lại được tôn vinh là quang vinh muôn năm, là đời đời sống mãi… ?
Truyền thuyết một mẹ trăm con của Việt Tộc khiến người Việt gọi nhau bằng hai tiếng “Đồng Bào” nghe gần gũi thân thương và cao cả quá, nhưng sao lại mỉa mai và nghịch lý đến thế này, sao lại vị bất đồng chủng mà quay lại giết hại đồng bào mình?
Sao lại “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” mà lại không anh em với những người cùng mình sinh ra từ một bọc trứng?
Phải chăng vì đất nước này vốn tồn tại nhiều nghịch lý, nên con người ta cảm thấy bình thường trước nghịch lý và phản cảm trước những cái chân thiện  mỹ?
Đâu rồi những ngày sinh viên, trí thức, Phật tử miền nam xuống đường chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn làn sóng đỏ của chính thể Quốc Gia đang bảo vệ nền tự do cho đồng bào Nam Việt trước họa xâm lược của cộng quân Bắc Việt?

Đâu rồi phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát”? Đâu rồi phong trào vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến chống cộng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, phản đối sự hiện diện của quân đội đồng minh Hoa Kỳ trên đất nước Việt Nam trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, để cho “Bác cùng chúng cháu hành quân vào Sài Gòn…” đánh đổ giai cấp tư sản xanh để xây dựng nên giai cấp tư sản đỏ? Để rồi hàng hàng lớp lớp người dân Sài Gòn và cả Miền Nam phải đánh đổi hết cả gia sản và cả tính mạng của mình nữa để vượt biển đi tìm tự do, bởi những bài xích tự do của những sinh viên trí thức này.
 
Trương Thìn

Đâu rồi sinh viên y khoa Trương Thìn, Đâu rồi các nhà thơ Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Vàng Sao, Trần Phá Nhạc, Đông Trình, Đoàn Khắc Xuyên, Hoàng Nghĩa? Đâu rồi các nhạc sỹ Trần Quang Long, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên,.. Vũ Đức Sao Biển, Xuân An, Hải Hà, La Hữu Vang với "Dậy Mà Đi" "Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe", "Hát Trong Làn Khói Đạn"?
Đâu rồi các "Hội Tết Quang Trung Sài Gòn" năm 1967? Đâu rồi "Đêm nhạc Tôn Thất Lập" ở Đại học Dược khoa Sài Gòn năm 1967? Đâu rồi "Đêm thơ nhạc" ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12 năm 1967  xuống đường, với các chiến dịch đốt xe tăng Mỹ, để đón xe tăng của Nga Sô Trung Cộng vào nghiền nát hàng ngàn đồng bào đang trên đường lánh nạn, trước khi húc đổ cổng Dinh Độc Lập và treo ngọn cờ máu lên nóc dinh để báo hiệu sự cáo chung của một nền tự do dân chủ của dân tộc.
Nhạc Sỹ La Hữu Vang
Tôi không biết từ sau ngày miền Nam bị hoàn toàn nhuộm đỏ nhờ sự đóng góp không nhỏ cả các sinh viên, trí thức, thi sỹ, nhạc sỹ và của các anh, đã có ai trong số các anh lại phải cũng đồng bào miền Nam băng rừng, vượt biển đi tìm tự do? Có ai trong số các anh phải vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển lạnh, và co ai đã may mắn đến được bến bờ tự do, để các anh có thể thấy được cái giá trị đích thực của tự do cũng như cái giá mà con người phải trả để đạt được nó. Bởi do cái thói tục ở đời khi người ta đang có cái gì trong tầm tay thì không biết trân trọng giữ gìn, thậm chí còn “xuống đường” chống báng lại nó, để khi nó vuột khỏi tầm tay thì con người ta lại phải quay quắt kiếm tìm mà cuộc tìm kiếm không phải chỉ trả giá bằng bạc vàng mà còn bằng chính cả mạng sống.
 
 
Nhạc Sỹ Trần Long Ẩn
 
Các anh Trương Thìn, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng… Các anh có công lớn lắm trong công cuộc đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi miền nam tự do để tiếp rước đế quốc Đại Hán về cho cả mọi miền đất nước. Lịch sử đảng cộng sản đã ghi nhận công lao của các anh rằng: “Có lẽ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chưa có cuộc "ra quân" nào của giới trí thức rầm rộ và có ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng như phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Phong trào này đã góp phần không nhỏ trong việc tập hợp thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh.”. Vâng, chúng tôi cũng xác nhận rằng các anh là các công thần của chế độ cộng sản. Nhưng hiện giờ các anh đang làm gì? Ở đâu và đang sinh sống ra sao? Sao không xuống đường biểu tình chống Trung Cộng?


 
 
Các anh có biết rằng hiện nay, có nhiều người thuộc thế hệ các anh, thuộc thế hệ em, cháu các anh cũng vì lòng yêu nước, nhưng hơi khác các anh một chút- là họ yêu nước mà không yêu CNXH- điểm giống các anh là họ cũng đã làm thơ cũng đã viết nhạc, nhưng thơ của họ đơn sơ, không đồ sộ như những tập san Đồng Dao, Đối Diện, Đứng Dậy của các anh, thơ của họ chỉ mộc mạc như tâm hồn của họ rằng: “Vì Danh Dự Dân Tộc, Chống Giặc Tàu - Vì Tương Lai Đất Nước, Chống Tham Nhũng ” và nhạc của họ cũng giản dị chân chất như tấm lòng người Nam bộ chứ không được đồ sộ như những tập nhạc "Hát cho đồng bào tôi nghe" - tức Chúng ta đã đứng dậy - với lời tựa hùng hồn sắt máu của anh Huỳnh Tấn Mẫm năm xưa. Ấy vậy mà họ đã bị bắt giam cầm, bị tra tấn và ngày mai đây họ phải ra tòa để bị xét xử về tội yêu nước, về ý thức và tinh thần dân tộc chứ không phải tinh thần quốc tế vô sản.
 
 
Các anh có biết những vụ việc này không?
Các anh suy nghĩ như thế nào?
Sao các anh không tiếp tục “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát” nữa đi?
Sao các anh chỉ biết chống lại những người xây dựng và bảo vệ tự do, mà không dám chống lại những người mang đến thảm họa cho đất nước và tai ương cho dân tộc?
Sao các anh chỉ dám chống lại những người biết tôn trọng các anh, tôn trọng cả phẩm giá làm người của đồng bào các anh, mà các anh không biết chống lại những người đang chà đạp mọi quyền tự do căn bản của các anh và của cả dân tộc này?
Sao các anh chỉ chống lại và bức tử một thể chế chính trị đã xây dựng và bảo về cho các anh đầy đủ mọi quyền tự do, kể cả quyền được chống lại họ mà các anh không biết chống lại một chế độ độc tài toàn trị đã tước đoạt của các anh và đồng bào các anh hết tất cả mọi quyền tự do, dân chủ cũng như quyền làm ngừơi và họ đang cõng rắn về cắn gà nhà và đang rước cả voi về dày mả Tổ?
Các anh Trương Thìn, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng… và các thi sỹ nhạc sỹ, các sinh viên trí thức của Việt Nam đang ở đâu? SAO KHÔNG XUỐNG ĐƯỜNG?
 
 
Nguyễn Thu Trâm




Thursday, November 1, 2012


VĂN QUANG * TÔ KIỀU NGÂN

Nhà thơ Tô Kìều Ngân đã từ trần ngày 20 tháng 10 năm 2012 
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn


  Nhà thơ Tô Kiều Ngântừ đời lính đến Tao Đàn


01-_Di_anh_nha_tho_To_Kieu_Ngan.jpg
Thi sĩ Tô Kiều Ngân


Lâu lắm rồi, tôi không gặp anh Tô Kiều Ngân, mặc dù chúng tôi cùng ở chung một thành phố Sài Gòn. Được tin anh từ trần vào ngày 20-10 vừa qua khiến tôi ngỡ ngàng. Sau khi xác nhận, tôi gọi điện thoại cho Huy Sơn ở Mỹ trước tiên vì Huy Sơn và Tô Kiều Ngân cùng tôi từng có thời gian dài cùng làm việc trong tòa soạn 3 tờ báo của Quân Đội là Bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyệt san Phụng Sự và tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ.



Sau này Huy Sơn được chuyển sang Bộ Tư Lệnh Không Quân làm tờ báo Lý Tưởng với Hoàng Song Liêm. Huy Sơn, sau khi ở tù cải tạo ra, đi Mỹ theo diện HO.



Tô Kiều Ngân và tôi không đi theo diện HO, mỗi người có một lý do riêng. Tô Kiều Ngân ở lại, có gia đình vợ con, có nhà cửa đàng hoàng. Còn tôi lông bông ở trọ, ở chui hết trong chợ Bàn Cờ đến Trương Minh Giảng rồi đến chợ An Đông, cuối cùng về cái chung cư Nguyễn Thiện Thuật và là “dân ABC đi ở thuê” với bốn năm cái “không”. 

Vợ con đi tuốt hết nên trở thành độc thân thứ thiệt, không đồng xu dính túi, không bạn bè, không nghề ngỗng gì mặc dù qua 12 năm, 2 tháng 26 ngày ở “trại cải tạo”, tôi trồng rau muống rất giỏi. Khối đội phải nhờ tôi đến gieo hạt rau muống cho khu ruộng mới. 
Tôi gieo hạt đều lắm và… có tay nên ruộng nào cũng tốt. Thế mà về Sài Gòn thất nghiệp nặng. Tôi cứ nhìn mấy cài hè phố mới được đào xới lên để lát gạch mới, và ước ao rằng chỗ đó cho tôi trồng rau muống thì thành phố không thiếu rau. Cái ước mơ thật ngu xuẩn, vậy mà khi còn ở trong cái gọi là “trại cải tạo”, đôi khi tôi lại cho điều đó có thể thành sự thật!

 Bởi 12 năm, người ta dạy chúng tôi được có thế thôi và thành phố vào những năm đó toàn dép lốp, nón cối làm chuẩn thì việc trồng rau ở hè phố gọi là “tăng gia sản xuất” cũng có thể được lắm chứ. Hè phố là một sự “lãng phí của bọn tư sản”. Ý nghĩ chưa hẳn là hoàn toàn ngu xuẩn.




Tôi không rõ anh Tô Kiều Ngân được tha về năm nào và cũng không biết anh ở đâu. Cái ngõ Phan Văn Trị, nơi anh ở trước kia, tôi có đến một hai lần, nhưng không chắc anh còn ở đó không. Sau này tôi mới biết tin anh ở mạn Bình Thạnh và rất ít khi lên trung tâm thành phố gặp bạn bè. 

Anh có những nơi vui chơi riêng ở miền “ngoại ô”. Cho đến khi vợ chồng anh Trần Thiện Hiệp tổ chức kỷ niệm lễ thành hôn vàng bạc 40 hay 50 năm gì đó, khoảng năm 2007-2008 tôi mới gặp lại Tô Kiều Ngân. Anh có vẻ khỏe mạnh hơn lần cuối chúng tôi gặp nhau trong “trại cải tạo” ở Sơn La, vào khoảng năm 1977-78.


Mừng cho người chết trong nhà tù “cải tạo”

Anh Tô Kiều Ngân không ở cùng trại tù với tôi, anh đi “lao động” bị ngã gãy tay, phải đưa về trạm xá gần trại giam tôi ở từ năm 1976 khi được đưa ra Sơn La “học tập”. 


Dịp đó, nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, ở cùng đội trồng rau với tôi, anh bị đau gan đến vàng mắt. Ban đầu còn được ở lại trại, không phải đi lao động. Tôi có nhiệm vụ “thó” một ít rau sống, cung cấp cho anh hàng ngày.

 Nhưng khi bệnh tình quá nặng, Thục Vũ được đưa sang bệnh xá. Nói là bệnh xá, chứ ở đây cũng chẳng có thuốc men gì chữa chạy cho bệnh nhân. Thậm chí mỗi lần lên khám bệnh xong, anh y tá bôi cho tí dầu cù là vào tay rồi bảo về uống đi hoặc nằm ngửa cổ ra để “cán bộ y tế” nhỏ cho vài giọt nước củ tỏi vào mũi. Thế là xong. Bệnh nhân nặng chỉ còn việc nằm chờ chết. Thục Vũ cũng ở trong trường hợp ấy.


Một buổi sáng sớm, tôi đang lúi húi trồng luống xu hào, bỗng thấy bên mình có cái gì kêu phần phật. Từ từ ngước lên, tôi thấy một mảnh quần trây-di rách bị gió thổi bay lắc lư làm nên tiếng động nghe cũng… vui tai.

 Tôi nhận ra ông Phan Lạc Phúc, khoác chiếc áo trây di cũng tả tơi “đồng bộ” với cái quần rách. Nước mắt ông Phúc chảy rất chậm trên mặt, ông nghẹn ngào cất tiếng:


- Thằng Sâm chết ở bệnh xá đêm qua rồi.

Tôi lặng người, bởi mới hôm qua, tôi lẻn sang bệnh xá thăm, Thục Vũ đưa cho tôi hai gói thuốc lào nhỏ, anh nói: “Tôi mệt không hút thuốc được nữa”. Ngồi nói chuyện vài phút, anh Tô Kiều Ngân ở trạm xá này cũng đến ngồi chơi. Tôi thấy Thục Vũ vẫn còn khỏe, vậy mà đêm qua đã ra đi.



Sau đó, anh Tô Kiều Ngân nói với tôi lời an ủi đúng nhất, ngắn nhất và cũng bi thảm nhất: “Mừng cho nó, từ nay nó không còn biết đói rét và không ai hành hạ được nó nữa”.


Đám tang Thục Vũ, hình ảnh bi thảm nhất trong cuộc đời chúng tôi



Nhưng vào buổi chiều năm 1977, khi đồi núi Sơn La bắt đầu chạng vạng, chúng tôi đang làm những công việc cuối cùng ở vườn rau thì bất chợt nhìn sang lối ra từ bệnh xá một khung cảnh hết sức đau lòng. Trên con đường đá cũ nhỏ, vòng theo sườn núi cao vút chập chùng, cách vườn rau là cái ao, đám tang bắt đầu di chuyển chậm chạp. Hai anh cai tù vác súng AK đi đầu, theo sau là một anh tù cầm vài nén nhang, đến 4 anh tù khiêng cỗ quan tài mộc, sau cùng lại là 2 anh cai tù vác súng AK. Suốt con đường dài âm u đó, chỉ có đám người ấy lặng lẽ chuyển động như những bóng ma.


Ở vùng đồi núi bóng tối đổ xuống rất nhanh, mang theo sương mù mỏng dăng ngang triền dốc dựng đứng như những bức tường đá của nhà giam thiên nhiên, chẳng cách nào thoát ra được. 

Chúng tôi biết chắc đó là đám ma Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ. Tất cả hơn ba chục tù nhân trong đội rau đứng ngẩn ra, dán mắt nhìn theo cái đám ma thê thảm ấy. Ông Phan Lạc Phúc, đến bên tôi, không nói lời nào, quay mặt đi giấu nước mắt.

 Nhìn sang phía bên trạm xá, Tô Kiều Ngân và mấy anh bác sĩ trẻ cũng là tù, đứng sau hàng rào kẽm gai cũng ngơ ngẩn. Ngân vẫy tay cho tôi và anh Phan Lạc Phúc chẳng biết để làm gì. Là một sự cảm thông tận cùng hay nói lời từ biệt.


Mấy tay coi tù cũng đứng lặng, nhìn chúng tôi và họ hiểu rằng lúc đó dù bắt chúng tôi thu dụng cụ về trại cũng chẳng ai chịu về, dù có bị bắn tại chỗ. Tất cả đứng như tượng gỗ dõi theo đám tang đi trong buổi hoàng hôn lạnh ngắt, dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi.

 Sương mù bắt đầu tỏa xuống. Ai đó bỗng cất lên tiếng hát “Sơn La âm u núi khuất trong sương mù. Đoàn thù tha hương cất bước lê trên đường…”. Một bài hát xưa cũ của những nhà cách mạng thương tiếc những chiến sĩ bị giặc bắt cầm tù ở Sơn La. Sao lúc này nó hợp với chúng tôi thế.



Hình ảnh cái đám ma Thục Vũ còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi cho đến bây giờ. Tôi chắc anh Tô Kiều Ngân, đến cuối đời cũng chưa quên được hình ảnh này. Nó trở thành những kỷ niệm rất riêng nhưng cũng lại rất chung của những ai đã từng sống dở chết dở qua những cái được gọi là “trại cải tạo”.



Tô Kiều Ngân và cuộc đời binh nghiệp


Có lẽ nhiều thính giả và độc giả biết đến anh Tô Kiều Ngân qua “Tiếng sáo Tao đàn” hơn là biết đến “đời lính” của anh. Tôi thì khác, tôi biết anh từ khi cùng làm chung trong mấy tờ báo của quân đội.


Trở lại chuyện xưa, khi tôi mới được lệnh về Nha Chiến Tranh Tâm Lý lúc đó còn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, (sau này mới đổi tên thành Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu), từ năm 1957, khi tôi bắt đầu về làm Trưởng Ban Báo Chí (hồi đó chưa được gọi là Phòng), tôi phụ trách điều hành chung. Hồi đó anh Tô Kiều Ngân phụ trách tờ báo có tên là “Quân Đội”, sau này cụ Ngô Đình Nhu yêu cầu đổi tên, nên chúng tôi đề nghị và được chấp thuận đổi tên thành báo “Chiến Sĩ Cộng Hòa”, ra nửa tháng một kỳ. 


Báo dành chung cho mọi quân nhân. Tờ nguyệt san Phụng Sự, dành cho sĩ quan do anh Huy Sơn phụ trách. Tòa soạn vỏn vẹn chỉ có chừng 10 người, bởi việc in ấn đã do nhà thầu đảm nhiệm hàng năm. Chúng tôi chịu trách nhiệm biên tập phần nội dung. Ngoài 3 người chúng tôi còn các anh Viêm Hồng, Lý Quảng, Phy Phy… 

Sau này, khi Cục Tâm Lý Chiến về đường Hồng Thập Tự mới có thêm Huy Vân, Tường Linh, Vũ Công Uẩn. Rồi còn có cả anh Đỗ Tốn, tác giả “Hoa Vông Vang” trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cũng về làm việc tại Ban Báo Chí. 

Nhưng ông “công tử con quan” đó chỉ đến cho có mặt rồi lại phóng xe đi. Anh lớn tuổi và cũng là nhà văn thuộc hệ đàn anh, vả lại anh về đó chẳng còn bao lâu đến ngày giải ngũ. Sau nữa có thêm Thanh Nam tái ngũ về làm báo CSCH cùng chúng tôi.



Khi mới bước chân vào “nghề làm báo” tôi chỉ là anh viết lách, chưa hề quen với nghề nghiệp này. Công việc mới tuy có thích hợp với khả năng và mong đợi của tôi, nhưng thật ra nghề làm báo chẳng giống nghề viết lách tí nào. Nghề đọc văn người khác, chọn bài và sửa bài không dễ dàng.



Bạn có biết bài học đầu tiên trong nghề làm báo của tôi là gì không? Đó là nghề sửa morrasse, tức là làm “thầy cò”. Những năm ấy, tất cả báo chí VN còn in typo, sắp chữ bằng tay rồi làm bản kẽm, hình ảnh làm clicher cho vào khuôn. Báo Quân Đội không phải kiểm duyệt nên không bị “đục bỏ”. Tuy nhiên làm thầy cò cũng không dễ. Phải biết các ký hiệu thay thế chữ nghĩa. Ngoài ra còn phải biết “dàn trang”, biết trình bày từng bài dài ngắn sao cho đúng khuôn khổ tờ báo... Đó là chút xíu về “kỹ thuật” mà tôi phải học qua các anh Tô Kiều Ngân và Huy Sơn. Tôi và hai anh ấy cùng sửa morrasse, nhưng đến dernière morrasse cho nhà in chạy máy thì tôi phải ký.



Tô Kiều Ngân rời khỏi báo Quân Đội


Cuộc đời binh nghiệp của Tô Kiều Ngân khởi thủy từ khi làm tờ báo Tiếng Kèn của Địa Phương Quân ngoài Huế. Năm 1953, anh được đồng hóa vào quân đội và đưa gia đình từ Huế vào Saigon.


Chúng tôi cùng làm chung trong Ban Báo Chí từ năm 1957, lúc đó anh mang cấp chuẩn úy. Cho đến khi dọn về Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè. Một năm sau, tôi được lệnh đi Quân Khu 3 thành lập Đại Đội Văn Nghệ cho quân khu này dưới quyền tướng Đỗ Cao Trí. Đại đội này có cả sự đóng góp rất quan trọng của nhạc sĩ Anh Bằng.


Khi Đại đội thành lập xong, đi trình diễn được ở các tỉnh thuộc quân khu, tôi trở lại Nha CTTL. Lúc đó Phòng Tài Liệu do anh Vũ Quang Ninh làm trưởng phòng đang thu thập tài liệu để làm cuốn “Trăm hoa đua nở” về vụ án “Nhân văn giai phẩm tại miền Bắc”. Tôi lại được lệnh về đây phụ giúp anh Ninh thu thập và phân tích những tài liệu này.


Bỗng một buổi sáng, vào khoảng năm 1960, tôi được lệnh trở lại Ban Báo Chí ngay. Khi trở lại tòa soạn tôi mới biết anh Tô Kiều Ngân vừa được thuyên chuyển đi đơn vị khác, cũng trong ngành Chiến tranh chính trị (CTCT). Quả thật tôi không hề biết vì lý do nào. Có thể vì nhu cầu công vụ và cũng có thể vì những lý do khác. Tôi cũng không thể tìm hiểu rõ hơn.



Anh đến tuổi được giải ngũ năm 1974 khi mang cấp Thiếu Tá phục vụ tại Phòng CTCT Trường Võ Bị Đà Lạt.


Lúc đó, để đáp ứng quân số tăng, quân đội có hơn một triệu quân nhân, tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa phát hành 200.000 số một kỳ, tính ra mỗi tiểu đội được 1 tờ.




Sau đó vì nhu cầu tin tức chiến trường ngày một cao, chúng tôi phải làm thêm tờ Thông Tin Chiến Sĩ, ra khổ lớn hơn, tuần 1 kỳ gồm 8 trang.


Đến “cuộc chơi” ở Ban Tao Đàn



Khoảng thời gian tôi và anh Tô Kiều Ngân làm việc với nhau chừng hơn 3 năm và cũng có khá nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ.


Tô Kiều Ngân rất tài hoa và cũng đào hoa, nhưng anh rất it khi đi ăn chơi cùng chúng tôi. Anh hơn tôi đến 6 tuổi và đã có gia đình nên chơi khác với cánh còn “xê li bạt” … Tôi nhớ hồi đó Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ và tôi, còn rách như cái mền, nhưng thứ bảy chủ nhật lại ngứa chân muốn đi nhảy. Ông Nguyễn Ái Lữ hiền như bụt, vài lần rủ Tô Kiều Ngân, anh cũng không chịu đi. Anh dành thì giờ cho ban Tao Đàn.



Đó là khoảng thời gian từ 1957- 1960, anh Tô Kiều Ngân là một trong những nhân vật chủ chốt của Ban Tao Đàn ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Với hơn 20 năm trong cuộc đời quân ngũ (1953-1974) thì Tao Đàn đối với anh chỉ là một cuộc chơi. Nhưng cuộc chơi ấy lại để lại dấu ấn đậm nét nhất, đáng giá nhất trong cuộc đời anh và thi ca VN.



Theo anh Phan Lạc Phúc thì sự khai sinh và công việc của Ban Tao Đàn rất đa dạng. Xin trích lược bài nhận định của anh Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng:



Những nhân vật then chốt của Ban Tao Đàn


“Người khai sinh và điều khiển chương trình Tao Đàn, như cả nước đều biết, là thi sĩ Đinh Hùng. Chương trình Tao Đàn có thể chia ra làm 3 bộ phận. Bộ phận quan trọng nhất là ban biên tập và diễn đọc gồm Đinh Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy; vài năm sau có Huy Quang Vũ Đức Vinh từ Nha Trang vào cộng tác. Bộ phận thứ 2 là ban ca ngâm gồm những tài tử nam, nữ trình diễn thường xuyên hay tùy hứng. Người “đa năng” nhất trong ban Tao Đàn là Tô Kiều Ngân. Anh vừa là tài tử diễn ngâm, vừa biên tập, vừa trong ban nhạc. Tiếng sáo Tô Kiều Ngân réo rắt thường được coi là “indicatif” của Tao Đàn, hợp cùng tiếng đàn thập lục trầm bổng của Bửu Lộc, tiếng piano trầm ấm trước của Ngọc Bích, sau của Phạm Đình Chương. 


Về giọng ngâm nam ngoài họ Tô, còn có Hoàng Thư; một thời giọng ngâm Thanh Hùng cũng có góp tiếng trên đài. Tô Kiều Ngân tuy giọng không khỏe nhưng anh là người ngâm “khéo” nhất, ngâm giọng Bắc, giọng Trung đều nhuyễn. 

Hoàng Thư có chất giọng say sưa, mạnh mẽ được đời nhớ mãi trong Bài ca Ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng với giọng thổ pha kim, xuất sắc trong những tác phẩm bi hùng. Có những giọng ngâm không có mặt lâu năm trên đài nhưng vẫn được đời ghi nhớ như Quách Đàm trong những bài lục bát hay Thiếu Lang trong Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác.

Về giọng ngâm nữ lúc khởi đầu phải nhắc tới cái ngọt ngào của Giáng Hương nhưng các tay sành điệu đều không thể nào quên giọng ngâm đổ hột đặc sắc của bà Đàm Mộng Hoàn, một danh tiếng vang lừng tại Khâm Thiên tiền chiến trong Tỳ bà Hành. 

Giọng ngâm nữ nhiều năm làm thổn thức trái tim thính giả là Hồ Điệp trong những bài thơ nức nở TTKH. Về sau có một giọng nữ như sương như khói làm khởi sắc những vần ca dao dân tộc và những bài ca huyền sử. Đó là giọng ngâm Hoàng Oanh”. (ngưng trích).



Tiếng sáo của những cảm xúc


Thật ra Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lãnh vực, làm báo, viết văn (tác phẩm đầu tay của anh là tập truyện ngắn “Người đi qua lô cốt”), làm thơ, ngâm thơ, bài sáo anh thổi ở Tao Đàn do chính anh sáng tác và đã xuất bản. 

Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tiếng sáo Tao Đàn. Bây giờ người ta nhớ đến tài năng tuyệt vời của anh vì tiếng sáo đó và giọng ngâm thơ mang âm điệu Huế hơn tất cả những thứ khác. Nếu so sánh với tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa, theo nhận xét của tôi, mỗi người có một cái hay riêng.

 Tiếng sáo của Tô Kiều Ngân cất lên theo cảm xúc từ bài thơ của tác giả và phong cách của người ngâm thơ nên bay bổng và dễ làm rung động lòng người hơn. Tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa hay về bài bản. Nếu anh thổi một bài như Thiên Thai, rất điêu luyện. Nhưng nhiều thính giả vẫn nhớ họ Tô hơn.


Từ biệt Tô Kiều Ngân, người cuối cùng của Tao Đàn ra đi


Nhận được tin Tô Kiều Ngân mất, sau khi điện thoại cho Huy Sơn và Hoàng Song Liêm, tôi gọi cho Hàm Anh (còn có bút danh là Sài Gòn Cô Nương), bởi Hàm Anh là con gái nhà phê bình Thượng sĩ, trước đây ở cùng xóm Phan Văn Trị với gia đình anh Tô Kiều Ngân. Chúng tôi mang vòng hoa tới căn nhà khá đẹp của gia đình anh ở trong một xóm nhỏ thuộc quân Bình Thạnh.



Người đón tiếp chúng tôi rất vồn vã chính là bà quả phụ Tô Kiều Ngân. Nhưng tôi đã đọc cái cáo phó của gia đình trên một tờ báo nước ngoài. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy một sự… hơi lạ. Đó là có tới hai bà cùng ký tên chung là vợ. Một bà là Phạm Thị Thìn, một bà là Lê Thị Kim Hoa. Một sự “chính danh” ít thấy trên bản cáo phó nào. Tôi phải ghi lại sự kiện này cho đúng, xin chia buồn đến cả 2 gia đình.



Tôi phải lựa lời khơi gợi lại chuyện cũ xem có đúng bà này là “đệ nhất phu nhân” thời xưa tôi đă gặp không. May quá, đệ nhất phu nhân Tô Kiều Ngân nhận ra tôi ngay. Chị ân cần nắm tay tôi thân thiết.

 Các con trai, con gái anh, cả dòng trước dòng sau, cũng thân mật như vậy. Con gái lớn của anh (là vợ của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, mất cách đây 2 năm) cũng tới thăm hỏi. Tôi có cảm tưởng như gia đình anh và tôi chưa xa nhau bao giờ.



Tôi và cháu Hàm Anh cùng vào trước linh cữu anh, từ biệt người bạn cũ. Anh ra đi là người cuối cùng cộng tác thường xuyên, là trụ cột của ban Tao Đàn. Nhà văn Tạ Quang Khôi tính nhẩm rằng:



- Thi sĩ Đinh Hùng, trưởng ban Tao Đàn của đài phát thanh Saigon, mất năm 1969 vì ung thư bao tử. Hoàng Thư, một giọng ngâm nam rất truyền cảm, mất cách đây khoảng 20 năm ở Saigon. Hồ Điệp mất tích trên đường vượt biên. Thanh Nam qua đời năm 1985 ở Seattle (tiểu bang Washington) vì ung thư cuống họng. Huy Quang Vũ Đức Vinh mất cuối năm 2005 vì bị tai biến mạch máu não trong khi bác sĩ đang giải phẫu để làm by pass (ở Seattle). Thái Thủy ra đi vì ung thư phổi ở Nam Cali cách đây gần 3 năm.



Từ biệt Tô Kiều Ngân, từ biệt nhóm Tao Đàn nhưng tiếng sáo, giọng ngâm của Tao Đàn còn lại mãi trong đời sống thi ca Việt Nam và trong lòng người Việt yêu thơ khắp nơi.




Văn Quang – 26-10-2012





Hình ảnh:




01- Di ảnh nhà thơ Tô Kiều Ngân.


02- Linh cữu và bàn thờ nhà thơ Tô Kiều Ngân tại nhà riêng 56/7/4 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh ngày 23-10-2012.




03- Bà quả phụ Tô Kiều Ngân và con trai cùng Văn Quang bên bàn thờ nhà thơ Tô Kiều Ngân.
 

04- Bà quả phụ Tô Kiều Ngân và con gái (vợ nhà văn Nguyễn Tôn Nhan đã mất cách đây 2 năm).
 

05- Vòng hoa của đại diện bạn bè từ nước ngoài và ở VN trước bàn thờ người bạn cũ.

06- Văn Quang và Hàm Anh từ biệt người quá cố.

07- Phân ưu của gia đình nhà thơ Tô Kiều Ngân trên một trang báo nước ngoài.


Bạn đọc muốn nghe lại giọng ngâm của nhà thơ Tô Kiều Ngân có thể vào đường dẫn này:


Thơ Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa - Tô Kiều Ngân ngâm


http://www.youtube.com/watch?v=C3E5k60Cvig





________________________________________________
____________
 
"Tuyệt vời của cuộc đời là sự khác biệt!" vì thế nếu quý vị không muốn tiếp tục nhận, xin  báo tuan.b.cao@gmail.com. Thành thật cám ơn. 
Cao Bá Tuấn
"Bạc lòng nhưng chẳng cam lòng,
mang theo nhục nước vào trong mộ phần" - HHC



LIÊN HỘI NHÂN QUYỀN

Bn Tin Liên Hi Nhân Quyn Vit Nam Thy Sĩ
 
Văn Bút Quốc Tế cực lực phản đối
Cộng sản kết án tù hai văn nghệ sĩ yêu nước
Võ Minh Trí (Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình (Hoàng Nhật Thông).
                                        
                                            Võ Minh Trí        Trần Vũ Anh Bình
                                            (Việt Khang)         (Hoàng Nhật Thông)
          Trong một Thông cáo/Kháng thư phổ biến chiều ngày 31 tháng 10 năm 2012 trên Mạng Lưới Hành Động Khẩn Cấp, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù bày tỏ sự kinh hoàng và mối quan tâm sâu xa trước một biến cố mới nữa, đáng công phẫn và lên án. Đó là hai bản án tù bất công và bất nhân mà ‘’tòa án nhân dân’’ cộng sản, được một đạo quân công an mật vụ giăng lưới sắt bảo vệ, sau 5 giờ xét xử, đã áp đặt lên hai nhạc sĩ yêu nước Võ Minh Trí (bút hiệu Việt KhangMinh Trí) và Trần Vũ Anh Bình (bút hiệu Hoàng Nhật Thông và Trần Vọng Kim). Ngày hôm qua, 30 tháng 10, ông Trần Vũ Anh Bình bị phạt 6 năm tù giam và 2 năm tù quản chế và ông Võ Minh Trí bị phạt 4 năm tù giam và 2 năm tù quản chế vì ‘’tuyên truyền chống nhà nước’’ cộng sản. Cả hai người đều bị công cụ pháp luật cộng sản trấn áp và bịt miệng kết tội là tác giả của một số ca khúc phổ biến trên Internet. Nhứt là trên trang web Tuổi Trẻ Yêu Nước, bên cạnh những ca khúc mà chế độ kiểm duyệt hà khắc không thể khuất phục và ngăn chận, còn có những bài viết bênh vực nhân quyền, công bằng xã hội và đòi hỏi thực thi các quyền tự do dân chủ. Kể cả việc bày tỏ thái độ của người Việt Nam khao khát được thật sự sống tự do và phục hồi nhân phẩm trước mối quốc nhục với nạn ngoại xâm ngang nhiên giết hại ngư dân Việt Nam .
          Văn Bút Quốc Tế, bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhứt, cực lực phản đối việc cộng sản dựa vào điều 88 hình luật phi pháp và độc đoán để tiếp tục giam nhốt hai văn nghệ sĩ nói trên. Đồng thời, Hiệp hội Nhà Văn Thế giới đòi nhà cầm quyền Cộng sản phải trả lại tự do, tức khắc và vô điều kiện, cho hai nạn nhân, viện dẫn Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) mà nhà nước Cộng sản đã ký kết tuân thủ.

          Vụ kết án tù hai nhạc sĩ Võ Minh Trí (Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình (Hoàng Nhật Thông)

một lần nữa đã phơi bày và tố cáo trước công luận thế giới bản chất phi nhân nghĩa của chế độ cộng sản Việt Nam . Phản ứng của các tổ chức quốc tế bênh vực Nhân Quyền đã xác nhận điều đó.

          Kháng thư của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù được gởi ngay đến nhà nước cộng sản ở Hà Nội. Văn Bút Quốc Tế cũng yêu cầu các Trung tâm Văn Bút hội viên hành động tương tự:
* Cực lực phản đối các bản án tù mà tòa cộng sản vừa mới áp đặt đối với hai văn nghệ sĩ Võ Minh Trí (Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình (Hoàng Nhật Thông);   
* Bày tỏ mối quan ngại sâu xa vì được cảnh báo về sự kiện có nhiều nhà văn và nhà báo đang bị giam cầm tại Việt Nam. Họ bị  tù đày chỉ vì phát biểu ôn hòa những quan điểm của mình.
* Đòi nhà cầm quyền cộng sản phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những nạn nhân của sự giam cầm độc đoán và vi luật đó, chiếu theo Công Ước Quốc tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) mà nhà nước cộng sản đã ký kết tuân thủ.
          Nhắc lại, ngày 24 tháng 9 năm 2012, Văn Bút Quốc Tế đã lên tiếng bênh vực ba nhà báo tù nhân Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần (Công Lý và Sự Thật) và Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn). Xin đọc Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ngày 26 tháng 9 năm 2012.
 
Sơ lược v hai văn ngh sĩ tù nhân Võ Minh TríTrn Vũ Anh Bình
 
          Nhạc sĩ Võ Minh Trí (bút hiệu Việt KhangMinh Trí) sinh ngày 19 tháng giêng năm 1978 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Thân mẫu là bà Chung Thị Thu Vân. Vợ hiền là bà Cao Thị Lan Anh, cháu trai Võ Khang mới lên 4 tuổi. Viết lời thơ phổ nhạc, ông Võ Minh Trí được biết tiếng và yêu mến với các ca khúc Anh Là Ai?, Việt Nam Tôi Đâu?, cũng như Bà Má Miền Tây, Bạn Thân, v.v. Ông từng bị bắt ngày 16 tháng 9 năm 2011, giam cầm một tuần không biết lý do. Sau đó, ông bị mật vụ canh chừng, theo dõi. Đến ngày 23 tháng 12 năm 2011 thì bọn chúng bắt nhốt ông cho tới ngày bị kết án tù. Trên trang thông tin điện tử Tuổi Trẻ Yêu Nước, cùng với các bạn hữu như Trần Vũ Anh Bình, nhà nghệ sĩ Võ Minh Trí đóng góp công trình tim óc của một thanh niên yêu nước thương đồng bào. Ông lên tiếng có mặt với cao trào tuổi trẻ dấn thân cho lý tưởng cao quý trong giai đoạn lịch sử quê hương bị độc tài cộng sản thống trị, bị xuất huyết vì quốc nạn tham nhũng  và bị tân đế quốc Bắc Kinh dần dà lấn chiếm từng mảnh lãnh thổ lãnh hải và những phi lộ xuyên qua không phận Việt Nam. ‘’Nhà thơ’’ Việt Khang đã viết những ca khúc tuyệt vời bằng những lời thơ và hồn nhạc thật là Việt Nam của miền đất ngày xưa hiền hoà và bao dung. Ông viết để tố cáo và lên án bạo lực phi nhân nghĩa bắt nguồn từ ý thức hệ cộng sản quốc tế nhập cảng bằng dối trá và mã tấu, bằng sự đồng lõa để thủ lợi và nín câm vì khiếp sợ trong hơn nửa thế kỷ qua.
          Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình (bút hiệu Hoàng Nhật ThôngTrần Vọng Kim) sinh năm 1974 tại Sài Gòn, cố đô Miền Nam Việt Nam Tự Do. Vợ hiền là bà Trương Thị Mỹ Duyên, cháu trai Trần Hạo Trương mới được 7 tuổi. Thành viên Ca đoàn liên xóm 7-8 giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ông Trần Vũ Anh Bình còn là tác giả nhựt ký điện tử ‘’Thương Mẹ Việt Nam’’ và Nhạc Việt.Tuổi Trẻ Yêu Nước.com, biên tập cho trang thông tin điện tử ‘’Tuổi Trẻ Yêu Nước‘’. Cũng như bạn ông là nhạc sĩ Võ Minh Trí, ông Trần Vũ Anh Bình viết rất nhiều ca khúc, có thể kể vài bài hát như Cho Con Ngày Mai, Chưa Vơi Câu Hò, Vững Tin Ngày Mai, Người Việt Nam, Miền Trung Ơi... Nhà nghệ sĩ chuyên viết về tình yêu quê hương, về đồng bào nghèo khổ của ông vốn hiền lành, mộc mạc và chân thật. Và ông cũng đã viết lời thơ phổ nhạc để góp phần vào cuộc tranh đấu ‘’tay trần không võ khí’’ của đủ mọi từng lớp đồng bào đối kháng cường quyền bạo chúa bản xứ và thế lực ngoại xâm Bắc Kinh từ Hoàng Sa và Trường Sa đến Cao Nguyên và Việt Bắc. Ông bị bắt ngày 19 tháng 9 năm 2011. Cũng như nhạc sĩ Võ Minh Trí và số đông tù nhân ngôn luận và lương tâm khác, ông đã bị biệt giam trong nhiều tháng trước khi gia đình được phép vào thăm.

         

            Nguồn tin và tài liệu: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam và nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Phó chủ tịch Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại (đặc trách Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm tù), thành viên Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Hội Nhà Văn Liên Hiệp Quốc - Genève.
 
Genève ngày 31 tháng 10 năm 2012
Liên Hi Nhân Quyn Vit Nam Thy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland.
 
Nguyên văn Thông cáo/Kháng thư của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm Tù
RAPID ACTION NETWORK
31 October 2012 RAN 70/12
VIETNAM: Two songwriters convicted for ‘anti-state propaganda’
The Writers in Prison Committee of PEN International is appalled by the sentences handed down to songwriters Vo Minh Tri and Tran Vu Anh Binh who were sentenced to four and six yeas in prison respectively, for conducting ‘anti-state propaganda’ via their critical songs posted on the internet. PEN International protests their imprisonment in the strongest possible terms, and calls for their immediate and unconditional release in accordance with article 19 of the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) to which Vietnam is a signatory.
 
Vo Minh Tri (pen name: Minh Tri and Viêt Khang) and Tran Vu Anh Binh (pen name: Hoang Nhat Thong) were convicted for ‘conducting propaganda against the Socialist Republic of Viet Nam’ under Article 88 of the Criminal Code, for posting the songs they authored on the internet. Both writers were sentenced after a five-hour trial at Ho Chi Minh People’s Court on 30 October 2012.
 
The court also accused the songwriters of having links with the organisation Tuoi Tre Yeu Nuoc (Young Patriots), a group that reportedly advocates respect for issues including human rights and democratic reforms. The court alleged that some of Vo and Tran Vu’s songs and blog posts had been published on the Young Patriots’s website.
 
Vo Minh Tri, aged 34, is a songwriter and performer. He was arrested in September 2011 and held for a week; rearrested three months later by public security who seized his computer and recording equipment. Some of Vo’s most popular songs Who are you?, Where is my Viet Nam ?, and The Mother in the Mekong Delta, quickly spread on various internet sites. He writes about social and human rights issues, such as poverty, police violence, and the conflict with China ’s territorial claim in the South China Sea . Vo is currently held at Trai tam giam Cong an, a Public security police temporary detention camp in Ho Chi Minh City , where he is held in solitary confinement. His four-year imprisonment sentence includes a two-year probationary period.
Tran Vu Anh Binh, aged 38, is a songwriter and blogger. He was arrested on 19 September 2011 by a group of about 10 plain-clothed police, who confiscated his computers and audiovisual equipment. He has written songs which deal with social matters, advocating the respect of human rights, denouncing social injustice and abuse of power. His most known songs include Father, You Gave Me (Your Child) the Future, and The Lullaby is Not Fully Sung Yet. He is also credited with writing the music for Courage in the Dark Prison, a song that reportedly expresses support for imprisoned blogger Nguyen Van Hai. Tran Vu is being held at the Public security temporary detention camp Trai tam giam Cong an in Ho Chi Minh City , where he was initially held in solitary confinement. He is said to be allowed one family visit per month. Following his six years in prison he will serve two years of probationary detention.
Further information:
PEN International’s latest action on imprisoned blogger Nguyen Van Hai
TAKE ACTION
Please send appeals:
  • Protesting the sentences handed down to songwriters Vo Minh Tri and Tran Vu Anh Binh, in the strongest possible terms;
  • Expressing alarm at the number of writers and journalists currently detained in Vietnam for the peaceful expression of their views;
  • Calling for their immediate and unconditional release in accordance with article 19 of the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) to which Vietnam is a signatory.
(...)  PEN International Writers in Prison Committee –
Brownlow House 50-51 High Holborn London WC1V 6ER.
Tel.+44 (0)20 7405 0338 Fax: +44 (0)20 7405 0339 www.pen-international.org .
(...) * Ghi chú thêm: Thông cáo/Kháng thư của Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm tù còn được phổ biến trên hệ thống IFEX Action Alert Network (International Freedom of Expression Exchange/Trao Đổi Quốc Tế Quyền Tự Do Phát Biểu).
   ***************************************************************
Liên Hi Nhân Quyn Vit Nam Thy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
   ***************************************************************

No comments:

Post a Comment