Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 14 December 2016

MAI THANH TRUYẾT * TIỂU TỬ * NGUYỄN MẠNH TƯỜNG *



TS MAI THANH TRUYET * TRUNG QUỐC

Huyền Thoại về Phát Triển &ø Hiểm Họa Trung Quốc
The Myth of China’s Development & the Consequences of Application of its Model
TS MAI THANH TRUYET
Nền kinh tế quốc gia Trung Quốc (TQ) đã bắt đầu được vực dậy qua chương trình hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình từ một phần tư thế kỷ vừa qua. Và trong vòng 10 năm trở lại đây, mức phát triển của TQ vẫn ở mức 8 – 9% hàng năm. Điều nầy đã làm thế giới nhạc nhiên nhất là qua các cuộc khủng hoãng tiền tệ ảnh hưởng lên các nước trong vùng mà TQ vẫn tiếp tục phát triển chứ không bị suy thoái. Trong những tháng gần đây, báo chí trên hầu hết khắp nơi đều đặt vấn đề và xem đây là một hiện tượng “con rồng TQ” bắt đầu trở mình và một đất nước “Thiên Tử” đang hồi sinh.
 Chỉ trong vòng 10 năm, TQ đã kéo 300 triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói theo định nghĩa của LHQ (lợi tức dưới 1 Mỹ kim/ngày). TQ cũng đã vô hình chung tiếp tay với thế giơí trong việc xóa đói giảm nghèo cho nhân loa.i. Sự phát triển của TQ đã là một hiện thực ngày nay và chắc chắn sẽ tiếp diễn trong những năm sắp đến.
Nhưng qua các thành tựu trên, chúng ta có thực sự thấy những gì đang diễn ra ở TQ qua các thành quả đã đạt được ngày hôm nay? Mô hình phát triển của TQ có phải là mẩu mực lý tưởng cho cho các quốc gia đang phát triển, nhất là Việt Nam, một nước “anh em” với TQ, rập khuôn theo đuổi hay không? Hay đây chỉ là một hiện tượng biểu kiến, lẫn khuất trong những “con số’ để tạo nên huyền thoại TQ?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng những chỉ số phát triển đã được công bố chỉ là những con số giả định, che đậy một tình trạng lạm phát nội tại và sự bùng nổ do quá nhiều căng thẳng sẽ xảy ra trong tương lai mà TQ sẽ phải đối mặt với một cơn khủng hoãng xã hội không xa?
Bài viết nầy có mục đích trình bày vài nét phát triển tiêu biểu của TQ và những hệ lụy trong phát triển, để rồi từ đó, mỗi người trong chúng ta sẽ chiêm nghiệm và nghĩ tìm câu trả lời cho huyền thoại của quốc gia nầy.

Đất Nước Trung Quốc
Căn cứ vào thông tin của cia.gov trên mạng lưới toàn cầu, các số liệu sau đây nói lên tình trạng phát triển chung của TQ:
Trung Quốc là một nước lớn chiếm diện tích 9.326.410 Km2, có dân số là 1.298.847.624 tính đến tháng 4/2004. Mức gia tăng dân số là 0,57% (2004). Số tuổi trung bình là 31,8 tuổi. Lực lượng lao động của TQ lớn nhất thế giới với 778 triệu (2003), trong đó tỷ lệ lao động được chia ra như sau: Lao động nông nghiệp, 50% (2001), lao động kỹ nghệ, 22% (2001) và lao động dịch vụ, 28%. Trung bình mức lạm phát vào khoảng 1 đến 2%. Lợi tức đầu người là 900 Mỹ kim (2004). Mãi lực tòan quốc (Purchasing power parity) năm 2003 là 6.449 tỷ Mỹ kim đưa đến mãi lực đầu người là 5.000 Mỹ kim (2003).
Cho đến nay, định mức sự phát triển của một quốc gia vẫn còn căn cứ vào thuyết “tam khu” của Colin Clarke, trong đó gồm khu nông nghiệp, khu công nghiệp, và khu dịch vụ. Từ đó qua sự phát triển, và qua từng giai đoạn, chỉ số phát triển của một quốc gia được tính toán qua tỷ lệ của từng khu vư.c.
Tiến trình phát triển quốc gia nói chung được ghi nhận vào các giai đoạn sau đây: 1- Trước hết, TQ chọn nông nghiệp làm chính cho giai đoạn ban đầu; 2- Khi mức sản xuất nông nghiệp đáp ứng được cán cân cung cầu trong nước, từ đấy sẽ đẩy mạnh công nghiệp sản xuất; 3- Và sau giai đoạn công nghiệp, dịch vụ sẽ là trọng tâm phát triển. Do đó, đối với một quốc gia một khi tỷ lệ dịch vụ và công nghiệp sản xuất càng cao, sự phát triển của quốc gia đó càng tăng thêm mức bền vững và giảm thiểu được nguy cơ khủng hoãng.
Như đã nói ở phần trên, TQ đã đi đôi hia “bảy dặm” bằng cách mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài từ năm 1979 dưới thời Đặng Tiểu Bình với một phương châm bất hủ là:” Dù mèo trắng hay mèo đen cũng chẳng sao, chỉ cần biết bắt chuột là được”. Trong tinh thần thực dụng trên, TQ đã thành công và đưa đất nước ra khỏi tụt hậu chỉ trong một thời gian không dài.
Ngay cả trong khi mở cửa, TQ đã vận dụng được thị trường nội địa (1,3 tỷ) để đẩy mạnh kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng. Chính nhờ kỹ nghệ nầy, TQ đã chuyển dịch được một số lớn lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ từ 70% (1970) xuống còn 50% (2001). Cho đến hôm nay, mức đói nghèo của TQ đã giảm xuống còn 16%, và mức dự trữ ngoại tệ nặng của TQ trong năm 2004 là 414 tỷ Mỹ kim.
Một yếu tố quan trọng trong vấn đề phát triển của TQ cần phải nêu ra ở dây là lực lượng lao đô.ng. Với chính sách hạn chế sinh sản hiện tại, TQ trong tương lai sẽ đối mặt với cơn khủng hoảng lao động và lao động già nua. Có lẽ vì nhận thức được điều trên cho nên quốc hội TQ vào tháng 10/04 đã có đề nghị tái xét lại chính sách một con cho mỗi cặp vợ chồng ở TQ.
Nguyên do phát triển của TQ
Trong những năm trở lại đây, TQ đã phát triển vượt bực, cao hơn mức dự tính của thế giới. Vào năm 2004, Ngân hàng Phát triển Á châu đã dự tính TQ sẽ tăng 7,9%. Nhưng trên thực tế TQ đã gia tăng 9,3%. Có nhiều lý do đúc kết sự thành công vượt bực của TQ cho những năm gần đây là:
1 – Đất nước TQ không phải chịu những tai ương thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển như những quốc gia trong vùng. Cuộc khủng hoãng dầu hỏa gần đây đã được TQ kiểm soát và điều tiết chừng mực do đó không tạo ra khủng hoảng năng lượng như những năm 1979-1980.
2 – Phát triển kinh tế ở TQ hiện tại vẫn còn trong giai đoạn xử dụng ít năng lượng hơn so với các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến;
3 – Qua vốn đầu tư ngoại quốc, TQ đã cân bằng được mức phát triển qua những dịch vụ thâm thủng trong cán cân thương mại xuất nhập nguyên liệu và thành phẩm. Thí dụ trong năm 2004, đối với thuốc nhuộm và sản phẩm màu, TQ nhập cảng 2.957 triệu Mỹ kim và xuất cảng 1.841 triệu Mỹ kim. Về phân bón, TQ nhập 2.239 triệu so với xuất là 1.075 triệu; về các hóa chất hữu cơ, TQ nhập 23.072 triệu, so với 6.713 triệu xuất cảng. Trong lúc đó, về hóa chất vô cơ, TQ nhập 1.870 triệu, và xuất 4.386 triệu; và về các sản phậm dược liệu, xuất cảng chiếm 3.133 trong đó nhập cảng chỉ là 1.829 triệu Mỹ kim mà thôi. Trong bảng xếp hạng 50 Đại công ty tòan cầu năm 2004, Cty China Petroleum & Chemical của TQ được xếp vàp hạng 9 với số thương vụ là 16,7 tỷ Mỹ kim, tăng 39% so với năm 2003, chỉ đứng sau các công ty Dow Chemical, BASF, Du Pont, Exxon, Total v.v...
4 – Phát triển TQ hiện nay đang dựa vào đầu tư ngoại quốc, do đó sự gia tăng giá dầu thô đã được mức ngoại tệ đầu tư trên bổ xung vào mức thiếu hu.t.
5 – Quan trọng hơn cả là 1,3 tỷ nhân khẩu nội đi.a. Hiện tại người dân TQ còn cần quá nhiều nhu cầu để phục vụ tối thiểu cho đời sống của người dân ở một quốc gia tân tiến, do đó kỹ nghệ TQ chỉ cần tập trung vào những mũi dùi phát triển là có thể làm cho kinh tế cất cánh mau. Những mũi dùi phát triển đó là những mặt hàng thông dụng như xe cộ, tủ lạnh, microwave, máy giặt, máy sấy, truyền thanh, truyền hình, xây dựng, và những mặt hàng gia dụng khác v.v...
Do đó, dù muốn dù không, sự phát triển kinh tế của TQ ngày hôm nay chỉ là một quá trình chuyển tiếp mục đích để phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân của nước nầy, hầu có được một đời sống vật chất “tử tế”. Một khi mức sống tối thiểu của người dân đã được bảo hòa, vấn đề phát triển kinh tế của TQ sẽ chuyển qua một tiến trình khó khăn hơn nữa mà lãnh đạo TQ cần phải tiên liệu cho tương lai, nếu muốn ngăn chặn những cơn khủng hoãng xã hội có thể xảy ra sau đó. Đó là việc chuyển lực lượng lao động qua công nghiệp và dịch vụ. Ở các quốc gia đã phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, lực lượng lao động nông nghiệp không quá 15%. Riêng tại Hoa kỳ, lực lượng nầy chỉ còn dưới 2 triệu, so với gần 300 triệu dân mà vẫn có đầy đủ lương thực cho nước Mỹ cũng như viện trợ cho hầu hết các nước nghèo trên thế giới.
Nhìn chung, TQ đã biết tận dụng lực lượng tiêu dùng qua thị trường nội địa để từ đó đẩy mạnh công nghệ sản xuất song hành cùng với dịch vụ. Từ sự chuyển dịch lao động nầy, TQ đã giảm dần tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp; đề rồi tăng trưởng kinh tế đã thể hiện những bước nhảy vọt, và dĩ nhiên, phúc lợi cũng như lợi tức của ngưới dân được cải thiện đồng biến với sự tăng trưởng kinh tế.
Đâu là sự thật?
Qua những nhận xét và phân tích ở phần trên, chúng ta thấy TQ đang có những bước phát triển “nhanh” trong tiến trình hiện đại hóa quốc gia. Nhưng những bước phát triển nhanh đó có thực sự là một thực tế hay không? Hay đó chỉ là những chỉ số biểu kiến và tương đối so với tình trạng kinh tế và xã hội của TQ hiện ta.i.
Gọi là biểu kiến vì trong quá trình phát triển quốc gia, TQ đã để lại biết bao vấn nạn môi trường với ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra trong một vài thập niên tới. TQ không có chính sách cân bằng phát triển và quản lý môi trường. Do đó, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp: không khí đầy bụi bậm chưá các kim loại độc hại như chì (lead) và thủy ngân (mercury) cùng nhiều hợp chất hữu cơ nhẹ, nguồn nước ở nhiều nơi không còn sự hiện diện của tôm cá và đã là những “dòng sông đen”, đặc biệt là trong các phụ lưu của sông Hoàng Hà và Dương Tử. Ngay cả dòng chảy của sông Hoàng Hà đã chậm dần so với trước kia, và không còn chảy ra biển nữa. Thành phố Vân Nam đã biến thành khu đại kỹ nghệ hóa chất và khi gió đổi chiều, khói và bụi thành phố đã di chuyển đến tận...Hoa Kỳ. Thành phố Thượng Hải và thềm lục địa chung quanh đang bị báo động về ô nhiễm.
Nóí chung, tình trạng môi trường ngày càng tệ hại và người dân đã bắt đầu phản kháng, nói lên tiếng nói chống đối chính quyền về tệ trạng nầy. Như gần đây nhất, hàng ngàn dân làng ở Zhejiang, phía Nam Thượng Hải (Shanghai) đã phản đối việc xây hàng loạt 13 nhà máy hoá chất từ năm 2001 ở Huaxi. Cuộc phản kháng đã bắt đầu từ ngày 24/3/2005, do dân làng đứng ra ngăn chận tất cả giao lộï tiến về làng nầy. Đến ngày 10/4, cuộc phản kháng trở thành bạo động và đã có người chết và hàng trăm cảnh sát bị thương. Đây là chỉ dấu đầu tiên sự phản kháng của người dân mà chính quyền phải chịu trách nhiệm trong việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm nguồn nước mặt tạo nên tình trạng xáo trộn đời sống dân chúng vì thiếu nước sa.ch.
Thêm nữa, hàng năm Tổ chức Tư vấn về Rủi ro Chính trị và Kinh tế (PERC) đều làm bảng thống kê và tính tóan về chỉ số trên. Năm 2004, TQ, Việt Nam, và Indonesia đều có chỉ số trên 8 trên định mức từ 1 đến 10, đứng gần cuối bảng của các quốc gia Á châu trong lãnh vực pháp luâ.t. Điều nầy chứng tỏ rằng tình trạng kinh tế-chính tri.-phát triển ở các quốc gia nầy rất bất ổn, không thuận lợi cho một sự phát triển bền vững.
Gần đây nhất, vào ngày 19/6/2005, Ông Pan Yue, Phó Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia TQ đã đặt câu hỏi như sau:” Liệu Trung Quốc có nên vui mừng mang danh “công xưởng của thế giới” hay không? Và ông cũng cảnh báo nghiêm khắc rằng:” TQ sẽ trả giá đắt về môi trường trong 20 năm tới cho việc phát triển kinh tế quá nhanh, và cuộc xáo trộn xã hội sẽ đi kèm tiếp theo sau cuộc khủng hoảng môi trường nầy”. Cũng cần nên biết thêm, hiện tại TQ ä đang đứng đầu thế giới về mức tiêu thụ nước và phóng thích nước thải, đứng thứ hai về mức tiêu dùng năng lương, và thải hồi khí carbonic vào khí quyển (17,3% , sau Hoa Kỳ với 31% theo nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng HK năm 2004), tác nhân chính của sự hâm nóng tòan cầu.
Gọi là tương đối, vì sự phát triển của TQ chỉ tương đối so với nhu cầu của 1,3 tỷ dân chúng và thị trường nhân công rẻ ma.t. Các chương trình hiện đại hóa điển hình của TQ sau đây thể hiện rõ nét của tính tương đối trong phát triển của TQ. Theo một báo cáo của Hàn Lâm Viện TQ (Chinese Academy of Sciences, 2004) thì TQ đã phát triển chậm hơn so với Hoa Kỳ 100 năm, với Đức Quốc 70 năm, và 60 năm so với Nhật Bản.
Vào năm 2001, mãi lực tính theo đầu người của một người TQ là 3.583 Mỹ kim (năm 2004 lên đến $5.000), trong lúc đó thời điểm một người Hoa Kỳ có mãi lực trên là vào năm 1892 , tức 109 năm trước đó. Vào năm 2002, lợi tức người dân HK là 35.400 Mỹ kim, tăng 4% so với năm trước đó, tức tăng 1.416 Mỹ kim. Trong lúc đó, lợi tức của một người TQ ở thời điểm trên là 900 Mỹ kim, tăng 8% so với năm trước, tức 72 Mỹ kim. Qua các số liệu trên, chứng tỏ rằng dù mức tăng trường hàng năm của TQ có là 15%, thì khoảng cách lợi tức so với HK cũng ngày càng cách xa dùHK chỉ tăng trưởng 3-4% mỗi năm.
Thêm nữa, theo một báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ vào năm 2002, hậu quả của việc phát triển ồ ạt ở TQ và lơ là trong việc bảo vệ môi trường làm cho chi phí ước tính cho việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường có thể lên đến 7% tổng sản lượng quốc gia. Nói như thế, có nghĩa là với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8 – 9%, nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng thực sự chỉ vào khoảng 2% mà thôi, cộng thêm sự di hại môi trường ảnh hưởng đến các thế hệ về sau nữa.
Do đó, TQ vẫn còn là một quốc gia đang phát triển dù hiện đang thúc đẩy rất mạnh tiến trình hiện đại hóa và khó có thể hình dung được một hình ảnh TQ vượt trội lên hàng quốc gia phát triển trong vòng 30 – 40 năm tới.
Cũng theo tài liệu của Hàn Lâm Viện Khoa học TQ, TQ sẽ vươn lên thứ hạng 39 về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới vào năm 2080, và hiện nay (2005), TQ đang được xếp vào hạng 69.
Ngay tại Hội thảo “Tổng kết 20 năm đổi mới” ở Hà Nội ngày 1/7/2005, TS Carlyle Thayer (Úc) nhấn mạnh rằng:” Sau một phần tư thế kỷ cải cách, mô hình TQ không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách như cấu trúc ngân hàng và tài chánh yếu kém, quốc doanh bị nợ nặng nề, tham nhũng tràn lan. Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vần đề tương tự, và việc học tập mô hình TQ không thể giúp Việt Nam giải quyết được”.
Để kết luận cho trường hợp TQ là quốc gia nầy sẽ không bao giời trở thành một huyền thoại trong tiến trình hiện đại hóa theo chiều hướng hiện tại, trừ phi có một sự thay đổi não trạng và quan điểm đúng đắn về việc bảo vệ môi trường, vấn đề cần phải được đặt ưu tiên hàng đầu trong phát triển quốc gia.
Và cho trường hợp Việt Nam là, mô hình hiện đại hóa của TQ sau ¼ thế kỷ đã mang lại cho Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm về các mâu thuẫn trong phát triển hơn là một khuôn mẩu để phát triển. Nhưng tiếc thay, cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn còn rập khuôn theo tiến trình trên, một tiến trình chắc chắn sẽ đưa đất nước vào ngõ cu.t.
Mai Thanh Truyết
Hội KH&KT Việt Nam (VAST)


/2005

TIỂU TỬ * ÔNG NĂM TỪ

Ông Năm Từ (Tiểu Tử)

Cả xóm đó ai cũng biết ông Năm Từ. Nói như vậy cũng chưa đúng. Phải nói rằng cả làng đó – nghĩa là trên một bình diện to rộng hơn – hỏi ông Năm Từ là ai cũng biết. Ổng “nổi danh” như vậy không phải vì ổng là một nhân vật quan trọng trong làng trong xóm, mà vì lâu lâu ổng có những cơn say rượu “dậy làng dậy xóm” nên người lớn trẻ con đều biết mặt ổng hết. Nhứt là trẻ con, những lúc đó, tụi nó bu theo ổng như một đàn ruồi…
Ổng thứ Năm, tên gì thì ít có người biết, nhưng tại vì ổng làm ông từ giữ việc quét dọn cúng kiếng trong đình của làng đó, nên người ta gọi như vậy. Cái “thứ” của ổng được ghép vào với cái ” chức” của ổng, lâu ngày trở thành cái ” tên”, vậy mà cũng chẳng thấy ổng đính chánh sửa đổi gì hết. Làm như đó là một sự tự nhiên. Riết rồi thiên hạ chẳng ai để ý, và có lẽ chính ông Năm Từ cũng quên luôn tên thật của ổng nữa!
Mấy ông già bà cả gốc xóm Đình – nghĩa là không phải mấy người mới tản cư đến đó về sau này – đều biết ông Năm hồi ổng còn trẻ, hồi những năm kháng chiến chống Pháp. Hồi đó, ổng chưa làm ông từ, ổng làm thợ câu, nhà ở dưới dốc đình, cạnh bờ sông. Người ta gọi ổng là Năm Câu, gọi trổng, nghĩa là không thêm một tiếng gì phía trước hết. Vậy là từ hồi trẻ, Năm Câu đã được người ta gọi bằng danh từ ghép, trong đó không có tên cúng cơm của mình. Đến người trong gia đình cũng không ai gọi Năm Câu bằng tên. Họ gọi ” thằng Năm”. Ông bà già vợ gọi ” thằng chồng con Hai”. Còn người vợ thì gọi ” mình” khi nói với chồng hay “nhà tôi” khi nào nói chuyện với người khác.
Mấy ông già bà cả lâu lâu hay nhắc chuyện Năm Câu hồi thời 1945. Họ nói:” Năm Câu hồi đó gan cùng mình. Nó chèo xuồng đưa du kích qua bên kia sông như ăn cơm bữa. Nói cho ngay, cũng có bà con xóm Đình coi chừng Tây với bạc-ti-dăng giùm nó. Nhưng có nhiều khi Năm Câu cương ẩu làm đại như giỡn chơi. Làm bà con muốn xón trong quần luôn! “.
Thật ra, Năm Câu làm gan một phần cũng nhờ ở địa thế của vùng đó và ở vị trí đóng quân của tụi Tây. Làng của Năm Câu nằm trên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Bên kia sông là bưng với rừng tràm mút mắt. Cuối rừng tràm là rừng già chạy dài qua Cao Miên. Vùng giáp giới đó tên là Bù Lu Chuối Nước. Kháng chiến lập chiến khu ở đó.
Điểm đặc biệt của làng Năm Câu là đất ở đó không bằng phẳng. Có gò cao trũng thấp, hai gò cao nhứt lại nằm ở hai đầu làng. Gò đầu trên – trên là vì nằm về phía thượng lưu con sông – gọi là gò đồng mả, ai chết cũng đều đưa lên đó chôn. Gò đầu dưới gọi là gò Đình, bởi vì trên gò đó có cái đình thờ thần của làng. Chung quanh đình là rừng cây dầu kéo dài xuống tiếp nối với một làng khác nằm dưới hạ lưu. Hai gò nằm cách nhau xa cỡ mấy cây số. Chính giữa trũng xuống là chợ búa và nhà cửa dân cư cất dọc theo bờ sông. Tây đóng đồn ở đây – nghĩa là ở giữa dân chúng – trên đất của ông đốc phủ Lễ. Nhờ vậy, mỗi lần Tây dẫn bạc-ti-dăng đi ruồng bố là thiên hạ đều hay hết.
Đường xuống đình băng ngang một khoảng trống khá rộng gọi là “hố quằn”, hồi xưa là con rạch nhỏ lâu ngày bị đất gò trôi xuống lấp đi. Ở đó vào mùa mưa là ngập nước. Dân xóm Đình phải xăn quần tới bẹn, lội qua đó mà xuống chợ. Nếu không chịu đi như vậy thì phải đánh một vòng rất xa, dọc theo bìa rừng dầu đi sâu về phía dưới rồi băng qua ruộng đến con lộ cái đi ngược trở lên. Xa như vậy cho nên về mùa mưa, Tây ít đi ruồng miệt xóm Đình. Và về mùa mưa, gò Đình xem giống như một hòn đảo!
Nhờ địa thế gò Đình như vậy nên Năm Câu đưa rước kháng chiến qua sông dễ như trở bàn tay. Có hôm Năm Câu theo họ vào Bù Lu Chuối Nước chơi hết mấy bữa mới về, làm trong xóm tưởng Năm Câu đi khu luôn. Nghe như vậy, Năm Câu cười khịt: ” Đi luôn rồi lấy ai mà chèo xuồng đưa mấy chả đây? “.
Năm Câu có hai đời vợ. Người vợ trước cưới về chưa đầy một năm, đau rồi chết. Ít lâu sau, Năm Câu cưới người vợ thứ nhì. Chị này người xóm Chùa, bán cá ngoài chợ. Nhờ ba con cá mà hai người phải lòng nhau. Bữa đám cưới, mấy ông già nói: ” Trai xóm Đình cưới gái xóm Chùa là đúng điệu quá rồi. Thợ câu xâu chị bán cá, thiệt là xứng đào xứng kép!”. Vậy mà chị này, sau khi đẻ thằng con trai cho Năm Câu, đau rề rề hai ba tuần lễ rồi cũng tắt thở. Mấy bà trong xóm nói Năm Câu có tướng sát thê. Rồi họ kết luận: ” Con nhỏ nào về ở với nó vài bữa rồi cũng ngủm tuốt. Mấy thằng đàn ông sát thê là vậy đó! “. Nghe như vậy, Năm Câu đành ở vậy nuôi con. Để khỏi phải chôn thêm bà vợ nào nữa hết.
Thằng con Năm Câu tên là Nhành. Càng lớn càng kháu khỉnh. Khi biết nói đỏ đẻ, nó gọi Năm Câu bằng tía nhưng vì còn ngọng nghịu nên nó phát âm là “chía” làm Năm Câu sướng rơn ! Ngày nào Năm Câu cũng gởi con cho bà hàng xóm để đi câu. Nhưng khi về đến nhà là bồng riết thằng nhỏ, rê nó đi khoe cùng xóm. Lâu lâu vừa nựng con cu của thằng nhỏ, vừa nói đả đớt: ” Tru mẹ! Ton tu này đái chôi thằng cha nó luôn.” (Đu mẹ! Con cu này đái trôi thằng cha nó luôn). Nói như vậy bởi vì hai cha con ngủ chung với nhau, và đêm nào thằng Nhành cũng đái dầm. Riết rồi gối mền gì đều khai ngấy. Từ ngày vợ chết, Năm Câu nghỉ câu đêm, ở nhà ngủ với con. Những đêm phải đưa người qua bưng, bà hàng xóm qua coi chừng thằng nhỏ trong thời gian ngắn chèo đi chèo về. Lúc này, Năm Câu không còn cò cưa ở bên kia sông như hồi đó nữa, đưa qua rồi là chèo rút về để ngủ tiếp với con. Làm như ghiền cái hơi hám đó, bởi vì trong mùi khăn khẳn của gối mền có lẫn mùi da thịt và nhịp thở thơm tho của thằng Nhành… Trong đời người thợ câu đó chỉ có thằng con là quí nhứt.
Ông từ giữ đình hồi đó là chú bà con của Năm Câu. Những lúc rỗi rảnh, Năm Câu thường lên đình phụ quét dọn với chú, và năm nào đến lễ cầu an (dân trong làng gọi là lễ ” kỳ yên”), Năm Câu cũng nghỉ câu mấy bữa để giúp chú coi trong coi ngoài, bởi vì mấy ngày đó trên đình người ta đông như kiến. Nhờ tới lui với người chú như vậy mà Năm Câu rành việc cúng kiếng tế lễ theo tập tục cổ truyền. Cho nên làng xã và các bang hội hay nhắn Năm Câu tới giúp mỗi lần có tổ chức cúng bái. Năm Câu làm những việc đó một cách rất nghiêm trang và thành kính chớ không phải hụ hợ bề ngoài. Bởi vì Năm Câu tin tưởng rằng có Ơn Trên – gồm Trời Phật Thánh Thần – và có Ông Bà phò hộ nên làng này mới bình yên như vậy và dân chúng mới làm ăn phát đạt như vậy. Năm Câu hay tự nhủ :
” Hễ mình nghĩ phải, làm phải thì thế nào cũng có Thánh Thần độ trì”. Sự tin tưởng đó thường được bộc lộ bằng những câu như ” Thần làng mình linh lắm đó bà con. Tây mà còn không dám rớ tới đình thì phải biết!”. Hoặc thường hay khuyên: ” Thề thốt bậy bạ đây rồi bị Thần vặn họng đừng có trách!”. Nói như vậy, bởi vì có lần Năm Câu chứng kiến một vụ thề trước đình của hai chị đàn bà. Hai chị này ở xóm Lò Gạch, nhà ở cạnh nhau. Một hôm, xảy ra chuyện mất tiền, rồi chị này nói chị nọ ăn cắp. Mới đầu còn đứng hai bên bờ rào xương rồng, lời qua tiếng lại. Một lúc sau, chạy xồng xộc ra ngỏ xỉa xói nhau, lôi bà con dòng họ ra mà chửi rủa rồi xáp vào nhau đánh lộn. Nhờ hàng xóm chạy qua can gián, họ mới chịu yên. Yên, nghĩa là không đánh chửi nhau, nhưng mỗi bên lôi hàng xóm ra để phân bua và làm chứng. Cuối cùng là họ kéo nhau xuống đình để thề… Thiên hạ chạy theo coi, cũng hâm hở không kém người trong cuộc! Rần rần rộ rộ như vậy mà khi vào trong đình là im phăng phắc. Tới đó rồi mà hai chị đàn bà vẫn còn thách nhau, mặc dù không dám to tiếng: ” Mầy giỏi mầy thề đi! Thề đi!”. Cò cưa một lúc rồi cũng có chị thắp nhang thề trước: ” Tôi xin thề trước đình là nếu tôi có ăn cắp tiền của con nhỏ này thì cho xe lửa cán tôi đi!”. Đến lượt chị thứ nhì, giọng còn hậm hực: ” Tôi mà nói gian cho nó cũng cho xe lửa cán tôi đi!”. Sau đó họ kéo nhau về, rã làm hai tốp, mỗi tốp đi theo một chị, im lặng, lo lắng. Trong thâm tâm mỗi người hàng xóm đều có một sự chờ đợi, phập phồng. Không ai để ý rằng chẳng có chị nào dám nói ” thề trước Thần” mà chỉ dám nói ” thề trước đình” và chuyện ” xe lửa cán” ở cái làng xa xôi này thật là quá vô lý! Vậy mà tháng sau, cả hai chị đàn bà đó đều ngã lăn ra chết. Chị bị tình nghi ăn cắp tiền chết trước, trúng gió, nằm liệt mấy hôm rồi chết không trối được một tiếng. Hàng xóm nói chỉ ” mắc lời thề “. Chị mất tiền chết sau, thầy pháp nói chỉ bị vong hồn của chị chết trước bắt! Hàng xóm lại nói chỉ ” cũng mắc lời thề “… Năm Câu thì nghĩ khác. Năm Câu cho rằng hai chị đó ” giỡn mặt với Thần; chuyện bậy bạ đâu mà dám đem Thần ra làm chứng “, vì vậy mà cả hai đều bị ” Thần quở “. Vụ thề thốt đó đã làm cho Năm Câu càng tin tưởng mãnh liệt ở sự linh thiêng của Ơn Trên…
Rồi một năm đó, vào mùa mưa, ông từ giữ đình qua đời. Làng xã và bang hội đưa Năm Câu vào đình thay thế. Từ đó, Năm Câu trở thành Năm Từ, dọn lên ở cái nhà nhỏ sau đình. Rồi cũng từ đó, thằng Nhành- lúc này đã bắt đầu lớn – nối nghiệp tía nó luôn.
Hồi còn nhỏ, nó học hết lớp nhì rồi ở nhà học nghề câu với tía nó. Lâu lâu nó cũng theo tía nó chèo xuồng đưa du kích qua sông (Bấy giờ, người ta gọi mấy người đi kháng chiến là du kích). Mấy chú du kích hay vò đầu nó hoặc để cho nó mân mê mấy khẩu súng lục. Nó khoái thứ này lắm. Vừa láng vừa nặng. Rờ vào thấy lạnh ngắt mà khi cầm trong tay thì bỗng nhiên mình cảm thấy mình không còn biết sợ cái gì hết ! Giống như có vô bùa… Những lúc đó, mắt nó ngời lên thích thú cũng bằng như vừa kéo lên một con cá bự.
Bây giờ thằng Nhành đi câu một mình. Lâu lâu cũng đưa du kích qua sông như tía nó đã làm hồi đó, và lâu lâu cũng ” đi mất ” vài hôm…
Thằng Nhành không chịu lên ở trên đình với tía nó. Nó thường đến phụ quét dọn trong đình ngoài sân, nhưng xong việc là nó trở về cái chòi tranh ở bờ sông. Ở đó, nó có cái thế giới của nó, cái thế giới mà tía nó đã tạo ra và trong đó nó đã sanh ra, lớn lên, quen nhìn quen thấy. Chẳng có gì đặc biệt: nhà tranh nền đất, một gian, một chái làm bếp, nhìn ra sông qua một sân có trồng mấy bụi mía, đám mì, mấy cây ớt, phía sau là đám chuối xiêm với giàn bầu, bên hông là con lạch nhỏ có chiếc cầu con bằng ba tấm ván vừa dùng để tắm giặt vừa dùng để cột xuồng. Chỉ có ngần đó thứ, thật đơn sơ nhưng cũng thật là thân thuộc, những thứ đã dính liền vào cuộc sống của nó từ thuở ấu thơ và bây giờ đã trở thành của riêng của nó, của một mình nó thôi.
Năm Từ ở trên đình cũng buồn. Thường xuống câu với thằng con mấy bữa hoặc ở lại ngủ với nó mấy đêm. Người ta nói: ” Năm Từ không thể vắng con quá ba ngày!”. Sáng nào cũng vậy, đi câu về chèo xuồng ghé qua chợ giao cá cho bạn hàng xong, thằng Nhành chèo miết về nhà tắm rửa rồi thả bộ lên đình kiếm tía nó. Năm Từ cũng vừa cúng nước xong. Hai cha con đưa nhau xuống xóm Nhà Máy, uống cà phê ở tiệm Tửng Gòn. Chú Tửng Gòn năm nay đã năm mươi ngoài, nhưng người trong xóm vẫn tiếp tục gọi là ” tửng “, vì đã quen gọi như vậy từ mấy chục năm nay, từ hồi chú còn nhỏ. Chú là người Quảng Đông. Ông già chú làm trong nhà máy xay lúa của ông bang Xồi từ hồi xửa hồi xưa. Qua tới đời bang Bi – con bang Xồi – lên làm chủ, ổng cũng vẫn tiếp tục làm cho đến khi ổng mất. Tửng Gòn hồi bên Tàu mới qua, không biết nói một tiếng Việt Nam. Vậy mà đi chơi chung với bầy trẻ trong xóm, ọ ẹ riết rồi cũng nói được, tuy rằng phát âm vẫn còn lơ lớ. Cách phát âm đó, mấy chục năm sau Tửng Gòn vẫn không sửa được mặc dù cưới vợ Việt Nam và đẻ một bầy con chẳng có đứa nào biết một tiếng Tàu ! Tửng Gòn và Năm Từ quen thân nhau từ hồi nhỏ. Hồi đó, trẻ con phá phách nhứt trong xóm là ” thằng Năm và thằng Gòn”. Hai đứa chiều nào cũng rủ một bầy con nít xuống tắm sông ở bến gỗ trại cưa thầy Cai. Ở đó có cây gừa thật to, gốc trên bờ nhưng thân nghiêng ra ngoài nên những cành già thả rễ dài xuống mặt nước. Mấy đứa nhỏ bám mấy rễ đó đu qua đu lại hoặc để lấy đà quăng mình ra xa lộn một vòng trước khi rơi ùm xuống nước. Cây gừa đó đã bị trận lụt năm Thìn lôi tróc gốc, nhưng những kỷ niệm cũ Tửng Gòn vẫn còn nhắc hoài. Có lần, thằng Nhành nghe Tửng Gòn kể lại: ” Hồi đó tao chưa biết lội. Thằng Năm bày đặt bắt chuồn chuồn cho cắn rún tao đau thấy mẹ rồi xô tao xuống nước làm tao uống hết một bụng ! May là chỗ đó cạn chớ không thì đã chết chìm rồi. Đu mẹ ! Thằng ác can không nổi !”. Gợi lại những mẩu chuyện nhỏ hồi xưa, Năm Từ và Tửng Gòn nghe trong lòng vừa cảm động vừa thích thú. Bây giờ, hai người vẫn ” mầy tao ” như hồi đó, nhưng nhìn nhau đã thấy bắt đầu già…Nói chuyện với Tửng Gòn, Năm Từ hay ví mình như cái đình, cũng xưa, cũng cũ, cũng rêu phong, còn thằng Nhành thì được tía nó ví như một cái nhà gạch nền đúc, mái lợp bằng ngói móc tân thời lúc nào cũng đỏ au màu mới. Ví von không phải để tiếc nuối tuổi tráng niên của mình hồi đó, mà để thấy tự hào đã tạo ra thằng con như vậy. Cái sung sướng của Năm Từ là thằng Nhành tiếp nối nghề nghiệp của tía nó và hai cha con vẫn ở gần nhau chớ không phải như bầy con của Tửng Gòn,từ ngày mẹ chết, tụi nó theo người bà con xuống Chợ Lớn làm ăn, bỏ ba tụi nó một mình với quán cà phê . Lâu lâu Tửng Gòn hay than: ” Mầy có phước hơn tao, một cây có một trái mà lúc nào cũng có cha có con. Còn tao đẻ một bầy năm đứa mà rốt cuộc cũng như không có đứa nào hết ! Đu mẹ nó !”. Tửng Gòn lúc nào mở miệng cũng phải chửi thề. Làm như là một sự cần thiết cho câu nói. Thật ra, tiếng chửi thề là tiếng Việt Nam mà Tửng Gòn học nói đầu tiên với mấy đứa nhỏ, hồi bên Tàu mới qua. Rồi cứ lập đi lập lại riết nên trở thành cái tật, bỏ không được ! Như vậy, từ mấy chục năm nên cũng không ai để ý nữa. Năm Từ cũng quên mất là chính mình hồi đó đã dạy ” thằng Gòn ” nói tầm bậy tầm bạ nhứt, để cười chơi. Bây giờ, lâu lâu nhớ lại tiếng chửi thề ” chấm câu ” của thằng bạn người Tàu, Năm Từ nghe thương bạn vô cùng. Vừa thương tính thật thà “học sao nói vậy ” của Tửng Gòn từ hồi xửa hồi xưa tới giờ vẫn không thay đổi, vừa thương tình cảnh gia đình người bạn, cũng góa vợ như mình nhưng không nhờ cậy gì được ở bầy con. Những lúc đó, Năm Từ nhìn thằng Nhành một cách trìu mến và thấy tất cả cuộc sống của mình đều tích tụ vào nó như đốm lửa ngọn đèn dầu thắp sáng trong đêm: Năm Từ là cây đèn dầu mà thằng Nhành là đốm lửa nằm trên đầu sợi tim, sức sống của cây đèn.
…Rồi một hôm có tin đình chiến với hiệp định gì đó chia hai đất nước. Chia ở đâu, thiên hạ không rõ nhưng nghe nói hết giặc là ai cũng mừng. Ở ngã ba lộ cái người ta tụ tập, nghe ngóng, bàn tán xôn xao. Tây và bạc-ti-dăng rút vô đồn, bỏ mặc bên ngoài dân chúng muốn làm gì thì làm. Xe đò nào từ Sài Gòn chạy về ngang cũng phải ngừng lại ngã ba để người ta hỏi thăm tin tức. Làm như đó là cơ quan thông tin ! Thôi thì mạnh ai nấy nói: tài xế, lơ, hành khách người nào cũng muốn chứng tỏ rằng mình am tường tình hình, ồn ào như cái chợ! Nói nghe thì nhiều, nhưng rốt cuộc chỉ vây quanh có mấy điểm: Tây thua mình thắng, xứ sở tạm thời chia hai, ai muốn ra Bắc thì theo tập kết, ai muốn ở miền Nam thì tự do vào miền Nam, vài bữa trưng cầu dân ý để thống nhứt. Thật là giản dị !
Vài hôm sau thấy có vài anh du kích về thăm nhà để sau đó đi tập kết. Đi lại thật tự do, làm như chuyện đánh giặc mười năm chỉ là chuyện giỡn chơi trong giây lát. Có vài người ghé thăm Năm Từ và thằng Nhành để cám ơn vụ đưa rước qua sông. Họ rủ thằng Nhành theo họ ra Bắc ” chơi cho biết “. Thấy được dịp đi đó đi đây thằng Nhành cũng hăng lắm, nhưng khi nó nhìn thấy đôi mắt tía nó tối lại, nó biết tía nó không bằng lòng nên nó làm thinh. Năm Từ trả lời:
- Bây giờ yên rồi, cha con tôi kể như đã làm tròn nhiệm vụ đối với kháng chiến. Mấy chú cứ đi đi. Để thằng Nhành ở lại với tôi cho có cha có con.
Họ giải thích dông dài để thuyết phục Năm Từ, nhưng rốt cuộc đành đề nghị ở lại chơi một ngày và đi câu với thằng Nhành đêm đó trước khi chia tay để đi tập kết.
Sáng hôm sau, cúng nước xong, Năm Từ ra ngồi chồm hổm ngoài cổng đình hút thuốc, đợi con, Người trong xóm đi chợ, ngang qua chào hỏi:
- Đợi thằng Nhành hả chú Năm?
Hỏi mà không cần trả lời, bởi vì họ biết chắc mười mươi là đúng như vậy. Năm Từ ậm ừ lấy lệ, mắt nhìn xuống dốc đình phía bờ sông. Lâu lâu đứng lên để cái nhìn đưa xa hơn về phía dưới. Cứ đứng lên ngồi xuống như vậy đến khi mặt trời đã lên quá hai sào mà vẫn chưa thấy bóng thằng Nhành. Thật là lạ! Xưa nay thằng nhỏ chẳng bao giờ trễ tràng đến như vậy. Chắc có chuyện gì rồi. Năm Từ đành bươn bả đi về hướng bờ sông. Đi mà giống như chạy. Phần vì xuống dốc, phần vì nóng lòng muốn chóng tới nơi. Con đường mòn dẫn tới chòi tranh của thằng Nhành, chân quen đi lại từ bao nhiêu năm, mà bây giờ sao bỗng thấy nó ngoằn ngoèo một cách vô lý. Phải đi vòng phía sau lò heo của chú Mín, bước qua hai đường mương trên mấy khúc tre gập ghềnh rồi đi quanh lò bún của dì Tư Đập mới trổ ra ruộng mía của thầy Cai. Ở đây lẽ ra Năm Từ phải bọc theo ven ruộng mía đến gốc cây gõ rồi ôm bên hông lò rèn Hai Tịnh mà ra bờ sông, nhưng đi như vậy quá chậm. Năm Từ nhắm hướng rồi băng càn qua ruộng mía. Lá mía cắt mặt cắt tay mà Năm Từ vẫn không hay không biết, cứ cắm đầu đi thẳng về phía trước. Một lúc là ra khỏi ruộng mía. Nhìn về phía bên trái là thấy nhà thằng Nhành, phên tre sập xuống im lìm. Đẩy phên tre lên, bên trong vắng ngắt. Cái nhà một gian một chái không vách ngăn, bỗng như rộng mênh mông. Năm Từ bỏ phên tre xuống, bước ra ngoài con lạch: chiếc xuồng câu không có đó. Chết rồi! Thằng Nhành chắc bị gì rồi! Năm Từ hớt hơ hớt hải chạy băng ruộng mía, chạy ngược về đình, chạy đổ xuống xóm nhà máy, ghé quán cà phê cho Tửng Gòn hay, nhịp thở cắt câu nói thành từng khúc:
- Thằng Nhành…bị…gì rồi…Nó đi câu…hồi hôm giờ…chẳng thấy về…Tao đi…mượn xuồng Hai Hiệp…kiếm nó coi.
Tửng Gòn chắc lưỡi chửi thề, chưa nói được gì thì Năm Từ đã chạy ù đi mất.
Sông Vàm Cỏ Đông rộng mênh mông. Từ bờ bên này nhìn thấy bờ bên kia nhưng hai bờ xa nhau quá ba dậm hú. Bờ bên kia không có xóm làng. Hồi xưa là bưng và rừng tràm. Dân bên này chèo xuồng qua bên đó đốn cây tràm về làm cừ hoặc đi lấy mật ong về bán. Người ta cũng qua đó khai mương đấp bờ làm ruộng. Mới đầu còn ít nhưng sau rồi rừng tràm bị đốn tới đâu là ruộng lúa lan theo tới đó. Không có ai cất nhà ở bên đó, nhưng họ cất chòi để giữ ruộng, hoặc thấp lè tè núp dưới lùm cây dại, hoặc chòi cao cẳng đứng lêu nghêu giữa đồng. Vào mùa gặt, bên đó đông như hội…
Thằng Nhành thường giăng câu bên kia sông, trong khoảng từ rạch bà Chạy kéo xuống rạch ông Tồn, ngang qua vịnh Mù U, chỗ có chiếc ghe bầu đụng bè gỗ chìm hồi tía nó còn trẻ. Vốn biết rành vùng giăng câu của con, nên Năm Từ chèo riết qua sông, đâm xéo xéo qua con rạch trên mà mắt nhìn dài theo mé nước. Dọc bờ sông cây cối mọc um tùm. Nhiều cây cao, tàn xòe ra như cây lọng, cò ở đâu về đậu trắng như bông. Buổi sáng bên sông nắng trong tinh khiết. Mặt nước trải dài rộng thênh thang. Thật mát và thật êm ả. Cảnh trí đó, Năm Từ đã từng thưởng thức không biết bao nhiêu lần mà kể. Vậy mà bây giờ, nó không còn ý nghĩa gì hết. Cái tịch mịch, cái êm ả chung quanh chỉ làm tăng thêm sự dao động bên trong của Năm Từ. Thà có tiếng ai hò ai hát, thà có tiếng ai gọi ai kêu để Năm Từ cảm thấy rằng mình đang đi vào một vùng sinh động, trong đó nếu không hy vọng gặp thằng con thì cũng còn hy vọng gặp người này người nọ để hỏi dò coi có ai thấy thằng Nhành không. Đằng này, ngoài tiếng chèo khua nước, Năm Từ còn nghe được tiếng trái tim mình đập mạnh, hơi thở mình đứt quãng. Để tránh cái cảm giác ngây ngấy khó chịu đang dâng lên, Nằm Từ dừng xuồng ở miệng rạch bà Chạy, hướng vào trong gọi lớn :
- Ớ… Nhành ơi ! Ớ… Nhành !
Tiếng Năm Từ vang dài, lồng lộng trên mặt sông, giống như tiếng mấy người quảng cáo thuốc nói trong loa. Bầy chim đâu đó hoảng hốt bay vù lên trời. Năm Từ gọi tiếp mấy lần, tiếng gọi mất hút trong xa, chỉ thấy trả về yên lặng và yên lặng. Nước bắt đầu ròng. Năm Từ thả xuồng trôi theo nước, mắt vẫn tiếp tục nhìn vào mấy hốc mấy lạch, lâu lâu gọi con, nghe như tiếng loài chim hoang chỉ sống ở ven sông để kêu khi nước lên nước xuống…
Trôi tới vịnh Mù U thì mực nước đã để lòi cao cái bánh lái của chiếc ghe bầu chìm. Không biết hồi xưa ghe đụng bè gỗ cách nào mà chìm trút mũi xuống đáy sông, chổng lái lên trời, rồi đứng nguyên ở tư thế đó từ mấy chục năm nay. Năm Từ nhớ hồi thằng Nhành còn nhỏ, lúc nào giăng câu gần đó nó cũng lội tới đó để trèo lên bánh lái lấy đà phóng xuống nước. Càng phóng ra xa chừng nào nó càng khoái chí chừng nấy. Khi trồi lên mặt nước, nó cười vang sông, tiếng cười thật trong trẻo mát rượi. Tiếng cười đó đã mất đi từ ngày thằng Nhành lớn lên, làm Năm Từ lâu lâu thấy nhớ. Sau này, bánh lái đó là chỗ mà thằng Nhành thường cột xuồng đợi nước, vừa xa bờ vừa nằm vào giữa khoảng giăng câu. Bánh lái lòi cao ra đó vậy mà thằng nhỏ nó ở đâu bây giờ ? Không có dấu vết gì của nó hết. Từ chiếc xuồng đến những cái phao làm dấu đường giăng. Năm Từ gọi tiếp rồi gọi tiếp:” Ớ… Nhành ơi ! Ớ… Nhành !”. Tiếng Năm Từ càng gọi càng nghe thảm thiết. Chỉ có mấy âm ” Nhành ơi ” mà sao nghe não nuột như một chuỗi dài than thở héo hon. Mỗi lần gọi con, Năm Từ cảm thấy như hơi sức bị hao mòn đi một ít. Cũng như niềm hy vọng đang mòn lần…mòn lần…
Nước càng ròng càng chảy mạnh. Xuồng Năm Từ trôi băng băng. Một lúc sau là tới rạch ông Tồn. Rạch này rộng hơn rạch bà Chạy, và dài hơn vì nó dẫn tới bìa rừng Bù Nóp. Hai bên rạch là ruộng lúa dài dài. Trên bờ rạch, xa xa, chòi ruộng đứng bơ vơ…
Khi cho xuồng vào vàm rạch, Năm Từ thoáng nhìn thấy trong xa ngọn cây tầm vong mà người ta thường dùng để cắm xuống lòng rạch giữ thuyền. Mắt sâu bỗng sáng lên, Năm Từ lấy sức chèo ngược dòng, chèo hối hả. Vừa chèo vừa hướng vào trong gọi to:
- Ớ… Nhành ơi ! Ớ… Nhành !
Tiếng gọi con bây giờ cũng nghe dồn dập như nhịp chèo khua nước. Chẳng mấy lúc là đã thấy dạng con xuồng nhỏ cắm sào bên chòi ruộng thấp lè tè. Năm Từ thấy không phải xuồng của con, đã chán nản, thì trong chòi có người lom khom bước ra. Nhìn rõ thì là thằng Lưa ở xóm Lò Gạch. Thấy Năm Từ, nó ngạc nhiên:
- Ủa ! Chớ bác Năm không hay thằng Nhành đi Dầu Tiếng rồi à ?
Đến phiên Năm Từ ngơ ngác:
- Thằng Nhành… Thằng Nhành đi Dầu Tiếng ?
Thằng Lưa vẫn chưa hết ngạc nhiên:
- Chớ nó không có xin phép bác sao ? Nó đi từ chiều hôm qua. Đi với mấy chú du kích. Đi Dầu Tiếng để sáng nay tập kết ra ngoài Bắc.
Năm Từ bủn rủn tay chân, vói nắm cây sào rồi tì lên đó để khỏi quị xuống. Năm Từ còn nghe được tiếng của mình nói:
- Vậy hà !
Rồi nghe tiếng thằng Lưa kể chuyện lại, tiếng được tiếng mất, chập chờn như trong chiêm bao:
- Chiều hôm qua, nó chèo xuồng lên xóm của cháu để rủ cháu đi tập kết. Cháu bị còn bà già với lúa ruộng đang mê mê nên không dám đi. Nó gởi xuồng ở nhà cháu rồi đi luôn với hai chú du kích. Cháu tưởng bác Năm hay rồi chớ !
Năm Từ lại nghe tiếng của mình nói:
- Vậy hà ! Ờ… Không hay.
Thằng Lưa còn nói loáng thoáng:
- Chiều cháu về cháu đem xuồng của nó xuống cho bác, nghen.
Năm Từ ” ờ ” lúc nào không biết. Chỉ biết có buông cây sào ngồi xuống, và biết không còn gì hiện hữu nữa mà mình thì đã chết hẳn từ hồi nào rồi…
Xuồng không được giữ lại, từ từ theo nước trôi đi. Trôi dọc, trôi ngang như chiếc lá to giữa dòng. Năm Từ ngồi trên đó như một pho tượng, lưng cong cong, đầu cúi xuống, tay buông thõng. Đến mấy khúc quanh, xuồng va vào bờ rồi trở đầu. Nhiều lần như vậy mà Năm Từ vẫn không nhúc nhích. Cuộc sống như ngừng lại. Chỉ có tiếng chim hoang kêu lên từng chập, tiếng chim trầm bổng nghe như còn tiếp tục gọi: ” Ớ… Nhành ơi ! Ớ… Nhành !”
Xuồng trôi ra sông, trôi dọc theo bờ, trôi dài xuống hạ lưu. Năm Từ chỉ giựt mình tỉnh hồn khi xuồng đụng mạnh vào một thân cây nằm dài trong nước. Va chạm mạnh đến mức độ xuồng nghiêng về một bên làm nước tràn vào trong. Năm Từ chụp lấy cây chèo để giữ thăng bằng, rồi vừa nạy cho xuồng rời khỏi thân cây vừa nghĩ: ” Mẹ ! Xuồng của người ta ! Rủi có bề gì thằng Hai Hiệp chửi tắt bếp !”. Khi xuồng đã tách khá xa bờ, Năm Từ nhìn quanh thấy mình đang ở tuốt dưới doi Cây Gõ. Nhìn ngược lên, nhờ khúc sông vừa rộng vừa thẳng, nên thấy nhà cửa xóm làng lúp xúp ở chân trời. Làm như muốn chìm xuống nước.
Sửa lại quai chèo, Năm Từ chèo về chầm chậm. Không có gì phải gấp. Không còn gì phải gấp. Bây giờ, thật sự chẳng còn gì nữa hết. Cha mẹ chết từ hồi mình còn trẻ. Vợ chết sau khi đẻ thằng con. Bà con thì chẳng còn ai. Có mỗi một thằng con mà nó cũng bỏ đi mất ! Mình bây giờ thật là bơ vơ. Cuộc đời này bây giờ thật là không còn ý nghĩa gì nữa. Thằng Nhành đi rồi, mình giống như cây đèn dầu bị thổi tắt ngọn lửa. Cây đèn dầu sẽ vĩnh viễn không còn được thắp sáng. Sự sống đã bị ai cướp mất đi rồi… Bỗng Năm Từ nghĩ lại: ” Chắc mấy thằng du kích nó dụ con mình, chớ thằng Nhành làm gì tự nó bỏ đi được ?”. Chưa kịp căm phẫn, lại nghĩ tiếp: ” Cũng tại mình hết. Ai biểu đưa rước kháng chiến ? Rồi còn tập cho thằng nhỏ đưa rước để cho nó lậm luôn. Bây giờ còn trách ai ?”. Còn đang ân hận thì lại nghĩ khác: ” Mà thằng Nhành cũng đã lớn rồi chớ phải con nít sao mà nghe lời người ta dụ “. Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi khi thì tức mấy thằng du kích, khi thì tự trách mình, khi thì giận thằng con. Lý luận vòng vo để không biết ngừng ở đâu cho phải, giải quyết thế nào cho đúng. Đầu óc Năm Từ rối tợ bòng bong…
Mặt trời đã đứng bóng. Nước còn ròng. Năm Từ chèo ngược nước mà có cảm giác như đang cố ngoi lên từ đáy sông để tìm một cái phao, một điểm tựa, một lối thoát…
Khi Năm Từ bước vào tiệm nước, Tửng Gòn nhận thấy thằng bạn như thất thần. Không đợi hỏi, Năm Từ thuật lại vắn tắt, nói như cho chính mình nghe:
- Nó đi rồi ! Nó trốn tao, nó đi rồi ! Đi ra Bắc với Tiên Tổ nó ở ngoải !
Tửng Gòn dậm chân chửi thề liên hồi. Rồi nhớ lại thằng bạn chắc chưa ăn sáng, bèn đề nghị:
- Tao nấu hủ tiếu hai đứa mình ăn nghen ! Đu mẹ nó ! Ăn cái đã !
Một lúc sau, cả hai cùng ngồi ăn, chẳng biết nói gì với nhau hết. Tửng Gòn đem ra thêm một tô xí quách và một xị đế:
- Đu mẹ ! Thứ này đưa cay là hết xẩy !
Năm Từ không phải bợm rượu, tuy lâu lâu có dịp cũng lai rai. Bữa nay, sau mấy hớp đầu, bỗng nghe trong người như được bơm thêm một chút sinh lực. Ngẫm lại mấy ông già xưa nói thật có lý : uống rượu để giải sầu. Vậy thì làm thêm vài ly cho nó tỉnh mỉnh rồi về đình còn quét lá sân trước sân sau. Mấy ổng còn nói : “Uống rượu để quên trời quên đất “. Vậy thì làm thêm một xị nữa cho nó đừng nhớ gì hết. Mà thiệt ! Sau đó không nhớ là đã nốc hết bao nhiêu xị. Quên cha nó mình là ai, ở đâu. Chỉ còn nhớ mang máng là mình vừa mất thằng con. Không ! Không phải ! Mình đang đi kiếm thằng con, thằng nhỏ đi lạc đâu đó. Coi chừng nó bị té sông. Coi chừng nó bị xe đụng. Té sông cũng chết ! Xe đụng cũng chết ! Năm Từ giựt mình đứng phắt lên nhìn ra ngoài. Tửng Gòn đang trố mắt ngạc nhiên thì Năm Từ đã xiêu xiêu bước ra đường, rồi vừa ngất ngưởng chạy như người lên đồng, vừa kêu, vừa khóc, vừa kể lể :
- Nhành ơi ! Con đi đâu ? Rồi té sông té suối làm sao ? Rồi xe cộ cán con làm sao ? Rồi con bỏ tía ở lại với ai ? Tía đây nè con ơi…Hu…Hu…
Lâu lâu, Năm Từ té quị xuống, gượng đứng lên, băng xiêng băng nai mà chạy tới như được tiếp sức bởi một mãnh lực vô hình. Trẻ con bu theo như ruồi, vỗ tay cười khi thấy người say té chúi xuống. Người lớn nhìn nhau, không hiểu. Có mấy người bước lại đỡ Năm Từ lên :
- Sao vậy chú Năm ?
Rồi khi nghe mùi rượu nặc nồng, họ đề nghị :
- Để tụi này đưa chú về đình.
Năm Từ mắt trợn trừng, vùng ra hét to :
- Về đâu ? Người ta đi kiếm thằng Nhành mà về đâu ? Nó đi lạc đâu rồi.Hu…Hu… Con ơi là con…
Rồi tiếp tục chạy, tiếp tục kêu, tiếp tục khóc. Lên đến gò Đồng Mả, Năm Từ kiệt sức, ngã lăn dưới gốc cây da rồi ngủ thiếp đi. Năm Từ không biết rằng mình đã tìm ra được một lối thoát !
Từ đó, lâu lâu nhớ con, Năm Từ ” lên ” một cơn say dậy xóm dậy làng…Đó là lúc mà cây đèn dầu của Năm Từ được vặn cho sợi tim lú lên cao thật cao để tìm ngọn lửa, ngọn lửa mà người ta đã cướp mất. Năm Từ lúc nào cũng kết thúc cơn say ở gò Đồng Mả, làm như tiềm thức dẫn Năm Từ đến đó là cuối đường………
-oOo-
Yên được đôi năm gì đó rồi lại thấy có giặc lại. Quân đội quốc gia cũng đóng đồn trên đất ông đốc-phủ, chỗ tây đóng hồi đó, nhưng đào hào đấp bờ kiên cố hơn. Dân chúng vẫn ở chung quanh, không thay đổi. Chỉ thay đổi là bây giờ không phải Việt Minh đánh với Tây mà là Việt Cộng đánh nhau với Quốc-Gia. Đánh nhau đâu ở trong xa, thật xa đến nỗi không nghe tiếng súng. Chỉ nghe đồn khi có đụng độ lớn ở đâu đó, miệt Trảng Nhỏ hay miệt Giồng Riêng. Chớ tại làng của Năm Từ thì từ thời Tây đến bây giờ chưa biết mùi giặc ra làm sao hết.
Rừng cây dầu ở gò Đình được rông cho trống trải để dễ giữ an-ninh. Mấy cây dầu lớn đều bị đốn hết, chừa lại mấy cây con, to cở bằng bắp chân trở xuống. Thành ra coi thật xơ-rơ.
Hồi đó, rừng dầu vừa rậm vừa cao, ôm lấy đình như để bảo vệ cái phong khí u-tịch đã có từ thuở xa xưa. Ngoại trừ khi cúng cầu an có rước hát bộ hát cho Thần coi, và có làng xã dân chúng tham dự rộn rịp, hoặc những khi cá nhân hay đoàn thể cúng bái tạ ơn Thần, ngày thường đình là nơi trang nghiêm vắng lặng ít người lui tới. Đối với dân làng, đó là nơi linh thiêng cần phải có tính cách biệt lập. Một phần vì vậy mà dân xóm Đình đều cất nhà cách rừng dầu một khoảng khá xa, nằm thấp phía dưới, và tin tưởng rằng có Thần ở trên cao phò hộ.
Bây giờ, rừng dầu bị chặt đi, cây con lưa thưa chưa cao quá một sào. Cái đình vì vậy nhô ra một cách trần tục, không còn gì nét tôn nghiêm hết. Năm Từ thật đau lòng và bất mãn. Mỗi một cây dầu bị hạ xuống là một lần Năm Từ nghe xót xa. Những cây dầu thân to bằng hai ba người ôm, thẳng đuồn đuột và cao nhìn trặc ót, đã có từ thời ông cố ông sơ gì tới giờ. Không phải vài ba chục năm mà được như vậy. ” Nó ” đã biết làng này từ thuở còn là một xóm nhỏ lèo tèo vài ba mái nhà tranh vách đất nằm lúp xúp cạnh bờ sông, đã nhìn cái xóm nhỏ đó từ từ lớn lên để thành cái làng với đường ngang đường dọc, với nhà gạch nhà lầu. Nó đã chứng kiến thế hệ này nối tiếp thế hệ nọ, mỗi đời người một vươn lên, từ mức dân quê dốt nát tiến đến có người làm đốc phủ, có người làm giáo sư, có người làm dược sĩ…Những cây dầu đó thật sự đã sống với làng với xóm với con người không khác gì các bô lão. ” Nó ” đã thuộc vào ” lịch sử ” của làng này cũng như khúc sông Vàm Cỏ nằm xa phía dưới kia. Đối với Năm Từ, hạ những cây dầu cổ thọ đó xuống cũng giống như mình tự cắt đứt gốc rễ, những thứ đã bắt nguồn từ sông ngòi ruộng đất của Tổ Tiên. Quí vô cùng mà tụi nhỏ bây giờ đâu cần biết !
Công tác hạ cây đã được quyết định bởi ông trung úy trưởng đồn và hội đồng xã, sau khi nghiên cứu địa hình địa vật tại chỗ ! Năm Từ có thắc mắc hỏi ông chủ tịch xã – còn trẻ măng – thì được ông này trả lời một cách thản nhiên rằng khu rừng cây này chẳng liên hệ gì tới cái đình hết và ông Từ giữ đình chẳng có trách nhiệm gì khác hơn là việc thắp nhang cúng thần hằng ngày. Năm Từ làm thinh nhưng lòng đầy cay đắng vì thấy rằng làng xã thời nay không còn là một sự tiếp nối của thời xưa cho nên phạm vi của cái đình đã bị thu hẹp lại còn có cái nóc bên trên và cái nền ở dưới !
Sau đó, ngoại trừ lúc lên đình thấp nhang cúng nước, Năm Từ hoặc đi câu hoặc lúc thúc ở trong nhà- một ngôi nhà nhỏ cột gỗ ngói âm dương cất ở góc sân sau đình – chớ không ra quét lá đều đặn như lúc trước nữa.Vì vậy, đình càng u-trệ xơ-rơ hơn. Người trong xóm biết Năm Từ bất-mãn, tuy rằng chẳng nghe Năm Từ phân bua than thở với ai một lời.
Một hôm, đang lúi húi quét dọn trong đình, Năm Từ nghe có người gọi nhỏ từ ngoài sân :
- Chú Năm ! Chú Năm !
Nhìn ra, thấy một người đàn ông lạ mặt, áo sơ-mi trắng quần tây đen, xách cạc-táp có vẻ như một thầy thơ-ky.ù Năm Từ bước ra hiên :
- Ờ…Thầy hỏi chi ?
Người đàn ông nhìn quanh trước khi nói :
- Tôi có cái thơ của thằng Nhành gởi cho chú.
Năm Từ nghe điến hồn như bị sét đánh gần bên, bỏ rơi cây chổi lúc nào không biết. Từ mười mấy năm nay, cái tên Nhành chỉ được Năm Từ gọi trong cơn say – nghĩa là miệng gọi nhưng tai không nghe và đầu óc không nhớ – cho nên âm thanh đó bị dìm sâu trong tiềm-thức. Bây giờ, trong lúc Năm Từ đang tỉnh táo mà âm thanh thân yêu đó bỗng bật lên quá nhanh, quá mạnh và quá bất ngờ, làm Năm Từ choáng váng đứng không vững , tưởng chừng như mình đang trong cơn say ! Một lúc sau, Năm Từ có cảm giác như vừa ngoi lên khỏi mặt nước, nói bằng một giọng trống rỗng:” Vậy là nó còn sống !”
Người đàn ông bứơc lại gần :
- Dạ. Nó đang công tác ở ngoài đó và vẫn mạnh khỏe. Nó nhớ chú lắm và thường hay nhắc tới chú.
Năm Từ nghe lòng ruột rã ra từng mảnh. Hình ảnh thằng con hiện về trong đầu thật rõ nét làm như nó chưa bao giờ rời khỏi vòng tay của mình. Năm Từ cười như mếu :
- Vậy hà ?
Ngừng một lúc rồi tiếp :
- Mời thầy qua nhà tôi uống nước.
Vào nhà, Năm Từ rót trà mời khách :
- Thầy uống miếng nước.
Người đàn ông cười hiền hòa :
- Tôi tên là Qui. Bạn bè kêu là Sáu Qui. Chú cứ gọi tôi là thằng Sáu hay thằng Qui gì cũng được.
Một lúc sau, Sáu Qui mở cập lấy thơ đưa cho Năm Từ :
- Thằng Nhành ra ngoài đó được cho đi học lại. Bây giờ, chữ nghĩa nó đạt lắm.
Năm Từ cầm lấy thơ mà tay run-run. Lật qua lật lại một lúc rồi trao cho Sáu Qui :
- Tôi dốt. Không biết đọc. Thầy đọc tôi nghe coi.
Sáu Qui hớp một ngụm trà rồi đọc thơ. Năm Từ cầm chén trà hớp từng hớp nhỏ, đầu gật gù giống như người ta đang thưởng thức trà. Thật ra lòng Năm Từ vừa mở rộng sung sướng lại vừa cảm động miên man…Cây đèn dầu “Năm Từ ” bỗng thấy sợi tim lú lên cao, đầy hy vọng. Bởi vì có người vừa bật diêm quẹt gần đâu đó !
Thơ không dài. Đại khái là thằng Nhành vẫn mạnh giỏi, công tác tốt. Nó sẽ trở về một ngày gần đây. Điểm chánh yếu trong thơ là nó gởi gấm Sáu Qui cho tía nó. Cuối thơ, nó viết :”Càng nhớ tía bao nhiêu, con càng có bổn phận phải kiên trì đấu tranh để đem lại hòa bình cho xứ sở “. Nghe đọc thơ xong, Năm Từ ngồi lặng yên. Làm như là để cho nó ngấm từ từ vào người cái ngạc nhiên, cái khoái trá, cái hãnh diện, cái sung sướng…
Sáu Qui cũng không nói gì, ngồi nhìn thẳng ra bìa rừng. Bây giờ cây nhỏ lưa thưa nên thấy tuốt xuống hố quằn và con đường đất dẫn lên lộ cái. Có tiếng chim kêu trong lá và tiếng con gà mái tục-tục gọi con bên hè. Buổi sáng trên đình thật là êm ả. Không khí mát rượi trinh nguyên…Bỗng Sáu Qui hỏi Năm Từ :
- Nghe nói rừng dầu rậm lắm mà sao bây giờ coi xơ-rơ vậy chú ?
- Ờ…Họ đốn hết lấy gì mà rậm.
Sáu Qui hỏi tiếp :
- Ai đốn ? Mà tại sao phải đốn ? Hả chú ?
Giọng Năm Từ cay cú :
- Ối…Thì chánh quyền đốn chớ ai dám vô đây mà đốn. Họ nói để giữ an-ninh gì gì đó không biết nữa !
Sáu Qui chắc lưỡi :
- Thiệt là bậy ! Đâu phải nhờ đốn hết rừng mà giữ được an ninh đâu chú. Đình chùa là tượng trưng cho sự tự-do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, phải được nhà nước tôn trọng. Xúc phạm những nơi đó mới là chuyện làm mất an ninh đó chú !
Năm Từ thật hả dạ khi nghe Sáu Qui lý luận như vậy và bỗng thấy người đàn ông mới quen đó thật là gần gũi với mình, làm như đã biết nhau từ lâu. Giọng Năm Từ trở nên thân mật hơn :
- Đúng vậy. Họ có nghỉ như mình đâu !
Ngừng một chút rồi tiếp :
- Vậy chớ thầy Sáu quê ở đâu ?
Sáu Qui bật cười :
- Chú kêu tôi bằng thầy nghe cách biệt quá chú ! Kêu tôi bằng cháu đi, như tôi là anh của thằng Nhành vậy.
Năm Từ nghe lòng thật ấm cúng :
- Ờ…cũng được. Vậy quê cháu ở đâu há ?
Sáu Qui vắn tắt kể lại lai-lịch của mình : cha mẹ gốc miền Trung, vào Dầu Tiếng làm phu cạo mủ cao su ; Sáu Qui lớn lên ở đó, đi kháng chiến rồi tập kết đi luôn tới giờ ; kỳ này vào Nam để công tác ba tỉnh miền Đông ; Sáu Qui hành nghề châm cứu để độ nhựt…Rồi Sáu Qui kết :
- Trong thời gian công tác ở vùng này, tôi chỉ biết trong cậy vào sự đùm bộc giúp đỡ của chú thôi.
Năm Từ bỗng thấy như được giao một trách nhiệm, tuy không nguy hiểm bằng công tác đưa rước người qua sông hồi thời kháng chiến chống Pháp, nhưng cũng không kém phần quan trọng . Hình ảnh thời ” oanh-liệt ” hồi Năm Từ còn là Năm Câu ” đưa kháng chiến qua sông như ăn cơm bữa “…hiện về thật rõ nét trong đầu Năm Từ. Giống như mới hôm qua hôm kia ! Mắt Năm Từ bỗng sáng lên, máu trong người bỗng chảy mạnh hơn và chỉ trong có mấy giây thôi mà Năm Từ bắt gặp lại cái cảm giác hăng hăng của thời trẻ. Năm Từ hạ giọng :
- Ờ…Cứ ở đây với tôi. Yên chí ! Có Thần linh phò hộ, đừng có lo !
Ngừng một lúc rồi tiếp :
- Cháu à ! Hễ mình nghĩ phải làm phải thì chuyện gì cũng được Ơn Trên giúp đỡ hết !
Từ đó, Sáu Qui nghiễm nhiên trở thành cháu bà con của Năm Từ. Cha Sáu Qui là anh bà con một đầu ông cố với Năm Từ, lâu nay lưu-lạc miệt Chợ lớn, bây giờ tìm riết mới gặp lại nhau. Năm Từ dựng đứng câu chuyện như vậy để thiên hạ đừng ai để ý. Người ta gọi Sáu Qui là thầy Sáu châm cứu và nhà Năm Từ trở thành ” phòng mạch bình dân “. Thầy Sáu châm mát tay nên bệnh nhân tới lui cũng khá. Lâu lâu, thầy Sáu vắng mặt vài hôm. Nghe nói thầy còn nhiều phòng mạch ở các tỉnh khác, bỏ bịnh nhân không đành…
Thời gian qua mau. Việt Cộng đánh càng ngày càng gần. Tuy chưa nghe tiếng súng nhưng dân làng biết như vậy bởi vì người ở các vùng đó tản cư về đây càng ngày càng đông. Và họ đưa tin còn nhanh hơn bưu điện !
Quân đội Mỹ kéo tới đóng đồn tuốt trên gò Đồng Mả. Không phải tại gò Đồng Mả, mà là ở khoảng giữa gò Đồng Mả và xóm Lò Gạch. Ở đó cũng có một cái gò, người Mỹ dùng mấy đoàn xe cam-nhông chở đất đỏ từ đâu về đổ lên đó và máy ủi đất đấp vung lên cho gò thêm cao. Chỉ có mấy hôm mà gò đó đã trở thành điểm cao nhứt làng. Cái gò mới đó không có tên, nhưng nó được dân làng gọi là ” thành Mỹ “, bởi vì có hầm hố bờ đê kẽm gai thật kiên cố ! Mỹ kéo về đó mấy cây đại-bác. Đêm đầu tiên Mỹ bắn đại-bác, dân làng đang ngủ bỗng giật mình ôm nhau tưởng đâu trời sập, trẻ con khóc điếng lên như bị ai cắn. Xưa nay làng này chưa từng nghe tiếng nổ to như vậy. Sau tiếng nổ điếc con rái là tiếng đạn bay nghe cái ào trên đầu làm tóc gáy dựng lên. Dân làng bắt đầu thấy cuộc đời này không còn yên ổn nữa.
Quân đội Mỹ thường bắn đại-bác về đêm. Nghe riết rồi cũng quen, nên không còn ai để ý. Đến một hôm đó, đại bác nổ ban ngày. Thiên hạ bàn-tán nho nhỏ với nhau : ” Chắc Việt Cộng di quân ban ngày nên mới bị pháo như vậy “. Rồi sau đó, ngày đêm gì cũng có tiếng đại bác. Và dân làng bắt đầu nghe xa xa tiếng súng đụng độ giữa hai bên…
Đến khi Việt Cộng bắt đầu pháo kích vô làng thì không thấy thầy Sáu châm cứu trở về phòng mạch ở đình nữa. Năm Từ cũng không biết ” thằng cháu ” đi đâu, đành nói với hàng xóm : ” Nó về dưới Chợ lớn chắc bị bắt quân dịch luôn rồi “. Nói như vậy chớ Năm Từ biết mình bị Sáu Qui bỏ rơi, cũng giống như thằng Nhành hồi đó.
Một hôm, vào quá nửa đêm, Việt Cộng pháo vô xóm Đình. Một trái rớt xuống sau đình, tiếng nổ to đến mức độ Năm Từ rớt từ ghế bố xuống đất. Bầy gà sau nhà kêu lên oang-oác. Năm Từ mở mắt nhìn quanh : bóng tối còn nguyên như cũ, vậy là trái đó không rớt trúng nhà mình ! Rồi Năm Từ mò mẫm trèo lên ghế bố, càu nhàu : ” Mỹ ở tuốt gò Đồng Mả sao không pháo. Pháo chi xóm Đình chẳng có con mẹ gì hết “.Sáng hôm sau, thấy nửa mái đình phía sau bay mất, cột kèo đổ nát tan hoang. Năm Từ nghe lòng đau như cắt. Và chua chát nghĩ : ” Thần Thánh thời nay cũng không được người ta để cho yên ! ” Tuy nhiên, vẫn tin tưởng rằng những ai xúc phạm tới đình sớm muộn gì cũng sẽ bị Thần quở.
Sau đó đình không được sửa chữa lại. Người ta nói chánh quyền quốc gia còn quá nhiều việc cấp bách để làm. Tình trạng đổ nát đó kéo dài đến ngày ba mươi tháng tư bảy mươi lăm…
-oOo-
Bây giờ mới thật là yên giặc. Không còn nghe một tiếng súng. Chỉ nghe tiếng loa phát thanh của nhà nước cách mạng. Cũng uềnh oang như ngày xưa khi trong làng có gánh cải lương…
Không thấy thằng Nhành về. Cũng không thấy Sáu Qui. Chỉ thấy người lạ ở đâu tới tiếp thu làng xã. Hỏi ra là dân Bù Lu hoặc Trảng Nhỏ xa xa…
Không khí trong làng thật là rộn rịp. Không phải do dân trong làng tạo ra sự rộn rịp đó như trước đây vào dịp Tết hay dịp cúng đình cầu an. Sự rộn rịp đó do số người mới đến cầm quyền chạy tới chạy lui gắn loa trương cờ,căng biểu ngữ, vẽ khẩu hiệu. Ngoài một số thanh niên ” nhào ” theo để dựa hơi (thiên hạ gọi là ” mấy thằng ba mươi “) hầu hết dân trong làng chẳng thấy ai nhúc-nhích. Họ giống như khán giả được cho coi hát khỏi trả tiền. Thành ra họ yên tâm nhìn cuộc diện thay đổi một cách bàng quan. Và nghĩ một cách đơn giản : ” Hết bị pháo kích, con cái khỏi phải đi lính…vậy là phước lắm rồi ! “. Chẳng dè làm ” khán giả ” chỉ được có năm bảy hôm gì đó, rồi là họ bị gọi đi đăng ký, đi báo công báo tội , đi học tập nghị quyết…Riết rồi họ trở thành ” đào kép trên sân khấu cách mạng ” lúc nào không hay ! Một loại đào kép không thuộc tuồng tích, nhưng lúc nào cũng được mấy ông bầu cách mạng bắt thủ vai chánh trong mọi vở bi hài kịch của họ : vai ” nhân dân làm chủ ” !
Đình bị lấy làm hội trường. Nửa phía sau đổ nát vẫn để nguyên như vậy. Bàn thờ Thần, cây lộng cây phướn…được dọn hết vào nhà sau. Làm như là đồ riêng của Năm Từ ! Hai ” ông hổ ” bằng gỗ ngồi hầu trước bàn thờ Thần, bị liệng ra sau hè, nằm chỏng gọng. Công tác dọn dẹp đình được mấy ” ông cách mạng ” tự tay làm lấy trong lúc Năm Từ bận giăng câu bên kia sông.
Bữa đó, đi câu về đến dưới dốc, Năm Từ chợt nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phe-phẩy trên đầu cột trước đình. Cột cờ này xưa nay chỉ dùng để kéo lá phướn của Thần khi cúng lễ. Thời quốc gia, ngay cả thời Tây, chưa ai dám phạm thượng treo ở đó lá cờ nào khác. Năm Từ nổi nóng, bươn bả chạy lên đình. Ở đó, bây giờ giống như mấy nhà xưa có đám cưới. Chỉ khác là nhà có đám cưới người ta kết bông bằng vải tây điều treo có tua có tụi, còn đây thì căng vải đỏ sơn chữ vàng tứ phía. Bên trong, trống bóc.
Trên vách ngăn ở giữa đình có lá cờ đỏ sao vàng với ba khuôn hình treo ngang nhau. Năm Từ nhìn ra Hồ Chí Minh còn hai hình kia là một thằng… tây râu xồm tóc dài và một thằng… tây râu ngắn đầu sói. Thiên hạ đang lúi húi quét dọn. Năm Từ la lớn :
- Tụi bây làm gì vậy ? Ai cho phép tụi bây vô đây ? Bộ muốn phá đình hả ?
Cả bọn ngừng tay, ngạc nhiên. Một thằng hỏi :
- Chú không hay gì à ? Ủy ban nhân dân biểu lấy đình làm hội trường.
Năm Từ trừng mắt :
- Làm cái giống gì ?
Tên đó giải nghĩa :
- Làm hội trường. Nghĩa là làm chỗ để nhân dân hội họp học tập !
Trong một thoáng, Năm Từ bỗng nhớ lại câu nói của Sáu Qui, nhớ rõ như đã học thuộc lòng. Năm Từ nói ra câu đó như trả bài:
- Đình chùa là tượng trưng cho sự tự do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, phải được Nhà Nước tôn trọng. Xúc phạm những nơi đó là chuyện làm mất an ninh ! Tụi bây hiểu chưa ?
Cả bọn bỗng phá lên cười như đang coi một màn hài hước ! Năm Từ “phẫn nộ xung thiên” chụp một cây chổi đập túi bụi lên tụi “cách mạng” vừa đập vừa la :
- Tụi bây giỡn mặt với tao hả ? Tây, tao còn không sợ ! Mỹ, tao còn không sợ ! Huống chi cái giống tụi bây. Đi ! Đi ra khỏi chỗ này !
Rồi Năm Từ cầm chổi chỉ ra cột cờ :
- Ra mà lôi lá cờ đó xuống. Ở đây không ai được phạm thượng hết !
Lúc đó, coi Năm Từ thật “oai phong lẫm lẫm”. Mấy thằng “cách mạng” kéo nhau chạy biến về hướng ngã ba lộ cái,làm lũ chó xóm Đình chạy theo sủa rân !
Thấy không còn ai để hạ lá cờ, Năm Từ đành đi ra cột cờ để tự tay tháo gỡ, nách vẫn cập cây chổi vì thói quen quét dọn trong đình. Năm Từ phải mất một thời gian ngắn để kéo lá cờ xuống, vì sợi dây treo cờ bị kẹt trong rỏ-rẻ trên đầu cột. Trong khi Năm Từ đang gom tóm lá cờ thì có hai xe cam-nhông chạy ù tới gò Đình, ngừng ở bìa rừng, đổ xuống hai toán bộ đội súng khua lách-cách. Họ lom khom chạy thật nhanh, dàn trận bao vây đình giống như sắp tấn công một đồn bót của Mỹ Ngụy ! Trên nền xi măng cao của kỳ-đài, Năm Từ chống cây chổi, nhìn cảnh tượng đó mà tự hỏi: ” Tụi nó làm cái giống gì vậy, không biết ?”.
Yên lặng một lúc. Có vài tiếng chó sủa vẩn vơ xa xa. Chim vẫn kêu trong lá. Mấy con rắn mối rượt nhau trong lớp lá dầu khô, nghe sột soạt. Làm như chẳng có chuyện gì xảy ra trong đình ! Bỗng, hai thằng bộ đội đứng lên chạy thẳng vào sân từ hai ngã đối diện, chĩa súng vào Năm Từ, quát lớn :
- Bỏ khí giới xuống ! Đầu hàng ngay ! Chống phá cách mạng phải không !
Bấy giờ, Năm Từ mới hiểu : té ra tụi nó bao vây mình ! Nhìn xuống cây chổi đang cầm trong tay, Năm Từ bật ngửa cười khan. Thì ra tụi nó sợ…cây chổi !
Thừa lúc Năm Từ cười, một tên bộ đội phóng lên trở bán súng đập vào lưng làm Năm Từ văng ra khỏi kỳ đài té xấp xuống đất bất tỉnh. Hai đứa vội vàng đè lên người rồi trói quặt hai cánh tay về phía sau giống như người ta tréo cánh con gà sau khi đã cắt cổ. Chừng đó, hai toán bộ đội mới kéo vào tập trung quanh kỳ đài để nhìn cho rõ ” tên phản-động”. Người trong xóm thấy chộn rộn cũng chạy ra, đứng xa xa nhìn. Khi thấy Năm Từ bị lôi ra thảy lên xe , người ta mới biết là Năm Từ bị bắt .
Trong thời gian Năm Từ bị giam trên tỉnh, Tửng Gòn đóng cửa tiệm cà-phê hết mấy bữa để lên nuôi bạn và nghe ngóng coi có lo được gì không. Nhờ đó mà dân trong làng mới biết là Năm Từ bị hai tội: chống phá cách mạng và ngoan cố không chịu khai tên họ thật mà cứ dùng…bí danh ” Năm Từ ” ! Nghe như vậy, ai cũng bất nhẫn bởi vì ai cũng biết là Năm Từ đã làm rớt dưới sông thẻ căn cước từ thời ông Diệm,rồi từ đó trong mình không có một tờ giấy lộn. Ngoài ra, từ mấy chục năm nay, từ hồi nhỏ, hồi còn là thằng Năm, đến thời lớn lên làm thợ câu, rồi về già vô đình làm ông từ…chưa nghe ai gọi Năm Từ bằng tên trong khai sanh, thì lấy gì để Năm Từ nhớ ? Còn chuyện chống phá cách mạng thì thật là bá vơ bởi vì “cha con thằng chả làm giao liên cả mấy chục năm, rồi còn đưa thằng con đi tập kết nữa lận !”. Bàn qua tán lại để rồi người nào cũng chắc lưỡi lắc đầu, chớ chẳng biết làm sao hết.
Một hôm, Sáu Qui đi với hai tên hộ vệ cầm súng bá đỏ, vào thăm Năm Từ trong trại giam. Sáu Qui nói :
- Tôi có ghé đình thăm chú, mới hay vụ này. Mấy đồng chí đó bậy quá ! Chú cũng đừng buồn. Rồi ta sửa sai thôi !
Năm Từ ngồi nghe, chẳng nói chẳng rằng. Nhớ lại ngày nào mình đùm bọc Sáu Qui và câu mà mình thường nói cho nó nghe ” hễ mình nghĩ phải làm phải thì lúc nào Ơn trên cũng phò hộ”…bây giờ sao thấy nó trật lất ! Cũng như chuyện chiếm đình treo cờ…rồi cũng chẳng thấy thằng nào bị Thần vặn họng hết. Riết rồi chẳng biết đâu mà rờ…
Sáu Qui lấy trong cập ra một khuôn kiếng trao cho Năm Từ :
- Đảng và Nhà Nước cấp cho chú bằng khen đã giúp cách mạng. Biết chú không có phương tiện nên tôi lộng kiếng bằng khen luôn cho chú để chỉ cần treo lên thôi.
Năm Từ cầm lấy khuôn kiếng, nhìn bằng khen có đóng mộc đỏ như nhìn tờ giấy trắng bởi vì không biết chữ. Rồi cũng không nói gì. Sáu Qui lại tiếp :
- Phần tôi, tôi xin tặng chú chân dung bác Hồ dệt trên lụa.
Sáu Qui cầm cuộng lụa xổ ra trước mặt Năm Từ, khoe :
- Dệt ở bên Trung Quốc lận. Mới nhìn tưởng hình chụp, phải không ?
Năm Từ cầm lấy chân dung cuốn lại, hỏi :
- Còn…thằng Nhành ?
Sáu Qui đốt điếu thuốc, hít mấy hơi rồi mới nói :
- Thằng Nhành chết lâu rồi !
Năm Từ nhìn Sáu Qui, tưởng mình nghe lộn :
- Chết ?
Sáu Qui lại hít mấy hơi thuốc :
- Chết hồi mới ra Bắc.
Vai Năm Từ bỗng xuôi xuống. Lưng Năm Từ bỗng cong lại. Cổ NămTừ bỗng không còn giữ nổi cái đầu. Một lúc lâu, sực nhớ ra, Năm Từ hỏi :
- Còn cái thơ nó viết cho tôi hồi đó ?
Sáu Qui nuốt nước miếng mấy lần mới trả lời :
- Thơ đó do tôi viết.
Thấy Năm Từ không tỏ phản ứng gì hết, Sáu Qui tằng hắng như để lấy can đảm :
- Chú đừng giận. Hồi đó phải làm như vậy để có ngày hôm nay : cách mạng thành công ! Trong cuộc đấu tranh giải phóng, chú đã đi hàng đầu và đã có công lớn đối với cách mạng. Nhân dân biết ơn chú nhiều lắm !
Năm Từ vẫn im lặng. Nói gì nữa giờ, khi mà tất cả đều sụp đổ, tất cả đều đảo lộn, tất cả đều gian xảo ? Mà mình thì đúng là một thằng ngốc ! Bỗng Năm Từ bật cười một mình, rồi ” Ờ…” một tiếng cho lấy có, nghe như tiếng “ợ” của người ăn không tiêu…
Vậy là nhờ sự can thiệp của Sáu Qui, Năm Từ được thả về, ôm theo cái bằng khen và chân dung Hồ Chủ Tịch. Bây giờ, đình đã thật sự trở thành hội trường và căn nhà phía sau là phòng lương thực. Tất cả đồ đạc đều được dọn hết về nhà riêng của Năm Từ ở cạnh bờ sông, trong thời gian Năm Từ nằm ở trại giam trên tỉnh.
Từ ngày trở về làng , Năm Từ cứ lầm-lầm lì-lì, không giao thiệp nói chuyện với ai hết. Kể cả với Tửng Gòn ! Nhưng, sau khi nhậu ba sợi rồi là lè nhè nói hoài không ngừng và lâu lâu cười lên hô hố. Dân trong làng mới đầu còn ngạc nhiên thương hại, nhưng riết rồi họ cũng quen. Cho nên chẳng ai để ý thấy một con chó hoang đi theo Năm Từ mỗi ngày. Và khi Năm Từ đứng xiêu xiêu, chỉ đông chỉ tây nói láp dáp, nó vểnh tai nhìn Năm Từ, đầu nghiêng nghiêng đuôi ngoắt ngoắt, ra điều “ta đây hiểu hết” ! Năm Từ cũng không nhớ con chó đã theo về ” ở ” với mình từ hồi nào. Chỉ biết có cho nó ăn uống đều đặn, đi đâu thì nó đi theo như đi “hộ tống”, đi câu bên sông thì nó giữ nhà, tối ngủ trên ghế bố thì nó nằm khoanh phía bên dứơi. Năm Từ thường nói chuyện với nó như nói chuyện với một con người.
Một hôm, nhậu ba ngù rồi, Năm Từ mang chân dung Hồ Chí Minh tòn teng trước ngực, vừa đi vừa hô “Hồ Chủ Tịch muôn năm !” giống như đi mít tinh. Ngả ngả nghiêng nghiêng đi dài theo lộ cái. Chẳng thấy ai đi theo, kể cả trẻ con vì tụi nó bây giờ bận công tác “khăn quàng đỏ”. Chỉ có con chó là lẽo đẽo đi sau, cách vài ba bước giống như cái bóng. Một lúc, Năm Từ dừng lại nhìn nó, đưa ngón tay trỏ lên điểm điểm :
- Mầy… mầy… ăn ở còn có nghĩa có tình chớ không phải như tụi nó… Mầy còn hơn tụi nó nhiều lắm ! Nghe không mậy, cẩu ?
Rồi cười lên hô hố khoái trá. Xong chỉ vào chân dung Hồ Chí Minh phân trần : “Mầy thấy không ? Hồi tao còn trẻ, tao gọi ổng là cụ Hồ. Bây giờ tao già rồi mà thằng chả lại trẻ ra bởi vì tao chỉ còn gọi bằng bác Hồ thôi ! Ngược đời vậy đó, mậy cẩu ! “Nói xong, Năm Từ ưỡn ngực hô to : “Hồ Chủ Tịch muôn năm”. Con chó bỗng sủa lên quấu quấu. Năm Từ ngạc nhiên, trợn mắt nhìn nó, lại đưa ngón tay trỏ lên điểm điểm :
- À ! Ạ ! Biết sủa như vậy là mầy giống tụi nó y chang rồi còn gì ?
Rồi vừa xiêu xiêu bước đi, Năm Từ vừa nói lầm bầm : “Đời bây giờ … thiệt … không biết đâu mà rờ … Tới con chó cũng không giống ai hết !”
Cuộc “mít-tinh cách mạng” một người một chó đó kết thúc ở gò Đồng Mả. Năm Từ mệt lả, ngã đại xuống một khoảnh đất còn trống giữa mấy mả vôi mả đá. Con chó ngoắt đuôi, ngập ngừng một lúc, xem “động tịnh” rồi mới bước nhẹ tới nằm kế bên !
-oOo-
Cũng trong đêm đó, chừng quá nửa đêm, đình và rừng dầu bỗng phát cháy. Đám cháy lớn đến nỗi dân chúng chỉ dám đứng xa mà nhìn. Thiên hạ kéo ra coi đông nghẹt ở ngã ba lộ cái. Từ đó nhìn xuống đám cháy, thấy giống như người ta đốt đồ thợ mã để cúng cô-hồn…
Trong gian nhà tranh nằm cạnh bờ sông, Năm Từ ngồi trên ghế bố hút thuốc trong bóng tối mà vẫn thấy rõ đám cháy như đang nhìn ngay trước mặt .

VÕ QUANG YẾN * HOA CAU VƯỜN TRẦU

HOA CAU VƯỜN TRẦU
Võ Quang Yến


Bóng một giàn hoa một lá trầu,
Ngày xanh lui lại nhớ hàng cau
Thái Ngộ Khê
Sau mấy chục năm tha hương, về nước
dự đám cưới một người cháu, tôi ngạc
nhiên thấy nhà trai còn đem cau trầu làm
sính lễ lại đón cô dâu như thời trước. Tôi
mừng thầm, sau hai cuộc chiến tranh dài
dăng dẳng, thảm thê, truyền thống vẫn
còn giữ và dân tộc không quên chuyện
truyền thuyết tình cảm, sâu xa của hai anh
em Cao Tân, Cao Lang và cô gái học Lưu
tên Liên thời Hùng Vương kể lại
trong Lĩnh Nam chích quái.Thật ra, Việt
Nam ta không phải là nước độc nhất dùng
cau trầu trong dịp cưới hỏi. Suốt vùng
châu Á, phía đông bao trùm Thái Bình
Dương đến các đảo cạnh Úc châu, phía
tây vượt quá Ấn Độ đến bờ biển Phi châu,
phía bắc lấn tràn Miến Điện và miền nam
Trung Quốc, phía nam chiếm toàn Đông Nam Á với quần đảo Nam Dương, ở đâu đất
đai và khí hậu cho mọc cau, trầu là nơi đó có tục lệ cau trầu.
Bên Java, khi một chàng trai hỏi ý một cô gái, cô gởi trả một miếng trầu bọc hai lá : nếu
úp cùng chiều là cô ta ưng ý. Cô vợ Arakan bên Myanmar thì đem lá trầu xé làm hai đưa
cho chồng một nửa : nếu anh quấn làm miếng trầu ăn tức là anh đồng ý để vợ ra đi.
Không phải tình cờ mà người Mã lai lấy tên cây cau, pinang, đặt tên meminangcho cuộc
dạm hỏi rồi pinangam cho đám hỏi, còn người ở đảo Bali thì đặt tên cho một hòn
núi Pinang Gunggam. Bên Ấn Độ, bất cứ lễ sinh con hay lễ tế người chết đều phải có
cau trầu. Người Borneo đặt cau trầu quanh thi hài người quá cố cùng với những vật
thường dùng hằng ngày. Người Sumatra mang cau trầu đi biếu dân làng mình đến
viếng cũng như lúc sắp từ giả... Cưới hỏi, ly dị, kết nghĩa, chia ly,... rất nhiều quan hệ xã
hội lúc sống, khi chết, đã được diễn tả qua cau trầu.
Đi xa hơn, cau trầu còn là mối liên quan giữa người và thần linh. Nước miếng đỏ trong
miệng người ăn trầu, rất lạ mắt và có phần ghê tởm cho những người phương Tây, hình
dung một sức mạnh cốt tử trong mắt nhiều bộ lạc. Người Macassar ở Sulavesi dùng
nước ăn trầu thoa trán và thái dương trẻ con bị bệnh. Bên Philippines thì nước trầu
được bôi vào bụng con nít để tránh cảm lạnh. Ở nhiều chỗ khác, nước trầu còn có tính
chất bùa yêu mầu nhiệm. Ở Timor chẳng hạn, thầy phù thủy nhìn màu nước trầu phết
vào trán người chiến sĩ để suy đoán vũ lực và khả năng chiến đấu. Bên Java, đường
gân lá trầu chỉ định bản chất cơn bệnh, còn màu nước trầu thì biểu lộ tính tình. Người
Batak ở Sumatra cung hiến miếng trầu cho ma quỷ để chúng khỏi rượt đuổi con
người (1). Ở Bali, tôi chứng kiến được hằng ngày các cô gái tân thời, áo cụt, quần jeans,
tóc dài, da thắm, đẹp như tiên nữ, tung tăn, tươi cười, hồn nhiên chạy đặt những khay
-2-
trầu bằng lá tí hon trước cửa nhà cũng như khắp các nẻo đường, theo một tục lệ có từ
ngày xưa, bất chấp chúng có tồn tại được lâu hay không.
Thật ra, cau trầu không chỉ là một chuyện dị đoan. Nếu bây giờ miếng trầu qua các tay
phù thủy, thì trước kia những thầy thuốc như Sushruta ở Ấn Độ từ thế kỷ 1, những
lương y Ả Rập như Rhazes, Avicienne qua thế kỷ 10 đã công nhận những giá trị y học
của cau trầu. Các sách xưa ghi miếng trầu kích thích nhiệt huyết, đem hương vào miệng,
củng cố cơ thể, nảy nở vẻ đẹp, tiêu tan bệnh tật, giúp thêm điềm tĩnh,... Nó còn có khả
năng tăng sức tim, chữa đau răng, củng cố nướu răng,... Theo một số sách khác, nó là
một trong những thích thú trong đời bên cạnh ăn uống, áo quần, hương hoa, phụ nữ.
Ngày nay, miếng trầu được xếp ngang hàng với guarana, kola,... những chất nhai chơi
có khả năng kích thích (9). Trái lại, các tu sĩ Myanmar tin nhai trầu cổ võ suy nghĩ, kích
thích tịnh tâm (2) .
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tục lệ cau trầu chỉ được phổ biến ở Âu châu từ
những thế kỷ 16, 17, 18, bắt đầu với những
người Bồ Đào Nha. Tiếp xúc với người Ấn Độ và
người Mã Lai, họ hấp thu hai danh
từ vittilei và vetila để chỉ trầu,dần dần đọc trạnh
ra vettele, bettele,…cho đến ngày nay
thành betle hay betel. Bên phía cau thì hai danh
từ akakeya (Ấn Độ) và adakka (Mã Lai) đã đưọc
biến ra thành arec,(noix d'arec), aréquier. Những
người Anh quen dùng chữ betle chỉ định trầu, từ
đấy cây trầu betle vine, lá trầu betle leaf, miếng
trầu betle quid,và kỳ quái là cả ngay trái cau betle
nut cho nên lúc ban đầu hay có sự lẫn lộn.
Ở Ấn Độ, tiếng Sanskrit để chỉ trầu là tâmbula,
đổi thành tambuli, tambulam trong tiếng
Pali, tamboli, tambolam trong tiếng
Prâkrit, tambul trong tiếng Persan, al tambul trong
tiếng Ả Rập. Phát xuất từ một tiếng Sanskrit
khác, parna, người Hindi ngày nay gọi trầu là pân,
cho nên những quầy quán bán trầu bên Ấn Độ,
Myanmar mang tên panshop. Trong ngôn ngữ
Nam Á, chữ trầu thay đổi với các sắc tộc :
Khơme mluv, Bana bơlơu, Stieng mlu, Kha blu,
Kha blu, Thái Lan phlu, Môn jablu, halang lamlu (1). Người Chăm một thời gồm có hai thị
tộc : Dừa và Cau. Thị tộc Cau chiếm giữ vùng Panduranga tức Phan Rang ngày nay và
tháp Pô Klaung Garai đã được vua Jaya Simhavarman III (ta gọi Chế Mân) dựng lên
trên núi Trầu (3) tức Bôn Hala. Lễ vật cúng ở đây ngoài dê, gà, bánh rượu, lúc nào cũng
có kèm theo cau trầu. Sách vở còn kể nghệ nhân Chăm biết dùng vàng, bạc, đá quý tạo
nên những hộp đựng cau, trầu, vôi chạm trổ công phu. Trong đám quân binh tháp tùng
nhà vua, luôn có những người lính mang những hộp ấy và lễ vật cống hiến Trung Quốc
không bao giờ thiếu hộp cau trầu. Ở miền Nam nước ta còn có làng Trầu Phù Lưu,
Thập bát Phù viên tức Làng Trầu 18 thôn làm nên quê hương vườn trầu lý tưởng (4) .
Ở Việt Nam ta, từ điển Alexandre Rhodes viết blâu, đọc giầu ở miền Bắc thay
vì trầu. Ngoài vôi, cau trầu thường được ăn với vỏ cây chay. Cũng như ở các nước
Đông Nam Á khác, cau trầu có mặt trong tất cả các buổi lễ cúng, cưới hỏi, trang hoàng,
-3-
trong hoàng tộc cũng như ngoài dân gian.
Nó "biểu tượng cho sự kính trọng, cho
lòng biết ơn, cho sự tạ lỗi - mỗi một khi
nhà có việc, đều không thể thiếu cơi trầu,
bình vôi, người bạn đường chung thủy
của trầu cau - là quyền lực của người nội
tướng trong gia đình..." (4a). Trong giao
tiếp, miếng trầu là đầu câu chuyện, thay
vì điếu thuốc, chén trà. Rồi khi quen nhau
nhiều, không xa nhau lâu được : Láng
diềng đã đỏ đèn đâu, Chờ em chừng giập
bã trầu em sang (Nguyễn Bính). Nhận
một miếng trầu là gần như một lời cam
kết : Miếng trầu ăn nặng bằng chì, Ăn rồi
em biết lấy gì đền ơn. Sau nầy thành vợ
thành chồng, có con cái, ru con ngủ cũng
còn lẩn vẩn với chuyện cau trầu : Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, Mua cau Nam Phổ, mua
trầu chợ Dinh...
Nhưng nếu bản thân cau trầu luôn còn là bài thơ muôn thuở của con người (4) thì ngày
nay khoa học lại phân tích tìm kiếm trong các loại thảo mộc nầy những tính chất dược lý
có thể đem ra ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Mang tên khoa
học Pepper (hay Piper) betle (hay betel) L., trầu, hay trầu không, thuộc họ Hồ
tiêu Piperaceae. Tên khoa học của cau, còn được gọi binh lang, tân lang, là Areca
catechu L., thuộc họ Cau Arecaceae. Trái cau thường được miêu tả trong sách báo qua
tên areca nut hay, vì lầm lẫn như đã thấy, betle nut. Bên ta nhân dân dùng lá trầu giã
nhỏ, cho thêm nước sôi vào dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch bạch huyết.
Nước pha lá trầu còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh
chàm mặt của trẻ em. Có nơi còn giã lá trầu cho đắp lên ngực để chữa ho và hen, hoặc
đắp lên vú cho sữa không ra nữa. Trái cau thường được dùng làm thuốc lợi tiểu (gọi là
đại phúc bì), chữa giun sán cho người và súc vật, giúp sự tiêu hóa, chữa viêm ruột, lỵ,
trẻ con chốc đầu, hợp với thường sơn, thảo quả trong đơn thuốc "trường sơn triệt
ngược" chữa sốt rét (*).
Đôi ta nâng mấy cơi trầu
Đem phân tích, lá trầu chứa đựng năm propenylphenol có tính chất khử nấm, trừ giun :
chavicol, chavibetol, allyl pyrocatechol, chavibetol acetat, allylcatechol acetat. Những
chất phenol khác cũng đã được tìm ra : hydroxy chavicol, eugenol, methyl eugenol,
isoeugenol, flavon, quercetin, nhiều nhất là safrol trong hoa. Hydroxy chavicol, tác dụng
mạnh nhất, cùng eugenol và tocopherol là những chất kháng oxi hóa đã được chiết xuất
từ thân trầu. Những chất 3beta-acetyl ursolic acid, ursolic acid và beta-sitosterol có tính
chất chống viêm. beta-sitosterol cũng đã được xác định dưới dạng palmitat trong rễ trầu
cùng piperin, piperlonguminin trong thân và tritriacontan, cepharadion, dotriacontanoic,
stearic acid trong lá. Bên Ấn độ, một cuộc khảo cứu các tinh dầu, phân biệt được các
loại trầu trồng ở các vùng. Trầu Bangla chứa nhiều eugenol (64%), đặc biệt chống nấm,
trầu Desawari nhiều propenyl benzodioxol (45%). Hai chất anethol và cis-caryophyllen
nổi trội trong trầu Meetha. Trong năm loại trầu vùng Kapoori thì có cả một loạt hóa chất :
alpha-thujen, beta-ocimen, delta-cadinen,... Trầu Sanchi đặc biệt có steraldehyd không
tìm ra trong các trầu khác.
-4-
Tinh dầu trầu có tác dụng hạ huyết áp, duỗi bắp cơ, trị giun sán, chữa dị ứng (22)như lá
trầu (23). Trầu hỗn hợp với những phần chiết tiêu lốt Piper longum, thùn mùnEmbelia
ribes, cam thảo dây Abrus precatorius, tinh dầu Polianthes tuberosa, natrium borat, làm
thành một thuốc ngừa thai dài hạn (11). Trầu có khả năng hủy bỏ tác dụng đột biến của
những chất gây ung thư nitrosonornicotin và methyl nitrosoamino pyridyl butanon từ
thuốc lá nhờ những eugenol, hydroxy chavicol, chlorophyll, vitamin C cũng như chống
dimethyl benz[a] anthracen nhờ beta-caroten. Trầu chiết được dùng với bạc hà trong
một hỗn hợp thuốc thơm để cho vào nước súc miệng (21). Có hoạt kháng chống oxi
hóa (24), lá trầu lại hoãn chậm sự ô khét bơ dầu nhờ vậy giữ được lâu (25) .
Như trong lá chè, trái cau chứa đựng nhiều tannin gây ra mùi vị đặc biệt và được xem
như là những chất gây ung thư. Từ tannin nầy, đã được chiết xuất ra những catechin,
epicatechin, leucocyanidin, cùng những chất proanthocyanidin, di- tri- tetra- và penta
procyanidin. Trong số các procyanidin, đặc biệt arecatannin B1 ức chế hoạt động của
trùng HIV-1-PR. Một số chất khác quan trọng trong trái cau là những alcaloid (2,38
mg/g) : (%) arecolin (0,30-0,63), arecaidin (0,31-0,66), guvacolin (0,03-0,06), guvacin
(0,19-0,72) và những dẫn xuất nitroso của chúng rất độc hại cho gen, cho tế bào biểu
mô miệng, niêm mạc mũi, có thể gây u tuyến ở phổi. Những aflatoxin B1, B2, G1, G2 (3,5-
26,2 μg/kg) trong cau bị nhiễm trùng Aspergillus flavus cũng có tác dụng gây ung thư.
Safrol có khả năng gây ung thư ở thực quản. Acrolein thì rất độc hại cho gen nhưng lại
làm giảm hạ đường trong máu thỏ đã bị alloxan gây bệnh đái đường. Vôi Ca(OH)2 cho
phát xuất những gốc OH có thể làm tổn thương những tế bào miệng. Người ta biết khi
thay đổi pH, chẳng hạn lúc tiếp xúc với vôi là một chất alcali, những alcaloid có khả
năng thay đổi màu, ví dụ nhuộm đỏ trong nước miếng người ăn trầu. Vôi có khả năng
ức chế methyl mercaptan phát tiết ra ngoài nên ăn trầu đở hôi miệng. Chính vôi cũng đã
thủy phân arecolin và guvacolin ra thành arecaidin và guvacin. Cùng với hai chất nầy,
đã được xác định những alcaloid khác : nicotin, methyl nicotinat, ethyl nicotinat cùng
dimethyl piperidin carboxylat, ethl methyl tetrahydro pyridin carboxylat. Những
polysaccharid trong vỏ trái có tính chất chống bổ thể, trình bày một số đường 48,2%
(rhamnose, arabinose, mannose, galactose) cùng uronic acid, protein. Saccharin được
xác định trong cau dưới dạng muối natri. Ngoài các acid mỡ (lauric, myristic, palmitic,
stearic, phtalic acid) cau còn chứa đựng những amin acid : ít tryptophan, methionin, hơn
15% prolin, hơn 10% tyrosin, phenylalanin arginin.
Trong một cuộc khảo cứu rộng lớn trên 100 thảo mộc ở Á Đông, hãng Coreana
Cosmetics đã tìm ra cau cùng với riềng, nghệ, cải, đinh hương, đơn bì, đại hoàng,…
trong số những cây có thể dùng để chiết xuất chất kháng oxi hóa. Một ứng dụng được
thực hiện dựa lên tính chất nầy là cho trộn cau với dương mai (28) hay với
riềng Curcuma longa, đinh hương Syzygium aromaticum, mộc hương Saussurea
lappa (có khả năng khử melanin) làm thuốc bảo vệ da (18). Có mỹ phẩm dựa lên tính
chất khử thải những gốc tự do của cau (27), hỗn hợp vói vitamin C(29) hay cam thảo
bắc Glycyrrhiza glabra (30). Nhờ khả năng ức chế tác dụng 5’-nucleotidase,
glucotransferase trong Streptoccocus mutanscủa những chất phenol, procyanidin và
acid mỡ, cau được dùng để chữa sâu răng, trị viêm răng, chống mảng răng (17). Bên ta
trước kia đã thấy có thói dùng vỏ trái cau chùi răng, một vật liệu vừa hữu hiệu vừa dễ
kiếm cần phải được khuyến khích. Những chất phenol, đặc biệt những ester, thức biệt
thành NF-86I, NF-86II, NPF-86IA, NPF-86IB, NPF-86IIA, NPF-86IIB, cau được đưa vào
thuốc trị u khối (13,14), chữa các chứng nhiễm virus (16). Vì ức chế glycerophosphat
deshydrogenase, chúng được cho vào thức ăn chống béo (20). Cũng như trầu, tiêu Piper
nigrum, rau ngót Sauropis androgynus,… cau thuộc số ít thảo mộc ức chế rất mạnh giun
tròn Bursaphelenchus xylophilus, theo một bản báo cao Mã lai. Trong cau có một phần
tannin ức chế được enzym chuyển đổi angiotensin nên được xem là chất chống huyết
-5-
áp (12). Dùng dichloro methan chiết xuất, cau cống hiến một chất thuốc chống trầm
cảm (26).
Vườn em đất tốt trồng cau
Một vấn đề khá quan trọng đã được nhiều
giới khoa học lưu ý, đặc biệt ở Ấn Độ là
khả năng gây ung thư của miếng trầu.
Các bài tổng kiểm đã được sử dụng lượt
kê gần 500 bản báo cáo đủ loại. Kết luận
đến nay chưa ngã ngũ rõ ràng. Công tác
sâu rộng và đầy đủ nhất, tuy hơi xưa
(1985), được Tổ chức Quốc tế Khảo cứu
về Ung thư thực hiện (5). Theo bài nầy, có
đủ chứng cớ để tin ăn trầu, thêm hút
thuốc, dễ gây ung thư trên con người
nhưng không thể buộc tội miếng trầu một
mình. Như vậy là nghĩa là người vừa ăn
trầu vừa hút thuốc có nhiều khả năng mắc
bệnh ung thư họng nhưng không thể nói
gì về người chỉ ăn trầu mà thôi. Hai mươi
năm sau nầy, nhiều bài tổng kiểm khác lại
bổ túc. Theo Giáo sư Iwao Hirono (6), dựa
lên những khảo cứu về mặt dịch tể học ở
đàn ông, đàn bà các nước Ấn Độ, Mã Lai,
Trung Quốc, thì ung thư chỉ do những yếu
tố môi trường như cách thức ăn trầu chỉ định chứ không dính dáng gì đến di truyền dân
tộc. Ông đưa ra mâu thuẫn lá trầu có khả năng ức chế gây ung thư benzo[a]pyren còn
cau và vôi thì có tác dụng ngược lại. Một công tác tương đối mới hơn (1989) (7) nhấn
mạnh vai trò của những alcaloid trong miếng trầu vì chúng tác dụng với vôi để cấu tạo
những gốc tự do phá hoại màng nhầy trong miệng, nơi mà vôi đã từng gây viêm. Đằng
khác, thuốc lá vừa gây phản ứng nitroso hóa các alcaloid kia vừa đem thêm vào những
nitrosamin độc hại của chính mình. Tuy nhiên các tác giả công nhận là không có thuốc
lá, miếng trầu chưa chắc đã gây ung thư. Thiếu vitamin trong cơ thể, hoạt động vi khuẩn
trong miệng và tác dụng gây kích thích của vôi và cau là những tác nhân tiềm lực.
Theo Giáo sư P.C. Gupta (8), người đã theo dõi lâu ngày lãnh vực nầy bên Ấn Độ, tuy
khảo cứu dịch tể học cũng như thực nghiệm không chứng minh được miếng trầu không
thêm thuốc lá đã đem lại ung thư, cau trong miệng đã gây những xơ dưới niêm mạc
trong miệng tức là một tổn thương tiền ung thư. Một người hút thuốc đã có sẵn những
xơ nầy tất nhiên dễ bị ung thư hơn những người khác. Ông lập chương trình phòng
ngừa : ngừng hút thuốc nếu ăn trầu và khám nghiệm kịp thời để phát giác thời tiền ung
thư. Sau cùng, một công tác khảo cứu tại viện Đại học Đài Loan (10) đặt lại toàn thể vấn
đề. Theo các tác giả bài báo nầy thì tính độc của polyphenol, alcaloid và tannin trong
cau chưa được chứng minh rõ ràng và cần phải được xem lại. Phản ứng oxi hóa những
polyphenol của cau trong nước miếng người ăn trầu cho phát xuất những loại oxi có
hoạt tính lớn là mấu chốt mọi khởi xướng và phát triển ung thư miệng. Phản ứng nitro
hoá những alcaloid cấu tạo nên những nitroamin đặc thù của cau đã được chứng minh
là những chất gây đột biến, rất độc về mặt gen và có khả năng cho đột nhập u khối vào
thú vật như arecaidin và phần chiết từ cau. Nhiều thí nghiệm sẽ cần được thực hiện để
nêu rõ sự chuyển hóa của những thành phần cau và vai trò của chúng trong phản ứng
-6-
nhiều đợt gây ung thư hầu mong từ đấy tìm ra phương pháp phòng ngừa và chữa ung
thư miệng cũng như u xơ dưới niêm mạc miệng.
Song song với những khảo cứu y khoa kia, kỹ nghệ cũng kiếm cách ứng dụng những
tính chất của cau. Những phenol có khả năng bảo vệ những nucleotid chống tác dụng
phá hoại của những enzym nên được dùng bảo vệ thức ăn như dưa chuột để giữ
hương vị. Chúng ức chế urease chế tạo ammoniac trong urea nên được dùng làm thuốc
thơm trong vật liệu bảo dưỡng mèo. Người ta đã làm thuốc nhuộm vải, lụa với phần
chiết từ cau. Tannin được trộn với natrium sulfat, natrium carbonat làm thuốc nhuộm tóc
đen xám (15). Nhờ chất proanthocyanidin, đặc biệt chất epicatechin-catechin, cau đưọc
hòa với acetyl glutamin acetat, butylen glycol glycerol trong ethanol và nước thành thuốc
kích thích tóc mọc (19). Một loại giấm giàu enzym và amin acid, xúc tiến sự tiêu hóa, gồm
có một phần hột cau, nước gừng, cải củ, khoai mài,... Thân cây cau có nhiều lignin, ít
hollocellulose, có tính chất cơ lý học tương đương với các gỗ cứng khác thường được
dùng làm giấy. Vỏ trái cau đem xử lý với nấm đỏ Phanerochaete chrysosporium tăng số
lượng protein lên quá 100%, còn nếu để nguyên cho ủ thì lignin hủy hoại đến 62%
nhưng năng suất khí methan phát ra tăng lên 48%. Tôi rất ngạc nhiên chưa thấy một
nước nào, nhất là các nước ít giàu, dùng vỏ trái cau làm bót đánh răng, vừa rẻ tiền, vừa
vệ sinh.
Mỗi lần về quê, nhìn hàng cau trong nắng, tôi nhớ đến Hàn Mặc Tử, nhớ qua thôn Vỹ,
nhớ về Nam Phổ làng xưa. Trong tai tôi bên phương trời Tây luôn còn văng vẳng giọng
hát ngọt ngào của Thu Hiền :
Nhà anh có một vườn cau,
Nhà em có một vườn trầu,…
Võ Quang Yến
Trích "Thông tin Khoa học và Công nghệ 2(28) (2000) 3-11"
(có sửa chữa và bổ túc tài liệu)
Tham khảo
(*) Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà
Nội (1968/1986) 135,190
1- Solange Thierry, Le bétel trong Catalogues du Musée de l'Homme, I. Inde et Asie
du Sud-Est, 14-20
2- Dawn F. Rooney, Betel Chewing. Traditions in South-East Asie trong Images of
Asia (1993) 1-15
3- Ngô Văn Doanh, Tháp cổ Chămpa. Sự thật và huyền thoại, nxb Văn hóa – Thông
tin (1994) Hà Nội 175-186
4- Nguyễn Ngọc Chương, Trầu cau Việt điện thư, nxb Hồ Chí Minh (1990/1997)
18 ; 4a- Trần Ngọc Thêm, Lời giới thiệu
5- International Agency for Research on Cancer, IARC Monographs on the evaluation
of the carcinogenic risknof chemicals to humains, Vol. 37, IARC (1985) Lyon 141-
202
6- I. Hirono, Naturally occuring carcinogens of plant origin, trong Bioactive
molecules, nxb Kodansha-Elsevier (1987) Tokyo-Oxford-New York 167-181
-7-
7- S. Sen, G. Takukder, A. Sharma, Betel cytotoxicity, J. Ethnopharm. 26 (1989) 217-
46
8- P.C. Gupta, Betel quid and oral cancer : prospects for prevention, Tobacco
Smoke and Mycotoxins, IARC (1991) Lyon 466-470
9- J.F. Morton, Widespread tannin intake via stimulants and masticatories,
especially guarana, kola nut, betle vine, and accessories,Basic Life Sci. 59 (1992)
739-65
10- J.H. Jeng, M.C. Chang, L.J. Hahn, Role of areca nut in betel quid-associated
chemical carcinogenesis : current awareness and future perspectives, Oral
Oncology 37(6) (2000) 477-92
11- P.C. Das, Oral contraceptive (long-acting), Brit. 1,445,599 (1976) 11tr.
12- J. Inokuchi, H. Okabe, T. Yamauchi, A. Nagamatsu, G. Nonaka, I.
Nishioka, Antihypertensive substance in seeds of Areca catechu L.,Life Sci. 38(15)
(1986) 1375-82
13- K. Uchino, T. Matsuo, M. Iwamoto, New 5’-nucleotidase inhibitors, NPF-86IA,
NPF-86IB, NPF-86IIA, and NPF-86IIB from Areca catechu. Part I. Isolation and
biological properties, Planta Med. 54(5) (1988) 419-22
14- T. Matsuo, M. Iwamoto, Y ? Tonosaki, A. Fukuchi, Novel antitumor substances
from betel nut, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 63,307,892 (1988) 24tr.
15- K. Mizumaki, Hair dyes extracted from plants, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP
02,138,114 (1990) 7tr.
16- A. Fukuchi, M. Iwamoto, K. Uchino, H. Ogawara, H. Hideki, N. Yamamoto, Virucide
extraction from betel nuts for treating human immunodeficiency virus
infection, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 02,196,725 (1990) 22tr.
17- M. Iwamoto, K. Ugino, Y. Toukairin, K. Kawaguchi, T. Tatebayashi, H. Ogawara, Y.
Tonosaki, The growth inhibition of Streptococcus mutans by 5’-nucleotidase
inhibitors from Areca catechu L., Chem. Phar. Bull. 39(5) (1991) 1323-4
18- S. Shirota, K. Myazaki, M. Ichioka, T. Yokokura, Skin-lightening cosmetics
containing melanin inhibitors from plants, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 06,227,960
(1994) 54tr.
19- T. Takahashi, Y. Kobayashi, M. Kawamura, Y. Yokoo, T. Kamiya, T. Tamaoki, Hair
growth stimulant , PCT Int. Appl. WO 96 00, 561 (1966) 22 tr.
20- T. Wada, T. Mizumo, K. Uchino, Glycerophosphate dehydrogenase inhibitors,
their use as food additives, and antiobesity foods containing them, Jpn. Kokai
Tokkyo Koho JP 09,286,734 (1997) 6tr.
21- Y. Yahamara, T. Aoki, K. Miyake, H. Shioda, Agents and method for improvement
of flagrances and flavors using Piper betle extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP
11130685 (1998) 8 tr.
22- Y. Yamahara, Anti-allergic effects of Piper betle, Food Style 21 2(4) (1998) 66-8
23- J. Yamahara, Allergy inhibitors containing extracts of Piper betel, Jpn. Kokai
Tokkyo Koho JP 11130685 (1999) 5 tr.
24- C.K. Wang, H.Y. Su, C.K. Lii, Chemical composition and toxicity of Taiwanese
betel quid extract, Food Chem. Toxicol. 37(3-2) (1999) 135-44
-8-

No comments:

Post a Comment