Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 15 December 2016

NÓI LÁI =BÚN BÒ HUẾ=

Tuesday, September 21, 2010


NGUYỄN HỮU PHƯỚC * NÓI LÁI


Nói Lái : Một Dạng Đặc Biệt Của Tiếng Việt
Nguyễn Hữu Phước, PhD, Cập Nhựt 12/10/2008
Dẫn nhập

Vào đầu thập niên 1990, Tiến Sĩ Lê Văn, lúc đó là Cố Vấn cho Bộ Giáo Dục California, có tổ chức một hội thảo về "Những chuyện vui trên đường hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ”. Diễn giả gồm nhiều giáo chức Việt Nam cư ngụ rải rác nhiều nơi ở HK và Canada. Tôi được tham dự với tư cách một thuyết trình viên. Sau một ngày hội thảo, chia xẻ những mẫu chuyện vui với các hội thảo viên, chúng tôi có dịp dùng cơm tối chung do ban tổ chức khoản đải. Tôi ngồi cạnh Giáo Sư Nguyễn Đình Hoà. Thật là một buổi hội ngộ hiếm có của một số đồng nghiệp cũ. Câu chuyện trong bàn ăn là những chuyện hàn huyên xen lẫn với nhiều chuyện vui trên đường định cư. Tôi kể ra một số những tiếng lái, câu lái và những lối nói lái gọi là góp phần trong một buổi tiệc hiếm có. Lẽ dĩ nhiên là có một vài tiếng lái và một vài câu lái không được thanh tao lắm. Nhưng các đồng nghiệp trong bàn có vẽ vui vẽ vì câu chuyện nói lái.

Điều đặc biệt là GS Hoà có vẽ cũng thích những câu nói lái. Ông lấy bút, giấy ra, bảo tôi "bớt ga xăng" để ông ghi chép. Tôi nói với ông là còn nhiều câu khác mà tôi có nghe đến, có vẽ kém lịch sự hơn vì trắng trợn hơn. Ông nói không sao, chúng ta đang học hỏi, chia xẻ những chuyện vui, ghi lại những gì mình biết là điều tốt trong việc lượm lặc những mẫu chuyện do dân chúng truyền khẩu. Tôi nổi hứng hứa liều : GS khỏi ghi chép, tôi sẽ viết thành một bài gởi đến GS để đăng báo nào cũng được. Ông nói gởi đến cho Ông hay gởi cho báo nào cũng chẳng sao, miễn là nhớ ghi lại và phổ biến để góp phần cho vui. Rồi thời gian trôi qua, cuộc sống quá bận rộn, và rồi tháng nầy chầy tháng khác, năm nọ kéo năm kia, và nghề nghiệp lại không dính dáng vì tới khung cảnh nghiên cứu, tôi đành tự nhủ là khi nào rảnh rổi sẽ viết. Rồi tôi lại nghe nói GS về California. Cùng với một số giáo sư khác như GS Lê Văn, GS Nguyễn Khắc Hoạch … ông mở Viện Việt Học. Và sau đó tôi đọc tin GS Hoà qua đời. Tôi cầm tờ báo có cáo phó, ngẫn ngơ. Món nợ tinh thần nầy làm sao trả được. Cách đây vài năm, tôi về hưu, rời vùng South Pasadena, và định cư ở Orange County. Giờ đây tôi có một số giờ nhàn rổi nên tôi cố gắng viết lại bài "nói lái" nầy và giao nó cho GS Lê Văn, cố vấn của Viện Việt Học. Người anh khả kính nầy đã là "xếp" của tôi, và nhà tôi, trong nhiều năm ở Đại Học Sư Phạm Saigon. Hơn nữa Tiến Sĩ Nguyễn thị Bảo Xuyến (bà Lê Văn) lại là Phó Viện Trưởng Viện Việt Học. Như vậy tôi đã có dịp làm tròn lời hứa với GS Hoà một cách gián tiếp, và cũng để góp chút xíu những điều lượm lặt nói lên sự phong phú và tính cách đa dạng của tiếng Việt.

Không biết văn nói lái hoặc việc dùng tiếng lái trong văn nói và văn viết có từ bao giờ. Riêng tôi, tôi đã nghe, bắt chước và dùng nói lái từ lúc còn học tiểu học vào thập niên 1940. Sau nầy đọc sách mới biết rằng lối nói lái đã được dùng từ lâu hơn tôi tưởng. Người ta nói lái để chơi chữ, để bông đùa giữa bạn bè với nhau, để châm biếm vô hại một sự việc gì đó cho vui, hoặc châm biếm một người khác mà không dám nói trực tiếp. Ngay cả trong việc đặc tên hiệu hoặc thương hiệu cũng có dùng tiếng lái như trường hợp của nhà thơ Thế Lử với tên thật là Nguyễn Thứ Lể. Thế Lử là tiếng lái của Thứ Lể.

Tôi xin thưa trước những chuyện cười thì phải có người nói và người nghe. Người nói phải có tài nói chuyện vui. Phải lựa chuyện cho đúng với thành phần thính hay khán giả thì câu chuyện mới được thưởng thức. Còn nến viết chuyện cười để cho thiên hạ đọc thì chưa chắc tất cả người đọc đều cười và đôi khi còn nghe chê là chuyện cười nầy hay chuyện cười kia "dở ẹt". Nhưng cũng câu chuyện dở ẹt đó màụ do một người có tài kể, và kể đúng lúc, đúng trường hợp thì lại là chuyện hay. Cũng y vậy, đã gọi là "nói lái" thì phải nói đúng chuyện, đúng lúc, đúng nơi, đúng với thành phần thính giả thì may ra mới được thưởng thức. Do đó, vì đây là bài sưu khảo nên tôi phải viết tất cả những chuyện gì mà tôi có thể ghi lại theo trí nhớ, hoặc ghi ra từ những tài liệu khác. Đọc bài nói lái chắc chắn là dể nhàm chán hơn là nghe nói lái. Xin quý vị chịu khó đọc hết để thấy nhiều dạng khác nhau của việc nói lái.
Nói lái trong một số sách vở

Từ đoạn nầy trở về sau, "chữ" (còn gọi là "từ" hay hay nhóm chữ (cụm từ), hoặc câu thơ nào có thể viết tiếng lái ra, tôi sẽ viết. Nếu cảm thấy bất tiện vì tiếng lái có vẽ quá "tả chân" hay gọi là không được thanh tao, tôi xin miễn viết ra để gọi là tôn trọng cả những người cho rằng không nên viết những từ có vẽ quá..trớn. Tôi chỉ tô đậm, hoặc gạch dưới những từ có thể hiểu theo nghĩa lái, hoặc không gạch dưới gì cả.

Nói lái tiếng Pháp : Ông Lãng nhân, trong quyển Chơi Chữ (5) có nhắc chuyện nói lái bằng tiếng Pháp. Chuyện rằng có một cặp vợ Việt, chồng Pháp vào hàng tranh sơn mài. Vì chủ nhân nói thách quá nên vợ rỉ tai chồng : "très chaud, très chaud (nghĩa đen : nóng quá, nóng quá). Chồng lật đật chọn tranh, trả tiền nhanh để ra ngoài cho bà vợ được mát hơn. Vợ trách chồng khi ra khỏi cửa " Đã bảo đắt quá mà còn mua". Chồng nói là có thấy vợ kêu đắt đâu. Vợ bảo có nói rồi "très chaud" là "trop cher" (mắc quá). Bà ấy đã nói lái theo kiểu VN, chắc chắn là "bố" của anh chồng cũng không hiểu được.

Nói lái cho vui về nguồn gốc của một người : Ông Nguyễn Ngọc Huy, trong quyển Tên Họ Người Việt Nam (8), có thuật câu chuyện đại khái như sau. Ngày xưa có nhiều người VN từ miền Trung tiếp tục vào Nam lập nghiệp. Dân Nam, vì không biết rõ địa lý miền Trung, gọi chung những người mới vào sau là "người Huế". Có nhiều người Huế làm nghề thầy lang lưu động. Một thầy lang nọ tuy còn trẻ, nhưng mát tay chửa lành cho một phú hộ. Ông phú hộ cảm ơn thầy lang bằng cách gã con cho thầy. Ông lại giúp vốn cho mở tiệm thuốc bắc. Chú rể nhờ cha vợ đặt tên cho hiệu thuốc của mình. Ông cha vợ đặt tên tiệm là "Thế Hoằng Dược Phòng". Ông giải thích cho rể đại ý là nó làm việc cứu người nên đời mở rộng ra (thế = đời ; hoằng = rộng). Chú rể rất hài lòng. Khi có người khác hỏi ý nghĩa của hai chữ đó, ông cười và nói : Rể tôi là người Huế, tôi đặt hiệu tiệm Thế Hoằng là để nhắc cho nó nhớ gốc gác nó là Thằng Huế. (Trong trường hợp nầy nguyên âm "o" trong chữ "hoằng" đã được thay thế bằng nguyên âm "u" trong chữ "Huế". Đây chỉ là đọc cho thuận tai mà thôi, chớ lúc nói lái không ai nghĩ đến việc thay đỗi nguyên âm hay phụ âm, hoặc hoặc thay đổi "dấu" gì cả.

Nói lái vì tục cử tên : Cũng trong quyễn sách trên, GS Huy còn nhắc đến một câu chuyện "nói lái" khác do tục cử tên mà có. Ngày xưa, thời chữ nho còn thịnh, dân Việt có tục cử tên hay còn gọi là kỵ úy. Thí sinh của các kỳ thi trước năm 1920 là những nạn nhân đầu tiên. Nếu bài làm không tránh những tên cấm kỵ thì chẳng những bị đánh rớt mà còn có thể bị các biện pháp chế tài khác. Nạn nhơn thứ hai là những người cầm bút. Và nạn nhân thứ ba là các gánh hát. Tục cử tên ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng. Theo GS Huy thì dân chúng đã phản ứng lại bằng cách dùng tiếng lái.

Số là vào những thập niên 1940-1950 có những đoàn hát bội lưu động đi hát ở các miền thuộc "Lục Tỉnh". Trước khi đến một vùng nào thì bầu gánh phải lấy danh sách của các chức sắc nơi đó để khi hát, những diễn viên phải tránh tên trong danh sách đó hay đọc trại đi. Thí dụ tên của ông cai tổng là Nguyên thi khi hát, tất cả những chữ "nguyên" đều được đổi ra "ngươn" vì tên Nguyên phải cử để tỏ sự kính trọng.

Có một gánh hát đến một làng nọ để hát trong dịp lể "kỳ yên”. Các vị hương chức trong xã họp bàn về việc cử tên. Hội đồng xã đồng ý là để cho tuồng hát được hay, miễn cho đoàn hát khỏi cử tên các chức sắc, trừ tên hai anh em của hai vị hào mục tên Hoà và tên Hoá. Hai ông nầy rất hách dịch, nhứt định là đoàn hát phải cử tên của hai ông. Nhũng người trong gánh đồng ý. Nhưng để chơi xỏ hai ông này, họ thêm một màn diễu. Trong màn nầy có hai người đối đáp, một người đóng vai lính. Người kia hỏi là trong quân ngũ, lính được ăn món gì thường xuyên. Anh lính đáp : "Hoặc ăn cà, hoặc ăn cá”. "Những người lanh trí hiểu đó là câu nói lái để móc họng ông Hoà và ông Hoá đều ôm bụng cười trong khi hai ông này giận muốn hộc máu mà không làm gì được gánh hát”. (8) (Xin thưa thêm cho rõ nghĩa : hoặc ăn cà = Hoà ăn c.t ; hoặc ăn cá = Hoá ăn c.t)

Tiếng lái có nghĩa riêng : Trong một video mà ông Nam Lộc và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên là MCs (rất tiếc không nhớ video tên gì), ông Nam Lộc phỏng vấn ca sĩ Chế Linh. Ông có hỏi ca sĩ rằng hồi ở Sài Gòn, những người ngưởng mộ có gọi đùa ca sĩ Chế Linh là ca sĩ "Lính Chê", ca sĩ Chế Linh có giận không ? Ca sĩ Chế Linh trả lời là ông được miễn dịch (lính chê) vì là thuộc sắc tộc thiểu số Chàm, và không phiền hà gì với tên riêng đó. Tôi chắc là ông Nam Lộc cũng thừa biết là từ "lính chê" là tiếng lái của Chế Linh. Tiếng lái nầy lại trùng hợp với tình trạng quân dịch của ca sĩ Chế Linh.

Nói lái đơn giản về người, thú vật và những chuyện hằng ngày : Trong video Vân Sơn số 3, trong hài kịch Ông Ninh Ông Nang (12) (không thấy để tên tác giả) có một phần đối đáp sau đây giữa cách hài kịch viên toàn là câu lái, rất đơn giản và rất dể hiểu về thú vật (cá, chim, chó, mèo), về người (bà già, ông già, trẻ em, cô dâu, chú rể) và các điều khác.
"Con cá đối nằm trên cối đá ;
Mèo đuôi cụt nằm mụt đuôi kèo
Chim mỏ kiến nằm trên miếng cỏ ;
Chim vàng long đá tại vòng lang
Chim sáo sọc chê anh sóc sạo ;
Con chó què chân bị cái quần che
Cô bé mập ú là nhờ mụ ấp ;
Thằng nhỏ ốm tong vác cái ống tôm
Chiều chiều cụ Mão lên rừng cạo mũ ;
Sáng sớm bà Hạt đi bán bạt hà
Cô nàng dâu hứa đi mua dưa hấu ;
Chàng rể bảnh trai ngồi tại bải tranh
Người mặc áo xanh chính là anh sáu ;
Miếng thịt băm nát trong bụng bác năm
Anh chàng sức môi ngồi ăn xôi mức ;
Cô gái mồm to lặn lội mò tôm
Nhờ cái búa đỏ chẻ thành bó đủa ;
Cái nồi cơm thiêu lại dám kêu thơm
Tấm hình lộng kiến ai đem liệng cống ;
Cô gái muốn chồng ngó cái mống chuồng”.
Đến đây đã hết những câu lái trong Video Vân Sơn, nhưng câu chót làm tôi liên tưởng đến câu lái khác cùng ý nghĩa :"Mống chuồng mọc giữa đồng chòi. Cái móng mọc ở giữ đồng bình thường như chuyện "muốn chồng" thì "đòi chồng" phải không quý vị ? Các nhà văn (hiện đã già, hoặc đã ra đi rồi) nói lái

Trong quyển "Hơn Nửa Đời Hư" (13) ông Vuơng Hồng Sển dùng tiếng lái nhiều lần. Thí dụ "bất quá là bá quốc" (trang 465) ; "ủ tờ" (tiếng lái của từ ở tù, trang 477) ; và "mống chuồng" (tiếng lái của "muốn chồng" trang 519) ... Ngoài ra, ở một đoạn khác, để nhắc lại kỹ niệm chuyến Đông du thăm Đài loan và Nhật của ông và vài người bạn Pháp, cũng trong sách nầy, ông có ghi lại chuyện ở khách sạn Nhật. Ông và người bạn Pháp không quen mặc áo kimono đã để sẳn trong tủ cho khách trọ. Ông có dùng hai tiếng lái, với vẽ đùa cợt mà tôi xin miễn "thông dịch", như đã hứa ; trừ gạch lằn gạch dưới hai tiếng lái là do tôi thêm, nguyên văn câu ông viết như sau :

"Đến cái áo kimono màu sặc sỡ, mỗi phòng trọ đều có treo sẳn cho khách mượn, Meken và tôi chưa quen, vừa xỏ tay vào, tấm thân bồ tượng áo che không khuất, trống trước trống sau, đứa "lù coi" đứa "lắc cọ", áo nhột nhột, cảnh thật buồn cười" (trang 590).

Công Tử Hà Đông (CTHĐ), báo Người Việt (1), dùng tựa đề "Sài Gòn Tạp Pín Lù" (tên một cuốn sách của ông Vương Hồng Sển), để phê bình nội dung của cuốn "Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam" của ông Sển. Bài báo nầy đã kể ra nhiều tiếng lái. Có tiếng từ sách của ông Sển, đã được tác giả bài báo trích dẫn như "xe u mê" :

"Xe u mê : tiếng lóng để gọi xe thổ mộ, vì sàn xe bằng gỗ cứng, khách ngồi bệt trên sàn, ê ẩm bàn trôn, nhứt là khách phụ nữ đều phải ê mu, nói lái cho bớt tục”.

Có nhiều tiếng lái khác, và những tiếng đặc biệt được dùng thời tác giả CTHĐ sống ở Sài Gòn. Ông đặt câu hỏi cho chính ông là : "Tại sao tôi lại không ghi lại với lời giải thích những tiếng, những hành ngữ sinh động, rung rinh âm thanh, lung linh màu sắc trong tiếng nói của dân tộc tôi, trong thời đại tôi ? "

Ý kiến của ông rất hay vì những từ mà ông kể ra rất độc đáo, vì có tính cách rất là Sài Gòn. Trong số những tiếng đặc biệt đó, có một số là tiếng lái như : liệng cống, dấm sủ, chai hia, chà đồ nhôm. Xin được trích dẫn sau đây cụm từ lái chà đồ nhôm, một thành ngữ lái có tính cách lịch sử, tả cảnh nghèo đói của dân Sài Gòn, sau khi được phỏng dái (giải phóng), phải đem bán bất cứ vật gì có thể chôm (lấy) được trong nhà.

"Chà đồ nhôm : chôm đồ nhà, tiếng Sài Gòn những năm sau 1975 ... Thời ấy Sài Gòn có câu phong dao :
Đi đâu bỏ con ở nhà ?
Hỏi em em nói : Đi chà đồ nhôm
Đi đâu tay xách, nách ôm ?
Hỏi em em nói đi chôm đồ nhà”. (1)
Giai thoại về nói lái của Trạng Quỳnh : Trong một số sách khác, tôi nhớ là có đọc một số chuyện vui liên quan đến "Trạng Quỳnh". Ông hay nghịch ngợm, chọc phá nhiều vị chức sắc trong triều, kể cả con vua và vua nữa. Đại ý chuyện truyền rằng một hôm nghe công chúa đi dạo ngoài thành. Trạng Quỳnh đứng đón công chúa ở gần bên một cây cầu. Khi công chúa đi ngang qua cầu thấy ông trạng nhà ta lấy chân đá nước văng tung tóe. Công chúa hỏi ông đang làm gì đó ? Ông trả lời là ông đá bèo cho vui.

Nhà thơ Hồ Xuân Hương nói lái : Tôi cũng nhớ có đọc nhiều lần trong các sách (nào đó), thơ của Hồ Xuân Hương (HXH). Nữ sĩ họ Hồ nầy là vua về thơ lái. Thơ lái của bà được ghi lại trong nhiều sách vở về văn chương Việt Nam. Gần đây đọc quyển "100 Năm Phát Triển Tiếng Việt" (9), tác giả Phụng Nghi có ghi lại bài thơ "Kiếp Tu Hành" của nữ sĩ họ Hồ :
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì một chút tẻo tèo teo
Thuyền tình cũng muốn về tây trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Ngoài ra tôi còn nhớ vài câu sau đây của HXH : (nhưng không nhớ tựa bài thơ)
Đang cơn nắng cực chửa mưa hè
Rủ chị em ra tát nước khe …

Hoặc :
Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.
Các nhà thơ khác nói lái : Theo sách vừa dẫn (9) thi sĩ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy ở Huế có bài thơ như sau :
Nực cổi chi ra nổi cực lòng,
Dòng châu lai láng dĩa dầu chong
Khó đi tìm hiểu nhau khi đó,
Công khó nhờ ai biết có không
Ông Huy Phương (3) trong bài "Nói Lái Mà Chơi" cũng có ghi một bài thơ nói lái nổi tiếng khác của thi sĩ Nguyễn Khoa Vy :
Cầu đạo nên chi phải cạo đầu
Dầu lai dưa muối cũng dài lâu
Na bường bát tới nương bà vãi
Dầu sãi không tu cũng giải sầu
(Ông Huy Phương chú thích : Na bường bát tới = mang bình bát tới, nói giọng Huế)

Ngoài ra trong bài "Nói Lái Mà Chơi" còn có một bài thơ rất hay tựa đề "Trông Trời" mà Ông Huy Phương nói không biết tác giả là ai.
"Cô kia sao cứ trông trời :
Để tôi xin nguyện làm trời cô trông
Trông trời sướng lắm phải không
Trời mà trông lại còn mong nỗi gì !
Đọc xong bài trên, các bạn có tìm thấy ý nghĩa của tiếng lái không ? Nếu không xin các bạn đọc câu chú thích của ông Huy Phương. Ông có ghi rõ là bài thơ nầy muốn nói lái phải đọc theo giọng Bắc hai chữ "trông trời" = "chông chời".

Nói lái bằng câu đối : Trong sách Miền Đất Hứa (10) anh Trà Lũ (tôi gọi anh vì Trà Lũ là bạn dạy học cùng trường với tôi trước 1975) có ghi câu đối sau đây, câu đối vừa chơi chữ cách đối vừa chơi chữ bằng cách dùng tiếng lái :

"Gái Củ Chi, chỉ cu, hỏi củ chi".

Khi nghe câu đối trên, anh Trà Lũ đã kêu cứu "xin các cụ giúp tôi với" ? Quý bạn thừa hiểu là từ Củ Chi đầu là một địa danh gần Sài Gòn ; củ chi thứ hai ở cuối là câu hỏi (củ nầy là củ chi vậy ?) Còn từ chỉ cu vừa là một động từ, vừa là tiếng lái của cả hai từ cùng âm "củ chi". Cũng trong sách đó, ở một đoạn sau, Trà Lũ có nói rằng một số đọc giả viết thư "gà" cho anh 2 câu như sau gọi là đối lại với câu trên :

"Trai Thủ Đức thức đủ xin thủ đức" và
"Trai Bắc cực, bú c., than Bắc cực".

Anh Trà Lũ cho là câu đối sau nghe "khiếp quá, nhưng phải viết ra trình cho các cụ chấm cho". Hai câu nầy đại khái, không được chỉnh lắm về phương diện đối. Hơn nữa chắc bạn tôi vì tính tình xề xoà nên không để ý rằng tiếng lái của "Bắc cực" là "bức c”. chớ không như ông đọc giả nào đó đã viết. Và nếu dùng từ "bức" thì chắc không có gì "khiếp quá" mà chỉ hơi hơi táo bạo tí thôi. Chỉ ghi nhận cho vui chớ nào dám chỉ trích bạn mình, vì tôi cũng bí như bạn. Mười năm qua rồi, trên con đường học hỏi về lái tiếu lâm, chưa tìm thấy câu nào hay hơn câu Củ chi mà bạn đã kể.

Gần đây đọc bài của Ông Nguyễn Đại Hùng (7) thấy câu Củ Chi được ghi như sau : "Đến Củ Chi, chỉ cu anh, hỏi củ chi”. và câu sau ghi là :

"Về Cù Mông, còng mu em, đòi Cù Mông”.

Giai thoại về nói lái để hẹn hò qua câu đối. Gần đây hơn, vào mấy tháng đầu năm 2002, kể cả tháng bảy, đọc trong báo hằng ngày tôi thường thấy những tiếng lái, nhưng chỉ là những tiếng rời rạc, cũng vui, nhưng không lồng trong câu chuyện nào đặc biệt, nên tôi không ghi chép.

Tuy nhiên, trong một buổi tiệc sinh nhật tôi có nghe câu đối có tiếng lái. Câu chuyện rằng ở miền đồng quê sông Hậu nhân có buổi gặp gở của các thân hào trong làng. Trong câu chuyện qua lại, người ta nói về thời sự, đồng án, và văn chương. Có một chàng nọ, trong câu chuyện về văn chương với một cô, đã nói :

Nguyệt lão xe tơ, chỉ vàng tốt mối

Nàng đã trả lời là :

Đế Thích nhấp chén rượu trắng tái môi

Mới nghe qua, tưởng là chuyện câu đối với các điển tích. Nhưng thực sự Nguyệt lão và Đế Thích chẳng "ăn nhậu" (liên quan) gì đến hai người nầy. Họ chỉ hẹn ngày gặp nhau mà thôi. Chàng hẹn nàng tối mốt (tốt mối). Nàng không chịu, bảo là tối mai (tái môi).

Nói lái qua câu hò đối đáp giữa trai gái. Miền đồng bằng sông Cữu long, vào mùa cấy các thợ cấy nam nữ vừa làm việc vừa vui đùa qua chuyện tiếu lâm, hoặc qua những câu hò đối đáp giữa hai nhóm nam nữ. Ông Nam San (6) có ghi lại một số câu hò có tính cách rất "tả chân" sau đây, trong đó có cả luôn câu có tiếng lái.
Nam :

Thấy em gò má ửng hồng
Phải chi em đừng mắc cở thì anh bồng em hun.

Hoặc : Nước Tân Ba chảy ra Trà Cú
Em cấy khum lòi vú anh muốn hun

Phe nữ đáp :


Phú Điền có chị Tám Hai
Thuyền quyên hò mí, đối trai anh hùng
Tân Ba, Trà Cú, Phú Điền là những địa danh ở vùng đồng bằng Cữu Long. Mới đọc câu chót ít ai để ý đến tiếng lái vì gái thuyền quyên mà đối "trai anh hùng" thì rất là thuận tai và thuận nghĩa. Nhưng "đối trai" nói lái là đái trôi, vừa có nghĩa đen rõ ràng, khỏi giải thích, vừa có nghĩa bóng là phe nữ có cách hò thắng phe nam một cách dễ dàng. (Ông Nam San chú thích rằng : "Hò mí hay hò mép là hò đối đáp, thách thức, dòng do xuôi ngược, nói lái úp mở nói lên cái ẩn dụ của mình, miễn xuống câu ăn vận, đúng điệu là được).

Giai thoại về học sinh "Văn Bình". Trong chuyện chơi chữ của các học sinh và những nhà nho mà tôi đã đọc, thì chuyện sau đây (tôi nhớ không được rõ ràng về chi tiết và tên tuổi) nói lên sự đùa cợt bằng tiếng lái. Chuyện rằng có môt nhà nho nọ văn hay, chữ tốt, thi đậu cao, nhưng không chịu ra làm quan mà chỉ về vườn vui thú việc dạy học. Có một anh học trò nọ rất hay chữ và tự cao về tài của mình. Anh ta tên là Văn Bình. Anh đi tìm nhà nho nọ để thi thố tài đối đáp của mình. Trong lúc đi trên các con đường quê quanh co, anh ta gặp một ông câu cá, anh ta hỏi thăm lối đi. Ông câu hỏi tìm gặp nhà nho làm gì ? Anh sinh viên đáp là để đối đáp văn chương. Ngư ông nói nếu anh sinh viên đối được câu đối của ông thì ông sẽ dẫn đến nhà của nhà nho. Ông giao điều kiện là khi ra câu đối, ông chỉ nói ra từng chữ một và anh sinh viên phải đối lại từng chữ một. Anh sinh viên bằng lòng. Những chữ của câu đối là :

"Võ trắc đáo nam cô".
Anh sinh viên đối từng chữ là :
"Văn bình lai bắc cụ"
Vì khi đối là đối từng chữ một nên anh sinh viên không thể biết nội dung của cả câu. Khi xong, ngư ông bảo anh sinh viên đọc cả hai câu xem nghĩa là gì và giải thích cho ông nghe. Đọc lại, thấy câu đầu vô nghĩa. Nhưng đọc câu thư hai xong, Văn Bình vốn rất thông minh, biết ông câu dùng lối chơi chữ lái để nhạo anh ta. Anh ta cũng nhận ngay ra rằng chính ông câu là nhà nho mà anh đang tìm. Tôi không nhớ đoạn kết của câu chuyện nầy ra sau, và cũng không nhớ đã đọc ở sách nào.

Giai thoại Mã Qui – Qui Mã : Phần cuối của việc trích dẫn sách, có hai tiếng lái đã thành giai thoại rất hay. Trong Giai Phẩm Xuân Nhâm Ngọ Người Việt, Công Tử Hà Đông (1) có viết bài Mã Qui và Qui Mã. Năm ngọ nói chuyện mã là đúng quá rồi. Tác giả cho biết là hai từ nầy và câu chuyện liên hệ là do một "cây cười nhân dân nào đó ở Hà Nội" viết ra để làm chuyện tiếu lâm. Chuyện đại ý là vào đầu thập niên 1980, kinh tế VN xuống dóc phi mã, thê thảm. Người cầm đầu đảng và nhà nước vì lo lắng quá nên đến đền Ngọc Sơn ăn chay xin thần linh báo mộng giúp biện pháp cứu nước. Hai người đều được thần báo mộng. Người đầu thấy con ngựa và con rùa, người kia thì thấy con rùa và con ngựa. Tuy vô thần, nhưng tin mộng và tin ... thầy giải mộng. Hai người bèn nhờ thầy giải thích hộ. Thầy giảng rằng rùa là qui, ngựa là mã. Ông đầu thấy rùa và ngựa tức thấy qui mã, ông sau thấy ngựa và rùa tức thấy mã qui. Vậy theo điềm mộng thì thần có ý cho hai ông biết là : "muốn cứu vãn nước nhà hai ông phải qua Mĩ xin Mĩ (a) nó giúp, bao giờ Mĩ (a) nó qua nước mình thì tình hình nước mình mới khá được". Tác giả bài báo cũng có viết rằng là chuyện tiếu lâm (nói lái) nầy đã ra đời từ những năm đầu của thập niên 1980, khi chưa có dấu hiệu nào cho biết rằng Mỹ sẽ bang giao với VN. Tác giả bài báo đó viết tiếp là : "Hai mươi năm sau, chuyện mã qui qui mã thành sự thật”. Chú thích (a) do tôi thêm : các từ Mĩ nầy dùng " Ĩ " vì tiếng lái của qui mã = qua mĩ, và mã qui = mĩ qua).

Với những trích dẫn vừa qua, chúng ta thấy văn chương, văn thơ, trong sách báo hay video đều có nói lái rải rác đó đây từ Bắc chí Nam, từ quốc nội đến hải ngoại.
Những lối nói lái qua tiếu lâm truyền khẩu, hoặc được ghi chép lại.

Phần tiếp theo đây tôi sẽ ghi thêm những tiếng lái hay câu lái do tôi học hỏi hay lượm lặc trên con đường "tiếu lâm lái".

Nói lái trong câu đố : Lúc tôi còn nhỏ, tôi biết được những tiếng lái đầu tiên qua các câu đố. Thí dụ các câu đố sau đây :

a) – Ông cố ngoài Huế ông cố ai ? (xuất vật)
b) – Ông đánh cái chen, bà bảo đừng ? (xuất vật dụng).
Hoặc c) – Ghe chày chìm giữa biển đông, cái nốc nó mất cái công nó còn.(xuất vật).

Câu a) là "cái ô" ; vì cố ai = cái ô. Câu b) là cái "chân đèn" ; vì "chen…đừng = chưng đèn. Câu c) là "con còng", vì "công còn = con còng.

Nói Lái tên thú vật : Các câu sau đây nói lái về thú vật, thức ăn, địa danh, hay nói đùa cho vui :

Con óc con nhện, con ếch con nhọng ;
Con cò con sóc, con cóc con sò ;
Con công con rùa, con cua con rồng ;
Con cáo con bò, con cò con báo.

Hoặc : Con cá đối nằm trên cối đá ;
Ông cò Lửa đứng ở cửa lò.

Bên trên trong phần trích dẫn video đã có rất nhiều tiếng lái về thú vật.

Nói lái về các loại canh : Về thức ăn, trong bửa cơm của VN thường có ba món chánh : món mặn, món xào và món canh. Sau đây là câu lái đùa về canh :

"Anh Câu Bành đánh lộn với anh Kí Banh, ông Cai Cảnh làm biên bản, giải lên ông Cai Khoanh để thụ lý. Các câu trên thật ra là tên của bốn loại canh : canh bầu, canh bí, canh cải và canh khoai.

Nói lái về các địa danh : Về địa danh chúng ta có một số câu sau đây :

Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ ;
Chợ Đồng Tranh năm canh đành trông

Hoặc : Ra Thủ Đức năm năm thức đủ
Về Giồng Trôm tháng tháng dòm trông (4)

Hay các câu sau :

Đi chợ Búng coi chừng chúng bợ
Đến Hạ Long rát cổ họng la
Lên Bắc cạn, nghèo đành bán c. t
Vào Ba Thê cuộc sống bê tha
Vượt sông Đuống, xuống Đông lên bắc
Trèo Đèo Ngang trong lúc đang nghèo

Ngoài ra còn có câu sau đây liên quan đến địa danh và nói lái, và có thể dùng câu nầy làm vế đầu của câu đối. Vị nào đối hay xin ban cho một câu cho đối để chuyện thêm phong phú :

"Nếu chịu Bà Chở, Bà Chở sẽ chở xuống Chợ Bà Chiểu"

"Chở" vừa là tên của một bà vừa có nghĩa là đem đi bằng một phương tiện gia thông (chuyên chở). "Chịu Bà Chở" cũng có hai nghĩa : Thích bà có tên Chở hoặc, hoặc "đồng ý cho bà đó chở đi". Tiếng lái của chịu Bà Chở là chợ Bà Chiểu một địa danh rất quen thuộc ở vùng Sài Gòn.

Vùng Đồng Nai Cửu Long có hai câu đối rất độc đáo, và nổi danh sau đây để chỉ một chàng trai người Hốc môn, và một cô gái người Gò Công đang tình tự :

Trai Hốc Môn vừa hôn vừa móc,
Gái Gò Công vừa gồng vừa co.

Giai thoại nói lái về con Rồng Air VN : Trước năm 1975, hàng không Air VN có dấu hiệu con rồng uốn khúc. Có một thời gian, không biết các cô tiếp viên phi hành có tư cách hống hách với khách hàng thế nào mà các vị viết báo đã cho Air VN một cái nick name để đời là Air Rồng Lộn. Các cô tiếp viên hóng hách cũng bị gọi là các cô rồng lộn. Tưởng một thời gian ngắn rồi mọi sự kiện sẽ bị quên lãng. Nhưng khốn nổi cứ 12 năm lại có một năm thìn, tức năm con rồng, cái nick name nầy lại được viết lại trên báo xuân, thành ra có thể nói đây là tiếng lái được các báo nhắc đến nhiều nhất, một tiếng lái để đời.

Những câu nói lái khác liên hệ đến con rồng.

Ông Đại Ngu (2) có ghi hai câu đối sau đây :

Con Tiên Cháu Rồng, Lộn xuống hồng trần sung sướng nhỉ.
Mộng hùm thơ Rắn, Sai đâu con tạo đở đần cho".

Tác giả Đại Ngu có chú thích là chữ lái của "rắn sai" là "Rái săn", đọc theo giọng Hà Nội âm R thành âm D.

Ông cũng có ghi thêm về giai thoại Tú Mở đùa thi sĩ Ngọc Hồ như sau :

"Tú Mở viết bài thơ trào phúng có hai câu khá tục, chắc đã làm nữ sĩ Ngọc-Hồ phải căm giận :

Hồ tù ngán nổi con rồng lộn
Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo"

(Tôi tò mò : Có lẽ bút hiệu Đại Ngu cũng là tiếng lái ?)

Nói lái bằng thơ để tuyên truyền : Tôi nhớ, có một hôm, theo thường lệ, tôi chỉ đọc lướt qua những tựa của các bài báo. Có một tựa có tên đại khái là : "Không phải thầy tu nhưng rất thù Tây”. Vì chưa đọc bài báo, nên không biết nội dung ra sao. Nhưng vì méo mó nghề nghiệp, tôi nhận ngay chữ thầy tu là tiếng lái của thù tây hay ngược lại. Chữ này làm tôi nhớ đên từ thầy tăng vì đó là tiếng lái của từ thằng tây. Số là trong thời kháng chiến chống Pháp giữa thập niên 1940, người ta truyền miệng trong dân chúng hai câu sau đây :

Chừng nào lúa mọc trên chì,
Voi đi trên giấy, rồi đời thầy tăng

Nói lái để cho mật thám không biết. Họ đồn đó là hai câu sấm "Trạng Trình". Hai câu sấm nầy được truyền miệng giống như ý sấm đã bắt đầu linh nghiệm vì lúa đã mọc trên chì : Pháp cho sản xuất tiền đồng xu và cắc bạc có hình cây lúa ; và cho lưu hành giấy bạc một trăm đồng có hình con voi. (Ai có tờ giấy "con voi" trong túi là dân khá giả vì một trăm đồng lúc đó bằng năm lần lương tháng của thầy giáo).
Những giai thoại về nói lái ở VN sau 1975.

Sau năm 1975, nghe những người "vượt biên" đến HK kể những chuyện "cười ra nước mắt" để chỉ tình trạng nghèo khó của dân chúng. Một thí dụ về sự túng thiếu của giáo chức : "Giáo chức" bây giờ "dứt cháo" thôi. Một thí dụ khác về tình trạng chán nản, không muốn làm việc của các công chức, cán bộ ; khi bàn cải chuyện gì họ cứ muốn bài lui hay giữ tình trạng cũ do đó mà có danh tánh "Vũ Như Cẫn", hay "Bùi Lan" (= vẫn như cũ, hay bàn lui)

Rồi tình trạng đút lót cho được việc khi đi đến các cửa công xảy ra quá nhiều nên nhó chữ "nguyên tắc đầu tiên" được ra đời vì điểm chánh là phải áp dụng "nguyên tắc tiền đâu" nầy thì mọi việc mới trót lọt cho. Không biết tình trạng nầy lan rộng đến mực độ nào và bây giờ tình trạng ra sao, đành mù tịt vì không thể nào polling để thăm dò được. Ngoài ra tôi còn nghe và đọc trong những bài sau đây về tình trạng nghèo đói đã nói trên :

Kỹ sư đôi lúc là cư sĩ
Thầy giáo lắm phen cũng tháo giày
Giáo chức giờ đây đành dứt cháo
Khoái ăn sang nên sáng ăn khoai (3)

Cảnh túng quẩn của thầy giáo cũng được nhắc đến trong một bài thơ khác, trong sánh vừa dẫn trên :

Thầy giáo tháo giày đi dép
Nhà trường nhường trà uống nước trong
Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo
Lương thầy tiền lính tính liền xong

Thầy giáo tháo ủng tháo giày
Tháo ủng thủng áo, tháo giày nóng chân
Giáo án dành lại khi cần
Thay vải dán áo việc làm "tốt thôi"

Về những vấn đề tổng quát hơn, có nghe những câu sau đây :

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi ;
Chiến khu tiền bạc chú khiên rồi
Thi đua vượt chỉ, thua đi đấy,
Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi
Nói lái qua những từ gốc Tàu, từ Hán Việt (HV), hoặc giống từ HV.

Ăn thịt mộc tồn. Một món nhậu đặc biệt của VN là món ... thịt chó. Ai không ăn thịt chó được, hoặc thèm thịt chó mà không mua được, thì có món "giả cầy" thế vào, dùng giò heo, nhưng nấu theo kiểu nấu thịt chó nên gọi giả cầy. Ngày xưa, nghe nói có lúc Tây cấm ăn thịt chó. Nhưng ai đó nếu thèm quá thì cũng phải tìm cách ăn lén. Để tránh các phiền phức, họ dùng tiếng lóng để chỉ con chó. Họ gọi chó là "mộc tồn". Theo tiếng Hán Việt, mộc = cây, tồn = còn ; vậy mộc tồn = cây còn = con cầy hay con chó cũng vậy. Người ta còn dùng nhóm chữ "hạ cờ tây" để chỉ việc làm thịt chó con (cờ tây = cầy tơ). Thật là nhiều hình thức từ ngữ để tránh né.. vừa vui, vừa hay quá cở thợ mộc. Sau nầy những từ ấy trở nên thông dụng trong nhóm "xực cẫu xíu", tiếng TH, có nghĩa ăn chó quay.

Dấm xủ. Miền Nam VN có nhiều người Việt gốc Hoa. Do đó dân ta Việt hoá nhiều tiếng Tàu. Thí dụ ăn chay (Quãng đông : xực chay) ; ăn lẫu : ăn thức ăn nhúng trong nước lèo đựng trong một cái dụng cụ nấu đặc biệt gọi là cái cù lao ; gặm chí quách : gặm xương hầm, ăn cháo lòng hoặc ăn hủ tiếu để thêm dầu chá quảy ...

(Chú thích thêm : "dầu chá quãy", tiếng Tàu đọc giọng Quãng Đông có nghĩa đen là "quỹ chiên mỡ", tích truyện vợ chồng Tần Cối, đời Nhà Tống đã bị xữ tử ; hai vợ chồng bị trói lại và bị thả vào vạc dầu. Vì vậy chúng ta thấy cái bánh "dầu chá quãy" luôn luôn gồm có hai miéng bột chiên dính liền nhau (tượng trương cho vợ chồng Tần Cối).

Trong buổi ăn, người Tàu hay dùng một loại dấm đỏ chung với xì dầu (nước tương) làm nước chấm. Họ gọi dấm đỏ là xủ (giọng Quảng Đông). Dân chơi tiếng lái khi vào tiệm ăn, thay vì gọi xin dấm hay xin xủ, lại gọp chung cả hai từ dấm và xủ, gọi người hầu bàn xin dấm xủ. Một người gọi, cả bàn cười vì tiếng lái đó (dấm xủ = dú xẩm đọc theo giọng Nam của tiếng vú xẩm). Lẽ dĩ nhiên anh hầu bàn người Tàu cũng cười theo khách hàng cho vui nhưng chưa chắc đã hiểu tiếng lái đùa cợt đó, (hay hiểu và thích cũng không biết được, vì anh Tàu mà thích dấm xủ là chuyện thường rồi vì là món ăn hàng ngày của "ngộ" mà, không thích sao được).

Trà Thái Đức. Ngoài ra, những từ Hán Việt quen thuộc có nhan nhản trên các báo là tên các tiệm thuốc Bắc, thuốc chế từ các loại dược thảo Tàu, hay tên của các loại dược thảo được bày bán, (khác với thuốc Nam là các loại dược thảo có sẳn ở VN thuộc loại "cây nhà lá vườn" dể kiếm hơn), và tên của các loại trà ... Nước trà nào cũng có tính cách nhuận tiểu. Uống trà nhiều vào buổi chiều, đêm thường khó ngũ, có thể vì trong trà có cafein làm mất ngũ, nhưng cũng vì phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu.Vì vậy dân nói lái khi nghe mời dùng trà ngon thường hỏi nhau là trà nầy có phải là trà Thái Đức không, hỏi xong, chủ khách cười xoà (thái đức = thức đái). Vào buổi sáng, đến tiệm ăn tiệm xâm, thưởng thức "xíu mại" và xì dầu pha dấm xủ, và uống trà thái đức thì tuyệt rồi còn gì bằng. Chỉ một vài tiếng lái thôi mà không khí buổi điểm tâm vui nhộn lên.

Phú hộ hà tiện (tiếng nói lái giống tiếng HV) Có câu chuyện khác, rằng có một phú ông họ Tạ kia tuy giàu tiền, nhưng ít chữ nghĩa. Đầu ông ta hói, và nổi tiếng là hà tiện.. từng xu. Tết đến, ông ra chợ nhờ cụ đồ nho viết câu đối trên giấy đỏ để treo ở nhà. Cụ đồ đề nghị viết chữ "họa" giống như vẽ cho đẹp và đề ra giá công viết là một đồng. Phú ông kỳ kèo trả giá năm cắc thôi. Ông đồ chịu và viết cho 2 câu sau đây :

Hiền Tạ Thu Sương tâm tắc kiết ;
Thiên Tường tác biệt thị Châu đài.

Ông đồ giải thích đại khái là bà phú hộ tên Thu Sương, còn ông tên Tường. Họ Tạ hiền hậu, bà nhà có tấm lòng tốt (kiết). Còn ông nhờ trời (thiên) ban cho cách riêng nên giàu có như con cháu nhà Châu thời xưa. Ông phú hộ nghe xuôi tai, vui vẽ trả năm cắt và đem tấm giấy đỏ về dáng trước cửa. Một hôm bạn ông, một người giỏi chữ nho, ghé thăm. Phú ông khoe câu đối. Bạn của phú ông đọc lui đọc tới hai câu trên, thấy chẳng có nghĩa gì cả. Sau một lúc ông ta phá lên cười vì ông phú hộ đã bị ông đồ nho chơi xỏ. Hai câu trên chẳng phải chữ nho với điển tích gì cả mà chỉ là hai câu gồm một số từ tiếng lái và một số không phải tiếng lái, viết ra như sau :

Hà tiện thương xu, tâm tiếc cắc (tâm tiếc từng cắc bạc)
Thương tiền, tiếc bạc thị chai đầu (chỉ đầu hói)

Phú ông nghe câu giải thích mới, xé câu đối và chắc lưởi hít hà, vừa rủa cụ đồ, vừa tiếc đã mất năm cắc, nên quên mời ông bạn vào nhà xơi ... "nước mát”.

Bà hoá kén chồng. Thêm vào kho tàn HV kiểu truyền khẩu nầy, còn có câu chuyện sau đây : Chuyện một bà hoá, giỏi chữ nho, đăng bảng tìm chồng. Chuyện rằng bà thuộc loại "nửa chừng xuân, thoắt gảy cành thiên hương" (Kiều). Sau ba năm để tang chồng, tròn đạo phu thê, bà bắn tiếng là bà có ý mống chuồng. Bà cho biết sẽ chọn ông nào biết nói lái hay nhất bằng cách dùng câu đối, có vẽ như chữ nho. Bà đưa câu chuyện nói lái của ông phú hộ bên trên làm ví dụ. Bà còn nói rõ hơn là phải diễn tả được tình cảnh của bà trong ba năm để tang chồng. Đề tài thật rắc rối và hóc búa thật sự. Nhưng vì bà đẹp quá nên rất nhiều nhân tài nộp bài. Sau khi chấm xong bà lựa được hai bài, vừa có tiếng lái, vừa có vẽ như chữ nho, vừa tả một phần đời bà, để cho vào chung kết.

Bài thi chung kết đầu chỉ có hai câu như sau :

Bách nhật bách không vô cụ đặc
Băm na đổ lể, chẩm ai đăng.

Bài thi thứ hai, vừa có câu đối, vừa là bài thơ song thất lục bát :

Gái quốc sắc, cao môn "dũ đệ"
Trai anh hùng, tứ hải "đại du"
Nhìn em đã thấy căng tu
Mống chuồng chỉ nhận (người có) cốt tu làm chồng.

Cả hai được chấm đậu viết. Nhưng sau phần thực hành, trong vòng 2 tuần liên tiếp bà loại ông có hai câu đối ngắn, vì không tả đúng tình trạng thật của bà, và vì thực hành kém quá. Ông ấy nói "ba năm để lổ chẳng ai đâm" (= chẳng ai đăm) là sai vì thât sự trong ba năm đó bà có cho ... "đâm" lai rai. Bà thành thật thú nhận như vậy. Và do đó bà chọn ông thứ hai. Chẳng những ông đã nói đúng những gì bà có (nhà ở tuy thuộc loại kính cổng nhưng quá còn son nên dể sa ngã, có kiếm chác chút chút). Ông còn tả bà đẹp và hấp dẫn (nhìn bà ông đã thấy "căng tu"). Ngoài ra ông sau còn nói rất đúng về những gì ông có. Ông thứ hai nầy đúng là " trai anh hùng tứ hải..đ. dai dẳng, và cũng hiền lành có c. tốt đúng như ông đã nói. Bà chịu làm đám cưới với ông thứ hai nầy.

Giai nhân và anh hùng. Tôi nhớ hai câu khác, cũng có vẽ là chữ Hán Việt, để chỉ một sự thật của con người : dầu nam hay nữ cũng phải ngũm cù đèo, hay về chầu Diêm chúa nếu "chuyện đó" không thông. Hai câu đó mới ghi được cách đây độ 5 năm :

Giai nhân tái đắc, giai nhân tử ;
Anh hùng khai đống, anh hùng tiêu

Nghe thật là đầy chữ nho, phải không các bạn ? Câu đối tuy có vẽ không chỉnh nhưng nghe hay hay vì có dùng vài từ Hán Việt nghe kêu quá. Các bạn tìm được những từ nói lái trong hai câu trên chưa ? Nếu chưa tôi đành viết lại hai câu trên :

Gian nhân tắc đái giai nhân chết ;
Anh hùng không đái, anh hùng tiêu (đời).
Một vài chuyện nói lái của bằng hữu và thầy, xa xưa và hiện tại.
Ngày xưa, khi tôi còn là sinh viên Văn Khoa, trong lớp Văn Minh Việt Nam, có một giáo sư dạy về những nét đặc biệt của tiếng Việt và những thú vui ở đồng bằng Cữu long - Đồng nai. Trong khi chuyện trò ngoài giờ học, Thầy có bàn thêm về những từ đặc biệt có nhiều nghĩa do cách dùng sai, vô ý, hay cố ý. Thí dụ từ "khốn nạn" nguyên ngữ Hán Việt là khó khăn. Nhưng dân "miệt vườn" lại dùng từ đó như là một tiếng mạt sát thậm tệ.

Sinh viên nói lái. Có một sinh viên (tôi quên tên) nói đùa : Hồi còn nhỏ anh ta bị các thầy giáo cho là anh "cù lần". Lớn lên thi mãi không đậu tú tài, chắc đúng là vì "cù lần" thật sự. Cha anh bảo cưới vợ làm ăn. Sau khi cưới được vợ rồi, anh tưởng là hết "cù lần" nào ngờ anh vẫn "cù lần" như thường, nhưng lại thi đậu tú tài. Thầy nói ngay : "đáng mừng, đáng mừng, sinh viên biết chơi chữ với thầy". Các bạn có biết anh sinh viên nọ nói gì không ? Cù lần có nghĩa là lôi thôi, kém thông minh. Nhưng cù lần (có gạch dưới) của anh sinh viên nọ, có nghĩa đôi, vừa là ít thông minh, vừa là tiếng lái (cần l). đấy các bạn ạ. Và cha anh đã giúp anh giải quyết vấn đề thi rớt qua kinh nghiêm của riêng ông bằng cách giải quyết vấn đề tâm sinh lý của con ông qua việc cưới vợ cho con.

Một sinh viên khác, người gốc Bạc Liêu, cũng góp vui vào câu chuyện. Anh ta nói : Còn em, Thầy biết không, lúc vừa xong lớp đệ nhị, em đã bỏ học hoang chơi lêu lỏng. Em đã có những quyết định lầm lộn và xài phí gần hết nửa gia tài của cha mẹ để lại. Càng lớn em càng lộn lầm tiêu phí gần hết phần của cải còn lại, kế bị đi lính, vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Nhờ đi lính em mới xác nhận thêm rằng đa số đàn ông, kể cả các ông sĩ quan cấp cao đều lộn lầm như em nên thường bị đàn bà sai biểu. Thầy cười, và nói : đó là cái bệnh chung của một số lớn đàn ông, anh đừng "buồn". Cả nhóm cười rộ. Lại một anh học trò chơi chữ tiếng lái nữa đấy các bạn ạ.

Đồng nghiệp (dạy học) nói lái. Viết đến đây tôi lại nhớ tới các thầy cũ và các bạn khác của tôi. Tôi nhớ một bạn cũ, giờ còn ở Sài Gòn. Vào tháng tư năm 1975, có một buổi họp ở trường về vấn đề thi cử. Trong lúc bên ngoài tình thế (chính trị, quân sự) có vẽ lộn xộn, bên trong phòng họp vì người chủ tọa chưa đến, nên anh em (đa số là giáo chức) nói chuyện khào về những tin "lạc dừa" (tin đồn) về chuyện evacuation những người làm việc sở Mỹ. Cạnh tôi có một anh bạn vốn là người đã du học Mỹ về. Anh ta có vẽ chán nghề giáo vì nghe nói đã có lần xô xác với thí sinh sau kỳ thi, vì thí sinh gian lận bài thi và anh bắt gặp. Tôi hỏi anh có tính gì về chuyện "tương lai" không (một câu hỏi "mập mờ" nhưng ở thời điểm đó ai cũng hiểu là chuyện di tản). Anh trả lời là sẽ xin về hưu, hoặc xuất gia nếu không "đi được". Làm sao sống nếu không có tiền hưu, tôi hỏi. Anh không trả lời, mặt rất bình thảng. Anh viết hai câu thơ trên giấy đưa cho tôi đọc :

"Nếu về hưu, tao sẽ làm những chuyện sau đây :

Sáng lặc cỏ, chiều lặc cau ;
Độn lầy, khai giếng tưới hành rau"

Tôi bật cười chưa kịp nói gì thì thấy anh ta lại viết thêm một bài thơ nửa, và cũng đưa cho tôi đọc. "Nếu đi tu tao, thật sự tao không biết theo đạo nào, chắc là theo đạo Dụ quá, nhưng không biết có đử sức để theo không ? Nếu theo đạo nầy :

Ngày thì công ngũ tối công phu,
Kinh kệ, làm tương phải kiếm lu
Mấy cô nho nhỏ đang mù đợi,
Mấy lão sồn sồn sẽ đạo tu"

Lúc đó tôi sửng sờ thât sự. Thứ nhất vì không dè anh chàng có vẽ đạo mạo, lại có thể viết hai câu đầu với một ít tiếng lái có vẽ "hơi tục", trong khi bốn câu sau và cái đạo của anh thì "tục" quá chỗ chê rồi. Thứ hai, tôi không biết anh đang nghĩ gì trong đầu, vì hầu hết, tuy không nói ra, nhưng ở thới điểm đó, ai cũng có vẽ lo lắng, trong lúc anh lại có vẽ tỉnh bơ, lại còn làm thơ kiểu đùa giởn nầy được thì ... tài quá. Dân nói lái khi nghe những câu có vần "u", "ù" hay "ôn", "ồn" "ộn" thì biết ngay là người nói hay người viết đang xài tiếng lái tục. Tôi xin miễn việc "diễn giải" hai bài thơ trên, xin các bạn tư tìm hiểu lấy cho vui. (Thời gian đã chứng minh anh bạn nọ có tài thật. Anh không vượt biên đi ra nước ngoài, ở Sài Gòn tiếp tục chịu đựng một số năm đầy nghèo khó và sau nầy vươn lên bằng cách mở lớp anh văn, và tiếp tục sống.. tỉnh bơ không hề than vãn, hay nhờ vã bạn bè chút gì cả).

Thầy (dạy trung học) nói lái. Bài thơ trên khiến tôi nhớ tới một giáo sư Pháp văn hồi tôi còn học lớp đệ ngũ. Tôi không biết anh bạn trên có phải là học trò của ông giáo nầy không, vì trong bài thơ của anh ta có một vài từ giống trong bài thơ của ông thầy mà tôi đang nói. Tuy ông đã tốt nghiệp từ chương trình Tây và dạy tiếng Tây nhưng ông lại thích nói đến những cái "rắc rối, nhưng phong phú" của tiếng Việt, trong đó có lối nói lái. Ông nổi tiếng là ông thầy lè phè, dể tánh, nhưng lại dạy học rất có duyên và học sinh rất thích. Sau đây là bài thơ tôi nhớ lại và ghi ra. Đúng nguyên văn hay không, không chắc, cũng như tất cả các câu khác, nhớ sau ghi vậy. Bạn nào có học với thầy và có nghe về bài thơ nầy xin bổ túc hay sửa chỗ trật. Đa tạ.

Có cô nho nhỏ đó học trèo
Trèo lên hòn đá, đá chẳng leo
Sương sa lác đác, mù mù đợi
Trăng xế đầu non, đới đới cheo.

Cũng như hai bài trên, tôi xin cáo lỗi, không có gạch dưới những từ có thể thành chữ lái. Các bạn tự tìm lấy và tự lái cho vui. Nhưng cũng xin cho chìa khoá rằng đây là loại lái dùng ba từ liên tiếp.

Cô giáo nói lái. Nói tới thầy giáo, phải nhắc tới cô giáo cho công bằng. Chuyện rằng có bà giáo nọ có tật là hay dùng tiếng lái khi bà sợ hải điều gì. Tiếng lái của bà chỉ liên quan đến thực tế, và không có gì gọi là "khó nghe" hay tục cả. Bà giáo chỉ có một người con trai. Bà dạy con rất cẩn thận. Tuy con đã mười lăm tuổi rồi mà đi đâu bà giáo cũng đi kèm theo, và luôn giáo dục con trong mọi trường hợp. Bà sợ nhất là nó gây lộn và đánh nhau với nhóm du đảng.

Một hôm bà dẫn con vào quán ăn cơm trưa. Trong lúc đang ăn uống, bàn bên cạnh có tiếng cải cọ. Một anh ăn mặc có vẽ con nhà giàu, đang sừng sộ với một anh khác và có vẽ như sắp đánh nhau. Con bà nói rằng anh đầu tiên là bạn học của nó. Khi thấy con bà nhỏm dậy, có vẽ muốn sang bàn bên kia, bà giáo cảm thấy không an tâm. Bà không muốn con dính líu tới chuyện gây gổ. Bà nói với con : Con ơi, con

Đói nừng, đỏi kê, tháo sây, ngây vẹ
Náng làm tò, nết có chó, đới cái đàn
Ảo nhà gì, lách phàm, thét mà gấy

Con trai bà nghe bà nói một hơi, mặt bà lại có vẽ giận và lo, nó ngồi yên. Khi việc cải cọ chấm đứt, và các anh kia đã đi khuất, bà khen con bà : Con biết nghe lời má như vậy má chịu lắm đó ; con ngoan như vậy, đáng khen lắm. Con bà trả lời : Thiệt ra con chẳng hiểu má nói gì cả nên con ngồi yên. Té ra con bà ấy, như một số các bạn đang đọc bài nầy, nếu nghe bà nói một hơi các câu như vậy chắc cũng không đoán ngay ra bà muốn nói gì. Bà ấy đã nói : Con ơi, con

Đừng nói, để coi, thấy sao, nghe vậy
Nó làm tàng, nó có chết, đáng cái đời
Ỷ nhà giàu, làm phách, thấy mà ghét.

Con bà hỏi sao không nói như bình thường mà lại dùng tiếng lái. Bà trả lời là sợ chúng nghe được lại gây gổ luôn tới mình thì mệt lắm, nên nói tránh cho "chắc ý" (và tưởng rằng con bà hiểu).

Lão ông, lão bà nói lái trong bàn tiệc. Không phải chỉ có bà giáo vừa nói biết tiếng lái. Tôi có chứng kiến hai bà và một số các ông dùng tiếng lái một cách khá bạo mồm trong một trường hợp khá vui. Trong một bửa tiệc của một hội đoàn cách đây hai năm, sau phần ăn có phần văn nghệ "cây nhà lá vườn". Bàn chúng tôi và vài bàn bên cạnh gồm toàn những người trên 60 tuổi, mặc đầu các bàn khác số trung niên (40-50 tuổi) rất đông. Khi MC mời các "bạn già" lên trình diễn, các bàn lão nhân của chúng tôi khá xôn xao. Có nhiều ông tính lên giúp vui.. Sự bàn tính cũng khá sôi nổi, vì cũng có vài bà đòi lên sân khấu. Vài bà khuyến khích, cổ võ. Vài bà lên tiếng cản. Một bà nói hơi to tiếng khi can ông chồng không cho lên : "Thôi mà, già rồi lên đó làm chi". Ông ấy phân trần với mọi người trong bàn, và những người ngồi gần (thuộc bàn khác) bằng cách đọc to bài thơ :

Sao em cứ bảo anh già,
Làm anh chẳng biết anh già ở đâu
Anh già cái tóc cái râu,
Nhưng riêng "cái ấy" còn lâu mới già

Nhóm lảo nhân cười rộ. Bà ấy nguýt ông và nói rằng "ông già mà không nên nết”. Một ông khác bênh vực : bà đã nghĩ chủ quan rồi, vì "cái ấy" mà chồng bà muốn nói là cái "tinh thần trẻ trung, hát hay không bằng hay hát" đấy. Nhưng bà ta cũng không vừa. Bà nói rằng : Tôi biết nhà tôi quá mà, ổng thuộc loại "Chung Vô Diệm" rồi nên nếu giải thích "cái ấy" theo cách của ông anh như vậy là sai bét. Một ông khác lên tiếng : Cha chả ai bảo các bà không nói lái ? Bà trên quay sang ông sau cùng : Nói vậy ông anh cũng rành tiếng lái quá hén, ông anh thuộc loại lái hay lái giỏi đó. Ông sau sau cùng nói : Dạ không dám nhận lời khen của chị vì tôi còn thuộc lại lái dở thôi. Ông chồng của bà ấy lên tiếng : Ông anh ơi, nói lái vòng quanh với các bà, người ta gọi là lái gió không hay đâu, phải dám nói thẳng như trong bài thơ của ai đó, mà tôi vừa đọc, mới hay.

Câu chuyện xãy ra nhanh như vậy vàụ đa số những người trong các bàn của nhóm già cười rộ lên. Nhưng có một vài bà có vẽ làm nghiêm, không cười (có thể các bà không hiểu hay chưa nghĩ ra ý của tiếng lái chăng ? Hay là hiểu nhưng vẫn làm nghiêm ?).

Một bà không cười, với vẻ mặt tỉnh bơ hỏi bà đầu tiên : Chị nói ảnh thuộc loại Chung Vô Diệm là nghĩa làm sao tôi không rõ. Số đông lại cười rộ lên. (Trong truyện Tàu, Chung vô Diệm là người đàn bà xấu xí, nhưng nhờ giỏi võ nghệ, giúp vua dẹp loạn và được sắc phong hoàng hậu. Mới nghe rõ ràng chẳng dính líu gì tới cái ông đọc thơ). Bà vợ của ông đọc thơ cũng trả lời tỉnh bơ : Chị ơi "Chung Vô Diệm" là "chim vô dụng" đấy. Nhà tôi bảo "cái ấy" của ảnh còn lâu mới già là nói dóc. Cả hai bàn lại cười rộ. Một bà khác lại chen vào : nếu ông nhà bà ở tình trạng không "dụ cưng" được và vô dụng như vậy sao ông nhà cứ đòi "lên" ... ca hoài vậy. Bà đầu tiên cười to trả lời không cần suy nghĩ, và không tỏ chút e thẹn gì cả : Tuy thuộc loại họ Chung nhưng nhờ có đọc sách nói về các hoạn quan trong cung nên biết áp dụng phương pháp sường cho sớ để sống qua ngày. Rồi bà thấp giọng một chút, như có vẽ e dè : Thú thật đôi khi nhà tôi có theo phương pháp cổ truyền mà giới trẻ hay dùng là hướng và bướng. Một bà khác ngồi cạnh giải thích thêm : Bà ấy muốn nói hướng cho sôn và bướng cho sú đấy. Cả nhóm lại cười rộ lên, và còn có vài tiếng phê bình "tài thiệt, gan thiệt" chen vào.

Ai dám nghĩ rằng các lảo bà và lảo ông không chơi chữ lái phải không quí vị ? Trong trường hợp nầy tôi thấy các lão ông nói chữ kém xa các lão bà.
Những chuyện nói lái "cách sông"

Với những câu chuyện nói lái vừa kể, tôi cứ tưởng là tôi biết nhiều về nói lái. Nhưng trẻ khôn qua, già lú lại. Tôi tình cờ đã nghe và học thêm những tiếng lái bất ngờ, chẳng có gì cao xa hay đặc biệt, nhưng những tiếng lái ấy mới đối với tôi, hoặc những tiếng đó là tiếng tôi đã biết, nhưng ít dùng tới, nên khi nghe lại thấy hay hay.

Nước bất hiếu. Số là một hôm, bước chân vào một tiệm ăn, vừa kêu xong thức ăn thì tôi nghe một em trai độ 18 tuổi kêu anh chạy bàn, cũng nhỏ tuổi như anh kia, gọi một tô tái nạm và một ly nước "bất hiếu”. Cha chả, nước gì mà tên ngộ vậy, tôi tự hỏi. Và vì thói quen khi nghe ai chơi chữ là tôi nghi ngay là đang chơi tiếng lái. Nhưng suy nghĩ mãi vẫn không ra. Khi ly nước được đem tới bàn, tôi nhìn qua xem, rõ ràng là nước đá chanh. Cái lý tại sao anh chạy bàn biết và đem ra đúng thì không lạ vì chắc chắn là họ biết code của nhau rồi. Cái lạ là tại sao hắn gọi là nước "bất hiếu". Phải khi ăn xong tô phở tôi mới nghĩ ra và bắt đầu cười cho cái chậm hiểu của mình. Các bạn có biết không, thật đơn giản. Đá chanh là tiếng lái của đánh cha. Con mà đánh cha là con bất hiếu. Nhóm trẻ đó đã chơi tiếng lái xa hơn một bực nữa, dùng cả lời phê của một hành động để chơi chữ.

Nói lái cách sông Trong một bửa "pot luck" của một nhóm sinh viên trẻ thuộc thế hệ 1/5, mà tôi gọi là thế hệ ba rọi vì các em nói tiếng Anh chêm thêm vài tiếng Việt, hoặc ngược lại. Tới phần văn nghệ văn gừng, ban tổ chức yêu cầu một người "lớn tuổi" lên kể chuyện vui. Trong nhóm chỉ có một ít người lớn tuổi. Một người bạn tôi, ngoài sáu mươi, than nho nhỏ với tôi : hết sách rồi, chưa tìm ra được chuyện gì mới cả. Tôi rỉ tai trở lại : câu giờ bằng cách yêu cầu một sinh viên kể chuyện trước ; và sau đó, nếu cùng lắm, đành mở sách "dạy tiếng Việt" vì trong nhóm nầy, theo chỗ tôi biết, thì chỉ có một vài em biết sách đó mà thôi.

Bạn tôi đứng lên thách thức các sinh viên rằng anh chị nào lên nói một chuyện cười gì hay, mà phải dùng toàn tiếng Việt, không được pha tiếng Anh thì ông mới lên kể chuyện. Các sinh viên đồng ý.

Hai MCs, một nam, một nữ giới thiệu một "mầm non" chuyên kể chuyện cười lên "sân khấu". Chuyên viên cười nầy liền giới thiệu : Sau đây xin các bạn cho một tràng pháo tay cho ban nhạc, toàn những nam nhạc sĩ, đó là ban nhạc "Thuyền xưa" do nhạc sĩ Tô V Cừ, biệt danh CT, làm nhạc trưởng. Ban nhạc nầy do ca sĩ Tô Mộng Lan, biệt danh LMT làm bầu gánh. Nhạc sĩ CT đã từng đóng phim chung với nữ tài tử Hồng Kông, "Điệp Liên Tú". Còn Bầu Gánh LMT cũng đã từng đóng phim bộ với nam tài tử Đài Loan, "Đặng Lăng Nhu". Tiếng vổ tay và tiếng cười vang động. Anh "mầm non" tiếp theo : Xin giới thiệu giọng oanh vàng của nữ ca sĩ Thu Cương và giọng trầm ấm của nam ca sĩ Thu Đạm trong bản "Em nấu nướng Anh”. Và cầu chuyện cười đến đây chấm dứt. Không thấy ai lên sân khấu, không thấy ai đờn trống gì cả.

Chưa nghe hát tiếng nào mà chúng nó vỗ tay như pháo và cười bò lăng. Tôi biết ngay là chúng nó đang nói lái qua tên của hai sinh viên mà các em gọi là "ca sĩ" "Thương Cu".




XUÂN HOÀNG *BÚN BÒ HUẾ



Bún Bò Huế



Xuân Hoàng

Bún không phải chỉ đơn thuần là một món ăn truyền thống của Huế, nhưng đối với người Huế, bún còn là một phần lối sống “Kiểu Huế”.
Kiểu Huế là nghèo mà vẫn sang, vui rộn rã mà vẫn man mác buồn,... ngoài mặt phẳng lặng mà trong lòng dậy sóng, không soi bóng mình trong gương mà soi bóng mình trong đôi mắt của người thương, bè bạn, xóm giềng.. Người ngọai quốc như ông Foulon cũng nhận xét về sự mâu thuẫn của Huế: “Tóc tang cười nụ, vui mừng thở than!”(Lê Văn Lân dịch).


Huế mâu thuẫn từ buổi mới vào đời, đài các từ ngày mới có tên. Tên đất thì nhỏ như nốt ruồi son: Ô, Rí, Huế... mà tên người lại dài lướt thướt như mái tóc mây dài chấm gót: Công Tằng Tôn Nữ Thị Sông Hương, Nguyễn Khoa Hoàng Thành, Tôn Thất Quỳnh Phương... Huế quá trầm lặng và chật như cái bể cạn mà phải chứa những tâm hồn bão nổi sông hồ, nên dân Huế ngoài mặt hiền khô mà trong lòng cưu mang những bến bờ viễn xứ, sẵn sàng phản kháng và rực lửa đấu tranh “dấy loạn” như Lục Vân Tiên ra đường thấy việc bất bằng chẳng tha. Cái dấy loạn bão liệt nhưng nên thơ và lý tưởng quá đà của những tâm hồn lãng mạn kiểu Huế chỉ làm cho Huế thành đất dấy nghĩa nhưng không thể nuôi lớn Huế thành căn cứ địa, chiến khu như Tân Sở, Ba Lòng. Xưa vua Hàm Nghi và vua Duy Tân chỉ có những phút huy hoàng và chợt tắt ở Huế, để rồi suốt canh thâu le lói ở phương nào.


Tô bún bò Huế cũng là một biểu hiện của văn hóa Huế vì đây cũng là một sự “dấy nghĩa” trong truyền thống nấu ăn khi cho bò nổi heo chìm trong cùng một nồi, trộn lẫn hai tính chất mâu thuẩn “bò nấu thì teo, heo nấu thì nở” thành một thể hài hòa. Huế đã dùng sả để “chuyên trị” thịt bò chứ không dùng ngủ vị hương để chuyên trị như truyền thống lâu đời ở Trung Hoa và miền Bắc. Tô bún Huế mang hưong vị “rất Huế” để mà cảm nhận và thưởng thức như cảm nhận và thưởng thức mùi khói sóng buổi chiều trên sông Hương. Tự nhiên như: “Nó ngon thì tại nó ngon. Có chồng thì phải nuôi con, thờ chồng”. Cái dễ giận nhất của người Huế là "mình cảm thấy..." mà không cần lý luận. Bởi vậy, hình như càng đem lý tính để phân tích các món ăn Huế, cái hiểu về hương vị thực tế càng xoải cánh bay xa...



Bún Bò Huế. Ai ở xa nghe như thể Huế là vùng đất thổ sản của bò, giống miền Nam Mỹ Texas . Thật ra, tìm một trại bò trên đất Huế cũng khó như tìm lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Tô bún bò Huế cũng là phản ánh cái tham vọng thu nhỏ của người Huế vì muốn dùng cái “lượng” giới hạn để đạt tới cái “phẩm” vô cùng. Bởi vậy, ngoài những chất liệu cay chua ngọt bùi của trần gian, tô bún Huế còn được “nêm” thêm ít nhiều gia vị vô hình của cái tâm chủ quan và cái linh của hoàn cảnh Bà Bún.
Suốt cả thời thơ ấu, tôi sống ở làng, quanh năm chỉ có “Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên...” là đẹp nhất.


Hàng năm, sau dịp Tết, người trong làng lại bắt đầu chuẩn bị lễ đầu năm. Mẹ tôi lễ vào ngày 19 tháng giêng để kịp ngày 20 đi coi giò gà và dự lễ tế Bà Bún tại làng Vân Cù.
Mỗi năm, tôi được ăn bún khá nhiều lần nhưng hai lần trọng đại nhất và ngon nhất là trong dịp lễ đầu năm của mẹ tôi và trong ngày lễ tế Bà Bún tại Vân Cù.
Làm sao tôi quên được những buổi sáng hai mươi tháng giêng. Từ sáng tinh mơ còn lạnh cóng, mẹ tôi đã cẩn trọng nhúng bộ giò gà khô queo trong tô rượu trắng, gói trong giấy bổi, lâm râm cầu nguyện rồi chuẩn bị lên đường bói quẻ đầu năm.. Tôi là con trai út, nên được thương nhất nhà và thường bị gọi là “cái đuôi của mạ” vì mẹ tôi đi đâu tôi cũng lon ton dòi chạy theo.


Sau vụ coi giò gà tại nhà thầy Kiên ở Hương Cần thì mặt trời đã lên quá đọt tre. Mẹ tôi tiếp tục cuộc hành hương cuốc bộ đầu năm về làng Vân Cù. Từ Hương Cần về Vân Cù phải qua một cánh đồng lúa rộng, tôi phải chạy lúp xúp theo mẹ mướt mồ hôi, mặc dầu trời tháng giêng trên quê tôi lạnh đến nỗi “giêng hai cắn tay không ra máu!”. Sau nầy tôi bỗng khám phá ra thêm một bí mật về cái ngọn tuyệt vời của bún xáo Vân Cù trong ngày lễ Bà Bún một phần cũng là do cánh đồng trống nầy vì vượt qua cho được dặm trường thiên lý nầy thì cái bụng đã trống trơn.


Muốn nói đến Bún Bò Huế thì đừng quên trước hết phải nói đến con bún, vì tô bún là một tổng hợp hài hòa giữa con bún và nước bún. Thiếu một trong hai là kể như có Adam mà không có Eva, có Phạm Lãi mà thiếu Tây Thi! Và, nói đến con bún Huế thì không thể không nhắc đến chiếc nôi của bún là làng Vân Cù.. Làng Vân Cù nằm cạnh sông Bồ, là con sông ăn thông với sông Hương qua nhánh sông Đào. Vân Cù cách Huế chừng 10 cây số về phía Tây Bắc.

Từ xưa, Vân Cù là lò bún tập thể cung cấp bún cho cả Huế, Thừa Thiên, ra tới Quảng Trị và có khi vào đến Quảng Nam, Đà Nẵng. Hầu hết người làng Vân Cù tuy sống về nghề nông nhưng ai cũng có lò bún trong nhà.

Cũng như rất nhiều nghề thủ công khác ở Huế như nghề Thợ Rèn ở Làng Hiền Lương, nghề Đan Thúng Mủng ở làng Bồ La, nghề Thợ Vàng ở làng Kế Môn, nghề Nuôi Tằm ở làng Dương Sơn, nghề Chằm Nón ở làng Hương Cần, nghề Đan Nôi Bội ở làng Liễu Hạ, nghề Gạch Ngói ở làng Nam Thanh... nghề Làm Bún ở làng Vân Cù là một công việc làm ăn truyền thống và độc đáo riêng của từng đơn vị sản xuất gia đình trong làng, có tính cách cha truyền con nối từ đời nầy qua đời khác. Tất cả dây chuyền sản xuất đều làm bằng tay với những dụng cụ thô sơ, nhưng thành phẩm thường đạt đến mức tinh luyện mà người khác làng khó lòng bắt chước nổi.


Thủy tổ của nghề làm bún tại Vân Cù là một bà, tục gọi là Bà Bún. Thời gian đã xoá nhòa danh sách của những người muôn năm cũ nên chẳng còn ai nhớ tên thật của Bà Bún. Trong những câu chuyện dân gian truyền miệng về cuộc đời của Bà Bún, tôi còn nhớ mãi chuyện kể của bác Cửu Am với mẹ tôi rằng:

Vào một thời xa lắc xa lơ, khi có những người Đàng Ngoài theo chân chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, có một nhóm người đến định cư trong vùng những Tháp Chàm cổ xưa đã đổ nát nên sau nầy có tên là làng Cổ Tháp, thuộc huyên Hương Điền. Trong số đó có một người thiếu nữ đẹp, có lẽ cũng mắt lá răm, môi cắn chỉ, má lúm đồng tiền... nên rất được nhiều người mến chuộng. Trong lúc mọi người chuyên sống bằng nghề canh tác làm ruộng thì người thiếu nữ nầy miệt mài chuyên nghề làm bún. Bún nàng ngon quá hay vì nàng xinh quá mà làm cho bao người ăn quên cả đường về. Rượu không say bún say mới ngại...


Vì vậy nên nhiều người ganh tỵ. Rồi một dạo dân trong vùng bị mất mùa liên tiếp 3 năm. Người ta cúng, tế cầu thần linh cứu giúp. Gặp cơ hội nầy, kẻ xấu bụng tung tin rằng, mất mùa là do thần linh quở phạt vì Cô Bún đã đem gạo là “hạt ngọc của Trời, phơi mao ngậm sữa” ra mà ngâm, mà chà, mà xát, mà nghiến nát ra để làm bún. Thế là nhà nông bắt đầu nổi giận. Hội Đồng Thị Tộc của làng họp bàn và ra lệnh cho Cô Bún phải bỏ nghề làm bún hay sẽ bị trục xuất ra khỏi làng, nhưng Cô Bún quyết sống chết với nghề nên chấp nhận ra đi.

Vì bản chất hiền lương và thuần hậu nên Cô Bún được làng ban ân cho phép chọn lựa hướng đi và cử năm người thanh niên mạnh nhất trong làng theo áp tải. Mỗi thanh niên sẽ cõng cái cối đá làm bún của Cô đi một chặng đuờng cho đến khi mệt đuối sức thì người khác tới thay cho đến hết người thứ năm là vùng đất mới của Cô Bún. Cứ thế, đoàn người đi về hướng Đông cặp theo sông Bồ không nghỉ. Nơi người trai làng thứ năm khuỵu xuống với cái cối đá trên vai là làng Vân Cù sau nầy. Nơi đây đã trở thành “đất lành chim đậu” cho Bà Bún lập nghiệp và truyền nghề làm bún đời đời qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của đất nước và dân tộc..


Người ta thường ví von “mềm như bún” nhưng cái mềm Đông Phương lại là cái dẻo dai bền bỉ để sống còn trên bước đường vạn dặm. Thân gái dặm trường, Bà Bún đã vượt Hoành Sơn vào Huế. Chim đã về núi, Bà đã về dất nhưng Bún Huế vẫn còn tươi rói với nhân gian như có người đã hát nửa chơi, nửa thiệt: “Hoành sơn nhất đái chim về cội. Vạn đại dung thân đọi bún bò”.


Một “xưởng bún” điển hình ở làng Vân Cù thường bao gồm một cái xay để xay bột, một cái cối có chày đạp, lò nấu , chảo lớn, rây bột, khuôn bún và một số dụng cụ để khuấy, vớt, đong, đựng bột và bún trong từng chặng đường sản xuất.
Từ hột gạo măng tơ biến ra con bún nõn nà cũng phải cần đến bàn tay, không phép mầu nhưng cũng phải khéo léo và cần cù, của bà tiên lao động. Sợi bún bắt đầu từ hột gạo. Gạo trắng ngâm nước lạnh qua đêm sẽ “mục” ra và được đem xay hay giã nhuyễn thành bột. Tiếp theo, bột gạo được “rây” để lọc ra phần mịn nhất tinh bột của gạo. Bột gạo nguyên chất được rưới nước sôi để nhồi thành một khối bột gọi là “trái bột”. Trái bột gạo được luộc chín sơ, rồi vớt ra và đem trộn với bột lọc theo tỷ lệ cứ 30 lon gạo (khoảng 10 ki-lô), trộn với 2 ki-lô bột lọc.


Tổng hợp bột gạo và bột lọc nầy lại được giã, trộn rất nhuyễn cho tới khi trái bột đạt tới mức “vừa đai, vừa đẻo” là đuợc. Giai đoạn cuối cùng là khối bột mượt mà và dẻo quẹo được đưa vào khuôn bún. Dưới sức ép, những đường bột tuôn ra theo lỗ đục sẵn dưới đáy khuôn bún, rơi vào nồi nước sôi và chín thành bún. Bún được vớt ra, xả sạch với nước lạnh và sẵn sàng để ăn.

Bún tự nó đã là một món ăn thanh đạm của người Huế, nhất là vùng quê. Bún Vân Cù được làm ra dưới ba hình thức: Bún con, bún lá và bún mớ.


Bún con hay bún vắt là một lọn bún quấn lại với nhau, dài vừa nắm tay như cuộn chỉ thêu, rất tiện lợi cho việc ăn uống đơn giản và đạm bạc trên nương, ngoài đồng, giữa đường. Chỉ cần một chút nước mắm ớt và năm, bảy con bún vắt thì bác nông phu trên đường về, chị chủ quán rộn ràng giữa chợ, em bán hàng rong lang thang... có thể tay cầm con bún chấm vào nước mắm ăn ngon lành ngay trên “hiện trường” vừa ngon miệng, vừa ấm lòng, vừa khỏi lơ là công việc..


Bún lá là một lớp bún trải trên lá chuối tươi, cuộn tròn cỡ bằng cái bánh tráng trung bình. Bún trắng nổi trên lá xanh mang vẻ đẹp trinh nguyên nên vừa bắt mắt, vừa bắt miệng. Bún lá thường là đơn vị bún cho cá nhân và gia đình: Mỗi người một rá, mỗi lá một tô.
Bún mớ, còn gọi là bún “ngảo” hay bún kí-lô. “Ngảo” là cái rổ nhỏ thường dùng như một đơn vị đo lường ở các vùng quê của Huế trong khi “kí lô” là đơn vị đo lường mới xuất hiện sau này. Bún mớ là bún sản xuất đại trà với số lượng lớn để buôn bán, đổi chác trên thị trường.


Thật ra cả ba loại bún cơ bản là giống nhau, đều có màu ngà đục khi sống và màu trắng trong khi đã luộc chín. Người ta thường dùng danh từ “bún tươi” để chỉ bún mang trực tiếp ra từ lò và “bún luộc” để chỉ con bún được luộc chín từ bún khô. Con bún Huế điển hình có độ dai vừa phải, không “đai hoai” như bột lọc nhưng cũng không bở rệt như bột gạo. Thường người ta dùng đinh 3 phân ( khoảng 1/8 inch) để đục lỗ thoát trong khuôn bún hay để ước lượng độ lớn của con bún. Trong thực tế, bún lớn hay nhỏ là do bàn tay khéo léo của người cầm “rây”.

Muốn sợi bún nhỏ, ngay khi những con bún sống đang chảy xuống nồi nước sôi để thành bún chín, chỉ cần đưa cái khuôn đầy bột lên cao; muốn có con bún to thì hạ khuôn xuống thấp. Bún nhỏ là bún kim để làm bún khô hay bún Tàu dùng nấu canh và bún to hơn là bún thô dùng để xào trộn thức ăn trong những dịp giỗ, Tết. Bún con và bún lá thường được cho là ngon hơn có lẽ vì được sản xuất đầu nước nên láng lẩy và tươi tắn hơn: “Bún đầu nước thì ngon, con đầu nước thì dại (?)”.


Ngoài cơm và khoai sắn, có thể nói rằng, bún nói chung là món ăn truyền thống được phổ biến rộng rãi nhất đối với người Việt Nam ở trong nước cũng như khắp năm châu. Các loại bún truyền thống miền Bắc thì có bún riêu, bún thang, bún mộc, bún ốc.... Bún từ Đàng Ngoài đã theo bước chân Nam tiến đi vào Đàng Trong, rồi chọn đất Thuận Hóa làm nơi nghỉ bước và đâm chồi nẩy lộc thành bún Huế. Bún Huế gồm nhiều loại, mỗi loại có một lịch sử và tính chất độc đáo khác nhau: Bún nước mắm, bún mắm nêm, bún giấm nuốc, bún riêu, bún xáo, bún măng, bún thịt nướng, bún chả tôm, bún bò, bún giò... và bún bò giò heo. Bún bò Huế, tức là bún bò giò heo được ưa chuộng và phổ biến nhất.


Theo thời gian và không gian, bún bò Huế có lúc và có nơi chỉ còn là một cái tên nhưng phẩm chất, đặc tính, mùi vị... đã hoàn toàn biến đổi. Nhiều người vẫn tẩn mẩn tự hỏi, không biết tô bún bò Huế thời vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và tô bún thời vua Bảo Đại thoái trào năm 1954 có gì khác nhau trong cung đình và ngoài phố chợ. Có điều rõ ràng là khách ăn bún Huế sẽ cảm thấy tô bún An Hoà khác hẳn tô bún An Cựu, nơi nầy có thêm lát chả, nơi kia có thêm miếng huyết, nơi nọ có chút rau thơm và chuối cây xắt mỏng lơ thơ. Càng đi xa, tô bún ở Đà Nẵng không giống tô bún Sài Gòn; tô bún Huế Ca-li khác xa tô bún Huế Texas .

Trước 1975, tôi có một người ông bà con, quê ở làng Lương Quán, Nguyệt Biều. Mọi người kêu ông là “Ôn Tứ”, có lẽ vì ông làm quan tứ phẩm của triều đình. Cứ một năm vài ba lần, ông sai tôi chở qua cung An Định để vấn an “Đức Từ”, đó là bà Từ Cung, thân mẫu của cựu hoàng Bảo Đại. “Ôn Tứ” tuổi trên 70 mà vẫn còn đẹp lão như một tiên ông với da dẻ hồng hào và tóc trắng như mây, nhưng hễ cứ mỗi lần tôi khen ông là ông lại nói với giọng nửa như tự hào, nửa như ăn năn:
- Ôn sống thọ đây là tại trời đày vì tội phạm thượng, dám ăn đồ ăn của vua!


Ai cũng biết thuở trước, ông là người hầu cận thân tín của vua Bảo Đại từ Việt Nam qua đến Pháp.. Tôi nghe lạ, hỏi ông, ông giải thích:
- Ngài Ngự làm vua, nhưng là người Tây học. Ngài xử sự công bằng và lịch sự với tất cả mọi người. Hồi còn ở trong Đại Nội, thường có các cận thần hay hoàng thân quốc thích nấu đủ món sơn hào hải vị dâng lên Ngài ăn khuya. Ngài nhận, nhưng sau đó sợ bị mập nên Ngài cứ đưa hết cho ôn ăn. Con coi, ôn ăn hoài cao lương mỹ vị của hoàng đế, “tội to” như rứa mà Trời không phạt răng được!


Trong những lần ngồi đợi ông vấn an đức Từ Cung, trong cái mát lạnh thâm u của cung An Định, tôi có dịp nghe các cuộc mạn đàm của giới thân cận cung đình về các món ăn Huế mà giới quý tộc quan tâm. Bún bò Huế vẫn thường được nhắc đến nhiều nhất. Đặc biệt là cuộc thi nấu các thức ăn đem ra đấu xảo tại chợ Tết Gia Lạc có từ thời Minh Mạng, do Định Viễn Công Nguyễn Phước Bình, con thứ tư của vua Gia Long lập ra. Chợ Gia Lạc nằm giữa chợ Mai và chợ Nam Phổ ngày nay và cũng là vùng đất có Tùng Thiện Vương và Tuy LýVương, hai vị hoàng thân nghệ sĩ đã vang bóng một thời.

Lúc đầu chợ chỉ mở ra cho các người trong thân nhân phủ đệ, sau thấy đông vui hấp dẫn, dân thường trong vùng lân cận như Dương Nổ, Nam Phổ, Thế Lại, Ngọc Anh... tìm đến và cũng được các ông hoàng bà chúa cho vào tham gia buôn bán và tổ chức các trò chơi. Hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp, chợ Mai đông buổi sáng và chợ Nam Phổ đông buổi chiều để nhường chỗ cho chợ Gia Lạc tưng bừng vui hội Tết. Đông vui và nhộn nhịp nhất là trong ba ngày mồng một, mồng hai và mồng ba Tết Nguyên Đán. Đây là phiên chợ của hàng con vua cháu chúa, nhưng đồng thời cũng mở rộng ra cho bàng dân thiên hạ đến vui Xuân.


Theo tương truyền, trong một năm, món bún bò giò heo của Mệ Lựu đã chiếm giải nhất và được phê là “Thập toàn. Ngũ đắc”. Thập toàn là mười diều hoàn thiện của một món ăn ngon, đại khái như: ngọt ngào, thơm tho, đậm đà, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo chọn, khéo tay, khéo nấu, khéo bày, bún bò Huế còn được đánh giá cao là vì tính chất bình dân và p hổ thông trong bá tính: Mọi người ai cũng biết được, ai cũng ăn được, ai cũng nấu được, ai cũng tìm được vật liệu ngay tại địa phương, ai cũng có thể có dịp mua được (ngũ đắc). Phải chăng vì bún bò giò heo cũng mang tính truyền thống dân gian như bánh chưng, bánh dày thuở trước.



Nếu gặp một người Huế nào đó ở vào lứa tuổi trung niên hoặc già hơn mà hỏi thăm thế nào mới thật là bún bò Huế và bún bò nơi mô ở Huế là ngon nhất, chắc chắn sẽ có hơn chín mươi phần trăm trả lời là, "bún bò Mụ Rớt".
“Bún bò Mụ Rớt có nêm sâm nhung quế phụ vô hay răng mà ngon dữ rứa?”. Một lần nào đó đã có người tò mò lên tiếng. Rồi cũng có người đáp lại, “Có chi mô, mụ Rớt cũng ra chợ Đông Ba mua rau, mua thịt như mình nhưng mụ nấu ngon vì có hoa tay”. Hoa tay? Hoa tay của ông đồ Vũ Đình Liên là để thảo những nét chữ như rồng bay, phượng múa, nhưng hoa tay của mụ Rớt là để nấu những tô bún bò thanh nhã, ngọt ngào “ăn ngậm mà nghe”.
Chừ ri hỉ....!
Cứ tưởng tượng mình đang ở Huế.


Vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa, một buổi trưa không biết ở thời nào, một buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao, có cu gáy và bướm vàng nữa chứ... Và, có tiếng ve đất cuối mùa kêu sau vườn nhưng nghe như xa lắc. Nắng xế cuối mùa của Huế thường phai như màu tóc muối tiêu. Rồi có tiếng xe đạp của ai đó phanh lại trước sân, ba bốn đứa bạn thân rủ nhau đi ăn bún.

Con đường Chi Lăng dẫn về Gia Hội chen giữa hai hàng phố cũ với những căn nhà xưa kiểu Tàu pha một căn hai chái, cột mệ cột con đề huề trông thâm nghiêm nhưng thấp bé một cách tội tình. Trước khi rẽ qua đuờng Ngự Viên đi ngang "mả ông trạng" sau lưng chùa Diệu Đế, hãy ghé lại một căn nhà dãy phố bên phải: Đó là tiệm bún bò Mụ Rớt. Huế làm ăn theo lối "hữu xạ tự nhiên hương", không bảng hiệu, không quảng cáo mà chỉ cần nghe tiếng tìm vào.



Khách vô tiệm tự nhiên và lặng lẽ như ghé lại bến đò. Cứ tìm bàn nào trống, ngồi xuống trên chiếc ghế đẩu không có chỗ dựa lưng, ngó một loáng bâng quơ người quen và người lạ, sẽ có người hỏi:
- Mấy o, mấy cậu thời bún chi?
Khách chỉ có lựa chọn giữa bún khô và bún nước:
- Dạ, cho mấy tô bún nước
Lát sau, mấy tô bún bò giò heo bốc khói, mùi thơm tỏa ra dìu dịu, được bưng ra đặt trên bàn. Bún được nấu nướng từ sau bức tường của dãy nhà ngang trông vào có vẻ phòng the hơn là bếp núc.


Tô bún bò Huế mới thoạt nhìn, có vẻ đạm bạc và thanh lịch như chiếc áo dài phin trắng nõn nà. Tô bún chỉ lớn hơn bàn tay búp măng xoè ra một tí. Nước bún trong để lộ những tép bún trắng nằm sóng soãi vươn lên miệng tô. Nước bún không mỡ màng, không bị vẩn đục vì gia vị. Vài loáng ớt màu đỏ nhạt, quyện với dầu sả nổi đốm sao trên mặt tô không che được miếng giò heo búp, mỏng bằng hai phần lóng tay. Miếng giò heo trắng ngả màu vàng với lớp da mỏng, ôm khoanh thịt nạc và mảnh xương tròn ở giữa như nhụy hoa nằm bắt mắt và mời gọi, nửa chìm nửa hở trong tô bún. Che mái cho tô bún là ba bốn lát thịt bò bắp xắt mỏng, những lát bò bắp với thớ thịt chắc nịch nâu đỏ và những đường vân vàng nhạt của nạm, gầu, gân, sách.


Trên bàn đã có sẵn đũa tre, muỗng sành, nước mắm, ớt tương và rau hành chanh múi. Một dĩa nhỏ hành củ trắng phau và hành lá, rau thơm xanh mưót điểm thêm ngò ta xắt mỏng để rắc lên mặt tô bún cho thêm nồng nàn hương vị. Rau hành của bún không phải là rau sống cuả phở, rau chỉ đóng vai trò “nước hoa” cho tô bún. Trên một góc dĩa là ớt tươi xắt lát. Cái cay của ướt tươi là đậm đà, mọng nước, đủ sức khống chế những cao thủ ớt đã nếm đủ vị giang hồ mà vẫn còn thấy nhạt. Cạnh đó là dĩa ớt tương nhỏ xíu màu huyết dụ; ớt tương của bún bò Mụ Rớt cũng được liệt vào hàng "gia vị bún bò bắc đẩu", nhìn thì có cái vẻ mềm như nhung với màu đỏ sẫm, điểm những hột ớt vàng hoe nhưng nếm vào mới biết thế nào là cái “hiền” của Huế.

Gắp một tí ớt tương đầu múi đũa bỏ vào tô là ớt từ từ bung ra như nhụy hoa trên mặt nước bún. Hoa hồng thường có gai, nên nhụy hoa bún cũng làm cho biết bao người cay giọt ngắn, giọt dài!

Cung cách nêm tô bún trước khi ăn cũng thể hiện phần nào phong thái của người ăn. Vẻ e dè chờ đợi của khách mới, dáng khoan thai của giới nhàn du, sự xông xáo của người đói bụng, cách lịch lãm của kẻ từng quen... là những biểu hiện thường tình trước tô bún.


Khi đã nêm xong, húp một muỗng nước bún khai vị để cảm nhận được cái chất ngọt thanh pha đủ mùi gia vị. Mùi sả, mùi ruốc, mùi xương hầm, mùi thịt luộc, mùi chanh, mùi rau, mùi tiêu hành nước mắm... đã biến chất, đã quyện vào nhau tạo thành mùi bún bò có sức hấp dẫn lạ lùng riêng của nó.

Miếng giò heo thanh nhã trong tô bún với lớp da mỏng có bìa da úp quanh miếng thịt nạc như đài hoa chưa nở nên thường gọi là giò “búp”. Cắn miếng giò, những sợi thịt trắng vừa béo, vừa ngọt vẫn còn thơm mùi thịt tươi mới chín nhẹ nhàng bốc hơi trên hai cánh mũi. Gắp lát thịt bò bắp. Lát thịt bò mỏng với những đường gân, sứa thịt và viền mỡ dòn tan giữa hai kẻ răng và vị ngọt béo miên man trên đầu lưỡi. Tô bún bò Huế vơi dần nửa như thách thức, nửa như mời gọi khách rằng, chưa cạn hết tô chưa gác đũa.



Tô bún bò Mụ Rớt được xem là đặc trưng cho tô bún Huế là vì nó mang những nét thanh đạm và đơn giản. Có thể nói cái thanh của bún Huế ví như những nét đan thanh của tà áo trắng, tà áo dài mỏng manh cửa đóng then gài ngỡ như là tử cấm thành của phái đẹp thần kinh, nhưng lại kín đáo phô bày trọn vẹn những nét đẹp trên thân thể của người mặc. Người mặc áo Kimono của Nhật chỉ cần một khuôn mặt đẹp, nhưng người mặc áo dài Việt Nam khó mà che dấu được những nét mỹ miều hay thô thiển của thân hình.. Cũng tương tự như vậy, một tay nấu bún “hạng lông” có thể nấu một tô bún thập cẩm với tấp nập thịt thà rau cải rềnh rang như chiếc áo Kimono, nhưng lại khó có thể nấu một tô “bún-bò-áo-trắng” kiểu Huế thoạt nhìn tưởng như là quá đơn giản mà ẩn dấu lắm công phu.


Linh hồn của tô bún bò Huế là nước bún. Nước bún là nước được hầm từ xương heo, xương bò, gà tươi, và có khi là cây, củ... Phần khó nhất trong việc nấu nước bún là giữ cho nước trong, ngọt thanh, không mỡ màng, không lềnh bềnh gia vị. Những “trường phái” bún bò khác nhau ở Huế thường dấu bí quyết nấu nước bún vừa trong vừa ngọt, nhưng tất cả đều có điểm cơ bản khá giống nhau là cách chọn xương hầm, cách luộc tái rồi đổ nước đầu tiên, cách vớt và lọai bỏ bọt thải đúng lúc, đúng điệu, thường là yếu tố quyết định trình độ cao thấp của “tay nghề”.


Bún sợi thật sự là bún tươi, trắng ngà, có độ dẻo và độ lớn vừa phải.
Thịt heo trong tô bún chỉ đơn giản một lát giò có đủ da, đủ nạc và xương. Giò luộc vừa chín, không quá lửa làm cong queo, mềm nhũn, thoang thoảng gia vị vừa ăn; thơm nhưng không mất mùi thịt heo nguyên thủy.
Thịt bò trong tô bún là bò bắp luộc vừa chín, xắt lát mỏng, xào nhẹ lại với đồ màu và tránh tình trạng quá lửa làm “bò teo, heo nở”.


Gia vị chủ lực của bún bò Huế là sả, ruốc và ớt, nước mắm. Tinh dầu của cây sả có mùi thơm rất nồng, đủ mạnh để làm trung hòa mùi ruốc và giúp cho mùi thịt trộn tiêu hành nước mắm trở nên dịu và ngào ngạt hơn. Dầu sả nhẹ hơn dầu mỡ nên làm cho nước bún nổi sao óng ánh, tránh được những váng mỡ nặng nề làm cho người ăn ái ngại. Một cây sả tươi cần chọn đoạn giữa vừa thơm, vừa phong phú tinh dầu. Đừng quên sả gốc nồng và chát, sả ngọn ít thơm và dễ làm cho nước bún nhiễm màu xanh của lá.


Trong nồi bún, nếu sả quyết định cho hương thì ruốc quyết định cho vị. Ruốc phải đánh loãng và thải hết chất bã. Ruốc nêm lúc nước còn lạnh để khỏi nặng mùi. Ruốc nêm đúng phân lượng sẽ làm cho nước bún có vị ngọt đậm đà và mùi thơm phảng phất chất mắm muối quen thuộc của đồ ăn Việt Nam. Ruốc nêm thiếu, nước bún sẽ “ỏn”, nghĩa là lạt lẽo, kém vị, thiếu mùi như nước ốc. Ruốc nêm thừa, nước bún sẽ “hăng”, nghĩa là mùi vị nặng nề, không tỏa ngát quanh tô bún mà có vẻ như chìm lỉm trong nồi nước bún.


Bên cạnh kỹ thuật và kinh nghiệm của người nấu, chất liệu cũng đóng một vai trò quan trọng cho hương vị của tô bún Huế. Chẳng hạn như thịt heo nấu bún Huế thường lấy từ thịt heo cỏ. Đó là giống heo nhỏ nuôi bằng rau, chuối nấu với cám gạo cốt để vừa lấy phân, vừa lấy thịt. Heo càng lớn càng dài ra và thịt rắn lại chứ không phát triển “sồ sề” như giống heo mẹo nuôi trong kỹ nghệ lấy thịt sau nầy. Giò heo do đó vừa chắc, vừa thơm, vừa ít mỡ. Giò heo lý tưởng cho tô bún là giò sau: “Nấu giò sau, cho nhau giò trước”.

Ngoài ra, rau hành, gia vị... thường được các bà Huế nêm theo kiểu “luyện công” nên mọi thứ đều được tính toán chi li vừa đủ phân lượng cần thiết. Có dịp nhìn một bà Mỹ vào bếp với dáng kích động như muốn nhảy “Disco” với soong chảo, một bà Nam nếm đồ ăn trên lò, miệng chưa tắt nụ cười vui sau câu cải lương mùi mẫn.... mới thấy được hình ảnh tay cầm đũa, mắt đăm đăm, môi chút chíp nêm đi nếm lại như đang “truyền tâm ấn” của một bà Huế trước nồi bún đang sôi là “thục nữ thần kinh”. Chính yếu tố địa phương, hoàn cảnh và tâm lý đã làm cho tô bún bò Huế trở thành ngon và độc đáo hơn vì nó được chuẩn bị, phục vụ và thưởng thức trong mức độ vừa đủ về lượng cũng như về phẩm.

Sự dễ dãi về hoàn cảnh sinh hoạt và phong phú về điều kiện vật chất có vẻ như có một tác dụng nghịch chiều cho tiến trình tạo nên cái vẻ thanh nhã truyền thống của tô bún bò Huế. Bún bò Huế càng tiến về Nam càng được thêm thắt như tà áo trắng biến thành áo gấm với phượng vẽ rồng thêu. Bún Huế chỉ cần vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng là đã đổi khác:

Tô lớn hơn, mỡ màng và thịt, gân, rau hành nhiều hơn. Bún Huế tiến vào Sài Gòn thành tô “phở bún” xe lửa tàu bay với nước béo, rau sống, giá sống, thịt chả ê hề. Chính bún bò Mụ Rớt Huế vào Nam cũng đã chuyển mình thành “bún bò Mụ Rớt Nam Bộ”. Bún bò Huế càng được chiếu cố rộng rãi chừng nào, sự “sáng tạo” và biến thể càng nẩy mầm trăm hoa dua nở chừng đó.

Đến nỗi, một người thích “khảo” về các món ăn miền Trung gần đây như ông Đinh Miên đã phải lên tiếng “xóa óa” khi nhắc về bún bò Huế tại Mỹ trong bài “Cơm Việt, Quê Người”: “Đi đâu cũng nghe bún bò Huế chính gốc mà không biết gốc gì, nên gốc gì cũng đặng!” (Việt IX - 95). Ông Đinh Miên thuộc về trường phái “chịu chơi” khi luận về bún Huế. Ông cởi mở đón nhận sự chuyển mình của tô bún với vẻ cười cợt hồn nhiên như người đã biết là không thể tắm hai lần trên cùng một giòng sông.

Cũng có người muốn “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” lên tiếng cho rằng, tại sao những món ăn truyền thống của thế giới như Pizza của Ý, Kabob của Ba Tư, Taco của Mễ, Kentucky Fried Chicken của Mỹ, Mì Triều Châu của Tàu... đi đâu cũng nghe cùng một hương vị, mà Bún Bò Huế lại có người nấu Sở kẻ nêm Tần như vậy, sợ một ngày kia “mất giống” tìm đâu!? Có lẽ không ai trả lời được câu hỏi đó vì món ăn là một phần của văn hóa mà gốc của văn hóa là con người. Khi đất nước và con người còn đó thì ngại gì tô bún đổi thay.


Tuổi già của Huế thích lui về sống ẩn dật với quê hương, gần gũi với bà con làng xóm và mồ mã tổ tiên, nhưng tuổi trẻ lại thích bay xa tới những phương trời mơ ước. Niềm ước mơ của một đứa trẻ lớn lên sau lũy tre làng như tôi là làm sao được lên Huế học. Thành phố Huế cách làng tôi chưa đầy một giờ đi xe đạp nhưng đối với tôi thời nhỏ nó vừa thực vừa mộng như một vùng đất hứa. Có những buổi chiều đứng đầu ngõ nhìn những người lên Huế sắm hàng với các món đồ gói trong giấy, trong hộp đầy màu sắc gọi là “đi Dinh mới về”, tôi ước chi mình sẽ được lên Dinh

Tuy không có quy định thành văn nhưng con đường duy nhất để được lên Dinh ăn học đối với tuổi trẻ ở làng như tôi là phải thi đậu “Càng Cua” (concours) trước đã, đó là kỳ thi tuyển học sinh vào lớp đệ thất trường công mà trong toàn tỉnh Thừa Thiên chỉ có thành phố Huế mới có. Mẹ tôi thường nhắn gởi: “ Chuyến ni mà con thi đậu "càng cua", cực mấy mạ cũng gắng lo cho con lên Dinh học”.


Mẹ tôi dắt tôi lên Huế hai ngày trước khi thi “càng cua”, đi qua đi lại trước trường Hàm Nghi (ngày xưa là Quốc Tử Giám) nhiều lần cho quen đường đi nước bước. Tôi ở lại nhà chị Quyến tôi nơi đường Ô Hồ. Buổi sáng ngủ dậy, chị kêu gánh bún vào ăn điểm tâm.. Gánh bún õng ẹo trên đôi vai o gánh bún, có khói và hơi bốc nhè nhẹ xung quanh như một đầu máy xe lửa xuống đèo. Nghe chị đặt hàng, tôi có cảm giác hơi là lạ:
- O múc cho tô “trung”, bún vừa, nước xắp xắp thôi. Cho giò nạc búp, thêm cái ngoéo. Đổi huyết lấy bò bắp xắt vô. Khoát bớt ớt màu, bỏ hành rau răm rươi rươi thôi, ớt tương nước mắm bỏ riêng...


Người bán bún chừng như đã quá quen thuộc với lối đặt hàng rắc rối đó nên làm thinh múc bún. Nồi bún nóng thân tròn, miệng uốn trông như chiếc lư đồng cổ không nắp không chân, đặt trên lò lửa riu riu đỏ. Tay o cầm cái vá cán dài, quây một vòng trong nồi bún với dáng tay nhẹ nhàng và điệu nghệ như cô vũ nữ Thái múa điệu cánh sen. Cái vá dừng ở đâu trong nồi nước bún là “bắt” được ngay miếng thịt, miếng giò đang cần, chính xác như ra-đa tìm thủy lôi.

Một lát sau o mới hỏi:
- Ai ăn rứa?
Chị tôi trả lời một cách hãnh diện:
- Thằng em tôi dưới làng lên ở lại thi “càng cua”.
Tự nhiên o bán bún coi bộ quan tâm:
- Nì, nói chuyện vô duyên chơ học trò đi thi không nên ăn giò búp: búp hoài không nở thì mần ăn chi nữa. Để tui múc cho một cặp giò ngoéo: ngoéo trước, ngoéo sau thì rớt đi mô được, thi đậu chắc nụi!


Chị tôi coi bộ cảm động ra mặt vì gặp được “Thầy”... bún, nên nhiệt liệt ủng hộ ngay:
- May có o nhắc chớ không thì khổ em tui rồi. Rứa! Múc ngoéo vô đi o!
Thật tôi không ngờ bún Huế “linh” như vậy, nên hôm đó ăn tô bún Huế mà cảm thấy trân trọng và ngất ngây như uống rượu thánh.

Về làng, tôi thường ăn bún với nước mắm ớt.. Mẹ tôi có mấy lu ruốc bự bành ky để ở nhà dưới, nước mắm nhĩ trong vắt nằm một lớp trên mặt. Đem lúa đổi lấy bún vắt hay bún lá, rồi múc nước mắm nhĩ từ trong lu ruốc, ra vườn hái ớt xé vào. Bún tươi chấm với nước mắm nhĩ pha thêm ớt trái mùa Xuân ăn ngon “nhức răng”. Thêm vào đó, một năm đôi ba lần được ăn bún với nước xáo lòng gà, thịt bò nên chú bé quê trong tôi cũng đã bằng lòng lắm với cuộc đời đầy đãi ngộ nầy rồi. Nay được ăn tô bún Huế với những thịt thà thơm phức, với cách nấu bún công phu, cách múc bún điệu nghệ... làm cho tôi cảm thấy được “lây” cái văn minh sang cả của người thành phố.


Ngày đi thi, tôi dậy sớm trước khi gà gáy lại, hồi hộp chờ trời sáng để tới trường thi, nhưng trong lòng cũng cảm thấy thinh thích khi nghĩ đến tô bún Huế với cặp giò ngoéo có lớp da mềm mềm bao quanh những thớ gân dòn tan như ăn ổi đỏ ở làng. Hình như mới có hai buổi sáng trôi qua mà tôi nghe như đã bị phố phường cám dỗ. Buổi sớm tôi nghe mẹ tôi bàn bạc to nhỏ với chị tôi, rồi tiếp theo đó có người gánh gánh xôi vào trước hiên. Nhìn dĩa xôi đậu xanh chấm muối mè bày ra trước mặt, tôi bắt đầu hoang mang. Mẹ tôi hối:
- Ráng ăn xôi đậu muối mè đi con!

Khi tôi ngao ngán ngáp dài kêu mệt quá và muốn ăn bún chứ xôi đậu, muối mè khô khan quá nuốt không vô, mẹ tôi dịu dàng an ủi:
- Con thi xong rồi, ưng ăn bún cả gánh mạ cũng cho. Con di thi “càng cua” mà ăn bún vô trơn, nói trời không nghe lỗ miệng, chớ nó truột di thì thi hỏng mất! Lúc trước mấy cậu con thi chi hỏng nấy là vì không nghe lời mệ ngoại, cứ dè ngày thi cử mà ăn bún không kiêng cử nên thi trợt tuốt luốt, phải xếp sách vở về quê đi cày. Chừ con gắng ăn xôi đậu, xôi muối mè dính mô chắc nấy, trời mới cho con đậu.

Tôi rướn cổ nuốt cho hết dĩa xôi mè vì thương mẹ hơn là sợ thi trượt. Tới ngày treo bảng, nghe loa đọc tên nhưng tôi không tin là mình đậu “càng cua” thứ nhì trường Hàm Nghi trong số hơn một nghìn thi sinh dự tuyển và có hai trăm trúng tuyển năm đó.
Suốt một đời, tôi không làm sao quên được hình ảnh mẹ tôi với hai hàng nước mắt sung sướng chảy dài trên đôi má phong trần vì lặn lội gieo neo nuôi con. Mẹ tôi nói như đã nắm được bí mật cuộc đời:

- Chộ chưa! Con nghe lời mạ, ăn xôi đậu nên mới thi đậu. Còn thằng Tý xóm Bàu, thằng Rô xóm Cụt, Thằng Lúi lò rèn to béo xắp hai con, nghe nói mỗi đứa ăn hai tô bún để đi thi nên trượt tuốt luốt..
Tôi muốn nói cho mẹ tôi biết bọn thằng Tý, thằng Rô, thằng Lúi... suốt cả mùa Xuân trốn học, thu sách vở trong bụi tre lá ngà đầu làng đi chơi; trong khi tôi học thuộc cháo sách Sử Ký của Trần Đinh, giải hết 1000 bài toán đố của Một Nhóm Giáo Viên, đọc nhuyễn 50 Bài Luận Mẫu và Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh... Thế nhưng nghỉ sao tôi lại thôi, vì mẹ cũng có một khung trời riêng của mẹ mà tôi chỉ dám núp sau áo mẹ để lặng im chiêm ngưỡng chứ không dám thả cánh chim lý luận làm huyên náo khung trời đó và làm mẹ buồn lòng.


Từ đó về sau nầy, tôi thường cố “cữ” ăn bún mỗi lần có thi cử. Ngay cả hơn 30 năm sau, khi tóc đã điểm bạc trên bước đường lưu lạc ở quê người, có những lần đi thi chuyên môn, đi phỏng vấn việc làm, đi thi tốt nghiệp trong trường đại học Mỹ, tôi vẫn “kiêng” ăn bún nhưng chỉ tìm cách né tránh âm thầm chứ không dám nói ra vì sợ bị chọc quê. Thật ra, mỗi lần đụng đến thi cử là tôi lại nhớ mẹ đến quặn lòng, nên tôi cử ăn bún để được cái cảm giác ấm áp thiêng liêng như hôm đó mình đang có mẹ thật gần.


Đến khi lên Huế học, những huyền thoại về bún bò Huế càng có vẻ mọc cành mọc lá sum sê hơn. Thế giới học trò cũng nhỏ bé và xinh xinh như thành phố. Phía sau trường Hàm Nghi của tôi là Viện Bảo Tàng và nhà thờ Nguyễn Phước Tộc hay là Tôn Nhân Phủ.. Bên kia đường là cửa Hiển Nhơn vào Đại Nội. Kế đó, có hai trường văn nghệ nhất Huế, đó là trường Quốc Gia Âm Nhạc và Cao Đẳng Mỹ Thuật mà lũ học sinh nghịch ngợm của chúng tôi thường chọc mấy anh chị sinh viên bằng cách gọi là “Trường Kèn” và “Trường Cọ”.

Sinh viên hai trường Kèn Cọ thường la cà ở quán cà phê Tôn, nơi đó, thật ra chỉ là một chiếc xe kiểu xe sinh tố đặt mé trái trước Tôn Nhân Phủ do vợ chồng bác Tôn đứng bán bún bò và cà phê. Giới nghệ sĩ lang thang thường bàn luận một cách công khai rằng, ngày nào vợ chồng bác Tôn không cãi nhau là ngày đó bún bò không ngon vì thiếu đi cái “tinh thần hào sảng” của cặp vợ chồng bác Tôn khi nấu bún.



Giới văn nghệ sĩ cà phê Tôn còn đi xa hơn khi kháo nhau rằng nếu lỡ một mai kia, lịch sử thành thơ đưa họ lên làm lãnh tụ, thì họ sẽ đặt tên con đưòng từ Vỹ Dạ lên Ga Huế là "Đường Cơm Hến" và đường từ cầu An Cựu lên cầu Trường Tiền là "Đại Lộ Bún Bò" vì mỗi buổi sáng tinh sương, dọc trên con đường nầy có cả đoàn bún gánh phát xuất từ An Cựu tỏa ra khắp thành phố Huế. Khói xanh đun nồi bún bay phơ phất trên đường như một sự mời gọi êm đềm: Bún bò An Cựu, cơm hến Đò Cồn, trứng lộn Chợ Dinh, bánh canh Nam Phổ...

Cũng may hay cũng buồn, lịch sử không phải là thơ nên tuy Huế có những con đường tình cảm mang tên kỷ niệm và giai nhân bất thành văn như đường Hàng Me, đường Áo Trắng, nhưng vẫn chưa có tên đại lộ Bún Bò.

Bản thân tôi từ một vùng quê ruộng đồng lên tỉnh học, sau mấy năm học đòi văn hóa Huế, cũng bị nhiễm bún bò rất nặng.. Tôi đã ưu tư nhiều về sự hiện diện của bún bò giò heo kể từ khi làm quen với một cô hàng xóm nhân dịp cô đi xe đạp, vạt áo dài tung bay phất phới và cuốn theo chiều gió mà quấn vào trong giây "sên", trong "ổ líp".

Tôi bèn ra tay cứu khổn phò nguy gỡ áo em ra và không quên bôi thêm dầu sên lên tay lên mặt cho ra vẻ lẫm liệt, can trường. Tên cô là Mộng Hoàng, tất nhiên có cái họ đi trước rất chi là thế gia vọng tộc. Chỉ mới cái tên thôi cũng đủ biến tôi thành Trương Chi bên cạnh Mỵ Nương đi xe đạp mất rồi. ễ làng, tôi đi từ xóm trong ra xóm ngoài để sưu tầm những tên giai nhân đẹp nhất thì cũng chỉ có những Nguyễn Thị Gái, Trần Thị Chắt, Lê Thị Dẹp... đào đâu ra có Mộng, có Hoàng.



Những buổi sáng, tôi và Hoàng vẫn đạp xe đạp song song chung đường từ Thành Nội, qua cầu Trường Tiền, rồi Hoàng vào Đồng Khánh và tôi vào Quốc Học. Đôi ba lần Hoàng quay sang phía tôi cười, một phiến ớt màu bún bò tí ti đỏ chói nằm trong góc chiếc răng khểnh trắng nõn nà của Hoàng. Tự nhiên tôi cảm thấy hơi mất đi cái cảm giác thanh thoát khi nhìn sự hiện diện vô duyên của ớt màu nằm trên chiếc răng khểnh duyên dáng đã làm tôi xao xuyến bao lần. Tôi lên tiếng, nhẹ nhàng như nắng, sợ làm vỡ những giọt sương tình cảm long lanh. Rồi cả hai đứa dừng lại, đứng khuất sau gốc cây long não, tôi xé mảnh giấy trắng nhất trong tập vở học trò, vo lại thành cây tăm và nín thở khêu chút ớt màu bún bò vô tình nằm chênh vênh không đúng chỗ. Hai đứa nói nhỏ như ngại hàng long não đứng nghe..

Hoàng vùng vằng sợ tôi nhìn sâu hơn đáy mắt:

- Ngó dữ chưa tề, dị chết!
Tôi thanh minh như Vương Tử Trực:
- Coi tề, không ngó chộ mô mà khêu!
Khi lên xe đạp đi tiếp, Hoàng phàn nàn, cái phàn nàn mà tôi cho rằng đáng lẽ ra là một sự biết ơn:
- Me phiền dễ sợ! Sáng mô cũng bắt Hoàng ăn bún bò ớn phát sợ luôn.


Cái "ớn phát sợ" của Hoàng lại là cái ước mơ ngoài tầm tay của đám học trò nghèo như tôi. Cứ tưởng tượng mỗi buổi sáng, khi trời Huế còn lành lạnh mà được ăn một tô bún bò giò heo, có váng mỡ vàng mơ ngã hồng trên mặt, nêm thêm một "múi đũa" ớt tương màu huyết dụ chắc sẽ sáng mắt sáng lòng mà học một nhớ mười. So với một chén cháo gạo với muối trắng của tôi hay một chén cơm chan chút nước mắm ớt của tụi bạn cùng hoàn cảnh ăn điểm tâm trước khi đi học, tự nhiên một cảm giác hơi buồn buồn pha chút tủi thân lặng lẽ dâng lên trong lòng. Bún bò tự nó không có giai cấp, nhưng giai cấp tự nó có bún bò: Phận nghèo bấm bụng nằm co. Giàu thời nem chả, bún bò giò heo!
Tuổi trẻ của Huế êm đềm và dễ hòa diệu sống như giòng sông Hương. Tôi đã quên rất nhanh hình ảnh tô bún bò của Hoàng và chén cháo gạo của tôi.

Hai đứa chưa bao giờ dám nói thương nhau mà chỉ lửng lơ nói chuyện đã cùng "thương con đường đi học".. Mỗi cô gái Huế đều có một bà chúa trong hồn và mỗi cậu con trai Huế đều có một ông hoàng trong bụng. Bà chúa thì thích sang mà ông hoàng thì thích ngọt, cho nên tôi đã nhẹ dạ nghe Hoàng dỗ ngọt mà hẹn hò lần đầu lên chùa Thiên Mụ và về ăn bún bò Kim Long.

Chúng tôi đã phạm vào hai điều tối kỵ làm tan vỡ bao nhiêu mối tình đầu đẹp như mơ của Huế: Đó là hẹn hò lần đầu không được lên chùa Thiên Mụ và không được ăn bún. Đồi Linh Mụ là đất thần kinh, nơi để chiêm bái chứ không phải là nơi tính chuyện ân tình hò hẹn.. Tình cảm trai gái chớm mầm trên đất thánh thì sẽ không bén rễ trong tim người. Còn ăn bún là trơn tru, không níu kéo như gừng cay muối mặn, nên cuộc tình rồi cũng theo bún mà trôi đi! Rất có thể bà Linh Mụ đã nhìn thấy tôi và Hoàng hò hẹn, cho nên mới "xui" về Kim Long ăn bún. Bởi vậy, nên tới Hè, Hoàng giã từ Đồng Khánh, chuyển qua Jeanne d'Arc để chuẩn bị đi Tây.
Kỷ niệm chia tay cũng êm đềm mà nhức buốt như những cơn mưa phùn tháng Giêng của Huế. Hoàng gởi cho tôi cuốn sổ lưu bút có giấy pơ-luya màu xanh, màu trắng, màu hồng; có thắt nơ tím với câu thơ tiếng Tây quá quen thuộc với tuổi học trò của Huế ghi nắn nót ở trang đầu: "Partir, c'est mourir un peu!... Ra đi là chết trong lòng một ít. Biết nói sao bây giờ?!". Tôi là học trò ban B (Toán - Lý Hóa toàn ròn) nên trong đầu lúc nào cũng lùng bùng ròng những đạo hàm và ẩn số của thầy Trần Tuệ và thầy Hồng Giũ Lưu. Huế lại là vùng đất ưa hò vay trả.

Đào đâu cho ra chút văn chương man mác nòi tình mà đáp lại cho Hoàng đây. Tôi bỏ cả việc đi trại Hè để cố đào cho ra dăm câu thơ nếu không “ác liệt” thì ít ra cũng có vẻ môn đăng hộ đối với Hoàng. Bên tê dẫn thơ Tây thì bên ni phải trích thơ Mỹ. Tôi vô thư viện, tìm mục thơ tình lãng mạn để kiếm vài câu làm thuốc. Thơ tình chết tiệt rủ nhau trốn đâu mất cả. Bí quá, bỗng vớ được vài câu thơ đề tựa cuốn sách của Helen Steiner Rice, tôi thấy như mở cờ trong bụng: “Somebody loves you than you know. And will always be with you wherever you go!” (Ai nào thấu hết tình ai.. Chân mây góc biển thương hoài ngàn năm). Và, để phụ đề Việt ngữ tôi chọn hai câu thơ của Hàn Mặc Tử, đọc đi đọc lại đắc ý nổi da gà: “Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!”.


Kèm với thơ thẩn là cái lược bằng gỗ trầm hương, vật kỷ niệm của mẹ, tôi xin và tặng lại cho Hoàng mà bỗng tự cảm thấy mình sâu sắc như một người tình trong chuyện thần thoại;Năm 1992 về lại con đường cũ, đọc thơ Xuân Hoàng mà nhớ bâng khuâng đốm ớt bún bò và nét cười răng khểnh:
Tôi đi trên đường Lê Lợi dọc sông Hương
Nắng trong suốt lọc qua hai hàng long não
Đất nước đổi thay qua bao mùa giông bão
Con đường xưa vẫn dáng dấp diệu kỳ...



Hơn mười năm, tôi mới có dịp trở lại chen chân trên đường phố Huế vào một buổi chiều 29 Tết. Đi trong nắng cuối Đông dìu dịu thương quen của Huế mà cứ ngỡ như mình mới xa Huế hôm qua. Nghĩ đến mai xa Huế tự nhiên tôi có cảm gíác như mình là kẻ phụ tình với Huế. Huế vẫn lặng lẽ chờ đợi như người tình trăm năm mà tôi thì cứ dứt áo ra đi lang bạt kỳ hồ.


Rồi quả đất cũng tròn và thế giới nầy cũng nhỏ nên “những kẻ phụ tình với Huế” vẫn có lúc gặp nhau ở quê người như một sự tình cờ của định mệnh. Hơn 30 năm sau, rất tình cờ, tôi gặp lại Mộng Hoàng ở Little Sàigòn, Quận Cam Ca-li. Tôi nhận ra Hoàng, bà chủ tiệm ăn có tên vừa Tây vừa Huế, nhờ chiếc răng khểnh "thương bắt chết" vẫn tô điểm cho nụ cười duyên dáng ngày xưa. Tất nhiên, tôi từ phương xa ghé vào đây cũng vì món "bún bò Huế chính gốc". Nhắc chuyện cũ, cả hai đứa cùng cười ngặt nghẽo. Giọng Hoàng tuy phảng phất một chút âm vang trời Tây nhưng vẫn chưa phai màu Huế:
- Thời nớ, răng tụi mình dễ thương dễ sợ hí!
Tôi cười cười nhắc lại:
-Sau nớ, còn ai khêu ớt trên răng cho Hoàng nữa không?
Mắt Hoàng bỗng thoáng một chút trầm tư "nhắc làm chi sương khói thuở xa xăm" và ánh lên màu kỷ niệm:
- Lạ chưa tề. Nhắc chi nữa, dị chết!


Tôi nhìn Hoàng. Mắt bâng quơ đậu trên vài ba sợi tóc loà xòa điểm bạc. Hoàng biết và ngúng nguẩy che đi. Hoàng nói thật bất ngờ, giọng trang đài như đọc câu thơ tình thời cổ:
- Chải lược trầm hương nên sớm thành tóc bạc!
Tôi hiểu Hoàng nói gì nhưng phản ứng như anh học trò cả ngố:
- Thơ của ai rứa Hoàng?
Hoàng trả lời “mần đày”:
-Thơ ai? Thơ ông cai bến đò!
Đàn bà Huế mà đã “mần đày” thì Tần Thủy Hoàng cũng phải biết rằng mình đã lỡ vô tình, cần lẳng lặng chui vào ổ rơm nằm ngủ qua đêm.

Rứa đó! Dân Huế suốt đời vẫn là những đứa trẻ thơ mỗi lần nhớ Huế, nhớ những kỷ niệm đã thiu thiu ngủ trong ký ức và trên quê mẹ của mình.
Xa quê, rủ nhau ăn một tô bún bò Huế nấu bằng heo Mỹ, bò Anh, ruốc Tàu, bún Nhật.... Miếng ăn có thể khác nhau vì ngon hay dở, nhưng nỗi nhớ quê nhà thì vẫn hiu hắt giống nhau trong cùng thẳm của mỗi tấm lòng. Bún bò Huế đã vượt sông Mỹ Chánh ra Bắc, vượt đèo Hải Vân vô Nam, vượt trùng dương sang Âu tới Mỹ.

Giữa những phố phường xa lạ quê người, đọc trên một tấm biển của một tiệm ăn nào đó có ghi “Bún Bò Huế”, người Việt tha hương nào mà khỏi thấy lòng mình ấm lại. Bún Bò Huế không còn là riêng của Huế mà hương sả nồng, vị ớt cay, mùi ruốc mặn đã thấm vào mạch đất quê hương và lòng dân tộc Việt đầy yêu thương nhưng cũng lắm đoạn trường chưa có ngày sum họp.
__._,_.___

No comments:

Post a Comment