Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 17 December 2016

NGUYỄN CHÍ THIỆN=TRẦN HOÀI THƯ=THANH TÂM TUYỀN=TRUYỆN SƠN TRUNG



THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN



Tình MơNguyễn Chí Thiện (1963)
Anh yêu em,anh chỉ nói thế thôi
Nói thế thôi cũng đã thừa rồi
Vì tình ái đâu cần ngôn ngữ
Tình từ tim, mà ngôn ngữ từ môi

Anh yêu em, em đã hiểu lâu rồi
Em đã hiểu từ ban đầu gặp gỡ
Anh hỏi thăm đường, em trỏ lối, thế thôi!
Em hiểu anh trong dáng dấp bồi hồi

Trong ánh mắt ngập ngừng xao xuyến
Em hiểu anh trong nắng chiều lưu luyến
Em hiểu anh từ tình mới đâm chồi
Từ hạnh phúc còn như bỡ ngỡ

Trong hồn anh quen nếp đau thương...
Có những đêm trăng óng ánh trên đồng
Trăng tắm sáng lên đầu em tóc rối
Trăng lấp ló qua hàng cây gió thổi...

Em là vầng trăng ngọc của đời anh
Anh không em, anh sẽ sống âm thầm
Như những tối trăng vàng lặn bóng
Đi bên em nghe ái tình đập sóng

Trong lòng anh hạnh phúc chan hòa
Ôi phút giây không thể xóa nhòa
Giây phút ấy, tình em chói tỏa
Ở trong anh, và tất cả xung quanh!

Anh ôm em, em ngạt thở vì anh
Nhưng em biết lòng anh say đắm quá
Gì ngây ngất bằng hôn lên đôi má
Mịn như hoa và đượm hương da!

Nắm tay em bao đau khổ phai nhòa
Khắp vũ trụ chỉ còn thương mến
Tình của em nhiệm mầu vô bờ bến
Hồn anh hầu tàn úa lại rờn xanh

Đời anh như chim hót trên cành
Tươi mát tựa màu xuân thơm ngát
Giọng ai buồn ngân nga câu hát
Bừng cơn mơ, trăng lạnh đã lên cao...

Gió ngoài song hiu hắt thổi vào
Rơi mấy cánh hoa đào trên chậu sứ...

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI * TRẦN HOÀI THƯ

Người lính trong TRUYỆN TỪ VĂN* của Trần Hoài Thư PDF Print E-mail
Sunday, 05 August 2012 08:17

Trong bài giới thiệu về tác giả Trần Hoài Thư của nhà văn Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn ngày 1-3- 1972, ông đã viết:
“…Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.”

Thật vậy, trong các truyện ngắn của anh trong tập “Truyện từ Văn” mà tôi hân hạnh được đọc, nổi bật lên hình ảnh người lính VNCH thật hiền, dù là khi nằm trong bệnh viện hay khi đang lâm trận, hoặc ở bên người em, người tình. Họ chỉ có một mơ ước duy nhất, là ngày hòa bình mau trở lại để trở về với làng quê, xóm cũ, bên cha mẹ già, lấy vợ sinh con. Thôi không còn những ngày nằm mương nằm mả truy lùng địch. Không còn hỏa châu, trái sáng, tiếng đạn bom trên quê hương đã quá nhọc nhằn.
Rồi tôi và lũ bạn ở trong trại bịnh sẽ dắt dìu nhau, kẻ chống nạng, người băng bó đầy mình, kẻ tóc râu như con dã thú, kẻ xanh xao, ốm yếu như một tên nghiện thuốc phiện... Chúng tôi sẽ mở cánh cửa sắt của bệnh xá này, trải con tim thật nhạy cảm cùng nhân loại, để làm một cuộc duyệt binh thật vĩ đại cùng những người đang lâm chiến. Họ ở Trường Sơn xuống. Hạ Lào qua. Cao Miên lại. Họ từ muôn nơi tụ hội lại, cùng bắt tay nhau, cùng chúc mừng nhau, cùng nghẹn ngào chào nhau. (Bệnh xá cuối năm - trang 12)
Họ mang một trái tim nhân hậu, không phân biệt đối xử ngay cả với tù binh. Các tù thương phế binh miền Bắc được săn sóc như những người lính miền Nam. Chứ không phải như ngày hòa bình mới lập lại, kẻ chiến thắng đã đuổi tất cả các thương bệnh binh VNCH đang nằm dưỡng thương ra khỏi quân y viện... Anh Trần Hoài Thư đã nhìn, đã tả người lính phía bên kia bằng con mắt anh em, rất người, rất bao dung:
Người thông ngôn hỏi hai người thương binh Bắc Việt về ý muốn của họ về quê hương hay không. Và mục đích của phái đoàn quốc tế này là tìm cách giúp đỡ. Tôi thấy hai người lắc đầu.
Tôi đang tự hỏi, phân tích, suy luận về trường hợp hai người tù thương binh trong bệnh xá miền cao này. Tôi cố gắng tìm trên gương mặt ấy một cái gì biểu lộ một mối thù địch, ác ôn. Nhưng tôi chỉ thấy một đôi mắt thật buồn bã, trên gương mặt thật chất phác bị may vá chằng chịt. Đôi mắt ấy, tôi đã nhận thấy từ bên trong ô lưới sắt. Ánh nắng le lói của hoàng hôn chiếu vào khung lưới. Nắng đọng thành từng mảng nhỏ trên gương mặt của hắn. Hắn nhìn lại tôi. Tự nhiên tôi muốn mời hắn một điếu thuốc.  Tôi muốn bày tỏ sự thân thích vô hình giữa tôi và hắn. Giữa những người trẻ tuổi bất hạnh như nhau. Giữa những tên thanh niên trót sinh ra trong một thế kỷ đen tối.(Bệnh xá cuối năm - trang 13)
Người lính miền Nam đã xem cuộc đấu tranh này như một cuộc đấu tranh về ý thức hệ, nên không coi kẻ phía bên kia là thù địch:
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
(Nguyễn Bắc Sơn - Chiến tranh Việt Nam và tôi)
Trong khi đó, phía cán binh CS, họ đã bị nhồi nhét tuyên truyền rằng những người ở phía đối diện họ đều là Mỹ Ngụy, là kẻ thù, phải tiêu diệt không khoan nhượng, phải “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Như trong bài thơ “Những ngày xưa thân ái” của nhà văn / nhà thơ Phạm Hổ (anh trai của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - tác giả bài nhạc “Những ngày xưa thân ái” tại miền Nam), người đã tham gia sáng lập Hội Nhà Văn miền Bắc (1957) và cũng là một trong những người đầu tiên hình thành Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi chuyên xuất bản văn hóa phẩm dành cho trẻ em(**):
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi
Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thuở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.
(Phạm Hổ - Những ngày xưa thân ái)
Thú thật, tôi đọc mà nổi da gà. Bạn thân thuở ấu thơ, ở khác chiến tuyến, gặp lại nhau chẳng mừng thì chớ, lại giết không gớm tay. Chả bù cho người lính miền Nam, nhà thơ Phan Xuân Sinh, đã bày cuộc “Uống rượu với người lính Bắc phương”:
Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà …
Chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
Đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
Bày làm chi trò chơi xương máu
Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc
Người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
Giờ này đang hối hả tránh bom
Hay thẫn thờ dõi mắt vào Nam
Để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
Rồi cũng sẽ quên, như bao điều suy nghĩ
Tình yêu như một thứ điểm trang?
Che đi chút dối lòng
Uống với bạn đêm nay ta phải uống thật say
Để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút
(Phan Xuân Sinh- Uống rượu với người lính Bắc phương)
Bởi vậy, người thương binh VNCH trong truyện “Về Thành”, khi trở lại quê nhà, muốn đi thăm mộ chị Hai của anh, một người  “nhảy núi”, ông nội anh đã khuyên:
Ông già lắc đầu:
-       Đừng nên cháu.
-       Sao vậy nội?
-       Từ đây đến đó, có bao nhiêu con mắt nhìn con. Ai ở làng đều biết con qua bên sông.
Người cháu ràn rụa:
-       Nhưng con bây giờ đã trở thành một kẻ cụt tay. Con không còn cầm súng. Con không còn ra mặt trận. Chính một cánh tay họ đã cướp mất của con, trên chiến trường rồi.
-       Làm sao họ hiểu được. Làng xóm đã ly khai con từ khi con trở về thành. Chị Hai con đã không nhìn nhận con là đứa em ruột…
-       Không, chị Hai con không bao giờ nghĩ điều đó. Chị là một người con gái hiền lành và dễ thương nhất, mà con đã gặp, đã biết. Chị đã từng tha lỗi cho con, khi con chọc giận chị. Chị không bao giờ… con biết rõ. Cả chú Ba, cả những người trong làng trong xóm, không ai xô đuổi con. Cho con đi, thưa nội.
-       Nội van con, hãy nghe lời nội. Con nên nhớ không ai nghĩ những điều như con đã nghĩ.
(Về thành – trg 150)
Ngoài những lý do mà anh đã nêu trong truyện, tôi tự hỏi có phải vì chế độ tự do ở miền Nam quá nhân bản, nên hai người tù binh đã xin ở lại chăng? Nếu bạn đã đọc “Cõi Đá Vàng” của nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm thì bạn đã biết chuyện một cô gái lấy chồng Tây về quê thăm nhà bị nghi là Việt gian và bị mang ra xử bắn (thử) bằng 3 mũi tên tẩm thuốc độc. Những cán bộ có tư tưởng tiến bộ, tỏ thái độ chống đối với những điều bất nhân, phi lý như Huỳnh, như Trần… thì bị bỏ tù và mượn tay người khác để giết chết. Vấn đề này cũng được anh đề cập đến trong truyện Cõi sa mạc – trg 279: CS đã mượn tay dân vệ giết cô giáo sinh Sư Phạm khi buộc cô này kéo cờ giải phóng và hô khẩu hiệu.
Hình ảnh người lính VNCH đã rất coi trọng mạng sống đồng bào, làm tôi chảy nước mắt khi nghĩ đến những thước phim của ngày cũ: Tết Mậu Thân ở Huế, vụ pháo kích vào trường tiểu học Cộng đồng Cai Lậy vào tháng 3 năm 1974… Hay như bây giờ, công an trong nước đánh chết người dân là “chuyện thường ngày ở huyện”:
Đằng sau nhà, có tiếng hét của người lính: Lên không. Đầu hàng đi. Tao ném lựu đạn xuống bây giờ. Tôi đứng dậy, tiến về tiếng hét. Thằng Trung cầm trái M.26, sắp bỏ vào miệng rút chốt. Tôi gọi giựt: Khoan đã. Muốn chết hả? Trung nói: Thiếu úy, em nghe tiếng động trong hầm, bọn nó núp trong hầm, thiếu úy. Tôi nạt: Mày tưởng bắt bọn nó dễ dàng như vậy sao? Trung cầm trái lựu đạn, phân bua: Thì ở đây là bọn nó rồi còn gì. Tôi nói: Lỡ dưới hầm toàn dân không thì sao? Tôi chỉ tay vào trái lựu đạn cay, sao mày không dùng thứ này? Ai dạy mày, hả. (Mắt đêm – trg 251)
Trong tập truyện này, tôi như đã được tham dự cùng anh và đồng đội ở trận Kỳ Sơn quá khốc liệt và kinh hoàng mà anh đã diễn tả trong bài thơ “Kỳ Sơn”:
Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu
Đại đội đi, một nửa không về
Lớp lớp người nhào lên, ngã gục
Đạn sủi bờ sủi đá, u mê
(Trần Hoài Thư - Kỳ Sơn)
Hình như có lần anh đã nói đúng là một phép lạ mà anh thoát chết trong trận này:
Ngày hôm đó, ngày 9-5 thì phải. Mặt trời thì gay gắt. Chỉ có mặt trời mới thấy bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề máu và mảnh lựu đạn, đít mông cũng vậy. Tôi, lần đầu tiên, niệm: Nam mô Quan thế âm Bồ tát, cứu nạn cứu khổ… hàng trăm lần. Nhìn mặt trời. Cho con sống. Sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn bắn dưới chân. Tôi lộn nhào. Chạy. Chạy. Đạn rít trên đầu, tôi nhào xuống bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu ra. Tắc, bùm. Thụt đầu vào. Chạy, lăn. Tội nghiệp thân thể mày chưa, ốm yếu thế kia. Cha mẹ nâng niu thế kia, bây giờ vùng vẫy, bò, chui từng đám bụi, bò hai chân, hai tay. Bò ngửa. Bò sấp. Ngọn cây vừa xê xịch. Tắc bùm. Đ.M. Chó đẻ. Mày giết tao. Mày hả dạ lắm sao. Tao còn viên đạn cuối cùng đây. Tự tử. (Nhật ký hành quân II, trg 53)
Bởi vậy, đừng trách người lính khi lòng chàng thì yêu rất nhiều nhưng đã ngại không dám cưới vợ vì sợ người yêu mình sẽ sớm trở thành “góa phụ ngây thơ”:
Tôi đi vẩn vơ. Những hạt sỏi dưới đôi giày lính, kêu lên rào rào nhè nhẹ. Ở trên bầu trời đen thăm thẳm, một vì sao vụt bay ngang rồi chết lịm. Có một chút bâng khuâng trong hồn tôi. Tôi nghĩ đến thân phận của mình. Còn bốn năm nữa, sẽ từ bỏ bộ áo quần xanh này để về, yên ổn với tấm thân mà cha mẹ nưng niu bế. Hay suốt đời không về, mà nằm trong một mồ hoang thâm u lạnh lẽo. Quỳnh ơi, anh không thể kéo dài mối tình thầm kín này nữa, nhưng anh cũng không thể nhìn em phải khóc như những người vợ trẻ son sắt. Anh biết làm gì bây giờ?(Cõi sa mạc – trg 273).
Tôi xin luôn luôn được mang ơn anh, những người lính VNCH, đã giữ cho miền Nam 20 năm yên ấm. Nhờ đó, chúng ta mới có được một gia tài văn hóa nhân bản, quý giá và đồ sộ mà di tích còn lại của nó là những bộ Văn Miền Nam, Thơ Miền Nam cũng như những tác phẩm văn học mà Thư Ấn Quán đã và đang sưu tầm hoặc tái bản.
Với riêng anh Trần Hoài Thư, em muốn được nói lời biết ơn anh đã giữ gìn cho chúng em, những thế hệ tiếp nối, được biết đến một nền văn học miền Nam lẫy lừng mà “những người muôn năm cũ” đều ngậm ngùi khi nhớ đến.  
Trần Thị Nguyệt Mai
11-7-2012
(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 53 tháng 8 năm 2012)
(*) Thư Ấn Quán xuất bản mùa hè 2012, ấn bản đặc biệt của tạp chí TQBT chủ đề tạp chí Văn.
      Muốn có sách, xin bạn liên lạc với Thư Ấn Quán ở địa chỉ:
      PO Box 58
      South Bound Brook, NJ 08880
      hoặc email:
      tranhoaithu @yahoo.com
(**) nguồn: Wikipedia

THƠ THANH TÂM TUYỀN

  • Dạ khúc


    November4
    Anh sợ những cột đèn đổ xuống
    Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
    Bóp chết mọi hi vọng
    Nên anh dìu em đi xa
    Ði đi chúng ta đến công viên
    Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
    Ôi môi em như mật đắng
    Như móng sắc thương đau
    Ði đi anh đưa em vào quán rượu
    Có một chút Paris
    Ðể anh được làm thi sĩ
    Hay nửa đêm Hanoi
    Anh là thằng điên khùng
    Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
    Chiếc kèn hát mãi than van
    Ðiệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
    Sao tuổi trẻ quá buồn
    như con mắt giận dữ
    Sao tuổi trẻ quá buồn
    như bàn ghế không bầy
    Thôi em hãy đứng dậy
    người bán hàng đã ngủ sau quầy
    anh đưa em đi trốn
    những giày vò ngày mai
    Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành nhạc phẩm Dạ tâm khúc.
    Dưới đây là phiên bản do Duy Trác trình bày.

    Từ khóa: , ,
    Bình luận (0)
  • Trời sẫm


    December17
    Như mắt
    Như ngõ hoang hồn này
    Hôm nay
    Nghe lời hát quen quen
    Người đàn bà ấy mang tên
    Lời từ biệt
    Trên một sân ga vắng
    Tiếng kèn trầm của một chuyến ô-tô-ray
    Đầy dĩ vãng
    Nếu đã đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng
    hay sang Bắc Ninh
    Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long
    hay lên Thủ Dầu Một
    Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
    Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
    Cho vui thêm cuộc hành trình
    (Đúng rồi những người thù ghét thơ tôi ơi)
    Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc.
    Từ khóa:
    Bình luận (1)
  • Lệ đá xanh


    July31
    tôi biết những người khóc lẻ loi
    không nguôi một phút
    những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
    em biết không
    lệ là những viên đá xanh
    tim rũ rượi
    đôi khi anh muốn tin
    ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
    mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
    đến ngày cuối
    đôi khi anh muốn tin
    ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
    mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
    nguồn sữa mật khởi đầu
    đôi khi anh muốn tin
    ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
    mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
    vòng ân ái
    đôi khi anh muốn tin
    ôi những người khóc lẻ loi một mình
    đau đớn lệ là những viên đá xanh
    tim rũ rượi
    Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành nhạc phẩm Nửa hồn thương đau.
    Dưới đây là phiên bản do Tuấn Ngọc trình bày.

SƠN TRUNG * TÔI LÀ NGƯỜI KHÁCH LẠ



TÔI LÀ NGƯỜI KHÁCH LẠ

              Sau 1975, miền Nam đổi chủ và thay cảnh sắc. Ngoài đường, bọn công an mặc quần áo vàng, đi dép râu, đội nón cối, mang AK đứng đầy đường. Khắp nơi, xe vận tải Liên Xô che vải kín như những dấu tích của thời miền Tây Hoa Kỳ khai hoang. Ngân hàng , chợ búa đóng cửa để kiểm kê. Hàng triệu người miền Nam thất nghiệp, hàng trăm ngàn sĩ quan và công chức phải ngồi tù. Chợ trời và quán cà phê mọc khắp nơi. Người ta đem bàn ghế, tủ, giường bán ngoài đường. Khắp nơi treo ảnh già Hồ. Thiếu nhi và thiếu niên đi học phải thắt khăn quàng đỏ. Ra đường ít người mang áo dài và tô son điểm phấn vì người ta sợ bị cắt quần, tuốt móng tay giữa đường. Không còn gạo Lục tỉnh chở về thành phố vì từ nay họ thực hành kinh tế tự cung tự cấp, vùng nào lo thực phẩm cho vùng đó, không có buôn bán từ làng này qua làng khác, xã này qua xã khác. Đó là chủ trương cấm chợ ngăn sông của đảng cộng sản để cho người dân muôn đời sống trong nhà giam Hợp tác xã, bãi bỏ buôn bán cá thể, và không cho dân chúng liên lạc với thế giới bên ngoài. Đi đâu là phải xin phép đi dường, khách đến nhà phải trình báo. Tất cả chúng ta như sống vào một không gian khác lạ. Trong khi bọn cộng sản và bọn ba mươi hớn hở tung hô chế độ, những người quốc gia chúng ta bị '' chấn động văn hóa'' ( cultural shock). Người Tây phương dùng danh từ này để diễn tả tâm trạng của những người đi từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, và họ cảm thấy đau khổ vì mọi thứ như phong tục, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ, y phục, thực phẩm. . . . đều khác lạ với nếp sống quen thuộc của họ. Chúng ta không cần đi ra nước ngoài, chúng ta ở trong đất nước của chúng ta, thế mà cộng sản vào miền nam đã gây xáo trộn đời sống nhân dân ta, khiến cho ta khó chịu, buồn bực và đau khổ! Ấy là ta đã bị ''chấn động văn hóa'' ngay tại nước ta! Chúng ta đã cảm thấy mình như đang ở một quốc gia xa lạ, với những tên công an, cán bộ của một chính quyền man rợ tại một vùng hoang vu trên trái đất!
Sau 1975, những nhà giáo không thuộc diện sĩ quan và công chức cao cấp thì không phải đi ''học tập cải tạo''. Vì vậy, chúng tôi còn ở lại trường học tập chính trị, họ nói ai học tập tốt có thể được xét ở lại giảng dạy. Trước đây, tôi là dân vượt tuyến. Thủơ nhỏ tôi đã sống trong vùng cộng sản, và học tại một trường trung học tại núi rừng. Tôi đã biết ít nhiều về cộng sản. Tôi không tin tưởng ở những lời hứa hẹn của họ, vì họ không bao giờ nói thật. Cộng sản làm thì không nói, cộng sản nói thì không làm!
Tôi là một học sinh bình thường, không thuộc diện đoàn, đảng. Còn những học sinh đoàn đảng thì quá dốt và luôn lăng xăng họp hành riêng với nhau. Tôi có cảm tưởng bọn họ là một loại học sinh '' con đẻ'', còn chúng tôi là loại học sinh '' con nuôi'', hoặc một loại ''người dưng nước lã'', một loại ''khách lạ'' đến từ một nơi xa xăm!
Cảm giác ''người khách lạ'' lại xuất hiện lần nữa sau 1975. Trong trường, còn lại những bạn bè với nhau, chúng tôi vô hình trung thuộc về một loại với nhau dù không bị bôi vôi, cạo trọc đầu hoặc mang biển, mang băng đi khắp thành phố như hồi cách mạng văn hóa bên Trung quốc. Nhìn thái độ và mặt mũi, người ta thấy rõ chúng tôi thuộc bọn '' chế độ cũ'' Sài gòn. Trong khi các cán bộ quân quản mang dép râu, đội nón tai bèo, chúng tôi chỉ mang y phục bình thường quần tây, áo sơ mi. Y phục khác nhau mà tâm tư cũng khác nhau. Họ là kẻ chiến thắng còn chúng tôi ý thức chúng tôi là tù hàng binh và chợt nhớ đến câu thơ Nguyễn Du:
''Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!
Áo xiêm buộc trói lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi!''
Họ bắt chúng tôi học tập chính trị một thời gian. Lúc đó họ phân loại chúng tôi . Các vị tiến sĩ quốc gia ( Pháp) thì ngang hàng phó tiến sĩ xã hội chủ nghĩa, còn tiến sĩ đệ tam cấp ( Pháp), Ph.D., master (Mỹ) cao học, cử nhân (Việt Nam) thì ngang hàng tốt nghiệp đại học xã hội chủ nghĩa. Tôi bắt chuớc câu thơ của Nguyễn Khuyến đọc cho bạn bè nghe:
Tiến sĩ còn chẳng ra gì,
Cử nhân, cao học khác chi thằng hề!
Có lẽ mặt mũi chúng tôi không còn sáng sủa, và bước chân của chúng tôi không mạnh mẽ và nhanh nhẹn như thời trước. Trong khi đó những anh nằm vùng hoặc '' tân gia ba''( mới gia nhập vào ngày 30 tháng tư) thì lăng xăng, năng nổ. Tức cười nhất là một vị linh mục những ngày đầu tiên ông cũng đứng ngồi khép nép mất tự nhiên như chúng tôi. Vài ngày sau, không biết xin đâu một cái băng đỏ, ông cũng đeo vào cánh tay, gia nhập vào đám cán bộ quân quản, và bọn '' ba mươi''cũng lăng xăng chạy lui chạy tới như gà mắc đẻ. Ít lâu sau, ông vắng bóng, nghe đâu ban quân quản đã cho các vị tôn giáo trở về với tôn giáo!
Những ngày đó chúng tôi không tích cực như bọn ba mươi nhưng cũng không tỏ rõ thái độ chống đối, tuy nhiên đôi khi thấy họ nói ngang ngược quá thì cũng phải góp ý kiến vì nếu im lặng, người ta sẽ cho là trí thức miền Nam ngu! Vì thế mà tên tổ trưởng vốn là một tên cơ hội chủ nghĩa, báo cáo cuối khóa học tập rằng chúng tôi có thái độ đối kháng. Mà đối kháng đồng nghĩa với phản kháng, với phản động! Mà phản động có nghĩa là sẽ bị đảng và nhà nước trừng trị, cho vào trại giam! Nghe ông ''triết gia tổ trưởng'' dùng chữ trong bản báo cáo, chúng tôi ớn xương sống và biết số phận của chúng tôi đã được quyết định. Lúc này, lớp học chính trị của chúng tôi thỉnh thoảng vắng bóng một vài người. Tôi nghe bạn bè kháo nhau họ đã vượt biên. Trong trường, các cán bộ quân quản luôn họp hành với các sinh viên đoàn đảng và các tên tổ trưỡng, tổ phó và các tên ba mươi! Rõ ràng chúng tôi là một lũ tội nhân đang chờ ngày phán xử. Trong những buổi học tập, phải nghe những tên cán bộ i tờ lên lớp về sáng kiến xăng khô của Liên Xô ( Liên Xô chế ra xăng bột rất tiện lợi, khi dùng thì lấy ra một ít bột, đổ nước lạnh vào quậy lên mà dùng), nhờ cố vấn quân sự của đảng ta mà '' Một Răng''( Iran), '' Một Rắc''( Iraq) chiến thắng đế quốc Mỹ; và sự giàu sang của miền Bắc xã hội chủ nghĩa như là đã sản xuất xe ô-tô xuất khẩu, chỗ nào cũng có dầu lửa, nhân dân ta chỉ cần cắm cuống đu đủ là dầu bốc lên tha hồ nấu bánh chưng! Chán nản quá, vào lớp học tôi không sao chống nổi con ma ngủ xâm nhập cơ thể! Dẫu biết đó là một hành động kém khôn ngoan nhưng biết làm thế nào được! Tôi có cảm giác rằng chúng tôi là một thứ ngoại quốc ngay trên đất nước tôi. Y phục của họ khác chúng tôi, cách nói năng và suy tưởng khác chúng tôi. Tôi và họ tuy là cùng giống Việt Nam nhưng có hai nền văn hóa khác nhau! Và điều quan trọng nhất họ là người chiến thắng còn chúng tôi là kẻ chiến bại! Xúc cảnh sinh tình, tôi đọc cho các bạn tôi nghe mấy câu thơ của tôi:
Nước này nào phải nước ta,
Mình là ngoại quốc lo mà hồi hương!
Mình là khách lạ ở trường,
Mau về mà vượt đại dương cho rồi!

It lâu sau thì đa số chúng tôi ra khỏi trường, chỉ trừ các anh em ban sinh ngữ hoặc những người có khả năng sinh ngữ là được ở lại. Một ông bạn già của tôi có việc cần tra cứu sách vở cho nên đã trở lại thư viện trường xin đọc sách. Họ vẫn lịch sự cho ông vào vì người thủ thư là người cũ. Khi về, ông cho biết nhân viên trường đã thay đổi gần hết, sinh viên và nhân viên đều nhìn ông như một người xa lạ. Riêng tôi, từ khi ra khỏi trường thì không bao giờ trở lại trường nữa. Tôi hiểu được nỗi cô đơn lạc loài của ông bạn già. Thật ra chúng ta bao giờ cũng chỉ là người khách lạ trong cuộc đời này! Thời trước chúng tôi còn dạy học, thì chỉ những sinh viên nào học với chúng tôi thì mới biết chúng tôi. Ngoài ra, các sinh viên khác chỉ biết đại khái chúng tôi là thầy giáo của nhà trường, thế thôi! Có kẻ lâu lâu mới tới trường một lần, tất nhiên chẳng biết ai là ai! Sinh viên cũ lớp thì bị ngồi tù hoặc chết trong lửa đạn ' Mùa Hè Đỏ Lửa'' hay ''Mùa Xuân Đại Thắng'', kẻ thì vượt biên, người thì không được tiếp tục học vì lý lịch xấu hoặc vì gia cảnh sa sút không đủ tiền ăn học! Nay đổi thay tình thế, thầy mới, trò mới, làm sao ai còn biết ai ! Khi ra khỏi môi trường hoạt động, chúng ta chỉ là những con người lẻ loi, cô độc, là những khách la! Ông bác sĩ, bà dược sĩ, cô vũ nữ, chàng họa sĩ. . . ra đường cũng chỉ là những con người vô danh trong đám đông!

               Khoảng 1985, nhạc phụ tôi mất, nhạc mẫu và mấy đứa em ra ngoại quốc, căn nhà trước kia đông đúc khoảng mười người ở, nay vắng tanh, chỉ còn lại một đứa cháu thường vắng nhà. Hai bên và đàng sau, người ta đã lên lầu cho nên căn nhà cũ bị che ánh mặt trời, trở thành tối om. Những ngày có điện thì có thể bật đèn sáng khi vào nhà, còn những ngày cúp điện thì tối om và nóng không thể tả! Những ngày giỗ chạp, chúng tôi đến cúng vái mà lòng tôi ngậm ngùi vì cảnh cũ người xưa không còn nữa!
Mười năm sau ngày Sài gòn thất thủ, tôi đã trở ra miền Trung thăm mái nhà xưa. Anh em, họ hàng đối với tôi rất chân tình. Người làng có vài kẻ nhận ra tôi, còn đa số nhìn tôi bằng con mắt xa lạ. Những kẻ biết tôi chút chút thì gọi tôi là '' ông Sài gòn''!Tại thôn xóm của mình, tôi thấy phong cảnh đổi khác, và tôi đã trở thành người khách lạ đối với nơi quê hương tôi sinh trưởng. Tôi là người khách lạ vì tôi có cảm giác khác xưa, không thân thiết như xưa. Tôi xa lạ với một số người trong làng vì họ mới lớn lên hay họ từ một nơi nào khác đến hoặc trở về. Và tôi cũng chỉ là một du khách, về đây một thời gian rất ngắn rồi lại lên đường, không biết bao giờ có thể trở lại! Không những tôi xa lạ mà tôi còn mang cảm giác bất an như có một ai đang rình rập tôi! Lúc nói năng, tôi phải gìn giữ từng lời, vì sợ báo cáo và xuyên tạc. Trong một không khí như thế, làm sao mà thân mật!
Ngôi nhà của tôi vẫn còn đó nhưng ngày xưa ông bà, cha mẹ, anh em chú bác quây quần, nay vào ra quạnh hiu chỉ còn mẹ tôi và tôi. Một vài anh chị bà con thỉnh thoảng ghé vào thăm viếng nhưng đêm khuya, một mình dưới bóng trăng lạnh lẽo, tôi cảm thấy cô đơn vô hạn, dường như mọi người đã bỏ đi thật xa, chỉ còn lại mình tôi. Những người thân yêu đã chết, những bạn bè vào bộ đội, đi làm ăn xa hoặc đi kinh tế mới hoặc đã chết. Những cô gái ngày xưa đã đi lấy chồng xa. Tôi mang tâm trạng lạc loài của Lưu Thần, Nguyễn Triệu trở lại quê nhà thì cha mẹ, ông bà, họ hàng, bạn bè đã thất lộc từ lâu, mà những lớp người hiện tại không ai biết chút gì về mình. Trước và sau tôi là sương mù, là sa mạc hoang vu . . .


Năm 1995, tôi và gia đình sang Canada theo chương trình đoàn tụ gia đình. Tôi cảm thấy thích thú vì người dân Canada rất hiền lành và lịch sự. Phong cảnh rất đẹp. Ở trong thành phố mà như nơi núi rừng vì chỗ nào cũng có công viên rậm rạp và cây cối um tùm. Các giống se sẻ, quạ, bồ câu, hải âu bay khắp nơi. Những con sóc leo lên leo xuống những hàng cây bên vệ đường, thỉnh thoảng chạy băng qua đường. Chúng tôi càng thích thú hơn khi thành phố im lặng, không ồn ào, bụi bặm như Sài gòn. Nhất là ngày đêm không có tiếng súng và hình ảnh những công an, bộ đội trong thành phố như tại Việt Nam! Tôi rất vui vì ngày đêm không còn lo công an ập tới xét nhà và bắt đi. Nhưng tôi vẫn có nỗi buồn của tôi. Tôi nhớ quê hương, bà con và bạn bè tại Việt Nam. Trong tôi, những kỷ niệm xưa sống lại. Ngày xưa, tôi ra khỏi nhà thỉnh thoảng gặp bạn bè quen rủ đi uống cà phê. Cuối tuần, thỉnh thoảng chúng tôi còn nhậu nhẹt với nhau. Nhưng bây giờ xung quanh là người xa lạ. Tôi thường ở nhà đọc và viết. Muốn đi đâu phải dầm tuyết lạnh đợi xe bus. Công việc làm ăn xứ người khó khăn vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những chuyên môn, những bằng cấp quá khứ trở thành vô dụng sau 1975 và sau khi chúng ta ra ngoại quốc!


            Một hôm, tôi ngồi trên ghế một thương xá ngắm người qua lại. Một ông lão Canada đến ngồi bên cạnh và thân mật hỏi tôi:
-Phải chăng ông là du khách Nhật Bản?
Tôi trả lời:
-Vâng, tôi là một du khách, là một người khách lạ trong thành phố này!

TRẦN HOÀI THƯ * TRẬN CHIẾN BUỒN BÃ

Trần Hoài Thư
Trận chiến buồn bã
...Chưa lúc nào như lúc này, ông Nguyễn lại phải chạm trán vào một mặt trận mà chỉ có mỗi một mình ông là một tên lính cô đơn. Cái mặt trận không có súng nổ, đạn bay, không người chết, kẻ bị thương, anh trở về với đôi nạng gỗ, lá cờ phủ trên quan tài. Mà trái lại, nó là những gì ông viết trên máy tính, những gì ông suy nghĩ, những cuộc thảo luận triền miên giữa ông và một vài người có thẩm quyền của công ty để tìm ra lời giải hầu biến thành khí giới giải quyết chiến trường giúp cho chủ thắng và thợ thua.
           
Mục đích của mặt trận là làm sao tự động hoá hệ thống đặt hàng tức là order automatization. Có nghĩa là từ đây, không còn cảnh trên khắp nước Mỹ, với những nhân viên thay phiên trực trước máy để chờ trên màn ảnh những tín hiệu từ nơi xa gởi về, đặt hàng, trả lại hàng, trao hàng, đưa hàng tới UPS, Federal Express, bao nhiêu pound, bằng lối ưu tiên, hay cấp tốc, hay đường bộ... Sẽ không còn một nhóm chuyên viên ở tổng hành dinh   mà người ta gọi là production support team ( nhóm tiếp trợ sản xuất) thay phiên làm việc 24/24 để giúp các nhân viên xa giải quyết những chuyện phiền phức như điện tắt làm máy phải bị tê liệt, và các dữ kiện, dữ liệu bị hư mà danh từ chuyên môn gọi là crashed (hỏng) hay những vấn đề linh tinh khác.
 
Rõ ràng trong mặt trận này kẻ thắng thì thắng lớn, bởi từ đây hàng trăm người sẽ mất công ăn việc làm, và công ty sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng triệu đô la.
 
Tự động hóa hệ thống. System automatization. Từ lâu, người ta đã nói nhiều về việc tự động hoá. Thợ chờ đợi. Nhân viên bàn giấy chờ đợi. Những người có chức vụ trong công ty chờ đợi. Ai cũng dư hiểu một ngày máy móc kỹ thuật sẽ thay thế con người. Ai cũng hiểu một ngày họ sẽ bị đào thải bởi những dàn điện toán, e Business, hay những chip nhỏ xíu như đồng penny mà sức chứa bằng cả một thư viện trung bình. Ai cũng chờ một ngày móng vuốt con quái vật sẽ vồ chụp họ, không cho họ một chỗ đứng. Nhưng một năm trôi qua, rồi một năm khác trôi qua. Họ vẫn tiếp tục làm kẻ sống sót. Họ vẫn tiếp tục mỗi ngày vào giàn máy làm những công việc thường lệ như canh chừng tiếng bíp của máy phát ra là họ dùng những dữ kiện đã có sẵn, đánh vào những ô trống cần thiết rồi cho máy chạy. Máy sẽ tính ngày hết hạn, số lượng tồn kho, hay trường hợp không có đủ cho nhu cầu đòi hòi, phải vay mượn từ các kho khác, phải cập nhất hoá để cuối năm làm kiểm kê cho chính xác. Nói tóm lại, ở đây, vẫn còn có sự có mặt của con người. Họ lý luận là tại chủ ngại tốn tiền khi phải thuê thêm những thảo chương viên (programmer), sau đó phải huấn luyện nhân viên, thợ thuyền, phải mua sắm trang bị máy móc.
 
Nhưng cuối cùng cái gì chờ đợi cũng đã đến. Bà Rita gọi ông cho biết quyết định của cấp trên và   dặn ông đừng hé môi sợ nhân viên xôn xao. Bà hỏi ông. Không, bà ra lệnh cũng nên:
"Ông nghĩ liệu mình có thể hoàn thành dự án trong vòng một tháng không? "
"Một tháng? " Ông la lên.
"Tôi biết. Tôi biết. Nhưng người ta muốn vậy. Phải làm gấp"
"Tôi nghĩ là bà nên trình lại cấp trên. Thứ nhất là nhân lực. Chỉ có một mình tôi còn lại trong nhóm. Vả lại, tôi không thể làm toàn bộ thời gian cho dự án. Tôi còn có biết bao nhiêu việc khác phải làm"
"Tôi biết. Tôi biết."
Bà luôn luôn nói Tôi biết, tôi biết để chứng tỏ rằng bà đã hiểu những khó khăn mà nhân viên của bà sẽ gặp. "Ông về phòng nghiên cứu rồi trả lời cho họ vào buổi họp ngày thứ Năm này". Bà nói tiếp, như một cái lệnh, không cách gì thay đổi.
 
Ngày thứ năm, hai giờ trưa. Tám người khắp các tiểu bang cùng họp và thảo luận dự án qua điện thoại. Ông Bill nói về dự án và yêu cầu mọi người nhúng tay để dự án được hoàn thành đúng theo lịch trình.
 
Dù ông yêu cầu mọi người nhúng tay nhưng chỉ có ba người mới là vai chính. Trong đó có ông, Jeff và một người nữ á châu.
 
*
 
Một tháng phải hoàn thành. Cả ba người cố gắng giải thích là họ không thể kham nổi trong một khoảng thời gian eo hẹp như vậy. Nhưng nói để mà nói, trình bày để mà trình bày, họ vẫn bị buộc vào trong lịch trình đã ấn định. Bởi tất cả đã sẵn sàng. Tháng tới vài nơi sẽ đóng, những máy địa phương sẽ được nối về một máy chánh mà danh từ chuyên môn gọi là Main Server (máy chính)   và máy này sẽ tự động làm tất cả việc mà trước đây máy địa phương đã làm. Họ nói thêm "Rồi còn phải thử. Còn test..."
 
Mặc cho những lời biện giải, những người quan chức của công ty vẫn khắng khăng. Rõ ràng, họ chưa bao giờ hiểu được hoàn cảnh cũng như những nỗi khó khăn của những thảo chương viên/ người lập trình. Hay là họ nghĩ những tay này đang chơi trò làm yêu làm sách...
 
Như vậy, hết cách. Lại   chiến đấu. Lại xung trận. Không phải là tên lính chiến đấu. Thời ấy con tim hừng hực lửa. Thời ấy bên cạnh là bạn bè đồng đội. Thời ấy chiến đấu để bảo vệ sống còn cho người khác. Bây giờ thì khác. Một người của số tuổi sắp về chiều chiến đấu. Chiến đấu cho ai, vì ai. Một trăm phần trăm là cho chủ. Bởi vì ông lãnh lương chủ, hưởng bổng lộc của chủ, thuốc men, nằm bệnh viện cũng từ chủ. Những kiến thức kinh nghiệm trong mười mấy năm trong nghề, hôm nay, ông cố mang ra để làm cho chủ. Ông biết đây là cơ hội vàng ngọc để cho mọi người biết đến ông nếu ông muốn lấy điểm với cấp trên. Ông sẽ chứng tỏ cùng mọi người về tài năng mà từ lâu người ta không hề biết về ông. Ông sẽ được tưởng thưởng, thăng cấp. Không, ông đâu cần những mũ áo xênh xang như vậy. Bởi ông đã mỏi mệt. Tuổi càng ngày càng lớn. Ông chỉ muốn an thân không còn muốn đua chen cùng đời nữa. Ông từ chối những lời mời mọc như lương cao, nhiều ngày phép. Ông không cần bận tâm đến tin đồn là hệ thống mà ông phụ trách sẽ hết xài và dĩ nhiên ông sẽ bị thất nghiệp.   Ông chẳng khác một cổ thụ bám rễ sâu, chờ ngày tàn tạ. Ông cầu an với công việc làm. Không hăm hở, nhiệt tình như trước nữa. Những đầu ngón tay của ông đã bắt đầu bị tê buốt. Cả bả vai cũng vậy. Trước đây ông đánh vào bàn phím nhanh, nhưng giờ, ông đánh chậm lại, khoan thai, từ từ. Trong các buổi họp về nghề nghiệp, ông im lặng không phát biểu ý kiến. Ông muốn dừng lại, làm kẻ đứng bên lề. Ông cũng chẳng màng bận tâm về những thay đổi của khoa học kỹ thuật liên quan đến ngành ông làm việc. Còn bao lâu nữa ta về hưu rồi, hơi sức đâu mà ganh đua cho mệt óc. Bây giờ ông mới hiểu tại sao người già vẫn thường là người bảo thủ. Chính vì họ không thể theo cái mới. Thế thôi.
 
Cái lệnh ác ôn ấy đã làm ông khổ sở không ít. Ông bị dồn vào chân tường. Trời ơi, làm sao họ có thể hiểu là hệ thống này trước đây cần đến năm người giờ chỉ có một mình ông. Mà giả dụ bây giờ nếu mướn thêm bốn người mới nữa thì cũng vô ích bởi vì họ đâu có kinh nghiệm để mà làm? Làm sao họ có thể hiểu những cái khó khăn mà bất cứ một lập trình viên nào cũng phải gặp. Đó là những con bug (bọ) không bao giờ ngờ như con bọ Y2K. Làm sao họ hiểu ông đã bước vào cái tuổi già, trí não chậm lụt, lu mờ mà nghề này đòi hỏi phải có một trí nhớ tốt. Có biết bao nhiêu lệnh, mỗi dấu chấm, dấu phết là cả một tai họa   nếu bỏ sót hay ở sai vị trí. Mắt ông đã bắt đầu mờ, khốn khổ lắm mới đọc chữ, đọc số, huống chi cái dấu chấm nhỏ tí ti trên màn ảnh. Rồi bao nhiêu chuyện phải làm. Làm sao để từ một nơi xa muôn dặm tự động gởi tin và ở đây nhận tin cũng tự động, rồi tự động đến máy in, rồi máy in tự động in cái hoá đơn, cái biên nhận/ biên lai, cái hóa đơn, cái nhãn... Nói thì dễ, lý thuyết thì dễ, vẽ đường đi nước bước thì dễ, khi ở trong cuộc mới thấy khó, quá khó.
 
Vâng, quá khó, 12 giờ đêm ông còn ở bên máy để liên lạc với hãng qua modem. Vợ ông đã dục ông đi ngủ. Ông không trả lời. Ông đang cố tìm xem con bug bọ đang ở đâu. Tại sao mỗi lần ông compile soạn thảo là mỗi lần máy cho biết cái chương trình ông viết bị lỗi. Ông lấy cặp kính lão mang vào, và ước ao có một kính lúp để nhìn chữ cho rõ hơn. Ông nuốt nước miếng. Rõ ràng đây là trận đánh. Ông là tên tướng và cũng là tên tốt. Ông thảo ra kế hoạch và ông cầm súng đơn thương tìm địch. Nhưng địch thì quỉ quyệt. Tóm được một tên thì tên khác lại xuất hiện. Ông bị cuốn hút trong thế trận. Ông hồi hộp theo dõi từng bước, từng bứơc mà danh từ chuyên môn là ‘step by step’. Ông xử dụng những công cụ để yểm trợ như display, hiển thị animation hoạt hình, để nhận rõ con bọ quái quỉ. Ông chạy đông, chạy tây, chạy nam, chạy bắc giữa những hàng chữ nghĩa mà ông đã viết.
 
Lại chữ nghĩa. Chữ nghĩa tàn bạo. Chữ nghĩa khốc hại. Ông mệt lả. Đầu óc nóng bừng. Ông đứng dậy đến cửa sổ nhìn xuống đường. Ánh điện neon trắng soi sáng một khúc lộ. Những chiếc lá khô thỉnh thoảng lại rụng. Ông biết là mùa thu đang trăn trở. Còn hai tháng là sẽ đến mùa đông, trời sẽ lạnh, tuyết sẽ rơi, cây cối sẽ trơ cành. Cũng như ông bây giờ, ở vào tuổi sắp lục tuần, những tế bào sống đã từ từ khô và chết dần. Những sợi tóc đã từ từ khô rồi rụng dần. Nhưng đời vẫn chưa buông tha ông. Nhà vẫn không thuộc về ông. Xe cũng không thuộc về ông. Cơm áo, áo cơm, vẫn không cho ông nghỉ dừng một lát. Chữ nghĩa. Ông muốn gào lên. Đâu cũng là chữ nghĩa. Chữ nghĩa mở mang kiến thức, nhưng chữ nghĩa cũng là sợi dây thòng lọng rờn rợn kinh hoàng. Như một thời chúng làm thanh niên hai miền Nam Bắc mê cuồng, lăn lộn. Như những câu thơ cắt cổ giết người kích động của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận... Như những chủ nghĩa lý thuyết để cả dân tộc ông phải tắm trong máu của hận thù. Chữ nghĩa. Giờ đây chúng lại đày ông, bắt ông phải thuộc lòng, phải nhớ như đinh đóng, không thiếu không thừa. Chúng không cho phép ông được nói những gì ông thích nói, viết những gì ông thích viết.
 
Ông châm điếu thuốc, ngồi lại trước máy, tiếp tục cùng trận chiến. Ông tiếp tục hành quân, tìm địch, diệt địch. Địch thì bị diệt, nhưng mục tiêu thì vẫn còn mịt mờ không thấy ở đâu.
 
Và cứ mỗi tuần đến ngày thứ năm, hai giờ chiều, là ông ngồi trong phòng để tường trình diễn biến của công việc cho những manager ở những tiểu bang xa được rõ. Ông trả lời thắc mắc. Ông nêu những vấn nạn. Họ chia xẻ cùng ông. Nhưng lệnh vẫn là lệnh. Dứt khoát.
 
*
 
Có tiếng chuông điện thoại reng. Thằng Ed từ Houston gọi. Ông chào nó, yếu sìu. Giọng thằng Ed vang lên trong máy:
"Ông Nguyễn, ông bị bệnh ?"
"Không. Tao không bệnh, nhưng mệt"
"Này, nghe tôi, hãy tịnh dưỡng. Sức khoẻ là trên hết"
Trời ơi nó lại khuyên ông. Nó làm sao biết nó sắp trở thành nạn nhân. Nó làm sao biết ông đang tiếp tay với chủ để đá nó. Nó làm sao biết là ông đang dấu nó về những gì ông đang làm.
 
Ed thuộc nhóm trợ giúp sản xuất, một nhân viên thâm niên của công ty. Nhiệm vụ của nó là giúp giải quyết những trở ngại mà các người xử dụng hệ thống gặp phải. Thỉnh thoảng nó lại gọi ông để nhờ ông giúp một vài vấn đề chuyên môn.
 
Nó nói tại Virginia đang gặp khó khăn. Sét đánh làm máy ngưng hoạt động. Nhân viên phụ trách gọi nó cho biết có những dữ kiện không đúng. Phải sửa gấp.
Rồi nó cho ông số điện thoại để liên lạc.
 
Ông quay điện thoại. Ông đang gọi nạn nhân của ông. Phải, không trước thì sau,   dự án sẽ hoàn thành, những nhu liệu sẽ được bỏ vào máy, và họ sẽ bị sa thải. Đừng cho họ biết, họ sẽ xôn xao. Lời bà Rita vẫn còn vọng bên tai. Đầu dây, giọng người đàn bà vang lên. Giọng quen thuộc. Ông biết là cô nàng Kathy:
"Có phải Kathy?"
"Phải. Chính tôi. Có phải ông Nguyễn?"
"Phải"
"Cái gì xảy ra ở đấy?"
"Hôm qua bão. Điện bị cúp, và máy bị tắt. Sáng nay những dữ liệu bị sai"
"Hãy cho tôi một đơn hàng bị sai"
Kathy đọc cho ông nghe. Ông nói ông rất bận nhưng sẽ cố gắng giải quyết chuyện này càng sớm càng tốt. Kathy cám ơn rối rít:
"Tôi bảo không ai được vào máy để chờ ông nhé?"
"Vâng"
Rồi ông gác ống điện thoại. Ông thở dài. Bây giờ ông có dịp được giúp đỡ họ, nhận ở họ lời cám ơn, nhưng không chóng thì chày, họ không còn dịp để ngồi trước máy nữa. Chính ông là thủ phạm. Không, ông không phải là thủ phạm. Không có ông thì có trăm ngàn người khác mà. Nhưng mà tại sao lương tâm lại cảm thấy bất an.
 
*
 
Cuối cùng, dự án cũng được hoàn thành trước ngày ấn định. Ông mừng đến điên khùng khi những tệp tin đầu tiên đến trạm và ở đầu dây điện thoại thằng George gọi về cho hay: Tốt rồi. Hóa đơn đã chuyển đến máy in và nhản được in. Chúng ta phải mở champage mà ăn mừng là vừa. Ông thở phào như trút hết gánh nặng   trong ngực. Cái gánh nặng cơm áo và danh dự. Danh dự của một người Việt Nam . Và danh dự của một người già. Danh dự của nhóm. Bà Rita hứa sẽ can thiệp để cho ông tiền thưởng và dục ông lấy mấy ngày nghỉ. Nếu ông vui 10 phần thì ba phải vui 100 phần cũng nên.
 
Như vậy cuối cùng ông đã chiến thắng. Nhưng giữa niềm vui vô hạn ấy, thằng Ted gọi về tiếp tục hỏi về   hệ thống điện toán. Nó vẫn chưa biết. Rồi nàng Kathy cũng gọi về nhờ ông cứu dùm. Cái cơ sở dữ liệu lại bị hư hại. Ông muốn rưng rưng. Danh dự, vâng, ta cảm thấy danh dự thật. Nhưng chắc chắn là ta không cảm thấy tự hào hãnh diện chút nào./.
 
(trích Hành Trình của Một Cổ Trắng, tái bản lần thứ tư)
 

No comments:

Post a Comment