Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 15 December 2016

VÕ KỲ ĐIỀN=PHÙNG CUNG =SƠN TRUNG =ĐẶNG PHÙNG QUÂ

VÕ KỲ ĐIỀN * BIDONG

Một bài thơ cho Bidong

Posted: 10/05/2011 in Truyện Ngắn, Võ Kỳ Điền
Võ Kỳ Điền

Pulau Bidong 1981 – Tranh La Toàn Vinh
Bidong sáng nay thức giấc thật sớm. Nắng chưa lên đảo đã rộn ràng. Trời mới vừa tờ mờ sáng là anh em chúng tôi đã sắp xếp thu gọn đâu vào đó, xong xuôi lục tục tay xách tay mang, ríu rít kéo nhau về phía cầu tàu. Hôm nay là ngày tôi rời đảo, cái ngày trọng đại mà người tỵ nạn Việt Nam nào cũng ước ao mong đợi. Như con chim bị nhốt chặt trong lồng sắp được đem đi thả, tôi nhìn khoảng trời cao biển rộng, cảm thấy như hai chưn sắp mọc cánh. Những vật dụng không cần thiết được bỏ lại bớt, tôi cầm cái xách tay nhỏ nhẹ thênh thênh, lòng đầy tràn niềm vui háo hức. Mùi muối biển mặn nồng lẫn trong không khí trong lành khiến tôi sảng khoái. Con đường cát trắng ven theo mé biển để ra cầu tàu, đẹp đẽ dễ thương hết sức. Mà đâu phải Bidong sáng nay, chỉ có con đường nầy dễ thương. Bidong còn có những núi đá chênh vênh hùng vĩ, những rừng cây cao san sát, những tàn dừa xanh mát, những nhánh bàng gie như chiếc dù, những dãy lều chen chúc, những đợt sóng nhấp nhô, những đám mây trôi xô dạt…. Bidong trong tôi còn có anh chị Tư Trần Hưng Đạo, Dân, Cương thủy thủ, Dân gì đó, Út Trung, Sơn, Quách Linh Họat, anh chị Thuần, chị Kiều, chị Huệ, Tô Tỷ, Hủ Tiếu, Xám Mã Chải, … tất cả đều rất dễ thương.

Tôi ngoái mắt nhìn lại lần cuối cái lều cheo leo tôi đã nương tựa trong những ngày qua. Lều nằm khuất trong con hẻm hẹp té. Một dải nước dơ xanh mốc rong rêu chảy len dưới cầu thang. Đống củi vụn lượm trên núi mấy tuần trước xài còn phân nửa, bấy nhiêu đó chắc cũng đủ cho Chiêu dùng để chờ cho tới ngày được đi Mỹ. Một chiều nào tôi đến, rồi để sáng nầy tôi đi! Trong niềm vui sướng, bất chợt tôi bịn rịn ngậm ngùi. Chiêu đi sát bên tôi, tay ôm dùm một gói nhỏ, nói:
-Em ở lại có một mình, điệu nầy phải năn nỉ Sơn hay Út Trung đến ở chung cho vui.
Tôi nghe nói cảm động:
-Nhưng Sơn có bồ rồi, không dễ gì rủ hắn, Út Trung thì chắc được… Ở đây có một mình buồn lắm!
Chiêu vốn ít nói nếu không có bạn bè đông vui thì cái lều nầy chắc trở thành cái chùa! Nó thiệt xui, hôm phái đoàn Canada phỏng vấn, trả lời trật vuột sao đó nên bị xù, đành phải chờ để đợi phái đoàn Mỹ, nếu may mắn được nhận thì sớm lắm cũng phải năm, bảy tháng nữa mới rời đảo được. Tôi đề nghị:
-Hay là em kiếm người, bán cái lều kiếm chút đỉnh tiền xài đỡ qua ngày… rồi dọn hết qua bên Út Trung, ở chung cho có bạn?
Chiêu trầm ngâm một hồi, rồi nói:
-Anh tính vậy cũng được, để thủng thỉnh em lo…
Nó trả lời, giọng buồn buồn. Tôi nhìn thấy cặp mắt hấp háy sau mặt kiếng dầy cộm. Đầu cúi xuống, nó lẳng lặng đi không nói tiếng nào. Buổi sáng nước thủy triều dâng cao, những lượn sóng lớn đánh tràn lên gần sât bờ đất, làm ướt đẫm làn cát trắng phẳng lì, xóa hết những dấu vết rác rưởi của ngày qua. Giờ nầy khu chợ trời còn vắng tanh, không khí im mát nhờ chút hơi lạnh ban đêm còn sót lại. Mấy đứa em vui mừng trò chuyện líu lo như chim, tiếng bước chưn hối hả nghe rào rào trên mặt đường. Tụi nhỏ đi lẹ quá, tôi và Chiêu bị lọt tuất ra đàng sau.
Nơi làm thủ tục rồi đảo ở bên hông trạm cảnh sát Mã Lai, cạnh cầu tàu. Có vài cái bàn được kê dưới tàn dừa, dùng để dò danh sách và kiểm sóat giấy tờ người đi. Mới giờ nầy mà người ta đông nghẹt. Mọi người đứng bên nhau trò chuyện nhắn gởi, dặn dò, tạo thành một hoạt cảnh rộn ràng. Tôi gặp lại hầu hết những bộ mặt thân yêu cùng đi chung chiếc BL 1648, họ vây quanh từ giã. Trong niềm vui của một hy vọng mới tinh khôi có xen lẫn nỗi sầu ly biệt. Cho nên trên những khuôn mặt quen thuộc, tôi thoáng thấy nét u ám ngậm ngùi. Chị Kiều bồng bé Xuân Lan tứ xa, tất tả chạy lại đưa tặng Duyên mấy gói mì Cary Koka để dành ăn đi đường. Chị Tư Trần Hưng Đạo cho Bi hai trái bôm. Út Trung đưa hai mươi đồng nhờ đánh điện tín cho một người bà con ở Longueuil Québec. Trong túi áo, túi quần tôi đầy nhóc thư từ của bạn bè nhờ gởi dùm cho thân nhân.
Chị Điệp dẫn Trung, Dung cũng vừa tới. Bữa nay Trung bận áo đàng hoàng, cũng đã hết sún răng. Lúc anh tôi bị bắt, tụi nó còn nhỏ xíu làm sao nhớ được, biết bao giờ cha con mới gặp lại nhau. Nhớ ngày nào mới đây, cha mẹ, anh em, vợ con, quây quần xum họp đông vui, chỉ một phút đất nước đổi thay, tất cả đều tan biến hết, kẻ góc biển người chưn mây, không ai biết được tương lai như thế nào!
Tôi cúi xuống ôm lấy hai đứa nhỏ dặn dò:
-Chú Tư với Bi đi Canada, hai con với mẹ ở lại, mai mốt qua Mỹ với dì Tư.. Ở đảo con phải cẩn thận nghe hôn, không được đi chơi xa, leo trèo trên rừng trên núi, khi nào đi tắm ngoài biển thì phải đi chung với mẹ hoặc cậu Bích…
Thằng nhỏ đã hiểu được cuộc chia tay sắp xảy ra ngoan ngoãn gật đầu, đứng im mặt buồn hiu, khác hẳn thường lệ. Đến giây phút nầy tôi đâm hối hạn, tại sao lại xin đi Canada để phải xa cách hết thân nhân bạn bè như vậy. Chị Điệp, vợ chồng Bích, anh chị Tư Trần Hưng Đạo, anh chị Thuần, vợ chồng Quách Linh Hoạt, Sơn, Út Trung, Tô Tỷ, Xám Mã Chải, vợ chồng Liêu Thạnh… tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi để được đi Mỹ. Phải chi tôi cũng xin đi Mỹ! Nếu được nhận thì một ngày nào đó rời đảo cả đám, vui biết bao nhiêu! Cảnh kẻ ở người đi, lúc nào cũng buồn! Ở đời có nhiều việc xảy ra bất ngờ, mình không thể thấy trước. Hơn nữa nhiều khi, cách tôi giải quyết vấn đề cũng thường… không giống ai! Vì vậy mà cứ hết hối tiếc nầy đến hối tiếc khác, hèn chi cả một đời lận đận!
Cuộc điểm danh đã hoàn tất. Dòng người lũ lượt di chuyển dọc theo bờ cát đầy rác rến để ra cầu tàu. Thân nhân cùng bạn bè cố chen lấn đi theo một đoạn đường dài để nắm nuối tiễn đưa. Có xa cách mới biết quí những lúc gần nhau. Hàng dừa đứng lặng lẽ, những tàu lá xanh mướt lao xao trong gió như muốn từ biệt lần chót những thuyền nhân may mắn. Cảnh Bidong sáng nay khác hẳn bến Tầm Dương hiu hắt hơi thu ngàn năm trước. Ở đây chỉ có nắng và gió, không dễ gì kiếm cho ra được -phong diệp địch hoa, thu sắt sắt*, vậy mà tôi cứ nghe tê tái bồi hồi trong từng bước đi!
Bây giờ, vây quanh tôi là những người bạn một thời gắn bó, gặp nhau trong cảnh lận đận quay cuồng, rồi tất cả sẽ phân tán ra bốn hướng như những cánh chim bay. Cảnh biệt ly thì dầu hoàn cảnh nào cũng đều đứt ruột! Biết rằng giây phút thật sự xa nhau sắp bắt đầu, tôi cố ngoái lại nhìn thật kỹ lần chót những khuôn mặt bạn bè thân thương, những người bạn đã một thời sát cánh cùng nhau chia xẻ những gian lao lẫn ngọt bùi ở miền đất lạ. Tuy biết trước sau gì cũng mỗi người mỗi ngả, nào ngờ phút giây chia tay lại đến quá sớm. Tôi nắm chặt lấy tay anh Tư Trần Hưng Đạo định nói câu từ giã, nào ngờ cái cảm xúc dâng lên như một luồng điện mạnh chạy khắp châu thân, tự dưng tôi run rẩy nghẹn ngào:
-Anh Tư… tụi mình đành phải xa nhau rồi!
Tôi ngước nhìn mặt Tư Máy cày, thấy mờ mờ, không rõ hình thù gì cả. Nước mắt đã ứa, chực trào ra khóe. Tôi cố gắng nín thở để dằn cơn xúc động. Không, tôi không khóc, không thể khóc giữa đám đông như đứa con nít. Tôi là người lớn mà. Tôi làm bộ ngước nhìn đọt dừa, cố nuốt dòng lệ nghẹn ở cổ cho chạy ngược vô trong. Xung quanh đã có tiếng đàn bà khóc. Những câu mếu máo giã từ, những lời tiễn đưa nhau nhiều nước mắt. Tư Trần Hưng Đạo cũng cảm động nói:
-Chú thím qua bển… mạnh giỏi!
Út Trung cùng Sơn buớc theo dặn dò:
-Ông thầy nhớ gởi thơ về cho tụi nầy…
Tôi không thể nói thêm được tiếng nào nữa hết, đành nhìn hai bạn mà gật đầu. Hình ảnh những đọan đường đã trải qua chợt biến chợt hiện, những ngày chờ đợi ở Bạc Liêu, đêm giã từ Cà Mau, cảnh đói khát ở Kapas. cuộc sống gian khổ ở Bidong… tất cả cùng chung kỷ niệm, cùng chung sống chết. Vậy mà giờ đây tôi được sung sướng, còn các bạn ở lại, tiếp tục kéo lê chuỗi ngày gian khổ. Tôi còn lòng dạ nào nghĩ tới niềm vui sẽ tới. Rồi đây các bạn ở lại Bidong sẽ như thế nào? Quách Linh Hoạt còn còng lưng vác những thùng hàng nặng nề vượt qua những vách đá cheo leo trong đêm hôm khuya khoắc bao lâu nữa? Út Trung, Sơn, Tô Tỷ, Xám Mã Chải… phải lặn lội leo núi đốn củi, chen lấn xách nuớc, sắp hàng trên cát nóng như thiêu như đốt để lãnh thực phẩm bao nhiêu phen! Bidong vui ít, buồn nhiều. Da người tỵ nạn sẽ mốc đen vì nắng cháy mưa dầm, tay chưn trầy xước vì gai góc đá sỏi, tim phổi đóng đầy bụi khói Bidong. Ôi! những người tỵ nạn đáng thương!
Bên cạnh, Duyên tay bồng Bi đôi mát cũng đỏ hoe vì chị Tư, chị Kiều bịn rịn. Tôi và nàng cùng đi mà không biết chưn mình đang bước, tâm trạng bồng bềnh. Chiêu cầm dùm cái xách tay, đang lầm lũi đi phía trước. Chắc nó cũng xúc động dữ lắm, đầu cúi gầm. Nó đưa anh em tôi xuống tận ghe, sắp xếp hành lý đâu đó xong xuôi, rồi mới từ giã trở về.
Ghe còn phải đợi làm thủ tục lâu lắc nên chưa mở đỏi. Tôi ngồi bên be thuyền nhìn thẳng xuống bên dưới. Nước biển buổi sáng trong veo, những tia nắng vàng nhạt long lanh chiếu sâu thăm thẳm. Tôi nhìn thấy hàng triệu triệu con cá lớn bằng bàn tay bơi lội nhởn nhơ, chúng lượn qua lượn lại đều đặn nhịp nhàng như có một động lực vô hình nào điều khiển. Trên kia dáng núi Bidong to sầm, khu định cư nhỏ xíu. Một đám khóí xám bao phủ mịt mùng dưới chưn núi trông như một đám mây mù chiều mưa. Cuộc sinh hoạt của những bạn bè thân yêu của tôi diễn ra âm thầm trong đó. Tôi chợt cảm thấy khối núi đá to sầm sập kia như đè hết sức nặng ngàn cân lên trên đám người tỵ nạn khốn khổ lúc nhúc bên dưới. Bidong thiệt gian khổ mà cũng thiệt thân thương gần gủi. Biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại chốn nầy?
Ghe đã nổ máy sắp khởi hành. Tôi cố nhìn cho thật rõ Bidong một lần nữa.
Trời ơi! Dưới gốc dừa ở đầu cầu tàu, Chiêu vẫn còn khoanh tay đứng trơ trọi.., một mình!
*Trích trong Tỳ Bà Hành, Đường Thi Tam Bách Thủ, thất ngôn cổ thi của Bạch Cư Dị. Phan Huy Vịnh dịch: Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
-Đường Thi của Trần Trọng Kim ghi là: Phong diệp lô hoa thu sắt sắt.
***
Marang, ngày… tháng…
Anh chị Tư, Út Trung, Sơn và các bạn thân mến,
Vợ chồng tôi đã tới Marang nầy vào lúc bốn giờ chiều, được ở tạm đây nghỉ ngơi hai ngày, rồi đi tiếp tới trại chuyển tiếp Convent ở thủ đô Kuala Lampur (Convent Transit Camp) nên rán tìm cách gởi bức thư nầy về Bidong, để anh chị và các bạn, đọc cho biết đoạn đường sẽ qua của mọi người trong thời gian sắp tới. Tôi nhớ Bidong, nhớ anh chị và các bạn nhiều lắm…
Đây là cuộc di chuyển lần thứ ba trên biển. Từ Việt Nam đến đảo Kapas, từ Kapas đến Bidong. Bây giờ là từ Bidong qua Kuala Trengganu, toàn đi bằng ghe. Hai đoạn đường trên đầy nguy hiểm bất trắc mà sao tôi không cảm thấy sợ hãi. Duy có đọan đường nầy đi vào buổi sáng, chừng ba tiếng đồng hồ là tới, biển lại êm trời đẹp ghe tốt, vâỵ mà tôi lại cảm thấy sờ sợ. Có lẽ gần tới nơi an toàn rồi, rủi ro có bề gì thì uổng công toi. Cái mạng mình lúc trước là đồ bỏ, bây giờ lại thấy quí. Mà càng quí trọng lại càng sợ chết!
Cũng may sáng đó trời đẹp. Biển lấp lánh sóng bạc, chiếc ghe lướt êm xuôi. Vì ít người nên ngồi đứng thoải mái hơn trên chiếc BL1648 của anh em mình. Ghe đi dọc theo bờ biển Mã Lai. Tôi thấy từng rặng núi lướt qua, nối tiếp không dứt. Xứ Mã Lai này có lẽ chỉ toàn là núi rừng, ít đồng bằng. Độ giữa trưa thì tới Kuala Trengganu. Đó là một thị trấn cực bắc của Mã Lai, nằm ngay trên cửa sông, nhỏ nhưng xinh xắn. Nhà cửa Mã Lai màu sắc sặc sỡ, xe cộ mới tinh. Gần ba tháng nay sống xa khuất ánh sáng văn minh, bây giờ được nhìn thấy lại nhà cửa, xe cộ, điện nuớc, mừng quá. Ai nấy như mán rừng về thành phố nôn nao, sung sướng, cứ luôn miệng hít hà, nhà cao quá, xe đẹp quá, cái gì cũng mê quá trời. Còn thằng Dân gì đó, thì thôi, khỏi nói. Cái miệng nó cứ tía lia ‘gì đó’, ‘gì đó’ liên tu bất tận. Từ ngoài biển khơi ghe đâm thẳng vô cửa sông. Nơi đây có bãi cát lài ra tận ngoài xa. Cửa sông rất rộng, bề ngang chừng hai tới ba cây số. Có nhiều xác ghe tàu mục nát của Việt Nam mình nằm chơ vơ. Nhiều người đã ở đây nói rằng, có nhiều ghe vượt biên bị chìm vì không biết bãi cạn, vướng vào cồn cát. Một số bị đuổi xô ra, lật chết nhiều lắm!.
Ghe cặp vào cầu tàu bằng xi măng rất lớn. Bến cảng hoạt động rộn rịp. Trời nắng chói chang, kiếm một bóng mát không có, tất cả đứng lóng nhóng trên cầu chờ xe búyt đến đón để đi tiếp lộ trình. Chờ mãi không thấy xe đâu, tôi đành kiếm chỗ tránh nắng, ngồi núp dưới một đống ván. Cạnh bên có một cặp vợ chồng với bảy đứa con nhỏ lôi thôi, lếch thếch. Người chồng đen đúa, ăn mặc đơn sơ, người vợ dáng lam lũ vạch vú cho con bú, tay cầm nón lá quạt phành phạch. Thoáng nhìn thì có vẻ nông dân hay ngư phủ. Tôi lân la chào hỏi làm quen, biết được họ cùng đi Canada. Đợt nầy đi đông lắm vì ngoài người đi Canada, còn có nhóm đi Mỹ và Úc nữa. Lúc nhơn viên Liên Hiệp Quốc tới đón, các đại diện Việt Nam mình ra nói chuyện, nhiều người nói rất giỏi và lưu loát. Tôi rán lắng nghe mà chỉ hiểu được vài tiếng, tức mình vì quá dốt, đành quay trở về ngồi núp nắng với cặp vợ chồng nông dân kia cho đỡ quê!
Xe buýt đến. Trước khi đi, mỗi người được phát cho hai gói cơm còn nóng, đựng trong bao ny lông, có một trứng gà và một miếng gan bò luộc. Mấy hộp trà hoa cúc. Tôi đi đường còn mệt, trời lại quá nóng nên ăn không vô. Thành phố Trengganu đẹp quá, nó được cất trên một ngọn đòi. Các công viên trồng bông rất đẹp, đường xá sạch bóng, xe chạy bên trái như bên Anh. Ra khỏi thành phố, xe chạy dọc theo bờ biển. Đường ven theo chưn núi, quanh co, nhà cửa sơn màu sặc sỡ cất rải rác dọc theo hai bên đường. Ít thấy đồng bằng và ruộng lúa. Người dân quê Mã cũng ăn mặc đẹp đẽ. Xe chạy độ hai tiếng là tới Marang, ghé vào một villa rất lớn, trơ trọi giữa đồng. Đây là nơi nghỉ tạm vài ngày để đi Kuala Lampur. Tôi kiếm một phòng trống trên lầu rồi sắp xếp hành lý nghỉ ngơi. Nhà cất bằng cây rộng lớn nguy nga, chia làm mấy chục phòng. Từng trệt có nhiều giuờng đôi, sắp thành hàng dài. Thấy người ta ùa qua bên kia đường ăn hàng, mấy đứa em và Duyên cũng bắt chước nhau đi mua. Bên quán có bán chocolat sữa lạnh, cà rem, nước đá. Giá cả rất rẻ so với Bidong của mình. Đã quá, anh Tư ơi! tôi mê thiệt tình. Anh tưởng tượng đi, mấy tháng trời cả đám chết khô, bây giờ lại có nước đá lạnh. Tôi cầm chai Coca, chưa uống mà đã thấy sướng, mát lạnh cả hai tay. Thiên hạ kéo nhau đi mua rần rần. Được cái con nhỏ bán quán coi cũng ngộ hết sức. Mai mốt anh có ghé qua đây nhớ mua cà rem, nuớc đá, rồi thử nhìn coi lời quảng cáo của tôi có đúng không. Phải rán học chút đỉnh tiếng Anh nghe, tôi ham nói chuyện nên mỏi tay quá!
Ở dưới sân rộng, có cất nhiều trại nhỏ cho người ta nghỉ mát, có mắc võng ở các gốc cây, có giếng nước để uống và tắm rửa, có củi cả đống để nấu nướng, nghĩa là có đủ mọi tiện nghi cho người tỵ nạn sử dụng. Tôi đi lang thang dọc theo bờ biển nhìn tuốt ra khơi xa tít mù, thấy có một hòn đảo xanh xanh ở chưn trời. Rán nhìn cho kỹ, thấy cái cầu tàu bằng sắt sừng sững. Cái cầu tàu nầy sao quen thuộc quá. Trời ơi! anh Tư ơi, đó là cầu tàu của đảo Pulau Kapas, cái đảo Dừa anh em mình trôi dạt đến hôm nào. Kỷ niệm đâm dạt dào. Khúc phim ngày đầu tiên đến đất Mã hiện trở lại trong óc tôi. Chỗ tôi hiện đứng đây là Marang, là nơi buổi sáng ghe mình tấp vào, Chiêu và Hiếu vì lo lắng an nguy của cả ghe, lội vào bờ bị đánh đập và bị bỏ rơi. Chiếc BL 1648 trôi dạt dật dờ mãi đến chiều tối mới tấp được vô Kapas đậu cặp cầu tàu nầy. Một tháng trời anh em mình làm Lỗ Bình Sơn nơi hoang đảo với tâm trạng hoang mang chờ đợi… Bây giờ tôi đã được trở lại đây, nhìn Kapas một lần nữa, đâm nhớ và như thấy anh chị, anh chị Thuần, vợ chồng Quách Linh Hoạt, Út Trung, Sơn, Chị Điệp, chị Kiều, chị Huệ, Hủ Tiếu, Nhựt Bổn,… nói chung tất cả những người đã cùng nhau chia xẻ nỗi gian lao của chiếc BL 1648… Phải chi cả đám được đi một lượt đến đây thì vui biết bao nhiêu. Trọn cả buổi chiều còn lại, tôi nằm trên võng đong đưa dưới tàn cây râm mát, nhìn qua đảo Dừa mà ngùi ngùi…
Bãi biển chỗ nầy mọc nhiều cây phi lao và dừa. Sân cỏ đầy chim sáo mỏ vàng và mèo. Có vài xác ghe vượt biên rải rác nằm đây đó. Có lẽ cũng tại nơi nầy, Chiêu đã xúc con ruốc để phơi khô trong những ngày nó lạc loài với Hiếu ở đây. Chiều nay ăn phần cơm phát buổi trưa, có thêm canh cải bẹ xanh nấu với dầu dừa, hôi hôi mà đói quá cũng rán nuốt…
Lúc đó tụi em đi chơi vẩn vơ có dịp nói chuyện với cặp vợ chồng lam lũ bảy con kia. Lúc đó tụi nó mới té ngửa, người chồng là giám đốc một công ty ngoại quốc nổi tiếng ở Sài Gòn, vợ là chuyên viên bộ Kinh Tế. Hai vợ chồng từng du học ở Toronto Canada trên tám năm. Vậy mà từ đầu đến cuối không hề nghe hai người nói một câu tiếng Tây hay tiếng Anh nào. Ai nghe qua cũng ngẩn ngơ kính phục. Công phu hàm dưỡng của hai người thiệt cao cường. Rồi tôi ngẫm nghĩ tự xấu hỗ. Bản thân mình dốt rồi cứ tưởng ai cũng dốt như mình! Tôi lại được dịp làm quen với cặp vợ chồng nầy, biết được nhiều chuyện thú vị của xứ Canada. Các câu chuyện trong trại tỵ nạn thì không bao giờ dứt được.
Ngày hôm sau tôi qua phòng chung của trại, thấy trên bàn có cuốn báo Văn Nghệ Tiền Phong, số Tân Niên 1979. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi cầm tờ báo đọc ngấu nghiến. Lật tới lật lui gặp được bài thơ hay, tựa là Ta Đã Tới của tác giả Đăng Trình. Tôi đọc cho cả đám nghe, ai nấy đều xúc động ngậm ngùi. Chuyện người tỵ nạn ở Bidong chỉ biết ‘thương một đời hai chữ Việt Nam thôi’ Tâm sự của tác giả mà cũng là tâm sự của anh em mình… Tiện đây tôi chép lại để anh chị và các bạn đọc cho qua những ngày dài chờ đợi.
TA ĐÃ TỚI
Ta đã tới dung thân miền đất lạ
Chiều Pulau lồng lộng gió bi thương
Lòng gặp lòng sao nhớ quá quê hương
Lỡ đánh mất sau lưng đời phiêu bạt
Ôi! Mẹ già chiều Trường Sơn lây lất
Ôi! Đất cha khoai sắn độn từng ngày
Ôi! Đướng xưa máu nhuộm tóc thơ ngây
Giặc đã đến dựng công trường tập thể
Tuổi trẻ không trường, nhà buôn thiếu chợ
Quê hương mình xa xót lắm người ơi!
Nghĩa sống gì đâu khi mất cuộc đời
Giặc cướp trọn trong vòng tay sắt máu
Lớn bé trẻ già bỏ nơi nương náu
Ngày thâu đêm quần quật đói từng cơn
Thân làm bia đầu đội đạn tủi hờn
Thương quá thôi -bạn bè ơi biền biệt
Giặc trả thù có mấy ai được biết
Lần ra đi là trăm vạn ngày thương
Buồn nào hơn người vợ trẻ khóc chồng
Tim thắt héo chạy theo nguồn dư lệ
Khổ nào hơn mẹ già nua kể lể
‘Suốt cả đời mới gặp cảnh tang thương
Sống quê hương chịu chết một quê hương’
*
Ta đã tới dung thân miền đất lạ
Nghe ngậm ngùi thương tiếc một tình quê
Nghe hồn đau chia cắt mấy dặm về
Mà rưng rức lệ hờn căm tê tái
Ai ra đi không thương người ở lại
Nơi quê nghèo rách áo cả đói cơm
Đất của ta sống tủi nhục gông cùm
Nước của ta mà ba miền ruột cắt
Kẻ tới người đi pha mùi nước mắt
Chuyện ba năm ấp ủ mấy đau buồn
Những đầu xanh héo úa tự buổi non
Và tuổi bạc chìm sâu vào sức sống
Ta đã tới miền hồi sinh sống động
Đi trên hoa nghe lá gọi Sài Gòn
Nghe trong hồn rạo rực chút héo hon
Như vỡ lỡ cả muôn trùng sóng dậy
Huế -Sài Gòn -Hà Nội xa lạ mấy
Đến bao giờ nối lại một cầu thương?
*
Ta đã tới dung thân miền đất lạ
Tình bao la trang trải mấy cho vừa
Như dòng sông nhơ nhớ mãi nguồn xưa
Như mây biếc ôm khung trời tưởng vọng
Dù vai đời mang hai dòng ý sống
Ta vẫn hoài đan dệt mộng quê hương
Vẫn thương em cách biệt lắm dặm trường
Ghi dấu mãi ngày đầu tiên xa xứ
Ta nằm lại bên bờ thương bến lạ
Giương ngọn cờ bất khuất mãi trong tay
Lửa sụt sôi tim mắt sáng từng ngày
Lòng hướng tới chan đầy bầu nhiệt huyết
Thương một đời hai chữ Việt Nam thôi.

Malaysia 11, 1978
Đăng Trình
(trong Văn Nghệ Tiền Phong, Số Tân Niên 1979)
Cái điệu nầy chắc cả đời, dầu trôi giạt đến tận đâu di nữa, tôi cũng không quên được những ngày tháng ở Bidong của anh em tụi mình, anh Tư ơi!
Thương mến,
Võ Kỳ Điền
(Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ. Chương cuối 25)
Nguồn: Tác giả gửi

ĐỖ QUYÊN * PHÙNG CUNG

Phùng Cung: thơ, văn, con người và thời cuộc



5 0 0
share0 15 0 bình luận ♦ 27.07.2012




Tản Đà – Thi nhân số 1 của nước Nam trong thế kỷ trước – từng viết “Có văn có ích có văn chơi”. Với Phùng Cung, nhất định không phải là “văn chơi” rồi; Nhưng “có ích” tới mức nào thì phải nói rằng cho đến tận hôm nay, chúng ta vẫn có thể còn chưa thấu nổi? Cũng như thế, vẫn chưa thể thấu nổi giá trị đích thực nơi các trang văn cùng văn phận của các tác giả trong “cái nạn văn nghệ tập thể” lớn nhất nền văn học Việt Nam hiện đại: Nhân văn Giai phẩm.
Từ khi truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh ra đời trong báo Nhân Văn số 4, tháng 10/1956, tên tuổi và văn nghiệp – vinh cùng nhục – của Phùng Cung đã khăng khít với nó. Khiến giới độc giả thưởng lãm văn chương cũng như giới chính quyền muốn kiểm soát văn chương, dường như đều coi Phùng Cung chỉ là con-ngựa-già mà thôi. Điều đó không sai, nhưng hoàn toàn chưa đủ.
Hơn 15 năm qua, ở trong và ngoài nước, đã có nhiều cố gắng đáng kể trong việc “giải mã hồ sơ” Nhân văn Giai phẩm. (Mời xem thêm Phụ lục)
Nổi tiếng nhất là một khảo cứu rất công phu và hệ thống mang tên Vụ Nhân văn Giai phẩm: Một trào lưu dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành (viet-studies.info 5/7/2012) của nhà văn Lê Hoài Nguyên (tức Thái Kế Toại) – “nguyên đại tá công an, công tác tại A25, chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa” – lần đầu tiên được công bố trên nhiều trang mạng cá nhân ở Việt Nam vào tháng 8/2010. Và tên tuổi Phùng Cung cùng với thơ, văn của ông cũng được soi sáng lên bội phần.
Bài tổng thuật này mong có một cái nhìn nhanh, vừa bao quát vừa cụ thể, về các sáng tác văn thơ của Phùng Cung, qua trích dẫn một số bài vở phần lớn từ các tác giả ở ngoài nước, tính đến tháng 1/2008. Nhân dịp lần đầu tiên có cuộc tọa đàm thơ Phùng Cung vào ngày 28/6/2012 tại Hà Nội và tập thơ Xem Đêm được in lại (Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam), người viết đã tu chỉnh, cập nhật một số đường dẫn tin, bài quan trọng khác.

I. Con người thời cuộc của Phùng Cung
Trước hết, hãy theo cùng lời kể của anh Phùng Hà Phủ, con trai của nhà thơ Phùng Cung:
Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 (Mậu Thìn) tại Kim Lân, Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Yên. Là con trưởng của một gia đình đông con và giàu có. (…) Khi lên chiến khu, bố tôi (…) làm công tác văn nghệ, cùng sống và làm việc với các ông Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài… cho đến khi hòa bình lập lại (1954) thì cùng với cơ quan Hội văn nghệ về tiếp quản thủ đô Hà Nội. (…) Ông nội tôi rất lo lắng vì gia đình sợ đang bị quy là thành phần địa chủ cường hào. (…) Trong một lần kết hợp đi công tác, bố tôi có tìm lên thăm và những mong gặp mặt để tiếp tế cho cụ. Nhưng tới nơi thì được một người bạn tù già cùng lán với cụ, chưa kịp nói câu nào vội vã dẫn bố lên khu đồi trọc phía sau trại giam và chỉ cho bố lùm đất mà ngọn sắn làm dấu mới héo lá. Quá bất ngờ trước cái chết của cụ, bố tôi quay ngay về Hà Nội, bố rất buồn, suy nghĩ nhiều và tránh mọi sự tiếp xúc với bên ngoài.
Năm 1956 (…) Ông Nguyễn Hữu Đang đến gặp và bảo bố tôi tham gia viết bài. Truyện Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn ngay sau đó. (…) Cũng khoảng thời gian này, bố tôi bị đình chỉ công tác để làm kiểm thảo. (…) Sau khi khám nhà và tịch thu toàn bộ sách vở, tài liệu, bố tôi bị đưa ngay vào giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Đó là tháng 5 năm 1961. Kể từ ngày đó mãi cho đến thời gian chuẩn bị ký hiệp định Paris (1973), tức là 12 năm sau, bố tôi mới được tha về nhà. (…) Nhớ lại theo bố tôi kể ‘khi xảy ra chuyện” (…) cảm tưởng đau xót và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi như vậy đều tham gia vào việc ‘đấu tố’. (…) ông Trần Dần là người đứng lên ‘tố’ để hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị ‘tố’ là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình. Lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo và còn viết nhiều chuyện chưa in khác – Tất cả nội dung đều tập trung vào lãnh tụ và Đảng cộng sản như: Dạ Ký, Chiếc Mũ Lông, Quản Thổi, Kép Nghế…
(…) Và đúng sau thời kỳ ‘đổi mới’ này, công an Hà Nội mặc dù vẫn thường xuyên đến thăm hỏi nhưng với tinh thần và thái độ thì cởi mở, xem ra thân thiện hơn trước. (…) Tập thơ Xem Đêm được in ra có phần cổ vũ, trợ giúp không nhỏ về tài chính của ông [Nguyễn Hữu] Đang và sự nhiệt tình của ông [Phùng] Quán. Ngoài ra cũng phải kể đến sự quý trọng và can thiệp trong khâu kiểm duyệt bài của nhà thơ Quang Huy, giám đốc nhà xuất bản đồng thời là người viết tựa cho cuốn sách này.”
(Trích lược bài Nhà thơ Phùng Cung, talawas.org 10/5/2004, trong sách Phùng Cung, truyện và thơ, Nxb Văn Nghệ, California, 2003)
Phùng Hà Phủ hoàn thành các dòng trên tại Hà Nội, vào ngày 9/5/1998 trong dịp giỗ đầu cha của mình, và tin giao cho bác sĩ Lâm Thu Vân ở Montréal vào năm 1999 khi anh tới đó tu nghiệp (Ít lâu sau, về nước anh đã qua đời!) Hồi năm 2002-2003, chúng tôi cũng có chút cơ duyên biết đến việc thu thập và biên soạn cuốn sách quý này đã khó nhọc mà kỳ diệu dường nào! Tập sách có 11 truyện ngắn được Phùng Cung viết trước ngày vào tù, trong thời kỳ bị đấu tố, và 35 bài thơ được sáng tác trong thời gian tù ngục.
Nhà văn Lữ, một người bạn cũ của nhà thơ vì “không muốn anh Phùng Cung bị rơi vào quên lãng”, đã có bài ký Cây cau của Phùng Cung (talawas.org 11/9/2007):
“Anh bạn tôi nói: “Tôi thường lên mạng đọc sách, cảm thấy dường như người ta đã quên nhà văn Phùng Cung.” Đã lâu lắm, tôi không theo dõi văn học, tưởng lòng mình không còn quan tâm đến văn, thơ nữa. Bây giờ nghe anh bạn nói, thì gương mặt của anh Phùng Cung lại hiện ra trước mặt. Tôi hiểu, đây không phải là chuyện văn chương, mà là chuyện con người. Anh Phùng Cung, trong buổi nói chuyện với tôi, mấy tháng trước khi mất, là một con người cương nghị và đầy lòng nhân hậu. (…) Phải ngồi với anh, nghe anh kể chuyện tù đày, thì mới hiểu được phần nào hai chữ “bỏ qua” anh vừa dùng. Anh nói: “Tôi sợ tù đày vô cùng.” Anh nói đến đó rồi dừng lại, như để hồi tưởng những cực hình anh đã trải qua trong các trại giam, suốt thời gian mà sức sáng tác của một nhà văn đương hồi dồi dào nhất. Anh nói tiếp: “Cái sợ nhất là khi người ta chà đạp lên nhân phẩm của mình. Sợ lắm.” Anh xúc động, dừng lại. Rồi đột nhiên anh ngồi thẳng lên, quắc mắt nhìn về phía trước: “Nhưng cần phải nói lại những gì tôi đã nói năm xưa, tôi sẽ không đắn đo, ngần ngại gì cả!”
Còn nhà ly khai Nguyễn Minh Cần đã nói như sau ở Lời giới thiệu mang tên Những hạt ngọc bày ra ánh sáng của cuốn sách trong dịp tái bản năm 2004:
“(…) hồi đó, Phùng Cung đã đóng một vai thật khiêm tốn: anh chỉ góp vẻn vẹn một truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh (…). Nhưng kẻ cầm quyền đã trừng trị anh tàn bạo hết nước. Vì họ suy đoán ‘Con ngựa già Kim Bông’ và ‘Chúa Trịnh’ là những ‘biểu tượng hai mặt’ ám chỉ ‘đám văn nô-bồi bút’ và ‘Đảng lãnh đạo tối cao’ tiếm quyền!’ (…) Sách “Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản”, do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành (…) là một sự kiện lớn đối với nền Văn học Nghệ thuật nước nhà. Người viết không nói ngoa khi dùng chữ ‘lớn’ để định tính cho sự kiện này. Vì, trong số tác phẩm chưa hề xuất bản của Phùng Cung sắp ra mắt bạn đọc, có lắm “hạt ngọc” hiếm thấy trong văn chương đương đại của nước ta..”
Tình tiết này được nhiều báo chí hay nhắc về con người Phùng Cung giữa thời cuộc trớ trêu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ trước: Hai thi sĩ Phùng Cung và Nguyễn Chí Thiện từng quen nhau ở trại tù Phong Quang và trở thành cặp bạn thơ. Lần ấy, Nguyễn Chí Thiện hỏi thẳng Phùng Cung: “Anh có hối hận vì theo Đảng kháng chiến chống Pháp không?”, Phùng Cung bèn đáp liền: “Theo Đảng thì tôi hối hận, còn đi kháng chiến chống Pháp thì không!”

II. Thơ Phùng Cung
Tập thơ Xem Đêm (dcvonline.net 15/5/2005) gồm hơn 200 bài thơ lấy đối tượng thi ca là phong cảnh quê hương tù túng và tình cảm của người nông dân mộc mạc, được in ở Việt Nam ngay từ năm 1995. Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang đã coi Xem Đêm là “tập thơ đáng trân trọng (…) trong đó có những bài đáng coi là kiệt tác”. Được dùng làm Lời giới thiệu cho tập thơ, Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xem Đêm (vannghe.free.fr) là một bài phê bình tận tình về phong cách, tận ý về học thuật của Nguyễn Hữu Đang lần đầu tiên cho văn giới thấy rằng, Phùng Cung xứng đáng là một thi sĩ độc đáo và xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại; ngay cả chưa cần đến cái danh Con ngựa già mà thời thế buộc vào ông. Bài này được bạn đọc ở ngoài nước biết đến nhiều, và vẻ như chưa được giới phê bình và dư luận yêu thơ ở Việt Nam chú ý thích đáng.
Với riêng chúng tôi, các bài thơ Bèo, Gặp thu, Mùa nước mắt, Cua đồng, Ðêm chợt nghe…đều có thể nằm trong tuyển chọn các bài thơ hay của thi ca Việt Nam.
Bài Bèo nổi tiếng nhất, như “tuyên ngôn sống” của thi sĩ:
Lênh đênh muôn dặm nước non Dạt vào ao cạn Vẫn còn lênh đênh
Bởi đó là một trong các số mệnh nối dài từ Nguyễn Du:
Phận bèo bao quản nước sa Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh. (Kiều; câu 2019-2020)
Nhà văn Nam Dao, người đã có nhiều quan hệ văn hữu với các văn sĩ của Nhân văn Giai phẩm, đã viết:
“Lá súng lát mặt ao đốm ngọc Con sộp phàm vồ hão Bóng hoa lay Lá tre rụng Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch Tiếng cuốc bèo da diết” (Gọi Ngày Mai)
Đố con sộp là con gì? (…) Sộp: Sang, tỏ ra nhiều tiền và hào phóng. Khách sộp, Vớ được món sộp. Thế thì con sộp là cái quái gì? Từ điển im như hến. Vậy xin mách, sộp, danh từ, là một loại cá sống trong ao. Còn phàm. Dễ thôi. Con Mực phàm ăn vồ hão cục xương. Nhà thơ phàm danh vồ hão những con chữ trống trơn. Nhưng thôi, cho tôi quay về với thơ, không chơi trò chiết tự nữa. Đầu tiên, phải nể cái kho chữ Phùng Cung. Chữ thôn dã, nhưng anh nâng lên thành một vẻ đẹp hồn nhiên, chẳng khác cái duyên thầm không tô son điểm phấn, mà sao nét cười quanh vành nón cứ vấn víu lòng ai. (…) Quay lại cấu trúc thơ, dẫu câu có cắt ra 3 hay 4 chữ, ta vẫn dễ dàng nhận ra gốc gác Đường thi. Nhưng trong thơ Phùng Cung, ngôn ngữ và hình ảnh thuần ca dao, nâng cái đẹp chân quê lên mức hết sức trang trọng với mặt ao đốm ngọc, hoàng hôn đỏ gạch. Và không chỉ có cái đẹp hình thức, nhà thơ đột nhiên để tiếng cuốc bèo da diết gọi Ngày Mai nói thay cho lòng mình, tức là chuyển đi cái nội dung mà thơ hay văn, bất kể hình thức nào, cũng cần có để sống còn với thời gian. Anh Cung, tiếng cuốc trong thơ anh chắc cũng đau đáu cái nỗi đau con quốc quốc của Bà Huyện Thanh Quan. Nhưng chỗ tụ lửa trong tâm hồn anh, tôi đồ, vẫn là Ngày Mai anh viết hoa. Và anh vẫy gọi. Da diết gọi. Nhưng Ngày Mai ở đâu? Và bao giờ, hở anh? (…)
Đọc Xem Đêm, tôi nói với anh [Hoàng] Cầm, tôi chưa hề thấy Phùng Cung mang thù hận vào thơ. Anh buồn và xót xa. Nhưng anh vẫn nhân hậu. Anh vẫn trong trẻo. Thậm chí độ lượng. Anh Cầm giơ tay xoa mặt, mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không choãi về phía nơi quá khứ còn nương náu. ‘Nhưng có hoạn nạn’, anh Cầm cao giọng,’ thì Cung nó mới có thơ hay như vậy!’ Anh cười…”
Đoạn trên trích từ bài Phùng Cung, Thơ và người (amvc.free.fr) được viết vào năm 2004 để “Kính viếng Phùng Cung Phùng Hà Phủ”.
Trong tuyển tập Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản có thêm tập thơ Trăng Ngục. Và đây là nhận xét của Nguyễn Minh Cần, cũng trong cuốn sách này:
Qua tập Trăng Ngục, bạn đọc nghe rõ tiếng khóc da diết của một con tim chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc lầm than, xót xa trước bi kịch của quê hương. (…) Lời thơ Phùng Cung nhẹ nhàng, thanh thoát, trang nhã, ý nhị, sâu thẳm và giàu hình tượng, với những ngôn từ chắt lọc, sắc cạnh, đặt đúng nơi đúng chỗ, đem lại cho người yêu thơ nỗi xúc động bàng hoàng và nhiều khoái cảm đê mê. Bài Trăng Ngục – mà tác giả dùng làm nhan đề cho tập thơ – chỉ có hai mươi tám chữ, mà vô cùng xúc động. Bài thơ ghi lại một hoạt cảnh nhỏ của cuộc sống trong xà lim chật chội, tối tăm, lạnh lẽo, hôi hám – giữa đêm khuya tĩnh mịch, ánh trăng lọt qua song sắt vào tận ngục thăm nhà thơ, lúc đó đang lơ mơ ngủ, bỗng anh chợt tỉnh và lặng người đi vì xúc động (…) Bài này, theo tôi, đáng coi là một tuyệt tác!
‘Trăng qua song sắt Trăng thăm ngục Bỗng ta chợt tỉnh – sững sờ Trên vai áo tù Trăng vá lụa Ngày xưa ơi! Xa mãi đến bao giờ.’
Còn có thể nói rất nhiều nữa về thơ Phùng Cung, nhưng thiết tưởng với chừng ấy cũng đủ để bạn đọc thấy chúng ta đang có trong tay những di sản quý báu của thi ca nước nhà. Chỉ riêng việc những vần thơ này được trân quý, bảo trọng còn lại cho đến ngày nay và tới tay bạn đọc đã là một điều kỳ diệu!”
Ngay từ năm 1996, nhà văn Lê Minh Hà đã nhận định trong bài Phùng Cung, đời người, đời chữ (talawas.org 23/7/2003) đăng lần đầu trên tạp chí Diễn Đàn:
“Trong gối vọng tiếng ru Lắng tai mới rõ Tiếng tóc mình chuyển bạc.’ (Ðêm chợt nghe)
Phùng Cung, ở mặt này của hiện thực, đã đạt tới độ sâu sắc chưa từng thấy trong thơ ca Việt Nam mấy chục năm đổ lại đây. Thơ ông nói rất giỏi, rất giản dị về cái nghèo, cái lam lũ, cái thanh sạch và cam chịu cho đến giờ vẫn thống trị nông thôn Việt Nam. Thật khó tìm trong diện mạo thơ hôm nay những nét thơ này nếu không phải là chỉ có ở một thơ Phùng Cung. Thơ Phùng Cung là thứ thơ kiệm chữ, phảng phất gợi nhớ Tanca, Haiku của Nhật. Thơ ấy buộc mỗi chữ phải ở thế thăng hoa. Xem Ðêm đạt tới độ ấy: tứ không lộ và chữ thì như nhập hồn. (…)
Bằng phong cách đoạn tuyệt với nền thơ đương thời mà vẫn chất chứa cái hồn cốt của thơ Việt Nam muôn thuở, chắc chắn thơ Phùng Cung sẽ làm thiên hạ tốn không ít giấy mực và thời gian…”

III. Văn Phùng Cung
Nếu thơ Phùng Cung là “người” Phùng Cung, thì văn trong truyện ngắn của ông còn hơn thế nữa. Nó quyện chặt đến mức không thể phân biệt đâu là con người cá nhân, đâu là con người trong thời cuộc bi tráng mà văn nghệ sĩ Việt Nam từng trải. Và khác với thơ có những bài tuyệt hay, có không ít bài chưa hay, còn hầu hết truyện ngắn Phùng Cung khá hài hòa, đạt mẫu mực giữa nghệ thuật ngôn từ và nội dung tư tưởng.
Không kể truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đã trở thành biểu tượng, chúng tôi muốn minh họa ý trên bằng hai truyện khác: Mộ pháchVán cờ khai xuân..
Đây là đánh giá của Lữ trong bài đã dẫn:
Đối với tôi, truyện hay nhất, tài tình nhất của nhà văn Phùng Cung (…) là truyện ‘Mộ phách’. Trong truyện này, anh kể về một người con trai, con của một cặp vợ chồng nghệ sĩ, cố thuyết phục cha mẹ bỏ hẳn việc đàn phách. Anh nói: ‘Bố mẹ bình tĩnh nghĩ xem, việc làm lạc hậu ấy, nó kìm hãm bước tiến của con. Có lẽ đâu gia đình của một quân nhân cách mạng lại như vậy. Bố mẹ vẫn tự cùm mình trong thành phần tiểu tư sản nông thôn. Con chậm kết nạp Đảng là vì vậy: là vì cây đàn!’ Cuối cùng, vì thương con, người bố chấp nhận bỏ cây đàn đáy, nhưng không nỡ tự tay mình hủy hoại bảo vật đại diện cho nghề tổ vẫn thường được đặt trên bàn thờ. Người cha nói: ‘Thôi! Mày đập đi Thuyên ạ!’ Nhưng khi nghe tiếng cây đàn bị đập nát trước cửa bếp thì:‘Ngoài sân, ông Chản bưng tai như nghe sét đánh, liêu xiêu bước ra ngõ – Bà Chản thoái dạ, ‘Ối!’ lên một tiếng – Trống ngực rộn rã như xẩy chân từ trên cao xuống, mắt hoa lên, mọi vật trước mắt quay cuồng, bà Chản phải chống hai tay xuống đất để giữ được thế ‘cóc vái giời’. Bà cố định thần để nhận biết việc xẩy ra đã xẩy ra. Bà cúi mặt khóc rấm rứt. Nước mắt đứt, nối, kéo dài cả một quá khứ tiêu tan trong giây lát. (…)Mong rằng những ai xem qua bài này, sẽ tìm đọc truyện ‘Mộ phách’”.
Nguyễn Minh Cần cũng cho rằng:
Truyện ngắn ‘Mộ phách’ là một trong những truyện hay. (…) Cái kết thúc bi thảm của cuộc đời bác phó Lâm hé cho người đọc thấy điều tác giả gởi gắm trong truyện là cái Tuyệt Mỹ, Lương tâm Nghề nghiệp, Nghệ thuật Chân chính khó mà tồn tại trong một xã hội vừa độc tài vừa gian dối. Cả trong văn chương trào lộng, Phùng Cung cũng tỏ rõ tài nghệ của anh. Mũi nhọn châm biếm đâm thẳng vào bộ mặt giả dối của kẻ cầm quyền và lũ nịnh thần, lũ ‘trọn kiếp bút nô’ chuyên nghề ‘múa lưỡi’, ‘cưỡng bức ngữ ngôn ngợi ca tội ác’… Trong các truyện ngắn, văn chương trào phúng của Phùng Cung thật độc đáo, lắm lúc đề cập đến những đau thương của người dân bằng một giọng văn châm biếm, ngây ngô, làm người đọc phải vừa cười vừa trào nước mắt. (…) Đọc Phùng Cung, ta thấy rõ anh là một cây bút có trách nhiệm. Bút pháp của anh nhẹ nhàng, trôi chảy, nhưng nghiêm túc, giàu hình tượng, với những ngôn từ sắc cạnh, chắt lọc, cân đo, đặt đúng nơi đúng chỗ, rất đạt. (Lời giới thiệu cuốn sách)
Với Ván cờ khai xuân, Lâm Thu Vân đã viết lời dẫn khi truyện được đăng lại trên báo Văn Nghệ ở Úc châu:
Phùng Cung, một cây viết trẻ của Nhóm Nhân văn Giai phẩm vào thời điểm 1954-1960, đã mượn truyện này để nêu lên vấn đề đàn áp văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Vì sự kiểm duyệt quá khắt khe và sự trừng phạt rất nặng nề đối với các nhà văn nào có can đảm chỉ trích sự độc tài của nhà cầm quyền, Phùng Cung phải gói ghém sự chỉ trích này trong câu chuyện ông Ba Thiềng – người cha gian lận khi đánh cờ với thằng Văn, đứa con mới lên mười nhưng rất thông minh, nước cờ cao hơn bố. Ông Thiềng không chịu nhường địa vị độc tôn của mình cho ai vì thế khi bị chiếu bí và bị lật tẩy mưu mô gian lận, ông thẳng tay dập tắt bằng vũ lực sự bất phục tùng của kẻ đối thủ nguy hiểm – dù kẻ đó là con đẻ của mình, dù kẻ đó là một trẻ thơ, hằng ngày phục dịch trà, nước, đèn đóm. Ông không chấp nhận nó nói sự thật:
‘- Thằng mất dạy này! Thằng khốn kiếp này! Mày cho là bố mày ăn gian à?
- Còn gì nữa!’
(…) Chẳng những trong truyện Ván cờ khai xuân, mà trong tất cả những truyện khác của Phùng Cung, chúng ta đều thấy bút pháp độc đáo của tác giả.”
*

Hy vọng độc giả sẽ hiểu biết thêm về con người và văn nghiệp Phùng Cung, qua việc trích cuốn sách Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản cùng các bài ký của những nhà văn hiểu biết về vấn đề Phùng Cung.
Để nói gọn về nhà thơ, nhà văn Phùng Cung – một nhân vật của vụ Nhân văn Giai phẩm – có thể qua đánh giá sau của Nguyễn Minh Cần:
Văn thơ của Phùng Cung là tiếng nói của một nghệ sĩ chân chính, đệ tử trung thành của Chân, Thiện, Mỹ. Vì chuộng cái Chân, Phùng Cung không hề quay mặt trước sự thật, anh dám nói lên sự thật về số phận đầy đau thương của những người dân bình thường dưới chế độ ‘phong kiến mới’ với những bạo hành, sắt máu và chính anh thật tình đau nỗi đau của họ. (…) Vì trọng cái Thiện, Phùng Cung đã bộc lộ rõ ràng cái tâm trong sáng của anh, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê, thương dân da diết, lòng nhân ái, tinh thần nhân bản sâu đậm của anh. Vì quý cái Mỹ, tác giả xót xa trước tình trạng Nghệ thuật Chân chính bị chà đạp khi sự dối trá và ngu dốt lên ngôi, tác giả đau buồn trước sự vùi dập thô bạo đối với truyền thống Nghệ thuật của dân tộc. Và ngay trong văn thơ của mình, tác giả cũng luôn luôn cố gắng tối đa để làm nổi lên cái Đẹp. (Sách đã dẫn)
Mời mỗi chúng ta dùng câu thơ tim óc của Phùng Cung để thắp nén hương lòng mỗi khi nhớ tới thi sĩ “tài cao phận thấp” ấy của văn chương và thời cuộc Việt Nam:
“Sứ mệnh thơ ơi! Trong sáng tuyệt vời!”

Vancouver 1/2008 – 24/7/2012


PHỤ LỤC
1. Một số tin, bài về Phùng Cung với Tọa đàm thơ Phùng Cung 28/6/2012, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội:
+ Phạm Toàn: Những con chữ hiện lên từ đáy chén trà; lethieunhon.com 29/6/2012
+ Nguyễn Thụy Kha: Nắng trong thơ Phùng Cung; nhathonguyentrongtao.wordpress.com 27/6/2012
+ Thanh Thanh: Phùng Cung: Xem đêm, xem số phận; vov.vn 29/6/2012
+ Hà An: Tọa đàm thơ Phùng Cung: ‘Xem đêm’ giữa ban ngày; evan.vnexpress.net 2/7/2012

2. Hai loại nhận định mới nhất và “có thẩm quyền” về Nhân văn Giai phẩm:
+ Lê Hoài Nguyên [Tài liệu đã dẫn]:
“Nhân văn Giai phẩm trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954-1960 có nguồn gốc và đã xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao Trạch Đông (1948 – 1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn phẩm báo Nhân Văn, Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới-Chuyện Sinh Viên, Văn… và các sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụng… do khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội, bị đàn áp và xét xử công khai bằng một vụ án Tổ chức chính trị hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân văn Giai phẩm, tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản, cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước… (…)
Để có thể xem xét vụ Nhân văn Giai phẩm một cách thỏa đáng không bị ràng buộc về khía cạnh vụ án chính trị, tôi chọn cách nhìn nó với tư cách là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học.”
+ Hữu Thỉnh [Về đổi mới văn học - Đề cương thuyết trình tại khoá tập huấn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; Hội đồng Lý luận Trung ương, Ninh Bình 10-13/7/2012]:
“Phục hồi sinh hoạt Hội cho một số nhà văn tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm; Phục hồi hội viên: Phan Khôi, Tr­ương Tửu; Phục hồi sinh hoạt cho các nhà văn bị treo bút và đình chỉ sinh hoạt có hạn định: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm;
Cần nói rõ là việc phục hồi sinh hoạt và trao giải th­ưởng Nhà nư­ớc cho một số nhà văn nói trên là căn cứ theo Điều lệ Hội, chứ không phải là xét lại Vụ Nhân văn Giai phẩm. Vụ Nhân văn Giai phẩm không phải là ‘Vụ án văn nghệ’ mà là ‘Vụ án chính trị phản động’ theo thông báo của Ban Bí thư­ số 250-TB/TW, ngày 11/4/1991. Tại phiên toà xét xử ngày 19/1/1960 của Toà án nhân dân Hà Nội, trong bản luận tội Tòa án ghi rõ ‘đây là vụ án gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành’” (tapchinhavan.vn 12/7/2012)
+ Lê Quang Trang [Bùi Công Thuấn – Một cái nhìn toàn diện; Ghi chép về Lớp tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cho 31 tỉnh phía Nam; Hội đồng Lý luận Trung ương, Đồng Nai 18-21/7/2012]:
“(…) đề cập đến các hoạt động của Hội Nhà văn, như phục hồi cho Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Trương Tửu, Phùng Quán, Hoàng Cầm, xác định lại Nhân văn Giai phẩm là vụ án chính trị gián điệp mà một số nhà văn có dính líu. (phongdiep.net 24/7/2012)

NGÔ MINH HẰNG *TIẾNG LÒNG

TIẾNG LÒNG
Ngô Minh Hằng



Tôi viết mãi bao năm chưa trọn,
Một bài thơ thương nhớ, nhớ thương quê.
Quê tôi đó xương chồng cao có ngọn,
Và máu hồng loang đỏ cả sơn khê.
Quê tôi đó, bốn nghìn năm bất khuất,
Dâu biển tang thương, hưng phế bao thời.
Thăng long cũ bóng rồng bay rợp đất,
Sông Bạch Đằng cọc nhọn vẫn nằm phơi.
Quê tôi đó bầu trời Nam nước Việt,
Năm cửa Ô, Ba mươi sáu phố phường
Giòng Hương giang vẫn muôn đời tha thiết,
Bến Ninh Kiều, tà áo trắng nồng hương.
Quê tôi đó, biển sông đầy tôm cá,
Những ruộng đồng bát ngát cánh cò bay.
Giọt nắng ấm áp tình mái lá,
Làn gió hiền ru tiếng sáo cung mây.
Quê tôi đó bây giờ xa xôi lắm,
Ai tham tàn, ai cướp mất quê tôi.
Thân vong quốc đời lạc loài cay đắng,
Kiếp tha hương, tủi nhục phận con người.
Chưa thể chết nên tôi còn phải sống,
Sống để về nhìn lại mảnh quê tôi.
Đã có lúc chiêm bao làm Phù Đổng,
Gươm Mê Linh mơ môt thuở và trời.
Mộng không thực vì tài hèn phận bé,
Nên thơ tôi viết mãi chẳng thành lời,
Thơ nước mắt xin gửi về quê mẹ,
Nỗi u hoài thống khổ của mình tôi.
Ngô Minh Hằng
  

SƠN TRUNG * CHIM BỒ CÂU





CHIM BỒ CÂU & HÒA BÌNH
Sơn Trung

Đa số đồng bào ta cho rằng chim bồ câu là hiền lành, dễ thương.Ngoài ta, chúng ta thich bồ câu vì bồ câu là một món ăn bổ dưỡng rất giá trị. Quý bà nhà giàu thường làm món bồ câu hầm sen,đậu xanh bồi dưỡng cho đấng lang quân. Người Trung quốc có món mì bồ câu cũng rất ngon. Người Âu, Mỹ rất thich bồ câu nhưng họ không bao giờ ăn thịt bồ câu.
Khoảng 1953, tôi là một học sinh, theo trường đi thăm một đền thờ với một số cán bộ cộng sản. Khi thấy một pho tượng thần tay cầm kiếm,chân đạp lên mình một con quỷ dữ, vị cán bộ cho rằng đây là hình ảnh bất công, vô nhân đạo ,vì người hành hạ người, người chém giết người.... Sau đó, 1954, họ phát động phong trào cải cách ruộng đất, chém giết,hành hạ những ngườI mà hôm qua là đồng bào, đồng chí của họ... .! Tôi buồn rầu mà nghĩ rằng con người sao tráo trở, gian ác như thế mà lại ăn nói ngon lành như thế !Té ra lời nói và việc làm là hai chuyện khác nhau đối với người cộng sản !

Thuở ấy tôi là một học sinh, sống trong vùng xôi đậu, ít lâu sau Pháp rút, Việt Minh làm chủ hoàn toàn. Tôi là một học sinh, yêu nước, ủng hộ việc chống Pháp.. . Tôi cũng yêu hòa bình, yêu Liên Xô theo phong trào kháng chiến thời ấy. Tôi đã làm mấy câu thơ cho tờ bích báo của trường mà nay còn nhớ:
Tôi yêu cánh bồ câu trắng,
Bay trong buổi bình minh,
Tôi yêu hòa bình,
Yêu Liên Xô thắm thiết mối tình anh em!
   
Thiếu nữ và chim bồ câu của Picasso

Ông Picasso lừng danh quốc tế. Ông thiên cộng và chuyên vẽ bồ câu biểu tượng hòa bình. Ông được cộng sản lợi dụng côn chim bồ câu của ông mặc dầu họ chê tranh của ông bí hiểm, không hợp với đại chúng nhân dân.Người đề cao bồ câu nhất phải kể là các ông cộng sản. Trong báo chí, bich chương, người cộng sản thường vẽ chim bồ câu với lời kêu gọi hòa bình dù họ tàn sát đồng chí, đồng bào không nương tay. Ôi hòa bình, cộng sản lợi dụng mi để gây tang tóc khắp nơi!
Sau 1975, tôi về ở tại Gia Định. Nhà lụp xụp nhưng đất đai khá rộng, tôi bèn nuôi bồ câu chơi. Qua những năm nuôi bồ câu, tôi nhận thấy thần tượng bồ câu đã sụp đổ hoàn toàn !

Ở đây, tôi sẽ nói về ưu điểm và khuyết điểm của chim bồ câu.
Ưu điểm của chim bồ câu là khá trung thành với vợ, khá thương con.
Dường như chim bồ câu theo chánh sách một vợ một chồng, tôi chưa thấy chim bồ câu trống lang chạ như gà, vịt, dê, chó.. .Khi bồ câu mái đẻ trứng, con trống canh ở ngoài cửa, và thay phiên ấp trứng. Khi con nở, con trống cũng góp phần mớm đồ ăn cho con.

Khuyết điểm của bồ câu nhất là bồ câu trống thì rất nhiều.

    Không lịch sự:
    Con gà trống lịch sự nhất, ga lăng nhất trong loài chim. Khi gặp con mái ưng ý, gà trống ta cất cao tiếng gáy, rồi mờI mọc ăn uống ( cũng giống con ngườI ). Khi nhặt được hạt thóc, con sâu, gà trống nhịn ăn mờI gái xơi ! Còn bồ câu ăn một mình, không mời ai .
    Độc tài
    Khi đã thành vợ chồng, bồ câu trống rất độc tài theo chủ trương phu xướng phụ tùy, chồng chúa vợ tôi ! Khi đẻ hay ấp trứng, chim mái phải tuân theo sự chỉ huy của chim trống. Chim trống chỉ cho phép chim mái ăn uống có giờ giấc, ăn uống nhanh chóng rồi lên tổ trông trứng. Nếu chậm trễ, chim trống dùng vũ lực bắt chim mái lên ổ gấp !
    Háo chiến .
    Chim bồ câu không hung hản như chim ưng nhưng cũng dữ tợn như gà. Cũng giành gái, cũng xưng hùng, xưng bá như các loài khác, hễ thấy kẻ lạ, nhất là những chàng bồ câu trẻ đến bên bồ hay vợ mình là đánh đuổI đến kỳ cùng.
    Ham mới nới cũ.

Khuyết điểm này là chung cho bồ câu . Hễ thấy chuồng bồ câu nào đẹp là đến ở mà bỏ chủ cũ, chuồng cũ. Nếu bạn muốn nuôi bồ câu mà không tốn tiền mua bồ câu, bạn cứ làm một cái chuồng sơn phết thật đẹp là sẽ có một đàn bồ câu khác đến ở. NgườI ta bảo rằng khi bồ câu bỏ ta mà đi là đờI ta xuống dốc ! Trái lại, nếu một con chó,hay một đàn bồ câu đến nhà ta, là ta bắt đầu phát đạt !

Tôi nuôi bồ câu được vài năm thì gặp nhiều vấn đề.

Tại Việt Nam mèo hoang phát triển mạnh vì nhà không đủ ăn, ai còn nuôi mèo làm gì .Mèo hoang quá nhiều cho nên chúng săn bắt bồ câu dữ dội.Ban ngày, nhất là ban đêm chúng trèo lên chuồng bắt bồ câu mẹ và bồ câu con ăn thịt.Thứ đến là nạn bắn chim. Bọn thanh niên nhất là thanh niên ngoài bắc vào, đứa nào cũng có súng bắn chim, súng Trung quốc, bắn rất chính xác. Chúng bắn để vui chơi và để ăn thịt. Chúng không tha một con chim sẻ non. Chúng bắn cả bồ câu có chủ.. Chúng vào chùa bắn chim, xsư ra đuổi, chúng chửi lại ! Chúng chẳng sợ ai vì cha mẹ chúng là cán bộ cao cấp !

Vì vậy mà tôi giải tán đàn chim bồ câu của tôi.. .

Sơn Trung

 

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * ĐỌC MARX

Vào đầu thế kỷ 20 này, Marx, Einstein và Freud có ảnh hưởng lớn trong việc thay đổi nhãn quan của con người đối với tự nhiên và xã hội. Thật vậy, Einstein với thuyết Tương Đối đã đặt cơ sở mới cho Vật Lý Học và Vũ Trụ Học, Freud với Phân Tâm Học mở đầu cho việc khai phá chiều sâu tâm lý con người, và Marx làm đảo lộn xã hội khi đưa ra chủ nghĩa Duy Vật Lịch Sử.
Tất nhiên, trong khoa học tự nhiên không phải chỉ có Einstein nhưng Einstein đã làm cách mạng nền tảng khoa học khởi từ Newton. Trong việc nghiên cứu và trị liệu con người, Freud không những khám phá ra vị thế của vô thức, luận điểm Mặc Cảm Oedipe của ông đặt định cấu trúc quan hệ con người một cách triệt để. Khi nghiên cứu xã hội bằng khoa kinh tế chính trị, Marx tìm ra quy luật phát triển của lịch sử con người trong vận động thực tiễn. Những khám phá của Einstein, Freud và Marx đã mang những chiều kích mới về tự nhiên, con người và xã hội; quả thật những lý luận đó có tính cách mạng, phân biệt hẳn với những lý luận và những nhân vật khác trong lịch sử tri thức nhân loại ở thế kỷ này. Nhưng Freud và Marx còn một điểm chung khác: sự phát triển lý luận của họ rộng lớn trong sinh hoạt xã hội đã đi đến chỗ cực đoan, giáo điềuẾnhững hiệp hội phân tâm học quốc tế và những đảng CS quốc tế trở thành những tổ chức thế quyền củng cố những giới luật chặt chẽ chẳng khác những hệ thống giáo quyền.
Phân tâm học của Freud cũng như chủ nghĩa Mác đã kinh qua những luận giải của các môn đệ, phát triển ra nhiều hệ phái. Cho nên việc đọc lại Freud hay đọc lại Marx đặt
thành vấn đề: Có phải trở về "Freud nguyên thủy" hay "Marx nguyên thủy" ngõ hầu tìm ra những tư tưởng chân thực của họ?
Đặt vấn đề như vậy, chắc hẳn sẽ gặp những ý kiến khác biệt như sau:
- Những tư tưởng trung thực của chính Marx so với những phát triển của chủ nghĩa Mác về sau, điều đó còn có nghĩa là Marx không chịu trách nhiệm về những thành quả
của chủ nghĩa Mác (hay chủ nghĩa Cộng sản) trong quá trình lịch sử.
- Không thể quan niệm một chủ nghĩa Mác thuần túy tách biệt khỏi thực tiễn lịch sử, bởi về mặt lý luận, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra một lý luận thực tiễn, không phải đi giải thích
thế giới mà vấn đề là phải biến đổi nó. Chủ nghĩa Mác đã gắn liền với quyền lực chính trị.
Thế nên, đọc Marx như thế nào? Có thể đọc Marx từ cái nhìn của một người Việt nam?
Đã có người thử đặt vấn đề nhìn Marx từ quan điểm của nước Mỹ, như Clinton Rossiter với Marxism: The View from America (1960). Khi đối chiếu chủ nghĩa Mác với truyền thống nước Mỹ, Rossiter đã muốn chỉ ra rằng chủ nghĩa Mác không bao giờ có cơ hội thắng lợi ở Mỹ, vì từ cơ bản, chủ nghĩa Mác có tính nhất nguyên, trong khi truyền thống Mỹ với lý tưởng của chủ nghĩa tự do có tính đa nguyên. Tại sao ở một nước công nghiệp tân tiến nhất như nước Mỹ, môi trường thuận lợi cho quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và sau đó tiến lên chủ nghĩa Cộng sản như Marx tiên đoán, lại
có rất ít người theo chủ nghĩa Mác? Rossiter đã kể ra, ít nhất bảy nguyên do về sự thất bại của chính Marx: như Marx đã không có khiếu trình bày các luận diểm cơ bản trong lý thuyết của ông, mặc dầu ông được nhiều người đọc, những định nghĩa về "ý thức," "vật chất," những khái niệm như "quan hệ sản xuất" trong học thuyết Mác không rõ ràng, những sự kiện ông dẫn ra đã không cập nhật, khi phá đổ trật tự xã hội cũ, ông đã không có một đề cương xây dựng xã hội mới cũng như quan điểm của ông rất cực đoan một chiều về con người, xã hội cũng như lịch sử.
Vấn đề đặt ra là "chủ nghĩa Mác có thích hợp với các xã hội phương Đông?" Chính Marx đã phân chia những giai đoạn lịch sử nhân loại trên cơ sở chế độ kinh tế, theo như ông nói là những phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư bản. Ba phương thức sau áp dụng vào xã hội Tây phương, tạo thành một nhóm. Như vậy phương thức sản xuất châu Á ở một phạm trù khác. Tuy nhiên Marx và Engels không có cơ hội để đi sâu vào việc tìm hiểu phương thức sản xuất này. Trong quá trình vận động lịch sử đi từ chủ nghĩa tư bản qua chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản, có một khoảng cách - đề ra vấn nạn về sự thống nhất của quá trình lịch sử.
Nếu phương thức sản xuất châu Á mang tính đặc thù khác hẳn với phương Tây, có một khả năng về tiến trình lịch sử theo một con đường khác, như vậy chiều hướng lịch sử có tính đa nguyên; hơn nữa, nếu bản chất của phương thức sản xuất châu Á không diễn ra trong vận động biện chứng của lịch sử từ cổ đại qua phong kiến, tư bản, hiểu theo nghĩa lịch sử của xã hội hiện hữu là lịch sử đấu tranh giai cấp, có phải những xã hội theo phương thức sản xuất châu Á đi theo một tiến trình khác? Như vậy chủ nghĩa Mác không có một thực tiễn, nói khác đi, không áp dụng vào những xã hội châu Á? Điều đó có nghĩa, hoặc không thể đọc Marx từ quan điểm châu Á, hoặc phủ nhận những giá trị của học thuyết Mác.
Như đã trình bày ở trên, người ta không thể đọc Marx về mặt kinh tế chính trị dưới nhãn quan phương Đông. Vì lý thuyết kinh tế chính trị của Marx không thể áp dụng vào xã hội phương Đông, nếu chúng ta hiểu Marx chỉ giải quyết những vấn đề trong những tiền đề lý luận ông đưa ra. Nhưng chắc hẳn điều đó không có nghĩa là phủ nhận học thuyết Mác một cách đơn giản. Trên thực tế, nếu học thuyết Mác không có những giá trị quan trọng hơn, chủ nghĩa Mác đã không có sức thu hút một số đông đảo những người tin theo như ở phương Đông vậy.
Mặt khác, mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa Mao cũng xác định chủ nghĩa Cộng sản đã áp dụng vào một phần xã hội châu Á.
Đọc Marx như thế nào là một nhân tố quan trọng trong việc xác định vị thế của người nghiên cứu đối với chủ nghĩa Cộng sản, vì tác động hai mặt: hiểu Marx theo quan
niệm "chính thống" của người Cộng sản, hoặc có một cái nhìn khác về Marx, những phát triển của chủ nghĩa Mác ở ngoài quỹ đạo Xô viết.
Đọc Marx với những hệ luận phức tạp đó, phải chăng vì Marx có những khuyết điểm như Rossiter đã nêu ra.
Thật sự, hình thành tư tưởng của một con người còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau. Ở trường hợp Marx, ngoài yếu tố ông được đào tạo từ môi trường triết học và từ lãnh vực này,
Marx chuyển hướng nghiên cứu kinh tế chính trị học, những tác phẩm chủ đạo của Marx đều chưa trọn v-n, như tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học; Khởi Thảo Những
Nguyên Lý Kinh Tế Chính Trị Học; và Tư Bản. Hơn nữa, những tác phẩm Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học cũng như Khởi Thảo Những Nguyên Lý là những bản thảo chỉ được xuất bản vào thập niên 30 và 40 của thế kỷ 20, đánh dấu những chiều hướng giải thích chủ nghĩa Mác mới lạ và khác biệt, gây ra nhiều tranh luận
Cuộc đời và tác phẩm của Marx có những quan hệ, gắn bó với hoạt động của những phong trào công nhân và trào lưu xã hội chủ nghĩa, do đó những bản viết của Marx cũng có tác động hai mặt đối với thực tiễn.
Những yêu cầu thực tiễn đã thúc đẩy Marx đi vào con đường phê phán triệt để, với một giọng vẫn đầy chất lửa gây hấn. Những tác phẩm của Marx đều khởi từ cơ sở phê phán, cho nên ngay từ những tác phẩm thời trẻ như Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel; Phê Phán Triết Học về Nhà Nước của Hegel (1843) đến những tác phẩm thời trưởng thành, cơ bản là tập Tư Bản cũng mang một tiêu đề phụ là Phê Phán Kinh Tế Chính Trị (1867). Chính qua tính phê phán này, có những học giả phân biệt "chủ nghĩa Mác phê phán" với "chủ nghĩa Mác khoa học."
Sự phân biệt này không chỉ thuần túy dựa vào những vấn đề của Marx, còn chỉ ra tư tưởng Marx biến chuyển một cách cơ bản. Cũng trong chiều hướng đó, người ta còn phân
biệt Marx thời trẻ và Marx thời già, sự phân biệt này cũng không chỉ nêu ra tiến trình của tư tưởng Marx mà còn phân biệt triệt để như trường hợp nhà mác-xit Pháp L. Althusser
khi ông quan niệm "có một sự đoạn tuyệt nhận thức luận" trong học thuyết Mác. Điều này có nghĩa là tư tưởng Marx thời trưởng thành đã đoạn tuyệt với tư tưởng thời trẻ, rũ bỏ
hẳn những tàn dư của chủ nghĩa duy tâm. Lập trường này còn đối lập một Marx/nhà lý luận khoa học với một hình ảnh Marx của chủ nghĩa nhân đạo như một số học giả khác quan niệm.
Thật sự, những lý giải khác nhau về học thuyết Mác cũng phân định ba lập trường:
1. Những người quan niệm tư tưởng Marx thời trẻ mới thực sự quan trọng vì nó mang tính nhân đạo và thuần tuý của Marx.
2. Những người quan niệm tư tưởng Marx thời già mới tiêu biểu cho chủ nghĩa Cộng sản vì nó dựa trên cơ sở kinh tế chính trị học, như Louis Althusser cho rằng Marx đã khám phá ra một lý luận về lịch sử, tức chủ nghĩa Duy vật lịch sử - đó là bước đầu đoạn tuyệt triết học ý thức hệ - để xây dựng một triết học mới, tức chủ nghĩa Duy vật biện chứng.
3. Những người quan niệm tư tưởng Mác thống nhất và xuyên suốt giai đoạn trẻ đến lúc trưởng thành, như vậy chỉ có một học thuyết Mác.Nếu chỉ có sự khác biệt giữa những tác phẩm thời già với thời trẻ chỉ là sự sử dụng từ thay đổi, những cơ sở lý luận không thay đổi.
Ba khuynh hướng lý giải tư tưởng Mác không những chỉ khác biệt về mặt nhận thức, chủ yếu còn khác biệt về mặt chính trị, mở ra những chiều hướng ý thức hệ mới. Chẳng hạn, khai phá lý luận về tha hóa trong tác phẩm Mác thời trẻ phù hợp với trào lưu tư tưởng hiện đại của chủ nghĩa Hiện sinh đã mở đường cho nhiều học giả nghiên cứu vấn đề này. Những lý giải khác nhau dẫn đến sự đối lập giữa chủ nghĩa Mác chính thống và chủ nghĩa xét lại trong việc đọc Marx. Quả thật Marx là một trong những tác giả gây ra nhiều tranh luận nhất, phần vì Marx diễn đạt tư tưởng không được minh xác, Marx lại
không thống nhất với chính mình về những khái niệm ông đưa ra, chẳng hạn như khái niệm "giai cấp." Mặt khác, chủ nghĩa Mác dựa vào quyền bính đã là cơ sở cho những đường lối giải thích tùy tiện vào những người theo Marx. Sự đối lập nghiêm trọng nhất là chủ nghĩa Mác-Stalin với những lý giải khác của chủ nghĩa Mác. Quả thật kể từ khi đảng Cộng sản bôn-sê-vích nắm quyền ở Nga, chỉ có một chủ nghĩa Mác giáo điều theo Lênin và Stalin. Tư tưởng Mác trở thành một bộ phận kinh điển của chủ nghĩa Mác Xô viết. Những phản ứng của trường phái Zagreb (Nam Tư) và những người mác xít Tây Âu chứng tỏ chủ nghĩa Mác đã biến dạng và phân hóa.
Đặt vấn đề đọc lại Marx bao hàm cả mặt triết lý lẫn chính trị. Marx khởi sự là một triết gia, song quan điểm của ông thật triệt để khi ông đòi hỏi triết học phải biến đổi thế
giới (trong Luận Cương Feuerbach 11, Marx viết: Những triết gia chỉ đi giải thích thế giới, song vấn đề thực ra là phải biến đổi nó/Die Philosophen haben die Welt nur verschieden interpretiert, es konnt darauf an, sie zu verandern). Đó là điểm khác
biệt giữa Marx và những triết gia đi trước. Mặt khác, cũng như trường hợp Hegel, những môn đệ theo Marx còn triệt để trong quan niệm: triết học Marx chấm dứt giòng lịch sử triết học, nghĩa là sau Marx, người ta không thể vượt khỏi chủ nghĩa Mác. Về mặt chính trị, đọc Marx phải khởi từ một chỗ đứng rõ rệt, hoặc chấp nhận Marx, hoặc chống Marx (đó là ý nghĩa "tính đảng" như người cộng sản quan niệm).
Tuy nhiên đứng ở một vị trí cực đoan như vậy đối với chủ nghĩa Mác chỉ có nghĩa chủ trương một chủ nghĩa Mác giáo điều, đóng kín mọi ngả đường phát triển học thuyết Mác, biến tư tưởng Mác thành những tín điều tuyệt đối. Đọc Marx một cách sinh động là nhìn nhận có một tiến trình tri thức trong tư tưởng Marx với những nét đặc thù của nó.
Những tranh luận về tư tưởng Mác mang hai mặt đối lập: hoặc sử dụng Mác trong ý đồ biến đổi thế giới, hoặc sử dụng Mác trong ý đồ bảo trì trật tự hiện hữu; hoặc biện hộ tính
chính thống như chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa Stalin, hoặc đề ra tính công chính của chủ nghĩa Mác để chống lại những chủ nghĩa này như một số nhà triết học Đông Âu chủ trương; hoặc chấp nhận lý luận về lịch sử mà phủ nhận biện chứng về tự nhiên, hoặc phủ nhận triết học và khẳng định chủ nghĩa Mác là một khoa học.
Xét tiến trình hình thành tư tưởng Mác dựa trên những tác phẩm Marx đã hoàn tất hay mới khởi thảo:
Giai đoạn 1: Những tác phẩm thời trẻ, tính cho đến năm 1845, ngoài luận án tiến sĩ, là:
- Năm 1844, khởi thảo Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel.
- Năm 1844, tập Bản Thảo Kinh tế và Triết học.
- Viết chung với Engels năm 1845, Hệ Tư Tưởng Đức và Gia Đình Thần Thánh.
- Năm 1845, Luận cương Feuerbach.
Giai đoạn 2:
- Năm 1848, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản.
- Năm 1847, Sự Ngho Nàn của Triết Học.
- Hai năm 1857-1858, Những Nguyên Lý Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học.
Giai đoạn 3:
- Tư Bản tập 1 và tập 2, 3 do Engels xuất bản; Lý Luận về Giá Trị Thặng Dư do Kautsky xuất bản.
- Năm 1975, Phê Phán Đề Cương Gotha.
Một cái nhìn toàn diện cho thấy ngay từ những bài viết thời trẻ, Marx vẫn tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề ông đưa ra trong Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel, khám phá ra sứ mạng lịch sử đặc biệt của giai cấp vô sản cũng như ý tưởng "cách mạng" không phải từ động lực bên ngoài mà xuất phát từ thành tựu xu hướng nội tại của nó. Có một khâu xuyên suốt quá trình biện chứng trong học thuyết Mác, do đó khi phân chia những tác phẩm của Marx theo ba giai đoạn nêu trên không có nghĩa là cắt đứt khâu biện chứng đó, hay chối bỏ một giai đoạn nào cả.
Vấn đề đọc Marx còn khởi từ một vấn nạn: một bên học thuyết Mác là một lý luận toàn diện và duy lý, mặt khác chủ nghĩa Mác lại là cơ sở cho những tổ chức, đảng và Nhà
nước của giai cấp công nhân, điều đó hàm ngụ sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như người cộng sản quan niệm? Một vấn nạn khác: đứng trên quan điểm nào xét chủ nghĩa Mác trong sự đối lập giữa bình diện cộng đồng (gemainschaft) và văn hóa (kultur) với bình diện xã hội (gesellschaft) và văn minh (Zivilization) như người Đức quan niệm?
Đọc Marx còn khởi từ vấn đề tác phẩm: khi người ta nhìn Marx như một nhà tư tưởng nhân bản cuối cùng của nhân loại, tác phẩm chủ đạo của ông phải là tập Bản Thảo
Kinh Tế Triết Học. Nhìn Marx như một nhà xã hội học tiền phong, tất cả những bản viết khác của Marx đều phụ thuộc vào tác phẩm chính là tập Tư Bản.
Marx xuất thân từ môi trường triết học và hành trang lý luận của ông chứng tỏ ông thừa kế một di sản văn hóa, đồng thời cũng có những kế thừa. Một luận điểm chung của
những người cộng sản như Engels và Lênin đã coi ba nguồn gốc đồng thời với ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là triết học Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Vấn đề đặt ra là triết học Đức nào? Có phải Marx vẫn chưa ra khỏi ảnh hưởng triết học duy tâm Hegel? Hay ảnh hưởng của Kant và Fichte? Chính từ những tranh luận đó đã phát sinh những chiếu hướng giải thích Marx theo chủ nghĩa Kant mới, chủ nghĩa Hegel, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, cấu trúc luận, mặc dầu người cộng sản muốn phân định một ranh giới rõ rệt giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
Những suy luận từ đọc Marx qua tập Bản Thảo Kinh Tế Triết Học sẽ xây dựng một hình ảnh Marx nhân bản của chủ nghĩa cá nhân, hoặc ngược lại đọc Marx qua Tư Bản với
sự đoạn tuyệt tri thức luận sẽ dẫn đến một hình ảnh Marx/nhà khoa học vượt lên trên những giá trị của con người đối lập với tự nhiên và xã hội. Cả hai hình ảnh về Marx đều phiến diện. Một lý luận về tha hóa trong học thuyết Mác phải gắn liền với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đó là lý do Marx đã tốn nhiều năm vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị học, với một đối tượng cụ thể là vấn đề "tư bản" và quá trình sản xuất của xã hội tư bản. Mặt khác, quan niệm đó đã phủ nhận mối quan hệ gắn bó nhất quán giữa những tác phẩm triết học thời trẻ với những tác phẩm kinh tế chính trị thời trưởng thành của Marx.
Ngày nay, mặc dầu toàn bộ sách vở của Marx chưa được tập đại thành song những tác phẫm xuất bản vào thế kỷ 20 đã chỉnh đốn những lý giải thiên lệch về chủ nghĩa Mác.
Cũng nhờ đó, nó soi sáng phần nào những nguyên tắc giáo điều thống trị trong khối cộng sản từ nhiều thập niên qua, cũng như mở đường hứa hẹn cho một nhận thức mới về chủ
nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa Mác có thể dẫn đến chủ nghĩa hư vô như K. Axelos quan niệm, nhưng tư tưởng của Marx không phải khởi từ một viễn tượng hư vô chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác gắn
liền với quyền bính, nó suy thoái khi toàn bộ hệ thống cộng sản sụp đổ, song tư tưởng Mác vẫn còn giá trị viễn tượng hứa hẹn trên bình diện nhân văn. Đó là vị thế duy nhất của Marx trong lịch sử văn hóa nhân loại.
Những Đóng Góp của Engels:
Vị trí của Engels trong việc hình thành chủ nghĩa Mác thật quan trọng và phức tạp:
- Engels là người cộng sự của Marx trong việc hợp tác trí thức viết ra những tác phẩm nổi tiếng của chủ nghĩa Mác như Hệ Tư Tưởng Đức; Gia đình thần thánh; Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản.
- Engels là người đồng chí tận tụy sát cánh với Marx trong cuộc sống cũng như hoạt động của phong trào công nhân quốc tế.
- Engels là người có công quảng bá những luận điểm của chủ nghĩa Mác và có ảnh hưởng lớn rộng trong tư tưởng, chiến lược và sách lược cho những lý luận của chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Engels chính là người sáng lập ra những "chủ nghĩa duy vật lịch sử" và "chủ nghĩa duy vật biện chứng," là cơ sở của những chủ nghĩa Mác hiện đại (chủ nghĩa Lênin, Trốtkít, Stalin và Mao).
Mặc dầu chính Engels tự nhận là người cộng sự thứ yếu bên cạnh Marx trong việc xây dựng cơ sở chủ nghĩa Mác, ông có những tác phẩm riêng và tư tưởng của ông có những điểm dị biệt với tư tưởng Mác. Ngoài ba tác phẩm viết chung với Marx trước năm 1850, Engels đã trước tác những tác phẩm quan trọng như Chống Duhring (1878); Nguồn Gốc của Gia Đình, Tư Hữu và Nhà Nước (1884), Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức (1888) và một di cảo đã xuất bản là Biện Chứng của Tự Nhiên.
Những điểm dị biệt này đã không được đặt thành vấn đề nghiêm trọng có thể do hai mặt:
- Sinh hoạt trí thức và chính trị của những học viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác trong thế giới cộng sản vẫn chính thức coi chủ nghĩa Mác với hai cơ sở "chủ nghĩa duy vật lịch
sử" và "chủ nghĩa duy vật biện chứng," rút ra từ những tác phẩm của Engels là những cơ sở chính thống của chủ nghĩa Mác.
- Phần lớn những học giả phương Tây nghiên cứu chủ nghĩa Mác có nghi vấn hoặc nhìn ra những dị biệt giữa Marx và Engels thường không tìm hiểu bản chất sự dị biệt này, hoặc chỉ tìm hiểu Marx và không quan tâm đến Engels, hoặc coi quan điểm của Marx và Engels thống nhất với nhau, hoặc chấp nhận những chú giải của Engels về Marx như những chú giải chính thức của Marx.
Ngày nay việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa Marx và Engels vì :
- Khuynh hướng quan niệm biện chứng của lịch sử xác định vai trò chủ thể trong lịch sử, quan hệ giữa cá nhân và xã hội và biện chứng là tác động qua lại giữa chủ thể và kháchthể.
- Khuynh hướng quan niệm biện chứng của tự nhiên xác định những quy luật chung của tự nhiên ứng dụng vào lịch sử con người, cho nên hành động và ý hướng của con người về mặt đại thể phải tuân theo những vận động khách quan của lịch sử, độc lập với việc con người thực hiện hay không thựchiện.
Sự đối lập giữa hai khuynh hướng này cũng chỉ ra những tranh luận về chủ nghĩa Mác phê phán và chủ nghĩa Mác khoa học, chủ nghĩa Mác nhân đạo và chủ nghĩa Mác
giáo điều, chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa tất định kinh tế.
Ở đây tôi không đi sâu vào những tranh luận giải thích và phê phán về Marx với Engels, vì những tranh luận này ngay từ những thập niên đầu thế kỷ hai mươi đến nay đã dẫn đến một văn kiện tài liệu đồ sộ và phức tạp của những người mácxit cũng như những nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Ngay trong khuynh hướng chấp nhận biện chứng lịch sử cũng không hẳn nhất trí, chẳng hạn quan điểm của Sartre không hẳn đồng nhất với quan điểm của Lukács (trong giai đoạn "Lịch sử và ý thức giai cấp"), còn phải kể đến vô số những quan điểm khác nhau của I. Fetscher, H. Lefebvre, T. Adorno ... Trong phần
nhận định những đóng góp của Engels vào chủ nghĩa Mác, người viết muốn chỉ ra những nét chính yếu trong lý luận của Engels như quan niệm nhận thức là phản ánh thực tại, tính
tương đối của tri thức, những quy luật về biện chứng của tự nhiên đã là cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác "chính thống," hay còn gọi là chủ nghĩa Mác-Xôviết, khởi từ đó, những quan điểm về nhà nước, chuyên chính vô sản, chủ nghĩa xã hội cũng như những lý luận về khoa học tự nhiên và xã hội trong những tác phẩm chính của Engels đã là mẫu mực cho một ý thức hệ cộng sản ở giai đoạn đảng cộng sản nắm quyền bính:
1. Về quan hệ hợp tác trí thức giữa Marx và Engels : người cộng sản thường ca ngợi mối quan hệ hợp tác trí thức cũng như tình bạn vĩ đại giữa Marx và Engels, nhưng ngày nay một số học giả cũng như những người nghiên cứu tiểu sử Marx và Engels phát hiện những điểm không rõ rệt như khi Engels viện dẫn lập luận cho rằng Marx và ông nhất trí với nhau về mọi điều cơ bản, hay Marx đã đọc và đồng ý với những luận điểm trình bày trong tác phẩm Chống Duhring, hay trong Biện Chứng của Tự Nhiên (vì những điều này Engels chỉ nêu ra sau khi Marx đã mất).
2. Về cơ sở triết học: Trong tác phẩm Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức (1888), Engels đã đưa ra một lập trường khẳng định về chủ nghĩa duy vật làm cơ sở triết học cho thế giới quan và nguyên tắc tính đảng của Lênin sau này trong Chủ Nghĩa Duy Vật và Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Phê Phán. Đó là sự phân cách rõ rệt giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, quan niệm chỉ có một thực tại là thế giới vật chất, khả thị cảm xúc, tư duy và ý thức của con người là sản phẩm của óc, bộ phận vật chất. Engels viện dẫn Feuerbach để xác định một chủ nghĩa duy vật với quan niệm "vật chất không phải là một sản phẩm của tinh thần, nhưng chính tinh thần là một sản phẩm cao nhất của vật chất." (Die Materie ist nicht ein Erzeugnis des Geistes, sondern der Geist ist selbst nur das hochste Produkt der Materie.)
Sự phát hiện và xuất bản tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học năm 1844, cũng như Hệ tư tưởng Đức chỉ được thực hiện sau thời đại của Kautsky và Lênin, đã mở ra một
con đường mới phát triển nhận thức về chủ nghĩa Mác- sự phát hiện quan trọng này khiến nhiều học giả đặt vấn đề về thái độ của Engels đối với những tập bản thảo mà ông là
người có trách nhiệm sở hữu. Quả thực Engels đã xác định lập trường trong lời mở đầu tác phẩm dẫn trên (Ludwig Feuerbach und der Augang der klassischen deutschen
Philosophie) đề ngày 21 tháng hai năm 1888: "Phần viết về Feuerbach không nghiêm túc. Phần hoàn tất nhằm trình bày quan niệm duy vật lịch sử chứng tỏ kiến thức về lịch sử kinh tế của chúng tôi trong giai đoạn này thiếu sót. Nó không có phần phê phán học thuyết Feuerbach, vì thế nó không cần thiết trong mục đích hiện nay." Đó là nguyên do Engels đã giữ lại bản thảo Hệ tư tưởng Đức (viết chung với Marx, mà phần lớn là công trình của Marx) để cho ra đời tác phẩm L. Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức.
Nếu so sánh giữa hai bản văn, phần luận về Feuerbach trong Hệ Tư Tưởng Đức và phần tóm lược trong tác phẩm dẫn trên của Engels, không có điểm chung nào cả. Tuy Engels có viện dẫn ý kiến của Marx trong lời mở đầu tác phẩm Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học xuất bản năm 1859, nội dung đoạn văn của Marx cũng chỉ ra rõ ràng là vì "tình thế thay đổi nên tác phẩm đã không được in ra," nhưng Marx cũng nhấn mạnh đã hoàn tất được mục tiêu chính là "tự soi sáng làm cho dễ hiểu" quan điểm của họ đối lập với quan điểm ý thức hệ của triết học Đức trong khoảng mùa xuân năm 1845.
Quan điểm của Marx trong giai đoạn này được trình bày rõ ràng trong bản thảo 1844 và Hệ tư tưởng Đức 1845. Những phân tích về sự dị biệt giữa Marx và Engels của nhà
triết học Nam tư Ante Pazanin trong Mác và Chủ Nghĩa Duy Vật (Marx i materijalizam), 1972, và nhà triết học Pháp Michel Henry trong Mác, một triết học về thực tại (Marx,
une Philosophie de la Réalité), 1976, đã đưa ra mấy luận điểm quan trọng:
a. Quan niệm thống nhất tự nhiên và lịch sử của Marx đã vượt lên khỏi sự phân biệt của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, là chân lý thống nhất của hai chủ nghĩa này.
b. Tư tưởng triết học của Marx chỉ ra trong Hệ tư tưởng Đức đã lật đổ khái niệm về hữu thể thống trị giòng lịch sử triết học phương tây bắt nguồn từ thời cổ đại Hy lạp.
Michel Henry nhận định: "tư tưởng nơi Marx là thị kiến về hữu thể, mà cấu trúc nội tại của nó không thể giản lược vào cấu trúc nội tại của thị kiến này, cũng không thể giản
lược vào lý luận, nó chính là thực tiễn."
Trong lời mở đầu Phê Phán về Quyền của Hegel, Marx đã viết một câu bất hủ: "Anh không thể thủ tiêu triết học nếu không thực hiện nó." (Ihr konnt die Philosophie nicht
aufheben, ohn sie zu verwirklichen) Khái niệm thủ tiêu (aufheben) triết học chỉ ra:
- Ý nghĩa của hoạt động cách mạng, thực tiễn phê phán (die Bedeutung der revolutionaren, der praktisch kritischen Tatigkeit) trong Luận Cương Feuerbach I và sự
phê phán triệt để chủ nghĩa duy vật và biện chứng trong Hệ Tư Tưởng Đức.
- Vận động triệt để này thay thế sự giải phóng thông qua một hình thái tư tưởng khác bằng sự giải phóng thông qua biến đổi xã hội, ngõ hầu cùng lúc triết học vừa thành tựu vừa triệt huỷ.
- Tác nhân thực hiện nó là giai cấp vô sản. Trong bản văn dẫn trên, Marx đã viết: "triết học không thể tự thực hiện nếu không thăng hóa được vô sản và vô sản không thể tự thăng hóa nếu không thực hiện triết lý." (Die Philosophie kann sich nicht verwirklichen ohne die Aufhebung des Proletariats, das Proletariat kann sich aufheben ohne die Verwirklichung der Philosophie.)
Trong Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức, Engels đã bổ sung quan niệm duy vật về lịch sử bằng việc đặt lại vấn đề triết học như sau:
"Vấn đề cơ bản lớn nhất của mọi triết học, đặc biệt của triết học hiện đại là vấn đề về quan hệ giữa tư duy và hữu thể." (Die grosse Grundfrage aller, spezielle neueren
Philosophie ist die nach dem Verhaltnis von Denken und Sein.)
Ở một đoạn kế tiếp, ông viết: "Vấn đề quan hệ giữa tư duy và hữu thể, giữa tinh thần và tự nhiên là vấn đề tột đỉnh của toàn thể triết học. Tùy vào những giải đáp mà các triết gia trả lời vấn đề này đã phân chia thành hai phe lớn. Những triết gia nào khẳng định tinh thần có trước tự nhiên thuộc về phe duy tâm. Những người nào coi tự nhiên có trước, thuộc vào những trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật."
Đối chiếu với quan điểm của Marx, có thể coi Engels như người đầu tiên theo "chủ nghĩa xét lại" trong giòng lịch sử của chủ nghĩa Mác. Song quan điểm của Engels thật quan trọng vì nó là cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng ở đầu thế kỷ hai mươi, từ Plekhanov, Lênin đến Stalin.
Mặc dầu trong tác phẩm dẫn trên, Engels quan niệm "chủ nghĩa duy vật không là gì khác hơn sự nghiên cứu thế giới thực," song ông không vượt khỏi vòng rào của truyền
thống siêu hình cổ điển. Thay vì nhận thức thế giới lịch sử cụ thể, ông đã khai triển theo chiều hướng duy nghiệm của thế kỷ 18. Trong tác phẩm Chống Duhring, Engels còn xác định:
"Cái thống nhất thực của thế giới dựa vào tính vật chất ... do sự phát triển lâu dài của triết học và khoa học tự nhiên." Cũng trong tác phẩm này, Engels đã phát biểu sự thăng hoa triết học theo ý nghĩa "không còn triết học nữa nhưng là một thế giới quan đơn giản chỉ hình thành và chứng thực qua những khoa học thực nghiệm."
3. Về biện chứng của tự nhiên: Trong phần lý luận về tư bản, tôi sẽ phân tích tính biện chứng trong bộ Tư bản của Marx cũng như chính ông đã xác định phép biện chứng đó về bản chất "có tính cách phê phán và cách mạng," không những phân biệt với phương pháp của Hegel, thậm chí còn đối lập trực tiếp vì:
"Dưới hình thức huyền bí, phép biện chứng trở thành thời thượng ở nước Đức, nó có vẻ tô điểm và vinh danh thực trạng hiện hữu. Trong hình thức hợp lý, nó là một sự xúc phạm ghê gớm đối với giai cấp tư bản và những giáo sư lý luận của giai cấp này, bởi vì nó cũng nhận thức khẳng định về thực trạng hiện hữu, đồng thời nó cũng nhận thức về sự phủ định thực trạng này, với sự tan rã không thể tránh khỏi; vì nó quan sát mọi hình thái xã hội phát triển về mặt lịch sử trong vận động lưu chuyển của nó, và do đó nó xét đến tình trạng nhất thời cũng như sự hiện hữu tạm thời của thực trạng này."
Theo Hegel, thế giới thực chỉ là hình thức hiện tượng bề ngoài của "Ý Tưởng", trong khi Marx đưa ra một luận điểm đảo ngược:" Ý Tưởng không là gì khác hơn thế giới vật chất được phản ánh trong tinh thần con người và diễn dịch thành hình thái tư duy." (... bei nur ist das Ideele nichts anderes als das am Menschenkopf umgesetze und ubersetzte Materielle.)
Marx cũng chỉ ra ông sử dụng phép biện chứng như một "phương pháp trình bày;" ông không đưa ra môt phép lý luận về phép biện chứng và ông chưa hề nói đến "chủ nghĩa duy vật biện chứng." Từ ngữ này được coi là do Engels đặt ra. Trong lời tựa Chống Duhring xuất bản lần thứ ba, Engels khẳng định "Marx và tôi hầu như là những người duy nhất đã cứu vãn phép biện chứng có ý thức thoát khỏi triết học duy tâm Đức và đem áp dụng vào quan niệm duy vật về tự nhiên và lịch sử."
Engels phân tích phép biện chứng của Marx chỉ ra những mối quan hệ qua lại và phạm trù trong khoa học, phân biệt với những đường lối tư duy siêu hình cổ điển. Phương pháp biện chứng đó là hình thức phát triển thực duy nhất của tư duy, không rơi vào cạm bẫy tư tưởng duy tâm.Tuy nhiên trong Hệ Tư Tưởng Đức Marx đã đưa ra quan điểm thống nhất của tự nhiên và lịch sử, cũng như ông không chấp nhận một quan niệm về lãnh vực tự nhiên ở bên ngoài con người, ít ra về mặt thực tiễn. Mối quan hệ giữa tự nhiên và con người tạo thành một toàn bộ thống nhất, như Marx đã viết: "Toàn bộ lịch sử thế giới không là gì khác hơn ... sản xuất của con người thông qua lao động, sự phát triển của tự nhiên dành cho con người." Trong Hệ tư tưởng Đức, ông cũng chỉ rõ: "Chúng
ta chỉ biết một khoa học, khoa học về lịch sử. Lịch sử có thể xét từ hai mặt ... nó có thể chia thành lịch sử tự nhiên và lịch sử con người. Nhưng cả hai mặt này không thể tách rời nhau.Bao lâu con người tồn tại, thì tự nhiên và lịch sử vẫn là những điều kiện tiên quyết đối với nhau."
Tính biện chứng trong lịch sử con người ở chỗ Marx nhận ra mặt phủ định thực tại là một điều kiện lịch sử được áp dụng vào thực tiễn như một hành động lịch sử giải phóng
giai cấp vô sản, trong đó thực tại xã hội và ý thức tác động lẫn nhau. Cho nên trong lời Bạt quyển Tư Bản xuất bản lần thứ hai (tiếng Đức), gần ba mươi năm sau, Marx đã trở lại đề cập vấn đề biện chứng rút ra từ phép biện chứng của Hegel. Tuy nhiên ông không trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ về phép biện chứng này như thế nào, đã gây nhiều tranh luận cho những người mácxít về sau. Sự khác biệt giữa hai quan niệm biện chứng: một đằng chỉ ra mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, một đằng chỉ ra vận động và quan hệ liên kết không chỉ thuần túy tranh luận trên bình diện nhận thức, nhưng xác định về mặt thực tiễn chính trị - mâu thuẫn đối kháng giữa quan điểm nhất nguyên và đa nguyên trong sinh hoạt chính trị, sách lược và chiến lược đấu tranh chính trị.
Quan niệm về tự nhiên của Engels xây dựng trên lý luận tiến hóa được lý giải dưới ánh sáng biện chứng. Engels cho rằng Marx và ông đã chỉ ra được một chủ nghĩa duy vật
mới bao hàm những khám phá mới nhất của khoa học tự nhiên. Trong quyển Chống Duhring, ông định nghĩa: Biện chứng không là gì khác hơn khoa học về những quy luật
chung của vận động và sự phát triển của tự nhiên, xã hội con người và tư duy.
Engels quan niệm "Tự nhiên là kiểm tra của biện chứng." (Die Natur ist die Probe auf die Dialektik) và thông qua những khoa học tự nhiên hiện đại, phép biện chứng đã
đem lại những thành quả phong phú cho tự nhiên và chứng thực là trong tự nhiên, phân tích cho cùng, mọi vật diễn ra không phải theo tính cách siêu hình mà theo tính biện chứng. "... tự nhiên không vận động trong một tuần hoàn chu kỳ lập lại không ngừng, nhưng diễn ra một quá trình lịch sử thực sự." (... dass sie sich nicht im ewigen Einerlei eins stets wiederholten Kreises bewegt, sondern eine wirkliche Geschichte durchmacht.)
Lịch sử ở đây không phải theo ý nghĩa của Marx dẫn ra ở trên, thăng hoa trong lịch sử con người - mà ở đây là một lịch sử tự nhiên, với toàn bộ thực tại là vận động phát triển không ngừng của vật chất theo những quy luật chung của biện chứng. Engels nhận định trong tự nhiên có những lực tác động mù quáng không có ý thức và quy luật chung của biện chứng diễn ra trong tác động qua lại này. Cho nên trong lịch sử xã hội, dầu con người hành động một cách ý thức, có chủ đích nhất định, điều đó cũng chỉ quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử những đặc tính và thời đại cá biệt, song quá trình diễn biến của lịch sử vẫn xác định bởi những quy luật chung nội tại.
Engels cũng khẳng định một quan điểm duy vật về tự nhiên "... không là gì khác hơn quan niệm về tự nhiên một cách tự tại, không thêm bớt gì ở bên ngoài vào." Những điểm
chính yếu trong lý luận biện chứng về tự nhiên của Engels có thể tóm lược như sau:
1. Tính thuần nhất của thế giới căn cứ vào tính vật chất của nó.
2. Những hình thái cơ bản của mọi hiện hữu ở bên ngoài không gian và thời gian.
3. Vận động là phương thức hiện hữu của sự vật. Tự nhiên là một phức hợp bao gồm những quá trình, với vô số những hình thái biến đổi.
Trong Biện Chứng của Tự nhiên, Engels đã lập lại những quy luật biện chứng của Hegel:
- Quy luật biến đổi từ lượng sang chất và ngược lại.
- Quy luật tác động qua lại của những mặt đối lập.
- Quy luật phủ định của phủ định.
Sự khác biệt với Hegel, theo Engels, ở chỗ Hegel quan niệm những quy luật trên là quy luật của tư duy trong khi những quy luật biện chứng này là những quy luật thực sự của phát triển tự nhiên và do đó có giá trị trong mọi khoa học tựnhiên.
Trong Chống Duhring, Engels cũng đã viện dẫn Marx để bảo đảm cho quan niệm triết lý duy vật này: "Khi Marx định nghĩa quá trình là phủ định không phải Marx thử chứng nghiệm tính tất yếu lịch sử của nó, mà ngược lại sau khi chứng tỏ về mặt lịch sử, quá trình đó diễn ra và cũng có thể diễn ra trong tương lai, Marx đã định nghĩa nó như một quá trình phù hợp với quy luật đặc biệt của biện chứng."
Những quy luật biện chứng nêu trên được phân tích trong tập di cảo "Biện chứng của tự nhiên" (chưa hoàn tất và xuất bản lần thứ nhất vào năm 1925) cũng như trong "Chống
Duhring" đã phác họa một lý luận về tự nhiên của Engels :
- Nhận thức những quy luật của thế giới tự nhiên độc lập với ý chí và tinh thần con người.
- Một lý luận về sự phát triển không ngừng của tự nhiên. Sự vật diễn ra theo một vận động tất yếu, dầu con người chưa nhận thức được.
- Quy luật biến đổi chỉ rõ sự đối lập với chủ nghĩa duy vật máy móc ở chỗ, vận động của tự nhiên biến đổi từ lượng qua chất, không phải chỉ là những chất phụ thuộc đơn thuần, sản phẩm của tri giác, nhưng tạo ra những chất mới, đồng thời những chất cũ mất đi. Quy luật tác động qua lại giữa những mặt đối lập chỉ rõ tự nhiên là một hệ thống những xung đột và áp lực. Quy luật phủ định của phủ định chỉ ra sự phủ định không phải chỉ thuần tuý huỷ diệt, nhưng là một vận động phát triển trong khi huy diệt, lại bảo toàn và phát triển ở mức độ cao hơn. Vận động này được mô tả như một phát triển theo đường vòng trôn ốc.

Ảnh hưởng biện chứng tự nhiên của Engels rất phổ biến trong chủ nghĩa cộng sản hiện đại :
- Người cộng sản thường sử dụng từ "biện chứng" đối lập với từ "siêu hình" để gán cho những tư tưởng đối nghịch. Phép biện chứng trở thành một từ ngữ then chốt để chỉ một hình thái tư duy, một hệ tư tưởng chuyên chính, một triết học mang tính đảng. Trong khi Marx quan niệm thăng hoa triết học thì ngược lại qua việc xây dựng một thế giới quan duy vật, Engels đã trở lại những vấn đề cổ điển của triết học, mở đường cho hệ thống triết học chính thống Xô viết qua "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán" của Lênin và "Chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử" của Stalin.

- Trong: Chống Duhring, Engels quan niệm ngoại trừ lý luận về tư duy và những quy luật của tư tưởng (luận lý hình thức và phép biện chứng) còn tất cả những điều khác phải sát nhập vào trong khoa học thực nghiệm của tự nhiên và lịch sử, dẫn đến quan niệm của người cộng sản nhằm xây dựng một "thế giới quan khoa học". Trong Biện Chứng của Tự Nhiên, Engels chỉ nhắc đến Marx một lần trong việc áp dụng phương pháp biện chứng vào khoa kinh tế chính trị học. Dựa trên những kiến thức của khoa học tự nhiên ở thời đại của ông, Engels đến gần với Hegel thời già qua giai đoạn Wissenschaft der Logik, những kiến thức này phần lớn đã lỗi thời – tuy nhiên, những nét chính yếu trong tư tưởng của ông như khuynh hướng tự nhiên, nhận thức là phản ánh thực tại, tri thức có tính tương đối, tự nhiên có những quy luật biện chứng độc lập với tư tưởng con người vẫn được coi là những mẫu mực của triết học cộng sản hiện đại. Bản chất "khoa học"
trong phép biện chứng như Engels trình bày qua hai tác phẩm Chống Duhring và Biện Chứng của Tự Nhiên có khả năng thâu nhận mọi thành quả khoa học, song điều đó không có nghĩa là triết học của ông đóng góp vào việc phát triển khoa học. "Phương pháp biện chứng" như Engels quan niệm không phải là một phương pháp có khả năng phát hiện những thành quả mới cho khoa học tự nhiên. Quả thật "Biện chứng của tự nhiên" của Engels chứa đựng nhiều điển hình về một suy luận thuần túy trong những phiêu lưu kiến thức của ông đối với các khoa học tự nhiên và toán học. Giới hạn trong phép biện
chứng, Engels đã loại bỏ hai khám phá lớn nhất ở thời đại của ông là nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học và lý luận chọn lọc tự nhiên (Xem "Triết học và Khoa học" của ĐPQ, xb. năm 1972). Nhà sinh vật học người Pháp J. Monod gọi khoa biện chứng duy vật này là một "phóng chiếu vật linh". Quả thật, Engels không giải quyết được lưỡng luận đề ra trong mối quan hệ giữa hệ thống và phương pháp: một đằng ông quan niệm những khái quát triết lý không có giá trị nếu không xây dựng trên kinh nghiệm khoa học, mặt khác khi phê phán chủ nghĩa duy nghiệm, ông lại cho triết học giữ vai trò kiểm soát
đối với thực nghiệm.
- Sở dĩ những người cộng sản sau này như Lênin và Stalin chấp nhận toàn bộ lý luận biện chứng tự nhiên của Engels vì quan niệm một lý luận phát triển từ trình độ thấp
lên trình độ cao có giá trị thực tiễn về mặt chính trị trong mục tiêu đấu tranh của người cộng sản như xác quyết tính ưu việt của xã hội Xã Hội Chũ Nghĩa, trong khi thay thế xã hội này mà vẫn bảo toàn những giá trị to lớn của văn hóa vật chất và trí thức kết tập ở những phát triển về trước, phân biệt mâu thuẫn đối kháng trong xã hội Tư Bản Chủ Nghĩa và những xã hội về trước với mâu thuẫn không đối kháng trong xã hội Xã Hội Chũ Nghĩa và xã hội cộng sản, khẳng định tỷ suất trung bình của lợi tức quốc gia trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa cao hơn so với xã hội Tư Bản Chủ Nghĩa. Khi đề cao những quy luật của biện chứng, người cộng sản tiến đến chỗ tuyệt đối hóa những giá trị của quy luật và đem phép biện chứng trở lại tính cách huyền bí như chính Marx đã phê phán biện chứng của Hegel.

No comments:

Post a Comment